CAO LÃNH TRONG NIỀM THƯƠNG NỖI NHỚ Trần văn Miêng Cao Lãnh trên bước đường hình thành và vươn lên: Năm 1620: Việc kết hôn của quận chúa Ngọc Vạn, con gái thứ ba của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên và Prea Chey Chetta II, vua nước Chân Lạp, được coi là cuộc hôn nhân chính trị. Lúc ấy, Chân Lạp đi vào giai đoạn suy yếu, luôn bị Xiêm đánh phá nên cần có một đồng minh để chống Xiêm. Phần Chúa Nguyễn cũng cần một đồng minh để ổn định biên giới phía Nam đồng thời có thêm nguồn tiếp liệu để kình chống cùng Đàng Ngoài. Thật vậy, sau đó, đã hai lần (năm 1621 và năm 1623), chúa Nguyễn đã giúp Chân Lạp đánh đuổi khi bị quân Xiêm sang đánh phá. Về phía Đàng Trong, nhờ sự khôn khéo của Quận Chúa Ngọc Vạn (lúc ấy đã thành Hoàng Hậu Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey)(1) của Chân Lạp, vua Chân Lạp đã cho phép người Việt được đến làm ăn ở Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé) là những nơi còn hoang vu và sau đó vua Chetta II nhượng hai vùng nầy để Chúa Nguyễn lập trạm thu mua sản vật đem về Thuận Hóa. Năm 1679, nhóm quân Minh không đầu phục nhà Thanh đã xin vào Đàng Trong sống, cũng được Chúa Nguyễn Phúc Tần cho đưa họ vào vùng đất mới nẩy. Nhóm quân của Dương Địch Ngạn được cho đồn trú vùng Định Tường; quân của Trần Thượng Xuyên được đưa đến vùng Đồng Nai. Dần dần, cả vùng nầy, tức Miền Đông Nam Bộ ngày nay, trở thành đất mới của Đàng Trong với Cù Lao Phố (Đồng Nai Đại Phố) và Mỹ Tho Đại Phố rất sung túc. Lúc bấy giờ, Cao Lãnh, vùng đất thuộc Định Tường cũng là môt trong ba cửa ngõ đi vào vùng đất trũng Đồng Tháp Mười, và chúng tôi chưa thấy tài liệu chính xác vào thời điểm nào, người Việt đến khai phá vùng nầy.(2) Chỉ biết rằng, vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, khi người Việt đến khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, phải dừng chân ở ven Đồng Tháp Mười, về phía tả ngạn sông Tiền, tức khu Cao Lãnh ngày nay, vì là nơi đất đai tương đối đã cao ráo, tiện việc khai phá, để từ đây, làm bàn đạp tiến vào vùng trũng bên trong. Đó là đoàn người từ Bình Định đi vào và đã qui tụ thành một xóm: Xóm Bả Canh, ở ven sông Cái Sao Thượng (khoảng chung quanh cầu Đình Trung bây giờ). Sở dĩ có địa danh ấy vì Bả Canh là sinh quán của bà con nầy, đó là một thôn của xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tinh Bình Định. Một trong những lưu dân trong đợt tiên phong nầy là ông Nguyễn Tú. Ông đã hô hào bà con phá rừng để canh tác và sau đó, vùng nầy thành hai làng Mỹ Trà và An Bình. Thời gian tiếp theo, khi mở thêm đường, dân làng Mỹ Trà thấy gần cầu Đình Trung, có hai ngôi mộ, được các kỳ lão cho biết là mộ của ông bà Nguyễn Tú. Năm 1878, hương chức làng Mỹ Trà đã cho lập mộ bia tại đây để ghi nhớ công đức của Tiền Hiền Nguyễn Tú và khoảng năm 1954, mộ bia nầy vẫn còn nhưng không rõ ngày nay ra sao. Ngoài ra, làng An Bình có một con rạch nhỏ mang tên ông: Rạch Ông Tú. Nhánh sông An Bình, chảy từ Đình An Bình qua khỏi nhà thờ công giáo độ vài trăm thước, bên bờ phải, có nhánh sông nhỏ hơn mà hai bên bờ sông có nhiều cây bứa (trái bứa để nấu canh chua) và trong ngọn rạch nầy có nhà chú Xã Nhượng, là Rạch Ông Tú. Viết đến đây, tôi nhớ lại, thởi chiến tranh Việt Pháp, gia đình tôi tản cư, sống ở Rạch Miểu (Mỹ Trà), con rạch nằm phía dưới đình Đình Trung vài trăm thước thì ở Rạch Ông Tú, hai con của chú Xã Nhượng là anh Tư Minh và chị Sáu Tâm, đang học ở Sài Gòn, do “giặc giã”, phải quay về quê. Anh Tư và chị Sáu mở hai lớp học (lớp Ba và lớp Nhì) dạy miễn phí cho trẻ em. Chúng tôi, nhóm học sinh Mỹ Trà, mỗi ngày, từ Mỹ Trà băng qua Đường Tắt, tức con đường băng tắt ngang cánh đồng giữa hai làng Mỹ Trà và An Bình, để tới Rạch Ông Tú (An Bình) mà thụ giáo với Thầy Tư Minh và Cô Sáu Tâm. Thầy Tư và Cô Sáu dạy rất nhiệt tình, rất hay nên tôi, đứa học trò lớp Nhì của thầy cô, nhờ công lao dạy dỗ của thầy cô mới có được căn bản khá vững trong việc học, khi trở lại nơi trường chính qui. Ân tình nầy, mãi mãi tôi không bao giờ quên. Xin thưa thêm, cô giáo Sáu của chúng tôi, về sau là hiền thê của chú ký giả Trần Tấn Quốc, người lập giải “Huy chương vàng Thanh Tâm” (không rõ có phải tên của giải thưởng nầy đã mang tên của cô giáo chúng tôi chăng?) Theo Phủ Biên Tạp Lục, vào năm Tân Dậu (1741), để quản lý những nơi mới khai phá, lúc chưa hình thành xã thôn hoàn chỉnh, chúa cho lập chin khố trường để thu thóc và tiền thuế đem về nộp vào kho ở Thừa Thiên. Chín khố trường biệt nạp đó là: Kho Hoàng Lạp, phía Bắc sông Hậu (tức sông Cát), Cù Lao Phố-Biên Hòa, ngày nay nơi đây còn địa danh “Bến Đò Kho” Kho Giản Thảo, ở vùng Cầu Kho. Kho Tam Lạch, ở vùng Ba Giồng-Mỹ Tho ngày nay. Ba kho Thiên Mụ, Cảnh Dương và Tân Thạnh ở vùng Cần Giuộc Ba kho Bả Canh, Quy An và Quy Hóa mà ngày nay, hai kho Quy An và Quy Hóa chưa xác định được vị trí, còn khố trường Bả Canh, theo bia Tiền Hiền Nguyễn Tú là vùng Cao Lãnh bây giờ… Lúc ấy, khố trường Bả Canh được cho là nơi mà có “những khoảnh ruộng không cần phải cày mà chỉ cần phát cỏ rồi trồng lúa. Gieo một hộc lúa giống, thì người ta thu được 300 hộc lúa mùa, không nơi nào được hơn” (3). Có lẽ, lời nhận xét nầy của ký lục dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên nói đến là vùng ven sông Tiền, nơi đất phù sa phủ dày độ 1m5 trên tầng đất sét. Đó là nơi “miệt vườn” trồng cây ăn trái, là đất rẫy và ruộng cấy. Bia mộ Ông Tiền Hiền Nguyễn Tú Khi các làng xã trong khu vực được thành lập, khố trường Bả Canh bị giải thể, làng Mỹ Trà cũng ra đời vào lúc ấy. Đến năm 1808, Mỹ Trà và một số thôn khác như An Bình, Mỹ Ngãi, Tân An…được xếp nằm trong tổng Kiến Phong. Thôn Mỹ Trà có cư dân đông đúc và thị tứ thêm khi có chợ Vườn Quít (1817). Vào năm 1820, xảy ra nạn dịch tả gây cho nhiều người chết, chủ chợ Vườn Quít nầy là ông bà Đỗ Công Tường, có tục danh là Lãnh, được cử giữ chức Câu Đương (nhiệm vụ phân xử các vụ tố tụng trong làng) khấn nguyện xin chết thế mạng cho bà con. Sau ba ngày trường trai (ăn chay) từ ngày mùng sáu tháng sáu đến mùng tám, bước qua đêm mùng chín, bà qua đời rồi ngày mùng mười, ông cũng mất. Dân làng lo việc tống táng ông bà…Khi chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch cũng dứt. Mọi người đều tin rằng Đấng Bề Trên đã đáp ứng lời khấn nguyện của ông bà. Cảm mến ông bà, dân chúng lập miếu ngay trên ngôi mộ song hồn để thờ phượng ông bà (4). Năm xưa, có lần tôi đến “Miếu Ông Bà Chủ Chợ” nầy, tôi đã được chú Tám Kỉnh chỉ cho thấy nơi bàn thờ của Ông Bà, có một gò mối khá lớn đóng, bà con coi đó làm điềm lành nên không dám động tới gò mối ấy. Xin thưa thêm, chú Tám rất sùng kính Ông Bà Chủ Chợ, nhà chú ở gần đó và chú Tám là nhạc phụ của giáo sư Lưu Khôn... Từ việc Ông Bà Chủ Chợ qua đời để lãnh nạn cho dân, chợ Vườn Quít được mang tên chợ Câu Lãnh và bà con người Hoa đã phát âm từ “Câu” thành “Cao” để rồi thành “Cao Lãnh”... Như vậy, ban đầu Cao Lãnh chỉ là tên một ngôi chợ, qua thời gian đã trở thành địa danh chỉ một vùng. Nếu khố trường Bả Canh thành lập vào năm 1741 thì tính đến nay (năm 2012), Cao Lãnh đã có 271 tuổi. Năm 1832, Nam kỳ được chia thành sáu tỉnh: Nam kỳ lục tỉnh. Đó là triều Nguyễn đã dựa theo câu thơ cổ “Khoái mã gia biên vĩnh định an hà” (Phóng ngựa, ra roi, giữ gìn non nước) để lấy sáu từ cuối đặt tên cho sáu tỉnh của Nam Kỳ: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Khi ấy, làng Mỹ Trà thuộc huyện Kiến Đăng. Đến năm 1838, huyện Kiến Đăng tách ra thành lập huyện mới Kiến Phong, thuộc phủ Kiến Tường của Định Tường. Huyện lỵ Kiến Phong và phủ lỵ Kiến Tường đều đặt tai làng Mỹ Trà, tại địa điểm trường Tiểu học Cao Lãnh. Vào năm 1857, vị tri phủ là ông Hồ Trọng Đính đã cho lập cơ sở phủ học và thiết lập Văn Thánh Miếu gần rạch Ông Cân. Hình: Ban Tế tự Miễu Ông Bà Chủ Chợ Cao Lãnh Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), chúng chia Định Tường thành bốn khu tham biện (Inspection). Huyện Kiến Phong trở thành khu tham biện Cần Lố. Cần Lố được coi như một cửa ngõ vào ra vùng Đồng Tháp Mười nên Pháp lập cơ sở hành chánh quân sự, với nhiều công sự, hào lũy tại vàm nầy (còn được gọi là Doi Me) để vừa cai quản vùng Kiến Phong vừa thuận tiện tiến vào Đồng Tháp để đàn áp nghĩa quân Thiên Hộ Dương.. Bấy giờ, Mỹ Trà chỉ còn là cơ sở hành chánh của thôn mà thôi. Đến năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), chúng chia Nam kỳ thành 25 khu tham biện. Năm 1871 chúng giảm xuống còn 18 khu (như sát nhập khu tham biện Cần Lố vào khu tham biện Tân Thành (Sa Đéc). Năm 1900, Pháp chia Nam kỳ thành 21 tỉnh mà lúc xưa, đi học, học sinh mới ở bậc tiểu học, cũng phải học thuộc lòng tên các tỉnh nầy bằng cách đọc thứ tự tên đầu của các tỉnh: “Gia-Châu-Hà-Rạch-Trà-Sa-Bến-Long-Tân-Sóc-Thủ-Tây- Biên-Mỹ-Bà-Chợ-Vĩnh-Gò-Cần-Bạc-Cấp”(5). Theo thứ tự nầy, Sa Đéc là tỉnh số 6, gồm có ba quận là Châu Thành, Lai Vung và Cao Lãnh. Sau khi bình định được vùng Đồng Tháp Mười, Cần Lố đã hết vai trò quân sự, nghị định ngày 10/12/1913, Pháp tái lập quận Cao Lãnh và đặt lỵ sở quận nầy tại làng Mỹ Trà. Vào thời Đệ Nhầt Cộng Hòa, sắc lệnh số 22NV do tổng thống Ngô Đình Diệm ký ngày 17/2/1956, thành lập tỉnh Phong Thạnh và đến ngày 22/10/1956, sắc lệnh 143NV đã đổi tên tỉnh nầy thành tỉnh Kiến Phong gồm 4 quận Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình và Mỹ An, đến ngày 13/7/1961 lại có thêm quận Kiến Văn. Với 5 quận như vậy, Kiến Phong có diện tích 2,621km 2 và dân số là 405,200 người. Lúc thiếu tá Nguyễn Quốc Hoàng làm tỉnh trưởng (1958), ông cho dời tỉnh lỵ đến vàm trên của sông Cao Lãnh, thuộc làng Tân An. Một vài cơ sỏ mới được xây cất nơi đây, nhưng khi ông được thay thế bởi trung tá Đinh văn Phát (1960), thì tỉnh lỵ Kiến Phong được đưa trở về khu vực cũ. Năm 1968, do tình hình chiến sự gia tăng, Cao Lãnh còn là Biệt khu 44 và đại tá Phạm văn Phú, tư lệnh Biệt khu, được vinh thăng Chuẩn tướng tại măt trận vào năm 1969. Sau biến cố 1975, vào tháng 2/1976, Kiến Phong đổi tên là Đồng Tháp và tỉnh lỵ vẫn đặt tại Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp bao gồm thị xã Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc và các quận Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh. Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, với diện tích 3.238,1 km2, có dân số là 1.568.100 người. Cao Lãnh từ năm 1940: Như phần trên, chúng ta thấy khi có bước chân đầu tiên của người Việt đến đất Cao Lãnh, đến nay đã hơn hai thế kỷ đi qua, đã có biết bao công sức của nhiều thế hệ con dân Cao Lãnh đóng góp để Cao Lãnh có được như hôm nay. Nhưng thế hệ con dân Cao Lãnh hiện tại có nhiều khi không biết rõ tình trạng quê quán mình lúc trước ra sao nếu không có những lớp người đi trước kể cho nghe. Chính chúng tôi, khi muốn hiểu việc xa xưa của quê mình, cũng khó biểt tìm ai để hỏi! Chúng tôi, những đứa con Cao Lãnh chào đời vào thập niên 30, lúc được cắp tập sách đi học cũng là lúc có những cảm nhận về sinh quán của mình, tức từ thập niên 40 của thế kỷ 20…Đến nay, tuổi đời của chúng tôi cũng cao, chúng tôi xin được ghi lại những gì đã biết ở quê mình từ lúc chúng tôi còn bé…để những bạn bè cùng trang lứa nhớ lại đoạn đời “hoa niên” của chúng ta, cũng như muốn các em cháu của chúng ta biết khi đàn bác, đàn chú, đàn anh sinh sống, thì quê nhà mình như thế nào.. Âu là ôn cố tri tân mà thôi. Vào những năm 40 nầy, Cao Lãnh còn là vùng đất quê mùa, đường sá chưa được tráng nhựa, nên việc đi lại phần lớn theo đường thủy. Con sông Cao Lãnh đóng vai trò thiết yếu cho mọi người. Sông Cao Lãnh của ngày xưa Cũng như các nơi khác của miền Tây, những sông nhỏ được coi là sông con, nhận nước từ sông lớn, tức sông cái (phải chăng từ “cái” nầy có nghĩa như trong từ “Bố Cái Đại Vương”, tức “cái” là “mẹ”). Ban đầu, sông Cao Lãnh có tên gọi là Sông Con, nhận nguồn nước của Sông Cái, (tức sông Tiền) cho đến lúc vùng đất nầy mang tên là Cao Lãnh, Sông Con nầy cũng mang tên Sông Cao Lãnh. Sông Cao Lãnh không có ngọn sông vì Tiền Giang đưa nước vào đây ở cả hai đầu sông, tức Sông Cao Lãnh có hai vàm. Theo dòng chảy, Tiền Giang rót nước cho sông Cao Lãnh, trước tiên, là từ Vàm trên nằm giữa hai làng Tân Thuận Tây và Tân An, đến khoảng ba trăm thước, về bờ trái, nơi ranh giới của hai làng Tân An và Mỹ Ngãi, là chỗ sông Cao Lãnh có đoạn chảy gần sát với sông Cái Sao Thượng ở bên trong, nên chỗ eo nầy người ta đã đào con kinh rất ngắn mang tên “Kinh Cụt” để hai sông “bắt tay” nhau. Ở Kinh Cụt, dù lúc nước lớn hay nước ròng, dòng nước cũng chảy khá mạnh. Đây là nơi để dân cư ngụ phía trong, (vùng Bình Trị và Mỹ Ngãi) ra vào Cao Lãnh cho thuận tiện. Khi sông Cao Lãnh chảy thêm vài trăm thước, vừa qua chợ Mỹ Ngãi, về bờ phải, bên làng Tân Thuận Tây, có thêm một nhánh sông đào là kinh Sáu Quốc, kinh nầy chảy xuyên qua làng Tân Thuận Tây. Từ đây cho đến khi sông chảy đến thành phố Cao Lãnh, có một cây cầu bắt ngang sông, được mang tên “Cầu Đúc” (bằng xi măng cốt sắt, xây năm 1930), có ba nhịp. Mặt cầu nầy không cao lắm với mặt nước sông, chỉ ghe xuồng nhỏ mới “chui qua” cầu dễ dàng nhưng các ghe hay tàu bè cao lớn, không qua dưới cầu được, khi ấy, nhịp giữa của cầu phải được quay cất lên để tàu bè đi qua nên cầu còn có tên là Cầu Quay. Vì thế, nhịp giữa của cầu được làm bằng vật liệu tương đối nhẹ: khung sắt, lót gỗ. Còn nhớ, mỗi khi, nếu tàu chạy từ vàm trên để vào chợ Cao Lãnh, khi qua khỏi chợ Mỹ Ngãi, đến khoảng Xép Lá (nơi bờ sông, phía làng Hòa An, có nhiều trại chằm và bán lá lợp nhà) tàu phải chạy chậm lại, rút còi báo hiệu để hai người giữ cầu quay nhịp giữa của cầu lên. Chúng tôi còn nhớ, khi biết có tàu sắp qua ngang Cầu Quay, trò vui thích của trẻ con xóm chợ là chạy ra đứng trên cầu, chờ khi nhịp giữa vừa hạ gần giáp mí với nhịp trong, là nhảy ngang qua lại chỗ giáp mí nầy. Bây giờ, nhớ lại, vì sao, chuyện nguy hiểm như thế mà ở hai đầu cầu chẳng có rào cản, chẳng có luật lệ về an toàn gì cả! Sông Cao Lãnh chảy qua khỏi Cầu Quay, bờ bên Hòa An là cơ sở hành chánh, bên Mỹ Trà là chợ nên có hai bến cho ghe tàu đậu. Bến Cầu Lủi cho ghe xuồng. Khi có nhiều xuồng đậu, người ở xuồng phía ngoài bước nhờ qua xuồng bên trong để lên cầu, không có chuyện cấm cản, trách móc gì (chắc nếu ở đất Úc, khó có chuyện như thế!), tiếp theo là bến tàu (loại jetty, để tàu bè đậu cặp vào). Được biết, trước khi xây Cầu Đúc, nơi đây có một cầu bằng gỗ, tên là Kỷ Tam Sơn. Vừa khỏi chợ, bên Mỹ Trà, có kinh Thầy Khâm, chảy qua sông Cái Sao Thượng, ở ngay vàm bên sông Cái Sao Thượng của kinh là đình làng Mỹ Trà mang tên “Đình Trung”, (ngôi đình nằm ngay vị trí trung tâm của làng). Khi chúng tôi còn nhỏ, kinh nầy còn được gọi là kinh Thầy Cừ, bởi ở vàm kinh phía chợ có nhà của Thầy Cừ và cũng có trại bán hòm nên chúng tôi rất sợ, ít khi dám đi sang bên phía nhà Thầy Cừ! Khi con kinh nầy vừa xuyên qua đường giữa của quận lỵ (đoạn đường dẫn đến chùa Phật và Văn Thánh Miếu, gần rạch Ông Cân) vài trăm thước, có miếu Ông Bà Chủ Chợ. Phía bờ bên kia của kinh là sân banh mà ở cạnh sân, nối với kinh Thầy Khâm, là Kinh Nhà Thương. Kinh nầy đã được đào khi quận xây cất Nhà Thương Cao Lãnh (1923) cho tiện việc đi đến bệnh viện của bà con. Kinh Nhà Thương còn đào thẳng đến vùng sau Chùa Ông (thờ Quan Công) và sau khu vườn của bà Sáu Gấm (má chú hai Chẩn), để cất Nhà Xác của bệnh viện nơi đó. Cao Lãnh là nơi do phù sa bồi đắp nên rất khó gặp đất sét lộ thiên, nhưng chỗ khúc Nhà Xác, dưới bờ kinh, lại có nhiều đất sét. Bọn học trò nhỏ chúng tôi, mỗi lần muốn lấy đất nầy để làm thủ công, phải rủ nhau cho đông, để cùng đi móc đất chứ không dám đi lẻ loi vì đứa nào cũng sợ ma. Xin ghi thêm, trong hai năm 1943-1944, Nhật làm đường đi An Hữu, kinh đào để đắp đường nầy (chạy dài tới Cầu Đình Trung) đã đụng kinh Nhà Thương chỗ Cầu Nhà Thương…Vào năm 1960, gia đình chúng tôi có cất nhà gần cây cầu ấy (lúc bấy giờ đã mang tên “Cầu Cháy” vì trong chiến tranh Việt Pháp, cầu đã bị Việt Minh đốt) thì các đoạn kinh nầy vẫn có nước ra vào. Bên bờ kinh đối diện nhà chúng tôi, vẫn còn nhiều nhà tranh của bà con (chỗ về sau là Nhà Bưu Điện Kiến Phong) và nơi bến nước của gia đình chúng tôi là chỗ đậu xuồng của bà con trong vưởn ra đi chợ mới Kiến Phong. Sông Cao Lãnh, vừa qua khỏi đình Hòa An là gặp vàm rạch Cái Sâu, trong ngọn rạch là nhà của chú Tư Trước, bên cạnh nhà chú Tư, rạch Cái Sâu có thêm nhánh kinh nhỏ đào thẳng ra sông Cao Lânh, chỗ Xép Lá. Dưới rạch Cái Sâu vàì trăm thước là rạch Cái Tôm, ngay vàm Cái Tôm là nhà máy xay lúa của chú Bộ Tây (nhạc phụ ký giả Lê Hương). Rạch Cái Tôm chảy qua Cua Cây Điệp rồi thẳng vào ranh giới làng Tân Thuận Đông, khi tới khu đất ông Cà Tượng, ngọn rạch bắt gặp ngọn rạch Thông Lưu, con rạch nầy chảy giữa ranh giới hai làng Tân Thuận Đông và Tân Thuận Tây, đến khi ngang qua đình và chợ Tân Thuận Đông (chợ Xép Cả Kích), tức khu nhà anh Chánh (thanh tra Tiểu học Kiến Phong, hiện nay gia đình anh sống ở Brisbane), rạch Thông Lưu đổ nước ra sông Tiền. Sông Cao Lãnh rời rạch Cái Tôm chảy qua Xóm Bún (nơi có nhiều nhà làm bún) và khu lò vôi (nơi sử dụng vỏ sò, ốc, hến của sông Tiển để làm vôi ăn trầu) thì con sông mở rộng để ra cửa sông tại vàm Cần Lố. Như vậy, chúng ta thấy sông Cao Lãnh có hai vàm nên thủy triều lên hay xuống, thi sông cùng lúc nhận hoặc đổ nước ra Tiền Giang, Từ đó, lúc nước lớn (thủy triều dâng lên), dòng nước vào sông bằng hai phía, tạo cho ở một đoạn sông, hai dòng nước gặp nhau nên xoay tròn, xoáy cuộn nhau khá mạnh, đó là nơi “giáp nước”, là chỗ mà người lớn dạy trẻ con phải cẩn trọng, cấm trẻ bơi lội, giỡn chơi ở vùng này, vì có thể bị nước cuốn xoáy rút xuống sâu rất hiểm nguy, có thể mất mạng! Ở vùng nầy có một ngôi chùa mà bà con gọi là “Chùa Nước Lộn”. Xin ghi nhận thêm, chỗ nước xoáy là nơi phù sa lắng xuống nhiều nhất và lâu ngày tạo thành cồn nhỏ để từ từ cao dần thành đất trồng trọt rất tốt (nếu cồn nổi gần bờ phía nào thì cồn ấy thuộc về chủ đất đó). Khi xưa, lòng sông còn sâu, bờ sông còn rộng, sông Cao Lãnh là nơi chuyển vận vật liệu nặng để xây dựng nhà cửa, dinh thự. Khi lập quận, những bè cây to lớn từ miệt Sông Lớn (tức từ đất Campuchia) được thả trôi về Cao Lãnh, để làm cột cho những nhà mới cất. Tàu ghe từ các nơi đi đến Cao Lãnh rất rộn rịp. Dựa theo sách “Cao Lãnh đến năm 1954” của Nhà Giáo Trần Quang Hạo (tức nhạc gia của người viết), xin được ghi lại, trước đây, có những tàu từ Cao Lãnh đi đến các nơi khác như sau: “Cao Lãnh đi Sàì Gòn có tàu lửa (còn gọi là tàu ống khói): Hồng Hoàng (6), Nam Lợi, Tài Lợi. Cao Lãnh đi Nam Vang có tàu lửa Lợi An. Cao Lãnh đi Tân Châu có tàu lửa Nam Long, Thái Long… Cao Lãnh đi Long Xuyên có Canot Nguyễn Hữu A và B. Cao lãnh đi Sa Đéc có tàu lửa An Long và Canot Nguyễn Hạp.” Dòng sông Cao Lãnh, do nước từ hai vàm chảy vào, ra cùng lúc và mỗi năm có một mùa mước ngập, khiến phù sa càng mau lắng đọng nên con sông cạn và hẹp mau chóng, tàu bè lớn không ra vào Cao Lãnh được, như bến bãi, từ chân Cầu Đúc đến bến Cầu Tàu của chợ, là nơi ghe chài chuyển vận hàng hóa của nhà buôn An Thành thường đậu lúc trước, đã trở thành khu nhà ở của bà con: nhà chú quận Kiêu, anh Hào Án, bác (gái) Cai tổng Di (má của các anh Trân, Châu, Son), tiệm may Thanh Hữu, thầy Ba Châu và bên kia của đường xuống Cầu Lũi còn có nhà chú Bảy Du, chú hương hào Huân (thân phụ của bà chuẩn tướng Lê văn Hưng), tiệm trử “la ve”, nước ngọt, nước đá của chú Mười Mập. Qua cầu tàu, phía bên ngoài đường Mé Sông cũng còn có những nhà của dì Ba Thiệp (mẹ chị giáo Liệp, anh Tiếu), thầy Nguyễn Hữu Hằn , cậu sáu Tố v.v….Thầy Nguyễn Hữu Hằn là thầy dạy lớp Nhất của chúng tôi. Thầy đã bỏ rất nhiều công sức vì chúng tôi. Mỗi buổi học, chúng tôi phải vào lớp trước giờ học chính thức khoảng 30 phút để ghi chép và học các động từ bất nguyên tắc từ quyển Conjugaison des verbes, thầy cũng cho nhiều bài tập toán để về nhà làm, thầy còn chỉ bảo mỗi đứa chuẩn bị quyển tập mà trong đó chúng tôi phải biên chép cẩn thận những bài học sẽ trình cho giám khảo khi vào vấn đáp kỳ thi CEPCI (Certificat d’étude primaire complémentaire indochinois). Chẳng những thầy dìu dắt chúng tôi xuống Sa Đéc để dự thi CEPCI (bạn nào không có nhà quen thì ngụ tại nhà thầy hiệu trưởng Trần Quang Hạo, gần Cầu Cái Sơn trong), thầy còn hướng dẫn, lo nơi ăn ở khi dìu dắt chúng tôi xuống Vĩnh Long thi tuyển vào lớp đệ nhứt niên của trung học Vĩnh Long. Lúc bọn học trò Cao Lãnh đến Sa Đéc, vì để giữ sạch sẽ cho bọn nhóc con chúng tôi, nhà trường bảo nam sinh phải hớt tóc ngắn nên học trò trường tỉnh gọi chúng tôi là “đạo quân thầy chùa”, với tính cách nhạo báng. Khi có kết quả kỳ thi, lớp chúng tôi đậu 100%, khiến học trò trường tỉnh ngạc nhiên, không rõ các anh ấy có “nễ” chúng tôi chăng (?). Vẻ vang cho đất Cao Lãnh biết bao. Cả trường mừng vui khi chúng tôi trở về: “Mã đáo thành công!”. Công ơn nầy, trên hết là do công lao nặng nhọc của các thầy: thầy hiệu trưởng (lo lắng mọi phương tiện, từ sức khoẻ đến cái ăn cái ở) và nhất là thầy trực tiếp dạy chúng tôi: Thầy Nguyễn Hữu Hằn. Cao Lãnh, đường xưa trong nỗi nhớ Từ năm 1940, đường phố Cao Lãnh chưa được tráng nhựa, các con đường đều là đường trải đá và chỉ có một con đường duy nhất để đi Sa Đéc, Sàì Gòn: xe qua Cầu Đúc, quẹo trái chạy đến nhà máy xay lúa của chú Bộ Tây, qua cầu Vàm Cái Tôm, (nơi có cua quẹo rất gắt) qua cua Cây Điệp (làng Hòa An) rồi cua Cái Tắc (làng Tân Thuận Đông), thật là vòng vo, mới ra tới Cầu Bắc (bac=phà) ở bờ sông Tiền. Phà Cao Lãnh có chiếc phao nhỏ, trên có bàn xoay, mỗi khi xe xuống phao là xe nằm trên bàn xoay, nhân viên bến phà đẩy bàn xoay nầy cho đầu xe ngay “cửa” phà mà chạy xuống phà. Chiếc phà Cao Lãnh, lúc ấy cũng thuộc loại phà nhỏ nên nhiều lúc, mùa nước đổ, khi băng ngang qua sông, phà bị trôi theo dòng nước, phải chạy ngược lên mất khá nhiều thì giờ mới ghé bến được. Từ hai năm 1943, 1944, con đường Cao lãnh – An Hữu được xây đắp và một tuần trước lễ khánh thành đường, bọn trẻ chúng tôi được thầy cô cho làm thủ công, cắt dán cờ Nhật. Hôm lễ, chúng tôi xếp hàng dọc từ Cầu Đúc đến Cầu Nhà Thương để phất cờ đón chào quan khách Việt Nhật. Tuy nhiên, sau đó, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, con đường nầy chỉ sử dụng được đoạn từ Cầu Bắc đến cầu Nhà Thương…Đoạn từ đó đi An Bình, chỉ có bọn nhỏ chúng tôi rủ nhau đi bắn chim, hái ổi “lộn kiếp” (do chim ăn, hột ổi mọc thành cây, ra trái), hái trái nhãn lồng v.v…Con đường nầy mãi đến thời đệ nhất cộng hòa mới dần dần tu bổ để đi lại tuy nhiên khoảng sau năm 1960, cũng không an toàn nên đi Sài Gòn, phải trở lại chạy theo đường qua Sa Đéc mà đi các tỉnh khác cùng đi lên Sài Gòn… Lúc xưa, đi Sài Gòn, có những hảng xe đò Ứng Ký, Thành Đô, Hiệp Lợi, Đại Hòa,,,Về sau, có những hảng xe Tấn Phát. Nhan Nhựt, Lộc Thành…và bến xe đặt trên đường gần Cầu Cháy. Lúc bấy giờ, việc đi lại quanh quận lỵ cũng rất đơn giản. Chuyên chở công cộng thì có xe ngựa, xe kéo, trên vài ba con đường chánh như con đường giữa, từ chợ Cao Lãnh lên chợ Mỹ Ngãi hay qua đường Hòa An, chạy dọc đến nhà máy xay lúa ở vàm Cái tôm qua cua Cây Điệp, đến cua Cái Tắc. Phương tiện di chuyển cá nhân là xe đạp. Xe đạp lúc bấy giờ cũng còn hiếm, thường là hiệu Alcyon và là bánh đặc (bánh xe là vòng cao su, không có ruột, dễ bị trật ra khỏi vành bánh nếu gặp đường có đá lồi lõm), cho đến khoảng 1945, 1946, xe đạp mới có bánh bơm hơi. Còn nhớ, mỗi khi ngoại nhớ cháu, từ Xép Cả Kích, cậu tôi đạp xe ra chợ, đón tôi về ngoại. Ngồi ở đòn ngang của xe dù có quấn cột gối để ngồi cho êm rồi cậu chở, đó là điều “khổ” cho tôi, vì sợ kẹt gót chân vào căm xe, hai chân cứ buông lòng thòng xuống mà lúc mỏi chân phải rán chịu vì không biềt đặt chân vào đâu và có lúc chiếc gối lăn tròn lúc xe nhảy nhầp nhô trên đường thì càng khổ hơn. Về ngoại, vào mùa trồng thuốc còn cái khổ khác là khi xe vô đường làng, dọc hai bên đường là có nhiều đống phân cá (để bón cây thuốc) làm ngộp thở dù rằng khi đến nhà ngoại, ai cũng cưng chiều tôi… Trong chu vi quận lỵ Cao Lãnh, đường sá cũng ít, chỉ có ba con đường chánh chạy dọc theo chiều dài của quận và vài ba con đường nhỏ chạy cắt ngang các đường nầy. Lúc bấy giờ, các đường chưa được chính thức đặt tên nên đâu có bảng tên gắn ở đẩu các đường. Quận đã có Nhà Giây Thép (Bưu Điện) từ lâu, tôi không rõ chú Ba phát thơ (bưu tín viên) làm cách nào chú biết đúng địa chỉ mà trao thơ và điện tín (kể cả giao các bưu kiện từ Paris gởi đến) cho bà con dù rằng quận lỵ Cao Lãnh nhỏ, bà con gần như quen biết nhau. Để ghi nhớ lại những con đường quen thuộc nầy, xin lần lượt ghi nhận theo từng đường thuở xưa với những nhà của bà con chú bác. Đường từ Cầu Đúc đến Cầu Cháy: Phía trái con đường, ở bờ sông sau một nhà nhỏ ẩn mình dưới tàn cây mít là nhà đèn với bồn nước (chateau d’eau) cao, tiếp đến là khu nhà của chú hai Kim, chủ tiệm bánh in nhân đậu xanh Nhiêu Thuận Hưng ngon nổi tiếng của Cao Lãnh. Về bên phải của đường là trường Tiểu học Tư Thục Nguyễn Ngọc Anh (về sau là Ty Công An tỉnh), rồi cách một khu đất trống là ngôi nhà, kiểu biệt thự, của chú Chín Vĩnh An Đường (chú Lưu Tấn, thân phụ của giáo sư Lưu Khôn).Vượt qua ngã tư, bên trái là Lầu chú Mười Chuyển, có nóc bằng, trở thành “đồn lính”, tức căn cứ quân sự qua nhiều thời kỳ, tiếp đến là bến xe đò đi Sài Gòn, Sa Đéc, (nơi đây, về sau là Ty Kiến Thiết). Phía bên kia đường, có quán bán cà phê, nước ngọt và vài quán bán thức ăn nhẹ, tiếp theo là khu đất trống, chỗ cất Hội Trường tỉnh và sát kinh Nhà Thương. Lúc trước, bến xe đò đặt ở đầu nhà lồng chợ, trước Nhà Hội Mỹ Trà, do khoảng đường hẹp nên các hảng xe chỉ để bàn bán vé, lúc sắp đến giờ xe khởi hành, họ mới cho xe ra đậu tại đây để khách lên xe. Về sau, bến xe được dời về đoạn đường nầy cho rộng rãi. Đường Mé Sông: Từ đầu đường là dãy phố lầu mười căn, bắt đầu phố nầy là nhà thuốc đông y của thầy Nguyễn văn Cung, tiếp theo, tầng trệt là kho hàng của nhà buôn An Thành, nhà thầy Hai Trưng, nhà cậu Tư Trước và tầng trên là khách sạn An Thành…Về sau, trường, nhà thuốc, nhà buôn, khách sạn đã dẹp, dãy phố nầy là nhà bác cai tổng Bùi Tứ Di, Ty Cảnh sát, tiệm uốn tóc của chị sáu Tâm, nhà của nhạc gia chúng tôi, nhà chú Mười Há, nhà anh Mười Quắn, bước qua đường nhỏ sau phố chợ, là dãy phố chợ quay mặt xuống sông, có dựa la ve, nước ngọt của chú tư Kiêu (chú cũng là Hiệu trưởng trung học tư thục Thiên Hộ Dương nằm bên kia dốc Cầu Đúc, trên đường đi ra Cầu Bắc), quán nước của anh Mành, phòng Thông tin tỉnh. Qua khu phố chợ, chúng tôi còn nhớ có nhà lầu của dì Tư Hằng bán vải. Đường Mé Sông còn kéo dài đến kinh Thầy Khâm. Bờ đường sát mé sông là những nhà của bà con (tôi đã ghi ở phần nói về hiện tượng đất bồi làm cạn dòng sông) Đường Giữa: Có thể nói, đây là đường phố chinh của quận lỵ. Từ ngã tư lầu Mười Chuyển xuống chợ, có những nhà của các chú bác quen biết như cạnh biệt thự của chú chín Vĩnh An Đường là nhà chú hai Vĩnh (chủ tiệm kim hoàn ở phố dưới ngoài chợ), rồi qua bốn căn phố là đến lò bánh mì của ba anh Chiến. Phía bên kia đường, có tiệm giặt ủi của chú ba Tỳ, rồi dãy phố tiếp theo chúng tôi chỉ còn nhớ, lúc sau là khu bán các thức ăn sáng, tiệm hớt tóc của anh Đẩu, chồng chị giáo Nhung. Qua bên kia phố chợ là lầu Đức Anh Viên (ở đầu phố chợ dưới), tiếp đó là dãy phố trệt năm căn của thím chín Nhuệ, gồm có tiệm chụp hình Thuận Thiên, tiệm bán thuốc tây Ngô văn Hên, căn thứ ba là nơi gia đình chúng tôi tạm trú (1952) khi chờ người ta trả lại căn phố ở ngoài chợ, căn cuối là gia đình chú ba Nguyễn Văn Vẹn (một đại điền chủ, rất am tường nho học), chú là ông nội của đại tá Nguyễn Khuyến (quân đoàn Ba, Biên Hòa) rồi tiếp theo là khu đã bị cháy khi loạn lạc và về sau, bà con đến cất nhà bằng vật liệu nhẹ để sống như vợ chồng chị Tốt (bán rau cải) v.v..ở ngay phía trước cổng trường Tiểu học là tiệm hớt tóc của anh hai Tôn, người mà trước đó khi đang hớt tóc cho Xếp Phấn (người cùng Xếp Nghiêm, có dưới tay một số thân binh (partisan) với nhiệm vụ giữ an ninh chợ Cao Lãnh, thì ông nầy bị Việt minh bắn khi đang ngồi trên ghế để anh Tôn hớt tóc). Còn nhớ, ngày Xếp Phấn bị bắn, gia đình chúng tôi đang dùng cơm trưa thì thấy anh Tôn, mặc đồ bà ba rất mới, hớt hãi chui rào từ nhà chú hai Lý qua nhà chúng tôi, anh hỏi lối nào đi sang nhà chú xã Hích…Một lúc sau, gia đình chúng tôi mới hay tin Xếp Phấn bị bắn chết ở tiệm chú sáu Oanh khi anh Tôn hớt tóc cho ông ấy nên anh Tôn bỏ trốn. Có lẽ, bộ đồ của anh, khi chuyện xảy ra, bị vấy máu nên anh Tôn thay bộ đồ mới và không dám đi theo đường cái mà chui rào từ nhà nầy sang nhà khác mà đi trốn. Anh Tôn là người sử dụng nhạc khí cổ truyền VN rất hay mà chiều chiều anh hay cùng bạn bè, ngồi hòa tấu cổ nhạc trước nhà anh…Từ đoạn đường nầy đến cầu kinh Thầy Khâm, có những gia đình danh tiếng của Cao Lãnh như ông hội đồng Phu, ông tòa Thiết, bác sĩ Trân, thầy kiện Truyết v.v… Gần cầu kinh, đối diện nhà thầy kiện Nguyễn Văn Truyết, về phía bên kia đường, tiếp theo nhà chú xã Tung (thân phụ của chị giáo Thạch) là Tư thục Tiểu học Huỳnh Văn Quởn. Trường chiếm nhiều căn của dãy lẩu 10 căn sát bờ kinh (sau là cơ sở của Trường Bán Công Lê Quí Đôn). Trường Huỳnh Văn Quởn là nơi khai tâm cho chúng tôi, lúc chúng tôi chưa đủ tuổi để xin vào học trường nhà nước. Thầy Quởn là vị thầy rất vui vẻ, thầy là thân phụ của bạn tôi, anh Vân). Từ ngả tư lầu Mười Chuyển trở lên, hướng đi Mỹ Ngãi, là đường về nhà chúng tôi. Đây là đoạn đường quen thuộc, đã in biết bao dấu chân của tôi. Qua nhà chú Mười Chuyển vài căn là Nhà Dây Thép (Bưu điện) quận, được xây cất năm 1914 (7) rồi đến trường Tiểu học của người Hoa, chùa Ông (thờ Quan Thánh Đế Quân) và Miễu Bà (thờ Bà Thiên Hậu). Khu chùa miếu nầy là chỗ mà chúng tôi ít khi dám đi xuống chợ ban đêm vì rất sợ khi đi về, ngang qua đây bởi có mấy cây trôm quá cao lớn, um tùm trước chùa, miễu nầy. Qua chùa là các nhà của chú hai Lý, bà sáu Gấm, nhà chúng tôi, nhà chú xã Hích, bác cả Phẩm. Xéo cạnh nhà chúng tôi là Vận động trường Cao Lãnh (được xây dựng từ thời “Ducouroy”). Xóm trên nữa là khu nhà của các thầy giáo (thầy Độ, thầy Thú, thầy Linh, ông đốc Hằng) nhà ông hai Lê Quang Hiển (ông nội của Lê Quang Uyển, thống đốc ngân hàng QGVN trước 1975), nhà bác tám Tánh (lúc xưa bác có nhiều căn phố ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn), trên chợ Mỹ Ngãi có nhà chú bác họ của chúng tôi (chú tư Trần Văn Ngắt, bác tám Trần Văn Tây, bác chín Trần Văn Báu), sát cầu Kinh Cụt là nhà thầy Cai tổng Khai, thân phụ anh giáo Mậu, chị hai Nhuận (chị là mẹ của nghệ sĩ Ngọc Đức). Đường Nhà Thương: Khi xưa, đầu con đường này chỗ đụng đường vô cầu Đình Trung xuống tới kinh Thầy Khâm, không có nhà dân, hai bên đường đất còn trống, cạnh Nhà Thương là khu vườn có nhiều liếp đất, là nơi, thời phong trào Thanh Niên Tiền Phong (1943), là khu mà trường Tiểu học Cao Lãnh dùng làm nơi hướng dẫn cho học sinh thực tập “ẩn nấp” khi có biến. Vì thế, thỉnh thoảng đang giờ học, khi nghe trống báo động, quí thầy hướng dẫn các học sinh, thứ tự từng lớp, chạy đến khu đất nầy để “tập ẩn trốn”. Đó là thời gian chúng tôi vui thích vì được nghỉ học ở lớp, ra đến khu đất trống nầy, các thầy cô tụ tập đứng chuyện trò còn bọn chúng tôi cùng nhau tìm cỏ để “đá gà”. Cùng lúc ấy, các anh lớn, TNTP, với gậy tầm vông vạt nhọn, tập họp từng nhóm đi quanh các đường để giữ trật tự. Thưa thật, đến nay, nhất là sau thời gian được huấn luyện ở quân trường, chúng tôi nhớ lại những chuyện này…thấy thời TNTP, sao mà “vui thế”! Đường từ chợ vô bệnh viện: Bắt đầu từ đường giữa, về bên trái của đường nầy, là nhà hội làng Mỹ Trà và tiếp theo là khu đất trống, ở đó Pháp có dựng một nhà bia ghi công ông Phạm Công Khanh, người đã giúp họ chống trả với nghĩa quân Thiên Hộ Dương. Đây là nơi chúng tôi, khi chờ nhà trường mở cổng rào phía sau, giành cho các lớp tư, ba và lớp nhì một năm (cours moyen première année) học tại dãy lớp nằm dọc theo đường nầy, mà vào trường. Chúng tôi tụ quanh nhà bia để tránh nắng và hái trái trứng cá chín! Về bên phải, từ đầu đường, có dãy phố năm căn (ngang nhà làng) là chỗ ở của những gia đỉnh quen thân của chúng tôi: chú tư Huệ (giáo viên), chú ba Hướng (thợ chụp hình), bà tám Thanh (tiệm may), cô mụ Sáu và thầy y tá Mẹo (làm ở bệnh viện Cao Lãnh). Khoảng năm 1946, dãy phố nầy đã bị Việt minh thiêu hủy!, tiếp theo dãy phố là khu vực của trường học, cuối đường là Nhà thương. Đường bên phải của nhà làng Mỹ Trà: Đường nầy ngắn, chỉ có dãy phố của ông hội đồng Nguyễn Xuân Vinh (hội đồng Chín), có nhà thầy Mè, nhà chị giáo Diêu (mẹ của hai cháu Xuân Trình, Xuân Trai) và gia đình bà hội đồng. Cuối đường là khu đất có nhà bia Phạm Công Khanh. Đường Kho Muối: Đây là đường nối từ đường giữa đến đường Mé Sông. Bên kia đường giữa, nơi đây khi lập quận là khu văn phòng hành chánh quận và sau này là tư gia của vị trưởng ty học chánh. Còn nhớ, trên con đường nầy, không có nhà dân, mãi về sau, ở đầu đường có nhà chị giáo Tam rồi đến đoạn giữa của đường là kho muối của sở Thương Chánh và một số công ốc của sở nầy nên được biết dưới tên là xóm Đoan (Douane). Năm 1945, nhà cửa, kho.ghe. tàu bị đốt phá, nên ngành nầy ngưng hoạt động (8). Chợ Cao Lãnh năm xưa: Bên kia đường của đầu nhà lồng chợ trên, là Công sở làng Mỹ Trà. Phía cuối chợ, bên kia đường Mé Sông là bến tàu. Chợ có hai nhà lồng bằng sắt, kiểu Eiffel, và nối tiếp mỗi nhà lồng là hai sân chợ. Dọc hai bên chợ là hai con đường trải đá với hai dãy phố.. Có sự phân định từng khu vực cho mỗi thứ hàng bày bán ở chợ. Đại khái, bên trong của nhà lồng trên là nơi bán gạo nếp, bên ngoài là các thớt thịt, ở đầu nhà lồng là hai quán bán cà phê, nước ngọt, chỗ bán vé xe đò…Sân chợ trên để bán bánh trái…Nhà lồng dưới đặt các sạp bán vải, sạp bán hàng tạp hóa. Sân chợ sau là nơi bán cá tôm…Các đường bên hông chợ giảnh cho những hàng hóa của bà con từ các vùng khác đến bán. Chúng tôi nghĩ, nhà lồng chợ dưới phải để các sạp như thế vì nhà lồng chợ nầy là nơi, khi có đoàn hát đến, các sạp được dẹp đi rồi nhà lồng được che kín chung quanh biến thành rạp hát, cửa rạp ngó xuống bờ sông. Các chủ sạp của khu nầy đều là những người cư ngụ quanh các phố chợ và trước nhà họ cũng đã được bày hàng hóa bán buôn hằng ngày nên việc dẹp sạp cũng không trở ngại việc buôn bán của họ. Các đường hai bên chợ cũng qui định từng vùng cho từng loại hàng, như đường phía dãy phố trên thường để bán chim, chuột, rắn (còn sống hoặc đã làm thịt rồi). Đây là khu mà khách phương xa đến chợ ít dám đi tới. Trẻ nhỏ chúng tôi, khi nghe có tiếng trống đánh tung tung là chạy thẳng đến khoảng đường trước tiệm chú sáu Oanh và tiệm thuốc Vĩnh An Đường là y như rằng nơi đó đang có gánh hát Sơn Đông. Công sở Mỹ Trà (Ảnh Lê Hương) Gần như, dân Cao Lãnh quen thuộc từng tiệm của hai dãy phố chợ. Dãy phố bên mặt (dãy phố trên), gần đầu phố, trước kia là tiệm mì, hoành thánh rất ngon, sau chỗ này có tiệm may của anh Trần Yến, nhà bán thuốc tây của chú hai Tiễn rồi phòng họa chân dung và tranh cảnh của chú Lộc, chồng dì Liễu (dì bán bánh bò trắng rất ngon). Về sau, khu nầy, khoảng năm 1954, có thêm tiệm Minh Đức và vừa qua đoạn nầy, khi đến ngang tiệm nước chú Chanh, trước cửa tiệm là chỗ nấu hủ tiếu, tỏa mùi rất quyến rủ và bên trong, quanh các bàn ăn, vang lên những tiếng hô như “Dách cô phế nại, lượng cô tài báo a a a…” Cạnh tiệm nước là nhà cô dượng tư của chúng tôi (nay là tiệm bánh Hiệp Hòa), nhà chị giáo Tam (người chủ đất của vùng chợ này, không rõ vì sao, lúc sau, chị cất thêm một nhà nửa ở đầu đường Kho Muối), tiệm sắt (warehouse) của chú năm Phục, các tiệm bán vải của bà con người Hoa, tiệm bán thuốc tây Thăng Bình…tiệm thuốc bắc Hòa Sanh Đường, tiệm sắt của gia đình hai bạn tôi là Phán, Bạt. Cuối cùng là phòng thông tin quận (về sau đã dẹp đi). Dãy phố bên trái (dãy phố dưới) bắt đầu từ phố lầu Đức Anh Viên, tiệm vàng của chú ba Ngà, phố lầu của ông Chủ Đời (thân phụ cô giáo Điêu), tiệm chú sáu Oanh (nơi Xếp Phấn bị ám sát) nhà hai Cứ, tiệm thuốc bắc Vĩnh An Đường, tiệm trồng răng Thượng Hải (nơi mà mỗi sáng, mẹ chú Thượng Hải có đôi bàn chân rất nhỏ do lúc ở bên Tàu, bà đã bó chặt đôi bàn chân theo lệ của người Hoa từng bước lửng chửng đi ra, ngồi trên ghế mây nhìn thiên hạ). Khu nầy còn có tiệm bánh in Nhiêu Thuận Hưng, tiệm vàng của chú hai Vĩnh, tiệm Dư Hòa Thạnh của anh Bổn và qua bốn căn phố bị cháy là tiệm Vạn An, nhà bán thuốc Tây Trần Quảng Đại. Chợ Cao Lãnh (nhà lồng trên) – Ảnh Lê Hương Nhớ về tình hình thời cuộc ở Cao Lãnh năm xưa: Trong tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Cửu Long & Đồng Nai số 5 (năm 2011), giáo sư Lưu Khôn đã có bài viết về “Cao Lãnh vào những năm 45-46”. Với người viết, giáo sư là bậc đàn anh và là bậc thầy. Chúng tôi đều là người Cao Lãnh, hai nhà quen biết nhau và về tuổi đời, giáo sư là bạn của các anh tôi (khi còn ở Việt Nam, gia đình anh Trần Quang Đại có đưa chúng tôi xem tấm hình của anh Đại và anh Khôn lúc còn nhỏ, “đùa nghịch” trước tiệm Vạn An). Tuy nhiên, về sau, anh Lưu Khôn là giáo sư trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và chúng tôi là học trò của trường nầy, như vậy, anh Lưu Khôn đã vào bậc thầy của chúng tôi. Với tình hình đã xãy ra ở Cao Lãnh, mỗi người trong chúng tôi ở vào một hoàn cảnh, đã nhìn, biết chuyện xảy ra theo vị trí của mình… Giờ đây, chúng tôi xin “tiếp bút” của giáo sư để ghi thêm vào các chuyện đã xảy ra nầy mà phần cá nhân mình biết, để tô thêm màu sắc, chi tiết về tình hình đất Cao Lãnh. Đây là tình hình quê chúng tôi từ thập niên 1940 của thế kỷ 20, lúc mà chúng tôi ở vào tuổi trẻ thơ, tuổi cắp sách đến trường . Giờ đây, nhớ lại chuyện xa xưa, thời điểm những sự kiện đã xảy ra, ghi lại các chuyện có khi lẫn lộn nhau như phong trào “khoẻ để phụng sự”, “phong trào hướng đạo” tiếp theo là phong trào Thanh niên Tiền phong rồi Nhật vào Việt Nam, Cách mạng tháng tám, Pháp trở lại Việt Nam. Chúng tôi rất mong được sự thông cảm của quí độc giả khi đọc đến đoạn nầy vì chắc chắn có nhiều sai sót. Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, đã có nhiều phong trào chống Pháp nổi dậy ở nhiều nơi. Pháp đã đàn áp tàn bạo các phong trào đó. Những dữ kiện lịch sử đáng ghi nhớ như Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông bị lên máy chém và phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh bị đàn áp rất tàn nhẫn. Các sĩ phu ái quốc VN bị theo dõi, bị bắt…nhưng Pháp cũng không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, vào cuối thập niên, thế giới thứ hai xảy ra, tình hình nước Pháp cũng nguy khốn. Pháp bại trận, Charle de Gaulle qua Anh để tổ chức giải phóng nước Pháp, thống chế Philippe Pétain, người hùng của trận chiến Verdun (1914-18), lập chính phủ Vichy (9). Chính phủ của thống chế Pétain bổ nhiệm đô đốc Decoux làm toàn quyền Đông Dương thay Catroux (bỏ theo kháng chiến Pháp). Toàn quyền Decoux ký thỏa ước 20/6/1940 với Nhật, để Nhật được có 25,000 quân trên toàn cõi Đông Dương. Pháp gặp tình thế khó khăn phải đương đầu với quân Phiệt Nhật như thế đồng thời phải đối phó tế nhị với cao trào ái quốc của người Việt. Theo chỉ thị của toàn quyền Decoux, đại tá Ducouroy được giao phó tổ chức phong trào “Khỏe để phụng sự” (!). Chính quyền lập ra các Trường Đào Tạo Huấn Luyện Viên Thể Dục Đông Dương và Trường Đào Tạo Cán Bộ Thanh Niên, ở Phan Thiết. Cùng thời điểm nầy phong trào Hướng đạo cũng có mặt ở Việt Nam. Pháp mong các phong trào ấy có thể gây cho tuổi trẻ Việt Nam thị hiếu là yêu thích” rèn luyện thân thể, “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” và cuộc sống tốt đẹp của hướng đạo sinh để phai mờ đi tinh thần ái quốc của họ! Tiếp theo đó, phong trào Thanh Niên Tiền Phong cũng được phát động rầm rộ cùng mục đích rèn tính tháo vác, biết trách nhiệm, danh dự, giúp ích cho xã hội. Cờ Thanh Niên Tiền Phong là cờ vàng có ngôi sao đỏ ở giữa. Nón của TNTP cũng giống như nón của hướng đạo nhưng là nón đệm (nón rơm) rộng vành, bốn chúm ở chóp, có gắn ngôi sao đỏ (thiếu niên được gắn ngôi sao xanh), đồng phục sơ mi trắng, quần sọt (short) xanh dương, đi dép, võ trang tầm vông vạt nhọn. TNTP đã tập họp được những trí thức như Tạ Quang Bửu, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thành Minh, Phạm Biểu Tâm, Phạm Ngọc Thạch, Cung Giũ Nguyên v.v… Lúc bấy giờ, phong trào đua xe đạp Bắc Nam với phượng hoàng Lê Thành Các là hình ảnh ái mộ của mọi người. Về đá banh, nức tiếng là thủ môn Tịnh Trong tình hình như thế, đất Cao Lãnh cũng đã đón nhận nhiều sinh hoạt sôi động theo thời cuộc của cả nước. Ở sân banh cạnh nhà thương và sân trường học có những đêm đốt lửa trại của hướng đạo. Còn nhớ, lúc ấy, học trò ngoài bài quốc ca Pháp (La Marseillaise) còn phải học thêm bài Maréchal Pétain để hát chào cờ (“Maréchal, nous voilà, devant toi, l’espérance…”). Hình ảnh những lực sĩ đẹp với các bắp thịt rắn chắc như hình của Xếp Núi, Xếp Khỏe là những huấn luyện viên xuất thân từ Trường Thể Dục Phan Thiết đều được mọi người trầm trồ khen ngợi. Những bài hát Lên Đàng. Gieo ánh sáng, Đời sống mới, Tiếng gọi sinh viên, Sơn tinh Thủy tinh, Trầu cau được yêu thích, được dạy cho học sinh đồng ca hay diễn kịch (Sơn tinh, Thủy tinh, Tích Trầu cau). Bên kia ngả tư, trước nhà tôi, cách một đường đất của nhà bà sáu Gấm, một Vận động trường khá lớn được xây cất vào năm 1943, với chiều ngang 200m, chiều dài 400m, có một khán đài được kiến trúc mỹ thuật mà bên dưới là chỗ thay y phục cho các cầu thủ trước khi ra sân. Trong vận động trường có những sân bóng tròn, bóng rổ, bóng chuyền theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Sân cũng có đường chạy vòng quanh sân đá bóng, có khu ném tạ, có hố nhảy xa, nhảy cao, có các trụ với đà ngang, đà dọc, trụ treo các dây leo. Cổng vào kiến trúc bằng bốn cột tròn to lớn, bên trên là biển mang tên “Vận Động Trường Đỗ Công Tường.”. Phải ghi nhận công lao thành lập sân vận động này là công sức của Hội Thanh Niên Tiền Phong đóng góp rất nhiều. Trong các trận đấu bóng tròn đều có bán vé vào cửa, để gây quỹ cho các sinh hoạt thể thao trong quận nên chung quanh sân có một vòng rào che kín khỏi đầu người (về phía đường lộ, hàng rào bằng ván còn các phía khác bằng cây me nước). Các đội túc cầu không còn đá banh với chân bó vải mà đã có đủ giày vớ, đi dự tranh với các đội của những tỉnh khác như Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Gíá, Trà Vinh. Đội banh Cao Lãnh có thủ môn Cẩm (con rễ của cậu Ba Giáo) được khen ngợi về tài giữ vững khuôn thành của đội nhà. Vòng quanh sân bóng tròn là đường chạy bộ nhưng thỉnh thoảng cũng tổ chức đua ngựa. Dân Cao Lãnh, ai cũng biết một nữ “jockey” là chị Tốt vì chị là người thắng giải nhất của một lần đua ngựa và về sau chị bán chè nên chị được bà con gọi là “chị Bảy Chè” hay “Bà Chè”. Lúc ấy, Cao Lãnh còn có một hồ bơi ở bên kia Cầu Đúc, gần nhà bác sĩ Lư và trên bờ là Hội Quán Thanh Niên Tiền Phong. Trong các dịp lễ, có những trận tranh tài bơi lội tại hồ hay lội đua đường trường, đua thuyền của các làng dọc sông Cao Lãnh. Vui nhất có lẽ là có những giải thưởng treo ở đầu ngoài của cây cau bào láng, thoa mỡ bò, đặt nằm ngang đưa ra bờ sông để người tham dự đi ra lấy giải (người đi, cây nhúng nhảy nhấp nhô, nên bị trơn tuột té xuống nước lia chia!), còn thêm có cuộc thả vịt ra sông để thanh niên thi nhau rượt bắt rất vui nhộn. Sau khi phong trào Thanh Niên Tiền Phong ra mắt, việc cấm dùng tiếng Pháp được phát động. Còn nhớ ở lớp học, giờ “học tiếng” (vocabulaire), thầy cũng dùng bài dạy “học tiếng” từ bài bằng tiếng Pháp rồi dịch ra tiếng Việt để dạy học sinh, dù phần nhiều những tiếng ấy, quá thông dụng với học sinh VN nên đâu cần phải học, cũng như có những từ mà thầy cũng không biết phải dịch qua tiếng Việt như thế nào nên thầy, để khỏi vi phạm lệnh cấm, trên bàn thầy luôn có từ điển để tra cứu. Khi đó, tình trạng chống Pháp càng thêm “quyết liệt”, ở ngã tư, trước nhà tôi, mỗi sáng đều có người đứng khám, nếu ai có mang dấu hiệu “tam sắc” (cờ Pháp) là bị phạt. Xin thưa, lúc ấy, các bà, các cô khi đi đường, đều đội đầu với khăn rằn, còn những người khá giả thi dùng khăn bàn (khăn lông, thứ mà ngày nay chỉ dùng để tắm rửa!). Thường các khăn lông này sản xuất ở Pháp nên ngoài biên khăn thường có chạy chỉ xanh trắng đỏ. Nếu ai còn dùng khăn có ba màu đó cũng bị phạt. Khi chuyện trò cũng không được chen tiếng Pháp như thói quen. Thời gian nầy, ngưởi ta đã xử tử chú Cò Thể ở sân vận động mà chúng tôi nghe nói do chú ấy bơi xuồng ra tàu Pháp để bán mấy con vịt. Chú bị gán tội liên lạc thông tin cho Pháp!. Sau việc nầy, đội “banh chuối” (trái banh làm bằng lá chuối khô bó lại) của chúng tôi không dám chơi banh ngay chỗ đã hành quyết chú và ngay cả banh văng đến đó cũng không đứa nào dám lượm! Đêm 09/03/1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tại Cao Lãnh, quận trưởng Đỗ văn Công rời nhiệm sở, lính “mã tà” cũng rã ngũ. “Nhứt nhựt vô vương đảo quyền thiên hạ” nên mọi người đồng thanh đưa ông Lê Quang Hiển lên làm Chủ Quận lâm thời. Ba tháng sau đó mới có ông phủ Bùi Quang Ân đến thay thế Một buổi trưa, tại chợ Cao Lãnh, một người Việt trong võ phục Nhật xuống xe tự xưng là Tổng Đốc Lưỡng Tỉnh (Sa Đéc & Long Xuyên) ra lệnh nhà hội Mỹ Trà đánh trống để kêu gọi dân đến nghe ông nói chuyện và trước khi ra về, ông tuyên bố “Dân chúng có quyền “Ơn trả ơn, oán trả oán!”. Liền tối hôm ấy, một nhóm ngưới với gậy gộc, dao mác, đuốc sáng rực kéo đi từ Vàm Tân Thuận Tây, nơi đây, họ đã đập phá nhà bác cai tổng Bùi Tứ Di và khi đến làng Hòa An, tới nhà bác Cả Phẩm, bên kia sông, ngang nhà chúng tôi, họ cũng vào đập phá. Có lẽ, sau khi nghe vị võ quan lưỡng tỉnh tuyên bố, những ai có dính líu chức vụ làng xã trước đó đều e ngại nên về đêm, ba tôi đã cho má con tôi ra trốn ở nhà cô năm Ý (má anh hai Nô), là ngôi nhà lá nằm chen giữa nhà chú hai Lý và nhà chúng tôi. Khi họ đập phá nhà bác cả Phẩm, má con tôi đều nghe rõ tiếng la ó của họ, rồi sau đó là im lặng cho mãi đến sáng hôm sau mới biết được chợ Cao Lãnh không bị họ đốt và nhà các viên chức của làng bên phía Mỹ Trà bình an. Mãi sau nầy, chúng tôi mới rõ nguyên do là vị thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong đã cho quay Cầu Đúc lên nên họ không qua bên Mỹ Trà được. Khi đọc sách của nhạc gia chúng tôi, chúng tôi còn biết thêm với vai trò thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong, chính ông đã cho quay Cầu Đúc lên nên đoàn người nầy không qua được phía chợ để đốt chợ, phá nhà thế nên ông suýt bị họ “mổ bụng dồn trấu”. Ngoài ra, cũng có người bảo rằng, những người nầy trước kia, là đảng viên cộng sản bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, giờ được Nhật thả họ về đất liền, nên họ kéo đi đập phá công thự và tìm “kẻ đã theo Pháp”, tức ai có làm việc dưới thời Pháp thuộc để trả thù xưa. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, trong đó có Trung Quốc. Người Hoa tại Cao Lãnh tổ chức ăn mừng rất lớn. Việc nầy, trong bài viết của giáo sư Lưu Khôn đã có ghi rõ, tôi xin tiếp bút, đây là một trong các cuộc vui ở xứ Cao Lãnh quê mùa vì đêm hoa đăng nầy đã làm đường phố Cao Lãnh rất nhộn nhịp, do bà con từ các làng quanh quận rủ nhau đi xem đốt pháo bông, một chuyện mà ít xảy ra tại Cao Lãnh. Đêm ấy, pháo nổ vang trên Cầu Đúc, tiếp theo pháo nổ là pháo bông, đặc biệt, lúc đó pháo bông cháy làm rực sáng cả hai thành cầu và thành cầu phía bên chợ, một vòng pháo bông cháy tạo thành một khung chữ nhật thì xuất hiện ảnh lãnh tụ Tôn Dật Tiên trong khung đó khiến bà con vỗ tay rầt lâu, riêng thằng bé con được xem đêm hôm đó, đã qua gần bảy mươi năm rồi, khi nhắc lại vẫn nhớ cái khung ảnh ấy. Trong giai đoạn nầy, Cao Lãnh cũng được đón tiếp Đức Huỳnh Phú Sổ, giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo. Đạo PGHH được khai sáng năm 1939 tại làng Hòa Hảo, Tân Châu, Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang), Đạo lấy pháp môn Tịnh độ làm căn bản, chủ trương tu tại gia, cứu giúp người nghèo. Trang thờ có Trần Điều, trước nhà có bàn Thông Thiên. Người tu niệm “Lục tự Di Đà” (Nam Mô A Di Đà Phật) và nghe Sấm Giảng. Đức Huỳnh Phú Sổ, sanh ngày 15/1/1920 (25/11 Kỷ Mùi) tại làng Hòa Hảo. Thân phụ là Đức Ông Huỳnh Công Bộ. Tính đến năm 2009 có 1,433,252 tín đồ, phần đông ở Miền Tây Nam Bộ (An Giang có 936,974 tín đồ, 44% dân số tỉnh, 65% tín đồ cả nước Cần Thơ có 227,117 tín đồ Đồng Tháp có 196,143 tín đồ). Xin ghi lại câu chuyện của lần chúng tôi được thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ: “ Lúc bấy giờ, bến sông nhà tôi có cây cầu lủi gần giống như Cầu lủi của chợ Cao Lãnh làm nhiều bà con từ các làng ra đi chợ thường ghé xuồng lầm vô bến nầy nên ba chúng tôi có để bảng cho biết là bến tư nhân, thế mà một buổi xế chiều, năm sáu chiếc xuồng tam bản, chở nhiều bó gậy tầm vông, chẳng những ghé bến mà còn bơi sâu vô mương nhà. Tôi rất ngạc nhiên nhưng tôi nhận ra đó là những bà con quê ngoại (các cậu, các dì ở xóm ngoại tôi). Các bó gậy tầm vông được đem dựng phía chái nhà sau. Má tôi nói là bà con gởi đó để làm công chuyện. Sáng sớm hôm sau, cũng những chiếc xuồng ấy lại ghé bến nhà tôi nữa, lần nầy thì chở nhiều cần xé bánh tét (loại nhỏ bằng cổ tay) và khi trời sáng tỏ, thì đưa các cần xé bánh ấy ra để dài bên mé đường lộ, phát cho mọi người. Má tôi nói, hôm nay có lễ…Thưa rằng, lúc đó, tôi và các bạn tôi, trong đội “banh chuối” được cho ăn bánh tét no nê!. Ngoài đường, người rất đông. Những gậy tầm vông kia được các anh trai trẻ cầm giữ, tạo thành hàng rào hai bên đường. Khoảng 9g30 sáng, tiếng loa tay từ phía ngả tư Lầu Mười Chuyển vang lên “Đức Thầy đến” một vài lần. Lạ lùng thay, mọi người đang trò chuyện ồn ào bổng tất cả đều im lặng.Từ hướng chợ, một đoàn người với áo dài khăn đóng rất chỉnh tề đi tới, ở giữa là một thanh niên, tóc hớt “bum-bê” (không đội khăn đóng), mặc áo dài đen. Ông có dáng người cao ráo, lưng hơi “tôm”, ánh mắt hiền từ nhưng nghiêm trang thong thả bước đi và khi cả đoàn đến đâu là khoảng đó, mọi người đều quì xuống, giúp tôi càng nhìn được rõ ông hơn. Tôi nghe chung quanh tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Lúc đó, người lớn nói nhỏ cho chúng tôi biết đó là Đức Thầy. Đức Thầy đi vào Vận Động Trường… Sự kiện nầy, bà con có đạo trong quận coi đây là diểm phúc. Sau đó không lâu, khi chúng tôi về ngoại, tôi thấy các ông (em của ông ngoại tôi là những người có đạo nầy), thì thầm rồi các ông tôi đã khóc. Và cứ ít hôm, ông Tám tôi thường bơi xuồng đi qua Cồn Lân, Cồn Chài… sau nhiều lần như thế là ông Tám tôi đi rồi không về. Bà Tám lập bàn thờ ông Tám tôi. Thời gian nầy, vải vóc quá hiếm, gia đình chúng tôi có nuôi tằm để dệt lụa cho có vải may mặc nhưng sông Cao Lãnh, thỉnh thoảng có xác người trôi. Những tằm nuôi ở nhà chúng tôi, bị chết từng nông. Việc nuôi tằm phải dẹp đi. Trước cảnh người bị giết quá dễ dàng và xảy ra ngày càng nhiều, làm ai cũng sợ, nhất là ba chúng tôi, dù đã là “cựu hương chức” cũng có thể bị họ “để ý” nên gia đình chúng tôi không dám ở tại nhà, phải tản cư lên nhà ông tư Hoằng, bên cạnh cầu Mỹ Ngãi. Không lâu sau đó đến lúc ba tôi quay về thăm nhà thì là lúc nhà đã bị Đệ Tam Sư Đoàn chiếm đóng (cùng lúc với nhà bác tám Trần Văn Tây của chúng tôi). Chưa hết, một trưa, chiếc ghe hầu mà ba tôi dùng chở bà nội tôi đi lánh nạn, đang đậu dưới bến sông nhà ông tư, viên chức ấp sở tại đưa một người mặc quân phục kaki vàng xưng là lính Đệ Tam Sư Đoàn, vào hỏi ba tôi để “mượn” chiếc ghe nầy! Thế là mất ghe! Tại nhà chúng tôi, lính Đệ tam sư đoàn tha hồ xay lúa, giã gạo từ vựa lúa của gia đình chúng tôi. Tất nhiên mọi vật dụng trong nhà cũng được họ “chiếu cố” thoải mái. Có lần theo ba về thăm nhà, họ còn dụ tôi ở lại để tối đó họ đưa đi coi họ chặt đầu Việt gian!!! Khi Đệ tam sư đoàn rút đi, gia đình chúng tôi vừa trở lại nhà thì không bao lâu, Pháp quay lại đóng quân tại Cao Lãnh. Tình hình Cao Lãnh càng thêm đen tối. Việt Minh thường đến “cắt bùm” tới lầu Mười Chuyển, để an toàn, bà con quanh vùng phải kéo đến ngủ chật nhà chúng tôi. Rồi ông Phạm Hữu Lầu (Việt Minh) lệnh cho ba tôi phải đục phá vách tường nhà để họ ẩn núp và di chuyển khi đêm tối nào mà họ vô bắn phá Lầu Mười Chuyển, nhưng vách nhà xây gạch ba mươi không phá nổi, ba tôi bị họ cảnh cáo cũng đành chịu trận và bà con cũng sợ, đêm tối cũng bớt người ngủ nhờ nhà chúng tôi. Lúc nầy, lầu Mười Chuyển trở thành nơi đóng quân của Xếp Nghiêm và Xếp Phấn. Đây là hai hung thần cùa dân Cao Lãnh, vì hay bằt dân rồi đánh đập khảo tiền của. Sau khi Xếp Phấn bị ám sát, Xếp Nghiêm càng hung hăng thêm! Lâu lâu, Xếp Nghiêm, hai tay cầm hai khẩu súng lục, đi vào nhà chúng tôi, “xin phép” xuống bến sông để nhìn qua nhà ông ta (Xếp Nghiêm là con của bác Cả Phẩm, Hòa An) và khi rời nhà chúng tôi thì “mời” ba tôi hoặc có khi luôn cả tôi, đi theo ông ta về lầu Mười Chuyển, bắt ngồi đó cho đến xế chiều để vòi tiển. Vì nhiều lần như thế, ba tôi phải gởi tôi xuống nhà bà con ở Tịnh Thới tránh mặt cho đến khi ông ta bị Việt Minh bắn chết ở dốc Cầu Đúc, tôi mới được cho trở về nhà. Rồi tình hình Cao Lãnh càng nguy kịch, gia đình chúng tôi cũng như nhiều nhà khác phải đi tản cư lần nửa. Việt Minh đốt phá nhiều căn phố ngay tại chợ, Cầu Nhà Thương cũng bị cháy. Ít lâu sau, vì nhà tôi là nơi Việt Minh thường làm nơi ẩn núp để bắn phá lầu Mười Chuyển nên Pháp đã đặt mìn nổ sập. Khi ấy, gia đình chúng tôi đang tản cư về Tân Thuận Tây, ngụ tại nhà ngoại chúng tôi. Rồi nơi đây cũng bị tàu Pháp từ miệt Chợ Mới chạy xuống, ngừng ở đầu các cồn, xả súng loại 12 ly 7, bắn bừa bãi dọc hai bờ sông Tiền. Gia đình chúng tôi lại phải chạy tản cư vô tận rạch Cái Bèo (Mỹ Quí, Tháp Mười). Lần tản cư nầy cho chúng tôi thấu hiểu cảnh cơ cực của cuộc sống nơi “bưng biền”! Từ giữa năm 1947, tình trạng càng thêm bi đát. Theo lời của nhạc gia tôi kể lại là Pháp co cụm trong thành trại, phía Hòa An, sẵn sàng tác xạ qua phía phố chợ. Đa số dân Cao Lãnh đành bỏ nhà cửa đi tản cư. Khi đó, Pháp có ý định rời bỏ Cao Lãnh. Họ đã dùng giải pháp cuối cùng là cho lính Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo từ Sa Đéc, sử dụng ghe chài di chuyển và đổ bộ lên Cao Lãnh vào chiều mồng sáu tháng bảy âm lịch năm 1947. Việt Minh bèn khủng bố tín đồ của hai đạo nầy ở các làng trong quận. Dân có đạo phải bỏ tài sản, nhà cửa ra sống quanh Cao Lãnh. Họ chen chúc và trú ngụ nơi các nhà mà chủ đã tản cư. Sống thiếu thốn, chật chội, tình trạng mất vệ sinh lúc đó khiến xảy ra các bệnh truyền nhiểm làm nhiều người chết, trong suốt ba bốn tháng, mãi đến khi tình thế tạm ổn định, họ lo tạo dựng nhà cừa, và bệnh hiểm nghèo cũng lui dần. Theo sự phân chia, khu vực, tín đồ Cao Đài cư trú từ phố dưới chợ xuống đến chùa Phật, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cư trú từ phố trên qua cầu Đúc đến Xép Lá. Mỗi bên đều được sự bảo vệ an ninh của các đơn vị quân sự của đạo mình. Từ tình hình nầy, nhà cửa mọc lên san sát khắp quận lỵ, xóa đi hình ảnh trống vắng lúc trước. Chúng tôi đã cồ gắng ghi lại những gì nhớ được của thời mình sống nơi quê nhà, từ lúc Cao Lãnh còn là một thành phồ nhỏ, “đi quanh quẩn lại quay về chốn cũ”. Đến nay, có biết bao đổi thay, những hình ảnh năm xưa, ngoài thực tế đã đổi thay rất nhiều có nơi các cảnh xưa ấy không còn nữa, nếu còn chăng là những kỷ niệm ở mỗi người. Xin thưa rằng, khi ghi những sự việc nầy, tôi đã mạn phép ghi tên các ông bà, các cô chú, các anh chị, các bạn bè vào đây với cả tâm tình quí mến và kính trọng của một đứa con Cao Lãnh. Tôi xin phép phải ghi như thế vì những tên tuổi nầy đã rất thân quen của mọi bà con quê nhà mà mỗi khi nhắc đến ai, chúng ta biết câu chuyện đó ở đâu, ở chỗ nào trong cái quận Cao Lãnh thân thương của chúng ta. Thời gian các chuyện cũng đi qua lâu rồi, tuổi chúng tôi cũng cao, hay quên trước quên sau nên cũng có nhiều sai sót, lẫn lộn. Chúng tôi rất mong bà con Cao Lãnh hiểu mà thông cảm, tha thứ và chỉ dạy thêm cho chúng tôi. Kính mến và đa tạ. Trần văn Miêng Chú thích: (1) Tước hiệu của Công Nữ Ngọc Vạn này được ghi theo Nguyễn Thanh trong “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất Phương Nam” Đặc san Đồng Tháp số 24 (9/2008), trang 39. (2) Về thời điểm người Việt đầu tiên đến Cao Lãnh: a) Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. b) b) Nguyễn văn Khậy trong “Kampuchia trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương” ghi: “Chúa Nguyễn cho quân của Dương Ngạn Địch…đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy)…” Thực tế, không rõ khi xưa thế nào chứ nay thì Cao Lãnh ở rất xa Cai Lậy và nếu người Hoa đến Cao Lãnh năm 1679 như phía trên đoạn nầy đã ghi thì chúng tôi trộm nghĩ là người Việt có lẽ phải có mặt nơi đây trước năm đó. c) Trong “Cao Lãnh đến năm 1954” của Trần Quang Hạo, từ trang 73 đến trang 83, có nói về Bia Tiền hiền làng Mỹ trà (hình mộ bia, bản Hán Việt và bản dịch tiếng Việt. Bản Việt văn này do ông Nguyễn văn Vẹn dịch, có ghi như sau:”…Nghe chừng trong đời vua Gia Long, thế hệ người ở Qui Nhơn đến ở đất nầy, xưa xưng hiệu là Bả Canh…..công lớn lâu dài, đến nay rõ rệt như vậy.” Có lẽ các vị hương chức Mỹ Trà, khi làm bia, chỉ ghi theo chuyện kể của các kỳ lão mà không quan tâm về niên đại xảy ra của chuyện, chỉ cho là khi ấy “trong đời vua Gia Long” là có nghĩa lâu rồi như chúng ta thường nghe, muốn nói cái gì xưa là “nói chuyện xưa từ đời Gia Long tẩu quốc”. (3) Đồng Tháp Đất và Người Tập II, trang 45. (4) Trần Quang Hạo, sđd, trang20. (5) 21 tỉnh của Nam Kỳ: Gia định Châu đốc Hà tiên Rạch giá – Trà vinh Sa đéc Bến tre Long xuyên Tân an – Sóc trăng – Thủ dầu một – Tây ninh – Biên hòa – Mỹ tho – Bà rịa – Chợ lớn – Vĩnh long – Gò công – Cần thơ – Bạc liêu – Cấp (Cap Saint Jacques tức Vũng tàu ngày nay) (6) Hồng Hoàng là tàu của anh chị chúng tôi, anh chị đã lấy tên con trai của anh chị mà đặt tên cho tàu. Hiện gia đình cháu Hồng Hoàng đang sống ở đường Phạm Thế Hiển quận 8, Sàigòn. (7) Trần Quang Hạo, sđd, trang 87. (8) Trần Quang Hạo, sđd, trang 94. (9) Thống chế Philippe Pétain là người hùng trong trận chiến Verdun (thế chiến 1914-18). Khi Đức Quốc Xã chiếm nước Pháp, ông, với chức vụ Quốc Trưởng chấp nhận hợp tác với Hitler (28/10/1940). Lúc Đức thua, Pétain từ Thụy Sĩ trở về Pháp, bị tòa án tối cao xử tử hình nhưng được giảm thành tù chung thân. Trong phiên tòa, ông giữ im lặng, đến lúc cuối, ông chỉ nói “Hành động của tôi hãy để cho lịch sử phán xét”. Ông bị đày ra đảo d’Yeu ngoài Đại Tây Dương và từ trần 6 năm sau (1951). Tướng De Gaulle không cho phép đem linh cửu ông về cải táng ở quê quán của ông (Cauchy à la Tour) dù rằng tướng De Gaulle đã từng dưới quyền của Pétain. Dư luận cho rằng Pétain đã tránh cho Paris khỏi bị tàn phá và bị làm vật tế thần (nhưng không ai có thể chấp nhận việc ông hợp tác với hai hung thần Hitler và Mussolini!) Tài Liệu Tham Khảo: 1. Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Đồng Tháp: “Đồng Tháp 300 năm”. “Đồng Tháp Đất & Người “, tập II, 21/12/2009. “Đồng Tháp Xưa & Nay”, số 23 (5/2008) và số 28 (1/2010) 2. Trần Quang Hạo: (Các sách đều do tác giả xuất bản) “Cao Lãnh đến năm 1954” “Hồi ký (Một Kiếp Nhân Sinh)” “Cao Lãnh Vùng Địa Linh Nhân Kiệt”. 3. Nguyễn văn Khậy: “Kampuchia Trong Bối Cảnh Chiến Tranh Đông Dương” – Tác giả xuất bản. 4. Lưu Khôn, “Cao Lãnh vào những năm 45-46”, Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, số 5, năm 2011.