Tập Truyện Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục I. Giới Thiệu Sidney Sheldon II. Tác Phẩm 01. m Mưu Ngày Tận Thế 02. Bầu Trời Sụp Đổ 03. Bóng Tối Kinh Hoàng 04. Cát Bụi Thời Gian 05. Dòng Máu 06. Dưới Ánh Sao 07. Hãy Kể Về Giấc Mơ Của Em 08. Kế Hoạch Hoàn Hảo 09. Không Có Gì Mãi Mãi 10. Ký Ức Nửa Đêm 11. Lộ Mặt 12. Nếu Còn Có Ngày Mai 13. Người Lạ Trong Gương 14. Phía Bên Kia Nửa Đêm 15. Sáng Trưa Đêm 16. Sao Chiếu Mệnh 17. Sứ Giả Của Thần Chết 18. Tay Cự Phách 19. Thiên Thần Nổi Giận 20. Truy Lùng. Sidney Sheldon http://vi.wikipedia.org/wiki/Sidney_Sheldon Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục 1 Tiểu sử 2 Các tác phẩm của Sidney Sheldon 2.1 Tiểu thuyết 2.2 Kịch 2.3 Phim 1 Tiểu sử Sidney Sheldon (11 tháng 2 năm 1917 - 30 tháng 1 năm 2007), là một tiểu thuyết gia người Mỹ, đoạt giải của Viện Hàn Lâm nghệ thuật Mỹ, ông còn là một kịch tác gia và một người viết kịch bản phim và chương trình truyền hình chuyên nghiệp. Sheldon sinh tại Chicago, Illinois, với tên khai sinh là Sidney Schechtel, có bố là người Do Thái gốc Đức, mẹ là gốc Nga. Nhà văn người Mỹ này có 2 đời vợ. Ông sống với diễn viên Jorja Curtright Sheldon hơn 30 năm, cho tới khi bà qua đời năm 1985. Bốn năm sau, Sidney Sheldon tái hôn với Alexandra Kostoff, người từng đóng phim khi còn nhỏ và hoạt động trong ngành quảng cáo. Ông là cha của nhà văn nữ Mary Sheldon. Trải qua một tuổi thơ khốn khó và nhờ đó mà kinh nghiệm, vốn sống của ông vô cùng phong phú, là điểm tựa cho ông viết nên những bộ tiểu thuyết hay nhất và đi sâu vào lòng người. Lớn lên trong thời kỳ Đại khủng hoảng, cha mẹ ông chỉ học đến lớp ba và hầu như không đọc sách, Sheldon xem sự thành công trong viết lách của mình là một điều giống như phép lạ. Phần lớn tác phẩm của ông thuộc thể loại trinh thám, hình sự, tình cảm, và đều thuộc hàng best-seller. Các tác phẩm như Rage of Angels (Thiên thần nổi giận), The Other Side of Midnight (Phía bên kia nửa đêm), If Tomorrow Comes (Nếu còn có ngày mai)... đã làm nên tên tuổi Sheldon. Với cốt truyện ly kỳ, hồi hộp, gây thích thú, những quyển sách này đã lôi kéo khá đông độc giả đến với Sheldon. “Tôi cố gắng viết sao cho sách của mình hấp dẫn để độc giả không thể buông nó xuống”, Sheldon giải thích trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1982. “Tôi cố gắng xây dựng chúng sao cho độc giả khi đọc xong một chương, họ phải đọc thêm một chương nữa". Phân tích vì sao có khá nhiều phụ nữ tìm mua sách mình, ông bình luận: “Tôi thích viết về phụ nữ, những người giỏi giang, có tài, tuy nhiên điều quan trọng nhất là họ vẫn giữ được nữ tính”. Không như nhiều nhà viết tiểu thuyết khác cần cù bên máy đánh chữ hoặc máy vi tính, Sheldon đọc cho một thư ký viết hoặc ghi âm mỗi ngày 50 trang. Ngày hôm sau ông sửa các trang viết, tiếp tục công việc cho đến khi có được 1.200-1.500 trang viết. “Sau đó tôi viết lại 12-15 lần. Có khi tôi mất cả năm để viết lại”, ông kể. Sheldon bắt đầu viết lách tại Chicago, nơi ông chào đời ngày 11-2-1917. Năm lên 10, ông "kinh doanh" tác phẩm đầu tiên, một bài thơ, và được trả 10 USD. Ông đã xuất bản 18 tiểu thuyết, bán ra đến 300 triệu bản, và là tác giả sách nổi bật nhất trong nhiều thập kỷ. Các bản dịch tác phẩm sang 71 ngôn ngữ ở 180 quốc gia giúp ông được Sách Kỷ lục Guinness công nhận là “tác giả được dịch nhiều nhất thế giới”. Tuy nhiên, trước khi sự nghiệp văn chương khởi sắc ở độ tuổi ngũ tuần, tác giả gốc Chicago này đã để lại dấu ấn trong làng điện ảnh truyền hình Hollywood và sân khấu kịch Broadway. Đặt chân đến Los Angeles năm 17 tuổi, Sheldon khởi nghiệp bằng công việc đọc kịch bản tại những xưởng phim lớn. Đến năm 25, ông có 3 nhạc kịch thành công lớn tại Broadway. 5 năm sau, vào năm 1948, ông nhận giải Oscar Kịch bản gốc xuất sắc trong phim The Bachelor and the Bobby Soxer (với sự diễn xuất của hai ngôi sao Cary Grant và Myrna Loy). Đây là thành công rực rỡ nhất của ông. Ông còn đoạt giải Tony Award cho vở nhạc kịch Rehead (1957) nổi tiếng của sân khấu kịch Broadway và giải Emmy cho Dream of Jeannie (1967). Là người viết kịch bản phim cho cả MGM và Paramount Pictures, Sheldon tiếp tục cho ra đời 25 kịch bản phim gồm Easter Parade (do Judy Garland và Fred Astaire thủ vai chính), Annie Get Your Gun, Jumbo và Anything Goes (có sự góp mặt của Bing Crosby). Năm 1963, ông chuyển sang ngành công nghiệp truyền hình còn non trẻ bằng việc biên kịch cho chương trình The Patty Duke Show. Tiếp tục vào năm 1964, ông sáng tác, sản xuất và biên kịch chương trình thành công vang dội lúc bấy giờ I Dream of Jeannie. Năm 2005, ông viết quyển tự truyện The Other Side of Me, trong đó có đưa ra một cái nhìn thoáng qua hiếm hoi về cuộc đời các ngôi sao như Grant, Garland. Ông qua đời tại bệnh viện Eisenhower ở thành phố Rancho Mirage thuộc bang California, Hoa Kỳ và thọ 89 tuổi. Ước tính tổng tài sản sau khi qua đời của Sidney Sheldon là 3 tỷ USD 2 Các tác phẩm của Sidney Sheldon 2.1 Tiểu thuyết 01. The Naked Face (1970) - Lộ mặt 02. The Other Side of Midnight (1973) - Phia bên kia nửa đêm 03. A Stranger in the Mirror (1976) - Người lạ trong gương 04. Bloodline (1977) - Dòng máu 05. Rage of Angels (1980) - Thiên thần nổi giận 06. Master of the Game (1982) - Người đàn bà quỷ quyệt 07. If Tomorrow Comes (1985) - Nếu còn có ngày mai 08. Windmills of the Gods (1987) - Sứ giả của thần chết 09. The Sands of Time (1988) - Cát bụi thời gian 10. Memories of Midnight (1990) - Kí ức lúc nửa đêm 11. The Doomsday Conspiracy (1991) - m mưu ngày tận thế 12. The Stars Shine Down (1992) - Sao chiếu mệnh 13. Nothing Lasts Forever (1994) - Không có gì là mãi mãi 14. Morning, Noon and Night (1995) - Sáng, trưa và đêm 15. The Best Laid Plans (1997) - Kế hoạch hoàn hảo 16. Tell Me Your Dreams (1998) - Hãy kể giấc mơ của em 17. The Sky is Falling (2001) - Bầu trời sụp đổ 18. Are You Afraid of the Dark? (2004) - Bóng tối kinh hoàng 2.2 Kịch 01. Rehead (1957) 02. Dream of Jeannie (1967) 2.3 Phim 01. The Bachelor and the Bobby Soxer 02. Easter Parade 03. Annie Get Your Gun, Jumbo và Anything Goe Hết m Mưu Ngày Tận Thế Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Mở Đầu Uctendort. Thuỵ Sĩ Chủ nhật, 14 tháng Mười, lúc 15 giờ 00 Các nhân chứng đứng trên rìa hiện trường, nhìn trân trối trong im lặng, không thể nói gì vì quá sửng sốt. Quang cảnh trước mắt họ thật kỳ dị, một cơn ác mộng hoang sơ xuất xứ từ đâu đó sâu kín, tối tăm trong tiềm thức tập thể của người nguyên thuỷ. Mỗi nhân chứng có một phản ứng khác nhau. Người thứ nhất ngất đi. Người thứ hai nôn oẹ. Một phụ nữ run lên bần bật. Một người khác thì nghĩ: Mình sắp lên cơn đau tim mất. Vị tu sĩ già nắm lấy chuỗi hạt và đưa tay làm dấu. Hãy giúp con, thưa Cha. Hãy giúp tất cả chúng con. Hãy che chở cho chúng con trước sự hiện hình của quỷ dữ. Sau cùng thì tất cả chúng con đều đã nhìn thấy bộ mặt của Satăng. Đó là ngày tận thế. Ngày phán xử đã đến. Trận chiến cuối cùng là đây… Trận chiến đấu cuối cùng… Trận chiến đấu cuối cùng giữa cái thiện và cái ác. Chương 01 Ngày thứ nhất. Thứ hai, 15 tháng Mười - Anh lại thấy mình trong cái quân y viện chật chội ở căn cứ Củ Chi, Việt Nam và Susan đang cúi người trên giường anh, trông thật đáng yêu trong chiếc áo choàng trắng, thì thầm, "Tỉnh dậy nào, chàng thuỷ thủ. Anh đâu có muốn chết!". Và khi nghe thấy giọng nói đầy quyến rũ của cô, anh gần như quên đi sự đau đớn của mình. Cô đang thì thầm điều gì đó nữa bên tai anh, nhưng một cái chuông nào đó đang réo vang, và anh không thể nghe rõ cô nói gì. Anh đưa tay kéo cô lại gần nhưng bàn tay chỉ quờ vào một khoảng không. Chính tiếng chuông điện thoại đã làm Robert Bellamy tỉnh hẳn. Anh miễn cưỡng mở mắt, không muốn giấc mơ qua đi. Chiếc điện thoại bên cạnh giường vẫn réo dai dẳng. Anh nhìn đồng hồ, 4 giờ sáng. Anh chụp lấy máy, bực bội vì ngủ dỡ mắt, giấc mơ ngắt quãng. - Quỷ quái thật, có biết mới là mấy giờ không hả? - Ông chỉ huy Bellamy phải không? - Phải. - Tôi có một tin báo cho ông, ông chỉ huy. Ông được lệnh phải trình diện tướng Hilliard tại trụ sở Cục An ninh Quốc gia (NSA) ở FortMeade vào đúng 6 giờ sáng. Ông đã nghe rõ chưa, thưa ông chỉ huy? - Rồi. Và chưa. Phần lớn là chưa rõ. Robert Bellamy chậm chạp đặt ống nghe xuống, trầm ngâm. Chuyện quái gì mà NSA đòi anh thế nhỉ? Và chuyện gì gấp gáp đến mức phải gặp vào lúc 6 giờ sáng? Anh lại nằm xuống và nhắm mắt lại, cố tìm lại giấc mơ. Giấc mơ giống như thật. Tất nhiên anh biết điều gì đã khiến giấc mơ xuất hiện. Susan vừa gọi điện cho anh tối hôm trước. - Robert… Như từ bao giờ vẫn vậy, giọng nói của cô luôn có tác động đến anh. Anh run run thở mạnh. - Chào Susan. - Mọi chuyện bình thường cả chứ, anh Robert? - Tất nhiên. Tuyệt vời. Moneybags thế nào? - Thôi đừng, anh. - Thôi được. Thế Monte Banks thế nào? Anh đã không thể nói "chồng em". Anh ta là chồng cô ấy, Susan. - Anh ấy khoẻ. Em chỉ muốn nói với anh là chúng ta sắp phải xa nhau một thời gian. Em không muốn anh phải lo lắng. Thật đúng là cô ấy, đúng là Susan. Anh cố giữ giọng nói bình tĩnh. - Lần nầy em đi đâu vậy? - Bọn em bay qua Brasil. Trên chiếc Boeing 727 của Moneybags. - Monte có chút công việc ở đó mà. - Thật ư? Anh nghĩ là chồng em sở hữu cả quốc gia đó. - Thôi đi Robert. Xin anh. - Xin lỗi. Một giây im lặng. - Em mong anh tỏ ra dễ chịu hơn. - Nếu em có ở đây thì hẳn là thế. - Em muốn anh tìm được một ai đó thật tuyệt vời, và anh hạnh phúc. - Susan, anh đã tìm được một người tuyệt vời. - Cổ họng anh tắt nghẹn. - Và em biết chuyện gì xảy ra không? Anh đã mất cô ấy. - Nếu anh cứ còn nói thế, em sẽ không gọi anh nữa đâu. Đột nhiên, anh cảm thấy sợ hãi. - Đừng nói thế. Đừng, em? Với anh, cô là chiếc phao cứu sinh. Anh không thể chịu nổi ý nghĩ rằng không bao giờ được nói chuyện với cô nữa. Anh cố tỏ ra vui vẻ. - Anh sẽ ra ngoài và kiếm một cô tóc vàng thật khêu gợi để rồi cùng làm tình cho đến bã người ra thì thôi. - Em muốn anh kiếm được một ai đó. - Anh hứa với em đấy. - Em lo cho anh, em yêu anh! - Không cần thiết. Anh thật sự bình thường. - Anh nghẹn lời với lời nói đối của chính mình. Giá mà cô biết sự thật. Nhưng anh không thể nào mang chuyện của mình ra bàn với ai. Đặc biệt là Susan. Anh không thể chịu được ý nghĩ về sự buồn khổ của cô. - Từ Brasil, em sẽ gọi điện cho anh. - Susan nói. Một lúc im lặng. Họ không thể rời nhau ra bởi vì có quá nhiều điều để nói, quá nhiều thứ tốt hơn là không nên nói đến, không được nói đến. - Anh Robert, em phải đi đây. - Susan? - Dạ. - Anh yêu em. Anh sẽ luôn luôn yêu em! - Em biết. Em cũng yêu anh, Robert. Và đó chính là điều mỉa mai cay đắng. Họ vẫn yêu nhau đến thế. Hai người thật đẹp đôi, tất cả bạn bè họ đều đã nói như vậy. Điều gì đã làm đảo lộn tất cả? Robert Bellamy ra khỏi giường và đi ngang căn phòng khách vắng lặng với đôi chân trần. Căn phòng gợi nhớ sự vắng bóng của Susan. Quanh phòng là hàng chục tấm ảnh của Susan và anh, những hình ảnh đọng lại. Hai người đi câu cá ở vùng cao nguyên Scotland, trước một tượng Phật trên đất Thái Lan, trên một cỗ xe ngựa chạy trong mưa qua những khu vườn Borghese ở Rome. Và trong mỗi tấm ảnh, họ đều đang cười và ôm chặt lấy nhau, hai con người đang yêu nhau nồng thắm. Anh đi vào phòng bếp đặt một bình cà phê. Đồng hồ chỉ 4 giờ 15. Anh lưỡng lự giây lát, rồi nhấc điện thoại quay số. Sáu hồi chuông réo và sau cùng anh nghe thấy tiếng Đô đốc Whittaker ở đầu dây đằng kia. - Hêlô. - Thưa Đô đốc. - Gì vậy? - Đây là Robert. Tôi thật xin lỗi vì đã đánh thức ngài. Tôi vừa có một cú điện thoại khá kỳ lạ từ Cục an ninh quốc gia. - NSA à? Họ muốn gì vậy? - Tôi không biết. Tôi được lệnh trình diện tướng Hilliard vào lúc 6 giờ. Một thoáng im lặng trầm ngâm. - Có thể là người ta định chuyển anh sang đó. - Không thể thế được. Điều đó thật vô lý. Sao họ lại… - Robert, rõ ràng là có chuyện gì đấy khẩn cấp. - Sao anh không gọi lại cho tôi sau cuộc gặp nhỉ? - Tôi sẽ gọi. Cảm ơn ngài. Cuộc đối thoại chấm dứt. Robert nghĩ: lẽ ra mình không nên làm phiền ông già. Đô đốc đã rời chức vụ đứng đầu Tình báo hải quân để nghỉ hưu từ hai năm trước đây. Bị buộc phải nghỉ hưu thì đúng hơn. Người ta bàn tán rằng để an ủi, Bộ Hải quân đã dành cho ông một văn phòng nhỏ ở đâu đó để ngồi chơi xơi nước với mấy thứ công việc vớ vẩn. Giờ đây, ông Đô đốc không hề biết gì về những hoạt động tình báo hiện nay. Nhưng ông là thầy của Robert. Ông là người gần gũi với Robert hơn bất kỳ ai trên thế gian nầy, tất nhiên là không kể Susan. Mà Robert thì cần phải nói chuyện với ai đó. Với việc Susan ra đi, anh cảm thấy hoàn toàn mất thăng bằng và luôn tưởng tượng rằng ở một nơi nào đó, trong một thời gian và không gian khác, anh và Susan vẫn đang là một cặp vợ chồng hạnh phúc, cười đùa vô tư và yêu thương nhau. Hoặc có thể là không, Robert mệt mỏi nghĩ. Có thể do mình đã không biết khi nào nên dừng lại. Cà phê đã xong. Vị đắng ngắt. Anh băn khoăn không biết liệu có phải nó được nhập về từ Brasil hay không nữa. Anh mang theo ly cà phê vào phòng tắm và ngắm mình trong gương. Anh đang nhìn vào một người đàn ông ở độ tuổi bốn mươi, cao to và khoẻ mạnh, khuôn mặt rắn rỏi, cái cằm khoẻ, mái tóc đen và cặp mắt sẫm, sắc sảo, thông minh. Trên ngực anh là một vết sẹo dài và sâu, kỷ niệm vụ máy bay rơi. Nhưng đó là ngày hôm qua. Đó là Susan. Còn lúc nầy là hôm nay. Không có Susan. Anh cạo râu, tắm và rồi bước lại tủ quần áo. Mình mặc gì nhỉ, anh băn khoăn. Đồng phục Hải quân hay đồ dân sự? Mà nào ai quan tâm đâu nhỉ? Anh khoác lên người bộ complê màu tàn thuôc lá cùng với chiếc sơmi trắng và chiếc càvạt màu lục lam. Anh biết rất ít về Cục An ninh quốc gia, chỉ biết cái Dinh Thự bí mật đó, như người ta đặt tên lóng cho nó, đã thay thế cho tât cả các cơ quan tình báo khác của nước Mỹ và là cơ quan bí mật nhất trong tất cả số đó. Họ muốn gì ở mình? Mình sẽ biết ngay thôi mà. Chương 02 Cục An ninh quốc gia nằm ẩn mình kín đáo trong một cánh rừng hoang rộng tám mươi hai mẫu ở FortMeade, bang Maryland, với hai toà nhà lớn gấp đôi khu trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia. Cơ quan nầy được lập ra nhằm giúp đỡ kỹ thuật để bảo vệ các kênh thông tin của nước Mỹ và thu lượm các số liệu tình báo điện tử trên khắp thế giới, hoạt động khủng khiếp đến mức mỗi ngày nó sản sinh ra chừng bốn mươi tấn tài liệu. Khi Robert Bellamy đến cổng thì trời vẫn còn tối. Anh cho xe đỗ sát bờ tường cao tới hai mét rưỡi, còn căng dây thép gai phía trên. Một bốt gác đặt ở đó với hai người bảo vệ có vũ trang. Một người lính đứng lại bên trong nhìn ra trong lúc người kia tiến đến bên chiếc xe. - Tôi có thể giúp gì cho ông? - Sĩ quan chỉ huy Bellamy tới gặp tướng Hilliard. - Xin ông cho xem giấy tờ, ông chỉ huy? Robert Bellamy móc ví và lấy tấm thẻ căn cước của anh có ghi Phòng 17 Tình báo hải quân. Người lính gác xem tấm thẻ một cách cẩn thận và đưa trả lại cho anh. - Cảm ơn ông chỉ huy. Anh ta gật đầu với người lính đứng trong bốt gác, và cánh cổng mở ra. Người lính gác phía trong nhấc điện thoại. - Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên đường vào. Một phút sau, Robert Bellamy tiến đến trước một chiếc cổng điện đóng kín bưng. Một người lính gác tiến đến bên chiếc xe. - Sĩ quan chỉ huy Bellamy phải không? - Đúng vậy. - Xin phép được xem giấy tờ của ông? Anh đã toan phản đối nhưng rồi lại nghĩ. Thây kệ. Đây là lãnh địa của họ mà. Anh lại móc ví ra và đưa tấm thẻ cho người lính. - Cảm ơn ông chỉ huy. - Người lính làm một tín hiệu nào đó không rõ, và cánh cổng mở ra. Khi Robert Bellamy lái xe tiến vào, anh lại nhìn thấy một bức tường bảo vệ thứ ba ở trưóc mặt. Lạy Chúa, anh nghĩ, mình đang ở trong vùng cấm rồi. Một người gác mặc quân phục khác bước lại bên chiếc xe. Khi Robert Bellamy đưa tay để lấy chiếc ví ra thì người gác nhìn biển số xe và nói:. - Xin chạy thẳng tới toà nhà điều hành, thưa ông chỉ huy. Sẽ có người đón ông tại đó. - Cám ơn. Cánh cổng mở ra, và Robert cứ theo đường xe chạy, tới bên một toà nhà khổng lồ trắng toát. Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang đứng đợi phía bên ngoài, run lên vì những cơn gió lạnh của tháng mười. - Ông chỉ huy, ông có thể để xe ở ngay đó. Chúng tôi sẽ lo sau. - Anh ta gọi to. Robert Bellamy để chìa khoá lại trong xe và bước ra. Người đàn ông đứng đón anh chừng ba mươi tuổi, dáng cao, gầy, nước da mai mái. - Tôi là Harrison Keller. Tôi sẽ đưa ông đến phòng làm việc của tướng Hilliard. Họ đi vào một phòng tiền sảnh lớn, trần nhà cao. Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang ngồi sau chiếc bàn. - Sĩ quan chỉ huy Bellamy. Robert Bellamy quay người lại. Anh nghe tiếng kêu tách của một chiếc máy ảnh. - Cám ơn ngài. - Cái gì? - Robert Bellamy quay sang Keller. - Chỉ mất một phút thôi. - Keller đoán chắc với anh. Sáu mươi giây sau, Robert Bellamy được trao cho một tấm phù hiệu nhận dạng màu xanh trắng với ảnh của anh trên đó. - Xin ông đeo tấm phù hiệu nầy liên tục trong thời gian ông ở trong toà nhà nầy, ông chỉ huy. Được. Họ bắt đầu đi theo một hành lang dài, sơn màu trắng, Robert Bellamy thấy những chiếc camêra bảo vệ được đặt cách nhau chừng sáu mét dọc theo cả hai bên hành lang. - Toà nhà nầy có lớn lắm không? - Khoảng hơn hai trăm ngàn mét vuông, thưa ông chỉ huy… - Thế cơ à? - Dạ. Cái hành lang nầy là hành lang dài nhất thế giới - ba trăm hai mươi lăm mét. Chúng tôi hoàn toàn tự nhốt mình ở đây. Tại đây có một trung tâm mua bán, tiệm cà phê, trạm bưu điện, tám Snackbar, một bệnh viện kèm theo một phòng mổ, một phòng khám nha khoa, một chi nhánh ngân hàng nhà nước của vùng Laurel, một tiệm giặt là, một tiệm giầy, một hiệu cắt tóc và một vài cửa hàng linh tinh khác nữa. Một cái nhà ở xa của mình, Robert nghĩ. Anh cảm thấy chán nản một cách kỳ lạ. Họ đi ngang qua một khu vực rộng lớn đầy những máy tính điện tử. Robert dừng chân, kinh ngạc. - Một ấn tượng mạnh, phải không ạ? Đó mới chỉ là một trong số những phòng máy tính của chúng tôi. Hệ thống nầy gồm những máy giải mã và những máy tính trị giá 3 tỉ đôla. - Có tất cả bao nhiêu người làm việc ở đây? - Khoảng mười sáu ngàn. Anh được dẫn vào chiếc thang máy, loại dành riêng, mà Keller sử dụng với một chìa khoá. Họ đi lên tầng trên và bắt đầu theo một lối khác trên dãy hành lang dài cho tới khi họ tới khu phòng làm việc ở phía cuối hành lang. - Ngay trong nầy thôi, ông chỉ huy. Họ bước vào một phòng đợi lớn, với bốn bàn thư ký. Hai trong số thư ký đã đến làm việc. Harrison Keller gật đầu với một trong hai người, và cô ta bấm một cái nút. Cánh cửa dẫn vào căn phòng phía trong bật mở. - Xin mời vào, thưa quý vị. Tướng quân đang đợi các ông. - Đi lối nầy. - Harrison Keller nói. Robert Bellamy lặng lẽ theo anh ta. Anh thấy mình bước vào căn phòng rộng lớn, trần nhà và tường đều được bọc một lớp cách âm dầy. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, với nhiều những bức ảnh và vật kỷ niệm có tính chất cá nhân. Rõ ràng là người đàn ông ngồi sau chiếc bàn kia đã ở đây khá lâu rồi. Tướng Mark Hilliard, phó giám đốc NSA, có vẻ chừng giữa tuổi 50, dáng rất cao, khuôn mặt nổi bật với cặp mắt giá lạnh, sắt đá, tư thế đĩnh đạc. Ông tướng mặc một bộ complê mà xám, chiếc sơmi trắng và càvạt xám. Mình đã đoán đứng, Robert nghĩ. Harrison Keller cất tiếng: - Báo cáo tướng Hilliard, đây là sĩ quan chỉ huy Bellamy. - Cảm ơn ông đã ghé qua, ông sĩ quan. Cứ như là một lời mời đên dự bữa tiệc trà vậy. Hai người đàn ông bắt tay nhau. - Mời ngồi. Tôi xin cược là ông muốn dùng một ly cà phê. Ông ta đọc được ý nghĩ người khác. - Vâng, thưa ngài. - Còn Harrison? - Không, cảm ơn ngài. - Anh ta ngồi xuống một chiếc ghế dựa ở góc phòng. Một nút bấm được ấn xuống, cánh cửa mở ra, một người phương Đông mặc đồng phục bước vào với một khay cà phê và bánh nướng Đan Mạch. Robert để ý thấy anh ta không đeo phù hiệu nhận dạng. Thật tệ. Cà phê được rót ra. Mùi thơm ngào ngạt. - Ông uống thế nào nhỉ? - Tướng Hilliard hỏi. - Uống đen ạ. - Ly cà phê thật ngon. Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau, trên những chiếc ghế da mềm. - Ngài giám đốc yêu cầu tôi gặp ông. Ngài giám đốc, Edward Sanderson. Một nhân vật huyền thoại trong nghề gián điệp. Một nghệ sĩ rối, bậc thầy, tài ba và nhẫn tâm, nổi danh với vỉệc tổ chức hàng chục cuộc đảo chính táo bạo trên khắp thế giới ít khi người ta nhìn thấy ông xuất hiện trước công chúng mà chỉ thầm thì nói về ông ta ở chốn riêng tư. - Ông đã ở phòng 17 ngành tình báo hải quân bao lâu rồi, ông sĩ quan? - Tướng Hilliard hỏi. - Mười lăm năm. Robert không úp mở. Anh dám đánh cược cả tháng lương rằng ông tướng có thể nói chính xác ngày anh gia nhập ONI. - Trước đó, tôi tin là ông đã chỉ huy một phi đội máy bay của Hải quân ở Việt Nam. - Thưa ngài, vâng. - Ông đã bị bắn rơi. Họ không nghĩ là ông có thể qua khỏi. Tay bác sĩ nói: "Hãy quên anh ta đi. Anh ta sẽ không qua được được đâu". Anh đã muốn chết đi cho rảnh. Sự đau đớn thật không thể chịu nổi. Và rồi Susan đang cúi xuống bên anh: "Mở mắt ra nào, chàng thuỷ thủ anh đâu có muốn chết". Anh đã bắt hai mắt mình phải mở ra và qua sự lờ mờ trong đau đớn, nhìn thấy người phụ nữ đẹp nhất mà anh từng thấy trên đời. Cô có khuôn mặt trái xoan mềm mại, mái tóc đen dầy, đôi mắt nâu long lanh và một nụ cười ấm lòng. Anh đã cố mở miệng nói, nhưng điều đó quá sức. Tướng Hilliard đang nói điều gì đó. Robert Bellamy kéo đầu óc mình trở về với hiện tại. - Ngài nóì gì, thưa tướng quân? - Chúng ta có một rắc rối, ông sĩ quan. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông. - Chuyện gì vậy, thưa ngài? Ông tướng đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại. - Điều tôi sắp nói với ông là một vấn đề rất nhạy cảm. Nó còn trên mức tối mật. - Rõ, thưa ngài. Ngày hôm qua, ở vùng núi Alps, Thuỵ Sĩ, một quả bóng thám không thời tiết của NATO đâm vào núi. Có một vài dụng cụ thí nghiệm quân sự tối mật ở trên quả cầu đó. Robert thấy mình bỗng phân vân, không hiểu tất cả những chuyện nầy sẽ dẫn tới đâu. - Chính phủ Thuỵ Sĩ đã chuyển tất cả những dụng cụ nầy khỏi quả cầu đó, nhưng đáng tiếc là hình như có một số người đã chứng kiến vụ tai nạn. Điều có tính quan trọng sống còn là không ai trong số họ được nói với bất kỳ ai khác về những gì họ đã trông thấy. Bởi nó có thể cung cấp những thông tin quý giá cho một số nước nhất định. Ông nghe tôi nói đấy chứ? - Thưa ngài, tôi nghĩ là như vậy. Ông muốn tôi nói chuyện với các nhân chứng và cảnh cáo họ không bàn tán về những gì họ đã trông thấy. - Không hoàn toàn như vậy, ông sĩ quan. - Vậy thì tôi không hiểu? - Tôi muốn ông đơn thuần tìm ra những nhân chứng nầy. Những người khác sẽ nói với họ về sự im lặng cần thiết kia. - Tôi hiểu. Tất cả những nhân chứng nầy đều ở Thuỵ Sĩ ư? Tướng Hilliard dừng lại trước mặt Robert. - Đó chính là khó khăn của chúng ta, ông sĩ quan ạ ông biết đấy, chúng ta không hề biết họ là ai. Hay họ ở đâu. Robert nghĩ là anh đã bỏ qua điều gì đó. - Xin ngài nói lại? - Chúng ta chỉ có một thông tin duy nhất là các nhân chứng đi trên một chiếc xe buýt du lịch theo tuyến. Họ ngẫu nhiên đi qua hiện trường khi quả bóng thám không bị nạn gần một làng nhỏ tên là… ông ta quay sang Harrison Keller. - Uctendort. Viên tướng quay lại phía Robert. - Khách xuống xe trong ít phút để xem vụ tai nạn và rồi lại tiếp tục đi. Khi chuyến du lịch kết thúc, những người khách nầy lại tản đi tứ phương. Robert chậm rãi nói: - Thưa tướng quân Hilliard, có phải ngài đang nói rằng không hề có hồ sơ gì về việc những người nầy là ai hoặc họ đã đi đâu ư? - Đúng thế. - Và ngài muốn tôi sang đó tìm họ? - Đúng thế. Ông đã được người ta tin cậy tiến cử. Tôi nghe nói ông có thể nói lưu loát dăm bảy thứ ngôn ngữ, và ông có một tiểu sứ hoạt động tuyệt vời: Ngài giám đốc đã thu xếp để ông được tạm thời chuyển sang NSA. - Khủng khiếp thật! Tôi cho là tôi sẽ làm việc với chính phủ Thuỵ Sĩ về chuyện nầy? - Không, ông sẽ làm việc một mình thôi. - Một mình? Thế nhưng… - Chúng ta không được kéo bất kỳ ai khác vào sứ mệnh nầy. Tôi không sao nói hết được tầm quan trọng của những gì có trong quả cầu đó, ông sĩ quan ạ. Vấn đề là thời gian. Tôi muốn ông báo cáo với tôi về kết quả mỗi ngày của công việc ông làm. Viên tướng viết một con số lên tấm các và đưa nó cho Robert. - Có thể gọi tôi ở số máy nầy, ngày cũng như đêm. Một chiếc máy bay đang đợi để đưa ông tới Zurich. Ông sẽ được đưa về chỗ ở để thu xếp hành lý cần thiết, và rồi ông sẽ được đưa ra sân bay. Quá nhiều cho lời "Cảm ơn ông đã ghé qua". Robert muốn hỏi "Sẽ có người cho mấy con cá vàng của tôi ăn trong thời gian tôi đi vắng chứ?" nhưng anh có cảm giác rằng câu trả lời sẽ là "ông không có con cá vàng nào cả" - Ông sĩ quan, trong công việc của ông bên ONI, tôi cho là ông có những quan hệ tình báo ở nước ngoài? - Thưa ngài, vâng. Tôi có một vài người bạn có thể có ích. - Ông không được tiếp xúc với bất kỳ ai trong số họ. Ông không được phép có bất kỳ tiếp xúc nào cả. Không còn nghi ngờ là những nhân chứng mà ông sẽ tìm kiếm là công dân của nhiều nước khác nhau. - Viên tướng quay sang Harrison Keller. Keller bước đến bên một chiếc tủ hồ sơ ở góc phòng và mở ra. Anh ta lấy một phong bì lớn, chuyển cho Robert. - Có năm mươi ngàn đôla trong nầy bằng một số đồng tiền châu u khác nhau và hai mươi ngàn đôla Mỹ. Ông cũng sẽ thấy dăm bộ giấy tờ giả sẽ được chuyển đến vào lúc cần thiết. Tướng Hilliard giơ ra một tấm các bọc nhựa màu đen bóng và dầy cộp với một vạch trắng trên đó. - Còn đây là chiếc thẻ tín dụng. - Tôi không cho là tôi sẽ cần đến nó, thưa tướng quân. Số tiền mặt sẽ là đủ, và tôi còn một chiếc thẻ tín dụng của ONI rồi. - Cầm lấy. - Tốt thôi. - Robert xem xét tấm thẻ. Nó được đảm bảo bởi một nhà băng mà anh chưa bao giờ được nghe thấy tên. Phía dưới tấm thẻ có một số điện thoại. - Không có cái tên nào trên thẻ cả. - Robert nói. - Nó tương đương với một tấm ngân phiếu trắng đấy. Nó không đòi hỏi sự nhận diện nào. Hãy yêu cầu họ gọi điện đến số máy trên thẻ khi ông mua một thứ gì đó. Điều quan trọng là ông phải luôn luôn giữ nó trong người. - Vâng. - Và nầy, ông sĩ quan? - Dạ, thưa ngài. - Ông phải tìm được những nhân chứng đó. Tất cả bọn họ. Tôi sẽ thông báo với giám đốc rằng ông đã bắt đầu nhận nhiệm vụ nầy. Cuộc gặp gở kết thúc. Harrison Keller tiễn Robert ra phòng ngoài. Một lính thuỷ đánh bộ mặc quân phục đã ngồi ở đó. Anh ta đứng dậy khi hai người bước vào phòng. - Đây là đại uý Dougherty. Anh ấy sẽ đưa ông ra sân bay. Chúc may mắn. - Cảm ơn. Hai người bắt tay nhau. Keller quay đi và bước trở vào văn phòng của tướng Hilliarđ. - Ông đã sẵn sàng chưa, thưa ông sĩ quan chỉ huy? - Đại uý Dougherty hỏi. - Rồi. Mà sẵn sàng gì mới được cơ chứ? Trong qụá khứ, anh đã giải quyết nhiều nhiệm vụ tình báo phức tạp, nhưng chưa bao giờ có chuyện điên rồ như thế nầy. Người ta muốn anh tìm kiếm một số lượng không rõ những nhân chứng không được biết là ai và không biết là người nước nào. Xác suất được thua trong chuyện nầy ra sao đây? Robert phân vân. Mình cảm thấy giống như Nữ hoàng Trắng trong Xuyên qua lớp kính vậy. Sao có lúc tôi tin là có tới sáu điều không thể được trước bữa ăn sáng. Ồ, đây là cả sáu điều đó cộng lại. - Tôi được lệnh đưa ông thẳng về chỗ ở và rồi ra căn cứ không quân Andrews, - đại uý Dougherty nói. - Có một chiếc máy bay đang đợi. Robert lắc đầu. - Tôi phải ghé vào cơ quan tôi trước đã. Dougherty lưỡng lự. - Cũng được. Tôi sẽ cùng đi với ông đến đó và đợi ông. Dường như không thấy anh thì họ không tin anh vậy. Bởi vì anh đã biết có một quả bóng thám không bị nạn ư? Điều đó thật vô lý. Anh trao lại tấm phù hiệu của mình tại bàn đón tiếp và bước ra ngoài trời giá lạnh, rạng sáng. Chiếc xe của anh không còn đó. Thay vào chỗ đó là một chiếc xe sang trọng dài thượt. - Chiếc xe của ông sẽ được bảo quản, thưa ông chỉ huy, - đại uý Dougherty nói với anh. - Chúng ta sẽ đi chiếc xe nầy. Có một sự quan tâm chu đáo về tất cả đến mức Robert cảm thấy hơi khó chịu. - Được anh nói. Và họ lên đường tới Cục Tình báo hải quân. Mặt trời buổi sớm mờ nhạt đã biến mất sau những đám mây mưa. Sẽ là một ngày xấu. Theo nhiều nghĩa chứ không hẳn chỉ là một, Robert nghĩ. Chương 03 Ottawa, Canada, 24 giờ 00 Mật danh của ông ta là Janus. Ông ta đang trình bày trước mười hai người trong một căn phòng được bảo vệ cẩn mật nằm trong một khu vực quân sự. - Như tất cả các ông đã được thông báo, Chiến dịch Ngày Tận Thế đã được bắt đầu. Có một số các nhân chứng phải được tìm ra một cách nhanh chóng và lặng lẽ nhất ở chừng mức có thể. Chúng ta không thể tính chuyện tìm kiếm họ thông qua các kênh an ninh chính quy do nguy cơ bị tiết lộ. - Chúng ta đang dùng ai vậy? - Người Nga. Nóng nảy. To lớn. - Tên anh ta là Robert Bellamy, sĩ quan chỉ huy. - Anh ta được lựa chọn như thế nào vậy? - Người Đức. Vẻ quý tộc. Tàn nhẫn. - Viên sĩ quan nầy được chọn sau khi máy tính tìm kiếm một cách kỹ càng trong các hồ sơ của CIA, FIA, và nửa tá cơ quan tình báo khác. - Xin cho tôi được hỏi về những phẩm chất của anh ta? - Người Nhật Bản. Lịch sự. Quỷ quyệt. - Sĩ quan chỉ huy Bellamy là sĩ quan nghiệp vụ nói được sáu thứ tiếng một cách thành thạo và có một lý lịch mẫu mực. Anh ta liên tiếp tỏ ra hết sức năng lực. Anh ta không còn ai thân thích đang sống. - Anh ta biết gì về tính cấp bách của vụ nầy không? - Người Anh. Trưởng giả. Nguy hiểm. - Anh ta biết. Chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi rằng anh ta sẽ rất nhanh chóng tìm thấy tất cả các nhân chứng. - Anh ta có biết mục đích của sứ mệnh mình đang làm không? - Người Pháp. Ưa tranh luận. Bướng bỉnh. - Không. - Và khi anh ta đã tìm thấy các nhân chứng thì sao? - Người Trung Quốc thông minh. Kiên nhẫn. - Anh ta sẽ được khen thưởng xứng đáng. Chương 04 Trụ sở cục Tình báo hải quân chiếm toàn bộ tầng năm của khu Ngũ Giác Đàirộng lớn, một tầng nhà lọt thỏm giữa cái khu trụ sở làm việc lớn nhất thế giới, với tổng cộng mười bảy dặm hành lang và hai mươi chín nghìn nhân viên quân sự và dân sự. Nội thất của trụ sở Cục phản ánh truyền thống đi biển của nó. Bàn làm việc và tủ hồ sơ hoặc mang màu xanh ôliu, của thời chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc màu xám của tàu chiến, trong thời kỳ chiến tranh Việt nam. Tường và trần nhà được sơn màu da bò hoặc màu kem. Hồi đầu, Robert không thể chịu nổi cách trang trí nội thất kiểu Spartan nầy, nhưng từ lâu nay, anh đã trở nên quen thuộc với nó. Lúc nầy, khi anh bước vào toà nhà và tiến lại bàn thường trực, người lính gác quen thuộc ngồi sau bàn nói: - Xin chào ông sĩ quan chỉ huy. Tôi có thể xem giấy ra vào của ông được không ạ? Robert đã làm việc ở đây 7 năm, nhưng thủ tục nầy chưa bao giờ thay đổi. Anh xuất trình giấy tờ theo đúng bổn phận của mình. - Cám ơn ông chỉ huy. Trên đường tới phòng làm việc của mình, Robert nghĩ tới đại uý Dougherty đang đợi anh trong khu đậu xe phía cổng vào lối bờ sông. Anh ta đang chờ để đưa anh ra chuyến bay tới Thuỵ Sĩ, bắt đầu một cuộc đi săn vô vọng. Khi Robert tới phòng làm việc của mình, cô thư ký Barbara của anh đã ở đó. - Xin chào ông chỉ huy. Ông phó giám đốc muốn gặp ông tại phòng làm việc của ông ấy. - Ông ấy có thể đợi. Hãy liên lạc với Đô đốc Whittaker cho tôi. - Thưa ông, vâng. Một phút sau, Robert đã đang nói chuyện với Đô đốc. - Tôi cho là anh đã kết thúc cuộc gặp của anh rồi phải không, Robert? - Cách đây chỉ vài phút. - Chuyện thế nào? - Cũng thú vị. Ngài có rảnh để đến ăn sáng với tôi không, thưa Đô đốc? - Anh cố giữ giọng nói bình thường. Không hề có chút lưỡng lự nào. - Được. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đó chứ? - Vâng. Tôi sẽ để sẵn cho ngài tấm giấy ra vào dùng cho khách. Rất tốt. Tôi sẽ đến anh trong vòng một giờ. Robert gác máy và nghĩ. Việc mình phải để giấy ra vào dùng cho khách cho ngài Đô đốc: thật là điều mỉa mai. Chỉ mới cách đây vài năm, ông còn là một ông gíà đáng kính đây, phụ trách Tình báo hải quân. Ông nghĩ gì về chuyện đó nhỉ? Robert bấm nút gọi thư ký của anh trên máy liên lạc nội bộ: - Dạ, thưa ông chỉ huy? - Tôi đang chờ Đô đốc Whittaker. Thu xếp một giấy ra vào cho ông. - Tôi sẽ lo việc đó ngay ạ. Bây giờ đã đến lúc phải trình diện lão phó giám đốc. Lão Dustin Thornton khốn kiếp. Chương 05 Lustin Thornton "bẩn thỉu", phó giám đốc Cục Tình báo hải quân, đã nổi tiếng là một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất trong số những người tốt nghiệp trường Annapolis. Thornton có được cái vị trí cao hiện nay là nhờ một trận bóng bầu dục. Nói chính xác là một trận đấu giữa Lục quân và Hải quân. Thornton, một sinh viên sắp tốt nghiệp của Annapolis, với dáng người cao to lừng lững, giữ chân hậu vệ trong trận đấu quan trọng nhất trong năm của Hải quân. Vào đầu hiệp thứ tư, Lục quân đang dẫn 13-0, hai lần được phạt sau gôn và sắp đến lúc đổi sân, số mệnh đã can thiệp và thay đổi cuộc đời Thornton. Anh ta chặn được một đường chuyền của Lục quân, xoay người và lướt qua đội hình của đối phương để dành một cú phạt tiếp gôn. Hải quân để lỡ cơ hội ghi điểm nhưng nhanh chóng có được một bàn thắng. Sau cú phát bóng sau đó, Lục quân để lỡ cơ hội đầu tiên và phạm lỗi bên sân Hải quân. Tỉ số trận đấu lúc đó là Lục quân 13, Hải quân 9, và thời gian đang trôi mau. Khi trận đấu bắt đầu trở lại, một quả bóng được chuyền cho Thornton và anh ta bị chèn ngã bởi một cầu thủ Lục quân. Phải mất một lúc lâu anh ta mới đứng dậy được. Viên bác sĩ chạy vào sân. Thornton giận dữ xô ông ta ra. Chỉ còn ít giây nữa, các cầu thủ la hét gọi một đường chuyền biên. Thornton được được bóng ở ngay trên vạch năm mét năm mươi của anh ta và dẫn bóng lên với tốc độ và sức mạnh dường như không gì cản nổi. Anh ta lao qua đội hình đối phương như một chiếc xe tăng, quật ngã tất cả những kẻ thiếu may mắn ngáng đường. Chỉ còn hai giây nữa, Thornton vượt qua đường biên ngang với bàn thắng quyết định, và lần đầu tiên trong bốn năm trời, Hải quân đã có trận thắng Lục quân. Nhưng bản thân điều đó không có mấy tác động đến cuộc đời của Thornton. Điều đã làm cho trận đấu nầy trở nên có ý nghĩa là việc Willard Stone và con gái là Eleanor ngồi trong khu dành riêng cho những nhân vật quan trọng. Khi đám đông khán giả đứng cả dậy, reo hò chúc mừng người anh hùng của Hải quân thì Eleanor quay sang cha và thì thào nói: "Con muốn gặp anh ta". Eleanor Stone là một phụ nữ đầy ham muốn. Cô ả có khuôn mặt thô, một thân hình nở nang và những đòi hỏi không thể nào thoả mãn được. Ngắm nhìn Dustin Thornton lừng lững trên sân, cô ả đã cố hình dung xem anh ta sẽ như thế nào ở trên giường. Giá mà cái kia của anh ta cũng to như thân thể… Cô ả đã không phải thất vọng. Sáu tháng sau, Eleanor và Dustin Thornton làm đám cưới. Đó là điểm khới đầu. Dustin Thornton đi làm cho bố vợ và được đưa vào một thế giới huyền bí mà anh ta nằm mơ cũng không thấy. Willard Stone, bố vợ của Thornton, là một người đàn ông kỳ lạ. Một tỉ phú với những mối liên hệ chính trị đầy thế lực và một quá khứ được che phủ trong một bức màn bí mật. Ông ta là một nhân vật trong bóng tối có thể giật dây mọi chuyện tại các thủ đô trên khắp thế giới. Khi đó, ông ta đã ở tuổi 60, một người đàn ông thận trọng mà mỗi cử chỉ đều chính xác và hợp lý, một con người sắc sảo với cặp mắt sụp xuống không bao giờ để lộ điều gì. Willard Stone tin rằng không nên phung phí những lời nói và tình cảm, và để đạt được mục đích thì ông ta sẵn sàng tàn nhẫn. Những lời đồn đại về Willard Stone thật huyền bí. Ông ta được cho là đã hạ sát một đối thủ cạnh tranh ở Malaysia và có một cuộc tình nồng cháy với người vợ yêu của một vị tiểu vương. Người ta nói rằng chính ông ta đã trợ giúp cho một cuộc cách mạng thành công ở Nigiêria. Chính phủ đã có dăm bảy phán quyết chống lại ông ta, nhưng chúng luôn luôn bị bỏ rơi nửa chừng một cách bí hiểm. Rồi chuyện về các vụ hối lộ các thượng nghị sĩ bị mua chuộc, các bí mật kinh doanh hị đánh cắp, và những nhân chứng bị mất tích… Stone là một cố vấn cho các tổng thống và các quốc vương. Ông ta là một thế lực trần trụi và thô thiển. Một trong số rất nhiều những tài sản của ông ta là một dinh thự rộng lớn, biệt lập trên vùng núi bang Colorado, nơi hàng năm, các nhà khoa học, các ông chủ công nghiệp, và các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp với những cuộc bàn bạc bí mật. Lính gác có vũ trang ngăn chặn tất cả những vị khách không được mời. Willard Stone không chỉ tán thành cuộc hôn nhân của con gái, mà còn khuyến khích nó. Thằng con rể mới của ông trông sáng sủa, đầy tham vọng và quan trọng nhất là có vẻ dễ bảo. Mười hai năm sau cuộc hôn nhân đó, Stone thu xếp để Dustin được bo nhiệm làm đại sứ tại Nam Triều Tiên. Mấy năm sau, Tổng thống bổ nhiệm ông ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. Khi Đô đốc Ralph Whittaker đột ngột bị đẩy khỏi chức vụ quyền giám đốc Cục Tình báo hải quân, Thornton đã ngồi vào vị trí nầy. Ngay hôm đó, Willard Stone hứa: - Tao có những kế hoạch lớn cho mầy, Dustin. Những kế hoạch vĩ đại. - Và ông ta phác ra những nét lớn. Hai năm trước, Robert có cuộc gặp đầu tiên vớỉ vị quyền giám đốc mới của ONI. - Ngồi xuống, ông sĩ quan. - Không một vẻ thân tình trong giọng nói của Dustin Thornton. - Qua hồ sơ về ông, tôi biết ông là một tay vô tổ chức, đại loại là như vậy. Lão muốn nói chuyện quái quỷ gì vậy nhỉ? Robert băn khoăn. Anh quyết định phải giữ mồm giữ miệng. Thornton ngước mắt lên. - Tôi không biết Đô đốc Whittaker điều hành cái Cục nầy như thế nào thời ông ta phục trách, nhưng kể từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ làm việc theo đúng nguyên tắc. Tôi muốn mọi mệnh lệnh của tôi phải được thực hiện đúng tới từng chữ. Tôi nói đã rõ chưa hả? Giêxu, Robert, nghĩ chúng ta gặp chuyện gì ở đây thế nhỉ? - Tôi nói đã rõ chưa hả, ông sĩ quan? - Rõ. Ông muốn mệnh lệnh của ông phải được thực hiện đúng tới từng chữ. Anh phân vân không hiểu người ta có muốn anh đứng nghiêm chào hay không. Tất cả là vậy thôi. Nhưng đã đâu phải là tất cả. Một tháng sau, Robert được phái đi Đông Đức để đón một nhà khoa học muốn đào tẩu. Đó là một nhiệm vụ đầy nguy hiểm bởi lẽ Stasi cơ quan cảnh sát mật Đông Đức, đã biết về vụ đào tẩu được dự kiến nầy và đang theo dõi nhà khoa học một cách chặt chẽ. Bất chấp điều đó, Robert đã mang được nhà khoa học qua khỏi biên giới, tơi một địa chỉ an toàn. Khi anh đang thu xếp để đưa ông ta về Washington thì nhận được một cú điện của Dustin Thornton nói rằng tình hình đã thay đổi và anh phải chấm dứt nhiệm vụ ngay. - Chúng ta không thể cứ quẳng ông ta ở đây được, - Robert đã phản đối. - Họ sẽ giết ông ta mất. - Đó là việc của lão ta, - Thornton đáp. - Nhiệm vụ của ông là trở về ngay. Kệ xác ông, Robert nghĩ, tôi sẽ không bỏ rơi ông ấy. Anh đã gọi cho một người bạn ở MI6, Cơ quan Tình báo Anh, và phân trần với anh ta về tình thế của mình. - Nếu như quay về Đông Đức, - Robert nói, - họ sẽ cắt cổ ông ấy. Anh sẽ nhận ông ta chứ? - Ồ anh bạn cũ, tôi sẽ xem có thể làm gì được. - Mang ông ta lại. Và nhà khoa học kia đã được dành cho một nơi ẩn náu ở nước Anh. Dustin Thornton đã không bao giờ tha thứ cho Robert về việc không chấp hành chỉ thị của hắn. Có sự thù địch giữa hai người kể từ đó. Thornton đã mang chuyện nầy bàn với bố vợ. - Những khẩu đại bác không kiểm soát được như Bellamy là rất nguy hiểm, - Willard Stone cảnh cáo. - Họ là một mối nguy hiểm về mặt an ninh. Những người như thế hãy nên loại bỏ đi. Hãy nhớ như vậy và Thornton đã ghi nhớ. Lúc nầy, bước dọc theo hành lang đến phòng làm việc của Dustin Thornton, Robert không thể không nghĩ tới những khác biệt giữa hắn và Whittaker. Trong cái nghề như nghề của anh, sự tin cậy là yếu tố đầu tiên. Anh không tin Dustin Thornton. * * * * * Thornton đang ngồi ở bàn làm việc khi Robert bước vào. - Ông muốn gặp tôi phải không? - Phải. Ngồi xuống, ông sĩ quan. - Mối quan hệ giữa họ chưa bao giờ đạt đến giai đoạn có thể gọi tên nhau. - Tôi được báo là ông tạm thời chuyển sang Cục An ninh quốc gia. Khi ông trở lại, tôi có một… - Tôi sẽ không trở lại. Đây là sứ mạng cuối cùng của tôi. - Cái gì? - Tôi sẽ thôi việc. Sau nầy nghĩ lại, Robert không biết chính xác anh đã chờ đợi một phản ứng như thế nào nữa. Có vài khả năng, Dustin Thornton có thể tỏ ra ngạc nhiên, hoặc có thể đã tranh luận, hoặc tức giận hay tỏ ra nhẹ nhõm… Thay vì thế, ông ta chỉ nhìn Robert và gật đầu. - Ra vậy đấy hả? Khi Robert trở lại phong mình, anh nói với cô thư kỷ. - Tôi chuẩn bị đi xa một thời gian. Tôi sẽ lên đường trong vòng một giờ nữa. - Có chỗ nào để có thể kiếm ông được không ạ? Robert nhớ đến mệnh lệnh của tướng Hilliard. - Không. - Còn mấy cuộc gặp mà ông đã… - Huỷ đi. - Anh nhìn đồng hồ. Đã đến lúc gặp Đô đốc Whittaker. Họ ăn sáng trong khu vườn trung tâm của Ngũ Giác Đàitại tiệm cà phê Ground Zero (Mặt bằng Số Không). Nó được gọi như vậy là bởi lẽ đã có người cho rằng Ngũ Giác Đài sẽ là nơi diễn ra đòn tấn công hạt nhân đầu tiên chống lại nước Mỹ. Robert đã thu xếp để họ ngồi được ở chiếc bàn trong góc, nơi có thể có một chút riêng tư. Đô đốc Whittaker đến rất đúng giờ và trong khi nhìn ông đi đến bên bàn anh thấy dường như ông có vẻ già hơn và nhỏ bé hơn đi, như thế là tình trạng chờ nghỉ hưu đã làm cho ông già quắc người lại vậy. Ông vẫn là một người đàn ông có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng, dáng dấp khoẻ mạnh, cái mũi La Mã, hai gò má cao và tóc lốm đốm bạc. Robert đã từng phục vụ dưới quyền đô đốc trong chiến tranh Việt nam và sau nầy ở Cục Tình báo hải quân, và anh rất tôn trọng ông. Còn hơn cả sự tôn trọng nữa. Robert thừa nhận với chính mình. Đô đốc Whittaker là người thay cho cha anh. Vị đô đốc ngồi xuống. - Chào Robert. Ồ, có phải họ chuyển anh qua bên NSA không? Robert gật đầu. - Vâng, tạm thời. Cô phục vụ đến và hai người xem thực đơn. - Tôi đã quên mất là đồ ăn ở đây tồi tệ thế nào rồi, - Đô đốc Whittaker vừa nói vừa mỉm cười. Ông nhìn quanh phòng, vẻ mặt đầy nỗi luyến tiếc không được nói ra thành lời. Ông ấy mong muốn được trở lại chốn nầy. Robert nghĩ, lạy Chúa. Họ gọi món ăn. Khi cô phục vụ đã đi ra ngoài tầm nghe, Robert nói: - Thưa Đô đốc, tướng Hillard đang phái tôi đi một chuyến đi dài ba nghìn dặm rất khẩn cấp để tìm cho được một số nhân chứng đã nhìn thấy một vụ tai nạn khinh khí cầu. Tôi thấy rất lạ. Và có điều gì đó thậm chí còn lạ hơn nữa. "Vấn đề là thời gian", đó là nguyên văn lời tướng Hilliard, ấy thế mà tôi đã được lệnh không được dùng tới bất kỳ cơ sở tình báo nào của tôi ở nước ngoài vào vụ nầy. Đô đốc Whittaker có vẻ lúng túng. - Tôi cho rằng ông ta có những lý do của mình. - Tôi không thể nào hình dung ra những lý do đó là cái gì nữa. - Robert nói. Đô đốc Whittaker chăm chú nhìn Robert. Sĩ quan chỉ huy Bellamy đã phục vụ dưới quyền ông ở Việt nam và là phi công giỏi nhất phi đoàn. Con trai của đô đốc, Edward, là người phụ trách ném bom của Robert, và trong cái ngày khủng khiếp mà máy bay của họ bị bắn hạ, Edward đã chết. Robert may mắn lắm mới còn sống. Đô đốc đã tới quân y viện thăm anh. "Anh ta chắc không qua khỏi được", các bác sĩ đã nói với ông như vậy. Robert nằm đó trong nỗi đau đớn cùng cực cực, đã thì thầm, "Cháu xin lỗi về Edward… Cháu thật có lỗi". Đô đốc Whittaker đã nắm chặt tay Robert. "Bác biết là cháu đã làm tất cả những gì có thể làm được. Giờ đây, cháu phải bình phục lại, rồi cháu sẽ khoẻ". Ông rất mong Robert sống được. Trong tâm trí Đô đốc, Robert là con trai ông, đứa con trai sẽ thay cho chỗ của Edward. Và Robert đã qua khỏi. - Robert nầy. - Dạ, thưa Đô đốc? - Tôi hy vọng là anh sẽ thành công trong chuyến đi Thuỵ Sĩ nầy. - Tôi cũng vậy. Đây là sứ mạng cuối cùng của tôi. - Anh vẫn quyết tâm thôi việc à? Vị Đô đốc là người duy nhất mà Robert có thể tin cậy. - Tôi đã chán ngấy rồi. - Với Thornton ấy à? - Không chỉ hắn ta. Tôi nữa. Tôi đã chán chuyện can thiệp vào cuộc đời của những người khác. Tôi chán những lời dối trá và sự lừa lọc cùng với những lời hứa suông không bao giờ được có ý thực hiện cả. Tôi chán chuyện lôi kéo người khác và để bị người khác lôi kéo. Tôi chán những cuốc chơi, sự nguy hiểm và những sụ, phản bội. Nó đã làm mất đỉ của tôi mọi thứ. - Anh có ý định sẽ làm gì không? - Tôi sẽ kiếm một việc gì đó có ích cho cuộc đời tôi một việc tích cực gì đó. - Nếu họ không để cho anh đi thì sao? - Họ không có sự lựa chọn nào khác, phải vậy không? - Robert nói. Chương 06 Chiếc xe hơi sang trọng đang đợi ở khu đậu xe cạnh cổng vào lối bờ sông. - Ông sẵn sàng chưa, thưa ông sĩ quan chỉ huy? - Đại uý Dougherty hỏi. Sẵn sàng như bao giờ tôi cũng vậy, Robert nghĩ. Đại uý Dougherty đưa Robert trở về nhà để anh có thể thu xếp hành lý. Robert không hề biết anh sẽ phảì đi bao lâu. Cái nhiệm vụ không thể thực hiện được nầy sẽ mất bào nhiêu thời gian nhỉ? Anh sắp xếp số quần áo đủ dùng trong một tuần và, ở phút cuối cùng, bỏ thêm vào tấm ảnh của Susan lồng trong khung kính. Anh nhìn đăm vào gương mặt yêu quý hồi lâu và nghĩ liệu có phải cô đang vui vẻ ở Brasil không. Anh nghĩ, mình hy vọng là không. Mình hy vọng lá cô ấy đang cô nhưng ngày tệ hại nhất. Và ngay lập tức anh cảm thấy xấu hổ với chính mình. Khi đến căn cứ không quân Andrews, máy bay đợi anh. Đó là chiếc C20A, một máy bay phản lực của không quân. Đại uý Dougherty chìa tay ra. - Chúc ông may mắn. - Cám ơn. Mình sẽ cần tới nó. Robert leo lên máy bay. Tổ lái đã có mặt đông đủ, kết thúc việc kiểm tra trước chuyến bay. Có một phi công, phi công phụ, hoa tiêu dẫn đường bay, và người phục vụ, tất cả đều mặc quân phục không quân. Robert rất quen thuộc với chiếc máy bay nầy. Nó chứa đầy những thiết bị điện tử. Phía bên ngoài, gần đuôi, có một ăng-ten tần số cao trông giống như một chiếc cần câu lớn. Trong khoang máy bay, có mười hai chiếc điện thoại màu đỏ treo trên vách và một chiếc điện thoại thường, màu trắng. Các liên lạc bằng ra-đa đều được mã hoá và ra-đa của máy bay hoạt động trên một tần số quăn sự. Phần lớn màu trong khoang máy bay là màu xanh da trời của không quân và trong khoang ngồi là những chiếc ghế dựa rất tiện dụng. Robert thấy rằng anh là người khách duy nhất. Người lái chính chào anh. - Xin được đón tiếp ông, thưa ông sĩ quan chỉ huy. Nếu như ông cài dây an toàn vào là chúng ta được phép cất cánh. Robert làm theo và ngả người trên ghế trong khi chiếc máy bay chạy dọc theo đường băng. Một phút sau, anh thấy cái cảm giác quen thuộc của tình trạng tăng trọng lượng khi máy bay lao lên không trung. Anh đã thôi lái từ vụ bị rơi kia, khi anh được thông báo rằng anh sẽ không bao giờ có thể lái được nữa. Còn bay nữa, Robert nghĩ, họ nói mình sẽ không sống nổi ấy chứ. Một điều kỳ diệu - Không, đó là nhờ Susan… Việt nam. Anh đã được đưa đến đó với cấp bậc thượng uý, biên chế trên hàng không mẫu hạm Ranger với cương vị một sĩ quan tác chiến, chịu trách nhiệm huấn luyện phi công tiêm kích và vạch kế hoạch cho chiến lược tiến công. Anh chỉ huy một phi đội cường kích Kẻ xâm nhập A- 6A và có rất ít thời gian nghỉ ngơi sau những căng thẳng của cuộc chiến. Một trong số ít những kỳ nghỉ phép, anh đã đến thăm Bangkok, chừng một tuần lễ, và trong thời gian, đó thậm chí anh không thèm ngủ nghê gì. Thành phố ấy giống như một vương quốc Disney được tạo ra cho những khoái lạc của giống đực. Trong giờ đầu tiên ở thành phố nầy, anh gặp một cô gái Thái Lan xinh đẹp, và cô ta đã ở suốt bên anh cả quãng thời gian và dạy anh một vài câu tiếng Thái. Anh thấy thứ ngôn ngữ đó thật mềm mại và ngọt ngào. Arun sawasdi. Chào buổi sáng. Khưn na chak nai? Bạn từ đâu đến? Khun kamrant chain pai? Bạn đi đâu bây giờ thế? Cô cũng dạy anh một số câu khác nữa, nhưng không nói với anh nghĩa của chúng là thế nào, và khi anh nói lại thì cô khúc khích cười. Khi Robert trở về tàu Ranger, Bangkok dường như chỉ còn là một giấc mơ xa xôi. Chiến tranh mới là hiện thực và là một nỗi khủng khiếp. Ai đó cho anh xem một số nhưng tờ truyền đơn mà lính thuỷ đánh bộ Mỹ rải ở Bắc Việt nam. Truyền đơn viết: "Các công dân thân mến, Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đang chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nam Việt nam tại Đức Phổ (1) nhằm tạo cho nhân dân Việt nam một cơ hội sống cuộc sống tự do, hạnh phúc, không phải chịu đói khát và đau khổ. Nhưng nhiều người Việt nam đã phải trả giá bằng tính mạng của họ, và nhà cửa của họ bị huỷ hoại bởi lẽ họ đã giúp đỡ cho Việt Cộng. Những làng xóm ở Hải Môn, Hải Tân, Sa Đình, Tạ Bình và nhiều nơi khác đã bị huỷ diệt vì lý do đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại trước mọi làng xóm nào tiếp tay cho Việt Cộng, những kẻ đang bất lực trước việc ngăn chặn sức mạnh phối hợp của Chính phủ Việt nam (2) và đồng minh. Sự lựa chọn thuộc về các bạn. Nếu các bạn từ chối để Việt Cộng dùng làng xóm thôn ấp của các bạn như chiến trường của họ, nhà cửa và sinh mạng của các bạn sẽ được an toàn". Chúng ta đang cứu vớt những người dân khốn khổ cứ cho là thế, Robert đã nung nấu nghĩ ngợi. Và tất cả những gì chúng ta đang huỷ diệt là đất nước của họ. * * * * * Hàng không mẫu hạm Ranger được trang bị tất cả những kỹ thuật hoàn hảo nhất có thể nhồi nhét được cho nó. Chiếc tàu là căn cứ của 16 máy bay, 40 sĩ quan và 350 binh sĩ. Lịch bay được đưa ra ba hoặc bốn giờ trước chuyến xuất kích đầu tiên trong ngày. Trong phòng kế hoạch chiến đấu của trung tâm tình báo con tàu, các thông tin mới nhất và các bức ảnh do thám được trao cho những người điều khiển vũ khí để rồi đến lượt họ lập lịch trình bay của chính họ. Giêsu, sáng nay họ trao cho chúng ta một thắng cảnh, Edward Whittaker, người phụ trách vũ khí của Robert, kêu lên. Edward Whittaker trông giống cha như đúc nhưng có tính cách hoàn toàn khác. Trong khi ngài đô đốc là một nhân vật khủng khiếp, nghiêm túc và khổ hạnh thì con trai ông là một thanh niên thực dụng, nồng nhiệt và dễ mến. Anh ta đã có được cương vị của mình "giống như bao nhiêu người khác". Đồng đội không còn để ý đến chuyện Edward là con trai người chỉ huy của họ song rất rõ rằng, đó là người phụ trách vũ khí xuất sắc nhất trong phi đoàn. Anh ta và Robert đã trở thành cặp bạn thân. - Chúng ta sẽ bay tới đâu vậy? - Robert hỏi. Vì những tội lỗi của chúng ta, ta đã chọn phải Khu Sáu. Đó là phi vụ nguy hiểm nhất trong tất cả. Điều đó có nghĩa là phải bay theo hướng bắc tới Hà Nội, Hải Phòng và khu vực châu thổ sông Hồng, nơi có lưới lửa phòng không dày đặc nhất. Thời gian mười hai năm xâm chiếm Việt nam là thời kỳ chiến tranh dài lâu nhất từ trước đến nay đối với nước Mỹ. Robert Bellamy đang mắc phải những vấn đề nghiêm trọng. Những phi đội F-4 của họ đang bị tiêu hao. Bất chấp sự thật là những máy bay của nó ưu việt hơn hẳn những chiếc MiG(3) của Nga, Hải quân Mỹ đang phải mất một chiếc F-4 để có thể bắn hạ được hai chiếc MiG. Đó là một tỉ lệ không thể chấp nhận được. Robert được triệu tập đến Phòng chỉ huy của Đô đốc Ralph Whittaker. - Thưa Đô đốc, ngài cho gọi tôi ạ? - Anh nổi tiếng là một phi công cừ khôi. Tôi cần sự giúp đỡ của anh. - Thưa ngài, chuyện gì ạ? - Chúng ta đang bị tiêu huỷ bởi kẻ thù khôn ngoan. Tôi đã cho làm một báo cáo phân tích kỹ lưỡng. Không có vấn đề gì đối với những máy bay của chúng ta. Vấn đề là việc huấn luyện những người sử dụng chúng. Anh hiểu chứ? - Thưa ngài, vâng. - Tôi muốn anh chọn lấy một nhóm và dạy dỗ lại họ về chiến thuật và cách sử dụng vũ khí… Nhóm mới nầy được gọi là Top Gun, và trước khi họ kết thúc, thì tỉ lệ kia mới thay đổi từ 2-1 xuống 12-1. Cứ hai chiếc F-4 bị mất là 24 chiếc MiG bị bắn hạ. Mất tám tuần huấn luyện căng thẳng để hoàn thành nhiệm vụ nầy và sau cùng thì Bellamy đã trở về với chiếc tàu của mình. Đô đốc Whittaker đã đón tiếp anh. Một thành quả tuyệt hảo, chàng sĩ quan ạ. - Cám ơn Đô đốc. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với công việc. - Tôi sẵn sàng, thưa ngài. Robert đã bay ba mươi tư phi vụ ném bom từ tàu Ranger không hề có sự cố gì. Phi vụ thứ ba mươi lăm của anh là tới Khu Sáu. Họ đã bay qua bầu trời Hà Nội và đang hướng về phía tây bắc, tới vùng trời Phú Thọ, Yên Bái. Lưới lửa phòng không đang mỗi lúc một dầy đặc thêm. Edward Whittaker ngồi phía bên phải Robert chăm chú nhìn vào màn hình ra-đa , lắng nghe những âm thanh trầm trầm đáng lo ngại của ra-đa cảnh giới của đối phương đang quét trên bầu trời. Bầu trời phía trước mặt họ giống như bầu trời nước Mỹ ngày quốc khánh, điểm những cụm khói trắng của đạn phòng không hạng nhẹ phía dưới thấp, những cụm khói xám sẫm của đạn pháo 55mm, những đám khói đen của đạn pháo 100mm và những đường đạn đỏ rực của súng máy hạng nặng. - Chúng ta đang tiến đến mục tiêu đấy, Edward nói. Giọng nói của anh ta qua cáp nghe có vẻ xa xôi đến kỳ lạ. - Rõ rồi. Chiếc A- 6A Kẻ xâm nhập đang bay với tốc độ 800km một giờ, và với vận tốc đó, thậm chí với cả sự nặng nề của lượng bom mang theo, nó vẫn rất cơ động và đối phương khó có thể truy đuổi. Robert với tay và bật công tắc sử dụng vũ khí. Một tá bom loại 500 bảng Anh lúc nầy đã sẵn sàng được phóng ra. Anh đang hướng thẳng đến mục tiêu. Một giọng nói trong radio của anh vang lên. - Romeo - anh có một con quỷ đằng sau đấy. Robert ngoái lại nhìn. Một chiếc MiG đang từ phía mặt trời bay lại phía anh. Robert lật nghiêng và bay chéo xuống. Chiếc MiG bám theo. Nó đã bắn một quả tên lửa. Robert liếc mắt nhìn bảng đồng hồ. Quả tên lửa đang lao đến rất nhanh. Cách ba trăm mét… hai trăm mét trăm rươi mét… - Đồ khốn! - Edward quát lên. - Chúng ta còn chờ gì nữa. Robert đã đợi đến giây cuối cùng, rồi phóng ra một đám nhiễu kim loại và đổi hướng bay vọt lên cao, để mặc quả tên lửa lao theo đám nhiễu nổ tung một cách vô hại xuống phía mặt đất bên dưới. - Ơn Chúa, - Edward nói. - Và cảm ơn cả cậu nữa, anh bạn ạ. Robert tiếp tục bay lên và đột ngột vòng lại phía sau chiếc MiG. Tay phi công kia bắt đầu động tác lẩn tránh thì đã quá muộn. Robert phóng ra một quả Sidewinder và nhìn theo nó chui tọt vào đuôi chiếc MIG rồi nổ tung. Một giây sau, bầu trời bị phủ bởi một trận mưa những mảnh kim loại. Một giọng nói vang lên trong cáp nghe. - Khá lắm, Romeo. Lúc nầy chiếc máy bay đã ở phía bên kia mục tiêu. - Nào, ta bắt đầu, - Edward nói. Anh ta ấn cái nút đỏ rồi nhìn những trái bom lao xuống mục tiêu. Phi vụ đã hoàn thành. Robert hướng máy bay bay về phía tàu mẹ. Đúng lúc đó, họ thấy một tiếng động khác thường. Chiếc cường kích vốn nhanh nhẹn và ngoan ngoãn là thế bỗng trở nên nặng trịch. - Chúng ta đã dính đạn rồi. - Edward kêu lên. Cả hai chiếc đèn tín hiệu báo cháy đều loè đỏ. Chiếc máy bay lảo đảo và không còn tuân theo sự điều khiển. Một giọng nói vang lên trong radio: - Romeo nầy, đây là Tiger. Anh có muốn chúng tôi che chắn cho không? Robert đưa ra quyết định chớp nhoáng. - Không, cứ tiếp tục đến mục tiêu của anh đi. Tôi sẽ cố lết về căn cứ. Chiếc máy bay bay chậm lại và càng trở nên khó điều khiển hơn. - Nhanh lên, Edward hồi hộp nói, không thì chúng ta sẽ muộn giờ ăn trưa mất. Robert nhìn đồng hồ đo độ cao. Chiếc kim đang tụt xuống nhanh chóng. Anh mở máy liên lạc chính. - Romeo gọi căn cứ. Chúng tôi đã bị đạn. - Căn cứ gọi Romeo. Tình hình xấu lắm không? - Tôi không rõ. Tôi nghĩ là tôi có thể bay về nhà được. - Giữ máy. - Một giây sau, giọng nói kia trở lại. - Tín hiệu của anh là Chalie đang trở về. Điều đó có nghĩa là họ được phép hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm ngay lập tức. - Rõ. - Chúc may mắn. Chiếc máy bay đang sắp bị lật. Robert cố lấy lại thăng bằng, cố lấy thêm độ cao. - Nào, bạn thân mến, bạn có thể làm được mà. - Khuôn mặt Robert căng thẳng. Họ đang mất độ cao quá nhiều. - Chúng ta còn bao lâu nữa hả? Edward nhìn bản đồ bay. - Bảy phút. - Tôi sẽ cho cậu ăn bữa trưa nóng sốt đấy. Robert cố hết sức để giữ chiếc máy bay bay thẳng với tất cả tài nghệ của mình, sử dụng van dầu và bánh lái. Độ cao vẫn tiếp tục tụt xuống tới mức báo động. Nhưng sau cùng, ở phía trước mặt, Robert nhìn thấy mặt nước biển lấp loá của vịnh Bắc bộ. - Chúng ta về đến nhà rồi, anh bạn ạ. - Robert nói - Chỉ vài dặm nữa thôi. - Khủng khiếp thật. Tớ không ngờ và không biết từ đâu, hai chiếc MIG ầm ầm lao xuống. Những loạt đạn bắt đầu xuyên vào thân Kẻ xâm nhập A-6A. - Eddie. Nhảy dù đi! - Anh quay sang nhìn. Edward sụp người trên chiếc dây an toàn, nửa bên phải bị xé nát, máu phun đầy khoang lái. - Không. - Anh thét lên. Một giây sau, Robert chợt cảm thấy đau điếng ở ngực. Ngay lập tức, bộ đồ bay của anh ướt đẫm máu. Chiếc máy bay bắt đầu rơi theo một hình xoắn ốc. - Anh cảm thấy mình đang ngất đi. Với chút sức lực cuối cùng anh tháo dây an toàn và quay sang nhìn Edward lần cuối cùng. - Tớ xin lỗi, - anh thì thầm, rồi ngất đi và cho tới sau nầy cũng không thể nhớ được anh đã bật dù và rơi xuống mặt nước như thế nào. Một tín hiệu cấp cứu được phát đi và một chiếc trực thăng Vua biển SH-3A từ chiếc tàu U.S.S Yorktown bay vòng tròn, tìm cách cứu anh lên. Ở phía xa, đội bay nhìn thấy những chiếc tàu chiến Trung Quốc cỡ nhỏ đang lao đến, nhưng đã quá muộn. Khi họ mang được Robert lên trực thăng, một nhân viên y tế thoáng nhìn thân thể dập nát của anh và nói "Lạy Chúa, thậm chí anh ta sẽ không về được tới bệnh viện nữa". Họ tiêm cho Robert một liều thuốc giảm đau, băng chặt lồng ngực anh lại và chở anh về bệnh viện dã chiến số 12 ở căn cứ Củ Chi. Bệnh viện 12 phục vụ cho các căn cứ Củ Chi, Tây Ninh và Dầu Tiếng có bốn trăm giường bệnh rải rác trong hơn một chục khu điều trị với những chiếc nhà tôn tháo lắp được, nối liền với nhau bằng những hành lang và tạo thành một khu liên hợp hình chữ U. Bệnh viện nầy có hai bộ phận cấp cứu, một cho những ca phẫu thuật và một cho những ca bỏng, mà cả hai luôn luôn trong tình trạng quá tải. Khi Robert được đưa vào máu anh nhỏ giọt thành vệt trên sàn. Một bác sĩ phẫu thuật với vẻ khó chịu cắt những lớp băng quanh lồng ngực Robert, xem xét, và uể oải nói: - Anh ta sẽ không thể qua được. Đưa anh ta lại phòng lạnh đi. - Và viên bác sĩ bước đi. Robert nửa mê nửa tỉnh, thoáng nghe thấy lời viên bác sĩ. Vậy đấy, anh nghĩ, một kiểu chết thật tẻ ngắt. - Anh không muốn chết phâi không, chàng thuỷ thủ? Mở mắt ra đi. Nào. Anh mở mắt và lờ mờ nhìn thấy một bóng áo trắng và một khuôn mặt phụ nữ. Cô ta còn nói thêm gì nữa, nhưng anh không thể nghe được lời cô. Khu điều trị quá ồn ào, đầy những tiếng la thét và rên rỉ của bệnh nhân, tiếng các bác sĩ quát lên những mệnh lệnh, và tiếng chân các y tá cuống cuồng chạy vòng quanh chăm sóc những thân thể đầy thương tích đang nằm đó. Suất 48 tiếng đồng hồ sau đó, Robert luôn trong tình trạng đau đớn và mê sảng. Chỉ mãi sau nầy anh mới biết rằng cô y tá đó, Susan Ward, đã thuyết phục được một bác sĩ mổ và tiếp máu cho anh. Để dành lại sự sống cho anh, họ đã đặt bốn đường truyền máu vào cái thân thể nhàu nát của anh và liên tiếp truyền máu đồng thời qua cả bốn đường. Khi ca mổ kết thúc, viên bác sĩ trưởng kíp mổ thở dài: - Chúng ta đã phí thời gian. Khả năng anh ta qua được không quá mười phần trăm. Thế nhưng viên bác sĩ đã không biết Robert Bellamy. Và ông ta càng không biết Susan Ward. Robert thấy dường như bất kỳ lúc nào anh mở mắt ra, Susan cũng đang ngồi bên, cầm tay anh, vuốt ve trán anh, chăm sóc anh và mong anh sống. Anh mê sảng phần lớn thời gian và lúc nào Susan cũng lặng lẽ bên anh trong đêm đơn độc, nghe những lời lảm nhảm của anh. "Góc bổ nhào sai, anh không thể lao cắm đầu vuông góc xuống mục tiêu hoặc sẽ ném bom xuống sông… Bảo họ chuyển góc bổ nhào chếch đi vài độ trên mục tiêu. Bảo họ… - Anh lẩm bẩm. - Em sẽ bảo họ, - Susan dịu dàng nói. Người Robert ướt đẫm mồ hôi. Cô lau đi cho anh. "Các anh phải bỏ cả năm cái kẹp an toàn đi nếu không ghế lái sẽ không bật ra được… Kiểm tra lại chúng đi.. Được rồi. Bây giờ thì ngủ đi. "Các chốt hãm trên các giá treo bị trục trặc… Có Chúa mới biết được là bom rơi xuống những đâu… Susan phần lớn không thể hiểu nổi bệnh nhân của cô nói gì cả. Susan Ward là trưởng nhóm y tá phục vụ phòng mổ cấp cứu. Cô sinh ra ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Idaho và đã lớn lên cùng với cậu bé nhà trên, Frank Prescott, con trai ông thị trưởng. Mọi người trong thị trấn đều cho rằng một ngày nào đó họ sẽ lấy nhau. Susan có một cậu em trai, Michael, mà cô rất yêu quý. Vào dịp sinh nhật lần thứ mười tám, cậu ta đã nhập ngũ rồi được gửi sang Việt nam, và ngày nào Susan cũng viết thư cho cậu. Ba tháng sau ngày cậu đăng lính, gia đình Susan nhận được một bức điện tín và cô biết nó nói gì trước khi họ giở ra. Khi Frank Prescott nghe tin, anh ta lao sang. - Tôi rất lấy làm buồn, Susan. Tôi rất thích Michael. Và rồi anh ta đã mắc lỗi khi cất lời. - Chúng ta hãy cưới ngay đi thôi. Susan nhìn anh ta và quả quyết. - Không. Tôi còn phải làm một việc quan trọng đối với cuộc đời của tôi. - Hãy vì chúa. Em còn việc gì quan trọng hơn việc làm vợ tôi hả? Câu trả lời là Việt nam. Susan nhập học một trường y tá. Cô đã ở Việt nam được mười một tháng, làm việc không biết mệt mỏi, khi Robert Bellamy được đưa đến và cầm chắc cái chết. Cứu chữa có chọn lọc là một thực tiễn chung tại bệnh viện cấp cứu tiền phương. Các bác sĩ thường kiểm tra hai hoặc ba bệnh nhân một lượt và đưa ra những phán quyết vắn tắt về việc sẽ cố cứu lấy ai trong số họ. Vì những lý do mà chính cô cũng không thật rõ, Susan chỉ nhìn thân thể bằm dập của Robert Bellamy và hiểu rằng cô không thể để anh chết được. Có phải đó chính là cậu em trai mà cô muốn cứu sống hay không? Hay còn là điều gì nữa. Cô đã kiệt sức và quá mệt mỏi với công việc, nhưng thay cho việc nghỉ ngơi, cô đã dành mọi thời gian rỗi để chăm sóc anh. Susan đã xem xét lý lịch bệnh nhân của anh. Một phi công và một huấn luyện viên cừ khôi, đã có một huân chương Chữ thập Hải quân. Nơi sinh của anh là Harvey, bang Illinois, một thành phố công nghiệp nhỏ ở phía nam Chicago. Anh đã gia nhập Hải quân sau khi tốt nghiệp cao đẳng và đã huấn luyện ở Pensacola. Anh chưa có vợ. Mỗi ngày, trong khi Robert Bellamy đang bình phục, mấp mé giữa làn ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, Susan đều thì thầm bên tai anh. - Cố lên, chàng thuỷ thủ. Em đang đợi anh đấy. Một đêm, sáu ngày sau khi anh được mang vào bệnh viện, khi anh đang lảm nhảm trong một cơn mê sảng, đột nhiên Robert ngồi thẳng dậy trên giường, nhìn Susan, và nói một cách rõ ràng: - Không phải là giấc mơ. Đúng cô thật. Susan cảm thấy tim cô nẩy lên. - Vâng, - Cô nói khẽ khàng. - Thật là em mà. - Tôi nghĩ là tôi đang nằm mê. Tôi nghĩ là tôi đã lên thiên đường và Chúa sai cô đến với tôi đấy. Cô nhìn vào mắt Robert và nói đầy vẻ nghiêm túc. - Nếu để anh chết, thì thà là em giết anh. Anh đưa mắt nhìn quanh phòng điều trị. - Tôi… ở đâu thế nầy? - Bệnh viện dã chiến số 12 tại Củ Chi. - Tôi đã ở đây bao lâu rồi? - Sáu ngày. - Eddie, cậu ấy… - Em thật buồn. - Tôi phải nói với ngài Đô đốc. Cô cầm lấy tay anh và dịu dàng nói: - Ông ấy biết rồi. Ông ấy đã đến đây thăm anh. Robert ứa nước mắt. - Tôi căm ghét cuộc chiến tranh khốn nạn nầy. Không thể nào nói lên được. Từ thời điểm đó trở đi, sự hồi phục của Robert đã làm cho các bác sĩ ngạc nhiên. - Chúng ta sắp chuyển anh ta đi khỏi đáy được rồi, - họ nói với Susan. Và cô cảm thấy choáng váng. Robert không hề biết một cách chính xác là anh đã yêu Susan từ khi nào. Có thể là lúc cô đang thay băng cho anh và cô thì thầm khi họ nghe tiếng bom rơi gần đó. "Họ đang chơi bài ca của chúng ta đấy". Hoặc có thể là khi họ bảo Robert rằng anh đã đủ sức để được đưa về bệnh viện Walter Reed ở Washington nằm dưỡng bệnh, và Susan nói: "Anh nghĩ là em sẽ ở lại đây và để cho một cô y tá khác được chăm sóc cái thân thể tuyệt vời nầy ư? Ồ, không. Em sẽ xoay xở mọi cách để được cùng đi với anh! Họ cưới nhau hai tuần sau đó. Robert phải mất một năm mới bình phục hoàn toàn, và suốt thời gian đó Susan chăm sóc cho mọi nhu cầu của anh, ngày và đêm. Anh chưa bao giờ gặp một ai giống như cô và cũng chưa bao giờ anh có thể tưởng tượng mình lại yêu ai đến như vậy. Anh yêu lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm ở cô, tình yêu nồng nàn và sức sống mãnh liệt của cô. Anh yêu vẻ đẹp và tính hài hước của cô. Vào lần kỷ niệm ngày cưới đầu tiên, anh nói với cô "Em là người phụ nữ đẹp nhất, tuyệt vời nhất, thân thương nhất trên đời nầy. Trên trái đất nầy không có ai có sự nồng ấm, hóm hỉnh và thông minh như em". Và Susan đã ôm lấy anh thật chặt, thầm thì bằng cái giọng mũi nhưng trong trẻo của cô: "Anh cũng vậy em biết". Họ chia xẻ với nhau không chỉ tình yêu. Họ thật sự ham muốn cũng như tôn trọng nhau. Tất cả bạn bè đều như ghen tị và mừng cho họ. Bất kỳ khi nào đó nói chuyện về một đám cưới hạnh phúc, thì Robert và Susan luôn luôn là tấm gương họ nêu ra. Họ hợp nhau về mọi mặt, thực sự là một đôi bạn tinh thần. Susan còn la người đàn bà gợi tình nhất mà Robert từng biết và chỉ cần một lời nói, một sự đụng chạm là họ có thể làm cho nhau bừng bừng ham muốn. Một buổi tối, họ dự tính đi đến một bữa tiệc trịnh trọng, Robert đã hơi bị trễ. Anh đang đứng dưới vòi tắm hoa sen thì Susan bước vào phòng tắm với bộ váy áo hở vai, trông thật đáng yêu. - Lạy Chúa, trông em khêu gợi quá, - Robert nói. - Thật tệ là chúng ta mất hết thì giờ rồi. - Ôi anh đừng lo về điều đó, - Susan nhoẻn cười. Rồi một giây sau, cô tụt váy ra và ôm chầm lấy Robert trong làn nước. Họ không bao giờ đến được cái bữa tiệc kia. Susan cảm nhận được những nhu cầu của Robert thậm chí còn trước cả chính anh, và cô lo liệu cho tất cả những thứ đó. Robert cũng chu đáo với cô ngang như vậy. Susan thường thấy những thư tình trên bàn trang điểm hoặc trong giầy khi cô chuẩn bị mặc quần áo. Hoa và những món quà nhỏ được gửi đến cô vào những ngày lễ nầy nọ. Và cái chính là tiếng cười mà họ chia sẻ. Tiếng cười tuyệt vời. Tiếng viên phi công chợt vang lên trong hệ thống liên lạc nội bộ. - Thưa ông chỉ huy, mười phút nữa chúng ta sẽ hạ cánh xuống Zurich. Những ý nghĩ của Robert Benamy vụt trở lại với hiện tại, tới nhiệm vụ của anh. Trong 15 năm ở Tình báo Hải quân, anh đă từng có hàng chục trường hợp đầy thách thức, nhưng vụ nầy hẳn là vụ kỳ dị nhất. Anh đang trên đường tới Thuỵ Sĩ để tìm kiếm những nhân chứng vô danh trên một chiếc xe bus, những người đã như biến mất vào không khí rồi vậy. Cứ cho đây là việc phải tìm một cái kim trong đồng cỏ khô đi chăng nữa thì thậm chí mình cũng không biết cái đống rơm đó nằm tại chỗ nào. Sherlock Holmes ở đâu khi mà mình cần đến ông ấy nhỉ? - Xin ông thắt dây lưng an toàn vào cho? Chiếc C20A đang lướt trên những khoảng rừng tối, và một giây sau, hạ cánh xuống đường băng được đánh dấu bằng những ngọn đèn hiệu hạ cánh của sân bay, hướng tới toà nhà nhỏ của bộ phận điều hành chung, tránh xa khu ga chính. Vẫn còn những vũng nước đọng trên sân do những trận mưa trước đó, nhưng bầu trời đêm thì thật trong trẻo. - Thời tiết điên rồ, - Viên phi công nhận xét. - Chủ nhật trời nắng, mưa suốt ngày hôm nay và đêm lại quang đãng. Ở đây ông không cần đến đồng hồ đâu. Cái mà ông thật sự cần là một phong vũ biểu. Tôi thu xếp cho ông một chiếc ô tô chứ, ông chỉ huy? - Không, cảm ơn. Từ phút nầy trở đi, anh phải hoàn toàn tự mình làm mọi việc. Robert chờ cho chiếc máy bay đã chạy đi xa, rồi lên một chiếc xe bus nhỏ chạy về khách sạn trong sân bay. Ở đó, anh chìm vào một giấc ngủ không hề mơ mộng gì. Chú thích: (1) Một huyện của tỉnh Quảng Ngãi. (2) Chính quyền Sài gòn (3) MiG máy bay tiêm kích của Liên Xô, viết tắt tên hai người thiết kế là Mikoyan và Gurevich, chữ "i" nhỏ đứng giữa tương tự "&" của tiếng Anh. Trong chiến tranh, không quân Bắc Việt nam sử dụng chủ yếu MiG 21 (số lượng lúc cao nhất là 72 chiếc MiG 21). Tác giả hơi quá cường điệu về máy bay A-6A là máy bay ném bom đời cũ, bay chậm, chỉ sử dụng ở miền Nam, nơi lực lượng phòng không yếu, hoặc cùng lắm ở "Đường mòn Hồ Chí Minh" và Nam Lào, A-6A không dám xông vào khu vực Hà nội - Hải Phòng, nơi có hệ thống phòng không được coi là khá mạnh với MiG 21, tên lửa SAM-2 và pháo 100 mm, A6A càng không phải là đối thủ của MIG-21. Tỷ lệ rơi giữa F-4H và MiG-21 là 1:1, chứ không phải là 12:1 như tác giả viết. Bản thân người đánh máy đã tận mắt nhìn thấy những cuộc không chiến giữa MiG 21 và F4H trên vùng trời Thái Nguyên và Hải Phòng. Ngày 16-4-1967, chiếc F4H bị MiG 21 bắn rơi ngay trên vùng trời thành phố Hải Phòng, phi công Mỹ bị bắt tại chỗ (chú thích của người đánh máy) Chương 07 Ngày thứ hai. 8 giờ 00. Sáng hôm sau, Robert đến trước một nhân viên đang ngồi sau chiếc bàn làm việc của hãng cho thuê ô tô châu u. - Xin chào, - Anh ta nói bằng tiếng Đức. Đó là một lời nhắc nhở rằng anh đang ở trong vủng nói tiếng Đức trên đất Thuỵ Sĩ. - Xin chào, - anh đáp lại cũng bằng tiếng Đức. - Anh có xe cho thuê không? - Thưa ông, có. Ông sẽ cần nó trong bao lâu? Một câu hỏi hay. Một giờ ư? Hay có thể là một năm hoặc hai năm? - Tôi không rõ. - Ông có định mang trả chiếc xe tại đây không? - Có thể là như vậy. Tay nhân viên lạ lùng nhìn anh. - Rất tốt. Xin ông điền vào các mẫu giấy tờ nầy cho? Robert trả tiền thuê xe bằng cái thẻ tín dụng đặc biệt màu đen mà tướng Hilliard đã đưa cho anh. Tay nhân viên xem xét tấm thẻ, lúng túng, và nói: - Xin lỗi một chút. - Anh ta biến mất vào một căn phòng và khi trở ra, Robert hỏi, - Có gì rắc rối không hả? - Không, thưa ông. Không có gì cả. Đó là một chiếc Opel Omega màu xám. Robert lái xe ra con đường cao tốc của sân bay và chạy vào thành phố. Anh rất thích Thuỵ Sĩ. Đây là một trong những đất nước đẹp nhất trên thế giới. Nhiều năm về trước, anh đã từng đi trượt tuyết ở đây, liên hệ với Espionage Abreilung - Cơ quan tình báo của Thuỵ Sĩ. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, cơ quan nầy được tổ chức thành 3 bộ phận: D, P và I, mỗi bộ phận phụ trách riêng rẽ các địa bàn Đức, Pháp và Italia. Hiện nay, mục tiêu chính yếu của nó gắn liền với việc phát triển các hoạt động gián điệp được tiến hành trong các tổ chức khác nhau của Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Robert có bạn hữu trong cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ, nhưng anh nhớ lời dặn của tướng Hilliard, "Anh không được liên hệ với bất kỳ ai trong số họ". Quãng đường vào thành phố mất hai mươi lăm phút. Robert đến đầu mối giao thông Dubendorf rồi cho xe hướng về phía khách sạn Doler Grand. Nó vẫn đúng như anh còn nhớ: một lâu đài kiểu Thuỵ Sĩ lớn quá cỡ nhìn ra hồ Zurich với những tháp nhỏ gây ấn tượng mạnh, bao bọc bởi cây cỏ. Anh đậu xe và bước vào tiền sảnh. Phía bên trái là bàn tiếp tân. - Xin chào. - Xin chào. Tôi muốn có một phòng cho một đêm, được chứ? Họ trao đổi bằng tiếng Đức. - Vâng. Ông thanh toán thế nào ạ? - Bằng thẻ tín dụng của tôi. - Vẫn chiếc thẻ tín dụng có màu trắng đen mà tướng Hilliard đã đưa cho anh. Robert hỏi xin một tấm bản đồ Thuỵ Sĩ và sau đó được đưa tới một căn phòng đầy đủ tiện nghi trong khu phòng mới của khách sạn. Căn phòng có một ban công nhỏ nhìn ra hồ. Robert đứng đó, hít thở khí trời mùa thu mát lành và nghĩ tới nhiệm vụ trước mắt anh. Anh không có gì để mà tiếp tục cả. Không một dấu vết chết tiệt nào. Tất cả, các dữ liệu cho bài toán anh đều hoàn toàn không được biết. Tên của cái hãng du lịch kia. Số lượng những du khách kia. Tên tuổi và địa chỉ nào đó của họ. "Có phải tất cả các nhân chứng đều ở Thuỵ Sĩ không? - "Đó chính là khó khăn của chúng ta. Chúng ta không hề biết họ là ai, hay họ ở đâu. Và như vậy thì chỉ tìm được một vài nhân chứng đó cũng đã quá khó. "Ông phải tìm được tất cả các nhân chứng đó? Thông tin duy nhất mà anh có được là địa điểm và thời gian: Uetendort, Chủ nhật, ngày 14 tháng Mười". Anh cần có một sợi rơm, một cái gì đó để mà bám vao. Nếu anh nhớ chính xác thì tất cả những xe du lịch theo tuyến trong thời gian một ngày, chỉ xuất phát từ hai thành phố lớn Zurich và Geneva. Robert mở một ngăn kéo và lấy ra cuốn danh bạ điện thoại dầy cộp/ Mình sẽ tìm vần M, để cầu may thôi, Robert nghĩ. Có tới gần một chục hãng du lịch được đăng ký: Sunshine Tours, Swisstour, Tour Service, Touralpino, Tourisma Reisen… Anh sẽ phải kiểm tra từng hãng một. Anh ghi lại địa chỉ của tất cả các hãng đó và lái xe tới những văn phòng của vài hãng gần đấy nhất. Có hai nhân viên ở sau dãy bàn dài để tiếp du khách. Khi một trong hai người rảnh việc, Robert cất tiếng: - Xin lỗi. Vợ tôi là một trong số khách đi theo tuyến của các anh chủ nhật tuần trước, và cô ấy đã để quên chiếc ví trên xe. Tôi nghĩ là cô ấy đã hồi hộp bởi vì nhìn thấy quả bóng thám không bị tai nạn ở gần Uetendort. Tay nhân viên chau mầy. Hẳn là ông nhầm rồi. Tuyến của chúng tôi không hề tới gần Uctendort. - Ồ xin lỗi. - Vậy là một. Nơi dừng chân thứ hai có vẻ có kết quả hơn. - Tuyến du lịch của các anh có đi Uetendort không nhỉ? - Ồ có ạ - Người nhân viên mỉm cười. - Các tuyến của chúng tôi đi đến khắp nơi trên đất Thuỵ Sĩ. Những thắng cảnh đẹp nhất. Chúng tôi có một đi Zermatt - tuyến đặc biệt. Cũng có tuyến du lịch tốc hành đi Glacier và Palm. Tuyến Vòng tròn lớn sẽ khởi hành trong… - Có phải các anh có một chuyến đi hôm chủ nhật mà xe đã dừng lại để xem cái khinh khí cầu bị đâm vào núi đó không? Tôi hiểu là vợ tôi đã trở về khách sạn muộn và… Người nhân viên sau bàn nói với vẻ đầy công phẫn: - Chúng tôi rất tự hào với thực tế là các chuyến đi du lịch theo tuyến chúng tôi là không bao giờ trễ cả. Chúng tôi không dừng ngoài chương trình. Vậy là một trong những xe của các anh đã không dừng lại để xem cái khinh khí cầu đó phải không? - Chắc chắn là không. - Cảm ơn. - Vậy là hai. Văn phòng thứ ba mà Robert ghé đến đặt tại Bahnhofplatz, và tấm biển bên ngoài đề SunBhme Tours. Robert bước đến bên chiếc bàn tiếp khách. - Xin chào… Tôi muốn hỏi anh về một trong số những xe đi tuyến của các anh. Tôi có nghe một quả bóng thám không bị tai nạn ở gần Uetendort và người lái xe của các anh đã dừng lại nửa giờ cho du khách xem. - Không, không. Anh ta chỉ dừng lại mười lăm phút thôi. Chúng tôi có những lịch trình rất nghiêm ngặt. Trúng rồi. - Ông nói là ông quan tâm đến chuyện gì trong việc nầy nhỉ? - Nhân viên Hãng du lịch hỏi khi thấy khách im lặng. Robert móc ra một trong những tấm các đã được trao cho anh. - Tôi là phóng viên, - Robert nói một cách sốt sắng. - Và tôi đang viết cho Tạp chí Du lịch và sự thanh thản về hiệu quả của xe bus ở Thuỵ Sĩ, so sánh với các nước khác. Tôi không biết liệu tôi có thể phỏng vấn người lái xe của các anh được không? - Đó sẽ là một bài báo thú vị đấy. Rất thú vị là đằng khác. Người Thuỵ Sĩ chúng tôi tự hào về hiệu quả làm việc của mình. - Và niềm tự hào đó là xứng đáng, - Robert quả quyết với anh ta. - Liệu tên Hãng chúng tôi có được nhắc đến không? - Sẽ ở vị trí nổi bật đấy. Tay nhân viên mỉm cười. - Ồ vậy thì tôi thấy không có gì bất lợi cả. - Tôi có thể nói chuyện với anh ta ngay bây giờ được không? - Hôm nay là ngày nghỉ của ông ta. - Anh ta viết một cái tên lên mẩu giấy. Robert Bellamy đọc ngược dòng chữ Hans Beckerman. Tay nhân viên viết thêm địa chỉ. - Ông ta ở Kapel. Đó là một làng nhỏ, cách Zurich chừng 40 kilômét. Lúc nầy thì ông sẽ có thể tìm thấy ông ta ở nhà. Robert Bellamy cầm lấy mẩu giấy. - Rất cám ơn anh. Nhân tiện, - Robert nói, - để chúng tôi có đầy đủ các dữ kiện cho câu chuyện, anh có biết số lượng vé đã bán ra cho chuyến đi đó không? - Tất nhiên. Chúng tôi lưu hồ sơ về tất cả các chuyến du lịch. Xin đợi một phút. - Anh ta nhấc một cái cặp phía dưới bàn và giở một trang ra. - À, đây rồi. Chủ nhật, Hans Beckerman. Có 7 hành khách. Anh ta lái chiếc Iveco ngày hôm đó, chiếc xe bus nhỏ. Bảy người khách vô danh và người lái xe. Robert cố cầu may. - Anh có tên những du khách đó không? - Thưa ông, người ta từ ngoài đường bước vào, mua vé và lên đường. Chúng tôi không yêu cầu một thứ giấy tờ gì. Tuyệt thật. - Một lần nữa, cảm ơn anh nhé. - Robert đi ra phía ngoài cửa. Tay nhân viên với theo: - Tôi mong ông sẽ gửi cho chúng tôi một bản của bài báo nhé. - Chắc chắn rồi. - Robert đáp. * * * * * Chi tiết đầu tiên của vấn đề là chiếc xe bus, và Robert lái xe đến Talstrassr, nơi những chiếc xe bus khởi hành, thầm mong nó có thể để lộ một dấu vết nào đó. Chiếc xe Iveco sơn màu nâu và trắng bạc, nhỏ vừa đủ để có thể vượt những con đường dốc của dãy núi Alps, với mười bốn ghế ngồi dành cho khách. Bảy người đó là ai, và họ đã biến đi đường nào? Robert ngồi vào xe của mình. Anh xem bản đồ và đánh dấu đường đi. Anh đi đường Lavessneralle ra khỏi thành phố, tới vùng Albis, nơi bắt đầu dãy núi Alps, và hướng tới làng Kapel. Anh chạy theo hướng nam, ngang qua dẫy đồi nhỏ bao quanh Zurich và bắt đầu leo lên dây Alps huyền diệu. Anh lái xe chạy qua Adliswil, Langnau và Hausen và bao nhiêu làng mạc vô danh khác với những ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ và quang cảnh đẹp như tranh. Gần một tiếng sau, anh tới Kapel. Ngôi làng nhỏ nầy có một tiệm ăn, một nhà thờ, một bưu điện và khoảng hơn một chục ngôi nhà nằm rải rác quanh những quả đồi. Robert đỗ xe và bước vào tiệm ăn. Một cô hầu bàn đang lau chùi cái bàn gần cửa ra vào. - Xin chào cô. Cô có biết nhà ông Beckerman ở đâu không? - Anh nói bằng tiếng Đức. - Dạ. - Cô gái chỉ tay dọc theo con đường. - Phía cuối kia kìa. - Cảm ơn. Robert rẽ phải chỗ cái nhà thờ và chạy đến một ngôi nhà hai tầng xây bằng đá vẻ khiêm nhường, với mái ngói. Anh ra khỏi xe và bước đến trước cửa. Không nhìn thấy chuông, anh đành phải gõ cửa. Một người phụ nữ to lớn với hàng ria mép mờ mờ ra mở cửa. - Có gì vậy? - Xin lỗi vì đã làm phiền chị. Ông Beckerman có nhà không ạ? Chị ta nhìn anh có vẻ nghi ngờ. - Ông muốn gì ở ông ấy hả? Robert trao cho chị ta một nụ cười thật quyến rũ. - Chị hẳn phải là vợ của ông Beckerman. - Anh móc cái thẻ phóng viên ra. - Tôi đang làm một bài trên tạp chí về những người lái xe bus Thuỵ Sĩ, và chồng chị được giới thiệu với tạp chí của tôi là một trong những người lái xe an toàn nhất nước. Gương mặt chị ta sáng lên và nói một cách đầy tự hào: - Hans của tôi là một người lái xe tuyệt vời. - Chị Beckerman, đó là điều mà mọi người đều nói với tôi. Tôi muốn được phỏng vấn ông ấy. - Phỏng vấn Hans của tôi cho một tờ tạp chí ư? - Chị ta đỏ bừng mặt. - Điều đó thật thú vị. Xin mời vào. Chị ta dẫn Robert vào một căn phòng khách nhỏ và gọn gàng ngăn nắp. - Xin chờ ở đây. Tôi sẽ gọi Hans. Ngôi nhà có trần thấp nhưng sáng sủa, sàn nhà bằng gỗ màu sẫm, đồ đạc bằng gỗ trong nhà khá giản dị. Có một cái lò sưởi bằng đá và những tấm rèm treo trên các cửa sổ. Robert đứng đó ngẫm nghĩ. Đây không chỉ là đầu mối tốt nhất mà còn là đầu mối duy nhất của anh. "Người ta từ ngoài đường bước vào, mua vé và lên đường Chúng tôi không yêu cầu một thứ giấy tờ gì…" Từ đây mình còn chưa biết sẽ đi đâu, Robert nhăn nhó nghĩ. Nếu ở đây không ổn, mình luôn luôn có thể cho đăng một lời rao: "Xin mời bảy du khách trên chiếc xe bus đã nhìn thấy vụ tai nạn khinh khí cầu hôm chủ nhật đến phòng khách sạn của tôi vào lúc mười hai giò trưa mai. Sẽ có bữa điểm tâm". Một người đàn ông mảnh khảnh và hói đầu xuất hiện. Nước da ông mai mái và ông ta để một bộ ria mép dầy, đen rất không hợp với toàn bộ vẻ ngoài của mình. - Xin chào ông. - Tôi là Smith. Xin chào ông. - Giọng Robert đầy nhiệt tình. - Tôi đang rất mong ngóng được gặp ông, ông Beckerman. - Vợ tôi nói là ông đang viết một câu chuyện về những người lái xe bus chúng tôi. - Ông ta nói với một giọng Đức nặng trịch. Robert nở một nụ cười với vẻ tranh thủ tình cảm. - Đúng thế. Tờ tạp chí của tôi rất quan tâm đến hồ sơ lái xe an toàn tuyệt vởi của ông và… - Thôi đi. - Beckerman thô lỗ cắt ngang. - Ông quan tâm tới cái vụ tai nạn chiều hôm qua, không phải thế ư? Robert làm ra vẻ lúng túng. - Sự thực là, vâng, tôi cũng muốn bàn cả chuyện đó nữa. - Vậy thì sao ông không nói thẳng ra hả? Ngồi xuống. - Cảm ơn. - Robert ngồi xuống chiếc đi văng. Beckerman nói: - Tôi lấy làm tiếc là không thể mời ông uống một chút, nhưng quả là chúng tôi không còn trữ sẵn rượu trong nhà. - Ông ta đập đập tay vào bụng. - Loét dạ dày. Thậm chí các thầy thuốc không thể cho tôi thuốc giảm đau được. Tôi phản ứng với tất cả các loại đó. - Ông ta ngồi xuống phía đối diện với Robert. - Nhưng mà ông không đến đây để nói về sức khoẻ của tôi có phải không, hả? Ông muốn biết gì nào? - Tôi muốn nói chuyện với ông về những người khách đi trên chiếc xe của ông hôm chủ nhật, mà ông dừng lại gần Uetendort nơi quả bóng thám không đâm vào núi ấy. Hans Beckerman nhìn anh chòng chọc. - Bóng thám không nào? Ông nói chuyện gì vậy? - Quả bóng mà… - Ông nói con tàu không gian ấy ư? Đến lượt Robert kinh ngạc. - Tàu… không gian? - Phải, một cái đĩa bay. Phải mất một giây để những lời nầy được cảm nhận hết. Robert thấy ớn lạnh một cách đột ngột. - Có phải ông đang nói với tôi là ông đã nhìn thấy một cái đĩa bay không? - Phảỉ. Với những xác chết trong đó. "Ngày hôm qua, ở vùng núi Alps, Thuỵ Sĩ, một quả bóng thám không thời tiết của NATO đâm vào núi, có một vài dụng cụ thí nghiệm quân sự tối mật trên quả cầu đó". Robert phải rất cố gắng để giữ vẻ bình tĩnh. Ông Beckerman, ông có chắc chắn cái mà ông đã nhìn thấy là một đĩa bay không hả? - Tất nhiên. Cái mà họ gọi là một vật thể bay lạ. - Và có những người chết ở trong đó? - Không phải là người, không phải. Những sinh vật. Rất khó mô tả họ. - Ông ta hơi rùng mình. - Họ rất nhỏ với những đôi mắt to, rất lạ. Họ mặc những bộ quần áo có màu kim loại bạc. Trông rất sợ. Robert lắng nghe, đầu óc anh rối bời. - Những hành khách của ông có trông thấy không? - Ồ có. Tất cả chúng tôi đều trông thấy. Tôi đã dừng ở đó có tới mười lăm phút ấy. Họ muốn chúng tôi dừng lại lâu hơn, nhưng hãng luôn rất nghiêm ngặt về lịch trình. Robert biết câu hỏi là vô ích thậm chí trước cả lúc anh nói ra. - Ông Beckerman, ông có biết tên của một hành khác nào trong số đó không? - Thưa ông, tôi là người lái xe. Hành khách mua vé ở Zurich và chúng tôi đưa họ đi về phia táy nam đến Interlaken và rồi theo hướng tây-bắc tơi Bern. Họ có thể hoặc là xuống Bern, hoặc trở về Zurich. Không ai cho biết tên cả. - Ông không có cách nào để nhận diện bất kỳ ai trong số họ à? - Robert nói một cách tuyệt vọng. Người lái xe bus ngẫm nghĩ giây lát. - Ồ tôi có thể nói với ông là trên thuyến đó không có trẻ em. Toàn đàn ông. - Chỉ có đàn ông thôi hả? Beckerman ngẫm nghĩ. - Không, không phải thế. Cũng có một phụ nữ. Kinh khủng. Điều đó thật sự thu hẹp thêm khả năng tìm kiếm, Robert nghĩ. Câu hỏi tiếp theo: Quái quỷ thế nào mà mình lại nhận cái nhiệm vụ nầy cơ chứ? - Ông Beckerman, ông đang nói là một nhóm du khách lên chiếc xe bus của ông ở Zurich và rồi khi chuyến đi kết thúc thì đơn thuần là họ tản đi có phải vậy không? - Đúng thế, ông Smith. Vậy là thậm chí không có cả cái đống cỏ khô. - Ông có nhớ bất kỳ điều gì về số hành khách không? Bất kỳ điều gì họ đã nói hoặc làm? Beckerman lắc đầu. - Thưa ông, để ý đến họ làm gì, miễn là được trả tiền thôi chứ. Trừ phi họ gây rắc rối gì. Như cái ông người Đức đó. Robert ngồi im phăng phắc. Anh nhẹ nhàng hỏi: - Người Đức nào? - Tất cả những hành khách khác đều hứng thú xem cái vật thể bay lạ kia và những sinh vật chết trong đó, thế mà cái lão già nầy cứ phàn nàn đòi chúng tôi phải nhanh lên để đến Bern vì lão ta phải chuẩn bị bài giảng gì đó cho trường đại học vào buổi sáng… Mọi sự bắt đầu đây. - Ông có còn nhớ gì khác về ông ta không? - Không. - Không gì cả ư? - Ông ta mặc một cái áo choàng màu đen. Tuyệt. - Ông Beckerman nầy, tôi muốn nhờ ông một việc. Ông có thể chở tôi đến Uctendort được không? - Hôm nay là ngày nghỉ của tôi. Tôi bận với… - Tôi rất vui lòng được trả công ông mà. - Thế hả? - Hai trăm đồng mác. - Tôi không… - Tôi sẽ trả bốn trăm mác. Beckerman nghĩ một chút. - Sao lại không nhỉ? Đi chơi hôm nay cũng đẹp trời đấy chứ? Họ đi về phía nam, qua Luzern và những làng đẹp như tranh vẽ ở Immensee và Meggen. Phong cảnh đẹp đến ngợp thở, nhưng đầu óc Robert còn mải với những chuyện khác. Họ chạy qua Engelberg, với tu viện cổ Benedictine, và Brunig, con đèo dẫn tới vùng Interlaken. Xe họ băng qua Leissigen và Faulensse, với một hồ lớn xanh thẳm điểm những cánh buồm trắng xoá. - Còn bao xa nữa? - Robert hỏi. - Sắp tới rồi, - Hans Beckerman hứa. Sau khi chạy được gần một giờ thì họ tới Spiez. Hans Beckerman nói: - Bây giờ thì không còn xa nữa. Chỉ qua Thun là tới. Robert cảm thấy tim mình bắt đầu đập nhanh hơn. - Anh sắp được chứng kiến một thứ gì đó vượt khỏi sức tưởng tượng, những người khách xa lạ từ những hành tinh khác. Họ chạy qua Thun, một ngôi làng nhỏ, và ít phút sau khi họ đến gần một cánh rừng gần xa lộ Hans Beckerman đưa tay chỉ và nói: - Kia, kìa. Robert đạp phanh và dừng lại bên đường. - Bên kia kìa. Sau những cái cây đó. Robert thấy cái cảm giác hồi hộp mỗi lúc một tăng. - Được. Chúng ta hãy nhìn xem. Một chiếc xe vận tải chạy qua. Khi nó đi khỏi, Robert và Hans Beckerman đi sang đường. Robert đi theo người lái xe bus ngược lên một đoạn dốc dẫn tới cánh rừng. Con đường đã hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt. Lúc họ bước tới một quãng trống, Beckerman lớn tiếng nói: - Đúng chỗ nầy đây. Nằm trên mặt đất phía trước họ là những mảnh vụn nát của một quả bóng thám không. Chương 08 Mình đã quá già trong nghề nầy mất rồi, Robert mệt mỏi nghĩ. Mình đã thực sự mê muội vì câu chuyện đĩa bay của hắn. Hans Beckerman nhìn đăm đăm vào cái thứ đang nằm trên mặt đất, một vẻ bối rối hiện lên trên gương mặt ông ta. - Mẹ kiếp, không phải nó. Robert thở dài. - Không phải nó, có phải không? Beckerman lắc đầu. - Nó đã ở đây ngày hôm qua mà. - Có thể là những người nhỏ bé màu xanh của ông đã chở nó đi rồi đấy. - Không, không. Họ chết cả rồi. - Beckerman khăng khăng. Chết. Điều đó là lời kết luận chính xác cho cái sứ mệnh của mình. Đầu mối duy nhất của mình là một thằng điên nhìn thấy những con tàu không gian. Robert bước đến bên mảnh quả cầu để xem xét nó một cách cẩn thận hơn. Nó là một cái bao nhôm lớn có đường kính khoảng năm mét, với những cạnh răng cưa nơi nó bị rách ra khi đâm xuống đất. Tất cả các thiết bị đã được mang đi, đúng như tướng Hilliard đã nói với anh. "Tôi không thể nào nói hết tầm quan trọng của những gì chứa trong quả cầu đó" Robert đi vòng quanh quả cầu xẹp lép, sục mũi giầy trong đám cỏ ướt tìm kiếm một dấu vết mờ nhạt nhất có thể có. Không có gì. Nó giống hệt hàng chục quả bóng thám không thời tiết khác mà anh đã từng nhìn thấy trong những năm qua. Ông già vẫn không chịu đầu hàng, vẫn đầy cái vẻ ương ngạnh rất Đức. "Những thứ lạ lùng đó… Họ làm chúng giống như thế nầy nầy. Ông biết đấy, họ có thể làm được mọi thứ". Không còn gì để làm ở đây nữa, Robert quyết định. Bít tất của anh đã ướt hết vì những đám cỏ ướt. Anh bước đến bên cái vỏ quả cầu. - Ông giúp tôi nâng cái góc nầy lên chứ? Beckerman nhìn anh một chút, ngạc nhiên. - Ông muốn tôi nâng nó lên ư? - Phải. Beckerman nhún vai. Ông ta cầm một góc của cái thứ vật liệu rất nhẹ kia và nâng lên trong khi Robert nâng một góc khác. Anh nâng mảnh nhôm lên cao quá đầu và bước vào phía trong. Hai chân anh ngập trong cỏ. - Ở dưới nầy cũng ướt. - Robert gọi với ra. - Tất nhiên. Trời mưa suốt cả ngày hôm qua. Toàn bộ mặt đất đều ướt. Robert từ bên dưới quả cầu chui ra. - Đáng ra nó phải khô. "Thời tiết điên rồ, viên phi công nói. "Chủ nhật trời nắng?" Đó là ngày quả cầu đâm xuống đất. Mưa suốt ngày hôm nay và đêm lại quang đãng. Ở đây ông không cần đến đồng hồ đâu. Cái mà ông thật sự cần là một cái phong vũ biểu. - Cái gì hả? - Thời tiết thế nào khi ông ta nhìn thấy cái vật thể bay lạ? Beckerman ngẫm nghĩ một lát. - Đó là một buổi chiều đẹp trời. - Trời nắng chứ? - Vâng. Trời nắng. - Nhưng trời mưa suốt cả ngày hôm qua phải không? Beckerman nhìn anh, khó hiều. - Vậy thì sao? - Vậy thì nếu quả câu nầy ở đây suốt đêm, mặt đất bên dưới nó phải khô, hoặc cùng lắm là ẩm thôi do sự thẩm thấu. Thế nhưng nó lại ướt đẫm, giống như phần còn lại ở khu vực nầy. Beckerman ngẩn ra. - Tôi không hiểu. Điều đó có nghĩa là thế nào? - Nó có thể có nghĩa là, - Robert nói một cách thận trọng, - ai đó đã đặt quả cầu nầy ở đây ngày hôm qua sau khi trời đã bắt đầu mưa và mang đi cái mà ông đã nhìn thấy. Hay có cách giải thích nào đó điên rồ hơn mà anh chưa nghĩ tới? Ai lại làm một cái việc điên khùng như vậy? Không điên đến thế đâu, Robert nghĩ. Chính phủ Thuỵ Sĩ có thể đã làm việc nầy để đánh lừa bất kỳ một vị khách tò mò nào. Cái mẹo đầu tiên cửa một việc bưng bít là tưng tin giả. Robert bước qua đám cỏ ướt chăm chú nhìn mặt đất và tự mắng mình là một kẻ khờ dại cả tin. Hans Beckerman nghi hoặc nhìn Robert. - Nầy ông, ông nói là ông viết cho tạp chí nào nhỉ? - Du lịch và Sự thanh thản. Hans Beckerman mừng rỡ. - Ồ. Vậy thì tôi cho rằng ông sẽ muốn chụp ảnh tôi giống như cái thằng cha kia. - Cái gì? - Cái tay chụp ảnh đã chụp hình bọn tôi ấy mà. - Ông đang nói đến ai vậy? - Robert cau mầy. Cái tay chụp ảnh. Tay đó đã chụp ảnh cho chúng tôi trước cái xác con tàu. Hắn ta nói sẽ gửi cho chúng tôi mỗi người một tấm. Một vài người khách khác cũng có máy ảnh. Robert nói từ tốn: - Hãy khoan nào. Ông đang nói là có ai đó đã chụp hình các du khách kia ở đây ngay trước cái vật thể bay lạ phải không? - Đó chính là điều tôi đang nói với ông đấy. - Và ông ta hứa gửi cho mỗi người các ông một tấm ảnh? - Đúng vậy. - Vậy thì ông ta hẳn phải lấy tên và địa chỉ của các ông chứ? - Ồ tất nhiên. Nếu không thì ông ta biết gửi chúng đi như thế nào được? Robert đứng lặng người, toàn thân nóng bừng bừng. Sự tình cờ tuyệt vời, Robert, mi là một thằng không may mắn. Một sứ mạng bất khả thi bỗng đột ngột trở thành một miếng bánh. Anh không còn phải đi tìm bẩy du khách vô danh kia nữa. Tất cả những gì mà anh phải làm là tìm tay chụp ảnh. * * * * * - Sao lúc trước ông không nhắc đến ông ta, ông Beckerman? - Ông hỏi tôi về những hành khách kia mà. - Ý ông nói ông ta không phải là một hành khách của ông à? Hans Beckerman lắc đầu. - Không - Ông ta chỉ tay. - Xe của ông ta bị chết máy phía bên kia xa lộ. Một chiếc xe cẩu đang sắp sửa lôi nó đi thì xảy ra vụ nầy với chấn động mạnh, và ông ta chạy sang đường để xem có chuyện gì xảy ra. Khi nhìn thấy nó, ông ta trở về xe, chộp lấy máy ảnh và quay trở lại. Thế rồi ông ta bảo tất cả chúng tôi đứng vào để chụp hình trước cái đĩa bay đó. Cái người chụp ảnh đó có nói tên với ông không? - Không. - Ông có nhớ gì về ông ta không? Hans Beckerman cố tập trung trí nhớ. - Ồ, ông ta là một người ngoại quốc. Người Mỹ hoặc Anh. - Ông nói là một chiếc xe cẩu đã sẵn sàng lôi xe của ông ta đi? Đúng thế. - Ông có nhớ chiếc xe cẩu chạy đi đường nào không? - Phía bắc. Tôi đoán rằng ông ta mang nó đi Bern. Thun thì gần hơn nhưng vào chủ nhật thì mọi ga-ra ở Thun đều đóng cửa. - Cám ơn ông. Ông đã giúp tôi rất nhiều. - Robert mỉm cười. - Ông sẽ không quên gửi cho tôi bài báo của ông sau khi kết thúc chứ? - Không. Đây là tiền của ông và thêm một trăm mác cho sự giúp đỡ của ông. Tôi sẽ đưa ông về nhà. Họ đi về xe. Khi Beckerman mở cửa xe, ông ta dừng lại và quay sang Robert. - Ông thật là hào phóng. - Ông ta móc trong túi ra một miếng kim loại nhỏ hình vuông, cỡ bằng cái bật lửa, có chứa một tinh thể màu trắng nhỏ xíu. - Cái gì thế nầy? - Tôi đã thấy nó trên mặt đất hôm chủ nhật trước lúc chúng tôi quay lại xe. Robert xem xét cái vật lạ lùng kia. Nó nhẹ như giấy và có màu của cát. Một cạnh ráp của nó cho thấy nó có thể là một phần của bộ phận khác. Một phần của cái thiết bị chứa trong quả bóng thám không kia? Hay một phần của một vật thể bay lạ? - Có thể nó sẽ mang lại may mắn cho ông, - Beckerman nói trong lúc ông ta đang xếp những đồng tiền mà Robert vừa đưa cho ông ta vào ví. - Với tôi thì đã hẳn là thế rồi. - Ông ta ngoác miệng cười và chui vào xe. * * * * * Đã đến lúc phải tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Mình có thật sự tin có những vật thể bay lạ không? Anh đã đọc nhiều bài báo điên rồ của những g người nói là họ đã thấy những con tàu không gian và đủ loại chuyện kỳ quặc khác và anh đã thường gắn những tin tức nầy với những người hoặc là tìm kiếm sự nổi tiếng hoặc là cần phải tự tìm đến sự giúp đỡ của một bác sĩ tâm thần giỏi. Nhưng trong mấy năm gần đây, có những tin tức không dễ gì bác bỏ được. Các tin tức về việc nhìn thấy các vật thể bay lạ bởi các nhà du hành vũ trụ, các phi công quân sự các viên chức cảnh sát, những người có uy tín những người né tránh sự xuất hiện trước công chúng. Thêm vào đó là tin đáng quan ngại về một vật thể lạ đâm xuống Roswell bang New Mexico, nơi dường như đã tìm thấy xác của những sinh vật lạ. Chính phủ bị cho là đã bưng bít chuyện đó và đã mang đi mọi bằng chứng. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các phi công đã báo cáo về việc nhìn thấy những thứ lạ lùng mà họ gọi là những chiếc máy bay tiêm kích Foo, những vật thể bay không xác định được lai lịch bay sát tới họ và rồi biến mất. Có những câu chuyện về những thị trấn được viếng thăm bởi những vật thể không giải thích được từ trên trời bay vút xuống. Nếu thật sự có những sinh vật lạ trong các vật thể bay lạ từ một hệ mặt trời khác đến thì sao? Robert phân vân. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thế giới của chúng ta? Liệu điều đó sẽ có nghĩa là hoà bình? Chiến tranh? Sự chấm dứt của nền vản minh mà chúng ta đã biết chăng? Anh thấy minh phần nào mong rằng Hans Beckerman là một kẻ ngớ ngẩn điên rồ, và thật sự là quả bóng thám không thời tiết đã đâm xuống đất. Anh sẽ phải tìm một nhân chứng khác để hoặc là xác nhận câu chuyện của Beckerman hoặc là bác bỏ nó. Nhìn bề ngoài, câu chuyện dường như không thể tin được, thế nhưng có một điều gì đó làm bận tâm Robert: Giá như nó chỉ là một quả bóng thám không gặp nạn, thậm chí nó có mang những thiết bị đặc biệt chăng nữa, vì sao mình lại bị gọi đến một cuộc gặp gỡ tại NSA vào lúc 6 giờ sáng và được cho biết điều khẩn cấp là phải nhanh chóng tìm ra tất cả các nhân chứng? Có một vụ bưng bít nào không? Và nếu vậy thì vì sao? Chương 09 Cuối ngày hôm đó, một cuộc họp báo được tổ chức tại Geneva, trong khu văn phòng giản dị của Bộ Nội vụ Thuỵ Sĩ. Có tới hơn năm chục phóng viên có mặt trong phòng và cả một đám đông ở ngoài hành lang. Có các đại diện phát thanh, truyền hình và báo chí từ hơn một chục nước, nhiều người trong số họ lỉnh kỉnh với micrô và các thiết bị ghi hình. Dường như tất cả bọn họ đều đang cất tiếng cùng một lúc. - Chúng tôi nghe tin tức nói rằng đó không phải là một quả bóng thám không thời tiết… - Có phải đó là một cái đĩa bay không? - Tin đồn rằng cô những xác chết lạ ở trên con tàu… - Có phải một sinh vật lạ còn sống không? - Phải chăng chính phủ đang tìm cách che giấu sự thật trước nhân dân? Vị quan chức báo chí cất cao giọng để lấy lại trật tự: - Thưa các quý vị, đã có một sự hiểu lầm đơn giản. Chúng tôi liên tục nhận được những cú điện thoại kiểu nầy. Người ta nhìn thấy những vệ tinh, sao băng… Chẳng nhẽ không phải là thú vị sao khi mà những tin tức về các vật thể bay lạ luôn luôn được đưa ra dưới dạng nặc danh? Có thể người báo tin nầy thật sự tin đó là một vật thể bay lạ, nhưng trên thực tế, chỉ là một quả bóng thám không bị rớt xuống mặt đất. Chúng tôi đã thu xếp phương tiện để đưa các bạn tới đó. Xin mời quý vị theo tôi… Mười lăm phút sau, hai xe bus chở đầy các phóng viên và các camera ghi hình đã lên đường đi Uctendort để mục kích những gì còn lại của vụ tai nạn bóng thám không? Khi tới nơi, họ đứng trong đám cỏ ướt xem xét cái vỏ kim loại rách toác. Vị quan chức báo chí nói: - Đây là cái đĩa bay bí ẩn của các vị. Nó đã xuất phát từ căn cứ không quân của chúng tôi ở Vevey. Theo chỗ chúng tôi biết, thưa quý vị, không hề có những vật thể bay lạ mà chính phủ chúng tôi không thể giải thích một cách xác đáng và cũng theo chỗ chúng tôi biết, không có bất kỳ một vị khách lạ nào tới thăm chúng ta. Chính sách dứt khoát của chính phủ chúng tôi là nếu như thu được bất kỳ băng chứng nào về vấn đề nầy, lập tức chúng tôi sẽ để điều đó trở thành thông tin đại chúng. Nếu như không còn câu hỏi nào nữa… Chương 10 Nhà để máy bay số 17 tại căn cứ không quân Langley ở bang Virginia được khoá kín và bảo vệ nghiêm ngặt. Bên ngoài, bốn lính thuỷ đánh bộ canh gác toà nhà và bên trong, ba sĩ quan cấp cao của Lục quân luân phiên nhau mỗi người tám giờ canh gác một căn phòng luôn đóng kín. Không một sĩ quan nào biết anh ta đang canh gác cái gì. Ngoài các nhà khoa học và các bác sĩ đang làm việc trong đỏ, chỉ có ba người khách được phép bước vào căn phòng đóng kín kia. Vị khách thứ tư vừa mới tới. Ông ta được thiếu tướng Paxton, người phụ trách an mnh, ra đón. - Xin mời thăm chuồng thú của chúng tôi. - Tôi đã rất mong đợi điều đó. - Ông sẽ không phải thất vọng. Xin đi lối nầy. Bên ngoàì cửa phòng đóng kín là một cái giá với bốn bộ quần áo khử trùng, trắng tinh có thể bao kín toàn bộ cơ thể. - Xin ông vui lòng mặc lên người cho! - Viên tướng nói. - Tất nhiên rồi. - Janus chui người vào trong bộ quần áo. Chỉ còn có thể thấy mặt ông ta qua tấm che mặt bằng kính. Ông ta mang hai cái ủng trắng to tướng ra bên ngoài đôi giày của mình và viên tưóng dẫn ông ta tới cửa căn phòng đóng kín kia. Người lính gác đứng tránh sang một bên, và viên tướng mở cửa. - Trong nầy đây. Janus bước vào phòng và nhìn quanh. Ở chính giữa phòng là chiếc phi thuyền không gian. Trên những chiếc bàn mổ ở phía bên là xác của hai sinh vật lạ. Một nhà nghiên cứu bệnh học đang thực hiện một ca giải phẫu trên một trong hai cái xác. Tướng Paxton hướng sự chú ý của vị khách tới chiếc phi thuyền. - Chúng tôi đang xem xét ở đây cái mà chúng tôi cho là một con tàu do thám, - tướng Paxton giải thích. - Chúng tôi tin chắc rằng nó có một kênh liên lạc trực tiếp nào đó với phi thuyền mẹ. Hai người bước lại gần hơn để xem xét. Đường kính của nó xấp xỉ chục mét. Phần bên trong có hình dạng như một viên ngọc với cái trần có thể mở rộng ra được và ba cái đi văng giống như những chiếc ghế bố phân vách được phủ bằng những tấm panen có gắn những đĩa kim loại rung. - Có rất nhiều thứ chúng tôi chưa thể hiểu được, - tướng Paxton thú nhận. - Nhưng mà những gì chúng tôi đã biết thì thật đáng ngạc nhiên - Ông ta chỉ một dãy thiết bị trên những tấm panen nhỏ. - Đó là một hệ thống kính quang học mạch liên hợp có góc nhìn rộng, có vẻ là một hệ thống dò tìm sự sống, một hệ thống dẫn đường mà nói thẳng ra là nó khiến chúng ta mù tịt và một hệ thống thông tin có khả năng tổng hợp ngôn ngữ. Chúng tôi nghĩ là nó hoạt động bằng một dạng năng lượng điện từ trường nào đó. - Có vũ khí nào trên đó không? - Janus hỏi. Tướng Paxton giang rộng hai tay trong một cử chỉ tỏ ý thất bại. - Chúng tôi không rõ. Có rất nhiều thiết bị trên đó mà chúng tôi chưa hiểu. - Còn nguồn năng lượng thì sao? - Phán đoán cao nhất của chúng tôi là nó sử dụng hyđrô đơn nguyên tử trong một mạch kín để chất thải của nó, nước, có thể được liên tục tái chế thành hyđrô sản sinh năng lượng. Với nguồn năng lượng vĩnh viên ấy nó có thể thoải mái bay trong khoảng không gian liên hành tinh. Có thể phải mất nhiều năm chúng ta mới biết hết những bí mật ở đây. Và còn có một điều kinh ngạc nữa. Xác chết của hai sinh vật lạ được chằng trên ghế của họ. Nhưng những vết lõm ở trên ghế thứ ba cho thấy nó cũng có một chủ nhân. - Ông đang nói, - Janus từ tốn hỏi, - rằng có thể một sinh vật đang mất tích ư? - Dường như chắc chắn là thế. Janus đứng yên với một thoáng chau mầy. - Chúng ta hãy nhìn các kẻ xâm nhập nầy một chút. Hai người bước lại những chiếc bàn trên đó có xác hai sinh vật lạ. Janus đứng nhìn chằm chằm vào những hình thù kỳ dị kia. Thật khó tin là những sinh vật có trí tuệ. Trán của chúng lớn hơn mức ông ta tưởng. Họ đều hói đầu và không có lông mi cũng như lông mày. Mắt của họ trông giống như những quả bóng bàn vậy. Người bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật ngẩng lên khi hai người bước lại. - Thật kỳ lạ, - Ông ta nói. - Một bàn tay đã được cắt khỏi thân thể một trong hai sinh vật lạ. Không hề thấy có máu, nhưng ở trong những ống, có thể là mạch ven, có một chất lỏng màu xanh. Phần lớn đã chảy hết ra ngoài. - Một chất lỏng màu xanh à? - Janus hỏi. - Phải, - Người bác sĩ lưõng lự. - Chúng tôi cho là những sinh vật nầy là một dạng của đời sống thực vật. - Một loài thực vật biết nghĩ ư? Ông nói nghiêm túc đấy chứ? - Hãy nhìn cái nầy. - Người bác sĩ nhấc một can nước và dội lên cánh tay của sinh vật đã mất một bàn tay. Trong khoảnh khắc, không có chuyện gì xảy ra. Và rồi bỗng nhiên, tại đầu cụt của cánh tay, một thứ chất màu xanh lục ứa ra và từ từ hình thành một bàn tay. Hai người nhìn chết lặng. - Giêxu. Những sinh vật nầy đã chết hay chưa thế nầy? Đó là một câu hỏi thú vị. Những cơ thể nầy không còn sống, theo cảm nhận của con người, thế nhưng chúng cũng không phù hợp với định nghĩa về sự chết. - Tôi chỉ cho là họ đang ở trạng thái ngủ đông mà thôi. Janus vẫn đang nhìn đăm đăm vào cái bàn tay vừa được hình thành. - Nhiều thực vật cho thấy các dạng thông minh khác nhau. - Thông minh ư? - Ồ phải. Có những loài cây tự nguy trang mình, tự bảo vệ bản thân chúng. Lúc nầy, chúng ta đang có những thí nghiệm kinh hoàng về đời sống thực vật. - Tôi muốn được xem những thí nghiệm đó. - Janus nói. - Được thôi. Tôi sẵn sàng thu xếp. * * * * * Căn nhà kính thí nghiệm khổng lồ nằm trong một khu liên hợp của chính phủ cách Washington 30 dặm. Trên tường là một tấm biển đề: "Những cây thích và những cây dương xỉ vẫn không hề mục nát, Tuy nhiên, không có gì phải nghi ngờ khi chúng bừng tỉnh. Chúng cũng sẽ nguyền rủa và thề nguyện. Ralph Waldo Emerson Thiên nhiên, 1836." Giáo sư Rachman, người phụ trách khu liên hợp nầy là một ông thần giữ của sốt sắng, đầy nhiệt huyết với nghề nghiệp của mình. - Chính Charles Darwin là người đầu tiên nhận biết được khả năng suy nghĩ của cỏ. Luther Burbank đã tiếp nối bằng việc giao tiếp với chúng. - Ông có thật sự tin rằng có thể có điều đó không? - Chúng tôi biết là có điều đó. George Washington Carver đã chuyện trò với cây cối và chúng đã cho ông hàng trăm sản phẩm mới. Carver nói. Khi tôi chạm vào một bông hoa, nghĩa là tôi đang chạm vào Thượng đế. Nhưng bông hoa có mặt trước loài người từ lâu trên trái đất nầy, và chúng sẽ tiếp tục tồn tại hàng triệu năm sau loài người. Qua loài hoa, tôi nói chuyện với Thượng đế… Janus nhìn quanh ngôi nhà kính lớn mà họ đang đứng ở bên trong. Những cây cỏ và các loài hoa lạ làm khu nhà ngập trong những sắc màu rực rỡ của cầu vồng. Hương hoa pha quyện vào nhau, thơm ngát. - Tất cả những gì trong khu nhà nầy đếu sống động. - Giáo sư Rachman nói. - Những cây cỏ nầy có thể cảm thấy yêu, ghét, đau đớn và kích động… giống như những động vật. Ngài Jagadis Chandra Bose đã chứng minh rằng chúng phản ứng với một giọng nói. - Làm sao người ta có thể chứng minh điều đó? - Janus hỏi. - Tôi sẽ sẵn sàng chứng minh cho ông thấy. - Racham bước đến bên chiếc bàn chất đầy cây. Bên cạnh là một chiếc máy đo. Rachman nhấc một đầu dây và cặp nó vào một cái cây. Kim trên đồng hồ của máy ở vị trí không làm việc. - Trông nầy, - Ông ta nói, rồi ghé lại gần cái cây hơn và thì thầm. - Ta nghĩ rằng mi rất đẹp. Mi đẹp hơn tất cả những cái cây khác ở đây… Janus thấy chiếc kim hơi dịch chuyển. Đột nhiên, giáo sưa Rachman quát lên với cái cây: - Mi thật là xấu. Mi sắp phải chết. Mi có nghe ta nói không? Mi sắp phải chết. Chiếc kim bắt đầu rung lên, rồi giật bắn lên trên. - Lạy Chúa, - Janus nói. - Tôi không thể nào tin được. Điều mà ông nhìn thấy, - Rachman nói, - tương tự như một con người bị quát mắng. Các tạp chí quốc gia đều đã đăng những bài viết về các thí nghiệm nầy. Một trong những thí nghiệm hấp dẫn nhất là một thí nghiệm về khả năng nhìn, được tiến hành với sáu sinh viên. Một trong số họ, những người kia không biết, được chọn đi vào một căn phòng có hai cái cây, một cây được nối với máy đo. Cậu ta phá nát hoàn toàn cái cây kia. Sau đó, từng người sinh viên một được yêu cầu đi vào trong phòng, bước ngang qua cái cây. Khi những sinh viên vô tội đi vào, máy đo không ghi lại được gì cả Nhưng đúng lúc kẻ có tội xuất hiện thì kim trên máy đo vọt lên. - Thật không thể tin được. - Nhưng đó là sự thật. Chúng ta cũng đã biết rằng cây cối có phản ứng với các loại âm nhạc khác nhau. - Các loại khác nhau? - Phải. Họ đã làm một thí nghiệm tại Đại học TempleBuell ở Denver với những cây hoa khoẻ mạnh được đặt trong các lồng kính riêng biệt. Nhạc rock gay gắt được truyền dẫn vào một lồng, nhạc xita miền Đông Ấn Độ được truyền dẫn vào một lồng, và lồng thứ ba không có âm nhạc gì hết. Một kíp ghi hình của hãng CBS đã ghi lại thí nghiệm nầy với kỹ thuật chụp hình cách quãng. Vào cuối tuần thứ hai, những cây hoa được nghe nhạc rock đã chết, nhóm không có nhạc thì phát triển bình thường và nhóm nghe nhạc xita thì nở rộ với hoa và cành vươn cả về phía phát ra tiếng nhạc. Walter Cronkite đã cho chiếu bộ phim trên chương trình của ông ta. Nếu như ông muốn kiểm tra, bộ phim đó được chiếu ngày 26 tháng 10 năm 1970. - Ông đang nói là cây cối cũng có một sự thông minh nào đó phải không? - Chúng thở, ăn và sinh sản. Chúng có thể cảm thấy đau và chúng có thể có các biện pháp tự vệ chống lại những kẻ thù của mình. Thí dụ, một số loài cây tiết ra một thứ độc tố để đầu độc vùng đất xung quanh nó và nhờ vậy, ngăn chặn những kẻ cạnh tranh. Một số loài khác thì tiết ra những chất kiềm để làm cho chúng trở nên không thể chấp nhận được đối với các loại côn trùng. Chúng tôi đã chứng minh được rằng cây cỏ giao tiếp với nhau được ở mức nào đó. - Có. Tôi có nghe chuyện đó. - Janus nói. - Một vài loài cây là những loài ăn thịt. Chẳng hạn như cây bắt ruồi. Một số loài phong lan có vẻ ngoài và mùi giống như những con ong cái để bắt những con ong đực. Những giống khác thì lại giống những con ong bắp cày cái để lôi cuốn những con ong bắp cày đực tìm đến thụ phấn cho chúng. Một loài phong lan khác lại có mùi như mùi thịt ôi để dụ dỗ những con nhặng quanh đó đến với chúng. Janus lắng nghe từng lời. - Có một loài hoa có một cánh phía trên có khớp nối và khi một con ong đậu vào thì cánh hoa đậy lại. Lối thoát duy nhất là một lối nhỏ xíu dẫn ra phía sau và trong khi con ong loay hoay để thoát ra thì nó đã phải mang theo một chút phấn hoa. Có tới năm nghìn loài cây hoa mọc ở vùng Đông Bắc và mỗi loài lại có những đặc tính riêng. Việc cây cỏ có khả năng suy nghĩ đã được chứng tỏ nhiều lần. Janus đang ngẫm nghĩ: Và sinh vật mất tích kia đang lấn khuất đâu đó. Chương 11 Ngày thứ ba, Bern, Thuỵ Sĩ Thứ tư ngày 17 tháng Mười Bern là một trong những thành phố mà Robert yêu thích nhất. Nó duyên dáng, đầy những tượng đài thật đáng yêu và những ngôi nhà cổ bằng đá tuyệt đẹp được xây dựng từ hồi thế kỷ 18. Nó là thủ đô của Thuỵ Sĩ, là một trong những thành phố phồn vinh nhất của nước nầy, và Robert cứ băn khoăn không biết những chiếc xe điện màu xanh lá cây có liên quan gì tới màu sắc của đồng tiền không. Anh thấy rằng người dân ở Bern dễ chịu hơn những người dân ở các vùng khác của Thuỵ Sĩ. Họ đi lại khoan thai hơn, nói năng chậm rãi hơn và nhìn chung là điềm đạm hơn. Trước đây anh đã có mấy lần làm việc ở Bern với Cục An ninh Thuỵ Sĩ, trong trụ sở Waisenhauspoatz của họ. Anh có bạn bè có thể giúp ích ở đó, nhưng những chl thị đối với anh là rõ ràng. Khó hiểu, nhưng rõ ràng. Phải mất mười lăm phút gọi điện thoại Robert mới tìm ra được cái gara đã chữa xe của tay thợ ảnh kia. Đó là một xưởng nhỏ ở Fribourgstrasse, và người thợ máy, Fritz Mandel, cũng đồng thời là ông chủ. Mandel có lẽ vào cuối tuổi bốn mươi, với một khuôn mặt dễ sợ, đầy mụn trứng cá, một thân hình gầy gò và một cái bụng phệ ra vì bia. Khi Robert đến, ông ta đang làm việc trong cái kho chứa dầu mỡ. - Xin chào, - Robert lên tiếng. Mandel ngẩng lên. - Xin chào. Tôi có thể làm gì cho ông? - Tôi quan tâm tới một chiếc xe mà ông đã mang về đây hôm chủ nhật. - Đợi một chút, để tôi làm xong cái nầy đã. Mười phút sau, Mandel chui ra và chùi hai bàn tay đầy dầu mỡ vào một cái giẻ bẩn thỉu. - Chính ông là người đã gọi điện sáng nay? Có chuyện phàn nàn về việc ấy à? - Mandel hỏi. - Tôi không chịu trách nhiệm về… - Không, - Robert đảm bảo với ông ta. - Không có gì cả. Tôi đang tiến hành một điều tra và tôi quan tâm tới người lái chiếc xe đó. - Mời vào văn phòng! Hai người đi vào một văn phòng nhỏ và Mandel mở một tủ đựng giấy tờ. - Ông nói chủ nhật trước à? - Đúng vậy. Mandel lấy ra một tấm các. - À! Cái tay đã chụp tấm hình trước cái vật thể bay lạ đó chứ gì. Hai bàn tay Robert chợt ướt đẫm mồ hôi. - Ông đã nhìn thấy cái vật thể bay lạ đó à? - Phải. Tôi gần như chết lặng. - Ông có thể mô tả lại không? Mandel nhún vai. - Nó - nó dường như đang hoạt động. - Ông nói gì cơ? - Ý tôi nói, có một thứ ánh sáng quanh nó. Nó liên tục thay đổi màu sắc. Nó có màu xanh da trời… rồi xanh lục trong không biết. Rất khó mô tả. Và có những sinh vật nhỏ bé trong đó. Không phải là con người, nhưng… - Ông ta ngừng bặt. - Bao nhiêu? - Hai. - Họ còn sống không? - Tôi thấy họ như đã chết. - Ông ta nhíu mầy. - Tôi sung sướng là ông đã tin tôi. Tôi đã nói với bạn bè, song họ đều cười nhạo tôi. Ngay cả vợ tôi cũng nghĩ là tôi đã say. Nhưng mà tôi biết tôi đã nhìn thấy gì chứ. - Về cái xe mà ông đã kéo đi… - Robert nói. - À. Chiếc Renault. Nó bị chảy dầu và những đệm lót bị cháy. Việc kéo nó đi phải trả một trăm hai mươi lăm francs. Chủ nhật, tôi tính gấp đôi. - Người lái xe trả bằng séc hay thẻ tín dụng hả? - Tôi không nhận séc cũng như thẻ tín dụng. Anh ta trả bằng tiền mặt. - Francs Thuỵ Sĩ chứ? - Đồng bảng. - Ông có chắc không? - Chắc. Tôi nhớ là đã phải kiểm tra tỉ giá hối đoái mà. - Ông Mandel, ông có tình cờ biết gì về cái biển số của chiếc xe đó không? - Tất nhiên. - Mandel liếc nhìn tấm các. - Đó là một chiếc xe đi thuê. Avis. Anh ta thuê nó ở Geneva. - Ông có thể cho tôi cái số xe đó không? - Được có gì đâu? Ông ta viết những con số lên một mẩu giấy và trao nó cho Robert. - Mà có chuyện gì vậy? Cái vật thể bay lạ kia à? - Không, - Robert nói với một giọng chân thành nhất. Anh móc ví và lấy ra một tấm thẻ chứng minh. - Tôi ở IAC, Câu lạc bộ ô tô Quốc tế. Hãng của tôi đang làm một nghiên cứu điều tra về những xe kéo. - Ồ. Robert rời khỏi cái gara, trong lòng bàng hoàng. Có vẻ như chúng ta có trong tay một vật thể bay lạ khốn kiếp và hai sinh vật lạ chết trên đó. Vậy thì tại sao tướng Hilliard nói dối anh khi mà ông ta biết Robert sẽ phát hiện rằng đó là một chiếc đĩa bay bị đâm xuống đất? Chỉ có thể có một lời giải thích, và đột nhiên Robert cảm thấy rùng mình ớn lạnh. Chương 12 Chiếc phi thuyền mẹ khổng lộ lặng lẽ treo lơ lửng trong khoảng không gian vũ trụ tối sẫm, dường như bất động, đang di chuyển với tốc độ hai mươi hai nghìn dặm một giờ, đồng bộ một cách chính xác với quỹ đạo của trái đất. Sáu sinh vật lạ ở trên phi thuyền đang chăm chú lên chiếc màn hình quang học có thị trường ba chiều chiếm cả một bức tường của phi thuyền. Trên màn hình, trong khi hành tinh trái đất quay, họ theo dõi những hình ảnh tự động hiện lên về những gì ở phía dưới đồng thời một máy quang phổ điện tử phân tích về thành phần hoá học của những hình ảnh vừa xuất hiện. Bầu khí quyển của những vùng đất mà họ đang bay qua bị ô nhiễm nặng nề. Những nhà máy lớn làm bẩn không khí với những khí thải độc hại, dầy và đen đặc trong khi những chất thải không thể bị phân huỷ nhờ vi khuẩn được đổ đầy những bãi thải và xuống biển. Những sinh vật lạ nầy chìm xuống những đại dương, đã có thời hoang sơ và trong xanh, giờ đây đen ngòm vì dầu và nâu vàng vì những chất cặn bã. Mầu hồng rực của vùng Vách Chắn lớn đang ngả sang trắng nhợt và hàng tỉ con cá đang chết dần chết mòn. Nơi cây cối bị chặt hạ ở vùng rừng nhiệt đới Amazon giờ đây là một khoảng trống lớn, khô cằn. Những máy móc trên phi thuyền cho thấy nhiệt độ ở trái đất đã tăng lên kể từ cuộc thám hiểm trước của họ cách đây ba năm. Họ có thể nhìn thấy những cuộc chiến tranh đang được tiến hành trên trái đất phía dưới, phun thêm những chất độc mới vào bầu khí quyển. Những sinh vật lạ nầy trao đổi với nhau bằng thần giao cách cảm. - Con người trên trái đất đã không có gì thay đổi. Thật đáng buồn. Họ đã không học được gì cả. - Chúng ta sẽ dạy họ. - Anh đã thứ liên lạc với những thành viên kia chưa? - Rồi. Có chuyện trục trặc. Không có trả lời. - Anh phải tiếp tục cố xem. - Chúng ta phải tìm thấy con tàu. Trên trái đất, phía dưới quỹ đạo của chiếc phi thuyền không gian kia hàng cây số Robert đã đặt một cú điện thoại cho tướng Hilliard từ một máy điện thoại an toàn. Dường như ông ta có mặt ở đầu dây ngay lập tức. - Xin chào ông sĩ quan ông có gì để báo cáo không hả? Có. Tôi muốn nói rằng ông là một thằng chó đẻ dối trá. - Về quả bóng thám không đó, thưa ngài… hoá ra đó có thể là một vật thể bay lạ. Anh chờ đợi. - Phải, tôi biết. Có những lý do an ninh quan trọng mà tôi đã không thể nào nói hết với anh trước đó. Cái trò hai mặt quan cách. Một thoáng im lặng. Tướng Hilliard nói: - Ông sĩ quan, tôi sắp nói với ông một điều tuyệt mật. Cách đây ba năm, chính phủ chúng ta đã phải đối mặt với những sinh vật lạ. Họ đã hạ cánh xuống một trong những căn cứ thuộc khối NATO của chúng ta. Chúng ta đã giao tiếp được với họ. - Họ… họ đã nói gì ạ? - Robert cảm thấy tim mình đập rộn lên. - Họ nói rằng có ý định tiêu diệt chúng ta. - Tiêu diệt chúng ta ư? - Anh cảm thấy rùng mình. - Đúng vậy. Họ nói sẽ trở lại để chiếm lấy hành tinh nầy và biến chúng ta thành nô lệ, và rằng chúng ta không có cách gì để ngăn cản họ được. Chưa có. Nhưng chúng ta đang tìm. Chính bởi vậy, điều khẩn cấp là chúng ta phải tránh nỗi kinh hoàng cho dân chúng và dành thêm thời gian. Tôi nghĩ là bây giờ thì ông có thể hiểu tầm quan trọng của việc không để các nhân chứng bàn luận về những gì họ đã nhìn thấy. Nếu chuyện về họ được tiết lộ ra thì đó sẽ là một thảm hoạ đối với thế giới. - Ngài không nghĩ rằng tốt hơn là chuẩn bị cho dân chúng và… - Ông sĩ quan, vào năm 1938, một bác sĩ trẻ tên là Orson Welles làm một vở kịch truyền thanh với cái tên "Chiến tranh giữa các hành tinh" về chuyện những sinh vật lạ xâm lăng trái đất nầy. Chỉ trong vòng ít phút, đã có một sự hoảng sợ trong các thành phố trên khắp nước Mỹ. Một bộ phận dân chúng quá khích đã tìm cách chạy trốn khỏi những kẻ xâm lăng tưởng tượng kia. Các đường liên lạc điện thoại bị nhiễu loạn, các xa lộ bị tắc nghẽn. Nhiều người bị chết. Tất cả trở nên rối loạn. Không, chúng ta phải tìm ra cách tiếp đón các sinh vật lạ kia trước khi công bố mọi chuyện. Chúng tôi muốn ông tìm ra những nhân chứng kia là để bảo vệ cho chính họ và để chúng ta có thể kiểm soát được tình hình. - Vâng. Tôi… tôi hiểu. - Robert thấy mình đang toát mồ hôi. - Tốt. Tôi cho rằng ông đã nói chuyện với một trong số các nhân chứng? - Tôi đã tìm được hai trong số họ. - Tên? - Hans Beckerman. - Ông ta là người lái xe của chiếc xe bus du lịch theo tuyến đó. Ông ta sống ở Kapel… - Và người thứ hai? - Fritz Mandel. Anh ta có một cái gara ở Bern. Anh ta chính là người thợ máy đã kéo chiếc xe của nhân chứng thứ ba về xưởng. - Tên của nhân chứng đó? - Tôi chưa có. Tôi đang tìm kiếm. Ngài có muốn tôi nói chuyện với họ về việc cần thiết phải im lặng về cái vật thể bay lạ nầy không? - Không. Nhiệm vụ của ông đơn thuần là tìm ra các nhân chứng. Sau đó, chúng ta sẽ để các chính phủ của họ lo chuyện với từng người. Ông đã biết có bao nhiêu nhân chứng chưa? - Rồi. Bẩy hành khách cùng người lái xe, người thợ máy và một người đi ô tô ngang qua. Ông phải tìm ra tất cả bọn họ. Từng người trong số mười nhân chứng đã mục kích vụ tại nạn. Rõ chưa? - Rõ, thưa ngài. Robert gác ống nghe, đầu óc rối bời. Những vật thể bay lạ là chuyện có thật. Những sinh vật xa lạ kia là những kẻ thù. Tướng Hilliard đã trao cho anh nhiệm vụ nầy nhưng đã không nói với anh tất cả. Họ còn giấu anh điều gì nữa không nhỉ? * * * * * Hãng cho thuê xe hơi Avis đặt ở số 44 phố Lausanne ở trung tâm Geneva. Robert xồng xộc đi vào và tiến tới trước một phụ nữ đang ngồi sau bàn. - Tôi có thể giúp ông chứ? Robert ném mẩu giấy với số biển kiểm soát của chiếc xe Renault được viết trên đó. - Tuần trước, hãng cô đã cho thuê chiếc xe nầy. - Tôi muốn biết tên cái người đã thuê nó. - Giọng anh đầy tức giận. Cô nhân viên rúm người lại. - Tôi xin lỗi, chúng tôi không được phép đưa ra các thông tin đó. - Ồ, thế thì thật là quá tại hại, - Robert cáu kỉnh - bởi vì trong trường hợp đó, tôi sẽ phải kiện hãng của cô để đòi một khoản tiền lớn. - Tôi không hiểu. Có chuyện gì vậy? - Tôi sẽ nói cho cô nghe có chuyện gì, cô gái. Chủ nhật tuần trước chiếc xe nầy đã đâm vào tôi trên xa lộ và làm xe tôi hỏng nặng. Tôi đã ghi lại được số xe của hắn ta, nhưng hắn thì lái xe chạy mất trước khi tôi có thể giữ được hắn. - Tôi hiểu rồi. - Cô nhân viên nhìn Robert trong giây lát. - Xin lỗi một chút. - Cô biến mất vào trong một căn phòng phía sau. Mấy phút sau cô quay lại, mang theo một hồ sơ. - Theo hồ sơ của chúng tôi, có một trục trặc với động cơ của chiếc xe nầy, nhưng không có báo cáo về bất kỳ một tai nạn nào. - Ồ thì bây giờ tôi đang báo cáo đây thôi. Và tôi cho rằng hãng của cô phải chịu trách nhiệm về chuyện nầy. Các cô sẽ phải trả tiền sửa xe cho tôi. Đó là một chiếc xe Porsche mới tinh, và nó sẽ làm cho các cô mất một đống tiền… - Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông, nhưng do không được báo về vụ tai nạn nên chúng tôi không thể chịu bất kỳ trách nhiệm gì. - Nầy, - Robert nói bằng một giọng dịu hơn. - Tôi muốn thật công bằng. Tôi không muốn hãng của cô phải chịu trách nhiệm. Tất cả những gì tôi muốn là cái thằng cha kia phải trả tiền cho những hư hỏng mà hắn đã gây ra cho cái xe của tôi. Đó là cái trò gây chuyện rồi bỏ chạy. Thậm chí tôi có thể báo cảnh sát về chuyện nầy. Nếu cô cho tôi biết tên và địa chỉ hắn ta, tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với hắn và chúng tôi có thể giải quyết với nhau mà không mắc mớ gì đến hãng nầy. Như thế đã công bằng chưa nào? Cô nhân viên ngẫm nghĩ. - Được. Chúng tôi hẳn là muốn vậy hơn. - Cô nhìn xuống cặp hồ sơ trong tay và nói. - Tên của người thuê xe là Leslie Mothershed. - Còn địa chỉ? - 213 A đường Grove, Whitechapel, London, khu 3 Đông. - Cô ngước lên. - Ông chắc chắn là hãng chúng tôi không dính vào chuyện kiện tụng chứ hả? - Tôi hứa với cô như vậy, - Robert cam đoan. - Đây là chuyện riêng giữa Leslie Mothershed và tôi. Robert Bellamy có mặt trên chuyến bay đầu tiên đi London. * * * * * Ông ta ngồi một mình trong bóng tối, tập trung và thận trọng rà lại từng giai đoạn của bản kế hoạch đề tin chắc rằng không có một kẽ hở nào, không thể có trục trặc gì. Những ý nghĩ của ông ta bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại dịu dàng. - Janus đây. - Janus. Tướng Hilliard. - Nói đi. - Sĩ quan Bellamy đã phát hiện hai nhân chứng đầu tiên. - Rất tốt. Lo việc đó ngay đi. - Thưa ngài, vâng. - Hiện giờ ông sĩ quan đang ở đâu? - Trên đường đi London. Ông ta sẽ sớm xác định được người thứ ba. - Tôi sẽ báo cho Uỷ ban về những kết quả của ông ta. Hãy tiếp tục báo cho tôi biết tình hình. Tình trạng của chiến dịch nầy vẫn là khẩn cấp. - Thưa ngài, tôi hiểu. Tôi đề nghị… Đường liên lạc bị cắt. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Giám đốc Bundesanwaltschaft. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 1. Hans Beckerman - Kapel. 2. Fritz Manael - Bern. Hết. Chương 13 Vào lúc nửa đêm, trong một trang trại nhỏ cách Uctendort mười lăm dặm, gia đình Lagenfeld bị khuấy động bởi một chuỗi các hiện tượng lạ. Đứa con lớn thức giấc bởi một luồng ánh sáng màu vàng nhạt chiếu qua cửa sổ phòng ngủ. Khi cậu ta trở dậy để xem chuyện gì thì luồng ánh sáng biến mất. Ở ngoài sân, Tozzi, con chó săn giống Đức, bắt đầu sủa vang giận dữ, đánh thức ông già Lagenfeld. Ông chủ trại miễn cưỡng rời khỏi giường để nạt con vật thôi sủa, và khi vừa bước ra ngoài thì nghe tiếng bầy cừu hoảng hot trong chuồng, tìm cách thoát ra. Khi đi qua cái máng ăn vốn đầy nước do trời mới mưa, ông thấy rằng cái máng khô khốc. Và đúng lúc đó, tất cả đèn trong nhà vụt tắt. Khi ông chủ trại trở vào nhà và nhấc điện thoại để gọi bảo sở điện lực thì thấy đường dây bị cắt rồi. Nếu như điện còn sáng thêm một vài giây thì ông chủ trại có thể đã trông thấy một phụ nữ đẹp một cách kỳ lạ từ khu sân trại của ông đi ra phía ngoài đồng. Chương 14 Cục Tình báo - Geneva 13 giờ 00. Vị bộ trưởng ngồi trong cán phòng nằm lọt ở trung tâm của toà nhà trụ sở Cục Tình báo Thuỵ Sĩ, nhìn viên phó giám đốc đang đọc nốt bức điện. Rồi ông ta thu nó về, bỏ vào trong cái cặp hồ sơ có đánh dấu Tuyệt mật, cất cái cặp vào trong ngàn kéo bàn và khoá lại. - Hans Beckerman và Fritz Mandel. - Phải. Không có vấn đề gì; thưa ngài bộ trưởng. Chuyện nầy sẽ được lo liệu chu tất. - Tốt. - Sao ạ? - Thủ tiêu. Ngay lập tức. Sáng ngày hôm sau, trên đường đi làm, Hans Beckerman lại bị cái bụng của ông ta hành hạ. Lẽ ra mình phải bắt cái thằng cha phóng viên kia xì tiền cho cái vật mà mình đã nhặt được. Tất cả những tờ tạp chí nầy đều lắm tiền cả. Có thể mình đã kiếm được vài trăm đồng mác. Và như vậy mình đã có thể đến một bác sĩ tử tế để chữa cái bụng của mình. Đang lái xe chạy ngang hồ Turler thì phía trước, bên lề xa lộ, ông ta thấy một người phụ nữ vẫy xin đi nhờ. Beckerman cho xe chạy chậm lại để có thể nhìn người phụ nữ rõ hơn. Cô ta trẻ trung và trông thật hấp dẫn. Ông ta dừng xe lại bên lề đường. Cô gái tiến lại bên xe. - Xin chào, - Beckerman nói - Tôi có thể giúp cô chứ? Ở gần, trông cô ta còn xinh đẹp hơn. - Cảm ơn. - Cô ta có giọng Thuỵ Sĩ. - Em cãi cọ với người bạn trai của em, và anh ta đã ném em xuống đây, giữa nơi đồng không mông quạnh nầy. - Chà, chà. Thật là tồi tệ. - Ông không phiền lòng cho em đi nhờ xe tới Zurich chứ? - Có gì đâu. Vào đi, vào đi! Cô gái mở cửa và vào ngồi cạnh Hans. - Ông thật tốt bụng, - Cô ta nói. - Tên em là Karen. - Hans. - Ông ta cho xe chuyển bánh. - Em không biết em sẽ xoay sở thế nào nếu không có ông, Hans ạ. - Ồ tôi chắc là sẽ không ai không dừng xe một cô gái xinh đẹp như cô. Cô xích lại gần ông ta hơn. Nhưng em chắc rằng người đó sẽ không đẹp trai như ông đâu. - Thế hả? - Ông ta đưa mắt nhìn sang. - Em nghĩ là ông thật đẹp trai. - Cô nên nói như vậy với vợ tôi. - Ông ta mỉm cười. - Ồ, ông có vợ à. - Cô gái tỏ vẻ thất vọng. - Sao tất cả những người đàn ông tuyệt vời thì đều có vợ rồi nhỉ? Mà trông ông cũng thông minh nữa. Ông ta ngồi thẳng người thêm chút nữa. - Nói thật với ông là em rất lấy làm tiếc vì đã dính dáng với cái người bạn trai kia của em. - Cô ta cọ quậy người trên ghế và chiếc váy ngắn hếch lên tới ngang đùi. Hans cố không đưa mắt nhìn. - Em thich những người đàn ông đứng tuổi, chín chắn, Hans ạ. Em thấy họ gợi tình hơn so với những người trẻ tuổi. Cô ta cọ người vào ông. - Hans, ông có thích chuyện tình dục không? Ông ta hắng giọng. - Tôi à? Ồ cô biết đấy tôi là một thằng đàn ông mà… - Em có thể thây điều đó, - Cô ta đáp và vuốt ve đùi Beckerman. - Em có thể nói với ông thế nầy không nhỉ? Rằng cái cuộc cãi vã với người bạn trai đã làm cho em hứng tình đấy. Ông có muốn làm tình với em không? Hans đã không thể nào tin được ở vận may của mình. Cô ta thật xinh đẹp và từ những gì ông ta có thề nhìn thấy thì hắn cô ta phải có một tấm thân rất quyến rũ. Ông ta nuốt nước bọt. - Tôi muốn, nhưng mà tôi đang trên đường đi làm và… - Sẽ chỉ mất it phút thôi mà. - Cô ta mỉm cười. - Phía trước mặt có một con đường nhánh dẫn vào rừng. Sao chúng ta lại không dừng lại… ở đó nhỉ? Ông ta cảm thấy bị kích thích. Mẹ kiếp. Đến lúc mà mình nói chuyện với đám đàn ông ở sở chuyện nầy. Họ sẽ không bao giờ tin mất. - Được thôi. Sao lại không nhỉ? - Hans cho xe rời khỏi xa lộ và chạy theo con đường nhỏ bụi bặm dẫn vào một cánh rừng mà ở đó những chiếc xe chạy ngang không thể nhìn thấy họ. Cô ả lần tay người lên đùi ông ta: - Lạy Chúa, ông có cặp chân thật khoẻ mạnh. - Hồi trẻ, tôi là một vận động viên điền kinh mà, - Beckerman khoác lác. - Em cởi quần ông ra nhé. - Cô ta cởi chiếc thắt lưng và rồi giúp Hans tụt quần xuống. Ông ta đã cương cứng. - A, thật là to. - Cô ta bắt đầu ve vuốt nó. - Hãy ngậm nó vào miệng. - Ông ta rên rỉ. - Ông thích được hôn ở chỗ đó phải không? - Phải. Vợ ông ta không bao giờ làm như vậy cả. - Vâng. Ông cứ thoải mái. Beckerman thở mạnh và nhắm mắt lại. Hai bàn tay mềm mại của cô ta đang vuốt ve cái vật giống đực của ông ta. Hans cảm thấy như có một mũi kim châm vào đùi và mở choàng mắt ra. "Cái gì…?" Toàn thân ông ta cứng đờ, mắt trợn lên. Cổ ông ta tắc nghẹn và không thể nào thở được. Người phụ nữ nhìn ông ta sụp xuống trên tay lái. Cô ta ra khỏi xe và đẩy cái xác chết sang ghế bên, rồi ngồi vào sau tay lái, cho xe chạy trở lại xa lộ. Tới rìa một đoạn đường vắng bóng xe cộ, cô ta mở cửa xe, giậm ga và khi chiếc xe bắt đầu trườn về phía trước thì lao ra ngoài, rồi đứng nhìn chiếc xe lộn xuống bờ dốc dựng đứng. Năm phút sau, một chiếc xe hơi sang trọng màu đen dừng lại bên cạnh cô ta. - Có gì trục trặc không. - Không. * * * * * Fritz Mandel đang ở trong văn phòng, sắp đóng cửa gara thì hai người đàn ông bước vào. - Xin lỗi, - anh ta nói, - tôi đang chuẩn bị đóng cửa rồi. Tôi không thể… Một trong hai người kia cắt ngang. - Xe chúng tôi chết trên xa lộ. Chúng tôi muốn kéo nó đi. - Vợ con tôi đang đợi. Chúng tôi có việc tối nay. - Tôi có thể cho các ông tên một… - Chúng tôi sẵn sàng trả hai trăm đôla. Chúng tôi đang vội. - Hai trăm đôla? - Đúng thế. Và chiếc xe của chúng tôi cũng bị hỏng nặng. Chúng tôi muốn anh sửa chữa nó. Điều đó có thể là chúng tôi sẽ phải trả thêm hai hoặc ba trăm đôla nữa. - Thé hả? - Mandel trở nên quan tâm hơn. - Đó là một chiếc Rolls, - một trong hai người đàn ông kia nói. - Hãy cho chúng tôi xem ông có những thiết bị gì ở đây mới được. - Họ, bước vào trong khu xưởng và đứng bên kho dầu mỡ. - Trang thiết bị tốt đấy. - Thưa ông, vâng! - Mandel hãnh diện nói. - Toàn thứ tốt nhất. Người lạ mặt móc ví ra. - Đây. Tôi có thể trả ông trước một chút. - Anh ta lấy ra mấy tờ giấy bạc và trao nó cho Mandel. Khỉ anh ta đưa tay ra, chiếc ví tuột khỏi tay và rơi vào trong thùng mỡ. - Chết rồi. - Đừng lo. - Mandel nói. - Tôi sẽ lấy lên. - Anh ta nhoài vào trong thùng. Đúng lúc đó, một trong hai người đàn ông kia bước lại bên cái nút bấm dùng để điều khiển chiếc máy nâng thuỷ lực và ấn nút. Chiếc bàn nâng bắt đầu hạ xuống. - Cẩn thận. Ông đang làm gì đấy? - Mandel nhìn lên. Anh ta định trèo lên. Khi những ngón tay anh ta vừa bám lên thành, người đàn ông thứ hai dùng chân đạp nghiến lên và Mandel kêu lên đau đớn, rơi xuống. Chiếc bàn nâng thuỷ lực nặng trịch vẫn lạnh lùng hạ xuống phía trên đầu anh ta. - Hãy cho tôi ra. - Anh ta kêu gào. - Cứu tôi với! Chiếc bàn nâng đã chạm vào vai và bắt đầu ép anh ta xuống dưới sàn. Vài phút sau, khi những tiếng la thét đã chấm dứt, một trong hai ngựời đàn ông kia bấm nút nâng chiếc bàn nâng lên. Người đồng hành của anh ta cúi xuống nhặt lấy cái ví, thận trọng không để máu giây vào quần áo. Hai người đàn ông quay ra và cho xe chạy biến vào trong màn đêm. Điện khẩn. Tối mật. Cục Tình báo Thuỵ Sĩ gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 1. Hans Beckerman đã bị thủ tiêu. 2. Fritz Manael đã bị thủ tiêu. Hết. Ottawa, Canada. 24 giờ 00. Janus đang phát biểu trước nhóm mười hai thành viên. - Đang có những tiến bộ đáng hài lòng. Hai trong số các nhân chứng đã được bịt miệng. Sĩ quan Bellamy đaag bám theo người thứ ba. - Đã có bước đột phá nầy trong Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) chưa? - Người Italia. Dữ dội. Không kiên nhẫn. - Chưa, nhưng chúng tôi tin rằng kỹ thuật Chiến tranh giữa các hành tinh sẽ được hoàn thiện và sớm phát huy tác dụng. Chúng ta phải làm mọi việc có thể được để đẩy nhanh nó. Nếu có chuyện tiền bạc thì… - Người Arập. Bí ẩn. Dè dặt. - Không. Chỉ còn phải thử nghiệm thêm mà thôi. - Cuộc thử sắp tới sẽ diễn ra khi nào? Người Autralia. Nhiệt tình. Thông minh. Một tuần nữa. Chúng ta sẽ gặp lại ở đây sau 48 giờ. Chương 15 Ngày thứ tư - London. Thứ năm, ngày 18 tháng Mười. Leslie Mothershed có thần tượng là Robin Leach. Là một người ham mê chương trình "Phong cách của những người giàu có và nổi tiếng", Mothershed chăm chú theo dõi cách đi đứng, ăn mặc và nói năng của những vị khách của Robin Leach, bởi vì anh ta tin rằng một ngày nào đó, mình cũng sẽ xuất hiện trên chương trình nầy. Từ khi còn là một cậu bé, anh ta đã cảm thấy rằng số mệnh của mình là phải trở thành một nhân vật nào đó, giàu và nổi tiếng. - Con là người rất đặc biệt đấy, - mẹ anh ta vẫn thường nói. - Con của mẹ rồi đây sẽ nổi tiếng khắp thế giới. Cậu bé con thường đi ngủ với lời nói đó vang vang trong tai cho đến khi cậu ta thực sự tin là như thế. Khi lớn lên, Mothelshed biết rằng mình có những khó khăn: Cậu ta không hề biết rõ mình sẽ trở nên nổi tiếng và giàu có bằng cách nào. Một dạo, Mothershed ám ảnh với ý nghĩ sẽ trở thành một ngôi sao màn bạc, thế nhưng cậu ta lại có tính nhút nhát khác thường. Cũng đã thoáng thèm muốn trở thành một ngôi sao bóng đá, nhưng cậu ta lại không phải là một vận động viên. Rồi lại nghĩ tới việc trở thành một khoa học gia nổi tiếng, hay một luật gia vĩ đại, có trong tay những ngân khoản khổng lồ. Thật không may, học lực của cậu ta vào loại xoàng và rồi cậu ta rời ghế nhà trường mà cũng không gần hơn được chút nào với ước vọng. Đơn giản là cuộc sống nầy không công bằng. Về mặt thể lực, trông cậu thật thiếu cảm tình, gầy, với nước da xanh nhợt, ốm yếu và cậu thấp choằn, chỉ có một mét sáu lẻ một chút. Mothershed luôn nhấn mạnh tới cái chỗ lẻ ấy. Cậu tự an ủi mình với một thực tế là những người nổi tiếng đều có khổ người thấp: Napoléon, Dudley Moore, Dustin Hoffman, Peter Falk… Nghề duy nhất thực sự làm cho Leslie Mothershed thấy thích thú là chụp ảnh. Song nó thật là đơn giản. Ai cũng có thể làm được. Người ta chỉ cần ấn cái nút. Mẹ cậu đã mua cho cậu một cái máy ảnh nhân sinh nhật lần thứ sáu của cậu và đã không tiếc lời ngợi ca những tấm ảnh mà cậu chụp được. Khi lên mười, Mothershed đã tin rằng cậu là một nhà nhiếp ảnh sáng giá. Cậu tự nhủ rằng mình hoàn toàn có tài như Ansel Adams, Richard Avedon, hay Margaret Bourke White. Với một khoản cho vay của bà mẹ, Leshe Mothershed đã mở một hiệu ánh ngay trong cái căn hộ ở Whitechpel của mình. - Hãy bắt đầu bằng việc nhỏ, - bà mẹ nói, - nhưng nghĩ lớn. Và đó chính là điều Leslie đã làm. Anh ta bắt đầu rất nhỏ và nghĩ thì rất lớn, nhưng thật không may là anh ta không hề có tài năng nhiếp ảnh. Anh ta chụp những cuộc diễu hành, những con vật, những bông hoa và tin tưởng gửi chúng cho tất cả các tờ báo và tạp chí, và chúng luôn luôn bị gửi trả. Mothershed tự an ủi mình rằng tất cả những thiên tài đều đã bị phản bác trước khi tài năng của họ được công nhận. Anh ta tự cho mình là một kẻ tử vì đạo trước chủ nghĩa vật chất tầm thường. Và rồi, từ trên trời cơ hội lớn cho anh ta đã tới. Người anh em họ của bà mẹ anh ta, làm việc cho hãng xuất bản Anh Harper Collins, tiết lộ vớí Mothershed rằng họ đang chuẩn bị làm một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ. - Lislie, họ vẫn chưa chọn được người nhiếp ảnh vậy cháu nên sang Thuỵ Sĩ ngay đi và mang về vài tấm ảnh có tầm cỡ thì cuốn sách nầy có thể sẽ là của cháu. Lislie Mothershed vội vã thu xếp hành trang và lên đường đi Thuỵ Sĩ. Anh ta biết, một cách thật sự, rằng đây chính là cơ hội mà anh ta đã tìm kiếm. Cuối cùng thì những kẻ ngu ngốc cũng sắp phải công nhận một tài năng. Anh ta thuê một chiếc xe ở Geneva và đi khắp nơi chụp hình những ngôi nhà gỗ kiểu Thuỵ Sĩ, những thác nước, và những đỉnh núi cao tuyết phủ. Anh ta chụp cảnh hoàng hôn, bình minh và cảnh những người nông dân đang làm việc trên những cánh đồng. Và rồi, giữa những thứ đó, số mệnh đã can thiệp và thay đổi cuộc sống của anh ta. Trên đường đến Bern, động cơ xe của anh ta bị hỏng. Anh ta dừng xe lại bên lề đường, bực tức. Vì sao lại là mình? Anh ta ngồi đó, cáu kỉnh, tiếc cho thời gian bị mất và món tiền phải trả để kéo xe đi sửa. Mothershed rền rĩ, vì sao những chuyện nầy luôn xảy ra với mình nhỉ? Phía sau anh ta mười lăm kilômét là làng Thun. Mình sẽ gọi xe kéo ở đó, Mothershed nghĩ. Như vậy thì không đến nỗi quá đắt. - Anh ta vẫy một chiếc xe chở dầu chạy ngang. - Tôi cần một cái xe kéo, - Mothershed giải thích. - Anh có thể dừng lại một cái gara nào đó ở Thun và bảo họ đến đây hộ tôi được không? Người lái chiếc xe bồn lắc đầu. - Hôm nay là chủ nhật anh bạn ạ. Gara gần nhất có thể vẫn làm việc sẽ phải là Bern. - Bern à? Từ đây đến đó phải năm chục kilômét. - Tôi sẽ phải trả cả đống tiền mất. Người lái xe bồn mỉm cười. - Đúng thế. Ở đó họ sẽ tính giá làm ngày chủ nhật mà. - Và anh ta rồ ga chuẩn bị cho xe chạy. - Gượm đã. - Nhà nhiếp ảnh khó khăn lắm mới thốt ra lời. - Tôi sẽ trả tiền cho chiếc xe kéo từ Bern. - Được Tôi sẽ bảo họ phái ai đó đến đây. Lislie Mothershed ngồi buồn nản trong chiếc xe hỏng của mình. Tất cả những gì mình cần là thế nầy đây, anh ta cay đắng nghĩ. Anh ta đã chi quá nhiều tiền để mua phim và bây giờ lại sẽ phải trả tiền cho một thằng ăn cắp nào đó để kéo chiếc xe nầy đi. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ dài đằng đẵng, chiếc xe kéo mới đến. Khi người thợ máy bắt đầu móc sợi dây cáp từ chiếc xe tải vào chiếc xe của anh ta thì từ phía bên kia con đường có một vầng sáng loá, kèm theo là một tiếng nổ lớn, và Mothershed ngẩng lên, thấy một vật thể sáng loá rơi từ trên trời xuống. Chiếc xe duy nhất khác trên xa lộ lúc bấy giờ là một chiếc bus du lịch, và nó dừng lại sau chiếc xe của Lislie. Hành khách trên chiếc xe bus vội vã chạy về phía xảy ra vụ tai nạn. Mothershed lưỡng lự, giằng xé giữa tính tò mò và việc muốn tiếp tục lên đường. Anh ta quay người và đi theo những hành khách của chiếc xe bus. Khi đến nơi xảy ra sự cố, anh ta đứng đó chết lặng. Lạy Chúa, anh ta nghĩ, đó không phải là sự thật. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa bay… Lislie Mothershed đã nghe chuyện về những vật thể lạ và đã đọc về chúng, nhưng chưa bao giờ anh ta tin rằng chúng có thật. Anh ta há hốc mồm, kinh hãi trước cái cảnh tượng kỳ quáỉ. Vỏ chiếc đĩa bay đã bị tung ra, và anh ta có thể thấy hai cái xác ở trong đó, nhỏ thó, với những cái đầu to, mắt trũng, không có tai và gần như không có cằm. Họ có vẻ như đang mặc những bộ quần áo bằng kim loại màu bạc. Nhóm du khách chung quanh anh ta đứng nhìn trong sự im lặng ghê sợ. Người đàn ông đứng cạnh anh ta ngất xỉu. Một người đàn ông khác quay đi và nôn mửa. Một tu sĩ có tuổi nắm chặt lấy chuỗi hạt và cứ lảm nhảm điều gì đó. - Lạy Chúa, - ai đó nói. - Đó là một cái đĩa bay. Và đối với Mothershed thì đó chính là lúc Chúa hiện hình. Một điều kỳ diệu đã rơi ngày vào trong lòng anh ta. Anh ta, Lislie Mothershed, đã có mặt tại chỗ, với máy ảnh, để ghi lại câu chuyện thế kỷ nầy. Không một tờ báo hay tạp chí nào trên thế giới nầy lại bác tấm hình mà anh ta sắp chụp. Một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ ư? Thiếu chút nữa thì anh ta cười váng lên với cái ý nghĩ đó. Anh ta sắp làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên. Tất cả các chương trình của Robin Leach đầu tiên. Anh ta sẽ bán những tấm hình của mình cho các tờ London Times, Sun, Mail, Mirror - Cho tất cả các báo cht tiếng Anh và cho cả các báo chí nước ngoài nữa - Le Figaro và Paris Match, Oggi và Der, Tag, Time và USA Today. Báo chí khắp nơi sẽ năn nỉ để có được những tấm ảnh của anh ta. Nhật Bản và Nam Phi, Nga và Trung Quốc và không biết nhưng đâu nữa. Mothershed thấy tim mình đập rộn lên vì quá hồi hộp. Mình sẽ không cho ké nào được độc quyền cả. Từng tờ báo sẽ phải trả tiền trực tiếp cho mình. Mình sẽ bắt đầu với giá một trăm nghìn bảng một tấm, có thể là hai trăm ngàn. Và mình sẽ bán đi bán lại. Anh ta bắt đầu sốt sắng nhẩm tính số tiền sắp sửa thu được. Lislie Mothershed mải mê với tương lai may mắn của anh ta đến mức suýt quên cả việc chụp ảnh. - Ôi lạy Chúa. Xin lỗi, - anh ta nói, không biết là với ai nữa, và chạy như bay trở lại xe để lấy bộ độ nghề chụp ảnh. Người thợ máy đã nâng bổng một đầu chiếc xe hỏng lên và sẳn sàng kéo nó đi. - Chuyện gì đang xảy ra ở đó thế? - Anh ta hỏi. - Hãy lại đó mà xem. - Mothershed đáp. Hai người chạy ngang qua đường về phía cánh rừng, và Mothershed chen qua đám du khách. - Xin lỗi, xin lỗi. - Anh ta điều chỉnh ống kính máy ảnh và bắt đầu chụp cái vật thể bay lạ kia với những hành khách kỳ dị của nó. Mỗi khi tiếng máy kêu tạch, Mothershed lại nghĩ, Một triệu bảng… một triệu bảng nữa… một triệu bảng nữa. Vị tu sĩ bước qua chỗ anh ta và nói: - Đó là gương mặt của quỷ Satăng. Satăng, mẹ kiếp, Mothershed hào hứng nghĩ. Đó là gương mặt cửa tiền bạc. Đây sẽ là những bức ảnh đầu tiên chứng tỏ rằng thật sự có tồn tại những đĩa bay. Và rồi, đột nhiên, một ý nghĩa khủng khiếp nảy ra trong đầu anh ta. Nếu những tờ tạp chí chết tiệt kia cho rằng những tấm ảnh là giả thì sao? Đã có hàng đống những tâm ảnh giả về những vật thể bay lạ. Cơn hào hứng của anh ta biến mất. Nếu như họ không tin mình thì sao? Và đó là lúc Lislie Mothershed chợt có một ý nghĩ khác. Có chín nhân chứng đang đứng xung quanh anh ta. Dù chỉ là vô tình, họ sẽ xác nhận tính chân thực cho phát hiện của anh ta. Mothershed quay lại trước nhóm du khách. - Thưa quý bà và quý ông, - anh ta nói to. - Nếu tất cả quý vị muốn có ảnh của mình được chụp ở đây, xin đứng thành hàng và tôi vui lòng được gửi cho mỗi vị một tấm, tặng không thôi. Những tiếng kêu lên vui vẻ. Chỉ trong tích tắc, các du khách trên chiếc xe bus, trừ vị tu sĩ, đã đứng thành hàng bên cạnh xác của chiếc vật thể bay kia. Vị tu sĩ đầy vẻ ái ngại. Ông ta nói: - Tôi không thể, đó là quỷ dữ. Mothershed cần vị tu sĩ. Ông ta sẽ là nhân chứng có sức thuyết phục nhất trong tất cả. - Đó chính là vấn đề, - Mothershed cố thuyết phục. - Cha không thấy sao? Đây chính là lời chứng của cha về sự tồn tại của quỷ dữ. Và sau cùng thì vị tu sĩ đã bị thuyết phục. - Đứng giãn ra một chút, - Mothershed yêu cầu, - để chúng ta còn có thể nhìn thấy cái đĩa bay chứ. Các nhân chứng sửa lại chỗ đứng. - Được rồi. Rất tốt. Tuyệt. Giữ nguyên thế nhé, nào. - Anh ta chụp khoảng nửa tá ảnh nữa và lấy ra một cái bút chì và một mẩu giấy. - Nếu như các vị ghi tên và địa chỉ lại, tôi sẽ lo để mỗi vị nhận được một tấm ảnh. Anh ta không có ý định gửi tấm ảnh nào đi cả đề mỗi vị nhận được một tấm ảnh. Tất cả những gì anh ta muốn chỉ là những nhân chứng để chứng thực mà thôi. Hãy để mặc những tờ báo và tạp chí chết tiệt kia lo chuyện đó. Và rồi, đột nhiên, anh ta nhận thấy một vài người trong nhóm du khách kia cũng có máy ảnh. Anh ta không thể để cho ai nữa ngoài anh ta có những bức ảnh nầy. Chỉ có những tấm ảnh đề "Do Lislie Mothersheđ chụp" mới được tồn tại mà thôi. - Xin lỗi, - anh ta nói với tất cả. - Những ai trong số quý vị có máy ảnh, nếu các vị muốn tôi sẽ chụp giúp để các vị có vài tấm trong máy của chính các vị. Những chiếc máy ảnh được nhanh chóng trao cho Lishe. Khi anh ta quỳ xuống để lấy khuôn hình cho lần chụp đầu, không ai để ý thấy rằng Mothershed bật mở buồng phim và cứ để nó hở như thế. Thế, một chút ánh sáng mặt trời tươi đẹp nầy sẽ giúp cho nhưng tấm ảnh biến mất. Thật tệ, các bạn của tôi, nhưng chỉ có những người chuyên nghiệp mới được phép chớp lấy các cơ hội lịch sử của bọ. Mười phút sau, Mothershed đã có tất cả tên và địa chỉ của đám khách du lịch. Anh ta nhìn chiếc đĩa bay một lần cuối và phấn khởi nghĩ: Mẹ nói thật đúng, mình sẽ trở nên giàu có và nổi tiếng. Anh ta không thể nào đợi tới lúc quay trở về London để rửa những tấm ảnh quý giá kia. - Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế nhỉ? Suốt đêm, các đồn cảnh sát ở khu vực Uctendort ngập trong những cú điện thoại. - Có kẻ nào đó cứ lảng vảng xung quanh nhà tôi… - Có những thứ ánh sáng lạ phía bên ngoài… - Đàn gia súc của tôi đang phát điên lên. Hẳn phải có những con sói đâu đây… - Có ai đó làm khô kiệt máng nước của nhà tôi… Và cú điện thoại khó giải thích trong số đó: - Nầy, sếp, ngài nên phái nhiều xe kéo ra trục xa lộ chính ngay đi thôi. Một cơn ác mộng. Tất cả giao thông đã ngừng trệ. - Cái gì hả? Vì sao? - Không ai biết cả. Tất cả các động cơ xe đều chết đột ngột. Đó là một đêm mà họ sẽ không bao giờ quên. Chương 16 Nhiệm vụ nầy sẽ kéo dài bao lâu nhỉ? Robert nghĩ ngợi trong lúc buộc dây an toàn vào người trên chiếc ghế hạng nhất của hãng Hàng không Thuỵ Sĩ. Khi chiếc máy bay lao trên đường băng, những chiếc động cơ Rolls - Royce khổng lồ của nó như uống lấy không khí của trời đêm, Robert thả lỏng người và nhắm mắt lại. Có phải mới chỉ cách đây vài năm mình đã đi cũng chuyến bay nầy, cùng với Susan sang London không nhỉ? Không. Có vẻ như đã cách đây cả một đời người rồi. Chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Heathrow lúc 6 giờ 29 phút chiểu theo đúng thời gian biểu. Robert ra khỏi đám đông và lên một chiếc tắcxi chạy vào thành phố. Anh nhìn hàng trăm cái mốc quen thuộc và như có thể nghe thấy tiếng Susan thích thú bình luận về chúng. Trong nhưng ngày tươi sáng ấy, việc họ ở đâu không bao giờ là một vấn đề. Đơn giản là họ ở bên nhau, thế là đủ. Họ mang theo bên mình hạnh phúc và những niềm hứng thú đặc biệt đối với nhau. Mối quan hệ của họ ]à một cuộc hôn nhân sẽ có một kết thúc vui sướng. Gần như thế. Những rắc rối của họ bắt đầu một cách thật tình cờ với một cú điện thoại của Đô đốc Whittaker khi Robert và Susan đang du ngoạn ở Thái Lan. Khi đó, Robert đã rời khỏi Hải quân được sáu tháng và không hề nói chuyện với vị Đô đốc trong suốt quãng thời gian đó. Cú điện thoại, gọi cho họ tại khách sạn Oriental ở Bangkok, là cả một sự ngạc nhiên. - Robert hả? Đô đốc Whittaker. - Thưa Đô đốc. Thật vui khi nghe thấy tiếng ngài. - Không dễ gì tìm được anh đâu. Anh đang theo đuổi chuyện gì vậy hả? - Không có gì nhiều. Nói một cách đơn giản là chúng tôi đang có một tuần trăng mật dài với nhau. - Susan có khoẻ không? Mà là Susan chứ? - Vâng. Cô ấy khoẻ, cảm ơn ngài. - Anh phải mất bao lâu để trở về Washington hả? - Ngài nói gì cơ ạ? - Điều nầy chưa công bố, nhưng tôi đã được bổ nhiệm một chức vụ mới, Robert. Họ cứ tôi làm phó giám đốc Phòng 17 Tình báo hải quân. Tôi muốn anh cùng làm việc. Robert giật mình. - Tình báo hải quân ạ? Thưa Đô đốc, tôi không hề biết gì về… - Anh có thể học. Anh sẽ làm một công việc rất hữu ích cho đất nước mình, Robert. Anh sẽ đến và bàn việc nầy với tôi chứ? - Ồ. - Tốt. Tôi sẽ chờ anh ở văn phòng của tôi vào ngày thứ hai, lúc 9 giờ 00. Cho tôi gửi lời chào tới Susan nhé. Robert kể lại câu chuyện với Susan. - Tình báo hải quân à? Có vẻ thú vị đấy. - Có thể, - Robert nói vẻ nghi ngờ. - Anh không hề biết công việc thế nào. - Thì anh phải tìm hiểu chứ. Anh nhìn cô trong giây lát. - Em muốn anh nhận phải không? Cô quàng tay ôm lấy anh. - Em muốn anh làm bất kỳ điều gì mà anh muốn làm. Em nghĩ là anh sẵn sàng trở lại với công việc. Em để ý thấy là trong mấy tuần vừa qua, anh đã trở nên bồn chồn. - Anh nghĩ là em đang tìm cách vứt bỏ anh, - Robert trêu chọc. - Tuần trăng mật đã kết thúc rồi. Susan kề đôi môi cô lại sát môi anh. - Không bao giờ. Em chưa bao giờ nói với anh là em đến phát điên lên vì anh như thế nào hả, chàng thuỷ thủ? Để em cho anh thấy nhé… Sau nầy nghĩ lại, khỉ đã quá muộn, Robert cho rằng đó chính là lúc bắt đầu của sự chấm dứt cuộc hôn nhân của họ. Lời đề nghị lúc đó có vẻ thật tuyệt vời và anh đã trở lại Washington để gặp Đô đốc Whittaker. - Công việc nầy đòi hỏi trí tuệ, lòng dũng cảm, và sự sáng tạo, Robert ạ. Anh có cả ba thứ đó. Đất nước chúng ta đã trở thành mục tiêu của bất kỳ một chế độ độc tài tầm thường và nhỏ bé nào có thể nuôi dưỡng một nhóm khủng bố hoặc xây dựng một nhà máy chế tạo vũ khí hoá học. Một trong số các nước nầy đang tìm cách sản xuất bom nguyên tử để buộc chúng ta phải hối lộ họ. Công việc của tôi là xây dựng một mạng lướì tình báo để phát hiện chính xác họ đang làm gì và tìm cách ngăn chặn lại. Tôi muốn anh giúp đỡ. Sau cùng, Robert đã chấp nhận công việc ở Tình báo hải quân, và chính anh cũng ngạc nhiên là anh thấy thích thú và hơn thế, có năng khiếu với nó. Susan tìm được một căn hộ tử tế ở Rosslyn, bang Virginia không xa nơi Robert làm việc, và vùi đầu vào việc mua sắm đồ đạc trong nhà. Robert đã được gửi đến Trang trại - trung tâm huấn luyện của CIA, dành cho những điệp viên hoạt động ngầm. Nằm trong một khu vực được canh gác cẩn mật thuộc bang Virgineia, Trang trại chiếm một diện tích hai mươi dặm vuông, hầu hết được bao phủ bởi những rừng thông cao vút, với những toà nhà chính nằm trong một khu quang đãng rộng mười mẫu và cách cổng chính hai dặm. Những con đường đất toả ra qua những cánh rừng, với những barie chắn ngang và những tấm biển Miễn vào đặt ở mọi nơi. Tại một sân bay nhỏ, những chiếc máy bay không số hiệu hạ cánh và cất cánh vài lần mỗi ngày. Trang trại có vẻ bề ngoài đầy yên bình, với cây lá sum suê, hươu nai chạy nhảy trong rừng và những toà nhà nhỏ nằm rải rác thanh thản quanh một khu đất rộng lớn. Tuy nhiên, bên trong khu vực nầy lại là một thế giới khác hẳn. Robert đã nghĩ là sẽ được huấn luyện cùng với người của Hải quân, nhưng anh ngạc nhiên khi thấy học viên là một sự pha trộn cả người của CIA, Lính thuỷ đánh bộ, Lục quân, Hải quân và Không quân. Mỗi học viên mang một con số riêng và ở trong một căn phòng như kiểu nhà ngủ tập thể thuộc một trong số những ngôi nhà Spartan hai tầng xây bằng gạch. Tại khu dành cho các sĩ quan độc thân, nơi Robert ở mỗi người có một phòng riêng và dùng chung phòng tắm với một người khác. Phòng ăn chung ở phía bên kia đường, đối diện với khu nhà nầy. Hôm Robert nhập trường, anh được đưa tới một giảng đường cùng với ba mươi người mới tới khác. Một đại tá người da đen to lớn đã phát biểu với nhóm học viên. Ông ta chừng ở giữa tuổi 50, tạo ấn tượng bằng một vẻ thông minh, sắc sảo và lạnh lùng. Ông ta nói một cách rõ ràng, sinh động và không một câu thừa. - Tôi là đại tá Frank Johnson. Tôi muốn hoan nghênh các bạn có mặt ở đây. Trong thời gian nầy, các bạn sẽ chỉ dùng tên đầu của mình. Từ giờ phút nầy trở đi cuộc đời các bạn sẽ là một cuốn sách đóng kín. Tất cả các bạn đã được tuyên thệ giữ bí mật. Tôi khuyên các bạn phải giữ lời thề đó, thật nghiêm ngặt. Các bạn không bao giờ được phép bàn công việc của mình với bất kỳ ai - Vợ con, gia đình, bè bạn. Các bạn đã được tuyển lựa đưa tới đây bởi vì các bạn có những phẩm chất đặc biệt. Trước mặt các bạn có nhiều công việc nặng nề để phát triển nhưng phẩm chất đó, và không phải tất cả các bạn đều sẽ vượt qua được. Các bạn sẽ tham gia vào những công việc mà trước đây các bạn chưa từng bao giờ nghe đến. Tôi không thể nào nói hết được tầm quan trọng của công việc mà các bạn sẽ làm sau khi kết thúc ở đây. Trong các giới tự do nào đó, người ta lấy việc chỉ trích các ngành tình báo của chúng ta làm một thứ mốt, dù đó là CIA, Lục quân, Hải quân hay Không quân, nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng nếu không có những người chịu hy sinh như các bạn thì đất nước nầy sẽ gặp phải những khó khăn khủng khiếp. Ngăn chặn điều đó sẽ là công việc của các bạn. Những người nào trong số các bạn tốt nghiệp trường nầy sẽ trở thành các sĩ quan chỉ huy. Mà nói thẳng ra thì một sĩ quan chỉ huy là một điệp viên. Anh ta hoạt động bí mật. Trong lúc ở đây, các bạn sẽ được sự huấn luyện tốt nhất thế giới trong lĩnh vực tình báo và phản gián. Các bạn sẽ có những bài giảng về liên lạc điện đài, mật mã, vũ khí và bản đồ. Các bạn sẽ dự một lớp về mối quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau. Các bạn sẽ được hướng dẫn cách xây dựng một mối quan hệ như thế nào làm sao kết luận được về các động cơ của một cá nhân, lảm sao để làm cho đối tượng của bạn cảm thấy yên tâm. Cả lớp nghe từng lời. Các bạn sẽ học cách gặp gỡ và tuyển một gián điệp như thế nào. Các bạn sẽ được huấn luyện để đảm bảo rằng các địa điểm gặp gỡ là an toàn. Các bạn sẽ hợc về các "hộp thư chết", về cách liên lạc bí mật với các nguồn tin của các bạn. Nếu các bạn thành công với những việc làm nầy, các bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách bí mật và không bị lộ. Robert cảm thấy không khí hồi hộp bao trùm tất cả. Một số trong các bạn sẽ hoạt động dưới bình phong chinh thức. Nó có thể là bình phong ngoại giao hoặc quân sự. Những người khác sẽ làm việc dưới những bình phong bán chính thức trong tư cách cá nhân; như những nhà kinh doanh, những nhà khảo cổ, hoặc những nhà văn., bất kỳ nghề nghiệp gì cho phép các bạn tiếp cận được những lĩnh vực và những loại người có thể có những thông tin quan trọng mà các bạn đang tìm kiếm. Và bây giờ, tôi sẽ trao các bạn lại cho các hướng dẫn viên của các bạn. Chúc may mắn. Robert thấy công việc huấn luyện thật hấp dẫn. Hướng dẫn viên là những người đã từng hoạt động ngoài địa bàn và đều là những chuyên gia đầy kinh nghiệm. Robert tiếp thu các thông tin kỹ thuật khá dễ dàng. Ngoài những chương trình mà đại tá Johnson đã đề cập đến, còn có một chương trình ôn luyện các ngôn ngữ và một chương trình về mật mã thật khó khăn. Đại tá Johnson là cả một sự hấp dẫn đối với Robert. Người ta xì xào rằng ông ta có những mối quan hệ chặt chẽ tại Nhà Trắng và từng tham gia vào những hoạt động ngầm cao cấp. Ông ta thường biến mất khỏi Trang trại vào ngày nào đó và đột nhiên lại xuất hiện. Một điệp viên tên Ron đang điều khiển một buổi lên lớp. "Trong một chuyên án nghiệp vụ ngầm có sáu giai đoạn. Đầu tiên là phát hiện. Khi bạn biết bạn cần thông tin gì, thách thức đầu tiên đối với bạn là phát hiện và nghiên cứu những cá nhân có khả năng tiếp cận với thông tin đó. Giai đoạn hai là đánh giá. Một khi bạn đã phát hiện được đối tượng, bạn phải đánh giá anh ta có thật sự có thông tin mà bạn cần và liệu có thể tuyển chọn anh ta được không. Động cơ gì thúc đẩy anh ta? Anh ta có hài lòng với công việc không? Anh ta có hằn học gì với sếp của anh ta không? Anh ta có khó khăn về tiền bạc không? Nếu triển vọng là có thể tiếp cận được và có một động cơ nào đó có thể khai thác được thi các bạn chuyển sang giai đoạn ba. "Giai đoạn ba là giai đoạn phát triển. Các bạn xây dựng một mối quan hệ với một đối tượng dự tuyển. Đầu tiên, các bạn phải tạo được tiếp xúc nhiều nhất có thể. Giai đoạn tiếp theo là tuyển chọn. Khi bạn nghĩ là đã sẵn sàng, bạn phải nghiên cứu anh ta về mặt tâm ly. Bạn sử dụng bất kỳ thứ vũ khí tâm lý gì mà bạn có trong tay: trả thù sếp của anh ta, tiền bạc, tác động của nó. Nếu một sĩ quan chỉ huy làm tốt công vĩẹc của anh ta thì thường là đối tượng dự tuyển sẽ đồng ý. Đến thế là tốt rồi. Bạn đã có một gián điệp làm việc cho bạn. Bước tiếp theo là điều khiển anh ta. Bạn phải đảm bảo an toàn không chỉ cho chính bạn mà còn cho cả anh ta nữa. Bạn phải tổ chức các cuộc gặp gỡ bí mật và huấn luyện anh ta sử dụng vi phim và, nếu thích hợp, cả điện đài nữa. Bạn sẽ huấn luyện cho anh ta cách phát hiện ngoại tuyến, cách khai báo khi bị tra hỏi, vân vân. "Giai đoạn cuối cùng là chấm dứt liên lạc. Sau một thời gian, có thể là người được bạn tuyển chọn sẽ bị thuyên chuyển tới một vị trí công tác khác và không còn tiếp cận được với nguồn thông tin nữa, hoặc có thể chúng ta không còn cần tới nguồn thông tin mà anh ta có. Trong bất kỳ tình huống nào, mối quan hệ đó phải chấm dứt, nhưng điều quan trọng là phái chấm dứt nó ra sao để gián điệp đó không cảm thấy bị lợi dụng và tìm cách trả thù… Đại tá Johnson đã nói đúng. Không phải tất cả đều qua được khoá học. Những gương mặt quen cứ biến mất. Không chút dấu tích. Không ai biết vì sao. Không ai hỏi. Một hôm, trong khi nhóm học chuẩn bị đi Richmond để thực tập ngoại tuyến, hướng dẫn viên của Robert nói: - Chúng ta sẽ xem khả năng của anh thế nào, Robert ạ. Tôi sẽ phái ai đó bám đuôi anh. Tôi muốn anh cắt đuôi. Anh có nghĩ là anh có thể làm được điều đó không? - Có thưa ông. - Chúc may mắn. * * * * * Robert đi xe bus đến Richmond và rồi bắt đầu đi bộ trên các đường phố. Chỉ trong vòng năm phút anh đã nhận diện được nhưng người bám theo anh. Bọn họ có hai người. Một người đi bộ và một người đi trong ô tô. Robert tìm cách lẩn vào trong các tiệm ăn và các cửa hiệu rồi nhanh chóng ra bằng các cửa sau, nhưng anh không thể nào dứt họ được. Họ được huấn luyện quá tốt. Sau cùng, lúc gần như đã đến giờ phải trở về Trang trại, Robert vẫn chưa thể nào thoát khỏi họ. Họ bám theo anh quá chặt chẽ. Robert bước vào một cửa hiệu bách hoá, và hai người kia đứng vào những vị trí mà họ có thể khống chế được cả các lối vào lẫn lối ra. Robert dùng thang máy đi lên khu bán quần áo cho đàn ông. Ba mươi phút sau, khi đi xuống, anh mặc trên người một bộ complê khác, cái áo khoác và mũ khác, và đang vừa đi vừa nói chuyện với một người phụ nữ, trong tay anh bế một đứa trẻ. - Anh đi ngang qua những người theo dõi anh mà không hề bị nhận ra. Ngày hôm đó, anh là người duy nhất đã cắt "đuôi" thành công. Bản thân những thuật ngữ được dạy ở Trang trại cũng là một thứ ngôn ngữ rồi. "Các bạn có thể sẽ không dùng đến tất cả những thuật ngữ nầy, - người hướng dẫn viên nói với cả lớp nhưng các bạn nên biết chúng. Có hai loại gián điệp khác nhau: gián điệp gây ảnh hưởng và gián điệp hành động. Người gián điệp gây ảnh hưởng tìm cách thay đổi dư luận ở quốc gia nơi anh ta hoạt động. Còn gián điệp hành động được phái đi để gây rối và tạo ra những tình hình lộn xộn. "Đòn bẩy sinh vật là tiếng lóng của CIA chỉ việc hăm doạ. Cũng có nhưng vụ "túi đen", thay đổi từ những vụ hối lộ đến những vụ đột nhập. Watergate là một vụ như vậy. Ông ta nhìn quanh lớp để tin rằng cả lớp đang chú ý. Họ nghe như uống lấy từng lời. Đôi khi các bạn có thể cần tới "thợ giày" - đó là người làm hộ chiếu giả mạo. Robert băn khoăn, liệu có bao giờ anh cần tới một thợ giày hay không. Thuật ngữ "Giáng cấp tối đa" là một thuật ngữ đáng sợ. Nó có nghĩa là sự thanh lọc bằng cách giết đi. Từ thanh loại cũng như vậy. Nếu bạn nghe ai đó nói về "Công ty", thì đó là biệt danh chúng ta dùng đề cập tới Cơ quan tình báo Anh. Nếu bạn được yêu cầu "tẩy uế" một căn phòng, bạn sẽ không đi tìm các tổ mối mà bạn sẽ phải tìm ra các dụng cụ nghe trộm. Lối nói bí ẩn nầy làm cho Robert thấy hứng thú. "Các tiểu thư" là tiếng lóng chỉ các cô gái được phái đi để dàn xếp với đối tượng. "Huyền thoại" là lai lịch của một gián điệp được tạo ra để cung cấp cho anh ta một vỏ bọc. "Đi riêng" có nghĩa là rời khỏi nghề. Hướng dẫn viên đưa mắt nhìn cả lớp. - Có ai trong các bạn biết một "người dạy sư tử" là thế nào không hả? Ông ta đợi câu trả lời. Im lặng. - Khi một gián điệp bị bỏ rơi, đôi khi anh ta cảm thấy tức bực và có thể đe doạ tiết lộ những gì anh ta biết. Một người đầy cơ bắp, một tài tử dạy sư tử, được gọi đến để làm cho anh ta dịu đi. Tôi tin chắc không ai trong số các bạn sẽ phải đối mặt với một tài tử như thế. Lời bình luận gây ra một tiếng cười sợ hãi. Rồi có từ "lên sởi". Nếu một đối tượng chết vì lên sởi điều đó có nghĩa là đối tượng bị giết một cách khéo léo đến mức cái chết có vẻ như là một tai nạn hoặc do những lý do tự nhiên. Một cách gây bệnh sởi là đúng hợp chất "Tabun". Đó là một hợp chất không màu hoặc hơi nâu, gây tê liệt thần kinh khi ngấm qua da. Nếu ai đó trao cho bạn một cái "đàn hộp" điều đó có nghĩa là họ đang trao cho bạn một máy phát vô tuyến. Người sử dụng điện đài được gọi là một nhạc sĩ. Trong tương lai, một số trong các bạn sẽ phải hoạt động "trần trụi". Đừng vội cởi bỏ quần áo điều đó đơn giản có nghĩa là bạn chỉ có một mình và không có sự hỗ trợ nào cả. Còn một điều nữa mà tôi muốn nói đến hôm nay. Sự trùng lặp tình cờ. Trong công việc của chúng ta, không có "con vật" đó: Nó thường báo hiệu nguy hiểm. Nếu các bạn thường xuyên chạm trán cùng một người nào đó, hoặc khi hoạt động các bạn thường xuyên phát hiện một chiếc xe nào đó, hãy che cái mông của mình đi. Có thể các bạn đang gặp chuyện chẳng lành. Cuối cùng, tôi nghĩ là hôm nay thế là đủ, thưa quý vị. Ngày mai chúng ta sẽ lại tiếp tục nơi chúng ta ngừng lại nầy. Thỉnh thoảng, đại tá Johnson gọi Robert vào văn phòng của ông ta để "chuyện gẫu", như cách ông ta nói. Các câu chuyện có vẻ bình thường một cách không tin nổi và Robert biết ẩn trong đó là một cuộc thăm dò đang diễn ra. - Tôi nghe nói anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, Robert. - Đúng vậy ạ. Suốt nửa giờ sau đó, họ nói chuyện về hôn nhân, lòng trung thành, và lòng tin. Một lần khác: - Đô đốc Whittaker coi anh như con, Robert. Anh biết thế chứ? - Vâng. Nỗi đau về cái chết của Edward là một cái gì đó không bao giờ qua đi. Họ đã nói chuyện về sự trung thành, bổn phận và cái chết. - Robert, anh đã đối mặt với cái chết hơn một lần. Anh có sợ chết không? Không. Nhưng chết cho đáng chết, Robert nghĩ. Chứ không phải một cái chết vô nghĩa. Những cuộc gặp làm cho Robert chán nản bởi vì họ như đang nhìn vào một tấm gương dị dạng. Đại tá Johnson có thể nhìn rõ anh, nhưng bản thân đại tá lại vô hình, một con người bi ẩn được bao bọc bởi một bức màn bí mật. Khoá học kéo dài 16 tuần, và trong thời gian đó, không ai trong số họ được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Robert nhớ Susan một cách ghê gớm. Đây là thời gian họ xa nhau lâu nhất. Khi đã hết bốn tháng, đại tá Johnson gọi Robert vào văn phòng của ông ta. - Đây là cuộc gặp để tạm biệt. Anh đã làm việc rất tuyệt vời, Robert. Tôi nghĩ là anh sẽ thấy tương lại của mình rất hấp dẫn đấy. - Cám ơn ngài. Tôi cũng hy vọng như thế. - Chúc may mắn. Đại tá Johnson nhìn Robert bước ra. Ông ta ngồi yên trong năm phút rồi có một quyết định. Ông ta bước tới bên cửa và khoá trái lại. Rồi ông ta nhấc điện thoại lên gọi. * * * * * Susan đang đợi anh. Cô mở cửa căn hộ của họ, trên người là một chiếc váy ngủ trong veo chẳng che đậy được gì cả. Cô lao vào trong vòng tay anh và ôm anh thật chặt. - Chào anh, chàng thuỷ thuỷ. Anh muốn một cuộc vui chứ? - Thì anh đang có đây thôi, - Robert nói đầy vẻ hạnh phúc, - Chỉ bằng việc ôm em. - Chúa ơi, em nhớ anh quá. - Susan lùi lại và thốt lên. - Nếu có chuyện gì xảy ra với anh thì em nghĩ là em chết mất. - Chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra với anh cả. - Anh hứa chứ? - Anh hứa. - Trông anh có vẻ mệt mỏi. - Cô nhìn anh, một thoáng lo lắng. - Đó là một khoá học rất căng thẳng, - Robert thừa nhận. Anh đã nói bớt đi. Với tất cả bài vở phải học, cùng với các bài thực hành trực tiếp, không học viên nào có thể ngủ quá vài tiếng một đêm. Không có mấy lời phàn nàn chỉ vì một lý do rất đơn giản: Họ đều biết rõ rằng cái mà họ đang học, một ngày nào đó có thể cứu mạng sống cho họ. - Em biết chính xác là anh cần gì bây giờ, - Susan tuyên bố. - Anh sẽ nói. - Robert nhoẻn cười. Anh ôm lấy cô. - Khoan đã. Cho em vài phút. Anh cởi quần áo đi. - Anh nhìn cô bước đi và nghĩ, Sao người ta lại có thể may mắn thế nhỉ? Anh bắt đầu cởi quần áo. Vài phút sau, Susan quay lại. Cô dịu dàng nói. - Hừm, em thích anh trần truồng cơ. Anh nghe thấy giọng người hướng dẫn viên nói: "Một số trong các bạn sẽ hoạt động trần trụi. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ có một mình và không có sự hỗ trợ nào?" Mình đang lao vào chuyện gì thế nhỉ? Anh đã đẩy Susan vào chuyện gì vậy? Cô dẫn anh vào trong phòng tắm. Bồn tắm được bơm đầy nước có lẫn nước hoa, và căn phòng mờ tối với bốn ngọn nến lung linh. - Đón anh về nhà, anh yêu. - Cô cởi chiếc váy ngủ mỏng dính và bước vào bồn tắm. Anh theo bước cô. - Susan. - Đừng nói. Hãy dựa vào người em. - Anh cảm thấy hai bàn tay cô vuốt ve trên lưng và hai bả vai anh, cảm thấy những đường cong mềm mại của thân thể cô áp vào người anh, và anh quên đi nỗi mệt của mình. Họ làm tình với nhau, trong làn nước ấm, và khi họ đã lau khô người, Susan nói: - Chơi trước thế là quá nhiều đấy. Bây giờ mình mới thật sự vào cuộc nhé. Họ lại làm tình và sau đó, khi Robert sắp thiếp đi ôm Susan trong tay, anh nghĩ, sẽ luôn luôn là như thế nầy. Mãi mãi. Chương 17 Ngày thứ hai sau đó, Robert đến làm việc ngày đầu tiên tại Phòng 17 Cục Tình báo hải quân tại Lầu Năm Góc. Đô đốc Whittaker nồng nhiệt: - Chúc mừng đã trở về, Robert. Rõ ràng là anh đã rất gây ấn tượng với đại tá Johnson. - Chính ông ta cũng rất gây ấn tượng. - Robert mỉm cười. Ngồi uống cà phê, vị đô đốc hỏi: - Anh đã sẵn sàng làm việc chưa hả? - Rất sẵn sàng. - Tốt. Chúng ta có một vụ việc ở Rhodesia… Làm việc ở Cục Tình báo hải quân thậm chí còn hấp dẫn hơn cả những gì Robert đã chờ đón. Mỗi nhiệm vụ một khác, và Robert được giao những việc được phân loại là tối nhạy cảm. Anh mang về một người đào nhiệm cho biết hoạt động buôn lậu ma tuý của Noriega ở Panama, phát hiện một điệp viên làm việc cho Marcos trong toà lãnh sự quán Mỹ ở Manila, và giúp dựng lên một trạm nghe lén ở Morocco. Anh được cử đi công tác tới Nam Phi và vùng Đông u. Điều duy nhất làm anh phiền muộn là việc phải xa Susan lâu. Anh không muốn phải xa cô và anh thường nhớ cô một cách khủng khiếp. Anh có sự hứng thú trong công việc của mình nhưng Susan thì không có gì cả. Công việc nghiệp vụ của Robert cứ ngày càng tăng lên. Anh ngày càng ít khi có mặt ở nhà, và đó chính là thời gian mà vấn đề đối với Susan trở nên nghiêm trọng. Mỗi khi Robert về đến nhà, anh và Susan thường lao vào vòng tay của nhau một cách đầy thèm khát và rồi làm tình đầy cuồng nhiệt. Nhưng những lúc như thế mỗi ngày mỗi thưa ra. Với Susan dường như ngay sau khi Robert trở về thì anh lại lập tức bị phái đi với một nhiệm vụ mới. Chuyện càng xấu thêm khi Robert không thể nào bàn công việc của anh với cô. Susan không hề biết anh đi đâu, làm gì. Cô chỉ biết rằng anh liên quan với những công việc nguy hiểm và cô lo sợ rằng một ngày nào đó anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Cô không dám hỏi anh. Cô cảm thấy mình như một người lạ, hoàn toàn bị tách khỏi một phần quan trọng trong đời sống của anh. Đời sống của họ. Mình không thể tiếp tục như thế nầy được. Susan quyết định. Khi Robert trở về sau bốn tuần đi công tác ở Trung Mỹ, Susan nói: - Robert, em nghĩ chúng ta nên nói chuyện với nhau. - Có chuyện gì vậy? - Robert hỏi. Anh đã biết là có chuyện gì. - Em sợ. Chúng mình đang mất nhau, và em không muốn thế. Em không thể chịu được. - Susan. - Khoan đã. Để em nói nốt. Anh có biết trong bốn tháng qua chúng mình được ở bên nhau bao lâu không? Chưa đầy hai tuần. Mỗi khi anh trở về, em cảm thấy dường như anh là một người khách chứ không phải là chồng em. Anh ôm chặt Susan vào trong lòng. - Em biết là anh yêu em đến thế nào mà. - Xin đừng để chuyện gì xảy ra cho chúng mình. - Cô tựa đầu vào anh. - Anh sẽ không để như thế, - anh hứa. - Anh sẽ nói chuyện với Đô đốc Whittaker. - Bao giờ nào? - Ngay lập tức. - Đô đốc sẽ gặp ông bây giờ, thưa ông chỉ huy. - Cảm ơn. Đô đốc Whittaker đang ngồi sau bàn làm việc, ký giấy tờ. Khi Robert bước vào, ông ngẩng lên và mỉm cười. - Chúc mừng đã trở về và xin có lời khen ngợi. Công việc của anh làm ở El Salvador thật là tuyệt vời. - Cảm ơn ngài. - Mời ngồi. Tôi có thể mời anh chút cà phê chứ? - Không, xin cảm ơn Đô đốc. - Anh muốn nói chuyện với tôi hả? Thư ký của tôi nói là có việc khẩn cấp. Tôi có thể làm gì cho anh nào? Thật là khó mở đầu. - Ồ thưa ngài, đây là chuyện cá nhân thôi. Tôi đã cưới vợ chưa đầy hai năm và… - Anh có một sự lựa chọn tuyệt vời đấy, Robert. Susan là một phụ nữ đáng yêu. - Vâng, tôi đồng ý như vậy. Vấn đề là ở chỗ tôi đi xa hầu hết thời gian, và cô ấy bất hạnh về chuyện đó - Anh vội nói thêm. - Và cô ấy hoàn toàn có quyền như vậy. Đó không phải là chuyện bình thường. Đô đốc Whittaker dựa người trên lưng ghế và trầm ngâm nói: - Tất nhiên là anh không được làm việc trong điều kiện bình thường. Đôi lúc phải có những hy sinh. - Tôi biết, - Robert bướng bỉnh đáp, - nhưng tôi sẽ không hy sinh cuộc sống vợ chồng của tôi. Điều đó là quá sức đối với tôi. - Tôi hiểu. Thế anh yêu cầu gì nào? - Vị Đô đốc nhìn anh dò xét. - Tôi hy vọng là ngài có thể tìm cho tôi một vài công việc mà tôi không phải xa nhà nhiều như vậy. Hẳn phải có cả trăm công việc cho tôi ở quanh đây. - Nghĩa là gần nhà hơn. - Vâng. Vị đô đốc chậm rãi nói: - Chắc chắn là anh sẽ toại nguyện. Tôi không cho là không thể dàn xếp được một chuyện như vậy. Robert mỉm cười nhẹ nhõm. - Ngài thật tốt bụng, thưa Đô đốc. Tôi rất biết ơn về điều đó - Phải, tôi nghĩ chắc chắn là chúng ta có thể thu xếp chuyện đó. Hãy nói hộ tôi với Susan là vấn đề đã được giải quyết. - Tôi không còn biết cảm ơn ngài như thế nào cho phải. - Robert đứng dậy, rạng rỡ. Đô đốc Whittaker vẫy tay ngỏ ý cho anh đi ra. - Tôi không thể để chuyện gì xảy ra đối với một nhân viên quý báu như anh được. Còn bây giờ thì hãy về nhà với người vợ trẻ của anh đi. Khi Robert nói lại với Susan, cô sướng run lên. Cô choàng tay ôm lấy anh. - Ôi anh yêu. Thật là tuyệt diệu. - Anh sẽ xin ông ta nghỉ vài tuần để chúng ta có thể có một chuyến đi đâu đó. Nó sẽ là tuần trăng mật thứ hai của chúng ta. - Em đã quên mất thế nào là một tuần trăng mật rồi, - Susan thì thầm. - Hãy cho em thấy đi! Robert đã cho cô thoả lòng. * * * * * Sáng hôm sau, Đô đốc Whittaker cho gọi Robert. - Tôi muốn anh biết rằng tôi đang thu xếp vấn đề mà chúng ta bàn ngày hôm qua. - Cảm ơn Đô đốc. - Bây giờ là lúc nói đến chuyện xin nghỉ phép đây. - Thưa ngài… Đô đốc Whittaker nói: - Robert, có chuyện thế nầy. - Vị Đô đốc bắt đầu đi đi lại lại Khi ông cất lời, giọng ông ta đầy vẻ lo lắng sâu sắc. - Tôi vừa được thông báo rằng CIA đã bị đối phương cấy người vào. Dường như có một sự tiết lộ đều đặn các thông tin tối mật. Tất cả những gì họ biết về điệp viên nầy chỉ là cái mật danh Con Cáo của anh ta. Hiện nay anh ta đang ở Argentina. Họ cần một người bên ngoài CIA lo cho vụ nầy. Giám đốc CIA đã yêu cầu anh. Họ muốn anh tìm ra điệp viên kia và mang anh ta về đây. Tôi đã bảo với họ là quyết định nầy tuỳ thuộc ở anh. Anh có muốn nhận nó hay không? - Tôi e rằng phải bỏ qua nó thôi, thưa Đô đốc. - Robert lưỡng lự. - Robert, tôi tôn trọng quyết định của anh. Anh đã phải đi liên tục và chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ nào. Tôi biết là điều đó không dễ dàng gì đối với đời sống vợ chồng của anh. - Thưa ngài, tôi muốn nhận nhiệm vụ nầy. Chỉ có điều - Anh không cần phải nói đâu, Robert. Ý kiến của tôi về công việc và sự cống hiến của anh vẫn giữ nguyên. - Tôi chỉ mong ở anh có một điều thôi. - Điều gì vậy thưa Đô đốc? - Ông phó giám đốc CIA yêu cầu được gặp anh, bất luận quyết định của anh là thế nào. Vì phép lịch sự. Anh không phiền lòng chứ? - Tất nhiên là không, thưa ngài. Ngày hôm sau, Robert lái xe đến Langley để gặp viên phó giám đốc CIA. - Xin mời ngồi, ông sĩ quan, - Viên phó giám đốc nói khi Robert bước vào phòng đầu căn nhà rộng lớn. - Tôi đã nghe nhiều về ông. Tất nhiên là toàn những lời tốt đẹp cả. - Cảm ơn ngài. Đó là một người đàn ông đã sang tuổi sáu mươi, dáng người mảnh khảnh với mái tóc bạc trắng và một bộ ria mép nhỏ cứ động đậy mỗi khi ông ta hút píp thuốc. Tốt nghiệp Đại học Yale, ông ta ra nhập Cục phục vụ chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai và rồi vào CIA khi cơ quan nầy được thành lập sau chiến tranh và dần dần lên tới chức vụ hiện nay của một trong những cơ quan tình báo lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới. Ông sĩ quan, tôi muốn ông biết rằng tôi tôn trọng quyết định của ông. Bellamy gật đầu. - Tuy nhiên, có một việc mà tôi cảm thấy cần phải lưu ý với ông. - Chuyện gì vậy, thưa ngài? - Tổng thống đích thân tham gia vào chiến dịch lột mặt nạ của Con Cáo. - Thưa ngài, tôi đã không biết điều đó. - Ông coi nó, cũng như tôi nữa, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan nầy kể từ khi ra đời đến nay. Tôi có biết về chuyện của gia đình ông, và tôi chắc rằng Tổng thống cũng thông cảm. Ông thực sự là một người đàn ông có khuynh hướng gia đình. Nhưng việc ông không nhận nhiệm vụ nầy có thể, tôi phải nói thế nào nhỉ, làm xấu mặt Cục Tình báo Hải quân và Đô đốc Whittaker. - Đô đốc không có liên quan gì tới quyết định của tôi thưa ngài, - Robert nói. - Tôi hiểu điều đó, ông sĩ quan, thế nhưng Tổng thống có hiểu như vậy hay không? Tuần trăng mật sẽ phải bị hoãn lại mất, Robert nghĩ. Khi Robert báo tin với Susan, anh nhẹ nhàng nói: - Đây sẽ là chuyến đi công tác ra nước ngoài cuối cùng của anh. Sau chuyến nầy, anh sẽ ở nhà nhiều đến mức em phát chán lên cho mà xem. Cô mỉm cười với anh. - Trên đời nầy làm gì có nhiều thời gian đến thế. - Chúng mình sẽ ở bên nhau mãi mãi. Cuộc săn đuổi Con Cáo là một trong những công việc tuyệt vọng nhất mà Robert từng gặp. Anh đã tìm được dấu vết của hắn ở Argentina nhưng chậm so với con mồi một ngày. Những dấu vết dẫn tới Tokyo và Trung Quốc, rồi Malaisia. Dù Con Cáo là ai không biết, hắn để lại một chút dấu vết đủ để dẫn đến nơi hắn đã có mặt nhưng không bao giờ đến được nói hắn đang có mặt. Hết ngày rồi đến tuần, hết tuần rồi đến tháng, và Robert luôn ở phía sau Con Cáo. Hầu như ngày nào anh cũng gọi điện cho Susan. Thoạt đầu thì là: "Anh sẽ trở về nhà sau vài ngày thôi, em yêu". Và rồi, "Anh có thể về nhà vào tuần tới". Và sau cùng "Anh không rõ là khi nào thì sẽ về được". Cuối cùng, Robert đã phải bỏ cuộc. Anh đã bám theo dấu vết Con Cáo suốt hai tháng rưỡi mà không có kết quả gì. Khi anh trở về với Susan, cô có vẻ thay đổi. Hơi lạnh nhạt một chút. - Anh xin lỗi, em yêu, - Robert xin lỗi. - Anh không hề biết là phải mất nhiều thời gian như thế. Chỉ là… - Họ sẽ không bao giờ buông tha anh, có phải không, Robert? - Gì cơ? Tất nhiên là họ sẽ phải buông anh ra. - Em không nghĩ như thế. Em đã nhận việc làm ở bệnh viện Memorial ở Washington. - Cô lắc đầu. - Em nói gì? - Anh giật mình. - Em sẽ lại là một y tá. Em không thể cứ ngồi chờ anh trở về nhà với em, phiền muộn về việc anh đang ở đâu và anh đang làm gì, phiền muộn không hiểu anh đã chết hay còn sống nữa. - Susan, anh… - Cũng được thôi mà, anh yêu của em. It nhất thì em cũng sẽ làm được việc gì đó có ích trong những lúc anh đi vắng. Điều đó sẽ làm cho sự chờ đợi trở nên nhẹ nhàng hơn. Và Robert không còn biết trả lời thế nào. Anh báo cáo lại thất bại của mình với Đô đốc Whittaker. Vị Đô đốc tỏ ra thông cảm. - Tôi đã có lỗi trong việc đồng ý để anh làm nhiệm vụ đó Từ nay trở đi, chúng ta sẽ để cho CIA tự giải quyết những vấn đề khốn kiếp của họ. Robert, tôi xin lỗi. Robert nói với ông về việc Susan nhận làm y tá. - Có thể đó là một ý kiến hay đấy, - Vị Đô đốc trầm ngâm nói. - Nó sẽ làm cho cuộc sống vợ chồng của anh bớt căng thẳng. Thỉnh thoảng, nếu như ảnh có những công tác ở hải ngoại, tôi chắc cũng đỡ rắc rối. Cái gọi là thỉnh thoảng kia hoá ra gần như liên tục. Đó chính là lúc cuộc hôn nhân thật sự bắt đầu tan rã. Susan làm việc tại bệnh viện Memorial trên cương vị một y tá giúp việc ở phòng mổ, và khi Robert có nhà, cô thường cố gắng xin nghỉ để ở bên anh, nhưng càng ngày cô càng bận rộn hơn với công việc. - Em thật sự cảm thấy thích thú, anh yêu ạ. Em cảm thấy em đang làm được một công việc có ích. Cô thường nói chuyện với Robert về các bệnh nhân của cô, và anh nhớ cô đã từng chăm sóc anh như thế nào, cô đã giúp anh trở nên khoẻ mạnh và trở lại với cuộc sống ra sao. Anh đã hài lòng thấy rằng cô đang làm một công việc tốt mà cô cảm thấy yêu thích, song có một thực tế là họ ngày càng gặp nhau ít hơn. Khoảng cách về tình cảm giữa họ ngày càng rộng ra. Có một sự ngượng ngập mà trước đây chưa bao giờ có. Họ như hai người xa lạ, cố gắng một cách tuyệt vọng để bắt chuyện với nhau. Khi Robert trở lại Washington sau sáu tuần công công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh đưa Susan đi ăn tối ở Sans Souci. Sulsan nói: - Ở bệnh viện chỗ em mới có một bệnh nhân. Anh ta bị một tai nạn máy bay khủng khiếp và các bác sĩ nghĩ rằng anh ta khó có thể sống nổi, thế nhưng em sẽ chăm sóc để anh ta có thể qua được. - Đôi mắt cô bừng sáng. Vớí mình, cô ấy cũng như vậy. Robert nghĩ. Anh băn khoăn không biết liệu cô cũng cúi xuống bên người bệnh mới nầy và nói: "Hãy mau khoẻ. Em đang đợi anh" hay không. Anh cố dứt bỏ ý nghĩ đó. - Robert, anh ta tuyệt lắm. Tất cả các y tá đều phát điên lên vì anh ta. - Tất cả ư? Anh ngẫm nghĩ. Trong lòng anh nhen nhóm một chút nghi ngờ, dằn vặt nhưng anh đã dẹp được ý nghĩ đó đi. Họ gọi bữa ăn. Ngày thứ bẩy tiếp đó, Robert đi Bồ Đào Nha và ba tuần lễ sau, khi anh trở về, Susan mừng rỡ chào đón anh. - Ngày hôm nay, lần đầu tiên Monte đã đi lại được. - Nụ hôn của cô đầy vẻ qua quýt. - Monte? - Monte Banks. Đó là tên anh ta. Anh ta sẽ đâu vào đấy. Các bác sĩ đã không thể tin nổi, nhưng mà tụi em sẽ không chịu đâu. - Tụi em. - Kể cho anh nghe về anh ta xem nào. - Anh ta thật sự đáng mến. Anh ta luôn luôn cho mấy đứa bọn em quà. Anh ta rất giàu có. Anh ta lái một chiếc máy bay riêng và anh ta đã bị một tai nạn khủng khiếp, và… - Những quà gì hả? - Ồ, anh biết đấy, chỉ những thứ lặt vặt ấy mà - kẹo, hoa, sách và đĩa hát. Anh ta muốn tặng những chiếc đồng hồ đắt tiền cho tất cả bọn em nhưng tất nhiên là bọn em phải từ chối rồi. - Thì tất nhiên. - Anh ta có một chiếc du thuyền, những con ngựa… Đó là khi mà Robert bắt đầu gọi anh ta là Cái túi tiền (moneybags). Lần nào từ bệnh viện trở về nhà, Susan cũng nói chuyện về anh ta. - Robert, anh ta thật sự chân thành. Chân thành là nguy hiểm đây. - Và anh ta rất quan tâm đến người khác. Anh có biết hôm nay anh ta đã làm gì không? Đã yêu cầu tiệm Jockey gửi bữa trưa tới cho tất cả những y tá có mặt đấy. Thằng cha nầy kinh tởm thật. Thật lố bịch, Robert cảm thấy mình trở nên cáu kỉnh. - Cái thằng cha bệnh nhân tuyệt vời đó của em đã có vợ chưa hả? - Chưa, anh yêu. Nhưng sao cơ? - Anh chợt nghĩ vậy thôi. - Hãy vì Chúa, anh không ghen đấy chứ? - Cô cười vang. - Với cái thằng cha già cỗi mới học đi ấy ư? Tất nhiên là không. Mẹ kiếp, dứt khoát là thế. Nhưng anh không hề muốn làm phiền lòng cô. Khi Robert ở nhà, Susan cố không nhắc tới bệnh nhân của cô, nhưng nếu cô không thì Robert lại gợi chuyện. - Cái túi tiền thế nào rồi? - Tên anh ta không phải là Cái túi tiền, - Cô nói vẻ trách móc, mà là Monte Banks. - Gì chả được. Thật tiếc là cái thằng chó đẻ đó không chết trong vụ tai nạn kia cho rảnh chuyện. * * * * * Hôm sau là ngày sinh nhật của Susan. - Nầy, anh bảo nhé, - Robert sốt sắng nói, - Chúng ta sẽ làm lễ kỷ niệm. Chúng ta sẽ đi và có một bữa tối tuyệt vời ở đâu đó và… - Em phải làm việc ở bệnh viện cho tới 8 giờ cơ. - Cũng được. Anh sẽ tới đón em ở đó. - Được đấy Monte muốn gặp anh lắm. Em đã nói về anh rất nhiều cho anh ta nghe. - Anh cũng muốn gặp thằng cha đó, - Robert quả quyết với cô. Khi Robert tới bệnh viện, người thường trực nói: - Xin chào ông sĩ quan. Susan đang làm việc trên khoang chỉnh hình ở tầng ba. Cô ấy đang đợi ông đấy. - Chị ta nhấc điện thoại lên. Lúc Robert bước ra khỏi thang máy, Susan đang đứng chờ anh trong bộ đồng phục trắng bong, và tim anh đập rộn lên. Ôi, nàng sao mà đẹp thế. - Xin chào người đẹp. Susan mỉm cười, nhưng cảm thấy không thoải mái một cách hơi lạ. - Chào anh, Robert. Vài phút nữa là em hết phiên trực. Nào đi. Em sẽ giới thiệu anh với Monte. - Tôi đang sốt ruột đây. Cô dẫn anh vào một phòng riêng rộng rãi, đầy những sách và hoa quả, và nói: - Monte, đây là chồng… em, anh Robert. Robert đứng đó, nhìn người đàn ông nằm trên giường. Anh ta lớn hơn anh chừng ba, bốn tuổi và rất giống Paul Newman. Thoáng nhìn, Robert đã thấy coi thường anh ta. - Tôi rất vui lòng được gặp ông, ông sĩ quan. Susan đã kể tất cả về ông cho tôi nghe. Phải chăng đó là thứ chuyện họ nói với nhau vào lúc nửa đêm khi cô ấy ở bên giường anh ta? - Cô ấy rất tự hào về ông. - Cái túi tiền nói thêm. Thế đấy anh bạn, lại còn ném ra vài mẩu bánh nữa. Susan nhìn Robert, lòng những mong anh xử sự cho lịch thiệp. Anh phải cố gắng lắm. - Tôi hiểu là ông sắp rời khỏi nơi đây. - Vâng, chủ yếu là nhờ có người vợ của ông. Cô ấy là một người y tá kỳ diệu. Nào, chàng thuỷ thủ. Anh nghĩ là em sẽ để cho một gã nào đó được có tấm thân tuyệt vời nầy ư? - Vâng, đó chính là đặc tính của cô ấy. - Robert không thể nào giấu nổi vẻ cay đắng trong giọng nói của mình. Bữa tiệc sinh nhật là cả một sự tuyệt vọng. Susan chỉ những muốn nói chuyện về người bệnh nhân của cô. - Anh ta có làm cho anh nhớ tới ai không, anh yêu? - Đến Boris Karloff. - Sao anh cứ phải thô lỗ với anh ta thế nhỉ? - Anh nghĩ là anh xử sự lịch thiệp. Có đíều anh không thích hắn ta. - Anh lạnh lùng nói. - Thậm chí anh chưa hề quen biết gì. Anh ta có gì để anh không thích nào? - Susan nhìn anh chằm chằm. - Anh không thích cái lối hắn ta nhìn em. Anh không thích cái lối em nhìn hắn ta. Anh không thích thấy cuộc sống vợ chồng cửa chúng ta đang tiêu tan như thế nầy. Lạy Chúa, anh không muốn mất em. - Xin lỗi. Anh cho là anh hơi mệt. Họ im lặng suốt bữa ăn. Sáng hôm sau, khi Robert chuẩn bị tới sở, Susan nói: - Anh Robert, em có chuyện muốn nói với anh… Và anh cảm thấy như bị một cú đánh vào bụng. Anh không thể nào chịu được việc cô sắp nói thành lời những gì đang xảy ra. - Susan… - Anh biết là em yêu anh. Em sẽ luôn yêu anh. Anh là người đàn ông đáng yêu nhất, tuyệt vời nhất mà em từng biết. - Thôi nào… - Không, để em nói nốt. Em thật khó nói ra chuyện nầy. Trong năm qua, chúng ta khơng mấy khi được sống bên nhau: Chúng ta không còn một cuộc sống vợ chồng nữa. Chúng ta đã xa cách nhau. Mỗi lời nói của cô như một phát dao đâm vào thân thể anh. - Em nói đúng, - anh nói với một vẻ tuyệt vọng. - Anh sẽ thay đổi. Anh sẽ thôi việc ở cơ quan. Ngay bây giờ. Hôm nay. Chúng mình sẽ đi đâu đó và… Cô lắc đầu: - Không, anh Robert. Cả hai chúng ta đều biết là như thế không được. Anh đang làm công việc mà anh muốn làm. Nếu vì em mà anh bỏ việc, anh sẽ luôn luôn dằn vặt về chuyện đó. Đây không phải là chuyện là lỗi của ai. Có điều - Chuyện là thế. Em muốn ly dị. Tất cả dường như tối sầm trước mắt anh. Đột nhiên, anh cảm thấy bụng quặn lên. - Đừng nghĩ như thế, Susan. Chúng ta sẽ tìm cách để… - Quá muộn rồi. Em đã nghĩ về chuyện nầy từ lâu lắm rồi. Suốt cả thời gian anh đi xa và em ở nhà mong ngóng anh, em đã nghĩ về điều nầy. Chúng ta đã đang sống những cuộc đời riêng rẽ. Em cần hơn thế kia. Em cần cái mà anh không thể cho em được nữa. Anh đứng lặng, cố kiềm chế tình cảm của mình. - Chuyện nầy - Chuyện nầy có liên quan gì tới thằng cha Cái túi tiền không hả? - Monte đã ngỏ lời cầu hôn với em. - Susan lưỡng lự. - Và em sẽ bằng lòng ư? - Anh cảm thấy tim mình thắt lại. - Vâng. Đó là cơn ác mộng điên rồ. Không phải chuyện nầy đang xảy ra, anh nghĩ. Không thể như thế được. Nước mắt anh ứa ra. Susan choàng tay, ôm chặt lấy anh. - Em sẽ không bao giờ cảm thấy yêu một ngứời đàn ông như em đã cảm thấy yêu anh được. Em yêu anh bằng cả tâm hồn và trái tim mình. Em sẽ luôn luôn yêu anh. Anh là người bạn yêu quý nhất của em. - Cô lùi ra và nhìn vào mắt anh. - Song như thế chưa đủ. Anh có hiểu thế không? Tất cả những gì anh hiểu là cô đang vò xé anh. - Chúng ta có thể cố gắng. Chúng ta sẽ làm lại và… - Anh Robert, em xin lỗi. - Giọng cô nghẹn lại. - Em thật xin lỗi, nhưng mọi chuyện đđ hết rồi. Susan bay đi Reno để làm thủ tục ly dị, và chàng sĩ quan Robert Bellamy say rượu suốt hai tuần lễ liền. * * * * * Nhưng thói quen cũ thật khó mất. Robert gọi điện cho một người bạn ở Cục Điều tra Liên bang (FBI). Trước đây, Al Traynor đã nhiều dịp có quan hệ với Robert và anh tin cậy anh ta. - Tray, tôi cần cậu giúp đờ. - Giúp đỡ? Cậu cần một bác sĩ thần kinh thì có. Quái quỷ thế nào mà cậu lại để mất Susan thế hả? Chuyện của họ có thể đã lan đi khắp cả thành phố. Đó là cả một câu chuyện dài và buồn. - Robert, tôi thật sự lấy làm tiếc. Cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi… mà thôi. Tôi có thể giúp gì cậu? - Tôi muốn cậu kiểm tra về một người trên máy tính điện tử. - Được rồi. Cậu cho tôi cái tên. - Monte Banks. Chỉ là chuyện thẩm tra thông thường thôi. - Rồi. Cậu muốn biết những gì? - Có thể là hắn ta không có trong hồ sơ của cậu. Tray ạ, nhưng nếu có… hắn ta có bao giờ bị phạt vì chuyện đậu xe, đánh chó, vượt đèn đỏ chẳng hạn? Chuyện thông thường ấy mà. - Chắc chắn là thế rồi. - Tôi muốn biết hắn kiếm tiền ở đâu ra. Tôi muốn biết về tiểu sử của hắn. - Vậy hả, chỉ chuyện thông thường, phải vậy không? - Và nầy, Tray, chỉ giữ chuyện nầy riêng giữa chúng ta thôi nhé. Đó là chuyện riêng mà. Được chứ? - Không có gì cả. Tôi sẽ gọi cho cậu vào sáng mai. - Cảm ơn. Tôi nợ cậu một bữa trưa đấy. - Bữa tối. - Cũng được. Robert gác máy và nghĩ: Hình ảnh một người đang vớ những cọng rơm. Mình hy vọng vào chuyện gì nhỉ, rằng hắn ta và tên Jack kẻ cướp và Susan lại lao trở vào vòng tay mình chăng? Sáng sớm ngày hôm sau, Dustin Thornton cho gọi Robert. - Ông đang làm gì vậy, ông sĩ quan? Ông ta thừa biết mình đang làm gì mà, Robert nghĩ. - Tôi đang giải quyết hồ sơ của tôi về nhà ngoại giao Singapore, và… - Việc đó có vẻ như nhưng không chiếm bao nhiêu thời gian của ông. - Ông nói gì ạ? - Ông sĩ quan, trong trường hợp ông quên, tôi xin nhắc là Cục Tình báo hải quân không được phép điều tra về các công dân Mỹ. Robert nhìn ông ta, kinh ngạc. - Ông… - Tôi mới được bên FBI thông báo rằng ông đang tìm cách thu thập những thông tin hoàn toàn không thuộc thấm quyền của Cục nầy. Robert cảm thấy một cơn giận chợt bùng lên. Thằng chó đẻ Traynor kia đã phản bội anh. Không eòn gì là bạn bè nữa. - Đó là một chuyện cá nhân, - Robert nói. - Tôi… - Các máy tính của FBI không phải là để phục vụ cho những sở thích của ông, cũng không phải là để giúp ông xía vào đời tư của các công dân. Ông đã rõ chưa? - Rõ. - Thế thôi. Robert chạy lao về phía phòng của anh. Những ngón tay anh run rẩy khi quay số 202-324-3000. Một giọng trả lời: - FBI đây. - Cho tôi gặp Al Traynor. - Xin chờ một chút. Một phút sau, có tiếng một người đàn ông. - Xin chào. Tôi có thể giúp gì ông vậy? - Vâng. Tôi muốn gặp Al Traynor. - Tôi xin lỗi. Điệp viên Traynor không còn ở cơ quan nầy. - Cái gì? - Robert cảm thấy giật mình. - Điệp viên Traynor đã bị thuyên chuyển. - Thuyên chuyển à? - Phải. - Đến đâu? - Boiso. Nhưng anh ta sẽ còn chưa có mặt tại đó một thời gian. Tôi e là một thời gian dài đấy. - Ý ông nói gì vậy? - Đêm qua, trong khi đang chạy trong công viên Rock Creek, anh ta bị một chiếc xe đâm rồi bỏ chạy. Ông có thể tin được không hả? Một thằng khốn kiếp nào đó hẳn đã uống say đến phát rồ. Hắn lao xe của hắn trên đường chạy. Traynor bị quăng đi xa tới hơn chục mét. Anh ta khó mà qua khỏi được. Robert gác máy. Đầu óc anh quay cuồng. Chuyện quỷ quái gì đang xảy ra thế nhỉ? Monte Banks, cái thằng giàu có, mắt xanh ấy đang được bảo vệ. Bảo vệ cái gì? Ai bảo vệ hắn? Lạy Chúa, Robert nghĩ, Susan đang lao vào chuyện gì không biết nữa? Anh đến thăm cô ngay chiều hôm đó. Cô ở tại căn hộ mới của mình, một căn hộ kép đẹp đẽ trên phố M. Anh tự hỏi không biết có phải Cái túi tiền đã mua cho cô hay không. Đã mấy tuần họ không gặp nhau, và anh như nghẹt thở khi nhìn thấy cô. - Susan, xin lỗi vì đã đường đột như thế nầy. Anh biết là anh đã hứa không làm vậy. - Anh nói là có chuyện gì đó nghiêm trọng. Đúng thế. Bây giờ, khi đã ở đây, anh không biết phải bắt đầu như thế nào. Susan, anh đến để cứu em ư? Cô ấy sẽ cười vào mặt anh. - Có chuyện gì vậy? - Đó là chuyện về Monte. - Chuyện gì về anh ấy vậy? - Cô chau mầy. - Đây mới là phần khó khăn. Làm sao anh có thể nói với cô chuyện mà chính anh cũng chưa biết? Tất cả những gì anh biết là có một chuyện gì đó nghiêm trọng lắm. Đúng là Monte Banks có trong bộ nhớ của FBI, với một phiêu lưu ý: Không được tiết lộ thông tin nào nếu không được sự cho phép thích hợp. Và việc thẩm tra đã lập tức bị đá ngược lại đối với Cục Tình báo hải quân. Vì sao? - Anh không nghĩ là anh ta, anh ta có gì đó có vẻ không thật. - Em không hiểu. - Susan, anh ta kiếm tiền từ đâu hả? Cô có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi nầy. - Monte có một doanh nghiệp xuất khẩu rất thành công. Cái thứ vỏ bọc cổ lỗ nhất trên thế gian nầy. Lẽ ra anh phải biết là không nên đến đây để đưa ra cái lập luận nửa vời của mình mới phải. Anh cảm thấy mình ngớ ngẩn. Susan đang đợi câu trả lời và anh không có gì để nói. - Vì sao anh lại hỏi như thế? - Anh, anh chỉ muốn tin chắc rằng anh ta là người thích hợp cho em mà thôi, - Robert nói không ra đâu vào đâu. - Ôi Robert. - Giọng cô đầy vẻ thất vọng. Anh cho là anh không nên đến đây. Đúng thế, anh bạn. - Anh xin lỗi em. Susan bước đến và ôm lấy anh. Cô dịu dàng nói. - Em hiểu. Nhưng cô đâu có hiểu gì. Cô đã không hiểu rằng một cuộc thẩm tra bình thường về Monte Banks đã bị chặn đứng lại, hất ngược về Cục Tình báo hải quân và cái người toan tìm kiếm những thông tin đó đã bị loại bỏ. Có những cách khác để thu thập thông tin và Robert bắt tay vào việc tìm kiếm chúng một cách thận trọng. Anh gọi điện cho một người bạn làm ở tạp chí Forbes. - Robert. Lâu quá không gặp. Tôi có thể giúp gì anh thế? Robert nói chuyện với anh ta. - Monte Banks à? Rất thú vị là anh đã nhắc đến tên anh ta. Chúng tôi nghĩ rằng anh ta phải có tên trong danh sách Bốn trăm người giàu nhất của tờ Forbes nầy, nhưng mà không kiếm đâu ra thông tin về anh ta cả. Anh có gì cho chúng tôi không đấy? Một con số không. Robert đi tới thư viện công cộng tìm kiếm cái tên Monte Banks trong cuốn Tiểu sử các nhân vật. Hắn ta không có tên trong đó. - Anh quay lại tìm kiếm trong bộ phận lưu trữ các số báo Bưu điện Washington xung quanh thời gian Monte Banks bị tai nạn máy bay. Có một mẩu nhỏ về vụ tai nạn nầy. Nó nhắc đến Banks như một nhà doanh nghiệp. Tất cả đều có vẻ trong sáng cả. Có thể mình nhầm, Robert nghĩ. Có thể thằng cha Monte Banks nầy chẳng có vấn đề gì cả. Chính phủ đã không bảo vệ cho hắn nếu như hắn là một tên gián điệp, một tên tội phạm hoặc một tên buôn lậu ma tuý… Sự thật là mình vẫn đang cố bám vào Susan mà thôi. * * * * * Trở lại với cuộc sống độc thân là một nỗi cô đơn, một sự trống rỗng, một chuỗi những ngày bận rộn và những đêm mất ngủ. Một cơn sóng tuyệt vọng thường tràn lên anh một cách bất chợt và anh thường phải khóc. Anh khóc cho bản thân mình, cho Susan và cho tất cả những gì mà họ đã mất. Sự hiện diện của Susan có ở mọi nơi. Căn hộ nầy vẫn đầy kỷ niệm về cô. Robert đau khổ với tất cả những điều nhắc nhở ấy, và mỗi phòng đều hành hạ anh với những hồi tưởng về giọng nói của Susan, tiếng cười và sự nồng ấm của cô. Anh nhớ tất cả những đường cong mềm mại trên thân thề cộ khi cô nằm trần truồng trên giường đợi anh, và nỗi đau trong anh là không thể chịu đựng nổi. Bạn bè quan tâm tới anh. - Đừng phiền muộn, Robert. Và sự quan tâm của họ đều thống nhất ở một việc: - Tớ sẽ kiếm cho cậu một con bé. Họ là những cô gái xinh đẹp và gợi tình, cao có, thấp có. Họ là những người mẫu, những cô thư ký, những người làm nghề quảng cáo, những phụ nữ bỏ chồng và những nữ luật sư. Nhưng không có ai trong số họ là Susan. Anh không có gì chung với bất kỳ ai trong số họ, và việc cố chuyện trò một chút với những cô gái xa lạ mà anh không hề quan tâm chỉ làm cho anh cảm thấy cô đơn hơn. Robert không có ham muốn kéo một ai trong số họ vào giường ngủ. Anh muốn có một mình. Anh muốn quay lại cuốn phim kia từ đầu và viết lại kịch bản của nó. Khi nhìn lại, thật dễ thấy những sai lầm của anh, dễ thấy phải sửa lại cái kịch bản với Đô đốc Whittaker như thế nào. CIA bị thâm nhập bởi một người mang mật danh Con Cáo. Ông phó giám đốc đã yêu cầu để anh tìm kiếm hắn. Không, thưa Đô đốc. Xin lỗi. Tôi đang chuẩn bị đưa vợ tôi đi hưởng tuần trăng mật thứ hai. * * * * * Anh muốn thay đổi lại cuộc đời mình, để nó có một kết thúc đẹp đẽ. Nhưng đã quá muộn. Cuộc sống không dành cho những cơ hội lần thứ hai. Anh đã hoàn toàn cô độc. Anh tự đi mua sắm, tự nấu ăn và đi tới hiệu giặt là gần đó mỗi khi anh ở nhà. Đó là một thời gian cô đơn và khổ sở nhất trong đời Robert. Nhưng thế cũng vẫn còn chưa phải là điều tệ hại nhất. Một người phụ nữ làm nghề thiết kế thời trang xinh đẹp mà anh gặp ở Washington đã mấy lần gọi điện mời anh đi ăn tối. Robert thật sự không muốn, nhưng sau cùng thì anh cũng nhận lời. Cô ta đã chụẩn bị một bữa tối ngon lành cho hai người dưới ánh sáng của những ngọn nến. - Em là một đầu bếp giỏi, - Robert nói. - Chuyện gì em cũng giỏi cả. - Và không có gì để nhẩm lẫn trong ý cô ta hết. Cô ta nhích lại gần anh hơn. - Hãy để em chứng tỏ cho anh thấy nhé. - Cô ta đặt tay lên hai đùi anh và đưa đầu lưỡi mơn trớn môi anh. Đã lâu quá rồi, Robert nghĩ. Có thể là quá lâu thật. Họ cùng nhau lên giường, và trước sự thất kinh của Robert, đó là một tai hoạ. Lần đầu tiên trong đời, anh hoàn toàn bất lực. Anh cảm thấy nhục nhã. - Đừng phiền lòng, anh yêu, - Cô ta nói. - Rồi đâu sẽ vào đấy thôi. Cô ta đã nhầm. Robert trở về nhà, cảm thấy ngượng ngùng và chán nản. Anh biết rằng thật là điên rồ và ngớ ngần, anh đã cảm thấy việc làm tình với một phụ nữ khác là một sự phản bội đối với Susan. Sao mình lại có thể ngu ngốc đến thế nhỉ? Vài tuần sau đó, anh lại thứ làm tình với một nữ thư ký xinh xắn ở Cục Tình báo hải quân. Trên giường, cô gái đầy nhục cảm, mơn trớn khắp thân thể anh và ngậm anh trong cái miệng nóng ấm của cô. Nhưng không ăn thua gì. Anh chỉ muốn có Susan. Sau lần ấy anh không thử nữa. Anh đã nghĩ tới việc phải đến bác sĩ, nhưng lại thấy quá ngượng ngùng. Anh biết câu trả lời đối với vấn đề của anh, và nó không hề có liên quan gì đến chuyện y tế cả. Anh đành dồn tất cả sức lực của mình vào công việc. Susan gọi điện cho anh ít nhất mỗi tuần một lần. "Đừng quên lấy quần áo ở chỗ hiệu giặt, - Cô thường nói. Hoặc. "Em đang cho một cô giúp việc đến chỗ anh để dọn dẹp căn hộ. Em cá với anh rằng nhà cửa rất lộn xộn đấy". Mỗi cú điện thoại lại làm cho sự đơn độc càng trở nên khó chịu đựng hơn. Cô đã gọi điện cho anh vào đêm trước ngày cưới. - Anh Robert, em muốn anh biết rằng ngày mai em cưới. Anh thấy ngạt thở. Anh hổn hển nói. - Susan. - Em yêu Monte, - Cô nói, nhưng em cũng yêu anh. Em sẽ yêu anh đến chết. Em không muốn anh quên điều đó. Còn biết đáp lại thế nào? - Robert, anh có sao không? Chắc chắn là không sao. Mạnh khoẻ. Trừ một việc mình là một thằng quan hoạn khốn kiếp. Bỏ cái tính từ đó đi. - Anh Robert? - Anh không thể nào làm cô phiền lòng vì chuyện của mình. - Anh khoẻ. Song, anh xin em một điều thôi, được chứ, em yêu? - Bất cứ điều gì mà em có thể làm được. - Đừng… đừng để hắn ta đưa em đi trong tuần trăng mật tới những nơi mà chúng ta đã từng đến. Anh cúp máy, lao ra ngoài và đi uống đến say mèm. Đó là chuyện một năm trước. Đó là quá khứ. Anh đã bị buộc phải đối mặt với thực tế là giờ đây Susan thuộc về một người khác. Anh buộc phải sống trong hiện tại. Anh có công việc để làm. Bây giờ đã đến lúc phải nói chuyện với Leslie Mothershed, tay thợ ảnh đã chụp những tấm hình và có tên của các nhân chứng mà Robert có nhiệm vụ phải tìm kiếm trong chuyến công tác cuối cùng nầy của anh. Chương 18 Lislie Mothershed đang ở trong một tâm trạng phấn khích. Ngay khi trở về tới London, khư khư cuộn phim quý giá, anh ta vội vã lao vào cái phòng kho nhỏ mà anh ta đã biến thành buồng tối và kiểm tra lại mọi thứ đồ nghề: khay tráng, nhiệt biểu, những cái cặp bốn cái bình lớn, đồng hồ, thuốc rửa, thuốc hiện, thuốc hãm. Anh ta bật một ngọn đèn đỏ nhỏ phía trền đầu rồi hai bàn tay run lên, lấy cuộn phim ra. Anh ta thở mạnh, cố tự kiềm chế. Anh ta thở mạnh, cố tự kiềm chế. Lần nầy không được để có sai sót gì, anh ta nghĩ. Không sai sót gì cả. Mẹ ơỉ, cái nầy là để cho mẹ đây. Một cách thận trọng, anh ta cuốn phim vào chiếc lõi đặt vào trong khay và đổ thuốc rửa vào, thứ dung dịch đầu tiên mà anh ta sẽ phải dùng đến. Nó đòi hỏi giữ đều ở nhiệt độ 20oC và thỉnh thoảng lại phải khuấy đều. Sau mười một phút, anh ta đổ hết cái dung dịch đó đi và đổ thuốc hãm vào. Lishe lại bắt đầu hồi hộp, lo sợ có một nhầm lẫn nào đó. Anh ta trút bỏ thuốc hãm để rửa lần đầu và rồi để phim nằm trong một khay đầy nước trong vòng mười phút. Sau đó là hai phút liên tục khuấy động trong một chất tẩy; và mười hai phút nữa trong nước. Ba mươi giây ngâm trong một dung dịch khác để đảm bảo không còn những vết lỗi trên phim âm bản. Sau cùng, hết sức thận trọng, anh ta lấy phim ra và treo nó lên bằng những chiếc cặp và dùng một miếng thấm để thấm đi những giọt nước cuối cùng trên phim. Anh ta đợi một cách kiên nhẫn để cuộn phim âm bản khô đi. Đã đến lúc nhìn thấy một chút. Mothershed cầm đoạn phim đầu tiên lên, nín thở trong tiếng tim đập thinh thịch, và giơ nó lên trước ánh sáng. Hoàn hảo. Tuyệt đối hoàn hảo. Mỗi tấm phim là một viên ngọc, một bức ảnh mà bất kỳ nhiếp ảnh gia nào trên thế giới cũng phải tự hào nếu như chụp được nó. Mọi chi tiết của chiếc phi thuyền không gian lạ kia đều rõ ràng, kể cả những cái xác của hai sinh vật lạ nằm trong đó. Mắt Mothershed chợt chú ý vào hai thứ mà trước đó anh ta đã không hề để ý, và anh ta xem lại cẩn thận hơn. Ở nơi mà vỏ chiếc phi thuyền vỡ ra, anh ta có thể trông thấy ba cái đi văng nhỏ bên trong thế nhưng lại chỉ có hai sinh vật lạ. Điều lạ nữa là bàn tay của một trong hai sinh vật kia đã bị chặt đứt. Không hề nhìn thấy chỗ nào trong tấm ảnh đó có bàn tay đó. Có thể là sinh vật nầy chỉ có một tay, Mothershed nghĩ. Lạy Chúa, những bức ảnh nầy là tuyệt tác. Mẹ nói đúng. Mình là một thiên tài. Anh ta nhìn quanh căn phòng nhỏ và nghĩ. Lần sau mình sẽ rửa phim trong một căn buồng tối rộng rãi, đẹp đẽ trong biệt thự của mình ở Eaton Square. Anh ta sờ mó những tấm phim quý giá như kẻ hà tiện sờ mó những đồng vàng của mình. Không một tờ báo hay tạp chí nào trên thế giới lại khỏng bất chấp mọi giá để có được tấm hình nầy. Suốt những năm vừa qua, những kẻ khốn kiếp đó đã khước từ những tấm ảnh của anh ta vớì dòng ghi chú đầy báng bổ. Cảm ơn ông đã gửi những tấm ảnh mà chúng tôi gửi trả nơi đây. Chúng không phù hợp với nhu cầu hiện nay của chúng tôi? Và, Cảm ơn ông đã gửi tới. Chúng quá giống với những tấm ảnh mà chúng tôi đã in. Hay đơn giản là, Chúng tôi gửi trả những tấm ảnh mà ông đã gửi tới? Trong nhiều năm, anh ta đã phải cầu cạnh những kẻ khốn kiếp nầy để có công ăn việc làm và bây giờ chúng sẽ phải bò đến đây, và anh ta sẽ bắt chúng phải trả giá. Lishe không thể chờ đợi được nữa. Anh ta phải bắt đầu ngay lập tức. Do chỗ cái công ty Điện thoại Anh đốn mạt kia đã cắt điện thoại của anh ta chỉ đơn thuần vì lẽ quý vừa qua chậm trả tiền có vàì ba tuần lễ, Mothershed phải ra ngoài để gọi. Cao hứng, anh ta quyết định tới tiệm Langan, một tiệm ăn có tiếng, và tự thết mình một bữa trưa xứng đáng. Tiệm Langan là quá cao so với khả năng tài chính của Lislie, nhưng nếu như có một dịp kỷ niệm nào đó thì chính là lúc nầy dây. Chẳng nhẽ không phải anh ta sắp trở nên giàu có và nổi tiếng sao? Người phục vụ đưa Mothershed tới ngồi vào một chiếc bàn nơi góc phòng, và ở đó, tại một bàn cách chừng ba mét, anh ta nhìn thấy hai khuôn mặt quen thuộc Anh ta đột nhiên nhận ra họ là ai, và thoáng run người lên. Chính là Michael Caine và Roger Moore. Lislie mong giá như mẹ mình còn sống để có thể nghe kể lại về điều nầy. Bà rất thích được đọc về những minh tinh màn bạc. Hai người đàn ông kia đang nói cười vui vẻ không có chút bận tâm gì trên đời, và Mothershed không thể nào không nhìn họ. Họ không hề để mắt đến anh ta. Hal thằng cha hợm hĩnh. Leslie Mothershed nghĩ một cách giận dữ. Chắc họ chờ mình tới xin chữ ký. Hừm, chỉ vài ngày nữa thì họ sẽ phải xin mình ấy chứ. Họ sẽ sấp sấp ngửa ngửa để mà giới thiệu mình với bạn bè của họ. "Leslie, tôi muốn ông gặp Charles và Di, và đây là Fergie và Andrew. Leslie, các vị biết rồi, người đã chụp nhưng bức ảnh nổi tiếng về cái vật thể bay lạ kia". Lúc Mothershed ăn xong, anh ta đi qua hai minh tinh kia và lên gác để tới buồng điện thoại. Bộ phận hỏi đáp cho anh số máy của tờ Sun. - Tôi muốn gặp người phụ trách biên tập ảnh. - Chapman đây. - Một giọng đàn ông cất lên. - Liệu có giá trị gì với ông nếu như ông có những tấm ảnh về một vật thể bay lạ vớì những xác chết của hai sinh vật lạ trong đó không hả? Giọng ở đầu dây đằng kia nói: - Nếu như những tấm ảnh xem được thì chúng tôi có thể sử dụng như là thí dụ về một trò đùa thông minh và… Mothershed nói một cách gay gắt: - Chuyện nầy không phải là một trò đùa. Tôi có tên của chín nhân chứng có tiếng tăm, là những người sẽ làm chứng rằng đó là sự thật, trong đó có một tu sĩ. Giọng của người đàn ông kia thay đổi. - Ô? Và những bức ảnh nầy được chụp ở đâu thế? - Chuyện đó thì ông khỏi quan tâm, - Leslie thoái thác. Anh ta sẽ không chịu để họ lừa để biết bất kỳ một thông tin nào. - Ý ông thế nào? Giọng nói kia đầy vẻ thận trọng: - Nếu như ông có thể chứng minh những bức ảnh đó là xác thực, thì đúng là chúng tôi sẽ rất quan tâm tới chúng. Chắc chắn là thế rồi, Leslie sung sướng nghĩ. - Tôi sẽ liên lạc lại với ông. - Anh ta gác máy. Hai cú điện thoại nữa cũng hài lòng như thế. Leslie đã phải tự nghĩ rằng việc kiếm tên và địa chỉ của các nhân chứng là một nước cờ thiên tài. Giờ thì không kẻ nào có thể vu cho anh ta là cố tình bịp bợm. Những tấm ảnh nầy chuẩn bị xuất hiện trên trang đầu của tất cả những tờ báo và tạp chí lớn nhất thế giới. Với tên tuổi của mình: ảnh của Leslie Mothershed. Khi Mothershed rời tiệm ăn, anh ta đã không thể cưỡng lại việc bước lại bên chiếc bàn nơi hai ngôi sao màn bạc đang ngồi. - Xin lỗi. Xin lỗi vì đã quấy rầy quý vị, song tôi muốn được xin chữ ký của quý vị, được chứ ạ? Roger Moore và Michael Caine mỉm cười một cách thân mật. Họ ký tên lên hai mảnh giấy và trao chúng cho tay thợ chụp ảnh. - Cảm ơn. Khi Leslie Mothershed ra tới bên ngoài, anh ta xé toạc những mảnh giấy và ném chúng đi. Thây kệ họ. Anh ta nghĩ. Mình còn quan trọng hơn họ nhiều. Chương 19 Robert lên một chiếc xe taxi để đi Whitechapel. Chiếc xe chạy qua City, khu thương mại lớn của London, hướng về phía đông cho tới khi gặp đường Whitechapel, một khu vực đầy tai tiếng từ cả một thế kỷ trước với Jack kẻ cướp. Dọc theo đường Whitechapel là hàng tá gian hàng ngoài trời bán đủ mọi thứ, từ vải vóc, rau tươi đến những tấm thảm. Khi chiếc taxi đến gần địa chỉ Mothershed, phố xá trông mỗi lúc một tồi tàn hơn. Những hình vẽ nguệch ngoạc đầy trên các bờ tường. Xe chạy ngang qua tiệm Đôi tay của Weaver, Robert nghĩ: Đó hẳn là nơi lui tới của Mothershed. Một tấm biển khác đề: Cá ngựa, Walter… Có thể là Mothershed chơi cá ngựa ở đây. Sau cùng, họ tới số 213 A đường Grove. Robert để chiếc taxi đi và xem xét toà nhà trước mặt. Đó là một ngôi nhà hai tầng xấu xí được chia thành những căn hộ nhỏ, trong đó có người đàn ông có danh sách toàn bộ những nhân chứng mà Robert được phái đi tìm. Leslie Mothershed đang ở trong phòng khách, mê mải nghĩ tới cái điều may mắn trời cho thì nghe tiếng chuông gọi cửa. Anh ta nhìn lên, giật mình, và chợt cảm thấy lo sợ một cách lạ lùng. Tiếng chuông lặp lại một lần nữa. Mothershed vơ lấy những tấm ảnh quý giá và vội vã đi vào phòng tối, để xen chúng vào giữa một chồng ảnh cũ kỹ, rồi trở ra phòng khách và bước tới mở cửa. Anh ta nhìn chằm chằm vào người lạ mặt đang đứng đó. - Gì thế hả? - Ông là Leslie Mothershed? - Đúng thế. Tôi có thể giúp gì được ông? Cho phép tôi vào nhà được chứ? - Tôi không biết. Có chuyện gì đã chứ? Robert móc ra một tấm thẻ căn cước của Bộ Quốc phòng và giơ lên. - Ông Mothershed, tôi tới đây vì công việc. Chúng ta có thể nói chuyện ở đây hoặc về là Bộ. Đó là một trò bịp. Thế nhưng anh có thể thấy rõ nỗi sợ hãi trên mặt tay thợ ảnh. - Tôi không rõ ông đang nói về chuyện gì cả; nhưng… mời vào. - Leslie nuốt nước miếng. Robert bước vào căn phòng tồi tàn. Nó đầy vẻ ảm đạm, chẳng ra đâu vào đâu, một chỗ mà chẳng ai muốn sống cả. - Xin ông vui lòng giải thích rõ là ông đến có việc gì ạ? Mothershed cố lấy giọng bình thản. - Tôi tới để chất vấn ông về một vài tấm ảnh mà ông đã chụp. - Anh ta biết mà. Anh ta đã biết ngay từ khi nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Bọn khốn kiếp đang toan cướp vận may của mình. Hừ, mình sẹ không để cho chúng làm được điều đó. - Ông nói những bức ảnh nào vậy? - Những bức ảnh mà ông chụp tại nơi một vật thể bay lạ bị rơi. - Robert nói một cách kiên nhẫn. Mothershed nhìn Robert một thoáng, như thể bị ngạc nhiên, và rồi cố phá lên cười. - Ồ, ra thế. Tôi mong giá mà tôi có chúng để đưa cho ông. - Ông đã chụp những tấm ảnh đó chứ? - Tôi đã cố. - Ý ông nói gì… ông đã cố ư? - Chẳng được cái quái gì cả. - Mothershed húng hắng ho. - Máy của tôi bị lọt sáng. Đây là lần thứ hai tôi bị thế nầy. - Anh ta bắt đầu ba hoa.- Thậm chí tôi đã ném cả phim đi. Chúng chẳng ra làm sao. Phí cả phim. Và hẳn ông biết là độ nầy phim đắt thế nào. Anh ta là một kẻ nói dối tồi, Robert nghĩ. Anh ta đã quá lo sợ. Robert nói vẻ thông cảm: - Chán thật. Lẽ ra thì những tấm ảnh đó sẽ rất có ích đấy. Anh không đả động gì tới danh sách những hành khách kia. Nếu như Mothershed đã nói dối về những tấm ảnh thì anh ta cũng sẽ nói dối về những hành khách. Robert đưa mắt nhìn quanh. Những tấm ảnh và cả bản danh sách phải được giấu đâu đó. Hẳn là không khó tìm. Căn hộ bao gồm một phòng khách nhỏ, phòng ngủ, phòng tắm và có một cái cửa hình như dẫn vào một phòng xép. Không có cách nào có thể buộc người đàn ông nầy đưa ra những thứ kia. Nhưng anh muốn có những tấm ảnh và bản danh sách đó trước khi Cơ quan Tình báo Anh mò tới và nẫng chúng đi. Anh cần bản danh sách đó cho chính mình. - Vâng. - Mothershed thở dài. - Những tấm ảnh đó đáng giá cả một gia tài ấy chứ. - Hãy kể cho tôi nghe về chiếc phi thuyền không gian đi xem nào, - Robert nói. Mothershed nhún vai ra vẻ miễn cưỡng. Cái cảnh khủng khiếp đó đã in vào óc anh ta mãi mãi. - Tôi sẽ không bao giờ quên được nó, - anh ta nói. - Chiếc phi thuyền dương như… rung động, như thể nó vẫn còn đang hoạt động. Nó có cái gì đó thật khủng khiếp. Và ở bên trong có xác của hai sinh vật lạ. - Ông có thể kể cho tôi nghe đôi điều về những người khách đi trên chiếc xe bus được chứ. Chắc chắn rồi, Mothershed nghĩ một cách hả hê. Tôi có tên và địa chỉ của họ. - Không, tôi sợ là không thể. - Mothershed tiếp tục cố giấu đi sự hồi hộp của mình. - Lý do tôi không thể giúp gì ông về những người khách là ở chỗ tôi không đi chiếc xe đó. Tất cả bọn họ đều là những người lạ. - Tôi hiểu. Ồ, cảm ơn về sự hợp tác của ông, ông Mothershed. Tôi đánh giá cao điều đó. Lấy làm tiếc về những tấm ảnh của ông. - Tôi cũng vậy, - Mothershed nói. Anh ta nhìn cánh cửa khép lại sau lưng người lạ kia và sung sướng nghĩ. Mình cừ thật. Mình đã qua mặt bọn chó đẻ kia. Bên ngoài hành lang, Robert đang xem xét cái ổ khoá trên cánh cửa. Một ổ khoá Chubb. Và là một model cổ. Anh chỉ cần vài giây để mở nó. Anh sẽ theo dõi ngôi nhà vào lúc nữa đêm và chờ tay thợ ảnh rời khỏi nhà vào buổi sáng. Một khi mình có danh sách những hành khách kia trong tay thì nhiệm vụ còn lại sẽ là đơn giản. Robert thuê phòng trong một khách sạn nhỏ gần căn hộ của Mothershed và gọi điện cho tướng Hilliard. - Thưa tướng quân, tôi có tên của tay nhân chứng người Anh. - Đợi một chút. Rồi. Nói đi, ông sĩ quan. - Leslie Mothershed. Anh ta sống ở Whitechael, số 213 A đường Grove. Robert không nhắc tới bản danh sách hành khách và những tấm ảnh. Cái đó là những con chủ bài của anh trong vụ nầy. Cửa hiệu Reggir nằm trong một ngõ cụt nhỏ trên đường Brompton. Đó là một cửa hiệu nhỏ mà khách hàng của nó chủ yếu là đám nhân viên và thư ký làm việc quanh đó. Những bức tường cửa hiệu phủ đầy áp phích quảng cáo về bóng đá và những phần tường còn có thể nhìn thấy thì không hề được quét vôi kể từ cuộc chiến tranh ở kênh Suez. Chiếc điện thoại ở sau quầy hàng réo vang hai lần trước khi một người đàn ông to lớn mặc chiếc áo len to sù nhấc ống nghe lên. Người đàn ông trông rõ là kẻ sống ở khu Đông thành phố, trừ cái kính một mắt có gọng bịt vàng được gắn chặt phía trong tròng à rõ ràng đối với bất kỳ ai nhìn ông ta kỹ một chút: Con mắt kia của ông ta là bằng thuỷ tinh màu xanh da trời thường thấy trên các quảng cáo du lịch. - Reggie đây. - Đây là Giám mục. - Dạ, thưa ngài, - Reggie nói, giọng ông ta đột nhiên chỉ còn là một lời thì thầm. - Tên của khách hàng chúng ta là Mothershed. Tên thường gọi là Leslie. Sống ở 213 A đường Grove. Chúng tôi muốn đơn đặt hàng nầy phải được thực hiện nhanh chóng. Rõ chưa. - Thưa ngài, việc coi như đã xong. Chương 20 Leslie Mothershed miên man trong giấc mơ vàng ngọc. Anh ta đang được giới báo chí quốc tế phỏng vấn. Họ đang hỏi về cái lâu đài khổng lồ mà anh ta vừa mua ở Scotland, về cái biệt thự của anh ta ở miền Nam nước Pháp và về chiếc du thuyền lớn. Và có đúng là Nữ Hoàng đã mời ông nhận chân nhiếp ảnh gia chính thức của Hoàng gia không?. Đúng. Tôi nói là tôi sẽ trả lời sau. Còn bây giờ, thưa các quý bà và quý ông, xin tất cả các vị thứ lỗi cho, tôi không kịp hẹn chương trình của tôi với đài BBC mất… Cơn mơ màng của anh ta bị phá ngang bởi tiếng chuông cửa. Anh ta nhìn đồng hồ. Mười một giờ. Thằng chó đẻ quay lại à? Anh ta bước đến bên cửa và thận trọng mở cửa. Trước ngưỡng cửa là một người đàn ông thấp lùn hơn Mothershed (đó là điều đầu tiên anh ta chú ý) với cặp kính dầy cộp và một khuôn mặt gầy guộc, tái xám. - Xin lỗi, - người đàn ông rụt rè nói. - Tôi xin lỗi là đã làm phiền ông vào giờ nầy. Tôi sống ở cuối phố. - Tôi thấy tấm biển ở ngoài nói ông là một thợ ảnh. - Việc gì hả? - Ông có làm ảnh hộ chiếu không ạ? Leslie Mothershed làm ảnh hộ chiếu? Con người sắp có cả thế giới nầy ấy à? Điều đó cũng giống như đòi Mechelangelo quét vôi buồng tắm vậy. - Không, - anh ta thô bạo nói và toan khép cửa lại. - Thực sự là tôi không muốn làm phiền ông, nhưng tôi đang kẹt quá: Chuyến bay đi Tokyo của tôi là vào tám giờ sáng mai, thế mà trước đây một chút tôi lấy hộ chiếu ra xem và lạ rằng không hiểu thế nào mà cái ảnh bị bong ra. Không thấy đâu cả. Tôi đã tìm khắp mọi nơi. Họ sẽ không cho tôi lên máy bay khi mà hộ chiếu không có ảnh. - Người đàn ông nhỏ bé gần như sắp phát khóc. - Tôi lấy làm tiếc, - Mothershed nói, - tôi không thể giúp ông. - Tôi xin trả ông một trăm bảng. Một trăm bảng? Cho một người có cả một lâu đài một biệt thự và một du thuyền ư? Đó là một sự xúc phạm. Người đàn ông nhỏ bé, yếu ớt kia nói tiếp: - Thậm chí tôi có thể trả cao hơn. Hai trăm hoặc ba trăm. Ông biết đấy, thực sự là tôi phải có mặt trên chuyến bay đó, nếu không tôi sẽ bị mất chỗ làm việc của mình. Ba trăm bảng để chụp một tấm ảnh hộ chiếu. Không kể việc rửa ảnh thì nó chỉ mất chừng mười giây Mothershed bắt đầu tính toán. Điều đó có nghĩa là 1800 bảng một phút. Một nghìn tám trăm bảng một phút có nghĩa là 10800 bảng một giờ. Nếu như anh ta làm một ngày tám tiếng, điều đó có nghĩa là 94400 bảng một ngày. Trong một tuần, con số đó sẽ là… - Ông sẽ làm chứ ạ? Sự hợm hĩnh của Mothershed bị thách thức bởi lòng tham và lòng tham đã thắng. Mình có thể có một chút tiền tiêu vặt. - Mời vào, - Mothershed nói. - Đứng sát vào bức tường kia đi. - Cám ơn. Tôi thật sự biết ơn ông. Mothershed thầm mong anh ta có một chiếc máy ảnh polaroid. Cái máy đó sẽ làm mọi việc trở nên thật đơn giản. Anh ta cầm chiếc Vivitar của mình lên và nói: - Yên nhé. Mười giây sau, việc đã xong. Sẽ phải mất một chút thời gian đề rửa ảnh, Mothershed nói. - Nếu như ông trở lại vào lúc… - Nếu không có gì phiền thì tôi xin chờ. - Tuỳ ông thôi. Mothershed cầm chiếc máy ảnh đi vào phòng tối, đút nó vào trong cái túi đen, tắt chiếc đèn trên đầu và bật ngọn đèn đỏ, rồi tháo phim ra. Anh ta sẽ làm việc nầy một cách qua quýt. Dù sao thì ảnh hộ chiếu trông cũng thường xấu xí. Mười lăm phút sau, khi Mothershed đang ngâm phim trong thuốc hiện thì bắt đầu ngửi thấy mùi khói. Anh ta ngừng tay. Có phải là mình tưởng tượng ra không nhỉ? Không. Mùi khói mỗi lúc một nồng nặc hơn. Anh ta quay ra mở cửa. Cửa dường như bị kẹt. Mothershed đẩy mạnh. Cánh cửa vẫn đóng chặt. - Nầy, - anh ta gọi vọng ra. - Có chuyện gì ngoài ấy thế? Không có tiếng đáp lại. - Nầy! - Anh ta tì vai vào cánh cửa cố đẩy ra nhưng dường như ở phía ngoài có một vật gì đó đè nặng giữ chặt cánh cửa. - Ông gì ơi? Không có tiếng trả lời. m thanh duy nhất mà anh ta nghe thấy ở bên ngoài đó là một tiếng đổ vỡ lớn. Mùi khói càng thêm nồng nặc. Căn hộ đang bị cháy. Có thể vì thế mà ông ta chạy ra. Hẳn là ông ta đang đi kêu cứu. Leslie Mothershed lao vai vào cánh cửa mạnh hơn, nhưng cánh cửa không bật ra. - Cứu - Anh ta thét lên. - Cứu tôi với. Khói bắt đầu tràn vào phía dưới cánh cửa, và Mothershed cảm thấy lửa đang bắt đầu liếm vào nó. Không khí trở nên ngột ngạt. Anh ta bắt đầu nghẹt thở. Phổi anh ta bỏng rát và anh ta bắt đầu ngất đi. Anh ta khuỵu xuống. - Ôi lạy Chúa, xin đừng để con chết vào lúc nầy. Đừng vào lúc mà con sắp làm giàu có và nổi tiếng… - Reggie đây. - Đơn đặt hàng đã làm xong chưa? - Thưa ngài, rồi ạ. Hơi quá lửa một chút nhưng đúng lúc. - Tuyệt vời. Vào lúc hai giờ sáng, khi Robert đến đường Grove để bắt đầu việc theo dõi, anh thấy đường phố bị tắc nghẽn. Khúc phố đầy những xe cứu hoả, xe cấp cứu và xe cảnh sát. Robert lách qua đám đông những người đang đứng xem và vội vã chen vào sát bên trong. Toàn bộ toà nhà bị ngọn lứa trùm lên. Từ bên ngoài, anh có thể thấy rằng căn hộ của tay thợ ảnh ở tầng hai đã bị thiêu rụi hoàn toàn. - Chuyện xảy ra thế nào vậy? - Robert hỏi một người lính cứu hoả. - Chúng tôi chưa rõ. Xin đứng lùi lại cho. - Người bà con của tôi sống trong căn hộ kia. Anh ấy có làm sao không? - Tôi e là nghiêm trọng. - Giọng anh ta trở nên thông cảm. - Hiện họ đang mang anh ta ra khỏi toà nhà đấy. Robert trông theo hai nhân viên y tế đẩy chiếc cáng bên trên có một thi thể vào trong một chiếc xe cấp cứu. - Tôi sống cùng với anh ấy, - Robert nói. - Tất cả xống ảo của tôi ở cả trong đó. Tôi muốn vào và… - Chẳng ích gì đâu, thưa ông. Trong đó chẳng còn gì ngoài đống tro tàn. - Người lính cứu hoả lắc đầu. Không còn gì ngoài tro tàn. Kể cả những tấm ảnh và bản danh sách hành khách quý giá kia với tên tuổi và địa chỉ của họ. Một sự không may khốn kiếp, Robert cay đắng nghĩ. Tại Washington, Dustin Thornton đang ăn trưa với ông bố vợ trong một phòng ăn riêng xa hoa ở khu văn phòng của Williard Stone. Dustin Thornton cảm thấy hồi hộp. Trước mặt ông bố vợ đầy thế lực bao giờ ông ta cũng mất đi vẻ tự nhiên. Williard Stone đang ở trong một tâm trạng vui vẻ. - Tối qua, tôi cùng ăn tối với Tổng thống. Ông ta nói với tôi rằng ông ta rồi hài lòng về công việc của anh, Dustin. - Con rất biết ơn. - Anh làm việc khá đấy. Anh đang giúp vào việc chống lại đám người đó. - Đám người nào. - Những kẻ muốn bắt đất nước vĩ đại nầy phải quỳ gối. Nhưng không chỉ là những kẻ thù bên ngoài đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác. Đám đó là cả những kẻ làm ra bộ phục vụ đất nước của chúng ta, nhưng không hoàn thành bổn phận của mình. Nhưng kẻ không chấp hành mệnh lệnh. - Những kẻ lầm lạc. - Đúng thế đó. Dustin. Những kẻ lầm lạc. Chúng phải bị trừng phạt. Nếu như… Một người đàn ông bước vào phòng. - Xin thứ lỗi cho tôi, thưa ông Stone. Các quý ông đó đã đến. Họ đang đợi ông ạ. - Được Stone quay sang con rể. - Ăn cho xong đi Dustin. Tôi có chút việc quan trọng phải làm. Có thể một hôm nào đó tôi sẽ nói lại cho anh nghe. Chương 21 Các đường phố Zurich chật ních với những sinh vật trông kỳ dị có những hình thù quái gở, những tên khổng lồ dị dạng với những thân hình to lớn, kỳ cục, những cặp mắt nhỏ xíu và mầu da giống như màu cá luộc Họ là giống ăn thịt và cô ghét cái thứ mùi hôi hám toả ra từ thân thể họ. Một số thuộc giống cái mang trên người những mảnh da thú, sản phẩm còn lại của những thú vật đã bị họ giết hại. Cô vẫn còn choáng váng với cái tai nạn khủng khiếp đã cướp đi sự sống của các bạn đồng hành của cô. Cô đã ở trái đất bốn chu kỳ thời gian mà những sinh vật lạ lùng nầy gọi là tháng, và cô đã không ăn gì trong suốt thời gian đó. Cô khát đến lả người đi… Chút nước duy nhất mà cô đã uống được là chút nước mưa trong cái máng của người chủ trại, và từ đêm đó trời không hề có mưa. Ngoài thứ nước đó thì mọi thứ nước trên trái đất nầy là không thể uống được. Cô đã đi vào một nơi để ăn uống những thứ xa lạ nhưng cô không thể nào chịu nổi mùi hôi hám. Cô đã thử ăn rau và quả tươi của họ, nhưng chúng chẳng có vị gì và không ngon lành như thức ăn ở nhà. Cô có tên là Duyên Dáng 1, dáng người cao, nghiêm trang, xinh đẹp với cặp mắt màu xanh lá cây ngời sáng. Kể từ lúc rời khỏi nơi xảy ra tai nạn, cô đã hoá thân thành một người trái đất, và đi qua những đám đông mà không hề bị để ý. Cô ngồi trước một cái bàn, trên một cái ghế cứng quèo rất bần tiện được làm cho con người, và cô đọc những ý nghĩ của những sinh vật ở quanh cô. Có hai sinh vật đang ngồi bên một chiếc bàn gần kề. Một sinh vật nói to: Đó là cơ hội cả đời chỉ có một lần, Frank ạ. Chỉ cần năm mươi ngàn francs là anh có thể bắt đầu rồi. Anh có năm mươi ngàn francs, phải không nào? - Cô đọc những ý nghĩ trong đầu anh ta. Nào, đồ con lợn. Tao cần số tiền đó. Tất nhiên, nhưng tôi không biết. - Tôi sẽ phải vay khoản tiền đó ở vợ tôi. Đã bao giờ tôi xui bậy anh trong chuyện đầu tư chưa hả? - Hãy quyết định đi. Đó là một khoản tiền lớn. - Cô ta sẽ không bao giờ đưa nó cho tôi cả. Nhưng còn về tiềm năng? Đó là cơ hội kiếm bạc triệu đấy? - Hãy đồng ý đi. Thôi được Tôi tham gia. - Có thể phải bán đi một ít nữ trang của cô ấy. Mình ăn được nó rồi. Frank, anh sẽ không bao giờ phải hối tiếc đâu. - Hãn ta hoàn toàn có thể thua thiệt về thuế. Duyên Dáng 1 không hề hiểu nổi câu chuyện đỏ có ý nghĩa gì. Ở phía cuối phòng ăn, một người đàn ông và một người đàn bà đang cùng ngồi bên một chiếc bàn. Họ đang thì thầm nói chuyện với nhau. Cô định thần để lắng nghe câu chuyện của họ. Lạy Chúa. - Người đàn ông nói. - Quái quỷ thế nào mà em lại có chửa được hả? Cô là đồ ngu ngốc. Thế anh nghĩ vì sao mà em có chửa hả? - Vì báu vật giống đực của anh đấy. Có chửa là cách mà những sinh vật nầy thai nghén, sinh sản một cách vụng về bằng các cơ quan sinh dục, của họ, giống như những con vật trên cánh đồng vậy. Tina, về chuyện nầy em định thế nào? - Cô ta phải đi phá thai. Ê. Anh muốn em làm gì hả? Anh bảo là anh sẽ nói với vợ anh về em mà. - Anh là một thằng nói dối khốn kiếp. Nầy em yêu, anh sẽ nói, nhưng lúc nầy không được. - Tôi dính với cô một cách thật là điên rồ. Lẽ ra tôi phải biết cô là kẻ gây rắc rối. Paul, lúc nầy em cũng thật buồn. Thậm chí em không còn nghĩ là anh yêu em. - Xin hãy nói là anh yêu em đi. - Tất nhiên là anh yêu em. Chỉ có điều ngay lúc nầy chính là lúc vợ anh đang gặp hoàn cảnh khó khăn. - Tôi không hề định để mất cô ấy. Lúc nầy em cũng đang gặp khó khăn. Anh không hiểu điều đó à? Em đang mang bầu đứa con của anh. - Và anh không hề có ý định cưới tôi. Nước mắt chảy ra từ hai mắt cô ta. Bình tĩnh nào, em yêu. Anh đảm bảo với em là mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Anh cũng muốn có con như em thôi. - Mình sẽ phải thuyết phục cô ta đi phá thai. Ở cái bàn kề bên họ, một sinh vật giống đực đang ngồi một mình. Họ đã hứa với mình. Họ nói là cuộc đua đã được ấn định, rằng mình không thể thua, và như một thằng ngốc, mình đã ném tất cả tiền cho bọn họ. Mình phải tìm cách kiếm lại trước khi đám thanh tra tới. Mình không thể nào chịu được nếu họ tống mình vào tù. Mình sẽ tự sát trước. Thề có Chúa, mình sẽ tự sát. Tại một chiếc bàn khác, một người đàn ông và một người đàn bà đang dở câu chuyện. - Không hề có chuyện như vậy. Đơn giản là anh đã mua ngôi nhà nghỉ xinh đẹp trên núi nầy, và anh nghĩ là sẽ tốt cho em khi đi nghỉ cuối tuần cho thoải mái. - Chúng ta sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giuờng của anh, cô bé ạ. Claude, em không biết. Em chưa bao giờ đi xa với một người đàn ông nào. - Mình ngờ là anh ta tin như thế. Phải, nhưng đây không phải là chuyện tình dục đâu. Anh chợt nghĩ đến cái nhà nghỉ bởi vì em nói là em cần được nghỉ ngơi. Em có thể nghĩ về anh như một người anh trai của em - Và chúng ta sẽ thử phạm cái tội loạn luân đầy vui thú và cổ lỗ kia xem sao. Duyên Dáng 1 không hề biết rằng những người khác nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, bởi lẽ cô có thể chen vào trong đầu họ bằng ý thức của mình và hiểu họ đang nói gì. Mình phải tìm cách liên lạc với tàu mẹ, cô nghĩ. Cô lấy ra nột cái máy phát xách tay màu bạc. Đó là một hệ thống mạch liên hợp phân cách mà một nửa gồm vật chất hữu cơ sống và nửa kia gồm một hợp chất kim loại của một hệ mặt trời khác. Nhóm vật chất hữu cơ bao gồm hàng nghìn tế bào đơn lẻ để khi chúng chết đi, những tế bào mới được nhân ra và giữ cho những liên lạc liên tục. Thật không may, cái bộ phận tinh thể dùng để điều khiển chiếc máy phát đã gãy ra và rơi mất. Cô đã thử liên lạc với tàu mẹ, nhưng thiếu bộ phận nầy chiếc máy phát trở nên vô tích sự. Cô cố ăn thêm một lá rau diếp nữa, nhưng không còn chịu nổi mùi vị của nó. Cô đứng dậy và bước ra phía cửa. Cô thu ngân gọi phía sau: - Thưa cô, xin chờ một phút. Cô chưa trả tiền ăn. - Tôi xin lỗi. Tôi không có thứ phương tiện thanh toán của các bạn. - Cô có thể nói điều đó với cảnh sát ấy. Duyên Dáng 1 nhìn thẳng vào mắt cô thu ngân và chờ cô ta khuỵu xuống. Cô quay đi và bước khỏi chỗ ăn uống đó. Mình phải tìm cái bộ phận tinh thể. Họ đang chờ nghe tin tức của mình. Cô đã phải cố tập trung các giác quan, nhưng mọi thứ dường như cứ nhoè đi và méo mó. Không có nước, cô biết thế, cô sẽ chết mất. Chương 22 Ngày thứ năm. Bern, Thuỵ Sĩ. Robert đang đi vào ngõ cụt. Anh không nhận ra là đã trông cậy nhiều thế nào vào việc kiếm được cái danh sách của Mothershed. Tan thành mây khói cả. Robert nghĩ. Theo đúng nghĩa đen của nó. Các dấu vết bây giờ thật mờ nhạt. Lẽ ra mình phải đoạt bản danh sách kia lúc mình ở trong căn hộ của Mothershed. Điều đó sẽ dạy cho mình một bài học. Tất nhiên. Một ý nghĩ đâu đó có trong đầu anh chợt nổi lên. Hans Beckerman có nói: "Tất cả những hành khách đều muốn được xem cái vật thể bay lạ và những sinh vật chết trong đó, nhưng cái lão già ấy thì cứ phàn nàn đòi sớm về Benr bởi vì lão ta phải chuẩn bị một bài giảng ở trường đại học". Chuyện thật mơ hồ, nhưng đó là tất cả những gì Robert có trong tay. Anh thuê một cái xe ở sân bay Bern và chạy về hướng trường đại học. Anh rời khỏi đường Rathausgasse, con đường chính của thành phố Bern và lái xe chạy tới Langgassetrsase, nơi có Đại học Bern. Trường đại học nầy gồm dăm toà nhà, cao bốn tầng, với hai dãy ngang và những tượng đá lớn trên mái. Ở mỗi đầu sân, mặt trước của toà nhà là nhùng cửa sổ bằng kính của nhữtng phòng hộc, và ở phía sau trường là một khoảng vườn lớn nhìn ra sông Aare. Robert bước lên bậc thềm của toà nhà hành chính và bước vào phòng thường trực. Thông tin duy nhất mà Beckerman trao cho anh là ông khách đó người Đức và ông ta đang chuẩn bị bài giảng cho ngày thứ Hai. Một sinh viên đã chỉ cho anh tới Phòng hành chính. Một phụ nữ ngồi sau bàn có một vóc người thật dễ sợ. Bà ta mặc một bộ complê cắt rất vừa vặn, mang một cặp kính gọng đen và tóc được búi thành một búi nhỏ. Bà ta ngước nhìn lên khi Robert bước vào. - Xin mời. Robert móc ra một tấm thẻ cảnh sát quốc tế. - Tôi đang thực hiện một cuộc điều tra, và tôi sẽ đánh giá cao sự hợp tác, thưa cô. - Bà. Bà Schreiber. Điều tra chuyện gì vậy? - Tôi đang tìm kiếm một giáo sư. - Tên ông ta? - Bà ta cau mầy. - Tôi không biết. - Ông không biết cả tên ông ta? - Không. Ông ta là một giảng viên mời thôi. Ông ta có một bài giảng ở đây, cách đây vài ngày. Hôm thứ Hai. - Ngày nào cũng, có nhiều giảng viên mời tới đây giảng bài. Môn học của ông ta là môn gì? - Bà nói gì ạ? - Ông ta dạy môn gì? - Giọng bà ta trở nên mất kiên nhẫn. - Ông ta dạy môn học gì? - Tôi không biết. Bà ta không giấu vẻ bực tức. - Trời đất. Tôi không thể giúp ông. Và tôi không có thì giờ cho những chuyện phù phiếm nầy. Bà ta định quay đi. - Ồ, đây không phải là chuyện phù phiếm. - Robert cam đoan với bà ta. - Hoàn toàn nghiêm túc đấy. - Anh cúi xuống và thấp giọng nói. - Tôi sẽ phải để bà biết công việc của tôi. - Vị giáo sư nầy liên quan tới một tổ chức đĩ điếm. Bà Schreiber há mồm kinh ngạc. - Cảnh sát quốc tế đã theo dõi ông ta trong nhiều tháng. Thông tin chúng tôi hiện có cho thấy ông ta là người Đức và rằng ông ta có một bài giảng ở đây vào ngày mười lăm tháng nầy. - Anh đứng thẳng người lên. - Nếu bà không muốn giúp đỡ, chúng tôi có thể tiến hành một cuộc điều tra chính thức tại trường nầy. Tất nhiên, dư luận… - Không, không. - Bà ta nói. - Không thể để nhà trường liên quan tới một chuyện như vậy. - Trông bà ta đầy vẻ lo ngại. - Ông nói là ông ta giảng bài ở đây hôm nào nhỉ? - Ngày mười lăm. Thứ hai. Schreiber nhỏm dậy và đi tới bên tủ hồ sơ. Bà ta mở tủ và lướt qua đám giấy má. Từ một chiếc cặp, bà ta rút ra mấy tờ giấy. - Đây rồi! Có ba giáo sư mời giảng vào hôm mười lăm. - Người tôi muốn biết là người Đức. Tất cả họ đều là người Đức. - Schreiber nói quả quyết. Bà ta sắp xếp mấy tờ giấy trong tay. - Một bài giảng là về các vấn đề kinh tế, một về hoá học và một về tâm lý… - Tôi có thể xem chúng được không? Một cách miễn cưỡng, bà ta đưa xấp giấy cho Robert. - Anh xem kỹ từng tờ. Trên mỗi tờ đều có một cái tên với địa chỉ nhà riêng và số điện thoại. - Nếu ông muốn, tôi có thể làm bản sao cho ông. - Không, cảm ơn. - Anh đã nhớ tất cả những cái tên và những con số. Không có ai trong số nầy là người mà tôi đang tìm kiếm. Bà Schreiber thở phào nhẹ nhõm. Ôi cảm ơn Chúa. Đĩ điếm. Chúng tôi sẽ không bao giờ dinh dáng đến một chuyện như vậy. - Xin lỗi đã làm phiền bà vì một chuyện không đâu. Robert đi ra và hướng tới một trạm điện thoại công cộng trong thành phố. Cú điện thoại đầu tiên là tới Berlin. - Giáo sư Streubek phải không ạ? - Phải. Đây là Công ty xe du lịch Sunshine. Ông để quên kính trên chiếc xe bus của chúng tôi hôm chủ nhật trước khi ông đi du lịch ở Thuỵ Sĩ và… - Tôi không hiểu ông muốn nói chuyện gì nữa. - Giọng ông ta có vẻ khó chịu. - Ông ở Thuỵ Sĩ hôm mười bốn, có phải vậy không, thưa giáo sư? - Không. Ngày mười lăm. Để giảng bài ở Đại học Bern. - Và ông không đi chuyến xe du lịch của chúng tôi ư? - Tôi không có thì giờ cho một chuyện ngốc nghếch như vậy. Tôi là một người bận rộn. - Và ông giáo sư gác máy. Cú điện thoại thứ hai là tới Hamburg. - Giáo sư Heinrich phải không ạ? - Đây là giáo sư Heinrich! Công ty xe du lịch Sunshine. Ông có ở Thuỵ Sĩ vào ngày mười bốn tháng nầy phải không ạ? - Vì sao mà ông muốn biết? Bởi vì chúng tôi tìm thấy chiếc cặp của ông trên một trong những chiếc xe bus của chúng tôi, thưa giáo sư, và… - Ông nhầm người rồi, tôi không có mặt trên chiếc xe bus du lịch nào hết. - Ông không đi tuyến du lịch của chúng tôi đến Jungfrau à? - Tôi đã nói với ông rồi, không. - Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông. Cú điện thoại thứ ba được gọi tới Munich. - Giáo sư Otto Schmidt phải không ạ? - Vâng. - Giáo sư Schmidt, đây là công ty xe du lịch Sunshine. Chúng tôi giữ cặp kính mà ông đã để quên trên một chiếc xe của chúng tôi cách đây ít hôm, và… Hẳn là có chuyện nhầm lẫn rồi. Tim Robert thắt lại. Anh đã thua. Không còn gì để mà tiếp tục nữa. Giọng nói ở đầu dây kia tiếp tục. - Tôi có kính của tôi đây thôi. Tôi đâu có mất. Robert chợt thấy phấn chấn. - Ông chắc thế chứ, giáo sư? Ông đi tuyến Jungfrau ngày mười bốn có phải không ạ? - Vâng, vâng, nhưng tôi đã nói rồi, tôi không mất gì cả mà. - Cảm ơn ông rất nhiều, thưa giáo sư. - Robert gác máy. Vò bở rồi. Robert, quay mấy số máy khác, và chỉ sau hai phút anh đã đang nói với tướng Hilliard. - Tôi có hai việc phải báo cáo. - Robert nói. - Về nhân chứng ở London mà tôi đã nói với ngài. - Sao? - Anh ta đã chết trong một vụ cháy đêm qua. - Thế hả? Thật tệ quá. - Thưa ngài, vâng. Nhưng tôi tin rằng tôi đã phát hiện một nhân chứng khác. Tôi sẽ để ngài biết ngay sau khi kiểm tra lại. - Tôi sẽ chờ báo cáo của ông, ông sĩ quan. Tướng Hilhard đang báo cáo với Janus. - Sĩ quan Bellamy đã phát hiện một nhân chứng nữa. - Tốt. Nhóm công tác đang trở nên sốt ruột. Tất cả đều lo ngại rằng câu chuyện sẽ loang ra trước khi SDI đi vào hoạt động. - Tòi sẽ sớm có những thông tin nữa cho ngài. - Tôi không muốn thông tin, tôi muốn thấy những kết quả. - Vâng, thưa ngài Janus. * * * * * Platténstrasse, ở Munich, là một khu phố nhỏ, yên tĩnh với những ngôi nhà xây bằng gạch màu nâu xám xịt co cụm lại với nhau như thể để phòng vệ. Ngôi nhà số 5 giống hệt với những ngôi nhà hàng xóm. Bên trong cổng là một dãy hộp thư. Một tấm biển nhỏ dưới một trong những hộp thư có ghi dòng chữ "Giáo sư Otto Schmidt". Robert bấm chuông. Một người đàn ông cao, gầy với một mớ tóc bạc loà xoà mở cửa. Ông ta mặc một chiếc áo nhàu nhĩ, mồm ngậm chiếc tẩu. Robert không hiểu liệu ông ta tạo ra hình ảnh một giáo sư đại học mô phạm hay chính cái hình ảnh đó là tạo ra ông ta. - Ông là giáo sư Schmidt? - Phải! - Tôi không biết liệu tôi có thể nói chuyện với ông một lát được không. Tôi ở… - Chúng ta đã nói chuyện với nhau, - giáo sư Otto Schmidt nói. - Ông là người đã gọi điện thoại cho tôi sáng nay. Tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực nhận biết giọng nói. Mời vào. - Cám ơn ông. Robert bước vào một căn phòng bề bộn sách vở. Trên các bức tường, từ sàn nhà lên tới trần là những giá sách đầy kín. Ở đâu cũng thấy sách trên bàn, trên sàn, trên ghế. Đặc điểm nổi bật trong căn trong căn phòng dường như là những việc làm chưa được nghĩ kỹ. - Ông chẳng phải là từ một hãng du lịch Thuỵ Sĩ nào cả, có phải thế không hả? - Ô tôi… - Ông là người Mỹ. - Vâng. - Và cuộc viếng thăm nầy không liên quan gì đến cặp kính không hề bị mất của tôi. - Ồ không, thưa ông. - Ông quan tâm đến cái vật thể bay lạ mà tôi đã nhìn thấy. Đó là một cảnh tượng ghê sợ. Tôi đã luôn tin rằng có thể có những thứ đó, nhưng tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ được chứng kiến. - Hẳn phải là một cú sốc khủng khiếp. - Đúng thế. - Ông có thể kể cho tôi nghe chút gì về chuyện đó không? - Nó, nó dường như vẫn hoạt động. Có một thứ ánh sáng lung linh bao quanh nó. Xanh da trời. Không có thể là hơi xám một chút. Tôi, tôi không chắc. Anh nhớ lại lời mô tả của Mandel: "Nó liên tục thay đổi màu sắc. Trông nó thoáng xanh da trời… rồi lại xanh lá cây. Nó đã bị vỡ toang ra và tôi nhìn thấy được hai xác chết trong đó. Nhỏ… mắt to. Họ mặc thứ gì đó giống như một bộ quần áo bằng bạc vậy…" - Ông có thể kể gì với tôi về những bạn đồng hành của ông không? - Những người cùng đi với tôi trên chiếc xe bus ấy à? - Vâng. Vị giáo sư nhún vai. - Tôi không biết gì về họ cả. Tất cả bọn họ đều là những người lạ. Khi đó tôi đang tập trung về một bài giảng mà tôi sẽ giảng vào sáng ngày hôm sau. Tôi rất ít để ý tới những hành khách khác. Robert nhìn vẻ mặt ông ta, chờ đợi. - Nếu như nó sẽ là có ích cho ông, - Vị giáo sư nói, - thì tôi có thể nói cho ông biết họ là người nước nào. Tôi dạy hoá học, nhưng có sở thích về nghiên cứu âm thanh. - Bất kỳ những gì ông nhớ được đều đáng quý cả. - Có một tu sĩ người Italia, một người Anh, một người Hungary, một người Mỹ nói giọng Texas, một cô gái Nga. - Nga à? - Phải. Nhưng cô ta không phải dân Mátxcơva. Theo giọng nói, tôi đoán cô ta ở Kiev, hoặc là rất gần đó. Robert chờ đợi, nhưng chỉ còn có sự im lặng. Ông không nghe thấy bất kỳ ai trong số họ nhắc tới tên hay nói chuyện về nghề nghiệp của họ à? - Xin lỗi. Tôi đã nói rồi. Tôi đang suy nghĩ về bài giảng của tôi. Rất khó tập trung suy nghĩ. Người Mỹ nói giọng Texas và vị tu sĩ ngồi cùng với nhau. Người Mỹ đó nói luôn mồm. Đủ mọi thứ chuyện. Tôi không biết ông tu sĩ thậm chí có hiểu hay không. - Ông tu sĩ… - Ông ta nói giọng La Mã. - Ông có thể nói thêm gì nữa về bất kỳ ai trong số họ không? - Tôi sợ là không. - Vị giáo sư nhún vai. Ông ta hút một hơi thuốc. - Tôi lấy làm tiếc là không thể giúp gì cho ông. Một ý nghĩ chợt đến với Robert. - Ông nói ông là một nhà hoá học phải không nhỉ? - Phải. - Tôi không biết liệu ông có bằng lòng nhìn cái nầy một chút không, thưa giáo sư. - Robert thò tay vào túi và lôi ra mẩu kim loại mà Beckerman đã đưa cho anh. - Ông có thể bảo tôi cái nầy là cái gì được không ạ? Giáo sư cầm cái mẩu kim loại từ tay Robert, và trong lúc xem xét nó, vẻ mặt ông ta chợt thay đổi. - Anh, anh kiếm cái nầy ở đâu? - Tôi sợ là tôi không thể nói được. Ông có biết nó là cái gì không? Có vẻ như nó là một bộ phận của một chiếc máy phát. - Ông có chắc thế không? Ông ta lật lật miếng kim loại trong tay. - Tinh thể nầy là chất dilithium. Rất hiếm. Thấy những vết khía nầy không? Chúng cho thấy miếng nầy được gắn vào một bộ phận lớn hơn. Bản thân miểng kim loại… Lạy Chúa, tôi chưa bao giờ trông thấy cả. - Giọng ông ta đầy xúc động. - Ông có thể đề cho tôi giữ nó trong vài ngày được không? Tôi muốn có những phân tích quang phổ về nó. - Tôi e là không thể được, - Robert nói. - Nhưng… - Xin lỗi, - Robert cầm lại miếng kim loại. Vị giáo sư cố giấu vẻ thất vọng. - Thôi, ông có thể mang nó lại sau vậy. Sao ông không cho tôi danh thiếp của ông nhỉ. Nếu tôi còn nhớ thêm được gì nữa, tôi sẽ gọi cho ông. - Có vẻ như tôi chẳng còn tấm nào ở đây cả. - Robert lục lọi trong túi một chút. - Phải rồi, tôi cũng nghĩ là thế. - Giáo sư Schmidt thủng thẳng nói. - Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên máy. - Đây ông sĩ quan? - Tướng Hilliard nhấc máy. - Tên của nhân chứng mới nhất là giáo sư Schmidt. Ông ta sống ở số 5 Plattenstrasse, Munich. - Cám ơn ông sĩ quan. Tôi sẽ thông báo với nhà chức trách Đức ngay lập tức. - Robert đã toan nói: "Tôi e rằng đó là nhân chứng cuối cùng mà tôi có thể tìm được", nhưng có điều gì đó đã chặn anh lại. Anh không muốn phải thú nhận sự thất bại. Vậy mà các dấu vết đã trở nên thật mờ nhạt. Một người Texas và một vị tu sĩ. Vị tu sĩ kia từ La Mã tới. Một thời gian. Cùng với cả triệu vị tu sĩ khác. Và không có cách nào để nhận dạng ông ta cả: Mình có một sự lựa chọn. - Robert nghĩ. - Mình có thể từ bỏ và trở về Washington, hoặc là mình có thể đi Rome và cố một lần cuối cùng… Trụ sở của Cục Bảo vệ Hiến Pháp, nằm ở trung tâm Berlin, trên đường Neumarkterstrasse. Đó là một toà nhà lớn màu xám không có gì đặc biệt, khó có thể phân biệt được với những toà nhà xung quanh. Bên trong, trên tầng ba, sếp cơ quan, thanh tra Otto Joachim đang xem một bức điện. Ông ta đọc nó hai lần, rồi với tay nhấc chiếc điện thoại đỏ trên bàn. * * * * * Ngày thứ sáu. Munich, Đức. Sáng hôm sau, trên đường đi đến phòng thí nghiệm hoá học, Otto Schmidt nghĩ lại câu chuyện trao đổi với người Mỹ tối hôm trước. Cái mẫu kim loại đó có thể từ đâu ra nhỉ? Một vật mà ông chưa bao giờ thấy. Và cái người Mỹ kia đã làm cho ông ta ngạc nhiên. Ông ta nói là quan tâm tới những người khách đi trên chiếc xe bus. Vì sao? Bởi vì tất cả họ đều là những nhân chứng trước cái đĩa bay kia ư? Phải chăng họ sẽ được khuyến cáo là không được bàn tán? Nếu vậy thì vì sao người Mỹ kia đã không khuyến cáo mình? Có chuyện gì lạ vậy, vị giáo sư kết luận. Ông ta vào trong phòng thí nghiệm, cởi áo khoác treo lên móc và mặc lên người cái áo choàng rỏi bước lại chiếc bàn nơi ông ta đã làm việc nhiều tuần nay với một thí nghiệm hoá học. Nếu thành công, ông ta nghĩ, điều nầy có thể có nghĩa là một giải Nobel. Ông ta nhấc cái cốc đựng nước tinh khiết và rót vào một bình chứa đựng một thứ chất lỏng màu vàng. Lạ nhỉ. Mình không nghĩ là nó lại có màu vàng sáng thế nầy. Tiếng nổ thật là khủng khiếp. Căn phòng thí nghiệm nồ tung, và những mảnh thuỷ tinh cùng với những mảnh thịt người văng tung toé lên những bức tường. Điện khẩn. Tối mật. BFV gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. Otto Schmidt đã bị thủ tiêu Hết. Robert không nghe được tin về cái chết của vị giáo sư. Anh đã có mặt trên một chuyến bay của hãng hàng không Alitalia, trên đường tới Rome. Chương 23 Dustin Thornton bắt đầu cảm thấy bất an. Giờ đây ông ta có quyền lực và nó cứ như một thứ ma tuý lại muốn có thêm nữa. Bố vợ ông ta, Williard Stone, luôn hứa hẹn đưa ông ta vào một thế giới bí ẩn khép kín nào đó nhưng cho đến giờ lão vẫn chưa thực hiện lời hứa đó. Một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, Thornton biết rằng thứ sáu nào bố vợ mình cũng biến mất. Thornton đã gọi điện xin ăn trưa với lão. - Xin lỗi, - thư ký của Williard Stone trả lời, - nhưng hôm nay ngài Stone đi vắng. - Ô chán quá. Thế trưa thứ sáu tới thì sao? - Xin lỗi ông Thornton, thứ sáu tới ngài Stone cũng sẽ đi vắng. Lạ nhỉ và thậm chí nó còn trở nên lạ hơn khi mà hai tuần sau đó Thornton cũng gọi lại và vẫn nhận được cùng một câu trả lời. Thứ sáu nào lão già cũng biến đi đâu thế nhỉ? Lão ta không phải là người say mê chơi gôn hay đam mê một thú vui nào cả. Lý do hẳn là một người đàn bà. Vợ của Williard Stone ưa giao thiệp và rất giàu có. Bà ta là một phụ nữ đài các và cũng có tính cách mạnh mẽ hệt ông chồng. Bà ta không phải loại phụ nữ tha thứ được cho chồng về chuyện trăng hoa. Nếu lão ta đang có một vụ ngoại tình, Thornton nghĩ, điều đó có nghĩa là mình tóm được gáy lão. Ông ta hiểu là phải tìm ra cho bằng được. 5 giờ sáng ngày thứ sáu tiếp theo đó, Dustin Thornton đã ngồi sùm sụp sau tay lái của một chiếc Ford Taurus rất bình thường, đậu cách toà dinh thự sừng sững của Willard Stone nửa dãy phố. Đó là một buổi sáng lạnh giá và ảm đạm, và Thornton luôn tự hỏi ông ta đang làm gì ở đó. Có thể là có một lời giải thích hoàn toàn hợp lý nào đó cho cái hiện tượng kỳ cục nầy của Stone. Mình đang phí thời gian, Thornton nghĩ. Nhưng có điều gì đó đã kìm chân ông ta lại. Lúc 7 giờ, hai cánh cổng lớn mở ra và một chiếc xe xuất hiện. Ngồi sau tay lái là Williard Stone. Thay vì chiếc xe sang trọng thường dùng, lúc nầy lão ta đang ngồi trong một chiếc xe chở hàng nhỏ, màu đen mà đám gia nhân vẫn sử dụng. Thornton đột nhiên cảm thấy hồi hộp. Ông ta biết là mình đang phát hiện một chuyện gì đó. Người ta thường sống theo một khuôn phép riêng, và Stone đang phá vỡ cái khuôn phép ấy. Phải là chuyện một người đàn bà. Lái xe một cách thận trọng và giữ một khoảng cách khá xa chiếc xe chở hàng, Thornton bám theo ông bố vợ xuyên qua các đường phố Washington tới một con đường dẫn đi Arlington. Mình phải thật tế nhị trong chuyện nầy, Thornton nghĩ. Mình không muốn làm quá mạnh. Mình sẽ thu thập tất cả các thông tin có thể có được về lão, và rồi mình sẽ lật quân bài. Mình sẽ nói với lão rằng mình chỉ quan tâm tới chuyện bảo vệ cho lão mà thôi. Lão sẽ hiểu. Lão chẳng bao giờ muốn có chuyện bê bối om sòm. Dustin Thornton quá mải mê với những suy nghĩ đến nỗi suýt không rẽ theo Williard Stone. Họ đã tới một khu dân cư dành riêng. Chiếc xe hàng màu đen đột nhiẽn mất hút vào con đường nhỏ chạy dài trong bóng cây. Dustin Thornton dừng xe, lựa chọn cách theo dõi tốt nhất. Liệu ông ta có nên chạm mặt với Williard trước sự không chung thuỷ của lão ta lúc nầy không? Hay nên đợi cho đến khi Stone đi khỏi và nói chuyện với người đàn bà kia trước đã? Hay nên yên lặng thu thập tất cả những thông tin cần thiết và rồi nói chuyện với ông bố vợ? Ông ta quyết định phải tìm hiểu cụ thể. Thornton đậu xe ở một đường phụ và đi vòng theo con đường nhỏ ở phía sau ngôi nhà hai tầng kia. Một hàng rào gỗ bao quanh khu sân sau nhưng điều đó không có trở ngại gì. Thornton mở cổng và bước vào bên trong. Ông ta đang đứng trước một khu vườn lớn, xinh đẹp và được chăm sóc chu đáo với ngôi nhà khuất phía sau. Ông ta nhẹ nhàng đi dưới hàng cây chạy ngang bãi cỏ tới đứng bên cửa sau của ngôi nhà và tính toán bước đi tiếp theo. Ông ta cần có bằng chứng về chuyện đang xảy ra. Không có nó thì lão già sẽ cười vào mặt cho. Dù chuyện gì đang xảy ra bên trong kia thì lúc nầy thì cũng đều có thể là chìa khoá dẫn tới tương lai của ông ta. Phải tìm ra cho được. - Rất nhẹ nhàng, Thornton thử mở cánh cửa sau. Nó không được khoá. Ông ta lọt vào bên trong và thấy mình đang đứng trong một phòng bếp lớn kiểu cổ. Không có ai xung quanh cả. Thornton tiến đến bên cánh cửa phụ, nhẹ nhàng đẩy ra. Trước mặt ông ta là gian tiền sảnh lớn. Ở phía đầu kia là một cánh cửa đóng kín, có thể là dẫn tới một phòng thư viện. Thornton bước tới hết sức nhẹ nhàng. Ông ta đứng nép bên cánh cửa. Không hề có tiếng động gì bên trong. Có thể là lão già đang ở trong phòng ngủ trên gác. Thornton đẩy cửa ra. Ông ta đứng trước ngưỡng cửa, chết đứng. Có hơn một chục người đàn ông đang ngồi trong phòng, quanh một chiếc bàn lớn. - Vào đi Dustin, - Williard nói. - Chúng tôi đang chờ anh đấy. Chương 24 Tình hình ở Rome tỏ ra là khó khăn cho Robert, một cuộc thử thách tinh thần làm cho anh kiệt sức. Anh đã đi nghỉ tuần trăng mật ở đây với Susan, và ở đây cũng đầy những kỷ niệm. Rome đồng nghĩa với Roberto, người quản lý khách sạn Hassler cho mẹ anh, một người nặng tai nhưng có thể nhìn miệng người nói để hiểu với năm thứ tiếng. Rome có nghĩa là khu vườn của biệt thự D Este ở Tivoli, và niềm vui sướng của Susan trước một trăm dòng suối do con trai của Lucretia Borgia tạo nên. Rome là Otello, dưới chân. Những bậc thềm Tây Ban Nha, rồi Toà thánh Vatican và những bức bích hoạ nổi tiếng của Michelangelo. Rome là sự pha trộn giữa những giai điều nhạc du dương ở Tre Scalini cùng tiếng cười vui của Susan, và tiếng cô nói: "Robert, hãy hứa với em là chúng mình sẽ luôn hạnh phúc như thế nầy nhé". Mình đang làm cái quái gì ở đây nhỉ? Robert băn khoăn. Mình không hề biết tí gì về vị tu sĩ kia, hay thậm chí là liệu ông ta có ở Rome hay không. Đã đến lúc nghỉ ngơi, về nhà và quên hết những thử nầy. Nhưng có điều gì đó trong anh, một nét bướng bỉnh thừa kế từ một ông tồ nào đó đã chết từ lâu, ngăn không cho anh làm như vậy. Mình sẽ cố gắng một ngày nữa, Robert quyết định. Một ngày nữa thôi. Sân bay Leonardo da Vinci thật đông người và đối với Robert thì dường như bất kỳ ai cũng có thể là một tu sĩ. Anh đang tìm kiếm một tu sĩ trong thành phố có, bao nhiêu? Năm mươi nghìn tu sĩ phải không nhỉ? Hay một trăm nghìn? Trên taxi đến khách sạn Hassler, anh chú ý tới những đám đông các tu sĩ mặc áo choàng đi trên đường phố. Không thể được, Robert nghĩ. Mình hẳn là điên thật rồi. Anh được viên phó quản lý chào đón ở tiền sảnh khách sạn Hassler. - Ông Bellamy. Thật mừng là lại được thấy ông. - Cám ơn. Pietro. Ông có phòng cho tôi nghỉ lại một đêm không? - Cho ông, tất nhiên rồi. Luôn luôn sẵn sàng. Robert được đưa đến một phòng mà anh đã từng ở. - Nếu có cần gì xin ông cứ… Tôi cần một điều kỳ diệu khốn kiếp, Robert nghĩ. Anh ngả người nằm xuống, cố tĩnh tâm. Vì sao một tu sĩ ở Rome lại đi Thuỵ Sĩ nhỉ? Có mấy khả năng. Ông ta có thể đi nghỉ, hoặc có thể dự một hội nghị tôn giáo. Ông ta là vị tu sĩ duy nhất trên chiếc xe bus đó. Điều đó có nghĩa gì nhỉ? Không gì cả. Ngoài một điều là ông ta không cùng đi với nhóm, có thể như vậy thôi. Bởi thế có thể là một chuyến đi thăm bạn bè hay gia đình của ông ta. Hoặc cũng có thể là ông ta đi cùng một nhóm, và riêng ngày hôm đó thì họ có những chương trình riêng lẻ. Những ý nghĩ của Robert cứ quẩn quanh trong một cái vòng tuyệt vọng. Hãy trở lại từ đầu. Ông tu sĩ nầy đã tới Thuỵ Sĩ như thế nào nhỉ? Nhiều khả năng là ông ta không có một cái xe ô tô riêng. Ai đó có thể cho ông ta đi nhờ, nhưng khả năng nhiều hơn là việc ông ta đã đi bằng máy bay tầu hoả hoặc xe bus. Nếu là đi nghỉ thì ông ta hẳn đã không có nhiều thời gian. Bởi vậr hãy giả thiết rằng ông ta đã đi bằng máy bay. Cách lập luận đó chẳng dẫn đến đâu cả. Các hãng hàng không không ghi lại nghề nghiệp của hành khách. Vậy thì vị tu sĩ kia cũng chỉ có một cái tên như bao nhiêu những cái tên khác trong danh sách hành khách. Nhưng nếu ông ta là thành viên của một nhóm… * * * * * Toà thánh Vatican, nơi ở chính thức của Giáo hoang, vươn lên một cách uy nghi trên đồi Vatican, bên bờ Tây sông Tiber, phía tây bắc thành Rome. Mái vòm cao của nhà thờ Basilica, do Michellangelo thiết kế, đứng sừng sững trên quảng trường rộng lớn, đêm ngày đầy những khách thuộc đủ mọi tín ngưỡng. Quảng trường nầy được bao quanh bởi những chiếc cột trụ hình bán nguyệt được xây dựng xong vào năm 1667 dưới bàn tay của Bernini, với 284 chiếc cột đá hoa cương xếp thành bốn hàng và trên đó là một bao lớn đỡ 140 bức tượng. Robert đã thăm nơi nầy tới cả chục lần, nhưng lần nào anh cũng cảm thấy nghẹt thở trước quang cảnh ở đó. Tất nhiên, phía trong Toà thánh, quang cảnh còn ngoạn mục hơn nữa. Nhà thờ Sistine: toà bảo tàng và Cung Sala đẹp đến mức không thể tả xiết. Nhưng vào ngày hôm đó, Robert đã đến đây không phải để ngắm cảnh: Anh tìm được Phòng quan hệ với công chúng của Toà Thánh ở khu dành cho những việc liên quan đến bên đời. Người đàn ông trẻ tuổi ngồi sau bàn rất lịch thiệp. - Tôi có thể giúp ông không ạ? Robert đưa nhanh tấm thẻ ra. - Tôi ở tạp chí Time. Tôi đang làm một bài viết về một số giáo sĩ đã tham dự một hội nghị tôn giáo ở Thuỵ Sĩ cách đây một hai tuần gì đó. Tôi đang cần những tư liệu về thân thế. Người đàn ông kia nhìn anh một thoáng, rồi chau mầy. - Chúng tôi có một số giáo sĩ dự một hội nghị ở Venise tháng trước. Gần đây thì không có giáo sĩ nào của chúng tôi đến Thuỵ Sĩ cả. Xin lỗi, tôi sợ là tôi không thể giúp gì cho ông. - Việc nầy thật rất quan trọng, - Robert vội vã nói. - Làm thế nào để tôi có thể có những thông tin đó được? - Cái nhóm mà ông tìm kiếm… họ đại diện cho dòng tu nào thế? Ông nói gì ạ? Đạo Thiên chúa có rất nhiều dòng: Dòng Francis, Marist, Benetdictine, Trappist, Jesuit, Dominic và một số dòng khác nữa. - Tôi khuyên ông đến dòng tu của họ và hỏi ở đó xem. Chỗ đó là chỗ quái nào? Robert nghĩ. - Ông có gợi ý nào khác không hả? - Tôi e là không. Mình cũng thế, Robert nghĩ. Mình đã tìm thấy đồng cỏ. Mình không thể nào tìm được cái kim. Anh rời khỏi Toà Thánh và lang thang trên các đường phố của thành Rome, mải mê với khó khăn của mình mà không hề để ý đến những người xung quanh đến quảng trường Appolo, anh ngồi vào một tiệm cà phê ngoài trời và gọi một ly Cinzano. Ly rượu vẫn ở yên trước mặt anh, không hề được động. Với tất cả những gì anh đã biết thì vị tu sĩ kia có thể vẫn còn ở Thuỵ Sĩ. Ông ta thuộc dòng tu nào? Mình không biết. Và mình chỉ có mỗi lời vị giáo sư kia nói rằng ông ta là người La Mã. Anh uống một ngụm. Có một chuyến bay đi Washington vào lúc chiều tối. Mình sẽ đi chuyến đó, Robert quyết định: Mình bỏ cuộc thôi. Ý nghĩ đó làm anh bực tức. Nhảy ra, nhưng không phải là cười mà là khóc. Đã đến lúc phải đi rồi. - Tiền nầy. - Thưa ngài, vâng. Robert đưa mắt bâng khuâng nhìn quanh quảng trường. Phía bên đối diện với tiệm cà phê, một chiếc xe bus đang lấy khách. Trong dãy hành khách có hai tu sĩ, Robert nhìn hành khách đưa tiền vé và rồi đi xuống phía cuối xe. Khi hai tu sĩ tới chỗ người bán vé, họ mỉm cười với ông ta và ngồi xuống ghế mà không trả tiền. - Séc của ngài, thưa ngài, - người bồi bàn nói. Thậm chí Robert không nghe thấy anh ta. Đầu óc anh đang quay cuồng. Nơi đây, ngay trong lòng nhà thờ Thiên Chúa, các tu sĩ có những đặc quyền nhất định. Có thể có thế thôi… * * * * * Văn phòng của hãng Hàng không Thuỵ Sĩ nằm ở số 10 đường P. chỉ cách đường Veneto khoảng 5 phút. Robert được một người đàn ông ngồi sau dãy bàn dài tiếp. - Xin cho được gặp ông giám đốc? - Tôi là giám đốc đây. Tôi có thể giúp gì ông? - Michael Hudson, cảnh sát quốc tế. - Robert chìa ra một tấm thẻ. - Tôi có thể làm gì cho ông được, ông Hudson? - Một số hãng hàng không quốc tế đang phàn nàn về việc giảm giá vé bất hợp pháp ở châu u, và ở Rome nói riêng. Thể theo công ước quốc tế… - Ông Hudson, tôi xin lỗi, nhưng Hàng không Thuỵ Sĩ không có cho giảm giá. Mọi người đều phải trả theo giá đã công bố… - Tất cả hả? - Tất nhiên là trừ những nhân viên của hãng. - Các ông không giảm giá cho các giáo sĩ à? - Không. Với hãng nầy, họ phải trả cả vé. - Cám ơn ông đã dành thời giờ. - Và Robert bước ra. Chỗ dừng tiếp theo - Và cũng là hy vọng cuối cùng của anh - là hãng Alitalia. - Có chuyện giảm giá bất hợp pháp không? - Ông giám đốc sững người nhìn Robert, kinh ngạc. - Chúng tôi chỉ giảm giá cho nhân viên của chúng tôi. - Các ông không giảm giá cho các tu sĩ à? Gương mặt ông giám đốc sáng lên. - A, chuyện đó thì có: Nhưng đó không phải là bất hợp pháp. Chúng tôi đã có những thoả thuận với bên Nhà thờ. Tim Robert rộn lên. - Vậy đó nếu như một tu sĩ muốn bay đi từ Rome, chẳng hạn như đến Thuỵ Sĩ, thì ông ta sẽ đến hãng nầy chứ? - Ồ, vâng, như vậy ông ta sẽ đỡ tiền hơn. Robert nói: - Để có thông tin mới nhất cho các máy tính của chúng tôi, sẽ rất có ích nếu như ông có thể cho tôi biết bao nhiêu tu sĩ đã bay đến Thuỵ Sĩ trong hai tuần lễ qua. Ông có hồ sơ chứ? - Vâng, tất nhiên. Để dễ cho chuyện thuế má. - Tôi thật sự cần những thông tin đó. - Ông muốn biết có bao nhiêu tu sĩ đã bay đi Thuỵ Sĩ trong hai tuần qua phải không ạ? Đúng. Zurich hoặc Geneva. - Xin đợi cho một chút. Tôi sẽ gọi từ máy tính ra. Năm phút sau, ông giám đốc quay lại với một bản in từ máy tính. - Trong hai tuần qua chỉ có duy nhất một tu sĩ bay bằng Alitalia đi Thuỵ Sĩ. - ông ta xem tờ giấy trong tay. - Ông ta rời khỏi Rome vào ngày 7, đi Zurich. Ông ta đăng ký bay trở về hai ngày sau đó. - Tên ông ta? - Robert hít một hơi sâu. - Cha Rometo Patrini. - Địa chỉ? Ông ta lại nhìn xuống. - Ông ấy sống ở Orvieto. Nếu ông cần gì thêm. - Ông ta ngước nhìn lên, Robert đã đi khỏi. Chương 25 Ngày thứ bảy. Orvieto, Italia Anh dừng xe tại một chỗ đỗ bên lề đường 71, và phía bên kia thung lũng, trên sười núi, là cái thành phố đó với cảnh quan tuyệt đẹp Đó là trung tâm Etruscan cổ với một nhà thờ lớn nổi tiếng thế giới, dăm nhà thờ khác và một tu sĩ, người đã chứng kiến vụ tai nạn của một vật thể bay lạ. Thành phố vẫn nguyên vẹn qua năm tháng, với những đường phố lát đá và những ngôi nhà cổ duyên dáng, cùng với khu chợ trời nơi những người nông dân mang bán gà và rau quả tươi. Robert tìm được một nơi để đỗ xe trên quảng trường Duomo. Anh băng ngang quảng trường và đi vào trong nhà thờ lớn Trong nhà thờ vắng ngắt, trừ một giáo sĩ vừa rời khỏi nơi điện thờ. - Xin lỗi Cha, - Robert nói. Tôi đang tìm kiếm một tu sĩ ở thành phố nầy: người đã ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước. Có thế Cha… Vị tu sĩ sững lại, mặt đầy vẻ khó chịu. - Tôi không thể nói với ông chuyện nầy. - Tôi không hiểu. Tôi chỉ muốn tìm. Robert ngạc nhìn ông ta ngạc nhiên. - Ông ấy không ở nhà thờ nầy. Ông ấy từ nhà thờ San Giovenale. Và vị tu sĩ đi nhanh ngang qua Robert. Tại sao ông ta lại thiếu thiện chí thế nhỉ? Nhà thờ San Giovenale nằm ở khu Vecchio, một khu vực đầy màu sắc với những tháp chuông và những nhà thờ thời Trung cổ. Một tu sĩ trẻ tuổi đang chăm sóc mảnh vườn cạnh đó. Ông ta ngước nhìn lên khi Robert lại gần. - Xin chào ông. - Xin chào. Tôi đang tìm kiếm một tu sĩ, người đã ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước. Ông ấy… - Phải, phải. Tội nghiệp Cha Patrini. Một điều khủng khiếp đã xảy đến với ông ấy. - Tôi không hiều. Chuyện khủng khiếp gì vậy? - Nhìn thấy cỗ xe của quỷ dữ. Đó là điều quá sức chịu đựng của ông ấy. Ông ấy đã bị một cơn sốc thần kinh, thật tội nghiệp. - Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó, - Robert nói. - Bây giờ ông ấy ở đâu? Tôi muốn nói chuyện với ông ấy. - Ông ấy đang ở bệnh viện gần quảng trường San Patrizio, nhưng tôi ngờ là các bác sĩ sẽ không cho phép ai thăm ông ấy đâu. Robert đứng đó, bối rối. Chẳng mấy ích lợi gì với một người đang bị thần kinh. - Tôi hiểu. Cám ơn ông rất nhiều. Bệnh viện đó là một toà nhà một tầng khiêm nhường ở gần ngoại ô thành phố. Anh dừng xe và bước vào trong một hành lang nhỏ. Có một y tá ngồi sau bàn đón tiếp. - Xin chào, - Robert nói. - Tôi muốn gặp Cha Patrini. - Rất tiếc, nhưng… điều đó là không thể được. Ông ấy không thể nói gì với bất kỳ ai. Lúc nầy, Robert quyết không để bị chặn lại. Anh phải lần theo dấu vết mà giáo sư Schmidt đã trao cho anh. - Cô không hiểu, - Robert nhẹ nhàng nói. - Cha Patrini yêu cầu gặp tôi. Tôi đã từ Orvieto đến đây theo yêu cầu của ông ấy. - Ông ấy yêu cầu gặp ông? - Phải. Ông ấy viết thư sang Mỹ cho tôi. Tôi đã đi ngần ấy dặm đường tới đây chỉ để gặp ông ấy thôi. Cô y tá lưỡng lự. - Tôi không biết nói thế nào. Ông ấy rất nặng. - Tôi tin chắc là ông sẽ vui hơn khi thấy tôi. - Bác sĩ không có ở đây… - Cô quyết định. - Thôi được ông có thể tới phòng ông ấy, thưa ông, nhưng ông chỉ được phép ở đó vài phút thôi đấy. - Tôi cũng chỉ cần có thế thôi, - Robert nói. - Ông đi lối nầy. Họ đi theo một hành lang ngắn, hai bên là những căn phòng nhỏ, gọn gàng. Cô y tá dẫn Robert vào một trong những phòng đó. - Chỉ một vài phút thôi nhé, thưa ông. - Cảm ơn. Robert bước vào căn phòng nhỏ bé. Người đàn ông đang nằm trên giường trông như một hình nhân nhợt nhạt trên tấm vải trải giường trắng toát. Robert lại gần ông ta và nhẹ nhàng nói: - Thưa Cha… Vị tu sĩ quay mặt để nhìn lên anh, và Robert chưa bao giờ nhìn thấy một nỗi thống khổ nào như thế trong mắt một con người. - Thưa Cha, tên tôi là… Ông ta túm lấy cánh tay Robert. - Giúp tôi với, - Vị tu sĩ lầm bầm, - Ông phải giúp tôi. Lòng tin của tôi đã mất. Cả đời tôi, tôi đã thuyết giảng về Chúa và Đức Tin, và bây giờ tôi biết là không có Chủa. Chỉ có quỷ sứ và nó đã đến để hại chúng ta… - Thưa Cha, nếu Cha… - Chính mắt tôi đã nhìn thấy mà. Có hai tên trong cái xe của quỷ sứ, nhưng sẽ còn nữa. Ôi! Những tên khác sẽ kéo đến. Hãy chờ xem. Tất cả chúng ta sẽ bị đày xuống địa ngục. - Xin Cha hãy nghe tôi. Cái mà Cha nhìn thấy không phải là quỷ sứ. Đó là một con tàu vũ trụ mà. Vị tu sĩ buông tay Robert và đột nhiên nhìn Robert với vẻ tỉnh táo hơn. - Ông là ai? Ông muốn gì hả? - Tôi đến đây để hỏi Cha về chuyến xe bus mà Cha đã đi ở đất Thuỵ Sĩ. - Robert nói. - Chiếc xe bus. Giá mà tôi đã đừng đến gần nó. - Vị tu sĩ lại trở nên kích động. Robert không muốn thúc ép ông ta, nhưng anh không có cách nào khác. - Cha đã ngồi bên một người đàn ông trên chiếc xe đó. Một người Texas. Cha đã nói chuyện nhiều với người đó, Cha nhớ không? - Một câu chuyện. Người Texas. Có, tôi nhớ. - Ông ta có nói với Cha là ông ta sống ở đâu không? - Phải, tôi có nhớ ông ta. Ông ta từ Mỹ đến. - Đúng. Từ Texas. Ông ta có nói với Cha nhà ông ta ở đâu không? - Có, có, ông ta có nói với tôi. - Ở đâu thế, Cha? Nhà ông ta ở đâu? - Texas. Ông ta nói về Texas. - Đúng thế. - Robert gật đầu vẻ khuyến khích. - Chính mắt tôi đã nhìn thấy chúng. Tôi mong Chúa đã làm cho tôi bị mù. Tôi… - Thưa Cha, người đàn ông từ Texas. Ông ta có nói với Cha ông ấy ở đấy không? Ông ta có nhắc tới một cái tên nào không? - Texas, có. Ponderosa. Robert vẫn cố gắng. - Đó là trên tivi. Đây là người đàn ông thật sự cơ mà. Ông ta ngồi cạnh Cha trên… Vị tu sĩ lại hôn mê. - Chúng đang đến đấy. Trận quyết chiến thiện ác đây rồi. Kinh Thánh nói dối. Chính quỷ dữ sẽ xâm chiếm trái đất nầy. - Lúc nầy ông ta đang hét lên thật to. - Nhìn kìa. Nhìn kìa. Tôi có thể nhìn thấy chúng. Cô y tá vội vã bước vào. Cô nhìn Robert vẻ không bằng lòng. - Ông phải ra đi thôi, thưa ông. - Tôi cần một phút nữa thôi. - Không, thưa ông. Đủ rồi. Robert nhìn vị tu sĩ một lần cuối. Ông ra vẫn lảm nhảm rời rạc. Robert quay người bước đi. Không còn có thể làm gì hơn được nữa. Anh đã cố hết sức để vị tu sĩ dẫn dắt anh đến người Texas kia, nhưng anh đã thua. Robert trở ra xe và chạy về Rome. Rốt cuộc thế là xong. Những dấu vết duy nhất mà anh đã bỏ lại - nểu chúng có thể được coi là những dấu vết - là lời nhắc đến một phụ nữ Nga, một người Texas, và một người Hungary. Nhưng không có cách nào để tìm ra họ được. Nước cờ tàn. Thật là buồn khi đã đi xa đến thế nầy để rồi lại bị chặn lại. Giá mà ông tu sĩ tỉnh táo đủ lâu để cung cấp được cho anh vài thông tin cần thiết. Chỉ một chút nữa. Ông tu sĩ đã nói gì nhỉ? Ponderosa. Ông tu sĩ già đã xem tivi quá nhiều và trong cơn mê sảng, rõ ràng là ông ta đã lẫn người Texas kia vào chương trình "Bonanza" của một đạo diễn nổi tiếng trên tivi. Ponderosa, nơi gia đình h bí ẩn Cartwirght sinh sống. Ponderosa. Robert giảm ga và từ từ dừng lại bên đường, những ý nghĩ vùn vụt trong đầu anh. Anh quay ngược xe lại và lao nhanh về hướng Orvieto. Nửa giờ sau, Robert đang nói chuyện với người chủ quán của một quán nhỏ ở quảng trường Republica. - Các ông có một thành phố thật đẹp. - Robert nói. - Thật thanh bình. - Ồ vâng, thưa ông. Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với nơi đây. Ông đã bao giờ đến Italia trước đây chưa? - Tôi có một phần của tuần trăng mật ở Rome. Robert, anh đã làm cho tất cả những mơ ước của em trở thành sự thật. Từ hồi em còn là một con bé con, em đã muốn được đến Rome đấy? - À Rome. Quá lớn. Quá ồn ào. - Tôi công nhận. - Ở nơi đây, chúng tôi sống cuộc sống bình dị nhưng chúng tôi hạnh phúc. Robert bình thản nói: - Tôi để ý thấy trên nhiều mái nhà ở đây có ăngten tivi. - Ồ vâng, đúng thế. Chúng tôi hoàn toàn theo kịp thời đại trong lĩnh vực đó. - Cái đó thì rõ. Thành phố nầy nhận được bao nhiêu kênh vô tuyến? - Duy nhất chỉ một. - Tôi nghĩ là các ông có khá nhiều chương trình tivi của Mỹ chứ? - Không, không. Đây là một kênh của nhà nước. Ở đây chúng tôi chỉ có những chương trình được thực hiện ở Italia thôi. - Cám ơn. Trúng rồi. * * * * * Robert đặt điện thoại gọi cho Đô đốc Whittaker. Một thư ký trả lời máy. - Văn phòng Đô đốc Whittaker đây. Robert có thể hình dung ra căn phòng. Nó thường là một chỗ kín đáo khuất mắt dành cho những người hết thời mà chính phủ không còn sử dụng vào việc gì được nữa. - Xin cho tôi được nói chuyện với ngài Đô đốc? Sĩ quan Bellamy đây. - Xin ông chờ một chút, ông chỉ huy. Robert băn khoăn liệu có còn ai liên hệ gì nữa với Đô đốc không khi mà giờ đây, vị Đô đốc một thời đầy quyền lực kia đã là một thành viên của đội quân về vườn. Có thể là không. - Robert, rất mừng là anh gọi lại. - Giọng ông già có vẻ mệt mỏi. - Anh đang ở đâu thế? - Thưa ngài, tôi không thể nói được. Một thoáng ngập ngừng. - Tôi hiểu. Tôi có thể lâm gì cho anh không đây? - Có, thưa ngài. Việc nầy thật bất tiện vì tôi đà được lệnh không tiếp xúc với bất kỳ ai. Nhưng tôi cần được giúp đỡ. Tôi không biết ngài có thể kiểm tra một việc cho tôi được không? - Chắc chắn là tôi có thể cố gắng. Anh muơn biết gì nào? - Tôi cần biết liệu có một cái trại đâu đó ở Texas có tên là Ponderosa không? - Như trong chương trình Bonanza ấy à? - Vâng, thưa ngài. - Tôi có thể làm được, Tôi sẽ liên lạc với anh thế nào? - Thưa Đô đốc, tôi nghĩ tốt hơn là tôi sẽ gọi lại cho ngài. - Phải. Cho tôi một hoặc hai tiếng nhé. Tôi sẽ giữ việc nầy chỉ có hai chúng ta biết thôi. - Cảm ơn ngài. Dường như Robert cảm thấy sự mệt mỏi đã biến mất trong giọng nói của ông già. Ít nhất thì ông cũng đã được yêu cầu làm một việc gì đó, cho dù rằng đó chỉ bình thường là việc tìm ra một cái trang trại. Hai tiếng sau, Robert gọi lại cho Đô đốc Whittaker. - Tôi đang đợi anh đây, - Vị Đô đốc nói. Trong giọng ông có vẻ hàl lòng. - Tôi đã có thông tin mà anh muốn. - Và sao? - Robert nín thở. - Có một cái trại Ponderosa ở Texas. Nó ở ngay phía ngoài Waco. Chủ của nó là một ông Dan Wayne nào đó. Robert thở ra nhẹ nhõm. - Cám ơn ngài rất nhiều, thưa đô đốc, - Robert nói. - Tôi nợ ngài một bữa tối khi nào tôi trở về. - Robert, tôi mong ngóng dịp đó. Cú điện thoại tiếp theo của Robert là gọi cho tướng Hilliard. - Tôi đã phát hiện một nhân chứng khác ở Italia. Cha Patrini. - Một tu sĩ à? - Vâng. Ở Orvieto. Ông ta đang nằm viện, rất nặng. Tôi e là giới chức trách Italia sẽ không thể nói gì được với ông ta. - Tôi sẽ chuyển lời ông. Cảm ơn, ông sĩ quan. Hai phút sau, tướng Hilliard đã đang nói chuyện điện thoại với Janus. - Tôi vừa nghe sĩ quan chi huy Bellamy báo cáo. - Nhân chứng mới nhất là một tu sĩ. Một cha Patrini nảo đó ở Orvieto. - Lo chuyện đó đi. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc SIFAR. Không trích chép. Một bản duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận thế. 5. Cha Patrini - Orvieto. Hết điện. Trụ sở SIFAR nằm trên đường Pineta, ở rìa ngoại ô phía nam thành Rome, trong một khu vực bao bọc bởi những nhà trại. Điều duy nhất có thể làm cho người qua đường chú ý tới toà nhà bằng đá trông đầy vẻ công nghiệp, bình thường kia với haỉ khối nhà lớn là bức tường cao vây quanh, trên có chăng dây thép gai và ở mỗi góc đều có một trạm gác. Nằm ẩn trong một khu quân sự, nó là một trong những cơ quan an ninh bí mật nhất trên thế giới mà người ta ít biết đến nhất. Có những tấm biển xung quanh khu nhà, trên ghi dòng chữ: "Không bước qua giới hạn nầy". Trong một căn phòng kiểu Spartan trên tầng hai của toà nhà chính, đại tá Francesco Cesar đang xem bức điện khẩn mà ông ta vừa nhận được. Viên đại tá ở trạc tuổi ngoài năm mươi, với một vóc người khoẻ mạnh và gương mặt rỗ, lì lợm. Ông ta đọc bức điện đến lần thứ ba. Vậy là sau cùng Chiến dịch Ngày Tận thế đã đang diễn ra. Thật may là chúng ta đã chuẩn bị cho điều nầy. Cesar nghĩ. Ông ta nhìn xuống bức điện một lần nữa. Một tu sĩ. * * * * * Đã quá nửa đêm khi một bà xơ đi ngang qua phòng của các y tá trực đêm tại cái bệnh viện nhỏ ở Orvieto. - Tôi đoán là bà ấy đang đến gặp bà Fillipi, - Cô y tá Tomasino nói. - Hoặc bà ấy, hoặc ông già Rigano. Cả hai đều đang nguy kịch lắm rồi. Bà xơ kia lặng lẽ đi vòng qua các góc nhà và bước thẳng vào phòng của vị tu sĩ. Ông ta đang ngủ vẻ yên ả, hai bàn tay gấp lại để trên ngực như thể đang cầu nguyện. Ánh trăng xuyên qua tấm rèm cửa, tạo thành một vệt sáng ngang mặt vị tu sĩ. Bà xơ lấy từ dưới áo ra cái hộp nhỏ. Một cách thận trọng, bà ta lấy ra chuỗi hạt thuỷ tinh rất đẹp và để nó vào trong lòng hai bàn tay ông tu sĩ già. Trong khi sửa lại những hạt thuỷ tinh cho ngay ngắn, bà ta dùng một hạt quệt nhanh lên ngón tay cái của ông. Một vết xước mờ xuất hiện. Bà xơ lấy ra một cái lọ bé xíu có đầu nhỏ giọt và cẩn thận nhỏ ba giọt lên chỗ vết xước kia. Chỉ cần vài phút để cái độc tố chết người kia phát huy tác dụng. Bà xơ thở dài trong khi làm dấu thánh trước người đã chết. Rồi bà bỏ đi, lặng lẽ như lúc đến. Điện khẩn. Tối mật. SIFAR gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 5. Cha Patrini - Orvielo đã bị thủ liêu. Hết điện. Chương 26 Frank Johnson được lựa chọn bởi lẽ ông ta đã từng là một lính Mũ nồi xanh ở Việt nam và được đồng đội của ông ta gọi là Máy giết người. Ông ta thích giết chóc. Có động cơ làm việc và rất thông minh. - Hoàn toàn phù hợp với chúng ta, - Janus nói. - Tiếp xúc với ông ta một cách thận trọng. Tôi không muốn để mất người nầy. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong trại lính. Một đại uý đang nói chuyện với Frank Johnson. - Ông không phiền muộn gì về chính phủ của chúng ta à? - Viên đại uý hỏi. - Nó được điều hành bởi một nhúm những kẻ yếu đuối đang phung phí nguồn tài lực. Đất nước nầy cần có sức mạnh hạt nhân, nhưng những chính trị gia quỷ tha ma bắt kia đang ngăn chặn chúng ta xây dựng những nhà máy mới. Chúng ta lệ thuộc bọn Ảrập khốn kiếp về dầu lửa và chính phủ sẽ cho phép khai thác dầu ở ngoài khơi bờ biển chúng ta chứ? Ồ, không. Họ lo lắng cho những đàn cá hơn là cho chúng ta. Ông có nghĩ gì về chuyện đó không? - Tôi hiểu ý ông, - Frank Johnson nói. - Tôi biết là ông hiểu bởi vì ông có đầu óc. Viên đại uý vừa nói vừa quan sát vẻ mặt Johnson. - Nếu như Quốc hội không làm gì để cứu vớt đất nước của chúng ta thì một số nào đó trong chúng ta sẽ phải làm gì đó. Trông Frank Johnson có vẻ lúng túng. - Một số trong chúng ta à? - Phải. - Bây giờ thế là đủ rồi, viên đại uý nghĩ. - Chúng ta sẽ nói về chuyện đó sau. Buổi nói chuyện sau đi vào việc cụ thể hơn. - Có một nhóm những người yêu nước muốn bảo vệ thế giới của chúng ta, ông Frank ạ. Họ là những vị có quyền lực lớn. Họ đã thành lập một Uỷ ban. Uỷ ban nầy có thể phải vượt qua một số đạo luật nào đó để công việc của nó đạt hiệu quả, nhưng mà sau cùng, thì điều đó cũng đáng giá. Ông có quan tâm không? - Tôi rất quan tâm. - Frank Johnson mỉm cười. Đó là lúc bắt đầu. Buổi gặp sau diễn ra ở Ottawa, Canada, và Frank Johnson đã gặp một số thành viên trong Uỷ ban nầy… Họ đại diện cho những nhóm quyền lợi đầy thế lực ở chừng một chục nước. - Chúng ta được tổ chức tốt, - một thành viên giải thích với Frank Johnson. - Chúng ta có một hệ thống chỉ huy nghiêm ngặt. Có các Phòng Tuyên truyền, Tuyển chọn, Chiến thuật, Liên lạc… và một Đội biệt kích. Ông ta nói tiếp. - Gần như tất cả các tổ chức tình báo trên thế giới là một bộ phận của nó. - Ý ông nói là những người đứng đầu của…? - Không, không phải là những người đứng đầu. - Các cấp phó. Những người trực tiếp biết chuyện gì đang xảy ra, và bỉết rõ nguy cơ nào mà các nước đang gặp phải. * * * * * Các cuộc họp diễn ra ở mọi nơi trên thế giới - Thuỵ Sĩ, Marốc, Trung Quốc, - Và Johnson có mặt đầy đủ. Đó là sáu tháng trước lúc đại tá Johnson gặp Janus. Viên tướng đã cho triệu tập ông ta. - Tôi mới nhận được nhưng báo cáo rất tốt đẹp về ông, đại tá. - Tôi ưa thích công việc của mình, - Frank Johnson mỉm cười. - Tôi cũng nghe như thế. Ông ở một vị trí rất thuận lợi để có thể giúp đỡ chúng tôi. Frank Johnson ngồi thẳng người lên hơn. - Tôi sẽ làm bất cứ việc gì có thể được. - Tốt. Ở Trang trại, ông phụ trách việc giám sát đào tạo các điệp viên bí mật cho nhiều cơ quan khác nhau? - Đúng thế. - Và ông biết họ cùng những khả năng của họ. - Rất tường tận. - Điều tôi muốn ông làm là, - Janus nói, - tuyển chọn những người nào mà ông cảm thấy sẽ có ích nhất cho tổ chức của chúng ta. Chúng ta chỉ quan tâm đến những người tốt nhất. - Đó là việc dễ dàng, - đại tá Johnson nói. - Không có vấn đề gì - Ông ta thoáng lưỡng lự. - Tôi băn khoăn… - Gì vậy? - Tôi có thể làm việc đó bằng tay trái của mình. Tôi thật sự muốn làm hơn thế, một việc gì đó lớn hơn. - Ông ta dướn mình về phía trước. - Tôi có nghe nói về Chiến dịch Ngày Tận thế. Đó mới chính là sân của tôi. Tôi muốn được tham gia, thưa ngài. Janus ngồi nhìn ông ta hồi lâu. Rồi gật đầu. - Được ông vào cuộc rồi đó. - Cảm ơn ngài. - Johnson mỉm cười. - Ngài sẽ không phải ân hận gì. Đại tá Frank Johnson sung sướng rời khỏi cuộc gặp. Bây giờ thì ông ta thừa để cho họ thấy ông ta có thể làm được những gì. Chương 27 Ngày thứ tám. Waco. Texas. Dan Wayne có một ngày không vui. Mà chính xác thì là một ngày vô cùng tệ hại. Ông vừa trở về từ toà án quận Waco, nơi ông phải đối mặt với các thủ tục về vỡ nợ. Vợ ông dan díu với tay bác sĩ trẻ của bà ta và đang làm thủ tục ly hôn ông với mục đích kiếm được một nữa tất cả những gì mà ông có (điều đó có nghĩa là không gì cả, như ông đã quả quyết với luật sư của bà ta). Và ông sẽ phải mất một trong những con bò đấu có hạng của mình. Dan Wayne cảm thấy số mệnh thật đen đủi. Ông đã không làm gì để đến nỗi phải chịu tất cả những chuyện nầy. Ông là một người chồng tốt, một chủ trại giỏi giang. Ông ngồi lặng trong phòng làm việc, ngẫm nghĩ về tương lai ảm đạm. Dan Wayne là một người đàn ông kiêu hãnh. Ông biết tất cả những lời đùa cợt về những người Texas to mồm, nói khoác một tấc đến trời, nhưng ông vẫn thật sự cảm thấy mình có điều gì đó đáng hãnh diện. Ông sinh ra ở Waco, trong một khu vực nông nghiệp giàu có của châu thổ sông Brazos. Waco là một thị trấn hiện đại, nhưng vẫn phảng phất hương vị của quá khứ, thời mà nó hình thành, tồn tại và phát triển trên năm cây trụ: gia súc, bông, ngô, trường học và văn hoá. Wayne yêu mến Waco bằng tất cả trái tim và khối óc, khi ông gặp vị tu sĩ trên chuyến du lịch bằng xe bus ở Thuỵ Sĩ kia, thì gần như ông đã nói suốt năm tiếng đồng hồ về cái thị trấn quê hương mình. Vị tu sĩ nói với ông là muốn rèn luyện tiếng Anh, nhưng thực ra, khi nghĩ lại, thì hoá ra là gần như chỉ có một mình ông nói cả câu chuyện. - Waco có tất cả mọi thứ, - Ông ta đã tâm sự với vị tu sĩ Thời tiết của chúng tôi thì tuyệt vời. Chúng tôi không cho phép trời quá nóng hay quá lạnh. Chúng tôi có hai mươi ba trường học trong vùng và có Đại học Baylor. Chúng tôi có bốn tờ báo, mười đài phát thanh và năm đài truyền hình. Chúng tôi có Phòng truyền thống mà ông phải choáng cả người. Ý tôi nói, ở đó là lịch sử. Nếu ông thích câu cá, thưa Cha, thì sông Brazos sẽ là nơi mà ông không thể quên. Rồi chúng tôi còn có một khu săn bắn và một trung tâm nghệ thuật lớn. Tôi cam đoan với ông, Waco là một trong những thành phố có một không hai trên thế giới. Ông phải đến thăm chúng tôi mới được. Và vị tu sĩ già nhỏ bé đã mỉm cười, gật gật đầu, còn Dan Wayne nghi hoặc, không hiểu ông ta nghe được bao nhiêu tiếng Anh. Dan Wayne đã thừa kế của người cha một ngàn mẫu đất trang trại, và đã làm đàn gia súc sinh sôi từ hai ngàn lên đến mười ngàn. Lại còn một con ngựa đua đáng giá cả một gia tài nữa. Vậy mà bọn khốn kiếp đang toan cướp đi tất cả của ông. Thị trường gia súc sụt xuống hoặc việc ông chậm trả tiền thế nợ đâu có phải là lỗi của ông. Các nhà băng đều hùa vào để làm hại ông và cơ hội duy nhất để ông ta tự cứu mình là tìm ra được người mua lại trang trại, thanh toán cho các chủ nợ và giữ lại một chút tiền lãi… Wayne đã nghe có một người Thuỵ Sĩ giàu có muốn mua một trang trại ở Texas, và ông ta đã bay đi Zurich để gặp người đó. Nhưng té ra đó chỉ là trò thả mồi bắt bóng. Cái trang trại trong đầu cái thằng cha công tử bột đó là một hay hai mẫu đất với một cái vườn rau nhỏ xinh xinh. Đó là lý do vì sao mà vô tình ông lại có mặt trên chuyến xe bus khi cái chuyện kỳ lạ kia xảy ra. Ông đã có đọc về chuyện đĩa bay, nhưng ông chưa bao giờ tin những chuyện đó cả. Giờ đây, nhờ Chúa, ông dứt khoát đã tin. Ngay sau khi ông trở về, ông gọi điện một chủ bút một tờ báo địa phương. - Johnny, tôi mới nhìn thấy một cái đĩa bay thật sự với mấy xác người kỳ quặc chết trong đó. - Thế hả? Ông có chụp tấm ảnh nào không thế, Dan? - Không. Tôi có chụp mấy tấm, nhưng hỏng cả. - Không sao. Chúng tôi sẽ cho một tay nhiếp ảnh tới đó. Nó đã trên trang trại của ông phải không? - Ồ không. Thực ra là nó ở Thuỵ Sĩ kia. Một thoáng im lặng. - Ồ ra vậy, nếu như ông tình cờ nhìn thấy nó trên trang trại của ông, Dan, thì gọi lại cho tôi nhé. - Khoan. Một thằng cha cũng nhìn thấy, nó sẽ gửi cho tôi một tấm ảnh mà… Nhưng Johnny đã gác máy. Thế đó. Gần như là Wayne mong có một cuộc xâm lăng của những người từ hành tinh khác. Có thể họ sẽ giết sạch những tên chủ nợ khốn kiếp của ông. Ông nghe thấy có tiếng xe đang chạy vào và nhỏm dậy bước đến bên cửa sổ nhìn ra. Có vẻ là một gã ở miền Đông. Có thể lại là một chủ nợ khác. Những ngày nầy họ ở đâu ra mà lắm thế cơ chứ. Dan Wayne mở cửa trước. - Xin chào. - Ông là Daniel Wayne… - Bạn bè gọi tôi là Dan. Tôi có thể làm gì cho ông thế? Dan Wayne không hề như Robert đã hình dung; một mẫu người Texas vạm vỡ. Ông ta thanh mảnh, dáng quý tộc và điều bộ hơi rụt rè. Điều duy nhất thể hiện gốc gác của ông ta là giọng nói. - Tôi không biết liệu có thể xin ông vài phút được không? - Tôi cũng chỉ còn ngần ấy thời gian, - Wayne nói. - Nhân tiện xin được hỏi, ông không phải là một chủ nợ ư? - Một chủ nợ ấy à? Không? - Tốt. Xin mời vào. Hai người cùng ngồi ở phòng khách. Đó là một căn phòng lớn với đồ đạc rất tiện nghi theo kiểu miền Tây. - Ông có một chỗ ở đẹp quá, - Robert nói. - Dạ. Tôi được sinh ra trong ngôi nhà nầy. Tôi có thể mời ông uống gì nhỉ? Một chút gì mát, được không? - Không, cảm ơn. Tôi không khát. - Xin mời ngồi. - Robert ngồi xuống chiếc đi văng bọc da mềm mại. - Ông gặp tôi có việc gì thế? - Tôi được biết là ông có đi một tuyến du lịch bằng xe bus ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước? - Đúng thế. Cô vợ cũ thuê người theo dõi tôi à? Ông không làm việc cho cô ta đấy chứ? - Không, thưa ông. - Ồ, - ông ta chợt hiểu ra. - Ông quan tâm đến cáí đĩa bay kia chứ gì. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy gì khủng khiếp đến thế. Nó luôn thay đổi màu sắc. Và những sinh vật đã chết kia nữa. - Ông ta rùng mình. - Tôi vẫn nằm mê thấy nó. - Ông Wayne, ông có thể nói với tôi bất kỳ điều gì về những người khách trên cùng chuyến xe đó được không? - Xin lỗi. Tôi không thể giúp gì ông. Tôi đi có một mình. - Tôi biết, nhưng ông có nói chuyện với những người khách khác chứ, phải không nào? - Nói thật với ông, tôi rất nặng đầu nặng óc. Tôi đã chẳng chú ý mấy tới bất kỳ ai khác. - Ông có nhớ bất kỳ chuyện gì về bất kỳ ai trong số họ không? Day Wayne im lặng một lát. - Ồ có một tu sĩ người Italia. Tôi có nói chuyện với ông ta một chút. Ông ta có vẻ là một người dễ mến. Tôi muốn nói để ông biết là cái đĩa bay kia thật sự làm cho ông ta choáng váng. Ông ấy cứ nói mãi về chuyện quỷ sứ. - Ông có nói chuyện với ai khác nữa không? Day Wayne nhún vai. - Không hẳn… Chờ một phút. Tôi còn trò chuyện với ông chủ một nhà băng ở Canada. - Ông ta đưa lưỡi liếm môi. - Nói thật với ông, tôi đang có một chút khó khăn tài chính ở đây, với cái trang trại nầy. Có thể là tôi mất nó. Tôi ghét cái đám chủ nhà băng khốn kiếp kia. Bọn chúng toàn là những kẻ hút máu. Dù sao thì tôi nghĩ là cái thằng cha nầy có thể khác. Khi biết ông ta là chủ nhà băng, tôi đã nói chuyện với ông ta về việc thu xếp một kiểu tín dụng nào đó ở đây. Nhưng hắn cũng giống như tất cả bọn chúng thôi. Hắn không thể nào hờ hững hơn thế được. - Ông nói hắn ta ở Canada à? - Phải, Fort Smith, trên mãi vùng Các lãnh thổ Tây Bắc. Tôi e rằng đó là tất cả những gì tôi có thể nói với ông rồi đấy. Robert cố giấu tâm trạng kích động của mình. - Ông Wayne, xin cảm ơn ông, ông đã giúp ích rất nhiều. - Robert đứng dậy. - Thế thôi à? - Thế thôi. - Ông có muốn ở lại dùng bữa tối không? - Không, cảm ơn. Tôi phải lên đường thôi. Chúc may mắn trong chuyện trang trại nhé. - Cảm ơn. Fort Smith, Canada. Các lãnh thổ Tây Bắc. * * * * * Robert đợi cho đến khi tiếng Hilliard xuất hiện trên máy. - Có ông sĩ quan hả? - Tôi đã tìm được một nhân chứng khác. Dan Wayne. Ông ta là chủ trại Ponderosa, một trang trại bên ngoài Waco, Texas. - Rất tốt. Tôi sẽ để cho cơ quan của chúng tôi ở Dallas nói chuyện với ông ta. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc CIA: Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 6. Daniel Wayne - Waco. Hết. Tại Langley, Virginia, phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương đang trầm ngâm xem bức điện số 6. Công việc thật trôi, chảy. Sĩ quan Bellamy đang làm việc tuyệt hảo. Janus đã đúng. Người đàn ông đó luôn luôn đúng. Và ông ta có quyền lực để những mong muốn của ta được thực hiện. Bao nhiêu quyền lực… Ông ta nhìn bức điện một lần nữa. Chuyện nầy sẽ không khó khăn gì. Rồi nhấn cái nút. Hai người đàn ông đến trang trại bằng chiếc xe chở hàng màu xanh sẫm. Họ đỗ xe ngoài sân, ra khỏi xe và thận trọng nhìn quanh. Ý nghĩ đầu tiên của Dan Wayne là họ đến để tịch biên cái trại. Ông ta mở cửa trước cho họ. - Ông là Dan Wayne? - Vâng. Tôi đây. Ông ta chỉ mới nói được có thế. Người đàn ông thứ hai đã bước vòng lại phía sau và cầm một cái bình da dùng để đựng rượu đánh mạnh vào đầu ông ta. Một trong hai người đàn ông với vóc cao to hơn xốc ông chủ trại đã bất tỉnh lên vai và mang ông ta ra ngoài chuồng bò. Hai người đàn ông phớt lờ những con vật và đi thẳng vào phía trong cùng. Trong cái khoang đó là một con ngựa giống màu đen tuyệt đẹp. Người đàn ông cao to nói: - Đây chỗ nầy. - Anh ta hạ Wayne xuống. Người đàn ông thứ hai bước lại gần cửa khoang nhốt con ngựa, và đánh nó bằng cái gậy có điện. Nó lồng lên, hất tung hai chân sau. Một cú đánh mạnh hơn nữa vào mũi nó. Nó lồng lên điên cuồng, trong cái không gian chật chội, va đập vào bốn góc, răng nhe ra và lòng trắng mắt ngầu lên. Nào, - người đàn ông cao to nhấc Dan lên và quăng ông ta vào trong cái khoang của con ngựa đực. Họ đứng nhìn cái quang cảnh đẫm máu trong vài giây rồi hài lòng bỏ đi. Điện khẩn. Tối mật. Phó giám đốc CIA gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 6. Daniel Wayne - Waco - Đã bị thủ tiêu. Hết. Chương 28 Ngày thứ chín. Fort Smith, Canada. Fort Smith nằm ở vùng Các lãnh thổ Tây Bắc là một thị trấn thịnh vượng với hai nghìn dân phần đông là chủ trại và những người chăn nuôi gia súc cùng với một số ít thương nhân. Khí hậu ở đây khắc nghiệt, với những mùa đông đài và băng giá, còn bản thân thị trấn nầy là một bằng chứng sống động đối với thuyết Darwin về sự tồn tại của những gì thích nghi nhất. William Mann là một trong những sinh vật thích nghi đó, một kẻ sống sót. Ông ta sinh ra ở Michigan, nhưng hồi ngoài ba mươi tuổi, đã đến Fort Smith trên một chiếc tàu đánh cá và cho rằng cộng đồng nơi đây cần có một nhà băng tốt hơn. Ông ta đã chộp được cơ hội. Ở đó chỉ còn một nhà băng khác nữa và William Mann mất không đầy hai năm để đẩy đối thủ của mình ra ngoài cuộc đấu. Mann điều hành nhà băng rất đúng cách. Vốn say mê toán học, ông ta coi sóc để sao cho những con số luôn luôn là có lợi cho mình. Ông rất hay nói tới câu chuyện đùa về một người đàn ông đến một ông chủ nhà băng mượn tiền cho một ca mổ khẩn cấp cho đứa con nhỏ của mình. Khi người vay tiền nói không có gì thế chấp, ông chủ nhà băng bèn đuổi ông ta ra. - Tôi sẽ đi, - người đàn ông nói, - nhưng tôi muốn bảo cho ông biết rằng cả đời tôi chưa bao giờ thấy ai nhẫn tâm như ông cả. - Đợi một chút, - Ông chủ nhà băng đáp lại. - Tôi sẽ cho ông một khả năng nầy. Một trong hai con mắt tôi làm bằng thuỷ tinh. Nếu ông có thể nói đó là bên mắt nào, thì tôi sẽ cho ông vay. - Con mắt trái của ông. - Ngay lập tức, ông vay tiền đáp. - Không ai biết chuyện nầy cả. Làm sao mà ông có thể đoán được? - Ông chủ nhà băng kinh ngạc. - Thật dễ thôi. Trong một thoáng, tôi tưởng là đã thấy một ánh nhìn thông cảm ở con mắt bên trái, bởi vậy tôi biết nó là con mắt thuỷ tinh. Câu chuyện đó, đối với William Mann, là bài học tốt cho một nhà kinh doanh. Người ta không thể buôn bán trên cơ sở sự thông cảm. Phải nhìn xuống mức thấp nhất. Trong khi các nhà băng khác ở Canada và Mỹ đổ liểng xiểng thì nhà băng của William Mann mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên tắc của ông ta rất đơn giản: Không cho vay tín dụng để khởi đầu công việc làm ăn. Không đầu tư với những trái phiếu vô tích sự. Không cho những người láng giềng vay, dù họ đang có đứa con cần được giải phẫu gấp. Mann hết sức kinh hãi trước hệ thống nhà băng Thuỵ Sĩ Những ông thần giữ của ở Zurich là chủ của các chủ nhà băng. Bởi vậy, một hôm, William Mann đã quyết định phải đi Thuỵ Sĩ, trao đổi với một vài ông chủ nhà băng ở đó để xem ông ta còn thiếu sót gì không, còn cách nào để có thể vắt thêm từng xu Canada được không. Ông ta đã được tiếp đón tử tế, nhưng rốt cuộc thì cũng không học được gì thêm. Các phương thức kinh doanh ngân hàng của ông ta là đáng ngưỡng mộ, và các ông chủ nhà bằng Thuỵ Sĩ đã không hề ngần ngại nói ra điều đó. Hôm phải lên đường trở về, Mann quyết định tự cho mình một cuộc du ngoạn trên dãy Alps. Chuyến đi thật chán ngắt. Phong cảnh thì đẹp, nhưng cũng chẳng hơn gì cảnh quan Fort Smith. Một trong số những du khách, một người Texas, đã cả gan toan thuyết phục ông ta cấp tín dụng cho một cái trang trại đang vỡ nợ: ông ta đã cười vào mũi gã. Điều duy nhất trong chuyến đi được coi là có chút thích thú, chính là vụ tai nạn của cái gọi là đĩa bay kia. Trong một giây, Mann đã không tin vào sự thật đó. Ông ta tin đó là do chính phủ Thuỵ Sĩ bày đặt ra để gây ấn tượng cho khách du lịch. Ông ta đã từng đến Thế giới Walt Disney, và đã nhìn thấy những điều tương tự, trông thì như thật nhưng lại là giả. Đó là con mắt thuỷ tinh của Thuỵ Sĩ, ông ta mỉa mai thầm nghĩ. William Mann sung sướng được trở về nhà. Từng phút của ông chủ nhà băng nầy đều được ấn định tỉ mỉ cho mỗi ngày làm việc, và khi viên thư ký bước vào nói có một người lạ muốn được gặp, thì ý nghĩ đầu tiên của Mann là mời ông ta đi. - Ông ta muốn gì? - Ông ta nói muốn phỏng vấn ông. Ông ta đang viết một bài báo về các chủ nhà băng. Đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Sự xuất hiện đúng cách là tốt cho công cuộc kinh doanh. William Mann chỉnh lại chiếc áo khoác, vuốt tóc ngay ngắn, và nói: - Đưa ông ta vào. Khách là một người Mỹ, ăn mặc sang trọng, điều đó chứng tỏ ông ta làm việc cho một tạp chí hoặc một tờ báo lớn. - Ông ỉà Mann phải không ạ? - Phải. - Tôi là Robert Bellamy. - Thư ký của tôi nói rằng ông muốn viết một bài báo về tôi. - Ồ không phải là hoàn toàn về ông, - Robert nói. - Nhưng tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó. Tờ báo của tôi. - Tờ nào vậy? - Nhật báo Wall Strees. - À thế thì tuyệt vời. - Tờ Nhật báo cảm thấy rằng hầu hết các chủ nhà băng đều quá xa rời với những gì đang xảy ra trên thế giới. Họ ít khi di chuyển, họ không chịu đi tới những nước khác. Trái lại, thưa ông Mann, ông có tiếng là rất hay đi. - Tôi nghĩ là như vậy, - Mann nói một cách khiêm nhường. - Thực tế là tôi vừa mới trở về từ chuyến đi Thuỵ Sĩ tuần trước. - Thật thế ư? Ông có hài lòng với nó không? - Có. Tôi đã gặp gỡ một vài chủ nhà băng ở đó. Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới. Robert đã rút ra một cuốn sổ và đang ghi chép. - Ông có thời gian giải trí không? - Không hẳn. Ờ, tôi có một chuyến đi du ngoạn bằng xe bus. Trước đây, tôi chưa bao giờ được thấy dãy Alps. Robert ghi chép thêm một chút. - Một chuyến du lịch. Đó chính là cái mà chúng tôi đang tìm kiếm, - Robert nói đầy vẻ khuyến khích. - Tôi hình dung là ông đã gặp nhiều người đáng mến trên chuyến xe bus đó. - Đáng mến ư? - Ông ta nghĩ đến cái người đàn ông Texas toan vay tiền. - Không hẳn là như thế. - Ô? Mann nhìn ông khách. Tay phóng viên nầy rõ ràng là chờ ông ta nói thêm. "Tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó" - Có một cô gái người Nga. - Thế ư? Hãy nói với tốt về có ta. - Robert ghi vào sổ. - Ồ, chúng tôi bắt chuyện với nhau, và tôi đã giải thích cho cô ta hiểu nước Nga lạc hậu như thế nào và đang hướng tới những khó khăn khủng khiếp ra sao, trừ phi họ thay đổi. - Hẳn là cô ta bị gây ân tướng rất mạnh, - Robert nói. - Ồ có chứ. Có vẻ là một cô gái thông minh. Nghĩa là với người Nga. Ông biết đấy, tất cả họ đều bị cô lập quá. Cô ta có nói tên không? - Không, à…, khoan nào. Olga gì đó. - Cô ta có ngẫu nhiên nói là từ đâu tới không? - Có. Cô ta làm việc tại một thư viện lớn ở Kiev. Đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của cô ấy, tôi đoán, là nhờ có cải tổ. Nếu như ông muốn biết ý kiến của tôi… - Ông ta ngừng lời để cho Robert ghi lại - Về mặt chính trị, Gorbachev đi quá nhanh, còn về mặt kinh tế thì ông ta lại đi quá chậm. - Thật là kỳ lạ. - Robert lẩm bẩm. Anh bỏ ra nửa giờ nữa với tay chủ nhà băng, nghe những bình luận chủ quan của ông ta về đủ mọi thứ, từ Thị trường chung đến kiểm soát vũ trang. Anh đã không thể có thêm thông tin gì về những hành khách khác. Khi Robert trở về khách sạn, anh gọi ngay cho tướng Hilliard. - Xin chờ một chút, ông chỉ huy Bellamy. - Anh nghe thấy một loạt tiếng lách cách, và rồi tiếng tướng Hilliard vang lên. - Có! Ông sĩ quan? - Thưa tướng quân, tôi vừa tìm ra một hành khách nữa. - Tên? - William Mann. Ông ta có một nhà băng ở Fort Smith, Canada. - Cảm ơn. Tôi sẽ báo cho giới chức Canada nói chuyện với ông ta ngay lập tức. - Nhân thể có việc là ông ta trao cho tôi một manh mối khác. Tối nay tôi sẽ phải bay đi Nga. Tôi cần có một thị thực của Intourist Nga. - Ông đang gọi từ đâu đấy? - Fort Smith. - Dừng lại khách sạn Visigoth ở Stockholm. Sẽ có một phong bì cho ông ở chỗ tiếp tân. - Cảm ơn ngài. * * * * * Vào lúc 11 giờ đêm hôm đó, chuông cửa nhà William Mann réo vang. Ông ta không hề đợi ai, và càng không ưa những khách viếng thăm bất ngờ. Người quản gia đã nghỉ, và vợ ông ta đang yên giấc trong phòng riêng trên gác. Khó chịu, Mann ra mở cửa. Hai người đàn ông mặc đồ đen đứng sững trước ông. - Ông là William Mann phải không? - Phải. Một trong hai người kia rút ra tấm căn cước. - Chúng tôi ở Ngân hàng Canada. Chúng tôi có thể vào được không? - Có chuyện gì vậy? - Mann chau mầy. - Chúng tôi muốn thảo luận ở trong nhà, nếu như ông không phản đối. - Được - Ông ta dẫn họ vào phòng khách. - Mới đây ông đến Thuỵ Sĩ phải không? - Câu hỏi làm cho ông ta bị bất ngờ. - Cái gì? Phải, nhưng có chuyện quái quỷ gì thế? - Trong thời gian ông đi vắng, chúng tôi đã kiểm tra sổ sách của ông, ông Mann. Ông có biết là tại ngân hàng của ông thiếu hụt một triệu đô la không? William Mann nhìn hai người đàn ông, thất kinh. - Các ông nói cái gì vậy? Tuần nào tôi cũng đích thân kiểm tra sổ sách mà. Chưa bao giờ thiếu một đồng xu nào cả. - Một triệu đô la, thưa ông Mann. Chúng tôi nghĩ là ông phải chịu trách nhiệm biển thủ số tiền đó. Mặt đỏ bừng lên, Mann thấy mình lắp bắp. - Sao, sao các người dám… Cút khỏi đây ngay trước khi tao gọi cảnh sát. - Điều đó chẳng có lợi gì cho ông cả. Cái chúng tôi muốn ở ông là phải biết hối hận. Lúc nầy, ông ta nhìn họ chằm chằm, tức tối. - Hối hận? Hối hận chuyện gì hả? Các người điên rồi. - Không đâu, thưa ông. Một trong hai người đàn ông rút ra một khẩu súng. - Ông Mann, ngồi xuống. - Ôi, lạy Chúa! Mình bị cướp rồi. - Nầy, - Mann nói, - hãy lấy bất kỳ thứ gì các người muốn. Không cần phải bạo hành và… - Xin mời ngồi xuống. Người đàn ông thứ hai bước đến bên tủ rượu. Nó bị khoá. Hắn đập vỡ tấm kính và lấy ra một cái cốc uống nước lớn, rót đầy rượu và mang đến chỗ Mann đang ngồi. - Uống đi. Nó sẽ làm cho ông thấy thoải mái. - Tôi, tôi không bao giờ uống sau bữa tối. Bác sĩ của tôi… - Uống đi, nếu không cái ly sẽ đầy óc của ông đấy. - Gã kia dí súng vào thái dương Mann. Bây giờ thì Mann hiểu là mình đang ở trong tay hai thằng điên. Ông ta run run cầm cốc rượu lên và uống một ngụm. - Uống cạn đi. Ông ta uống một ngụm lớn hơn. - Các các ông muốn gì? - Ông ta cất cao giọng, hy vọng rằng bà vợ có thể nghe thấy và đi xuống nhà, nhưng đó chỉ là một mong muốn tuyệt vọng. Ông biết rõ bà luôn ngủ say như chết. Rõ ràng là hai người nầy đến để cướp bóc. Tại sao họ không vơ vét rồi chuồn đi nhỉ? - Muốn lấy gì thì lấy, - Ông ta nói. - Tôi sẽ không ngăn trở gì. - Uống nốt đi. - Không cần phải thế nầy. Tôi… - Uống nốt đi. Gã đàn ông đánh mạnh vào phía trên tai, Mann kêu lên đau đớn. Ông ta uống nốt chỗ Wishky còn lại và cảm thấy choáng váng. - Két của tôi ở trong phòng ngủ trên gác, - Ông ta nói, giọng bắt đầu líu lại. - Tôi sẽ mở nó cho các anh. - Có thể điều đó sẽ làm cho vợ mình thức giấc và bà ta sẽ gọi điện cho cảnh sát. - Không vội gì, - gã cầm súng nói. - Ông có nhiều thời gian để uống. Người thứ hai đi lại chỗ tủ rượu và rót đầy một ly khác. - Đây! - Không, thật mà, - William Mann phản đối. - Tôi không muốn. Ly rượu được ấn vào tay. - Uống đi. - Tôi thật sự không… Một quả đấm giáng vào chỗ bị đáng súng đập. Mann suýt ngất đi vì đau đớn. - Uống đi. Thôi được nếu như đó là điều chúng mầy muốn thì sao lại không nhỉ? Cơn ác mộng nầy càng qua nhanh càng tốt. Ông ta uống một ngụm lớn và đưa tay bịt miệng. - Nếu như tôi uống nữa, tôi sẽ nôn mất. - Nếu như mà nôn, tôi sẽ giết ông. - Gã kia nói ngay. Mann ngước nhìn hắn, rồi gã cùng đi với hắn. Dường như cứ mỗi tên biến thành hai vậy. - Các người muốn gì cơ chứ? - Ông ta lẩm nhẩm. - Ông Mann, chúng tôi đã nói rồi. Chúng tôi muốn ông hối hận. - Được Tôi hối hận. - William Mann ngật ngưỡng gật đầu. Hai gã mỉm cười. - Ông thấy đấy, đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu Bây giờ… - Hắn ấn một mẩu giấy vào tay Mann. - Tất cả những gì ông phải làm là viết. Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi… - Có thế thôi hả? - William ngước mắt lên vẻ u muội. - Thế thôi. Và rồi chúng tôi sẽ đi khỏi đây. Ông ta đột nhiên cảm thấy phấn chấn. Vậy là chuyện chỉ có thế Họ là những kẻ cuồng tín. Ngay sau khi họ đi, mình sẽ gọi cảnh sát và cho bắt hết. Mình sẽ kiện để những kẻ khốn kiếp nầy bị treo cổ. - Viết đi ông Mann. Ông ta thấy khó tập trung đầu óc. - Anh nói anh muốn tôi viết gì hả? - Hãy viết, "Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi". - Phải. - Ông ta cầm bút một cách khó khăn, cố tập trung và bắt đầu viết. "Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi!" Gã nhặt mảnh giấy từ tay Mann, những ngón tay cầm sát mép giấy. - Ông Mann, thế là tốt. Thấy dễ dàng chưa? Căn phòng bắt đầu quay cuồng. - Phải. Cảm ơn. Tôi đã hối hận. Bây giờ thì các anh đi chứ? - Tôi thấy là ông thuận tay trái? - Sao cơ? - Ông thuận tay trái. - Đúng. - Gần đây, vùng nầy có nhiều tội phạm, ông Mann. Chúng tôi sẽ để cho ông giữ khẩu súng nầy. Mann cảm thấy một khẩu súng được đặt vào bàn tay trái mình - Ông có biết sử dụng một khẩu súng như thế nào không? - Không. - Rất đơn giản. Ông dùng như thế nầy nhé… - Gã ta đàn ông nâng khẩu súng lên thái dương William và miết ngón tay của ông chủ nhà băng lên cò súng. Một tiếng nổ bị bóp nghẹt. Mẩu giấy dính máu được thả xuống sàn nhà. - Thế là xong, - một trong hai gã nói. - Chúc ngủ ngon, ông Mann. Điện khẩn. Tối mật. CGHQ gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 7. William Mann - Fort Smih - Đã bị thủ tiêu Hết. Ngày thứ mười. Fort Smith, Canada. Sáng hôm sau, các nhân viên thanh tra ngân hàng báo cáo về việc mất một triệu đô la tại nhà băng của Mann. Cảnh sát đã xếp cái chết của Mann vào dạng tự sát. Khoản tiền bị mất kia chẳng bao giờ được tìm thấy. Chương 29 Ngày thứ mười một. Brussels, 3 giờ 00. Tướng Shipley, chỉ huy trưởng tại Bộ tư lệnh khối NATO, được người sĩ quan phụ tá của ông đánh thức dậy. - Thưa tướng quân, tôi xin lỗi vì phải đánh thủc ngài, nhưng dường như chúng ta đang có tình hình báo động. Tướng Shipley dụi mắt cho hết ngái ngủ. Đêm trước, ông đã phải thức khuya để tiếp đón các Thượng nghị sĩ từ Mỹ tới thăm. - Có chuyện gì vậy Billy? - Tôi vừa nhận được tin báo từ đài ra-đa , thưa ngài. Hoặc là tất cả các thiết bị của chúng ta trở nên điên loạn, hoặc là chúng ta đang có những người khách lạ. Tướng Shipley bật ra khỏi giường. - Nói với họ là năm phút nữa tôi sẽ tới. Căn phòng ra-đa mờ tối đầy kín các sĩ quan và binh sĩ tập hợp xung quanh các màn ảnh ra-đa sáng bừng đặt ở chính giữa. Họ quay lại và đứng nghiêm khi ông tướng bước vào. - Nghỉ. - Ông ta bước tới viên sĩ quan trực ban, đại uý Muller. - Lewis, có chuyện gì thế? Đại uý Muller đưa tay vuốt đầu. - Tôi thua. Ngài có bao giờ thấy một máy bay nào có thể bay với tốc độ 22 nghìn dặm một giờ, đột ngột dừng lại, và rồi bay theo hướng ngược lại không? - Anh đang nói cái gì vậy hả? - Tướng Shipley trợn mắt lên. Căn cứ vào màn ảnh ra-đa của chúng ta thì đó chính là những gì diễn ra trong suốt nửa giờ đồng hồ qua. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó có thể là một thứ thiết bị điện tử gì đó đang được thử nghiệm, nhưng chúng tôi đã kiểm tra lại với người Nga, người Anh, người Pháp, và họ cũng ghi nhận được cùng một thứ như vậy trên các màn hình ra-đa của họ. - Vậy thì không thể là chuyện trục trặc trong thiết bị được, - tướng Shipley nặng nề nói. - Vâng, thưa ngài. Trừ phi giả thiết rằng tất cả các ra-đa trên thế giới đều bất chợt trở nên điên rồ hết. Bao nhiêu cái đó đã xuất hiện trên màn ra-đa ? - Hơn một chục. Chúng chuyển động nhanh đến mức chỉ bám theo cũng đã khó khăn lắm rồi. Chúng tôi ghi nhận được chúng, và chúng lại biến mất ngay. Chúng tôi đã loại trừ các hiện tượng khí quyển, khí tượng, sao băng, bóng thám không, và mọi phương tiện bay mà chúng ta đã biết. Tôi đang tính cho vài máy bay cất cánh, nhưng những vật thể nầy, không biết là thứ gì nữa, bay cao khủng khiếp đến mức chúng ta không bao giờ có thể đến gần chúng được. Tướng Shipley bước lại một trong những màn ra-đa . Hiện bây giờ trên màn hình của các anh có cái gì không? - Thưa không. Chúng đi rồi. - Anh ta ngập ngừng một giây. - Nhưng, thưa tướng quân, tôi có cảm giác hãi hùng là chúng sẽ còn trở lại. Chương 30 Ottawa, 5 giờ 00. Khi Janus đọc dứt bản báo cáo của tướng Shipley, vị người Italia đứng dậy và nói với vẻ kích động: - Chúng đang sẵn sàng xâm lăng chúng ta. - Chúng xâm lăng chúng ta rồi. - Người Pháp nói. - Chúng ta đã quá trễ. Đó là một thảm hoạ. - Người Nga nói. - Không có cách nào. Janus cắt ngang. - Thưa quý vị, đó là một thảm hoạ mà chúng ta có thể ngăn chặn. - Như thế nào? Ngài biết đòi hỏi của chúng à? - Người Anh nói. - Vấn đề không phải là những đòi hỏi của chúng. - Người Brasil nói. - Việc chúng ta làm gì với cây cối của chúng ta đâu phải việc của họ. Cái gọi là hiệu ứng nhà kính chỉ là một thứ khoa học rác rưởi, hoàn toàn chưa được kiểm nghiệm. - Còn về chúng tôi thì sao? - Người Đức nói. - Nếu chúng buộc chúng tôi phải làm sạch bầu không khí trên các thành phố của nước Đức, chúng tôi sẽ phải đóng cửa các nhà máy và sẽ không còn lại ngành công nghiệp nào cả. - Còn chúng tôi sẽ phải ngừng sản xuất ô tô, - người Nhật Bản nói. - Và rồi nền văn minh của thế giới nầy sẽ thế nào? - Chúng ta đều cùng trong một tình thế như nhau. - Người Nga nói. - Nếu như phải ngừng tất cả những gì làm ô nhiễm môi trường, như họ đòi hỏi, thì điều đó sẽ huỷ hoại các nền kinh tế thế giới. Chúng ta phải dành thêm thời gian cho đến khi sẵn sàng với cuộc Chiến tranh giữa các hành tinh. Đồng ý như vậy. Vấn đề trước mắt của chúng ta là giữ cho dân chúng bình tĩnh và tránh sự hỗn loạn lan tràn. - Janus nói một cách quả quyết. - Công việc của sĩ quan chỉ huy Bellamy thế nào rồi? - Người Canada nói. - Đang có những kết quả tuyệt hảo. Ông ta sẽ hoàn tất nhiệm vụ trong một hai ngày tới. Chương 31 Kiev, Ucraina. Giống như hầu hết những phụ nữ Nga khác, Olga Romanchanko đã trở nên chán ngán với cải tổ. Thoạt đầu tất cả những thay đổi được hứa hẹn sẽ diễn ra trên Tổ quốc Nga có vẻ thật hấp dẫn. Những ngọn gió tự do thổi trện các đường phố, và niềm hy vọng tràn ngập bầu không khí. Có những lời hứa hẹn về thịt và rau tươi trong các cửa hàng, những quần áo đẹp những đôi giầy da thật và cả trăm thứ tuyệt diệu khác. Nhưng giờ đây, sáu năm sau khi nó vận hành, sự vỡ mộng cay đắng đã xen vào. Hàng hoá khan hiếm hơn bao giờ hết. Thực sự là mọi thử đều thiếu và giá cả tăng vọt. Những ổ gà lớn ngổn ngang trên các đường phố chính. Nhan nhản những cuộc biểu tình và số tội phạm tăng lên. Những hạn chế cũng nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Cải tổ và công khai đã bắt đầu có vẻ rỗng tuếch như những lời hứa hẹn của các nhà chính trị đã khơi xướng chúng. Olga đã làm việc tại một thư viện trên quảng trường Lenkosomol ở trung tâm Kiev bẩy năm trời. Cô ba mươi hai tuổi và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Liên Xô. Trông Olga khá hấp dẫn, hơi mập một chút, nhưng ở Nga thì điều đó không bị coi là một nhược điềm. Cô đã từng kết hôn với hai người đàn ông, và họ đều đã bỏ rơi cô: Dmitri, người đã đi Leningrad, và Ivan, người đã bỏ đi Mátxcơva. Olga đã toan đi theo để cùng sống với Ivan, nhưng không có hộ khẩu Mátxcơva thì điều đó là không thể được. Khi sinh nhật lần thứ ba mươi ba của cô đến gần, Olga quyết tâm đi thăm thú thế giới bên ngoài một lần cho biết. Cô đến gặp giám đốc thư viện, người tình cờ lại là bà dì của cô. - Cháu muốn được nghỉ phép, - Olga nói. - Khi nào thì cô muốn đi? - Tuần sau. - Chúc vui vẻ. Mọi chuyện thật đơn giản. Trước thời cải tổ, đi nghỉ phép có nghĩa là đi Biển Đen, Samarkan hoặc Tbilisi, hoặc là bất kỳ chỗ nào khác nhưng không vượt khỏi lãnh thổ Liên Xô. Còn giờ đây, nếu tháo vát một chút thì cả thế giới sẽ mở ra trước bạn. Olga lấy một cuốn bản đồ từ trên giá sách và chúi đầu vào đó. Bên ngoài là cả một thế giới lớn. Châu Phi, châu Á, Bắc và Nam Mỹ… Cô e ngại đi xa đến như thế, bèn lật sang tấm bản đồ châu u. Thuỵ Sĩ, cô nghĩ. Đó là nơi mình sẽ tới. Cô sẽ chẳng bao giờ thú nhận với ai trên đời nầy, nhưng Thuỵ Sĩ đã hấp dẫn cô, chủ yếu vì cô đã hơn một lần được biết mùi chocolat của nó, và cô không bao giờ có thể quên được cảm giác đó. Cô thích ăn kẹo. Ở Nga - khi mà người ta có thể kiếm được - thì cũng là thứ kẹo không đường và mùi vị thì chẳng ra gì. Olga đã phải đổi mạng sống chỉ vì thèm được ăn kẹo chocolat. Hành trình trên chuyến bay Aeroflot tới Zurich là một sự khởi đầu thú vị. Chưa bao giờ đi máy bay, Olga rất hồi hộp khi phi cơ hạ cánh xuơng sân bay quốc tế ở Zurich. Trong không khí có cái mùi gì đó khang khác. Có thể là mùi vị của tự do thật sự, Olga nghĩ. Tiền bạc của cô rất eo hẹp, và cô đã đặt phòng trước ở Leonhare, một khách sạn nhỏ, rẻ tiền, ở số 136 Limmatquai. Olga làm thủ tục ở bàn tiếp tân. - Đây là lần đầu tiên tôi tới Thuỵ Sĩ, - Cô trình bày với nhân viên khách sạn bằng một thứ tiếng Anh ngắc ngứ. - Anh có thể gợi ý cho tôi nên làm gì không. - Tất nhiên. Ở đây thì có nhiều thử lắm, - anh ta nói với cô. - Có thể là cô nên bắt đầu với một vòng quanh thành phố. Tôi sẽ thu xếp việc đó. - Cảm ơn. Olga thấy Zurich thật hấp dẫn. Cô sững sờ trước cảnh quan và những âm thanh của thành phố nầy. Người đi đường ăn mặc đẹp và lái những chiếc xe đắt tiển. Với Olga thì dường như tất cả mọi người ở Zurich đều là những nhà triệu phú… Và còn những cửa hiệu dọc con đường Bahnhofstrasse, đường phố buôn bán chính của Zurich, và cô ngạc nhiên trước mức độ phong phú đến không thể tin được trong các ô kính: nào váy, nào áo khoác, váy lót, giầy dép, đồ nữ trang, bát đĩa, đồ gỗ, ô tô, sách báo, ti vi, radio, đồ chơi và đàn piano… Hàng hoá bày bán dường như không kể xiết. Và rồi Olga chợt đi ngang qua tiệm Sprungli, nổi tiếng về mứt và kẹo chocolat. Trời, chocolat! Bốn ô kính lớn đầy ngập, đủ các loại khác nhau. Có cả chuối bao chocolat và những hạt chocolat trong chứa một chút rượu hảo hạng. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy sướng. Olga những muốn mua tất cả, nhưng khi biết giá rồi thì đành chỉ mua một hộp thập cẩm nhỏ và một hộp lớn những chocolat thanh. Trong tuần lễ tiếp theo đó, Olga đã thăm khu vườn Zurichchhorn, bảo tàng Rietherg và nhà thờ Grossmunster - được xây cất trong thế kỷ mười một, và hơn một chục điểm du lịch tuyệt vời khác. Sau cùng, đã cũng sắp hết thời gian. Người nhân viên ở khách sạn Leonhare nói với cô: - Hàng xe bus du lịch Sunshine có một tuyến rất hấp dẫn trên vùng núi Alps. Tôi nghĩ là cô có thể thưởng ngoạn điều đó trước khi rời khỏi đây. - Cảm ơn, Olga nói. - Tôi sẽ thử xem. Khi rời khỏi khách sạn, nơi dừng chân đầu tiên của cô là tiệm Sprungli, và nơi tiếp theo là văn phòng hãng Sunshine đề làm thủ tục cho một chuyến đi. Quang cảnh đẹp đến nghẹt thở, và giữa chừng của chuyến đi, họ đã chứng kiến vụ nổ của cái mà thoạt đầu cô nghĩ là đĩa bay, nhưng ông chủ nhà băng người Canada ngồi cạnh cô đã giải thích rằng đó chỉ là chuyện bày đặt của chính phủ Thuỵ Sĩ dành cho du khách, và rằng không hề tồn tại cái mà cô vừa nghĩ đến. Olga đã không hoàn toàn bị thuyết phục. Khi trở về nhà ở Kiev, cô đã mang chuyện nầy ra nói với bà dì của mình. - Chắc là có đĩa bay, - bà dì nói. - Chúng bay trên bầu trời nước Nga suốt ấy mà. Cháu nên bán câu chuyện của mình cho một tờ báo. Olga đã tính làm như vậy nhưng lại sợ bị người ta cười cho. Đảng Cộng sản không muốn các đảng viên của mình trở thành đối tượng của sự nhạo báng. Dù sao chăng nữa, Olga kết luận, bên cạnh chuyện Dmitri và Ivan, kỳ nghỉ của cô là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời. Thật là khó khăn khi bắt tay vào trở lại với công việc. * * * * * Chiếc xe bus của Intourist chạy mất một giờ trên con đường cao tốc mới được xây dựng từ sân bay về tới trung tâm Kiev. Đó là lần đầu tiên Robert tới đây, và anh có ấn tượng mạnh mẽ với những công trình xây dựng đâu đâu cũng thấy trên dọc đường và những toà nhà ở lớn đang mọc lên khắp nơi. Chiếc xe bus dừng lại trước khách sạn Dniepr và đổ xuống hơn hai chục hành khách. Robert nhìn đồng hồ đeo tay mình, 8 giờ. Thư viện đóng cửa mất rồi. Anh làm thủ tục thuê phòng ở cái khách sạn lớn ấy, nơi mà một phòng đã được đặt trước cho anh, uống một cốc ở quầy rượu và đi vào trong cái phòng ăn trắng toát mộc mạc để ăn một bữa tối với trứng cá muối, dưa chuột, cà chua, sau đó là món khoai tây hầm với chút thịt có thêm nhiều bột, tất cả được kèm với Vodka và nước khoáng. Thị thực nhập cảnh đã được để sẵn cho anh tại khách sạn ở Stockholm như tướng Hilliard đã hứa. Đó là kêt quả nhanh chóng của sự hợp tác quốc tế, Robert nghĩ. Nhưng chẳng có sự hợp tác nào cho mình cả. Từ nghiệp vụ gọi là "Trần trụi". Sau bữa ăn, Robert hỏi han đôi chút tại bàn tiếp tân và đi vơ vẩn ra quảng trường Lenkosomol. Kiev thật sự gây ngạc nhiên đối với anh. Là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Nga, với dáng vẻ châu u nó nằm trên bờ sông Dniepr, với những công viên xanh tươi và những đường phố rộng lớn có cây trồng dọc hai bên. Ở đâu cũng thấy các nhà thờ, và chúng là những thí dụ ngoạn mục cho kiến trúc tôn giáo, như các nhà thờ Thánh Vladimir, Thánh Andrew, và Thánh Sofia - nhà thờ sau cùng nầy được hoàn tất vào năm 1037, và tu viện Pechersk, công trình kiến trúc cao nhất thành phố. Susan sẽ rất yêu thích những phong cảnh nầy, Robert nghĩ. Cô chưa bao giờ đến nước Nga. Anh băn khoăn không biết cô đã từ Brasil trở về hay chưa. Cảm thấy bị thôi thúc, anh gọi điện thoại cho cô khi trở lại khách sạn, và anh ngạc nhiên thấy gần như không hề phải chờ đợi gì. - Xin chào? - Cái giọng cổ khêu gợi ấy. - Chào. Brasil thế nào? - Robert. Em cố gọi cho anh mấy lần. Không có ai trả lời. - Anh không có nhà. Ôi! Cô đã được huấn luyện quá kỹ để không hỏi là anh đang ở đâu. - Anh có khoẻ không đấy? Đối với một thằng quan hoạn thì khoẻ. - Tất nhiên. Khoẻ. Cái túi tiền Monte thế nào? - Anh ấy khoẻ. Robert, ngày mai chúng em sẽ đi Gibraltar. Tất nhiên là trên cái du thuyền của thằng cha Cái túi tiền khốn kiếp kia. Tên nó là gì ấy nhỉ? À, phải, Thanh Bình. - Bằng du thuyền? - Vâng. Anh có thể gọi cho em ở đó. Anh có nhớ số máy không? Anh nhớ. - WS387. WS có nghĩa gì nhỉ? Susan tuyệt diệu chăng?… Sao lại phải xa nhau chăng…Kẻ đi cướp vợ người? - Anh Robert? - Có anh nhớ. WS (Wishky và Đường) 337. - Anh sẽ gọi chứ? Để em biết là anh khoẻ mạnh mà. - Rồi. Anh nhớ em, cô bé ạ. Một im lặng đau đớn, hồi lâu. Anh chờ đợi. Anh đợi cô nói gì nhỉ? Đến cứu em khỏi cái thằng cha quyến rũ nầy, gã trông giống một Paul Newman và đã bắt em phải đi trên chiếc du thuyền lộng lẫy của hắn và sống trong những cung điện nhỏ nhắn nghèo khổ ờ Monte Carlo, Paris, London và chỉ có Chứa mới, biết được là còn ở những đâu nưà. Giống như một thằng ngu, anh thấy mình có phần mong cô sẽ nói như thế. - Em cũng nhớ anh, Robert. Hãy tự chăm sóc mình. Và đường dây bị cắt. Anh còn lại ở nước Nga, đơn độc. * * * * * Ngày thứ mười hai. Kiev, Ucraina. Sáng sớm hôm sau, khi thư viện mở cửa được mười phút, Robert đã bước vào toà nhà lớn, ảm đạm, và tiến lại bàn thường trực. - Xin chào. - Robert nói. Người phụ nữ ngồi sau bàn ngẩng lên. - Xin chào. Ông cần gì? - Vâng. Tôi đang tìm một người phụ nữ mà tôi tin là đang làm việc ở đây, cô Olga. - Olga? Có đấy. - Chị ta chỉ sang một phòng khác. - Cô ấy ở trong phòng kia. - Cám ơn. Thật là dễ dàng. Robert bước đi ngang qua một nhóm sinh viên đang chăm chú làm việc bên những chiếc bàn dài. Chuẩn bị cho một thứ tương lai gì thế không biết? Robert băn khoăn. Anh tới một phòng đọc nhỏ hơn và bước vào bên trong. Một người phụ nữ đang bận bịu xếp lại những cuốn sách. - Xin thứ lỗi, - Robert nói. - Gì thế ạ? - Chị ta quay lại. - Chị là Olga? - Tôi là Olga. Ông cần gì ở tôi thế? Robert nở một nụ cười gây thiện cảm. - Tôi đang viết một bài báo về công cuộc cải tổ và ảnh hưởng của nó đối với những người Nga ở tầng lớp trung bình. Nó có tác động đến đời sống của chị không? Người phụ nữ nhún vai. - Trước Gorbachev, chúng tôi không dám mở miệng. Bây giờ chúng tôi có thể mở miệng nhưng lại không có gì để cho vào cả. Robert thử một mẹo khác. - Chắc chắn là có những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Thí dụ, bây giờ các bạn có thể đi du lịch. - Hẳn là ông nói đùa. Với một ông chồng và sáu đứa con thì ai mà có tiền đi du lịch? - Thì chị vẫn có thể có tiền đề đi Thuỵ Sĩ và… - Robert cố thêm. - Thuỵ Sĩ ư? Trong đời tôi chưa bao giờ mơ được đến đó. - Chị chưa bao giờ tới Thuỵ Sĩ hả? - Robert từ tốn nói. - Tôi đã nói rồi đấy thôi. - Chị ta hất hàm về phía một phụ nữ tóc sẫm đang chọn sách trên bàn. - Cô ấy mới là người may mắn được tới Thuỵ Sĩ đấy. - Tên cô ấy là gì thế? - Robert liếc mắt nhìn. - Olga. Cùng tên với tôi. - Cám ơn. - Anh thở dài. Một phút sau, Robert đã nói chuyện với cô Olga thứ hai kia. - Xin lỗi, - Robert nói. - Tôi đang viết một bài báo về cải tổ và ảnh hưởng của nó đến đời sống của người dân Nga. - Dạ? - Cô gái nhìn anh một cách cảnh giác. - Tên cô là gì? - Olga. Olga Romanchanko. - Hãy nói cho tôi biết, cô Olga, rằng cải tổ có tác động gì đến cô không? Sáu năm về trước, hẳn Olga Romanchanko sẽ sợ phải nói chuyện với một người nước ngoài, nhưng giờ đây thì điều đó đã được phép. - Không hẳn có gì, - Cô nói một cách thận trọng. - Mọi thứ phần lớn vẫn như cũ thôi. - Không có gì thay đổi trong cuộc sống của cô ư? - Người khách lạ vẫn bướng bỉnh. Cô ta lắc đầu. - Không. - Và rồi cô nói thêm vì lòng yêu nước. - Tất nhiên là bây giờ chúng tôi có thể đi du lịch ra nước ngoài. - Và cô đã đi rồi? - Anh tỏ ra quan tâm. - Ô, vâng. - Cô hãnh diện nói. - Tôi vừa mới từ Thuỵ Sĩ trở về. Một đất nước rất đẹp. - Tôi đồng ý, - anh nói. - Cô có cơ hội làm quen với ai trong chuyến đi đó không? - Tôi đã gặp rất nhiếu người. Tôi ngồi xe bus và chúng tôi đi lên vùng núi cao. Dãy Alps. - Đột nhiên, Olga nhận ra là cô không nên nhắc tới chuyện nầy bởi vì người khách lạ có thể hỏi cô về con tàu vũ trụ; và cô không muốn nói ra. Chuyện đó chỉ có chuốc cho cô những rắc rối mà thôi. - Thế à? Robert hỏi. - Hãy nói cho tôi nghe về những người trên chiếc xe bus đó. Nhẹ cả người. Olga đáp: - Rất thân thiện. Họ ăn mặc… - Cô ra hiệu bằng tay, - rất giàu. Tôi gặp cả một người từ thủ đô của ông tới, từ Washington D.C. - Thế hả? - Vâng. Rẩt tử tế. Ông ấy đã cho tôi tấm danh thiếp. - Cô vẫn giữ nó chứ? - Tim Robert đã ngưng lại một nhịp. - Không Tôi đã ném nó đi rồi. - Cô nhìn quanh. - Tốt hơn là không nên giữ những thứ đó. Khốn kiếp. Và rồi cô nói thêm: - Tôi nhớ tên ông ta. Parker. Parker, giống như tên cái bút của các ông ấy. Kenvin Parker. Rất quan trọng trong các vấn đề chính trị. Ông ấy kề chuyện các Thượng nghị sĩ phải kiếm phiếu thế nào. - Đó là điều ông ấy nói với cô à? - Robert giật mình. - Vâng. Ông ấy đã đưa họ đi du lịch và tặng quà, và rồi họ bỏ phiếu ủng hộ cho những gì mà khách hàng của ông ấy cần. Đó là con đường dân chủ ở nước Mỹ. Một người vận động hành lang. Robert để Olga nói thêm mười lăm phút sau đó, nhưng anh không gó thêm được thông tin có ích gì về những hành khách khác. Robert gọi điện cho tướng Hilliard từ phòng khách sạn của anh. - Tôi đã tìm thấy nhân chứng người Nga. Tên cô ta là Olga Romanchako, làm việc tại thư viện trung tâm ở Kiev. - Tôi sẽ để một quan chức Nga nói chuyện với cô ta. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc GRU. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 8. Olga Romanchanko Kiev. Hết Chiều hôm đó, Robert bay trên chiếc Tu-154 của Aeroflo tới Paris. Anh tới nơi sau 3 giờ 25 phút và chuyển sang một chuyến bay của hãng hàng không Pháp đi Washington D.C. Lúc 2 giờ sáng, Olga Romanchanko nghe thấy tiếng xe ô tô phanh gấp trước toà nhà nơi cô sống, trên phố Veryk. Các bức tường mỏng manh đến nỗi cô có thể nghe được tất cả những tiếng nói ngoài phố. Cô dậy khỏi giường và đến nhìn qua cửa sổ. Hai người đàn ông mặc đồ dân sự đang ra khỏi chiếc xe Chaika màu đen, kiểu xe mà các quan chức chính phủ sử dụng. Họ đi vào cổng chung cư của cô. Bóng dáng họ làm cho cô thấy rùng mình. Nhưng năm qua, một số người hàng xóm của cô đã mất tích, không ai trông thấy họ bao giờ nữa. Một số bị đầy đi Siberia. Olga không biết lần nầy mật vụ đang săn lùng ai, và ngay khi vẫn còn đang nghĩ như vậy, có tiếng gõ cửa, làm cô giật bắn minh. Họ muốn gì ở mình nhỉ? Cô lo lắng. Hẳn là có sự nhầm lẫn. Khi cô mở cửa, hai người đàn ông đang đứng đó. Đồng chí Olga Romanchanko phải không? - Dạ. - Cơ quan Tình báo Quân sự GRU khét tiếng. Họ sấn sổ bước vào phòng. - Các các anh muốn gì? Chúng tôi sẽ là người hỏi. Tôi là Thượng sĩ Yuri Gromkov. Đây là Thượng sĩ Vladimir Zemsky. - Có… có chuyện gì sai trái chăng? Tôi đã làm gì nào? - Cô đột ngột cảm thấy sợ hãi. - Ồ vậy là cô biết mình đã làm gì đó sai trái. - Zemsky chộp lấy. - Không, chắc chắn là không. - Olga nói, bối rối. - Tôi không biết vì sao các anh lại tới đây. - Ngồi xuống. - Gromkov quát lên. Olga làm theo, run rẩy. - Cô vừa từ Thuỵ Sĩ trở về, phải không nào? - Dạ, dạ, - Cô lắp bắp, - nhưng đó - đó là… Tôi được phép của… - Olga Romanchanko, hoạt động gián điệp bất hợp pháp. - Hoạt động gián điệp? Cô khiếp sợ. - Tôi không hiểu các anh đang nói gì. Người đàn ông cao to nhìn chằm chằm vào thân thể cô và Olga bỗng nhận ra cô chỉ có một cái váy ngủ mỏng tang trên người. - Đi. Cô phải đi cùng chúng tôi. - Nhưng, có một sự nhầm lẫn kinh khủng. Tôi là một thủ thư. Xin hỏi bất kỳ ai ở đây. - Nào. - Anh ta kéo cô đứng dậy. - Các anh mang tôi đi đâu? - Về trụ sở. Họ muốn thẩm vấn cô. Họ cho phép cô mặc áo khoác ra ngoài váy ngủ. Cô bị đẩy xuống cầu thang và ấn vào trong chiếc Chaika. Olga nghĩ tới tất cả những người đã phải ngồi vào trong chiếc xe giống như thế nầy, đề không bao giờ trở về, cô chết lặng đi vì sợ hãi. Người đàn ông cao to, Gromkov, lái xe. Olga được đẩy vào ghế sau, ngồi cùng với Zemsky. Anh ta dường như không làm cho cô sợ hãi bằng người kia, nhưng cô đã bị tê liệt với việc biết họ là ai và điều gì sắp xảy ra với mình. - Xin hãy tin tôi. - Olga nói một cách khẩn khoản. Tôi không bao giờ phản bội. - Câm mồm. - Gromkov quát lên. Nầy, chẳng lý do gì phải quá cứng rắn với cô ấy cả. Thực ra thì tôi tin cô ấy. - Vladimir Zemsky nói. Olga cảm thấy tim mình rộn lên vì hy vọng. - Thời thế đã thay đổi. - Zemsky nói tiếp. - Đồng chí Gorbachev không muốn chúng ta quấy nhiễu những người vô tội. Những ngày đó đã qua rồi. - Ai nói là cô ta vô tội? - Gromkov càu nhàu. - Có thể là có có thể là không. Ở trụ sở họ sẽ tìm ra ngay thôi mà. Olga ngồi nghe hai người đàn ông nói về cô như thể cô không hề có ở đó. - Nào, Yuri, cậu biết là ở trụ sở thì cô ấy sẽ thú tội cho dù có tội hay không. Tớ không thích thế. - Zemsky nói. - Chuyện đó thì quá tệ. Chúng ta chẳng thể làm gì được đâu Được chứ. - Cái gì? Người đàn ông ngồi bên cạnh Olga im lặng một thoáng. - Nghe nầy, - anh ta nói, - tại sao chúng ta không thả quách cô ấy ra nhỉ? Chúng ta có thể nói lại là cô ấy không có nhà. Chúng ta sẽ trì hoãn một hoặc bai ngày, và họ sẽ quên chuyện cô ấy đi vì họ có quá nhiều người để tra hỏi rồi. Olga toan nói gì đó, nhưng cổ họng cô khô khốc. Cô mong mỏi đến tuyệt vọng là người đàn ông ngồi cạnh cô thuyết phục được người kia vì sao chúng ta phải liều mạng để cứu cô ta hả? - Chúng ta được gì nào? Cô ấy sẽ làm gì cho chúng ta nào? - Gromkov làu bàu. Zemsky quay lại và nhìn Olga vẻ dò hỏi. Olga cố cất lời: - Tôi không có tiền bạc gì. - Ai cần tiền của cô? Chúng tôi có rất nhiều tiền. - Cô ta có thứ khác. - Gromkov nói. Olga chưa kịp trả lời thì Zemsky nói: - Khoan đã, Yuri Ivanovich, cậu không thể đòi cô ấy làm điều đó. - Tuỳ cô ta thôi. Cô ta có thể ngọt ngào với chúng ta hoặc là tới trụ sở và sẽ bị tra tấn trong một hoặc hai tuần lễ. Có thể là họ sẽ tống cô ta vào trong một cái chuồng cọp xinh xắn. Olga đã nghe về những cái chuồng cọp. Những hầm giam chiều một mét, chiều hai mét lạnh lẽo với một cái giường gỗ và không chăn chiếu gì. "Ngọt ngào với chúng ta". Thế nghĩa là thế nào nhỉ? - Tuỳ cô ta. - Cô muốn thế nào? - Zemsky quay sang Olga. - Tôi, tôi không hiểu. - Anh bạn tôi nói rằng nếu như cô ngọt ngào với chúng tôi, chúng tôi có thể bỏ qua vụ nầy. Sau một thời gian ngắn: có thể họ sẽ quên chuyện của cô. - Tôi tôi sẽ phải làm gì cơ? Gromkov mỉm cười với cô qua tấm gương chiếu hậu. - Hãy dành cho chúng tôi ít phút ở cô. - Anh ta nhớ tới một câu đã đọc ở đâu đó. - Hãy nằm đó và nghĩ tới hoàng đế. - Rồi cười khoái trá. Olga đột nhiên hiểu ra họ muốn gì. Cô lắc đầu. - Không. Tôi không thể làm điều đó. Được. - Gromkov bắt đầu tăng tốc độ. - Ở trụ sở họ sẽ có một cuộc vui với cô. - Khoan. Cô đang trong cơn hoảng sợ và không biết phải làm gì. Cô đã nghe những cầu chuyện khủng khiếp về điều gì xảy đến đối với những người bị bắt giữ và trở thành tội nhân. Cô đã nghĩ rằng tất cả những chuyện đó đã chấm dứt, nhưng bây giờ thì cô hiểu là không phải. Cải cách vẫn còn đang là một hy vọng, một tưởng tượng. Họ sẽ không cho phép cô có một luật sư hoặc nói chuyện với bất kỳ ai. Trong quá khứ, bạn bè của cô đã bị nhân viên GRU hãm hiếp, sát hại. Cô đã mắc bẫy. Nếu cô chịu vào tù, họ có thể giam giữ cô nhiều tuẩn lễ, đánh đập, hãm hiếp cô, hoặc có thể còn tệ hại hơn. Với hai người đàn ông nầy, ít ra thì chuyện đó cũng chỉ qua đi trong ít phút và rồi họ sẽ thả cô ra. Olga đi đến một quyết định. - Cũng được, cô đau khổ nói. - Các anh có muốn quay trở lại căn hộ của tôi không? - Tôi biết có một chỗ tốt hơn. - Gromkov nói. Anh ta vòng xe ngược lại. - Tôi xin lỗi về chuyện nầy, nhưng anh ta là chỉ huy. Tôi không thể ngăn anh ta được. Zemsky thì thầm. Olga không đáp lại. Họ chạy ngảng qua Nhà hát Opera Shevchenko màu đỏ rực và hướng tới một công viên có cây cối bao quanh. Vào giờ nầy, công viên hoàn toàn vắng ngắt. Gromkov lái xe chạy dưới những hàng cây và rồi tắt điện, tắt máy. - Ra ngoài đi. - Anh ta nói. Cả ba người bước ra khỏi xe. - Cô thật may mắn. Chúng tôi thả cô ra thật dễ dàng. Tôi hy vọng là cô sẽ đánh giá cao điều đó. - Gromkov nhìn Olga. Olga gật đầu, không dám nói gì vì quá sợ. Gromkov dẫn họ tới một chỗ quang. - Cởi ra. Trời lạnh, Olga nói. - Chẳng lẽ chúng ta không thể…? - Làm theo lời tao trước khi tao thay đổi ý kiến. - Gromkov tát mạnh vào mặt cô. Olga ngập ngừng một giây, và khi hắn ta lại giơ tay chực đánh, cô bắt đầu cởi khuy áo khoác. - Cởi hẳn ra. Cô thả cái áo rơi xuống đất. - Giờ đến cái váy ngủ. Olga chậm chạp kéo cái váy qua đầu và lột hẳn nó ra, run lên trong trời đêm giá lạnh, đứng trần truồng dưới ánh trăng. - Tấm thân ngon lành. - Gromkov nói. Hắn ta bóp hai đầu vú cô. - Đừng… - Mầy nói nửa lời, chúng tao sẽ mang mầy đến trụ sở. - Anh ta đẩy cô nằm xuống đất. Mình sẽ không nghĩ tới chuyện nầy. Mình sẽ cố nghĩ là mình đang ở Thuỵ Sĩ, trên chiếc xe bus du đi du lịch và ngắm những phong cảnh đẹp đẽ. Gromkov tụt quần ra và giang rộng hai chân Olga. Mình có thể nhìn thấy đỉnh Alps tuyết phủ. Có một cái xe trượt tuyết chạy ngang, trên đó là hai đứa trẻ, một trai, một gái. Cô thấy hắn luồn tay dưới hông cô và ấn cái giống đực vào trong cô, làm cô đau đớn. Có những chiếc xe đẹp đẽ đang chạy trên xa lộ. Nhiều xe hơn bao giờ cô từng nhìn thấy trong đời. Ở Thuỵ Sĩ mỗi người đều có một chiếc xe. Hắn đang dồn dập mạnh hơn trên người cô, cấu véo cô kêu lên những tiếng kêu như thú hoang. Mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ ở trên núi. Người Thuỵ Sĩ gọi là gì nhỉ? Chalét. Và mình sẽ có kẹo chocolat hàng ngày. Có hàng hộp. Lúc nầy, Gromkov đã buông cô ra, thở hồng hộc. Hắn đứng lên và quay sang Zemsky. Đến lượt cậu. Mình sẽ lấy chồng và có con, và cả nhà sẽ đi trượt tuyết vào mùa đông. Zemsky dã mở sẵn khoá quần và lập tức nằm đè lên cô. Đó sẽ là một cuộc sống tuyệt vời. Mình sẽ không bao giờ trở về Nga. Không bao giờ. Không bao giờ. Hắn đã ở trong cô, còn làm cô đau đớn hơn cả gã kia, ghì chặt hai mông cô và đè thân thề cô xuống nền đất lạnh, cho đến lúc sự đau đớn tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa. Mình và gia đình sẽ sống ở một trang trại, một nơi luôn vắng lặng và thanh bình, và có một mảnh vườn với những bông hoa xinh đẹp. Zemsky đã xong và nhìn lên người bạn đồng nghiệp. - Tôi cảm thấy cô ta sướng. - Hắn cười. Rồi cúi xuống tóm lấy đầu Olga và bẻ gẫy cổ cô. Ngày hôm sau, trên tờ báo địa phương có mẩu tin về việc một cô thủ thư bị hiếp và bị giết chết trong công viên. Kèm theo đó là một lời cảnh cáo nghiêm khắc của giới chức trách rằng những cỏ gái trẻ đi một mình vào công viên buổi tối là rất nguy hiểm. Điện khẩn. Tối mật. Phó giám đốc GRU gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 8. Olga Romanchanko - Kiev - Đã bị thủ tiêu Hết Chương 32 Williard Stone và Monte Banks là những kẻ thù tất yếu. Cả hai đều là những con thú ăn thịt tàn bạo, và cánh rừng mà chúng đang lảng vảng rình rập là những bức tường đá cao ngất trên Wall Strees, với những chủ nhân đầy quyền lực, những ông chủ tài chính cỡ bự và những vụ chuyển nhượng cổ phiếu khổng lồ. Hai người đã đụng độ nhau lần đầu tiên trong vụ dành giật một công ty có lợi nhuận lớn. Williard Stone đã thắng thầu lần đầu và hy vọng là không có trục trặc gì. Ông ta có thế lực quá mạnh và tiếng tăm của ông ta khủng khiếp đến độ ít ai dám đương đầu nên đã rất đỗi ngạc nhiên khi được biết có một nhà doanh nghiệp trẻ tên là Monte Banks đang tranh thầu với ông Stone buộc phải nâng thầu và số tiền cứ cao lên mãi. Sau cùng Williard Stone cũng dành được quyền kiểm soát công ty đó, nhưng với lãi suất thấp hơn nhiều so với dự tính. Sáu tháng sau, trong một cuộc bỏ thầu để mua lại một hãng điện tử lớn, Stone lại chạm chán Monte Banks. Giá thầu cứ leo lên mãi và lần nầy thì Banks thắng. Khi Williard Stone biết Monte Banks dự định cạnh tranh với mình để dành quyền kiềm soát một hãng máy tính, ông ta quyết định đã đến lúc phải đối mặt với đối thủ. Hai người đàn ông gặp nhau trên mảnh đất trung lập ở đảo Paradise thuộc bang Bahamas. Williard Stone đã cho điều tra kỹ lưỡng về lai lịch của địch thủ và biết rằng Monte Banks xuất thân từ một gia đình kinh doanh dầu mỏ giầu có và đã khôn khéo thương lượng để đưa di sản thừa kế của anh ta vảo một tổ hợp quốc tế. Hai người ngồi vào bàn ăn trưa. Williard Stone, già và khôn ngoan, còn Monte Banks thì trẻ và hăng hái. - Anh đang trở thành một cái ung nhọt nhức nhối đấy! - Williard mở đầu câu chuyện. Từ miệng ông nói ra thì đó là một lời khen ngợi lớn Monte Banks mỉm cười. - Anh muốn gì? - Như ông thôi. Tôi muốn làm chủ thế giới nầy. - Ồ, thế giới nầy đủ lớn. - Williard Stone trầm ngâm nói. - Nghĩa là thế nào? - Có đủ chỗ cho cả hai chúng ta. Đó là ngày mà họ trở thành bạn của nhau. Mỗi người đều thành công trong việc kinh doanh của mình một cách riêng rẽ, nhưng mỗi khi có những đề án mới - gỗ, dầu, bất động sản - thì họ lại phối hợp với nhau, thay vì đối chọi. Đã vài lần Cơ quan chống kinh doanh bất hợp pháp của Bộ Tư pháp đã cố ngăn chặn những vụ làm ăn của họ, nhưng các mối quen biết của Williard Stone đã luôn tỏ ra có ích. Monte Banks là chủ của những công ty hoá chất phải chịu trách nhiệm trước sự ô nhiễm môi trường tràn lan trên các sông hồ, nhưng khi anh ta bị truy tố, thì bản cáo trạng lại bị bỏ lửng một cách bí ẩn. Hai người đàn ông đó có một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo. Chiến Dịch Ngày Tận Thế là lẽ đương nhiên đối với họ, và cả hai đều tham gia nhiều vào nó. Họ đang sắp kiếm được một hợp đồng mua mười triệu mẫu rừng xanh tốt trong vùng nhiệt đới Amazon. Đó sẽ là một trong những hợp đồng béo bở nhất mà họ kiếm được từ trước tới nay. Họ không thể chấp nhận bất kỳ vật cản nào trên đường đi của mình. Chương 33 Ngày thứ mười ba. Washington, D. C. Thượng nghị viện Mỹ trong một kỳ họp toàn thể… Vị thượng nghị sĩ trẻ từ bang Utah đang phát biểu và những gì đang xảy đến với hệ sinh thái của chúng ta là một điều ô nhục quốc gia. Đã đến lúc bộ máy vĩ đại nầy phải nhận ra rằng việc giữ gìn di sản quý báu mà các bậc tiền bối đã để lại chính là nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là đặc quyền của chúng ta trong việc bảo vệ đất đai, không khí, và các vùng biển khơi bị phá huỷ trước những lợi ích đặc quyền ích kỷ. Và chúng ta có làm điều nầy không? Chúng ta có làm việc một cách tốt nhất với tất cả lương tâm của mình không? Hay chúng ta cho phép uy lực của đồng tiền chi phối mình. Kevin Paker, ngồi trong phòng dành cho khách thăm, đã đưa mắt nhìn đồng hồ tới lần thứ ba trong vòng năm phút. Ông ta sốt ruột, không hiểu bài diễn văn sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Ông ta ngồi chờ chỉ bởi lẽ sắp đến giờ dùng bữa trưa với vị thượng nghị sĩ mà ông cần nhờ giúp đỡ. Kevin Pakker thích thú với việc đi ngang qua những hành lang quyền lực, chén chú chén anh với các ông nghị, tiêu xài phóng tay để đổi lấy những ân huệ chính trị. Ông ta lớn lên trong nghèo đói ở Eugene, tiểu bang Oregon. Cha là người nghiện rượu, có một kho chữa gỗ nhỏ và đã biến cái nhẽ ra là một sự kinh doanh ăn phát đạt thành một thảm hoạ. Cậu con trai phải làm việc từ tuổi mười bốn, và bởi vì mẹ cậu đã bỏ đi theo một người đàn ông khác từ mấy năm trước, nên cậu đã không hề có đời sống gia đình. Paker dễ dàng có thể trở thành một kẻ lang bạt và kết thúc giống như ông bố, thế nhưng cứu cánh của cậu ta lại là cái vẻ đẹp trai và thêm nữa, rất có cá tính. Paker có mái tóc vàng lượn sóng và dáng dấp rất quý tộc mà hắn là thửa hưởng của ông cụ tổ lâu đời nào đó. Một người giầu có trong thị trấn tiếc cho cái vẻ ngoài đó đã dành cho cậu ta việc làm và nhiều sự khích lệ. Người giầu có nhất thị trấn, Jch Goodspell, đặc biệt nhiệt tình giúp đỡ Paker và đã dành cho cậu ta một việc làm ngoài giờ tại một trong những công ty của mình, và là một người độc thần, ông ta thường mời Paker đến cùng ăn tối tại nhà. - Cậu có thể thành đạt trong xã hội nầy đấy, - Goodspell nói, - nhưng cậu không thể làm nên nếu không có bạn bè. - Tôi biết thế, thưa ngài. Và tất nhiên đầu tiên là tôi biết ơn thiện chí của ngài. - Tôi có thể làm cho cậu nhiều hơn nữa, - Goodspdll nói. Họ đang ngồi trên chiếc đi-văng trong phòng khách, sau bữa ăn tối. Ông ta quàng tay ôm lấy cậu. - Còn nhiều nữa. - Ông ta bóp vai cậu. - Cậu có một thân hình đẹp, cậu biết thế không? - Cám ơn ngài. - Cậu có bao giờ cảm thấy cô đơn không? - Thưa ngài, có. Lúc nào tôi cũng cô đơn. - Ồ, cậu không phải cô đơn nữa. - Ông ta ve vuốt cánh tay cậu. Tôi cũng thấy cô đơn, cậu biết đấy. Người ta cần có ai đó để được ôm ấp, vuốt ve. - Vâng, thưa ngài. - Cậu đã có cô bạn gái nào chưa? - Có tôi có đi cùng Sue Ellen một dạo. - Cậu đã ngủ với con bé chưa? - Không, thưa ngài. - Cậu đỏ bừng mặt. - Kevin, cậu bao nhiêu tuổi rồi hả? - Thưa ngài, mười sáu ạ. - Đó là lứa tuổi tuyệt vời. Đã đến lúc cậu phải khởi đầu một sự nghiệp. - Ông ta quan sát Paker một thoáng. - Tôi cam đoan là cậu sẽ rất khá trong lĩnh vực chính trị. - Chính trị ư? Thưa ngài, tôi không biết gì về nó cả. - Vậy nên cậu sẽ phải đi học. Và tôi sẽ giúp cậu. - Cám ơn ngài. - Có rất nhiều cách để tỏ lòng biết ơn với người khác, - Goodspell nói. Ông ta xoa xoa dọc đùi cậu bé. - Nhiều cách. - Ông ta nhìn vào mắt Paker. - Cậu có hiểu ý tôi không. - Có Jeb ạ. Đó là lúc bắt đầu. Khi Kevin tốt nghiệp trường trung học Churchill, Goodspell gửi cậu đến Đại học Oregon. Cậu nghiên cứu môn khoa học chính trị, và Goodspell thu xếp để người được ông ta bảo hộ được gặp mặt những nhân vật cần thiết. Họ đều có ấn tượng tốt với người thanh mên đầy vẻ hấp dẫn. Với những mối quan hệ của mình, Paker thấy mình có thể gắn kết lại những nhân vật quan trọng với nhau. Việc trở thành một chuyên gia vận động hành lang ở Washington là một bước tự nhiên, và Paker rất thạo việc. Goodspell đã chết trước đó hai năm, nhưng lúc ấy thì Paker cũng đã có được một tài năng với một sở thích đối với công việc mà người đỡ đầu đã truyền dạy anh. Anh ta thích kiếm những cậu trai trẻ và đưa tới những khách sạn khuất nẻo, nơi mà anh ta không bị nhận mặt. Vị thượng nghị sĩ tiểu bang Utah rốt cuộc cũng đang kết thúc bài phát biểu: - … và bây giờ tôi nói với các ngài rằng, sẽ phải thông qua dự luật nầy nếu muốn cứu những gì còn lại trong hệ sinh thái của chúng ta. Vào lúc nầy tôi muốn đề nghị một cuộc bỏ phiếu công khai. Ơn Chúa, buổi họp vô tận nầy đã sắp kết thúc. Kevin Paker nghĩ đến một buổi tối đang chờ đón ông ta, và bắt đầu thấy hứng tình. Đêm hôm trước, ông ta đã gặp một cậu trai trẻ ở tiệm Danny P. Street Station, một tiệm dành cho những kẻ đồng tính luyén ái nổi tiếng. Thật không may là cậu trai kia đã có bạn. Nhưng buổi tối đó họ đã để ý đến nhau, và trước khi ra đi, Paker đã viết mấy chữ và luồn vào tay cậu ta. Một dòng chữ đơn giản "Đêm mai nhé". Cậu ta đã mỉm cười và gật đầu. Kevin Paker vội vã mặc quần áo để đi. Ông ta muốn có mặt trước khi cậu trai trẻ kia đến. Cậu ta thật quá hấp dẫn, và Paker không muốn để ai đó nẫng mất. Chuông cửa réo vang. Mẹ kiếp. Paker ra mở cửa. Một người lạ đang đứng đó. - Kevin Paker? - Phải. - Tên tôi là Bellamy. Tôi muốn nói chuyện với ông một phút. - Ông phải hẹn trước với thư ký của tôi. Tôi không bàn công việc sau giờ làm việc. - Paker nóng nảy nói. - Đây không hẳn là công việc, ông Paker. Nó liên quan tới chuyến đi Thuỵ Sĩ của ông cách đây một hai tuần. - Chuyến đi Thuỵ Sĩ của tôi à? Chuyện gì vậy. - Cơ quan của tôi quan tâm tới một vài người mà có thể là ông đã gặp ở đó. Robert chìa tấm thẻ CIA giả của anh ra. Kevin Paker quan sát người khách một cách thận trọng hơn. CIA có thể muốn gì ở ông ta nhỉ? Ở đâu bọn họ cũng thò mũi vào. Mình có để hở sườn không nhỉ? Không nên chọc tức người nầy một tí nào cả. Ông ta mỉm cười. - Mời vào. Tôi đang vội vì một cuộc hẹn, nhưng ông nói là sẽ không quá một phút phải không? - Không, thưa ông. Tôi tin là ông đã đi một chuyến xe bus du lịch ra khỏi Zurich? Vậy là cái chuyện đó. Chuyện cái đĩa bay kia đây. Đó là cái thứ khủng khiếp nhất mà ông ta đã từng nhìn thấy. - Ông muốn biết về cái đĩa bay đó phải không ạ, tôi muốn nói để ông biết đó là một hiện tượng phi thường. - Hắn là thế, nhưng nói thẳng là cơ quan chúng tôi không tin vào chuyện đĩa bay. Tôi tới đây để xem ông có thể nói gì cho tôi biết về những du khách cùng đi trên chuyến xe bus đó. - Ồ chuyện đó thì tôi sợ là không thể giúp được ông. Tất cả họ đểu là những người lạ cả. - Paker giật mình. - Tôi biết thế, ông Paker, - Robert nhẫn nại nói, - nhưng ông hẳn có nhớ điều gì về họ chứ. - Có một đôi chút… Tôi nhớ là có trao đổi vài lời với một tay người Anh đã chụp ảnh cho chúng tôi. - Paker nhún vai. Leslie Mothershed. - Ai nữa? - Ồ vâng. Tôi có nói chuyện chút xíu với một cô gì Nga. Cô ta có vẻ rất dễ chịu. Tôi nghi rằng cô ta làm nghề giữ thư viện ở đâu đó. Olga Romanchanko. - Thật tuyệt ông còn có thể nhớ tới ai nữa không, ông Paker? - Không, tôi cho rằng thế là… - À, có hai người đàn ông. Một là người Mỹ, một ông Texas. Dan Wyane. - Và người kia? - Ông ta là một người Hungary, chủ một gánh tạp kỹ, hay xiếc hay một thứ đại loại là như thế. - Ông ta cố nhớ. Đó là một gánh tạp kỹ. - Ông có chắc thế không, ông Paker? - Ồ chắc. Ông ta còn kề cho tôi nghe vài chuyện về công việc của mình mà. Chắc chắn là ông ta rất hồi hộp khi trông thấy cái đĩa bay ấy. Tôi nghĩ là nếu được thì ông ta đã mang nó về gánh hát của mình để làm một tiết mục phụ rồi. Tôi phải thừa nhận rằng đó là một cảnh thật kinh khủng. Đáng ra tôi phải nói về chuyện nầy nhưng tôi không thể chịu được việc bị lẫn vào cái đám người kỳ quặc nhận xằng là họ đã nhìn thấy những cái đĩa bay. - Ông ta có tình cở cho ông biết tên mình hay không? Cái ông chủ gánh xiếc ấy. - Có, nhưng đó là một trong những cái tên ngoại quốc không thể phát âm được. Tôi e là mình đã quên mất rồi. - Ông còn nhớ gì nữa về ông ta không? - Chỉ duy nhất có điều là ông ta rất vội trở về. - Ông ta đưa mắt nhìn đồng hồ. - Tôi còn có thể làm gì nữa cho ông không? Tôi đã bị muộn rồi đấy. - Thôi, cảm ơn ông Paker. Ông đã giúp tôi rất nhiều. - Có gì đâu ông ta cười một cách nhã nhặn với Robert. Ông phải ghé thăm tôi tại văn phòng một lúc nào đó. Chúng ta sẽ chuyện trò được lâu hơn. - Thế nào tôi cũng đến. Gần xong rồi, Robert nghĩ. Họ có thể nhận lấy công việc của mình và giao nó cho người khác. Đã đến lúc thu vén những gì còn lại của đời mình và bắt đầu lại từ đầu. Robert gọi điện thoại cho tướng Hilliard. - Tôi đã gần xong rồi, thưa tướng quân. Tôi đã tìm ra Kevin Paker. Ông ta là một chuyên gia vận động hành lang ở Washington, D.C. Tôi đang trên đường để xác minh nốt người khách cuối cùng. - Tôi rất hài lòng, - tướng Hilliard nói. - Ông đã làm việc một cách tuyệt vời, ông sĩ quan. Hãy trở về chồ tôi càng sớm càng tốt. - Vâng thưa ngài. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc CIA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 9. Kevin Paker - Washington, D. C. Hết. Khi Kevin Paker đến quán Danny, ông ta thậm chí thấy còn đông khách hơn cả tối hôm trước. Những người đàn ông lớn tuổi thì mặc những bộ đồ nghiêm túc trong khi hầu hết những người trẻ tuổi thì chỉ quần bò, áo thể thao và đi giày ống. Có một số ít trông không giống ai, mặc những bộ áo liền quần bằng da màu đen, và Paker luôn cảm thấy ghê tởm những "của" đó. Những động tác thô bạo là rất nguy hiểm và ông ta chưa bao giờ lao vào cái thứ sống gấp kỳ quặc đó. Thận trọng, đó luôn luôn là khẩu hiệu của ông ta. Thận trọng. Cậu thanh niên đẹp trai kia vẫn chưa có ở đó nhưng Paker cũng không sốt ruột. Cậu ta sẽ đến sau, đẹp và tươi trẻ, khi những người khác đều đã mệt mỏi với những thân thể ướt đẫm mồ hôi. Kevin Paker bước lại quầy rượu, gọi một ly và nhìn quanh. Các màn ảnh tivi trên tường đang truyền những hình ảnh của đài truyền hình MTW. Danny là một quán S và M - đứng và làm dáng. Những người trẻ tuổi lựa những dáng đứng tỏ ra quyến rũ nhất, trong khi những người già nua - người mua - sẽ ngắm nghía họ và chọn lựa. Những quán S và M là loại thượng hạng nhất. Không bao giờ có những vụ ẩu đả ở đó bởi lẽ hầu hết khách hàng đều mang theo những chiếc răng bọc vàng, và họ không khi nào muốn bị đánh gãy răng cả. Kevin Paker để ý thấy rằng nhiều vị khách đã chọn được bạn chơi của họ. Ông ta lắng nghe những câu chuyện quen thuộc ở xung quanh, và thích thú là nó vẫn rất quen thuộc, cho dù nó diễn ra ở tiệm rượu tiệm nhảy, quán vidéo, hay ở những câu lạc bộ ngầm tuần nào cũng thay đổi địa điểm. Đó là một thứ tiếng lóng riêng biệt. "Nữ hoàng đó thì nước non gì. Cô ta nghĩ mình là tất cả. "Hắn xả vào tôi không phải lúc. Hắn ta giận dữ khủng khiếp. Nói những chuyện tế nhi… "Bạn thích trên hay dưới? "Trên. Tôi phải gọi hàng đã, em gái búng những ngón tay. "Tốt. Tớ thích họ. "Hắn tưởng tớ là cái đầu lọc… Đúng, đó là lối tớ về cân nặng, nước da, thái độ. Tớ bảo, "Mary, Thưa chúng ta thế là xong". Nhưng cũng đau. Vì thế nầy tớ tới đây đêm nay, cố gắng kiếm hắn nhé. Tôi có thể có thêm một ly được không? Lúc 1 giờ sáng, cậu thanh niên kia bước vào. Cậu ta nhìn quanh và trông thấy Paker, bèn đi tới bên ông ta. Cậu ta còn xinh trai hơn là Paker nghĩ. - Xin chào. - Xin chào. Xin lỗi, tớ hơi muộn. - Không sao. Tôi đợi được mà. Chàng thanh niên rút ra một điều thuốc lá và chờ người đàn ông lớn tuổi châm lửa cho. - Tôi đã luôn nghĩ đến cậu. - Paker nói. - Thế hả? Cặp lông mi của cậu ta thật lạ thường. - Đúng thế, tôi có thể gọi cho cậu một ly chứ~ - Nếu ông thấy vui với điều đó. - Cậu có thích làm cho tôi sung sướng không? - Paker mỉm cười. Cậu ta nhìn thẳng vào mắt ông ta và dịu dàng nói: - Tôi nghĩ thế. - Tôi nhìn thấy người đàn ông đi cùng cậu ở đây đêm qua. Ông ta không hợp với cậu. - Vậy ông sẽ hợp với tôi chứ? - Có thể lắm. Tại sao chúng ta không thử xem nhỉ? Cậu có muốn đi dạo một chút không? - Được đấy! Paker rộn lên vì hồi hộp. - Tôi biết một nơi ấm cúng và không bị ai quấy rầy. - Tốt đấy. Tôi sẽ không uống rượu kia nữa. Khi họ vửa bước về phía cửa trước thì hai cánh cửa đột nhiên mở toang và hai thanh niên vạm vỡ bước vào quán. Họ chắn lối cậu thanh niên. - Đây rồi đồ chó đẻ. Tiền mầy nợ tao đâu? - Tôi không hiểu anh định nói gì. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh… - Cậu ta nhìn lên, ngơ ngác. - Đừng có nói với tao cái kiểu cứt đái đó. - Gã kia túm lấy vai cậu và lôi ra ngoài phố. Paker giận dữ nhìn theo. Ông ta những muốn can thiệp nhưng lại không dám dính vào bất kỳ thứ gì có thể dẫn đến một vụ bê bối. Ông ta đứng chôn chân tại chỗ nhìn cậu bé mất hút vào bóng đêm. Gã thứ hai mỉm cười với Kevin vẻ thông cảm. - Ông nên chọn bạn cẩn thận hơn. Cậu ta là điềm gở đấy! Paker nhìn người đang nói một cách kỹ hơn. Gã có mái tóc vàng và khá hấp dẫn, với một hình thể gần như tuyệt hảo. Paker có cảm nghĩ rằng sau cùng thì chưa hẳn là đã mất toi buổi tối nay. - Có thể là cậu nói đúng, - Ông ta nói. - Chúng ta không bao giờ biết số phận dành sẵn cho mình những gì, phải không nào? - Gã nhìn vào trong mắt Paker. - Đúng thế Tôi là Tom. Tên cậu là gì? - Paul. - Paul nầy, tôi có thể mời cậu một ly chứ? - Cám ơn ông. - Cậu có chương trình đặc biệt gì cho tối nay không? - Cái đó tuỳ ở ông. - Cậu có muốn cùng qua đêm nay với tôi không? - Nghe được đấy. - Chúng ta đang nói đến bao nhiêu tiền ấy nhỉ? - Tôi thích ông. Với ông thì hai trăm. Ba mươi phút sau, Paul dẫn Kevin Paker vào trong một toà nhà cũ trên phố Jefferson. Họ lên thang gác, tới tầng ba và đi vào một căn phòng nhỏ. Paker nhìn quanh. - Tuềnh toàng nhỉ? Vào một khách sạn thì hơn. Paul nhoẻn cười. - Ở đây riêng tư hơn. Ngoài ra thì chúng ta chỉ cần một cái giường thôi mà. - Cậu nói đúng. Sao cậu không cởi quần áo ra đi? Tôi muốn nhìn thứ mà tôi đang mua. - Tất nhiên. - Paul bắt đầu cởi. Gã có một thân thể tuyệt vời Paker nhìn gà và cảm thấy sự đòi hỏi quen thuộc bắt đầu dâng lên. Bây giờ ông cởi quần áo đi, - Paul thì thầm. - Nhanh lên, tôi thèm muốn ông. - Tôi cũng thèm muốn em, Mary. - Paker bắt đầu cởi quần áo. - Ông thích kiểu gì? - Paul hỏi. - Trên hay dưới? Chúng ta hãy dạo đầu một chút đã. Xin lỗi về lối nói cầu kỳ. Chúng ta có cả đêm mà. - Tất nhiên. Tôi vào buồng tắm. - Paul nói. - Tôi sẽ trở lại ngay thôi. Paker nằm trần truồng trên giường, chờ đợi những lạc thú tuyệt diệu sắp đến. Ông ta nghe thấy tiếng người bạn chơi ra khỏi buồng tắm và đi về phía giường. Ông ta giang tay ra. - Lại đây với tôi, Paul, - Ông ta nói. - Tôi đến đây. Và Paker cảm thấy đau nhói khi có một lưỡi dao cắm vào ngực. Hai mắt ông ta mở bừng ra, rồi ngước lên, ngáp ngáp. - Lạy Chúa, cái gì…? Paul mặc quần áo vào. - Đừng bận tâm về chỗ tiền, - gã nói. - Đó là tiền phòng. Điện khẩn. Tối mật. CIA gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 9. Kevin Paker - Washington D.C - Đã bị thủ tiêu Hết. Robert Bellamy không kịp nghe bản tin tối bởi vì anh đã ở trên một chuyến bay đi Hungary đề tìm kiếm người chủ gánh tạp kỹ. Chương 34 Ngày thứ mười bốn. Buđapest Chuyến bay từ Paris đến Buđapest bằng Hàng không Malév mất hai giờ năm phút. Robert không biết gì mấy về Hungary trừ một điều rằng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nước nầy là đồng minh trong phe Trục, và sau đó đã trở thành một chư hầu của Nga. Robert đi chuyến xe bus của sân bay về trung tâm Buđapest, và đầy ấn tượng với những gì anh thấy. Những toà nhà cũ và lối kiến trúc cổ kính. Toà nhà Quốc hội trên phố Rudolph là một công trình kiến trúc lớn theo kiểu Gôtích mới, vượt hẳn lên trên thành phố, còn trên đồi Castle là Cung điện Hoàng gia. Đường phố đầy ắp những xe cộ và những người đi mua hàng. Chiếc xe bus dừng lại trước khách sạn Duna In tercontinental. Robert đi vào trong tiền sảnh và tiến đến bên quầy lễ tân. - Xin lỗi, - Robert nói, - Ông có nói được tiếng Anh không? - Igan. Có, Tôi có thể làm gì cho ông ạ? - Một người bạn tôi đã đến Buđapest cách đây ít ngày, và anh ta khoe rằng đã được xem một buổi trình diễn tạp kỹ tuyệt vời. Tôi rất muốn được xem nó một lần. Ông có thể bảo cho tôi biết phải tìm nó ở đâu không? Người lễ tân chau mầy. - Tạp kỹ à? - Ông ta lấy ra một tấm bản đồ và nhìn nhanh trên đó. - Xem nào. Tại Buđapest lúc nầy, chúng tôi có một nhà hát opera, mấy nhà hát kịch, ballet, các tuyến du lịch thành phố đêm và ngày, những chuyến du ngoạn về nông thôn. - Ông ta nhìn lên. - Xin lỗi. Không có tạp kỹ. - Ông có chắc thế không? Người kia đưa bản danh sách cho Robert. - Ông hãy tự nhìn xem. Nó được viết bằng tiếng Hungary. - Thôi được. Tôi có thể nói với ai khác về chuyện nầy không? - Robert trả lại cho ông ta. - Bộ Văn hoá may ra có thể giúp ông được. Ba mươi phút sau, Robert đã đang nói chuyện với một nhân viên trong văn phòng của Bộ Văn hoá. - Không có gánh tạp kỹ nào ở Buđapest. Ông có chắc rằng bạn ông xem ở Hungary không? - Chắc. - Nhưng anh ta không nói rõ ở đâu à? - Không. - Tôi xin lỗi. Tôi không thể giúp gì cho ông. - Người nhân viên có vẻ sốt ruột. - Nếu không còn gì khác thì… - Không. - Robert đứng dậy. - Cảm ơn ông. - Anh ngập ngừng. - Tôi còn một câu hỏi nữa. Nếu như tôi muốn mang một gánh xiếc hoặc một gánh tạp kỹ vào Hungary, tôi có phải xin phép trước không? - Tất nhiên. - Tôi sẽ làm việc đó ở đâu? - Cơ quan đăng ký Buđapest. Toà nhà của cơ quan cấp giấy phép nằm ở khu Buda gần bức tường thành thời Trung cổ. Robert phải đợi ba mươi phút trước khi anh được đưa vào phòng của một quan chức trông đầy vẻ trịnh trọng và vênh vang. - Tôi có thể giúp ông gì nhỉ? Robert mỉm cười. - Tôi hy vọng là thế. Tôi không muốn làm mất thời gian của ông với một việc bình thường cỏn con nầy, nhưng tôi tới đây cùng với con trai tôi và nó có nghe về một gánh tạp kỹ đang biểu diễn đâu đó ở Hungary, và tôi đã hứa đưa nó đi xem. Ông biết trẻ con sẽ thế nào khi mà nó nghĩ một chuyện gì đó trong đầu rồi đấy. - Thế ông muốn tôi giúp về việc gì vậy? - Ồ nói thật với ông, dường như không có ai biết gánh tạp kỹ đó đang ở đâu, và Hungary là một đất nước lớn và tươi đẹp đến thế,… Ồ, người ta bảo tôi rằng nếu có ai đó biết mọi chuyện ở Hungary thì người đó chính là ông. Vị quan chức gật đầu. - Đúng. Không có những thứ như vậy được phép trình diễn nếu không có giấy phép. - Ông ta ấn nút chuông và một thư ký bước vào. Một cuộc trao đổi ngắn bằng tiếng Hungary. Cô thư ký đi ra và trở lại sau hai phút với một số giấy tờ. Cô ta trao chúng cho vị quan chức kia. Ông ta xem qua rồi nói với Robert, - Trong ba tháng vừa qua, chúng tôi đã cấp giấy phép cho hai gánh tạp kỹ. Một đã đóng cửa cách đây một tháng. - Còn gánh kia? Gánh kia hiện đang biểu diễn ở Sorpon. Một thị trấn nhỏ gần biên giới với Đức. - Ông có tên của người chủ gánh không? - Bushfekete. Laslo Bushfekete. - Vị quan chức lại nhìn vào tờ giấy. * * * * * Lasol Bushfekete đang có những ngày sung sướng nhất trong đời. Trên đời, có ít người may mắn để được làm đúng những việc mà mình muốn làm, và Lasol Bushfekete là một trong số ít những người may mắn đó. Với chiều cao chừng một mét tám và nậng gần một trăm năm chục cân, Bushfekete nom khá to béo. Ông ta chưng diện một cái đồng hồ đeo tay nạm kim cương, những chiếc nhẫn kim cương và một cái dầy chuyền vàng to tướng. Bố ông ta có một gánh tạp kỹ nhỏ, và khi chết đi, đã để lại cho con trai. Nó là cuộc sống duy nhất của ông ta. Lasol Bushfekete có những giấc mơ lớn. Ông ta tính mở rộng gánh tạp kỹ nhỏ của mình thành một trong những gánh tạp kỹ lớn nhất châu u. Ông ta muốn được biết tới như là một ông vua của trò tạp kỹ. Tuy nhiên, lúc nầy thì ông ta chỉ có thể có những trò hấp dẫn thường thấy: Người đàn bà béo và Người đàn ông xăm mình. Hai anh em song sinh người Xiêm và Các xác ướp một nghìn năm, được đào lên từ đáy những lăng mộ ở Ai Cập cổ đại. Rồi có trò Nuốt gươm, Ăn lửa và có Marika, cô gái nhỏ bé duyên dáng với tiết mục thôi miên rắn. Nhưng sau cùng thì chẳng qua họ cũng chỉ như một gánh hát rong. Bây giờ, chỉ qua một đêm, tất cả những thử đó sắp thay đổi. Giấc mơ của Lasol Bushfekete sắp biến thành sự thật. Lasol đã đi Thuỵ Sĩ để quan sát một nghệ sĩ ảo thuật mà ông được nghe tới. Trong tiết mục nầy, người nghệ sĩ được bịt mắt, khoá hai tay, nhất vào trong một cái thùng nhỏ, rồi lại được bỏ vào trong một cái hòm lớn và sau cùng, tất cả được bỏ vào trong một cái bể đầy nước. Nghe qua điện thoại thì có vẻ thật hấp dẫn, nhưng khi xem tận mắt thì Bushfekete thấy có một điều không thể chấp nhận được: Người biểu diễn phải mất ba mươi phút để thoát ra ngoài. Không có khán giả nào trên thế giới nầy lại ngồi nhìn một cái hòm trong một cái bể nước suốt ba mươi phút. Chuyến đi đó đã có vẻ hoàn toàn là một sự lãng phí về mọi thứ. Lasol Bushfekete đã quyết định làm một chuyến du ngoạn để giết thời gian chờ tới chuyến bay trở về. Và hoá ra nó đó đã làm thay đổi cuộc đời ông ta. Giống như những du khách cùng đi, Bushfekete đã nhìn thấy vụ nổ và chạy băng qua cánh đồng đề cố gắng giúp cho những người nào còn sống sốt trong cái mà tất cả bọn họ đều nghĩ là một vụ tai nạn máy bay. Nhưng cái cảnh ngộ mà ông ta đã nhìn thấy thật là khủng khiếp. Không còn nghĩ ngờ gì, đó chính là một cái đĩa bay và trong đó là hai cái xác nhỏ bé, kỳ lạ. Những du khách đứng há hốc mồm ra nhìn. Lasol Bushfekete thì đi vòng quanh để xem xét phía sau cái đĩa bay đó trông như thế nào, và rồi ông ta đã đứng dừng lại, trợn mắt nhìn. Khoảng ba mét phía sau cái xác con tàu, nằm trên mặt đất khuất tầm nhìn của các du khách khác, là một bàn tay nhỏ xíu bị cắt rời với sáu ngón tay và hai ngón cái đối nhau. Thậm chí không nghĩ ngợi gì, Bushfekete rút khăn mùi xoa ra, bọc lấy cái bàn tay kia và chuồn nó vào trong cái túi hồ lô của mình. Tim ông ta đập như phát rồ. Ông ta đã có bàn tay của một sinh vật ngoài trái đất thật sự. Từ nay trở đi, mi có thể quên tất cả những người đàn bà béo, những người đàn ông xăm mình, những người nuốt gươm và ăn lửa, ông ta nghĩ. Hãy bước lên nào, các quý bà và quý ông, để được thưởng thức một lần trong đời. Cái mà các vị sẽ thấy là một thứ chưa hề có ai nhìn thấy bao giờ. Chắc vị sẽ nhìn thấy một trong những vật kỳ diệu nhất của vũ trụ. Đó không phải là một động vật. Đó không phải là một thực vật. Đó không phải là một khoáng vật. Đó là cái gì ư? Đó là một bộ phận của thi thể một người hành tinh khắc… một sinh vật từ vũ trụ tới… Thưa các quý bà, quý ông, đây không phái là chuyện khoa học viễn tưởng, đây là chuyện có thật. Với 500 forint, các vị có thể chụp ảnh… Và ỗng ta sực nhớ. Ông ta hy vọng là cái thằng cha thợ ảnh đã có mặt ở nơi xảy ra vụ tai nạn sẽ nhở gửi tấm ảnh mà hắn đã hứa. Ông ta sẽ cho phóng to lên và để cạnh nơi trưng bày. Điều đó thật hấp dẫn. Cái nghề mua vui cho thiên hạ. Cưộc đời là thế đó. Cái nghề mua vui cho thiên hạ. Ông ta nóng lòng trở lại Hungary để bắt đầu thực hiện giấc mơ vĩ đại của mình. Khi về tới nơi và mở cái khăn mùi xoa ra, ông ta thấy rằng cái bàn tay kia đã héo đi. Nhưng khi ông ta rửa sạch bụi đất, thì thật ngạc nhiên, nó lại trở nên nguyên vẹn như lúc ban đầu. Bushfekete đã giấu bàn tay vào một nơi an toàn và đặt làm một cái hòm kính choáng lộn với một cái máy giữ ẩm riêng cho nó. Khi đã trưng bày nó xong ở gánh tạp kỹ, ông ta sẽ cùng với nó đi khắp châu u, khắp thế giới. Ông ta sẽ tổ chức trưng bày ở các bảo tàng. Ông ta sẽ có các buổi giới thiệu riêng cho các nhả khoa học, thậm chí có thể là cho cả các nguyên thủ quốc gia nữa. Và ông ta sẽ bắt tất cả bọn họ phải trả tiền. Cái tài sản huyền thoại của ông là không có giới hạn nào hết. Ông ta đã không hề nói với ai về vận may của mình, ngay cả với người tình của ông ta, Marika, cô vũ nữ xinh đẹp đầy gợi cảm thường biểu diễn với những chú hổ mang và những chú rắn phì, hai loài rắn độc nguy hiểm nhất. Tất nhiên là những cái răng độc của chúng đã bị nhổ đi nhưng khán giả thì không biết điều đó vì Bushfekete cũng có giữ một con hổ mang vằn còn nguyên những chiếc răng độc. Ông ta để con rắn cho dân chúng xem không mất tiền, và nó giết chết những con chuột trước mắt họ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi khán giả đều rợn người nhìn Marika xinh đẹp để cho những con rắn trườn trên tấm thân hở hang đầy khêu gợi của cô. Hai hoặc ba đêm trong một tuần, Marika đến lều của Bushfekete và bò trườn lên người ông ta, với cái lưỡi mềm mại như của một con rắn. Họ đã làm tình với nhau đêm hôm trước và Bushfekete vẫn còn mệt mỏi với những trò vật lộn tuyệt vời của Marika. Dòng suy nghĩ của ông ta bị cắt ngang bởi một người khách. - Ông là Bushfekete? - Ông đang nói với ông ta đấy. Tôi có thể làm gì cho ông nào? - Tôi biết là ông mới từ Thuỵ Sĩ về tuần trước. Bushfekete lập tức cảnh giác ngay. Có người nhìn thấy mình nhặt cái bàn tay ấy chăng? - Có chuyện gì… gì thế? - Ông đã đi chuyến xe bus chủ nhật trước phải không? - Phải. - Bushfekete thận trọng đáp. Robert Bellamy nhẹ cả người. Cuối cùng thì cũng xong. Đây là nhân chứng cuối cùng. Anh đã nhận một nhiệm vụ không thể làm nổi và đã làm xong nhiệm vụ đó. Một kết quả tuyệt vời, nếu như mình tự nói về nó. Chúng ta không hề biết họ ở đâu. Hay họ là ai và anh đã tìm ra tất cả. Anh cảm thấy trút được một gánh nặng kinh khủng. Giờ thì anh tự do. Tự do trở về nhà và bắt đầu một cuộc sống mới. - Có chuyện gì về chuyến đi của tôi hả, thưa ông? - Không quan trọng, - Robert trấn an ông ta. Nó không còn quan trọng nữa. Tôi quan sát tới những bạn đồng hành của ông, ông Bushfekete, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ tôi đã có tất cả những thông tin về họ, nên… - Ôi, trời đất ơi! Tôi có thể nói tất cả về họ cho ông, - Lasol Bushfekete nói. - Có một tu sĩ từ Orvieto, Italia, một người Đức; tôi nghĩ ông ta là một giáo sư hoá học ở Munich, một cô gái Nga, làm trong một thư viện ở Kiev, một chủ trại ở Waco, Texas, một tay chủ nhà băng Canada, ở vùng Các lãnh thổ, vả một người chuyên vận động hành lang ở Washington D. C. Tên là Kevin Paker. Lạy Chúa, Robert nghĩ. Nếu mình vớ được ông ta ngay từ đầu thì đã đỡ bao nhiêu thời gian. Người đàn ông nầy thật lạ lùng. Ông ta nhớ tất cả bọn họ. - Ông có trí nhớ tốt thật, - Robert nói. - Dạ, - Bushfekete cười. - Ồ, và người phụ nữ kia nữa chứ. - Người phụ nữ Nga. - Không, không, người phụ nữ khác. Dáng cao, mảnh mai, trong bộ đồ trắng tinh. Robert nghĩ một chút. Không có ai khác nói tới một người phụ nữ thứ hai cả. - Tôi nghĩ là ông nhầm. - Không, tôi không nhầm, - Bushfekete bướng bỉnh. - Có hai người phụ nữ ở đó. Robert bực bội. - Khi tay thợ ảnh kia chụp cho chúng tôi trước cái đĩa bay, cô ta đứng ngay cạnh tôi. Cô ta đẹp lắm. - Ông ta ngừng lời. - Có điều tôi không nhớ là có nhìn thấy cô ta ở trên xe hay không. Có thể là cô tả ngồi đâu đó ở phía sau. Tôi còn nhớ là trông cô ấy hơi xanh. Tôi đã hơi lo cho cô ấy. - Khi tất cả trở về xe thì ông có thấy cô ta không? - Robert chau mầy. - Về điều nầy thì tôi không thể nói được, bởi tôi quá xúc động với cái đĩa bay nên không còn để tâm tới gì khác nữa. - Có chuyện gì không ổn ở đây rồi. Có thể là có mười một nhân chứng chứ không phải mười chăng? Mình sẽ phải kiểm tra lại điều đó, Robert nghĩ. - Cám ơn ông Bushfekete, anh nói. - Có gì đâu. Chúc may mắn. - Cám ơn, - Bushfekete mỉm cười. Ông ta không cần may mắn. Không cần nữa. Một khi đã có cái bàn tay của một sinh vật lạ thật sự trong tay mình. Đêm hôm đó, Robert gửi báo cáo cuối cùng cho tướng Hilliard. - Tôi đã có tên ông ta. Lasol Bushfekete. Ông ta có một gánh tạp kỹ đang lưu diễn ở Sorpon, Hungary. - Đó là nhân chứng cuối cùng phải không? - Vâng, thưa ngài. - Robert lưỡng lự một giây. Anh đã toan nói tới người khách thứ tám, nhưng rồi anh quyết định phải chờ cho tới khi kiểm tra lại đã. Điều đó không chắc đã có thật. - Cám ơn, ông sĩ quan. Tốt lắm. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc HRQ. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 10. Lasol Bushfekete. Hết. Họ đến lúc nửa đêm, khi gánh tạp kỹ đã đóng cửa. Mười lăm phút sau họ ra đi, cũng lặng lẽ như khi đến. Lasol Bushfekete mơ ông ta đang đứng trước cửa một cái lều trắng lớn, nhìn dòng người đông nghịt xếp hàng vào cửa mua vé với cái giá 500 forint. Đi lối nầy, các bạn. Hãy xem một phần thân thể thật sự của một sinh vật từ ngoài vũ trụ. Không phải là một bức vẽ, không phải là một bức ảnh, mà là một phần thật sự của một người vũ trụ thật sự. Chỉ 500 forint để được thưởng thức một lần trong đời, một hình ảnh bạn sẽ không bao giờ quên. Và rồi ông ta vào giường với Marika, cả hai cùng trần truồng, và ông ta cảm thấy hai đầu vú của cô áp lên ngực, đầu lưỡi cô liếm láp trên thân thể và cô bò trườn trên khắp người ông ta. Rồi ông ta đưa tay ra với cô và hai bàn tay ông ta túm phải vật gì đó lành lạnh và trơn nhẫy. Ông ta tỉnh dậy và mở mắt, thét toáng lên, và đó chính là lúc con rắn hổ mang bổ xuống. Người ta thấy xác ông ta vào buổi sáng hôm sau. Cái lồng nhốt con rắn độc không bị bẻ răng trống rỗng. Điện khẩn. Tối mật. HRQ gửi Phó giám đốc NSA. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 10. Lasol Bushfekete. Đã bị thủ tiêu Hết. Tướng Hilliard nhấc ống nghe trên cái máy điện thoại màu đỏ. - Janus, tôi đã nhận được báo cáo cuối cùng từ sĩ quan chỉ huy Bellamy. Ông ta đã tìm ra nhân chứng cuối cùng. Tất cả đều đã được chăm sóc. - Tuyệt vời. Tôi sẽ thông báo cho những nơi khác. - Tôi muốn ông tiến hành ngay lập tức phần kế hoạch còn lại của chúng ta. - Vâng, ngay lập tức đây. Điện khẩn. Tối mật. NSA gửi Phó giám đốc: SIFAR, MI-6, GRU, CIA, COMSEC, DCI, CGHQ, BFV. Không ghi chép lại. Bản số 1 duy nhất. Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế. 11. Sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy - thủ tiêu. Hết. Chương 35 Ngày thứ mười lăm. Robert Bellamy ở vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Có thể có một nhân chứng thứ mười một không nhỉ? Và nếu có thì tại sao lúc trước không hề có ai khác nhắc tới cô ta? Người nhân viên bán vé cho chuyến xe bus đó đã nói với anh rằng chỉ có bẩy hành khách. Robert tin rằng tay chủ gánh tạp kỹ đã nhầm lẫn. Lờ nó đi thật là một việc dễ dàng với giả thiết rằng điều đó không có thật, nhưng quá trình huấn luyện của Robert lại không cho phép làm thế. Anh quả có kỷ luật. Câu chuyện của Bushfekete phải được kiểm tra lại. Bằng cách nào? Robert đã rất băn khoăn về chuyện đó. Hans Beckerman. Người lái chiếc sẽ đó sẽ biết. - Anh đăng ký điện thoại gọi cho Hãng Sunshine. Trụ sở hãng đóng cửa. Trong danh bạ vùng Kapel không có một Hans Beckerman nào cả. Mình sẽ phải đi Thuỵ Sĩ một lần nữa và giải quyết chuyện nầy, Robert nghĩ. Mình không thể bỏ bất kỳ một dấu vết gì. Khi Robert đến tới Zurich thì trời đã khuya. Bầu không khí lạnh và trong lành, trăng sáng. Robert thuê một chiếc xe và chạy theo con đường giờ đây đã quen dẫn tới cái làng Kapel nhỏ bé. Anh chạy ngang ngôi nhà thờ và dừng lại trước cửa nhà Hans Beckerman, hiểu rằng mình đang bám vào một sự cầu may. Căn nhà tối om. Robert gõ cửa và chờ. Anh gõ cửa một lần nữa, run lên vì không khí lạnh giá của trời đêm. Sau cùng thì vợ Beckerman cũng ra mở cửa. Chị ta choàng trên người một cái áo choàng vải thô bạc màu. - Dạ? - Chị Beckerman, tôi không biết chị có còn nhớ tôi không? Tôi là người phóng viên đang viết bài về Hans đây. Xin lỗi vì đã làm phiền chị vào lúc khuya khoắt thế nầy, nhưng thật tôi rất cần nói chuyện với chồng chị. - Chỉ có sự im lặng đáp lời anh. - Chị Beckerman? - Hans chết rồi. - Cái gì hả? - Robert giật mình. - Chồng tôi chết rồi rồi, tôi xin lỗi. Làm sao? - Xe của Hans đã đâm xuống một triền núi. - Giọng chị ta thật đau đớn. - Cảnh sát nói đó là vì trong cơ thể anh ấy toàn chất ma tuý. - Ma tuý à? Loét dạ dầy. Các bác sĩ thậm chí không thể cho tôi thuốc giảm đau nữa. Tôi phần ứng với tất cả nhưng thứ đó.. - Cảnh sát nói đó là tai nạn à? - Dạ. Họ có tiến hành mổ giám định không? - Có, và họ tìm thấy ma tuý. Chẳng có ý nghĩa gì. - Anh không còn biết nói thế nào. - Tôi thật lấy làm buồn, chị Beckerman. Tôi… Cánh cửa đóng lại, còn Robert một mình giữa trời đêm giá lạnh. - Một nhân chứng đã chết. Không - hai. Leslie Mothershed đã chết trong một vụ cháy. Robert ngẫm nghĩ hồi lâu. Hai nhân chứng đã chết. Anh như nghe thấy tiếng người huấn luyện viên ở Trang trại: "Còn một điều nữa tôi muốn nói tới hôm nay. Sự trùng hợp. Trong công việc cửa chúng ta, không có cái thứ đó. Nó thường báo hiệu sự nguy hiểm. Nếu anh cứ luôn gặp một người, hoặc phát hiện vẫn chiếc xe ấy khi anh đang hoạt động, hãy che lấy cái mông mình. Có thể anh đang gặp rắc rối đó" Có thể đang gặp rắc rối. - Robert bị chi phối bởi một loạt những cảm xúc đầy mâu thuẫn. Điều đã xảy ra phải là sự trùng hợp, và tuy vậy… Mình phải kiểm tra về cái người khác bí ẩn đó. * * * * * Cú điện thoại đầu tiên của anh là gọi tới Fort Smith, Canada. Một giọng phụ nữ đầy vẻ quẫn trí trả lời: - Dạ? - Xin cho gặp William Mann. - Rất tiếc. Chồng tôi, chồng tôi không còn với chúng tôi nữa. - Giọng nói kia nghẹn ngào. - Tôi không hiểu bà nói gì. - Ông ấy đã tự sát. Tự sát? Tay chủ nhà băng sắt đá đó mà tự sát? Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ấy nhỉ? Robert nhăn trán. Điều mà anh hình dung là không thể chấp nhận nổi, tuy nhiên… Anh bắt đầu gọi hết cú điện thoại nầy đến cú điện thoại khác. - Xin cho gặp giáo sư Schmidt. - Ồ giáo sư đã chết trong một vụ nổ ở phòng thí nghiệm… - Tôi muốn nói chuyện với Dan Wayne. - Thật tội nghiệp. Con ngựa đua đã giày chết ông ta cách đây… - Xin cho gặp Laslo Bsshfekete. - Gánh tạp kỹ đóng cửa rồi. Laslo đã chết… - Xin cho gặp Fritz Mandel. - Fritz đã bị chết trong một tai nạn quái dị… Lúc nầy những dấu hiệu báo động đã là rõ ràng. - Olga Romanchanko. - Cô bé tội nghiệp. Và cô ấy còn trẻ thế mà… - Tôi gọi đến để xem tình hình Cha Patrini. - Linh hồn tội nghiệp đó đã ra đi trong giấc ngủ. - Tôi cần nói chuyện với Kevin Parker. - Kevin đã bị giết… Chết. Tất cả mọi nhân chứng đều đã chết. Chính anh là người đã phát hiện và xác minh về họ. Tại sao anh lại không biết chuyện gì đang xảy ra? Bởi vì bọn khốn kiếp kia chờ anh rời khỏi một nước nào đó rồi mới hành quyết các nạn nhân của chúng. Người duy nhất mà anh báo cáo công việc là tướng Hilliard. "Chúng ta không được để bất kỳ ai khác dính vào sứ mệnh nầy… Tôi muốn ông hàng ngày báo cáo công việc cho tôi". Họ đã dùng anh để tìm ra các nhân chứng. Đằng sau tất cả những chuyện nầy là thế nào? Otto Schmidt đã bị giết chết ở Đức. Hans Beckerman và Fritz Mandel ở Thuỵ Sĩ. Olga Romanchanko ở Nga, Dan Wayne và Kevin Parker ở Mỹ, William Mann ở Canada, Leslie Mothershed ở Anh, Cha Patrini ở Italia và Laslo Bushfekete ở Hungary. Điều đó có nghĩa là các cơ quan an ninh của gần một chục nước đã dính líu vào một vụ bưng bít lớn nhất trong lịch sử. Một ai đó ở cấp rất cao đã quyết định rằng tất cả các nhân chứng vụ đĩa bay kia phải chết. Nhưng ai? Và vì sao? Đó là một âm mưu cỡ quốc tế và mình đang nằm trong cái âm mưu đó. Ưu tiên: Chui vào vỏ bọc. Robert thật khó tin nổi là họ định giết luôn cả anh nữa. Anh là một người trong số họ. Nhưng cho đến khi đã nghĩ tới chuyện đó thì không thể mạo hiểm. Việc đầu tiên phải làm là kiếm một tấm hộ chiếu giả. Điều đó có nghĩa là phải tìm đến Ricco ở Rome. Robert lên chuyến bay xuất cảnh tiếp theo và thấy phải cố gắng để thức. Anh đã không nhận ra mình kiệt sức đến thế nào. Áp lực của suốt mười lăm ngày qua, chưa kể sự chênh lệch thời gian do việc đi lại bằng máy bay, đã làm cho anh kiệt quệ. Máy bay đáp xuống sân ga Leonardo da Vinci, và khi anh bước vào nhà ga, người đầu tiên anh nhìn thấy là Susan. Anh dừng lại, sững sờ. Cô quay lưng lại phía anh, và trong một khoảnh khắc, anh đã nghĩ là mình nhầm. Và rồi anh nghe thấy cô nói. - Cảm ơn. Tôi có xe đón rồi. - Susan… - Robert bước lại bên cô. Cô quay lại, giật mình. - Robert. Thật là tình cờ làm sao. Nhưng là một sự kinh ngạc đáng yêu. - Anh nghĩ em đang ở Gibraltar kia mà? Cô gượng cười. - Vâng. Chúng em đang trên đường tới Áo, nhưng Monte có chút việc cần phải làm ở đây trước đã. Tối nay chúng em sẽ lên đường. Anh làm gì ở Rome thế? - Anh đang lo nốt một chút cỏng việc. Chạy trốn vì cái mạng sống của anh. Đó là công việc cuối cừng của anh đấy. Anh đã thôi rồi, em yêu ạ. Từ giờ, chúng mình sẽ luôn ở bên nhau, và không gì có thể chia cắt chúng ta nữa. Hãy bỏ Monte và trở về với anh đi! Nhưng anh không thể nói nên lời. Anh đã gây cho cô đủ điều rồi. Cô đang hạnh phúc với cuộc sống mới của cô. Hãy cứ để như thế, Robert nghĩ. - Trông anh mệt mỏi lắm. - Cô nhìn anh chăm chú. - Anh vừa phải chạy loăng quăng một chút. - Anh mỉm cười. Họ nhìn vào trong mắt nhau, và điều kỳ diệu kia vẫn còn đó. Sự thèm khát cháy bóng, và những kỷ niệm, tiếng cười cùng sự thông cảm. Susan cầm lấy tay anh trong hai bàn tay cô và dịu dàng nói: - Robert. Ôi, Robert. Em muốn chúng mình… - Susan… Và đúng lúc đó, một người đàn ông vạm vỡ trong bộ đồng phục tài xế bước đến bên Susan. - Thưa bà Banks, xe đã sẵn sàng. - Cám ơn. - Cô quay sang Robert. - Em xin lỗi. Em phải đi bây giờ đây. Xin anh tự chăm sóc lấy mình. - Chắc chắn rồi. Anh đứng nhìn theo cô. Có bao nhiêu điều anh muốn nói với cô. Cuộc sống đầy những chuyện có tính chất thời điểm. Thật vui lại được thấy Susan, nhưng mà có chuyện gì trong đó khiến anh thấy lo lẳng nhỉ? Tất nhiên rồi. Sự trùng hợp. Lại một sự trùng hợp. Anh gọi taxi đi về khách sạn Hassler. - Chúc mừng đã trở lại, ông sĩ quan. - Cám ơn. - Tôi sẽ cho một người hầu phòng mang hành lý cho ông. - Khoan! - Robert nhìn đồng hồ. 10 giờ tối. Anh muốn lên gác và ngủ một giấc, nhưng trước hết anh phải lo chuyện hộ chiếu đã. - Tôi sẽ không lên trên phòng ngay. - Robert nói. - Tôi muốn ông cho người mang hành lý lên trước đi. - Tất nhiên, thưa ông sĩ quan. Khi Robert vừa định quay đi thì cửa thang máy bật mở và một nhóm khách ào ra, cười nói ầm ĩ. Ro ràng là họ đã uống một vài cốc. Một tròng số họ, dáng người mập, mặt đỏ gay, vẫy vẫy Robert. - Xin chào anh bạn thân… vui vẻ chứ? - Tuyệt vời, - Robert đáp. - Tuyệt vời đấy. Robert bước ra, tới bên chiếc taxi đỗ bên ngoài. Khi anh vừa định chui vào xe thì chợt để ý thấy một chiếc Opel màu xám trông rất bình thường đậu phía bên kia đường. Trông nó hơi bình thường quá mức. Nó đậu giữa những chiếc xe sang trọng, thênh thang. - Phố Monte Grappa. - Robert nói với người lái xe. Trên đường, Robert nhìn qua tấm kính sau xe. Không có chiếc Opel xám nào cả. Mình đang trở nên hoảng hốt quá, Robert nghĩ. Khi họ tới phố Monte Grappa, Robert ra khỏi xe ở đầu phố. Khi trả tiền người lái xe, anh nhìn qua khoé mắt: chiếc Opel màu xám cách xa chừng nửa đoạn phố, tuy nhiên anh có thể thề rằng nó không hề theo dõi anh. Trả tiền xong, anh rời khỏi chiếc taxi và bắt đầu thong thả bước đi, thỉnh thoảng đừng lại để ngó vào các ô kính cửa hàng cửa hiệu. Qua sự phản chiếu của một ô kính, anh thấy chiếc Opel đang từ từ đi theo anh. Khi Robert tới góc phố tiếp theo, anh để ý thấy đó là con phố với đường một chiều. Anh rẽ vào đó theo hướng ngược lại với dòng xe cộ đông đúc. Chiếc Opel lưỡng lự ở góc phố và rồi lao vọt đi đến đón Robert ở đầu đằng kia. Robert quay ngược trở lại và đi về phố Monte Grappa. Không còn thấy chiếc Opel kia đâu nữa. Robert vẫy chiếc taxi khác: - Tới phố Monticelli. Toà nhà đó đã cũ kỹ và trông không mấy thiện cảm, một di sản còn lại của những ngày đã qua. Trước đây trong nhiều chuyến công tác, Robert đã đến nơi nầy. Anh bước xuống ba bậc của một tầng hầm và gõ cửa. Một con mắt xuất hiện ở lỗ nhòm trên cánh cửa và một giây sau cánh cửa mở toang ra. - Roberto. - Một người đàn ông kêu lên. Ông ta choàng tay ôm lấy Robert. - Khoẻ không, anh bạn của tôi? Đó là một người đàn ông to béo ở độ tuổi 60 với bộ râu lởm chởm trắng xoá, đôi lông mầy rậm, bộ răng vàng khè và cái cằm béo núc. Ông ta đóng cửa và khoá trái lại. - Tôi khoẻ, Ricco. Ricco không có họ. "Với một người như tôi, ông ta thường khoác lác, Chỉ cần cái tên cộc lốc đó là đủ. Cũng giống như Garbo vậy". - Hôm nay tôi có thể làm gì cho anh vậy, anh bạn? - Tôi đang có một phi vụ. - Robert nói, - Và tôi đang rất vội. Ông có thể làm cho tôi một hộ chiếu không? Ricco mỉm cười. - Giáo hoàng có phải tín đồ Thiên Chúa giáo không hả? - Ông ta lạch bạch đi tới cái tủ kê ở góc phòng và mở khoá tủ. - Anh muốn mang quốc tịch nào đây? Ông ta lôi ra một mớ hộ chiếu với các bìa khác nhau và lựa lựa từng quyển. - Chúng ta có một hộ chiếu Hy Lạp, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Anh… - Mỹ. - Robert nói. Ricco rút ra một quyển hộ chiếu có bìa màu xanh da trời. - Đây. Cái tên Arthur Butterfield có hấp dẫn anh không thế? - Tốt rồi. - Robert đáp. - Anh đứng dựa vào tường đi, tôi sẽ chụp hình cho anh. Robert bước đến bên tường. Ricco mở ngăn kéo và lấy ra chiếc máy ảnh Polaroid. Một phút sau, Robert cầm xem tấm ảnh của mình. - Không thấy tôi cười. - Robert nói. - Cái gì hả? - Ricco nhìn anh, ngạc nhiên. - Tôi đã không cười. Chụp cái khác đi. - Được thôi. Tuỳ ý anh. - Ricco nhún vai. - Có khá hơn. - Robert mỉm cười khi bức ảnh thứ hai được chụp. Anh nhìn tấm ảnh và nói, rồi thản nhiên nhét tấm ảnh đầu vào túi. - Bây giờ đến phần kỹ thuật cao, - Ricco tuyên bố rồi bước tới bàn làm việc. Ông ta đặt tấm ảnh vào mặt trong quyển hộ chiếu. Robert bước tới một cái bàn khác, ngổn ngang những dụng cụ hành nghề của Ricco và tuồn một lưỡi dao cạo cùng một lọ keo dán trong trong túi áo khoác. Ricco đang xem xét sản phẩm của ông ta. - Không tồi. - Ông ta nói rồi trao cho Robert quyển hộ chiếu. - Năm nghìn đôla. - Và hoàn toàn đáng giá. - Robert đáp trong lúc đếm 10 tờ 500 đôla. - Làm việc với người của các anh thật dễ chịu. - Anh biết là tôi quý anh. Robert biết chính xác là ông ta đang nghĩ gì về anh. Ricco là một thợ giày thiện nghệ, làm việc cho gần một chục chính phủ - Và chẳng trung thành với chính phủ nào. Anh đút quyển hộ chiếu vào túi áo. - Chúc may mắn, ông Butterfield. - Ricco mỉm cười. - Cám ơn. Ngay khi cánh cửa khép lại sau lưng Robert, Ricco vớ lấy điện thoại. Thông tin luôn là tiền bạc đối với ai đó. Bên ngoài, đi được chừng hai chục mét, Robert lấy quyển hộ chiếu mới ra khỏi túi và dúi nó vào trong một thùng rác. Nhiễu. Đó là một kỹ thuật mà khi là một phi công anh đã dùng để tạo những cái đuôi giả cho tên lửa của đối phương. Hãy để cho họ săn lùng Arthur Butterreld. Chiếc Opel xám dừng cách chừng nửa đoạn phố. Chờ đợi. Không thể thế được. Robert tin chắc rằng chiếc xe đó là cái đuôi duy nhất. Anh đã chắc chắn là chiếc Opel đã bị mất dấu, vậy mà nó vẫn tìm ra. Họ phải có một cách nào đó để bám theo từng bước đi của anh. Câu trả lời duy nhất: Họ đã dùng một thứ máy phát nào đó, và anh phải luôn mang nó theo người. Nó được gắn vào quần áo của anh chăng? Không. Họ không có cơ hội nào cả Đại uý Dougherty đã có mặt lúc anh sắp xếp hành lý nhưng anh ta không thể biết Robert sẽ mang theo bộ quần áo nào. Robert thầm kiểm kê lại những gì mà anh mang theo người - tiền mặt, chìa khoá, một cái ví khăn mùi xoa, thẻ tín dụng… Chiếc thẻ tín dụng. "Tôi không nghĩ là tôi cần đến nó, thưa tướng quân" - "Cầm lấy. Vã hãy luôn giữ nó trong người". Đồ chó đẻ gian xảo. Không có gì lạ khi họ tìm được anh dễ dàng như vậy. Không còn nhìn thấy chiếc Opel xám nữa. Robert lấy tấm thẻ tín dụng ra, xem xét nó. Nó hơi dầy hơn một tấm thẻ tín dụng thông thường. Hơi vặn nó một chút, anh có thể cảm thấy một lớp gì đó bên trong. Họ sẽ điều khiền từ xa cho tấm thẻ hoạt động. Tốt. Robert nghĩ. Hãy để cho bọn khốn nạn nầy bận bịu. Có mấy cái xe vận tải đỗ dọc trên phố đang bốc và dờ hàng. Robert nhìn những biển số xe. Khi tới bên một chiếc xe tải với biển số của Pháp, anh nhìn quanh để chắc chắn là mình không bị quan sát rồi ném tấm thẻ lên trên thùng xe. - Cho đến khách sạn Hassler. - Anh vẫy một chiếc taxi. * * * * * Ttrong tiền sảnh, Robert bước tới chỗ người gác cửa. - Làm ơn xem đêm nay có chuyến bay nào đi Paris không nhé. - Vâng, ông sĩ quan. Ông có chọn hãng hàng không cụ thể nào không? - Hãng nào cũng được. Chuyến bay đầu tiên là đủ. - Tôi rất sung sướng được lo chuyện nầy. - Cám ơn. - Robert bước đến chỗ tiếp tân. - Xin cho chìa khoá phòng tôi. Phòng 314. Và tôi sẽ trả phòng trong vài phút nữa thôi. - Dạ, thưa ông Bellamy. - Người nhân viên với tay lên một ô và lấy ra chìa khoá cùng một cái phong bì. - Đây, có một cái thư cho ông. Robert nghiêm mặt. Chiếc phong bì được dán kín và được ghi rất đơn giản. "Sĩ quan chỉ huy Bellamy" Anh nắn nhẹ xem có chất dẻo hoặc thứ kim loại gì bên trong hay không, rồi thận trọng mở nó ra. Bên trong là một tấm các quảng cáo về một nhà hàng Italia. Hoàn toàn bình thường. Tất nhiên, trừ cái tên của anh trên phong bì. - Anh có nhớ ai đưa cho anh cái nầy không? - Tôi xin lỗi. - Người nhân viên nói với vẻ ân hận. - Nhưng quả thật là tối nay chúng tôi bận rộn quá… Điều đó không quan trọng. Người đàn ông kia sẽ chẳng nhớ ra bộ mặt nào cả. Hắn ta đã nhặt tờ quảng cáo ở đâu đó cho nó vào phong bì rồi đứng ngay cạnh quầy và chờ xem chiếc phong bì đó được cho vào cái ô mang số phòng bao nhiêu. Lúc nầy hắn ta hẳn đang chờ trong trong của Robert. Đã đến lúc nhìn mặt kẻ thù. Robert nghe thấy những tiếng nói ồn ào, anh quay lại và thấy đám khách say rượu lúc trước đang đi vào tiên sảnh, vừa cười vừa hát. Rõ ràng là họ đã uống thêm ít nữa. Người đàn ông mập nói: - Kìa, chào anh bạn. Anh đã lỡ một tiệc vui. Robert tính toán rất nhanh trong đầu. - Anh thích hội hè à? - Hô hô. - Có một cuộc ra trò đang diễn ra trên lầu. - Robert nói. Rượu mạnh, gái… - bất kỳ thứ gì mà các anh muốn. Cứ việc đi theo tôi, các bạn. - Đó chính là lối chơi của người Mỹ, anh bạn. - Người đàn ông vỗ vỗ vào lưng Robert. - Nghe thấy chứ, các chàng trai? Anh bạn của chúng ta đây chiêu đãi một cuộc. Họ chen chúc nhau cùng vào thang máy và đi lên tầng ba. Người đàn ông say rượu nói: - Những người Italia nầy rõ ràng là biết phải sống như thế nào. Tôi đoán là họ đã phát minh ra những cuộc hội hè, phải không? - Tôi sẽ cho các bạn thấy một cuộc vui thật sự. - Robert hứa. Họ đi theo dọc hành lang tới trước phòng anh. Robert tra chìa khoá vào ổ và quay lại nói với tất cả bọn họ: - Các bạn đã sẵn sàng vui một chút chứ? Những tiếng trả lời "có" đồng thanh cất lên. Robert quay chìa, đẩy cửa mở và đứng sang một bên. Căn phòng tối om. Anh bật điện lên. Một người lạ mặt cao và gầy đứng giữa phòng với một khẩu Mode có gắn ống giảm thanh rút ra nửa chừng. Người đàn ông đó nhìn đám đông với vẻ mặt thảng thốt và đẩy nhanh khẩu súng vào trong áo khoác. - Nầy. Rượu đâu hả? - Một trong những người say kia hỏi. Robert chỉ vào gã lạ mặt. - Anh ta có đó. Đến mà lấy. Cả bọn xông về phía gã kia. - Rượu đâu, anh bạn… - Gái đâu?… - Hãy kiếm cuộc liên hoan nầy ở ngoài đường… Gã kia cố lách tới chỗ Robert nhưng đám đông đã cản hắn lại. Gã bất lực nhìn theo trong khi Robert khoá cửa từ bên ngoài. Anh lao xuống cầu thang hai bậc một. Dưới nhà, trong tiền sảnh, Robert đang đi ra cửa thì người gác gọi to. "Ồ, ông Bellamy, tôi đã đặt vé cho ông rồi đấy. Ông đi chuyến bay 312 của Hàng không Pháp đi Paris. Chuyên bay khởi hành lúc một giờ sáng." - Cám ơn, - Robert đáp vội. Anh đi ra ngoài và vào các quảng trường nhỏ phía trước những bậc thềm Tây Ban Nha. Một chiếc taxi đang để một người khách xuống. Robert chui vào ngay. - Phố Monte Grappa. Giờ đây, anh đã có câu trả lời của mình. Họ định giết anh. Họ sẽ không thấy việc đó dễ dàng. Lúc nầy anh đã là kẻ bị săn đuổi thay vì anh là người đi săn, nhưng anh có một lợi thế lớn. Họ đã huấn luyện anh kỹ lưỡng. Anh biết tất cả những thủ thuật của họ, những điểm mạnh và những điểm yếu, và anh sẽ dùng kiến thức đó để chặn họ lại. Đầu tiên anh phải tìm cách không để chúng bám đuôi. Những kẻ săn lùng anh chắc phải được nghe một câu chuyện gì đó. Họ sẽ được bảo là anh bị truy nã về tội buôn ma tuý, hoặc giết người, hoặc là hoạt động gián điệp. Họ sẽ được cảnh cáo trước: Hắn ta rất nguy hiểm. Đừng để lỡ cơ hội. Hảy bắn hạ ngay. - Nhà ga Rome. - Robert nói với người lái taxi. Họ đang săn lùng anh, nhưng họ sẽ chưa đủ thời gian để phân phát ảnh của anh. Cho đến lúc nầy, anh không bị nhận diện. Chiếc taxi dừng lại trước toà nhà số 36 phố Giovanni Giolitti và người lái xe nói: - Thưa ông, nhà ga đây rồi. - Chúng ta hãy đợi một phút. - Robert ngồi lại trong xe, quan sát mặt tiền của nhà ga. Dường như chỉ có những hoạt động bình thường. Mọi thứ đều có vẻ bình thường. Taxi và những chiếc xe hòm kính đang đến và đi, đưa và đón khách. Những người khuân vác đang bốc và xếp hành lý. Một cảnh sát đang bận rộn ra lệnh cho những chiếc xe rời khỏi khu vực cấm đỗ. Nhưng có gì đó đã làm cho Robert lo ngại. Anh chợt nhận thấy điểm không bình thường của toàn bộ bức tranh. Ba chiếc xe lớn không biển số đỗ ngay đối diện với nhà ga, trong khu vực cấm đỗ và không có ai trong xe. Viên cảnh sát phớt lờ chúng. - Tôi thay đổi ý định rồi. - Robert nói với người lái taxi - Tới số 110/A phố Veneto. Đó là nơi khó có ai đến tìm kiếm anh. Đại sứ quán Mỹ và toà lãnh sự Mỹ được bố trí trong một toà nhà màu hồng trên phố Veneto, với một hàng rào sắt đen ngòm trước mặt. Vào giờ nầy thì toà đại sứ đã đóng cửa, nhưng bộ phận hộ chiếu của nó thì làm việc suốt hai mươi tư giờ để giải quyết những trường hợp khẩn cấp. Trong lối vào ở tầng một, một người lĩnh thuỷ quân lục chiến ngồi sau bàn. Người lính nhin lên khi Robert tiến đến gần. - Thưa ông, tôi có thể giúp ông? - Vâng. - Robert nói - Tôi muốn hỏi về việc xin hộ chiếu mới. Tôi bị mất hộ chiếu. - Ông là công dân Mỹ? - Phải. Họ sẽ lo chuyện của ông ở trong đó. Phòng cuối cùng. - Người lính chỉ một văn phòng phía xa. - Cám ơn. Có dăm bảy người ở trong cái phòng đó xin hộ chiếu, báo mất hộ chiếu, và xin thị thực, xin gia hạn… - Tôi có cần xin thị thực đến Anbani không? Tôi có bà con ở đó… - Tôi muốn cái hộ chiếu nầy được gia hạn tối nay. - Tôi phải đi một chuyến bay… - Tôi không hiểu thế nào nữa. Hẳn là tôi đã mất nó ở Milan… - Họ đã lấy cái hộ chiếu ngay trong ví của tôi… Robert đứng nghe. Trộm cắp hộ chiếu là cái trò phổ biến ở Italia. Phải có ai đó trong số nầy sắp được nhận hộ chiếu mới. Đứng đầu hàng là một người đàn ông đứng tuổi, quần áo lịch thiệp đang được trao một quyển hộ chiếu. - Của ông đây, thưa ông Cowan. Tôi lấy làm tiếc là ông đã gặp chuyện rủi ro như thế. Tôi e là ở Rome có nhiều kẻ cắp lắm đấy. - Tôi sẽ phải cẩn thận để chúng không thể lấy được quyển nầy. - Cowan nói. - Ông nên như thế, thưa ông. Robert để ý nhìn Cowan cho quyển hộ chiếu vào trong túi áo khoác và quay người định bước đi. Robert bước đến trước mặt ông ta. Khi một phụ nữ lấn tới, Robert chúi vào người Cowan như thể anh bị đẩy và làm ông ta suýt ngã. - Tôi thật xin lỗi. - Robert nói. Anh cúi xuống chỉnh lại xống áo cho ông ta. - Không sao. - Cowan nói. Robert quay đi và bước vào nhà vệ sinh nam giới ở cuối hành lang, tấm hộ chiếu của ông kia đã ở trong túi anh. Anh nhìn quanh để có thể tin chắc rằng chỉ có một mình, rồi bước vào một trong các buồng vệ sinh. Anh lấy ra lưỡi dao cạo và lọ keo dán mà đánh cắp của Ricco. Rất cẩn thận, anh rạch miếng vỏ nhựa và lấy tấm ảnh của Cowan ra. Sau đó, anh cho tấm ảnh của anh mà Ricco đã chụp vào. Anh dủng keo dán mép tấm bìa lại như cũ và kiểm tra lại. Hoàn hảo. Giờ đây, anh đã là Henry Cowan. Năm phút sau, anh đã ở trên phố Veneto, chui vào một chiếc taxi. - Ra sân bay. Lúc 12 giờ 30, Robert tới sân bay Leonardo da Vinci. Anh đứng bên ngoài, kiểm tra xem có gì bất thường không. Bề ngoài, mọi thứ đều tỏ ra bình thường. Không có xe cảnh sát, không có những người đàn ông đáng ngờ. Robert đi vào nhà ga và dừng lại ngay bên trong cửa. Có nhiều quầy vé của nhiều hãng hàng không nằm rải rác trong khu ga. Không có ai lảng vảng hay ẩn sau những chiếc cột. Anh đứng nguyên tại chỗ, cảnh giác. Anh không thể giải thích được, thậm chí là cho chính mình, nhưng dù sao chăng nữa thì mọi việc có vẻ quá bình thường. Ngang phía bên kia phòng là quầy vé của Hàng không Pháp. "Ông đi chuyến bay 312 của Hàng không Pháp. Chuyến bay khởi hành lúc một giờ sáng". Robert tiến đến chỗ một phụ nữ mặc đồng phục đang ngồi sau quầy vé của Hàng không ltalia. - Xin chào. - Xin chào. Tôi có thể giúp ông không, thưa ông? Có Robert nói: - Xin cô cho gọi ông sĩ quan Robert Bellamy tới chỗ buồng điện thoại miễn phí được không? - Tất nhiên. - Cô ta đáp, rồi nhấc chiếc micrô lên. Cách đó vài mét, một phụ nữ béo tuổi trung niên đang kiểm tra lại mấy cái vali, cãi cọ gay gắt với nhân viên hàng không về tiền quá cước. - Ở Mỹ, họ không bao giờ bắt trả tiền quá cước cả. - Tôi xin lỗi, thưa bà. Nhưng nếu bà muốn mang theo tất cả những túi nầy thì bà phải trả thêm cho số quá trọng lượng. Robert đến gần hơn. Anh nghe thấy giọng cô nhân viên trên loa phóng thanh. "Mời sĩ quan Robert Bellamy tới buồng điện thoại miễn phí màu trắng. Sĩ quan Bellamy, xin mời tới buồng điện thoại miễn phí màu trắng". Lời thông báo đó vang vang trong khắp nhà ga sân bay. Một người đàn ông với một cái túi khoác đang đi ngang chỗ Robert. - Xin lỗi. - Robert nói. - Có gì vậy? Người đàn ông quay sang. - Tôi nghe vợ tôi đang nhắn tìm tôi, nhưng, - anh chỉ đám túi của người đàn bà, - tôi không thể bỏ hành lý ở đây được. Anh rút ra một tờ 10 đôla và đưa nó cho người kia - Nhờ ông làm ơn tới cái buồng điện thoại màu trắng kia và nói với cô ấy là một tiếng nữa tôi sẽ đón cô ấy tại khách sạn, được chứ. Tôi thật sự biết ơn ông. Người đàn ông kia nhìn tờ bạc 10 đôla trong tay. - Được thôi. Robert nhìn anh ta đi vào buồng điện thoại và nhấc máy lên. Anh ta áp ống nghe vào tai và nói: - Hêlô?… Hêlô?… Một giây sau, bốn người đàn ông to lớn mặc đồ đen không biết từ đâu xuất hiện và ập tới, áp chặt người đàn ông không may kia vào tường. - Nầy. Cái gì thế? - Hãy yên lặng nào. - Một người đàn ông trong số kia nói. - Các ông đang làm cái trò gì thế hả? Bỏ tay khỏi người tôi ngay. - Đừng làm rộn lên, ông sĩ quan. Không ích gì… - Sĩ quan? Các ông đã nhầm người rồi. Tên tôi là Melvyn Davis. Tôi ở Omaha. - Thôi đừng giở trò. - Đợi một phút. Tôi đã bị lừa rồi. - Người đàn ông mà các ông tìm ở kia kla. - Anh ta chỉ tay về chỗ Robert đứng lúc trước. Không có ai ở đó cả. Bên ngoài nhà ga, một chiếc xe bus của sân bay đang sắp sửa khởi hành. Robert lên xe, đứng lẫn vào những hành khác khác. Anh tìm chỗ ngồi ở cuối xe, tập trung nghĩ tới bước đi tiếp theo. - Anh nóng lòng muốn được nói chuyện với Đô đốc Whittaker để thử tìm câu trả lời về những gì đang diễn ra, đề biết ai là kẻ phải chịu trách nhiệm trong việc giết hại những người vô tội chỉ vì họ đã chứng kiến cái mà họ đáng ra không được nhìn. Đó là tướng Hilliard chăng? Dustin Thorton? Hay bố vợ Thornton, Willard Stone, cái con người đầy bí ân. Có thể lão ta, bằng cách nào đó, có dính dáng vào vụ nầy chăng? Hay đó là Edward Sanderson, giám đốc NSA? Họ có thể cùng phối hợp với nhau không? Nó có lên cao tới cấp Tổng thống không? Robert cần những câu trả lời. Chiếc xe bus chạy một tiếng mới tới Rome. Khi xe dừng trước khách sạn Eden, Robert xuống xe. Mình phải rời khỏi nước nầy, Robert nghĩ. Chỉ có một người duy nhất ở Rome là anh còn có thể tin cậy. Đại tá Francesco Cesar, thủ trưởng SIFAR, cơ quan an ninh Italia. Ông ta sẽ giúp Robert thoát khỏi đây. * * * * * Đại tá Cesar làm việc khuya. Những bức điện tới tấp đi và đến giữa các cơ quan an ninh các nước, và tất cả đều liên quan tới sĩ quan Robert Bellamy. Đại tá Cesar đã từng làm việc với Robert trước đây và ông ta rất quý anh. Cesar thở dài khi ông ta xem xét bức điện mới nhất để trước mặt. Thủ tiêu. Và trong khi ông ta đang đọc điện thì thư ký của ông ta bước vào: - Sĩ quan Bellamy đang chờ ngài trên đường dây số một. Đại tá Cesar trợn mắt nhìn cô thư ký: - Bellamy? Chính anh ta à? Thôi được. Ông ta đợi cô thư ký ra khỏi phòng, và chộp lấy điện thoại. - Robert? - Chào Francesco. Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế? - Anh trả lời tôi thì có, anh bạn. Tôi đã và đang nhận đủ loại thông báo về anh. Anh đã làm gì vậy? - Đó là một câu chuyện dài. - Robert nói - Và tôi không có thởi gian. Ông đã nghe những gì thế? - Rằng anh đã tách riêng. Rằng anh đã bị tuyển loại và đang hót như một con hoàng yến vậy. - Cái gì hả? - Tôi nghe nói anh đã có một hợp đồng với người Trung Quốc và… - Lạy Chúa. Thật là lố bịch. - Thế hả? Tại sao? - Bởi vì một giờ trước đây họ còn đang khát khao có thêm thông tin mà. - Hãy vì Chúa, Robert. Không phải chuyện đùa đâu. - Hãy nói đi, Francesco. Tôi vừa mới đẩy mười người vô tội tới chỗ chết. Người ta dự kiến tôi là người thứ mười một đấy. - Anh đang ở đâu? - Tôi ở Rome. Có vẻ như tôi không thể nào rời khỏi cái thành phố khốn kiếp nầy của ông. - Thế đấy. - Có một sự im lặng nặng nề. - Tôi có thể làm gì để giúp anh? - Đưa tôi tới một ngôi nhà an toàn, nơi chúng ta có thể nói chuyện, và tôi có thể tính xem sẽ đi khỏi đây bằng cách nào. Ông lo được chuyện đó không? - Được nhưng anh phải cẩn thận. Rất cẩn thận. Tôi sẽ đích thân đón anh. - Cám ơn Francesco. Tôi thật sự biết ơn. - Robert thở phào nhẹ nhõm. - Như người Mỹ các anh nói, anh nợ tôi một. Anh đang ở đâu? - Quán Lido ở Trastevere. - Cứ đợi ở đó. Đúng một tiếng nữa tôi sẽ đến. - Cám ơn ông bạn của tôi. - Robert cúp máy. Nó sẽ là một tiếng dài chờ đợi. Ba mươi phút sau, hai chiếc xe không biển số dừng lại cách tiệm Lido chừng chục mét. Trong mỗi chiếc xe có bốn người đàn ông và tất cả đều mang súng tiểu liên. Đại tá Cesar ra khỏi chiếc xe đi đầu. - Hãy làm cho nhanh. Đừng để ai khác bị thương. - Cứ bắn hạ ngay. Một nửa bọn họ lặng lẽ đi vòng ra phía sau ngôi nhà. Từ trên tầng thượng của một toà nhà phía bên kia đường, Robert Bellamy đứng quan sát Cesar và đám lính của ông ta lăm lăm súng trong tay ập vào trong quán. Được, thằng khốn kiếp. Robert giận dữ nghĩ, chúng ta sẽ chơi theo lối của mầy. Chương 36 Ngày thứ mười sáu. Rome, Italia. Từ quảng trường Duomo, Robert gọi điện cho đại tá Cesar từ một buồng điện thoại công cộng. - Chuyện bạn bè có gì thế? - Robert hỏi. - Đừng giả bộ, anh bạn. Tôi chấp hành mệnh lệnh, cũng như anh thôi. Tôi có thể đảm bảo với anh rằng việc chạy trốn của anh là không ích gì. Anh đứng đầu danh sách truy nã của tất cả các cơ quan tình báo. Tới một nửa các chính phủ trên thế giới nầy đang tìm kiếm anh. - Ông có tin rằng tôi là một kẻ phản bội không? Casar thở dài. - Tôi tin hay không thì đâu có nghĩa gì, Robert. Đây không hề có chuyện cá nhân. Tôi phải chấp hành mệnh lệnh. - Xoá sổ tôi? - Anh có thể làm nó trở thành nhẹ nhàng hơn bằng cách tự nộp mình… - Cám ơn, đồ đểu. Nếu còn cần lời khuyên, tôi sẽ hỏi han đầu gối mình. - Anh dập máy xuống. Robert hiểu rằng anh còn lẩn trốn lâu bao nhiêu thì càng ở trong tình thế nguy hiểm hơn bấy nhiêu. Các nhân viên an ninh của cả gần một chục nước đang khép chặt vòng vây quanh anh. Phải có một cái cây nào đó, Robert nghĩ. Ý tưởng nầy xuất phát từ chuyện kể về một người thợ săn trong một cuộc đi săn ở Châu Phi. "Con sư tử đã chạy trốn. Tôi không có súng và cũng không có chỗ nào để trốn. Xung quanh không hề có lấy một bụi rậm hay một cái cây nào. Và con thú đang lao thẳng tới chỗ tôi, mỗi lúc một gần hơn". "Anh đã thoát được như thế nào?", một người nghe chuyện hỏi. "Tôi chạy tới một cái cây gần nhất và trèo lên" - "Nhưng mà anh nói là không có cái cây nào cơ mà". - "Cậu không hiểu. Phải có một cái cây nào đó". Và mình phải tìm được nó, Robert nghĩ. - Anh nhìn quanh quảng trường, giờ nầy đã vắng ngắt. Anh cho rằng đã đến lúc phải nói chuyện với người đã đẩy anh vào cơn ác mộng nầy, tướng Hilliard. Nhưng anh sẽ phải cẩn thận. Kỹ thuật điện tử cho phép dò tìm một máy điện thoại đang hoạt động gần như ngay tức thời. Robert để ý thấy cả hai buồng điện thoại gần buồng mà anh đang đứng trong đều bỏ không. Tuyệt. Bỏ qua số điện thoại riêng mà tướng Hilliard đã trao cho anh, anh quay số tổng đài của NSA. Khi nhân viên tổng đài trả lời, Robert nói: - Xin cho văn phòng tướng Hilliard. Một phút sau, anh nghe thấy tiếng một thư ký. - Văn phòng tướng Hilliard. Robert nói. - Xin chờ điện thoại tử nước ngoài gọi đến. - Anh thả treo chiếc ống nói và chạy đến cái buồng điện thoại cạnh đấy. Anh nhanh chóng quay lại cái số đó Một cô thư ký khác trả lời máy: - Văn phòng tướng Hilliard. - Xin giữ máy chờ điện thoại gọi từ nước ngoài, - Robert nói. Anh để chiếc ống nói treo lủng lẳng và bước vào buồng thứ ba, quay số. Khi một thư ký khác nữa trả lời, Robert nói: - Đây là sĩ quan Bellamy. Tôi muốn nói chuyện với tướng Hilliard. Một tiếng kêu ngạc nhiên. - Xin chờ một chút, thưa ông sĩ quan. Người thư ký ấn nút máy nội bộ. - Thưa ngài, sĩ quan Bellamy đang trên đường dây số ba. Tướng Hilliard đưa mắt nhln Harrison Keller. - Bellamy đang trên kênh số ba. Bắt đầu dò tìm ngay, nhanh lên. Harrison Keller lao đến bên một chiếc điện thoại trên bàn phụ và quay số gọi Trung tâm Điều phối Mạng thông tin, hoạt động liên tục hai mươi tư giờ trong ngày. Viên sĩ quan cao cấp đang trực ban trả lời máy. - Trung tâm điều phối đây. Adams. - Dò tìm khẩn cấp một cú điện thoại gọi đến sẽ phải mất bao nhiêu lâu? - Keller thầm thì. - Khoảng một hai phút. - Bắt đầu đi. Văn phòng tướng Hilliard, đường số ba. Tôi sẽ chờ. Anh ta nhìn ông tướng và gật đầu. Tướng Hilliard nhấc máy. - Ông sĩ quan, phải không? Tại Trung tâm điều phối, Adams cho một con số vào trong máy tính. Ông ta nói: - Chúng ta bắt đầu. - Tôi nghĩ đã đến lúc ngài và tôi cần nói chuyện, thưa tướng quân. - Tôi sung sướng là òng đã gọi, ông sĩ quan. Tại sao ông không đến đây và chúng ta có thể bàn về chuyện nầy nhỉ? Tôi sẽ thu xếp một máy bay cho ông và ông có thể có mặt ở đây trong… - Không, cảm ơn. Quá nhiều tai nạn xảy ra cho các chuyến bay, thưa tướng quân. Trong phòng thông tin, ESS - hệ thống tìm kiếm điện tử đã được bắt đầu hoạt động. Màn ảnh của máy tính bắt đầu sáng lên. AX 121 - B… AX 122 - C… AX 123 - C… - Thế nào? - Keller thì thầm vào ống nói. Trung tâm điều phối thông tin New Jersey đang tìm kiếm những cú điện thoại đường dài ở khu vực Washington. D.C. Giữ máy. Màn ảnh trắng xoá đi. Rồi dòng chữ "Điện thoại đường dài từ ngoại quốc trên kênh một" hiện lên trên màn ảnh. Cú điện thoại đang được gọi đến từ đâu đó ở Châu u. Chúng tôi đang tlm xem ở nước nào… Tướng Hilhard đang nói: - Ông Bellamy, tôi cho rằng có một sự hiểu lầm. Tôi có một đề nghị… Robert cúp máy: Tướng Hilliard nhìn sang Keller. - Đã kiếm được chưa? Harrison nói vào trong máy nối với Adams. - Thế nào rồi? - Chúng ta đã mất hắn. Robert bước vào buồng điện thoại thứ hai và cầm ống nói. Thư ký của tướng Hilliard nói. - Sĩ quan Bellamy ở kênh số hai. - Ông sĩ quan hả? - Hãy để tôi có một đề nghị, - Robert nói. - Tướng Hilliard đưa tay bịt chặt ống nói. - Bắt đầu lại việc dò tìm đi. Harrison nhấc máy và nói với Adams. "Ông ta lại gọi. Kênh hai. Nhanh lên". - Được. Thưa tướng quân, đề nghị của tôi là ngài hãy cho tất cả người của ngài lui. Và tôi muốn ngay bây giờ. - Tôi nghĩ là ông đã hiểu lầm tình hình rồi, ông sĩ quan. Chúng ta có thể dàn xếp chuyện nầy nếu… - Tôi sẽ nói với ngài chúng ta phải dàn xếp như thế nào. Hiện có lệnh thủ tiêu tôi. Tôi muốn ngài huỷ nó đi. Tại trung tâm điều phối thông tin, màn ảnh của máy tính đưa ra một thông tin mới: AX 155 - C Nhánh A21 đã được xác định. Tổ hợp 301 tới Rome. Kênh Đại Tây Dương 1. - Chúng ta kiếm được rồi, - Adams nói vào trong máy. - Chúng ta đã dò tìm ra kênh dẫn tới Rome. - Kiếm cho tôi số máy và nơi đặt máy, - Keller nói với ông ta. Tại Rome, Robert đưa mắt nhìn đồng hồ. - Ngài đã trao cho tôi một nhiệm vụ. Tôi đã thực hiện nó. - Ông thực hiện rất tốt, ông sĩ quan. Đây là điều tôi… Đường dây vụt chết lặng. Viên tướng quay sang Keller. - Hắn lại cúp rồi. Keller nói vào trong máy ông đã kiếm được chưa hả? - Nhanh quá, thưa ông. Robert bước vào buồng điện thoại tiếp theo và nhấc máy. Giọng cô thư ký của tướng Hilliard xuất hiện trong máy nội bộ. - Sĩ quan Bellamy trên đường dây số 1, thưa tướng quân. Viên tướng quát lên: - Tìm thằng chó đẻ ngay. Ông ta nhấc máy: - Ông sĩ quan hả. - Tôi muốn ngài nghe: thưa tướng quân, và nghe một cách kỹ càng. Ngài vừa giết một số người vô tội. Nếu ngài không cho người của ngài lui ngay, tôi sẽ đến với giới báo chí và nói cho họ biết chuyện gì đang xảy ra. - Tôi sẽ không khuyên ông làm như thế, trừ phi ông muốn bắt đầu một sự hoảng loạn trên toàn thế giới. Những sinh vật lạ kia là có thật và chúng ta bất lực trước họ. Họ đang sẵn sàng tiến hành các bước đi của họ. Ông không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu những tin nầy lọt ra ngoài. - Cả ngài cũng vậy thôi, - Bellamy vặn lại. - Tôi không để cho ngài có lựa chọn nào cả. Nếu như còn một vụ mưu sát đối với tôi, tôi sẽ cho công bố mọi chuyện. - Thôi được, - Tướng Hilliard nói. - Ông thắng. - Tôi sẽ huỷ bỏ. Tại sao lại không được nhỉ? Chúng ta có thể… - Bộ máy dò tìm của ngài lúc nầy hẳn đang làm việc rất tốt, - Robert nói. - Chúc một ngày tốt đẹp. Liên lạc bị cắt. - Đã kiếm được chưa? - Keller quát vào trong máy. - Gần tới, thưa ông. Hắn gọi từ một khu vực ở trung tâm Rome. Hắn đã liên tục thay máy gọi cho chúng ta. - Adams đáp. Viên tướng nhìn sang Keller. - Thế nào? - Xin lỗi tướng quân. Chúng ta chỉ biết rằng ông ta đang ở đâu đó tại Rome. Ngài có tin lời đe doạ của ông ta không? Chúng ta có huỷ kế hoạch đối với ông ta không? - Không. Chúng ta sẽ trừ khử hắn. * * * * * Robert rà lại những khả năng lựa chọn của mình. Chúng thật là ít ỏi. Họ sẽ giám sát các sân bay, các nhà ga, các tuyến xe bus và các hăng cho thuê xe. - Anh không thể thuê phòng ở khách sạn bởi vì SIFAR hẳn đã đưa ra các thông báo. Tuy nhiên, anh phải rời khỏi Rome. Anh cân có một vỏ bọc. Một người bạn đồng hành. Họ sẽ không để ý tới một người đàn ông và một người đàn bà đi cùng nhau. Đó là lúc bắt đầu. Một chiếc taxi đang đỗ nơi góc phố, Robert vò rối mái tóc, kéo trễ cà vạt xuống, và đi loạng choạng như người say rượu đến bên chiếc taxi. - Nầy, anh kia, - Anh gọi. - Anh kia. Người lái xe nhìn anh vẻ khinh miệt. Robert lôi ra một tờ 20 đô la và ấn nó vào tay người lái xe. - Nầy anh bạn, tôi muốn cưỡi một chút. Anh có hiểu không hả? Anh có biết chút tiếng Anh nào không đấy? Người lái xe nhìn tờ bạc. - Ông muốn có một người đàn bà? - Anh hiểu đúng đấy, anh bạn. Tôi muốn có một người đàn bà. - Được thôi, Người lái xe nói. Robert chui vào và xe chuyển bánh. Anh nhìn lại phía sau. Không có ai bám theo. Đầu óc anh căng thẳng. Một nửa số các chính phủ trên thế giới nầy đang tìm kiếm anh". Và không có quyền chống án nào cả. Mệnh lệnh đối với họ là hạ sát anh. Hai mươi phút sau, họ tới To di Ounto, một khu vực "đèn đỏ" của Rome, toàn đĩ điếm các loại. Họ chạy tiếp tới đường Archeologica, và người lái xe dừng lại ở đầu đường. - Ông sẽ tìm thấy một người đàn bà ở đây, - anh ta nói. - Cám ơn anh bạn. - Robert trả tiền theo số đo trên đồng hồ và loạng choạng ra khỏi xe. Nó lao đi với tiếng bánh xe rít lên. Robert nhìn quanh, xem xét đường phố. Không có cảnh sát. Một vài chiếc xe và một vài người bộ hành. Hơn một chục cô gái điếm đang đi lại trên phố. Trên tinh thần "Hãy quây những đối tượng thường xuyên lại", cảnh sát cứ hai tháng một lần lại càn quét để làm hài lòng những tiếng nói đạo đức và đưa đĩ điếm từ phố Veneto đầy lộ liễu tới khu vực nầy, nơi họ sẽ không xúc phạm những bà quý phái ngồi uống trà ở tiệm Doney. Vì lý do đó, hầu hết các tiểu thư nầy đều rất hấp dẫn và ăn mặc tử tế. Có một cô làm cho Robert phải để ý. Cô ta có vẻ mới ngoài hai mươi, mái tóc dài màu sẫm, mặc chiếc váy màu đen và chiếc áo khoác ngắn màu trắng dễ trông, và ngoài cùng là một cái áo khoác bằng lông lạc đà. Robert đoán cô ta là một diễn viên hoặc một người mẫu nghiệp dư. Cô ta đang nhìn Robert. Robert loạng choạng lại gần cô ta. - Chào cô bé, - anh lè nhè. Cô em có nói tiếng Anh được không? - Có - Tốt. Em và anh, chúng ta sẽ có một cuộc vui chứ. Cô mỉm cười ngập ngừng. Những người say rượu có thể gây rắc rối. - Có thể là ông nên tỉnh táo lại trước đã. - Cô ta có một giọng nói thật mềm mại. - Nầy, anh đủ tỉnh táo đấy nhé! Ông sẽ phải trả đủ một trăm đôla. - Được thôi, em yêu. Cô ta có một quyết định trong đàu. - Tốt. Nào đi. Có một khách sạn ngay đằng đầu phố. - Tuyệt vời. Tên cô em là gì thế? - Pier. - Còn anh là Henry. - Một chiếc xe cảnh sát xuất hiện ở đằng xa, chạy lại phía họ. - Chúng ta hãy đi khỏi đây. Hai người phụ nữ khác nhìn một cách ghen tị trong khi Pier và người khách Mỹ kéo nhau đi. Khách sạn đó không phải là Hassler, nhưng thằng bé mặt đầy mụn ngồi ở cái bàn dưới nhà đã không đòi trình hộ chiếu. Thực tế, cậu ta chỉ hơi ngước nhìn lên lúc đưa chìa khoá cho Pier. - Năm mươi ngàn lia. Pier nhìn Robert. Anh lấy tiền đưa cho thằng bé. Căn phòng mà họ đi vào có một cái gường lớn kê ở góc phòng, một cái bàn nhỏ, hai cái ghế gỗ và một cái gương treo phía trên bồn tắm. Có một cái mắc treo quần áo ở sau cánh tủ. - Ông phải trả tiền trước. - Tất nhiên. - Robert đếm ra một trăm đôla. - Cám ơn. Pier bắt đầu cởi váy áo. Robert bước đến bên cửa sổ. Anh gạt tấm rèm sang một bên và nhìn ra. Mọi thứ có vẻ bình thường. Anh hy vọng là cho đến lúc nầy cảnh sát đang bám theo chiếc xe tải màu đỏ trên đường trở về Pháp. Robert thả tấm rèm ra và quay lại Pier đã trần truồng. Cô có một thân thể đẹp đến ngạc nhiên. Đôi vú trẻ trung, chắc nịch, bộ mông tròn trặn, một cái eo nhỏ và cặp chân dài, thon thả. Cô nhìn Robert. - Sao ông không cởi quần áo ra, Henry? - Đây là đoạn phải mẹo nói thật với cô, - Robert nói, - tôi nghĩ là tôi đã uống hơi nhiều một chút. Tôi không thể làm gì với cô được. Cô ta nhìn anh với ánh mắt cảnh giác. - Vậy sao ông lại… - Nếu tôi ở lại đây và ngủ một chút, chúng ta có thể làm tình vào buổi sáng. Cô nhún vai. - Em còn phải làm việc. Em sẽ mất tiền. - Không sao. Tôi sẽ lo chuyện đó. - Anh đếm ra mấy tờ một trăm đôla và đưa cho cô. - Như thế là đủ chứ? Pier nhìn số tiền và tính toán trong đầu. Thật cám dỗ. Ngoài kia trời lạnh mà lại còn ế khách. Mặt khác người đàn ông nầy có điều gì đó rất lạ. Đầu tiên là thực ra anh ta có vẻ không say. Anh ta ăn mặc thật đẹp, và với ngần ẩy tiền, anh ta có thể thuê buồng cho họ ở một khách sạn tốt. Ô, Pier nghĩ, thì việc quái gì? - Được Chỉ có mỗi cái giường nầy cho hai chúng ta thôi. - Thế là tốt rồi. Pier nhìn Robert lại bước đến bên cửa sổ và vén góc tấm rèm sang một bên. - Ông đang tìm kiếm cái gì à? - Có cửa sau ra khỏi khách sạn không? Mình đang chui vào cái chuyện gì thế nầy? Pier băn khoăn. Người bạn thân nhất của cô đã bị bọn du đãng giết chết. Pier vẫn tự cho mình là hiểu cách xử sự của đàn ông, nhưng người nầy đã làm cho cô lúng túng. Anh ta có về không giống một tên tội phạm, thế nhưng vẫn… - Vâng, có. - Cô ta đáp. Có một tiếng thét đột ngột và Robert vội ngoái lại. - Dio. Dio. Sono venuta tre volte. - Đó là một giọng nữ, từ phòng bên cạnh vẳng qua những bức tường giấy mỏng dính. - Cái gì thế? - Tim Robert bắt đầu đập nhanh. - Chị ta đang sung sướng. Chị ta nói rằng vừa có cơn khoái cảm lẩn thứ ba đấy. - Pier nhoẻn cười. Robert nghe thấy tiếng giường cọt kẹt dữ đội. - Ông sẽ đi ngủ chứ? Pier đứng đó, trần truồng nhìn anh, không hề ngượng ngập. - Tất nhiên. - Robert ngồi xuống giường. - Ông không cởi quần áo ra à? - Không. - Tuỳ ông thôi. - Pier đến bên giường và nằm xuống bên cạnh Robert. - Em mong là ông đừng ngáy, - Pier nói. - Cô có thể nói với tôi về điều đó vào lúc sáng ra. Robert không có ý định ngủ. Anh muốn kiểm tra đường phố trong đêm để tin chắc rằng họ đã không mò tới đây. Sau cùng thì họ cũng sẽ lần tới những khách sạn hạng ba nầy, nhưng nó cũng sẽ còn làm cho họ mất khối thời gian. Họ có quá nhiều chỗ phải để mắt tới trước đã. Anh nằm đó, cảm thấy xương cốt mỏi nhừ và nhắm mắt lại để nghỉ một chút. Anh thiếp đi. Anh đã trở về nhà, trong giường của mình và anh cảm thấy thân thể nóng ấm của Susan ở bên. Cô ấy đã trở về, anh sung sướng nghĩ. Cô ấy đã trở về với mình. Em yêu, anh nhớ em quá. * * * * * Ngày thứ mười bảy Rome, Italia. Robert thức giấc vì ánh nắng mặt trời soi vào mặt. Anh bật ngồi dậy, hoảng hết nhìn quanh trong một giây ngỡ ngàng. Khi nhìn thấy Pier, trí nhớ lập tức trở lại. Anh nhẹ nhõm cả người. Pier đang đứng chải đầu trước gương. - Chúc một ngày tốt đẹp. - Cô ta nói. - Không thấy ông ngáy. Robert nhìn đồng hồ. 9 giờ sáng. Anh đã lãng phí những thời gian quý báu. - Ông có muốn làm tình bây giờ không? Ông đã trả tiền mà. - Thế nầy là được rồi. - Robert nói. Pier vẫn trần truồng, đầy khêu gợi, bước lại bên giường - Thật không ông? - Nếu như muốn thì tôi cũng không thể, cô gái ạ. Đúng thế. - Cũng được. - Cô ta vừa mặc quần áo vừa hỏi với vẻ bình thản. - Susan là ai thế? - Câu hỏi đó làm anh bị bất ngờ. - Susan? Vì sao cô lại hỏi thế? - Ông đã nói ra trong lúc ngủ. - Anh nhớ lại giấc mơ của mình. Susan đã trở vể với anh. Có thể đó là một tín hiệu. - Cô ấy là một người bạn. Cô ấy là vợ tôi. Cô ấy sắp chán cái thằng cha Cái Túi tiền và một ngày nào đó sẽ trở về với tôi. Nghĩa là nếu như tôi còn sống được. Robert bước đến bên cửa sổ. Anh vén tấm rèm và nhìn ra ngoài. Lúc nầy, đường phố đã đông đúc khách bộ hành và các cửa hàng cửa hiệu đã mở cửa. Không có dấu hiệu nguy hiểm nào. Đã đến lúc bắt tay vào kế hoạch, anh quay lại cô gái. - Pier, cô có thích có một chuyến đi nho nhỏ với tôi không? Cô ta nhìn anh, nghi hoặc. - Một chuyến đi. Đi đâu? - Tôi phải đi Venice vì công việc, và tôi không thích đi một mình. Cô có thích Venice không? - Có. - Tốt. Tôi sẽ trả tiền cho thời gian của cô, và chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ ngắn với nhau. - Anh lại chăm chú nhìn ra cửa sổ. - Tôi biết một khách sạn đáng yêu ở đó Khách sạn Cipriani. Mấy năm trước, anh và Susan đã ở tại khách sạn Hoàng gia Danieli, sau anh đã có lần trở lại và thấy nó xuống cấp nghiêm trọng, còn giường mềm thì không thể chịu nổi. Điều duy nhất còn lại của những gì hấp dẫn trước đó là Luciano, ngồi tại quầy tiếp tân. - Ông sẽ phải trả một nghìn đôla một ngày. - Dù trong lòng cô sẵn sàng chấp nhận với cái giá năm trăm. - Đồng ý. - Robert nói. Anh đếm ra hai ngàn đôla - Ta hãy bắt đầu thế nầy nhé. Piér lưỡng lự. Cô ta đã linh cảm thấy rằng có chuyện gì đó Nhưng người ta đã hoãn lại việc khởi sự quay bộ phim mà cô được hứa cho một vai phụ trong đó, và cô lại cần tiền. "Đồng ý," cô ta nói. - Chúng ta đi nào. Dưới nhà, Pier thấy anh quan sát đường phố thận trọng trước khi bước ra vẫy một chiếc taxi. Ông ta là mục tiêu của một kẻ nào đó, Pier nghĩ, mình phải thôi vụ nầy mới được. - Nầy, - Pier nói. - Tôi không chắc là tôi có thể đi Venice với ông được. Tôi… - Chúng ta sẽ có một khoảng thời gian thú vị mà, Robert nói. Thẳng ngay bên kia phố, anh nhìn thấy một tiệm kim hoàn. Anh nắm lấy tay Pier. Đi nào. Tôi sẽ kiếm cho cô một cái gì đó thật đẹp. - Nhưng. Anh dẫn cô băng qua đường vào cửa hàng trang sức. Người bán hàng đứng sau quầy nói: - Xin chào, thưa ông. Tôi có thể giúp ông ạ? - Phải, - Robert nói. - Chúng tôi muốn tìm kiếm một thử gì đó đáng yêu cho tiểu thư đây. Em có thích ngọc lục bảo không? - Em, có. - Anh có một cái vòng lục bảo nào không? - Robert nói với người bán hàng. - Có thưa ông. Tôi có một cái vòng lục bảo rất đẹp Anh ta bước lại bên một cái tủ và lấy nó ra. - Đây là cái đẹp nhất của chúng tôi. Mười lăm ngàn đôla. - Em có thích nó không? - Robert nhìn Pier. Không nói nên lời, cô gật đầu. - Chúng tôi sẽ lấy. - Robert nói. Anh đưa cho người bán hàng tấm thẻ tín dụng ONI của anh. - Xin chờ một phút. - Người bán hàng đi vào một phòng ở phía sau. Khi trở ra, anh ta nói. - Tôi sẽ gói nó lại cho ông, hay… - Không cô bạn tôi sẽ đeo nó. - Robert nói và lồng nó vào cổ tay Pier. Cô ta nhìn nó chằm chằm, sững sờ. - Trông nó sẽ đẹp hơn ở Venice, có phải thế không? - Robert nói với cô ta. Pier ngẩng lên mỉm cười với anh. - Rất đẹp. Khi họ đã ra ngoài phố, Pier nói: - Em… em không biết phải cảm ơn anh thế nào. - Tôi chỉ muốn cô vui, - Rỏbert nói. Cô có xe không? - Không. Em từng có một chiếc xe cũ, nhưng nó đã bị đánh cắp. - Cô vẫn có bằng lái xe chứ? - Vâng, nhưng mà không có xe thì cái bằng nào có ích gì? - Cô nhìn anh ngạc nhiên. - Rồi cô sẽ thấy. Chúng ta hây đi khỏi đây. - Anh vẫy một chiếc taxi. - Đến phố Po. Cô ta ngồi trong taxi, quan sát anh. Sao ông ta lại muốn có cô đi cùng đến thế nhỉ? Thậm chí ông ta đã không sờ đến cô. Có thể ông ta…? - Dừng lại. - Robert kêu người lái xe. Họ đang ở cách Hãng cho thuê xe ô tô Maggiore chừng một trăm mét. - Ta sẽ xuống đây. - Robert nói với Pier. Anh trả tiền tắcxi và chờ cho nó đi khuất. Anh đưa cho Pier một xấp tiền dầy. - Tôi muốn cô thuê một chiếc xe cho chúng ta. Hãy hỏi lấy một chiếc Fiat hoặc một chiếc Alfa Romeo. Hãy nói với họ là chúng ta sẽ dùng trong bốn hoặc năm ngày. Chỗ tiền nầy đủ cho khoản trả trước. Hãy thuê nó bằng tên của cô. Tôi sẽ chờ ở cái quán đôl diện bên nầy đường. Cách đấy không đầy tám dẫy phố, hai thám tử đang tra xét người tài xế bất hạnh của chiếc xe tải màu đỏ mang biển số Pháp. - Tôi không biết gì hết. Tôi không hiểu thế quái nào mà cái thẻ kia lại có trên thùng xe của tôi. - Người lái xe kêu lên. - Hẳn là một gã Italia điên khùng nào đó đã làm chuyện nầy. Hai thám tử nhìn nhau. Một trong hai người nói: - Tôi sẽ gọi điện báo cáo về việc nầy. * * * * * Francesco Cesar ngồi trước bàn làm việc, ngẫm nghĩ về những diễn biến mới nhất. Thoạt đầu, công việc có vẻ thật đơn giản. "Các ngài sẽ tìm được hắn ta không chút khó khăn gì. Vào lức thích hợp, chúng tôi sẽ cho cái thiết bị phát tín hiệu kia hoạt động, và nó sẽ dẫn các ngài tới thẳng chỗ hắn". Rõ ràng là ai đó đã đánh giá thấp sĩ quan chỉ huy Bellamy. Đại tá Frank Johnson đang ngồi trong văn phòng tướng Hilliard, vóc người to lớn của ông ta choán hết cả cái ghế. Chúng ta đã dùng tới một nửa số nhân viên ở châu u để săn lùng hắn. - Tướng Hilliard nói. - Cho tới nay thì họ vẫn chưa gặp may. - Chỉ may mắn cũng không đủ. - Đại tá Johnson nói. - Bellamy rất cừ. - Chúng ta biết hắn hiện ở Rome. Thằng chó đẻ đó đã mua một cái vòng với giá mười lăm ngàn đôla. - Chúng ta đã vây chặt hắn. Hắn không có lối nào để thoát khỏi Italia hết. Chúng ta biết cái tên, đang dùng trên hộ chiếu của hắn - Arthur Butterfield. Đại tá Johnson lắc đầu. - Nếu tôi không nhầm về Bellamy thì ngài không thể có một manh mối gì về cái tên mà anh ta đang dùng. Điều duy nhất ngài có thể chắc chắn là Bellamy sẽ không làm điều mà ngài tin rằng anh ta sẽ làm. Chúng ta đang săn đuổi một người ngang tầm với người giỏi nhất trong nghề. Có thể là còn hơn thế. Nếu có nơi nào để thoát, Bellamy sẽ chạy đến đó. Nếu có nơi nào để ẩn náu, Bellamy sẽ ẩn náu ở đó. Tôi nghĩ cách tốt nhất cho chúng ta là đưa anh ta ra công khai, để phát hiện. Cho đến lúc nầy, anh đã đang khống chế tất cả các bước đi. Chúng ta phải dành quyền chủ động khỏi tay anh ta. - Ý ông nỏi là công bố à? Trao cho báo chí à? - Đúng vậy! - Chuyện đó sẽ rất nhạy cảm: Chúng ta không thể chấp nhận việc bị lộ mặt. Tướng Hillard bặm môi. - Chúng ta sẽ không phải bộc lộ mình. Chúng ta sẽ đưa ra một thông báo, rằng anh ta bị truy nã về tội buôn lậu ma tuý. Với cách đó, chúng ta có thể đưa Tổ chức Cảnh sát Quốc tế và tất cả các cơ quan cảnh sát ở châu u vào cuộc mà không hề lộ ra bàn tay của chúng ta. Tướng Hilliard ngẫm nghĩ một lát. - Tôi thích ý kiến đó. - Tốt quá. Tôi sẽ đi Rome. - Đại tá Johnson nói. - Tôi sẽ đích thân phụ trách cuộc săn lùng nầy. Khi đại tá Frank Johnson trở về văn phòng riêng, ông tỏ ra trầm tư hẳn. Không còn nghi ngờ gì nữa. Ông phải tìm cho được sĩ quan chỉ huy Bellamy. Chương 37 Robert nghe tiếng chuông điện thoại réo mãi. Lúc nầy là 6 giờ sáng ở Washington. Mình luôn luôn đánh thức ông già dậy sớm, Robert nghĩ. Sau hồi chuông thứ sáu thì vị đô đốc trả lời máy. - Hello. - Thưa đô đốc, tôi Robert. - Cái gì… - Đừng nói gì cả. Điện thoại của ngài có thể bị gắn máy nghe trộm. Tôi sẽ nói rất nhanh thôi. Tôi muốn nói với ngài đừng tin vào bất kỳ điều gì họ nói về tôi. Tôi muốn ngài cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Sau nầy có thể tôi cần tới sự giúp đỡ của ngài. - Tất nhiên. Bất kỳ việc gì mà tôi có thể làm được, Robert. - Tôi biết. Tôi sẽ gọi lại cho ngài sau. Robert gác máy. Không đủ thời gian để bị dò tìm. - Anh nhìn thấy một chiếc Fiat màu xanh dừng lại bên ngoài quán. Pier ngồi sau tay lái. - Ngồi sang bên đi. - Robert nói. - Tôi sẽ lái. - Pier nhường chỗ cho anh. - Chúng ta lên đường đi Venice chứ? - Pier nói. - Hừm. Chúng ta phải dừng lại một vài nơi trước đã. Đã đến lúc rải xung quanh một vài dấu vết giả. Phía trước là Hãng dịch vụ du lịch Rossini. Robert dừng xe lại. - Tôi sẽ trở ra sau một phút thôi. Pier nhìn theo anh đi vào trong hãng. Mình có thể cứ lái xe đi, cô ta nghĩ, và cầm khoản tiền, ông ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy mình cả. Nhưng cái xe khốn kiếp nầy lại được thuê theo tên mình. khốn kiếp. Bên trong trụ sở hãng, Robert bước đến chỗ người phụ nữ ngồi sau quầy. - Xin chào. Tôi có thể giúp ông ạ? - Phải. Tôi là Robert Bellamy. Tôi muốn đi du lịch. - Robert nói với chị ta. - Tôi muốn đăng ký trước. Đó chính là công việc của chúng tôi, thưa ông. - Ông định đi đâu? - Chị ta mỉm cười. - Tôi muốn có một vé máy bay hạng nhất đi Bắc Kinh, vé một chiều. Chị ta ghi điều đó. - Và khi nào ông muốn lên đường. - Thứ sáu nầy. - Rất được. - Chị ta ấn mấy phím bấn trên một chiếc máy tính. Có một chuyến bay của Hãng hàng không Trung Quốc khởi hành lúc 7 giờ 40 tối thứ sáu. - Rất tốt. Chị ta ấn mấy phím nữa. - Đây! Sự đặt vé trước của ông đã được xác nhận. - Sẽ trả tiền mặt hay…? - Ồ tôi chưa xong. Tôi muốn đặt một vé xe lửa đi Buđapest. - Và vào lúc nào vậy, thưa ông? - Thứ hai tới. - Và tên hành khách? - Cùng tên. - Ông bay đi Bắc Kinh vào thứ sáu và… - Chị ta lạnh lùng nhìn anh. - Tôi chưa xong đâu, - Robert lịch thiệp nói. - Tôi muốn có một vé máy bay một chiều đi Miami, Florida vào chủ nhật. Lúc nầy thì chị ta trợn tròn mắt nhìn anh. - Thưa ông, nếu như đây là một kiểu?… Robert rút tấm thẻ tín dụng ONI của anh ra và trao nó cho chị ta. - Hãy tính tiền vé vào tấm thẻ nầy. Chị ta nhìn nó một thoáng. - Xin lỗi. - Chị ta đi vào trong một phòng ở phía sau và trở ra sau vài phút. - Hoàn toàn được. Chúng tôi sẽ vui lòng thu xếp tất cả. Ông muốn tất cả vé đều cùng một tên phải không ạ? - Phải. Sĩ quan chỉ huy Bellamy. - Rất tốt. Robert nhìn chị ta ấn thêm những phím bấm trên máy tính. Một phút sau, ba chiếc vé xuất hiện. Chị ta xé chúng khỏi chiếc máy in. - Xin cho những chiếc vé vào từng phong bì một. - Robert nói. - Tất nhiên. Ông có muốn tôi sẽ gửi chúng đến…? - Tôi sẽ mang chúng đi luôn. - Vâng, thưa ông. Robert ký phiếu thanh toán bằng thẻ tín dụng và chị ta đưa cho anh hoá đơn. - Xin chào ông. Chúc một chuyến đi, những chuyến đi ạ! - Cám ơn. - Robert mỉm cười. Một phút sau anh đã ngồi sau tay lái. - Bây giờ chúng ta đi chứ? - Pier hỏi. Chúng ta còn phải dừng ở một vài nơi nữa, - Robert nói. Pier nhìn anh cẩn thận quan sát đường phố trước khi cho xe chuyển bánh. - Tôi muốn nhờ cô giúp cho một việc. - Robert nói với cô ta. Bây giờ bắt đầu có chuyện đó, Pier nghĩ. Ông ta sẽ đòi mình làm điều gì đó khủng khiếp. - Việc gì ạ? Cô ta hỏi. Họ đã dừng lại trước khách sạn Victoria. Robert trao cho Pier một chiếc phong bì. - Tôi muốn cô vào thuê một phòng hạng nhất với tên sĩ quan Robert Bellamy. Nói với họ rằng cô là thư ký của ông ấy và ông ấy sẽ đến sau một tiếng, nhưng cô muốn lên xem phòng trước. Khi vào trong phòng rồi thì để phong bì lại trên một cái bàn nào đó trong phòng. - Có thế thôi à? - Cô ta nhìn anh ngạc nhiên. Phải. - Được. Thật không thể hiểu người đàn ông nầy. Cô ta muốn biết cái người Mỹ điên khùng nầy đang làm gì. Và sĩ quan Robert Bellamy là ai? Pier ra khỏi xe và đi vào trong tiền sảnh khách sạn. Cô ta hơi lo lắng. Trong quá trình hành nghề, cô đã bị ném ra khỏi một vài khách sạn hạng nhất. Thế nhưng người nhân viên ngồi sau bàn đã chào cô một cách tử tế. - Tôi có thể giúp cô, thưa tiểu thư? - Tôi là thư ký của sĩ quan Robert Bellamy. Tôi muốn thuê một phòng hạng nhất cho ông ấy. Ông ấy sẽ có mặt ở đây sau một giờ. Người nhân viên xem tấm sơ đồ phòng. - Đúng là tôi còn một phòng hạng nhất rất đẹp. - Xin cho tôi xem qua được không? - Tất nhiên. Tôi sẽ cho người đưa cô lên. Một viên phó quản lý đưa Pier lên gác. Họ bước vào căn phòng khách của khu phòng và Pier nhìn quanh. - Cô hài lòng chứ, thưa cô? Pier không hề biết tí gì về những việc thế nầy. - Được thế nầy là được. - Cô ta lấy chiếc phong bì ra khỏi ví và đặt nó lên chiếc bàn uống cà phê. - Tôi sẽ để cái nầy lại cho ông sĩ quan. - Cô ta nói. - Được. Pier không ngăn nổi tò mò. Cô ta mở chiếc phong bì. Trong đó là một chiếc vé máy bay một chiều đi Bắc Kinh với cái tên sĩ quan Robert Bellamy. Pier bỏ tấm vé vào trong phong bì, để nó lên trên bàn và đi xuống gác. Chiếc Fiat màu xanh đỗ trước cửa khách sạn. - Có chuyện gì không hả? - Không. - Chúng ta phải dừng ở hai nơi nữa, và rồi chúng ta sẽ lên đường. - Robert vui vẻ nói. Chỗ dừng tiếp theo là khách sạn Valadier. Robert trao một chiếc phong bì khác cho Pier. - Tôi muốn cô đặt trước một phòng ở đây cho cái tên sĩ quan Robert Bellamy. Nói với họ là ông ấy sẽ đến làm thủ tục trong vòng một giờ. Rồi… - Tôi để cái phong bì nầy lại trên phòng. - Đúng. Lần nầy, Pier đi vào khách sạn tự tin hơn. Phải cư xử như một tiểu thư, cô nghi. Người ta cần phải có một thái độ đàng hoàng. Đó chính là cái bí quyết khốn nạn. Còn một phòng trống ở khách sạn nầy. - Tôi muốn xem qua nó. - Pier nói. Một viên phó quản lý đưa Pier lên gác. - Đó là một trong những phòng đẹp nhất của khách sạn chúng tôi. Căn phòng đẹp thật. - Tôi cho là cũng được. Ông sĩ quan là người rất đặc biệt, ông phải biết thế. - Pier nói vẻ kiêu kỳ. Cô ta lấy cái phong bì thứ hai ra, mở phong bì vào nhìn vào bên trong, Nó đựng một cái vé xe lửa đi Buđapest mang tên sĩ quan Robert Bellamy. Pier nhìn chằm chằm vào tấm vé, bối rối. Cái trò gì thế nầy nhỉ? Cô ta để lại tấm vé trên chiếc bàn cạnh giường. - Thế nào? - Khi Pier xuống xe, Robert hỏi. - Tốt cả. Nơi dừng cuối cùng nhé. Lần nầy là khách sạn Leonardo da Vinci. Robert trao cho Pier cái phong bì thứ ba. - Tôi muốn cô… - Em biết. Bên trong khách sạn, một nhân viên nói: - Vâng, đúng là chúng tôi còn một phòng hạng nhất rất tốt, thưa tiểu thư. Cô nói là khi nào thì ông sĩ quan sẽ đến nhỉ? - Sau một giờ. Tôi muốn kiểm tra căn phòng trước xem có được không? - Tất nhiên rồi, thưa cô. Khu phòng nầy còn sang trọng hơn cả hai khu phòng trước. Viên phó quản lý cho cô xem phòng ngủ rộng rãi với một cái giường có trướng phủ ở giữa phòng. Thật là một sự lãng phí, Pier nghĩ. Một đêm nghỉ ở đây đối với mình là cả một gia tài. Cô lấy ra chiếc phong bì thứ ba và ngó vào trong. Nó chứa một vé máy bay đi Miami, Florida. Pier để chiếc phong bì lên trên giường. Viên phó quản lý đưa Pier trở lại phòng khách. - Chúng tôi có ti vi màu, - Ông ta bước lại gần chiếc ti vi và bật nó lên. Một tấm ảnh của Robert hiện lên trên màn hình. Giọng người phát thanh viên đang nói: "… và Cảnh sát Quốc tế tin rằng hiện hắn đang ở Rome. Hắn ta bị truy nã để thẩm vấn về một đường dây buôn lậu ma tuý quốc tế. Đây là Bernard Shaw của chương trình thời sự CNN". Pier nhìn chòng chọc vào màn hình ti-vi, chết sững. Tất cả đều đáng hài lòng chứ ạ? - Viên phó quản lý tắt máy. - Vâng, - Pier chậm chạp đáp. Một tên buôn lậu ma tuý. - Chúng tôi mong chờ được tiểp đón ông sĩ quan. Khi Pier ngồi vào trong xe cùng với Robert, cô đã nhìn anh với cặp mắt khác. - Giờ thì chúng ta sẵn sàng lên đường rồi. - Robert mỉm cười. Tại khách sạn Victoria, một người đàn ông trong một bộ complê màu sẫm đang xem xét danh sách đăng ký khách. Anh ta ngẩng lên nhìn người nhân viên. - Sĩ quan Bellamy làm thủ tục thuê phòng lúc mấy giờ? Ông ta chưa đến đây. Cô thư ký của ông ta đặt buồng. Cô ta nói ông ta sẽ có mặt trong vòng một giờ. Người đàn ông quay sang nhìn người đi cùng với anh ta. Cho kiểm tra toàn bộ khách sạn. Lấy thêm lực lượng. Tôi sẽ chờ ở trên gác. - Anh ta quay sang người nhân viên. - Mở khoá phòng cho tôi. Cửa mở ra. Người đàn ông mặc complê màu sẫm di chuyển một cách thận trọng, súng cầm tay. Khu phòng trống không. - Anh ta nhìn cái phong bì ở trên bàn và nhặt nó lên. Ngoài phong bì ghi: "Sĩ quan Robert Bellamy". Anh ta mở phong bì và liếc nhìn vào bên trong. Một tích tắc sau, anh ta đã quay số gọi về trụ sở SIFAR. Francesco Cesar đang họp dở chừng với đại tá Frank Johnson. Trước đó hai tiếng đồng hồ, đại tá Johnson đã hạ cánh xuống sân bay Leonardo da Vinci nhưng ông ta không hề tỏ ra mệt mỏi. Theo chỗ chúng ta biết, - Cesar đang nói, Bellamy vẫn còn ở Rome. Chúng ta đã có hơn 30 báo cáo về những dấu vết của anh ta. - Có xác minh được gì không? - Không. Điện thoại réo vang. - Thưa đại tá, đây là Luigi. - Giọng nói trong điện thoại vang lên. - Chúng tôi đã kiếm được hắn rồi. Tôi đang ở trong khu phòng của hắn ta tại khách sạn Victori ạ. Tôi có tấm vé máy bay đi Bắc Kinh của hắn. Hắn sẽ đi vào ngày thứ sáu. Cesar cất giọng đầy hồi hộp. - Tốt. Cứ ở đó. Chúng tôi sẽ đến ngay. Ông ta gác máy và quay sang đại tá Johnson. - Thưa đại tá, tôi e rằng chuyến đi của ông thật phí công. Chúng tôi đã tóm được hắn. Hắn đã đăng ký thuê phòng tại khách sạn Victoria. Họ tìm thấy một chiếc vé máy bay mang tên hắn, đi Bắc Kinh vào ngày thứ sáu. Bellamy dùng tên anh ta để đăng ký thuê phòng khách sạn ư? Đại tá Johnson ôn hoà nói. - Phải. - Và vé máy bay cũng mang tên anh ta hả? - Phải. Đại tá Cesar đứng dậy. - Chúng ta hãy cùng tới đó. - Đừng để phí thời gian của ông. - Đại tá Johnson lắc đầu - Cái gì hả? - Béllamy sẽ không bao giờ… Điện thoại lại réo vang. Cesar chộp máy. Một giọng nói vang lên: - Đại tá phải không? Đây là Mario. Chúng tôi đã phát hiện Bellamy. Hắn ta ở khách sạn Valadier. - Hắn ta sẽ đi tàu hoả tới Buđapest vào ngày thứ hai. - Ngài muốn chúng tôi làm gì? - Tôi sẽ liên lạc lại với anh. - Đại tá Cesar nói. Ông ta quay sang nhìn đại tá Johnson. - Họ tìm thấy một vé xe lửa đi Buđapest mang tên Bellamy. Tôi không hiểu cái gì… - Điện thoại lại đổ chuông. - Hả? - Giọng ông ta gay gắt hơn. - Đây là Bruno. Chúng tôi đã phát hiện ra Bellamy. Hắn đặt phòng tại khách sạn Leonardo da Vinci. Hắn ta sẽ bay đi Miami vào chủ nhật. Tôi sẽ phải… - Trở về đây. - Cesar quát lên. Ông ta dập mạnh máy xuống - Hắn giở trò gì vậy? Đại tá Johnson nói một cách quả quyết. - Anh ta đang lo liệu để ông phung phí nhân lực của ông, có phải thế không nào? - Chúng ta làm gì bây giờ hả? - Chúng ta bẫy thằng chó đẻ đó. * * * * * Họ đang chạy trên đường Cassia, gần Logiata, hướng tới Venice ở phía bắc. Cảnh sát hẳn đang bịt mọi ngả đường chính dẫn khỏi Italia, nhưng chắc họ đợi anh về phía tây, để sang Pháp hoặc Thuỵ Sĩ. Từ Venice, Robert nghĩ, mình có thể đi xuồng máy cao tốc tới Trièste và tìm đường đến Áo. Sau đó… Tiếng Pier cắt ngang những suy nghĩ của anh. - Em đói. - Cái gì? - Chúng ta chưa hề ăn sáng hoặc ăn trưa. - Tôi xin lỗi. - Robert nói. Anh đã quá mải nghĩ ngợi mà quên cả chuyện ăn uống. - Chúng ta sẽ dừng ở tiệm ăn tới nhé. Pier quan sát anh trong lúc lái xe. Cô chưa bao giờ thấy khó xử đến thế. Cô sống trong một thế giới của đám ma cô và kẻ cắp và những kẻ buôn bán ma tuý. Người đàn ông nầy khỏng giống như một tội phạm. Họ dừng lại một thị trấn bên đường, trước một tiệm ăn nhỏ. Robert lái xe vào khu đậu xe và anh cùng Pier rời khỏi xe. Cái tiệm ăn đầy kín những khách quen và ồn ào với những câu chuyện và tiếng bát đĩa loảng xoảng. Robert tìm một cái bàn ở sát tường và ngồi xuống chiếc ghế nhìn ra cửa ra vào. Một người hầu bàn đi đến và đưa cho họ thực đơn. Robert nghĩ: Lúc nầy hẳn Susan đang ở trên thuyền rồi. Đây có thể là lần cuối cùng mình có thể nói chuyện với cô ấy. - Cô xem thực đơn đi. - Robert đứng dậy. - Tôi sẽ quay lại ngay thôi. Pier nhìn theo anh đi ra một máy điện thoại công cộng chỗ gần bàn của họ. - Anh bỏ một đồng tiển xu vào trong máy. - Tôi muốn nói với tổng đài hàng hải ở Gibralta. - Cám ơn. Ông ta gọi cho ai ở Gibralta nhỉ? Pier tò mò. Phải chăng đó là lối thoát của ông ta? - Xin chào, tôi muốn gọi chiếc du thuyền Mỹ, Thanh Bình, ngoài khơi Gibralta, tính tiền ở đó. Whisky Sugar 337. Cảm ơn. Những nhân viên tổng đài trao đổi với nhau trong một vài phút và anh được chấp nhận. Robert nghe thấy tiếng Susan trên máy. - Susan. - Robert. Anh khoẻ không? - Khoẻ. Anh chỉ muốn nói với em… - Em biết anh muốn nói gì. Điều đó được nói đầy trên đài và trên tivi. Vì sao mà Cảnh sát Quốc tế lại truy lùng anh hả? - Đó là một câu chuyện dài. - Anh cứ nói. Em muốn biết. Anh lưỡng lự. - Đó là chuyện chính trị, Susan. Anh có bằng chứng là một số chính phủ đang cố bưng bít mọi chuyện quan trọng. Vì thế mà Cảnh sát Quốc tế truy lùng anh đấy. Pier chăm chú nghe phần cuối cuộc nói chuyện của Robert. - Em có thể làm gì để giúp anh hả? - Không có gì cả, em yêu ạ. Anh gọi lại để được nghe thấy tiếng em một lần nữa trong trường hợp trong trường hợp anh không thoát khỏi được chuyện nầy. - Đừng nói thế. - Trong giọng cô có vẻ hoảng sợ. - Anh có thể nói với em anh đang ở nước nào không" - Italia. Một thoáng im lặng ngắn. - Được. Bọn em không ở xa anh lắm. Bọn em ở ngay ngoài khơi Gibralta mà, bọn em có thể đón anh ở bất kỳ chỗ nào anh muốn. - Không, anh… - Hãy nghe em. Đó có thể là cơ hội thoát duy nhất của anh. - Anh không thể để em làm điều đó, Susan ạ. Em sẽ gặp nguy hiểm. Monte bước vào trong phòng đúng lúc có thể nghe được một phần câu chuyện. - Để anh nói chuyện với anh ta. - Chờ một phút, Robert, Monte muốn nói chuyện với anh đấy. - Susan, anh không… - Robert, tôi hiểu là anh đang gặp khó khăn nghiêm trọng. - Giọng Monte xuất hiện trên máy. - Anh có thể cho như vậy. Điều dối trá nhất trong năm. - Chúng tôi muốn giúp anh thoát ra. Họ sẽ không tìm kiếm anh trên một chiếc du thuyền. Vì sao anh lại không để chúng tôi đón anh nhỉ? - Monte, cảm ơn, tôi cảm ơn chuyện đó. Câu trả lời là không. - Tôi nghĩ là anh đang mắc một sai lầm. Ở đây, anh sẽ an toàn. Vì sao hắn lại sốt sắng giúp đỡ thế cơ chứ. - Dù sao chăng nữa thì cũng xin cảm ơn. Tôi sẽ lo chuyện của tôi. Tôi muốn được nói chuyện tiếp với Susan. - Được thôi. - Monte Banks trao lại máy cho Susan. - Hãy thuyết phục hắn. - Anh ta khuyến khích cô. - Xin để bọn em giúp anh. - Cô nói vào trong máy. - Em đã giúp anh rồi, Susan. - Anh phải ngưng lời trong một thoáng. - Em là phần tốt đẹp nhất trong đời anh. Anh chỉ muốn em biết rằng anh sẽ luôn luôn yêu em. - Mặc dù luôn luôn có thể không còn là chuyện gì to tát nữa. - Anh sẽ còn gọi cho em chứ? - Nếu như anh có thể. - Hứa với em đi. - Thôi được. Anh hứa. Anh chậm chạp gác máy. Vì sao mình lại làm điều đó đối với cô ấy? Vì sao mình làm điều đó đối với chính mình? Bellamy, mầy là một thằng ngốc đa cảm. Anh đi trở lại bàn. - Chúng ta ăn thôi. - Robert nói. Họ gọi đồ ăn. - Em nghe thấy câu chuyện của ông. Cảnh sát đang truy tìm ông, có phải không? Robert giật mình. Bất cẩn quá. Cô ta sẽ trở thành điều rắc rối. - Đó là chuyện hiểu lầm một chút. Tôi… - Đừng làm em như một con ngốc. Em muốn giúp ông. - Vì sao cô lại muốn giúp tôi? - Anh nhìn cô một cách cảnh giác. Pier nhoài người về phía trước. - Bởi vì ông thật hào phóng với em. Và em ghét cảnh sát. Ông không biết cái cảnh em đứng đường thế nào, bị bọn chúng săn đuổi và coi như rác rưởi. Chúng bắt em vì tội bán dâm nhưng chúng mang em vào những phòng kín của chúng và truyền tay nhau chơi. Chúng là đồ súc vật. Em sẽ làm bất kỳ điều gì để có thể trả thù bọn chúng. Bất kỳ điều gì mà em có thể giúp được ông. - Pier, không có điều gì cô… - Cảnh sát có thể bắt được ông một cách dễ dàng ở Venice. Nếu ông ở một khách sạn, họ có thể tìm được ông. Nếu ông tìm cách lên một con tàu, họ sẽ đón bẫy ông. Nhưng em biết một chỗ mà ông sẽ an toàn trước bọn họ. Mẹ và em em sống ở Naples. Chúng ta có thể đến đấy. Cảnh sát sẽ không bao giờ tìm kiếm ông ở đó cả. Robert im lặng một lát, ngẫm nghĩ. Điều Pier nói hoàn toàn có ý nghĩa. Một ngôi nhà tư sẽ an toàn hơn bất kỳ nơi nào khác, và Naples là một thành phố cảng lớn. Từ đó có thể dễ dàng kiếm được một con tàu. Anh ngập ngừng trước khi trả lời. Anh không muốn mang lại nguy hiểm cho Pier. - Pier, nếu cảnh sát tìm thấy tôi, họ sẽ hạ sát tôi theo mệnh lệnh. Cô sẽ bị coi như một tòng phạm. Cô có thể là đang tự đẩy mình vào chuyện rắc rối đấy. - Điều đó thật đơn giản. - Pier mỉm cười. - Chúng ta sẽ không để cho họ tìm thấy. Robert mỉm cười đáp lại nụ cười của cô ta. Anh có một quyết định trong đầu. - Được. Ăn cho xong đi. Chúng ta sẽ đi Naples. - Người của ông không biết anh ta đi về hướng nào phải không? - Đại tá Frank Johnson nói. - Lúc nầy thì không. Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, trước khi… - Francesco Cesar thở dài. - Chúng ta không có thời gian. Ông đã xác minh về nơi ở hiện nay của người vợ cũ của anh ta chưa đấy? - Vợ cũ của anh ta à? Chưa. Tôi không cho rằng… - Vậy là ông chưa làm bài tập rồi. - Đại tá Johnson quát lên. - Cô ta đã cưới một người đàn ông tên là Monte Banks. Tôi đề nghị ông tìm kiếm họ ngay. Nhanh lên. Chương 38 Cô lang thang dọc theo các đường phố lớn, dường như không biết là mình đang đi đâu. Từ cái vụ tai nạn khủng khiếp đó đã bao nhiêu ngày rồi nhỉ? Cô không đếm được nữa. Cô mệt mỏi đến mức khó khăn lắm mới nghỉ ngơi được. Cô khát nước một cách khủng khiếp, nhưng không phải là thứ nước bị ô nhiễm mà những người trái đất vẫn uống, mà phải là nước mưa trong sạch. Cô cần có thứ chất lỏng tinh khiết để phục hồi sự sống trong cô, để có lại sức khoẻ mà tìm lại cái bộ phận tinh tế trong cái máy phát. Cô đang đuối sức. Cô bước loạng choạng và đâm sầm vào một người đàn ông. - Ô. Nhìn xem. - Người chào hàng Mỹ nhìn cô kỹ hơn và mỉm cười. - Xin chào. Không ngờ lại đụng vào cô như thế nầy. Một con búp bê tuyệt vời làm sao vâng, có gì mà không ngờ. - Cô từ đâu tới cô bé? - Hệ mặt trời thứ bảy của các thiên hà. - Tôi thích những cô gái hài hước. Cô đang đi đâu thế? - Ông ta cười phá lên. - Tôi không biết. - Cô lắc đầu. - Ở đây, tôi là một người lạ. - Cô đã ăn tối chưa? Lạy chúa, mình nghĩ mình đang gặp may đây. - Chưa. Tôi không thể ăn được đồ ăn của các vị. Mình đã vớ phải một người kỳ quặc thật sự đây. Nhưng là một người đẹp. - Cô đang ở đâu? - Tôi chẳng ở đâu cả. - Cô không ở cả khách sạn à? Một khách sạn ư? - Cô đã nhớ. Những cái hộp cho lữ khách. - Không. Tôi phải tìm một nơi nào đó để ngủ. Tôi rất mệt. Ông ta ngoác mồm cười. - Ồ tôi có thể lo chuyện đó. Sao cô không lên phòng khách sạn của tôi nhỉ? Ở đó có một cái giường to đẹp và tiện nghi. Em có thích thế không? - Ồ, có rất thích. - Tuyệt. - Ông ta không dám tin vào vận may của mình. Mình cam đoan là cô ta sẽ tuyệt vời trong chuyện ái ân cho mà xem. - Giường của ông chuyên dành cho việc ái ân à? - Cô nhìn ông ta ngạc nhiên. - Cái gì? Không, không. Cô thật thích đùa, có phải thế không hả? - Ông ta trố mắt nhìn cô. - Chúng ta có thể đi ngủ bây giờ được không? - Cô gần như không thể mở nổi mắt ra nữa. - Chắc chắn là thế. Khách sạn của tôi ở ngay góc phố thôi. - Ông ta xoa hai tay vào nhau. Khi đã vào trong phòng, người đàn ông hỏi: - Cô có muốn uống gì không? Chúng ta hãy làm cho cô mềm ra một chút. Cô muốn uống khủng khiếp, nhưng không phải cái thứ nước uống mà người trái đất nầy có thể mời. - Không. - Cô nói. - Giường ở đâu? Lạy Chúa, cô ta đang nóng rực rồi. - Ở trong nầy, em yêu. - Ông ta dẫn cô vào phòng ngủ. - Em không muốn uống thật à? - Thật mà. - Vậy thì sao em không… ờ, cởi ra đi? Cô gật đầu. Đó là một tập quán của người trái đất. Cô cởi cái váy đang mặc ra. Dưới váy đó, cô không còn gì hết. Thân thể cô là cả một vẻ đẹp thanh tú. Người đàn ông nhìn cô đăm đắm, sung sướng nói; - Đây là đêm may mắn của anh, em yêu ạ. Và cả là của em nữa. Anh sẽ làm tình với em để em thấy rằng em chưa bao giờ được làm tình cả. Ông ta xé bỏ quần áo một cách cuống cuồng và nhảy lên giường, nằm vào cạnh cô. - Nào, - Ông ta nói. - Anh sẽ cho em thấy một cuộc tình ra trò. - Ông ta ngước nhìn lên. Mẹ kiếp, anh lại vẫn để đèn kìa. - Ông ta định nhỏm dậy. - Thôi khỏi. - Cô ngà nghệt nói. - Tôi sẽ tắt nó đi. Và trong khi ông ta nhìn, cánh tay cô với ra, dài ra mãi, ngang căn phòng rộng, và những ngón tay của cô biến thành những dây leo màu xanh khi chúng bám vào cái công tắc điện. Trong bóng tối, ông ta thét lên. Chương 39 Họ đang chạy với tốc độ cao trên xa lộ Sole dẫn đi Naples. Trong suốt nữa giờ, họ chạy trong im lặng, mỗi người mê mải với những ý nghĩ của mình. Pier phá vỡ sự im lặng: - Ông sẽ ở nhà mẹ em trong bao lâu? - Cô hỏi. - Ba hoặc bốn ngày, nếu được. - Thế thì được. Robert không định ngủ lại đó quá một đêm, hai là cùng. Nhưng anh giữ im kế hoạch của mình. Ngay khi nào tìm được một con tàu an toàn, anh sẽ lên đường rời khỏi Italia. - Em sốt ruột mong được gặp lại gia đình, - Pier nói. - Cô chỉ có một người anh em nữa thôi à? - Vâng, Carlo. Nó là em em. - Pier, kể cho tôi nghe về gia đình đi. Cô ta nhún vai. - Chẳng có gì nhiều mà kể. Cha em cả đời làm việc dưới bến tàu. Khi em mười lăm tuổi, một chiếc cẩu đổ xuống giết chết ông. Mẹ em thì đau ốm và em phải nuôi bà, nuôi cả Carlo. Em có một người bạn ở xưởng phim Cinecitta và anh ta kiếm cho em những vai phụ. Họ trả rất ít và em đã phải ngủ với thằng cha trợ lý đạo diễn. Em cho rằng ở ngoài đường em có thể còn kiếm được nhiều tiền hơn. Bây giờ thì em làm cả hai nghề… Không hề có vẻ tự thương cảm trong giọng nói của cô ta. - Pier, cô có chắc là mẹ cô không phản đối việc cô mang một người lạ về nhà không? - Em tin chắc. Mẹ con em rất gần gũi. Mẹ sẽ vui khi thấy em về. Ông yêu lắm hả? - Bà mẹ cô ấy ư? - Robert nhìn sang cô ta, ngạc nhiên. - Người phụ nữ mà ông nói chuyện điện thoại trong quán ăn ấy, Susan. - Điều gì làm cho cô nghĩ là tôi yêu cô ấy? - Giọng nói của ông. Cô ấy là ai thế? - Một người bạn. - Cô ta thật may mắn. Em mong giá mà cũng có ai quan tâm đến em như thế. Robert Bellamy có phải tên thật của ông không? - Đúng. - Và ông là một sĩ quan à? Khó trả lời hơn. - Tôi không rõ, Pier, - anh đáp, - trước đây thì là như thế. - Ông có thể nói với em vì sao mà Cảnh sát quốc tế săn lùng ông không? Anh nói một cách thận trọng: - Tốt hơn là tôi không nói gì với cô thêm nữa. Chỉ ở bên tôi cũng đủ chuốc cho cô nhiều rắc rối. Cô biết càng ít càng tốt. - Được thôi ông Robert. Anh nghĩ tới hoàn cảnh lạ lùng đã đưa họ đến với nhau. - Tôi hỏi cô điều nầy nhé. Nếu như cô biết những sinh vật lạ đến trái đất bằng những con tàu vũ trụ thì cô có sợ không hả? - Ông hỏi nghiêm túc đấy chứ? - Pier nhìn anh một thoáng. - Rất nghiêm túc. Cô lắc đầu: - Không. Em nghĩ là điều đó sẽ thật là thú vị. - Ông có tin vào những chuyện đó không? - Tôi không biết. - Robert cười vang. - Chuyện nầy có liên quan gì tới việc cảnh sát săn lùng ông không đấy? - Không, - Robert đáp nhanh. - Không có gì. - Nếu như em nói với ông điều nầy, ông có hứa là sẽ không cáu với em không đã? - Tôi hứa. Khi cô ta nói, giọng cô ta thật nhỏ đến mức anh khó khăn lắm mới nghe thấy. - Em nghĩ là em yêu ông. - Pier… - Em biết là em thật ngốc nghếch. Nhưng chưa bao giờ em nói với ai như thế cả. Em muốn ông hiểu như thế. - Pier, tôi lấy làm hãnh diện. - Ông chế giễu em đấy ư? - Không, không hề, - anh nhìn cái đông hồ đo xăng. - Tốt hơn là chúng ta nên tìm ngay một cây xăng. Mười lăm phút sau, họ tới nơi. - Chúng ta sẽ đổ xăng ở đây. - Robert nói. - Phải - Pier mỉm cười. - Em mong có thể gọi và báo cho mẹ em biết là em đang mang một người đàn ông đẹp trai về nhà. Robert ghé xe vào sát cây xăng và nói với người phục vụ: - Xin đổ đầy cho. - Vâng, thưa ông. Pier nhoài người và hôn lên má Robert. - Em sẽ trở lại ngay. Robert nhìn theo cô đi vào phía trong trạm để đổi tiền lẻ để gọi điện thoại. Cô ta đẹp thật, Robert nghĩ. Và thông minh. Mình phải thận trọng để khỏi xúc phạm cô ta. Bên trong trạm, Pier đang quay điện thoại. Cô ta quay lại mỉm cười và vẫy vẫy Robert. Khi người nhân viên tổng đài thưa máy, Pier nói: - Cho tôi Cảnh sát quốc tế. Nhanh lên. Chương 40 Ngay từ khi nhìn thấy trên màn ảnh tivi thông báo về Robert Bellamy, Pier đã biết rằng mình sắp trở thành giàu có. Nếu như Interpol, lực lượng cảnh sát chống tội phạm quốc tế, đang tìm kiếm Robert thì hẳn phải có một khoản tiền thưởng lớn cho việc bắt giữ được người nầy. Và cô lại là người duy nhất biết ông ta hiện ở đâu. Khoản tiền thưởng nầy sẽ là của cô ta tốt. Việc thuyết phục được ông ta đến Naples, nơi cô có thể theo dõi chặt ông ta, quả là một việc làm thiên tài. Trên điện thoại, tiếng một người đàn ông nói: "Interpol đây, cho phép tôi giúp bà?" Tim Pier đập thình thịch. Cô ta liếc nhìn qua cửa kính để có thể tin chắc rằng Robert vẫn đang ở chỗ bơm xăng. - Vâng. Các ông đang tìm kiếm một người tên là sĩ quan Robert Bellamy phải không? Một thoáng im lặng. - Xin cho hỏi ai đang gọi vậy? - Không cần biết chuyện đó. Các ông có tìm kiếm ông ta hay không? - Tôi sẽ phải để bà nói chuyện với một người khác. - Xin bà vui lòng chờ máy? - Ông ta quay sang người trợ lý. - Tìm xem máy nào đang gọi đó, nhanh lên. Ba mươi giây sau, Pier đang nói chuyện với một quan chức cấp cao. - Vâng, thưa bà. Tôi có thể giúp bà chăng. - Không. Đồ ngốc. Tôi đang tìm cách giúp các người thì có. Tôi biết sĩ quan Robert Bellamy. Các ông có muốn giữ ông ta hay không? - Nhưng, có, thưa bà, chúng tôi rất muốn bắt ông ta. Và bà nói là đang giữ ông ta à? - Đúng thế. Ông ta đang đi với tôi đây. Ông ta đáng giá bao nhiêu với các ông thế? - Bà đang nói về chuyện tiền thưởng ư? - Tất nhiên là tôi đang nói về tiền thưởng. - Cô ta lại nhìn qua kính cửa sổ. Những thằng cha nầy mới ngu ngốc làm sao. Viên quan chức ra hiệu cho người trợ lý của ông ta hành động nhanh chóng hơn. - Chúng tôi chưa treo giải thưởng đối với cái đầu của ông ta, thưa bà, bởi vậy… - Ồ vậy thì ấn định ngay đi. Tôi đang vội. - Bà đang chờ một khoản tiền thưởng bao nhiêu ạ? - Tôi không biết. - Pier nghĩ một chút. - Năm mươi nghìn đôla có được không? - Năm mươi nghìn đôla là cả một khoản tiền lớn. Nếu như bà nói cho tôi biết hiện bà đang ở đâu chúng tôi có thể đến chỗ bà và thương lượng về chuyện đó… Hẳn hắn ta nghĩ mình là một con ngu ngốc. Không. Hoặc là các ông đồng ý trả như tôi muốn hoặc… Pier nhìn lên và thấy Robert đang lại gần. - Nhanh lên. Có hay không? - Rất tốt, thưa bà. Chúng tôi đồng ý trả bà… Robert đang đi lại gần Pier. Pier nói vào trong máy: - Mẹ, chúng con sẽ về vào lúc ăn tối. Mẹ sẽ thích anh ấy. Anh ấy rất hay. Tốt. Chúng con sẽ về gặp mẹ sau. Chào mẹ. Pier gác máy và quay lại Robert. - Mẹ đang sốt ruột được gặp anh. * * * * * Tại trụ sở cảnh sát quốc tế, viên quan chức cấp cao kia nói: - Anh đã tìm ra cú điện thoại đó chưa? - Rồi. Nó được gọi từ một cây xăng trên xa lộ Sole. Có vẻ như họ đang trên đường đi Naples. Đại tá Francesco Cesar và đại tá Frank Johnson đang nghiên cứu tấm bản đồ treo trong phòng làm việc của Cesar. - Naples là một thành phố lớn, - Đại tá Cesar nói. - Có tất cả nghìn chỗ cho anh ta ẩn náu ở đó. - Về người phụ nữ kia thì sao? - Chúng ta không hề biết cô ta là ai. - Vì sao chúng ta không tìm hiểu? - Johnson hỏi. - Bằng cách nào? - Cesar nhìn ông ta, ngạc nhiên. - Nếu như Bellamy vội vã cần có một phụ nữ đồng hành để nguy trang, anh ta sẽ làm gì hả? - Có khả năng là anh ta sẽ nhặt một con điếm. - Đúng. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu hả? - Từ Tor di Ounto. Họ chạy dọc theo con đường Archeologica và quan sát những cô gái điếm đang uốn éo. Ngồi cùng xe với đại tá Cesar và đại tá Johnson là đại uý Bellini thanh tra cảnh sát khu vực nầy. - Chuyện nầy sẽ không dễ đâu. - Bellini nói. - Chúng nó đều ganh ghét nhau, nhưng khi động tới cảnh sát thì chúng lại như chị em ruột thịt vậy. Chúng sẽ không hé răng. - Chúng ta sẽ xem. - Đại tá Johnson nói. Bellini ra lệnh dừng lại và ba người bước ra khỏi xe. Những cô gái điếm nhìn họ đầy vẻ cảnh giác. Bellini bước đến bên một trong số những cô gái. - Chào Maria. Công việc thế nào? - Sẽ tốt hơn nếu ông đi khỏi đây. Chúng tôi không có ý định ở lại. Tôi chỉ muốn hỏi cô một câu thôi. Chúng tôi đang tìm một người Mỹ, người đã nhặt một trong những cô gái ở đây đêm hôm qua. Chúng tôi muốn biết cô bé đó là ai. Cô có thể giúp chúng tôi không? - Mấy cô gái điếm khác đã xúm quanh để nghe chuyện. - Tôi không thể giúp ông. - Maria nói. - Nhưng tôi biết người có thể giúp được. Bellini gật đầu hài lòng. - Tốt. Ai? Maria chỉ sang một cửa hiệu ở bên kia đường. Tấm biển trong cửa kính đề: Xem bói - Xem chỉ tay. - Bà Lucia có thể giúp ông. Các cô gái cười vang tán thưởng. Đại uý Bellini nhìn họ và nói: - Vậy là các cô đều thích đùa có phải không? Ồ, chúng ta sẽ chơi một trò mà tôi nghĩ là các cô sẽ rất thích. Hai ông đây rất muốn biết tên cô gái đã đi cùng với người Mỹ kia. Nếu các cô không biết cô ta là ai, tôi đề nghị các cô nói với bạn bè của mình, tìm ra ai đó biết, và khi các cô có câu trả lời thì gọi điện cho tôi. - Sao chúng tôi lại phải làm thế? - Một trong số họ hỏi đầy vẻ thách thức. - Các cô sẽ biết. Một giờ sau, tất cả gái điếm ở Rome thấy họ đang bị vây ráp. Các xe tuần tiễu quét thành phố và bắt tất cả những cô gái lang thang trên các đường phố cùng với những tên dắt gái của họ. Những lời kêu gào phản đối vang lên. - Các ông không thể làm thế… Tôi đã trả tiền bảo vệ cho cảnh sát. - Tôi đã hành nghề ở khu vực nầy năm năm nay… - Tôi đã cho ông và các bạn ông chơi không. Ông không nhớ à? - Tôi trả ông tiền bảo vệ để làm gì hả… Tới ngày hôm sau, các đường phố thực sự sạch bóng gái điếm và các nhà giam thì chật ních. Đại tá Cesar và đại tá Johnson đang ngồi trong phòng làm việc của đại uý Bellini. - Sẽ khó mà giữ mãi họ trong trại giam được. - Đại uý Bellini cảnh cáo. - Tôi cũng có thể nói thêm rằng chuyện nầy sẽ là rất tệ hại cho ngành du lịch. - Đừng lo. - Đại tá Johnson nói. - Sẽ có kẻ phun ra. Hãy cứ giữ nguyên sức ép. Đến chiều thì họ đột phá được. Thư ký của đại uý Bellini nói: - Có một ông Lorenzo muốn gặp ông. - Cho ông ta vào. Ông Lorenzo mặc một bộ complê rất đắt tiền và đeo ba cái nhẫn kim cương trên ba ngón tay. Ông ta vốn là một kẻ chuyên nghề dắt gái. - Tôi có thể làm gì cho ông hả? - Bellini hỏi. Lorenzo mỉm cười. - Đó là việc tôi có thể làm cho ông cơ, thưa quý vị. Một người quen của tôi báo với tôi rằng các ông đang tìm kiếm một gái làng chơi, đã rời khỏi thành phố với một người Mỹ, và do chỗ chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách nên tôi nghĩ là tôi sẽ trao cho các ông cái tên của cô ta. - Cô ta là ai? - Đại tá Johnson nói. Lorenzo phớt lờ câu hỏi đó. - Tất nhiên, tôi tin chắc là các ông sẽ bày tỏ sự đánh giá cao bằng cách thả tất cả những cô gái của tôi cùng bạn bè họ. Đại tá Cesar nói: - Chúng tôi không quan tâm đến bất kỳ con điếm nào của ông. Tất cả những gì chúng tôi muốn là tên của cô gái kia. - Đó là một tin rất mừng, thưa ông. Nói chuyện với những người hiểu biết luôn là một điều thú vị. Tôi biết rằng… - Tên cô ta, Lorenzo. - Vâng, tất nhiên. Tên cô ta là Pier. Pier Valli. Người Mỹ kia đã ngủ qua đêm với cô ta ở khách sạn Incrocio và sáng hôm sau thì họ ra đi. Cô ta không phải là một trong những cô gái của tôi. Nếu như tôi có thể nói… Bellini đã nói vào máy điện thoại. - Mang tới hồ sơ Pier Valli. Gấp. - Tôi hy vọng quý ngài sẽ tỏ lòng tri ân bằng cách… Bellini nhìn lên và nói vào trong máy: - Và chấm dứt chiến dịch Puttana. - Cám ơn. - Lorenzo cười. Năm phút sau, hồ sơ về Pier Valli được đặt trên bàn Bellini. - Cô ta bắt đầu hành nghề khi mới mười lăm tuổi. - Từ đó, cô ta bị bắt giữ cả chục lần. Cô ta… - Cô ta từ đâu đến? - Đại tá Johnson cắt ngang. - Naples. - Hai người đàn ông nhìn nhau. - Cô ta có mẹ và một thằng em ở đó. - Ông có thể tìm xem cụ thể là ở đâu không? - Tôi có thể kiểm tra được. - Làm đi. Ngay bây giờ. Chương 41 Họ đang đi vào vùng ngoại ô Naples. Những căn nhà cũ nằm dọc theo các đường phố chật hẹp, quần áo phơi hầu như khắp các mặt trước ngôi nhà, làm cho những toà nhà như thể là những quả núi bằng bê tông treo những lá cờ đầy màu sắc. - Anh đã bao giờ đến Naples chưa? - Pier hỏi. Có một lần. - Giọng Robert nghẹn lại. Susan đang ngồi bên anh, khúc khích. Em nghe nói Naples là một thành phố tinh quái. Chúng mình có thể làm nhưng điều tinh quái ở đây được không, anh yêu? - Chúng ta sẽ sáng tạo ra cái gì đó mới lạ, Robert hứa. - Anh có sao không đấy? - Pier nhìn anh. - Tôi không sao cả. - Robert trở lại với hiện tại. Họ đang chạy dọc theo bờ vịnh, trước pháo đài Ovo một pháo đài cổ bỏ hoang nằm sát bên bờ biển. Khi họ tới phố Toledo, Pier nói với vẻ hồi hộp. - Rẽ chỗ nầy. Họ đang hướng tới khu Spaccanapoli, khu phố cổ của Naples. - Ngay trước mặt. Rẽ trái vào phố Benedetto Croce. - Pier nói. Robert lái xe rẽ sang. Đường bắt đầu đông hơn và tiếng còi xe inh ỏi. Anh đã không nhớ là Naples ồn ào như thế nào. Anh cho xe chạy chậm lại để tránh đâm vào những người đi bộ và những con chó chạy ngang mũi xe như thể là chúng được phú cho sự bất tử vậy. - Rẽ phải ở chỗ nầy. - Pier hướng dẫn, - Vào khu Plebiscito. Giao thông ở đây còn tệ hơn và nhà cửa san sát. - Dừng. - Pier kêu lên. Robert dừng xe lại bên lề đường, trước một dãy những cửa hiệu tồi tàn. - Đây là nơi mẹ cô sống à? - Robert nhìn quanh. - Không. - Pier nói. - Tất nhiên là không. - Cô ta nhoài người ra và nhấn còi xe. Một giây sau, một phụ nữ trẻ bước ra khỏi một cửa hiệu. Pier chạy đến chỗ chị ta. Họ ôm chầm lấy nhau. - Trông em thật là tuyệt. - Người phụ nữ kêu lên. - Hẳn là em làm ăn được. - Đúng thế. - Pier chia cổ tay ra. - Nhìn cái vòng mới của em nầy. - Ngọc thật à? - Tất nhiên là thế. - Anna. Ra ngoài nầy. Xem ai đây nầy. - Người phụ nữ kia gọi ai đó trong cửa hiệu. Robert nhìn, không thể tin được. - Pier… - Một phút thôi mà, anh yêu. - Cô ta nói. - Em phải chào bạn bè một chút. Chỉ trong vài phút, gần một chục người phụ nữ đã vây quanh Pier, thán phục chiếc vòng đeo tay của cô trong khi Robert ngồi nghiến răng, bất lực. - Anh ấy phát điên lên vì em. - Pier tuyên bố. - Cô ta quay về phía Robert. - Đúng không anh? Robert chỉ muốn bóp cổ cô ta, nhưng anh không thể làm gì được. - Đúng thế. - Anh nói. - Pier, bây giờ chúng ta có thể đi được chưa hả? - Một phút nữa. - Ngay bây giờ. - Robert nói. - Cũng được. - Pier quay sang đám phụ nữ. - Chúng tôi phải đi bây giờ. Chúng tôi có một cuộc hẹn quan trọng. Xin chào. - Xin chào. Pier chui vào trong xe ngồi cạnh Robert, và những người phụ nữ đứng nhìn theo họ. - Họ là những người bạn cũ. - Pier nói một cách sung sướng. - Tuyệt lắm. Nhà của mẹ cô ở đâu? - Ồ, bà không ở trong thành phố. - Cái gì? - Bà sống ở bên phía ngoài thành phố, trong một trang trại nhỏ cách đây nửa giờ xe chạy. Trang trại đó nằm ở ngoại ô phía nam Naples, một ngôi nhà xây bằng đá cách xa mặt đường. - Nó đấy. - Pier kêu lên. - Có đẹp không? Đẹp. Ngôi nhà ở xa trung tâm thành phố làm cho Robert thấy thích. Sẽ không có lý do nào cho bất kỳ ai đến tìm anh ở đây. Pier nói đúng. Đó là một ngôi nhà tuyệt đối an toàn. Họ bước đến cửa trước, và khi còn chưa tới thì cánh cửa bật mở và mẹ của Pier đứng đó, mỉm cười với cô gái. Bà ta là một hình mẫu khi về già của cô con gái, mảnh mai, tóc bạc và khuôn mặt đầy những nếp nhăn suy tư. - Pier, con gái của mẹ. Mẹ nhớ con quá. - Mẹ, con cũng nhớ mẹ. Đây là người bạn mà con đã gọi điện thoại báo cho mẹ là con sẽ mang về nhà. Bà mẹ đã không hề ngập ngừng gì. - A! Vâng, xin được đón tiếp anh. - Jones. - Robert nói. - Vào đi, vào đi! Họ đi vào trong phòng khách. Đó là một căn phòng lớn tiện nghi và ấm cúng với đầy đồ đạc. Một cậu bé chừng hai mươi bước vào phòng. Cậu ta thấp, với nước da thẫm và khuôn mặt gầy, ủ rũ, cặp mắt nâu buồn thảm. Cậu ta mặc quần bò và một cái áo khoác ngắn trên có hàng chữ Diavoh Rossi. Mặt cậu ta sáng lên khi nhìn thấy chị. - Pier. - Chào Carlo. Họ ôm chầm lấy nhau. - Chị về làm gì thế? - Bọn chị về thăm nhà một vài ngày. - Cô quay sang Robert. - Đây là em trai em, Carlo. Đây là anh Jones. - Chào Carlo. - Xin chào. - Carlo tò mò nhìn khách. - Ta sẽ dọn một cái buồng xin đẹp ở phía đằng sau cho cặp uyên ương. - Bà mẹ nói. - Nếu như không phiền… nghĩa là, nếu bà còn có một phòng ngủ thừa thì tôi muốn có một phòng riêng cho mình. - Robert nói. Có một thoáng lúng túng. Cả ba người nhìn Robert chòng chọc. Bà mẹ quay sang Pier. - Đồng tính luyến ái à? Pier nhún vai. Con không biết. Nhưng cô ta biết rằng anh không phải là một người như vậy. - Tuỳ anh thôi. - Bà mẹ nhìn Robert. Bà ta lại ôm lấy Pier. - Mẹ thật sung sướng là lại được thấy con. Đi vào trong bếp. Mẹ sẽ pha cà phê cho cả nhà. Trong bếp, bà mẹ kêu lên: - Tuyệt vời. Làm sao con lại gặp anh ta? Anh ta trông có vẻ rất giàu. Và cái vòng mà con đang đeo. Nó phải đáng cả một gia tài. Ơn Chúa. Tối nay, mẹ sẽ làm một bữa thịnh soạn. Mẹ sẽ mời tất cả hàng xóm để họ có thể gặp… - Không, mẹ. Mẹ không được làm thế. - Nhưng con ạ, vì sao chúng ta lại không báo tin mừng của con cho mọi người? Tất cả bạn bè của chúng ta sẽ hài lòng. - Mẹ, anh Jones chỉ muốn nghỉ một vài ngày. Không tiệc tùng. Không hàng xóm gì hết. - Cũng đành. Con muốn thế nào cũng được. - Bà mẹ thở dài. Mình sẽ dàn xếp để ông ta bị bắt ở xa nhà để mẹ khỏi bị phiền phức. Carlo cũng đã chú ý đến cái vòng. - Cái vòng đó. Chúng là ngọc thật hả? Ông mua nó cho chị tôi à? Ở thằng bé có cái gì đó mà cho Robert không thích. - Hãy hỏi cô ấy. Pier và bà mẹ từ trong bếp đi ra. Bà mẹ nhìn Robert. - Anh thật không muốn ngủ với Pier à? - Cám ơn. Không. - Robert lúng túng. - Em sẽ chỉ phòng ngủ cho anh. - Pier nói. Cô ta dẫn anh đi về phía cửa sau của ngôi nhà tới một phòng ngủ lớn, tiện nghi với một cái giường đôi ở giữa phòng. - Robert, anh ngại là mẹ sẽ nghĩ gì khi chúng ta ngủ với nhau à? Bà biết em làm gì mà. - Không phải thế. - Robert nói. - Đó là… - Anh không có cách nào để giải thích. - Tốt xin lỗi, tôi… - Không sao cả. - Giọng Pier lạnh tanh. Cô ta cảm thấy bị xúc phạm một cách vô lý. Đến giờ là hai lần ông ta từ chối ngủ với cô. Mình nộp ông ta cho cảnh sát cũng đáng, cô nghĩ. Song tuy vậy cô vẫn cảm thấy hơi tội lỗi. Thực sự là ông ta tử tế. Nhưng năm mươi nghìn đôla là năm mươi nghìn đôla. Trong bữa ăn tối, bà mẹ nói nhiều, còn Pier, Robert và Carlo thì im lặng và mải theo đuổi những ý nghĩ riêng. Robert thì khẩn trương tính toán kế hoạch trốn chạy của mình. Ngày mai, anh nghĩ, mình sẽ ra bên cảng và tìm một con tàu rời khỏi đây. Pier thì nghĩ tới cú điện thoại mà cô ta đang tính gọi. Mình sẽ gọi từ trong thành phố để cảnh sát không thể tìm tới đây được. Carlo thì quan sát người lạ mặt mà chị cậu ta đã lôi tha về nhà. Hẳn là có thể kiếm chác chút gì. Sau bữa ăn, hai người phụ nữ đi vào trong bếp. Robert ngồi một mình với Carlo. - Ông là người đàn ông đầu tiên mà chị tôi đưa về đây. - Carlo nói. - Chị ấy chắc phải thích ông lắm. - Tôi rất thích cô ấy. - Thế hả? Ông sẽ chăm sóc chị ấy chứ? - Tôi nghĩ là chị cậu có thể tự chăm sóc lấy mình. - Phải. Tôi biết. - Carlo cười. Người lạ ngồi trước mặt cậu ta ăn mặc rất lịch sự và rõ ràng là giàu. Vì sao ông ta lại ở đây trong khi ông ta có thể ở một khách sạn đàng hoàng nào đó? Lý do duy nhất mà cậu ta có thể nghĩ tới là người đàn ông nầy đang lẩn trốn. Và điều đó mang lạ một điểm thú vị. Khi một người người giàu có đang lẩn trốn, dù là thế nào, cách nào, thì cũng có thể kiếm tiền từ chuyện đó. - Ông từ đâu tới thế? - Carlo hỏi. Chẳng từ nơi nào cụ thể cả. - Robert nhẹ nhàng đáp. Tôi đi lại rất nhiều. - Tôi hiểu. - Carlo gật đầu. Mình sẽ tìm hiểu qua Pier xem ông ta là ai. Có thể ai đó sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền để đổi lấy ông ta, và mình cùng Pier có thể chia chác số đó. - Ông có làm việc không? - Carlo hỏi. - Nghỉ hưu. Cũng không khó khăn gì để buộc người đàn ông phải mở miệng, Carlo nghĩ. Lucca, lãnh tụ của băng Diavoli Rossi, có thể nghiền nát ông ta một cách nhanh chóng. - Ông sẽ ở với chúng tôi bao lâu? - Thật khó nói. Sự tò mò của thằng bé bắt đầu làm cho Robert để ý. Pier và bà mẹ từ trong bếp đi ra. - Anh có muốn uống thêm chút cà phê không? - Bà mẹ hỏi. - Không, cảm ơn. Một bữa tối thật là ngon. - Có gì đâu Ngày mai tôi sẽ chuẩn bị cả một bữa tiệc cho anh. - Bà mẹ mỉm cười. - Tuyệt. - Lúc đó thì anh đã đi rồi. Anh đứng dậy. - Nếu bà không phiền, tôi muốn đi nghỉ, tôi hơi mệt. - Tất nhiên. - Bà mẹ nói. - Chúc ngủ ngon. - Chúc ngủ ngon. Họ nhìn theo Robert đi về phía phòng ngủ. - Ông ta không nghĩ là chị đáng ngủ với ỏng ta, phải không? - Carlo cười. Lời nhận xét đó làm cho Pier đau nhói, đúng với nghĩa đen của nó. Cô ta sẽ chẳng bận lòng nếu như Robert là một kẻ đồng tính luyến ai nhưng cô ta nghe thấy anh nói chuyện với Susan và cô ta biết rõ. Mình sẽ thử xem. Nằm trong giường, Robert nghĩ về bước đi tiếp theo của mình. Tạo ra một cái đuôi giả cộng với cái thiết bị dấu trong tấm thẻ tín dụng kia sẽ dành cho anh thêm một chút thời gian, nhưng anh không quá trông vào điều đó. Bây giờ hẳn là họ đã tìm được chiếc xe tải màu đỏ kia rồi. Những kẻ săn đuổi anh rất tàn nhẫn và thạo nghề. Liệu những người đứng đầu các chính phủ có dính vào vụ bưng bít lớn nầy không? Hay đó là một tổ chức bên trong một tổ chức, một nhóm cao cấp trong cộng đồng tình báo đang tự tiện hành động một cách bất hợp pháp. Robert càng nghĩ thì càng thấy rằng có nhiều khả năng là nhưng người đứng đầu các chính phủ có thể không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Một ý nghĩ loé lên trong anh. Dường như anh luôn luôn thấy kỳ quặc với việc Đô đốc Whittaker đột nhiên phải rời khỏi Cục Tình báo hải quân và bị đưa tới một nơi kiểu như Siberia. Nhưng nếu như có ai đó buộc ông ta phải nghỉ bởi vì họ biết rằng ông ta sẽ không bao giờ dính vào một âm mưu, thì điều đó bắt đầu có ý nghĩa. Mình phải liên hệ với đô đốc, Robert nghĩ. Ông ta là người duy nhất anh có thể tin cậy để lần tới sự thật về những gì đang xảy ra. Ngày mai, anh nghĩ. Ngày mai. Anh nhắm mắt lại và thiếp đi. Tiếng kẹt của cánh cửa phòng ngủ đã làm anh thức giấc Anh ngồi dậy trên giường, lập tức đề phòng. Có ai đó đang đi lại phía giường. Robert căng người ra, sẵn sàng bật dậy. Anh ngửi thấy mùi nước hoa và cảm thấy cô gái trườn vào giường, bên cạnh anh. - Pier… Cô làm gì? - Yên nào. - Thân thể cô áp chặt vào người anh. Cô hoàn toàn trần truồng. - Em cô đơn quá. - Cô thì thầm, và áp sát vào anh hơn nữa. - Tôi xin lỗi, Pier, tôi không thể làm gì cho cô được. - Không ư? Vậy thì để em làm gì đó cho anh. - Pier nói. Giọng cô ngọt ngào. - Không ích gì đâu. Cô không thể. - Robert chán chường ghê gớm. Anh muốn tránh cho cả hai người sự lúng túng về cái điều sẽ không xảy ra nầy. - Anh không thích em ư, Robert? Anh không nghĩ là em có một tấm thân đẹp à? - Có chứ. Và cô bắt đầu. Anh cảm thấy thân thể nóng ấm của cô ta áp lên anh chặt hơn. Cô bắt đầu vuốt ve anh một cách dịu dàng, những ngón tay cô ta mơn trớn trên ngực anh, và nhẹ nhàng lần xuống phía dưới. Anh phải chặn cô lại trước khi sự thất bại đầy xúc phạm kia được lặp lại. - Pier, tôi không thể làm tình. Tôi đã không thể gần một người đàn bà kể từ… một thời gian dài. - Anh không phải làm gì cả, Robert. - Pier nói. - Em chỉ muốn chơi một chút. Anh có thích được cùng chơi với em không? Anh không cảm thấy gì cả. Quỷ tha ma bắt Susan. Cô ta đã rời bỏ anh không chỉ với bản thân mình mà cả một phần đàn ông của anh nữa. Pier đang trườn xuống phía thân thể anh. - Nằm sấp xuống đi - Cô nói. - Pier, không ích gì Tôi… Cô ta lật anh lên, và anh nằm đó nguyền rủa Susan, nguyền rủa sự bất lực của chính mình. Anh có thể cảm thấy đầu lưỡi của Pier đang lần dọc trên sống lưng anh, mơn trớn và dịch dần xuống thấp mãi, thấp mãi. Những ngón tay của cô ta vuốt ve trên da thịt anh. - Pier… - Yên nào. Anh đành nằm im, mắt nhắm lại, thấy đầu lưỡi của cô mềm và ấm, thấy đôi vú cô rà lướt trên da thịt mình. Rồi anh bắt đầu thấy bị kích thích hơn. Rồi, anh nghĩ. Rồi. Ôi, rồi. Và anh bắt đầu cứng đơ ra, cho đến khi anh không còn chịu được nữa, anh túm lấy Pier và lật ngửa cô ra. Cô sờ vào đó và kêu lên. - Lạy Chúa, thật đáng nể. Em muốn có anh ở trong em. Robert đi vào trong cô và rồi nữa, nữa. Anh dường như thấy mình được hồi sinh. Pier rất thành thạo, đầy cuồng nhiệt, và Robert miệt mài với cái phần thân thể mềm mại như nhung của cô đêm đó. Đêm đó họ làm tình với nhau đến ba lần. Sau cùng, họ ngủ thiếp đi. * * * * * Ngày thứ mười tám Naples, Italia. Sáng ra, khi luồng sáng nhẹ chiếu qua cửa sổ, Robert thức giấc. Anh ôm Pier chặt trong vòng tay mình và thì thầm. - Cám ơn em. - Anh thấy thế nào? - Pier mỉm cười ranh mãnh. - Tuyệt vời. - Robert nói. Và thực là như vậy. - Anh là một con thú. - Pier rúc vào người anh. Robert cười. - Em hợp với điều đó. - Anh nói. Pier ngồi thẳng dậy và nói với vẻ nghiêm túc: - Anh không phải là một kẻ buôn lậu ma tuý chứ? - Không. Một câu hỏi ngây thơ. - Nhưng Cảnh sát Quốc tế truy lùng anh? - Đúng. - Điều đó có ý nghĩa hơn. - Mắt cô ta sáng lên. - Em biết. Anh là một điệp viên. - Cô ta hồi hộp cứ như một đứa trẻ. -Thật à? Robert phải bật cười. Và anh nghĩ. Từ miệng của những cô gái trẻ… - Thú nhận đi. - Pier khăng khăng. - Anh là một điệp viên phải không? - Phải. - Robert trầm giọng nói. - Anh đúng là một điệp viên. - Em biết mà. - Mắt Pier sáng lên. - Anh có thể kể cho em nghe một vài bí mật được không? - Loại bí mật gì hả? - Anh biết đấy, những bí mật gián điệp - mật mã, và những thứ như thế. Em thích đọc truyện tình báo lắm. Và em chỉ đọc loại đó. - Thế hả? - Ồ, vâng. Nhưng đó chỉ là những chuyện bịa. Anh biết những chuyện thật, phải khỏng nào? Chẳng hạn những tín hiệu mà các điệp viên hay dùng. Anh có được phép nói cho em biết một tín hiệu không? Robert nói một cách nghiêm túc: - Ồ, thực ra là không nên, nhưng anh cho rằng một thì được. Mình có thể nói điều gì để cô ta tin nhỉ? - Đó là cái tín hiệu rèm cửa cũ kỹ. - Tín hiệu rèm cửa cũ kỹ à? - Cô ta tròn mắt. - Phải. - Robert chỉ vào một cái cửa sổ phòng ngủ. - Nếu mọi thứ bình thường thì người ta sẽ để tấm rèm treo lên. Nhưng nếu rắc rối người ta hạ một tấm rèm xuống. Đó là một tín hiệu báo đề đồng nghiệp của mình tránh đi. - Tuyệt thật. Em chưa bao giờ đọc được điều đó trong một cuốn tiểu thuyết nào. - Pier nói một cách sôi nổi. - Tất nhiên. - Robert nói. - Đó là điều rất bí mật. - Em sẽ không nói với ai. - Pier hứa. - Còn gì nữa? - Gì nữa hả? Robert nghĩ một chút. - Ồ có một trò chơi điện thoại. - Kể cho em nghe đi. - Pier xích lại bên anh. - Ồ giả dụ một bạn điệp viên gọi điện thoại cho em để biết mọi chuyện có ổn thoả không. Anh ta sẽ hỏi gặp Pier. Nếu như mọi chuyện đều ổn, em nói: "Đây là Pier". Nhưng nếu có bất kỳ trục trặc gì thì em nói: ông nhầm số máy rồi. - Kỳ diệu thật. - Pier kêu lên. Những huấn luyện viên của mình ở Trang trại hẳn là sẽ đau tim nếu họ nghe thấy mình nói ra thứ ngớ ngẩn nầy. - Anh có thể kể cho em gì nữa không? - Pier hỏi. - Anh nghĩ thế là đủ những điều bí mật cho một buổi sáng rồi. Robert cười lớn. - Thôi được. Cô cọ thân thể mình dọc theo người Robert. - Anh có thích tắm một chút không? - Pier hỏi. - Thích. Họ xoa xà phòng cho nhau dưới làn nước ấm và khi Pier dang chân Robert ra để rửa cho anh, anh thấy mình lại cứng lên. Họ làm tình dưới vòi hoa sen. Trong lúc Robert mặc quần áo, Pier khoác lên người chiếc váy mặc ở nhà và nói: - Em sẽ gặp anh vào lúc ăn sáng. Carlo đang đợi chị ở trong phòng ăn. - Hãy nói với tôi về người bạn của chị đi. - Cậu ta bảo. - Về cái gì? - Chị gặp ông ta ở đâu? - Ở Rome. - Chắc ông ta rất giàu nên mới mua cho chị cái vòng kia. - Ông ta thích tao. - Cô nhún vai. Carlo nói: - Chị có biết tôi nghĩ gì không hả? Tôi nghĩ là người bạn chị đang lẩn trốn điều gì đó. Nếu chúng ta nói ra đúng chỗ, có thể có một khoản tiền thưởng lớn. Pier bước lại gần thằng em trai, mắt cô ta long lên: - Đừng có dính vào chuyện nầy, Carlo. - Vậy là ông ta đang chạy trốn… - Thằng nhóc con nghe đây, tao cảnh cáo mầy. Hãy lo việc của mầy ấy. Cô ta không có ý định chia phần tiền thưởng với bất kỳ ai. Carlo nói với vẻ trách móc: - Bà chị nhỏ bé, chị định vơ cả cho mình chứ gì? - Không. Mầy không hiểu, Carlo. - Không à? Pier nói với vẻ nghiêm chỉnh: - Nói thật với mầy, anh Jones đang lẩn tránh bà vợ của anh ấy. Bà ta thuê một thám tử để săn lùng. Đó là tất cả câu chuyện. - Sao chị không nói trước? Vậy thì chẳng phải thứ to tát tôi sẽ quên chuyện nầy đi. - Carlo mỉm cười. Tốt. - Pier nói và Carlo nghĩ, mình sẽ phải tìm hiểu xem thực sự ông ta là ai. Janus đang nói chuyện điện thoại. - Các anh có tin tức gì chưa? - Chúng tôi biết rằng sĩ quan Bellamy hiện ở Naples. - Các anh có người ở đó không? - Có. Lúc nầy họ đang tìm kiếm hắn ta. Chúng tôi có một manh mối. Hắn ta đang đi cùng với một con điếm có gia đình ở Naples. Chúng tôi nghĩ chúng có thể đến đó. Chúng tôi đang theo sát. - Báo cáo kịp thời cho tôi. Tại Naples, Phòng Nhà cửa đô thị đang bấn bíu tìm kiếm nơi ở của bà mẹ Pier Valli. Hơn một chục nhân viên an ninh và lực lượng cảnh sát Naples đang lộn trái thành phố ra để tìm kiếm Robert. Carlo thì mải miết tính các kế hoạch đối với Robert. Pier thì chuẩn bị gọi lại cho Interpol. Chương 42 Mối hiểm hoạ treo lơ lửng đâu đây dường như thật rõ ràng, và Robert cảm thấy như anh có thể với tay ra và chạm vào nó. Khu bến cảng tấp nập hoạt động như một cái tổ ong với nhan nhản những con tàu bốc và dỡ hàng. Nhưng thêm vào đó còn có một điểm khác nữa: Những chiếc xe cảnh sát chạy lên chạy xuống với những cảnh sát mặc thường phục và những thám tử trông thật lộ liễu thẩm vấn nhưng công nhân và những thuỷ thủ. Cuộc săn người khẩn trương nầy làm cho Robert hoàn toàn ngạc nhiên. Dường như thể họ đã biết anh ở Naples, bởi lẽ nếu không thì họ không thể nào cùng lúc ráo riết như thế nầy trong việc săn lùng anh ở tất cả các thành phố lớn của Italia. Thậm chí anh đã chẳng buồn ra khỏi xe. - Anh quay xe lại và rời khỏi khu cảng. Điều mà anh đã nghĩ là một kế hoạch đơn giản - lên một chiếc tàu hàng đi Pháp - giờ đây đã trở thành nguy hiểm. Bằng cách nào đó họ đã lần theo anh tới đây. Anh rà lại các lựa chọn của mình. Đi bằng xe thì dù ngắn dài cũng đều quá nguy hiểm. Lúc nầy thì hẳn sẽ có những trạm kiểm soát xung quanh thành phố. Các bến cảng đều được canh gác. Điều đó có nghĩa là ga xe lửa và sân bay cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ. Anh đang ở trong một gọng kìm và nó đang khép lại. Robert nghĩ đến đề nghị của Susan. Bọn em ở ngay ngoài khơi Gibralta. Bọn em có thể vòng lại và đón anh ở bất kỳ chỗ nào anh muốn. Đó có thể là khả năng thoát duy nhất của anh đấy? Anh không hề muốn kéo Susan vào chuyện nguy hiểm, vậy mà anh không còn nghĩ được đến một sự lựạ chọn nào khác. Đó là cách duy nhất thoát khỏi cái bẫy mà anh đang bị kẹt ở trong. Họ sẽ không tìm kiếm anh trên một du thuyền tư nhân. Nếu mình lên được Thanh Bình, anh nghĩ, họ có thể thả mình gần bờ biển Marseilles, và mình có thể tự lên bờ. Bằng cách đó họ sẽ không bị nguy hiểm. - Anh dừng lại trước một tiệm ăn nhỏ bên đường và đi vào để gọi điện thoại. Sau năm phút, anh được nối liên lạc với du thuyền Thanh Bình. - Xin cho gặp bà Banks. - Tôi sẽ nói là ai đang gọi ạ? Monte có một thằng quản gia khốn kiếp trực điện thoại trên du thuyền. - Cứ nói là một người bạn cũ. Một phút sau, anh nghe thấy tiếng Susan. - Robert, anh đấy à? - Thứ đồ bỏ đây. - Họ… họ chưa bắt được anh hả? - Chưa, Susan. - Nói ra cái đề nghị kia với anh thật khó khăn. - Lời đế nghị của em vẫn còn giá trị chứ? - Tất nhiên rồi. Khi nào…? - Em có thể đến Naples vào đêm nay được không? Susan lưỡng lự. - Em không biết. Chờ em một tí. Robert nghe thấy tiếng trao đổi. Rồi Susan trở lại bên máy. - Monte nói là có trục trặc một chút về động cơ, nhưng chúng em có thể đến Naples sau hai ngày. Quỷ tha ma bắt. Anh ở đây thêm ngày nào là thêm khả năng bị bắt ngày đó. - Được. Thế cũng tốt. - Bọn em sẽ tìm anh như thế nào? - Anh sẽ liên lạc với em. - Robert, xin anh hãy cẩn thận. - Anh đang cố gắng. Đúng là như thế. - Anh sẽ không để chuyện gì xảy ra cho anh chứ? - Không, anh sẽ không để chuyện gì xảy ra cho mình. Và cả cho em nữa. Khi Susan gác máy, cô quay lại mỉm cười với chồng: - Anh ấy sẽ lên thuyền. Một giờ sau, ở Rome, Francesco Cesar trao một bức điện cho đại tá Frank Johnson. Bức điện được gửi từ du thuyền Thanh Bình. Nội dung: Bellemy sẽ lên thuyền Thanh Bình. Sẽ thông báo cho các ông. Bức điện không có người ký. - Tôi đã thu xếp hánh lý để giám sát tất cả các liên lạc đi và đến từ tàu Thanh Bình. - Cesar nói. Ngay khi nào Bellamy lên thuyền, chúng ta sẽ tóm hắn. Chương 43 Carlo Valli càng nghĩ càng chắc chắn rằng cậu ta sắp trúng một quả lớn. Câu chuyện bịa của Pier rằng người Mỹ nầy đang lẩn trốn vợ chỉ là một trò đùa. Ông Jones kia đang chạy trốn, đúng thế, nhưng mà là chạy trốn cảnh sát. Có thể là có một giải thưởng treo cho người đàn ông nầy. Có thể là một khoản lớn. Việc nầy phải thật khéo léo. Carlo quyết định mang bàn với Mario Lucca, thủ lĩnh của băng Diavoli Rossi. Sáng sớm ra, Carlo ngồi lên chiếc xe Vespa và chạy tới phố Sorceila, đằng sau quảng trường Garibandi. Cậu ta dừng lại trước một khu nhà cũ, và nhấn chuông trên một cái hộp thư vớ toác có ghi tên "Lucca". Một phút sau, một tiếng nói quát lên: - Thằng nào đấy? - Carlo đây. Tôi cần nói chuyện vớì anh, Mario. - Giờ nầy là giờ tốt đấy. Lên đi. Mario Lucca đang đứng trước cửa mở toang, trần truồng. Ở cuối phòng, Carlo có thể nhìn thấy một cô gái. - Gấp à? Có chuyện quái gì mà mầy đến sớm thế nầy? - Mario, tôi không thể ngủ được. Tôi quá hồi hộp. Tôi nghĩ là mình đang vớ được một quả lớn. - Thế hả? Vào đi. Carlo bước vào căn phòng chật chội, bừa bãi. - Đêm qua, bà chị tôi mang về một thằng cha. - Thế thì sao? Pier là một con điếm mà. Cô ta… - Ừ, nhưng mà thằng cha nầy giàu. Và ông ta đang lẩn trốn. - Ông ta đang lẩn trốn ai? - Tôi không biết. Nhưng tôi sẽ tìm ra. Tôi nghĩ là có thể có một khoản tiền thưởng lớn treo trên đầu ông ta. - Sao không hỏi bà chị mầy? Carlo cau mầy. - Pier muốn ăn một mình. Anh sẽ thấy cái vòng tay mà ông ta mua cho bà ấy. Vòng ngọc. - Một cái vòng? Hả? Giá bao nhiêu? - Rồi tôi sẽ bảo anh. Tôi sẽ bán nó trong sáng nay. Lucca đứng đó, ngẫm nghĩ: - Tao bảo mầy thế nầy, Carlo. Vì sao ta lại không nói chuyện với người bạn của chị mầy hả? Hãy tóm hắn và mang hắn tới câu lạc bộ ngay sáng nay. Câu lạc bộ là một cái nhà kho rỗng ở Sanita, nơi có một cái phòng cách âm. - Hay. - Carlo mỉm cười. - Tôi có thể dễ dàng đưa ông ta tới đó. - Chúng tao sẽ đợi hắn. - Lucca nói. - Và sẽ nói chuyện với hắn một chút. Tao hy vọng là hắn ta có một cái giọng hay bởi vì hắn sắp phải hát cho chúng ta nghe. Khi Carlo trở về nhà, Robert đã đi. Carlo hết hoảng. - Bạn chị đi đâu rồi? - Cậu hỏi Pier. - Anh ấy nói là đi vào trong thành phố một lát. - Anh ấy sẽ quay lại. Sao? - Tò mò tí thôi. - Cậu ta nặn ra một nụ cười. Carlo đợi bà mẹ và Pier vào bếp sửa soạn bữa trưa rồi vội và đi vào phòng Pier. Cậu ta nhìn thấy cái vòng ngọc được giấu trong một cái váy lót đề trong ngăn kéo tủ bèn nhanh chóng bỏ nó vào túi và đang trên đường ra khỏi nhà thì bà mẹ từ trong bếp gọi: - Carlo, mầy không ở nhà ăn trưa à? - Không. Con có hẹn. Con sẽ về sau, mẹ ạ. Cậu ta ngồi lên chiếc Vespa và phóng về phía quảng trường Spagnolo. Có thể cái vòng nầy là của rởm, cậu ta nghĩ. Nó có thể chỉ là thuỷ tinh. Mình mong là không trở thành thằng ngớ ngẩn trước mắt Lucca. Cậu ta dừng xe trước một tiệm kim hoàn nhỏ với tấm biển hiệu đề: "Orologia". Chủ tiệm, Gambino, là một người đàn ông lớn tuổi, xương xẩu, với một bộ tóc giả màu đen xộc xệch và một cái mồm toàn răng giả. Ông ta nhìn lên khi Carlo bước vào. - Xin chào, Carìo. Cậu ra khỏi nhà sớm đấy. - Dạ. Hôm nay cậu kiếm được cho tôi cái gì vậy? Carlo lấy cái vòng tay ra và đặt nó lên trên mặt quầy. - Cái nầy. Gambino cầm nó lên. Khi nhìn nó, hai mắt ông ta trợn tròn. - Cậu kiếm được cái nầy ở đâu thế? - Một bà dì giàu có chết và để lại nó cho tôi. Nó có đáng giá gì không? - Có thể. Gambino nói một cách thận trọng. - Đừng có lòng vòng với tôi. Gambino có vẻ bị xúc phạm. - Tôi đã lừa cậu bao giờ chưa hả? - Thì suốt đấy còn gì. - Bọn trẻ con chúng mầy cứ giỡn hoài. Tôi sẽ nói cho cậu biết tôi định thế nào, Carlo. Tôi không chắc có thể lo chuyện nầy một mình. Nó rất có giá đấy. - Thật hả? - Tim Carlo ngừng đập một nhịp. - Tôi sẽ phải xem có thể giao nó ở đâu đó không. - Tôi sẽ gọi cho cậu tối nay. Được Carlo nói. Cậu ta chộp lại cái vòng. - Tôi sẽ giữ nó tới khi nào ông trả lời. Carlo lâng lâng rời khỏi cửa tiệm. Vậy là cậu ta đã đúng. Thằng cha kia giàu thật và cũng điên khùng nữa: Không thì sao lại có thể tặng một cái vòng đắt tiền như thế nầy cho một con điếm? Trong cửa hiệu, Gambino nhìn theo Carlo. Ông ta nghĩ, bọn ngu ngốc nầy đang dính vào một chuyện quỷ quái gì thế nhỉ? Từ dưới quầy, ông ta nhặt lên một tờ thông báo được gửi tới tất cả các tiệm kim hoàn. Trong đó có mô tả về chiếc vòng mà ông ta vừa nhìn thấy, nhưng ở phía dưới thì thay vào số điện thoại thường dùng của cảnh sát, là một chú thích đặc biệt: Báo cho SIFAR ngay? Gambino có thể phớt lờ một thông báo thông thường của cảnh sát, như đã hàng trăm lần ông ta làm như vầy, nhưng về SIFAR thì ông ta đủ biết là không nên qua mặt nó. Ông ta không muốn mất khoản lời của cái vòng kia, nhưng lại cũng không muốn chui đầu vào rọ. Một cách miễn cưỡng, ông ta nhấc máy và quay số trên trên bản thông báo. Chương 44 Đó là cái đẹp của những khủng khiếp, quay cuồng, và là cái bóng của thần chết. Nhiều năm trước, Robert được phái đi công vụ ở Borneo và đã xuyên qua rừng rậm để lần theo một tên phản bội. Đó là vào dịp tháng Mười, trong lễ Musin takoolt, cái mùa ăn người truyền thống, khi mà những thổ dân của vùng rừng rậm sống trong nỗi khủng khiếp của Ballh Salang, thứ ma quái săn người để uống máu. Đó là một mùa săn của những tên sát nhân, và bây giờ, đối với Robert, Naples đột nhiên trở thành những cánh rừng rậm ở Borneo. Cái chết rình rập trong không trung. Đi với ma phải mặc áo giấy, Robert nghĩ. Họ sẽ phải bắt được mình trước đã. Họ đã lần ra mình như thế nào? Pier. Chắc hẳn họ phải lần ra anh qua Pier. Mình phải trở lại ngôi nhà kia và cảnh cáo cô ta, Robert nghĩ. Nhưng trước hết mình phải kiếm cách thoát khỏi nơi nầy. Anh lái xe ra phía ngoại ô thành phố, nơi những con đường cao tốc bắt đầu, với hy vọng là nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà đường không bị kiểm soát. Còn cách năm trăm mét thì tới đầu đường, anh thấy cảnh sát lập rào chắn. Anh quay xe lại và chạy về trung tâm thành phố. Robert lái xe chạy chậm, tập trung suy nghĩ, cố đặt mình vào trong vị trí của những kẻ đang săn lùng anh. Họ sẽ cho chặn tất cả những con đường ra khỏi Italia. Tất thảy mọi con tàu rời khỏi nước nầy cũng sẽ bị kiểm tra. Trong đầu anh chợt nảy ra một kế hoạch. Sẽ chẳng có lý do gì để họ lục soát những con tàu không rời khỏi Italia. Đó là một cơ hội, Robert nghĩ. Anh lại chạy về phía cảng. Chiếc chuông nhỏ trên cửa tiệm kim hoàn kêu vang và Gambino ngẩng đầu lên. Hai người đàn ông mặc complê màu sẫm bước vào. Họ không phải là khách hàng. - Tôi có thể giúp gì các ông? - Ông là Gambino phải không? - Phải. - Ông ta phơi ra những chiếc răng giả. - Ông vừa gọi báo về một cái vòng ngọc lục bảo. SIFAR. Ông ta đã đang đợi họ. Nhưng lần nầy thì ông ta ở cùng phía với những thần chết. - Đúng thế. Là một công dân yêu nước, tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. - Dẹp thử vớ vẩn đó đi. Ai mang đến? - Một thằng bé tên là Carlo. - Nó có để cái vòng lại không? - Không, nó mang đi luôn. - Tên họ của Carlo là gì? Gambino nhô cao một bên vai lên. - Tôi không biết tên họ của nó. Nó là một thằng trong băng Diavoli Rossi. Đó là một trong những băng nhóm địa phương ở đây. Đứng đầu băng là nột thằng tên là Lucca. - Ông có biết chúng tôi có thể tìm được Lucca ở đâu không? Gambino lưỡng lự. Nếu như Lucca tìm ra rằng ai đã nói thì hắn sẽ cắt lưỡi người ấy. Nếu không nói thì những người nầy cũng sẽ đập ông ta vỡ sọ. - Hắn sống ở phố Sorcella, phía sau quảng trường Garibaldi. - Cám ơn ông Gambino. Ông đã giúp chúng tôi nhiều. - Tôi luôn sung sướng được cộng tác với… Hai người kia đã ra khỏi tiệm. * * * * * Lucca đang nằm trên giường với cô bạn gái thì hai người đàn ông đẩy tung cánh cửa phòng. Lucca nhảy ra khỏi giường. - Cái trò mẹ gì thế nầy? Các người là ai hả? Một người đàn ông chìa ra tấm thẻ. SIFAR. Lucca nuốt giận. - Nầy, tôi không làm gì sai trái cả. Tôi là một công dân tôn trọng luật pháp. - Chúng tôi biết thế, Lucca. Chúng tôi không quan tâm tới anh. Chúng tôi quan tâm tới một thằng bé tên là Carlo. Carlo. Vậy là về chuyện đó. Cái vòng khôn kiếp kia. Thằng Carlo dính vào chuyện trời đánh gì thế nhỉ? SIFAR không có chuyện phái người đi tìm một thứ đồ nữ trang bị đánh cắp. - Nào, anh có biết nó hay không hả? - Có thể. - Nếu anh không chắc, chúng tôi sẽ làm cho anh nhớ lại tại trụ sở của chúng tôi. - Khoan. Bây giờ tôi nhớ ra rồi. - Lucca nói. - Hẳn là các ông nói tới Carlo Valli. Nó làm sao hả? - Chúng tôi muốn nói chuyện với nó. Nó sống ở đâu? Mọi thành viên của băng Diavoli Rossi đều đã phải uống máu thề trung thành, rằng chúng sẽ chết trước khi phản lại một thành viên khác. Đó chính là điều đã làm cho Diavoli Rossi trở thành một băng mạnh như vậy. Chúng gắn bó với nhau. Một vì tất cả và tất cả vì một. - Anh có muốn đi vào trung tâm thành phố không hả? - Để làm gì? - Lucca nhún vai. Hắn ta trao địa chỉ của Carlo. Ba mươi phút sau, Pier mở cửa và thấy hai người lạ đứng trước mặt. - Cô là Valli? - Phải. Rắc rối rồi. - Chúng tôi có thể vào nhà được không? Cô ta muốn nói là không, nhưng không dám. - Các ông là ai? Một trong hai người đàn ông móc ví và chìa ra một tấm thẻ. SIFAR. Đây không phải là những người mà cô ta đã mặc cả. Pier cảm thấy lo sợ là họ sẽ cướp mất cái khoản tiền thưởng của mình. - Các ông muốn gì ở tôi? - Chúng tôi muốn hỏi cô vài câu? - Cứ việc Tôi không có gì để mà giấu giếm. Ơn Chúa, Pier nghĩ, Robert đi vắng. Mình vẫn có thể thương lượng. - Cô từ Rôme đi xe về đây ngày hôm qua phải không? Đó là một câu khẳng định. - Phải. Điều đó phạm luật chăng? Hay tôi chạy nhanh quá? Người đàn ông kia mỉm cười. Nhưng nụ cười không làm cho vẻ mặt anh ta thay đổi. - Cô có một người bạn đồng hành phải không? - Phải. - Pier thận trọng trả lời. - Anh ta là ai vậy, thưa cỏ. Cô ta nhún vai. - Một người đàn ông tôi gặp trên đường. Ông ta muốn đi nhờ tới Naples. Người đàn ông thứ hai hỏi: - Ông ta có ở cùng cô bây giờ không? - Tôi không biết ông ta hiện ở đâu. Tôi thả ông ta xuống khi chúng tôi về tới thành phố, và ông ta biến mất. - Có phải tên người hành khách của cô là Robert Bellamy không? Cô ta nhíu mầy suy nghĩ. - Bellamy hả? Tôi không biết. Tôi không nghĩ là ông ta có nói tên cho tôi biết. - Ồ chúng tôi nghĩ là có đấy. Ông ta vớ được cô ở Tor di Ounto, cô đã ngủ qua đêm với ông ta ở khách sạn Incrocio, và sáng hôm sau ông ta mua cho cô một cái vòng ngọc. Ông ta bảo cô tới một vài khách sạn với những cái vé xe lửa và máy bay và rồi cô thuê một chiếc xe, và đi Naples, phải không nào? Họ biết tất cả. Pier gật đâu, mắt cô ta đầy lo sợ. - Người bạn của cô sẽ trở lại, hay ông ta đã rời Naples hả? Cô ta lưỡng lự, lựa câu trả lời lợi nhất. Nếu như cô nói với họ là Robert đã rời khỏi thành phố thì họ cũng không tin cô cơ mà. Họ sẽ đợi ngay trong ngôi nhà nầy và khi ông ta xuất hiện, họ có thể buộc tội cô đã giấu giếm cho ông ta và bắt giữ cô như một tòng phạm. Cô cho rằng nói thật thì còn hơn. - Ông ta sẽ trở lại. - Pier nói. - Ngay à? - Tôi không rõ. - Ồ chúng tôi sẽ tự thu xếp cho mình. Cô không phiền nếu chúng tôi ngó quanh một chút chứ? Họ phanh áo khoác, để lộ ra những khẩu súng. - Không… không. Họ toả ra, đi lại ngó nghiêng khắp nhà. Bà mẹ từ trong bếp bước ra. - Những người đàn ông nầy là ai vậy? - Họ là bạn của anh Jones. - Pier nói. - Họ đến gặp anh ấy. Bà mẹ cười. - Một người đàn ông ra dáng lắm. Các ông có muốn ăn trưa một chút không? - Có chứ, bà mẹ. - Một trong hai người đàn ông nói. - Chúng ta sẽ có món gì thế? Đầu óc Pier rối bời. Mình phải gọi lại cho Interpol, cô ta nghĩ. Họ nói họ sẽ trả năm mươi ngàn đôla. Trong khi đó, cô phải giữ cho Robert đừng về nhà cho đến khi cô dàn xếp xong chuyện "bán" anh. Nhưng bằng cách nào? Cô ta bỗng nhớ lại câu chuyện buổi sáng. Nếu có rắc rối thì người ta buông một tâm mành xuống… để báo cho ai đó tránh đi. Hai người đàn ông đang ngồi trong phòng ăn, ăn một bát xúp. - Ở đây sáng quá. - Pier nói. Cô ta nhỏm dậy và đi vào trong phòng khách kéo một tấm rèm xuống. Rồi cô ta trở lại bên bàn. Mình mong là Robert nhớ cái dấu hiệu báo động nầy. Robert vừa lái xe chạy về nhà Pier vừa nghĩ kế hoạch tẩu thoát của anh. Không hoàn hảo lắm, anh nghĩ, nhưng ít nhất thì nó cũng làm cho họ mất phương hướng và cho mình có thêm thời gian. Khi về gần tới ngôi nhà, anh giảm tốc độ và quan sát xung quanh. Một thứ đều có vẻ bình thường. Anh sẽ cảnh cáo Pier đừng dính vào và rồi sẽ ra đi. Khi chuẩn bị dừng xe trước cửa nhà, có điều gì đó làm cho anh thấy lạ. Một tấm rèm phía trước được buông xuống. Những cái khác thì vẫn treo. Có thể là một sự ngẫu nhiên nhưng… một tiếng chuông báo động vang lên trong đầu anh. Có phải Pier đã nghiêm túc với cái trò vặt của anh chăng? Phải chăng chính là một tín hiệu báo động đó? Robert dận ga và tiếp tục cho xe chạy. Anh không thể có bất kỳ mạo hiểm nào, cho dù là mỏng manh nhất. Anh lái xe đến một cái tiệm cách đó gần hai cây số và đi vào gọi điện thoại. Họ đang ngồi tại bàn ăn thì chuông điện thoại kêu. Những người đàn ông cảm thấy căng thẳng. Một trong hai người bọn họ chực nhỏm dậy. - Liệu có phải Bellamy gọi điện về đây không? Pier nhìn anh ta có vẻ coi thường. Tất nhiên là không. Sao ông ta phải làm thế nhỉ? Cô đứng dậy và bước tới bên điện thoại, nhấc máy. - Hello? - Pier hả? Anh nhìn thấy tấm rèm cửa sổ và… Tất cả những gì cô phải làm là bảo rằng mọi thử vẫn ổn thoả và anh có thể về nhà. Họ sẽ bắt anh và cô có thể đòi khoản tiền thưởng cho mình. Nhưng liệu họ có đơn thuần chỉ bắt hay không? Cô như có thể nghe được lời Robert nói: "Nếu như cánh sát tìm thấy tôi họ được lệnh phải hạ thủ ngay". Hai người đàn ông ngồi lại bàn đang chăm chú nhìn cô. Với năm mươi ngàn đôla cô có thể làm được bao nhiêu việc. Nào là quần áo đẹp, những chuyến đi, một căn hộ xinh xắn ở Rome. Và Robert sẽ chết. Ngoài ra cô ta còn căm ghét cảnh sát. Pier nới vào máy: - Ông nhầm số máy. Robert nghe thấy tiếng máy bị cúp và đứng lặng, sững sờ. Cô ta đã tin vào trò đùa của anh, và có thể điều đó đã cứu mạng anh. Chúa phù hộ cho cô ta. Robert quay xe và thay vì chạy vào khu cảng chính chuyên phục vụ cho những tàu chở hàng và những tàu đi biển xa, anh lái xe chạy về phía bên kia, ngang qua khu Santa Lucia, tới một cầu tàu nhỏ, nơi có một tấm biển treo trên một kiốt ghi: "Capri và Ischia". Robert dừng xe ở một nơi dễ thấy và bước đến chổ người bán vé. - Khi nào thì có chuyến thuyền cao tốc đi Iscbia? Ba mươi phút nữa. - Thế còn đi Capri? - Năm phút. - Cho tôi một vé một chiều đi Capri. - Vâng, thưa ông. - Vâng, thưa ông - nghĩa là thế nào? - Robert to tiếng. - Tại sao các người không nói tiếng Anh như những người khác hả? Người đàn ông kia trợn mắt ngạc nhiên. Lũ các người đều giống nhau cả. Ngu ngốc. Hay như các người nói, stupidio. - Robert ném ít tiền cho người đàn ông kia, chộp lấy vé và đi về phía chiếc thuyền. Ba phút sau, anh đã đang trên đường tới đảo Capri. Chiếc thuyền tử từ rời bến, thận trọng đi theo đúng luồng lạch. Khi đã ra tới đường giới hạn bên ngoài, nó lao về phía trước, chồm lên hẳn khỏi mặt nước. Trên thuyền đầy những khách du lịch từ nhiều nước khác nhau, vui vẻ trò chuyện bằng bao nhiêu thử ngôn ngữ. Không ai để ý gì tới Robert. Anh đi tới một quầy rượu nhỏ nơi bán những đồ uống. Anh nói với tay chủ quán: - Cho tôi vodka pha. - Thưa ông, vâng. Anh nhìn tay chủ quán pha rượu. - Đây thưa ông. Robert cầm ly rượu lên, nhấp một ngụm. Ann đập mạnh ly rượu xuống mặt quầy: - Lạy Chúa, các người gọi thứ nầy là rượu à? - Anh nói. - Mùi như nước đái ngựa vậy. Có chuyện gì với bọn người Italia khốn kiếp các người thế hả? Mọi người xung quanh nhìn anh chòng chọc. Người chủ quán nói, cứng cỏi. - Xin lỗi, thưa ông, chúng tôi đã dùng thứ tốt nhất. - Đừng nói với tao chuyện cứt đái đó. Một người Anh gần đó dằn giọng. - Ở đây có phụ nữ. Tại sao ông không chú ý ngôn từ một chút? - Tôi không cần phải chú ý gì hết. - Robert quát lên. - Các người có biết ta là ai không? Ta là sĩ quan Robert Bellamy. Và họ lại còn gọi đây là một chiếc thuyền chứ? Đúng là một khúc gỗ bỏ đi. - Anh đi lại mũi thuyền và ngồi xuống. Anh có thể cảm thấy ánh mắt của tất cả mọi người đang nhìn theo. Tim anh đập thình thịch, nhưng cuộc chơi đâu đã xong. Khi chiếc thuyền ghé vào đảo Capri, Robert bước tới quầy bán vé xe bus. Một người đàn ông lớn tuổi đang đứng trong quầy bán vé. Một vé. - Robert quát lên. - Và nhanh lên. Tôi không có cả ngày đâu. Ông đã quá già nua cho việc bán vé rồi, đúng thế. Ông nên ở nhà. Có thể vợ ông đang dan díu với tất cả đám hàng xóm đấy. Ông già đã toan nổi cơn lôi đình. Những người đi qua đều nhìn Robert một cách khó chịu. Robert chộp lấy chiếc vé và bước vào chuyến xe chật ních người. Họ sẽ nhớ mình, anh nghĩ một cách quả quyết. - Anh đang để lại một cái đuôi mà chẳng ai là không thấy Khi chiếc xe dừng lại, Robert chen ra khỏi đám đông. Anh đi theo phố Vittoro Emanuele ngoằn ngoèo, tới khách sạn Quisiana. - Tôi cần một phòng. - Anh nói với người nhân viên sau quầy. - Tôi xin lỗi. - Người nhân viên kia đáp. - Nhưng chúng tôi hết phòng rồi. Có… Robert đưa cho anh ta sáu mươi ngàn lia. - Phòng nào cũng được. - Ồ, trong trường hợp đó, tôi nghĩ là chúng tôi có thể thu xếp cho ông được, thưa ông. Xin ông làm đăng ký ạ? Robert viết tên: Sĩ quan Robert Bellamy. - Ông sẽ ở chỗ chúng tôi bao lâu, ông sĩ quan? - Một tuần. - Được lắm. Cho tôi xin hộ chiếu của ông? - Tôi để nó cùng với hành lý. Vài phút nữa nó sẽ được mang lại đây. - Tôi sẽ cho người đưa ông lên phòng. - Bây giờ thì không. Tôi phải ra ngoài một chút đã. Tôi sẽ trở lại ngay. Robert rời khỏi tiền sảnh khách sạn và đi ra phố. Những kỷ niệm như luồng gió lạnh quất vào đầu anh. Anh đã từng đi dạo ở đây với Susan, thăm thú những đường phố nhỏ hẹp, và đi dạo dọc trên phố Ignazio và Li Campo. Đó là những ngày huyền diệu. Họ đến thăm khu Grotta Azzurra và uống cà phê sáng ở quảng trường Umberto. Họ đi xe bus lên Anacapri vả cưỡi lừa đi Villa Jovis, ngồi nhà của Tiberus và đi bơi trong vùng nước màu xanh lục ở Marina Piccola. Họ đi mua sắm dọc trên phố Victorio Emanuele và ngồi ghế đu lên đỉnh Solaro, chần họ lướt trên đám lá nho và những bụi cây nhỏ. Về phía bên phải, họ có thể nhìn thấy những ngôi nhà chạy dài xuống sười núi tới sát biển, những bụi cây đậu chổi hoa vàng rực bao phủ mặt đất mọt chuyến đi mười một phút trên một vùng đất huyền thoại với những cây cối xanh ngát, những ngôi nhà trắng và xa xa là vùng biển xanh. Trên đỉnh núi, họ đã uống cà phê ở quán Barbarossa và rồi đi vào một ngôi nhà thở nhỏ để tạ ơn Chúa đã phù hộ cho họ và cảm ơn lẫn nhau. Robert đi trở lại trạm xe bus ở quảng trường Umberto, và lên xe trở về, lặng lẽ trà trộn vào những hành khách khác. Khi xe dừng lại ở bến sau cùng, anh bước ra, thận trọng tránh người bán vé lúc trước. Anh đi tới cái kiốt ở bến tàu. Bằng một giọng đặc sệt Tây Ban Nha, Robert hỏi: - Bao nhiêu phút nữa thì có tàu đi Iscbia? - Chừng hai mươỉ phút. - Cám ơn. - Robert mua một vé. - Anh đi vào cái quán ở trước bến cảng và kiếm một chỗ ngồi ở phía trong, nhấm nháp ly rượu. Lúc nầy thì không nghi ngờ gì là họ đã tìm thấy chiếc xe, và cuộc săn lùng anh đang khép chặt lại. Anh mở rộng tấm bản đồ châu u ra trong đầu. Việc anh quay lại Pháp sẽ không có ý nghĩa gì. Vậy là Pháp, Robert nghĩ. Một bến cảng đông đúc để rời Italia. Civitavechia. Mình phải đến Civitavechia. Du thuyền Thanh Bình. Anh đổi tiền lẻ ở chỗ chủ quán và tới gọi điện thoại. Người nhân viên tổng đài hàng hải phải mất tới mười phút để nối máy cho anh. Susan trả lời gần như ngay lập tức. - Bọn em đang chờ tin anh. Bọn em. Anh thấy điều đó thật thú vị. Động cơ đã được sửa xong. Sáng sớm chúng em có thể tới Naples. Chúng em sẽ đón anh ở đâu? Để cái du thuyền Thanh Bình tới đây thì quá mạo hiểm. Robert nói: - Em có nhớ cái chỗ xuôi ngược đều giống nhau đó không? Chúng ta đã đi tới đó trong tuần trăng mật. - Cái gì? - Anh đã nói đùa về nó bởi vì anh đã kiệt sức đấy. Đầu dây đằng kia im lặng. Rồi tiếng Susan dịu dàng: - Em nhớ. - Du thuyền có thể đón anh ở đó vào ngày mai được không? - Chờ một tí. Anh chờ. Susan trở lại máy. - Được bọn em có thể ở đó. - Tốt. - Robert ngần ngại. Anh nghĩ tới tất cả những người vô tội đã chết. - Anh đang đòi hỏi ở em nhiều quá. Nếu mà họ tìm ra việc em đã giúp anh thì em có thể gặp nguy hiểm khủng khiếp. - Đừng lo. Chúng em sẽ gặp anh ở đó. Cẩn thận nhé. - Cám ơn. Liên lạc bị cắt. Susan quay lại với Monte Banks. - Anh ấy sẽ đến. Tại trụ sở SIFAR ở Rome, họ đang nghe câu chuyện trên phòng liên lạc. Có bốn người đàn ông trong phòng. Người nhân viên kỹ thuật nói: - Chúng tôi đã ghi lại trong trường hợp ngài muốn nghe một lần nữa, thưa ngài. Đại tá Cesar đưa mắt hỏi ý Frank Johnson. - Phải. Tôi muốn nghe phần nói về nơi họ sẽ gặp nhau. Có vẻ như là anh ta nói chỗ xuôi ngược. Đó là một nơi nào ở Italia? Đại tá Cesar lắc đầu. - Tôi chưa bao giở nghe thấy. Chúng ta sẽ kiểm tra. - Ông ta quay lại người trợ lý. - Tìm trên bản đồ xem. Và cứ giám sát tất cả các liên lạc đi và đến của du thuyền Thanh Bình. - Thưa ngài, vâng. * * * * * Chuông điện thoại lại kêu và Pier định đứng dậy để trả lời máy. - Để yên. - Một trong hai người đàn ông nói. Anh ta bước đến chỗ điện thoại và nhấc máy. - Hello! Anh ta nghe một phút rồi ném cái máy xuống và quay lại phía người đồng nghiệp. - Bellamy đã đi thuyền tới Capri. Chúng ta đi thôi. Pier nhìn hai người đàn ông vội vã ra cửa và nghĩ: Chúa không có ý định cho mình ngần ấy tiền, hẳn là thế. Mình mong rằng anh ấy thoát được. Khi chiếc phà đi Ischia cặp bến, Robert hoà vào đám đông trèo lên bờ. Anh cố thu mình, tránh nhìn vào mắt mọi người. Ba mươi phút sau, chiếc phà cặp vào Ischia. Robert xuống và đi tới một quầy bán vé trên cầu tầu. Một tấm biển thông báo cho thấy chuyến phà đi Soriento sẽ khỏi hành sau mười phút. - Cho một vé khứ hồi đi Soriento. - Robert nói. Mười phút sau, anh đã trên đường đi Sonento, trở lại đất liền. May ra thì cuộc săn lùng sẽ bị hướng tới Capri, Robert nghĩ. May ra. Chợ thực phẩm ở Soriento chật ních. Những người nông dân từ ngoại ô vào mang theo hoa quả tươi và rau, và những máng lưỡi bò chất đống trên những quầy thịt. Đường phố đầy những người qua lại. Robert tiến đến bên người đàn ông to béo mặc một cái áo choàng bẩn thỉu đang chất hàng lên một xe tải. - Xin lỗi ông - Robert nói bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo. - Tôi đang tìm phương tiện đi Civitavechia. Ông có đi về hướng đó không? - Không. Salerno. - Ông ta chỉ về phía một người đàn ông đang chất hàng lên một cái xe tải gần đó. - Guiseppe có thể giúp ông được. - Cảm ơn. Robert đi đến chiếc xe tải kia. - Thưa ông, liệu ông có tình cờ đi Civitavechia không? - Có thể. - Người đàn ông kia đáp lại một cách hờ hững. - Tôi sẽ vui lòng được trả tiền. - Bao nhiêu? Robert đưa cho ông ta một trăm ngàn lia. - Với ngần nầy tiền thì ông có thể mua cho mình cả một vé máy bay đi Róme, phải thế không? Robert lập tức nhận ra ngay sai lầm của mình. Anh nhìn quanh vẻ sợ hãi. - Sự thật là mấy chủ nợ đang theo dõi tôi ở sân bay. Tôi cẩn đi bằng xe tải mà. Người đàn ông kia gật đầu. - À tôi hiểu. Được, lên đi. Chúng ta sẽ đi ngay đấy. Robert há hốc mồm. - Tôi rất mệt mỏi. Nói thế nào nhỉ? Mệt phải không ông có bằng lòng nếu cho tôi ngủ ở thùng xe không? - Đi đường xóc lắm đấy, nhưng tuỳ ông thôi. - Cám ơn. Thùng chiếc xe tải nầy chết đầy những thùng và hòm rỗng. Guiseppe nhìn Robert trèo lên và ông ta đóng tấm chắn đằng sau lại. Trên thùng xe, Robert giấu mình sau mấy cái thùng. Anh chợt thấy mình mệt mỏi đến thế nào. Cuộc săn lùng đã bắt đầu làm cho anh kiệt sức. Anh đã không ngủ bao lâu rồi nhỉ? Anh nghĩ tới Pier và hình ảnh cô ta đã đến với anh đêm qua, đã làm cho anh cảm thấy mình lại là một người đàn ông hoàn toàn. Anh hy vọng là cô đã đúng. Robert ngủ thiếp đi. Trong cabin xe, Guiseppe đang nghĩ về người hành khách của mình. Có tin về một người Mỹ mà nhà chức trách đang truy lùng. Người khách nói giọng Pháp nhưng trông như một người Mỹ, và ông ta ăn mặc như một người Mỹ. Cũng đáng kiểm tra xem. Có thể có phần thưởng ngon lành. Một giờ sau, tại một nơi dừng dành riêng cho xe tải trên xa lộ, Guiseppe đỗ trước một cây xăng. - Bơm đầy đi. - Ông ta nói. Ông ta đi vòng lại sau xe và nhìn vào thùng xe. Người khách của ông ta đang ngủ. Guiseppe đi vào trong quán ăn và gọi điện cho cảnh sát địa phương. Chương 45 Cú điện thoại được chuyển thẳng cho đại tá Cesar. - Phải. - Ông ta nói với Guiseppe. - Có vẻ rất giống người đàn ông của chúng tôi. Nghe kỹ dây. Anh ta rất nguy hiểm, bởi vậy ông phải làm đúng theo lời tôi hiểu chưa? - Vâng, thưa ngài. Bây giờ ông đang ở đâu? Tại nơi dừng xe tải AGIP trên đường đi Civitavechia. - Và bây giờ anh ta đang ở trong thùng xe của ông à? - Vâng. Câu chuyện đã làm cho ông ta sợ. Đáng ra mình chỉ nên lo việc của mình thôi. - Đừng làm bất cứ điều gì để anh ta nghi ngờ nhé. Trở lại xe và cứ lái đi. Cho tôi số biển và hình dạng chiếc xe của ông. Guiseppe nói cho ông ta biết. - Tốt. Chúng tôi sẽ lo mọi chuyện. Giờ thì đi đi. Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson, hớn hở: - Tóm được hắn rồi. Hãy cho dựng các trạm kiểm soát còn chúng ta có thể đến đó trong ba mươi phút bằng máy bay lên thẳng. Lên đường. Khi Guiseppe gác máy, ông ta lau hai bàn tay đẫm mồ hôi lên trên áo và đi ra xe. Mình hy vọng là không có vụ nổ súng. Maria sẽ giết mình. Mặt khác, nếu như khoản tiền thưởng kha khá một chút… Ông ta trèo lên cabin và cho xe chạy về hướng Civitavechia. Ba mươi lăm phút sau, Guiseppe nghe thấy tiếng trực thăng bay trên đầu. Ông ta nhìn lên. Nó mang ký hiệu của cảnh sát quốc gia. Trên xa lộ phía trước mặt, ông ta thấy hai chiếc xe cảnh sát đỗ nối đuôi nhau tạo thành một rào chắn ngang, và đằng sau là cảnh sát với súng tiểu liên trong tay. Chiếc trực thăng hạ xuống bên lề đường và Cesar cùng đại tá Frank Johnson bước ra. Khi tới gần chỗ đường bị chắn, Guiseppe giảm tốc độ rồi dừng lại. Ông ta tắt máy và nhảy ra, chạy thẳng tới chỗ sĩ quan cảnh sát. - Hắn ta trong thùng xe. - Ông ta thét lớn. Cesar quát: - Khép vào! Các cảnh sát cùng ập lại, súng lăm lăm. - Đừng bắn. - Đại tá Johnson quát lớn. - Để anh ta cho tôi. - Ông tiến về phía thùng xe. - Nào ra đi, Robert. - Đại tá Johnson gọi. Hết rồi. Không có phản ứng gì. - Robert, anh có năm giây. Im lặng. Họ chờ đợi. Cesar quay lại phía người của mình và gật đầu. - Không! - Đại tá Johnson quát lên. Nhưng đã quá muộn. Đám cảnh sát đã bắt đầu xả súng vào thùng chiếc xe tải. Tiếng súng chói tai. Những mảnh vỡ bay tung toé vào không gian. Mười giây sau, tiếng súng ngừng. Đại tá Johnson nhảy lên thùng xe và đá tung những hòm, thùng cản lối ông ta. Rồi quay xuống nhìn Cesar. - Anh ta không có đây. * * * * * Ngày thứ mười chín Civitavechia Italia. Civitavechia là một cảng biển cổ kính trên tuyến đường tới Rome, được canh giữ bởi một pháo đài lớn mà Michelangelo hoàn thiện vào năm 1537. Đây là một trong những cảng bận rộn nhất châu u, phục vụ cho tất thảy những vận tải đường biển đi và đến từ Rome và Sardinia. Mới sáng sớm nhưng bến cảng đã sống động với những hoạt động ầm ĩ. Robert đi qua khu ga đường sắt rồi bước vào một quán nhỏ đầy mùi thức ăn cay nồng và gọi đồ ăn sáng. Du thuyền Thanh Bình sẽ chờ anh ở nơi hẹn trước. Anh biết ơn việc Susan đã nhớ nó. Trong tuần trăng mật, họ đã ở trong phòng và làm tình suốt ba ngày đêm. Sau đó, Susan nói: "Anh có muốn đi bơi không, anh yêu?" Robert lắc đầu. "Không. Anh không thể nhấc người lên được." - "Anh có thể lắm, trước khi thấy Elba(1): rồi Susan cười phá lên và họ lại làm tình. Và thật may mắn, cô ấy đã nhớ cái trò chơi chữ ấy. Bây giờ tất cả những gì anh phải làm là kiếm một chiếc thuyền chở anh tới Elba. Anh đi dọc theo những đường phố dẫn ra cảng. Khu vực cảng náo nhiệt với những hoạt động của nó, đông đúc những tàu hàng, những thuyền máy và những thuyền tư nhân. Có một bến dành cho phà. Mắt Robert sáng lên khi anh nhìn thấy nó. Đó sẽ là cách an toàn nhất để đi Elba. Anh sẽ dễ dàng hoà mình vào đám đông. Khi Robert bắt đầu đi về phía bến phà, anh để ý thấy một chiếc xe màu sẫm không có gì đáng chú ý đậu cách đó chừng nửa quãng phố. Anh dừng lại. Nó mang biển số công. Có hại người đàn ông ngồi trong xe đang quan sát bến cảng. Robert quay lại và ới về một hướng khác. Rải rác trong đám công nhân cảng và khách du lịch, anh phát hiện thấy những thám tử mặc thường phục đang tìm cách để không lộ diện. Họ đứng như những ngọn đèn hiệu báo nguy hiểm. Tim Robert bắt đầu đập mạnh. Làm sao mà họ đã có thể lần theo anh tới đây được nhỉ? Và rồi anh nhớ lại những gì đã xảy ra trước đó. Lạy Chúa, mình đã nói với thằng cha lái xe tải là mình đi đâu mà. Ngu ngốc. Mình sẽ rất mệt đây. Anh đã ngủ thiếp đi trên chiếc xe tải và khi xe dừng lại, không có những rung lắc, anh đã tỉnh giấc, nhìn ra và thấy Guiseppe đi vào trong cây xăng để gọi điện thoại. Chẳng biết ông ta gọi ai, song, không được phép mạo hiểm, anh đã chuồn khỏi xe và chui vào thùng một chiếc xe khác cũng chạy về Civvitavechia ở phía bắc. Anh đã tự bẫy mình. Họ đang tìm kiếm anh ở đây. Cách đây vài trăm mét là cả hơn chục chiếc thuyền có thể cho anh một lối thoát. Nhưng bây giờ thì không còn nữa. Robert rời khỏi khu cảng và đi vào thành phố. Anh đi ngang qua một toà nhà lớn với một tấm biển sặc sỡ treo trên tường. Tấm biển đề: "Hãy vào khu chợ. Vui vẻ cho tất cả. Đồ ăn. Trò chơi. Đu quay. Xem cuộc đua lớn". Anh dừng lại nhìn. Anh đã tìm thấy lối thoát cho mình. Chú thích: (1) Thấy Elba (I saw Elba) đọc ngược là (Albe was I) có nghĩa là "Trước đây thì tôi có thể" (ND.) Chương 46 Trong khu chợ, bên ngoài thành phố chừng năm dặm, là một loạt những chiếc khinh khí cầu đủ màu sắc bầy ra trên cả một khu vực, trông giống như những cầu vồng hình tròn. Chúng được cột vào những chiếc xe tải trong lúc những người phục vụ trên mặt đất đang bận rộn bơm khí lạnh vào. Khoảng gần một chục chiếc xe đuổi bắt đỗ ở đó, sẵn sàng lao theo những chiếc khinh khí cầu, trong mỗi xe là hai người đàn ông, một người lái và một người tìm kiếm. Robert bước lại gần người có vẻ là phụ trách ở đây. - Hình như các ông sẵn sàng cho một cuộc đua lớn thì phải? - Robert nói. - Đúng thế. Đã bao giờ ngồi trong một khinh khí cầu chưa hả? - Chưa. Họ đang bay là là trên hồ Cormo và anh cho khinh khí cầu hạ xuống cho tới khi nó chạm cả vào mặt nước. "Chúng ta sẽ đâm xuống mất. Susan hét lên. Anh mỉm cười "Không, không đâu!". Mặt dưới của khinh khí cầu đang nhảy múa trên những ngọn sóng. Anh ném đi một túi cát và quả cầu lại bắt đầu bay lên. Susan cười vang và ôm lấy anh, nói… Người đàn ông kia nói: - Ông nên thử một chút. Đó là một môn thể thao tuyệt vời. - Phải. Cuộc đua hướng về đâu thế? - Nam Tư. Đang có gió đông rất đẹp. Chúng tôi sẽ khởi hành trong ít phút nữa. Tất hơn là nên bay vào buổi sáng sớm khi mà không khí còn mát. - Thế à? - Robert tiếp nhận lời mời một cách lịch sự. Anh đã từng đến Nam Tư vào một kỳ nghỉ hè ngắn ngủi. "Chúng ta phải đưa bốn người ra khỏi đó, ông sĩ quan. Chúng ta phải đợ cho đến khi không khí mát hơn. Nếu như vào mùa đông một khinh khí cầu chở được bốn người thì nó chỉ có thể chở được hai người vào mùa hè". Robert thấy tổ bay đã gần như hoàn thành việc bơm không khí vào những quả cầu và bắt đầu đất những ngọn lửa ga lớn, hướng ngọn lửa vào miệng quả cầu để đất nóng không khí bên trong. Những quả cầu, vốn đang nằm bẹp dí, bắt đầu ngóc dậy cho tới khi những cái giỏ treo bên dưới đứng thẳng lên. - Tôi ngó quanh một chút có được không? - Robert hỏi. - Xem đi! Chỉ đừng có cản lối ai thôi. - Vâng. Robert đến bên một khinh khí cầu đã được bơm đầy ga. Nó được giữ với mặt đất duy nhất bằng một sợi dây thừng buộc vào một trong những chiếc xe tải. Người chuẩn bị cho nó đã đi ra xa làm gì đấy. Không có ai khác ở gần cả. Robert trèo vào trong một cái giỏ dưới quả cầu và quả bóng lớn dường như choán cả khoảng trời trên đầu anh. Anh kiểm tra các trang thiết bị, đồng hồ đo độ cao, các bản đồ, một dụng cụ đo để giám sát nhiệt độ bên trong quả cầu, một máy báo mức tăng độ cao và một hộp đồ nghề. Mọi thứ đều đâu vào đấy. Robert với tay vào trong hòm đồ và lấy ra một con dao. Anh cắt sợi dây buộc và một giây sau, quả cầu bắt đầu bay lên. Nầy. - Robert thét lớn. - Có chuyện gì thế? Cho tôi xuống. Người đàn ông mà anh đã nói chuyện trước đó há mồm nhìn quả cầu đang bay đi… Hãy bình tĩnh. Đừng hoảng sợ. - Ông ta thét lên. - Trên đó có một cái máy đo độ cao. Dùng những vặt dằn trên đó để giữ ở độ cao chừng ba trăm mét. Chúng tôi sẽ gặp ông ở Nam Tư. Ông có nghe thấy tôi nói không? - Tôi có nghe. Quả cầu bay lên mỗi lúc một cao, mang anh về phía đông, ngày càng xa Elba ở phía tây. Nhưng Robert không lo ngại. Gió đổi chiều ở những độ cao khác nhau. Chưa có quả cầu nào khác xuất phát cả. Robert nhìn thấy một chiếc xe đuổi bắt lên đường, bám theo anh. - Anh ném bớt vật dằn và theo dõi đồng hồ đo độ cao. Hai trăm mét… hai trăm rưởi, ba trăm, bốn trăm. Ở độ cao sáu trăm mét, Robert có thể thấy những khinh khí cầu khác bắt đầu xuất phát và bay về phía đông, hướng tới Nam Tư. Không gian yên tĩnh trừ tiếng gió ù ù. "Robert, thật yên ả làm sao. Cứ như là bay trên một đám mây vậy. Giá mà chúng mình có thể ở trên nầy mãi. Cô đã ôm anh thật chặt. Đã bao giờ anh làm tình trên một khinh khí cầu chưa?" Cô thì thầm. Chúng mình hãy thử xem. Và sau đó. "Em cuộc là chúng mình là nhữngngười duy nhất trên thế giới nầy đã yêu nhau trên khinh khí cầu đó anh yêu ạ". Lúc nầy, Robert đang ở trên biển Tyrrhenian, bay theo hướng tây bắc về phía bờ biển Tuscany. Phía dưới, một chuỗi đảo nằm rải rác thành một vòng tròn ngoài khơi, mà Elba là hòn đảo to nhất trong số đó. Napoleon đã bị đày ra đây, và ông đã chọn nó bờ vì vào ngày quang trời, Robert nghĩ, ông có thể nhìn thấy hòn đảo Corsics yêu quý của mình, nơi ông đã sinh ra. Trong thời kỳ bị đày, Napoleon chỉ có một ý nghĩ là làm sao trốn thoát và trở về nước Pháp. Mình cũng vậy. Chỉ có điều Napoleon không có Susan và chiếc du thuyền Thanh Bình đến cứu mà thôi. Đằng xa, ngọn núi Capanne đột nhiên hiện ra, vươn cao vào bầu trời tới một cây số. Robert kéo cái dây an toàn giúp mở van ở trên đỉnh quả cầu để không khí nóng có thể thoát ra ngoài, và quả cầu bắt đầu hạ xuống. Phía bên dưới, Robert có thể nhìn thấy màu hồng và màu xanh tươi đẹp của Elba, màu hồng của đất đỏ và những ngôi nhà kiều Tuscan, còn màu xanh là của rừng rậm. Dưới đó, những bãi biền trắng xoá hoang sơ nằm rải rác quanh mép đảo. Anh hạ xuống chân ngọn núi, cách xa thành phố, để ít thu hút sự chú ý càng nhiều càng tốt. Có một con đường không xa nơi anh hạ xuống lắm, và anh đi ra đó, chờ cho đến khi có một chiếc xe chạy ngang qua. - Ông có thể cho tôi đi nhờ vào thành phố được không? - Robert gọi. - Tất nhiên. Nhảy vào đi. Người lái xe là một ông cụ chừng tuổi hơn tám mươi, với khuôn mặt già nua nhăn nheo. - Tôi có thể thề là trước đây một lát tôi nhìn thấy trên trời một quả khinh khí cầu. Anh có nhìn thấy nó không? - Không. - Robert nói. - Đến thăm nơi nầy à? - Chỉ đi ngang qua thôi. Tôi đang trên đường đến Rome. - Tôi đã đến đó một lần. - Ông lão gật đầu. Khi họ tới Portogerrairo, thủ phủ và là thành phố duy nhất trên đảo Elba, Robert xuống xe. - Chúc một ngày tốt lành! - Ông lão nói bằng tiếng Anh. - Lạy Chúa, Robert nghĩ, ở đây có cả người California. Robert đi dọc phố Garibaldi, còn đường phố chính đông ngập khách du lịch, mà phần lớn là các gia đình, và dường như thời gian đã dừng lại. Không có gì thay đổi, trừ việc mình đã mất Susan và nửa số chính phủ trên thế giới đang tìm cách hạ thủ mình. Nếu không thì, Robert gượng gạo nghĩ, mọi thứ đều vẫn hệt như trước. Anh mua cái ống nhòm trong một cửa hiệu bán quà kỷ niệm, đi đến bến cảng và ngồi vào một chiếc bàn bên ngoài tiệm Stella Mariner, nơi anh có thể nhìn toàn bộ khu cảng. Không có những chiếc xe đáng nghi ngờ, không có xuồng cảnh sát và không thấy bóng cảnh sát nào. Họ vẫn nghĩ là đã vây chặt anh trên đất liền, anh sẽ an toàn khi lên du thuyền Thanh Bình. Bây giờ tất cả những gì anh phải làm là chờ nó đến mà thôi. - Anh ngồi đó, nhấm nháp ly procanico, một thứ rượu vang trắng bản xứ tinh khiết, trông chờ chiếc Thanh Bình. Anh rà lại kế hoạch của mình một lần nữa. Chiếc du thuyền sẽ thả anh ở gần bờ biển Marseilles, và anh sẽ tìm đường đi Paris nơi anh có một người bạn. Lee Po, người sẽ giúp đỡ anh. Thật là mỉa mai. Anh nhớ lại lời nói của Francesco Cesar: "Tôi nghe nói anh đã có một hợp đồng với người Trung Quốc? Anh biết rằng Lee Po sẽ giúp anh bởi vì Lee đã một lần cứu mạng cho Robert, và theo truyền thống cổ Trung Hoa, ông ta đã trở thành người có trách nhiệm với Robert. Đó là một vấn đề win yu - "danh dự". Lee Po là người của Guojia Anquanbu, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, chuyên chống gián điệp. Nhiều năm trước, Robert bị bắt trong khi tìm cách đưa một nhân vật bất đồng ra khỏi Trung Quốc. Anh bị đưa tới Qincheng, nhà tù của cơ quan an ninh ở Bắc Kinh. Lee Po là một gián điệp đôi, trước đây từng làm việc cho Robert, đã dàn xếp cho Robert trốn thoát được. Tại biên giới Trung Quốc, Robert đã nói: - Anh nên rời khỏi đây trong khi anh vẫn còn sống, Lee. Sự may mắn không kéo dài mãi đâu. - Tôi có khả năng chịu đựng và tồn tại. - Lee Po đã mỉm cười. Một năm sau, Lee Po được thuyên chuyển tới Sứ quán Trung Quốc ở Paris. Robert quyết định đã đến lúc thực hiện bước đầu tiên. Anh rời khỏi tiệm ăn và đi ra bến cảng. Khu cảng đầy những con thuyền to nhỏ đang rời khỏi Portoferraio. Robert tiến lại gần một người đàn ông đang lau chùi thân một xuồng máy bóng nhoáng. Đó là chiếc Donzi, với động cơ V-8 351 mã lực. - Một chiếc xuồng đẹp. - Robert nói. - Merci. - Người đàn ông gật đầu. - Tôi không hiểu liệu tôi có thể thuê nó để đi chơi một vòng quanh cảng được không? Người đàn ông dừng tay và nhìn Robert. - Điều dó có thể được. Anh thạo về tàu thuyền không? - Có ở nhà tôi cũng có một chiếc Donzi. Người đàn ông kia gật đầu hài lòng. - Anh từ đâu đến thế? - Oregon. - Robert nói. - Anh sẽ phải trả bốn trăm francs một giờ. Robert mỉm cười. - Được. - Và phải đặt tiền trước, tất nhiên. - Tất nhiên. - Nó đã sẵn sáng rồi. Anh có muốn sử dụng nó ngay không? - Không. Tôi còn phải lo mấy việc lặt vặt. Tôi nghĩ là đến sáng mai. - Mấy giờ? - Tôi sẽ nói cho ông sau. - Anh đưa cho người đàn ông một ít tiền. - Đây là một phần tiền cọc. Tôi sẽ gặp lại ông vào sáng mai. Anh đã cho rằng thật là nguy hiểm nếu để cho du thuyền Thanh Bình đi vào cảng. Có những thủ tục nhất định. Viên Capitaméra di porto - "giám đốc cảng" cấp cho mỗi con thuyền một giấy phép và quy định thời gian lưu lại. Robert tính để chiếc du thuyền Thanh Bình dính líu tới anh ít bao nhiều càng tốt bấy nhiêu. Anh sẽ đón nó ngoài biển. * * * * * Trong văn phòng của Bộ Hàng hải Pháp, đại tá Cesar và đại tá Johnson đang nói chuyện với nhân viên tổng đài hàng hải. - Anh có tin chắc là đã không còn liên lạc nào nữa với du thuyền Thanh Bình không? - Không, thưa ngài, kể từ câu chuyện cuối cùng mà tôi đã báo cáo. - Cứ tiếp tục nghe. - Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson và mỉm cười. - Đừng lo. Chúng ta sẽ biết ngay khi sĩ quan Bellamy lên du thuyền Thanh Bình mà. - Nhưng tôi muốn tóm hắn trước khi hắn lên thuyền. Nhân viên tổng đài nói: - Thưa đại tá Cesar, không có chỗ ngược xuôi nào được ghi trên bản đồ Italia. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta có thể xác định nó. - Ở đâu? - Nó không phải là một địa điểm, thưa ngài. Nó là một từ. - Cái gì hả? - Vâng, thưa ngài. Một từ ngược xuôi hoặc một câu mà đọc ngược xuôi cũng vẫn vậy. Thí dụ, Madam Im Adam. Chúng tôi đã cho chạy máy tính. - Anh ta đưa cho Cesar một danh từ sài những từ ngữ. Đại tá Cesar và đại tá Johnson nhìn lướt qua bản danh sách "Kook… deed, bib, bob, bob… dad… dud… eve… gag… mon… non… non… Otto… pop… sees tot… toot". Cesar nhìn lên. - Chẳng giúp ích gì mấy, có phải không? - Có thể chứ, thưa ngài. Rõ ràng là họ đang dùng một kiểu mật mã. Và một trong những câu chơi chữ nổi tiếng nhất mà người ta gán cho Napoleon đã nói là "Able was I, before I saw Elba" - "Tôi đã có thể, trước khi thấy Elba." Đại tá Cesar và đại tá Johnson nhìn nhau. - Elba. Lạy Chúa. Hắn ta ở đó. Ngây thứ hai mươi Đảo Elba. Thoạt đầu, nó chỉ như một dấu chấm ở phía chân trời, rồi nhanh chóng lớn dần lên trong ánh nắng ban mai. Qua ống nhòm, Robert nhìn nó hiện rõ thành chiếc du thuyền Thanh Bình. Không còn nhầm lẫn gì về con thuyền. Trên biển không có nhiều cái giống như nó. Robert vội vã đi xuống dưới bãi, nơi anh đã dàn xếp thuê chiếc xuồng máy. - Xin chào. Người chủ của chiếc xuồng máy ngẩng lên. - Xin chào. Anh đã sẵn sàng mang nó ra khơi chưa? Robert gật đầu. - Rồi. - Anh muốn dùng nó tlong bao lâu. - Không hơn một hoặc hai giờ. Robert đưa cho người đàn ông phần tiền cọc còn lại và bước vào trong xuồng. - Chăm sóc nó cẩn thận đấy. - Người đàn ông nói. - Đừng lo. - Robert cam đoan với ông ta. - Tôi sẽ chu đáo. - Người chủ xuồng cởi dây néo và vài giây sau chiếc xuồng đã hướng ra biền, lao nhanh về phía chiếc Thanh Bình. Khi lại gần anh nhìn thấy Susan và Monte Banks đang đứng trên boong. Susan vẫy anh và anh có thể thấy sự lo âu trên gương mặt cô. Robert lái xuồng áp sát vào chiếc du thuyền và ném một sợi dây cho người thuỷ thủ. - Ngài có muốn mang nó lên không? - Người thuỷ thủ gọi xuống. - Không, cứ để nó đấy. Người ta sẽ tìm thấy nó ngay thôi mà. Robert trèo thang lên trên boong tàu làm bằng gỗ tếch không một vết gợn. Đã có một lần Susan mô tả chiếc Thanh Bình cho Robert nghe và anh đã bị gây ấn tượng, nhưng khi tận mắt nhìn thấy thì còn hơn thế nữa. Nó dài hơn một trăm mét với một phòng sang trọng dành cho chủ nhân, tám phòng đôi cho khách, và các cabin có một đội thuỷ thủ 16 người. Nó còn có một phòng khách nhỏ, một phòng ăn, một phòng đọc sách và một bể bơi trên boong. Con thuyền được lắp hai động cơ diesel turbo loại D399 mười sáu máy, công suất một nghìn hai trăm năm mươi mã lực và mang theo mười xuồng nhỏ dùng để lên bờ. Phần nội thất được làm ở Italia với bàn tay của Luigi Sturchio. Nó là cả một cung điện nổi. - Em rất mừng là anh thoát được. - Susan nói. Và Robert có ấn tượng rằng cô không được thoải mái, rằng có chuyện trục trặc gì đó. Hay đó chỉ là vì anh căng thẳng quá? Trông cô hoàn toàn xinh đẹp, nhưng không hiểu sao, anh cảm thấy thất vọng. Mình đã chờ đợi cái quái gì nhỉ? Rằng cô ấy sẽ xanh xao và khốn khổ ư? Anh quay sang Monte. - Tôi muốn anh hiểu rằng tôi thật biết ơn khi được đặt chân lên đây. - Rất vui được giúp cho anh. - Monte nhún vai. Người đàn ông nầy là một ông thánh. - Kế hoạch của anh thế nào? - Tôi muốn anh vòng lại và hướng về phía tây, tới Marseilles. Anh có thể thả tôi từ ngoài khơi và… Một người đàn ông mặc đồng phục trắng toát tiến đến. Ông ta ở trạc tuổì năm mươi, dáng người nặng nề với một bộ râu được cắt tỉa gọn gàng, - Đầy là thuyền trưởng Simpson. Đây là… - Monte Banks nhìn Robert hỏi ý. - Smith. Tom Smith. Chúng ta sẽ đi về Marseilles, ông thuyền trưởng. - Monte nói. - Chúng ta không vào Elba hả? - Không. - Cũng được thôi. - Thuyền trưởng Simpson có vẻ ngạc nhiên. Robert nhìn bao quát phía chân trời. Không có gì cả. - Tôi đề nghị chúng ta đi thấp dưới đường chân trời. Khi ba người đã ngồi trong cái phòng khách nhỏ, Monte hỏi: - Anh không nghĩ là anh cần giải thích cho chúng tôi à? - Có chứ. - Robert nói. - Nhưng không phải bây giờ. Các vị biết về vụ nầy càng ít bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi chỉ có thể nói với các bạn là tôi hoàn toàn vô tội. Tôi đã bị lôi vào một trò chính trị gì đó. Tôi biết quá nhiều, và tôi đang bị săn đuổi. Nếu tìm được họ sẽ giết ngay tôi. Susan và Monte đưa mắt nhìn nhau. - Họ không có lý do gì để gắn tôi với du thuyền Thanh Bình cả. - Robert tiếp tục. - Hãy tin tôi, Monte, tôi đã chọn cách khác để trốn, nếu như có. Robert nghĩ về tất cả những người đã bị giết chỉ vì anh đã tìm ra họ. Anh không thể chịu nổi nếu có việc gì xảy ra cho Susan. Anh cố giữ gịọng nhẹ nhàng. - Về các vị tôi sẽ biết ơn nếu không ai nhắc tới việc tôi đã từng có mặt trên thuyền nầy. - Tất nhiên là không. - Monte nói. Con thuyền từ từ quay lại và bắt đầu đi về phía tây. - Nếu anh cho phép, tôi phải có đôi lời với viên thuyền trưởng. Bữa ăn tối là cả một sự lúng túng, với những vẻ là lạ mà Robert không hiểu, một sự căng thẳng dường như có thể sờ thấy được. Có phải đó là vì sự có mặt của anh không? Hay là điều gì khác? Một điều gì đó giữa hai người bọn họ chăng? Mình càng rời khỏi đây sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, Robert nghĩ. * * * * * Họ đang ngồi trong phòng khách nhỏ uống rượu sau bữa tối thì thuyền trưởng Simpson đi vào. - Khi nào thì chúng ta tới Marseilles? - Robert hỏi. - Nếu thời tiết cứ như thế nầy chúng ta sẽ tới đó vào chiều mai, thưa ông Smith. Có gì đó trong dáng điệu của thuyền trưởng Simpson làm Robert thấy khó chịu. Viên thuyền trưởng hơi cục cằn, gần như đến mức thô lỗ. Nhưng hẳn là giỏi nghề, Robert nghĩ, nếu không thì Monte đã không thuê ông ta. Susan xứng đáng với chiếc du thuyền nầy. Cô ấy xứng đáng với mọi điều tốt đẹp nhất. Vào lúc 11 giờ, Monte nhìn đồng hồ và nói với Susan: - Anh nghĩ là chúng ta nên đi nghỉ thôi, em yêu. Susan liếc nhìn Robert. - Vâng. Cả ba người đứng dậy. - Anh sẽ thấy một bộ quần áo để thay ở trong phòng của anh. Chúng ta cùng khổ người mà. - Monte nói. - Cám ơn. - Chúc ngủ ngon, Robert. - Chúc ngủ ngon, Susan. Robert đứng đó, nhìn theo người phụ nữ mà anh yêu dấu đi vào giường với kẻ tình địch của mình. Tình địch ư? Mình còn định lừa dối ai nữa? Anh ta là người thắnng cuộc còn mình là kẻ thua. Giấc ngủ là một cái bóng chập chờn nhảy múa ở ngay ngoài tầm tay. Nằm trong giường, Robert nghĩ rằng ở phía bên kia tấm ngăn, chỉ cách vài mét, là người phụ nữ mà anh yêu hơn bất kỳ ai trên đời. Anh hình dung Susan nằm trần truồng trên giường - cô ấy không bao giờ mặc váy ngủ - và anh tự cảm thấy mình bị rung động. Liệu lúc nầy Monte có đang làm tình với cô hay không… Và cô có đang nghĩ về anh với những ngày tháng tuyệt vời mà họ đã có bên nhau hay không? Có thể là không. Ồ, anh sẽ bước ra hẳn cuộc đời cô ngay thôi mà. Có thể là anh sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa. Trời đã tảng sáng trước khi anh chợp mắt. Trong phòng thông tin của SIFAR, ra-đa đang đò tìm thuyền Thanh Bình. Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson và nói: - Thật quá tệ là đã không chặn được hắn ở Elba, nhưng giờ đây thì chúng ta tóm được hắn rồi. Đã có sẵn một tàu cao tốc. Chúng ta chỉ chờ tin từ du thuyền Thanh Bình là xuất phát thôi. * * * * * Ngày thứ hai mươi mốt. Sáng sớm, Robert đứng trên boong quan sát mặt biển yện tĩnh. Thuyền trưởng Simpson đến bên anh. - Xin chào. Ông Smith, có vẻ là thời tiết sẽ ổn định đấy. - Vâng. - Chúng ta sẽ đến Marseilles vào lúc mấy giờ. Chúng ta sẽ dừng lại đó có lâu không? - Tôi không biết. - Robert lịch thiệp đáp. - Để xem: - Vâng, thưa ông. Robert nhìn Simpson rảo bước bước đi. Con người nầy thế nào nhỉ? Robert đi về phía đuôi thuyền và nhìn bao quát khắp chân trời. Anh không thấy gì cả, song tuy vậy, trong quá khứ, bản năng đã cứu anh không chỉ một lần. Đã từ lâu, anh biết cách dựa vào bản năng đó. Có chuyện xấu rồi. Ngoài tầm mắt, phía sau đường chân trời, chiếc tàu cao tốc Stromboli của hải quân Italia đang đuồi theo du thuyền Thanh Bình. Khi Susan đến ăn sáng, trông cô xanh tái và ủ rũ. - Em có ngủ ngon không, em yêu? - Monte hỏi. - Ngon. - Susan nói. Vậy là họ không cùng chung phòng. Robert cảm thấy dễ chịu một cách vò lý khi biết điều đó. Anh và Susan thường xuyên ngủ chung giường và thân thể trần truồng đầy đặn của cô mơn trớn khăp thân thể anh… Lạy Chúa, mình không được nghĩ như thế nầy nữa. Phía trước chiếc Thanh Bình, về phía bên mạn phải là một chiếc tàu đánh cá của đội tàu Marseilles đang kéo về một mẻ cá mới. - Các anh có muốn ăn trưa với cá tươi không? - Susan hỏi. - Cả hai người đàn ông đều gật đầu. - Tốt đấy. Họ gần như đã đến ngay phía trước con tàu đánh cá. Khi thuyền trưởng Simpson đi ngang qua, Robert hỏi: - Khi nào thì chúng ta tới Marseilles vậy? - Chúng ta sẽ đến đó sau hai giờ nữa. Marseilles là một cảng đầy hấp dẫn. Ông đã đến đó bao giờ chưa, ông Smith? - Nó đúng là một cảng hấp dẫn. - Robert đáp. Trong phòng thông tin của SIFAR, hai đại tá đang đọc bức điện vừa được gửi đến từ chiếc du thuyền Thanh Bình. Nó được viết đơn giản: Bây giờ. - Chiếc Thanh Bình hiện ở vị trí nào? - Đại tá Cesar gầm lên. - Họ đang hướng vào cảng, còn cách Marseilles hai giờ đồng hồ. - Ra lệnh cho chiếc Stromboli vượt lên và sang mạn ngay. Ba mươi phút sau, chiếc tàu cao tốc của Hải quân Italia Stromboli đã ập sát chiếc Thanh Bình. Susan và Monte đang ở đuôi thuyền nhìn chiếc tàu chiến áp vào mạn tàu họ. Một giọng nói vang lên từ loa phóng thanh của chiếc tàu chiến. - Du thuyền Thanh Bình chú ý. Dừng lại. Chúng tôi sẽ sang mạn. Susan Và Monte đưa mắt nhìn nhau. Thuyền trưởng Simpson vội vã chạy lại phía họ. - Ông Banks… - Tôi nghe thấy rồi. Làm theo lời họ. Tắt máy. - Thưa ông, vâng. Một phút sau, tiếng máy tàu tắt đi và chiếc du thuyền nằm đong đưa trên mặt nước. Susan và Monte nhìn những người thuỷ thủ có vũ trang được hạ xuống, từ chiếc tàu cao tốc của Hải quân, trong một chục xuồng. Lát sau, hơn một chục thuỷ thủ đã đang trèo lên thang dây của chiếc Thanh Bình. Viên sĩ quan chỉ huy, một thiẽu tá hải quân, nói: - Xìn lỗi vì đã làm phiền, thưa ông Banks, Chính phủ Italia có lý do để tin rằng ông đang chứa chấp một kẻ bị truy nã. Chúng tôi được lệnh khám con thuyền của ông. Susan đứng nhìn những người thuỷ thủ dàn ra, đi dọc trên boong và đi xuống bên dưới để lục soát các phòng. - Đừng nói gì cả… - Nhưng… Không một lời. Họ đứng im lặng, nhìn cuộc lục soát diễn ra. - Báo cáo chỉ huy, không hề thấy bóng dáng hắn ta. - Một thuỷ thủ báo cáo. - Anh có tin chắc thế không? Chắc chắn, thưa ngài. Trên thuyền không có hành khách nào và chúng tôi đã nhận diện từng người trong thuỷ thủ đoàn. Viên chỉ huy đứng lặng, thất vọng. Các cấp trên của anh ta đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Anh ta quay sang Monte, Susan và thuyền trưởng Simpson: - Tôi nợ quý vị một lời xin lỗi. - Anh ta nói. - Tôi thật lấy làm tiếc vì đã làm phiền quý vị. Chúng tôi sẽ rời đi ngay bây giờ. - Anh ta quay người bước đi. - Ông chỉ huy… - Có? Thuyền trưởng Simpson nói với vẻ khó khăn: - Người đàn ông mà các ông tìm kiếm đã thoát đi trên một con tàu đánh cá cách đây nửa giờ. Các ông sẽ không khó khăn gì trong việc bắt anh ta. Năm phút sau, chiếc Stromboli lao nhanh về hướng Marseilles. Viên thiếu tá hải quân hoàn toàn hài lòng với bản thân. Các chính phủ trên thế giới đang truy lùng sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy và mình là người đã tìm thấy hắn. Có thể sẽ được đề bạt trong vụ nầy, anh ta nghĩ. Từ trên cầu chỉ huy, một sĩ quan hàng hải gọi to: - Ông chỉ huy, xin ông lên đây được chứ? Họ đã phát hiện chiếc tàu đánh cá rồi ư? Viên thiếu tá hải quân vội vã chạy lên cầu chỉ huy. - Nhìn kìa, thưa ông. Viên thiếu tá thoáng nhìn và tim anh ta lặng đi. Xa xa về phía trước phủ kín cả đường chân trời là toàn bộ đội tàu cá Marseilles, một trăm chiếc tàu giống hệt nhau đang trên đường vào cảng. Không còn cách nào trên đời nầy để xác định sĩ quan Benamy ẩn náu ở trên chiếc nào. Chương 47 Anh đánh cắp một chiếc xe ở Marseilles. Đó là chiếc Fiat 1800 Spider mui trần, đỗ trên một phố phụ tối tăm. Nó được khoá và không hề có chìa khoá nào cắm trên công tắc. Không khó khăn gì. Nhìn quanh để chắc không bị ai để ý Robert rạch tấm vải bạt nói xe và thò tay vào bên trong mở chốt cửa. Anh ngồi vào trong xe và với tay xuống phía dưới mặt bảng đồng hồ, lôi ra tất cả mớ dây công tắc điện. Anh giữ sợi dây to màu đỏ trong một tay và tay kia cầm từng sợi còn lại dí vào nó cho đến khi thấy bảng đồng hồ sáng lên. Sau đó, anh xoắn hai sợi đó với nhau và gì những sợi còn lại vào hai đầu dây vừa xoắn cho đến khi động cơ bắt đầu khởi động. Một giây sau, Robert đã trên đường đi Paris. Ưu tiên đầu tiên của anh là tìm kiếm. Khi tới ngoại ô Paris, anh dừng lại tại một buồng điện thoại công cộng. Anh gọi đến căn hộ của Lee và nghe thấy giọng nói quen thuộc trên máy trả lời tự động: - Xin chào. Tôi lấy làm tiếc là không có nhà, nhưng không có nguy cơ của việc tôi không trả lời lại bạn. Hãy chờ tôi gọi lại". Robert nhẩm đếm các từ theo mã riêng của họ. Các từ khoá là: Lấy làm tiếc… nguy cơ cẩn thận… Tất nhiên là điện thoại bị nghe trộm. Lee đang chờ anh gọi, và đây là cách ông ta báo động cho Robert. Anh ta phải kiếm ông ta càng sớm càng tốt. Anh sẽ dùng một mã khác mà trước kia họ đã từng dùng. Robert đi dọc theo phố Faubourg Saint-Honoré. Anh đã từng đi trên phố nầy với Susan. Cô đã dừng lại trước một ô kính cửa hiệu và đứng theo dáng của một manơcanh. "Anh có thích em mặc bộ váy đó không, Robert?" - "Không, anh thà được thấy em không mặc gì còn hơn". Và họ đã thăm diện Louvre, và Susan đã đứng chết lặng trước Mona Lisa, mắt cô ướt đẫm… Robert đi về phía trụ sở của tờ báo Le Matin. Trước cổng vào chừng một quãng phố, anh chặn một cậu thiếu niên trên đường. - Cậu sẽ muốn kiếm năm mươi francs chứ hả? - Làm việc gì ạ? - Cậu bé nhìn anh một cách nghi ngờ. Robert nghệch ngoạc mấy chữ lên một mẩu giấy và trao nó cho cậu bé cùng với một tờ 50 francs. - Chỉ việc mang cái nầy vào cho báo Le Matin, mục tin rao vặt. - Thế thì được. Robert nhìn theo cậu bé đi vào toà nhà. Mẩu tin sẽ kịp được in vào số báo sáng hôm sau. Nội dung của nó: Tily. Cha ốm nặng. Cần con. Hãy về gặp bố ngay. Mẹ. Bây giờ thì chẳng còn việc gì để làm ngoài chờ đợi. Anh không dám vào thuê buồng khách sạn bởi vì họ có thể đã thông báo đi khắp các nơi. Paris là một quả bom hẹn giờ. Robert lên một chiếc xe bus du lịch đông khách và ngồi vào cuối xe, cố gắng giữ im lặng và không đề ai chú ý. Nhóm du khách đến thăm khu vườn Luxembourg, điện Louvre, lăng Napoleon và Les Invalides cùng hàng chục nơi khác. Và Robert luôn luôn cố hoà lẫn vào giữa đám đông. * * * * * Ngày thứ hai mươi hai. Paris, Pháp. Anh mua vé xem một buổi biểu diễn khuya tại rạp Moulin Rouge cùng với một nhóm du khách khác. Buổi diễn bắt đầu vào lúc 2 giờ sáng. Sau đó, anh dành phần còn lại của đêm đi quanh khu đồi Montmartre, từ quày nầy sang cái khác. Các tờ báo sẽ không xuất hiện trên các đường phố trước 5 giờ sáng. Lúc 5 giờ kém một vài phút, Robert đã đứng chờ cạnh một sạp báo: Một chiếc xe tải màu đỏ dừng lại và thằng bé ném một nắm báo xuống vỉa hè. Robert nhặt tờ đầu tiên lên. Anh lật mục quảng cáo. Lời nhắn của anh ở đó. Bây giờ thì chẳng cỏn gì để làm ngoài việc chờ đợi. Buổi trưa, Robert lững thững đi vào một tiệm bán thuốc lá nhỏ, nơi hàng chục những mẩu tin nhắn được dán vào một tấm bảng. Đó là những lời rao tìm người làm, cho thuê nhà, sinh viên tìm người cùng thuê phòng, bán xe đạp. Ở giữa tấm bảng, Robert thấy mẩu tin mà anh đang tìm kiếm. "Tilly mong gặp anh. Gọi cô ấy ở 50 41 26 45. Lee Po trả lời ngay ở tiếng chuông đầu tiên. - Robert hả? - Chào Lee. - Lạy Chúa, chuyện gì xảy ra vậy? - Tôi đang hy vọng là anh sẽ nói cho tôi biết. - Anh bạn, người ta đang chú ý đến anh hơn cả chú ý đến tổng thống Pháp đấy. Các bức điện đang xoay quanh anh. Anh đã làm gì vậy? Thôi, đừng nói. Dù sao chăng nữa thì anh cũng đang rất nguy. Họ đã nghe trộm điện thoại của Sứ quán Trung Quốc, cả điện thoại của tôi ở nhà cũng vậy và họ đang theo dõi căn hộ của tôi. Họ đã hỏi tôi rất nhiều về anh. - Lee, anh có biết tất cả nhưng chuyện nầy là… - Không nói qua điện thoại được. Anh có còn nhớ căn hộ của Tống ở đâu không? Bạn gái của Lee. - Có - Tôi sẽ gặp anh ở đó sau nửa giờ nữa. - Cám ơn. Robert hoàn toàn hiểu rõ Lee đang tự dấn thân vào nguy hiểm như thế nào. Anh nhớ lại chuyện đã xảy ra với Al Traynor bạn của anh ở FBI. Mình như một con chim lợn khốn kiếp. Cứ đến gần ai là người đó lại phải chết. * * * * * Căn hộ đó nằm trên phố Benouville trong một khu vực yên tĩnh của Paris. Khi Robert tới, bầu trời u ám với những cơn mưa dông và anh có thể nghe thấy tiếng sấm xa xa. Anh đi vào hành lang và bấm chuông cửa một căn hộ. Lee Po mở cửa ngay lập tức. - Vào đi ông ta nói. - Nhanh lên. Lee Po đóng cửa và khoá lại. Kể từ lần anh gặp trước, Lee Po đã không có gì thay đổi. Ông ta cao, gầy và vẫn cứ như trẻ mãi. Hai người đàn ông bắt tay nhau. - Lee, anh có biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra không? - Ngồi xuống, Robert. Robert ngồi xuống. Lee quan sát anh một thoáng. - Anh đã bao giờ nghe nói về Chiến dịch Ngày Tận Thế chưa? - Chưa. Nó có liên quan gì tới nhữag vật thể bay lạ không hả? - Robert chau mầy. - Hoàn toàn liên quan tới những cái đĩa bay ấy, Robert, thế giới đang đứng trước một thảm hoạ. Lee Po bắt đầu đi đi lại lại. - Những sinh vật lạ đang đến trái đất để huỷ diệt chúng ta. Ba năm trước, họ đổ bộ xuống đây và gặp gỡ các quan chức chính phủ đề đòi tất cả các cường quốc công nghiệp đóng cửa các nhà máy hạt nhân và chấm dứt việc đốt các nhiên liệu hoá thạch. Robert chăm chú nghe, kinh ngạc. - Họ đòi ngừng sản xuất dầu mỏ, hoá chất, cao su chất dẻo. Điều đó có nghĩa là việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy trên thế giới. Các nhà máy sản xuất ô tô và sát thép sẽ buộc phải đóng cửa. Nền kinh tế thế giới sẽ trở thành một mớ hỗn loạn. - Vì sao họ lại… - Họ tuyên bố rằng chúng ta làm ô nhiễm vũ trụ, huỷ hoại trái đất và các đại dương… Họ muốn chúng ta ngừng sản xuất vũ khí, ngừng gây chiến tranh. Một nhóm các nhân viên quyền lực từ mười hai nước đã tập hợp lại - đó là những nhà công nghiệp hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… Một người có mật danh là Janus đã phối hợp các cơ quan tình báo trên khắp thế giới vào Chiến dịch Ngày Tận Thế để ngăn chặn những sinh vật lạ kia. - Ông ta quay lại nhìn Robert. - Anh đã nghe về SDI chứ? - Cuộc chiến tranh giữa các vì sao. Các hệ thống vệ tinh nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô. Lee lắc đầu. - Không. Đó là cái vỏ ngoài. SDI được tạo ra không phải để chống lại những người Nga. Nó đang được nhằm vào mục tiêu cụ thể là bắn hạ các đĩa bay. Đó là cơ hội duy nhất để ngăn chặn họ. Robert ngồi lặng người, cố gắng lĩnh hội hết những gì Lee Po đang nói, trong lúc những tiếng sấm lớn dần. - Ý anh nói là các Chính phủ đứng sau… - Chúng ta hãy cho rằng có các phe phái bên trong mỗi chính phủ. Chiến dịch Ngày Tận Thế đang được điều hành một cách riêng biệt. Giờ thì anh đã hiểu chưa? - Lạy Chúa. Các chính phủ không biết rằng… - Anh ngước nhìn Lee Po. - Lee, làm sao mà anh biết rõ như thế? - Robert, rất đơn giản thôi. - Lee trầm ngâm nói. - Tôi là mối liên hệ với Trung Quốc. - Trong tay ông ta xuất hiện một khẩu Beretta. Robert trố mắt nhìn khẩu súng. Lee xiết cò và tiếng súng hoà lẫn với tiếng sét chói tai và một ánh chớp sáng loà ngoài cửa sổ. Chương 48 Vài giọt nước mưa trong trẻo đầu tiên đã làm cô tỉnh giấc. Cô đang nằm trên một cái ghế trong công viên, kiệt sức đến không đi được nữa. Trong hai ngày qua cô đã cảm giác thấy sức sống đang rời khỏi cô. Mình sẽ chết ở đây, trên hành tinh nầy. Cô bồng bềnh trôi vào cái mà cô nghĩ là giấc ngủ cuối cùng của mình. Và rồi một trận mưa đổ đến. Trận mưa may mắn. Cô gần như không thể tin nổi. Cô ngẩng đầu lên và cảm thấy những giọt nước mát lăn xuống trên mặt cô. Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Dòng nước mát lành, tinh khiết. Rồi cô đứng dậy và vươn hai tay lên cao, để cho nước đổ xuống người, mang lại cho cô sức mạnh mới, làm cho cô sống lại. Cô tắm mình trong mưa, và hấp thụ nó vào ngay trong thân thể mình, cho đến khi cở thấy sự mệt mỏi biến mất, thấy mình mỗi lúc một khoẻ hơn lên, cho tới sau cùng, cô nghĩ, mình đã sẵn sàng. Mình có thể nghĩ một cách mạch lạc. Mình biết ai có thể giúp mình tìm đường trở về. Cô lấy ra cái máy phát nhỏ, nhắm mắt lại, và bắt đầu tập trung đầu óc. Chương 49 Chính cái ánh chớp sáng loà đã cứu mạng cho Robert. Ngay cái lúc Lee Po xiết cò, ánh chớp bên ngoài cửa sổ bừng lên đột ngột đã làm cho ông ta bị phân tán trong giây lát. Robert dịch người và viên đạn đã trúng vào vai phải anh chứ không phải vào ngực. Khi Lee nâng nòng súng để bắn nữa, Robert co chân đạp mạnh, đánh bật khẩu súng khỏi tay ông ta. Lee chồm về phía trước và đấm mạnh vào chỗ vai bị thương của Robert. Đau một cách khủng khiếp. Cái áo khoác của anh thấm đầy máu. Anh bất ngờ đánh mạnh cùi chỏ về phía trước. Lee thét lên đau đớn. Ông ta trả đòn, bắt một cú chặt cổ chết người, và tránh được. Hai người đàn ông thủ thế với nhau, cả hai đều thở dốc, cố tìm một chỗ hở của đối phương để ra đòn. Họ lặng lẽ chiến đấu như trong một trận quyết đấu có tính nghi lễ từ thời tiền sử và mỗi người đều biết rằng chỉ một người còn được sống mà bước ra khỏi chỗ nầy. Robert đang đuối sức đi. Vết thương ở vai anh mỗi lúc một đau, và anh có thể nhìn thấy cả máu mình đang nhỏ giọt xuống sàn nhà. Thời gian đứng về phía Lee Po. Mình phải dứt điểm nhanh chóng, Robert nghĩ. Anh bước tới với một cú đá chính diện nhanh. Thay vì né người, Lee hứng chịu toàn bộ sức nặng của cú đá và đủ gần để đánh thẳng khuỷu tay vào vai Robert. Robert lùi lại. Lee sấn tới với một cú đá hiềm hóc, và Robert loạng choạng. Lee chồm tới ngay lập tức, đấm liên tiếp, hết cú nầy đến cú khác vào vai anh, dồn anh ngang qua phòng. Robert đã quá yếu để có thể ngăn được trận mưa những cú đấm kia. Mắt anh bắt đầu mờ đi. Anh đổ vào người Lee, túm lấy ông ta và hai người ngã xuống, làm vỡ tan cái mặt bàn bằng thuỷ tinh. Robert nằm trên sàn, kiệt sức. Thế là xong, anh nghĩ. Chúng đã thắng. Anh nằm đó gần ngất đi, chờ Lee kết liễu mạng sống của anh. Không, có gì cả. Chậm chạp, đau đớn, Robert ngẩng đầu dậy. Lee nằm bên cạnh anh trên sàn nhà, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần. Một mảnh kính lớn đâm vào ngực ông ta như một lưỡi dao găm trong suốt. Robert cố ngồi dậy. Anh rất yếu vì mất máu. Vai anh đau buốt. Mình phải kiếm một bác sĩ, anh nghĩ. Có một cái tên - ai đó mà cơ quan nầy thường dùng ở Paris - một người nào đó ở bệnh viện Mỹ. Hilsinger. Đúng rồi. Leon Hilsinger. * * * * * Bác sĩ Hilsinger đang sắp rời khỏi phòng làm việc lúc cuối ngày thì điện thoại gọi tới. Cô y tá của ông đã về nhà nên ông phải tự nghe điện. Giọng nói ở đầu đằng kia líu lại. - Bác sĩ Hilsinger phải không? - Vâng Đây là Robert Bellamy… Cần có sự giúp đỡ của ông. Tôi bị thương nặng lắm. Ông sẽ giúp tôi chứ? - Tất nhiên. Anh ở đâu? - Khỏi lo chuyện đó. Tôi sẽ gặp ông tại Bệnh viện Mỹ sau nửa giờ. - Bác sĩ… đừng nói về cú điện thoại nầy với bất kỳ ai. - Anh cứ tin ở tôi. Máy bị gác. Bác sĩ Hilsinger quay một số máy. - Tôi vừa nói chuyện điện thoại với sĩ quan Robert Bellamy. Tôi sẽ gặp anh ta tại Bệnh viện Mỹ sau nửa giờ nữa… - Cảm ơn bác sĩ. Bác sĩ Hilsinger đặt máy xuống. Ông ta nghe thấy tiếng cửa phòng bật mở và nhìn lên. Robert Bellamy đang đứng đó với một khẩu súng trong tay. - Tôi đã nghĩ lại. Robert nói. - Có thể là tốt hơn nếu bác sĩ chữa cho tôi ở đây. Ông bác sĩ cố giấu vẻ ngạc nhiên. - Anh, anh cẩn đến một bệnh viện. - Quá gần vởi nhà xác. Băng bó cho tôi nhanh lên. - Anh chỉ nói cũng thấy khó khăn. Ông ta toan phản đối, rồi nghĩ tốt hơn là làm theo. - Được Tuỳ anh thôi. Tốt nhất là tôi cho anh một mũi gây tê. Nó sẽ… Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Robert nói. - Đừng mẹo. - Anh cầm khẩu súng trong tay trái. Nếu tôi không sống mà ra khỏi đây thì ông cũng đừng hòng. Hỏi gì nữa không? - Anh cảm thấy choáng. - Không. - Bác sĩ Hilsinger nuốt nước bọt. - Vậy thì làm đi… Bác sĩ Hilsinger dẫn Robert vào phòng bên cạnh, một phòng khám với đầy các thiết bị y tế. Chậm chạp và thận trọng, Robert cởi áo khoác ra. Cẩm súng trong tay, anh ngồi xuống bên bàn. Bác sĩ Hilsinger có một con dao mồ trong tay và những ngón tay Robert nắm chặt báng súng. - Thư giãn một chút. Bác sĩ Hilsinger nói một cách sợ hãi. - Tôi sẽ cắt miếng áo sơ mi của anh. Vết thương trần trụi và đỏ sậm máu. - Cái đầu đạn vẫn còn ở trong nầy. - Bác sĩ Hilsinger nói. - Anh sẽ không chịu nổi trừ phi tôi cho anh… - Không. - Anh sẽ không để cho mình bị tiêm thuốc mê. - Cử lấy nó ra. - Tuỳ ý anh. Robert nhìn viên bác sĩ bước lại chỗ máy khử trùng và cho vào đó một chiếc panh. Anh ngồi ghé vào mép bàn, cố chống lại cơn choáng ngất đang đe doạ trùm lên mình. Anh nhắm mắt lại trong một giây và bác sĩ Hilsinger đã đang đứng trước mãt anh với chiếc panh trong tay. - Nào bắt đầu. - Ông ta đưa panh vào chỗ vết thương và Robert thét lên vì đau đớn. Mắt anh toé hoa cà hoa cải. Anh suýt ngất đi. - Ra rồi. - Bác sĩ Hilsinger nói. Robert ngồi yên, run rẩy và hít mạnh cố lấy lại sự tỉnh táo. - Anh có sao không đấy? - Bác sĩ Hilsinger chăm chú nhìn anh. Phải mất một giây, Robert mới có thể cất lời: - Không sao… Băng vào đi. Viên bác sĩ rót nước ôxy già vào vết thương và Robert lại muốn ngất đi. Anh nghiến chặt răng. Cố nào. Sắp xong rồi. Và sau cùng, ơn Chúa, cơn đau đớn nhất đã qua. Viên bác sĩ băng bó kỹ cái bả vai cho Robert. - Đưa cho tôi cái áo khoác. - Robert nói. Bác sĩ Hilsinger nhìn anh chòng chọc. - Anh không thể đi bây giờ được. Thậm chí là anh không thể bước nổi nữa. - Đưa cho tôi cái áo khoác lại đây. - Anh hầu như không nói lên lời. Anh nhìn viên bác sĩ đi qua phòng để lấy cái áo khoác, và hình ảnh ông ta nhoè đi thành hai. - Anh đã mất nhiều máu. Bác sĩ Hilsinger lưu ý. Anh đi bây giờ sẽ rất nguy hiểm. Và nếu ở lại thì còn nguy hiềm hơn, Robert nghĩ. Anh cẩn thận mặc áo vào và cố đứng vững. Hai chân anh muốn nhũn xuống và anh vội túm lấy mép bàn. - Anh sẽ không thể đi được. - Bác sĩ Hilsinger nói. - Tôi sẽ đi. - Robert nhìn cái bóng nhoè trước mắt. Nhưng anh biết rằng ngay khi anh bước ra là bác sĩ Hilsinger sẽ lại nhấc điện thoại lên. Robert để mắt tới cuộn băng phẫu thuật dày mà bác sĩ Hilsinger đã sử dụng. - Ngồi xuống ghế. - Giọng anh líu lại. - Sao? Anh tính… - Ngồi xuống. - Robert nâng khẩu súng lên. Bác sĩ Hilsinger làm theo. Thật khó khăn khi nhặt cuộn băng lên bởi vì anh chỉ có thể dùng được một tay. Anh kéo một đầu băng và bắt đầu gỡ nó ra. Anh bước lại gần bác sĩ Hilsinger. - Hãy ngồi yên và ông sẽ không đau đớn gì cả. Anh buộc hai đầu băng vào ghế, và rồi quấn nó quanh hai tay viên bác sĩ. - Việc nầy thật sự không cần thiết. - Bác sĩ Hilsinger nói. - Tôi sẽ không… - Im đi. - Robert tiếp tục trói viên bác sĩ vào ghế. Những cố gắng của anh làm cho cơn đau lại bắt đầu trở lại. Anh nhìn viên bác sĩ và khẽ níi: - Tôi không thể ngất được… Anh ngất đi. Anh đang lơ lửng trong không gian, bập bềnh không trọng lượng trong những tầng mây trắng, thanh thản. Tỉnh dậy. Anh không muốn tỉnh dậy nữa. Anh muốn cái cảm giác tuyệt vời nầy kéo dài mãi mãi. Tỉnh dậy. Có cái gì đó đang tì mạnh bên sười anh. Cái gì đó trong túi áo khoác của anh. Mắt vẫn nhắm nghiền, anh thò tay vào túi và cầm nó ra tay. Đó là một bộ phận bằng tinh thể thuỷ tinh. Anh lại trôi vào giấc ngủ. Robert. Đó là một giọng phụ nữ, mềm mại và dỗ dành. Anh đang ở trên một cánh đồng xanh đáng yêu, và không gian đầy tiếng nhạc, nắng rực rờ trên đầu. Một phụ nữ đang đi lại gần anh. Cô ta cao và đẹp, với một khuôn mặt trái xoan dịu dàng và làn da mịn, nõn nà. Cô mặc một bộ váy áo trắng tinh. Giọng cô dịu dàng, âu yếm. "Robert, không còn ai làm cho anh đau đớn nữa. Đến với em. Em đang chờ anh đây". Robert từ từ mở mắt. Anh nằm yên đó một hồi lâu rồi ngồi dậy, đột ngột chìm trong một cảm giác hồi hộp. Giờ đây anh đã biết ai là nhân chứng thứ mười một và anh biết phải gặp cô ấy ở nơi nào. Chương 50 Ngày thứ hai mươi ba Paris, Pháp. Từ văn phòng của viên bác sĩ, anh gọi điện cho Đô đốc Whittaker. - Thưa Đô đốc? Robert đây. - Robert. Chuyện gì thế? Họ bảo tôi… - Đừng để ý chuyện đó bây giờ. Tôi cần ngài giúp đỡ thưa Đô đốc. Ngài đã bao giờ nghe cái tên Janus chưa? Đô đốc Whittaker chậm rãi nói: - Janus ư? Không. Chưa bao giờ nghe nói tới. - Tôi đã phát hiện ra rằng ông ta đang đứng đầu một tổ chức bí mật và ra lệnh sát hại nhiều người vô tội còn bây giờ ông ta đang tìm cách giết tôi. Chúng ta phải chặn ông ta lại. - Tôi có thể giúp anh như thế nào? - Tôi muốn liên lạc với Tổng thống. Ngài có thể dàn xếp một cuộc gặp khỏng? Một giây im lặng. - Tôi chắc là có thể. - Còn nữa. Liên quan đến tướng Hilliard. - Hả? Như thế nào? - Và còn những người khác. Hầu hết các cơ quan tình báo ở châu u cũng dính vào chuyện nầy. Bây giờ tôi chưa thể giải thích gì hơn được. Tôi muốn ngài gọi cho Hilliard. Bảo ông ta là tôi đã tìm thấy nhân chứng thứ mười một. - Tôi không hiểu. Nhân chứng thứ mười một về cái gì cơ chứ? - Thưa Đô đốc, tôi xin lỗi, nhưng tôi không thể nói với ngài được. Hilliard sẽ biết. Tôi muốn ông ta gặp tôi ở Thuỵ Sĩ. - Thuỵ Sĩ à? Bảo ông ta tôi là người duy nhất biết nhân chứng thứ mười một kia ở đâu. Nếu ông ta có một hành động sai thôi là hợp đồng bị huỷ. Hãy nói ông ta đến Doler Grand ở Zurich. Sẽ có thư nhắn cho ông ta ở chỗ thường trực. Bảo ông ta tôi cũng muốn cả Janus đến Thuỵ Sĩ đích thân ông ta. - Robert, anh có chắc biết anh đang làm gì không? - Không, thưa ngài. Tôi không chắc. Nhưng đây là cơ hội duy nhất mà tôi có được. Tôi muốn ngài bảo ông ta rằng điều kiện của tôi là khỏng thể thương lượng gì. Thử nhất, tôi muốn một hành lang an toàn tớí Thuỵ Sĩ. Thứ hai, tôi muốn tướng Hilliard và Janus gặp tôi ở đó. Thứ ba, sau đó, tôi muốn có một cuộc gặp với Tồng thống. - Robert, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được. Làm sao tôi có thể liên lạc với anh? - Tôi sẽ gọi lại. Ngài sẽ cần có bao nhiêu thởi gian ạ? - Để cho tôi một giờ. - Vâng. - Và nầy Robert… Anh có thể nghe thấy nỗi đau đớn trong giọng nói của ông già. - Dạ, thưa ngài? - Cẩn thận nhé. - Thưa ngài, xin đừng lo. Tôi là người sống sót. Ngài hẳn nhớ. * * * * * Một tiếng sau, Robert lại đang nói chuyện với Đô đốc Whittaker. - Anh đã có một cam kết. Tướng Hilliard có vẻ lo sợ với cái tin về một nhân chứng khác. Ông ta hứa với tôi là anh sẽ không bị làm hại. Các điều kiện của anh sẽ được đáp ứng. Ông ta đang bay đi Zurich và sẽ có mặt ở đó vào sáng mai. - Còn Janus? Janus sẽ đi cùng với chuyến máy bay với ông ta. - Cám ơn Đô đốc. Còn Tổng thống? - Robert cảm thấy nhẹ nhõm. - Tôi đã đích thân nói với ông ấy: Các phụ tá của ông ấy sẽ dàn xếp một cuộc gặp với anh bất kỳ lúc nào anh sẵn sàng. - Ơn Chúa. - Tướng Hilliard có một máy bay để chở anh tới. - Không được. - Anh sẽ không để họ đẩy vào một cái máy bay. - Tôi đang ở Paris. Tôi muốn có một chiếc ô tô và tôi sẽ tự lái lấy. Tôi muốn nó được để trước khách sạn Lettré ở Montparnasse trong vòng một giờ đồng hồ tới. - Tôi sẽ lo chuyện đó. - Thưa Đô đốc? - Có gì vậy Robert? - Cám ơn ngài. - Anh thật khó giữ giọng nói bình tĩnh. Anh đi dọc theo phố Lettré một cách chậm chạp, do vết đau và tiến tới khách sạn kia mọt cách thận trọng. Đậu ngay trước toà nhà là một chiếc Mercedes màu đen. Không có ai trong xe. Ngang bên kia đường là một chiếc xe sơn màu trắng xanh của cảnh sát và một người mặc sắc phục cảnh sát đang ngồi sau tay lái. Trên lề đường hai người mặc quần áo dân sự đứng nhìn Robert tiến lại. Mật vụ Pháp. Robert thấy khó thở. Tim anh đập mạnh. Liệu có phải anh đang đi vào một cái bẫy không? Đảm bảo duy nhất mà anh có là nhân chứng thứ mười một. Hilliard có tin anh không? Như thế có đủ không? Anh bước tới chỗ chiếc xe, đợi những người kia ra tay. Họ đứng nguyên, yên lặng quan sát anh. Robert đi đến phía ghế lái của chiếc Mercedes và nhìn vào bên trong. Những chiếc chìa khoá được cắm vào ổ điện. Anh có thể cảm thấy những người kia dán mắt vào anh trong khi anh mở cửa và ngồi vào ghế lái. Nếu tướng Hillard lừa dối Đô đốc Whittaker thì bây giờ là lúc mọi thứ sẽ kết thúc trong một tiếng nổ dữ dội đây. Nào. Robert hít mạnh và với tay trái xoay chiếc chìa khoá. Tiếng máy nổ êm. Những nhân viên mật vụ đứng nhìn anh lái xe đi. Khi Robert đến khu giao lộ một chiếc xe cảnh sát chèn vào phía trước anh và trong một giây, Robert nghĩ là anh sẽ bị chặn lại. Nhưng thay vì thế, chiếc xe cảnh sát bật đèn hiệu đỏ và dòng xe cộ dường như biến mất. Họ còn hộ tống mình nữa chứ. Trên đầu, Robert nghe thấy tiếng động của một chiếc trực thăng. Anh liếc nhìn lên. Sườn chiếc trực thăng có in phù hiệu của cảnh sát quốc gia Pháp. Tướng Hilliard đã làm tất cả những gì có thể được để bảo đảm là anh đến Thuỵ Sĩ an toàn. Và sau khi mình cho ông ta thấy nhân chứng thứ mười một, Robert nghĩ một cách quả quyết, ông ta sẽ lại tính chuyện giết mình. Nhưng ông tướng sẽ phải ngạc nhiên. * * * * * Robert đến Thuỵ Sĩ vào lúc 4 giờ chiều. Tại biên giới chiếc xe của cảnh sát Pháp quay lại và một chiếc xe của cảnh sát Thuỵ Sĩ tháp tùng cho anh. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu vụ nầy, Robert cảm thấy thư thái ơn Chúa là Đô đốc Whistaker có những bạn bè ở cấp cao. Với việc Tổng thống đang chờ một cuộc gặp với Robert, tướng Hilliard sẽ không dám làm hại anh. Đầu óc anh chuyển sang nghĩ tới người phụ nữ mặc đồ trắng, và ngay lúc đó, anh nghe thấy tiếng cô. m thanh của tiếng nói đó vang đến chiếc xe. - Nhanh lên, Robert. Tất cả chúng tôi đang đợi anh. - Tất cả? Không phải chỉ một à? Mình sẽ biết ngay thôi mà, Robert nghĩ. Tại Zurich, Robert dừng xe trước khách sạn Dolder Grand và viết một mẩu giấy lại chỗ thường trực. - Tướng Hilliard sẽ hỏi tôi. - Robert bảo người nhân viên. - Xin đưa cái nầy cho ông ấy. - Thưa ông, vâng. Ra bên ngoài, Robert bước lại chô chiếc xe cảnh sát đã hộ tống anh. Anh cúi xuống nói với người lái xe. - Từ đây trở đi, tôi muốn chỉ có một mình. - Cũng được, thưa ông sĩ quan. - Người lái xe lưỡng lự. Robert ngồi trở lại vào xe của mình và bắt đầu lái về hướng Uetendorf, nơi chiếc đĩa bay đã đâm xuống. Vừa lái xe, anh vừa nghĩ tới tất cả những thảm kịch đã xảy ra vì nó và những sinh mạng đã mất. Hans Beckerman và Cha Patrim, Leslie Mothershedvà William Dann, Daniel Wayne và Otto Schmidt, Laslo Bushrekete và Fritz Mandel, Olga Romanchanko và Kevin Parker. Chết. Tất cả họ đều đã chết. Mình muốn thấy mặt Janus, Robert nghĩ, và nhìn thẳng vào mắt ông ta. Những làng mạc như lao vun vút bên đùòng, và vẻ hoang sơ của dãy Alps át đi những cuộc đổ máu và nỗi kinh hoàng đã bắt đầu từ đây. Chiếc xe tới Thun và Robert bắt đầu cảm thấy hồi hộp. Phía trước là cánh đồng nơi anh và Beckerman đã tìm thấy vỏ quả bóng thám không thời tiết, nơi mà cơn ác mộng bắt đầu. Robert dừng xe lại bên đường và tắt máy. Rồi anh ra khỏi xe, băng ngang qua đùòng và đi tới chỗ cánh đồng đó. Hàng nghìn mẩu ký ức ùa về trong đầu anh. Cú điện thoại gọi lúc 4 giờ sáng. "Ông được lệnh phải trình diện với tướng Hilliard tại trụ sở Cục An ninh Quốc gia ở Fort Meade vào đúng 6 giờ sáng nay. Ông đã rõ chưa, ông sĩ quan?" Lúc đó thì anh hiểu về nó ít làm sao. Anh nhớ lại những lời nói của tướng Hilliard "Ông phải tìm ra những nhân chứng đó. Tất cả bọn họ! Và cuộc tìm kiếm đã từ Zurich dân tới Bern, London, Munich, Rome, và Orvieto, từ Waco tới Fort Smith, từ Kiev tới Washington và Budapest. Rồi vệt máu đó đã đi tới chỗ kết thúc, tại đây, nơi nó bắt đầu. Cô đang đợi anh đúng như Robert biết thế, và trông cô giống hệt như trong giấc mơ của anh. Họ tiến lại với nhau và dường như cô đang lướt về phía anh, một nụ cười rạng rỡ trên gương măt cô. Robert, cảm ơn anh đã đến. Có phải thật sự anh nghe thấy cô nói không, hay là anh đang nghe những ý nghĩ của cô nhi? Làm sao người ta lại có thể nói chuyện với một sinh vật lạ được Tôi phải đến. Anh nói một cách đơn giản. Cảnh tượng nầy có một vẻ hoàn toàn không thật. Mình đang đứng đây nói chuyện với một ai đó thuộc một thế giới khác. Mình phải hoảng sợ mới phải, thế mà trong cả đời mình, chưa bao giờ mình cảm thấy thanh thản hơn thế nầy. - Tôi phải nhắc cô. - Robert nói. - Một số người đang đến đây và muốn làm hại cô. Tốt hơn là cô hãy đi trước khi họ đến. - Tôi không thể đi được. Và Robert hiểu. Anh thọc tay trái vào trong túi và lấy ra cái mẩu kim loại nhỏ có chứa miếng tinh thể kia. - Robert, cảm ơn anh. Mặt cô sáng lên. Anh đưa nó cho cô và nhìn cô lẳp nó vào cái vật mà cô cầm trong tay. - Bây giờ thì sao? - Robert hỏi. Bây giờ tôi có thể liên lạc với bạn bè tôi. Họ sẽ đến với tôi. Liệu có điềm báo gì trong câu nói đó không nhì? Robert nhớ lại lời tướng Hilliard: "Họ định chiếm hành tinh nầy và biến chúng ta thành nô lệ. Nếu tướng Hilliard nói đúng thì sao? Ai sẽ ngăn chặn họ? Robert nhìn đồng hồ của mình. Đã gần đến giờ tướng Hllliard và Janus đến, và ngay cả khi Robert còn đang nghĩ thế, anh nghe thấy tiếng một chiếc trực thăng Huey khổng lồ đang từ hướng bắc bay tới. Các bạn anh đã tới. Bạn bè. Họ là những kẻ tử thù của anh và anh quyết tâm vạch mặt chúng là những kẻ sát nhân, quyết tâm tận diệt chúng. Cỏ và hoa trên cánh đồng bắt đầu rạp xuống khi chiếc trực thăng chuẩn bị hạ cánh. Anh sắp đối mặt với Janus. Ý nghĩ đó làm anh ngập trong một cơn giận khủng khiếp. Cánh cửa trực thăng mở ra. Susan bước xuống. Chương 51 Trong chiếc tàu mẹ, lơ lửng cao bên trên trái đất, có một niềm vui lớn. Tất cả những ngọn đèn trên các bức tường đều bật lên màu xanh. Chúng ta đã tìm thấy cô ấy. Chúng ta phải nhanh lên. Chiếc phi thuyền khổng lồ bắt đầu lao nhanh xuống cái hành tinh ở mãi xa phía dưới. Chương 52 Chỉ trong một khoảnh khắc, thời gian ngừng lại và rồi vỡ ra làm hàng nghìn mảnh. Robert nhìn sững khi Susan bước ra khỏi chiếc trực thăng. Cô đứng đó một giây và rồi đi về phía Robert, nhưng Monte Banks, người ở ngay phía sau đã tóm lấy cô và kéo cô lùi lại. - Chạy đi, Robert. Chạy. Họ sẽ giết anh. Robert bước một bước về phía cô và đúng lúc đó, tướng Hilliard và đại tá Frank Johnson bước ra khỏi chiếc trực thăng. Tướng Hilliard nói: - Tôi đây, ông sĩ quan. Tôi đã giữ phần cam kết của mình. Ông ta bước về phía Robert và cô gái mặc đồ trắng. - Tôi cho rằng đây là nhân chứng thứ mười một sinh vật lạ bị mất tích. Tôi chắc rằng chúng ta sẽ thấy cô ta rất hấp dẫn. Vậy, sau cùng, thế là xong. - Chưa đâu. Ông nói là ông sẽ đưa Janus tới. - Ồ, có, Janus khăng khăng đòi đến gặp anh. Robert quay về phía chiếc trực thăng. Đô đốc Whitstaker đang đứng ở cửa chiếc máy bay. - Anh yêu cầu gặp tôi, phải không Robert? Robert trợn tròn mắt nhìn ông ta, không thể tin nổi, và có một cuộn phim màu đỏ hiện lên trước mắt anh. Dường như cả thế giới của anh đã sụp đổ. - Không. Sao…? Nhân danh Chúa, vì sao? Vị Đô đốc bước về phía anh: - Anh không hiểu có phải không? Anh không bao giờ hiểu. Anh lo ngại về một vài sinh mạng vô nghĩa. Chúng tôi lo ngại về việc cứu cả thế giới nầy. Trái đất nầy thuộc về chúng ta để chúng ta muốn làm gì thì làm. Ông ta quay sang nhìn người phụ nữ mặc đồ trắng: - Nếu những sinh vật các người muốn chiến tranh, các người sẽ có chiến tranh. Và chúng ta sẽ cho các người biết nếm đòn đánh trả. - Ông ta quay lại phía Robert - Anh đã phản bội tôi. Anh đã là con trai tôi. Tôi để cho anh thay chỗ Edward. Tôi cho anh cơ hội phục vụ đất nước mình. Và anh đã đáp lại tôi như thế nào hả? Anh đã đến năn nỉ tôi cho anh được làm việc gần nhà để gần gũi vợ anh. - Giọng ông ta đầy vẻ khinh miệt. - Không đứa con trai nào của tôi lại được phép có những mong muốn thấp hèn như thế. Lẽ ra từ lúc đó tôi đã phải thấy những phẩm chất của anh đã bị méo mó đi như thế nào rồi. Robert đờ người, choáng váng không nói nên lời. - Tôi đã phá vỡ cuộc sống gia đình anh bởi vì tôi vẫn còn tin ở anh, nhưng… - Ngài đã phá… - Còn nhớ khi CIA phái anh săn đuổi Con Cáo chứ? Tôi đã dàn xếp chuyện đó. Tôi đã hy vọng là việc đó sẽ làm cho anh tỉnh ngộ. Anh đã thất bại vì không có Con Cáo nào cả. Tôi nghĩ là tôi đã rèn giũa anh, rằng anh đã là một người của chúng tôi. Và rồi anh nói với tôi là anh sẽ bỏ cơ quan. Đó là lúc tôi biết anh không phải là một con người yêu nước, rằng anh phải bị loại trừ, bị tiêu diệt. Nhưng trước hết anh phải hoàn thành phần việc trong sứ mệnh nầy của chúng tôi. - Sứ mệnh của các ngài? Giết chết tất cả những người vô tội ư? Ngài điên rồi. - Họ phải bị giết để khỏi reo rắc sự kinh hoàng. - Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng đối phó với những sinh vật lạ. Tất cả những gì chúng tôi cần là thêm một chút thời gian, và anh đã cho chúng tôi điều đó. Người phụ nữ mặc đồ trắng đứng nghe, không hề nói gì, nhưng lúc nầy những ý nghĩ của cô đang được truyền vào đầu những người có mặt. "Chúng tôi tới đây để ngăn chặn các người khỏi huỷ diệt hành tinh của các người". Tất cả chúng ta đều thuộc về một vũ trụ. Hãy nhìn lên. Họ ngẩng đầu nhìn lên trời. Có một đám mây trắng lớn trên đỉnh đầu và trong khi họ nhìn lên, nó thay đổi ngay trước mắt họ. Họ đang nhìn vào một hình ảnh về một vùng băng ở cực trái đất, và trong khi họ nhìn, nó bắt đầu tan ra và nước chảy ào và các sông, biển trên thế giới, làm ngập London và Los Angeles, New York và Tokyo và các thành phố ven biển khắp thế giới trong một cảnh phim chóng mặt. Hình ảnh đó chuyển sang một viễn cảnh về những miền đất hoang hoá, mùa màng cháy trụi dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, xác động vật chết nằm ngổn ngang khắp nơi. Hình ảnh trước mắt họ lại thay đổi, và họ nhìn thấy những cuộc nổi loạn ở Trung Quốc, những người chết đói ở Ấn Độ, và một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn phá, và sau cùng là những con người sống trong các hang động. Hình ảnh đó từ từ biến đi. Có một thoáng im lặng trong kinh sợ. "Đó là tương lại của các người nếu như các người tiếp tục sống như thế nầy". Đô đốc Whittaker là người đầu tiên bừng tỉnh. - Trò thôi miên tập thề. - Ông ta quát lên. - Ta tin chắc là mi có thể cho chúng ta thấy những trò đùa thú vị khác. - Ông ta tiến về phía sinh vật lạ. - Ta sẽ mang mi trở lại Washington cùng ta. Chúng ta cần có nhiều thông tin từ miệng mi. - Vị Đô đốc quay sang Robert. - Anh đã xong đời. - Ông ta quay sang Frank Johnson. - Hãy lo về hắn đi. Đại tá Johnson rút súng ngắn ra khỏi bao. Susan vùng khỏi Monte và chạy đến bên cạnh Robert. Cô thét lên: - Không. - Giết hắn đi. - Đô đốc Whittaker nói. Đại tá Johnson đang chĩa súng vào vị Đô đốc. - Đô đốc ngài đã bị bắt. Đô đốc trợn mắt nhìn ông ta. - Cái gì? Anh nói cái gì hả? Tôi bảo anh giết hắn đi. Anh là một người trong chúng tôi. - Ông nhầm! Tôi chưa bao giờ như thế cả. Tôi đã xâm nhập tổ chức của các ông từ lâu. Tôi tìm kiếm sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy không phải là đề giết mà là để cứu anh ấy. - Ông ta quay sang Robert. - Tôi xin lỗi đã không thể đến với anh sớm hơn. Mặt Đô đốc Whittaker xanh tái đi. - Vậy thì anh cũng sẽ bị tiêu diệt. Không ai có thể cản đường chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi. - Ông không còn có một tổ chức nào nữa. Vào lúc nầy, tất cả những thành viên của nó đều đang bị quây lại. Hết rồi, ông Đô đốc! Trên đầu, bầu trời dường như rung lên do ánh sáng và âm thanh. Chiếc phi thuyền mẹ khổng lồ đang treo lơ lửng ngay trên đỉnh đầu họ, từ trong tàu toả ra những ánh sáng màu xanh lục. Họ kinh hãi nhìn nó đổ bộ xuống. Một phi thuyền không gian nhỏ hơn xuất hiện, rồi một chiếc khác, rồi hai chiếc nữa, hai chiếc nữa cho đến khi bầu trời dường như bị che kín, và một tiếng động lởn trong không trung lan toả thành một điều nhạc tưng bừng vang vọng khắp núi rừng. Cánh cửa của con tàu mẹ mở ra và một sinh vật xuất hiện. Người phụ nữ mặc đồ trắng quay sang Robert. - Bây giờ tôi đi đây. Cô bước về phía Đô đốc Whittaker, tướng Hilliard và Monte Banks. - Các vị đi theo tôi. - Không. Tôi sẽ không đi. - Đô đốc Whittaker lùi lại. - Có chứ. Chúng tôi sẽ không làm ông đau đớn gì. - Cô chìa tay ra và trong một khoảnh khắc, không có gì xảy ra cả. Rồi, ngay trước mắt những người khác, cả ba người đàn ông từ từ bước đi như mê ngủ về phía con tàu không gian. - Không. - Đô đốc Whittaker thét lên. Khi cả ba người mất hút vào trong con tàu, ông ta vẫn còn la hét. Người phụ nữ mặc đồ trắng quay lại phía những người khác: - Họ sẽ không bị hại. Họ còn phải học hỏi nhiều. Vì họ đã có hiểu, họ sẽ được mang trở lại đây. Susan ôm chặt lấy Robert. Nói với mọi người rằng họ phải ngừng ngay lại việc giết chết hành tinh nầy, Robert. Hãy làm cho họ hiểu. - Tôi chỉ là một con người. Có hàng nghìn người như anh mỗi ngày. Con số các bạn thêm nhiều. Một ngày nào đó sẽ có hàng triệu và các bạn phải cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Anh sẽ cố gắng chứ? - Tôi sẽ cố gắng. Sẽ cố gắng. - Bây giờ chúng tôi ra đi. Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi các bạn. Và chúng tôi sẽ còn trở lại. Người phụ nữ mặc đồ trắng quay người bước vào trong con tàu. Những ánh đèn bên trong tàu toả sáng hơn, hơn nữa cho đến khi dường như chúng chiếu sáng cả bầu trời. Đột nhiên, không hề có dấu hiệu gì báo trước con tàu mẹ cất lên, theo sau là con tàu nhỏ hơn cho đến sau cùng, tất cả mất hút vào trong không trung bao la. "Nói với mọi người rằng họ phải ngừng việc giết chết hành tinh nầy". Đúng thế, Robert nghĩ. Giờ thì mình biết rằng sẽ phải làm gì trong phần còn lại của cuộc đời mình. Anh nhìn Susan và mỉm cười. SỰ KHỞI ĐẦU Chương 53 Lời tác giả Để viết cuốn sách nầy tôi đã đọc nhiều cuốn sách cùng nhiều bài báo và tạp chí dẫn lời những nhà du hành vũ trụ được cho là gặp những hiện tượng lạ ngoài khí quyển: Đại tá Frank Borman trên tàu Gemini 7 được cho là đã chụp những bức ảnh về một vật thể bay lạ (UFO) đã bay theo anh ta. Meil Armstrong trên tàu Appolo 11 nhìn thấy hai tàu không gian lạ khi anh ta đổ bộ xuống mặt trănng. Buzz Aldrin đã chụp ảnh một con tàu không gian lạ trên mặt trăng. Đại tá L. Gordon Cooper chạm trán vớt một UFO lớn trên một chuyến bay của Đề án Mercury ở vùng Perth, Australia, và đã ghi lại những tiếng nói của một số ngôn ngữ lạ sau đó được luận là không được biết tới ở trái đất. Tôi đã nói chuyện với những người nầy, cũng như với những nhà du hành khác và môi người đều cam đoan vời tôi rằng những câu chuyện đó là giả mạo nhiều hơn chứ không phải là xác thực, rằng họ không hế biết gì về bất kỳ một dạng UFO nào. Vài ngày sau câu chuyện của tôi qua điện thoại với Đại tá Gordon Cooper, anh ta đã gọi lại cho tôi. Tôi trả lởi máy, nhưng anh ta đột nhiên không còn ở đâu dây nữa. Một năm sau, tôi dã nhận được lá thư do anh ta viết đề ngày 9-11-1978, và bàn về chuyện những UFO. Tôi gọi điện lại cho Đại tá Cooper để hỏi xem lá thư đó có phải là thật không. Lần nầy thì anh ta cởi mở hơn. Anh ta nói với tôi là đúng và rằng trên các chuyên bay vào vũ trụ, anh ta đã tận mắt chứng kiến vài chuyến bay của các UFO. Anh ta cũng nhắc tới việc các nhà du hành khác cũng trải qua những hiện tượng như vậy và họ được cảnh cáo là không bàn tới chúng. Tôi đã đọc cả chục cuốn sách chứng minh một cách thuyết phục rằng những cái đã bay là có thật. Tôi đã xem những cuốn băng vidéo mà nội dung là những tấm ảnh chụp các đĩa bay và đã gặp các bác sĩ nội khoa ở Mỹ và nước ngoài chuyên chẩn trị những người tự nhận đã bị lôi vào trong UFO. Các bác sĩ nói họ đã có hàng trăm trường hợp mà trong đó các chi tiết do các nạn nhân kể lại là giống nhau đến khủng khiếp, bao gồm cả những dấu vết giống nhau không giải thích được trên cơ thể của họ. Một vị tướng không quản phụ trách Dự án Sách Xanh một nhóm công tác của chính phủ Mỹ được thành lập để điều tra về các đã bay đảm bảo với tôi rằng chưa bao giờ có những bằng chứng có sức thuyết phục về đĩa bay hay các sinh vật lạ. Tuy nhiên, trong lời nói đầu của cuốn sách khác có giá trị của Tomothy Good là cuốn Vượt trên điều tối mật: Vụ bưng bít tầm thế giới về UFO ngài Hill Norton, Đô đốc Hạm đội và là Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh từ năm 1971 đến 1973 viết: "Bằng chứng rằng có những vật thể được nhìn thấy trong khí quyển của chúng ta, và thậm chí trong vũ trụ xa xôi, mà không thể được coi là những vật thể do con người tạo ra hay do bất kỳ lực lượng vật chất nào khác mà các nhà khoa học của chúng ta đã biết đối với tôi dường như là quá mạnh… Một số rất lớn những lần nhìn thấy được đảm bảo bởi những người mà uy tín của họ đối với tôi là không thể nghi ngờ được. Điều kinh ngạc là quá nhiều người đã là những người quan sát được huấn luyện, chẳng hạn như các sĩ quan cảnh sát và các phi công dân sự hay quân sự… Vào năm 1933, Phi đoàn số 4 của Thuỵ Điển đã bắt đầu một cuộc điều tra về một máy bay lạ xuất hiện trên bầu trời Scandinavi, và vào ngày 30-4-1934. Thiếu tướng Erik Reuterswaerd đưa ra thông báo sau đây cho báo chí: "Việc so sánh các báo cáo nầy cho thấy không còn có nghi ngờ gì về những chuyến bay bất hợp pháp qua các khu vực bí mật quân sự của chúng ta. Có nhiều báo cáo từ những người đáng tin cậy mô tả sự quan sát ở cự ly gần về vật thể bay khó hiểu nầy. Và trong mọi trường hợp vẫn có thể lưu ý tới một nhận xét chung, không có các dấu hiệu hay các dấu hiệu nhận biết khác được nhìn thấy trên các vật thể bay nầy… Câu hỏi đặt ra là: Chúng là ai hay là cái gì, và vì sao chúng vi phạm không phận của chúng ta? Năm 1974, giáo sư Paul Santorini, một nhà khoa học hàng đầu của Hy Lạp, được yêu cầu điều tra về các tên lửa bay trên bầu trời tổ quốc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ông ta đã bị che đậy: "Chúng tôi nhanh chóng kết luận rằng chúng không phải là những tên lửa. Nhưng trước khi chúng tôi có thể làm thêm bất cứ điều gì thì quân đội, sau khi tham khảo các quan chức nước ngoài, đã ra lệnh: ngừng cuộc điều tra. CÁC NHÀ KHOA HỌC NGOẠI QUỐC ĐÃ BAY ĐẾN HY LẠP ĐỂ TRAO ĐỔI BÍ MẬT VỚI TÔI" (Sự nhấn mạnh được thêm vào). Ông giáo sư đã khẳng định rằng một "TẤM MÀN BÍ MẬT TRÊN THẾ GIỚI" bao phủ UFO bởi vì, trong nhiều lý do, có lý do là các nhà cầm quyền không muốn thừa nhận sự tồn tại của một thế lực mà "KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG PHÒNG THỦ" chống lại nó. Tử năm 1974 đến 1952, Trung tâm tình báo Kỹ thuật không quân (ATIC) đã nhận được chừng 1500 báo cáo chính thức về các vụ nhìn thấy đĩa bay. Trong số nầy có hai mươi phần trăm được không quân (Mỹ) cho là không thể giải thích được. Thống chế Không quân Dowding, Tư lệnh Bộ chỉ huy không quân Hoàng gia Anh trong thời kỳ của cuộc chiên tranh dành nước Anh hồi năm 1940 viết: Hơn 10.000 trường hợp nhìn thấy (đĩa bay) đã được báo cáo, phần lớn không có được bất kỳ SỰ GIẢI THÍCH KHOA HỌC NÀO". Chúng đã bị phát hiện trên các màn ảnh ra-đa … và các tốc độ ghi nhận được lên tới chừng 9000 dặm một giờ… Tôi TLN RẰNG NHỮNG VẬT THỂ NầY CÓ TỒN TẠI VÀ RẰNG CHÚNG KHÔNG DO BẤT KỲ QUỐC GIA NÀO TRÊN TRÁI ĐẤT NẦY SẢN XUẤT RA (Sự nhấn mạnh, thêm vào). Từ đó tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thú nhận rằng chúng đến từ nguồn ngoài trái đất. Gần đây, ở Elmwood, Wisconsin (Mỹ) toàn bộ thành phố đã nhìn thấy những đã bay di chuyển trên bầu trời của họ trong vài ngày liền. Tướng Lionel Max Chassin, người đã lên tới chức Tổng chỉ huy Các lực lượng không quân Pháp và đã giữ chức vụ Điều phối viên Phòng không Các lực lượng không quân Đồng Minh, Trung âu (NATO) viết: Việc nhìn thấy những vật bay lạ giờ đây không còn là vấn đề… Con số những người chín chắn, thông thái, có học, hoàn toàn làm chủ những khả năng của mình và là những người đã "nhìn thấy thứ gì đó" rồi đã mô tả lại nó đang tăng lên hàng ngày. Rồi có vụ Roswell nổi tiếng hồi năm 1947. Theo các báo cáo của nhân chứng, vào tối ngày 2-7-1947 một vật thể hình đĩa sáng được nhìn thấy trên bầu trởi Roswell, bang New Mexico (Mỹ). Ngày hôm sau, một chủ trại và hai người con đã tìm thấy các mảnh vỡ vương vãi trên một diện tích rộng. Nhà chức trách được báo cáo và một tuyên bố chính thức đã được đưa ra khẳng định rằng mảnh vỡ của một chiếc đĩa bay đã được thu lại. Một tuyên bố báo chí thứ hai được đưa ra ngay lập tức khẳng định rằng đó chẳng là cái gì khác ngoài mảnh vỡ của một quả bóng thám không thời tiết, cái đã được trưng bày một cách đúng mực trong một cuộc họp báo. Trong khi đó thì mảnh vỡ thật sự kia được cho là bị chuyển đến Wright Field. Các xác chết được một nhân chứng mô tả là: Giống như con người nhưng họ không phải là con người. Đầu họ tròn, mắt nhỏ và họ không có tóc. Mắt họ cách xa nhau. Chúng hoàn toàn nhỏ so với tiêu chuẩn của chúng ta và đầu họ quá to so với thân thể. Họ mặc những thứ có vẻ như là áo liền quần mầu xám. Có vẻ như tất cả họ đều thuộc giống đực và có một số trong họ… Các nhân viên quân sự ập đến và chúng tôi đã được yêu cầu rời khỏi khu vực đó và không nói với bất kỳ ai về những gì chúng tôi đã nhìn thấy. Theo một tài liệu có được từ một nguồn tin tình báo vào năm 1984 thì một Uỷ ban tối mật với mật danh danh Majestic 12, hay MJ-12, đã được Tổng thống Truman thành lập vào năm 1947 để điều tra về UFO và báo cáo các kết quả trực tiếp cho Tổng thống. Tài liệu nầy, đề ngày 18 tháng 11 năm 1952, và được phân loại TỐI MẬT - MAJIC - KHÔNG TRÍCH CHÉP, được cho là do Đô đốc Hillenkoetter chuẩn bị cho Tổng thống đắc cử Dwight Eisenhower và chứa đựng sự khẳng định ngạc nhiên rằng xác chết của bốn sinh vật lạ đã được thu lại cách hiện trường Roswell hai dặm. Năm năm sau ngày được thành lập, Uỷ ban nầy viết một báo cáo cho tổng thống đắc cử khi đó là Eisenhower về vấn đề UFO và yêu cầu phải giữ kín: "Những liên quan tới nền an ninh quốc gia tiếp tục có tầm quan trọng ở chỗ động cơ và ý đồ tối thượng của những người khách nầy hoàn toàn chưa được biết rõ… Vi những lý do nầy, cũng như các cân nhắc kỹ thuật quốc tế hiển nhtên và nhu cầu tối hậu tránh một sự hoảng sợ công cộng bằng mọi giá, nhóm Majestic 12 hoàn toàn nhất trí cho rằng việc áp đặt các quy chế an ninh nghiêm ngặt nhất phải được tiếp tục một cách không có gián đoạn dưới chính quyền mới. Sự giải thích chính thức kèm theo lời phủ nhận tính xác thực của tài liệu nầy là đáng nghi ngờ. Cục An ninh quốc gia (NSA) được cho là thủ giữ hơn một trăm tài liệu liên quan tới UFO. CIA khoảng năm mươi và DIA, sáu mươi tài liệu. Thiếu tá Donald Keyhoe một cựu phụ tá của Charled Lindberrgh, đã công khai buộc tội chính phủ Mỹ phủ nhận sự tồn tại của các UFO dù với lý do là ngăn chặn sự hoảng loạn công cộng. Tháng Tám 1948, khi bản Dự báo Tình hình tuyệt mật của Trung tâm Tình báo kỹ thuật Không quân đưa ra ý kiến rằng các UFO là những vị khách liên hành tinh, tướng Vandenberg, Tham mưu trưởng không quân lúc đó, ra lệnh đốt tài liệu nầy. Phải chăng có một âm mưu cấp chính phủ ở phạm vi thế giới nhằm giấu giếm sự thật đối với dân chúng? Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của 6 năm, hai mươi ba nhà khoa học Anh làm việc trong các dự án kiểu Chiến tranh giữa các vì sao đã chết trong các hoàn cảnh đáng đặt câu hỏi. Tất cả họ đều đã làm việc trên các khía cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh điện tử, bao gồm sự nghiên cứu về UFO. Sau đây là danh sách những người đã quá cố thời gian và hoàn cảnh qua đời của họ. 1-1982. Giáo sư Keith Bowex: Chết trong một tai nạn ô tô. 2-7-1982. Jack Wolfendent: Chết trong một tai nạn tàu lượn. 3-11-1982. Emest Brockway: Tự sát. 4-1983. Stephen Drinkwater: Treo cổ tự tử. 5-4-1983. Trung tá Anthony Goldey: Mất tích, được coi là chết. 6-4-1984. George Franks: Treo cổ tự sát. 7-1985. Stephen Oke: Treo cổ tự sát. 8-11-1985. Jonathan Wash: Nhảy từ nhà cao tự sát 9-1986. Tiến sĩ Jhon Brittan: Tự sát bằng chất độc hoá học. 10-10-1986. Arshad Sharif: Tự sát bằng cách quấn một sợi thừng quanh cổ, buộc nó vào một gốc cây, và rồi ngồi vào xe lái đi với tốc độ cao. Xảy ra ở Bristol, cách nhà riêng ở London một trăm dặm. 11-10-1986. Vimar Daiibhai: Tự sát bằng cách nhảy từ một cái cầu ở Bristol, cách nhà riêng ở London một trăm dặm. 12-1-1987. Avtar Singh - Gida: Mất tích, bị coi là đã chết. 13-2-1987. Peter Peapell: Tự sát, bò vào gầm xe trong gara. 14-3-1987. David Sand: Đâm xe vào quán cà phê. 15-4-1987. Mark Wisner: Tự bóp cổ chết. 16-4-1987. Stuard Gooding: Bị giế( ở Cyprus. 17-4-1987. David Greenhalgh: Ngã xuống từ một cai câu. 18- 4-1987. Shani Warren: Tự tử bằng cách chết đuối 19.5-1987. Michael Baker: Chết trong tai nạn ố tô. 20-5-1988. Trevor Knight: Tự tử. 21-8-1988. Alistair Beckham: Tự bóp cổ chết. 22-8-1988. Thiêu tướng Peter Ferry: Tự bóp cổ chết. 23. Không biết thời gian. Victor Moore: Tự tử. Những trường hợp ngẫu nhiên chăng? Trong ba thập kỷ qua, ít nhất đã có 70 nghìn báo cáo về những vật thể trên bầu trời và một số khác không đếm xuể có thể là nhiều gấp mười lần, những vụ nhìn thấy đã không được báo cáo. Tin tức về những UFO đến từ cả trăm nước trên khắp hành tinh. Ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp, hay Tiệp Khắc cũng vậy, những đã bay nầy đều được biết đến như là những vật thể bay lạ không rõ nguồn gốc. Nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan đã ước tính rằng riêng hệ Ngân Hà của chúng ta có thể có chừng 250 tỉ ngôi sao. Khoảng một triệu trong số đó, theo ông, có thể có những điều kiện thích hợp cho một nền văn minh nào đó. Chinh phủ chúng ta (Mỹ) phủ nhận sự tồn tại của trí tuệ ngoài trái đất, ấy vậy mà vào ngày kỷ niệm Columbus trong năm 1992, tại California và Puerto Rico, cơ quan Quản trị Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho hoạt động các kính thiên văn vô tuyến được trang bị những máy thu đặc biệt và các máy tính có khả năng phân tích ngay lập tức mười triệu kênh vô tuyến nhằm tìm kiếm những tín hiệu của cuộc sống trí tuệ trong vũ trụ. NASA gọi đó là sứ mệnh MOP - Dự án quan sát vi sóng, nhưng các nhà thiên văn học gọi nó là SETI - Tìm kiếm trí tuệ ngoài trái đất. Tôi đã hỏi hai cựu tổng thống Mỹ xem họ có bất kỳ tin tức gì về các UFO hay không, nhưng họ đều trả lời là không. Liệu họ có thể nói với tôi về việc họ đã có bất kỳ thông tin nào không? Với tấm màn bí mật dường như đang bao phủ vấn đề nầy, tôi nghĩ là không. Những đã bay có thật sự tồn tại hay không? Có phải chúng ta đang được viếng thăm bởi những sinh vật lạ từ một hành tinh khác hay không? Với kỹ thuật mới đang tiến ngày càng sâu hơn vào vũ trụ, tìm kiếm những dấu hiệu của cuộc sống trí tuệ trong không gian, có thể chúng ta sẽ có câu trả lởi nhanh hơn nhiều so với điều chúng ta chở đợi, có rthiều người đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, những nhà thiên văn học và vũ trụ học nào đó không muốn chở đợi câu trà lời kia, đã tự mình ra bờ rìa vũ trụ và đưa ra những tiên đoán của họ. Jill Tartar, một nhà vật lý học thiên thể và là một thành viên của dự án SETI tại Trung tâm nghiên cứu NASA ở Ames, bang Lowa, là một người trong số đó. Có 400 tỉ ngôi sao trong Thiên hà. Chúng ta được sinh ra từ bụi vũ trụ, một thứ thật sự phồ biến. Trong vũ trụ đây bụi nầy, khó mà tin rằng chúng ta là những sinh vật có trí tuệ duy nhất. Ngày 9 tháng 11, 1978 Đại sứ Griffith. Phái đoàn Grenada tại Liên Hợp Quốc. 866, Đại lộ số 2 Phòng 502 New York, New York10017 Đại sứ Griffith thâm mến, Tôi muốn chuyển tới ngài quan điểm của tôi về các vị khách tữ ngoài trái đất, thường được nhắc tới như là những UFO, và gợi ý về việc có thể làm gì để ứng phó thích hợp với họ. Tôi tin rằng những phương tiện bay tữ ngoài trái đất và đội bay của chúng đang từ các hành tinh khác dến thăm trái đất tiến bộ hơn chúng ta một chút về mặt kỹ thuật. Tôi cảm thấy chúng ta cần có một chương trình phối hợp ở cấp cao để thu thập và phân tích một cách khoa học các số liệu từ khắp nơi trên thế giới liên quan tới bất kỳ một cuộc gặp (đã bay) nào, và quyết định thế nào là tốt nhấl để giao tiếp với các vị khách nầy một cách thiện chí. Trước hết, có thể chúng ta phải cho họ thấy là chúng ta đã biết cách giải quyết các vấn đề của mình bằng các biện pháp hoà bình, chứ không phải bằng chiến tranh, trước khi chúng ta được chấp nhận là một thành viên chính thức của vũ trụ. Sự chấp nhận nầy sẽ chứa những khả năng kinh khủng để làm thế giới của chúng ta tiến nhanh trong mọi lĩnh vực. Chắc chắn rằng khi đó thì Liên Hiệp Ouốc đã được giao phó một trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề nầy một cách thích hợp và khẩn trương. Tôi cần chỉ rõ rằng tôi không phải là một nhà nghiên cứu UFO có kinh nghiệm. Tôi cũng chưa có may mắn được bay trong một UFO, cũng chưa gặp đội bay của một chiếc nào. Song tôi thấy rằng tôi có tư cách nào đó để bàn về chúng bởi vì tôi đã có mặt ở ven cái khoảng không rộng lớn mà chúng ta đã bay trong đó. Tuy vậy, hồi năm 1951, tôi đã có dịp có hai ngày quan sát nhiều chuyến bay của chúng, với các kích thước khác nhau, bay trong đội hình chiến đấu, chủ yếu là từ đông sang tây, ngang qua châu u. Họ bay ở độ cao hơn mức có thể với tới, với các máy bay chiến đấu của chúng tôi hồi đó. Tôi cũng muốn chỉ ra rằng hầu hết các nhà du hành vũ trụ đều rất miễn cưỡng, dù chỉ là bàn tới các UFO, bởi vì có rất nhiều người đã bán bừa bãi các câu chuyện và những tài liệu giả mạo, không ngần ngại bôi nhọ tên tuổi và tiếng tăm của họ. Một số ít những nhà du hành tiếp tục có tham gia vào vấn đề UFO đã phải làm việc đó một cách hết sức thận trọng. Có một số người trong chúng tôi tin vào những UFO và đã có những cơ hội nhìn thấy một UFO trên mặt đất hoặc từ một máy bay. Nếu như Liên Hiệp Ouốc tán thành theo đuổi vấn đề nầy và gắn vào đó uy tín của mình, có thể nhiều người có năng lực hơn nhiều sẽ đồng ý bước tới và cung cấp những giúp đỡ và những thông tin. Tôi hy vọng được gặp các ngài sớm. Chân thành, L. Gordon Cooper Đại tá Không quân Mỹ (nghỉ hưu) Phi hành gia. Dịch Thuật: Nguyễn Bá Long Hết Bầu Trời Sụp Đổ Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Mở Đầu Lời tác giả Đây là sản phẩm của sự hư cấu, nhưng những bí mật về thành phố ngầm Krasnoyarsk-26 là sự thật, một trong mười ba thành phố ngầm chuyên sản xuất các sản phẩm hạt nhân. Krasnoyarsk-26 nằm ở trung tâm Siberia, cách Moscow khoảng hai ngàn dặm, và từ ngày đầu thành lập, năm 1958, nó đã sản xuất hơn 45 tấn chất phóng xạ. Mặc dù hai lò phản ứng đã ngừng hoạt động năm 1992, lò còn lại vẫn tiếp tục sản xuất nửa tấn một năm, đủ để làm ra nhiều quả bom nguyên tử. Đã có nhiều vụ đánh cắp chất phóng xạ xảy ra và Bộ Năng lượng Mỹ đang làm việc với chính phủ Nga nhằm tăng cường công tác bảo vệ nguồn năng lượng hạt nhân quý giá này. Mở đầu "Mật - Cho các thành viên - huỷ ngay sau khi đọc Địa điểm: như cũ Thời gian: như cũ. Mười hai người trong căn hầm được canh phòng cẩn mật, đại diện cho mười hai quốc gia có cờ hiện diện trên mặt bàn. Họ ngồi trong những chiếc ghế thoải mái, chia làm sáu hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng một mét, chăm chú lắng nghe người phát ngôn cất tiếng. "Tôi rất vui được thông báo cho quý vị mối đe doạ mà chúng ta đặc biệt quan tâm đã bị loại trừ. Tôi không cần thiết phải đi sâu vào chi tiết bởi vì trong hai mươi bốn giờ tới, cả thế giới sẽ biết tin này. Sự ra đi này bảo đảm một đỉều là không còn gì có thể ngăn cản chúng ta. Những cánh cửa vẫn mở. Bây giờ chúng ta bắt đầu đấu giá. Ai là người trả đầu tiên? Vâng. Một tỉ đô la. Có ai trả hai tỉ không? Hai tỉ đô la. Chương 01 Nàng sải những bước dài vội vã trên đại lộ Pennsylvania cách Nhà Trắng một khu phố, run rẩy trong cơn gió lạnh lẽo của tháng mười hai, tai ù đặc vì tiếng oanh tạc và sau đó là tiếng các máy bay ném bom vần vũ trên đầu, sẵn sàng trút hết mớ hàng hoá của tử thần xuống mặt đất. Nàng đứng lại, toàn thân cứng đờ, chìm sâu vào màn sương đỏ rực của sự kinh hoàng. Bỗng nhiên nàng thấy mình trở lại Sarajevo, và nàng nghe thấy tiếng bom rơi rít lên đến chói tai. Nàng nhắm nghiền mắt lại nhưng hành động đó không thể xua đi hình ảnh về những gì đang diễn ra quanh nàng. Bầu trời sáng rực lên, tiếng pháo, tiếng động cơ máy bay ì ầm, tiếng đạn súng cối và nhiều loại súng khác - tất cả họ lẫn vào nhau tạo thành một thứ âm thanh quái dị làm cho tai nàng điếc đặc. Gần đó, những toà cao ốc bị hất tung lên thành những đám bụi mù với xi măng, gạch đá và cát. Đám đông hoảng loạn chạy tứ tán về mọi hướng, cố trốn tránh cái chết. Từ xa, rất xa, một giọng đàn ông vang lên: - Cô không sao chứ? Một cách thận trọng, nàng từ từ mở mắt ra. Nàng đã lại đứng trên đại lộ Pennsylvania, trong ánh nắng mùa đông ảm đạm, lắng nghe tiếng máy bay phản lực và tiếng chuông báo động đang nhỏ dần đi trong trí nhớ của mình. - Thưa cô… cô không sao chứ? Nàng cố ép mình trở về với thực tại: - Không, tôi… tôi không sao, cám ơn ông. Anh ta ngó sững nàng. - Khoan đã? Cô là Dana Evans. Tôi là một fan(1) lớn của cô đây. Đêm nào tôi cũng xem cô trên WTN, và tôi còn xem đầy đủ các tin tức của cô từ Nam Tư nữa cơ. - Giọng anh ta tràn đầy sự ngưỡng mộ. - Việc đó với cô thật hấp dẫn, theo dõi cuộc chiến ấy, phải không? - Vâng. - Cổ họng Dana Evans khô khốc. Hấp dẫn khi thấy người ta nổ tung thành từng mảnh, xác các em bé bị tung lên trời, những mẩu thịt người trôi vật vờ trong dòng sông đỏ lòm. Đột nhiên nàng thấy đau bụng. - Xin lỗi! - Nàng quay ngoắt lại và bỏ đi thật nhanh. Daná Evans mới từ Nam Tư về được ba tháng. Những gì trong ký ức nàng hầu như còn nguyên vẹn. Có cái gì đó không thật khi được bước đi thong dong trên đường phố, dưới ánh sáng ban ngày mà không một chút phập phồng lo sợ, thoải mái nghe chim hót, nghe mọi người xung quanh cười nói. Ở Sarajevo không hể có tiếng cười, chỉ có tiếng bom đạn đì đùng và tiếng khóc than thảm thiết mà thôi. John Donne nói đúng, Dana nghĩ. Không ai là một hòn đảo cả. Chuyện xảy ra cho một người, cũng là chuyện xảy ra cho tất cả chúng ta, vì chúng ta đều được tạo ra từ đất sét và phép màu của Thượng Đế. Chúng ta chia sẻ cùng một khoảnh khắc của thời gian. Cánh tay kia của tạo hoá bắt đầu lạnh lùng quét qua một phút tiếp theo. Ở Santiago, một bé gái mười tuổi đang bị bố đẻ cưỡng hiếp. Ở New York, một đôi tình nhân đang hôn nhau dưới ánh nến lung linh… Ở Flanders, một cô gái mười bảy tuổi đang sinh hạ một em bé… Ở Chicago, một người lính cứu hoả đang liều mạng cứu một con mèo khỏi toà nhà đang cháy… Ở Sao Paolo, hàng trăm cổ động viên đang giày xéo nhau đến chết khi hàng rào bị đổ trong một trận bóng đá. Ở Pisa, một bà mẹ bật khóc vì hạnh phúc khi chứng kiến đứa con mình chập chững bước những bước đầu tiên trong đời… Và còn biết bao chuyện khác diễn ra trong vũ trụ trong vòng sáu mươi giây, Dana nghĩ thầm. Thời gian cứ tiếp tục trôi cho đến khi nó ngùng lại và đưa tất cả chúng ta cùng sang một cõi vĩnh hằng huyền bí nào đó. Dana Evans hai mươi bảy tuổi, vẻ ưa nhìn, thân hình mảnh dẻ, mái tóc đen xoã ngang vai, có cặp mắt xám thông minh, khuôn mặt hình quả tim và nụ cười ấm áp. Con một đại tá quân đội, Dana lớn lên như một đứa bé lang thang, theo bố đi từ căn cứ này sang căn cứ khác và cuộc sống này đã cho nàng nếm đủ mọi mùi vị của những cuộc phiêu lưu. Nàng vừa yếu ớt lại vừa can đảm và chính nét tương phản này đã mang lại cho nàng sức hấp dẫn mạnh mẽ. Trong suốt một năm Dana làm phóng viên mặt trận tại Nam Tư, khán giả khắp thế giới đã bị hấp dẫn bởi một người phụ nữ trẻ, đẹp, tận tuỵ tường thuật lại tình hình nóng hổi nhất ngay giữa lòng cuộc chiến, mạo hiểm cả tính mạng mình để đánh đổi lấy những tin tức mới nhất về những sự kiện đầy chết chóc đang diễn ra xung quanh. Và bây giờ, dù đi đến bất kỳ nơi nào nàng cũng dễ dàng bị mọi người nhận ra. Dana Evans thậm chí còn phát xấu hổ vì sự nổi tiếng của mình. Bước nhanh trên đại lộ Pennsylvania, rảo bước qua Nhà Trắng, Dana nhìn đồng hồ và nghĩ thầm, mình lại đến muộn mất thôi. Tập đoàn viễn thông Washington Tribune chiếm hết toàn bộ khu nhà lớn của đường NW số 6 với 4 toà nhà riêng biệt: ban quản trị, xưởng in ấn báo chí, bộ phận văn phòng, và khu truyền thông tổng hợp. Các studio của WTN toạ lạc trên tầng sáu của toà nhà thứ tư. Không khí làm việc ở đây lúc nào cũng căng như dây đàn với những nhân viên luôn dán mắt vào máy tính. Chính tại đây Dana đã gặp Jeff Connors. Anh từng là một ngôi sao bóng chày cho đến khi bị thương ở cánh tay do gặp tai nạn khi đang trượt tuyết, còn bây giờ Jeff là phóng viên thể thao cho WTN và thêm cả việc trình bày báo cho Nghiệp đoàn cung cấp báo chí Washington. Anh ngoài ba mươi tuổi, gầy, rắn rỏi, vẻ ngoài trẻ trung và dễ dãi, hấp dẫn mọi người bằng phong thái ung dung, điềm đạm. Jeff và Dana yêu nhau và họ đã bắt đầu tính đến chuyện hôn nhân. Ba tháng sau ngày Dana trở về từ Sarajevo, ở Washington không có sự kiện gì nổi bật. Leslie Stewart, bà chủ cũ của Tập đoàn viễn thông Washington Tribune đã bán tống bán tháo nó đi rồi biến mất, và chủ mới giờ đây là Elliot Cromwell, một ông trùm truyền thông quốc tế. * * * * * Cuộc họp vào buổi sáng với Matt Baker và Elliot Cromwell có vẻ như đã bắt đầu. Khi Dana đến nơi, Abbe Lasmann, cô thư ký tóc đỏ quyến rũ của Matt bước ra chào nàng. - Mọi người đang đợi cô, - Abbe nói. - Cám ơn, Abbe. - Dana bước vào phòng họp. - Matt… Elliot… - Cô đến trễ, - Matt Baker càu nhàu. Đây là một người đàn ông lùn tè, tóc xám, vừa bước qua tuổi năm mươi, bộ dạng cộc cằn nóng nảy nhưng bù lại có đầu óc năng động và vô cùng sáng suốt. Bộ đồ vest của Matt trông nhàu nhĩ như thể ông ta đã mặc nó đi ngủ, và Dana ngờ rằng đó hoàn toàn là chuyện có thật. Ông ta điều hành WTN, bộ phận truyền hình của Diễn đàn doanh nghiệp Washington. Elliot Cromwell đã ngoài sáu mươi, vẻ thân thiện cởi mở với nụ cười thường trực trên môi. Đó là tỷ phú, và có đến hàng tá các bài khác nhau miêu tả việc ông ta đã có được số tài sản khổng lồ đó như thế nào. Trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông, nơi mà mục đích chính là truyền bá thông tin, Elliot Cromwell vẫn là một con người bí ẩn. Ông ta nhìn Dana và nói: - Matt bảo rằng chúng ta đang giã cho các đối thủ nhừ tử. Hiệu suất làm việc của chúng ta vẫn tiếp tục tăng cao. - Tôi rất vui khi biết tin này, Elliot. - Dana, tối nào tôi cũng xem nhiều bản tin khác nhau, nhưng của cô bao giờ cũng có sự khác biệt lớn so với những cái kia. Tôi không biết rõ tại sao, nhưng tôi thích điều này. Dana có thể cho Elliot Cromwell biết nguyên nhân. Những bản tin kia chỉ đơn giản là - thông báo tin tức cho hàng triệu khán thính giả. Còn Dana thì quyết định biến nó thành một cái gì đấy riêng tư hơn. Trong tâm trí nàng, đêm nay, nàng sẽ nói với một quả phụ cô đơn, đêm mai, với một người bệnh nằm bất lực trên giường, đêm mốt, với một người bán hàng đang sống cách xa gia đình. Bản tin của nàng bao giờ cũng toát lên giọng điệu thân tình và ngầm chia sẻ, vì vậy người ta yêu thích chúng và hưởng ứng chúng một cách nhiệt tình. - Tôi biết đêm nay cô sẽ phỏng vấn một vị khách đặc biệt thú vị, - Matt Baker nói. Dana gật đầu. - Là Gary Winthrop. Gary Winthrop là vị hoàng tử quyến rũ đối với toàn thể Mỹ quốc, thành viên của một trong những dòng họ xuất sắc nhất đất nước. Anh ta còn trẻ, đẹp trai và hết sức lôi cuốn. - Winthrop không thích công khai về đời tư, - Cromwell lên tiếng. - Làm sao mà cô lại thuyết phục được anh ta? - Chúng tôi có cùng một sở thích, - Dana trả lời. Cromwellcau mày. - Thật không? - Thật. - Dana mỉm cười. - Tôi thích xem tranh của Monets và Van Goghs, còn anh ta thì thích mua chúng. Thành thật mà nói, trước đây tôi đã phỏng vấn anh ta, và từ đó chúng tôi trở nên thân thiết. Chúng ta sẽ cho phát cuốn băng có những tin tức mới về anh ta, rồi sau đó là cuộc phỏng vấn của tôi. - Tuyệt vời, - Cromwell cười rạng rỡ. Họ dành một tiếng đồng hồ tiếp theo để bàn bạc về chương trình mới của đài, có tên là Đường dây tội ác.Mục đích của chương trình này là sửa chữa sự bất công đã phán xét và nhắc lại những vụ án nổi tiếng đã được khám phá. - Hiện nay đang có rất nhiều chương trình thực tế trên đài, - Matt cảnh cáo, - vì thế chúng ta phải tỏ ra nổi trội hơn họ. Tôi muốn ta hãy bắt đầu bằng một sự tình cờ. Có thể chuyện này sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả và… Hệ thống liên lạc nội bộ reo lên. Matt Baker nhấn một nút. - Tôi đã bảo cô rồi, không nhận một cú điện thoại nào cơ mà. Sao lại… Giọng của Abbe vang lên. - Tôi xin lỗi. Đây là của cô Evans. Trường học của Kemal gọi tới. Có vẻ khẩn cấp lắm. Matt Baker nhìn Dana. - Đường dây số một. Dana nhấc ống nghe, tim đập mạnh. - Alô… Kemal không sao chứ ạ?. - Nàng nghe một lát. - Tôi hiểu… tôi hiểu… Vâng, tôi sẽ đến ngay. - Nàng dập máy. - Chuyện gì vậy? - Matt hỏi. Dana trả lời. - Họ muốn tôi đến đón Kemal về. Elliot Cromwell cau mày. - Đứa bé mà cô mang từ Sarajevo về à? - Vâng. - Cả một câu chuyện dài đây. - Vâng. - Dana miễn cưỡng trả lời. - Có phải cô tìm nó, còn sống, trong một khu đất hoang. - Đúng vậy, - Dana trả lời. - Nó có bệnh tật gì hay sao? - Không. - Dana trả lời một cách cứng nhắc, vẻ như không muốn nói về những ngày tháng đó. - Kemal bị mất một cánh tay. Do bom gây ra. - Và… Cô nhận nó làm con nuôi?! - Không hẳn là vậy, Elliot. Tôi chỉ sắp sửa làm thế thôi. Còn bây giờ, tôi là người bảo trợ của nó. - Được, vậy cô cứ đi đi. Chúng ta sẽ bàn bạc về Đường dây tội ác sau. * * * * * Khi Dana đến trường trung học Theodore Roosevelt, nàng đi ngay vào văn phòng gặp trợ lý hiệu trưởng, Vera Kostoff, ngoài năm mươi, tóc xám, điệu bộ hấp tấp, vẻ mặt lo lắng đang ngồi phía sau bàn làm việc. Đối diện với bà ta là Kemal. Trông nó có vẻ nhỏ hơn tuổi mười hai của mình, gầy gò và xanh xao, mớ tóc vàng bù xù và cái eằm bướng bỉnh. Nơi cánh tay phải là một ống tay áo trống khống. Thân hình mỏng mảnh của nó dường như đã bị căn phòng làm cho bé lại. Lúc Dana bước vào, không khí trong phòng đang rất nặng nề. - Chào bà Kostoff, - Dana nhẹ nhàng lên tiếng. - Kemal. Kemal nhìn chằm chằm vào đôi giày của nó. - Tôi được biết có chuyện gì đó đã xảy ra. - Dana tiếp tục. - Vâng, chính xác là như thế, cô Evans. - Bà ta trao cho nàng một mảnh giấy. Dana nhìn nó, bối rối. Trên đó viết: Vodja, Pizda, zbosti, fukati, nezakonski otrok, umreti, tepec. Nàng ngước lên. - Tôi… tôi không hiểu. Đây là tiếng Serbi, phải không? Bà Kostoff sin sít trả lời: - Vâng, đúng thế. Thật không may cho Kemal là tôi cũng là người Serbi. Đó là những từ mà em đã nói trong trường. - Mặt bà ta đỏ bừng. - Ngay cả cánh lái xe tải người Serbi cũng không nói thế, cô Evans, và tôi không thể tưởng tượng những lời lẽ như vậy lại được thốt ra từ mồm của đứa trẻ này. Kemal gọi tôi là một pizda. Dana nhắc lại: - Một pi… - Tôi hiểu rằng Kemal còn xa lạ với đất nước chúng ta, và tôi cũng đã rất chiếu cố đến điều này, nhưng… biểu hiện của nó thật đáng bị khiển trách. Nó thường xuyên tham gia các vụ đánh lộn và khi tôi trách phạt nó, vào sáng nay, nó đã… lăng mạ tôi. Như thế là quá lắm rồi. Dana khéo léo đáp. - Tôi chắc rằng bà hiểu hoàn cảnh khó khăn của nó, bà Kostoff, và… - Tôi đã nói rồi, tôi luôn chiếu cố, nhưng hình như nó đang định thử thách sự nhẫn nại của tôi. - Tôi hiểu. - Dana nhìn sang Kemal. Nó vẫn nhìn xuống đất, mặt mũi sưng sỉa. - Tôi hy vọng đây sẽ là vụ rắc rối cuối cùng, - bà Kostoff nói. - Tôi cũng vậy. - Dana đứng lên. - Đây là bảng thành tích học tập của Kemal. - Bà Kostoff mở ngăn kéo, lấy một tờ giấy ra và đưa cho Dana. - Cám ơn. - Dana nói. Trên đường về nhà, Kemal hoàn toàn yên lặng. - Cô phải làm gì với cháu bây giờ? - Dana hỏi, - Tại sao cháu cứ thích đánh nhau, và tại sao cháu lại nói những từ như thế chứ? - Cháu không biết là bà ta nói được tiếng Serbi. Khi cả hai về đến căn hộ của Dana, nàng nói: - Cô phải trở về phòng thu, Kemal. Cháu ở nhà một mình, được chứ? - Word. Lần đầu tiên Kemal nói thế với nàng, Dana tưởng rằng nó không hiểu ý mình, nhưng nàng nhanh chóng nhận ra đây là một kiểu tiếng lóng của bọn trẻ. Word có nghĩa là "vâng, phải" dùng để chỉ người thuộc giới tính kia… Dana lôi bảng kết quả học tập mà bà Kostoff đưa ra xem. Môi nàng mín lại, Lịch sử: D, Tiếng Anh: D. Khoa học tự nhiên: D. Khoa học xã hội: F. Toán: A. Nhìn bảng kết quả, Dana nghĩ, ồ, Chúa ơi, Cô phải làm gì với cháu bây giờ? - Chúng ta sẽ bàn chuyện này vào lúc khác, - nàng nói - Cô trễ giờ rồi. Đối với Dana, Kemal vẫn luôn là một điều bí ẩn. Khi ở bên nàng, nó cư xử rất có lễ phép, còn tỏ ra dễ thương, chu đáo và quan tâm. Vào các ngày cuối tuần, Dana và Jeff đưa nó đi chơi khắp Washington. Họ đến Vườn thú quốc gia, nơi có vô vàn các loại thú hoang quý hiếm, say sưa quan sát những con gấu trúc khổng lồ độc đáo. Họ tham quan Viện bảo tàng không gian và vũ trụ quốc gia, và Kemal được trông thấy chiếc máy bay đầu tiên của anh em Wright đung đưa trên trần nhà, rồi họ đi qua khu Skylab để sờ vào những hòn đá mang từ mặt trăng về. Họ đến trung tâm Kennedy và sân khấu Arena. Hai người giới thiệu với Kemal món pizza ở quán Tom Tom, món tacos ở quán Mextec, món gà rán phương Nam ở Georgetowns. Kemal yêu quý quá từng giây phút vui vẻ đó. Nó thật sự hạnh phúc khi có Dana và Jeff ở bên. Nhưng… mỗi khi Dana phải đi làm, Kemal trở thành một người khác hẳn. Nó tỏ ra chống đối và thù địch với tất cả. Dana cũng không tiện giao nó cho những người đến giúp việc, và những người đến trông đã kể những câu chuyện ghê gớm về những buổi tối ở cùng Kemal. Jeff và Dana đã cố giải thích khuyên bảo nó, nhưng vô hiệu. Có lẽ nó cần một sự trợ giúp đặc biệt, Dana nghĩ. Nàng không biết gì về những nỗi sợ hãi kinh khủng luôn bám riết lấy Kemal. Bản tin tối của WTN đã bắt đầu. Richard Melton, đồng sự bảnh bao của Dana và Jeff Connors ngồi phía sau nàng. Dana Evans đang nói: "… theo các tin tức quốc tế, Anh và Pháp vẫn đang gặp nhiều khó khăn với căn bệnh bò điên… đây là những thông tin của René Linaud từ Reims". Trong phòng điều khiển, đạo diễn Anastasia Mann ra lệnh: - Chuyển cảnh. Trên màn hình giờ là cảnh nông thôn nước Pháp. Cửa phòng thu bật mở và một nhóm người bước vào. Mọi người ngước nhìn lên. Tom Hawkins, một đạo diễn trẻ nhiều tham vọng của mục tin tức buổi chiều lên tiếng: - Dana, cô quen Gary Winthrop à? - Dĩ nhiên. Ở ngoài, Gary Winthrop còn đẹp trai hơn trong ảnh nhiều. Anh ta trạc tuổi bốn mươi, cặp mắt xanh sáng, nụ cười ấm áp và có sức quyến rũ kỳ lạ. - Chúng ta lại gặp nhau, Dana. Cám ơn vì đã mời tôi. - Hoan nghênh sự có mặt của anh. Dana nhìn quanh. Nửa tá thư ký bỗng nhiên tìm được lý do đột xuất để có mặt trong phòng thu. Gary Winthrop hẳn là đã quen với cảnh này rồi. Dana nghĩ, chợt cảm thấy vui vui. - Vài phút nữa là đến phần của anh rồi. Tại sao không ngồi xuống đây, cạnh tôi nhỉ? Đây là Richard Melton. Hai người đàn ông bắt tay nhau. - Anh biết Jeff Connors rồi, phải không? - Dĩ nhiên. - Rồi Gary đùa luôn. - Anh nên ra ngoài làm việc đi, Jeff, đừng có ngồi tào lao mãi. - Vâng, tôi cũng đang định làm như vậy đấy. Cảnh quay về nước Pháp đã kết thúc và tiếp theo là chương trình quảng cáo. Gary Winthrop lặng lẽ ngồi xem cho đến hết. Từ phòng điều khiển, Anastasia Mann nói: - Chuẩn bị, chúng ta sẽ phát cuốn băng. - Bà ta lặng lẽ đếm ngược bằng các ngón tay của mình. - Ba… hai… một… Trên màn hình giờ đây là quang cảnh bên ngoài của Bảo tàng Nghệ thuật Georgetown. Một phóng viên đang cầm chắc lấy chiếc microphone, bất chấp cơn gió lạnh buốt. "Chúng tôi đang đứng trước bảo tàng nghệ thuật Georgetown, nơi ông Gary Winthrop đang tổ chức trao một món quà trị giá năm mươi triệu đôla cho viện bảo tàng. Nào, chúng ta hãy cùng vào trong". Bây giờ là cảnh nội thất tráng lệ của viện bảo tàng. Vô số quan chức, nhân viên cấp cao và phóng viên đang vây chặt lấy Gary Winthrop. Ông giám đốc bảo tàng, Morgan Ormond trao cho anh ta một tấm bằng lớn. - Ông Winthrop, thay mặt cho viện bảo tàng, cho hàng triệu khách tham quan đến đây, và cho ban quản trị viện, chúng tôi xin chân thành cám ơn sự đóng góp vô cùng to lớn này của ông. Đèn flash thi nhau loé sáng. Gary Winthrop trả lời: - Tôi hy vọng việc này sẽ giúp các hoạ sĩ trẻ nước Mỹ có cơ hội tốt hơn để không chỉ thể hiện bản thân mà còn giới thiệu được tài năng của họ ra toàn thế giới. Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Phóng viên trong cuốn băng nói: - Đây là Bill Toland, tại bảo tàng Nghệ thuật Georgetown. Trở về phòng thu chứ, Dana? Đèn đỏ của camera bật sáng. - Cảm ơn Bill. Chúng ta thật may mắn vì đã mời được ông Gary Winthrop đến đây cùng nói chuyện về món quà tuyệt vời của ông. Máy quay lia một cú rộng và hình Gary Winthrop ngồi trong phòng thu đã xuất hiện trên màn hình. Dana lên tiếng: - Món tiền năm mươi triệu đôla này, ông Winthrop, sẽ được dùng để mua tranh cho viện bảo tàng chứ? - Không. Đây là một sự bảo trợ mới dành cho những hoạ sĩ trẻ người Mỹ, những người không thể, hay nói một cách khác là không có cơ hội được thể hiện những gì mà họ có. Một phần của số tiền sẽ được dùng để hỗ trợ những em học sinh có năng khiếu ở các thành phố thuộc bang. Có rất nhiều em nhỏ lớn lên mà không có chút kiến thức nào về nền nghệ thuật của nước mình. Chúng có thể biết đến trường phái ấn tượng Pháp, nhưng tôi muốn chúng nhận thức rõ hơn về những di sản của chính chúng, với những hoạ sĩ Mỹ như Sargent, Homer và Remington. Nói tóm lại, số tiền này dùng để cổ động các hoạ sĩ trẻ phát huy hết tài năng của họ cũng như dành cho tất cả những bạn trẻ nào có hứng thú với nghệ thuật. - Có tin đồn rằng ông đang dự tính chạy đua vào Nghị viện, ông Winthrop. Đây có phải là sự thật không? - Dana hỏi. Gary Winthrop mỉm cười: - Tôi đang nắn gân mọi người đấy. - Thật là thú vị. Theo kết quả bỏ phiếu thử mà chúng tôi đã xem qua, thì ông đang dẫn đầu. Gary Winthrop gật đầu. - Gia đình tôi đã có một bảng thành tích dài về việc phục vụ chính phủ rồi. Nếu như tôi có được chút hữu dụng nào với đất nước thì, tôi xin làm bất cứ việc gì mà Chính phủ yêu cầu. - Xin cảm ơn sự có mặt của ông, ông Winthrop. - Cảm ơn. Gary Winthrop chào tạm biệt và rời phòng thu trong lúc phát quảng cáo. Jeff Connors, ngồi cạnh Dana nói: - Chúng ta cần nhiều người như anh ta ở trong Quốc hội hơn! - Chúa ơi. - Chúng ta có thể nhân bản anh ta. À mà… Kemal sao rồi? Dana nhăn mặt. - Jeff… làm ơn đừng bỏ cả Kemal và nhân bản vào cùng một rọ. Em không chịu nổi đâu. - Vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chuyện sáng nay à? - Ừ, nhưng chỉ hôm nay thôi. Ngày mai sẽ… Anastasia Mann nói: - Trở lại nào. Ba… hai… một… Đèn đỏ bật sáng. Dana nhìn về phía ống kính. "Sau đây là phát thanh viên Jeff Connors với phần tin thể thao". Jeff nhìn vào ống kính và bắt đầu nói: "Hôm nay, trận bóng rổ giữa hai đội… * * * * * Vào lúc hai giờ sáng, trong căn nhà của Gary Winthrop ở khu tây bắc Washington, hai người đàn ông đang gỡ những bức tranh trên tường phòng khách xuống. Một người đeo mặt nạ, Lone Ranger, còn người kia là đại uý Midnite. Họ làm với vẻ ung dung hết mức, lôi từng tờ tranh khỏi khung kính và nhét vào chiếc bao bố to sụ. Lone Ranger nói: - Mấy giờ thì xe tuần mới quay lại? Đại uý Midnite trả lời: - Bốn giờ. - Họ thật tốt bụng khi hẹn đầy đủ giờ giấc với chúng ta, nhỉ? Đại uý Midnite nhấc một bức tranh trên tường và đập nó xuống nền nhà lát gỗ sồi, gây ra một tiếng động lớn. Hai người dừng lại một lát và nghe ngóng. Yên lặng. Lone Ranger nói: - Lại lần nữa. Đập mạnh vào. Đại uý Midnite lấy một bức tranh khác và ném mạnh xuống sàn. - Nào, xem chuyện gì xảy ra nhé. Trên giường ngủ ở tầng trên, Gary Winthrop bị tiếng ồn làm thức giấc. Anh ta ngồi hẳn lên. Mình đã nghe thấy tiếng động, hay chỉ là mơ thấy nó? Anh ta lắng nghe một hồi lâu. Vẫn yên lặng. Không chắc lắm, anh ta đứng dậy, bước ra hành lang và bật đèn. Hành lang vẫn tối om. - Này. Có ai ở dưới đó không? - Không có tiếng trả lời. Đi xuống lầu, anh ta bước dọc theo hành lang cho đến cửa phòng khách. Anh ta dừng lại và ngó sững hai người đàn ông đeo mặt nạ với vẻ hoài nghi. - Các anh làm cái quái gì ở đây thế này? Lone Ranger quay sang anh ta và nói: - Chào Gary. - Xin lỗi vì đã đánh thức ông dậy. Hãy đi ngủ tiếp đi. Không một tiếng động, khẩu Beretta xuất hiện trên tay hắn. Hắn đẩy cò hai lần và một màu đỏ lòm bắn tung toé ra từ ngực Gary. Lone Ranger và đại uý Midnite nhìn cái xác của Gary Winthrop đổ ập xuống nền nhà. Hài lòng, chúng quay lưng và tiếp tục hoàn thành nốt việc lấy đi các bức tranh. Chú thích: (1) fan: người ủng hộ (mọi chú thích trong sách đều của người dịch) Chương 02 Tiếng chuông điện thoại réo liên hồi làm Dana Evans giật mình thức giấc. Nàng cố ngồi dậy và nhìn đồng hồ qua cặp mắt lờ mờ. Mới có năm giờ sáng. Nàng nhấc ống nghe lên. - A lô. - Dana… - Matt à? - Cô đến phòng thu ngay, càng nhanh càng tốt. - Chuyện gì xảy ra vậy? - Đến nơi cô sẽ biết. - Được, tôi đi liền đây. Mười lăm phút sau, quần áo vẫn còn xộc xệch, Dana gõ cửa căn hộ của Wharton, người hàng xóm ở sát nhà nàng. Dorothy Wharton mở cửa, trên người khoác chiếc áo choàng. Cô ta hốt hoảng nhìn Dana: - Có chuyện gì thế? - Tôi ngại quá. Dorothy, nhưng tôi bị gọi đến phòng thu có việc gấp. Nếu không phiền, xin cô làm ơn đưa Kemal đến trường giúp tôi. - Ồ, không sao. Rất sẵn lòng. - Cảm ơn cô nhiều. Nó phải có mặt lúc bảy giờ bốn mươi nhăm, và nó còn phải ăn sáng nữa. - Đừng lo. Để đó cho tôi. Cô cứ đi đi. - Cảm ơn. - Dana nói với vẻ biết ơn. Abbe Lasmann đã ở vị trí, trông còn chưa hết vẻ ngái ngủ. - Ông ấy đang đợi cô. Dana đi vào phòng của Matt. - Tôi có một tin rất xấu, ông ta nói. - Gary Winthrop đã bị giết vào sáng sớm hôm nay. Dana ngồi thụp xuống ghế, sững sờ. - Cái gì? Ai… - Hình như là nhà anh ta bị cướp. Khi anh ta chạy ra, đã bị chúng giết. - Ồ, không. Anh ta tuyệt vời biết bao! - Dana nhớ lại vẻ thân thiện ấm áp của con người tử tế đầy hấp dẫn đó và nàng như muốn bệnh. Matt lắc đầu với vẻ hoài nghi: - Đây là… Chúa ơi - Tấn thảm kịch thứ năm rồi. Dana bối rối. - Tấn thảm kịch thứ năm, như thế là sao? Matt ngạc nhiên nhìn nàng, rồi ông ta chợt nhận ra. - Dĩ nhiên… lúc đó cô đang ở Sarajevo. Tôi đoán là, với tình hình chiến tranh ở đó thì, những gì xảy ra cho nhà Winthrop hồi năm ngoái sẽ không được đưa lên bản tin đâu. Chắc là cô biết chuyện về Taylor Winthrop, bố của Gary chứ? - Đại sứ của nước ta ở Nga. Ông ấy và vợ đã chết trong một đám cháy vào năm ngoái. - Đúng. Hai tháng sau, đứa con cả, Paul, chết trong một tai nạn xe hơi. Sáu tuần sau đó, con gái của họ, Julie, cũng qua đời vì tai nạn trong lúc đang trượt tuyết. - Matt dừng lại một lát. - Và sáng nay là Gary, thành viên cuối cùng trong gia đình. Dana choáng váng không cất nên lời. - Dana, gia đình Winthrop là cả một huyền thoại. Nếu đất nước này có hoàng gia thì chắc chắn vương miện sẽ thuộc về họ. Họ có uy tín và sức thu hút mạnh mẽ, nổi tiếng trên toàn thế giới về lòng hảo tâm và quá trình cống hiến cho chính phủ. Gary đang có kế hoạch theo chân cha mình vào Nghị viện, và đã được coi là chắc chắn thắng lợi. Tất cả mọi người đều yêu mến anh ta. Nhưng bây giờ Gary đã không còn nữa. Chỉ chưa đầy một năm thôi mà một trong những gia đình lỗi lạc nhất thế giới đã hoàn toàn bị xoá sổ. - Tôi… tôi không biết phải nói gì. - Tốt nhất là cô hãy nghĩ một cái gì đó. - Matt nói với vẻ mạnh bạo. - Hai mươi phút nữa cô sẽ phải thu hình. Tin tức về cái chết của Gary Winthrop đã tạo nên một làn sóng kích động trên toàn thế giới. Những lời bình luận của các vị nguyên thủ quốc gia xuất hiện trên khắp các hệ thống truyền hình toàn cầu. "Như một tấn bi kịch Hy Lạp…" "Không thể tin nổi… "Vòng xoay lạnh lùng của định mệnh… "Thế giới phải gánh chịu một mất mát khủng khiếp…" "Rực rỡ nhất và tài giỏi nhất, họ đã ra đi…" Dường như ai cũng chỉ nói đến cái chết của Gary Winthrop mà thôi. Sự buồn thảm lan rộng khắp đất nước. Cái chết này càng khiến người ta nhớ đến cái chết của các thành viên khác trong gia đình anh ta. - Thật không tưởng. - Dana nói với Jeff. - Cả gia đình họ đều rất tuyệt vời. - Đúng vậy. Gary rất hâm mộ thể thao và luôn là một cổ động viên nhiệt tình. - Anh lắc đầu. - Thật khó tin rằng bọn khốn nạn đó lại nỡ lòng xuống tay với một con người tuyệt vời đến vậy. Sáng hôm sau, lúc lái xe đi làm, Jeff nói: - À này, Rachel đang ở đây đấy. "À này". Tình cờ quá. Tình cờ quá đi thôi, Dana nghĩ. Jeff từng kết hôn với Rachel Stevens, một siêu người mẫu. Dana đã trông thấy cô ta nhiều lần trên truyền hình và bìa các tạp chí. Thật khó tin rằng cô ta lại đẹp đến thế. Nhưng có thể không một tế bào não nào trong đầu cô ta hoạt động cả, Dana quyết định. Mặt khác, với khuôn mặt và thân hình như vậy, cô ta cũng chả cần đến não làm gì. Dana đã hỏi Jeff về Rachel. - Hôn nhân của anh thế nào? - Lúc đầu thì rất tuyệt, - Jeff đáp như kể. - Rachel biết thông cảm lắm. Dù rất ghét bóng chày, cô ấy vẫn chịu khó đi xem anh thi đấu. Bên cạnh đó, bọn anh cũng có nhiều điểm chung. Chắc chắn là có rồi. - Cô ấy thật sự là một người đàn bà tuyệt diệu. Không có một điểm nào đáng chê cả. Cô ấy rất thích nấu ăn. Mỗi khi đi diễn, cô ấy vẫn thường nấu cho các bạn mình ăn. Một cách rất hay đê loại bỏ các đối thủ. - Gì cơ? - Em có nói gì đâu? - Dù sao thì bọn anh cũng đã kéo dài hôn nhân đến năm năm. - Rồi sau đó? - Sự nghiệp của Rachel rất thành công. Cô ấy nhận được vô số lời mời và công việc đã lôi cô ấy đi khắp nơi trên thế giới: Italy, Anh quốc, Jamaica, Thailand, Nhật Bản… Trong khi đó, anh đi thi đấu vòng quanh đất nước. Bọn anh không thường xuyên ở bên nhau. Tình cảm cứ dần mai một đi. Câu hỏi tiếp theo có vẻ hợp lý vì Jeff rất yêu trẻ con. - Tại sao hai người không có con? Jeff gượng cười. - Người mẫu mà có con thì thân hình sẽ không đẹp nữa. Rồi một ngày, Roderick Marshall, một trong những đạo diễn hàng đầu của Hollywood ngỏ lời mời cô ấy. Rachel đã đến Hollywood. Anh ngập ngừng. - Một tuần sau cô ấy gọi cho anh và nói muốn ly hôn. Lý do là cảm thấy hai người đã quá xa cách nhau. Anh phải đồng ý thôi. Và anh ký vào đơn. Không lâu sau đó thì anh bị ngã gãy tay. - Và anh trở thành phóng viên thể thao. Thế còn Rachel? Cô ấy không đóng phim à? Jeff lắc đầu. - Cô ấy không thật sự hứng thú. Nhưng cô ấy diễn cũng được lắm. - Hai người vẫn còn là bạn chứ? - Một câu hỏi nặng nề. - Ừ. Thực ra khi cô ấy gọi điện tới, anh đã kể về chuyện của chúng ta. Cô ấy muốn gặp em. Dana cau mày. - Jeff, em không nghĩ là… - Cô ấy thật sự rất tốt, em yêu. Ngày mai chúng ta sẽ cùng đi ăn trưa. Rồi em sẽ thích cô ấy cho mà xem. - Chắc chắn như vậy, - Dana đồng ý. Nàng nghĩ thầm. Nhưng em sẽ không nói chuyện với những cái đầu rỗng tuếch đâu. Cái đầu rỗng tuếch thậm chí còn đẹp hơn nhiều so với sự lo lắng của Dana. Rachel Stevens cao và thon thả, mái tóc vàng lộng lẫy, làn da rám nắng mịn màng không tỳ vết, gương mặt có nhiều nét đặc biệt rất hấp dẫn. Dana ghét cô ta từ cái nhìn đầu tiên. - Dana Evans, còn đây là Rachel Stevens. Dana nghĩ thầm, Nhẽ ra phải là "Rachel Stevens, còn đây là Dana Evans" mới đúng chứ. Rachel Stevens vẫn đang nói: -… Chương trình của cô từ Sarajevo, mỗi khi tôi có thể. Chúng thật là độc đáo. Chúng tôi có thể cảm nhận thấy nhịp tim của cô và chia sẻ nó. Cô trả lời sao trước một lời khen chân thành. - Cảm ơn, - Dana nhấm nhẳng đáp lại. - Hai người thích ăn trưa ở đâu? - Jeff hỏi. Rachel gợi ý: - Có một quán ăn khá ngon tên là Straits of Malaya. Nó cách bùng binh Dupont có hai dãy nhà thôi. - Cô ta quay sang hỏi Dana, - Cô có thích món ăn Thái không? Cứ như là quan tâm lắm ấy. - Có. Jeff mỉm cười: - Tốt. Vậy đến đó nhé. Rachel nói: - Nó không xa đâu. Chúng ta đi bộ nhé? Trong thời tiết lạnh cóng này à? - Được thôi, - Dana đáp liều. Cô ta có thể trần truồng bước đi trên tuyết mà. Họ hướng về phía bùng binh Dupont. Dana cảm thấy khó chịu khi thấy mình hệt như một người thừa. Nàng hơi hối tiếc vì đã nhận lời mời. Quán ăn trông có vẻ chật như nêm với một tá người đang xếp hàng ở quầy bar đợi bàn. Ông chủ thì chạy lăng xăng từ chỗ nọ sang chỗ kia. - Một bàn cho ba người, - Jeff lên tiếng. - Ông có đặt trước không? - Không, nhưng chúng tôi… - Tôi xin lỗi, nhưng… - ông ta nhận ra Jeff. - Ông Connors, rất vui được gặp ông. - ông ta nhìn Dana. - Cô Evans, thật vô cùng hân hạnh. - Ông ta khoát tay. - Tôi e là sẽ có một sự chậm trễ nho nhỏ. - Ánh mắt ông ta lia sang Rachel và mặt ông ta sáng bừng lên. - Cô Stevens. Tôi đọc báo thấy cô đang làm quảng cáo ở Trung Quốc mà. - Đúng vậy, Somchai. Nhưng tôi đã về rồi. - Tuyệt vời. - Ông ta quay sang Dana và Jeff. - Dĩ nhiên là chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các vị. - Ông ta dẫn họ tới cái bàn ở giữa phòng. Mình ghét cô ta, Dana nghĩ. Mình thật sự ghét cô ta. Khi họ đã ngồi xuống, Jeff nói. - Trông em tuyệt lắm, Rachel. Bất cứ những gì em làm đều rất phù hợp với em. Và chúng ta đều đoán được đó là gì. - Em đã đi rất nhiều. Em nghĩ mình nên bắt đầu thoải mái một thời gian. - Cô nhìn vào mắt Jeff. - Anh có nhớ cái đêm mà anh và em đã… Dana ngước mắt lên khỏi tờ thực đơn. - Udang goreng là gì vậy? Rachel liếc sang Dana. - Đó là tôm ngâm sữa dừa. Món đó ở đây rất ngon. - Cô ta quay lại với Jeff. - Đêm mà anh và em quyết định rằng chúng ta muốn… - Thế còn laska… Rachel kiên nhẫn trả lời: - Đó là mì nước với gia vị. Cô ta lại quay sang Jeff. - Anh nói là anh muốn… - Và poh pia nữa? Rachel nhìn Dana và ngọt ngào đáp lại. Đó là jicama xào với rau. - Thật à? - Dana quyết định không hỏi thêm jicama là gì. Nhưng vào lúc đang ăn, Dana vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình bắt đầu thích Rachel Stevens, bất chấp những định kiến ban đầu. Cô ta nhiệt tình và đầy sự quyến rũ không chỉ bởi nhan sắc. Chẳng giống như hầu hết những người đẹp ở đẳng cấp thế giới khác, Rachel hoàn toàn không ngượng ngập với vẻ đẹp của mình mà còn thể hiện nó ra một cách rất tự nhiên. Cô ta thông minh, nói năng lưu loát, và khi gọi món cho bữa ăn bằng tiếng Thái, cô ta không hề tỏ ra hợm hĩnh chút nào. Làm sao mà Jeff lại có thể từ bỏ một người vợ như thế này được nhỉ? - Dana thắc mắc. - Cô định ở lại Washington bao lâu? - Dana hỏi. - Ngày mai tôi phải đi rồi! - Lần này em đi đâu? - Jeff tỏ ra quan tâm. Rachel hơi lưỡng lự. - Hawaii. Nhưng thật sự em cảm thấy chán rồi, Jeff. Thậm chí em đang nghĩ đến chuyện huỷ bỏ chuyến đi này. - Nhưng em sẽ không bỏ, - Jeff nói với vẻ hiểu biết. Rachel thở dài: - Vâng, em sẽ không bỏ. - Khi nào cô mới quay lại? - Dana hỏi. Rachel nhìn nàng một lúc lâu rồi nhẹ nhàng trả lời: - Tôi không nghĩ mình sẽ quay lại Washington, Dana. Tôi mong cô và Jeff sống hạnh phúc bên nhau. Đó là một thông điệp không lời trong câu đáp của Rachel. Sau bữa ăn, Dana nói: - Tôi có vài việc cần làm. Hai người cứ đi trước đi! Rachel nắm lấy tay Dana. - Tôi rất vui vì chúng ta đã gặp nhau. - Tôi cũng vậy, - Dana nói, và ngạc nhiên khi thấy mình thực sự nghĩ như thế. Dana nhìn theo Jeff và Rachel bắt đầu bước xuống phố. Một cặp hấp dẫn, nàng nghĩ. * * * * * Đã bước sang đầu tháng Mười hai và Washington đang tưng bừng chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ. Đường phố của thủ đô được trang hoàng những cây thông Noel rực rỡ và các vòng hoa của cây nhựa ruồi. Hầu như ở góc phố nào cũng sừng sững một ông già Noel thuộc Đội quân cứu tế(1), rung chiếc chuông nhỏ xin tiền người qua đường. Và bất chấp cơn gió lạnh buốt, trên vỉa hè lúc nào cũng đông cứng những người đi sắm sửa cho lễ Giáng sinh và năm mới. Đã đến lúc rồi, Dana nghĩ. Mình cũng bắt đầu phải mua sắm thôi. Dana nghĩ đến những người mà nàng sẽ mua quà tặng cho họ. Mẹ nàng, Kemal, Matt - ông chủ của nàng, dĩ nhiên là cả Jeff tuyệt vời của nàng nữa. Dana nhảy lên taxi và đi đến Hecht, một trong những cửa hàng lớn nhất Washington. Nơi này đã chật cứng những người đang đón chào lễ Giáng sinh bằng cách chen chúc nhau, cố xô đẩy những người mua hàng khác ra khỏi vị trí của họ. Mua bán xong, Dana về nhà để cất đống quà tặng ngồn ngộn đi. Căn hộ của nàng ở phố Calvert, trong một khu khá yên tĩnh. Với nội thất bắt mắt, nó gồm có một phòng ngủ, một phòng khách, bếp, phòng tắm và phòng học đồng thời cũng là phòng ngủ của Kemal. Dana đặt mớ quà tặng vào phòng để đồ, nhìn quanh căn hộ nhỏ bé của mình và hạnh phúc nghĩ thầm, Chúng mình phải có một chỗ ở rộng hơn sau khi kết hôn. Lúc nàng ra cửa để trở về phòng thu thì chuông điện thoại reo. Dana nhấc ống nghe lên. - A lô. - Dana, con yêu. Đó là mẹ nàng. - Chào mẹ, con phải đi… - Mẹ và các bạn mẹ đã xem chương trình của con đêm qua. Con tuyệt lắm. - Cảm ơn mẹ. - Dù mẹ và họ nghĩ rằng nhẽ ra con nên làm cho các tin tức sáng sủa lên một chút. Dana thở dài. - Làm các tin tức sáng sủa lên? - Ừ. Tất cả những gì con nói đến đều u ám quá. Chẳng lẽ không thể đề cập đến những vấn đề vui vẻ hơn được ư? - Để con xem mình có thể làm được gì, mẹ nhé. - Vậy thì tốt. Nhân tiện, tháng này mẹ cần một ít tiền mặt. Không hiểu con có giúp được mẹ không? Bố của Dana đã bỏ đi từ nhiều năm trước. Lúc này đây, mẹ nàng đã chuyển đến Las Vegas. Dường như lúc nào bà cũng thiếu tiền. Những khoản đóng góp hàng tháng của Dana không bao giờ đủ cả. - Mẹ lại cờ bạc à? - Dĩ nhiên là không! Bà trả lời với vẻ phẫn nộ. – Las Vegas là thành phố rất đắt đỏ. À này, khi nào thì con định qua đây? Mẹ rất muốn gặp Kimbal. Con nên cho nó đi cùng. - Tên nó là Kemal, mẹ à. Hiện tại thì con không thể đi đâu được cả. Một thoáng ngập ngừng trước khi kết thúc. - Không thể à? Các bạn mẹ đều nói rằng con thật tốt số khi có được một công việc như ý mà chỉ phải làm có một hai tiếng một ngày. Dana trả lời: - Con cho là con may mắn thôi. Là một người chịu trách nhiệm chương trình, Dana phải có mặt ở trường quay vào lúc chín giờ sáng và dành hầu hết thời gian trong ngày vào các cuộc điện đàm, lấy những tin tức mới nhất từ London, Paris, Rome và nhiều nơi khác nữa. Quãng thời gian còn lại thì dành cho các cuộc họp, sắp xếp các tin tức lại với nhau, quyết định xem cái nào nên phát, và phát theo thứ tự nào khi nàng lên thu hình. Một buổi tối nàng thường có hai bản tin. - Thật tuyệt khi con có một công việc nhàn nhã như thế, con yêu. - Cám ơn mẹ. - Con sẽ đến thăm mẹ sớm chứ? - Vâng, con sẽ cố. - Mẹ rất mong được gặp đứa bé dễ thương đó. Kemal được gặp mẹ thì tốt cho nó quá, Dana nghĩ. Nó sẽ có một người bà. Và khi mình và Jeff lấy nhau, nó sẽ có một gia đình thật sự. Khi Dana bước ra hành lang chung cư nơi nàng đang sống, Dorothy Wharton xuất hiện. - Cảm ơn cô vì đã lo cho Kemal hồi sáng nay, Dorothy. Tôi thật sự biết ơn. - Đừng khách sáo thế. Dorothy Wharton và chồng cô ta, Howard; chuyển đến chung cư này hồi năm ngoái. Họ là người Canada, tuổi trung niên, và rất thú vị. Howard Wharton là kỹ sư chuyên phục chế các công trình kiến trúc lớn. Vào một bữa ăn tối, anh ta đã giải thích cho Dana: - Đối với công việc của tôi, không một thành phố nào trên thế giới sánh bằng Washington. Liệu tôi có thể kiếm được những cơ hội tốt thế này ở đâu nữa chứ? - Và anh ta tự trả lời câu hỏi của mình. - Không ở đâu cả. - Cả tôi và Howard đều yêu mến Washington. - Cô vợ thêm vào. - Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Dana về đến văn phòng thì đã thấy tờ Diễn đàn Washington mới nhất đặt trên bàn. Trên trang đầu là hàng loạt ảnh và bài viết về gia đình Winthrop. Dana nhìn bức ảnh một hồi lâu, đầu óc quay cuồng. Năm người chết sạch trong vòng chưa đầy một năm. Thật kinh khủng. Chiếc điện thoại riêng trong toà nhà của ban quản trị Tập đoàn viễn thông Washington Tribune reo lên. - Tôi vừa nhận được chỉ thị. - Tốt. Họ đang chờ. Ông muốn họ làm gì với những bức tranh? - Đốt hết đi. - Tất cả à? Chúng đánh giá hàng triệu đôla đấy. - Mọi việc đang tiến triển thuận lợi. Chúng ta không thể để lại bất kỳ sơ suất nhỏ nào. Đốt hết ngay. Thư ký của Dana, Olivia Watkins, nói qua hệ thống liên lạc nội bộ. - Điện thoại của cô trên đường dây số ba. Ông ta gọi đến hai lần rồi! - Ai vậy, Olivia? - Ông Henry. Thomas Henry là hiệu trưởng trường trung học Theodore Roosevelt. Dana đập tay vào trán để xua đi cơn đau đầu đang có dấu hiệu ập đến. Nàng cầm ống nghe lên. - Chào ông Henry. - Chào cô Evans. Không hiểu cô có thể tạm dừng công việc để qua gặp tôi không nhỉ? - Dĩ nhiên. Trong một hoặc hai giờ nữa, tôi… - Tôi mong là ngay bây giờ, nếu được. - Tôi sẽ đến ngay. Chú thích: (1) Salvation Army – một tổ chức chức truyền giáo Cơ đốc có các hội viên mặc đồng phục kiểu quân sự và làm việc giúp đỡ người nghèo Chương 03 Trường học là một sự thử thách mà Kemal không thể chịu đựng nổi. Nó nhỏ hơn tất cả các bạn học cùng lớp, kể cả bọn con gái, và đây thật sự là nỗi ô nhục đối với nó. Nó bị đặt biệt hiệu là "người lùn" rồi "thằng còi" rồi "con gà". Đối với việc học hành, Kemal chỉ quan tâm tới mỗi Toán và Tin học, hai môn mà nó luôn giành được thứ hạng cao nhất. Và cạnh lớp học là câu lạc bộ cờ vua, nơi Kemal là người thống trị. Trước kia nó cũng thích đá bóng, nhưng khi xin vào đội tuyển của trường, huấn luyện viên đã nhìn vào ống tay áo rỗng không của nó và trả lời: - Xin lỗi, chúng tôi không thể nhận em được. Đó là sự thật hiển nhiên, nhưng lại là một đòn chí tử giáng vào nó. Kẻ thù không đội trời chung của Kemal là Ricky Underwood. Vào bữa trưa, một số học sinh thường ăn ngoài hành lang hoặc trong phòng ăn. Ricky Underwood đợi cho Kemal ăn dở rồi mới ra ngoài cùng nó. - Này, thằng mồ côi. Khi nào thì mụ mẹ kế mày mới gửi mày lại cái nơi mà mày đã sinh ra? Kemal phớt lờ đi. - Tao đang nói chuyện với mày đấy, thằng quái. Mày không nghĩ rằng mụ ấy sẽ giữ mày lại chứ? Ai ai cũng biết tại sao mụ ấy lại mang mày đến đây, đồ mặt lạc đà. Bởi vì mụ ấy là một phóng viên chiến tranh nổi tiếng, và việc cứu giúp một thằng què sẽ làm mụ được thêm cái tiếng tử tế nữa. - Fukat! - Kemal gào lên. Nó đứng bật dậy và lao vào Ricky. Quả đấm của Ricky nhằm vào bụng của Kemal, rồi đến khuôn mặt nó. Kemal ngã vật ra đất, lăn lộn vì đau. Ricky Underwood nói: - Bất cứ lúc nào mày muốn thêm, cứ bảo tao. Và mày nên làm nhanh lên, vì theo tao được biết, mày đang đi vào dĩ vãng rồi đấy. Kemal sống trong sự nghi ngờ dằn vặt. Nó không tin vào những điều Ricky nói. Nhưng nếu đó là sự thật thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Dana trả mình về đó. Ricky nói đúng, Kemal nghĩ. Mình là thằng quái. Tại sao một người tuyệt vời như Dana lại cần mình cơ chứ. Kemal tin rằng cuộc đời của nó đã kết thúc khi bố mẹ và em gái nó bị giết ở Sarajevo. Nó được đưa sang nhà từ thiện dành cho trẻ mồ côi ở ngoại ô Paris, và thời gian ở đó quả là một cơn ác mộng(1). Cứ mỗi buổi chiều thứ sáu, vào lúc hai giờ, bọn trẻ lại phải xếp hàng cho những người muốn nhận con nuôi đến xem xét để chọn lấy một đứa rồi đưa về nhà. Và mỗi khi thứ sáu đến, sự nhộn nhịp và căng thẳng trong lũ trẻ lại trào dâng. Chúng tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng, và khi những người lớn đi dọc theo hàng, mỗi đứa bé lại thầm cầu nguyện mong cho mình được chọn. Lần nào cũng vậy, khi thấy Kemal, người ta lại thì thầm: - Xem này, nó chỉ có một tay, - Và họ bỏ qua luôn. Thứ sáu nào cũng như vậy cả, mặc kệ Kemal vẫn nuôi một niềm hy vọng mong manh. Nhưng người ta luôn chọn những đứa trẻ khác. Đứng đó, bị bỏ mặc, Kemal tràn đầy cảm giác bẽ bàng. Luôn là một đứa khác, nó cay đắng nghĩ. Không ai cần mình hết. Kemal hằng ao ước được có một gia đình yên ấm. Và nó cố làm mọi thứ nó nghĩ ra để biến điều đó thành hiện thực. Thứ sáu này nó cười thật rạng rỡ để cho mọi người thấy nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu, thứ sáu sau nó lại vờ như đang bận rộn với một việc gì đó rằng nó không quan tâm đến việc có được chọn hay không và việc nếu có được nó sẽ là một điều may mắn cho những ông bố, bà mẹ đó. Lần khác thì nó lại nhìn họ bằng ánh mắt van xin, thầm cầu mong họ sẽ đưa nó về nhà. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, vẫn chỉ là những đứa khác được chọn và được đưa đến những ngôi nhà tuyệt diệu, những gia đình hạnh phúc. Và thật kỳ diệu, Dana đã đến và làm tất cả thay đổi. Nàng là người đã tìm thấy nó sống vật vờ không nhà cửa ở ngoài đường thành phố Sarajevo. Sau khi được hội chữ thập đỏ đưa sang trại trẻ mồ côi ở Paris và sống tại đó một thời gian, nó đã viết cho nàng một bức thư. Trước sự ngạc nhiên của nó, nàng đã gọi điện sang trại trẻ và yêu cầu được đưa nó về Mỹ sống cùng nàng. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời Kemal. Dường như một giấc mơ hoang đường đã trở thành hiện thực, và thậm chí còn đẹp đẽ hơn tất cả những gì mà nó từng tưởng tượng ra. Cuộc sống của Kemal đã hoàn toàn đổi thay. Nó cảm thấy biết ơn việc trước kia người ta đã không chọn nó. Nó không còn đơn độc trên cõi đời này nữa. Đã có người quan tâm đến nó. Nó hết lòng yêu quý Dana, nhưng sâu trong tâm khảm nó vẫn phập phồng một nỗi lo sợ rằng những lời nói của Ricky Underwood là đúng, rằng một ngày nào đó Dana sẽ thay đổi và sẽ trả nó về trại trẻ mồ côi, về cuộc sống tăm tối mà nó đã chạy trốn khỏi. Nó thường mơ thấy nó trở về trại trẻ, và hôm đó là ngày thứ sáu. Rất nhiều người lớn đang xem xét bọn trẻ và Dana cũng ở trong số đó. Nàng nhìn Kemal và nói "Thằng nhóc xấu xí này chỉ có một tay" rồi nàng chọn ngay đứa đứng bên cạnh nó. Kemal choàng tỉnh, nước mắt đầm đìa. Kemal biết rằng Dana rất ghét việc nó đánh nhau ở trường và nó đã cố tránh né những vụ ẩu đả bằng mọi cách, nhưng nó không thể nhịn dược việc Ricky Underwood và lũ bạn xúc phạm Dana. Bọn kia sớm nhận ra điều này, những lời lăng mạ liên tục gia tăng và thế là những trận đánh cứ nối nhau không dứt. Ricky thường chào đón Kemal bằng câu. - Này, mày đã thu dọn đồ đạc chưa, thằng lùn? Bản tin sáng nay có nói mụ mẹ kế khốn nạn của mày sẽ gửi trả mày về Nam Tư đấy. - Zbosti! Kemal gào lên. Trận ẩu đả đã bắt đầu. Kemal sẽ trở về nhà với cặp mắt bầm tím, nhưng khi Dana hỏi chuyện gì xảy ra, nó không dám cho nàng biết sự thật, vì sợ rằng nếu nhắc lại những gì Ricky Underwood nói có thể sẽ trở thành hiện thực. Giờ đây, khi đợi Dana trong phòng hiệu trưởng, nó nghĩ thầm, Khi cô ấy biết lần này mình đã làm chuyện gì cô ấy sẽ tống mình đi. Nó ngồi đó, rũ rượi, tim đập thình thịch. Lúc Dana bước và văn phòng Thomas Henry, ông ta đang đi đi lại lại, vẻ giận dữ ra mặt. Kemal ngồi ở ghế phía bên kia căn phòng. - Chào cô Evans. Mời cô ngồi. Dana liếc sang Kemal rồi ngồi xuống. Thomas Henry đặt một con dao thái thịt lên bàn. - Một giáo viên của Kemal đã lấy được cái này. Dana quay sang nhìn Kemal, giận dữ: - Tại sao? - Nàng hỏi - Sao cháu lại mang cái này đến trường? Kemal nhìn Dana, rầu rĩ trả lời: - Tại cháu không có súng. - Kemal! Dana quay sang ông hiệu trưởng: - Tôi có thể nói chuyện riêng với ông chứ, ông Henry? - Vâng. - Ông ta nhìn Kemal, quai hàm nghiến lại. - Ra hành lang chờ. Kemal đứng dậy, nhìn con dao lần cuối, vội đi ra. Dana bắt đầu: - Ông Henry, Kemal mới mười hai tuổi đầu, nó đã nhiều năm phải ngủ trong tiếng bom rơi sát tai, những quả bom đã giết chết mẹ nó, bố nó, em gái nó. Một trong những quả bom đó đã lấy đi cánh tay nó. Khi tôi tìm thấy Kemal ở Sarajevo, nó đang sống trong một túp lều các-tông ở khu đất hoang. Hàng trăm trẻ em không nhà cửa tập trung ở đó, chúng sống như những con thú vậy. - Nàng đang hồi tưởng lại, cố giữ cho giọng mình bình thường. - Bom đã ngừng rơi, nhưng bọn trẻ vẫn sống không nhà cửa và không có sự trợ giúp. Cách duy nhất để chúng tự bảo vệ mình trước kẻ địch là một con dao, một hòn gạch hoặc một khẩu súng, nếu như chúng may mắn nhặt được. - Dana nhắm mắt lại và hít một hơi thở sâu. - Bọn trẻ đó sống như loài thú. Kemal cũng vậy, nhưng nó là một đứa bé tốt. Nó cần được học rằng ở đây, nó được an toàn. Không một ai trong chúng ta là kẻ thù của nó cả. Tôi hứa với ông nó sẽ không làm như thế nữa. Im lặng một lúc lâu, rồi Thomas Henry lên tiếng. - Nếu tôi cần một luật sư, cô Evans, tôi muốn cô sẽ biện hộ cho tôi. Dana cố mỉm cười. - Tôi hứa. Thomas Henry thở dài. - Được. Cô nói chuyện với Kemal đi. Nếu nó còn gây ra một chuyện gì tương tự, - Tôi sẽ nói chuyện với nó. Cảm ơn ông, ông Henry. Kemal đang đứng đợi ngoài hành lang. - Về nhà thôi, - Dana nói cộc lốc. - Họ giữ lại con dao của cháu à? Nàng không buồn trả lời nữa. Trên đường về nhà, Kemal nói: - Cháu xin lỗi vì đã gây phiền phức cho cô, cô Dana. - Ồ, không phiền đâu. Họ đã quyết định sẽ không tống cổ cháu ra khỏi trường. Này, Kemal… - Được. Sẽ không còn con dao nào nữa. Khi về đến nhà, Dana nói: - Cô phải về phòng thu. Người giúp việc sẽ đến đây trong vài phút nữa. Tối nay cô và cháu sẽ có cuộc nói chuyện nghiêm túc. Lúc bản tin tối kết thúc, Jeff quay sang Dana. - Trông em có vẻ lo lắng, em yêu. - Vâng. Là Kemal. Em không biết phải làm gì với nó bây giờ, Jeff. Hôm nay em đã đến gặp ông hiệu trưởng và thêm hai người giúp việc không dám đến làm vì nó. - Nó khá đấy, - Jeff nói. - Nó chỉ cần một quãng thời gian khởi động thôi. - Có thể thế không, Jeff? - Ừ. - Hy vọng là em đã không sai lầm khi đưa nó sang đây. Kemal đợi sẵn khi Dana trở về nhà. Nàng nói. - Ngồi xuống. Chúng ta nói chuyện. Cháu phải bắt đầu tuân thủ các quy tắc ở đây, và các vụ đánh nhau ở trường không được tái diễn nữa. Cô biết có một số đứa đang gây khó khăn cho cháu, nhưng cháu nên tìm cách hoà hoãn với chúng. Nếu cháu còn đánh nhau, ông Henry sẽ đuổi học cháu đấy. - Cháu không quan tâm. - Cháu phải quan tâm. Cô muốn cháu có một tương lai tươi sáng, và điều này sẽ không xảy ra nếu thiếu một sự giáo dục chu đáo. Ông Henry đang cho cháu một cơ may, nhưng… - Tiên sư ông ấy. - Kemal! - Không nghĩ ngợi gì, Dana tát thẳng vào mặt thằng bé. Ngay lập tức nàng thấy hối hận. Kemal nhìn nàng với vẻ không tin tưởng lộ rõ trên mặt, rồi nó đứng dậy, chạy về phòng và dập cửa lại. Chuông điện thoại vang lên, Dana nhấc ống nghe. Đó là Jeff. - Dana… - Anh yêu. Em không thể nói chuyện vào lúc này. Em đang rất bối rối. - Chuyện gì vậy? - Kemal. Nó quá đáng quá. - Dana… - Vâng. - Hãy đi bằng đôi giày của nó. - Gì cơ? - Em cứ suy nghĩ đi. Xin lỗi, anh phải cúp máy đây. Yêu em. Mình nói chuyện sau nhé. "Đi bằng đôi giày của nó" Chẳng gợi nên một cái gì cả Dana nghĩ. Làm sao mình biết được Kemal cảm thấy thế nào? Mình đâu phải một đứa bé mười hai tuổi, mồ côi vì chiến tranh, mất một cánh tay và phải trải qua nhĩtng gì nó đã trải qua. Dana ngồi đó một lúc lâu, nghĩ mông lung. Đi bằng đôi giày của nó. Nàng đứng dậy, đi vào phòng ngủ, đóng cửa lại và mở cửa buồng kho ra. Trước khi Kemal đến, Jeff thường ở đây vài đêm một tuần và còn để lại một ít quần áo. Trong đó có cả quần dài, áo sơ mi và cà vát, áo len, áo khoác thể thao. Dana lôi vài thứ ra và để chúng lên giường. Rồi nàng ra ngăn kéo tủ lấy quần short và tất của Jeff ra. Sau đó nàng cởi bỏ quần áo đang mặc chỉ với bên tay trái, xỏ chân vào quần short của Jeff. Nàng mất thăng bằng, ngã nhào xuống. Phải cố gắng lắm nàng mới kéo được nó lên. Tiếp theo là áo sơ mi của Jeff chỉ dùng tay trái, sau ba phút loay hoay nàng mới mặc được nó vào người và cài khuy lại. Nàng ngồi lên giường để mặc quần và việc cài khoá quả là vô cùng khó khăn. Phải mất thêm hai phút nữa nàng mới mặc xong cái áo len. Khi mọi thứ xong xuôi, Dana ngồi xuống thở dốc. Đây là việc mà sáng nào Kemal cũng phải làm. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Nó còn phải tắm rửa, đánh răng và chải đầu. Đấy là bây giờ. Còn trước kia thì sao? Sống trong cuộc chiến tranh tàn khốc, chứng kiến cái chết của bố, mẹ, em gái và các bạn mình. Jeff nói đúng, nàng nghĩ. Mình đòi hỏi quá nhiều và quá sớm. Nó cần nhiều thời gian để điều chỉnh bản thân. Mình không bao giờ được bỏ rơi nó. Bố đã bỏ mẹ con mình và mình chưa bao giờ thật sự tha thứ cho ông về chuyện đó. Nên có điều răn thứ mười ba: Mi không được bỏ rơi những người yêu thương mi. Chậm rãi, Dana mặc lại quần áo của mình vao, nàng nghĩ đến lời những bài hát mà Kemal thường nghe đi nghe lại. Các đĩa CD của Britney Spears, Backstreet Boys, Lim Bizkit. "Don t want to lose you", "need you tonight", "As a long as you love me", "I just want to be with you", "I need love"(2). Tất cả đều về nỗi cô đơn và khát vọng. Dana cầm bảng kết quả học tập của Kemal lên. Đúng là nó thất bại ở các môn học khác, nhưng ở môn toán nó được điểm A. Điểm A này mới quan trọng. Dana nghĩ. Đó là lĩnh vực xuất sắc của nó. Tương lai của nó là ở đó. Khi Dana mở cửa phòng học của Kemal, nó đang nằm trên giường, mắt nhắm chặt, gương mặt xanh xao vẫn còn đầm đìa nước mắt. Dana nhìn thằng bé một lát rồi cúi xuống và hôn lên má nó. - Cô xin lỗi, Kemal, - nàng thì thầm. - Tha lỗi cho cô. Ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. * * * * * Sáng sớm hôm sau, Dana đưa Kemal đến một nhà phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng, bác sĩ Wiìliam Wilcos. Ông ta nói chuyện riêng với Dana sau cuộc kiểm tra. - Cô Evans, việc lắp tay giả sẽ tốn đến hai mươi nghìn đô la và có một vấn đề nho nhỏ, Kemal mới mười hai tuổi Cơ thể nó vẫn tiếp tục phát triển cho đến năm mười bảy, mười tám. Cứ sau vài tháng nó lại sẽ phải thay cánh tay giả. Tôi e về vấn đề tài chính sẽ không được thực tế lắm. Dana cảm thấy hụt hẫng: - Tôi hiểu. Cảm ơn bác sĩ. Ra ngoài, Dana nói với Kemal. - Đừng lo, cháu ạ. Chúng ta sẽ tìm ra cách. Dana đưa Kemal đến trường học rồi trở về studio. Đi được một đoạn thì điện thoại di động của nàng rung chuông. - A lô? - Matt đây. Trưa nay sẽ có cuộc họp báo về vụ Winthrop ở tổng hành dinh của cảnh sát. Tôi muốn cô dẫn theo tổ quay phim đến đó lấy tin. Đám cảnh sát đúng là ngớ ngẩn với cái kiểu thông tin lung tung này. Sự việc sẽ ngày một to dần và họ chẳng thể nào tìm được chứng cứ nữa. - Tôi sẽ đến đó. Sếp cảnh sát Dan Burnett đang nói chuyện điện thoại trong văn phòng thì thư ký của ông ta thông báo: - Ngài thị trưởng ở đường dây số hai. Burnett cáu kỉnh: - Nói với ông ấy tôi đang nói chuyện với ông thống đốc ở đường dây số một. - Ông ta tiềp tục câu chuyện. - Vâng, ngài thống đốc. Tôi biết điều đó… Vâng, thưa ngài… Tôi nghĩ… tôi tin chắc là chúng tôi có thể…" Ngay khi chúng tôi… Đúng. Tạm biệt ngài. - Ông ta dập máy. - Thư ký báo chí của Nhà trắng ở đường dây số bốn. Những cú điện thoại như vậy cứ liên tục suốt buổi sáng. Buổi trưa, phòng hội thảo thuộc trung tâm Municipal tại số 300 đại lộ Indiana ở ngoại thủ đô Washington chật ních người thuộc báo giới. Sếp Burnett bước vào và đi lên phía trước căn phòng. - Xin yên lặng. - Ông ta đợi cho đến khi tiếng ồn dứt hẳn. - Trước khi trả lời câu hỏi của các vị, tôi muốn tuyên bố một điều. Cái chết đau thương của Gary Winthrop là một sự mất mát lớn với không chỉ chúng ta ở đây mà còn với toàn thế giới này, và cuộc điều tra của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cho đến khi tóm được những kẻ đã gây ra tội ác khủng khiếp đó. Xin các vị đặt câu hỏi. Một phóng viên đứng lên. - Ông Burnett, cảnh sát đã có manh mối nào chưa? - Vào lúc ba giờ sáng có một nhân chứng đã trông thấy hai người đàn ông và một chiếc xe tải nhỏ màu trắng trong lối đi ngoài vườn nhà Winthrop. Vì hành động của họ có vẻ mờ ám nên người đó đã ghi lại biển số xe. Đó là số của một chiếc xe tải bị ăn cắp. - Cảnh sát có biết trong nhà bị mất những gì không? - Mười hai bức tranh rất có giá trị. - Ngoài ra còn thứ gì khác bị mất nữa không? - Không. - Thế còn tiền mặt và đồ trang sức? - Tiền mặt và đồ trang sức trong nhà không hề bị đụng tới Bọn cướp chỉ quan tâm đến các bức tranh thôi! - Ông Burnett, trong nhà có hệ thống báo động không, và nếu có, nó có đang hoạt động tốt không? - Theo người quản gia thì nó luôn được sẵn sàng vào ban đêm. Bọn cướp đã biết cách làm hỏng nó. Chúng tôi cũng chưa rõ là bằng cách nào. - Bọn cướp đột nhập vào nhà ra sao, theo lối nào? Sếp Burnett lưỡng lự. - Câu hỏi thú vị đấy. Căn nhà không có dấu hiệu nào chứng tỏ bị đột nhập. Chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề này. - Có thể nào chúng có tay trong không? - Chúng tôi không nghĩ vậy. Những người giúp việc ở nhà Winthrop đã theo anh ta nhiều năm rồi. - Lúc đó Gary ở một mình trong nhà à? - Theo chúng tôi được biết thì đúng vậy. Người làm đều đã nghỉ hết. Dana hỏi to: - Ông có danh sách những bức tranh bị mất không? - Có. Chúng rất nổi tiếng. Danh sách này đã được chuyển tới các viện bảo tàng, các nhà kinh doanh nghệ thuật, các nhà sưu tập. Lúc những bức tranh này xuất hiện hẳn cũng là lúc vụ án được giải quyết. Dana ngồi xuống, bối rối. Bọn giết người phải nhận thức được điều này vì thế chúng sẽ không dám bán tranh ra thị trường. Vậy chúng ăn cắp nhằm mục đích gì? Và giết người nữa? Tại sao chúng không lấy tiền và đồ trang sức? Có cái gì đó không hợp lý ở đây. Đám tang của Gary Winthrop cử hành tại thánh đường National, lớn thứ sáu trên thế giới. Hai đại lộ Wisconsin và Massachusset bị đình chỉ giao thông. Các nhân viên đặc vụ và cảnh sát Washington được huy động hết lực lượng. Bên trong thánh đường là ngài Phó Tổng thống Hoa Kỳ, mười hai nghị sĩ và các thành viên trong Quốc hội, ngài chánh án toà án tối cao, các nhân viên nội các, các nhân vật tai to mặt lớn đến từ nhiều quốc gia. Trực thăng của cảnh sát và giới truyền thông quần đảo trên bầu trời. Ngoài phố là hàng trăm người đứng xem, hoặc là biểu lộ sự thương tiếc người quá cố hoặc là tò mò hiếu kỳ với những nghi lễ diễn ra ở bên trong. Họ không chỉ biểu lộ sự thương tiếc với riêng Gary mà còn với cả gia đình Winthrop bất hạnh. Dana tham dự đám tang với hai người quay phim. Bên trong thánh đường im phăng phắc. "Gia đình Winthrop đã dành cả cuộc đời của họ xây dựng nên những niềm hy vọng. Họ quyên tặng hàng tỷ đô la cho các trường học, nhà thờ, cho những người vô gia cư, cơ nhỡ. Họ đã sử dụng tài năng và thời gian quý báu của mình để cống hiến cho đất nước. Gary Winthrop đã kế thừa truyền thống cao cả đó của gia đình mình. Tại sao họ, với sự rộng lượng nhường ấy, lại phũ phàng lìa bỏ chúng ta một cách bí ẩn đến vậy. Nhưng, họ không thực sự ra đi, vì những gì mà họ đã làm sẽ còn tồn tại mãi. Chúng ta sẽ luôn tự hào vì… Thượng đế sẽ không để những người như vậy chết theo cái cách khủng khiếp đến thế, Dana nghĩ. Mẹ Dana gọi điện cho nàng. - Mẹ và các bạn đã xem tin tức con thực hiện về đám tang. Cái lúc mà con nói về gia đình Winthrop, mẹ nghĩ là mình có thể bật khóc. - Con cũng vậy. Mẹ ạ. Con cũng vậy. Dana nằm trằn trọc gần như suốt đêm đó. Lúc chìm sâu vào giấc ngủ, nàng mơ thấy một lăng kính đầy những cảnh đám cháy, tai nạn xe cộ và tiếng súng. Nàng thình lình thức giấc và ngồi bật dậy trong bóng tối Chưa đầy một năm mà cả năm người trong cùng một gia đình đều chết một cách không bình thường. Như thế là thế nào? Chú thích: (1) Xem Kế hoạch hoàn hảo của Sidney Sheldon, Nhà xuất bàn Văn học, 1999 (2) Không muốn mất em, Đêm nay anh cần em, Miễn là em yêu anh, Anh chỉ muốn cùng em, Tôi cần tình yêu Chương 04 - Cô muốn nói gì với tôi thế, Dana? - Matt, năm cái chết của một gia đình trong vòng chưa đầy một năm là một sự quá tình cờ. - Dana, nếu tôi không biết rõ cô, có lẽ tôi đã phải mời một bác sĩ tâm lý và cho ông ta biết chicken little đang trong văn phòng tôi và đang lảm nhảm rằng bầu trời sụp đổ. Cô nghĩ rằng chúng ta đang đối phó với một âm mưu kinh khủng? Ai đứng đằng sau nó? Fidel Castro? Hay CIA? Hay Oliver Stone? Chúa ơi, cô không hay rằng mỗi khi một nhân vật nổi tiếng bị chết là lại có hàng trăm giả thuyết về các âm mưu khác nhau sao? Tuần trước có một gã đến đây và nói với tôi là gã có thể chứng minh rằng Lyndon Johnson đã giết Abraham Lincoln. Washington này lúc nào chả đầy rẫy các âm mưu kiểu đó. - Matt, chúng ta đang chuẩn bị thực hiện Đường dây tội ác ông muốn bắt đầu bằng một người tình cờ lắm mà. Nếu tôi nói đúng thì vụ này có thể làm được đấy. Matt Baker ngồi yên lặng nhìn nàng. - Cô sẽ tốn công vô ỉch thôi. - Cảm ơn, Matt. Phòng tư liệu của Washington Tribune nằm ở dưới tầng hầm, chất đầy các cuốn băng của những chương trình tin tức trước, tất cả đều được xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Laura Lee Hill, một phụ nữ da nâu hấp dẫn trạc tuổi bốn mươi đang ngồi sau bàn làm việc phân loại các cuốn băng. Bà ta ngẩng đầu lên nhìn Dana bước vào. - Chào, Dana. Tôi đã xem phóng sự của cô về đám tang. Cô thực hiện nó thật xuất sắc. - Cảm ơn chị. - Thật là tấn bi kịch khủng khiếp. - Vâng, thật khủng khiếp, - Dana đồng ý. - Không thể biết trước được điều gì, - Laura Lee Hill rầu rĩ nói. - Ờ… tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi muốn xem những cuốn băng về gia đình Winthrop. - Những cái gì cụ thể? - Không. Tôi chỉ muốn có cảm nhận về gia đình họ thôi. - Tôi có thể cho cô biết họ như thế nào. Họ là những vị thánh. - Đó là những gì tôi vẫn thường nghe, - Dana nói. Laura Lee Hill đứng dậy. - Tôi hy vọng cô có nhiều thời gian. Chúng tôi có hàng tấn tư liệu về họ. - Được. Tôi cũng không vội gì. Laura dẫn Dana đến một cái bàn trên có đặt một chiếc tivi. - Tôi sẽ quay lại ngay, - bà ta nói. Năm phút sau, bà ta xuất hiện với một chồng băng lớn trên tay. - Cô cứ bắt đầu với chỗ này đã. Còn nhiều nữa cơ, - bà ta bảo nàng. Dana nhìn đống băng và nghĩ thầm, Mình có thể là Chicken Litle. Nhưng nếu mình đúng… Dana nhét một cuốn băng vào đầu máy và trên màn hình là hình ảnh một người đàn ông cực kỳ đẹp trai, vóc dáng khoẻ mạnh. Ông ta có mái tóc đen dài, cặp mắt xanh vô tư, cái cằm khoẻ. Bên cạnh ông ta là một cậu bé. Tiếng thuyết minh nói: "Taylor mới khánh thành thêm một trại từ thiện dành cho những trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi. Bên cạnh là Paul, con trai ông, đang sẵn sàng theo gương bố. Đây là công trình thử mười trong loạt trại từ thiện mà Taylor Winthrop đang xây dựng. Ông còn dự định làm thêm tối thiểu mười hai trại nữa". Dana nhấn nút và cảnh trên màn hình thay đổi. Taylor Winthrop, lúc này trông đã già hơn, tóc điểm bạc, đang bắt tay một nhóm quan chức cao cấp…"vừa xác nhận chức vụ cố vấn trong NATO của mình. Trong vài tuần tới Taylor Winthrop sẽ sang Brussels để…" Dana thay băng. Bây giờ là cảnh bãi cỏ ở phía trước Nhà Trắng. Tổng thống đang phát biểu, Taylor Winthrop đứng cạnh ngài "… và tôi đã bổ nhiệm ông ấy lãnh đạo FRA, cơ quan Nghiên cứu Liên bang. Cơ quan này được thành lập với mục đích giúp đỡ các nước đang phát triển trên toàn thế giới, và tôi tin rằng không còn ai xứng đáng với cương vị này hơn Taylor Winthrop…" Trên màn hình chuyển sang cảnh phi trường Leonardo da Vinci ở Rome, nơi Taylor Winthrop đang từ máy bay bước xuống. - Các quan chức địa phương đã có mặt ở đây chào đón Taylor Winthrop khi ông đến đàm phán về vấn đề thương mại giữa Italy và Hoa Kỳ. "Việc ông Winthrop được ngài Tổng thống uỷ nhiệm trọng trách đàm phán đã cho thấy tầm quan trọng của…" Người đã làm mọi thứ, Dana nghĩ thầm. Nàng đổi cuốn băng khác. Taylor Winthrop đang ở dinh Tổng thống tại Paris, bắt tay ngài Tổng thống Pháp. "Một thoả hiệp thương mại có tính bước ngoặt lớn lao với người Pháp đã được Taylor Winthrop hoàn thành… Một cuốn băng nữa. Vợ Taylor Winthrop, Madeline, đứng trước một khu đất lớn cùng lũ trẻ con. "Hôm nay Madeline Winthrop tặng một trung tâm chăm sóc trẻ em bị ngược đãi và…" Một cuốn băng về lũ trẻ nhà Winthrop chơi đùa tại trang trại của chúng ở Manchester, Vermont. Dana cho cuốn băng tiếp theo vào máy. Taylor Winthrop ở tại Nhà Trắng. Đằng sau là vợ ông ta, hai đứa con đẹp trai, Gary và Paul, đứa con gái xinh đẹp, Julie. Ngài Tổng thống đang trao tặng ông ta Huân chương Tự Do. "… vì những công hiến vĩ đại của ông cho đất nước này, vì tất cả những thành quả tuyệt vời mà ông đã thực hiện, tôi rất vui mừng được trao tặng cho ông Taylor Winthrop phần thưởng dân sự cao quý nhất - Huân chương Tự do. Một cuốn băng Julie trượt tuyết. Gary lập quỹ giúp đỡ các hoạ sĩ trẻ… Lại trong Nhà Trắng… Taylor Winthrop tóc muối tiêu và bà vợ đứng bên cạnh Tổng thống. "Tôi vừa bổ nhiệm Taylor Winthrop làm đại sứ của chúng ta ở Nga. Tôi biết các vị đã quá quen với những công hiến không mệt mỏi của ông Winthrop với đất nước, và tôi thật sự vui mừng vì ông đã đồng ý đảm nhận trọng này thay vì suốt cả ngày chơi golf". Đám ký giả cười ồ lên. Taylor Winthrop nói đùa: - Ngài còn chưa xem tôi chơi golf thưa ngài Tổng thống. Lại tiếng cười vang lên. Và sau đó thảm hoạ liên tiếp xảy đến. Dana thay một cuốn băng mới. Đó là quang cảnh bên ngoài một ngôi nhà đã bị cháy ở Aspen, Colorado. Một nữ phóng viên đang chỉ vào bên trong căn nhà. "Chỉ huy cảnh sát ở Aspen đã xác nhận rằng ngài Đại sứ Winthrop và vợ của ông, Madeline, đã chết trong đám cháy. Đội cứu hoả được báo động vào sáng sớm hôm nay và có mặt sau mười lăm phút, nhưng cũng đã quá muộn để cứu họ ra. Theo cảnh sát trưởng Nagel, nguyên nhân của đám cháy là do hệ thống điện có vấn đề Ngài đại sứ Winthrop và phu nhân đã nổi tiếng trên toàn thế giới vì lòng từ thiện và những công hiến lớn lao của họ với nước Mỹ". Dana đổi một cuốn băng khác. Đó là cảnh người phóng viên nói: "Đây là khúc ngoặt nơi ôtô của Paul Winthrop đã trượt khỏi đường cái và lao xuống sườn núi. Theo các nhân viên điều tra thì anh ta bị chết ngay do va đập. Không có nhân chứng nào chứng kiến cái chết này. Cảnh sát đang điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn. Thật trớ trêu khi mới hai tháng trước đây thôi, bố mẹ của Paul Winthrop đã qua đời trong một vụ cháy nhà ở Aspen, Colorado". Dana với một cuốn băng khác nữa. Đường trượt tuyết núi ở Juneau, Alaska. Tiếng phóng viên vang lên: "Và đây là nơi đã xảy ra tai nạn trượt tuyết đáng tiếc vào tối hôm qua. Nhà chức trách cũng không hiểu tại sao Julie Winthrop, một nhà vô địch trượt tuyết lại trượt một mình trong đêm tối tại đường trượt đặc biệt này, khi mà nó đã đóng cửa, và họ đang tích cực điều tra. Sáu tuần trước, vào tháng Chín, anh ruột của Julie, Paul đã chết trong một tai nạn xe hơi ở Pháp, và vào tháng Bảy cùng năm, bố mẹ của cô, ngài đại sứ Winthrop và vợ chết trong một vụ hoả hoạn. Ngài Tổng thống đã gửi tới lời chia buồn sâu sắc nhất. Cuốn băng tiếp theo. Nhà của Gary Winthrop ở khu tây bắc thủ đô Washington. Bên ngoài là vô số các phóng viên túc trực. Đứng trước căn nhà, một người đang nói: "Một tấn bi kịch, một sự trùng lặp khó mà tin nổi, Gary Winthrop thành viên cuối cùng của gia đình Winthrop đã bị bọn trộm hạ sát. Sáng sớm hôm nay, một nhân viên an ninh nhận thấy đèn báo động bị tắt, anh ta vào nhà và phát hiện ra xác của Gary Winthrop. Anh bị bắn hai phát. Có vẻ như Gary đã làm gián đoạn việc ăn cắp tranh của chúng và buộc bọn chúng phải ra tay. Gary Winthrop là người thứ năm và cũng là người cuối cùng của gia đình đã gặp phải cái chết thê thảm trong năm nay". Dana tắt màn hình và ngồi yên lặng rất lâu. Ai muốn tiêu diệt một gia đình tuyệt vời đến vậy? Ai? Tại sao. * * * * * Dana đã hẹn gặp ngài Thượng nghị sĩ Perry Leff tại toà nhà Văn phòng Thượng viện. Ông khoảng ngoài năm mươi tuổi, sôi nổi và sốt sắng. - Tôi có thể giúp gì cho cô, cô Evans? - Tôi biết rằng ông đã từng cộng tác với ông Taylor Winthrop rất thân thiết, phải không, thưa Thượng nghị sĩ? - Vâng. Chúng tôi được Tổng thống bổ nhiệm làm việc trong một vài uỷ ban cùng nhau. - Tôi biết về hình ảnh xã hội của ông ấy, thưa Thượng nghị sĩ, nhưng về khía cạnh con người thì ông ấy thế nào? Thượng nghị sĩ Leff nhìn Dana một lát. - Tôi rất sẵn lòng cho cô biết. Taylor Winthrop là một trong những người tốt nhất mà tôi từng biết. Điểm đáng chú ý nhất của ông ấy là cái cách mà ông ấy quan hệ với mọi người. Ông ấy thật sự biết quan tâm. Tôi luôn luôn nhớ ông ấy và những gì xảy ra với gia đình ông ấy là điều tồi tệ nhất mà chúng ta phải nghĩ đến. Dana nói chuyện với Nancy Patchin, một trong những thư ký của Taylor Winthrop, ngoài sáu mươi tuổi có khuôn mặt dài và cặp mắt buồn rầu. - Bà làm việc cho ông Winthrop bao nhiêu năm rồi? - Mười lăm năm. - Với khoảng thời gian như vậy, tôi nghĩ là bà phải hiểu rất rõ ông Winthrop. - Dĩ nhiên. - Tôi đang cố xây dựng một hình ảnh rõ ràng về con người thật của ông ấy. Vậy… Nancy Patchin ngắt lời. - Tôi có thể nói rõ với cô ông ấy là người thế nào, cô Evans. Khi biết con trai tôi bị bệnh Lou Gchrig, ông Winthrop đã đưa nó đến chỗ bác sĩ riêng của ông ấy và thanh toán toàn bộ tiền chữa bệnh cho cháu. Khi con tôi chết, ông ấy đã trả tất cả chi phí cho đám tang và đưa tôi sang châu u hồi phục sức khoẻ. - Cặp mắt bà đẫm lệ. - Ông ấy là người rộng lượng nhất, tốt bụng nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng được biết! Dana đã xin được gặp tướng Victor Booster, người điều hành FRA, cơ quan Nghiên cứu Liên bang, nơi Taylor Winthrop đã từng lãnh đạo. Đầu tiên Booster từ chối, nhưng khi biết mục đích cuộc gặp, ông đã đồng ý. Vào giữa buổi sáng, Dana lái xe đến FRA nằm ở gần FortMead, bang Maryland. Tổng hành dinh của FRA nằm trong một khu vực rộng ba mươi hai hecta có canh gác nghiêm ngặt. Không có dấu hiệu nào của những vệ tinh theo dõi ẩn giấu sau những tán cây rậm rạp. Dana dừng xe lại trước một hàng rào dây thép gai cao khoảng hai mét rưỡi. Nàng nói tên và đưa bằng lái xe cho người lính bảo vệ có vũ trang tại bốt gác và được phép đi tiếp. Một phút sau nàng đến trước một cánh cổng điện có camera theo dõi. Nàng nói tên lần nữa và cánh cổng tự động mở ra. Nàng tiếp tục đi theo con đường dẫn tới một toà nhà màu trắng. Một người mặc thường phục gặp Dana ở bên ngoài toà nhà. - Để tôi đưa cô đến văn phòng tướng Booster, cô Evans. Họ vào thang máy riêng và lên tầng năm, đi dọc theo một hành lang dài dẫn đến một dãy văn phòng ở phía cuối. Họ bước vào một phòng tiếp tân lớn với hai bàn thư ký. Một người nói: - Tướng Booster đang đợi cô, cô Evans. Xin mời cô, phía bên tay phải. - Cô ta bấm một cái nút và cánh cửa mở ra. Dana thấy mình ở trong một văn phòng rộng rãi, tường và trần hoàn toàn cách âm. Tiếp nàng là một người đàn ông cao, gầy, khá hấp dẫn, trạc bốn mươi tuổi. Anh ta chìa tay cho Dana và nói với vẻ cởi mở: - Tôi là thiếu tá Jack Stone, phụ tá của tướng Booster. - Rồi anh ta chỉ người ngồi sau bàn làm việc. - Đây là tướng Booster! Victor Booster là ngườl Mỹ gốc Phi, gương mặt khắc khổ và cặp mắt màu đá vỏ chai. Cái đầu bóng lưỡng của ông ta như sáng lên dưới ánh sáng của trần nhà. - Mời cô ngồi, - ông ta nói. Giọng ông ta trầm và gồ ghề. Dana ngồi xuống. - Cảm ơn ông vì đã dành thời gian cho tôi, thưa tướng quân. - Cô nói buổi gặp này là vì Taylor Winthrop? - Vâng. Tôi muốn… - Cô đang xây dựng một câu chuyện về ông ấy à, cô Evans? - À, tôi… Giọng ông ta đanh lại: - Bọn phóng viên khốn nạn các người không thể để cho người chết được yên nghỉ sao? Các người chẳng khác gì một lũ sói chuyên sục mõm vào các xác chết. Dana lặng người vì choáng váng. Jack Stone trông có vẻ ngượng ngùng. Dana cố gắng kiềm chế bản thân. - Thưa ông Booster, tôi tin chắc là ông không hứng thú gì với việc sục mõm vào các xác chết. Tôi biết rõ về huyền thoại Taylor Winthrop. Tôi đang cố xây dựng bức tranh về con người của ông ấy. Tôi đánh giá cao tất cả những gì mà ông có thể cho tôi biết. Tướng Booster chồm người về phía trước. - Tôi không biết cô đang săn đuổi cái quái gì? nhưng tôi có thể cho cô biết một điều. Huyền thoại chính là con người. Khi Taylor Winthrop lãnh đạo FRA, tôi là nhân viên dưới quyền ông ta. Ông ta là người lãnh đạo cừ khôi nhất của tổ chức này. Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ ông ấy. Những gì xảy ra cho ông ta và gia đình là một tấn bi kịch mà tôi thậm chí hoàn toàn không hiểu nổi. - Vẻ mặt ông ta căng thẳng. - Nói thẳng là tôi không thích giới truyền thông, cô Evans ạ. Tôi đã xem chương trình của cô ở Sarajevo. Những bản tin bằng cả trái tim của cô chẳng giúp gì được cho chúng tôi cả. Dana cố gắng ngăn cơn giận của mình lại. - Tôi đến đó không phải để giúp ông, thưa tướng quân. Tôi đến đó để thuật lại những gì đang xảy ra với những người vô tội… - Thế nào cũng vậy thôi Taylor Winthrop là nhà chính khách lỗi lạc nhất mà đất nước này từng có. Đó là thông tin cho cô. - Cặp mắt ông ta gắn chặt vào nàng. - Nếu cô định xé toạc những hồi ức của ông ấy, cô sẽ thấy mình có thêm nhiều kẻ thù đấy. Để tôi cho cô một lời khuyên. Đừng tự chuốc lấy rắc rối, nếu không cô sẽ gặp rắc rối thật sự đấy. Đó là điều chắc chắn. Tôi cảnh cáo cô nên tránh xa địa ngục ra. Tạm biệt, cô Evans. Dana ngó sững ông ta, rồi đứng dậy. - Cảm ơn nhiều, thưa tướng quân. - Nàng bước ra khỏi văn phòng. Jack Stone vội vã chạy theo. - Để tôi đưa cô ra. Ở hành lang, Dana hít một hơi thở sâu và giận dữ nói: - Ông ta luôn luôn như vậy à? Jack Stone thở dài. - Tôi thay mặt ông ấy xin lỗi cô. Có lẽ ông ấy hơi thô lỗ một chút. Nhưng ông ta không cố ý đâu. Dana đay nghiến. - Thật à? Tôi có cảm giác là ông ta cố ý đấy. - Dù sao, vì những gì đã xảy ra, cho tôi xin lỗi. – Jack Stone nói. Anh ta định quay đi. Dana níu tay áo anh ta. - Khoan đã. Tôi muốn nói chuyện với anh. Mườì hai giờ rồi. Chúng ta đi ăn trưa ở đâu nhé! Jaek Stone liếc về phía văn phòng của tướng quân. - Cũng được. Quán Sholl s Colonial ở phố K, một giờ nữa! - Tuyệt quá. Cám ơn anh. - Đừng vội cám ơn tôi, cô Evans. Khi anh ta bước vào quán thì Dana đã ngồi chờ sẵn. Jack Stone đứng ở ngưỡng cửa một lúc để chắc chắn rằng không ai biết anh ta vào đây, rồi mới đi về phía bàn của Dana. - Tướng quân sẽ đánh què tôi nếu ông ấy biết tôi nói chuyện với cô. Ông ấy là người tốt. Ông ấy phải làm một công việc khó khăn đòi hỏi sự kín đáo và ông ấy đã rất xuất sắc ở cương vị của mình! - Anh ta lưỡng lự. - Tôi e là ông ấy không ưa gì giới truyền thông. - Tôi biết rồi, - Dana trả lời cộc lốc. - Tôi có vài điều phải làm rõ với cô, cô Evans. Nội dung cuộc nói chuyện này hoàn toàn không được ghi âm lại. - Tôi hiểu. Họ lấy đĩa và chọn thức ăn. Khi ngồi xuống, Jack Stone nói: - Tôi không muốn cô có ấn tượng sai lầm về tổ chức của chúng tôi. Chúng tôi là những người tốt. Chúng tôi làm việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển. - Tôi đánh giá cao chuyện đó. - Dana trả lời. - Tôi biết nói gì với cô về Winthrop bây giờ? Dana nói: - Tất cả những gì tôi có là những câu chuyện về một vị thánh. Ai cũng phải có một vài tì vết trong đời. - Ông ấy cũng vậy, - Jack Stone công nhận. - Để tôi cho cô biết những chuyện tốt trước. Hơn mọi người đàn ông mà tôi biết, Taylor Winthrop luôn quan tâm đến mọi người. - Anh ta ngừng lại. - ý tôi là thực sự quan tâm. Ông ấy nhớ ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm hôn nhân và tất cả những người làm việc dưới quyền ông đều yêu mến ông. Ông ấy có bộ óc sắc sảo và là người luôn biết giải quyết mọi vấn đề khó khăn. Và mặc dù bận trăm công ngàn việc thì trong tận cùng ông ấy vẫn là con người của gia đình. Ông ấy yêu vợ và các con mình. - Anh ta dừng lại. - Thế còn chuyện xấu? - Dana hỏi. Jack Stone miễn cưỡng trả lời. - Taylor Winthrop cực kỳ hấp dẫn đàn bà. Ông ấy rất lôi cuốn, lại đẹp trai, giàu có và có quyền lực. Đó là những điểm làm cho đàn bà khó cưỡng lại được. - Anh ta tiếp tục. - Vậy là cứ thỉnh thoảng, Taylor… lại sa ngã. Ông ấy có một vài chuyện tình, nhưng tôi có thể bảo đảm với cô rằng tất cả đều chỉ là qua đường và ông ấy luôn giữ chúng như một sự riêng tư. Ông ấy không bao giờ làm bất cứ điều gì tổn thương đến gia đình của mình. - Thiếu tá Stone, ông có nghĩ đến những ai có lý do gì đó để giết Taylor Winthrop và gia đình ông ta không? Jack Stone làm rơi chiếc thìa trong tay. - Cái gì? Cô Evans, cô đang ám chỉ rằng gia đình Winthrop bị ám sát à? - Tôi chỉ hỏi thôi, - Dana nói. Jack Stone lưỡng lự một lúc. Rồi anh ta lắc đầu. - Không, - anh ta nói - Nó không gợi lên một cái gì cả. Taylor Winthrop chưa từng làm hại một ai. Nếu cô nói chuyện với bất kỳ một người bạn hoặc đồng sự nào của ông ấy, cô sẽ biết rõ chuyện đó. - Để tôi cho anh biết tôi đã thu thập được cái gì, - Dana nói. - Taylor Winthrop là… Jack Stone giơ tay lên. - Cô Evans, tôi biết càng ít thì càng tốt. Tôi đang cố tránh cho xa vụ rắc rối này. Đó là cách tốt nhất tôi có thể giúp cho cô nếu cô hiểu ý tôi. Dana bối rối nhìn anh ta. - Tôi không hiểu lắm… - Nói thật với cô, vì lợi ích của cô, tôi mong cô nên bỏ qua tất cả. Nếu không, cô phải cẩn thận. - Rồi anh ta đứng dậy và bỏ đi. Dana ngồi đó, nghĩ về những gì nàng vừa nghe. Vậy là Taylor Winthrop không có kẻ thù. Có thể mình đã bắt đầu vụ này từ một khía cạnh sai lầm. Nếu không phải kẻ thù của Taylor Winthrop muốn ông ta phải chết thì sao? Chuyện gì nếu đó là kẻ thù của một trong nhũng đứa con ông ta? Hay vợ ông ta? Dana kể cho Jeff nghe về bữa trưa với thiếu tá Jack Stone. - Thú vị quá. Bây giờ thì sao? - Em muốn nói chuyện với một số người biết rõ về những đứa con của Taylor Winthrop. Paul đã đính hôn với một cô gái tên là Harriet Berk. Họ ở cùng nhau đã gần một năm nay. - Anh nhớ là đã đọc tin tức về họ, - Jeff nói. Anh lưỡng lự. - Em yêu, em biết rằng anh luôn ủng hộ em một trăm phần trăm… - Dĩ nhiên, Jeff! - Nhưng nếu em nhầm lẫn trong vụ này thì sao? Rắc rối sẽ xảy ra. Em định dành bao nhiêu thời gian cho nó đây? - Sẽ không nhiều đâu, - Dana hứa. - Em chỉ định kiểm tra một chút thôi mà. * * * * * Harriet Berk sống trong một căn hộ đôi lịch sự ở phía tây bắc Washington. Cô ta có vóc dáng mảnh mai, tóc vàng, độ ba mươi tuổi, nụ cười hấp dẫn có pha lẫn vẻ bồn chồn. - Cảm ơn vì đã gặp tôi, - Dana nói. - Tôi cũng không chắc tại sao tôi lại gặp cô, cô Evans. Cô nói cô có vài điều liên quan đến Paul. - Vâng. - Dana thận trọng tìm từ ngữ thích hợp. - Tôi không muốn tìm hiểu về đời tư của cô, nhưng cô và Paul đã đính hôn và chuẩn bị tổ chức hôn lễ. Tôi tin chắc rằng cô là người hiểu anh ấy hơn bất kỳ một ai khác. - Tôi cũng muốn nghĩ thế. - Tôi mong được biết thêm vài điều về anh ấy, rằng anh ấy thực sự là con người thế nào. Harriet Berk im lặng một lát. Khi nói, giọng cô ta trở nên dịu dàng hơn. - Paul không giống những người đàn ông khác mà tôi từng quen biết. Cuộc sống của anh ấy thực sự hứng thú. Anh ấy tốt bụng và chu đáo với mọi người. Có thể anh ấy còn rất vui tính nữa. Paul không bao giờ tỏ ra quá nghiêm trang. Bao giờ anh ấy cũng vui vẻ với những người xung quanh. Chúng tôi đã dự định kết hôn vào tháng Mười này. - Cô ta dừng lại. - Khi biết tin Paul qua đời vì tai nạn, tôi… tôi cảm thấy như cuộc đời mình đã kết thúc. - Cô ta nhìn Dana và nói khẽ, - Tôi thực sự cảm thấy như vậy. - Tôi rất tiếc, - Dana nói. - Tôi không muốn đòi hỏi nhiều, nhưng quả thật cô có biết ai có lý do muốn giết anh ấy không? Harriet nhìn nàng và mắt cô ta chợt đẫm lệ. - Giết Paul ư? - Giọng cô ta nghẹn lại. - Nếu cô biết anh ấy, cô sẽ không bao giờ phải hỏi tôi như vậy. Cuộc nói chuyện tiếp theo của Dana là với Steve Rexford, người quản gia của Julie Winthrop. Ông ta ở độ tuổi trung niên, lịch sự như một người Anh. - Tôi có thể giúp gì cho cô, cô Evans? - Tôi muốn hỏi ông vài điều về Julie Winthrop. - Vâng, thưa cô. - Ông làm việc cho cô ấy được bao lâu rồi? - Bốn năm và chín tháng. - Cô ấy như thế nào? Ông ta mỉm cười với vẻ hồi tưởng. - Cô ấy cực kỳ dễ chịu, là một phụ nữ đáng yêu ở mọi phương diện. Tôi… tôi không thể tưởng tượng nổi khi biết tin cô ấy qua đời vì tai nạn. - Julie Winthrop có kẻ thù nào không? Ông ta cau mày. - Xin cô nhắc lại? - Cô Winthrop có dính dáng với ai mà cô ấy có thể… phụ bạc? Hay ai đó có thể muốn làm hại cô ấy hoặc gia đình cô ấy? Steve Rexford chậm rãi lắc đầu. - Cô Julie không phải hạng người như vậy. Cô ấy không biết làm hại một ai cả. Cô ấy rất hào phóng với thời gian và tiền bạc của mình. Tất cả mọi người đều yêu quý cô ấy. Dana nhìn ông ta một lát. Ông ta cũng nói vậy. Tất cả bọn họ đều nói vậy. Mình đang làm cái quái gì đây. Dana tự hỏi. Mình cảm thấy mình như là Dona Quixote. Chỉ có điều là ở đây không có cối xay gió thôi. * * * * * Morgan Ormond, giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Georgetown, là người tiếp theo trong danh sách của Dana. - Tôi biết cô muốn hỏi tôi về Gary Winthrop? - Vâng. Tôi thắc mắc… - Cái chết của ông ấy là một sự mất mát lớn lao. Đất nước của chúng ta đã mất đi người bảo trợ nghệ thuật vĩ đại nhất. - Ông Ormond, có phải có một sự cạnh tranh ngầm rất lớn trong thế giới nghệ thuật? - Cạnh tranh? - Tức là có chuyện xảy ra khiến vài người cùng theo đuổi một công việc nghệ thuật phải… - Dĩ nhiên. Nhưng với ông Winthrop thì không. Ông ấy có một bộ sưu tập cá nhân tuyệt vời, mà ông ấy lại rất hào phóng với các viện bảo tàng. Không chỉ với riêng viện bảo tàng này mà còn với các bảo tàng trên toàn thế giới. Tham vọng của ông ấy là mang nghệ thuật đến cho tất cả mọi người. - Ông có biết một kẻ thù nào mà ông ấy… - Gary Winthrop? Không bao giờ, không bao giờ. Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Dana là với Rosalind Lopez, đã làm người hẩu cho Madeline Winthrop suốt mười lăm năm. Bây giờ bà ta đang cùng chồng đứng ra kinh doanh thực phẩm. - Cảm ơn vì đã gặp tôi, bà Lopez. - Dana nói. - Tôi muốn nói chuyện với bà về Madeline Winthrop. - Người phụ nữ tội nghiệp. Bà ấy… bà ấy là người tốt nhất mà tôi từng được biết. Lại là những âm thanh của một cuộn băng hỏng, Dana nghĩ. - Bà ấy chết thật thê thảm quá. - Vâng! - Dana đồng ý. - Bà đã ở bên bà ấy khá lâu phải không? - Vâng, thưa cô. - Bà có biết bà ấy có thể làm ra chuyện gì xúc phạm đến ai đó hoặc gây thù chuốc oán với ai không? Rosalind Loped nhìn Dana với vẻ ngạc nhiên. - Kẻ thù? Không, thưa cô. Tất cả đều yêu quý bà ấy. Đúng là cuộn băng hỏng, Dana quyết định. Trên đường về văn phòng, Dana nghĩ, mình cho là mình đã nhầm. Cho dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa thì cái chết của họ cũng chỉ là ngẫu nhiên mà thôi. Dana vào gặp Matt Baker. Abbe Lasmann lên tiếng chào nàng. - Chào, Dana. - Matt đang chờ tôi chứ? - Vâng, cô cứ vào đi. Matt Baker ngước lên khi Dana bước vào. - Sherlock Holmes, hôm nay thế nào? - Không được gì, Watson thân mến ạ. Tôi đã nhầm rồi. Chẳng có câu chuyện nào cả. Chương 05 Cú điện thoại của Eileen, mẹ Dana, đến một cách thật bất ngờ. - Dana, con yêu. Mẹ có một tin cực kỳ hấp dẫn cho con đây! - Vâng, tin gì hả mẹ? - Mẹ chuẩn bị kết hôn. Dana sững sờ. - Gì cơ ạ? - Ừ Mẹ đến Westport, Conneeticut để thăm một người bạn và bà ấy đã giới thiệu mẹ với người đàn ông đáng yêu này. - Mẹ… mẹ làm con run hết cả lên. Chuyện này thật tuyệt. - Ông ấy… ông ấy thật… - Bà cười khúc khích. - Mẹ không thể tả được nhưng tóm lại là ông ấy thật đáng yêu. Rồi con cũng sẽ thích ông ấy cho mà xem. Dana nói với vẻ thận trọng. - Mẹ quen ông ấy bao lâu rồi? - Đủ lâu để hiểu về nhau, con ạ. Hai người thật hoàn hảo trong mắt nhau. Mẹ may mắn quá. - Ông ấy có công ăn việc làm chứ? - Dana hỏi. - Đừng có hỏi như ông ngoại con thế. Dĩ nhiên là có. Một nhà kinh doanh bảo hiểm thành đạt. Tên ông ấy là Peter Tomkins. Ông ấy có một căn nhà tuyệt vời ở Westport, và mẹ rất mong con và Kimbal đến đây gặp mặt ông ấy. Con sẽ đến chứ? - Dĩ nhiên là con sẽ đến. Nhưng Kemal chứ không Kimbal, mẹ lại quên rồi. - Peter cũng rất nóng lòng muốn được gặp con. Ông ấy đã cho tất cả mọi người biết con nổi tiếng đến thế nào. Con có chắc chắn sẽ tới không? Cả Kim… à, Kemal nữa? - Chắc. - Cuối tuần này Dana được nghỉ nên không có vấn đề gì. - Kemal và con cũng đang mong chờ ngày đó. Khi Dana tới đón Kemal tan học, nàng nói: - Cháu sắp được gặp bà rồi. Chúng ta sắp trở thành một gia đình thật sự, cháu ạ. - Dope. Dana mỉm cười. - Dope nghĩa là đúng. Sáng sớm ngày thứ bảy, Dana lái xe xuống Connecticut cùng Kemal. Nàng trông mong ở chuyến đi này một tín hiệu tốt. - Chuyện này thật tuyệt diệu cho tất cả mọi người. Dana quả quyết với Kemal. Ông bà nào cũng muốn có cháu để chăm sóc. Vậy là cháu sẽ có thể thỉnh thoảng đến ở cùng với họ. Kemal hồi hộp hỏi: - Cô cũng sẽ ở đấy chứ? Dana siết chặt tay nó. - Cô sẽ ở đấy. Peter Tomkins sống trong một căn nhà đẹp đẽ trên đường Blind Brook, nơi có một dòng suối nhỏ chảy dọc theo. - Ồ thật là tuyệt vời, - Kemal nói. Dana xoa đầu Kemal. - Cô mừng là cháu đã thích nó. Chúng ta sẽ còn thường xuyên tới đây. Cửa trước của căn nhà đã rộng mở và Eileen Evans đang đứng đó. Những đường nét son trẻ vẫn còn phảng phất đâu đó như dấu vết của một thời thanh xuân, nhưng những dấu hiệu của tuổi già đã hằn sâu trên khuôn mặt bà. Sắc đẹp của bà giờ đây đã chuyển hết sang Dana. Đứng sau Eileen là một người đàn ông trung niên, có gương mặt thân thiện cộng với nụ cười rộng hết cỡ. Eileen chạy về phía trước và nắm lấy tay nàng. - Dana, anh yêu! Còn đây là Kimbal! - Mẹ… Peter Tomkins lên tiếng: - Vậy đây là cô Dana Evans nổi tiếng? Tôi đã kể cho tất cả các khách hàng của tôi về cô. - Ông ta quay sang Kemal. - Và đây là cậu nhóc. - Ông ta nhìn vào chỗ cánh tay bị mất. - Này, em không cho anh biết nó là thằng què! Dana lặng người đi. Nàng đã thấy sự căm phẫn trên gương mặt Kemal. Peter Tomkins lắc đầu. - Nếu nó mua bảo hiểm ở công ty tôi trước khi chuyện này xảy ra thì bây giờ nó đã giàu to rồi. - Ông ta tiến gần ra phía cửa. - Xin mời vào! Chắc là hai người đói rồi. - Không hề, - Dana xẵng giọng. Nàng quay sang Eileen. - Con xin lỗi mẹ. Kemal và con sẽ về Washington. - Mẹ xin lỗi, Dana. Mẹ… - Con cũng vậy. Con hy vọng mẹ không mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Chúc mẹ một đám cưới vui vẻ. - Dana… Mẹ Dana thất vọng nhìn nàng và Kemal bước lên xe và đi khỏi. Peter Tomkins ngạc nhiên nhìn theo hai người. - Này, anh đã nói gì vậy? Eileen Evans thở dài. - Không có gì cả, Peter, không gì cả. Kemal im lặng trên suốt quãng đường về nhà. Dana liếc nhìn nó hết lần này đến lần khác. - Cô xin lỗi cháu. Có những người bất lịch sự như vậy đấy. - Ông ấy nói đúng, - Kemal chua chát trả lời. - Cháu mãi mãi chỉ là một thằng què thôi. - Cháu không phải là thằng què, - Dana giận dữ nói. - Người ta không xét đoán người khác qua việc thân hình họ như thế nào. - Thế à? Vậy cháu như thế nào? - Cháu là một người sống sót. Và cô tự hào về cháu. Cháu biết không, ông ta chỉ nói đúng có một điều duy nhất là cô đang đói. Cô đoán là cháu sẽ không thích lắm, nhưng cô đã thấy một cửa hàng Mc Donald ở đằng trước rồi. Kemal cười: - Thật là kinh hoàng. Sau khi cho Kemal ngủ, Dana vào phòng khách ngồi nghĩ ngợi. Nàng bật TV lên và tìm kênh tin tức. Người ta vẫn đang theo đuổi những câu chuyện về cái chết của Gary Winthrop. "Hy vọng rằng trên chiếc xe tải bị đánh cắp sẽ mang lại một vài dấu vết nhận dạng của hung thủ… "Hai viên đạn súng Beretta. Cảnh sát đang kiểm tra tất cả các cửa hàng súng ống để… "Và vụ ám sát Gary Winthrop ở trong khu tây bắc sang trọng đã chứng tỏ rằng không ai là… Có điều gì đó ở sâu trong tâm trí Dana làm cho nàng không yên. Nàng trằn trọc hàng tiếng đồng hồ trước khi ngủ được. Sáng hôm sau, khi thức giấc, nàng chợt nhận ra đó là cái gì. Tiền và đồ trang sức vẫn còn nguyên vẹn. Tại sao bọn giết người lại không lấy. Dana ngồi dậy, pha một cốc cà phê, trong đầu cố nhớ lại những gì chánh thanh tra cảnh sát Burnett đã nói. "Ông có danh sách những bức tranh bị mất không? "Có. Chúng rất nổi tiếng. Danh sách này đã được chuyển tới các viện bảo tàng, các nhà kinh doanh nghệ thuật, các nhà sưu tập. Lúc những bức tranh này xuất hiện cũng là lúc vụ án này được giải quyết. Bọn trộm phải biết rõ rằng những bức tranh này không thể dễ dàng đem ra bán. Dana nghĩ, tức là có thể một nhà sưu tập giàu có đã sắp xếp vụ này để giữ chúng làm của riêng. Nhưng tại sao một người như thế lại đặt mình vào tay hai tên lưu manh khát máu. * * * * * Sáng thứ hai khi Kemal thức giấc, Dana chuẩn bị bữa sáng và đưa nó đến trường. - Chúc cháu một ngày lành. - Chào cô, Dana. Dana nhìn theo Kemal đi vào trường, rồi lái xe đến trụ sở cảnh sát trên đại lộ Indiana. Tuyết lại rơi và cơn gió vô tình giật tung mọi thứ trên đường đi của nó. Thanh tra Phoenix Wilson, người phụ trách vụ án Gary Winthrop có vẻ khinh khỉnh với vài vết sẹo để chứng tỏ mình đã có được địa vị hôm nay bằng cách nào. Ông ta ngước lên khi Dana bước vào văn phòng. - Không phỏng vấn gì cả, - ông ta gầm gừ. - Nếu có thông tin gì mới về vụ Winthrop, cô sẽ được biết ở buổi họp báo cùng những người khác. - Tôi không đến để hỏi về chuyện đó, - Dana trả lời. Cặp mắt ông ta trở nên ngờ vực: - Ồ, thật sao? - Thật vậy. Tôi chỉ hứng thú với những bức tranh bị mất. Tôi chắc là ông có bản danh sách của chúng. - Vậy thì sao? - Tôi có thể lấy bản copy không? Thanh tra Wilson hỏi với vẻ nghi ngờ. - Tại sao? Cô đang nghĩ gì vậy? - Tôi muốn biết xem bọn giết người đã lấy đi những gì. Có thể tôi sẽ đưa chúng lên bản tin. Thanh tra Wilson nhìn Dana một lát. - Một ý kiến không tồi. Những bức tranh này càng được nhiều người biết bao nhiêu thì bọn giết người sẽ có ít cơ hội đem bán chúng bấy nhiêu. - Ông ta đứng dậy. - Bọn chúng lấy đi mười hai bức và còn để lại rất nhiều. Tôi cho là bọn chúng lười không muốn mang đi nữa. Để tôi lấy bản copy cho cô. Ông ta trở lại sau vài phút và đưa hai bản copy cho Dana. - Đây là những bức bị lấy đi. Đây là những bức khác. Dana bối rối nhìn ông ta. - Những bức khác nào? - Tất cả tranh của Gary Winthrop, bao gồm cả những bức mà bọn trộm bỏ lại. - Ồ, cảm ơn sự giúp đỡ của ông. Dana kiểm tra ngay hai bản danh sách khi vừa bước chân ra ngoài hành lang. Thứ mà nàng đang xem quả là khó hiểu. Nàng đi ra. ngoài bầu không khí lạnh cóng, hướng về phía Christie s, nhà bán đấu giá nổi tiếng thế giới. Tuyết rơi mỗi ngày một dầy và đám đông đang vội vã kết thúc việc mua bán cho lễ Giáng sinh để trở về với mái nhà ấm cúng của mình. Khi Dana đến nơi, người quản lý của Christie s nhận ra cô ngay lập tức. - Ồ! Thật là vô cùng hân hạnh, cô Evans. Chúng tôi có thể giúp gì cho cô? Dana giải thích: - Tôi có hai danh sách các bức tranh. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông vui lòng cho tôi biết giá trị của chúng. - Dĩ nhiên. Đó là vinh dự của chúng tôi. Xin mời cô, lối này… Hai giờ sau, Dana ngồi trong văn phòng của Matt Baker. - Có một cái gì đó rất lạ lùng đang diễn ra, - Dana bắt đầu. - Chúng ta sẽ không trở lại với giả thuyết âm mưu của cô nữa chứ? - Ông nói đi. - Dana đưa cho Matt bản danh sách dài hơn. - Đây là tất cả những tác phẩm nghệ thuật mà Gary Winthrop sở hữu. Tôi vừa mới nhờ nhà Christie s định giá chúng xong. Matt Baker liếc qua một cái. - Này, tôi thấy nhiều tên tuổi kiệt xuất quá. Vincent Van Gogh, Hals, Matisse, Monet, Picasso, Manet. - Ông ta ngước lên. - Vậy thì sao? - Bây giờ thì xem bản này, - Dana nói. Nàng đưa cho Matt bản ngắn hơn, là danh sách các bức tranh bị đánh cắp. Matt đọc to chúng lên. - Camille Pissaro, Marie Laurencin, Paul Klee, Maurice Utrillo, Henri Lebasque. Ý của cô là gì? Dana chậm rãi nói. - Rất nhiều bức trong danh sách đầy đủ kia đáng giá đến hơn chục triệu đôla. - Nàng ngừng lại. - Hầu hết số tranh bị đánh cắp chỉ đáng giá khoảng trên dưới hai trăm ngàn đôla một bức. Matt Baker chớp mắt. - Bọn trộm chỉ lấy số tranh có giá trị thấp thôi à? - Đúng vậy. - Dana nhô người về phía trước. - Matt, nếu bọn chúng là ăn trộm chuyên nghiệp, chúng sẽ lấy tiền và đồ trang sức. Chúng ta đang giả thuyết rằng có ai đó thuê chúng đến lấy những bức tranh có giá trị. Nhưng theo danh sách này thì bọn chúng chẳng hiểu biết gì về nghệ thuật cả. Vậy tại sao bọn chúng vẫn được thuê? Gary Winthrop không hề có vũ khí trong tay. Tại sao chúng phải giết anh ta? - Cô đang nói rằng vụ trộm chỉ là nguỵ trang còn mục đích chính là giết người? - Đó là lời giải thích duy nhất tôi có thể nghĩ đến. Matt nuốt khan. - Chúng ta hãy kiểm tra vấn đề này. Cứ cho rằng Taylor Winthrop có gây thù chuốc oán với ai đó và bị giết… Vậy tại sao họ lại còn phải giết hết cả gia đình ông ta? - Tôi không biết, - Dana trả lời. - Đó là những gì tôi muốn tìm hiểu. * * * * * Bác sĩ Armand Deutsch là một trong những chuyên gia tâm thần học đáng kính nhất ở Washington, một người đàn ông đường bệ ở tuổi bảy mươi, vầng trán rộng và cặp mắt xanh biếc. Ông ta liếc lên khi Dana bước vào. - Cô Evans? - Vâng. Rất vui vì ông đã đồng ý gặp tôi, thưa bác sĩ. - Vấn đề mà tôi đang cần đến sự giúp đỡ của ông quả thật rất quan trọng! - Chuyện gì mà quan trọng đến thế? - Ông đã biết về những cái chết trong gia đình Winthrop rồi chứ? - Dĩ nhiên. Một tấn bi kịch kinh khủng. Quá nhiều tai nạn xảy ra. - Nếu đó không phải là tai nạn thì sao? - Dana hỏi. - Cái gì? Cô đang nói cái gì? - Có thể là tất cả bọn họ đều bị mưu sát. - Mưu sát gia đình Winthrop? Chuyện này có vẻ bất bình thường. - Nhưng cũng có thể đấy. - Cái gì đã làm cô nghĩ vậy? - Chỉ… chỉ là linh cảm, - Dana thừa nhận. - Tôi hiểu, linh cảm. - Bác sĩ Deutsch nhìn nàng. - Tôi đã xem bản tin của cô từ Sarajevo. Cô đúng là một phóng viên xuất sắc. - Cám ơn ông. Bác sĩ Deutsch tì khuỷu tay lên mặt bàn, cặp mắt xanh của ông ta chiếu thẳng vào nàng. - Vậy thì, cách đây không lâu, cô còn ở giữa một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Đúng không? - Đúng. - Tường thuật về những người bị cưỡng hiếp, bị giết, những em bé chết thảm… Dana lắng nghe, vẻ thận trọng. - Rõ ràng là cô đã bị stress nặng. Dana nói: - Đúng. - Cô trở về được bao lâu rồi? Năm hay sáu tháng? - Ba tháng, - nàng trả lời. Ông ta gật đầu thoả mãn. - Không đủ thời gian để hoà nhập lại với cuộc sống dân sự, phải không? Nhất định là cô đã gặp nhiều cơn ác mộng về những vụ giết người mà cô chứng kiến và bây giờ trong tiềm thức cô đang hình dung… Dana ngắt lời ông ta. - Thưa bác sĩ, tôi không bị hoang tưởng. Tôi không có bằng chứng, nhưng tôi có lý do để tin rằng những cái chết trong gia đình Winthrop không phải là tai nạn ngẫu nhiên. Tôi đến đây gặp ông vì tôi hy vọng rằng ông có thể giúp được cho tôi. - Giúp cô? Bằng cách nào? - Tôi cần một động lực. Động lực nào khiến cho người ta có thể ra tay huỷ diệt cả một gia đình? Bác sĩ Deutsch nhìn Dana rồi nhịp ngón tay. - Có nhiều tiền lệ cho những vụ bạo lực kiểu này. Những mối thù truyền kiếp… sự trả thù. Ở Italy, mafia cũng hay thanh toán cả một gia đình. Hoặc là có thể liên quan đến ma tuý. Hoặc là vụ trả thù cho một tấn bi kịch nào đó mà gia đình này gây ra. Hoặc có thể là một kẻ tâm thần nào đó không có động lực gì… - Tôi không nghĩ vụ này ở trong những trường hợp đó! - Dana nói. - Vậy thì chỉ còn một động cơ xưa nhất trái đất - tiền. "Tiền…" Dana cũng đã nghĩ đến vấn đề này. * * * * * Walter Calkin, người đứng đầu công ty luật Calkin, Taylor & Anderson, làm luật sư cho gia đình Winthrop từ hơn hai mươi lăm năm. Ông ta đã cao tuổi, bị bệnh viêm khớp, nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn, trái ngược hẳn với thân thể bạc nhược của mình. Ông ta nhìn Dana một lát. - Cô bảo với thư ký của tôi rằng cô muốn gặp tôi để nói chuyện về tài sản của nhà Winthrop!. - Vâng! Ông ta thở dài. - Tôi thật không tin nổi những gì xảy ra cho gia đình tuyệt vời đó. Thật không thể tin nổi. - Tôi biết rằng ông đang quản lý tài sản và tài chính của gia đình họ. - Dana nói. - Đúng vậy. - Ông Calkin, năm ngoái tài chính của họ có gì bất thường không? Ông ta nhìn Dana với vẻ kỳ lạ. - Bất thường theo ý nghĩa nào? Dana cẩn thận trả lời: - Thật là khó nói nhưng liệu ông có biết một thành viên trong gia đình bị… bị tống tiền chẳng hạn? Một khoảnh khắc im lặng. - Ý của cô là liệu tôi có biết không, nếu họ cứ đều đặn trả một khoản tiền lớn cho một người nào đó? - Vậy có trường hợp nào như thế không? - Dana tiếp tục. - Không hề. Tôi cho rằng cô đang tiến hành một trò chơi ngu xuẩn rồi đấy. Tôi phải nói rằng chuyện này hoàn toàn lố bịch. - Nhưng tất cả bọn họ đã chết. - Dana nói. - Và tài sản của họ thì trị giá hàng tỷ đôla. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông nói ra ai sẽ được thừa hưởng số tiền đó. Nàng nhìn ông luật sư già lấy lọ thuốc ra, uống một viên. - Cô Evans, chúng tôi không bao giờ tiết lộ tin tức của thân chủ. - Ông ta lưỡng lự. - Nhưng trong trường hợp này, dù sao thì tôi thấy cũng không có hại gì, bởi vì ngày mai chuyện này cũng sẽ được công khai với báo chí. Vậy thì chỉ còn một động cơ xưa nhất trái đất tiền. Walter Calkin nhìn Dana. - Cùng với cái chết của Gary Winthrop, người cuối cùng trong gia đình… - Vâng? - Dana thấy mình như ngừng thở.- Tài sản của gia đình Winthrop được cống hiến cho hội từ thiện. Chương 06 Ai nấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho bản tin cuối. Dana ngồi ở bàn đọc trong phòng thu A, tranh thủ xem lại những thay đổi cuối cùng cho phần tin tức. Những tập tin trong cả ngày đã được dồn hết về đây để nghiên cứu xem nên dùng cái nào, bỏ cái nào. Ngồi cạnh Dana là Jeff Connors và Richard Melton. Anastasia Mann bắt đầu đếm ngược 3-2-1 và kết thúc bằng cách giơ ngón tay trỏ lên. Đèn đỏ của máy quay bật sáng. Giọng của phát thanh viên vang lên. "Đây là bản tin trực tiếp lúc mười một giở trên WTN của Dana Evans" - Dana mỉm cười với chiếc máy quay - "và Richart Melton". - Melton nhìn vào máy quay và gật đầu. Jeff Connors với phần thể thao và Marvin Greer với mục dự báo thời tiết. Dana nhìn vào máy quay. "Xin chào quý vị và các bạn. Tôi là Dana Evans". Richard Melton mỉm cười. "Và tôi là Richard Melton". Dana đọc từ chiếc máy phóng đại chữ. - Sau đây là phần tin hình sự. Sẩm tối hôm nay cảnh sát đã kết thúc vụ đuổi bắt hai tên tội phạm gây ra vụ cướp tại một tiệm rượu ở khu kinh doanh trong thành phố. "Bật băng một". Trên màn hình bây giờ là cảnh phía bên trong một chiếc máy bay trực thăng. Người cầm lái chiếc trực thăng của WTN là Norman Bronson, nguyên là một phi công thuộc thuỷ quân lục chhiến. Bên cạnh ông ta là Alyce Barker. Góc máy thay đổi. Trên mặt đất phía dưới là ba chiếc xe cảnh sát đang bao vây một chiếc xe mui kín bị đâm vào gốc cây. Alyce Barker nói: - Cuộc rượt đuổi bắt đầu khi hai người đàn ông đi vào cửa hàng rượu Haley trên đại lộ Pennsylvania và đe doạ người bán hàng. Ông ta chống cự lại và nhấn nút báo động cho cảnh sát. Bọn cướp bỏ chạy nhưng đã bị cảnh sát truy đuổi suốt bốn dặm đường cho đến khi xe của chúng đâm vào gốc cây. Toàn bộ cuộc rượt đuổi đã được ghi lại nhờ chiếc trực thăng của đài. Dana nhìn vào màn hình và nghĩ thầm: Điều hay nhất Matt đã làm là thuyết phục Elliot mua chiếc trực thăng mới này. Nó giúp cho việc lấy tin trở nên cập nhật hơn bao giờ hết. Tiếp theo ba đoạn tin khác, đạo diễn ra dấu cho nghỉ. - Chúng tôi sẽ quay lại sau phần quảng cáo - Dana nói. Phần quảng cáo bắt đầu. Richard Melton quay sang Dana: - Cô nhìn ra ngoài xem kìa. Một cô điếm đang đứng ở đó. - Tôi thấy rồi. - Dana cười. - Người dẫn chương trình thời tiết của chúng ta sắp sửa nhận được hàng đống thư chê bai cho mà xem. Đèn đỏ ở máy quay lại bật sáng. Chữ lại tiếp tục chạy trên chiếc máy phóng đại chữ. Dana bắt đầu đọc: - Nhân dịp năm mới tôi… - Nàng dừng lại, sững sờ khi nhìn thấy phần chữ còn lại. Chúng là… muốn chúng tôi sẽ kết hôn. Chúng tôi sẽ có lý do kép để chào mừng mỗi dịp năm mới đến. Jeff đang đứng cạnh chíec máy, nở một nụ cười rất tươi. Dana nhìn vào máy quay và lúng túng nói. - Vâng… ta tạm dừng cho phần quảng cáo. - Đèn đỏ tắt. Dana đứng lên: - Jeff. Họ đến gần và ôm chầm lấy nhau. - Em nói gì? Anh hỏi. Nàng ôm anh chặt hơn và thì thầm. "Vâng". Tiếng vỗ tay của mọi người trong phòng thu vang lên rộn rã. Khi bản tin kết thúc và chỉ còn hai người với nhau, Jeff nói: - Em yêu, em muốn như thế nào? Đám cưới to, đám cưới nhỏ hay đám cưới vừa vừa? Dana đã nghĩ về đám cưới của mình từ hồi còn bé tí. Nàng hình dung ra mình thật lộng lẫy trong bộ đồ cưới trắng muốt với đoàn người tháp tùng dài dằng dặc. Trong những bộ phim nàng đã xem, thú vị nhất bao giờ cũng là lúc chuẩn bị cho hôn lễ… danh sách khách mời… chọn lựa nơi tổ chức tiệc… trang điểm cô dâu… nhà thờ… Tất cả bạn bè nàng sẽ có mặt, cả mẹ nàng nữa. Đó sẽ là ngày tuyệt vời nhất trong đời nàng. Và bây giờ nó đã trở thành hiện thực. Jeff nói: - Dana…? - Anh đang đợi câu trả lời của nàng. Nếu mình tổ chức đám cưới to, Dana nghĩ, mình sẽ phải mời mẹ và ông chồng của mẹ. Vì Kemal, mình không thể làm thế được. - Mình bí mật tổ chức đi, - Dana nói. Jeff ngạc nhiên, nhưng anh vẫn gật đầu. - Nếu đó là điều em muốn, thì cũng là điều anh muốn! Kemal rất xúc động khi nghe tin này. - Ý của cô là chú Jeff sẽ đến ở cùng chúng ta. - Đúng vậy. Chúng ta sẽ chung sống với nhau: Cháu sẽ có một gia đình thật sự, cháu yêu ạ. - Dana ngồi với Kemal cả tiếng đồng hồ sau đó, say sưa bàn chuyện tương lai của họ. Ba người họ sẽ sống cùng nhau, đi chơi cùng nhau và chỉ cùng nhau mà thôi. Ôi cái từ thần diệu biết bao. * * * * * Khi Kemal đã ngủ, Dana về phòng mình và bật máy tính lên. Căn hộ. Chúng ta cần có hai phòng ngủ, hai phòng tắm, phòng khách, bếp, phòng ăn, và có thể là một phòng làm việc và một phòng học. Chuyện này cũng không quá khó. Dana nghĩ đến căn nhà trống không của Gary Winthrop và đầu nàng rộn lên nhiều câu hỏi. Đêm đó đã thật sự xảy ra chuyện gì? Ai đã tắt hệ thống báo động? Không tìm thấy dấu hiệu bị đột nhập, vậy bọn trộm vào bằng cách nào? Và những ngón tay của nàng vô tình gõ chữ Winthrop lên bàn phím. Cái quái gì thế này? Dana trông thấy những thông tin quen thuộc hiện ra. Địa phương - Hoa Kỳ - Washington D.C - Chính phủ - Chính trị - Cơ quan nghiên cứu - Liên bang. Winthrop, Taylor - đã làm Đại sứ ở Nga và đàm phán thương mại quan trọng với Italy… Winthrop, Taylor - tỷ phú tự thành đạt. Taylor Winthrop cống hiến bản thân để phục vụ đất nước… Winthrop, Taylor - Gia đình Winthrop thành lập các quỹ từ thiện để giúp đỡ các trường học, thư viện, các chương trình nội thành… Có đến năm mươi tư trang web khác nhau về gia đình Winthrop. Dana đã định chuyển sang phần nhà ở thì nàng chợt bắt gặp một đoạn tin. Winthrop, Taylor - Kiện tụng. Joan Sinisi, nguyên thư ký của Taylor Winthrop, lập hồ sơ kiện rồi sau bãi nại. Dana đọc lại lần nữa. Kiện tụng kiểu gì? Nàng thắc mắc. Nàng chuyển sang vài trang web khác về Winthrop, nhưng chẳng có gì liên quan đến kiện tụng cả. Dana gõ Joan Sinisi. Không có thông tin phản hồi. - Kênh bảo mật à? - Vâng. - Tôi muốn có hồ sơ về chủ đề trên những trang web của Winthrop. - Chúng tôi sẽ làm ngay. Sáng hôm sau, Dana đến văn phòng sau khi đưa Kemal tới trường, nàng xem qua niên giám điện thoại Washington. Không có Joan Sinisi. Nàng kiểm tra niên giám của bang Maryland… bang Virginia… Vẫn thế. Bà ta có thể đã chuyển đi. Dana đoán chắc. Tom Hawkins, người sản xuất chương trình, đi vào phòng của Dana. - Tối qua chúng ta lại đánh bại các đối thử. - Tuyệt. - Dana nghỉ một lát. - Tom, anh có quen ai làm ở công ty điện thoại không? - Có. Cô cần điện thoại à? - Không. Tôi chỉ muốn tìm một số điện thoại không có trong niên giám. Anh xem có thể kiểm ra được không? - Tên gì vậy? - Sinisi. Joan Simsi. Anh ta cau mày. - Sao cái tên này nghe quen quá vậy? - Bà ấy dính vào một vụ kiện với Taylor Winthrop. - À, tôi nhớ rồi. Khoảng một năm trước. Lúc đó cô đang ở Nam Tư. Tôi cứ đinh ninh đó sẽ là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng không ngờ nó lại chìm đi rất nhanh. Có thể cô ta đang sống đâu đó ở châu u, nhưng tôi sẽ cố tìm cho ra. Mười lăm phút sau, Olivia Watkin gọi: - Tom đang ở đầu dây. - Tom? - Joan Sinisi vẫn ở Washington. Tôi đã có số điện thoại của cô ta đây. - Tuyệt, - Dana nói. Nàng cầm bút lên. - Anh đọc đi. - Năm - năm - năm - hai - sáu - chín - không. - Cám ơn anh. - Cô khách sáo quá. Cửa văn phòng bật mở và Dean Ulrich, Robert Fenwick và Maria Toboso, ba biên tập viên làm ở phần tin tức truyền hình bước vào. Robert Fenwick lên tiếng. - Tối nay sẽ có một bản tin đẫm máu đây. Hai tàu hoả lật, một vụ đâm máy bay và một vụ lở đất kinh hoàng. Bốn người bắt đầu xem qua những tin tức vừa được gửi đến. Hai giờ sau, khi cuộc họp kết thúc, Dana lấy số điện thoại của Joan Sinisi ra và quay số. Một giọng nữ vang lên. - Nhà của cô Sinisi. - Xin vui lòng cho tôi gặp cô Sinisi. Tôi là Dana Evans. Người đó trả lời: - Để tôi hỏi cô ấy xem có được không. Cô chờ cho một lát. Dana đợi. Một giọng nữ khác vang lên, dịu dàng, hơi có phần rụt rè. - Alô… - Cô Sinisi phải không ạ? - Vâng. - Tôi là Dana Evans. Không biết tôi… - Dana Evans à? - À vâng. - Ồ! Tối nào tôi cũng xem bản tin của cô. Tôi là một fan trung thành của cô đấy. - Cám ơn! - Dana nói. - Thật hân hạnh cho tôi quá. Tôi tự hỏi không hiểu cô có thể dành vài phút đồng hồ, cô Sinisi, cho tôi không. Tôi rất muốn được nói chuyện với cô. - Thật sao? - Giọng cô ta tỏ ra ngạc nhiên và thích thú. - Vâng. Chúng ta có thể gặp ở đâu đó không nhỉ? - Vâng, dĩ nhiên. Hay là cô đến chỗ tôi! - Thế thì tốt quá. Lúc nào thì tiện cho cô? - Chiều mai, khoảng hai giờ. Cô ta cho Dana địa chỉ nhà. - Hẹn gặp cô vào ngày mai, - Dana nói. Nàng đặt ống nói xuống. Tại sao mình lại tiếp tục vụ này nhỉ? Cũng tốt thôi, có thể đây sẽ là điểm kết thúc. * * * * * Hai giờ chiều hôm sau, Dana lái xe đến trước cổng toà cao ốc trên phố Prince, nơi có căn hộ của Joan Sinisi. Một người bảo vệ mặc đồng phục đứng trước toà nhà. Dana ngắm nhìn vẻ sang trọng của toà cao ốc và nghĩ thầm, Làm sao mà một thư ký bình thường lại có điều kiện sống ở đây được nhỉ? Nàng đỗ xe và đi vào trong cái sảnh rộng. Một nhân viên lễ tân ngồi đằng sau bàn. - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi có hẹn gặp cô Sinisi. Dana Evans. - Vâng, thưa cô Evans. Cô ấy đang chờ cô. Mời cô đi thang máy lên tầng mái. Căn hộ A. Tầng mái? Lên đến nơi, Dana nhấn chuông cửa của căn hộ A. Một người hẩu gái mặc đồng phục ra mở cửa. - Cô Evans? - Vâng. - Mời cô vào. Joan Sinisi sống trong một căn hộ mười hai phòng với một sân hiên có thể nhìn bao quát cả thành phố. Người hầu gái dẫn Dana đi qua hành lang dài tới một phòng khách lớn mầu trắng bài trí hài hoà. Một phụ nữ thon thả, nhỏ nhắn đang ngồi ở đi văng. Cô ta đứng lên khi Dana bước vào. Joan Sinisi là một sự ngạc nhiên lớn. Dana không hề đoán trước nhưng người phụ nữ đang đứng lên chào nàng kia quả là ngoài sự tưởng tượng của nàng cô ta nhỏ bé và giản dị, đôi mắt nâu đờ đẫn sau cặp kính dầy cộp. Giọng cô ta rụt rè và hầu như không thể nghe thấy. - Tôi thật sự vui mừng được gặp cô bằng xương bằng thịt, cô Evans. - Cảm ơn vì đã gặp tôi! - Dana nói. Nàng ngồi xuống chiếc đi văng lớn màu trắng cạnh sân hiên cùng Joan Sinisi. - Tôi đang định uống trà. Cô vui lòng dùng trà cùng tôi chứ? - Cám ơn cô. Joan Sinisi quay sang người hầu gái và nói vởi vẻ ngại ngần: - Greta, cô mang trà cho chúng tôi nhé? - Vâng, thưa cô. - Cám ơn Greta. Có cái gì đó không thật ở đây. Dana nghĩ Joan Sinisi và căn hộ này không hề hợp với nhau. Cô ta làm sao lại có điều kiện sống ở một nơi như thế này? Taylor Winthrop đã dàn xếp kiểu gì. Và vụ kiện tụng đó là về vấn đề gì? - Và tôi chưa bỏ một bản tin nào của cô cả, - Joan Sinisi nhẹ nhàng nói. - Tôi cho là cô rất tuyệt. - Cám ơn. - Tôi còn nhớ rõ lúc cô tường thuật tin tức từ Sarajevo giữa tiếng bom đạn đang gầm thét. Tôi đã luôn lo sợ có chuyện gì đó không hay xảy ra với cô. - Thực lòng là, tôi cũng vậy. - Đó hẳn là một quãng thời gian khủng khiếp. - Vâng, đúng theo một khía cạnh nào đó. Greta bưng ra một khay trà và bánh ngọt. Cô ta đặt nó lên bàn trước mặt hai người phụ nữ. - Để tôi rót trà cho cô, - Joan Sinisi nói. Dana nhìn cô ta rót trà. - Cô dùng bánh ngọt nhé? - Không, cám ơn. Joan Sinisi trao tách trà cho Dana, rồi rót cho mình. - Như tôi đã nói, tôi rất vui mừng được gặp cô, nhưng tôi tôi không hình dung ra cô định nói với tôi về chuyện gì? - Tôi muốn nói về Taylor Winthrop. Joan Sinisi hơi giật mình và một chút trà đổ vào vạt váy cô ta. Mặt cô ta trở nên nhợt nhạt. - Cô không sao chứ? - Không, tôi không sao. - Cô ta lấy khăn lau thấm chỗ ướt - Tôi… tôi không biết cô muốn… - Giọng cô ta kéo dài. Bầu không khí bỗng nhiên thay đổi. Dana nói: - Cô đã từng làm thư ký cho Taylor Winthrop, phải không? Joan Sinisi cẩn thận trả lời: - Vâng. Nhưng tôi đã bỏ việc một năm trước. Tôi e là mình không giúp được gì cho cô. - Cả người cô ta run lên. Dana dịu dàng nói: - Tôi đã nghe nhiều điều tốt về Taylor Winthrop. Tôi không hiểu cô còn biết thêm gì nữa không? Joan Sinisi trông có vẻ yên tâm hơn. - Ồ, vâng dĩ nhiên là có. Ông Winthrop là người đàn ông vĩ đại. - Cô làm việc cho ông ấy được bao lâu? - Gần ba năm. Dana mỉm cười. - Nhất định đó phải là quãng thời gian tuyệt vời. - Vâng, vâng đúng thế, cô Evans. - Giọng cô ta nghe đã bớt căng thẳng. - Nhưng cô lại đi kiện ông ta? Nỗi sợ hãi trở lại trong cặp mắt của Joan Sinisi. - Đó chỉ là lầm lẫn thôi, cô hiểu chứ? Tôi đã lầm lẫn. - Lầm lẫn thế nào? Joan Sinisi nuốt khan. - Tôi… tôi hiểu nhầm vài điều ông Winthrop nói với người khác. Tôi đã xử sự thật ngu ngốc. Tôi phát ngượng lên vì bản thân mình. - Cô đã kiện, nhưng không lôi ông ấy ra toà? - Vâng. Ông ấy… Chúng tôi đã dàn xếp với nhau. Chuyện chẳng có gì cả. Dana liếc quanh căn nhà. - Tôi hiểu. Cô có thể cho tôi biết việc dàn xếp đó được không? - Không, tôi e là không, - Joan Sinisi nói. - Tất cả đều được giữ bí mật. Dana thắc mắc không hiểu chuyện gì có thể khiến người phụ nữ nhút nhát này kiện một ông khổng lồ như Taylor Winthrop và tại sao cô ta lại không dám nói về chuyện đó. Cô ta sợ cái gì cơ chứ? Im lặng một lúc lâu. Joan Sinisi nhìn Dana, và nàng cảm thấy cô ta muốn nói điều gì. - Cô Sinisi… Joan Sinisi đứng lên. - Xin lỗi, tôi không thể nói gì hơn… nếu không còn vấn đề gì, cô Evans… - Tôi hiểu, Dana nói. Mong là tôi hiểu được. * * * * * Hắn nhét cuộn băng vào máy và nhấn nút PLAY. "Tôi… tôi hiểu nhầm vài điều ông Winthrop nói với người khác. Tôi đã xử sự thật ngu ngôc. Tôi phát ngượng lên vì bản thân mình. "Cô đã kiện, nhưng không lôi ông ấy ra toà. "Vâng ông ấy… Chúng tôi đã dàn xếp với nhau. "Chuyện chẳng có gì cả. "Tôi hiểu. Cô có thể cho tôi biết việc dàn xếp đó được không? "Không. Tôi e là không. Tất cả đều được giữ bí mật. "Cô Sinisi… "Xin lỗi tôi không thể nói gì hơn… nếu không còn vấn đề gì cô Evans… "Tôi hiểu. Hết băng. Nó đã bắt đầu. Dana đã hẹn gặp với một tay mua bán nhà đất để xem căn hộ mới, nhưng hoá ra cả buổi sáng hôm ấy chẳng được việc gì. Dana và ông ta đi khắp Georgetown, Dupont Cicle, và quận Adams - Morgan. Các căn hộ cái thì quá to, cái thì quá nhỏ, hoặc quá đắt. Đến trưa, Dana đành bỏ cuộc vì chán nản. - Đừng lo, - ông ta trấn an nàng. - Chúng tôi sẽ tìm được chính xác căn hộ mà cô muốn. - Hy vọng là vậy, - Dana nói. Và sớm. Dana không thể nào dứt bỏ hình ảnh Joan Sinisi khỏi đầu. Cô ta có cái gì mà khiến Taylor Winthrop phải cho cả một căn hộ xịn và chỉ có Chúa mới biết tiếp theo là chuyện gì. Cô ta muốn nói gì đó với mình, Dana nghĩ. Mình tin chắc như vậy. Mình phải nói chuyện với cô ta lần nữa. Dana gọi điện đến nhà Joan Sinisi. Greta trả lời: - A lô. - Greta, tôi là Dana Evans. Làm ơn cho tôi gặp cô Sinisi. - Tôi xin lỗi, cô Sinisi sẽ không trả lời cú điện thoại nào cả. - À, cô có thể nói là đó là Dana Evans, và tôi cần… - Tôi rất tiếc, cô Evans. Cô Sinisi không thể. Tín hiệu vụt tắt. Sáng hôm sau, Dana đưa Kemal đến trường. Ánh mặt trời nhợt nhạt cố gắng xuyên qua bầu không khí lạnh cóng. Tên các góc phố ở khắp nơi trong thành phố, những ông già tuyết giống nhau đang rung những chiếc chuông kêu gọi từ thiện của họ. Mình phải tìm cho ra một căn hộ trước năm mới, Dana nghĩ. Dana họp cả buổi sáng với tổ tin tức, thảo luận xem họ phải làm các mục gì và phải thu hình ở những địa điểm nào. Có một mục về các vụ giết người đặc biệt dã man chưa bị khám phá, và Dana nghĩ ngay đến gia đình Winthrop. Nàng gọi lại số của Joan Sinisi. - A lô. - Greta, điều tôi nói với cô Simsi rất quan trọng. Nói với cô ấy rằng Dana Evans… - Cô ấy sẽ không nói chuyện với cô đâu, cô Evans. Đường dây vụt tắt. Chuyện gì xảy ra vậy? Dana tự hỏi. Dana vào gặp Matt Baker. Abbe Lasmann chào đón nàng. - Chúc mừng! Tôi biết hai người đã chọn ngày tổ chức hôn lễ. Dana mỉm cười. - Vâng. Abbe thở dài. - Thật là một cầu hôn lãng mạn. Dana, lời khuyên của chúng tôi là sau khi đám cưới, cô nên đi mua vài túi hàng hoá và giấu vào thùng xe. - Tại sao… - Một ngày nào đó trên đường về, cô có thể quyết định đi vuì vẻ một chút và sẽ về nhà trễ. Khi Jeff hỏi cô đã đi đâu, cô chỉ việc cho anh ấy xem những túi hàng và nói: - Mua sắm. Anh ấy sẽ… - Cám ơn Abbe. Tôi vào gặp Matt chứ? - Để tôi báo với ông ấy là cô đang chờ. Một lát sau Dana bước vào văn phòng của Matt. - Ngồi đi, Dana. Tin. tốt đây. Chúng ta vừa mới có tin tức mới nhất về vụ Nielsens. Đêm nay chúng ta sẽ hoàn toàn đánh bại các đối thủ. - Tuyệt vời! Tôi đã nói chuyện với một cựu thư ký của Taylor Winthrop và cô ta… Matt cười to. - Cô đã nói với tôi rằng… - Tôi biết, nhưng ông hãy nghe đã. Khi còn làm việc cho Taylor Winthrop, cô ta đã đâm đơn kiện ông ta. Nhưng vụ này không được đưa ra toà vì họ đã dàn xếp với nhau. Cô ta sống trong một căn hộ sang trọng mà với đồng lương thư ký rẻ mạt sẽ không bao giờ có khả năng muạ nó, vậy là vụ dàn xếp này khá nghiêm trọng đấy Khi tôi nhắc đến tên của Winthrop, cô ta có vẻ hoảng hốt, hoảng hốt ra mặt cứ như thể là cô ta lo sợ cho tính mạng của mình ấy. Matt Baker kiên nhẫn nói: - Cô ta có nói là lo sợ cho tính mạng của mình không? - Không. - Cô ta có nói cô ta sợ Taylor Winthrop không? - Không, nhưng… - Vậy là với tất cả những gì cô biết, cô ta chỉ có thể sợ một người bạn trai ngày đêm đeo đuổi hay một tên trộm dưới gầm giường mà thôi. Cô hoàn toàn không có cơ sở để tiếp tục vụ này, phải không? - Vâng, tôi… - Dana nhìn vẻ mặt ông ta. - Không có gì cụ thể. - Đúng. Còn về vụ Nielsens… Joan Sinisi ngồi xem bản tin tối trên WTN. Dana đang nói: "… và ở phần tin trong nước, theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tội ác trên toàn Liên bang đã giảm xuống hai mươi bảy phần trăm trong vòng mười hai tháng trở lại đây. Những nơi có tỷ lệ giảm cao nhất là Los Angeles, San Francisco và Detroit…Joan Simsi ngắm nhìn khuôn mặt Dana, nhìn sâu vào mắt nàng, cố gắng đi đến một quyết định. Cô ta xem nốt bản tin và khi nó vừa kết thúc; cô ta cũng đã quyết định xong. Chương 07 Sáng thứ hai khi Dana bước vào văn phòng, Olivia nói: - Chào. Có một phụ nữ nào đó gọi điện cho cô ba lần nhưng không chịu xưng tên. - Cô ta có để lại số điện không? - Không. Cô ta nói sẽ gọi lại. Ba mươi phút sau Olivia thông báo. - Cô ta đang ở đầu dây đợi cô. Cô có muốn nói chuyện với cô ta không? - Có! - Dana nhấc điện thoại. - Alô, tôi là Dana Evans. Ai… - Tôi là Joan Sinisi. Tim Dana đập nhanh. - Vâng, cô Sinisi… - Cô có muốn nói chuyện với tôi không? - Giọng cô ta có vẻ hồi hộp. - Muốn. Rất muốn. - Vậy thì tốt. - Tôi có thể đến chỗ cô… - Không? - Giọng cô ta đổi sang lo lắng. - Chúng ta phải gặp nhau ở một chỗ nào khác. Tôi nghĩ là tôi đang… bị theo dõi. - Thế nào cũng được. Ở đâu? - Chỗ chuồng chim ở khu vườn thú trong công viên. - Một giờ nữa cô đến đó được không? - Được. Tôi sẽ đến. Công viên vắng tanh. Cơn gió tháng mười hai lạnh buốt thổi qua thành phố đã xua đuổi mọi người ra khỏi khu vực này. Dana đứng trước chuồng chim đợi Joan Simsi, co ro vì lạnh. Nàng nhìn đồng hồ. Nàng đã ở đây hơn một tiếng rồi. Mình cho cô ta thêm mười lăm phút nữa. Mười lăm phút sau nàng tự nhủ, thêm nửa tiếng nữa, và chỉ thế thôi. Ba mươi phút sau nàng nghĩ, mẹ kiếp! Cô ta đã đôi ý rồi. Dana trở về văn phòng, tê cứng và ướt. - Có điện thoại tìm tôi không? - Nàng hỏi Olivia với vẻ hy vọng. - Sáu cuộc. Chúng ở trên bàn của cô. Dana nhìn bản danh sách. Không có tên Joan Sinisi. Dana gọi đến nhà cô ta. Nàng nghe chuông đổ đến mười hai lần rồi mới chịu dập máy. Có thể cô ta sẽ lại đổi ý. Dana thử gọi thêm hai lần nữa, nhưng vẫn không có ai trả lời. Nàng định đi đến nhà cô ta nhưng rồi lại không đến nữa. Mình phải chờ cho đến khi tự cô ta tìm đến với mình, Dana quyết định. Không có thêm một dấu hiệu nào từ Joan Sinisi. * * * * * Sáu giờ sáng hôm sau, Dana vừa mặc quần áo vừa xem bản tin "… và tình hình Chechnya đã trở nên tồi tệ hơn. Hàng chục xác thường dân Nga được tìm thấy, và bất chấp lời bảo đảm của chính phủ Nga rằng quân phiến loạn đã hoàn toàn bị tiêu diệt, những cuộc đọ súng vẫn tiếp tục nổ ra… Tin địa phương, một phụ nữ đã nhảy từ căn hộ của cô ta trên tầng mười ba xuống đất. Nạn nhân là Joan Sinisi, nguyên thư ký của ngài đại sứ Taylor Winthrop. Cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ tai nạn. Dana đờ người ra. - Matt, có nhớ người phụ nữ mà tôi nói với ông là tôi đã đến gặp không? Joan Sinisi, thư ký cũ của Taylor Winthrop? - Có. Cô ta làm sao? - Bản tin sáng nay. Cô ta chết rồi. - Cái gì? - Sáng hôm qua cô ta gọi điện cho tôi yêu cầu gặp mặt gấp: Cô ta nói có chuyện rất quan trọng muốn cho tôi biết. Tôi đã đợi cô ta ở công viên hơn một tiếng đồng hồ. Cô ta không xuất hiện. Matt nhìn nàng chằm chằm. - Lúc điện thoại cho tôi, cô ta nói cô ta nghĩ rằng mình đang bị theo dõi. Matt ngồi đó, xoa xoa cái cằm. - Chúa ơi. Chúng ta có cái quái gì thế này? - Tôi không biết. Tôi muốn nói chuyện với người giúp việc của Joan Sinisi. - Dana… - Vâng? - Hãy cẩn thận. Hết sức cẩn thận. Khi Dana bước vào phòng tiếp tân của toà cao ốc nơi Joan Sinisi ở, một nhân viên khác đang làm nhiệm vụ. - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi là Dana Evans. Tôi đến đây vì cái chết của cô Sinisi. Quả là một tấn bi kịch khủng khiếp. Gương mặt anh ta trở nên buồn rầu. - Vâng. Cô ấy là một phụ nữ cô đơn. Luôn trầm lặng và kín đáo. - Cô ấy có nhiều khách khứa không? - Dana hỏi. - Không. Cô ấy sống rất khép kín. - Hôm qua anh có làm việc không, lúc… - lưỡi Dana nhịu lại -… lúc tai nạn xảy ra? - Không, thưa cô. - Vậy anh không biết có ai ở cùng cô ấy à? - Không, thưa cô. - Nhưng phải có người nào đó ở đây chứ? - Ồ, vâng. Đó là Dennis. Cảnh sát đã thẩm vấn anh ta. Anh ta ra ngoài làm vài việc vặt lúc cô Sinisi tội nghiệp ngã xuống. - Tôi muốn nói chuyện với Greta, người giúp việc của cô Sinisi. - Tôi e rằng không thể được. - Không thể? Tại sao? - Bà ta đi rồi. - Đi đâu? - Bà ta bảo về nhà. Bà ta bị sốc nặng. - Nhà bà ta ở đâu? Anh ta lắc đầu. - Tôi không biết. - Bây giờ trơng căn hộ còn ai không? - Không, thưa cô. Dana suy nghĩ chớp nhoáng. - Ông chủ tôi muốn tôi dựng một phóng sự về cái chết của cô Sinisi cho WTN. Không hiểu tôi có thể nhìn lại căn hộ một lần không? Vài ngày trước tôi đã đến đây. Anh ta nghĩ một lát rồi nhún vai. - Tôi thấy không có vấn đề gì. Tôi sẽ đi cùng cô. - Thế thì tốt quá, - Dana nói. Họ lặng im đi lên tầng mười ba. Khi đến trước căn hộ A, anh ta rút ra chiếc chìa vạn năng và mở cửa. Dana bước vào trong. Vẫn như hôm trước Dana đã từng thấy. Ngoại trừ Joan Sinisi đã mất. - Cô muốn xem thứ gì đặc biệt không, cô Evans? - Không, - Dana nói dối. - Tôi chỉ muốn khơi dậy trí nhớ của mình. Nàng đi dọc theo hành lang tới phòng khách rồi đi về phía sân thượng. - Đây là nơi mà cô ấy ngã xuống, - anh ta nói. Dana bước ra ngoài sân hiên rộng rãi và tiến dần tới mép. Một bức tường cao khoảng một mét hai chạy bao quanh sân hiên. Không ai có thể vô tình ngã xuống qua bức tường đó được. Dana nhìn xuống đường phố bên dưới đang hối hả bận bịu với việc chuẩn bị cho Giáng sinh và nghĩ, kẻ nào mà nhẫn tâm làm cái việc như thế? Nàng rùng mình. - Cô không sao chứ? Dana hít một hơi thở sâu. - Không, tôi không sao. Cảm ơn anh. - Cô có muốn xem cái gì khác nữa không? - Không, thế là đủ rồi. * * * * * Hành lang của phân khu cảnh sát thành phố đầy nhóc tội phạm, đĩ điếm, say rượu và những khách du lịch tuyệt vọng khi ví tiền của họ đã không cánh mà bay. - Tôi muốn gặp thanh tra Marus Abrams, - Dana nói với tay trung sĩ ngồi ở bàn giấy. - Cửa thứ ba bên tay phải. - Cảm ơn. - Dana đi dọc theo hành lang. Cửa phòng thanh tra để ngỏ. - Thanh tra Abrams? Ông ta đang đứng trước tủ hồ sơ, một người đàn ông to béo, bụng phệ và cặp mắt nâu ti hí. Ông ta nhìn Dana. - Vâng? - ông ta nhận ra nàng. - Dana Evans. Tôi có thể giúp gì cho cô? - Người ta cho tôi biết ông đang phụ trách vụ Joan Sinisi… - vẫn là từ đó - tai nạn. - Đúng vậy. - Ông có thể cho tôi biết điều gì đó không? Ông ta đi về bàn, cầm theo một xấp giấy dầy cộm và ngồi xuống. - Không có gì nhiều để nói. Hoặc tai nạn hoặc tự tử. Mời cô ngồi. Dana ngồi xuống ghế. - Có ai ở bên cạnh cô ta lúc sự việc xảy ra không? - Chỉ có người giúp việc. Lúc đó bà ta đang ở trong bếp. Bà ta nói ngoài ra không còn ai khác. - Ông có biết tôi có thể tìm người giúp việc đó ở đâu không? - Dana hỏi. Ông ta suy nghĩ. - Bà ta sẽ lên bản tin tối nay à? Dana mỉm cười với ông ta. - Đúng vậy. Thanh tra Abrams đi về phía tủ hồ sơ và bắt đầu lục lọi ông ta lôi ra một tấm card. - Đây rồi. Greta Miller số 1180 đại lộ Connecticut. Hai mươi phút sau Dana đã lái xe dọc theo đại lộ Connecticut, tìm sốnhà 1170… 1172… 1174… 1176… 1178… Số 1180 là bãi đỗ xe. - Em thật sự tin là cô Sinisi đó bị ném xuống đất à? - Jeff hỏi. - Jeff, anh không bao giờ hẹn gặp ai gấp rồi lại đi tự tử, phải không? Có ai đó không muốn cô ta nói ra điều gì. Như chuyện con chó săn của dòng họ Baskervilees(1) ấy. Không ai nghe thấy tiếng chó sủa. Không ai biết gì cả. Jeff nói: - Càng ngày càng rùng rợn rồi đấy. Anh không nghĩ là em nên tiếp tục vụ này. - Em không thể dừng vào lúc này được. Em phải tìm cho ra. - Nếu em nói đúng, Dana, thì có sáu người bị giết rồi. - Em biết. - Dana nuốt khan. - Và người giúp việc cho cảnh sát một địa chỉ giả rồi biến mất, - Dana nói với Matt Baker. - Khi tôi nói chuyện với Joan Sinisi, cô ta có vẻ rất hồi hộp, nhưng hoàn toàn không có ý định tự tử. Ai đó đã đẩy cô ta qua lan can. - Nhưng chúng ta không có bằng chứng! - Không có. Nhưng tôi biết là tôi đúng. Lần đầu tiên gặp Joan Sinisi tỏ ra hoàn toàn bình thường cho đến khi tôi đề cập đến Taylor Winthrop. Đó là lúc cô ta bắt đầu lo sợ. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một vết rạn trên cái huyền thoại tuyệt vời mà Taylor Winthrop đã xây dựng nên. Một người như Winthrop không bao giờ phải hối lộ cho thư ký, trừ khi cô ta nắm được điều gì đó rất quan trọng của ông ta. Đó nhất định là sự tống tiền. Cái gì đó kỳ lạ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Matt, ông có biết ai đã từng làm việc với Taylor Winthrop, người mà có thể gặp rắc rối với Taylor và không ngại nói lên sự Matt Baker nghĩ một lát. - Cô có thể đến gặp Roger Hudson. Trước khi về hưu ông ta là nhân vật chủ chốt của nghị viện và ông ta có cộng tác với Taylor Winthrop, một hay hai lần: ông ta có thể biết điều gì đó ông ta là người chẳng ngán ai cả. - Ông có thể thu xếp cuộc gặp cho tôi không? - Để tôi xem đã. Một giờ sau, Matt Baker goi điện. - Trưa ngày thứ năm cô sẽ gặp Roger Hudson tại nhà ông ta ở Georgetown. - Cảm ơn Matt. Tôi rất biết ơn ông. - Tôi phải cảnh cáo cô, Dana… - Vâng? - Hudson rất dễ cáu bẳn đấy. - Tôi sẽ cố để thật đáng yêu. Matt Baker định rời khỏi văn phòng thì Elliot Cromwell bước vào. - Tôi muốn nói chuyện với anh về Dana. - Có vấn đề gì vậy? - Không, và tôi không muốn có vấn đề gì cả. Về việc cô ta điều tra vụ Taylor Winthrop… - Vâng. - Cô ấy đang xáo tung mọi thứ lên, và tôi nghĩ cô ấy sẽ phí công vô ích thôi. Tôi biết rõ Taylor Winthrop và gia đình ông ta. Họ đều là những con người tuyệt vời. Matt Baker nói: - Vậy thì tốt. Cứ để cô ta tiếp tục cũng không hại gì. Elliot Cromwell nhìn Matt một lát rồi nhún vai. - Nhớ thông tin cho tôi. - Đường dây an toàn. - Vâng, thưa ngài. - Tốt. Chúng ta đang theo dõi thông tin đến từ WTN. - Anh có chắc rằng nó chính xác? - Hoàn toàn chính xác. Nó xuất phát từ toà nhà của ban quản trị. Chú thích:Truyện trong loạt truyện về thám tử Sherlock Homes của Connan Doyl Chương 08 Sáng thứ tư, lúc đang chuẩn bị bữa sáng, Dana nghe thấy những âm thanh ầm ĩ phía ngoài. Nàng nhìn ra ngoài cửa sổ và ngạc nhiên thấy một chiếc xe tải nhỏ đỗ trước cửa toà nhà và nhiều người đàn ông đang khiêng đồ đạc lên xe. Ai chuyển đi vậy? Dana tự hỏi. Tất cả các căn hộ đều có người ở và họ đều thuê với kỳ hạn dài. Dana đặt bát bột mì lên bàn khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Đó là Dorothy Wharton. - Dana, tôi có tin cho cô, - Cô ta hào hứng nói. - Howard và tôi sẽ sang Rome hôm nay. Dana ngạc nhiên nhìn cô ta. Rome. Hôm nay. - Không thể được sao? Tuần trước có một người đến gặp Howard. Rất là bí mật. Howard bảo tôi không được nói gì. Đêm qua người đó gọi điện lại và đề nghị với Howard làm việc cho một công ty ở Italy với mức lương gấp ba lần mức lương hiện tại của anh ấy. - Mặt Dorothy rạng rỡ. - Tốt, thật là tuyệt vời, - Dana nói - Chúng tôi sẽ rất nhớ hai người. - Chúng tôi cũng sẽ rất nhớ cô. Howard đến bên cửa. - Chắc là Dorothy đã cho cô biết? - Vâng. Mừng cho hai người. Nhưng tôi nghĩ rằng anh đã xác định sống ở đây? Và bỗng nhiên… - Tôi không thể tin được. Hoàn toàn bất ngờ. Đó là một công ty lớn. Italiano Ripristino. Chúng là một tổ hợp lớn nhất ở Italy, có rất nhiều công ty con làm về lĩnh vực phục chế. Tôi không biết làm sao họ lại biết tôi, nhưng họ đã cử người đến đây để thương lượng. Ở Rome có rất nhiều tượng đài cần phục chế. Họ thậm chí còn trả nốt số tiền thuê nhà năm nay cho chúng tôi để có thể lấy lại tiền cọc. Điều duy nhất là chúng tôi phải có mặt ở Rome vào ngày mai. Nên chúng tôi phải dọn nhà hôm nay. Dana nói ngập ngừng: - Chuyện này hơi bất thường, phải không? - Tôi cho là họ đang rất vội vã. - Cô có cần tôi giúp một tay không? Dorothy lắc đầu. - Không. Chúng tôi đã làm cả đêm rồi. Hầu hết đồ đạc là tặng cho hội từ thiện. Với mức lương của Howard, chúng tôi có thể mua những thứ tốt hơn nhiều. Dana cười to. - Vậy thì giữ quan hệ nhé, Dorothy. Một giờ sau gia đình Whartons rời căn hộ và lên đường sang Rome. Khi Dana đến văn phòng, nàng nói với Olivia: - Cô kiểm tra một công ty cho tôi. - Vâng. - Tên nó là Italiano Ripristino. Tôi tin là trụ sở của nó ở Rome. - Vâng. Ba mươi phút sau Olivia trao cho Dana một trang giấy "Đây rồi. Nó là một trong những công ty lớn nhất châu u". Dana thấy nhẹ cả người. - Tốt quá. Tôi rất vui khi nghe điều này. - Nhân tiện, - Olivia nói -Nnó không phải là công ty tư nhân. - Ồ? - Nó là sở hữu của chính phủ Italy… Khi Dana đưa Kemal về nhà chiều hôm đó, một người đàn ông trung niên đeo kính đã dọn vào căn hộ của Wharton. * * * * * Thứ năm, ngày mà Dana có cuộc hẹn với Roger Hudson, bắt đầu một cách tồi tệ. Vào buổi họp đầu tiên, Roger Fenwick nói: - Có vẻ như chúng ta gặp rắc rối rồi với bản tin tối nay. - Thế nào? - Dana hỏi. - Cô biết nhóm nhân viên mà chúng ta cử sang Ireland chứ? Tối nay chúng ta sẽ sử dụng phim của họ. - Họ đã bị bắt. Tất cả các vật dụng đều bị tịch thu. - Nghiêm trọng thế à? - Tôi không bao giờ nói đùa về người Ireland. - Anh ta trao cho Dana một tờ giấy. - Đây là mục chính của chúng ta về một nhân viên nhà băng ở Washington đang bị truy nã về tội lường gạt. - Một câu chuyện hay, - Dana nói. - Và đây là độc quyền của chúng ta. - Ban pháp luật của chúng ta vừa huỷ bỏ nó. - Gì cơ. - Họ sợ bị kiện. - Tuyệt, - Dana cay đắng nói. - Vẫn chưa hết. Nhân chứng trong vụ giết người mà chúng ta hẹn phỏng vấn trực tiếp vào đêm nay… - Ừ. - Anh ta đổi ý rồi. Anh ta không đến nữa! Dana rên lên. Điều duy nhất nàng còn trông chờ trong ngày hôm nay là cuộc gặp mặt với Roger Hudson. Khi Dana về đến văn phòng, Olivia nói: - Mười một giờ rồi, cô Evans. Với thời tiết này thì cô nên đến gặp ông Hudson ngay đi. - Cảm ơn, Olivia. Hai đến ba giờ nữa tôi sẽ về. Dana nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuyết lại bắt đầu rơi. Nàng mặc áo khoác, quàng khăn và đi ra cửa. Chuông điện thoại vang lên. - Cô Evans… Dana quay lại. - Điện thoại cho cô ở đường dây số ba. - Lúc này không được. Tôi phải đi. - Là người nào đó ở trường của Kemal. - Gì cơ? - Dana trở lại bàn làm việc. - A lô? - Cô Evans? - Vâng? - Tôi là Thomas Henry. - Vâng, ông Henry. Kemal có chuyện gì thế? - Tôi thật sự không biết phải trả lời thế nào. Tôi rất tiếc phải nói ra điều này, nhưng Kemal bị đuổi học! Dana đứng yên, choáng váng. - Đuổi học. Tại sao? Nó đã làm gì? - Có lẽ chúng ta phải gặp nhau nói chuyện. Tôi sẽ rất biết ơn nếu cô có thể đón cháu về. - Ông Henry… - Tôi sẽ giải thích khi cô đến đây, cô Evans. Cảm ơn cô. Dana dập điện thoại. Chuyện gì có thể xảy ra nhỉ? Olivia hỏi: - Mọi việc ổn chứ? - Ổn. - Dana rên lên. - Nó làm cho buổi sáng hôm nay thật hoàn hảo. - Tôi có thể làm gì bây giờ? - Nói thêm một lời cầu nguyện cho tôi. * * * * * Sáng sớm hôm đó, Ricky Underwood đã đứng quan sát Dana thả Kemal ở cổng trường, vẫy tay chào và lái xe đi. Khi Kemal đi qua chỗ nó đứng, Ricky nói: - Này, đúng là người hùng chiến tranh. Mẹ mày sẽ nản chí thôi. Mày chỉ còn một tay, và bây giờ khi mày chơi đập tay với mụ ta… Kemal cử động nhanh không thể tả. Chân nó giáng thẳng vào háng Ricky và khi thằng này gào lên và co gập người lại, Kemal thúc đầu gối trái vào ngay mũi nó. Máu bắn toé ra. Kemal cúi người xuống sát mặt thằng kia. - Lần sau tao sẽ giết mày! Dana lái xe nhanh hết khả năng cho phép tới trường trung học Theodore Roosevelt, tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Cho dù thế nào đi nữa mình cũng phải nói ông Henry giữ Kemal ở lại trường. Thomas Henry đang đợi Dana trong văn phòng, Kemal ngồi ở ghế đối diện ông ta. Lúc Dana bước vào, nàng có cảm giác ngờ ngợ. - Cô Evans. Dana hỏi: - Chuyện gì đã xảy ra thế? - Con cô đánh vỡ mũi và xương gò má của bạn học. Xe cứu thương đã đưa cậu ta đến phòng cấp cứu.. Dana hoài nghi nhìn Kemal. - Chuyện đó làm sao… làm sao xảy ra được. Kemal chỉ có một cánh tay. - Vâng. - Thomas Henry nói. - Nhưng nó có hai chân. Nó đánh vỡ mũi bạn học bằng đầu gối. Kemal nhìn lên trần. Dana quay sang thằng bé: - Kemal, sao cháu làm được điều đó? Nó nhìn xuống. - Dễ lắm. - Cô hiểu ý tôi mà, cô Evans, - Thomas Henry nói. - Toàn bộ hành vi của nó là… tôi… tôi không biết phải diễn tả thế nào. Chúng tôi không thể chấp nhận những hành vi ấy nữa. Tôi khuyên cô nên tìm một trường học khác thích hợp với nó. Dana nói với vẻ nghiêm túc: - Ông Hery, Kemal không hề muốn đánh nhau. Tôi chắc rằng khi làm thế, là nó phải có một lý do chính đáng. Ông không thể… Ông Henry cương quyết nói: - Chúng tôi đã quyết định rồi, cô Evans… Dana hít một hơi dài. - Cũng được. Chúng tôi sẽ tìm một trường khác biết thông cảm hơn. Đi nào, Kemal. Kemal đứng dậy, nhìn ông Henry với vẻ thách thức rồi đi theo Dana ra ngoài. Hai người bước đi trong im lặng. Dana nhìn đồng hồ. Nàng đã trễ hẹn và không có chỗ nào gửi tạm Kemal cả. Mình phải dẫn nó đi theo. Khi đã vào trong xe, Dana hỏi. - Được rồi, Kemal. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Nó không biết phải nói với nàng về những lời lẽ của Ricky Underwood như thế nào. - Cháu xin lỗi, Dana. Là lỗi của cháu. Rad, Dana nghĩ. * * * * * Dinh thự của Hudson nằm trên một miếng đất rộng năm mẫu trong một khu vực riêng biệt ở Georgetown. Toà nhà, không nhìn thấy được từ ngoài phố, là một lâu đài ba tầng kiểu Georgian toạ lạc trên đỉnh đồi. Bên ngoài nó được quét vôi trắng và có một con đường ốtô dài quanh co dẫn đến trước cửa nhà. Dana dừng xe lại trước căn nhà. Nàng nhìn Kemal. - Cháu vào cùng cô. - Tại sao? - Vì bên ngoài trời rất lạnh. Nào, đi thôi. Dana đi đến trước cửa nhà, Kemal miễn cưỡng theo sau nàng. Nàng quay sang thằng bé. - Kemal, cô đến đây để thực hiện một cuộc phỏng vấn vô cùng quan trọng. Cô muốn cháu giữ im lặng và tỏ ra lịch sự. Được chứ? - Vâng. Dana nhấn chuông cửa. Một gương mặt to bè vui vẻ trong bộ đồng phục quản gia ló ra. - Cô Evans? - Vâng. - Tôi là Cesar. Ông Hudson đang đợi cô. - Ông ta nhìn Kemal, rồi quay lại Dana. - Để tôi cất áo khoác giúp cô! - Ông ta mang nó treo lên mắc áo ở hành lang. Kemal nhìn Cesar chằm chằm, ông ta cao hơn rất nhiều so với nó. - Ông cao bao nhiêu vậy? Dana nói: - Kemal! Không được hỗn. - Ồ không sao, cô Evans. Tôi cũng quen rồi. - Ông có cao hơn Michael Jordan không? - Kemal hỏi. - Bác e là thế. - Người quản gia mỉm cười. - Bác cao hai mét tư. Mời cô đi lối này. Lối vào rất rộng, một hành lang dài có sàn gỗ cứng, những tấm gương cổ, những chiếc bàn đá hoa cương… Dọc theo tường là những bức tượng quý giá đời Minh xếp thành dãy dài. Dana và Kemal đi theo Cesar vào đến phòng khách tường màu vàng nhạt và có các đồ gỗ màu trắng. Giữa phòng là những chiếc ghế bành êm ái, những chiếc bàn theo kiểu cuối thời Nữ hoàng Anne, những chiếc ghế lưng cao có bọc lụa vàng nhạt. Thượng nghị sĩ Roger Hudson và vợ, Pamela, đang ngồi chơi cờ thỏ cáo. Họ đứng dậy khi Cesar thông báo rằng Dana và Kemal đã đến. Roger Hudson khoảng gần sáu mươi, vẻ nghiêm khắc, cặp mắt xám lạnh lùng, nụ cười giữ kẽ. Nó báo trước một thái độ cách biệt đáng ngại ở ông ta. Pamela Hudson trông xinh đẹp, hơi trẻ trung hơn chồng mình. Bà ta có vẻ nồng nhiệt và khả cởi mở. Mái tóc vàng hoe nhạt và hơi ngả xám, cho thấy sự không cầu kỳ trang điểm. - Xin lỗi vì tôi đã tới trễ, - Dana lên tiếng. - Tôi là Dana Evans. Đây là con trai tôi, Kemal. - Tôi là Roger Hudson. Đây là vợ tôi, Pamela. Dana đã điều tra qua về Roger Hudson trên Internet. Bố ông ta làm chủ một công ty thép nhỏ, tập đoàn Hudson, và Roger Hudson đã biến nó thành công ty toàn cầu. Ông ta là tỷ phú, đã từng là người lãnh đạo chính của Thượng nghị viện và có một thời gian đứng đầu Uỷ ban Dịch vụ vũ trang. Ông ta đã thôi công việc kinh doanh và bây giờ là cố vấn chính trị cho Nhà trắng. Hai mươi năm trước Roger Hudson kết hôn với một phụ nữ thượng lưu xinh đẹp, Pamela Donnelly. Hai người rất nổi bật ở Washington và có ảnh hưởng lớn đến các vấn đề chính trị. Dana nói: - Kemal, đây là ông và bà Hudson. - Nàng nhìn Roger. - Xin lỗi vì tôi đã cho cháu đi cùng, nhưng… - Không có vấn đề gì cả, - Pamela Hudson nói. - Chúng tôi biết tất cả về Kemal rồi. Dana ngạc nhiên nhìn bà ta. - Thật sao? - Đúng vậy. Đã có một bài báo dài viết về cô, cô Evans. Cô đã đưa Kemal từ Sarajero về đây. Đó là một điều tuyệt vời! Roger Hudson đứng đó, im lặng. - Cô dùng gì nhỉ? - Pamela Hudson hỏi. - Cám ơn, tôi không muốn uống gì cả. - Dana trả lời. Họ nhìn Kemal. Nó lắc đầu. - Mời ngồi. - Roger Hudson và vợ ngồi xuống ghế bành. Dana và Kemal ngồi xuống hai chiếc ghế nhỏ đối diện họ. Roger Hudson nói cộc lốc: - Tôi không rõ cô đến đây vì chuyện gì, cô Evans. Matt Baker đề nghị tôi gặp cô. Vậy tôi có thể giúp gì được cho cô? - Tôi muốn nói chuyện với ông về Taylor Winthrop. Roger Hudsòn cau mày. - Chuyện gì về ông ta? - Tôi được biết rằng ông biết ông ta khá rõ? - Đúng. Tôi gặp Taylor khi ông ấy còn là đại sứ ở Nga. Lúc đó tôi đang còn lãnh đạo Uỷ ban Dịch vụ vũ trang. Tôi sang Nga để đánh giá về khả năng quân sự của họ. Taylor đã đi cùng chúng tôi hai, ba ngày gì đó. - Ông thấy ông ta thế nào, ông Hudson? Một thoáng trầm ngâm. - Một cách thành thật, cô Evans, tôi không quá ấn tượng về tất cả những sự hấp dẫn của ông ấy. Nhưng phải nói, tôi nghĩ rằng người đàn ông này rất có năng lực. Kemal tỏ ra chán ngắt, nó nhìn quanh rồi đứng dậy và đi sang căn phòng bên cạnh. - Ông có biết liệu ngài đại sứ Winthrop có gặp rắc rối gì ở Nga không? Roger Hudson nhìn nàng một cách khó hiểu. - Tôi không chắc là tôi có biết hay không. Rắc rối kiểu gì? - Đại loại đại loại là ông ta có thể có kẻ thù ở đâu đó. Ý tôi là kẻ thù thật sự nguy hiểm, nguy hiểm đến chết người? Roger Hudson chậm rãi lắc đầu. - Cô Evans, nếu có chuyện như thế xảy ra, không chỉ mình tôi mà cả thế giới sẽ đều biết. Cuộc sống của Taylor Winthrop cực kỳ công khai. Cho phép tôi hỏi cô những câu hỏi này được đưa ra với mục đích gì? Dana ngượng nghịu trả lời: - Tôi nghĩ rằng có lẽ Taylor Winthrop đã đụng chạm đến ai đó đủ nguy hiểm để giết ông ta và luôn cả gia đình ông ta. Vợ chồng Hudson nhìn nàng chằm chằm. Dana nhanh chóng tiếp tục. - Tôi biết chuyện này nghe có vẻ không được bình thường, nhưng sao cả nhà họ lại chết thảm trong vòng chưa đầy một năm. Roger Hudson nói một cách cộc cằn: - Cô Evans, tôi đã sống đủ lâu để biết cái gì là có thể, nhưng chuyện này… cô dựa vào đâu vậy? - Nếu ý muốn nói đến bằng chứng cụ thể, thì tôi không hề có. - Tôi không ngạc nhiên. - Ông ta do dự. - Tôi có nghe rằng…- giọng ông ta chùng xuống. - Không có gì. Hai người phụ nữ cùng nhìn ông ta. Pamela dịu dàng nói: - Như thế là không công bằng với cô Evans, anh yêu. Anh định nói gì vậy? Ông ta nhún vai. - Nó không quan trọng. - Ông ta quay sang Dana. - Lúc tôi còn ở Moscow, có tin đồn rằng Winthrop dính vào vài vụ làm ăn cá nhân với người Nga, nhưng tôi vốn không tin các tin đồn, và tôi chắc rằng cô cũng vậy, cô Evans. - Giọng ông ta nghe giống hệt một lời chỉ trích. Trước khi Dana kịp trả lời, một tiếng vỡ loảng xoảng vang lên từ phòng đọc sách bên cạnh. Pamela Hudson đứng dậy và đi về phía âm thanh phát ra. Roger và Dana theo sau. Họ dừng lại ở cửa. Trong phòng một chiếc bình đời Minh đã rơi xuống đất và vỡ thành nhiều mảnh. Bên cạnh đó là Kemal. - Ồ Chúa ơi, - Dana nói, vẻ giận dữ! - Tôi thành thật xin lỗi. Kemal, sao cháu lại… - Chỉ là chẳng may thôi. Dana quay sang vợ chồng Hudson, mặt đỏ bừng vì xấu hổ. - Tôi thành thật xin lỗi. Tôi sẽ trả tiền lại cho ông bà. Tôi… - Xin cô đừng lo lắng về chuyện đó, - Pamela Hudson nói với nụ cười dễ thương. - Những con chó của chúng tôi làm vỡ nhiều hơn thế cơ. Mặt Roger Hudson đanh lại. Ông ta định nói điều gì đó nhưng bà vợ đã đưa mắt ngăn lại. Dana nhìn những mảnh vỡ của cái bình. Có lẽ nó đáng giá đến mười năm lương của mình mất, nàng nghĩ. - Sao chúng ta không trở lại phòng khách nhỉ? - Pamela Hudson gợi ý. Dana đi theo vợ chồng Hudson, với Kemal bên cạnh. - Ngồi đây với cô, - nàng giận dữ thì thầm. Họ ngồi xuống. Roger Hudson nhìn Kemal. - Sao cháu lại mất một cánh tay? Dana ngạc nhiên trước sự vô ý của câu hỏi, nhưng Kemal lại trả lời một cách thoải mái. - Một quả bom. - Bác hiểu. Thế còn bố mẹ cháu, Kemal? - Họ bị giết trong một trận oanh tạc cùng em gái cháu. Roger Hudson làu bàu: - Mẹ kiếp chiến tranh. Cùng lúc đó, Cesar đi vào phòng. - Bữa trưa đã sẵn sàng. Bữa trưa rất ngon miệng. Dana nhận thấy Pamela rất nồng nhiệt và duyên dáng, còn Roger Hudson tỏ ra hoà hoãn hơn. - Bây giờ cô đang làm chương trình gì? - Pamela Hudson hỏi Dana. - Chúng tôi đang có một chương trình mới tên là Đường dây tội ác. Mục đích của nó là vạch trần những tội phạm đang sống ung dung sau những tội ác mà chúng thực hiện, đồng thời cố gắng giúp đỡ những người vô tội bị bỏ tù oan. Roger Hudson nói: - Washington là một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Ở đây có đầy những tên giả mạo đang chễm chệ ở những vị trí cao ngất, những kẻ đang sống ung dung với những tội ác mà cô không thể hình dung tới. - Roger có chân trong một vài uỷ ban cải cách chính phủ, Pamela tự hào nói. Chồng bà ta càu nhàu: - Sự khác nhau giữa đúng và sai có vẻ như càng ngày càng mờ đi. Có lẽ điều này được dạy ở nhà. Trường học của chúng tôi không hề dạy bọn trẻ điều này. Pamela Hudson nhìn Dana. - Nhân tiện, tối thứ bảy này Roger và tôi sẽ tổ chức một buổi party nho nhỏ. Cô có sẵn lòng tham gia với chúng tôi không? Dana mỉm cười. - Tại sao lại không, cảm ơn bà. Tôi rất vui lòng. - Cô có bạn trai chưa? - Rồi. Là Jeff Connors. Roger Hudson nói: - Tay phóng viên thể thao trên truyền hình? - Vâng! - Anh ta không tệ đâu. Thỉnh thoảng tôi cũng có xem mục của anh ta, - ông ta nói. - Tôi rất muốn gặp anh ta. Dana mỉm cười. - Tôi chắc là Jeff cũng rất muốn đến đây! Lúc Dana và Kemal ra về, Roger Hudson dẫn nàng sang một bên. - Nói một cách thành thật, cô Evans, tôi cho rằng giả thuyết của cô về vụ nhà Winthrop hoàn toàn là sự tưởng tượng. Nhưng vì Matt Baker, tới sẽ kiểm tra thử và xem có thể tìm ra cái gì đó chứng minh được điều đó không. - Cám ơn ông. Nói một cách thành thật, cô Evans, tôi cho rằng giả thuyết của cô về vụ nhà Winthrop hoàn toàn là sự tưởng tượng. Nhưng vì Matt Baker, tôi sẽ kiểm tra thử và xem có thể tìm ra cái gì đó chứng minh được điều đó không. Hết băng. Chương 09 Vào giữa cuộc họp buổi sáng về Đường dây tội ác, Dana ở trong phòng với sáu phóng viên và nghiên cứu viên. Olivia ló đầu vào. - Ông Baker muốn gặp cô. - Nói với ông ấy tôi sẽ sang ngay. - Ông chủ đang đợi cô. - Cảm ơn, Abbe. Hôm nay trông cô vui vẻ quá. Abbe gật đầu. - Cuối cùng tôi cũng đã được ngủ yên. Vì lần cuối… - Dana? Vào đây, - Matt kêu lên. - Tí nữa nói tiếp, - Abbe nói. Dana vào văn phòng của Matt. - Cuộc gặp với Roger Hudson thế nào? - Tôi có cảm giác là ông ta không được hứng thú lắm. Ông ta cho rằng giả thuyết của tôi là điên rồ. - Tôi đã bảo cô là ông ta không phải là người nhiệt tình rồi mà. - Nhưng vợ ông ta lại rất đáng yêu. Ông nên nghe bà ta nói về chủ đề cơn điên của xã hội Washington. - Tôi biết. Bà ta là một phụ nữ tuyệt vời. Dana vào gặp Elliot Cromwell trong phòng ăn của uỷ viên ban quản trị. - Ngồi cùng tôi, - Elliot Cromwell nói. - Cám ơn. - Dana ngồi xuống. - Kemal thế nào rồi? Dana do dự. - Vào lúc này, tôi e là có vấn đề. - Ồ? Vấn đề gì vậy? - Kemal bị đuổi học. - Tại sao? - Nó đánh một bạn học phải nằm viện. - Vậy là đúng rồi. - Tôi chắc chắn rằng vụ đánh nhau đó không phải là lỗi của Kemal, - Dana khăng khăng nói. - Nó hay bị trêu chọc vì nó chỉ có một cánh tay. Elliot Cromwell nói: - Tôi hiểu như thế sẽ rất khó khăn với nó. - Vâng. Tôi đang cố nhờ lắp tay giả cho nó. Nói chung là có nhiều vấn đề. - Kemal học lớp mấy? - Lớp bảy. Elliot Cromwell nghĩ ngợi. - Cô có quen ai ở trường trung học Lincoln không? - Ồ, có. Nhưng tôi biết việc đưa nó vào trường đó là rất khó khăn. - Nàng nói thêm. - Và tôi e rằng thành tích của Kemal không được tốt lắm. - Tôi có vài mối quan hệ ở đó. Cô có muốn tôi nói chuyện với họ không? - Tôi… ông tốt bụng quá. - Rất vui được giúp cô. Cuối ngày hôm đó, Elliot Cromwell cho gọi Dana. - Tôi có tin tốt cho cô đây. Tôi đã nói chuyện với hiệu trưởng trường trung học Lincoln và bà ấy đã đồng ý nhận Kemal vào học thử. Sáng mai cô có thể cho cháu đến gặp mặt không? - Dĩ nhiên là được. Tôi… - Dana phải mất một lát để nén lòng xuống. - Ồ, tuyệt vời quá. Tôi rất biết ơn. Cảm ơn ông nhiều lắm. Tôi thật sự biết ơn ông. Elliot. - Tôi muốn cô biết rằng tôi đánh giá cô rất cao, Dana. Tôi nghĩ rằng cô đã rất tuyệt vời khi đưa Kemal về đất nước này. Cô là một người đặc biệt. - Tôi… cám ơn. Khi rời khỏi văn phòng, nàng nghĩ, thật may mắn khi có được một ông chủ tốt. Trường trung học Lincoln là một khu rộng lớn bao gồm một toà nhà cao tầng kiểu Edward, ba toà nhà khác nhỏ hơn, những sân chơi mênh mông được quét tước cẩn thận, một sân cỏ cắt tỉa công phu. Đứng trước lối vào, Dana nói: - Kemal, đây là trường học tốt nhất ở Washington. Cháu có thể học được nhiều thứ ở đây, nhưng cháu phải có quan điểm rõ ràng về điều này. Cháu có hiểu không? - Sweet. - Và không được dính vào bất cứ vụ đánh nhau nào. Kemal không trả lời. Dana và Kemal được đưa vào văn phòng của Rowana Trott, hiệu trưởng của trường. Bà ta là một phụ nữ hấp dẫn với thái độ thân thiện. - Xin chào, - bà ta nói. Rồi quay sang Kemal: - Cô đã được nghe rất nhiều về cháu rồi, anh bạn trẻ. Tất cả chúng tôi đều mong có cháu ở đây. Dana đợi cho Kemal nói điều gì đó. Khi thấy nó im lặng, nàng nói: - Kemal cũng mong được học ở đây. - Tốt. Cô hy vọng cháu sẽ quen được những người bạn tốt trong ngôi trường của chúng ta. Kemal vẫn đứng đó và không nói tiếng nào. Một phụ nữ đứng tuổi hơn bước vào văn phòng. Bà Trott nói: - Đây là Becky. Becky, đây là Kemal. Sao cô không dẫn Kemal đi tham quan xung quanh một chút nhỉ? Để cháu nó làm quen với các thầy cô giáo của mình nhé. - Dĩ nhiên. Lối này, Kemal. Kemal nhìn Dana bằng ánh mắt van nài, rồi đi theo Becky ra ngoài. - Tôi muốn giải thích về Kemal, - Dana bắt đầu. - Cháu nó… Bà Trott nói: - Cô không cần phải làm thế, cô Evans. Elliot Cromwell đã cho tôi biết về hoàn cảnh và lý lịch của Kemal rồi. Tôi biết cháu cần được thông cảm hơn những đứa trẻ khác vì những gì cháu đã trải qua, và chúng tôi đã chuẩn bị điều này. - Cảm ơn bà, - Dana nói. - Tôi đã có bản thành tích học tập của cháu ở trường trung học Theodore Rooserelt. Chúng tôi sẽ cố gắng làm cho nó tốt lên. Dana gật đầu. - Kemal là một đứa bé rất thông minh. - Tôi tin chắc điều đó. Điểm A của cháu ở môn toán đã đủ chứng minh. Chúng tới sẽ khích lệ cháu để cháu bộc lộ hết khả năng của mình trong những môn học khác. - Việc chỉ còn một cánh tay luôn là nỗi đau dai dẳng đối với cháu nó. - Dana nói. - Tôi mong là sẽ sớm giải quyết được điều này. Bà Trott gật đầu. - Dĩ nhiên. Khi Kemal đã tham quan ngôi trường xong, nó và Dana trở ra ôtô. Dana nói: - Cô biết là cháu sẽ thích ở đây. Kemal im lặng. - Đây là một ngôi trường đẹp, phải không? - Tồi tệ, - Kemal nói. Dana dừng lại. - Tại sao? Giọng Kemal nghẹn lại. - Họ có sân tennis và sân bóng đá, còn cháu thì không thể… - Mắt nó đẫm lệ. Dana choàng tay qua vai nó. - Cô xin lỗi. - Và nàng tự nhủ, mình phải làm điều gì đó về chuyện này. * * * * * Buổi party tối thứ bảy ở nhà Hudson thật lịch sự và cũng thật cuốn hút. Các căn phòng đẹp đẽ tràn ngập các nhân vật tai to mặt lớn của nội các chính phủ, bao gồm Tổng thư ký của Bộ Quốc phòng, vài thành viên trong Quốc hội, vị đứng đầu Cục dự trữ Liên bang, vị đại sứ từ nước Đức… Lúc Dana và Jeff đến, Roger và Pamela đang đứng ngoài cửa. Dana giới thiệu Jeff với hai người. - Tôi rất thích phần tin thể thao của anh! - Roger Hudson nói. - Cám ơn ông. Pamela nói: - Để tôi giới thiệu hai người với các vị khách khác. Nhiều gương mặt nhìn rất quen thuộc, và những cuộc chào hỏi diễn ra khá thân mật. Dường như đa số khách mời ở đây là khán giả trung thành hoặc của Dana lloặc của Jeff hoặc của cả hai người. Khi còn riêng họ với nhau, Dana nói: - Chúa ơi, nhìn đám khách này em cứ tưởng mình đang đọc Who s Who. Jeff nắm tay nàng. Em là nhân vật nổi tiếng nhất ở đây mà. - Thôi mà, - Dana nói. - Em chỉ… Lúc đó nàng thấy tướng Victor Booster và Jack Stone đi về phía mình. - Xin chào tướng quân, - Dana nói. Booster nhìn nàng và hỏi một cách thô lỗ: - Cô làm cái quái gì ở đây thế? Dana đỏ bừng mặt. - Đây là buổi tối của những người bạn, - ông tướng gầm gừ - Tôi không biết là giới truyền thông cũng được mời! Jeff giận dữ nhìn tướng Booster. - Thôi đi! - Anh nói. - Chúng tôi cũng có quyền như… Victor Booster phớt lờ anh. Ông ta tiến lại gẩn Dana. - Hãy nhớ những gì tôi đã hứa nếu cô vẫn cố đi tìm rắc rối đấy. - Rồi ông ta bỏ đi. Jeff nhìn theo ông ta với vẻ hoài nghi. - Lạy Chúa. Tất cả chuyện này là thế nào? Jack Stone đứng đó, mặt đỏ bừng. - Tôi… tôi thành thật xin lỗi. Đôi khi ông ấy vẫn như vậy. Ông ấy không phải là người khéo léo. - Chúng tôi biết rồi, - Jeff lạnh nhạt trả lời. Bữa ăn tối thật đặc sắc. Trước mặt hai người là một thực đơn viết tay rất đẹp: "Trứng cá caviar Nga với rượu Vodka nhẹ và pho mát kem. Gà lôi hầm với nấm trắng và măng tây xanh. Gan béo kiểu Bismarck với rau diếp Boston, hạt tiêu và giấm xeres. Tôm hùm của bang Maine với nước sốt champagne Mornay. Thịt bò phi-lê Wellington với khoai tây rán Orloff và salad. Chocolate nóng với rượu cam và chocolate miếng". Đây là bữa tiệc kiểu Lucullan. Dana vô cùng ngạc nhiên khi thấy mình ngồi cạnh Roger Hudson. Pamela đã dàn xếp, nàng nghĩ. - Pamela nói rằng Kemal đã được vào học ở trường trung học Lincoln. Dana mỉm cười. - Vâng. Elliot Cromwell đã thu xếp việc đó ông ấy quả là một con người đặc biệt. Roger Hudson gật đầu. - Tôi cũng nghe nói vậy. Ông ta lưỡng lự một lát. - Chuyện này có thể không có ý nghĩa gì, nhưng hình như trước khi Taylor Winthrop trở thành đại sứ ở Nga, ông ấy có bảo các bạn mình rằng ông ấy đã dứt khoát về hưu. Dana cau mày. - Và rồi ông ấy lại nhận chức đại sứ ở Nga. Kỳ lạ. Trên đường về nhà, Jeff hỏi Dana: - Em làm thế nào mà kiếm được một người hâm mộ như tướng Booster thế. - Ông ta không muốn em điều tra về những cái chết trong gia đình Winthrop. - Tại sao ông ta lại không muốn? - Ông ta không giải thích. Song cứ sủa lung tung. Jeff chậm rãi nói: - Tay này ghê gớm lắm đấy, Dana. Ông ta là một kẻ thù đáng ngại. Nàng tò mò nhìn Jeff. - Tại sao? - Ông ta là lãnh đạo của FRA. - Em biết. Họ phát triển các công nghệ mới nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và… Jeff nói cộc lốc: - Và đó đúng là ông già Noel. Dana nhìn anh, bối rối: - Anh nói về cái gì vậy? - Cơ quan đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài thôi. Mục đích chính của họ là do thám các tin tức về công nghệ của nước ngoài và ngăn chặn việc trao đổi thông tin. Thật là mỉa mai. Họ thậm chí còn bí mật hơn cả NSA. Dana trầm ngâm nói: - Taylor Winthrop đã từng là lãnh đạo của FRA. Chuyện này thật thú vị. - Anh muốn khuyên em tránh tướng Booster càng xa càng tốt. - Em cũng định như vậy. - Anh biết người giúp việc đến vào đêm nay, em yêu, vậy nếu em phải về nhà… Dana nép vào người anh. - Không. Người giúp việc có thể chờ. Còn em thì không. Về chỗ của anh đi. Jeff cười to. - Anh nghĩ em không bao giờ đòi hỏi. Jeff sống trong một căn hộ nhỏ trên tầng bốn của toà cao ốc trên đường Madison. Anh dẫn Dana vào phòng ngủ. - Anh sẽ rất sung sướng khi chúng ta được dọn đến một căn hộ rộng hơn, - Jeff nói. - Kemal sẽ có phòng riêng dành cho nó. Tại sao chúng ta… - Tại sao chúng ta không ngừng nói chuyện đi nhỉ? - Dana gợi ý. Jeff ôm nàng vào lòng. - Ý kiến hay. - Anh vòng tay qua co nàng, nhẹ nhàng vuốt ve nàng. Rồi anh bắt đầu cởi đồ cho nàng. - Em có biết em có thân hình rất tuyệt không? - Người đàn ông nào cũng bảo em thế, - Dana trả lời. - Đó chỉ là chuyện người ta bàn tán thôi. Anh có định cởi đồ không đây? - Để anh suy nghĩ đã. Dana trèo lên người Jeff và bắt đầu cởi khuy áo sơ mi của anh. - Em có biết mình rất hư hỏng không? Nàng mỉm cười. - Anh có thể coi đó là điều chắc chắn. Dana đã ở sẵn trên giường khi Jeff cởi quần áo xong. Vòng tay anh đã mang lại hơi ấm cho nàng. Anh là một người tình tuyệt vời, biết quan tâm và cũng vô cùng hấp dẫn. - Em yêu anh biết bao, - Dana thì thầm. - Anh cũng yêu em, em yêu. Lúc Jeff vừa nằm sát vào người nàng, chuông điện thoại chợt reo. - Của em hay của anh? Họ cùng cười. Tiếng chuông tiếp tục vang lên. - Của anh, - Jeff nói. - Cứ để nó kêu. - Có thể quan trọng đấy, - Dana nói. - Ồ, được! - Jeff ngồi lên, bực bội. Anh nhấc ống nói lên. - A lô? - Giọng anh thay đổi - Không, không sao… Nói tiếp đi. Dĩ nhiên… Anh chắc rằng về chuyện đó không có gì đáng lo cả. Có thể chỉ là một cơn stress thôi. Cuộc nói chuyện tiếp tục kéo dài đến năm phút. - Đúng… Cứ bình tĩnh… Được… Ngủ ngon, Rachel. - Anh dập máy. Có chuyện gì tệ hại xảy ra mà Rachel phải gọi điện khuya khoắt thế này? - Có chuyện gì không, Jeff? - Không. Rachel đã làm việc quá nhiều. Cô ấy cần phải nghỉ ngơi. Cô ấy sẽ ổn thôi. - Anh ôm Dana và dịu dàng nói: - Chúng ta đến đâu rồi? - Anh kéo thân hình trần truồng của nàng lại gần mình và họ bắt đầu… Dana bỗng quên hết những rắc rối với nhà Winthrop, Joan Sinisi, ông tướng quân cáu bẳn, người giúp việc, Kemal cùng ngôi trường… và cuộc sống trở nên ngọt ngào hạnh phúc hơn bao giờ hết. Một lúc lâu sau, nàng miễn cưỡng lên tiếng: - Em e là đã đến lúc nàng Lọ Lem phải trở vào trong quả bí ngô rồi, anh yêu. - Quả bí ngô! Chiếc xe ngựa của anh đã sẵn sàng rồi. Nàng nhìn xuống dưới của anh. - Em nghĩ là nó thực sự sẵn sàng rồi. Một lần nữa nhé? Khi Dana về đến nhà, người giúp việc đã không giữ nổi kiên nhẫn và đang chuẩn bị ra về. - Đã một giờ rưỡi rồi. - Tôi xin lỗi. Tôi bị bắt buộc phải ở lại. - Dana cho cô ta thêm ít tiền. - Để đi taxi, - nàng nói. - Bây giờ ở bên ngoài nguy hiểm lắm. Hẹn gặp cô vào tối mai. Cô ta nói: - Cô Evans, tôi nghĩ là cô nên biết… - Gì cơ? - Suốt cả tối Kemal cứ quấy rầy tôi về việc lúc nào cô mới về. Nó có vẻ bất ổn. - Cảm ơn. Chúc ngủ ngon. Dana và phòng Kemal. Nó vẫn còn thức, đang chơi trò chơi trên máy tính. - Chào, Dana. - Nhẽ ra cháu phải ngủ rồi chứ? - Cháu đợi cô về. Cô đi chơi vui vẻ chứ? - Cũng tuyệt, nhưng cô rất nhớ cháu. Kemal tắt máy tính. - Đêm nào cô cũng đi chơi à? Dana nghĩ về những cảm xúc ẩn giấu đằng sau câu hỏi.- Cô sẽ cố dành nhiều thời gian ở bên cháu hơn, cháu yêu ạ. Chương 10 BẦU TRỜI SỤP ĐỔ Cú điện thoại đến đột ngột vào sáng thứ hai. - Cô Dana Evans? - Vâng. - Tôi là bác sĩ Joel Hirschberg. Tôi ở quỹ bảo trợ trẻ em. Dana lắng nghe, bối rối. - Vâng! - Ông Elliot Cromwell cho tôi biết cô nói với ông ấy rằng đang gặp khó khăn với việc lắp tay giả cho con trai cô. Dana suy nghĩ một lát. - Vâng, có lẽ như vậy. - Ông Cromwell đã cho tôi xem hồ sơ. Quỹ chúng tôi được thành lập để giúp đỡ các trẻ em ở các đất nước bị chiến tranh chia cắt. Theo những gì ông Cromwell nói với tôi, con trai cô hoàn toàn đủ tiêu chuẩn được nhận sự trợ giúp. Không hiểu cô có vui lòng cho cháu đến gặp chúng tôi không? - Vâng, tôi… được, dĩ nhiên. Họ hẹn nhau vào cuối ngày hôm đó. Khi Kemal từ trường về nhà, Dana vui vẻ nói: - Cô và cháu sẽ đến gặp bác sĩ để bàn về một cánh tay mới cho cháu. Cháu thích chứ? Kemal nghĩ ngợi. - Cháu không biết. Nó không phải là một cánh tay thật. - Nó sẽ rất giống với một cánh tay thật. Được chứ? - Tuyệt vời. Bác sĩ Joel Hirschberg xấp xỉ năm mươi tuổi, vẫn còn đầy sức lôi cuốn, thái độ đứng đắn ẩn giấu một năng lực tiềm tàng. Chào hỏi xong, Dana lên tiếng. - Bác sĩ, tôi muốn giải thích trước rằng chúng ta phải thu xếp một số vấn đề về tài chính, vì tôi được cho biết rằng Kemal đang ở tuổi lớn, một cánh tay mới sẽ… Bác sĩ Hirschberg ngắt lời nàng. - Như tôi đã nới với cô qua điện thoại, cô Evans, quỹ bảo trợ trẻ em được thành lập đặc biệt để giúp đỡ các em nhỏ ở những đất nước đang có chiến tranh. Chúng tôi sẽ lo luôn phần chi phỉ. Dana thấy người nhẹ hẳn đi. Thật là tuyệt diệu. Nàng thầm cầu nguyện. Chúa phù hộ cho Elliot Cromwell. Bác sĩ Hirschberg quay sang Kemal. - Nào, để tôi xem qua cháu nhé, anh bạn trẻ. Ba mươi phút sau ông ta nói với Dana: - Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết vụ việc này ổn thoả. - Ông ta kéo một tấm bản đồ trên tường xuống. - Chúng tôi có hai loại tay giả, loại cơ điện và loại cáp điều khiển. Như cô thấy ở đây, loại tay cơ điện được làm bằng nhựa và bọc bằng một loại găng trông giống da người. - Ông ta cười với Kemal. - Trông nó như tay thật vậy. Kemal hỏi: - Nó có cử động không? Bác sĩ Hirschberg nói: - Kemal, cháu có bao giờ nghĩ đến việc cử động tay của mình không? Ý của bác là cái tay không còn ở đây nữa ấy? - Có, - Kemal trả lời. - Tốt, bây giờ mỗi khi cháu nghĩ đến cánh tay ảo, những cơ ở đó sẽ tự động nhận biết và truyền tín hiệu xuống cánh tay của cháu. Nói một cách khác là cháu có thể mở nắm bàn tay chỉ bằng cách nghĩ về nó. Mặt Kemal sáng bừng lên. - Cháu à? Làm sao… cháu có thể tháo ra và lắp vào? - Rất đơn giản, Kemal. Cháu chỉ việc kéo nó ra. Có một miếng lót nylon mỏng ở xung quanh cánh tay. Cháu không thể bơi với nó, nhưng cháu có thể làm được những việc khác. Nó cũng như đôi giày vậy. Đêm cháu tháo ra và ban ngày thì đeo vào. - Nó có nặng lắm không? - Dana hỏi. - Khoảng một trăm bảy mươi gam đến bốn trăm gam. Dana quay sang Kemal. - Cháu nghĩ sao? Chúng ta thử chứ? Kemal cố gắng kiềm chế cơn phấn khích. - Nó sẽ trông như thật chứ? Bác sĩ Hirschberg mỉm cười. - Trông như thật! Đã từ lâu cháu chỉ có một cánh tay trái, vậy từ nay cháu phải cố gắng quên chuyện đó đi. Sẽ tốn thời gian đấy, Kemal. Chúng tôi sẽ chỉnh cánh tay cho phù hợp với cháu, nhưng cháu phải xem qua cánh tay để học cách coi nó như là một phần của cơ thể mình và điều khiển tín hiệu. Kemal hít một hơi thở sâu. - Được ạ. Dana ôm chặt lấy Kemal. - Sẽ thật là tuyệt diệu, nàng nói. Và cố ngăn nước mắt trào ra. Bác sĩ Hirschberg nhìn họ một lát rồi mỉm cười. - Nào, chúng ta bắt đầu. Về đến văn phòng, Dana đi ngay sang gặp Cromwell. - Elliot, chúng tôi vừa ở chỗ bác sĩ Hirschberg về. - Tốt. Tôi hy vọng là ông ấy giúp được cho Kemal. - Có lẽ là được Tôi không thể nói tôi biết ơn ông nhiều, nhiều đến mức nào. - Dana, không phải nói biết ơn gì cả. Tôi rất vui vì có thể giúp được cho cô. Nhớ cho tôi biết chuyện tiến hành ra sao nhé. - Vâng. – Chúa phù hộ cho ông… - Hoa đến? - Olivia đi vào văn phòng với một bó hoa to trên tay. - Đẹp quá!, - Dana thốt lên. Nàng mở phong bì ra và đọc tấm thiệp. "Cô Evans thân mến, người bạn của chúng ta trông bề ngoài hung hãn, nhưng thực chất không phải vậy. Mong là cô sẽ thích bó hoa. Jack Stone". Dana ngắm nghía tấm thiếp một lát. Thật thú vị, nàng nghĩ. Jeff đã nói ông ta rất là ghê gớm. Vậy ai đúng ai sai. Dana có cảm giác Jack Stone rất ghét công việc của anh ta.Và cả ông chủ nữa. Mình sẽ nhớ điền * * * * * Dana gọi đến FRA gặp Jack Stone. - Anh Jack Stone phải không? Tôi muốn cảm ơn anh về… - Cô đang ở văn phòng à? - Vâng. Tôi… - Để tôi gọi lại cho cô. - Rồi anh ta dập máy. - Cô Evans, sẽ tất cho cả hai chúng ta hơn nếu không ai biết chúng ta đang nói chuyện. Tôi đã cố gắng làm ông ấy thay đổi thái độ, nhưng ông ấy rất cứng đầu. Nếu như cô cần tôi… ý tôi là thật sự cần tôi… tôi sẽ đưa cô số điện thoại riêng của tôi. Cô có thể gọi lúc nào cũng được. - Cảm ơn anh. - Dana ghi lại số điện thoại của anh ta. - Cô Evans… - Vâng! - Không có gì. Hãy cẩn thận. Tướng Booster đã đợi sẵn khi Jack Stone đến chỗ làm vào buổi sáng hôm ấy. - Jack, tôi có cảm giác là con điếm Evans đang cố tình gây rắc rối. Tôi muốn anh để ý đến nó. Và nhớ báo cáo cho tôi. - Tôi sẽ lo vụ này. Chỉ có điều là sẽ không có báo cáo gì. Và anh ta gửi hoa cho Dana. Dana và Jeff ngồi trong phòng ăn của nhân viên đài truyền hình nói chuyện về cánh tay giả của Kemal. Dana nói: - Em vui quá, anh yêu. Chuyện này sẽ làm thay đổi mọi thứ. - Nó sẽ xúc động lắm đây. - Jeff nói. Anh biết mình cũng vậy. - Và tuyệt vời hơn là quỹ bảo trợ trẻ em sẽ thanh toán toàn bộ chi phí. Nếu chúng ta có thể… Chuông điện thoại di động của Jeff vang lên. - Xin lỗi em. - Anh mở máy ra. - A lô?… Ồ… - Anh liếc Dana. - Không… không sao… Tiếp đi… Dana ngồi yên, cố gắng lắng nghe. - Ừ. Anh hiểu… Được… Có lẽ không có gì nghiêm trọng, nhưng em cũng nên đến gặp bác sĩ. Bây giờ em đang ở đâu? Brazil? Ở đó cũng có vài bác sĩ giỏi. Dĩ nhiên… Anh hiểu… Không. - Cuộc đàm thoại có vẻ như kéo dài mãi. Cuối cùng Jeff nói: - Giữ gìn sức khoẻ nhé. Tạm biệt. - Anh bỏ máy xuống. - Dana hỏi: - Rachel à? - Ừ. Cô ấy có vài rắc rối về sức khoẻ. Cô ấy phải huỷ bỏ công việc ở Rio. Trước đây cô ấy chưa bao giờ như thế? - Tại sao cô ấy lại gọi cho anh, Jeff. - Cô ấy không còn ai khác, em yêu. Rachel hoàn toàn cô độc. - Tạm biệt, Jeff. Rachel miễn cưỡng dập máy, lòng buồn bực không muốn đứng lên. Cô nhìn qua cửa sổ tới Sugarloaf ở phía xa rồi nhìn xuống bãi biển Ipanema ở bên dưới. Rồi cô đi vào phòng ngủ, nằm xuống, toàn thân như kiệt quệ, những hình ảnh của ngày hôm đó quay cuồng trong đầu. Buổi sáng cô chụp ảnh quảng cáo cho American Express, kiểu ngoài bãi biển. Đến trưa, ông đạo diễn nói: - Cuộn cuối cùng đẹp lắm. Rachel. Nhưng chúng ta hãy chụp thêm một cuộn nữa. Cô định nói vâng nhưng lại thấy mình trả lời: Không. Tôi rất tiếc. Tôi không thể. Ông ta ngạc nhiên nhìn cô. - Gì cơ? - Tôi đang rất mệt. Ông tha lỗi cho tôi. Cô quay lại, chạy vào khách sạn, qua đại sảnh, trở về phòng mình. Người cô run lên và cơn buồn nôn ập đến. Chuyện gì xảy ra với mình thế này? Trán cô nóng bừng. Cô nhấc điện thoại lên và gọi cho Jeff. Giọng nói của anh làm cô thấy dễ chịu hơn. Chúa phù hộ cho anh. Anh luôn ở bên mình, chỗ dựa an toàn của mình. Khi cuộc nói chuyện kết thúc, Rachel nằm trên giường và nghĩ ngợi. Chúng ta đã có những quãng thời gian tuyệt vời. Anh ấy luôn luôn vui vẻ. Chúng ta thích làm những điều giống nhau, và chúng ta thích được chia sẻ với nhaũ. Sao mình lại để anh ấy ra đi cơ chứ! Cô nhớ lại cuộc hôn nhân đã tan vỡ như thế nào. Nó bắt đầu từ một cú điện thoại. - Cô Rachel Stevens? - Vâng! - Ông Roderick Marshall muốn gặp cô. Một trong những đạo diễn quan trọng nhất ở Hollywood. - Cô Stevens? - Vâng! - Tôi là Roderick Marshall. Cô có biết tôi là ai không? Cô đã xem vài bộ phim của ông ta. - Dĩ nhiên là tôi biết, ông Marshall. - Tôi đã xem nhiều bức ảnh của cô. Hãng Fox chúng tôi cần cô. Cô có sẵn lòng đến Hollywood quay thử một đoạn phim không? Rachel do dự một lát. - Tôi không biết. Ý tôi là tôi không biết mình có khả năng diễn xuất không. Tôi chưa bao giờ… - Đừng lo. Chuyện đó cứ để tôi. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ thanh toán mọi chi phí cho cô. Chính tôi sẽ đạo diễn đoạn phim quay thử. Khi nào cô có thể đến đây? Rachel nghĩ đến thời gian biểu của mình: - Ba tuần nữa. - Tốt. Chúng tôi sẽ thu xếp mọi việc. Khi dập máy, Rachel nhận ra mình đã không hỏi ý kiến Jeff. Anh ấy không quan tâm đâu, cô nghĩ. Dù sao thì chúng mình cũng hiếm khi được ở bên nhau mà. - Hollywood? - Jeff nhắc lại. - Chỉ là may rủi thôi mà, Jeff. Anh gật đầu. - Được, em cứ đi đi: Có thể em sẽ trở nên nổi tiếng. - Anh đi với em chứ? - Em yêu, bọn anh phải thi đấu ở Cleveland vào thứ hai, rồi đi Washington và tiếp theo là Chicago. Bọn anh còn rất nhiều trận đấu. Anh nghĩ là đội bóng sẽ gặp khó khăn nếu một cầu thủ ném bóng chính không có mặt. - Tệ quá. - Cô cố tỏ ra bình thường. - Cuộc sống của chúng ta dường như không bao giờ cùng nhau, phải không, Jeff. - Không thường xuyên lắm. Rachel định nói gì thêm, nhưng cô nghĩ, đây không phải lúc. Một nhân viên trường quay đón Rachel ở sân bay Los Angeles với một chiếc limousine dài ngoẵng. - Tên tôi là Henry Ford, - anh ta cười - Không quan hệ gì? (1). Họ gọi tôi là Hank. Chiếc xe hoà vào dòng xe cộ trên đường. Anh ta tặng ngay cho Rachel một bài tường thuật tại chỗ. - Lần đầu đến Hollywood à, cô Stevens? - Không, tôi đến đây nhiều rồi. Lần cuối là cách đây hai năm. - À nó đã thay đổi nhiều rồi. Nó lớn hơn và tốt hơn bây giờ hết. Chúng tôi đã bố trí cho cô nghỉ ở Chateau Marmont. Đó là nơi các nhân vật nổi tiếng thường ở. Rachel giả vờ bị ấn tượng. - Thật à? - Ồ, vâng. John Belushi đã chết ở đấy, cô biết đấy, sau khi dùng thuốc quá liều. - Ồ! - Gable cũng đã từng ở đấy, cả Paul Newman, Marilin Monroe. Những cái tên liên tục được tuôn ra. Rachel không buồn nghe nữa. Chateau Marmot ở ngay phía bắc đại lộ Hoàng hôn, trông như một lâu đài trong phim. Henry Rord nói: - Hai giờ tôi đến đây đưa cô tới trường quay. Cô sẽ gặp Roderick Marshall ở đó. - Tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng. * * * * * Hai tiếng sau Rachel đã ở trong văn phòng của Roderick Marshall. Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, nhỏ bé và rắn chắc, với năng lượng của một chiếc máy phát điện. - Cô sẽ vui mừng vì mình đã đến đây, - ông ta nói. - Tôi sẽ biến cô thành một ngôi sao lớn. Đoạn phim của cô được quay vào ngày mai. Phụ tá của tôi sẽ đưa cô đi chọn quần áo phù hợp. Cô sẽ quay thử một cảnh trong bộ phim lớn của chúng tôi. Kết thúc của một giấc mơ. - Bảy giờ sáng mai cô sẽ được hoá trang và làm tóc. Tôi đoán là không có gì mới đối với cô, nhỉ? Rachel yếu ớt trả lời: - Không. - Cô đến đây một mình à, Rachel? - Vâng. - Vậy tại sao tối nay chúng ta không cùng đi dùng bữa? Rachel suy nghĩ một lát. - Cũng được. - Tôi sẽ đón cô vào lúc tám giờ. Bữa tối trở thành cuộc du ngoạn trong thành phố. - Nếu cô biết chỗ để đến… và cô có thể vào, - Roderick Marshall bảo Rachel: - Los Angeles có một vài hộp đêm hấp dẫn nhất thế giới. Cuộc đi chơi tối bắt đầu từ Standart, một quán bar, một khách sạn thời thượng trên đại lộ Hoàng hôn. Khi đi qua bàn lễ tân, Rachel dừng lại nhìn. Bên cạnh bàn, đằng sau cửa sổ kính mờ ảo là một bức tranh người sống, một người mẫu khoả thân. - Có tuyệt không? - Không thể tin được, - Rachel nói. Đó là biểu tượng của những hộp đêm đông đúc, ầm ỹ, và đến cuối cuộc đi chơi, Rachel thấy mình kiệt sức. Roderick Marshall đưa cô về đến khách sạn. - Ngủ ngon. Ngày mai cả cuộc đời cô sẽ thay đổi. Bảy giờ sáng, Rachel có mặt trong phòng hoá trang. Bob Van Dusen, nhân viên hoá trang, nhìn cô với vẻ khen ngợi và nói: - Và họ sẽ trả tiền cho tôi vì chuyện này. Rachel cười. - Cô không cần trang điểm nhiều. Cứ để tự nhiên cũng đã quá đẹp rồi. - Cám ơn. Khi Rachel đã sẵn sàng, nhân viên phục trang giúp cô mặc chiếc váy mà họ chuẩn bị từ chiều hôm trước. Trợ lý đạo diễn dẫn cô ra. Roderick Marshall và cả đoàn làm phim đã chờ sẵn. Ông ta ngắm nhìn Rachel một lát rồi nói. - Tuyệt. Chúng ta sẽ chia cảnh quay thử ra làm hai phần, Rachel. Cô ngồi ở cái ghế này và tôi sẽ hỏi cô vài câu từ bên ngoài ống kính. Giữ bình tĩnh nhé. - Được. Còn phần thứ hai? - Là cảnh quay thử mà tôi đã nói. Rachel ngồi xuống và người quay phim hướng ống kính vào nàng. Roderick Marshall đứng ngoài khuôn hình. - Cô sẵn sàng chưa? - Rồi. - Tốt. Hãy thả lỏng. Cô sẽ thành công thôi. Máy. Diễn. - Chào cô. - Chào ông. - Nghe nói cô là một người mẫu? Rachel mỉm cười. - Vâng. - Cô bắt đầu công việc như thế nào? - Năm đó tôi mười lăm tuổi. Ông chủ của một hãng người mẫu nhìn thấy tôi ở quán ăn với mẹ tôi, ông ta lại nói chuyện với bà và vài ngày sau tôi trở thành người mẫu. Cuộc đối thoại kéo dài mười lăm phút và Rachel tỏ ra khá thoải mái. - Cắt! Tuyệt vời! - Roderick Marshall trao cho nàng một kịch bản phân cảnh ngắn. - Chúng ta nghỉ giải lao. Cô đọc cái này đi. Khi nào sẵn sàng, hãy bảo tôi và chúng ta sẽ tiến hành. Cô có khả năng lắm, Rachel. Rachel đọc kịch bản. Đó là cảnh một bà vợ yêu cầu chồng mình ly hôn. Cô đọc lại lần nữa. - Tôi sẵn sàng. Rachel được giới thiệu với Kevin Webster, người sẽ diễn xuất cùng mình - một chàng tuổi trẻ đẹp trai theo kiểu Hollywood. - Tốt, - Roderick Marshall nói - Vào việc thôi. Máy. Diễn. Rachel nhìn Kevin Webster: - Sáng nay em đã nói chuyện với luật sư, Cliff. - Anh có nghe nói. Nhẽ ra em nên nói với anh trước chứ? - Em đã nói chuyện đó với anh rồi. Em đã nói với anh từ năm ngoái. Hôn nhân của chúng ta không còn nữa. Anh đã không nghe em, Jeff! - Cắt! - Roderick nói. - Rachel, anh ta tên là Cliff. Rachel nói với vẻ xấu hổ: - Tôi xin lỗi. - Làm lại nhé. Take hai. Cảnh này đúng là nói về Jeff và mình, Rachel nghĩ. Hôn nhân của mình đã không còn nữa. Làm sao chúng ta có thể như thế? Chúng ta sống những cuộc sống riêng biệt. Chúng ta hiêm khi được gặp nhau. Chúng ta đều gặp những con người hấp dẫn mà không thể quan hệ chỉ vì một tờ giấy giá thú đã từ lâu không còn ý nghĩa. - Rachel? - Tôi xin lỗi. Cảnh quay lại bắt đầu. Vào lúc kết thúc công việc, cô đã đưa ra hai quyết định: Cô không thuộc về Hollywood. Và cô muốn li dị… Giờ đây, nằm một mình ở Rio, lên cơn sốt và kiệt sức Rachel nghĩ: - Mình đã sai lầm. Mình không nên, không bao giờ nên li dị Jeff. * * * * * Lúc Kemal tan học vào ngày thứ ba, Dana dẫn nó đến gặp ông bác sĩ. Cánh tay giả này trông như thật hoạt động rất tốt, nhưng Kemal hãy còn khó khăn để quen thuộc với nó, cả về khía cạnh vật chất lẫn tâm lý. - Cháu sẽ có cảm giác là phải gắn với một vật thể xa lạ, - ông ta giải thích với Dana. - Công việc của chúng tôi là làm cho cháu chấp nhận nó như một phẩn của cơ thể mình. Cháu sẽ phải quen với việc mình có hai tay như trước kia. Thường là giai đoạn này mất từ hai đến ba tháng. Tôi phải nhắc nhở cô rằng đây sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đấy. - Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, - Dana quả quyết. Nhưng mọi chuyện không phải dễ đến thế. Sáng hôm sau Kemal ra khỏi phòng mà không có cánh tay giả. - Cháu xong rồi. Dana ngạc nhiên nhìn nó. - Cánh tay đâu, Kemal? Kemal bướng bỉnh giơ tay trái lên. - Nó vẫn ở đây. - Cháu biết cô muốn nói gì mà. Cánh tay giả đâu? - Khó chịu lắm. Cháu sẽ không đeo nó nữa. - Cháu sẽ quen với nó thôi. Cô thề đấy. Cháu phải cho mình một cơ hội chứ. Cô sẽ giúp cháu… - Không ai giúp được cháu hết. Cháu là một thằng què. Dana lại đến gặp thanh tra Marcus Abrams. Khi nàng bước vào, ông ta đang ngồi hoàn tất các báo cáo. Marcus Abrams ngước mắt lên với vẻ cau có. - Cô có biết tôi ghét cái công việc khốn kiếp này ở điểm nào không? - Ông ta chỉ vào đống giấy tờ. - Đây này. Tôi chỉ có thể suốt ngày lê la ngoài phố bắn giết mà thôi. Ồ, tôi quên mất. Cô là phóng viên phải không? Đừng trích dẫn những gì tôi nói nhé. - Quá muộn rồi. - Và hôm nay tôi có thể giúp gì cho cô, cô Evans? - Tôi đến hỏi về vụ Sinisi. Đã khám tử thi chưa? - Như thường lệ thôi mà, - ông ta lấy từ ngăn kéo bàn ra mấy tờ giấy. - Có gì đáng nghi không? Nàng nhìn thanh tra Abrams xem qua bản báo cáo. - Không có chất cồn… không ma tuý… không. - Ông ta ngước lên. - Có vẻ như người phụ nữ này chán nản và đi đến quyết định kết liễu đời mình. Thế thôi! - Thế thôi, - Dana nói. Tiếp theo Dana sang văn phòng của thanh tra Phoenix Wilson. - Chào thanh tra Wilson. - Cơn gió nào thổi cô đến đây thế? - Không biết có tin tức gì mới về vụ ám sát Gary Winthrop không nhỉ? Thanh tra Wilson thở dài và đưa tay lên gãi mũi. - Chẳng có cái quái gì cả. Tôi đã nghĩ rằng đến lúc này thì một trong những bức tranh đó sẽ phải xuất hiện rồi. Đó là thứ mà chúng tôi đang trông chờ. Dana định nói: "Tôi sẽ không nghĩ thế nếu tôi là ông", nhưng nàng kìm lại. - Không có bất kỳ manh mối nào sao? - Không hề. Bọn khốn nạn đó đã biến mất tăm tích. Chúng tôi không xử lý nhiều vụ trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật nhưng tôi biết tất cả đều có những quy luật nhất định. Đó là vấn đề đáng ngạc nhiên. - Ngạc nhiên? - Ừ. Vụ này thì lại khác. - Khác… thế nào? - Bọn tội phạm nghệ thuật không giết những người không có vũ trang, và cũng không có lý do gì để chúng hạ sát Gary Winthrop một cách tàn nhẫn như vậy. - Ông ta dừng lại. - Cô có hứng thú đặc biệt với vụ này đấy nhỉ? - Không, - Dana nói dối. - Chỉ là tôi tò mò thôi. Tôi… - Được rồi, - thanh tra Wilson nói. - Cứ giữ liên lạc nhé. Kết thúc cuộc họp trong văn phòng tướng Booster ở tổng hành dinh FRA, ông ta quay sang Jack Stone và hỏi: - Con mụ Evans hiện đang làm cái gì? - Cô ả đi các nơi hỏi thăm tin tức, nhưng tôi nghĩ cũng không có hại gì. Không phải bất cứ chỗ nào cô ta cũng có thể đến được. - Tôi không muốn thấy nó cứ rình mò lung tung. Bảo nó thôi ngay cái trò đó đi. - Khi nào thì ông muốn làm việc này? - Hôm qua. Dana đang chuẩn bị cho bản tin tiếp theo thì Matt Baker đi vào và ngồi phịch xuống ghế. - Tôi vừa nhận được một cú điện thoại liên quan đến cô. Dana nhẹ nhàng nói: - Người hâm mộ không thể chịu được tôi nữa à? - Chỉ riêng người này không thể chịu nổi cô. - Ồ? - Cú điện thoại từ FRA. Họ yêu cầu cô ngừng điều tra vụ Taylor Winthrop. Không chính thức. Như lời họ nói thì đây chỉ là một lời khuyên tử tế. Có vẻ như họ muốn cô quan tâm đến công việc của mình nhiều hơn. - Thế à? - Dana nói. - Chuyện này làm ông thắc mắc phải không? Tôi không lui bước chỉ vì một vài quan chức Chính phủ muốn tôi làm thế đâu. Sự việc bắt đầu ở Aspen, nơi Taylor và vợ bị chết trong đám cháy. Vậy thì tôi sẽ đến đó trước. Và nếu có phát hiện gì ở đó thì đây sẽ là một sự khởi đầu tuyệt vời cho Đường dây tội ác. - Cô cần bao nhiêu thời gian? - Khoảng một đến hai ngày. - Vậy hãy đi đi. Chú thích:Ý anh ta là không có bà con gì với Henry Ford người sáng lập ra hãng xe Ford nổi tiếng thế giới Chương 11 Phải cố gắng lắm Rachel mới động đậy nổi chân tay. Nội việc đi từ phòng nọ sang phòng kia trong căn nhà ở Florida thôi cũng đã làm cô mệt lử. Cô không nhớ nổi mình đã có lần nào mệt đến thế chưa. Có lẽ mình bị cúm hay gì đó. Jeff nói đúng. Mình nên đến gặp bác sĩ. Tắm nước nóng sẽ làm mình thoải mái… Lúc Rachel đang nằm dài trong làn nước ấm áp, tay cô bất giác đưa lên ngực và chạm phải một cục u. Phải ứng đầu tiên của cô là choáng váng. Rồi phủ nhận. Không phải là ung thư. Mình không hút thuôc. Mình tập thể dục và chăm sóc cơ thể đều đặn. Gia đình mình không ai bị ung thư cả. Mình sẽ đi khám bác sĩ, nhưng đó không phải là ung thư. Rachel ra khỏi bồn tắm, lau người và gọi điện thoại. - Cơ quan đại diện người mẫu Betty Richman. - Cho tôi gặp Betty Richman. Nói với bà ấy tôi là Rachel Stevens. - Rachel, rất vui vì cô đã gọi điện. Cô vẫn khoẻ chứ? - Dĩ nhiên. Sao bà lại hỏi thế? - Cô ngừng buổi chụp ảnh ở Rio, và tôi nghĩ có thể… Rachel cười: - Không, không. Tôi chỉ hơi mệt thôi, Betty. Tôi đã sẵn sàng làm việc trở lại. - Tin này thật tuyệt. Tất cả mọi người đều tranh nhau mời cô. - Tốt. Tôi ổn cả rồi. Lịch làm việc thế nào? - Cô chờ một lát. Một phút sau bà ta trở lại. - Có một đợt ở Aruba. Tuần sau bắt đầu. Cô sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị. Họ đang yêu cầu có cô đấy. - Tôi thích Aruba. Bà xác nhận cho tôi. - Được. Tôi mừng là cô đã khoẻ lại. - Tôi cảm thấy rất tuyệt. - Để tôi gứi tất cả chi tiết đến cho cô. Vào lúc hai giờ chiều hôm sau, Rachel hẹn gặp với bác sĩ Graham Elgin. - Chào bác sĩ Elgin. - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi có một khối u nhỏ bên ngực phải và… - Ồ cô đã đi kiểm tra chưa? - Chưa, nhưng tôi biết đó là cái gì. Đó chỉ là một khối u nhỏ. Tôi biết rõ cơ thể mình mà. Tôi muốn ông tiến hành một cuộc tiểu phẫu để làm cho nó biến mất. - Cô mỉm cười. - Tôi là người mẫu, và tôi không thể chịu nổi việc có một vết sẹo trên người. Một vết mờ mờ nho nhỏ thì tôi còn có thể trang điểm để giấu nó đi. Tuần sau tôi đi Aruba rồi, vậy tôi muốn ông thu xếp làm cho tôi ngày mai hoặc ngày kia, được không? Bác sĩ Elgin yên lặng nhìn cô. Cân nhắc tình hình, ông ta nhận thấy cô có vẻ bình tĩnh một cách giả tạo. - Để tôi kiểm tra cho cô trước, rồi mới đến những việc khác. Nhưng, dù sao chúng tôi cũng có thể tiến hành tiểu phẫu cho cô trong tuần này, nếu cô thấy cần thiết. Rachel cười. - Thế thì tuyệt. Bác sĩ Elgin đứng dậy. - Chúng ta đi sang phòng khác chứ? Để tôi gọi y tá mang đồng phục bệnh viện đến cho cô. Mười lăm phút sau, cùng với một nữ y tá, bác sĩ Elgin bắt đầu kiểm tra khối u trên ngực Rachel. - Tôi đã nói rồi, bác sĩ. Đó chỉ là khối u nhỏ thôi. - Vâng, nhưng để cho chắc chắn, tối muốn tiến hành sinh thiết. Tôi sẽ làm ngay tại đây. Rachel cố gắng không nhăn mặt khi bác sĩ Elgin chọc cây kim nhỏ vào một bên ngực cô để rút ra một chút mỡ. - Xong rồi. Cũng không đau lắm, phải không? - Không. Bao giờ… - Tôi sẽ gửi cái này xuống phòng thí nghiệm và sáng mai sẽ có báo cáo sơ bộ. Rachel mỉm cười. - Vậy thì được. Tôi sẽ về nhà chuẩn bị để đi Aruba. Về đến nhà, việc đầu tiên Rachel làm là lấy ra hai chiếc vali và đặt chúng lên giường. Cô mở tủ và bắt đầu chọn quần áo để mang đi. Jeanette Rhode, người dọn dẹp nhà cửa cho cô đi vào phòng ngủ. - Cô Stevens, cô lại chuẩn bị đi à? - Lần này cô đi đâu? - Aruba. - Nó ở đâu? - Một hòn đảo xinh đẹp ở biển Caribbean, phía bắc Venezuela. Đó là thiên đường. Những bãi biển tuyệt vời, các khách sạn sang trọng và các món sơn hào hải vị. - Tuyệt quá. - Nhân tiện, Jeanette, trong thời gian tôi vắng nhà, tôi muốn bà đến đây ba lần một tuần. - Không thành vấn đề. Chín giờ sáng hôm sau, chuông điện thoại reo. - Cô Stevens? - Vâng. - Tôi là bác sĩ Elgin. - Chào bác sĩ. Khi nào thì cuộc tiểu phẫu có thể tiến hành? - Cô Stevens. Tôi vừa có bản kết quả xét nghiệm tế bào đây. Tôi muốn cô đến văn phòng của tôi để… - Không. Tôi muốn được nghe kết quả ngay, bác sĩ. Một khoảnh khắc do dự ngắn ngủi: - Tôi không muốn nói chuyện này qua điện thoại, nhưng bản báo cáo sơ bộ cho thấy cô đã mắc chứng ung thư. * * * * * Jeff đang ngồi trình bày cột tin thể thao thì chuông điện thoại reo. Anh nhấc máy: - A lô? - Jeff…- Cô đang khóc. - Rachel, em đấy à? Chuyện gì thế? Chuyện gì xảy ra vậy? - Em… em bị ung thư vú. - Lạy Chúa. Nghiêm trọng đến thế sao? - Em cũng không biết. Jeff, em không thể chịu đựng một mình được. Em biết là mình đang đòi hỏi quá nhiều, nhưng anh có thể đến đây không? - Rachel, anh… e là… - Chỉ một ngày thôi. Cho đến khi em… biết. - Cô lại bật khóc. - Rachel…- Anh ứa nước mắt - Anh sẽ cố. Anh gọi cho em sau nhé. Cô nức nở đến không nói nổi nên lời. Khi Dana đi họp về, nàng nói: - Olivia, đặt cho tôi một chỗ vào chuyến bay sáng mai đi Aspen, Colorado. Đặt luôn khách sạn cho tôi. À, tôi còn muốn thuê xe nữa! - Vâng. Ông Connors đang đợi cô trong văn phòng. - Cảm ơn. - Dana đi vào trong. Jeff đang đứng nhìn ra cửa sổ. - Chào, anh yêu. - Dana. Có cái gì đó lạ lùng trên mặt anh. Dana nhìn anh với vẻ quan tâm. - Anh không sao chứ? - Đó là câu hỏi kép, - anh nặng nề nói. - Có và không. - Anh ngồi đi, - Dana nói. Nàng ngồi xuống đối diện với anh. - Có chuyện gì thế? Anh thở dài. - Rachel bị ung thư vú. Nàng thấy hơi choáng váng. - Em… em rất tiếc. Cô ấy sẽ không sao chứ? - Cô ấy gọi điện cho anh sáng naý. Họ sẽ cho cô ấy biết mức độ nghiêm trọng của căn bệnh. Cô ấy đang hoảng loạn. Cô ấy muốn anh đến Florida để giúp cô ấy đối diện với sự thật. Anh nghĩ mình phải nói trước với em. Dana đến bên Jeff và choàng tay qua người anh. - Dĩ nhiên là anh phải đi. - Nàng nhớ lại bữa trưa cùng Rachel và sự tuyệt vời của cô ấy. - Một hoặc hai hôm thôi anh sẽ về. Jeff vào văn phòng của Matt Baker. - Tôi có việc khẩn, Matt. Tôi muốn nghỉ làm vài hôm. - Anh có sao không, Jeff. - Không. Đó là Rachel. - Vợ trước của anh? Jeff gật đầu. - Cô ấy mới biết mình bị ung thư. - Tôi rất tiếc. - Dù sao cô ấy cũng cần sự ủng hộ về tinh thần. Tôi muốn bay đi Florida ngay chiều nay. - Anh cứ đi đi. Tôi sẽ bảo Mary Falstein làm thay anh. Cho tôi biết mọi chuyện ra sao nhé. - Vâng. Cảm ơn ông, Matt. Hai tiếng sau Jeff đã ngồi trên máy bay tới Miami. Vấn đề quan trọng nhất đối với Dana chính là Kemal. Mình không thể đi Aspen mà không nhờ ai đó tin cậy đến đây trông chừng nó. Nàng nghĩ. Nhưng mà có ai vừa quét dọn lau nhà vừa để mắt được đến ông nhóc ngỗ nghịch nhất thế giới này cơ chứ. Nàng gọi diện cho Pamela Hudson. - Xin lỗi vì đã làm phiền bà, nhưng tôi phải đi công tác một thời gian và tôi cần có ai đó đến trông chừng Kemal. Không hiểu bà có biết một người giúp việc tử tế nào có được lòng kiên nhẫn của một vị thánh không ạ? Một khoảnh khắc yên lặng. - Cũng may là tôi biết. Bà ta tên là Mary Rowane Daley, và bà ta đã làm cho chúng tôi nhiều năm nay rồi. Đó là của hiếm đấy. Để tôi bảo bà ta gọi đến cho cô. - Cảm ơn bà, - Dana nói. Một giờ sau Olivia thông báo: - Dana, có bà Mary Daley gọi điện cho cô. Dana nhấc máy lên. - Bà Daley phải không ạ? - Vâng, tôi đây. - Giọng nói ấm áp đặc sệt chất Ailen. - Bà Hudson bảo tôi cô đang cần một người đến chăm nom con mình? - Đúng vậy, - Dana nói. - Tôi phải đi công tác một hoặc hai ngày. Tôi không biết liệu bà có thể đến chỗ tôi vào sáng mai… lúc bảy giờ… để chúng ta cùng nói chuyện không? - Tôi chắc là được. Cũng may là lúc này tôi đang rỗi. Dana đọc địa chỉ cho bà ta. - Tôi sẽ đến đúng giờ, cô Evans. Đúng bảy giờ sáng hôm sau Daley đến nơi. Bà ta khoảng ngoài năm mươi tuổi, người béo lùn, điệu bộ vui vẻ và có nụ cười tươi tắn. Dana bắt tay bà ta. - Rất vui được gặp cô, cô Evans. Tôi thường xem cô trên TV mỗi khi có thể. - Cảm ơn bà. - Và cậu bé đâu rồi? Dana gọi to: - Kemal. Một lát sau Kemal bước ra khỏi phòng. Nó nhìn bà Daley và nét mặt thì như muốn nói Quái vật. Bà Daley mỉm cười. - Kemal phải không? Tôi chưa bao giờ gặp ai tên Kemal cả. Trông cháu cứ như một chú tiểu quỷ vậy. Cháu nhớ cho tôi biết cháu thích ăn những gì nhé. Tôi là một đầu bếp cừ đây. Chúng ta sẽ có quãng thời gian vui vẻ bên nhau, Kemal. - Tôi hy vọng là vậy, Dana nghĩ. - Bà Daley, bà có thể ở đây cùng Kemal khi tôi đi xa chứ. - Dĩ nhiên, thưa cô Evans. - Vậy thì tuyệt, - Dana nói với vẻ biết ơn. - Tôi e là ở đây không có nhiều phòng. Chỗ ngủ của bà là… Bà Daley mỉm cười. - Cô không cần phải lo. Chiếc ghế bành này là tốt lắm rồi. Dana thở phào nhẹ nhõm. Nàng nhìn đồng hồ. - Tại sao bà không đi cùng tôi đưa Kemal đến trường. Rồi đón nó lúc một giờ bốn lăm. - Thế cũng tốt. Kemal quay sang Dana. - Cô sẽ trở về, phải không, Dana? Dana choàng tay qua người nó. - Dĩ nhiên, cô sẽ về với cháu mà. - Khi nào? - Vài ngày nữa cô sẽ về. - Với vài câu trả lời. Khi Dana đến trường quay, trên bàn làm việc của nàng có một gói nhỏ xinh xắn được bọc cẩn thận. Nàng tò mò nhìn nó rồi mở ra. Bên trong là một chiếc bút máy vàng rất đẹp. Còn trên tấm thiệp viết: "Dana thân mến, chúc cô thượng lộ bình an". Ở dưới ký tên, Tổ chức. Thật là chu đáo. Nàng nhét nó vào túi xách. Đúng vào lúc Dana lên máy bay, một người đàn ông mặc đồng phục nhấn chuông cửa căn hộ nhà Whartons cũ. Cánh cửa bật mở và người chủ mới nhìn anh ta, gật đầu rồi đóng cửa lại. Anh ta sang trước căn hộ của Dana và bấm chuông. Bà Daley ra mở cửa. - Có chuyện gì thế? - Cô Evans gọi tôi đến sửa TV. - Thế thì được. Vào đi.Bà Daley nhìn anh ta đi đến cạnh chiếc TV và bắt đầu làm việc. Chương 12 Rachel Stevens đã chờ sẵn ở sân bay quốc tế Miami lúc máy bay của Jeff hạ cánh. Chúa ơi, cô ấy vẫn đẹp quá, Jeff nghĩ thầm. Mình không tin được là cô ấy lại đang bệnh. Rachel vòng tay qua người anh. - Ồ, Jeff! Cảm ơn vì anh đã đến đây. - Trông em tươi tắn quá, - Jeff trấn an cô. Họ đi ra chiếc limousine đang chờ bên ngoài. - Tất cả những thứ này rồi cũng thành tro bụi thôi. - Rồi anh xem. - Dĩ nhiên. Trên đường về nhà, Rachel hỏi: - Dana thế nào rồi? Anh lưỡng lự. Với bệnh tình của Rachel thế này, anh cũng không tiện nói ra niềm hạnh phúc riêng của mình. - Cô ấy vẫn bình thường… - Anh thật may mắn có được cô ấy. Anh có biết là em đã lên lịch đi Aruba vào tuần tới không? - Aruba! - Vâng! - Cô tiếp tục - Anh có biết tại sao em lại nhận đến đấy không? Vì chúng ta đã hưởng tuần trăng mật ở đấy. Tên khách sạn mà chúng ta ở là gì nhỉ. - Oranjestad. - Nó thật đẹp, phải không anh? Và tên của ngọn núi mà chúng ta thường leo? - Hooiberg. Rachel mỉm cười và dịu dàng nói: - Anh vẫn không quên, đúng không anh? - Mọi người thường không ai quên tuần trăng mật của mình, Rachel. Cô đặt tay lên cánh tay Jeff. - Đó là thiên đường, phải không? Em chưa từng thấy bãi biển nào có cát trắng như ở đấy. Jeff mỉm cười: - Và em sợ bị rám nắng. Em quấn mình như xác ướp ấy. Một thoáng im lặng. - Đó là sự hối hận sâu sắc nhất của em, Jeff ạ. Anh nhìn cô, không hiểu. - Gì cơ? - Chúng ta không… không có gì. - Cô nhìn anh và khẽ nói - Em thích được cùng anh ở Aruba. Jeff lảng đi: - Đó là một nơi tuyệt vời. Câu cá này, lướt ván này, lặn này, tennis, golf này… - Và chúng mình cũng chẳng có thời gian mà chơi mấy trò ấy, phải không? Jeff cười: - Ừ. - Sáng nay em phải làm xét nghiệm. Em không muốn ở đó một mình. Anh đến đó với em nhé? - Dĩ nhiên! Rachel về đến nhà Rachel, Jeff mang túi của mình để vào phòng khách rồi nhìn quanh. - Đẹp. Đẹp quá. Cô vòng tay qua người anh. - Cảm ơn anh, Jeff. Anh có thể cảm thấy cả người cô đang run lên. Cuộc xét nghiệm được tiến hành tại Tower Imaging ở trung tâm Miami. Jeff chờ ngoài hành lang trong khi một y tá dẫn Rachel vào phòng thay quần áo bệnh viện và đưa cô tới phòng chiếu tia X. - Việc này sẽ mất mười lăm phút đấy, cô Rachel. Cô sẵn sàng chưa? - Rồi. Bao lâu thì cô có kết quả? - Cái này còn tuỳ vào bác sĩ của cô. Có lẽ là ngày mai. Ngày mai. Ông bác sĩ đó tên là Scott Young. Jeff và Rachel vào văn phòng ông ta và ngồi xuống. Ông ta nhìn Rachel một thoáng rồi nói: - Tôi rất tiếc phải báo cho cô một tin xấu, cô Stevens. Rachel bóp chặt tay Jeff: - Ồ? - Kết quả cho thấy cô đã bị ung thư biểu bì. Mặt Rachel trắng bệch. - Thế… thế nghĩa là sao? - Tôi e là cô phải cắt bỏ bên ngực có khối u. - Không! ông không thể… ý tôi là, còn có cách khác. - Tôi sợ là, - bác sĩ Young nhẹ nhàng nói - đã hết hy vọng. Rachel yên lặng một lát. - Tôi không thể làm điều đó ngay lúc này. Ông biết không, tôi đã lên lịch đi Aruba vào tuần sau. Tôi sẽ làm sau khi về. Jeff nhìn vẻ lo lắng trên mặt ông bác sĩ. - Theo ông thì cô ấy nên làm vào lúc nào, thưa bác sĩ? Ông ta quay sang Jeff. - Càng sớm càng tốt. Jeff nhìn Rachel. Cô đang cố nén tiếng khóc cứ chực bật ra. Khi cất tiếng, giọng cô rung lên. - Tôi chọn ý kiến thứ hai. - Dĩ nhiên. Bác sĩ Aarow Cameron nói: - Tôi e là cũng có kết luận như bác sĩ Young. Rachel cố giữ giọng bình thản: - Cảm ơn bác sĩ. - Cô cầm tay Jeff. - Em đã đoán thế rồi, phải không anh? Bác sĩ Young đang đợi họ. - Có vẻ như ông nói đúng. Tôi chỉ không thể… - Im lặng một lúc lâu, cuối cùng Rachel thì thầm - Cũng được. Nếu ông cảm thấy chắc chắn là… là cần thiết. - Chúng tôi sẽ cố gắng làm chơ cô cảm thấy dễ chịu nhất, - bác sĩ Young nói. - Trước khi tiến hành phẫu thuật, tôi sẽ mời một bác sĩ thẩm mỹ đến để bàn về việc tái tạo lại bộ ngực cho cô. Chúng ta có thể tiến hành ngay hôm nay. Jeff vòng tay qua người Rachel, còn cô thì oà lên khóc. * * * * * Không có chuyến bay trực tiếp nào từ Washington D.C tới Aspen. Dana đi máy bay của Delta Airlines tới Denver, và ở đây nàng đổi sang đi của hãng United Express. Sau đó nàng không còn nhớ gì đến chuyến đi nữa. Đầu óc nàng toàn nghĩ về Rachel và nỗi bất hạnh mà cô ta phải chịu đựng. Mình rất mừng là Jeff đã ở đó giúp đỡ cô ta. Và Dana lại lo lắng về Kemal. Nếu bà Daley bỏ việc trước khi mình về thì sao? Mình… Giọng cô chiêu đãi viên vang lên: "Chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay Aspen trong vài phút nữa. Xin quý khách trở về đúng chỗ ngồi và thắt dây an toàn lại". Dana bắt đầu tập trung suy nghĩ về những gì sắp xảy ra. Elliot Cromwell vào văn phòng của Matt Baker. - Theo tôi được biết thì Dana không xuất hiện trong bản tin đêm nay. - Đúng vậy. Cô ấy đi Aspen. - Tiếp tục cái giả thuyết của cô ấy về Taylor Winthrop à? Nhớ báo cáo cho tôi nhé. - Được! - Matt nhìn theo Cromwell đi ra và nghĩ, ông ta thực sự thích Dana rồi đây. Xuống máy bay, Dana đi thẳng tới quầy cho thuê xe. Ở đó, bác sĩ Carl Ramsey đang nói với người nhân viên ngồi sau quầy: - Nhưng tôi đã đặt một chiếc xe vào tuần trước rồi. - Tôi biết, thưa bác sĩ Ramsey, nhưng tôi e là đã có sự nhầm lẫn nào đó. Chúng tôi không còn một chiếc xe nào. Trạm xe buýt ở ngay ngoài kia, hay để tôi gọi taxi… - Không sao, - ông bác sĩ nói và bỏ đi. Dana tiến đến trước quầy: - Tôi đã đặt trước, - nàng nói - Dana Evans. Anh ta mỉm cười: - Vâng, cô Evans. Chúng tôi đang chờ cô. - Anh ta đưa nàng tờ đơn để ký và chìa khoá xe. - Chiếc Lexus trắng ở bãi đỗ xe một. - Cảm ơn. Vui lòng cho tôi biết đường tới khách sạn Little Nell? - - Nó ở ngay giữa thị trấn. Số sáu bảy năm, đại lộ East Durant. Tôi chắc là cô sẽ thích nó. - Cảm ơn. - Dana nói. Người nhân viên nhìn theo Dana bước ra. Có chuyện quái gì xảy ra thế nhỉ? Anh ta tự hỏi. Khách sạn Little Nell được xây theo kiểu biệt thự nhỏ thanh nhã, nép mình vào chân dãy núi Aspen hùng vĩ. Ngay tại đại sảnh là một lò sưởi cao tới trần nhà với ngọn lửa bập bùng ấm áp suốt mùa đông, những cửa sổ lớn nhìn ra ngọn Rocky tuyết phủ trắng xoá. Đám khách mặc quần áo trượt tuyết đang ngồi thư giãn trong những chiếc ghế bành rộng rãi. Dana nhìn quanh và nghĩ, Jeff sẽ thích nơi này. Có thể chúng mình sẽ đến đây… Khi Dana làm xong thủ tục nhận phòng, cô hỏi nhân viên: - Anh có biết ngôi nhà của Taylor Winthrop ở đâu không? Anh ta nhìn nàng lạ lẫm. - Nhà của Taylor Winthrop? Nó không còn nữa. Nó đã cháy trụi rồi. Dana nói: - Tôi biết. Tôi chỉ muốn xem… - Bây giờ ở đó còn toàn tro thôi, nhưng nếu cô vẫn muốn xem thì hãy đi đến phía đông thung lũng sông Conundrum. Cách đây khoảng sáu dặm. - Cảm ơn! - Dana nói. - Anh vui lòng mang giùm túi xách của tôi lên phòng. - Vâng, cô Evans. Dana quay trở ra xe. Bao quanh khu vực nhà của Taylor Winthrop ở thung lũng sông Connumdrum là đất đai của rừng quốc gia. Căn nhà hai tầng được làm bằng đá tự nhiên và gỗ đỏ nằm trong một khu vực hẻo lánh với một cái ao rộng và có một con sông nhỏ chảy qua. Phong cảnh ở đây đẹp tuyệt vời Và giữa một nơi như vậy, phần bị cháy nham nhở còn lại của căn nhà nơi hai người đã chết đứng sừng sững như một vết sẹo bẩn thỉu. Dana đi vòng quanh nó, cố hình dung ra những gì đã từng tồn tại ở đây. Căn nhà nhất định phải có rất nhiều cửa sổ và cửa ra vào ở tầng trệt. Vậy mà Winthrop không thể thoát ra được. Tốt nhất là đến hỏi thăm sở cứu hoả. Lúc Dana bước vào sở cứu hoả, một người đàn ông tiến lại phía nàng. Anh ta trạc ba mươi tuổi, cao, rám nắng, dáng thể thao. Có lẽ người này trượt tuyết suốt ngày, Dana nghĩ. - Tôi có thể giúp gì cho cô? Dana nói: - Tôi đọc báo thấy nhà của Taylor Winthrop bị cháy và tôi tò mò muốn biết đôi điều. - Vâng. Chuyện đã một năm rồi. Có lẽ đó là đỉều tồi tệ nhất đã từng xảy ra ở thị trấn này. - Nó bị cháy vào lúc nào trong ngày? Anh ta nhận thấy câu hỏi của nàng hơi kỳ quặc. - Đó là khoảng nửa đêm. Chúng tôi nhận được điện thoại lúc ba giờ sáng. Mười lăm phút sau chúng tôi có mặt nhưng đã quá muộn. Căn nhà đã bùng cháy như một bó đuốc. Chúng tôi không biết có ai trong nhà cho đến khi dập tắt ngọn lửa và tìm thấy hai cái xác. Đó quả là giây phút đau lòng. - Anh có biết ngọn lửa bắt đầu từ đâu không? Anh ta gật đầu. - Ồ, có. Hệ thống điện có vấn đề. - Vấn đề gì? - Chúng tôi không rõ lắm, nhưng một ngày trước đám cháy, ai đó đã gọi thợ điện đến sửa. - Nhưng anh không biết đó là sự cố gì? - Tôi nghĩ là hệ thống cấp báo hoả hoạn bị hỏng ở đâu đó. Dana cố tỏ ra bình thản. - Người thợ điện được gọi đến sửa ấy… anh có biết tên anh ta không? - Không. Tôi cho là bên cảnh sát biết. - Cảm ơn anh. Anh ta tò mò nhìn Dana. - Sao cô lại có vẻ hứng thú với vụ này thế? Dana trả lời với vẻ nghiêm túc. - Tôi đang viết bài về những vụ cháy ở các khu trượt tuyết trên khắp đất nước. Đồn cảnh sát Aspen là toà nhà một tầng xây bằng gạch đỏ, cách khách sàn nơi Dana ở sáu dãy nhà. Viên sĩ quan ngồi ở bàn làm việc ngước mắt và thốt lên: - Cô là Dana Evans, phát thanh viên truyền hình! Tôi là đại uý Tumer. Tói có thể giúp gì cho cô, cô Evans? - Tôi muốn biết đôi điều về đám cháy ở nhà Taylor Winthrop. - Lạy Chúa, đó quả là một bi kịch. Dân chúng ở đây vẫn còn bị sốc về vụ đó. - Tôi hiểu. - Vâng. Quá tệ là người ta đã không cứu nổi họ. - Tôi được biết là đám cháy bắt nguồn từ một sự cố về hệ thống điện? - Đúng vậy. - Có thể nào là một sự cố ý không? Đại uý Turner cau mày. - Cố ý? Không, không. Đó là hệ thống điện bị hỏng. - Tôi muốn nói chuyện với người thợ điện đã đến đó sửa chữa một ngày trước hôm cháy. Ông có biết tên anh ta không? - Chắc là nó vẫn còn trong hồ sơ. Cô cần tôi kiểm tra không? - Vâng. Đại uý Turner nhấc điện thoại, nói vắn tắt, rồi quay lại hỏi Dana. - Cô đến Aspen lần đầu hả? - Vâng. - Nơi này rất tuyệt đấy. Cô có trượt tuyết không? - Không. - Nhưng Jeffthì có. Khi lần sau chúng mình đến đây… Một cảnh sát viên xuất hiện và đưa cho đại uý Turner một tập giấy. Ông ta đưa nó cho Dana. Trên đó viết Công ty điện Al Larson, Bill Kelly. - Họ ở ngay phố này thôi! - Cảm ơn ông nhiều, đại uý Turner. - Không có gì. Khi Dana ra hỏi đồn cảnh sát, một người đàn ông băng qua phố và rút điện thoại di động ra. Công ty điện Al Larson là một toà nhà gạch màu xám. Một người đàn ông trông rất giống người mà nàng gặp ở sở cứu hoả ngồi ở bàn. Anh ta đứng lên lúc Dana bước vào. - Chào anh, - Dana nói. - Tôi muốn gặp Bill Kelly. Anh ta càu nhàu. - Tôi cũng vậy. - Anh nói gì cơ? - Kelly. Anh ta đã biến mất gần một năm nay rồi. - Biến mất? - Vâng. Bỏ đi. Không nói một lời. Thậm chí không buồn lĩnh lương. Dana chậm rãi nói: - Anh có nhớ chính xác thời gian không? - Có. Đó là buổi sáng hôm xảy ra đám cháy. Đám cháy to. Cô biết chứ, đám cháy đã giết chết ông Winthrop ấy? Dana thấy ớn lạnh. - Tôi híểu. Và anh không biết Kelly ở đâu? - Vâng. Tôi đã nói rồi, anh ta biến mất. Suốt cả buổi sáng, tiếng máy bay hạ cánh cứ rì rầm trên bầu trời của một hòn đảo hẻo lánh ở chót Nam Mỹ. Đã đến lúc vào họp. Hai mươi vị khách ngồi trong một toà nhà mới xây được canh gác cẩn thận và cũng đã bị hẹn giờ phá huỷ ngay sau khi cuộc họp kết thúc. Người phát ngôn tiến lên trước căn phòng. - Chào mừng các vị. Tôi rất vui vì được thấy những gương mặt quen thuộc và một vài người bạn mới ở đây. Trước khi chúng ta bắt đầu, vài người trong các vị đang được quan tâm về những vấn đề mới phát sinh. Một kẻ phản bội đang ngồi giữa chúng ta, âm mưu vạch trần chúng ta. Chúng ta còn chưa biết kẻ đó là ai. Nhưng tôi đảm bảo rằng kẻ đó sẽ nhanh chóng bị tóm cổ, và hắn sẽ phải chịu chung số phận của những tên phản bội. Không ai và không cái gì có thể tồn tại và ngáng trở trên con đường của chúng ta. Có tiếng rì rầm ngạc nhiên từ phía đám đông.- Bây giờ, chúng ta bắt đầu đấu giá. Hôm nay có mười sáu kiện. Hai tỷ là giá khởi điểm. Ai trả giá đầu tiên? Vâng. Hai tỷ đô la. Có ai trả ba tỷ không? Chương 13 Chiều hôm đó khi Dana trở về phòng, nàng chợt đứng sững lại. Mọi thứ vẫn y nguyên, và chưa… nhưng nàng vẫn có cảm giác có cái gì đó đã thay đổi. Đồ đạc của nàng đã bị lục lọi? Có lẽ mình hơi man man, nàng hài hước nghĩ. Nàng nhấc điện thoại lên và gọi về nhà. Bà Daley trả lời máy: - Nhà cô Evans. May quá, bà ấy vẫn còn ở lại. - Bà Daley à? - Cô Evans? - Chào bà. Kemal thế nào rồi? - À cậu ấy có phá phách một chút, nhưng tôi còn quản nổi. Các con tôi cũng thế mà. - Vậy là mọi thứ… vẫn ổn? - Ồ vâng. Dana thấy nhẹ cả người. - Làm ơn cho tôi gặp nó. - Vâng. - Dana nghe thấy bà ta gọi - Kemal, mẹ cháu gọi điện về này. Một lát sau là giọng của Kemal: - Chào Dana. - Chào Kemal. Cháu thế nào rồi? - Tốt. - Còn ở trường? - Cũng bình thường. - Và cháu không cô gì với bà Daley chứ? - Bà ấy cũng tốt. Còn hơn cả tốt, Dana nghĩ. Bà ấy là một điều kỳ diệu. - Khi nào thì cô về, Dana? - Ngày mai cô về đến nơi. Cháu ăn tối chưa? - Rồi. Cũng không tệ lắm. Dana suýt nữa thì nói "Là cháu à, Kemal". Nàng ngạc nhiên trước sự thay đổi của nó. - Vậy thì tốt. Ngày mai gặp lại. Ngủ ngon. - Ngủ ngon, Dana. Lúc Dana chuẩn bị đi ngủ, chuông điện thoại di clộng của nàng chợt kêu vang. Nàng cầm nó lên. - A lô? - Dana à? Nàng cảm thấy niềm vui tràn ngập. - Jeff! Ồ, Jeff! Nàng thầm cảm ơn cái ngày mình đã đăng ký dịch vụ điện thoại di động toàn cầu. - Anh phải gọi điện để cho em biết là anh nhớ em hết được. - Em cũng rất nhớ anh. Anh đang ở Florida à? - Mọi việc thế nào? - Không được tốt lắm. - Nàng thấy giọng anh có vẻ do dự - Sự thực là khá tồi tệ. Ngày mai Rachel sẽ phải làm phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực. - Ô, không. - Cô ấy không được ổn lắm. - Em rất tiếc! - Anh biết. Em yêu, anh không thể chờ đến ngày về gặp. - Anh có bao giờ nói là anh đang phát điên vì em chưa? Em cũng đang phát điên vì anh đây, anh yêu. - Em có cần gì ở đó không, Dana? - Không! - Kemal thế nào rồi? - Nó bình thường. Em vừa tìm được một người giúp việc mới mà nó thích. - Đó là điều tốt đấy Anh không thể đợi đến lúc chúng ta cùng nhau nữa rồi. - Em cũng vậy. - Em nhớ giữ gìn nhé. - Vâng. Và em phải nói em rất tiếc về chuyện của Rachel. - Anh sẽ nói lại với cô ấy. Ngủ ngon nhé, em yêu. - Ngủ ngon. Dana mở vali và lôi ra chiếc áo sơmi của Jeff mà nàng đã mang theo từ nhà. Nàng mặc nó vào trong áo ngủ. Ngủ ngon, anh yêu. Sáng hôm sau Dana bay về Washington. Nàng tạt qua nhà trước khi đến văn phòng và được chào đón bởi bà Daley vui vẻ. - Rất tuyệt được gặp lại cô, cô Evans. Cậu con cô làm tôi mệt quá. - Nhưng bà ta lại vừa nói vừa nháy mắt. - Hy vọng là nó không mang lại nhiều phiền toái cho bà. - Phiền toái? Không hề. Tôi rất vui vì những gì cậu ấy làm được bằng cánh tay mới của mình. Dana ngạc nhiên nhìn bà ta. - Nó chịu đeo vào à? - Dĩ nhiên. Cậu ấy đeo nó đi học rồi. - Tuyệt quá. Tôi rất vui. - Nàng nhìn đồng hồ. - Tôi phải đến văn phòng. Chiều nay tôi sẽ về gặp Kemal! - Cậu ấy sẽ rất mừng khi gặp cô. Cậu ấy nhớ cô lắm, cô biết đấy. Cô cứ đi đi. Để tôi cất đồ đạc cho. - Cảm ơn bà Daley. * * * * * Dana vào văn phòng của Matt và kể cho ông nghe những gì mà nàng thu lượm được ở Aspen. Ông nhìn nàng với vẻ hoài nghi. - Một ngày sau đám cháy, người thợ điện đã biến mất? - Mà không thèm lĩnh tiền. - Và anh ta đã đến nhà Winthrop một ngày trước đám cháy? Matt lắc đầu. - Cứ như là chuyện Alice ở xứ sở thần tiên ấy. Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. - Matt, Paul Winthrop là người tiếp theo trong gia đình này bị giết. Anh ta chết ở Pháp không lâu sau đám cháy kia. Tôi muốn sang đó. Tôi muốn tìm xem có nhân chứng nào chứng kiến vụ tai nạn không. - Được, - Matt gật đầu. - Elliot Cromwell cũng đang hỏi thăm cô. Ông ấy muốn cô phải cẩn thận một chút. - Tức là cả hai chúng ta đấy, - Dana trả lời. Khi Kemal từ trường về nhà, đã thấy Dana chờ sẵn. Nó đeo cánh tay mới và Dana nhận thấy dường như nó đã tỏ ra điềm tĩnh hơn. - Cô đã về rồi. - Nó ôm lấy nàng. - Chào cháu. Cô rất nhớ cháu. Ở trường thế nào? - Cũng không tệ. Thế còn chuyến đi của cô thì sao? - Cũng tốt. Cô có mua quà cho cháu đây. - Nàng đưa cho Kemal chiếc túi dệt tay và đôi giày da đanh của thổ dân mà nàng đã mua ở Aspen. Tiếp theo là một phần khó khăn hơn. - Kemal, cô e là cô lại phải đi xa thêm vài ngày nữa. Nàng căng người ra chờ phải ứng của nó nhưng tất cả những gì nó nói chỉ đơn giản là: - Vâng. Không có dấu hiệu nào của sự giận dữ. - Cô sẽ mua cho cháu một món quà thật đẹp. - Mỗi ngày cô đi xa là một món nhé? Dana mỉm cười. - Cháu mới đang học lớp bảy thôi, chưa phải sinh viên trường luật đâu. Ông ta ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành, tivi trước mặt và ly rượu Scotch trong tay. Trên màn hình là Dana và Kemal ngồi ở bàn ăn còn bà Daley đang phục vụ họ một món trông như thịt hầm của người Ailen. - Ngon quá, - Dana nói. - Cảm ơn cô. Tôi rất vui vì cô thích nó. - Cháu đã bảo bà ấy là một đầu bếp rất tuyệt vời mà, - Kemal nói. Cứ như là mình đang ở cùng họ, ông ta nghĩ, dù chỉ là ngồi quan sát họ từ căn hộ bên cạnh. - Kể chuyện ở trường cho cô nghe đi, - Dana nói. - Cháu rất thích những giáo viên mới ở đây. Thầy giáo toán của cháu rất nghiêm… - Thế thì tốt. - Bọn con trai ở trường này tốt hơn nhiều. Chúng bảo cánh tay mới của cháu rất tuyệt. - Chắc chắn là chúng sẽ nói thế? - Một trong những bạn gái ở lớp cháu xinh lắm. - Cháu nghĩ là cô ấy thích cháu. Tên cô ấy là Lizzy! - Cháu có thích cô ấy không? - Có. Cô ấy hay lắm. Nó đang trưởng thành, Dana suy nghĩ với một sự dằn vặt bất ngờ. Đến giờ, Kemal đi ngủ còn Dana vào bếp gặp bà Daley. - Kemal có vẻ… yên tĩnh nhiều. Tôi không biết phải nói cảm ơn bà thế nào! - Dana nói. - Chính cô mới đang chiếu cố tôi, - bà Daley mỉm cười - Cứ như là tôi đang được sống cùng với một trong các con tôi. Chúng đã lớn cả rồi, cô biết đấy. Kemal và tôi đã có được một quãng thời gian rất tuyệt. - Tôi rất vui. Đợi đến nửa đêm nhưng không thấy Jeff gọi điện về, Dana mới đi ngủ. Nàng nằm và thắc mắc không biết Jeff đang làm gì, liệu anh có làm tình với Rachel không, và nàng tự thấy xấu hổ với ý nghĩ đó. Người đàn ông ở căn hộ bên cạnh báo cáo. - Hoàn toàn yên tĩnh. Điện thoại di động của nàng rung chuông. - Jeff, anh yêu. Anh đang ở đâu? - Anh đang ở bệnh viện Docotrs ở Florida. Cuộc phẫu thuật đã xong. Nhưng họ vẫn còn đang kiểm tra lại. - Ồ, Jeff. Em hy vọng là cô ấy sẽ không sao. - Anh cũng vậy. Rachel muốn anh ở lại cùng cô ấy thêm vài ngày. Anh thấy mình phải hỏi em… - Dĩ nhiên. Anh phải ở lại. - Chỉ một thời gian rất ngắn thôi. Anh sẽ gọi điện nói với Matt. Em có tin tức gì mới không? Ngay lúc đó Dana định kể cho Jeff nghe chuyện ở Aspen và việc mình đang tiếp tục điều tra. Anh ấy đã có quá nhiều chuyện phải lo rồi. - Không, - Dana trả lời - Không có gì mới cả. - Cho anh gửi tình cảm đến Kemal Phần còn lại là của em đấy. Jeff dập máy. Một nữ y tá đến bên cạnh anh. - Ông Connors? Bác sĩ Young muốn gặp ông. - Ca phẫu thuật rất tốt, - bác sĩ Young bảo Jeff, - nhưng cô ấy sẽ cần nhiều sự ủng hộ về mặt tinh thần bởi sẽ cảm thấy mất đi phần nào nữ tính. Khi tỉnh dậy, cô ấy có thể sẽ hoảng loạn. Anh phải cho cô ấy biết rằng không có gì đáng lo cả. - Tôi hiểu, - Jeff nói. - Nỗi sợ hãi của cô ấy sẽ trở lại khi chúng tôi bắt đầu điều trị bằng bức xạ để ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển. Sẽ rất vất vả đấy. Jeff ngồi yên, nghĩ về những gì đang chờ anh ở phía trước. - Cô ấy còn người thân nào có thể đứng ra chăm sóc không? - Tôi. - Và ngay lúc đó, anh nhận ra mình là người thân duy nhất của Rachel. * * * * * Chuyến bay của hãng Air France tới Nice hoàn toàn bình yên. Dana bật máy tính cá nhân lên để tái kiểm tra những thông tin mà nàng đã thu thập từ trước. Hấp dẫn, nhưng chưa đủ tính thuyết phục. Bằng chứng, Dana nghĩ. Không có câu chuyện nào mà không có bằng chứng cả. Nếu mình có thể… - Chuyến bay tốt đẹp, phải không? Dana quay sang người đàn ông ngồi bên cạnh. Anh ta cao ráo, hấp dẫn và nói giọng Pháp đặc sệt. - Vâng. - Cô đã bao giờ đến Pháp chưa?! - Chưa, - Dana nói. - Đây là lần đầu. Anh ta mỉm cười. - À, vậy thì cô sẽ thích lắm đấy. Đây là một đất nước kỳ diệu. Anh ta mỉm cười đầy ý nghĩa và dịch sát vào người nàng. - Cô có bạn đưa đi chơi chưa? - Tôi sang gặp chồng và ba con, - Dana nói. - Dommage!(1) Anh ta gạt đầu rồi quay đi. Dana trở lại với cái máy tính của mình. Một bài báo đập vào mắt nàng. Paul Winthrop, người đã chết trong một tai nạn ô tô, có một sở thích: Đua xe. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nice, Dana đi thẳng đến văn phòng cho thuê xe. - Tên tôi là Dana Evans. Tôi có… Người nhân viên ngước lên. - À! Cô Evans. Xe của cô đã sẵn sàng. - Anh ta đưa cho nàng tờ đơn. - Cô ký vào đây! Bây giờ mới là sự trợ giúp cần thiết, Dana nghĩ. - Tôi cần một tấm bản đồ miền nam nước Pháp. Anh có vui lòng… - Dĩ nhiên, thưa cô. - Anh ta lục tìm trong quầy và lôi ra một tấm bản đồ. - Đây rồi! Anh ta đứng lên nhìn Dana rời khỏi. Trong văn phòng của mình ở WTN, Elliot Cromwell nói: - Bây giờ Dana đang ở đâu, Matt? - Cô ấy ở Pháp. - Có tiến triển gì không? - Còn quá sớm. - Tôi lo cho cô ấy quá. Tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã đi quá xa và quá nhiều. Du lịch ngày nay có thể rất nguy hiểm! - Ông ta lưỡng lự. - Rất nguy hiểm. Thời tiết ở Nice lạnh và khô, và Dana tự hỏi không biết thời tiết hôm Paul Winthrop chết là như thế nào. Nàng lên chiếc Citroën và lái đi Grande Corniche, vượt qua những ngôi làng nhỏ đẹp như tranh dọc hai bên đường. Vụ tai nạn xảy ra ở phía bắc Beausoleil, trên đường cao tốc ở đoạn Roquebrune-Cap-Martin, một khu nghỉ dưỡng trông ra Địa Trung Hải. Lúc Dana gần đến nơi, nàng giảm tốc độ, quan sát những đoạn cua tay áo dốc ngược, thắc mắc không hiểu Paul Winthrop bị ở đoạn nào. Anh ta làm cái quái gì ở đây? Anh ta đang gặp ai? Hay anh ta đang tham gia một cuộc đua nào đó? Hay anh ta đang đi nghỉ mát? Hay đi làm việc. Roquerbrune-Cap-Martin là một ngôi làng từ thời Trung cổ với một toà lâu đài cũ kỹ, nhà thờ và những vila sang trọng nằm rải rác. Dana lái xe vào trung tâm, đỗ lại rồi đi tìm đồn cảnh sát. Nàng chặn một người đàn ông vừa đi ra khỏi cửa hàng lại. - Làm ơn cho tôi hỏi đồn cảnh sát ở đâu? - Tôi không biết nói tiếng Anh, tôi không thể giúp cô… - Cảnh sát, cảnh sát. - Á vâng - ông ta chỉ. - Đi về phía bên trái, phố thứ hai! - Cảm ơn ông! - Không có gì. Đồn cảnh sát là một toà nhà cũ kỹ, tường quét vôi trắng. Một cảnh sát viên trung niên mặc cảnh phục ngồi sau bàn. Ông ta đứng lên khi thấy Dana bước vào. - Chào cô! - Chào ông! - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Ông có biết nói tiếng Anh không? Ông ta ngẫm nghĩ. - Có. - Giọng nói có vẻ miễn cưỡng. - Tôi muốn nói chuyện với người chỉ huy ở đây. Ông ta nhìn nàng, vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt. Rồi bỗng nhiên ông ta mỉm cười. - À, sĩ quan Frasier. - Vâng! Cô chờ cho một lát. - Ông ta nhấc điện thoại và nói điều gì đó. Rồi gật đầu và quay sang Dana, chỉ vào hành lang. - Cánh cửa đầu tiên. - Cảm ơn. Dana đi dọc theo hành lang cho đến khi nhìn thấy cánh cửa thứ nhất. Văn phòng của sĩ quan Frasier nhỏ và ngăn nắp. Ông ta trông nhanh nhẹn, có hàng ria con kiến và cặp mắt nâu tò mò. Ông ta đứng lên khi thấy Dana bước vào. - Xin chào ngài sĩ quan. - Chào cô. Tôi có thể giúp được cô chuyện gì? - Tôi là Dana Evans. Tôi đang dàn dựng một kịch bản cho đài WTN ở Washington D.C về gia đình Winthrop. Theo tôi được biết thì Paul Winthrop đã chết trong một vụ tai nạn ở khu vực này? - Vâng! Khủng khiếp! Khủng khiếp! Mọi người phải cẩn thận khi lái xe ở Grande Corniche. Chỗ đó rất nguy hiểm? - Nghe nói Paul Winthrop chết khi đang tham gia một cuộc đua xe… - Không. Hôm đó không có cuộc đua nào cả. - Không có à? - Không có, thưa cô. Hôm đó là ngày tôi làm nhiệm vụ mà. - Tôi hiểu. Trong xe chỉ có một mình ông Winthrop thôi sao? - Vâng. - Thưa ông Frasier, họ có khám nghiệm tử thi không? - Có. Dĩ nhiên. - Trong máu của ông Paul Winthrop có chất cồn không? Sĩ quan Frasier lắc đầu. - Không. - Thế còn ma tuý? - Không. - Ông có nhớ thời tiết hôm đó thế nào không? - Có. Trời mưa. Dana còn một câu hỏi cuối cùng, nhưng nàng nghĩ nó cũng không mang lại hy vọng gì. - Không hiểu có nhân chứng nào ở đó không? - Có. Có nhân chứng. Dana nhìn ông ta, tim đập rộn ràng. - Có à? - Một nhân chứng. Ông ta lái xe sau xe của Winthrop và đã chứng kiến tai nạn xảy ra. Nàng cảm thấy phấn khích. - Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông vui lòng cho tôi biết tên của nhân chứng đó - Dana nói. - Tôi muốn nói chuyện với ông ta. Ông ta gật đầu. - Tôi thấy không có vấn đề gì. - Rồi ông ta gọi to – Alexandre! Một lát sau trợ lý của ông ta bước vào. - Vâng, thưa ngài chỉ huy. - Tìm cho tôi hồ sơ vụ tai nạn Paul Winthrop. - Ngài chờ cho một lát. - Anh ta vội vã ra khỏi phòng. Sĩ quan Frasier quay sang Dana: - Thật là một gia đình bất hạnh. Đời bất công quá. - Ông ta nhìn Dana và mỉm cười. - Cô đến đây một mình à, thưa cô? - Không, chồng và con tôi đang đợi tôi. - Mẹ kiếp. Trợ lý của sĩ quan Frasier quay lại với một tập giấy và ông ta xem qua chúng, gật đầu rồi nhìn Dana. - Nhân chứng vụ tai nạn là một khách du lịch người Mỹ tên là Ralph Benjamin. Theo lời kể của Ralph, khi ông ta đang lái xe sau xe của Paul Winthrop thì trông một con chó chạy ngang qua mũi xe của anh ta. Winthrop ngoặt đầu xe để tránh con chó thì xe của anh ta bị trượt dài và lao ra khỏi gờ đá và đâm thẳng xuống biển. Theo báo cáo pháp y thì Winthrop chết ngay lập tức. - Ông có địa chỉ của ông Benjamin không? Dana hỏi với vẻ hy vọng. - Có. - Ông ta liếc lại tập giấy. - Ông ta sống ở Mỹ, Richfied, bang Utah. Số bốn lẻ hai đường Turk. - Sĩ quan Frasier ghi lại địa chỉ và trao cho Dana. Nàng cố gắng kiềm chế niềm vui của mình. - Cảm ơn ông nhiều! - Rất hân hạnh. - Ông ta nhìn ngón tay đeo nhẫn của Dana hoàn toàn trống không. - Và thưa bà? - Vâng! - Cho tôi gửi lời chào đến chồng và con của bà. Dana gọi điện về cho Matt. - Matt, - nàng nói với vẻ kích động. - Tôi đã tìm thấy một nhân chứng trong vụ Paul Winthrop. Tôi sẽ đi hỏi chuyện ông ta. - Tuyệt. Ông ta ở đâu? - Ở Utah. Richfield. Xong việc tôi sẽ về Washington ngay. - Được. À này, Jeff gọi điện đấy. - Vâng! - Cô biết cậu ấy ở Florida với người vợ trước mà. - Giọng ông ta có vẻ không được tán thành lắm. - Tôi biết. Cô ấy bệnh nặng lắm. - Nếu Jeff ở đấy lâu quá, tôi phải bảo cậu ấy nghỉ phép luôn mất. - Chắc là anh ấy sẽ về sớm thôi. - Nàng mong là mình sẽ tin vào điều đó. - Tốt. Chúc cô may mắn với tay nhân chứng đó. - Cảm ơn, Matt. Tiếp theo Dana gọi điện cho Kemal. Bà Daley trả lời máy. - Nhà cô Evans. - Chào bà Daley. Mọi thứ vẫn ổn chứ? - Dana cố ghìm hơi thở của mình. - À, đêm qua con trai của cô suýt đốt trụi căn bếp khi cậu ấy định giúp tôi nấu bữa tối. - Bà ta cười to. - Nhưng cậu ấy không sao. Dana thầm nói một lời cầu nguyện. "Thế thì tốt quá". Đây là một người giúp việc kỳ diệu, Dana nghĩ. - Cô có về nhà ngay không? Tôi có thể chuẩn bị bữa tối và... - Tôi còn phải đi thêm một nơi, - Dana nói. - Hai hôm nữa tôi sẽ về. Cho tôi nói chuyện với Kemal. - Cậu ấy đang ngủ. Để tôi gọi cậu ấy nhé? - Không, không. - Dana nhìn đồng hồ. Giờ này ở Washington mới có bốn giờ. - Nó ngủ trưa à? Nàng nghe thấy tiếng cười ấm áp của bà Daley. - Vâng. Cậu ấy đã trải qua một ngày mệt mỏi. Làm khoẻ mà chơi cũng khoẻ. - Cho tôi gửi lời chào nó. Tôi sẽ gặp nó sau. Tôi phải đi thêm một nơi. Hai hôm nữa tôi sẽ về. Cho tôi nói chuyện với Kemal. Cậu ấy đang ngủ. Để tôi gọi cậu ấy nhé. Không, không. Nó ngủ trưa à. Vâng. Cậu ấy đã trải qua một ngày mệt mỏi. Làm khoẻ mà chơi cũng khoẻ. Cho tôi gửi lời chào nó. Tôi sẽ gặp nó sau. Hết băng. * * * * * Richfield, Utah, là một thị trấn sung túc nằm ở khoảng giữa của dãy núi Monroe. Dana dừng xe tại trạm xăng và xác định hướng đến địa chỉ mà sĩ quan Frasier đã cho nàng. Ngôi nhà một tầng của Ralch Benjamin đã cũ nát vì thời tiết, nằm giữa một khu toàn những ngôi nhà tương tự như thế. Dana ra khỏi chiếc xe đi thuê, đến trước cửa nhà và bấm chuông. Cửa mở và một phụ nữ trung niên tóc trắng đeo tạp dề xuất hiện. - Tôi có thể giúp gì? - Tôi muốn gặp Ralph Benjamin, - Dana nói. Bà ta tò mò nhìn nàng. - Ông ấy đang đợi cô à? - Không. Tôi… tôi chỉ tình cờ đi qua và tạt vào một chút. Ông ấy ở đây chứ? - Vâng. Mời cô vào. - Cảm ơn. Dana đi theo bà ta vào phòng khách. - Ralph, anh có khách này. Ralph Benjamin đứng dậy khỏi chiếc ghế xích đu và tiến về phía Dana. - Xin chào? Tôi có biết cô không? Dana đứng đó, sững sờ. Rachel Benjamin bị mù. Chú thích:Mẹ kiếp (tiếng Pháp) Chương 14 Dana và Matt Baker ngồi trong phòng họp ở WTN. - Ralph Benjamin sang Pháp thăm con trai, - Dana giải thích. - Bỗng nhiên một hôm mất thứ giấy tờ tuỳ thân của ông ta để ở phòng khách sạn biến mất. Ngày hôm sau chúng xuất hiện trở lại, nhưng không có quyển hộ chiếu. Matt, ăn cắp giấy tờ của Benjamin và khai với cảnh sát mình là nhân chứng của vụ tai nạn chính là kẻ đã giết Paul Winthrop. Matt Baker yên lặng hồi lâu, rồi nói: - Đã đến lúc phải báo cho cảnh sát biết vụ này, Dana. Nếu cô đúng, tức là chúng ta đang truy lùng tên chủ mưu máu lạnh đã giết hại sáu mạng người. Tôi không hề muốn cô là người thứ bảy. Elliot rất lo cho cô. Ông ấy cho là cô đã đi quá xa rồi! - Chúng ta chưa thể báo cảnh sát được, - Dana phản đối - Mọi thứ vẫn là suy diễn. Chúng ta không có bằng chứng. Chúng ta không biết sát nhân là ai, và chúng ta không biết động cơ của chúng. - Tôi có một linh cảm xấu về chuyện này. Càng ngày nó càng trở nên nguy hiểm. Tôi không muốn cô gặp phải chuyện gì. - Tôi cũng vậy, - Dana nói với vẻ nghiêm túc. - Bước tiếp theo của cô? - Tìm xem Julie Winthrop đã thật sự gặp phải chuyện gì! - Ca phẫu thuật đã thành công. Rachel từ từ mở mắt ra. Cô đang nằm trên giường bệnh viện. Cô mệt mỏi nhìn Jeff. - Nó đã mất chưa? - Rachel… - Em sợ lắm. - Cô cố kìm nước mắt. - Em không còn là phụ nữ nữa. Sẽ chẳng còn ai yêu em cả. Anh nắm lấy bàn tay run rẩy của cô. - Em sai rồi. Anh không hề yêu em vì bộ ngực của em, Rachel. Anh yêu em vì em chính là em là một con người sôi nổi tuyệt vời. Rachel cố gượng cười. - Chúng ta đã thật sự yêu nhau, phải không Jeff! - Ừ! Em mong…- Cô nhìn xuống bộ ngực mình, mặt nhăn lại. - Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau. Cô nắm chặt tay anh. - Em không muốn cô đơn, Jeff. Cho đến khi chuyện này kết thúc. Xin đừng bỏ em lại một mình. - Rachel, anh phải… - Không. Em không biết phải làm gì nếu anh bỏ đi. Một nữ y tá đi vào phòng. - Xin phép ông, ông Connors. Rachel không muốn buông tay Jeff. - Anh đừng đi. - Anh sẽ quay lại. * * * * * Chiều muộn hôm ấy, chuông điện thoại di động của Dana reo vang. Nàng chạy vào phòng cầm nó lên. - Dana. - Đó là Jeff. Nàng thấy hơi hồi hộp khi nghe giọng anh. - Chào anh, anh vẫn khoẻ chứ, anh yêu? - Anh khoẻ. - Rachel thế nào rồi? - Ca phẫu thuật thì tốt nhưng Rachel suy sụp lắm. - Jeff, một phụ nữ không thể tự nhận xét mình chỉ qua bộ ngực… - Anh biết, nhưng Rachel không phải là "típ" người giống em. Cô ấy đã nhận xét bản thân mình qua vẻ bề ngoài từ năm mười lắm tuổi. Cô ấy là một trong những người mẫu được trả lương cao nhất thế giới. Nhưng bây giờ Rachel đang nghĩ với cô ấy tất cả đã chấm hết. Rachel cảm thấy mình là một quái vật và tin rằng mình không còn mục đích gì để sống nữa! - Thế anh định làm gì? - Anh sẽ ở lại cùng cô ấy thêm vài ngày và giúp cô ấy thu xếp nhà cửa. Anh nói chuyện với bác sĩ rồi. Ông ấy đang đợi kết quả xét nghiệm để xem bệnh đã hết hẳn chưa. Họ nghĩ là cô ấy vẫn phải được trị liệu bằng phương pháp hoá học. Dana không thể nói gì được nữa. - Anh nhớ em, - Jeff nói. - Em cũng nhớ anh, anh yêu. Em đã mua quà Giáng sinh cho anh. - Giữ chúng cho anh. - Vâng. - Em có thu hoạch được thông tin gì sau các chuyến đi không? - Vẫn không? - Nhớ lúc nào cũng bật máy nhé, - Jeff nói. - Anh sẽ gọi cho em bất kỳ lúc nào đấy. - Em hứa. - Dana mỉm cười. - Hứa nhé. Bảo trọng, em yêu. - Anh cũng vậy. Cuộc nói chuyện kết thúc. Dana ngồi đó một lúc, nghĩ đến Jeff và Rachel. Nàng đứng dậy và đi vào bếp. Bà Daley đang nói chuyện với Kemal. - Thêm bánh ngọt nhé? - Vâng, cảm ơn. Dana lặng yên đứng quan sát hai người. Chỉ trong một thời gian ngắn bà Daley ở đây, Kemal đã thay đổi khá nhiều. Nó điềm tĩnh hơn, thoải mái và vui vẻ. Lòng Dana hơi nhói lên một chút ghen tỵ. Có lẽ mình không thích hợp với nó. Nàng nhớ lại những ngày dài dằng dặc ở phòng thu với vẻ có lỗi. Có lẽ một người như bà Daley nhận nó làm con nuôi thì hơn. Nàng cố xua đuổi ý nghĩ đó. Mình sao thế này, Kemal yêu mình cơ mà. Dana ngồi xuống bàn. - Cháu vẫn thích trường học mới chứ? - Nó tuyệt lắm. Dana cầm tay nó. - Kemal, cô e là cô lại phải đi xa. Nó nói với vẻ không lạ lẫm. - Cũng được. Thoáng ghen tỵ lại quay lại với nàng. - Lần này cô đi đâu, cô Evans? - Bà Daley hỏi. - Alaska. Bà Daley nghĩ ngợi một lát. - Coi chừng bọn gấu xám ấy, - bà ta khuyên nàng. Chuyến bay từ Washington đến Juneau, Alaska mất chín giờ đồng hồ với một lần hạ cánh ở Seatle. Trong sân bay Juneau, Dana đi đến quầy cho thuê xe. - Tên tôi là Dana Evans. Tôi… - Vâng, cô Evans. Chúng tôi có một chiếc Land Rover cho cô. Ô số mười. Mời cô ký vào đây. Anh ta trao cho Dana chiếc chìa khoá và nàng đi ra bãi đỗ xe ở đằng sau toà nhà. Có mười hai chiếc xe nằm trong những ô đánh số. Dana đi về phía ô số mười. Một người đàn ông đang quỳ sau chiếc xe, hí húi sửa cái ống xả. Anh ta ngước lên lúc Dana vừa bước tới: - Chỉ xiết lại ống bô thôi, thưa cô. Xong rồi. - Anh ta đứng dậy. - Cảm ơn. - Dana nói. Anh ta nhìn nàng lái chiếc xe đi xa. Trong tầng hầm của toà nhà Chính phủ, một người đàn ông đang chăm chú theo dõi bản đồ kỹ thuật trên màn hình máy tính. Ông ta nhìn chiếc Land Rover màu trắng rẽ sang phải. - Mục tiêu đi về phía đồi Starr. Juneau là một sự ngạc nhiên lớn với Dana. Đầu tiên nó hiện ra như một thành phố lớn, nhưng những con phố hẹp quanh co lại mang lại cho thủ phủ của bang Alaska dáng vẻ một của thị trấn nhỏ náu mình trong vùng đất hoang vu lạnh lẽo. Dana đã đăng ký tại khách sạn Quán Trọ nổi tiếng ở Waterfront, nguyên là một nhà thổ, nằm ngay tại trung tâm thành phố. - Cô đến đúng thời gian trượt tuyết lắm. - Người nhân viên lễ tân nói. - Bây giờ đang là mùa tuyết rơi rất đẹp. Cô có đồ trượt tuyết chưa? - Không, tôi… - À, cửa hàng đồ trượt tuyết ở ngay cửa bên. Tôi tin chắc là họ sẽ có mọi thứ mà cô cần. - Cảm ơn! - Dana nói. Đó là một điểm khởi đầu tốt. Nàng mang đồ đạc lên phòng rồi đi sang cửa hàng đồ trượt tuyết. Người bán hàng nói không ngớt mồm. Lúc Dana bước vào, anh ta bắt đầu. - Chào. Tôi là Chad Donohue. Cô đến đúng chỗ rồi đấy. - Anh ta chỉ một đống ván trượt. - Chúng tôi vừa mới nhập loại Freeriders về. Loại này rất thuận tiện khi xử lý các cú nhảy. - Anh ta chỉ một đống khác. - Hay là… đây là loại Salomon X - Scream 9s. Loại này lúc nào cũng đắt hàng. Năm ngoái chúng tôi bán hết và không thể nhập nổi một chiếc nào nữa. Anh ta trông thấy sự nôn nóng trên mặt Dana và vội vàng chuyển sang một loạt khác. - Nếu cô thích, chúng tôi còn có loại Vocal Vertigo G30 hoặc Atomic 10.20. - Anh ta liếc Dana với vẻ hy vọng. - Cô thích loại… - Tôi đến để hỏi vài thông tin. Mặt anh ta lộ rõ sự thất vọng. - Thông tin? - Vâng. Julie Winthrop có mua ván trượt ở đây không? Anh ta nhìn kỹ Dana. - Có. Thực tế là cô ấy thường dùng loại Voland Ti hàng đầu. Cô ấy thích chúng. Điều khủng khiếp đã xảy ra với cô ấy ở Eaglecrest. - Cô Winthrop có phải là tay trượt tuyết giỏi không? - Giỏi? Cô ấy là số một. Cô ấy có cả một va ly giải thưởng. - Cô ấy đến đây một mình à? - Theo tôi được biết thì đúng như thế. - Anh ta lắc đầu - Điều ngạc nhiên là cô ấy biết rõ Eaglecrest như lòng bàn tay vậy. Năm nào cô ấy chả trượt tuyết ở đây. Một tai nạn như thế không thể xảy ra với một người như vậy ấy được, cô nghĩ có đúng không? Dana chậm rãi trả lời: - Đúng, tôi cũng nghĩ như vậy. * * * * * Sở cảnh sát Juneau ở Waterfront chỉ cách khách sạn Quán Trọ có hai đoạn đường. Dana bước vào căn phòng đón tiếp nhỏ có treo cờ bang. Alaska, cờ Juneau và cờ Mỹ. Phòng được trải thảm xanh, ghế bành và các ghế con đều mang màu xanh. Một sĩ quan mặc cảnh phục hỏi: - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi muốn hỏi một vài thông tin về cái chết của Julie Winthrop. Anh ta cau mày. - Thế thì cô phải hỏi Bruce Bowler. Anh ta là người đứng đầu đội cứu hộ Sea Dog. Văn phòng ở tầng trên, nhưng giờ này anh ta đi vắng rồi. - Anh có biết anh ta đang ở đâu không? Viên sĩ quan xem đồng hồ. - Ngay bây giờ thì cô có thể gặp được anh ta ở Hanger on the Wharf. Cách đây hai dãy phố, trên đường Marine. - Cảm ơn anh. Hanger on the Wharf là một quán ăn lớn, đông nghẹt khách đến ăn trưa. Ông chủ quán nhìn Dana. - Xin lỗi, bây giờ chúng ta chưa có bàn. Khoảng hai mươi phút nữa… - Tôi muốn gặp ông Bruce Bowler. Ông có… Ông ta gật đầu. - Bruce hả? Anh ta ngồi bàn trong. Dana nhìn theo tay ông ta. Một khuôn mặt vui vẻ cùng với thân hình vạm vỡ, trạc tuổi bốn mươi, ngồi một mình. - Cảm ơn. - Dana đi về phía bàn của anh ta. - Ông Bowler phải không ạ? Anh ta ngước mắt lên. - Vâng. - Tôi là Dana Evans. Tõi cần ông giúp một việc. Anh ta mỉm cười. - Cô may mắn đấy. Chúng tôi còn đúng một phòng. Tôi sẽ gọi cho Judy. Dana bối rối nhìn anh ta. - Xin lỗi ông nói gì? - Không phải cô định hỏi về quán trọ Cozy Log của chúng tôi sao? - Không. Tôi muốn hỏi chuyện ông về Julie Winthrop. - Ồ! - Anh ta tỏ vẻ xấu hổ. - Xin lỗi cô. Mời cô ngồi. Judy và tôi có một quán trọ nhỏ ở ngoại ô thành phố. Tôi nghĩ là cô đang cần một căn phòng trống. Cô đã ăn trưa chưa? - Chưa, tôi… - Thế thì ăn luôn cùng tôi. - Anh ta nở một nụ cười dễ chịu. - Cảm ơn, - Dana nói. Khi Dana gọi món xong, Bruce Bowler hỏi: - Cô muốn biết chuyện gì về Julie Winthrop? - Về cái chết của cô ấy. Có thể coi đó không phải là một tai nạn không? Bruce Bowler cau mày. - Ý của cô là cô ấy có ý định tự tử? - Không. Ý tôi là liệu… liệu có kẻ nào đó muốn giết cô ấy. Anh ta chớp mắt. - Giết Julie? Không thể. Đó là một vụ tai nạn. - Anh có thể kể lại sự việc cho tôi nghe được không? - Được! - Bruce Bowler nghĩ ngợi, không biết nên bắt đầu từ đâu - Ở đây có ba kiểu dốc trượt khác nhau. Đầu tiên là loại dễ nhất, như Muskey, Dolly Varder, Sourdough… Loại khó hơn thì có Sluice Box, Mother Lode, Sundance… Khó nữa là Insane, Spruce Chute, Hang Ten… Và trong đó thì Steep Chutes là khó nhằn nhất. - Và Julie Winthrop thường trượt ở… - Steep Chutes. - Cô ấy là một tay trượt lão luyện chứ? - Chắc chắn là vậy, - Bruce Bowler trả lời. Anh ta lưỡng lự. - Đó mới là điểm bất thường. - Bất thường thế nào? - À, thứ năm nào cũng có buổi trượt tối từ bốn giờ chiều đến chín giờ tối. Rất đông người tham gia buổi trượt này. Đến chín giờ thì tất cả đều trở về, trừ Julie. Chúng tôi bổ đi tìm và thấy xác cô ấy ở đáy đường Steep Chutes. Cô ấy bị lao vào một thân cây. Và chết ngay lập tức. Dana nhắm mắt lại, cảm giác nỗi sợ hãi và cơn đau mà Julie đã trải qua. - Vậy… vậy lúc tai nạn xảy ra thì cô ấy có một mình thôi à? - Vâng. Người ta thường trượt tuyết cùng nhau, nhưng đôi khi những người xuất sắc nhất lại thích trượt một mình. Chúng tôi đã dựng biển báo hiệu ranh giới, và những ai phải liều mạng lắm mới dám vượt qua. Julie Winthrop đã trượt tuyết ở bên ngoài ranh giới, trên một đường trượt đã bị đóng cửa. Chúng tôi phải tốn khá thời gian mới tìm thấy xác cô ấy. - Ông Bowler, khi có người mất tích thì các ông phải làm những việc gì? - Ngay khi được thông báo, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm bằng cách gọi điện cho những bạn bè của người đó hỏi xem người đó có ở cùng họ không. Rồi chúng tôi sẽ gọi cho các quán rượu. Việc đó nhằm giúp các thành viên trong đội cứu hộ khỏi mất thời gian đi tìm những kẻ say xỉn ngồi chôn thân trong quán. - Và nếu người đó thật sự mất tích? - Dana hỏi. - Chúng tôi đi lấy nhận dạng, hỏi trình độ trượt tuyết hỏi, nơi cuối cùng người đó xuất hiện là chỗ nào. Chúng tôi luôn hỏi xem người đó có camera không. - Tại sao vậy? - Nếu có, nó sẽ cho chúng tôi biết những nơi mà người đó đã đi qua. Chúng tôi phải kiểm tra trường hợp người đó có phương tiện giao thông và đã trở về thành phố. Nếu chừng đó không đem lại kết quả gì, chúng tôi sẽ giả thiết người đó đã vượt qua ranh giới khu vực trượt. Lúc đó sẽ yêu cầu sự trợ giúp của cảnh sát bang Alaska và họ sẽ điều trực thăng đến. Mỗi khu vực tìm kiếm có bốn người, còn trực thăng thì liên tục tuần tiễn qua khắp các khu vực. - Mất nhiều công sức quá nhỉ. - Dĩ nhiên. Nhưng cô nên nhớ khu trượt tuyết ở đây rộng tất cả sáu trăm ba mươi mẫu, và trung bình mỗi năm chúng tôi phải thực hiện bốn mươi vụ tìm kiếm. Đa số là thành công. - Bruce Bowler nhìn bầu trời lạnh lẽo qua cửa sổ - Tôi đã mong là vụ này cũng vậy. - Anh ta quay sang Dana. - Dù sao thì đội tuần tra cũng phải rà soát hàng ngày sau khi thang máy đóng cửa. - Người ta bảo cho tôi biết rằng Julie Winthrop quen trượt trên Eaglecrest. Anh ta gật đầu. - Đúng. Nhưng trên đó không có gì bảo đảm cả. Có thể gặp mây mù, có thể mất phương hướng, hoặc đơn giản là không may. Cô Winthrop tội nghiệp đã không may. - Làm thế nào các anh tìm được xác cô ấy? - Mayday tìm thấy. - Mayday? - Đó là con chó xuất sắc của chúng tôi. Đội cứu hộ có giống chó đen Labrados và chó chăn cừu. Lũ chó rất đắc dụng. Chúng theo dấu hơi người mà nạn nhân để lại. Rồi khi tìm thấy, chúng tôi đưa một người cắt bom đến hiện trường, và khi… - Người cắt bom. - Là cái xe trượt tuyết của chúng tôi. Chúng tôi mang xe của Julie Winthrop về trên chiếc Stokes. Ba nhân viên cứu thương kiểm tra cô ấy bằng máy EKG rồi chụp ảnh và gọi điện cho dịch vụ lễ tang. Họ đưa xác cô ấy về bệnh viện địa phương Bartlett. - Không ai biết tai nạn xảy ra thế nào à? Anh ta nhún vai. - Tất cả những gì chúng tôi biết là cô ấy va vào một cây vân sam lớn. Đó quả là một cảnh tượng chẳng đẹp đẽ gì. Dana nhìn Bruce Bowler một lát. - Có thể cho tôi lên xem Eaglecrest không? - Sao lại không? Ăn trưa xong tôi sẽ đưa cô lên đó. Anh ta lái chiếc Jeep tới trước một toà nhà hai tầng ở chân núi. Bruce Bowler bảo Dana: - Đây là nơi chúng tôi họp và chuẩn bị các kế hoạch tìm kiếm và cứu hộ. Chúng tôi mang các dụng cụ trượt tuyết cho thuê lên đây và có đầy đủ các thứ cho những ai cần chúng. Chúng ta sẽ đi thang máy lên đỉnh núi. Họ vào hệ thống cáp treo, hướng lên đỉnh Eaglecrest. Dana rùng mình. - Tôi quên không nhắc cô. Với thời tiết này thì cô phải thật nhiều quần áo dạ mới đủ ấm. Dana lại rùng mình. - Tôi nhớ rồi. - Julie Winthrop cũng lên bằng cái ghế này. Cô ấy có mang ba lô theo. - Ba lô? - Vâng. Trong đó có xẻng nhỏ để xúc tuyết, đèn hiệu có thể trông thấy trong phạm vi bốn lăm mét, la bàn. - Anh ta thở dài. - Dĩ nhiên, những thứ đó chẳng có ích gì khi bị va vào thân cây. Họ đã lên gần đến nơi. Tới bậc thềm, họ bước ra một cách thận trọng, một người đàn ông xuất hiện. - Ngọn gió nào đưa anh lên đây thế, Bruce? Có người mất tích à? - Không. Tôi đưa người bạn lên xem vài thứ. Đây là cô Evans. Họ chào nhau. Dana nhìn quanh. Một căn lều ấm áp đã gần như biến mất trong màn mây dày đặc. Julie Winthrop có vào đây trước khi đi trượt không. Có ai theo dõi cô ấy không? Có ai định giết cô ấy không. Bruce Bowler quay sang Dana. - Chỗ này là đỉnh núi rồi. Từ đây có thể nhìn xuống tất cả các con dốc phía dưới. Dana nhìn xuống và bất giác nàng run bắn lên. - Cô có vẻ lạnh cóng rồi, cô Evans. Tốt nhất là nên đi xuống thôi. - Cảm ơn. Dana vừa về đến khách sạn Quán Trọ ở Waterfront thì có tiếng gõ cửa. Nàng mở ra. Một người đàn ông cao lớn, da trắng bệch đứng đó. - Cô Evans phải không? - Vâng. - Chào cô. Tên tôi là Nicholas Verdun. Tôi ở nhật báo Juneau Empire. - Vâng! - Tôi được biết là cô đang điều tra về cái chết của Julie Winthrop. Chúng tôi định viết một bài báo về chuyện này. Một tiếng chuông vang lên trong đầu Dana. - Tôi e là các ông đã nhầm lẫn rồi. Tôi không thực hiện cuộc điều tra nào cả. Ông ta hoài nghi nhìn nàng. - Tôi nghe… - Chúng tôi đang thực hiện một chương trình vòng quanh thế giới về trượt tuyết. Đây chỉ là một điểm dừng thôi. Ông ta đứng tần ngần giây lát. - Tôi hiểu rồi. Xin lỗi vì đã làm phiền cô. Dana nhìn theo ông ta rời khỏi. Làm sao người này biết được mình đang làm gì ở đây? Nàng gọi điện đến toà báo Juneau Empire. - A lô. Làm ơn cho tôi nói chuyện với phóng viên Nicholas Verdun… - Nàng lắng nghe một lát. - Không có ai tên như thế ạ? Cảm ơn. Việc thu dọn hành lý mất mười phút. Mình phải đi khỏi đây và tìm một chỗ khác. Nàng bỗng nhớ lại. Không phải cô định hỏi về quán trọ Cozy Log của chúng tôi sao? Cô may mắn đấy. Chúng tôi còn đúng một phòng. Dana đi xuống tiền sảnh và thanh toán. Nhân viên lễ tân chỉ đường đến quán trọ và đưa cho nàng một tấm bản đồ nhỏ. * * * * * Trong tầng hầm của toà nhà chính phủ, người đàn ông nhìn bản đồ trên máy tính và nói: - Đối tượng đi về trung tâm thành phố, phía tây. Quán trọ Cozy Log là căn nhà gỗ một tầng gọn gàng theo kiểu Alaska, cách trung tâm Juneau nửa giờ đi xe. - Tốt. Dana bấm chuông và cánh cửa được mở ra bởi một phụ nữ hấp dẫn, tươi cười, khoảng ngoài ba mươi. - Xin chào. Tôi có thể giúp gì? - Vâng. Tôi đã gặp chồng bà, và ông ấy nói rằng ở đây còn một phòng trống. - Vâng. Tôi là Judy Bowwler. - Dana Evans. - Mời cô vào. Dana bước vào và nhìn quanh. Nhà trọ bao gồm một căn phòng khách rộng rãi, thoải mái với một lò sưởi bằng đá, một phòng ăn cho khách, hai phòng ngủ có buồng tắm riêng. - Tôi nấu nướng ở đây, - Judy Bowwler nói. - Cũng khá tốt. Dana mỉm cười. - Vâng. Cô ta dẫn nàng về phòng. Nó sạch sẽ và có vẻ ấm cúng. Dana dỡ hành lý ra. Có một cặp vợ chồng cũng trọ ở đây và họ nói chuyện với nhau một cách bình thường. Không ai trong số họ nhận ra Dana. Sau bữa trưa, Dana lái xe vào thành phố. Nàng vào một quán rượu ở Cliff House và gọi đồ uống. Tất cả các nhân viên ở đây đều rám nắng và mạnh khoẻ. Dĩ nhiên. - Thời tiết đẹp quá nhỉ, - Dana bắt chuyện với tay pha rượu trẻ tuổi tóc vàng. - Ừ! Trời này trượt tuyết thì nhất. - Anh có hay trượt tuyết không? Anh ta mỉm cười. - Mỗi khi tôi có thể trốn làm. - Với tôi thì trò đấy quá nguy hiểm, - Dana thở dài. - Một người bạn của tôi đã chết ở đây hồi mấy tháng trước. Anh ta đặt cái ly vừa lau xuống. - Chết? - Ừ Julie Winthrop. Anh ta xịu mặt xuống. - Cô ấy hay đến đây lắm. Một phụ nữ dễ thương. Dana nhô người về phía trước. - Nghe nói đó không phải là tai nạn. Cặp mắt anh ta mở to. - Ý cô là sao? - Tôi nghe người ta nói cô ấy bị giết. - Bị giết? - Anh ta nói một cách ngờ vực. - Không thể nào. Đó là một vụ tai nạn. * * * * * Hai mươi phút sau Dana đã ngồi nói chuyện với người pha rượu trong khách sạn Prospector. - Trời đẹp quá nhỉ. - Trượt tuyết là hợp nhất, - anh ta nói. Dana lắc đầu. - Với tôi thì quá nguy hiểm. Một người bạn của tôi đã chết khi đang trượt tuyết ở đây. Có lẽ anh cũng gặp cô ấy rồi. Julie Winthrop ấy. - Ồ, vâng. Tôi thích cô ấy lắm. Ý tôi là, cô ấy không lên mặt ta đây như một vài người khác. Cô ấy thực sự rất hoà đồng. - Nghe nói cái chết của cô ấy không phải là tai nạn đâu. Nét mặt người pha rượu lập tức thay đổi. - Tôi biết rõ là không phải mà. - Anh ta hạ thấp giọng run run. Tim Dana đập mạnh hơn. - Thật à? - Chắc chắn là thế. - Anh ta làm ra vẻ bí ẩn. - Cái bọn Martians khốn kiếp… Nàng đang ở trên đỉnh núi Ptarmigan, cảm thấy cơn gió lạnh buốt quất vào người. Nàng nhìn xuống thung lũng phía dưới, cô quyết định xem có nên trở về không, thì bỗng nhiên lĩnh một cú đẩy phía sau lưng và nàng lăn xuống con dốc, nhanh dần nhanh dần, hướng về phía một thân cây lớn. Trước khi lao vào nó, nàng bật dậy, hét lên. Dana ngồi trên giường, run lẩy bẩy. Có phải đó là điều xảy ra với Julie Winthrop? Ai đã đẩy cô ấy vào cái chết? Elliot Cromwell đã không giữ nổi kiên nhẫn. - Matt, khi nào thì Jeff Connor mới về? Chúng ta cần cậu ấy. - Sẽ sớm thôi. Cậu ấy vẫn gọi điện về cho tôi mà. - Thế còn Dana thì sao? - Tôi cũng đang mong cô ấy về đây. Tỷ lệ người xem bản tin tối của chúng ta đang có chiều hướng giảm đi. Matt Beker nhìn Cromwell và tự hỏi vì sao ông ta lại quan tâm đến vậy. Buổi sáng thức giấc, Dana mặc quần áo và lái xe vào trung tâm thành phố. Trong lúc chờ máy bay ở phi trường, Dana để ý thấy một người đàn ông ngồi trong góc cứ nhìn mình hết lần này đến lần khác. Hắn ta trông vừa quen vừa lạ. Chiếc áo khoác hắn mặc màu xám xịt và điều này gợi cho nàng nhớ đến một người. Và Dana đã nhớ ra, qua thái độ của chúng. Cả hai đều tỏ ra kiêu ngạo một cách khó chịu. Chúng nhìn nàng bằng cặp mắt gần như khinh miệt. Và nàng cảm thấy ớn lạnh.Sau khi Dana lên máy bay, hắn ta rút điện thoại di động ra gọi rồi rời khỏi sân bay. Chương 15 Về đến nhà, Dana trông thấy một cây thông Noel nhỏ rất đẹp. Bà Daley đã mang về và trang trí nó. - Nhìn những đồ trang trí xem, - bà Daley nói với vẻ tự hào. - Kemal tự mình làm đấy. Người đàn ông ở căn hộ bên cạnh, theo dõi cảnh tượng này qua chiếc TV. Dana hôn lên má bà ta. - Cảm ơn bà Daley. Bà Daley đỏ mặt. - Chuyện nhỏ thôi mà, có đáng gì đâu. - Kemal đâu? - Cậu ấy ở trong phòng. Có hai tin nhắn cho cô, cô Evans. Cô gọi điện cho ông Hudson. Tôi để số điện thoại của ông ấy trên tủ bếp. Và mẹ của cô gọi đến. - Cám ơn. Khi Dana bước vào, Kemal đang ngồi bên máy vi tính. Nó ngước lên: - À, cô đã về. - Cô về rồi, - Dana nói. - Thế thì tốt. Cháu đang mong cô sẽ về kịp lễ Giáng sinh. Dana ôm lấy nó. - Chắc chắn mà. Cô không bao giờ để lỡ dịp này. Cháu ở nhà một mình có quen không? - Cũng quen. - Tốt. - Cháu thích bà Daley chứ? Nó gật đầu. - Bà ấy tuyệt lắm! Dana mỉm cười. - Cô biết. Cô phải gọi điện thoại. Cô sẽ quay lại ngay. Tin xấu trước, Dana nghĩ. Nàng gọi điện cho mẹ mình. Suốt từ hồi xảy ra vụ ở Westport nàng chưa nói chuyện với bà. Sao mà mẹ lại có thể lấy một người đàn ông như thế nhỉ? Dana nghe những tiếng tút dài và giọng của mẹ nàng vang lên từ cuộn băng ghi âm. "Hiện giờ chúng tôi không có mặt, bạn cứ để lại tin nhắn, chúng tôi sẽ gọi lại". - Mẹ, chúc mẹ Giáng sinh vui vẻ. - Nàng gác máy. Tiếp theo nàng gọi cho Pamela. - Dana, rất mừng vì cô đã về! - Pamela Hudson thốt lên. - Chúng tôi nghe trên bản tin nói Jeff đi công tác xa, mà tối mai tôi và Reger dự định mời vài người bạn đến dự bữa tiệc Giáng sinh sớm, vậy mong rằng cô và Kemal sẽ có mặt. Xin đừng nói với tôi là cô đã có dự định khác. - Không! - Dana nói - Sự thực là không. Và tôi nhất định sẽ đến. Cảm ơn, Pamelal. - Tuyệt. Chúng tôi chờ cô vào lúc năm giờ. Thế nhé. - Bà ta dừng lại. - Mọi việc đến đâu rồi? - Tôi không biết! - Dana thành thật trả lời. - Tôi không biết có phải họ đang đi đâu đó không. - Ờ bây giờ thì quên hết mọi chuyện đi. Cố gắng nghỉ ngơi. Ngày mai chúng ta gặp nhau. * * * * * Cesar đứng đón ở ngoài cửa khi Dana và Kemal đến nhà Hudson vào ngày hôm sau, trông thấy nàng, mặt ông ta sáng bừng lên. - Cô Evans! Rất vui được gặp cô. - Ông ta mỉm cười với Kemal. - Và cậu Kemal. - Chào Cesar, - Kemal nói. Dana trao cho Cesar một hộp nhỏ bọc kín. - Giáng sinh vui vẻ, Cesar. - Tôi không biết phải…- ông ta lắp bắp. - Tôi không… cô tốt quá, cô Evans. Người khổng lồ hiền lành, Dana nghĩ về ông ta lúc này mặt mũi đang đỏ bừng. Dana đưa cho ông ta thêm hai gói nữa. - Đây là cho ông bà Hudson. - Vâng, cô Evans. Tôi sẽ đặt chúng ở dưới cây thông. - Ông bà Hudson đang ở trong phòng khách. - Cesar dẫn đường cho họ. Pamela nói: - Hai người đã đến rồi. Rất vui là hai người đã đến. - Chúng tôi cũng vậy. Pamela nhìn tay phải của Kemal. - Dana… thật tuyệt! Dana cười to. - Thật vậy không? Nhờ sự giúp đỡ của ông chủ tôi đấy. Ông ấy là một người tuyệt vời. Tôi nghĩ nó đã làm thay đổi cả cuộc đời Kemal. Tôi không thể nói là mình vui sướng đến mức nào. Roger gật đầu. - Chúc mừng Kemal. - Cảm ơn ông Hudson. Roger Hudson nói với Dana. - Trước khi những người khác đến có một điều tôi phải nói ở đây. Còn nhớ tôi đã từng nói là Taylor Winthrop bảo với bạn bè rằng ông ta đã rút lui khỏi đời sống chính trị và rồi lại trở thành đại sứ ở Nga không? - Có. Tôi cho là Tổng thống đã ép ông ta… - Đó là những gì tôi nghĩ. Nhưng hình như là chính Winthrop đã tạo áp lực lên Tổng thống để được nhận chức đại sứ ở Nga. Câu hỏi là tại sao? Những người khách khác bắt đầu kéo đến. Chỉ có thêm mười hai người và bữa tối đó thật ấm cúng và vui vẻ. Sau món tráng miệng, mọi người đi sang phòng khách. Trước lò sưởi là một cây thông Noel lớn. Ai cũng có quà tặng nhưng phần cho Kemal là lớn nhất, trò chơi điện tử, áo len, gảng tay và băng video. Thời gian trôi qua thật nhanh. Niềm vui được hoà mình cùng những con người thân thiện sau cơn mệt mỏi của vài ngày trước thật là vô bờ bến. Mình chỉ mong Jeff có mặt ở đây. Dana Evans ngồi ở bàn chờ bản tin lúc mười một giờ bắt đầu. Đằng sau nàng là Richard Melton. Ở vị trí thường trực của Jeff bây giờ là Maury Falstein. Dana cố không nghĩ đến điều này. Richard Melton nói với Dana. - Cô đi xa tôi cũng nhớ lắm. Dana mỉm cười. - Cảm ơn Richard. Tôi cũng nhớ anh. - Cô đi cũng khá lâu đấy chứ. Mọi chuyện thế nào? - Cũng ổn. - Xong việc về đi ăn chứ? - Tôi phải về xem Kemal thế nào đã. - Thì hẹn gặp ở đâu đó! Chúng ta phải gặp nhau ở một chỗ nào khác. Tôi nghĩ là tôi đang bị theo dõi. Chỗ chuồng chim ở khu vườn thú. Melton tiếp tục: - Họ nói là cô đang xúc tiến một kịch bản lớn nào đó. Cô có muốn nói chuyện về nó không? - Chưa có gì để nói cả, Melton. - Nghe nói Cromwell không thích việc cô cứ suốt ngày bỏ đi thế đâu. Tôi hy vọng là cô không gặp rắc rối với ông ấy. Để tôi cho cô một lời khuyên. Đừng tự chuốc lấy rắc rối nếu không cô sẽ gặp rắc rối thật đấy. Đó là điều chắc chắn. Dana thấy mình không thể tập trung nghe những gì Melton đang nói. - Ông ta thích sa thải nhân viên lắm, - Melton tiếp tục. Một ngày sau đám cháy, Bill Kelly biến mất. Anh ta thậm chí không thèm lĩnh lương, cứ thế bỏ đi. Richard Melton vẫn nói. - Thề có Chúa, tôi không thích làm việc với một đồng nghiệp mới. Nhân chứng của vụ tai nạn là một khách du lịch người Mỹ, tên là Ralph Benjamin. Một người mù. - Năm… bốn… ba… hai… - Anastasia Mann chỉ tay vào Dana. Đèn đỏ của máy quay bật sáng. Giọng của phát thanh viên vang lên: - Đây là bản tin lúc mười một giờ của đài WTN với Dana Evans và Richard Melton. Dana mỉm cười vào ống kính. "Xin chào quý vị và các bạn. Tôi là Dana Evans. "Và tôi là Richard Melton. "Hôm nay tại Arlington, ba học sinh trường trung học Wilson đã bị bắt sau khi cảnh sát khám xét cặp của họ và phát hiện ra hai trăm gam bạch phiến cùng nhiều thứ vũ khí, trong đó có cả một khẩu súng lục ăn cắp Sau đây là phần tường thuật chi tiết sự việc của phóng viên Holly Rapp. Chúng tôi không xử lý nhiều vụ trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật, nhưng tôi biết tất cả đều có những quy luật nhất định. Vụ này thì lại khác. Bản tin kết thúc. Richard Melton nhìn Dana. - Lát nữa gặp nhau chứ? - Đêm nay không được đâu, Richard. Tôi còn chút việc phải làm. Anh ta đứng lên. - Cũng được. Dana có cảm giác anh ta muốn hỏi nàng về Jeff. Tuy nhiên anh ta chỉ nói: - Mai gặp nhé. Dana đứng dậy. - Chúc mọi người ngủ ngon. Nàng ra khỏi phòng thu và trở về văn phòng. Nàng ngồi xuống bật máy vi tính lên, vào mạng Internet và bắt đầu xem lại vô số những bài báo viết về Taylor Winthrop. Trên một trang Web, Dana thấy một đề mục về Marcel Falcon, viên chức của chính phủ Pháp đã từng giữ chức đại sứ ở NATO. Bài báo này đề cập đến việc Marcel Falcon đàm phán hiệp định thương mại với Taylor Winthrop. Cuộc đàm phán mới được nừa chừng thì Falcon đột ngột đệ đơn xin từ chức và về nghỉ hưu. Nửa chừng cuộc đàm phán ở cấp chính phủ. Chuyện gì đã xảy ra. Dana cố thử vài trang Web khác nhưng không tìm được thêm thông tin nào về Marcel Falcon. Lạ quá, mình phải xem xét kỹ vụ này mới được, Dana quyết định. * * * * * Lúc Dana xong việc thì đã là hai giờ sáng. Còn quá sớm để gọi điện sang châu u. Nàng về nhà. Bà Daley vẫn ngồi đợi nàng. - Xin lỗi vì tôi về muộn, - Dana nói. - Tôi… - Không có gì. Tôi đã xem bản tin của cô tối nay. Tôi nghĩ là nó vẫn rất tuyệt như mọi khi, cô Evans. - Cảm ơn. Bà Daley thở dài. - Tôi chỉ mong tất cả các tin tức đều không ghê rợn như thế. Chúng ta đang sống trong một thế giới gì không biết? - Đó là một câu hỏi hay, Kemal thế nào rồi? - Ông tướng ấy vẫn ổn. Tôi để cho cậu áy chơi bài Rummy thắng tôi. Dana mỉm cười. - Thế thì tốt quá. Cảm ơn bà Daley. Nếu ngày mai bà muốn đến muộn… - Không, không. Ngày mai tôi sẽ đến sớm để thay cô đưa Kemal đi học. Dana nhìn bà Daley rời khỏi. Một viên ngọc quý, nàng nghĩ. Điện thoại di động của nàng reo. Nàng chạy ra cầm nó lên. - Jeff. - Chúc mừng Giáng sinh, em yêu! - Giọng anh thấm vào thân thể nàng. - Anh gọi điện quá muộn à? - Không bao giờ là quá muộn cả. Kể cho em nghe tình hình của Rachel đi! - Về nhà rồi. Ý của Jeff là cô ấy đã trở về nhà. - Ở nhà cũng có y tá đến chăm sóc, nhưng Racnel chỉ cho cô ta ở lại đến ngày mai! Dana không muốn hỏi. - Còn sau đó? - Bản báo cáo cho biết các tế bào ung thư vẫn tiếp tục phát triển. Cô ấy chưa muốn anh về. - Em hiểu. Em không muốn mang tiếng ích kỷ nhưng chả lẽ ở đó không có ai khác… - Cô ấy không còn ai cả, em yêu. Cô ấy hoàn toàn đơn độc và hoảng loạn. Và ở đây cô ấy cũng sẽ không có ai khác. Anh thật sự không biết Rachel sẽ làm gì nếu anh đi khỏi. - Còn em thì không biết làm gì nếu anh ở lại. - Họ muốn bắt đầu điều trị bằng phương pháp hoá học ngay. - Sẽ mất bao lâu? - Ba tuần một lần trong bốn tháng. - Bốn tháng. - Matt đã yêu cầu anh nghỉ phép. Anh xin lỗi về tất cả những chuyện này. Ý của anh là gì? Xin lỗi vì công việc. Xin lỗi vì Rachel? Hay xin lỗi vì cuộc sống của chúng ta bị chia cắt? Mình lại ích kỷ đến thế sao? Dana tự hỏi. Cô ấy có thể sẽ chết. - Em rất tiếc. - Cuối cùng Dana nói. - Em mong là mọi việc sẽ mau chóng trở lại bình thường. Trở lại bình thường với ai? Với Rachel và Jeff. Hay với Jeff và mình? Jeff đặt máy xuống, ngước mắt lên và thấy Rachel đứng đó. Cô mặc váy và áo ngủ. Trông cô thật đáng yêu, mờ mờ ảo ảo trong ánh sáng nhờ nhờ. - Dana hả anh? - Ừ- Jeff trả lời. Rachel xích lại gần anh hơn. - Anh, em biết việc này đã làm hai người tổn thương rất nhiều. Em… em chỉ không thể chịu đựng tất cả những chuyện này mà không có anh. Em cần anh, Jeff. Lúc này em thật sự cần anh. Sáng sớm hôm sau Dana đến văn phòng và lại truy cập vào mạng Internet. Có hai tin tức làm nàng chú ý. Tách riêng ra chúng chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu để cùng nhau, chúng gợi lên một điều bí ẩn. Cái thứ nhất viết: "Vincent Macino, bộ trưởng Thương mại Italy đã bất ngờ từ chức trong quá trình đàm phán thương mại với Taylor Winthrop, đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ. Ivo Vale, trợ lý của ông này lên thay thể". Cái thứ hai viết: "Taylor Winthrop, cố vấn đặc biệt của NATO ở Brussel đề nghị được thay thế và đã trở về nhà ở Washington". Marcel Falcon từ chức, Vincent Macino từ chức, Taylor Winthrop đột ngột bỏ về. Liệu có liên quan gì không? Hay chỉ là ngẫu nhiên. Thật thú vị. * * * * * Đầu tiên Dana gọi điện cho Dominick Romano, người hiện đang làm việc cho kênh Italia 1 ở Rome. - Dana, rất vui được nghe thấy giọng cô. Có chuyện gì thế? - Tôi sắp sang Rome, và tôi muốn gặp anh. - Được! Về vấn đề gì? Dana lưỡng lự. - Tốt nhất là đến nơi hãy nói. - Khi nào cô sang? - Thứ bảy. - Tôi sẽ đãi cô món mì ống béo nhất thành Rome này. Tiếp theo Dana gọi cho Jean Somville, người đang làm việc tại trung tâm truyền thông của NATO trên đường Chapeliers. - Jean à? Dana Evans đây. - Dana? Từ hồi ở Sarajevo đến giờ không gặp cô. - Cũng khá lâu rồi nhỉ. Cô định quay trở lại đấy à? - Không. - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Vài ngày nữa tôi sẽ sang Brussels. Anh vẫn ở đó chứ? - Dĩ nhiên! Có gì đặc biệt thế? - Không. - Dana nói nhanh. - À cô chỉ đi tham quan thôi à? - Giọng anh ta có vẻ ngờ vực. - Đại khái như vậy, - Dana trả lời. Anh ta cười to. - Tôi chờ cô đấy. Tạm biệt. - Tạm biệt. - Matt Baker muốn gặp cô. - Nói với ông ấy là tôi sang ngay, Olivia. Dana gọi thêm hai cú điện thoại rồi đi qua văn phòng của Matt Baker. Ông ta nói ngay không úp mở. - Có lẽ chúng đã gặp may. Đêm qua tôi nghe được một câu chuyện có thể là manh mối cho những gì chúng ta đang tìm kiếm. Dana thấy tim mình đập nhanh hơn. - Vâng! - Có một người tên là… ông ta nhìn vào tờ giấy để trên bàn. - Dieter Zander, ở Dusseldorf. Ông ta từng làm ăn với Taylor Winthrop. Dana chăm chú lắng nghe. - Tôi không biết toàn bộ câu chuyện, nhưng hình như giữa họ đã nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt. Họ thậm chí còn đánh nhau và Zander đã thề sẽ giết chết Winthrop. Chuyện này nghe ra đáng để kiểm tra đấy. - Chắc chắn rồi. Để tôi lo vụ này cho, Matt. Họ nói chuyện thêm vài phút rồi Dana đứng dậy. Không biết làm cách nào để lấy thêm thông tin đây? Nàng chợt nghĩ đến Jack Stone của FRA. Anh ta có thể biết đôi điều. Nàng lấy số điện thoại riêng của anh ta ra và quay số. Giọng Jack Stone vang lên. - Jack Ston đây. - Tôi là Dana Evans. - Chào cô Evans. Tôi có thể giúp gì? - Tôi muốn tìm hiểu vài điều về một người tên Zander ở Dusseldorf. - Dieter Zander phải không? - Vâng. Anh biết ông ta à. - Chúng tôi biết ông ta là ai. Dana nhận thức được từ chúng tôi. - Anh có thể kể đôi điều về ông ta? - Có phải liên quan đến Taylol Winthrop không? - Vâng. - Taylor Winthrop và Dieter Zander là đối tác làm ăn. Zander bị đi tù vì tội chiếm dụng vốn, và lúc ở tù thì nhà ông ta bị cháy, vợ và ba đứa con chết hết. Ông ta đổ lỗi Taylor Winthrop về những gì xảy ra. Và Taylor Winthrop cùng vợ cũng chết trong đám cháy. Dana lắng nghe trong sự bất ngờ. - Zander vẫn còn trong tù à? - Không Tôi tin là năm ngoái ông ta đã được trả tự do. Còn gì nữa không. - Không. Cảm ơn anh rất nhiều. - Chuyện này chỉ chúng ta biết thôi nhé. - Tôi hiểu. Bây giờ có ba khả năng, Dana nghĩ. Dieter Zander ở Dusseldorf Vincent Mancino ở Rome. Marcel Falcon ở Brussels. Mình sẽ đi Dusseldorf trước. Olivia nói: - Bà Hudson ở đường dây số ba. - Cảm ơn. - Dana nhấc máy. - Pamela. - Chào Dana. Tôi biết là hơi bất ngờ nhưng chúng tôi có vài người bạn tốt ở xa đến thăm và Roger cùng tôi dự định tổ chức một bữa tiệc nhỏ vào thứ tư tới. Tôi biết Jeff vẫn còn đang ở xa, nhưng tôi rất mong sự có mặt của cô. Cô có rảnh không? - Tôi e là không. Đêm nay tôi sẽ đi Dusseldorf. - Ồ Tiếc quá. - Và, Pamela… - Gì cơ? - Jeff có lẽ còn phải ở xa thêm một thời gian nữa. Một thoáng yên lặng. - Mong là mọi chuyện đều ổn cả. - Vâng tôi tin chắc là như thế.Mọi chuyện phải như thế? Chương 16 Tối hôm đó tại phi trường Dulles, Dana lên máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tới Dusseldorf. Nàng đã gọi điện cho Steffan Mueller, hiện đang làm việc tại Kabel Network báo tin mình sẽ sang. Đầu óc Dana lúc này chỉ toàn là những lời Matt Baker đã nói với nàng. Nếu Dieter Zander đổ lỗi cho Taylor Winthrop về… - Chào cô. Tên tôi là Hermann Friedrich. Cô cũng là người Đức chứ! Dana quay sang nhìn người ngồi cạnh mình. Ông ta khoảng năm mươi tuổi, quần áo chỉnh tề, băng một bên mắt, có hàm râu rậm. - Chào ông, - Dana nói. - À cô là người Mỹ? - Vâng. - Rất nhiều người Mỹ sang Dusseldorf. Đó là một thành phố đẹp. - Tôi đã nghe nói. Và gia đình ông ta chết trong đám cháy. - Lần đầu tiên cô đến đó à? - Vâng. - Có thể nào là tình cờ không? - Nó đẹp, rất đẹp. Dusseldorf được con sông Rhine chia cắt, cô biết đấy, làm hai phần. Phần cổ hơn ở bờ bên phải… Steffan Mueller có thể cho mình biết nhiều hơn về Dieter Zander. - Và phần hiện đại hơn ở bờ trái có tới năm cây cầu nối hai phần lại với nhau. Hermann Friedrich nhích lại gần Dana hơn. - Cô đi thăm bạn ở Dusseldorf à? Mọi chuyện bắt đầu phù hợp với nhau rồi đấy. Friedrich lại gần thêm chút nữa. - Nếu cô có một mình, tôi biết… - Gì cơ? Ồ, không. Tôi sang gặp chồng tôi ở đó! Nụ cười của Hermann Friedrich tắt ngấm. - Thế à. Có cả một dãy taxi dài đậu thường trực trước sân bay quốc tế Dusseldorf. Dana lên một chiếc về khách sạn Breidenhacher ở Trung tâm thành phố. Đó là một khách sạn cổ lịch sử, có đại sảnh được trang hoàng lộng lẫy. Người nhân viên lễ tân đứng sau quầỳ nói. - Chúng tôi đang chờ cô, cô Evans. Chào mừag cô tới Dusseldorf. - Cảm ơn. - Dana ký vào sổ. Anh ta nhấc điện thoại lên và hỏi: - Phòng đã dọn xong chưa? - Rồi dập máy, anh ta nói với Dana. - Tôi xin lỗi, thưa cô, phòng của cô còn chưa được sẵn sàng. Xin mời cô ăn chút gì do khách sạn chúng tôi đãi, và tôi sẽ báo cho cô ngay sau khi nhân viên của chúng tôi thu dọn xong. Dana gật đầu. - Cũng được. - Để tôi đưa cô đến phòng ăn. Trên lầu, trong phòng của Dana; hai chuyên viên điện tử đang đặt một máy quay phim vào bên trong chiếc đồng hồ treo tường. Ba mươi phút sau Dana lên phòng, dỡ hành lý ra. Cú điện thoại đầu tiên nàng gọi đến Kabel Network. - Steffan, tôi đến rồi! Dana nói. - Dana! Không thể tin nổi là cô đã đến thật rồi. Cô đã có kế hoạch cho bữa tối chưa? - Hy vọng là tôi được ăn tối cùng anh. - Dĩ nhiên. Tới Im Schifchen nhé. Tám giờ! - Tuyệt. Dana vừa thay quần áo xong và bước ra cửa thì điện thoại di động reo. Nàng vội lôi nó ra khỏi túi xách. - Chào em yêu. Em khoẻ không? - Em vẫn khoẻ, Jeff. - Thế em đang ở đâu? - Em ở Đức, Dusseldorf. Em nghĩ là mỉnh sắp giải quyết xong một vài vấn đề. - Dana, cẩn thận đấy. Chúa ơì, giá mà anh được ở bên em. Em cũng thế, Dana nghĩ. - Rachel thế nào rồi? - Việc trị liệu bằng phương pháp hoá học đang làm cô ấy kiệt sức. - Liệu cô ấy có…- Nàng không thể nói hết câu. - Còn quá sớm để có thể nói bất cứ điều gì. Nếu việc trị liệu này có kết quả, đây sẽ là cơ hội tốt để bệnh tình của cô ấy thuyên giảm. - Jeff, nói với Rachel là em rất lo cho cô ấy. - Ừ. Anh có thể giúp gì cho em không? - Cảm ơn anh. Em tự mình lo được. - Ngày mai anh sẽ gọi lại cho em. Anh chỉ muốn nói là anh yêu em nhiều, em yêu. - Em yêu anh, Jeff. Tạm biệt. - Tạm biệt. * * * * * Rachel bước ra khỏi phòng ngủ. Cô mặc áo ngủ và đi dép, một chiếc khăn kiểu Thổ Nhĩ Kỳ quàng quanh đầu. - Dana thế nào rồi? - Cô ấy vẫn bình thường, Rachel. Cô ấy nhờ anh nói với em là cô ấy rất lo cho em. - Cô ấy có vẻ yêu anh quá nhỉ. - Anh cũng yêu cô ấy nhiều. Rachel tiến lại gần anh. - Anh và em đã yêu nhau, phải không Jeff? Chuyện gì đã xảy ra? Anh nhún vai. - Cuộc sống. Hay là anh phải nói những cuộc sống. Chúng ta đã tự chia cắt nhau. - Em quá bận rộn với sự nghiệp người mẫu. Cô cố ghìm nước mắt. - Tốt thôi, em sẽ không làm như thế nữa, phải không? Anh đặt tay lên vai cô. - Rachel, em sẽ ổn thôi. Việc điều trị của em đang tiến triển tốt đẹp. - Em biết. Anh yêu, cảm ơn anh vì đã đến đây cùng em. Em không thể một mình đối mặt. Em không biết phải làm gì nếu không có anh! Jeff không có câu trả lời. Im Schiffchen là một quán ăn lịch sự ở phần hiện đại của Dusseldorf. Steffan Mueller đi vào toét miệng cười khi trông thấy Dana. - Dana? Lạy Chúa. Không gặp cô từ hồi ở Sarajevo. - Cứ như là vĩnh viễn không gặp nữa ấy. - Cô làm gì ở đây thế? Đến dự hội à? - Không. Có người nhờ tôi đi tìm bạn, Steffan. Họ gọi đồ uống khi người phục vụ đến bên bàn. - Bạn nào thế? - Tên ông ta là Dieter Zander. Anh có nghe nói đến ông ta chưa? Steffan Mueller gật đầu. - Ai chả nghe nói đến ông ta. Nhân vật khá đấy. Ông ta là một xì căng đan lớn ở đây Là tỉ phú rồi mà còn đi làm cái trò ngu ngốc lừa gạt cổ đông, thế là bị bắt. Nhẽ ra là lĩnh án hai mươi năm nhưng vì có phe cánh nên chỉ bị ngồi có ba năm. Ông ta cứ khăng khăng là mình vô tội. Dana nhìn anh ta. - Đúng không? - Ai mà biết được. Ở toà ông ta nói Taylor Winthrop đã gài mình và lấy đi hàng triệu đôla. Đó quả là một phiên toà thú vị. Theo Dieter Zander, Taylor Winthrop đề nghị ông ta cùng khai thác một mỏ kẽm, có thể trị giá đến vài tỷ đôla. Winthrop đã sử dụng Zander như một tấm bình phong và Zander đã bán đi hàng triệu đôla cổ phần. Nhưng hoá ra đó lại là cái mỏ bị đổ quặng. - Bị đổ quặng? - Tức là không có kẽm. Winthrop giữ tiền còn Zander thì ngã cái rầm. - Quan toà không tin câu chuyện của Zander à? - Nếu ông ta tố cáo ai đó khác Taylor Winthrop có thể họ còn tin. Còn với Taylor Winthrop thì khác gì ông thánh sống. - Steffan tò mò nhìn nàng. - Cô quan tâm gì ở chuyện này thế? Dana trả lời tránh né: - Tôi nói rồi, một người bạn nhờ tôi tìm Zander. Đã đến lúc gọi món ăn. Bữa tối thật ngon miệng. Khi Steffan đưa Dana về đến khách sạn, anh ta nói. - Cô có biết chú gấu nhồi bông được phát minh ra ở đây bởi một phụ nữ tên là Margarete Steiff không? Con thú nhỏ này đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Dana lắng nghe, tự hỏi xem ý nghĩa của câu nói này là gì - Ở Đức còn có những con gấu thật và chúng rất nguy hiểm, Dana. Hãy cẩn thận khi gặp Dieter Zander. Ông ta trông như một chú gấu bông, nhưng không phải như vậy đâu. Ông ta là con gấu thật đấy. * * * * * Hãng điện tử quốc tế Zander chiếm trọn một cao ốc khổng lồ ở khu công nghiệp ngoại ô Dusseldorf. Dana tiến lại một trong ba nhân viên lễ tân ở đại sảhh. - Tôi muốn gặp ông Zander. - Cô có hẹn không? - Có. Tôi là Dana Evans. - Xin cô vui lòng chờ một lát. - Cô ta điện thoại rồi nhìn Dana. - Thưa cô, cô hẹn vào lúc nào? - Vài ngày trước, - Dana nói dối. - Không thể nào. Thư ký của ông ấy không có ghi lại. - Cô ta lại điện thoại rồi dập máy. - Không thể gặp ông Zander mà không có hẹn. Cô ta quay lại với những bức điện tín trên bàn. Một tốp nhân viên bước vào đại sảnh. Dana rời khỏi bàn lễ tân và nhập vào với bọn họ, tiến về phía trung tâm. Rồi vào thang máy. Thang máy bắt đầu chuyển động, Dana nói: - Ồ tôi quên mất ông Zander ở tầng mấy rồi. Một phụ nữ trả lời: - Tầng bốn. - Cám ơn. - Nàng dừng lại ở tầng bốn rồi đi tới chỗ một phụ nữ trẻ ngồi sau bàn làm việc. - Tôi đến gặp ông Zander. Tôi là Dana Evans. Người phụ nữ cau mày. - Nhưng cô không có hẹn, thưa cô. Dana dướn người tới và nói khẽ. - Cô cho ông Zander biết rằng nếu ông ấy không chịu gặp tôi, tôi sẽ thực hiện một bản tin về ông ta và gia đình ở Mỹ và đó sẽ là lý do để ông ta phải gặp tôi ngay bây giờ. Cô thư ký nhìn nàng, bối rối. - Cô chờ cho một lát. Dana nhìn cô ta đứng dậy mở cánh cửa có ghi "PHÒNG RIÊNG" và bước vào. Nàng quan sát xung quanh. Rất nhiều ảnh của các nhà máy thuộc công ty Zander trên toàn thế giới lồng trong khung kính treo trên tường. Công ty này có chi nhánh ở Mỹ, Pháp, Italy… những đất nước có những địa điểm xẩy ra những vụ giết người nhà của Winthrop. Một phút sau cô thư ký bước ra. - Ông Zander đồng ý gặp cô, - Cô ta nói với vẻ phản đối. - Nhưng ông ấy chỉ có vài phút. Chuyện này… thật là bất thường. - Cảm ơn, - Dana nói. Dana được dẫn vào một văn phòng lớn. - Đây là cô Evans. Dieter Zander ngồi sau chiếc bàn làm việc khổng lồ. Ông ta khoảng ngoài sáu mươi, gương mặt thật thà, cặp mắt màu nâu nhạt. Dana nhớ lại lời của Steffan về con gấu bông. Ông ta nhìn Dana và nói: - Tôi nhận ra cô rồi. Cô là cô phóng viên ở Sarajevo. - Tôi không hiểu cô muốn gì ở tôi. Cô đã đề cập đến gia đình tôi với thư ký của tôi. - Tôi có thể ngồi chứ? - Xin mời. - Tôi muốn nói chuyện với ông về Taylor Winthrop. Mặt Zander nhăn lại. - Ông ta thì sao? - Tôi đang tiến hành một cuộc điều tra, ông Zander. Tôi tin là Taylor Winthrop và gia đình ông ta bị ám sát. Cặp mắt Dieter Zander trở nên lạnh lẽo. - Tôi nghĩ tốt nhất là cô nên đi khỏi đây, thưa cô. - Ông đã hợp tác làm ăn với ông ấy, - Dana nói - và… - Đi ngay! - Ông Zander ông nên nói chuyện với tôi thay vì việc ông và các bạn ông sẽ xem một phóng sự trên truyền hình. Tôi chỉ muốn chúng ta công bằng với nhau thôi. Tôi muốn được nghe câu chuyện từ phía của ông. Dìeter Zander yên lặng hồi lâu. Khi nói, giọng ông ta đượm mùi chua chát cực độ. - Taylor Winthrop là một quái vật ông ta thông minh, cực kỳ thông minh. Ông ta đã gài tôi. Và khi tôi ngồi tù, thưa cô, vợ và các con tôi chết. Nếu tôi ở bên ngoài… tôi có thể đã cứu được họ. - Giọng ông ta chuyển sang đau đớn. - Sự thật là tôi rất ghét con người ấy. Nhưng giết Taylor Winthrop? Không! - Ông ta nở nụ cười hiền lành. - Tạm biệt cô Evans. Dana gọi điện cho Matt Baker. - Matt, tôi đang ở Dusseldorf. Ông nói đúng. Dieter Zander có liên quan vào vụ làm ăn của Taylor Winthrop. Ông ta đổ lỗi cho Winthrop đã gài mình và tống mình vào tù. Vợ và con Zander chết cháy khi ông ta đang ở sau song sắt trại giam. Im lặng bàng hoàng. - Họ chết cháy à? - Đúng vậy, - Dana trả lời. - Giống cái chết của Taylor và Madeline. - Vâng. Giá mà ông được thấy ánh mắt của Zander khi tôi nói về vụ giết người. - Phù hợp phải không? Zander có động lực để giết toàn bộ gia đình Winthrop. Cô đã đúng khi nói về những tên giết người. Tôi… tôi thật khó tin. - Mọi chuyện có vẻ tốt đẹp, Matt, nhưng chẳng có bằng chứng gì cả. Tôi còn phải đi hai nơi nữa. Sáng mai tôi sẽ sang Rome, - Dana nói. - Một, hai hôm nữa tôi về. - Nhớ cẩn thận nhé. - Vâng. * * * * * Tại tổng hành dinh FRA, ba người đàn ông chăm chú theo dõi Dana gọi điện thoại trong phòng khách sạn qua một màn hình lớn gắn trên tường. - Tôi còn phải đi hai nơi nữa, nàng nói. - Vài ngày nữa tôi sẽ về… Sáng mai tôi bay sang Rome. Họ thấy Dana dập máy, đứng dậy và đi vào buồng tắm. Cảnh trên màn hình thay đổi, giờ đây là cảnh buồng tắm được thu nhờ một camera bí mật giấu trong tủ thuốc. Dana bắt đầu cởi quần áo. Nàng cởi áo ngoài rồi đến áo lót. - Này, nhìn bộ ngực kìa. - Tuyệt vời. - Đợi đã. Nó đang cởi quần. - Nhìn cặp mông xem? Thật không thể chịu nổi? Dana bước vào bồn tắm và kéo rèm lại. Hơi nước từ từ toả ra. Một người thở dài. - Bây giờ xem thế thôi. Mười một giờ tiếp tục. Việc trị liệu bằng phương pháp hoá học quả là địa ngục đối với Rachel. Các chất Adriamycin và Taxotere được truyền vào tĩnh mạch và công đoạn này kéo dài hàng giờ liền. Bác sĩ Young nói với Jeff. - Đây là quãng thời gian rất khó khăn cho. Cô ấy sẽ cảm thấy kiệt sức, luôn buồn nôn và bị rụng tóc. Đối với phụ nữ, đây đã là quá tải về sức chịu đựng. - Đúng vậy. Chiều hôm đó, Jeff bảo Rachel: - Mặc quần áo vào, chúng ta đi dạo. - Jeff, em thật sự không cảm thấy… - Không được cãi anh. Ba mươi phút sau, họ đã ở trong cửa hàng tóc giả và Rachel vừa thử tóc vừa cười và nói với Jeff. - Đẹp quá. Anh thích bộ tóc dài hay ngắn? - Anh thích cả hai, - Jeff nói. - Và nếu em chán chúng, mình sẽ lại ra đây để đổi lấy bộ tóc đen hoặc đỏ. - Giọng anh dịu dàng - Về phần anh, anh thích con người em. Mắt Rachel đẫm lệ.- Em cũng thích con người anh. Chương 17 Thành phố nào cũng có nhịp điệu riêng của nó, và Rome cũng vậy. Trong lịch sử, nó đã từng là một đế chế hùng mạnh suốt nhiều thế kỷ. Và nó vẫn tiếp tục nhịp sống đều đặn của mình, ngày lại qua ngày, không có gì phải vội vã. Dana chưa một lần quay lại Rome từ hồi nàng mười hai tuổi, khi bố mẹ lần đầu đưa nàng đến đây. Máy bay đáp xuống sân bay Leonardo Da Vinci gợi lên trong nàng những ký ức xa xưa. Nàng nhớ ngày đầu tiên ở Rome đã được đi thăm đấu trường Colosseum, nơi những người Cơ đốc giáo bị ném cho đàn sư tử dày vò. Suốt cả một tuần sau đó nàng không tài nào nhắm mắt nổi. Nàng và bố mẹ đã đi thăm Vatican, Spanish Steps, và nàng đã ném đồng lia xuống suối Trevi, thầm mong bố mẹ mình ngừng cãi nhau. Khi bố nàng ra đi, Dana có cảm giác dòng suối đó đã phản bội mình. Nàng cũng đã xem biểu diễn vở Opera Otello ở Terme di Caracalla, đi tắm kiểu Roma, và đó là buổi chiều không bao giờ quên. Nàng đã ăn kem ở tiệm Doney nổi tiếng trên đường Veneto và khám phá những con phố đông đúc ở Trastevere., Dana rất thích Rome và dân chúng ở đây. Ai có thể tưởng tượng nổi sau bao nhiêu năm mình quay. lại đây để tìm một tên giết người hàng loạt. Dana đặt phòng tại khách sạn Ciceroni, gần Piazza Novona. - Xin chào. - Tay quản lý nói với nàng. - Chúng tôi rất vui vì cô đã chọn khách sạn này, cô Evans. Theo tôi được biết thì cô sẽ ở lại đây hai ngày? Dana lưỡng lự. - Tôi cũng chưa chắc lắm. Anh ta mỉm cười. - Chúng tôi đã dành cho nó một căn phòng đẹp. Nếu có vấn đề gì, xin cô vui lòng cho biết. Italy đúng là một đất nước thân thiện. Và Dana nghĩ đến những hàng xóm cũ của mình, Dorothy và Howard Wharton. Tôi không biết làm sao họ lại biết tôi, nhưng họ đã cử người đến đây để thương lượng. Với sự tò mò thôi thúc, Dana quyết định gọi điện cho vợ chồng Wharton. Nàng đã nhờ nhân viên khách sạn lấy số điện thoại của Công ty Italiano Ripristino. - Làm ơn cho tôi nói chuyện với Howard Wharton. - Xin cô vui lòng đánh vần. Dana đánh vần tên anh ta. - Cảm ơn, cô chờ cho một lát. Cái một lát đó kéo dài đến năm phút. Rồi người phụ nữ cũng quay lại. - Tôi rất tiếc. Ở đây không có ai là Howard Wharton cả. Điều duy nhất là chúng tôi phải có mặt ở Rome vào ngày mai. * * * * * Dana gọi điện cho Dominick Romano, đang làm ở đài Italia 1. - Dana đây. Tôi đến nơi rồi, Dominick. - Dana. Tôi mừng quá. Khi nào thì mình gặp? - Tuỳ anh. - Cô đang ở đâu? - Khách sạn Ciceroni. - Cô gọi taxi và bảo họ đưa đến Toula. Ba mươi phút nữa tôi sẽ có mặt ở đó. Toula nằm trên phố Della Loupa, là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Roma. - Xin chào. Rất vui vì được gặp cô mà không có quả bom nào bên cạnh. - Tôi cũng vậy, Dominick. - Chiến tranh thật phi nghĩa. - Anh ta lắc đầu. - Mẹ kiếp! Cô đến Rome làm gì thế? - Tôi đến gặp một người. - Và tên của con người may mắn đó? - Vincent Macino. Nét mặt Dominiek Romano thay đổi. - Sao cô lại muốn gặp ông ta? - Có lẽ là không có gì, nhưng tôi đang theo một vụ điều tra. Kể cho tôi nghe về Macino đi. Dominick Romano suy nghĩ rất lâu trước khi cất lời. - Macino là bộ trưởng thương mại. Đứng sau ông ta là mafia. Vị thế của ông ta rất lớn. Bỗng nhiên ông ta từ bỏ một vị trí quan trọng và chẳng ai biết lý do vì sao. Romano tò mò nhìn Dana. - Cô có hứng thú gì ở ông ta? Dana né tránh câu hỏi. - Tôi biết là lúc từ chức thì Macino đang là đại diện của chính phủ đàm phán thương mại với Taylor Winthrop. - Đúng. Và Winthrop đã kết thúc cuộc đàm phán với một người khác. - Taylor Winthrop ở Rome trong bao lâu? Romaco nghĩ một lát. - Khoảng hai tháng. Macino và Winthrop trở thành bạn rượu với nhau. Và sau đó anh ta nói thêm - Có cái gì đó không ổn. - Cái gì? - Ai mà biết được. Có hàng trăm câu chuyện các kiểu được thêu dệt lên. Macino có một đứa con gái duy nhất, tên là Pia và cô ta biến mất. Vợ Macino đã bị suy nhược thần kinh. - Biến mất là ý nghĩa gì? Cô ta bị bắt cóc à? - Không. Cô ta chỉ… - anh ta cố tìm từ thích hợp… - biến mất. Không ai biết chuyện gì xảy ra với cô ta. Anh ta thở dài. - Tôi có thể nói với cô, Pia rất đẹp. - Bây giờ vợ Maeino ở đâu? - Theo tin đồn thì bà ta ở trại điều dưỡng! - Anh có biết ở đâu không? - Không. Cô cũng không muốn biết chứ, phải không. Người phục vụ đến bên bàn. - Tôi biết nhà hàng này, - Dominick Romano nói. - Cô có vui lòng để tôi gọi món giùm chứ? - Vâng. Bữa tối ngon miệng và câu chuyện trở nên nhẹ nhàng và vui vẻ hơn. Nhưng khi họ ra về, Romano nói: - Dana, tránh xa Macino. Ông ta không phải loại người để cô hỏi chuyện đâu. - Nhưng nếu ông ta… - Quên ông ta đi. Chỉ một lời "omerta"(1) - Cảm ơn, Dominick. Tôi rất biết ơn về lời khuyên của anh. Văn phòng của Vineent Macino nằm trong một toà cao ốc hiện đại do ông ta làm chủ trên đường Sardegna. Một nhân viên bảo vệ cao to ngồi ở bàn lễ tân trong đại sảnh lát đá cẩm thạch. Anh ta nhìn Dana đi vào. - Chào cô, tôi có thể giúp gì. - Tên tôi là Dana Evans. Tôi muốn gặp ông Vineent Macino. - Cô có hẹn không? - Không. - Vậy thì xin lỗi cô. - Anh nói với ông ấy là về chuyện Taylor Winthrop. Anh ta nhìn Dana một lát rồi nhấc điện thoại lên và nói điều gì đó. Rồi anh ta dập máy. Dana chờ đợi. Mình tìm gì ở thế giới này đây. Chuông điện thoại reo, anh ta nhấc máy và lắng nghe. Rồi quay sang Dana. - Tẩng hai. Ở đó có người chờ cô. - Cảm ơn. - Xin mời. Văn phòng của Vincent Macino nhỏ và không gây ấn tượng, khác hẳn những gì mà Dana đã hình dung. Macino ngồi sau một chiếc bàn đã cũ, mòn vẹt. Ông ta khoảng ngoài sáu mươi, vóc dáng trung bình, ngực rộng, môi mỏng, tóc trắng và mũi khoằm, với cặp mắt lạnh lùng nhất mà Dana từng thấy. Trên bàn là tấm ảnh một thiếu nữ xinh đẹp lồng trong khung vàng. Lúc Dana bước vào, Macino nói. - Cô đến vì chuyện của Taylor Winthrop? - Giọng ông ta thâm trầm nhưng gay gắt. - Vâng. Tôi muốn nói… - Không có gì để nói hết, thưa cô. Ông ta đã chết cháy. Ông ta đang bị thiêu đốt dưới địa ngục, vợ và các con ông ta cũng vậy. - Tôi có thể ngồi chứ, ông Macino. Ông ta định nói: "Không", nhưng rồi lại nói: - Xin lỗi. Đôi khi tôi nổi giận lên và quên mất cả phép lịch sự. Mời cô ngồi! Dana ngồi xuống đối diện ông ta. - Ông bà Taylor Winthrop đang đại diện cho hai chính phủ đàm phán thương mại. - Đúng. - Và các ông trở thành bạn? - Chỉ một thời gian ngắn thôi, mẹ kiếp. Dana liếc tấm ảnh trên bàn. - Có phải con gái ông không? Ông ta không trả lời. - Cô ấy đẹp quá. - Đúng, nó rất xinh đẹp. Dana bối rối nhìn ông ta. - Cô ấy còn sống chứ? Nàng thấy ông ta nhìn nàng chằm chằm, như đang cố suy nghĩ xem nên nói gì với nàng. Cuối cùng khi cất tiếng ông ta nói. - Còn sống? Cô cho tôi biết đi. - Giọng ông ta đầy căm hờn. - Tôi dẫn ông bạn người Mỹ Taylor Winthrop về nhà. Tôi giới thiệu hắn với con gái tôi. Cô có biết hắn trả lại tôi cái gì không? Hắn làm đứa con gái trong trắng của tôi mang bẩu. Nó mới có mười sáu tuổi. Nó không dám nói với tôi vì nó biết rằng tôi sẽ giết hắn, nên nó… nó đã đi nạo thai. - Ông ta nói ra từ này như một lời nguyền rủa. Winthrop sợ chuyện này bị công khai, nên hắn không đưa Pia đến các bác sĩ tử tế. Không, hắn… trao con tôi cho một tên lang băm. Mắt ông ta đẫm lệ. - Tên lang băm đã cắt tử cung của con bé. Đứa con gái mới mười sáu tuổi của tôi, thưa cô. Giọng ông ta nghẹn lại: - Taylor Winthrop không chỉ làm hại con gái tôi, hắn còn giết cháu tôi và cả con cái của nó, cháu chắt của nó. Hắn đã huỷ diệt tương lai của gia đình Macino. - Ông ta hít một hơi thở sâu để lấy lại bình tĩnh. - Bây giờ thì đến lượt gia đình hắn phải trả nợ cho tội lỗi ghê tởm ấy. Dana ngồi yên, không thốt nên nổi một lời. - Con gái tôi đang ở trong tu viện, thưa cô. Tôi sẽ không gặp nó nữa. Vâng, tôi đã có quan hệ với Taylor Winthrop. Cặp mắt xám lạnh lẽo của ông ta chiếu thẳng vào mắt Dana. - Nhưng đó là mối quan hệ với quỷ dữ. Vậy là cả hai người họ, Dana nghĩ. Và còn Marcel Falcon nữa. * * * * * Trên chuyến bay sang Bỉ của hãng hàng không KLM, Dana là đối tượng được quan tâm của người đàn ông ngồi ngay cạnh nàng. Nàng ngước mắt lên. Đó là một anh chàng hấp dẫn có vẻ mặt tươi cười và anh ta đã yêu cầu cô chiêu đãi viên đổi chỗ ngồi cho mình. Anh ta nhìn Dana và mỉm cười. - Chào cô, cho phép tôi được tự giới thiệu. Tên tôi là David Haynes. - Anh ta nói giọng đặc Anh. - Dana Evans. Anh ta không có vẻ gì là nhận ra nàng. - Hôm nay là một ngày đẹp trời, phải không? - Vâng, - Dana đồng ý. Anh ta nhìn nàng đầy ngụ ý. - Cô sang Brussels làm việc à? - Làm việc và giải trí. - Cô có bạn ở đấy không? - Vài người. - Ở Brussels tôi quen biết nhiều lắm. Đợi đến khi mình nói với Jeff về chuyện này, Dana nghĩ. Và nàng chợt nhận ra. Anh ấy đang ở cùng Rachel. Anh ta chăm chú ngắm khuôn mặt nàng. - Trông cô quen quá. Dana mỉm cười. - Kiểu mặt tôi nó thế! Khi máy bay hạ cánh và Dana đã xuống sân bay Brussels, một người đàn ông đứng trong phòng đón khách rút điện thoại di động ra và bấm số. David Haynes hỏi. - Cô có phương tiện đi lại không? - Không, nhưng tôi có thể… - Vậy cho phép tôi nhé. Anh ta dẫn Dana ra chỗ chiếc limousine và tài xế đang chờ sẵn. - Tôi sẽ đưa cô về đến khách sạn, - anh ta nói với Dana, rồi quay sang bảo với người lái xe và chiếc xe từ từ chuyển bánh, hoà vào dòng giao thông. - Đây là lần đầu cô sang Brussels à? - Vâng! Họ đang lướt qua một cửa hàng lớn với mái vòm và ánh sáng thiên nhiên. Haynes nói: - Nếu cô có ý định mua sắm, thì tôi xin gợi ý chỗ này - Galeries St. Hubert. - Đẹp quá Haynes bảo người lái xe: - Dừng lại, Charles. - Anh ta quay sang Dana. - Ở đây có vòi phun nước Manneken Pis nổi tiếng. - Đó là bức tượng chú bé đang đi tiểu bằng đồng đặt trong một hốc tường. - Một trong những bức tượng nổi tiếng nhất thế giới. Khi tôi ngồi tù, vợ và các con tôi chết. Nếu tôi ở bên ngoài, tôi có thể đã cứu được họ. David Haynes vẫn đang nói: - Nếu chiều nay cô rảnh, tôi muốn… - Xin lỗi, - Dana trả lời. - Tôi e là không. Matt được triệu tập đến văn phòng của Elliot Cromwell. - Chúng ta đang không có hai nhân vật chủ chốt, Matt. Khi nào Jeffvề? - Tôi không rõ lắm, Elliot. Ông biết đấy, cậu ấy có việc riêng với cô vợ trước, và tôi đã khuyên cậu ấy nghỉ phép. - Tôi hiểu. Còn Dana, khi nào cô ấy mới từ Brussels về? Matt nhìn Elliot và nghĩ. Mình chưa hề nói với ông ấy là Dana đi Brussels. Chú thích:Luật im lặng Chương 18 Tổng hành dinh của NATO, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, toạ lạc tại cao ốc Leopold III, trên nóc nhà lá cờ Bỉ phất phơ theo gió với ba vạch đen, vàng và đỏ. Dana đã tin chắc rằng sẽ rất dễ dàng tìm kiếm thông tin về việc Taylor Winthrop đột ngột từ bỏ chức vụ ở NATO và sau đó nàng có thể yên tâm về nhà. Nhưng NATO đang rối như canh hẹ và không khác gì một cơn ác mộng. Bên cạnh mười sáu thành viên của nó, còn có các văn phòng cho NAC, EAPC, NACC, ESDI, CJEF, CSCE và tối thiểu mười hai văn phòng khác kiểu như thế nữa. Dana đến trụ sở truyền thông của NATO trên đường Chapeliers và tìm thấy ngay Jean Somville trong phòng báo chí. Anh ta đứng lên chào nàng: - Dana! - Chào Jean. - Cái gì đưa cô đến Brussels này vậy? - Tôi đang thực hiện một phóng sự - Dana nói. - Và tôi cần vài thông tin. - À. Thêm một phóng sự về NATO. - À này, - Dana thận trọng nói. - Taylor Winthrop đã từng có thời gian làm cố vấn của Mỹ ở đây hả? - Ừ. Ông ấy làm việc rất có hiệu quả. Con người tuyệt vời ấy. Vụ gia đình ông ấy quả là một tấn bi kịch. - Anh ta tò mò nhìn Dana. - Cô muốn biết vấn đề gì? Dana tiếp tục nói một cách thận trọng. - Ông ấy từ nhiệm ở Brussels quá sớm. Tôi muốn biết lý do vì sao? Jean Somvilìe nhún vai. - Rất đơn giản. Ông ấy đã hoàn thành nhiệm vụ ở đây. Dana cảm thấy vô cùng thất vọng. - Lúc Winthrop còn ở đây, có chuyện gì… bất thường xảy ra không? Có xì căng đan nào về ông ta không? Jean Somville ngạc nhiên nhìn nàng: - Hoàn toàn không? - Có người nói Taylor Winthrop vướng xì căng đan ở NATO à? - Không, - Dana nói nhanh. - Những gì tôi được nghe là một… một vụ cãi nhau, tức là Taylor Winthrop có bất hoà với một ai đó. Somville cau mày. - Ý của cô là cãi nhau vì lý do cá nhân? - Vâng. Anh ta bĩu môi. - Tôi không biết. Nhưng tôi có thể tìm ra. - Tôi sẽ rất biết ơn. Ngày hôm sau Dana gọi điện cho Jean Somville. - Anh đã tìm thấy thông tin gì thêm về Taylor Winthrop chưa? - Tôi rất tiếc, Dana. Tôi đã cố gắng lắm rồi. Tôi e là chẳng có gì cả. - Dù sao, xin cảm ơn anh. - Nàng thấy chán nản quá. - Không hề gì. Xin lỗi vì đã làm cô phí một chuyến đi. - Jean, tôi được biết đại sứ của Pháp ở NATO, Mercel Falcon, đột ngột từ chức và trở về Pháp. Có đúng không? - Giữa nhiệm kỳ, đúng vậy. - Tại sao ông ta lại từ chức? - Chẳng có gì bí ẩn cả. Tất cả là do rủi ro. Con trai ông ta bị giết trong một vụ tai nạn xe cộ, thủ phạm đã bỏ chạy ngay sau đó. - Thủ phạm bỏ chạy à? Có bắt được hắn không? - Ồ, có. Một thời gian ngắn sau hắn tự ra đầu thú. Lại thêm một sự bế tắc. - Tôi hiểu. - Người đó là một tài xế, tên là Antonio Persico. Hắn là tài xế của Taylor Winthrop. Dana chợt thấy ớn lạnh. - Ồ? Bây giờ Persico ở đâu? - Nhà tù St. Gilles, ngay tại Brussels này. - Somville xin lỗi thêm một lần nữa. - Xin lỗi vì tôi không thể giúp gì hơn. * * * * * Dana đã nhận được bản fax tóm tắt câu chuyện từ Washington. Antonio Persico, tài xế của đại sứ Taylor Winthrop, bị toà án Bỉ kết án tù khi nhận tội đã gây ra cái chết cho Gabriei Falcon, con trai của ngài đại sứ Pháp ở Liên hợp quốc trong một vụ đụng xe rồi bỏ trốn. Nhà tù St. Gilles ở gần trung tâm Brussels, trong một toà nhà cổ mầu trắng có tháp canh, nhìn hao hao giống toà lâu đài. Dana đã gọi điện trước và được phép vào phỏng vấn Antonio Persico. Nàng đi vào sân trại giam và được dẫn đường bởi một viên cai ngục. - Cô đến gặp Persico? - Vâng. Sau cuộc khám xét nho nhỏ, Dana được đưa vào phòng thăm hỏi, nơi Antonio Persico đã chờ sẵn. Đó là một người đàn ông bé nhỏ, xanh xao, cặp mắt xanh mở to và khuôn mặt rúm ró. Khi Dana bước vào, lời nói đầu tiên của Persico là: - Tạ ơn Chúa, cuối cùng thì cũng đã có người đến đây. Cô đưa tôi ra khỏi chỗ này ngay nhé. Dana bối rối nhìn ông ta. - Tôi… tôi rất tiếc. Tôi e là mình không thể làm được điều đó. Mắt Persico nheo lại. - Vậy cô đến đây làm gì? Họ hứa là sẽ đưa tôi ra khỏi đây mà. - Tôi đến để nói chuyện với ông về cái chết của Gabriel Falcon. Giọng Persico phẫn nộ. - Tôi chẳng làm gì cả. Tôi vô tội. - Nhưng ông đã tự thú. - Tôi nói dối. - Tại sao ông… Antollio Persico nhìn vào mắt nàng và nói một cách cay đắng: - Người ta trả tiền cho tôi. Taylor Winthrop đã giết cậu ấy. - Im lặng một hồi lâu. - Kể cho tôi nghe đi. Khuôn mặt ông ta càng rúm ró hơn. - Chuyện xảy ra vào đêm thứ sáu. Hôm đó vợ Winthrop ở London nghỉ cuối tuần. - Giọng ông ta căng ra. - Ông Winthrop ở một mình. Ông ấy đến Ancienne Belgique, một hộp đêm. Tôi bảo ông ấy để tôi đưa đi, nhưng ông ấy nói sẽ tự lái xe! Persico dừng lại. - Rồi chuyện gì xảy ra? - Dana giục. - Ông Winthrop về nhà rất muộn, say khướt. Ông ấy nói với tôi rằng có một chàng trai đã chạy ngang qua mũi xe. Ông ta… ông ta đã đâm vào cậu ấy. Ông Winthrop không muốn có một xì căng đan, vì thế vẫn tiếp tục chạy. Rồi ông ấy bỗng sợ rằng có người đã chứng kiến vụ tai nạn đã ghi lại biển số xe rồi đem nộp cho cảnh sát và ông ấy sẽ bị bắt. Ông ấy được hưởng quy chế ngoại giao, nhưng bảo nếu tin tức này được đăng tải, nó sẽ làm hỏng kế hoạch nước Nga của ông ấy. Dana cau mày. - Kế hoạch nước Nga? - Vâng. Đó là những gì ông ấy nói. - Kế hoạch nước Nga là cái gì? Ông ta nhún vai. - Tôi không biết. Tôi nghe ông ấy nói qua điện thoại. Ông ấy cứ như một người điên. Persico lắc đầu. - Tất cả những gì ông ấy nói qua điện thoại là Kế hoạch nước Nga phải tiến hành. Chúng ta đã đi quá xa để có thể dừng lại rồi. - Và ông không biết ông ta nói về vấn đề gì? - Không! - Ông có nhớ ông ta còn nói gì thêm không? Persico nghĩ một lát. - Đại loại như "Tất cả hàng hoá đã được tập trung" - Ông ta nhìn Dana. - Dù sao đi nữa thì tất cả đều có vẻ cực kỳ quan trọng. Dana đã thật sự bị cuốn hút. - Ông Persico, tại sao ông lại nhận trách nhiệm trong vụ tai nạn? Persico nghiến chặt quai hàm. - Tôi đã nói rồi. Tôi được trả tiền. Taylor Winthrop nói nếu thú nhận rằng mình đã cầm lái tôi sẽ được nhận một triệu đôla và gia đình tôi được chăm sóc khi tôi ở tù. Ông ấy còn nói ông ấy có thể sắp xếp để án của tôi không phải kéo dài. - Ông ta cắn răng. - Và tôi đã nói vâng như một thằng ngốc. Bây giờ, khi ông ta chết, tôi sẽ chôn nốt quãng đời còn lại trong nhà tù này. - Mắt ông ta tràn đầy nỗi thất vọng. Dana ngồi đó, choáng váng vì những gì nàng vừa được nghe. Cuối cùng nàng hỏi: - Ông đã kể chuyện này cho ai nghe chưa? Persico chua chát nói: - Dĩ nhiên rồi. Ngay sau khi biết tin Taylor Winthrop chết, tôi đã kể hết cho cảnh sát nghe. Họ cười vào mũi tôi. - Ông Persico, tôi sắp hỏi ông một vấn đề vô cùng quan trọng. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Ông đã cho Marcel Falcon biết Taylor Winthrop mới là thủ phạm giết chết con ông ta chưa? - Rồi. Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ giúp đỡ mình. - Khi ông nói chuyện này ra, Marcel Falcon đã nói gì? - Chính xác những lời ông ta nói là "Có lẽ cả gia đình hắn sẽ gặp hắn dưới địa ngục". Dana nghĩ, Chúa ơi, bây giờ là ba. Mình phải sang Paris nói chuyện với Marcel Falcon. Không thể không cảm nhận được sự huyền ảo của Paris, ngay cả khi bạn đang bay trên bầu trời thành phố, chuẩn bị hạ cánh. Đó là thành phố của ánh sáng, thành phố của các cặp tình nhân. Không có chỗ nào cho bạn đi một mình cả. Thành phố này làm nàng nhớ Jeff da diết. Dana ở tại khách sạn Plaza Athéné trên đường Relais. Nàng gặp mặt Jean - Paul Hubert, hiện đang làm việc cho kênh Metro 6. - Marcels Falcon? Dĩ nhiên. Ai chả biết ông ta là ai. - Kể đôi điều về ông ta cho tôi nghe đi. - Con người này khá đặc biệt đấy. Ông ta là loại mà người Mỹ các cô gọi là big time(1). - Ông ta làm cái gì? - Falcon làm chủ một công ty dược phẩm khổng lồ. Vài năm trước ông ta bị tố cáo về tội chèn ép các công ty nhỏ hơn nhưng nhờ có các mối quan hệ chính trị nên không việc gì. Chính phủ Pháp thậm chí còn cử ông ta làm đại sứ ở NATO. - Nhưng ông ta đã từ chức. Tại sao vậy? - Đó là một câu chuyện buồn. Con trai ông ta bị chết ở Brussels do một tài xế say rượu gây ra, và Falcon không thể chịu đựng nổi điều này. Ông ta rời khỏi NATO và quay về Paris. Vợ ông ta đã bị suy nhược thần kinh. Bà ta đang sống trong một tu viện ở Cannes. - Jean Paul nhìn Dana và hỏi với vẻ nghiêm túc - Dana, nếu cô nghĩ đến việc làm phóng sự về Marcel Falcon, thì phải cẩn thận về những gì viết ra. Ông ta có tiếng là người thù dai đấy. * * * * * Dana phải mất một ngày mới gặp được Marcel Falcon. Khi nàng xuất hiện trong văn phòng của Falcon, ông ta nói: - Tôi đồng ý gặp cô vì tôi tôn trọng nghề nghiệp của cô, thưa cô. Những bản tin của cô từ vùng chiến sự cho thấy cô thật dũng cảm. - Cảm ơn ông. Marcel Falcon là người có vóc dáng cao to, rắn chắc và cặp mắt sắc nhọn. - Mời cô ngồi. Tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi muốn hỏi ông về chuyện của con trai ông. - À, vâng. - Cặp mắt ông ta trông có vẻ phiền muộn. - Gabriel là một đứa con ngoan. Dana nói: - Người đã đâm cậu ấy… - Tên tài xế. Dana ngạc nhiên nhìn ông ta. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Ông đã cho Marcel Falcon biết Taylor Winthrop mới là thủ phạm giết chết con ông chưa. Rồi, ngay sau khi biết tin Taylor Winthrop chết. Marcel Falcon đã nói gì. Chính xác những lời ông ta nói là "Có lẽ cả gia đình hắn sẽ gặp hắn dưới địa ngục. Và bây giờ Marcel Falcon đang hành động như thế. Ông ta không hề nhận ra sự thật. - Ông Falcon, khi ông còn ở NATO, Taylor Winthrop cũng có mặt ở đó. Dana quan sát nét mặt Falcon, cố tìm kiếm một sự thay đổi nhỏ. Không hề có. - Vâng. Chúng tôi đã gặp nhau. Giọng ông ta bình thản. Thế thôi sao? Dana tự hỏi. Vâng. Chúng tôi đã gặp nhau. Ông ta đang che giấu điều gì. - Ông Falcon, nếu có thể, tôi muốn nói chuyện với vợ ông… - Bà ấy đang đi nghỉ mát. Bà ấy bị suy nhược thần kinh và đang sống ở trong một tu viện ở Cannes. Marcel Falcon hoặc là hoàn toàn phủ nhận sự thật hoặc là ông ta đang tự thú rằng sự không biết này là để dành cho một lý do khác độc ác hơn nhiều. Dana gọi điện cho Matt từ phòng của nàng ở khách sạn Plaza Athénée. - Dana, khi nào cô mới về? - Tôi chỉ còn một manh mối nữa thôi, Matt. Tài xế của Taylor Winthrop ở Brussels cho tôi biết Taylor Winthrop đã nói đến một kế hoạch nước Nga bí mật nào đó mà ông ta không muốn dừng lại. Tôi phải thử xem liệu mình có thể tìm ra ông ta nói về vấn đề gì không. Tôi muốn gặp một vài phụ tá của ông ta ở Moscow. - Cũng được. Nhưng Cromwell đang muốn cô trở về ngay, càng sớm càng tốt. Tim Drew là phóng viên của chúng ta ở Moscow. Tôi sẽ bảo anh ta đến gặp cô. Anh ta có thể sẽ được việc đấy. - Cảm ơn. Tôi sẽ không ở Nga quá một hoặc hai ngày đâu. - Dana! - Vâng! - Không có gì. Tạm biệt. - Cảm ơn. Tôi sẽ không ở Nga quá một hoặc hai ngày đâu. - Dana. - Vâng. Không có gì. Tạm biệt. Hết băng. * * * * * Dana gọi điện về nhà. - Chào bà Daley. - Cô Evans. Rất vuỉ được nghe thấy giọng cô. - Mọi việc ở nhà thế nào? - Vẫn bình thường. - Kemal sao rồi? Có chuyện gì với nó không? - Không. Cậu ấy nhớ cô lắm! - Tôi cũng nhớ nó. Tôi có thể gặp nó không? - Cậu ấy đang ngủ trưa. Để tôi gọi cậu ấy nhé? Dana ngạc nhiên nói: - Ngủ trưa? Lần trước tôi gọi về nó cũng ngủ trưa. - Vâng. Cậu ấy ở trường về và thấy mệt, nên tôi nghĩ một giấc ngủ trưa sẽ rất tốt. - Tôi hiểu… Thôi, bà nói với nó là tôi yêu nó. Ngày mai tôi sẽ gọi lại. Bảo nó là tôi sẽ mang về cho nó một chú gấu Nga. Dana gọi điện cho Roger Hudson. - Roger, tôi rất ngại phải nói ra, nhưng tôi cần ông giúp cho một việc. - Nếu có việc gì tôi có thể… - Tôi sắp sang Moscow và tôi muốn nói chuyện với Edward Hardy, đại sứ của chúng ta ở đó. Hy vọng là ông biết ông ta. - Sự thật là, tôi có biết. - Tôi đang ở Paris. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông có thể fax cho tôi một bức thư giới thiệu. - Tôi còn có thể làm hơn thế nữa. Tôi sẽ gọi điện cho ông ta và bảo ông ta chờ cô. - Cảm ơn ông, ông Roger. Tôi rất biết ơn. Đó là đêm giao thừa. Nàng choáng váng nhớ ra rằng nhẽ ra hôm nay đã là ngày cưới của mình. Sẽ sớm thôi. Dana tự nhủ. Sẽ sớm thôi. Nàng mặc áo khoác vào và đi ra ngoài. Người giữ cửa hỏi: - Tôi gọi taxi nhé, cô Evans? - Không, cảm ơn. - Nàng chẳng biết đi đâu. Jean Paul Hubert đã đi thăm gia đình ở xa. Đây không phải thành phố để cô đơn một mình. Dana quyết định. Nàng bắt đầu bước đi, cố không nghĩ đến Jeff và Rachel. Cố không nghĩ đến họ. Dana đi ngang qua một nhà thờ nhỏ mở cửa và như một phải xạ tự nhiên, nàng bước vào. Không khí yên ắng, lạnh lẽo trong giáo đường mang lại cho Dana cảm giác yên bình. Nàng ngồi xuống ghế và thì thầm cầu nguyện. Vào lúc nửa đêm, lúc Dana đang đi bộ trên phố, Paris chợt bừng lên với những giai điệu rộn rã và hoa giấy bay đầy trời. Nàng tự hỏi không biết lúc này Jeff đang làm gì. Có phải anh và Rachel đang làm tình. Anh đã không gọi điện. Làm sao anh ấy có thể quên rằng đêm nay là một đêm đặc biệt đến dường nào. Trong phòng khách sạn, trên sàn nhảy, gần tủ áo, chiếc điện thoại di động rơi ra từ túi xách của na đang đổ từng chuông dài. Ba giờ sáng Dana mới trở về khách sạn Plaza Athénée. Nàng lên phòng, cởi quần áo và nằm vật ra giường. Đầu tiên là bố nàng và bây giờ là Jeff. Việc bị bỏ rơi chạy qua cuộc đời nàng như một vệt đen kéo dài qua tấm thảm. Mình sẽ không cảm thấy hối tiếc cho mình, nàng thề. Nhưng nếu hôm nay là đám cưới của mình thì sao? Ôi Jeff sao anh không gọi cho em. Nàng vừa thổn thức vừa chìm vào giấc ngủ. Chú thích: (1) Đạt đỉnh cao của sự thành đạt Chương 19 Chuyến bay tới Moscow của hãng hãng không Sabena kéo dài ba tiếng rưỡi đồng hồ. Dana nhận thấy đa số hành khách đều mặc. Áo ấm còn trên giá để hành lý toàn là áo lông thú, mũ len, găng tay. Nhẽ ra mình phải mặc ấm hơn, Dana nghĩ. Ờ, mình sẽ không ở lại Moscow quá hai ngày mà. Nàng không thể không nghĩ tới những lời nói của Antonio Persico. Taylor Winthrop như một người điên. Tất cả những gì ông ấy nói qua điện thoại là "kế hoạch nước Nga" phải tiến hành. Chúng ta đã đi quá xa để có thể dừng lại rồi. Winthrop đang thực hiện kế hoạch quan trọng gì. Hàng hoá gì đã được tập trung Và ngay sau đó, Tổng thống đã bổ nhiệm ông ta làm đại sứ ở Nga. Càng có nhiều thông tin thì càng dễ đoán đúng. Dana quyết định. Dana rất ngạc nhiên khi thấy ở Sheremtyevo II – sân bay quốc tế của Nga, có khá nhiều khách du lịch. Tại sao những người tỉnh táo lại đi du lịch Nga trong mùa đông nhỉ? Dana thắc mắc. Lúc Dana đứng đợi lấy hành lý, một người đàn ông đứng gần đó cứ lén lút nhìn nàng. Tim Dana thót lại. Họ biết mình đến đây, nàng nghĩ, làm sao họ lại biết? Anh ta tiến lại phía nàng. - Cô là Dana Evans? - Anh ta nói theo giọng Slovak. - Vâng… Nụ cười nở trên khuôn mặt và anh ta nói với vẻ kích động. - Tôi là một fan lớn của cô đấy? Tôi xem cô trên truyền hình không biết bao nhiêu lần. Dana thấy nhẹ cả người. - Ồ, vâng. Cảm ơn. - Không biết tôi có thể có được chữ ký của cô không nhỉ? - Dĩ nhiên. Anh ta chìa một mảnh giấy ra trước mặt Dana. - Tôi quên mang bút rồi. - Tôi có đây. - Dana rút ra chiếc bút vàng mới và ký cho anh ta. - Cảm ơn? Cảm ơn cô. Lúc Dana nhét bút vào túi, ai đó đã xô mạnh vào nàng và chiếc bút rời khỏi tay nàng rơi xuống nền gạch cứng ngắc. Dana cúi xuống nhặt nó lên. Nắp bút đã bị vỡ. Hy vọng là sửa được, Dana nghĩ. Rồi nàng đưa nồ lên gần mắt để nhìn cho rõ hơn. Một đoạn dây rất nhỏ hiện ra sau chỗ vỡ. Bối rối, nàng khều nhè nó ra. Nối với nó là một máy thu phát nhỏ xíu. Dana không thể nào tin nổi. Đó là cách mà họ luôn biết mình ở đâu. Nhưng ai đã đặt nó vào đây và tại sao? Nàng nhớ lại tấm thiệp kèm theo. "Dana thân mên, chúc cô thượng lộ bình an. Tổ chức". Giận dữ, Dana giật mạnh sợi dây ra, ném cái bút xuống đất và lấy chân dẫm nát. Trong căn phòng thí nghiệm biệt lập, tín hiệu trên bản đồ đột nhiên biến mất. - Ồ mẹ kiếp. - Dana! Nàng quay lại. Tay phóng viên của WTN ở Moscow đứng đó. - Tôi là Tim Drew. Xin lỗi vì tôi đã đến trễ. Giao thông ở ngoài kia quả thật là quá thậm tệ. Tim Drew khoảng bốn mươi tuổi, cao ráo, có mái tóc đỏ và nụ cười ấm áp. - Xe của tôi đỗ ngoài kia. Matt bảo tôi là cô sẽ ở đây vài ngày. - Đúng vậy. Họ lấy hành lý và cùng nhau đi ra ngoài. Quang cảnh Moscow lúc này trông giống một cảnh trong phim Bác sĩ Zhivago. Dana cảm thấy cả thành phố như được khoác một chiếc áo choàng tuyết trắng muốt. - Đẹp quá! - Dana thốt lên. - Anh ở đây bao lâu rồi? - Hai năm. - Anh có thích nó không? - Cũng hơi có phần sợ hãi. Thời kỳ Yeltsin đã qua rồi và không biết có thể trông mong gì được ở Vladimir Putin không? - Anh ta thắng gấp để mấy người chạy ẩu vượt qua. - Cô đã đặt chỗ ở khách sạn Sevastopol à? - Vâng. Ở đó thế nào? - Một dạng khách sạn phản du lịch. Tầng nào cũng có người để ý đến từng hành động của khách. Đám đông qua lại trên đường sùm sụp trong những chiếc áo khoác dầy, khăn quàng kín cổ. Tim Derw liếc sang Dana. - Cô nên mặc nhiều áo ấm nếu không muốn bị đóng thành băng. - Tôi ổn mà. Ngày mai hoặc ngày kia là tôi về rồi. Phía trước họ là Quảng trường Đỏ và điện Kremlin. Điện Kremlin đứng sừng sững trên một ngọn đồi thấp hướng mặt ra phía tả ngạn sông Moskva. - Chúa ơi, ấn tượng quá. - Ừ. Nếu những bức tường này biết nói thì cô sẽ nghe được khá nhiều chuyện lạ đấy. - Tim Drew tiếp tục. - Đây là một trong những công trình vĩ đại nhất thế giới. Nó nằm trên một miếng đất nhỏ bao quanh đồi Little Borovitsky ở phía bờ bắc và… Dana không nghe thấy gì. Nàng đang nghĩ ngợi: - Nếu Antonio nói dối thì sao? Nếu ông ta dựng chuyện Taylor Winthrop giết chết cậu bé thì sao? Và lừa gạt về kế hoạch nước Nga - Quảng trường Đỏ ở phía ngoài của bức tường phía đông. Tháp Kutafya kia là lối vào cho khách du lịch ở phía tường tây… Nhưng tại sao Taylor Winthrop lại nhất định đi sang Nga. Chỉ đơn giản trở thành một viên đại sứ thì không có nhiều ý nghĩa với ông ta. Tim Drew vẫn nói: - Đây là nơi tập trung quyền lực của nước Nga qua nhiều thế kỷ. Ivan bạo chúa và Stalin đặt tổng hành dinh ở đây, rồi đến Lênin và Khrushchev. "Tất cả hàng hoá đã được tập trung" - Mình phải tìm hiểu xem câu đó có ý nghĩa gì. Họ dừng lại trước một khách sạn lớn. - Đến nơi rồi. - Tim Drew nói. - Cảm ơn, Tim. - Dana ra khỏi xe và bị ngay cái lạnh lẽo của bầu không khí băng giá quất vào người. - Cô vào trước đi! - Tim bảo. - Để tôi mang hành lý cho. Nhân tiện, nếu chiều nay cô rảnh, tối sẽ đưa cô đi ăn. - Cảm ơn anh nhiều. - Có một câu lạc bộ tư nấu nướng ngon lắm. Tôi nghĩ là cô sẽ thích nó đấy. - Vâng. Đại sảnh của khách sạn Sevastopol rộng rãi và lộng lẫy, toàn người là người. Chỉ có vài nhân viên đứng sau quầy lễ tân. Dana tiến lại một trong số họ. Anh ta ngước lên: - Vâng. - Tôi là Dana Evans. Tôi đã đặt phòng trước. Anh ta nhìn nàng một lát và nói với vẻ lo lắng. - À, vâng, cô Evans. - Anh ta đưa cho nàng một tờ khai. - Xin cô điền vào đây. Và tôi cần hộ chiếu của cô. Lúc Dana bắt đầu viết, người nhân viên nhìn một người đàn ông đứng trong góc đại sảnh và gật đầu. Dana đưa lại tờ khai cho anh ta. - Để tôi cho người đưa cô lên phòng. - Cảm ơn. Căn phòng mang dáng dấp của một thời quý phái, đồ đạc trong phòng đã cũ kỹ, sờn rách và hơi có mùi ẩm mốc. Một phụ nữ to lớn trong bộ đồng phục nhàu nhĩ mang hành lý của Dana vào. Nàng giúi cho bà ta ít tiền, bà ta lẩm bẩm gì đó rồi đi ra. Nàng nhấc điện thoại và gọi số 252-2451. - Đại sứ quán Mỹ nghe đây. - Làm ơn, văn phòng của ngài đại sứ Hardy. - Cô chờ một lát! - Văn phòng đại sứ Hardy xin nghe. - Xin chào. Tôi là Dana Evans. Tôi có thể nói chuyện với ngài đại sứ không? - Xin vui lòng cho biết về vấn đề gì? - Là… là chuyện riêng. - Cô chờ cho một lát. Ba mươi giây sau đại sứ Hardy cầm máy. - Cô Evans phải không? - Vâng. - Chào mừng cô đến Moscow. - Cảm ơn ông. - Roger Hudson đã gọi điện báo cho tôi biết là cô sẽ đến. Tôi có thể giúp gì cho cô? - Không biết tôi có thể gặp ông không? - Dĩ nhiên. Tôi… cô chờ một lát! Rồi ông đại sứ quay lại. - Ngày mai được không? Mười giờ sáng? - Vâng. Cảm ơn ông nhiều. - Vậy mai gặp nhé. Dana nhìn qua cửa sổ xuống đám đông vội vã đi trong cơn gió lạnh buốt và nghĩ thầm, Tim nói đúng. Tốt nhất là mình nên mua vài cái áo ấm. Cửa hàng tổng hợp GUM ở cách khách sạn của Dana không xa. Đó là một cửa hàng lớn đầy những hàng hoá rẻ tiền từ quần áo đến cả vũ khí. Dana đi về phía khu dành cho phụ nữ, nơi có nhiều giá treo áo khoác đủ loại. Nàng chọn một chiếc áo dạ màu đỏ và một chiếc khăn quàng cũng màu đỏ. Phải đến hai mươi phút sau nàng mới tìm thấy người bán hàng để giả tiền. Khi Dana về đến phòng, chuông điện thoại di động của nàng reo. Đó là Jeff. - Chào em yêu. Hôm giao thừa anh đã cố gọi cho em, nhưng em không trả lời máy và anh không biết phải tìm em ở đâu. - Em xin lỗi, Jeff. Vậy là anh ấy không quên! Chúa phù hộ cho anh. - Em đang ở đâu vậy? - Em ở Moscow. - Mọi việc vẫn ổn chứ, em yêu? - Vâng, Jeff, cho em biết Rachel thế nào đi. - Còn quá sớm để nói bất cứ điều gì. Ngày mai người ta sẽ tiến hành phương pháp điều trị mới cho cô ấy. Mọi chuyện vẫn chỉ là bước đầu. Vài ngày nữa sẽ có kết quả. - Mong là nó thành công! - Dana nói. - Ở bên đó có lạnh không? Dana cười to. - Anh không tin nổi đâu. Em sắp thành người tuyết rồi. - Giá mà anh có thể sang đó gặp em. Họ nói chuyện thêm năm phút và Dana nghe thấy giọng của Rachel gọi Jeff. Jeff nói: - Anh phải cúp máy đây, Rachel có việc cần anh. - Em cũng cần anh, Dana nghĩ. - Em yêu anh. - Anh yêu em. * * * * * Toà đại sứ Mỹ ở số nhà 19-23 trên đại lộ Novinsky là một toà nhà cũ kỹ, xiêu vẹo, với những người lính Nga đứng trong các chốt gác ở bên ngoài. Một dãy người kiên nhẫn đứng xếp hàng. Dana vượt qua ranh giới và nói tên mình với người lính gác. Anh ta nhìn vào tấm bảng và vẫy tay cho nàng vào. Trong đại sảnh, một quân nhân Mỹ đứng trong cái bốt nhỏ có gắn kính chống đạn. Một nữ quân nhân mặc đồng phục kiểm tra các thứ trong túi xách của Dana. - Được rồi. - Cảm ơn, - Dana đi đến bên bàn. - Dana Evans. Người đàn ông đứng cạnh đó nói. - Ngài đại sứ đang chờ cô, cô Evans. Mời cô đi theo tôi. Dana đi theo anh ta lên cầu thang đá hoa tới căn phòng ở cuối hành lang dài. Lúc Dana bước vào, một phụ nữ xinh đẹp trạc bốn mươi tuổi mỉm cười và nói: - Cô Evans rất hân hạnh được biết cô. Tôi là Lee Hopkins, thư ký của ngài đại sứ. Xin mời cô vào trong. Dana đi tiếp vào văn phòng phía trong. Ông đại sứ Edward Hardy đứng dậy khi nàng tiến đến gần bàn làm việc của ông ta. - Xin chào, cô Evans. - Xin chào ông, - Dana nói. - Cảm ơn vì đã gặp tôi. Ông đại sứ dáng cao, nước da hồng hào, có phong thái của một nhà chính trị kỳ cựu. - Rất vui được gặp cô. Cô dùng gì nhé? - Không, cảm ơn. - Mời cô ngồi. Dana ngồi xuống. - Tôi đã rất hào hứng khi Roger Hudson bảo tôi chờ đón sự viếng thăm của cô. Cô đã đến vào một thời điểm rất thú vị. - Ô! - Tôi không muốn nói ra, nhưng chỉ giữa tôi và cô, tôi e rằng đất nước này đang trượt dốc không phanh. - Ông ta thở dài. - Nói một cách thành thật, tôi không hề biết được điều gì tiếp theo sẽ diễn ra ở đây, cô Evans ạ. Đây là một đất nước với tám trăm năm lịch sử và chúng ta đang nhìn thấy nó ngày một kiệt quệ. Tội ác đang điều hành đất nước này. Dana tò mò nhìn ông ta. - Ý của ông là gì? Ông đại sứ ngả người vào lưng ghế. - Luật pháp ở đây nói rằng không một thành viên nào của Duma quốc gia - tức là hạ nghị viện - Có thể bị truy tố vì bất kỳ tội ác gì. Kết quả là trong Duma bây giờ toàn là những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi cho họ bất chấp việc làm đó có đúng luật hay không. Có ai sờ được vào họ đâu. - Thật không thể tin được. - Dana nói. - Vâng. Người Nga thì rất tuyệt, nhưng còn chính phủ của họ… à, tôi có thể giúp gì cho cô, cô Evans. - Tôi muốn hỏi ông vài điều về Taylor Winthrop. Tôi đang làm một phóng sự về gia đình ông ấy. Đại sứ Hardy lắc đầu tiếc nuối. - Như một tấn bi kịch Hy Lạp, phải không? - Vâng. - Lại là những câu nói đó. Ông ta tò mò nhìn Dana. - Cả thế giới đã nghe câu chuyện này không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi nghĩ là không còn nhiều chuyện để nói nữa. Dana cẩn thận trả lời. - Tôi muốn thuật lại nó từ góc độ cá nhân. Tôi muốn biết Taylor Winthrop thật sự là người như thế nào, các bạn của ông ta ra sao, liệu ông ta có kẻ thù nào… - Kẻ thù? - Hardy tỏ vẻ ngạc nhiên. - Không. Ai ai cũng yêu mén Taylor. Có lẽ ông ta là vị đại sứ tuyệt nhất mà đất nước chúng ta từng có được. - Ông đã làm việc với ông ta? - Vâng. Tôi đã làm việc với ông ta? - Đại sứ Hardy, ông có biết liệu Taylor Winthrop có tiến hành công việc gì mà… - Nàng dừng lại, không biết diễn tả sao cho phải. -… mà tất cả hàng hoá đã được tập trung không? Đại sứ Hardy cau mày. - Ý của cô là việc kinh doanh hay việc chính phủ? - Tôi cũng không rõ nữa! - Dana thú nhận. Ông ta nghĩ một lát. - Tôi cũng không rõ. Tôi không biết đó là việc gì. - Những người đang làm việc ở đây bây giờ… họ đã từng làm việc với ông ta chứ? - Ồ, vâng. Sự thật là, thư ký của tôi, Lee, nguyên là thư ký của Taylor. - Ông có phiền nếu tôi hỏi chuyện bà ấy? - Không hề. Tôi sẽ cho cô danh sách những người có thể giúp được cô. - Vậy thì tuyệt quá cảm ơn ông. Ông ta đứng dậy. - Hãy cẩn thận khi ở đây, cô Evans. Ngoài đường hay xảy ra tội ác lắm đấy! - Tôi đã nghe rồi. - Đừng uống nước máy. Ngay cả người Nga cũng không uống thứ nước đó. Và khi đi ăn tiệm, cô phải nhớ yêu cầu rõ ràng một "chistyi stol" - tức là một cái bàn sạch - nếu không cô sẽ thấy trên bàn của mình chất đầy những món khai vị đắt tiền mà cô không gọi. Và nếu cô đi mua sắm thì phố Arbat là nơi tốt nhất. Các cửa hàng ở đó có mọi thứ. Cô cũng nên cẩn thận khi đi taxi. Hãy chọn những cái xe cũ mà đi. Bọn lừa đảo thường hay lái xe mới. - Cảm ơn ông. - Dana mỉm cười. - Tôi sẽ nhớ. Năm phút sau, Dana ngồi nói chuyện với Lee Hopkins, thư ký của ông đại sứ. Họ ở trong một căn phòng nhỏ biệt lập, cửa đóng kín. - Bà làm cho đại sứ Winthrop được bao lâu rồi? - Mười tám tháng. Cô muốn biết chuyện gì? - Hồi còn ở đây, đại sứ Winthrop có kẻ thù nào không? Lee Hopkins ngạc nhiên nhìn Dana. - Kẻ thù? - Vâng. Trong công việc như thế này, tôi nghĩ là ai cũng có lúc nói một điều gì đó có thể làm phật lòng người khác. Tôi tin chắc là đại sứ Winthròp không thể nào làm vừa lòng được tất cả mọi người. Lee Hopkins lắc đầu. - Tôi không biết cô đang theo đuổi cái gì cô Evans, nhưng nếu cô định viết những chuyện xấu về Taylor Winthrop thì cô đã kiếm nhầm người rồi. Ông ấy là con người tốt nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Lại vẫn thế, Dana nghĩ. Trong hai giờ tiếp theo, Dana nói chuyện thêm với năm người khác từng làm việc dưới thời của Taylor Winthrop. Ông ấy là nhân vật lỗi lạc… Ông ấy thật sự quý mến mọi người ông ấy giúp chúng tôi bằng cách của ông ấy… Kẻ thù ư? Taylor Winthrop không… Mình lãng phí thời gian quá, Dana nghĩ. Nàng quay lại gặp đại sứ Hardy. - Cô đã có được cái mình cần chưa? - ông ta hỏi. Trông ông ta đã có vẻ thiếu thiện cảm. Dana lưỡng lự. - Chưa hoàn toàn! - nàng thành thật trả lời. Ông ta ngả người về phía trước. - Và tôi không nghĩ là cô sẽ có được nó đâu, cô Evans, nếu cô cứ tiếp tục tìm kiếm những điều không hay về Taylor Winthrop. Cô đã làm mọi người ở đây nổi giận. Họ quý mến ông ta. Tôi cũng vậy. Đừng cố moi móc ra những điều không có thật. Nếu cô đến đây chỉ vì mục đích ấy thì cô nên về đi. - Cảm ơn ông, - Dana nói. - Tôi sẽ về! Nhưng nàng không hề có ý định rời khỏi. * * * * * Câu lạc bộ CIP National đối diện điện Kremlin và quảng trường Manezh là một nhà hàng và sòng bạc tư nhân. Lúc Dana đến thì Tim Drew đã ngồi đợi sẵn. - Chào cô, - anh ta nói. - Tôi nghĩ là cô sẽ thích nơi này. Đây là nơi tiêu khiển của những tinh hoa trong xã hội thượng lưu Moscow. Nếu một quả bom rơi vào đây thì có lẽ chính phủ Nga đến phải nghỉ việc mất. Bữa tối rất ngon miệng. Họ bắt đầu với món trứng cá caviar nổi tiếng và tiếp theo là xúp củ cải đỏ, cá tầm Georgia sốt, thịt bò nướng và cơm sloukom, cuối cùng tráng miệng bằng bánh nhân mứt vatrushki. - Thật là tuyệt vời, - Dana nói. - Thế mà tôi nghe nói rằng món ăn ở Nga tệ lắm. - Đúng vậy! - Tim Drew quả quyết - Đây đâu phải nước Nga. Đây chỉ là một ốc đảo nhỏ đặc biệt thôi. - Vậy cuộc sống ở đây ra sao? Tim Drew suy nghĩ một lát. - Như đứng bên cạnh một ngọn núi lửa vậy, không biết nó sẽ phun vào lúc nào. Đó là cái để bắt đầu một cuộc cách mạng cuối cùng. Có trời mới biết sắp tới sẽ có chuyện gì xảy ra. Nói một cách công bằng, đó chỉ là một mặt của vấn đề. Nền văn hoá ở đây thì tuyệt vời. Họ có nhà hát Lớn, bảo tàng Hermitage, bảo tàng Puskin, có những đoàn balê tuyệt điệu rạp xiếc Moscow… và nhiều thứ khác nữa. Lượng sách của người Nga nhiều hơn phần còn lại của thế giới gộp lại và trung bình một năm người Nga đọc sách nhiều gấp ba lần người Mỹ. - Có lẽ họ đang đọc nhầm sách? - Dana lạnh nhạt nói. - Có lẽ vậy. Bây giờ họ đang lúng túng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, nên chẳng đi đến đâu cả. Dịch vụ thì tồi tệ, lạm phát gia tăng và nơi này đúng là thiên đường của tội ác. - Anh ta nhìn Dana - Hy vọng là tôi không làm cô chán. - Không. Cho tôi biết đi, Tim, anh có biết Taylor Winthrop không? - Tôi đã phỏng vấn ông ta vài lần. - Anh có bao giờ nghe thấy ông ta dính vào một dự án lớn nào không? - Ông ta dính vào quá nhiều dự án. Rốt cuộc thì ông ta là đại sứ của chúng ta. - Tôi không nói về chuyện đó. Tôi nói về chuyện khác cơ Một cái gì đấy rất phức tạp… nơi mà tất cả hàng hoá đã được tập trung. Tim Drew nghĩ ngợi một lát. - Điều này không gợi lên cái gì cả. - Ở đây ông ấy hay tiếp xúc với ai? - Chắc là những nhân vật người Nga tương xứng với ông ấy. Cô có thể nói chuyện với họ đấy. - Đúng, Dana nói. - Tôi sẽ làm. Người phục vụ mang hoá đơn ra. Tim Drew xem qua và nhìn Dana. - Cái này là tiêu biểu đây. Có đến ba phần phụ thu khác nhau trên hoá đơn. Và cũng đừng hỏi xem đây là những phần phụ thu gì. Anh ta trả tiền. Khi họ đã ở ngoài phố, Tim Drew hỏi Dana: - Cô có mang súng theo không? Nàng ngạc nhiên nhìn anh ta. - Dĩ nhiên là không. Sao vậy? - Đây là Moscow. Cô không? biết đâu. Anh ta nảy ra ý định. - Tôi cho cô biết cái này. Chúng ta đi đến đó đã! Họ lên taxi và Tim Drew đưa cho người tài xế địa chỉ. Năm phút sau họ dừng lại trước một cửa hàng bán súng và ra khỏi xe. Dana nhìn vào bên trong và nói: - Tôi sẽ không dùng súng đâu. - Tôi biết. Cứ đi theo tôi. - Trên giá trong cửa hàng có đủ loại súng khác nhau. Dana nhìn quanh: - Ai cũng có thể vào đây mua một hoặc vài khẩu à? - Tất cả những gì họ cần là tiền. - Tim Drew nói. Người đàn ông đứng sau quầy hỏi Tim điều gì đó bằng tiếng Nga. Tim nói ra thứ mà anh ta muốn. - Được! - ông ta lôi từ trong quầy ra một vật hình trụ nhỏ, màu đen. - Cái này để làm gì? - Dana hỏi. - Để cho cô. Đây là bình xịt hơi cay! Tim Drew cầm nó lên. - Cô chỉ việc ấn vào cái nút này và thế là đứa nào muốn quấy rầy cô sẽ phải chịu nhiều đau đớn đấy. Dana nói: - Tôi không nghĩ… - Tin tôi đi! Cầm lấy. - Anh ta đưa nó cho Dana, trả tiền và họ rời khỏi. - Cô có muốn xem một hộp đêm Moscow không? - Tim Drew hỏi. - Nghe hay đấy. - Tốt. Vậy thì đi. Hộp đêm Night Flight trên đường Tverskaya thật lớn và được trang hoàng lộng lẫy, đông nghẹt những người Nga ăn mặc sang trọng nhậu nhẹt, nhảy nhót và đập phá. - Hình như trong này chả có vấn nạn kinh tế gì cả, - Dana bình luận. - Đúng. Họ bỏ sự nghèo khổ lại trên phố rồi. Hai giờ sáng Dana mới trở về khách sạn, người mệt lử. Đó quả là một ngày dài. Một phụ nữ ngồi ở bàn ngoài hành lang ghi lại từng động tĩnh của các vị khách. Khi Dana vào phòng, nàng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nàng đã từng có một tấm bưu thiếp vẽ cảnh tuyết rơi êm đềm dưới ánh trăng. Ngày mai, Dana nghĩ một cách chắc chắn, mình sẽ biết mình đến đây vì cái gì. Tiếng ồn của chiếc máy bay phải lực trên đầu to đến nỗi người ta có cảm tưởng như nó sắp đụng vào toà nhà. Người đàn ông đang ngồi ở bàn làm việc vội vã đứng lên, với chiếc ống nhòm và bước ra phía cửa sổ. Đuôi máy bay đã thấp dần để chuẩn bị hạ cánh xuống một sân bay nhỏ cách đó nửa dặm. Ngoại trừ đường băng, tất cả mọi vật đều được phủ một tấm màn tuyết trải dài đến ngút tầm mắt. Trời đang mùa đông và nơi đây là Siberia. - Vậy là! - ông ta nói với viên phụ tá - người Trung Quốc đến đầu tiên. - Lời nói của ông ta không phải để chờ một câu trả lời. - Tôi đã được thông báo là người bạn Ling Wong của chúng ta sẽ không quay lại nữa. Lần trước khi ông ta ra về tay trắng, tôi biết đó sẽ là một cuộc trở về không vui vẻ gì. Rất buồn. Ông ta vốn là một người tử tế. Cùng lúc đó, chiếc máy bay thứ hai xuất hiện trên bầu trời. Ông ta không nhận ra được nó đến từ đâu. Sau khi nó hạ cánh, ông ta chiếu ống nhòm vào những người đàn ông đang từ ca bin bước ra. Một vài người trong số đó cố giấu những khẩu súng máy mà họ mang theo. - Người Palestin đã đến. Một chiếc máy bay khác xuất hiện. Vẫn là mười hai ông ta nghĩ. Ngày mai khi bắt đầu, đây sẽ là cuộc đấu giá lớn nhất. Không thể để sơ suất nào xảy ra. Ông ta quay lại bảo viên phụ tá. - Chuẩn bị thư mật.MẬT - CHO CÁC THÀNH VIÊN - HUỶ NGAY SAU KHI ĐỌC TIẾP TỤC GIÁM SÁT CHẶT CHẼ MỤC TIÊU. BÁO CÁO CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ CHUẨN BỊ KHẢ NĂNG LOẠI TRỪ. Chương 20 Khi Dana thức giấc, nàng gọi điện ngay cho Tim Drew. - Cô có biết gì thêm từ phía đại sứ Hardy không? - Anh ta hỏi. - Không. Tôi nghĩ là tôi đã làm mất lòng ông ta. Tim, tôi cần gặp anh. - Được. Đi taxi đến gặp tôi ở Boyrsky Club tại số một - bốn đường Treatrilny Proyezd. - Ở đâu? Tôi chưa hề biết nó. - Đám lái taxi biết đấy. Chọn cái xe nào cũ mà đi. - Được. Dana bước ra ngoài khách sạn, đứng trong cơn gió lạnh cóng. Nàng mừng vì đã có chiếc áo dạ mới. Cái bảng điện tử trên toà cao ốc đối diện cho biết nhiệt độ là âm 29 độ C. Lạy Chúa, nàng nghĩ. Tức là khoảng 20 độ F dưới không. Một chiếc taxi bóng loáng đỗ xịch trước cửa khách sạn. Dana lùi lại nhường cho một người khác lên. Chiếc thứ hai trông có vẻ cũ hơn. Dana vẫy nó lại. Người tài xế nhìn nàng dò hỏi qua tấm gương chiếu hậu. Dana nói một cách thận trọng: - Tôi muốn tới số một bốn đường Tre at…! - Nàng do dự… rylny…! - Hít một hơi thở dài -… Proye zd… Anh ta không còn kiên nhẫn nữa: - Cô muốn đến Boyrsky Club? - Đúng vậy. Họ đi qua những đại lộ dài đông đúc xe cộ và cả những khách bộ hành lầm lũi bước đi trong cái lạnh đến kinh người. Cả thành phố như bị bao phủ bởi một lớp gỉ đồng xám xịt, ảm đạm. Và không chỉ là thời tiết. Dana nghĩ. Boyrsky Club là một nơi rất hiện đại và tiện nghi với những chiếc ghế bành và ghế con bọc da. Tim Drew đang ngồi đợi nàng ở gần cửa sổ. - Tôi biết là cô sẽ tìm được mà. Dana ngồi xuống. - Tay tài xế đó nói tiếng Anh. - Thế thì cô may mắn đấy. Một số trong bọn họ thậm chí còn không nói được cả tiếng Nga, họ từ các vùng khác đến. Cô có biết nước Nga lớn thế nào không? - Tôi không rõ lắm. - Lớn gần bằng hai nước Mỹ. Nó có đến mười ba múi giờ và biên giới giáp với mười bốn nước. Mười bốn nước. - Thú vị thật, - Dana nói. - Tim, tôi muốn nói chuyện với một vài người Nga đã từng cộng tác với Taylor Winthrop. - Thế thì bao gồm tất cả chính phủ Nga. - Tôi biết. Nhưng chỉ những người gần gũi với ông ta hơn thôi. Tổng thống.… - Có thể những người có chức vụ thấp hơn một chút. - Tim Drew nói khô khan. - Trong những người mà ông ta đã cộng tác cùng, Sasa Shdanoff là thân nhất. - Sasa Shdanoff là ai? - Ông ta là uỷ viên trong Cục phát triển kinh tế Quốc tế. Tôi tin là Winthrop gặp riêng ông ta cũng nhiều chẳng kém gặp chính thức là bao. - Anh ta nhìn Dana. - Cô đang theo đuổi cái gì vậy, Dana? - Tôi không rõ, - nàng thành thật trả lời. - Tôi cũng không rõ. * * * * * Cục Phát triển kinh tế Quốc tế là toà nhà lớn xây bằng gạch đỏ, chiếm hẳn cả một đoạn phố Ozernaya. Bên trong lối vào chính, hai cảnh sát Nga mặc cảnh phục đứng bên cửa, còn một người khác mặc thường phục ngồi ở sau bàn. Nàng tiến về phía cái bàn. Anh ta đứng dậy. - Xin chào! - Chào cô! Không… Dana ngăn anh ta lại. - Xin lỗi. Tôi đến gặp uỷ viên Shdanoff. Tôi là Dana Evans. Tôi ở Tập đoàn viễn thông Washington Tribune. Anh ta nhìn tờ giấy trước mặt mình rồi lắc đầu. - Cô có hẹn không? - Không, nhưng… - Vậy cô phải hẹn trước. Cô là người Mỹ à? - Vâng. Anh ta lấy một tờ khai trên bàn và đưa cho nàng. - Mời cô điền vào đây. - Được, - Dana nói. - Vậy có thể gặp ông uỷ viên vào buổi chiều không? Anh ta nháy mắt. - Tôi không biết. Người Mỹ các cô lúc nào cũng vội vã. Cô ở khách sạn nào? - Sevastopol. Tôi chỉ cần vài phút… Anh ta phác một cử chỉ. - Sẽ có người gọi điện cho cô. Tạm biệt. - Nhưng… - Nàng thấy vẻ mặt anh ta. - Tạm biệt. Cả buổi chiều hôm đó Dana ngồi chờ điện thoại trong phòng mình. Đến sáu giờ, nàng gọi điện cho Tim Drew. - Cô đã gặp Shdanoff chưa? - anh ta hỏi. - Chưa. Họ sẽ gọi lại cho tôi. - Đừng nôn nóng, Dana. Cô đang gặp phải bọn quan liêu bậc nhất đó. Sáng hôm sau Dana quay lại Cục phát triển kinh tế Quốc tế. Ngồi sau bàn vẫn là người nàng đã gặp hôm qua. - Xin chào, - Dana nói. Anh ta ngước nhìn nàng, mặt lạnh như tiền. - Chào cô. - Ông uỷ viên đã nhận được lời nhắn của tôi chưa? - Tên cô? - Dana Evans. - Hôm qua cô để lại lời nhắn à? - Vâng. - Nàng trả lời yếu ớt - Cho anh. Anh ta gật đầu. - Vậy thì ông ta nhận rồi. Tất cả các lời nhắn đã được nhận! - Tôi có thể gặp thư ký của ông uỷ viên Shdanoff không? - Cô có hẹn không? Dana hít một hơi thở sâu. - Không. Anh ta nhún vai: - Vậy thì không được. - Khi nào tôi có thể… - Sẽ có người gọi điện cho cô. Trên đường về khách sạn, Dana đi qua Detsky Mir - một cửa hàng dành cho trẻ em, nàng rẽ vào và nhìn quanh. Có cả một khu bán toàn đồ chơi. Trong góc là các giá trò chơi điện tử. Kemal sẽ thích cho mà xem, Dana nghĩ. Nàng mua một cái và ngạc nhiên trước cái giá đắt khủng khiếp. Rồi nàng về khách sạn ngồi đợi điện thoại. Đến sáu giờ thì nàng đã hết hy vọng. Nàng đang định xuống lầu ăn tối thì chuông điện thoại reo. Dana chạy vội ra nhấc máy. - Dana? - Đó là Tim Drew. - Vâng. - Có may mắn nào chưa? - Tôi e là chưa. - Ừ, ở Moscow cô không nên bỏ lỡ những gì tuyệt vời nó có. Tối nay có biểu diễn ba lê. Vở Giselle. Cô có thích không. - Rất thích. Cảm ơn anh. - Một tiếng nữa tôi sẽ qua đón cô. Vở ba lê được công diễn ở toà nhà quốc hội sáu ngàn chỗ trong điện Kremlin. Đó là một buổi tối huyền diệu. m nhạc tuyệt vời, các vũ công cũng tuyệt vời và màn một trôi qua một cách nhanh chóng. Khi ánh đèn bật sáng báo hiệu thời giạn tạm nghỉ, Tim đứng dậy. - Đi theo tôi. Nhanh lên. Đám đông bắt đầu đổ xô lên gác. - Chuyện gì vậy? - Rồi cô sẽ thấy! Khi lên đến tầng trên cùng, họ thấy sáu cái bàn chất đầy trứng cá caviar và rượu vodka ướp đá. Những người lên trước đang bận rộn tự phục vụ mình. Dana quay sang Tim. - Họ thật biết cách tổ chức một sô diễn ở đây. Tim nói: - Đây là cách mà giới thượng lưu sống. Cô nên nhớ rằng có ba mươi phần trăm dân số sống dưới mức nghèo khổ đấy. Dana và Tim đi về phía cửa sổ, tránh xa đám đông ồn ào. Những ngọn đèn bắt đầu nhấp nháy. Màn hai sắp bắt đầu rồi. Màn hai thật hấp dẫn, nhưng những mẩu đối thoại vẫn lởn vởn trong đầu Dana. Taylor Winthrop là một quái vật. Ông ta thông minh, cưc kỳ thông minh. Ông ta đã gài tôi… Đó là một tai nạn rủi ro. Gabriel là đứa con ngoan… Taylor Winthrop đã huỷ diệt tương lai của gia đình Mancino… Khi vở ba lê kết thúc và họ đã ngồi trong xe, Tim Drew nói: - Cô có vui lòng về nhà tôi dùng một li rượu không? Dana quay sang nhìn anh ta. Anh ta hấp dẫn, thông minh và quyến rũ. Nhưng anh ta không phải là Jeff. Những gì nàng nói là: - Cám ơn Tim. Nhưng không được. - Ồ! - Anh ta thất vọng ra mặt. - Hay ngày mai vậy. - Tôi cũng muốn lắm nhưng tôi luôn phải dậy sớm. Mình có điên mới đi yêu người khác. Sáng sớm hôm sau Dana lại có mặt tại Cục phát triển kinh tế Quốc tế. Vẫn là người nàng đã gặp ngồi ở sau bàn. - Chào anh. - Chào cô. - Tôi là Dana Evans. Nếu tôi không thể gặp ông uỷ viên, liệu tôi có thể gặp phụ tá của ông ấy không? - Cô có hẹn không? - Không. Tôi… Anh ta trao cho Dana một tờ giấy. - Cô điền vào đây và… Khi Dana trở về phòng, điện thoại của nàng rung chuông. - Dana… - Jeff! Họ có quá nhiều điều muốn nói với nhau. Nhưng Rachel đã đứng giữa họ như một bóng ma và họ không thể bàn về điều quan trọng nhất trong tâm trí: Bệnh tình của Rachel. Cuộc nói chuyện bị giám sát. Cú điện thoại từ văn phòng của uỷ viên Shdanoff đến bất ngờ vào tám giờ sáng hôm sau. Một giọng trầm trầm hỏi: - Cô Dana Evans? - Tôi là Yerik Karbava, phụ tá của uỷ viên Shdanoff. Cô muốn gặp ông uỷ viên à? - Vâng! - Nàng tưởng anh ta sẽ nói "Cô có hẹn không?" Nhưng thay vào đó lại là: "Vậy đúng một tiếng nữa cô có mặt ở Cục phát triển kinh tế Quốc tế". - Được. Cảm ơn ông. - Bên kia đã dập máy. Một tiếng sau Dana lại bước vào đại sảnh của toà nhà gạch đỏ. Vẫn là người bảo vệ đó ngồi ở sau bàn. Anh ta ngước lên. - Chào cô. Nàng cố nở một nụ cười. - Chào anh. Tôi là Dana Evans và tôi đến đây gặp ông uỷ viên Shdanoff. Anh ta nhún vai. - Tôi rất tiếc. Nếu không có hẹn… Dana cố giữ bình tĩnh. - Tôi đã hẹn trước. Anh ta ngờ vực nhìn nàng. - Vậy à? - Rồi anh ta nhấc điện thoại và nói gì đó. Anh ta quay lại nhìn Dana, vẻ miễn cưỡng: - Tầng ba, sẽ có người ở đó chờ cô! Văn phòng của uỷ viên Shdanoff khá rộng rãi nhưng lại rất tồi tàn, đồ đạc trong đó trông như được sản xuất từ những năm hai mươi. Có hai người đàn ông ở trong văn phòng. Lúc Dana bước vào, cả hai người đều đứng dậy. Người già hơn nói: - Tôi là uỷ viên Shdanoff. Sasa Shdanoff khoảng ngoài năm mươi tuổi, thấp và chắc nịch, có mái tóc thưa thớt, khuôn mặt tròn nhợt nhạt, cặp mắt nâu linh hoạt lúc nào cũng đảo quanh căn phòng như đang tìm kiếm một vật gì đó. Ông ta nói giọng hơi nặng. Trên người ông ta là bộ áo vét đã nhầu nhĩ và đôi giầy mòn vẹt. Ông ta chỉ người kia. - Đây là em tôi, Boris Shdanoff. Boris Shdanoff mỉm cười. - Cô khoẻ chứ, cô Evans? Boris Shdanoff hoàn toàn không giống anh trai mình. Trông phải trẻ hơn Sasha Shdanoff đến mười tuổi ông ta có cái mũi khoằm và cái cằm cương nghị, mặc bộ vest màu xanh nhạt hiệu Armani và đeo cà vạt xám hiệu Hermes. Sasa Shdanoff nói bằng giọng tự hào: - Boris từ Mỹ về thăm nhà. Cậu ấy làm ở đại sứ quán Nga tại thủ đô của các vị, Washington D.C. - Tôi rất ngưỡng mộ công việc của cô, cô Evans. - Boris Shdanoff nói. - Cảm ơn ông. - Tôi có thể giúp gì cho cô? - Sasa Shdanoff hỏi. - Cô gặp phải vướng mắc gì thế? - Không, không phải vậy!, Dana nói. - Tôi muốn hỏi ông đôi điều về Taylor Winthrop. Ông ta bối rối nhìn nàng. - Cô muốn biết gì về Taylor Winthrop? - Tôi biết rằng ông đã cộng tác với ông ấy, và vì thế ông thường gặp mặt ông ấy theo nghĩa bạn bè thuần tuý. Sasa Shdanoff nói một cách thận trọng. - Vâng! - Tôi muốn biết ý kiến riêng của ông về ông ấy. - Có gì để nói đâu? Tôi nghĩ ông ấy là một đại sứ tốt. - Tôi được biết ở đây ông ấy cũng khá nổi tiếng và… Boris Shdanoff ngắt lời. - Ồ vâng. Các đại sứ ở Moscow thường tổ chức nhiều bữa tiệc và Taylor Winthrop cũng hay… Sasa Shdanoff cau mày nhìn em mình. - Thôi nào! - Ông ta quay sang Dana. - Đại sứ Winthrop đôi khi cũng đến tham gia các bữa tiệc đó. Ông ấy yêu quý mọi người. Còn người Nga thì thích ông ấy. Boris Shdanoff lại lên tiếng. - Sự thật là ông ấy bảo tôi nếu ông ấy có thể… Sasa Shdanoff cáu kỉnh nói: - Vớ vẩn! - ông ta tiếp tục. - Như tôi đã nói đó, cô Evans, ông ấy là một đại sứ tốt. Dana nhìn Boris Shdanoff. Rõ ràng ông ta định nói điều gì đó với nàng. Nàng quay sang ông uỷ viên. - Không biết đại sứ Winthrop có gặp rắc rối gì khi ông ấy ở đây không? Sasa Shdanoff cau mày. - Rắc rối? Không ông ta cố tránh ánh mắt nàng. Ông ấy đang nói dối, Dana nghĩ. Và nàng dồn tiếp. - Ông uỷ viên, ông có nghĩ đến một lý do nào khiến cho ai đó phải ra tay sát hại Taylor Winthrop và gia đình ông ấy không? Sasa Shdanoff mở to mắt. - Sat hại? Nhà Winthrop? Không. Không. - Ông không thể nghĩ ra điều gì sao? Boris Shđanoff nói. - Thực tế là… Sasa Shdanoff ngắt lời ông ta. - Không có lý do nào cả ông ấy là một đại sứ tuyệt vời. - Ông ta lấy một điếu xì gà trong cái hộp bằng bạc và Boris vội vã châm lửa. - Cô còn muốn biết chuyện gì nữa không? - Sàsha Shdanoff hỏi. Dana nhìn hai người. Họ đang che giấu chuyện gì đó, nàng nghĩ, nhưng là chuyện gì? Toàn bộ sự việc này không khác gì một mê cung không có lối thoát. - Không. - Nàng liếc Boris và chậm rãi nói. - Tôi ở tại khách sạn Sevastopol đến sáng mai, nếu ông nghĩ ra vấn đề gì. Boris Shdanoff hỏi. - Cô chuẩn bị về à? - Vâng. Chiều mai tôi lên máy bay. - Tôi… - Boris Shdanoff định nói cái gì đó, ông ta liếc anh trai mình và lại im lặng. - Tạm biệt, - Dana nói. - Tạm biệt. - Tạm biệt. Khi Dana về đến phòng mình, nàng gọi điện cho Matt Baker.. - Ở đây nhất định có chuyện xảy ra, Matt, nhưng tôi không tài nào khám phá được, mẹ kiếp nó. Tôi có cảm giác mình có thể ở đây vài tháng mà cũng không lấy được một thông tin nào có giá trị. Ngày mai tôi sẽ về. Ở đây có chuyện xảy ra, Matt, nhưng tôi không tâi nào khám phá được, mẹ kiếp nó. Tôi có cảm giác mình có thể ở đây vài tháng mà cũng không lấy được một thông tin nào có giá trị. Ngày mai tôi sẽ về. Hết băng. Chiều hôm đó sân bay Sheremetyevo II đông nghẹt người. Trong lúc ngồi đợi máy bay, Dana lại có cảm giác mình đang bị theo dõi. Nàng liếc qua đám đông nhưng không thể phát hiện ra người nào có cử chỉ khác lạ. Họ đang lẩn khuất đâu đó thôi. Ý nghĩ này làm nàng thấy ớn lạnh. Chương 21 Bà Daley và Kemal ra sân bay Dulles đón Dana. Nàng đã không nhận ra mình nhớ Kemal đến mức nào. Nàng nhào vào ôm chặt lấy nó. Kemal nói: - Chào cô, Dana. Cháu rất mừng vì cô đã về. Cô có mang cho cháu một chú gấu Nga không? - Cô có, nhưng thật không may, nó trốn mất rồi. Kemal nhe răng cười. - Giờ thì cô sẽ ở nhà thôi chứ? - Chắc chắn là vậy? Bà Daley mỉm cười. - Đó là một tin tốt, cô Evans. Rất mừng khi thấy cô trở về bình an. - Tôi cũng mừng vì được về nhà, - Dana nói. Trong xe, trên đường về nhà, Dana hỏi. - Bây giờ thì cháu đã thật sự thích cánh tay mới của mình chưa, Kemal? Cháu quen sử dụng nó rồi chứ? - Nó tuyệt lắm. - Cô rất vui. Thế còn chuyện ở trường thì sao? - Cũng không có gì. - Cháu không đánh nhau đấy chứ? - Không. - Thế thì thật là tuyệt. - Dana ngắm thằng bé một lát. Có cái gì đó rất khác ở nó, gần như là vẻ bị khuất phục. Thế có nghĩa là những chuyện xảy ra đã làm nó thay đổi, nhưng dù cho đó là chuyện gì thì nó cũng rõ ràng đã là một đứa bé hạnh phúc. Khi về đến nơi, Dana nói: - Cô phải đến văn phòng nhưng cô sẽ về và chúng ta đi ăn tối cùng nhau. Tới McDonald s. - Nơi chúng ta thường đến ăn cùng Jeff. Lúc Dana bước vào toà cao ốc của WTN, nàng có cảm giác như mình đã xa nơi này hàng thế kỷ. Trên đường tới văn phòng của Matt, Dana được chào đón nồng nhiệt bởi hàng chục đồng sự của mình. - Chúc mừng cô đã trở về, Dana. Chúng tôi rất nhớ cô. - Ồ Dana đã về rồi. Chuyến đi tốt đẹp chứ? - Rất tốt. Cám ơn. - Vắng cô chỗ này khác đi nhiều quá. Khi Dana bước vào văn phòng của Matt, ông nói: - Cô có vẻ sút cân nhiều đấy. Trông cô tệ quá. - Cảm ơn Matt. - Ngồi đi. Cô thiếu ngủ à? - Đại khái như vậy. - À này, tỷ lệ người xem đã giảm xuống khi cô vắng mặt. Thấy cô về, Elliot chắc sẽ mừng lắm. Matt không nói ông ta đã lo lắng cho Dana đến mức nào. Họ nói chuyện hơn nửa giờ. Khi Dana về văn phòng của mình, Olivia nói: - Mừng cô đã về. Quả là… Chuông điện thoại kêu. Cô ta nhấc máy. - Văn phòng cô Evans… Xin bà đợi một lát. - Cô ta nhìn Dana. - Pamela Hudson ở đường dây số một. - Được rồi. - Nàng về bàn làm việc và nhấc điện thoại lên. - Pamela. - Dana! Cô đã về rồi. Chúng tôi rất lo cho cô. Nước Nga không phải là nơi an toàn trong những ngày này! - Tôi biết. - Nàng cười to. - Một người bạn đã mua cho tôi chiếc bình xịt hơi cay! - Chúng tôi rất nhớ cô. Roger và tôi rất mong cô đến uống trà vào buổi chiều nay. Cô rảnh chứ? - Vâng. - Ba giờ nhé? - Được. Phần còn lại của buổi sáng hôm ấy được dành cho việc chuẩn bị bản tin tối. * * * * * Lúc ba giờ chiều, Cesar đứng chờ Dana ở cửa. - Cô Evans!! - Một nụ cười lớn nở trên khuôn mặt ông ta. - Rất vui được gặp cô. Chúc mừng cô đã về nhà. - Cảm ơn, Cesar. Dạo này ông thế nào? - Rất tuyệt, cảm ơn cô. - Ông bà Hudson… - Vâng. Họ đang đợi cô. Để tôi cất áo khoác cho cô. Khi Dana bước vào phòng khách, cả Roger và Pamela đồng loạt thốt lên: - Dana! Pamela Hudson ôm lấy nàng: - Con người lang bạt đã trở về. Roger Hudson thì nói: - Trông cô có vẻ mệt mỏi. - Phản ứng chung thôi mà. - Mời ngồi, mời ngồi. - Roger nói. Một người hầu gái bước vào mang theo khay trà, bánh bích quy, bánh nướng và bánh sừng bò. Pamela tự tay rót trà. Họ ngồi xuống và Roger nói: - Nào, kể cho chúng tôi nghe những gì xảy ra đi. - Tôi e là mình chưa đi đến đâu cả. Tôi đã nản lắm rồi. - Dana hít một hơi dài - Tôi đã gặp người tên là Dieter Zander, ông ta nói rằng, ông ta bị Taylor Winthrop gài đến nỗi phải đi tù. Trong khi ông ta thụ án thì gia đình ông ta chết sạch trong một đám cháy. Ông ta đổ lỗi cho Winthrop về những cái chết đó. Pamela nói: - Vậy là người này có động cơ để giết cả nhà Winthrop. - Đúng vậy. Nhưng vẫn còn nữa. Ở Pháp tôi có nói chuyện với một người khác tên là Marcel Falcon. Đứa con duy nhất của ông ta bị chết trong một vụ tai nạn giao thông mà hung thủ đã bỏ trốn. Tài xế của Taylor Winthrop sau này đã đứng ra nhận tội, nhưng ông này bây giờ lại khăng khăng Taylor Winthrop mới chính là thủ phạm. Roger Hudson trầm ngâm nói: - Marcel Falcon làm việc trong Uỷ ban NATO ở Brusels mà. - Đúng vậy. Và người tài xế đã nói với ông ta là Taylor Winthrop mới là người giết con trai ông ta. - Thật thú vị. - Vâng. Rất thú vị. Ông đã nghe nói đến cái tên Vincent Mancino chưa? Roger Hudson nghĩ một lát. - Chưa. - Ông ta là mafia. Taylor Winthrop làm con gái ông ta mang bầu rồi trao cô ta vào tay một tên lang băm để nạo thai và cuối cùng bị tên này cắt mất tử cung. Bây giờ cô ta sống trong một nhà tu kín còn bà mẹ thì cũng phải vào trại điều dưỡng. - Lạy Chúa. - Mấu chốt là cả ba đều có động cơ mạnh mẽ để tiến hành việc trả thù. - Dana thở dài chán nản. - Nhưng tôi chẳng thể chứng minh được cái gì. Roger Hudson nhìn Dana: - Vậy Taylor Winthrop có thật sự làm những điều tồi tệ ấy không? - Vấn đề này hoàn toàn không có câu trả lời, Roger. Tôi đã nói chuyện với những người đó. Con người giấu mặt sau những vụ sát nhân đã sắp đặt thật khéo léo. Không hề có một manh mối nào. Mỗi vụ đều được thực hiện theo một cách thức riêng, không có kiểu mẫu nào. Mọi chi tiết đã được họ tính toán hết sức tỉ mỉ, không bỏ sót bất cứ điều gì. Và tệ nhất là các vụ này đều không có một nhân chứng nào. - Tôi biết điều này nói ra thì không được tự nhiên lắm, nhưng… có khả năng họ liên kết với nhau để trả thù Taylor Winthrop không? Dana lắc đầu. - Tôi không tin chuyện đó. Tất cả những người tôi gặp đều rất có quyền lực. Một mình họ cũng thừa sức thực hiện rồi. Chỉ một người trong số đó đã ra tay thôi. Nhưng là người nào? Dana chợt nhìn đồng hồ của mình. - Tôi xin lỗi. Tôi đã hứa đưa Kemal đi ăn tối, và tôi phải làm việc này trước khi đi làm. - Dĩ nhiên, - Pamela nói. - Chúng tôi rất hiểu. Cảm ơn vì đã ghé qua đây. Dana đứng dậy. - Và cảm ơn hai người về buổi uống trà tuyệt vời này, cũng như sự ủng hộ về mặt tinh thần quý báu của các vị. * * * * * Sáng thứ hai, trên đường đưa Kemal đến trường, Dana nói: - Cô đã quên làm việc này, nhưng bây giờ thì lại đâu vào đấy. - Cháu rất vui. - Kemal ngáp một cái. Dana nhận ra nó đã ngáp suốt từ lúc bắt đầu thức giấc. Nàng hỏi: - Đêm qua cháu ngủ có ngon không? - Có. Cháu đoán vậy. - Nó lại ngáp. - Ở trường cháu làm những gì? Dana hỏi. - Ý của cô là ngoài giờ lịch sử và tiếng Anh chán ngắt à? - Cháu đá bóng. - Cháu không chơi quá nhiều đấy chứ, Kemal? - Không. Nàng liếc nhìn tấm thân mỏng mảnh đang ngồi cạnh mình. Dường như tất cả năng lượng của Kemal đã đi đâu hết. Nó có vẻ trầm lặng một cách thiếu tự nhiên. Dana tự hỏi không biết có nên đưa nó đi khám không. Có lẽ nàng phải tìm vài loại thuốc bổ để tăng cường sinh lực cho thằng bé. Dana nhìn đồng hồ. Nửa giờ nữa là đến buổi họp chuẩn bị cho bản tin tối rồi. Buổi sáng trôi qua một cách êm ả và Dana cảm thấy thoải mái khi được quay lại với thế giới của mình. Lúc về văn phòng, nàng thấy một chiếc phong bì dán kín có đề tên mình nằm trên bàn làm việc. Nàng mở nó ra. Bên trong viết: "Cô Evans. Tôi đang có tin tức cô cần. Tôi đã đặt phòng cho cô tại khách sạn Soyuz ở Moscow. Sang ngay lập tức. Không được nói với ai về chuyện này". Bức thư không ký tên. Dana đọc lại lần nữa, không tin nổi. Tôi đang có tin tức cô cần. Chắc hẳn đây chỉ là một kiểu bịp bợm. Nếu ai đó ở Nga có câu trả lời mà nàng đang tìm kiếm, tại sao họ không cho nàng biết ngay khi nàng còn ở bên đó? Dana nghĩ đến cuộc gặp giữa nàng với Sash Shdanoff và em trai ông ta, Boris. Boris tỏ ra rất muốn nói với nàng nhưng Sasa đã ngăn ông ta lại. Dana ngồi vào bàn suy nghĩ. Làm sao mà bức thư đến đây được. Hay nàng đang bị theo dõi. Mình phải quên chuyện này đi, Dana quyết định. Nàng nhét bức thư vào túi. Về đến nhà mình sẽ xé nó đi. Dana dành cả buổi chiều chơi với Kemal. Nàng nghĩ nó sẽ rất hứng thú với bộ trò chơi điện tử mới nàng mua ở Moscow, nhưng nó lại tỏ ra thờ ơ. Đến chín giờ thì mắt nó bắt đầu díp lại. - Cháu buồn ngủ quá, cô Dana. Cháu đi ngủ đây. - Cũng được. - Dana nhìn nó vào phòng và nghĩ, nó thay đổi nhiều quá. Dường như nó đã trở thành một người khác. Thôi, kể từ bây giờ chúng ta đã luôn ở bên nhau. Nếu có gì làm nó phiền muộn, thì mình phải tìm cho ra. Đã đến giờ nàng phải trở lại trường quay. Người đàn ông trong căn hộ kế bên vừa nhìn vào màn hình vừa nói vào chiếc máy ghi âm đặt bên cạnh. - Mục tiêu đã đến trường quay. Thằng bé đã đi ngủ. Người giúp việc đang ngồi khâu vá. - Bắt đầu. Đèn đỏ của máy quay bật sáng. Giọng của phát thanh viên vang lên. "Xin chào quý vị và các bạn. Sau đây là bản tin mười một giờ của WTN với Dana Evans và Richard Metton. Dana mỉm cười vào máy quay: "Xin chào quý vị và các bạn. Tôi là Dana Evans. Bên cạnh nàng, Richard Melton nói: "Và tôi là Richad Melton. Dana bắt đầu "Mở đầu bản tin tối nay là một tấn bi kịch khủng khiếp ở Malaysia… Mình thuộc về nơi này, Dana nghĩ, chử không phải chạy vòng quanh thế giới để lùng sục những cái hoang đường Bản tin kết thúc, Dana về đến nhà thì Kemal đã ngủ say. Sau khi tạm biệt bà Daley, Dana lên giường, nhưng nàng không tài nào ngủ được. Tôi đang có tin tức cô cần. Tôi đã đặt phòng cho cô tại khách sạn Soyuz ở Moscow. Sang ngay lập tức. Không được nói với ai về chuyện này. Đây là một cái bẫy. Sẽ thật là ngớ ngẩn nếu mình quay lại Moscow, Dana nghĩ. Nhưng nếu nó là sự thật thì sao? Ai dám dính vào tất cả những sự phiền phức này Và tại sao? Lá thư này chỉ có thể là của Boris Shdanoff Có phải ông ta thực sự biết được điều gì? Nàng thao thức cả đêm đó. Đến sáng, Dana gọi điện cho Roger Hudson và kể cho ông ta nghe về bức thư. - Lạy Chúa. Tôi không biết phải nói gì bây giờ. Thế nghĩa là có người sẵn sàng nói sự thật về Taylor Winthrop với cô. - Tôi biết. - Dana, chuyện này có thể sẽ rất nguy hiểm. Tôi thật sự không muốn cô tiếp tục nữa. - Nhưng nếu tôi không đi, chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật. Ông ta lưỡng lự: - Tôi cho là cô nói đúng. - Tôi sẽ cẩn thận, nhưng tôi phải đi. Rogèr Hudson nói một cách miễn cưỡng: - Đành vậy. - Tôi hy vọng cô thường xuyên giữ liên lạc với tôi. - Tôi hứa, Roger. * * * * * Dana tới đại lý lữ hành mua một vé khứ hồi đi Moscow. Hôm đó là thứ ba. Hy vọng là mình sẽ không đi quá lâu Dana nghĩ. Nàng để lại lời nhắn cho Matt kể về những việc đã xảy ra. Khi Dana về nhà, nàng nói với bà Daley: - Tôi e là tôi lại phải đi xa. Khoảng vài ngày thôi. Mong bà trông nom Kemal cẩn thận cho. - Không phải lo lắng gì cả, cô Evans. Chúng tôi không có vấn đề gì đâu! Người đàn ông ở căn hộ bên cạnh vội rời khỏi tivi và gọi một cú điện khẩn. Trên chuyến bay của hãng hàng không Aeroflot tới Moscow, Dana nghĩ, có lẽ mình đã mắc phải một lỗi lầm to lớn. Đó có thể là một cái bẫy. Nhưng nếu câu trả lời đúng là ở Moscow, mình sẽ tìm thấy nó. Sáng hôm sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Sheremetyevo II, giờ đây đã trở nên quen thuộc, Dana lấy túi xách và bước ra ngoài, nơi cơn bão tuyết đang hoành hành. Một dãy dài hành khách đang đứng chờ taxi. Dana đứng trong cơn gió lạnh buốt, thầm yên tâm vì đã mặc đủ ấm. Bốn mươi lăm phút sau khi đến lượt Dana, một người đàn ông cố chen lên phía trước nàng. - Không? - Dana cương quyết nói - Đây là xe của tôi. - Rồi nàng chui vào trong. Người tài xế hỏi: - Cô muốn đi đâu. - Khách sạn Soyuz. Anh ta quay lại nhìn nàng và nói bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu. - Có chắc là cô đến đấy không? Dana hỏi lại, vẻ bối rối: - Sao cơ? Ý của anh là gì? - Đó không phải là một khách sạn tốt. Dana chợt rùng mình cảnh giác. Có chắc không. Quá muộn để quay lại rồi. Anh ta đang đợi câu trả lời. - Có. Tôi… tôi chắc. Người tài xế nhún vai, vào số và cho xe chạy, hoà vào dòng xe cộ qua lại thưa thớt. Nếu phòng chưa được đặt trước thì sao Nếu đây chỉ là một trò đùa quái ác thì sao. Khách sạn Soyuz nằm trong khu vực của người lao động bình dân ở ngoại ô Moscow, trên phố Lebeverezhnaya. Đó là một toà nhà cũ kỹ xấu xí với mặt tiền quét vôi màu nâu đã tróc vữa loang lổ. - Có cần tôi đợi không? - Người tài xế hỏi. Dana lưỡng lự giây lát. - Không. Nàng trả tiền, chui ra khỏi xe và cơn gió băng giá đẩy nàng vào một tiền sảnh nhỏ bé và tồi tàn. Một phụ nữ đứng tuổi ngồi sau bàn, đang đọc tạp chí. Bà ta ngước lên và ngạc nhiên khi thấy Dana bước vào. Nàng tiến lại gần cái bàn. - Vâng! - Tôi tin là mình đã đặt phòng rồi. Dana Evans. Nàng cố nén hồi hộp. Bà ta từ từ gật đầu. - Dana Evans, vâng. - Rồi quay lại lấy một chiếc chìa khoá trên giá. - Phòng bốn không hai, tầng bốn. - Bà ta đưa chìa khoá cho Dana. - lTôi có phải đăng ký không? - Không cần đăng ký. Cô trả tiền ngay. Ngày một. Dana lại cảm thấy cẩn phải cảnh giác. Một khách sạn ở Nga nơi mà người nước ngoài không phải đăng ký? Có cái gì đó không ổn. Bà ta nói: - Năm trăm rúp. - Để tôi đi đổi tiền dã, - Dana nói. - Lát nữa tôi sẽ trả. - Không. Bây giờ. Ở đây lấy cả đôla. - Cũng được. - Dana cho tay vào túi và lấy ra một nắm giấy bạc. Bà ta gật đầu, thò tay ra và lấy đi sáu tờ. Mình có thể mua cả cái khách sạn này bằng số tiền đó Dana nhìn quanh. - Thang máy ở đâu? - Ở đây không có thang máy. - Ồ! - Vậy thì không cần hỏi thêm về người khuân hành lý nữa, Dana cầm lấy túi và lê chân lên gác. Căn phòng thậm chí còn tồi tệ hơn sự tiên đoán của nàng. Nó vừa nhỏ vừa cũ kỹ, màn cửa thì rách còn giường thì không được dọn. Boris sẽ liên lạc với nàng bằng cách nào? Có thể đây là trò lừa bịp, Dana nghĩ, nhưng tại sao người ta lại gây ra lắm rắc rối thế này. Nàng ngồi ở mép giường và nhìn qua khung cửa sổ bụi bặm xuống cảnh phố xá nhộn nhịp bên dưới. Mình thật ngớ ngẩn, Dana nghĩ. Có lẽ mình phải ngồi đây nhiều ngày mà chẳng có gì… Có tiếng gõ nhẹ lên cửa. Dana hít một hơi dài và đứng dậy. Ngay lúc này đây nàng sẽ khám phá được điều bí ẩn hoặc nhận ra không có điều bí ẩn nào cả. Nàng mở cửa. Không có ai ở ngoài hành lang. Trên sàn nhà là một chiếc phong bì. Dana nhặt nó lên và lấy vật ở trong ra. Đó là một miếng giấy có ghi: "VDNKh 9:00 P.M." Dana ngắm nghía miếng giấy, cố đoán xem ý nghĩa của dòng chữ này là gì. Rồi nàng mở vali và lôi ra quyển sách hướng dẫn du lịch mà nàng đã mua từ nhà. Đây rồi, VKNKh. Nó nghĩa là Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân Liên Xô. Kèm theo đó là địa chỉ. Tám giờ tối hôm đó, Dana gọi taxi. - VDNKh. Khu triển lãm? - Nàng không chắc lắm về cách phát âm của mình. Người tài xế quay lại nhìn nàng. - VDNkh? Chỗ đó đóng cửa lâu rồi. - Ô. - Cô vẫn đi à? - Vâng. Anh ta nhún vai và cho xe chuyển bánh. Khu triển lãm này nằm ở phía đông bắc Moscow. Giờ đây trông nó vắng vẻ và hoang vu không khác gì một khu đất hoang. Dana ra khỏi xe và rút ra mấy tờ đôla. - Có cần… - Vâng! - Anh ta vồ lấy số tiền và chỉ vài giây sau đã mất hút. Dana nhìn quanh. Chỉ có một mình nàng đứng trơ trọi trong cái lạnh ghê người của mùa đông. Nàng đi tới một cái ghế dài gần đó, ngồi xuống và đợi Boris. Nàng nhớ lại mình đã chờ Sinisi ở công viên như thế nào. "Nếu Boris"… Một giọng nói cất lên từ phía sau làm Dana giật nảy mình. - Cuối cùng thì cô cũng đến… Dana quay lại và mở to mắt ngạc nhiên. Nàng đã chắc rằng đó là Boris. Nhưng thay vào đó lại là uỷ viên Sasa Shdanoff. - Ông uỷ viên? Tôi không ngờ… - Cô đi theo tôi. - Ông ta nói cộc lốc. Sasa Shdanoff bắt đầu băng qua khu đất. Dana do dự giây lát rồi đứng dậy và đi theo. Ông ta tới một quán cà phê nhỏ cũ kỹ ở cạnh đó và bước vào, ngồi xuống cái bàn ở góc trong cùng. Bên trong chỉ có hai người khách. Dana tiến lại bàn của ông ta và cũng ngồi xuống. Một cô hầu bàn trông nhếch nhác mặc cái tạp dề bẩn thỉu đến bên họ: - Hai vị uống gì? - Hai cà phê, làm ơn. - Shdanoff nói. Ông ta quay lại với Dana. - Tôi không dám chắc là cô sẽ đến, nhưng quả thật cô là người rất kiên trì. Chuyện này có lẽ khá nguy hiểm đấy. - Trong bức thư ông đã nói có thể cho tôi biết điều mà tôi muốn biết. - Vâng. Cà phê được mang ra. Ông ta uống một hớp nhỏ và yên lặng hồi lâu. - Cô muốn biết có đúng là Taylor Winthrop và gia đình bị ám sát, phải không? Tim Dana đập nhanh. - Câu trả lời là… - Đúng! - Đó là một lời thì thầm kỳ lạ. Dana bất giác rùng mình. - Ông có biết ai giết họ không? - Nàng hít một hơi dài. - Ai? - Tôi sẽ cho cô biết, nhưng trước hết cô phải làm giúp tôi một việc. Dana nhìn ông ta và thận trọng hỏi: - Việc gì? - Đưa tôi ra khỏi nước Nga. Ở đây không còn an toàn đối với tôi nữa. - Tại sao ông không ra sân bay và mua vé bay đi nước ngoài? Theo tôi được biết thì du lịch ra ngoại quốc vẫn chưa bị cấm mà. - Cô Evans ơi, cô ngây thơ quá. Cực kỳ ngây thơ. Sự thật là, nếu làm theo điều cô nói tôi đã bị giết trước khi kịp đến gần sân bay. Ở đây, ngay cả những bức tường cũng có tai và mắt. Tôi đang ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Tôi cần sự giúp đỡ của cô. Dana bất lực nhìn ông ta. - Tôi không thể đưa ông… tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. - Cô phải biết. Cô phải tìm ra cách. Mạng sống của tôi đang bị đe doạ. Dana nghĩ một lát. - Tôi có thể nói chuyện với ông đại sứ Mỹ… - Không? - Giọng Sasa Shdanoff sắc nhọn. - Nhưng đó là cách duy nhất… - Trong đại sứ quán cũng có tai mắt. Không ai được biết chuyện này ngoài cô và những người sẽ giúp cô. Ông đại sứ của các người không thể giúp được tôi. Dana bỗng cảm thấy chán nản. Không có cách nào khả dĩ có thể đưa một uỷ viên cao cấp người Nga ra khỏi nước Nga. Mình không thể đưa nổi một con mèo ra khỏi đây. Và nàng lại có ý nghĩ khác. Tất cả những chuyện này có lẽ là một trò bịp. Sasa Shdanoff chẳng có tin tức nào cả. Ông ta chỉ sử dụng nàng như một công cụ để đưa ông ta trốn sang Mỹ. Chuyến đi này chẳng đem lại kết quả gì. Dana nói: - Tôi e là tôi không thể giúp được ông, uỷ viên Shdanoff ạ. - Nàng giận dữ đứng dậy. - Đợi đã! Cô muốn bằng chứng hả? Tôi sẽ cho cô bằng chứng. - Bằng chứng gì? Ông ta suy nghĩ hồi lâu trước khi trả lời. Rồi ông ta chậm rãi lên tiếng: - Cô đang ép tôi làm điều mà tôi không hề muốn. - Ông ta đứng lên. - Cô đi theo tôi. Hai mươi phút sau, họ đi vào văn phòng của Sasa Shdanoff ở Cục Phát triển kinh tế Quốc tế bằng lối cổng hậu. - Tôi có thể bị tử hình vì những gì sắp cho cô biết. - Sasa Shdanoff nói khi họ đến nơi. - Nhưng tôi đã hết đường lựa chọn. Ông ta phác ra một cử chỉ bất lực. - Bởi vì ở lại đây thì tôi cũng vẫn bị giết. Dana nhìn Shdanoff đi tới bên cái két sắt đặt ngầm trong tường, xoay khoá mã và mở nó ra, lôi ra một cuốn sách dầy. Ông ta mang nó lại bàn làm việc. Trên bìa cuốn sách là hàng chữ Klassifitsirovanngy mầu đỏ. - Đây là tài liệu cấp cao, - Shdanoff bảo Dana. Ông ta mở sách ra. Dana nhìn kỹ hơn khi ông ta bắt đầu lật từng trang một. Trang nào cũng có những bức ảnh màu về máy bay chiến đấu các loại, tàu vũ trụ, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tên lửa không đối đất, vũ khí tự động, xe tăng và tàu ngẩm. - Đây là toàn bộ vũ khí của người Nga. - Trông chúng thật khủng khiếp. - Vào thời điểm này, nước Nga có hơn một ngàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hơn hai ngàn đầu đạn nguyên tử và bẩy mươi phi cơ chiến đấu chiến lược! - ông ta chỉ vào các loại vũ khí khác nhau ở từng trang. - Đây là Awl… Acrid… Aphid… Anab… Archerv. Kho vũ khí hạt nhân này đã duy trì được thế cạnh tranh của chúng tôi với nước Mỹ. - Thật là ấn tượng. - Quân đội Nga hiện đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, cô Evans. Chúng tôi phải đối mặt với sự khủng hoảng. Không có tiền để trả cho binh lính và sĩ khí thì tụt xuống mức báo động. Hiện tại thì còn tạm ổn, nhưng tương lai có lẽ sẽ tồi tệ đi. Dana nói: - Tôi e là mình không hiểu. - Hồi nước Nga còn là một siêu cường, chúng tôi thậm chí còn sản xuất nhiều vũ khí hơn cả nước Mỹ. Số vũ khí đó vẫn còn ở đây. Có tất cả mười hai quốc gia đang thèm khát chúng. Chúng đáng giá đến hàng chục tỷ đôla. Dana kiên nhẫn nói: - Ông uỷ viên, tôi đã hiểu vấn đề, nhưng… - Đây không phải là vấn đề. Dana bối rối nhìn ông ta. - Không à? Vậy nó là gì? Shdanoff thận trọng lựa chọn từ ngữ. - Cô đã bao giờ nghe nói đến Krasnoyarsk-26 chưa? Dana lắc đầu: - Chưa. - Tôi không ngạc nhiên. Nó chỉ có trên một số bản đồ và những người sống ở đó đều không chính thức tồn tại. - Ông đang nói về cái gì vậy? - Rồi cô sẽ biết. Ngày mai tôi sẽ đưa cô đến đó. Trưa mai đến gặp tôi ở quán cà phê lúc nãy. - Ông ta bóp chặt tay Dana. - Cô không được nói với ai về chuyện này. Ông ta đang làm nàng đau. - Hiểu chứ. - Vâng. - Tốt. Thoả thuận như thế? * * * * * Buổi trưa, Dana đến quán cà phê nhỏ cạnh VDNKh. Nàng ngồi vào đúng cái bàn cũ và chờ đợi. Ba mươi phút đã trôi qua mà Shdanoff vẫn chưa xuất hiện. Chuyện gì xảy ra vậy? Nàng lo lắng tự hỏi. - Chào cô, - Sasa Shdanoff đang đứng bên bàn. - Đi. Chúng ta đi sắm chút đồ. - Sắm đồ? - Nàng ngạc nhiên hỏi lại. - Đi thôi? - Sắm đồ làm gì? - Dana theo ông ta ra ngoài. - Cho cô. - Tôi không cần… Shdanoff vẫy một chiếc taxi và họ đi tới một khu cửa hàng. Hai người ra khỏi xe và Shdanoff trả tiền. - Đến nơi rồi, - Shdanoff nói. Họ vào khu mua bản, đi qua khoảng sáu bảy cửa hàng. Đến một cửa hàng có dán biểu tượng tình dục trên cửa, Shdanoff dừng lại. - Đây rồi. - Ông ta dắt Dana vào trong. Dana nhìn vào những bộ quần áo hở hang. - Chúng ta làm gì ở đây? - Cô phải thay quần áo đi. Một phụ nữ bán hàng xuất hiện và Shdanoff trao đổi ngắn gọn với bà ta bằng tiếng Nga. Một lát sau bà ta quay lại với một chiếc mini jupe mầu hồng và chiếc áo choàng xanh ngắn cũn cỡn. Shdanoff tỏ ý bằng lòng. - Được rồi! - Ông ta quay sang Dana. - Cô mặc những thứ này vào. Dana giẫy nẩy lên. - Không! Tôi không mặc đâu. Ông định… - Cô phải mặc. - Giọng ông ta thật cương quyết. - Tại sao? - Rồi cô sẽ biết. Dana nghĩ. Thằng cha này chắc là bị biến thái tình dục. Mặc cái đồ này vào thì trông mình thành thứ quỷ gì nữa không biết. Shdanoff nhìn nàng. - Được chứ? Dana hít một hơi dài. - Được. - Nàng vào buồng thay quần áo bé tí và mặc chúng vào. Khi bước ra, nàng nhìn mình trong gương và rên lên. - Trông tôi như một con điếm vậy. - Còn chưa đâu, Shdanoff cho biết. - Chúng tôi sẽ trang điểm cho cô. - Ông uỷ viên… - Đi nào. Quần áo của Dana được nhét vào trong túi giấy. Dana mặc cái áo khoác vào, cố che giấu thân thể càng nhiều càng tốt. Họ lại đi xuyên qua khu chợ. Người ta nhìn Dana, còn đám đàn ông ném cho nàng những nụ cười đầy ngụ ý. Một người quét dọn nháy mắt với nàng. Dana cảm thấy mình thật hèn hạ. - Trong này. Họ đang đứng trước một mỹ viện. Sasa Shdanoff bước vào Dana do dự, rồi cũng theo ông ta. Họ đến bên quầy. - Lấy cho tôi, - ông ta nói. Người nhân viên đưa cho ông ta một thỏi son môi mầu đỏ tươi và một hộp phấn. - Cảm ơn, - Shdanoff nói. Ông ta quay sang Dana. - Cô làm đi. Nhớ đánh đậm vào nhé. Dana đã cảm thấy quá đủ. - Không, cảm ơn. Tôi không biết ông đang chơi trò gì, nhưng tôi sẽ không phải là một phần của nó. Tôi đã… Ông ta nhìn thẳng vào mắt nàng: - Tôi bảo đảm với cô đây không phải là trò chơi, cô Evans. Krasnoyarsk-26 là một thành phố bí mật. Tôi là một trong vài người được quyền ra vào nó. Họ rất ít khi cho phép người ngoài như chúng tôi được đưa gái điếm vào. Đây là cách duy nhất giúp cô qua mắt được đám bảo vệ. Ngoài ra còn phải nộp thêm một thùng vodka nữa. Cô còn hứng thú nữa hay không? Thành phố bí mật. Bảo vệ. Chúng ta còn đi đến đâu với chuyện này? - Còn. - Dana miễn cưỡng quyết định. - Tôi còn hứng thứ. Chương 22 Một chiếc máy bay quân sự đã chờ sẵn trong một khu vực tư nhân ở sân bay Sheremetyevo II. Dana rất ngạc nhiên khi thấy chỉ có nàng và Sasa Shdanoff là hai hành khách duy nhất. - Chúng ta đi đâu đây? - Dana hỏi. Ông ta nở một nụ cười không lấy gì làm vui vẻ. - Tới Siberi. Siberi. Dana thấy bụng mình thắt lại. Ôi. Chuyến bay kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Dana cố gắng gợi chuyện với hy vọng phần nào nắm bắt được cái mà mình sắp phải đối diện nhưng Shdanoff chỉ ngồi yên lặng, mặt lạnh như đá xẻ. Khi máy bay hạ cánh xuống đường băng nhỏ lọt giữa vùng đất hoang vu, một chiếc Lada 2110 mui kín đã chờ sẵn trên mặt đường phủ tarmac. Dana nhìn quanh khung cảnh hoang vắng nhất mà nàng từng thấy trong đời. - Chỗ mà chúng ta định đến: có xa đây không? Và chúng ta có trở về không? - Cách một quãng ngắn thôi. Phải hết sức cẩn thận. Đó là đoạn đường gập ghềnh dẫn đến một nơi trông như ga tầu hoả nhỏ. Sáu người bảo vệ mặc đồng phục đứng trên thềm. Lúc Dana và Shdanoff tiến về phía họ, cả đám đưa mắt liếc trang phục nghèo nàn của Dana. Một người chỉ nàng và cười. - Ngon quá nhỉ. - Trông nàng mới hấp dẫn làm sao! Shdanoff nheo mắt đầy ngụ ý và nói điều gì đó bằng tiếng Nga rồi tất cả cùng cười phá lên. Mình chẳng muốn biết, Dana nghĩ. Shdanoff lên tầu và Dana đi theo, bối rối hơn bao giờ hết. Chuyến tàu này có thể đi đâu trong vùng lãnh nguyên hoang vu tuyết phủ này. Bầu không khí trên tầu cũng băng giá như ở ngoài trời. Đầu máy bắt đầu hoạt động và chỉ vài phút sau con tàu đã đi vào một đường hầm sáng sủa ăn sâu vào lòng núi. Dana nhìn những tảng đá ở hai bên đường, có cảm giác như mình đã lọt vào một giấc mơ kỳ quái. Nàng quay sang Shdanoff. - Làm ơn cho tôi biết chúng ta đang đi đâu thế này? Con tầu đột ngột dừng lại. - Đến nơi rồi. Họ bước xuống và đi về phía toà nhà gạch cách đó khoảng một trăm mét. Đằng trước toà nhà là hai hàng rào dây thép gai gớm ghiếc cùng những người lính vũ trang đầy đủ. Lúc Dana và Shdanoff đi đến cửa, đám lính đồng loạt giơ tay chào. Shdanoff thì thào: - Khoác lấy tay tôi, hôn tôi và cười to vào. Jeff sẽ không bao giờ tin chuyện này đâu, Dana nghĩ. Nàng khoác tay ông ta rồi hôn vào má ông ta, cố nặn ra một tiếng cười vô nghĩa. Cánh cửa được kéo sang bên và họ đi qua, tay trong tay. Đám lính ghen tị nhìn theo Shdanoff khoác tay một cô điếm đẹp hết chỗ chê. Trước sự ngạc nhiên của Dana nơi mà họ đi vào chỉ là tầng trên cùng của trạm thang máy đi xuống phía dưới. Họ vào thang máy và cánh cửa đóng sập vào. Lúc bắt đầu đi xuống, Dana hỏi: - Chúng ta đi đâu? - Xuống dưới núi. Thang máy tăng dần tốc độ. - Xuống có sâu không? - Dana hồi hộp hỏi. - Khoảng hơn một trăm mét. - Chúng ta đi một trăm mét xuống dưới núi? Tại sao? Ở dưới đó có cái gì? - Dana nhìn ông ta với vẻ ngờ vực. - Rồi cô sẽ biết. Vài phút sau thang máy bắt đầu giảm tốc độ. Cuối cùng nó dừng lại và cánh cửa tự động mở ra. - Chúng ta đến nơi rồi, cô Evans. - Nhưng đây là nơi nào? Họ đi được hơn sáu mét thì Dana đứng sững lại vì choáng váng. Nàng thấy mình đang nhìn xuống con phố của một thành phố hiện đại với những cửa hàng, hiệu ăn và nhà hát. Đàn ông và đàn bà đi bộ trên các vỉa hè và Dana chợt nhận ra không ai phải mặc áo khoác ngoài cả. Nàng bắt đầu thấy ấm dần lên. Dana quay sang Shdanoff. - Chúng ta đang ở dưới lòng núi à? - Đúng vậy? - Nhưng… - Nàng nhìn những cảnh tượng lạ thường trải ra trước mắt mình. - Tôi không hiểu. Đây là đâu? - Tôi đã nói rồi. Krasnoyarsk-26. - Một kiểu hầm tránh bom à? - Ngược lại như thế. - Shdanoff nói một cách khó hiểu. Dana lại nhìn những công trình hiện đại quanh mình. - Ông uỷ viên, nơi này được xây lên với mục đích gì? Ông ta ném cho Dana một cái nhìn gay gắt. - Tốt hơn là cô không nên biết những gì mà tôi không định nói cho cô. Dana cảm thấy cần phải cảnh giác. - Cô có biết gì về chất phóng xạ không? - Không nhiều lắm. - Chất phóng xạ chính là nhiên liệu của đầu đạn hạt nhân, yếu tố then chốt của vũ khí nguyên tử. Mục đích tồn tại duy nhất của Krasnoyarsk-26 là sản xuất chất phóng xạ. Một trăm nghìn nhà khoa học và kỹ thuật viên sống và làm việc ở đây, cô Evans. Họ được ăn các món ăn ngon nhất, mặc quần áo đẹp nhất và ở những căn nhà tiện nghi nhất. Nhưng cũng có một hạn chế duy nhất. - Vâng! - Họ phải đồng ý không bao giờ được rời khỏi đây. - Ý của ông… - Họ không thể đi ra ngoài. Không bao giờ. Họ phải cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dana nhìn những người đang đi trên con phố ấm áp và nghĩ, Điều này không thể là sự thật. - Họ sản xuất chất phóng xạ ở đâu? - Tôi sẽ chỉ cho cô. Một chiếc xe goòng đi tới. - Đi thôi. - Shdanoff lên xe và Dana lên theo ông ta. Họ đi xuống con đường chính và cuối cùng chui vào hệ thống đường hầm rắc rối. Dana nghĩ đến những công việc phi thường và bao nhiêu năm dài đằng đẵng bỏ ra để xây dựng nên thành phố này. Vài phút sau đèn trong hầm bắt đầu sáng lên và chiếc xe goòng dừng lại. Họ đang ở trước một phòng thí nghiệm khổng lồ, sáng rực rỡ. - Xuống đi. Dana bước theo Shdanoff và kinh hoàng nhìn quanh. Trong hang động mênh mông là ba lò phản ứng khổng lồ. Hai cái đã im hơi lặng tiếng còn cái thứ ba vẫn tiếp tục hoạt động xung quanh nó là vô số các chuyên viên kỹ thuật. Shdanoff nói. - Ba lò phản ứng này có thể sản xuất đủ chất phóng xạ để cứ ba ngày là chế tạo được một quả bom nguyên từ - ông ta chỉ tay vào lò đang hoạt động. - Mỗi năm nó vẫn cho ra đời nửa tấn chất phóng xạ, đủ để làm một trăm quả bom. Khối lượng chất phóng xạ cất ở phòng bên trị giá đến vài chục tỷ đô la. Dana hỏi: - Ông uỷ viên, họ đã có ngần ấy rồi, tại sao còn sản xuất thêm làm gì nữa? - Họ không thể tắt lò phải ưng vì chất phóng xạ cung cấp nhiên liệu cho thành phố ngầm này. Lò phản ứng mà ngừng hoạt động là ở đây sẽ không còn ánh sáng, không còn sức nóng và mọi người sẽ bị chết rét một cách nhanh chóng. - Thật là kinh khủng, - Dana nói. - Nếu… - Khoan đã. Những gì tôi đã cho cô biết đang trở nên tồi tệ đi rất nhiều. Nền kinh tế nước Nga hiện nay không đủ sức trả tiền cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên làm việc ở đây. Đã nhiều tháng qua họ không được lĩnh lương. Những căn nhà xinh đẹp của họ đã xuống cấp nghiêm trọng và họ không có tiền sửa sang chúng. Tất cả tiện nghi đã mất hết. Mọi người ở đây đang trở nên chán nản cực độ. Có đã thấy điều nghịch lý chưa? Số phóng xạ ở đây trị giá hàng chục tỷ đôla, còn những người chế tạo ra chúng lại sắp sửa chết vì đói. Dana từ từ nói: - Và ông nghĩ là họ có thể bán chất phóng xạ cho các quốc gia khác? Ông ta gật đầu. - Trước khi Taylor Winthrop trở thành đại sứ ở Nga, đám bạn bè đã cho ông ta biết về Krasnoyarsl-26 và hỏi ông ta có muốn làm ăn không. Sau khi nói chuyện với những nhà khoa học ở đây, những người đang có cảm giác bị nhà nước của mình phản bội, ông ta đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Nhưng việc này rất phức tạp, và ông ta phải chờ đến khi mọi thứ được thu xếp đâu vào đấy. Ông ấy cứ như người điên. Ông ấy nói cái gì như là "ọi thứ đã được thu xếp đâu vào đấy". Dana thấy khó thở. - Ngay sau đó, Taylor Winthrop trở thành đại sứ của Mỹ ở Nga. Winthrop và đồng sự của ông ta cộng tác với vài nhà khoa học phản bội và họ bắt đầu buôn lậu chất phóng xạ cho mười hai quốc gia, bao gồm Libya, Iran, Iraq, Pakistan, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Sau khi mọi thứ đã được thu xếp! Chức đại sứ quan trọng với Taylor Winthrop bởi vì ông ấy phải điều hành công việc này. Ông uỷ viên tiếp tục. - Cũng dễ thôi, bởi vì một khối lượng chất phóng xạ nặng cỡ quả bóng tennis là đủ để sản xuất một quả bom hạt nhân, cô Evans ạ. Taylor Winthrop đã kiếm được hàng tỷ đôla. Họ tiến hành công việc rất sạch sẽ và không ai có mảy may nghi ngờ gì! - Giọng ông ta chua chát hơn. - Nước Nga đã trở thành một cửa hàng bánh kẹo, nhưng thay vì mua bánh kẹo, người ta có thể mua bom nguyên tử, xe tăng, máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa. Dana cố gắng tiêu hoá những gì nàng đang nghe. - Tại sao Taylor Winthrop bị giết? - Ông ta trở nên tham lam và quyết định làm một mình. Khi đồng sự của ông ta biết được chuyện này, hắn buộc ông ta phải chết. - Nhưng… nhưng tại sao lạí phải giết cả nhà ông ta? - Sau cái chết của vợ chồng Taylor Winthrop, cậu con trai Paul lại định tống tiền tay đồng sự kia, vậy là cậu ấy cũng phải chết. Rồi hắn ta quyết định sẽ không để một người con nào của Winthrop có cơ hội tìm hiểu về vụ chất phóng xạ này nên hắn ra lệnh giết luôn hai người kia và sắp xếp cái chết của họ trông giống như một vụ tai nạn. Dana nhìn ông ta hồi hộp: - Ai là đồng sự của Taylor Winthrop? Uỷ viên Shdanoff lắc đầu. - Bây giờ cô biết thế là đủ rồi, cô Evans. Tôi sẽ cho cô biết tên hắn khi cô đưa được tôi ra khỏi nước Nga. - Ông ta nhìn đồng hồ. - Chúng ta phải đi thôi. Dana quay lại nhìn lò phản ứng lần cuối cùng, cái lò vẫn đang sản xuất chất phóng xạ hai mươi bốn giờ một ngày. - Chính phủ Mỹ có biết gì về Krasnoyarsk-26 không? Shdanoff gật đầu. - Ồ, có. Họ sợ nó lắm. Uỷ ban năng lượng của nhà nước cô đang nỗ lực làm việc với chúng tôi để tìm cách giảm bớt tính chết chóc của những lò phản ứng này. Vậy mà… - ông ta nhún vai. Trong thang máy, Shdanoff hỏi: - Cô có quen thuộc với FRA không? Dana nhìn ông ta và thận trọng trả lời. - Có. - Họ cũng dính vào vụ này. - Cái gì? - Và sau đó nàng chợt nhận ra. Đó là lý do vì sao tướng Booster cảnh cáo mình nên tránh xa ra. Họ lên đến mặt đất và ra khỏi thang máy Shdanoff nói. - Tôi có một căn hộ ở đây. Chúng ta sẽ tới đó. Khi họ bắt đầu đi dọc theo con phố, Dana trông thấy một phụ nữ cũng ăn mặc như nàng, đang khoác tay một người đàn ông. - Người đàn bà đó… - Tôi đã nói với cô rồi. Một vài người được đưa gái làm tiền vào đây trong ngày. Nhưng đến đêm đám gái này phải về khu vực được canh gác. Họ không được biết chuyện gì xảy ra đây. Khi họ đi, Dana nhận thấy đa số các cửa hàng đều trống rỗng. Tất cả tiện nghi đã mất hết. Nền kinh tế nước Nga hiện nay không đủ sức trả tiền cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên làm việc ở đây. Đã nhiều tháng qua họ không được lĩnh lương. Dana nhìn lên toà nhà cao tầng ở góc đường và nhận ra một dụng cụ kỳ lạ gắn. Ở trên cao thay cho vị trí của một chiếc đồng hồ. - Cái gì vậy? - Máy đo Geiger, dùng để cảnh báo trong trường hợp các lò phản ứng sinh chuyện. - Họ rẽ vào một phố toàn là các căn hộ. - Căn hộ của tôi ở đây. Chúng ta phải ở đây một lát để không ai nghi ngờ gì. FBS kiểm tra tất cả mọi người. - FBS à? - Ừ. Cũng còn được gọi là KBG. Họ đổi tên, nhưng đó cũng là tất cả những gì họ thay đổi. Căn hộ rộng rãi và cũng đã một thời tiện nghi, nhưng bây giờ thì trở nên tồi tàn. Rèm cửa bị rách, các tấm thảm đã sờn, đồ đạc cũ kỹ. Dana ngồi xuống, nghĩ đến những gì Sasa Shdanoff nói về FRA. Jeff đã từng bảo nàng. Đó chỉ là cái vỏ bọc, mục đích chính của họ là theo dõi sự phát triển công nghệ nước ngoài. Taylor Winthrop đã từng lãnh đạo FRA, làm việc với tướng Booster. Mình sẽ tránh tướng Booster càng xa càng tốt. Và cuộc gặp của nàng với Boosdter. Bọn phóng viên khôn nạn các người không thể để cho người chết yên nghỉ được sao? Tôi cảnh cáo cô nên tránh xa địa ngục ra. Tướng Vitor Booster có cả một tổ chức bí mật để thực hiện những vụ giết người. Và Jack Stone đang cố bảo vệ nàng. Hãy cẩn thận. Nếu Victor Booster biết tôi đã nói chuyện với cô… Mật thám của FRA ở khắp mọi nơi và Dana chợt thấy mình thật trần trụi. Sasa Shdanoff nhìn đồng hồ. - Đến giờ về rồi. Cô đã biết làm cách nào để đưa tôi ra khỏi đất nước này chưa? - Rồi. - Dana chậm rãi nói. - Tôi nghĩ là tôi đã biết cách sắp xếp. Nhưng tôi cần chút ít thời gian. Khi máy bay hạ cánh xuống Moscow, có hai chiếc xe chờ sẵn. Shdanoff trao cho Dana một mấu giấy. - Tôi đang ở cùng một người bạn ở khu Chiaka. Không ai biết tôi ở đó. Đó là nơi mà các cô gọi là "căn nhà an toàn". - Đây là địa chỉ. Tôi không thể về nhà mình nữa. Tám giờ tối mai cô đến địa chỉ này. Tôi phải biết kế hoạch của cô. Dana gật đầu. - Được. Tôi phải gọi cú điện đã. Về đến đại sảnh của khách sạn Soyuz, người đàn bà ngồi sau bàn cứ nhìn Dana chằm chằm. Mình không trách bà ta. Mình phài đi thay ngay cái đồ quỷ này đã. Trong phòng nàng, Dana thay quần áo trước khi gọi điện. Nàng thầm cầu nguyện khi nghe bên kia đổ từng hồi chuông dài. Nhanh lên. Nhanh lên. Rồi giọng của Cerar vang lên: - Nhà riêng của ông Hudson. - Cesar, ông Hudson có nhà không? - Dana thấy mình như ngừng thở. - Cô Evans. Rất vui khi nghe thấy giọng cô. Có, ông Hudson có nhà. Cô chờ cho giây lát. Người Dana như nhẹ bẫng đi. Nếu ai có thể giúp Sasa Shdanoff trốn sang Mỹ thì Roger Hudson chính là người đó. Một lát sau nàng nghe thấy giọng ông ta. - Dana? - Roger, ồ, cảm ơn Chúa vì đã gặp được ông. - Chuyện gì vậy? Cô không sao chứ? Cô đang ở đâu? - Ở Moscow. Tôi đã tìm ra nguyên nhân Taylor Winthrop và gia đình ông ta bị sát hại! - Cái gì? Lạy Chúa. Làm sao cô… - Tôi sẽ kể hết khi gặp được ông. Roger, tôi rất ngại nhưng tôi lại phải làm phiền ông một lần nữa. Có một nhân vật quan trọng người Nga muốn trốn sang Mỹ. Ông ta tên là Sasa Shdanoff. Mạng sống của ông ta đang gặp nguy hiểm.ông ta biết được câu trả lời cho tất cả những chuyện đã xảy ra. Chúng ta phải nhanh chóng đưa ông ta đi. Ông có giúp được không? - Dana, không ai trong chúng ta nên dính vào những chuyện như vậy. Có thể cả hai sẽ gặp rắc rối to đấy. - Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này. Chúng ta không có sự chọn lựa nào khác nữa. Chuyện này rất quan trọng. Nó phải được thực hiện. - Tôi không thích thế, Dana. - Xin lỗi vì đã lôi kéo ông vào, nhưng tôi không còn biết trông cậy vào ai khác. - Mẹ kiếp, tôi… - Ông ta dừng lại. - Thôi được. Điều tốt nhất nên làm ngay lúc này là đưa ông ta đến đại sứ quán Mỹ. Ở đó ông ta sẽ được an toàn cho đến khi chúng ta làm xong kế hoạch đưa ông ta qua Mỹ! - Ông ta không muốn vào đại sứ quán Mỹ. Ông ta không tin họ. - Thế thì không còn cách nào khác. Tôi sẽ gọi điện cho ông đại sứ và bảo ông ta lo bảo vệ Shdanoff. Ông ta hiện giờ đang ở đâu? - Ông ta đợi tôi ở khu Chiaka. Ông ta sống cùng người bạn. Tôi sẽ đến đó gặp ông ta, lát nữa thôi. - Cũng được, Dana, đón ông ta xong, hãy đi thẳng đến đại sứ quán. Đừng dừng lại ở bất kỳ chỗ nào. Dana thấy nhẹ cả người. - Cảm ơn, Roger. Ý tôi là cám ơn ông rất nhiều. - Cẩn thận nhé, Dana. - Vâng. - Chúng ta sẽ nói chuyện sau. "Cảm ơn, Roger. Ý tôi là cảm ơn ông rất nhiều Cẩn thận nhé, Dana. "Vâng. "Chúng ta sẽ nói chuyện sau. Hết băng. * * * * * Bảy giờ ba mươi, Dana luồn ra ngoài khách sạn Soyuz bằng lối dành cho nhân viên. Nàng đi xuống một ngõ nhỏ, run rẩy trong cơn gió cắt da cắt thịt. Dana cài chặt áo khoác nhưng cái lạnh vẫn ngấm vào tận xương tuỷ. Nàng đi bộ qua hai đoạn phố, chắc chắn rằng mình không bị ai theo dõi. Tới ngã tư đông người đầu tiên, nàng vẫy một chiếc taxi và cho tài xế địa chỉ mà Sasa Shdanoff đã đưa nàng. Mười lăm phút sau chiếc xe dừng lại trước một toà cao ốc bình thường. - Tới đợi cô chứ? - Không. Shdanoff có thể cũng có xe. Dana lấy vài đôla trong túi đưa ra và người tài xế gần như vồ lấy chúng. Nàng nhìn theo chiếc xe đi khỏi rồi bước vào bên trong toà nhà. Hành lang vắng tanh. Nàng nhìn mảnh giấy trong tay mình, căn hộ 2B. Nàng đi lên cầu thang và tới tầng hai. Không có ai quanh đó cả. Hành lang dài đang trải rộng ra trước mắt nàng. Dana bắt đầu chậm rãi đi dọc nó, nhìn những con số trên các cánh cửa. 5BE… 4BE… 3BE… Cửa căn hộ 2BE chỉ khép hờ. Dana cảm thấy căng thẳng. Rất cẩn thận nàng đẩy nó ra và bước vào. Căn hộ tối om. - Ông uỷ viên…? Nàng chờ đợi. Không có tiếng trả lời. - Uỷ viên Shdanof! Bầu không khí im lặng nặng nề. Trước mặt nàng là phòng ngủ và Dana tiến về phía đó. - Uỷ viên Shdanoff? Lúc Dana bước vào phòng ngủ tối om, nàng vấp phải một vật gì và ngã xuống đất. Nàng đang nằm trên một thứ mềm mềm và ẩm ướt. Tràn đầy nỗi sợ hãi, Dana cố gắng bò dậy. Nàng lần dọc theo tường cho đến khi sờ tay được vào cái công tắc. Nàng bấm nó và cả căn phòng bỗng tràn ngập ánh sáng. Tay nàng đầy những máu. Vật mà nàng đã vấp phải chính là cái xác của Sasa Shdanoff. Ông ta nằm ngửa, ngực đầm đìa máu, cổ họng bị một nhát cắt dài từ bên này sang bên kia. Dana rú lên. Cùng lúc đó nàng nhìn lên giường và thấy xác của một phụ nữ trung niên với cái túi nylon trùm kín đầu. Dana thấy mình như muốn quỵ xuống. Thu hết sức lực, nàng quay người và chạy như điên xuống cầu thang. Hắn ta đứng tại cửa sổ căn hộ trong toà cao ốc đối diện, lắp đạn vào khẩu AR - 7 có ống giảm thanh. Hắn sử dụng ống ngắm loại 3-6, đạt độ chính xác tuyệt đối trong phạm vi sáu mươi mét. Hắn làm việc này một cách từ tốn với tác phong của một tay chuyên nghiệp. Đây quả là công việc đơn giản. Người đàn bà kia sẽ ra khỏi toà cao ốc trong vài phút tới. Hắn mỉm cười khi nghĩ đến sự kinh hoàng của cô ta lúc phát hiện ra hai cái xác đẫm máu. Và bây giờ thì đến lượt cô ta. Cửa toà cao ốc bên kia mở tung ra và hắn cẩn thận tì khẩu súng vào vai. Qua ống ngắm, hắn thấy gương mặt Dana khi nàng chạy ào ra phố, nhìn quanh một cách kinh hoàng, cố xác định xem mình phải đi đường nào. Hắn cẩn thận cho nàng lọt vào đúng tầm ngắm rồi mới nhẹ nhàng đẩy cò. Ngay lúc đó, một chiếc xe bus đỗ xịch trước toà nhà và đường đi của loạt đạn đụng ngay vào nóc chiếc xe làm văng cả một mảnh trần xe xuống đất. Tay sát thủ nhìn xuống với vẻ hoài nghi. Một vài viên khác đập vào bức tường của toà nhà còn mục tiêu thì không hề hấn gì. Đám đông vừa ùa ra khỏi xe vừa la hét rầm trời. Hắn biết phải rời khỏi chỗ này ngay. Cô ta vẫn đang chạy trên phố. Không sao cả. Những người khác sẽ giải quyết cô ta. Dana đang ở trong sự kinh hoàng tột độ và nàng không còn biết đến cái rét thấu xương cũng như con gió quất ào ào vào mặt. Chạy qua hai đoạn phố, nàng trông thấy một khách sạn và nhảy vội vào. - Điện thoại? - Nàng nói với nhân viên đứng sau quầy. Anh ta nhìn bàn tay đẫm máu của nàng và lùi lại. - Điện thoại? - Dana gần như hét lên. Một cách sợ hãi, anh ta chỉ tay vào buồng điện thoại ở góc tiền sảnh. Dana vội vã đi tới. Nàng rút ra một cái thẻ và bằng những ngón tay run rẩy, nàng bấm số tổng đài. - Tôi muốn gọi điện về Mỹ. - Tay nàng vẫn còn run lên. Qua hàm răng lập cập, nàng đọc cho tổng đài số thẻ của mình và số điện thoại của nhà Roger Hudson. Sau quãng thời gian chờ đợi tưởng như vô tận, Dana nghe thấy giọng Cesar. - Nhà ông Hudson. - Cesar? Cho tôi gặp ông Hudson. - Giọng nàng nghẹn lại. - Cô Evans? - Nhanh lên, Cesar, nhanh lên! Một phút sau là giọng của Roger. - Dana? - Roger? - Nước mắt đang rơi trên má Dana. - Ông ấy… ông ấy chết rồi. Họ g… giết ông ấy và bạn ông ấy. - Cái gì? Lạy Chúa, Dana. Tôi không biết… cô có bị thương không? - Không… nhưng họ đang định giết tôi. - Bây giờ cơ nghe kỹ nhé. Đêm nay sẽ có chuyến bay của Air France đi Washington. Tôi sẽ đặt chỗ cho cô. Nhớ đừng để bị theo dõi. Đừng đi taxi ra sân bay. Cô đi thẳng đến khách sạn Metropol. Khách sạn này có tuyến xe bus thường trực ra sân bay. Nhớ đi lẫn vào đám đông. Tôi sẽ đợi cô ở Washington khi cô đến nơi. Vì Chúa, cô phải hết sức cẩn thận! - Vâng, Roger. Cảm ơn ông. Dana dập máy. Nàng đứng bất động ở đó hồi lâu, không thể xua đi hình ảnh hai cái xác đẫm máu của Shdanoff và bạn ông ta ra khỏi đầu. Rồi nàng hít một hơi dài, ra khỏi buồng điện thoại, đi qua cặp mắt nghi ngờ cửa nhân viên lễ tân và bước ra ngoài màn đêm lạnh giá. Một chiếc taxi đỗ xịch bên cạnh nàng và tay tài xế ló đầu ra hỏi nàng bằng tiếng Nga. - Không, Dana trả lời. Nàng bắt đầu bước nhanh trên phố. Nàng phải về khách sạn Soyuz đã. Roger dập máy, ông ta thấy Pamela xuất hiện trên ngưỡng cửa. - Dana từ Moscow gọi điện về hai lần. Cô ta đã biết tại sao cả nhà Winthrop bị giết. - Vậy thì chúng ta phải cho cô ta đi xa ngay lập tức, - Pamela nói. - Anh đã làm rồi. Anh giao việc này cho một tay bắn tỉa, nhưng đã có cái gì đó nhầm lẫn. Pamela nhìn ông ta với vẻ coi thường. - Anh ngốc lắm. Gọi lại cho họ đi. Và, Roger…? - Gì cơ? - Bảo họ làm sao cho giống một vụ tai nạn. Chương 23 Ở Raven Hill, một tấm bảng báo hiệu CẤM VÀO màu đỏ và một hàng rào kín loại cao ngất được dựng lên để ngăn cách tổng hành dinh của FRA tại Anh với thế giới bên ngoài. Bên trong những căn hẩm được canh giác nghiêm ngặt là hàng loạt các dụng cụ tối tân phục vụ cho công tác nghe lén và kiểm tra hệ thống tín hiệu toàn cầu cũng như trong cả nước Anh. Trong toà nhà trung tâm của cơ quan này, bốn người đàn ông đang nhìn vào một màn hình lớn. - Xem cô ta thế nào, Scotty. Họ theo dõi cảnh trên màn hình thay đổi trong khi chiếc ăng ten từ từ chuyển động. Một lát sau, hình ảnh Dana vào phòng khách sạn Soyuz xuất hiện trên màn hình. - Cô ta về rồi. - Họ quan sát Dana rửa đôi tay vấy máu một cách vội vàng và bắt đầu cởi quần áo. - Này, lại nữa này. - Một người cười to. Họ chăm chú xem nàng thay đồ. - Ôi, tôi thích được ăn cô ta quá. Một người nữa bước vào. - Đừng, trừ khi cậu thích ăn thịt người chết, Charlie ạ. - Anh nói cái gì vậy? - Cô ta sắp gặp phải một tai nạn thảm khốc. Dana mặc xong quần áo rồi nhìn đồng hồ. Vẫn còn thừa thời gian để đến khách sạn Metropol và ra sân bay. Với nỗi sợ hãi mỗi lúc một tăng nàng chạy vội xuống lầu. Không thấy người đàn bà mập đâu cả. Dana bước ra ngoài đường. Trời càng lúc càng lạnh hơn. Gió vẫn thổi dữ dội. Một chiếc taxi đỗ trước mặt nàng. - Taxi. Đừng đi taxi. Đi thẳng đến khách sạn Metropol. Khách sạn này có tuyến xe bus thường trực ra sân bay. - Không. Dana bắt đầu đi bộ dọc theo con phố phủ đầy tuyết. Mọi người chen nhau vượt qua nàng, vội vã trở về nhà hoặc văn phòng ấm áp. Khi Dana đi tới một ngã tư đông đúc, dừng lại trước đèn đỏ, bất thình lình nàng lĩnh nguyên một cú đẩy thô bạo từ phía sau và cả người nàng nhào ra lòng đường, ngay trước mũi một chiếc xe tải đang lao tới. Nàng chới với trên mặt đường đóng băng rồi ngã ngửa ra, kinh hoàng nhìn chiếc xe khổng lồ sắp sửa nghiến lên người mình. Vào giây cuối cùng đó, người tài xế mặt trắng bệch cố đánh mạnh tay lái sang một bên và bánh xe lướt qua người Dana trong gang tấc. Trong một khoảng khắc, Dana nằm trong bóng tối, tai ù đặc vì tiếng động cơ xe, tiếng lốp xe kéo lê lên trên mặt đường đến chói cả tai. Bỗng nhiên nàng lại trông thấy bầu trời. Chiếc xe tải đã đi xa. Dana chuếnh choáng ngồi dậy. Mọi người xúm vào đỡ nàng đứng lên. Nàng nhìn quanh để tìm kẻ đã đẩy mình, nhưng giờ đây hắn có thể là bất kỳ ai trong đám đông này. Dana hít những hơi dài và cố lấy lại bình tĩnh. Đám đông vây quanh nàng đang nói to bằng tiếng Nga. Họ lại bắt đầu làm nàng sợ. - Khách sạn Metropol? - Dana hy vọng hỏi. - Một nhóm thanh niên tiến tới. - Được rồi. Chúng tôi đưa cô đi. Tiền sảnh của khách sạn Metropol khá ấm áp, tràn ngập khách du lịch và dân kinh doanh. Đi lẫn vào đám đông. Tôi sẽ đợi cô ở Washington khi cô đến nơi. Dana hỏi một nhân viên: - Khi nào thì có chuyến xe bus kế tiếp ra sân bay? - Ba mươi phút nữa, thưa cô! - Cảm ơn. Nàng ngồi xuống ghế, thở một cách nặng nhọc, cố xua đi nỗi kinh hoàng vẫn còn đọng lại trong đầu. Ai đang định giết nàng và tại sao? Kemal vẫn bình yên chứ? Người nhân viên đến bên Dana: - Xe bus đến rồi. Dana là người đầu tiên lên xe. Nàng ngồi vào ghế cuối cùng và ngắm nghía gương mặt của các hành khách. Họ là khách du lịch đến từ nhiều nước khác nhau ở châu u, châu Á, châu Phi và vài người từ châu Mỹ. Một người đàn ông ngồi ở dãy ghế bên kia nhìn nàng chằm chằm. Trông hắn quen quá, Dana nghĩ. Hay là hắn đang theo dõi mình? Nàng thấy mình đã quá lo lắng. Một giờ sau khi đến sân bay Sheremetyevo II, Dana là người cuối cùng xuống xe. Nàng đi vào phòng làm thủ tục và tiến về phía quầy của Air France. - Tôi có thể giúp gì? - Xin hỏi chỗ của Dana Evans đã được đặt chưa? Dana cố ghìm hơi thở. Anh ta xem qua tờ danh sách. - Rồi. Vé của cô đây. Nó đã được thanh toán. Cám ơn Roger. Cảm ơn. - Chuyến bay mang số hiệu 220. Một giờ mười phút nữa cất cánh. - Ở đây có phòng chờ. - Dana định nói với đông người - Tôi có thể nghỉ ở đâu? - Hết hành lang này rồi rẽ phải. - Cảm ơn. Phòng chờ khá đông người. Không có gì tỏ ra bất thường hay đe doạ cả. Dana ngồi xuống. Chỉ một lát nữa thôi nàng sẽ trên đường về Mỹ và sẽ được an toàn. "Chuyến bay của hãng hàng không Air France đi Washington D.C mang số hiệu 220 ở cửa số ba. Mời hành khách cầm sẵn trên tay hộ chiếu và vé máy bay". Dana đứng dậy và đi về phía cửa số ba. Một người đàn ông quan sát nàng từ quầy của Aeroflot nói vào điện thoại di động. - Mục tiêu chuẩn bị lên máy bay. Roger Hudson nhấc điện thoại lên và quay số. - Cô ta đi chuyến bay số 220 của Air France. Tôi muốn xong cô ta ngay tại sân bay. - Ông muốn làm theo cách nào? - Theo tôi thì là một vụ tai nạn xe cộ và hung thủ bỏ trốn. * * * * * Họ đang bay ở độ cao mười lăm cây số so với mực nước biển, trên bầu trời quang đãng không một gợn mây. Trên máy bay không còn ghế trống nào. Một người Mỹ ngồi bên cạnh Dana. - Gregory Price, - anh ta nói. - Tôi đi công chuyện. Anh ta khoảng bốn mươi, gương mặt dài khoằm khoặm, cặp mắt màu xám nhạt để ria mép. - Đất nước mà chúng ta vừa rời khỏi thế nào nhỉ? "Mục đích tồn tại duy nhất của Krasnoyarsk-26 là sản xuất chất phóng xạ, yếu tố then chốt của vũ khí nguyên tử. Người Nga thì chắc chắn khác chúng ta rồi, nhưng sau một thời gian thì cô sẽ quen với họ thôi. Một trăm ngàn nhà khoa học và kỹ thuật viên sống và làm việc ở đây". - Rõ ràng là họ nấu ăn không giống người Pháp. Mỗi lần sang đây tôi đều phải mang đồ ăn theo! Họ không thể đi ra ngoài. Không ai đến thăm họ. Họ phải cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. - Cô sang Nga làm việc à? Dana trở về với thực tại. - Du lịch. Anh ta ngạc nhiên nhìn nàng. - Đi du lịch Nga vào thời tiết chết tiệt này sso? Lúc các chiêu đãi viên mang bữa ăn nhẹ ra cho hành khách, Dana định từ chối nhưng nàng chợt nhận ra mình đang đói meo. Nàng không thể nhớ đã ăn bữa cuối cùng vào lúc nào. Gregory Priee nói. - Nếu cô muốn một ly rượu ngô, thì tôi dang có một chai xịn đây, thưa cô. - Không, cảm ơn. - Nàng nhìn đồng hồ. Vài tiếng nữa thôi là máy bay sẽ hạ cánh. Khi chiếc máy bay của Air France ngừng hẳn trên sân bay Dulles, có bốn người đàn ông đứng quan sát các hành khách lần lượt bước ra khỏi máy bay. Họ đứng đó, tự tin, biết chắc rằng nàng không thể nào trốn thoát. Một người nói: - Cậu chuẩn bị kim tiêm chưa? - Rồi! - Đưa cô ta đến công viên Rock Creek. Ông chủ muốn có một vụ tai nạn giao thông. - Được! Cặp mắt họ quay trở lại phía cửa máy bay. Hành khách vẫn nốỉ tiếp bước ra, dừng lại mặc áo len, áo da, đội mũ len, đeo găng rồi đi tiếp. Dòng người củối cùng cũng kết thúc. Một người cau mày. - Để tôi xem cái gì giữ chân cô ta lại. Hắn ta chạy vào đường dốc dẫn đến cửa máy bay. Tổ lao công đang bận biu với công việc. Hắn ta bước vào, len lỏi giữa hai hàng ghế. Không có dấu hiệu của hành khách nào nữa. Hắn mở cửa toilet. Bên trong trống không. Hắn đi vội ra gặp tiếp viên trưởng đang chuẩn bị rời khỏi, Dana Evans ngồi ở chỗ nào? Cô ta ngạc nhiên nhìn hắn. - Dana Evans? Cô phát thanh viên trên TV à. - Đúng! - Cô ấy không có mặt trên chuyến bay này. Mong là cô ấy sẽ đi các chuyến bay của tôi. Tôi rất thích được gặp cô ấy. Gregory Plice vẫn nói với Dana: - Cô có biết đỉều tuyệt nhất trong ngành kinh doanh gỗ là gì không? Đó là các sản phẩm của cô tự phát triển. Vâng, ngài chỉ việc ngồi yên và xem, Mẹ Thiên nhiên sẽ mang tiền về cho ngài. Giọng nói vang lên từ trong loa. "Chúng tôi sẽ hạ cánh xuống sân bay ở Hare, Chicago trong vài phút nữa. Xin quý khách vui lòng dựng lưng ghế thẳng lên và cài dây an toàn". Người phụ nữ ngồi ở hàng ghế đối diện nàng nói với vẻ bất cần. - Ừ, dựng lưng ghế thẳng lên. Có chết thì tôi cũng chẳng thèm ngả người ra lấy một phút. Từ "chết" làm Dana giật nảy mình. Nàng có thể nghe thấy âm thanh của loạt đạn găm vào tường và cảm thấy bàn tay đã đẩy mình vào mũi ôtô. Nàng rùng mình khi nghĩ đến chuyện hai lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Vài giờ trước, lúc còn ngồi trong phòng chờ ở sân bay Sheremetyevo II, Dana đã tự nhủ rằng mọi chuyện sắp yên ổn cả rồi. Người tốt bao giờ cũng thắng. Nhưng một cuộc nói chuyện với ai đó cứ có cái gì làm nàng băn khoăn. Phải chăng là với Matt? Hay uỷ viên Shdanof. Tim Drew? Dana càng cố nhớ lại càng không nhớ được. Tiếng thông báo của nhân viên sân bay vang lên trong loa: "Chuyến bay của hãng hàng không Air France đi Washington D.C mang số hiệu 220 ở cửa số ba. Mời hành khách cầm sẵn hộ chiếu và vé máy bay ra tay". Dana đứng dậy và đi về phía cửa. Lúc sắp đưa vé cho người gác, nàng bỗng nhớ ra đó là cái gì. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của nàng với Sasa Shdanoff. Không ai biết tôi ở đó. Đó là nơi mà các cô gọi là "Căn nhà an toàn". Người duy nhất mà nàng tiết lộ chỗ ở của Shdanoff là Roger Hudson. Và ngay sau đó, Shdanoff bị giết. Và ngay từ đầu Roger Hudson đã nói bóng gió đến một mối quan hệ mờ ám giữa Taylor Winthrop với người Nga. Lúc tôi còn ở Moscow có tin đồn là Taylor Winthrop dính vào vài vụ làm ăn cá nhân với người Nga… Trước khi Taylor Winthrop trở thành đại sứ ở Nga, ông ấy có bảo các bạn mình rằng ông ấy đã dứt khoát về hưu… Taylor Winthrop đã gây áp lực với Tổng thống để được bổ nhiệm vào chức đại sứ… Nàng đã thông báo cho Roger và Pamela mọi hoạt động của mình. Và họ đã theo dõi nàng sát sao. Chỉ vì một lý do duy nhất: Roger Hudson chính là đồng sự của Taylor Winthrop. * * * * * Khi chiếc máy bay của American Airlines hạ cánh xuống sân bay O Hare ở Chicago, Dana nhòm qua cửa sổ xem có điều gì đáng nghi không. Không có gì cả: Mọi thứ vẫn bình thường. Nàng hít một hơi dài và rời khỏi máy bay. Thần kinh của nàng căng ra như dây đàn. Nàng luôn cố đi lẫn vào giữa đám đông, đứng cùng với đám đông. Nàng phải thực hiện một cuộc gọi khẩn. Trong suốt chuyến bay, một điều khủng khiếp chợt loé lên trong đầu làm nàng thấy sự nguy hiểm của bản thân không còn quan trọng nữa. Kemal. Nếu nó cũng đang bị nguy hiểm vì nàng thì sao? Nàng không chịu đựng nổi ý nghĩ có chuyện gì xảy ra với nó. Nàng phải tìm người bảo vệ Kemal. Ngay lập tức, nàng nghĩ đến Jack Stone. Anh ta ở trong một tổ chức có đủ quyền lực để cho nàng và Kemal một sự bảo vệ cần thiết và nàng tin chắc rằng anh ta sẽ thu xếp chuyện này. Anh ta đã tỏ ra thông cảm với nàng ngay từ thời gian đầu. Anh ta thật sự không phải là người của bọn chúng. Tôi đang cố tránh xa vụ này. Đó là cách tốt nhất tôi có thể giúp cô, nếu cô hiểu ý tôi. Dana đi tới một góc vắng trong phòng đón khách, lục tìm trong túi và lôi ra số điện thoại riêng mà Jack Stone đã đưa. Nàng bấm số. Anh ta trả lời ngay. - Jack Stone đây. - Tôi là Dana Evans. Tôi đang gặp rắc rối. Tôi cần anh giúp. - Chuyện gì xảy ra thế? Dana có thể nghe thấy giọng anh ta đầy vẻ quan tâm. - Bây giờ tôi không thể nói, nhưng có người đang theo dõi tôi, tìm cách giết tôi. - Tôi không biết. Nhưng về con nuôi tôi, Kemal, tôi lo cho nó quá. Anh có thể giúp tôi cho người đến bảo vệ nó? Anh ta trả lời ngay. - Cứ để cho tôi. Giờ này nó ở nhà chứ? - Vâng. - Tôi sẽ cho người đến. Thế còn cô thì sao? Cô nói có ai đang định giết cô à? - Vâng. Họ đã làm hai lần rồi. Một khoảnh khắc im lặng. - Để tôi xem mình có thể làm được gì. Cô đang ở đâu? - Sân bay O Hare, Chicago, phòng đón khách của American Airlines, và tôi không biết lúc nào mới có thể rời khỏi chỗ này. - Cô cứ ở ngay đấy. Tôi sẽ cho người đến bảo vệ cô. Cô không phải lo cho Kemal đâu. Dana thấy nhẹ cả người. - Cảm ơn. Cảm ơn anh. Nàng gác máy. Trong văn phòng của mình ở FRA, Jack Stone gác máy. Anh ta ấn nút của hệ thống liên lạc nội bộ. - Mục tiêu vừa gọi điện. Cô ta ở trong phòng đón khách của Ameriean Airlines ở O Hare. Bắt cô ta lại. - Vâng. Jack Stone quay sang một người phụ tá. - Khi nào tướng Booster từ Viễn Đông trở về? - Chiều hôm nay. - Được, rời khỏi đây ngay trước khi lão ta biết chuyện gì đang xảy ra. Chương 24 Chuông điện thoại di động của Dana reo lên. - Jeff! - Chào em yêu. Giọng của anh như một tấm chăn bao bọc quanh nàng, sưởi ấm cho nàng. - Ồ, Jeff! - Nàng thấy mình đang run lên. - Em thế nào? - Em thế nào ư? Em đang chạy trốn tử thần đây. Nhưng nàng không thể cho anh biết điều đó. Bây giờ anh chẳng có cách nào giúp được nàng. Đã quá muộn rồi. - Em… em bình thường, anh yêu ạ. - Em đang ở đâu, hả người đi du lịch thế giới? - Em ở Chicago. Mai em sẽ về Washington. Khi nào thì anh về với em. Rachel sao rồi? - Cô ấy có vẻ tạm ổn. - Em nhớ anh. Cửa phòng ngủ của Rachel bật mở và cô bước ra ngoài phòng khách. Cô định gọi Jeff nhưng dừng lại ngay khi thấy anh đang gọi điện thoại. - Em không thể tưởng tượng anh nhớ em nhiều đến thế nào đâu, Jeff nói. Ôi em yêu anh nhiều. Một người đàn ông đứng gần đó có vẻ như đang quan sát nàng. Tim Dana bắt đầu đập mạnh. - Anh yêu, nếu có chuyện gì xảy ra với em… hãy nhớ rằng em… - Với Jeff, cảnh giác ngay. - Ý của em là chuyện gì xảy ra - Không có gì. Em… em không thể nói rõ vào lúc này, nhưng em chắc rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi thôi. - Dana, em không thể để bất cứ chuyện gì xảy ra với mình được. Anh cần em. Anh yêu em hơn tất cả những người khác trong đời. Mất em, anh không thể… Rachel lắng nghe thêm một lát rồi nhẹ nhàng trở về phòng ngủ và đóng cửa lại. Dana và Jeff nói chuyện thêm mười phút nữa. Khi dập máy, nàng đã thấy khá hơn. Cũng may là mình đã có cơ hội nói lời từ biệt. Nàng ngước lên và thấy người lúc nãy vẫn đang quan sát mình. Không thể nào người của Jack Stone lại đến sớm như vậy. Mình phải ra khỏi chỗ này. Nỗi lo sợ của nàng lại trào lên. Người đàn ông trong căn hộ kế bên gõ cửa nhà Dana. Bà Daley ra mở cửa. - Chào. - Giữ Kemal ở nhà. Chúng tôi sắp cần đến nó. - Cứ để đấy tôi lo! - Bà Daley đóng cửa lại và gọi Kemal. - Cháo của cháu xong rồi này! Bà Daley nhấc bát cháo ra khỏi bếp, mở ngăn kéo cuối cùng nơi chất đầy các gói thuốc ngủ hiệu Buspar. Hơn mười hai gói đã hết sạch. Bà ta mở hai gói mới, lưỡng lự rồi lấy thêm một gói nữa, trộn lẫn thuốc bột trong gói với cháo rồi bỏ đường vào, mang ra ngoài phòng ăn. Kemal từ phòng của nó bước ra. - Cháu đây rồi. Cháo còn nóng, cháu ăn đi kẻo nguội. - Cháu không đói lắm. - Cháu phải ăn, Kemal. - Giọng bà ta nghiêm lại như đe doạ nó. - Chúng ta không muốn cô Dana thất vọng, phải không nào. - Vâng. - Tốt. Bà tin là cháu sẽ ăn đến thìa cuối cùng vì cô Dana, - Kemal ngồi xuống và bắt đầu ăn. Nó sẽ ngủ khoảng sáu tiếng. Bà Daley tính toán. Rồi lúc đó mình sẽ biết họ muốn mình làm gì với nó. Dana chạy nhanh khỏi sân bay cho đến lúc đi ngang một cửa hàng quần áo lớn. Mình phải che giấu nhận dạng mới được. Nàng vào trong và nhìn quanh. Mọi thứ có vẻ bình thường. Các khách hàng vẫn bận rộn với việc mua sắm còn đám nhân viên thì trông chừng họ. Nhưng khi Dana nhìn ra cửa, nàng bỗng thấy sởn gai ốc. Hai bóng đàn ông đang đứng ở hai bên lối ra vào. Một người cầm chiếc bộ đàm trong tay. Làm sao họ có thể tìm được mình ở Chicago? Dana cố kiềm chế nỗi sợ hãi. Nàng quay sang một nhân viên. - Ở đây có lối ra nào khác không? Cô ta lắc đầu. - Xin lỗi, thưa cô. Lối ra đó chỉ dành cho nhân viên. Cổ họng Dana khô khốc. Nàng lại nhìn hai bóng người kia. Mình phải chạy trôn, Dana nghĩ một cách liều lĩnh. Thế nào cũng được. Bỗng nhiên nàng giật một chiếc áo trên giá và rảo bước về phía cửa. - Đợi đã! - Người nhân viên kêu lên. - Cô không thể… Dana vẫn tiếp tục đi tới và hai người đàn ông bắt đầu tiến về phía nàng. Khi Dana bước qua cửa, bộ phận cảm biến gắn ở miếng sắt đề giá của cái áo kêu ré lên. Một người bảo vệ chạy ra. Hai người đàn ông nhìn nhau và lùi lại - Đợi đã, thưa cô, - anh ta nói. - Cô phải đi vào trong với tôi! - Tại sao? - Dana phải kháng. - Tại sao à? Tại vì ăn cắp ở cửa hàng là vi phạm pháp luật. Anh ta nắm lấy tay nàng và kéo nàng trở lại. Hai người đàn ông đứng đó, nhìn nhau bất lực. Dana mỉm cười với người bảo vệ. - Được rồi. Tôi nhận tội. Tôi đã ăn cắp. Đưa tôi vào trại giam đi. Những người mua hàng bắt đầu dừng lại xem chuyện gì xảy ra. Viên quản lý vội vã đi tới. - Chuyện gì thế này. - Tôi bắt quả tang người phụ nừ này lấy cắp quần áo trong cửa hàng. - Ờ vậy thì tôi e là chúng tôi phải gọi cảnh… - Ông ta quay sang và nhận ra Dana. - Lạy Chúa? Là cô Dana Evans. Những tiếng thì thào lan ra trong đám đông. - Là Dana Evans… - Đêm nào chúng ta chả xem cô ấy trên truyền hình… - Cậu có nhớ những bản tin hồi còn chiến tranh… Viên quản lý nói: - Tôi xin lỗi, cô Evans. Rõ ràng đây là một sự nhầm lẫn. - Không, không, - Dana nói nhanh. - Tôi đã ăn cắp. - Nàng đưa tay ra. - Các ông có thể bắt tôi. Viên quản lý mỉm cười. - Tôi không dám mơ chuyện đó đâu. Cô có thể giữ lấy cái áo, cô Evans, như một món quà của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng hãnh diện khi thấy cô thích nó. Dana nhìn ông ta với vẻ không tin. - Các ông không bắt tôi à? Nụ cười của ông ta rộng ra. - Hay là thế này vậy. Tôi đổi cái áo này lấy một chữ ký của cô. Chúng tôi vốn là những fan trung thành của cô mà. Một trong những phụ nữ đứng quanh đó thốt lên: - Cả tôi nữa. - Tôi có thể xin chữ ký của cô chứ? Thêm nhiều người nữa tiến lại. - Nhìn kìa? Đó là Dana Evans. - Cô cho tôi chữ ký nhé, cô Evans? - Đêm nào vợ chồng tôi cũng xem các tin tức của cô từ Sarajevo. - Cô đã làm cuộc chiến sống động hẳn lên! - Tôi cũng muốn xin chữ ký. Dana đứng đó, chán càng thêm chán. Nàng liếc ra ngoài. Hai người đàn,ông vẫn đợi ở đó. Đầu Dana căng lên. Nàng quay sang đám đông và mỉm cười. - Để tôi nói xem mình phải làm gì nào. Chúng ta hãy đi ra ngoài trời và tôi sẽ lần lượt ký cho từng người một. Những tiếng reo hò phấn khích vang lên. Dana đưa cái áo cho viên quản lý. - Ông hãy giữ lấy nó. Cảm ơn ông. - Nàng bắt đầu đi ra cửa, theo sau là những người hâm mộ. Hai người đàn ông bối rối lùi lại khi đám đông ồn ào xô tới. Dana quay sang các fan của nàng. - Ai trước nào? Họ chen lấn quanh nàng chìa giấy và bút ra trước mặt. Hai người kia bực bội đứng đó. Dana vừa ký vừa di chuyển ra phía ngoài. Đám đông vẫn bám theo nàng. Một chiếc taxi đỗ lại ngay cạnh đấy cho người khách xuống xe. Dana nói to với đám đông. - Cảm ơn các bạn. Đã đến lúc tôi phải đi rồi. - Nàng chui tọt vào xe và chỉ thoáng sau nó đã mất hút trong dòng xe cộ dầy đặc. * * * * * Jack Stone gọi cho Roger Hudson. - Ông Hudson, cô ta đã trốn khỏi tay chúng tôi, nhưng… - Mẹ kiếp. Tôi không muốn nghe điều đó. Tôi muốn cô ta bị xoá xổ ngay. - Đừng lo, thưa ông. Chúng tôi đã có số xe taxi đó. Cô ta không chạy xa được đâu. - Đừng làm tôi thất vọng lần nữa. - Roger Hudson dập mạnh điện thoại. CarsonPirie Scott & Công ty nằm ở khu trung tâm Chicago, đông nghẹt khách hàng mải mê mua sắm. Tại quầy bán khăn quàng, một nhân viên đã gói xong hàng cho Dana. - Cô trả tiền mặt hay thẻ tín dụng? - Tiền mặt. Dana cầm cái gói và khi ra gần đến cửa, nàng bỗng dừng lại, lòng tràn ngập sợ hãi. Hai người đàn ông khác tay cầm bộ đàm đã đứng ngoài cửa. Dana nhìn họ, miệng đắng ngắt. Nàng quay lại và đi vội vào trong. Người nhân viên hỏi: - Chuyện gì nữa vậy, thưa cô? - Không. Tôi… - Dana lo lắng nhìn quanh. - Ở đây có lối ra nào khác không? - Ồ, có, có đến vài lối ra. Vô dụng thôi, Dana nghĩ. Họ đã theo dõi hết rồi. Lần này thì không còn lối thoát nào nữa. Dana chợt để ý đến một nữ khách hàng mặc áo khoác màu xanh đã cũ đang xem một cái khăn trong tủ kính. Dana nhìn cô ta một lát rồi tiến lại. - Chúng đẹp quá nhỉ, - nàng nói. Người phụ nữ mỉm cười. - Vâng. Những người đứng ngoài cửa quan sát hai người đàn bà nói chuyện với nhau. Họ nhìn nhau và nhún vai. Tất cả các lối ra đều đã được bố trí cẩn thận. Ở bên trong Dana đang nói: - Tôi rất thích cái áo khoác của cô. Nó có màu y hệt cái của tôi. - Tôi e là cái này sắp rách rồi. Áo cô đang mặc mới đẹp. Những người ở ngoài nhìn cuộc nói chuyện vẫn đang tiếp diễn. - Trời lạnh quá, - một người phàn nàn. - Mong là cô ta sớm đi ra để cho chúng ta còn kết thúc công việc phiền phức này. Người kia gật đầu. - Cô ta không có đường… Anh ta im bặt khi thấy hai người phụ nữ đổi áo cho nhau. Rồi anh ta cười to. - Chúa ơi, nhìn xem cô ta đang cố tìm cách chạy trốn kìa. Họ đổi áo cho nhau. Thật là một con đĩ ngu ngốc! Hai người phụ nữ biến mất một lát đằng sau giá áo. Người đàn ông đứng ngoài cửa nói vào máy bộ đàm. - Đối tượng đã đổi áo khoác đỏ lấy áo khoác xanh… Khoan đã. Cô ta đang đi ra cửa số bốn. Bắt ngay cô ta tại đó. Ở cửa số bốn cũng có hai người đàn ông đợi sẵn. Một lát sau một người nói vào máy bộ đàm. - Thấy cô ta rồi. Cho xe đến đây. Họ nhìn nàng từ cửa bước ra bầu không khí lạnh giá. Nàng kéo chiếc áo khoác xanh vào sát người và bắt đầu đi xuống phố. Họ theo sát nàng. Lúc nàng đi đến góc phố và giơ tay vẫy taxi, một người tóm lấy nàng. - Cô không cần gọi taxi. Chúng tôi chuẩn bị xe cho cô rồi. Nàng ngạc nhiên nhìn họ. - Các ông là ai? Các ông nói cái gì vậy? Một người nhìn chăm chú vào mặt nàng. - Cô không phải là Dana Evans? - Dĩ nhiên là không. Hai người đàn ông nhìn nhau, rời khỏi người đàn bà và chạy vội về cửa hàng. Một người quát vào máy bộ đàm. - Nhầm mục tiêu rối. Nhầm mục tiêu rồi. Có nghe tôi nói không? Cùng lúc ấy những người khác chạy bổ vào cửa hàng, nhưng Dana đã biến mất. Nàng bị kẹt trong cơn ác mộng ngoài đời, bị mắc bẫy trong một thế giới thù địch với những kẻ thù vô danh đang tìm cách giết mình. Nỗi sợ hãi và kinh hoàng đã làm nàng gần như tê liệt. Khi xuống taxi, Dana bắt đầu bước nhanh, cố không chạy và hoàn toàn không biết mình đang đi đâu. Nàng đi qua một cửa hàng có bảng hiệu đề TRANG PHỤC TUỲ CHỌN CHO MỌI DỊP. Một cách vô thức, Dana bước vào. Bên trong đầy các loại quần áo, tóc giả và đồ trang điểm. - Tôi có thể giúp gì? - Có. Gọi cảnh sát. Nói với họ có người muốn giết tôi. - Thưa cô? - Ờ vâng. Tôi muốn thử một bộ tóc vàng. - Lối này. Xin mời cô. Một lát sau Dana đứng ngắm mình trong gương. - Nó làm cô thay đổi nhiều đến kỳ lạ. - Hy vọng là vậy. Ra khỏi cửa hàng, Dana vẫy một chiếc taxi. - Sân bay O Hare. - Mình phải về với Kemal. * * * * * Rachel nhấc máy khi nghe chuông điện thoại reo. - Alô… Bác sĩ Young… Báo cáo cuối cùng? Jeff trông thấy vẻ căng thẳng trên mặt cô. - Ông cứ thông báo qua điện thoại cũng được. Ông chờ cho một lát. Rachel nhìn Jeff, hít một hơi dài và cầm điện thoại vào phòng ngủ. Anh có thể nghe thấy giọng cô, yếu ớt. - Nói tiếp đi, bác sĩ. Một sự im lặng kéo dài đến ba phút, và Jeff, với vẻ quan tâm, đang định vào phòng ngủ thì Rachel bước ra với khuôn mặt hớn hở mà anh chưa bao giờ thấy. - Thành công rồi! - Cô gần như nghẹt thở vì kích động. - Jeff, bệnh của em đã đỡ hẳn. Phương pháp điều trị mới đã thành công. Jeff nói. - Tạ ơn Chúa? Thật là tuyệt diệu, Rachel. - Ông ấy muốn em ở đây thêm vài tuần, nhưng em sẽ không còn bị lên cơn nữa. - Giọng cô đầy vui sướng. - Vậy thì phải đi ăn mừng, - Jeff nói. - Anh sẽ ở lại đây với em cho đến khi… - Không! - Không cái gì? - Em không cần anh nữa, Jeff. - Anh biết, và anh rất mừng… - Anh không hiểu sao? Em muốn anh đi về. Anh ngạc nhiên nhìn Rachel. - Tại sao? - Anh Jeff, em không muốn làm tổn thương tình cảm của anh, nhưng bây giờ em đã đỡ nhiều rồi, có nghĩa là em có thể trở lại với công việc đó là cuộc sống của em. Ở đó, em mới thật là em. Em sẽ gọi điện xem có hợp đồng nào không. Ở đây với anh, em thấy tù túng quá rồi. Cảm ơn anh đã giúp đỡ em, Jeff. Em thật sự biết ơn anh. Nhưng đã đến lúc nói lời từ biệt. Em tin chắc là Dana rất nhớ anh. Vì vậy, sao anh còn chưa đi, hả anh? Jeff nhìn nàng một lát và gật đầu. - Cũng được. Rachel nhìn theo anh vào phòng ngủ và bắt đầu thu dọn đồ đạc. Hai mươi phút sau, khi Jeff xách vali bước ra, Rachel đang gọi điện thoại. - Và tôi đã trở về với thế giới thật của mình, Betty. Vài tuần nữa là tôi đi làm được rồi… Tôi biết. Có tuyệt không? Jeff đứng đó, đợi để nói lời tạm biệt. Rachel vẫy tay với anh và tiếp tục nói chuyện. - Tôi sẽ cho bà biết tôi muốn gì… lấy cho tôi một hợp đồng ở vùng nhiệt đới… Rachel nhìn Jeff đi ra khỏi cửa. Từ từ, cô buông rơi điện thoại. Rồi cô đi về phía cửa sổ và đứng nhìn người đàn ông duy nhất mà cô yêu thương bước ra khỏi cuộc đời mình. Những lời nói của bác sĩ Young vẫn còn văng vẳng bên tai cô. "Cô Stevens, tôi rất tiếc, nhưng đây là tin xấu. Việc điều trị không đạt kết quả… Các tế bào ung thư vẫn tiếp tục di căn… Nó đã phát triển quá rộng. Tôi e là… có lẽ một hoặc hai tháng…" Rachel nhớ lại những gì đạo diễn Roderick Marshall nói với nàng: "Rất vui vì cô đã đến. Tôi sẽ biến cô thành một đại minh tinh". Và cùng lúc với một cơn đau nhói lên hành hạ cơ thể của Rachel, cô nghĩ, Nhất định Roderick Marshall sẽ tự hào về mình. Bên trong sân bay Dulles, Washington chật ních các hành khách đang chờ lấy hành lý. Dana len qua đám đông rồi đi ra phố và leo lên một chiếc taxi. Không có người nào khả nghi theo sau, nhưng nàng vẫn bồn chồn không yên. Dana lấy túi xách ra và nhìn vào gương chiếu hậu để bảo đảm an toàn. Mái tóc giả màu vàng đã mang lại cho nàng một dáng vẻ hoàn toàn mới. Có một việc phải làm ngay, Dana nghĩ. Đi đón Kemal. Kemal chậm chạp mở mắt ra. Nó bị đánh thức bởi những giọng nói lọt qua cánh cửa khép hờ. Nó cảm thấy choáng váng. Nó nghe thấy bà Daley nói. - Thằng bé vẫn còn ngủ. Tôi đã cho nó uống thuốc. Một giọng đàn ông trả lời. - Chúng ta phải đánh thức nó dậy. Giọng đàn ông thứ hai nói: - Có lẽ mang nó đi lúc nó đang ngủ thì tốt hơn. - Các ông có thể giải quyết nó ngay tại đây, - bà Daley nói. - Rồi đem xác nó vứt đi. Kemal bỗng tỉnh hẳn. - Chúng ta phải giữ mạng nó lại một thời gian. Họ sẽ dùng nó làm mồi để bắt con Evans. Kemal ngồi bật dậy, lắng nghe, tim đập thình thịch. - Con nhỏ đang ở đâu? - Chúng tôi cũng không rõ. Nhưng chúng tôi biết chắc nó sẽ về đây đón thằng bé. Kemal nhẩy ra khỏi giường. Nó đứng một lát, đờ người ra vì sợ hãi. Người phụ nữ mà nó tin tưởng muốn giết nó. Mẹ kiếp! Không để thế đâu, Kemal tự thề với bản thân. Chúng đã không thể giết mình ở Sarajevo, chúng sẽ không thể giết mình ở đây. Kemal lần mò quần áo của mình một cách điên dại. Khi với đến cánh tay giả đặt ở trên ghế, nó bỗng trượt khỏi tay Kemal và rơi xuống sàn nhà tạo nên một âm thanh mà Kemal tưởng như tiếng sấm động. Nó chết lặng đi. Những người ở ngoài vẫn tiếp tục nói chuyện. Họ không nghe thấy gì cả. Kemal lắp cánh tay giả vào và nhanh chóng mặc quần áo. Nó mở cửa sổ và bị ngay cơn gió lạnh lẽo quất vào mặt. Cái áo khoác của nó lại để một phòng khác. Kemal trèo ra ngoài thành cửa sổ trong chiếc áo mỏng, răng va vào nhau lập cập. Có một thang thoát hiểm dẫn xuống dưới đất và nó cố leo lên đấy, cẩn thận cúi đầu xuống khi bò ngang qua cửa sổ phòng khách. Khi xuống đến nơi, nó nhìn đồng hồ. Đã là 2h45. Không hiểu sao nó lại ngủ đến cả nửa ngày như thế. Nó bắt đầu chạy. - Trói thằng bé lại rồi tính sau! Một người đàn ông mở cửa phòng của Kemal và ngạc nhiên nhìn quanh. - Này, nó trốn rồi. Hai người đàn ông và bà Daley xô lại chỗ cửa sổ mở toang và trông thấy Kemal đang chạy dưới phố. - Bắt nó lại. Kemal chạy như thể nó đang trong cơn ác mộng, chân nó cứ yếu dần và rồi hơi tthở không khác gì con dao cứ đâm vào ngực. Nếu mình đến được trường trước khi đóng cứa lúc ba giờ, nó nghĩ, mình sẽ an toàn. Chúng sẽ không dám làm gì mình khi có những đứa trẻ khác xung quanh. Phía trước có đèn đỏ, Kemal phớt lờ và chạy ào ra đường, không hề nghe thấy tiếng còi xe hơi inh ỏi, tiếng phanh rít lên chói tai. Nó sang tới vỉa hè bên kia và tiếp tục chạy. Cô Kelly sẽ báo cảnh sát và họ sẽ bảo vệ Dana. Kemal bắt đầu thở gấp. Và nó thấy lồng ngực thắt lại. Nó nhìn đồng hồ lần nữa. 2h55. Trường của nó ở phía trước rồi. Chỉ hai đoạn phố nữa thôi. Mình an toàn rồi, Kemal nghĩ. Lớp chưa tan học. Một phút sau nó đến cổng trường. Nó dừng lại và nhìn chằm chằm với vẻ không tin. Cổng bị khoá. Bỗng Kemal cảm thấy một bàn tay cứng như sắt bóp mạnh vào vai nó. - Hôm nay là thứ bảy, thằng ngu. - Dừng lại đây, - Dana nói. Chiếc taxi đỗ cách nhà nàng hai đoạn phố. Dana bước xuống và nhìn theo chiếc xe đi xa. Nàng chậm chạp bước đi, cả người căng lên, cẩn thận nhìn quanh xem có điều gì bất thường không. Nàng tin chắc rằng Kemal vẫn an toàn. Jack Stone sẽ bảo vệ nó. Đến đoạn phố có nhà nàng, Dana không vào bằng lối đằng trước mà lại đi tới một ngõ nhỏ dẫn ra phía sau toà nhà. Nó vắng tanh. Dana vào bằng lối cổng hậu và nhẹ nhàng lên cầu thang. Cửa căn hộ của nàng mở rộng. Lòng Dana bỗng tràn đầy lo lắng. Nàng vội vã lao vào. - Kemal. Không có ai trong đó. Dana sục sạo trong căn hộ một cách tuyệt vọng, tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Jack Stone đâu? Kemal đâu? Trong bếp, một ngăn kéo nhỏ rơi trên sàn và những gì trong đó nằm vương vãi trên mặt đất. Có đến mười mấy gói nhỏ, gói thì đầy, gói thì hết. Tò mò, Dana nhặt một gói lên xem. Trên nhãn ghi, Buspar, viên 15mg NDC D087 D822-32. Đây là cái gì? Bà Daley phải uống thuốc, hay bà ấy cho Kemal uống? Phải chăng thứ này đã làm Kemal thay đổi. Dana nhét một gói vào túi áo khoác. Đầy sợ hãi, Dana đi ra khỏi nhà mình. Nàng đi lại lối cổng hậu, qua ngõ nhỏ lên phố lớn. Lúc Dana rẽ ở góc đường, một người đàn ông đứng sau gốc cây giơ máy bộ đàm lên và nói gì đó với một đồng bọn của hắn đứng ở góc đường đối diện. Phía trước Dana là cửa hàng thuốc Washington. Dana đi vào trong. Người dược sĩ nói: - À, cô Evans. Tôi có thể giúp gì cho cô? - Có Tôi thắc mắc về cái này. - Nàng lôi cái gói nhỏ ra. Ông ta liếc qua. - Buspar. Thuốc chống trầm cảm. Dạng bột, hoà tan trong nước. - Tác dụng thế nào? - Dana hỏi. - Giúp thư giãn thôi. Còn có tác dụng giảm đau. Dĩ nhiên, nếu dùng nhiều sẽ có thể có trạng thái buồn ngủ, toàn thân mệt mỏi. "Cậu ấy đang ngủ. Để tôi đánh thức cậu ấy nhé. "Lúc ở trường về cậu ấy kêu mệt, nên tôi nghĩ là một giấc ngủ trưa sẽ… Thế là đủ giải thích những gì đã xảy ra. Và Pamela lại là người giới thiệu bà Daley. Mình đã đặt Kemal vào tay một mụ quái vật, Dana nghĩ. Nàng thấy bụng mình nhói lên. Nàng nhìn ông dược sĩ. - Cảm ơn, Coquina. - Rất hân hạnh, cô Evans. Dana quay ra phố. Hai người đàn ông tiến về phía nàng. - Cô Evans, chúng tôi có thể nói chuyện với cô… Dana xoay người bỏ chạy. Hai người kia đuổi theo nàng sát gót. Dana đã chạy tới góc đường. Một cảnh sát viên đang đứng giữa ngã tư điều khiển luồng giao thông dầy đặc. Dana chạy xuống đường, băng về phía anh ta. - Này! Quay lại ngay, cô kia. Dana vẫn tiếp tục đi tới. - Cô đang không theo tín hiệu đèn đấy. Có nghe tôi nói không? Quay lại ngay. Hai người đàn ông đứng trên vỉa hè quan sát. - Cô điếc à? - Người cảnh sát quát to. - Câm mồm. - Nàng tát mạnh vào mặt anh ta. Anh ta giận dữ tóm lấy tay nàng. - Cô đã bị bắt. Anh ta đẩy nàng về phía vỉa hè, một tay giữ nàng, tay kia giơ bộ đàm lên gọi. - Cho xe đến đây ngay. Hai người đàn ông đứng đó nhìn nhau, không biết phải làm gì. Dana liếc về phía họ và mỉm cười. Có tiếng còi vẳng đến và chỉ vài giây sau một chiếc xe cảnh sát đã đỗ trước mặt họ. Hai người đàn ông bất lực nhìn Dana bị đẩy lên băng sau của chiếc xe tuần và phóng vút đi. Ở đồn cảnh sát, Dana nói. - Tôi được phép gọi một cú điện thoại, đúng không? Viên trung sĩ gật đầu. – Đúng! Anh ta đưa điện thoại cho Dana. Nàng quay số. * * * * * Cách đó nhiều đoạn đường, một người đàn ông túm cổ áo Kemal và đẩy nó về phía chiếc limousine đang nổ máy chờ sẵn. - Làm ơn! Làm ơn thả cháu ra, - Kemal van vỉ. - Câm mồm, thằng ôn con. Bốn lính thuỷ đánh bộ mặc quân phục đi qua. - Tôi không muốn vào ngõ với ông đâu, Kemal kêu lên. Người đàn ông bối rối nhìn nó. - Cái gì. - Xin ông đừng đưa tôi vào ngõ. - Kemal quay sang đám quân nhân. - Ông này cho cháu năm đôla để đi vào ngõ với ông ấy. Cháu không muốn làm thế đâu. Đám quân nhân dừng lại, nhìn hắn ta chằm chằm. - Sao thế hả, thằng mất dạy này… Người đàn ông lùi lại. - Không, không. Đợi đã. Các anh không hiểu… Một người lính nói dứt khoát. - Có. Bọn tao hiểu, ông bạn ạ. Bỏ tay khỏi thằng bé ngay. - Họ vây quanh hắn ta. Hắn ta rút tay về để giữ thế thủ, và Kemal vội vàng lủi đi. Một người giao hàng xuống xe đạp và xách túi đi vào một toà nhà. Kemal nhảy phắt lên xe của anh ta và đạp đi Người đàn ông thất vọng nhìn theo Kemal rẽ ở cuối đường và biến mất. Đám lính thuỷ đánh bộ vẫn vây quanh hắn ta. Ở đồn cảnh sát, cửa phòng giam Dana bật mở. - Cô được tự do, cô Evans. Có người đã bảo lãnh cho cô. Matt! Vậy là ông ấy đã biết. Dana hạnh phúc nghĩ. Ông ấy lúc nào cũng đến kịp thời. Khi Dana ra đến cổng, nàng sững sờ dừng lại. Một người đàn ông đang đứng đó đợi nàng. Hắn ta mỉm cười với Dana và nói. - Cô được tự do, cô em. Đi thôi. Hắn nắm chặt tay nàng và dồn nàng ra phố. Ra đến nơi, hắn ngỡ ngàng đứng lại. Một đám phóng viên truyền hình của WTN đã ở sẵn bên ngoài. - Nhìn bên này, Dana… - Dana, có thật là cô đã tát viên cảnh sát đó không? - Có thể kể cho chúng tôi nghe chuyện gì đã xảy ra không? - Anh ta có quấy rối cô không? - Cô có định kiện họ không? Người đàn ông né sang một bên, lấy tay che mặt. - Có chuyện gì thế? Dana hỏi. - Ông có muốn bị ghi hình không? Hắn ta lẩn mất. Matt Baker đến bên Dana. - Rời khỏi chỗ này thôi. Họ ở trong văn phòng của Matt Baker tại toà nhà WTE. Elliot Cromwell, Matt Baker và Abbe Lasmann ngồi nghe Dana kể chuyện đến nửa giờ đồng hồ trong sự im lặng choáng váng. - Và cả FRA cũng dính vào. Đó là lý do tại sao tướng Booster cố ngăn cản tôi điều tra. Elliot Cromwell nói: - Tôi thật sự kinh ngạc. Tất cả chúng ta đã nhầm lẫn về con người Taylor Winthrop. Tôi nghĩ là chúng ta nên báo cho Nhà Trắng biết những gì đang xảy ra. Để họ gọi FBI. Dana nói: - Cho đến bây giờ chúng ta mới chỉ có các lời nói chống lại Roger Hudson. Ông nghĩ ai sẽ tin chúng ta? Abbe Lasmann hỏi: - Chúng ta không có bằng chứng nào sao? - Em trai của Sasa Shdanoff vẫn còn sống. Tôi tin chắc là ông ta có. Một khi chúng ta đã nắm được đầu mối thì sớm muộn gì mọi việc cũng xong. Matt nhìn Dana với vẻ thán phục. - Cô đã làm cái gì là thành công cái đó. Dana nói: - Matt, còn Kemal thì sao? Tôi không biết phải tìm nó ở đâu. Matt nói với vẻ chắc chắn. - Đừng lo, chúng tôi sẽ tìm thấy nó. Trong lúc ấy chúng tôi sẽ thu xếp một chỗ ở an toàn, nơi mà không ai có thể tìm thấy cô. Abbe Lasmann nói. - Cô có thể ở nhà tôi. Không ai nghĩ đến chuyện tìm cô ở đó đâu. - Cảm ơn. - Dana quay sang Matt. - Về Kemal… - Chúng tôi sẽ nhờ FBI lo vụ này. Để tôi cho tài xế đưa cô về nhà Abbe. Dana, mọi thứ rồi cũng ổn cả thôi. Biết được tin gì tôi sẽ gọi cho cô ngay. Kemal đạp xe dọc những con phố lạnh giá, cứ một chốc lại lo lắng nhìn về phía sau. Không có dấu hiệu của người đã bắt nó. Mình phải đến chỗ Dana, Kemal nghĩ. Mình không thể để ai làm hại cô ấy. Vấn đề là trụ sở WTN lại ở phía cuối bên kia của trung tâm Washington. Khi đến một trạm xe bus, Kemal xuống xe đạp và vứt nó trên bãi cỏ. Một chiếc xe đi tới, Kemal sờ tay vào túi và nhận ra mình không mang tiền. Kemal quay sang một người qua đường. - Xin lỗi, cháu có thể… - Tránh ra, thằng nhóc. Kemal lại gần một người pnụ nữ đang tiến lại. - Xin lỗi, cháu cần một vé xe bus để… Bà ta vội rảo bước qua nó. Kemal đứng trong lạnh lẽo, không có áo khoác, run lẩy bẩy. Không ai tỏ ra quan tâm. Mình phải kiếm được tiền đi xe, nó nghĩ. Nó giật cánh tay giả ra và đặt nó trên mặt cỏ. Khi người tiếp theo đi qua, nó kéo tay ông ta lại. - Xin lỗi ông, có thể giúp cháu chút tiền đi xe bus không? Ông ta dừng lại. - Dĩ nhiên, con trai ạ, - ông ta nói và đưa cho Kemal một đôla. Khi người đàn ông đi xa, Kemal nhanh nhẹn đeo cánh tay giả vào. Chiếc xe bus đang tiến tới, chỉ còn cách một quãng đường. Được rồi, Kemal hân hoan nghĩ. Ngay lúc đó, nó thấy sau cổ nhói lên một cái. Khi nó quay lại, mọi thứ đã trở nên mờ nhạt. Một giọng nói vang lên trong đầu nó. Không! Không Kemal ngã quị xuống, bất tỉnh. Những người qua đường bắt đầu tụ tập lại. - Chuyện gì thế? - Nó bị ngất à? - Nó có sao không? - Con tôi bị bệnh đái đường, - một người đàn ông nói. - Cứ để tôi lo cho cháu! Hắn bế Kemal lên và mang nó ra chiếc limousine đang chờ sẵn. * * * * * Nhà của Abbe Lasmann ở phía tây bắc Washington. Nó rộng rãi và tiện nghi, được trang trí bằng các tấm thảm màu trắng. Dana ở nhà một mình, lo lắng đi tới đi lui, chờ đợi tiếng chuông điện thoại. Kemal phải được bình an. Họ không có lý do gì để hãm hại nó. Nó sẽ không sao hết. Nó đang ở đâu? Tại sao họ hhông tìm thấy nó. Tiếng chuông điện thoại làm Dana giật mình. Nàng vồ lấy nó. - Alô. - Không có tín hiệu. Tiếng chuông lại vang lên. Dana nhận ra đó là máy di động của mình. Nàng bỗng thấy nhẹ cả người. Nàng nhấn nút. - Jeff. Giọng Roger Hudson nhẹ nhàng vang lên. - Chúng tôi đang tìm cô, Dana. Kemal ở đây này. Dana đứng đó, không thể cử động, không thể nói năng. Cuối cùng nàng thì thầm: - Roger… - Tôi e là mình không thể kiểm soát được những người ở đây nữa. Họ đang muốn cắt nốt cánh tay lành lặn của Kemal. Hay là tôi cho phép họ nhé? - Không? - Đó là một tiếng thét. - Ông… ông muốn gì? - Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô, - Roger nói. - Tôi muốn cô đến nhà tôi, và chỉ được đi một mình. Nếu cô mang theo bất kỳ người nào tới, tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra với Kemal. - Roger… - Ba mươi phút nữa, tôi chờ cô. Dana đứng đó, tê cóng vì sợ hãi. Kemal không được xảy ra chuyện gì. Kemal không được xảy ra chuyện gì. Bằng những ngón tay run rẩy, Dana gọi điện cho Matt. Giọng ông ta vang lên từ máy ghi âm. "Bạn đã gọi đến văn phòng của Matt Baker. Hiện giờ tôi không có mặt, bạn hãy để lại tin nhắn và tôi sẽ gọi lại cho bạn". Tiếp theo là tiếng "bíp". - Dana hít một hơi dài và nói vào điện thoại: "Matt, Roger Hudson vừa gọi điện cho tôi. Lão ta đang giữ Kemal ở nhà. Bây giờ tôi sẽ đến đó. Làm ơn nhanh lên trước khi Kemal xảy ra chuyện gì. Nhớ gọi cảnh sát theo. Nhanh lên!" Dana tắt máy di động và đi ra cửa. Abbe Lasmann đang đặt vài bức thư lên bàn làm việc của Matt thì trông thấy đèn báo hiệu có tin nhắn ở điện thoại bật sáng. Cô ta bấm mật khẩu của Matt và nghe lại những lời nhắn của Dana. Rồi cô ta mỉm cười và nhấn nút xoá. Máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Dulles, Jeff gọi ngay cho Dana. Suốt cả chuyến bay, anh cứ nghĩ đi nghĩ lại về câu nói kỳ lạ của nàng: "Nếu có chuyện gì xảy ra với em". Nàng đã tắt máy di động. Tiếp theo Jeff gọi về nhà nàng. Không ai nhấc máy. Anh lên taxi và đọc địa chỉ của WTN. Khi Jeff bước vào, Abbe nói: - Ồ, Jeff. Rất vui được gặp lại anh. - Cảm ơn, Abbe. - Anh đi vào văn phòng của Matt. Matt nói: - Ồ, cậu về rồi. Rachel thế nào? - Cô ấy bình thường, - anh trả lời yếu ớt. - Dana đâu? - Cô ấy không trả lời điện thoại. Matt nói: - Lạy Chúa, cậu không hề biết chuyện gì xảy ra sao? - Ông nói đi, - Jeff thúc giục. Ở bên ngoài, Abbe áp tai vào cánh cửa đóng kín. Cô ta chỉ nghe được lõm bõm cuộc nói chuyện "… giết cô ấy… Sasa Shdanoff… Krasnoyarsk-26… Kemal… Roger Hudson…" Abbe đã nghe đủ. Cô ta chạy vội về bàn nhấc máy điện thoại lên. Một phút sau cô ta nói chuyện với Roger Hudson. Trong văn phòng, Jeff lắng nghe Matt kể lại câu chuyện, choáng váng. - Tôi không thể tin nổi. - Tất cả đều là sự thật. - Matt quả quyết với anh. - Dana ở nhà của Abbe. Để tôi bảo Abbe gọi về nhà cô ấy xem. Ông ta bấm nút hệ thống liên lạc nội bộ, nhưng trước khi kịp lên tiếng, ông ta nghe thấy giọng Abbe. - Jeff Connors cũng ở đây. Anh ta đang tìm Dana. Tôi nghĩ là tốt nhất ông nên đưa cô ta rời khỏi. Có lẽ họ sẽ đến đó… Vâng. Tôi sẽ lo chuyện này, ông Hudson. Nếu… Abbe nghe thấy tiếng động và quay lại. Jeff và Matt Baker đang đứng ở cửa, nhìn cô ta chằm chằm. Matt nói: - Đồ khốn nạn. Jeff quay sang Matt, gần như phát điên. - Tôi phải đến nhà Hudson ngay. Tôi cần một chiếc xe. Mạtt Baker liếc ra ngoài cửa sổ. - Anh không đến đó kịp đâu. Giao thông đang tắc nghẽn kìa. Đột nhiên họ nghe thấy tiếng chiếc máy bay lên thẳng của WTN hạ cánh xuống sân bay trên nóc nhà. Hai người đàn ông nhìn nhau. Chương 25 Dana đã vẫy taxi từ nhà Abbe Lasmann, nhưng đường đến nhà Hudson dường như dài vô tận. Giao thông trên những con đường trơn tuột quả thật khủng khiếp. Dana sợ rằng mình sẽ đến muộn. - Nhanh lên, - nàng giục tài xế. Anh ta nhìn nàng qua gương chiếu hậu. - Thưa cô, đây không phải là máy bay. Dana lo lắng ngồi nghĩ đến những gì phía trước. Matt sẽ nhận được tin nhắn của nàng và báo cảnh sát. Lúc mình đến nơi thì cảnh sát cũng đến nơi. Nếu họ chưa đến, mình có thể trì hoãn cho đến khi họ đến. Dana mở túi xách. Nàng vẫn còn một bình xịt hơi cay. Tốt. Nàng sẽ không tỏ ra dễ dãi với Roger và Pamela. Khi chiếc taxi đến nhà Hudson, Dana nhìn qua cửa sổ xem động tĩnh của cảnh sát. Không có gì cả. Vào đến đường xe hơi dẫn đến trước cửa nhà cũng không có gì thay đổi. Dana thấy thắt cả người lại vì sợ. Dana nhớ lại lần đầu tiên nàng đến đây. Roger và Pamel đã tỏ ra tuyệt vời làm sao. Và họ là những kẻ bán Chúa, những con quái vật sát nhân. Họ có Kemal. Lòng Dana chợt trào dâng sự căm thù không gì kìm hãm nổi. - Tôi đợi cô chứ? - Người lái xe taxi hỏi nàng. - Không cần. - Dana trả tiền cho anh ta rồi bước lên bậc thềm trước cửa ra vào và bấm chuông, tim đập thình thịch. Người mở cửa là Cesar. Khi thấy Dana, mặt ông ta sáng lên. - Cô Evans. Với một sự phấn khích bất ngờ, Dana bỗng nhận ra mình đang có một đồng minh. Nàng chìa tay ra. - Cesar. Ông ta nắm lấy tay nàng trong bàn tay khổng lồ của mình. - Rất vui được gặp cô, cô Evans. - Cesar nói. - Tôi cũng rất vui được gặp ông. - Câu nói này có hàm ý. Nàng tin chắc là Cesar sẽ giúp mình. Điều duy nhất là nên nhờ ông ta vào lúc nào. Nàng nhìn quanh. - Cesar… - Ông Hudson đang đợi cô trong phòng làm việc, cô Evans. - Được rồi. Đây chưa phải là lúc. Dana theo Cesar đi dọc hành lang dài, hồi tưởng lại những điều khác thường đã xảy ra khi nàng lần đầu đặt chân đến đây. Họ đi tới phòng làm việc. Roger đang ngồi ở bàn xếp dọn giấy tờ. - Cô Evans, - Cesar nói. Roger ngước lên. Dana nhìn theo Cesar đi khỏi. Nàng định liều lĩnh gọi ông ta quay lại. - Tốt, Dana. Vào đây. Dana đi vào trong phòng. Nàng giận dữ nhìn Roger. - Kemal đâu? Roger Hudson nói: - À, cậu bé ngoan. - Cảnh sát đang trên đường tới đây, Roger. Nếu ông làm gì bất kỳ ai trong chúng tôi… - Ồ, tôi không nghĩ là chúng tôi phải lo lắng về vấn đề cảnh sát, Dana. - Lão đi về phía nàng và trước khi Dana biết lão định làm gì, lão đã giật lấy cái túi của nàng và bắt đầu lục soát: - Pamela bảo tôi là cô có một cái bình xịt hơi cay. Cô đã dùng rồi phải không, Dana? Lão lôi cái bình xịt ra, giơ lên và xịt thẳng vào mặt Dana. Nàng rú lên đau đớn. - Ôi, cô còn chưa biết thế nào là đau, nhưng tôi bảo đảm với cô là cô sẽ biết ngay thôi. Nước mắt tuôn như mưa xuống má Dana. Nàng cố chùi hết chúng đi. Roger đợi cho đến lúc nàng chùi xong lại tiếp tục xịt vào mặt nàng. Dana nức nở: - Tôi muốn gặp Kemal. - Dĩ nhiên là cô sẽ gặp. Và Kemal cũng muốn gặp cô. Thằng bé đang sợ hãi lắm, Dana. Tôi chưa từng thấy ai sợ hãi đến thế. Nó biết mình sắp chết, và tôi đã bảo nó cô cũng sắp chết. Cô nghĩ mình thông minh lắm, phải không Dana? Sự thật là cô còn quá khờ khạo. Chúng tôi đang lợi dụng cô. Chúng tôi biết có người trong chính phủ Nga nắm được hoạt động của chúng tôi và muốn lật tẩy chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể tìm ra kẻ đó. Cô đã tìm hộ chúng tôi rồi còn gì. Hình ảnh cái xác đẫm máu của Sasa Shdanoff và bạn ông ta lướt qua trong đầu Dana. - Sasa Shdanoff và em lão, Boris, thông minh lắm. Chúng tôi còn chưa moi được Boris, nhưng cũng không lâu nữa đâu. - Roger, Kemal không liên quan gì đến vụ này. Hãy cho nó… - Tôi nghĩ là không, Dana. Tôi bắt đầu lo lắng về cô khi cô gặp Joan Sinisi tội nghiệp. Cô ta đã nghe lén thấy Taylor Winthrop nói về kế hoạch nước Nga. Hắn không dám cho người giết cô ta vì cô ta đang làm việc cho hắn. Nên hắn đuổi việc cô ta. Khi cô ta đâm đơn kiện, hắn đã dàn xếp với điều kiện cô ta không bao giờ được tiết lộ chuyện đó. - Roger Hudson thở dài. - Nên tôi sợ cô thật sự cảm thấy có trách nhiệm trong vụ tai nạn của Joan Sinisi. - Roger, Jack Stone biết… Roger Hudson lắc đầu. - Jack Stone và người của anh ta luôn theo dõi từng cử chỉ của cô. Chúng tôi có thể giết cô lúc nào cũng được, nhưng chúng tôi phải đợi cho đến khi cô lấy được thông tin mà chúng tôi cần. Bây giờ cô đã vô dụng rồi. - Tôi muốn gặp Kemal. - Quá muộn rồi. Tôi e là Kemal tội nghiệp đã gặp tai nạn. Dana kinh hoàng nhìn lão. - Các ông đã làm gì? - Pamela và tôi đã quyết định, một đám cháy nhỏ sẽ là cách giải quyết tốt nhất cái mạng tí xíu của Kemal. Vậy nên chúng tôi đưa nó đến trường. Một đứa bé hư đã đột nhập vào trường hôm thứ bảy. Nó vừa đủ nhỏ để chui qua cửa sổ tầng hầm. - Đồ quái vật máu lạnh. Mày sẽ không trốn thoát đâu. - Cô làm tôi thất vọng quá, Dana. Điều mà cô không biết là chúng tôi đã trốn thoát rồi. - Lão đi tới bàn làm việc và ấn chuông. Một lát sau Cesar xuất hiện. - Vâng, ông Hudson. - Tôi muốn anh trông chừng cô Evans. Và phải chắc chắn rằng cô ấy còn sống cho đến khi tai nạn xảy ra. - Vâng, ông Hudson. Tôi sẽ lo liệu chu đáo! Ông ta là người của bọn họ. Dana không thể tin nổi. - Roger, hãy nghe tôi.… Cesar cầm tay Dana và lôi nàng ra khỏi phòng. - Roger… - Tạm biệt Dana. Cesar nắm chặt tay nàng, kéo nàng đi dọc hành lang, đi qua bếp ra cửa bên của căn nhà, nơi có chiếc limousine đang đỗ. Chiếc trực thăng của WTN bay đến dinh thự nhà Hudson. Jeff nói với Norman Bronson. - Ông cứ đỗ xuống bãi cỏ và... - Anh dừng lại khi nhìn xuống dưới và thấy Cesar đang ấn Dana vào chiếc limousine. - Không! Đợi đã. Chiếc limousine bắt đầu chuyển bánh và đi ra phố. - Anh muốn tôi làm gì bây giờ? - Bronson hỏi. - Đi theo họ. * * * * * Trong chiếc limousine, Dana nói. - Ông không muốn làm chuyện này mà, Cesar. Tôi… - Im ngay, cô Evans. - Cesar, hãy nghe tôi. Ông không biết những người đó đâu Họ là quân giết người. Ông là người tốt. Đừng để ông Hudson ép buộc làm những chuyện… - Ông Hudson không ép buộc tôi làm gì cả. Tôi làm chuyện này vì bà Hudson. - Ông ta nhìn Dana qua gương chiếu hậu và cười. - Bà Hudson luôn quan tâm đến tôi. Dana sững sờ nhìn ông ta. Mình không thể để chuyện này xảy ra. - Ông đưa tôi đi đâu thế này? - Đến công viên Rock Creek. - Ông ta không cần phải nói thêm - Nơi tôi sẽ giết cô. Roger Hudson, Pamela Hudson, Jack Stone và mụ Daley ngồi trong xe khách đi về phía sân bay quốc tế Washington. Jack Stone nói: - Máy bay đã sẵn sàng. Phi công của ông đã lên lộ trình bay tới Moscow. Pameal Hudson nói: - Chúa ơi, tôi ghét trời lạnh lắm. - Kemal thế nào? - Roger Hudson hỏi. - Hai mươi phút nữa ngọn lửa ở trường học sẽ tự động cháy. Thằng nhóc đó ở dưới tầng hầm. Nó đã được uống thuốc an thần rồi. Dana càng lúc càng tuyệt vọng. Họ đang đến gần công viên Rock Creek và giao thông cứ thưa thớt dần đi. Thằng bé đang sợ hãi lắm, Dana. Tôi chưa từng thấy ai sợ hãi đến thế. Nó biết mình sắp chết và tôi đã bảo nó là cô cũng sắp chết. Trên trực thăng đuổi theo chiếc limousine, Norman Bronson nói: - Nó đang rẽ, Jeff. Có lẽ nó đi về phía công viên Rock Creek. - Đừng để mất dấu. Tại FRA, tướng Booster chạy xộc vào văn phòng. - Cái quái gì xảy ra ở đây vậy? - ông ta hỏi một phụ tá. - Thưa tướng quân, khi ông đi vắng, thiếu tá Stone đã lôi kéo vài cá nhân xuất sắc của chúng ta và họ có vụ làm ăn lớn với Roger Hudson. Họ đã theo dõi Dana Evans. Ông xem đây… - Người phụ tá bật màn hình máy tính của anh ta lên và một lát sau hiện ra cảnh Dana trần truồng bước vào bồn tắm ở khách sạn Breidenbacher Hof. Mặt tướng Booster cau lại. - Lạy Chúa! - Ông ta quay lại. - Jack Stone đâu? - Anh ta đi rồi. Anh ta cùng vợ chồng Hudson chuẩn bị rời khỏi đất nước. Tướng Booster quát. - Đưa tôi đến sân bay quốc tế. Trên trực thăng, Norman Bronson nhìn xuống và nói: - Họ đang đi về phíả công viên, Jeff. Nếu họ đến đó, chúng ta sẽ không hạ cánh được vì có quá nhiều cây cối. Jeff nói: - Chúng ta phải ngăn họ lại. Ông có hạ cánh được trên đường trước mặt họ không? - Được. - Vậy làm đi. Bronson đẩy cần lái về phía trước và máy bay bắt đầu hạ độ cao. Ông ta vượt qua chiếc limousine và từ từ cho máy bay xuống thấp dần. Nó đáp xuống trên mặt đường, cách chiếc xe khoảng hai mươi mét. Họ nhìn chiếc xe rít lên rồi dừng lại. - Tắt máy đi, - Jeff nói. - Chúng ta không thể làm như thế. Nếu hắn buộc chúng ta… - Tắt máy đi. Bronson nhìn Jeff. - Anh có chắc là anh biết mình đang làm gì không? - Không. Bronson thở dài và tắt máy. Cánh quạt khổng lồ của chiếc trực thăng quay chậm lại đến khi dừng hẳn. Jeff nhìn ra cửa sổ. Cesar đã mở cửa sau của chiếc limousine. Ông ta nói với Dana. - Bạn trai cô đang gây khó dễ cho chúng ta kìa. - Rồi ông ta đấm mạnh vào hàm Dana. Nàng ngã gục trên ghế, bất tỉnh. Cesar đứng thẳng dậy và đi về phía chiếc trực thăng. - Hắn đến kìa, - Bronson hồi hộp nói. - Lạy Chúa, quả là một người khổng lồ. Cesar vẫn tiếp tục tiến tới. - Jeff, hắn có súng. Hắn sẽ giết chúng ta mất. Jeff quát to ra ngoài cửa sổ. - Mày và chủ mày sắp vào tù rồi, đồ khốn kiếp! Cesar bắt đầu đi nhanh hơn. - Mọi chuyện kết thúc rồi. Mày nên đầu hàng đi. Cesar còn cách chiếc trực thăng mười lăm mét. - Cả lũ chúng mày sẽ phải vào trại giam. Mười mét. - Mày thích thế, phải không, Cesar? Bây giờ thì Cesar chạy. Năm mét. Jeff ấn mạnh vào nút khởi động và cánh quạt bắt đầu chầm chậm quay. Cesar không hề chú ý, mắt nhìn thẳng vào Jeff, mặt đầy vẻ căm thù. Cánh quạt bắt đầu quay nhanh hơn. Khi Cesar đến cửa máy bay, ông ta bỗng nhận ra chuyện gì đang xảy ra, nhưng đã quá muộn. Một tiếng "bụp" vang lên, Jeff nhắm mắt lại. Trong và ngoài máy bay đầy máu. Norman Bronson nói: - Tôi buồn nôn quá. - Ông ta tắt máy đi. Jeff nhìn cái xác cụt đầu trên mặt đất, nhảy ra khỏi máy bay và chạy về phía chiếc limousine. Anh mở cửa xe. Dana đang nằm bất tỉnh. - Dana… em yêu…! Dana từ từ mở mắt ra. Nàng nhìn Jeff và lẩm bẩm, - Kemal… * * * * * Chiếc limousine còn cách trường trung học Lincoln gần một dặm thì Jeff nói to: - Nhìn kìa. - Xa xa phía trước họ, một cột khói bốc lên kín trời. - Chúng đốt trường rồi, - Dana kêu lên. - Kemal ở trong đấy. Nó ở dưới tầng hẩm. - Ôi lạy Chúa. Một phút sau, chiếc limousine đến nơi. Một màn khói cuồn cuộn kéo lên từ toà nhà. Mười hai lính cứu hoả vẫn đang làm việc cật lực để dập tắt đám cháy. Jeff nhảy ra khỏi xe và đi về phía ngôi trường. Một người lính ngăn anh lại. - Ông không thể đi vào nữa, thưa ông. - Ở bên trong còn ai không? - Jeff hỏi. - Không. Chúng tôi chỉ vừa mới phá cổng trước. - Có một cậu bé ở dưới tầng hầm. Trước khi mọi người kịp ngăn cản, Jeff chạy xộc vào trong. Anh gọi to tên Kemal nhưng chỉ bật được ra tiếng ho vì bên trong quá nhiều khói. Anh lấy khăn tay ra buộc lên mặt và chạy vào hành lang dẫn xuống dưới hầm. Màn khói dày đặc làm mắt anh cay xè. Jeff dò dẫm tìm đường, tay bám theo thành cầu thang. - Kemal, - Jeff gọi. Không có tiếng trả lời. - Kemal. Vẫn im lặng. Jeff nhận ra một cái bóng lờ mờ ở cuối tầng hầm. Anh đi về phía đó, cố gắng nín thở, phổi bỏng rát. Anh đã vấp phải Kemal. Anh lay nó. - Kemal? Thằng bé vẫn bất tỉnh. Với một nỗ lực phi thường, Jeff bế nó lên và đi về phía cầu thang. Anh đã nghẹt thở và khong còn nhìn thấy gì vì khói. Anh đi lảo đảo như người say qua đám mây đen ngòm với Kemal trên tay. Khi đến cầu thang, Jeff nửa bế nửa lôi thằng bé lên. Anh nghe thấy những âm thanh văng vẳng và ngất đi luôn. * * * * * Tướng Booster gọi điện cho Nathal Norero, người quản lý sân bay quốc tế Washington. - Roger Hudson vẫn để máy bay của ông ta ở đấy chứ? - Vâng, tướng quân. Và nói thật là, ông ấy đang có mặt ở đây. Tôi nghĩ là họ đã sẵn sàng cất cánh. - Huỷ bỏ ngay. - Cái gì? - Gọi cho tháp điều khiển và huỷ bỏ ngay. - Vâng, thưa ngài. - Nathal Norero gọi điện: - Tháp điều khiển, yêu cầu huỷ bỏ ngay chuyến bay của chiếc Gulfstream R3487. Nhân viên điều khiển trả lời: - Họ đã chạy trên đường băng rồi. - Phong toả đường băng lại. - Vâng, thưa ngài. Anh ta đeo chiếc microphone vào. - Tháp điều khiển gọi Gulfstream R3487. Các anh không được phép cất cánh. Trở về ngay. Huỷ bỏ việc cất cánh. Tôi nhắc lại, huỷ bỏ việc cất cánh. Roger Hudson bước vào buồng lái. - Chuyện quái quỷ gì thế? - Có sự trì hoãn nào đấy? - viên phi công nói. - Chúng ta phải quay về và… - Không!, - Pamela Huason nói. - Chạy tiếp đi. - Xin bà hết sức thông cảm, bà Hudson. Tôi sẽ mất bằng lái máy bay nếu… Jack Stone lại gần người phi công và lấy súng chĩa vào đầu anh ta. - Cất cánh, chúng ta đi sang Nga. Người phi công hít một hơi dài. - Vâng, thưa ngài. Chiếc máy bay tăng tốc độ và chỉ hai mươi giây sau, nó nhấc bổng lên không. Viên quản lý sán bay bất lực nhìn chiếc Gulfstream bay mỗi lúc một cao. - Lạy Chúa! Ông ta chống lại cả… Tướng Booster quát lên trong điện thoại: - Chuyện gì xảy ra vậy? Ông đã ngăn cản họ chưa? - Chưa thưa ngài. Họ… họ vừa cất cánh. Không có cách nào… Cùng lúc đó, cả bầu trời như bùng nổ. Tất cả những người dưới đất kinh hoàng nhìn lên, từng phần của chiếc Gulfstream bắt đầu rơi xuống qua đám mây như những cục lửa bay. Cảnh tượng này kéo dài mãi tưởng như không bao giờ hết. Đứng ở rìa sân bay, Boris Shdanoff quan sát rất lâu. Cuối cùng ông quay lại và bỏ đi. Chương 26 Mẹ Dana cắn một miếng bánh cưới. - Ngọt quá. Ngọt quá đi. Hồi còn trẻ mẹ cũng hay làm bánh, bánh của mẹ bỏ vào mồm là lập tức tan ngay. - Bà quay sang Dana. - Đúng không, con gái yêu? - Lập tức tan ngay, - là cụm từ cuối cùng lọt vào đầu Dana, nhưng chuyện đó không quan trọng, - Dĩ nhiên, thưa mẹ, - nàng nói với nụ cười ấm áp. Hôn lễ được cử hành trong phòng của Toà thị chính thành phố. Dana đã mời mẹ mình vào phút cuối cùng, sau một cú điện thoại. - Con yêu, rốt cuộc thì mẹ không lấy con người tồi tệ ấy nữa. Con và Kemal đã đúng, vì vậy mẹ trở về Las Vegas! - Chuyện gì đã xảy ra hả mẹ? - Mẹ phát hiện ra hắn có vợ rồi. Bà ta cũng không thích hắn. - Con rất tiếc, mẹ ạ. - Vậy là mẹ lại cô đơn ở đây. Cô đơn là một điều gợi ý. Dana đã mời bà đến dự lễ cưới của nàng. Nhìn mẹ mình nói chuyện với Kemal và nhớ được tên thằng bé, Dana mỉm cười. Chúng ta sẽ cho bà được làm bà ngoại. Niềm hạnh phúc của nàng thật quá lớn lao. Cưới Jeff là một điều kỳ diệu, nhưng còn nhiều điều kỳ diệu khác nữa. Sau đám cháy, Jeff và Kemal được đưa ngay vào bệnh viện điều trị. Khi họ ở trong đó, một nữ y tá đã kể cho các phóng viên nghe về cuộc phiêu lưu của Kemal và câu chuyện lập tức được đưa lên các phương tiện truyền thông. ảnh Kemal lên báo, còn trên TV, người ta tường thuật lại câu chuyện một cách chi tiết. Một cuốn sách viết về những gì nó đã trải qua sắp ra mắt và nghe đâu còn cả một bộ phim truyền hình nữa. - Nhưng chỉ với điều kiện cháu là diễn viên chính, - Kemal khăng khăng. Ở trường, nó đã là một anh hùng. Khi các thủ tục nhận con nuôi được tiến hành, một nửa các bạn cùng trường của Kemal đã đến chúc mừng nó. Kemal nói: - Con đã thật sự là con của bố mẹ rồi à? - Đúng vậy, - Dana và Jeff nói. - Chúng ta thuộc về nhau! - Tuyệt vời. - Chờ đến khi Ricky Underwood nghe được tin này. Ha! * * * * * Cơn ác mộng kinh hoàng của một tháng trước đã dần tan biến. Giờ đây ba người họ đã là một gia đình và ngôi nhà là nơi trú ngụ an toàn nhất. Mình không cần thêm một cuộc phiêu lưu nào nữa, Dana nghĩ. Mình đã đi quá đủ rồi. Một buổi sáng Dana thông báo: - Em vừa tìm được một căn hộ mới rất tuyệt vời cho cả bốn chúng ta. - Ba chúng ta chứ, - Jeff nhắc nàng. - Không, - Dana dịu dàng nói. - Bốn chúng ta. Jeff nhìn nàng đăm đăm. - Ý mẹ là chúng ta sắp có em bé. Con mong đó là một đứa em gái. Càng ngày càng có nhiều tin tốt. Phóng sự mở đầu cho chương trình Đường dây tội ác, - Chuyện của Roger Hudson, một âm mưu sát nhân, - nhận được vô số lời khen và tỷ lệ khán giả theo dõi tăng vọt lên. Ở mức kỷ lục. Matt Baker và Elliot Cromwell thì khỏi phải nói. Họ vui ra mặt. - Cô nên chuẩn bị sẵn mọi thứ cho giải Emmy(1) sắp tới đi! - Elliot Cromwell bảo Dana. Chỉ có đúng một vệt đen duy nhất. Rachel Stevens đã không thắng nổi căn bệnh ung thư. Lúc tin về cái chết của cô được đăng tải, Jeff và Dana mới biết chuyện gì xảy ra. Khi đọc đoạn tin này trên chiếc máy phóng đại chữ, Dana lại thấy nghẹn ngào. - Tôi không đọc nổi, - nàng nói với Richard Melton. Vậy là anh ta đọc nó. Yên nghỉ. Họ đang thực hiện mục bản tin lúc mười một giờ. "Và ngay tại đây, một người bảo vệ ở Spokane Washington, bị buộc tội giết một gái làm tiền mười sáu tuổi và bị nghi ngờ có liên quan đến cái chết của mười sáu người khác… Ở Sicily, xác của Malcolm Beaumont, người thừa kế bảy mươi tuổi của một công ty thép, được tìm thấy trong bể bơi. Beaumont đang hưởng tuần trăng mật với người vợ mới hai nhăm tuổi. Đi cùng họ là hai người anh của cô dâu. Bây giờ là dụ báo thời tiết với Marvin Greer…" Khi bản tin kết thúc, Dana vào gặp Matt Baker. - Có cái gì đó cứ làm tôi thắc mắc. Matt. - Cái gì vậy? Nói ra để tôi giải quyết cho. - À, chuyện một triệu phú bảy mươi tuổi chết đuối trong bể bơi khi đang đi hưởng tuần trăng mật với cô dâu hai nhăm tuổi. Ông có thấy chuyện này thuận lợi một cách tồi tệ không? Chú thích: (1) Giải thưởng Truyền hình hàng năm của Mỹ Dịch Thuật: Trần Hoàng Cương Hết Bóng Tối Kinh Hoàng Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Mở Đầu Berlin, Đức Sonja Verbrugge không ngờ từ đây những giây phút cuối cùng nàng còn hiện diện trên cõi trần. Nàng thơ thẩn hoà mình vào giữa đám đông khách du lịch bước chân trên hè phố Unter den Linden rộn rịp. Chớ có hoảng hốt làm gì, hãy bình tĩnh. Bức điện vừa hiện ra trước khung hình chiếc máy vi tính khiến nàng bủn rủn. "Nhanh chân lên, Sonja! Đến ngay khách sạn Artemisia Hotel. Em yên tâm ở lại đó chờ mệnh lệnh từ…" Bức điện hết giữa chừng? Tại sao Franz không chuyển đi cho hết? Chuyện gì đây? Nhớ lại đêm trước trong câu chuyện chồng nàng kể trên điện thoại với người bên kia cần phải chặn đứng ngay Prima bằng mọi giá. Prima là ai? Franz Verbrugge tới gần phố Brandenburgische Strasse, chỗ khách sạn Artemisia dành riêng cho mấy bà. Nàng ở lại đây chờ nghe chồng nàng kể đầu đuôi câu chuyện ra sao. Sonja Verbrugge vừa tới ngã tư thì đèn đỏ bật lên nàng đứng chờ. Chợt đâu trong đám đông kẻ lạ mặt xô lấn phía sau tới khiến nàng bước chệnh choạng muốn lọt xuống đường. Đồ khỉ gió! Một chiếc xe limousine chen vào giành chỗ đậu: cọ sát lề húc vô người nàng muốn té chúi nhủi đầu xuống đất. Mọi người xúm lại. - Sao vậy? - Ist ihr etwas Passiert? - Peut- elle marcher? Vừa lúc đó chiếc xe cấp cứu trờ tới. Hai nhân viên cấp cứu chạy tới: - Nào ta đưa nạn nhân đi ngay. Sonja Verbrugge còn nghe thấy mình được nhấc lên bỏ trên xe cấp cứu. Cửa đóng lại chiếc xe chạy tới. - Bà có đi nổi không? Tay chân nàng cột dính trên chiếc băng ca. - Tôi không sao? - Nàng nói ngay. - Chẳng đau đớn gì đâu. Tôi… Nhân viên cấp cứu nghiêng người xuống nói. - Không sao, Frau Verbrugge. Bà nằm nghỉ cho khoẻ. Nàng ngước nhìn lại ngỡ ngàng: - Sao ông biết tôi là… Nàng chỉ kịp có cảm giác đau nhói như một mũi kim vừa chích vô dưới da, thoáng cái mặt mũi tối sầm. * * * * * Paris, Pháp Mark Harris một mình trên đài quan sát tháp Eiffel mặc cho cơn mưa như trút nước bao phủ bốn phía. Chốc chốc sấm chớp lóe lên xuyên qua màn mưa như những viên kim cương lóng lánh. Phía bên kia bờ sông Seine toà lâu đài Palais de Chaillot đứng sừng sững, khu vườn danh tiếng Trocadéro Gardens, gã không màng tới . Đầu óc gã… quay cuồng trước nguồn tin như sét đánh vừa loan truyền đi khắp nơi. Mưa gió dồn dập tạo cơn lốc xoáy. Mark Harris kéo tay áo xuống cho đỡ lạnh vừa liếc nhìn đồng hồ. Giờ hẹn đã qua. Vậy mà bọn chúng đòi gặp nhau tại đây dù đã nửa đêm? Gã đang còn phân vân thì tai nghe tiếng cửa thang máy kéo ra. Hai người đàn ông birớc đi tiến về phía gã đang đứng mặc cho trận gió ào ào tới muốn che khuất tầm nhìn. Mark Harris nhận diện được ngay, người nhẹ nhõm. - Mấy cậu đến trễ thế? - Thời tiết trở chứng thế nầy, Mark làm sao nói trước? - Thôi, đã đến nơi được rồi. Cuộc gặp gỡ sắp tới ở Washington đã lo liệu xong cả rồi chứ? - Bọn tớ muốn bàn với cậu chuyện đó. Sáng nay đã bàn bạc kỹ, bọn mình đã thống nhất… Đang giữa chừng câu chuyện, một tên trong bọn vòng ra phía sau chỗ Mark Harris đứng, bị dồn vô thế lưỡng đầu thọ địch vừa lúc một vật cứng đập lên đầu. Ngay tức thì tên thứ hai nhào tới nhấc bổng người Mark lên ném qua lan can dưới cơn mưa như thác lạnh buốt, xác người lao vút xuống vực ba mươi tám tầng lầu bẹp dúm trên vỉa hè không chút thương xót. * * * * * DenverColorado. Gary Reynolds sống ở vùng Kelowna khô cằn bên Canada tiếp giáp vùng Vancouver, nơi đây gã được huấn luyện bay trong môi trường núi non hiểm trở. Gã đang lái chiếc Cessna Citation II, để mắt quan sát mấy chóp núi tuyết phủ trắng xoá phía bên dưới như mọi lần xuất phát tổ lái hai người, hôm nay chỉ mỗi mình. Tức là chuyến bay không đúng tuyến, gã nghĩ. Gã đăng ký giả chuyến bay đến phi trường KennedyAirport. Không ai nghĩ phi vụ qua tới Denver. Đến mục tiêu gã tìm chỗ ở lại nhà người em gái, sáng hôm sau đổi hướng bay qua phía đông như đã hẹn với bạn bè. Mọi việc tính toán đâu vào đấy, thế mà. Tín hiệu trên loa vừa phát ra làm gã giật mình tỉnh lại. - Citation một, một. Một Lima Foxtrot đây là đài kiểm soát không lưu sân bay Denver International gọi. Nghe rõ nói. Gary Reynolds giơ tay nhấn nút. - Citation một một một. Lima Foxtrot nghe đây chỉ xin lệnh đáp Lima Foxtrot, cho biết bạn đang ở vị trí nào? - Lima Foxtrot đang bay ở toạ độ cách sân bay Denver mười lăm dặm - Độ cao 15,000 bộ. Gã liếc nhìn thấy đỉnh núi Piske chập chờn phía bên phải. Mây trời trong vắt, thời tiết sáng sủa. Một ngày đẹp trời, gã nghĩ. Một phút im lặng trôi qua. Tín hiệu trạm Kiểm soát không lưu loạn đi. - Một Lima Foxtrot theo lệnh tôi bạn đáp xuống đường băng Hai - Sáu, nghe rõ. Nhắc lại đường băng Hai - Sáu. - Một Lima Foxtrot nghe rõ. Bất giác Gary Reynolds thấy thân tàu chao đảo dữ dội, vội nhìn ra phía ngoài cửa sổ buồng lái. Một cơn gió giật mạnh thình lình ùa tới, chiếc Cessna đang bay giữa vùng gió xoáy muốn nhấn cả thân tàu xuống. Nhanh tay gạt cần lái lui ra sau lấy lại độ cao. Không xong chiếc máy bay lọt vô giữa cơn lốc xoáy cực mạnh, không thể điều khiển bằng tay lái, gã nhấn nút gọi. - Một Lima Foxtrot. Xin lệnh đáp khẩn cấp. - Một Lima Foxtrot, bạn xin đáp khẩn cấp số mấy? Gary Reynolds quát to vô trong máy: - Tôi đang vô chỗ chân không? Gió xoáy cực mạnh, sắp có bão! - Một Lima Foxtrot nghe rõ, bạn còn cách sân bay bốn phút rưỡi trên đường bay về Denver, trạm không lưu không nhìn thấy tín hiệu nhiễu loạn trên màn hình. - Tôi không muốn thấy cái màn hình chó chết đó? - Tôi lặp lại… Tín hiệu cấp cứu vang lên đột ngột. - Cứu tôi! Cứu… Trên đài Kiểm soát không lưu mọi cặp mắt nhìn theo tần số tín hiệu trên màn hình radar vụt tắt. * * * * * Manhattan, New York. Tờ mờ sáng bên dưới chân cầu Manhattan gần chỗ cầu tàu số 17 tập họp một nửa tiểu đội nhân viên cảnh sát và thám tử dàn hàng ngang bao quanh chỗ cái xác mặc trên người bộ quần áo bảnh bao trôi tấp vô bãi cát trên bờ sông. Xác nạn nhân bị quăng từ trên độ cao xuống đất, phần đầu cổ lắc lư dưới làn nước trôi dạt ngoi lên theo đợt sóng thuỷ triều tấp vô. Thám tử điều tra, Earl Greenburg thuộc đội điều tra hình sự phía Nam Manhattan đã lấy xong đầy đủ các số liệu. Không ai được tiếp cận xác nạn nhân cho tới khi xong thủ tục chụp hình, ghi chép lại các chi tiết quanh hiện trường, các nhân viên khác lo tìm kiếm các manh mối có thể nhìn ra được chung quanh. Hai bàn tay nạn nhân được gói gọn lại trong một lớp bao nylông trong suốt. Quan điều tra pháp y Carl Ward đã làm xong thủ tục tay phải phủi quần đứng dậy. Ông nhìn qua hai thám tử. Earl Greenburg một nhân viên nhà nghề mặt mũi dễ nhìn đăm chiêu nghĩ ngợi. Robert Praegitzer mái tóc xám tro, trong tư thế điềm nhiên trước một vụ án tưởng chừng đơn giản như mấy vụ trước đây. Quan pháp y Ward quay qua nói với Greenburg: - Xin giao lại cho ông, Earl. - Ngài đã thấy được gì chưa? - Nguyên nhân dẫn đến cái chết nạn nhân là phần đầu bị đứt lìa, ngay chỗ động mạch cổ. Hai xương bánh chè vỡ vụn, gãy mấy chiếc xương sườn. Nạn nhân bị nhục hình trước khi chết. - Ta có thể ước đoán thời điểm của vụ án lúc nào? Quan pháp y Ward nhìn xuống ngấn nước thấm trên đầu nạn nhân. - Khó đoán. Theo tôi thì có thể nạn nhân bị quăng xuống sông khoảng quá nửa đêm. Chờ đưa xác nạn nhân vô nhà xác thì mới kết luận được. Greenburg nhìn kỹ lại xác nạn nhân. Trên người mặc chiếc áo jacket xám tro, quần màu sậm thắt cà vạt xanh, tay trái đeo chiếc đồng hồ đắt tiền. Greenburg quỳ sát xuống giơ tay lục soát bên trong túi áo jacket, lôi ra được mảnh giấy, giữ lấy một bên mép, ghi vội mấy dòng chữ: "Washington, ngày thứ hai, lúc mười giờ sáng. Prima". Nhìn thật lâu gã chưa thể đoán ra. Greenburg lục qua túi bên kia, lôi ra được thêm mảnh giấy. Chữ viết tiếng Ý. Gã nhìn quanh mọi người. - Gianelli! Một nhân viên cảnh sát vội chạy lại: - Vâng, thưa, có tôi… Greenburg chìa mảnh giấy ra: - Cậu đọc được chứ? Gianelli đọc to lên, chậm rãi "Cơ hội nghìn năm một thuở. Hẹn gặp tại cầu tàu số 17 muốn được nghe hết đoạn cuối hay muốn về ở với bầy cá". Robert Praegitzer nhìn theo sững sờ: - Một lối chơi của bọn mafia? Tại sao bọn chúng bỏ nạn nhân lại đây chơ vơ một mình? - Khá lắm! Greenburg lục tìm thêm trong mấy túi kia. Lôi ra được một chiếc ví mở ra xem. Còn rất nhiều tiền. - Đây không phải một vụ án vì tiền? Bên trong chiếc ví là tấm danh thiếp. Tên nạn nhân là Richard Stevens. Praegitzer cau mày: - Richard Stevens… Hình như mới đâu đây ta còn nghe nói tên nầy trên báo thì phải? Greenburg lên tiếng. - Vợ ông ta là Diane Stevens. Bà ta ra hầu toà trong vụ án xử Tony Altieri can tội giết người. Praegitzer nói: - Đúng rồi. Bà ta đã khai phản cung trước toà. Cả hai cùng quay lại nhìn xuống xác nạn nhân Richard Stevens. Chương 01 Trên phố Manhattan, bên trong phòng xử án số 37 Toà án Hình sự tối cao đặt trụ sở tại số 180 phố Centre Street vừa mở phiên xử tên tội phạm Anthony (Tony) Altieri. Phòng xử đông nghẹt người tham dự kể cả đông đảo các nhà báo. Ngồi ở hàng ghế bị cáo là Anthony Altieri khom người co ro như con ếch bị trói gô lại. Chỉ có cặp mắt gã còn có vẻ tinh anh mỗi khi liếc nhìn qua Diane Stevens ngồi ở hàng ghế nhân chứng, nàng như thấy được hết cơn căm giận của gã đang sôi lên sùng sục. Ngồi gần bên bị cáo Altieri là luật sư bào chữa Jake Rubenstein, nổi tiếng nhờ ở hai điểm thân chủ là thành phần bọn thổ phỉ, hơn nữa nhờ ở tài biện hộ phần đông thân chủ toà xứ án trắng án. Rubenstein người nhỏ thó nhưng mà bộ óc lại lanh lẹ phán đoán chính xác. Ông khoác lên người nhiều phong cách qua nhiều phòng xử án. Toà án là đất dụng võ ông ta được tôn vinh như một bậc thầy lão luyện trong nghề. Ông có tài đánh giá đối phương, vạch trần chỗ yếu một cách sắc sảo. Rubenstein đã từng tự ví mình như một con sư tử khôn khéo nép mình để như bắt chộp lấy con mồi… Hay như loài nhện tinh khôn giăng lưới chờ con mồi sụp bẫy chịu chết… Có lúc ông ta đóng vai một ngư phủ cần mẫn, nhẹ nhàng buông lưới rồi thong thả lui tới thăm dò mẻ lưới. Luật sư bào chữa để mắt quan sát người ngồi ở hàng ghế nhân chứng. Diane Stevens trong độ tuổi ba mươi. Nàng có dáng dấp quý phái, tóc nàng màu hoe vàng mềm mại. Đôi mắt trong xanh, khuôn mặt khả ái. Nàng là một cô hàng xóm tốt bụng. Nàng ngồi đó ăn mặc đúng mode thời trang trong bộ váy đen. Jake Rubenstein biết được trước đó một bữa nàng khéo léo gây ấn tượng tốt với ngài quan toà. Ông thấy cần phải thận trọng hơn trong cách ứng xử với nhân chứng nầy. Lần nầy ta muốn đóng vai một ngư phủ. Rubenstein tranh thủ dành cảm tình với phía nhân chứng, ông cất tiếng giọng hoà hoãn. - Thưa bà Stevens, trong buổi cung khai hôm qua bà cho biết ngày hôm đó, mười bốn tháng mười, bà lái xe trên đại lộ phía Nam Henry Hudson Parkway thình lình xe xẹp bánh bà cho xe lết được một chặng tới phố 158th street. Băng qua một con đường nhỏ vô tới khu vực FortWashingtonPark phải không? - Vâng! - Giọng nàng nghe nhỏ nhẹ biết điều. - Bà nghĩ sao khi cho xe dừng lại khu vực dành riêng nầy? - Xe tôi bị xẹp bánh, nên phải tránh vô đường hẹp, vừa lúc tôi nhìn thấy phía trước mái nhà một cabin khuất trong lùm cây. Nơi đây chắc là có người có thể giúp tôi. - Bà là hội viên câu lạc bộ ô tô? - Vâng ! - Trên xe có gắn điện thoại? - Có! - Sao bà không gọi tới chỗ câu lạc bộ? - Tôi thấy như vậy mất công lâu hơn. Rubenstein tỏ ra biết điều. - Tôi hiểu. Vả lại bà đã muốn dừng xe tấp vô chỗ cabin trước mặt? - Vâng. - Cho nên bà muốn nhờ người trong cabin ra giúp? - Đúng vậy. - Lúc đi bên ngoài trời còn sáng? - Tôi nhớ đâu mới khoảng năm giờ chiều. - Bà nhìn thấy rõ mọi thứ xung quanh lúc đó chứ? - Tôi còn nhìn rõ. - Bà nhìn thấy gì, thưa bà Stevens? - Tôi nhìn thấy Anthony Altieri. - À vậy trước đó bà biết mặt anh ta rồi? - Dạ không. - Bà có chắc đó là Anthony Altieri? - Tôi nhớ đã thấy hình đăng trên báo… - Vậy là hình chụp trông giống mặt mũi bị cáo ngồi đây? - Vâng, đó… - Bà còn thấy gì khác hơn bên trong cabin? Diane rùng mình thở ra, nàng chậm rãi cất tiếng cố nhớ lại trong đầu. - Bên trong cabin có bốn người đàn ông. Một người bị trói ngồi trên ghế. Nhìn thấy Altieri đang hỏi chuyện, hai người kia đứng gần bên. - Giọng nàng run run - Altieri rút súng ra, la hét một hồi mới… mới bắn một phát từ phía sau gáy… Jake Rubenstein liếc nhìn qua phía quan toà đang lắng nghe lời khai nhân chứng. - Lúc đầu bà phản ứng ra sao, bà Stevens? - Tôi chạy lui ra ngoài xe bấm máy di động gọi số… - Rồi sao? - Tôi lái xe bỏ đi. - Xe xẹp bánh mà? - Vâng tôi biết… Ngư ông ngồi chỗ xem động tĩnh trên mặt nước. - Sao bà không báo cho cảnh sát tới? Diane nhìn qua phía luật sư biện hộ. Lúc nầy Altieri chăm chú nhìn theo nàng với ánh mắt nham hiểm. Nàng nhìn tránh chỗ khác. - Tôi không thể nán lại bời vì tôi… tôi sợ người bên trong chạy ra nhìn thấy. - Tôi hiểu. - Rubenstein giọng nói đanh lại, - Còn một chỗ khó hiểu là khi cảnh sát nghe gọi họ chạy tới ngay cabin nhưng không những không tìm thấy ai, thưa bà Stevens, mà nhìn quanh cũng không thấy dấu vết có người ở đấy, chớ đừng nói là vừa có một án mạng xảy ra. - Tôi không thể nói là… tôi… - Bà là một hoạ sĩ, phải không? Nghe hỏi nàng kinh ngạc: - Vâng, tôi… - Bà hài lòng với công việc hiện tại? - Vâng. Có thể nói là thành công, nhưng mà sao… Đã tới lúc ta nhấc cần được rồi đấy. - Xin nói thêm một chút riêng tư không làm phiền bà chứ? Mỗi đêm khán giả theo dõi chương trình truyền hình lúc 9h, đọc trang bìa tạp chí số… Diane hốt hoảng nhìn theo người nói: - Tôi không quảng cáo cho tôi. Tôi không sai khiến một người thật thà để mà… - Cái cốt lõi là ở chỗ thật thà đấy thưa bà Stevens. - Tôi xin nêu lên một bằng chứng không thể ngờ được ông Altieri là một người thật thà. Xin cám ơn bà. Bà coi như "xong hàng" rồi đó. Diane không màng tới câu nói nước đôi. Nàng bước trở lại chỗ ngồi trong lòng căm giận. Nàng hỏi nhỏ luật sư nguyên cáo. - Tôi có thể ra về được chứ? - Được tôi sẽ cho người đưa bà ra xe. - Thôi khỏi phiền ông, cám ơn. Nàng bước ra cửa, đi tới chỗ đậu xe, bên tai còn nghe văng vẳng câu nói luật sư biện hộ của bị cáo. "Bà là một hoạ sĩ phải không?… Xin nói thêm chút về đời tư không làm phiền bà chứ…" Thật xấu hổ. Dù sao nàng cảm thấy hài lòng lời cung khai trước toà. Nàng thấy sao nói ra vậy không ai có thể hồ nghi cho việc đó Anthony Altieri sẽ bị buộc tội, bị kết án tù chung thân, và Diane không làm sao quên được cái nhìn cay đắng khi hắn nhìn thấy nàng, nhớ lại nàng rùng mình. Diane chìa vé giữ xe ra tới chỗ lấy xe đi. Hai phút sau Diane lái xe ra tới giữa phố nhắm hướng bắc chạy về nhà. Xe dừng lại ngã tư. Diane vừa thắng xe thì nhìn thấy một anh chàng ăn mặc bảnh bao đứng trên lề bước lại gần: - Xin lỗi bà. Tôi lạc đường. Bà có thể… Diane kéo cửa xe xuống. - Bà có thể chỉ đường tới chỗ Holland Tannel được chứ? - Gã nói giọng Ý. - Vâng. Dễ thôi chạy tới chỗ dừng đầu tiên. Nhanh tay gã chĩa súng gắn ống hãm thanh lên tiếng: - Bước xuống xe, nhanh! Diane xanh mặt. - Được, xin ông đừng… Vừa chớm tay mở cửa xe, gã bước thụt lùi, ngay khoảnh khắc đó Diane nhấn ga cho xe vọt lẹ tới trước tai nghe tiếng đạn bay vèo thủng một lỗ kính xe cửa sau, một viên nữa trúng vô thùng xe. Trống ngực đánh thình thịch nàng cố lấy hơi thở ra. Diane Stevens từng nghe nói bọn chặn đường cướp xe trước đây rất lâu nhưng với người khác. Lần nầy gã đàn ông muốn giết nàng. Bọn cướp xe cũng giết người hay sao? Diane nhấn điện thoại di động gọi số 911… Hai phút sau nghe máy gọi lại. - 911. Quý khách gọi cấp cứu. Đến lúc nầy Diane muốn trình bày nội vụ thì cũng không thể giải quyết. Bọn cướp đã cao bay xa chạy từ khuya. - Tôi cho người tới ngay. Yêu cầu bà cho biết tên địa chỉ số phone. Diane đọc ra trên máy. Vô ích, nàng nghĩ. Nàng ngoái nhìn lại tấm kính cửa xe phía sau chợt rùng mình. Nàng cố gắng gọi máy Richard đang ở công xưởng, giờ nầy còn phải lo cho xong một công trình khẩn cấp. Nếu nàng cho hay vụ việc vừa rồi ông sẽ phóng xe về ngay. Nàng không muốn nhìn thấy ông bỏ ngang công việc đang tới hồi kết thúc. Thôi thì đến lúc về nhà ta sẽ kể lại sau. Bất chợt một ý tưởng vừa nảy ra trong đầu khiến nàng rùng mình! Có phải người đàn ông kia chờ nàng tới hay là một sự tình cờ ngẫu nhiên? Nàng nhớ lại câu chuyện giữa nàng với Richard lúc vụ xử án vừa diễn ra. Anh không muốn em đứng ra làm chứng, Diane. Em sẽ mang hoạ. - Anh đừng lo, Altieri sẽ bị lãnh án. Hắn sẽ lãnh án tù chung thân. - Nhưng hắn còn bạn bè người thân… - Richard, nếu em không làm chứng, em không thể chịu được. Vụ việc xảy ra chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên, Diane nghĩ. Altieri không thể nào muốn tính chuyện giang hồ với nàng ngay lúc hắn còn ra toà. Diane lái xe qua khỏi quốc lộ, rẽ hướng phía tây chạy về nhà trên phố Bảy mươi lăm. Trước khi cho xe đậu dưới hầm, nàng nhìn quanh một lần cuối. Không thấy có dấu hiệu gì lạ. * * * * * Căn hộ nàng ở thoáng mát, phòng khách rộng rãi, cửa sổ từ dưới lên trên, lò sưởi xây bằng đá hoa. Ghế sofa bọc nệm, ghế bành, tủ sách gắn vô tường, một máy truyền hình màn ảnh lớn. Trên tường treo đầy tranh vẽ đủ màu sắc của nhiều hoạ sĩ danh tiếng, ở một góc kia được dành riêng những tác phẩm của Diane. Phòng kế bên buồng ngủ lớn và buồng tắm, là buồng ngủ dành cho khách, một xưởng vẽ tràn ngập ánh nắng nơi Diane ngồi vẽ, trên tường treo nhiều tranh, chính giữa gian phòng bày một bức tranh chân dung chưa vẽ xong. Mỗi khi về đến nhà Diane lao ngay vô xưởng vẽ. Nàng tháo tranh vẽ chưa xong xuống, căng khung bạt mới toanh lên vẽ. Nàng đang phác hoạ lại khuôn mặt gã đàn ông đòi giết nàng, nhìn lại hai bàn tay run rẩy nàng quăng cọ vẽ xuống không vẽ được. Trên đường lái xe tới căn hộ nơi ở của Diane Stevens, thám tử Earl Greenburg cằn nhằn: - Đây là công việc mình chán ghét nhất. Robert Praegitzer lên tiếng: - Thà mình nói ra hết còn hơn để họ ngồi nghe tin tức trên truyền hình. Gã nhìn qua Greenburg. - Cậu định kể lại cho bà ta nghe à? Earl Greenburg gật, vẻ mặt buồn buồn. Gã nhớ lại câu chuyện anh hùng thám tử đến báo tin cho người vợ một nhân viên cảnh sát tuần tra về cái chết của anh ta. - Bà ta rất dễ xúc động. Sếp dặn dò cậu nên liệu cách để thông báo. - Yên chí, tôi sẽ liệu cách. Nhân viên thám tử đến gõ cửa nhà Adams, người vợ bước ra mở cửa. - Thưa bà có phải là vợ goá ông Adams? Nghe tiếng chuông báo ngoài cửa trước. Diane giật mình. Nàng chưa biết ai đến đây, nàng nói vô máy nhắn nội bộ: - Ai vậy? - Thám tử Earl Greenburg. Tôi muốn gặp bà Stevens có chút việc. Chắc là chuyện cướp xe hôm trước đây, Diane nghĩ. Cảnh sát đến nhanh thế? Nàng nhấn nút mở cửa Greenburg đứng trước thềm. - Chào ông Có phải bà Stevens ở đây? - Vâng. Cám ơn ông đến kịp lúc. Tôi vừa phác hoạ lại khuôn mặt anh chàng hôm nọ, nhưng rồi… - Nàng hít vô một hơi. - Gã người ngăm ngăm đen, mắt nâu nhạt có nốt ruồi nhỏ một bên gò má. Hắn có súng hãm thanh và… Green đang còn lóng ngóng nhìn theo: - Tôi lấy làm tiếc. Tôi chưa hiểu ra sao… - Hắn là tên cướp xe. Tôi gọi điện thoại di động số 911 và… - Nàng thoáng nhìn thấy nhà thám tử đổi sắc mặt. - Không phải vụ cướp xe, phải vậy không ông? - Thưa bà không phải chuyện xe, - Greenburg im lặng một lúc. - Bà cho phép tôi vô nhà được chứ? - Mời ông vô. Greenburg bước vào trong. Nàng nhìn theo cau mày. - Thế là sao? Có việc gì không may chăng? Lời nói dường như không muốn đến tai nàng. - Vâng, tôi lấy làm tiếc… Tôi… Tôi đến đây báo tin buồn. Tin chồng bà. - Chuyện gì vậy? - Giọng nàng run run. - Ông gặp tai nạn. Diane chợt thấy ớn lạnh. - Tai nạn ra sao? Greenburg hít vô một hơi sâu. - Ông bị giết chết đêm hôm qua, thưa bà Stevens. Xác nạn nhân nằm dưới gầm cầu mới vừa phát hiện sáng nay. Diane nhìn theo một hồi lâu, chậm rãi lắc đầu. - Ông có báo tin nhầm không hở ngài Trung uý. Chồng tôi đang lo công việc tại sở làm trong phòng thí nghiệm. Nhà thám tử thấy khó nói. - Thưa bà Stevens, tối qua ông có về nhà không? - Không, Richard thường đi làm khuya. Ông là một nhà khoa học. - Nàng cảm thấy càng xúc động hơn. - Thưa bà Stevens, bà đã hay biết chuyện ấy quan hệ với bọn mafia? Diane tái mặt. - Bọn mafia? Ông có điên chăng? - Chúng tôi tìm thấy… Diane nghe hơi thở dồn dập. - Cho tôi xem giấy tờ của ông. - Có đây, nhà thám tử Greenburg chìa ra thẻ căn cước. Diane liếc mắt nhìn trả lại, nàng vung tay tát mạnh vô mặt gã. - Ông ăn lương nhà nước để đi hù doạ người dân lương thiện hay sao? Chồng tôi chưa chết? Ông đang công tác tại sở. -Nàng thét lên một tiếng. Greenburg nhìn sâu vô mắt nàng đau đớn chưa muốn tin: - Thưa bà Stevens, bà cần có người chăm sóc, tôi sẽ cho người tới đây nếu thấy… - Chỉ có ông mới cần người trông coi. Thôi ông đi về đi! - Bà Stevens… - Đi ngay! Greenburg chìa ra tấm thẻ hình sự đặt xuống bàn bên cạnh. - Nếu cần trao đổi với tôi, bà gọi số máy nầy. Sau khi thám tử Earl Greenburg ra về, Diane khoá cửa trước nghe tiếng hơi thở còn run run. Quân ngốc nghếch? Đến nhầm địa chỉ còn muốn doạ người. Ta sẽ báo cáo lên trên, vừa nói nàng liếc nhìn đồng hồ trên tay. Richard sẽ về trong chốc lát thôi. Đến giờ dọn bữa ăn tối, nàng vừa nghĩ. Nàng làm món cơm chiên Dương Châu, món ăn hợp khẩu vị ông. Nàng đi xuống bếp. Do công tác cần được bảo mật, Diane không thể đến phòng thí nghiệm nói chuyện, nơi không nghe ông gọi coi như nàng phải hiểu là ông đi về trễ. Nàng vừa làm xong món cơm chiên là tám giờ. Nàng nếm thử nhếch mép cười vừa miệng, một món hợp khẩu vị Richard. Nhìn đúng mười giờ chưa thấy ông về… Diane đem món cơm cất vô tủ lạnh, viết mấy chữ treo ngoài cửa tủ. "Anh yêu quý, đồ ăn cất trong tủ. Anh về gọi em thức dậy". Về tới nơi chắc là Richard phải kêu đói bụng. Diane thấy trong người lừ đừ, nàng thay đồ, mặc áo ngủ đánh răng vô giường nằm ngủ, thoáng chốc nàng đã chìm sâu vô giấc ngủ. Khoảng ba giờ sáng thức giấc nàng la hét om sòm. Chương 02 Tờ mờ sáng Diane mới thấy hết run. Cái cảm giác ớn lạnh nó vô thấu tận xương tuỷ. Sẽ không còn có lúc được nhìn thấy nhau, nghê giọng nói, được ôm ấp. Nàng nghĩ ngợi, lỗi tại ta. Thà ta đừng ra dự phiên toà. Ôi Richard, tha thứ cho em… xin anh tha thứ cho em. Em không thể bước tiếp chặng đường thiếu vắng anh. Em đã mất hết tất cả bởi vì anh là cuộc sống là lý trí của đời em. Nàng muốn thu người lại như con sâu cuốn. Nàng muốn trốn chạy. Nàng đi tìm cái chết. Nàng nằm đó chơi vơi nhớ lại ngày nào khi Richard đến làm thay đổi đời nàng. Diane West lớn lên tại khu phố Sands Point, New York, một nơi yên tĩnh. Cha nàng một bác sĩ phẫu thuật, mẹ là hoạ sĩ, năm ba tuổi Diane đã biết học võ. Nàng học trường nội trú St. Paul, năm học đầu tiên ở đại học nàng có một thời gian quan hệ lui tới với ông thầy dạy toán khéo tán gái. Ông tỏ lời muốn cưới nàng chỉ… nàng mà thôi. Lúc Diane biết ông đã có vợ ba con nàng quyết một là chọn môn toán hay ông già lẩm cẩm, nàng xin chuyển trường khác. Say mê vì môn nghệ thuật những lúc rảnh rỗi nàng ngồi vô ghế vẽ. Năm ra trường nàng đã có tranh bán, nổi tiếng là một hoạ sĩ tài năng. Mùa thu năm đó Diane được nhận bày tranh tại Gallery nổi tiếng ở phố Fifth Avenue, mang lại cho nàng một vinh dự thành công lớn. Người làm chủ Gallery, Paul Deacon giàu có hiểu biết rộng, một người Mỹ gốc châu Phi đã giúp đỡ cho tài năng Diane phát triển. Đêm khai mạc phòng tranh đông người coi, Deacon vội chạy tới bên Diane, nụ cười trên gương mặt ông rạng rỡ: - Chúc mừng… em? Số tranh bán được gần hết. Vài tháng nữa tôi muốn làm thêm một phòng tranh, em sẽ có tranh tham dự. Diane sung sướng vô cùng: - Thật tuyệt vời, Paul. - Em xứng đáng. - Ông vỗ vai nàng rồi bỏ đi. Diane dừng lại cho chữ ký, chợt nghe một người lạ mặt bước tới sau lưng nói. - Tôi thích những đường nét trong tranh bà… Diane đứng lặng người. Nàng sững sờ quay qua nhìn há hốc mồm toan bẻ lại một câu, anh buột miệng nói: - Chẳng kém gì đường nét uyển chuyển trong tranh Rossetti hay Manet. - Anh vừa đứng ngắm nghía tranh vừa nói. Diane lấy lại bình tĩnh. - Ồ, - Nàng vừa đáp vừa để mắt nhìn theo. Anh chàng khoảng độ tuổi ba mươi, cao lớn thân hình lực sĩ, mái tóc vàng, mắt xanh sáng rỡ. Anh mặc trên người bộ đồ màu sậm, áo sơ mi trắng thắt cà vạt nâu. - Tôi… tôi cám ơn ông. - Bà vẽ tranh từ lúc nào? - Tôi vẽ từ nhỏ. Mẹ tôi là hoạ sĩ. - Bà nhếch mép cười. - Mẹ tôi làm đầu bếp, tôi thì không biết nấu ăn. Tôi biết tên bà. Tôi là Richard Stevens. Cũng vừa lúc Paul Deacon quay lại trên tay cầm ba gói hàng. - Tranh của ông đây, ông Stevens. Chúc ông vui vẻ. - Ông giao hàng xong, bỏ đi. Diane ngạc nhiên nhìn theo: - Ông mua ba bức tranh của tôi. - Và còn treo ở nhà hai bức nữa. - Tôi… tôi được ngưỡng mộ đến vậy? - Tôi chọn những hoạ sĩ tài năng. - Cám ơn ông! Ngẫm nghĩ anh buột miệng nói: - À bà còn nhiều việc, thôi tôi phải đi ngay. Diane nghĩ khác: - Không, Tôi thong thả. Anh nhếch mép cười. - Hay lắm - Anh lại nói - Bà có thể dành cho tôi một vinh dự. Diane liếc nhìn bàn tay trái, tay không đeo nhẫn cưới: - Vâng. - Tôi vừa mới được hai vé xem diễn lại vở "Tâm hồn vui tươi" của Noel Coward đêm mai, không có ai đi chung. Nếu bà không bận rộn gì… Diane nhìn thêm một lần nữa. Trông anh chàng dễ thương hấp dẫn đấy chứ, có điều hai ta hãy còn xa lạ. Chớ nên phiêu lưu. Càng phiêu lưu hơn khi nàng muốn nói với mình. Ta cũng thích lắm chứ. Tối hôm sau là một đêm thật mê mẩn. Richard Stevens hoá ra là người hoạt bát vui nhộn như gặp người đồng điệu. Hai kẻ xa lạ mà lại thấy tương đắc chuyện nghệ thuật, âm nhạc, nhiều lĩnh vực khác nữa. Nàng muốn được gần gũi, nghĩ lại thì không biết anh chàng có như mình tưởng chăng. Cuối buổi Richard lên tiếng hỏi. - Tối mai bà rảnh chứ? Diane đáp không do dự. - Có. Tối hôm sau hai người ngồi chung bàn tại một nhà hàng yên tĩnh trên phố Sotto. - Richard, tôi muốn biết anh là ai. - Đơn giản thôi. Tôi sinh ra ở Chicago. Cha tôi làm nghề xây dựng. Vẽ kiểu nhà đi nhiều nơi trên thế giới, mẹ tôi cũng đi theo ông. Tôi biết được khoảng mười nước học được nhiều thứ tiếng. - Bình thường anh làm nghề gì để sinh sống? - Tôi đang phục vụ cho cơ sở KIG - Kinsley International Group. - Nghe hay đấy. - Càng thú vị hơn. Là nơi dẫn đầu những cuộc thí nghiệm kế hoạch học, làm việc theo phương châm "Hôm nay chúng tôi chưa tìm ra câu giải đáp, hãy đợi ngày mai". Sau bữa ăn tối, Richard đưa Diane về nhà. Đến trước cửa nhà, cầm tay nàng anh nói. - Một buổi tối tuyệt vời! Cám ơn em. Anh cất bước đi. Diane đứng nhìn theo, nghĩ ngợi, ta hài lòng chàng ta lịch sự không phải là tay săn gái. Ta lấy làm hài lòng. Quái! * * * * * Mãi về sau chàng và nàng gặp gỡ mỗi đêm, và mỗi lần Diane được gần gũi Richard nàng thấy mặn nồng hơn. Một buổi tối thứ Sáu Richard hỏi nàng: - Mỗi tuần ngày thứ Bảy tôi phụ trách huấn luyện đội bóng, em muốn đến không? Diane gật. - Muốn lắm chứ, thưa ông Huấn luyện viên. Buổi sáng Diane ngồi xem Richard quần nhau với đội bóng của bọn trẻ. Anh tỏ ra tận tâm chăm sóc, reo hò cùng bọn trẻ mỗi khi bắt được bóng, bọn trẻ khoẻ phải nói, thích thú khi được chơi với ông huấn luyện viên. Diane nghĩ thầm, ta đang yêu. Ta đang yêu. Vài bữa sau Diane hẹn đi ăn cơm tối với mấy cô bạn đồng nghiệp, lúc ra về tạt ngang qua hàng quán bà thầy bói bohemien. Đắn đo một hồi Diane bảo: - Ta nhào vô đây coi thử một quẻ xem sao? - Thôi đi, Diane. Tớ phải đi ngay về chỗ làm! - Mình cũng bận đây. - Tớ còn đi đón Johnny. - Thôi thử vô đi xem sao, kể lại cho bọn mình nghe sau. - Thôi thì được. Tớ vào xem. Năm phút sau Diane được mời ngồi trước mặt một bà mặt mũi xấu xí, mồm bịt đầy răng vàng, trên đầu trùm chiếc khăn san bẩn thỉu. Phi lý, tại sao ta muốn nhào vô đây? Chuyện đó nàng phải biết. Nàng muốn biết tương lai sau nầy giữa nàng với Richard có hợp với nhau. Nghĩ cũng buồn cười, nàng nghĩ. Diane ngồi nhìn bà thầy bói bốc một bộ bài tarô, tay bà xáo bài mắt không rời bộ bài. - Tôi muốn biết là… Suỵt! Bà thầy lật một lá bài lên, lá bài anh chàng làm Hề tay đeo túi xách, ăn mặc màu mè. Bà nhìn thật lâu: - Cô em đây còn nhiều việc bí ẩn phải bói cho ra. Bà lật tiếp thêm một lá. Lá bài hình Mặt trăng còn ham muốn điều gì chưa rõ? Diane lưỡng lự rồi gật đầu. - Có phải một người đàn ông nào đây? - Phải! Bà thầy lật tiếp theo một lá khác. - Lá bài tượng trưng Tình nhân. Diane tươi cười: - Có phải điềm tốt? - Để phải coi thêm ba lá nữa. - Nói xong bà lật tiếp một lá khác. - Lá bài người bị treo cổ. Bà lưỡng lự đặt tay lật lá bài tiếp theo. - Con quỷ? - Bà nói khẽ. - Tức là điềm xấu? Diane hỏi. Bà thầy bói không nói ra. Diane ngồi nhìn bà lật tiếp một con bài chót. Bà lắc đầu. Bà lặng lẽ nói thầm: - Lá bài Thần chết. Diane đứng ngay dậy. - Tôi không tin mấy chuyện nầy, nàng tức giận. Bà thầy ngước nhìn lại rồi chợt nói, lời bà nói nghe như không. - Tin hay không cũng chẳng sao. Bởi Thần chết rình rập quanh em. Chương 03 Berlin, Đức Cảnh sát Trưởng Otto Schiffer cùng với hai nhân viên cảnh sát mặc sắc phục, người quản lý chung cư, ông Karl Goetz chăm chú nhìn xuống xác chết trần truồng nằm co quắp dưới bồn nước tắm. Một vệt bầm tím quanh cổ. Ông Cò cảnh sát thò tay xuống vòi nước còn rò rỉ: - Nước lạnh. - Ông kề mũi ngửi vô chai rượu đặt bên cạnh bồn tắm, quay qua người quản lý chung cư - Tên nạn nhân là gì? - Sonja Verbrugge. Chồng bà là Franz Verbrugge, nghe đâu là một nhà khoa học. - Nạn nhân sống chung với chồng tại đây. Ở đây bảy năm, hai vợ chồng rất tốt. Tháng nào trả tiền tháng nấy, không có việc gì rầy rà. Mọi người đều muốn… - Ông sực nhớ vừa kể lể việc gì đó. - Bà Verbrugge có việc làm chứ? - Có bà làm ở quán cà phê internet hiệu Cyberlin đông khách ra vô chơi vi tính… - Làm sao ông phát hiện được nạn nhân? - Là vì vòi nước lạnh bị hỏng tôi lo sửa mấy bữa nay chưa xong. - Vậy nên…? - Nên sáng nay nghe hộ ở bên dưới khiếu nại nước rỉ thấm xuống trần nhà. Tôi trở lên gõ cửa, chớ không nghe thấy lên tiếng, tôi có chìa riêng mở cửa. Bước vô buồng tắm nhìn thấy… - ông nói run lập cập. Nhân viên thám tử bước vô buồng tắm: - Không thấy chai rượu Wishky nào trong tủ, chỉ có rượu vang. Ông Cò cảnh sát gật: - Được rồi, ông chỉ tay xuống chai rượu, bên bồn tắm - Mang về cho lấy dấu tay. - Vâng. Ông quay qua hỏi Karl Goetz: - Ông biết lúc đó Verbrugge đang ở đâu? - Dạ không, mỗi buổi sáng thấy ông đi làm sớm, mà sao… - Ông rùng mình khó nói. - Vậy là sáng nay ông không thấy? - Không. - Ông biết chuyện ông Verbrugge sắp đi xa? - Dạ không, không biết. Cảnh sát trưởng quay qua nhân viên thám tử. - Cậu cho hỏi lại người thuê nhà chung cư, nếu có ai nhìn thấy được bà Verbrugge mới gần đây có gì khác thường không, hay nghe thấy hai vợ chồng có cãi vã nhau, coi thử bà vợ có nghiện rượu, cậu nhớ thu thập đủ chứng cứ. - Ông nhìn qua Karl Goetz. - Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại chồng của nạn nhân. Nếu có điều gì đáng nghi ông báo cho chúng tôi biết… Karl Goetz lưỡng lự. - Tôi không rõ việc nầy đáng nghi hay không, tối qua thấy xe cấp cứu đậu trước chung cư người thuê nhà hỏi có ai đau ốm gì không. Tôi chạy xuống tới nơi thì xe cấp cứu đã chạy đi. Đáng nghi chứ? Cảnh sát trưởng nói: - Chúng tôi sẽ xem xét lại việc nầy. - Còn… còn cái xác của nạn nhân thì sao? - Karl Goetz lóng ngóng hỏi lại. - Pháp y sẽ tới đây. Ông cho tháo nước ra lấy tấm khăn đắp lên xác nạn nhân. Chương 04 Một vụ án mạng nữa xảy ra tối qua… xác nạn nhân được phát hiện dưới gầm cầu… Với Diane Stevens thời gian đã dừng lại. Nàng bước đi thơ thẩn bên trong căn hộ đầy ắp kỷ niệm, nghĩ ngợi: Không còn ai an ủi… Không còn được thấy hơi thở ấm áp… Không được nhìn lại Richard, quanh ta bốn bức tường gạch lạnh tanh, mãi mãi im lìm bất tận. Diane nằm co mình trên chiếc ghế dài hai mắt nhắm nghiền, nhớ lại Richard hỏi nàng: "Ngày cưới em muốn anh tặng món gì?". Em đã nói không muốn gì hết. Lúc nầy em muốn được một món quà. Anh quay về lại với em. Cho dù không được nhìn thấy anh. Hãy ôm em vào lòng. Anh đang ở đâu đây kia mà, em cần hơi ấm trong vòng tay anh, bàn tay anh sẽ nắn lên ngực trần… Em muốn được nghe lại câu nói anh khen em làm món cơm chiên ăn ngon miệng… muốn được nghe anh nói thôi đừng kéo tấm ra xuống giường… em muốn được nghe anh nói yêu em. Nàng không làm sao ngăn được nước mắt tuôn trào. Không làm sao được: * * * * * Từ khi hay tin Richard bị giết chết, Diane ẩn mình trong căn hộ tối tăm một cõi không muốn lên tiếng mỗi khi nghe tiếng chuông reo hay tiếng người gõ cửa. Nàng như một con thú mang thương tích đầy mình tìm nơi lẩn trốn. Nàng muốn nhận lấy đau thương một mình. Richard, đã bao nhiêu lần em muốn lên tiếng "em yêu anh" để được nghe anh lên tiếng "anh yêu em". Mà sao em chưa muốn nói ra. Em thật là điên rồ. Giờ đây em thèm muốn được nghe thấy anh nói, nàng nghĩ. Nằm nghe mãi tiếng chuông reo, tiếng gõ cửa bên ngoài Diane không cầm lòng, đứng lên rón rén bước ra. Thì ra Carolyn Ter người bạn thân thiết nhất đang đứng chờ. Cô ta nhìn Diane. - Trông cậu thể thảm ghê. - Giọng nói nhỏ nhẹ - Mọi người chạy đi tìm cậu muốn gặp cho được. - Xin lỗi Carolyn, mình thấy không thể… Carolyn nắm tay Diane. - Tớ hiểu. Nhưng còn bao nhiêu bạn bè muốn gặp cậu. Diane lắc đầu. - Không. Thật không… - Diane, coi như Richard không còn nữa, chỉ còn lại một mình cậu lo liệu. Không nên tránh xa bạn bè thân thương. Tớ sẽ báo tin cho mọi người. Bạn bè Diane và Richard người gọi máy, người thì tới nhà để được ngỏ lời chia buồn sâu sắc nhất. - Diane cậu nghe đây. Richard giờ đã yên nghỉ… Anh ấy đã về với Chúa. - Richard đã về với nhà Trời, soi sáng cho em… - Chàng đã đến một miền đất bình yên… - Chàng đã được gặp các thiên thần… Diane úp mặt muốn kêu gào. Người đến chia buồn không ngớt. Paul Deacon người giúp triển lãm tranh Diane đến chia buồn, ông quàng tay qua người Diane nói. - Tôi muốn đến ngay nhưng mà… - Tôi hiểu. - Tôi thương tiếc Richard, một người đàn ông hiếm có. Nầy Diane, em không thể lánh xa mọi người. Mọi người trông chờ được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm mới. - Tôi không thể. Không còn có ý nghĩa gì nữa, Paul. Hết rồi. Nàng không muốn bị thuyết phục. Ngày hôm sau nghe chuông cửa reo, Diane lưỡng lự bước ra. Nàng ghé mắt nhìn qua lỗ khoá, bên ngoài dường như là một nhóm người, chưa hiểu sao, Diane mở cửa nhìn ra. Khoảng một chục thiếu niên đứng chờ ngoài cửa. Một đứa cầm bó hoa trên tay. - Chào bà Stevens. Nó trao bó hoa cho Diane. - Cám ơn các cậu? Nàng sực nhớ bọn trẻ nầy là ai. Bọn trẻ: những cầu thủ trong đội bóng do Richard huấn luyện. Diane nhận được rất nhiều hoa chia buồn, điện e-mail, những món quà lần nầy thực sự khiến nàng xúc động hơn cả. - Các cậu vô đây! - Diane nói. Bọn trẻ ùa vô bên trong. - Gia đình chúng em rất đau buồn và thương tiếc vô cùng. - Chồng của bà là một người quả cảm. - Ông ấy sống hết mình vì mọi người! - Ông là một nhà huấn luyện thể thao tuyệt vời. Diane muốn ngăn dòng nước mắt lại nói: - Cám ơn mấy cậu. Ông ấy thường nói rất tự hào vì mấy cậu. Nàng hít vô một hơi nói. - Các cậu uống nước ngọt giải khát nhé hay là…? Tim Holm cậu bé chơi bóng dã cầu lên tiếng: - Dạ thôi, cám ơn bà Stevens. Chúng em đến đây để tỏ lòng thương tiếc ông. Bọn em chung tiền mua hoa phúng điếu hết mười hai đô-la. Dù thế nào chúng em cũng thương tiếc ông vô cùng. Diane nhìn theo lặng lẽ nói: - Cám ơn mấy cậu. Tôi hiểu là Richard sẽ nhắc tới mấy cậu đã đến nơi đây. Nàng đứng nhìn theo bọn trẻ nói lời chào từ biệt ra về. Diane nhìn theo bước chân bọn trẻ ra về sực nhớ lại lần trước được xem Richard huấn luyện đội banh. Ông đứng nói trước đám cầu thủ trẻ như một người bạn đồng trang lứa, lời nói dễ thấm vô tâm hồn trẻ thơ, bọn trẻ mến phục ông từ đó. Nàng nhớ lại ngày hôm đó nàng đã yêu ông. Ngoài trời tiếng sấm ầm ầm, vài giọt mưa hắt lên cửa sổ. Mưa rơi. Hôm ấy là một ngày nghỉ cuối tuần… - Em thích đi picnic? Richard hỏi: - Em thích chứ. - Anh cười - Hãy đợi đấy, chúng ta sẽ làm một buổi picnic đơn giản thôi. Trưa mai anh đến đón em. Hôm ấy trời nắng đẹp, Richard tổ chức picnic ngay tại Central Park. Đồ đạc bày biện cả một giỏ món ăn nào thịt bò bít tết, món jambon… phó mát… hai phần paté… đủ thứ món uống gần nửa chục món tráng miệng. - Đủ cho một tiểu đội! Còn ai muốn tham gia với chúng ta? Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu nàng. Còn thiếu ngài mục sư? Hai má nàng đỏ ửng. Richard nhìn theo nàng. - Em thấy được chứ. - Được không hở? Chưa bao giờ em được vui như hôm nay, Diane nghĩ, nàng nói ngay: - Được, Richard. Richard gật đầu: - Khá lắm. Ta khỏi chờ đủ quân số! Nào ta nhào vô. Trong bữa ăn qua những câu chuyện kể chàng và nàng mới thấy khăng khít hơn. Mối dục tình dâng trào, hai trái tim cùng đập một nhịp. Giữa chừng trời bỗng đổ mưa. Thoáng chốc hai người ướt như tắm. Richard mặt mũi buồn xo: - Anh lấy làm tiếc vì trời đổ mưa. Lẽ ra ta phải phòng xa - nhà báo nói không mưa, vậy là hỏng cả buổi picnic hơn nữa… Diane xích lại gần nhỏ nhẹ nói. - Vậy hở anh. Nàng ngã vô vòng tay anh, hai môi gắn chặt với nhau hơi thở sôi sục dâng tràn khắp thân người. Khi nàng chịu buông ra nói. - Ta nên thay quần áo ấm. Chàng cười. - Em khá lắm, đừng để nhiễm lạnh… Diane lên tiếng: - Về nhà em hay nhà anh? Richard đứng ngây người ra. - Diane, em nói thật sao? - Anh định hỏi - Nhưng mà… ta không thể ở lại đây. Diane lặng lẽ nói. - Em biết. Nửa giờ sau đã về tới nhà Diane, vứt bỏ lớp quần áo ướt họ ôm chầm lấy nhau, những bàn tay tìm lấy những bàn tay lần tới những vùng nhạy cảm và khi không thể chờ lâu hơn nữa chàng với nàng dìu nhau vô giường. Richard thật dịu dàng êm ái say đắm cuồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng, hai đầu lưỡi giao nhau chờn vờn như từng đợt sóng ấm áp vỗ vô bờ cát êm dịu và chàng ấn sâu vô sát mí tràn lấp lên khắp người nàng. Cuộc ái ân qua hết một buổi trưa cho đến tận đêm khuya, hai trái tim hoà nhập làm một, không lời nào tả xiết. Trong khi chờ Diane làm món ăn sáng, Richard hỏi: - Em chịu lấy anh không, Diane? Nàng quay lại nhìn, nói khẽ: - Hở, chịu chứ. * * * * * Một tháng sau đến ngày cưới, ngày hôm đó thật êm đềm và đẹp đẽ vô cùng, bạn bè, người thân đến chúc mừng và Diane nhìn qua Richard mặt mày tươi cười rạng rỡ, nàng nhớ lại lời bà thầy bói nghĩ thật lố bịch, nàng cười thầm. Tuần trăng mật sẽ là một nơi trên đất Pháp, nhưng Richard từ phòng làm việc gọi về: - Anh vừa nhận được việc mới không thể bỏ đi xa. Hay là ta dời lại vài tháng nữa? Em yêu, anh rất tiếc. - Thế thì cũng được thôi, anh yêu. - Em muốn đi nhà hàng ăn trưa với anh bữa nay? - Em muốn chứ. - Em thích món ăn Pháp, anh sẽ đưa em tới một nhà hàng Pháp, nửa giờ nữa anh sẽ đến đón em. Nửa giờ sau Richard đến nơi chờ bên ngoài: - Kìa em. Anh phải tiễn đưa khách hàng ra sân bay, ta cùng đi ra đó rồi đi ăn trưa sau. Nàng níu lấy người anh: - Được thôi. Chàng đưa nàng ra sân bay Kennẻdy, Richard nói: - Ông ta có máy bay riêng. Ta đến đó gặp. Lính gác cho hai người đi vô khu vực dành riêng nơi chiếc Challenger đang đậu. Richard nhìn quanh: - Ông ta chưa thấy tới. Mình lên máy bay ngồi chờ. - Vâng. Hai người bước lên cầu thang leo vô trong chiếc phi cơ hạng sang. Tiếng máy đang khởi động. Người tiếp viên từ trong buồng lái bước ra. - Chào hai ông bà. - Chào anh, - Richard nói. Diane mỉm cười: - Chào anh. Hai người ngồi nhìn theo anh ta khoá cửa cabin. Diane nhìn qua Richard: - Còn bao lâu nữa thì khách hàng mời tới nơi? - Không lâu đâu. Tiếng động cơ mấy bay gầm rú lên lăn bánh từ từ tiến ra đường băng. Diane nhìn qua cửa sổ mặt mũi tái nhợt. - Richard, máy bay đang cất cánh. Richard ngạc nhiên nhìn lại Diane: - Em nói thiệt chứ? - Nhìn ra ngoài kìa. - Nàng hoảng hốt. - Nói… Nói với người phi công… - Em muốn anh nói sao? - Dừng lại! - Không được. Anh ta đang chuẩn bị cất cánh - một thoáng lặng lẽ Diane nhìn qua Richard, nàng trố mắt - Anh tính đưa em đi đâu? - Ồ anh đã nói với em rồi kia mà? Ta đi qua bên Pháp, em thích món ăn Pháp. Nàng thở hắt ra một hơi mặt mũi biến sắc: - Richard, em chưa muốn tới Paris ngay lúc nầy! Em không mang theo quần áo, không son phấn. Em không… Richard điềm nhiên: - Hình như bên Paris có nhiều cửa hàng. Nàng nhìn theo một lúc, rồi choàng tay qua người anh. - Ồ, anh đùa đấy hở. Em yêu anh. Anh mỉm cười. - Em muốn đi hưởng tuần trăng mật. Thì đây. Chương 05 Đến phi trường Orly một chiếc limousine chờ sẵn đưa hai người về khách sạn Hotel Plaza Athénêe. Đến nơi người quản lý báo: - Phòng đã có sẵn, xin mời hai ông bà Stevens. - Cám ơn. Nơi ở là căn phòng 310. Người quản lý mở cửa, Diane và Richard bước vô. Diane dừng bước lại ngỡ ngàng. Trên tường treo đầy tranh nàng vẽ. Nàng quay qua nhìn Richard. - Em… sao thế nầy… Richard vô tư đáp: - Anh có biết gì đâu. Nơi đây họ cũng biết chọn tranh. Diane bước lại ôm hôn Richard rất lâu. * * * * * Paris là một thành phố thần tiên. Điểm đến đầu tiên là cửa hiệu Givenchy, nàng mua sắm nhiều món cần thiết, qua cửa hiệu Louis Vuitton sắm vali đựng quân áo. Thong thả đi bộ dạo chơi trên đại lộ Champs Elysées đến quảng trường La Concorde, cổng Khải hoàn môn, La Madeleine, lâu đài Bourbon. Chàng đưa nàng dạo chơi quảng trường Vendôme, tham quan Bảo tàng Louvre một ngày. Dạo chơi khu vườn tượng Bảo tàng Rodin, dùng bữa tối tại nhà hàng ăn khung cảnh tình tứ Auberge de Trois Bonheurs, Au Petit Chez Soi và D Chez cux. Một điểm khiến Diane ngạc nhiên hơn hết là những cuộc gọi nhằm, giờ khắc khác thường. - Ai gọi vậy? Một lần Diane hỏi lại lúc đó 3 giờ sáng. Khi Richard vừa nói chuyện xong. - Chuyện giao dịch thường ngày. Sao phải gọi lúc nửa đêm? Diane phân vân. - Diane? Diane! Nàng chợt tỉnh cơn mê. Carolyn Ter nghiêng người xuống hỏi: - Cậu không sao chứ? - Tôi… Tôi không sao. Carolyn vòng tay qua người nàng. - Thời gian còn dài mới được có mấy hôm. - Ngần ngừ một lúc - Vậy… cậu đã tính lo đám tang chưa? Đám tang, nghe mới buồn làm sao. Nhắc đến chuyện chết chóc, tuyệt vọng. - Tôi… Tôi không thể… làm thế nào…? - Để mình lo giúp cậu. Mình lo đặt một cỗ áo quan. - Thôi! Nàng buột miệng nói ra một lời nghe chói tai, một lời nói miễn cưỡng. Carolyn nhìn lại ngỡ ngàng. Diane nhắc lại giọng còn run run. - Cậu không biết sao? Đây là… là lần cuối tôi phải lo cho Richard. - Tôi muốn tổ chức lễ tang khác thường hơn. Ông ấy muốn thấy đông đủ bạn bè đến chào lần cuối. - Nước mắt lăn dài hai bên má. - Diane… - Tôi muốn chọn một cỗ áo quan để cho ông ấy… yên nghỉ giấc ngàn thu êm đẹp. Carolyn không biết nói gì hơn. Buổi trưa một mình trong văn phòng, thám tử Earl Greenburg nghe chuông điện thoại reo. Diane Stevens muốn nói chuyện với cậu. Ô, không phải, Greenburg sực nhớ lại cái tát nàng ban tặng cho ông ở lần gặp gỡ hôm nọ. Nàng hiện giờ ra sao? Có thể nàng sẽ ngỏ lời phân bua, chợt nghĩ ông giơ tay nhấc máy. - Thám tử Greenburg nghe. - Tôi là Diane Stevens. Tôi có hai việc muốn nhờ ông. Trước tiên tôi muốn ngỏ lời xin lỗi vì đã một lần đối xử khiếm nhã với ông, tôi thành thật lấy làm ân hận. Chàng thám tử chưng hửng: - Bà không có việc gì phải xin lỗi, thưa bà Stevens. Tôi hiểu được hoàn cảnh của bà. Ông chờ máy, một thoáng lặng thinh. - Bà có hai việc cần phải gọi? - Vâng. Chuyện chồng tôi… - Nàng muốn nức nở. - Hiện giờ cơ quan cảnh sát đang cất giữ xác chồng tôi. Làm sao cho tôi nhận lại xác Richard? Tôi lo thu xếp tổ chức lễ tang tại cơ sở dịch vụ Dalton Mortuary. Nghe tiếng nói đau khổ của nàng ông cau mày: - Tôi e là khó lắm, phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê. Phải chờ đủ hồ sơ của cơ quan điều tra tư pháp cho giải phẫu tử thi, thông báo đến nhiều nơi… - Ngẫm nghĩ một hồi ông nói. - Nầy… bà đã tính toán đâu vào đó, tôi sẽ lo liệu giúp. Bà ráng chờ trong hai bữa? - Ô Tôi… tôi cám ơn ông. Cám ơn rất… - Nàng muốn nói mà không thể. Earl Greenburg ngồi nán lại một hồi lâu, nghĩ tới hoàn cảnh đau đớn của Diane Stevens. Ông quyết làm vượt qua thủ tục hành chính. * * * * * Cơ sở mai táng Dalton Mortuary nằm trên phố đông Madison Avenue, nhà cao hai tầng mặt tiền xây theo kiểu lâu đài miền nam, trang trí hời hợt, màn cửa phất phơ mờ nhạt. Diane đang đứng ở quầy tiếp tân. - Tôi có hẹn gặp ông Jones. Tôi là Diane Stevens. - Cám ơn. Nhân viên tiếp tân gọi máy, lát sau người quản lý bước ra hớn hở chào Diane. - Tôi là Ron Jones, đã nói qua trên máy. Ngay thời điểm có nhiều việc khó giải quyết, phải lo bớt một phần gánh nặng cho bà. Bà cho biết đang cần gì chúng tôi có cách giải quyết. Diane chần chờ nói: - Tôi… Tôi chưa biết nói sao? Ron Jones gật. - Dịch vụ của chúng tôi bao gồm một cỗ áo quan, một buổi lễ dành cho bạn bè người thân, một khu đất ở nghĩa trang, phí tổn chôn cất. - Ông ngẫm nghĩ. - Theo như tôi được biết tin đăng trên báo, cái chết của chồng bà, thưa bà Steyens, bà phải chọn một cỗ quan tài niêm kín trong thời gian lễ tang, cho nên… - Không được? Jones kinh ngạc nhìn lại: - Nhưng mà… - Tôi yêu cầu mở nắp quan tài, để cho Richard được được nhìn thấy bạn bè người thân trước khi… - Nàng nghẹn ngào. Jones nhìn theo, ánh mắt chia sẻ: - Tôi hiểu. Tôi đề nghị một chuyên gia thẩm mỹ đến giúp cho việc nầy… - Ông khéo léo ăn nói đúng lúc. - Bà thấy được chứ? Richard chắc là không chịu, dù sao… nàng nghĩ, dù sao cũng phải nói: - Được. - Còn một việc nữa, bà nên mang theo quần áo của ông mặc để chôn cất. Nàng hốt hoảng nhìn theo: - Quần áo… Diane có cảm giác bàn tay lạnh lẽo của người lạ sờ vô thân xác Richard trần truồng, nàng rùng mình. - Bà Stevens, bà thấy sao? - Thôi để tôi mặc quần áo cho Richard, nhưng mà không muốn nhìn thấy thân thể ông như thế đó. Tôi muốn được nhớ lại… - nàng ngưng bặt. - Thưa bà Stevens. Diane đành chịu: - Tôi chưa nghĩ tới… Nàng nghẹn ngào - Tôi xin lỗi. Ông nhìn theo nàng chệnh choạng lê bước ra ngoài vẫy tay đón xe. Diane bước vô nhà, nàng tới ngay tủ quần áo của Richarđ, treo đầy hai dãy móc. Mỗi một thùng quần áo là một chuỗi kỷ niệm. Vẫn còn đó bộ quần áo sẫm màu Richard mặc đi coi triển lãm tranh. Nàng còn nhớ. Tôi thích nhìn đường nét trong tranh bà. Nó khiến tôi nhớ lại tranh của Rossetti hay là tranh Manet. Nàng có nên lấy bộ đồ nầy đi? Không nên. Nàng lần tay sờ qua bộ khác. Bộ đồ màu xám tro Richard mặc đi chơi picnic, nửa chừng bị mắc mưa. Nàng nhớ lại: - Về nhà em hay nhà anh? - Đây không phải chỉ một đêm. Em hiểu. Sao nàng không muốn giữ lại? Nàng nhìn qua bộ đồ sọc: - Em thích ăn món Pháp… Có một nhà hàng Pháp nổi tiếng… - Chiếc áo bờ lu đông… chiếc áo jacket da lật… Diane quấn chiếc áo màu xanh quanh người nàng. Ta không thể đưa mấy món nầy ra khỏi đây, nàng nghĩ. Cuối cùng nàng vớ bừa một bộ rồi vụt chạy đi. Hôm sau Diane nhận được tin trên hộp thư thoại: "Thưa bà Stevens, đây là thám tử Greenburg. Tôi xin được báo cho bà mọi việc đã xong xuôi. Tôi đã bàn với cơ sở dịch vụ mai táng Dalton Mortuary. Bà được tuỳ nghi chọn cách nào cũng được… Im lặng một lúc. Xin chúc bà được toại nguyện… Chào bà. Diane gọi Ron Jones tại cơ sở mai táng. - Tôi được biết ông đã nhận được xác chồng tôi về tại đó? - Vâng, thưa bà Stevens. Cái xác đã được chuyên gia mỹ viện bảo quản tốt, chúng tôi đã nhận được quần áo bà gởi đến. Cám ơn. - Tôi nghĩ… có thể tổ chức tang lễ vào ngày thứ Sáu được chứ? - Thứ Sáu là ngày tốt. Bữa đi chúng tôi sẽ lo đầy đủ thủ tục. Việc làm lễ là mười một giờ trưa. Ba hôm nữa ta sẽ không còn nhìn thấy nhau, hay chỉ là khi em đi theo anh. Sáng thứ Năm Diane chuẩn bị đanh sách người đi đưa và khiêng quan tài, nghe chuông điện thoại reo. - Thưa bà Stevens? - Vâng! - Tôi là Ron Jones. Tôi xin được báo cho bà hay chúng tôi đã lo xong mọi thủ tục bà giao phó, theo như lời dặn của người thư ký riêng. Diane bối rối hỏi lại: - Thư ký riêng nào? - Vâng, người nói chuyện qua điện thoại. - Tôi không có ai là… - Thật mà, tôi lấy làm ngạc nhiên, nhưng nghĩ phải làm theo lời bà dặn. Chúng tôi đã cho hoả táng xác chồng bà mới cách đây một giờ. Chương 06 Paris, Pháp. Kelly Harris nổi bật trong làng người mẫu như điều gặp gió. Nàng đang độ tuổi hai mươi, là dân Mỹ gốc da đen, nước da màu bánh mật, gương mặt nàng là một cơ hội để cho những chàng phó nháy trổ tài thu vô ống kính. Đôi mắt một màu nâu địu dàng và thông minh, đôi môi mọng khêu gợì tình tứ, cặp đùi thon dài, trời cho một dáng dấp quyến rũ gợi tình. Mái tóc đen cắt ngắn theo kiểu để loà xoà mấy lọn trước trán. Nàng Kelly vừa được bầu người mẫu đẹp nhất thế giới trong năm do tạp chí Elle và Mademoiselle tổ chức. Mặc đồ xong Kelly đứng nhìn quanh và như mọi khi nàng cảm thấy một cảm giác khác lạ. Căn hộ sang trọng nằm trên con phố của giới nhà giàu St. Louis-en l Ile, Quận Tư, Paris. Căn hộ trổ hai lối đi nhìn ra phía nhà trước trông đẹp mắt, trần nhà cao, ốp gạch nổi màu vàng nhạt, phòng khách bày biện bàn ghế theo kiểu Pháp và kiểu thế kỷ mười chín. Đứng trước thềm bao lơn nhìn qua bên kia song Seine là Nhà thờ Đức bà. Kelly chợt nghĩ ngày cuối tuần sắp tới. Chồng nàng sẽ dành cho nàng một buổi chiêu đãi bất ngờ. - Em phải ăn mặc khác lạ, em tuỳ ý lựa chọn nơi nào muốn tới. Kelly mừng thầm trong bụng. Mark là người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời. Kelly liếc nhìn đồng hồ thở ra một hơi. Ta phải lo đi cho kịp buổi trình diễn nửa giờ nữa thôi. Thoáng chốc nàng đã ra tới ngoài cầu thang máy. Vừa lúc bên kia căn hộ, bà hàng xóm Josette Lapointe vừa bước ra như mọi ngày và niềm nở cất tiếng. - Chào Bà Harris. Kelly tươi cười. - Chào bà Lapointe. - Bà vẫn đẹp như mọi ngày. - Cám ơn. - Kelly nhấn nút thang máy. Từ đàng xa người thợ chung cư lo sửa chữa thiết bị gắn trên tường. Gã liếc nhìn về phía hai người đang đứng rồi quay đầu lại ngay. - Công việc người mẫu dạo nầy ra sao? - Bà Lapointe hỏi. - Cũng khá, cám ơn bà. - Tôi phải đến nơi xem cô trình diễn một lần mới được. - Tôi rất hân hạnh được đón tiếp bà. Thang máy dừng lại Kelly và bà Lapointe bước vô. Người thợ mở máy bộ đàm nói vài câu rồi bỏ đi. Cầu thang vừa đóng lại Kelly nghe chuông điện thoại trong phòng reo. Nàng chần chờ, dù biết phải đi vội nàng đoán chừng Mark gọi. - Bà đi trước nhá, - nàng nói với bà Lapointe. Kelly bước ra ngoài thang máy, lục túi tìm chìa khoá vụt chạy trở lại phòng, bước ngay tới bên bàn điện thoại nhấc máy: - Mark? Một giọng nói nghe lạ tai: - Nanette? Kelly chán nản: - Tôi không biết tên người gọi tới là ai. - Xin lỗi bà, tôi gọi nhầm số. Gọi nhầm số! Kelly buông máy xuống. Vừa lúc đó một tiếng động làm rung chuyển cả toà nhà. Tiếp theo là tiếng người lao xao xen lẫn tiếng gào thét. Quá sợ hãi Kelly chạy ra ngoài xem sự thể ra sao. Phía bên dưới đang lộn xộn. Kelly chạy bộ xuống cầu thang tới nhà dưới, tiếng người la hét dữ dội từ bên dưới tầng hầm. Quá hoảng sợ nàng bước tới chỗ tầng hầm ngây người ra đứng nhìn cầu thang máy bẹp dúm. Bên trong là xác bà Lapointe trơ ra một đống nát vụn. Kelly muốn ngất xỉu, tội nghiệp cho bà. Mới lúc nãy đây bà còn tươi cười. Lẽ ra ta đi cùng với bà nếu không vì tiếng chuông điện thoại reo… nàng nghĩ. Đám đông xúm lại quanh chiếc thang máy. Xe cấp cứu hụ còi đến nơi. Ta phải ở lại đây nhưng mà làm sao được, Kelly buồn bã nghĩ. Ta phải đi ngay. Nàng nhìn xuống cái xác, nói khẽ: - Tôi lấy làm đau buồn, thưa bà Lapointe. * * * * * Kelly đến salon thời trang, bước qua cửa hậu nàng nhìn thấy Pierre người thiết kế thời trang đợi sẵn. Tay đấm vô vai nàng. - Kelly! Kelly! Cậu tới trễ? Buổi trình diễn đã mở màn làm sao… - Xin lỗi, Pierre, mình vừa gặp tai nạn. Gã hoảng hốt: - Cậu có sao không? - Không sao. Kelly nhắm mắt lại một lúc. Nhớ lại cảnh tượng ban nãy nàng muốn lợm giọng, thôi phải chịu, làm sao bỏ cuộc. Nàng là ngôi sao của buổi trình diễn… - Nhanh lên! Pierre nói. Kelly vội chạy vô buồng trang điểm. Buổi trình diễn có giá nhất trong năm được tổ chức tại 31 phố Cambon, nơi trước đây… salon của nhà thời trang Chanel. Mấy tay phó nhòm săn ảnh tập họp trên hàng ghế trước, không còn ghế trống, khán giả đứng đầy nghẹt phía dãy cuối, lóng ngóng chờ xem mode mới nhất mùa trình diễn thời trang. Bên trong gian phòng trang trí đầy sắc hoa, màn treo đẹp mắt vậy mà chẳng có ai để ý dòm ngó. Mọi cặp mắt đổ dồn về phía sàn diễn chạy dài tít tắp - một dòng chảy muôn màu sắc người đẹp và thời trang. Phía sau hậu trường nhạc nền dạo lên chậm rãi, theo nhịp từng bước đi rậm rật trên sàn diễn. Các người mẫu lần lượt tiếp bước lui tới trên sàn diễn theo nhịp lời giới thiệu trên loa phát thanh bình luận mẫu quần áo thời trang. Người mẫu châu Á vừa xuất hiện trên sàn diễn - đây là kiểu chiếc áo vải xa tanh, quần vải chất liệu mỏng khoác thêm chiếc áo bơlu trắng… Người mẫu tóc vàng mảnh mai đang nhún nhẩy từng bước đi -… đây là kiểu áo cổ tròn chất liệu vải ca sơ mia quần vải cô tông trắng… Người mẫu Pháp ra mắt -… đây là kiểu jacket ba pút màu hồng cổ viền, quần vải đen xắn gấu… Người mẫu Thuỵ Điển -… đây là bộ áo vải len xa tanh màu xanh biển, áo bờlu Charmeuse… Sắp đến màn trình diễn khán giả trông chờ từ lâu. Người mẫu Thuỵ Điển vừa rời khỏi sàn diễn trống trơn. Loa phát thanh lên tiếng: - Đây là màn trình diễn thời trang mùa hè, chúng tôi hân hạnh được giới thiệu kiểu áo tắm mới. Giây phút hồi hộp chờ đợi đã đến, Kelly Harris xuất hiện ngay giờ phút cao điểm. Nàng mặc trên người bộ bikini trắng. Chiếc áo nịt ngực vừa che đủ phần trên bộ ngực căng phồng bó sát mông. Những bước đi nhún nhẩy khêu gợi trên sàn diễn thu hút mọi cặp mắt dồn về một phía khán giả reo hò như sấm dậy. Kelly đáp lại bằng một nụ cười cởi mở, đảo một vòng rồi mất hút sau sân khấu. Phía trong hậu trường đã có hai gã đàn ông chờ sẵn. - Thưa bà Harris, bà có thể dành cho ít phút… - Tôi rất tiếc. Kelly lịch sự cáo lỗi - Tôi phải thay đồ nhanh. Nàng toan bỏ đi. - Thưa bà Harris. Chúng tôi nhân viên Sở Cảnh sát Tư pháp. Tôi là Thanh tra Dune, và đây là Thanh tra Steunou. Chúng tôi muốn trao đổi với bà một việc. Kelly đứng lại. - Cảnh sát Tư pháp. Các ông cần bàn chuyện gì? - Bà đây là Mark Harris, phải không? - Vâng ! Nàng vô cùng ngạc nhiên. - Chúng tôi lấy làm tiếc báo tin… lá chồng bà mới chết đêm qua. Kelly cảm thấy miệng mồm khô khốc: - Chồng tôi? Mà sao…? - Rõ ràng, ông ta đã tự tử. Tai Kelly nghe lùng bùng. Nàng chỉ có thể nhớ mang máng những gì ngài Chánh thanh tra -… Tháp Eiffel… lúc nửa đêm… thư tuyệt mệnh… lấy làm tiếc… thành thật chia buồn. Lời nói như trong mơ. Tất cả là những lời nói vô nghĩa. - Thưa bà… "Cuối tuần nầy, ta muốn em ăn mặc khác thường, em muốn tới nơi đâu tuỳ ý em lựa chọn". Nàng còn nhớ những tiếng nói sau cùng của chàng. - Tôi e có điều… nhầm lẫn chăng? Kelly nói - Mark, không thể… - Tôi lấy làm tiếc. Ngài Chánh thanh tra nhìn theo Kelly. - Bà vẫn bình yên chứ, thưa bà? - Vâng! - Có điều đời tôi tới đây coi như hết, nàng nghĩ. Pierre vụt chạy tới bên Kelly, mang theo chiếc áo bikini sọc tuyệt đẹp. - Nầy cưng, thay đồ nhanh đi. Đừng có chần chừ. - Gã dúi vô tay nàng chiếc áo bikini. - Nhanh! Nhanh lên! Kelly chậm rãi buông xuống sàn. - Pierre? Gã ngạc nhiên nhìn qua: - Sao? - Cậu mặc vô đi. Kelly được đưa về nhà trên chiếc limousine, ông quản lý salon muốn cho người đi kèm, nàng từ chối. Kelly muốn đi một mình. Vừa về tới trước cửa nhà, Kelly nhìn thấy người bảo vệ chung cư Philippe Cendre cùng với một công nhân đứng giữa đám đông người thuê nhà. Một người hàng xóm lên tiếng: - Tội nghiệp bà Lapointe, tai nạn thật khùng khiếp. Người công nhân sửa chữa trên tay nắm hai đầu mối dây cáp đứt lìa ra: - Không phải do tai nạn, thưa bà. Thủ phạm cắt đứt dây thắng thang máy. Chương 07 Kim đồng hồ chỉ bốn giờ sáng, Kelly ngồi trên chiếc ghế nhìn ra cửa sổ tâm trí còn bàng hoàng nghe văng vắng bên tai "Cảnh sát điều tra tư pháp… chúng tôi muốn trao đổi… Tháp Eiffel, bức thư tuyệt mệnh… Mark đã chết… Mark đã chết… Mark đã chết… Lời nói như một khúc ca ai oán dội vô trong đầu. Nàng nhìn thấy Mark đang lảo đảo nhào xuống, nhào xuống… Nàng giang tay ra giữ lại nhưng không kịp cái xác đã rơi nhào xuống thành đống nát vụn. Có phải chàng chết vì ta? Hay… do ta gây ra? Ta không hay biết? Hay do ta đã lỡ nói? Hay là không nói ra? Anh ra đi lúc em đang còn ngủ; em chưa kịp nói lời từ biệt để được hôn anh, nói là em yêu anh. Em cần có anh. Không thể thiếu anh! - Kelly nghĩ. Cứu em, Mark, cứu em… như mọi khi anh đã cứu em… Nàng bật người dựa ra sau, nhớ lại những lúc được gần gũi Mark, những ngày thần tiên lúc mới gặp gỡ * * * * * Kelly sinh ra ở Philadelphia, đứa con hoang của Ethel Hackworth, một người đầy tớ da đen giúp việc cho một gia đình người da trắng giàu có. Cha nàng là một quan toà: Ngày đó, Ethel mới mười bảy tuổi xinh đẹp, Pete hai mươi là đứa con trai nhà Turner, phải lòng nàng. Gã quyến rũ nàng và Ethel sau đó một tháng biết mình đã mang thai. Nàng kể lại cho Pete, gã nói: - Thật… thật là tuyệt vời. - Nói xong gã vụt chạy vô phòng người cha báo cái tin động trời. Sáng hôm sau, quan toà Turner cho gọi Ethel vô phòng ông nói: - Ta không muốn nhìn thấy một con điếm giúp việc trong nhà nầy, mi ra khỏi đây ngay. Không một đồng xu, thất học, được trời phú cho mấy cái tài vặt, Ethel xin được một chân giúp việc dọn dẹp nhà xưởng cho một công ty xây dựng, tất bật cả ngày kiếm tiền nuôi đứa bé gái mới lọt lòng. Ròng rã năm năm Ethel tích cóp đủ một món tiền mua lại được căn nhà ván ghép xập xệ, nàng cho sửa lại làm nhà trọ dành cho đàn ông. Căn hộ ngăn ra làm phòng khách, phòng ăn, bốn buồng ngủ nhỏ, hai buồng tắm, nhà bếp một chỗ nhỏ hẹp chứa vật dụng dùng làm nơi ngủ cho Kelly. Từ đó khách đến trọ ra vô mỗi ngày đông hơn. - Chào mấy bác, - Ethel nói với con gái. - Con đừng có quấy phá. Ban đầu Kelly thấy nhà mình đông đủ bà con họ hàng, cho đến ngày khôn lớn nàng mới nhận ra tất cả là những người xa lạ. Lúc Kelly lên tám tuổi mẹ xếp cho chỗ ngủ, trong căn buồng nhỏ hẹp tối tăm, một hôm đang ngủ nàng nghe giọng nói khề khà bên tai. - Suỵt! Đừng có la. Kelly nhìn lại bộ áo ngủ bị xốc lên trong khi chưa kịp phản ứng, một gã đàn ông đã đè lên người tay che miệng nàng lại. Kelly còn nhớ gã hất hai chân nàng ra cố vùng vẫy hắn đè mạnh xuống. Nâng cảm thấy da thịt như bị xé ra từng mảng một, cảm giác nhức nhối tê buốt. Hắn bất cần, cố ấn sâu vô trong cọ sát vô da thịt, nàng chỉ kịp nhớ lại những giọt máu nóng ran vừa rỉ ra bên dưới. Nàng lặng lẽ kêu gào, muốn ngất lịm, chìm đắm bên trong căn buồng tối tăm ghê tởm. Thế rồi sau giây phút tưởng chừng như vô tận, nàng ngước nhìn gã rùng mình tuột xuống. Gã nói khẽ. - Ta phải đi. Nếu mày kể lại cho mẹ mày biết chuyện, ta sẽ quay lại giết mẹ mày. Gã bỏ đi. Một tuần lễ sau cơn đau hành hạ nàng thấy khổ nhục may sao nàng biết lo chữa chạy cho cái thể xác bị trầy trụa, vết thương đau vơi dần. Đã có lúc nàng toan buột miệng kể cho mẹ nghe nhưng nghĩ sao lại bỏ qua. Tai hoạ đến với nàng trong tích tắc thôi đã thay đổi một đời người. Từ một cô bé ngây thơ lớn lên đợi ngày lấy chồng sinh con nàng đã hoá thành con người ô uế bị đòi ruồng bỏ. Nàng đã thề độc không để cho ai sờ lên người nàng. Nàng đã lột xác hoàn toàn. Kể từ cái đêm hôm đó, nàng thấy sợ hãi bóng tối. Chương 08 Kelly được mười tuổi mẹ đã giao việc cho làm, phụ giúp công việc quanh nhà trọ. Thức dậy lúc năm giờ sáng chùi rửa nhà vệ sinh, dọn nhà bếp, phụ làm bữa ăn sáng cho khách trọ. Hết buổi học nàng lo việc giặt ủi, lau dọn sàn nhà, hút bụi, phụ dọn bữa ăn tối. Cuộc sống sớm tối tất bật ngày nầy qua ngày nọ nhàm chán. Nàng hết lòng phụ giúp mẹ mong được một tiếng khen nhưng không bao giờ có. Mẹ nàng bận bịu công việc lo cho khách trọ không rảnh một giờ nào dòm ngó tới đứa con. Kelly lớn dần lên trở thành một cô gái xuân thì, một hôm gặp ông khách trọ tốt bụng ngồi kể cho nàng nghe chuyện "Nàng Alice nơi xứ sở Thần Tiên", Kelly cảm thấy thích thú lúc nàng Alice trốn thoát theo lối hang thỏ. Ta chỉ muốn biết bấy nhiêu đó, Kelly nghĩ, để tìm đường trốn đi. Ta không thể sống mãi với công việc cọ rửa lau chùi sàn nhà, đọn nhà cầu vệ sinh cho bọn ở trọ. Một hôm Kelly vừa tìm thấy được lối thoát. Nàng nghĩ ra trong đầu có thể giúp nàng khỏi nơi nầy. Nàng viết lại cuộc đời mình. Nàng có một người cha, một người mẹ cùng một màu da. Hai ông bà không bao giờ giận nhau la mắng con. Có nhà ở khang trang, hai ông bà yêu thương con, yêu thương con… * * * * * Lúc Kelly mười bốn tuổi, mẹ nàng lấy một ông khách trọ, làm nghề phục vụ quầy bar, Dan Berke, tính ông hay gắt gỏng thấy gì cũng chê. Kelly không làm sao cho vừa ý ông. - Bữa cơm chiều nay không ăn được… - Mày mặc chiếc áo nầy không hợp… - Màn che buồng ngủ đã cũ rách. Ta dặn mày lo khâu vá lại… - Mày lau chùi buồng tắm không xong… Cha dượng Kelly có tật hay uống rượu. Vách ngăn giữa hai buồng ngủ lợp thưa nên mỗi đêm khuya nghe thấy được tiếng đấm đá la hét om sòm. Sáng thức dậy, Ethel thoa lên một lớp phấn không thể che lấp chỗ bầm tím quanh mí mắt. Kelly quá chán nản. Ta liệu mà ra đi, nàng nghĩ. Chỉ còn hai mẹ con ta biết thương yêu nhau. Một buổi tối, đang ngủ chập chờn chợt nàng nghe buồng bên có tiếng kêu la: "Sao mày không giết nó chết đi, đẻ nó ra làm gì?" - Tôi đã cố, Dan, mà không xong. Kelly cảm thấy đau thắt cả ruột. Mẹ nàng đã không mong nàng ra đời. Chẳng còn ai muốn… Kelly lại đi tìm một lối thoát khác cho cuộc sống tối tăm bất tận. Nàng tìm đến sách như một thú vui tiêu khiển lâu dài, nàng ra thư viện công cộng, mong lấp đầy những khoảng thời gian trống rỗng. Cuối tuần nàng lo kiếm tiền xin được một chân giữ trẻ, thấy nhà người ta sống bình yên nàng ước mơ. Năm mười bảy, Kelly đã là một cô gái xinh đẹp như mẹ nàng thuở nào. Bọn học sinh ve vãn muốn hẹn hò với nàng, nàng từ chối, mặc kệ. Ngày thứ Bảy, nghỉ học, làm xong việc nhà Kelly vội vã ra tới thư viện đọc sách hết một buổi chiều. Người quản thủ thư viện, bà Lisa Marie Houston, mặt mũi sáng sủa dễ nhìn, tính bà trầm lặng, thân thiện với mọi người, bà ăn mặc giản dị như chính con người bà. Nhìn thấy Kelly lui tới thư viện mỗi ngày, bà Houston để ý dò hỏi. Một bữa bà lên tiếng. - Tôi thấy thích thú được gặp gỡ một bạn trẻ ham đọc sách. Tôi thấy em lui tới đây mỗi ngày. Một bước đầu để cho tình bạn được nẩy nở. Vài tuần lễ qua nhanh. Kelly được dịp thổ lộ tâm tình với người quản thủ thư viện. - Em đã có ý định về tương lai ra sao Kelly? - Em muốn làm cô giáo. - Em được làm cô giáo thì còn gì hơn. Một nghề được trọng vọng dù ở bất cứ nơi nào. Kelly định nói ra chợt nàng im bặt. Nàng nhớ lại câu chuyện trong bữa ăn sáng, có mẹ và ông bố dượng. Kelly nói: - Con muốn thi vô đại học, học ra trường làm cô giáo. - Cô giáo à? Berke bật cười. - Nghĩ chuyện điên rồ. Nghề giáo chẳng được gì cả. Con nghe ta nói chưa? Chả được gì. Con phải ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa. Ta với mẹ con chẳng có đủ tiền cho con ăn học. - Con xin được một học bổng và… - Rồi sao? Con sẽ mất công học bốn năm. Đừng nghĩ chuyện đó. Nhìn tướng ta thấy con chỉ biết ngồi lê đôi mách. Kelly đứng dậy bỏ đi. Nàng kể lại cho bà Houston: - Em đang có vấn đề ở nhà không muốn cho em vô đại học. -Nàng nói giọng run run - Vậy là em cam chịu làm những việc như mọi ngày! - Không thể được? Bà Houston nói giọng quả quyết - Em bao nhiêu tuổi? - Còn ba tháng nữa em mười tám. - Vậy là em sẽ được tự quyết định đời mình. Em xinh đẹp, Kelly. Em biết em đẹp chứ? - Dạ, không, thiệt tình. Làm sao ta dám nói ta là một người không bình thường. Ta không đẹp, nàng nghĩ. - Em chán ghét mình, thưa bà Houston. Em không muốn như thể là… Em muốn… đi khỏi nơi nầy. Em muốn đi khỏi nơi nầy. Em muốn đổi khác mà không được như ý? - Nàng cố kiềm chế xúc động. - Em không được may mắn. Tìm cho mình một hướng đi, em muốn được như mọi người. - Kelly… - Lẽ ra em không thể nào đọc cho hết mấy bộ sách kia? Giọng nàng cay đắng. - Sao vậy? Bởi bên trong là những chuyện bịa đặt. Những con người hào nhoáng, những phép lạ… Kelly lắc đầu - Làm gì có phép lạ? Bà Houston nhìn theo một hồi. Rõ ràng Kelly đã bị tổn thương rất nặng nề. - Kelly, làm gì có phép lạ, em mới là người làm nên phép lạ, em là phù thuỷ. - Thật sao? - Kelly mỉa mai. - Làm sao mà em nhìn thấy được điều đó? - Trước tiên, em nên biết đang mơ mộng những gì? Em mơ một cuộc sống sôi nổi hơn, thích những chỗ đông người, những nơi chốn phồn hoa. Lần sau tới đây tôi sẽ chỉ cho em thấy cách nào để đạt tới những ước mơ đó. Bà chỉ nói phét, Kelly nghĩ. * * * * * Ra trường được một tuần lễ Kelly lại nhớ tới thư viện. Bà Houston nói: - Kelly em còn nhớ lời tôi dặn dò hôm nào muốn làm nên phép lạ thì sao? Kelly đang còn phân vân: - Dạ có. Bà Houston thò tay vô ngăn kéo bàn giấy lôi ra một xấp tạp chí: Cosmogirl, Seventeen, Glamour, Mademoiselle, Essence, Allure… Bà đưa qua cho Kelly. Kelly nhìn lại. - Em phải làm gì đây? - Em có nghĩ một ngày kia sẽ làm nghề người mẫu? - Dạ không. - Em coi hết mấy tập báo đó. Em nhớ kể lại cho tôi nghe làm sao để đưa phép lạ vô cuộc sống? Bà nói nghe hay, Kelly nghĩ nhưng bà có hiểu gì đâu. - Cám ơn bà Houston, em nhớ. Tuần tới ta đi tìm việc làm. Kelly cầm xấp báo trên tay về lại nhà trọ quăng vô góc nhà bỏ đó. Buổỉ tối nàng lo làm việc nhà. Vừa vô giường Kelly sực nhớ xấp báo bà Houston gởi. Nàng với tay lấy đại một tờ coi thử. Trước mắt nàng là một thế giới xa lạ. Người mẫu xinh đẹp ăn mặc sang trọng bên cạnh người mẫu nam lịch sự có mặt khắp nơi ở Paris, London, các thành phố lớn. Tự dưng Kelly ước gì được như họ. Nàng ngồi dậy vội vã mặc chiếc áo ngủ đi ra ngoài buồng tắm. Nàng đứng ngắm nhìn trong gương, ngỡ là mình cũng đẹp hấp dẫn như ai. Mọi người đều khen nàng đẹp. Cho dù được vậy ta chưa học được kinh nghiệm. Nàng mơ tới tương lai ở Philadelphia rồi ngắm vô gương một lần nữa. Phải đi tìm một nơi lập nghiệp. Cậu phải là một nhà phù thuỷ, phải tạo ra được phép lạ, nàng tự nói với chính mình. Sáng hôm sau Kelly ra thư viện gặp bà Houston. Bà ngạc nhiên hôm nay sao lại tới thư viện sớm hơn mọi bữa. - Chào Kelly. Em đã coi hết mấy tờ báo chưa? - Dạ có. - Kelly hít vô một hơi sâu. - Em muốn học làm người mẫu nhưng mà chưa biết bắt đầu làm sao? Bà Houston thản nhiên cười nói. - Tôi biết, để tôi dò tìm trong danh bạ điện thoại New York. Em muốn đi khỏi thành phố nầy? Bà Houston lục túi xách lôi ra một trang giấy đánh máy đưa cho Kelly. - Đây là danh sách tốp người mẫu đứng đầu ở Manhattan, địa chỉ và số điện thoại. Bà khều tay Kelly. - Em coi từ trên trở xuống. Kelly ngỡ ngàng. - Em… Em không biết nói sao để cám ơn. - Em đợi đấy. Một ngày kia được nhìn thấy hình ảnh của em trên tạp chí. Trong bữa cơm tối Kelly lên tiếng. - Con quyết định học nghề người mẫu. Cha nàng càu nhàu: - Chỉ có người ngu mới nghĩ chuyện đó. Con sao vậy? Bọn người mẫu là những con điếm. Bà mẹ thở ra. - Kelly, con đừng đi theo vết xe đổ của mẹ, mẹ đã từng lỡ lầm. Coi chừng mơ mộng sẽ hại con. Mình là dân da màu nghèo mạt, con không đi tới đâu được. Ngay lúc nầy Kelly phải tự quyết định lấy. Sáng sớm hôm sau, Kelly lo thu xếp quần áo vô vali ra bến xe buýt. Trong túi xách còn hai trăm đô-la tiền mấy hôm giữ trẻ. Xe buýt đi Manhattan mất hai giờ, ngồi trên xe Kelly thả hồn về tương lai. Nàng muốn học làm người mẫu chuyên nghiệp. Nghe cái tên Kelly Hackworth không kêu chút nào. Ta liệu lấy, nàng nghĩ, ta lấy tên cúng cơm, như ngày nào. Nàng nhẩm đi nhẩm lại trong đầu: Và đây là người mẫu hàng đầu của công ty chúng tôi, Kelly. Nàng ở lại một khách sạn rẻ tiền, chín giờ sáng Kelly đến nơi đi ngay vô cửa chính trường đào tạo người mẫu theo danh sách nàng cầm trên tay. Kelly không son phấn nàng mặc trên người chiếc áo nhăn rúm, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi lê lết trên xe buýt. Đến nơi liếc nhìn không thấy ai ngồi ở bàn tiếp tân. Nàng bước tới chỗ người đàn ông ngồi ở bàn bên trong văn phòng đang lúi húi viết. - Xin lỗi ông,- Kelly lên tiếng. Người đàn ông nói lằm bằm trong miệng không buồn ngó ngàng gì tới. Kelly chần chừ: - Tôi muốn hỏi thăm ở đây có cần người mẫu? - Không, gã nói lằm bằm: - Ở đây không thuê mướn! Kelly thở ra: - Vậy thì cám ơn ông. - Nàng toan bỏ đi. Người đàn ông ngước nhìn chợt gã đổi ý: - Ô kìa, khoan đã. Lại đây. - Gã đứng ngay dậy. - Lạy chúa tôi, em ở đâu tới đây vậy? Kelly ngỡ ngàng nhìn lại. - Ở Philadelphia. - Nầy… không sao. Em đã được làm người mẫu lần nào chưa? - Chưa. - Chẳng sao. Em sẽ được học một khoá. Kelly cảm thấy cổ họng khô khốc: - Tức là tôi… - Tôi sẽ được làm người mẫu? Gã nhếch mép cười: - Thì vậy. Ở đây có lắm khách hàng nhìn thấy chắc là phải điên lên vì em? Làm sao nàng dám tin. Nàng đang ở tại một nơi đào tạo người mẫu hàng đầu và nơi đây… - Tôi là Bill Lerner, chủ công ty, tên em là gì? Thời khắc mơ ước bấy lâu nay đã tới, duyên may giúp cho nàng được xướng lên cái tên mới toanh. Lerner nhìn theo: - Tên của em mà em không nhớ sao? Kelly lấy hết can đảm, dõng dạc đáp: - Vâng nhớ chứ, tên em là Kelly. Chương 09 Nghe tiếng máy bay vù vù quần trên đầu, Lois Reynolds nhếch mép cười. Gary, anh đến trễ. Lois yêu cầu được ra sân bay đón người anh trai, gã nói: - Đừng lo, em cùng anh sẽ đi taxi. - Gary, nếu em được… - Em cứ ở nhà anh sẽ về tới. - Thôi vậy. * * * * * Cuộc sống của Lois một phần dựa vô người anh trai. Những năm tháng thơ ấu tại thành phố Kelowna nhớ lại như một cơn ác mộng. Từ nhỏ Lois nghĩ là mình bị xã hội ruồng bỏ: xấu hổ vì những hình ảnh hào nhoáng trên tạp chí, người mẫu thời trang, phim ảnh trò tiêu khiển của phụ nữ… hơn nữa nàng là con bé mập ú béo tròn. Nàng muốn tìm hiểu vì sao những đứa mập béo trông không được xinh đẹp như mấy đứa gầy hơn? Lois Reynolds lắm lúc đứng ngắm mình trong gương. Tóc nàng vàng, mắt xanh, nước da mịn màng, Lois bận tâm nhất vì cái thân hình nặng nề quá cỡ. Đàn ông bụng phệ thì chả ai thèm để ý nói năng, còn đàn bà thì lên vài cân là thiên hạ xầm xì, bàn tán. Có tay đàn ông vô tích sự nào muốn đề xướng mẫu người phụ nữ lý tưởng phải đạt tới con số 36-26-36, nàng nghĩ. Lois nhớ như in trong đầu, bọn học sinh cùng lớp nói xấu sau lưng nàng" - Con bé mông to, béo như lợn. Nàng cảm thấy xẩu hổ. Nhưng lúc đó Gary biết đối đáp bênh vực cho đứa em. Ngày Lois tốt nghiệp trường đại học Toronto nàng cảm thấy mình bị trêu chọc đã đời. Nếu ông Thần Tài muốn đi tìm một mẫu đàn bà đích thực thì có đây, nàng nghĩ. Một hôm, Thần Tài xuất hiện. Tên ông là Henry Lawson, nàng gặp ông tại buổi sinh hoạt ở nhà thờ, Lois bị cuốn hút ngay. Ông dáng người cao lớn, gầy, tóc vàng, gương mặt tươi cười, tính tình dễ dung hoà. Cha ông là mục sư nhà thờ. Từ đó Lois thường hay đến dự buổi sinh hoạt nhà thờ với Henry, về sau nầy môi biết ông làm chủ một cơ sở vườn ươm, là một người thích vui thú với thiên nhiên. - Nếu tối mai em không bận bịu , - ông nói - Tôi sẽ mời em đi ăn cơm. Lois không chần chờ nói ngay: - Vâng, cám ơn ông. Henry mời nàng đến nhà hàng Sassafraz có tiếng ở Toronto. Nhìn món ăn thấy thèm, Lois không muốn để cho Hery nghĩ mình háu ăn, nàng gọi một món ăn xoàng. Henry nhìn nàng ăn món salad, ông nói: - Em ăn vậy chưa no. - Em đang muốn giảm cân, - Lois nói bịa. Ông đặt tay lên người nàng. - Em không nên làm cho giảm cân Lois, cứ giữ nguyên như cũ. Nàng cảm thấy vui sướng, lần đầu tiên được nghe một người đàn ông nhắc tới nàng. - Tôi sẽ gọi cho em một món bít tết, khoai tây, món salad. - Henry nói. Càng thích thú hơn gặp được người biết khẩu vị nàng thích. Mấy tuần lễ thoáng qua, ông và nàng gặp nhau luôn không đầy một tháng sau lần gặp gỡ đầu tiên. Henry mở lời: - Lois, anh yêu em, anh muốn lấy em lảm vợ. Lời nói tự dưng đến nàng chưa một lần dám buột miệng. Nàng vòng tay qua người ông: - Em cũng yêu anh, Henry. Em muốn được làm vợ anh. Năm bữa sau, lễ cưới tổ chức tại nhà thờ nơi lần đầu gặp gỡ. Có mấy người bạn và Gary cùng đến dự lễ cưới, cha của Henry đứng ra làm chủ lễ. Lois cảm thấy hạnh phúc vô cùng. - Con định đi hưởng tuần trăng mật ở đâu? Cha của Lawson hỏi. - Đến hồ Lake Louise! - Henry nói - Nơi ấy phong cảnh hữu tình. - Tuyệt lắm nhỉ. Hennry vòng tay qua Lois: - Anh ước gì những ngày còn lại hôm nào cũng là ngày trăng mật. Lois như đang ở trên mây. * * * * * Sau lễ cưới chàng và nàng đi hưởng tuần trăng mật bên hồ Lake Louise. Một vùng phong cảnh hùng vĩ công viên BanffWationalPark giữa vùng đồi núi Canadian Rockies. Đến xế trưa những tia nắng còn đọng lại long lanh trên mặt hồ: Henry nắm tay Lois: - Em thấy đói chưa? Nàng nhìn sâu vô mắt chàng: - Chưa. - Anh cũng chưa đói. Mà sao ta không thay quần áo ra? - Ôi em làm theo ý anh. Hai phút sau nằm trên giường, Henry vừa mang lại cho nàng những giây phút hoan lạc tuyệt diệu tưởng chừng như bất tận. - Ôi anh yêu, em yêu anh vô cùng. - Anh cũng yêu em, Lois. - Henry nói. gã đứng lên - Nào ta phải xua tan cho hết dấu tích tội lỗi xác thịt. Lois ngỡ ngàng ngước nhìn. - Sao? - Quỳ xuống. Nàng nhếch mép cười: - Anh có mệt không? - Quỳ gối xuống. Vẫn nụ cười trên môi. - Em nghe theo anh đây. Nàng quỳ xuống nhìn theo lóng ngóng. Henry rút sợi dây nịt trong lưng quần ra. Gã bước tới nàng chưa kịp nghĩ ra tức thì tay giơ lên vung sợi dây nịt quất vô sau mông… trần trụi. Lois rên la nàng vụt đứng ngay dậy. - Anh định làm…? Tay gã níu nàng xuống: - Anh đã nói cho em nghe. Ta phải xua hết mọi xấu xa tội lỗi xác thịt, gã vung tay lên quất xuống. - Thôi! Thôi! - Ở yên đó? Gã nói trong cơn điên cuồng. Lois gượng đứng lên chạm phải cánh tay gân guốc ghì xuống quất vô người nàng túi bụi. Lois cảm thấy mông nàng vừa bong ra từng mảng da. - Henry! Lạy chúa! Dừng tay lại! Henry dừng tay thở ra một hơi rùng mình: - Vậy là xong! Lois khó khăn lắm mới nhích người lên được, nàng cảm thấy những vết thương đang rỉ máu. Lời nào cho hết. Nàng chỉ còn biết trố mắt nhìn chồng khiếp đảm. - Ái ân là chuyện tội lỗi. Ta phải xua tan mọi cám dỗ. Nàng lắc đầu, miệng mồm khô khốc, nàng chưa hiểu là gì. Nhớ lại chuyện Adam và Eva cội nguồn của tội lỗi loài người. Gã lên tiếng dạy đời. Lois bật khóc thành tiếng, nấc lên từng hồi. - Thôi được rồi, - gã nắm tay Lois - Thôi được rồi. Anh yêu em. Lois nửa tin nửa ngờ: - Em cũng yêu anh, nhưng mà… - Em đừng lo. Ta đã vượt qua được. Nó nghĩa là một lần cuối cùng, Lois nghĩ. Anh chàng chắc là có vấn đề gì đó. Lạy chúa mọi chuyện cũng đã qua. Henry ôm chặt lấy nàng: - Anh yêu em lắm lắm. Thôi ta đi ăn. * * * * * Đến nhà hàng, Lois chỉ muốn ngồi một chỗ. Vết thương đau nhức nhối kinh khủng, nàng không dám hé môi hỏi nhờ một tấm nệm lót. Để anh gọi món ăn, Henry vừa nói. Gã gọi một món salad, một món đặc biệt cho Lois: - Em cần phải giữ sức! Ngồi vô bàn ăn Lois còn nhớ lại những gì đã qua. Henry là một người đàn ông tuyệt vời nhất trên đời. Nàng chỉ ngạc nhiên vì sao gã lại - nên gọi như thế nào - thích sùng bái món linh vật. Thôi chuyện đã qua. Những ngày sắp tới nàng phải biết đề phòng tự biết tự giữ lấy mình. Món ăn đã hết, Henry gọi món tráng miệng đủ thứ dành cho Lois, gã nói: - Ta chỉ thích một món đàn bà. Nàng nhếch mép cười: - Em sẽ chiều ý anh. Xong bữa ăn, Henry nói: - Thôi ta về lại phòng đi! - Vâng. Về đến nơi vừa bước vô phòng leo lên giường Henry ôm ghì Lois vào lòng, nhức nhối nàng còn thấy đau. Lối ân ái nhẹ nhàng êm ái khiến nàng cảm thấy sung sướng hơn lúc ban đầu, nằm trong vòng tay gã. Lois níu chặt lấy thì thầm: - Anh thật là tuyệt vời! - Vậy sao? - gã gật đầu - Nào ta phải đền tội sau cuộc mây mưa. Quỳ xuống. Chờ lúc nửa đêm, Henry đang chìm sâu vô giấc ngủ, Lois lặng lẽ xếp quần áo vô vali chuồn êm. Nàng ra sân bay đáp chuyến đến Vancouver gọi cho anh trai Gary. Gặp nhau trong buổi ăn trưa, nàng kể lể hết mọi chuyện. - Em làm đơn ly dị, Lois kể - Chờ đến ngày đi khỏi đây. Gary nghĩ lại: - Anh có một người bạn làm chủ hãng bảo hiểm ở Denver xa cách đây cả ngàn cây số. - Được vậy càng hay. Ông nói ngay: - Để đó rồi tính. Hai tuần sau, Lois được nhận vô làm hãng bảo hiểm, giữ một chân quản lý. Gary liên lạc mỗi ngày với Lois. Nàng tậu được một căn nhà Bungalow nhìn qua dãy núi Rockies phía đằng xa, người anh trai đôi lúc có đến thăm rủ nhau đi chơi trượt tuyết, câu cá, có khi thì ngồi nhà chuyện trò. - Em gái của anh khá lắm, người anh trai thường nói với nàng. Những lúc đó Lois cảm thấy hoan hỉ. Anh nàng lấy được bằng Ph. D, ngành khoa học phục vụ trong một Tập đoàn quốc tế, thường xuyên di chuyển bằng máy bay. Lois ngồi nhà vừa nhắc tới Gary thì nghe tiếng gõ cửa. Nàng nhìn qua cửa sổ coi thử đó là ai. Tom Huebner, một phi công bạn của Gary. Lois mở cửa mời Huebner vô nhà. - Chào Tom. - Kìa Lois! - Gary chưa về tới, tôi nghe thấy tiếng máy bay mới ban nãy đây chắc là sắp về tới nơi cậu. Vô nhà ngồi chờ hay là… Tơm nhìn theo ngỡ ngàng. - Cậu chưa hay gì sao? Lois lắc đầu: - Chưa. Chuyện gì vậy? Miễn sao đừng có xảy ra chiến tranh hơn nữa… - Lois, tôi muốn nói là tin buồn. Tin buồn thật đấy! - Anh chàng nghiêm giọng nói - Tin về Gary. Nàng đứng ngây người ra. - Anh ấy, sao? - Anh ấy đã gặp tai nạn trên đường tới đây. - Gã nhìn thấy ánh mắt nàng tối sầm lại. - Tôi lấy làm tiếc, tôi biết hai anh em cậu thương nhau lắm. Lois muốn nói, mà sao cổ họng nàng nghẹn lại. - Sao.. sao… sao? Tom Huebner nhẹ tay dìu nàng tới bên chiếc ghế. Lois ngồi xuống lấy, hơi: - Chuyện… chuyện gì vậy? - Máy bay Gary đụng vô núi khi còn mấy dặm đường bay gần tới Denver. Lois muốn điếng người. - Tom, tôi muốn được yên một mình. Tom nhìn theo nàng, lo lắng: - Được chứ, Lois? - Tôi có thể ở lại đây mà… - Cám ơn, cậu cứ về đi! Tom Huebner chần chờ rồi gật đầu: - Cậu có số máy, nếu cần gọi cho tôi. Lois không hay người bạn đã ra về, nàng ngồi lại đó bàng hoàng. Nàng cảm thấy như ai vừa mới nói chính nàng đã chết. Nàng thấy lại hình ảnh thuở nhỏ, người anh trai Gary luôn luôn ở bên cạnh lo đối phó với bọn con trai trêu chọc, ngày lớn lên anh nàng đưa đến sân chơi bóng chày, đi xem phim, dự tiệc. Nhớ tuần lễ trước hai anh em còn có nhau, nàng ngồi nhớ lại trong đầu như một chuỗi hình ảnh nhạt nhoà lẫn với nước mắt. Hai anh em ngồi bên bàn ăn: - Anh không ăn sao, Gary? - Món ăn ngon, anh thấy chưa đói. Nàng nhìn theo người anh: - Anh muốn nói gì nữa không? - Cái gì em cũng biết, phải không? - Về công việc của anh. - Ờ… - Anh đưa tay đẩy đĩa món ăn qua một bên. Anh cảm thấy tính mạng đang bị đe doạ. Lois bàng hoàng nhìn anh. - Sao? - Nầy em, chỉ có một nửa số người biết là mình sẽ gặp chuyện gì sắp tới. Thứ hai anh phải bay về đây ở lại qua đêm. Sáng thứ ba lại trở về Washington. Lois chưa hiểu gì: - Sao lại về Washington? - Để báo cáo về cỗ máy Prima. Thế rồi Gary kể lể mọi thứ. Gary giờ đã ra người thiên cổ. Anh cảm thấy tính mạng bị đe doạ, anh đợi nói ra một lần. Người anh trai của nàng không phải chết do tai nạn. Anh đã bị âm mưu giết chết. Lois liếc nhìn đồng hồ. Đã khuya không thể bày việc ra chờ, sáng sớm ngày mai nàng gọi máy để báo thù cho anh. Nàng phải kết thúc công việc Gary đang làm dở dang. Lois cảm thấy toàn thân kiệt quệ. Nàng gượng đứng dậy. Dù đã quá bữa nghĩ tới món ăn khiến nàng buồn nôn. Lois bước vô buồng ngã lăn xuống giường không còn sức lực để thay quần áo. Nàng nằm lăn ra đó choáng váng rồi vùi sâu vô giấc ngủ. Lois mơ thấy đang đáp chuyến tàu tốc hành cùng với Gary, hành khách ngồi hút thuốc. Hơi nóng tràn ngập khoang, toàn khói thuốc làm cho nàng ho. Cơn ho đánh thức nàng dậy mở choàng mắt ra. Nàng nhìn quanh hoảng hốt. Căn buồng ngủ bốc cháy, lửa ăn lan tới màn che, bên trong khói mịt mù. Lois bước chệnh choạng xuống giường, nấc nghẹn. Cố ghìm lại hơi thở lê bước qua phòng khách, lửa tràn ngập khắp nơi, khói dày đặc. Chỉ cần lê bước thêm vài bước nữa ra tới cửa, nàng lết chân ra bên ngoài ngã nhào xuống. Lois Reynolds còn nhớ: lúc ngọn lửa vừa liếm tới gót chân. Chương 10 Với Kelly mọi việc giờ đây diễn ra với một tốc độ chóng mặt. Nhanh chóng nàng nhận ra ngay quy luật của nghề người mẫu: nàng được công ty cho theo học một khoá tạo dáng phong cách người mẫu. Điểm gây ấn tượng nhất trong nghề làm người mẫu là dáng điệu. Kelly biết vận dụng để bù lấp khoảng trống đó. Nàng không phải là một nàng tiên kiều diễm hay là một người đẹp gợi tình quyến rũ. Thuật ngữ "ấn tượng thoáng qua" khoác lên người một ưu điểm cho Kelly. Do nàng biết vận dụng phong cách không những gây chú ý khêu gợi, lại còn muốn gửi gắm một dáng dấp khiến cánh đàn ông mơ tưởng được gần gũi ôm ấp. Qua hai năm trình diễn Kelly ngoi lên hàng top người mẫu, được mời quảng cáo sản phẩm cho mười hai nước. Kelly lưu lại Paris dài hạn do hợp đồng quảng cáo cho khách hàng. Tại một cuộc trình diễn thời trang tốn kém nhất ở New York trước khi quay trở lại Paris, Kelly được dịp về thăm mẹ, trông mẹ già và lo âu nhiều hơn. Ta lo đưa mẹ ra khỏi nơi đây, Kelly nghĩ. Ta sẽ mua cho mẹ một căn hộ để được gần gũi chăm sóc. Bà mẹ mừng rỡ gặp lại đứa con: - Mẹ mừng vì con làm ăn khá lên Kelly. Cám ơn con mỗi tháng con gửi tiền cho mẹ. - Mẹ yên tâm. Con về đây muốn thưa với mẹ một việc. Con đã tính toán để đưa mẹ qua nơi khác ở… - Ờ để coi ai đến thăm nhà ta. - Ông bố dượng vừa bước vô. - Mấy mẹ con sao lại ở đây? Lại đem khoe quần áo mới nữa chứ gì? Thôi phải chờ dịp khác, Kelly nghĩ. Kelly nhớ ra được một nơi phải đến thăm. Nàng nhớ nơi thư viện năm xưa ngày ngày đến đọc sách hàng giờ, chân vừa đặt lên thềm trên tay ôm một xấp tạp chí, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Nhìn vô bàn làm việc không có bà Houston ở đó. Kelly bước vô trong gặp bà đang đứng ở góc nhà, ăn mặc đẹp, lo bày sách trên kệ. Nghe tiếng cửa xịch mở bà Houston lên tiếng: - Tôi sẽ ra ngay. - Bà quay lại nhìn - Kelly! - Bà muốn kêu lên một tiếng - Ôi, Kelly. Hai người bước tới ôm chầm lấy nhau Bà Houston bước lùi ra sau nhìn Kelly cho rõ. - Tôi không ngờ em trở về đây. Vậy em về thành phố có việc gì? - Em về thăm mẹ, nhân tiện đến thăm bà. - Tôi mừng cho em. Thật không ngờ - Thưa bà Houston, bà còn nhớ em nói muốn đền ơn bà như thế nào không? Bà nói mong đến ngày được nhìn thấy ảnh đăng trên tạp chí thời trang. Thì đây? Nói hết câu Kelly đặt trên tay bà Houston một xấp báo thời trang Elle, Cosmopolitan, Vanity Fair, Vogue. Trên mỗi trang bìa đều có hình nàng. - Đẹp quá nhỉ, bà Houston nét mặt rạng rỡ tôi sẽ cho em nhìn thấy nữa đây: Bà bước ra sau bàn lôi ra mấy bản copy. Kelly tần ngần một hồi mới nói ra: - Em biết nói sao hết để tạ ơn bà? Bà đã làm thay đổi một đời người. - Không, Kelly. Em biết làm sao cho cuộc sống đổi mới. Tôi chỉ biết khuyến khích em mà thôi Kelly ạ… - Dạ. - Nhờ em mà tôi cũng được thơm lây. Khi Kelly tạo được tiếng tăm thì đời tư lắm lúc không yên. Nàng bị quấy rầy do đội ngũ phóng viên, nàng luôn bị ám ảnh bởi một số người không biết họ là ai. Kelly thèm được ngồi lại một mình nhớ những lúc gần gũi Mark, được gợi lại những kỷ niệm cũ. Nhớ lại những ngày đầu… Hôm ấy nàng ngồi ăn trưa tại nhà hàng Le Cinq bên trong khách sạn George V, thì một gã lạ mặt quần áo lôi thôi bước ngang qua chăm chăm nhìn theo. Gương mặt nước da xanh xao bệnh hoạn của một người sống lâu ngày trong nhà. Trên tay gã là tờ tạp chí Elle vừa giở tới trang đầy hình ảnh Kelly. - Xin lỗi, - người lạ mặt vừa lên tiếng. Kelly ngước nhìn khó chịu: - Sao ạ? - Tôi đã nhìn thấy… tôi đã coi trang báo nói về em là một công dân sinh ra ở Philađelphia. - Giọng nói gã thấy dễ nghe hơn. -Tôi cũng sinh ra tại nơi đó, tôi cảm thấy như đã quen biết em từ lâu và… Kelly thản nhiên đáp: - Tôi không quen ông, tôi cũng không thích người lạ quấy rầy. - Ồ tiếc là - Không phải là tôi… không phải là người xa lạ gì đâu. Tôi muốn tự giới thiệu tôi là Mark Harris hiện đang công tác tại viện nghiên cứu Kingsley International. Nhác nhìn thấy, tôi đoán ngay là em không thích ngồi ăn một mình nên tôi mạo muội mở lời. Kelly nhìn lại gay gắt: - Ông đoán nhầm. Tôi muốn ngồi một mình. Gã nói lắp bắp. - Tôi… Tôi hỏi có hơi đường đột… thôi vậy thì tôi… Gã nhìn theo… - Xin cáo lui. Kelly nhìn gã bước trở ra trên tay còn giữ tờ báo. Khá đấy, nàng nghĩ. Kelly ký được một hợp đồng làm người mẫu hình bìa mấy tờ tạp chí thời trang thời gian một tuần lễ. Sau lần gặp gỡ tình cờ Mark Harris cho tới nay, đang lúc ngồi trong phòng trang điểm người mẫu thay đồ mới thì có người mang vô một bó hoa hồng. Trên có kèm theo danh thiếp "Mong em thứ lỗi cho. Mark Harris". Kelly giơ tay xé tấm danh thiếp, đem bó hoa đến tặng cho bệnh viện nhi đồng. Sáng hôm sau bà phụ trách trang phục người mẫu lại bước trở vô phòng mang theo gói quà. - Một người đàn ông lạ mặt gởi Kelly. Chỉ một cành hoa lan, thế thôi. Trên kèm theo danh thiếp đề: "Tôi mong được tha lỗi, Mark Harris" Kell xé toạc tấm thiếp, để cành hoa lại. Sau lần đó, hôm nào Mark Harris cũng nhớ gởi quà một rổ trái cây, một chiếc vòng, một món đồ chơi. Kelly vứt bỏ đi hết. Một món quà gây chú ý khác lạ hơn mấy món trước: một con chó xù dễ thương: giống lai Pháp trên cổ đeo chiếc nơ đỏ kèm theo tấm thiếp: "Đây là con Angel, mong là em biết yêu thương nó như tôi Mark Harris". Kelly quay số hỏi tổng đài biết được số máy cơ sở Kingsley International. Nghe tổng đài lên tiếng, Kelly hỏi: - Xin lỗi ở đây có nhân viên nào tên là Mark Harris? - Vâng, có. - Tôi có thể gặp trên máy được chứ? - Chờ máy! Một phút sau vừa nghe tiếng nhớ ra giọng nói hôm nào. - Alô? - Ông Harris? - Vâng! - Kelly đây. Tôi muốn cho ông hay là tôi nhận lời mời ăn trưa. Một thoáng im lặng ngột ngạt rồi lại nghe: - Thật sao? Vậy… vậy thì còn gì bằng. Kelly nghe thấy hơi thở dồn dập sung sướng bên kia máy. - Hẹn gặp tại nhà hàng Laurent một giờ được chứ? - Được lắm! Cám ơn rất nhiều. - Tôi sẽ đặt chỗ trước. Hẹn gặp lại. Mark Harris đang đứng chờ bên bàn, Kelly từ ngoài bước vô tay dắt theo con chó xù. Mark hớn hở: - Em… Em tới thật sao, tôi còn chưa dám tin… em nhớ dắt theo Angel. - Vâng, - Kelly đặt con Angel trên tay Mark. - Cho nó theo ăn với ông, Kelly điềm nhiên nói toan bỏ đi. Mark vội nói: - Thế là sao, tôi chưa hiểu… - Vâng, tôi muốn nhắc với ông một lần cuối, - Kelly quát - Tôi muốn ông đừng quấy rầy nữa. Ông hiểu chưa. Mark Harris mặt đỏ như gấc. - Vâng, vâng tôi hiểu chứ. Xin lỗi. Không phải chuyện quấy rầy… tôi nghĩ là… không biết nói ra sao… cho tôi được phân trần… Em có thể nán lại một lát nữa. Kelly toon mở lời "không", nàng chịu ngồi lại, vẻ mặt khinh khỉnh: - Sao? Mark Harris lấy hơi lên: - Thật tình tôi lấy làm ân hận, phải nói tôi không có ý quấy rầy. Tôi có gởi tới những món quà để tạ lỗi vì sự quá đường đột. Tôi muốn một dịp… lúc nhìn thấy hình ảnh em trên báo, tôi tưởng đâu là đã biết nhau từ lâu. Đến khi được nhìn thấy em ngoài đời thì lại càng… Gã nói líu ríu, khổ sở - Tôi… tôi ngỡ là một người đẹp như em không đời nào ngó ngàng tới một kẻ như tôi… tôi cảm thấy ngây ngô như một đứa học trò. Tôi xấu hổ. Y như là tôi - Tôi không biết… nói ra sao, hơn nữa… Giọng nói rề rà gã cảm thấy trơ trẽn - Tôi không có tài… ăn nói. Từ nhỏ tôi sống một mình. Chưa có ai… ngày tôi mới lên sáu cha mẹ đã ly dị, và xung đột xảy ra, không người nào muốn giữ tôi lại. Kelly lặng lẽ nghe. Tiếng nói vang lên trong trí nàng, gợi lại hồi ức lúc còn nhỏ: Sao bà không bỏ nó đi, đẻ ra làm gì? - Tôi muốn lắm mà không thể được. Gã kể lể. - Tôi được đem đi gởi qua hơn một chục nhà nuôi trẻ, không ai chăm sóc… Khách trọ như là chú bác, con đừng rầy rà tới họ. Kelly nhớ lại lời mẹ bên tai. - Tôi không làm được một việc gì cho ra trò… Mark kể lể, nghe xong trong đầu Kelly lại vang lên. Nấu ăn chẳng được… Bộ áo mặc không xứng… Mi lau dọn buồng tắm chưa xong. - Tôi không được ăn học đàng hoàng, họ muốn tôi học làm thợ sửa xe, còn tôi… thì muốn học làm khoa học. Tôi bị chê không biết gì… Kelly càng nghe càng thấy thấm thía, nhớ lại chuyện cũ: Con muốn học làm người mẫu. Bọn người mẫu là bọn làm điếm… - Tôi muốn theo học đại học, nhưng mà với công việc hàng ngày… khỏi cần phải học hành. "Mi đi học làm gì? Coi tướng mi chỉ làm nghề bán thân nuôi miệng… - Lúc tôi được học bổng MIT, cha đỡ đầu đoán tôi sẽ thi trượt, trở về làm thợ trong gara xe… Nghe gã vừa kể lể khác gì được ôn lại chuyện đời mình. Xin vô đại học à? Mi làm uổng phí bốn năm một đời người… Kelly ngồi đó thám thía từng câu chừ, càng đau đớn chẳng kém gì anh chàng xa lạ kia. - Ngày tôi học xong chương trình MIT, tôi được nhận về làm cho cơ sở nghiên cứu Kingsley International, tôi cảm thấy như lạc lõng. Câu chuyện ngừng lại một lúc lâu. - Hình như là lâu lắm tôi học được một câu nói, điều vĩ đại nhất trong đời là gặp được người mình yêu, và được yêu lại… tôi tin là điều đó có thực. Kelly lặng lẽ ngồi nghe. Mark Harris ngọng miệng nói: - Nhưng mà tôi chưa từng được gặp người đó, muốn bỏ qua. Thế rồi một bữa nọ tôi đã gặp được em… Lời nói trêu ngươi. Gã đứng dậy, hai tay giữ lấy con Angel. - Tôi thấy xấu hổ lắm lắm. Từ nay trở đi không quấy rầy em nữa. Chào em. Kelly nhìn theo gã bước đi khỏi. - Ông ôm con chó của tôi đi đâu? - nàng gọi theo. Mark Harris, ngập ngừng quay lại: - Tôi xin lỗi được chứ? - Con Angel thuộc về tôi. Ông đem biếu cho tôi, phải không? Mark dừng lại nghẹn họng. - Ờ, nhưng mà em đã nói… - Tôi muốn thoả thuận với ông, Harris. Tôi được giữ con chó Angel, còn ông có thể lui tới tự nhiên. Nghĩ ngợi một lúc mặt mày sáng rỡ gã nói: - Vậy là em vừa nói tôi có thể… em muốn cho tôi… Kelly nói: - Sao không gác lại chuyện đó để tối nay tính? Nàng có ngờ đâu chính nàng đang là đích ngắm của bọn sát thủ. Chương 11 Paris, Pháp CUỘC ĐIỀU TRA VỤ TỰ TỨ TRÊN THÁP EIFFEL. Cuộc thẩm vấn diễn ra tại sở Cảnh sát Reuilly trên phố Henard, Quận mười hai. Hai thám tử André Belmondo và Pierre Marais mở đầu buổi hỏi cung người quản lý tháp Eiffel. Thứ Hai, 6 tháng năm. Thời gian 10 giờ sáng Đối tượng: René Pascal. Belmondo: ông Pascal, chúng tôi có đủ lý lẽ xác định là Mark Harris, nạn nhân được cho là té ngã từ trên đài quan sát tháp Eiffel đã bị giết chết. Pascal: Bị giết chết? Mà sao… Tôi được nghe báo cáo là tai nạn do… Marais: Làm sao chung quanh có bao lơn che chắn cao khỏi đầu người nạn nhân có thể té ngã xuống đất được? Belmondo: Chúng tôi có đủ lý lẽ xác minh đây không phải là một vụ tự tử. Bởi ông ta đã chuẩn bị sắp xếp nghỉ cuối tuần với vợ, là Kelly một người mẫu. Pascal: Tôi thật đau buồn, thưa quý ông, nhưng mà tôi chẳng hiểu… sao lại mời tôi đến đây. Marais: Chúng tôi muốn làm sáng tỏ vụ việc buổi tối nhà hàng đóng cửa lúc mấy giờ? - Pascal: Đúng mười giờ. Đêm đó có bão, nhà hàng vắng khách phải đóng cửa sớm… Marais: Cầu thang máy ngừng chạy từ lúc nào? Pascal: Thường chạy tới nửa đêm mới ngừng, đêm đó thấy không còn khách và người tham quan, tới mười giờ khoá máy. Belmondo: Luôn cả thang máy chạy lên đài quan sát? Pascal: Vâng. Tất cả thang máy đều khoá. Marais: Vậy có thể đi cầu thang bộ từ dưới lên tới nơi được chứ. Pascal: Không được. Tối đó mọi cửa đều khoá. Tôi không thể hiểu vì sao tai nạn xảy ra. Nếu… Belmondo: Chuyện đó tôi sẽ nói ra đây. Nạn nhân Harris bị xô ngã từ trên cao xuống. Chúng tôi đã lên tới nơi xem xét hiện trường tại chỗ rào chắn nơi xảy ra tai nạn còn dấu xây xát, lớp cất ximăng bám dính vô dưới đế giầy nạn nhân Harris chính là lớp ximang bị bong tróc ngay tại chỗ rào chắn đài quan sát. Nếu cửa tầng dưới đã khoá, thang máy ngừng hoạt động nạn nhân không làm sao lên tới nơi ngay lúc nửa đêm? Pascal: Tôi không biết. Không có cầu thang máy…thì làm sao… làm sao đi lên đó được. Marais: Nhưng mà cầu thang máy còn hoạt động thì mới đưa ông Harris lên tới trên đài quan sát. Luôn cả thủ phạm… có thể vài ba tên… rồi bọn chúng quay trở xuống. Belmondo: Ta có thể nghi cho kẻ lạ mặt cho chạy cầu thang máy. Pascal: Không có chuyện đó. Người gác cầu thang máy thường trực tại phòng máy, buổi tối dùng khoá đặc biệt. Marais: Có mấy chìa khoá tất cả? Pascal: Có ba chìa. Tôi giữ một, hai chìa kia được cất giữ tại đây. Belmondo: Ông xác định rõ cầu thang máy đóng cửa lúc mười giờ tối chứ? Pascal: Vâng. Marais: Ai chịu trách nhiệm tại chỗ? Pascal: Toth. Gérard Toth. Marais: Cho tôi gặp đương sự. Pascal: Tôi cũng muốn gặp. Marais: Ông muốn nói sao? Pascal: Toth tối hôm đó không đi làm. Tôi đến nhà tìm, không nghe thấy ai lên tiếng, tôi hỏi thăm chủ nhà mới hay Toth đã dọn đi nơi khác. Marais: Không để lại địa chỉ sao? Pascal: Không. Hắn đã cuốn gói cao chạy xa bay từ lúc nào. * * * * * - Cao chạy xa bay? Có phải ta vừa nhớ lại nhà ảo thuật đại tài Houdini hay là một tên gác cầu thang quỷ quyệt? Người vừa lên tiếng là ngài Tổng thư ký Renaud, chỉ huy Tổng hành dinh cơ quan Interpol. Ông nhỏ người tính năng động hoạt bát, tuổi trạc năm muơi có thâm niên hai mươi năm phục vụ trong ngành Cảnh sát Renaud ngồi chủ toạ phiên họp trong phòng họp lớn tại Tổng hành dinh bảy tầng lầu Trụ sở Cảnh sát quốc tế một nơi thanh lọc tất cả mọi nguồn tin cho 126 đơn vị cảnh sát thuộc bảy mươi tám nước: Trụ sở nằm trong khu phố St. Cloud, khoảng mười cây số về hướng tây Paris được điều hành do một lực lượng thám tử từng phục vụ trong Sở an ninh Pháp và Sở cảnh sát Paris. Quanh bàn họp mười hai nhân viên đã có mặt đầy đủ. Cuộc thẩm vấn thám tử Belmondo vừa diễn ra trước một giờ. Ngài tổng thư ký chua chát lên tiếng: - Vậy là anh và thám tử Marais không thể thu thập được một manh mối nào vì sao nạn nhân bị giết chết tại một nơi khó có thể xâm nhập vô được, hơn nữa bọn sát thủ cũng khó mà len lỏi vô rồi thoát ra ngoài trót lọt hay sao? Các anh… báo cáo có vậy thôi sao? - Tôi và Marais đã đối chứng với nhiều người… - Thôi được. Anh có thể ra về! - Thưa ngài, tuân lệnh! Mọi người nhìn theo nhà thám tử vừa bị một trận te tua. Có người bảo; - Thế đấy, đến anh ta cũng phải chịu thua. Ngài tổng thư ký quay lại bàn họp: - Trong lúc thẩm vấn, các anh có ai nghe nhắc… tới một nhân vật tên là Prima? Mọi người chăm chú hồi lâu, rồi lắc đầu - không, Prima là nhân vật thế nào? - Chúng ta chưa biết được. Cái tên được viết nguệch ngoạc trên mảnh giấy còn sót lại trong túi áo jacket nạn nhân ở New York. Trong vụ nầy có liên quan tới một đầu mối, ngài thở ra. - Các bạn, chúng ta đang gặp một việc nan giải, một bài toán còn ẩn số. Tôi đã phục vụ trong ngành mười lăm năm, từng điều tra nhiều vụ giết người hàng loạt, bọn tội phạm quốc tế, tội bạo hành, tội giết cha, và nhiều vụ có thể đoán ra được thủ phạm. -Ông dừng lại. - Trong từng ấy thời gian chưa lúc nào gạp một vụ như vừa qua. Tôi gởi một bản THÔNG BÁO đến cơ quan điều tra ở New York. Manhattan New York. Frank Bigley, chỉ huy một đơn vị thám tử ở Manhattan đang xem xét tờ trình của Tổng thư ký Renaud gởi tới vừa lúc hai thám tử Earl Greenburg và Robert Praegitzer bước vô. - Thưa sếp cần gặp? - Vâng, mời các anh ngồi. Hai người kéo ghế ngồi. Sếp Bigley, đưa ra một trang giấy. - Đây là bản THÔNG BÁO sáng nay Interpol vừa gởi tới. Ông đọc to: "Cách nay sáu năm một nhà khoa học Nhật, Akira Iso đã treo cổ tự tử tại phòng riêng trong một khách sạn ở Tokyo. Cuộc điều tra cho thấy sức khoẻ ông Iso rất tốt, vừa được đề bạt lên một chức vụ cao hơn giữa lúc tinh thần phấn chấn". - Ở bên Nhật? Nhưng mà có liên quan gì… - Tôi đọc tiếp. "Cách đây ba năm, một nhà khoa học Thuỵ Sĩ, Madeleine Smith, ba mươi hai tuổi, tự tử bằng cách mở bình gaz tại nhà riêng ở Zurich. Bà đang mang thai và dự tính làm đám cưới với người cha đứa bé còn trong bụng. Nhân chứng -bạn bè cho biết bà chưa bao giờ được sung sướng như lúc ấy". Ông ngước nhìn hai nhân viên thám tử. - Cách đây ba hôm một nhân vật ở thành phố Berlin tên là Sonja Vebrugge chết trong bồn tắm. Ngay trong đêm hôm đó, Mark Harris một người Mỹ té lộn nhào từ trên đài quan sát tháp Eiffel xuống đất. Ngày hôm sau một công dân Canada tên là Gary Reynolds chết trong một tai nạn máy bay đụng vô sườn núi ngoại ô thành phố Denver. Greenburg và Praegitzer chăm chú nghe đọc, chưa hết bàng hoàng. - Và mới hôm qua, các anh phát hiện xác chết nạn nhân Richard Stevens tấp vô bờ sông East River. Earl Greenburg nhìn theo sếp, kinh ngạc. - Mấy vụ đó liên quan gì đến chúng tôi? Sếp Bigley lặng lẽ nói. - Tất cả những cải chết được nhận dạng như nhau. Greenburg nhìn sâu vô mắt ông: - Sao? Để tôi nghĩ lại xem. Một người Nhật cách đây sáu năm, người Thuỵ sĩ ba năm, mới đây vài bữa một người Đức, người Canada và hai người Mỹ. - Gã ngồi lặng thinh một lúc. - Mấy vụ nầy có liên quan gì với nhau? Sếp Bigley đưa qua Greenburg bản THÔNG BÁO của cơ quan Interpol. Greenburg vừa đọc tròn xoe mắt. Gã ngước nhìn chậm rãi nói: - Interpol nghi cho viện nghiên cứu Kingsley International đứng đằng sau mấy vụ nầy sao? Một trò cười. Praegitzer lên tiếng: - Thưa sếp, chúng tôi vừa nhắc tới tên tuổi một cơ quan nghiên cứu tầm cỡ thế giới. - Tất cả nạn nhân là những người có liên quan cơ quan KIG, do Tanner Kingsley đứng đầu; Chủ tịch Uỷ ban khoa học của Tổng thống, Chủ tịch Uỷ ban kế hoạch nhà nước và Uỷ ban chính sách quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc. Tôi muốn đề nghị cậu và Greenburg nên có một cuộc trao đổi với Kingsley. - Vâng. - Nầy Earl… - Sếp bảo sao? - Nên dè dặt và dò dẫm từng bước. Năm phút sau, Earl Greenburg gặp thư ký Ric của Kingsley trên máy, gã quay qua Praegitzer - Mười giờ sáng thứ ba ta tới điểm hẹn. Ngài Kingsley đang có mặt ra điều trần tại một Uỷ ban quốc hội ở Washington… * * * * * Washington, D.C Tại buổi điều trần của Uỷ ban môi trường Thượng viện ở Washington, D.C, một hội đồng gồm sáu vị Thượng nghị sĩ và ba mươi quan khách tham dự một nhóm phóng viên lắng nghe Tanner Kingsley đọc bản điều trần. Tanner Kingsley, trong độ tuổi bốn mươi, cao lớn điển trai, đôi mắt xanh sắc sảo, thông minh khuôn mặt với chiếc mũi dọc dừa, chiếc cằm cương nghị trông như hình tượng tạc in trên đồng tiền. Chủ tịch Uỷ ban, Thượng nghị sĩ Pauline Mary Van Luven, nhân vật thể lực khoác một tư cách đầy vẻ tự tin. Bà nhìn qua Tanner dõng dạc lên tiếng mời ông Kingsley phát biểu. Tanner gật: - Cám ơn bà Thượng nghị sĩ. Ông quay qua phía các thành viên Uỷ ban mở đầu; với giọng nói sôi nổi. - Trong khi một số các nhà hoạt đông chính trị của chúng ta loay hoay với những sự kiện trái đất ấm dần lên và hiện tượng hiệu ứng nhà kính, lỗ hổng tầng ozone lớn thêm dần. Cho nên thế giới phải gánh chịu nhiều thiên tai hạn hán, lụt lội. Ở vùng biển RossSea, tảng băng khổng lồ chiếm diện tích bằng một nước Jamaica tan rã do hiện tượng trái đất ấm dần lên, tầng ozone ở vùng Nam cực bị xâm hại tạo một lỗ hổng rộng tới mười triệu dặm vuông- Ông đừng một lúc để nhấn mạnh hơn bằng một giọng nói chậm rãi. - Tới mười triệu dặm vuông. Chúng ta đang ở vào một thời kỳ phải gánh chịu nhiều phong ba bão táp tàn phá nhiều nơi ở châu u Do thời tiết bị xáo trộn triệt để hàng triệu người ở nhiều nước trên khắp thế giới phải chịu nạn đói và tuyệt chủng. Trước sau vẫn là những khẩu hiệu: nạn đói và tuyệt chủng. Ta không nên nhắc lại những lời nói suông: Ta phải nghĩ tới lúc những người vợ, chồng và con trẻ đang đói khát và không nơi trú ẩn, tất cả đang chờ chết. Mùa hè vừa qua có hơn 20.000 người chết do đợt nắng nóng ở châu u. - Tanner cất cao giọng - Chúng ta phải hành động ra sao? Nội các của chúng ta từ chối phê chuẩn Nghị định thư Kyoto do hội nghị thượng đỉnh môi trường toàn cầu soạn thảo. Thông điệp đưa ra là chúng ta không màng tới chuyện một phần thế giới phản đối đầu nạn ô nhiễm khí thải. Chúng ta thản nhiên lo bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Phải chăng chúng ta quá ngu muội, ích kỷ, không nhận ra những gì chúng ta đang gây cho… Thượng nghị sĩ Van Luven chặn ngang. - Ngài Kingsley, đây không phải là một buổi tranh luận. Yêu cầu ngài nên dịu giọng lại. Tanner hít vô một hơi sâu, gật đầu. Không còn giọng điệu sôi nổi như trước, ông nói. - Tất cả chúng ta ý thức được hiệu ứng nhà kính là hậu quả của quá trình sử dụng chất đốt và các thứ nguyên liệu khác nằm trong tầm kiểm soát và, khí thải đã lên cao tới mức bằng ca một phần nửa triệu năm gộp lại. Hậu quả gây ô nhiễm bầu không khí tác hại đến sức khoẻ thế hệ con cháu chúng ta. Cần phải ngăn chặn nạn ô nhiễm. Tại sao chúng ta không làm được? Là do ta phải tiêu hao nhiều khoản phí tổn. - Ông cất cao giọng nói. - Phí tổn tiền bạc! Một nhúm không khí trong lành đáng giá là bao nhiêu so với mạng sống một con người? Một gallon xăng dầu chăng? Hay là hai gallon? Ông sôi nổi hơn, Như tất cả chúng ta đã biết, trái đất là nơi duy nhất ban cho chúng ta một chỗ trú thân, thế mà ta lại gây ô nhiễm trên mặt đất, ngoài vùng biển, trên tầng không khí tất cả chúng ta hít thở mỗi ngày. Nếu chúng ta không ngăn chặn… Thượng nghị sĩ Van Luven lại chặn ngang một lần nữa. - Ngài Kingsley… - Tôi xin lỗi, bà Thượng nghị sĩ, tôi cảm thấy tức giận. Tôi không chịu được khi nhìn sự huỷ diệt trái đất mà không thể không lên tiếng phản đối. Kingsley được phát biểu thêm ba mươi phút nữa. Kết thúc phần phát biểu, Thượng nghị sĩ Van Luven lên tiếng: - Thưa ngài Kingsley, tôi muốn được gặp ngài ngay tại văn phòng. Buổi điều trần hôm nay ngừng tại đây! Văn phòng Thượng nghị sĩ Van Luven được thiết kế như lúc ban đầu theo hình thức một nơi làm việc mẫu mực theo chế độ bàn giấy; một chiếc bàn làm việc, một bàn dài và sáu chiếc ghế, dãy tủ đựng hồ sơ, bà Thượng nghị sĩ muốn tạo một phong cách riêng theo màn màu mè, trên tường treo tranh ảnh. Tanner vừa bước vô nhìn thấy đã có hai nghị viên ngồi bên cạnh Thượng nghị sĩ Van Luven. - Đây là hai trợ lý của tôi, Corinne Murphy và Karolee Trost. Corinne Murphy một cô nàng xinh đẹp tóc đỏ, và Karolee Trost nhỏ thó tóc vàng trong độ tuổi hai mươi, ngồi bên bà Thượng nghị sĩ. Phải nói là Tanner mà nhìn thấy là chịu ngay. - Mời ngài Kingsley ngồi, Thượng nghị sĩ Van Luven nói. Tanner ngồi vô ghế. Bà Thượng nghị sĩ nhìn theo một lúc: - Thiệt tình mà nói tôi chưa hiểu ông như thế nào. - Ồ vậy sao? Phải nói là tôi ngạc nhiên thưa bà Nghị sĩ. Tôi nghĩ sao nói ra vậy, tôi nghĩ là… - Tôi biết điều đó. Còn cơ sở nghiên cứu Kingsley International của ông đã ký kết nhiều hợp đồng làm dự án cho nhà nước, vậy mà ông muốn tranh luận với nhà nước chuyện môi trường. Như vậy là làm ăn không tốt phải không? Tanner thản nhiên đáp. - Tôi không đề cập chuyện làm ăn, thưa bà Van Luven. Tôi muốn nói tới cả loài người. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình nguy cơ bất ổn toàn cầu. Tôi đang tìm mọi cách thỉnh cầu Thượng nghị viện phân bổ ngân sách để tái thiết lại. Thượng nghị sĩ Van Luven không nghĩ theo cách của ông. Phải chăng số tài khoản được cấp sẽ lọt vô túi của quý cơ sở, phải vậy chăng? - Tôi không màng tới chuyện ai đứng ra nhận tiền. Tôi muốn được nhìn thấy nhà nước phải ra tay kịp thời, đừng để quá muộn. Corinne Murphy lời lẽ dịu dàng hơn. - Phải nói thật đáng khâm phục. Ngài là một nhân vật khác thường… Tanner quay lại: - Cô Murphy, nếu nói như yậy có nghĩa là phần lớn nhân dân nặng về phần vật chất hơn là tinh thần, tôi cảm thấy ân hận nếu cô em cho là mình nghĩ đúng. Karolee Trost nói xen vô. - Tôi nhận thức các dự tính của ông sắp tới thật là đáng khen ngợi. Nghị sĩ Van Luven nhìn hai cộng sự với cặp mắt khó chịu, bà nhìn qua Tanner: - Tôi không thể nói trước, cụ thể với việc nầy tôi sẽ bàn lại với các đồng nghiệp chờ có ý kiến thống nhất về vấn đề môi trường. Tôi sẽ trả lời ông sau. - Cảm ơn bà nghị sĩ, tôi xin hoàn toàn tán thành - Ông lưỡng lự. - Nếu có dịp đến Manhattan, tôi sẽ mời bà tham quan cơ sở KIG để được nhìn thấy tận mắt các hoạt động tại chỗ… lúc đó bà sẽ cảm thấy hài lòng. Bà Nghị sĩ Van Luven gật đầu thờ ơ đáp: - Tôi chưa thể nói chắc. Cuộc họp bế mạc. Chương 12 Paris, Pháp. Ngay lúc mọi người biết tin cái chết của Mark, Kelly Harris nghe chuông điện thoại reo liên tục, hoa phúng điếu và e-mail gởi đầy hộp thư. Người đầu tiên được báo tin là Sam Meadows, một đồng nghiệp đồng thời là bạn chí cốt của Mark. - Kelly! Lạy chúa. Tôi không dám tin? Tôi… tôi không biết nói sao, vô cùng bàng hoàng, ngồi nhìn quanh tưởng chừng Mark còn đây. Kelly… nếu cần giúp đỡ gì cứ nói. - Không, cám ơn Sam - Nhớ nhắn tin luôn. Tôi muốn đỡ đần… Và cứ thế những cuộc gọi từ những bạn bè của Mark, của người mẫu đồng nghiệp với Kelly. Bill Lerner giám đốc công ty người mẫu gọi chia buồn, không quên nhắn nhủ. - Kelly, nói ra đây không tiện. Tôi thấy em nên trở lại làm việc cho nhẹ bớt phần nào âu lo. Em muốn chừng nào trở lại công ty? - Tôi muốn chừng nào Mark về lại. - Kelly buông máy xuống bàn. Chuông lại reo. Nhọc nhằn Kelly phải lên tiếng: - Alô? - Thưa bà Harris. Nàng còn là bà Harris nữa không? Không còn nữa, nhưng mãi mãi nàng là vợ của Mark. Nàng nghiêm giọng nói. - Bà Mark Harris nghe đây. - Đây là văn phòng ngài Tanner Kingsley. - Đúng là nơi Mark đang… đã phục vụ, Kelly nghĩ - Sao ạ? - Ngài Kingsley mong được gặp bà tại thành phố Manhattan. Ông có một cuộc họp tại văn phòng của cơ sở bà có thể đến được chứ? Kelly có thể đến. Nhưng mà trước đó nàng đã dặn công ty hhông đăng ký một chuyến bay nào hết. Nàng lấy làm lạ. Vì sao Tanner Kingsley cần gặp nàng. Lạ lắm, nàng thản nhiên đáp: - Vâng. - Bà có thể rời Paris thứ Sáu được chứ? Không còn thời điểm nào thuận lợi hơn thứ sáu - Được thôi. - Khá lắm. Chúng tôi đã đặt vé trước tại hãng United Airlines, bà cứ ra sân bay Charles de Gaulle đi. - Gã cho biết số chuyến bay. - Đến New York sẽ có xe ra đón. * * * * * Ngày trước có lần Mark kể cho nàng nghe về Tanner Kingsley. Mark đã từng biết ông là một thiên tài, xứng đáng được sát cánh trong công tác. Biết đâu ta sẽ được chia sẻ với ông ta hình ảnh tốt đẹp về Mark: nghĩ tới đó Kelly cảm thấy hoan hỉ. Angel chạy vô leo lên đùi nàng ngồi. Kelly ôm nó vào lòng. - Ta đi vắng ai lo cho mi? Má mi sẽ lo cho mày, ta đi xa vài hôm. Chợt Kelly sực nhớ ai lo canh chừng nó. Nàng chạy xuống cầu thang tới chỗ văn phòng quản lý chung cư công nhân đang lắp ráp một cầu thang máy mới, Kelly liếc mắt nhìn theo đám thợ. Philippe Cendre, quản lý chung cư, người cao lớn khuôn mặt dễ nhìn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, cả vợ con hăng hái nhiệt tình làm việc. Lúc hay tin Mark gặp nạn cả nhà ông bàng hoàng. Đám tang Mark được an táng tại nghĩa trang Père Lachaise, hôm đó Kelly có nhờ gia đình nhà Cendre tham gia. Kelly bước tới trước căn hộ nhà Philippe, nàng giơ tay gõ cửa. Chờ Philippe ra mở cửa Kelly lên tiếng. - Tôi có chút việc nhờ ông. - Mời bà vô đây. Bà cần nhờ việc gì, bà Harris? - Tôi có việc đi New York ba bốn hôm, nên muốn nhờ ông trông giùm con Angel. - Trông giúp? Tôi với bà Ana Maria đây thương nó lắm. - Cám ơn ông. Được vậy thì tôi mừng lắm. - Tôi sẽ lo cho nó bà yên tâm. Kelly hớn hở: - Khỏi phải nói, tôi cưng nó lắm. - Hôm nào bà đi? - Thứ Sáu. - Được thôi, để tôi lo chuyện đó. Bà còn nhớ tôi cho hai đứa con gái vừa nhập học trường Sorbonne chứ? - Tôi không nghe. Vậy thì khá lắm, ông phải mừng lắm chứ. - Có. Nhập học mới vừa được hai tuần. Cả nhà nhốn nháo, y như một giấc mơ Buổi sáng thứ sáu, Kelly đem giao con Angel cho nhà Philippe Cendre. Kelly giao thêm mấy cái túi giấy. - Đây là món Angel thích nhất, cả mấy thứ đồ chơi trong đó… Philippe bước lùi lại, Kelly nhìn thấy phía sau chỗ ông đứng nhiều món đồ chơi bày dưới sàn. Kelly vui cười. - Angel, mi tốt số lắm đấy! - Nàng ôm nó vào lòng một lần cuối. - Đi nhé, Angel. Cám ơn ông nhiều lắm, Philippe. Kelly vừa bước đi, Nicole Paradis, người gác máy tổng đài chung cư, đứng chờ ở cửa vẫy tay chào. Người bà nhỏ con tóc hoa râm ngồi trong bàn chỉ nhìn thấy có cái đầu ngoi lên. Bà vui cười chào Kelly. - Bà đi nhớ lắm đó, bà nhớ về sớm nhé. Kelly giơ tay ra bắt: - Cám ơn. Tôi sẽ về sớm. Ít phút sau nàng đã ngồi trên xe ra sân bay. * * * * * Sân bay Charles de Gaulle như mọi ngày khách đông quá tải. Nhìn quanh những quầy vé, gian hàng, nhà hàng ăn uống, cầu thang bộ, hệ thống cầu thang cuốn khổng lồ di chuyển liên tục như những con quái vật ngụp lặn lên xuống không ngớt. Kelly ra tới sân bay đã có người phụ trách chờ sẵn đưa qua cổng dành riêng. Bốn mươi lăm phút sau máy gọi thông báo chuyến bay. Kelly vừa bước tới cứa ra máy bay, một người phụ nữ đứng gần bên nhìn theo. Kelly đi khuất đàng xa, người đàn bà lôi điện thoại di động ra gọi. Kelly đang bay ở trên không, tâm trí hướng về Mark, mơ màng không hay biết chuyện mọi người lén nhìn nàng. Mark làm gì lúc nửa đêm ở trên đài quan sát tháp Eiffel? Hẹn gặp ai ở trên đó? Lý do nào? Nàng đang còn thắc mắc. Và điều nầy không ngờ được- Vì sao Mark muốn tự tử? Ta với chàng đang sống yên vui, yêu nhau. Ta không tin chàng muốn tự kết l iễu đời mình. Mark không phải vậy… không… không phải Mark. Kelly nhắm nghiền mắt thả dòng ký ức ngược về quá khứ. Lần hẹn đầu tiên. Nàng mặc chiếc váy đen trên mặc chiếc bờ lu trắng cổ cao, để cho Mark tường là nàng muốn trêu anh. Hay đó chỉ là do thói quen mỗi khi đi chơi tối Kelly cảm thấy chột dạ. Bởi vì một việc xảy đến cho nàng lúc nhỏ. Còn giấu kín mãi, từ đó Kelly không đi đâu với người đàn ông nào xa lạ, trừ khi lo việc làm ăn hoặc tham gia một công tác từ thiện. Mark không phải là tình nhân, Kelly nghĩ mãi trong đầu, chàng với ta mới là bạn mỗi khi đi ra phố ta được bảo vệ, không có chuyện yêu đương nhăng nhít. Kelly đang miên man với dòng suy tưởng, chuông ngoài cửa kêu. Kelly hít vô một hơi đoán chừng có tin vui, Mark đứng chờ mặt mày hớn hở trên tay cầm một chiếc hộp và chiếc túi bao giấy. Anh mặc bộ đồ trông vụng về bên trong áo sơ mi xanh. Thắt cà vạt đỏ đi giầy nâu. Kelly không nhịn được cười thành tiếng. Thiệt tình Mark không phải dân ăn chơi. Trước kia nàng đã từng biết nhiều gã đàn ông tự đề cao mình thái quá lúc nào cũng bảnh bao lịch sự ra phết. Không rào đón, Kelly lên tiếng: - Anh vào nhà đi. - Chắc là tôi không đến trễ? - Không, hoàn toàn không! Mark đưa gói quà cho Kelly: - Món quà nầy dành cho em. Bên trong chiếc hộp đựng hai kí chocolate. Bao nhiêu năm, Kelly chỉ nhận được những món kim cương, áo lông thú, chỉ thiếu mỗi món chocolate. Đây là một món người mẫu rất thích, nàng vừa mừng vừa nghĩ. Kelly tươi cười: - Cám ơn anh! Mark lôi trong túi giấy ra. - Còn món nầy dành cho con Angel. Vừa lúc đó Angel từ đâu chạy lăng xăng tới ngay chỗ Mark đang đứng, vẫy đuôi mừng quýnh. Mark đỡ lên tay ôm vỗ vỗ. - Nó còn nhớ ra ta. - Phải nói là rất cảm ơn ông mới có được nó. - Kelly nói. - Có nó làm bầu bạn, trước nay chưa được thấy ai cho. Mark nhìn theo Kelly ánh mắt thay cho lời muốn nói. Một buổi tối hài lòng ngoài mong đợi. Bên cạnh có Mark người bạn đồng hành dễ mến, Kelly đoán được qua ánh mắt, nhìn anh ngây người sung sướng được gần bên nàng. Anh chàng thông minh nói đễ nghe, tiếc là thời gian qua mau không như nàng tường lúc ra đi. Sau buổi hẹn, Mark nói: - Ta còn hẹn nhau lần khác nữa mà. - Vâng, em cũng nghĩ vậy. - Em thích môn thể thao nào nhất, Kelly? - Em thích môn bóng đá. Anh thích chứ? Mark mặt thộn ra: - À…ờ… vâng… tôi… Tôi cũng thích. Anh chàng có tật nói phét, Kelly nghĩ. Chợt một ý nghĩ không hay lóe lên trong đầu. - Sắp tới có giải tranh vô địch tối Thứ Bảy. Anh đi coi chứ? Mark cố dằn xuống, giọng lơi lả: - Có, có chứ. Vui lắm. Một tối qua mau, trở về lại gần nhà của Kelly, nàng thấy bồn chồn trong người. Kịch bản sau một màn hẹn hò thường là: Ta hôn nhau trước khi chia tay đi chứ" Cho phép tôi được vô nhà uống một chút gì đã… Em không nên ngủ một mình… Vừa đặt chân lên trước cửa nhà, Mark nhìn qua buột miệng nói: - Em biết tôi để ý em ở điểm nào nhất, Kelly? Kelly muốn nín thở. Thì đây rồi, nàng nghĩ. Mông em to… Hai vú em căng tròn… ước gì được em gác hai chân dài lên quanh cổ… - Không - Kelly thản nhiên đáp - anh để ý gì nhất? - Mắt em thấy buồn. Chưa để cho Kelly kịp nói Mark chặn ngang: - Chúc em ngủ ngon. Kelly đứng nhìn theo. Chương 13 Tối hôm sau Thứ Bảy Mark không quên lời hẹn lại đến, trên tay anh cầm theo một chiếc hộp chocolate, một túi giấy lớn. - Món kẹo là của em, còn mấy món kia dành cho con Angel. Kelly đỡ lấy mấy chiếc túi giấy: - Cám ơn anh, Angel nhớ anh. Mark đưa tay vuốt ve trên mình Angel, nàng đứng nhìn theo hỏi vô tư: - Anh mong tới giờ đến kịp xem trận đấu bóng chứ? Mark gật, vui miệng đáp: - À, có chứ. Kelly nhếch miệng cười: - Khá lắm. Em cũng mong. Nàng dư biết Mark có bao giờ đi coi đá bóng đâu. * * * * * Sân Paris St. Germain chật ních khán giả, sức chứa tới sáu mươi bảy ngàn người, đến theo dõi trận đấu giữa hai đội Lyons và Marseilles tranh chc vô địch. Kelly bước theo Mark len vô đám đông tìm chỗ ngồi ngay phía trên khán đài giữa, nàng nói. - Em thấy vất vả, chỗ khó chen chân vô. Mark tươi cười nói: - Đã thích coi bóng đá thì không có gì không thể vượt qua được. Kelly cố nín cười. Nàng không thể chờ lâu hơn được nữa. Đúng hai giờ chiều, hai đội bóng tiến ra giữa sân nghiêm chỉnh đứng chào cờ hát quốc ca Pháp, Hai đội bóng xếp hàng nhìn về phía khán đài trình diện đội hình, một cầu thủ mặc trên người chiếc áo mang biểu tượng đội Lyons hai màu xanh trắng bước tới trước. Kelly nói nhỏ muốn kể cho Mark mọi việc đang diễn ra trên sân. Nàng nghiêng người qua: - Anh chàng đó là thủ môn? Anh ta… - Anh biết, Mark nói - Grégory Coupet, thủ môn xuất sắc của đội bóng vừa tranh được chức vô địch với đội Bordeaux hồi tháng Tư, giành được cúp UEFA và Cúp Liên Đoàn trước đó một năm. Anh chàng ba mươi mốt tuổi, cao một mét tám nặng 90 kí. Kelly trố mắt nhìn Mark. Xướng ngôn viên lần lượt giới thiệu "Tiền đạo Sidney Gouvou… Cầu thủ mang số mười bốn… " Mark thích thú. - Tay nầy chơi khá, mới tuần rồi ghi một bàn thắng trước đội Auxerre ngay phút thứ tám chín. Trận đấu bắt đầu, khán giả nồng nhiệt hường ứng. Kìa, anh chàng vừa tung một quả đá vòng cầu. Mark kêu lên. - Một trận đấu diễn ra sôi nổi, thủ môn hai đội khá vất vả lo bảo vệ khung thành trước nhiều pha tấn công tới tấp. Kelly khó tập trung để theo dõi trận đấu nhìn qua Mark ngồi bên thán phục. - Sao ta lại đánh giá thấp anh chàng đến vậy? nàng nghĩ. Đang giữa hiệp chợt Mark kêu lên: - Gouvou vừa tung cú đá bật tường ghi bàn! Mấy phút sau Mark lại réo: - Nhìn kìa? Carrière khéo xử lý bóng. Anh kể đâu trúng đó. Kết thúc trận đấu đội Lyons giành phần thắng chung cuộc, Mark reo lên - Vậy mới xứng đáng đội vô địch chứ? Lúc rời khỏi sân, Kelly hỏi: - Mark… anh thích môn bóng đá từ lúc nào? Anh nhìn qua Kelly dè dặt đáp: - Mới ba bữa. Tôi dò trên máy computer. Thấy em thích bóng đá tôi tìm hiểu cho biết. Kelly nghe thấy kính nể anh, chuyện ngoài sức tưởng tượng, Mark đã bỏ công ra tìm hiểu bấy nhiêu ngày… nghe nàng kể thích bóng đá. Ngày hôm sau đến hẹn lại lên khi Kelly đã hết giờ ngồi làm mẫu. - Tôi muốn đón em tại nơi phòng trang điểm, hơn nữa… - Không! - Kelly không muốn ông nhìn thấy còn mấy người mẫu kia. Mark ngỡ ngàng nhìn theo. - Như thế nầy… nội quy không cho mấy ông vô tới phòng trang điểm người mẫu. - Ồ! Kelly thì nghĩ khác: Không muốn nhìn thấy ông dòm ngó người khác… * * * * * - Yêu cầu quý khách gài thắt lưng ngồi ngay vị trí xếp khay ăn ngay ngắn lại. Máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Kennedy trong vài phút nữa. Kelly chợt tỉnh giấc, nàng bay qua New York để kịp tới gặp Tanner Kingsley, một nhân vật trước đây Mark đã cộng tác một thời gian. Tin nàng đến đã được thông báo trước. Máy bay vừa đáp đông đủ mọi người đứng chờ sẵn. Lúc bước ra ngoài một hàng rào phóng viên, nhà quay phim bao quanh. - Kelly, nhìn vô đây. - Bà có thể cho biết cảm tưởng tai nạn xảy ra cho chồng bà? - Cảnh sát đã cho điều tra chưa? - Bà có ý định về lại nước Mỹ? - Bà cho biết cảm tưởng vụ tai nạn xảy ra vừa qua? Ta phải nghe những chuyện đâu đâu. Kelly nhác nhìn thấy một gương mặt người đàn ông lanh lẹ đứng khuất đàng kia. Gã nhếch mép cười vẫy tay về phía Kelly làm dấu đi ra ngõ nầy. Ben Roberts xuất hiện trên truyền hình trong vai người dẫn chương trình uy tín khắp nước Mỹ. Ông đã từng phỏng vấn Kelly trước đây từ đó hai người thân thiết với nhau. Nàng đứng nhìn Ben len lỏi qua đám đông phóng viên bao quanh. - Kìa! Ben! Kelly sẽ tham gia chương trình sắp tới chứ? Ông cho biết Kelly sẽ phát biểu thế nào về vụ tai nạn vừa qua? - Cho phép tôi chụp một pô ảnh hai người đứng chung. Vừa lúc đó Ben đã tới nơi Kelly đứng chờ. Đám đông phóng viên chen lấn dành chỗ đứng. Ben kêu lên chới với: - Các bạn dành cho bà ấy một lúc để được thong thả. Chốc nữa sẽ hỏi sau. Đáng đông phóng viên tránh một bên miễn cưỡng nhường lối đi ra. Ben nắm tay Kelly nói: - Tôi không biết nói sao để vơi nỗi buồn. Tôi rất thương nhớ Mark. Cũng là chỗ bạn bè với nhau. Kelly bước theo Ben tiến ra phía ngoài cửa, gã hỏi ngay: - Hỏi rồi bỏ qua nhé, cô tính làm gì ở New York? - Tôi đến đây muốn gặp Tanner Kingsley. Ben gật: - Ông ta là một nhân vật có thế lực đấy nhé. Cô sẽ được để ý kỹ. Hai người dừng lại trước quầy hành lý. - Kelly cô cần nhờ tôi lo việc gì không, nếu cần liên lạc qua nơi làm việc. - Anh nhìn quanh. - Có xe đến đón chưa, nếu chưa thì, tôi sẽ… Vừa lúc đó, người lái xe mặc đồng phục bước tới. - Thưa bà Harris? Tôi là Colin. Xe đang chờ bên ngoài, Ngài Kingsley đã đặt chỗ sẵn ở khách sạn Peninsula Hotel. Bà có thể cho xem vé để nhận hành lý ra xe. Kelly quay qua Ben: - Anh nhớ gọi cho tôi chứ? - Nhớ chứ. Mười phút sau, Kelly trên đường về lại khách sạn. Xe đang bon bon, Colin nói: - Sẽ có thư ký riêng. Ngài Kingsley sẽ báo cho bà ngày giờ họp. Bà được toàn quyền sử dụng xe bất cứ lúc nào. - Cám ơn anh. Ta đến đây để làm gì nhỉ? Kelly còn phân vân. Nàng đang tìm câu trả lời. Chương 14 Manhattan, New York. Tanner Kingsley ngồi theo dõi tin tức trên báo ra buổi chiều. "Mưa đá tàn phá khắp Iran. Phần cuối bản tin bình luận đây là một thiệt hại vô cùng to lớn. - Chuyện lạ, mưa đá xảy ra nhằm mùa hè ở một xứ nóng. Tanner nhấn nút gọi thư ký. Bà bước ra, ông lệnh: - Kathy cắt bài báo nầy gởi Thượng nghí sĩ Van Luven, ghi chú thêm "Tin mới nhận trái đất đang nóng dần. Trân trọng báo cáo…" - Thưa ông Kingsley, sẽ cho chuyển đi ngay. Tanner Kingsley liếc nhìn đồng hồ. Ba mươi phút nữa hai nhân viên thám tử đến trình diện cơ sở KIG. Gã nhìn quanh một lượt bên trong văn phòng trang bị những món đắt tiền, gã sực nhớ lại sức mạnh của ba chữ viết tắt đơn giản, khiến cho bao nhiêu người kinh ngạc nhớ lại những ngày đầu vươn lên khá khiêm tốn của một cơ sở mang tên KIG cách nay bảy năm. Ký ức về những ngày đã qua hiện ra trong trí gã… Gã nhớ lại ngày sáng tạo ra logo ba chữ KIG - Khéo bày trò một cơ sở chẳng làm nên tích sự, có kẻ đã từng nói và do Tanner với hai bàn tay trắng đã đưa cái cơ sở vô tích sự lên hàng một tổ chức tầm cỡ thế giới. Tanner ngồi ôn lại những ngày đầu như một phép lạ. * * * * * Tanner Kingsley kém người anh trai Andrew năm tuổi, một bước ngoặt làm thay đổi đời người. Cha mẹ ly dị sớm, người mẹ tái giá rồi bỏ quê hương đi xa. Cha là một nhà khoa học, hai người con nối nghiệp cha trở nên những thiên tài khoa học. Người cha mất năm bốn mươi tuổi sau một cơn đau tim. Chuyện Tanner kém hơn người anh năm tuổi phát sinh ra lắm điều thật là rầy rà. Ngày Tanner được nhận giải thưởng nhất lớp, bạn bè đã bảo: - Andrew đứng nhất lớp từ năm năm trước, hai anh em đúng là con nhà nòi. Ngày Tanner nhận giải thưởng tài hùng biện, thầy dạy nói: - Khá lắm, Tanner. Em là người thứ hai nhà Kingsley đoạt giải. Tham gia đội chơi quần vợt: - Chúc cậu chơi xuất sắc như người anh Andrew… Ngày Tanner tốt nghiệp ra trường: - Bài nói lúc ra trường của cậu nghe rất hay, khiến tôi nhớ lại Andrew… Anh chàng lớn dần mang theo thành tích của người anh đạt được trước đây và một điều đáng buồn hơn là chỉ được coi như một nhân tài hạng hai xếp sau Andrew Hai anh em có nhiều điểm tương đồng, mặt mũi điển trai thông minh, tài ba, năm tháng trưởng thành dần lên, giữa hai anh em nảy sinh nhiều điểm xung khắc. Andrew tính hay thương người, nhún nhường, Tanner thích giao thiệp rộng rãi lại nuôi nhiều tham vọng. Trái với Andrew anh chàng nhát gái, Tanner được cái mã ngoài bảnh bao khiến cho nhiều cô nàng chạy theo. Điểm khác nhau dễ phân biệt ở chỗ hai anh em mỗi người theo đuổi một chí hướng. Andrew thích làm công tác từ thiện trong khi Tanner nuôi tham vọng làm giàu muốn hơn người. Andrew tốt nghiệp đại học hạng ưu, ngay tức thì được tuyển dụng vô làm tại một viện nghiên cứu khoa học. Được tận mắt nhìn thấy các công trình nghiên cứu góp phần đắc lực cho khoa học tiến bộ như thế nào năm năm sau Andrew quyết định thành lập… cơ sở nghiên cứu cho riêng mình… quy mô khiêm nhường hơn. Tanner sau khi nghe Andrew kể lại thích thú lắm. - Khá lắm! Cơ sở của ta nhận hợp đồng nghiên cứu của nhà nước trị giá cả triệu đô-la chưa kể các xí nghiệp muốn thuê mướn… Andrew chặn ngang: - Không phải ý tưởng nầy là riêng của ta đâu, Tanner. Ta muốn đem công trình khoa học giúp dân… Tanner nhìn sâu vô mắt người anh: - Giúp dân? - Phải. Còn hàng chục nước kém phát triển chưa được tiếp cận các phương pháp hiện đại trong nông nghiệp và công nghiệp sản xuất. Cậu không nhớ là cậu nói nếu ta đem cho họ một con cá họ sẽ có được miếng ăn. Nếu ta chỉ cho họ phương pháp đánh cá, họ sẽ có cá ăn suốt đời không hết. Anh muốn đốn ngã một cây, với một lưỡi cưa cổ lỗ sĩ, Tanner nghĩ: - Andrew, những nước nầy không có khả năng chi trả cho ta… - Chuyện đó không thành vấn đề. Ta sẽ cử chuyên viên tới các nước kém phát triển giúp đỡ. Huấn luyện kỹ thuật hiện đại, cuộc sống lúc đó sẽ khá hơn. Ta muốn hợp tác với cậu, đổi tên gọi ra: Tập đoàn nghiên cứu Kingsley. Cậu thấy sao? Tanner ngẫm nghĩ một hồi, gật đầu. - Thật ra đó không phải là một ý tưởng tệ hại gì đâu. Khởi đầu ta giúp các nước kém phát triển như anh đã nhắc qua sau đó ta thu vô cả khối tiền… nhờ các hợp đồng với nhà nước… - Tanner, cậu nên dồn mọi nỗ lực giúp ổn định tình hình thế giới. Tanner nhếch mép cười, vậy là sắp có một thoả hiệp. Mọi việc nên khởi đầu dựa theo sáng kiến của Andrew, kế đến là ra sức củng cố quyền lực cho công ty. - Vậy thì… Tanner chìa tay ra - Tất cả cho tương lai. * * * * * Sáu tháng sau, hai anh em đứng dưới mưa bên ngoài một ngôi nhà xây màu gạch son phía trên treo bảng hiệu một cách khiêm nhường. Tập đoàn Kingsley. - Trông nó ra làm sao nhỉ? Andrew kiêu hãnh cất tiếng hỏi. - Hết chỗ chê. - Tanner cố giữ nét mặt điềm nhiên nói. - Nhìn lên tấm bảng hiệu sẽ mang lại ấm no cho bao nhiêu người khắp thế giới đó, Tanner. Ta đã lo thuê mướn chuyên gia đến các nước kém phát triển. Tanner toan ngăn lại bởi người anh lẽ ra không nên vội vã, cái tật nói không chịu nghe, nhưng thời cơ đã tới Tanner ngước nhìn tấm bảng hiệu một lần cuối nghĩ ngợi. Mai nầy ta muốn chuyển ra KIG, Tập Đoàn Quốc Tế Kingsley. John Higholt, bạn học Andrew bỏ ra 100.000 đô-la góp vốn đầu tư, Andrew chịu hết phần vốn còn lại của công ty. Số chuyên gia thuê mướn được gởi tới các nước Kenya, Somali, Sudan gần một chục người, đảm trách công tác huấn luyện người dân địa phương cải thiện cuộc sống. Số tiền đóng góp chưa thấy đâu. Tanner không bận tâm việc đó. - Andrew, ta nên ký kết hợp đồng với các công ty tầm cỡ hơn nữa… - Đó không phải là chủ trương của ta, Tanner. Vậy thì ta đang tính chuyện quái gì đây? Tanner ngẫm nghĩ trong đầu. Hãng Chrysler đang muốn đặt hàng… Andrew nhếch mép cười nói. - Ta cứ tính việc lợi trước mắt mà làm. Tanner cố gồng mình chịu nghe. Cùng một cơ quan nghiên cứu khoa học, cả hai Andrew và Tanner lập phòng thí nghiệm riêng. Mỗi người theo đuổi một công trình, Andrew thường làm việc rất khuya. Một bữa sáng, Tanner tới cơ sở thấy Andrew còn ở lại đó Nhác thấy Tanner tới, Andew nhảy dựng lên. - Ta vui mừng vừa thử nghiệm được một phương pháp theo công nghệ nano. Ta sẽ phát trịển nó thành một phương pháp… Tanner thì đang thả hồn tới một công trình còn quan trọng hơn nhiều: cuộc gặp gỡ với một nàng tóc đỏ đêm hôm trước. Hai người gặp nhau tại một quán bar, cùng nâng ly và mời anh chàng về nhà qua một đêm thần tiên. Lúc nàng đỡ lấy cái của anh chàng… - Phải nói khác hơn cái phương pháp kia. Cậu thấy sao, Tanner? Quá đỗi ngạc nhiên, Tanner nói. - Ờ, vâng Andrew, khá lắm. Tanner đang còn lo nghĩ về kế hoạch riêng của mình. Nếu thành công ta sẽ chi phối tất cả thế giới nầy. Gã nghĩ. Một tối không bao lâu sau ngày lễ tốt nghiệp ra trường, lúc Tanner đến dự tiệc cocktail, một giọng nừ khả ái từ đâu phía sau bước tới lên tiếng: - Tôi nghe nói về ông rất nhiều, ông Kingsley. Tanner quay lại chưa kịp phản ứng vì quá đỗi kinh ngạc. Người vừa lên tiếng nhìn không đẹp đẽ gì, có cái đáng khen là đôi mắt nâu to tròn và nụ cười rạng rỡ pha lẫn một chút tinh ranh… Điều kiện ắt phải có với một người phụ nữ là cái đẹp thể hình, nhìn cô nàng Tanner thấy chẳng ra hồn. Nghĩ sao gã lên tiếng: - Ôi chẳng có gì hay ho cho lắm, gã định nói lời cáo lỗi ra về trước. - Tôi là Pauline Cooper, bạn bè hay gọi tên Paula. Đã có lần ông hẹn hò với em gái tôi Ginny lúc còn ở đại học, đeo sát ông dữ lắm. Ginny, Ginny… Có phải em nhỏ con? Hay cao cao? Nước da ngăm ngăm? Tóc vàng? - Tanner đứng lại đó, nhếch mép cười cố nhớ lại Ginny… - Ginny muốn lấy ông đó. - Làm sao được. Biết mấy em nữa là. Cô em gái trông khá xinh đấy, nhưng mà bọn tôi đã có ý gì đâu? Người đàn bà ném một nụ cười độc địa. - Thôi đừng nói nữa. Ông không còn nhớ ra đâu. Anh chàng chưng hửng: - Nhưng mà, tôi… - Không sao. Tôi mới vừa dự đám cưới. Tanner như trút được gánh nặng: - À, ra thế, Ginny đã có chồng. - Vâng, lấy chồng rồi. - Bất chợt bà lặng thinh. Còn tôi thì chưa. Tối mai ông vui lòng đến dùng bữa với tôi được chứ? Tanner nhìn sâu vô mắt nàng. Đã biết người đàn bà không đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ đề ra, nhìn lại khắp người nàng một thân hình gợi cảm, nói năng hoạt bát, còn cái khoản kia thì miễn bàn. Tanner sực nhớ những lần hẹn hò ở đội bóng chày. Nhắm hướng ném bóng cho người muốn hẹn. Thế đó nếu cô nàng không đón được bóng chạy một vòng coi như lỗi hẹn. Nàng nhìn theo: - Tôi đãi ông một chầu? Tanner bật cười. - Để tôi lo… nếu như không phải là người háu ăn kỷ lục. - Ông đã thấy đâu? Gã nhìn theo, lời nói như xa xôi. - Thì để coi… * * * * * Tối hôm sau tại một nhà hàng dành cho khách sành điệu tại khu phố Trung tâm. Paula đến nơi mặc trên người chiếc áo bờ lu trắng hở ngực, váy đen đi giầy cao gót. Tanner ngồi trong bàn nhìn theo nàng bước vô ngắm lại nàng đẹp hơn lúc mới gặp hôm qua. Nhìn nàng mường tượng trong đầu một dáng dấp của nàng công chúa từ nơi xứ sở xa lạ. Tanner đứng lên: - Chào bà. Nàng chìa tay ra bắt. - Chào ông. Trông bề ngoài khoác một vẻ tự tin phong cách quý phái. Ngồi vô bàn một lúc, khách lên tiếng: - Ta lập lại từ đầu được chứ? Tôi không có ai là em gái cả. Tanner vừa nghe chưng hửng: - Nhưng bà đã kể ra… Nàng nhếch mép cười. - Thiệt tình muốn coi ông ăn nói ra sao. Được nghe bạn bè kể lại nhiều việc về Ông, nghe thích lắm. Hay nàng muốn nhắc chuyện ăn chơi? Ta chưa hiểu bạn bè là ai. Bạn thì nhiều biết đâu… - Hãy khoan vội cho là vậy. Bởi tôi không muốn nhắc tài đấu đá của ông. Tôi muốn nhắc cái ở trong đầu của ông. Khác nào nàng đọc được hết ý nghĩ của ta. - Hay bà muốn nhắc cái tôi đang nghĩ trong đầu? Đủ thứ chuyện! Nàng muốn mời gọi. Đúng là một quả phát bóng ăn ý, Tanner vừa nghĩ xích gần lại nắm lấy tay. - Chuyện gì đây rồi. - Gã khều lên cánh tay nàng - Em thật là kỳ diệu. Tối nay ta sẽ thoải mái một bữa. Nàng cười. - Anh đã thấy cứng chưa, cưng. Tanner lặng người trước câu nói sỗ sàng. Chắc là nàng muốn lắm lắm. Tanner gật: - Cứng từ nãy giờ, thưa quý cô. Nàng nhếch mép cười. - Khá lắm. Lôi sổ bìa đen ra ta sẽ tìm cho được một em thoả mãn anh tối nay. Tanner hoảng, gã đã quen với thói trêu đùa của mấy em, chưa có em nào dám nhạo báng. Tanner trố mắt nhìn: - Em nói sao? - Em muốn nói phải tìm cho anh cái mới lạ hơn. Làm hoài một kiểu không chán à? Tanner đỏ mặt. - Em nói đủ kiểu là sao? Nàng nhìn vô mắt gã: - Kiểu nầy do ông tổ Methuselah nghĩ ra. Nghe anh kể chuyện, em muốn anh phải kể lại những cái xưa nay mấy em chưa được nghe mới là độc. Tanner nhìn lại không muốn cho nàng thấy gã tức giận. Nàng muốn nhắc ai… hay là bọn học sinh lúc còn ở nhà trường. Gã thấy tức cho mình. Con bé nầy lố lăng hỗn xược. Ta thử gọi một em. Con quỷ cái đã bỏ đi. Chương 15 Tổng hành dinh Tập đoàn Kingsley Quốc tế đặt tại khu Manhattan hạ, cách phố East River hai dãy nhà. Toàn khối nhà chiếm diện tích năm mẫu đất gồm bốn cao ốc kiên cố, bên cạnh là hai dãy nhà nhỏ dành riêng ban tham mưu được rào chắn và bảo vệ bằng nút điện. Đến mười giờ sáng, hai nhân viên thám tử Earl Greenburg và Robert Praegitzer đang bước vô bên ngoài nhà trước, một khu vực rộng rãi và trang bị hiện đại gồm nhiều dãy ghế sofa, bàn dài gần một chục chiếc ghế. Thám tử Greenburg liếc nhìn qua chồng tạp chí: Virtual Reality, Nucìear and Radiological Terrorism, Robotics World… Gã cúi nhặt lấy tờ Genetic Engineering News quay qua Praegitzer. - Mang mấy thứ nầy về phòng nha khoa đọc mệt lắm không? Praegitzer cười gằn: - Mệt chứ. Hai nhà thám tử bước tới bên quầy tiếp tân tự giới thiệu: - Chúng tôi có một cuộc hẹn với Ngài Tanner Kingsley. - Ngài đang chờ quý vị, đây có người đưa tới văn phòng. Bà đưa ra tấm thẻ KIG. - Lúc ra về quý vị nhớ nộp thẻ lại đây. - Không sao. Nhân viên tiếp tân nhấn nút báo, thoáng chốc một người đẹp xuất hiện. - Hai vị nầy là khách mời của ngài Tanner Kingsley. - Vâng, tôi là Retra Tyler, trợ lý ngài Kingsley. Mời quý vị theo tôi. Hai nhân viên thám tử bước đl lối ngang qua dãy phòng cửa đóng kín mít. Văn phòng Tanner nằm ở cuối dãy. Bước vô bên trong phòng đợi đã có thư ký riêng của Tanner, Kathy Ordonez ngồi phía sau bàn… - Chào quý vị, mời các ông đi thẳng vô trong. Nàng đứng dậy bước tới mở cửa ăn thông vô văn phòng Tanner. Vừa bước vô, hai thám tử dừng lại trố mắt nhìn quanh. Bên trong căn phòng rộng lớn trang bị hệ thống điện báo ngầm, tường cách âm, lên một dãy màn hình vô tuyến phát hình ảnh sinh hoạt các thành phố lớn trên khắp thế giới. Hình ảnh trong các phòng họp, văn phòng, phòng bào chế, một dàn máy ghi lại các cuộc họp diễn ra tại các khách sạn lớn. Mỗi máy có bộ phận nghe riêng âm thanh êm dịu kể cả nhiều mẩu chuyện cùng phát một lúc trên hệ thống máy nghe nhiều thứ tiếng. Hàng chữ phụ đề bên dưới máy ghi chú tên các thành phố: Milan… Johannesburg… Zurich. Madrid. Athens… Cuối dãy tường là hàng kệ xếp đầy sách bìa bọc da. Tanner Kingsley ngồi. Trong chiếc bàn gỗ đào gắn bảng điều khiển nút nhấn nhiều màu sắc khác nhau. Gã ăn mặc lịch sự, may đúng mode trong bộ đồ màu xám, áo sơ mi xanh nhạt thắt cà vạt sọc xanh. Hai thám tử vừa bước vô, Tanner đứng dậy: - Chào các ông. Earl Greenburg lên tiếng: - Chào ngài, chúng tôi… - Vâng, tôi đã được thông báo các ông là thám tử Earl Greenburg và Robert Praegitzer. Hai bên bắt tay. - Mời các ông ngồi. Hai thám tử ngồi xuống ghế. Praegitzer thán phục nhìn trên hệ thống máy truyền đi các hình ảnh trên khắp thế giới, gã lắc đầu trầm trồ: - Nói chuyện kỹ xảo ở thời đại ngày nay! Phải nói là… Tanner giơ tay lên. - Thưa hai vị thám tử chúng tôi không nêu lên chuyện kỹ xảo ở đây. Phải nói là vài ba năm nữa trên thị trường chưa tìm thấy đâu có. Với kỹ thuật nầy chúng tôi có thể theo dõi cùng lúc các cuộc họp bàn tại một chục nước khác nhau trên khắp thế giới. Mọi thông tin chuyển về đây được cập nhật lưu trừ vô hệ thống vi tính. Praegitzer lên tiếng hỏi: - Thưa ngài Kingsley, một câu hỏi đơn giản xin ngài bỏ qua. Đúng ra thì một tập đoàn nghiên cứu làm những công việc ra sao? - Nhiệm vụ chủ yếu ư? Cơ sở chúng tôi là nơi giải quyết đủ mọi thứ việc, phải có kế hoạch đề ra trước mắt. Có một vài nơi lo đối phó với phạm vi thu hẹp quân sự, kinh tế hoặc là các hoạt động chính trị. Chúng tôi lo nhiều việc an ninh quốc phòng, giao thông, vi trùng học, môi trường… KIG là một đơn vị hoạt động biệt lập với các chương trình quy mô toàn cầu cho nhiều nước trên thế giới. - Khá lắm, Praegitzer nói. - Chuyên viên nghiên cứu gần tám mươi lăm phần trăm là trình độ cao cấp và hơn sáu mươi lăm phần trăm bọc vị tiến sĩ. - Thật đáng nể! - Người anh tôi, Andrew, đứng ra thành lập Tập toàn Kingsley Quốc tế nhằm giúp đỡ các nước kém phát triển, lao vô các dự án chưa đủ kinh phí trên khắp thế giới. Bỗng đâu màn hình nổi lên dấu hiệu sấm chớp mọi cặp mắt đổ dồn về một phía. Thám tử Greenburg lên tiếng. Hình như tôi đã được biết qua một vài thử nghiệm về thời tiết của ngài trước đây thì phải? Tanner nhăn mặt. À, mọi người cho đó là trò chơi ngông của Kingsley, phải nói đó là một lần thất bại nhớ đời của tập đoàn KIG. Thế mà tôi kỳ vọng nó sẽ thành công đấy chứ. Cho nên chúng tôi phải bỏ ngang. Praegitzer hỏi lại: - Vậy ta có cách kiểm soát thời tiết được không? Tanner lắc đầu: - Chỉ có thể giới hạn được chỉ số nhiệt độ. Đã có người làm thử. Kể từ năm 1990, Nikola Tesla đã có lần làm được. Ông đã tìm ra được phương pháp chuyển hoá các ion trong khí quyển bằng biện pháp chuyển đổi tần số sóng rađiô. Năm 1958, Bộ Quốc phòng thử nghiệm cho thả hàng loạt kim bằng chất liệu đồng đỏ trên thượng tầng không khí. Mười năm sau một dự án nhà nước muốn thử nghiệm mùa mưa dài ngày hơn ở Lào, gây ngập úng lầy lội trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cuộc thử nghiệm bắn những hạt iốt bạc lên đám mây tạo ra một màn mưa. - Thành công chứ? Có nhưng kết quả còn giới hạn có nhiều lý do để xác định hiện chưa có một phương pháp nào có thể kiểm soát được thời tiết. Vấn đề đó là hiện tượng El Nino làm cho nhiệt độ ấm dần lên ở khu vực Thái Bình Dương phá huỷ hệ sinh thái toàn cầu, trong khi hiện tượng El Nino gây ra đợt không khí lạnh vùng Thái Bình Dương, cả hai hiện tượng kết hợp chặn đứng mọi nỗ lực nhằm kiểm soát thời tiết. Phía nam bán cầu tám mươi phần trăm là biển càng mất cân đối hơn. Ngoài ra hướng gió di chuyển gây ra những cơn bão có thể nói chưa có cách nào khống chế được. Greenburg gật đầu ngẫm nghĩ nói. - Thưa ngài Kingsley, ông biết lý do vì sao chúng tôi phải đến đây? Tanner nhìn theo Greenburg một lát: - Tôi cho là ông nói khéo thế thôi. Tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Tập đoàn quốc tế Kingsley là một cơ sở nghiên cứu khoa học. Trong vòng hai mươi bốn giờ vừa qua cơ sở chúng tôi đã có bốn nhân viên mất tích có thể là chết một cách bí ẩn… Chúng tôi đã cho mở cuộc điều tra. Với 1800 nhân viên làm việc tại các văn phòng đặt tại các thành phố lớn trên khắp thế giới thật khó liên lạc cho hết. Tôi được biết đã có hai nhân viên bị giết chết vì tham gia vô các hoạt động phi pháp. Họ phải trả giá bằng chính mạng sống… nhưng tôi đảm bảo với các ông không vì vậy mà uy tín cơ sở KIG của chúng tôi bị lung lay. Nội bộ nhân viên chúng tôi sẽ tìm cách nhanh chóng giải quyết. Greenburg lên tiếng. - Thưa ngài Kingsley, chúng tôi muốn nêu lên một khía cạnh khác hơn. Theo chúng tôi được biết sáu năm trước đây một nhà khoa học Nhật bản đã tự tử chết tại Tokyo. Cách đây ba năm một nhà khoa học Thuỵ sĩ Madeleine Smith đã tự tử chết tại… - Zurich, - Tanner tiếp lời. Hai nhà thám tử kinh ngạc nhìn theo, Praegitzer hỏi lại: - Làm sao ngài biết chuyện đó? Tanner nghiêm giọng nói. - Họ đã chết vì tôi. - Ngài nói là… - Akira Iso là một nhà khoa học nổi tiếng, phục vụ cho một hãng điện tử Tập đoàn điện tử Tokyo. Tôi được gặp ông Iso tại một phiên họp ngành công nghiệp quốc tế tại Tokyo, chúng tôi thân thiện với nhau từ đó. Lẽ ra cơ sở KIG có thể tạo điều kiện cho ông có một chỗ làm khá hơn. Tôi đề nghị ông vô với cơ sở, ông đã đồng ý một cách thích thú. - Tanner cố giữ giọng nói bình thản - Chúng tôi giữ kín việc nầy cho tới khi ông rời khỏi nơi làm trước đây danh chính ngôn thuận, nhưng có lẽ ông đã kể cho một người khác biết, bởi vì thấy một cột tin trên báo đăng tải, và…Tanner lặng lẽ một hồi lâu mới nói ra - một ngày sau khi báo loan tin, Iso được phát hiện nằm chết trong phòng ở khách sạn. Robert Praegitzer hỏi. - Thưa ngài Kingsley, có thể còn một lý do khác giải thích cái chết của nạn nhân? Tanner lắc đầu. - Không. Tôi không cho đây là một vụ tử tự… Tôi đã cử chuyên viên điều tra đi cùng với nhân viên của cơ sở tới Nhật bản tìm hiểu rõ nội vụ Sau khi không tìm thấy manh mối một vụ án hình sự tôi nghĩ có lẽ mình đã suy đoán sai, hay là bản thân Iso có vấn đề riêng tư mà tôi chả hay biết. - Vậy là ông tin chắc nạn nhân đã bị giết chết, - Greenburg muốn biết rõ hơn. - Như lời ông kể lại nhà khoa học Thuỵ sĩ Madeleine Smith nghi là đã tự tử tại Zurich cách đây ba năm. Còn một chứng cứ ông chưa được biết là Madeleine Smith có ý định rời bỏ cơ sở cũ để về với chúng tôi. Greenburg cau mày. - Ngài nghĩ sao trước hai cái chết có sự trùng hợp? Tanner mặt mày đanh lại. - Bởi công ty nơi Madeleine đang phục vụ là một chi nhánh của hãng Tập đoàn Điện tử Tokyo. Một phút im lặng đến ngột ngạt. Praegitzer lên tiếng: - Có mấy điểm tôi chưa rõ sao lại đi giết một chuyên viên khi bà muốn chuyển qua nơi khác? Nếu… - Madeleine Smith không phải là một nhân viên phục vụ bình thường, kể cả ông Iso. Cả hai là những nhà khoa học nổi tiếng, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề làm lợi cho công ty vô số kể. Cho nên họ không thể để cho cả hai về tay chúng tôi. - Cơ quan Cảnh sát Thuỵ sĩ đã cho điều tra chưa? - Rồi. Chúng tôi cho điều tra riêng nhưng mà chưa tìm thấy manh mối. Phải nói là chúng tôi không bỏ qua một vụ án nào trong thời gian qual trước sau sẽ tìm ra thủ phạm. Cơ sở KIG có quan hệ rộng rãi với các nước khắp thế giới. Nếu có thêm thông tin gì khác chúng tôi sẽ báo cho các ông, mong là các ông nhiệt tình hợp tác. Greenburg nói. - Vậy thì càng hay. Chuông điện thoại bàn Tanner reo. - Xin lỗi. Gã bước tới bàn nhấc máy. Alô vâng… Cuộc điều tra đang tiến hành. Và đây hai thám tử đang có mặt tại văn phòng, sẵn sàng hợp tác với chúng tôi. Gã nhìn lại Praegitzer và Greenburg. - Vâng… chúng tôi sẽ báo lại nếu có thông tin gì mới hơn. Gã gác máy. Greenburg hỏi: - Ngài Kingsley, ngài có công tác gì đặc biệt nhạy cảm tại nơi đây không? - Ý ông muốn nói loại công tác nhạy cảm dễ khiến cho gần một chục nhân viên bị sát hại chứ gì? Nầy ông thám tử Greenburg, đã có hàng trăm cơ sở nghiên cứu khoa học hiện hoạt động trên khắp thế giới, một vài nơi tham gia những công việc như chúng tôi đang làm đây. Chúng tôi không làm ra bom nguyên tử. Câu hỏi đó với chúng tôi là một chữ "không". Cửa phòng xịch mở, Andrew Kingsley bước vô trên tay ôm một xấp giấy tờ. Trông Andrew Kingsley dạo nầy ít… giống hai anh em hơn. Dáng dấp bề ngoài có vẻ lờ đờ. Tóc bạc lưa thưa, da mặt hiện nếp nhăn, bước đi lom khom. Nhìn lại Tanner Kingsley còn tráng kiện lanh lẹ, nhìn lại Andrew có vẻ chậm chạp và bệnh hoạn. Nói năng vấp váp có lúc nghe không thành câu. - Đây là cậu biết không… là mấy tài liệu cậu muốn nhờ tôi, Tanner. Rất tiếc là làm chưa xong… xong sớm được. - Vậy được rồi, Andrew Tanner quay qua hai nhân viên thám tử. - Đây là ông anh tôi, Andrew. Còn đây là hai thám tử Greenburg và Preagitzer. Andrew lơ đăng nhìn qua nheo nheo mắt. - Andrew, anh cần phải kể cho hai ông khách nghe về giải thưởng Nobel. Andrew nhìn Tanner nhọc nhằn nói: - Ờ, giải… Nobel… cái giải Nobel… Vừa quay lại nhìn thì Andrew đã lỡ bước đi ra ngoài. Tanner thở ra. - Tôi đã kể các ông nghe, Andrew chính là người sáng lập ra công ty nầy, một nhân vật rất là xuất chúng. Anh tôi được giải Nobel do những công trình khám phá được cách đây bây năm. Rủi thay, ông bị tai nạn trong khi đang làm thử nghiệm một công trình bị sai sót cho nên… nay ông đã đổi khác. - Gã nói những lời cay đắng. - Lẽ ra ông phải là một nhân vật nổi tiếng! Earl Greenburg đứng lên chìa tay ra: - Thiệt tình chúng tôi đã chiếm mất nhiều thì giờ của ông, Kingsley. - Chúng ta hẹn sẽ gặp lại. Nầy các ông… Tanner nghiêm giọng nói - Chúng ta quyết tâm làm sao phải giải quyết cho xong mấy vụ án nầy càng sớm càng tốt? Chương 16 Tanner cảm thấy khó quên một buổi tối sống gần gũi Paula. Vừa nhớ lại gã thấy càng tức giận cái thói hay bỡn cợt chế giễu một cách xấc xược của cô nàng. Gã nhớ từng chữ: "Làm cho anh sướng hơn, cưng. Anh có biết là làm hoài một kiểu có thấy chán không? Anh thấy có cứng chưa, cưng? Giờ sổ bìa đen ra em sẽ tìm một em cho anh thoả mãn tối nay…" Gã muốn gặp lại cô nàng một lần nữa. * * * * * Tanner chờ đã quá ba bữa, gã nhấc máy gọi. - Princess hở? - Ai gọi vậy? Gã muốn đập chiếc máy xuống bàn. Biết bao nhiêu kẻ ma cà bông gọi nàng là Princess, ta làm sao biết, gã muốn giữ giọng nói thản nhiên: - Tanner Kingsley đây. - À ra là anh. Anh khoẻ chứ? Giọng nói sao nghe có vẻ hờ hững. - Ta tính sai, Tanner nghĩ. Thà đừng gọi: - Tôi muốn mời em một bữa cơm tối hôm nào đó, nếu em bận rộn thì thôi, để dịp khác… - Tối nay thì sao? Tanner lại để mất cảnh giác. Gã khỏi phải chờ cho tới lúc dạy cho con quỷ cái một bài học. Bốn tiếng đồng hồ sau, Tanner đang ở bên trong một nhà hàng ăn Pháp địa điểm phía đông đại lộ Lexington ngồi trước mặt là Paula Cooper. Không hiểu sao gặp lại nàng gã thấy thích thú hơn lần trước, quên không để ý hôm nay nàng nhanh nhẹn tràn đầy sức sống hơn lần trước. - Anh nhớ em, Princess, - Tanner mở lời. Nàng nhếch mép cười: - Ô, thì ra em cũng nhớ anh, anh có một điểm khác thường. Những câu nói hôm nào lại hiện ra trong đầu. Nó thích nhạo báng gã. Con quỷ cái. Tối hôm nay dường như là dư âm của những cảm xúc hôm nào. Những lần hẹn với người khác thì Tanner chủ động gợi chuyện nhưng gặp Paula thì khác, gã cảm thấy ngứa ngáy vì nàng thích mở miệng nói ra trước. Nàng nhớ lại tỉ mỉ từng chi tiết gã đã nói ra. Nàng nhanh trí tinh xảo không để ý những lời nói vu vơ. Tanner thường hẹn với mấy em xinh đẹp chịu chơi. Lần đầu tiên, Tanner cảm thấy như còn thiếu một chút gì. Mấy em chịu chơi, biết phục vụ, phục vụ quá mức. Không có chuyện nói qua nói lại. Paula khá hơn mấy em kia… - Em kể cho tôi nghe về em đi! Nàng rùng mình. - Cha em lúc trước giàu có uy thế em được nuông chiều đến hư hỏng - kẻ hầu người hạ. Ngày cha em mất lúc đó ông trắng tay. Em xin được vô làm một chân trợ lý cho một ông chủ khác kể từ đó. - Em thích công việc đó chứ? - Không. Công việc nhàm chán. - Nàng bắt gặp gã nhìn theo - Em muốn tìm một việc khác thích hợp hơn. Qua bữa sau Tanner nhấc máy gọi: - Princess? - Em mong được nghe anh gọi, Tanner. Nàng nói nghe êm tai. Tanner sướng muốn rùng mình: - Em nói thiệt sao? - Vâng. Anh muốn đưa em đi ăn nhà hàng nào? - Em muốn đi nhà hàng nào tuỳ. - Gã cười. - Em thích chỗ nhà hàng Maxim s trung tâm Paris, để coi còn chỗ nào khác em muốn tới nữa. Nàng tính lừa cho gã mất cảnh giác một vố nữa, không hiểu sao nghe nàng nói gã thấy yên tâm. Bữa ăn tối hôm đó tại nhà hàng Lacote Basque trên phố 55th street, suốt buổi Tanner để mắt nhìn theo không hiểu sao thấy mê mẩn nàng ghê, không phải là cái vẻ bề ngoài, chính cái tính cách riêng của nàng thì phải hơn. Nàng được trời ban cho một tư cách thông minh tự tin. Một người có tinh thần sống tự lập đáng kính nể. Câu chuyện râm ran bàn đủ thứ chuyện, Tanner mới vỡ lẽ nàng hiểu biết quá nhiều. - Em định làm gì sắp tới hở, Princess? Nàng nhìn sâu vô mắt Tanner hồi lâu: - Em thích quyền lực… quyền khuấy động mọi việc. Tanner nhếch mép cười: - Vậy thì chúng ta cùng một ý với nhau . Anh đã nói câu đó với bao nhiêu bà, Tanner? Gã nghe muốn tức giận: - Em đừng giở trò đó ra nữa được chứ? Tôi nói em không giống như những người khác mà tôi… - Mà sao? Chán nản, Tanner phải nói. - Em làm tôi phát cáu. - Tội nghiệp chưa, nếu anh cáu sao không tắm một cái cho nó nhẹ người… Gã lại cáu, quá lắm rồi. Gã đứng lên. - Cố gắng chẳng ích gì. - Làm ngay tại nhà em. Tanner không tin vô tai mình: - Nhà em? - Ồ em có chỗ ở trọ trên phố Park Avenue - nàng kể. - Anh đưa em về nhà nhé! Món tráng miệng bỏ lại đó. Nhà trọ của nàng trông thật lộng lẫy, trang bị hàng đắt tiền. Tanner đứng nhìn quanh, chỗ ở thật sang trọng, lịch sự. Nàng phải ở nơi nầy mới xứng. Nàng thích sưu tập tranh, sắm một chiếc bàn đồ sộ, một bộ đèn chùm, bộ ghế dài kiểu ý, sáu chiếc ghế ngồi kiểu ăng lê thế kỷ mười tám. Tanner ngắm nhìn được bấy nhiêu đó vừa lúc nàng lên tiếng: - Anh vô đây nhìn buồng ngủ của em. Buồng ngủ một màu trắng. Đồ đạc món nào cũng màu trắng, chiếc gương trên trần bố trí nhìn xuống giường ngủ. Tanner nhìn quanh một lượt lên tiếng: - Đẹp quá phải nói là hơn cả… Suỵt, Paula lùa tay cởi bớt quần áo trên người gã: - Lát nữa mình sẽ nói chuyện. Xong rồi, nàng thong thả cởi bỏ hết đồ trên người xuống. Thân hình nàng như một pho tượng tuyệt mỹ. Nàng bước tới vòng tay qua Tanner níu lấy ấn sát vô người kề môi vô một bên tai thì thầm. - Vậy là xong một màn dạo đầu. Nàng nằm xuống giường sẵn sàng mời đón, gã trườn lên đút hết vô trong, nàng quằn quại lắc mông cọ sát hai chiếc đùi kẹp vô giữa rồi hở ra khép vô kích thích Tanner đến cực điểm. Nàng khe khẽ lắc mình, tạo cho chàng một cảm giác khác lạ hơn. Nàng ban cho gã khoái cảm chưa từng thấy. Sau trận mây mưa cả hai nằm bên nhau kể chuyện tới khuya. Mỗi lần đến với nhau Paula được dịp trổ tài chọc cười bằng những mẩu chuyện dí dỏm, dễ thương, ngày nọ nối tiếp ngày kia càng thấy nàng đẹp hơn ra. Một bữa gặp nhau Andrew nói với Tanner: - Hiếm khi thấy cậu cười đùa như lúc nầy. Hay là đã có bóng dáng đàn bà chăng? - Có - Tanner gật. - Tới đâu rồi? Đã tính chuyén trăm năm chưa? - Mới tính gần đây thôi. Andrew nhìn Tanner một hồi: - Cậu phải nói cho con bé hay đi chứ? Tanner siết chặt tay Andrew: - Em sẽ nói. Đêm sau Tanner và Paula đang ở tại nhà hàng. Tanner mở lời: - Princess, đã có lần em hỏi tôi sao không nói ra những gì chưa hề nói với một em nào trước đây. - Vâng, vậy sao hở anh? - Thì nghe đây. Anh muốn em lấy anh! Nàng ngập ngừng rồi cười, nhảy bổ vô vòng tay đang chờ đợi: - Ôi, Tanner. Gã nhìn sâu vô mắt nàng. - Như vậy là chịu chứ? - Em muốn lấy anh, nhưng mà… còn một vấn đề. - Vấn đề nào? - Em đã nói rồi. Em muốn làm việc lớn. Em muốn khuấy động mọi thứ để xoay chuyển tình thế, muốn được việc phải nắm được tiền. Muốn được một tương lai sáng sủa cho cả hai sao anh không tự chuẩn bị cho mình một tương lai trước. Tanner nắm lấy tay nàng. - Không có vấn đề gì. - Trong tay anh đang nắm giữ một nửa cơ ngơi đó, Princess. Chờ đến lúc có đủ tiền anh sẽ giao cho em mọi thứ em mong muốn. Nàng lắc đầu. - Không đâu. Andrew bảo sao anh làm theo vậy, em biết rõ công việc của hai người. Ông không muốn cho cơ sở phất lên, em đang cần những thứ còn hơn anh hứa hẹn. - Em nhầm rồi, - Tanner nghĩ ngợi một lúc. - Để anh dàn xếp cho em gặp Andrew. Qua bữa sau ba người ngồi ăn trưa. Paula mặt mũi dễ thương, thảo nào mới trông thấy lần đầu Andrew chịu ngay. Trước đây, Andrew phải bận tâm vì mấy người đàn bà người em thường giao du. Nhưng nay được nhìn thấy ông nghĩ khác. Phải nói là dễ thương thông minh, tài trí. Andrew nhìn qua người em, gật đầu tức là chấp thuận. Paula lên tiếng: - Tôi nhận thấy những việc làm của cơ sở KIG đang tiến hành thật đáng khâm phục, và Andrew đã giúp được biết bao nhiêu người ở nhiều nước. Điều nầy Tanner đã kể lại cho tôi nghe. Làm vậy là mong muốn cơ sở tương lai phải vượt xa hơn. Tức là công ty sẽ mở rộng ra hơn nữa. - Không như vậy đâu. Phải nói là cơ sở muốn đề cử nhiều chuyên viên đi khắp nơi trên thế giới để mở rộng kiến thức cho người dân. - Vì phải ký kết nhiều hợp đồng đề cử chuyên viên… - Tanner nhanh nhẩu nói xen vô. - Tanner khoan nóng vội. Dục tốc bất đạt. Việc cần ta ưu tiên làm trước, Tanner. Ta phải nghĩ tới những nơi đang cần được giúp đỡ. - Andrew cười theo. Tanner nhìn qua Paula. Nàng ngồi đó vẻ mặt thản nhiên. Hôm sau, Tanner gọi máy: - Princess, mấy giờ anh đến đón em? Một thoáng im lặng. - Anh ơi, em xin lỗi. Tối nay em không đi được. Tanner chuyển giọng kinh ngạc: - Có chuyện gì không? - Không. Em phải lên phố thăm một người bạn, em muốn gặp anh ta. - Anh ta? - Tanner choáng váng muốn nổi cơn ghen - Anh thông cảm cho em. Thôi thì tối mai. ta sẽ… - Không anh ơi, ngày mai không thể. Sao không dời lại thứ hai? Nàng muốn đi chơi ngày cuối tuần với ai đó thây kệ. Tanner gác máy, vừa tức vừa không hiểu chuyện gì. * * * * * Tối thứ hai lúc gặp lại, Paula ngỏ lời tạ lỗi: - Em xin lỗi anh chuyện hôm cuốt tuần vừa qua. Một người bạn hẹn gặp em. Tanner chợt nhớ ra nơi ở của Paula thật sang trọng. Tiền lương không đủ để trang trải: - Còn anh chàng kia là ai? - Tiếc là em không thể kể tên ra đây… anh ta… là một nhân vật có tiếng tăm lại không thích phô trương. - Em yêu anh ta chứ? Nàng nắm tay Tanner nói khẽ. - Tanner, em yêu anh, chỉ có anh thôi. - Anh chàng kia có yêu em không? Nàng ngần ngừ: - Có. Tanner nghĩ ngay: Ta phải thoả mãn những gì đây. Sáng hôm sau lúc 4.58 giờ, Andrew Kingsley giật mình nghe điện thoại reo. - Có một cuộc gọi từ Thuỵ Điển, ông giữ máy cho. Lát sau một giọng nói Thuỵ điển nhỏ nhẹ reo lên trong máy. - Chúc mừng ông Kingsley. Uỷ ban Nobel đã quyết định chọn ông trao giải Nobel Khoa học năm nay do những thành tựu trong công cuộc cải tiến ngành công nghệ nano… - Giải Nobel! Nghe xong Andrew vội vã mặc đồ vô đi thẳng tới văn phòng làm việc. Chờ Tanner đến, Andrew vụt chạy vô báo tin. Tanner vòng tay ôm lấy người anh: - Giải Nobel! mừng quá, Andrew! Thật đáng khâm phục. Thời cơ đã tới. Phải thôi, đây là lúc mọi việc của Tanner sẽ được giải quyết. Năm phút sau, Tanner gọi máy cho Paula. - Em đã hiểu như thế nào chưa? Công ty KIG vừa nhận được giải Nobel, vậy là ta có thể giải quyết được mọi việc. Em nghe đây, anh có thể mang cả thế giới đến cho em. - Tuyệt vời, anh yêu. - Em chịu lấy anh chưa? - Tanner, em muốn lấy anh còn hơn cả những gì trên đời nầy. Tanner vừa gác máy thấy trong người khoan khoái, chạy ngay vô phòng làm việc của người anh. - Andrew, em sắp làm đám cưới! Andrew ngước nhìn, thân mật nói. - Được quá đi chứ. Cậu tính ngày nào? - Phải làm sớm thôi, ta mời hết ban bộ tham dự. Lúc Tanner trở vô văn phòng sáng hôm sau, đã thấy Andrew ngồi chờ đó, trên ve áo cài bông hoa. - Vậy là sao? Andrew cười khà: - Ta chuẩn bị ngày cưới của cậu mừng cho cậu. - Cám ơn anh, Andrew. Thoáng chốc mọi người hay tin, dù đám cưới không chính thức loan báo, không ai nói một lời nào. Mà chỉ nhìn thấy nhau qua từng ánh mắt, môi cười cùng chung vui. Lát sau Tanner tới chỗ văn phòng người anh. - Andrew, nhận được giải Nobel mọi người sẽ hợp tác với ta, còn số tiền giải thưởng… Andrew chặn ngang: - Với số tiền thưởng ta sẽ tuyển dụng thêm nhiều chuyên viên gửi tới các nước Eritrea và Uganda. Tanner thong thả nói. - Vậy… anh tính dùng món tiền thường xây dựng thêm cơ sở phải vậy không? Andrew lắc đầu: - Ta làm theo kế hoạch đã vạch ra từ trước, Tanner. Tanner nhìn qua một hồi: - Anh làm chủ công ty, Andrew. Tanner nhấc máy gọi Paula sau khi tính toán xong. - Princess, anh sắp đi Washington có việc riêng, vắng mặt vài bữa. Nàng nói đùa: - Không có em nào tóc vàng, tóc nâu tóc đỏ chứ. - Làm gì có chỉ có em thôi. - Em cũng chỉ có anh thôi! Sáng hôm sau, Tanner đã có mặt tại Sở chỉ huy Lầu Năm Góc, trong một buổi họp với Tham mưu trưởng, tướng Alan Barton. - Đề nghị ông đưa ra đáng được quan tâm, - tướng Barton nói. - Chúng tôi đang bàn tính nên chọn ai để tham gia cuộc thử nghiệm. - Cuộc thử nghiệm của Ngài trước đây theo công nghệ micro-nano do anh tôi được giải thưởng Nobel cũng nhờ nghiên cứu trên lĩnh vực đó. - Chúng tôi nắm vững ngành công nghệ nầy. - Anh tôi giỏi về nghiên cứu ngành nầy với một mục tiêu trước mắt là phục vụ theo phương châm Probono. - Ông quá khen, Kingsley. Chúng tôi làm gì có được vinh dự nhận giải thưởng Nobel cho mỗi công trình. Ông ngước nhìn coi cửa đã khoá kỹ chưa. - Việc nầy, tối mật. Nếu thành công đây sẽ là một thành phần chủ lực của kho vũ khí chúng ta. Ngành công nghệ nano phân tử giúp ta nắm vững thế giới vật chất từng nguyên tử nhỏ li ti cho tới lúc nầy nỗ lực tạo ra những con bọ kích thước nhỏ bé hơn đã bị hạn chế. Tần số điện tử giao thoa ngoài tầm kiểm soát. Nếu cuộc thử nghiệm thành công, ta sẽ có trong tay đủ số trang bị vũ khí vừa tấn công vừa phòng thủ. Tanner lên tiếng: - Cuộc thử nghiệm liệu có thể gây ra rủi ro chăng?… Tôi lo sợ một điều gì đó không may cho người anh tôi. - Ông yên tâm. Chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị kể luôn cả các bộ phận an toàn cùng với sự hợp tác hai chuyên gia. - Chúng tôi được cấp phép chứ? - Các ông được phép tiến hành Trên đường từ New York trở về Tanner nghĩ, lúc nầy phải làm sao thu phục được Andrew. Chương 17 Andrew ngồi trong văn phòng nhìn vào tập sách mỏng do Uỷ ban giải Nobel tặng ghi chú dòng chữ: "Vì lợi ích chung chúng tôi chờ ông tại đích đến". Một số hình ảnh trong buổi trao giải tại nhà hát lớn Stockholm, cử toạ vỗ tay tán thưởng các tác giả bước lên bục nhận giải thưởng từ tay nhà vua Carl XVI Gustav, Thuỵ Điển. Nay mai ta sẽ tới được đích, Andrew nghĩ. Cánh cửa vừa mở, Tanner bước vô trong: - Chúng ta có việc nầy cần bàn. Andrew để tập sách qua một bên: - Sao, Tanner? Tanner hít vô một hơi: - Tôi mới vừa nói chuyện nhân danh KIG cam kết hợp tác với quân đội làm một cuộc thử nghiệm sắp tới. - Cậu làm sao? - Thử nghiệm phương pháp làm lạnh. Phải cần có anh hợp tác. Andrew lắc đầu. - Không thể, ta không muốn can dự vô việc đó, Tanner. Công tác nầy không nằm trong lĩnh vực của cơ sở. - Việc nầy không dính dáng tiền bạc, Andrew. Nó thuộc về công tác quốc phòng của nước Mỹ, của quân đội. Anh phái biết phục vụ cho đất nước. Vì lợi ích chung. Họ đang cần tới anh. Tanner ngồi lại thêm cả tiếng đồng hồ thuyết phục. Cuối cùng Andrew đồng ý. - Được, phải coi đây như là một lần nữa thôi ta đi ra ngoài lĩnh vực chuyên môn, Tanner, cậu đồng ý chứ?. Tanner nhấc máy gọi Paula. Nàng lắng nghe. - Anh mới vừa về, sắp tới sẽ nhận một công tác quan trọng, lúc nào xong sẽ gọi cho em. Thương lắm. * * * * * Hai chuyên viên quân đội trình bày tóm tắt cho Andrew về công tác tiến triển tốt đẹp mới đây. Andrew đang còn do dự, nghe qua phần trình bày dự án sắp tới, Andrew chú ý hơn. Nếu mọi vướng mắc được giải quyết coi như đã vượt qua bước đầu. Một giờ sau, Andrew ngồi nhìn chiếc xe quân sự lái thẳng vô cổng cơ sở KIG, theo sau là hai xe chở đầy lính. Ông bước ra cổng đón ngài đại tá chỉ huy toán lính. - Chúng tôi đã sẵn sàng, Ngài Kingsley. Nhờ ông chỉ huy. - Chúng tôi sẽ lo việc đó; - Andrew nói. - Cho hàng xuống xe chúng tôi lo liệu. - Tuân lệnh. - Ngài đại tá quay qua chỗ hai binh sĩ đứng sau xe - Cho hàng xuống. Nhớ cẩn thận, rất là cẩn thận. Hai chiến sĩ leo vô trong xe xê dịch dần dần một chiếc thùng sắt được niêm kín ra bên ngoài. Thoáng chốc chiếc thùng sắt được hai chuyên viên đưa vô bên trong phòng thí nghiệm dưới sự giám sát theo dõi của Andrew. - Đặt trên bàn thật nhẹ tay. - Ông để mắt nhìn theo - Khá lắm. - Chỉ cần một người làm cũng xong, nhẹ thổi, một người theo xe vừa nói. - Cậu không tin sao, nặng lắm mà, - Andrew nói. Cả hai nhìn theo, lóng ngóng: - Ủa? Andrew lắc đầu: - Thôi kệ. Hai chuyên viên hoá học Perry Stanford và Harvey Walker được điều tới hợp tác với Andrew. - Tất cả được trang bị quần áo bảo hộ khi làm công tác - Chờ tôi thay đồ, - Andrew nói. - Trở ra ngay. Ông bước ra ngoài đi tới chỗ cửa đóng kín mở ra. Bên trong chứa đồ trang bị mặt nạ chống hơi độc, bao tay, kính che mắt, giầy trang bị đặc biệt. Andrew bước vô lấy bộ đồ bảo hộ, Tanner chạy tới chúc ông hoàn thành công tác. Andrew trở lại phòng thí nghiệm. Stanford và Walker đã chờ sẵn. Cả ba niêm kín căn phòng ngăn chặn hơi thoát ra bên ngoài, chốt cửa bảo đảm an toàn. Tất cả cùng nôn nóng chờ đợi. - Xong cả chứ? Stanford gật. - Sẵn sàng? - Walker nhìn lại - Sẵn sàng. Mặt nạ đâu? Cả hai đeo mặt nạ chống hơi độc. - Ta làm đi. Andrew nói. Ông nhẹ tay nhấc chiếc nắp thùng sắt lên. Bên trong chứa sáu lọ nhỏ được bảo vệ kỹ nhiều lớp lót. - Cẩn thận nhé, ông nhắc. - Mấy lọ nầy có độ lạnh 222 độ dưới không? Tiếng nói bị nghẻn sau lớp mặt nạ. Stanford và Walker nhìn theo Andrew nhẹ tay nhấc từng lọ nhỏ mở nút. Nghe hơi xì ra tạo một lớp sương mù bao quanh bên trong gian phòng như có độ ẩm. - Được đấy! - Andrew nói - Nào, trước tiên ta phải làm là… Chợt ông trợn mắt, nấc nghẹn, mặt mũi tái nhợt. Ông nhấp môi không nói được. Stanford và Walker nhìn qua hoảng hốt, Andrew bước chệnh choạng ngã xuống sàn. Walker vội đậy nút chai đóng nắp thùng lại. Stanford vụt chạy tới nhấn nút quạt máy thông bớt khí lạnh ra bên ngoài. Chờ thông gió, hai chuyên gia thí nghiệm vội chạy tới mở cửa đưa Andrew ra bên ngoài. Vừa lúc đó Tanner từ đằng xa nhìn thấy mặt mũi hoảng hốt. Gã vụt chạy về phía hai người đang đứng nhìn xuống chỗ người anh. - Chuyện quái gì thế nầy? Stanford đáp: - Chúng tôi gặp sự cố và… - Sự cố ra sao? - Tanner la hét om sòm như người mất trí - Các ông làm sao mà anh tôi thế nầy? Tất cả mọi người từ trong ùa ra xúm quanh. - Gọi 911 ngay? Thôi đừng. Không kịp nữa rồi. Lấy xe đưa ngay đến bệnh viện. Sau hai mươi phút, Andrew đã được đưa vô bệnh viện St. Vincent s Hospital ở Manhattan. Nằm trên giường đeo mặt nạ thở oxy, tay chuyền nước biển. Hai bác sĩ theo dõi. Tanner bồn chồn bước đi lui tới: - Các ông phải lo tìm cho ra vì sao anh tôi bị nạn, ngay lúc nầy! Một bác sĩ lên tiếng. - Ông Kingsley, yêu cầu ông ra ngoài. - Không, - Tanner quát. - Tôi phải ở lại đây với anh tôi. Gã bước tới bên giường Andrew trong cơn hôn mê, nắm tay lắc lắc. - Gắng lên anh ơi. Tỉnh dậy đi, mọi người đang chờ anh. Ông nằm im bất động. Tanner nước mắt ràn rụa. - Anh sẽ khoẻ thôi. - Đừng lo. Chúng ta sẽ mời bác sĩ chuyên môn lo cho anh, anh sẽ khoẻ lại thôi. Gã quay qua bác sĩ. - Tôi muốn đặt một phòng riêng có y tá chăm sóc thường xuyên, đặt thêm một giường nữa. Tôi ở lại đây. - Ông Kingsley, chúng tôi còn phải khám chưa xong! Tanner đập lại một câu: - Tôi chờ ngoài nầy! * * * * * Andrew được đưa xuống tầng dưới chụp MRI và CAT, cho xét nghiệm máu. Bệnh nhân được xét nghiệm kỹ, cho chụp PET. Sau đó được đưa qua phòng do bà bác sĩ khám. Tanner ngồi đợi ở dãy ghế bên ngoải. Thoáng thấy bác sĩ từ trong bước ra Tanner nhảy dựng lên. - Anh tôi sẽ được chữa khoẻ chứ, thưa bác sĩ? Bác sĩ lưỡng lự: - Chúng tôi sẽ chuyển lên Viện quân Y Walter Reed ở Washington khám lại, thiệt tình mà nói chúng tôi không dám lạc quan. - Bác sĩ nói sao vậy? - Tanner lại quát tháo. - Chắc chắn sẽ phải khoẻ thôi. Anh tôi ở trong phòng thí nghiệm mới có mấy phút! Bác sĩ định lên tiếng trách, ông thoáng thấy Tanner rưng rưng nước mắt. Tanner đi theo chuyến bay chở bệnh nhân về Washington. Ngồi trên máy bay gã luôn miệng thì thầm an ủi người anh. - Bác sĩ bảo đảm anh sẽ khoẻ thôi… sẽ tiêm thuốc cho anh khoẻ… Anh cần phải nghỉ ngơi một thời gian. Tanner vòng tay qua người anh. - Anh phải khoẻ lại để đi qua Thuỵ Điển nhận giải Nobel. Ba bữa sau, Tanner ở lại ngủ trên chiếc ghế bố xếp bên cạnh giường bệnh nhân đã được phép của bác sĩ. Lúc Tanner đang ngồi chờ ở phòng đợi quân y viện Walter Reed một bác sĩ điều trị bước tới gần bên. - Anh tôi ra sao? Tanner hỏi - Liệu có… Thoáng thấy nét mặt bác sĩ biến sắc. - Vậy là sao. - Tôi thấy ông còn yếu lắm, may ra thì có thể cứu sống. Dù đó là loại gas thử nghiệm nhưng rất độc hại. - Chúng tôi có thể mời bác sĩ ngoại… - Không thể làm gì khác hơn. Có thể chất độc đã thấm vô tế bào não trạng. Tanner cau mày: - Liệu không có cách nào chữa cho… cho bệnh tình của anh tôi? Bác sĩ ngậm ngùi nói: - Ông Kingsley, hiện bác sĩ quân y viện chưa thể định danh được chứng bệnh là gì, ông muốn biết liệu có cách chữa? Không còn cách nào khác tôi e là nạn nhân… có thể không nhận ra mình là ai? Tanner đứng lặng người một chỗ hai bàn tay nắm chặt lại mặt mày tái nhợt. - Bệnh nhân đã tỉnh lại được. Ông có thể vô thăm trong chốc lát. Tanner bước vô nhìn thấy Andrew đã mở mắt được ông nhìn tới phía trước, hai mắt trân trân. Chuông điện thoại reo Tanner bước tới nhấc máy. - Ngài đại tá Barton gọi. - Tôi lấy làm hối tiếc sự việc vừa qua xảy tới cho… - Ông mắc dịch, ông bảo đảm anh tôi không có việc gì - Tôi không rõ vừa xảy ra chuyện gì, nhưng mà tôi dám chắc… Tanner buông máy xuống, nghe người anh lên tiếng gã quay lại. - Ta… ta đang ở đâu? - Andrew nói thều thào. - Anh đang ở tại quân y viện Walter Reed, ở Washington. - Sao? Ai đau ốm vậy? - Anh nằm đó, Andrew. - Mà sao vậy? - Tai nạn đang lúc thử nghiệm. - Ta không nhớ… - Không sao, anh đừng lo. Anh sẽ được bác sĩ lo chăm sóc. Có em đây. Tanner nhìn theo Andrew nhắm mắt lại. Gã nhìn người anh nằm trên giường một lần nữa bước trở ra. Paula gởi bó hoa đến bệnh viện. Tanner định gọi cho nàng, người thư ký ngăn lại: - À bà ấy đã gọi tới đây, bà phải đi ra phố, lúc về nhà bà sẽ gọi lại. Bà nhờ nhắn lại giùm nhớ ông. Tuần lễ sau, Andrew và Tanner đã có mặt tại New York. Tai nạn xảy đến cho Andrew, khắp nơi cơ sở KIG đều biết, không có ông liệu cơ sở nghiên cứu có thể còn tồn tại? Nếu thông tin lọt ra bên ngoài, uy tín của công ty sẽ chịu ảnh hưởng. Chuyện không thành vấn đề, Tanner nghĩ. Ta sẽ vận dụng nâng lên hàng cơ sở nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Ta sẽ ban cho Princess hơn cả những gì nàng mong đợi. Trong vòng vài năm… Thư ký riêng nhắn qua Tanner. - Một người lái xe đang chờ gặp ông, Kingsley. Tanner quá bất ngờ. - Cho vào đây. Người lái xe mặc đồng phục bước vô, trên tay cầm chiếc phong bì. - Ông là Tanner Kingsley? - Vâng. - Tôi được yêu cầu mang đến giao tận tay ông. Gã giao thư cho Tanner rồi bước ra. Tanner nhìn chiếc phong bì nhếch mép cười, nét chữ Paula. Nàng muốn dành cho gã một chút ngạc nhiên. Nhanh tay, gã giở ra xem, nội dung viết: "Chuyện không thành, anh yêu. Ngay lúc nầy em đang cần hơn cả những gì anh đã hứa, nên em đã chịu lấy người khác thoả mãn yêu cầu của em. Mối tình của anh và em trước sau như một. Em biết là anh không thể tin được, sở dĩ em phải làm điều đó là vì lợi ích cho hai chúng ta". Tanner mặt mũi sa sầm, mắt chăm chăm nhìn lá thư hồi lâu bàn tay hờ hững ném xuống sọt rác, Vinh quang về tay ta quá chậm. Chương 18 Hôm sau Tanner đang ngồi lặng lẽ một mình trong văn phòng, thư ký nhấn nút báo. - Có phái đoàn đến gặp ông, Kingsley. - Phái đoàn à? - Vâng. - Cho vào đây. Đoàn giám sát viên các cơ sở KIG bước vô văn phòng Tanner. - Chúng tôi đến để làm việc với ông, Kingsley. - Mời các anh ngồi. Mọi người ngồi xuống ghế. - Có việc gì không các anh? Một thành viên lên tiếng: - Vâng, chúng tôi lo lắng, sau khi hay tin sự cố xảy ra cho anh của ông… Liệu cơ sở KIG có thể còn hoạt động? Tanner lắc đầu. - Chuyện đó chưa biết, ngay lúc nầy, tôi đang còn choáng váng, không thể tin được những gì xảy đến cho Andrew. - Ngẫm nghĩ một lúc gã nói. - Tôi sẽ cho biết nên làm gì. Tôi không muốn nói ra trước nhưng phải cố làm sao để cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động. Đó là một lời hứa, mọi việc tôi sẽ cho biết sau. Mọi người lầm rầm nói lời cảm ơn, Tanner ngồi nhìn cho đến người cuối cùng bước ra ngoài. * * * * * Ngay lúc đó Andrew được cho xuất viện, Tanner lo sắp xếp một nơi làm việc riêng bên cạnh cơ sở KIG, vừa được chăm sóc anh để tiếp tục điều hành công việc. Công nhân sững sờ nhìn Andrew từ một người lanh lẹ nay lờ đờ như người mất hồn. Andrew ngồi một chỗ trên chiếc ghế nhìn ra cửa sổ như muốn buồn ngủ hay là thích thú được trở lại cơ sở KIG, nhìn quanh chưa nhận ra hết mọi thứ. Andrew được chăm sóc tử tế là một nguồn an ủi cho ông. Sinh hoạt tại cơ sở KIG thay đổi nhanh chóng. Dưới thời Andrew việc làm ì ạch hờ hững. Nay bộ mặt linh động hơn nhờ tài chỉ huy của một nhà kinh doanh hơn là một người làm công tác từ thiện. Tanner cử nhân viên ký hợp đồng với khách hàng. Công cuộc làm ăn tiến lên một bước khá xa, Tanner đổi tên gọi mới là Tập đoàn Quốc tế Kingsley, như đã dự tính từ trước đây Cái thư từ biệt của Paula bỗng chốc trơ thành đề tài bàn tán khắp cơ sở KIG. Mọi người chuẩn bị dự đám cưới nay đâm ra lo ngại liệu Tanner có chịu nổi về sau nầy. Trong nội bộ bàn tán với nhau sau cú sốc nầy Tanner tính gì đây. Hai bữa sau sự kiện cái thư, một bài báo đưa tin vị hôn thể của Tanner làm đám cưới với nhà tỷ phú truyền thông Edmond Barclay. Nhìn Tanner có vẻ khác hơn trước, tận tuỵ với công việc hơn. Mỗi buổi sáng ở lại bên trong toà nhà màu gạch son hai tiếng, gã âm thầm theo đuổi một công trình đang còn trong vòng bí mật. Một buổi tối Tanner được mời tham gia phát biểu tại cơ quan MENSA, hội những người có chỉ số IQ cao. Nhân viên phục vụ cho KIG phần đông là thành viên của hiệp hội, ông nhận lời mời. Sáng hôm sau Tanner đến cơ sở bên cạnh là một người đẹp tuyệt trần, trong ban tham mưu chưa ai được nhìn thấy lần nào. Nhìn nàng có nét đẹp của người Latinh, đôi mắt đen nhánh, nước da màu ô liu, một khuôn mặt gợi cảm. Tanner giới thiệu nàng trước ban tham mưu. - Đây là Sebastiana Cortez. Tối qua đã đến phát biểu tại cơ quan MENSA, một nhân vật sáng chói. Nhìn Tanner ung dung khoan thai hơn trước. Tanner đưa nàng Sebastina vô phòng làm việc, một giờ sau mới trở ra. Buổi trưa trong phòng ăn dành riêng chỉ có hai người. Trong đám nhân viên có người tìm thấy trên Internet, biết nàng là cựu Hoa hậu Achentina đang ở tại thành phố Cincinnati có chồng là một nhà kinh doanh nổi tiếng. Sau giờ cơm Tanner đưa Sebastiana trở lại văn phòng, máy liên lạc nội bộ đặt ở quầy tiếp tân nghe rõ giọng nói của Tanner, máy để quên không tắt. - Em đừng lo tôi có cách giải quyết. Nhân viên thư ký xúm lại bên chiếc máy lắng nghe. - Ta phải dè dặt, chồng em ghen lắm đó. - Không có việc gì, anh sẽ lo sắp xếp chuyện mình gặp nhau. Không cần phải người tinh ý mới nhận ra. Trong ban tham mưu không hiểu vì sao ông chóng quên nàng Paula. Nhân viên thư ký cố bấm bụng nhịn cười. - Tiếc là em về nhà sớm vậy sao? - Em cũng tiếc; muốn ở lại mà không thể. Tanner và Sebastiana bước ra ngoài, mọi người nhìn thấy thật xứng đôi. Đám nhân viên thư ký nhìn nhau thích thú. Tanner không hay biết chuyện nghe lén vừa qua. Ngay lúc Sebastiana ra về, Tanner lo lắp đặt một đường dây điện thoại nóng có bộ phận chống nghe trộm. Ông ra lệnh ban thư ký và trợ lý không được phép nhấc máy trả lời. Từ lúc đó trở đi Tanner thường ngày dùng, máy riêng nói chuyện, mỗi tháng ông đi nghỉ cuối tuần, ngày về mặt mày hân hoan. Ông không nói cho ai biết ông đi tới đâu, nhưng mọi người đều đã biết hết. Hai trợ lý của Tanner ngồi kháo với nhau: - Cậu thấy dạo nầy chữ Rendez-vous nghe thấy quen tai rồi đó nghe. Tanner đã tìm được người yêu, như một cuộc lột xác hoàn toàn, mọi người được vui lây. Chương 19 Đầu óc Diane còn choáng váng từ một câu nói văng vẳng bên tai "Tôi là Ron Jones, tôi muốn báo cho bà hay là mọi yêu cầu của bà đã xong theo như người thư ký nhắn lại… Chúng tôi đã hoả thiêu xác chồng bà cách đây một tiếng đồng hồ". - Tại sao đội mai táng làm vậy? Hay vì quá đau đớn nàng đã yêu cầu họ hoả thiêu Richard? Không thể có chuyện đó. Nàng làm gì có thư ký nào. Thật phi lý. Hay là đội mai táng nhầm lẫn một ông Richard nào đó trùng tên. Nàng nhận được một túi nhỏ đựng tro cốt của Richard. Có thật đúng là tro cốt của Richard nằm trong nầy? Luôn cả tiếng cười theo đây? Cả vòng tay âu yếm ôm sát vào lòng… đôi môi nồng cháy áp sát lên môi nàng… Cả tâm hồn trong sáng và thích đùa giọng nói thì thào: "Anh yêu em… và cả những ước mơ và nhiệt tình và muôn ngàn thứ khác về theo với các món vật nho nhỏ nầy?" Diane giát mình chợt tỉnh nghe tiếng chuông điện thoại. - Bà Stevens? - Ai vậy? Đây là văn phòng Tanner Kingsley. Ông Kingsley muốn sắp xếp để có một cuộc hẹn gặp với bà tại văn phòng làm việc. * * * * * Câu chuyện đã qua hai ngày trước, và đến hôm nay Diane mới tới nơi, nàng bước qua cổng cơ sở KIG đi thẳng về chỗ quầy tiếp tân. Người đang đứng bên trong lên tiếng: - Bà cần hỏi ai? - Tôi là Diane Stevens, tôi đến đây để gặp ngài Tanner Kingsley đã có hẹn trước. - Ồ thưa bà Stevens? Chúng tôi thành thật chia buồn vì Ngài Stevens. Thật là một cái tin đau đớn vô cùng. Thật đau đớn. Diane cố dằn lại: - Vâng. Tanner nói với Retra Tyler. - Tôi sẽ tham dự hai cuộc họp sắp tới. Cậu lo chuẩn bị tài liệu đầy đủ cả hai nơi. - Tôi nghe rõ. Gã ngồi nhìn theo. Liên lạc nội bộ nháy đèn. - Bà Stevens đã đến nơi, thưa ngài Kingsley. Tanner nhấn nút bảng số điện tử trên mặt bàn mở máy, Diane Stevens đang ở trước mặt gã. Mái tóc vàng bới cao ngược ra sau mặc trên người chiếc váy sọc trắng, xanh, khoác ngoài chiếc áo bờ lu trắng. Trông nàng mặt mũi xanh xao. - Mời bà vào đây. Nhìn thấy vị khách bước qua cửa gã đứng dậy chào. - Cám ơn bà đến đúng lúc, bà Stevens. Diane gật đầu: - Chào ông. - Mời bà ngồi. Diane ngồi xuống chiếc ghế trước mặt. - Khỏi cần phải nói chúng tôi vô cùng xúc động trước cái chết thương tâm của chồng bà. Bà yên tâm, kẻ gây ra án mạng sẽ đền tội trước pháp luật. - Tro cốt hoả táng… - Xin mạn phép bà cho tôi được hỏi mấy điều. - Gì ạ? - Như mọi khi chồng bà thường bàn bạc công việc với nhau chứ? Diane lắc đầu. - Không hẳn vậy. Bởi vì đó là công việc chuyên môn của chồng tôi, không dính gì đến tôi. Bên trong phòng giám sát đặt ở tầng dưới Retra Tyler đang điều chỉnh âm thanh cuộc đối thoại trên màn hình theo dõi, cho thu băng lại. Đây là một việc khó khăn cho bà, Tanner nói: - Bà có thể biết được phần nào công việc kinh doanh ma tuý của chồng bà chứ? Diane nhìn sâu vào mắt gã, cứng cổ họng. Nàng lấy giọng lên tiếng: - Sao… ông muốn hỏi thế nào? Richard biết gì tới mấy chuyện ma tuý. - Thưa bà Stevens, cảnh sát đã tìm thấy lá thư hăm doạ của bọn mafia trong túi áo nạn nhân, ngoài ra… Chuyện Richard dính dáng vô ma tuý nghe sao phi lý. Hay là Richard có tham gia vô chuyện làm ăn phi pháp nàng không hay biết? Không… không bao giờ. Diane hồi hộp lo âu, máu dồn lên trên mặt phừng phừng. Bọn chúng giết anh để trừng phạt ta, nàng nghĩ. - Ông Kingsley, Richard không bao giờ… Tanner nói nhỏ nhẹ hơn nhưng không kém phần cương quyết. - Tôi lấy làm ân hận phải cho bà hay, dù sao tôi muốn biết rõ tường tận mọi việc liên quan đến chồng bà. Biết rõ tường tận, Diane nghĩ đau đớn làm sao. Chính tôi là người ông muốn tìm hiểu. Richard chết là do tôi khai ra thủ phạm Altieri. Nàng cảm thấy khó thở. Tanner Kingsley nhìn theo, nói: - Tôi không muốn giữ bà lại đây, bà Stevens, thông cảm cho hoàn cảnh của bà. Ta sẽ còn gặp nhau nữa và muốn nhắc bà một điều. Nếu bà nhớ lại có điểm nào thuận lợi bà nên báo cho tôi. - Tanner lôi trong ngăn kéo ra tấm danh thiếp in chữ nổi - Đây là số điện thoại di động, bà có thể gọi tới bất kỳ lúc nào cũng được. Diane chìa tay đỡ lấy tấm danh thiếp in rõ họ tên số phone. Diane đứng lên hai chân run rẩy. - Xin lỗi đã làm phiền bà. Trong khi chờ đợi nếu điều kiện cho phép… hoặc bà cần việc gì, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Diane chỉ biết nói lời cảm ơn. - Cám ơn ông. Tôi… cám ơn ông. Nàng quay lại bước trở ra, tối tăm mặt mũi. Diane vừa ra tới phòng tiếp tân, nàng nghe thấy một người đàn bà ngồi sau quầy nói: - Nếu tôi tin dị đoan thì chắc lần nầy cơ sở KIG bị người khuất mặt trù ếm. Lần nầy nạn nhân là chồng của bà, thưa bà Harris. - Chúng tôi hay tin tai nạn gây nên cái chết thật là đau đớn. * * * * * Câu nói vô tình như một điềm báo cho Diane. Chồng bà kia gặp việc gì? Diane quay qua nhìn cho rõ mặt người thư ký tiếp tân muốn nói là ai. Một người đàn bà Mỹ da đen hãy còn trẻ, mặc trên người chiếc áo pull cổ cao, quần tây màu đen. Tay đeo nhẫn đính hạt ngọc lục bảo, một chiếc nhẫn cưới hột xoàn. Diane giật mình chắc có việc hệ trọng gì đây. Diane toan bước tới bàn, bỗng đâu người thư ký riêng Tanner từ bên trong ra: - Kingsley cần gặp bà. Diane đứng nhìn Kelly Harris khuất sau văn phòng Tanner. Taliner đứng dậy chào Kelly: - Cám ơn bà đã tới đây bà Harris. Bà đi chuyến bay nầy khoẻ chứ? - Vâng, cám ơn ông. - Bà uống một chút gì nhé?- Cà phê hay là… Kelly lắc đầu. - Tôi biết đây là lúc khó khăn cho bà, thưa bà Harris, tôi muốn hỏi mấy điều. Bên trong phòng giám sát Retra Tyler đang theo dõi Kelly trên màn hình cho thu băng. - Bà với ông nhà vẫn khắng khít với nhau như ngày nào chứ? - Tanner hỏi. - Rất là khăng khít. - Bà có nghĩ ông luôn chung thuỷ với bà? Kelly nhìn qua, ngỡ ngàng: - Giữa chúng tôi không có điều gì phải che giấu. Mark là một người đàn ông ngay thật, cởi mở hiếm thấy ai được vậy. Và ông… Kelly thấy khó nói ra cho hết. - Ông thường bàn công việc làm ăn với bà chứ? - Dạ không. Công việc của Mark không phải dễ nói ra để mà nghe. Chúng tôi ít khi nhắc tới. - Bà với ông nhà có bạn bè quen biết là người Nga? Kelly nghe hỏi chới với: - Thưa ngài Kingsley, tôi không hiểu ông muốn nói gì…? - Bà có nghe ông kể vừa trúng một hợp đồng làm ăn lớn… và ông sắp có nhiều tiền? Kelly thấy khó chịu trong người. - Dạ không. Nếu được Mark đã kể cho tôi nghe. - Bà có nghe Mark nhắc tên Olga là ai? Kelly kinh ngạc tưởng nghe chuyện từ đâu tới. - Thưa Ngài Kingsley, đó là chuyện gì vậy? - Cảnh sát Paris tìm thấy một mảnh giấy trong túi áo nạn nhân ghi lại, được thưởng một món tiền nếu tìm ra được manh mối, ký tên - Thương nhớ, Olga. Kelly ngồi một chỗ mặt mũi đờ đẫn. - Tôi… tôi không hiểu là chuyện gì? - Thế sao bà nói là chồng bà có bàn bạc mọi chuyện với bà? - Vâng, nhưng mà… - Chúng tôi được biết, chồng bà có quan hệ với người ký tên Olga, hơn nữa… - Không! - Kelly đứng lên. - Mark chồng tôi không phải như ông vừa kể. Tôi muốn nói giữa chúng tôi không có điều gì phải giấu giếm. - Ngoại trừ điều đã khiến chồng bà phải chịu chết. Kelly cảm thấy bủn rủn tay chân. - Xin phép… xin bỏ qua cho tôi, ông Kingsley. Tôi thấy khó chịu trong người. Gã nói ngay, lời lẽ cảm thông. - Tôi hiểu. Tôi sẽ tìm mọi cách giúp bà. Tanner chìa ra tấm danh thiếp in chữ nổi. - Bà có thể gọi bất kỳ lúc nào, số phone đây bà Harris. Kelly gật, không nói nên lời, chệnh choạng bước ra ngoài. * * * * * Đầu óc Kelly chao đảo, nàng bước đi từng bước. Olga là ai? Mark làm sao mà quan hệ với những người Nga? Sao chàng phải…? - Xin lỗi, có phải bà Harris? Kelly quay qua: - Sao ạ? Người phụ nữ tóc vàng xinh đẹp đang đứng trước cửa nhà. - Tôi là Diane Stevens. Tôi muốn nói chuyện với bà. Ta có thể ra quán cà phê bên kia để… - Xin lỗi. Tôi… Tôi không thể nói gì ngay bây giờ Kelly toan bước đi. - Chuyện chồng bà đó mà. Kelly chợt dừng bước quay lại nhìn: - Mark? Mà sao kia? - Ta tìm nơi kín đáo để nói chuyện. Tại văn phòng Tanner, người thư ký nhắn trên máy nội bộ: - Ông Higholt đang chờ đây. - Cho vào. Thoáng chốc Tanner đã lên tiếng: - Chào John. - Chào gì nữa giờ nầy, một buổi chiều đau thương, Tanner. Hình như là nhân viên của ta đang bị giết chết dần. Vậy là thế quái nào? - Cho nên ta phải tìm cho ra. Làm sao có chuyện ba nhân viên bị giết chết cùng một ngày. Có kẻ muốn phá hoại uy tín của ta, nhưng bọn chúng sẽ bị chặn đứng ngay. Cơ quan mật vụ đang hợp tác và chúng ta đề cử nhân viên truy tìm dấu vết các hoạt động của nạn nhân trước lúc bị sát hại. Tôi muốn kể cho ông nghe hai mẫu đối thoại vừa được thu băng. Đây là hai bà goá phụ Richard Stevens và Mark Harris. Ông chuẩn bị. - Tôi nghe đây. - Đây là cuộc đối thoại của Diane Stevens. Tanner nhấn nút cho phát lại cuộc đối thoại giữa ông và Diane Stevens trên màn hình. Phía bên phải là dòng chữ ghi lại tiếng nói của Diane. Bà biết được ít nhiều về việc chồng bà dính dáng vô chuyện ma tuý chứ? Sao - Ông muốn hỏi sao? Richard làm gì biết mấy chuyện ma tuý. Màn hình còn giữ nguyên. Tanner nhấn nút cho chạy qua nhanh hơn. - Đây là bà Mark Harris, chồng bà bị xô ngã từ trên nóc tháp Eiffel xuống đất. Hình ảnh Kelly hiện lên màn hình. "Bà có nghe Mark nhắc tên Olga là ai? - Thưa ngài Kingsley, tôi không hiểu ông muốn nói gì? - Cảnh sát Paris tìm thấy một mảnh giấy trong túi áo nạn nhân, được thưởng một món tiền nếu tìm ra manh mối, ký tên - Thương nhớ, Olga. - Tôi… Tôi không hiểu là chuyện gì… Thế sao bà nói là chồng bà có bàn bạc mọi chuyện với bà? - Vâng, nhưng mà… - Chúng tôi được biết chồng bà có quan hệ với người ký tên Olga, hơn nữa… Không! Mark chồng tôi không phải như ông vừa kể. Tôi muốn nói giữa chúng tôi không có điều gì phải giấu giếm. Hàng chữ không còn nhảy lên xuống. Hình ảnh Kelly xoá hết. Dòng chữ trên màn hình là sao? John Higholt hỏi. Đó là mảng phân tích giọng nói, CVSA, ghi lại những rung động giọng nói từng chấm nhỏ li ti. Nếu đối tượng nói dối, tần số vọt lên cao hơn. Kỹ thuật không kết nối dây, như một chiếc máy chạy ra nhiều kiểu chữ. Hai đối tượng được phỏng vấn đã kể lại đúng sự thật, họ phải được bảo vệ. John Higholt cau mày: - Ông nói vậy nghĩa là sao? Phải được bảo vệ do đâu? - Đối tượng đang bị đe doạ, do được gợi ý họ đã khai ra nhiều điểm có lợi cho ta. Họ là những người vợ gắn bó với chồng. Có một điều những lời khai có thể mờ nhạt theo thời gian nhưng họ vẫn còn nhớ mãi. Một khi đã nghĩ ngợi về những điều muốn khai ra chắc họ phải nhớ mãi. Tính mạng họ đang bị đe doạ vì thủ phạm giết chồng có thể quay lại giết cả vợ. Tôi cầu mong họ được bình yên. - Ồng vẫn cho người theo dõi chứ? - Chuyện đó coi như đã qua, John. Ta tính tới phương tiện hiện đại trước mắt. Nơi ở của Stevens được theo dõi bằng hệ thống điện tử… máy quay phim, điện thoại, máy thu thanh… đủ các thứ. Ta tận dụng hết mọi khả năng trong tay theo dõi. Nếu kẻ lạ muốn đột nhập ta phát hiện được ngay. John Higholt ngẫm nghĩ một hồi. - Còn Kelly Harris thì sao? - Bà ta ở khách sạn. Ta không thể cài đặt máy móc gì bên trong chỗ ở. Ta sẽ cử người theo dõi bên ngoài hành lang, nếu có biến động có thể kịp thời phản ứng ngay. -Tanner ngần ngừ. - Tôi muốn cơ sở KIG treo giải thưởng năm triệu đô-la cho ai bắt được… - Khoan đã, Tanner, -John Higholt chặn lại. - Ta chưa tính đến việc đó, ta sẽ liệu cách… - Khá lắm. Nếu KIG không làm được việc đó, tôi sẽ nhân danh mình bỏ ra năm triệu đô-la tiền thưởng. Tên tuổi của tôi gắn liền với cơ sở nầy. Gã nói bằng một giọng đanh thép: - Ta phải tìm được thủ phạm đứng đàng sau vụ nầy. Chương 20 Trong quán cà phê bên kia đường đối diện cơ sở KIG, Diane Stevens và Kelly Harris ngồi khuất trong một góc. Kelly chờ lắng nghe Diane mở đầu câu chuyện. Diane chưa biết nên mở đầu như thế nào. - Cái chết của chồng bà xảy ra ghê gớm lắm sao, bà Harris? Có phải ông đã bị giết chết, y như Richard nhà tôi vậy? Kelly nhọc nhằn nói: - Thế nào? Bà muốn kể lại chuyện chồng tôi cho tôi nghe. Bà biết rõ Mark lắm sao? - Tôi không biết gì, nhưng mà… Kelly phát cáu: - Bà đã nói là… - Tôi muốn hỏi chuyện về ông thôi. Kelly đứng lên: - Tôi không rảnh để mà kể. Nàng toan bỏ đi. - Khoan đã? Tôi nghĩ chúng ta cùng một cảnh ngộ, nên có thể nương nhau đối phó! Kelly dừng bước. - Nghĩa là sao? - Bà nên ngồi xuống đây. Chần chờ một lát, Kelly bước lại chỗ ngồi: - Bà cứ nói. - Cho phép tôi được hỏi là… Người hầu bàn mang tờ thực đơn ra. - Hai bà gọi món gì? Không thích chỗ ngồi Kelly buột miệng nói: - Không. Diane gọi: - Cho hai ly cà phê. Kelly trừng mắt nhìn Diane nói ngay: - Cho tôi một tách trà. - Vâng, có ngay, người hầu bàn quay đi. Diane lên tiếng: - Tôi thấy giữa tôi với bà… Đang nói giữa chừng một cô nàng từ phía ngoài bước tới chỗ Kelly lên tiếng: - Xin phép bà cho tôi xin một chữ ký. Kelly nhìn qua: - Cô em biết tôi là ai chứ? - Không, nghe mẹ tôi kể bà là một nhân vật quan trọng. Kelly đáp: - Không dám. Cô bé quay bước đi, Diane nhìn lại Kelly ngỡ ngàng. - Tôi muốn biết bà là ai được chứ? - Không, - bất chợt Kelly nói không úp mở - Vả lại tôi không thích chuyện xía vô đời tư người khác. Thế là thế nào nhỉ, bà Stevens? - Gọi tôi là Diane cho thân mật. Tôi được biết chồng bà gặp tai nạn ghê gớm lắm. - Vâng, ông bị giết chết. - Nàng liên tưởng lại Mark có nhắc tới tên Olga. - Chồng tôi cũng bị giết chết, cùng phục vụ cho cơ sở KIG. Kelly nhọc nhằn nói: - Thật vậy sao? Thì cũng như bao nhiêu cái chết. Nếu cả hai nạn nhân cùng chết do cảm cúm, bà có cho đó là một trận dịch? Diane nghiêng người qua: - Nghe nầy, việc hệ trọng. Như thế nầy… Kelly nói xen vô: - Xin lỗi. Tôi không quen nghe mấy chuyện như vậy! Nàng giơ tay cầm lấy túi xách. - Tôi cũng không thích ngồi lại kể mấy chuyện, Diane nói lại ngay - nhưng biết đâu là… Bỗng đâu tiếng nói của Diane nghe rõ mồn một bên trong quán cà phê. Có 4 người đàn ông trong phòng… Hoảng hốt Diane và Kelly quay về phía âm thanh lạ tai. Phía trên quầy bar giọng nói của Diane đang phát ra từ chiếc máy vô tuyến. Nàng đang có mặt tại phiên toà ngồi ở hàng ghế nhân chứng. Một người bị trói ngồi trên ghế. Dường như là Altieri đang vặn hỏi còn hai tên kia đứng gần bên. Altieri rút súng ra, quát tháo gí súng bắn vô đầu người kia. Người dẫn chương trình xuất hiện trên màn hình: Vừa rồi là Diane Stevens nhân chứng trong vụ án xét xử bị cáo cầm đầu tổ chức mafia là Anthony Altieri. Bồi thẩm đoàn vừa phán quyết bị cáo vô tội. Diane ngồi đó bàng hoàng: - Vô tội? - Vụ án cách nay đã hai năm, xét xử Anthony Altieri can tội giết chết một người làm. Dù đã nghe lời khai của Diane Stevens, bồi thẩm đoàn và các người khác đã phải phủ nhận lời khai nhân chứng tại toà. Kelly tròn xoe mắt nhìn trân trân lên chiếc máy vô tuyến. Một nhân chứng khác đứng lên. Jake Rubenstein, luật sư bào chữa cho Altieri đang chất vấn. - Thưa bác sĩ Russell, ông đã từng hành nghề ở New York? - Không. Tôi hành nghề ở Boston. - Trong thời gian xảy ra vụ án, ông có nhận điều trị cho Altieri đang lên cơn đau tim? - Có. Hôm đó lúc 9 giờ sáng. Tôi cho theo dõi bệnh nhân suốt ngày hôm đó. - Tức là bị cáo không thể có mặt tại New York ngày 14 tháng mười. - Không. Một nhân chứng khác xuất hiện trên màn hình. - Ông có thể cho biết nghề nghiệp hiện tại làm gì? - Tôi là quản lý khách sạn Boston Park Hotel. - Ngày 14 tháng mười ông có mặt tại nơi làm việc chứ? - Dạ, có. Ngày hôm đó ông có nhận thấy việc gì khác thường không? - Có. Tôi nghe máy một cuộc gọi cấp cứu từ trên tầng trên nhờ gọi bác sĩ tới ngay. - Rồi sao nữa? - Tôi gọi Bác sĩ Joseph Russell, ông tới nơi ngay. - Chúng tôi đi lên tới tầng trên kiểm tra khách trọ, An- thony Altieri. - Tới nơi ông nhận thấy gì lạ không? - Altieri nằm dưới sàn. Tôi nghĩ chắc là ông ta sắp chết tại khách sạn. Diane mặt mày tái xanh: - Một bọn lừa dối, - giọng nàng nghe khản đặc. - Cả một lũ. Toà chất vấn Anthony Altieri. Trông gã ốm yếu bệnh hoạn. - Ồng có ý định làm gì trước mắt không, Altieri? - Toà đã phán quyết xong, tôi muốn được nghỉ ngơi một thời gian. - Altieri cười nhạt. - Còn phải lo thanh toán mấy món nợ cũ. Kelly sừng sờ, quay qua Diane: - Bà làm chứng chống lại hắn? - Vâng, … thấy hắn gí súng… Kelly tay run rẩy làm đổ tách trà ra bàn, ngả chai muối. - Tôi muốn đi ra ngoài. - Bà làm gì mà cuống lên vậy? Cuống gì đâu. Bà muốn đưa tên cầm đầu mafia vô tù, nhưng mà hắn được tự do hắn sẽ thanh toán mấy món nợ cũ, bà muốn hỏi sao tôi lại luống cuống? Bà luống cuống thì có. Kelly đứng lên móc tiền ra bỏ trên bàn. - Tôi sẽ đi lấy séc. Bà nên giữ ít tiền mặt để tiện dùng khi đi xa, Stevens. - Khoan đã? Ta chưa nói gì chuyện chồng con hay là… Bỏ qua đi, Kelly bước ra cửa, Diane chần chờ bước theo. - Bà làm gì dữ vậy? - Diane cảm thấy khó chịu. - Bà thấy sao? Vừa ra tới cửa, Kelly nói: - Tôi không hiểu sao bà lại đối xử kỳ cục vậy? Một người già chống nạng bước vô quán trợt chân té xuống sàn. Trong thoáng chốc Kelly thấy mình đang ở Paris, người vừa té ngã là Mark, nàng nghiêng người đỡ lên, Diane nhào tới níu lấy người ông. Ngay lúc đi, từ phía bên kia dãy phố reng lên hai phát súng nổ, đạn bay vào găm vô vách tường ngay chỗ hai người đàn bà đang đứng. Tiếng nổ kéo Kelly về lại với hiện tại. Nàng đang ngồi bên trong một quán nước ở Manhattan đối diện một người phụ nữ tàng tàng. - Lạy chúa! Diane kêu lên. - Ta… - Thôi cầu nguyện làm gì lúc nầy. Ta đi khỏi đây thôi! Kelly dìu Diane bước tới chỗ lề đường nơi Colin đang chờ. Gã mở cửa xe Kelly và Diane lê bước nhào vô ghế băng sau. - Tiếng nổ mới đó là gì? - Colin lên tiếng hỏi hai người vừa ngồi xuống ghế xích sát lại nhau chưa hết bàng hoàng. Giờ Kelly mới nói được - Đó là… ở tiếng máy xe ô tô nghẹt pô. - Nàng quay qua Diane, cố lấy lại bình tĩnh. - Chắc là không đến nỗi phải bị ngất, - nàng nói mỉa. - Tôi tìm nơi dừng lại cho xuống xe, nhà ở đâu. Diane hít vô một hơi lục túi đưa cho Colin địa chỉ nhà. Hai người lặng lẽ ngồi sát lại nhau mặt mũi chưa hết sợ hãi. Chiếc xe ô tô dừng lại trước dãy nhà chung cư, Diane quay qua: - Bà muốn vô nhà không? Tôi đang còn run. Chắc là sẽ có điều gì ghê gớm hơn. Kelly buột miệng nói: - Tôi cũng thấy dường như là nhưng mà tôi thì không lo có bề gì. Bà vô nhà đi, Stevens. Diane bồi hồi nhìn lại Kelly muốn nói ra, nghĩ sao nàng lắc đầu bước xuống xe. Kelly ngồi nhìn theo Diane bước đi vô nhà men theo bậc cầu thang lên tới tầng trên. Kelly thở ra một hơi dài. Colin quay lại hỏi. - Bà muốn về đâu, bà Harris - Cho tôi về lại khách sạn, Colin, còn… Chợt đâu một tiếng kêu thét vừa nghe thấy từ bên trong toà nhà chung cư. Kelly giật nẩy mình, nàng vội mở cửa xe vụt chạy vô trong. Diane còn để cửa mở toang ra. Nàng đứng giữa nhà, run lẩy bẩy. - Gì vậy hở, Kelly vội hỏi. - Có kẻ… kẻ lạ mặt đột nhập vô đây. Chiếc cặp Richard để trên bàn biến đâu mất, còn nhiều giấy tờ cất trong đó. Chiếc nhẫn cưới để lại đây. Kelly sững sờ nhìn quanh. - Bà báo cho cảnh sát! - Vâng, Diane sực nhớ thám tử Greenburg còn để lại tấm danh thiếp bên ngoài; nàng bước trở ra tìm lấy. Thoáng chốc nàng nhấc máy gọi: - Cho tôi gặp thám tử Earl Greenburg! - Nàng đứng chờ máy. - Greenburg tôi nghe đây! - Thám tử Greenburg. Tôi là Diane Stevens đây. Trong nhà vừa xảy ra chuyên. Liệu ông có thể tới đây ngay được chứ… Cám ơn ông! Diane hít vô một hơi nhìn lại Kelly: - Ông ta tới ngay. Bà có thể nán lại chờ… - Không thể. Đây là việc riêng, tôi không muốn xen vô. Bà nhớ có kẻ muốn giết bà đấy. Tôi phải đi Paris ngay. Đi nghe, Stevens. Diane đứng nhìn theo Kelly bước trở ra xe. - Bà muốn về đâu, - Colin hỏi - Cho tôi về lại khách sạn. Về đây nàng mới thấy yên tâm. Chương 21 Trở về phòng khách sạn Kelly chưa hết bàng hoàng. Cái cảm giác luôn phải đối mặt với cái chết gần kề mới thật là khủng khiếp. Một cảm giác kỳ lạ vừa xâm chiếm người nàng giá mà ta được chết bởi bàn tay một kẻ mất trí tóc vàng. Kelly ngã người ra chiếc ghế sofa thư giãn, nàng nhắm mắt lại định niệm thần chú nhưng không làm sao tập trung tư tưởng. Nàng đang còn ngẩn ngơ đờ đẫn, toàn thân nàng là một khối trống rỗng, tâm hồn thì cô đơn. Đầu óc quay cuồng chỉ vì Mark, em thương nhớ anh ngàn lần. Thời gian trôi đi là liều thuốc an thần. Thật là một điều lố bịch, anh ơi, thời gian càng làm cho con người héo hon. Nghe tiếng xe đẩy thức ăn ngoài cửa, Kelly sực nhớ từ sáng chưa ăn gì. Nàng không thấy đói chợt nghĩ lại còn sức khoẻ. Nàng nhấc máy gọi: - Tôi muốn ăn món tôm trộn xà lách, một bình trà nóng. - Dạ có, bà chờ cho hai mươi hoặc ba mươi phút, thưa bà Harris. - Được Kelly gác máy. Nàng ngồi trong đầu còn nhớ cuộc gặp gỡ với Tanner Kingsley, chẳng khác nào một cơn ác mộng, toát mồ hôi lạnh. Đã có lúc nào Mark nhắc ai tên Olga? Hay là mối quan hệ làm ăn? Một cuộc tình vụng trộm? Mark, anh ơi, nếu anh đã lỡ quan hệ với ai cho em biết, em sẽ tha thứ, em vẫn yêu anh như ngày nào, bởi anh đã chỉ cho em nên yêu như thế nào. Em đang lạnh lùng còn anh đã mang lại hơi ấm. Anh đã khơi lại cho em niềm kiêu hãnh được xứng đáng là một người đàn bà. Nàng sực nhớ Diane, cũng vì bà mà ta suýt toi mạng. Gặp mặt người ta phải tránh. Chẳng sao, bởi ngày mai ta bay qua Paris cùng với con Angel. Nghe tiếng gõ cửa nàng giật mình: - Phục vụ phòng đã lên tới - Vô đi! Kelly vừa bước tới cửa hoảng hồn đứng lại đó. Nhớ ra mới gọi cách mấy phút mà sao có ngay, nàng nghĩ bụng: - Khoan đã, nàng lên tiếng. - Dạ vâng! Kelly nhấc máy gọi bộ phận Phục vụ phòng: - Món ăn gọi chưa thấy. - Chúng tôi đang làm đây, thưa bà Harris. Mười lăm hai mươi phút nữa. Kelly gác máy trống ngực phập phồng, nàng quay số gọi ban quản lý. - Có có người lạ mặt muốn vô phòng tôi. - Tôi sẽ cho nhân viên bảo vệ lên, thưa bà Harris Hai phút sau nghe tiếng gõ cửa. Kelly rón rén bước tới. - Ai vậy? - Nhân viên bảo vệ. Kelly liếc nhìn đồng hồ trên máy. Nhanh thế, nàng nghĩ. - Chờ đó. Nhanh chân vụt chạy tới bên bàn điện thoại gọi quản lý. - Tôi có gọi nhờ bảo vệ. Có phải… - Bảo vệ đang lên tới, thưa bà Harris. Bà chờ cho ít phút! - Tên anh ta là gì? - Nàng nói nghẹn ngang cổ họng. - Thomas Kelly lắng nghe tiếng thở ra bên ngoài hành lang. Nàng kề sát tai vô cửa, tới lúc không còn nghe thấy gì nữa. Nàng đứng tại chỗ quá sợ hãi. Một phút sau lại có tiếng gõ cửa. - Ai đó? - Bảo vệ đây - Có phải Bill? - Kelly lên tiếng, nàng nín thở. - Dạ không, thưa bà Harris. Tôi là Thomas. Nhanh tay Kelly mở cửa mời vô trong. Gã đứng nhìn một lúc, hỏi: - Chuyện gì vậy? - Có… có người lạ muốn vô đây! - Bà nhớ mặt chứ? - Không. Tôi… tôi chỉ nghe tiếng thôi. Nhờ anh đưa tôi ra xe taxi được chứ? - Dạ được, thưa bà Harris! Kelly cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Mới đó mà đã lắm chuyện. Thomas đi kèm kế bên Kelly bước vô thang máy. Lúc xuống tới nhà dưới, Kelly nhìn quanh không thấy dấu hiệu khả nghi. Nhân viên bảo vệ đưa Kelly tới bãi xe taxi, Kelly nói: - Cám ơn anh rất nhiều. - Tôi sẽ kiểm tra lại. Kẻ lạ mặt đã bỏ đi từ lúc nào? Kelly đón xe taxi. Ngồi trên xe nhìn quay lại cửa sau thấy, hai người đàn ông vội chạy tới chiếc limousine đang đậu bên lề. - Bà muốn về đâu? - Người lái xe hỏi Kelly. Chiếc limousine đang trờ tới sát sau xe taxi. Phía trước ngã tư cảnh sát đứng điều khiển giao thông. - Chạy thắng tới đi! - Kelly nói. - OK. Đèn xanh vừa bật lên, Kelly vội nói. - Chạy chậm lại chờ đèn vàng anh rẽ nhanh qua trái. Người lái xe nhìn vô kính chiếu hậu hỏi. - Sao? - Đừng vượt đèn xanh, chạy chậm chờ đèn vàng. Nàng biết người lái xe đang nghĩ gì trong đầu. Kelly cười gượng. - Tôi đang đánh cuộc. - Ồ! Kelly nhìn thấy gã biến sắc, gã muốn nói bọn hành khách loạn trí hết cả rồi. Tín hiệu đèn xanh vừa chuyển qua đèn vàng, Kelly giục: - Nhanh lên? Chiếc taxi tăng tốc rẽ qua trái vừa lúc tín hiệu đèn đỏ bật lên. Nhìn lại phía sau, chiếc xe bám sát theo lệnh cảnh sát giao thông dừng lại, hai tên ngồi trên xe nhìn nhau tức giận. Chiếc taxi chạy tới ngã tư trên, Kelly nói: - Chao ôi tôi lại quên một món, cho tôi xuống đây đi. Người lái xe cho xe dừng lại bên lề, Kelly bước xuống lấy tiền ra đưa: - Cho tôi trả tiền. Gã nhìn theo Kelly vội vã bước qua cổng bệnh viện, ngẫm nghĩ không khéo bà ta lại vô thăm bác sĩ tâm thần. Nhìn lại phía sau. Tín hiệu đèn xanh vừa bật lên chiếc limousine rẽ trái. Chiếc taxi còn cách hai đoạn đường bọn chúng cố đuổi theo tới trước. Năm phút sau, Kelly vẫy đón chiếc taxi khác. * * * * * Bên trong căn hộ của Diane Stevens, Thám tử Greenburg nói. - Thưa bà Stevens bà còn nhớ mặt kẻ giơ súng nhắm bắn về phía bà? Diane lắc đầu. - Không, nó nhanh như chớp. - Chuyện nầy ghê gớm lắm. Đầu đạn xuyên qua vách tường, loại đạn nòng cỡ 45 có thể bắn thủng lớp áo giáp may cho bà. Theo bà nghĩ có kẻ nào đòi giết bà không? Diane sực nhớ Altieri nói: Tôi cần được nghỉ ngơi một thời gian, còn phải lo giải quyết mấy món nợ cũ. Greenburg muốn nghe câu trả lời. Diane lưỡng lự. Ta phải nặn óc ra nói để nghe như thiệt: - Tôi chỉ nghi cho một người có đủ lý do đòi giết tôi chính là Anthony Altieri. Greenhurg nhìn theo: - Tôi hiểu, sẽ cho kiểm chứng lại. Còn vụ chiếc cặp da bị đánh cắp bà có biết giấy tờ bên trong là gì không? - Tôi không rõ lắm. Richard mang theo vô phòng thí nghiệm đến chiều tối mang về nhà. Có lần nhìn thấy hồ sơ giấy tờ chuyên môn tôi không hiểu. Greenburg giơ tay nhặt chiếc nhẫn cưới để lại trên bàn. - Bà còn nhớ là chưa bao giờ nhìn thấy ông nhà tháo nhẫn cưới ra? - Dạ… dạ đúng. Trước lúc gặp nạn chồng bà có vẻ gì khác thường như ông đang lo lắng một việc gì đó không? Bà còn nhớ trước đó ông có nối ra điều gì hay làm việc gì khác thường không? Diane còn nhớ: Một buổi sáng sớm hai người còn nằm trên giường, Richard đặt tay lên khều nhẹ vô đùi nàng nói: Nếu tối nay về trễ, em phải dành cho anh một hai tiếng đồng hồ tâm sự nhé cưng. Nàng khều nhẹ vô chỗ mọi ngày chàng thích nói: - Thôi đừng xạo. - Bà Stevens… Diane giật mình nhìn lại. - Không. Dạ, tôi không thấy có gì khác thường. - Bà cần phải được bảo vệ, - Greenburg nói. - Còn nếu… Chuông ngoài cửa reo. - Bà có chờ ai không? - Không! Greenburg gật: - Để tôi ra mở. Gã bước tới giơ tay mở cửa. Kelly Hanis từ bên ngoài nhảy bổ vô trong. Kelly đi thẳng tới bên Diane: - Ta nên bàn chuyện nầy. Diane kinh ngạc nhìn lại: - Tôi tướng bà đang ở Paris. - Tôi vừa quay về! Thám tử Greenburg ngồi vô chỗ hai người. - Đây là thám tử Earl Greenburg, Kelly Harris. Kelly quay qua Greenburg: - Tôi muốn nói là có kẻ lạ toan đột nhập vô phòng tôi ở khách sạn. - Bà đã báo cho bảo vệ chưa? - Có. Lúc bảo vệ lên tới nơi hắn đã bỏ đi - Bà nhớ mặt mũi hắn ra sao? Không - Bà nói có kẻ muốn đột nhập vô phòng, tức là hắn muốn phá cửa nhào vô? - Không, bọn chúng… chỉ đứng ngoài hành lang, giả vờ làm nhân viên phục vụ phòng. - Bà gọi nhân viên phục vụ phòng lên chớ? - Có nhưng mà tôi… Diane nói xen vô. - Bà chỉ tưởng tượng ra mà thôi? Kelly quát lại: - Nghe đây, tôi không muốn bày chuyện ra hay đụng chạm tới bà. Chiều nay tôi lo chuẩn bị đi Paris, bà nên báo lại cho bọn mafia đừng quấy rầy tôi nữa. Kelly nói hết câu bỏ đi ra Thế là thế nào nhỉ? Greenburg nói: - Chồng bà ta vừa bị giết chết, là một đồng nghiệp với Richard phục vụ tạt cơ sở Tập đoàn Quốc tế Kingsley. * * * * * Kelly vừa trở lại khách sạn, nàng bước tới quầy tiếp tân: - Cho tôi trả phòng, nàng nói. - Tôi muốn nhờ đăng ký một chỗ cho chuyến bay qua Paris sắp tới được chứ? :-Vâng, có ngay, thưa bà Harris. Bà chọn hãng nào? - Tôi chỉ muốn rời khỏi đây là được Kelly bước qua bên kia tới chỗ cầu thang máy ấn nút lên lầu bốn. Cửa sắp khép lại, từ đâu hai gã đàn ông lao tới kéo cửa bước vô trong. Kelly liếc nhìn rồi vụt chạy ra ngoài. Chờ cửa thang máy khép lại nàng bỏ đi lên cầu thang bộ. Không còn dịp may nào khác, Kelly nghĩ. Đi bộ lên tới tầng bốn một gã đàn ông cao lớn vạm vỡ đứng chặn ngang trước mặt. - Xin lỗi, - Kelly lên tiếng, ung dung đi ngang qua. Suỵt! Hắn vừa rút súng ra gắn ống hãm thanh chĩa về phía nàng đang đứng. Kelly mặt mày tái mét. - Ông định làm gì… - Câm mồm. Ta cho mụ đoán súng còn mấy ổ đạn. Nếu không muốn lãnh thêm một phát an ủi thì câm mồm ngay. Ta nhắc lại… câm mồm mau lên cùng đi theo ta xuống dưới. Hắn nhếch mép cười, Kelly nhìn thật rõ một vết sẹo dài vắt ngang trên môi kéo xếch ngược lên trông thấy lúc nào hắn cũng như muốn nhe răng cười. Hai con người hắn nhìn lạnh như thép, Kelly rùng mình. - Đi đi! Kelly căm tức. Không! Ta không thể chết vì cái tên súc sinh nầy. - Khoan đã. Ông có nhầm… Nàng cảm thấy mũi súng gí mạnh vô sườn đau muốn khóc. - Ta bảo câm mồm mà đi Một tay hắn níu lấy cánh tay nàng đau nhức nhối, khẩu súng giấu trong bàn tay kề vô phía sau lưng. Kelly cố vùng vẫy điên tiết. - Tôi van ông, - nàng nói khẽ - Tôi không phải là… Mũi súng ấn sâu vô da thịt càng đau đớn, hắn siết chặt một cánh tay đau buốt như thể máu sắp tuôn ra. Vừa xuống tới nhà dưới, nhìn quanh đông người, Kelly tính trong đầu làm sao kêu cứu, chợt hắn buột miệng nói ngay: - Đừng có hòng kêu cứu. Ra tới bên ngoài, đã có một chiếc xe tải chờ sẵn. Phía trước đầu xe hai chiếc khác đang đậu, cảnh sát giao thông đang ghi giấy phạt vi phạm đậu xe. Hắn dìu Kelly vòng ra phía sau: - Leo lên, hắn ra lệnh. Kelly liếc nhìn qua phía cảnh sát giao thông: - Được thôi, - Kelly tức giận nói to. - Tôi bước vô đây nhưng nói cho ông biết, nếu ông đòi hỏi hơn nữa phải trả thêm một trăm đô-la. Đồ súc sinh. Anh chàng cảnh sát quay lại nhìn. Tên côn đồ nhìn vô mặt Kelly: - Mụ muốn nói gì… - Nếu ông không trả tiền, bỏ đi, đồ hèn mạt. Kelly vụt chạy tới bên anh chàng cảnh sát, gã nhìn theo, nhếch mép cười hai mắt tròn xoe. Kelly chỉ tay về phía tên kia: - Hắn theo quấy rầy tôi. Quay lại nàng nhìn thấy người lính cảnh sát đang bước tới chỗ hắn đứng. Kelly vội leo vô chiếc taxi đang đậu. Hắn toan leo lên chiếc xe taxi tải thì người cảnh sát lên tiếng: - Khoan đã. Hành vi quấy rối tình dục là vi phạm luật tiểu bang. - Tôi không… - Yêu cầu xuất trình giấy tờ tuỳ thân. Tên ông là gì? - Harry Flint. Flint đứng nhìn chiếc taxi chở Kelly vọt tới trước. - Con quỷ cái? Ta sẽ giết mụ. Gã vừa buột miệng chửi đổng một câu. Chương 22 Kelly vừa bước xuống xe, nàng tới nơi ở của Diane lần thứ hai, giơ tay nhấn chuông. Thám tử Greenburg bước ra mở cửa. - Cho phép tôi…. Kelly liếc nhìn thấy Diane bên trong phòng khách bước nhanh vô trong. - Chuyện gì vậy? - Diane hỏi - Bà nói là… - Bà cho tôi biết chuyện gì ngay. Bọn chúng đòi tóm tôi nữa đây. Tại sao bọn mafia thân thiết với bà đòi giết tôi. - Tôi… tôi không biết chuyện đó. Bọn chúng không muốn… hay là nhìn thấy giữa tôi với bà có quan hệ như bạn bè nên… - Vậy tôi với bà không phải bạn bè, Stevens. Tôi muốn được yên thân. - Bà nói sao vậy? Làm sao tôi có thể… - Bà rủ rê tôi thì có thể để cho tôi được yên thân. Tôi muốn bà nhắc lại Altieri cả hai bên tình cờ gặp nhau không ai biết mặt ai. Tôi không muốn để ai giết tôi vì mấy chuyện vớ vẩn do bà bày ra. Diane nói: - Làm sao tôi có thể… - Ồ được mà. Bà phải nói cho Altieri và phải tới gặp mặt hắn ngay. Tôi chờ đây, không đi đâu hết. Diane nói. - Chuyện đó không thể được. Tôi ân hận vì bà lỡ sa vô, nhưng mà… Nàng nghĩ ngợi rất lâu, quay lại Greenburg. - Ông cho là nếu tôi tới gặp Altieri hắn sẽ để cho hai chúng tôi yên thân? Greenburg nói. - Việc nầy gay thật. Rất có thể được Nếu hắn cho là chúng ta đang theo dõi. Bà muốn nói chuyện riêng với ông ta? Diane nói: - Không, Tôi… Kelly nói xen vô: - Nói vậy nghĩa là… * * * * * Ngôi nhà nơi Anthony Altieri ở xây theo lối nhà cổ ngoài khu phố Hunterdon County, bang New Jersey. Nằm gọn trong một xóm ngõ cụt trên một diện tích mười lăm mẫu xây, xung quanh là lớp rào sắt che chắn uy nghiêm. Phía trong là hàng cây rợp bóng, hồ bơi, một khu vườn hoa lá rực rỡ phía sau cánh cổng đặt vọng gác có người ngồi canh chừng. Nhìn thấy chiếc xe chở Greenburg, Kelly và Diane chạy tới, người gác cổng bước ra chào. Gã nhớ mặt Greenburg: - Chào ngài Trung uý. - Chào Caesar. Chúng tôi đến gặp ngài Altieri. - Ông có gìấy hẹn chứ? - Không có. Chúng tôi đến thăm xã giao. Người gác cổng liếc nhìn hai bà ngồi trên xe. - Chờ đây, gã bước vô vọng gác. Nhanh chóng gã bước ra mở cổng - Mời vào. - Cám ơn, - Greenburg nói cho xe vô thẳng bên trong trước sân nhà. Ba vị khách xuống xe nhìn qua người bảo vệ. - Mời quý vị theo đây! Gã đưa họ vô trong nhà. Bên trong phòng khách rộng rãi trang hoàng nửa tân nửa cổ, bày biện bàn ghế kiểu Pháp. Dù hôm ấy trời ấm áp lò sưởi vẫn đỏ lửa. Từ đây ba vị khách theo chân bảo vệ vô tới buồng ngủ tối tăm không ánh đèn. Anthony Altieri đang nằm trên giường, bên cạnh chiếc máy thở. Nhìn thấy mặt mũi xanh xao già hằn đi khác với lúc gã xuất hiện trước phiên toà. Ngồi bên mép giường là ngài mục sư và cô y tá. Altieri nhìn qua Diane, Kelly và Greenhurg rồi quay lại phía Diane. Giọng nói nghe khàn khàn. - Bà muốn gì nữa đây? Diane lên tiếng: - Ông Altieri, tôi và bà Harris chỉ muốn được yên thân. Dẹp bỏ bọn lâu la của ông đi… Ông giết chồng tôi vậy là đủ lắm rồi… Altieri chặn ngang. - Bà nói sao vậy? Tôi chả biết chồng bà là ai. Tôi có nghe nói mảnh giấy ghê gớm kia còn cất trong người nạn nhân. - Gã cười khẩy - Giờ nầy ông đã về theo với bầy cá. Đã có bao nhiêu người đọc báo The Sopranos. Để tôi kể lại cho bà nghe khỏi cần phải mua về đọc. Không một nhà báo nước Ý nào viết ra chuyện đó. Tôi không theo dõi bà làm gì? Bà sống hay chết mặc kệ. Tôi chả thèm dòm ngó tới bất cứ ai… tôi… - Gã kêu đau nhức nhối - Tôi chỉ biết lo cầu nguyện ơn Trên. Tôi… Gã ho hục hặc. Ngài mục sư nhìn Diane: - Con nên ra về đi cho xong. Thám tử Greenburg hỏi: - Thế là sao? Ngài mục sư nói: - Ung thư! Diane nhìn bệnh nhân nằm trên giường nàng nhớ lời hắn vừa nói ra. Tôi không theo dõi bà làm gì. Bà sống hay chết mặc kệ… Tôi chỉ biết lo cầu nguyện ơn Trên. Gã đã nói ra hết. Diane bàng hoàng đứng nhìn theo. * * * * * Trên đường về, Thám tử Greenburg mặt mày đăm chiêu: - Tôi muốn nói cho bà nghe, Altieri nói thật. Kelly ngần ngừ gật đầu. - Tôi cũng nghĩ vậy. Nạn nhân đã chết. - Bà phải biết lý do vì sao họ đòi giết cả hai người? - Tôi không biết - Diane nói. - Nếu không phải là Altieri. - Nàng lắc đầu. - Tôi không biết. Kelly nghe theo. - Tôi cũng không biết! Thám tử Greenburg đi kèm Diane và Kelly về nhà. - Tôi phải làm rõ vụ nầy, - Ông nói - Hai bà yên tâm ở lại đây. Mười lăm phút nữa sẽ có cảnh sát tới đây canh chừng thường trực suốt ngày, lúc đó sẽ tìm ra manh mối. Nếu cần gặp tôi, cứ gọi máy. Nói xong ông bỏ đi. Diane và Kelly lặng lẽ nhìn nhau khó hiểu. - Bà uống một tách trà đi. - Kelly đòi uống cà phê. Diane nhìn qua khó chịu thở ra: - Được! Diane xuống bếp pha cà phê, Kelly dạo quanh phòng xem tranh treo trên tường. Diane vừa trở lên thấy Kelly còn đứng xem tranh, ký tên bên dưới - Stevens. Nàng quay qua Diane. - Bà vẽ đây à? Diane gật: - Vâng. Kelly hờ hững nói: - Tranh đẹp lắm. Diane bặm môi. - Thật à? Bà rành nghệ thuật nhỉ. - Không nhiều lắm, Stevens. - Bà thích hoạ sĩ nào, hay là Grandma Moses? - Bà thật thú vị. - Còn nhiều tác phẩm thời cổ đại bà thích chứ? Kelly quay qua Diane: - Phải nói tôi thích những đường nét cong, phá cách. Nghệ thuật phải tạo được ngoại lệ. Ví dụ ttong tác phẩm của danh hoạ người Ý Titian. Venus of Robin, những đường nét đan chéo thật là ấn tượng gây sốc cho người xem, hơn nữa. Mùi cà phê từ dưới bếp bốc hơi thơm phức. Diane vội nói: - Đã có cà phê rồi đấy! Hai người ngồi vô bàn trong phòng ăn lặng lẽ nhìn những ly cà phê nguội lạnh. Diane cất tiếng xoá tan cơn tĩnh lặng: - Bà nghĩ tại sao bọn chúng đòi giết bọn mình? - Tôi chẳng nghĩ gì, Kelly lặng thinh được một lúc - Giữa bà với tôi có một mối quan hệ ràng buộc là vì cả hai ông chồng cùng phục vụ cho cơ sở KIG. Có thể họ đã tham gia vô một kế hoạch tối mật. Thủ phạm định ninh ta… biết hết mọi chuyện do hai ông kể lại. - Thì ra… - Diane mặt mày tái nhợt. Cả hai nhìn nhau lo ngại. * * * * * Bên trong văn phòng, Tanner đang ngồi theo dõi cuộc đối thoại trên màn hình: Tôi chẳng nghĩ gì. Giữa tôi với bà có một mối quan hệ ràng buộc là vì cả hai ông chồng cùng phục vụ cho cơ sở KJG. Có thể họ đã tham gia vô một kế hoạch tối mật. Thủ phạm định ninh ta biết hết mọi chuyện bởi hai ông đã kể lại - Thì ra… Đứng bên cạnh ông là đối tượng: Bảo vệ. Căn hộ nơi ở của Stevens được gài một lớp rào điện tử báo lên màn hình vô tuyến. Tanner khoe với bạn bè ngôi nhà được trang bị máy móc theo công nghệ tiên tiến nhất. Mỗi căn phòng thiết kế hệ thống video âm vô tường, máy quay phim thu nhỏ bằng cỡ hạt nút giấu bên trong các tập sách, dây cáp phát quang gài dưới chân cửa, một hệ thống vô tuyến đóng khung làm một bức tranh. Trên gác thượng, máy chủ video được thiết kế thu nhỏ như một máy tính xách tay. Kết nối với máy chủ là hệ thống modem vô tuyến kích hoạt các thiết bị theo quy trình công nghệ mạng. Tanner nghiêng người dán mắt vô màn hình, Diane tiếp tục câu chuyện: - Ta phải tìm hiểu công việc mấy ông đang làm là gì. - Phải, ta cần phải được trợ lực, lấy đâu ra đây? - Ta nhờ Tanner Kingsley, chỉ có ông ta mới làm nên chuyện, phải tìm cho ra thủ phạm đứng đằng sau vụ nầy. Ta làm đi thôi. Diane: - Bà ở lại đây một đêm, ta sẽ được bảo vệ. Cảnh sát túc trực ngày đêm bên ngoài cổng. Bước tới bên cửa sổ kéo màn đứng nhìn ra. Không thấy xe cảnh sát đâu. Nàng đứng ngẩn ngơ một hồi, cảm giác ớn lạnh dâng trào khắp người. - Lạ thật! - Diane buột miệng nói. Đã bảo là có xe tuần tra cảnh sát bên ngoài mà, ta phải gọi báo thôi! Diane lôi trong túi xách ra tấm danh thiếp tên thám tử Greenburg bước tới bàn quay số. - Cho tôi gặp thám tử Greenburg. Nàng chờ máy - Ông nói thiệt chứ? Vâng. Vậy cho tôi gặp thám tử Praegitzer. Nàng lại chờ máy - Vâng, cảm ơn ông. Diane chậm rãi buông máy xuống. - Sao vậy? Diane nói : - Hai thám tử Greenburg và Praegitzer đã thuyên chuyển đi đơn vị khác. Kelly hiểu ra: - Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, phải vậy không chứ? Diane buột miệng nói: - Tôi nhớ ra việc nầy. - Sao? Thám tử Greenburg hỏi tôi thấy Richard biểu lộ hay làm việc gì khác thường chăng. Tôi quên chưa nói ra. Richard bỏ đi Washington gặp ai đó. Mấy lần trước tôi cùng đi, không hiểu sao lần nầy ông ấy dặn tôi ở nhà. Kelly ngại ngùng nhìn qua: - Chuyện lạ. Mark dặn tôi ông phải đi Washington, ông muốn đi một mình. - Ta phải tìm hiểu rõ vụ nầy! Kelly tới chỗ cửa sổ kéo màn qua - nàng không thấy xe, quay lại Diane. - Thôi ta đi thôi. - Được! Diane nói. - Tôi biết một khách sạn vắng vẻ ở phố Tàu, khách sạn Mandarin. Chả có ai nghĩ là ta ở đó. Về phòng ta gọi cho Kingsley sau. Tanner quay qua phía đội trưởng bảo vệ Harry Flint, mặt mũi lúc nào cũng như muốn cười. - Phải hạ bọn chúng ngay.- Ông ra lệnh. Chương 23 Harry Flint biết giải quyết vụ hai con quỷ cái, Tanner khoái chí nghĩ thầm. Flint đã ra tay là chắc. Tanner thích thú nhớ lại vì sao được gặp gỡ tay Flint nầy. Mấy năm trước người anh trai Andrew đứng ra kêu gọi những tay anh chị khắp nơi, sáng kiến lập ra một nơi đón tiếp tội phạm vừa được phóng thích về đây hoà nhập với đời sống cộng đồng, tìm việc làm ổn định cuộc sống. Tanner nghĩ ra một kế hoạch lâu dài hơn bởi không có gì bền vững hơn là tình cảm san sẻ giữa những cựu tù. Bằng mọi biện pháp nghiệp vụ ông tìm hiểu lý lịch những tên tội phạm mới được phóng thích chọn ra những tên khá, đủ tiêu chuẩn Tanner đặt ra về làm việc cho ông, đảm nhận công việc gọi là công tác đặc biệt. Ông sắp xếp cho một tên cựu tù, Vince Carballo về làm việc tại cơ sở KIG. Carballo tướng to con vạm vỡ hàm râu rậm rạp, mắt sắc như dao. Hắn có nhiều tiền án, vừa can tội giết người. Chứng cứ đưa ra buộc tội thì vô số một số thành viên trong bồi thẩm đoàn mặc nhiên đưa ra phán quyết hắn vô tội, vụ án phải treo lại đó chỉ một số ít biết được đứa con gái út ngài thẩm phán bị mất tích, để lại một mẩu thư: "Nếu ông giữ im lặng vụ nầy, đứa con gái của ông sẽ do bồi thẩm đoàn quyết định". Carballo là típ người được Tanner Kingsley mến phục. Tanner được biết còn có một tay cựu tù nữa tên là Harry Flint. Ông cho điều tra tỉ mỉ lai lịch của Flint, là một tay cộng tác đắc lực. Harry Flint sinh ra ở Detroit trong một gia đình trung lưu. Người cha do làm ăn thất bại, suốt ngày ngồi một chỗ than vãn. Người cha tính tình gắt gỏng đối xử bạo ngược với con. Mỗi lần người con có lỗi ông quơ đại mọi thứ trước mắt, giây nịt, thước sắt, hay bất cứ thứ gì quất túi bụi vô người đứa con trai dường như là để bù lấp khoảng trống trong người ông. Người mẹ làm móng tay cho một hiệu uốn tóc. Người cha thì đối xử tàn bạo trong khi người mẹ lo và thương yêu con, khi lớn lên Harry phải sống trong hoàn cảnh san sẻ tình cảm giữa hai người. Bác sĩ dặn mẹ Harry lớn tuổi khó mà sinh con, cho nên lúc mang thai, bà nghĩ là của trời cho. Khi sinh ra Harry bà thương yêu nựng nịu cả ngày, dần dà Harry được bao bọc trong tình thương của người mẹ. Năm mười bốn tuổi một bữa Harry Flint bẫy được con chuột dưới tầng hầm, hắn tóm lấy giẫm đạp cho chết dưới chân. Nhìn con vật giẫy giụa, Harry Flint cảm thấy mình được quyền sát sinh. Muốn được giết là giết thấy mình hiển linh như thần thánh. Hắn có quyền lực vạn năng. Hắn muốn giữ mãi cái quyền lực đó, đi lùng diệt mấy con vật nuôi trong xóm. Lint không làm mấy việc đó vì ác tâm hay do bản năng xui khiến. Hắn muốn ra oai nhờ được ơn cõi Trên ban cho tài năng sát sinh. Hàng xóm mất mấy con thú kiểng chạy đi kiện lên chính quyền, một sáng kiến được bày ra để theo dõi. Cảnh sát đem con chó săn đặt trước bồn cỏ nhà hàng xóm, dây tròng vô cổ giữ không cho nó xổng đi. Địa điểm được đánh dấu, chờ đêm xuống ngồi rình, quả nhiên Harry Flint xuất hiện chân bước về phía con mồi. Hắn khều cho con vật há quai hàm rồi đưa cây pháo đã thắp sáng gí ngay vô mồm. Vừa lúc đó cảnh sát nhào tới. Lục soát trong người hắn còn một hòn đá dính đầy máu, một con dao nhíp. Hắn bị tóm đưa vô trại giáo huấn mười hai tháng. Mới vô trại được một tuần hắn đánh đập một học viên mang thương tích. Bác sĩ trại chẩn đoán hắn bị chứng rối loạn tinh thần hoang tưởng. - Hắn bị tâm thần, - bác sĩ dặn dò lính gác. - Đề phòng phải đưa qua cách ly. Hết hạn giáo huấn năm mười lăm tuổi hắn được cho ra trại tạm tha. Trở lại lớp học, Fìint được coi như người hùng. Bọn chúng tham gia nhiều vụ móc túi, lấy trộm cửa hàng. Nhanh chóng Flint là kẻ cầm đầu cả bọn. Trong một trận xô xát giữa đêm khuya lưỡi dao xướt qua trên khóe miệng để lại vết sẹo ăn sâu vô da khiến cho hắn nhếch mép cười hoài. Bọn trẻ càng lớn lên trổ tài cướp xe, trèo tường ăn trộm. Một vụ cướp táo bạo giết chết chủ cửa hàng. Harry Flint bị kết tội cướp tài sản có vũ khí, xúi giục gây án bị xử mười năm tù. Hắn là tên tội phạm sừng sỏ nhất trong trại giam. Chỉ cần một cái liếc mắt, đồng bọn phải biết nể nang. Hắn quậy phá không ai dám đi báo. Một ngày kia, bảo vệ kiểm tra đi ngang qua buồng giam Harry Flint, nhìn vô trong hoảng hốt, một tên giam cùng phòng nằm trên vũng máu dưới sàn, bị đánh đập dã man. Đứng bên ngoài, gã nhìn vô, Flint đứng cười thoả mãn. - Thế đấy, quân khốn kiếp. Mi không chạy đâu khỏi. Để ta lo o bế cái ghế điện dành cho mi. Flint nhìn ra ngoài ung dung nhấc cánh tay trái lên, hắn giấu nguyên con dao hàng thịt dưới tay áo còn dính đầy máu. Hắn lạnh lùng buột miệng nói. - Ta giết mi để tự vệ! Bọn tù không dám khai ai đã nhìn thấy Flint đánh đập một tên đồng bọn dã man cho tới chết. * * * * * Tanner chọn được Flint là do ở chỗ hắn hăng say với công việc sếp giao. Tanner nhớ lại lần đầu tiên Flint được giao việc, trong chuyến đi tốc hành qua Tokyo… - Dặn phi công lo khởi động chiếc Challenger, chuẩn bị đi Tokyo. Chuyến nầy chỉ có hai người. Lệnh được ban ra nhằm lúc khẩn trương nhưng phải thi hành ngay, không được giao cho ai khác hơn. Tanner sắp xếp gặp gỡ Akira Iso lúc ông đến Tokyo, đặt phòng tại khách sạn Okura Hotel. Lúc đang bay trên bầu trời Thái Bình Dương, Tanner tính toán công việc sắp tới. Ngay lúc phi cơ hạ cánh, ông tính toán công việc trong tình huống chắc thắng. Từ sân bay Narita về Tokyo mất một tiếng, ông ngạc nhiên nhìn thấy quang cảnh vẫn như xưa, trầm lặng. * * * * * Akira Iso ngồi đợi ông tại nhà hàng Fumiki Mashimo. Iso tuổi trạc năm mươi, khuôn mặt xương xẩu mái tóc hoa râm, hai mắt sáng tinh anh. Nhác thấy Tanner, ông đứng lên chào. Rất hân hạnh được gặp ngài. Thiệt tình tôi phải ngạc nhiên khi được ông nhắc tới. Làm sao ông phải lặn lội tới đây. Tanner nhếch mép cười. - Tôi là người mang tin lành đến cho ông nên không tiện nói trên máy. Tôi muốn nhìn thấy ông thành đạt và giàu có. Akira nghe nói lấy làm lạ. - Thật vậy sao? Người phục vụ bước tới chào khách. - Ta gọi món gì đã rồi bàn việc chứ? Xin nhường ông, Kingsley. Ông biết món cơm Nhật chưa hay để tôi gọi. - Cám ơn. Để tôi gọi. Ông thích món sushi. - Vâng! Tanner quay lại dặn người phục vụ: - Cho tôi mấy món Hamachi, Temaki, Kaibashira và Ama-ebi. Akira Iso cười thích thú: - Khá lắm. - Ông nhìn người phục vụ - Cho tôi mấy món đó. Trong bữa ăn, Tanner gợi chuyện. - Ông đang làm cho một hãng nổi tiếng, Tập đoàn Đệ nhất Công nghiệp Tokyo. - Ông quá khen. - Ông làm việc được bao lâu? - Mười năm. - Khá lâu.- Ông nhìn sâu vô mắt Akira nói: - Đúng ra ở lâu năm phải xin chuyển đi. - Ủa, sao tôi phải xin đổi đi, thưa ngài Kingsley? - Bởi tôi sẽ đề nghị ông một chỗ làm mà chắc là ông không thể từ chối. Lương tháng ông làm bao nhiêu tôi không rõ, tôi sẽ trả gấp đôi số lương hiện tại nếu ông muốn về làm tại cơ sở KIG. - Thưa ngài Kingsley, tôi không thể bỏ đi? - Sao vậy? Nếu ông còn hạn hợp đồng, tôi sẽ tìm cách dàn xếp. Akira buông đũa xuống; - Thưa ngài Kingsley tại nước Nhật nếu đang làm cho một công ty thì nơi đó như nhà mình… Nếu không còn làm nữa, công ty sẽ lo suốt đời. Tôi muốn chuyện tiền bạc. Tôi muốn đề nghị ông… - Không. Ai - shya - sei - shin. - Ông nói sao? - Tức là chữ tín còn hơn cả tiền của. - Akira chăm chú nhìn, ông thấy lạ. - Sao ông muốn chọn tôi? - Bởi tôi được nghe nhiều điều lý thú về ông. - Tôi e là ông phải lặn lội tới đây mà không được gì ông Kingsley. Tôi sẽ không bỏ Công ty mà đi ông nên thử thời vận một chuyến . Tôi nghĩ không có ân oán gì với công ty. Tanner ngồi dựa ra sau nhếch mép cười: - Làm gì có. Ở nơi tôi giá mà tất cả cũng muốn giữ chữ tín như ông. Ông sực nhớ lại. - Dù sao tôi có đem theo đây một món quà dành cho ông và gia đình. Chốc nữa sẽ có người mang tới khách sạn. Người mang quà tới là Harry Flint. Người bồi phòng phát hiện xác ông Akira treo cổ bên trong tủ quần áo. Kết quả giám định nạn nhân tự tử. Chương 24 Mandarin Hotel là một khách sạn rẻ tiền hai tầng lầu nằm ngay trung tâm khu phố Tàu. Cách khu phố Mott Street không bao xa. Kelly và Diane vừa bước xuống xe taxi, Diane nhìn qua bên kia thấy tấm bảng áp phích quảng cáo cỡ lớn hình ảnh Kelly mặc bộ đồ ngủ xinh đẹp trên tay cầm lọ nước hoa. Diane ngạc nhiên nhìn theo: - Bà đấy hở? - Bà nhìn lầm, - Kelly nói - Vì mưu sỉnh tôi phải làm, Stevens. Tôi không phải vậy đâu! Ngắm nhìn lại mình, Kelly bước vô bên trong khách sạn, Diane dùng dằng bước theo sau. Người nhân viên tiếp tân đang ngồi đọc báo bên trong quầy. - Chúng tôi cần một phòng ở lại qua đêm, Diane nói. Anh chàng ngước nhìn hai khách hàng ăn mặc lịch sự, rồi nói lớn tiếng. - Ở lại đây? - Gã đứng lên. - Dạ có - Gã nhìn bề ngoài khách hàng. - Ở đây giá phòng một trăm đô-la. Kelly há hốc mồm: - Một trăm… Diane nói xen vô: - Vậy cũng được. - Quý bà trả tiền trước. Diane mở ví rút mấy tấm giấy bạc đưa ra. - Bàn giao ngay chìa khoá. - Phòng số mười, đi thẳng rồi rẽ bên trái. Hai bà có hành lý? - Tý nữa sẽ mang tới đây, Diane nói. - Quý khách cần gì gọi máy hỏi Ling. Kelly nói: - Ling hở? - Vâng, tên người bồi phòng. Kelly ngẩn ngơ nhìn lại thì ra. Khách trọ bước đi ngang qua dãy hành lang đèn mờ. - Bà trả tiền nhiều vậy, Kelly nói. - Một nơi ta cần ẩn náu đáng giá là bao nhiêu. - Tôi thấy chỗ nầy cũng chưa phải yên, - Kelly nói. - Thì cứ vậy đi đã rồi tính sau. Cậu chớ lo đã có ông Kingsley lo. Đến trước cửa phòng số mười, Diane lấy chìa ra mở bước vô nhìn căn phòng trống trải bốc mùi dường như lâu ngày không có khách trọ. Phòng hai giường tấm dra trải nhàu nhò, hai chiếc ghế cũ kỹ bên chiếc bàn trầy xước lỗ chỗ. Kelly đứng nhìn quanh. - Phòng nhỏ hẹp trông chả ra hồn, chắc là không người lo dọn dẹp, sờ tay lên chiếc gối bụi bay đầy. - Bao lâu Ling mới đi qua chỗ nầy? - Ta chỉ ở một đêm, - Diane nói cho nàng yên tâm. - Tôi phải gọi ông Kingsley! Kelly nhìn theo Diane bấm số máy ghi trên tấm danh thiếp Tanner Kingsley đưa hôm nọ. Người nghe nhấc máy: - Tanner Kingsley tôi nghe. Diane thở ra một hơi. - Chào ông Kingsley, tôi là Diane Stevens, xin ông cảm phiền, có bà Harris với tôi đang cần nhờ ông một việc. Bọn xấu đang rình rập đòi giết hai chúng tôi, vậy là sao. Chúng tôi cần tìm chỗ ẩn nấp. - Cám ơn bà Stevens, bà cứ nghỉ ngơi cho khoẻ. Chúng tôi biết rõ vụ nầy do ai cầm đầu. Bà không lo bị quấy rầy nữa đâu. Từ nay tính mạng hai bà đảm bảo an toàn. Diane nhắm hai mắt lại. Lạy chúa, nàng nghĩ: - Ông có thể cho biết là ai… - Lúc nào gặp nhau tôi sẽ cho bà hay. Bà cứ ở một chỗ. Trông vòng nửa giờ nữa sẽ có người tới đón. - Nghĩa là… Máy bị cắt ngang. Diane buông máy nhìn Kelly, mặt mày hớn hở. - Tin vui! Vậy là mọi chuyện đã được giải quyết! - Ông ta nói sao? - Ông ta biết rõ hết vụ nầy do ai cầm đầu, từ nay ta cứ yên tâm. Kelly thở ra một hơi dài. - Khá lắm. Vậy là tôi có thể về Paris lập lại cuộc đời. Nửa giờ nữa sẽ có người tới đón. Kelly nhìn quanh gian phòng bẩn thỉu thật khó mà bỏ đi được, nàng nói mỉa. Diane quay lại nói giọng hờ hững. - Kể cũng lạ. - Lạ sao nhỉ? - Trở về lại chốn xưa không còn Richard. Tôi nghĩ phải tính làm sao để mà… - Thì đừng làm. - Kelly quát khiến nàng giật thót. - Đừng cho tôi về lại đó kẻo rồi lại cô đơn. Tôi không dám mơ tới ngày đó. Với tôi Mark là tất cả, là lẽ sống không thể thiếu vắng. Diane nhìn khuôn mặt Kelly đờ đẫn, ngẫm nghĩ chẳng khác nào một pho tượng đá… khoe bên ngoài một vẻ đẹp lạnh lùng. Kelly nhìn lại và ngồi xuống giường quay lưng về phía Diane. Nàng nhắm nghiền mắt cố quên hết nỗi đau trong lòng… vơi đi… vơi dần… * * * * * Kelly đang dạo bước trên bờ sông với Mark nói năng đủ thứ chuyện, và chưa bao giờ nàng tìm thấy được những giây phút thoải mái bên anh như lúc nầy. Nàng quay qua Mark. - Tối mai sẽ có cuộc triển lãm tranh, anh có thích mấy… - À rất tiếc Kelly. Tối mai anh bận việc. Kelly bất chợt thấy máu ghen nổi lên: - Thì bận hẹn người khác vậy? Nàng cố giữ vẻ mặt bình thản. - À không. Anh chỉ có một mình, tối hôm đó có tiệc lớn… Anh nhìn thấy Kelly biến sắc. - Anh… dự tiệc do các nhà khoa học chiêu đãi. Em sẽ thấy nhàm chán. - Em à? - Anh nghĩ vậy thôi. Ngồi lại nghe họ nói những chuyện thấy quá xa lạ với em. - Em có thể nghe hiểu được hết, Kelly nói, muốn động lòng tự ái. - Anh thử mời em một bữa. À thiệt tình anh không đám… - Em dư sức hiểu. Anh giữ tự nhiên. Anh thở ra một hơi: - Thôi được - Anatripsology. Malacostracology… Aneroidograph… - Term ag. - Chao ôi, Kelly hết hồn - mấy thứ chữ nghĩa đó… - Anh biết em không thích nghe nhắc làm gì, anh… - Anh nghĩ bậy. Em thích chứ. Bởi vì anh cũng thích, Kelly nghĩ. Buổi yến tiệc chiêu đãi tại khách sạn Prince de Galles được xem như là một sự kiện trọng đại. Bên trong gian phòng lớn chứa ba trăm thực khách có cả nhiều quan chức tai to mặt lớn. Một thượng khách ngồi ở dãy bàn phía trên gần bên Mark và Kelly là một nhân vật tư cách diện mạo sáng sủa. - Tôi là Sam Meadows. - Ông tự giới thiệu với Kelly. - Tôi được nghe nói nhiều về bà. - Tôi cũng được nghe nói nhiều về ngài, -Kelly đáp - Nhờ Mark tôi được biết ông là một người thầy và bạn thân thiết. Sam Meadows tươi cười: - Tôi rất vinh dự là bạn của Mark, một người có cá tính đặc biệt. Tôi được cộng tác với ông một thời gian dài. Một người chịu khó… Mark, nghe nói chới với. - Mời ông dùng rượu vang - anh nói xen vô. Người dẫn chương trình đứng trên sân khấu, buổi phát biểu bắt đầu. Mark đã tiên liệu trước buổi tiệc hôm nay chẳng mấy thích thú cho Kelly. Các giải thưởng được phân phát, và Kelly nhìn thấy người nhận đang phát biểu bằng thứ tiếng Swahili. Chỉ cần nhìn thấy nét mặt Mark hớn hở Kelly hài lòng. Nhìn quanh trên bàn đã được dọn dẹp tươm tất, vị Chủ tịch Viện khoa học Pháp đứng trên sân khấu, mở đầu bằng những lời khen ngợi thành tựu khoa học do nước Pháp đã đóng góp năm vừa qua, và không chờ đến lúc kết thúc buổi phát biểu, ông giơ cao bức tượng vàng xướng tên Mark Harris. Vừa nghe Kelly hiểu ngay Mark là cây đinh trong buổi tiệc tối hôm nay. Ông tỏ ra khiêm nhường với nàng đề nghị nàng không nên tới đó, nàng nghĩ thầm nhìn Mark đang bước lên bục giữa tiếng vỗ tay của quan khách. - Tôi không nghe ông ấy nói gì về chuyện nầy! - Kelly nói với Sam Meadows. Meadows tủm tỉm cười: - Mark là vậy. - Ông nhìn theo Kelly một lúc… - Bà biết là ông yêu bà tha thiết lắm không. Ông đòi cưới bà cho được. Ngưng một lúc Meadows nói tiếp. - Tôi nghĩ bà không làm cho ông thất vọng. Nghe vậy, Kelly thấy chột dạ. Nàng không thể lấy Mark. Ông là một người bạn chân thành, nhưng nàng đã tính chuyện thương yêu gì đâu. Nàng đã làm gì? Nàng không muốn để ông thất vọng thà đừng gặp nhau nữa. Ta không thể thoả mãn được những gì cho một người đàn ông đang mong đợi. Nàng biết nói gì… - Bà nghe thấy tôi nói gì chưa? Diane quát vô bên tai khiến Kelly tỉnh cơn mê. Gian phòng khiêu vũ rực rỡ tan theo giấc mộng, nhìn lại thấy mình nằm bên trong căn phòng tồi tàn ở khách sạn, bên cạnh một người bạn đồng hành không hẹn mà gặp. - Gì vậy ? Diane hối hả: - Tanner Kingsley sẽ cho người đến đón trong nửa giờ nữa. - Bà nói thiệt. Vậy là… - Không nghe ông ta hỏi thăm ta đang ở đâu. - Ông ta tưởng là đang còn ở lại nhà cậu. - Không, tôi đã báo cho ông ta bọn mình đi tìm nơi nương thân. Hai người lặng thinh, chợt Kelly xì ra một tiếng thở dài! - Ôi! Cả hai đưa mắt nhìn theo chiếc đồng hồ để ở đầu giường. Người nhân viên tiếp tân ngước nhìn Flint bước vô khách sạn Mandarin Hotel. - Ông cần gì ạ? - Nhìn thấy Flint nhếch mép cười gã lịch sự đáp lại. - Vợ tôi đi cùng người bạn mới tới đây đăng ký ở lại. Vợ tôi người tóc vàng, còn người kia tóc đen. Ở phòng số mấy… - Phòng số mười nhưng ông không thể lên đó. Ông cần gọi máy… Flint chĩa khẩu súng ngắn Ruger nòng 45 gắn ống hãm thanh gí vô trước trán anh chàng nhân viên. Flint xô ngã người kia, nhào tới đi thẳng vô trong tay lăm le khẩu súng. Lên tới trên phòng số mười, hắn lùi lại lấy trớn nhào tới húc vai, cửa bật tung hắn bước vô trong. Bên trong trống trơn, Flint nghe thấy tiếng vòi nước chảy trong buồng tắm cửa khoá. Hắn bước tới đẩy cửa ra. Vòi nước chảy xiết, tấm màn che thấy lay động. Flint nhắm bắn bốn phát vô tấm màn, không nghe thấy gì hắn giơ tay kéo phăng qua một bên. Không còn ai bên trong. Bên trong quán ăn bên kia dãy phố, Diane và Kelly ngồi nhìn chiếc xe Flint vừa lái tới, hắn bước xuống đi vô trong. - Lạy chúa, Kelly nói. - Chính hắn đòi bắt tôi đi theo. Hai người ngồi chờ xem. Flint bước trở ra xe sau ít phút, nụ cười trên môi, mặt mũi nhìn bặm trợn. Kelly nhìn qua Diane: - Ta thoát được một cửa ải. Giờ tính chạy đâu? - Ta bỏ đây đi thôi - Đi đâu? Bọn chúng bủa vây khắp nơi, nhà, trạm xe buýt… Diane ngẫm nghĩ một hồi. - Tôi nhớ ra một nơi bọn chúng khó vô tới được - Để tôi nghĩ coi. Chỉ có ngồi trên phi thuyền bay. Chương 25 Báo xuất bản buổi sáng loan cùng một cái tin như nhau. Một đợt hạn hán ở nước Đức làm thiệt mang gần một trăm người, thiệt hại mùa màng lên tới hàng triệu đô-la. Tanner nhấn nút gọi Kathy. - Gửi bài nầy tới văn phòng thượng nghị sĩ Van Luven, ghi chú thêm: "Báo cáo hiện tượng trái đất ấm dần lên. Trân trọng kính chào…" Khách sạn Wilton Hotel dành riêng mấy bà khác xa khách sạn Mandarin. Một toà nhà năm tầng lộng lẫy xây theo lối hiện đại. Lối đi vô cổng có mái che màu xanh mát mẻ. Tại bàn tiếp tân Kelly và Diane đứng chờ đăng ký khai tên giả. Người nữ tiếp viên quầy giao chìa khoá cho Kelly. - Phòng 424. Bà có mang theo hành lý? - Không, chúng tôi… - Hành lý chúng tôi thất lạc. - Diane nói xen vô. - Chốc nữa chồng tôi đến đây đưa đi. Bà có thể cho ông lên trên phòng để… Người nữ tiếp tân lắc đầu. - Không thể được, nội quy không cho phép các ông lên phòng. - Thì ra vậy? - Diane nhìn Kelly cười trừ. - Bà muốn gặp các ông dưới nầy… - Không sao. Nếu không gặp được đành chịu. * * * * * Phòng 424 được bố trí đẹp mắt, phòng khách bày một ghế sofa, bàn ghế đầy đủ, tủ đứng, buồng ngủ hai giường đôi. Diane nhìn quanh: - Đẹp quá nhỉ? Kelly nói mỉa. - Ta muốn đi tới đâu nữa mai được ghi vô sách kỷ lục Guinness… nửa tiếng đồng hồ một khách sạn? - Bà có chương trình nào mới lạ hơn? - Chả có gì, - Kelly khinh khỉnh nói - Khác nào trò đùa mèo vờn chuột, ta là lũ chuột. - Kể cũng lạ, bọn người phục vụ cho cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới bày trò săn đuổi đòi lấy mạng hai người, - Diane nói. - Thôi, đừng nghĩ tới nữa. - Nói dễ hơn làm. Đem mấy cái đầu ở cơ sở KIG ra làm món chả trứng phải to bằng một bang Kansas. Ờ ta nên nghĩ lại kỹ. - Kelly cau mày nói: - Ta cần trang bị một món vũ khí, bà biết bắn không? - Không. - Khỉ thật. Tớ cũng chả biết. - Không sao. Không cần súng. - Bà có học võ Karaté? - Không, nhưng mà có tham gia trổ tài tranh luận trong trường học. - Diane nghiêm giọng nói. - Tôi có thể thuyết phục bọn chúng từ bỏ ý định giết người. - Khá lắm. Diane bước tới bên cửa sô nhìn dòng xe xuôi ngược trên phố. Bất chợt nàng trố mắt há hốc mồm. Kêu một tiếng: - Chao ôi! Kelly vội chạy tới: - Sao vậy? Bà nhìn thấy ai? Diane miệng mồm khô khốc: - Một… một gã đàn ông vừa đi ngang qua, trông mặt mũi giống Richard. Ngay tức thì. Tôi… - Nàng quay mặt lại. Kelly ra mặt bực bội: - Bà chờ tôi tìm người trổ tài bắt ma quỷ giùm cho. Diane toan buột miệng nói, nghĩ sao bỏ đi. - Để được gì? Ta sẽ đi khỏi chỗ nầy thôi - nàng nghĩ. Kelly đứng nhìn Diane, ngẫm nghĩ: - Sao bà không chịu lấy cọ ra vẽ vời cho qua chuyện. Flint liên lạc trên máy di động với Tanner khí sắc bừng bừng: - Tha tội cho tôi, thưa ngài Kingsley. Bọn chúng vừa bỏ đi khỏi khách sạn Mandarin. Bọn chúng đã biết trước? Tanner giận xanh mặt. - Hai con quỷ cái muốn chơi xỏ ta một vố đây? Chơi ta à? Ta ra lệnh cho cậu quay về. - Ông đập máy xuống bàn. * * * * * Andrew nằm nghỉ trên chiếc ghế sofa trong văn phòng, tâm trí hướng về bục sân khấu tại nhà hát lớn Stockholm. Quan khách vỗ tay chúc mừng. - Andrew! Andrew! Quan khách đồng thanh hô to, âm vang tiếng gọi dội lại khắp nhà hát. Bước chân lên bục tai còn nghe tiếng vỗ tay như sấm lúc nhận giải thưởng từ tay nhà vua Thuỵ Điển Carl XVI Gustav. Lúc giơ tay ra nhận giải Nobel, ông nghe một tiếng chửi đổng. - Andrew, quân khốn kiếp… lại đến đây. Hình ảnh nhà hát lớn Stoekholm mờ nhạt dần, Andrew đang ở trong văn phòng nghe Tanner gọi tên. Hắn đang cần nhờ ta, Andrew thích thú nghĩ. Ông ngồi dậy bước qua bên văn phòng người em trai. - Có tôi đây! - Andrew lên tiếng. - Vâng, nghe rồi. - Tanner quát - Ngồi xuống đó. Andrew kéo ghế ngồi. - Tôi có mấy điều muốn nói lại cho anh. Chia rẽ để chinh phục. - Gã lên mặt vênh váo. - Tôi biết là Diane Stevens nghi cho mafia giết chồng bà, và Kelly Harris đang còn phân vân liệu có một nàng tên là Olga. Anh nghe rõ chưa? Andrew hờ hững đáp. - Ứ. Tanner bước tới vỗ vai người anh. - Anh là người có tài nghĩ ra sáng kiến. Tôi có mấy việc trước giờ chưa nói ra với ai. Tôi muốn nói ra hết bởi anh quá ngốc nghếch chả hiểu gì. Ông nhìn sâu vô hai mắt Andrew lờ đờ. - Không nghe, không biết, không nói. Tanner đổi ra giọng nghiêm trọng: - Chúng ta còn một việc cần giải quyết. Hai người đàn bà mất tích. Bọn chúng biết ta đang truy đuổi, đòi mạng, nên tìm mọi cách lẩn trốn. Chạy đi đâu hở Andrew? Andrew ngồi nhìn người em trai. - Tôi… Tôi chả biết gì. Có hai cách để lý giải. Một là dựa theo phương pháp Descartes, đúng lôgíc, từng bước một. Ta thử tìm cho ra lẽ. Andrew lờ đờ nhìn lại nói: - Dù cậu có nói thế nào… Tanner lê bước lui tới: - Bọn chúng lo sợ cho tính mạng nên không dám trở lại căn hộ nơi Stevens ở… ta cho bao vây bên ngoài. Kelly Harris không có ai thân thiết ở Mỹ, cô ta sống ở Paris bao lâu nay không dám tin cậy vô ai lo cho mình. - Ông nhìn người anh - Anh có chịu theo tôi không? Andrew chớp chớp mắt: - Ờ, có, Tanner. - Nghe đây. Liệu Diane phải nhờ cậy bạn bè giúp đỡ? Tôi không cho vậy đâu, chẳng khác nào leo lên lưng cọp. Có thể bọn chúng đã tới cảnh sát khai báo, làm vậy mấy tay mật thám họ cười cho. Vậy thì bọn chúng sẽ nghĩ mưu tính kế nào đây. - Ông nhắm mắt lại nghĩ ngợi một lúc mới nói ra - tất nhiên bọn chúng phải nhớ ra mấy chỗ sân bay, nhà ga, bến xe buýt, ở mọi nơi ta đều cho tai mắt theo dõi. Ta còn nhớ chỗ nào nữa? - Tôi… Tôi… cậu muốn cho thế nào cũng được, Tanner. - Bọn chúng chỉ còn một nơi ẩn náu trong khách sạn thôi, Andrew. Một nơi an toàn. Khách sạn cỡ nào mới được? Bọn chúng đang tìm đường thoát thân. Trong cơn lao đao vì số phận. Cho nên không kể là khách sạn hạng nào, mọi nơi đều có quan hệ với tổ chức của chúng ta, không khéo sẽ bị lộ tẩy. Không nơi nào được cho là an toàn. Cậu còn nhớ vụ Sonja Verbrugge ở Berlin? Ta tìm ra tung tích nhờ theo dõi tin nhắn trên Internet. Nàng tìm trọ khách sạn Artemisia Hotel dành riêng cho mấy bà tưởng đâu là an toàn. Đấy, tôi vừa nghĩ tới chuyện hai con quỷ cái Stevens và Harris sẽ làm theo y như vậy. Ta còn nghĩ ra được điểm nào khác hơn? Ông nhìn qua người anh trai. Andrew hai mắt nhắm lại. Ông vừa chợp mắt buồn ngủ. Trong cơn tức giận Tanner nhào tới tát vô mặt một cái. Andrew giật nẩy mình: - Cái gì vậy…? - Tôi nói anh phải lắng nghe chứ, đồ ngu. - Tôi… xin lỗi Tanner. Tôi mới vừa… Tanner chỉ tay về phía dàn máy tính. - Nhìn đây, ta sẽ theo dõi có bao nhiêu khách sạn dành cho mấy bà ở Manhattan. Tanner lướt nhanh trên internet cho in ra mấy bản. Ông đọc to lên: - Khách sạn El Carmelo Centro Mana. Parkside Evangeline, Wilton Hotel dành cho mấy bà. Ông ngước nhìn lên mật mày hớn hở. - Ta suy đoán theo lôgíc của phương pháp Descartes bọn chúng phải ở lại đó, Andrew. Nào ta xem thử dựa vô công nghệ nào giúp ta tìm ra được. Tanner bước tới chỗ treo bức tranh trên tường phía sau nhấn nút, một mảng tường nhích qua một bên màn hình vô tuyến hiện ra tấm bản đồ thành phố Manhattan. - Anh nhìn vô đây nhớ ra chứ, Andrew. Anh biết sử dụng và thành thạo hơn nữa kia. Đây là hệ thống định vị toàn cầu. Nhờ vậy ta có thể xác định vị trí từng người hiện có mặt trên hành tinh nầy. Anh nhớ ra chứ? Andrew gật, cố giữ tỉnh táo. - Lúc mấy bà vừa rời khỏi đây, tôi đưa cho mỗi người một tấm danh thiếp. Trong có gài một con bọ chip máy tính nhỏ xíu bằng một hạt cát. Nó thu và phát tín hiệu vệ tinh, khi mở máy định vị ta sẽ xác định vị trí hai người đó đang ở chỗ nào? Anh hiểu chứ? Andrew nói: - À, Tôi… tôi hiểu, Tanner. Tanner nhìn lại trên màn hình, nhấn thêm một nút khác. Một chấm sáng vừa lóe lên trên bản đồ chỉ xuống vạch bên dưới, dừng lại một khu vực khoanh vùng nhỏ xíu, lan rộng ra xa hơn. Một chấm màu đỏ chạy dài theo vạch tên đường phố chiếu sáng tên bảng hiệu từng nơi. Tanner giơ tay chỉ lên. - Đây là phố West Four- teenth Street. Chấm sáng màu đỏ lần theo tới phía trước - Nhà hàng Tequila nhà thuốc tây… Bệnh viện Saint Vincent… Banana Republic. : nhà thờ Đức Bà Guadalupe. Đèn tín hiệu dừng lại, chợt thấy mặt mũi Tanner hớn hở nói. - Và đây là khách sạn Wilton Hotel dành cho mấy bà. Lối suy đoán của tôi hoàn toàn hợp logíc Tôi đoán đúng, anh thấy chưa? Andrew liếm môi: - À, cậu đoán đúng… Tanner nhìn lại : - Anh đi được rồi đó! Gã móc điện thoại di động ra bấm máy: - Nầy Flint, bọn chúng đang ở tại khách sạn Wilton Hotel, phố West Thirty - Fourth Street. Gã tắt máy. Vừa ngước mắt gã nhìn thấy Andrew còn đứng trước cửa. - Sao anh lại đứng đó? Tanner bồn chồn hỏi: - Liệu tôi có thể đi ngay… cậu biết chứ… qua Thuỵ Điển, để nhận giải Nobel? - Làm sao được, Andrew. Chuyện đó đã qua bảy năm nay. - À vậy đó! - Andrew bỏ đi về chỗ văn phòng. Tanner ngồi vô bàn nhớ lại chuyện bảy năm trước. Trong một chuyến đi qua Thuỵ Sĩ cách nay ba năm. Do một cú điện thoại gọi tới… * * * * * Gã đang tính toán nát óc giải đáp cho ra một vụ sai sót trong tiếp liệu chợt nghe máy nội bộ reo. - Ở bên Zurich gọi cho ông, Kingsley. - Tôi bận việc quá… không sao. Để tôi gặp nói chuyện với họ. Gã nhấc máy - Alô, Tanlier vừa lắng nghe mặt mũi sa sầm. Gã nhọc nhằn nói. - Tôi hiểu… bà nói thiệt tình chứ?… Ô, không sao, tôi lo được. Gã nhấn máy nội bộ: - Cô Ordonez, dặn phi công chuẩn bị chiếc Challenger. Tôi sẽ qua Zurich, đi hai người. Madeleine Smith đang ngồi chờ bên trong một nhà hàng thuộc hạng cao cấp ở Zurich. Nàng độ tuổi ba mươi, khuôn mặt trái xoan, tóc cắt ngắn nước da trắng trẻo. Nàng đang có thai. Tanner bước về phía bàn, Madeleine Smith nhìn thấy liền đứng lên. Tanner Kingsley chìa tay ra; - Mời bà ngồi tự nhiên. Gã ngồi xuống nhìn qua. - Rất hân hạnh gặp ông! - Bà nói giọng Thuỵ Sĩ nghe êm tai. Mới nghe qua lần đầu tôi ngỡ đùa. - Sao? - Vâng, là một nhân vật quan trọng như ông lặn lội qua đây để gặp tôi, thật tôi khống dám mơ. Tanner nhếch mép cười. - Chuyến đi tôi sắp kể ra đây. Bởi tôi được nghe nói bà là một nhà khoa học nổi tiếng, Madeleine. Tôi có thể gọi thân mật là Madeleine được chứ? - Ồ không sao, ngài Kingsley. - Ở cơ sở KIG chúng tôi kính trọng nhân tài. Bà có thể về giúp cho chúng tôi, Madeleine. Bà làm việc cho Tập đoàn Công nghệ Tokyo được bao lâu? - Bảy năm. - À bảy là con số may mắn, tôi muốn đề nghị bà vô một chức vụ tại cơ sở KIG với mức lương gấp đôi hiện tại, được bố trí nhà ở riêng… - Chao ôi, thưa ngài Kingsley! - Bà mỉm cười. - Bà thích không, Madeleine? - À tôi thích lắm? Nhưng mà lúc nầy thì chưa thể được! Tanner mặt mày biến sắc. - Bà nói sao? - Vâng, tôi sắp có chồng và đang có thai… Tanner cười mỉm: - Có sao đâu, chuyện đó chúng tôi có thể giải quyết được. Madeleine Smith nói: - Còn một lý do tôi không thể bỏ đi được. Tôi đang thực hiện một dự án trong phòng thí nghiệm, sắp đến công đoạn cuối cùng. - Madeleine, cái dự án bà vừa nêu tôi không thấy có gì đáng nói. Tôi mong bà chấp nhận lời đề nghị. Nói đúng ra tôi có thể sắp xếp đưa bà và vị hôn phu cùng đi. - Gã nhếch mép cười. - Cho phép tôi được gọi là chồng chưa cưới… qua Mỹ cùng một chuyến bay với tôi. - Ông có thể đợi hoàn thành xong dự án tôi sẽ đi. Sáu tháng, cũng có khỉ một năm. Tanner không nói gì: - Bà nói thiệt lúc nầy chưa thể bỏ đi được sao? - Không phải vậy. Bởi tôi phụ trách chủ trì dự án đang làm nửa chừng, bỏ đi làm sao được? Bà chợt nảy ra một ý. - Qua năm tới ông thấy sao…? Tanner cười mỉm: - Được quá. - Xin lỗi cũng vì tôi mà chuyến đi nầy ông phải về không. Tanner thân mật nói: - Không phải là uổng công đâu ! Tôi muốn qua đây là để gặp bà cho biết. Bà ngượng đỏ mặt; - Ông thiệt là tử tế. - Nhân tiện đây, tôi mang cho bà một món quà. - Chiều nay lúc sáu giờ tôi có nhờ người mang quà tới. Tên anh ta là Harry Flint. Sáng hôm sau, xác chết của Madeleine Smith được phát hiện dưới sàn nhà. Bếp gas không khoá, bên trong căn hộ mùi khí đốt lan toả khắp nơi. Tanner vừa mới hoàn hồn trở lại. Quá thật Flint đã không làm cho ông thất vọng. Đến lượt Diane Stevens và Kelly Harris sẽ đền tội, phải diệt bọn chúng thì kế hoạch mới tiến lên được. Chương 26 Harry Flint bước tới quầy tiếp tân khách sạn Wilton Holtel. - Chào anh. - Chào ông! - người nhân viên quầy tiếp tân nhận ra nụ cười không tắt trên gương mặt gã. - Ông cần hỏi việc gì? - Vâng, vợ tôi là Diane Stevens đi cùng với một cô bạn vừa mới tới đăng ký ở lại đây. Tôi muốn lên trên phòng dành cho họ chút ngạc nhiên. Phòng số mấy vậy hả anh? Người nhân viên tiếp tân nói. - Dạ không được! Khách sạn dành riêng cho mấy bà, không tiếp mấy ông. Ông có thể gọi máy đây… Flint đứng nhìn quanh bên ngoài phòng khách. - Sao hôm nay đông người vậy. - Không sao, - gã nói, - Chốc nữa mấy bà sẽ trở xuống. Flint đi ra ngoài lấy điện thoại di động bấm số gọi: - Bọn chúng đang ở tầng trên, thưa ngài Kingsley. Tôi không được phép lên đó. Tanner lặng thinh một hồi, ngẫm nghĩ. - Nầy Flint, theo đúng bài bản bọn chúng sẽ tính chuyện chia tay. Cậu ở lại đó, chờ tôi đưa Carballo tới trợ giúp. Đây là ý đồ của ta. * * * * * Bên trong căn phòng ở trên lầu Kelly vặn radio nghe chương trình đài phát thanh ca nhạc, khắp gian phòng tràn ngập một điệu nhạc rap. - Bà nghe được sao? - Diane cáu tiết hỏi. Bà không ưa nhac rap, - Nhạc gì mà lạ. Ồn ào quá sá. - Bà không thích Eminem. Còn LL Coll J và R Kelly, Ludacris? - Bà muốn nghe mấy tên đó hát thôi sao? - Không, - Kelly nói mỉa. - Tôi còn thích nghe Symphonie Fantastique của Berlior, Etudes của Chopin, Almira của Handel nữa đó. Tôi thích nhất là được nghe… Kelly nhìn theo Diane bước tới tắt máy radio. - Ta lo tính chuyện lúc ra khỏi đây xoay sở ra sao, Stevens? - Bà biết ai muốn giúp bọn mình? Diane lắc đầu. - Bạn bè của Richard cùng phục vụ cho cơ cở KIG, làm sao tìm được người ủng hộ giúp mình? - Nàng nhìn Kelly - Bà thì sao? Kelly khẽ rùng mình. - Tôi với Mark sống ở Paris từ ba năm qua. Quen biết số bạn bè làm người mẫu ngoài ra không còn biết ai, dễ gì họ giúp được ta. - Mark có nói với bà vì sao phải đi qua Washington? - Không. - Richard cũng không bao giờ cho tôi hay. Tôi có cảm giác trong vụ nầy còn nhiều bí ẩn, cũng vì lý do ra đi mà hai ông ấy bị giết chết. - Khá lắm, ta biết được lý do. Còn cách giải quyết thì sao? - Ta tính sau, - Diane nghĩ ngợi một hồi, mặt mày hớn hở. - Khoan đã. Tôi vừa nhớ ra một người có thể giúp chúng ta. - Nói hết câu bước tới bàn điện thoại. - Bà gọi cho ai? - Người thư ký của Richard? Bên kia đầu dây nghe tiếng - Đây là cơ sở KIG. - Cho tôi gặp Betty Barker. Bên trong văn phòng, Tanner ngồi theo dõi trên màn hình tín hiệu màu xanh phân tích giọng nói. Gã nhấn nút gọi máy. Nghe tổng đài báo: - Miss Barker vừa đi ra ngoài. - Ông có thể cho biết làm sao để gặp được? - Không thể. Ông vui lòng cho biết địa chỉ và số phone tôi sẽ cho cô ta… - Không sao, - Diane gác máy. Tín hiệu màu xanh vừa tắt. Diane hỏi qua Kelly. - Tôi có cảm giác Betty Barker là đầu mối để ta lần dò ra mọi việc bí ẩn. Tôi tìm mọi cách để tiếp cận. - Nàng cau mày - Chuyện nầy lạ. - Nghĩa là sao? - Bà thầy bói đoán trúng. Bà thấy chung quanh tôi là chuyện chết chóc, và… Chợt Kelly lêu lên: - Đừng nói nữa? Bà chưa báo cho FBI và CIA chưa? Diane trố mắt nhìn lại. - Bà đừng lo. - Kelly cảm thấy trong người càng tức tối hơn. - Ta đi kiếm gì ăn. Kelly buột miệng nói. - Đợi tôi gọi chỗ nầy xong đã. - Nàng nhấc máy gọi tổng đài khách sạn - Cho tôi một cuộc gọi đi Paris. Nàng cho biết số, chờ máy. Thoáng chốc nhìn Kelly mặt mày sáng rỡ - À, Philippe, ông khoẻ chứ?… Tôi ở bên nầy bình yên… Nàng liếc nhìn Diane. - Vâng… vài hôm nữa tôi về… Con Angel thế nào đó? - À khá lắm. Nó nhớ tôi chứ?… Ông để tôi nói chuyện với nó? Nàng đổi ra giọng người lớn nói chuyện với trẻ con. Angel cưng, khoẻ chứ?… Mẹ đây, cưng nhớ mẹ hở…, ta cũng nhớ mi đấy, mẹ sẽ về sớm nựng nịu con. Diane chới với chưa hiểu. - Thôi nhé, cưng… khá lắm, Philippe… cám ơn ông. Hẹn gặp lại. Kelly nhìn mặt mũi Diane ngơ ngác. - Chuyện con cún của tôi đấy mà. - Thế à. Con cún nó nói với cậu những chuyện gì? - Nàng cún. Con chó cái nhà tôi đó. - Thì ra vậy. * * * * * Vì muốn được ở yên một chỗ, hai người dặn bộ phận phục vụ mang cơm tận nơi. Câu chuyện thiếu đầu thiếu đuôi, Diane muốn nói lại từ đầu cho Kelly nghe. - Thì ra bà đã từng ở Paris? - Có chứ. - Mark là công dân Pháp. - Không đâu. - Hai người lấy nhau đã lâu chưa? - Làm gì có. - Mà sao lại gặp nhau được? Chẳng ăn nhập gì tới bà, Kelly nghĩ trong đầu nói: - Không nhớ từ lúc nào, tôi quen biết nhiều người. Diane nhìn theo Kelly. - Tại sao không muốn thoát khỏi cảnh ràng buộc lâu nay? Kelly nói ra ngay. - Có ai bảo với bà sống trong cảnh ràng buộc là để ngăn cách người ta? - Có khi còn muốn giam cầm người ta mãi nữa đó hơn nữa… - Nầy Stevens, bà lo phần mình đi. Tôi vẫn sống bình thường cho tới lúc tình cờ gặp bà. Thôi bỏ qua đi. - Được thôi, - Diane chưng hửng. Người sao mà đanh đá, nàng nghĩ. Bữa cơm lặng lẽ rồi cũng trôi qua, Kelly nói: - Tôi muốn đi tắm. Diane không nói gì. Bước vô buồng tắm, Kelly thay đồ leo vô bồn nước mở vòi. Được ngâm mình trong nước nóng nàng cảm thấy dễ chịu. Nàng nhắm mắt thả hồn bay bổng… Những lời Meadows nói còn văng vẳng bên tai "Bà biết không ông ta say mê đắm đuối. Ông muốn lấy bà ngay. Bà đừng để cho ông thất vọng" Kelly nghĩ Meadows nói thật. Kelly thích thú được gần gũi với Mark. Vui vẻ hồn nhiên, biết âu yếm và chăm sóc nàng. Cạm bẫy tình, nàng nghĩ, ông chỉ là bạn thôi. Thà đừng chơi trò ú tim. Ta dừng lại đây. Sau bữa tiệc Mark gọi cho nàng: - À, Kelly. Tối nay cô muốn đi đâu? Mark đang phập phồng chờ đợi. - Đi ăn nhà hàng hay là coi hát? Hay là đi mua sắm ban đêm, còn nữa… - Tiếc là không thể được Mark. Tối nay tôi bận việc. Một thoáng im lặng. - À, tôi nghĩ là giữa ta với nhau đã có… - Ờ, ta đã có gì đâu? Kelly đứng lại đó, tự trách mình vừa lỡ lời. Tiếc là ta có lỗi không giữ mồm giữ miệng. - Thôi, thế nầy. Tôi sẽ gọi lại sáng mai. Đúng hẹn hôm sau anh gọi Kelly: - Nếu mà tôi có làm phiền cô… Kelly cố dằn lòng: - Tôi lấy làm ân hận, Mark. - Tôi đã… tôi đã có chỗ rồi! - Nàng bỏ ngang. Giây phút im lặng dài như vô tận. - Chao ôi! - Mark vừa thốt lên, giọng ông run run. - Tôi hiểu… lẽ ra tôi phải biết là… chúng ta nên mừng cho nhau. Tôi xin chúc bà được hạnh phúc và cho tôi gởi lời chào Angel. Mark gác máy. Kelly lặng lẽ giữ chiếc điện thoại trên tay, đau khổ. Rồi ông sẽ bỏ qua cho ta, Kelly nghĩ, và ông sẽ tìm được người yêu xứng đáng hơn. Kelly bận rộn suốt ngày, luôn tươi cười trên sàn diễn, được sống giữa những tràng vỗ tay khen ngợi của khán giả mà trong lòng thì héo hon. Không có anh mọi thứ như đổi khác. Nàng định gọi cho anh rất nhiều lần nhưng lại thôi. Ta đã làm cho anh thất vọng bấy nhiêu cũng vừa rồi. Mấy tuần lễ qua đi, Kelly không nghe tin Mark. Nàng gác chuyện anh lại. Giờ nầy chắc anh đã tìm được hình bóng khác. Được vậy ta mừng cho anh, nàng nghĩ tự đáy lòng mình. * * * * * Một buổi chiều thứ bảy, Kelly đang bận rộn cho một chương trình biểu diễn thời trang chung quanh đám đông khán giả của giới thượng lưu Paris. Nàng bước ra sân khấu sàn diễn, những tiếng xì xào khen ngợi nổi lên. Kelly mặc trên người bộ cánh thời trang dạo phố buổi chiều, tay đeo găng. Bất thình lình một chiếc găng tuột ra rơi xuống sàn. Kelly chưa kịp nhìn xuống vừa lúc chân nàng giẫm lên trượt té nhào úp mặt xuống sàn. Khán giả há hốc mồm nhìn theo. Kelly nằm im bất động, nàng cảm thấy xấu hổ. Nàng không dám kêu la, hít vô một hơi đứng lên lặng lẽ bước nhanh vô bên trong. Vô tới bên trong phòng trang điểm, chuyên viên lo trang phục vội nói: - Tôi có bộ đồ thay sẵn đây. Em nên… Kelly bật khóc. - Thôi. Tôi… Tôi không dám trở ra ngoài lần nữa trước mặt mọi người, họ sẽ cười cho. Trông nàng mặt mũi hốc hác. - Tôi thấy không sao. - Tôi sẽ không bao giờ trở lại sàn diễn nữa, mãi mãi. - Thì vậy. Nàng nhìn quanh. Mark đang đứng chờ trước cửa. - Mark? Sao… ông tới đây làm gì? - À tôi đi lòng vòng bên ngoài nãy giờ. - Ông… ông nghe chuyện gì ngoài đó chưa? Mark nhếch mép cười: - Khéo thật. Tôi muốn được nhìn thấy một lần. Kelly trố mắt nhìn: - Sao? Ông bước lại rút khăn mù soa trong túi ra chấm lên những giọt nước mắt còn đọng lại bên má: - Kelly, trước khi em ra sàn diễn, khán giả mong chờ được nhìn thấy thần tượng người đẹp thời trang, một ước mơ khó vươn tới. Ngay lúc em sẩy chân té ngã mọi người mới nhận ra em cũng là một người như bao người khác, họ càng ngưỡng mộ em gấp nhiều lần. Em trở lại sàn diễn tức là em muốn đem lại cho họ một niềm vui. Nàng nhìn vô ánh mắt anh biết xót thương vì đồng loại và chính cái giây phút đó Kelly thật lòng yêu thương anh. Người phụ trách thời trang đem cất bộ đồ ngủ vô tủ áo: - Bà đưa đây. - Kelly nói. Nàng nhìn Mark cười trong nước mắt. Năm phút sau, Kelly cảm thấy tự tin bước trở ra sàn diễn, một đợt sóng tung hô vang lên giữa rừng người đứng dậy đồng loạt vỗ tay. Kelly trong tư thế tự tin đứng nhìn xuống, cảm xúc dâng trào. Nàng sung sướng nhìn thấy Mark trở lại Nàng sực nhớ cảm thấy ngỡ ngàng lúc mới gặp anh lần đầu… Kelly phập phồng chờ anh mở lời tán tỉnh gạ gẫm nhưng anh không phải hạng người tầm thường - tính anh dè dặt khiến nàng tự tin hơn. Hôm đó Kelly chủ động gợi chuyện và trong mỗi câu chuyện Mark tỏ ra một người hiểu biết rộng rãi, đầy hứng thú. Một buổi tối Kelly hỏi. - Mark, tối mai có một chương trình hoà nhạc, ông thích nghe cổ điển chứ?. Anh gật: - Tôi biết thưởng thức từ lúc nhỏ. Khá lắm, chúng ta cùng đi. * * * * * Buổi hoà nhạc hôm đó thật đặc sắc. Về đến trước cửa nhà Kelly, Mark lên tiếng: - Kelly, tôi… tôi lỡ lời nói dối với em. - Tôi biết mà, - Kelly nghĩ. Anh cũng như bao nhiêu người khác. Thế là chấm dứt. Nàng lên mặt giọng cứng cỏi vậy sao? - Ờ. Tôi… Tôi nói thiệt không thích nhạc cổ điển. Kelly bặm môi để không bật ra thành tiếng cười. Ngày hôm sau lúc gặp nhau, Kelly nói. - Tôi muốn cám ơn ông đem cho con Angel, có nó đỡ buồn cũng như có ông đang ngồi đây, Kelly nghĩ. Mark có đôi mắt xanh sáng rực, miệng cười có duyên. Được gần gũi bên anh nàng thích thú không còn biết nói làm sao… Nước trong vòi sen mát lạnh, Kelly với tay tắt nước lau khô người, khoác chiếc áo choàng trở ra ngoài phòng khách. - Tới phiên bà. - Cám ơn. Diane đứng lên bước vô buồng tắm, nhìn như vừa qua một cơn bão. Dưới sàn nước ngập, khăn tắm vứt lung tung bừa bãi. Tức giận, Diane bước ra trở vô buồng ngủ: - Buồng tắm như chuồng heo. Bà quen cái thói chờ ai vô sau lo dọn hay sao? Kelly cười xoà: - Vậy đó, Stevens. Từ nhỏ tôi quen sống có người ở lo dọn dẹp. - Ra thế, tôi đâu phải người ở. - Bà không phải lo mấy việc đó, Kelly nghĩ tức giận. Diane hít vô một hơi: - Tôi thấy thà rằng chúng ta nên… - Ở đây không có chuyện - ta với tôi, thưa bà Stevens. Chỉ cậu và tớ thôi. Hai người nhìn nhau một lúc. Không chờ phải nói, Diane quay vô lại buồng tắm. Sau mười lăm phút trở ra Kelly đã lên giường ngủ. - Đừng, đừng tắt đèn? - Diane vừa nghe tiếng la. Diane nhìn Kelly, kinh ngạc. - Sao vậy? - Để đèn cho sáng. - Cậu sợ nhìn thấy bóng tối hở? - Ờ tôi sợ. Tôi sợ bóng tối. - Chỉ có nàng biết thôi từ lúc Mark chết. Diane lên giọng kẻ cả. - Sao vậy? Chắc hồi nhỏ ông bà hay kể chuyện ông kẹ cho nghe nên còn sợ cho tới bây giờ? Nàng lặng thinh một hồi, lên tiếng: - Thế đó. Diane quay về giường ngủ, lặng lẽ được ít phút rồi nhắm mắt lại. Hình ảnh Richard chợt hiện về trong đầu Richard, anh ơi. Em không tin là có ai phải chết vì đau đớn. Giờ em muốn tin. Em cần anh, được anh dìu dắt. Em muốn có hơi thở, ấm áp và tình thương của anh. Anh ở nơi nào mà như gần đâu đây. Em nghe thấy hơi thở của anh. Ơn Trên cho em được gần anh một lúc rồi thôi. Chúc anh ngủ ngon. Thần hộ mạng của em. Anh đừng xa em. Em van anh. Nằm trên giường bên kia, Kelly nghe từng tiếng khóc thầm của Diane. Rồi Kelly bặm môi, nghĩ trong đầu: Im đi, im đi nào. Nàng không ngăn được dòng nước mắt lăn dài xuống hai bên má. Chương 27 Sáng sớm Diane vừa thức dậy nhìn thấy Kelly ngồi trên ghế quay mặt vô tường. - Chào cậu, Diane lên tiếng. - Đêm qua ngủ được chứ? Không nghe nói gì. Lóng ngóng, Diane nói to hơn: - Kelly, cậu nghe thấy gì không? Kelly xoay người trên ghế. - Cậu lo lắm sao? Tôi đang niệm thần chú. - À xin lỗi. Tôi không… - Thôi bỏ đi, - Kelly đứng lên - Cậu đã nghe ai nói ngủ mà ngáy chưa? Diane cảm thấy bị đụng chạm. Nàng nhớ lại đêm đầu tiên hai người ngủ gần nhau, Richard hỏi: - Em ơi, em có biết là em ngáy lúc đang ngủ không? Anh muốn nói nghe cho văn hoa hơn, không phải tiếng ngáy mà là tiếng nhạc du dương văng vẳng trong đêm, những cung đàn của thiên thần giáng thế. Nói xong ông ôm nàng vào lòng… - Ờ cậu ngáy. - Kelly nói. Nàng bước tới bên bàn vặn máy vô tuyến. - Để coi hôm nay trên thế giới có việc gì lạ? Nàng dò đài rồi cho dừng lại. Người dẫn chương trình là Ben vừa xuất hiện - Ben kìa! Kelly kêu lên. - Ben là ai vậy? Diane hỏi bâng quơ. Ben Roberts. Anh chàng biên tập và phỏng vấn trên truyền hình, tôi thích lắm. Anh ta thân với Mark. Bữa nọ… Kể giữa chừng nàng bỏ lửng. Nội dung Ben muốn nói là: "Trong một bản tin mới sáng nay nói là Anthony Altieri tên cầm đầu bọn mafia vừa được toà tuyên án tha bổng trong một vụ án hình sự đã chết vì căn bệnh ung thư. Hắn là… Kelly nhìn qua Diane: - Cậu nghe rõ chứ? Altieri đã chết. Diane tỏ ra dửng dưng. Chuyện đó thuộc về một thế giới khác, không ăn nhập gì tới ta. Diane nhìn Kelly nói. - Tôi với cậu từ nay nên tách ra đường ai nấy đi, nếu ta sáp lại rất dễ bị lộ tẩy. - Vâng, - Kelly nói dứt khoát. - Tôi với cậu cao cao như nhau. Ý tôi muốn nói là… - Tôi hiểu mà. Tôi giả vờ thế thôi hơn nữa… Diane mới nghe thấy ngỡ ngàng: - Sao? - Tôi đùa chút chơi - Kelly nói. - Ta nên tách ra, đó là một ý tưởng hay, một mưu kế của ta, phải không, Kelly… - Tôi được gặp gỡ cậu là một điều thật lý thú đó, Stevens. Diane vội nói ngay: - Thôi ta chuồn đi khỏi đây. * * * * * Bên ngoài phòng khách, người đến đăng ký rất đông gần chục người trả lại phòng. Kelly và Diane đứng sắp hàng. Từ bên kia dãy phố đứng nhìn qua, Harry Flint thấy hết, hắn né mặt thò tay móc điện thoại di động gọi. - Bọn chúng vừa xuống tới chỗ phòng khách. - Khá lắm. Carballo đã tới chưa, Flint? - Rồi. - Làm theo lời ta dặn. Cậu lo chặn đầu lối ra vô khách sạn và hai đầu góc phố, có chạy đàng nào cũng không thoát. Ta muốn sau khi thanh toán xong không để lại dấu vết. Kelly và Diane đang đứng trước quầy tiếp tân. Người nhân viên ngồi sau quầy tươi cười: - Mong là quý vị hài lòng những ngày ở đây. - Rất vui, cám ơn! - Cũng may là còn sống đấy, Diane nghĩ. Vừa bước tới cổng Kelly chợt hỏi: - Cậu còn nhớ mình đi về đâu đúng không Stevens? - Không nhớ. Tôi muốn bỏ đi khỏi Manhattan. Cậu tính sao? - Tôi muốn bọn mình chia làm hai ngả, - Kelly nghĩ. - Tôi tính về lại Paris. Hai người bước ra ngoài để mắt nhìn quanh một vòng. Cũng vẫn dòng người lui tới qua lại, mọi thứ như thường ngày. - Tạm biệt nghe, Stevens - Kelly nói, cảm thấy thảnh thơi từ đây. - Tạm biệt, Kelly. Kelly nhìn qua bên trái cất bước đi tới đầu phố. Diane đứng nhìn theo một hồi, quay qua phải đi về một hướng khác. Vừa đi được dăm bước bất thình lình nhìn ở hai đầu phố Harry Flint và Vince Carballo đứng chặn đường. Trông mặt mũi Carballo bặm trợn, Flint nhếch mép cười. Hai tên kia khép lại hai đầu cất bước hoà theo dòng người đi bộ. Diane và Kelly đứng nhìn nhau, mặt mày hoảng hốt, cả hai đã lọt vô ổ phục kích, vội vã quay lại hướng khách sạn, phía ngoài đông khách đứng chờ chưa tìm ra lối chen chân vô trong. Không còn lối thoát. Hai tên kia đang tới gần. Kelly nhìn qua Diane chưa hết kinh ngạc. Diane nhếch mép cười vẫy tay về phía Kelly rồi quay qua Carballo. - Cậu có điên không? Kelly nói nhỏ. Diane vẫn nụ cười trên môi, móc điện thoại di động ra nhanh miệng nói: - Chúng tôi đang đứng trước khách sạn, … À, được ông đang chờ ở đầu đường hở? Vừa nhoẻn miệng cười nàng ra dấu hai ngón tay cho Kelly thấy: - Mấy ông sẽ tới đây ngay? Nàng nói nghe thật to mắt nhìn về phía Flint và Carballo đang đứng hét to vô máy. - Không, chỉ thấy có hai tên đó thôi. - Diane lắng nghe thấy thích thú - Vâng… mấy ông sẽ tới đây hở? OK. Kelly và hai tên kia đứng nhìn theo chưa hiểu sao, Diane bước xuống đường mắt trông theo mấy chiếc xe ô tô đang trờ tới. Diane ra dấu vẫy gọi chiếc tới trước, mừng quýnh lên. Flint và Carballo khựng lại chới với chưa hiểu chuyện gì. Diane đưa tay chỉ về phía hai người đàn ông - Đây nầy nàng kêu lên một tiếng thật to, tay vẫy vẫy - Đây nè. Flint và Carbalìo nhìn nhau lo tìm đường tẩu. - Chúng vội bước trở lui về phía đầu góc phố, nhanh chân biến mất hút. Kelly đứng nhìn Diane, trống ngực phập phồng. - Bọn chúng đi rồi! - Kelly nói. - Cậu… cậu nói chuyện với ai lúc ban nãy vậy? Diane hít vô một hơi lấy lại bình tĩnh. - Có ai đâu. Máy điện thoại hết pin từ lâu. Chương 28 Kelly nhìn chăm chăm vô Diane, chưa hết kinh ngạc: - Khá lắm. Nếu mà tôi nghĩ được như cậu. Diane nói ngay: - Thì chờ tới lúc khác. - Cậu tính làm gì lúc nầy? - Đi khỏi Manhattan ngay. - Làm sao được? Kelly hỏi lại. - Ở đâu cũng thấy tai mắt bọn chúng, nhà ga, sân bay, bến xe buýt, chỗ cho thuê xe… Diane nghĩ ngợi. - Thôi thì ta qua Brooklyn. Bọn chúng không qua tới đó đâu. - Được, Kelly nói. - Cậu cứ đi. - Sao? - Tôi không đi theo. Diane toan buột miệng nói nghĩ lại thôi. - Cậu nói thiệt chứ? - Thiệt chứ, thưa bà Stevens. Diane nói. - Vậy thì, ta… tạm biệt nhau đây. - Đi nhé. Kelly đứng nhìn Diane gọi taxi bước lên xe. Còn lại một mình, Kelly ngại ngùng chưa biết tính sao. Nàng đứng chơ vơ giữa một nơi xa lạ, chưa rõ nên đi về hướng nào, không có bạn đồng hành chiếc xe taxi đóng cửa lại rồ máy vọt tới trước. - Khoan đã! - Kelly vừa kêu lên. Chiếc taxi dừng lại, Kelly vội chạy tới. Diane mở cửa xe, Kelly bước lên ngồi vô băng ghế sau. - Sao cậu lại đổi ý? - Sực nhớ lại chưa biết Brooklyn lần nào. Diane nhìn Kelly một hồi, nàng lắc đầu. Người lái xe hỏi - Bà đi đâu? - Cho tôi đi qua Brooklyn. Diane nói. Chiếc taxi chạy tới. - Còn đi chỗ nào nữa? - Chạy vòng vòng chơi. Kelly nhìn Diane: - Sao lạ thế? Cậu không biết bọn mình muốn đi về đâu sao? - Chờ tới nơi sẽ rõ. Vì sao ta phải trở lại, Kelly nghĩ trong đầu. Ngồi trên xe cả hai lặng lẽ. Hai mươi phút sau xe băng qua cầu Brooklyn Bridge. - Cho tôi tới khách sạn, Diane nói qua người lái xe. - Tôi chưa biết ở nơi nào cho… - Bà muốn ở khách sạn đủ tiêu chuẩn, tôi chỉ cho một chỗ. Khách sạn Adams. Bà thích ngay. * * * * * Adams Hotel năm tầng lầu, có mái che ngoài sân, có bảo vệ đón tiếp tại cổng. Chiếc taxi vừa tấp vô lề, người lái xe hỏi: - Chỗ nầy được chứ? Diane nói: - Chỗ nầy được. Kelly lặng thinh. Hai người bước xuống xe, bảo vệ bước tới. - Chào hai bà. Diane gật: - Vâng. - Hai bà có hành lý? Diane nhanh miệng nói: - Hãng máy bay để thất lạc chúng tôi phải mua sắm thêm quần áo ở đâu? - Gần đây, ở đàng cuối phố. Quý bà đăng ký chỗ ở trước tại đây, chúng tôi sẽ lo đưa hành lý lên sau. - Được! Chắc còn phòng trống chứ? - Mùa nầy thì không lo thiếu chỗ. Nhân viên quầy tiếp tân đưa mẫu đăng ký ra. Kelly vừa ký tên xong hô lên một tiếng: - Emily Bronte. Diane nhìn theo coi anh chàng nhân viên tiếp tân có phản ứng gì không. Không sao. Diane ký tên: - Mary Cassatt. Người nhân viên nhận lại phiếu. - Hai bà có thể trả bằng thẻ. - Vâng, chúng tôi… - Không, - Diane nhanh nhẩu đáp. Kelly nhìn qua lưỡng lự gật đầu. - Hành lý đâu? - Sẽ tới sau. Chúng tôi còn trở lại. - Hai bà ở phòng số 515. Người nhân viên nhìn theo hai khách hàng bước ra cổng. Hai người đẹp, đi một mình. Uổng thật, anh ta nghĩ. Tại shop dành riêng quý bà trưng bày nhiều nguồn hàng, thời trang đủ cỡ đủ kiểu, một quầy hàng da, túi xách, vali. Kelly nhìn quanh một lượt nói. - Bọn mình cũng còn may. Người bán hàng chào khách: - Bà cần món nào? - Chúng tôi đi xem qua một vòng, Diane nói. Vừa mới đi hai khách hàng đã kéo xe đẩy ra lựa chọn từng món. - Nầy! - Kelly nói - Mua mấy chiếc vớ. Nàng cầm trên tay gần chục chiếc. Diane mua theo. - Vớ đùi đây - Nịt ngực. - Áo lót. Thoáng chốc hàng mua sắm đã đầy xe. Người bán hàng nhanh nhẹn kéo thêm hai xe. - Có ngay đây. - Cám ơn. Diane và Kelly bỏ hàng qua xe khác. Kelly còn tính mua thêm quần tây, chọn được bốn chiếc nói qua Diane: - Nhớ là không nói tới chừng nào mới trở lại. Diane mua thêm vài chiếc, một áo sọc mặc mùa hè. Đừng nên mặc đồ sọc, - Kelly nói - nhìn vô thấy mập thêm. Diane toan bỏ xuống, thấy Kelly nàng đưa qua cho người bán hàng: - Để tôi coi lại. Bà đứng nhìn theo chưa biết nói sao, Kelly bước theo Diane đẩy xe đi qua quầy khác. Đi một vòng mua sắm được bốn vali. Kelly nhìn vô xe nhếch mép cười - khác nào ta còn đây lâu. Tới trước quầy tiền, nhân viên thu tiền hỏi: - Tiền mặt hay thẻ? - Trả thẻ… - Có tiền mặt đây. Diane nói. Kelly và Diane mở ví đếm tiền chia nhau trả. Trả xong mới hay: tiền mặt sắp cạn. Kelly nhìn người thu ngân. - Chúng tôi ở lại khách sạn Adams. Nếu tiện thì… - Quý vị cần người giao hàng. Được, cho biết tên? Kelly lưỡng lự rồi nói ngay: - Charlotte Bronte! Diane nhìn qua nhanh miệng nói: - Emily, Emily Bronte. Kelly sực nhớ. - Vâng. Người thu ngân nhìn theo nét mặt biến sắc, nhìn qua Diane hỏi: - Tên bà? - Ê tôi ờ… Diane chới với. Nàng đăng ký lấy tên nào nhỉ? Georgia O Keeffe… Frida Kahlo… hay Joan Mitchell? - Tên cô ta là Mary Cassatt, - Kelly nói. Người thu ngân chỉ cần nghe nói tên. - Đúng rồi. * * * * * Gần bên cửa hàng mua sắm là tiệm bán hàng bách hoá. - Bọn mình lại gặp may nữa Diane vui miệng nói. Hai người vội bước vô sắm thêm. - Mascara. - Phấn hồng… - Kem đánh răng… - Bàn chải… - Băng vệ sinh… - Son môi… - Kẹp tóc… - Phấn rôm… Lúc Diane theo Kelly trở lại khách sạn, thấy bốn vali đã giao tới trước. Kelly đứng nhìn: - Cái nào của cậu, của tôi? Không sao, Diane vội nói. - Ta ở lại đây chừng một tuần hay hơn, mặc xong bỏ lại. - Vậy cũng xong. Hai người soạn đồ treo lên, cất đồ lót vô ngăn kéo, đồ dùng vệ sinh trong buồng tắm. Soạn hết đồ ra sắp xếp xong, Diane tháo giầy cởi bộ đồ trên người nằm xuóng giường duỗi thẳng người. - Nằm nghỉ cho nó khoẻ. - Nàng thở ra một hơi dễ chịu. - Cậu thì sao, tôi thích ngồi ăn trên giường. Lát nữa vô buồng tắm ngâm mình trong bồn nước nóng. - Không đi đâu nữa. Người hầu phòng bước tới gõ cửa đem khăn tắm. Hai phút sau cô ta đã làm xong nhiệm vụ. - Bà cần gì nhấn chuông gọi. Chúc bà vui vẻ. - Cám ơn, Kelly nhìn theo cô ta bước ra. Diane ngồi lật tập sách quản lý khách sạn ra xem: - Cậu biết khách sạn xây dựng năm nào không. - Thay quần áo đi. - Ta phải đi ra ngoài. - Xây dựng năm… - Thay đồ nhanh. Bọn mình phải đi khỏi đây. Diane nhìn theo bạn. - Cậu nói đùa hay sao vậy? - Không đùa đâu. Tôi linh cảm có điều gì đó không may sắp xảy ra. Giọng nàng nghe hốt hoảng. Diane ngồi ngay dậy chới với. - Chuyện gì mới được? - Chưa biết. Bọn mình phải ra khỏi đây ngay không thì chết. Nghĩ lại nàng mới biết sợ. - Nhưng không ăn thua Kelly, cậu nói nghe sao lạ. Nếu mà… - Tôi van cậu, Diane. Ngồi nghĩ lại Diane hiểu vì sao phải chịu nghe theo lời Kelly khẩn khoản hay vì bấy lâu giờ mới được nghe gọi tên nàng là Diane. - Được! - Diane ngồi dậy lo thu xếp đồ đạc rồi… - Không lo, bỏ lại đây hết. Diane nửa tin nửa ngờ. - Bỏ lại hết? Ta mới vừa mua sắm… - Nhanh lên, ngay đi. - Được thôi! Diane đang còn chần chờ, mặc đồ vô, vừa nghĩ, chắc bà ta biết có chuyện gì đây. Nếu mà… - Nhanh lên? Nghe thúc giục như một tiếng kêu thét nghẹn ngào. Diane vội vàng mặc vô cho xong vụt chạy theo Kelly ra ngoài. Chắc ta phải điên lên như bà nầy thôi, Diane vừa tức giận vừa nghĩ. Lúc xuống tới dưới phòng khách, Diane lo cuống lên chạy cho kịp Kelly. - Cậu nói bọn mình bỏ đi đâu bây giờ? Ra tới ngoài, Kelly đứng nhìn quanh. - Bên kia dãy ghế là công viên. Ta qua bên đó ngồi nghỉ chân. Vừa mệt, Diane phải theo chân Kelly băng qua tới bên công viên. Hai người ngồi xuống. Diane hỏi: - Ta ngồi làm gì đây? Ngay lúc đó một tiếng nổ kinh hồn từ bên trong khách sạn, ngồi bên nầy Diane và Kelly có thể nhìn thấy cửa sổ trên tầng lầu bốn nổ văng tung lên tua tủa những mảnh vỡ. Thật khó tin, Diane ngước mắt nhìn lên trời. - Tiếng… tiếng bom nổ… nàng nói vừa run sợ -… trong phòng ta mới đi ra? - Nàng quay qua Kelly - Sao… sao cậu biết được hay vậy? - Tôi nhìn thấy người hầu phòng. Diane chưa hiểu gì, lóng ngóng. - Cô ta ra sao? Kelly lặng lẽ nói: - Bọn hầu phòng mà chân đi giầy hàng hiệu Manolo Blahnik ba trăm đô-la một đôi. Diane thấy nghẹn ngang cổ: - Làm sao bọn chúng theo kịp ta được? - Tôi không biết, - Kelly nói - Ta phải biết đang đương đầu với ai? Nét sợ hãi hiện rõ trên gương mặt hai kẻ bị săn đuổi - Kingsley có đưa cho cậu một món gì lúc đang còn ở trong văn phòng lão ta? Diane hỏi. Kelly lắc đầu: - Không, còn cậu có nhận được gì không? - Không. Cả hai giờ mới hiểu ra - gã giao tấm danh thiếp. Cả hai mở túi xách tìm tấm thiệp Tanner Kingsley đưa hôm nọ. Diane bụm tay gập đôi lại, không thể bẻ cong. - Tấm thiệp có gài con bọ chip Diane nói, căm tức. Kelly bẻ cong một lần nữa. - Cả cái nầy nữa thì bọn đàn em bám sát theo ta. Diane giơ tay giật lấy tấm thiệp trên tay Kelly tức giận nói: - Ta không muốn giữ lại. Kelly nhìn theo Diane vụt chạy xuống đường quăng ra giữa lộ. Thoáng chốc từng đoàn xe ô tô chạy ngang qua cán nát. Từ đằng xa tiếng còi xe cấp cứu hú vang. Kelly đứng lên: - Ta lo đi khỏi nơi đây, Diane. Bọn chúng hết còn truy đuổi theo ta, thế là yên. Tôi về lại Paris. Cậu tính sao? - Tôi muốn coi thử tại sao? - Khéo đấy. - Cậu cũng nên đề phòng. Diane đang còn nghĩ ngợi. - Kelly… cám ơn cậu đã cứu mạng tôi. Đang còn… Kelly nói: - Tôi thấy xấu hổ vì một việc tôi đã nói dối cậu. - Thiệt sao? - Cậu biết tôi nhận xét về mấy bức tranh ra sao không? - Cứ nói đi. - Tôi thích xem tranh… phải nói thiệt. Cậu khá lắm! Diane cười mỉm. - Cám ơn. Tôi cứ nghĩ là đối xử khiếm nhã với cậu. - Diane? - Sao? - Từ nhỏ tôi không có được người hầu kẻ hạ. Diane cười, cả hai sáp lại ôm chầm lấy nhau. - Tôi mừng được gặp cậu, - Diane chân thành nói. - Tôi cũng thấy vậy. Cả hai đứng nhìn nhau không bên nào hé nói câu từ biệt trước. . - Tôi vừa nghĩ ra, - Diane nói. - Nếu muốn gặp tớ thì có số phone đây. Nàng ghi lại trên mảnh giấy. - Số máy đây! - Kelly chép tay đưa qua lại cho Diane. - Được rồi, tạm biệt lần cuối. Diane ngập ngừng nói: - Ồ. Tạm… tạm biệt, Kelly. Diane đứng nhìn Kelly ra đi. Đến đầu góc phố nàng quay lại nhìn giơ tay vẫy, Diane vẫy theo Kelly vừa đi khỏi, Diane ngước nhìn lên một khoảng trống đen ngòm trên cao suýt nữa là mồ chôn cả hai người, nàng chợt thấy trong người ớn lạnh. Chương 29 Kathy Ordonez bước vô văn phòng Tanner Kingsley trên tay cầm xấp báo xuất bản buổi sáng: - Lại có tin đồn tổn thất nữa. Nàng đưa cho gã xấp báo. Hàng tít lớn trên trang báo: Sương mù gây xáo trộn các thành phố lớn ở Đức; tất cả sân bay đóng cửa; sự tổn thất về người tăng cao. Kathy lên tiếng. - Có nên gởi cho Thượng Nghị sĩ Van Luven một bản? - Có Gửi ngay đi. - Tanner nghiêm giọng nói. Kathy vội bước trở ra. Tanner liếc nhìn đồng hồ đeo tay nhếch mép cười, nghĩ ra ngay: Quả bom sắp tới giờ phát nổ. Hai con quỷ cái phải chịu đền tội. Người thư ký nhắn vô máy nội bộ; - Thưa ông Kingsley, Thượng Nghị sĩ Van Luven đang giữ máy. Ông muốn gặp không? - Có. - Tanner nhấc máy. - Tanner Kingsley tôi nghe. - Ô, ông Kingsley. Thượng nghị sĩ Van Luven đây. - Chào bà! - Tôi và các trợ lý vừa có dịp đi qua đây nếu ngài thấy không có gì trở ngại tôi có thể đến thăm tại nơi làm việc được chứ? - Được! - Tanner vui mừng đáp. - Tốt. Chúng tôi đến nơi ngay. Tanner nhấn nút gọi. - Tôi đang bận tiếp khách yêu cầu ngưng tất cả các cuộc gọi tới. Chợt gã nhớ ra cách nay mấy tuần tin cáo phó đăng trên báo chồng bà Thượng nghị sĩ là ngài Edmon Barclay mới qua đời vì bệnh tim. Ta sẽ nói lời chia buồn với bà. * * * * * Mười lăm phút sau, Thượng nghị sĩ Van Luven cùng với hai trợ lý xinh đẹp đã tới nơi. Tanner đứng lên đón chào: - Rất hân hạnh được đón tiếp. Thượng nghị sĩ Van Luven gật: - Đây là hai trợ lý, Corinne Murphy và Karolee Trost! Tanner tươi cười; - Vâng, rất hân hạnh được gặp lại cả hai. - Gã quay qua bà Thượng nghị sĩ - Tôi được tin chồng bà vừa qua đời, tôi xin thành thật chia buồn. Thượng nghị sĩ Van Luven gật. - Cám ơn ông. Ông ấy lâm bệnh nặng đã lâu, mới cách nay mấy tuần… Bà gượng cười. - Tôi muốn nói là thông tin về trái đất ấm dần lên tôi vừa mới nhận được đáng lưu ý hơn nữa. - Cám ơn bà! - Ông có thể cho biết các hoạt động hiện nay ra sao? - Vâng. Bà muốn được tận mắt nhìn thấy các hoạt động trong bao lâu? Chúng tôi đã có sẵn chương trình tham quan trong năm ngày hoặc bốn ngày hoặc có thể là một tiếng rưỡi đồng hồ. Corinne Murphy chợt cười. - Một cuộc tham quan năm ngày thì hay hơn… Van Luven chặn ngang. - Chúng tôi muốn đi vòng xem chừng một tiếng rưỡi đồng hồ. - Rất hân hạnh - Tại cơ sở KIG có bao nhiêu nhân viên cả thảy? - Van Luven hỏi. - Có khoảng 2.000 nhân viên. Cơ sở KIG đặt văn phòng tại hơn một chục nước trên thế giới. Corinne Murphy và Karolee Trost nghe thấy khâm phục. - Nội trong toà nhà nầy có 500 nhân viên đang làm việc, được phân ra hai khu vực hành chính và nghiên cứu. Các nhà khoa học làm việc tại đây đã được thử trắc nghiệm chỉ số thông minh tối thiểu là 160. Corinne Murphy thốt một tiếng: - Tại đây có lắm nhân tài ! Van Luven có vẻ khó chịu. - Quý vị bước qua đây, - Tanner nói. Bà Van Luven cùng hai trợ lý Murphy và Trost bước theo Tanner qua lối cửa hông tới một toà nhà bên cạnh. Nơi đây được bố trí một dàn máy móc kỹ thuật tân kỳ lạ mắt. Van Luven bước tới bên một cỗ máy trông lạ mắt lên tiếng hỏi: - Máy nầy dùng làm gì? - Đây là máy quang phổ ký, thưa bà nghị sĩ. Máy sẽ chuyển tiếng nói thành những ký tự. Máy có thể phân biệt được hàng ngàn giọng nói khác nhau. Trost cau mày hỏi: - Làm sao nhận ra được? Nó hoạt động như thế nầy. Khi nhấc điện thoại lên nghe một người bạn gọi tới ta nhận ra ngay giọng nói quen thuộc như từ lâu đã in vô trong đầu. Chúng tôi cho máy hoạt động dựa theo quy trình đó. Bộ phận lọc tiếng cho phép hoạt động trên một dải tần số nhất định đài truyền vô máy thu băng để phân biệt giọng nói riêng từng người. Cuộc tham quan kết thúc tại một nơi trưng bày máy móc khổng lồ, những dàn kính hiển vi cực nhỏ, phòng thí nghiệm hoá chất được phân chia ra nhiều đơn vị mỗi nơi trang bị một bản đen ghi lại nhiều ký hiệu bí mật là nơi làm việc của hơn một chục nhà khoa học, có những chỗ làm việc chỉ trơ trọi một nhà khoa học cặm cụi tìm cách giải một phương trình bí ẩn. Tới một toà nhà tường xây gạch đơn sơ bên ngoài khoá hai lần khoá. Van Luven hỏi: - Trong nầy là gì? - Đây là bộ phận nghiên cứu cấp nhà nước. Chúng tôi rất tiếc không tiếp đón khách tham quan. * * * * * Thời gian tham quan được hai tiếng. Lúc vừa kết thúc, Tanner đưa đoàn tham quan trở về lại văn phòng. - Mong quý vị hài lòng về chuyến đi nầy. - Tanner nói. - Một chuyến đi thú vị - Van Luven đáp. - Thật là thú vị, - Corinne Murphy tươi cười, liếc nhìn qua Tanner. - Tôi thích lắm, Karolee Trost nói. Tanner quay qua Van Luven: - Vậy thì đã đến lúc bà có thể thảo luận với mấy vị đồng nghiệp về hiện tượng trái đất ấm dần lên được chứ? Bà Thượng nghị sĩ chỉ nói lấp lửng: - Vâng. - Bà có thể cho biết lúc nào thuận lợi nhất. - Không phải chỉ là chuyện ước đoán, ông Kingsley. Cần phải dành nhiều thời gian thảo luận, tôi sẽ báo ông biết sau. Tanner gượng cười. - Cám ơn, cám ơn bà đã quá bước đến thăm. Gã đứng nhìn mọi người ra về. Cánh cửa vừa khép lại, Kathy Ordonez nhắn trên máy nội bộ; - Ông Kingsley, bà Saida Hernandez đang muốn được gặp. Việc khẩn nhưng mà ông đã dặn ngưng các cuộc gọi. - Cho tôi nói chuyện ngay đi, - Tanner nói. Saida Hernandez là tay sai gã ra lệnh tới chỗ khách sạn Adams để gài bom. - Máy số một. Tanner nhấc máy, đinh ninh là tin vui - Mọi chuyện ổn cả chứ, Saida? - Dạ không, ông tha tội cho tôi, ông Kingsley. Ông nghe thấy được nỗi sợ hãi trong giọng nói người bên kia. - Bọn chúng đã bỏ đi. Tanner lặng người đi một lúc: - Bọn chúng làm sao? - Thưa ông bọn chúng đã ra đi trước giờ bom nổ. Nhân viên bảo vệ nhìn thấy bọn chúng đứng ngoài phòng khách sạn. Tanner dằn máy xuống bàn. Gã nhấn nút gọi máy cho Flint và Carballo vô trình diện. Trong chốc lát Harry Flint và Vince Carballo đã có mặt tại văn phòng. Tanner xoay ghế qua, trong cơn tức giận cùng mình: - Hai con quỷ cái lại chuồn đi mất lần nữa, ta tha cho bọn bây lần nầy nữa thôi. Hiểu gì chưa? Ta sẽ chỉ ra chỗ bọn chúng đang ở đâu và lao ngay tới đó. Muốn hỏi gì thêm? Flint nhìn qua Carballo. - Dạ không! Tanner nhấn nút màn hình điện tử chiếu sáng tấm bản đồ thành phố. - Bọn chúng còn giữ tấm danh thiếp trong người, ta còn theo dõi được… Hai tên tay sai nhìn theo những đốm đèn sáng trên màn hình vô tuyến. Tanner nhấn nút tiếp theo, đốm sáng không còn di chuyển nữa. Tanner nghiến chặt hàm răng. - Bọn chúng đã quăng tấm danh thiếp! Mặt mũi đỏ bừng, xoay qua Flint và Carballo. - Ta muốn khử hết bọn chúng nội ngày hôm nay! lint nghe thấy chới với nhìn lại Tanner. - Nếu không tìm thấy dấu vết làm sao chúng tôi có thể… Tanner cắt ngang: - Cậu có nghĩ là ta dễ dàng làm ngơ cho một kẻ muốn qua mặt ta sao? Bọn chúng còn giữ chiếc điện thoại di động trong người thì ta còn tìm ra dấu vết được. - Ông còn giữ số máy điện thoại di động bọn chúng đó chứ? - Flint kinh ngạc hỏi lại. Tanner không bận tâm trả lời, đưa mắt theo đõi trên bản đồ. - Lúc nầy bọn chúng đã tách ra hai nơi gã nhấn qua nút khác. Ta coi thử Diane Stevens đang ở đâu? Tanner bấm nút cho số. Đốm sáng trên tấm bản đồ di chuyển chầm chậm, dừng lại trên đường phố Manhattan, quét qua lại mấy chỗ khách sạn, shop, quầy mua sắm. Tới đây đốm sáng dừng lại tại một cửa hiệu bên ngoài treo bảng "Cửa hàng của mọi người". Diane Stevens đang đứng trong quầy hàng. Tanner nhấn qua nút khác. - Ta dò tìm còn Kelly Harris đang ở đâu? Tanner khởi động lại từ đầu. Những đốm sáng chớp chớp di chuyển một nơi khác. Mọi cặp mắt tập trung vô vùng ánh sáng đang thu hẹp lại dần tại một điểm trên đường phố nhiều cửa hàng quần áo, nhà hàng ăn uống, hiệu buôn tạp hoá, trạm xe buýt. Đốm sáng khoanh vùng rồi dừng lại trước một toà nhà đồ sộ còn mở cửa đón khách. - Kelly Harris đang đứng tại bến xe buýt. - Tanner vội nói. - Ta phải tóm cho được bọn chúng càng sớm càng tốt. - Làm sao được, - Carballo hỏi. - Bọn chúng đang ở bên kia xa cách nơi đây. Ta vừa tới nơi bọn chúng đã lẩn đi mất. Tanner quay lại. - Tới đây! - gã chỉ lối đi qua phòng bên cạnh, Flint và Carballo bước theo sau. Nơi đây trang bị một hàng máy nghe lớn, máy vi tính, bảng số điện tử chớp chớp đủ thứ ánh đèn màu phía trên giá kê một chiếc máy với hơn một chục đĩa CD và DVD. Tanner dò tìm lấy ra một đĩa gài sẵn tên "Diane Stevens" đút vô máy. Gã kể cho đàn em nghe. Đây là máy nhận dạng giọng nói. Stevens và Harris đã được ghi lại giọng nói vô đây Chỉ cần nhấn nút mỗi khi ta nói ra được nhập vô ăn khớp với giọng nói ta muốn. Tanner lấy một chiếc máy điện thoại di động nhấn số máy. Một thoáng ngập ngừng: - Alô! Đúng là giọng nói Kelly. - Kelly! Rất vui mừng gặp lại cậu! - Tanner đang nói - tiếng nói được nhập vô máy khớp với giọng nói của Diane Stevens. - Diane? Cậu nghe rõ chứ. Tôi đang chuẩn bị ra tới đó. Flink và Carballo vừa nghe thấy ngạc nhiên. - Cậu tính về đâu vậy, Kelly? - Qua Chicagô, đến mai lại về quê nhà O Hare. - Kelly, cậu khoan đi lúc nầy. Một thoáng im lặng. - Sao vậy? - Tôi vừa mới phát hiện được chuyện trước đây. - Tôi biết ai là thủ phạm giết chồng bọn mình, lý do tại sao - Ôi lạy chúa làm sao… cậu nói thiệt không đấy? - Chắc chắn. Tôi có đủ bằng chứng đây! - Diane, vậy thì còn gì hơn nữa. - Tôi hiện đang ở tại khách sạn Delmont Hotel, dãy A. Tôi sẽ đi lên tới Sở FBI. Cậu nên đi cùng với tôi, nếu cậu muốn về nhà lúc nầy, tôi hiểu là… - Không, chưa! Tôi… tôi muốn làm sáng tỏ mọi việc trước lúc Mark ra đi còn để lại. Flint và Carballo lắng nghe từng câu chữ. Còn nghe được phía sau là tiếng loa trên máy báo chuyến xe đi Chicago. - Tôi sẽ đi cùng với cậu, Diane. Cậu đang ở khách sạn Delmont Hotel? - Ờ, ở phố Tám - Sáu, dãy A - Tôi đi đây. Hẹn gặp lại. Cuộc đối thoại tới đó là hết. Tanner quay nhìn Carballo và Flint: - Ta đã giải quyết được một nửa. Còn một nửa kia phải tính toán cho gọn. Carballo và Tanner đứng nhìn theo Flint vội vã bước ra ngoài. Carballo lên tiếng. - Ông muốn bọn tôi phải làm gì đây thưa ông Kingsley? - Lưu ý giùm Saida Hernandez Đứng bên trong dãy nhà A, Flint quyết tâm phen nầy không để lọt mất cơ hội lần chót. Hắn đã được nghe chuyện Tanner sa thải mấy tay thợ vụng. Ta không phái vậy, Flint vừa nghĩ. Hắn rút súng ra kiểm tra lại, siết chặt ống hãm thanh. Hắn lặng lẽ chờ đợi con mồi chỉ có thế thôi. Cách khách sạn Delmont Hotel mấy dãy phố, Kelly Harris đang ngồi trên chiếc xe taxi đầu óc quay cuồng vui mừng sắp được gặp lại Diane như đã dặn trước. Tôi biết ai là thủ phạm giết chồng bọn mình… Tôi đã có đủ bằng chứng đây nầy. Mark, em sẽ báo thù cho anh, những gì bọn chúng đã ám hại anh, nàng nghĩ. Diane đang nôn nóng bồn chồn. Cơn ác mộng đã qua. Dù sao Kelly đã tìm thấy được bằng chứng ai là thủ phạm đứng đàng sau âm mưu đòi giết hai người. Em muốn anh phải tự hào vì em, Richard. Em cảm thấy được gần gũi bên anh, và... Diane chợt tỉnh lại vừa nghe tiếng người lái xe taxi nói. - Tới nơi rồi. Thưa bà. Đây là Delmont Hotel. Chương 30 Diane vừa cất bước đi khỏi phòng khách sạn Delmont Hotel tới chỗ cầu thang máy, nàng thấy phập phồng. Nàng không thể chờ để được nghe Kelly kể lại mọi chuyện. Cửa vừa mở. Khách trọ bước ra ngoài. - Đi lên tầng trên? - Vâng! Diane bước vô trong. - Cho tôi lên tới dãy nhà phụ. Tâm trí nàng đang lo nghĩ dữ lắm. Chồng bọn mình giữ một kế hoạch gì bí mật lắm sao. Để phải bị giết chết? Kelly đã tìm thấy được bằng chứng thiệt sao? Nàng đang còn phân vân. Khách bước vô chật cầu thang, cửa khép lại chạy lên tầng trên. Diane nhớ mới gặp Kelly cách đây mấy tiếng mà sao lại nhắn tin liền, nàng lấy làm ngạc nhiên. Qua mấy chặng dừng giờ đã lên tới nơi, người bảo vệ cầu thang nói. - Lên tới dãy nhà phụ. Bên trong phòng khách dãy nhà phụ, Flint ngồi chờ gần bên cửa ra vô, kề tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài hành lang. Cánh cửa làm bằng gỗ do ngăn không cho tiếng ồn lọt vô trong. Các phiên họp ban giám đốc thường được tổ chức tại phòng họp dãy nhà phụ, Flint thích nói đùa, để cho mọi người khỏi phải chán. Mỗi năm họp ba kỳ, Tanner mời các giám đốc KIG từ hơn một chục nước về đây họp. Sau mỗi cuộc họp, các em đẹp được tuyển chọn vô để cho mấy vị tiêu khiển. Flint được giao nhiệm vụ bảo vệ qua nhiều cuộc truy hoan và lúc nầy đứng bên trong phòng nghe ngóng chờ đợi, hắn sực nhớ tới bầy tiên núi trần như nhộng hãy còn trinh nguyên đang quằn quại rên siết nằm phơi mình trên giường ngủ, trên ghế dài, nghĩ tới đó hắn thấy muốn cương cứng. Flint nhếch mẻp cười. Sắp tới lượt hai con quỷ cái phải đền tội. Diane vừa bước ra khỏi thang máy hỏi ngay. - Dãy nhà khu A ở đâu? - Nằm bên trái, đi tới cuối hành lang. Giờ nầy không có người. Diane quay lại: - Sao? - Phía đó để dành họp ban giám đốc, kỳ họp sắp tới phải qua tháng chín. Diane cười. - Tôi không phải đi họp, tôi muốn tìm một người bạn hẹn lên tới đây. Người bảo vệ thang máy nhìn theo Diane đi qua, bên trái tới chỗ dãy nhà khu A. Gã nhún vai kéo cửa cầu thang chạy trở xuống. Diane đi tới gần bên cửa dãy nhà phụ, chân bước nhanh hơn, trong người cảm thấy lâng lâng. Đứng bên trong dãy nhà phụ khu A, Flint lắng tai chờ nghe tiếng gõ cửa. Ai sẽ là người tới trước tiên… Con bé tóc vàng hay tóc đen? Chẳng sao. Ta không quan tâm chuyện đó… Flint chợt giật mình tai vừa nghe có tiếng chân bên ngoài bước đi gần tới cửa. Tay ghìm chặt khẩu súng. * * * * * Kelly không sao giấu được vẻ bồn chồn nôn nóng. Từ đây về tới khách sạn Delmont Hotel gặp lắm chuyện kẹt xe… Đèn đỏ… đường xá nhiều ổ gà… Nàng phải chịu trẻ. Đến nơi vội bước nhanh qua khỏi phòng khách sạn thẳng tới chỗ cầu thang máy. - Cho tôi lên tới dãy nhà phụ. Ở trên tầng mười lăm, Diane đang bước tới gần chỗ dãy nhà khu A, cửa phòng bên cạnh vừa mở ra, một người bảo vệ đẩy chiếc xe chở đầy hành lý chặn ngang trước mặt. - Xin lỗi tôi phải đưa cái nầy ra ngoài - gã nói Gã quay trở lại tay xách ra thêm hai chiếc vali. Diane cố vượt qua nhưng không còn lối đi. Gã nói: - Xong rồi, mời bà đi tới. - Chiếc xe đẩy được kéo ra khỏi lối đi. Diane bước tới chỗ dãy nhà khu A giơ tay toan gõ cửa chợt nghe tiếng gọi từ phía đằng kia: - Diane! Diane quay lại. Kelly vừa bước ra khỏi thang máy: - Kelly! Diane vội chạy tới để được gặp mặt Kelly. Đứng bên trong phòng Flint lắng tai nghe có người bên ngoài chăng? Hắn nôn nóng muốn mở cửa ra xem sao e sợ làm hỏng việc - Phải giết bọn chúng ngay vừa lúc mới bước chân vô bên trong phòng. Ông sếp đã dặn dò. Bên ngoài hành lang Kelly và Diane ôm chầm lấy nhau vui mừng được gặp lại đây. Kelly nói: - Xin lỗi tôi tớ trễ, ngoài phố kẹt xe quá! Cậu báo cho tôi biết vừa lúc gặp chuyến xe buýt đi Chicago. Diane nhìn Kelly, chưa biết nói gì: - Tôi báo cho cậu hở? - Tôi vừa lên xe buýt thì nghe cậu gọi. Cả hai đứng lặng lẽ nhìn nhau. - Kelly! Không phải tôi gọi đâu. Cậu gọi cho tôi trước. Cậu còn nhớ là đã tìm thấy bằng chứng chúng ta đang cần… Nàng nhìn lại thấy vẻ mặt Kelly chợt biến sắc. - Tôi không… Cả hai cùng nhìn về phía dãy nhà khu A. Diane hít vô một hơi sâu: - Bọn mình phải… - Vâng ! Cả hai vụt chạy nhanh xuống tầng lầu dưới nhấn nút cầu thang máy thoát ra ngoài khách sạn vừa đúng ba phút. Một mình Harry Flint còn lại bên trong căn phòng hắn liếc mắt nhìn xuống đồng hồ đeo tay, nghĩ ngợi. Hai con quỷ cái làm gì giờ nầy chưa tới? Diane và Kelly tìm chỗ ngồi chen vô trong toa xe điện ngầm chật cứng. - Tôi không hiểu làm sao bọn chúng nhận ra được - Diane nói. - Tôi nghe rõ giọng nói của cậu mà. - Tôi cũng nghe rõ cậu nói trên máy. Bọn chúng sẽ không buông tha cho đến khi giết được hai đứa mình. - Bọn chúng là loài bạch tuộc thả vòi ra siết cổ cho bọn mình chết hết. - Bọn chúng phải tóm được ta rồi mới tính chuyện giết sau. - Lần nầy bọn chúng lại tìm thấy dấu vết của ta? Ta đã vứt bỏ mấy tấm danh thiếp Kingsley đưa cho, ta không còn giữ một thứ gì trong người để cho bọn chúng… Cả hai nhìn nhau rồi nhìn lại chiếc máy điện thoại di động. Kelly nửa tin nửa ngờ. - Làm sao bọn chúng biết được số máy điện thoại? - Ta thử nhớ lại đã nói chuyện với ai trên máy ở New York. Ta ngồi lại đây cho tới khi… Diane liếc nhìn qua hàng ghế bên kia mặt mày tái nhợt. - Ta ra khỏi đây ngay nàng lật đật nói: - Tới ga nữa ta xuống. - Sao? Cậu nói là… Kelly nhìn sâu vô mắt Diane. Phía trên vách toa tàu treo hình quảng cáo Kelly đang tươi cười, tay ôm chiếc đồng hồ xinh đẹp kiểu dáng nữ. - Ôi lạy chúa! Cả hai đứng lên vội vàng bước tới chỗ cửa chờ tàu dừng ở ga tới là xuống. Hai anh chàng lính thuỷ đánh bộ mắt chăm chăm nhìn theo. Kelly mỉm cười với hai anh lính, lấy cả hai chiếc điện thoại di động ra đưa mỗi người một chiếc. - Nhớ gọi cho bọn em nhé. Cả hai bỏ đi ngay. * * * * * Bên trong căn phòng trên dãy nhà khu A chuông điện thoại reo, Flint nhấc máy nghe. Tanner nói: - Đã qua một tiếng đồng hồ, mọi việc ra sao rồi, Flint? - Chưa thấy ai tới. - Sao? - Tôi ngồi chờ suốt buổi. - Cậu mau mau trở về văn phòng. - Tanner dằn chiếc máy xuống bàn. Ban đầu nghĩ đây là công việc như mọi bữa Tanner có ý muốn sút hắn ra rìa. Nhưng lần nầy gã có việc riêng. Tanner lôi máy di động ra bấm số máy của Diane. Anh chàng lính thuỷ đánh bộ được Kelly tặng máy ở bên kia đang nói: - Cưng đấy hở, tối nay hai em muốn được chiêu đãi một bữa ra trò hở? Hai con quỷ cái đã bỏ máy, Tanner nổi xung lên. Nhìn quanh đây là một khu nhà trọ rẻ tiền bên một dãy phố, nằm về hướng tây. Chiếc xe taxi vừa thoáng chạy vụt qua, Diane và Kelly nhìn thấy tấm bảng treo "Phòng cho thuê", Diane lên tiếng. - Cho tôi xuống đây, bác tài! Cả hai xuống xe bước tới trước cửa căn hộ. Người bước ra mở cửa là một bà nhìn mặt mày vui vẻ trạc tuổi trung mên, tên bà Alice Finley: - Có phòng đầy đủ tiện nghi, bốn chục đô-la một đêm, bao ăn sáng. Diane buột miệng nói: - Khá lắm. - Nàng nhìn qua Kelly coi thử sao. - Cậu sao vậy? - Không sao. Kelly nhắm mắt một hồi nàng nhớ lại căn hộ nhà trọ trước mắt không giống như căn nhà trọ nàng đã từng được mẹ nuôi dưỡng từ lúc nhỏ, sáng sớm lo lau dọn nhà cầu, nấu ăn cho khách trọ, nghe tiếng ông bố dượng say rượu đánh đập mẹ nàng. Cố dàn lòng nàng gượng nở một nụ cười trên môi. - Khá lắm! Sáng hôm sau, Tanner cho triệu tập Flint và Carballo vô phòng họp: - Bọn chúng đã vứt bỏ mấy tấm danh thiếp - Tanner nói - bỏ luôn cả máy điện thoại di động. Flint lên tiếng; - Vậy là ta đã mất dấu bọn chúng. Tanner nói ngay: - Không đâu, Flint, ta còn sống đây mọi chuyện sẽ khác. Ta không muốn truy đuổi nữa, bọn chúng sẽ quay về lại đây. Hai tên đệ tử nhìn nhau rỗi quay qua phía Tanner. - Nghĩa là sao? - Sáng ngày thứ Hai lúc mười một gỉờ mười lăm, cả Diane Stevens và Kelly Harris sẽ có mặt tại đây. Chương 31 Kelly và Diane thức dậy cùng lúc. Kelly ngồi trên giường nhìn qua Diane: - Chào cậu, tối qua ngủ được chứ? - Tôi nằm thấy chuyện gì đâu không à. - Tôi nằm thấy như cậu. - Diane ngập ngừng nói. - Kelly… nhớ lại lúc cậu vừa ra khỏi thang máy trong khách sạn nhìn thấy tôi giơ tay toan gõ cửa cậu có nghĩ đó là một chuyện trùng hợp ngẫu nhiên chăng? - Có. May cho bọn mình… - Kelly nhìn vẻ mặt Diane - Nghĩa là sao? Diane nhọc nhằn nói: - Nói thiệt bọn mình nghĩ lại còn may, phải nói là rất may, tôi thấy dường như là có người khuất mặt hay ơn trên phù hộ, dẫn dắt ta đi. Kelly nhìn sâu vô mắt người bạn đồng hành: - Cậu muốn nói là… có thần hộ mạng chăng? - Ừ Kelly dè dặt nói: - Diane, tôi biết cậu tin có thần thánh, tôi thì không. Tôi biết là chẳng có ai phù hộ cho bọn mình. Diane nói ngay: - Là vì cậu chưa thấy. Kelly tròn xoe mắt: - Thì vậy. - Thôi ta đi kiếm gì ăn đi - Diane vừa lên tiếng - Tới đây coi như yên, chẳng sợ ai dòm ngó. Kelly nói lằm bằm. - Nếu cậu thấy yên rồi thì cậu chả thiết gì mấy món ăn ở nhà trọ. Ta thay đồ, đi tới đằng kia ăn sáng. - Được! Chờ tôi gọi máy rồi hãy đi! Diane bước tới bàn điện thoại quay số. Tổng đài nghe nói: - Đây là cơ sở KIG - Cho tôi gặp Betty Barker - Xin vui lòng chờ máy. Tanner nhìn thẳng tín hiệu đèn xanh chớp chớp lắng tai nghe. - Cô Barker vừa mới đi ra ngoài. Bà có muốn nhắn tin để lại. - À không, cám ơn! Tanner cau mày, ta chưa kịp theo dấu chân nó, gã nghĩ. Diane quay qua Kelly: - Betty Barker vẫn còn làm cho cơ sở KIG, ta phải nghĩ cách tiếp cận với cô nàng. - Ta dò số máy nhà riêng trong niên giám điện thoại thử coi. Diane nói: - Biết đâu đấy, nhưng mà coi chừng có thể bị nghe lén - Nàng lấy sổ ra coi, lục tìm theo vần - Có tên đây. Diane quay số gọi, lắng nghe, không hiểu sao buông máy xuống. Kelly bước lại bàn. - Sao vậy? Lóng ngóng một hồi Diane lên tiếng: - Máy bị hỏng. Kelly hít vô một hơi: - Tôi muốn đi tắm cho khoẻ. Kelly vừa tắm xong bước ra sực nhớ bỏ quên khăn tắm dưới sàn. Vừa muốn bỏ đi nghĩ sao cúi xuống nhặt lên treo lại trên móc. Nàng đi thẳng vô buồng ngủ. - Tới phiên cậu. Diane nói ỡm ờ: - Cám ơn. Vừa bước vô Diane để ý thấy khăn tắm lau xong treo trên móc ngay ngắn. Nàng nhếch mép cười. Đứng dưới vòi sen mở nước nóng xoa dịu khắp thân người, nàng nhớ lại những lúc tắm chung với Richard, được cọ sát giữa hai làn da. Còn đâu nữa, nhưng trong ký ức còn nhớ mãi. Nhớ mãi… Nàng nhận được nhiều hoa hơn… - Hoa đẹp quá, anh yêu. Cám ơn anh. Ta kỷ niệm gì đây? - Ngày Thánh Swithin. Rồi một dịp khác nàng được tặng hoa. - Ngày lễ chiến thắng Delaware… - Ngày hội Parakeet… - Ngày tình nhân… Nhìn xuống tấm thiệp ghi hàng chữ "Ngày hội đua thằn lằn", Diane cười rồ lên "Thằn lằn làm gì biết chạy". Richard hai tay ôm đầu nói. - Khỉ thật! Mình lại bị lừa. Anh lại thích làm thơ tình, mỗi khi thay đồ nàng nhìn trong giầy thấy có một bài thơ, trong nịt ngực, trong chiếc áo jacket… Kelly từ bên trong gọi ra: - Ta đi ăn sáng hay ăn trưa đây? * * * * * Cả hai rủ nhau ra nhà hàng. Trời hôm đó mát dịu sáng sủa, nhìn lên bầu trời xanh ngắt. - Trời mây xanh, Diane nói. - Điềm lành, Kelly bặm môi lại cho khỏi bật cười thành tiếng. Coi vậy mà cái thói mê tín của Diane thấy dễ thương. Cách nơi quán ăn không bao xa, Diane và Kelly nhìn thấy một cửa hiệu bán hàng bách hoá, hai người nhìn nhau thích thú bước vô. Người bán hàng chào khách: - Quý bà cần mua hàng nào? Kelly vui miệng đáp; - Để coi. Diane nhắc khéo: - Thong thả, nhớ lần trước mua sắm gì chưa? - À, không phí tiền. Hai người dạo một vòng quầy hàng chỉ mua vừa đủ hàng. Mặc bộ đồ mới bỏ lại quần áo cũ trong phòng thay. - Hai bà nhớ lấy mấy món nầy đi chứ? Diane nhếch mép cười: - Thôi đem cho Hội Từ Thiện. Phía trước ở đàng góc phố là một cửa hàng bán ngoài giờ. - Nhìn đây, Kelly nói. - Hàng điện thoại di động xài hết bỏ. Kelly và Diane bước vô chọn lấy hai máy được hoà mạng mấy ngàn phút gọi trả tiền trước. Kelly kêu: - Ta đổi số máy lần nữa. Diane cười; - Được. Mất vài phút là xong. Bước ra ngoài, Diane móc ví trả tiền kêu lên: - Tôi sắp cạn hết tiền mặt. - Tôi cũng sắp cạn đây - Thôi thì lấy thẻ credit card ra mà tiêu xài. Chờ khi nào tìm được của rơi. - Sao? - Thôi bỏ qua đi. Hai vị khách tìm chỗ ngồi trong quán ăn, người phục vụ bước tới chào: - Món gì? Kelly nhìn qua Diane - Cậu gọi trước. - Cho tôi một ly cam vắt, món trứng thịt jambon, bánh mì nướng, một ly cà phê. Người phụ nữ quay qua Kelly. - Thưa bà gọi món gì? Cho tôi nửa trái bưởi. - Vậy thôi à? Diane hỏi lại. - Ờ có vậy! Người hầu bàn quay đi. - Cậu chỉ ăn một nửa trái bưởi là đủ sao? - Mình quen rồi. Mấy năm ăn kiêng, còn có người ăn khăn giấy Kleenex cho bớt thèm ăn vặt nữa kia. - Thiệt sao? - Thiệt chứ, nhưng nay thì không còn ai theo nữa. - Tôi đã bỏ nghề làm người mẫu. Diane nhìn người bạn đồng hành hồi lâu mới hỏi: - Sao vậy? Thấy không còn lý thú gì nữa. Mark chỉ cho tôi thấy một điều lý thú hơn. - Nàng thôi kể mắt ứa lệ. - Giá mà trước đây cậu biết được ông ta. - Tôi cũng nghĩ như cậu. Thôi thì cậu phải làm lại cuộc đời. Kelly hỏi: - Phần cậu thì sao? Cậu còn theo nghề vẽ tranh chứ?. Sau một lúc im lặng nàng mới nói. - Phải làm lại từ đầu. Nhưng mà thôi. Kelly và Diane vừa ăn xong toan bước ra cửa, Kelly thoáng thấy mấy số báo ra buổi sáng sắp trên kệ. Diane vừa cất bước bỏ đi Kelly vội ngăn lại: - Chờ một lát - Nàng quay lui bước tới lấy tờ báo - Coi nầy! Bản tin đăng trên trang nhất. Cơ sở Tập đoàn Quốc tế Kingsley dự định tổ chức lễ tưởng niệm ghi nhớ công lao các nạn nhân vừa qua được dư luận đồng tình nêu lên. Buổi lễ sẽ diễn ra tại trụ sở tập đoàn KIG ờ Manhattan sáng ngày thứ Hai lúc 11:15. - Là sáng ngày mai. Kelly nhìn qua Diane nói: - Cậu cho bọn chúng muốn tổ chức vậy sao? - Có thể bọn chúng giăng bẫy nhử ta nhào vô. Kelly gật đầu: - Tôi cũng nghĩ vậy. Kingsley chủ quan đến nỗi chờ cho chúng mình nhào vô để mà… Kelly phán đoán qua nét mặt Diane trông thấy nàng lo lắng sợ hãi: - Ta dám tới không? Diane gật. - Không nên. - Phải đi thôi. Betty Barker sẽ có mặt tại chỗ. Tôi muốn nói chuyện với cô ta. - Tôi không muốn dài dòng, cậu tính tới đó ra về được toàn mạng hay sao? - Tôi đã nghĩ ra mưu kế. - Nàng nhìn Kelly với vẻ tự tin, nụ cười thoáng trên môi - Cậu nhớ lời tôi. Kelly lắc đầu. - Tôi ngại là ở chỗ phải lắng nghe người ta luôn mồm bảo "Hãy nhớ lấy lời tôi". Nàng nghĩ trong đầu bất chợt mặt mày sáng rỡ: - Tôi có ý thế nầy. Tôi biết có cách đối phó. - Cách nào? - Tôi muốn dành cho cậu một phen hú vía. Diane nhìn Kelly, chưa hiểu sao. - Cậu tin tưởng bọn mình rút lui an toàn? - Yên chí! Trở lại nhà trọ, Kelly gọi máy. Đêm đó cả hai thấy khó ngủ. Kelly nằm trên giường nghĩ ngợi: Nểu dự tính của ta không thành cả hai phải chịu chết. Vừa chợp mắt nàng nhìn thấy Tanner Kingsley đang nghiêng người xuống chỗ nàng. Ông ta nhe răng cười. Diane nằm trên giường cầu nguyện, hai mắt nhắm nghiền. Anh yêu, em chỉ còn có thể nói chuyện với anh một lần cuối. Không nên tỏ một câu chào hay là lời từ biệt. Sáng ngày mai Kelly đi cùng với em tới trụ sở tập đoàn KIG làm lễ tưởng niệm nạn nhân vừa qua. Em không mong được ra về bình yên, nhưng mà phải có mặt để góp phần cùng với anh. Em tha thiết muốn nói cùng anh một lần cuối trước khi quá muộn, là em yêu anh. Chúc anh ngủ ngon, anh yêu. Chương 32 Buổi lễ tưởng niệm được tổ chức tại công viên cơ sở KIG nằm ở phía sân mặt sau Tập đoàn Quốc tế Kingsley dùng làm nơi thư giãn cho nhân viên sau giờ làm việc. Có đến cả trăm người đến tham dự lễ, lối đi qua hai cổng chính. Lễ đài được dựng lên chính giữa sân, một dãy hàng ghế dành riêng cho khoảng chục vị trong ban điều hành cơ sở KIG ngồi dự lễ. Cuối hàng ghế là Betty Barker, người thư ký riêng của Richard Stevens. Một phụ nữ trạc tuổi ba mươi xinh đẹp. Tanner đứng trước máy nói; "Và cơ sở nầy được thành lập nhờ ở công lao đóng góp và lòng trung thành của tập thể nhân viên. Chúng tôi xin ghi nhận và trân trọng đón chào. Tôi luôn luôn coi cơ sở nầy như là một mái nhà chung cho mọi người, tất cả phục vụ vì mục đích chung". Tanner nói chỉ tay về phía đám đông. "Tại nơi đây cơ sở KIG đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề và thực hiện nhiều ý tưởng làm chuyển đổi bộ mặt thế giới trong đó có chúng ta, và không có một niềm tự hào nào lớn lao hơn… Từ đàng xa nhìn thấy Diane và Kelly đang bước qua cổng. Tanner liếc nhìn đồng hồ, mười một giờ bốn mươi. Một nụ cười thoả mãn thoáng hiện trên nét mặt gã. Gã nói tiếp: "… nhận thấy rằng tất cả mọi công cuộc thành đạt là do ở các bạn…" Diane ngước nhìn lên khán đài thích thú giơ tay khều Kelly - Kìa… Betty Barker, tôi phải tới gặp bà ta. - Khéo đấy. Diane liếc nhìn quanh, lóng ngóng: - Dễ thôi, tôi vừa nghĩ ra bọn mình đã… Nàng quay lại nhìn bất chợt mắt trợn lên. Harry Flint cùng với hai đồng bọn đang đứng một bên lối cổng ra vô. Diane nhìn qua hai phía bên kia. Nơi đó đã có Carballo cùng với hai tên đàn em nữa. - A… - Diane miệng mồm khô khốc. Kelly nhìn tới trước cả thảy sáu tên đứng chắn ở hai lối ra vào. - Thử coi, ta còn ngả nào thoát ra được? - Tôi không nghĩ thế? Tanner thao thao nói: "… Chúng tôi lấy làm hối tiếc mới đây vừa xảy ra nhiều vụ tổn thất trong số nhân viên. Mọi sự tổn thất là một nỗỉ đau chung của toàn thể cơ sở. Chúng tôi, cơ sở KIG hiện treo giá năm triệu đô-la thưởng cho bất kỳ ai tìm ra được ai là thủ phạm đàng sau mấy vụ nầy?" - Năm triệu đô-la lão móc túi đem cho kẻ khác hưởng - Kelly nói mỉa. Tanner đưa mắt nhìn về phía đám đông nơi Kelly và Diane đang đứng, ánh mắt lạnh lùng. "Ngày hôm nay hai thân nhân của nạn nhân, bà Mark Harris và bà Richard Stevens. Tôi muốn ngỏ lời mời hai bà quá bước lên tới trên bục làm lễ nầy. - Ta không thể tin lời mời chúng ta đi lên tới đó? - Kelly nói - Ta phải ở lại đây cùng với mọi người. Ta liệu đi chứ? Diane kinh ngạc nhìn Kelly: - Cậu nói sao. Cậu rủ tôi ra tới đây còn phải hỏi? Nào tính đi. Kelly đành nói ra: - Không thể tính ngay lúc nầy. Diane nôn nóng: - Vậy chuyển qua phương án B. - Diane… - Sao? - Làm gì có phương án B nào? Diane trợn mắt. - Cậu đưa tôi ra tới đây… để rồi không thấy lối thoát? - Tôi nghĩ là… Giọng nói của Tanner vang lên từ chiếc micrô - Đề nghị bà Stevens và bả Harris quá bước lên trên lễ đài! Kelly nhìn qua Diane nói: - Tôi… tôi thiệt tình xin lỗi cậu! Lỗi là do tôi. Lẽ ra tôi phải ngăn lại. Đám đông quay lại nhìn. Thôi rồi, ta bị sa vô bẫy. - Xin mời bà Stevens và bà Harris… Kelly nói nhỏ: - Ta tính sao bây giờ? Diane nói: - Ta không còn cách nào khác, thì cứ đi tới đó! Nàng hít vô một hơi: - Ta đi nào. Ngần ngừ một lúc cả hai bước đi về phía lễ đài. Diane ngước mắt nhìn lên phía Betty Barker đang ngồi chăm chú nhìn theo, mặt mày hốt hoảng. Diane và Kelly bước tới gần lễ đài trống ngực phập phồng. Diane nghĩ trong đầu: Richard anh ơi, em bước đi đây. Dù có mệnh hệ nào, em muốn anh hiểu cho là em… Đám đông chộn rộn phía đàng sau công viên, mọi cặp mắt lóng ngóng ngước với nhìn lên xem có việc gì. Ben Roberts chen chân tìm lối đi theo sau là một đội ngũ quay phim và trợ lý. Hai người ngoái nhìn lại phía sau, Kelly níu tay Diane vui miệng nói. - Phương án B đã tới kia rồi! Ben vừa tới nơi. Diane ngước lên trời nói thầm cám ơn anh Richard. Kelly hỏi lại: - Sao? Chợt nàng hiểu Diane muốn nói gì. Vừa ngẩn ngơ vừa hoài nghi nàng buột miệng nói: - Được. Ráng lên đi, Ben đang chờ bọn mình. * * * * * Tanner đứng trên cao nhìn thấy hết, gương mặt gã đanh lại, cất tiếng: - Xin lỗi, tôi lấy làm tiếc, ông Roberts. Buổi lễ hôm nay được dành riêng gia đình nạn nhân. Yêu cầu ông và nhân viên trong đoàn rút lui khỏi đây. Ben Roberts nói: - Chào ngài Kingsley. Tôi đang làm một chương trình với bà Harris và bà Stevens tại trường quay nhưng đã ra tới nơi đây yêu cầu ông cho phép chúng tôi được quay một vài đoạn tại buổi lễ ngày hôm nay. Tanner lắc đầu. - Không, tôi không thể cho phép ông ở lại đây. - Tệ thật. Vậy thì phải mời bà Harris và bà Stevens trở lại trường quay. - Không thể được! - Tanner nói xẵng. Ben nhìn lại: - Tôi không được gì? Tanner giận run cả người: - Tôi… Tôi muốn nói… Ông chả là cái quái gì. Hai người vừa bước tới chỗ Ben đứng. Anh thong thả nói: - Xin lỗi, tôi tới trễ. Tôi đang làm bản tin thời sự một vụ án và… Còn đây bản tin sốt dẻo hơn với hai người đàn bà. Kelly nói: - Ta nên lui ra khỏi chỗ nầy. Tanner mặt mũi biến sắc nhìn theo Kelly, Diane, Ben Roberts cùng đám nhân viên vừa qua khỏi hàng rào, nhân viên bảo vệ của Tanner nhanh chóng ra tới ngoài. Harry Flint nhìn lên phía Tanner đang đứng đợi lệnh. Tanner thủng thỉnh lắc đầu, nghĩ ngợi. Chạy đâu khỏi, hai con quỷ cái. Diane và Kelly bước vô xe cùng với Ben Roberts. Đám nhân viên tuỳ tùng ngồi hai xe sau. Roberts nhìn Kelly: - Nầy bà phải nói cho tôi nghe đầu đuôi ra sao? - Thong thả rồi tôi sẽ kể. Cho tôi nghĩ lại. Tôi xin hứa. - Kelly, tôi là phóng viên tôi cần biết rõ… - Hôm nay ông là bạn của chúng tôi. Roberts thở ra: - Vâng, hai bà muốn đi về đâu? Diane lên tiếng: - Cho bọn tôi xuống tại phố Bốn… Hai quảng trường Times. - Được! Hai mươi phút sau Kelly và Diane tới nơi, xuống xe. Kelly kề môi hôn lên má Ben Roberts: - Cám ơn, Ben. Tôi nhớ mãi ngày hôm nay, chúng tôi còn liên hệ với ông. - Khéo đấy. Hai người bước đi vẫy tay chào lại. Kelly nói: - Tôi cảm thấy trơ trọi. - Sao? - Diane, ta không có một tấc sắt trong tay, hoàn toàn không. ước gì ta có được một khẩu súng? - Ta còn cái đầu. - Ta phải có súng mới được. Sao ta ở đây để làm gì? Ta phải tính kế chứ? - Bọn mình không bỏ chạy đi đâu nữa. Ta đang chuyển qua thế tấn công. Kelly ngạc nhiên chưa hiểu gì. - Cậu muốn nói sao? - Tôi cảm thấy quá mệt mỏi bị săn đuổi cả ngày. Giờ ta chủ động theo dõi dấu vết bọn chúng. Kelly nhìn Diane một hồi lâu: - Bọn mình theo dõi hoạt động của KIG sao? - Đúng đấy. - Chắc cậu đọc nhiều truyện trinh thám. Làm sao chỉ hai con người thôi muốn lật đổ một cơ sở nghiên cứu khoa học tầm cỡ toàn cầu? - Ta phải lập một danh sách nạn nhân đã từng phục vụ cho cơ sở mới bị giết chết mấy tuần vừa qua. Làm sao biết được hết số nạn nhân còn nhiều hơn ngoài Mark và Richard? - Từ một bản tin đăng trên báo ghi lại rõ tất cả số nhân viên bởi vậy con số nạn nhân phải trên hai người. - Chà vậy ai sẽ đưa cho ta một danh sách đầy đủ họ tên nạn nhân? - Tôi sẽ cho cậu biết, Diane nói. * * * * * Quán cà phê Internet chiếm một diện tích có nóc chứa mười hai dãy bàn với 400 máy, tất cả vận hành tốt. Đây là một phần nhỏ của toàn bộ hệ thống toàn cầu. Diane bước vô mua một vé tính giờ chơi Internet. Trở lại gặp Kelly: - Ta bắt đầu từ đâu? - Phải dò trên máy mới biết. Tìm được một chỗ trống cả hai ngồi vô. Kelly nhìn theo Diane dò tìm dữ liệu trên máy. - Sao rồi? Ta bắt đầu tìm - tung tích các nạn nhân từng phục vụ cho cơ sở KIG. Diane lướt trên Web đọc vô mục truy tìm rồi đánh máy yêu cầu dò tìm: - Lời cáo phó và cơ sở KIG. Một danh sách đầy đủ trên màn hình. Diane chú ý vô các bản tin đăng trên báo được tải lên mạng. Tay nhấp chuột thoáng cái đọc thấy một lô cáo phó với nhiều mục linh tinh khác. Một bản tin liên quan tới cơ sở KIG ở Berlin đang dò trên Website. - Cái tên nầy khá hấp dẫn… Franz Verbrugge. - Ai vậy? - Ta chỉ cần tìm hiểu nhân vật nầy hiện đang ở đâu. Dường như là đã bị xoá sổ. Trước đây đã từng phục vụ cho cơ sở KIG ở Berlin có vợ là Sonja đã chết một cách bí ẩn. Diane nhấp chuột chuyển mục khác. Ngập ngừng ngước nhìn Kelly. - Nước Pháp - Mark Harris. Kelly hít vô một hơi. - Tiếp theo. Diane nhấn thêm mấy tên: - Denver, Gary Reynolds, ở Manhattan… Diane kêu lên -… Richard Diane đứng dậy: - Đây rồi. Kelly hỏi: - Tính sao đây? - Ta tính toán làm sao gom hết tất cả thông tin vô một chỗ. Ta đi ngay. Đi được giữa chừng Kelly và Diane nhìn thấy một cửa hiệu máy tính. - Ta vô coi thử, Kelly nói. Diane bước theo Kelly đi tới ngay quầy quản lý. - Xin lỗi ông, tôi là Kelly Hams trợ lý cho ngài Tanner Kingsley. Chúng tôi cần đặt hàng ba mươi chiếc máy tính còn mới nguyên tính giá cao nội buổi chiều nay. Ông có thể giao đủ chứ? Người quản lý tươi cười: - Sao… chắc có chứ, thưa bà Harris. Với ngài Kingsley cần là có ngay. Tại đây không có đủ phải nhận thêm ở bên kho. Tôi chịu trách nhiệm giao đủ. Trả tiền mặt hay séc? - Giao hàng xong trả tiền, - Kelly nói. Nhìn người quản lý vội vàng lo chạy, Diane nói - - Tôi đã nghĩ kỹ. Kelly nhếch mép cười. - Cậu khá lắm. * * * * * - Nhận bản tin nầy ông phải chú ý hơn nữa. Kathy Ordonez giao cho ông một xấp báo. Những hàng tít lớn chạy ngang. NƯỚC ÚC GẶP BÃO BẤT THƯỜNG… Cơn bão bất thường tàn phá hơn một chục ngôi làng ở nước úc. Thiệt hại về người chưa được thống kê. Các chuyên gia khí tượng chưa nắm vững được tình hình thời tiết bất thường trên toàn cầu. Tầng Ozone là tác nhân gây biến đổi thởi tiết. Tanner lệnh: - Gửi một bản cho Thượng nghị sĩ Van Luven ghi chú thêm " Kính gởi bà Thượng nghị sĩ Van Luven, tôi thiết nghĩ thời gian đã trôi qua. Chúc Bà sức khoẻ, Tanner Kingsley. - Tôi cho gửi ngay, Kathy đáp rồi quay ra ngoài. Tanner nhìn lên màn hình máy tính báo động có tín hiệu từ bộ phận bảo vệ thuộc đơn vị Công nghệ Thông tin do ông đặt ra. Tanner đặt ra hệ thống công nghệ thống tin một công cụ dò tìm thông tin trên mạng lưới Internet. Một bộ phận - người nhận do Tanner đặt ra dò tìm địa chỉ người muốn thu thập những thông tin sốt dẻo ngạc nhiên nhìn thấy tín hiệu báo động chớp lên. Ông nhấn nút. - Andrew, đến ngay đây. Andrew ngồi trong văn phòng mơ màng nhớ lại vụ tai nạn vừa qua. Ông đang ở trong phòng thay đồ, chờ được nhận đồ trang bị như phi hành gia bên quân đội giao lại. Ông tính chọn lấy một bộ vừa lúc gặp Tanner đứng đó giao cho một bộ, một mặt nạ phòng chống hơi độc. - Anh mặc cái nầy vô sẽ gặp nhiều may mắn. Tanner tính toán… - Andrew, vô đây. Andrew nghe gọi đứng dậy bước qua phòng Tanner. - Anh ngồi đây. - Ờ, - ông ngồi xuống. - Mấy con quỷ cái vừa xâm nhập vô website của ta ở Berlin. Anh nghĩ sao? - Ờ tôi không. Người thư ký riêng của Tanner nhấn nút gọi vô máy: - Máy vi tính chở tới, ông Kingsley. - Máy vi tính nào? - Ông cho đặt hàng. Tanner chới với đứng lên bước qua bên phòng khách. Trước mắt là ba chục chiếc máy sắp trên xe đẩy. Chủ nhân và ba người giúp việc đi theo. Nhìn thấy Tanner, ông chủ mừng rỡ. - Tôi đến đây giao hàng theo lệnh ông, thưa ông Kingsley. Hàng chính hiệu. Rất mong được ông tín nhiệm đặt thêm hàng… Tanner đứng nhìn lô hàng: - Ai cho đặt hàng? - Trợ lý của ông, Kelly Harris. Bà ta dặn đem tới gấp, cho nên… - Ông chở về, - Tanner thong thả nói. - Giao lại cho người đặt hàng, tôi không cần mấy món nầy. Tanner quay vô lại văn phòng. - Andrew, anh biết tại sao bọn chúng xâm nhập vô được website của ta? Đây, tôi cho anh thấy. Bọn chúng muốn dò tìm tên tuổi nạn nhân, manh mối gây ra cái chết. - Tanner ngồi xuống. - Muốn làm chuyện nầy bọn chúng phải qua tới châu u. Bọn chúng thì khỏi phải tới đó. Andrew mơ màng nói: - Không… Liệu có cách nào ngăn chặn bọn chúng lại, Andrew? Andrew gật. - Phải chặn bọn chúng lại… Tanner nhìn qua người anh, nói giọng khinh khỉnh: - Tôi muốn nói chuyện với một nhân vật có cái đầu nhạy bén hơn. Andrew nhìn Tanner bước tới bên bàn máy ngồi xuống gõ. - Ta phải làm ngay việc nầy, xoá hết thông tin của bọn chúng. Đã tìm được số An sinh Xã hội đây. Gã vừa gõ máy nói. - Diane Stevens… gã… với phần mềm kỹ thuật cao, Tanner có thể tiếp cận thay đổi các thông tin trong tài khoản cá nhân. - Nhìn đây, các số liệu tài khoản cá nhân đây, tài khoản nghỉ hưu IRA, số liệu nợ trong ngân hàng. Anh nhìn ra chưa? Andrew nghe nói: - Nầy Tanner, ta thấy… Tanner nhìn lại trên máy. - Ta sẽ cập nhật số thẻ tín dụng nầy bị mất cắp… Ta sẽ làm vậy với trường hợp của Kelly Harris… Ta chuyển qua website ngân hàng của Diane. Nói làm ngay, Tanner truy cập vô tài khoản nhấn chuột vô danh mục - Quản lý Tài khoản của bạn Tanner dò ra số tài khoản Diane Stevens trong bốn con số cuối thẻ An sinh Xã hội. Lấy xong dữ liệu hắn cho chuyển hết tài khoản hiện có qua số nợ, lấy số liệu dư nợ để huỷ bỏ khoản nợ lấy trong tài khoản Tích luỹ - Andrew… - À, Tanner cậu hỏi gì? - Anh thấy rõ hết chứ? Tôi chuyển hết tài khoản của Diane Stevens qua số dư nợ chờ được thu hồi. Hắn cảm thấy hoan hỉ - ta sẽ chơi cái trò nầy với Kelly Harris. Làm xong đâu vào đó Tanner đứng dậy bước tới chỗ Andrew: - Xong rồi. Bọn chúng chẳng còn một đồng tiền mặt, số dư nợ không thể bỏ nước ra đi. Ta cho giăng bẫy khắp các nơi. Anh thấy thằng em được chứ. Andrew gật: - Tối qua trên vô tuyến ta được xem một bộ phim… Nổi xung Tanner nắm tay lại giáng một cú đấm vô mặt người anh khiến cho Andrew văng khỏi ghế té xuống sàn nghe một cái rầm. - Khốn kiếp, ta đang nói thì phải lắng nghe. Bất thình lình cửa mở toang, thư ký Kathy Ordonez vụt chạy vô: - Không có việc gì chứ, ông Kingsley? Tanner quay lại: - Không sao. Tội nghiệp Andrew ngã xuống sàn. - Ôi! Trời ơi. Hai người xúm lại đỡ Andrew dậy. - Tôi bị té hở? Tanner nói an ủi: - Vâng, Andrew, nhưng mà không sao. Kathy Ordonez nói nhỏ: - Ông Kingsley, ông nên cho anh ta về nghỉ tại nhà được không? - Được thôi! - Tanner nói - Nhưng anh ta thấy nhớ. Đây mới đúng là nhà, ở đây đã có tôi lo chăm sóc. Kathy Ordonez nhìn qua Tanner trầm trồ: - Ông mới thật là đáng khâm phục, ông Kingsley. Tanner nhún nhường đáp: - Không được phải làm cho được. Mười phút sau thư ký riêng quay vô lại: - Có tin vui ông Kingsley. Một bản fax của Van Luven. - Cho tôi coi - Tanner chìa tay ra đỡ lấy. "Trân trọng thông báo cùng Ngài Kingsley, Uỷ ban Môi trường Thượng Viện vừa chấp thuận một khoản tài trợ cho công trình nghiên cứu hiện tượng trái đất ấm dần lên cùng các biện pháp đối phó. Trân trọng kính chào, Thượng nghị sĩ Van Luven". Chương 33 Cậu có mang theo hộ chiếu đó không? Diane vừa hỏi. - Đi ra nước ngoài tôi luôn luôn giữ trong người. - Kelly nói thêm - Cũng vì cái nầy đây dạo nầy như là một của nợ. Diane gật: - Hộ chiếu của tôi còn cất trong Kho ngân hàng. Tôi phải tới đó nhận, hơn nữa để nhận thêm tiền. * * * * * Tới ngân hàng, Diane đi thẳng xuống dưới tầng hầm, mở khoá an toàn lấy hộ chiếu ra cất vô túi xách trở lên lại chỗ bàn thủ quỹ. - Tôi muốn khoá hết tài khoản. - Dạ được, bà tên gì? - Diane Stevens. Nhân viên thủ quỹ gật: - Bà vui lòng ngồi chờ. Anh ta trở vô dãy tủ hồ sơ lục tìm trong ngăn đựng thẻ. Lôi tấm thẻ ra nhìn một hồi bước lại chỗ Diane. - Tài khoản của bà đã bị khoá thưa bà Stevens. Diane vội lắc đầu làm gì có chuyện đó, hay là do sơ sót, tôi có… Nhân viên thủ quỹ chìa tấm thẻ ra trước mặt Diane. Hàng chữ trên thẻ "Tài khoản đã bị khoá. Lý do: thân chủ đã chết". Diane trố mắt nhìn kinh ngạc, hỏi lại nhân viên thủ quỹ. - Tôi đã chết đâu mà? - Dạ chưa. Tôi lấy làm tiếc. Bà muốn gặp ngài quản lý, để tôi… - Thôi, Nàng chợt hiểu ra ngay, cảm thấy một chút ớn lạnh trong người. - Không đâu, cám ơn anh. Diane vụt chạy trở ra cửa, Kelly đứng chờ. - Xong cả rồi chứ? - Tôi lấy hộ chiếu, nhưng mà gặp tên gian ác nào đó khoá hết tài khoản. - Làm sao được…? - Dễ hiểu thôi. Bọn chúng là nhân viên cơ sở KIG còn ta là phó thường dân. Diane nghĩ ngợi. - Ôi, lạy Chúa. - Ta tính sao? - Để tôi gọi máy báo. Diane vội bước tới buồng điện thoại công cộng quay số lôi tấm thẻ credit card trong túi ra. Một lát sau nàng kêu lên. - Tài khoản mang tên Diane Stevens. Còn tiền trong đó…? - Không thể được, thưa bà Stevens. Chúng tôi còn lưu lại hồ sơ thẻ của bà đã bị lấy cắp. Nếu bà muốn làm đơn xin chúng tôi sẽ cấp thẻ mới trong vòng một hai bữa và… Diane nói: - Không sao. - Nàng buông máy xuống chạy tới chỗ Kelly - Bọn chúng huỷ hết tài khoản trong thẻ. Kelly hít vô một hơi - Để tôi gọi tới mấy chỗ nầy. Kelly gọi máy gần nửa tiếng, lúc trở lại chỗ Diane đứng chờ, nàng muốn cáu tiết: - Bọn mafia lại vươn vòi bạch tuộc ra. Tôi còn một tài khoản ở Paris, không đến nỗi… - Phải mất công thôi, Kelly. Ta bỏ đi khỏi chỗ nầy ngay. Cậu còn trong túi bao nhiêu tiền mặt? - Đủ tiền về tới Brooklyn. Cậu thì sao? - Có thể hai đứa mình qua New Jersey. - Coi chừng bị mắc bẫy bọn chúng. Cậu biết tại sao bọn chúng làm chuyện đó chứ? Ngăn chặn không cho ta qua châu u để dò ra manh mối ở bên đó. Bọn chúng làm vậy thấy chắc ăn quá. Kelly ngẫm nghĩ nói: - Không, chưa chắc đâu. Ta phải đi ngay. Diane nói mỉa: - làm cách nào? Đi bằng phi thuyền không gian hở? - Tôi có cách. * * * * * Joseph Berry chủ gian hàng nữ trang trên phố Fifth Avenue niềm nở đón mời hai vị khách hàng Kelly và Diane vừa bước vô: - Quý bà cần việc gì? Kelly lên tiếng: - Vâng. Tôi muốn bán một chiếc nhẫn. Cái nầy… Nụ cười lão mới đó vụt tắt. - Rất tiếc, chúng tôi không mua hàng vào. - Chà, tiếc thật nhỉ. Joseph Berry toan quay đi. Kelly vừa kịp xòe tay ra cho thấy một chiếc nhẫn ngọc bích. - Chiếc nhẫn ngọc nầy nạm kim cương ba cara, vòng nhẫn bằng platinum. Joseph trố mắt nhìn theo, thích thú. Lão cầm lấy chiếc kính lúp để vô mắt soi. - Đẹp quá đi chứ, nhưng quy định là chúng tôi… - Tôi đang cần hai chục ngàn đô-la. - Bà nói sao, hai chục ngàn? - Vâng, tôi cần tiền mặt. - Diane chăm chú nhìn theo Kelly Berry nhìn chiếc nhẫn thêm một lần nữa. - Tôi… Ờ để coi có thể thoả thuận được không. Quý vị ngồi chờ. Lão quay vô trong nhà. Diane lên tiếng: - Cậu điên hay sao? Coi như ta bị bóc lột. - Tôi điên à? Nếu còn ở lại đây bọn chúng sẽ giết ta. Mạng sống của ta đáng giá bao nhiêu? Diane nói không ra. Joseph Berry quay trở ra, miệng cười tươi. - Tôi sẽ cho người ra nhà băng nhận tiền mặt về đây ngay. Diane nhìn Kelly: - Thà cậu đừng nên bán thì hơn. Kelly rùng mình: - Chỉ là một món nữ trang bình thường… Nàng nhắm mắt. Chỉ là một món nữ trang… nàng nghĩ. Hôm ấy là dịp sinh nhật. Chuông điện thoại reo. - Chào cưng, Mark nói. - Chào anh. Nàng chờ được nghe anh nói câu "Chúc mừng sinh nhật vui vẻ". Vậy mà anh lại hỏi. - Hôm nay nghỉ việc, em có thích môn đi bộ việt dã? Kelly thiệt tình không muốn nghe chuyện đó. Nàng cảm thấy hơi khó chịu. Chuyện sinh nhật nàng đã bàn với anh cả tuần lễ trước, vậy là anh đã quên. - Có. Sáng nay em thích đi chơi xa chứ? - Được thôi. - Nửa giờ nữa anh đến đón em. - Em chờ đây. * * * * * Ta đi tới đâu lận? Kelly vừa ngồi lên xe đã hỏi. Hai người ăn mặc đồ thể thao - ra tới ngoại ô vùng Fontainebleau, cảnh đẹp. - À thế. Anh đã đi ra tới đó nhiều lần rồi? - Vẫn đi hoài, mỗi khi muốn được bỏ đi một mình. Kelly ngơ ngác nhìn qua : Bỏ đi vì sao? Anh lưỡng lự. - Vì cảm thấy cô đơn. Ra tới đó thấy như được gần gũi thiên nhiên. Anh liếc nhìn Kelly, mỉm môi cười - Từ lúc gặp em anh không tới đó nữa. Fontainebleau là một toà lâu đài danh tiếng tráng lệ rừng cây bao bọc xung quanh, nằm về hướng Đông Nam Paris. Cung điện lộng lẫy nằm khuất trong cánh rừng phía xa. Mark chỉ tay kể: - Đó là nơi ở của nhà vua dòng họ Louis kể từ thời Vua Louis IV. - Ồ thật vậy à? Kelly nhìn anh vẻ ngạc nhiên, thích thú. Chiếc xe chở hai người vừa tới nơi, Mark tìm bãi đậu xe. Bước xuống xe để đi bộ về phía khu rừng, Mark hỏi: - Em đi bộ hơn cây số nổi không? Kelly cười đáp: - Mọi ngày em phải đi lui tới biểu diễn nhiều hơn vậy nữa. Mark nắm lấy tay nàng. - Khá lắm. Ta đi thử. - Em đi với anh. Băng qua một dãy toà nhà tráng lệ mới tới được phía cánh rừng, nhìn quanh như bị lạc lõng vô giữa chốn rừng xanh thời xa xưa. Hôm đó là một ngày hè ngập tràn ánh nắng, có gió mát mơn trớn ấm áp lòng người và trên cao mây trời xanh thắm. - Đẹp quá nhỉ? - Mark lên tiếng hỏi. - Đẹp tuyệt vời Mark. - Hôm nay em được nghỉ mới thật là vui. Kelly sực nhớ: - Có phải bữa nay anh vẫn làm việc? - Anh muốn nghỉ một bữa. - Thì ra vậy. Hai người càng bước đi lạc lối vô khu rừng cổ kính sâu thẳm. Đi chừng mười lăm phút, Kelly hỏi: - Anh còn muốn đi bao xa nữa? - Phía trước có một trạm dừng chân, ta sắp tới đó. Thoáng chốc nhìn thấy phía trước hiện ra khu rừng thưa, một cây sồi cổ thụ chắn ngang đường. - Tới nơi rồi? - Mark nói. - Một vùng bình yên tĩnh lặng… Thoáng thấy một dấu vết khắc ghi trên thân cây. Kelly bước tới kêu lên "Chúc mừng sinh nhật, Kelly". Nàng nhìn Mark hồi lâu, không biết nói sao. Chao ôi, Mark, anh yêu, cám ơn anh. - Vậy là anh chưa quên được đâu. Trong thân cây còn có cái đáng ngạc nhiên hơn nữa. Trong thân cây? Kelly dán mắt vô nhìn, một lỗ hổng nằm ngang tầm mắt. Nàng thò tay vô sờ thấy một gói giấy nhỏ lôi ra ngoài một món quà anh tặng cho nàng: - Gì thế nầy… - Em cứ mở ra coi. Kelly vừa mở ra trố mắt nhìn. Bên trong đựng chiếc nhẫn ngọc bích xinh đẹp nạm kim cương dát trên nền bạch kim. Kelly nhìn chăm chăm không dám tin là có thật. Nàng quay lại vòng tay qua người Mark. - Anh thật là hào hiệp. - Nếu em đòi được mặt trăng anh sẽ tặng luôn cho em. Kelly, anh yêu em. Nàng ôm chặt lấy anh, sung sướng biết chừng nào. Nàng buột miệng nói lời xưa nay nàng chưa dám hé môi: - Em cũng yêu anh, cưng ơi. Anh mỉm cười. - Ta lo cưới nhau ngay đi. Anh với em… - Không - Nàng nhọc nhằn nói. Mark nhìn nàng sững sờ: - Sao vậy? - Anh và em chưa thể: - Kelly… em không tin là anh yêu em thật sao? Em có yêu anh không? - Có. - Vậy sao em không chịu lấy anh? - Em muốn, nhưng nghĩ lại… em chưa thể. - Anh không hiểu em muốn nói gì. Nghĩa là sao? Anh nhìn theo, ái ngại. Chợt Kelly nhớ lại nếu nàng phải thổ lộ nó, đau thương từ lúc còn bé anh sẽ không bao giờ muốn nhìn lại nàng. - Em… em không phải là một người vợ chân chính của anh. - Em nói sao? Một điều Kelly thấy thật khó nói: - Mark, ta sẽ không còn có được những giây phút ái ân trọn vẹn. Em đã bị cưỡng hiếp lúc mới tám tuổi. Nàng đứng nhìn hàng cây trong rừng hoang nhắc lại một câu chuyện ô uế cho người tình nàng mới yêu lần đầu nghe. - Em không còn nghĩ tới chuyện ái ân, nghe sao muốn lợm giọng. Thật là khiếp đảm. Em không còn… không còn là con gái nữa, em đã lỡ dại, hơi thở dồn đập nàng cố nén lại dòng nước mắt sắp tuôn trào. Kelly chợt nhìn thấy bàn tay Mark vừa đặt lên người nàng. - Anh lấy làm ân hận, Kelly. Thật là một điều sỉ nhục. Kelly lặng lẽ nhìn đi. - Ái ân là chuyện thiêng liêng trong tình vợ chồng. - Mark nói. Kelly gật đầu bặm môi lại. Nàng biết mình phải kể lể cho hết nỗi niềm. - Anh nói phải. Thế nên em mới hiểu vì sao anh không muốn… - Nhưng không phải là chuyện ta muốn lấy nhau. Lấy nhau là để được gần gũi với người mình thương yêu được trải lòng mình ra, để được chia sẻ những lúc buồn vui có nhau. Nàng lắng nghe, bàng hoàng không dám tin vô những gì tai mình vừa nghe. - Kelly, ái ân thì chóng tàn chỉ có tình thương là mãi mãi. Ta thương em vì một tấm lòng và một tâm hồn trong sáng. Ta muốn ở với em những ngày còn lại trên đời nầy. Ta có thể sống bên em mà không phải nhắc tới chuyện xác thịt. Kelly cố giữ giọng bình thản: - Không, Mark. Em không muốn để anh… - Sao? Bởi về sau anh sẽ ân hận. Anh bỏ đi lấy người khác ban cho anh… cái mà em không còn, em đau khổ. Mark bước lại giang tay ôm lấy nàng vô người. - Em biết vì sao anh không thể xa em? Em là một phần không thể thiếu với anh. Ta sẽ thành vợ chồng. Kelly nhìn sâu vô mắt anh. - Mark, anh đã nghĩ kỹ chưa? Mark cười nói. - Ta nghĩ em nên sửa lại câu nói đó. Kelly vui mừng níu lấy anh. - Ôi, anh yêu, anh nói thiệt là anh… Chàng mỉm cười; - Thiệt chứ. Em muốn nói sao? Những giọt nước mắt lăn dài xuống hai bên má nàng: - Em muốn là… em bằng lòng. Mark chìa chiếc nhẫn ra đeo vô tay nàng, nắm chặt lấy hai bàn tay rất lâu. Kelly nói: - Sáng mai anh cùng đi với em tới nơi sinh hoạt của người mẫu để được ra mắt. - Ở nơi đó nội quy nghiêm ngặt… - Nay đã đổi thay khác trước. Mark tươi cười: - Chờ anh mời cha sứ đến làm lễ cưới ngày chủ nhật tới. * * * * * Sáng hôm sau lúc Kelly và Mark đến nơi sinh hoạt người mẫu, Kelly giơ tay chỉ lên trời nói. - Trời đang chuyển mưa. Mọi người thích bàn chuyện thời tiết chẳng thấy ai làm được gì trên đó. Mark quay qua nhìn nàng khác hơn mọi ngày. Kelly nhìn thấy Mark biến sắc: - Ôi, em xin lỗi, em thỉch nói chuyện văn hoa bay bướm vậy thôi. Bên trong phòng mọi người đang nói đùa rộn rã. - Có phải anh chàng điển trai cậu giấu mãi bấy lâu nay. - Có ai nhìn thấy chưa? - Anh chàng mặt mũi ra sao? Kelly lên mặt kể: - Chẳng kém gì chàng tài tử Cary Grant lúc còn trẻ. - Chà! Chừng nào mới ra mắt đây? - Có ngay, ngoài kia. - Kelly giơ tay, mở cửa ra - Anh ơi, vô đây. Mark bước vô cửa cả gian phòng im tiếng. Một em người mẫu nhìn thấy Mark nói thì thào qua hơi thở: - Mấy cậu thích đùa hay sao đấy? - Biết đâu đó. Mark nhìn thấp hơn Kelly một cái đầu, mặt mũi bình thường như ai mái tóc phơn phớt bạc hoa râm. Qua cái nhìn lần đầu mấy em người mẫu bước tới ngỏ lời chúc mừng chàng và nàng thành đôi vợ chồng. - Hôm nay là ngày vui. - Bọn mình mừng cho cậu. - Chúc hai bạn được nhiều hạnh phúc. Sau câu chúc mừng, Kelly và Mark trở ra ngoài. Vừa bước đi kề bên Mark lên tiếng hỏi: - Em thấy bạn bè có thích anh không? Kelly cười mỉm. - Có, thích lắm. Làm sao mà lại không thích được chứ? Chợt nàng dừng bước: - À? - Sao vậy? - Em vừa nhận được số báo mới đăng hình người mẫu ở trang bìa. Em lấy cho anh coi, chờ em trở ra ngay. Kelly vừa trở lại phòng trang điểm người mẫu tai nghe một cô nói: - Kelly thiệt muốn lấy anh chàng đó sao? Kelly đứng đó lắng nghe. - Có là điên mới lấy nhau. - Tớ biết đằng ấy đã từ chối mấy mối nhà giàu, điển trai. Chắc anh chàng có điểm khác lạ hơn? Một cô nãy giờ ngồi nghe giờ mới lên tiếng. - Dễ hiểu thôi, cô ta nói. - Là sao? - Cậu đừng cười, Cô nàng chần chừ. - Thì kể đi. - Cậu đã nghe câu nầy chưa? Yêu từ cái nhìn đầu tiên. Không nghe thấy ai cười. * * * * * Đám cưới tổ chức tại Bộ Tư Pháp ở Paris; mấy người mẫu rủ nhau lại làm phụ dâu cho Kelly. Ở ngoài phố đám đông người đã biết trước ngày cưới của người mẫu Kelly. Mấy tay phó nhòm săn ảnh tập họp đông đủ bên ngoài. Sam Meadows làm phù rể cho Mark lên tiếng hỏi: - Cậu tính đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu? Mark nhìn qua Kelly, cả hai chưa nghĩ tới chuyện đó, Mark đáp. - Ờ … - gã kể ra thử một nơi - Có thể ở St. Moritz: Kelly cười gượng: - St. Moritz. Cả hai chưa từng biết St. Moritz ở đâu, một nơi vùng đồi núi cảnh vật đẹp mắt; thung lũng chạy dài hun hút. Nơi ở là một khách sạn nằm trên đồi cao, Mark gọi tới đặt chỗ trước; vừa nhìn thấy khách người quản lý niềm nở bước ra đón chào: - Kính chào hai ông bà Harris. Chúng tôi đã sẵn phòng cho hai vợ chồng mới cưới! Mark đứng nhìn một lúc. - Tôi… Tôi muốn đặt một phòng hai giường riêng được không. Người quản lý chưa hiểu hỏi lại: - Hai giường riêng? Ồ, vâng, ông lo giùm cho. - Sao… có ngay. - Cám ơn ông. Mark nhìn qua Kelly. - Quanh đây còn nhiều cảnh đẹp ta nên đến coi. - Ông lôi trong túi ra một trang giấy ghi - Bảo tàng Engadine, núi đá Druid Stone, suối St. Mauritius, tháp nghiêng… Trở về phòng khách sạn, Mark chủ động hỏi trước, Em yêu, anh không muốn nhìn em phải sống trong hoàn cảnh éo le. Ta phải xoá tan đi hết mọi chuyện xầm xì bàn tán. Ta sống hồn nhiên những ngày còn lại. Ta được sống gần gũi để có nhau còn hơn gấp mấy lần vì những thú vui xác thịt tầm thường. Anh và em cần phải có nhau. Kelly vòng tay qua người anh ôm ghì sát vào lòng. - Em, em không biết nói sao. Mark cười - Em cần gì phải nói. Sau bữa cơm tối ở tầng dưới hai người trở lên phòng. Hai chiếc giường riêng đã được kê sẵn trong phòng ngủ lớn. - Ta có nên tung đồng tiền lên coi thử sao. Kelly vui cười Thôi, anh muốn chọn bên nào tuỳ. Mười lăm phút sau Kelly trong buồng tắm bước ra thấy Mark đã nằm trên giường. Kelly bước tới ngồi bên mép giường. - Mark, anh muốn làm vậy theo ý anh hở? - Trong đời anh không có việc gì tồn tại mãi mãi. - Chúc em ngủ ngon, người đẹp của anh. - Chúc anh ngủ ngon. Kelly trở vô giường nàng nằm nghĩ ngợi. Nàng nhớ lại cái đêm oan nghiệt làm đổi thay một đời người. Suỵt, không được la lên nếu mi kể cho mẹ biết ta quay lại giết mẹ mi… Con quỷ súc sinh kia đã làm gì khiến nàng phải chịu mang theo suốt đời. Hắn đã cướp mất một điều quý giá trong đời nàng và mỗi khi nhìn thấy bóng tối là sợ hãi… sợ bóng đàn ông… sợ chuyện yêu đương. Nàng đã quyết phó thác đời mình cho anh. Không thể, nàng nghĩ. Bao nhiêu tình cảm bị dồn nén bấy lâu, bao nhiêu dục vọng chất chứa trong người bỗng chốc tuôn trào như sóng xô bờ. Kelly nhìn qua Mark bỗng thấy dục vọng dâng tràn. Nàng tung tấm chăn lên, bước xuống giường đến bên anh. - Bước tới đi, nàng nói khẽ một mình… Mark vùng dậy, kinh ngạc. - Em đã nói là… em không muốn anh nằm chung một giường… Kelly nhìn anh nói khẽ: - Nhưng mà em đâu nói là em không vô giường của anh. Nàng nhìn sâu vô mắt anh, cởi bỏ chiếc áo choàng trên người, leo lên giường nằm bên anh. - Yêu em đi anh! - nàng nói khẽ. - Ồ Kelly! Em yêu! Anh thao tác nhẹ nhàng êm ái. Rất là nhẹ nhàng rất là êm ái. Nàng đã được giải thoát, Kelly cần có anh để được gần gũi. Nàng vồ vập dữ dội như chưa có một lần được thoả như đêm nay. Lúc nằm kề bên nhau sau cuộc ái ân, Kelly hỏi. - Anh còn giữ mảnh giấy ghi mấy điểm du lịch trong túi? - Có. - Nàng chậm rãi nói - Anh vứt đi cho xong. Mark cười theo. - Em điên lên mất rồi - Kelly nói. Nàng ôm ghì lấy Mark nói thì thầm rồi lại ân ái với nhau cho đến khi rã rời. - Để anh tắt hết đèn, Mark nói. Nàng chới với nhắm nghiền mắt lại. Nàng tính buột miệng nói: - Đừng, nhưng nằm kề bên thân thể chàng truyền hơi ấm qua như được chở che, nàng lặng thinh. Mark với tay bật đèn, Kelly mở choàng mắt ra. Kelly không còn sợ hãi bóng tối nữa. Nàng… Kelly! Kelly! Nàng chợt tỉnh dậy qua cơn mộng tưởng. Ngước mắt nhìn lên thấy mình đang đứng trong cửa hàng nữ trang trên phố Fifth Avenue, New York, nhìn theo Joseph Berry vừa chìa ra bao thư đựng tiền mặt dày cộm. - Tiền đây. Hai chục ngàn đô-la, giấy bạc một trăm, theo lời bà yêu cầu. Một lát sau, Kelly mới lấy lại bình tĩnh. Nàng mở phong bì rút ra mười ngàn còn lại mười ngàn giao cho Diane. Diane chới với nhìn lại: - Cái gì đây? - Phân nửa là của cậu. - Để làm gì? Làm sao mà… - Cậu để đó lần hồi trả lại sau. Kelly nhún vai nói. - Nếu ta còn gặp nhau còn nếu không bao giờ, mình chỉ cần bấy nhiêu thôi. Nào ta nghĩ cách thoát ra khỏi chỗ nầy đi. Chương 34 Ra phố Lexington Avenue. Diane vẫy tay gọi xe taxi. - Ta đi về đâu? - Ra sân bay La Guardia. Kelly nhìn Diane, chưa hiểu gì. - Cậu không tính chuyện bọn chúng theo dõi cả ở sân bay? - Chắc là có lẽ… - Còn cậu… - Kelly nói lầm bầm. - Cậu đã nghĩ mưu, phải không? Diane vỗ vỗ tay Kelly một cái. - Thì đấy. * * * * * Bên trong nhà ga sân bay La Guardia, Kelly bước theo Diane tới quầy vé hãng Alitalia Airlines. Nhân viên trong quầy lên tiếng. - Chào quý bà, quý bà cần hỏi việc gì? Diane mỉm cười. - Có, tôi đặt hai vé đi Los Angeles. - Bà muốn đi chuyến mấy giờ? - Chuyến nào sớm nhất. Tên đây, Diane Stevens và Kelly Harris. Kelly nhìn qua nhíu mày. Nhân viên nhìn lên bảng chuyến bay: - Chuyến bay tới lúc hai giờ mười lăm. - Được! Diane nhìn theo Kelly. Kelly cười gượng gạo: - Khá lắm. Bà trả tiền thẻ hay tiền mặt? - Tiền mặt, - Diane móc tiền đưa ra. Kelly vộỉ nói. - Sao ta không bật tín hiệu báo cho Kingsley biết ta đang ở đâu? Diane đáp: - Cậu lo chi mấy việc đó? Vừa đi ngang qua quầy vé hãng American Airlines, Diane nhìn vô nhân viên quầy vé. - Chúng tôi cần đặt trước hai vé đi Miami sau chuyến bay nầy. - Được chứ? Nhân viên quầy nhìn lên bảng chuyến bay: - Chuyến bay sắp tới còn ba tiếng nữa. - Được, tên chúng tôi là Diane Stevens và Kelly Harris. Kelly nhắm mắt lại. - Trả thẻ hay tiền mặt? - Tiền mặt. Diane trả tiền nhận hai vé. Vừa đi khỏi, Kelly vội nói. - Có phải ta tính xa hơn bọn chúng, những nhà thiên tài? Chuyện nầy không lừa được đứa bé mười tuổi. Diane vừa bước ra cổng sân bay. Kelly vụt chạy theo: - Cậu bỏ đi đâu vậy? - Ta phải đi… - Đừng lo. Tôi thấy không cần biết lý do tại sao. Bên ngoải bãi đậu xe một dãy xe taxi chở khách. Thấy hai người bước ra ngoài, một chiếc rời bến tới ngay trước cổng ra vô. Diane và Kelly bước vô xe. - Quý bà muốn đi đâu? - Ra sân bay Kennedy. Kelly vội nói ngay: - Liệu bọn chúng có phải bối rối vì ta. Giá mà ta kiếm ra được một món vũ khí phòng thân. - Ta kiếm đâu cho được một khẩu súng cối? Xe taxi gài số, Diane nghiêng người tới trước nhìn thấy tấm thẻ khắc tên Mario Silva phía trên hộp đồng hồ xe. - Nầy ông Silva, ông có thể lái ra sân bay né tránh xe sau theo dõi được không? Nhìn vô gương thấy ông nhếch mép cười: - Vậy là mấy bà lên đúng xe rồi đó. Ông nhấn ga cho xe tăng tốc độ quẹo cua chữ U gắt. Qua khúc quẹo đầu tiên ông rẽ qua nửa chừng tấp vô con đường hẻm. Hai người khách ngồi nhìn qua kính chiếu hậu, không thấy chiếc nào bám theo. Mario Silva cười thích thú: - OK. - OK, Kelly nói. Nửa tiếng sau Mario Silva bất thình lình quẹo qua một khúc cua lần nữa cho xe lách vô đường hẹp, nhìn không thấy xe nào bám theo: chắc ăn, xe taxi chạy thẳng vô cổng chính sân bay Kennedy. Ta tới nơi rồi, Mario khoan khoái nói. Diane móc tiền trong ví ra trả: - Thêm khoản bồi dưỡng cho ông đây. Người lái xe cầm lấy tiền tươi cười: - Cám ơn hai bà. Gã ngồi trong xe nhìn theo hai người khách bước vô nhà ga sân bay. Khi bóng người đã khuất vô trong gã móc điện thoại di động ra gọi. - Cho tôi gặp ngài Tanner Kingsley. * * * * * Bên trong quầy vé hãng Delta Airlines, nhân viên bán vé ngước nhìn bảng chuyến bay: - Vâng, chúng tôi còn hai vé bay 5.50 chiều nay. Dừng lại một tiếng tại Madrid, đến sân bay Barcelona 9.20 sáng hôm sau. - Cám ơn ông, Diane nói. - Trả tiền thẻ hay tiền mặt? - Tiền mặt. - Ta ngồi chờ ngoài nầy. Ba mươi phút sau Harry Flint nói qua máy di động với Tanner. - Tôi đã dò ra dấu vết. Bọn chúng đáp máy bay hãng Delta qua Barcelona. Máy bay rời sân bay Kennedy lúc 5.50 chiều, dừng lại Madrid một tiếng, đến Barelona 9.20 sáng hôm sau. - Khá lắm! Cậu đón máy bay của công ty để kịp gặp bọn chúng. Tôi nhờ cậu lo săn sóc giùm. Tanner vừa gác máy, nhìn Andrew bước vô. Một bông hoa cài trên ve áo. - Lịch chuyến bay đây. - Thế nầy là cái quái gi? Andrew nghe chới với. - Cậu dặn tôi mang theo… - Tôi không hỏi chuyện đó. Tanner muốn biết vì sao ve áo anh đeo cái bông hoa vớ vẩn kia? Andrew cảm thấy thích thú. - Tôi đeo cái nầy trên áo để mừng đám cưới cậu, tôi làm phù rể. Kingsley cau mày. - Anh làm quái gì… - Chợt hắn nhớ lại chuyện cũ: - Chuyện đó đã bảy năm ông ơi, làm gì có đám cưới. Thôi đi ra ngoài đi? Andrew quá đỗi bàng hoàng chưa hiểu gì. - Đi ra ngoài! Kingsley đứng nhìn người anh bỏ đi. Ta phải cho anh ta đi chỗ khác chơi. Đã đến lúc. Chuyến bay đi Barcelona êm ru. Kelly nhìn ra cửa sổ, thành phố New York lùi dần về phía sau. - Cậu thấy bọn mình đã yên được chưa? Diane lắc đầu. - Chưa. Thế nào bọn chúng cũng tìm ra dấu vết, dù sao ta cũng đã đến nơi. Nàng lấy bản in máy tính hôm trước ra dò lại - Sonja Verbrugge, ở Berlin bị giết chết, chồng bị mất tích. Gary Reynolds, ở Denver… Nàng chần chừ - Còn Mark và Richard… Kelly liếc nhìn qua. - Thì ra ta đã qua nhiều chặng, Paris, Berlin, Denver rồi trở về lại New York. - Ờ. Ta sẽ vượt biên giới San Sebastian qua tới Paris. Kelly bồn chồn muốn về lại Paris, để được gặp Sam Meadows, nàng có linh tính ông ta sẽ nhiệt tình giúp đỡ con Angel trông đợi nàng về. - Cậu đã tới Tây Ban Nha lần nào chưa? - Diane hỏi. - Có tới một lần khi còn Mark. Phải nói là… Kelly chợt lặng thinh một hồi lâu - Cậu biết tôi tính làm gì cho những ngày còn lại không, Diane? Ở trên đời nầy chưa có ai được như Mark. Cậu biết không lúc còn nhỏ, coi truyện thấy người ta yêu nhau nhìn đâu cũng thấy đời tươi như hoa. Tôi muốn nhắc lại chuyện giữa tôi với Mark. Nàng nhìn qua Diane thủng thỉnh nói. - Ờ. - Nàng hỏi - Mark thế nào? Kelly cười. - Trông anh chàng có cái nét như trẻ con. Tôi nghĩ là anh chàng tâm hồn như trẻ thơ còn cái đầu như một thiên tài, chợt nàng cười khúc khích. - Sao vậy? - Cách anh chàng ăn mặc. Mới gặp lần đầu thấy anh ta diện bộ đồ xám không vừa với khổ người, đi giầy nâu, áo sơ mi xanh, thắt cà vạt đỏ. Lấy nhau rồi, cách ăn mặc đổi khác, đàng hoàng hơn. Nàng im lặng. Nàng nhớ lại, giọng nói như nấc nghẹn. - Cậu biết gì chưa. Tôi muốn đánh đổi bất cứ thứ gì để được nhìn lại Mark, mặc bộ đồ xám ngày trước, đi giầy nâu, mặc áo sơ mi xanh, thắt cà vạt đỏ. Nàng nhìn qua Diane, nước mắt lưng tròng. Mark thích nhìn thấy tôi ngạc nhiên mỗi khi được tặng quà. Món quà đáng giá nhất là ông đã dạy cho tôi biết yêu là thế nào. - Nàng lôi chiếc mù soa ra chặm lên mắt. - Cậu kể chuyện Richard đi. Diane cười: - Anh chàng tính mơ mộng. Mỗi lần vô giường phải dặn dò - Em nhớ khoá nút bí mật tắt máy điện thoại, tôi nghe muốn mắc cười - Có ai nghe lén đâu mà lo. - Nàng nhìn Kelly - Cái nút bí mật là - đừng quấy rầy gắn bên máy điện thoại. Richard dặn dò sống ở đây như một lâu đài, một cõi riêng, còn cái nút gắn bên điện thoại coi như là cái hố ngăn cách thế giới bên ngoài. - Diane chợt nhớ ra, nhếch mép cười - Ông là một nhà khoa học tài ba. Mọi thứ trong nhà tự tay ông làm, sửa chữa đủ thứ điện nước ông làm được tất. Vậy mà có khi tôi phải nhờ thợ tới làm mấy chỗ ông sửa, không nói cho ông biết. Hai người kể lể đến khuya. Diane sực nhớ hôm đó hai người mới kể lại chuyện chồng mình cho nhau nghe. Y như là mọi ngăn cách xưa nay giữa hai người đã được tháo gỡ. Kelly ngáp dài. - Thôi ta đi ngủ. Tôi cảm thấy ngày mai còn nhiều việc sôi nổi hơn. Nói vậy thôi nàng chưa mường tượng ra nó sôi nổi cỡ nào. * * * * * Harry Flint lách qua đám đông trong sân bay El Prat ở Barcelona, bước vội tới chỗ cánh cửa mở rộng nhìn ra đường băng. Hắn ngước mắt nhìn lướt qua một vòng bảng chuyến bay đi và đến. Chuyến bay từ New York ghi trên bảng ba mươi phút nữa sẽ đến đây. Mọi thứ đã sẵn sàng theo như bài bản. Ba mươi phút sau hành khách từ New York đến vừa bước xuống máy bay. Nhìn mọi người hớn hở… khách du lịch, nhà buôn, trẻ em, những cặp vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật. Flint khéo tìm một nơi đứng giấu mặt nhìn dòng người tiến vô nhà ga, tất cả dừng lại một chỗ. Hắn cau mày. Không nhìn thấy Diane và Kelly đâu. Flint ráng chờ thêm ít phút, hắn bỏ đi ra cổng lên xuống máy bay. - Nầy ông, không được đi lối nầy. Flint quát: - Tôi ở cơ quan Hàng không Quốc gia tôi vừa nhận được tin một gói hàng giấu bên trong phòng vệ sinh trên máy bay. Tôi được lệnh kiểm tra ngay. Flint nhào tới trước đi thẳng tới chỗ chiếc máy bay. Vừa đến nơi, tổ lái cho máy bay chuyển bánh. Người tiếp viên lên tiếng hỏi: - Ông cần việc gì ạ? - Tôi là thanh tra cơ quan Hàng không quốc gia, Flint nói. Hắn leo lên cầu thang, bước vô trong khoang tàu. Không thấy một hành khách nào trên máy bay. Người tiếp viên hàng không hỏi: - Có sự cố gì chăng? - Có một quả bom giấu trên máy bay. Cô ta đứng nhìn theo Flint đi thẳng ra phía sau khoang tàu mở cửa buồng vệ sinh, không tìm thấy ai. Hai cô nàng đã biến mất. - Tìm không thấy bọn chúng trên máy bay, thưa ông Kingsley. Tanner nói nhỏ nghe đến rợn người: - Flint, cậu nhìn thấy họ trên máy bay chứ? - Dạ, có. Lúc máy bay cất cánh cậu còn thấy chứ? - Dạ, có. - Vậy thì ta có thể phỏng đoán bọn chúng nhảy xuống biển Đại Tây Dương không cần dù bọc, hay có thể đã xuống sân bay Madrid không chừng, cậu nghĩ sao? - Thì vậy, thưa ông Kingsley, nhưng mà… - Cám ơn cậu. Vậy chắc là bọn chúng có ý đồ xuống Madrid đi qua Pháp. - Ông bỏ ngang. - Bọn chúng được chọn một trong bốn phương án: chuyển đổi máy bay tại Barcelona, hoặc đáp tàu lửa đi, hoặc lên xe hàng. - Tanner nghĩ ngợi một hồi - Bọn chúng không thể đi xe buýt, máy bay hay tàu hoả vì thấy bất tiện gì đó. Lối suy luận đúng lôgíc mách cho ta thấy bọn chúng thuê xe tự lái tới vùng biên giới San Sebastian từ đây xâm nhập vô nước Pháp. - Nếu… - Khoan chờ tôi nói hết, Flint. Tôi đoán là xe từ Madrid đi San Sebastian mất hết năm tiếng. Tôi muốn cậu thi hành ngay. Đáp máy bay trở lại Madrid, kiểm tra mấy điểm cho thuê xe. Phát hiện đúng kiểu xe đã thuê mướn màu gì, hiệu xe, đủ các thứ. - Tôi nghe rõ. - Xong, tôi muốn cậu bay tới San Sebastian thuê một chiếc ô tô… loại xe tải. Cho xe đậu dọc theo quốc lộ phục kích chờ bọn chúng đi ngang qua, ta không muốn nhìn thấy bọn chúng tới biên giới San Sebastian. Nầy Flint… - Vâng, tôi nghe đây. - Cậu nhớ… phải tạo ra hiện trường như là một vụ đụng xe. Chương 35 Diane và Kelly đã tới Barajas, sân bay thủ đô Madrid. Thành phố có nhiều điểm cho thuê xe, chỉ có một cửa hiệu Alesa là địa điểm kín đáo. - Muốn đi từ đây tới San Sebastian theo quốc lộ nào nhanh nhất? - Diane hỏi. - Dễ thôi, thưa bà. Theo quốc lộ số 1 tới biên giới Pháp tại cửa khẩu Hondarribia rẽ qua phải về hướng San Sebastian. Từ đây ra tới đó mất khoảng bốn năm tiếng. - Cám ơn ông! Kelly và Diane đã sẵn sàng ngồi lên xe. * * * * * - Chiếc máy bay riêng của cơ sở KIG đáp xuống Madrid, một giờ sau đó Harry Flint vội vã đi tìm điểm thuê mướn xe ô tô. - Tôi tới đây muốn tìm em gái tôi và một người bạn gái… người bạn lai Mỹ đen… tôi đi tìm cô ta. Hai người từ New York qua đây lúc 9.20. Ông nhìn thấy họ tới đây thuê xe? Qua từng điểm thuê hắn đều lên tiếng hỏi và được trả lời cùng một câu. - Thưa ông không thấy… - Thưa ông không thấy… - Thưa ông không thấy… Flint gặp may, tìm tới ngay điểm cho thuê treo bảng hiệu Alesa. - Dạ có thưa ông. Tôi còn nhớ mặt. Hai người… - Họ thuê chiếc xe hiệu gì? - Hiệu Peugeot. - Sơn màu gì? - Màu đỏ. Mỗi một xe… - Xe phải có biển số chứ? - Dạ có, ông chờ một lát. Flint đứng chờ gã giở sổ. Flint ghi lại biển số. - Chúc ông may mắn. - Sẽ gặp thôi. Mười phút sau Flint lên máy bay đi San Sebastian. Đến nơi hắn sẽ thuê xe ô tô đuổi theo kịp, đến một đoạn không xe qua lại, hắn cho xe đụng vô văng qua bên kia, dừng xe lại coi bọn chúng đã đền tội xong chưa. Diane và Kelly đã vượt qua San Sebastian chừng mươi phút, trên xe không khí tĩnh lặng, lưu thông trên quốc lộ giờ nầy chưa đông xe, một yếu tố thuận lợi. Ngoài kia đồng cỏ xanh mướt đẹp mắt. Xe băng qua vùng trồng cây trái, thơm ngát mùi quả lựu chín mọng, nào lê, táo, cam, quít, phía xa xa những xóm nhà cũ kỹ, cây hoa nhài trổ dây leo bám đầu tường. Qua khỏi ngôi làng cổ kính Burgos nhìn ra một vùng phong cảnh núi đồi, vùng Pyrénées. - Ta gần tới nơi, Diane nói. Nàng đưa mắt nhìn về phía trước, bất chợt cau mày chân đạp phanh xe. Cách đầu xe chừng vài trăm mét thấy một chiếc xe đang bốc cháy, đám đông người xúm lại coi. Binh lính mặc quân phục ra dấu cho xe qua. Diane ngơ ngác: - Có chuyện gì vậy? - Ta đã tới xứ Basque chống lại nhà nước Tây Ban Nha nửa thế kỷ nay. Một người lính đội mũ bêrê đen đứng trước đầu xe giơ tay chỉ đi về hướng bên kia đường. Kelly vừa thở ra nói. - Giờ đã điểm. Ta không thể dừng lại đây, chỉ có chúa mới biết chừng nào họ mới cho đi qua. Một tên chỉ huy bước tới bên hông xe lên tiếng: - Tôi là đại uý Iradi. Yêu cầu quý bà xuống xe. Diane nhếch mép cười nhìn lại. - Tôi rất mong được đóng góp cho cuộc chiến đấu của các ông nhưng tôi còn phải lo cho cuộc chiến của chúng tôi đây, nói xong chân nhấn ga xe vọt nhanh tới trước vòng qua đầu chiếc xe bốc cháy chạy thẳng tới luồn lách qua đám đông người đứng la ó. Kelly nhắm mắt từ nãy giờ. - Ta đã tới nơi được chưa? - Xong rồi. Kelly vừa mở mắt ra, nhìn qua kính chiếu hậu mặt mày choáng váng. Chiếc xe Citroen đen bám sát theo sau, nàng nhận dạng được kẻ đang ngồi sau tay lái là ai. - Godzilla đó! Kelly há hốc mồm - Hắn đang đuổi theo bọn mình. - Sao? Làm sao hắn bám theo nhanh vậy? Diane nhấn ga vọt nhanh hơn. Chiếc Citroen đuổi theo kịp. Diane nhìn kim đồng hồ một cái chỉ 175 kilômet/giờ, một cái chỉ 110 miles/giờ chới với, Kelly nói: - Cậu xứng đáng tay lái "lụa" trên đường đua ô tô Indianapolis. Cách đầu xe chừng một cây số phía trước là chốt kiểm soát hải quan biên giới Tây Ban Nha, Pháp. - Cậu đánh vô mặt tôi đi. Kelly cười. - Tôi cứ tưởng là, tôi vừa… Chiếc xe Citroen đang tiến tới gần. - Cậu nói sao… - Đánh tôi đi nào? Ngại ngùng, Kelly tát vô mặt Diane một cái. - Chưa được. Làm mạnh tay nữa đi. Nhìn lui xe mắc kẹt giữa hai chiếc xe sau và chiếc Citroen. - Làm tới đi! - Diane la lên. Nhăn mặt, Kelly đấm một thôi vô mặt Diane. - Mạnh hơn nữa. Kelly bồi thêm một đấm vô mặt. Nhìn lại chiếc nhẫn kim cương đeo trên tay in dấu lên vết thương, một bên má máu tươm ra. Kelly nhìn lại Diane, hoảng hốt: - Xin lỗi, Diane tôi không muốn… Xe trờ tới bên chốt kiểm soát hải quan. Diane chân đạp thắng xe. Người lính biên phòng bước tới: - Chào quý bà. - Chào ông - Diane quay qua để người lính nhìn thấy vết thương chảy máu một bên má. Người lính kinh ngạc nhìn thấy: - Thưa bà, có chuyện gì? Diane bặm môi: ông chồng cũ đánh đập tôi hoài. Tôi cố gắng giữ hắn mà tôi… tôi không làm gì được. Hắn đuổi theo. Hắn ở đàng sau kia. Ông làm ơn cứu tôi. Không ai giữ hắn lại được. Người lính đảo mắt một vòng nhìn theo hàng xe nối đuôi phía sau, mặt đanh lại. - Hắn ngồi xe nào? - Chiếc Citroen đen, cách hai xe sau. Hắn đòi theo giết tôi. - Giết à, thiệt sao? Người lính nói lầm bầm - Quý bà cho xe đi tới đi. Không lo. Diane nhìn lại: - Ôi, cám ơn ông. Cám ơn. Một lát sau xe đã băng qua biên giới vô nước Pháp. - Diane… - Ồ, hở? Kelly quàng tay qua vai Diane nói: - Thiệt tình tôi xin lỗi chuyện… Nàng chìa tay chỉ vô một bên má Diane. Diane nhếch mép cười. - Ta đã thoát khỏi tay Godzilla, phải không? - Diane nhìn qua Kelly - Cậu khóc hở? - Không, có đâu! - Kelly hít vô một hơi. - Tại cái cây kẻ mắt mascara nó vậy đó. Cậu muốn tôi làm theo… mặt mũi giờ thấy xấu xí, có đau không? - Kelly nói tay cầm miếng khăn giấy lau lên vết thương. Diane nhìn vô kính chiếu hậu nhìn. - Hết rồi, không sao. * * * * * Xe chở Harry Flint vừa tới trạm kiểm soát biên giới lính biên phòng chặn lại. - Yêu cầu ông xuống xe. - Tôi không thể, Flint nói. Tôi đi có việc gấp. Tôi còn phải… - Yêu cầu ông bước xuống xe. Flint nhìn lại gã. - Sao vậy? Có chuyện gì lạ vậy? - Chúng tôi được lệnh chặn giữ xe mang biển số nầy lại vì chở theo ma tuý. Chờ khám xét. Flint trợn mắt hỏi: - Ông điên sao? Tôi đã nói tôi đi có việc gấp. Không có chuyện chở ma tuý… Hắn không nói, nhếch mép cười. - Tôi hiểu mà. Hắn thò tay vô túi lôi ra tờ trăm đô-la đưa người lính. - Đây cầm lấy, bỏ qua giùm cho. Người lính cất tiếng gọi: - José! Một sĩ quan bước ra. Người lính giao lại ông tờ trăm đô-la. - Tội hối lộ. Ông đại uý nhìn Flint nói. - Yêu cầu ông xuống xe, ông bị bắt vì tội hối lộ. Cho xe vô trong bãi. - Không… ông không thể bắt tôi. Tôi đang đi… - Thêm tội chống lệnh! - Ông quay qua người lính biên phòng. - Gọi người ra đây. Flint hít vô một hơi đưa mắt nhìn ra ngoài mé xa lộ. Chiếc xe Peugeot đã mất dấu. Flint quay qua ông đại uý. - Cho tôi gọi điện thoại Xe chở Diane và Kelly phóng nhanh về phía vùng ngoại ô nước Pháp, Diane hỏi. - Cậu có nhà người thân ở Paris? - Có Sam Meadows. Ông ta làm chung với Mark, ông có thể giúp bọn mình. Kelly thò tay vô túi xách, lôi ra chiếc điện thoại di động mới mua bấm số gọi Paris. Tổng đài lên tiếng: - Đây là cơ sở KIG. - Cho tôi gặp Sam Meadows. Một phút sau Kelly nhận ra giọng nói. - Alô. - Sam, Kelly đang nói đây. Tôi đã về lại Pháp. - Lạy chúa! Tôi cứ nhắc hoài. Em khỏi luôn chứ? Kelly ngần ngừ. - Khỏi. - Chuyện như trong mơ, - Sam Meadows nói - Tôi không tin nổi. Ta cũng nghĩ như ông, Kelly nghĩ: - Sam, tôi muốn kể cho ông nghe một việc. Tôi biết rõ là Mark đã bị giết chết. Nghe Sam Meadows trả lời nàng cảm thấy ớn lạnh trong người. - Tôi cũng nghĩ vậy. Kelly không biết nên nói sao. - Tôi cần phải biết hết mọi chuyện. Ông giúp tôi được chứ? - Việc nầy tôi thấy chẳng cần nói trên máy làm gì? Ông cố giữ giọng nói bình thản. - Tôi… tôi hiểu. - Thôi để đó tối nay ta bàn lại được chứ? Luôn tiện đến dùng cơm tại nhà. - Được - Nhớ bảy giờ. - Tôi nhớ, Kelly nói. Kelly tắt máy. - Tối nay ta phải tìm ra lời giải đáp. Trong lúc chờ đợi, tôi phải bay qua Berlin gặp gỡ những người từng cộng tác với Franz Verbrugge. Kelly bất chợt ngồi lặng thinh. Diane liếc nhìn qua: - Cậu nghĩ gì vậy? - Chả nghĩ gì. Tôi chợt nhớ bọn mình là đôi bạn gắn bó với nhau. Tôi không muốn thấy ngày phải xa cách nhau. Ta nên đi cùng một chuyến qua Paris thử coi sao? Diane cười: - Ta không thể xa cách nhau, Kelly. Trong khi còn gặp gỡ với Sam Meadows cậu có thể gọi máy qua cho tôi. Ta có thể gặp nhau tại Berlin, qua đây tôi muốn tìm hiểu một số tin tức. Có điện thoại sẵn đó ta thấy được gần lại với nhau. Tôi muốn biết tối nay cậu sẽ tìm thấy những điều gì? * * * * * Cả hai cùng đến Paris. Diane ngồi nhìn qua kính chiếu hậu. - Không thấy chiếc Citroen. Vậy là ta đã thoát được. Cậu muốn đi tới chỗ nào? Kelly nhìn ra cửa sổ, xe chạy tới Quảng trường La Concorde. - Diane, cậu dừng xe tấp vô lề cho tôi xuống đây rồi cứ đi. Còn tôi đón taxi. - Thiệt sao, bạn? - Thiệt chứ, bạn của tôi. - Cẩn thận đấy! - Cậu cũng phải lo giữ mình. Hai phút sau Kelly đã ngồi trên xe taxi trở về nhà, tâm trạng bồn chồn. Rồi nàng sẽ tới nhà Sam Meadows dùng bữa cơm tối. Chiếc taxi vừa dừng lại trước cửa. Kelly cảm thấy nhẹ nhõm. Nàng đã về tới nhà, người trực cửa bước ra mở cửa. Kelly ngước nhìn toan buột miệng nói: "Tôi mới về, Martin!" Chợt nàng im bặt. Người mở cửa hoàn toàn xa lạ. - Chào bà. - Chào ông… Martin đâu rồi? - Martin nghỉ làm từ lâu. Kelly bàng hoàng. - Ôi, xin lỗi. - Thưa bà cho tôi được phép tự giới thiệu. Tôi là Jérôme Malo. Kelly gật đầu. Nàng bước vô phòng khách. Nhìn anh chàng cao gầy đứng phía trong quầy tiếp tân mặt mũi lạ hoắc bên cạnh là Nicole Paradis đang cặm cụi bên bảng cắm ổ điện thoại. Anh chàng tiếp tân tươi cười. - Chào bà Harris. - Chúng tôi mong bà về. Tôi là Alphonse Girouard, quản lý chung cư. Kelly nhìn quanh, ngỡ ngàng. - Cho tôi hỏi thăm Philippe Cendre. À Philippe đã dọn đi cùng với gia đình qua đâu bên Tây Ban Nha. Gã nhún vai. - Vì lý do đi làm ở xa. Tự dưng Kelly thấy lo ngại hơn. - Ông còn một đứa con gái? - Đi theo luôn. Chợt Kelly nhớ lời Phillippe khoe "Bà đã hay con gái tôi được vô học trường Sorbonne chưa? Y như là một giấc mơ" - Kelly cố giữ giọng điềm nhiên: - Họ dọn đi lâu mau? - Mới vài bữa, thưa bà lo gì. Bà yên tâm ở lại đây. Căn hộ còn đó chờ bà về. Nicole Paradis ngồi bên tấm bảng ổ cắm điện thoại ngước nhìn: - Chào bà đã về tới. - Nhìn cặp mắt nàng có vẻ khác lạ. - Con Angel chạy đâu? - À chuyện con cún. Philippe mang đi theo. Kelly cố dằn cơn xúc động, hơi thở dồn dập. - Xin mời bà lên nhà được chứ? Chúng tôi muốn dành cho bà một chút ngạc nhiên. Chắc là có gì đây rồi, Kelly nghĩ ngay. - Vâng, chờ cho một lát! - Kelly nói. - Tôi quên mang theo một món. Girouard chưa nói hết câu, Kelly bỏ đi băng ra giữa lộ. Jérôme Malo đứng bên Aìphonse Girouard trước thềm nhà nhìn theo, không đề phòng kịp, nàng đã bỏ đi xa. Hai người đứng nhìn Kelly bước vô trong xe taxi. Lạy chúa! Rồi cả nhà Philippe giờ nầy ra sao, còn con Angel? Kelly nghĩ. - Thưa bà muốn đi đâu? - Anh cứ chạy đi. Tối nay ta sẽ chờ nghe Sam trả lời, Kelly nghĩ. Ta còn được bốn tiếng đồng hồ nữa… Bên trong căn hộ, Sam Meadows nói hết câu: - Vâng, tôi biết việc nầy ghê gớm lắm. Sẽ có người lo. Tôi đang chờ đây, chỉ ít phút nữa cô ta sẽ tới nhà dùng cơm… vâng… Tôi đã sắp xếp một người lo đem xác vứt đi. Cám ơn… Cám ơn ông đã quá lo, ông Kingsley. Sam Meadows vừa gác máy, liếc mắt nhìn xuống đồng hồ đeo tay. Vị khách mời sẽ tới đây trong chốc lát. Chương 36 Berlin, Đức. Lúc Diane tới sân bay Tempelhof ở Berlin, mất hết mười lăm phút chờ taxi. Và nàng đã đón được xe. Người lái xe vui cười. - Bà đi đâu? - Ông nói được tiếng Anh chứ? - Vâng. Cho tôi về khách sạn Kempinski Hotel. - Vâng. * * * * * Hai mươi phút sau, Diane đã tới phòng khách sạn đăng ký phòng trọ. - Tôi muốn thuê xe có người lái. - Thưa bà có ngay, - người nhân viên nhìn xuống - Còn hành lý? - Sẽ giao tới sau. Chiếc xe hơi thuê đã tới nơi, người lái xe hỏi: - Bà muốn đi đâu? Nàng chần chờ một lúc. Tôi muốn lái xe chạy vòng quanh một hồi. - Được! Bà muốn thăm thành phố Berlin. Diane nhìn thấy Berlin lạ mắt, một nơi từng hứng chịu những trận bom tàn phá quyết liệt trong thời thế chiến 2, nay hiện ra trước mắt nàng là một thành phố nhộn nhịp xinh đẹp, nhiều nhà cao tầng hiện đại, một thành phố phát triển năng động. Tên nhưng con đường nghe thật lạ tai Windsheidstrasse, Regensburgerstrasse, Lutzowufer… Đi qua từng nơi người lái xe kể lai lịch từng ngôi nhà, công viên, Diane thì không để tâm lắng nghe. Nàng mong gặp lại người thân nơi trước đây Frau Verbrugge phục vụ, để được nghe họ kể lại. Nàng dò trên Internet và được biết người vợ ông Franz Verbrugge đã bị giết chết, còn Franz thì mất tích. Diane nghiêng người tới trước hỏi: - Ông biết quán cà phê Internet Cyberlin nằm ở đâu? - Có, tôi biết. - Nhờ ông đưa tôi tới đó. - Được chứ, bà sẽ tìm thấy đủ thứ thông tin cần biết. Được vậy thì hay biết mấy, Diane nghĩ. Quán cà phê Cyberlin không rộng rãi như ở bên Manhattan, nhưng ở đây đông người hơn. Diane vừa bước vô, một bà nhân viên đứng sau quầy lên tiếng: - Xin bà vui lòng chờ mười phút nữa có ngay. - Cho tôi gặp người quản lý - Diane nói. - Người quản lý là tôi đây. Bà cần gặp tôi có việc gì? - Tôi muốn hỏi thăm chuyện bà Sonja Verbrugge. Người đàn bà lắc đầu: - Frau Verbrugge không còn ở đây. - Tôi biết, - Diane nói. - Bà ấy đã chết. Tôi muốn biết rõ hơn nạn nhân chết như thế nào? Bà nhìn theo Diane dè dặt: - Bà chết do một tai nạn. Lúc cảnh sát thu giữ chiếc máy tính họ mới biết… vẻ mặt bà biến sắc, bà vui lòng chờ đây, tôi sẽ mời người phụ trách tới nói chuyện. Bà chờ cho chút, Diane nhìn theo người đàn bà vừa khuất sau nàng nhanh chân bỏ đi ra ngoài đón xe. Làm gì có người nào muốn giúp ta rõ việc nầy. Ta phải đi ngay tìm người thư ký riêng của Franz Verbrugge may ra, nàng nghĩ. Bước vô buồng điện thoại công cộng, Diane tìm số máy gọi cơ sở KIG. - Cơ sở KIG Berlin đây. - Cho tôi gặp thư ký ông Franz Verbrugge. - Yêu cầu cho biết quý danh? - Tôi là Susan Stratford. - Bà vui lòng chờ máy. * * * * * Manhattan, New York Bên trong văn phòng Tanner đèn tín hiệu màu xanh chớp chớp. Tanner nhếch mép cười nhìn qua người anh: - Diane Stevens đang gọi. Để coi ta có thể làm gì được. Hắn chuyển lời qua loa phát thanh. Tổng đài KIG lên tiếng: - Thư ký riêng không có đây. Bà có thể gặp trợ lý? - Vâng, cho tôi gặp. - Bà vui lòng chờ máy. Một giọng nữ trong máy. - Tôi là Heidi Fronk. Bà cần hỏi việc gì? Diane lưỡng lự. - Tôi là Susan Stratford, phóng viên báo Wall Street Journal. Tôi muốn viết một bài về cái chết những nạn nhân phục vụ tại cơ sở KIG. Bà vui lòng cho tôi được làm một cuộc phỏng vấn? - Tôi không biết nói sao… - Tôi muốn biết một số thông tin cần thiết. Tanner ngồi chăm chú lắng nghe. - Thôi để ta bàn trong giờ cơm trưa. Bà thấy sao? - Rất tiếc là không được. - Tối nay vậy? Bà đang còn lưỡng lự, dè dặt nói: - Vâng, thôi thế cũng được. - Bà muốn tới chỗ nào? - Ta tới nhà hàng Roekendorf, một nơi lịch sự. - Cám ơn bà. - Tám giờ rưỡi được chứ? - Được. Tanner quay qua Andrew: - Tôi đã tính toán phải ra tay ngay lúc nầy. Tôi báo cho Greg Holliday lo mọi việc hắn là đệ tử trung thành. Gã nhìn lại Andrew. - Hắn có tật khoe khoang tự cao… gã cười nhạt -… nhưng hắn làm được việc. Chương 37 Paris, Pháp Kelly vừa bước chân tới trước thềm nhà Sam Meadows số 14 phố Bourg - Tibourg thuộc Quận Tư, nàng chần chừ. Cuộc truy đuổi sắp tới hồi kết thúc, cần phải tìm ra lời giải đáp. Chợt nàng cảm thấy chùn chân không muốn nghe ngóng gì nữa. Kelly giơ tay nhấn chuông. Cửa vừa mở nàng nhìn thấy Sam Meadows bước ra, bao nhiêu nỗi lo sợ vụt biến mất. Một cảm giác vui mừng hân hoan dâng trào khi được nhìn thấy lại một người bạn gần gũi với Mark. - Kelly? Ông bước tới ôm chầm lấy nàng. - Kìa Sam. Ông nắm tay - Vào đây. Kelly bước vô nhà. Bên trong căn hộ xinh xắn hai buồng ngủ, nơi đây trước kia là ngôi nhà của một gia đình quý tộc Pháp. Phòng khách thoáng đãng và sang trọng bày biện đồ đạc theo kiểu Pháp, khuất trong góc nhà một quầy bar đẹp mắt đóng bằng gỗ sồi. Trên tường treo tranh Man Ray và Adolf Wolfli. - Tôi biết nói làm sao cho hết nỗi thương nhớ Mark? Sam nhọc nhằn nói. Kelly khều tay ông. - Tôi hiểu, - nàng nói khẽ. - Có ai ngờ. - Tôi muốn biết hết sự thật! - Kelly nói - Tôi phải lặn lội tới đây, ông giúp tôi tìm ra manh mối. Nàng ngồi xuống chiếc ghế sofa, trong lòng nôn nao háo hức. Mặt mũi Sam sa sầm. - Không ai biết hết mọi chuyện. Mark phụ trách một công tác bí mật, với sự trợ giúp của vài ba nhân viên ở cơ sở KIG. Mọi người cho là ông tự tử. - Tôi không tin chuyện đó, - Kelly vẫn trước sau như một. - Tôi cũng chẳng thể nào tin được, - Ông nói nhỏ vừa đủ nghe - Em biết lý do vì sao chưa? Cũng vì em. Kelly chới với nhìn lại. - Tôi không hiểu sao… - Làm sao Mark muốn bỏ lại một người xinh đẹp như em? Làm sao người ta bỏ lại em xinh đẹp một mình thế nầy? Ông xích lại gần hơn - Chuyện đã qua là một đòn bi thảm, Kelly, nhưng mà em còn tương lai, phải chứ, ông nắm tay nàng đặt lên tay ông. Ta đang cần có một người để được gần gũi, phải không em? - Một người đã ra đi, còn ta ở lại đây. Em cũng cần phải có một người đàn ông. - Tôi không phải là… - Mark kể lại em rất là đa tình. Em đang độ tràn trề nhựa sống. Kelly kinh ngạc nhìn lại. Có bao giờ Mark ăn nói vậy. Và cũng chưa lần nào nói về nàng trước mặt ai. Sam vòng tay qua vịn vai nàng. - Có lần Mark kể lại cho ta nghe em rất là đa tình, say đắm, em thật là tuyệt vời mỗi khi ở trên giường. Kelly cảm thấy càng lo sợ hơn bao giờ hết. Sam cứ nói: - Kelly, nếu em cảm thấy sung sướng thì chắc là Mark đã không bị thiệt thòi? Nhìn qua ánh mắt Meadows, nàng hiểu cả. - Ta sẽ dùng cơm tối lát nữa đây, - Sam nói - Hay là ta thử một món ngon hơn ngay trên giường? Kelly cảm thấy muốn ngất, nàng gượng cười cho qua: - Được thôi. Nàng toan tính trong đầu. Anh chàng lớn con hơn, ta làm sao chọi lại, trong tay nàng không có một món vũ khí phòng thân. Ông giở trò vuốt ve mơn trớn: - Mông em to em biết không? Ta thích cái món đó. Kelly cười mỉm: - Vậy sao? - Nàng sụt sịt mũi - Em đang đói. Mùi thơm món ăn đâu đây? - Món ăn đã sẵn sàng. Ông chưa kịp ngăn lại nàng đã đi xuống bếp. Bước ngang qua bàn ăn, nàng cảm thấy ớn lạnh. Bữa ăn để dọn cho một người. Kelly nhìn lại. Sam đang ở trong phòng khách ông khoá cửa. Nàng nhìn thấy ông quăng chiếc chìa khoá vô trong ngăn tủ. Kelly nhìn quanh trong bếp coi có một món vũ khí nào, nàng không biết bên nào là ngăn đựng dao. Phía trên quầy còn một đĩa mì sợi. Trên bếp một nồi nước sôi, kế bên là nồi nước xốt cà. Sam bước xuống bếp vòng tay qua người nàng. Nàng giả vờ không hay biết gì. Nàng chỉ tay vô nồi nước xốt trên bếp. - Trông ngon lành ghê. Ông khều khều vô người nàng. - Chờ gì? Em thích lên giường chứ, cưng? Kelly phải tính ngay. Nàng nói nhỏ: - Em thích đủ thứ, em rờ nắn đủ thứ, Mark khoái chơi cái trò đó. Sam mừng rỡ: - Cái trò đó ra sao? - Cứ mỗi lần lấy khăn nhúng nước nóng rồi… Nàng chỉ tay vô chiếc khăn trong bồn nước: - Em chỉ cho! Cởi quần ra! Sam Meadows nhe răng cười: - Ờ, ông tháo nịt tuột quần bỏ xuống sàn. Còn mỗi chiếc quần sịp trên người. - Còn nữa, cởi hết ra. Ông buông chiếc quần xuống đất. Kelly thích thú kêu lên - Trời, trời… Nàng cầm lấy chiếc khăn bên tay trái bước tới. Một tay kia nhấc nồi nước sôi tạt mạnh nhắm ngay vào "bộ sậu". Kelly vừa kịp nghe ông hét lên một tiếng nàng nhanh nhẹn thò tay vô tủ lấy chìa khoá ra mở cửa bỏ chạy! Chương 38 Berlin, Đức Ở bên Đức nhà hàng Rockendorf nổi tiếng sang trọng, cách trang trí bề ngoài xưa nay là nét đặc trưng cho sự phồn vinh của thành phố Berlin. Diane mới vừa tới, người quản lý bước ra đón tiếp: - Bà đã đặt bàn chưa? - Tôi đã đặt bàn trước tên là Stevens. Tôi có hẹn với bà Fronk ở đây. - Xin mời bà đi lối nầy. Người quản lý hướng dẫn vô dãy bàn cuối. Diane ngồi nhìn quanh dè đặt. Khoảng chừng bốn mươi thực khách ngồi vô bàn, dân áp phe ngồi bàn phía trước là một ông khách ăn mặc lịch sự đi một mình. Diane ngồi tập trung lại ý tưởng trong đầu sắp đối phó với Heidi Fronk. Nàng đã biết được những gì? Người phục vụ đưa ra bản thực đơn: - Cám ơn. Diane liếc qua món ăn. Nàng không rành mấy món nầy. Chờ Heidi Fronk tới. Diane liếc nhìn xuống đồng hồ đeo tay. Trễ hai mươi phút, Heidi chưa tới. Người phục vụ bước lại: - Bà đặt món ăn chưa? - Chưa. Tôi chờ khách tới. Cám ơn. Giây phút cứ trôi qua. Diane bồn chồn không biết có việc gì Mười lăm phút sau người phục vụ bước tới: - Bà cho dọn món ăn ra được chứ? - Khỏi. Cám ơn. Người khách của tôi sắp tới nơi. Đúng chín giờ, vẫn chưa thấy Heidi Fronk đâu. Nghĩ một lát Diane biết chắc là nàng không tới. Diane vừa ngước nhìn thấy hai anh chàng lạ mặt ngồi ở lối ra vô, mặt mũi xấu xí ăn mặc lôi thôi. Diane đoán ngay bọn côn đồ. Nhác thấy người hầu bàn bước tới bọn chúng vẫy tay xua đi. Bọn nầy không cần ăn. Diane thấy bọn chúng chăm chăm nhìn về phía nàng, linh tính báo cho nàng biết chuyện chẳng lành. Lọt vô vòng vây bọn địch; Heidi Fronk đã bán đứng nàng. Diane thấy hồi hộp muốn ngất lúc nào không hay. Nàng nhìn quanh coi thử có lối thoát. Đành chịu thôi. Nàng cứ ngồi lại đó, để rồi liệu sau, nàng phải đi và bọn chúng sẽ tóm cổ nàng. Nàng nhớ còn chiếc điện thoại di động, nhưng biết gọi cho ai tới ứng cứu ngay lúc nầy. Diane cảm thấy tuyệt vọng không còn lối thoát, ta phải đi khỏi đây, nhưng ra đi lối nào, nàng nghĩ nhìn quanh một lượt nàng sực nhớ, nhìn theo người khách mặt mũi điển trai ngồi ăn một mình bên bàn kia. anh ta vừa nhấp một ngụm cà phê. Diane mỉm cười cất tiếng. - Chào ông. - Ông ta ngước nhìn ngỡ ngàng, rồi vui vẻ đáp: - Chào bà. Diane đáp lại với một nụ cười chân tình, mời gọi: - Tôi thấy cả hai người vô đây một mình. - Ờ vâng. Ông có thể quá bước qua đây ngồi chung bàn? Ông chần chờ một lúc, nhếch mép cười. - Được, ông đứng lên bước qua bàn Diane. - Ăn uống một mình thiệt là không vui chút nào, phải không ông! - Diane nhẹ nhàng nói. - Bà nói đúng. Thiệt là không vui chút nào. Nàng chìa tay ra. Tôi là Diane Stevens. - Tôi là Gred Holliday. * * * * * Paris, Pháp. Kelly Harris giật mình nhớ lại những giây phút kinh hoàng lúc gặp Sam Meadows. Sau khi chạy thoát nàng lang thang đêm tối một mình trên phố Montmartre, mắt không quên nhìn lui về phía sau đề phòng kẻ lạ theo dõi, ta không thể bỏ Paris ra đi khi chưa biết rõ sự thật, Kelly nghĩ. Tờ mờ sáng nàng ghé vô quán gọi một tách cà phê. Bỗng đâu đầu óc nàng sáng ra tìm được câu giải đáp. Nàng sực nhớ thư ký riêng của Mark. Bà kính nể Mark. Bởi vậy Kelly mới nghĩ ra chỉ còn bà có thể giúp ta một tay. Đúng chín giờ, Kelly bước vô buồng điện thoại công cộng gọi máy. Nàng gọi tới một nơi quen thuộc, nghe tiếng người phụ trách tổng đài nói giọng Pháp nghe nặng tai - Đây là cơ sở Kingsley. - Cho tôi gặp Yvonne Renais - Xin bà vui lòng chờ máy. Nhanh chóng Kelly nghe Yvonne nói bên kia. - Yvonne Renais đây. Bà cần việc gì? - Yvonne, tôi là Kelly Harris đây. Người nghe buột miệng quá bất ngờ: - Chao ôi? Bà Harris… Manhattan, New York Bên trong văn phòng Tanner đèn tín hiệu màu xanh chớp sáng. Tanner Kingsley nhấc máy lắng nghe cuộc gọi ở Paris. - Tôi lấy làm buồn lòng vì sự việc xảy ra cho ông Harris. Tôi hết sức bàng hoàng. - Cám ơn, Yvonne. Tôi cần bàn một việc với bà. Ta có thể gặp nhau tại một nơi khác được chứ? Bà có rảnh trưa nay dùng cơm với tôi. - Vâng. - Ta đi ăn nhà hàng. - Bà biết nhà hàng Le Ciel de Paris. Ta tới chỗ La Tour Montparnasse sẽ thấy. - Vâng. Tanner Kingsley nhẩm tính trong đầu. - Mười hai giờ? - Được! Ta sẽ gặp nhau tại đó. Một nụ cười vừa thoáng hiện trên môi Tanner Kỉngsley. Bọn mày ráng ăn một bữa chót, gã nghĩ. Gã giơ tay mở ngăn kéo, nhấc chiếc máy điện thoại vàng. Bên kia máy trả lời: - Chào Tanner. Tin vui. Mọi việc đã xong. Đã tóm được cả hai. Gã nghe qua mấy câu, gật đầu: - Tôi biết phải bỏ công nhiều hơn nữa, ta đã sẵn sàng đâu đó rồi… Tôi cũng nghĩ như ông… chào nhá. Paris. Pháp Tháp La Tour Montparnasse trên độ cao 685 foot xây dựng bằng một vật liệu thép bọc kính. Toàn bộ khu vực hoạt động nhộn nhịp, cửa hiệu mở cửa đón khách ra vô tấp nập. Kelly là người đến trước tiên ngồi bên trong nhà hàng quán bar tầng lầu năm mươi sáu ấy. Mười lăm phút sau Yvonne mời tới, ríu rít xin lỗi. Trước đây nàng có gặp gỡ vài lần nhưng vẫn còn nhớ mặt. Yvonne có khuôn mặt nhìn nhỏ nhắn dễ thương. Kelly được nghe Mark khen nàng đủ điều. - Cám ơn bà đã đến đây, Kelly nói. - Tôi sẽ làm vừa lòng bà. Ông Harrỉs là một nhân vật đáng kính nể, được mọi người khâm phục. Chuyện xảy ra không ai có thể tin được… nào ngờ. - Tôi đến đây là để được nghe bà kể lại cái chuyện đó, Yvonne. Bà đã từng cộng tác với chồng tôi trong năm năm. - Vâng. - Chắc là hiểu ông rõ hơn ai hết? - Vâng, phải! - Mấy tháng sau nầy bà có nhận thấy điều gì khác lạ không? Tức là nó lạ ở chỗ cách ông ăn nói, đối xử với người khác? Yvonne liếc nhìn chỗ khác: - Tôi không dám nói là có, tôi muốn nói là… Kelly khích lệ. - Lúc nầy bà kể ra không ảnh hưởng gì đến ông, vả lại giúp tôi hiểu rõ hơn mọi việc, - Kelly cố dằn lòng hỏi thêm một việc nữa. - Bà có nghe ông nhắc tới ai tên là Olga? Yvonne nghe thấy lạ tai, nói ngay: - Olga hở? - Làm gì có. - Bà không biết người nầy là ai? - Chuyện đó tôi không rõ. Kelly thấy người nhẹ tênh, nàng nghiêng ra trước: - Yvonne nghe nầy, bà có điều gì chưa muốn nói cho tôi biết? Thì đây… Người hầu bàn bước tới trước mặt hai vị khách. - Chào quý bà, chúng tôi hân hạnh được đón tiếp quý bà đến với nhà hàng Ciel de Paris. Tôi là Jacques Brion. Bữa nay bếp trưởng có chuẩn bị mấy món ăn đặc sản. Quý bà đã cho đặt món ăn chưa? - Có, thưa ông, chúng tôi gọi món châteaubriand hai người ăn. Người hầu bàn lui ra, Kelly nhìn qua Yvonne. - Bà mới vừa kể… - Vâng mấy ngày trước lúc lúc ông chết. Tôi thấy ông Harris có vẻ bồn chồn sao ấy. Ông nhờ tôi ra đặt vé máy bay đi Washington. - Chuyện đó tôi biết. Tôi cho là chuyện công tác bình thường. - Không đâu. Tôi thấy nó lạ ở chỗ… như là công việc gấp lắm. - Bà có biết là việc gì không? - Không. Mọi việc bất chợt như là bí mật lắm. Tôi thấy sao nói vậy. Kelly xoay Yvonne gần cả tiếng đồng hồ, nhưng không được gì thêm. Yvonne còn nhớ ra mấy cuộc gọi điện thoại đến chỗ Mark. Sau bữa cơm Kelly nói: - Tôi muốn bà giữ kín cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, Yvonne. - Bà khỏi lo, Harris. Tôi không cho ai hay biết. Yvonne đứng lên: - Tôi phải về lại văn phòng. - Môi miệng bà run run. - Chắc là không có lần thứ hai… - Cám ơn Yvonne. Mark ra đi gặp ai ở Washington? Kelly chưa biết được. Còn mấy cuộc gọi bí mật từ bên Đức, ở Denver và New York ra sao. * * * * * Kelly từ trên lầu đi thang máy xuống tới phòng khách. Ta sẽ gọi Diane coi có tin tức gì mới hơn. Được thôi… chợt nàng không nghĩ tới nữa. Kelly vừa ra tới cửa trước đã nhìn thấy bọn chúng ở đó. Hai tên to con mỗi tên đứng canh một bên. Bọn chúng nhìn về phía nàng, hai tên cười với nhau. Kelly thuộc hết địa điểm nầy nàng biết không còn lối thoát nào ra bên ngoài nữa. Lẽ nào Yvonne phản lại ta? Nàng nghĩ. Hai kẻ lạ mặt dợm bước về phía nàng, chen giữa lối đi của khách ra vô. Kelly hoảng hốt nhìn quanh, đứng dựa lưng vô tường. Cánh tay nàng vừa chạm một vật cứng đau nhói, nàng quay lại nhìn vừa lúc hai tên bước tới gẩn, nhanh như chớp Kelly chộp lấy cây búa gắn bên hông bình chữa cháy đập vỡ khung kính lập tức chuông báo động reo lên khắp nơi trong dãy nhà. Kelly la to: - Cháy? Cháy? Khắp nơi nhốn nháo. Mọi người từ cửa hàng, nhà hàng ăn chạy ùa ra ngoài. Trong khoảnh khắc phòng khách chật cứng người chen chúc nhau chạy thoát nạn. Hai tên lạ mặt căng mắt nhìn theo Kelly lẩn vô đám đông. Vừa chạy ra tới nơi chỗ nàng mới còn đứng đây nhìn lại đã không thấy Kelly. Berlin, Đức. Nhà hàng Rockendorf khách vô tấp nập. - Tôi chờ một người bạn, - Diane phân bua với Greg Holliday, người khách điển trai được mời qua bàn ngồi chung - Dường như cô ta không tới đúng hẹn. - Tệ vậy. Bà đi du lịch đến Berlin hở? - Vâng. - Một thành phố xinh đẹp. Ở Berlin rất nhiều nơi tham quan du lịch tôi có thể giới thiệu ngay đây. - Vậy thì hay lắm, - Diane hững hờ nói. - Nàng liếc mắt về phía cửa ra vô. Hai tên lạ mặt đã bỏ đi ra ngoài, có lẽ đón chờ nàng ngoài kia. Nàng phải liệu đi ngay. - Đúng ra thì… - Diane nói. - Tôi chờ một nhóm bạn. Nàng liếc nhìn đồng hồ. - Họ đang chờ ngoài kia, phiền ông đưa tôi ra xe taxi. - Có sao đâu. Thoáng chốc hai người đã ra tới trước cổng. Diane thấy nhẹ cả người. Hai kẻ lạ mặt toan ám hại nàng đi một mình, nhưng ta đi với một người bên cạnh thì đừng hòng. Lúc Diane và Greg Holliday ra tôi cổng, hai tên nọ lẩn đâu mất, chiếc taxi đang đậu phía trước nhà hàng, phía sau là một chiếc Mercedes. Diane lên tiếng: - Rất vui mừng được gặp gỡ ông. - Tôi nghĩ là… Holliday mỉm cười nắm lấy tay nàng, bàn tay gã níu chặt lấy khiến nàng đau nhói. Nàng nhìn lại, bàng hoàng. - Sao mà… - Sao ta không đi xe riêng? - Gã nói nhỏ nhẹ, tay vừa lôi Diane về phía chiếc Mecedes đang chờ. Bàn tay gã níu chặt hơn. - Không, tôi không muốn để… Vừa tới bên chiếc xe, Diane nhìn lại thấy hai tên lúc nãy đã ngồi ở hàng ghế trước. Quá sửng sốt, Diane hiểu ngay chuyện gì, nàng cảm thấy toàn thân hoảng loạn. - Đừng, nàng nói. - Đừng. Tôi… Nàng vừa bị đẩy vô trong xe. Greg Holliday nhào vô theo sau ngồi bên Diane giơ tay đóng cửa xe. - Đi thôi. Chiếc xe lao tới hoà cùng dòng xe phía trước Diane cảm thấy như người trong cơn bấn loạn; - Tôi van ông… Greg Holliday nhếch mép cười đểu: - Bà có thể nằm nghỉ. Tôi không muốn làm hại ai. Tôi bảo đảm ngày mai bà sẽ về tới nhà. Hắn thò tay vô chiếc túi phía sau ghế tài xế lôi ra một cây kim tiêm. - Tôi sẽ tiêm cho bà một mũi thuốc, không sao cả. Bà nằm đây ngủ chừng một hai tiếng. Hắn sờ lên tay Diane. - Tránh mau! Tay lái xe quát. Một người đi bộ bất thình lình lao vô đầu xe, lái xe nhanh chân đạp thắng suýt nữa là tai nạn, mọi người ngồi trên xe nhốn nháo. Holliday đập đầu vô lưng ghế. Hắn cố ngồi ngay lại, choáng váng, miệng quát người lái xe - Chuyện gì… Ngay tức thì Diane níu lấy tay Holliday đang còn giữ chiếc kim tiêm vặn tréo lại gập cây kim vô da thịt hắn. Holliday hoảng hốt quay qua - Đừng? Hắn vừa bật lên một tiếng thét. Quá khiếp đảm Diane nhìn thấy người Holliday co giật cứng đờ, buông tay nằm đó, hắn chết trong nháy mắt. Hai tên ngồi phía trước ngoái cổ nhìn lui. Diane đã tháo chạy ra khỏi xe, thoáng chốc nàng đón được chiếc taxi chạy về hướng ngược chiều. Chương 39 Nghe tiếng chuông điện thoại di động reo, Kelly giật nẩy mình. Nàng dè dặt cầm máy: - Alô? - Chào Kelly. - Diane, cậu đang ở đâu? - Đang ở Munich. Cậu ở đâu? - Tôi đang ngồi trên phà qua biển Manche đến Dover. - Chuyện cậu với Sam Meadows ra sao? Kelly còn nghe bên tai tiếng Meadows kêu thét lên. - Chừng nào gặp lại tôi sẽ nói. Cậu có gì lạ không? - Chả có gì. Ta phải liệu tính chuyện sắp tới đây. Ta không còn cách nào khác hơn. Máy bay chở Gary Reynolds đụng vô núi ở Denver. Ta nên đến đó một lần coi sao. Biết đâu dịp may lần cuối? - Được thôi. - Trong lời cáo phó nhắc tới một người em gái của Reynolds hiện ở Denver, ta nên hỏi thăm thử coi. Bọn mình hẹn gặp nhau tại khách sạn Brown Palace Hotel. Tôi ra sân bay Schoenfeld ngay bây giờ. - Tôi đón chuyến bay ở Heathrow. - Khá lắm. Tôi đăng ký phòng khách sạn lấy tên Harriet Beecher Stowe. - Kelly… - Ờ - Cẩn thận đấy… cậu nhớ chưa? - Nhớ mà. Cậu phải liệu đấy. * * * * * Tanner ngồi một mình trong văn phòng, tay nhấc chiếc máy điện thoại vàng. - Vậy là bọn chúng lại thoát… Sam Meadows không may còn Greg Holliday thì đã chết. Gã ngồi lặng thinh một lúc, nghĩ ngợi. - Theo ta ước đoán bọn chúng chỉ còn cách qua Denver. Thì ra bọn chúng đã chọn phương án đó… Thôi để ta một mình đối phó với bọn chúng. Bọn chúng cũng đáng nể để ta liệu việc nầy… Gã lắng nghe, phá ra cười. - Tất nhiên… Hẹn gặp lại. Andrew đang ở trong văn phòng, thả hồn trên mây, mơ mộng vẩn vơ… Nhớ lại lúc còn nằm ở bệnh viện, Tanner tới gần bên mình nói: - Anh muốn chơi tôi một vố Andrew. Anh giả vờ chết, Bác sĩ vừa cho tôi hay vài hôm nữa anh xuất viện. Tôi đã giành cho anh một chỗ tại cơ sở KIG. Tôi muốn cho anh biết anh đã được tôi cứu vớt như thế nào. Anh làm sao nhớ ra được hở, đồ ngốc? - Vâng, tôi muốn chuyển đổi công việc tầm thường của anh thành một đống của, anh cứ ngồi một chỗ coi tôi làm. Ngay lúc nầy tôi muốn hoãn lại tất cả các dự án từ thiện không ra gì. Andrew… Andrew… Andrew…? Tiếng kêu nghe càng rõ hơn: - Andrew, anh có điếc không? Nghe Tanner vừa gọi tên ông, Andrew vùng dậy bước qua văn phòng người em trai. Tanner ngước nhìn: - Thật ra tôi không muốn xen vô công việc của anh, Tanner nói mỉa. Không, ta mới vừa… Tanner nhìn theo người anh. - Anh chả làm gì nên trò phải không, Andrew? Anh không bỏ công gieo cấy, anh không phải gặt hái. Được nói với anh là một việc hay ho, mà không biết còn giữ được anh lại bao lâu… Denver, Colorado Như đã hẹn Kelly tới trước Diane một buổi, nàng đăng ký chỗ ở khách sạn Brown Palace Hotel. - Tôi chờ một người bạn tới đây chiều nay. - Bà đăng ký hai phòng. - Không, một phòng đôi. Chiếc máy bay chở Diane ra phi trường quốc tế Denver, nàng đón taxi về khách sạn. Nàng đăng ký tại quầy tiếp tân. - Vâng, bà Stevens. Bà Stowe đã lên trên phờng 638 chờ bạn tới. Vừa nghe nàng thấy nhẹ người. Kelly ngồi chờ trong phòng, hai người sáp lại ôm nhau thắm thiết. - Tôi trông cậu. - Tôi cũng nhớ cậu. Đi chuyến nầy khoẻ không? - Êm ru. Nhờ ơn Trên! Diane nhìn lại. - Ở lại Paris có gì lạ không? Kelly hít vô một hơi. - Tanner Kingsley… Còn ở bên Berlin thì sao? Diane đáp vu vơ: - Tanner Kingsley… Kelly bước tới bàn cầm lấy cuốn niên giám điện thoại đưa cho Diane. - Coi đây, Lois Reynolds, người chị của Gary vẫn còn tên trong nầy. Bà ở phố Marion Street. - Khá lắm, Diane liếc nhìn đồng hồ. - Giờ nầy đã khuya, thôi ta chờ đến sáng mai rồi tính. * * * * * Hai người ăn cơm tối tại chỗ vừa kể chuyện tới khuya mới đi ngủ. Diane lên tiếng. - Ngủ ngon nhé. Nàng giơ tay tắt đèn cả gian phòng tối om. Kelly kêu lên: - Đừng! Mở đèn lên cho sáng. Diane vội mở đèn lại. - Xin lỗi nhé, Kelly tôi quên mất. Kelly thở hổn hển nàng muốn tự trấn an. Chờ một lát nàng mới nói: - Được, tôi cố gắng vượt qua được, đừng nên sợ hãi. - Cậu không lo mấy chuyện đó. Nếu cậu thấy tự tin thì sẽ khỏi. Sáng hôm sau, Diane và Kelly rời khách sạn nhìn ra phía trước sân thấy một dãy xe taxi. Hai người gọi một chiếc, Kelly đưa địa chỉ nhà Lois Reynolds trên phố Mallon Street. Mười lăm phút sau xe đã tới nơi, người lái xe nói: - Nhà đây rồi. Ngồi trên xe nhìn qua cửa kính, Kelly và Diane không khỏi bàng hoàng. Phía trước chỉ còn là bãi đất trống phơi đầy gạch vụn đã cháy rụi, tro tàn, than củi trên nền xi măng. Diane cảm thấy hơi thở nặng nề. - Bọn ác ôn đã giết chết bà ấy - Kelly nói. Nàng cảm thấy ê chề nhìn qua Diane - Tới đây là đường cùng. Diane nghĩ ngợi. - Ta còn một cơ may lần cuối đây! Ray Fowler, người quản lý sân bay Denver nhăn nhó nhìn qua Kelly và Diane. Để xem tôi có thể nói gì đây. Quý bà muốn biết vì sao xảy ra vụ máy bay rơi! Không có một cơ quan nào giới thiệu, quý bà yêu cầu được chất vấn người phụ trách không lưu hy vọng tìm thấy nhiều thông tin chính xác hơn. Tôi nói vậy đúng chứ?. Diane nhìn qua Kelly. Kelly nói: - Vâng, chúng tôi mong được… - Mong được gì? - Được quý ông giúp đỡ. - Sao tôi phải làm vậy? - Thưa ông Fowler, chúng tôi muốn biết rõ hơn vụ việc vừa xảy ra cho Gary Reynolds có phải là… tai nạn? Ray Fowler nhìn theo hai người như muốn dò xét. - Nghe hay thật đấy - Ông nói. Ông ngồi ngẫm nghĩ một lúc. - Tôi đã nghĩ kỹ. Bây giờ mời quý bà đến gặp ông Howard Miller. Ông là nhân viên kiểm soát không lưu thời điểm xảy ra tai nạn. Địa chỉ ông đây. Chờ tôi báo có hai vị khách tới. - Cám ơn ông, thật là quý hoá quá - Diane nói. Ray Fowler càu nhàu: - Sở dĩ tôi phải nói ra đây lý do là bản cáo của cơ quan FAA là đồ rởm. Chúng tôi đã tìm thấy xác chiếc máy bay rơi, lạ thay chiếc hộp đen đã biến mất. Nơi ở của Howard Miller là một ngôi nhà mặt tiền giả cẩm thạch. Cách sân bay non chục cây số. Miller người nhỏ con, gương mặt cương nghị, độ tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Lúc Diane và Kelly tới, ông bước ra mở cửa. - Tôi nghe ông Ray Fowler báo có khách. Quý bà đến có việc gì? - Chúng tôi cần ông giúp cho một việc. - Mời ngồi, dùng cà phê nhé. - Dạ không, cám ơn. - Quý bà đến hỏi vụ tai nạn máy bay Gary Reynolds chứ gì. - Vâng. Một vụ tai nạn hay là… Howard Miller khẽ rùng mình. - Thiệt tình tôi không biết. Từ trước tới nay tôi chưa từng thấy một vụ tai nạn lạ đời như vậy. Trước đó thì liên lạc bình thường. Gary Reynolds gọi máy xin hạ cánh và chúng tôi cho lệnh đáp. Một chi tiết nữa, khi còn cách mục tiêu vài cây số ông ta báo có bão. Một cơn bão! Máy theo dõi thời tiết thông báo thời tiết tốt. Thời điểm đó không thấy gió lớn. Theo báo cáo của phòng khí tượng. Sự thật là tôi biết có thể ông ta say rượu hay sử dụng ma tuý. Một chi tiết nữa máy bay đâm vô mé sườn núi. Kelly nói: - Theo tôi được biết chưa tìm thấy chiếc hộp đen. - Đó là một chi tiết nữa! - Howard Miller ngẫm nghĩ nói - Chúng tôi nắm vững các chi tiết. Còn chiếc hộp đen thì sao? Cơ quan FAA vô tích sự kia nhào vô cho là chúng tôi làm sai. Họ không tin những gì chúng tôi báo cáo. Khi gặp một việc không suôn sẻ quý bà sẽ nghĩ sao? - Tôi thấy có một vài việc không suôn sẻ, nhưng mà chưa thể nói ra đây. Tôi lấy làm tiếc không biết làm gì hơn. Diane và Kelly đứng lên, chán nản. - Dù sao chúng tôi cảm ơn ông nhiều lắm, Miller. Ông đã dành chút thời gian tiếp đón chúng tôi. - Có gì đâu. Vừa lúc Miìler đưa tiễn khách ra về, ông sực nhớ - Tôi nghĩ là người chị ông Gary không phải lo lắng gì. Kelly giật mình. - Sao? - Bà ấy đang nằm trong bệnh viện. Thật khổ tâm. Nhà bà cháy rụi lúc nửa đêm. Không biết có phải là do tự tay bà gây ra? Diane đứng ngây người ra. - Chuyện gì vậy? Sở cứu hoả cho là do sự cố chập điện. Lois ráng bò ra ngoài cửa, ra tới ngoài bãi cỏ, vừa lúc lính cứu hoả tới nơi không nhìn ra nạn nhân. Diane cố giữ giọng bình thản: - Bà nằm ở bệnh viện nào? Bệnh viện Colorado. Nằm ở Khoa Bỏng Khu Bắc. * * * * * Nhân viên y tá trực ban nói. - Rất tiếc phòng bà Reynolds không cho thân nhân vô thăm. Kelly hỏi: - Bà có thể cho biết nạn nhân nằm ở phòng nào? - À, không thể được. - Chúng tôi có việc gấp, Diane nói - Chúng tôi cần được gặp mặt bà ấy, hơn nữa… - Không thể được nếu không có giấy phép của cấp trên. Nhân viên trực ban cương quyết từ chối. Diane nhìn Kelly, cả hai nghĩ. - Vậy thì, cám ơn bà. Hai vị khách bỏ đi: - Nào ta lại liệu tính sao đây? - Kelly hỏi - Ta chỉ còn cơ may lần cuối. - Tôi nghĩ ra một mưu kế. Người đưa thư vừa bước vô trên tay khệ nệ bưng một gói hàng tới trước quầy tiếp khách: - Cho tôi gửi món quà nầy tới Lois Reynolds. - Ông chờ tôi ký nhận, nhân viên y tá nói. Người đưa thư lắc đầu: - Rất tiếc là tôi được lệnh phải giao tận tay người nhận. Món quà đắt tiền. Nhân viên y tá lưỡng lự: - Vậy thì ông đi theo tôi. - Được cám ơn bà. Gã bước theo người y tá đi tới cuối dãy. Tới trước phòng 391, y tá mở cửa, người đưa thư giao lại cho y tá. - Nhờ cô chuyển lại gói quà nầy cho thân chủ, gã nói. Đi thẳng một hơi xuống tớị nhà dưới người đưa thư bước tới chỗ Diane và Kelly ngồi chờ trên chiếc ghế dài. - Phòng 391, gã nói. - Cám ơn nhiều lắm. Diane ân cần nói. Nàng lấy tiền thưởng cho gã. Hai người bạn đi bộ lên cầu thang tới lầu ba đợi bên ngoài nghe ngóng vừa lúc người y tá nhất máy nghe, quay lưng lại nói. Nhanh như chớp hai người bước vội tới đi ngay vô trong phòng 391. Lois Reynolds đang nằm trên giường quanh người ống chuyền nước biển và dây trói chằng chịt. Mình mẩy chỗ nào cũng thấy băng bó. Hai mắt còn nhắm nghiền không hay biết Kelly và Diane đã tới gần bên. Diane nói khẽ: - Bà Reynolds, tôi là Diane Stevens còn đây là Kelly Harris. Chồng chúng tôi phục vụ cho cơ sở KIG… Lois Reynolds lơ mơ mở mắt ra nhìn. Bà chỉ hở môi nói được một tiếng yếu ớt. - Sao? Kelly nói: - Chồng chúng tôi làm cho cơ sở KIG, cả hai đã bị giết chết. Người anh trai bà đã bị giết chết, chúng tôi nhờ bà giúp một việc. Lois Reynolds muốn lắc đầu: - Tôi giúp gì được đâu, Gary chết rồi! - hai mắt bà ngấn lệ. Diane nghiêng người xuống sát gần lại. - Bà có nghe anh bà nhắn lại việc gì không trước khi gặp nạn? - Gary là một người tử tế. - Bà nhọc nhằn nói thân mình nhức nhối. - Anh bị giết chết trong tai nạn máy bay. Diane nằn nì: - Bà nghe anh bà nói gì không, cho chúng tôi biết. Lois Reynolds nhắm mắt lại. - Bà Reynolds, khoan ngủ. Nghe nầy, chuyện nầy quan trọng lắm. Bà có nghe anh bà nhắn lại gì không, cho chúng tôi biết đi. Lois Reynolds mở mắt nhìn Diane, sững sờ: - Bà là ai? Diane nói: - Chúng tôi biết anh bà bị giết chết. Lois Reynolds thều thào: - Tôi biết… Diane và Kelly đứng đó rùng mình. - Vì sao? - Prima, bà chỉ hé môi được một tiếng thều thào tới đó. Kelly cúi xuống sát bên giường. - Prima nào? - Gary có nhắc lại… nhắc lại cho tôi nghe mấy… mấy bữa khi anh ấy chết… Một chiếc máy kiểm soát… kiểm soát thời tiết. Tội nghiệp Gary. Anh… không thể tới được Washington. Diane hỏi: - Washington hở? - Ờ. Mọi người chuẩn bị ra đi… tất cả cùng đến gặp ngài Thượng nghị sĩ một việc… về việc Prima. Gary nhắn lại Prima đáng tội… Kelly hỏi lại: - Bà nhớ tên ngài Thượng nghị sĩ? - Không. - Thử nhớ lại coi. Lois Reynolds nói ấp úng: - Thượng nghị sĩ, bà Thượng nghị sĩ nào? - Kelly hỏi lại. "Levin… Luven… Van Luven. Anh phải tới gặp bà đó. Anh muốn gặp…" Cánh cửa xịch mở ra, bác sĩ mặc áo bờ lu trắng cổ đeo ống nghe vội vã bước vô. Ông nổi xung nhìn Diane và Kelly: - Hai bà đã nghe dặn trước không được phép vô đây chứ? Kelly nói. - Xin lỗi, chúng tôi cần phải… nói với… - Yêu cầu đi ra ngoài. Hai người khách không mời nhìn lại Lois Reynolds - Chào. Chúc bà mau bình phục. Ông bác sĩ đứng nhìn theo. Cánh cửa vừa khép lại ông bước tới bên giường, nghiêng người xuống cầm lấy chiếc gối. Chương 40 Kelly và Diane trở xuống dưới phòng khách bệnh viện. Diane nói: - Vậy là ta hiểu vì sao Richard và Mark phải bỏ đi Washington đến gặp Thượng nghị sĩ Van Luven. Ta phải tính làm sao tìm cho ra bà ta đây? - Dễ thôi Diane móc điện thoại di động. Kelly giơ tay ra toan ngăn lại: - Thôi ta đi ra ngoài gọi điện thoại công cộng. - Xin được số điện thoại văn phòng Thượng nghị Viện. - từ tổng đài, Diane gọi ngay. - Đây là văn phòng Thượng nghị sĩ Van Luven. - Yêu cầu cho tôi nói chuyện với ngài Thượng nghị sĩ. - Xin bà cho biết quý danh. Diane nói: - Tôi muốn nói chuyện riêng thôi mà. - Yêu cầu cho biết quý danh. - Tôi không thể nói ra đây… báo lại Thượng nghị sĩ đây là việc hệ trọng. - Rất tiếc, chúng tôi không thể. Đường dây bị cúp. - Diane nhìn qua Kelly - Ta không nên nói tên thật. Diane quay số gọi lại. - Đây là văn phòng Thượng nghị sĩ Van Luven. - Xin bà nghe đây. Chúng tôi không nói chuyện tầm phào. Tôi muốn gặp riêng ngài Thượng nghị sĩ cho nên không thể nói tên ra. - Vậy thì không thể được. Cúp máy… Diane quay số gọi lần nữa. - Văn phòng Thượng nghị sĩ Van Luven nghe đây. - Xin bà đừng gác máy. Bà thông cảm cho tôi không muốn làm phiền, tôi muốn nói đây là chuyện sinh tử. Tôi đang chờ máy ở buồng điện thoại công cộng. Yêu cầu báo cáo Thượng nghị sĩ gọi cho chúng tôi ngay - Nàng cho số máy, tai nghe tiếng bên kia buông máy xuống. Kelly nói: - Ta tính sao đây? - Phải chờ thôi. Thời gian chờ đợi qua hai tiếng đồng hồ chán nản Diane nói: - Coi như bỏ cuộc. Thôi ta… Chợt đâu chuông reo. Diane hít vô một hơi vội bước tới nhấc máy: - Alô? Một giọng nói khó nghe từ đầu máy bên kia. - Tôi là Thượng nghị sĩ Van Luven. Ai gọi đấy? Diane để máy quay về phía Kelly cả hai cùng nghe thấy. Diane hồi hộp nói ấp úng. - Thưa bà, tôi là Diane Stevens, tôi cùng đi với Kelly Harris. Bà đã biết chúng tôi là ai chứ? - Không, không biết, tôi nghĩ là không chừng… - Chồng chúng tôi đã bị giết chết lúc đang trên đường đến gặp bà. Một tiếng thở ra. - Ôi, lạy Chúa. Richard Stevens và Mark Harris. - Vâng. - Chồng quý bà hẹn đến gặp tôi, tôi được nghe thư ký báo cáo họ đã đổi ý. Thế rồi nghe nói họ… chết. - Thưa bà, chồng chúng tôi không có ai gọi tới cho bà, - Diane nói - Bọn chúng muốn giết chết họ ngăn không cho gặp bà. - Sao? Bà nấc lên một tiếng. - Vì sao người ta lại? - Bọn chúng muốn giết để ngăn không cho nói. Kelly và tôi muốn tới Washington cùng báo cáo sự việc chồng chúng tôi muốn nói với bà. Một thoáng lặng thinh. - Tôi sẽ gặp sau, nhưng không phải tại nơi văn phòng làm việc, không tiện. Nếu câu chuyện đó có thật sẽ rất là nguy hiểm cho các bà. Ta có thể gặp nhau tại nhà riêng ở Southampton, Long Island. Bà đang ở đâu? - Ở Denver. - Chờ cho một chút. Ba phút sau, Bà Thượng nghị sĩ nhấc máy nói. - Chuyến bay từ Denver đi New York là chuyến bay tối. Bay thẳng tới La Guardia. Cất cánh lúc 12.25 khuya tới New York 6.09 sáng hôm sau. Nếu chuyến bay đông khách, còn một chuyến. - Chúng tôi sẽ đi chuyến đó. Kelly nhìn Diane, kinh ngạc. - Diane, nếu chẳng may ta không thể… Diane giơ tay lên hăng hái. - Ta cứ đi chuyến đó. - Lúc đến sân bay sẽ có xe Lincoln Town Car màu xám ra đón. Thấy xe cứ đi thẳng tới. Người lái xe dân châu Á, tên anh ta Kunio, đón hai bà về nhà. Hẹn gặp lại. - Xin cám ơn bà. Diane gác máy thở ra một hơi, quay qua Kelly. - Chúng ta đã sẵn sàng. Kelly hỏi lại: - Làm sao cậu dám chắc ta đi chuyến đó? Tôi đã nghĩ ra. Người bảo vệ khách sạn lo đặt thuê một chiếc ô tô, bốn mươi lăm phút sau Diane và Kelly ngồi trên xe ra sân bay. Kelly nói: - Tôi không thể nói ra được vui mừng hay lo sợ đây? - Tôi thấy không có việc gì lo sợ nữa. - Đã có nhiều người muốn gặp bà Thượng nghị sĩ nhưng không có ai tới được. Tất cả đã bị giết chết trước. - Như vậy, chúng ta là người đầu tiên được gặp gỡ. - Kelly đáp - May ra thì chúng ta được… - Tôi hiểu. Một khẩu súng. Cậu muốn nói vậy chứ gì Ta còn cái đầu. - Ờ nhưng có súng vẫn hơn. Kelly nhìn qua cửa kính. - Ngừng đây. Diane cho xe vô lề: - Sao vậy? - Tôi có việc nầy. Xe dừng lại trước cửa hiệu uốn tóc. Kelly mở cửa bước xuống. Diane lên tiếng: - Cậu muốn đi đâu? - Tôi đi làm lại đầu tóc. Diane vội nói. - Cậu không đùa chứ? - Không, tôi không thích đùa. - Cậu đi làm đầu tóc ngay bây giờ, Kelly, ta còn phải ra sân bay, đâu còn rảnh mà… - Diane, cậu chưa hiểu chuyện gì sắp tới đây, nếu chẳng may có mệnh hệ gì tôi muốn mình được làm đẹp. Diane ngồi lại, lặng lẽ nhìn theo Kelly bước vô hiệu uốc tóc. Hai mươi phút sau, Kelly trở ra. Nàng mang bộ tóc giả nhuộm đen chải ngược trên đỉnh đầu kiêu sa lộng lẫy, phía sau ót búi cao lên. - Nào ta đi! - Kelly nói - Ta muốn dành cho bọn chúng một vố bất ngờ. Chương 41 - Phía sau chiếc xe Lexus bám theo ta. - Kelly nói. - Biết mà! Cả một lũ ngồi trên xe. Cậu cho xe chạy tránh qua chỗ khác được chứ. - Tránh làm gì. Kelly hoảng hốt nhìn qua: - Sao ? - Coi chừng. Xe vừa tới trước cổng ra vô sân bay treo bảng: cổng dành riêng. Lính gác mở rộng cho xe chạy vô. Bọn người ngồi trên chiếc xe Lexus nhìn theo Kelly và Diane bước xuống qua xe riêng của sân bay chạy trên đường băng. Chiếc Lexus vừa trờ tới trước cổng, lính gác chặn lại: - Cổng dành riêng. - Tôi thấy xe trước chạy qua được? - Đây là cổng dành riêng. Lính gác giơ tay đóng cửa lại. Xe sân bay chạy ngang qua đường băng dừng lại bên chiếc máy bay Jumbo. Diane và Kelly bước xuống xe, thấy Howard Miller. - Quý bà đến nơi đúng hẹn. - Vâng, Diane nói - Cám ơn ông đã lo lắng chu đáo. - Tôi muốn giúp đỡ mọi người. - Gương mặt ông đanh lại. - Chúc quý bà gặp mọi sự bình yên. Kelly nói: - Nhờ ông gửi lời cám ơn Lois Reynolds, nhắn lại cho tôi… Nhìn nét mặt ông biến sắc: - Lois Reynolds vừa mới chết tối qua. Hai người nghe thấy choáng váng. Một lúc sau Kelly lên tiếng. - Tôi lấy làm buồn. - Chuyện gì vậy? - Diane hỏi. - Tôi đoán tim bà ngừng đập. - Howard Miller nói nhìn về phía chiếc phản lực. - Chuyến bay đã sẵn sàng tôi đã xếp chỗ ngồi gần cửa. - Cám ơn ông một lần nữa. Miller nhìn theo Kelly và Diane bước lên cầu thang. Thoáng chốc người tiếp viên bước tới đóng cửa, máy bay tiến ra đường băng. Kelly nhìn qua Diane cười nói. - Ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Ta đã qua mặt được bọn ngông cuồng kia. - Gặp Thượng nghị sĩ Van Luven xong cậu tính làm gì? - Tôi chưa nghĩ ra. Diane nói. - Còn cậu tính về lại Paris nữa không. - Chưa nói được. Còn cậu muốn ở lại New York? - Ờ! Kelly nói: - Vậy thì tôi còn loanh quanh New York một thời gian nữa. - Rồi ta cùng qua Paris một chuyến. Hai người bạn nhìn nhau cười. Diane lên tiếng. - Tôi nghĩ Richard và Mark sẽ lấy làm tự hào biết được bọn mình muốn tiếp tục sự nghiệp đở dang. - Cậu nói thiệt? Diane nhìn qua cửa sổ, ngước lên trời thong thả nói: - Cám ơn anh Richard. Kelly liếc nhìn Diane, lặng lẽ lắc đầu. Diane thả hồn suy nghĩ vẩn vơ. Richard, em hiểu anh đang nghe em nói. Những người còn lại sẽ tiếp tục sự nghiệp bỏ lỡ, quyết chiến một trận phục thù. Dù anh không thể sống lại được nhưng cũng được an ủi một phần. Anh có biết là em nhớ anh lắm không, anh yêu? Nhớ mọi thứ… * * * * * Sau hơn ba giờ bay, máy bay đáp xuống phi trường La Guardia. Hai hành khách Diane và Kelly bước xuống trước tiên. Diane nhớ lời Van Luven dặn "Lúc đến sân bay, sẽ có chiếc Lincoln Town Car màu xám tới đón". Chiếc xe ô tô đậu chờ ở cổng nhà ga. Lái xe người Nhật đã có tuổi trong bộ đồng phục đứng ngay cửa xe. Nhác thấy Kelly và Diane tới gần ông đứng nghiêm chào. - Chào bà Stevens, chào bà Harris. - Chào ông. - Tôi là Kunio - Ông mở cửa xe chờ hai vị khách bước vô. Thoáng chốc, xe đã nhắm hướng về Southampton. - Từ đây về đó hai tiếng, - Kunio nói. - Nhìn quanh phong cảnh đẹp mắt. Chuyện phong cảnh gác lại sau. Trước mắt làm sao nhanh chóng gặp được Thượng nghị sĩ để bàn mọi việc. Kelly hỏi lại Diane: - Cậu thấy sao nếu ta kể ra mọi chuyện bà Nghị sĩ phải chịu mọi rủi ro. - Một nhân vật như bà phải được bảo vệ. Bà phải biết tiên liệu nên đối phó ra sao. Phải vậy thôi. Sau gần hai tiếng, chiếc xe Town Car đưa hai vị khách tới trước một toà nhà cổ kính kiểu thế kỷ mười tám. Quanh nhà khoảng sân được chăm sóc tỉ mỉ. Nhà được ngăn cách ra từng dãy riêng biệt cho gia nhân ở nhà đậu xe. Chiếc xe vừa dừng lại trước ngõ, Kunio lên tiếng; - Tôi… chờ ngoài nầy, nếu quý bà cần. Cám ơn ông. Người quản gia bước ra mở cửa. - Chào quý bà, xin mời vô trong. Ngài Nghị sĩ đang ngồi chờ. Hai vị khách bước vô nhà. Bên ngoài nhà trước trang hoàng lịch sự sang trọng, đồ đạc kiểu xưa, những bộ bàn ghế đẹp mắt. Trên tường nhìn từ chỗ bếp sưởi trở lên treo dàn đèn nhiều ngọn chiếu sáng. Người quản gia nói: - Xin mời quý bà đi lối nầy. Kelly và Diane bước theo người quản gia bước vô bên trong phòng khách rộng rãi. Ngài Nghị sĩ Van Luven đã ngồi đó từ nãy giờ. Bà mặc chiếc áo lụa màu xanh nhạt khoác ngoài chiếc áo bờ lu, mái tóc chải thẳng xuống quanh vai. Trông bà còn nhiều nét nữ tính hơn, không như Diane nghĩ trong đầu. - Tôi là Pauline Van Luven. - Tôi là Diane Stevens. - Kelly Harris. - Rất hân hạnh được gặp quý bà. Lâu nay nghe nói giờ mới gặp nhau. - Kelly lóng ngóng nhìn ngài Nghị sĩ Van Luven - Xin bà bỏ lỗi cho. Tanner Kingsley từ đâu phía sau nói với tới: - Bà muốn nói hai bà gặp may nhưng vận may tới đây coi như đã hết. Diane và Kelly quay nhìn lại. Tanner Kingsley và Harry Flint đã ở bên trong từ lúc nào. Tanner lên tiếng: - Nào, Flint. Harry Flint giơ súng lên. Không nói một lời hắn chĩa súng về phía trước bóp cò hai phát. Pauline Van Luven và Tanner Kingsley nhìn theo thân hình Kelly và Diane quờ quạng ngã lùi về phía sau đổ nhào xuống sàn. Tanner bước tới bên nghị sĩ Van Luven vỗ vai nói. - Thế là xong. Chương 42 Flint cất tiếng: - Ông muốn tôi phải xử lý hai cái xác nầy ra sao? Tanner không chần chờ: - Cột thêm đá vô cổ chân, cho lên máy bay ra tới ngoài biển cách chừng vài trăm dặm thả xuống biển Đại Tây Dương. - Được! - Flint bỏ đi ra ngoài. Tanner quay qua Nghị sĩ Van Luven. - Thế là xong. Ta yên tâm cho việc riêng. Bà bước tới gần bên ôm hôn. - Em nhớ anh rất nhiều đó cưng? - Anh cũng nhớ em lắm mà. - Mỗi tháng được gặp nhau một lần, khổ quá anh lại phải ra đi. Tanner ôm ghì nàng vô người. - Giờ thì không phải xa nhau nữa. Ta ráng chờ vài tháng qua mau để tỏ lòng tôn kính người chồng qua cố của em, rồi ta sẽ làm lễ cưới. Nàng nhếch mép cười nói: - Ta tính chờ một tháng thôi. Gã gật đầu: - Khá lắm. - Em vừa xin từ chức Nghị sĩ hôm qua. Toàn thể thượng viện đồng lòng cảm thông cho nỗi đau của em. - Càng hay. Ta tha hồ rong chơi không lo sợ bị dòm ngó. Em sẽ được nhìn thấy cơ sở KIG như lời anh đã hứa. * * * * * Tanner và Pauline đứng trước toà nhà xây màu gạch son. Tanner bước tới cánh cửa thép vững chắc khoét một lỗ sâu ở giữa. Trên tay gã đeo chiếc nhẫn ngọc chạm khắc hình lính Hy Lạp thời cổ. Pauline đứng nhìn Tanner ghé mặt chiếc nhẫn vô lỗ hổng, cánh cửa mở ra. Bên trong là một căn phòng mênh mông, trang bị một dãy máy vi tính cùng với màn hình vô tuyến. Đàng cuối góc kia là máy móc điện tử kết nối với tấm bảng điều khiển bố trí ở khoảng giữa. Tanner lên tiếng: - Luven, nhìn chiếc máy Prima. Đây là trung tâm điều khiển. Ta sẽ được nhìn thấy một phần của công trình làm chuyển đổi cuộc sống vĩnh viễn. Đây là trung tâm điều khiển theo hệ thống vệ tinh nắm vững thời tiết khắp nơi trên thế giới. Ta muốn gây ra cơn bão bất kỳ lúc nào tuỳ ý, ngăn không cho mưa, lúc đó nông dân không có nước cấy lúa, nạn đói xảy ra. Ta sẽ gây mây mù trên bầu trời quanh các sân bay khắp nơi trên thế giới. Ta có thể tạo những cơn bão và lốc làm đình trệ nền kinh tế thế giới, gã nhếch mép cười. - Ta đã làm thử rồi. Một số nước gặp phải khó khăn dự báo thời tiết nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết - Tanner giơ tay nhấn nút, màn hình vô tuyến sáng lên - em sẽ được nhìn thấy công trình mà bên quân đội muốn thực hiện cho được. Gã quay lại Pauline, thích thú nói. - Ta chỉ lo sợ một trở ngại duy nhất là hiệu ứng nhà kính làm máy Prima ngừng hoạt động, việc nầy em biết cách đối phó, gã thở ra một hơi. - Em biết người sáng chế ra cỗ máy nầy là ai? Andrew. Anh ta là một thiên tài. Pauline đứng nhìn cỗ máy. - Em không hiểu làm sao cỗ máy nầy kiểm soát được thời tiết. - Thì đây, nguyên tắc đơn giản là hơi ấm bốc lên tầng khí lạnh, khi gặp độ ẩm phía trên… - Anh đừng làm thầy dạy đời. - Xin lỗi, anh sẽ giải thích dài dòng phức tạp hơn, Tanner nói. - Em nghe đây. - Về mặt chuyên môn, em nên lắng nghe. Tia laser kết hợp với công nghệ nano, khi bắn lên không gian tạo ra tầng oxy tự do kết hợp với khí hydrô tạo ra tầng ozone và nước. Tầng oxy tự do được nhân đôi… ta gọi là khí "O2" chính là do anh trai anh khám phá ra việc bắn tia laser từ không gian vô bầu khí quyển làm cho oxy kết hợp với hai nguyên tử hydrô tạo ra tầng ozone O3 và nước H2O. - Em chưa hiểu được làm sao lại có thể… - Thời tiết chịu ảnh hưởng nguồn nước. Andrew đã làm thử nghiệm trên diện rộng phát sinh nhiều nguồn nước như là một sản phẩm phụ nhờ sức gió chuyển đi. Khi bắn ra nhiều tia laser tạo nên sức gió mạnh gấp mấy lần. Kiểm soát được nguồn nước và sức gió tức là nắm vững được tình hình thời tiết. Gã nghĩ ngợi một hồi. - Cho đến khi ta biết được Akira Iso đang ở Tokyo, về sau là bà Madeleine Smith ở bên Zurich Thuỵ Sĩ đang ra sức giải quyết việc nầy, ta đề nghị họ về đây cộng tác. Nhưng họ đã từ chối. Ta kể cho em biết tại cơ sở có tới bốn chuyên gia khí tượng hàng đầu đang lao vô việc hoàn thành dự án tầm cỡ nầy. - Thế à. - Họ là những nhân vật có hạng. Ta còn biết Franz Verbrugge ở Berlin, Mark Harris ở Paris, Gary Reynolds ở Van Couver và Richard Stevens ở New York. Ta nhờ mỗi người giúp giải quyết nhiều vấn đề ở lĩnh vực thời tiết, bởi vì mỗi người ở mỗi nước nên không thể kết hợp nhau lại để chứng minh được mục đích cuối cùng của mỗi dự án là gì. Ta nghĩ là họ biết được. Họ tìm đến ta xem ta có kế hoạch gì không. Khi nghe ta trình bày không muốn cống hiến cho nhà nước lập tức họ không đồng ý bỏ ra đi về Washington báo cáo cho người có thẩm quyền, cho họ biết về cỗ máy Prima. Ta không muốn biết họ báo cáo cho ai, bởi ta đã tiên liệu trước họ sẽ gặp được ai, chẳng may họ muốn gặp em, người đứng đầu Uỷ ban Môi trường Thượng Viện. Nào em hãy nhìn đây. Trên màn hình máy tính bản đồ thế giới hiện ra lốm đốm nhiều dòng kẻ xen lẫn biểu tượng. Tanner nói vừa hướng dẫn theo mô hình di chuyển trên bản đồ cho tới chỗ dừng lại một nơi là Bồ Đào Nha. Đồng bằng nước Bồ Đào Nha nhờ nguồn nước xuất phát từ bên Tây Ban Nha đổ ra biển Đại Tây Dương. Thử tưởng tượng nếu một khi Bồ Đào Nha hứng chịu mưa liên tục dài ngày gây ngập úng vùng đồng bằng... Tanner giơ tay ấn nút trên màn hình rộng xuất hiện một toà lâu đài màu hồng lính gác nghiêm chỉnh, quanh là vườn cây bông hoa sặc sỡ dưới ánh nắng sớm mai. - Đây là dinh thự Ngài Tổng thống. Màn hình chiếu qua chỗ phòng ăn, mọi người trong gia đình đang ngồi vô bàn ăn sáng. - Hình ảnh Tổng thống và Phu nhân Bồ Đào Nha cùng với hai đứa con. Họ ngồi nói chuyện tiếng Bồ Đào Nha, em sẽ được nghe lại tiếng Anh. Ta cho bố trí cả chục máy camera công nghệ nano và micrô cài đặt khắp nơi trong toà nhà. Tổng thống không biết mấy việc nầy, do một tay sếp mật vụ hợp tác với ta. Một người hầu bước tới báo cáo ngài Tổng thống: - Sáng nay lúc mười một giờ ngài dự cuộc họp tại Sứ Quán và đọc diễn văn tại trụ sở công đoàn. Một giờ trưa dùng cơm tại viện bảo tàng. Buổi tối có buổi chiêu đãi quan khách. Điện thoại reo trên bàn ăn. Ngài Tổng thống nhấc máy nghe. - Alô. Tiếng nói của Tanner được chuyển từ tiếng Anh qua tiếng Bồ Đào Nha: - Thưa Ngài Tổng thống. Nhìn ngài Tổng thống ngơ ngác. - Ai gọi? Ngài Tổng thống hỏi, ngài nói tiếng Bồ Đào Nha được chuyển qua tiếng Anh, Tanner lắng nghe. - Tôi là bạn của Ngài. - Bạn ai, làm sao ông biết số máy của tôi? - Chuyện đó không sao. Tôi muốn ngài hãy lắng nghe đây. Tôi yêu mến đất nước Ngài và không muốn nhìn thấy nó bị tàn phá. Nếu Ngài không muốn nhìn thấy những trận cuồng phong dữ dội xoá tên đất nước ngài trên bản đồ thế giới, ngài hãy gởi ngay đến cho tôi số vàng trị giá hai tỷ đô-la. - Nếu ngài chưa quyết định ngay, tôi chờ thêm ba hôm nữa. Ngài Tổng thống đập máy xuống bàn. Ông nói qua bà vợ: - Có thằng điên nào biết số máy của tôi. Dường như vừa mới ra khỏi nhà thương điên. Tanner quay qua Pauline: - Hình ảnh được thu vô ba bữa trước. Nào em lắng nghe chuyện mới hôm qua. Hình ảnh toà lâu đài màu hồng và cảnh vườn sặc sỡ lại hiện ra, hôm nay thấy trời đổ mưa triền miên, trên cao sấm chớp. Tanner giơ tay nhấn nút toàn cảnh văn phòng ngài Tổng thống hiện ra. Ngài đang chủ toạ một phiên họp quanh là một chục trợ lý. Ngài Tổng thống nghiêm sắc mặt. Điện thoại trên bàn reo. - Nào, em nhìn lên. Tanner nhếch mép cười. Ngài Tổng thống dè dặt nhấc máy: - Alô? - Chào Ngài Tổng thống. Sao mà… - Ông muốn tàn phá đất nước tôi. Ông phá hoại mùa màng, đồng lúa ngập úng, làng mạc thì… ông ngừng lại hít vô một hơi - Ông muốn tàn phá bao lâu nữa? - Ngài Tổng thống điên tiết lên. - Chừng nào ông giao nộp đủ hai tỷ đô-la. Ngài Tổng thống nghiến răng mắt nhắm lại. Tức là không có chuyện bão tố nữa phải không? - Vâng. - Ông muốn giao tiền ra sao? Tanner tắt máy. - Em thấy chưa, muốn kiếm tiền dễ thôi phải không Pauline? Ta đã nhận đầy đủ số tiền. Em chờ xem cỗ máy Prima còn hoạt động ra sao nữa. Mấy cuộc thử nghiệm qua những lần trước đây. Ông nhấn qua nút khác, một cơn bão dữ dội hiện lên trên màn hình. - Đây là cảnh tàn phá ở nước Nhật, Tanner nói. - Thời gian thực. Mùa nầy thời tiết ở bên đó êm ả. Ông nhấn thêm nút khác nữa, một trận mưa đá phá huỷ vườn cây ăn trái. - Đây là cảnh ở Florida. Thời tiết lúc nầy đang gần không độ… nhằm tháng Sáu. Mùa màng bị mất trắng. Ông ấn nút trên màn hình rộng hiện ra cảnh nhà cửa bị cơn lốc xoáy tàn phá. - Đây là cảnh ở Braxin. Em nhìn coi, Tanner tự hào khoe: - Cỗ máy Prima có thể tạo ra đủ thứ chuyện. Pauline xích lại gần bên gã nói nhỏ: - Được lắm cưng ạ. Tanner tắt máy, gã đưa qua cho nàng thấy ba đĩa DVD. Đây là đĩa ghi lại cuộc nói chuyện bên Peru, Mehico và Ý. Em biết số vàng được chuyển đi bằng cách nào? Ta đưa xe đến ngân hàng nhận về. Ta chuyển qua phương án… 22. Nếu bọn chúng có ý đồ theo dõi số vàng đi tới đâu, ta cam đoan sẽ gây ra bão tố triền miên. Pauline nhìn qua, lo sợ: - Tanner, bọn chúng có thể theo dõi dấu vết các cuộc nói chuyện của ta được không. Tanner cười. - Nếu bọn chúng muốn, được thôi. Nếu bọn chúng muốn phát hiện bọn chúng sẽ theo vô tới nhà thờ, sau đó qua trường học. Rồi tới một cơn bão bọn chúng chưa từng được thấy trước nay. Sau chót là vô tới phòng Bầu Dục Nhà Trắng. Pauline cười thích thú. Cửa vừa mở, Andrew bước vô. Tanner quay lại: - Đây là anh trai anh. Andrew ngạc nhiên nhìn Pauline, ngỡ ngàng. - Hình như là tôi biết rồi, - ông nhìn qua một hồi, nghĩ ngợi, bất chợt mắt ông sáng rỡ. : Em… em và Tanner định lấy nhau. Ta làm phù rể. Em… em đây là Pauline. Pauline nói: - Khá lắm. Andrew. - Thế mà em… em bỏ đi đâu. Em không yêu Tanner? Tanner lên tiếng. - Tôi kể cho anh nghe. Cô ta bỏ đi bởi vì đã yều rồi. Gã nắm tay Pauìine - Cô ta báo tin ngay sau ngày cưới. Đám cưới một nhân vật có thể lực giàu có nhờ uy tín bên chồng cô ta đã thu hút nhiều khách hàng về cho cơ sở KIG. Cho nên cơ sở ta mới phất lên nhanh chóng. Tanner ôm ghì lấy Pauline.- Hai bên bí mật hẹn hò mỗi tháng. Gã thích thú nói: - Từ đó cô ta thích làm chính trị ra ứng cử Thượng Nghị viện. Andrew nghĩ ngợi: - Nhưng… nhưng còn Sebastiana… Sebastiana? - Sebastiana Cortez? - Tanner cười - Cô ta là con mồi, để che mắt mọi người. Tôi dám quả quyết ai cũng biết mặt. Tôi và Pauìine phải làm sao tránh để mọi người khỏi hồ nghi. Andrew nói bâng quơ: - À, tôi hiểu… - Lại đây, Andrew. - Tanner đưa ông anh vô chỗ tổng đài, đứng trước cỗ máy Prima. Tanner nói: - Anh còn nhớ không? Có công anh đóng góp trong đó. Nào bây giờ đã hoàn thành. Andrew trố mắt lên: - Prima… Tanner chỉ tay vô nút nhấn, nói: - Máy kiểm soát thời tiết. - Gã chỉ qua một nút khác - Điểm chọn mục tiêu - Gã nhìn qua người anh. - Anh thấy đơn giản chứ? Andrew nói nhọc nhằn: - Ta nhớ… Tanner nhìn lại Pauline: - Đây mới là bước đầu đó thôi, Pauline. - Tanner nắm lấy tay nàng. - Còn ba mươi nước nữa. Rồi em sẽ được thoả mãn. - Tài sản và quyền lực! - Pauline thích thú nói - Chỉ một chiếc máy tính đáng giá như là… - Hai chiếc như vậy lận. - Tanner nói - Ta sẽ dành cho em một sự ngạc nhiên. Em đã nghe nói tên đảo TamoaIsland, ở vùng nam Thái Bình Dương chưa? - Chưa. - Ta mới mua lại. Chỉ rộng chừng sáu mươi dặm vuông, phong cảnh hữu tình không thể tả. Nơi nầy thuộc quần đảo Polynésie thuộc Pháp xây dựng một bến đậu cho du thuyền. Nơi đây có đủ thứ, luôn cả… - gã ngập ngừng một lúc - Chiếc máy Prima II. Pauiine hỏi lại: - Anh muốn nói thêm một… Tanner gật đầu: - Phải đấy. Nó được bố trí dưới tầng hầm không ai có thể tìm ra. Nay hai con quỷ cái phá bĩnh kia đã bị ta diệt, cả thế giới nầy bây giờ đã thuộc về ta. Chương 43 Kelly tỉnh dậy trước tiên vừa mở choàng mắt ra. Thấy mình nằm ngửa, thân thể trần truồng bên dưới tầng hầm kiên cố, hai tay bị trói xích dưới chân tường. Phía cuối góc nhìn thấy cửa sổ nhỏ có chấn song, cửa ra vô đóng kín mít như một khối sắt nặng nề. Kelly nhìn qua thấy Diane nằm gần bên, không một mảnh vải che thân, hai tay bị trói. Quần áo vứt trong xó. Diane nói thều thào qua hơi thở: - Ta đang ở đâu? Ta đang ở dưới ngục sâu, bạn ạ. Kelly sờ thử chiếc còng, siết chặt vô cườm tay. Nàng nhấc lên được vài phân. - Ta bị bọn chúng bẫy! - Kelly cay đắng nói. - Cậu có biết tôi chán ghét chuyện đó ghê gớm lắm không? Kelly nhìn quanh căn buồng trống trơn: - Tôi đâu ngờ? Bọn chúng là kẻ chiến thắng. Ta biết vì sao bọn chúng giết còn đòi giết luôn bọn mình nhưng rồi ta đảnh chịu im lặng. Bọn chúng thoát được lưới pháp luật. Kingsley có lý. Vận may bọn mình đã qua. - Không, chưa đâu. Cửa mở ra, Harry Flint bước vô đứng đó. Hắn cười toác cả miệng giơ tay khoá cửa lại cất chìa vô túi. - Ta chỉ bắn mấy phát Xylocaine cảnh cáo thôi, chưa muốn giết. Hắn bước tới gần. Hai nạn nhân nhìn nhau sững sờ, nhìn thấy Flint nhe răng cười cởi hết quần áo: - Chờ coi ta biểu diễn đây - hắn nói. Hắn cởi luôn chiếc quần soóc, bày nguyên cả bộ sậu cương cứng lên. Flint liếc mắt nhìn qua hai nạn nhân, bước tới chỗ Diane. - Ta muốn làm thịt mi trước, nhé, rồi qua tới… Kelly chặn lại: - Khoan đã tên kia. Sao không làm ta trước? Ta đang thèm đây. Diane hoảng hồn nhìn qua: - Kelly… Flint nhìn lại Kelly, giả vờ õng ẹo: - Có ngay, cưng. Em khoái món đó hở? Flint nhào tới nghiêng người xuống đè lên mình mẩy Kelly trần như nhộng. - Ôi đã thiệt, - Kelly vừa rên lên - ta thèm cái món nầy. Diane nhắm mắt lại, nàng không dám nhìn. Kelly chàng hảng hai chân ra, Flint vừa mớm vô trong, Kelly kịp giơ bàn tay phải lên được vài phân vòng ra phía sau đầu tóc bới cao. Bàn tay nàng chạm vô chiếc trâm mũi nhọn hoắt tới mấy inches. Nhanh như chớp vòng qua ấn mạnh tay xuống vô sau ót Harry Flint, ấn sâu vô nữa lút hết cán. Flint không kịp la lên… hắn chỉ rên ú ở mấy tiếng. Máu vọt ra quanh hai bên cổ. Diane mở choàng mắt nhìn thấy, khiếp đảm. Kelly nhìn qua Diane. - Cậu… cậu nằm yên đó đi! - Nàng giơ tay hất qua một bên khối thịt nằm lắc lư trên người. - Hắn đã chết. Diane hơi thở phập phồng, tim muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Mặt mũi trắng bệch. Kelly liếc thấy hỏi với qua: - Cậu có sao không? - Tôi sợ nhỡ ra hắn… miệng mồm khô khốc, nhìn thấy Harry Flint máu me đầy người, nàng rùng mình - - Sao cậu không nói trước…? Nàng chỉ tay qua chiếc trâm nhọn găm sâu vô sau ót - Nhỡ ra không thành thì sao… Ờ, tôi không muốn để cho cậu thất vọng. Ta ra khỏi đây ngay. - Làm sao? Kelly duỗi thẳng chân chạm vô chiếc quần Flint còn vứt đó, giơ ngón chân cái ra kéo, còn mấy phân nữa là với tới. Nàng cố vươn ra xa chút nữa, còn một phân. Tới nơi được rồi. Kelly nhếch mép cười. - Nó đây rồi. Ngón chân cái chạm vô ống quần, thong thả kéo lui vừa tầm với. Kelly lục khắp túi tìm chìa khoá mở còng. Nàng vừa tìm thấy. Thoáng chốc hai tay đã được giải thoát, nàng vội bước qua chỗ Diane. - Lạy chúa, cậu thật là tài tình, - Diane nói. - Nhờ cái đầu tóc giả nầy. Thôi ta đi ra ngay. Hai người cúi nhặt quần áo lên vội vã mặc vô. Kelly lục túi quần Flint tìm chìa khoá mở cửa. Bước gần lại cửa lắng tai nghe ngóng. Bên ngoài yên lặng Kelly vừa mở cửa ra. Chỉ còn hai bóng người bên ngoài hành lang dài hun hút. - Ta tìm chỗ vòng lui ra phía sau - - Diane nói. Kelly gật. - Được… Cậu đi tới đằng kia tôi lui về đàng nầy để coi… - Không, đừng đi. Ta đi đâu phải có đôi, Kelly. Kelly níu tay Diane gật. - Thôi được. Tôi nghe cậu! Một lúc sau hai người tới trước nhà xe. Bên trong một chiếc Toyota và chiếc Jaguar. - Cậu muốn chiếc nào? Kelly nói. - Chiếc Jaguar dễ bị lộ. Ta lấy chiếc Toyota. - May ra còn để lại chìa khoá xe… - Có đây - Diane leo lên ngồi sau tay lái. - Cậu tính ta nên đi về đâu? - Kelly vừa hỏi. - Ta đi Manhattan. Tôi chưa nghĩ ra - Thôi thì cũng xong - Kelly thở ra. Ta tìm nơi ngả lưng cái đã. Đến lúc Kingsley biết được bọn mình trốn thoát, lão điên tiết lên. Đi bất cứ đâu ta cũng bị theo bén gót. Kelly nghĩ ngợi. - Thôi cứ yên tâm. Diane liếc nhìn qua. - Cậu nói sao. Kelly kiêu hãnh đáp: - Tôi vừa nghĩ ra kế sách. Chương 44 Ngồi trên xe phóng qua vùng White Plains, một khu đô thị lý tưởng, yên tĩnh trên đất Mỹ nằm về hướng Bắc Manhattan cách thành phố hơn ba chục cây số. Diane lên tiếng. - Nơi nầy đẹp thật. Ta tính ở lại đây làm gì? - Tôi có một người ở vùng nầy, bà ta sẽ giúp cho bọn mình. - Bà ta ra sao? Kelly thong thả kể. - Lúc mẹ tôi lấy chồng ông hay uống rượu say đánh đập bà. Tôi muốn đi làm kiếm ra tiền muốn đưa mẹ tôi đi. Lúc đó một người mẫu thời trang làm chung chỗ giúp chỉ cho tôi về đây, cô ta cũng bị chồng ức hiếp. Nơi đó là nhà trọ, bà chủ nhà là một người tốt bụng, tên bà Grace Seidel. Tôi đưa mẹ về ở chờ khi nào kiếm được nhà. Hôm nào về tôi cũng ghé thăm. Mẹ tôi thích lắm, bà được biết vài người bạn mồi. Hôm tôi kiếm được nhà đưa bà về ở… - Nàng bỏ lửng. Diane nhìn qua: - Rồi sao nữa? - Bà đòi về nhà lại với ông. Xe ngừng lại trước nhà trọ. - Ta tới nơi rồi * * * * * Grace Seidel một phụ nữ tuổi ngoài năm mươi, trông còn khoẻ mạnh. Bà bước ra mở cửa, nhìn thấy Kelly mặt mày hớn hở. - Kelly! - Bà giang tay ra ôm vòng qua người nàng. Gặp lại em tôi mừng lắm. Kelly lên tiếng: - Đây là Diane, bạn tôi. Hai người chào nhau. - Căn phòng của em đang chờ em về lại, - Grace nói. - Thiệt ra là nơi ở của mẹ em. Tôi cho đặt thêm một chiếc giường nữa. Bà Grace Seidel đưa hai người khách về phòng. Lúc đi ngang qua chỗ phòng khách lịch sự nhìn vô thấy hơn một chục bà ngồi chơi bài với mấy trò chơi linh tinh khác. - Em về ở lại lâu mau? Grace hỏi. Kelly nhìn qua Diane: - Dạ, em chưa biết. Bà Grace Seidel cười: - Không sao. Em về ở lại đây bao lâu cũng được. Nhìn căn phòng lịch sự gọn gàng sạch sẽ. Bà Grace Seidel vừa bước ra ngoài, Kelly nhìn qua Diane nói: - Ta về đây coi như yên. Ta sẽ được ghi vô Sách kỷ lục Guinness. Cậu nhớ ta thoát chết bao nhiêu lần chưa? - À, nhớ - Diane đứng bên cửa sổ nhìn ra, Kelly nghe được câu nàng vừa thốt ra: "Cám ơn anh, Richard". Kelly toan buột miệng nói… chợt nàng nghĩ trong đầu thôi được gì… Andrew ngồi ngủ gục bên bàn giấy mơ màng thấy nằm ngủ trong bệnh viện. Nghe tiếng ồn trong phòng ông thức dậy - "cũng may, tôi tìm được lúc đang làm công việc sát trùng… thiết bị an toàn của Andrew. Tôi… phải mang vô tới đây cho ông coi. Vậy mà bọn quân đội ăn hại bảo đảm an toàn không có việc gì. Người giúp việc đưa cho Tanner coi chiếc mặt nạ chống hơi độc của quân đội. Mặt nạ bị thủng một lỗ bên dưới đáy y như một vết dao cắt, chỉ một chút sơ hở khiến cho ông anh gặp tai nạn… Tanner nhìn thấy chiếc mặt nạ kêu thét lên: - Kẻ nào gây ra việc nầy phải đền tội! - Ông nhìn người giúp việc nói. - Để đó tôi lo giải quyết. Cám ơn anh đã mang vô đây nộp. Andrew nằm trên giường càu nhàu nhìn theo. Tanner nhìn vô chiếc mặt nạ một lát bỏ đi tới chỗ xe đẩy bệnh viện cuối góc phòng. Tanner thò tay vô bên dưới đống đồ thay đem đi giật bỏ chiếc mặt nạ xuống. Andrew muốn hỏi người em có việc gì vậy, ông thấy mệt ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cả ba Tanner, Andrew và Pauline trở lại văn phòng Tanner. Tanner dặn người thư ký đem báo vô văn phòng. Tanner đọc lướt qua trang nhất. Coi đây - Các nhà khoa học đau đầu vì những trận bão bất thường ở Guatemala, Peru, … Ý. Mexico… ông thích thú nhìn qua Pauline. - Đây chỉ là một vụ mở màn. Các nhà khoa học còn đau đầu nhiều hơn nữa. Vince Carballo vụt chạy vô phòng. - Báo cáo ngài Kingsley… - Tôi đang bận. Có việc gì đó? - Flint đã chết. Tanner nhìn theo cứng cả họng: - Sao? Cậu nói sao? Có việc gì vậy? - Stevens và Harris đã giết chết anh ta. - Phi lý. - Hắn bị giết chết. Bọn chúng tẩu thoát ra ngoài lấy xe bà Nghị sĩ lái đi. Chúng tôi báo cáo bị mất trộm. Cảnh sát tìm thấy xe ngoài vùng White Plains. Tanner nghiêm giọng nói. - Nào, cậu phải nghe đây thi hành ngay lệnh của tôi. Cậu dẫn theo một tiểu đội bay tới vùng White Plains. Kiểm tra tất cả khách sạn, nhà trọ, phòng cho thuê rẻ tiền, bất cứ nơi nào khả nghi. - Tôi treo giải thường 500.000 đô-la cho ai khai báo thấy bọn chúng. Thi hành ngay! - Tuân ]ệnh. Vince Carballo vụt chạy ra ngoài. * * * * * Bên trong căn phòng tại nhà trọ Grace Seidel, Diane nói. - Tôi lấy làm buồn lòng những gì xảy ra ở Paris. Có phải bọn xấu đòi giết chết ông quản lý chung cư. - Tôi không rõ. Tất cả gia đình không thấy ở đó nữa. - Còn con Angel ra sao? Kelly nói ngay. - Thôi đừng nhắc nữa. - Tôi buồn lắm. Cậu thấy có tức không? Chúng ta thân với nhau. Ta đã biết hết mọi chuyện, tất cả không còn ai nữa. Ta nên nghĩ ngay cơ sở KIG. Bọn chúng muốn đưa ta vô nhà thương điên. Kelly gật: - Cậu nghĩ có lý. Ta không còn gặp được ai thân thiết nữa. Diane nghĩ ngợi một lát, nàng buột miệng thủng thỉnh nói: - Tôi biết còn một nơi nầy. Vince Carballo tung người lục soát khắp nơi, khách sạn, nhà trọ, phòng trọ rẻ tiền. Một tên trong bọn bước vô khách sạn Esplanade đưa ảnh Diane và Kelly ra cho nhân viên tiếp tân coi. - Ông nhìn thấy hai người nầy vô đây? Nếu ai tìm ra sẽ được thưởng năm trăm ngàn đô-la. Nhân viên tiếp tân lắc đầu: - Nếu tôi mà thấy họ vô đây thì… Một tên đồng bọn bước vô khách sạn Westchester đưa ảnh Diane và Kelly ra. - Năm trăm ngàn đô-la? Giá mà tôi được thưởng… - Một nhân viên tiếp tân khách sạn Crowne Plaza nói. - Nếu mà tôi biết được thì báo cáo ông ngay. Tại nhà trọ Grace Seidel, đích thân Vince Carballo bước tới gõ cửa. - Chào ông. - Chào bà. Tôi là Vince Carballo. Hắn đưa hình chụp hai người kia ra - Bà biết hai người nầy không? Nếu ai biết sẽ được thường năm trăm ngàn đô-la. Grace Seidel mừng rỡ kêu lên: - Kelly! Bên trong văn phòng Tanner, thư ký Kathy Ordonez tất bật lui tới. Mỗi ngày nhận fax không kịp hồi âm, hộp thư inbox đầy ứ. Bà ôm trên tay một xấp giấy tờ đi qua phòng Tanner. Ngồi trên ghế sofa là Pauline đang nói chuyện với Tanner. Nhác thấy thư ký bước vô ông ngước nhìn: - Cái gì đấy? Bà mỉm cười: - Tin vui. Ông sẽ được đón tiếp khách quý đến dự buổi dạ tiệc. Ông nhíu mày: - Bà nói sao? Bà đưa ra xấp giấy tờ: - Tất cả đã nhận lời. Họ sẽ tới đây! Tanner đứng lên. - Tới đây là đâu? Cho tôi coi thử. Kathy giao cho ông xấp giấy tờ, bà bước lui ra. Tanner vừa đọc lên một bản e-mail: "Chúng tôi rất hân hạnh được đến dự bữa cơm tối tại cơ sở KIG ngày thứ sáu để được nhìn thấy cỗ máy Prima, thiết bị thăm dò thời tiết. Ban biên tập báo Times". Mặt mày ông tái nhợt. Ông đọc tiếp qua bản e- mail thứ hai "Cám ơn lời mời cửa quý ngài đến tham quan cỗ máy Prima, thiết bị thăm dò thời tiết tại cơ sở KIG. Rất mong được đón tiếp. Ký tên chủ nhiệm báo Newsweek". Ông đọc lướt qua hết. CBS, NBC, CNN, The Wall Street journal, the Chicngo Tribune, The London Times, tất cả các nơi trông chờ chứng kiến tận mắt cỗ máy Prima. Pauline lặng lẽ ngồi nhìn. Tanner cáu tiết nói không thành tiếng; - Thế nầy là cái quái gì? - ông bỏ lửng. Tại hai con quỷ cái nầy mà ra! * * * * * Bên trong quán cà phê Internet Irma, Diane bận bịu với chiếc máy tính. Nàng ngước nhìn Kelly - ta có bỏ sót ai không? Kelly đáp: - Còn Elle, Cosmopolitan, Vanity Fair, Mademoiselle, Reader s Digest… Diane bật cười: - Vậy chỉ có bấy nhiêu. Lão Kingsley còn có được nhiều nguồn cung cấp thông tin hơn vậy nữa. Lão sẽ làm tiệc khoản đãi tưng bừng. Vince Carballo mừng rỡ nhìn theo Grace Seidel. - Bà biết Kelly? - À, có. - Bà Grace nói - Cô nàng người mẫu số một thế giới. Vince Carballo khoái chí: - Cô nàng đang ở đâu? Grace kinh ngạc nhìn gã: - Tôi không biết, tôi chưa nhìn thấy mặt lần nào. Hắn tức giận mặt đỏ bừng: - Bà nói biết cô ta là ai? - Tôi muốn nói là… chuyện đó ai cũng biết. Cô nàng nổi tiếng, mà có đẹp lắm không? - Bà không biết ở đâu thật sao? Grace nghĩ ngợi. - Có. Tôi có thể kể ra đây, nhưng mà nếu đúng là cô nàng thì quả lạ thật. - Đang ở đâu? - Tôi thấy sáng nay một người giống y hệt cô nàng đón xe buýt nhưng mà một người mẫu nổi tiếng thì phải ngồi xe ô tô sang trọng, phải không. Nhìn thấy đi cùng với một cô nàng nữa. - Bà nhớ xe buýt chạy tuyến nào? - Xe buýt đi Vermont. Ông dám chắc có phải thật là cô nàng? - Không, cám ơn bà. Vince Carballo vội vã bỏ đi. Tanner quăng mớ giấy tờ và bản fax xuống quay qua Pauline. - Em biết bọn quỷ cái nầy tính chuyện gì đây? Ta không muốn cho ai nhìn thấy dàn máy Prima ông ngẫm nghĩ một hồi. - Ta đoán chừng máy Prima sẽ gặp sự cố bữa đó, nó sẽ nổ tung. Pauline nhìn ông một lúc, nàng mỉm cười; - Còn máy Prima II. Tanner gật. - Phải vậy. Ta đi vòng quanh thế giới chơi và nếu thích ta sẽ tới Tamoa nhấn nút cho máy Prima II chạy. Kathy Ordonez nói trên máy nội bộ, lăng xăng dữ lắm, bà gọi văn phòng Tanner: - Báo cáo ông Kingsley, điện thoại reo liên tục, báo New York Times, The Washington Post, ông Harry King chờ máy. - Báo lại tôi bận họp! - Tanner nhìn qua Pauline - Ta đi khỏi đây ngay, ông vỗ vai Andrew - Andrew, anh phải đi thôi. - Ờ đi, Tanner. Ba người cùng đi ra ngoài toà nhà xây màu gạch son. - Tôi muốn dặn lại anh một việc hệ trọng, Andrew. - Cậu cứ nói! Andrew trả lời. Tanner bỏ đi khỏi toà nhà màu gạch son, bước vô bên trong nơi bày chiếc máy Prima. Tanner quay qua Andrew: - Tôi nhờ anh một việc nầy. Tôi và Pauline có việc phải đi ngay, đúng sáu giờ chiều anh nhớ tắt máy. Đơn giản thôi gã giơ tay chỉ - Anh nhớ cái nút đỏ nầy chưa? Andrew gật: - Nhìn thấy rồi. - Đúng sáu giờ chiều anh nhấn nút ba lần. Ba lần. Nhớ rõ chưa? Andrew lập lại. - Nhớ rõ, Tanner. Sáu giờ nhấn nút ba lần. - Đúng. Hẹn gặp lại. Tanner và Pauline toan cất bước đi. Andrew đứng nhìn theo: - Cậu không rủ tôi đi theo với? - Không. Anh ở đây. Nhớ đúng sáu giờ, nhấn nút ba lần. - Nhớ rõ rồi. Vừa bước ra bên ngoài, Pauline hỏi: - Nhỡ anh ấy quên thì sao? Tanner cười: - Chẳng sao. Đúng sáu giờ ta sẽ cho nhấn nút tự động nổ tung. Ta muốn chắc ăn là anh ấy phải có mặt đúng thời điểm đó. Chương 45 Ngày hôm đó thật đẹp trời. Ngồi trên chiếc KIG 757 bay qua biển Thái Bình Dương lấp lánh đưới làn mây xanh ngắt. Pauline nằm kề bên dưới Tanner trên chiếc ghế dài trong cabin rộng rãi. Pauline cất tiếng: - Anh ơi, có phải là điều đáng tiếc nếu mọi người chưa biết được anh là một người thông minh nhất trên đời nầy? Nếu mà họ biết được, anh sẽ ăn ngủ không yên với họ. - Nàng nhìn lại - Chẳng sao. Ta mua một vùng đất mời, ta tự xưng là lãnh chúa. Không ai xâm nhập tới được. - Tanner cười thành tiếng. Pauline khều vô tay. - Anh biết không ngay lúc mới gặp gỡ em đã muốn lấy anh đó. - Không. Anh chỉ nhớ lúc đó tính em xấc xược. - Vậy mà thật đó, phải không? Anh còn gặp lại em nhiều lần, lên mặt dạy đời. Hai người ôm nhau hôn say đắm rất lâu. Nhìn xa xa phía trước, trời mây chớp lòe lên. Tanner nói: - Được nhìn thấy Tamoa em sẽ thích ở luôn. Ta ở lại nghỉ ngơi một vài tuần, ta còn đi vòng quanh thế giới để được đền bù lại những tháng ngày xa cách dài ghê. Nàng ngước nhìn thích thú. - Anh nói thiệt không đó? - Và mỗi tháng ta quay lại đảo Tamoa cho cỗ máy Prima hoạt động. Hai đứa mình muốn chọn mục tiêu nào tuỳ thích, Pauline nói: - Ờ, ta có thể tạo ra bão tố trên đất nước Anh mà không ai hay biết. Tanner cười. - Ta còn nhiều mục tiêu khắp thế giới. Người tiếp viên bước tới hỏi: - Ông bà cần gọi gì thêm? Tanner nói: - Không. Đầy đủ cả rồi. Gã nói thiệt tình. Xa hơn phía trước sấm chớp nổi lên dữ dội. - Em không muốn nhìn thấy bão - Pauline nói - Em… Em sợ đi máy bay gặp trời xấu. Tanner trấn an nàng ngay: - Em đừng lo. Trời không thấy mây, gã chợt nhớ ra trong đầu cười một mình. - Ta không lo chuyện thời tiết. Ta điều khiển được mà? Gã liếc nhìn xuống đồng hồ. - Prima đã nổ tung cách đây một giờ và… Những hạt mưa va đập vô bên thân máy bay. Tanner ghì chặt Pauline vô người: - Không việc gì mưa rơi lác đác. Tanner nói hết câu ngoài trời chợt tối sầm lại sấm chớp nổi lên từng hồi. Máy bay thấy chao đảo lắc lư Tanner nhìn ra cửa sổ chới với không hiểu sao. Những hạt mưa nghe nặng như mưa đá. Tanner kêu: - Coi kìa… việc bàn tính trước đây khiến ông sực nhớ. - Prima! Ông mừng rỡ, hai mắt sáng quắc - Giờ thì ta… Ngay lúc đó một cơn lốc tràn tới đập vô thân máy bay dữ dội. Pauline gào thét lên Trong khi đó bên trong toà nhà màu gạch son cơ sở KIG, Andrew Kingsley đang vận hành chiếc máy Prima, ông đưa tay nhấn vô mấy nút như đã được dặn trước. Nhìn lên màn hình tìm mục tiêu, chiếc máy bay chở người em trai gặp cơn lốc xoáy 300 dặm một giờ máy bay lắc lư. Ông nhấn qua một nút khác. Một mình trong toà nhà rộng lớn, Andrew thấy còn may mắn nhờ một thiết bị có thể giúp ông điều khiển tạo nên một khung cảnh thanh bình hơn. Ông nhấn nút điều khiển chiếc F6 Tornado do ông sáng chế… lên cao… cao… cao hơn nữa… Tanner nhìn ra ngoài cửa sổ thân máy bay lắc lư, tai nghe tiếng chuyển động của chiếc Tornado đang tiến tới gần, vượt qua cơn bão táp. Tanner mặt mày đỏ gay, run lên vì sung sướng nhìn theo chiếc Tornado đang lướt tới kịp chiếc máy bay. Gã quá đỗi vui mừng. - Kìa, chiếc Tornado làm sao có thể vọt lên tới độ cao nầy được. Không thể được! Ta đã sáng chế ra nó! Thật như một phép lạ. Chỉ có Chúa và ta mới có thể… Ngồi bên trong toà nhà, Andrew nhấn nút điều khiển nhìn lên màn hình thấy chiếc máy bay đã nổ tung lẫn lộn cùng xác hai nạn nhân cuốn trôi theo lưng trời. Xong rồi, Andrew Kingsley giơ tay nhấn nút đỏ ba lần. Chương 46 Kelly và Diane vừa mặc đồ xong nghe bà Grace Seidel bước tới gõ cửa: - Bữa ăn sáng đã làm xong mời hai cô. - Vô đây - Kelly lên tiếng. Diane nói: - Để coi cái trò của mình có thành công? Bà Grace đã mua báo chưa? Hai người bước ra ngoài đi tới phòng chơi games. Một nhóm người xúm lại bên chiếc máy vô tuyến. Kelly và Diane vừa đi ngang qua vô phòng ăn tai nghe xướng ngôn viên trên đài đọc… "Và theo như tin tức loan báo, không còn ai sống sót Tanner Kingsley và Thượng nghị sĩ Pauline Van Luven là hành khách đi trên máy bay cùng với một phi công chính, một phi công phụ và một tiếp viên hàng không. Hai người cảm thấy lạnh mình, đứng nhìn nhau, cùng bước tới bên chiếc TV. Trên màn hình chiếu cảnh mặt tiền cơ sở KIG. Tập đoàn Quốc tế Kingsley được thành lập làm một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn nhất toàn cầu, văn phòng đặt ở ba mươi nước. Phòng khí tượng báo cáo một trận bão và sấm sét bất ngờ ở vùng Nam Thái Bình Dương lúc máy bay riêng của Kingsley bay ngang qua. Nạn nhân Pauline Van Luven nguyên là Chủ tịch Uỷ ban Môi trường Thượng Viện. Diane và Kelly lắng nghe hoan hỉ. Và sau đây là một bản tin ngắn, bí ẩn đang được cơ quan cảnh sát điều tra. Một số nhà báo được mời tới tham dự buổi dự tiệc để được nhìn thấy chiếc máy Prima, điều khiển thời tiết do cơ sở KIG sáng chế, nhưng mới tối qua một vụ nổ tại cơ sở KIG phá huỷ chiếc máy Prima, Độỉ cứu hoả phát hiện xác chết Andrew Kingsley lẫn trong đống đổ nát, ông là nạn nhân duy nhất trong vụ nầy. * * * * * Diane nói: - Tanner Kingsley đã chết. - Cậu nhắc lại. Nói chậm. - Tanner Kingsley đã chết - Kelly thở hắt ra một hơi nhẹ cả người. Nàng nhếch mép cười. - Diane. Sau vụ nầy cuộc sống sẽ chán ngắt. - Thì vậy, Diane đáp - Cậu thấy sao nếu tối nay ta nghỉ lại tại Waldorf - Astoria Towers một đêm hở? Kelly cười theo: - Sao cũng được. Hai người nói lời chào tạm biệt bà Grace Seidel, nàng ôm lấy Kelly nói: - Hẹn gặp lại. Bên trong căn phòng ở khách sạn Waldorf Astoria Towers, người phục vụ lo dọn bàn ra. Gã quay qua Diane. - Có phải bà đặt bàn bốn người? Phải rồi. Kelly lặng lẽ nhìn qua. Diane hiểu ngay nàng đang nghĩ gì trong đầu. Vừa ngồi vô bàn, Diane nói: - Kelly, tôi hiếu chuyện nầy không thể do một mình ta làm nên. Ta cần có sự giúp sức. Nàng nâng ly sâm banh nói qua chiếc ghế để trống: - Cám ơn, Richard, em yêu anh. Diane vừa nâng ly chạm môi, Kelly ngăn lại: - Khoan đã. Diane quay lại. Kelly nâng ly sâm banh nhìn chiếc ghế trống gần bên: - Mark, em yêu anh nhiều lắm, cám ơn anh. Hai người cùng nâng ly. Kelly cười nói: - Tuyệt lắm. À, ta tính chuyện sắp tới chứ? - Tôi còn phải tới trụ sở FBI ở Washington để báo cáo chuyện nầy. Kelly chỉnh lại ngay: - Chúng ta cùng đi Washington, để báo cáo chuyện của chúng ta. Diane cười: - Được, nàng ngẫm nghĩ - Bọn mình đã làm được một việc tài tình. Chồng mình chắc là phải tự hào. - Ờ, - Kelly nói. - Ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Ta nhìn lại mấy việc vừa qua. Cậu hiểu bọn mình còn phải làm gì nữa chứ? - Sao? - Phải thành lập một hãng thám tử. Diane cười: - Cậu đùa đấy chứ? Kelly nhìn qua cười rất lâu. - Không dám đùa đâu Sau bữa cơm, hai người ngồi coi vô tuyến kênh nào cũng đưa tin vụ tai nạn Tanner Kingsley. Vừa ngồi coi Kelly chợt nói. - Cậu biết mà, nếu con rắn bị chặt đầu thì khúc dưới cùng chết luôn. - Nghĩa là sao? Ta phải tìm cho ra, Kelly bước tới bàn điện thoại. - Cho tôi gọi đi Paris. Nàng xin tổng đài khách sạn. Năm phút sau tiếng Nicole Paradis trong máy: - Kelly! Kelly! Kelly! Thật vui khi nghe bà gọi. Kelly cảm thấy chán. Nàng hiểu sắp phải được nghe gì đây. Bọn chúng đã giết chết cả nhà Cendre và con Angel. - Tôi không liên lạc với bà được. Bà đã nghe tin gì chưa? - Mọi người biết cả rồi Jérôme Malo và Alphonse Girouard đã dọn đi nơi khác. Kelly lo sợ phải thắc mắc thêm nữa. - Còn nhà Cendre và con Angel thì sao? Nhà Philippe thì không sao, tôi còn giữ con Angel đây. Bọn xấu định tóm lấy nó làm dữ với bà nếu bà không chịu về theo bọn chúng. Kelly nghe được thì mừng lắm: - Chao ôi, được rồi! - Bà nghĩ tôi phải tính sao? - Bà gởi nó theo chuyến bay của hãng Air France qua New York, cho biết ngày giờ đến, tôi ra sân bay đón. Bà gọi cho tôi số máy khách sạn WaldorfAstoriaTowers. - Tôi sẽ làm như bà dặn. - Cám ơn, - Kelly gác máy. Diane ngồi lắng nghe: - Con Angel không sao chứ? - Ờ, còn nhà Cendre bình yên. - Chà, thế thì may quá! - Phải chớ! Tôi mừng lắm. Nào ta tính còn nửa số tiền kia cậu định dùng vô việc gì? Diane nhìn qua: - Sao? Cơ sở KIG ra giải thường năm triệu đô-la. Phần thưởng phải về tay bọn mình. - Nhưng mà Kingsley đã chết. - Tôi hiểu, nhưng cơ sở KIG vẫn còn đó. Hai người nhìn nhau cười. Kelly lên tiếng: - Ngày về lại Washington cậu tính làm gì? Hay là vẫn tiếp tục sự nghiệp vẽ tranh? Diane nghĩ ngợi: - Không đâu. Kelly nhìn sâu vô mắt nàng: - Có thiệt không? - Ờ, còn một bức tranh tôi muốn vẽ cho xong. Một cuộc đi chơi dã ngoại tại công viên Central Park - Giọng của nàng chợt nghe khàn khàn. - Một cặp nhân tình đi chơi trong mưa. Thôi đến đó… ta sẽ nói sau. Còn cậu thì sao? Có trở lại với nghề người mẫu thời trang? - Chưa đâu, tôi chưa nghĩ tới… Diane nhìn theo. - Để coi biết đâu, bởi nhớ tới lúc còn trên sàn diễn, tôi nhớ lại Mark ngồi nhìn giơ tay lên hôn gió. Ờ, dù cho anh ấy vẫn chờ tôi trở lại sàn diễn. Diane cười theo: - Khá lắm. Hai người ngồi coi hết chương trình truyền hình, Diane lên tiếng. - Thôi ta đi ngủ. Mười lăm phút sau thay đồ lên giường nằm, mỗi người thấy lại vừa trải qua những ngày phiêu lưu mạo hiểm. Kelly ngáp một hơi: - Thấy buồn ngủ rồi, Diane. Tắt đèn đi. Chương 47 Câu nói truyền miệng xưa nay là mọi người ai cũng nhắc chuyện thời tiết, không thấy ai làm nên trò, nay đã lỗi thời. Thời đại ngày nay hai siêu cường đủ khả năng điều khiển thời tiết là Hoa Kỳ và Nga. Nhiều nước muốn nỗ lực đuổi theo. Công cuộc tìm kiếm nhằm khống chế được các nguyên tố khởi đầu từ nhà bác học Nikola Tesla thời kỳ những năm 1800 kể cả công trình chuyển điện năng từ không gian đã trở thành hiện thực. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Chuyện thời tiết được sử dụng làm lợi khí để ban phát hoặc nhắm huỷ diệt nhau. Tất cả các nguyên tố đã được thay thế? Năm 1969 Cục Phát minh sáng chế Hoa Kỳ đã cấp bằng sáng chế cho một công trình áp dụng phương pháp kết tủa nhân tạo hơi nước biển phóng lên bầu khí quyên. Năm 1971 Công ty điện tử Westinghouse được cấp bằng sáng chế nhờ một công trình hệ thống chiếu sáng bề mặt hành tinh. Những năm đầu thập niên 1970 Uỷ ban phòng vệ lãnh hải Thượng viện chủ toạ phiên điều trần của quân đội, một công trình nghiên cứu làm biến đổi các điều khiển thời tiết đồng thời bộ quốc phòng đặt ra chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân tạo ra những đợt sóng thần. Trước nguy cơ đối đầu huỷ diệt giữa hai siêu cường Nga Mỹ đến đỉnh điểm ngay trong năm 1977, Hiệp ước Liên Hợp Quốc về ngăn cấm mọi biện pháp làm biến đổi thời tiết vì mục đích thù địch đã được hai siêu cường Nga, Mỹ cam kết tôn trọng ký kết. Hiệp ước không thể ngăn chặn các cuộc thăm dò thời tiết. Năm 1978, Hoa Kỳ thứ nghiệm một công trình gây mưa ở sáu khu vực trong bang Wisconsin. Gió lốc di chuyển một trăm bảy mươi lăm dặm một giờ, thiệt hại ước tính năm mươi triệu đô-la. Nước Nga đồng thời muốn tiến hành các cuộc thử nghiệm riêng của họ. Năm 1992, Wall Street Journal loan tin một công ty Nga - Công nghệ tình báo Elat bán ra thị trường các thiết bị thăm dò thời tiết tiện lợi trong nhiều lĩnh vực với khẩu hiệu "Thăm dò thời tiết theo đơn đặt hàng" được nhiều nước đặt mua. Hai nước tiến hành cuộc thăm dò đã làm biến đổi các tiêu chuẩn thời tiết. Những năm đầu thập niên 1980, hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường đã được ghi nhận. - Vùng áp suất cao tập trung ngoài khơi California 800 dặm xuất hiện từ hai tháng nay ngăn chặn luồng khí ẩm từ Thái Bình Dương? Báo Times tháng giêng 1991. Mùa áp suất không khí cao gió chướng cản trở luồng gió bình thường di chuyển từ Tây sang Đông - báo New York Times, số ngày 29 tháng Bảy, 1993. Thảm hoạ do thời tiết gây ra được kể lại trong tác phẩm nầy đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Thời tiết là nguồn sức mạnh vô song. Nắm được quyền điều khiển thời tiết có thể làm đảo lộn kinh tế toàn cầu do những trận mưa bão gió lốc; gây ra hạn hán mất mùa, động đất, cuồng phong sóng thần, đóng cửa sân bay, lũng đoạn hậu phương địch. Giờ ta có thể ngủ yên giấc như lời một nhà lãnh đạo từng nói: "Mọi người ai cũng nói chuyện thời tiết) không thấy ai làm nên trò". Và sự thật đã rõ. Dịch Thuật: Trạch Thiên Hết Cát Bụi Thời Gian Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 01 Nếu kế hoạch không thực hiện được bọn mình sẽ chết hết cả lũ. Anh ôn lại trong óc một lần cuối, thử đi thử lại cố tìm xem còn kẽ hở nào, nhưng không thấy gì. Kế hoạch thật là táo bạo, nó đời hỏi phải tính toán cẩn thận đến từng giây. Nếu trôi chảy, nó sẽ là một chiến công tuyệt vời, có thể sánh với nhân vật Elcid vĩ đại. Còn nếu bị hỏng thì ... Thế là thời gian lo lắng qua rồi, Jaime tự triết lý. Bây giờ đã đến lúc hành động. Jaime Miro là một huyền thoại, một anh hùng đối với dân vùng Basque, nhưng anh lại là một kẻ đáng nguyền rủa đối với chính phủ Tây Ban Nha. Anh cao đến một mét chín mươi, khuôn mặt rắn rỏi và thông minh, thân hình vạm vỡ, đôi mắt đen thoáng vẻ lo nghĩ. Những người quen biết thường thích mô tả anh to lớn hơn, đen và hung dữ hơn. Anh mang trong người nhiều tính cách, một con người thực tế, biết rất rõ những gì là bất lợi cho bản thân mình, nhưng cũng lại là một con người lãng mạn, sẵn sàng hy sinh cho những gì mình tin tưởng Thị trấn Pamplona như đang lên cơn vậy. Đó là buổi sáng kết thúc đua bò tót, thường thường hàng năm tổ chức từ ngày mồng bẩy tháng Bảy đến ngày mười bốn tháng Bảy. Có đến ba chục ngàn khách thập phương đổ về thị trấn. Nhiều người đến cốt để xem cảnh bò chen nhau chạy, rất đáng sợ, và nếu muốn tỏ ra can đảm, họ lao vào chạy trước đàn bò. Tứ nhiều hôm trước, họ đã thuê hết các phòng khách sạn. Đám sinh viên từ Navare đến chỉ còn biết nằm vạ vật trước cửa nhà này, hiên nhà khác, hành lang nào đó hoặc trong ô tô, ngoài quảng trường và ngay trên các hè phố của thị trấn. Khách du lịch chen chúc trong các tiệm cà phê, quán rượu hay trong khách sạn ... mải mê ngắm những đoàn diễu hành khổng lồ với những màu sắc sặc sỡ trong tiếng nhạc rộn rã. Phần lớn người diễu hành khoác lên mình những chiếc áo choàng tím với mũ liền màu xanh kim tuyến hoặc đỏ, vàng ... Tràn qua các phố, đoàn diễu hành như những dòng sông cầu vồng. Tiếng pháo nổ dọc theo các tuyến xe điện càng làm cho không khí thêm ồn ào, sôi động. Họ kéo nhau tới đây để xem các trận đấu bò vào buổi tối. Nhưng sự kiện kỳ thú nhất lát nữa mới diễn ra. Đó là Encierro hội bò đuổi. Từ nửa đêm trước, tại những đường phố cuối thị trấn đã được tắt điện, đàn bò bị lùa khỏi chuồng để vượt sông và tập trung qua đêm tại cuối đường Cake Santo Domingo. Sáng nay, chúng sẽ được chạy dọc theo phố hẹp Cake Santo Domingo đã được che chắn, kỹ bởi các thanh cản bằng gỗ tại các góc phố. Khi chúng chạy hết phố thì sẽ được nhét vào các khu chuồng tại quảng trường Hemingway để chuẩn bị cho những trận đấu buổi chiều. Suốt từ nửa đêm tới sáu giờ sáng, các vị khách nhậu nhẹt, hát hò, háo hức không tài nào ngủ được. Những người sẽ tham gia chạy trước đàn bò tót khoác nơi cổ những chiếc khăn choàng màu đỏ San Permin truyền thống. Sáu giờ kém mười lăm, các ban nhạc bắt đầu kéo nhau ra phố và chơi các điệu nhạc sôi động của xứ Navare. Đúng bảy giờ, một pháo hiệu bay vút lên báo hiệu chuồng bò đã mở, đám đông lại càng háo hức. Vgiây sau quả pháo hiệu thứ hai bay lên báo cho toàn thị trấn biết bò đã xuất phát. Tiếp đó là một cảnh tượng không thể quên được. Bắt đầu, nó rầm rì theo gió từ xa vọng lại, hầu như không nhận thấy được. Tiếng ồn cứ lớn dần, lớn dần cho tới khi biến thành những tiếng nổ phát ra từ những cặp móng vuốt nện xuống mặt đường. Rồi đột nhiên vọt tới hàng chục con bò mộng, con nào con nấy ngót nghét cả tấn, lao sầm sập vào phố Santo Donlgo như đoàn tầu hỏa phóng hết tốc độ. Phía trong những thanh chắn bằng gỗ được đặt tại mỗi góc phố giao nhau là hàng ngàn chàng trai vừa ham muốn lại vừa hoảng sợ, sắp được tỏ rõ lòng quả cảm bằng việc chạy trước mũi những con bò điên. Đàn bò xuất phát từ cuối đường, qua phố Esthafeta và phố Favier, băng qua những cửa hiệu dược phẩm và trang phục, quầy hoa quả, lao về phía quảng trường Hemingway trong những tiếng hò la “ôlê” từ các đám đông như đã hóa rồ. Khi đàn bò tới gần, người ta giẫm đạp lên nhau để chạy trốn những cặp sừng nhọn hoắt và những chiếc móng giết người. Cái chết kề sát lưng khiến cho một số người tham gia vội vàng tìm đường chạy trốn. Số này bị đám đông hò hét “Cobardon!”-đồ hèn. Một số người vấp ngã trên đường lập tức được lôi ra ngoài. Đứng sau những thanh gỗ chắn có một ông già nắm tay một cậu bé, cả hai ông cháu đều nín thở theo dõi quang cảnh kỳ thú diễn ra cách mình có vài bước chân. - Cháu nhìn các chàng trai kìa! -Ông cụ kêu lên.-Họ thật là cừ! - Ông ơi, cháu sợ lắm. -Chú bé run rẩy. - Ông già vòng tay ôm lấy cậu bé. - Ôi, Manolo, sợ thật. Nhưng cũng thật tuyệt. Một lần ông cũng chạy trước đàn bò thế này. Không gì có thể ví được với nó. Mình đem mình ra chết thử, và điều đó khiến người ta cảm thấy mình đích thực là đàn ông. Theo lệ, đàn thú sẽ mất hai phút để chạy hết chín trăm thước chiều dài đường Santo Domingo dẫn tới khu đường đấu và khi đàn bò đã được nhốt an toàn trong chuồng thì phát pháo hiệu thứ ba sẽ được bắn lên. Nhưng hôm ấy, phát đạn thứ ba đã không được bắn bởi một thảm hoạ bắna từng có trong lịch sử bốn trăm năm hội bò tót của Pamplona. Khi đàn bò tót lao vào đoạn đường hẹp, có sáu bảy người mặc áo choàng sặc sỡ đã tháo bỏ những thanh chắn gỗ, thế là chúng như được thoát ra khỏi sự tù túng, chật chội đổ ào vào trung tâm thành phố. Cái cảnh tượng mà khoảnh khắc trước đó còn là ngày hội hạnh phúc đột nhiên trở thành cơn ác mộng. Bầy thú điên dại lao vào đám người đứng xem còn đang ngơ ngác. Cậu bé và ông cụ nằm trong số người bị nạn đầu tiên. Cả hai bị đàn bò húc ngã rồi bị giẫm bét. Những cặp sừng hung ác sọc vào chiếc xe nôi giết chết luôn đứa bé và húc ngã bà mẹ rồi giày xéo nát bấy cái thân thể mỏng manh ấy. Khắp nơi tràn ngập không khí chết chóc. Đàn bò xô ngã đám đàn bà trẻ con, chọc những cặp sừng gớm ghiếc vào những người đi đường, vào các giá bày thực phẩm, kể cả các bức tường, hất tung mọi thứ không may xuất hiện trên đường đi của chúng. Người ta gào thét trong nỗi kinh hoàng, xô đẩy nhau trong tuyệt vọng hòng thoát ra khỏi đường chạy của đàn thần chết có sừng ấy. Một chiếc xe tải màu đỏ xuất hiện trên đường và lập tức trở thành mục tiêu tấn công của bò. Chúng lao theo chiếc xe đang từ từ chạy xuôi phố Estrella - đường dẫn tới nhà tù Pamplona. Nhà tù này cao hai tầng, xây bằng đá, cửa sổ có chấn song sắt lớn, trông rất gớm ghiếc. Bốn góc có bốn bót gác, phía trên cổng vào tung bay lá cờ Tây Ban Nha hai màu đỏ -vàng. Chiếc cổng đá dẫn tới một sân nhỏ. Tầng hai của tòa nhà là dãy xà lim chuyên giam giữ tử tù. Phía bên trong, một lính gác bận đồ cảnh sát Armanda đang dẫn vị cha cố mặc áo choàng đen đi dọc hành lang tầng hai. Người lính khoác khẩu tiểu liên. Thấy ánh mắt cha cố nhìn khẩu súng vẻ dò xét, người lính nói: - Chẳng phải là quá cẩn thận đâu, thưa cha. Tầng này toàn bọn cặn bã xã hội cả. Vị cha cố được dẫn qua một phòng đặt máy dò kim loại, giống như chiếc máy đặt ở sân bay. Xin cha thứ lỗi, nguyên tắc ở đây ... - Hẳn rồi, cha biết. Khi vị cha cố bước qua chiếc máy, một tiếng rít vang lên dọc hành lang. Người lính gác theo bản năng đặt tay lên cò súng chĩa vào ông. Vị cha cố quay lại cười với người lính gác. - Ồ, xin lỗi, -vừa nói cha vừa tháo bỏ cây thánh giá kim loại nặng nề đeo trước ngực bằng một sợi dây bạc và trao cho người lính gác. Lần này khi cha cố bước qua, chiếc máy im lặng. Người lính gác trả lại cây thánh giá, rồi cả hai đi sâu vào khu tận cùng của nhà tù. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc sộc hành lang. Cha biết đấy, -người lính gác thong thả nói, -cha chỉ phí thời gian vô ích. Đám súc vật này làm gì có linh hồn mà cứu rỗi. - Biết thế, nhưng phải cố, con ạ. - Xin thưa với cha, -người lính gác lắc đầu, -cổng địa ngục đang chờ đón cả hai chúng nó. - Hai? Sao họ bảo cha phải rửa tội cho ba đứa? -Vị cha cố ngạc nhiên. - Chúng tôi đã tiết kiệm thời gian cho cha. Thằng Zamazo ngoẻo sáng nay trong nhà thương rồi. Bệnh đau tim! -Người lính gác nhún vai. Hai người bước tới hai gian xà lim trong cùng. - Đây thưa cha. Người lính gác mở khóa một gian xà lim, thận trọng lùi lại khi cha cố lách mình vào phía trong, rồi khóa lại như cũ và đứng ngoài hành lang, cảnh giác với bất cứ hiện tượng lạ nào. Cha cố bước tới chỗ có bóng người nằm trên chiếc giường đơn tanh tưởi. - Tên con là gì? - Ricardo Mellado. Cha cố nhìn hắn chằm chằm. Thật khó nói trông hắn ra sao. Mặt sưng húp bê bết máu. Mắt gần như nhắm tịt lại. Người tù mấp máy cặp môi dày: - Kính chào cha. Con rất mừng là cha đã đến. - Cứu vớt linh hồn con là bổn phận của nhà thờ. -Cha cố đáp lại. - Họ sẽ treo cổ con sáng nay phải không cha? Cha cố vỗ nhẹ vào vai người tù: - Con phải chịu hình phạt thắt cổ. Ricardo Mellado nhìn xói vào cha cố. - Không! - Cha rất tiếc. Nhưng quyết định này là của chính ngài thủ tướng. Cha cố đặt tay lên đầu người tù và lầm rầm đọc kinh. - Con đã phạm tội lớn trong suy nghĩ, trong lời nói, và con thành tâm ăn năn xin được tha tội. -Ricardo nói. Cha cố vẫn tiếp tục đọc kinh. Bên ngoài người lính gác đứng nghe, nghĩ thầm trong bụng. Thật là cái trò tốn thời gian ngu xuẩn. Chúa sẽ phỉ nhổ vào mặt thằng chết tiệt đó. Cha cố đọc xong bài Kinh rửa tội. - Con của ta, cầu Chúa nhận linh hồn của con lên Thiên đường. Vị cha cố bước ra phía cửa xà lim. Người lính gác mở khóa, rồi bước lùi lại, hướng nòng súng nhằm vào người tù. Khóa xong, anh ta bước sang xà lim bên cạnh, mở cửa. - Thằng này nữa là hết, thưa cha. - cha cố bước vào xà lim. Người tù bên này cũng bị đánh đến thảm hại. Cha cố lặng lẽ nhìn hắn, rồi hỏi: Tên con là gì? - Felix Carpio. Hắn ta người râu ria, vạm vỡ, nổi lên một bên má là vết sẹo xám ngoét, mà bộ râu rậm không thể che được. - Tôi không sợ chết, thưa cha. Thế là tốt, con ạ. Cuối cùng thì chẳng ai trong chúng ta sống mãi được. Khi cha cố đang nghe Carpio xưng tội thì có tiếng ồn từ xa vọng đến, lúc đầu nghe lao xao, sau lớn dần và bắt đầu dội vào nhà tù. Tiếng chân bầy thú nện rầm rầm như tiếng sấm lẫn tiếng gào thét của đám người hoảng loạn. Viên lính gác giật mình nghe ngóng. Tiếng ồn ào mỗi lúc một gần. - Thưa cha, phải nhanh lên, ngoài kia hình như đang có chuyện. - Ta xong rồi đây. Người lính nhanh chóng mở khóa để cha cố bước ra ngoài hành lang, rồi khóa lại cẩn thận. Chợt có tiếng động lớn ở phía trước nhà tù. Người lính quay ra nhìn qua ô cửa sổ hẹp, có chấn song sắt. - Cái quỷ gì thế nhỉ? - Nghe như ai đó muốn gặp chúng ta đấy. Cha mượn cái kia nhé? -Cha cố nói. - Cha mượn cái gì? - Vũ khí của con. Cha cố vừa nói vừa lặng lẽ tháo bỏ phần chóp của cây thánh giá lớn đeo trước ngực, để lộ ra một con dao găm nhọn, dài. Nhanh như chớp, con dao đã thọc vào ngực người lính. - Thế đấy, con ạ. -Vừa nói ông vừa lôi khẩu tiểu liên khỏi tay anh ta. -Chúa và Cha đã thống nhất là con không cần thứ đồ chơi này nữa. -Jaime Miro vừa nói vừa làm dấu thánh. Người lính đổ xuống sàn xi măng. Jaime Miro lấy chùm chìa khóa trong người hắn rồi nhanh chóng mở khóa hai ô xà lim. Những tiếng ồn ào bên ngoài vọng vào còn dữ dội hơn. - Đi thôi -Jaime ra hiệu. Ricardo Mellado nhặt lấy khẩu súng. Cậu đóng thầy tu giống thật, chút nữa thì cả tớ cũng bị lừa. -Anh ta gượng cười với cái miệng sưng vều. - Bọn nó quần các cậu quá lắm phải không? Được. Rồi chúng sẽ phải trả giá! -Jaime vòng tay ôm hai người tù, đỡ họ đi xuống hành lang. - Thế Zamozo làm sao? - Bị đánh đến chết. Bọn tớ nghe thấy cậu ấy gào thét. Chúng đưa vào bệnh xá, rồi bảo cậu ấy chết vì đau tim. Phía trước họ là cánh cửa sắt đóng chặt. - Chờ tớ ở đây. -Jaime nói. Anh tiến tới phía cánh cửa sắt nói vọng sang với người lính gác bên ngoài: - Ta xong việc rồi, anh gác. Anh ta mở cửa, giục. - cha phải nhanh lên. Bên ngoài đang ... Anh ta không bao giờ nói được hết câu bởi đã bị lưỡi dao của Jaime ngăn lại. - Đi thôi, Jaime ra hiệu cho hai người. Felix Carpio nhặt khẩu súng của người lính gác, cả ba đi xuống tầng dưới. Cảnh tượng bên ngoài hết sức lộn xộn. Đám cảnh sát chạy lăng xăng cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra và đối phó với những người đang gào thét trong buồng giam hòng thoát khỏi những con thú điên. Một con bò tấn công từ phía cổng trước, xô đổ chiếc cổng đá. Một con khác thì đang vầy vò cái xác lính gác đã nát bấy. Chiếc xe đỏ đang đậu trong sân, máy vẫn nổ. Trong khung cảnh hỗn độn chẳng ai chú ý đến ba kẻ đang bỏ trốn, còn những người nhìn thấy thì lại đang lo giữ thân, hỏi làm được gì? Jaime và những người bạn của anh nhảy lên phía sau chiếc xe tải. Nó lặng lẽ lặng lẽ vượt qua những đám đông đang tán loạn khắp đường phố. Các lực lượng cảnh sát bán quân sự mặc đồng phục màu xanh mũ dạ đen cố gắng trong tuyệt vọng ngăn cản sự hỗn loạn. Cảnh sát Armanda đóng tại thủ phủ các địa phương cũng đối phó vô vọng trước tai ương bất ngờ này. Người ta giẫm đạp lên nhau hòng thoát khỏi bầy thú đang sôi máu. Sự đe dọạ từ những con bò tót không tai hại bằng hiểm họa do chính họ gây ra trong khi xô đẩy nhau trốn chạy. Tội nhất là các ông già bà lão bị xô ngã rồi bị đám đông giẫm đạp lên. Jaime đưa mắt nhìn cảnh tượng hãi hùng, vò đầu bứt tai. Điều này không phải là dự tính trong kế hoạch. Anh nhìn cảnh chết chóc đang bao trùm, không biết phải làm gì để có thể ngăn nó lại. Tuyệt vọng, anh nhắm nghiền mắt, cố xua khỏi đầu những hình ảnh khủng khiếp lọt vào mắt. Chiếc xe chạy tới vùng ngoại ô Pamplona, rồi tiếp tục lao về phía nam, bỏ lại đằng sau đám âm thanh ồn ào, hỗn độn. - Chúng ta đi đâu thế, Jaime? -Ricardo Mellado hỏi. - Torne có một chỗ an toàn. Chúng ta sẽ ở đó đến tối rồi đi tiếp. Fexlix Carpio co rúm người lại vì đau đớn. Jaime Miro, vẻ mặt đầy thương xót, khẽ nói: - Chúng ta sớm đến đó thôi, bạn của tôi. Trong đầu Jaime, những cảnh tượng hãi hùng ở Pamplona cứ hiện lên, không thể xua đi được. Chừng nửa tiếng sau họ đến một cái làng nhỏ thuộc Torne. Chiếc xe chạy vòng theo rìa làng, đến một ngôi nhà đứng đơn lẻ giữa những ngọn núi. Jaime đỡ mấy người bạn ra khỏi thùng xe. - Nửa đêm sẽ có xe đến đón các bạn, -người lái xe nói. -Bảo họ hãy đưa đến một bác sĩ và nhớ quẳng cái xe đi nhé. -Jaime nhắc. Ba người bước vào trong. Đó là một ngôi nhà kiểu thôn quê, đơn sơ, ấm cúng, trần nhà có cột đỡ, phòng ở có lò sưởi. Một mảnh giấy nhỏ đặt trên bàn. Jaime Miro đọc và mỉm cười với dòng chữ, “Nhà của tôi cũng là nhà của các bạn”. Trên giá bày đủ loại rượu, Jaime rót rượu ra cốc. - Không một lời nào đủ để cảm tạ cậu, bạn thân yêu. Ly này là dành cho cậu. - Ricardo Mel1ado nói. Chúc cho sự tự do. -Jaime nâng cốc. Chợt vang lên tiếng lích rích của con chim bạch yến bị nhốt trong lồng, Jaime bước tới, lặng lẽ nhìn con chim nhỏ vùng vẫy. Anh mở lồng, nhẹ nâng nó ra và mang đến bên cửa sổ. - Chú chim nhỏ hãy bay đi, -anh thì. thầm. -Mọi loài vật đều phải được tự do. Chương 02 Thủ tướng Leopoldo Martinez đang trong cơn tức giận. Ông ta nhỏ người, đeo kính, toàn thân rung lên mỗi khi nói. - Phải chặn thằng Jaime Miro lại. -Ông ta thét, giọng cao và rung lên. -Các ông có hiểu tôi không? -Ông ta quát tháo một nhóm ngót chục người trong phòng. -Chỉ một tên khủng bố thôi mà cả quân đội lẫn cảnh sát đều bất lực. - Cuộc họp diễn ra tại cung Moncloa, nơi ngài thủ tướng sống và làm việc, cách trung tâm thủ đô Madrid khoảng năm kilômét, nằm trên đại lộ Gallcia. Tòa nhà xây bằng gạch đỏ với những ban công sắt uốn lượn cầu kỳ, những tcửa sổ xanh dịu và các tháp canh trấn giữ các góc. - Đó là một ngày nắng, khô. Nhìn qua cửa sổ, hơi nóng từ mặt đất bốc lên lay động như những hồn ma. Hôm qua Miro đã biến Pamplona thành nghĩa địa. - Martinez dằn mạnh nắm đấm xuống mặt bàn. -Hắn đã sát hại người lính gác và cuỗm mất hai tên khủng bố. Đàn bò chúng thả ra đã làm náo loạn cả thành phố. Một lúc lâu không ai lên tiếng. Khi nhậm chức thủ tướng, ông ta lớn tiếng tuyên bố. “Hành động đầu tiên của tôi sẽ là giải tán những nhóm phân liệt. Madrid phải là một mái nhà hòa hợp vĩ đại. Nó sẽ biến những người Andalusia, người Basque, người Catalan, người Gallcy ... thành người Tây Ban Nha.”. Ông ta quá lạc quan. Những người Basque kiên quyết độc lập lại nghĩ khá, và làn sóng những vụ nổ bom, cướp nhà băng, những cuộc biểu tình do những kẻ khủng bố thuộc ETA tiếp tục nổ ra không thể ngăn chặn được. Một người ngồi phía bên phải Martinez khẽ nói: - Tôi sẽ tìm được hắn. Đó là giọng của đại tá Ramon Acoca, người đứng đầu GOE, nhóm hành động đặc biệt, được thành lập để săn lùng những kẻ khủng bố người Basque. Acoca ở tuổi lục tuần, vóc dáng khổng lồ, cặp mắt đục lạnh lùng trên khuôn mặt đầy sẹo. Y đã từng là một sĩ quan trẻ dưới quyền Francisco Franco trong thời nội chiến, và giờ đây vẫn cuồng tín theo đuổi triết lý của Franco, “Chúng ta có nghĩa vụ trước Chúa và Lịch sử.”. Acoca là một sĩ quan tài ba và đã từng là một trong số những trợ thủ tin cậy nhất của Franco. Viên đại tá này khắc sâu một nguyên tắc cứng rắn: xử phạt ngay lập tức những kẻ nghi ngờ hoặc những kẻ không tuân thủ luật chơi. Y đã từng trải qua những thời kỳ lộn xộn trong nội chiến, một bên là Liên minh dân tộc của những người theo chủ nghĩa quân chủ, các tướng lĩnh phiến loạn, các chủ đất, nhà thờ, cũng như các tên phát xít phái Falang. Còn bên kia là lực lượng chính phủ cộng hòa bao gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản, tự do, và những phái phân liệt người Basque và Catalan. Một thời kỳ khủng khiếp đầy chết chóc tàn phá, một sự điên rồ đã lôi cuốn người và phương tiện chiến tranh từ hàng chục vùng đất, gây ra cái chết cho biết bao sinh mạng. Giờ đây người Basque lại tiếp tục chiến đấu và giết chóc. Đại tá Acoca cầm đầu đám nhân viên chống khủng bố hữu hiệu và tàn bạo. Những nhân viên này hoạt động bí mật, ăn mặc cải trang và không bao giờ xuất hiện công khai hoặc chụp ảnh, vì sợ bị trả thù. Nếu kẻ nào đó có thể ngăn chặn được Jaime Miro ắt phải là đại tá Acoca, -thủ tướng nghĩ, -nhưng có một trở ngại: Ai sẽ là người ngăn chặn đại tá Acoca? Giao cho viên đại tá phụ trách vụ này không phải là chủ ý của thủ tướng. Vào lúc nửa đêm, ông ta nhận được một cú điện thoại từ đường dây riêng và nhận ra ngay cái giọng ấy. - Chúng tôi rất phiền lòng với những hoạt động của Jaime và bọn khủng bố, và thấy ông cần giao nhiệm vụ tiêu diệt chúng cho đại tá Ramon Acoca phụ trách GOE. Như vậy đã rõ chưa? - Rõ, thưa ngài. Ý của ngài sẽ được quan tâm lập tức. Rồi đường dây chết lặng. Giọng nói đó là của thành viên thuộc OPUS MUNDO. Tổ chức này là một hệ thống bí mật b gồm các chủ nhà băng, luật sư, chủ các công ty có thế lực, và các bộ trưởng chính phủ. Người ta xì xào rằng tổ chức này nắm trong tay những nguồn tài chính khổng lồ, nhưng tiền từ đâu ra, sử dụng và sinh sôi thế nào thì đó là một điều bí ẩn. Tìm hiểu nhiều về nó được coi là không lành mạnh. Thủ tướng đã giao quyền cho đại tá Acoca như được chỉ thị nhưng tên khổng lồ này đã trở nên cuồng tín đến không thể kiểm soát được. Tổ chức GOE của y đã tạo ra một làn sóng khiếp sợ. Thủ tướng nghĩ đến những người phiến loạn Basque mà Acoca đã tóm được ở gần Pamplona, Những người này đã bị kết tội và đều chịu án treo cổ. Nhưng chính viên đại tá đã đòi phải hành quyết họ bằng hình phạt độc địa hơn: một sợi thép gai từ từ siết chặt lại, rồi bẻ gãy cổ nạn nhân, trơ cả tủy sống ra. Jaime Miro trở thành nỗi ám ảnh thường trực của Acoca. - Tôi muốn lấy cái đầu hắn.-Acoca nói. -Cứ cắt bỏ cái đầu ấy, phong trào người Basque sẽ chết theo. Không đơn giản thế. Thủ tướng nghĩ, mặc dù cũng phải thừa nhận một phần sự thực trong câu nói của Acoca. Jaime Miro là một thủ lĩnh đầy uy lực, lại cuồng, tín theo đuổi sự nghiệp, vì thế mà đầy nguy hiểm. Song Acoca cũng nguy hiểm không kém. Thủ tướng nghĩ tiếp. Giám đốc an ninh Primo Casado nói: - Thưa ngài, không ai có thể lường trước những điều xảy ra ở Pamplona. Jaime Miro là một kẻ ... - Tôi bíết hắn là gì. -Thủ tướng dằn giọng. -Điều tôi muốn biết là bây giờ hắn ở đâu? -Ông ta quay sang viên đại tá. - Tôi đang theo dõi hắn. -Acoca đáp, giọng nói làm cả căn phòng rung lên. -Xin được phép lưu ý ngài thủ tướng rằng chúng ta không chỉ chống lại một kẻ duy nhất mà là đang đối phó với tất cả lũ người Basque. Chúng che giấu, nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí cho Jaime và bọn khủng bố. Hắn là người hùng đối với chúng. Nhưng đừng lo, hắn sẽ chẳng mấy mà thành người anh hùng trên giá treo cổ. Tất nhiên là sau khi tôi tóm được hắn. Không phải Chúng Ta mà là Tôi. Thủ tướng để ý xem có ai chú ý đến điều đó không. Phải, ông lo lắng nghĩ, sẽ phải làm một cái gì đó với thằng cha này. - Thưa các vị, tất cả chỉ có vậy. -Ông ta đứng dậy. Mọi người lục tục đứng lên theo, trừ Acoca. Leopoldo Martinez đi đi lại lại trong phòng: Mả mẹ cái dân Basque. Tại sao chúng lại không muốn làm người Tây Ban Nha? Chúng còn muốn gì nữa? Chúng thèm khát quyền lực. -Acoca nói. -Chúng muốn tự chủ, muốn có tiếng nói riêng, cờ quạt riêng. - Không được, chừng nào tôi còn giữ chiếc ghế này. Tôi nhất quyết không cho ai xé nhỏ Tây Ban Nha. Chính phủ sẽ bảo cho biết chúng nó được phép làm cái gì và không được phép làm cái gì. Chúng nó chẳng là gì, cái đám tiện dân ấy ... - Thưa ngài, -một trợ lý bước vào, vẻ như muốn xin lỗi, giám mục Ibanez đã đến. - Đưa lão ta vào. Ngài có thể tin rằng giáo hội đứng đằng sau chuyện này. Đã đến lúc ta phải dạy cho chúng nó một bài học. -Viên đại tá nheo nheo mắt. Giáo hội luôn là sự mỉa mai lớn nhất của lịch sử. Acoca cay đắng nhủ thầm. Khi nội chiến bắt đầu nổ ra, nhà thờ Thiên Chúa giáo đứng về phía các lực lượng dân tộc. Giáo trưởng đứng đằng sau t như thế, cho phép ông ta lớn tiếng nói rằng mình đang chiến đấu vì Đức Chúa trời. Cho tới khi nhà thờ của dân Basque, các tu viện và tu sĩ bị tấn công, thì giáo hội mới chấm dứt sự ủng hộ này. - Các ngài phải cho người Basque và người Catalan được tự do hơn. -Giáo hội đòi hỏi. -Và các ngài không được sát hại các vị tu sĩ người Basque nữa. - Tổng tư lệnh Franco bực tức điên cuồng. Giáo hội dám láo xược ra lệnh cho Chính phủ? Bắt đầu một cuộc chiến tranh tiêu hao. Lại thêm nhà thờ và tu viện bị các lực lượng Franco hủy hoại. Các nữ tu và tu sĩ bị sát hại. Các giám mục bị giam lỏng. Cha cố khắp cả nước bị trừng phạt vì đã truyền bá, rao giảng những điều mà chính phủ cho là kích động nổi loạn. Tới khi giáo hội dọa rút phép thông công thì Franco mới chấm dứt những cuộc tấn công của mình. Giáo hội chết tiệt! Acoca nghĩ. Sau khi Franco chết, giáo hội lại ngóc dậy. Y quay lại phía thủ tướng: - Đã đến lúc lão giám mục này phải biết ai đang nắm Tây Ban Nha. Giám mục Calvo Ibanez nhỏ nhắn, mảnh khảnh, đám tóc bạc trắng chạy quanh đầu, nhướng mắt nhìn hai người qua cặp kính không gọng. - Một buổi chiều tốt lành! Acoca cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ. Chính sự xuất hiện của vị giáo sĩ này làm cho y phát ốm. Họ là bầy dê của Juda dẫn những con cừu non ngốc nghếch tới lò sát sinh. Vị giám mục đứng đó đợi một lời mời ngồi. Nhưng điều đó không xảy ra. Ông cũng chẳng được giới thiệu với tên đại tá. Đó là một sự khinh miệt có tính toán. Thủ tướng đưa mắt thăm dò ý tứ viên đại tá. Acoca nói nhát gừng: - Một số tin tức đáng lo ngại đã làm chúng tôi chú ý, rằng quân phiến loạn Basque đang tổ chức các cuộc họp tại các tu viện Thiên Chúa giáo. Chúng tôi cũng biết rằng giáo hội dung túng cho các tu viện và nhà dòng cất giấu các vũ khí của bọn phiến loạn. -Giọng y lanh lảnh như có thép. -Khi các vị giúp đỡ kẻ thù Tây Ban Nha thì chính các vị đã trở thành kẻ thù của Tây Ban Nha. Giám mục Ibanez quắc mắt nhìn y, rồi quay sang ông thủ tướng: - Thưa ngài, với lòng kính trọng sâu sắc, tất cả chúng ta đều là những con người của đất nước Tây Ban Nha. Người Basque không phải là kẻ thù của các ngài. Tất cả những gì họ đòi hỏi là tự do để ... - Chúng không đòi hỏi mà là yêu sách. -Acoca gầm lên. -Ở đâu bọn chúng cũng cướp nhà băng, giết hại cảnh sát, vậy mà ông dám nói rằng họ không phải là kẻ thù của chúng ta? Tôi thừa nhận là đã có những sự thái quá không thể bào chữa được. Song, đôi khi tranh đấu cho những gì mình tin ... Chúng không tin vào bất cứ cái gì ngoài bản thân. Chúng không hề quan tâm đến Tây Ban Nha, như một nhà văn lớn của ta đã nói: ở đất nước Tây Ban Nha này không có bất cứ ai quan tâm đến lợi ích chung. Nhóm nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của nhóm ấy. Giáo hội, dân Basque, dân Catalan. Nhóm nọ chửi mẹ nhóm kia ... Ông giám mục biết tên đại tá trích lời Ortega y Gasset. Nguyên văn câu này còn gồm cả quân đội và chính phủ, nhưng ông ta khôn khéo im lặng, quay sang phía thủ tướng, hy vọng có một cuộc đối thoại mềm mỏng hơn. Thưa ngài, giáo hội Thiên Chúa ... Thủ tướng thấy Acoca đưa đẩy vấn đề như thế là đủ. - Xin đừng hiểu sai chúng tôi. Về nguyên tắc, tất nhiên, chính phủ này đứng sau giáo hội một trăm phần trăm. - Nhưng chúng tôi cũng không thể cho phép nhà thờ, nhà dòng và các tu viện chống lại mình mãi được. Nếu các ông tiếp tục dung túng cho bọn người Basque cất giấu vũ khí và tụ họp ở đó, các ông sẽ phải gánh chịu hậu quả. -Acoca lại lên tiếng. - Tôi khẳng định rằng báo cáo mà các vị nhận được là sai lệch. -Đức giám mục nhỏ nhẹ. -Dẫu sao tôi cũng sẽ điều tra ngay. Cám ơn Đức giám mục, tất cả chỉ có thế thôi. Thủ tướng Martinez và đại tá Acoca cùng nhìn theo Đức giám mục bước ra. - Anh nghĩ sao? -Martinez hỏi. -Lão ta biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vị thủ tướng thở dài. Không cần phải bới thêm chuyện với giáo hội thì mình cũng đã đủ chuyện rồi. - Nếu giáo hội ủng hộ bọn Basque, thì tức là họ chống lại chúng ta. -Giọng Acaco vang lên hằn học. -Tôi muốn ngài thủ tướng cho phép dạy bọn này một bài học. Martinez rùng mình khi bắt gặp ánh mắt cuồng tín của Acaco, trở nên thận trọng. - Đúng là anh có báo cáo rằng nhà thờ đang giúp đỡ quân phiến loạn? - Tất nhiên, thưa ngài. Không thể có quyết định khác nếu như người này nói đúng sự thật. Thủ tướng biết Acoca căm thù giáo hội đến thế nào. Nhưng để giáo hội nếm chút mùi trừng phạt có khi cũng hay, miễn là Acoca đừng đi quá đà Thủ tướng Martinez suy nghĩ lung tung. Chính Acoca phá vỡ sự im lặng. - Nếu nhà thờ che giấu bọn khủng bố thì họ phải bị trừng phạt. - Anh sẽ bắt đầu từ đâu? -Thủ tướng gật đầu miễn cưỡng. - Jaime Miro và đồng bọn của hắn hôm qua xuất hiện ở Avila. Chắc chắn chúng đang lẩn trốn trong tu viện đó. - Khám xét tu viện. -Thủ tướng đi tới một quyết định. Quyết định đó là khởi đầu của một chuỗi sự kiện làm lung lay đất nước Tây Ban Nha và chấn động thế giới. Chương 03 Avila êm ả nhẹ nhàng tựa tuyết rơi; mềm mại, dịu dàng như làn gió hạ thì thầm; lặng lẽ như sao sa. Tu viện dòng Cistercian nằm bên ngoài thị trấn Avila có thành lũy bao quanh. Thị trấn nằm ở vị trí cao nhất của Tây Ban Nha, cách Madrid về phía Tây Bắc một trăm mười hai cây số. Tu viện được xây dựng dành cho sự tĩnh lặng. Luật lệ ở đây được áp đặt từ năm 1601 và không hề thay đổi qua hàng thế kỷ: nghi thức tế lễ, sự khắc khổ về tinh thần, sự kín đáo khắc nghiệt, sự tự hành tội và sự im lặng. Luôn luôn là im lặng. Tu viện gồm một khu nhà đá sù sì bốn bề khép kín. Nhà thờ là khu kín nhất nằm ở giữa, xung quanh tòa trung tâm này, qua các ô lỗ cửa sổ, ánh sáng đổ lên những phiến đá lớn lát sàn. Tu viện có bốn chục nữ tu sĩ cầu nguyện trong nhà thờ và sống luôn ở nhà tu. Tu viện tại Avlia là một trong số bảy tu viện còn sót lại ở Tây Ban Nha trong khi hàng trăm tu viện khác đã bị hủy hoại trong phong trào chống giáo hội xảy ra theo chu kỳ trên đất nước Tây Ban Nha kéo dài hàng thế kỷ. Tu viện dòng Cistercian dành cho những người trọn đời vào đây cầu nguyện. Nơi đây không có khái niệm mùa và thời gian. Những người đã bước chân vào đây thì mãi mãi tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống ở Cistercian là tu hành và sám hối. Kinh Thánh được đọc thuộc lòng hàng ngày, sự giam mình là tuyệt đối và vĩnh hằng. Tất cả các sơ đều ăn mặc giống nhau. Quần áo của họ cũng như mọi thứ khác tròng tu viện đều mang dấu ấn của chủ nghĩa tượng trưng qua nhiều thế kỷ. Chiếc áo choàng ngoài không tay có mũ liền -tượng trưng cho sự ngây thơ và trong trắng. Chiếc áo thêu bằng lanh biểu trưng cho sự từ bỏ mọi hấp dẫn của thế gian và sự hành xác. Cái áo khoác vai được ghép bằng những mảnh vải len rộng xõa xuống người nói lên sự tự nguyện lao động. Chiếc khăn choàng bằng lanh trùm đầu vòng qua cằm che kín hai bên má và cổ là sự hoàn thiện của bộ đồng phục. Bên trong những bức tường của tu viện là hệ thống đường đi lại và cầu thang nối liền phòng ăn với phòng chung, các phòng nhỏ và phòng làm lễ, và chỗ nào cũng bao trùm một cảm giác rộng rãi, sạch sẽ mà lạnh lẽo. Những cửa sổ mắt cáo hướng ra một khu vườn có tường cao bao quanh. Các cửa sổ đều có chấn song sắt và đều vượt quá tầm nhìn để tránh những sự hấp dẫn từ bên ngoài. Phòng ăn dài và sơ sài, màn che ô các cửa sổ đều rủ và cửa chớp đóng lại. Những giàn nến đặt trên các chân nến cổ in bóng trên trần nhà và các bức tường. Suốt bốn trăm năm không một thứ gì bên trong những bức tường thay đổi, trừ những khuôn mặt. Các sơ đều không có tài sản riêng, vì họ khao khát được nghèo thi thố với sự nghèo khổ của Đấng cứu thế. Ngay trong nhà thờ cũng trống trơn, trừ một cây thánh giá bằng vàng là món quà của một người giàu có vào giáo hội tặng từ xa xưa. Bởi nó quá xa lạ với trật tự khắc khổ ở đây, nên nó được giấu kín trong một chiếc hộp để ở nhà ăn. Một cây thánh giá bằng gỗ mộc mạc thay cho nó được treo ở bệ thờ. Đám đàn bà chia sẻ cuộc đời với Chúa này sống chung, làm chung, ăn chung và cầu nguyện chung, mặc dù họ không bao giờ tiếp xúc, trò chuyện với nhau. Ngoại lệ duy nhất được phép là khi họ cùng nghe, hoặc khi bà Nhất Bentina giáo huấn họ tại phòng của bà. Thậm chí ngay cả khi đó, một loại ngôn ngữ cổ bằng dấu hiệu cũng được sử dụng đến triệt để. Bà Nhất Bentina là một phụ nữ sùng đạo ở tuổi bảy mươi với khuôn mặt rạng rỡ, luôn vui vẻ song đẩy nghị lực, một con người luôn tự hào về sự bình an cùng niềm vui của cuộc sống trong tu viện, và kiêu hãnh với cuộc đời hiến dâng cho Chúa. Hết mực thương yêu những nữ tu của mình, bà cảm thấy còn đau đớn hơn bản thân người bị trừng phạt mỗi khi phải thực hiện một hình phạt nào đó theo nguyên tắc. Các nữ tu đi lại trong tu viện, mắt nhìn xuống đất, hai tay vòng lại sau lần áo trước ngực. Họ lướt qua nhau, không một lời hay một cử chỉ nhận biết. Tiếng nói duy nhất ở đây là tiếng chuông mà văn hào Pháp Victor Hugo gọi là “nghệ thuật opera của những tháp chuông”. Các bà sơ tới đây do nhiều nguyên cớ và từ nhiều miền đất khác nhau. Họ xuất thân từ những gia đình quý tộc, nông dân, binh lính ...khi họ về đây là những người giàu, kẻ nghèo, có giáo dục hay dốt nát, tứ cố vô thân hay đầy tôi tớ, kẻ bần hàn hay được coi là quyền cao chức trọng, nhưng giờ đây tất cả đều là một trong con mắt của Chúa, cùng có chung một khát vọng được thành thân vĩnh viễn với Ch Giêsu. Điều kiện sống trong tu viện cực kỳ kham khổ. Mùa đông, cái lạnh như dao cắt và ánh sáng mờ ảo, lạnh lẽo thấm qua những khung cửa sổ xám xịt. Các nữ tu mặc nguyên quần áo ngủ trên nệm rơm, đắp tấm len thô ráp. Mỗi tu sĩ ở riêng một phòng nhỏ, mà đồ đạc gồm chiếc nệm rơm, chiếc ghế lưng thẳng, cái hũ đất nhỏ và cái chậu lăn lóc ở một góc dưới đất. Không một tu sĩ nào được phép đặt chân vào phòng của người khác, trừ bà Nhất Bentina. Không có bất cứ một hình thức giải trí nào. Chỉ làm việc và các lễ cầu nguyện, Có những phòng dành cho việc đan lát, đóng sách, dệt vải và làm bánh mỳ. Mỗi ngày có tám giờ cầu kinh: Mantins, Lauds, Prime, Terce, Sext, None, Vespers, và Campline. Ngoài những lễ này, còn các lễ cầu nguyện khác: Kinh đọc trước bữa ăn, các bài Thánh ca và những bài Kinh khác. Lễ Mantins được đọc vào lúc nửa thế giới còn ngủ say còn nửa kia chìm trong tội lỗi. Lễ Lauds tiếp theo lễ Matins vào lúc mặt trời mọc, được coi là nghiệm diệu của thắng lợi vinh quang của Chúa. Lễ Prime là lễ buổi sáng của nhà thờ, xin Chúa chúc phước cho mọi công việc trong ngày. Lễ Terce được tiến hành vào chín giờ ba mươi, đọc lên để nén dục vọng của con người. Lễ None được cầu nguyện hồi ba giờ chiều, vào lúc chúa Giêsu bị hành hình. Lễ Vespers tiến hành vào buổi chiều của Hội thánh như lễ Lauds. Lễ Compline là sự hoàn chỉnh những thời gian ngắn ngủi trong ngày, cũng có những hình thức của lễ cầu nguyện ban đêm. Một sự sửa soạn cho sự chết cũng như sự ngủ vào lúc tận cùng của ngày. Ở một số dòng tu khác, hình phạt bằng roi đã được bãi bỏ, nhưng nó vẫn còn tồn tại ở các tu viện dòng Cistercian. Ít nhất mỗi tuần một lần, có khi hàng ngày, các nữ tu tự hành hạ thể xác mình bằng cái roi có sáu sợi dây xích điểm gai nhọn. Mỗi khi quất vào lưng, chân hay mông, nó gây ra những đau đớn đến tột độ. “Thân thể của Chúa bị hành hạ, nên thân thể của chúng ta phải được làm cho giống với thân thể bị tổn thương của Người.”. Cuộc sống ở đây còn hà khắc hơn bất cứ nhà tù nào, ấy thế mà “tù nhân” lại cảm thấy hạnh phúc như họ chưa từng biết đến thế giới bên ngoài. Họ từ bỏ tình yêu xác thịt, của cải và sự tự do lựa chọn. Nhưng khi đoạn tuyệt với những cái đó, họ cũng đoạn tuyệt luôn cả những tham vọng và ganh đua, hằn thù và ghen ty, và tất cả những ham muốn, sự cám dỗ đầy rẫy ở thế giới bên ngoài. Bên trong tu viện luôn ngự trị một không khí bình yên và niềm vui khôn tả được hầu hạ bên Chúa. Sự bằng an mơ hồ ngự trị trong bốn bức tường của tu viện và trong trái tim của những người ở đây. Nếu tu viện này là nhà. tù thì đó phải là nhà tù trên thiên đường của Chúa, với sự nhận biết về cõi vĩnh hằng, một hạnh phúc dành cho những người đã tự nguyện tới đó và ở lại đó. Sơ Lucia thức giấc khi hồi chuông vang lên trong thư viện. Cô giật mình mở mắt, có cảm giác mất phương hướng trong giây lát. Gian phòng nhỏ của cô chìm trong bóng tối ảm đạm, tiếng chuông báo hiệu cho cô biết lúc đó là ba giờ sáng, là giờ lễ cầu Kinh đêm trong lúc thế giới bên ngoài còn chìm trong bóng tối. “Khỉ gió! Cái trò nhàm chán này sẽ giết mình mất”. S nghĩ. Lucia nằm co ro trong chiếc giường nhỏ, thêm đến tuyệt vọng một điếu thuốc lá. Cô uể oải lết khỏi giường. Bộ đồ nặng nề phải mặc vào người cả lúc đi ngủ như tấm giấy ráp cọ sát vào làn da nhạy cảm của cô. Lucia nhớ đến những bộ cánh kiểu cách treo trong phòng của mình ở Roma hay trong biệt thự ở Gstaad. Sơ Lucia có thể nghe thấy những tiếng loạt xoạt bên ngoài phòng, khi các nữ tu tập trung lại. Cô uể oải dọn giường rồi bước ra hành lang, nơi các tu đã sắp xếp thành hàng, im lặng, mắt cắm xuống, bắt đầu chầm chậm đi về phía nhà thờ. Trông cứ như một bầy chim cánh cụt ngốc nghếch. Sơ Lucla nghĩ. Vì sao những người đàn bà này dám từ bỏ cuộc sống của mình, từ bỏ tình ái, từ bỏ ăn ngon mặc đẹp? Thiếu những thử đó, còn có lý do gì để mà sống? Những luật lệ chết tiệt! Khi sơ Lucia nhập tu viện, bà Nhất Bentina nói với cô: - Con nhớ khi đi phải cúi đầu xuống. Tay phải gấp lại dưới áo. Bước ngắn, đi chậm. Con không bao giờ được nhìn bất cứ sơ nào, thậm chí cả liếc nữa. Con không được nói. Tai con chỉ được phép nghe những lời của Chúa. - Vâng, thưa Mẹ. Tháng ấy, Lucia làm đúng như vậy. - Mọi người tới đây không phải để cùng sống với những người khác, mà chỉ để chung sống với Đức Chúa. Sự cô đơn tinh thần là điều quan trọng nhất cho sự hòa nhập với Chúa. Nó được các quy tắc giữ im lặng bảo vệ. - Vâng, thưa Mẹ. - Con phải luôn giữ cho mắt im lặng. Nhìn vào mắt người khác sẽ làm con phân tán bởi những sự tưởng tượng vô ích. - Vâng, thưa Mẹ. Bài học đầu tiên của con là tẩy trừ những thói quen cũ và những sở thích trần tục, xóa bỏ mọi hình ảnh của quá khứ. Con sẽ phải làm lễ tẩy uế và hành xác để gột bỏ tính ích kỷ và sự bướng bỉnh. Như thế vẫn chưa đủ cho chúng ta ăn năn về những tội lỗi của mình trong quá khứ. Một khi thấy được cái đẹp và lòng thánh thiện vô bờ bến của Chúa, chúng ta sẽ không chỉ muốn ăn năn cho những tội lỗi của mình, mà còn cho bất cứ tội lỗi nào của người khác." - Vâng, thưa Mẹ, cơn xin hứa. - Con phải đấu tranh với lòng tà dâm, điều mà John of the Cross gọi là đêm đen của những cảm giác. - Vâng, thưa Mẹ khả kính. Mỗi tu sĩ phải sống trong sự im lặng và cô đơn như mình đã ở trên Thiên đường. Trong sự im lặng của thiêng liêng, thanh khiết mà mình hằng khao khát, người tu sĩ có thể đến được với sự yên tĩnh vĩnh hằng, và đến được với Chúa. Đến cuối tháng thứ nhất Lucia có cơ hội thực hiện lời hứa ban đầu của mình. Tròn một tháng bước chân vào tu viện, mái tóc cơ bị xén như lông cừu. Bà nhất trưởng tu viện đích thân hành sự. Bà gọi Lucia lên phòng của mình và ra hiệu cô ngồi xuống ghế. Bà bước ra phía sau và trước khi Lucia kịp nhận biết chuyện gì xảy ra thì cô đã thấy những lọn tóc óng ả của mình rơi lả tả. Cô định phản kháng, nhưng bỗng cảm nhận được rằng sự việc đang diễn ra chỉ hoàn thiện thêm cái vỏ bọc của mình. Tốt thôi! Sau này mình muốn để nó mọc lại lúc nào chả được. Lucia nghĩ. Còn bây giờ mình sắp như con gà bị vặt trụi lông đây. Trở về với gian phòng chật chội được phân, cô nghĩ: chỗ này là cái hang rắn chứ phòng gì. Sàn gồm những tấm trống trơn. Cái nệm rơm và chiếc ghế dựa khô cứng chiếm hầu hết diện tích. Cô thèm khát được có một tờ báo. Ở đây họ chẳng bao giờ được biết đến báo chí, họ quên đi cả rađio lẫn tivi. Không có bất cứ một mối liên hệ nào với thế giới bên ngoài. Cô nghĩ. Nhưng cái làm cho Lucia khó chịu nhất là cái yên lặng không bình thường. Sự giao tiếp duy nhất là bằng dấu hiệu của bàn tay. Riêng học thuộc những ký hiệu này đã suýt làm Lucia phát điên. Khi cần cái chổi, cô được dạy là bàn tay phải xòe ra, và đưa từ phải sang trái như đang quét. Khi không hài lòng về việc gì, bà Nhất thường làm động tác chụm đầu hai ngón tay lại với nhau ba lần ở phía trước ngực, còn các ngón kia gập lại. Lúc nào Lucia tỏ ra làm việc lề mề, bà đặt lòng tay phải lên tay trái của mình. Còn để quở mắng Lucia, bà dùng cả năm ngón tay vuốt từ trên xuống dưới má mình, ở chỗ gần tai phải. Ôi, lạy Chúa, trông cứ như bà ấy gãi nốt bọ chét đốt. Họ đã đi tới nhà thờ. Các tu sĩ cầu kinh trong im lặng, nhưng sơ Lucia thì đang nghĩ về những điều còn quan trọng hơn cả Chúa. Một hai tháng sau bọn cảnh sát chán không lùng sục nữa, ta sẽ biến khỏi cái nhà thương điên này. Sau những bài Kinh buổi sáng, sơ Lucia cùng những bà sơ khác vào phòng ăn. Cô lén lút phá bỏ luật lệ hàng ngày bằng việc nhìn trộm các khuôn mặt xung quanh. Đó là trò tiêu khiển duy nhất. Cô không thể hình dung làm sao sống cùng nhau mà lại có thể không biết được mặt nhau. Cô ngắm nhìn các khuôn mặt một cách hết sức thích thú. Một số nom có tuổi, một vài người còn trẻ, một số đẹp, lại có một số xấu tệ. Có ba khuôn mặt đặc biệt gây cho Lucia thích thú. Thứ nhất là Theresa, người đàn bà tuổi trạc sáu mươi, không thể gọi là đẹp được nhưng lại toát lên sức mạnh tinh thần, tạo cho bà một sự hấp dẫn tự nhiên. Lúc nào trông cũng như người đang cười thầm, tưởng chừng bà cất giấu trong mình những bí mật tuyệt vời. Một nữ tu khác Lucia cảm thấy hấp dẫn là sơ Graciela. Cô ta có khuôn mặt đẹp đến choáng ngợp ở độ tuổi ba mươi. Nước da màu ô liu, những đường nét thiên thần và cặp mắt thì như hai biển nước màu tro long lanh. Cô này nhẽ ra phải là một minh tinh màn bạc mới đúng Lucia nghĩ. Cô ta gặp chuyện gì nhỉ Sao cô ta lại chôn vùi cuộc đời mình ở nơi lạnh lẽo này? Nữ tu sĩ thứ ba khiến Lucia quan tâm là sơ Megan. Cặp mắt xanh, lông mi lông mày hoe vàng. Cô này ở cuối độ tuổi hai mươi, có dáng vẻ tươi tắn chân thật. Cô ta làm gì ở đây nhỉ? Mà tất cả những người này có việc gì ở đây? Họ giam mình trong bốn bức tường, được thí cho một gian phòng chật hẹp để ở, một ít thức ăn đã lên mùi với tám giờ cầu kinh, và lao động thì nặng nhọc. Còn giấc ngủ lại quá ngắn. Chắc họ mất trí, cả lũ điên mất rồi. Cô may mắn hơn họ nhiều, bởi họ sẽ bị kẹt ở đây cho đến hết đời, trong khi cô thì biến khỏi đây chỉ trong một hay hai tháng nữa. Ba tháng cũng nên, Lucia nghĩ, đây là chỗ ẩn nấp tuyệt vời. Có họa là rồ thì mới đi tìm chỗ khác. Vài tháng sau, khi cảnh sát chán không lùng nữa, lúc đó mình sẽ rời khỏi nơi này và sẽ lấy được tiền ở Thụy Sĩ có khi mình sẽ viết một cuốn sách về cái nơi điên rồ này. Vài hôm trước Lucia được bà Nhất sai vào văn phòng để tìm một thứ. Và cô đã lợi dụng cơ hội để xem trộm mấy tập hồ sơ. Thật vô phúc, cô bị bắt quả tang. Cô phải chịu hình phạt hành tội. Mẹ trưởng tu viện Bentina ra hiệu cho cô. Sơ Lucia cúi đầu ngoan ngoãn làm hiệu. “Con xin vâng thưa Mẹ khả kính”. Lucia quay về phòng mình và vài phút sau các nữ tu đi lại ngoài hành lang đều nghe thấy những tiếng động rợn người của chiếc roi vun vút liên hồi trong không khí. Họ không thể biết được sơ Lucia đang quất roi xuống giường. Họ ngồi trong phòng ăn. Bốn mươi bà sơ ngồi bên hai dãy bàn dài. Các tu sĩ dòng Cistercian ăn chay hoàn toàn. Có thể có bữa thêm chút thịt cùng chất tươi lót dạ, một chén trà hoặc cà phê và vài lát bánh mì khô. Bữa chính là vào lúc mười một giờ, gồm một ít súp loãng, một ít rau, và thỉnh thoảng có một lát hoa quả. Bà Nhất đã dạy Lucia. “Chúng ta đến đây không phải để sướng thân ta, mà để hài lòng Chúa”. Đồ ăn thế này không đáng cho con mèo của ta ăn. Lucia nghĩ bụng. Mình ở đây đến hai tháng rồi và đám chắc mình đã sụt mất dăm ký là ít. Dùng xong bữa sáng, hai nữ tu đem hai chiếc chậu rửa tớ hai đầu bàn và đặt ở đó. Các tù sĩ ngồi quanh bàn lần lượt chuyển những chiếc đã ăn của mình tới chỗ người tu sĩ có chiếc chậu rửa. Nữ tu sĩ này rửa từng chiếc, rồi lau khô, rồi trả nó về chủ. Nước trong chậu có vẻ sẫm màu hơn và nhờn hơn. Thế mà họ sẽ sống thế này cả đời, sơ Lucia thấy gai cả người. Nhưng mình thắc mắc làm gì? Chui vào đây chẳng khác đi tù chung thân. Và cô hướng tâm hồn bất tận của mình về một điếu thuốc lá. Cách đó năm trăm mét theo một con đường nhỏ, đại tá Ramon Acoca và hai chục người được chọn lựa kỹ càng của GOE -nhóm hành động đặc biệt -đang chuẩn bị tấn công tu viện. * * * * * Đại tá Roman Acoca có những thiên bẩm của người đi săn. Y say mê săn bắn, nhưng cái gây cho y cảm giác thỏa mãn tột độ là sự giết chóc. Một lần y thổ lộ với người bạn. “Khi giết, tôi cảm thấy sung sướng đến cực điểm. Không cần biết đó là con hươu con thỏ hay con người. Cái cảm giác lấy đi cuộc sống của kẻ khác làm cho tôi cảm thấy mình có quyền lực vô hình như Đấng Chúa Trời”. Acoca đã từng ở ngành tình báo quân sự và y nhanh chóng nổi tiếng là tài giỏi. Y can dảm, tàn nhẫn, thông minh và sự hòa trộn những đặc tính đó làm cho một trong số trợ lý của đại tướng Franco chú ý đến. Lúc đầu, khi tham gia đội quân của Franco, Acoca chỉ giữ chức trung úy, thế mà chưa đầy ba năm y đã leo lên tới chức đại tá, một kỳ tích chưa từng thấy. Y được tin cẩn giao cho phụ trách những người thuộc phái Falang và nhóm đặc biệt của y được sử dụng để khủng bố những người chống lại Franco. Trong thời nội chiến một người thuộc tổ chức OPUS MUNDO đã được giao nhiệm vụ tìm gặp Acoca - Tôi muốn ông hiểu rằng, được phép của đại tướng Franco, chúng tôi tiếp xúc với ông. - Rõ, thưa ngài Chúng tôi thường xuyên để mắt tới ông, thưa ông đại tá Chúng tôi hài lòng với những gì chúng tôi thấy. - Cảm ơn ngài. Đôi khi chúng ta có những việc, nói sao nhỉ, rất nguy hiểm, nên cần hết sức kín đáo. - Tôi hiểu, thưa ngài. - Chúng ta nhiều kẻ thù người không hiểu được tầm quan trọng của công việc chúng ta đang làm. - Rõ, thưa ngài. - Đôi khi họ gây trở ngại cho chúng ta. Nhưng chúng ta không cho phép điều đó xảy ra. - Không đời nào, thưa ngài. - Tôi tin rằng chúng tôi có thể dùng một người như ông, thưa đại tá. Tôi nghĩ chúng ta hiểu nhau. - Vâng, thưa ngài. Tôi lấy làm hân hạnh được phục vụ. - Chúng tôi muốn ông cứ tiếp tục ở trong quân đội. Điều đó sẽ có giá trị lâu dài đối với chúng ta cả ông và chúng tôi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông sẽ được nhận vài công việc đặc biệt. - Cảm ơn ngài. Ông không bao giờ được tiết lộ cuộc gặp gỡ này. - Không đời nào. Người đàn ông bên kia chiếc bàn đã làm cho Acoca lúng túng. Có một cái gì đó khiến ông ta nom đáng sợ vô cùng. Thời gian đó, đại tá Acoca được OPUS MUNDO giao cho hàng chục phi vụ. Đúng như đã được báo trước, đây toàn những việc hết sức nguy hiểm và hết sức kín đáo. Tại một trong những phi vụ đó Acoca đã gặp được cô gái trẻ rất dễ thương trong một gia đình gia gỉáo. Trước đó, tất cả những phụ nữ Àcoca đã từng gặp đều là bọn gái điếm hay gái bao. Hắn tỏ ra hết sức khinh bỉ đám này. Bọn gái điếm thực sự mê cái sức mạnh của y, còn y thì luôn dành cho họ sự đối xử tồi tệ nhất. Nhưng Susana Cerredilla thì lại thuộc một thế giới hoàn toàn khác biệt. Cha nàng là giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Madrid, còn mẹ là một luật gia. Khi Susana mười bảy, nàng có cơ thể của một phụ nữ hoàn thiện và khuôn mặt tuyệt tác của một Madonna: Acoca chưa từng gặp phụ nữ nào như cô bé phát triển sớm này. Sự trong trắng mỏng manh của nàng khơi dậy trong y một cảm giác mềm yếu mà y chưa từng biết đến. Y yêu cô bé một cách điên dại, và vì những lý do mà cha mẹ nàng lẫn Acoca không hiểu nổi, nàng cũng phải lòng y. Vào tuần trăng mật, Acoca tưởng như mình chưa từng biết một người đàn bà nào khác. Nhục dục y đã trải, nhưng sự hòa quyện giữa tình yêu và nỗi đam mê lại là cái gì đồ y chưa từng được biết đến. Ba tháng sau hôn lễ, Susana báo với y nàng đã mang thai. Acoca sưởng phát điên. Như tăng thêm niềm vui cho họ, y bỗng được điều về làng Castioblanco xinh đẹp thuộc vùng Basque. Khi đó là mùa thu năm 1963, cuộc chiến giữa người cộng hòa và người dân tộc đang độ quyết liệt nhất. Vào một sáng chủ nhật yên ả khi Acoca cùng Susana đang nhấm nháp cà phê tại một quán trong làng, bỗng dưng quảng trường đầy ắp những người Basque biểu tình. - Anh muốn em về nhà, -Acoca nói, -ở đây sắp lộn xộn rồi. - Thế còn anh ...? - Nghe anh đi, anh sẽ không sao đâu. Những người biểu tình đã tỏ ra không kìm chế được nữa. Ramon Acoca thấy nhẹ nhõm khi nhìn theo Susana của mình đi thoát khỏi đám đông, về phía tu viện ở cuối quảng trường. Nhưng khi nàng vừa tới đó, cánh cửa tu viện bất thần bật tung và những người Basque có vũ trang trốn trong đó rầm rộ kéo ra, súng trên tay bắn như vãi đạn. Acoca bất lực đứng nhìn vợ mình gục chết. Chính hôm đó y đã thể trả thù dân Basque và giáo hội. Và lúc này đây y đang ở Avil1a, bên ngoài một tu viện khác. Lần này chúng phải chết. Trong bóng tối bao trùm tu viện, sơ Theresa nắm chặt chiếc roi trong tay, vụt tới tấp vào gười. Sự đau đớn cắt da xé thịt do những chiếc gai sắc nhọn gây ra khiến bà muốn hét lên, nhưng điều đó là không được phép và bà phải dồn nén những tiếng gào thét vào lòng. Hãy tha thứ cho những lỗi lầm của con, Giêsu. Hãy chứng giám rằng con đang hành hạ mình như Người đã bị hành hạ, đang chịu đựng những vết thương như Người đã phải chịu đựng. Hãy cho con được chịu đựng như người đã chịu đựng. Bà suýt ngất đi vì đau đớn, rồi gắng tiếp tục hình phạt ba lần nữa, rồi tuyệt vọng ngã xuống chiếc giường con. Bà không lau máu đi vì điều đó bị cấm, gắng gượng chịu những đau đớn cực độ do mỗi cử động mang lại. Sơ Theresa cất roi vào chiếc hộp màu đen, đặt trở lại góc cũ Nó luôn được đặt ở đó, để thường xuyên nhắc nhở rằng mỗi lỗi lầm dù là nhỏ nhất cũng phải trả bằng sự đau đớn tột độ. . Sơ Thresa đã phạm lỗi vào buổi sáng hôm đó, lúc bà đi tới hành lang, mắt nhìn xuống, và va vào sơ Graciela. Giật mình, sơ Thresa ngẩng lên và bất chợt ánh mắt đụng luôn phải gương mặt của sơ Graciela. Bà liền thuật lại tội lỗi của mình. Mẹ Bentina nheo mày tỏ vẻ không hài lòng và làm dấu sự hành tội. Bà đưa tay phải từ vai nọ sang vai kia ba lần, bàn tay nắm chặt như đang giữ lấy cây rơi, đầu ngón tay cái tì chặt vào lòng ngón tay trỏ. Nằm trên giường, sơ Theresa không thể quên đi được khuôn mặt đẹp đến khác thường của cô gái trẻ. Bà biết mình sẽ không bao giờ được nói chuyện hay chỉ nhìn thấy khuôn mặt đó nữa vì một lỗi lầm nhỏ nhất biểu lộ quan hệ gần gũi giữa các nữ tu sĩ cũng sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Trong một môi trường khổ hạnh về tinh thần và thể xác, không một mối quan hệ, dù dưới hình thức nào, được phép tồn tại. Nếu hai tu sĩ làm việc bên nhau và cùng tỏ ra thích thú người bạn im lặng của mình, Mẹ bề trên sẽ lập tức tách họ ra. Cũng không có sơ nào được phép ngồi cạnh cùng một người hai lần trong ngày. Giáo hội tế nhị gọi sự chú ý của một tu sĩ đến một người khác là “một quan hệ đặc biệt”, và hình phạt sẽ đến rất nhanh, nghiêm khắc. Sơ Therasa phải chịu hình phạt vì đã vi phạm nguyên tắc đó. Giờ đây tiếng chuông vọng tới sơ Theresa như từ cõi xa xôi. Đó là tiếng chuông của Chúa đang khiển trách bà. Ở phòng bên tiếng chuông vọng vào chuỗi những giấc mơ của sơ Graciela, tiếng ngân lẫn vào những tiếng cọt kẹt dâm đãng bởi những chiếc lò xo của giường. Thằng Marôc da đen tiến về phía cô, trần truồng, hai tay hắn vươn ra chộp lấy cô. Graciela mở mắt choàng tỉnh, tim đập liên hồi. Cô nhìn quanh thảng thất, nhưng kịp nhận ra là đang ở một mình trong căn phòng nhỏ hẹp và tiếng động duy nhất là tiếng chuông gõ đều đều thanh thản. Sơ Graciela quỳ xuống bên giường. Giêsu, cảm tạ Người đã đưa con thoát khỏi quá khứ. Cảm tạ Người đã ban cho con niềm sung sướng được ở đây trong ánh sáng của Người. Hãy cho con được sung sướng chỉ trong hạnh phúc bên Người, xin Người hãy giúp con được làm giảm nhẹ nỗi buồn trong trái tim đau khổ của Người. Cô trở dậy, thu dọn giường cẩn thận, rồi nhập vào đoàn tu sĩ đang lướt nhẹ về phía nhà thờ để làm lễ Kinh Matins. Cô cảm nhận được mùi nến cháy khen khét quen thuộc và được những viên đá đã mòn,vẹt dưới chân. Ban đầu, khi mới vào tu viện, Graclela không hiểu được khi Mẹ Trưởng tu viện dạy rằng nữ tu là một phụ nữ dám từ bỏ tất cả để có được mọi thứ. Lúc đó Graciela mười bốn tuổi. Giờ đây, mười bảy năm đã trôi qua, cô đã hiểu rõ được lời dạy đó. Trong mơ ước, cô có tất cả, vì ước mơ là tư duy đáp lại linh hồn. Thời gian của cô đầy ắp một sự yên tĩnh tuyệt vời. Ơn Người cho con được quên, thưa Cha. Cảm tạ Người đã ở bên con. Thiếu Người con không thể đối mặt với quá khứ kinh khủng ... ơn Người ... ơn Người ... Khi lễ Mathins kết thúc, các tu sĩ trở về phòng mình nghỉ chờ đến lễ Lauds lúc mặt trời mọc. Bên ngoài, đại tá Ramon Acoca và quân lính yên lặng chuyển động trong bóng đêm. Khi tới sát tu viện, Acoca nói. “Jaime Miro và quân của hắn được trang bị nhiều vũ khí. Đừng chần chừ.”. Y nhìn tu viện từ phía trước. Trong khoảnh khắc, y thấy những người Basque chạy ào ra và Susana ngã xuống trong cơn mưa đạn. Đừng bận tâm đến việc phải bắt sống Miro làm gì, Acoca ra lệnh. Sơ Megan tỉnh giấc bởi sự yên lặng. Một sự yên lặng khác thường. Một sự yên lặng đang chuyển động, tiếng lao xao của không khí, tiếng thì thầm của con người. Có những tiếng động mà suốt mười lăm năm ở tu viện cô chưa từng nghe thấy. Linh cảm về một câu chuyện gì rất khủng khiếp ập đến bao phủ lấy cô. Trong bóng đêm, cô nhẹ nhàng trở dậy mở cửa phòng mình. Không thể tin được, hành lang đầy ắp người. Một người khổng lồ có gương mặt sẹo từ trong phòng của Mẹ Bentina bước ra, lôi bà theo. Megan sửng sốt nhìn. Mình đang mơ một cơn ác mộng cô nghĩ, không thể có những người này ở đây được. - Các người giấu nó ở đâu? -Đại tá Acoca gắt lên. Vẻ khiếp sợ hiện lên trên mặt mẹ Bentina. - Ôi! Đây là Thánh địa của Chúa. Các người đừng làm ô uế nó, -giọng bà run rẩy. -Các người hãy đi khỏi đây ngay. Bàn tay như gọng kìm của viên đại tá siết chặt cánh tay bà, y lắc mạnh người bà: - Tôi chỉ muốn có Miro, thưa sơ. . Cơn ác mộng là có thực. - Những cánh cửa phòng khác bắt đầu mở, các tu sĩ xuất hiện với vẻ mặt ngơ ngác. Họ chưa bao giờ được chuẩn bị cho một sự kiện không bình thường như vậy xảy đến. - Acoca đẩy dúi mẹ nhất rồi quay sang .Patricio Arrieta, một trong số trợ thủ chủ chốt của y: - Lục soát toàn bộ từ trên xuống dưới. Quân lính của Acoca bắt đầu tản ra chiếm giữ toàn bộ nhà thờ, nhà ăn, các buồng ở, lôi dậy những tu sĩ vẫn còn đang ngủ và dồn họ qua hành lang nhà thờ. Các tu sĩ tuân theo không, nói năng gì, trung thành với lời thề giữ im lặng, ngay cả trong hoàn cảnh này. Hình ảnh giống như trong cuốn phim bị tắt âm thanh, tiếng động. Những người lính Acoca hừng hực khát vọng trả thù. Họ đều là người Falang, và đều hằn sâu trong trí nhớ là giáo hội đã quay lưng lại họ như thế nào. Trong cuộc Nội chiến, giáo hội đã ủng hộ những người thuộc , phái trung thành chống lại lãnh tụ vĩ đại của họ -Tổng tư lệnh Franco. Đây là cơ hội để họ trả thù cho người thân của mình. Sức mạnh và sự câm lặng của các nữ tu khiến cho họ giận dữ hơn bao giờ hết: Khi Acoca đi qua một gian phòng, y ng thấy có tiếng kêu vọng ra từ đó: Nhìn vào, y thấy lính mình đang lột váy áo của một nữ tu. Y bỏ đi. Sơ Lucia bị đánh thức bởi tiếng hò hét của đám lính bên ngoài. Cô hoảng sợ ngồi phắt dậy. Bọn cảnh sát đã phát hiện ra ta, ý nghĩ đầu tiên vụt đến trong đầu cô. Phải tìm cách biến khỏi đây. Không có đường nào khác đi ra khỏi tu viện ngoài cách đi qua cửa chính. Cô vụt dậy, ghé mắt nhìn ra hành lang. Cái cảnh cô nhìn thấy thật đáng kinh ngạc. Hành lang đầy kín không chỉ cảnh sát mà còn cả những người mặc quần áo dân sự mang vũ khí. Mẹ Bentina đang đứng ở giữa đám lộn xộn, lặng lẽ cầu kinh, nhìn bọn lính làm ô uế tu viện thân yêu của bà. Sơ Megan bước đến bên bà. Lucia nhập vào đám tu sĩ. - Có chuyện gì thế? Họ là ai? -Lucia hỏi. Đó là những lời đầu tiên cô nói ra mồm kể từ khi nhập tu viện. Mẹ Bentina đặt bàn tay phải dưới nách trái ba lần, ý nói “trốn”. Lucia tròn mắt ngạc nhiên, nghĩ. Bây giờ Mẹ cho phép rồi. Ta phải tìm cách ra khỏi đây thôi, vì đức Kitô. Con muốn nói là vì Đức Kitô, thưa Mẹ Nhất. - Chúng tôi đã lục soát mọi nơi, thưa đại tá. Không có một dấu vết nào của Jalme Miro hay bọn tay chân của hắn. -Patricio Arrieta chạy đến nói với Acoca. - Soát lại? Acoca cương quyết. Bà Nhất Bentina sực nhớ đến báu vật duy nhất trong tu viện. Bà vội vàng đến bên sơ Theresa, thì thầm: - Ta có việc cho con. Hãy vào nhà ăn lấy cây thánh giá vàng và mang nó đến tu viện ở Mendavla. Con phải đưa nó ra khỏi đây ngay. Nhanh lên. Sơ Theresa run bắn người tới mức chiếc khăn quàng cổ rung lên từng đợt. Bà ngước mắt nhìn Mẹ, hoang mang. Sơ đã sống trong tu viện này suốt ba chục năm. Cái ý nghĩ rời khỏi nơi đây với bà là quá sức tưởng tượng. Bà đưa tay, làm dấu. “Con không thể”. Mẹ Nhất giận dữ: - Không thể để cây thánh giá lọt vào tay bọn quỷ satăng này. Hãy làm điều ta bảo, vì Chúa Giêsu. - Một tia sáng lóe lên trong mắt sơ Theresa. Bà đứng thẳng người ra dấu. “Vì Chúa Giêsu,” rồi vội vàng đi về phía nhà ăn. Sơ Theresa tiến đến chỗ các bà sơ đang tụ tập, hoang mang nhìn cảnh lộn xộn quanh mình. Bọn lính mỗi lúc một tàn bạo, chúng đập phá bất kể thứ gì trong tầm mắt. Acoca nhìn chúng tỏ vẻ hài lòng. Lucia quay sang Megan và Graciela: - Tôi không biết rõ hai sơ, nhưng tôi đang tìm cách trốn khỏi đây. Các sơ cùng đi chứ? Hai người cùng sửng sốt nhìn cô, không ai dám lên tiếng. Sơ Theresa vội vã tiến về phía ba người, mang theo một vật được bọc trong mảnh vải. Mấy người lính vẫn tiếp tục dồn các nữ tu vào phòng ăn. - Đi thôi. -Lucia nói. Sơ Theresa, Megan và Gralilela tỏ ý ngập ngừng giây lát, rồi theo Lucia đi về phía cửa lớn. Họ không còn nhận ra hành lang quen thuộc đã bị phá tan. Một người lính bất ngờ xuất hiện trước mặt. - Đi đâu vậy các quý bà. Quay lại! Các bạn tôi có ý dành cho các quý bà vài điều bất ngờ. - Chúng tôi có một món quà cho ngài. -Lucia nói. Cô cúi xuống nhấc lên một cây đèn nến to bằng thép trong đống đổ nát, mỉm cười. - Cô làm gì với cái này? -Tên lính bối rối nhìn cây đèn. - Cái này. -Lucia giáng mạnh cây đèn vào đầu hắn. Hắn đổ nhào xuống đất, bất tỉnh. Ba nữ tu sĩ đờ người kinh hãi. - Biến thôi. -Lucia nói. Một lát sau Lucia, Megan, Graciela và Thẹresa đã tới sân trước của tu viện, nhanh chóng vượt qua cổng, rồi lẩn vào trời đêm sáng sao. -Tôi phải chia tay các bà thôi. Họ sẽ lùng bắt đấy, các bà nên trốn khỏi đây ngay. -Lucia ngừng bước. Cô quay lại nhìn nhận những ngọn núi hiện lên cao cao phía trên tu viện. Ta sẽ trốn ở đó đến khi cuộc lục soát địu đi, rồi sẽ thẳng hướng Thụy sĩ mà tiến. May ra thì có được may mắn đó. Cái bọn chó đẻ làm mất cả chỗ trốn tuyệt vời. Khi Lucia trèo lên được một quãng, cô nhìn xuống. Từ vị trí thuận lợi, có thể thấy được ba nữ tu sĩ. Không tin được. Cả ba vẫn đứng chôn chân ở trước cổng tu viện như ba pho tượng mặc đồ đen. Trời ơi! Cô nghĩ. Biến đi chứ, đứng đấy để chúng tóm à. Nhúc nhích đi. Họ không thể cất chân lên được. Cứ như là tất cả những cảm giác trong họ đã tê liệt từ lâu, nên họ không thể cảm nhận được điều đang hoặc sắp xảy đến. Ba bà sơ cắm mắt nhìn xuống chân mình. Họ quá kinh hãi nên không nghĩ ra được gì. Họ đã giam mình quá lâu đằng sau cửa Chúa, tách biệt với thế giới. Lúc này đây,bên ngoài những bức tường che chở, nỗi hoang mang sợ hãi bao trùm lên họ. Họ không hề có ý nghĩ đi đâu hoặc làm gì. Bên trong những bức tường kia cuộc sống của họ đã được sắp sẵn. Họ đã sống bằng nguyên tắc. Đột nhiên giờ chẳng có nguyên tắc nào cả. Chúa muốn gì ở họ? Ý định của Người là gì vậy? Họ đứng nép vào nhau, không dám nói, cả không dám nhìn nhau. Sơ Theresa ngập ngừng chỉ về hướng quầng sáng của thị trấn Avila xa xa: - Về phía đó. Rồi ba người loạng choạng tiến tới. Quan sát họ từ trên cao, Lucia nghĩ, Ôi, cái bọn ngu ngốc! Đấy là chỗ đầu tiên bọn chúng sẽ tìm. Thôi kệ, dù sao cũng là việc của các người. Ta có việc của ta. Cô đứng đó, tần ngần nhìn theo họ tiến gần đến cái chết đang rình rập. Một lũ ngốc. Lucia đi ngược xuống chân đồi, làm những hòn đá lổng chổng lăn xuống, rồi bắt đầu chạy theo họ. Chiếc áo nhà tu nặng nề như níu chân cô lại. - Đợi một tý. -Cô gọi to. -Đứng lại đã. Ba bà sơ dừng chân và quay lại. Lucia vội chạy đến bên họ, vừa nói vừa thở: - Các bà đi sai đường rồi. Nơi đầu tiên bọn chúng tìm các bà là trong thị trấn. Phải trốn chỗ khác. Cả ba bà ngơ ngác nhìn Lucia. - Lên núi. Trên kia kìa. Mấy bà ngố. Thôi, đi theo tôi-Lucia nóng nảy nói. Cô quay người và hướng thẳng lên núi, mấy bà tu nhìn theo do dự rồi lần lượt, từng người một, bước thấp bước cao đi theo. Vừa đi, Lucia chốc chốc lại ngoái về phía sau nhìn họ. Sao mình lại không thể để mặc họ được nhỉ. Cô nghĩ. Mình có trách nhiệm gì với họ đâu. Đi cả lũ thế này hết sức nguy hiểm. Cô cắm cúi trèo, bụng nghĩ họ vẫn bám theo sau. Ba bà sơ đi theo hết sức khó nhọc. Mỗi khi họ tụt lại, Lucia đều dừng bước đợi họ theo kịp cô. Đến sáng, mình sẽ bỏ họ lại. - Nhanh lên nào, -Lucia gọi. Tại tu viện, cuộc tấn công đã kết thúc. Những nữ tu bàng hoàng trong những bộ đồ tu sĩ rách mướp và dính máu đang được dồn vào những thùng xe tải đóng kín, không biển số. - Đưa chúng về sở chỉ huy của tôi ở Madrid. -Acoca ra lệnh. -Tách riêng từng đứa ra. - Thưa, ghi tộinh là ... - Che giấu bọn khủng bố. Rõ, thưa đại tá. -Patricio Arrita nói. Gã ta ấp úng. Thưa đại tá, có bốn đứa hiện không rõ trốn đâu. Tìm ngay. -Cặp mắt Acoca lạnh lùng. Đại tá Acoca đáp máy bay về Madrid trình diện thủ tướng. - Jaime Miro đã tẩu thoát trước khi chúng tôi đến tu viện. - Tôi cũng đã nghe. Thủ tướng Martinez gật đầu. Ông tự hỏi, liệu Jaime Miro đã bao giờ xuất hiện ở tu viện chưa mà lại bắt đầu từ đó. Chẳng gì nghi ngờ nữa. Đại tá Acoca ngày càng trở nên nguy hiểm, khó mà kiểm soát được hắn nữa. Đã có những phản ứng gay gắt về cuộc tấn công táo tợn vào tu viện. Thủ tướng thận trọng chọn từ: - Báo chí đang săn lùng tôi về chuyện xảy ra ở tu viện - Báo chí đang biến tên khủng bố này thành một anh hùng. -Acoca nói, mặt lạnh như đá. -Ta không thể để họ gây áp lực. - Thằng cha ấy gây cho chính phủ bao điều khó xử, ông đại tá, chưa kể bốn nữ tu sĩ. Nếu họ nói ... Khỏi phải lo. Chúng chưa thể đi xa được. Tôi sẽ tóm được chúng và tôi sẽ tóm được Miro. Thủ tướng quyết định không thể chờ đợi lâu hơn: - Ông đại tá, tôi muốn ông đảm bảo rằng ba mươi sáu nữ tu ông đang giữ phải được đối xử tất, và tôi sẽ ra lệnh cho quân đội cùng tham gia tìm kiếm Miro và đồng bọn. Ông sẽ hợp tác với đại tá Sostelo. Một thoáng yên lặng rợn người xuất hiện trong một lúc Cặp mắt Acoca lạnh băng. - Ai trong chúng tôi sẽ chỉ huy hoạt động này? Thủ tướng Martinez nuốt giận: - Tất nhiên là ông rồi. Lucia và ba bà sơ đi suốt đêm cho tới bình minh, cứ theo hướng Đông Bắc mà leo núi, mỗi lúc một xa Avila và tu viện. Các bà sơ, do thường xuyên đi lại trong im lặng nên gây rất ít tiếng động. m thanh duy nhất lúc này là tiếng loạt xoạt của những chiếc áo nặng nề, tiếng lách cách phát ra từ những tràng hạt, và tiếng thở gấp gáp khi họ cố sức trèo mỗi lúc một cao hơn. Tới vùng cao nguyên Guadarrama, họ đi dọc theo một con đường gồ ghề rồi băng qua những cánh đồng đầy cừu và dê. Tảng. sáng, họ đã vượt qua vài dặm đường để tới khu rừng bên làng nhỏ Villacastin. Phải bỏ họ ở đây thôi. Lucia quyết định. Chúa của họ sẽ che chở cho họ. Chúa chắc hẳn cũng đủ che chở cho ta.Cô cay đắng nghĩ. Thụy Sĩ xa vời vợi. Ta không có tiền, không có hộ chiếu, lại ăn mặc như người nhà mồ. Bây giờ thì chắc chúng đã phát hiện ra có người trốn. Chúng sẽ lùng cho bằng ra. Ta phải thoát khỏi đám này càng sớm càng tốt. Vào đúng lúc ấy, một điều đã khiến cô thay đổi ý định ... Sơ Theresa đang đi trong rừng, bà vấp vào một rễ cây chồi lên. Cái hộp mà bà cẩn thận che chở suốt đoạn đường bị rơi xuống. Một vật bên trong văng ra khỏi cái khăn bọc ngoài. Lucia dán mắt nhìn cây thánh giá bằng vàng được chạm trổ cầu kỳ đang ánh lên rực rỡ dưới những tia sáng ban mai. Vàng ròng à? Lucia nghĩ. Có kẻ nào trên kia đang giữ hộ cho ta. Cây thánh giá đó là của trời cho. Đó là chiếc vé đưa ta đến Thụy Sĩ. Lucia theo dõi sơ Theresa nhặt cây thánh giá lên và nâng niu, gói nó vào mảnh vải bọc. Cô mỉm cười với mình. Lấy cây thánh giá đó dễ thôi, mấy bà sơ này sẽ răm rắp làm mọi thứ mình yêu cầu. Thị trấn Avila trở nên náo động. Tin tức về cuộctu Viện lan đi rất nhanh, và cha Berrendo đã được cử ra để chọi với đại tá Acoca. Ông linh mục này đã vào tuổi bảy mươi, dáng vẻ nhu mì bên ngoài ẩn giấu một sự mạnh mẽ bên trong. Ông là một người cha hiền từ và hiểu biết để chăm sóc đàn con chiên của mình. Nhưng vào lúc này, trong lòng ông tràn đầy cơn giận dữ lạnh lùng. Đại tá Acoca để ông phải chờ đợi đến một tiếng đồng hồ rồi mới cho phép được ra mắt trong phòng y. Cha Berrendo nói ngay, không cần rào đón. - Chính ông và lính của ông đã tấn công một tu viện mà chẳng cớ lý do gì cả. Đó là một hành động điên rồ. Chúng tôi chỉ đơn giản làm bổn phận của mình.-Acoca dằn giọng. -Tu viện đó đã che giấu cho Jaime Miro và đồng bọn giết người của hắn. Tự các bà sơ chuốc họa vào thân đó thôi. Chúng tôi đang giữ họ để điều tra. - Thế ông đã tìm được Jaime Miro ở trong tu viện chứ? -Ông linh mục giận dữ hỏi lại. Đại tá Acoca nói trơn tuột: - Không, thật tiếc hắn và đồng bọn đã tẩu thoát trước khi chúng tôi kịp đến ... Nhưng tôi sẽ tìm ra lũ chúng nó và công lý sẽ được sáng tỏ Tất nhiên là công lý của ta. -Acoca nở nụ cười nham hiểm. Chương 04 Bốn bà sơ bước chầm chậm, trang phục cả bốn tuy, nghèo nàn song lại trở nên “rắc rối” đối với một địa thế gồ ghề và phức tạp. Dép của họ quá mỏng manh, không chống đỡ nổi mặt đất đầy đá lởm chởm. Áo choàng của họ vướng víu vào mọi thứ. Sơ Theresa thậm chí còn không đọc được kinh. Hai tay sơ luôn bận bịu gạt những cành cây nhọn để chúng khỏi cào vào mắt. Trong ánh sáng ban ngày, sự tự do càng trở nên kinh khủng hơn. Chúa Trời đã lôi họ ra khỏi cõi cực lạc để rồi quẳng vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, và sự dẫn dắt của Người mà họ tự nguyện nhắm mắt theo lâu nay cũng đã bị rời bỏ. Họ thấy mình như rơi vào một vùng đất chưa in dấu chân người, chẳng bản đồ, cũng chẳng la bàn. Những bức tường bấy lâu từng bảo vệ họ khỏi mọi hiểm họa bỗng dưng biến mất, và họ chợt thấy mình trần trụi, nhỏ nhoi. Sự nguy hiểm rình rập khắp nơi mọi chốn mà họ thì chẳng có đến một hang hốc giấu thân. Cảnh vật và những âm thanh nơi đây thật đáng nghi ngờ. Côn trùng, chim chóc và cả những mảng trời xanh dồn dập ùa vào các giác quan họ. Còn một cái gì khác nữa rất đáng sợ mà họ chưa gọi được tên. Khi mới rời tu viện, cả ba sơ Theresa, Graciela và Megan đều cố tránh nhìn mặt nhau, theo bản năng giữ gìn kỷ luật. Giờ đây người nào cũng hết sức hào hứng khi được quan sát lẫn nhau. Lại nữa, sau bao năm sống trong im lặng, họ bỗng thấy nói ra lời thật khó khăn. Khi cất giọng, tiếng họ nghèn nghẹn, như đang học một kỹ năng mới lạ. Và bên tai họ thì cứ vang lên cái giọng nói lạ lùng, không hiểu của người ở bên hay của chính mình. Chỉ Lucia là tỏ ra thoải mái, tự tin. Ba người kia tự nhiên đều hướng về Lucia tìm một sự dẫn dắt, như bao năm qua đã hướng về Chúa. - Chúng ta cũng phải tự giới thiệu nhỉ. -Lucia nói. -Tôi là sơ Lucia. Lúng túng một lúc, rồi Graciela dụt dè:-Tôi là sơ Graciela. Một cô gái mắt đen và có vẻ mặt thật hấp dẫn. - Tôi là sơ Megan. Cô gái tóc vàng có cặp mắt nổi bật. Tôi là sơ Theresa. Người già nhất nhóm. Năm mươi hay sáu mươi Khi cả bọn đang nằm nghỉ ở vạt rừng ngoài làng, Lucia nghĩ. Họ cứ như những con chim mới nở bị rơi khỏi tổ. Nếu chỉ có một mình chắc họ sẽ chẳng tồn tại được dăm phút. Thật tội nghiệp. Thây kệ, ta sẽ lên đường sang Thụy sĩ với cây thánh giá. - Lucia đi tới bìa rừng, rẽ cây nhìn về phía khu làng nhỏ phía dưới. Vài người đang đi lại trên đường. Không có dấu hiệu nào của những kẻ đã tấn công vào tu viện. Nào, Lucia nghĩ bụng, cơ hội đến rồi. Cô quay lại phía ba người. -Có lẽ tôi vào làng kiếm chút đồ ăn. Các sơ đợi ở đây cô gật đầu ra hiệu cho sơ Theresa. -Sơ đi với tôi. Sơ Theresa hết sức bối rối. Suốt ba chục năm nay bà chỉ tuân theo những lời chỉ bảo của Mẹ Bentina. Giờ đây bỗng dưng bà sơ trẻ này nhảy vào vị trí đó. Nhưng điều gì sẽ diễn ra thì đó là ý nguyện của Chúa. Sơ nghĩ Người cử cô ta tới đây để giúp chúng ta, và cô ấy đang nói lời của Người. Tôi phải đem cây thánh giá này tới tu viện Mendavia càng sớm càng tốt. - Phải lắm, xuống đó ta sẽ hỏi đường đi. Hai người ra khỏi rừng. Có vẻ thuận lợi đây, Lucia nghĩ thầm. Họ đi tới ven thị trấn nhỏ. Một tấm biển đề Villacastin. Phía trước họ là phố chính của thị trấn. Bên trái là con phố nhỏ vắng lặng. Tốt, Lucia thầm nghĩ. Sẽ chẳng ai chứng kiến được điều sắp xảy ra. Lucia quay sang phố nhỏ: - Đi đường này thôi, ít có khả năng bị phát hiện. Sơ Theresa gật đầu, ngoan ngoãn đi theo. Vấn đề bây giờ là làm sao lấy được cây thánh giá khỏi tay sơ Theresa. - Mình sẽ giật lấy, rồi chạy, Lucia nghĩ, nhưng mụ có thể sẽ kêu lên và sẽ khiến mọi người chú ý. Không được. Phải đảm bảo chắc chắn là mụ yên lặng. Một cành cây rơi xuống từ lúc nào hiện ra trước mặt, Lucia dừng lại, cúi nhặt lên. Cành cây khá nặng. Tuyệt vời. Rồi đợi cho sơ Theresa tới kịp mình. Sơ Theresa ... Bà quay nhìn Lucia. Đúng lúc cô bắt đầu nâng cành cây lên thì một giọng đàn ông không hiểu từ đâu vang tới. - Chúa ở bên các bạn. Lucia giật mình nhìn quanh, cất chân định chạy. Một người đàn ông đứng đó trong chiếc áo choàng màu nâu và chiếc mũ trên đầu của kẻ tu hành. Ông có dáng người cao, gầy, khuôn mặt chim ưng với một ấn tượng thánh thiện nhất mà Lucia lần đầu được thấy. Cặp mắt ông ta lan tỏa một cảm giác nồng nàn và giọng nói thì thật nhẹ nhàng, ấm áp. - Tôi là tu sĩ Miguel Carrilo. Lucia bừng tỉnh. Kế hoạch của cô bị cản trở. Nhưng đột nhiên lại có một kế hoạch khác hay hơn. Ơn Chúa, người đã đến với chúng tôi. -Lucia nói. Người này sẽ giải thoát cho cô. Ông ta có thể biết được con đường ngắn nhất và an toàn nhất đưa cô ra khỏi Tây Ban Nha. -Chúng tôi từ tu viện dòng Cistercian gần Avila tới đây. -Cô giải thích. -Đêm hôm qua tu viện bị một số kẻ lạ mặt tấn công. Tất cả các nữ tu sĩ đều bị bắt giữ. Bốn người chúng tôi khó khăn lắm mới trốn được. - Ông tu sĩ đáp lời, giọng tràn đầy căm giận: - Tôi tới đây từ tu viện ở San Generro, nơi tôi đã cầu nguyện suốt hai mươi năm qua. Chúng tôi bị kẻ lạ mặt tấn công đêm hôm kia, -ông ta thở dài. -Tôi biết rằng Chúa đã có sẵn kế hoạch cho những đứa của Người, nhưng tôi phải thú thật là chính tôi lúc này cũng không hiểu được dự tính của Người. - Những người đó đang truy lùng chúng ta. -Lucia nói. -Điều quan trọng là chúng ta phải ra khỏi Tây Ban Nha càng sớm càng tốt. Ông có cách nào không? Tu sĩ Carrillo cười khẽ: - Tôi nghĩ mình có thể giúp được các sơ. Chúa đã cho chúng ta gặp nhau. Xin hãy đưa tôi tới chỗ những người còn lại. Vài phút sau, Lucia đã đưa vị tu sĩ tới bìa rừng. - Đây là tu sĩ Carrillo, -cô nói -đã sống trong tu viện suốt hai mươ năm qua. Ông ấy đến để giúp đỡ chúng ta. Phản ứng của mỗi người đối với ông tu sĩ mỗi khác. Graciela không dám nhìn thẳng vào mặt; Megan thì dò xét với những cái liếc nhanh, thích thú còn Theresa thì coi ông như một vị sứ giả được Chúa phái đến để dẫn dắt bà tới tu viện ở Mendavia. Tu sĩ Carrillo nói: - Không nghi ngờ gì, bọn người đã tấn công vào tu viện đang truy tìm các bạn. Để đánh lạc hướng chúng, việc đầu tiên là các bạn phải thay đổi trang phục. - Chúng tôi chẳng có bộ nào để thay cả. -Megan nói. - Tu sĩ Carril1o mỉm cười sung sướng: - Đức Chúa trời có một tủ quần áo vĩ đại, Người sẽ cho chúng ta. Hãy theo tôi quay vào thị trấn. Quãng hai giờ, là giờ ai nấy nghỉ trưa, tu sĩ Carril1o cùng bốn bà sơ vừa đi vào phố chính của thị trấn vừa kín đáo quan sát xem có bị ai theo dõi không. Các cửa hiệu đều đóng cửa nhưng quán ăn và tiệm giải khát vẫn mở, từ bên trong vang ra những điệu nhạc hỗn độn, lạ tai. Tu sĩ Carrillo quan sát vẻ mặt của sơ Theresa rồi nói: - Đó là loại nhạc Rock, rất phổ biến với bọn trẻ thời nay. Hai phụ nữ trẻ đứng trước một quầy rượu nhìn đám tu sĩ đi qua. Các nữ tu cũng tròn xoe mắt nhìn quần áo của họ. Một người mặc chiếc váy ngắn không che nổi cặp đùi, kẻ kia váy dài hơn nhưng lại xẻ toang hoác ở vế Cả hai đều mặc áo lót không tay bó sát người. Mặc thế thì cũng như không, sơ Theresa hoang mang nghĩ. Đứng ở lối vào là một người đàn ông mặc chiếc áo bó chặt không có cổ, trông thật lạ mắt. Một sợi dây gắn đá óng ánh lủng lẳng trước ngực. Những hương vị lạ lùng chào đón khi họ đi qua. Mùi nicotin và mùi whisky. Megan dán mắt nhìn theo cái gì đó đang đi ngang qua đường. Cô dừng lại. - Gì thế Có chuyện gì vậy? -Cô nhìn Carrillo, hỏi. Megan nhìn theo người phụ nữ đang bế một đứa bé. Bao nhiêu năm đã trôi qua, kể từ lần cuối cô được nhìn một đứa bé, hay là một đứa trẻ con? Lần cuối cùng khi cô còn ở trại mồ côi, mười bốn năm về trước. Hình ảnh bất ngờ làm cho Megan chợt nhận thấy cuộc sống của cô đã xa vời với cuộc sống bên ngoài biết bao nhiêu. Sơ Theresa cũng nhìn theo đứa bé, nhưng bà lại nghĩ về một điều khác. Nó là con của Monique. Đứa bé bỗng dưng khóc toáng lên. Nó khóc vì mình bỏ nó. Nhưng không thể thế được. Ba chục năm qua rồi cơ mà. Theresa vội quay mặt nhưng tiếng khóc của đứa bé vẫn vang bên tai bà. Họ tiếp tục đi. Qua một rạp xinê. Tấm phông quảng cáo đề Ba người tình. Mấy bức ảnh phô diễn những người phụ nữ hở hang đang ôm ghì lấy người đàn ông để trần bộ ngực. Sao mà họ .... họ gần như trần truồng thế -Sơ Theresa kêu lên. Ông tu sĩ Carrillo chau mày: thật đáng hổ thẹn với những cái mà các rạp chiếu bóng đưa lên màn ảnh. Một cảnh khiêu dâm thuần túy. Những hành động riêng tư nhất, kín đáo nhất cũng đem bày ra cho mọi người cùng xem. Chúng biến những đứa con của Chúa thành súc vật. Họ đi qua một cửa hàng bán đồ kim khí, hiệu làm đầu, cửa hàng bán hoa, bán kẹo, tất cả đều đóng cửa. Cứ tới mỗi cửa hiệu, các tu sĩ lại dừng chân ngắm nghía những món hàng bày trong tủ kính, bồi hồi với những hình ảnh mờ ảo một thời nào đó. Tới một hiệu trang phục phụ nữ, tu sĩ Carrillo ra dấu: Dừng lại. - Mấy tấm màn đã kéo xuống che kín mặt trước cửa hiệu, trên đó treo tấm biển đóng cửa. - Hãy đợi tôi ở đây. Bốn người phụ nữ nhìn theo ông ta bước đi, rồi biến mất sau góc phố. Họ lúng túng nhìn nhau. Ông ta đi đâu thế nhỉ, nếu không quay lại thì sao? Vài phút sau, họ nghe thấy tiếng cửa trước mở ra, và tu sĩ Carrillo xuất hiện ở lối vào, tươi cười. - Nhanh lên. -Ông ra hiệu cho họ. Khi họ đã vào bên trong và tu sĩ khóa cửa lại, Lucia hỏi: - Làm sao ông ... - Chúa tạo ra cửa sau cũng như Người đã tạo ra cửa trước. -Ông tu sĩ nói bằng giọng trang nghiêm song vẻ tinh quái trong câu nói khiến Megan bật cười. Mấy bà sơ nhìn quanh, lo lắng. Đây là một kho lớn toàn váy áo, giày dép, tất nịt ...đủ loại, đủ màu. Toàn những thứ từ nhiều năm họ không được thấy. Các kiểu cách trông đến lạ. Lại có cả túi xách, ví tay, phấn son ... quá nhiều thứ, không biết phải để mắt vào thứ nào. Đám đàn bà đứng đó, há hốc mồm. -Chúng ta phải nhanh lên. -Carril1o đe. " Cần rời khỏi trước khi hết giở nghỉ trưa, cửa hàng mở lại. Thôi, nhanh tay lên. Chọn lấy bất cứ thứ nào mình mặc vừa. Lucia nghĩ bụng. Nhờ trời, cuối cùng mình lại được ăn mặc đúng như một người phụ nữ. Cô bước tới một giá treo quần áo và bắt đầu lựa chọn kỹ càng, cuối cùng lấy ra chiếc váy màu ve và chiếc áo khoác lụa cùng bộ. Không phải loại Belenciaga, nhưng lúc này thì cũng được. Cô chọn thêm vài chiếc quần áo lót đôi giày mềm, rồi bước vào ngăn thay đồ và chỉ sau vài phút đã sẵn sàng lên đường. Những người khác vẫn còn đang loay hoay với bộ đồ mặc ngoài. Graciela chọn chiếc váy vải hoa trắng, làm nổi bật mớ tóc đen và nước da sẫm của cô, rồi một đôi dép. Megan lựa chiếc váy hoa màu xanh bày mẫu, chiếc váy dài quá đầu gối, và đôi giày đế thấp. Sơ Theresa lúng túng không biết chọn gì. Những vải vóc và màu sắc làm bà hoa mắt. Nào đồ lụa, đồ flanen, đồ tuýt đồ da ...Nào hàng vải bông, vải chéo, vải nhung. Rồi kẻ ngang, kẻ dọc, carô ...Và đủ các màu. Và mọi thứ đều như ... hở hang. Hở hang, đó là từ bật ra trong đầu Theresa. Suốt ba mươi năm qua, bà được che phủ kín đáo với bộ đồ tu sĩ nặng nề, giờ đây bà phải cởi bỏ chúng và khoác lên người những vật nhẹ bẫng và thiếu đứng đắn này. Cuối cùng bà cũng tìm được chiếc váy dài nhất và chiếc áo khoác vải dày, cổ cao, và dài tay. Nhanh lên, các bạn. Cởi bỏ hết đồ cũ ra và thay cái mới vào đi. -Tu sĩ Carrillo giục. Họ nhìn nhau bối rối. -À, phải, tôi sẽ đợi ở phòng ngoài. -Ông ta cười. Ông ta đi về phía sau cửa hiệu, rồi vào phòng giao dịch. Ba bà sơ bắt đầu cởi bỏ đứng trước nhau e thẹn. Ở phòng bên, tu sĩ Carrillo vội vàng kê một chiếc ghế dài phía dưới ô cửa sổ nhìn sang gian hàng và qua đó, dán mắt theo dõi các bà sơ thay đồ. Hắn tính toán: Ta thịt đứa nào trước bây giờ Miguel Carrillo bắt đầu sự nghiệp từ năm lên mười, với nghề ăn trộm. Sinh ra, hắn đã có khuôn mặt đẹp, như thiên thần và mớ tóc xoăn hoe vàng, những thứ đã tỏ rõ giá trị không thể lường hết được trong nghề hắn chọn. Hắn bắt đầu từ hành vi lưu manh thấp hèn nhất: “giật ví nẵng đồ trong các cửa hiệu. Hắn lớn lên,”nghiệp vụ cũng phát triển theo. Rồi hắn sinh nát rượu và bắt đầu săn những phụ nữ giàu có. Nhờ dáng vẻ bên ngoài tuyệt vời, hắn đã rất thành công. Hắn tiến hành một số vụ lừa đảo độc đáo, cứ vụ sau lại tài tình hơn vụ trước. Thật không may, vụ lừa đảo mới đây nhất đã lại chẳng chịu theo ý muốn của hắn. Làm ra vẻ nhà tu hành từ một tu viện xa xôi, Carrillo đi từ nhà thờ này tới nhà thờ khác xin trú qua đêm. Hắn luôn được đón tiếp niềm nở, nhưng buổi sáng hôm sau, khi các vị cha cố mở cửa nhà thờ, thì thấy những đồ có giá trị của Chúa cùng vị khách tu hành “cơ nhỡ” đã không cánh mà bay. Cũng thật vô phúc, số phận đâm ra lừa đảo lại hắn. Hai đêm trước, tại Bejor, vị linh mục trưởng tự dưng khó ngủ lại đi thơ thẩn trong đêm và Carrillo đã bị bắt quả tang khi đang “lau chùi” đồ quý của nhà thờ. Tu viện trưởng vốn to khỏe nên dễ dàng vật ngã Carrillo và tuyên bố nộp hắn cho cảnh sát. Một cái cốc bằng bạc lớn bỗng rơi ra. Carrillo nhặt lên và nện thẳng vào đầu kẻ dám mang cảnh sát ra dọa mình. Hoặc là cái cốc bạc quá nặng, hoặc giả xương sọ ông linh mục quá mỏng, nhưng dù thế nào chăng nữa thì ông cũng đã nằm lăn ra và:..như ngủ thiếp đi. Carrillo chạy trốn, cố gắng càng xa càng tốt. Hắn chạy qua Avila, nghe được vụ tấn công của đại tá Acoca và tổ chức GOE bí mật vào tu viện. Cũng là. số phận đã cho Carril1o gặp bốn vị nữ tu đang bỏ trốn này. Giờ đây, say sưa với những toan tính, hắn vuốt ve cặp mắt trên những tấm thân trần của họ, nghĩ bụng: Còn một lý thú nữa. Vì đại tá Acoca đang truy lùng bọn này nên chắc chắn sẽ có một khoản tiền thưởng béo bở dành cho ai bắt được chúng. Trước hết, ta ấp chúng đã, rồi sau sẽ đem chúng nộp cho Acoca. Ba bà sơ vẫn đang hoàn toàn trần trụi. Carrillo chăm chú theo dõi họ lóng ngóng mặc quần áo lót. Rồi họ cũng mặc xong, ngượng ngập cài những chiếc cúc không quen thuộc, kéo những sợi dây khóa xa lạ, cố gắng nhanh nhất có thể. Đến lúc hành sự rồi, Carrillo hân hoan nghĩ. Hắn tụt xuống, đi sang gian hàng, tiến tới quan sát họ với vẻ hài lòng, nói: Tuyệt vời. Không ai trên đời này còn ngờ được các bạn là tu sĩ. Tôi xin khuyên thêm là các bạn nên quàng khăn. -Hắn chọn cho mỗi người một chiếc, rồi theo dõi họ quàng lên đầu. Migllel Carril1o quyết định Graciela sẽ là người đầu tiên. Không nghi ngờ gì, cô là một trong những người đàn bà đẹp nhất mà hắn đã gặp. Và cái thân hình kia? Làm sao mà con bé lại phung phí nó cho Chúa thế nhỉ Ta sẽ chỉ cho con bé biết phải làm gì với nó. Hắn quay sang Lucia, Theresa và Megan: Chắc các bạn phải đói lắm. Tôi muốn các bạn tới tiệm cà phê ta vừaà đợi chúng tôi ở đó. Tôi sẽ tới nhà thờ mượn một ít tiền của linh mục để trả tiền ăn. -Hắn quay sang Graciela. - Tôi muốn sơ đi cùng để giải thích cho linh mục biết chuyện xảy rạ ở tu viện. Tôi ...xin vâng. Carrillo nói với ba người còn lại. -Chúng tôi sẽ tới chậm một lát. Bây giờ xin các bạn hãy dùng cửa sau. Hắn nhìn theo Lucia, Theresa và Megan đi khuất. Khi nghe thấy tiếng cánh cửa đóng lại sau lưng họ, hắn quay sang Graciela. Con bé thật tuyệt vời, hắn nghĩ, có lẽ phải giữ nó lại với ta, và sẽ dùng nó vào một vài vụ. Nó có thể giúp ta nhiều đây. Tôi xong rồi. -Graciela nhìn hắn. - Chưa được. -Carrillo ra vẻ quan sát cô một lát. -Không được: Tôi sợ cách ăn mặc này không hợp với cô. Cởi ra đi. - Nhưng ... sao lại thế - Bộ này không vừa lắm. -Carril1o liến thoắng. -Người ta sẽ để ý, mà cô thì không muốn làm họ chú ý, đúng không? Graciela ngập ngừng đi về phía sau gian hàng. -Nhanh lên nào. Chúng ta có rất ít thời gian. Graciela lóng ngóng kéo chiếc váy qua đầu. Đang lúng túng với bộ đồ lót thì Carrll1o đột ngột xuất hiện. - Cởi tất cả ra. -Giọng hắn khàn khàn. Graciela tròn mắt nhìn hắn. -Cái gì thế” Không? -Cô kêu lên. -Tôi ... tôi không thể. Xin ông ... Để tôi giúp sơ -Carrillo tiến sát bên cô. Tay hắn vươn ra giật tung chiếc xu chiêng và xé rách toang chiếc quần lót. Không, -cô hét lên. -Ông không được làm thế dừng lại ngay. - Graciela, chúng ta vừa mới chỉ bắt đầu, em sẽ thấy yêu nó ngay thôi. Đôi tay khỏe của hắn ôm vòng lấy cô. Hắn đè cô xuống sàn và nhanh chóng cởi quần áo của mình. Tấm màn che trí nhớ Graciela đột nhiên rơi xuống. Chính là tên Marôc da đen đang cố sức ấn vào trong cô, xé ruột gan cô, và cái giọng the thé của mẹ cô đang gầm lên. Graciela hãi hùng. Không, không thể như thế nữa.Không. Không được. Cô nghiến răng đạp Carrillo ra và vùng dậy. Đồ chết tiệt. Hắn kêu lên, vung tay đấm vào mặt cô. Graciela ngã ra, quay cuồng, choáng váng. Cô thấy mình đang trở về với thời gian. Ngày đó ... Ngày đó ... * * * * * LAS NAVAS DEL MARQUES, TY BAN NHA, 1955 Graciela tròn năm tuổi, những hình ảnh đầu tiên , đọng lại trong ký ức của cô là một dòng người lạ trần truồng trèo lên, trèo xuống giường của mẹ. Mẹ cô giảng giải: Đấy là các bác của con. Con phải tỏ ra kính trọng các bác ấy. Những ông bác phì nộn, tục tằn và không chút tình cảm. Họ ở lại một đêm, một tuần, một tháng, rồi biến mất. Khi họ đi khỏi, Dolores Pinero lập tức tìm được một người mới. Thời trẻ, Dolores Pinero có một vẻ đẹp khác thường và Graciela đã thừa hưởng được những nhan sắc cũng như thân hình của mẹ. Nhìn Graciela hồi nhỏ cũng đã thấy choáng váng. Đôi gò má cao, nước da màu ôliu, mớ tóc đen óng ánh và đôi mày rậm dài. Cơ thể trẻ trung của cô tràn đầy hứa hẹn. Năm tháng trôi qua, thân hình Dolores Pinero trở nên béo phì và khuôn mặt thanh tú tuyệt hảo đã trở nên thâm tím lại bởi những cú đấm của thời gian. Mặc dù không còn đẹp nhưng bà vẫn dễ gần và lại nổi tiếng là một người bạn giường sôi nổi. Bà sống cuộc sống đạm bạc của một thợ may, sống bất cần đời, và chỉ được những phụ nữ nghèo khó hoặc bần tiện trong làng thuê mướn. Dolores Pinero căm ghét con mình bởi lẽ luôn gợi lại cho bà về một người đàn ông bà đã yêu. Cha của Graciela, một thợ cơ khí đẹp trai đã xin được cưới cô gái. xinh xắn Dolores, nhưng khi cô gái báo tin về cái bầu thì anh ta biến mất, bỏ mặc cô với cái mầm đáng nguyền rủa. Dolores tính tình cay độc, và cô,đã dồn sự trả thù lên đầu đứa trẻ. Bất cứ khi nào con gái làm điều gì không phải bà lại đánh đập nó và hét toáng: “Mày cũng ngu như thằng bố mày!”. Cô bé không biết làm cách nào để tránh được những cơn mưa đòn, hoặc những lời chửi mắng mỗi ngày một nhiều hơn, đau hơn độc địa hơn. Cứ mỗi buổi sáng Graciela lại thức dậy và cầu nguyện: Chúa ơi, xin Người đừng để mẹ đánh con hôm nay. Chúa ơi, xin Người làm cho mẹ được hạnh phúc hôm nay. Chúa ơi, xin Người hãy làm cho mẹ nói là mẹ yêu con hôm nay. Khi không đánh đập Graciela, mẹ cũng tránh mặt cô. Graciela tự sửa soạn các bữa ăn và tự giặt giũ. Cô bé làm lấy bữa trưa để mang tới trường và nói với cô giáo: - Hôm nay, mẹ làm cho em món empanađas. Mẹ biết em thích món này lắm mà. Hay: Em xé rách quần áo, nhưng mẹ khâu lại cho em. Mẹ thích làm mọi thứ cho em. Hoặc: - Hai mẹ con em sẽ đi xem phim vào ngày mai. Và điều đó làm cô giáo đau đớn. Las Navas del Marques là một làng nhỏ cách Avila một giờ đường và cũng như mọi xóm làng khác, mọi người ở đây đều biết chuyện riêng của nhau. Lối sống của Dolores Pinero bị mọi người ghét bỏ lại được thể hiện ra qua cách cư xử với Graciela. Các bà mẹ không dám cho con mình chơi với cô bé, sợ rằng đạo đức của con mình sẽ bị vấy bẩn. Graclela cũng được đi học ở trường, tại Plazoletadel Cristo, nhưng cô không có bạn bè cùng lớp và cả cùng trường. Cô là một trong số học trò thông minh nhất, nhưng đạo đức thì xấu. Cô không thể để tâm vào việc học hành vì luôn cảm thấy mệt mỏi. Thầy cô giáo thường nhắc nhở: Em phải đi ngủ sớm hơn, Graciela, em phải nghỉ ngơi đủ để có thể tỉnh táo làm bài. Song sự mệt mỏi của cô chẳng liên quan gì tới chuyện ngủ muộn. Hai mẹ con ở chung một phòng nhỏ, có hai ngăn. Graciela nằm trên chiếc đi văng trong cái ngăn chật hẹp, cách giường ngủ của mẹ chỉ bằng một bức màn mỏng, lại còn rách, khiến những âm thanh kích động trong đêm đã làm cô thức giấc, và buộc cô phải nghe, khi mẹ cô “vật lộn” với một người lạ mặt không rõ từ đâu trèo lên giường bà. Khi Graciela mang sổ 1iên lạc về, mẹ cô rít lên: - Tao cũng như mày, mang về những điểm đạo đức xấu xa này, và mày biết tại sao lại như thế không?Bởi vì mày ngu. Ngu? Graciela thường tin mẹ nói đúng và gắng không khóc. Cứ mỗi buổi chiều tan học cô lại thẫn thờ một mình theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo giữa những hàng cây keo và sung dâu, đi qua những ngôi nhà bằng đá quét vôi trắng, nơi có những người giàu tình thương đang vui vầy với gia đình. Graciela cũng có những người bạn, nhưng họ đều trốn trong trí não cô. Ở đó có những cô bé xinh xắn và các cậu bé đẹp đẽ, họ mời cô tới dự những cuộc liên hoan vui vẻ với những chiếc bánh ngọt cùng những cây kem. Các bạn bè tưởng tượng của cô hết sức tốt bụng và họ đều nghĩ là cô rất đẹp Khi vắng mẹ, Graciela thường ngồi một mình, với những đoạn độc thoại dài với bạn bè. Bgiúp mình làm bài tập với, Graciela, mình không biết làm số học, mà bạn thì lại giỏi toán Tối hôm nay chúng mình làm gì nhỉ, Graciela? Đi xem phim nhé! Hay vào phố uống CôcaCola Mẹ bạn sẽ cho bạn đến ăn tô ở nhà mình chứ, Graciela Nhà mình mở tiệc to lắm. Không, mình sợ khó đấy. Mẹ mình sẽ cảm thấy cô quạnh nếu mình không ở bên. Mình là tất cả của mẹ, bạn biết đấy. Mỗi chủ nhật Graciela lại dậy thật sớm, nhẹ nhàng mặc quần áo, thận trọng không 1àm thức giấc mẹ cô đang cùng ngủ với một ông bác nào đó trên giường, rồi một mình tới nhà thờ San Juan Bavtista. Ở đó có cha Perez kể về những miền hạnh phúc của cuộc sống sau khi chết, về cuộc sống thần thoại bên Chúa Giêsu. Nhưng Graciela không thể đợi đến khi chết mới được gặp Người. Đức cha Perez trạc tuổi bốn mươi, rất có duyên. Ông tới Navas del Marques đã vài năm nay. Cha lo lắng từ người giàu đến kẻ nghèo, người ốm đau lẫn kẻ khỏe mạnh và trong cái làng nhỏ bé này không một bí mật nào mà cha không tường. Cha Perez biết Graciela là một cô bé ngoan đạo và cũng biết câu chuyện về dòng đàn ông lạ mặt thường xuyên chung giường với mẹ cô. Đó không phải là căn nhà thích hợp cho một cô gái trẻ. Nhưng liệu ai có thể làm gì để thay đổi điều đó. Cha Perez luôn tự hỏi, không hiểu bằng cách nào mà Graciela vẫn giữ được mình trong trẻo như thế. Cô gái bé nhỏ tốt bụng, dịu dàng và không hề phàn nàn về cuộc sống của mình. Graeiela luôn xuất hiện ở nhà thờ trong bộ quần áo gọn gàng, sạch sẽ mà cha biết chắc là cô bé tự giặt lấy. Cha cũng biết cô bé bị bọn trẻ trong thị trấn xa lánh và vì thế, cha thường tỏ ra thông cảm với cô. Sau mỗi buổi lễ ông lại dành cho cô một khoảng thời gian và khi thư thả lại dẫn cô tới một tiệm cà phê nhỏ. Mùa đông đến, cuộc sống của Graciela như hòa trộn với cảnh vật, trở thành một bức tranh ảm đạm đáng lo sợ Las Navas del Marques nằm trong một thung lũng, bốn phía núi bao quanh và bởi vậy, mùa đông ở đây dài tới sáu tháng. Về mùa hè thì dễ chịu hơn nhiều, khách du lịch tràn vào thị trấn, mang theo những tiếng cười, điệu nhảy và phố xá trở nên sống động. Họ dồn tới quảng trường Manuel Delgado Barudo dễ thương trước những vở nhạc kịch biểu diễn trên một sân khấu nhỏ dựng trên đá và ngắm nhìn những, dân địa phương tưng bừng trong điệu Sartana, một điệu nhảy dân tộc đã tồn tại hàng thế kỷ, với đôi chân trần, tay nối tay kết thành một vòng tròn rực rỡ. Graciela ngắm nhìn những vị khách quây quần quanh các bàn cà phê bên đường nhấm nháp aperitivos hay mua cá ở pescađeria chợ cá, hoặc tụ tập ở các tiệm hút. Vào một giờ chiều, các tiệm giải khát luôn đông nghịt khách du lịch thưởng thức món Chateo với đồ ăn biển, ô liu và khoai tây rán. Hấp dẫn nhất đối với Graciela là được xem paseo vào mỗi buổi tối. Các chàng trai cô gái đi lên đi xuống dọc đường Mayse theo những nhóm riêng, họ liếc nhìn nhau, mặc các bậc cha mẹ, ông bà và bạn bè theo dõi bằng những cặp mắt chăm chú từ các quán cà phê lề đường. Đó là một buổi lễ tìm bạn truyền thống đã được truyền qua nhiều thế kỷ. Graciela háo hức muốn tham gia nhưng bị mẹ nghiêm cấm. Mày muốn làm đĩ à? -Bà thét vào mặt Graciela. -Hãy tránh xa lũ con trai Chúng nó chỉ muốn duy nhất một thứ trên người mày. Tao quá hiểu điều đó, -giọng bà cay đắng. Nếu ban ngày còn khả dĩ chịu đựng được thì hằng đêm lại đem đến cho Graciela một nỗi khổ nhục quá sức Qua lần vải thưa ngăn cách, cô phải nghe những âm thanh rên rỉ, oằn oại và những tiếng thở mạnh đầy luôn kích động: - Nhanh nữa ... mạnh nữa ...nữa. Chưa tới mười tuổi, Graciela đã biết tất cả mọi từ ngữ tục tĩu trong tiếng Tây Ban Nha. Chúng được thầm thì hay hét lên, hay rên rỉ. Những tiếng kêu đê mê làm Graciela khó chịu, song đồng thời cũng thức dậy những ham muốn là lạ trong cô. Khi Graeiela mười bốn tuổi thì ông bác Marôc xuất hiện. Da hắn đen bóng, râu cạo nhẵn. Hắn có đôi vai vĩ đại, ngực to bè và đôi cánh tay khổng lồ. Người Marôc đến vào lúc nửa đêm, khi Graciela còn đang ngủ. Sáng hôm sau cô mới nhìn thấy, khi hắn kéo tấm ri đô, trần truồng đi ngang qua chỗ cô nằm để ra phía sau. Graciela suýt nữa thì kêu lên. Hắn thật vĩ đại, mọi thứ đều vĩ đại Gã. .... sẽ giết mẹ mình mất. Graciela nghĩ.-Ồ Còn ai đây nữa nhỉ? Dolores Pinero vội ra khỏi giường, cộc lốc: - Con em Sự bối rối ngượng ngùng trùm lên Graciela, khí cô nhìn người mẹ trần truồng đứng nép mình bên gã Marôc. Gã cười, để lộ hàm răng trắng nhởn: Tên là gì, cô bé? Graciela quá xấu hổ trước hắn. Bà mẹ đáp thay. -Tên nó là Graciela. Con bé chậm phát triển. - Cô bé xinh quá. Tôi đánh cuộc là hồi trẻ cô cũng đẹp như thế. - Em vẫn trẻ mà. -Dolores ngắt lời. Rồi quay sang con gái. -Thay quần áo đi. Nhanh không muộn học bây giờ Vâng, thưa mẹ. Tên Marôc đứng nhìn cô gái chầm chậm bước đi. Người đàn bà có tuổi kéo tay hắn phỉnh phờ: Về giường đi, anh yêu. Chúng ta chưa xong mà. -Tí nữa, -gã đáp, vẫn đứng nhìn theo Graciela. Gã Marôc ở lại. Mỗi chiều, khi ở trường về, Graciela lại cầu nguyện rằng hắn đã đi. Vì những lý do nào đó mà cô chưa hiểu, gã làm cô sợ hãi. Gã luôn tỏ ra lịch sự và chưa hề làm điều gì bậy bạ với cô, vậy mà chỉ cần nghĩ tới gã đã khiến cô rùng mình. Sự đối xử của hắn với mẹ thì lại hoàn toàn khác. Hắn hầu như cả ngày uống rượu, ở lì trong nhà, và nốc bằng hết bất cứ đồng tiền nào Dolores kiếm được. Thỉnh thoảng trong đêm, ngay khi đang làm tình, hắn lại đánh bà, và đến buổi sáng Dolores lại xuất hiện với một bên mắt thâm tím hoặc cặp môi rách. Mẹ ơi, sao mẹ lại phải chịu đựng ông ấy Graciela hỏi. - Đó là người đàn ông thật sự chứ không phải loại tí hon như bọn khác. Ông ấy biết làm cách để một người đàn bà mãn nguyện. Hơn nữa, ông ấy yêu ta điên dại Graciela không tin. Cô biết tên quỷ da đen đang vắt kiệt hình hài mẹ, nhưng không dám chống lại. Cô quá kinh hãi sự giận dữ của bà, vì khi bà thực sự giận dữ thì trong nhà như xuất hiện một người điên. Đã có lần bà cầm dao nhọn đuổi theo cô, bởi cô đã dám pha trà, chứ không phải rót rượu, cho một “ông bác”. Một buổi sáng chủ nhật Graciela trở dậy và sửa soạn vào nhà thờ. Mẹ cô đi từ sớm để trả vài bộ quần áo khách cần. Đúng lúc Glaciela cởi bỏ váy ngủ, tấm màn che bị kéo sang bên và gã da đen hiện ra, trần truồng. -Này, cô bé xinh đẹp! Mẹ cháu đâu? - Mẹ đi trả hàng từ sớm rồi. Hắn chăm chú nhìn tấm thân trần của Graciela. Quả thật cô rất đẹp. -Hắn khẽ nói. Graciela nóng bừng khắp người. Cô biết mình phải làm gì: che đậy sự trần trụi bằng cách nhanh chóng mặc áo váy và đi. Nhưng thay vào đó cô lại đứng yên, cảm thấy không sao cử động được. Cảm thấy ngạt thở. Gã Marôc nói giọng khàn khàn: Cô còn bé lắm. Mặc quần áo vào rồi đi đi. - Không. -Cô nới qua hơi thở: - Tôi không còn bé nữa. Sự đau đớn tiếp theo không giống bất cứ cảm giác nào Graciela đã biết. - Chúng mày làm cái mẹ gì thế này? - Tiếng Dolores Pinero rít lên. Trong khoảnh khắc, mọi thứ đều sững lại, đông cứng. Bà đứng bên giường, mắt trợn trừng nhìn con gái và con quỷ đen. Graciela nhìn mẹ, sợ đến chết được. Cặp mắt Dolores hằn lên cơn giận điên cuồng. - Đồ đĩ -Bà gào lên. -Đồ con đĩ thối tha. - Mẹ .... xin mẹ .... Bà vớ chiếc gạt tàn bằng gang vẫn để góc giường phang mạnh vào đầu con gái. Đó là hình ảnh cuối cùng Graciela còn nhớ. Cô tỉnh lại trong căn phòng bệnh viện trắng, rộng. Phòng có tới hai chục giường, đều kín người. Những hộ lý bận rộn ngược xuôi theo tiếng la gọi của bệnh nhân. Cuối chiều, một bác sĩ trẻ đến bên giường cô. Anh ta trạc ba mươi, nhưng nom già và mệt mỏi. - Tốt? -Anh ta nói. -Cuồi cùng cô cũng tỉnh lại. Tôi ở đâu thế này? Cô nhăn mặt hỏi. - Cô đang ở phòng làm phúc bệnh viện thị trấn Avila. Cô vào đây từ hôm qua, trông lúc đó thật kinh khủng. Chúng tôi phải khâu cái trán cho cô. Tự tay ông trưởng khoa Ngoại khâu đấy, bảo cô quá đẹp, không thể mang sẹo được. Ông ấy nhầm, Graciela nghĩ bụng. Mình sẽ phải mang sẹo cho đến hết đời. Vào ngày thứ hai, cha Perez đến thăm Graciela. Một hộ lý đẩy chiếc ghế tới bên giường. Linh mục nhìn cô gái xinh đẹp và nhợt nhạt nằm đó mà trái tim tan ra. Cái việc kinh khủng đến với cô đã lan ra khắp LasNavas del Marques, nhưng không ai có thể làm gì được. Dolores Pinero đã nói với cảnh sát rằng con gái bà bị vỡ đầu do ngã. - Con có thấy khá hơn không, con của ta?-Cha Perez hỏi. Graciela gật đầu. Cử động làm cô cảm thấy đau đớn: - Cảnh sát đang muốn hỏi nhiều vấn đề. Con có muốn Cha nói lại với họ điều gì không? Chỉ là tai nạn thôi mà. -Cuối cùng cô nói. Linh mục không chịu nổi cái nhìn trong mắt cô gái. -Cha hiểu. Điều cha phải nói đau đớn khôn tả. Graciela, cha đã nói chuyện với mẹ con ... Và Graciela hiểu ra. Con ... con không thể về nhà được nữa, phải không? Cha sợ là không được. Chúng ta sẽ nói chuyện đó sau. -Cha Perez cầm tay Graciela.-Mai cha sẽ quay lại thăm con. - Cám ơn cha. Khi linh mục đi khỏi, Graclela nằm đó cầu nguyện. Lạy Chúa kính yêu. Chúa hãy để cho con được chết. Con không muốn sống. Cô còn biết đi đâu về đâu. Sẽ chẳng bao giờ cô được nhìn lạì căn nhà của mình, hay những khuôn mặt quen thuộc của thầy cô giáo. Chẳng còn gì trên thế giới này dành cho cô cả. Một hộ lý đến bên giường. - Em cần gì không? Graciela nhìn cô hộ lý, tuyệt vọng. Hôm sau. Người bác sĩ lại xuất hiện. - Có tin vui đây. -Ông ta nói lúng túng. Cô đã khỏe, ra viện được rồi. Đó là lời nói dối, nhưng phần sau thì là sự thật. Chúng tôi cần giường cho bệnh. Cô được tự do đi. Nhưng đi đâu? Một giờ sau cha Perez tới, có thêm một linh mục khác. - Đây là Cha Berrendo, một bạn cũ của cha. Graciela liếc nhìn vị linh mục nom yếu ớt. - Chào cha. Ông ấy nói phải. Cha Berrenđo nghĩ. Cô ấy thật đẹp. Cha Perez đã kể cho ông về những chuyện xảy ra đối với Graciela. Linh mục cho rằng có thể thấy những dấu ấn của môi trường mà đứa trẻ đã lớn lên, một sự khắc khổ, một vẻ thách đố, hay tự thương hại. Nhưng hoàn toàn không thấy gì trên khuôn mặt cô gái này. - Cha lấy làm tiếc con đã phải khổ như vậy. -Cha Berrendo nói với cô. Lời ông mang đầy hàm ý. Cha Perez nói: Graciela con, cha phải quay về Las Navas del Marques. Cha đã nhờ cha Berrendo. - Nỗi lo sợ tràn đầy trên mặt Graciela. Cô cảm thấy sợi dây cuối cùng nối cô với căn nhà thân thuộc đang bị cắt đứt - Đừng đi, con xin cha. -Cô nài nỉ. Cha Perez nắm lấy tay cô: Cha hiểu, con cảm thấy cô đơn. -Ông nói nồng hậu. -Nhưng con không cô đơn, hãy tin cha. Hoàn toàn không. Người hộ lý mang một bọc nhỏ tới. Cô ta đưa cho Graciela. - Đây là quần áo của em. Có lẽ em sắp phải đi rồi đấy. Hai linh mục đưa mắt nhìn nhau. - Sao con không mặc đồ vào, rồi đi với cha? Cha Berrendo nhắc. -Chúng ta sẽ nói chuyện. Mười lăm phút sau đó, cha Benendo giúp Graciela bước ra ngoài, hòa vào dòng ánh sáng ấm áp. Ngay cửa bệnh viện là mảnh vườn đầy những bông hoa rực rỡ, nhưng Graciela đang choáng váng nên chẳng nhìn thấy gì. Khi đã ngồi trong phòng mình, cha Berrendo nói: Cha Perez bảo rằng con không có chỗ nào để đi. Graciela gật đầu. - Không một ai thân thuộc. - Mỗi ... -Thật khó nói. -Mỗi ... mẹ con. - Cha Perez nói con hay đi một mình trong làng. Cái làng nhỏ mà cô không bao giờ được thấy nữa. - Vâng. Graciela nhớ về những sáng chủ nhật, về những buổi lễ đẹp đẽ và nhớ đến sự khao khát được ở bên Chúa, trốn khỏi sự tủi nhục của cuộc đời mà cô phải sống. - Graciela, có khi nào con nghĩ tới chuyện vào tu viện?”. - Chưa. -Cô giật mình với ý kiến đó. - Tại Avila đây có một tu viện dòng Cistercian. Ở đó mọi người sẽ quan tâm đến con. Con ... Con cũng không biết. -Ý nghĩ thật đáng sợ. - Nơi đó không phải là dành cho tất cả mọi người. Và cha phải nói trước, đó là nơi nghiêm khắc nhất trong các tu viện. Một khi con đã bước qua cổng và thề, thì có nghĩa là con đã hứa với Chúa sẽ không bao giờ rời khỏi tu viện. Graciela lặng lẽ nhìn ra bên ngoài cửa sổ với những ý nghĩ lẫn lộn trong đầu. Ý nghĩ tách mình ra khỏi xã hội khiến cô sợ hãi. Sẽ như vào tù vậy. Nhưng cái thế giới mà cô yêu mến này đã dành cho cô điều gì? Toàn những đau khổ và tuyệt vọng ngoài sức chịu đựng. Đôi lúc cô đã định tự hủy hoại cuộc đời. Chỉ cách đó mới làm cho cô thoát khỏi những đau đớn. Cha Berrendo lại nói. - Điều đó tùy con định đoạt. Nếu con thuận, cha sẽ đưa con tới gặp Mẹ Trưởng tu viện. Graciela gật đầu. - Vâng, được ạ. Bà Nhất nhìn kỹ gương mặt cô gái trẻ đứng trước mình. Đêm qua, lẩn đầu tiên sau bao năm bà lại được nghe giọng nói ấy. Một đứa trẻ sẽ đến với con. Con hãy bảo vệ nó. Con mấy tuổi? -Bà hỏi. - Mười bốn. Cũng đủ tuổi Vào thế kỷ thứ IV người đã ra sắc lệnh cho các cô gái ở tuổi mười hai cũng được phép làm tu sĩ. - Con sợ. -Graciela nói với Mẹ Bentina. Con sợ. Câu nói vang lên trong trí nhớ Bentina. Con sợ .... Điều đó bao năm về trước ta cũng thất ra như vậy. Bentina nói với cha linh mục: - Con không biết làm sao nếu có tiếng gọi, thưa cha. Con sợ! - Bentina, lần đầu tiên tiếp xúc với Chúa có thể rất xáo động, vì quyết định hiến dâng cuộc đời cho Người là một việc hết sức khó khăn. Làm sao tiếng gọi lại đến với mình nhỉ. Bentina tự hỏi. Thời đó bà hầu như chẳng thích thú gì việc theo đạo. Khi là một cô gái, chủ nhật bà còn trốn cả đi lễ nhà thờ. Tuổi học trò, bà thường đắm mình trong các cuộc vui, ăn diện và bạn trai. Nếu bạn bè cùng đám ở Madrid được hỏi để chọn lầy người có khả năng trở thành tu sĩ thì Bentina sẽ đứng vào hàng cuối cùng. Nhưng khi đến tuổi mười chín, nhiều sự kiện xảy đến đã làm thay đổi cuộc đời bà. Hôm ấy, một giọng nói vang lên lúc cô đang nghỉ. - Bentina, dậy ngay và đi ngay ra ngoài. Cô mở mắt, sợ hãi. Bật đèn đầu giường lên, cô thấy có mỗi mình trong phòng. Giấc mơ lạ quá. Nhưng giọng nói đó thì thật biết bao. Cô lại nằm xuống nhưng không tài nào ngủ lại được. - Bentina, dậy ngay và đi ra ngoài. Đó là tiềm thức của mình, cô nghĩ, sao mình lại muốn đi ra ngoài vào nửa đêm thế này? Cô tắt đèn đi. Một lát sau, giọng nói lại vang lên. Thật là điên. Cô khoác áo, xỏ dép và xuống gác. Cả nhà còn đang say giấc. Cô mở cửa bếp, làm sao cô biết mình phải đi ra sân bằng cửa sau? Làn gió lạnh vây bọc quanh mình. Cô nhìn vào bóng đen dầy đặc, bắt gặp một đốm sáng mờ ảo từ chiếc tủ lạnh cũ đã bỏ, chứa những đồ lặt vặt. Bentina hiểu ngay cô ở đó để làm gì. Cô bước tới cái tủ lạnh bỏ đi cứ như bị thôi miên và mở ra. Cậu em trai ba tuổi co ro trong đó, bất tỉnh. Đó là sự việc đầu tiên. Lúc ấy Bentina tự lý giải rằng đó là một ngẫu nhiên bình thường. Hẳn là mình nghe thấy tiếng đứa em thức dậy đi ra sân, và mình biết là cái tủ lạnh ở đó. Mình lo lắng cho nó nên đến kiểm tra. Song việc thứ hai thì không dễ gì lí giải. Nó đến khoảng một tháng sau đó. Trong giấc ngủ, Bentina nghe thấy giọng nói: - Phải dập lửa đi. Cô bừng tỉnh, mạch đập dồn dập. Không thể ngủ lại được Cô choàng áo, xỏ dép và bước ra hành lang. Không có khói. Không có lửa. Cô mở cửa buồng ngủ của cha mẹ. Mọi thứ đều bình thường. Phòng cậu em cũng không có lửa. Cô xuống gác và xem xét mọi phòng. Không có dấu hiệu nào của lửa. Mình là một con ngốc, Bentina nghĩ bụng. Đó chỉ là giấc mơ. Đúng lúc cô trở lại giường thì cả ngôi nhà rung lên bởi một tiếng nổ lớn. Cả nhà thoát chết. Lính cứu hỏa khó khăn lắm mới dập được đám cháy. - Ngọn lửa bắt đầu dưới tầng hầm, làm cho chiếc nồi hơi bị nổ. -Một anh lính giải thích. Sự việc tiếp theo đó ba tuần lễ thì không có giấc mơ nào. Bentina đang ngồi đọc sách ở sân trong thì bỗng thấy một người lạ mặt đi ngang qua. Anh ta nhìn cô, và khoảnh khắc đó cô cảm giác một ý nghĩ độc ác nào đó gần như sờ thấy được từ cái nhìn đó. Đột nhiên anh ta quay đi và biến mất. Bentina không thể xua đi được hình ảnh. Ba ngày sau, khi cô đang đứng đợi thang máy trong một tòa nhà. Thang máy mở ra, và đúng lúc định bước chân vào thì cô bắt gặp người điều khiển vẫn đứng sẵn bên trong. Đó chính là người đàn ông cô đã thấy hôm trước. Bentina hoảng sợ bỏ chạy. Cánh cửa đóng lại và thang máy chạy tiếp. Một khoảnh khắc sau, chiếc thang máy nổ tung, giết chết tất cả mọi người trong đó. Chủ nhật đó, Bentina đến nhà thờ. Chúa cao cả, con không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng con rất sợ. Xin Người hãy dẫn dắt con và nói với con. Người muốn con phải làm gì. Đêm hôm đó câu trả lời đã đến trong giấc ngủ. Giọng nói đó cất lên đúng một từ “Dâng hiến”. Suốt đêm cô nghĩ đến câu nói ấy. Sáng hôm sau cô kể lại cho linh mục nghe. - A, con là một trong số người may mắn. Con đã được lựa chọn. -Ông reo lên. - Chọn làm gì? - Con có tự nguyện hiến dâng đời mình cho Chúa không, con của ta? - Con ... con không biết! Con sợ! Nhưng cuối cùng, cô gia nhập tu viện. Mình đã chọn con đường đúng. Mẹ Bentina nghĩ. Bởi vì chưa bao giờ mình được biết đến niềm hạnh phúc như thế? Và giờ đây, là một đứa trẻ đang run rẩy nói “con sợ”. Mẹ Nhất cầm tay Graciela : - Chưa vội đâu, Graciela. Chúa không bỏ ta. Hãy suy nghĩ kỹ và trở lại khi con muốn, chúng ta sẽ nói chuyện. - Nhưng có gì để nghĩ? Mình còn nơi nào trên trái đất này nữa đâu. Sự im lặng cũng tốt. Mình đã nghe quá nhiều tiếng ồn hãi hùng. Cô ngước nhìn Mẹ, nói: - Con xin đón chào sự im lặng. Đó là mười bảy năm về trước. Và từ bấy giờ, lần đầu tiên cô tìm thấy sự thanh bình. Cuộc đời cô đã hiến dâng cho Chúa. Quá khứ kia không còn là của cô. Những tội lỗi mà cô đã từng lớn lên cùng với chúng đã được rũ sạch. Cô trở thành nàng dâu của Đức Kitô. Và tới phút cuối của cuộc đời cô sẽ hòa nhập với mọi người. Cùng với năm tháng trôi qua trong yên lặng, mặc cho những cơn ác mộng đôi lúc hiện về, mọi âm thanh hãi hùng trong trí nhớ của cô cũng dần dần lắng xuống. Sơ Graciela dược giao làm vườn, trông nom những chiếc cầu vồng nhỏ bé của phép mầu nhiệm của Chúa. Sơ không hề biết chán trước vẻ lộng lẫy của chúng. Những bức tường tu viện sừng sững bao quanh như núi đá nhưng Graciela không bao giờ cảm thấy chúng giam cô bên trong, mà là chúng giam cái thế giới kinh khủng ở bên ngoài, một thế giới cô không bao giờ muốn gặp lại. Cuộc sống trong tu viện thật thanh bình, yên ả. Bỗng chốc, những cơn ác mộng lại trở về, ngay trong hiện thực. Thế giới của cô bỗng bị những kẻ mọi rợ xâm phạm. Chúng đẩy cô ra khỏi nơi tôn nghiêm để rơi vào thế giới mà cô đã vĩnh viễn từ bỏ, khiến những tội lỗi dồn dập đổ về, bao trùm lên cô nỗi kinh hoàng. Tên quỷ da đen đã trở lại. Cô cảm thấy hơi thở nóng hổi của hắn trên mặt mình. Trong khi chống cự, Graciela mở mắt nhìn. Đó là một tu sĩ đè lên cô, đang cố cưỡng hiếp cô. Hắn bảo: Dừng tay, sơ! Sơ sắp sửa được thưởng thức thứ này! - Mẹ ơi. -Graciela kêu to. -Mẹ cứu con với Chương 05 Lucia carmine cảm thấy xốn xang khi đi trên phố. Tuyệt diệu biết bao khi lại được mặc lên người bộ váy áo mềm mại và a id="filepos134799">ược ngầm thì của lụa cọ sát vào làn da. Cô liếc nhìn hai bà bạn. Họ bước đi ngượng ngùng, xa lạ trong bộ trang phục mới, dụt dè, bối rối trong những chiếc váy, chiếc tất. Trông họ cứ như từ hành tinh khác rơi xuống. Bọn khỉ ấy không thuộc thế giới này. Lucia nghĩ. Khác nào chúng đeo biển “hãy bắt tôi đi”. Theresa khó chịu lắm. Ba mươi năm nơi tu viện đã hằn sâu trong bà sự nhu mì, khuôn phép mà giờ đây nó đang bị xúc phạm bởi những cái mới lạ đang dồn ép lên bà: Cái thế giới mà một thời bà thuộc về nó, giờ đây như vô thực. Chính tu viện của bà mới là thực. Vì thế, bà khao khát được trở về chốn ẩn náu với những bức tường che chở của mình. Megan thấy những gã đàn ông đang nhìn mình theo từng bước chân thì đỏ mặt. Cô sống trong một bóng tối hoàn toàn, và đã quá lâu, tới mức không còn cớ thể hình dung ra nổi một người đàn ông là như thế nào, chưa nói đến chuyện “chúng” lại cười với mình. Nó ngượng ngượng, thiếu đứng đắn ...nhưng thinh thích. Đàn ông làm thức dậy những cảm giác đã bị chôn chặt từ lâu trong Megan. Lần đầu tiên trong ngần ấy năm, cô ý thức được cái nữ tính của mình. Họ tới cái quán giải khát mà lúc trước họ đã đi qua, tiếng nhạc từ bên trong vọng ra đường phố. Ông tu sĩ Carril1o gọi là gì nhỉ? Rock and Roll. Rất quen thuộc với bọn trẻ. Một cái gì đó khiến Megan chau mày. Đột nhiên cô nhận ra điều đó. Lúc đi qua rạp hát, ông tu sĩ nói thật đáng hổ thẹn với những cái mà cái rạp chiếu bóng đưa lên màn ảnh. Một cảnh khiêu dâm thuần túy. Những hành động riêng tư nhất, kín đáo nhất cũng đem bày ra cho mọi người xem. Tim Megan đập nhanh. Nếu tu sĩ Carrillo đã thật sự giam mình nơi tu viện đến hai chục năm thì làm sao ông ta có khả năng biết về nhạc Rock hay những cảnh trong phim? Có cái gì đó thật không ổn? Cô quay sang Lucia và Theresa, giọng khẩn cấp: - Chúng ta phải quay lại cửa hàng ngay. Họ nhìn theo, rồi cùng nhanh chóng bám theo Megan. Graciela nằm trên sàn đang cào cấu Carril1o, tuyệt vọng chống cự hòng thoát thân. - Đồ con khỉ! Nằm yên! -Hắn bắt đầu cảm thấy mệt. Hắn nghe thấy tiếng động và ngước lên nhìn. Hắn thấy một cái gót giày đang lao tới đầu mình và đó là hình ảnh cuối cùng hắn nhớ được. Megan nâng Graciela đang run rẩy ngồi dậy và đỡ cô trong tay, thở phào: - Tốt rồi. Lão sẽ không thể làm phiền sơ được nữa. Phải mấy phút sau Graciela mới mở miệng được. - Nó, nó, lần này không phải lỗi ở tôi, -cô thanh minh. Lucia và Theresa đã vào tới trong, và chỉ liếc nhìn Lucia đã hình dung được sự việc. - Thằng chó đẻ. Cô nhìn xuống cái thân hình nửa trần truồng đang bất tỉnh trên sân. Khi mọi người còn đứng nhìn, cô đã gỡ mấy cái dây lưng trên giá và trói chặt tay Miguel Carrillo ra sau. - Trói chân nó lại, -cô bảo Megan. Megan lẳng lặng làm theo. Cuối cùng, Lucia đứng dậy, hài lòng. - Thế, chiều nay, khi nào họ mở cửa, hắn sẽ giải thích cho họ rằng hắn đang làm gì ở đây. -Rồi nhìn kỹ Graciela. -Sơ không sao chứ? - Tôi ... tôi ... không. -Cô gượng cười. - Chúng ta phải rời khỏi đây. -Megan nói. -Mặc quần áo nhanh lên. Khi họ chuẩn bị đi, Lucia nói: - Đợi một tí Cô đến chiếc máy đếm tiền và vặ chìa khóa. Bên trong có vài tờ một trăm Peseta. Lucia gom lại, lấy một cái ví trên giá rồi đút tiền vào trong. Để ý thấy biểu hiện bất bình thường trên nét mặt Theresa, cô nói: - Xin sơ hãy nhìn đây. Nếu Chúa không muốn cho ta chỗ tiền này thì người đã chẳng để nó ở đây. Họ ngồi nói chuyện trong quán cà phê. Sơ Theresa nói: - Ta phải đưa cây thánh giá này tới tu viện ở Mendavia càng sớm càng tốt. Nơi đó sẽ an toàn cho tất cả chúng ta. Không phải cho ta, Lucia nghĩ. Sự an toàn của ta là ở ngân hàng Thụy sĩ kia. Nhưng trước tiên, ta phải lấy được cây thánh giá đã. - Tu viện ở Mendavia ở phía Bắc phải không? - Phải. - Bọn lính sẽ tìm ta ở tất cả các thị trấn. Tối nay ta phải lên đồi ngủ. Sẽ chẳng ai nghe thấy tiếng mụ cho dù mụ có gào lên. -Lucia nghĩ. Cô hầu bàn mang tới bốn tờ thực đơn. Ba bà sơ cầm ngắm nghía, bối rối. Lucia hiểu ngay. Đã bao năm qua họ không được phép chọn lựa bất cứ cái gì. ở tu viện, họ ăn như máy các thứ đồ ăn nghèo nàn được đặt trước mặt. Giờ đây họ đối mặt với một số lượng vĩ đại những món ăn ngon lành, xa lạ. Sơ Theresa lên tiếng đầu tiên: - Tôi ... Tôi dùng chút cà phê và bánh mì. Sơ Graciela nói: - Tôi cũng thế. - Ta còn phải đi đường dài. Tôi thấy nên gọi món gì đấy có chất. Trứng chẳng hạn. -Megan nói. - Lucia nhìn Megan với ánh mắt khác. Phải để mắt vào con bé này, cô nghĩ, rồi nói to: - Sơ Megan nói phải. Các sơ để tôi gọi. Cô gọi món cam thái lát, trứng trộn khoai rán, thịt xông khói, bánh mì nóng, mứt và cà phê. - Chúng tôi đang vội, -cô bảo người hầu bàn. Giờ nghỉ trưa hết vào bốn rưỡi, lúc đó toàn thị trấn sẽ tỉnh lại. Cô muốn ra khỏi nơi đây trước khi có người phát hiện Carrillo trong hiệu trang phục. Khi đồ ăn được mang ra, các bà sơ ngồi nhìn chúng chằm chặp. - Ăn tự nhiên đi. -Lucia giục. Họ bắt đầu ăn, lúc đầu từ tốn, sau thì hào hứng, vượt qua mọi lo sợ về tội lỗi. Sơ Theresa là người duy nhất gặp trở ngại. Bà cắn một miếng thịt, rồi nói: - Tôi ... Tôi không thể. Thế này là ... là từ bỏ ... - Thưa sơ, sơ muốn tới tu viện phải không? Thế thì phải ăn mới có sức khỏe mà đi chứ. -Megan nói. Sơ Theresa nói vẻ đạo đức: - Rất đúng. Tôi sẽ cố ăn. Nhứng tôi hứa với các sơ là tôi không thích đâu. Lucia cố gắng mới làm được vẻ ngây ngô: - Phải lắm. Thôi, sơ ăn đi. Ăn xong, Lucia lấy tiền của hiệu trang phục ra trả rồi cả bọn hỏa vào cái nắng nóng ngoài đường phố đang bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Các cửa hiệu lục tục mở cửa. Bây giờ chắc họ đã tìm ra Carrillo. -Lucia nghĩ. Lucia và Theresa nóng ruột muốn ra khỏi thị trấn sớm nhưng Graciela và Megan thì lại cử chậm chạp. Hai người bị hấp dẫn bởi cảnh sắc, âm thanh và mùi vị phố phường. Mãi tới khi ra tới ngoài thị trấn hướng về dãy núi phía trước, thì Lucia mới dám đi thong thả. Họ chậm chạp tiến theo hướng Bắc, trèo lên mạn đồi lởm chởm. Lucia sốt ruột muốn hỏi xem sơ Theresa có chịu đưa cho cô mang hộ cái bọc vải không nhưng lại chẳng muốn nói ra điều gì có thể gây cho bà nghi ngờ. Khi tới một khoảng trống trên đồi cao xung quanh um tùm cây cối, Lucia nói: - Chúng ta có thể nghỉ ở đây. Sáng mai ta sẽ đi tới tu viện ở Mendavia. Ba người gật đầu tin tưởng. Mặt trời chậm chạp đi ngang bầu trời xanh, khoảng đất trống yên tĩnh, chỉ có những tiếng động dịu dàng của mùa hè. Cuối cùng, đệm cũng đổ xuống. Lần lượt, các bà sơ duỗi đài trên thảm cỏ xanh. Lucia nằm yên, thở nhè nhẹ, lắng tai nghe một sự yên lặng mỗi lúc một sâu hơn, đợi cho mọi người ngủ say để thực hiện kế hoạch của mình. Sơ Theresa thấy khó nghĩ. Nằm dưới trời sao giữa các sơ thế này, với bà thật là xa lạ. Họ bây giờ có tên, có khuôn mặt, có giọng nói và bà lo sợ bị Chúa trừng phạt vì những hiểu biết bị cấm đoán này. Bà thấy bị mất mát kinh khủng. Sơ Megan cũng không ngủ được. Trong cô tràn ngập sự xáo động của những sự kiện diễn ra ban ngày. “Sao mình lại biết được mưa gian của lão tu sĩ nhỉ” Cô tự hỏi. Rồi mình lấy đâu ra can đảm để cứu sơ Glaciela? Cô mỉm cười, không thể giấu được một chút hài lòng với mình, mặc dầu cô biết sự tự hào là một tội lỗi. Graciela đã ngủ, cảm thấy kiệt sức bởi những gì trải qua. Cô trằn trọc trở mình, bị đè nặng bởi giấc mơ bị rượt đuổi theo những hành lang tối om dài vô tận. Lucia Camine vẫn nằm yên đợi. Khoảng hai tiếng sau, cô nhẹ nhàng trở dậy và rón rén trong đêm tới chỗ sơ Theresa. Cô sẽ lấy cái gói và biến đi. Khi tới gần, Lucia thấy sơ Theresa vẫn thức, đang quỳ gối lẩm nhẩm đọc Kinh. Mẹ kiếp! Cô vội vàng tháo lui. Lucia lại nằm xuống, buộc mình phải kiên nhẫn. Sơ kia không thể cầu nguyện cả đêm. Bà ấy rồi cũng phải ngủ. Lucia phác trong đầu các kế hoạch. Tiền lấy được trong cửa hiệu đủ cho cô đi xe buýt hoặc tầu hỏa tới Madrid. Một khi đã ở đó thì tìm một hiệu cầm đồ là chuyện đơn giản. Cô thấy mình đang đưa cho người chủ hiệu cây thánh giá vàng. Ông ta có thể nghi đây là đồ ăn cắp, nhưng chẳng hề gì. Sẽ có khối kẻ muốn mua nó. - Tôi xin gửi bà một ngàn Peseta. Cô cầm lấy cây thánh giá trên bàn. - Thà tôi bán người tôi còn hơn. - Một trăm năm mươi ngàn. - Thà tôi đun chảy nó ra rồi đổ xuống cống. - Hai trăm ngàn. Giá cuối cùng đấy. - Ông đang ăn cướp của người mù. Nhưng thôi được, tôi chấp nhận giá đó. Người chủ hiệu hớn hở với tay ôm lấy cây thánh giá. - Phải, tôi để quên đâu đó hộ chiếu rồi. Ông biết ai có thể thu xếp cho tôi một hộ chiếu không? Tay cô mơn man cây thánh giá lấp lánh ánh vàng. Ông chủ hiệu ngập ngừng, rồi nói: - Tình cờ tôi có một người bạn thường làm những việc tương tự. Và thỏa thuận đã đạt được. Cô sẽ lên đường tới Thụy Sĩ, tới tự do. Cô nhớ lời cha cô: ở đó có nhiều tiền, con tiêu cả mười đời cũng không hết. Đôi mắt cô bắt đầu khép lại. Một ngày quá dài. Trong giấc ngủ chập chờn, Lucia nghe thấy tiếng chuông nhà thờ vang lên từ ngôi làng nhỏ. Tiếng chuông làm thức dậy trong cô những ký ức xa xôi về một miền đất khác, một thời gian khác. * * * * * TAORMINA, SICILY 1968 Cứ mỗi buổi sáng cô lại tỉnh giấc bởi tiếng chuông từ nhà thờ San Domenico, cao cao trên dãy núi Peloritani bao quanh Taormina. Cô thích tỉnh dậy từ từ, được uể oải vươn người như một con mèo. Cô vẫn nhắm mắt, và cố nhớ ra một điều gì thật tuyệt diệu. Điều gì nhỉ? Câu hỏi đó như một sự quấy rầy, và cô gạt nó khỏi đầu, không thích đoán ra ngay mà muốn thưởng thức sự bất ngờ. Cuối cùng, sự sung sướng bùng lên và tràn ngập. Cô là Lucia Maria Carmine, con gái của Angelo Carmine. Chỉ điều đó thôi cũng đủ làm cho bất ký ai trên thế giới cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Họ sống trong một không gian rộng lớn như thần thoại. Người hầu kẻ hạ nhiều hơn con số mà cô gái Lucia mười lăm tuổi có thể đếm được. Sáng sáng, một vệ sĩ đưa cô tới trường bằng chiếc xe hơi sang trọng. Cô lớn lên trong các bộ váy đẹp nhất và những đồ chơi đắt tiền nhất mà Sicily có thể có được, cô là sự ghen ty của bạn học. Cha cô là trung tâm cuộc sống của cô. Trong mắt Lucia, đó là người đàn ông đẹp trai nhất thế giới. Người đàn ông thấp đậm, khuôn mặt rắn rỏi và cặp mắt nâu luôn toát ra sức mạnh quyền lực. Ông có hai con trai, Arnaldo và Victo, nhưng Angelo Carmine cưng chiều cô con gái hơn cả. Lucia hết sức tôn kính cha mình. Ở nhà thờ, trong khi linh mục nói về Chúa thì Lucia luôn nghĩ đến cha. Vào mỗi buổi sáng ông đến bên giường cô và nói: - Tới giờ dậy đi học rồi, gương mặt thiên thần của cha. Không phải như thế. Lucia biết cô không thật đẹp. Mình hấp dẫn; cô nghĩ bụng mỗi khi ngắm mình trong gương. Phải, hấp dẫn chứ không là đẹp. Hình ảnh phản chiếu cho thấy một cô gái trẻ có khuôn mặt trái soan, làn da dịu dàng, hàm răng trắng, cằm khỏe khỏe quá chăng? Cặp môi dày khêu gợi dày quá chăng? Và cặp mắt đen ranh mãnh. Nếu khuôn mặt cô thiếu một chút xinh đẹp thì thân xác cô lại như một sự bù đắp còn hơn cả mong đợi. Ở tuổi mười lăm thân hình Lucia đã phát triển hoàn thiện với bộ ngực căng tròn, eo nhỏ và cặp mông chuyển động hứa hẹn đầy khoái lạc. - Thế này thì bố phải đến phải gả chồng sớm cho con mất. -Người cha thường trêu con gái. -Chẳng mấy chốc mà con sẽ khiến các chàng trai phát điên lên, cô gái trong trắng và bé bỏng của cha. - Con muốn lấy một người như cha, nhưng chẳng có ai được như cha đâu. Ông cười. - Không sao. Cha sẽ tìm cho con một hoàng tử. Con sinh ra dưới ngôi sao may mắn. Một ngày nào đó con sẽ biết đến cảm giác khi một người đàn ông ôm con trong vòng tay. Lucia đỏ mặt. - Vâng, thưa cha. Đúng là không có ai làm việc đó với cô. Trong suốt mười hai giờ qua, Benito Patas, một trong những gã bảo vệ, luôn có mặt trên giường cô khi người cha vắng mặt ở thị trấn. Lucia biết, nếu bị cha phát hiện ông sẽ giết chết cả hai. Benito ở tuổi ba mươi, và cái việc cô con gái xinh đẹp và trinh trắng của dòng họ Angelo Carmine vĩ đại đã chọn gã để phá trinh mình luôn làm gã tự hào. - Có được như em muốn không? -Hắn hỏi sau lần đầu chung đụng. - Ồ được -Lucia hổn hển. -Khá hơn. Cô nghĩ thầm, Tuy hắn không được như Mario, Tomy hay Ennco, nhưng chắc chắn là khá hơn Boberto hay Leo. Mười ba tuổi, Lucia thấy mình giữ trinh tiết thế là đã quá lâu Cô ngó quanh và quyết định người may mắn sẽ là Paolo Costel1o, con trai của một trong những bác sĩ của Angelo Carmine. Paolo mười bảy tuổi, người vạm vỡ, là ngôi sao bóng đá ở trường. Lần đầu nhìn thấy Paolo cô đã ham mê ham mệt. Lucia tìm mọi cách để người mình yêu được nhiều nhất. Paolo không hay biết rằng những gặp gỡ thường xuyên đó đã được tính toán kỹ càng. Cậu vẫn coi cô gái hấp dẫn của Angelo Carmine như đứa trẻ. Vào một ngày đầu tháng Tám, Lucia quyết định không thể cứ ngồi chờ được nữa. Cô gọi điện cho Paolo. - Lucia Carmine! đây Bố em có chuyện muốn bàn với anh, cụ hỏi chiều nay anh có thể đến nhà bể bơi không? Paolo ngại ngùng lẫn mừng rỡ. Angelo Carmine là một cái tên mà ai cũng nể sợ, nhưng không ngờ con người Maftoso hùng mạnh này lại biết đến sự tồn tại của cậu. - Anh rất sung sướng. -Paolo nói. -Cụ muốn anh đến vào lúc nào? - Ba giờ. Giờ nghỉ trưa, lúc cả thế giới còn đang ngủ. Nhà bể bơi đứng lẻ loi ở tận tít một đầu của vùng đất rộng của gia đình cô, cha cô lại đã ra khỏi thị trấn. Sẽ chẳng có gì cản trở ... Paolo đến đúng giờ hẹn. Qua chiếc cổng để ngỏ dẫn tới khu vườn, cậu đi thẳng vào dẫy nhà và đứng trước cánh cửa đóng kín, gõ nhẹ. - Thưa ngài Carmine ...? Một bóng người tiến về phía cậu. - Paolo ... Cậu nhận ra giọng nói của cô. - Lucia, anh tìm cha em. Cụ có đây không? Lucia đã đến sát bên Paolo, đủ để cậu thấy cô không váy áo gì trên người. - Lạy Chúa Paolo hổn hển. -Cái gì ...? - Em muốn anh ... với em. - Điên à? Em còn là đứa trẻ con. Thôi, anh phải chuồn đây. Cậu bắt đầu đi ra cửa. - Cứ đi đi Em sẽ mách cha là anh muốn cưỡng hiếp em. - Đừng. Em đừng làm thế. - Về đi, rồi anh sẽ thấy. Cậu dừng lại. Nếu Lucia làm thật, trong đầu cậu không một mảy may nghi ngờ về số phận của mình. Chặt phăng cái của ấy đi chỉ là việc mở đầu. Cậu bước tới gần Lucia để giãi bày: - Lucia, em thân yêụ. - Anh gọi vậy nghe được đấy. - Không ... Hãy nghe anh, Lucia. Điều này rất nghiêm trọng, cụ sẽ giết anh, nếu em nói là bị anh cưỡng hiếp. - Em biết. Cậu cố thêm một nước: - Cha anh sẽ bị mang tiếng. Cả gia đình anh sẽ bị phỉ nhổ. - Em biết. Vô vọng. - Thế em muốn gì ở anh? - Em muốn anh ... làm nó cho em. - Không. Không thể được. Nếu cha em biết, ông cụ sẽ giết anh ngay. - Còn nếu anh đi khỏi đây, bố em chắc chắn sẽ cho anh toi mạng. Anh không có cách thứ ba để lựa chọn, đúng không”. - Nhưng tại sao lại là anh, Lucia? -Anh nhìn cô hoang mang. - Bởi vì em phải lòng anh, Paolo. ...Cuối cùng, Lucia tỉnh trước. Cô lên tiếng: - Mai lại thế nhé. Khi Lucia mười tuổi, Angelo Carmine nghĩ rằng đã đến lúc cho con gái mở tầm mắt ra thế giới bên ngoài. Cùng bà dì già Rosa đi kèm, Lucia trải qua những kỳ nghỉ hè ở Capri, Ischia, ở Venice, Rome, và ở chục nơi khác. - Con phải được mở mang đầu óc. Chứ không phải cứ là ông nông dân như bố con đây. Đi du lịch sẽ giúp con hoàn thiện vốn kiến thức. Đến Capri, dì Rosa sẽ đưa con đi xem tu viện Carthusian của thánh James, thăm villa An Michele, rồi Palazza a More ... - Vâng, thưa cha ... - Rome là kho báu của thế giới. Tới đó con phải thăm thành phố Vatican, Hoàng cung Santa Maria Maggiore và tất nhiên là cả bảo tàng Borghese nữa. - Vâng, tất nhiên. - Còn ở Milano? Con phải đến Cung hòa nhạc để nghe âm nhạc là như thế nào. Cha sẽ thu xếp vé xem vở La Scala cho dì và con. Đến Florence, con sẽ đi ảo tàng nghệ thuật thành phố, Bảo tàng Uflri và hàng chục nhà thờ, viện bảo tàng khác. - Vâng, thưa cha. Với những kế hoạch chặt chẽ. Lucia cố gắng để không đặt chân tới một nơi nào trong số những địa chỉ kể trên. Dì Rosa thì duy trì chặt chẽ những giấc nghỉ trưa vào ban ngày và đi ngủ sớm vào buổi tối. - Cháu cũng phải nghỉ ngơi, Lucia. - Hẳn rồi, thưa dì Rosa. Và khi dì Rosa ngủ, Lucia đi khiêu vũ tại Quisisana ở Capri, nhập vào một nhóm sinh viên đại học ở Mamna Piccola, đi picnic ở Bangi di Tiberio, đi đường cáp lên núi Ancapi. Tại đó, cô nhậu nhẹt ở quảng trường Ulberto với một đám sinh viên Pháp. Ở Venice, một tay chèo thuyền đẹp trai đưa cô tới câu lạc bộ disco, một chàng đánh cá đưa cô đi câu ở Chiogga. Còn dì Rosa thì đi ngủ. Tại Rome, Lucia uống rượu từ Apulla và tìm đến được tất cả những nhà hàng kỳ thú khác thường như Marte, Ranieni hay Giggifari. Bất kỳ tới đâu Lucia cũng tìm ra được những quán rượu nhỏ, những hộp đêm giấu kín và những chàng trai ưa nhìn, lãng mạn. Cha thân yêu nói đúng làm sao. Đi du lịch đã giúp con hoàn thiện được kiến thức của mình. Nằm trên giường, cô học những cách nói và những ngôn ngữ khác nhau. Và nghĩ, Học ngoại ngữ thế này thích hơn học ở trường nhiều. Sicily cũng là một kỳ quan để Lucia mặc sức khám phá. Đây là một hòn đảo của những chùa tháp Hy Lạp, những nhà hát, nhà thờ Roman và Byzantine, nhà tắm Arab và những lâu đài Swabian. Lucia tìm thấy Palermo hấp dẫn và sống động. Cô thích thú đi lang thang quanh Klasa, một khu Arab cổ, đi tham quan Opera dei Pupi, một nhà hát múa rối, nhưng chính Taomirna, nơi cô sinh ra, mới thực sự là chốn cô yêu Nó là hình ảnh thu nhỏ của một thành phố. Ở bờ biển Lon có một ngọn núi trông ra thế giới. Đó là thành phố của những cửa hiệu trang phục và kim hoàn, của những quán rượu và quảng trường cổ kính, của những khách sạn rực rỡ và lộng lẫy như ở ExcelsiorPalace và San Domenico. Con đường ngoằn ngoèo dẫn tới hải cảng Naxos dốc, hẹp và nguy hiểm. Nhưng khi Lucia Carmine nhận được chiếc ôtô, quà tặng sinh nhật lần thứ mười lăm, thì cô bất chấp mọi luật lệ giao thông, nhưng không một lần bị cản trở. Hơn hết thảy, cô là con gái của Angelo Carmine. Đối với những ai có đủ can đảm hoặc ngu ngốc để tìm hiểu thì Angelo Carmine chỉ là một người buôn bán bất động sản. Điều đó có phần đúng, vì dòng họ Carmine là chủ của khu vila ở Taormina, của một ngôi nhà bên hồ Como ở Cernobbio, một nhà trọ ở Gstaad, một lâu đài ở trung tâm và một mảnh đất rộng ở ngoại ô Rome. Nhưng đó chỉ là phần nổi, bởi gia đình carmine còn có những kinh doanh màu mỡ gấp nhiều lần. Ông là chủ của hàng chục nhà chúa, hai sòng bạc, sáu con tàu chuyên chở cocain từ những vùng trồng trọt của ông ở Colombia và hàng lô những tổ hợp sinh lợi, khác, gồm cả cho vay nặng lãi. Angelo Carmine là một capo của các Mafioso người Sicily, vì thế ông giàu có, uy quyền, sung sướng là điều dễ hiểu. Cuộc sống của ông là nỗi ao ước của người khác, là một bằng chứng đầy thuyết phục rằng một nông dân Sicily nghèo, nếu có những khát khao và chịu khó làm lụng, thì sẽ có ngày thành công. Carmine bắt đầu cuộc đời mình khi mười hai tuổi, giúp việc cho Mafioso. ười lăm tuổi cậu trở thành người đi đòi nợ của những khoản vay nặng lãi. Sang tuổi mười sáu, cậu tham gia giết chết người và bắt đầu lập nghiệp. Ít lâu sau, ông cưới Anna, mẹ Lucia. Những năm tiếp theo, ông leo tới tột đỉnh của bậc thang xảo trá, để lại sau hàng dãy xác chết kẻ thù. Ông đã đổi khác, nhưng Anna vẫn nguyên là một cô gái nông dân giản dị mà ông đã cưới. Bà sinh cho ông ba đứa con kháu khỉnh, nhưng rồi sự đóng góp của bà với cuộc đời ông cũng dừng lại. Dường như ý thức được rằng mình không còn vai trò gì trong gia đình nữa, bà lặng lẽ rời bỏ cuộc sống. Sự quan tâm dành cho bà cũng chỉ đủ để gầy ra một ồn ào nho nhỏ mà thôi. Arnaldo và Victo cùng lo chuyện làm ăn với cha. Ngay khi còn nhỏ, Lucia đã thích thú nghe trộm những cuộc nói chuyện kỳ thú giữa cha với các anh mình, về chuyện họ đã xỏ mũi hay khuất phục đối thủ của họ ra sao. Đối với Lucia, cha cô như một hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng bóng. Cô không thấy điều gì sai trái trong việc làm của cha và các anh mình. Ngược lại, họ đang giúp đỡ mọi người. Nếu người ta muốn đánh bạc, tại sao lại để những điều luật ngu xuẩn ngăn cản họ? Nếu đàn ông cảm thấy sung sướng khi chung chạ với đàn bà, tại sao lại không giúp họ? Cha và các anh cô thật tất bụng biết bao đã cho người ta vay tiền khi họ bị đám chủ nhà băng nhẫn tâm từ chối. Đối với Lucia, cha và các anh là những công dân kiểu mẫu. Bằng chứng hiển nhiên được thể hiện trong sự lựa chọn bạn bè của các anh cô. Mỗi tuần một lần Angelo Carmine lại tổ chức tiệc linh dình tại vila riêng. Và ồ, hãy xem những ai ngồi dự tiệc tại gia đình Carmine? Ngải thị trưởng, vài ủy viên Hội đồng thành phố, các vị quan tòa ... Bên họ là những minh tinh màn bạc, các ca sĩ opera, và thường xuyên có cả ngài cảnh sát trưởng cùng một tay vệ sĩ. Chưa kể năm nào đích thân ông Thống đốc cũng xuất hiện vài lần. Lucia sống một cuộc đời thơ mộng, đầy ắp các bữa tiệc, quần áo đẹp, đồ trang sức quý, ô tô, kẻ hầu hạ và những người bạn đầy thần thế. Cho tới một tháng Hai, vào đúng ngày sinh nhật lần thứ hai mươi ba của cô thì tất cả những cái đó bỗng dưng kết thúc. Nó đến thật bình thường. Hai người đàn ông tới vila tìm cha cô. Một là ông cảnh sát trưởng và người kia là phụ tá của y. - Xin ngài lượng thứ, -cảnh sát trưởng giãi bày, đây là cái việc xuẩn ngốc mà cấp trên giao cho tôi phải thực thi. Một ngàn lần xin lỗi ngài. Xin ngài rộng lòng cùng tôi tới trụ sở cảnh sát, tôi sẽ đảm bảo đưa ngài về kịp dự sinh nhật con gái ngài. - Không hề gì. -Carmine vui vẻ. -Ai cũng phải làm nhiệm vụ của mình. -Ông mỉm cười. -Tay ủy viên mới được Tổng thống bổ nhiệm này, theo cách nói của người Mỹ, khá xun xoe. - Có lẽ là như thế. -Cảnh, sát trưởng thở dài. -Nhưng ngài đừng lo. Ngài và tôi đều đã thấy những kẻ bợ đỡ thì lên nhanh như diều, nhưng cũng đứt nhanh thôi phải không? Họ phá lên cười rồi cùng đi tới trụ sở cảnh sát. Hôm đó Angelo Carmine không về dự tiệc được, và cả những ngày sau nữa. Thực sự ông đã không một lần được gặp lại những người thân của mình. Chính quyền lập hồ sơ truy tố ông với hàng trăm thứ tội, nào giết người, ậu ma túy, mại dâm, phá hoại, nào hàng lô các tội khác ... Việc bảo lãnh bị bác. Mẻ lưới của cảnh sát tung ra đã chụp trúng tổ chức tội ác của Carmine. Ông trông cậy vào những quan hệ có thế lực ở Sicily để bác bỏ những lời buộc tội, nhưng thay vào đó, ông lại bị đưa tới Rome vào nửa đêm và bị giam tại Regina Corli, nhà tù Queen of Heaven nổi tiếng. Ông bị nhốt trong một xà lim chật chội có vài ô cửa sổ chấn song sắt, một lò sưởi, một chiếc giường đơn và toalet không có chỗ ngồi. Thật là một sự xúc phạm, một điều sỉ nhục ngoài sức tưởng tượng. Lúc đầu Carmine tin tưởng luật sư của mình, Tommaso Contorno, sẽ giải thoát ngay cho ông. Khi Contorno đến gặp tại nhà tù, Carmine nổi giận với ông ta. - Họ đã đóng cửa các nhà chứa và các tụ điểm ma túy họ biết rất rõ về hoạt động kiếm tiền của ta. Có kẻ nào đã khai. Hãy tìm ra kẻ đó và mang cái lưỡi của nó vào cho ta. - Xin ngài đừng lo. -Contorno trấn an. -Chúng tôi sẽ tìm ra hắn. Sự lạc quan của ông ta hóa ra không có cơ sở. Để bảo vệ các nhân chứng, chính quyền địa phương đã kiên quyết từ chối tiết lộ họ, cho tới khi phiên tòa bắt đầu. Hai ngày trước phiên tòa, Angelo Carmine cùng những thành viên mafia khác được đưa tới Ribibbia Prigione, nhà tù có hệ thống an ninh nhất cách, Rome mười hai dặm. Phòng xử án cạnh đó được củng cố như pháo đài. Một trăm sáu mươi bị cáo mafia xích chân tay đưa đến phòng xử án qua một đường ngầm rồi bị nhốt vào ba mươi chiếc lồng thép có kính chống đạn. Lính bảo vệ nai nịt tận răng vây quanh trong và ngoài phòng. Người tới dự bị khám xét kỹ trước khi được phép vào. Khi Angelo Carmine bước vào phòng xử án, tim ông đập rộn lên vì sung sướng. Vị quan tòa ngồi đó là Glovanni Buscetta, người đã nằm trong danh sách ăn lương của Carmine suốt mười lăm năm và cũng là vị khách thường xuyên của gia đình. Carmine biết rằng cuối cùng thì công lý của ông cũng sẽ được thực hiện. Phiên tòa bắt đầu. Angelo Carmine nhìn lên vị quan tòa Sicily đang im lặng để cầu cứu. Thật kinh ngạc, nhân chứng chính của phiên tòa không ai khác, mà là Benito Patas, tên cận vệ thân tín của ông. Patas đã sống trong gia đình Carmine từ rất lâu và được tin cẩn hết mức nên hắn nắm khá rõ các chuyện làm ăn tuyệt mật của “gia đình.” Bị cảnh sát tóm cổ vài phút sau khi lạnh lùng sát hại một bạn trai mới của tình nhân hắn, và bị dọa sẽ phải ngồi tù chung thân, thì Patas đành nhận giúp cảnh sát chống lại Carmine để được hưởng mức án nhẹ hơn. Giờ đây Angelo ngồi trong phòng xử án, hoảng hốt .và kinh ngạc nghe Patas lôi ra những bí mật sâu kín nhất của lãnh địa Carmine. Ngày nào Lucia cũng có mặt ở phòng xử án để nghe con người đã từng là bạn tình của cô đang hãm hại cha và các anh cô. Lời khai của Benito Patas như kéo cửa đập ngăn lũ. Hàng chục nạn nhân kéo đến kể lại những chuyện mà Angelo Carmine và đồng bọn của ông đã gây ra cho họ, nào Mafia đã bóp nghẹt việc làm ăn, đã đe dọa họ, đã sát hại hoặc biến những người thân của họ thành tàn tật, nào bán ma túy cho con cái họ. Cái dây tội ác thật vô tận. Nguy hiểm hơn là lời khai của những thành viên trong tổ chức ăn năn hối lỗi và quyết định lên tiếng. Lucia được phépthăm cha trong tù. Vui mừng khôn tả, ông ôm chặt cô và thì thầm. - Đừng lo, chánh án Giovanni Buscetta là quân át chủ bài của cha. Hắn biết tất cả mọi trò lừa đảo của luật pháp. Hắn sẽ làm cho các anh con và cha trắng án. Angelo Carmine đã tỏ ra là một nhà tiên tri tồi. Công chúng cảm thấy bị lăng nhục bởi sự quá đáng của Mafia và cuối cùng vị chánh án Giovanni Buscetta, một con thú chính trị láu cá, đã tuyên án tù dài hạn đối với mọi thành viên của tổ chức, và dành cho Angelo Carmine cùng hai con trai mức án là hai mươi tám năm. Đối với Angelo Carmine, đó có nghĩa là án tử hình. Cả nước Ý hân hoan. Công lý cuối cùng đã chiến thắng. Song đối với Lucia thì đó là cơn ác mộng không thể tưởng tượng ra nổi. Cả ba con người mà cô yêu quý nhất đời đang bị đẩy xuống địa ngục. Một lần, Lucia vào thăm cha tại xà lim. Sự thay đổi bỗng chốc trong ông, nhìn mà đau xé ruột. Chỉ vài ngày, ông đã biến thành một cụ già. Thân hình lẩy bẩy và sắc thái hồng hào ở ông bỗng trở nên vàng vọt. - Chúng đã phản bội ta. -Ông rên rỉ. -Tất cả bọn chúng đã phản bội ta. Thằng Giovanni Buscetta. Món nợ lớn quá, Lucia, ta biến hắn thành kẻ giàu có, vậy mà hắn làm ta thế này đây. Còn thằng Patas. Ta như cha nó. Ôi, cái thế giới này ở đâu ra vậy” Ôi, cái điều khủng khiếp này ở đâu ra vậy” Chúng cũng là người Sicily như ta mà. Lucia cầm tay cha trầm trầm nói: - Con cũng là người Sicily, thưa cha. Mối thù của cha sẽ được trả, xin thề trước cha, bằng cả cuộc đời con. - Đời cha thế là hết: - Ông nói. -Nhưng đời con vẫn ở cả phía trước. Cha có một tài khoản ở Zurich. Tại nhà băng Leu. Rất nhiều tiền, con tiêu suốt đời không hết. Ông thì thầm vào tai cô những con số. -Hãy rời bỏ nước Ý đáng nguyền rủa này. Hãy lấy tiền ấy mà hưởng thụ nghe con. Lucia ôm chặt ông. - Cha! - Nếu khi nào cần một người bạn, con có thể tin tưởng Dominic Durell. Ông ta có một căn nhà ở Pháp tại Beziers, gần biên giới Tây Ban Nha. - Con sẽ nhớ. - Hãy hứa với cha con sẽ rời bỏ nước Ý! - Vâng, thưa cha. Nhưng con phải làm vài việc đã. Ấp ủ khát vọng trả thù là một việc, tìm ra cách để thực hiện nó là việc khác. Cô đơn độc, mà việc đó lại chẳng dễ dàng gì. Lucia nhớ đến một thành ngữ Ý: Ruban il mestiele Mình phải nghĩ xem họ làm thế nào. Vài tuần sau, Lucia Carmine xuất hiện tại nhà ông chánh án Giovanni Buscetta. Chính ông ta mở cửa. Ông ta nhìn Lucia, hết sức ngạc nhiên. Ông thường nhìn thấy cô mỗi khi là khách của gia đình Carmine. Nhưng họ chẳng có gì để nói với nhau. - Lucia Carmine! Cô tới đây làm gì vậy? Lẽ ra cộ .... - Cháu tới để cảm ơn ngài. Thưa ngài kính mến : Ông nhìn cô nghi ngại - Cảm ơn tôi về cái gì? Lucia nhìn sâu vào mắt ông - Vì ngài đã đưa được ông bố và các anh cháu về đúng con người họ. Cháu là một con bé ngây thơ sống trong ngôi nhà ghê tởm đó. Cháu không hề biết họ là một lũ ... -cô bật khóc sụt sịt. Ông chánh án hoang mang, rồi vỗ nhẹ vào vài cô. - Thôi nào, thôi nào. Vào nhà uống nước. - Cảm ... cảm ơn ngài. Khi đã ngồi trong phòng, Buscetta nói: Tôi đã không biết là cô cũng nghĩ được như thế về cha mình. Tôi có cảm giác cha con cô rất thuận hòa. - tại cháu đã không biết sự thật về cha và các anh cháu là như thế nào. Khi chưa hiểu được thì ... người cô rung lên: - Ngài không biết đâu, cháu đã muốn thoát ra, nhưng không biết cách nào có thể ... - Bác đã không hiểu. -Ông vỗ vào tay cô. -Tội nghiệp, bác đã hiểu nhầm cháu. - Cháu rất sợ ông ấy. -Giọng cô chứa chan gợi cảm. Không phải lần đầu tiên quan tòa Buscetta để ý Lucia trẻ đẹp ra sao. Cô mặc trên người bộ váy đen giản dị làm nổi bật những đường nét nhấp nhô của một cơ thể tràn căng sức sống. Ông để mắt nhiều nhất vào bộ ngực và không thể không công nhận cô đã lớn biết bao. Ngủ với con gái Angelo Carmine thì thật thú vị, Buscetta nghĩ. Hắn bây giờ không thể làm gì được ta. Thằng già nghĩ rằng hắn là chủ nợ của ta. Nhưng ta xử án thế đã lịch sự với hắn lắm rồi. Con bé này chắc hẳn còn trinh tiết. Ta sẽ dạy cho nó vài điều trên giường. Người quản gia có tuổi mang tới khay trà và hộp bánh quy. Bà đặt chúng trên bàn. - Tôi rót trà nhé? - Để em. -Lucia nói. Giọng cô ấm áp và đầy hứa hẹn. Chánh án Buscetta mỉm cười với Lucia. - Bà đi được rồi. -Ông ta nói với bà quản gia. Ông chánh án nhìn theo Lucia bước tới chiếc bàn nhỏ nơi đặt khay trà, cẩn thận rót trà cho ông và cho mình. - Tôi có cảm giác là cô với tôi sẽ trở thành những người bạn rất gần gũi, Lucia. -Giovanni thăm dò. Lucia trao ông ta một nụ cười quyến rũ. - Cháu cũng rất muốn như thế, thưa bác kính mến. - Cô cứ gọi tôi là Giovanni. - Giovannil -Lucia trao ông ta chén trà. Cô nâng chén nhấp một ngụm, rồi nói. -Vĩnh biệt những kẻ ác - Vĩnh biệt những kẻ ác. -Mỉm cười, Buscetta cũng nâng chén lên. Ông ta nhấp -một ngụm, nhăn mặt. Chè có vị đắng. - Có quá ...? . - Không, không. Ngon lắm bạn thân mến. - Vì tình bạn của chúng ta. -Lucia lại nâng chén. Cô nhấp một ngụm và vị chánh án cũng làm theo. Buscetta không bao giờ uống hết chén trà. Một cơn đau thắt đột ngột đến và ông ta cảm thấy như có que cời lửa nóng đỏ xuyên vào tim. Ôm lấy ngực, ông ta lắp bắp: - Ôi, trời ơi! Gọi bác sĩ. .... Lucia ngồi đó, lặng lẽ nhấp trà, nhìn ông chánh án lảo đảo rồi ngã xuống sàn, co quắp, rồi đờ ra. - Một thằng, thưa cha. -Lucia nói. Benitoi Patas đang chơi một mình trong buồng giam thì người cai ngục đến bảo: - Anh có bạn tình tới thăm. Benito gật đầu. Hắn được ban cho một thân phận đặc biệt trong tù, với nhiều đặc quyền. Những cuộc thăm viếng tình cảm chỉ là một trong số đó. Patas có nửa tá bạn gái, thay nhau vào thăm. Hắn tự hỏi hôm nay cô nào tới với mình. Hắn ngắm mình trong chiếc gương nhỏ trên tường phòng giám, xức một chút dầu thơm lên tóc, chải cho bóng lên, rồi bước theo người cai ngục đi dọc hành lang tới một khu có những phòng riêng. Hắn đứng lại, tròn mắt nhìn. - Lucia! Lạy Chúa, cô làm cái quái gì ở đây thế? Làm sao cô vào được đây? - Em nói với họ chúng mình đã đính hôn, Beniyto! Lucia nhỏ nhẹ. Cô mặc chiếc váy lụa trễ cổ lộng lẫy, dán chặt vào những đường cong cơ thể. Beniyto bước giật lùi: - Đi ra! - Nếu anh muốn vậy. Nhưng trước hết xin anh nghe em nói vài lời. Khi em nhìn thấy anh đứng trên bục để làm chứng buộc tội cha và các em, em căm thù anh, em đã muốn giết anh. -Cô tiến tới gần hắn. -Nhưng rồi em nhận ra được rằng điều anh làm là một hành động quả cảm. Anh dám đứng lên nói ra sự thật. Cha và các anh của em không phải quỷ, nhưng họ làm những việc làm của quỷ dữ và anh là con người duy nhất có đủ sức mạnh để chống lại họ. - Hãy tin tôi, Lucia. Hắn nói. -Bọn cảnh sát buộc tôi phải ... - Anh không cần phải giải thích. -Cô nói mềm mại. -Nhất là với em. Anh có nhớ lần đầu chúng mình bên nhau? Lúc đó em hiểu ngay rằng em yêu anh và em sẽ luôn luôn yêu anh. - Lucia, lẽ ra tôi không nên làm cái điều mà ... - Anh yêu? Em muốn chúng ta quên đi những việc đã qua. Nó đã lùi vào dĩ vãng. Điều quan trọng bây giờ là anh và em. Cô tiến tới bên hắn, và lúc này hắn có thể ngửi thấy mùi nước hoa dịu dàng tỏa ra từ người cô. Tâm trí hắn rối bời. - Cô định ... cái đó? - Hơn tất cả những gì em đã định trong cuộc đời. Đó là lý do hôm nay em tới đây. Để chứng tỏ với anh rằng em là của anh, và không phải chỉ bằng lời. Ngón tay cô lần nhẹ trên vai và khoảnh khắc sau chiếc váy đã nằm trên sàn. Cô hoàn toàn khỏa thân. - Anh tin em chứ? Chúa ơi, cô ta đẹp biết bao. - Bây giờ anh tin rồi. -Giọng hắn khàn khàn. Lucia tiến sát hắn, da thịt cô cọ vào người hắn. - Cởi ra anh, nhanh lên nào? -Cô thì thầm. Cô nhìn Patas cởi quần áo rồi ngoan ngoãn đi theo khi hắn cầm lấy tay cô dẫn tới chiếc giường trong góc phòng. Hắn đè nghiến cô xuống và leo phắt lên cô, mặt hắn nở nụ cười kiêu ngạo. - Giống như thời xưa vậy. -Hắn nói giọng tự mãn. -Em không thể quên anh được, phải không? - Vâng, -Lucia thì thầm bên tai hắn. -Thế anh có biết tại sao em không thể quên được anh không? - Không, em yêu. Nói anh nghe nào? - Bởi vì em là người Sicily, như cha em vậy. Cô với tay ra sau gáy, gỡ chiếc trâm cài tóc dài và nhọn. Benito Patas thấy đột ngột nhói đau bên sườn bèn há miệng như muốn kêu lên, nhưng Lucia đã kề miệng hôn hắn âu yếm và khi người Benito cong lên, quằn quại trên người cô thì ... Vài phút sau cô đã mặc xong quần áo, cài trâm lại vào tóc Benito nằm yên dưới chiếc chăn mỏng, mắt nhắm nghiền. Lucia gõ cửa và mỉm cười với người cai ngục tới mở cho cô, thì thầm: - Anh ấy ngủ! Viên cai ngục nhìn cô gái trẻ đẹp, mỉm cười: - Chắc hẳn cô đã vắt kiệt hắn. - Tội hy vọng thế. -Lucia đáp. Sự mạo hiểm tài tình của cô gái trẻ, đẹp trong hai vụ trả thù làm xôn xao nước Ý. Công chúng ý dễ bị kích động hân hoan chúc mừng cô, che giấu cho cô trốn chạy. Còn cảnh sát, hoàn toàn đương nhiên, có quan điểm khác. Lucia Carmine đã sát hại một vị chánh án đáng kính lại còn giết thêm một người nữa ngay bên trong bức tường nhà tù là cú chơi khăm tàn tệ không kém những tội ác do cô gây ra kia. Báo chí được dịp bán chạy với số lượng cao nhất. - Tôi muốn cái đầu nó. -Cảnh sát trưởng gầm lên. -Tôi muốn nó ngay hôm nay. Các mẻ lưới được tung ra, trong khi đó, trung tâm của sự chú ý lại đang ẩn náu tại nhà Salvatore Giuseppe, một trong những tay chân của cha cô may mắn thoát khỏi cơn bão lửa. Lúc ấy, suy nghĩ duy nhất của Lucia là trả thù cho cha và các anh. Cô nghĩ mình không thể trốn tránh mãi được và đã chuẩn bị kỹ càng để tự sát khi bị bắt. Tuy nhiên, sau một thời gian, suy nghĩ trong đầu cô đã chuyển sang sự sống. Cuộc sống với cô vẫn quý giá biết bao. Ta sẽ không để cho chúng tóm được, cô tự thề với mình. Không đời nào. Salvatore Giuseppe và vợ ông ta đã làm mọi thứ có thể để cải trang cho Lucia. Tóc cô trở nên sáng màu hơn, răng đen hơn, cô có thể đeo kính suốt ngày và chịu khoác lên mình những bộ quần áo tồi tàn. Salvatore soi xét tác phẩm thủ công của mình. - Không tồi, ông ta nói. -Nhưng cũng chưa an toàn. Chúng tôi phải đưa cô ra khỏi đất Ý. Cô phải tới một nơi mà ảnh mình không có trên trang nhất các báo. Một chỗ nào đó mà cô có thể nhởn nhơ được vài tháng. Lucia nhớ ra! Nếu khi nào cần một người bạn, con có thể tin tưởng Domimic Durell, như anh em với bố vậy: Ông ấy ông ấy có một ngôi nhà ở Beziers, bên Pháp, gần biên giới Tây Ban Nha. - Cháu biết một chỗ có thể tới được. -Lucia nói. Nhưng cháu cần một hộ chiếu. - Chúng tôi sẽ thu xếp. Hai mươi tư giờ sau, Lucia ngắm tấm ảnh mới chụp của mình trong hộ chiếu mang tên Lucia Roma. - Cô sẽ đi đâu? - Cha cháu có một người bạn bên Pháp có thể giúp cháu được. - Có cần tôi đi cùng tới biên giới ... -Salvatore nói. Cả hai đều biết điều đó nguy hiểm như thế nào. - Thôi ạ, chú Salvatore, chú giúp cháu thế là đủ. Sáng hôm sau Salvatore Giuseppe thuê một chiếc Fiat dưới cái tên Lucia Roma và đưa cô chìa khóa xe. - Cẩn thận nhé. -Ông lo lắng dặn dò. - Chú đừng lo. Cháu sinh ra dưới ngôi sao may mắn mà. Chẳng phải cha cô đã nói thế sao Tại biên giới Ý -Pháp, các xe con sắp thành hàng dài chậm chạp nhích lên đợi đến lượt làm thủ tục vào đất Pháp. Càng tiến gần tới trạm kiểm soát Lucia càng thấy sợ hãi. Họ đang bủa lưới tìm bắt cô ở mọi điểm ra. Nếu họ tóm được, Lucia hiểu, cô chỉ có một mức án duy nhất là ngồi tù tới hết đời. Ta sẽ tự sát trước. Lucia nghĩ. Cô tiến tới người sĩ quan cửa khẩu. - Hộ chiếu, thưa bà? Lucia đưa cho anh ta. Người sĩ quan nhận hộ chiếu và mở ra, rồi liếc nhìn Lụcia. Cô nhận thấy nét bối rối trong cặp mắt anh ta. Viên sĩ quan nhìn hộ chiếu, rồi ngẩng lên nhìn cô, lần này thì kỹ hơn nhiều. Lucia thấy người mình như tan ra. - Bà là Lucia Carmine. Chương 06 Không! -Lucia thét lên, mặt cắt không còn hột máu. Cô nhìn quanh và tìm đường thoát. Vô vọng. Đột nhiên viên sĩ quan mỉm cười trước sự kinh hoàng của cô. Anh ta cúi người về phía cô, thì thầm: - Thưa bà, ông cụ rất tất đối với gia đình tôi. Bà có thể đi được. Chúc bà may mắn! Lucia choáng váng trước may mắn bất ngờ. Cô nhấn ga và chồm lên vượt qua vạch đường biên. Viên sĩ quan cửa khẩu Pháp, người thường tự hào mình sành sỏi về phái đẹp đưa mắt nhìn người đàn bà không lấy gì là đẹp ở trước mặt. Cô có mái tóc hời hời, đeo đôi kính dày cộp, hàm răng xỉn và bộ trang phục cổ lỗ tồi tàn. Sao đàn bà Ý lại kém đến thế so với phụ nữ Pháp? Hắn khinh bỉ nghĩ rồi đóng dấu vào hộ chiếu của Lucia và vẫy tay cho cô đi. Sáu tiếng sau, Lucia tới Beziers. Đầu dây đằng kia trả lời ngay từ hồi chuông đầu. Một giọng nam mềm mại - Xin chào. - Cho tôi nói chuyện với Dominic Durell. - Dominic Durell đây. Ai đang nói vậy? - Lucia Carmine. Bố cháu dặn ... - Lucia? -Giọng nói mừng rỡ hẳn lên. -Bác đang đợi cháu đây. - Cháu cần được giúp đỡ. - Cháu có thể tin ở bác. Lucia thở dài trút nỗi lo âu. Đó là tin lành đầu tiên cô nghe được trong suốt một thời gian dài và đột nhiên cô cảm thấy mệt mỏi làm sao. - Cháu cần một chỗ có thể tránh được cảnh sát. - Không có vấn đề gì. Vợ chồng bác đã chọn sẵn một chỗ tuyệt vời, cháu muốn ở bao lâu cũng được. Điều đó tốt đẹp đến khó tin. - Cảm ơn bác! - Cháu đang ở đâu thế, Lucia? - Cháu đang ở ... Đúng lúc đó bỗng có tiếng máy đàm thoại sóng ngắn của cảnh sát phát sóng lách tách trong ống nghe, rồi đột nhiên lại biến mất. - Lucia ... Một tiếng chuông báo động vang lên trong đầu cô. - Lucia, cháu ở đâu thế Để bác cháu đến đón cháu? Sao ông ta lại có đàm thoại của cảnh. sát trong nhà? Ông ấy cầm máy ngay ở hồi chuông đầu tiên, cứ như đã chờ đợi cú điện thoại của cô từ lâu. - Lucia, cháu có nghe thấy bác không? Lucia tin chắc rằng người đàn ông ở đầu dây kia là một cảnh sát. Mẻ lưới đã được giăng sẵn. Cú điện này đang bị theo dõi. - Lucia ... Cô dập máy và vội vàng rời trạm điện thoại. Mìn phải biến khỏi Pháp ngay. Cô nghĩ và trở lại xe lấy bản đồ trong cốp ra xem. Biên giới Tây Ban Nha chỉ cách đó vài giờ xe. Cô cất bản đồ rồi mở máy cho xe chạy về phía Tây, nhắm hướng Sebastian. Chính tại biên giới Tây Ban Nha, mọi sự bắt đầu trở nên rắc rối. Viên sĩ quan cửa khẩu biên giới Tây Ban Nha xem qua loa hộ chiếu của Lucia song khi đưa trả lại, bỗng có cái gì đó khiến hắn do dự. Hắn nhìn kỹ cô hơn, nét mặt thay đổi. - Xin bà. đợi cho một phút. Tôi phải mang hộ chiếu vào đóng dấu ở trong kia: Hắn đã nhận ra ta, Lucia tuyệt vọng. Cô nhìn theo hắn đi vào bót cảnh sát và đưa hộ chiếu của cô cho một sĩ quan khác. Hai người trao đổi với vẻ hào hứng. Phải trốn ngay. Cô bước ra khỏi xe. Một nhóm du lịch người Đức vừa làm xong thủ tục hải quan đang ồn ào kéo lên chiếc xe buýt đỗ gần xe Lucia mang hàng chữ chỉ lộ trình: Madrid. . - Achtung, -người hướng dẫn nói to. -Schnell Lucia liếc về phía bót gác. Viên sĩ quan cầm hộ chiếu của cô đang hét gì đó vào máy. - Tất cả lên xe! Không nghĩ ngợi thêm, Lucia bước tới nhóm du lịch đang cười đùa chí chóe và bước lên xe, xoay mặt khỏi phía người hướng dẫn. Cô ngồi xuống một chiếc ghế ở phía cuối, cúi đầu xuống. Đi đi cô cầu khẩn, đi nào! . Qua cửa sổ ô tô Lucia thấy một người nữa bước tới chỗ hai người trước và cả chụm đầu trước tấm hộ chiếu của cô. Cứ như đáp lại lời cầu khẩn của Lucia, cửa ô tô đóng lại và tiếng máy như trả cô về với cuộc sống. Lát sau chiếc xe lăn bánh ra khỏi San Sebastian hướng về Madrid. Điều gì sẽ xảy ra khi những viên sĩ quan cửa khẩu đó phát hiện ra cô đã bỏ xe? Ý nghĩ đầu tiên chắc sẽ là: Cô ta vào phòng vệ sinh. Họ sẽ đợi và cuối cùng là cử người vào tìm cô trong đó. Bước tiếp theo, họ sẽ tìm kiếm cô ở trong khu vực xem cô trốn ở chỗ nào. Lúc đó, hàng chục xe con, xe ca sẽ bị lục soát. Cảnh sát sẽ không thể đoán được cô đã đi đâu và đi bằng phương tiện gì. Trên xe, toán du lịch ồn ào cười nói. Rõ ràng họ đang có một ngày hạnh phúc. Sao lại không, Lucia cay đắng nghĩ. Họ không bị cảnh sát rình rập theo sát gót. Có đáng phải mạo hiểm cả cuộc đời mình như thế không? Trong đầu cô tái hiện những hình ảnh về chánh án Buscetta và Benito. Tôi có cảm giác rằng cô và tôi sẽ trở thành những người bạn rất gần gũi. Lucia ... vĩnh biệt những kẻ ác. Và Benito Patas: Cứ như thời xưa vậy, em không thể quên anh được, phải không nào? Và cô đã bắt hai tên phản bội phải trả giá cho những tội lỗi của chúng. Thế có đáng không? Chúng chết, nhưng cha và các anh cô vẫn phải chịu tù đầy cho đến hết đời. Ồ, đáng lắm, Lùcia nghĩ, rất xứng đáng. Có người trên xe cất giọng một bài hát Đức. Những người khác hòa theo. “In Muuchen ein Holhrau Hans, eni wwei, sufạ.: “ Với nhóm này, mình sẽ an toàn được một lúc, Lucia nghĩ, tới Mađrid sẽ quyết định làm gì tiếp. Cô đã không bao giờ tới được Madrid. Đến thị trấn Avila, chiếc xe dừng tại một điểm có trong lịch trình để nghỉ ngơi, và để, như người hướng dẫn nói, đi vệ sinh. Lucia vẫn ngồi ở ghế, theo dõi hành khách lục tục chen nhau ra phía cửa trước. Mình ở đây an toàn hơn. Nhưng người hướng dẫn đã để mắt tới cô. - Xuống xe đi, -anh ta nói, -chúng ta chỉ dừng ở đây mười lăm phút. Lucia do dự, rồi miễn cưỡng đi ra phía cửa xe. Khi cô đi qua, người hướng dẫn bỗng gọi lại và nói: - Cô không phải người trong đoàn. Lucia trao cho anh ta một nụ cười thân mật. - Vâng, đúng thế. -Cô nói. -Ông thấy đấy. Xe của tôi bị hỏng ở San Sebastian, mà tôi thì lại rất cần về Madrid ngay, cho nên ... - Không thể được. Đây là một chuyến đi riêng. - Tôi hiểu. -Lucia nhỏ nhẹ. -Nhưng ông hiểu cho, tôi cần phảị. - Cô phải dàn xếp chuyện này với trụ sở công ty tại Munich. - Tôi không thể ... Tôi đang rất vội vã ... - Không? Cô sẽ gây rầy rà cho tôi. Xuống đi, nếu không tôi sẽ gọi cảnh sát. - Nhưng ... Dù cô có nói gì cũng không lay chuyển được anh ta. Hai mươi phút sau, Lucia cay đắng nhìn theo chiếc buýt quay mũi lao xuống đường cao tốc về phía Madrid. Cô đứng lẻ loi, không hộ chiếu, hầu như không có tiền, và cảnh sát của gần chục nước đang truy lùng cô vì tội giết người, sử dụng hộ chiếu giả, nhập cảnh bất hợp pháp, vân vân ... Cô xem xét kỹ xung quanh. Xe buýt đã dừng lại trước tòa nhà hình tròn có tấm biển chỉ dẫn đây là một bến xe khách. Mình có thể đi một xe khác ở đây. Cô bước vào trong. Đó là một tòa nhà rộng rãi tường đá hoa, rải rác xung quanh là hàng chục cửa bán vé. Mỗi cửa có một biển đề tên địa phương mà xe sẽ đến: SEGOVIA ... MUNOGALINDO ... VALIAPOLID ... SALAMANCA ... MADRID. Các cầu thang máy dẫn xuống tầng dưới, nơi các chuyến xe xuất phát. Ở đó có quầy hàng bán bánh rán, kẹo, bánh kẹp nhân bọc trong những giấy nến. Lucia chợt nhận ra mình đói cồn cào. Mình sẽ không mua bất cứ thứ gì cho tới khi biết giá vé xe là bao nhiêu. Đúng lúc Lucia bắt đầu bước tới ô cửa đề Mađriđ, có hai người cảnh sát mặc sắc phục đang vội bước tới bến xe. Một người cầm bức ảnh. Họ đi từ ô cửa này cửa khác chìa ảnh cho các nhân viên bán vé xem và hỏi han gì đó. Chúng nó tìm mình. Cái thằng du lịch khốn kiếp đã báo cho chúng. Có một gia đình hành khách đang lên thang máy. Họ đi ra phía cửa. Lucia bám theo, trà trộn trong họ và thoát ra ngoài. Cô đi theo những con đường rải đá của Avila, không dám bước mạnh, như sợ mọi người để ý. Cô rẽ vào con phố Madrid Soledad với những tòa nhà ốp đá và những ban công sắt uốn lượn cầu kỳ. Tới quảng trường Santa, cô ngồi xuống chiếc ghế đá dài trong công viên và nghĩ việc phải làm tiếp theo. Cách đó khoảng trăm mét có vài phụ nữ và vài đôi nam nữ đang ngồi thưởng thức cảnh hoàng hôn. Bỗng xuất hiện ở đầu kia quảng trường chiếc xe tuần tiễu và hai cảnh sát bước ra khỏi xe. Họ tiến tới những phụ nữ đang ngồi một mình và đòi xem giấy tờ. Tim Lucia đập nhanh. Cô cố gắng làm vẻ bình thản, đứng lên thật chậm, xoay lưng lại phía cảnh sát và thong thả bước đi. Phố bên cạnh có cái tên Sống và Chết. Không biết đây có phải là điềm báo không? Dọc phố có những con sư tử đá nom như sống thật đang thè lưỡi, và trong sự tưởng tượng của Lucia, chúng như đang lao vào cô. Gần bên cô là một nhà thờ lớn. Mặt trước nhà thờ treo tấm bảng kim loại lớn khắc hình một cô gái trẻ và cái đầu lâu đang nhăn nhở. Cảnh vật dường như cũng đầy sự chết chóc. Lucia chợt nghe thấy tiếng chuông nhà thờ. Xa xa, trên đồi cao mọc lên những bức tường của một tu viện. Cô đứng đó, nhìn lên không chớp mắt. - Sao con lại tới đây, con gái? -Bà Nhất Bentina nhẹ nhàng hỏi. - Con cần một nơi lánh nạn. - Và con đã quyết định lánh nạn nơi Chúa? Hoàn toàn chính xác. - Vâng ạ. -Lucia bắt đầu ứng biến. -Đó là điều con hằng mong muốn, là được hiến dâng đời mình cho Người. - Đó là điều chúng ta hằng mong ước, phải không con? Giêsu, bà ta bắt đầu mê tít rồi. Lucia thích thú nghĩ. Bà Nhất tiếp tục. - Con phải hiểu Cistercian là dòng tu nghiêm khắc nhất trong tất cả các dòng tu. Chúng ta hoàn toàn bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài. Lời bà như tiếng nhạc vang bên tai Lucia. - Những người đã bước vào bên trong những bức tường này có lời thề không bao giờ rời bỏ nó. - Con không đời nào rời bỏ. -Lucia cố gắng làm cho bà yên tâm. Chắc chắn là trong vài tháng tới. Bà Nhất đứng lên. - Đây là một quyết định quan trọng, ta muốn con hãy về và suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Lucia cảm thấy lợi thế đang trượt mất, và hoảng sợ. Cô còn chỗ nào để đi. Hy vọng duy nhất lúc này là được trốn tránh đằng sau những bức tường này. - Con nghĩ kỹ rồi. -Lucia vội nói. -Hãy tin con, thưa Mẹ khả kính, con đã không nghĩ về bất cứ điều gì khác từ hàng năm nay. Con muốn từ bỏ thế giới kia. -Cô nhìn sâu vào mắt Mẹ Trưởng tu viện. -Con muốn được ở đây hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. -Giọng Lucia run lên, chân thật. Mẹ Nhất đâm bối rối. Cô gái này có cái gì đó bất ổn, hoảng loạn hay đang xáo động? Dầu sao thì còn lý do nào tốt hơn để ai đó tới đây, nơi mà tinh thần họ sẽ được bình an bởi sự trầm lặng cầu nguyện? - Con theo đạo? - Dạ, thưa Mẹ! Mẹ Nhất cầm lấy chiếc bút lông ngỗng cổ lỗ: - Nói cho ta biết tên con, con gái. - Tên con là Lucia ... Roma. - Cha mẹ con còn sống chứ? - Con còn bố? - Ông ấy làm gì? - Là một thương gia. Nhưng đã ...nghỉ rồi ạ. Lucia nhớ tới hình ảnh người cha xanh xao gầy gò cô gặp lần cuối cùng trong tù mà lòng quặn đau. - Con có anh chị hay em không? - Có hai anh ạ. - Thế các anh con làm gì? Lucia quyết định phải dùng tới mọi thứ có thể giúp. Được cô, dù phải dối trá tới đâu, - Họ là linh mục. - Đáng yêu sao. Cuộc sát hạch kéo dài thêm ba giờ đồng hồ nữa. Vào lúc cuối, Mẹ Bentina nói: - Ta dành cho con chiếc giường nghỉ qua đêm nay. Sáng mai con sẽ bắt đầu tìm hiểu mọi quy định, song, nếu vẫn thấy muốn, con có thể nhập dòng tu. Nhưng ta báo trước, con đã chọn một con đường hết sức khó khăn. Xin hãy tin con. -Lucia nói nhiệt thành. -Con không thể chọn con đường nào khác. Làn gió đêm mềm mại và ấm áp thì thầm qua khoảng trống của khu rừng. Lucia thiếp đi. Cô thấy mình đang trong bữa tiệc tại một vila đẹp đẽ, cha cô, các anh cô cũng ở đó. Mọi người đều đang hết sức vui vẻ thì một người lạ mặt bước vào hỏi: Bọn người này là ai thế nhỉ? Rồi các ngọn đèn bật sáng, và một ngọn cứ nhấp nháy chiếu vào mặt cô. Nó khiến cô chói mắt, và thức giấc. Có đến sáu người đàn ông đang vây quanh mấy bà sơ trong khoảng rừng. Bị đèn chiếu vào mắt, Lucia chỉ nhận được lờ mờ hình dáng của họ. - Các bà là ai? -Người đàn ông hỏi. Giọng ông ta sâu và thô ráp. Lucia bừng tỉnh, cảnh giác. Cô đã bị sa bẫy. Nhưng nếu bọn người này là cảnh sát thì họ đã phải biết những bà sơ này là ai, và đang làm gì trong rừng vào buổi đêm thế này? Lucia chớp lấy cơ hội: - Chúng tôi là các bà sơ của tu viện Avila, một số người của chính phủ đã ... - Chúng tôi có nghe về vụ đó. -Người đàn ông ngắt lời. Các sơ khác cũng đã tỉnh giấc, hoảng sợ. - Các ông ... các ông là ai? -Megan hỏi. - Tôi là Jaime Miro. Họ có sáu người, vận những chiếc quần thô ráp, áo choàng da, áo len cổ thấp, giày xỏ dây và đội mũ bêrê truyền thống xứ Basque. Họ mang nhiều súng ống. Và trong ánh trăng mờ ảo trông họ như ma quỷ. Hai trong số họ cứ như vừa bị đánh đập nặng. Người đàn ông tự xưng là Jaime Miro nom cao, gầy, đôi mắt đen dữ tợn. - Có thể họ đã bị theo tới đây. -Anh quay sang một người trong nhóm. -Kiểm tra xung quanh. Lucia nhận ra người vừa đáp lời là một phụ nữ. Cô nhìn người đó di chuyển nhẹ nhàng trong khu rừng. - Mình sẽ làm gì với họ bây giờ -Ricardo Menado hỏi. Jaime Miro nói: - Chúng ta để họ lại rồi đi thôi. Một người trong bọn phản đối. - Jaime, đây là những bà sơ nhỏ bé của Giêsu. - Thì để cho Giêsu trông nom họ. Chúng ta còn có việc phải làm. -Jaime Miro nói cộc lốc. Các tu sĩ lúc này đã đứng lên cả, chờ đợi. Những người đàn ông xúm quanh Jaime, đang tranh cãi với anh ta. - Chúng ta không thể để cho họ bị bắt. Acoca và bọn lính đang truy lùng họ. - Thì chúng cũng đang lùng ta. - Các bà sơ sẽ không thể thoát được nếu chúng ta không giúp họ. Jaime Miro cương quyết: - Không, không thể mạo hiểm trao tính mạng mình cho họ. Chúng ta có sứ mệnh của chúng ta. Fellx Carpio, một trong những phụ tá của Jaime nóhúng ta có thể đi cùng họ một phần đường, Jaime. Chỉ cần giúp họ ra khỏi đây. -Anh ta quay sang hỏi. -Các tu sĩ về đâu? Theresa lên tiếng, ánh sáng của Chúa bừng lên trong mắt bà. - Tôi có một sứ mệnh của Chúa. ở Mendavia có một tu viện sẽ che chở cho chúng tôi. Felix Carpio quay sang Jaime Miro: - Chúng ta sẽ đưa họ tới đó. Mendavia nằm trên đường tới Sebastian. Jaime quay sang anh ta, không kìm được giận dữ: - Đồ ngu xuẩn? Sao cậu không trương biển lên báo cho cả thế giới biết ta sẽ tới đâu. - Tôi chỉ định ... - Bây giờ thì không còn cách nào khác là đưa họ đi cùng. Nếu Acoca tìm được họ, hắn sẽ bắt họ phải nói. Và họ sẽ làm chậm chân chúng ta cũng như sẽ làm cho Acoca và bọn đao phủ của hắn theo dõi chúng ta dễ hơn nhiều. Lucia chỉ nghe một tai, cây thánh giá vàng cách cô có một tầm với, Bọn khốn kiếp! Sao lại tới vào cái lúc này Chúa ơi, sao Chúa lại hài hước vậy. - Thôi được. -Jaime Miro nói. -Chúng ta sẽ đưa họ tới tận tu viện rồi để họ lại đó nhưng không thể đi cùng cả đám như gánh xiếc thế này được. -Anh ta quay sang mấy bà sơ, không giấu được vẻ bực tức trong giọng nói. -Có ai trong số các bà biết Menđavia ở đâu không? - Các bà sơ nhìn nhau. - Không chính xác lắm. -Graciela lên tiếng. - Vậy làm thế quái nào mà các bà đến đó được. - Chúa sẽ dẫn đường. -Sơ Theresa nói chắc chắn. Một người khác trong bọn, Rubio Arzano, cười nói: - Các sơ gặp may. -Anh ta hất đầu về phía Jaime. -Chúa đích thân xuống dẫn lối cho các sơ đấy. Cái nhìn của Jaime làm cho anh ta im lặng. - Chúng ta sẽ chia nhỏ ra đi ba đường khác nhau. Anh ta lấy tấm bản đồ từ chiếc gói sau lưng ra. Cả bọn xúm quanh nó và chiếu đèn vào. - Tu viện Mendavia nằm ở đây, phía. Đông NamLogrono. Tôi sẽ đi theo hướng Bắc qua Vailadolld rồi tới Burgos. -Anh ta đưa ngón tay chạy dọc bản đồ, rồi quay sang Rubio, một người đàn ông cao lớn ưa nhìn. -Cậu đi đường này tới Olmedo, lên Penafiel rồi Randa de Duero. Rubio gật đầu. Jaime Miro nhìn Ricardo Mellado, một trong số hai người mặt mày bầm tím. - Ricardo, cậu tới Sêgovia, rồi theo đường nối tới Cerezo de Abazo, rồi tới Soria. Chúng ta sẽ gặp lại tại Logrono. -Anh ta cất tấm bản đồ đi. -Từ đây đến Logrono là hai trăm mười cây số. -Anh ta nhẩm tính. -Sau bảy ngày nữa chúng ta sẽ gặp nhau ở đó. Nhớ tránh xa các đường chính. - Gặp nhau tại chỗ nào ở Logrono? -Felix hỏi. - Đoàn xiếc Nhật Bản sẽ biểu diễn ở Logrono tuần tới -Ricardo nói. - Tốt lắm. Ta sẽ gặp nhau ở đó vào buổi biểu diễn. Các tu sĩ sẽ đi như thế nào? -Felix Carpio lên tiếng. - Ta phải chia họ ra. Đã đến lúc phải ngăn họ lại, Lucia quyết định. - Thưa các ông. Nếu bọn lính đang tìm bắt các ông, thì chúng tôi sẽ đi đường khác cho an toàn. - Nhưng chúng tôi thì không để như vậy được, thưa sơ Jaime nói. -Các sơ đã biết kế hoạch của chúng tôi. - Hơn nữa, -người mang tên Rubio nói thêm. -Các sơ không có cơ hội nào đâu. Chúng tôi thuộc vùng này. Chúng tôi là người Basque và những người ở miền Bắc là bạn bè chúng tôi cả. Họ sẽ giúp chúng ta, che giấu ta khỏi bọn lính quốc gia. Các sơ sẽ không bao giờ đi được Mendavia, nếu tự đi. Ta không định tới Menđavia, ngốc ạ - Thôi được, lên đường đi. Tôi muốn chúng ta phải xa khỏi đây trước bình minh. -Jalme Miro vẫn cáu kỉnh. Sơ Megan lặng lẽ nghe người đàn ông đang ra lệnh. Anh ta có vẻ ngạo mạn và xấc xược, song ở con người này cũng toát ra một uy lực mạnh mẽ. Jaime nhìn sang Theresa và chỉ vào Tomas Sanzuro cùng Rubio. - Họ sẽ lo cho bà. - Chúa lo cho tôi. -Sơ Theresa nói. - Rõ. Nên các bà mới tới đây được. -Jaime đáp cộc lốc. Rubino bước tới Theresa. - Rubio Arzano xin được phục vụ sơ. Gọi sơ là gì đây. - Tôi là sơ Theresa. Rất nhanh Lucia lên tiếng: - Tôi sẽ đi cùng Theresa. -Bất cứ giá nào cô cũng không để họ chia rẽ mình với cây thánh giá vàng. - Cũng được. -Jaime gật đầu, anh ta chỉ tay vào Graciela. -Ricardo, cậu nhận sơ này. Ricardo Mellado gật đầu. - Được thôi. Người đàn bà mà Jaime phái đi trinh thám đã trở lại. - Không có gì. -Cô nói. - Tốt. -Jaime nhìn Megan. -Sơ sẽ đi với chúng tôi. Megan gật đầu. Cô thấy thích con người này. Người phụ nữ cũng có cái gì đó kích thích sự hiếu kỳ. Nước da sẫm, cái nhìn dữ tợn và những nét cú vọ của loài thú ăn thịt, miệng như một vết thương nhỏ.Ở cô ta toát ra một dục tính mãnh liệt. Người phụ nữ bước đến bên Megan. - Tôi là Amparo Jiron. Sơ cứ ngậm tiếng lại thì sẽ không có chuyện gì phiền phức. Jaime nói với mọi người. - Đi thôi nào. Đến Logrono trong bảy ngày. Không rời mắt khỏi các bà sơ. Sơ Theresa và Rubio Arzano bắt đầu đi xuống con đường nhỏ. Lucia vội vã theo sau. Cô đã thấy tấm bản đồ mà Rubio Arzano đeo sau lưng. Ta sẽ lấy nó, Lucia quyết định, vào lúc hắn ngủ. Cuộc hành trình xuyên Tây Ban Nha bắt đầu. * * * * * Miguel Carrillo choáng váng. Sự thật là Miguel carrilo hết sức choáng váng. Đó không phải một ngày tốt đẹp với hắn. Buổi sáng bắt đầu tuyệt vời biết bao khi hắn vớ được mấy nữ tu và đánh lừa được họ rằng mình cũng là một tu sĩ. Khi cạm bẫy sập thì cũng là lúc hắn bị đánh bất tỉnh, tay chân bị trói gô còng queo dưới sàn cửa hiệu trang phục. Chính là bà vợ chủ hiệu đã phát hiện ra hắn. Đó là một phụ nữ đã có tuổi, vạm vỡ, tính tình cắn cảu, lại có ria mép. Bà ta nhìn người đàn ông bị trói gô dưới đất hỏi: - Ngươi là ai? Ngươi là cái gì đây? Carrillo vận hết sự quyến rũ của mình: - Ôi cảm tạ Chúa, bà đã đến, senorita. Tôi đang cố gắng tìm cách thoát khỏi cái bẫy này để có thể gọi điện thoại báo cho cảnh sát. - Ngươi vẫn chưa trả lời ta? - Hắn cố gắng vùng vẫy để tạo một tình thế dễ chịu hơn. - Lời giải thích rất đơn giản. Senorita, tôi là tu sĩ Gonzales. Tôi tới đây từ một tu viện gần Madrid. Lúc đi ngang qua cửa hàng xinh đẹp của bà, thì tôi thấy hai người đàn ông đang trèo vào trong hiệu. Tôi cảm thấy ngăn chúng lại là nhiệm vụ cao cả của người con của Chúa bèn theo chúng vào trong này, hy vọng có thể giảng giải cho chúng thấy được tội lỗi. Nào ngờ lại bị chúng đánh ngất đi, rồi chúng trói tôi lại. Nào, xin bà làm ơn cởi trói cho ... - Mierda! Hắn ngạc nhiên nhìn. - Bà nói sao? - Mày là ai? - Tôi vừa nói, tôi là ... - Mày là thằng lừa đảo xấu xa nhất, tao biết. Bà ta bước về phía mấy bộ áo choàng mà các nữ tu đã bỏ lại - Thcái gì đây? - A! Cái đó, phải rồi, hai gã thanh niên đã mặc để đánh lừa mọi người, bà thấy đấy, và ... - Ở đây có bốn bộ mà mày lại nói là có hai người. - Phải, hai đứa nữa vào sau và ... Bà ta bước về phía máy điện thoại. - Bà làm gì vậy, thưa bà? - Gọi cảnh sát. - Điều đó chưa cần thiết, tôi đảm bảo với bà như vậy Ngay sau khi bà cởi trói, tôi sẽ tới ngay đồn cảnh sát để báo lại mọi sự việc. Người đàn bà nhìn chiếu tướng hắn: - Ông quên cài cúc kìa, thưa cha! Cảnh sát còn tỏ ra ít hiểu hơn cả người đàn bà. Carrillo bị bốn người Gurda Civil xét hỏi. Những bộ đồng phục màu xanh và những chiếc mũ dạ đen thế kỷ Mười tám cũng đủ gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp đất nước Tây Ban Nha và rõ ràng là chúng có phép mầu đối với Carrillo. . . - Anh có biết rằng mình có đặc điểm giống hệt người đã giết một vị linh mục ở phía Bắc? Carrillo gật đầu. - Tôi không ngạc nhiên. Tời có một người em sinh đôi, cầu Chúa trừng phạt hắn đi. Bởi nó mà tôi phải vào tu viện. Người mẹ đau khổ của chúng tôi ... - Đừng lỡm. Một người khổng lồ với khuôn mặt đáng sợ bước vào phòng. - Xin kính chào ngài, ngài đại tá Acoca. - Anh ta đây à? - Vâng, thưa đại tá. Chúng tôi đã tìm thấy hắn cùng với quần áo mấy nữ tu, vì thế tôi nghĩ có thể ngài muốn tự hỏi cung hắn. - Phải, tôi rất thích được nói chuyện với anh này. Carrillo trao cho viên đại tá cái nhìn duyên dáng của hắn. - Ngài đã tới, tôi rất vui sướng, thưa đại tá. Tôi có một sứ mệnh của nhà thờ, và một điều hết sức quan trọng, là phải đến được Barcelona càng sớm càng tốt. Tôi đã cố gắng giải thích với các vị đây rằng tôi là nạn nhân của hoàn cảnh, đơn giản chỉ vì tôi cố gắng làm một người làm phúc. Đại tá Acoca gật đầu thông cảm. - Bởi ông đang vội, tôi sẽ không lấy nhiều thời gian của ông. Carrillo tươi cười: - Cảm ơn ngài đại tá. - Tôi sẽ hỏi ông vài điều đơn giản. Nếu ông trả lời trung thực, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Còn nếu nói dối tôi, thì sẽ rất đau đớn đối với ông. -Y mân mê vật gì trong tay. - Người nhà Trời không biết nói dối. -Carrillo đáp thẳng thắn. - Tôi rất sung sướng được nghe vậy. Hãy kể về bốn nữ tu. - Tôi không biết gì về bốn ... Quả đấm va vào miệng hắn có gắn những núm đồng, làm máu bắn tóe ra. - Chúa ơi, ông làm cái gì thế? -Carrillo hổn hển. - Hãy nói về bốn nữ tu. -Acoca nhắc lại câu hỏi. - Tôi không ... Quả đấm lại tìm đến cái mồm Carrillo, lần này nghe như có tiếng răng gãy: Carrillo ngạt thở vì máu trào ra. - Đừng, tôi ... - Nói về bốn nữ tu. -Giọng Acoca vẫn nhẹ nhàng, vừa phải. - Tôi ... -Hắn nhìn thấy nắm đấm đang từ từ nâng lên. - Có! tôi ... -Từ ngữ chen nhau tuôn ra. -Họ ở Villacastin, đang chạy trốn khỏi tu viện của họ. Xin đừng đánh tôi nữa. - Tiếp tục! - Tôi ... tôi bảo sẽ giúp họ. Họ cần phải thay quần áo ... - Nên anh đột nhập vào cửa hiệu ... - Không. Tôi ... vâng. Tôi ... họ lấy trộm một số quần áo rồi đánh tội xỉu, rồi bỏ tôi ở đó. - Họ có nói sẽ đi đâu chứ? - Không! -Một thoáng tự trọng bất ngờ xuất hiện trong Carrillo việc hắn không đả động gì đến Mendavia cũng chẳng có gì liên quan đến việc bảo vệ các tu sĩ. Carrilo chẳng mảy may để ý đến họ. Đó chỉ bởi vì viên đại tá đã làm biến dạng khuôn mặt hắn. Sau khi ra tù, nếu có ngày ấy lạy Chúa, việc làm ăn của hắn sẽ rất khó khăn. Đại tá Acoca quay sang mấy người lính dân vệ: - Xem sự thuyết phục hữu nghị thì làm được gì nào? Đưa nó tới Madrid, bắt giữ về tội giết người. Lucia, sơ Theresa, Rubio Arzano và Tomas Sanjuro đi theo hướng Tây Bắc, nhằm phía Olmedo, tránh xa những đường chính, băng qua những cánh đồng lúa. Họ đi ngang những đàn cừu, dê và cảnh đồng quê yên ả đối nghịch với sự gian nguy đang trải qua. Họ đi thâu đêm. Rạng sáng, họ hướng về một điểm đã định sẵn trên vùng đồi. Thị trấn Olmedo ở phía trước. Chúng ta sẽ dừng chân tại đây cho đến tối. Hai sơ nom như muốn ngủ lắm rồi. Sơ Theresa thì thấy như kiệt sức. Nhưng điều đang diễn ra trong nội tâm bà còn ghê sợ hơn nhiều. Bà thấy mình như đang xa dần thực tại. Nó bắt đầu với việc biến mất của chuỗi tràng hạt quý giá. Bà đánh mất -hay có kẻ đã lấy cắp? Bà không rõ. Nó là niềm an ủi của bà đã bao năm, bà không còn nhớ. Nó đã trở thành một phần của đời bà, sự yên lành của bà, thế mà nó lại đã mất tích! Bà mất nó Ở tu viện khi có cuộc tấn công? Và có thật là có cuộc tấn công không? Dường như không. Bà không chắc được điều nào là thực, điều nào là tưởng tượng. Đứa trẻ bà đã thấy. Nó có phải con của Monique? Hay Chúa đánh lừa bà? Mọi thứ đều lẫn lộn. Không như khi bà còn trẻ, tất cả đều rõ ràng, đơn giản. Khi bà còn trẻ ... Chương 07 Khi lên tám tuổi, hầu như mọi nguồn hạnh phúc đến với cuộc sống của Theresa de Fosse đều từ nhà thờ. Nó giống như một ngọn lửa thần bí cuốn cô vào hơi ấm của mình. Cô tới nhà thờ nhỏ Pénitent Blance, cầu kinh ở nhà thờ lớn tại Monaco và Notre Dame Bon Voyage ở Cannes, nhưng cô thường xuyên có mặt trong các buổi lễ nhà thờ tại Eze. Theresa sống trong lâu đài ở vùng núi, phía trên một làng trung cổ Eze, gần Monte Carlo trông ra Côte d Azru. Làng này nằm cheo leo trên một mỏm núi và đối với Theresa, từ đó có thể nhìn thấy cả thế giới. Từ tu viện ở trên đỉnh, những nếp nhà chạy xuống theo sườn núi cho tới Địa Trung Hải xanh thẳm phía dưới. Monique, kém Theresa một tuổi, là vẻ đẹp của cả gia đình. Ngay từ lúc bé, người ta đã có thể biết lớn lên cô sẽ là một phụ nữ tuyệt vời. Monique có những đường nét thanh tú, cặp mắt long lanh và cảm giác tự tin, rất hợp với dáng vẻ của cô. Theresa thì xấu xí đến tai hại. Sự thực, ông bà De Fosse rất xấu hổ về người con gái lớn của họ. Nếu Theresa chỉ xấu vừa phải thôi thì họ đã gửi cô tới một bác sĩ chỉnh hình để cái mũi của cô ngắn lại, đưa cái cằm của cô ra phía trước hay chỉnh cho hai mắt cô cùng nhìn vào một điểm. Nhưng vấn đề là mọi đường nét ở cô đều lệch lạc. Mọi thứ đều đặt không đúng chỗ, cứ như một diễn viên hề làm biến dạng khuôn mặt để gây cười. Nhưng nếu Chúa đã lừa cô về hình dáng bên ngoài, thì người lại đền bù bằng cách ban cho cô một món quà đáng kể. Theresa c của một thiên thần. Giọng cô được chú ý ngay trong lần đầu tiên cô hát ở đội đồng ca nhà thờ. Giáo dân ngạc nhiên nghe chất giọng trong trẻo, thuần khiết bay ra từ đứa trẻ. Theresa càng lớn, giọng cô càng mượt mà. Cô được giao toàn bộ phần hát lĩnh xướng của nhà thờ song Theresa thấy xấu hổ với ngoại hình của mình mỗi khi phải đứng tách riêng ra lĩnh xướng. Ở trường học, Monique có tất cả bạn bè. Trai cũng như gái đều kéo bầy kéo đàn đến với cô. Họ muốn được chơi cùng,cô, muốn được người khác nhìn thấy họ ở bên cô. Cô được mời có mặt ở mọi buổi liên hoan. Theresa cũng được mời, nhưng luôn quá muộn, như một sự hoàn thành nghĩa vụ xã hội và Theresa đau đớn cảm nhận điều đó - Ô, Renee! Em không thể chỉ mời một trong hai đứa trẻ nhà De Fosse mà không mời đứa kia. Thế sẽ là mất lịch sự. Monique rất xấu hổ có một bà chị xấu xí, còn cho rằng dầu sao bà chị cũng làm ảnh hưởng tới mình. - Ông bà De Fosse đối xử đúng mực với cô con gái lớn. Họ hoàn thành nghĩa vụ bậc cha mẹ một cách kỹ càng nhưng rõ ràng, người mà họ yêu chiều vẫn là Monique. Cái điều mà Theresa luôn khao khát thì cô lại không được đó là tình yêu thương. Theresa là đứa trẻ ngoan ngoãn, sẵn sàng và mong muốn được làm hài lòng mọi người, một học trò giỏi, yêu nhạc, yêu lịch sử, ngôn ngữ, và rất chăm chỉ. Các thầy cô giáo, đám gia nhân và người dân thị trấn ai nấy đều xót xa cho cô. Như lời một thương gia khi cô rời cửa hiệu ông ta. - Chúa đã không để ý khi tạo ra con bé. Nhà thờ là nơi duy nhất Theresa tìm thấy tình người. Linh mục thương cô, Chúa Giêsu thương cô. Sáng sáng, cô đi lễ Met và làm dấu mười bốn bận. Quý trong nhà thờ mái vòm lạnh lẽo, cô cảm thấy sự hiện diện của Chúa. Khi hát, Theresa tràn ngập cảm giác hy vọng và cảm nhận được điều kỳ diệu nào đó sẽ đến với mình. Đó là điều duy nhất khiến cô còn chịu đụng nổi cuộc sống. Theresa không bao giờ lộ ra nỗi bất hạnh của mình cho cha mẹ hay em gái biết, vì không muốn họ phiền lòng. Cô cũng giữ kín trong lòng mình điều bí mật rằng Chúa yêu cô biết bao và cô cũng yêu Chúa nhường nào. Theresa yêu em gái mình. Họ cùng chơi bên nhau ngoài khu đất quanh lâu đài và cô thường để Monique thắng trong các trò chơi. Họ cùng đi thám hiểm theo những bậc đá trơn tuột trổ vào sườn núi dẫn xuống làng Eze phía dưới, và lang thang dọc theo các đường phố hẹp đầy cửa hiệu, xem các nghệ sĩ bán tác phẩm của họ. Khi hai cô gái bước sang tuổi học trò, lời tiên đoán của mọi người đã thành sự thật. Monique càng trở nên xinh đẹp hơn và đám con trai vây bọc lấy cô, trong khi Theresa có rất ít bạn. Cô thường ở nhà may vá, đọc sách một mình. Hôm đó, khi đi qua phòng khách, Theresa nghe thấy cha mẹ đang bàn luận về mình. - Rồi nó sẽ thành gái già. Chúng ta sẽ phải cưu mang nó cả đời. - Theresa sẽ tìm được một người. Tính tình con bé rất dịu dàng. - Đó không phải là cái mà thanh niên ngày nay quan tâm. Chúng cần đứa nào làm chúng sung sướng trên giường kia. Theresa chạy trốn. Theresa vẫn hát trong nhà thờ vào các chủ nhật và bởi thế, một sự kiện đã đến, hứa hẹn làm thay đổi cuộc đời cô. Trong giáo đoàn, có bà Neff, dì ruột của giám đốc đài phát thanh Nice. Một buổi sáng chủ nhật bà ở lại nói chuyện với Theresa. - Này cô bé, cô đang phung phí đời mình ở đây. Cô có một giọng hát khác thường nên phải biết tận dụng nó. - Cháu đang tận dụng nó đây. Cháu ... - Tôi không định nói về ... -Bà nhìn quanh nhà thờ ...-chỗ này. Tôi muốn nói là phải sử dụng giọng hát một cách chuyên nghiệp. Khi nghe cô hát, tôi tự hào vì mình đã tìm ra một tài năng. Tôi muốn cô hát cho cháu tôi nghe. Cậu ấy có thể đưa cô lên Radio. Cô có muốn thế không? - Cháu ...cháu không biết. -Ý nghĩ đó khiến cô hoảng sợ. - Về bàn với gia đình xem sao. - Mẹ nghĩ đó là một điều tuyệt vời. -Mẹ cô nói. - Điều đó có thể tốt cho con. Cha cô gật gù. Nhưng chính Monique lại có ý ngăn cản điều đó. Chị không phải là người hát chuyên nghiệp, -cô nói. Chị đừng tự làm trò cười cho thiên hạ. Điều đó chẳng có liên quan chút nào với lý do cô ta ngăn cản người chị. Monique sợ Theresa có thể thành công. Hiện tại, cô ta luôn được mọi người chú ý. Thật không công bằng, Monique nghĩ, khi Chúa lại ban cho Theresa giọng hát tuyệt vời như thế. Nếu chị ấy trở nên nổi tiếng thì sao Mình sẽ bị ra rìa, bị lu mờ.Vì thế, Monique tìm mọi cách để chị mình không đi thử giọng. Nhưng chủ nhật sau, bà Neff vẫn giữ Theresa lại và bảo: - Tôi đã nói chuyện với cháu tôi. Cậu ấy sẵn lòng để cho cô thử giọng, và sẽ đợi cô vào ba giờ chiều thứ tư. Thế là thứ tư tuần đó, một cô Theresa hết sức sợ hãi đã xuất hiện ở đài phát thanh tại Nice và đến gặp giám đốc! - Tôi là Louis Bonnet. -Anh ta nói cụt lủn. -Tôi sẽ dành cho cô dăm phút. Sự xuất hiện của một Theresa bằng xương bằng thịt chỉ khẳng định thêm nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của anh ta. Bà dì cũng đã từng gửi đến đây những tài năng mặt mũi thế này. Phải bảo bà ấy mới được. Nhung anh ta biết mình không dám. Vấn đề ở chỗ bà dì rất giàu và anh ta lại là người thừa kế duy nhất. Theresa theo Louis Bonnet đi qua một hành lang hẹp dẫn vào một buồng phát thanh nhỏ. - Cô đã bao giờ hát trên sóng phát thanh chưa? Chưa ạ, thưa ngài. -Chiếc áo khoác của cô ướt đẫm mồ hôi. Sao mình lại đem thân vào chốn này? Theresa tự hỏi. Cô đang trong cơn hoảng sợ, chỉ chực chạy trốn. Bonnet để cô ngồi trước chiếc micro. Hôm nay, không có người chơi piano nào ở đây cho nên cô sẽ phải hát một cappella. Cô có biết nó là gì không? - Dạ có, thưa ngài. - Tuyệt! -Anh ta tự hỏi, không phải lần đầu, rằng chẳng biết bà dì có đủ giàu cho bõ công mình làm những cuộc thử giọng ngu xuẩn này không? Tôi sẽ ở phòng điều khiển. Cô có đủ thời gian để hát một bàl. - Thưa ngài, tôi sẽ phải ... Anh ta đã đi khuất, Theresa ngồi một mình trong phòng, nhìn chằm chằm vào micro. Cô không biết mình sẽ hát bài gì. Hãy đi gặp anh ta. -Bà dì anh ta đã nói thế. -Đài phát thanh có chương trình ca nhạc vào các tối thử bảy ... Mình phải thoát khỏi đây thôi. Giọng của Louis từ đâu phát ra: - Tôi không có cả một ngày trời đâu. - Xin lỗi. Tôi không thể ... . Nhưng anh chàng giám đốc đã quyết định trừng phạt cô vì tội đã làm mất thời gian. - Vài nốt thôi, -anh ta khăng khăng đòi. Đủ để anh ta có thể n với bà dì rằng cô gái này ngu xuẩn tới mức nào. Có thể nhờ đó mà cản được bà ta thôi đưa tới đây những người được bà bảo hộ. - Tôi đợi đây Anh ta ngả lưng vào ghế, châm một điếu Gitaule. Bốn tiếng nữa mới phải đi. Yvette vẫn sẽ đợi. Anh sẽ có thời gian vào phòng cô, trước khi về nhà với vợ mình. Có khi còn kịp để ... Anh ta chợt nghe thấy, và không thể tin vào tai mình. Một giọng hát ngọt ngào, trong vắt đến ...lạnh cả sống lưng. Một giọng hát đầy ước mơ và khát vọng, về sự cô đơn và nỗi tuyệt vọng, về những tình yêu đã mất và những giấc mơ đã chết ... Giọng hát khiến anh ta trào nước mắt. Nó khuấy động những ẩn giấu trong sâu thẳm mà bấy lâu anh ta tưởng chúng đã chết. Đây là tất cả những gì anh ta có thể thất lên. Giêsu Kitô! Nàng ở đâu ra vậy? Một nhân viên phụ trách máy bước vào buồng chỉ huy từ lúc nào, đang đứng nghe như bị thôi miên. Cánh cửa buồng lại mở ra và những người bị giọng hát cuốn hút lũ lượt kéo nhau vào. Họ đứng chết lặng khi nghe những âm thanh xé lòng từ một trái tim tuyệt vọng đang gào thét đòi tình thương. Trong phòng tịnh không còn tiếng động nào khác. Khi bài hát kết thúc, sự tĩnh mịch còn kéo dài mãi. Cuối cùng, một phụ nữ cất tiếng: - Bất kể cô ta là ai, không được để giọng hát này “thoát”. Louis Bonnet vội vã đi sang phòng phát thanh. Theresa đang nhấp nhỏm đợi được về: - Xin lỗi vì tôi ngồi lâu quá. Ngài hiểu cho, tôi chưa bao giờ.. - Nào, ngồi xuống đã, Maria. - Tôi là Theresa. - Xin lỗi cô. -Anh ta hít thật sâu. -Chúng tôi có chương trình ca nhạc vào các đêm thứ bảy. - Tôi biết. Tôi vẫn thường nghe. - Cô đồng ý hát trên chương trình ấy nhé! Theresa tròn mắt nhìn anh ta, không thể tin vào điều vừa nghe thấy. .. - Ngài nói ... ngài muốn ... thuê tôi? Bắt đầu từ tuần này. Chúng tôi sẽ trả thù lao ở mức tối thiểu. Nhưng với cô, đó sẽ là một khoản thu nhập lớn đấy! Điều đó hầu như tốt đẹp đến khó tin. Họ sẽ trả tiền cho mình hát. - Thuê chị ấy à? Bao nhiêu cơ? -Monique hỏi. - Chị không biết. Chị không quan tâm. -Điều quan trọng là có người cần đến mình. Theresa định nói thế nhưng rồi kìm lại được. - Một điều kỳ diệu. Vậy là con được lên đài.-Cha cô nói. Mẹ cô đã sắp đặt xong các kế hoạch: - Tất cả bạn bè của chúng ta sẽ được nghe và họ sẽ phải gửi thư đến nói rằng con hát hay làm sao. Theresa nhìn Monique, đợi cô em gái nói: Mẹ không phải làm thế. Chị Theresa hát rất hay. Nhưng Monique không nói gì. Chuyện ấy sẽ sụp đổ nhanh chóng là điều cô ta đang nghĩ. Monique đã nhầm. - Tối thứ bảy tại đài phát thanh, Theresa thấy sợ hãi. Hãy tin tôi! Louis Bonnet trấn an cô. -Hoàn toàn bình thường thôi. Tất cả các nghệ sĩ đều qua đây cả mà. Họ đang ngồi chờ ở một phòng nhỏ màu xanh dành cho các diễn viên. - Cô sắp sửa khiến cho tất cả người nghe xúc động. - Tôi sắp lên cơn sốt thì đúng hơn. Không còn thời gian đâu. Cô sẽ diễn sau hai phút nữa. Chiều hôm đó Theresa đã tập dượt vớl dàn nhạc nhỏ sẽ đệm cho cô. Buổi tập thật không bình thường. Căn phòng chật ních các nhân viên của đài, những người đã được nghe về cô gái trẻ ngoài sức tưởng tượng. Không một ai nghi ngờ rằng họ đang chứng kiến sự ra đời của một ngôi sao. - Thật đáng tiếc, cô bé xinh không được nhiều. Giám đốc sân khấu chép miệng. -Nhưng chỉ nghe trên đài thì cũng chẳng ảnh hưởng gì ... Buổi biểu diễn tối đó của Theresa thật tuyệt vời. Cô thấy mình chưa bao giờ lại được hát như thế. Ai biết được những gì rồi sẽ đến với mình? Cô có thể trở nên nổi tiếng và đàn ông sẽ quỳ dưới chân cô, cầu xin cô lấy họ, như họ đã cầu xin Monique. Như đọc được ý nghĩ của cô, Monique nói: - Em rất mừng cho chị, nhưng đừng để chuyện đó cuốn chị đi. Những thứ này chẳng bền đâu. Sẽ bền, Theresa hạnh phúc nghĩ cuối cùng mình đã được làm người, một con người như mọi con người. Sáng thứ hai, một cú điện thoại đường dài gọi đến cho Theresa. - Chắc hẳn thằng cha nào đó đùa cợt. -Cha cô bảo. Hắn nói hắn là Jacques Raimu. Một giám đốc sân khấu sáng chói nhất nước Pháp. Theresa thận trọng nhấc máy. - Alô! - Cô De Fosse đấy ạ? - Vâng. - Theresa De Fosse phải không? - Vâng, tôi đây. - Jacques Raimu đây. Tôi đã được nghe chương trình của cô trên đài vào tối thứ bảy. Cô chính là người tôi đang tìm. - Tôi ... Tôi không hiểu. - Tôi đang dựng vở tại nhà hát kịch Comédie Francaise, một vở ca kịch. Tôi đang tìm một người có giọng hát như cô. Nói thật là không thể có giọng hát nào giống được cô. Ai đang phụ trách cô đấy? - Phụ trách tôi ấy à? Tôi ... không có ai phụ trách tôi cả. - Vậy tôi sẽ tới và chúng ta sẽ thỏa thuận cụ thể. - Ngài Raimu ... tôi ... tôi không được xinh đâu. -Thật đau đớn cho cô phải nói ra điều đó, nhưng cô hiểu là không có cách nào khác. Không được để ông ta mong đợi hão huyền. Ông cười: - Cô sẽ xinh đẹp khi ta thỏa thuận xong. Nhà hát là tạo dựng. Nghệ thuật hóa trang sân khấu có thể làm mọi ma thuật mà người ta không thể tin được. - Nhưng ... - Mai tôi sẽ gặp cô. Một giấc mơ trên đỉnh cao của sự kỳ diệu. Được làm ngôi sao trong một vở kịch của Raimu? - Bố sẽ thỏa thuận trực tiếp với.ông ta. -Cha cô nói. -Con phải cẩn thận khi tiếp xúc với một người của nhà hát. - Bố mẹ sẽ mua cho con một cái váy mới. -Mẹ cô nói. Và mẹ sẽ mời ông ta ăn cơm tối. Monique im lặng. Đến nước này thì không thể chịu nổi nữa. Không thể nghĩ được rằng chị cô lại đang trở thành một ngôi sao. Có lẽ, còn một cách để ... Monique đã sắp xếp để cô là người đầu tiên xuống thang khi Raimu đến nhà De Fosse chiều hôm đó. Cô gái trẻ trung và xinh đẹp tới mức tim ông muốn nhảy ra ngoài. Để đón ông, cô ta mặc chiếc áo dài buổi chiều màu trắng giản dị, làm nổi bật thân hình tuyệt vời. Lạy Chúa, ông ta nghĩ. Hình dáng này với cái giọng ấy!Côgái hoàn hảo thật.Cô ấy sẽ trở thành ngôi sao vĩ đại. - Tôi không thể nói hết niềm vinh hạnh được gặp cô. -Raimu nói. - Tôi rất sung sướng được gặp ngài. Tôi là một người cực kỳ hâm mộ ngài. Thưa ngài Raimu -Monique cười nồng hậu. - Hay lắm. Rồi chúng ta sẽ rất hợp nhau trong công việc Tôi mang theo đây một kịch bản. Đó là một câu chuyện tình rất thơ mộng, tôi nghĩ là ... Đúng khoảnh khắc ấy Theresa bước vào phòng. Cô vn chiếc váy mới, nhưng trông thật ngượng ngập. Nhìn thấy Jacques Raimu, cô dừng lại. - Ôi xin chào. Tôi không biết ngài ở đây.Tôi định nói là ... ngài tới sớm. Ông nhìn Monique dò hỏi. - Đây là chị tôi, chị Theresa. -Monique nói. Cả hai đều thấy được ấn tượng dữ dội qua sự thay đổi nét mặt của ông ta. Nó chuyển từ trạng thái sốc sang thất vọng, rồi là kinh tởm. - Cô là cô ca sĩ đó? - Vâng. Ông quay sang Monique: - Thế cô là ... Monique cười vẻ ngây thơ, nói: - Tôi là em gái chị Theresa. Raimu quay sang xem xét lại Theresa, rồi lắc đầu. - Rất lấy làm tiếc, -ông nói với Theresa. -Cô quá ... -ông lúng túng tìm chữ. - Cô quá trẻ. Nếu cô thứ lỗi, tôi sẽ trở về Paris. Và họ đứng đó nhìn ông bước ra cửa. Ăn tiền rồi, Monique hân hoan. Ăn tiền rồi. Theresa không tham gia thêm buổi phát sóng nào nữa. Louis Bonnet nài nỉ cô trở lại, nhưng nỗi đau đớn quá lớn khiến cô khước từ. Nhìn thấy em gái mình rồi, Theresa nghĩ, thì còn ai dám cần đến mình nữa Mình thảm hại quá. Chừng nào còn sống, Theresa sẽ còn không quên được cái ánh mắt và vẻ mặt Jacques Raimu. Chỉ tại mình mơ mộng ngu ngốc. Theresa tự nhủ. Đó là Chúa phạt mình đấy mà. Sau đó, Theresa chỉ hát trong nhà thờ, và ngày càng trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Mười năm tiếp theo, Monique xinh đẹp chối bỏ hàng chục lời cầu hôn. Nào là con trai thị trưởng, con chủ nhà băng, bác sĩ ...nào là con các nhà buôn giàu có. Dập dìu quanh cô có từ các chàng trai trẻ vừa mới ra trường tới các vị có danh tiếng, thành đạt ở tuổi bốn mươi, năm mươi. Họ là những người giàu hay kẻ nghèo, già nua hay trẻ trung, đẹp mã hay xấu xí, có học hoặc vô học. Đáp lại tất cả họ, Monique nới không! - Thế con muốn tìm cái gì? -Cha cô chán nản hỏi. - Cha à, ở đây người nào cũng nhạt nhẽo. Eze quả là nơi nghèo nàn. Hoàng tử trong mơ của con ở Paris kia. Làm theo bổn phận, ông gửi cô con gái tới Paris. Và đành phải cho Theresa đi cùng em gái. Mỗi cô đi thăm Paris theo cách riêng của mình. Monique tham dự các buổi dạ hội từ thiện và các bữa tiệc đầy hấp dẫn, dùng trà với những đàn ông danh giá Theresa thì đi thăm bảo tàng Les Invalldes và bảo tàng Louvre. Monique đến các cuộc đua ngựa ở Longchamp hay các hội hè ở Malmaison. Theresa thì tới Notre Dame cầu nguyện và thả bộ theo con đường rợp bóng dọc kênh đào St.Martin. Monique đến nhà hàng Maxim hay Moulin Rouge, trong khi Theresa thơ thẩn dạo quanh bến cảng, tạt vào các hiệu sách, dừng chân ở nhà thờ thánh Dems. Theresa thích Paris, còn Monique, xét về mọi góc độ, chuyến đi thật là thất bại. Khi họ trở về, Monique bảo với cha: - Không thể tìm thấy một người nào mà con muốn cưới. Không gặp được một ai khiến con thấy hấp dẫn sao? - Không hoàn toàn thế. Có một chàng trai đưa con tới nhà hàng Maxim. Cha hắn là chủ các mỏ than. - Trông anh ta thế nào? -Mẹ cô háo hức. - Ờ, hắn ta rất giàu, rất đẹp trai, rất lịch sự và rất chiều chuộng con. - Anh ta có cầu xin con cưới anh ta không? - Cứ mười phút lại hỏi một lần. Cuối cùng đơn giản là con từ chối gặp lại hắn. Mẹ cô nhìn cô ngạc nhiên: - Sao lại thế? - Bởi vì tất cả câu chuyện hắn nói ra chỉ là về than than rải đường, than cục, tan xám. Nhạt nhẽo, thật là nhạt nhẽo. Năm sau, Monique quyết định rằng cô phải trở lại Paris. - Chị sẽ đi gói đồ của chị. -Theresa nói. - Không Lần này em sẽ đi một mình. -Monique lắc đầu Vì thế, trong khi Monique đi Paris, Theresa ở nhà và sáng sáng lại vào nhà thờ cầu nguyện cho em gái mình sẽ tìm được một hoàng tử xứng đáng. Rồi một hôm, phép mầu nhiệm đến. Mầu nhiệm bởi nó đến chính với Theresa chứ không là ai khác. Hoàng tử đó có tên là Raoul Givradot. Vào một chủ nhật, anh đến nhà thờ và nghe cô hát. Anh chưa từng được nghe một giọng hát như thế. Mìnhphải gặp cô ấy, anh tự nhủ. Sáng hôm sau, khi Theresa dừng lại ở cửa hàng tạp hóa trong làng mua ít vải thì Raoul Givradot đang đứng sau quầy hàng. - Ca sĩ? Cô nhìn anh, lúng túng. - Xin ... xin lỗi! - Hôm qua tôi được nghe cô hát trong nhà thờ, thật tuyệt. Anh đẹp trai, cao lớn, với đôi mắt sẫm tỏa sáng và đôi môi ướt mọng đáng yêu. Anh ngoài ba mươi, hơn Theresa độ một hai tuổi. Theresa sững sốt trước ngoại hình của anh, tới nước chỉ còn lắp ba lắp bắp. Cô nhìn anh, tim dập thình thịch. - Ca ... Cảm ơn ... tôi ... tôi muốn mua ba thước vải mushin. - Rất sung sướng được phục vụ cô, mời cô sang bên này. -Raoul cười. Theresa bỗng thấy mê mẩn trước sự hiện diện của chàng trai, với thân hình đẹp đẽ, và hơi hướng đàn ông bao quanh anh. Khi Raoul đang gói ba thước vải lại cô mới dám hỏi: - Anh môi ... anh mới tới đây phải không? Anh nhìn cô. Nụ cười của anh làm cô run bắn lên. - Tôi tới Eze được vài ngày rồi. Dì tôi là chủ hiệu này. Bà ấy cần được giúp đỡ và tôi nghĩ rằng mình sẽ làm việc ở đây một thời gian. Một thời gian là bao nhiêu? Theresa thấy mình tự đặt câu hỏi ấy. . - Lẽ ra cô phải là ca sĩ chuyên nghiệp mới đúng. -Raoul bảo. Theresa nhớ đến ấn tượng trên nét mặt Raimu khi ông nhìn thấy cô. Không, cô sẽ chẳng mạo hiểm thò mặt ra nữa. - Cảm ơn -Theresa lẩm bẩm.. Trước vẻ bối rối và ngượng ngập của cô, Raoul cố kéo cô vào câu chuyện. - Tôi chưa từng tới Eze. Một thị trấn xinh đẹp đấy. - Dạ. -Theresa ấp úng. : - Cô sinh ra ở đây? - Vâng. - Cô có yêu nó không? - Có Theresa cầm gói vải, chạy biến đi. Hôm sau, cô tìm được lý do để trở lại cửa hàng. Cô đã thức tới nửa đêm để chuẩn bị những câu chuyện cô sắp nói với Raoul. Tôi rất mừng vì anh thích Eze ... Tu viện này có từ thế kỷ Mười bốn, anh biết không? Anh đã bao giờ tới Saint-Paulđe-Vence chưa? ở đó có một nhà thờ đáng yêu ... Tôi rất thích Monte Carlo, anh thấy thế nào? Thật tuyệt vời khi được ở đó. Thỉnh thoảng em gái tôi và tôi lái xe xuống Granđe Corniche và đi nhà hát Fort Antoine. Anh có biết cái nhà hát ấy không? Đó là nhà hát ngoài trời ... Anh có biết Nice một thời được gọi là Nikaia? Ồ, anh không biết? Đúng thế đấy. Trước đây, những người Hy Lạp đã từng ở đó. Nice có một bảo tàng hài cốt những người thượng cổ sống cách đây ba ngàn năm, điều đó thú vị nhỉ? Theresa tự trang bị hàng chục câu chuyện mào đầu. Thật không may, khoảnh khắc cô bước vào cửa hiệu và nhìn thấy Raoul, mọi thứ vụt bay hết. Cô chỉ đứng chôn chân nhìn anh, không nói được lời nào. - Chào, -Raoul nói. -Thật vui được gặp lại cô, cô DeFosse. - Cảm ơn, -cô thấy mình thật ngốc nghếch. Mình ba mươi tuổi rồi đấy, cô nghĩ thầm, thế mà mình lại đang hành động như ở tuổi học trò. Dừng lại ngay. Nhưng cô không thể dừng lại được. - Hôm nay tôi có thể giúp gì cho cô? - Tôi cần ... cần thêm muslin. Cái thứ cuối cùng cô cần đến. Cô nhìn Raoul khi anh đi lấy cuộn vải, khi anh đặt cuộn vải lên quầy và trải ra đo. - Cô cần bao nhiêu? - Anh đã có gia đình chưa? -Cô định nói hai mét nhưng lại bật ra câu này. Anh ngẩng lên nhìn cô với nụ cười nồng hậu trên khuôn mặt. - Chưa, tôi chưa được làm kẻ may mắn đó. Anh đáp. Anh sắp sửa thôi, Theresa nghĩ, ngay khi Monique từParis trở về. Monique sẽ yêu thích người đàn ông này. Họ thật hoàn hảo cho nhau. Cứ nghĩ tới phản ứng của Monique khi gặp Raoul, Theresa tràn đầy vui sướng. Có. một cậu em rể như Raoul Givradot cũng thật thú vị. Hôm sau, khi Theresa đi qua cửa hiệu, Raoul nhìn thấy bóng cô vội vàng chạy ra. - Xin chào cô. Tôi sắp được nghỉ. Nếu cô rỗi, mong cô bằng lòng dùng trà cùng tôi. - Tôi ... tôi ... vâng, cảm ơn anh. Theresa như cứng lưỡi trước anh, còn Raoul thì làm mọi thứ có thể để cô được tự nhiên, thoải mái và liền sau đó, Theresa thấy mình đang nói với con người lạ này những điều mà cô chẳngbao giờ nói với ai -về sự cô đơn. - Đám đông có thể càng làm người ta cô đơn hơn. -Theresa nói. -Tôi luôn cảm thấy mình như một ốc đảo trong biển người. - Tôi hiểu, -anh cười. - Ồ, nhưng chắc anh phải có nhiều bạn lắm. - Chỉ quen biết thôi. Suy cho cùng, có ai thật sự là nhiều bạn đâu. Dường như cô đang nói chuyện với bóng hình mình trong gương. Một giờ đồng hồ qua đi rất nhanh, đã đến lúc Raoul phải trở về với công việc. - Cô có vui lòng dùng bữa trưa ngày mai cùng tôi? -Khi họ đứng dậy, Raoul hỏi. Anh ta tốt bụng, tất nhiên là vậy. Theresa biết rằng chẳng người đàn ông nào có thể cảm thấy cô hấp dẫn, đặc biệt một chàng trai hào hoa phong nhã như Raoul Givradot. Cô tin rằng anh tốt với tất cả mọi người. - Tôi rất vui lòng. -Theresa nói. Hôm sau, khi cô tới, Raoul vui như trẻ con. - Tôi được nghỉ cả buổi chiều. Nếu cô không quá bận, sao ta không phóng xuống Nice nhỉ? Họ lao xe theo con đường dốc dọc Moyenne Corniche. Thành phố trải ra như một tấm thảm diệu kỳ phía dưới họ. Theresa dựa vào ghế, nghĩ Mình chưa từng được hạnh phúc như thế này. Rồi cô thấy như có lỗi. Mình đang hạnh phúc thay cho Moniquẹ. Từ Paris, Momque sẽ trở về vào ngày hôm sau và Raoul sẽ là món quà Theresa dâng cho em gái mình. Cô cũng đủ thực tế để biết rằng những Raoul này sinh ra trên đời không phải dành cho mình. Cô đã đón nhận đủ đau đớn trong đời và từ lâu đã biết cái gì là có và cái gì là không thể. Người đàn ông đẹp trai đang ngồi bên cô là một giấc mơ mà cô không được phép mơ tới. Họ ăn trưa ở Le Chanteler, trong khách sạn Negresco tại Nice. Đó là một bữa ăn tuyệt vời, nhưng sau đó thì Theresa không nhớ nổi mình đã ăn những gì Hình như cô và Raoul không hề dừng cuộc chuyện trò Họ có rất nhiều thứ để giãi bày với nhau. Raoul dí dỏm, duyên dáng, và tự nhiên. Anh thấy cô quyến rũ. Thật sự quyến rũ. Anh hỏi điều và chăm chú nghe cô bày tỏ. Họ đồng nhất hầu hết về mọi chuyện, cứ như họ đã là bạn tâm tình của nhau hàng năm nay. Nếu Theresa có chút hối tiếc nào về điều gì sắp đến, cô kiên quyết gạt ngay nó ra khỏi đầu. - Anh có vui lòng tới dùng bữa tối với chúng tôi vào ngày mai không? Em gái tôi sẽ từ Paris trở về. Tôi muốn anh biết cô ấy. - Tôi rất sung sướng, Theresa. Hôm sau, khi Monique trở về, Theresa không thể kìm được câu hỏi: - Em đã tìm được chàng trai nào thú vị ở Paris chưa? -Rồi cô nín thở chờ câu trả lời. - Lại vẫn những người nhạt nhẽo ấy, -Momque đáp. Vậy là Chúa đã định. - Chị dã mời một người tới dự bữa tối nay. Chị nghĩ em sẽ thích anh ta. -Theresa nói. Mình sẽ không bao giờ để cho ai biết mình thích anh ấy như thế nào. Theresa nghĩ. Đúng bảy giờ ba mươi tối hôm đó, người quản gia đưa Raoul Givradot vào phòng khách, nơi mà Theresa, Monique và cha mẹ họ đang chờ đợi. - Đây là mẹ tôi và cha tôi, thưa ngài Raoul Givradot. - Xin chào ông bà. - Và em gái tôi, Monique. -Theresa hít sâu một hơi. - Xin chào ông. -Biểu hiện của Monique là lịch sự, không có gì hơn. Theresa nhìn Raoul, hy vọng anh ta bị choáng váng trước vẻ đẹp của Monique. - Rất hân hạnh! -Chỉ là vẻ lịch sự. Theresa nín thở đợi những ánh mắt mà cô nghĩ và tin là sẽ bay qua bay lại giữa hai người. Nhưng Raoul đang nhìn Theresa. - Đêm nay cô trông đáng yêu làm sao, Theresa. - Cảm ... cảm ơn. -Cô đỏ mặt nói lắp bắp. Mọi sự tối hôm đó đều đảo lộn. Ý định đưa Monique và Raoul đến với nhau, để được xem họ cưới nhau, để có một cậu em rể như Raoul -thậm chí không có cả dấu hiệu nảy nở. Khó mà tin là mọi chú ý của Raoul lại chỉ dành cho Theresa. Nó như một điều kỳ diệu trong mơ đang biến thành sự thực. Cô thấy mình là Cinderella, cô gái xấu xí mà hoàng tử đã chọn để cầu hôn. Điều đó không thực, nhưng lại đang xảy ra, mà Theresa thấy mình đang cố sức chống lại. Cô thật sự muốn chống lại Raoul và sự quyến rũ của anh, bởi cô hiểu điều đó tốt đẹp quá mức, đến phi lý và cô hoảng sợ ngỡ như sự đau đớn lại xảy ra lần nữa. Suốt những năm qua cô đã giấu kín tình cảm của mình, bảo vệ mình khỏi nỗi đau đớn đến tột cùng vì sự chối bỏ. Giờ đây, theo bản năng, cô lại cố sức làm điều đó. - Tôi đã nghe con gái ông bà hát, -Raoul nói, thật vô cùng kỳ diệu. Theresa thấy mặt mình nóng bừng. - Mọi người đều ca ngợi giọng hát của chị ấy. -Monique ngọt ngào nói. - Đó là một buổi tối kỳ ảo, và đỉnh điểm của nó rồi cũng phải đến. Khi đồ tráng miệng đã được mang đi, Raoul nói với cha mẹ Theresa: . - Khu nhà của ông bà trông thật đáng yêu, -rồi anh quay sang Theresa. -xin phép được cô đưa đi thăm vườn. Theresa nhìn qua Monique, cố gắng tìm một biểu hiện tình cảm nào đó trên mặt em gái nhưng Monique lại tỏ ra hết sức thờ ơ. Chắc nó bị mù, bị câm, bị điếc. Theresa nghĩ bụng. Thế rồi cô nhớ lại những chuyến Monique tới Paris, tới Cannes hay St.Tropez để tìm một hoàng tử hoàn mỹ cho mình nhưng chẳng lần nào gặp được. Vậy thì đó không phải lỗi của đàn ông, mà là lỗi của em gái mình. Nó đã không hiểu được chính nó cần gì. - Tôi sẵn lòng quay sang Raoul. Ra ngoài rồi, cô vẫn không quên “mơ ước” của mình. - Anh có thích Monique không? - Cô ấy có vẻ rất đẹp, -Raoul đáp, hãy hỏi tôi thích chị của cô ấy thế nào? Rồi anh ôm và hôn cô. Cảm giác đó Theresa chưa một lần có được. Cô run rẩy trong vòng tay anh. Cảm ơn Chúa, xin cảm tạ Người. - Tối mai em đi ăn với anh nhé? -Raoul hỏi. - Vâng. -Theresa thở hổn hển. -Ồ, vâng. Khi còn có hai chị em, Monique nói: - Anh ta hình như thật sự thích chị. - Chị cũng nghĩ thế, -Theresa xấu hổ nói. - Chị cũng thích anh ấy à? - Ừ. - Ồ, hãy cẩn thận, bà chị lớn! -Monique cười to. -Đừng để chuyện ấy chui vào đầu chị. Quá muộn rồi, Theresa nghĩ bụng. Quá muộn rồi. Sau đó, ngày nào Theresa và Raoul cũng ở bên nhau. Monique thường đi cùng với họ. Ba người tới những khu dạo chơi, tới các bãi biển ở Nice và vui đùa ở những khách sạn làm bánh cưới. Họ ăn trưa tại một tiệm nhỏ rất hấp dẫn ở Cap d Antibes, đi thăm nhà thờ Matsise ở Vence. Họ ăn tối ở lâu đài Chèvre d Or (Dê Vàng) và nhà hàng Thánh Michel nổi tiếng. Có hôm, từ năm giờ sáng cả ba đã cùng tới khu chợ ngoài trời của nông dân, họp kín các đường phố Monte Carlo, mua bánh mì mới, rau và hoa quả. Những ngày chủ nhật, khi Theresa hát trong nhà thờ, Raoul và Monique thường có mặt Ở đó để nghe và sau đó anh thường xiết chặt Theresa và nói: - Em đúng là một phép lạ. Anh có thể nghe em hát suốt đời Bốn tuần sau cuộc gặp đầu tiên, Raoul cầu hôn Theresa. - Anh tin rằng em có thể có bất kỳ người đàn ông nào em muốn, -Raoul nói, nhưng anh sẽ rất sung sướng nếu được em chọn. Trong một khoảnh khắc khủng khiếp, Theresa nghĩ rằng anh ta đang nhạo báng mình, nhưng trước khi cô kịp nói ra ý nghĩ đó, anh lại tiếp tục - Em yêu, anh phải nói với em rằng anh chưa được biết nhiều phụ nữ, nhưng em là người tế nhị nhất, tài năng nhất, tình cảm nhất ... Mỗi từ như một nốt nhạc bên tai Theresa. Cô muốn cười vang lên. Cô muốn hét to lên. Tôi hạnh phúc biết bao, cô nghĩ, yêu và đượcyêu. . - Em sẽ lấy anh nhé? Ánh mắt cô đủ nói lên câu trả lời. Khi Raoul đi rồi, Theresa chạy như bay vào thư viện, nơi em cô, mẹ cô và cha cô đang ngồi uống cà phê. - Raoul vừa cầu hôn với con, Mặt cô đỏ bừng và hầu như có một vẻ đẹp xuất hiện ở cô Cha mẹ cô như sững ra. Họ có vẻ choáng váng. Chính Monique lên tiếng trước: - Theresa, chị có chắc là anh ấy không quan tâm tới tiền của gia đình ta không? Câu nói như một cái tát vào mặt cô. - Em không định ác ý như thế. -Monique tiếp tục. -Nhưng mọi điều hình như đến quá nhanh. Theresa quyết định không để bất cứ điều gì cản trở niềm hạnh phúc của mình. - Chị biết em muốn bảo vệ chị, -cô nói - Nhưng Raoul có tiền. Ông bố có để lại cho anh ấy một gia sản nhỏ. Hơn nữa, anh ấy không ngại phải làm lụng để kiếm sống. Cô cầm tay em gái trong tay mình, vẻ tội nghiệp. -Nào, xin em hãy mừng cho chị, Monique. Chị chưa từng nghĩ là sẽ được biết đến cảm giác này. Chị hạnh phúc đến có thể chết được. Thế rồi cả nhà ôm lấy cô và nói họ mừng cho cô biết bao, rồi họ bắt đầu hào hứng bàn về những dự tính cho lễ cưới Sớm tinh mơ hôm sau Theresa tới nhà thờ, quỳ cầu nguyện. Cảm tạ Người, Cha của con. Cảm tạ Người đã cho con niềm hạnh phúc dường ấy. Con sẽ làm mọi điều để xứng đáng với tình yêu của Người và của Raoul. Amen. Theresa bước vào hàng bách hóa, đôi chân chơi vơi trên mặt đất, và nói: - Nếu ngài bằng lòng, tôi sẽ đặt mua một ít vải để may váy cưới. Raoul cười vang ôm lấy cô trong tay. - Em sắp là một cô dâu tuyệt đẹp rồi. Và Theresa hiểu anh định nói gì. Đó là phép mầu nhiệm. Đám cưới được dự định tổ chức sau đó một tháng tại nhà thờ làng. Tất nhiên Monique sẽ là người phù dâu. Năm giờ chiều thứ sáu, Theresa nói chuyện lần cuối cùng với Raoul. Mười hai giờ ba mươi ngày thứ bảy, khi cô đang đứng trong phòng làm lễ của nhà thờ đợi chú rể -lúc đó đã chậm ba mươi phút -thì linh mục đến cầm tay kéo cô sang một bên. Theresa ngạc nhiên trước sự xúc động của ông. Tim cô đập mạnh. - Làm sao vậy, cha? Có chuyện gì? Có chuyện gì xảy ra với Raoul? - Ôi, con của ta, -linh mục nói, -Theresa yêu quý, tội nghiệp của cha. - Gì thế, cha? Nói cho con đi? -Cô bắt đầu hoảng sợ. - Cha, cha vừa mới nhận được tin đây thôi. Raoul ... - Tai nạn? Anh ấy có sao không? -Cô gần như hét lên. - ... đã rời thị trấn sớm hôm nay. - Anh ấy làm sao? Chắc có chuyện gì khẩn cấp khiến anh ấy phải ... - Anh ta đã cùng ... em gái con. Mọi người thấy họ lên chuyến tàu đi Paris. Căn phòng xoay tít. Không. Theresa nghĩ. Mình không được ngất đi, mình không được tỏ ra bối rối trước Chúa. Cô chỉ còn nhớ lờ mờ về những gì xảy ra sau đó. Từ xa xôi vọng đến bên cô tiếng linh mục tuyên bố gì đó về lễ cưới, và loáng thoáng nghe thấy tiếng ồn ào trong nhà thờ: Mẹ Theresa ôm cô con gái, nói: - Theresa tội nghiệp của mẹ. Em gái con độc ác quá. Mẹ rất đau lòng. Nhưng Theresa lại bỗng tỉnh táo. Cô biết làm sao để mọi việc trở nên bình thường. - Đừng buồn mẹ ạ. Con không trách Raoul đã phải lòng Monique đâu. Người đàn ông nào cũng vậy thôi. Đáng ra con phải biết không có người đàn ông nào lại yêu được con. - Con nói sai rồi. -Cha cô kêu lên. -Con đáng giá bằng mười Monique. Nhưng sự so sánh của người cha đã quá muộn màng. - Con muốn về nhà. Họ đi qua đám đông. Khách khứa trong nhà thờ rẽ sang hai bên nhường lối, lặng lẽ nhìn theo. Khi về tới lâu đài, Theresa khẽ nói: - Xin đừng lo cho con. Con hứa với bố mẹ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp Rồi cô lên phòng cha lấy ra một lười dao cạo và cứa vào hai cổ tay. * * * * * Khi Theresa mở mắt, bác sĩ riêng và linh mục của làng đang đứng bên giường cô. - Không -Cô hét lên -Tôi không muốn trở lại Hãy để tôi chết. Để cho tôi chết! - Tự sát là một trọng tội. Chúa đã cho con cuộc sống, Theresa. Chỉ Người mới có thể quyết định khi nào nó kết thúc. Con còn trẻ. Còn cả cuộc đời phía trước. -Linh mục nói. - Để làm gì? -Theresa thổn thức. Để chịu đựng hơn nữa? Tôi đã không thể chịu nổi nỗi đau đang phải chịu. Tôi không thể chịu được! Giêsu đã chịu đựng nỗi đau và đã chết cho tất cả chúng ta. Đừng quay lưng lại với Người. -Ông nhẹ nhàng nói. Bác sĩ đã khám xong cho cô. Cô cần nghỉ ngơi. Tôi đã nói với bà nhà cho cô ăn kiêng nhẹ một thời gian, -ông chỉ tay vào cô, -nhưng không có món dao cạo đâu đấy. Sáng hôm sau Theresa lê ra khỏi giường. Khi cô đi vào phòng khách, mẹ cô nói vẻ cảnh giác: - Con dậy làm gì thế Bác sĩ bảo ... - Con phải vào nhà thờ. Con cần nới chuyện với Chúa. -Theresa đáp giọng khàn khàn. - Mẹ sẽ đi với con. -Mẹ cô lưỡng lự. - Không, con phải đi một mình. - Nhưng ... - Để cho con nó đi. -Cha cô gật đầu. Họ nhìn theo cái bóng không hồn chệnh choạng ra khỏi nhà. - Điều gì sẽ đến với con bé nữa nhỉ? -Mẹ Theresa thì thầm. - Có trời mà biết. Cô bước vào nhà thờ quen thuộc, tiến đến trước điện và quỳ xuống: - Ta đến nhà Người để nói với Người vài điều, hỡi Chúa? Ta khinh bỉ Người vì Người đã sinh ra em ta được xinh đẹp Ta khinh bỉ Người vì Người đã sinh ra ta xấu xí. Ta khinh bỉ Người vì đã để cho em ta mang đi người đàn ông duy nhất mà ta yêu quý. Ta phỉ nhổ vào Người. Những câu cuối cô nói to tới mức mọi người xung quanh quay cả sang nhìn. Cô đứng dậy và xiêu vẹo ra khỏi nhà thờ. Theresa không bao giờ tin rằng lại có một nỗi đau đớn đến thế. Đau đớn đến không thể chịu nổi, đến không thể nghĩ về một điều gì khác, khiến cô mất ăn mất ngủ. Ký ức luôn hiện rõ trong trí óc cô, giống như các cảnh trong một cuốn phim. Cô nhớ lại ngày cùng Raoul và Monique đi dạo dọc bãi biển ở Nice. . - Trời hôm nay bơi thì tuyệt. - Raoul nói. - Em cũng muốn thế, nhưng không thể được. -Theresa không biết bơi. -Em sẽ không phiền lòng nếu hai người xuống bơi. Em đợi ở khách sạn nhé. Và cô đã sung sướng khi thấy Raoul cùng Monique bắt thân nhau dễ dàng thế. Họ ăn trưa tại một quán trọ gần Cagne. Người hầu bàn nói: - Món tôm hùm hôm nay đặc biệt ngon. - Em sẽ ăn món này. à Monique nói. -Theresa tội nghiệp không thể ăn được, tôm cua sẽ làm chị ấy ho rũ rượi. Ở St.Tropez: - Anh nhớ cưỡi ngựa quá. Ở nhà thì sáng nào anh cũng đi ngựa. Em có muốn đi với anh không, Theresa? - Em ... Em sợ không được, Raoul. - Em sẵn lòng đi cùng anh, -Monique nói: - Em cũng thích cưỡi ngựa. Thế là họ đi suốt buổi sáng. Có hàng trăm bằng chứng, nhưng cô đã quên hết cả. Cô bị mù lòa, bởi cô muốn thế. Những ánh mắt mà Raoul và Monique trao cho nhau, những đụng chạm vô tình, những tiếng thì thầm và những chuỗi cười. Sao mình lại ngu ngốc đến thế nhỉ? Đêm đến, khi Theresa cố chợp được mắt thì lại nằm mơ. Nhưng giấc mơ luôn khác nhau, nhưng cũng luôn giống nhau. , Raoul và Monique đang làm tình trên sàn, trần truồng. Và con tàu đang chạy qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang hẻm núi. Chiếc cầu bỗng dưng sập xuống và tất cả, con người lẫn con tàu, đều lao xuống vực thẳm. Raoul và Monique đang tại phòng khách sạn, trần truồng trên giường. Raoul ném mẩu thuốc lá hút dở xuống đất và căn phòng nổ tung, lửa trườn lên và thui cháy cả hai người, tiếng gào của họ làm Theresa tỉnh giấc. Từ một đỉnh núi, Raoul và Monique ngã xuống dòng sông, hay chết trong một tai nạn máy bay. Những giấc mơ luôn khác nhau. Những giấc mơ luôn giống nhau. Cha mẹ Theresa hết sức lo ngại. Họ nhìn con gái ngày càng tiều tụy, nhưng không biết làm gì để giúp cô. Đột nhiên Theresa bắt đầu ăn. Cô ăn luôn mồm. Dường như lúc nào cũng thấy đ. Cô lấy lại được trọng lượng và tiếp tục tăng cân, cho tới khi da dẻ cô hồng hào. Khi cha mẹ thử nói với cô về nỗi đau lòng, cô bảo: - Con bây giờ khỏe rồi. Đừng lo cho con. Theresa lại tiếp tục cuộc sống như chẳng có gì xảy ra. Cô vào phố, đến các cửa hiệu và làm những việc thường làm. Tối tối cô ăn cùng cha mẹ, rồi đọc sách, thêu thùa. Cô đã xây quanh mình một pháo đài vững chắc và khẳng định sẽ không ai có thể chọc thủng nó. Không người đàn ông nào còn dám nhìn mình nữa. Không bao giờ nữa. Bề ngoài, Theresa có vẻ vui. Bên trong cô đắm chìm trong sâu thẳm cô đơn, tuyệt vọng. Ngay cả khi có mọi người ở xung quanh cô vẫn một mình ngồi trong chiếc ghế cô đơn, trong căn phòng cô đơn, trong ngôi nhà cô đơn và trong thế giới cô đơn. Khoảng một năm sau, cha cô đi Avila. - Cha có vài việc phải giải quyết ở đó, -ông nói với Theresa. -Xong là cha sẽ rỗi rãi, sao con không đi với cha. Avila là một thị trấn rất hấp dẫn. Nó sẽ làm con vui vẻ. Hãy lánh xa nơi này một thời gian. - Không, cảm ơn cha. - Thôi được, -ông nhìn bà vợ thở dài. Người quản gia từ ngoài đi vào phòng khách. - Xin lỗi, cô DeFosse. Bức thư này gửi cho cô, nó vừa tới. Dù chưa bóc thư, Theresa đã ngập tràn phỏng đoán về một điều kinh khủng đang chập chờn quanh nó. Bức thư viết: Theresa, người yêu dấu của anh, Chúa biết anh không có quyền được gọi em là người yêu sau cái điều kinh khủng anh đã làm, nhưng anh xin hứa sẽ bù đắp lại cho em, dù có phải trả bằng cả cuộc đời Anh không biết bắt đầu từ đâu. Monique đã bỏ đi, để lại đứa con gái hai tháng tuổi.Nói thật ra, anh cảm thấy nhẹ người. Anh phải thú nhận rằng đã phải sống trong địa ngục kể từ ngày rời bỏ em. Anh sẽ không bao giờ hiểu được tại sao mình lại làm điều đó. Dường như anh đã bị bắt đi, bởi một loại bùa mê huyền bí của Monique, nhưng anh biết ngay từ đầu riêng việc anh cưới cô ấy là một sai lầm khủng khiếp. Chính em mới là người anh hằng yêu dấu. Giờ đây anh hiểu rằng chỉ một nơi duy nhất anh có thể tìm được hạnh phúc là ở bên em. Khi em nhận được bức thư này cũng là lúc anh đang trên đường trở về với em. Anh yêu em và anh vẫn hằng yêu em, Theresa. Vì cuộc sống còn lại của chúng ta, anh cầu xin em tha thứ. Anh muốn ... Theresa không thể đọc hết được bức thư. Cái ý nghĩ gặp lại Raoul và đứa con của anh ta với Monique thật ghê tởm, không thể chịu nổi. Cô quẳng lá thư xuống đất, điên cuồng. - Tôi phải đi ngay khỏi đây, -Theresa hét lên, -ngay tối nay, ngay bây giờ, nào, đi nào! Cha mẹ cô không thể làm cô bình tĩnh trở lại. - Nếu Raoul tới đây, -cha cô nói, -thì ít nhất con cũng nên nói chuyện với nó. - Không? Nếu thấy hắn, con sẽ giết hắn. -Cô giật tay cha, nước mắt tuôn trào xuống khuôn mặt, nài nỉ. -Cho con đi với cha. Con sẽ đi bất kỳ nơi nào đủ xa để trốn thoát khỏi Raoul. - Vì thế, ngay tối hôm đó, Theresa theo cha lên đường đi Avila: Cha Theresa như quẫn trí trước sự bất hạnh của con gái mình. Ông không phải người dễ đồng cảm, nhưng một năm qua, bằng sự can đảm của mình, Theresa đã giành được ở ông sự cảm phục. Cô ngẩng cao đầu, đối mặt với dân thị trấn, và không một lời phàn nàn. Ông không th làm gì để an ủi cô. Khi tới Avila, ông nhớ một thời cô dã tìm thấy sự khuây khỏa trong nhà thờ, bèn hỏi: - Cha Benendo, linh mục ở đây, là một bạn cũ của cha. Có thể ông ấy sẽ giúp được con. Con gặp ông ấy chứ? - Không, con không có việc gì phải làm với Chúa. Theresa ở khách sạn một mình trong khi cha cô lo việc làm ăn. Khi ông quay lại, cô vẫn trong chiếc ghế ấy, nhìn chằm chằm vào bức tường. - Theresa, con hãy đến với cha Berrendơ đi. - Không ạ. Ông lúng túng không biết làm sao. Cô từ chối rời khỏi phòng khách sạn, từ chối quay về Eze. Vào phút cuối, linh mục tới thăm Theresa. - Cha con nói rằng có một thời con đã đi lễ đều đặn. Theresa nhìn vào cặp mắt của vị linh mục ốm yếu và lạnh lùng nói: - Tôi không còn thích nữa. Giáo hội chẳng có gì dành cho tôi hết. Cha Berrendo mỉm cười: - Giáo hội có vài thứ để dành cho mọi người, con của ta. Giáo hội dành cho chúng ta hy vọng và ước mơ. - Tôi đã chán ngấy mơ ước rồi. Ông nắm tay cô trong đôi tay gầy guộc của mình, nhìn thấy những vết sẹo trắng to trên hai cổ tay cô, mờ nhạt như một ý ức xa xưa vậy. - Chúa không tin như thế. Hãy nói chuyện với Người và Người sẽ chỉ bảo con. Theresa ngồi yên, mắt dán vào tường và cuối cùng, khi linh mục miễn cưỡng ra khỏi căn phòng, thậm chí cô cũng không biết. Sáng hôm sau, khi Theresa bước chân vào nhà thờ mái vòm lành lạnh, cái cảm giác bình lặng gần gũi từ xưa bỗng trùm lên cô. Lần cuối, cô đã đến nhà thờ để nguyền rủa Chúa. Một cảm giác hổ thẹn sâu kín dâng lên. Chính là sự yếu mềm trong cô đã phản bội cô, chứ không phải Chúa. Hãy tha thứ cho con, -cô thì thầm. -Con đã mắc tội. Con đã sống trong sự căm thù. Hãy giúp con. Xin hãy giúp con. Cô nhìn lên và thấy cha Berrenđo đang đứng đó Khi cô cầu nguyện xong, ông đưa cô vào phòng mình ở phía sau phòng làm lễ. - Con không biết phải làm gì, thưa cha. Con không tin vào bất cứ điều gì nữa. Con đã mất đức tin, -giọng cô dồn nén đầy tuyệt vọng. - Thế khi còn là một cô bé, con có đức tin không? - Có, rất nhiều. - Vậy thì con vẫn có, còn của cha. Đức tin là thực và vĩnh hằng. Mọi điều khác chỉ là tạm thời. Hôm đó, họ nói chuyện hàng giờ. Tới quá chiều, khi Theresa trở về, cha cô nói: - Cha phải quay về Eze. Con đã sẵn sàng chưa? - Không, thưa cha. Hãy cho con ở lại đây một thời gian. - Con sẽ thấy thoải mái chứ? -Cha cô ngập ngừng. - Vâng, thưa cha. Con xin hứa. Từ đó, ngày nào Theresa và cha Berrendo cũng gặp nhau. Trái tim linh mục hết sức thông cảm với Theresa. Ông thấy cô không phải là một người đàn bà kém hấp dẫn mà chỉ thấy đây là một tinh thần bất hạnh và đẹp đẽ. Họ nói về Chúa, về tạo hóa, về ý nghĩa của cuộc sống mà cô hầu như không nhận biết được. Theresa bắt đầu bình thường trở lại Một hôm, cha Berrendo nói với cô: Cái điều mà cha đã nhận được sự đáp lại sâu sắc trong con người cô: - Con của ta, nếu con không còn tin ở thế giới này nữa, thì con hãy tin vào thế giới tiếp theo. Tin vào thế giới mà Giêsu đang đợi để tiếp nhận con. Lần đầu tiên kể từ ngày được ấn định là ngày cưới của mình, Theresa bắt đầu cảm thấy thanh thản trở lại Nhà thờ đã trở thành th của cô, như chính nó đã từng như vậy. Nhưng cô còn nghĩ về tương lai của mình nữa. - Con không có nơi nào để ra đi. - Con có thể trở về nhà. - Không. Con sẽ không bao giờ trở lại đó được nữa. Con không thể giáp mặt Raoul. Con không biết làm gì. Con muốn chạy trốn, nhưng không có chỗ nào để mà trốn! Cha Berlendo im lặng một lúc lâu. Cuối cùng ông nói: - Con có thể ở lại đây. Cô nhìn quanh phòng khách sạn, bối rối. - Ở đây ấy à? - Tu viện dòng Cistercian ở cạnh đây. -Ông nhướn người. -Để cha nói cho con biết. Đó là một thế giới bên trong thế giới, nơi mọi người được hiến dâng cho Chúa. Tim Theresa đập rộn. - Nghe ... thật tuyệt. - Cha phải nói trước với con rằng đó là một trong những dòng tu nghiêm khắc nhất thế giới. Những người được nhận vào phải thề giữ nhân đức, im lặng và ngoan ngoãn. Không có kẻ nào vào đó rồi lại ra. Nhũng lời đó của cha khiến Theresa run rẩy. - Con sẽ không bao giờ rời xa nó. Đó chính là nơi con đã cố công tìm kiếm, thưa cha: Con khinh bỉ cái thế giới con đang tồn tại. Nhưng cha Berrendo vẫn không hết lo lắng. Ông biết Theresa sẽ phải đối mặt với một cuộc sống khác biệt hoàn toàn những điều cô đã trải qua. - Sẽ không có đường trở lại, con ạ. - Con sẽ không bao giờ trở lại. Sớm hôm sau, cha Berrendo dẫn Theresa tới gặp mẹ Bentina. Ông để hai người nói chuyện. Khoảnh khắc Theresa bước vào tu viện, cô đã hiểu ra. Kết cuộc, cô hả hê nghĩ, kết cuộc ... Sau cuộc gặp gỡ này, Theresa háo hức gọi điện về cho cha mẹ. - Mẹ đang rất lo. -Mẹ cô nói. -Khi nào con trở về nhà? - Con đang ở nhà đây, thưa mẹ. Ông giám mục Avila làm lễ. - Lạy Chúa, đấng tạo hóa, xin Người chúc phước trên cô dâu này để cô được phục sức bởi đạo đức Thiên thượng, cầu cho cô gái được đức tin trọn vẹn và sự trung tín không suy suyễn. Theresa đáp lại: - Con xin từ bỏ nước ở thế gian này và tất cả mọi sự quyến rũ của nó vì tình yêu thương của Chúa -Đức Giêsu Kitô. Tôi xin gả người này cho Chúa Giêsu Kitô, con trai của Cha tối cao, xin được nhận dấu ấn của đức Thánh linh để người này được gọi là tân phụ của Đức Chúa trời và nếu người này phụng sự Chúa trung tín thì sẽ được đội mũ Triều thiên đời đời. Hỡi Người đã chiếu cố lựa chọn người này trong sự tương giao vợ chồng như bà Maria đã được phước, mẹ của Chúa Giêsu Kitô ... ở trước ngôi nhà của Đức Chúa trời và trước mặt các thiên sứ.. Con hãy kiên nhẫn gìn giữ cho ý chí của Người, cho tình yêu, lòng bác ái và con có thể xứng đáng được nhận mũ Triều thiên của phước hạnh giống như Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cầu xin Chúa phục sức cho con khi con ngã lòng, làm cho con được mạnh mẽ khi con mềm yếu, cho con được bình yên và sự cái trị tâm linh với lòng thương xót, sự ngay thẳng của đường lối của Người -Amen. Giờ đây, ba mươi, năm sau, nằm trong rừng nhìn mặt trời leo lên đường chân trời, sơ Theresa nghĩ: Mình đã đến tu viện với những lý do sai trái. Không phải là mình đến với Chúa mà là mình trốn chạy khỏi thế giới. Nhưng Chúa đã thấu được tim mình. Bà đã sáu mươi tuổi và ba mươi năm cuối của cuộc đời là cõi hạnh phúc bà được bi Giờ đây bà lại bị ném trở về với cái thế giới mà bà đã trốn chạy. Thêm nữa, trí óc bà lại đang chơi những trò lừa đảo lạ lùng với bà. Bà không biết cái nào là thực cái nào là hư. Quá khứ và hiện tại lẫn lộn với nhau trong một hình ảnh kỳ ảo lạ lùng. Sao điều này lại đến với mình? chúa đã sắp xếp cho ta những gì vậy? Chương 08 Đối với sơ Megan, chuyến đi này thật sự kỳ thú. Cô đã kịp làm quen với những cảnh sắc và âm thanh xung quanh và cái tốc độ thích nghi này đã làm cô ngạc nhiên. Cô tìm thấy sự hấp dẫn trong những người bạn đồng hành. Amparo Jiron là một phụ nữ dũng mãnh, dễ dàng theo kịp hai người đàn ông, song tuy vậy, cô ta cũng rất đàn bà. Felix Carpio, người đàn ông vạm vỡ với bộ râu biếc hồng cùng một vết sẹo, có lẽ rất tốt bụng và dễ thương. Nhưng đối với Megan, nhân vật mạnh mẽ nhất trong nhóm vẫn là Jaime Miro. An ta có một sức mạnh vô địch và một lòng trung thành không thể lay chuyển vào niềm tin của mình. Nó khiến Megan nghĩ tới các tu sĩ trong tu viện. Khi họ bắt đầu chuyến đi, Jaime, Amparo yà Fellx đều đeo những chiếc chăn túi và súng trên vai. - Để tôi mang đỡ một cái chăn nào, -Megan đề nghị. Jaime Miro nhìn cô ngạc nhiên, rồi nhún vai. - Được thôi, sơ. - Anh đưa cô một cái. Nó nặng hơn cô tưởng, nhưng cô không kêu ca, chừng nào mình đi với họ thì mình còn gánh phần của mình. Megandường như nghĩ rằng họ sẽ đi như vậy mãi, loạng choạng trong bóng đêm, cành cây đập, bụi rậm cào, sâu bọ tấn công và chỉ có mỗi ánh trăng soi đường. Những người này là ai? Megan tự hỏi. Sao họ lại bị săn đuổi? Chính bởi Megan và những tu sĩ khác cũng đang bị săn đuổi, nên Megan cảm thấy những người đồng hành này hết sức gần gũi với mình. Họ rất ít khi nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng lại có cuộc trao đổi khó hiểu. - Đã sắp đặt mọi thứ ở Valladolid chưa? - Rồi, Jaime. Rubio và Tomas sẽ gặp chúng ta tại nhà băng trong khi trận đấu bò xảy ra. - Tốt lắm. Nhắn bảo Largo Corter đón ta. Nhưng đừng hẹn ngày cụ thể. - Hiểu rồi Ai là Largo Corter, là Rubio, là Tomas? Megan thắc mắc. Điều gì sẽ xảy ra ở trận đấu bò và nhà băng? Cô mở miệng định hỏi nhưng lại nghĩ mình có cảm giác họ không thích được hỏi lắm thì phải. Gần bình minh họ ngửi thấy mùi khói bay lên từ thung lũng phía dưới. - Đợi ở đây! Jaime thì thầm. -Im lặng! Họ nhìn theo anh đi ra bìa rừng và biến khỏi tầm mắt. - Cái gì thế -Megan hỏi. - Ngậm miệng vào. Mười lăm phút sau Jaime Miro trở lại. - Bọn lính? Ta sẽ đi vòng sau chúng. Họ quay lui khoảng nửa dặm, rồi thận trọng xuyên rừng cho tới khi đến con đường nhỏ. Miền đồng quê trải rộng trước mắt họ, thoảng hương thơm từ những cây rơm và quả chín. Megan không kìm được sự tò mò. - Sao bọn lính lại truy tìm các ông? -Cô hỏi. - Cô cứ hiểu là hai bên không nhất trí với nhau. -Jaime nói. Và cô phải bằng lòng với lời giải thích đó. Tạm thời thôi, cô nghĩ, cô đã quyết tâm tìm hiểu kỹ hơn con người này. Nửa giờ sau, khi họ tới được một khoảng trống nhưng kín đáo, Jaime nói. - Mặt trời lên rồi. Ta sẽ ở đây chờ đêm đến, -anh nhìn Megan. Đêm nay chúng ta sẽ phải đi nhanh hơn. - Phải lắm,-cô gật đầu. - Sơ hãy dùng chăn của tôi. Tôi đã quen ngủ đất rồi. -Fellx Carpio nói với Megan. - Cái này của ông. Tôi không thể ... -Megan nói. - Vì Chúa, -Amparo gắt lên. -Chui vào chăn đi. Bọn ta không muốn bà đánh thức chúng ta dậy chỉ vì mấy con nhện chết tiệt. Có một sự hằn học trong giọng nói cô ta khiến Megan không hiểu. Không nói lời nào, Megan chui vào chăn, tự hỏi cô ta bực cái gì nhỉ? Megan nhìn Jaime kéo cái chăn của anh ta xa khỏi chỗ cô nằm một chút, rồi chui vào. Amparo cũng chui vào theo à, hiểu rồi, Megan nghĩ. Jaime nhìn với sang Megan. Sơ phải ngủ lấy sức đi. Còn một chặng đường dài đấy. Megan bị thức giấc bởi tiếng rên rỉ. Nghe như ai đó đang trong cơn đau khủng khiếp. Cô ngồi dậy, lo lắng. Nhưng tiếng rên rỉ phát ra từ trong chăn của Jaime. Chắc anh ta đang ốm lắm. Đó là ý nghĩ đầu tiên của cô. Nhưng rồi Megan nghe tiếng Amparo Jiron hổn hển: - Ôi, phải, phải: Đưa nó cho em. Mạnh lên! Phải! Nào! Nào! Mặt Megan nóng bừng. Cô vội vàng làm dấu, rồi bắt đầu cầu nguyện. Tha thứ cho con, Đức Cha. Hãy cho ý nghĩ con chỉ ngập tràn hình ảnh Người. Hãy cho tinh thần con tìm đến Người, để nó tìm đến được cội nguồn và điều tốt đẹp trong Người. Và âm thanh đó vẫn tiếp tục. Cuối cùng, khi Megan nghĩ rằng cô không thể chịu đựng thêm một khoảnh khắc nào nữa, thì nó dừng lại. Nhưng lại có những tiếng động khác làm cô không chợp mắt được. Đó là tiếng rừng đêm vang khắp xung quanh cô. m thanh hỗn độn cảa các loài chim quyện vào nhau, tiếng choe chóe của những con thú nhỏ và tiếng gầm gừ của các loài thú lớn. Megan nhớ tới nhà trẻ mồ côi. Cái nhà trẻ mồ côi tuyệt vời, và khủng khiếp ... * * * * * Họ gọi cô là “Megan kinh hoàng.”. Họ gọi cô là “Megan quỷ mắt xanh”. Họ gọi cô là “Megan bất tử.”. Cô lên mười tuổi. Cô đã được mang tới trại mồ côi này khi còn là đứa trẻ sơ sinh, bị bỏ rơi trên bậc cửa nhà một cặp vợ chồng nông dân, những người đang không đủ sức nuôi chính bản thân mình. Trại trẻ mồ côi là một tòa nhà hai tầng quét vôi trắng đơn sơ ở ngoại ô Avila, tại một khu nghèo của thành phố, cách xa quảng trường Desan Vicente. Trại này do Merceđes Angeles, một người đàn bà hộ pháp cùng bản tính dữ tợn mà nhiều khi làm cho những đứa trẻ được bảo trợ hiểu nhầm tình cảm thân mật bà dành cho chúng. Megan nom khác hẳn những đứa bé cùng trại, một kẻ xa lạ với mớ tóc vàng, cặp mắt xanh sáng, nổi bật so với những đứa trẻ tóc đen, mắt đen. Nhưng ngay ngày đầu, Megan cũng tỏ ra lạ lùng cả trong nhiều thứ khác nữa. Cô là một đứa trẻ có tính cách độc lập mạnh mẽ, một người cầm đầu, một kẻ chuyên gây rối. Bất cứ có chuyện gì lộn xộn trong trại thì Mercedes Angeles cũng biết ngay rằng đó là do Megan đầu têu ra. Suốt nhiều năm, Megan cầm đầu các cuộc đấu tranh đòi thức ăn. Cô tập hợp bọn trẻ lại thành một cộng đồng và bày ra những trò phản kháng hết sức thông minh, đủ làm đau đầu các nhà quản lý, gồm cả hàng chục vụ trốn trại. Chẳng cần phải nói, Megan trở nên gần gũi với mọi đứa trẻ. So với chúng, nới chung, cô nhỏ tuổi và nhỏ về cả vóc dáng hơn, nhưng chúng đều với cô, tìm sự chỉ dẫn. Cô tự nhiên trở thành kẻ cầm đầu. Còn những đứa bé hơn lại thích được nghe cô kể chuyện. Cô có một trí tưởng tượng kỳ lạ. - Chị Megan, bố mẹ em là ai vậy? . - À! Bố mày là một tên kẻ trộm vàng bạc thông minh. Nửa đêm ông ấy leo lên mái một khách sạn để lấy trộm kim cương của một nữ diễn viên nổi tiếng. Nhưng khi đang nhét kim cương vào túi thì cô diễn viên tỉnh dậy. - Thế bà ấy tóm được me à? - Không. Ông ấy rất đẹp trai. - Thế rồi sao nữa? - Họ phải lòng nhau, rồi lấy nhau. Thế là mày ra đời. - Nhưng sao họ lại đưa em vào trại mồ côi? Họ không yêu em à? - Đây luôn luôn là phần khó giảng giải! - Tất nhiên là họ yêu mày. Nhưng ... ờ ... họ đi trượt tuyết ở Thụy Điển và bị chết trong một vụ tuyết sụp khủng khiếp. - Tuyết sụp là như thế nào? - Là khi một đám tuyết lớn bỗng tụt xuống và chôn bố mẹ mày ở dưới đó. - Thế cả bố lẫn mẹ em đều chết à? - Chứ sao. Và những lời cuối cùng của họ là họ yêu mày. Nhưng chẳng còn ai để trông nom mày, nên mày phải vào đây. Megan cũng khao khát như những đứa trẻ khác muốn biết cha mẹ mình là ai. Đêm đêm cô thường đến với giấc ngủ bằng những câu chuyện tự bịa ra cho mình: Bố mình là một người lính tham gia cuộc nội chiến. Bố là một đại úy, chiến đấu rất dũng cảm. Bố bị thương trong một trận đánh và được mẹ là y tá chăm sóc Hai người lấy nhau, rồi bô trở lại mặt trận và hy sinh. Mẹ nghèo quá không nuôi nổi mình, nên phải để mình ở một nhà nông dân, và điều đó làm cho mẹ tan nát cõi lòng. Cô thường khóc một cách ngốc nghếch cho người cha dũng cảm đã chết và người mẹ, một quả phụ đáng thương. . Hoặc, Bố mình là một người đấu bò, một trong những matadore vĩ đại. Bố nổi tiếng khắp Tây Ban Nha. Mọi người đều kính phục bố. Mẹ là một vũ nữ Flameco xinh đẹp. Họ cưới nhau, nhưng một hôm bố đã bị chết bởi một con bò to lớn, hung dữ Mẹ buộc phải từ bỏ mình. Hoặc, Bố mình là gián điệp cừ khôi từ một nước ... Dòng tưởng tưởng chẳng bao giờ cạn. Trong trại có ba chục trẻ, từ những đứa mới sinh bị từ bỏ đến những đứa tuổi mười bốn. Hầu hết là dân Tây Ban Nha, nhưng cũng có những đứa đến từ sáu nước khác, thế nên Megan trở nên thông thạo vài thứ tiếng. Cô ngủ trong cùng phòng với hơn một chục cô bé khác. Có những cuộc nói chuyện thì thầm trong đêm về những con búp bê và quần áo. Khi các cô gái lớn lên, họ nói về giới tính. Chuyện đó nhanh chóng trở thành mục chính để trao đổi. - Mình rồi sẽ lấy chồng, nhưng mình sẽ không để chồng làm cái ấy đâu, mình cho rằng làm thế là xấu. Một đêm, vào lúc mọi người đều đã ngủ, Primo Conde, một trong những cậu bé của trại bò đến phòng các cô gái. Cậu rón rén đến bên giường cô. - Megan ... -giọng cậu thì thào. - Primo? Có chuyện gì thế? -Megan tỉnh ngay. - Cho mình vào giường cậu với, được không? Cậu ta sụt sịt sợ hãi. - Được Khẽ thôi. Primo mười ba tuổi, bằng với Megan, nhưng nhỏ con so với tuổi và là đứa trẻ đã từng bị đánh đập tàn nhẫn. Cậu bé luôn phải chịu những cơn ác mộng và thường thức dậy giữa đêm rồi kêu thét. Những đứa trẻ khác thì ghét bỏ nhưng Megan lại luôn bảo vệ cậu. Primo leo lên nằm cạnh Megan và cô cảm thấy những giọt nước mắt chảy xuống má cậu. Cô ôm chặt lấy bạn trong tay. - Thôi, nín đi. nào, -cô thì thầm. -Nín nào. Tiếng sụt sịt nhỏ dần rồi tắt hẳn. Người cậu nép sát vào cô và cô cảm thấy được sự xúc động của cậu đang lớn dần. - Primo ... - Mình xin lỗi. Mình ... mình không thể nén được. Mình yêu bạn, Megan. Bạn là người duy nhất trên thế gian này mà mình nghĩ đến. - Bạn vẫn chưa được ra thế giới bên ngoài kia mà. - Xin bạn đừng cười. - Đâụ .... - Mình chẳng có ai ngoài bạn. - Mình biết. - Mình yêu bạn. - Mình cũng yêu cậu, Primo. Im lặng. - Xin lỗi vì đã làm phiền bạn. Mình về giường mình đây Giọng Primo đầy vẻ đau xót. Cậu ta ngồi dậy. - Đêm đó giấc ngủ đã không đến với Megan. Thỉnh thoảng, một đứa trẻ lại được gọi lên phòng quản lý để gặp cha mẹ nuôi tương lai. Đó luôn là phút giây xúc động đối với chúng, vì đó cũng có nghĩa là một cơ hội để thoát khỏi sự buồn thảm của trại mồ côi, một cơ hội để có được mái ấm thật sự và được thuộc về một người khác. Nhiều năm trôi qua, Megan đã thấy nhiều những đứa trẻ mồ côi được lựa chọn. Họ về nhà của những thương gia, nông dân, chủ nhà băng, chủ cửa hiệu. Luôn luôn chỉ là những đứa trẻ khác, chẳng bao giờ là cô Tiếng tăm của cô luôn đi trước, như một cảnh báo. Cô thường nghe những bậc cha mẹ tương lai nói chuyện với nhau. - Con bé nom xinh đẹp, nhưng nghe nói nó khó bảo lắm, - Có phải nó là đứa đã mang lén mười hai con chó vào trại trẻ tháng trước không? - Họ nói nó đầu têu những trò quái quỷ. Tôi sợ ... nó không hợp với bọn trẻ ở nhà. Họ chẳng biết gì về những đứa trẻ khác đã yêu mến cô thế nào. Mỗi tuần cha Berrendo đến thăm bọn trẻ được bảo trợ một lần và Megan luôn mong ngóng gặp ông. Cô ham đọc sách và linh mục cùng Mercedes Angeles đều chú ý cung cấp sách cho cô. Megan có thể thổ lộ với linh mục nhiều điều mà cô không dám, hoặc không thể, nói với ai khác. Chính cha Berrendo là người mà hai vợ chồng nông dân nọ đã mang đứa trẻ sơ sinh Megan đến - Sao họ không muốn giữ con vậy? - Họ muốn lẳm, Megan, nhưng họ già và ốm đau luôn. Ông linh mục già nói nhỏ nhẹ. - Thưa cha, tại sao bố mẹ thật của con lại bỏ con ở nhà nông dân đó? - Cha chắc chắn là vì họ nghèo, không đủ sức nuôi con. Lớn lên, Megan bỗng trở nên sùng đạo. Cô bị khuấy động bởi phần trí tuệ của Thiên Chúa giáo. Cô đọc Xưng tội của Thánh Augustine, những tác phẩm của Thánh Francis, Thomas More, Thomas Merton.,. và vô số cuốn sách khác. Megan tới nhà thờ đều đặn, và cô thích những nghi thức lễ Met, . lễ Ban Thánh thể, lễ trước bứa ăn. Có lẽ cô, yêu hơn cả là cảm giác thanh bình huyền diệu luôn bao toả quanh mình mỗi khi cô ở trong nhà thờ. - Con muốn làm một người công giáo. -Một ngày nọ Megan nói với cha Berrendo. Ông nắm tay cô trong tay mình, nheo nheo mắt: - Có lẽ con đã là người công giáo, Megan. Nhưng chúng ta sẽ làm lễ tiếp nhận con. Con có tin vào Chúa. Đấng tối cao, Người tạo ra trời và đất không? - Có, con tin. - Con có tin vào Giêsu Kitô, con trai duy nhất của Người được sinh ra và chịu đựng không? - Có, con tin. - Con có tin vào linh hồn thiêng liêng, vào giáo hộI Thiên Chúa thiêng liêng, xã hội của các vị Thánh, tha thứ cho tội lỗi không? - Có, con rất tin. - Exiabea, spriritus immunde. Hãy thoát khỏi người này. Những tinh thần nhơ bẩn hãy nhường chỗ cho ý Chúa. -Ông lại thổi vào mặt cô. - Megan, hãy nhận lấy Chúa lòng lành qua hơi thở này và hãy nhận lấy sự phù hộ của Chúa bằng an ở bên mình. Mười lăm tuổi, Megan trở thành cô gái trẻ đẹp. Mớ tóc vàng mượt mà và nước da trắng khiến cô nổi bật trong đám bạn gái của mình. Một hôm, cô được gọ lên phòng Merceđes Anges. Cha Berrendo cũng ở đó. - Chào cha! - Chào con, Megan! - Đáng tiếc, ta có một việc phải nói với con, Megan. -Merceder Angeles lên tiếng. - Sao ạ? Cô lục lại trong óc, cố nhớ sai sót mới nhất của mình. - Lứa tuổi giới hạn ở đây là mười lăm, và đã tới sinh nhật lần thứ mười lăm của con. -Bà hiệu trưởng tiếp tục. - Tất nhiên Megan đã biết luật lệ đó, nhưng cô gạt nó ra khỏi đầu, bởi không muốn đối mặt với thực tế rằng mình chẳng có một nơi nào trên thế giới này để đến rằng chẳng có ai cần cô, rằng cô sắp bị bỏ rơi một lần nữa. - Con phải ... con phải rời khỏi đây ạ? Mercedes Anges thấy khó xử nhưng cũng không có cách nào khác. - Ta nghĩ ... phải tuân theo luật lệ thôi. Chúng ta có thể tìm một chỗ cho con làm cô hầu. - Megan chẳng biết nói sao. - Thế con muốn đi đâu? -Cha Berrendo lên tiếng. Suy nghĩ về điều đó, một ý nghĩ chợt đến với Megan. Đã có một nơi dành cho cô. Kể từ khi mười hai tuổi, Megan phải góp phần cho trại trẻ bằng việc mang hàng đến các nơi trong thị trấn, nhiều lần mang cả tới tu vlện Cistercian: Hàng luôn được chuyển đến Mẹ Bentina. Cô đã lén nhìn những hình ảnh các nữ tu khi họ cầu kinh hay đi đi lại lại và cô nhận thấy trong họ một cảm giác thanh bình, hầu như thoát tục. Cô ghen tỵ với niềm hân hoan dường như được toả ra từ họ. Với Megan, tu viện này gíông như một ngôi nhà của tình thương. Mẹ Nhất mến cô gái trẻ trung tóc vàng này ngay, và suốt mấy năm, giữa hai người có những cuộc trao đổi dài: - Sao người ta lại vào tu viện? -Một lần Megan hỏi. - Người ta đến tu viện vì nhiều lý do, hầu hết là để dâng mình cho Chúa. Cũng một số đến trong tuyệt vọng, chúng ta cho họ hy vọng. Số khác đến vì thấy không còn lý do gì để sống, chúng ta chỉ cho họ rằng: còn Chúa! Lại có những người đến đây bởi lẽ họ đang trốn chạy. Còn những người khác thì bị đời ruồng bỏ nên họ muốn được thuộc về Chúa. Điều đó vang lên câu trả lời trong cô gái trẻ. Mình chưa bao giờ thực sự thuộc về ai, Megan nghĩ. Đây là một cơ hội. - Con nghĩ con sẽ vào tu Viện. Sáu tuần sau, Cô thực hiện lời thề nguyện. Và cuối cùng, Megan đã được sở nguyện. Đây là Mẹ, là các chị và em cô, một gia đình cô chưa hề có. Và tất cả họ chỉ là một, dưới Đức Cha của họ. Megan làm kế toán trong tu viện. Cô hết sức thích thú thứ ngôn ngữ bằng cử chỉ mà các bà sơ sử dụng khi cần giao tiếp với Mẹ Nhất. Có bốn trăm bảy mươi hai cử chỉ, đủ để diễn đạt với nhau mọi thứ họ cần bày tỏ. Khi đến lượt một phải lau rửa các căn phòng, Mẹ Nhất Bentina đưa bàn tay phải ra phía trước và đập vào mu bàn tay kia. Nếu một tu sĩ bị sốt, người đó tới Mẹ và đập đầu ngón tay trỏ và ngón giũa bàn tay phải vào phía bên ngoài cổ tay trái. Nếu một yêu cầu nào đó bị trì hoãn Mẹ Nhất Bentina sẽ đưa cùi tay phải lên trước tay trái của bà và nhẹ nhàng hạ xuống: Ngày mai. Một sáng tháng Mười một, Megan được giới thiệu những lễ nghi của đám tang. Một nữ tu đang hấp hối và tiếng chuông gỗ vang lên trong điện thờ báo hiệu bắt đầu của một lễ nghi vẫn được giữ gìn nguyên vẹn từ năm 1030. Tất cả những ai có thể đáp lại tiếng gọi này đều vội đến quỳ trong phòng bệnh xá để xức dầu thơm và cầu nguyện. Họ thầm cầu kinh để các vị thánh giúp cho phần hồn của nữ tu sĩ được siêu thoát, để biểu thị đã đến lúc ban những lễ phước cuối cùng: Mẹ Trưởng tu viện chìa bàn tay trái, lòng bàn tay ngửa ra và dùng đầu ngón cái của bàn tay phải vạch lên đó một dấu thập. Khi đọc xong bài kinh cuối cùng, cái xác vẫn được đặt nguyên chỗ đó một giờ nừa cho linh hồn có thể lìa xa. Tại chân giường, một cây nến Phục sinh lớn, biểu tượng Thiên Chúa của nguồn sáng vĩnh cửu được thắp lên trong chiếc đế gỗ. Người y tá của tu viện lau rửa sạch xác nữ tu rồi mặc vào cho chiếc áo choàng đen quen thuộc, trùm cho chiếc mũ trắng, đi cho đôi tất xù dài và đôi đép bện lấy. Một trong số các nữ tu mang vào vòng hoa tươi, hái ngoài vườn. Khi liệm xong, một đoàn sáu nữ tu mang thi thể người quá cố tới nhà thờ, đặt lên chiếc bục phủ vải trắng trước bệ thờ. Không được để cái xác đó đơn côi mà hai tu sĩ phải ngồi đọc lễ cầu kính ở bên ghế của mình, còn phía bên kia xác chết, cây nến Phục sinh vẫn cháy lập loè. Chiều hôm sau, xong lễ cầu hồn, người chết được đưa qua điện thờ ra nghĩa địa riêng, tường bao quanh, nơi các tu sĩ ngay cả lúc đã qua đờI vẫn giữ được sự cách biệt. Các sơ, ba người một bên dùng những băng vải trắng, thận trọng hạ huyệt. Theo tập quán của dòng tu Cistercian, người chết không được che đậy gì trong lòng đất, nên chôn cất không có quan tài. Hai tu sĩ bắt đầu nhẹ nhàng thả đất lên cái xác đã cứng đờ. Đó là công việc cuối cùng họ với người nữ tu quá cố, trước khi tất cả trở về nhà thờ đọc những bài kinh hối lỗi. Họ ba lần cầu xin Chúa rủ lòng thương linh hồn người đã qua đời. Domine miserere superpeccatrice. Domine miserere superpeccatrice. Domine miserere superpeccatrice. Đôi lúc, cô gái trẻ Megan chìm trong u sầu. Tu viện đã cho cô sự thanh bình song dẫu vậy cô vẫn không thấy mình hoàn toàn thanh thản. Cứ như một phần đời cô còn lạc ở nơi nào đó. Những khao khát mà đúng ra cô đã phải quên từ lâu lại trỗi dậy. Cô thấy mình nghĩ về đám bạn mà cô bỏ lại ở trại trẻ mồ côi và tự hỏi điều gì đã đến với họ. Cô luôn tự h ỏi cái gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, cái thế giớI mà cô đã từ bỏ, nơi có tiếng nhạc, có những điệu nhảy, và tiếng cười. Megan tới tìm Mẹ Betina. - Thỉnh thoảng điều dó lại xảy đến, với tất cả mọi chúng ta. -Bà trấn an Megan. -Nhà thờ gọi nó là aceđia -tội lỗi. Đ ó là tình trạng phiền muộn về tinh thần, vũ khí của quỷ sa tăng. ừng lo nghĩ về nó, con ạ. Nó sẽ qua thôi. Và nó đã qua. Nhưng có một thứ không sao qua đi, đó là nỗi khao khát cháy bỏng muốn được biết cha mẹ mình là ai. Mình sẽ chẳng bao giờ biết, Megan tuyệt vọng nghĩ. Hết đời cũng chẳng biết. Chương 09 Các phóng viên chen chúc bên ngoài khách sạn -sơn màu xám Waldoft Astoria ở New York, dõi theo đoàn người tiếng tăm trong những bộ lễ phục buổi tối bước ra khỏi những chiếc xe sang trọng, đi qua cánh cửa quay lên phòng đại khiêu vũ trên tầng ba. Các quan khách đến đây từ khắp thế giới. Cameru liên tiếp chớp nháy trong khi các phóng viên nhao nhao: - Ngài phó tổng thống, xin làm ơn nhìn sang phía này. - Ông thống đốc Adams, xin cho tôi chụp thêm một kiểu nữa. Có nhiều thượng và hạ nghị sĩ từ nhiều nước, những trùm tư bản và những nhân vật có máu mặt của thế gi ới Họ tới đây để kỷ niệm lần thứ sáu mươi ngày sinh của Ellen Scott. Thực ra chẳng phải tất cả sự kính trọng mà họ đang tỏ ra là dành cả cho Ellen, như một người lãnh đạo của hệ thống công nghiệp Scott nhân đạo, một trong những kết khối thế lực nhất. Pháo đài khổng lồ nhiều chân rết này gồm cả những công ty dầu hoả và công nghiệp khác, các hệ thống giao thông và các nhà băng. Một lý do nữa là tất cả tiền thu được buổi tối nay sẽ chuyển tới các hoạt động Từ thiện quốc tế. Scott Industries có lợi tức trên mọi vùng của thế giới. Hai mươi bảy năm về trước, người đứng đầu, ông Milo Scott, đã chết đột ngột vì đau tim, và vợ ông ta, Eilen, giữ quyền quản lý hệ thống công nghiệp khổng lồ này. Kể từ đó, bà đã tỏ ra là một người quản lý kiệt xuất, đã nhân lên hơn ba lần tài sản của công ty. Phòng đại khiêu vũ của khách sạn Waldoft Astria rất lớn được trang hoàng màu be và màu vàng kim, có sân khấu trải thảm đỏ. Một ban công với ba mươi lô xếp vòng quanh gian phòng, trên mỗi lô đều có một chùm đèn. Ở trung tâm ban công là các vị khách danh dự. Có ít nhất sáu trăm quý ông, quý bà ngồi dự tại những chiếc bàn lung linh ánh bạc. Bữa tiệc kết thúc, thống đốc New York bước nhanh lên sân khấu: - Kính thưa ngài phó tổng thống, thưa các quý ông, quý bà và các vị khách quý mến, đêm nay tất cả chúng ta có mặt ở đây với mục đích tỏ lòng ngưỡng mộ tới người phụ nữ đáng kính và sự hào phóng của bà trong nhiều năm qua. Ellen Scott là mẫu người thành công trong mọi lĩnh vực. Bà có thể là một nhà khoa học vĩ đại hay một bác sĩ. Bà cũng có thể là một chính trị gia kiệt xuất, và tôi phải thưa với các vị rằng, nếu Ellen Scott quyết định tranh cử tổng thống Mĩ thì tôi sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu cho bà. Tất nhiên không phải là kỳ bầu cử tới, mà là kỳ sau đó. Trong phòng rộn lên tiếng cười và tiếng vỗ tay. - Nhưng Ellen Scott còn hơn cả một người phụ nữ lỗi lạc Bà còn là một con người đầy tình thương, giàu lòng bác ái, không bao giờ do dự với việc tham gia vào những vấn đề nóng bỏng của thế giới ngày nay ... Bài nói còn kéo dài thêm mười phút nữa, nhưng Ellen Scott chẳng buồn nghe. Hắn ta nhầm to, bà nhăn nhó nghĩ. Tất cả bọn họ đều nhầm to. Scott Inđustrie thậm chí cũng chẳng phải là công ty của ta. Milo và ta đã đánh cắp nó. Và ta đã phạm một tội ác còn lớn hơn thế. Nhưng nó cũng sẽ chẳng là vấn đề gì nữa, ngay cả bây giờ cũng vậy. Bởi ta sắp chết. Bà nhớ rõ từng lời của vị bác sĩ khi ông đọc kết quả xét nghiệm -đó là cái án tử hình dành cho bà. - Tôi hết sức mong bà tha lỗi, thưa bà Scott, tôi không có cách nào để báo điều này cho bà nhẹ nhàng hơn. Chứng ung thư đã lan khắp hệ bạch huyết trong cơ thể bà. Không còn mổ được nữa. Bà đã cảm thấy một khối nặng đột ngột đè lên dạ dày. - Tôi còn ... còn bao lâu nữa? . - Có lẽ một năm. -Ông bác sĩ ngập ngừng. Không kịp mất. Không đủ cho ngần ấy việc. - Ông sẽ không nới với ai về chuyện này? -Giọng bà vẫn điềm tĩnh. - Chắc chắn là không. - Cảm ơn bác sĩ. Bà không nhớ mình đã rời khỏi Trung tâm y tế của giáo phái trưởng lão Colombia và lái xe vào phố như thế nào. Ý nghĩ duy nhất bà là: Ta phải tìm ra nó trước khi chết. Bài diễn thuyết của thống đốc đã kết thúc. - Thưa các ông, các bà. Tôi rất lấy làm vinh dự và sung sướng được giới thiệu, bà Ellen Scott. Bà đứng dậy trong tiếng hoan hô và đi về phía sân khấu, một người đàn bà gầy gò, tóc xám, lưng thẳng, ăn vận lịch sự và toát ra một sức sống mà bà không còn cảm thấy. Họ nhìn mình giống như nhìn một ngôi sao chỉ còn le lói, bà cay đắng nghĩ. Mình sẽ chẳng còn ở đây lâu nữa. Trên sân khấu, bà đợi cho tiếng vỗ tay lắng xuống. Họ đang tung hô một con quỷ Nêu biết, họ sẽ làm gì? Giọng bà vang lên mạnh mẽ. - Kính thưa ngài phó tổng thống, thưa các vị thượng hạ nghị sĩ, thưa ngài thống đốc Adams ... Một năm, bà nghĩ. Không biết nó ở đâu và còn sống hay đã chết. Ta phải tìm ra nó. Bà vẫn nói, một cách vô thức, tất cả những gì mà người ta muốn nghe từ bà. - Tôi vô cùng sung sướng đón nhận sự kính trọng này, không phải cho tôi, mà cho tất cả những người đã đóng góp tích cực để chia sẻ gánh nặng với những người không được hưởng sự may mắn như chúng ta ở đây ... Ký ức bà trôi ngược về bốn mươi hai năm trước, tại Gary, Indiana ... Mười tám tuổi, Ellen được nhận vào làm tại nhà máy phụ tùng ô tô của công ty Seott Industries tại Gary Indiana. Đấy là một cô gái cởi mở, hấp dẫn, rất được công nhân trong nhà máy mến mộ. Vào hôm Milo Scott đến thị sát nhà máy, Ellen được chọn để hướng dẫn cho anh. - Này, Ellie? Có phải rồi cô sẽ lấy em trai ông chủ và bọn tôi sẽ phải làm thuê cho cô không. -Ai đó hỏi trêu, - Phải. -Ellen Dudash cười vang. -Bao giờ chạch đẻ ngọn đa nhé. Milo Scott không có điểm nào Ellen mong đợi. Anh ta ba mươi tuổi, cao, mảnh khảnh. Không xấu lắm, Ellen nghĩ bụng, có vẻ nhút nhát và trịnh trọng. - Cô thật tốt bụng dành thời gian cho tôi, cô Dudasb. Hy vọng tôi không làm phiền đến công việc của cô. - Hy vọng là sẽ làm ông vừa lòng. -Cô cười. Nói chuyện với anh ta thật dễ dàng. Không thể tin được, mình đang chơi đùa với em trai ông chủ lớn. Mình sẽ kể cho ông bà già nghe. Milo tỏ ra thích thú với công nhân và công việc của họ. Ellen dẫn anh qua phân xưởng sản xuất bánh răng số tròn và dài. Cô đưa anh tới buồng tôi luyện, nơi những bánh răng được đưa vào quá trình làm cứng, rồi tới phân xưởng đóng gói, bộ phận vận chuyển ... và đến chỗ nào anh cũng tỏ ra xúc động. - Hoạt động ở đây thật là sôi nổi, phải không cô Dudash? Anh ta là chủ mọi thứ ở đây thế mà cứ như một đứa trẻ nhút nhát. Có lẽ còn có điều gì đó. Tai nạn xảy ra chính trong khu lắp ráp. Một chiếc cẩu treo tự động phía trên cao đang vận chuyển những thanh kim loại bỗng xảy ra trục trặc và một tấm thép lao xuống. Milo Scott đứng chính xác ở vị trí tấm thép sẽ rơi trúng. Ellen linh cảm thấy mối nguy, và không kịp suy nghĩ, cô xô anh sang bên, còn mình thì không tránh kịp, bị thanh sắt quệt vào. Cô tỉnh lại trong một phòng riêng tại bệnh viện, ngập trong hoa. Khi Ellen mở mắt và nhìn quanh, cô nghĩ Giống như mình đã chết và đã được lên thiên đàng Có hoa phong lan, hoa hồng, hoa loa kèn hoa cúc và cả những loại hoa mà cô chưa từng biết đến. Tay phải cô bị bó cứng, hai bên sườn bị băng bó chặt và hết sức đau đớn. Một y tá bước vào: - A, cô đã tỉnh rồi, cô Dudash. Để ôi báo bác sĩ. - Tôi ... tôi ở đâu thế? - Trung tâm Blake, một bệnh viện tư. Ellen nhìn quanh căn phòng rộng. Mình làm sao mà thanh toán nổi viện phí - Chúng tôi đang phải đối phó với những cú điện gọi tới cô - Điện nào? - Báo chí đang tìm cách lọt vào phỏng vấn cô. Bạn bè gọi điện cho cô. Ông Scott cũng gọi cho cô vài lần ... - Ông ấy có sao không? - Xin lỗi, cô hỏi sao? - Ông ấy có bị thương trong tai nạn ấy không? - Không, sớm nay ông ấy lại đến, nhưng côđang ngủ. - Ông ấy đến thăm tôi? - Phải, -cô y tá nhìn khắp phòng. -Hầu hết hoa ở đây là của ông ấy đấy. Không thể tin được. - Bố mẹ cô đang ở phòng đợi. Cô thấy gặp họ được chưa? - Tất nhiên. - Tôi sẽ để họ vào. Ôi, mình chưa từng được chữa chạy như thế này ở bệnh viện bao giờ. Ellen nghĩ. Cha mẹ cô đi vào và bước đến giường cô. Họ sinh ra ở Ba Lan, tiếng Anh của họ chưa thật sõi. Cha Ellen là thợ cơ khí, một người đàn ông thô, vạm vỡ, còn mẹ cô là một nông dân chất phác. - Mẹ mang súp cho con đây, Ellen. - Mẹ, họ cho con ăn trong bệnh viện mà. - Nhưng họ không cho con ăn món súp của mẹ, hãy ăn đi và con sẽ chóng khoẻ hơn. - Con đã xem tờ báo này chưa? Bố mang cho con một tờ đây Cha cô nói. - Ông đưa nó cho cô. Một dòng chữ đậm chạy dài, CÔNG NHN NHÀ MÁY LIỀU THN CỨU CHỦ. - Cô đọc bài viết hai lần. - Con đã có một hành động dũng cảm để cứu ông ấy. Dũng cảm à? Ngu xuẩn thì có. Nếu kịp có thời gian suy nghĩ thì mình đã cứu mình trước. ĐÓ là việc ngớ ngẩn nhất mà mình đã làm. Tại sao Mình có thể bị chết! Gần trưa hôm đó, Milo Scott đến thăm Ellen, mang theo một bó hoa lớn. - Xin tặng cô, -anh nói ngượng ngập. -Bác sĩ bảo cô sẽ chóng bình phục. Tôi ... tôi không thể nói được, rằng tôi biết ơn cô như thế nào. - Có gì đâu - Đó là một hành động can đảm nhất mà tôi được chứng kiến. Cô đã cứu cuộc đời tôi. Cô cựa mình, nhưng nó chỉ lảm cái đau chạy suốt cánh tay cô. - Cô đau lắm không? - Đau. -Sườn cô bắt đầu nhức nhối. -Bác sĩ bảo tôi bị làm sao? - Cô bị gãy một tay và ba xương sườn. Một cái tin không thể xấu hơn. Mắt cô đầy lệ. - Có chuyện gì vậy? Biết nói sao để anh khỏi. Cô đã chắt chiu từng đôla cho một chuyến đi tới New York. Một chuyến đi hằng ao ước, với mấy bạn gái trong nhà máy. Nó là giấc mơ của cô. Bây giờ ta sẽ dứt khỏi công việc một hay hai tháng. Nào, đi Manhattan. Ellen bắt đầu đi làm từ lúc mười lăm tuổi. Cô có sự độc lập mạnh mẽ và luôn tự lo liệu chọ bản thân, nhưng lúc này cô nghĩ: Nếu thực biết ơn mlnh như thế, ông ấy sẽ có thể thanh toán một phần viện phí cho mình. Nhưng hỏi ông ấy thì thật dở. Cô bắt đầu thấy buồn ngủ. Chắc lại do thuốc. - Cảm ơn ông về những bông hoa, ông Scott. Được gặp ông thật dễ chịu. -Cô nói mơ màng. -Mình sẽ lại phải lo về khoản tiền chạy chữa đây. Ellen Dudash thiếp đi. Sáng hôm sau, một người đàn ông cao to, trông đầy vẻ sang trọng vào phòng Ellen. - Xin chào cô Dudash. Sáng nay cô thấy trong người thế nào? - Khá hơn, cảm ơn ông. - Tôi là Sam Norton, trưởng phòng phụ trách báo chí của Scott Industries. . . - Ôi, cô chưa từng gặp ông ta. -Ông sống ở đây à? - Không, thưa cô. Tôi bay từ Washington sang. . - Để thăm tôi? - Để giúp cô - Giúp tôi làm gì? - Báo chí đang ở bên ngoài, cô Dudash. Vì tôi không tin cô đã có dịp gặp gỡ báo chí, nên tôi nghĩ có thể cô cần giúp đỡ gì chăng? - Thế ông cần gì? - Chủ yếu họ sẽ yêu cầu cô nói rằng vì sao cô đã cứu ông Scott, và cứu như thế nào. - Ồ thật đơn giản. Nếu kịp suy nghĩ thì tôi đã chạy thoát thân. - Dudash Nếu là cô, tôi sẽ chẳng nói thế đâu. -Norton ngạc nhiên. - Sao lại không? Sự thực là như thế. Đây hoàn toàn không phải điều ông ta mong đợi. Cô gái này hình như chẳng hiểu gì về tình thế của mình. Có cái gì đó khiến Ellen lo lắng, và cô quyết định nói thẳng: - Ông sẽ gặp ông Scott chứ? - Vâng. - Ông có sẵn lòng giúp tôi? - Nếu giúp được, chắc chắn là tôi sẵn lòng. - Tôi hiểu. Tôi hiểu tai nạn này không phải do lỗi ông ấy và ông ấy cũng chẳng bảo tôi phải đẩy ông ấy ra, nhưng ... -Tính cách độc lập mạnh mẽ khiến cô do dự, -ồ mà thôi. A, vấn đề là thế, Norton nghĩ bụng. Cô ta định đòi một phần thưởng. Là bao nhiêu đây? Tiền mặt chăng? Hay một công việc béo bở hơn? Gì vậy nhỉ? - Nào, tiếp tục đi, cô Dudash. Cô nói buột ra: - Sự thật là tôi không có nhiều tiền và tôi cũng sẽ mất đi một vài khoản thu nhập vì bị nạn thế này, nên tôi không nghĩ rằng tôi có thể trả được toàn bộ viện phí. Tôi không muốn làm phiền ông Scott, nhưng nếu ông ấy có thể thu xếp cho tôi vay một khoản, tôi hứa sẽ hoàn lại sau. -Cô nhìn biểu hiện trên nét mặt Norton và hiểu nhầm, rồi nói tiếp. -Tôi xin lỗi. Có lẽ ông cho tôi là lợi dụng. Có điều tôi gom góp mãi mới được số tiền để du lịch một chuyến, rồi ... phải, phải, chuyện này làm đảo lộn hết cả, -cô hít một hơi sâu, -chuyện này chẳng liên quan gì đến ông ấy. Tôi sẽ tự lo liệu. Sam Norton thiếu chút nữa thì đã hôn cô. ĐÃ bao lâu nay rồì mình mới được thấy một tấm lòng vô tư thật sự. Nó đủ dể khôi phục lại lòng tin của mình vào cánh đàn bà. Ông ta ngồi xuống mép giường, dáng vẻ nghề nghiệp biến mất, và cầm lấy tay cô. - Ellen, tôi có. linh cảm cô và tôi sẽ trở thành bạn gần gũi của nhau. Tôi hứa với cô, cô sẽ không phải lo lắng gì về tiền viện phí. Nhưng việc trước hết cần làm là cô phải vượt qua cuộc họp báo sắp tới. Chúng tôi muốn cô tranh thủ được dịp may này, để ... -ông dừng lại, -tôi nói thực lòng. Công việc của tôi là đảm bảo cho Scott Industries thoát được vụ này một cách tốt đẹp. - Tôi đoán vậy. Ông định nói rằng, sẽ là không hay lắm nếu tôi bảo là tôi thực sự chẳng thích thú gì việc cứu ông Milo Scott. Nhưng chắc sẽ tốt hơn nếu tôi nói vài điều, thí dụ như, tôi thích được làm việc cho công ty Scott Industries tới mức khi Milo Scott lâm nguy, tôi biết tôi phải cứu lấy ông ấy dù có nguy hiểm đến tính mạng mình, phải không? - Phải. - Cô cười: - Được thôi, nếu giúp được ông. Nhưng tôi chỉ không muốn nói dối ông, ông Norton. Tôi không hiểu cái gì lại xui khiến tôi làm điều này. Norton cười đáp: - Đó sẽ là bí mật của chúng ta. Tôi cho đám sư tử vào nhé. Có tới hơn hai chục phóng viên từ các đài, báo và tạp chí. Đây chỉ là một câu chuyện vớ vẩn, nhưng báo chí lại có ý khai thác đến tận cùng. Chuyện một người làm thuê xinh đẹp liều thân cứu em trai của chủ mình chẳng phải ngày nào cũng có, và sự thực anh ta, ngẫu nhiên lại là Milo Scott, chẳng làm cho câu chuyện kém phần hấp dẫn chút nào. - Thưa cô Dudash, khi nhìn thấy tấm sắt đang lao xuống chỗ mình, suy nghĩ đầu tiên của cô là gì? - Ellen nhìn sang Sam Norton và nói: - Tôi nghĩ, phải cứu ông Scott, nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân nếu để ông ấy thiệt mạng, - Cuộc họp báo diễn ra trôi chảy. Khi Sam Norton thấy Ellen đã có vẻ mệt mỏi, ông nói: - Như vậy đó, thưa các ông, các bà. Xin cảm ơn các vị! Họ kéo nhau đi khỏi. Ellen quay sang Sam Norton: - Tôi đáp như vậy có được không? - Cô thật vĩ đại. Thôi, bây giờ thì ngủ đi! Giấc ngủ đến chập chờn. Cô mơ thấy mình đang ở bên tượng Nữ thần Tự Do nhưng người giữ cửa không cho cô leo lên, bởi cô không đủ tiền mua vé. Chiều hôm đó Milo Scott đến thăm Ellen. Cô ngạc nhiên khi thấy anh, bởi nghe đâu nhà anh ở tận New York. - Tôi nghe tin cuộc phỏng vấn diễn ra rất tốt đẹp. Cô quả là một anh hùng. - Ông Scott. Tôi phải thưa với ông một chuyện. Tôi không phải là anh hùng. Tôi đã không kịp dừng lại để nghĩ về việc cứu ông. Tôi ... Tôi chỉ làm điều đó ... - Tôi biết. Sam Nortơn đã nới với tôi. - Vâng, còn ... - Ellen, có nhiều kiểu anh hùng. Cô không nghĩ đến việc cứu tôi vào lúc đó nhưng cô làm điều đó theo bản năng, thay vì cứu chính mình. - Tôi ... tôi chỉ muốn ông hiểu. - Sam cũng kể cho tôi rằng cô lo lắng về viện phí. - ... - Tất cả đã được thu xếp. Và về khoản thu nhập trong vài tuần cô bị thiệt thòi vì gặp tai nạn, -anh cười,-Cô Dudash, tôi ... tôi nghĩ rằng cô không hiểu được tôi nợ cô bao nhiêu. - Ông không nợ tôi gì hết. - Bác sĩ nói với tôi rằng cô sẽ ra viện vào ngày mai. Cô cho tôi được mua bữa tối cho cô nhé. Anh ta chẳng hiểu gì cả, Ellen nghĩ. Mình không cần lòng nhân đức hay sự thương hại của anh ta. Ông Scott! Ông hãy nghe tôi nói: ông không nợ gì tôi Cảm ơn ông đã quan tâm đến khoản viện phí. Vậy là xong. - Tốt. Bây giờ tôi xin phép được mời cơm cô? Nó đã bắt đầu như thế. Milo Scott ở lại Gary một tuần và tối nào anh cũng gặp Ellen. Cha mẹ Ellen đe: - Coi chừng đấy! Các ông chủ lớn không bao giờ đi với các cô gái trong nhà máy mà không muốn một thứ! Đó chính là thái độ của Ellen từ đầu, nhưng Milo đã thay đổi suy nghĩ trong cô: Anh lúc nào cũng là một người lịch sự hoàn hảo, và cuối cùng mọi việc trở nên rõ ràng với Ellen, anh ấy thưc sự thích được ở bên mình. Những điểm nào Milo tỏ ra dụt dè, kín đáo thì Ellen lại mạnh mẽ, cởi mở. Trong cuộc đời mình, Milo luôn bị bao vây bởi những người đàn bà mà khát vọng cháy bỏng của họ đã trở thành một bộ phận trong triều đại Scott hùng mạnh. Họ tiến hành những mưu mô đầy tính toán. Ellen Dudash là người phụ nữ trung thực đầu tiên mà Milo gặp Cô nghĩ sao nói vậy. Cô thông minh, cô hấp dẫn, và hơn hết, thật thú vị được ở bên cô. Cuối tuần đó cả hai đều phải lòng nhau. - Anh muốn cưới em. Anh không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc khác. Em lấy anh nhé? -Miio nói. - Thôi ạ. Cả Ellen cũng chẳng nghĩ được một điều gì khác. Sự thực là cô lo sợ. Scott là dòng họ quý tộc. Họ danh giá, giàu có và thế lực. Mình không thể bước vào giới họ được. Đó sẽ là một sự ngu ngốc cho mình, và cho cả Milo nữa. Nhưng Ellen cũng hiểu mình đang chống lại một thứ mà biết chắc là mình sẽ thất bại. Họ tổ chức hôn lễ tại Toà thẩm phán trị an ở Greenwich, bang Connecticut, rồi lên đường về Manhattan để Ellen Dudash được gặp mặt nhà chồng. Byron Scott ra đón cậu em mình: - Mày làm cái trò khỉ gì thế Cưới một con Ba Lan quạ mổ à? Mày có mất trí không đấy? Còn Susan thì nhỏ nhẹ: - Tất nhiên cô ta lấy Milo chỉ vì tiền. Khi cô ta phát hiện ra cậu ấy không có tý tài sản nào thì chúng ta sẽ lo phần thủ tục ly dị. Cuộc hôn nhân này không bền đâu. Họ đã đánh giá quá thấp Ellen Dudash. - Anh trai và chị dâu anh ghét bỏ em, nhưng em không lấy họ. Em lấy anh. Tuy vậy, em cũng không thể là trở ngại giữa anh với Byron. Nếu cuộc hôn nhân này làm anh bất hạnh, Milo, thôi thế này, em sẽ đi. Anh ôm nàng trong tay, thì thầm: - Anh rất yêu và rất cảm phục em, lúc nào Byron và Susan thực sự hiểu em, họ cũng sẽ yêu mến em thôi. Cô ôm chặt anh và nghĩ, anh trong trắng làm sao. Mình yêu anh ấy biết nhường nào. Byron và Susan không tỏ ra khó chịu với cô em dâu mới. Họ là bề trên. Với họ, Ellen luôn chỉ là cô gái Ba Lan nhỏ nhắn làm thuê trong một nhà máy của họ. Ellen tìm tòi, đọc và học hỏi. Cô nhìn xem các bà vợ của bạn bè Milo ăn mặc thế nào, rồi bắt chước. Cô quyết tâm trở thành một người vợ xứng đáng với Milo Seott, và cô đã thành công đúng lúc. Nhưng không phải trong con mắt của gia đình nhà chồng. Một cách chậm rãi, sự ngây thơ trong cô trở thành sự hoài nghi. Giàu có và thế lực chưa hẳn đã là tuyệt điệu. Cô nghĩ, tất cả những gì họ muốn là giàu hơn nữa, thế lực hơn nữa. Ellen che chở quyết liệt cho Milo, nhưng cô cũng chỉ giúp anh được rất ít. Scott Industries là một trong số ít những hệ thống công nghiệp trên thế giới trong tay một cá nhân. Mọi cổ phần đều thuộc về Byron. Cậu em trai Milo chỉ là một người làm thuê ăn lương và ông ta không bao giờ để Milo quên điều đó. Ông đối xử tồi tệ với em mình. Milo bị giao làm đủ thứ việc thấp hèn và chẳng bao giờ được chia sẻ chút lợi lộc nào. - Sao anh lại phải chịu như thế, Milo? Anh cần gì ông ấy. Chúng ta có thể đi khỏi đây. Anh có thể tự lo lấy việc làm ăn của mình. - Anh không thể xa Scott Industries được. Byron cần anh. Vào đúng lúc đó, Ellen hiểu được lý do thật sự của chồng. Milo rất yếu đuối. Anh cần một người mạnh mẽ để dựa dẫm. Cô hiểu anh sẽ không bao giờ đủ can đảm để rời bỏ công ty. Được, cô háo hức nghĩ. Rồi một ngày nào đó công ty này sẽ thuộc về anh ấy. Byron không thể sống mãi được. Milo là người thừa kế duy nhất. Khi Susan Scott thông báo rằng mình mang thai, một tai hoạ giáng xuống Ellen. Nó sẽ thừa kế tất cả. Khi đứa trẻ ra đời, Byron nói: - Nó là con gái, nhưng tôi sẽ dạy nó biết cách quản lý công ty. Đồ con hoang, Ellen nghĩ bụng. Tim cô đau nhói cho Milo. Anh chỉ nói một câu: - Con bé kháu lắm phải không? * * * * * Người phi công lái chiếc Lockheed Lodestar có vẻ lo lắng. - Phía trước đang tối đen lại. Tôi không ưa cái cảnh này. -Anh ta quay sang người lái phụ. -Cầm lái này, -rồi đi vào ca bin. Ngoài hai tay lái chính và phụ, trên máy bay còn có năm hành khách. Byron Scott, người sáng lập tài tình, năng động và người lãnh đạo tối cao của Scott Industries, Susan người vợ hấp dẫn của ông ta, Patricia, đứa con gái một tuổi của họ. Milo Scott, em trai của Byron và vợ Milo, Ellen. Họ đi từ Paris đến Madrid, trên một trong những chiếc máy bay của công ty. Việc mang theo đứa trẻ là quyết định vào phút cuối cùng của Susan. - Em không muốn xa nó lâu như thế. -Cô nói với chồng. - Em sợ con nó quên mất mẹ à? -Người chồng chọc tức. -Thôi được, ta sẽ mang nó theo. Thời đó, khi Chiến tranh thế giới lần thứ Hai đã kết thúc, Scott Industries đang hối hả vươn sang thị trường châu u. Byron tới Madrid tìm hiểu những khả năng mở một nhà máy thép. Người phi công đến bên Byron: - Xin lỗi ngài! Chúng ta đang tiến gần tới những đám mây đen. Thời tiết không thuận lắm. Ngài có muốn quay trở lại không? Byron nhìn ra qua ô cửa nhỏ. Họ đang bay xuyên qua những biển mây xám xịt và cứ vài giây lại sáng lên bởi những tia chớp phía xa. - Tôi có cuộc gặp tối nay ở Madrid. Anh có thể bay vòng qua bão được không? - Tôi sẽ cố gắng. Nếu không được, tôi sẽ cho máy bay quay lại. Byron gật đầu. - Phải đấy! - Xin các vị buộc chặt dây lưng lại. Susan đã nghe được cuộc trao đổi. Cô bế đứa bé lên và bỗng ước ao giá như mình không mang nó theo. Mình sẽ nói Byron bảo phi công quay lại, cô nghĩ bụng. - Byron ... Đột nhiên họ bị rơi vào bão và máy bay bắt đầu chao đảo trong những luồng gió dữ dội. Mưa đập mạnh vào các cửa kính. Bão đã che mọi tầm nhìn. Họ thấy như đang đi trên một biển bông cuồn cuộn. Byron bật nút hệ thông liên lạc. - Ta đang ở đâu thế, Blake? - Ta đang cách Madrid năm mươi lăm dặm về phía Tây Bắc, bên dưới là thị trấn Avila. - Byron nhìn ra ngoài cửa sổ: - Thôi, ta hãy quên Madrid đi. Quay lại, mau biến khỏi đây thôi. - Rõ, thưa ngài. Quyết định này tới chậm một tích tắc. Đúng vào lúc viên phi công bắt đầu nghiêng máy bay thì một mỏm núi bỗng lờ mờ hiện ra ngay trước mắt. Không đủ, dù chỉ một giây, để tránh tai nạn. Bầu trời như bị rách toạc, và nổ tung ra, các khoang thân và cánh rơi xuống một vùng cao nguyên. Sau tiếng nổ là một sự tĩnh mịch lạ thường, sự tĩnh mịch vẫn có ỏ nơi đây tự ngàn xưa. Chỉ còn tiếng lửa cháy lách tách từ những mảnh xác máy bay. Ellen! Ellen! Ellen Scott mở mắt. Cô đang nằm dưới một tán cây và Milo đang vỗ nhẹ vào mặt cô. Thấy cô đã tỉnh, anh nói: - Cảm tạ Chúa. Ellen ngồi dậy, đầu choáng váng, khắp người ê ẩm. Cô nhìn những mảnh xác xung quanh mà trước đó còn là chiếc máy bay và bừng tỉnh. - Mọi người đâu? -Cô thều thào hỏi. - Chết cả rồi Cô nhìn chồng - Ôi, lạy Chúa! Không! Anh gật đầu, mặt tái đi vì đau đớn. - Byron, Susan, con bé, hai phi công, tất cả! Ellen Scott nhắm mắt lại. Sao Milo và mình lại sống sót? Cô tự hỏi. Thật là khó hiểu. Mình phải xuống thị trấn nhờ sự giúp đỡ. Nhưng quá muộn rồi. Họ đã chềt cả. Không thể tin nổi. Vài phút trước thôi họ còn sống khoẻ mạnh. - Em đứng dậy được không? - Em ... em nghĩ là được. Milo giúp vợ đứng dậy. Một cơn choáng dội đến, cô đứng yên đợi cho nó qua đi. Milo quay sang nhìn xác máy bay. Những ngọn lửa bốc càng cao hơn. - Ra khỏi đây thôi. -Anh nói. -Cái đồ khỉ này sẽ nổ tung bất cứ lúc nào. Họ lặng lẽ tránh ra và nhìn lửa cháy. Giây lát sau đó, một tiếng nổ vang lên từ thùng nhiên liệu và cả chiếc máy bay bốc lửa ngùn ngụt. - Chúng ta còn sống, thực là một phép lạ. -Milo nói. Ellen nhìn xác máy bay đang cháy. Một điều gì đó bỗng chập chờn trong óc, nhưng cô chưa định hình được nó. Một điều gì đó về Scott Industries. Đôt nhiên cô hiểu ra. - Milo! - Gì vậy? -Anh không thực sự để ý nghe. - Đó là số phận. Sự sốt sắng trong giọng cô khiến anh quay lại. - Cái gì thế, em? - Scott Industries. Nó thuộc về anh rồi - Anh không ... - Milo, Chúa ban nó cho anh. -Giọng cô tràn ngập một sự xúc động mãnh liệt. -Cả cuộc đời anh đã sống dưới cái bóng của ông anh lớn. -Lúc này ý nghĩ của cô đã trở nên rõ ràng, mạch lạc và cô quên hết cả cơn choáng váng, sự đau đớn. Lời nói tuôn ra ảo ạt tới mức cả người cô rung lên. -Anh đã phải làm công cho Byron suốt hai chục năm để xây dựng nên cái công ty này. Cũng như ông ấy, anh đã phải lo lắng cho sự thành đạt của công ty, nhưng ông ấy, ông ấy có bao giờ tính công cho anh không? Không! Cái công ty này nó luôn là công ty của ông ấy, thắng lợi của ông ấy, lợi lộc của ông ấy. Nào, cuối cùng thì bây giờ anh cũng có cơ hội được thừa hưởng những gì của chính mình. Anh nhìn cô, hoảng sợ: - Ellen? Xác họ còn ... làm sao em lại có thể nghĩ về ...? - Em hiểu. Nhưng ta không giết họ. Đến lượt ta rồi, Milo. Cuối cùng chúng ta cũng được hưởng cái của chúng ta. Chẳng ai còn sống để mà nhận công ty này, ngoài chúng ta. Nó là của chúng ta! Của anh! Và cũng lúc đó họ nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ. Ellen yà Milo Scott nhìn nhau, cùng như không thể tin vào tai mình. Milo nói như reo. - Patricia đấy. Í nó còn sống. Ôi, lạy Chúa tôi! Họ tìm thấy đứa trẻ gần một bụi rậm. Bởi một phép lạ nào đó, nó vẫn lành lặn như đang nằm trong nôi. Milo bế lên và ôm chặt lấy nó. - Suỵt! Nín đi cưng, -anh thì thầm, -mọi điều rồi sẽ tốt đẹp thôi. Ellen đứng bên cạnh anh, một cú sốc hiện trên mặt cô. - Anh ... anh bảo nó chết rồi kia mà. - Chắc con bé bị rơi, rồi ngất đi. Ellen nhìn đứa trẻ một lúc lâu. - Đáng lẽ nó đã phải chết cùng bố mẹ, -cô nói bằng giọng nghẹn ngào. Milo trợn mắt nhìn cô. - Em bảo gì cơ? - Di chúc của Byron để lại mọi thứ cho Patricia. Anh có thể làm người trông nom cho nó hai chục năm nữa để khi lớn lên nó lại đối xử với anh tồi tệ như bố nó đã từng làm. Phải anh muốn vậy không? Anh im lặng. - Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có lại cơ hội này -Cô nhìn chằm chằm đứa bé và trong đôi mắt có cái vẻ hoang dại mà Milo chưa từng thấy. Nó cứ như cô muốn ... Cô ấy chẳng còn là mình nữa. Cô ấy đang bị choáng. -Vì Chúa, Ellen, em đang nghĩ gì vậy? Cô đăm đăm nhìn chồng, vẻ hoang dại mất dần trong ánh mắt. - Em cũng không biết. -Cô nói bình tĩnh. -Chúng ta phải làm một cái gì, như để nó ở chỗ nào đó chẳng hạn, Milo. Viên phi công nói chúng ta đang ở gần Avila. Có thể rất đông khách du lịch ở đó. Chẳng ai vì cớ gì lại liên hệ đứa trẻ này với vụ máy bay rơi. Milo lắc đầu: - Bạn bè họ biết rằng Byron và Susan mang Patricia theo. Ellen nhìn vào xác máy bay đang cháy: Chẳng sao. Họ đã bị chết cháy trong vụ tai nạn. Chúng ta sẽ tổ chức đám tang riêng ở đây. - Ellen, -anh phản đối, -ta không thể làm thế. Ta sẽ không bao giờ bở đứa bé. - Chúa đã dàn xếp cho ta. Chúng ta đã ... Milo nhìn đứa bé. - Nhưng con bé ... - Nó sẽ khoẻ mạnh. -Ellen dỗ dành. -Chúng ta sẽ gửi nó vào một nhà tử tế bên ngoài thị trấn. Sẽ có người nhận nuôi nó và nó sẽ lớn lên, sẽ sống một cuộc đời dễ chịu ở đây. Anh lắc đầu: - Anh không thể! Không! - Nếu anh yêu em, anh sẽ làm điều đó vì hai ta. Anh phải lựa chọn, Milo. Hoặc anh có em, hoặc anh sẽ sống hết cuộc đời để hầu hạ cho đúa cháu gái của anh. - Em. Anh xin ... - Anh yêu em không? - Hơn cả đời anh, -Milo nói giản dị. - Vậy anh hãy chứng minh đi? Họ thận trọng đi xuống sườn núi trong bóng đêm, gió thổi buốt mặt. Vì chiếc máy bay đâm vào một khu rừng ở trên cao, tiếng nổ bị cản lại, nên người dân thị trấn không hay biết gì về chuyện đã xảy ra. Ba giở sau, tại ngoại ô Avila, Ellen và Milo tới một ngôi nhà nông dân nhỏ. Lúc đó bình minh chưa tới. - Ta để nó ở đây, -Ellen thì thầm. Milo cố gắng lần cuối. - Ellen, có lẽ ta ... - Hành động? -Cô nói cương quyết. Không thêm một lời, anh mang đứa bé đến cửa ngôi nhà. Nó mặc trên người chiếc áo ngủ màu hồng đã bị rách và một chiếc chăn quấn quanh. Milo nhìn Patricia một lúc lâu, mắt đẫm lệ, rồi nhẹ nhàng đặt xuống. Anh thì thầm: - Chúc hạnh phúc, cháu yêu! Tiếng khóc đã đánh thức Asuncion Moras. Trong lúc ngái ngủ, bà tưởng đó là tiếng be be của con dê hay con cừu. Làm sao nó lại sổng được khỏi chuồng thế nhỉ? Làu bàu, bà chui khỏi đệm ấm, khoác chiếc áo cũ đã bạc màu và đi ra cửa. Khi thấy đứa trẻ đang nằm dưới đất gào khóc, giãy giụa, bà kêu lên: - Madre de Dies! Ôi, lạy Chúa. Bà lớn tiếng gọi chồng. Họ mang đứa trẻ vào nhà, rồi cứ chằm chằm nhìn nó. Đứa trẻ không ngừng khóc và da thịt dường như đã tím tái. - đưa nó vào viện thôi. Họ vội vàng quấn thêm cho đứa bé một cái chăn, bế ra chiếc xe vẫn dùng để chở khách để đưa nó đến bệnh viện và ngồi đợi trên chiếc ghế băng ngoài hành lang. Ba mươi phút sau một bác sĩ đến mang đứa trẻ đi khám. Khi trở lại, bác sĩ nói: - Cô bé bị cảm lạnh. - Thế nó có sống được không? Ông bác sĩ nhún vai. Milo và Ellen lập cập đi vào trạm cảnh sát ở Avila. Viên trung sĩ trực ban nhìn hai nhà du lịch bê bết bùn đất. - Xin chào! Tôi giúp gì được ông bà? - Một tai nạn kinh khủng, -Milo nól. -Máy bay chúng tôi bị đâm phải núi và ... Một giờ sau đội cứu thương lên đường. Khi họ tới nơi thì chẳng còn gì để xem ngoài những mảnh xác máy bay còn đang âm ỉ, và những hành khách đã cháy đen. Cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay của chính quyềnTây Ban Nha được tiến hành qua loa. - Lẽ ra viên phi công không được liều lĩnh bay vào một cơn bão mạnh như thế. Chúng ta phải quy trách nhiệm này cho sai lầm của người lái. Một cảnh sát nói. Không có lý do nào để bất kì ai ởAvila liên hệ vụ tai nạn máy bay này với đựa trẻ bị bỏ lại trên bậc cửa của một nhà nông dân. Như vậy là kết thúc. Như vậy mới chỉ là bắt đầu Milo và Ellen tổ chức tang lễ riêng cho Byron, Susan và con gái họ, Patricia. Khi trở về New York, họ lại tổ chức tang lễ lần thứ hai và bạn bè của dòng họ Scott tới dự. Họ hết sức kinh ngạc. - Tai nạn khủng khiếp quá. Tội nghiệp Patricla bé nhỏ. - Vâng, -Ellen buồn bã nói. -Điều an ủi duy nhất là tai nạn xảy đến rất nhanh nên không người nào phải chịu cái chết đau đớn kéo dài. - Tin về vụ tai nạn làm rung chuyển cả cộng đồng tài chính. Dường như tất cả đều thống nhất rằng Scott Industries đã phải chịu một tổn thất không thể bù đắp nổi khi không có Byron Scott. - Đừng nghe bất kỳ ai trong bọn họ nói, -Ellen bảo chồng. Anh còn giỏi hơn Byron nhiều. Công ty này sẽ lớn mạnh hơn bao giờ hết. - Anh không biết sẽ phải làm gì nếu không có em. - Anh chẳng phải làm gì cả. Từ giờ trở đi ta sẽ có tất cả những gì mả ta hằng mơ ước. Cô ôm chặt anh và nghĩ, Ai có thể tin được cô Ellen Dudash, từ một gia đình Ba Lan nghèo làm ở Galy, Inđiana, lại có ngày nói, “Từ giờ trở đi, ta sẽ có tất cả những gì trên thếgiới mà ta hằng mơ ước? Sự thực đúng là như thế. Suốt mười ngày, đứa bé vật lộn với cái chết và sự sống. Khi cơn bệnh đã lui, cha Berrendo tới gia đình vợ chồng nông dân nọ. Ta có một tin vui cho các con đây ông sung sướng nói. -Đứa bé đã qua cơn nguy hiểm và sẽ khoẻ mạnh. Hai vợ chồng Moras nhìn nhau lo ngại. - Tôi rất mừng cho con bé. -Người nông dân nói lảng. - Cô bé ấy là món quà của Chúa đó. -Cha Berrendo cười rạng rỡ - Đúng vậy, thưa cha. Nhưng vợ chồng chúng tôi đã bàn bạc và nghĩ rằng Chúa Trời đã quá hào phóng với chúng tôi. Món quà của Người cần phải ăn mà chúng tôi thì đang không đủ miếng ăn cho chính mình. - Nhưng con bé thật là đẹp. -Cha Berrendo giảng - Đành là vậy, nhưng hai vợ chồng tôi đều già cả, ốm yếu, không gánh vác nổi việc nuôi nấng đứa bé. Chúa phải lấy lại món quà của Người thôi. Và như thế, chầng có chỗ nào để mà nương thân, đứa bé được đưa ở Avila. Milo và Ellen ngồi nghe di chúc trong phòng viên luật sư của Byron Scott. Chỉ ba người có mặt. Trong Ellen ngập tràn một cảm giác xáo dộng, hầu như không nói ra được. Chỉ vài chữ trong mảnh giấy nhỏ kia mà đủ sức biến dược cô và Milo trở nên giàu có ngoài sức. Ta sẽ mua những bức tranh cổ, mua một trang trại ở Southampton và một lâu đài cổ ở Pháp. Đấy mới chỉ là bắt đầu. Luật sư lên tiếng và Ellen hướng sự chú ý của mình sang ông. Mấy tháng trước cô đã xem một bản sao di chúc của Byron và đã biết chính xác nó viết gì. “Trong trường hợp cả vợ tôi và tôi đều qua đời, tôi để lại tất cả cổ phần của tôi trong công ty Scott Inđustries cho con gái độc nhất của tôi, Patricia, và trong trường hợp đó, tôi chỉ định em trai tôi, Milo, là người quản lý tài sản của tôi cho tới khi Patricia đến tuổi hợp pháp và có thể tiếp quản ...”. Đừng hòng! Tất cả đã thay đổi rồi, Ellen háo hức nghĩ. Ông luật sư Lawrence Gray nói nghiêm trang: - Đây là một tổn thất ghê gớm đối với tất cả chúng ta. Tôi hiểu ông bà yêu mến người anh trai ông như thế nào, ông Milo, và về phần cháu bé ... -Ông lắc đầu. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Ông có thể không biết rằng anh trai ông đã thay đổi di chúc của mình.Tôi sẽ làm phiền ông bà với những thủ tục pháp lý. Tôi sẽ đọc cho ông bà nghe phần chính, ông lật lật đến phần ông cần tìm. -Tôi bổsung di chúc này, để con gái tôi, Patricia sẽ nhận một khoản năm triệu đôla thêm vào phần một triệu đôla mỗi năm mà con tôi được nhận cho đến hết đời. Tất cả cổ phần trong Scott Inđustries mang tên tôi sẽ thuộc về em trai tôi, Milo, như một phần thưởng cho sự phục vụ trung thành và quý giá mà em tôi đã đóng góp cho công ty trong nhiều năm. “ Milo thấy căn phòng chao đảo. - Ông làm sao thế Ông Gray nhìn lên. . Milo thấy tức thở. Chúa nhân từ, chúng con đã làm gì vậy? Chúng con đã tước đi của cháu quyền thừa hưởng mặc đù điều đó đã trở nên không cần thiết nữa. Bây giờ chúng con sẽ trả lại cho cháu cái quyền ấy. Anh quay sang định nói điều gì đó với vợ nhưng cái nhìn trong mắt cô làm anh khựng lại. - Chúng ta hãy làm một cái gì đó, Ellen. Không thể bỏ nó ở đấy như thế. Họ đang ở trong căn phòng trên đại lộ Năm, sửa soạn đi dự một bữa tiệc từ thiện. - Đó đúng là cái chúng ta muốn làm, Ellen nói. Trừ phi anh muốn mang nó về đây và cố gắng giải thích tại sao chúng ta lại bảo nó đã chết cháy trong tai nạn máy bay. Anh không biết trả lời cô như thế nào. Nghĩ một lát, anh nói: - Thôi được. Hàng tháng ta sẽ chuyển tiền cho cháu để ... - Đừng ngốc thế, Milo. Cô dằn giọng. -Gửi tiền cho nó? Để bọn cảnh sát tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng ấy và rồi lần ra ta? Không. Nếu lương tâm giày vò anh thì chúng ta sẽ chuyển tiền của công ty vào quỹ từ thiện. Hãy quên đứa bé đi Milo. Nó đã chết. Nhớ chưa? - Nhớ.. Nhớ ... Nhớ ... Câu nói cứ vang lên trong đầu Ellen Scott khi bà nhìn xuống đám đông trong phòng khiêu vũ khách sạn Waldoft Astoria và kết thúc bài nói của mình. Mọi người lại đứng dậy hoan hô. Họ đang hoan hô một người đàn bà đã chết, bà nghĩ. Đêm đó ma quỷ hiện về. Ellen Scott tưởng rằng bà đã xua đuổi được chúng đi từ lâu. Lúc, sau tang lễ cho anh chồng, chị dâu, những vị khách đêm này, đến rất đều đặn. Những đám mù xám lởn vởn ở đầu giường và những giọng nói thì thầm vào tai cô. Cô thường tỉnh giấc mạch đập dồn dập, nhưng không nhìn thấy gì. Cô không nói cho chồng biết về chuyện đó. Anh yếu đuối, và nó có thể sẽ khiến anh hoảng sợ mà làm điều gì dại dột, có hại cho công ty. Nếu sự thực bị rò rỉ thì vụ scandal này sẽ phá tan Scott Industries. Lo xa thế nên Ellen kiên quyết không để điều đó xảy ra. Cô âm thầm chịu đựng những bóng ma cho tới khi chúng bỏ đi, để cô được sống yên ổn. Giờ đây, vào cái đêm đại tiệc này, chúng lại hiện về. Bà thức giấc, ngồi trên giường và nhìn quanh. Căn phòng trống trơn và tĩnh mịch, nhưng bà biết chúng vẫn ở đó. Chúng muốn nói gì với bà? Chúng có biết bà cũng sắp về với chúng không? Ellen đi sang phòng khách rộng bày toàn đồ cổ của một ngôi nhà đẹp mà bà đã mua sau khi Milo qua đời. Bà nhìn căn phòng đáng yêu và nghĩ, Tội nghiệp Milo. Anh đã không kịp hưởng chút lợi tức nào từ cái chết của người anh trai. Một năm sau vụ tai nạn máy bay, Milo đã chết vì đau tim. Ellen Scott tiếp quản công ty và điều hành nó với một năng lực xuất chúng và tài trí thông minh, đẩy Scott Industries lên hàng đầu thế giới. Công ty này thuộc về đòng họ Scott, bà nghĩ, mình sẽ không trao nó cho bất kỳ thằng cha căng chú kiết nào. Điều này hướng suy nghĩ về con gái Byron và Scean, người thừa kế chính đáng cái ngai vàng mà bà đã đánh cắp của đứa cháu. Bà lo sợ chăng, hay muốn chuộc tội trước khi từ giã cõi đời? Ellen Scott ngồi suốt đêm trong phòng khảch, phác ra kế hoạch. Bao năm đã trôi qua? Hai mươi tám năm. Nếu còn sống, bây giờ đời nó ra sao? Cô đã là vợ một nông dân hay một thương gia trong làng? Con cái gì chưa? Vẫn còn sống ở Avila hay đã bỏ đi nơi nào khác? Ta phải tìm được con bé. Ellen nghĩ. Và phải nhanh lên. Nếu Patricia còn sống thì ta phải gặp nó, nói chuyện với nó. Sau cùng ta phải tạo nên một tình huống. Tiền có thể biến sự dối trá thành sự thật. Ta sẽ tìm ra cách giải quyết mà không để nó biết ra sự thực là gì. Sáng hôm sau, Ellen cho gọi Alan Tuker, trưởng ban an ninh của Scott Industries. Ông này nguyên là thám tử, tuổi ngoài bốn mươi, người gầy, đầu đang hói, dáng vẻ ốm yếu, nhẫn nại và thông minh. - Tôi muốn ông giúp tôi một việc. - Vâng, thưa bà Scott. Bà quan sát ông ta, ước tính sẽ nói đến đâu. Chừng nào còn sống ta không thể gây nguy hiểm cho công ty. Cứ tìm được Patricia rồi sẽ tính cách giải quyết với con bé sau. Bà nhướn người tới: - Hơn hai mươi năm về trước có một đứa bé mồ côi bị bỏ lại rơi thềm một nhà nông dân ngoại ô Avila, Tây Ban Nha. Ta muốn ông tìm xem hiện cô bé ở đâu và mang về đây cho ta, càng sớm càng tốt. Nét mặt Alan Tucker vẫn bất dộng. Bà Scott không muốn người làm thuê cho mình tỏ thái độ trên nét mặt. Vâng, thưa bà! Ngày mai tôi sẽ đi! Chương 10 Đại tá Ramon Acoca đang trong trạng thái thoải mái. Rốt cuộc thì mọi thứ đều đã trở lại đúng chỗ của nó. Một người lính bước vào: - Đại tá Sostelo đã tới. - Đưa ông ta vào. Ta cũng sẽ kkông cần hắn nữa, Acoca nghĩ có thể về với đám lính vô tích sự của mình. Đại tá Fal Sostelo bước vào. - Chào đại tá. - Chào đại tá. Thật là mỉa mai. Sostelo nghĩ. Cũng cùng một cấp bậc nhưng lão khổng lồ sẹo mặt này có thể bóp chết mình. Bởi hắn có quan hệ với OPUS MUNDO. Đối với Sostelo, phải có mặt theo yêu cầu của Acoca thì thật nhục nhã nhưng cố gắng không để lộ sự bực tức ra ngoài. - Ông cần gặp tôi? - Phải. -Acoca chỉ cho hắn ta chIếc ghế. -Mời ngồi. Tôi có một tin cho ông đây, Jaime Miro mang theo các nữ tu đó. - Ông bảo sao? - Phải. Chúng đang cùng đi với Miro và đồng bọn. Bọn chúng đã tách làm ba nhóm. - Làm sao ... làm sao ông biết được? Ramon Acoca ngả người ra sau. - Ông có chơi cờ không? - Không. - Thật tiếc. Chơi cờ là một môn thể thao có tính giáo dục. Để thành một tay cờ giỏi thì cần phải nắm được tính toán của đối phương. Jaime Miro và tôi đang chơi cờ với nhau. - Tôi không hiểu ... -Fal Sostelo tỏ vẻ ngạc nhiên. - Chẳng phải văn vẻ gì đâu, ông đại tá. Chúng tôi không dùng bàn cờ mà dùng trí não. Chắc chắn tôi hiểu Jaime Miro hơn bất cứ ai trên đời. Tôi biết cái đầu hắn hoạt động ra sao. Tôi biết rằng hắn sẽ cho nổ con đập ở Raina, và ta đã bắt được ba thằng ở đó. Miro chỉ nhờ tình cờ mà thoát được. Tôi đoán hắn sẽ gắng giải thoát cho mấy tên bị bắt, và Miro cũng hiểu rằng tôi sẽ đoán biết. - Acoca nhún vai. -Có điều tôi đã không ngờ hắn lại sử dụng lũ bò vào kế hoạch của mình. -Giọng Acoca lộ chút khâm phục. - Có vẻ như ông ... - Ngưỡng mộ hắn? Tôi ngưỡng mộ đầu óc của hắn. Nhưng khinh bỉ con người hắn. - Ông có biết Miro đi về phía nào? - Hắn đi theo hướng Bắc. Tôi sẽ tóm được hắn trong vòng ba ngày nữa. -Acoca nói quả quyết. Đại tá Sostelo há hốc mồm nhìn đại tá Acoca, thán phục. - Cuối cùng sẽ là nước chiếu tướng. Đúng là đại tá Acoca hiểu Jaime Miro, song như vậy cũng chưa đủ. Y muốn có một thứ vũ khí tối độc để đảm bảo thắng lợi,và y đã tìm thấy. - Bằng cách nào mà ông ...? - Một trong những kẻ đồng loã của Miro, -đại tá Acoca vênh mặt, -là người cung cấp tin Rubio, Tomas và hai bà sơ chỉ men theo đường nhỏ, bỏ lại sau những làng mạc xây bằng đá cổ kính cùng những đàn dê, đàn cừu đang gặm cỏ, các mục đồng đang chăm chú nghe nhạc hoặc tường thuật bóng đá từ những chiếc radio. Quá khứ và hiện tại tương phản mạnh mẽ song Lucia lại đang nghĩ vể những cái khác Cô luôn luôn theo sát sơ Theresa rình cơ hội tước lấy cây thánh giá rồi trốn đi. Hai người đàn ông bám sát họ. Rubio Arzano cao to, ưa nhìn, vui tính. Một nông dân đầu óc đơn giản, Lucia nhận định. Tomas Sanjuro thì nhỏ hơn và bắt đầu hói. Trông hắn giống người bán giày dép hơn là kẻ khủng bố. Cả hai đều có vẻ dễ xỏ mũi. Đêm đêm họ băng qua những vùng đồng bằng phía Bắc Avila, gió từ dãy Guadarrama thổi tới mát lạnh. Họ bỏ qua những cánh đồng lúa mì, cây ôliu, nho, ngô và bới khoai dưới đất, hái quả trên cây, tìm trứng và gà con trong các ổ - Đất nước Tây Ban Nha là một cái chợ khổng lồ. -Rubio Arzano nói. - Và mua mọi thứ chẳng mất xu nào. Tomas Sanjuno cười. Sơ Theresa không hay biết nhũng gì quanh mình. Ý nghĩ duy nhất trong bà là làm sao tới được tu viện ở Mendavia. Cây thánh giá ngày càng nặng, nhưng bà vẫn không để nó rời khỏi tay. Sắp rồì, bà nghĩ. Sắp đến rồi. Chúng ta đang trốn khỏi Gethsemane và kẻ thù của ta để đến một lâu đài mới màNgười đã chuẩn bị cho chúng ta. Sơ Theresa không biết mình đã nói thành tiếng. - Tôi ... không có gì đâu, -bà lẩm bẩm. Lucia nhìn bọc vải mà sơ Theresa đang giữ. - Chắc là nặng lắm. -Cô tỏ ý thông cảm. -Sơ không để tôi mang đỡ cho một lúc? Sơ Theresa càng ôm nó chặt hơn vào người. - Giêsu còn mang nặng hơn. Tôi mang cái này vì Người. Một cái gì đó rất kỳ quặc trong giọng nói của bà. - Sơ vẫn bình thường đấy chứ? Tất nhiên. Sơ Theresa không ngủ được: Bà thấy choáng váng, rồi lên cơn sốt. Trí óc lại đang đánh lừa bà. Mình không được ốm, Mẹ Bentina sẽ quở trách mình. Nhưng Mẹ Bentina không có đó. Mọi thứ vẫn lẫn lộn. Và những người đàn ông này là ai? Mình không tin họ. Họ muốn gì ở mình nhỉ. . . Rubio Arzano tìm cách bắtchuyện, cố làm bà tự nhiên. - Ra thế giới bên ngoài chắc các sơ lạ lắm nhỉ. Sơ ở trong tu viện bao lâu rồi? - Ba mươi năm. Sao hắn lại muốn biết? - Ôi thật là dài. Sơ từ đâu tới đấy? Bà cảm thấy thật đau đớn phải nói lại cái từ ấy: - Eze. Mặt anh ta sáng bừng. - Eze? Một lần tôi đã đến đó nghỉ hè. Thật là một thị trấn đáng yêu. Tôi biết rõ nơi đó. Tôi nhớ ... Tôi biết rõ nơi đó. Rõ thế nào? Hắn có biết Raoul không? Hay chính Raoul cử hắn tới đây? Và sự thực giáng xuống bà như một tia chớp. Bọn người lạ mặt này sẽ đưa bà về Eze, về với Raoul Givradot. Chúng bắt cóc bà. Chúa đang trừng phạt vì bà đã bỏ đứa con của Monique: Bây giờ thì bà đã hiểu đứa bé bà nhìn thấy khi trước ở Villacastin là con của em gái bà. - Nhưng không thể thế được, phải không? Việc đó đã hơn ba chục năm về trước, -Theresa lẩm bẩm. -Bọn chúng đang dối trá mình. Rublo Arzano để ý những tiếng lẩm bẩm. - Có chuyện gì vậy, sơ? - Không -Sợ Theresa quay ngoắt đi. Bà đi guốc vào bụng họ. Bà sẽ không để họ bắt. Raoul và đứa trẻ đó về. Bà phải tới tu viện ở Mendavia trao lại cái hình thập giá Vàng để Chúa sẽ tha thứ cho tội lỗi khủng khiếp mà bà đã phạm. Mình phải thông minh mới được. Không thể để bọn chúng hiểu rằng mình biết thừa đều bí mật của chúng. - Tôi vẫn khoẻ, -bà đáp Vượt qua cánh đồng khô cháy nắng, họ đến một làng nhỏ. Nơi đó, những người đàn-bà nông dân vận đồ đen đang giặt giũ dưới mái lều lợp rạ. Đám phụ nữ trải quần áo trên những tấm đá, rồi giũ sạch trong dòng nước tuôn chảy. Thanh bình quá, Rubio nghĩ. Cảnh trí gợi đến công việc đồng áng mà anh đã bỏ lại, không bom đạn, không giết chóc. Có bao giờchúng ta còn được thấy lại hoà bình? - Xin chào - Xin chào - Làm ơn cho chúng tôi hớp nước. Đi xa quả là khát. - Đúng thế. Xin các vị cứ tự nhiên. Nước mát làm họ tỉnh cả người. Cảm ơn các bà, tạm biệt. Tạm biệt! Rubio không muốn cất bước. Tomas kéo anh ta lên trước, thì thầm trao đổi. Chúng đang nói về ta đấy. Chúng tưởng mình không biết gì về âm mưu đó. Sơ Theresa tiến gần đến để xem họ đang nói gì. - ...Một khoản thưởng 500.000 pesetas cho đầu của chúng ta. Tất nhiên. thằng Acoca sẽ trả cao hơn đối với Jaime, nhưng hắn không cần cái đầu. Hắn cần cái khác của anh ấy kia ... Cả hai cùng phá lên cười. Nghe lỏm được, sự khẳng định trong Therêsa càng lớn. Đy là bọn giết người đang làm việc cho quỷ sa tăng, quỷ phái chúng đến để đem ta đày xuống địa ngục Nhưng Chúa mạnh hơn bọn chúng, Người sẽ không cho chúng bắt ta về nhà. Raoul Givradot đang ở bên bà, nở một nụ cười mà bà hiểu rất rõ Ca sĩ! Xin lỗi, ông nói gì? Hôm qua tôi được nghe cô hát. Cô thật kỳ điệu. Xin phép được giúp cô Xin ông bán giúp cho ba thước vải muslin. Xin sẵn sàng. Đường này ... Dì của tôi là chủ cửa hiệu này. Bà ấy cần người làm, và tôi nghĩ làmình có thể làm cho bà ấy một thời gian. Anh tin chắc em có thể có bất cử người đàn ông nào mà em muốn. Theresa, nhưng anh hy vọng em sẽ chọn anh. Anh ấy đẹp trai biết bao. Anh chưa từng gặp một ai như em, em yêu. Raoul cầm lấy tay cô và n cô đằm thắm. Em sắp thành một nàng dâu xinh đẹp. Nhưng bây giờ mình đã là nàng dâu của Chúa Kito. Mình không thể quay về với Raoul được Lucia theo sát sơ Theresa. Bà đang nói chuyện một mình, không tài nào nghe rõ được. Bà ấy sẽ kiệt sức, Lucia nghĩ bụng. Chả mấy chốc ta sẽ đoạt được. cây thánh giá ấy. Tới sẩm tối, họ nhìn thấy thị trấn Olmedo ở phía xa. Rubio dừng lại: - Ở đồ hẳn có bọn lính! Ta hãy theo dường đồi vòng qua thị trấn. Họ vượt qua mấy cánh đồng, hướng tới vùng đồi trên Olmedo. Vừa leo tới đỉnh đồi, Tomas Sanjiuro bỗng đưa tay ra hiệu: - Dừng lại, -anh ta thì thầm. Rubio bước tới bên, hai người cùng đi ra ven đồi và nhìn xuống thung lũng phía dưới. Ở đó có một đám lính cắm trại. - Mẹ kiếp! -Rubio thì thào. Phải tới một trung đội. Chắc chúng sẽ rút quân vào sáng mai, lúc đó ta sẽ đi tiếp. Anh quay sang Lucia và Theresa, cố gắng không để lộ sự lo lắng. - Các sơ chúng ta sẽ nghỉ đêm ở đây. Phải rất yên lặng. Dưới kia có lính. Đó là điều tốt đẹp nhất mà Lucia được nghe. Tuyệt vời, cô nghĩ. Ta sẽ biến đi cùng cây thánh giá vào lúc nửa đêm. Họ sẽ không dám đuổi ta vì sợ bọn lính. Đối với sơ Theresa, tin này có ý nghĩa khác. Bà đã nghe hai người đàn ông nói rằng đại tá Acoca đang lùng bắt họ. Bọn chúng gọi đại tá Acoca là kẻ thù. Nhưng những người này mới là kẻ thù, cho nên đại tá Acoca sẽ là bạn ta. Cảm tạ Chúa đã đưa đại tá Acoca đến với con. Rublo cao lớn nói với bà: - Sơ có hiểu không? Chúng ta phải rất, rất,im lặng. - Vâng, tôi hiểu. Ta hiểu hơn cả ngươi tưởng Họ không hề biết rằng Chúa đã giúp bà nhìn thấu tim đen họ Tomas Sanjuro tỏ ra ân cần: - Tôi hiểu tình hình này khó khăn cho hai sơ thế nào, nhưng chúng tôi đảm bảo đưa các sơ đến tu viện an toàn. Tới Eze, hắn định nói thế. Ôi, hắn thật xảo quyệt. Hắn thốt ra những lời đường mật của quỷ sa tăng. Nhưng Chúa trong ta, và Người đang dẫn dắt ta. Họ thu xếp chỗ ngủ cho hai sơ cạnh nhau. Trời đêm trong vắt điểm những ánh sao nhấp nháy. Lucia khấp khởi nghĩ thầm: Chỉ vài giờ nữa ta sẽ lên đường tới tự do. Ngay khi chúng ngủ say. Cô ngáp. Cô không nhận thấy mình đã mệt mỏi thế nào. Cuộc hành trình dài, gian khổ và sự chẳng đầu óc đã làm cả nhóm mệt lử. Mắt cô nặng trĩu. Mình sẽ chợp mắt một tí thôi, Lucia nghĩ. Cô thiếp đi. Sơ Theresa nằm gần Lucỉa, tỉnh như sáo. Bà đang chống lại những kẻ muốn đày đoạ linh hồn bà xuống địa .ngục bằng cách bắt giữ bà. Mình đang tỉnh táo. Chúa đang thử thách mình, Người đày đoạ mình thế này để mình tìm được đường về với Người. Và những kẻ này đang cố sức ngăn cản mình ... Bốn giờ sáng, sơ Theresa lặng lẽ ngồi đậy. Cách bà vài tấc Tomas Sanjuro đang say giấc. Người đen, cao lớn tên là Rubio thì đang gác ở bìa khoảng trống, quay lưng lại. Bà có thể nhìn rõ bóng anh ta đổ trên hàng cây. Rất nhẹ nhàng, sơ Theresa trở dậy. Bà ngần ngừ, nghĩ đến cây thánh giá. Có nên mang theo không? Nhưng mình sẽ về ngay thôi mà. Chỉ cần tìm một nơi giấu an toàn cho tới khi quay lại. Bà nhìn xuống chỗ Lucia đang nằm. Đúng Bên sơ này nó sẽ được an toàn. Bà lặng lẽ tới bên Lucia đang ngủ và nhẹ nhàng luồn cây thánh giá được bọc kỹ vào trong chăn. Lucia không hề hay biết. Sơ Theresa quay lưng và đi vào khu rừng, thoát khỏi tầm nhìn của Rubio Arzano, rồi thận trọng lần xuống đồi đi về hướng trại lính. Đồi dốc và trơn ướt sương đêm, nhưng Chúa đã chắp cánh để bà băng băng xuống đồi mà chẳng hề vấp ngã, bà lao đến với sự cứu vớt linh hồn. Trong bóng đêm phía trước, một bóng người đột ngột hiện ra. Một giọng nói vang lên: Ai đó? - Sơ Theresa. Bà tiếnđến bên người lính gác mặc quân phục đang chĩa súng vào bà. - Này bà già, bà ở đâu đến đây? Bà nhìn anh ta vớicặp mắt bừng sáng. - Chúa cử ta đến. - Chúa à? Đêm hôm thế này sao? - Phải, Người cử ta tới gặp đại tá Acoca. - Về nới với Người rằng bà không phải gu của công đại tá Chào bà. Anh lính lắc lắc đầu. - Ông không hiểu gì cả. Tôi là sơ Theresa từ tu viện Cistercian. Tôi đang bị Jaime Miro và đồng bọn bắt giữ. Bà nhìn thấy sự kinh ngạc hiện trên mặt người lính. -Bà từ ... bà từ tu viện đó sao? - Phải. - Tu viện ở Avila? . - Đúng. : Theresa kiên nhẫn giải thích Có chuyện gì thế nhỉ? Anh ta không nhận thấy việc bà thoát được lũ ma quỷ đó quan trọng thế nào sao? - Đại tá hiện giờ không có ở đây, thưa sơ. -Anh lính thận trọng nói. Câu nói như một gáo nước lạnh. Nhưng đại tá Sostelo phụ trách ở đây, tôi có thể đưa bà tới gặp ông ấy. - Ông ấy có thể giúp tôi được không? - Ồ, tôi đảm bảo là ông ấy giúp được. Xin bà đi theo tôi. Chắc hẳn anh lính gác không dám tin vào vận may của mình. Đại tá Fal Sostelo đã cử nhiều toán lính bủa lưới khắp nước để tìm bắt bốn nữ tu nhưng không kết quả. Giờ bỗng dưng một trong bốn nữ tu đó lại dẫn thân đến trại, lại gặp đúng anh ta để đầu thú đại tá, sắp sướng rơn lên đây. Hai người bước vào lều, nơi đại tá Fai Sostelo, người phó chỉ huy của mình đang cắm đầu vào bản đồ. Họ cùng ngẩng lên nhìn. - Xin lỗi ngài đại tá. Đây là sơ Theresa ở tu viện dòng Cistercian. Đại tá Sostelo nhìn người phụ nữ mà không tin vào mắt mình. Suốt ba ngày, tất cả mọi nỗ lực đều được sử dụng để tìm cho được Jạime Miro cùng các nữ tu sĩ, và bây giờ, trước ,mắt mình là một trong số đó. Đứng là có Chúa thật. - Mờ sơ ngồi. Thời gian đâu mà ngồi, sơ Theresa nghĩ. Bà phải cho ông ta thấy được nó cấp bách thế nào. - Chúng ta phải nhanh lên. Bọn chúng đang tìm cách bắt tôi về Eze. - Ai dang bắt bà về Eze? -Viên đại tá bối rối. - Bọn người của Jaime Miro. - Thưa sơ, có một lúc nào tình cờ sơ biết bọn chúng ở đâu không -Đại tá đứng dậy. - Tất nhiên. -Sơ Theresa nóng ruột nói. Bà quay lại và chỉ lên phía trên núi. - Chúng đang trốn các ông trên kia kìa. * * * * * Sau khi gặp Ellen Scott, Aian Tucker đi ngay Avila, lòng đầy phấn chấn. Elien Scott không phải loại người có ý thích thất thường. Đằng sau chuyện này sẽ là cái gì Đó rất lý thú đấy, Aian Tucker nghĩ, và ta có linh tính rằng, nếu ngả Đúng quân bài ta sẽ được một món rất bở.. Ông trọ ở khách sạn Cuatro Postes, hỏi người tiếp Đón. - Quanh Đây có tòa báo nào không? - Ở dưới phố, thưa ông. Phía bên trái, sau hai tòa nhà kia. - Cảm ơn cô - Không có gì. Dọc theo phố chính, thị trấn đã tấp nập trở lại sau giờ nghỉ trưa. Tucker nghĩ đến cô gái bí ẩn mà ông có nhiệm vụ phải đưa về. Điều này chắc rất quan trọng. Nhưng vì sao quan trọng? Bên tai ông văng vẳng tiếng Elien Scott: Nếu cô ta còn sống, mang cô ấy về cho tôi, ông không được nói chuyện này với bất kỳ ai. Vâng, thưa bà. Tôi sẽ nói gì với cô ấy Ông cứ nói là một người bạn của cha cô ấy muốn gặp. Cô ấy sẽ đến. Tucker tìm được nhà báo. Ông tiến đến gần một trong hàng chục người đang ngồi sau dãy bàn bên trong, - Làm ơn cho tôi gặp ông tổng biên tập. Người đàn ông chỉ vào một phòng. - Trong Đó, thưa ông. - Cảm ơn Tucker mở cửa phòng và nhìn vào trong. Một người trạc tuổi ba mươi ngồi sau bàn đang có vẻ bận rộn. - Tôi giúp được gì ông? -Người đàn ông nhìn lên. - Tôi đang đi tìm một Senorita. - Chỗ tôi chưa có đủ sao, thưa Senol? -ông ta mỉm cười - Cô ta bị bỏ lại ở một nhà nông dân quanh Đây, khi còn bé xíu. - Ồ, cô ấy bị bỏ hay sao? -Nụ cười nhạt đi. - Đúng vậy. - Và ông đang đi tìm cô ấy? - Đúng là như thế. - Việc Đó cách Đây bao lâu, thưa ông? - Hai mươi tám năm. - Trước thời tôi, có lẽ chẳng dễ dàng lắm Đâu. - Ông có thể chỉ giùm người có khả năng giúp tôi không? Ông tổng biên tập ngả người ra sau nghĩ ngợi. - Đúng là tôi có thể giúp được. Ông thử đến tìm cha Berrendo xem. Cha Berrendo trầm ngâm nghe người lạ mặt, một vạt áo linh mục trùm lên đôi chân gầy. Khi Aian Tucker nói lý do tới Đây, cha Berrendo hỏi: - Tại sao ông lại muốn tìm hiểu về chuyện này, Senor? Nó xảy ra lâu lắm rồi: Ông muốn biết cụ thể điều gì? Tucker do dự, thận trọng chọn từ: - Tôi không được toàn quyền nói ra. Tôi chỉ có thể đảm bảo với cha rằng nó sẽ không có hại gì đối với người phụ nữ Đó. Nếu có thể, cha cho tôi biết địa chỉ nhà người nông dân mà cô ta bị bỏ lại. Nhà người nông dân. Ký ức trong cha ngược về ngày mà hai vợ chồng Moras đến gặp cha sau khi đã mang đứa bé tới bệnh viện. Tôi nghĩ là đứa bé sắp chết, thưa cha. Chúng tôi phải làm gì bây giờ. Cha Berrendo gọi điện tới Don Marago, cảnh sát trưởng. - Tôi nghĩ đứa bé đã bị một khách du lịch nào Đó đến Avila bỏ lại. Ông thử k các khách sạn, các nhà trọ xem ai khi đến có mang theo một đứa bé mà lúc đi thì lại không. Cảnh sát rà soát kỹ tất cả các thẻ đăng ký mà các khách sạn đều phải làm nhưng không tìm được gì. - Con bé cứ như từ trên trời rơi xuống, -Don Marago nói. Ông ta không hề biết rằng mình đã tới gần đến sự bí ẩn như thế nào. Khi cha Berrendo mang đứa bé đến trại trẻ mồ côi, Mercedes Angeles hỏi: - Thưa cha, nó có tên không? - Tôi không biết. - Thế không có cái chăn hay thứ gì khác đề tên nó à? - Không. Mercedes Angeles nhìn đứa bé trên tay linh mục. - Vậy chúng ta sẽ phải đặt cho nó một cái tên, phải không thưa cha? Bà vừa môi đọc xong một cuốn tiểu thuyết trữ tình và rất thích cái tên của một nhân vật nữ trong Đó. - Megan, -bà nói, -chúng ta gọi nó là Megan. Và mười bốn năm sau, cha Berrendo lại đem Megan tới tu viện dòng Cistrician. Ngần ấy năm sau nữa, người đàn ông lạ mặt này lại đi tìm cô gái Đó. Cuộc đời luôn là một vòng tròn khép kín, Cha Berrendo nghĩ thầm. Theo một cách bí ẩn nào Đó mà nó đã xoay vòng đối với Megan. Không, không phải Megan. ĐÓ là cái tên mà trại mồ côi đã đặt cho con bé. - Mời ông ngồi. -Cha Berrendo nói. Có nhiều điều để kể cho ông nghe. Và cha bắt đầu câu chuyện. Sau khi linh mục kể xong, tâm trí Aian Tucker rộn lên. Chắc chắn là phải có một lý do đích đáng mới khiến Elien Scott quan tâm tới. Đứa trẻ bị từ bỏ ở một nhà nông dân Tây Ban Nha hai mươi tám năm về trước mà bây giờ là một phụ nữ tên gọi Megan, theo như ông linh mục này. Cứ nói là một người bạn của cha cô ấy muốn gặp. Nếu ông nhớ Đúng thì Byron Scott cùng vợ và con gái đã bị chết trong một tai nạn máy bay Đâu Đó ở Tây Ban Nha nhiều năm về trước. Liệu có một mối quan hệ nào chăng? Aian Tucker thấy cái cảm giác kích thích đang lớn dần trong ông. Thưa cha, tôi muốn được tới tu viện thăm cô ta. Điều này rất hệ trọng. Linh mục lắc đầu. - Ông tới quá muộn, vài ngày trước tu viện đã bị quân chính phủ tiến công. Aian Tucker nhìn linh mục. - Bị tiến công? Thế các nữ tu sĩ có làm sao không? - Họ đã bị bắt và bị đem đi Madrid. - Cảm ơn cha. -Aian Tucker đứng dậy Ông ta định sẽ đáp chuyến máy bay sớm nhất đi Madrid. - Bốn trong số các nữ tu đã trốn thoát. Sơ Megan có trong số Đó. -Cha Berrendi tiếp tục. Sự việc trở nên phức tạp. - Thế bây giờ.cô ấy ở Đâu? - Không một ai biết. Cảnh sát và quân đội đang lùng bắt cô ta và những tu sĩ cùng trốn. - Tôi hiểu. Trong những trường hợp bình thường, Aian Tucker đã gọi điện về cho Elien Scott để báo ràng vụ việc bế tắc Nhưng sự nhạy cảm của nghề thám tử đã mách bảo ông có cái gì Đó cần phải điều tra tiếp. Ông gọi điện cho Elien Scott. - Cũng khó khăn đôi chút, thưa bà Scott. Ông ta kể lại cuộc nói chuyện với linh mục. - Không một ai biết cô ta đang ở Đâu sao? - Cô ta và những người khác đang trốn chạy, nhưng họ sẽ không thể trốn được lâu bởi đang bị cảnh sát và một nửa quân đội Tây Ban Nha truy tìm. Khi nào họ thò mặt ra, tôi sẽ đến ngay. Im lặng. - Việc này rất hệ trọng với tôi, ông Tucker. - Rõ, thưa bà Scott. Aian Tucker trở lại tòa báo và nói với người tổng biên tập: - Nế có thể được, ông cho phép tôi xem những số báo cũ của ta. - Ông đang tìm một diều gì Đó đặc biệt? - Vâng. Trước kia, tại Đây đã xảy ra một tai nạn máy bay. - Bao giờ thưa ông? - Hai mươi tám năm trước. Năm l948. Mười lăm phút sau Aian Tuker đã có được số báo ông cần tìm. Một dòng tít lớn làm tim ông chực nhảy ra ngoài. MÁY BAY RƠI LÀM CHẾT NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ CẢ GIA ĐÌNH Ngày 1 tháng Mười năm l948, Byron Scott, Chủ tịch của Scott Industries, cùng vợ, Susan và con gái một tuổi, Patricia, bị chết cháy trong một tai nạn máy bay ... Vớ bở rồi? Tucker cảm thấy tim mình đập dồn dập. Nếu điều Đó Đúng như mình nghĩ, thì mình sắp thành một người giàu có ... một người rất giàu có. * * * * * Nằm khỏa thân trên giường, cô cảm giác được cơ thể Benito Patas đang đè lên mình. Người cô rạo rực có cái gì không ổn. Mình đã giết Patas, cô nghĩ, hắn chết rồi cơ mà. Lucia choàng dậy, thảng thất nhìn quanh. Đâu ra Benito? Cô đang ở trong rừng, và trong chiếc túi ngủ. Có cái gì Đó đè lên đùi. Lucia lôi ra, và Đó là cây thánh giá được bọc trong vải. Cô nhìn nó nghi hoặc. Chúa đã dành cho mình một phép mầu, cô nghĩ. Lucia không thể hiểu làm sao cây thánh giá lại ở Đó, song cô cũng chẳng bận tâm, Cuối cùng thì cô cũng đã có nó trong tay. Tất cả những gì phải làm lúc này là nhanh chóng chuồn khởi nơi Đây. Cô bò ra khỏi chăn và nhìn sang chỗ Theresa. Bà ta đã biến Đâu mất. Lucia quan sát trong bóng đêm, chỉ nhìn thấy Tomas Sanjuro mờ ảo ở bìa bãi trống, mặt quay nhìn hướng khác. Rubio ở Đâu. Không thành vấn đề. Đến lúc biến khỏi nơi Đây rồi. Cô bắt đầu lần mò ra khỏi bãi trống, tránh hướng Sanjuro, lom khom để khỏi bị phát hiện. Đúng lúc Đó, màn đêm đột nhiên bị xé toang. Đại tá Fai Sostelo phải ra một quyết định. Mình đã nhận được mệnh lệnh từ chính ngài thủ tướng là phải hợp tác chặt chẽ với đại tá Ramon Acoca để giúp hắn tóm được Jaime Miro và bọn tu sĩ. Nhưng số phận đã phù hộ bằng cách đặt vào tay mình một trong những tu sĩ ấy Tại sao lại phải chia sẻ vận may này với Acoca khi tự mình có thể tóm được bọn khủng bố và hưởng vinh quang một mình? Mẹ thằng Acoca, Fai Sostelo nghĩ, cơ hội này là của ta. Biết Đâu OPUS MUNDO lại dùng mình thay Acoca. Vất mẹ nó đi những trò cờ quạt với chả nắm được tính toán của đối thủ. Phải, giờ là lúc phải dạy cho thằng khổng lồ sẹo mặt ấy một bài học. Đại tá Sostelo ra những mệnh lệnh rõ ràng cho binh lính. - Không bắt sống một đứa nào. Các anh đang đứng trước bọn khủng bố. Tiêu diệt hết. - Thưa đại tá, -thiếu tá Porte ấp úng, -trong Đó còn có cả các tu sĩ, có nên ... - Để bọn khủng bố nấp sau bọn tu sĩ à? Không, chúng ta sẽ không để tuột cơ hội này. Sostelo chọn mười hai người cho cuộc tấn công và ra lệnh trang bị kỹ càng. Trong đêm, chúng lặng lẽ trèo lên sườn núi dốc. Trăng đã ẩn sau những đám mây, giáp mặt không nhìn rõ mặt. Tuyệt. Bọn chúng không thể thấy được ta đang đến. Khi tất cả đã sẵn sàng, Sostelo hét vang hết cỡ giọng: - Bỏ vũ khí xuống, các anh đã bị bao vây! Và chưa dứt câu, hắn đã xuống lệnh. -Bắn! Bắn liên tục! Mười hai khẩu súng đồng loạt khạc đạn. Tomas Sanjuro không kịp hiểu điều gì xảy ra. Mộtđạn găm vào ngực và anh chết trước khi đổ xuống mặt đất. Rubio Arzano đang ở phía bên kia của bãi trống lúc súng bắt đầu nổ. Thấy Sanjuro gục ngã anh giương súng định bắn trả nhưng rồi lại kịp dừng tay. Khoảng trống tối như mực. Nếu bắn trả, khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Anh rất ngạc nhiên khi thấy Lucia đang lom khom cách mình vài bước chân. - Sơ Theresa Đâu? -Anh thì thào. - Bà ấy ... bà ấy đi rồi. - Thấp xuống, -Rubio bảo. Anh lôi tay cô và hai người chạy ngoằn ngoèo về phía khu rừng, ra khỏi tầm đạn. Đạn rít vèo vèo xung quanh nhưng trong chốc lát cả hai đã vào được rừng cây. Họ vẫn chạy. Rồi họ nghe tiếng hò hét xa dần. Đuổi bắt được ai trong khu rừng tối đen như mực thế này? Rubio dừng lại cho Lucia thở. - Ta đã mất hai người, vẫn phải đi tiếp thôi. Anh nghe tiếng Lụcia đang thở dốc. -Cô có cần nghỉ một chút không? - Không, -cô đáp. Mặc dầu đã kiệt sức nhưng cô không hề có ý định để bị tóm, nhất là vào lúc cô đã có cây thánh giá trong tay. - Tôi khỏe. Ta hãy đi khỏi Đây ngay. Đại tá Fai Sostelo đang đứng trước thảm họa. Một tên khủng bố bị giết, nhưng có Chúa mới biết bao nhiêu tên đã thoát. Hắn không tóm được Jaime Miro hoặc một tên đồng bọn dù là tép riu nào, mà chỉ mỗi bà sơ. Sostelo biết mình phải báo cáo đại tá Acoca về sự việc đã xảy ra, nhưng hắn không hề mong đợi điều Đó. Cú điện thứ hai của Alan Tucker gọi về khiến Ellen Scott thấy tình hình đáng ngại hơn nhiều. - Tôi đã tình cờ thu thập được một số tin tức khá thú vị, thưa bà Scott. -Ông ta thận trọng nói. - Tin gì Đó? - Tôi đã đọc kỹ một số báo cũ ở Đây, hy vọng có thêm được thông tin về cô gái. - Sao nữa? -Bà dốc hết nghị lực để Đón nhận cái mà bà biết nó sẽ tới. - Hình như đứa bé bị bỏ rơi vào khoảng thời gian vụ tai nạn máy bay. -Tucker vẫn giữ giọng điềm đạm. Im lặng. Rồi ông ta tiếp tục. - Vụ tai nạn đã làm thiệt mạng người anh chồng của bà cùng vợ và con họ, cháu Patricia. Tống tiền Đây. Không thể có sự giải thích nào khác. Vậy là ông ta đã tìm ra. - Phải đấy, -bà điềm đạm nói. -Lẽ ra tôi phải nói trước với ông. Tôi sẽ giải thích tất cả khi ông trở về. Có tin gì mới về con bé không? - Chưa, nhưng cô ta khó mà trốn lâu được. Cả nước Tây Ban Nha đang cùng tìm kiếm cô ấy. - Có gì mới nhớ báo tôi ngay. Bà dập nhanh máy. Alan Tucker lặng lẽ nhìn ống nói câm lặng trong tay. Quả là một người đàn bà lạnh lùng, ông cảm phục nghĩ. Không biết bà ta sẽ cảm thấy ra sao khi có một bạn tình? Ta đã sai lầm khi phái hắn đi, Elien Scott nghĩ. Phải làm gì để hãm hắn lại. Rồi sẽ làm gì đối với cô gái? Một tu sĩ. Chừng nào gặp nó hẵng hay. Tiếng người thư ký vang trong máy điện thoại nội bộ. - Khách đang đợi bà ở văn phòng, thưa bà Scott. - Tôi đến đây Lucia và Rubio tiếp tục băng rừng, chốc chốc lại vấp ngã, mặc cho gai góc cản chân, rắn rết đe dọa, thêm mỗi bước là thêm mỗi xa kẻ thù. Cuối cùng, Rubio nói: - Dừng đây được rồi. Chúng không đuổi nữa Đâu. Họ đang ở trên núi cao, giữa rừng rậm. Lucia ngả lưng xuống đất, cố lấy lại hơi. Trong óc bỗng hiện lên cảnh tượng khủng khiếp vừa được chứng kiến. Tomas gục ngã không một lời trối trăng. Cái bọn khốn ấy định giết hết tụi mình Đây, Lucia nghĩ: Lý do duy nhất giải thích cho việc cô còn sống sót là sự có mặt của người đàn ông ngồi bên cô. Cô nhìn Rubio khi anh đứng dậy đi xem xét xung quanh. - Ta có thể nghỉ hết đêm ở Đây thưa sơ. - Phải đấy. -Cô nóng lòng muốn đi, nhưng lại biết mình cũng cần nghỉ ngơi. Như đọc được ý nghĩ cô, Rubio nói: - Chúng ta sẽ đi tiếp vào lúc bình minh. Lucia thấy cồn cào trong bụng. Thậm chí mới nghĩ vậy thôi, Rubio đã lên tiếng: - Chắc sơ phải Đói lắm. Tôi sẽ đi kiếm chút gì về ăn. Sơ có yên tâm ở Đây một mình không? . - Vâng, sẽ tốt thôi. Người đàn ông to lớn khom người ngồi xuống bên cô. - Xin sơ đừng quá lo sợ. Tôi hiểu. Đối với sơ, sẽ khó khăn biết bao khi trở lại thế giới này sau bao năm giam mình trong tu viện. Mọi thứ chắc đều hết sức xa lạ. Lucia nhìn anh ta, nói với giọng lãnh đạm: - Tôi sẽ cố làm quen với nó. - Sơ thật dũng cảm, thưa sơ. -Anh đứng dậy. -Tôi quay về ngay thôi. . Cô nhìn theo Rubio biến mất trong rừng cây. Đã tới lúc phải có một quyết định, và cô có hai lựa chọn. Có thể trốn ngay lúc này, tới một thị trấn gần nhất, bán cây thánh giá để có hộ chiếu và tiền sang Thụy Sĩ. Hoặc là ở lại với người đàn ông này cho tới khi tránh hẳn được bọn lính. Như thế an toàn hơn, Lucia quyết định. Cô nghe tiếng động trong rừng và quay lại. Đó là Rubio, miệng tươi cười. Chiếc mũ bê rê đầy cà chua, nho và táo. Anh ngồi xuống bên cô. - Bữa sáng Đây. Một con gà béo thì dễ ợt, nhưng nếu nhóm lửa để nướng thì sẽ lộ mất. Ngay sườn núi này có một trang trại. Lucia nhìn chằm chằm những thứ trong mũ. - Nhiều đấy nhỉ. Tôi đang Đói mềm Đây. - Ăn thử xem. -Anh đưa cô một quả táo. Ăn xong, Rubio thao thao trong khi Lucia mê mải với những tính toán của mình, chẳng để ý gì. - Mười năm. Sơ nói là đã ở trong tu viện mười năm? - Sao cơ? -Lucia giật mình. - Sơ đã ở tu viện mười năm rồi? - Ổ, đúng thế. - Vậy thì sơ sẽ chẳng biết được những gì đã xảy ra suốt thời gian Đó. -Anh lắc lắc đầu. - Dạ .... không. - Mười năm qua thế giới đã thay đổi kinh khủng sơ ạ. - Thật thế ư? - Franco đã chết rồi. -Rubio nói hào hứng. - Chết thế nào được? - Ồ, Đúng thế đấy. Chết hồi năm ngoái. Và chỉ định Juan Carlos làm người kế tục mình Lucia nghĩ bụng. - Sơ có thể rất khó tin, nhưng lần đầu tiên đã có một người bước lên mặt trăng. Sự thực Đúng thế. - Thật á? -Đúng ra là hai cơ. Tên của họ là gì nhỉ? NeilArmstrong và Buzzsomething. - Ồ phải. Những người Bắc Mỹ. Và còn có một chiếc máy bay hành khách bay nhanh hơn cả tiếng động. - Không thể tin được. -Mình muốn nhảy ngay lên chiếc Concorde Đó. Rubio thì như đứa trẻ, sung sướng được đưa Lucia tới những sự kiện của thế giới. - Ở Bồ Đào Nha đã nổ ra một cuộc cách mạng và ở Mỹ, tổng thống Nixon đã dính líu vào một vụ tai tiếng lớn và phải từ chức. Rubio thật dễ mến, Lucia nghĩ. Anh lấy ra gói thuốc lá Ducados, loại thuốc đen, hút khá nặng của Tây Ban Nha. - Hy vọng tôi hút thuốc sẽ không làm cô khó chịu. - Không sao, -Lucia nói, -cứ. Cô nhìn anh châm thuốc, và khi khói thuốc bay vào mũi, cô thấy thèm quá. - Tôi thử một điếu có được không? - Cô muốn thử một điếu thuốc lá? Thật không? - Chỉ để biết nó ra làm sao thôi mà, Lucia làm vẻ ngượng ngùng. - Ồ, được chứ. Anh chìa gói thuốc ra. Cô rút một điếu đặt lên miệng, và anh châm lửa. Lucia rít sâu một hơi. Khi khói thuốc tràn đầy buồng phổi cô cảm thấy tuyệt vời. Rubio nhìn cô, bối rối. - Té ra là mùi vị thuốc lá như vậy. -Cô ho. - Sơ có thích không? - Không hẳn, nhưng ... Lucia hút tiếp một hơi dài nữa. Trời, cô nhớ nó biết bao. Nhưng cô hiểu mình phải cẩn thận. Không thể để anh nghi ngờ. Vì thế, cô dập điếu thuốc một cách vụng về giữa hai ngón tay. Cô mới chỉ ở tu viện ít tháng, song dầu sao Rubio cũng Đúng. Trở lại thế giới bên ngoài thật kỳ lạ. Cô tự hỏi không biết Megan, Gracielia đang làm gì. Điều gì đã đến với sơ Theresa? Liệu bà ta có bị bọn lính bắt không? Mặt Lucia bắt đầu cay cay. Một đêm dài đầy căng thẳng. - Tôi muốn chợp mắt một lúc. - Đừng lo. Tôi sẽ canh cho sơ. - Cảm ơn ông. -Cô nói với nụ cười trên môi. Chỉ một lát sau cô đã ngủ. Rubio Arzano nhìn cô và nghĩ: Mình chưa từng gặp một phụ nữ như thế này. Cô ta cao cả, dám hiến dâng đời mình cho Chúa, nhưng dẫu vậy từ cô ta cũng toát ra một vẻ trần tục. Đêm nay cô đã hành động một cách dũng cảm như bất cứ người đàn ông dũng cảm nào. Cô là một người phụ nữ rất đặc biệt, Rubio Arzano nghĩ thầm khi ngắm Lucia ngủ. Cô gái bé nhỏ của Giêsu. Chương 11 Đại tá Fai Sostelo châm sang điếu thuốc thứ mười. Mình không thể trì hoãn thêm nữa. Hắn quyết định. Đối với những tin xấu thế này thì tốt nhất là tống khứ thật nhanh đi. Hít thở sâu vài hơi để lấy can đảm, hắn ta quay số điện. Khi Ramon Acoca cầm máy, Sostelo nói. - Thưa đại tá, đêm qua chúng tôi đã tấn công một trại của bọn khủng bố, mà tôi được báo tin rằng Jaime Miro có ở Đó, tôi nghĩ ông cần biết tin này. Một sự im lặng khủng khiếp. - Ông đã bắt được hắn? - Không. - Ông làm việc Đó mà không hỏi tôi? - Không đủ thời gian để ... - Nhưng đủ thời gian cho Miro trốn thoát. -Giọng Acoca đầy tức giận. -Điều gì dẫn ông tới cái hành động được thể hiện tuyệt vời như thế? Đại tá Sostelo nuốt nước miếng: - Chúng tôi bắt được một trong số những nữ tu đã trốn thoát khỏi tu viện. Bà ta dẫn chúng tới tới chỗ Miro và đồng bọn. Chúng tôi đã giết được một đứa. - Nhưng tất cả những đứa khác đều đã trốn thoát? - Vâng, thưa đại tá. - Mụ tu sĩ đang ở Đâu? Hay ông thả nốt ra rồi? Giọng hắn cay độc. - Không, thưa đại tá. -Sostelo nói nhanh. -Mụ ta còn ở trong trại Đây. Chúng tôi đang hỏi cung và ... - Không cần. Chúng tôi sẽ hỏi. Một giở nữa tôi sẽ ở Đó để xem ông có giữ nổi nó cho tới khi tôi tới không. -Y dằn mạnh ống nói xuống. Đúng một giờ sau đại tá Ramon Acoca có mặt. Cùng đi có tới một chục người của GOE. - Đưa mụ ta lên chỗ tôi. -Đại tá Acoca ra lệnh. Sơ Theresa được đưa tới lều chỉ huy, nơi Acoca đang đợi Hắn đứng dậy và cười rất lịch sự khi bà bước vào. - Tôi là đại tá Acoca. - Tôi biết ông thể nào cũng tới. Chúa mách tôi thế. - Thật thế sao? Hay lắm. Xin mời sơ ngồi -Y gật đầu dễ chịu. Sơ Theresa quá sợ hãi không ngồi xuống được. - Ông phải giúp đỡ tôi. - Chúng ta sẽ giúp. đỡ lẫn nhau, -viên đại tá vỗ về. -Bà đã trốn thoát khỏi tu viện Cisteeian ở Avila, Đúng thế không? - Đúng thế. Thật kinh khủng. Cái bọn người ấy. Chúng làm những chuyện vô thần và ... -Giọng bà ngập ngừng. Và những việc ngu xuẩn nữa. Chúng ta đã để ngươi và những đứa khác trốn thoát. - Thế sơ đến Đây bằng cách nào? - Chúa đưa đường. Người đang thử thách tôi như chính Người đã một lần ... - Cùng với Chúa, còn có những người khác đưa bà tới Đây phải không? -Acoca kiên nhẫn hỏi. - Phải. Chúng bắt cóc tôi. Tôi đã phải trốn khỏi chúng. - Bà đã báo cho đại tá Sostelo nơi có thể tìm ra bọn chúng? - Vâng Đúng thế. Bọn quỷ dữ Raoul đứng sau tất cả, ông biết không. Hắn gửi tôi một lá thư và nói ... - Thưa sơ, người mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là Jaime Miro. Bà có thấy hắn không? - Có, ồ có Hắn ... -Bà thu mình lại. - Tuyệt! Nào, sơ nói cho chúng tôi biết phải tìm hắn ở Đâu Viên đại tá nhào người về trước. - Hắn và đồng bọn đang trên đường đi Eze. - Đi Eze? Đi Pháp à? -Hắn cau mày, bối rối. - Vâng. Monique đã bỏ Raoul. nên hắn sai người đến bắt tôi về, bởi vì đứa bé con ... -Giọng bà lắp bắp, thảng thất. Viên đại tá kiềm chế sự bực tức đang dồn nén. - Miro và đồng bọn đi lên hướng Bắc. Eze ở phía Đông. - Ông không được để chúng bắt tôi về cho Raoul. Tôi không muốn nhìn mặt anh ta một lần nào nữa. Ông hiểu đấy. Tôi không thể gặp ... Đại tá Acoca sẵng giọng. - Tôi không bận tâm đến ông Raoul nào cả. Tôi muốn biết phải tìm Jaime Miro ở Đâu. - Tôi nói với ông rồi. Hắn đang đợi tôi ở Eze. Hắn ta muốn ... - Tôi cho rằng bà đang cố tình che giấu cho Miro. Bây giờ, tôi không muốn làm đau bà, nên tôi sẽ hỏi bà một lần cuối: Jaime Miro ở Đâu? - Tôi không biết, -bà thì thầm rồi sợ hãi nhìn quanh. -Tôi không biết Đâu. - Vừa rồi bà bảo hắn ở Eze. -Giọng y buốt lạnh như dao cứa. - Vâng. Chúa bảo tôi thế. Đại tá Acoca ngán ngẩm. Bà này hoặc là loạn trí hoặc là một ả làng chơi nói phét thành thần. Dù thế nào thì mụ ta cũng làm Acoca phát ốm về chuyện của mụ với Chúa. Y quay sang trợ lí của mình là Patricia Arrieta. - Trí nhớ của bà sơ này cần được hồi phục. Đưa bà ta đến lều chỉ huy trưởng. Có thể anh và toán lính của anh sẽ giúp bà ấy nhớ lại được Jaime Miro ở Đâu. - Rõ, thưa đại tá. Patricia Arrieta và toán lính là một bộ phận của đội quân đã tấn công vào tu viện ở Avila. Chúng thấy có lỗi vì đã để bốn bà sơ trốn thoát. Phải, bây giờ có thể lập công chuộc tội Đây, Arrieta nghĩ. - Xin mời đi theo tôi. -Gã quay sang sơ Theresa. - Vâng. -Lạy Chúa tôi, cảm ơn Người. Bà lại lắp bắp. Chúng ta đi à? Ông sẽ không để chúng đem tôi về Eze chứ? - Không, -Ameta vỗ về. -Bà sẽ không phải về Eze. Đại tá Đúng, gã nghĩ Con mụ này đang làm trò với ta. Được, ta sẽ cho mụ biết vài trò mới. Không hiểu mụ có chịu nằm yên hay lại hét toáng lênến lều chỉ huy trưởng, Arrieta nói: - Thưa bà sơ, chúng tới cho bà một cơ hội cuối cùng: Jaime Miro ở Đâu? Họ vừa hỏi mình về hắn rồi cơ mà Hay Đó là người khác nữa Có phải Đây hay là ... ôi sao lẫn lộn thế này. - Hắn bắt tôi về cho Raoul, bởi vì Monique bỏ rơi anh ta,và anh ta nghĩ ... - Nếu bà muốn như vậy, -Arrieta nói. -Để xem liệu chúng tôi có thể hồi phục lại trí nhớ cho bà không. - Vâng, các ông giúp cho. Mọi thứ đều lộn xộn quá. Nửa tá lính của Acoca đã vào trong lều cùng mấy người lính mặc quân phục của Sostelo. Sơ Theresa nhìn lên, chớp chớp đôi mắt: - Những người này sắp đưa tôi đến tu viện sao? - Họ còn làm tốt hơn thế nữa, -Arrieta cười đểu. -Họ sắp đưa bà lên thiên đường Đó, thưa sơ. Đám lính bước tới vây quanh bà. - Cái váy của em thật là đẹp, -một tên nói. -Có chắc em là tu sĩ không, em yêu. - Ồ, Đúng mà. -Bà nói, Raoul đã gọi bà là em yêu. - Đây là Raoul sao? -Ông thấy đấy, chúng tôi đã phải thay đổi quần áo để trốn bọn lính. Nhưng Đây lại là bọn lính. Mọi thứ đều rối tung. Một trong số chúng đè Theresa xuống chiếc giường con. - Mặt bà không đẹp chút nào, nhưng để xem dưới lớp quần áo này thì ra sao. - Các ông làm gì thế? Hắn xé toạc áo bà trong khi tên khác lột váy. - Thân hình không tồi đối với một bà già, phải không chúng mày? Theresa thét lên. Bà nhìn vòng người đứng xung quanh. Chúa sẽ vật chết hết chúng nó. Người sẽ không cho chúng chạm vào mình vì mình là nàngdâu của Người. Một tên đã tháo xong dây lưng. Giây lát sau bà cảm thấy những bàn tay sần sùi banh hai chân bà ra và khi một tên nằm lên trên người bà, thì bà thấy như có cây cời lửa chọc vào trong mình. Bà thét lên: - Nào Chúa? Hãy trừng phạt chúng đi. Bà ngóng đợi những cơn sấm rền, chớp giật có thể xé nát bọn lính này. Một tên khác leo lên bà. Theresa nằm Đó, chờ đợi Chúa ra tay trừng phạt, không còn cảm thấy đau đớn nữa. Trung úy Arrieta đứng cạnh giường. Cứ mỗi khi một tên “xong việc” với Theresa gã lại hỏi: - Thế đã đủ chưa, sơ? Bà có thể dừng lại bất cứ lúc nào bà muốn, miễn là nói ra Jaime Miro hiện ở Đâu. Sơ Theresa không nghe thấy hắn nói. Bà thét lên trong tưởng tượng: Lạy Chúa! Với quyền năng của mình, Người hãy trừng phạt chúng như người đã trừng phạt những kẻ ác ở Sođom và Gomorrath. Người hãy giết hết chúng đi. Không thể tin được. Người đã không đáp lời. Tại sao? Chúa ở khắp nơi mà. Và rồi bà hiểu ra, khi tên thứ sáu chọc vào bà. Chúa không nghe được lời cầu khẩn của bà vì chẳng có Chúa nào hết. Suốt bao năm qua bà đã tự lừa dối mình để thờ phụng, và đã trung thành hầu hạ, một quyền năng tối cao nào Đó. Nhưng làm gì có quyền năng nào. Nếu Chúa tồn tại thì Người đã cứu ta rồi. Màn sương đỏ trước mắt bà tan dần và lần đầu tiên bà nhận biết rõ được những gì quanh mình. Có ít nhất mười hai tên lính đứng trong lều đợi đến lượt. Trung úy Arrieta đang đứng theo dõi ở một bên giường. Bọn lính đứng trong hàng, quần áo vẫn mặc nghiêm chỉnh, chẳng buồn cởi sẵn. Khi một tên vừa nhỏm dậy khỏi Theresa, một tên khác đã lại bò lên bà. Không có Chúa, mà chỉ có quỷ sa tăng và Đây là của hắn. Sơ Theresa nghĩ. Chúng phải chết. Tất cả lũ chúng nó. Khi một tên lính Đâm sâu vào bà, sơ Theresa giật lấy khẩu súng ngắn khỏi bao trên người hắn và trước khi bọn chúng kịp phản ứng, bà quay súng vào Arrieta. Viên đạn găm Đúng yết hầu. Bốn tên nữa đổ vật xuống trước khi những tên khác kịp hoàn hồn và để bắn lại. Vướng tên lính đang nằm trên, bọn chúng khó nhắm trúng bà. Sơ Theresa và tên cuối cùng cưỡng hiếp bà cùng chết một lúc. * * * * * Jaime Miro chợt tỉnh giấc, giật mình bởi tiếng người rì rầm ở bìa khoảng trống. Anh chui ra khỏi túi ngủ, cầm súng, rồi tiến đến gần hơn, anh thấy Megan đang quỳ gối cầu kinh. Anh đứng yên theo dõi cô. Hình ảnh một người phụ nữ yên lặng cẩu kinh trong khu rừng đêm toát lên một vẻ thoát trần, nhưng Jaime Miro lại chỉ thấy bực dọc. Nếu Felix Carpio không thốt ra chuyện ta đang đi về San Sebastian thì mình đã chẳng phải gánh thêm cái bà sơ này ngay từ đầu. Việc anh phải đến San Sebastian là rất cấp bách. Đại tá Acoca lùng sục khắp nơi. Thoát khỏi lưới giăng của chúng, mình anh cũng đã khó khăn, thêm người phụ nữ này, nguy hiểm tăng gấp mười lần. Bực bội, Jaime đến bên Megan, giọng gay gắt hơn anh định. - Tôi đã bảo sơ cần ngủ? Tôi không muốn ngày mai. sơ kéo chân chúng tôi lại. Megan nhìn lên, nhỏ nhẹ: - Tôi xin lỗi, nếu như đã làm ông giận. - Thưa sơ, tôi để dành sự tức giận cho những cái quan trọng hơn. Lòng tốt của các bà chỉ làm tôi phát ớn. Các bà sống cuộc đời trốn tránh trong những bức tường đá, để đợi một chuyến đi không mất tiền sang thế giới bên kia. Các bà làm tôi ngấy đến tận cổ, tất cả các bà. - Bởi vì chúng tôi tin vào thế giới bên kia chăng? - Không, thưa sơ. Bởi vì các bà đã trốn chạy thế giới này. - Để cẩu nguyện cho các ông. Chúng tôi hy sinh đời mình để cầu nguyện cho tất cả các ông. - Và các bà tin rằng điều Đó sẽ giải quyết được mọi việc trên đời? - Phải, rất Đúng. - Chẳng có gì Đúng hết. Chúa của các người không thể thấu được lời nguyện cầu của các người bởi sự ồn ào Của tiếng súng đại bác và tiếng trẻ con gào thét - Chừng nào ông có một đức tin. - Tôi có rất nhiều đức tin, thưa sơ. Tôi có đức tin ở chính cái điều mà tôi đang chiến đấu vì nó. Tôi có đức tin vào đồng đội, chiến hữu, và khẩu súng của tôi, nên tôi không có đức tin vào những gì chỉ tồn tại trên mây. Nếu sơ nghĩ rằng Chúa của sơ nghe thấu dược, thì hãy bảo ông ấy đưa chúng ta đến tu viện ở Mendavia để tôi có thể thoát được sơ. Anh giận dữ với chính mình vì đã để mất bình tĩnh. Không phải lỗi của họ, mà chính giáo hội đã thờ ơ trong khi những kẻ thuộc phái Faiang của Franco tra tấn, cưỡng hiếp, giết hại người dân xứ Basque và Cataian. Không phải do lỗi của cô ta, Jaime Miro tự nhủ, mà gia đình mình trở thành nạn nhân của chúng. Dạo ấy Jaime mới chỉ là một cậu bé, nhưng hình ảnh đó đã khắc sâu mãi mãi vào trí óc. Cậu bị thức giấc vào nửa đêm bởi tiếng bom rơi. Chúng rơi xuống từ bầu trời, gieo rắc hủy diệt khắp mọi nơi. - Dậy đi, Jaime. Nhanh lên! Sự hoảng hốt của cha làm cho cậu bé hoảng sợ hơn cả tiếng gào rú khủng khiếp của chết chóc. Guernica là quê hương người dân Basque, và đại tướng Franco đã quyết định lấy nó làm bài học, làm tấm gượng: “ Hủy diệt!” Ông ta hạ lệnh. Phi đoàn Condot quốc xã kinh hoàng sử dụng hàng chục máy bay mở một cuộc không kích tập trung và đã không tỏ ra có chút ngập ngừng nào. Dân thị trấn tận loạn trốn tránh cơn mưa của thần chết nhưng nào mấy ai thoát được. Jaime, bố mẹ cùng hai chị cậu cũng trong đám người ấy. . - Đến nhà thờ, -bố cậu nói, -chúng sẽ không ném bom nhà thờ Đâu. Bố cậu dúng. Mọi người đều biết nhà thờ đứng về phía Caudilio. Cả nhà Miro theo bố chạy về hướng Đó, chen lấn đám đông hoảng loạn để giành lấy con đường sống. Cậu bé bám chặt tay bố, nhớ lại cái thời mà bố cậu không phải hoảng hốt, không phải chạy trốn, vì bất cứ ai, bất cứ việc gì, bất cứ lý do nào. - Chúng ta sắp phải đánh nhau hả bố? -Một lần cậu hỏi. - Không phải vậy, Jaime. Đó là báo chí nói thế. Tất cả những gì chúng ta đòi hỏi là một sự độc lập tương đối Người Basque và người Cataian có quyền được có tiếng nói riêng, có cờ và có ngày lễ riêng. Chúng ta vẫn là một quốc gia và vẫn là người Tây Ban Nha. Jaime quá bé để không hiểu được điều Đó, nhưng còn có cái nguy hại hơn nhiều -Đó là vấn đề người Cataian và người Basque, là sự mâu thuẫn tư tưởng sâu sắc giữa chính phủ cộng hòa với những người quốc gia cánh hữu và những gì bom đạn lúc này chỉ là tia lửa nhỏ của một đám cháy lớn không thể dập tắt được, một đám cháy đã lôi kéo bao xương máu, sức lực của người dân hàng chục quốc gia khác. Khi đã đánh bại những người cộng hòa và những người quốc gia, đã nắm chắc Tây Ban Nha trong tay, Franco bèn hướng sự bất hài lòng của mình tới những người dân Basque bướng bỉnh: “Trừng phạt chúng!” . Ông ta hạ lệnh. Và máu lại tiếp tục chảy. Một hạt nhân cứng rắn trong những người cầm đầu dân Basque đã thành lập ETA, phong trào đấu tranh cho một nhà nước Basque tự do, và bố Jaime được mời vào tổ chức. - Không, như thế là sai lầm. Chúng ta phải bằng các biện pháp hòa bình để giành lấy những gì Đúng là của ta. Chiến tranh không đem lại sự tốt đẹp nào hết. Nhưng những người chủ trương bạo lực nhiều hơn hẳn số người mong muốn sự mềm dẻo, và ETA nhanh chóng trở thành một lực lượng mạnh. Nhiều bạn học của Jaime cũng có bố là thành viên ETA và cậu thường được nghe chuyện về những kỳ tích oai hùng của họ. - Bố tớ cùng một nhóm chiến hữu đã đánh bom khu trung tâm của bọn dân vệ đấy, -một bạn nói. Hay: - Cậu có nghe về vụ cướp nhà băng ở Barcelona chưa? Bố tớ đấy. Bây giờ thì bố tớ với các bác ấy tha hồ súng để đánh bọn phát xít. Còn bố của Jaime thì bảo: - Bạo lực là sai. Chúng ta phải đàm phán. Có bạn học còn hỏi thẳng Jaime: - Quân ta vừa phá tung một nhà máy của bọn Franco ở Madrid. Sao bố cậu không làm thế? Hay ông ấy hèn? - Đừng nghe lũ bạn, Jaime. -Bố bảo. -Cái mà họ đang làm là tội ác. Nhưng đám bạn học vẫn không buông tha cậu: - Bọn Franco đã ra lệnh xử tử hàng chục người dân Basque mà không cần đến một phiên tòa. Chúng ta đang tiến hành một cuộc đấu tranh mang tính toàn quốc Bố cậu sẽ tham gia với chứ? - Kìa bố? - Chúng ta là người Tây Ban Nha, Jaime. Chúng ta không được để bị ai chia rẽ. Và cậu bé bị dằn vặt. Bạn mình Đúng? Bố mình có phải kẻ hèn nhát không? Jaime tin ở bố mình. Và lúc này đang là cuộc quyết chiến giữa cái thiện với cái ác. Thế giới hỗn mang sụp đổ xung quanh cậu. Đường phố Guernica chen chúc một đám đông gào thét, xô đẩy hòng thoát khỏi trận mưa bom đang giội xuống. Những tòa nhà, các tượng đài, kể cả vỉa hè, bắn tung lên thành những trận mưa rào bê tông và máu. Cả nhà Jaime đã tới được nhà thờ lớn, nơi duy nhất ở quảng trường vẫn còn đứng vững. Có khoảng mươi người đang đập cửa rầm rầm. - Cho chúng tôi vào! Nhân danh Chúa, mở cửa? - Sao thế? -Bố Jaime kêu lên. - Các linh mục đã khóa cửa. Họ không cho chúng ta vào. - Phá cửa mà vào chứ. - Không được! Jaime nhìn bố, ngạc nhiên. Ông nói như giải thích. - Chúng ta không được phá cửa vào nhà của Chúa. Người sẽ che chở cho chúng ta, bất kể ở đâu. Quá muộn rồi. Họ đã nhìn thấy tốp lính Faiang hiện ra ở một góc nhà thờ và chúng lập tức nã súng. Đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ tay không tấc sắt đổ xuống chồng chất trên quảng trường. Ngay cả khi bố Jaime biết mình đã trúng đạn ông vẫn vươn tay kéo con vào lòng, ấn cậu nằm xuống, lấy thân mình hứng cho Jaime những viên đạn chết chóc. Một sự tĩnh mịch khủng khiếp dường như bao trùm lên quả đất, sau trận tấn công. Tiếng súng nổ, tiếng người chạy và tiếng kêu thét bỗng dưng biến mất, cứ như một phép mầu vậy. Jaime mở mắt và nằm yên, cảm thấy sức nặng của bố cậu phía trên như tấm chăn ấm mềm mại. Bố, mẹ cùng hai chị cậu đều đã chết, chịu chung số phận với hàng trăm người khác. Và phía trước hàng đống xác của họ là cánh cửa im lìm Đóng của nhà thờ. Đêm hôm Đó Jaime tìm đường ra khỏi thành phố. Hai ngày sau, cậu tới Bilbao xin gia nhập ETA. Người sĩ quan tuyển chọn nói: - Cháu còn bé quá. Đi học thì hợp hơn. - Các chú sẽ là trường học của cháu, -Jaime nói nhỏ. -Các chú sẽ dạy cháu làm sao để trả nợ máu cho bố, mẹ và hai chị, tức là cho cả nhà cháu. Anh không bao giờ lùi bước. Anh chiến đấu cho mình và cho gia đình mình. Rồi những chiến công của anh trở thành huyền thoại. Jaime phác ra và thực hiện những cuộc tấn công đầy mạo hiểm vào các nhà máy, nhà băng, thực hiện những vụ trừng phạt bọn đầu sỏ tội ác Khi có bất cứ ai trong tổ chức bị bắt, anh liền tạo ra những vụ giải thoát xuất quỷ nhập thần. Khi Jaime nghe tin GOE được thành lập để đối phó với phong trào đấu tranh của dân Basque, anh mỉm cười: - Hay lắm. Thế là chúng đã phải để mắt đến ta. Anh không bao giờ tự hỏi liệu những sự mạo hiểm của mình có liên quan gì đến những câu chê bai: “Bố cậu là một lão hèn, hoặc bởi anh đang cố chứng minh một điều gì Đó cho bản thân hay cho những người khác. Lòng quả cảm mà anh luôn thể hiện đủ để chứng minh rằng anh không sợ liều mình cho chân lý anh hằng tin tưởng. Bây giờ, chỉ vì một người lính của mình nói năng lộ liễu mà anh phải cõng thêm một bà sơ. Thật mỉa mai là giáo hội của sơ lại đứng về phía ta. Nhưng muộn quá rồi, trừ phi họ trả lại những người đã khuất, cả a, mẹ ta và các chị ta, anh cay đắng nghĩ. Họ băng rừng trong đêm, ánh trăng bàng bạc xuyên qua kẽ lá. Họ tránh thị trấn và những con đường chính, cảnh giác trước bất cứ một dấu hiệu nguy hiểm nào. Jaime tránh xa Megan.Anh đi bên Felix chuyện trò về những cuộc phiêu lưu đã qua, còn Megan thì thấy sự tò mò trong mình cứ lớn dần. Cô chưa bao giờ biết một người nào như Jaime Miro, một con người đầy tự tin. Nếu có ai có thể đưa được mình tới Menđavia, Megan nghĩ bụng, thì Đó chính là con người này. Có những lúc Jaime thấy động lòng với bà sơ, thậm chí cả cảm giác mến mộ bất đắc dĩ đối với cách xử sự của cô ta trong hành trình đầy gian khổ này. Anh tự hỏi ba người bạn của anh lúc này đang xoay xở ra sao với những con chiên kia của Chúa. Ít nhất anh cũng còn Amparo Jiron. Đêm đến anh tìm thấy ở cô sự an ủi rất lớn. Cô ấy cũng hy sinh như mình vậy, Jaime nghĩ thầm. Thậm chí cô ấy còn nhiều lý do hơn mình để mà căm ghét cái chính phủ này. Cả gia đình Amparo bị quân đội quốc gia tàn sát. Cô phải tự chống chọi với cuộc sống. Trong cô ẩn giấu một sự căm thù chết chóc. Tới bình minh, họ đã ở gần Saiamanca, thành phố nằm hai bên bờ sông Tormes. Sinh viên từ khắp mọi mền đất nước đến Đây học đại học. -Felix giảng giải cho Megan. -Đây chắc chắn là mảnh đất tất nhất Tây Ban Nha. Jaime không nghe được câu chuyện của họ. Anh đang tập trung tính đường đi nước bước tiếp theo. Nếu mình là kẻ đi săn, mình sẽ đặt bẫy ở Đâu nhỉ? Anh quay sang Felix: - Chúng ta sẽ vòng qua Saiamanca. Ngoài thành phố có một biệt thự. Chúng ta sẽ nghỉ ở Đó. Biệt thự này là một khu nhà trọ nhỏ nằm cách xa trục đường. Những bậc đá dẫn đến mỗi hành lang đều có một hiệp sĩ thời cổ mặc bộ giáp sắt canh gác. Đến trước lối vào, Jaime bảo hai người phụ nữ: - Đợi Đây nhé. Anh gật đầu ra hiệu cho Fehx Caprio, rồi họ biến mất. - Họ đi Đâu thế? -Megan hỏi. Amparo Jiron ném một cái nhìn khinh khỉnh: - Có lẽ họ đi tìm Chúa của cô đấy. - Hy vọng họ sẽ tìm thấy. -Megan bình thản nói. Mười phút sau hai người quay lại. - An toàn. -Jaime nói với Amparo. -Em và cô ta ở một phòng. Felix sẽ ở với anh. Nói rồi anh đưa cô ta chìa khóa phòng. - Em muốn ở với anh, chứ không phải ... -Amparo dỗi. - Làm như anh bảo. Đẻ mắt vào cô ấy. Amparo quay sang Megan. “Đi, sơ!”. Phòng của hai cô là một trong mười phòng sắp thành hàng dọc theo hành lang xám xịt, trống trơn. Amparo mở khóa. Họ bước vào căn phòng nhỏ, tối, sơ sài Trong phòng kê một giường đôi, một giường đơn, một bàn trang điểm và hai chiếc ghế. Megan nhìn quanh và lêu lên: - Ôi căn phòng thật đáng yêu. Amparo Jiron quay ngoắt lại, giận dữ, nghĩ rằng Megan đang nói mỉa: - Cô là cái quái gì mà dám phàn nàn về ...? - Rộng rãi quá. -Megan tiếp tục. Amparo nhìn cô một lát rồi phá lên cười. Tất nhiên nó thật là rộng, nếu đem so với những ngăn những ổ mà các bà sơ đã sống. Amparo bắt đầu cởi quần áo. Megan không thể không nhìn. Và Đó là lần đầu tiên cô thực sự được thấy Amparo Jiron trong ánh sáng ban ngày. Cô ta thật đẹp, một vẻ đẹp trần tục. Tóc đỏ, da trắng, bầu vú tròn đầy đặn, cái eo nhỏ tí, còn cặp mông thì cứ núngy theo mỗi bước chân. Mà chân thì ...dài ơi là dài ... Amparo thấy Megan nhìn mình. - Này sơ? Sơ có thể nói cho tôi nghe không? Tại sao người ta vào tu viện? Một câu hỏi thật dễ trả lời. - Điều gì có thể kỳ diệu hơn là được hiến dâng mình cho sáng danh của Chúa? - Ngay lập tức, tôi có thể nghĩ ra được hàng tỷ thứ. -Amparo đi tới chiếc giường đôi và ngồi xuống. -Cô ngủ ở giường đơn nhé. Theo như tôi được nghe về tu viện thì Chúa của sơ không muốn sơ sống quá thoải mái. Megan cười: - Chẳng sao cả. Tôi thấy rất thoải mái trong lòng. Trong phòng ngủ đối diện qua hành lang, Jaime Miro nằm duỗi dài còn Felix Carpio đang cố ổn định trên chiếc giường con. Cả hai đều để nguyên quần áo. Jaime nhét súng dưới gối, còn súng của Felix để trên chiếc bàn con đầu giường. - Theo cậu, cái gì khiến họ làm như thế? - Felix thắc mắc. - Làm gì, anh bạn? - Giam mình trong tu viện như tù nhân vậy. - Cậu đi mà hỏi bà sơ, tôi chỉ mong sao thoát được nợ. Tớ không thích chuyện kèm cặp này tí nào. - Jaime nhún vai. - Jaime, Chúa sẽ cảm ơn chúng ta về hành động tốt đẹp ấy - Cậu tin thế thật sao? Đừng làm tớ buồn cười. Felix bỏ qua. Tranh cãi với Jaime về chuyện giáo hội Thiên Chúa thì chẳng được tế nhị lắm. Hai người đều im lặng theo đuổi một ý nghĩ riêng. Felix Caprio nghĩ: Chúa đã trao những bà sơ này vào tay chúng ta, phải đưa được họ tới tu viện an toàn. Jaime thì lại nghĩ về Amparo. Lúc này, anh muốn có cô ghê gớm. Cái mụ chết tiệt. Lúc định kéo chăn lên để ngủ, anh chợt nhớ ra còn một việc phải làm. Trong hành lang hẹp, tối tăm ở tầng dưới, người lễ tân đợi đến lúc tin chắc những vị khách mới đến đã ngủ mới nhấc điện thoại lên. Tim ông ta đập thình thịch khi quay số. Một giọng lười biếng đáp lại. - Trung tâm cảnh sát Đây. Ông ta thì thầm với đứa cháu mình: - Florian, chú đang giữ Jaime Miro và ba người của hắn ở Đây. Mày muốn tóm bọn chúng không nào? * * * * * Chín mươi dặm về phía Đông, Lucia Carmine đang thiêm thiếp trong một khu rừng trải dọc con đường tới Penaflel. Rubio Arzano thì mê mải ngắm nhìn. Buộc phải đánh thức Lucia dậy. Cô ấy ngủ trông như thiên thần, anh nghĩ. Nhưng bình minh đã tới Rubio cúi xuống, thì thầm. - Sơ Lucia ... Lucia mở mắt. - Đến giờ ta phải đi rồi. Cô ngáp và lười biếng duỗi người. Chiếc áo khoác cô đang mặc bị tuột cúc, để lộ ra một phần ngực. Rubio vội nhìn đi nơi khác. Mình phải đề phòng suy nghĩ của mình. Cô ấy là con dâu của Giêsu. - Thưa sơ ... - Gì vậy? - Tôi. Tôi tự hỏi không biết có nên hỏi xin sơ một ân huệ? -Mặt anh gần như đỏ bừng. - Vâng, gì vậy? - Tôi ... lâu rồi tôi không được cầu nguyện: Nhưng tôi là giáo dân Thiên chúa. Nếu không phiền, xin sơ đọc giúp một bài kinh! Đó là điều cuối cùng mà Lucia lo ngại. Nó đã đến. Đã bao lâu rồi mình không đọc kinh nhỉ? Cô tự hỏi. Ở tu viện thì không. Trong lúc mọi người đang cẩu nguyện thì óc cô lại bận rộn với những kế hoạch tẩu thoát. - Tôi ... tôi không ... . - Tôi bảo đảm nó sẽ làm cho cả hai ta đều dễ chịu hơn. Làm sao để giải thích với anh rằng cô không nhớ một bài kinh nào? - Tôi ... ờ ... - À phải, có một bài cô vẫn nhớ. Thời Đó, cô gái nhỏ thường quỳ bên giường và người cha đứng cạnh, sẵn sàng bế cô lên gối rồi hôn chúc cô ngủ ngon. Từng lời bài kinh số hai mươi ba dần dần trở lại với cô. Chúa là người dẫn dắt tôi, tôi sẽ không muộn Người đặt ta xuống những đám cỏ xanh. Người dẫn ta đến những con đường công lý vì tên của Người ... Hình ảnh xưa dội về trong ký ức. Cô và hai anh cô đã làm chủ thế giới này. Và cha đã tự hào về cô biết bao. Con sinh ra ở dưới ngôi sao may mắn, Thiên thần của bố. Cứ nghe vậy, Lucia lại thấy hài lòng. Không gì có thể làm hại được cô. Chẳng phải cô là con gái xinh đẹp của Angelo Carmne vĩ đại sao? Dầu cho phải băng qua thung lũng của thần chết ta cũng chảng sợ ma tà quỷ ác: Ma quỷ chính là kẻ thù của cha và các anh cô Đó, và cô đã bắt chúng phải trả nợ. Các thánh thần ở bên ta, an ủi vỗ về ta ... Lúc mình cần sự chia sẻ, vỗ về thì Chúa ở Đâu? Lucia đọc chậm lại, tiếng cô như thì thầm, cái gì đã xảy đến với cô gái nhỏ trong chiếc váy trắng mặc làm lễ Đó Cô tự hỏi. Một tương lai rực sáng. Làm sao mới đấy mà mọi thứ đã đảo lộn. Tất cả. Ta đã mất cha, mất hai anh trai, và mất chính bản thân mình. Trong tu viện, cô chẳng một lần nghĩ về Chúa. Vậy mà ở Đây, với người nông dân giản dị này ... - Nếu không phiền, xin sơ đọc giúp một bài kinh. Lucia tiếp tục: Cái tốt và sự nhân từ sẽ theo ta suất cuộc đời, và ta nguyện ở ngôi nhà của Chúa mãi mãi. Rubio đăm đắm nhìn cô: - Cảm tạ sơ! Lucia gật đầu, không thốt được lời nào. Rồi tự hỏi, Mình làm sao thế nhỉ? - Sơ đã sẵn sàng chưa? Cô nhìn Rubio: - Vâng, tôi đã sẵn sàng. Năm phút sau họ lại tiếp tục cuộc hành trình. Cơn mưa xối xả bất chợt đổ xuống, hai người ẩn trong một túp lều trống. Mưa đập vào mái, vào cả bốn bên, cứ như những cú đấm giận dữ. - Anh nghĩ cơn bão này sẽ giam chúng ta ở Đây bao lâu? Rubio cười: - Đây không phải là bão, thưa sơ. Nó là cái mà dân Basque chúng tôi kêu bằng sivinuti, nghĩa là cơn mưa đột ngột. Nó dừng cũng nhanh như khi nó ập xuống vậy đất đai đang khô, cần phải có mưa. - Thật sao? - Thật chứ! Tôi là nhà nông mà! Trông cũng đủ biết, Lucia nghĩ bụng. - Nói điều này sơ bỏ qua cho, tôi và sơ có rất nhiều điểm chung. Lucia nhìn gã quê mùa cục mịch đang vênh vác và nghĩ, sẽ có một ngày. -Thật thế sao? - Đúng thế. Tôi thực sự tin rằng, về nhiều phương diện, làm việc ở nông trang rất giống với sống trong tu viện. Mối liên quan này vượt quá hiểu biết của cô. - Tôi không hiểu. - Ồ thưa sơ, ở tu viện, sơ nghĩ nhiều đến Chúa và những phép mầu nhiệm của Người, phải thế không? - Vâng, phải vậy. - Về mặt nào Đó, nông trang cũng là Đức Chúa. Mọi thứ xung quanh ta đều do tạo hóa. Tất cả mọi thứ mọc lên từ đất của Chúa, dù Đó là lúa mì, ô liu hay nho, táo. tất cả mọi thứ đều từ Chúa mà có, phải thế không?, Đó là phép mầu, ta nhìn thấy chúng nẩy nở hàng ngày và bởi vì ta cũng giúp chúng lớn lên, cho nên chính ta cũng là một phần của phép mầu. Lucia mỉm cười trước giọng nói nhiệt tình của anh. Mưa đột nhiên tạnh hẳn: Ta lại đi được rồi, sơ ạ. - Chúng ta sắp tới sông Duero. -Rubio nói. -Ngay phía trước ta là thác Penafiel. Ta sẽ đi tiếp đến thị trấn Puero và rồi đến Logrono, ở Đó ta sẽ gặp bọn họ. Anh bạn cứ việc mà đến những nơi Đó, Lucia nghĩ, và chúc anh bạn may mắn. Còn tớ đi Thụy sĩ cơ. Họ nghe thấy tiếng thác nước từ xa, khoảng nửa giờ trước khi tới nơi. Phong cảnh Penaftel rất đẹp, nước từ trên cao đổ xuống dòng sông chảy xiết, tạo nên những âm thanh dữ dội. - Tôi muốn tắm một chút. -Lucia nói. Phải hàng năm rồi, kể từ lần cuối cô được tắm. Rubio Arzano ngạc nhiên nhìn cô: - Ở Đây á? Không, chàng ngốc ạ, ở Rome cơ. - Vâng. - Coi chừng nhé. Sau cơn mưa nước lớn lắm đấy. - Không phải lo. Xin lỗi - Ồ vâng Tôi đi chỗ khác Đây, sơ bỏ quần áo ra đi ... - Quanh đây thôi. Lucia nói nhanh. -Rừng núi thế này chắc hẳn nhiều thú dữ. Khi Lucia bắt đầu cởi đồ, Rubio nói mà không quay lại. - Đừng ra xa quá. Con sông này nguy hiểm lắm đấy. Lucia đặt cây thánh giá ở nơi có thể kiểm soát bằng mắt được. Không khí trong lành buổi sớm được cảm nhận tuyệt vời trên tấm thân trần của cô. Cởi xong đồ, cô khỏa nước bước xuống. Dòng nước mát lạnh và đầy sinh lực. Cô quay lên, thấy Rubio vẫn đang nhẫn nại đi ra theo hướng khác, lưng vẫn quay lại phía cô. Lucia mỉm cười. Nếu là bất kỳ người đàn ông nào cô đã biết, thì chắc sẽ đang hau háu nhìn. Lucia bước ra sâu hơn, tránh những hòn đá nhọn, vừa té nước vào người vừa cảm thấy nước như muốn lôi mình đi. Cách Đó vài sải tay, một cây nhỏ đang bị nước cuốn phăng phăng. Lucia quay nhìn và bỗng mất thăng bằng, trượt đi Cô hét lên, cảm thấy đầu mình va mạnh vào đá. Rublo quay ngoắt lại, kinh hoàng nhìn Lucia biến mất trong dòng nước cuồn cuộn. Chương 12 Ở đồn cảnh sát Saiamanca, khi viện hạ sĩ Florian đã đặt ống nghe xuống, tay hắn vẫn còn run rẩy. Chú đang giữ Jaime Miro và ba người của hắn ở Đây Mày có muốn tóm bọn chúng không? Chính phủ đã treo khoản thưởng lớn cho cái đầu Jaime Miro cùng đồng bọn và bây giờ, những kẻ Basque ngoài vòng pháp luật Đó lại đang trong tay hắn. Tiền thưởng Đó, nếu được, sẽ khiến hắn đổi đời. Hắn sẽ gửi các con tới học ở một trường tốt hơn, có thể mua được cho vợ chiếc máy giặt và vài món trang sức tặng nhân tình. Tất nhiên là phải chia một phần cho ông chú. Mình sẽ đưa lão hai mươi phần trăm, Santiago nghĩ, hay chỉ mười phần trăm thôi? Hắn biết rất rõ tiếng tăm Miro và chẳng hề có ý định liều mạng bắt sống. Để bọn khác nhảy vào nguy hiểm và mang tiền thưởng về cho ta. Hắn tính toán cách tốt nhất có thể. Ai cũng biết món nợ máu giữa viên đại tá Acoca và tên khủng bố này. Thêm nữa, đại tá có cả tổ chức GOE dưới quyền. Phải, Đó chính là phương án hành động. Hắn nhấc máy, và mười phút sau được nói trực tiếp với đại tá Acoca: - Tôi là hạ sĩ Florian Santiago, đang gọi từ đồn cảnh sát ở Saiamanca. Tôi có tin về Jaime Miro. Acoca cố giữ giọng bình thường. - Anh có chắc không? - Chắc, thưa đại tá. Hắn đang nghỉ qua đêm tại Biệt thự -Nhà khách Quốc gia Borgon bên ngoài thành phố. Chú tôi là người quản lí ở Đó, Chính vừa gọi điện cho tôi. Ngoài hắn có một tên khác và hai phụ nữ. - Chú anh quả quyết là Miro? - Vâng, thưa đại tá. Hắn và ba đứa đang ngủ ở trong hai phòng phía sau trên tầng hai nhà khách. Acoca nói: - Hạ sĩ, nghe tôi thật kỹ Đây. Tôi muốn anh đến Đó ngay lập tức và đứng ngoài theo dõi có tên nào ra không? Tôi sẽ tới Đó khoảng một tiếng nữa. Anh không được vào trong nhà khách. Không được để họ thấy. Rõ chưa? - Rõ, thưa ngài. Tôi sẽ đi ngay. Hắn ngập ngừng. -Thưa đại tá ... còn khoản tiền thưởng? - Khi chúng tôi tóm được Miro thì nó là của anh. - Cảm ơn đại tá, tôi rất ... - Đi ngay! - Rõ, thưa ngài! Florian Santiago đặt ống nghe xuống. Hắn rất muốn gọi điện để báo tin vui này cho người tình của mình, nhưng khoan đã, sẽ để cô ấy ngạc nhiên sau. Còn bây giờ, hắn đang có việc phải làm. Hắn gọi một cảnh sát trong phiên trực dậy: - Ra bàn trực đi. Tôi có một việc phải giải quyết. Vài giờ nữa tôi sẽ về. Và khi trở lại, ta sẽ là người giàu có, hắn nghĩ. Cái đầu tiên ta sẽ mua là chiếc xe hơi Seat. Màu xanh. Không, có thể sẽ là màu trắng. Đại tá Ramon Acoca đứng bất động, chỉ cho bộ óc làm việc. Lần này sẽ không được có sai lầm nào. Nó sẽ là nước đi cuối cùng trong ván cờ giữa hai đối thủ. Phải hết sức thận trọng. Chắc là Miro sẽ vô cùng cảnh giác trước mọi dấu hiệu lạ. Acoca gọi sĩ quan phụ tá của mình: - Tôi có mặt, thưa đại tá! - Chọn hai mươi tư tay súng cừ nhất, phải đảm bảo họ được trang bị toàn súng tự động. Mười lăm phút nữa khởi hành đi Saiamanca. - Rõ, thưa ngài! Đại tá Acoca đã vạch ra xong kế hoạch cuộc tập kích. Một hàng rào cảnh sát bao vây chặt biệt thự, hai mươi tư tay súng của hắn sẽ tiến nhanh và tiến lặng lẽ. Một cuộc công kích sấm chớp trước khi tên khủng bố có cơ hội đáp trả ... Ta sẽ giết hết luôn khi chúng còn ngủ. Miro sẽ không có đường nào thoát Mười lăm phút sau, sĩ quan phụ tá quay lại: - Chúng tôi đã sẵn sàng, thưa đại tá! Hạ sĩ Santiago chẳng tốn mấy thời gian để tới được nơi cần tới. Chẳng cần ai đe hắn cũng không có ý định theo dõi những tên khủng bố. Nhưng bây giờ, tuân lệnh đại tá Acoca, hắn đứng trong bóng tối cách nhà khách khoảng hai chục bước chân, và từ chỗ Đó hắn có thể nhìn rõ được cửa ra vào. Trời đêm ớn lạnh, nhưng ý nghĩ về khoản tiền thưởng làm Santiago ấm áp. Hắn tự hỏi không biết hai người đàn bà trong Đó có xinh không, và họ có ngủ với hai người đàn ông không. Nhưng có một điều Santiago tin chắc là vài giờ nữa họ sẽ chết hết. Chiếc xe chở lính nhẹ nhàng bò về phía nhà khách. Đại tá Acoca bật đèn pin nhìn vào bản đồ. Khi còn cách khoảng vài trăm mét, hắn ra lệnh. - Dừng ở Đây. Xuống đi bộ tiếp. Tuyệt đối im lặng. Santiago không hay biết gì cho tới lúc giật mình bởi giọng nói vang bên tai: - Anh là ai? Hắn quay lại, thấy mình đang đứng trước đại tá Ramon Acoca. Ôi lạy Chúa tôi, trông ông ta khiếp quá. Santiago nghĩ thầm. - Tôi là hạ sĩ Santiago, thưa ngài! - Có ai rời nhà khách không? - Không, thưa ngài, tất cả bọn chúng vẫn đang trong Đó Chắc hẳn chúng đang ngủ say. Đại tá quay sang sĩ quan phụ tá: - Tôi muốn anh cho một nửa số quân bao vây quanh Tên nào chạy trốn, bắn chết ngay. Số còn lại theo tôi Bọn chúng ở phòng phía sau trên gác. Hành động! Santiago nhìn viên đại tá và đám lính nhẹ nhàng tiến vào cửa trước biệt thự, tự hỏi liệu cuộc đọ súng có ác liệt không, và nếu có, không biết ông chú mình có bị thiệt mạng oan không?. Vậy cũng thật đáng tiếc. Nhưng mặt khác, hắn cũng sẽ chẳng phải chia sẻ món tiền thưởng nữa. Lên tới gác hai, Acoca thì thầm: - Không để lỡ cơ hội, thấy chúng là lập tức nổ súng. Sĩ quan phụ tá hỏi: - Thưa đại tá, ngài có muốn để tôi đi trước ngài? - Không, hắn muốn có cái khoái cảm được tự tay giết Jaime Miro. Cuối hành lang là hai căn phòng mà bọn Miro đang trong Đó. Acoca khẽ ra hiệu cho sáu người trấn tại một cửa và sáu người khác ở cửa đối diện. - Đánh! -Y gào lên. Đó là giây phút mà y đợi chờ cháy bỏng. Theo hiệu lệnh, hai toán lính cùng một lúc đạp tung hai cánh cửa lao vào, ngón tay hờm sẵn trên cò súng, để rồi ... đứng nhìn hai căn phòng trống rỗng nhưng vẫn nồng hơi người. - Truy lùng! Nhanh! Xuống tầng dưới! Acoca rít lên. Tốp lính nhảy vào mọi phòng trong nhà trọ, đạp tung các cánh cửa, dựng dậy các vị khách đang hốt hoảng. Không tìm thấy Jaime Miro và đồng bọn Đâu cả. Đại tá lao như điên xuống tầng dưới, đến chỗ quầy lễ tân: không một ai. - Người Đâu? Hắn gọi to. -Có ai ở Đây không? Không một tiếng đáp. ThằngMiro lại đã trốn mất rồi. Một người lính nhìn xuống gầm quầy và kêu lên. - Thưa đại tá ... Thân hình rúm ró của viên lễ tân bị trói và bị nhét giẻ vào mệng. Một mảnh giấy treo ở cổ mang dòng chữ Xin đừng quấy rầy. * * * * * Rubio Arzano kinh hoàng nhìn theo Lucia bị cuốn băng đi trong dòng nước xiết. Anh quăng mình chạy dọc bờ sông, nhảy vọt qua những cây nhỏ và bụi rậm. ở khúc uốn đầu tiên, anh nhìn thấy mái đầu Lucia thấp thoáng trôi về phía mình. Nhảy ào xuống, với dòng nước lớn, anh bơi như điên dại ra chỗ cô. Anh thấy mình bị cuốn đi, như không thể tới bên cô được Lucia chỉ cách anh vài sải tay nhưng cứ như xa hàng dặm. Dồn hết sức lực, anh gắng lần cuối và may thay, tóm được tay cô, thiếu chút nữa thì lại tuột mất. Anh giữ chặt lấy và vật lộn với sóng nước lôi cô vào bờ. Cuối cùng, Rubio cũng kéo được Lucia lên bãi cỏ, rồi nằm vật ra, thở dốc! Song anh bỗng hốt hoảng bật dậy. Lucia đã bất tỉnh, không thấy thở nữa. Rubio gập bụng cô vào, xốc xốc, rồi thổi hơi vào miệng cô. Một phút trôi qua, rồi hai phút, cho tới khi anh bắt đầu tuyệt vọng, thì một dòng nước chợt tuôn ra từ mồm cô và có tiếng cô rên rỉ. Rubio thốt ra những lời cảm tạ Chúa. Anh tiếp tục làm hô hấp cho cô, nhẹ nhàng hơn, cho tới lúc nhịp tim cô đều đặn dần lại. Khi thấy cô rùng mình vì lạnh, Rubio vội vàng tới lùm cây vặt ít lá mang tới chà sát vào da dẻ cô. Chính anh cũng ướt và lạnh, quần áo sũng nước, nhưng chẳng buồn để ý đến. Anh đã quá lo sợ với ý nghĩ Lucia có thể chết. Lúc này, khi dùng lá sát vào người cô, những ý nghĩ không lành mạnh bỗng lấp ló trong đầu anh. Nàng có thân hình của một nữ thần. Tha thứ cho con, Chúa cao cả, nàng thuộc về Người, và con không được có những suy nghĩ xấu xa như thế ... Lucia dần dần tỉnh lại bởiốt ve nhè nhẹ trên người. Cô đang nằm trên bãi biển với Ivo. Ôi phải, cô nghĩ. Ôi Đúng thế, đừng dừng lại. Khi ngã xuống sông, ý nghĩ cuối cùng của cô là mình sẽ chết. Nhưng nay cô vẫn sống, và thấy mình đang ở trước mặt người đàn ông đã cứu sống mình. Chẳng cần suy nghĩ, cô đưa tay kéo Rubio nằm xuống. Anh không giấu được vẻ sững sờ: - Thưa sơ, chúng ta không thể ... - Suỵt! Môi cô đặt trên môi anh, mạnh mẽ và đòi hỏi, lưỡi cô khám phá miệng anh. Quá bất ngờ và lớn lao đối với Rubio. - Nhanh lên, nào! -Lucia thì thầm. -Nhanh lên! Cô nhìn Rubio sợ hãi cởi bỏ quần áo ướt sũng khỏi người. Anh chàng đáng được một phần thưởng, cô nghĩ Mà mình cũng vậy. Rubio lúng túng nói: - Thưa sơ, chúng ta không nên ... Lucia không hề có ý tranh luận. Cô dang tay Đón và thấy anh hòa vào mình trong một khát khao vô tận. Cô dâng mình cho những cảm giác tuyệt vời đang dồn dập ào đến. Nó càng trở nên ngọt ngào hơn nhiều lần bởi cô vừa thoát khỏi cái chết. Rubio là người tình khiến Lucia ngạc nhiên. Anh tế nhị, dịu dàng đồng thời lại, mành mẽ, đôi lúc tưởng như thô bạo. Sự nhạy cảm và cái nhìn mềm yếu hiện rõ trong mắt anh. Hy vọng cái ông đần này đừng có phải lòng mình. Lần cuối cùng một người đàn ông, trừ cha và hai anh mình, muốn làm hài lòng mình là bao giờ nhỉ? Lucia tự hỏi. Và cha mình sẽ có thích Rubio Arzano không? Rồi cô lại tự vấn mình, Sao ta lại tự hỏi liệu cha có thích Rubio Arzano hay không? Ta điên mất rồi. Hắn là gã nông Đân. Còn ta là Lucia. Carmne, con gái của Angelo Carmne. Đời Rubio chẳng có gì liên quan đến ta cả. Hai đứa bị ném lại với nhau chỉ do một sự tình cờ ngu ngốc của số phận: Rubio ôm cô, lắp đi lắp lại: - Lucia. Lucia của anh. Những tia sáng trong ánh mắt nói với cô mọi cảm giác của anh. Anh chàng thật đáng yêu, cô nghĩ. Mình làm sao thế nhỉ, sao mình lại nghĩ đến anh ta như thế? Mình đang trốn chạy bọn cảnh sát và ... cô sực nhớ đến cây thánh giá, hoảng hốt. Ôi trời ơi! Sao mình lại có thể quên được nó, dù là trong giây lát ấy Cô nói nhanh: - Rubio, em để cái ... cái gói ở trên bờ sông đằng kia. Anh có thể mang giúp cho em? Cả quần áo em nữa? - Tất nhiên rồi. Anh sẽ quay lại ngay. Lucia ngồi đợi, lo lắng một điều không lành có thể xảy đến với cây thánh giá. Nếu nó biến mất thì làm sao? Nếu có kẻ nào đi qua Đó và nhặt mất thì làm thế nào? Vì thế sự vui mừng khôn tả trào lên trong Lucia khi cô thấy Rubio quay về, với cây thánh giá trong tay. Ta sẽ không rời mắt khỏi nó nữa. - Cám ơn anh -Cô nói. Rubio đưa quần áo cho Lucia. Cô nhìn anh, thỏ thẻ: - Em chưa cần nó ngay bây giờ. Ánh nắng tỏa lên làn da trần của Lucia làm cô thấy ấm áp và lười biếng. Vả lại, vòng tay Rubio cũng thật tuyệt vời Họ như đã tìm được một ốc đảo thanh bình. Những nguy nan đã qua hoặc sắp tới đều đã như xa tận Đâu Đâu. - Kể cho em nghe về nông trang của anh nào. Lucia nói giọng lười nhác. Mặt anh sáng bừng, giọng có chút tự hào. - Đó là mảnh đất ở một làng nhỏ gẩn Bilbao, của gia đình anh qua nhiều đời. - Thế rồi sao? Mặt anh đăm chiêu. - Bởi anh là người Basque nên chính phủ ở Madrid trừng phạt bắt phải Đóng thêm nhiều thứ thuế. Khi anh chống lại, chúng liền tịch thu đất đai. Đó là lúc anh gặp Jaime Miro. Anh tham gia với anh ấy chống lại chính phủ để bảo vệ cái Đúng. Anh có mẹ và hai em gái, sẽ có một ngày gia đình anh lấy lại đất đai, và anh sẽ lại làm ruộng. Lucia nghĩ đến cha và hai anh mình bị giam hãm suốt đời trong nhà tù. - Anh có gần gũi với gia đình không? Rubio cười nồng nàn: - Tất nhiên. Gia đình bao giờ cũng là tình yêu lớn nhất của chúng ta, phải không nào? Phải, Lucia nghĩ, nhưng mình chẳng bao giờ còn gặp lại người thân mình nữa. - Kể cho anh nghe về gia đình em, Lucia. Từ khi vào tu viện, em có còn liên hệ với gia đình không? Câu chuyện đang tới đoạn nguy hiểm. Nói gì với anh ta? Cha em là một Mafisoro. Ông ấy cùng hai anh của em đang ngồi trong tù vì giết người. - À có. Mọi người trong gia đình em đều gắn bó với nhau. - Bố em làm gì? - Ông ấy là một thương gia. - Em có anh hay chị không? - Có hai anh, đều làm cho bố em cả. - Lucia, tại sao em vào tu viện? Bởi em bị cảnh sát đang lùng bắt vì đã giết hai người Ta phải dừng ngay câu chuyện lại. Lucia nói to: - Vì em phải trốn tránh. Thế cũng gần sự thật lắm rồi. - Em thấy thế giới này ... quá đủ với em rồi sao? Đại loại thế. - Anh không được phép nói điều này, Lucia, nhưng anh đã yêu em. - Rubio - Anh muốn cưới em. Cả đời anh chưa từng nói điều Đó với người phụ nữ nào. Từ anh toát ra vẻ xúc động chân thành. Anh chàng này không biết chơi trò chơi ái tình, cô nghĩ: Phải cẩn thận không làm tổn thương anh ta. Cái ý nghĩ con gái của Angelo Carmne làm vợ một gã nông dân suýt khiến cô phá lên cười. Rubio hiểu sai nụ cười trên môi cô. - Anh không sống chui lủi thế này mãi Đâu. Chính phủ sẽ hòa giải với bọn anh, và anh sẽ lại trở về với đồng ruộng của mình. Em yêu ơi, suốt cuộc đời còn lại anh muốn được làm cho em hạnh phúc. Chúng mình sẽ sinh nhiều con, và các con gái nom sẽ giống em như hệt. Không thể để anh ta tiếp tục theo kiểu này, Lucia dứt khoát. Phải dừng anh ta lại. Nhưng không hiểu sao cô vẫn im lặng nghe Rubio vẽ những bức tranh về cuộc sống chung của họ và bỗng thấy mình cũng khao khát nó. Cô đã quá mệt mỏi vôi cuộc sống chui lủi. Sẽ tuyệt vời biết bao khi cô được sống yên ổn ở một nơi nào Đó, được một người yêu thương, vỗ về. Mình loạn óc mất rồi. - Thôi, đừng nói về điều Đó bây giờ nữa, ta đi tiếp, anh. Họ đi lên hướng Đông Bắc, dọc theo bờ con sông Duero uốn lượn, một miền đồi cây cối sum suê. Họ dừng chân ở làng nhỏ Duero đẹp như tranh để mua bánh mì, pho mat và rượu vang, rồi ăn uống, nghỉ ngơi trên một bãi cỏ mềm. Lucia cảm thấy yên tâm bên Rubio. Trong anh có một sức mạnh ẩn giấu, dường như nó tiếp sức cho cô. Anh ta không phải dành cho mình, nhưng sẽ làm cho một người đàn bà may mắn nào Đó rất hạnh phúc, cô nghĩ. Khi họ ăn xong, Rubio nói: - Nơi tiếp theo là Duero, một thành phố khá lớn. Tốt nhất là ta đi vòng qua nó để tránh GOE và bọn lính. Đó là lúc mà cô phải xa anh. Lucia đã chờ đợi thời cơ ở một thị trấn lớn. Rubio Arzano và đồng áng của anh ta chỉ là một giấc mơ. Trốn thoát sang Thụy Sĩ mới là thực. Lucia hiểu mình sắp gây tổn thương lớn cho anh, vì thế cô không dám nhìn vào mắt anh ki: - Rubio ... Em muốn chúng ta vào thị trấn. Anh nhíu mày: - Như thế nguy hiểm lắm, em yêu. Bọn lính ... - Bọn nó sẽ không tìm chúng ta ở Đây Đâu. -Cô nghĩ rất nhanh. -Hơn nữa, em không thể cứ váy xống thế này mà đi tiếp được. Ý nghĩ đi vào thành phố khiến Rubio lo lắng nhưng anh chỉ có thể nói: - Nếu Đó là điều em muốn. Xa xa, những bức tường của thị trấn Duero hiện lên mờ mờ trước mắt họ như một hòn núi nhân tạo nổi trên mặt đất. Rubio thử một lần nữa. - Lucia ... Em có chắc là em phải vào thành phố? - Vâng, em phải vào. Họ đi qua chiếc cầu dài dẫn tới con phố chính Avenida Castilia, rồi đi qua nhà máy đường, nhà thờ và mấy cửa hiệu gia cầm. Không gian nồng nặc đủ thứ mùi. Các cửa hiệu, các tòa nhà nối nhau hình thành con lộ chính. Họ đi thong thả, thận trọng, cố không gây một sự chú ý nào. Cuối cùng, Lucia thở phào khi nhìn thấy cái mà cô đang tìm kiếm, một biển đề: CASA DE EMPENOS -Hiệu cầm đồ. Cô lặng thinh. Họ tới quảng trường thị trấn nơi có nhiều cửa hiệu, chợ búa và quán nhậu, rồi đi qua một nhà hàng, nơi đặt những chiếc bàn gỗ dài giải khát. Bên trong đặt một chiếc máy hát tự động, những súc giăm bông hun khói cùng những túi tỏi treo trên các thanh xà bằng gỗ sồi. Lucia chớp thời cơ, cô nói: - Em khát quá, Rubio. Ta vào Đó nhé? - Tất nhiên rồi. Anh nắm tay cô và dẫn vào. Vây quanh chỗ bán hàng có khoảng một chục người. Lucia và Rubio chọn một bàn trong góc. - Em muốn thứ gì, em yêu? - Gọi cho em một cốc rượu vang. Em sẽ trở lại ngay. Em có chút việc. -Cô đứng dậy và đi ra phố, để lại sau cô anh chàng tốt bụng Rubio đang ngạc nhiên nhìn theo bối rối. Ra ngoài, Lucia quay lưng, vội vã tới hiệu cầm đồ, hai tay ôm chặt cây thánh giá. Bên kia phố, cô nhìn thấy một cánh cửa có biển đen nổi lên dòng chữ trắng CẢNH SÁT. Cô nhìn nó, tim đập bỏ nhịp, rồi vòng qua nó vào hiệu cầm đồ. Một người đàn ông quắt queo đến mức chỉ đủ nhận ra có cái đầu to đùng đứng sau quầy. - Xin chào, Senorita! - Xm chào, Senor. Tôi có một thứ cần bán. -Lucia lo sợ, cô phải tì hai đầu gối vào nhau để chúng khỏi run rẩy. - Vâng! Lucia mở bọc vải chìa cây thánh giá ra. - Ông ... ông có muốn mua cái này không? Lão chủ hiệu cầm cây thánh giá trên tay. Lucia nhận thấy một tia sáng lóe lên trong cặp mắt lão. - Cho phép tôi hỏi cô kiếm được nó ở Đâu vậy? - Một người bác tôi vừa qua đời để lại cho tôi. -Cổ họng cô khô đắng. Lão chủ hiệu ngắm nghía cây thánh giá, lật lên lật xuống, rồi hỏi: - Cô đòi bao nhiêu? Giấc mơ của cô đang sống dậy. - Tôi muốn có hai trăm năm mươi ngàn peseta. Lão ta nhăn mặt, lúc lắc đầu. - Thứ này chỉ đáng một trăm ngàn peseta. - Thà tôi bán thân tôi trước. - Thôi, tôi có thể trả cô tới một trăm năm mươi ngàn. - Thế thì tôi nấu chảy rồi đổ quách ra đường cho xong. - Hai trăm ngàn. Đó là giá cuối cùng. Lucia cầm lấy cây thánh giá khỏi tay ông ta. - Ông đừng cướp giật của người mù, nhưng thôi, tôi chấp nhận giá Đó. Cô thấy rõ sự khoái chí trên mặt khi lão đưa tay ra Đón lấy cây thánh giá. Lucia rụt lại: - Với một điều kiện. - Điều kiện thế nào, thưa cô? - Tôiất cắp hộ chiếu. Tôi cần một cái khác để có thể đi thăm bà dì tôi đang ốm liệt giường ở nước ngoài. Lão chủ bắt đầu dò xét cô, mắt mở to. Lão gật đầu. - Tôi hiểu. - Nếu ông giúp được, cây thánh giá sẽ thuộc về ông. Lão thở dài: - Thưa cô, thời buổi này khó kiếm được hộ chiếu lắm. Chính quyền rất nghiêm khắc. Lucia nhìn ông ta, chả nói câu nào. - Tôi không biết làm sao để giúp cô được? - Dẫu sao thì cũng cảm ơn ông. -Cô bắt đầu đi ra. Đợi cô ra tới cửa, lão gọi: - Xin cô đợi cho một lát. -Lucia dừng lại. -Tôi vừa nhớ ra. Tôi có một thằng cháu, thỉnh thoảng nó cũng làm một số việc tế nhị như thế này. Nó là cháu họ xa, cô hiểu cho. - Tôi hiểu. - Tôi có thể nói với nó? Khi nào cô cần hộ chiếu? - Trong hôm nay. Cái đầu lớn của lão gật gù: - Thế nếu tôi giúp được, ta thỏa thuận thế nào? - Khi nào tôi cầm được nó đã. - Xong rồi. Cô hãy quay lại lúc tám giờ, thằng cháu tôi sẽ ở Đây Nó sẽ chụp ảnh để dán vào hộ chiếu cho cô. Lucia cảm thấy tim mình đập rộn rã. - Xin cảm ơn, thưa ông. - Cô có muốn để nó ở Đây cho an toàn không? - Lão chỉ vào cây thánh giá. - Bên tôi nó sẽ an toàn hơn. - Tám giờ nhé. Tạm biệt! Lucia rời cửa hiệu. Ra ngoài, cô thận trọng tránh đồn cảnh sát, rồi hướng về phía nhà hàng nơi Rubio đang đợi. Bước chân cô chậm lại. Cuối cùng, cô đã thành công. Với số tiền có được từ cây thánh giá, cô sẽ đến được Thụy Sĩ, đến với tự do. Lẽ ra phải sung sướng, nhưng thay vào Đó, cô lại cảm thấy một nỗi buồn kỳ lạ trĩu nặng. Ta làm sao thế này? Ta đang đi đường của ta. Rubio rồi sẽ nhanh chóng quên ta. Anh chàng sẽ tìm đượcngười đàn bà khác thôi. Rồi cô nhớ lại cái nhìn trong mắt anh, khi anh nói: Anh muốn cưới em. Anh chưa bao giờ nói điều này với một người phụ nữ nào. Mặc xác anh ta, cô nghĩ. Anh ta không phải là của mình. * * * * * Hệ thống tuyên truyền như phát cuồng lên. Những tin tức nóng hổi liên tiếp được tung ra. Cuộc tấn công vào tu viện, việc bắt bớ tập thể các tu sĩ vì đã che giấu bọn khủng bố, vụ trốn thoát của bốn nữ tu sĩ, việc năm người lính bị một nữ tu sĩ hạ sát trước khi bà ta bị bắn chết ... Các đường dây thông tin quốc tế nóng bỏng. Từ khắp nơi trên thế giới, các nhà báo kéo đến Madrid và thủ tướng Leopoldo Martinez, với một nỗ lực nhằm làm dịu tình hình, đã phải đồng ý họp báo. Có đến năm chục phóng viên tập trung tại văn phòng ông. Cạnh ông là đại tá Ramon Acoca và đại tá Fai Sostelo. Ban chiều thủ tướng đã đọc một tít lớn trên báo Thời Đại của London: Những kẻ khủng bố và các tu sĩ lẩn trốn quân đội và cảnh sát Tây Ban Nha. Một phóng viên Paris March hỏi: - Thưa thủ tướng, ngài biết các tu sĩ hiện ở Đâu không? Thủ tướng đáp: - Đại tá Acoca phụ trách hoạt động truy tìm. Tôi xin dành câu trả lời cho ông ta. Acoca nói: - Tôi có lí do để tin rằng họ đang trong tay bọn khủng bố. Tôi rất tiếc phải nói rằng có những căn cứ chứng tỏ rằng các tu sĩ đang câu kết với chúng. Các nhà báo cắm cúi ghi chép. - Thế còn vụ bắn nhau giữa sơ Theresa và những người lính? - Chúng tôi có thông tin rằng sơ Theresa cộng tác với Jaime Miro. Làẻ muốn giúp đỡ chúng tôi để tìm Miro, bà ta đã tới một doanh trại, bắn chết năm người lính trước khi chúng tôi kịp chặn tay lại. Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng lực lượng quân đội và GOE đang dồn hết nỗ lực để sớm đưa bọn tội phạm Đó ra trước công lý. - Thế còn những tu sĩ bị bắt và bị đưa về Madrid? - Họ đang bị thẩm vấn. -Acoca đáp. Thủ tướng nóng lòng muốn kết thúc cuộc họp. Thật khó khăn cho ông ta để có thể giữ được bình tĩnh. Thất bại trong việc thu gom đầy đủ các tu sĩ và không bắt được bọn khủng bố đã làm cho chính phủ của ông - và chính ông -trở nên ngớ ngẩn, còn báo chí thì tận dụng triệt để tình hình. - Thưa thủ tướng, xin ngài cho chúng tôi biết bất cứ điều gì liên quan đến tình hình của các tu sĩ đã trốn thoát? -Một phóng viên của Oggi hỏi. - Rất tiếc. Tôi không thể cung cấp cho các vị một thông tin gì hơn. Tôi xin nhắc lại, thưa các ông, các bà, chính phủ đang làm mọi việc trong khả năng của mình để tìm ra các tu sĩ đó. . - Thưa ngài thủ tướng, có những tin tức nói về sự tàn bạo trong cuộc tấn công vào tu viện ở Avila. Xin ngài cho biết ý kiến của ngài? Đây là chỗ nhức nhối với Martinez, bởi Đó là sự thật. Đại tá Acoca đã quá lạm dụng quyền hạn của mình. Nhưng ông sẽ giải quyết y sau. Giờ là lúc phải tỏ ra đoàn kết. Ông quay sang viên đại tá và nói êm ái: - Đại tá Acoca sẽ cho biết ý kiến về vấn đề này. Acoca nói: - Chính tôi cũng nghe thấy những tin tức không có cơ sở Đó Thực tế rất đơn giản. Chúng tôi nhận được thông tin đáng tin cậy rằng tên khủng bố Jaime Miro và hàng chục đồng bọn đang ẩn nấp trong tu viện Cistercian và đã bỏ trốn khi chúng tôi đến. - Thưa ông đại tá, chúng tôi nghe rằng một số người của ông đã làm nhục. - Đó là một lời buộc tội vô liêm sỉ. Thủ tướng Martinez tuyên bố. - Xin cảm ơn các ông, các bà. Tất cả chỉ có vậy. Các vị sẽ được thông báo ngay lập tức khi có tin tức mới. Khi các nhà báo đã về hết, thủ tướng quay sang hai đại tá Acoca và Sostelo: - Họ sắp sửa biến chúng ta thành những kẻ dã man trong con mắt thế gian. Acoca chẳng có một chút bận tâm, dù là nhỏ nhất, đến sự lo lắng của thủ tướng. Cái làm y lo là cú điện thoại y nhận được lúc nửa đêm. - Đại tá Acoca phải không? Đó là giọng nói y đã quen thuộc. Y bừng tỉnh. - Vâng, thưa ngài! - Chúng tôi thất vọng ở anh. Những tưởng được thấy vài kết quả trước cuộc gặp này. - Thưa ngài, tôi đang ở rất gần chúng, -y thấy mình đổ mồ hôi như tắm. -Tôi xin các ngài kiên trì thêm một chút. Tôi sẽ không làm các ngài thất vọng. Acoca nín thở đợi câu trả lời. - Anh đang yượt quá thời gian. Dây nói chết lặng. Acoca đặt ống nghe xuống bần thần. Cái thằng Miro khốn kiếp ấy ở Đâu? Chương 13 Ta sẽ giết nó. Ricardo nghĩ bụng. Ta sẽ tay không bóp chết nó, ném nó xuống vực hoặc đơn giản là dùng súng bắn chết nó. Không, bóp chết mới hả. Sơ Graciela luôn làm cho anh lộn ruột. Không thể chịu đựng nổi cô: Lúc đầu, khi Jaime Miro chỉ định tới kèm cô, Ricardo Meliado đã mừng khấp khởi. Phải, cô ấy là một tu sĩ, nhưng cũng là một sắc đẹp mê hồn trong tất cả những vẻ đẹp anh đã từng để mắt đến. Anh sẽ tìm hiểu cô, tìm cho ra lý do khiến cô quyết định nhốt kín cái vẻ đẹp tuyệt vời đó bên trong bốn bức tường của tu viện cho đến hết đời. Dưới lần áo váy cô đang mặc, anh có thể nhận rõ được những đường cong đầy gợi cảm của một thân xác đàn bà. Sẽ có một chuyến đi thú vị đây, Ricardo bụng bảo dạ. Nhưng mọi thứ đã đảo lộn hoàn toàn. Sơ Graciela từ chối bắt chuyện với anh. Cô không nói một lời từ đầu cuộc hành trình và điều khiến Ricardo hoàn toàn thất vọng là cô chẳng có vẻ gì giận dữ, sợ hãi hay lo âu. Không gì cả. Cô thu mình vào một góc bí ẩn, tỏ ra chẳng có cảm xúc gì với anh hoặc bất cứ cái gì quanh anh. Cô luôn giữ một khoảng cách nhất định. Họ đi theo những con đường cát bụi nóng bỏng, bỏ lại sau những cánh đồng lúa gợn sóng vàng rượi. dưới nắng, những vườn quả ngát hương. Họ vòng qua những khu làng nhỏ dọc con đường, băng qua biển hoa hướng dương với những khuôn mặt vàng tươi xòe rộng về hướng mặt trời. Khi qua con sông Morós, Ricardo hỏi: - Sơ có muốn nghỉ một lát không? Im lặng. Họ đang đến gần Segovia trước khi đi tiếp hướng Đông Bắc tới vùng núi Guadarlama tuyết phủ. Ricardo vẫn tiếp tục trò chuyện một cách lịch sự, nhưng tuyệt vọng. - Thưa sơ, chúng ta sắp sửa đến Segovia rồi đó. Không có phản ứng gì. Ta đã làm gì để cô ấy bực mình chăng? - Sơ có đói không? Im lặng. Sự thể cứ như anh không có ở đó. Chưa từng một lần trong đời anh thấy mình ê chề đến thế. Có lẽ con mẹ này mắc bệnh câm kèm thêm bệnh điếc, anh nghĩ. Chúa đã cho cô ta một vẻ đẹp tuyệt thế, nhưng lại bắt cô ta phải mang một cái đầu ngu đần. -Nhưng anh cũng không tin điều đó lắm. Ngoại ô Segovla. Ricardo để ý thấy thị trấn rất đông đúc điều đó có nghĩa dân vệ sẽ cảnh giác hơn mọi khi. Tới quảng trường Conde do Cheste, anh thấy một toán lính đang rảo bước về phía mình bèn thì thầm: - Sơ nắm lấy tay tôi. Chúng ta phải giả làm cặp tình nhân đi dạo phố. Cô phớt đi. Giêsu chúa tôi, Ricardo nghĩ, sao mụ không chết cho rồi. Anh nắm lấy tay cô. Sự phản kháng mạnh mẽ, đột ngột khiến anh ngạc nhiên. Cô quay ngoắt đi như phải lửa. Tốp lính đã tới gần hơn. Ricardo ngả người về phía Graciela: Em không nên cáu kỉnh thế, -anh nói to, -em gái anh cũng có ý nghĩ như em. Hôm qua, sau bữa tối, khi đặt con ngủ, em bảo rằng giá như bọn đàn ông các anh đừng có ngồi túm tụm với nhau mà hút những điếu xì gà hôi rình và tán gẫu, trong khi phụ nữ các em thì cứ héo hon đi. Anh đánh cược rằng ... Tốp lính đã đi qua. Ricardo nhìn Graciela. Mặt cô không một chút xúc cảm. Ricardo bắt đầu rủa thầm Jaime Miro sao không giao cho anh một bà sơ khác. Bà này được làm bằng đá, mà lại chẳng có cái đục nào đủ cứng để xuyên thủng cái mặt ngoài lạnh lùng này. Dù khiêm nhường, Ricardo Meliado cũng biết mình có sức hấp dẫn đối với phụ nữ. Đã khối người trong số họ nói với anh như thế. Anh có thân hình cao, cân đối, nước da sáng, cái mũi quý tộc, khuôn mặt thông minh và hàm răng đều tăm tắp. Anh xuất thân từ một trong những gia đình người Basque danh giá nhất. Cha anh là chủ nhà băng và ông chú ý được học hành đến nơi đến chốn. Anh tới trường đại học của Saiamanca, còn cha anh thì chờ đợi con trai sẽ cùng mình lo việc làm ăn của gia đình. Khi Ricardo rời trường về nhà, theo bổn phận, anh đến làm việc tại nhà băng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau anh đã hòa nỗi đau của đồng bào mình. Anh có mặt ở các cuộc mít tinh biểu tình chống chính phủ và nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo của ETA. Biết được những hoạt động của anh, người cha gọi anh lên văn phòng rộng rãi, kín đáo của mình và giảng giải: - Ricardo, bố cũng là một người Basque, nhưng bố còn là một thương gia nữa. Chúng ta không thể làm ô danh gia đình bằng việc khuyến khích nổi loạn ngay ở mảnh đất mà chúng ta đang kiếm sống. - Thưa bố, không ai trong chúng ta có ý muốn lật đổ chính phủ này. Tất cả điều chúng ta đòi hỏi là tự do. Sự áp bức của chính phủ đối với dân tộc Basque và dân tộc Cataian là không thể chấp nhận nổi. Ông bố ngả lưng vào ghế, ngắm nghía con trai mình. - Ông thị trưởng, một bạn tốt của bố, hôm qua đã nhắc khéo bố. Ông ta bảo con đừng dại dột mà góp mặt vào cuộc tụ tập nào nữa. Sẽ có lợi hơn nếu con dành sức lực vào công việc ở nhà băng. - Thưa bố ... - Nghe bố đã, Ricardo. Lúc trẻ, máu bố cũng nóng. Nhưng cũng có nhiều cách khác nhau để làm nó nguội đi. Con đã đính hôn với một cô gái xinh đẹp, -ông chỉ tay vào những thứ xung quanh, -và còn có nhiều thứ để con trông đợi trong tương lai nữa. - Nhưng bố có thấy ... - Bố thấy rõ hơn con, con ạ. Bố vợ tương lai của con cũng không hài lòng với những việc con làm. Bố không muốn thấy có bất cứ chuyện gì cản trở cuộc hôn nhân này. Bố nói thế đã rõ chưa nhỉ. - Rõ rồi, thưa bố. . Thứ bảy sau, Ricardo Meliado bị bắt khi đang lãnh đạo cuộc biểu tình tại một giảng đường ở Barcelona. Anh từ chối để cha mình bảo lãnh, trừ phi ông chịu bảo lãnh luôn cho những người biểu tình khác cùng bị bắt với anh. Ông từ chối, bước đường công danh của anh đến đó chấm dứt và chấm dứt luôn cả chuyện lấy vợ. Đó là năm năm về trước. Năm năm với những hiểm nguy và những vụ thoát hiểm diệu kỳ, năm năm đầy xáo động của cuộc chiến đấu cho một mục đích mà anh tha thiết tin yêu. Giờ đây anh đang phải trốn khỏi cảnh sát, lại phải gánh thêm một bà sơ câm và ngớ ngẩn đi xuyên Tây Ban Nha. - Ta đi tiếp theo đường này. -Anh nói với Graciela, thận trọng không chạm vào tay cô. Họ bỏ phố chính sang phố nhỏ Sanvaientin. ở góc phố là một cửa hiệu bán nhạc cụ. Ricardo nói: - Tôi có một ý kiến. Sơ đợi ở đây, tôi sẽ quay lại ngay. Anh vào cửa hiệu, bước đến chỗ người bán hàng. - Xin được phục vụ ông! -Người ấy vồn vã. - Tôi muốn mua hai cây đàn ghita. - Ông thật may mắn. Cửa hàng chúng tôi vừa nhập vài cây loại Ramrezes. Loại tốt nhất đấy. - Có lẽ, tôi muốn một loại khác, chất lượng không cẩn đến mức đó. Bạn tôi và tôi chơi tài tử thôi mà. - Xin như ý, thưa ông. Loại này nhé? -Anh ta bước sang một góc khác bày đến chục chiếc ghita. -Hai cây Kono này tôi chỉ lấy ông mười ngàn peseta. - Ổ, không. -Ricardo chọn hai chiếc loại rẻ tiền. - Loại này chơi cũng hay lắm ... Vài phút sau, bước ra phố với hai cây đàn, anh những mong sơ Graciela đã bỏ đi, nhưng cô vẫn đứng đó., bất động chờ đợi. Ricardo mở nút chiếc dây đeo trên một cây đàn, đưa cho cô. - Đây, sơ khoác cái này lên vai. Cô tròn mắt nhìn anh. - Sơ không lo phải biểu diễn. Ricardo kiên nhẫn. - Chỉ để ngụy trang thôi mà. Cô miễn cưỡng cầm lấy nó. Họ đi theo những đường phố ngoằn ngoèo của Segovia dưới một chiếc cầu cạn được người Roman xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Ricardo quyết định thử một lần nữa. - Sơ có thấy cái cầu cạn này không? Chẳng hề có chút xíu xi măng nào giữa những khối đá. Truyền thuyết khẳng định nó được ma quỷ xây nên hàng nghìn năm về trước, đá chồng lên đá, chẳng có gì gán chúng với nhau ngoài phép mầu của quỷ. -Anh nhìn cô, hy vọng sẽ có một phản ứng. Chẳng có gì hết. Chết quách đi cho rồi, Ricardo Meliado nghĩ. Thua Lính dân vệ xuất hiện khắp nơi. Mỗi khi đi qua chúng, Ricardo lại làm như đang say sưa nói chuyện với Graciela nhưng hết sức tránh đụng vào cô. Số cảnh sát và quân đội như mỗi lúc một đông thêm, nhưng Ricardo vẫn thấy yên tâm. Họ đang lùng bắt một bà sơ mặc đồ tu sĩ và một nhóm người của Jaime Miro chứ chẳng có lý do gì để nghi ngờ hai du khách trẻ trung mang đàn ghita. Rồi anh thấy đói bụng. Dù sơ Graciela không nói anh chắc cô cũng đói như anh. Họ đi tới một quán cà phê nhỏ. Chúng ta nghỉ chân ở đây và kiếm chút gì ăn. Cô đứng đó nhìn anh. Anh thở dài đánh sượt: - Thôi đấy, tùy cô. Anh bước vào quán. Một lát sau Graciela cũng theo vào. Ngồi xuống, Ricardo hỏi: - Cô muốn gọi gì? Không đáp. Cô làm anh tức điên, gọi bừa: - Cho hai súp thỏ và hai xúc xích. Khi món ăn được mang tới, Graclela chỉ ăn thứ gì đặt trước mặt. Anh để ý thấy cô ăn một cách tự động, không hứng thú, cứ như buộc phải theo nghĩa vụ. Nhũng người đàn ông ở những bàn khác đang chằm chằm nhìn hai người. Cũng không thể trách họ được. Dầu cho thái độ sưng sỉa của Graciela, cứ mỗi lần nhìn vào cô, Ricardo vẫn thấy nghèn nghẹn ở cổ, và anh lại thầm rủa cái sự đa tình của mình. Cô là con người bí ẩn được chôn giấu sau một loại tường không thể xuyên thủng được. Ricardo Meliado đã biết hàng đống cô gái xinh đẹp nhưng không ai trong số họ tác động đến anh theo kiểu này. Có cái gì đó hầu như huyền bí trong vẻ đẹp của cô. Điều trớ trêu là anh tuyệt đối không hiểu cái gì ẩn giấu đằng sau bề ngoài tảng đá biết thở kia. Cô ta thông minh hay ngu đần? Hấp dẫn hay tẻ ngắt? Lạnh lùng hay nồng nàn” Mình nghĩ cô ta ngu đần, lạnh lùng và tẻ ngắt, Ricardo nghĩ, nếu không mình sẽ chẳng chịu mất cô ta. Cứ làm như mình từng có cô ấy không bằng. Cô ấy thuộc về Chúa. Anh nhìn đi hướng khác, sợ rằng cô có thể phát hiện ra ý nghĩ của mình. Đến lúc phải lên đường. Ricardo trả tiền rồi họ cùng đứng dậy. Trong khi đi, anh thấy Graciela có vẻ tập tễnh. Phải tận dụng phương tiện khác, anh nghĩ, đường còn xa. Ra tới ngoại vi thị trấn, họ gặp đoàn xe ngựa của dân Digan, cả thảy bốn chiếc, được trang hoàng lòe loẹt. Đằng sau mỗi xe là phụ nữ và trẻ con, tất cả đều mặc trang phục người Digan. Ricardo nói: - Sơ đợi ở đây Tôi sẽ cố gắng xin đi nhờ. -Anh tiến đến người lái chiếc xe đầu, một người đàn ông vạm vỡ, mặc đầy đủ trang phục của dân Digan, đeo cả vòng tai. - Kính chào ông. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông rộng lòng cho tôi và vợ chưa cưới của tôi đi nhờ xe. Người đàn ông nhìn qua chỗ Graciela đang đứng. -Có thể được Thế anh chị đi đâu? - Tới vùng núi Guadarrama. - Tôi chỉ có thể đưa anh chị đến Abaio thôi. - Thế cũng quý lắm rồi, cảm ơn ông. Ricardo bắt tay người Digan và đặt vào tay ông ta ít tiền. - Lên xe cuối nhé. Ông ta dặn theo. - Cảm ơn ông. Ricardo quay lại chỗ Graciela đang đợi. - Những người Digan này sẽ cho ta đi nhờ tới Abaio. - Anh bảo cô. -Ta sẽ lên xe cuối. Trong một giây, anh tin chắc cô sẽ từ chối. Sau một lát do dự một chút, cô đi theo anh. Có tới sáu người Digan trong xe, và họ thu xếp chỗ cho hai người. Ricardo định giúp Graciela trèo lên xe nhưng lúc anh vừa chạm vào tay cô thì đã bị cô đẩy mạnh ra khiến anh tròn mắt ngạc nhiên. Được thôi, đồ chết tiệt. Anh bắt gặp một thoáng da thịt của Graciela khi cô tự mình leo lên và không thể xua đi ý nghĩ nàng có đôi chân đẹp chưa từng thấy. Họ cố gắng xoay xở lấy một tư thế thoải mái trên sàn gỗ cứng để bắt đầu một chuyến đi dài. Graciela ngồi co ở một góc, mắt nhắm, môi mấp máy đọc kinh. Ricardo không thể rời cặp mắt khỏi cô. Ban ngày, mặt trời trở thành lò nung, giội lửa xuống đầu họ, mặt đất nóng như rang. Bầu trời xanh thẳm không một gợn mây, thỉnh thoảng khi xe đi qua những cánh đồng trống, lại thấy những con chim khổng lồ bay vút lên không trung Bbuitre leonado, Ricardo nghĩ những con chim kền kền, mình sư tử đầu chim. Cuối chiều, đoàn xe Digan dừng lại và người cầm đầu đi tới xe cuối: - Chúng tôi chỉ có thể đưa anh chị tới đây thôi. Ông ta bảo Ricardo. -Chúng tôi sẽ đi tiếp Vinelas Đường khác. - Tốt quá rồi. -Ricardo nói. Cảm ơn ông lắm.. Anh chìa tay ra định đỡ Graciela, rồi lại vội vàng thu về. . Ricardo quay sang người kia: - Mong ông rộng lòng để lại cho tôi và vợ chưa cưới, của tôi một ít đồ ăn? - Ông ta quay sang nói gì đó với một phụ nữ bằng tiếng nước ngoài, vài phút sau hai gói đồ ăn được chuyển tới Ricardo. - Cảm ơn nhiều, -anh đưa ra một ít..tiền. Ông ta nhìn anh một lát: - Anh và bà sơ đã trả tiền đồ ăn rồi. Anh và bà sơ. Nghĩa là ông ta đã biết. Mặc dầu vậy Ricardo không cảm thấy có cái, gì đe dọa. Những người Digan này cũng bị chính phủ áp bức chẳng khác gì người Basque và người Cataian. - Tạm biệt các bạn! Ricardo đứng nhìn theo đoàn xe ngựa từ từ đi khuất, rồi quay sang Graciela. Cô đang nhìn anh, im lặng, không cảm xúc. - Cô sẽ không phải chịu đựng đi cùng tôi lâu nữa đâu. Chúng ta sắp tới Logrono. Cô sẽ gặp các bạn ở đó và các cô sẽ theo đường của mình tới tu viện ở Mendavia. Không phản ứng. Cứ như anh đang đối thoại với một bức tường vậy. Đúng là mình đang nói chuyện với tảng đá Nơi họ xuống xe là một thung lũng thanh bình với rất nhiều vạt táo, lê và cây sung. Cách họ một quãng là dòng sông Duraton đầy cá hồi béo. Ngày trước Ricardo thường câu cá ở đó. Một nơi lý tưởng để dừng chán nghỉ ngơi, nhưng họ còn phải đi một con đường dài nữa. Anh quay sang ngắm nhìn dãy Gdanama sừng sững trước mặt. Ricardo biết rất rõ vùng này. Men theo dãy núi có vài con đường mòn. Những bầy gấu, bầy dê núi và chó sói hay lang thang theo các đường này. Nếu đi một mình Ricardo sẽ chọn con đường ngắn nhất. Có Graciela đi cùng anh quyết định chọn lối an toàn nhất. - Nào, chúng ta phải đi thôi, -Ricardo nói. Anh không có ý định hẹn ở Logrono. Hãy để bà sơ im lặng này trở thành nỗi đau đầu của kẻ khác. Sơ Graciela đứng chờ Ricardo đi trước dẫn đường. Anh bắt đầu leo dốc. Khi lên con đường núi, sơ Graciela trượt chân trên mấy hòn đá cuội lổng chổng. Ricardo theo bản năng vội đưa tay ra giúp cô. Cô giật khỏi tay anh và tự lấy lại thăng bằng. Được lắm, anh tức giận. Mặc kệ cho ngã gãy cổ đi. Họ tiếp tục trèo lên đỉnh núi uy nghiêm. Con đường mòn trở nên dốc, trơn và hẹp hơn, khí lạnh bị loãng hơn. Họ đi theo hướng đông, băng qua khu rừng thông. Một làng nhỏ tĩnh mịch nằm phía trước họ. Thiên đường cho những người leo núi. Ở đó sẽ có đồ ăn nóng, có chỗ nghỉ ngơi ấm áp, Ricardo biết rõ lắm. Thật quyến rũ. Song lại quá nguy hiểm, anh quả quyết. Đó sẽ là một chỗ tuyệt vời cho Acoca đặt bẫy. Anh quay sang sơ Graciela: - Chúng ta sẽ đi vòng qua làng. Cô có đủ sức đi thêm quãng nữa rồi nghỉ không? Cô nhìn anh và thay cho câu trả lời, quay người bước đi. Sự khiếm nhã không cần thiết đó làm anh khó chịu ơn Chúa, đến Logrono mình sẽ thoát được con mụ này. Sao mình lại nhân danh Chúa mà có những ý nghĩ lộn xộn về cô ta thế nhỉ Họ đi theo bìa rừng vòng qua làng tới khi gặp đường mòn thì tiếp tục theo nó mà leo. Càng lên cao càng thấy khó thở và con đường lại càng dốc hơn. ở một đoạn vòng, họ bất chợt gặp một tổ chim đại bàng trống rỗng. Họ còn đi vòng qua một làng vùng núi nhỏ, nằm lặng lẽ và bình yên trong nắng chiều, rồi nghỉ chân bên dòng suối trên núi, uống nước suối lạnh như băng. Tới hoàng hôn, họ đến một vùng núi lởm chởm nhiều hang hốc. Từ đó, con đường mòn bắt đầu dốc xuống. Từ chỗ này đường sẽ dễ đi hơn, Ricardo nghĩ. Đoạn khó khăn nhất đã qua. Anh nghe thấy tiếng ù ù rất khẽ phía trên cao, xa xa. Một chiếc máy bay quân sự đột ngột vụt ra sau đỉnh núi, hướng về phía họ. - Nằm xuống -Ricardo hét lên. -Nằm xuống Graciela vẫn cứ đi. Chiếc máy bay lượn một vòng, rồi bắt đầu hạ xuống. - Đã bảo nằm xuống! -Ricardo lại gào lên. Anh nhảy tới và ấn cô xuống đất, người anh đè lên người cô. Điều diễn ra tiếp đó làm anh hết sức ngỡ ngàng. Không một dấu hiệu báo trước, cô gào thét như điên, cố sức đánh anh. Cô đạp vào háng, cào vào mặt, chọc rách mắt anh, nhưng hãi hùng nhất là những lời nói. Cô văng ra hàng tràng những từ tục tĩu khiến Ricardo bàng hoàng, một thác lũ những từ ngữ dâm ô ào ạt tấn công anh. Anh không tin nổi rằng những từ ngữ khủng khiếp đó lại có thể tuôn ra từ cái miệng xinh xắn ngây thơ kia. Anh cố gắng giữ chặt tay cô để tránh cho mình khỏi những móng sắc cào cấu. Graciela như con mèo dại nằm dưới anh. - Thôi ngay! Anh hét lên. -Tôi không làm gì cô cả. Máy bay của chúng có thể phát hiện ra ta. Phải trốn khỏi đây ngay. Anh giữ chặt cô tới khi sự chống trả điên cuồng của cô dịu xuống. Những âm thanh khác lbỗng nghẹn ngào bật ra từ cô vả anh nhận thấy cô đang thổn thức. Ricardo, bằng toàn bộ kinh nghiệm dày dạn với phụ nữ, đã hoàn toàn thất bại. Anh đang nằm trên một kẻ điên khùng, một tu sĩ có vốn từ vựng của gái điếm được bổ sung bởi dân lái xe tải, còn anh thì không có một ý niệm nào về những việc phải làm gì tiếp theo. Anh nói với giọng êm ái, mềm mại nhất có thể: - Thưa sơ, chúng ta phải nhanh chóng trốn đi chỗ khác thôi. Có thể cái máy bay đó đã báo tin về chúng ta và vài giờ nữa thôi bọn lính sẽ kéo đầy tới đây, nếu sơ muốn đến được tu viện, sơ phải dậy và đi với tôi. Anh đợi một lát, rồi thận trọng nhấc người khỏi cô và ngồi sát bên cô cho tới khi tiếng nức nở dịu xuống. Cuối cùng Graciela ngồi dậy. Mặt cô lấm đất, tóc rối tung, cặp mắt đỏ hoe song, mặc dầu vậy, vẻ đẹp của cô vẫn làm anh đau đớn. Anh nhẹ nhàng nói: - Tôi xin lỗi vì đã làm sơ hoảng sợ. Tôi không biết phải xử sự thế nào với sơ cho phải. Tôi hứa từ giờ sẽ cẩn thận hơn. Cô ngước cặp mắt xám đầy lệ lên nhìn anh, và Ricardo không thể biết cô đang nghĩ gì. Anh thở dài và đứng dậy. Cô đứng lên ngay theo anh. Cũng là có tiến bộ. - Quanh đây có hàng chục cái hang, Ricardo nói. -Chúng ta sẽ tìm một cái để nghỉ qua đêm. Bình minh tới ta có thể lại đi tiếp được. Mặt anh bị xước xát và chảy máu ở những chỗ cô cào mặc dầu vậy, anh vẫn cảm thấy một sự mỏng manh bất lực toát ra ở cô khiến anh xúc động, khiến anh muốn nói một điều gì đó để làm an lòng cô. Nhưng giờ đây chính anh lại là người im lặng. Anh không thể nghĩ ra được điều gì để nói. Hang động ở đây được hình thành qua nhiều niên đại nắng gió, lũ lụt và động đất đã khiến chúng thành muôn hình muôn dạng. Có cái thì chỉ là một hõm trong núi, nhiều cái là những đường kênh bất tận chưa từng được con người khám phá Đi chừng nửa dặm, Ricarđo tìm được một cái hang đáng hài lòng. Cửa vào thấp, hầu như bị bụi rậm che kín. - Ở đây thôi. Anh nói. Anh cúi mình chui qua cửa, rồi bước vào hang. Chỉ có vài tia sáng lờ mờ xuyên qua cửa. Chắng biết được nó sâu đến đâu, nhưng điều đó không thành vấn đề, bởi chẳng có lí do gì để khám phá nó. Anh lại chui ra, đến bên Graclela: - Có vẻ an toàn, Ricardo nói, -cứ đợi ở trong, tôi sẽ kiếm ít cành lá che miệng hang. Vài phút nữa tôi sẽ quay lại. Anh nhìn Graciela lẳng lặng chui vào hang và tự hỏi không hiểu cô còn ở đó cho tới lúc anh về không. Anh chợt thấy mình xiết bao mong muốn rằng cô sẽ chờ anh. Ở trong hang, Graciela nhìn anh đi khuất, rồi ngả mình xuống nền đất lạnh trong nỗi tuyệt vọng. Mình không thể chịu được hơn, cô nghĩ. Người ở đâu, hỡi Giêsu Xin hãy giải thoát con khỏi địa ngục này. Đó là địa ngục. Ngay từ lúc đầu Graciela đã phải chống trả với sức hút từ Ricardo mà cô cảm thấy. Cô nhớ lại con quỷ da đen. Mình sợ hãi chính mình, sợ con quỷ trong mình. Mình muốn người này không không thể được. Và vì thế, cô đã dựng lên một bức tường im lặng giữa họ, sự im lặng mà cô đã sống trong tu viện. Nhưng giờ đây không có sự bắt buộc của tu viện, không có những lễ cầu kinh, thiếu mất một cái nạng chống, những tập tục khắc nghiệt, Graciela cảm thấy không thể xua đuổi được bóng tối trong mình. Đã bao năm cô phải vật lộn với những đòi hỏi ma quỷ về thể xác, cố gắng xua đuổi những tiếng rên rỉ và những hơi thở gấp gáp từ giường ngủ của mẹ đã hằn sâu trong ký ức cô. Con quỷ da đen nhìn chòng chọc vào tấm thân trần truồng của Graciela. - Cô còn bé lắm. Mặc quần áo rồi đi đi ... - Tôi đã là người lớn! Suốt ngần ấy năm, cô đã cố gắng quên đi cái cảm giác của tên khổng lồ bên trong cô, cố đẩy ra khỏi đầu óc mình cái nhịp điệu của sự cọ xát xác thịt tràn đầy trong cô, và cuối cùng đã cho cô cái cảm giác sống. Mẹ cô thét lên: Đồ con đĩ Và ông bác sĩ nói: Ông chủ nhiệm khoa ngoại đã quyết định tự tay khâu cho cô. Ông ấy bảo cô ấy quá đẹp, không thể để mang sẹo. Bấy lâu nhọc nhằn cầu nguyện cốt để cho mình rửa sạch được tội lỗi. Nhưng đã vô ích. Giây phút đầu gặp Ricardo, quá khứ ào ạt đổ về trong cô. Anh đẹp trai, tế nhị và tốt bụng. Khi còn là thiếu nữ, Graciela đã từng mơ ước một người như vậy. Khi anh tới gần cô, khi anh chạm phải cô, người cô bỗng nóng bừng và cảm thấy hổ thẹn ngập tràn. Mình đã là cô dâu của Chúa Kitô, nhưng thân xác và ý nghĩ trong mình lại phản bội Chúa. Con thuộc về Người rồi. Hỡi Giêsu, hãy cứu giúp con. Hãy tẩy rửa khỏi con những mong muốn tội lỗi. Gracieia cố gắng trong tuyệt vọng để giữ bức tường im lặng với anh, bức tường mà chẳng ai ngoài Chúa có thể xuyên thủng, bức tường để ngăn chặn ma tà. Nhưng có thực sự cô muốn xua đuổi ma tà không khi Ricardo nhảy chồm lên cô, đè cô xương đất, đó chính tên Maroc đã làm tình với cô, là tên tu sĩ đang đòi cưỡng hiếp cô. Và trong cơn hoảng sợ ập đến, chính chúng là những kẻ cô đang chống trả. Không, cô bảo mình, điều đó không đúng. Chính cái dục vọng mạnh mẽ trong mình khiến cô đang phải vật vã. Cô bị giằng xé bởi sự thèm muốn xác thịt. Mình không được đầu hàng. Phải trở về tu viện. Hắn ta có thể trở lại bất cứ lúc nào. Mình phải làm gì bây giờ? Graciela nghe thấy tiếng rin rít nhỏ phía trong hang và vội quay lại. Bốn đốm mắt xanh đang soi vào cô trong bóng tối, và chuyển dịch về phía cô. Tim Graciela đập nhanh. Hai con sói nhỏ chạy lon ton đến bên cô trên những bàn chân mềm mại. Cô mỉm cười và chìa tay đón chúng. Có tiếng loạt xoạt ở phía cửa hang. Ricarđo về rồi -Cô nghĩ. Khoảnh khắc đó, một con sói xám khổng lồ lao vút về phía cô. * * * * * Lucia carmine dừng lại bên ngoài nhà hàng và hít sâu một hơi. Qua khung cửa sổ cô thấy Rubio Arzano đang ngồi đợi với dáng vẻ bồn chồn. Không được để anh ta nghi ngờ, cô nghĩ. Tám giờ tối ta sẽ có tiền và hộ chiếu mới để lên đường tới Thụy Sĩ. Cô nặn ra một nụ cười và bước vào. Nhìn thấy cô, Rubio mỉm cười nhẹ nhõm, và lúc anh đứng dậy, cái nhìn trong mắt anh khiến cho Lucia tê tái. - Anh lo quá, em yêu. Cứ sợ đã có chuyện xảy ra với em. Lucia đặt tay mình lên tay anh: - Không có gì đâu anh. Trừ việc ta đã mua được con đường đi tới tự do. Ngày mai thôi, ta sẽ trốn khỏi đất nước này. Rubio ngồi lặng lẽ nhìn vào mắt cô, nắm tay cô và từ anh tỏa ra một tình cảm yêu đương nồng nàn khiến cô bứt rứt. Anh chàng không biết rằng chỉ vôch sao? Không. Bởi vì ta không đủ can đảm để nói với anh. Anh không yêu mình. Anh yêu một phụ nữ mà anh tưởng lầm mình là người đó. Không có mình, tốt cho anh hơn nhiều. Cô quay đi và nhìn quanh. Căn phòng chật kín khách, và những người địa phương như đang đổ dồn mắt vào hai kẻ lạ mặt. Một thanh niên trong quán bắt đầu cất tiếng hát. Mọi người hòa theo. Một người tiến đến bàn họ: - Ông không hát, thưa ông. Hãy hát đi! Rubio lắc đầu: - Không! - Tại sao vậy, anh bạn? - Đó là bài hát của các anh. Rubio thấy sự bối rối trên nét mặt Lucia, anh giải thích: - Đây là một bài hát cũ ca ngợi Franco. Những người khác đến vây quanh bàn. Rõ ràng là họ đã uống nhiều rượu. - Thưa ông, ông chống lại Franco? Lucia thấy hai bàn tay Rubio nắm chặt lại. Ôi, Chúa ơi, không phải lúc này. Không được làm bất cứ chuyên gì gây ra sự chú ý. Cô nhìn anh răn đe: - Rubio ... Và, ơn Chúa, anh đã hiểu. Rubio ngước nhìn đám thanh niên và dịu dàng bảo: - Tôi nào có lí do gì để chống lại Franco. Chỉ tại tôi không thuộc lời bài hát. - À! Thế thì tất cả chúng ta cùng ngân nga lại! Chúng chờ cho Rubio từ chối. Anh liếc nhìn Lucia. Đám thanh niên bắt đầu hát lại và Rubio ngân nga theo rất to. Lucia cảm thấy được sư căng thẳng trong anh khi cố kiềm chế mình. Anh ấy hát vì mình. Khi bài hát kết thúc, một người vỗ vào lưng anh: - Được đấy, anh già. Nghe được lắm. -Rubio ngồi yên, mong cho chúng biến đi. Một đứa trong bọn nhìn thấy cái bọc trong vạt áo Lucia. - Giấu cái gì trong này thế, cô em? Đứa khác nói: - Tớ cá là cô em còn một thứ hay hơn thứ đang giấu trên cái váy kia. Cả đám phá lên cười. - Sao không tụt xi líp xuống cho các anh xem em có cái gì bên trong? Rubio chồm dậy và tóm cổ một đứa. Anh thúc mạnh tới mức hắn bay ngang căn phòng, xô vỡ một chiếc bàn. - Không! -Lucia hét lên. -Đừng! Nhưng đã quá muộn. Trong giây lát, căn phòng trở nên hỗn loạn, ai cũng muốn tham gia ẩu đả. Một chai rượu làm vỡ tan tám gương phía sau quầy hàng. Bàn ghế đổ vỡ, chai lọ bay vèo, vèo trong không khí, người thì gào thét chửi rủa. Rubio đánh ngã hai đứa, nhưng đứa thứ ba đã lao tới anh và đánh anh trúng bụng. Anh kêu đau đớn. - Rubio! Thoát khỏi Đây ngay! -Lucia kêu lên. Rubio gật đầu. Anh ôm lấy bụng. Hai người cố sức thoát khỏi cuộc hỗn chiến và ra được bên ngoài. - Phải biến ngay! -Lucia nói. Tối nay cô sẽ có hộ chiếu. Quay lại đây sau tám giờ. Cô phải tìm một chỗ cho đến lúc đó. Đồ khỉ! Sao anh ta không thể nhịn được? Họ quay sang đường Santa Maria, tiếng ồn ào của cuộc ẩu đả xa dần sau lưng họ. Qua hai tòa nhà, họ tới nhà thờ lớn Santa Maria. Lucia chạy lên bậc tam cấp, mở cửa và ngó vào trong. Nhà thờ trống không. - Ở đây chúng ta sẽ an toàn. -Cô nói. Họ bước vào trong bóng tối lờ mờ của nhà thờ, Rubio vẫn ôm chặt lấy bụng. - Ta nghỉ một lát nhé! - Phải đấy. Rubio vừa buông tay, một dòng máu lập tức tuôn trào ra. Lucia chán ngán. - Trời ơi! Làm sao thế này? - Dao. -Rubio thì thào. -Nó dùng dao. Anh khuỵu xuống sàn. Lucia quỳ bên anh, hoảng hốt: - Đừng động đậy. Cô cởi áo ngoài của anh, ấn chặt vào vết thương, cố gắng chặn dòng máu Mặt Rubio trắng bệch. - Đáng ra anh không được đánh nhau với chúng, anh là thằng ngốc, -Lucia bực tức nói. - Nhưng anh không thể để chúng nói năng với em như thế. Anh không thể để cho chúng nói năng với em như thế. Lucia xúc động như cô chưa từng xúc động như thế bao giờ. Cô đắm đuối nhìn anh và nghĩ, con người này đã bao lần liều mạng vì mình - Em sẽ không để anh chết, -Cô nói cương quyết. -Em không thể để cho anh chết, -cô vội vã đứng dậy. -Em sẽ quay về ngay. Tìm thấy nước và khăn tắm trong phòng thay quần áo của linh mục ở cuối nhà thờ, cô rửa vết thương cho Rubio. Mặt anh nóng bừng, người sũng mồ hôi. Lucia đặt khăn ướt trên trán anh. Mắt Rubio nhắm nghiền và anh như đã thiếp đi. Cô đặt đầu anh lên đùi mình và chuyện trò với anh. Nói những gì chẳng quan trọng. Cô trò chuyện cốt là để giữ anh tồn tại, buộc anh bấu víu lấy sợi dây mỏng manh của sự sống. Cô cứ lảm nhảm, không dám ngừng dù chỉ một giây. - Chúng ta sẽ cùng ra làm đồng, Rubio. Em muốn được gặp mẹ và các em gái anh. Anh có tin rằng mọi người sẽ thích em không? Em muốn điều đó, muốn lắm. Em sẽ là một nông dân tốt. Anh sẽ thấy. Em chưa từng làm công việc đồng áng, nhưng em sẽ học. Chúng ta sẽ biến nó thành mảnh đất tươi tốt nhất Tây Ban Nha. Cả buổi chiều cô trò chuyện với anh, lau rửa thân người hầm hập của anh, thay quần áo cho anh. Máu hầu như đã ngừng chảy. - Anh thấy chưa? Anh đang khỏi đấy. Anh sẽ khỏe lại thôi. Em đã nói mà. Anh và em sẽ sống bên nhau tuyệt vời, Rubio. Chỉ cần, xin anh đừng chết, đừng chết. Và cô thấy mình khóc. Lucia nhìn bóng chiều xuyên qua cửa kính in trên những bức tường nhà thờ nhạt dần. Mặt trời lặn, trời sẫm dần và cuối cùng tối hẳn. Cô lại thay băng cho Rubio và gần tới mức khiến cô giật mình, tiếng chuông nhà thờ bắt đầu ngấn vang nhắc cô giờ hẹn đã đến. Cô nín thở và đếm. Một ... ba ... năm ... bảy ... tám. Tám giờ. Tiếng chuông gọi cô, thúc giục cô đã tới giờ quay lại hiệu cầm đồ, tới lúc trốn thoát khỏi cơn ác mộng và cứu lấy mình. Cô quỳ xuống bên Rubio và đặt tay lên trán anh. Người anh nóng rực. Toàn thân sũng mồ hôi, hơi thở gấp gáp và ngắn. Cô không thấy máu nữa, nhưng có nghĩa là anh đang bị chảy máu trong. Đồ chết tiệt. Hãy cứu lấy mình, Lucia. - - Rubio ... Anh yêu ... Anh mở mắt, mơ màng. - Em phải ra Đây một lát, -Lucia nói. Anh nắm lấy tay cô: - Em cứ ... - Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp, -cô thì thầm, -em sẽ quay lại. Cô đứng dậy đăm đăm nhìn anh lần cuối. Mình không thể giúp anh ấy được, cô nghĩ. Lucia cầm lấy cây thánh giá rồi quay người vội vã ra khỏi nhà thờ, nước mắt đầm đìa. Cô chệnh choạng, rồi bắt đầu bước nhanh, thẳng hướng tới hiệu cầm đồ. Lão hói và đứa cháu hắn đang đợi cô ở đó với tấm hộ chiếu, chiếc vé đưa cô đến với tự do. Đến sáng khi lễ nhà thờ bắt đầu, người ta sẽ thấy Rubio và sẽ gọi bác sĩ cho anh ấy Và họ sẽ chạy chữa cho anh rồi anh sẽ khỏe lại. Trừ phi anh ấy không sống được qua đêm nay, Lucia nghĩ: Kệ, đó không phải việc của ta. Hiệu cầm đồ Casa de Empenos đã ở phía trước. Lucia chỉ muộn vài phút. Cô có thể nhìn rõ ánh đèn sáng bên trong cửa hiệu hắt ra. Họ đang cô. Lucia bước nhanh hơn, rồi cô chạy. Cô chạy qua đường và lao qua cánh cửa mở. Bên trong đồn cảnh sát, một người sĩ quan mặc sắc phục đang ngồi sau bàn trực. Anh ta ngước nhìn lên. - Tôi cần anh, -Lucia hét, -có người vừa bị đâm, đang sắp chết. Viên cảnh sát không hỏi một câu, nhấc điện thoại lên và quay số. Khi đặt máy xuống, anh ta nói: - Một lát nữa sẽ có người làm việc với bà. Hai viên thanh tra xuất hiện tức thời. - Có người bị dao đâm, Senorita? - Vâng. Xin hãy theo tôi. Nhanh lên! Trên đường đi chúng ta sẽ gọi bác sĩ, -một người nói, -rồi cô đưa chúng tôi đến chỗ người bị nạn. Họ đón bác sĩ tại nhà riêng. Khi tốp người vào nhà thờ, bác sĩ đến bên Rubio và một lát sau ông ta ngẩng lên: - Anh ta vẫn sống, nhưng rất mong manh. Hãy gọi xe cứu thương. Nhanh! Lucia sụp xuống và nói trong im lặng, Cảm tạ Người, hỡi Chúa trời. Tôi đã làm những gì có thể. Bây giờ hãy cho tôi ra đi an toàn và tôi sẽ không bao giờ quấy rầy Người nữa. Một trong hai thanh tra đã để ý tới Lucia suốt trên đường tới nhà thờ. Nom cô rất quen, và đột nhiên anh ta hiểu vì sao. Cô gái này có dáng vẻ giống đến kỳ lạ với bức ảnh trong danh sách truy lùng của tổ chức .Cảnh sát Quốc tế. Viên thanh tra thì thầm gì đó với người cùng đi, rồi cả hai tiến đến bên cô: Xin cô tha lỗi, Senorita. Hãy vui lòng theo chúng tôi về đồn cảnh sát. Có vài điều chúng tôi muốn hỏi cô. * * * * * Mới đi được một đoạn, Ricardo Meliado chợt trông thấy con sói xám rất lớn đang lao về phía cửa hang. Anh khựng lại một giây, rồi vọt theo nó, nhanh đến mức chính anh cũng không ngờ nổi, lao vào trong hang. - Sơ? Trong ánh sáng lờ mờ, anh thấy một bóng xám khổng lồ đang chồm về phía Graciela. Theo bản năng anh rút súng, bóp cò. Con sói rú lên một tiếng đau đớn và quay sang Ricardo. Anh cảm giác được những chiếc răng sắc nhọn của con thú dữ bị thương đang giằng xé quần áo, và ngửi thấy hơi thở hôi hám của nó. Con sói mạnh hơn anh tưởng, hung hãn và dữ tợn. Ricardo cố gắng chống trả, nhưng cứ cảm thấy xỉu dần đi. Anh chỉ lờ mờ nhận biết Graciela đang tiến về phía mình, và anh quát lên: - Lui ra. Thế khi anh nhìn thấy tay cô nâng lên phía trên đầu anh, và hạ nhanh xuống. Anh thoáng thấy một hòn đá to, đầy góc cạnh. Cô ta giết mình rồi. Một giây sau hòn đá lướt qua anh đập trúng đầu con sói. Tiếng rú cuối cùng dữ tợn vang lên. Con sói đã chết. Vì viên đạn của Ricardo hay vì tảng đá của Graciela? Ricarđo nghĩ, nhưng không đủ sức trả lời. Anh nằm bất động trên nền hang, thở dốc. Graciela quỳ xuống cạnh anh. - Anh có sao không? -Giọng cô run lên. Anh cố lấy sức lắc đầu. Nghe tiếng lít rít phía sau, anh quay lại và thấy đàn sói con đang rúc vào một góc. Anh nằm yên lấy lại sức, rồi gượng dậy. Họ run rẩy chui ra ngoài đón luồng khí núi tinh khiết. Ricardo hít căng đầy lồng ngực cho tới khi đầu anh tỉnh táo trở lại. Cú sốc về thể xác lẫn tinh thần của sự cọ xát với cái chết khiến cả hai người như mất hết sức lực: - Phải đi khỏi đây ngay. Có thể cả bầy sói kéo nhau đến bây giờ đấy. Graciela rùng mình khi nghĩ đến sự nguy hiểm khủng khiếp vẫn còn đe dọa họ. Hai người tiếp tục đi theo con đường núi dkhoảng một giờ nữa, và cuối cùng khi gặp một dòng suối nhỏ, Ricardo nói: - Dừng ở đây thôi. Chẳng có bông băng lẫn thuốc sát trùng, họ cùng lau sạch những vết sói ngoạm, sói cào trong nước suối mát lạnh. Cánh tay Ricardo cứng đơ, cử động hết sức khó khăn. Và tiếng Graciela bỗng cất lên khiến Ricardo sững sờ: - Để em làm cho. Anh còn ngạc nhiên hơn, khi cô nhẹ nhàng và cẩn thận lau rửa từng vết xước cho anh. Rồi, bỗng Graciela run lẩy bẩy vì cơn sốc vừa qua. - Có sao đâu, -Ricardo nói, -mọi chuyện đã qua rồi. Nhưng cô vẫn không hết run rẩy. Anh đỡ cô trong cánh tay mình và nói êm ái: - Nó chết rồi. Có gì em phải sợ nữa nào? Anh ôm. chặt cô, và cảm thấy cặp đùi cô tựa vào đùi anh, đôi môi mềm của cô kề sát môi anh và cô đang mỗi lúc ghì giữ chặt anh hơn, miệng thì thầm những gì anh không hiểu. Điều đó diễn ra cứ như anh luôn được biết trước về Graciela, mặc dù anh chẳng hiểu gì về cô cả. Trừ một điều nàng là phép mầu của Chúa, anh nghĩ thầm. Graciela đang nghĩ đến Chúa. Cảm tạ Người, đức Chúa, vì hạnh phúc này. Ơn Người, vì cuối cùng đã cho con được biết tình yêu là gì. Graciela đang nếm trải những xúc cảm mà cô không gọi được thành tên, nó vượt ra ngoài cái cô từng tưởng tượng. Ricardo ngắm nhìn cô, vẻ đẹp và tình yêu cô dâng hiến cho anh vẫn còn khiến anh bàng hoàng. Bây giờ nàng thuộc về mình, anh nghĩ. Nàng sẽ không phải trở về với tu viện. Chúng ta sẽ lấy nhau và sẽ sinh ra những đứa trẻ đẹp đẽ, kháu khỉnh, thông minh và mạnh mẽ. - Anh yêu em. Anh sẽ không bao giờ để em đi khỏi anh, Graciela. -- Ricardo ... - Em yêu, anh muốn cưới em. Em lấy anh nhé? Thậm chí chẳng suy nghĩ, Graciela đáp ngay: - Vâng! Ôi, vâng! Và cô lại ngã vào vòng tay anh. Đây là điều mình hằng mong muốn và mình đã nghĩ rằng khống thể có. Ricardo nói: - Chúng ta sẽ sang Pháp sống một thời gian. Bên đó, chúng ta sẽ được an toàn. Cuộc chiến này sẽ phải nhanh chóng kết thúc, lúc đó ta sẽ trở về Tây Ban Nha. Graciela hiểu cô sẽ đi bất cứ đâu với người đàn ông này, và nếu gặp hiểm nguy, cô muốn cùng được chia sẻ với anh. Họ nói về bao điều. Ricardo kể cô nghe anh đã đến với Jaime Miro như thế nào, kể về cuộc hôn nhân tan vỡ, về sự tức giận của cha anh. Nhưng khi Ricardo đợi Graciela kể cho anh nghe về quá khứ của mình, cô im lặng. Cô nhìn anh và nghĩ, Mình không thể kể cho anh được. Anh sẽ ghét mình. - Ôm lấy em nào. -Graciela nài nỉ. Họ ngủ bên nhau và tỉnh dậy vào bình minh để ngắm mặt trời bò trên đỉnh núi, tắm cho rừng cây trong vầng sáng đỏ ấm áp của mình. Ricardo nói: - Hôm nay trốn ở đây cho an toàn. Trời tối ta sẽ lên đường. Họ ăn những thứ người Digan cho, và bàn tính chuyện tương lai: - Đất Tây Ban Nha này vô khối điều kiện làm ăn tuyệt vời một khi có hòa bình. Anh có hàng chục dự định. Chúng mình sẽ làm ăn riêng. Sẽ mua một căn nhà đẹp và nuôi dạy các chàng trai tuấn tú. - Và các cô gái kiều diễm nữa chứ. - Và các cô nàng yêu kiều nữa. -Anh cười. - Anh chưa từng nghĩ anh lại được hạnh phúc dường này. - Em cũng vậy, Ricardo. Hai ngày nữa mình sẽ tới Loglono và sẽ gặp những người khác. -Ricardo nói. -Chúng mình sẽ nói với hm không trở lại tu viện nữa. - Không biết họ có hiểu không nhỉ, -cô cười to, -em chẳng quan tâm, có Chứa hiểu. Em yêu cuộc sống trong tu viện, -cô nhẹ nhàng nói, -nhưng ... Cô ngả vào người Ricardo và hôn anh. Ricardo nói: - Anh có bao nhiêu thứ đền bù cho em. Cô bối rối: - Em không hiểu. - Bao năm qua em ở trong tu viện, cách biệt với thế giới bên ngoài. Nói anh nghe, em yêu ... có lúc nào em thấy tiếc là mình đã bỏ phí ngần ấy năm không? Biết nói làm sao để ảnh hiểu? - Ricardo ... em không mất thứ gì cả. Phải chăng, em thực sự đã trải qua nhiều mất mát -Graciela nói - Anh nghĩ ngợi, không biết bắt đầu từ đâu. Anh nhận thấy những sự kiện anh cho là quan trọng thì thật sự chẳng có ý nghĩa gì với các tu sĩ sống cách biệt. Chiến tranh? Bức tường Berlin? Những vụ ám sát các lãnh tụ chính trị như tổng thống Mỹ John Kennedy và em trai Robert Kennedy? Và Martin Luther King, nhà lãnh đạo vĩ đại của phong trào không dùng bạo lực đòi quyền bình đẳng cho người da đen? nạn đói? Lũ lụt? Động đất? Hay những cuộc bãi công, biểu tình phản đối sự vô nhân đạo của con người đối với con người? Rốt cuộc, có điều nào trong đó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống bản thân cô hay cuộc sống cá nhân của phần đông nhân loại trên thế gian này? Cuối cùng Ricardo nói: - Về mặt nào đó em chẳng mất mát nhiều. Nhưng mặt khác, phải, có cái rất quan trọng đã và đang diễn ra. Cuộc sống Khi em giam mình trong tu viện ngần ấy năm trời thì bao đứa trẻ đã ra đời và lớn lên, bao đôi lứa lấy nhau, con người đã chịu đựng đau khổ và hưởng thụ hạnh phúc, những người đã qua đời. Và tất cả chúng ta đây đều có một phần trong đó, một phần trong đó, một phần của sự sống. - Thế anh nghĩ rằng em chưa từng hay sao? -Graciela hỏi và rồi lời nói cứ thế tuôn ra trước khi cô kịp dừng lại. -Em đã từng là một phần của cái cuộc sống mà anh đang nói đến nhưng đó là địa ngục sống. Mẹ em làm đĩ và tối nào em cũng có một ông bác mới. Khi mười bốn tuổi, em trao thân cho một gã, bởi lẽ em bị gã lôi cuốn và em ghen với mẹ về những gì bà ấy làm, -lời cô tuôn ra như nước lũ, -em cũng sẽ trở thành một con đĩ nếu như em đã ở lại đó để làm một phần của cái cuộc sống mà anh cho là quý giá: Không, em không tin rằng mình đã chạy trốn bất cứ điều gì. Em đã tới được một cái gì đó. Em đã tìm thấy một thế giới an toàn, một thế giới tốt đẹp và bằng an. Ricardo nhìn cô, sợ hãi: - Anh ... anh xin lỗi. Anh không định ... Cô khóc nức nở. Anh nắm tay cô trong tay mình và nói: - Suỵt! Có sao đâu nào? Mọi chuyện đã qua rồi mà! Lúc ấy em chỉ là một đứa trẻ con. Anh yêu em! Ricardo như đã ban cho cô sự xá tội. Cô đã thổ lộ với anh những điều khủng khiếp nhất trong quá khứ, vậy mà anh lại tha thứ cho cô, và điều kỳ diệu trong mọi điều kỳ diệu, anh vẫn yêu cô. Anh siết chặt cô. Có một bài thơ của Federico Garcia Lorca như thế này: Đêm không chịu đến. Nên anh không thể đến. Và em không thể đi ... Nhưng anh sẽ đến Lưỡi anh cháy bỏng cơn mưa muôi Ngày không chịu đến Nên anh không thể đến . Và em không thể đi ... Nhưng anh sẽ đến Qua bao lầy lội của bóng đêm dày đặc Ngày không đến và đêm không đến Và anh có thể chết vì em, Và vì anh. Đột nhiên cô nghĩ tới những người lính đang săn lùng họ và tự hỏi liệu cô và Ricardo yêu dấu có còn sống để kịp chung hưởng hạnh phúc đó không? Chương 14 Alan Tucker quyết tâm tìm bằng được một mắt xích đang còn khuyết để lần về quá khứ. Tờ báo không đả động đến chuyện đứa bé bị bỏ rơi, nhưng tìm ra cái ngày đứa ,trẻ bị bỏ rơi được đưa tới trại trẻ mồ côi thì cũng chẳng khó khăn gì. Nếu ngày đó trùng hợp với ngày xảy ra tai nạn máy bay thì Elien Scott sẽ buộc phải có một lời giải thích rất khó ...giải thích. Bà ta chẳng dại dột đến thế, Aian Tucker nghĩ Mạo hiểm đứng chuyện người thừa kế của Scott đã chết rồi bỏ đứa bé ở thềm một nhà nông dân. Mạo hiểm, hết sức mạo hiểm. Song ở góc độ khác, hãy nhìn phần thưởng: Công ty Scott phải, bà ta cướp giật nó. Dù nó là cái kim trong bọc, ta cũng sẽ phải lôi ra bằng được, và mụ già sẽ phải trả giá đắt Đây. Tucker hiểu mình phải hết sức thận trọng. Ông ta không dám coi thường con người mà mình đang đối phó. Ông ta biết mình đang đối đầu với một quyền lực vô biên và hiểu rằng mình phải nắm chắc trong tay toàn bộ những bằng chứng trước khi hành động. Trở ngại đầu tiên xuất hiện khi ông gặp cha Berrenđo lần thứ hai. - Thưa cha, tôi cần được nói chuyện với vợ chồng người nông dân nơi Patricia -Megan bị bỏ rơi. Ông linh mục già cười hiền lành, nheo nheo mắt: - Hy vọng cuộc gặp gỡ của các vị sẽ còn lâu mới diễn ra. - Cha định nói là ...? - Họ đã qua đời nhiều năm trước đây. Mẹ kiếp. Nhưng còn có nhiều con đường khác để khám phá điều bí ẩn. - Cha nói là đứa bé đã được đưa tới bệnh viện do bị cảm lạnh. - Đúng thế. Ở đó phải còn hồ sơ. - Bệnh viện nào vậy, thưa cha? - Nó đã bị cháy vào năm l96l. Bây giờ ở đó là một bệnh viện mới. -Cha nhìn thấy vẻ thảng thốt trên mặt người khác. -Ông cần hiểu, Senor, điều ông cần tìm đã xảy ra hai mươi tám năm về trước. Biết bao nước đã qua cầu. Không gì có thể ngăn được một khi ta đã đến gần tới đích. Tucker nghĩ. Phải có một hồ sơ về con bé ở đâu đó. Phải rồi, vẫn còn một nơi nữa để tìm trại trẻ mồ côi. Ngày nào ông ta cũng báo cáo với Elien Scott. Bất cứ tình hình gì cũng phải báo tôi ngay. Tôi muốn biết, ngay lập tức, khi tìm thấy cô ta. Alan Tucker lấy làm lạ về sự khẩn cấp trong giọng nói của bà. Nhất là khi bà gằn giọng: Ngay-Lập-Tức! Bà ta dường như đang hết sức vội vã tìm một điều gì Đó đã xảy ra ngần ấy năm về trước. Sao thế nhỉ? Tạm gác đấy. Trước hết ta phải có được một bằng chứng ta đang cần. Ngay sáng hôm sau, Aian Tucker đến trại mồ côi. Ông nhìn quanh căn phòng lớn ảm đạm nơi một nhóm trẻ đang chơi ồn ào, chí chóe và nghĩ: Đây là cái nơi mà người thừa kế của triều đại Scott đã lớn lên trong khi con quỷ cái ở New York kia lại nắm tất cả tiền của và quyền lực. Phải, bà ta sắp phải san sẻ với kẻ trung thành này. Vâng, thưa các vị, hai chúng tôi sẽ tạo nên một tổ hợp vĩ đại, Elien Scott và tôi. Một phụ nữ trẻ tới chỗ ông và hỏi: - Chúng tôi có thể giúp gì cho ông, thưa ông? cười. Có đấy, cô có thể giúp tôi được cả tỷ đô-la. - Tôi muốn được gặp bất cứ ai là phụ trách ở đây. - Vậy là bà Angeles. - Bà ấy có đây không? - Vâng, Senor. Tôi sẽ dẫn ông tới gặp bà ấy. Ông theo người thiếu phụ qua hành lang, rồi đến một phòng nhỏ ở cuối tòa nhà. - Mời vào! Aian Tucker bước vào phòng. Người đàn bà ngồi sau bàn khoảng tám mươi tuổi. Một thời hẳn bà khá là to cao, nhưng dáng vóc vạm vỡ giờ đây đã teo tóp lại, vì thế nhìn bà, người ta dễ tưởng bà là hình bóng của một người nào khác. Mái tóc bà đã thưa và ngả màu xám, nhưng đôi mắt bà thì vẫn tinh anh. - Xin chào, Senor. Tôi hân hạnh được giúp ông. Ông tới để nhận một trong những cháu bé đáng yêu của chúng tôi phải không? Chúng tôi có rất nhiều đứa trẻ tuyệt diệu, ông tha hồ chọn. - Không ạ, Senorita. Tôi đến để tìm hiểu về một đứa trẻ sống ở đây nhiều năm về trước. Mercedes Angeles nhíu mày: - Tôi không hiểu? - Một cháu bé đã được đưa tới đây, -ông ta giả vờ xem mảnh giấy, -vào tháng Mười năm l948. - Thế thì lâu quá rồi. Cô ta không còn ở đây nữa. Ông biết cho, chúng tôi có quy định rằng, đến tuổi mười lăm ... - Không, thưa bà. Tôi hiểu cô gái không còn ở đây. Tôi chỉ muốn biết chính xác ngày cô ta được đem tới đây. - Rất tiếc tôi không thể giúp được, thưa ông. Tim ông thắt lại. - Ông hiểu cho, biết bao đứa trẻ được đem tới đây. Trừ phi ông biết được tên cô ta ... Patricia Scott, ông nghĩ rồi nói to: - Megan. Tên con gái là Megan. Nét mặt Angeles tươi hẳn lên: - Ai mà quên được đứa trẻ đó. Nó là một con quỷ, nhưng ai ai cũng yêu quý nó. Ông biết không có một hôm. Alan Tucker lấy đâu ra thời gian để nghe những mẩu giai thoại đó. Bản năng mách bảo rằng ông đã nắm chắc trong tay một phần cơ đồ của Scott. Bà già hay chuyện này là chìa khóa mở cửa kho báu đó. Ta phải tỏ ra kiên trì với mụ già này. - Thưa bà Angeles kính mến! Tôi không có nhiều thời gian. Xin hỏi bà có ghi cái ngày đó trong hồ sơ của trại trẻ không ạ? - Tất nhiên là có, thưa ông, Chúng tôi được nhà nước yêu cầu giữ nguyên mọi hồ sơ. Tim Tucker ngừng đập. Đáng lẽ ta phải mang theo máy để chụp ảnh hồ sơ. không sao, ta sẽ mang đi photo sau. - Tôi có thể được xem qua nó một chút, thưa bà? Bà già nhíu mày. - Tôi không biết: Hồ sơ của chúng tôi là bí mật và ... - Tất nhiên thế, -Tucker nói êm ái, -mà chắc chắn tôi tôn trọng điều đó. Bà nói bà yêu quý Megan bé bỏng và tôi cũng biết bà sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ cô bé. Vâng, đó là lý do tôi xin gặp bà. Tôi có vài tin vui cho cô gái đó. - Và vì thế, ông cần biết cái ngày con bé được mang tới đây? Ông nói liến thoắng: - Như thế tôi sẽ có bằng chứng để khẳng định cô ấy đúng là người tôi tìm. Cha cô ta mất đi để lại cho con gái một gia sản nho nhỏ và tôi muốn đảm bảo rằng cô ấy được hưởng nó. Bà già gật gù, vẻ hiểu biết. - Tôi hiểu. Tucker rút một xấp tiền từ túi ra. - Và để bày tỏ lòng cảm kích của tôi trước bà, tôi xin được đóng góp một trăm đôla vào trại trẻ này. Bà nhìn xấp tiền, trên mặt thoáng nét ngờ vực. Tucker lôi ra một xấp nữa. - Hai tm đây. Bà nhíu mày. - Phải rồi. Năm trăm. Mercedes Angeles tươi cười. - Ông thật là hào phóng, thưa ông, tôi sẽ đi lấy ngay. Tóm được rồi, Tucker hân hoan. Chúa Giêsu ơi, tôi đã tóm được nó rồi. Mụ ta đã đánh cắp Scott Inđustries cho riêng mình. Nếu cái phần Đó không phải dành cho mình thì con bé đã biến mất với tập hồ sơ này rồi. Một khi ông đối mặt Elien Scott cùng với bằng chứng này, bà ta sẽ không còn cách nào chối cãi được. Tai nạn máy bay xảy ra vào ngày mùng một tháng Mười. Megan nằm trong viện mười ngày. Như thế cô ta sẽ được mang tới trại trẻ vào khoảng mười một tháng Mười. Mercedes Angeles trở lại phòng với tập hồ sơ trên tay. Bà tự hào nói: - Tôi đã tìm được nó. Aian Tucker phải nén lòng lắm mới không giật nó khỏi tay bà. Ông lịch sự hỏi: - Tôi xin được phép xem? - Tất nhiên rồi. Ông tốt bụng biết bao. -Bà già nheo mắt. -Tôi hy vọng ông sẽ không nói ra với ai. Đúng ra là tôi không được làm thế này. - Đó sẽ là bí mật của chúng ta, thưa bà. Bà già trao cho Tucker tập hồ sơ. Ông hít sâu một hơi và mở ra. Ở trên cùng có dòng chữ: “MEGAN. GÁI. KHÔNG CHA MẸ” và tiếp theo là ngày tiếp nhận: Nhưng có một sai sót nhỏ. - Ô đây sao lại viết là Megan được đưa tới đây vào ngày mười bốn tháng Sáu năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, thưa bà? - Vâng, Senor! - Không thể như thế được!-Tucker gần như hét lên. -Máy bay rơi vào mồng một tháng Mười, bốn tháng sau đó. Nét mặt bà già bỗng bối rối. - Không thể cái gì, thưa ông. Tôi không hiểu. Ai ... ai giữ hồ sơ này? - Tôi. Khi đứa bé được đưa tới đây, tôi đề ngày tháng vào đó, cùng bất cứ thông tin gì mà tôi được biết. Giấc mộng của ông đang tan chảy. - Bà không nhầm chứ? Về cái ngày, tôi định nói ... liệu nó có thể là mùng mười hay mười một tháng Mười không? - Thưa ông! -Bà già mang vẻ phẫn nộ. -Tôi phân biệt được sự khác nhau giữa mười bốn tháng Sáu và mười một tháng Mười. Thế là hết. Ông đã xây mộng ước trên một cơ sở quá mỏng manh. Vậy là Patricia Scott thực sự đã chết trong tai nạn máy bay. Chỉ là ngẫu nhiên mà Elien Scott tìm kiếm một đứa trẻ sinh ra cùng khoảng thời gian Đó. Alan Tucker đứng dậy: - Cảm ơn bà! - Tạm biệt, Senor! Bà già nhìn theo. Ông ấy thật là đáng mến và hào phóng biết bao. Năm trăm đôla của ông ấy sẽ mua được nhiều thứ cho trại trẻ này. Và quý hóa biết bao tờ séc một trăm ngàn đôla mà một bà quý phái tốt bụng gọi điện từ New York đã gửi tới. Mười một tháng Mười chắc chắn là một ngày may mắn cho trại trẻ của ta. Cảm tạ Người, lạy Chúa. Alan Tucker gọi điện về. - Vẫn chưa có tin gì đặc biệt, thưa bà Scott, có lẽ họ đang đi theo hướng Bắc. Theo như tôi biết, cô gái vẫn an toàn. Giọng hắn thay đổi hẳn, Elien Scott nghĩ. Mối nguy hiểm đã qua.Vậy là hắn đã tới trại mồ côi. Giờ thì hắn lại trở về là người làm thuê. Sau khi tìm ra Patricia thì cả điều đó cũng sẽ thay đổi. - Gọi lại vào ngày mai. - Vâng, thưa bà Scott. * * * * * Hãy cứu vớt con, hỡi đức Chúa trời, vì Người là nơi con ẩn náu. Hãy ở bên con, Chúa anh linh, con không thể thiếu Người con yêu. Ôi, đức Chúa, sức mạnh của con ... Sơ Megan liếc Felix Carpio và thấy anh đang nhìn cô, vẻ mặt lo lắng. Cô ấy thực sự sợ hãi, anh nghĩ Kể từ lúc bắt đầu cuộc hành trình, anh đã thấy được sự lo sợ sâu sắc trong Megan. Tất nhiên thế cũng là bình thường. Cô ta bị khóa chặt trong tu viện, chỉ có Chúa mới biết bao nhiêu năm, giờ đột nhiên bị ném vào một thế giới xa lạ,lại trong một tình huống khủng khiếp. Bọn mình phải hết sức tế nhị với cô gái khốn khổ này. Đúng là sơ Megan lo sợ. Cô liên tục cầu kinh ngay từ lúc rời tu viện. Hãy tha thứ cho con, hỡi đức Chúa, vì con yêu thích sự xạo động đang đến với con và con biết như thế là xấu xa. Nhưng dẫu có cầu kinh đến Đâu, sơ Megan cũng không ngăn được ý nghĩ trong đầu. Mình không nhớ vào lúc nào mình đã có một thời vui vẻ đến thế. Đây là cuộc phiêu lưu kỳ thú nhất của cô. Nhớ trại trẻ mồ côi, cô vẫn thường tổ chức những cuộc trốn chạy mạo hiểm, nhưng đó chỉ là trò trẻ con. Còn đây là thật. Cô đang nằm trong tay những kẻ khủng bố, còn họ lại bị cảnh sát và quân đội lùng bắt. Nhưng thay vì sợ hãi, Megan lại luôn cảm thấy phấn chấn lạ lùng. Sau một đêm đi không nghỉ, họ dừng chân khi bình minh đến. Megan và Amparo Jiron đứng bên nhau trong khi Jaime Miro và Felix Carpio chụm đầu vào bản đồ. - Jaime, bốn dặm nữa là tới Medina del campo. Hãy tránh xa chỗ này, ở đó có trại lính trực chiến. Ta sẽ đi tiếp hướng Đông Bắc tới Vailadolid, và phải tới đó vào đầu buổi chiều. Dễ thôi. Sơ Megan vui vẻ nghĩ. Suốt một đêm dài đi không nghỉ chân nhưng Megan vẫn thấy hân hoan tuyệt vời. Rõ ràng là Jaime đang thúc ép cả nhóm một cách có tính toán, nhưng Megan hiểu thực chất anh muốn gì. Anh đang thử sức cô, chờ cô sụn gối. Anh ta đang kinh ngạc, cô nghĩ. Quả là như thế, Jaime Miro ngạc nhiên trước sơ Megan. Cách cư xử của cô không giống chút nào với những gì anh thường nghĩ về một tu sĩ. Cách tu viện của mình bao dặm đường, đi qua bao mền đất lạ, lại bị săn đuổi ráo riết, vậy mà cô ta hình như lại thích thú. Thực sự thích thú. Cái loại tu sĩ gì đây? Jaime Miro tự hỏi. Amparo Jiron thì ít quan tâm hơn đến Megan. Thoát được con mụ này thì sướng biết mấy, cô chỉ nghĩ vậy. Cô luôn ở bên Jaime, để cho bà sơ kia đi với Felix Carpio. Một miền đất đẹp và hoang sơ, được những làn gió mùa hè mềm mại mơn trớn. Họ đi qua những ngôi làng cổ kính, một số nơi bị bỏ trống, hoang vắng, rồi lại gặp một lâu đài cổ bị bỏ không cao cao trên đồi. Đối với Megan, Amparo giống như một con thú hoang. Cô ta leo lên những quả đồi, băng qua các thung lũng chẳng phải cố gắng gì, và hình như không bao giờ biết mệt. Cuối cùng, vài giờ sau đó, Valladolid hiện ra thấp thoáng phía xa. Tới lúc đó, Jaime mới ra lệnh nghỉ chân. Anh quay sang Felix: - Mọi thứ đều đã sắp xếp rồi chứ? - Xong cả rồi. Megan tự hỏi xem cái gì đã được sắp xếp, và cô hiểu ra ngay khi Felix nói tiếp: - Đã dặn Tomas gặp chúng ta tại sân đấu bò. - Mấy giờ nhà băng đóng cửa? -Jaime hỏi tiếp. - Năm giờ. Còn nhiều thời gian. Jaime gật đầu: - Và hôm nay là ngày trả tiền. Ôi Chúa nhân từ, họ đang định cướp nhà băng. Megan nghĩ bụng. - Xe cộ thì thế nào? -Amparo hỏi. - Khó gì, Jaime nói với cô. Họ lại sắp ăn trộm một cú nữa đây. Megan nghĩ. Chuyện này kỳ thú quá cả mức cô mong đợi. Chúa sẽ không hài lòng đâu. Khi cả nhóm tới ngoại ô Vailadolid, Jaime dặn: - Đứng lẫn vào đám đông. Hôm nay là ngày đấu bò nên sẽ có hàng ngàn người. Đứng tách nhau ra nhé. Jaime Miro đã nói dúng về những đám đông. Megan chưa từng nhìn thấy nhiều người đến thế. Các đường phố chật ních người đi bộ lẫn ô tô, xe máy, xe ngựa bởi hội đấu bò đã cuốn về đây không chỉ khách du lịch mà còn cả dân chúng từ các vùng xung quanh, thậm chí trẻ con cũng chơi trò đấu bò trên đường phố. Megan bị cuốn hút vào cảnh tấp nập, không khí ồn ào và hối hả xung quanh. Cô ngẩn nhìn những khuôn mặt trên đường và tự hỏi: không biết cuộc sống của họ ra sao. Chẳng mấy chốc nữa mình sẽ lại trở lại với cuộc sống tu viện, ở đó mình không được phép nhìn vào mặt ai nữa. Hãy tận hưởng cơ hội này biết đến khi nào mới lại có dịp tương tự. Vỉa hè đầy những người bán hàng, họ bày bán đồ trang sức rẻ tiền, phù hiệu tôn giáo, các loại thánh giá. và khắp nơi đều hăng hắc mùi bánh rán trong dầu sôi. Megan đột nhiên thấy mình đói cồn cào. Đúng lúc đó Felix lên tiếng: - Megan, ta đói cả rồi. Thử nếm cái bánh kia đi. Felix mua bốn chiếc bánh và đưa một cho Megan. - Thử xem, sơ! Cô sẽ thấy thích nó! Thật là ngon. Suốt bao năm qua, mếng ăn với cô không mang nghĩa hưởng thụ mà là đày đọa thể xác vì sự sáng danh Chúa. Lần này là ăn cho mình, Megan suy nghĩ một cách thiếu tôn kính. - Trường đấu ở phía này, -Jaime nói. Họ đi sau một tốp người, qua công viên ở giữa thị trấn tới đường Poinente, nơi dòng người đang đổ về quảng trường. Bãi đấu bò nằm trong một kiến trúc lớn ba tầng xây bằng gạch không nung. Bốn cửa bán vé đặt ở lối vào bãi. Ký hiệu bên trái ghi Sol, bên phải ghi Sombara. Khu nắng và khu có bóng râm. Hàng trăm người đang đứng xếp hàng chờ mua vé. - Đợi ở đây, -Jaime nói. Ba người nhìn anh tiến vào nơi hàng chục kẻ phe vé đang chào mời. Megan quay sang Felix. - Mình sắp xem đấu bò à? - Đúng thế, nhưng đừng sợ, thưa sơ. -Felix động viên cô. -Sơ sẽ thấy rất thú vị. Sợ ư? Megan thú vị với ý nghĩ đó. Ở trại mồ côi, một trong những hình ảnh tưởng tượng của cô về cha là một người đấu bò vĩ đại. Và cô đã đọc mọi quyển sách viết về đấu bò để tìm ra hình ảnh cha mình. Felix bảo cô: - Những trận đấu bò được tổ chức ở Madrid và Barcelona. Đấu bò ở đây dành cho các vilieros thay vì các đấu thủ chuyên nghiệp. Họ chỉ là dân nghiệp dư nên không được quyền lựa chọn. Megan biết từ lâu rằng lựa chọn là đặc quyền dành cho những tay matađor hàng đầu. - Những đấu thủ hôm nay ta xem sẽ mặc y phục đi thuê thay cho những bộ áo dát vàng rực rỡ, và họ sẽ chống lại những con bò mộng với những cặp sừng nguy hiểm được gọt giũa mà các tay chuyên nghiệp đã từ chối đấu. - Sao họ phải làm thế? Felix nhún vai: - Ei hambrehace mas dano que los cuernos -Đói thì đầu gối phải bò. Jaime trở lại, cầm trong tay bốn chiếc vé. Mọi thứ đã ổn cả, đi vào thôi, -anh nói. Megan nhận thấy cảm giác háo hức đang mỗi lúc dâng cao trong cô. -Tới lối dẫn vào trường đấu lớn, họ đi qua một tấm áp phích dán trên tường. Megan dừng lại và tròn mắt nhìn. - Xem này! Đó là hình ảnh của Jaime, phía dưới viết: TRUY NÃ TỘI GIẾT Người, JAIME MIRO THƯỞNG MỘT TRIỆU PESETA CHO AI BẮT ĐƯỢC, SỐNG HOẶC CHẾT Những hàng chữ đột nhiên khiến Megan nhận biết một cách kín đáo về con người cô đang đồng hành, một tên khủng bố, kẻ đang nằm trong tay mạng sống của cô. Jaime ngắm nghía tấm áp phích. Anh bỏ mũ, tháo cặp kính đen và soi mặt mình vào bức tranh. - Giống đấy chứ nhỉ? Anh lột tấm áp phích khỏi tường, gấp lại, rồi nhét vào túi - Làm thế làm gì? -Amparo hỏi. -Chúng chắc phải dán hàng trăm tờ như vậy. Jaime cười: - Riêng cái này sẽ mang lại cho chúng ta một món hời, em yêu. Anh lại đội mũ và đeo kính lên. Một con người kỳ lạ, Megan nghĩ. Cô không thể không khâm phục sự lạnh lùng ở anh. Bên Jaime cô cảm thấy yên tâm, bởi lẽ từ con người anh tỏa ra một vẻ hào hùng gì đó. Bọn lính đừng hòng bắt được anh, cô nghĩ. - Vào đi thôi. Có mười hai cửa rộng để vào khu nhà lớn này. Những cánh cửa sắt đã được mở toang, cửa nào cũng đánh số. Dọc lối đi là những quầy bán Coca-Cola và bia, cạnh đó là những toalet nhỏ. Trên khán đài, mỗi hàng và mỗi chỗ ngồi đều có đánh số. Mỗi bậc được tạo thành chiếc ghế bằng đá vòng tròn khép kín, còn ở trung tâm là một trường đấu rộng đổ cát. Biển quảng cáo ở khắp nơi. BANCO CENTRAI; UTIQUE CAIZADOS; SCHWEPPES; RADIO POPULAR ... . Jaime mua vé ở khu vực có mái che. Ngồi xuống một bậc đá, Megan nhìn quanh bỡ ngỡ. Nó không giống chút nào với tưởng tượng của cô. Khi còn nhỏ, Megan đã được xem những bức ảnh màu nên thơ về trường đấu bò ở Madrid, nó vĩ đại và được làm công phu. Trường đấu này có vẻ tạm bợ khiến cô hơi thất vọng. Các khán đài nhanh chóng đầy kín người xem. Một hồi kèn trompet vang lên. Trận đấu bắt đầu. Megan nhào người về phía trước, mắt mở to. Một con bò lớn lao vào trường đấu và một tay matađor bước ra từ sau tấm gỗ chắc chắn ở một bên sân và bắt đầu chọc tức con thú. Tiếp theo sẽ là taypicador, Megan kêu lên thích thú. Jaime Miro ngạc nhiên nhìn cô. Nãy tới giờ anh chỉ lo rằng cô sẽ hoảng hốt và điều đó sẽ gây ra sự chú ý. Thay vì thế, cô ta lai có vẻ khoái chí. Lạ thật. Một tay picador ngồi trên lưng ngựa được phủ một tấm chăn dày. Con bò chúi đầu xuống, rồi lao vào. Con ngựa và khi nó cắm cặp sừng vào tấm chăn, picađor bèn xiên cây thương dài tám foot vào vai nó. Megan chăm chú theo dõi một cách thích thú. - Ông ta làm thế để con bò yếu sức dần đi đấy. - Cô giảng giải, nhớ lại những cuốn sách đã đọc bao năm trước. Felix Carpio chớp chớp mắt ngạc nhiên: - Đúng vậy đấy, sơ! Megan ngắm nhìn những đôi thương được trang trí tua rua sặc sỡ cắm ngập vào đôi vai con bò. - Giờ thì đến lượt matador. Anh ta bước vào vòng, tay giữ chiếc áo choàng đỏ bên trong giấu một thanh gươm. Con bò quay lại và bắt đầu tấn công. Megan mỗi lúc một kích động. Bây giờ anh ta sẽ thực hiện những bước tránh. - Cô nói. -Đầu tiên là bước veronica, rồi đến međia -veronica và cuối cùng là rebolera. Jaime không thể kiềm chế sự tò mò của mình hơn nữa: - Này sơ ... làm sao sơ biết được tất cả những điều này? Chẳng cần suy nghĩ, Megan nói: - Cha tôi là một người đấu bò. Xem kìa Cảnh tượng diễn ra quá nhanh, Megan không kịp theo dõi. Con bò liên tục tấn công tay matađor và mỗi lần nó tới gần, anh ta lại vung cái áo choàng đỏ sang một bên để con bò lao theo. Megan lo lắng: - Thế nếu người đấu bị bò húc thì sao? Jaime nhún vai: - Ở một nơi như thế này, ông thầy thuốc của thị trấn sẽ đưa anh ta tới chuồng bò và khâu lại. Con bò lại lao vào vả lần này đấu thủ của nó nhảy ra khỏi bãi đấu. Tiếng la ó vang khắp đấu trường. Felix Carpio lên giọng kẻ cả: - Thật đáng tiếc, đây không phải một trận đấu tử tế, sơ ạ tiếc cho sơ không được xem những trận cực kỳ. Tôi đã từng xem Manolete, Corđobes và Ordonez thi đấu. Họ biến mỗi trận đấu thành một lễ hội không thể quên được. - Tôi đã đọc sách về họ. -Megan nói. Felix hỏi: - Cô đã bao giờ được nghe câu chuyện lý thú về Manolete chưa? - Chuyện thế nào? - Chuyện kể rằng có một thời Manolete chỉ là người đấu bò bình thường, không khá hơn, cũng chẳng tồi hơn hàng trăm đối thủ khác. Ông ta đính hôn với một cô gái trẻ, xinh đẹp, nhưng rồi một hôm Manolete thi đấu và chẳng may bị con bò húc vào háng. Bác sĩ vá víu qua loa cho ông ta rồi bảo rằng ông sẽ không thể sinh con được Manolete yêu cô vợ hứa hôn của mình tới mức không dám nói chuyện đó ra vì sợ cô gái sẽ không lấy mình nữa. Hai người lấy nhau và vài tháng sau, cô vợ tự hào nói với Manolete rằng mình sắp sinh con. Phải, tất nhiên ông ta cho rằng đó không phải là con mình, và bỏ cô ta. Trái tim cô gái tan nát và cô tự hủy hoại đời mình. Manolete phản ứng như một người điên. Không thiết sống nữa, ông lao vào những trận đấu bò và làm những việc mà không một matador nào đó dám làm. Ông cứ liều mình như thế, hy vọng sẽ bị bò húc chết, và ông trở thành một tay matador vĩ đại nhất thế giới. Hai năm sau ông lại yêu và cưới một bà quý tộc trẻ. Một tháng sau lễ cưới, bà ta hãnh diện tuyên bố rằng sắp sửa sinh con với ông. Và lúc đó Manolete mới phát hiện ra bác sĩ đã lầm. - Ác quá Megan nói. Jaime cười to: - Thật là một câu chuyện thú vị. Tôi tự hỏi nó có một tý sự thật nào không? - Tớ cũng đếch tin, -Felix nói. Amparo lắng tai nghe, mặt bất động. Với sự phẫn nộ thầm kín cô đã theo dõi và thấy Jaime ngày càng quan tâm đến bà sơ này. Cô ả khôn ra thì phải cẩn thận. Những người bán hàng rong đeo tạp dề lăng xăng đi lại giữa các hàng ghế, rao to các món hàng của mình. Một người tiến đến chỗ Jaime đang ngồi cùng với cả nhóm. - Empanadas, -Jaime gọi to, -Empanadas Empanadas caiiente, -anh giơ tay ra hiệu. -Aqui Người bán hàng thành thạo tung một gói nhỏ qua đám đông tới tay Jaime. Anh đưa mười peseta cho một người ngồi cạnh và nhờ chuyển tới người bán hàng. Megan theo dõi Jaime hạ thấp cái gói nhỏ trong lòng và thận trọng mở nó ra. Bên trong cái là một mảnh giấy. Anh đọc, rồi đọc lại, sau cùng nhẹ nhàng nhét mảnh giấy vào túi - Đi thôi, -anh nói cộc lốc, -từng người một, -anh quay sang Amparo. Em đi trước. Chúng ta sẽ gặp nhau ở cổng. Không một lời, Amparo đứng dậy chen đám đông đi ra. Rồi Jaime gật đầu với Felix, anh đứng dậy và theo Amparo. - Làm sao vậy? -Megan hỏi. -Có chuyện gì thế? - Chúng ta sẽ đi Logrono. -Anh đứng dậy. -Nhìn tôi nhé. Nếu tôi không dừng lại thì cứ đi thẳng ra cổng. Megan lo lắng nhìn theo Jaime khi anh rẽ lối ra cửa. Hình như chẳng ai để ý tới anh. Khi Jaime vừa, khuất khỏi tầm mắt, Megan đứng lên và bước theo. Đấu trường bỗng dậy lên tiếng hò. Cô vội ngoái nhìn vào sân đấu. Một chàng matađor to khỏe bị con bò dữ húc tung lên đang nằm sóng xoài trên mặt đất, máu tuôn ra trên nền cát. Megan nhắm nghiền mắt và lặng lẽ cầu Chúa: Hỡi Giêsu thiêng liêng, hãy rủ lòng thương cho con người này. Anh ta không thể chết, anh phải được sống. Chúa đã bắt anh ta phải chịu đau đớn, nhưng đừng bắt anh ta phải chết, Amen. Cô mở mắt quay người và vội vã bước đi. Jaime, Amparo và Felix đang đợi cô ở cổng. Đi thôi, -Jaime nới. Họ bắt đầu bước đi. . - Có chuyện gì thế? -Felix hỏi. Bọn lính đã bắn chết Tomas. -Anh nói ngắn gọn. -Bọn cảnh sát lại tóm được Rubio, cậu ta bị đâm trong cuộc đụng độ ở quán. Megan làm dấu. - Thế còn sơ Theresa và sơ Lucia? -Cô lo lắng hỏi Jaime. - Tôi không rõ về sơ Theresa, còn Lucia thì cũng bị cảnh sát bắt giữ. Jaime quay sang những người khác.-Ta phải nhanh lên. -Anh nhìn đồng hồ. - Nhà băng bây giờ chắc đông lắm. - Jaime, có lẽ ta nên tạm dừng. -Felix đề nghị. -Hết sức, nguy hiểm nếu chỉ có hai chúng ta hành động vào lúc này. Megan lắng tai nghe và nghĩ bụng, không thể ngăn anh ta được. Cô đã đúng. Ba người đi về bãi đỗ xe rộng đằng sau cổng trường đấu Khi Megan theo kịp, đã thấy họ đang xem xét một chiếc Seat mui kín. - Cái này được đấy, -anh nói, tay sờ vào chốt khóa ở cửa xe, mở cửa, rồi thò đầu vào trong. Anh cúi xuống chỗ tay lái, một lát sau máy bắt đầu nổ. - Vào đi! -Jaime bảo mọi người. Megan đứng im, do dự. - Các ông lấy trộm xe à? - Vì Chúa. -Amparo rít lên. -Đừng có ngớ ngẩn như bà sơ, vào xe đi. Hai người đàn ông ngồi ở phía trước, Jaime tự cầm lái. - Sơ có đi không nào? Jaime gằn giọng hỏi Megan hít sâu một hơi rồi chui vào ngồi cạnh Amparo. Chiếc xe lăn bánh. Cô nhắm chặt mắt. Lạy Chúa, Người đang dẫn con đi đâu vậy? - Nếu điều này có thể làm sơ nhẹ nhõm hơn, thưa sơ, -Jaime nói, -thì không phải chúng tôi lấy cắp chiếc xe này, mà là chúng tôi tịch thu nó nhân danh quân đội dân tộc Basque. Megan định nói gì đấy, nhưng lại thôi. Chẳng gì có thể làm anh ta đổi ý vào lúc này. Cô ngồi im lặng trong khi Jaime đánh xe về trung tâm thị trấn. Hắn sắp cướp nhà băng đây, Megan nghĩ, và trong con mắt của Chúa, mình cũng sẽ phạm tội như hắn. Cô làm dấu và bắt đầu lặng lẽ cầu nguyện. Nhà băng Bilbao nằm ở tầng trệt của tòa nhà chín tầng trên đường Cervantes kề sát quảng trường Circular. Khi xe dừng lại trước tòa nhà, Jaime nói với Felix: - Giữ cho máy nổ. Nếu có chuyện gì thì cứ đánh xe đi và nhớ gặp mọi người ở Logrono. Felix ngỡ ngàng. - Cậu nói gì thế? Cậu không vào đó một mình đấy chứ? Không thể được. Bọn chúng đông lắm, Jaime, làm thế quá nguy hiểm. Jaime vỗ vào vai anh ta: - Ta sẽ cho chúng một đòn ra đòn. Anh cười, rồi bước ra khỏi xe. Họ nhìn theo Jaime khi anh bước vào cửa hàng đồ da cách nhà băng vài căn. Khi bước ra, anh mang theo một chiếc cặp d gật đầu với nhóm người trong xe rồi bước vào nhà băng. Megan thấy tức thở. Cô bắt đầu đọc kinh. Nguyện cầu là kêu gọi Nguyện cầu là lắng nghe Nguyện cầu là ăn ở Nguyện cầu là ngọn đèn chiếu sáng với Chúa Giêsu. Mình thấy bình tĩnh và rất an tâm. Kì thực cô chẳng bình tĩnh và an tâm chút nào. Jaime Miro đi qua hai lần cửa nhà băng, qua một hành lang lát đá cẩm thạch dẫn tới phòng tiếp khách. Bên trong cửa vào, anh để ý thấy một máy quay bí mật gắn trên tường cao bèn ném cho nó một ánh mắt vô hình, rồi nhìn khắp phòng. Đằng sau các quầy thu tiền, một thang gác dẫn lên tầng hai, nơi các nhân viên nhà băng đang bận rộn sau các dãy bàn. Sắp tới giờ đóng cửa, nhà băng đầy khách hàng, ai cũng nóng lòng muốn cho xong việc mình. Mọi người xếp thành hàng dài trước các quầy THU -CHI. Jaime để ý thấy có mấy khách hàng mang túi xách. Anh đứng vào và kiên nhẫn đợi tới lượt mình. Khi đến bàn thủ quỹ, anh dịu dàng nói: - Xin chào! - Xin chào, Senor. Hôm nay chúng tôi sẽ giúp gì cho ngài nào? Jaime tựa người vào quầy và rút ra tờ áp phích truy nã đã được gấp lại, đưa nó cho người thủ quỹ. - Anh làm ơn xem giúp cái này Người thủ quỹ mỉm cười. - Sẵn lòng, thưa ngài. Anh ta giở ra và khi đã nhìn rõ đó là gì thì mở rộng cặp mắt nhìn Jaime, thảng thốt. - Khá giống, phải không nhỉ? -Jaime nói nhẹ nhàng. -Anh thấy đấy, tôi đã giết nhiều người, nên có thêm một vài người nữa thì với tôi cũng chẳng khác gì. Tôi nói thế có rõ không nhỉ? - Cư Cực rõ, thưa ngài. Cư ... Cực rõ. Tôi còn có gia đình. Tôi xin ngài ... - Tôi rất kính trọng gia đình, vì thế tôi sẽ mách một cách để anh cứu lấy cha của bọn trẻ nhé. -Jaime đẩy chiếc cặp da về phía người thủ quỹ. -Tôi muốn anh nhét đầy cặp này cho tôi. Tôi muốn anh làm nhanh và trật tự. Còn nếu anh thực sự tin rằng tiền quan trọng hơn cả cuộc sống của mình thì anh cứ việc rung chuông báo động. Viên thủ quỹ lắc đầu lia lịa: - Không, không, không ạ. Anh ta bắt đầu lôi tiền ra khỏi ngăn kéo và nhồi nhét vào chiếc cặp, hai tay run lẩy bẩy. Khi cặp da đã đầy chặt, viên thủ quỹ nói: - Của ngài đây, Senor. Tôi ... tôi hứa sẽ không rung một cái chuông nào. - Anh thật là thông thái, -Jaime nói. -Tôi sẽ nói tại sao, anh bạn ạ. -Anh quay người chỉ vào một phụ nữ luống tưởi đang đứng gần cuối hàng, tay mang một chiếc túi giấy nâu. -Anh chắc nhìn thấy người phụ nữ kia?-Bà ấy là người của chúng tôi đấy. Trong túi ấy có quả bom. Khi có tiếng chuông rung lên bà ấy sẽ nổ bom ngay. Mặt anh ta xám ngoét. - Không, xin ngài đừng làm thế! - Anh đợi chừng mươi phút, sau khi bà ấy rời khỏi Đây, rồi hãy quyết định làm gì thì làm. -Jaime đe - Thề có các con tôi. -Người thủ quỹ thì thào. - Xin chào! Jaime xách cặp đi ra cửa, cảm thấy cặp mắt của viên thủ quỹ nhìn dán vào mình. Anh dừng lại bên người phụ nữ có cái túi giấy nâu: - Tôi phải ca tụng bà. -Jaime nói. -Bộ váy bà đang mặc quả là hết sức hợp. Bà ta đỏ mặt lên. - Ông quá khen, Senor. Cảm ơn ông. - Vâng! Xin chào bà. Jaime quay lại, gật đầu với người thủ quỹ rồi thong thả ra khỏi nhà băng. Phải tới mười lăm phút sau người phụ nữ mới xong việc và rời đi. Tới lúc Đó thì ... Nhìn thấy Jaime ra khỏi nhà băng đang thong thả bước về xe, Megan như trút được nỗi sợ hãi đè nặng trong cô. Felix Carpio cười: - Thằng cha này lại vớ được cú bẫm đây. -Anh quay lại Megan. -Sơ tha lỗi. Megan chưa bao giờ nhìn thấy một ai mà lại khiến cô mừng như thế. Anh ta đã làm xong, cô nghĩ. Làm tất cả chỉ với một mình. Mình phải kể cho các sơ nghe mới được. Và đột nhiên cô nhớ ra. Cô không thể chuyện này với ai. Khi trở về tu viện, chỉ có sự im lặng theo cô đến hết cuộc đời Ý nghĩ đó khiến cô ngán ngẩm. Jaime bảo Felix: - Vào trong đi, anh bạn. Tôi sẽ lái. Anh để chiếc cặp da lên ghế. - Tất đẹp cả chứ? -Amparo hỏi. Jaime cười: - Không thể hơn. Anh phải nhớ để cảm ơn đại tá Acoca về cái trát truy nã của hắn. Chiếc xe chạy xuôi. Đến góc nhỏ đầu tiên, phố Tudela, Jaime cho xe rẽ trái. Đột nhiên, không biết từ đâu viên cảnh sát hiện lên trước đầu xe và đưa tay ra hiệu dừng lại. Jaime đạp phanh. Megan thót tim. Viên cảnh sát bước tới bên xe. Jaime bình tĩnh hỏi: - Có chuyện gì, thưa ông sĩ quan? - Senor, chuyện là ông đang lái xe vào luồng cấm của đường một chiều. Nếu không chứng minh được rằng mình bị mù hợp pháp thì ông sẽ phiền đấy. - Anh ta chỉ vào biển hiệu ở lối rẽ. -Phố này đã được chỉ dẫn rõ ràng, người lái xe có nghĩa vụ tôn trọng một biển hiệu như thế. Đấy là lý do để nó được đặt ô đó. Jaime nói giọng kẻ cả: - Một ngàn lần xin lỗi, các bạn tôi và tôi tranh luận hăng quá nên không nhìn thấy biển báo. Viên cảnh sát ghé đầu vào ô cửa chỗ lái xe ngồi. Anh ta chăm chú nhìn Jaime, một vẻ bối rối hiện trên mặt. - Xin cho phép tôi được xem giấy đăng ký của ông. - Tất nhiên rồi, -Jaime nói. Anh đặt tay vào khẩu súng ở dưới lần áo khoác, Felix sẵn sàng nhảy vào cuộc. Megan nín thở. Jaime làm ra vẻ lẩn tìm ở các túi. - Rõ ràng là tôi để nó ở đâu đây mà. Vào lúc đó, ở bên kia quảng trường bỗng vang lên tiếng gào thét dữ dội khiến viên cảnh sát phải quay lại nhìn. Một thanh niên đang đánh một phụ nữ ở góc phố, đấm đá túi bụi vào đầu vào vai cô ta. - Cứu! -Cô gái gào lên. -Cứu tôi với! Nó giết tôi rồi! Viên cảnh sát do dự một giây, rồi ra lệnh: - Đợi đây! Anh ta chạy vội về phía cuộc ẩu đả. Jaime đạp mạnh ga. Chiếc xe lao như tên bắn theo luồng đường cấm, làm tán loạn dòng xe đang chạy đúng chiều. Bấm những hồi còi giận dữ inh ỏi, tới góc phố, Jaime quay xe cho nó lao lên chiếc cầu dẫn ra ngoài thị trấn trên đại lộ Sanehez de Anìona. Megan nhìn Jaime làm dấu thánh. Cô thấy khó thở. - Thế ... thế nếu gã thanh niên đó không đánh cô gái thì ông đã giết chết viên cảnh sát rồi à? Jaime chẳng bận tâm gì đến câu hỏi. Người phụ nữ đó không bị đánh, thưa sơ Felix giảng giải. -Đó là người của chúng tôi. Chúng tôi không đơn độc, chúng tôi có nhiều bạn tốt. Nét mặt Jaime lúc đó thật dữ tợn: - Chúng ta phải quẳng cái xe này đi. Họ ra khỏi ngoại ô Vailadolid. Jaime rẽ sang đường N.620, con đường cao tốc dẫn đến Burgos, theo hướng Loglono. Anh thận trọng giữ cho xe chạy ở tốc độ cho phép. Phải vứt cái xe này ngay khi qua được Burgos, -anh nói. Không thể tin được đ đang diễn ra với mình, Megan nghĩ. Mình đã trốn khỏi tu viện, chạy trốn khỏi bọn lính, lại đang ngồi cùng xe với những kẻ khủng bố kiêm cướp nhà băng. Chúa ơi, Người định dành cho con cái gì nữa đây? * * * * * Đại tá Ramon Acoca và sáu thành viên khác của GOE đang ở trong một cuộc họp có tính chiến lược. Họ cùng đứng trước tấm bản đồ toàn quốc loại lớn. Người khổng lồ sẹo mặt nói: - Rõ ràng là Miro đang đi theo hướng Bắc về phía vùng Basque. - Đó nghĩa là Burgos, Vietoria, Logrono, Pamprona và San Sesbatian. San Sesbatian, Acoca nghĩ. Nhưng hắn phải nằm trong tay ta trước khi tới được đó. Giọng nói trong máy điện thoại vang lên bên tai Acoca: Anh đang vượt quá thời gian. Y không được phép thất bại lần nữa. Họ đi qua một vùng đất gập ghềnh, dấu hiệu đã gần đến Burgos. Jaime im lặng khá lâu sau tay lái. Cuối cùng anh lên tiếng: - Felix, đến San Sebastian mình muốn thu xếp để Rubio thoát khỏi bọn cảnh sát. Felix gật đầu: Lúc Đó sẽ thật vui. Nó sẽ làm bọn chúng phát điên lên. - Còn sơ Lucia thì sao? -Megan hỏi. - Sao? - Chẳng phải ông đã nói sơ ấy cũng bị bắt đấy thôi? Jaime nói gượng gạo: - Phải! Nhưng cái bà sơ Lucia lại hóa ra là một tội phạm đang bị cảnh sát truy nã về tội giết người. Tin đó làm Megan bàng hoàng. Cô nhớ lại hình ảnh Lucia đã tấn công tên lính thế nào và dẫn họ trốn vào vùng núi ra sao. Megan thấy thích Lucia. Cô nói bướng bỉnh: - Nếu các ông đã cứu thì phải cứu cả hai. Cái loại tu sĩ quái quỉ gì vậy, Jaime tự hỏi. Nhưng cô nói đúng. Giải thoát được Rubio và Lucia ngay dưới mũi cảnh sát sẽ là một chiến dịch tuyên truyền tuyệt vời với những hàng tít lớn trên khắp các báo chí Tây Ban Nha, và cả thế giới nữa. Chắc chắn. Amparo chìm đắm trong im lặng nặng nề. Đột nhiên, xa xa phía trước họ xuất hiện ba chiếc xe nhà binh chở đầy lính. - Ta phải bỏ đường này thôi. -Jaime quyết định. Đến chỗ đường giao nhau, anh cho xe tách khỏi đường cao tốc, hướng về phía đông. Santo Domingo nằm ở phía trước. Tại đó có một lâu đài cổ bỏ hoang. Ta có thể nghỉ đêm ở đấy. Chẳng bao lâu họ nhận thấy bóng dáng tòa lâu đài cao trên quả đồi. Jaime lái xe theo đường phụ, tránh đi vào thị trấn. Tòa lâu đài lờ mờ hiện ra mỗi lúc một lớn. Cách nó khoảng trăm mét là một hồ nước. Jaime dừng xe. - Nào, ra ngoài hết. Khi mọi người đã ra khỏi xe, Jaime quay đầu xe xuống dốc, hướng về hồ nước, cho xe lăn bánh rồi nhảy ra. Họ đứng nhìn theo chiếc xe lao xuống hồ và biến mất dưới làn nước. Megan mấp máy môi định hỏi xem họ sẽ tới Logrono bằng cách nào nhưng đã kịp dừng lại. Một câu hỏi ngốc nghếch. Tất nhiên là sẽ bằng cách đánh cắp chiếc khác. Họ cùng xem xét tòa lâu đài bỏ hoang. Bao quanh nó là bức tường đá lớn. Mỗi góc là một tháp canh đang sụp lở - Ngày trước, các hoàng tử dùng những lâu đài này làm nhà tù giam giữ kẻ thù của mình. Nhưng Jaime là kẻ thù của Nhà nước, nếu bị bắt, sẽ chẳng có nhà tù nào cho anh ta. Chỉ có cái chết, Megan nghĩ. Nhưng anh ta không biết sợ. Cô nhớ Jaime đã nói, Tôi có đức tin vào cái mà tôi chiến đấu vì nó. Tôi có đức tin vào đồng đội của tôi và vào khẩu súng của tôi. Họ bước trên những bậc thang đá dẫn lên cổng sắt lâu đài cửa gỉ tới mức họ phải cố sức đẩy nó ra để lách vào bên trong một mảnh sân lát đá. Bên trong lâu đài thực là quá lớn đối với Megan. Khắp nơi, chỗ nào cũng có phòng ở, các lối đi thì nhằng nhịt, lại còn nhan nhản những ụ súng quay ra phía ngoài để người bên trong có thể đẩy lui được sự tấn công của kẻ thù. Các bậc đá dẫn lên tầng thứ hai, trên đó cũng có một sân trong. Cầu thang đá hẹp dần khi lên tầng ba rồi tầng bốn. Lâu đài hoang vu. - Ít nhất thì cũng có khối chỗ để ngủ. -Jaime nói. -Tôi và Felix sẽ đi kiếm cái ăn. Hai người chọn phòng đi. Amparo quay sang Megan: - Đi thôi, sơ! Họ đi dọc hành lang, Megan thấy các phòng đều giống y hệt nhau. Đều bằng đá và đều trống rỗng, lạnh lẽo, hoang sơ. Amparo chọn một phòng rộng nhất. - Jaime và tôi sẽ ngủ ở đây, -cô ta nhìn Megan ranh mãnh hỏi. -Cô có thích ngủ với Felix không? Megan nhìn trả, không nói gì. - Hay có lẽ cô muốn ngủ với Jaime hơn, -Amparo bước tới gần Megan. -đừng có bất cứ một ý nghĩ nào, sơ ạ Anh ấy quá lớn so với cô đấy. - Bà không phải bận tâm. Tôi không thích. - Và ngay cả lúc nói vậy, Megan cũng tự hỏi liệu Jaime Miro có quá lớn so với mình không. Khoảng một giờ sau hai người đàn ông trở về. Jaime tóm chặt hai con thỏ còn Felix thì ôm theo củi. Felix cài chốt cửa trước. Megan nhìn họ nhóm lửa ở cửa lò sưởi, nhìn Jaime lột da thỏ, rồi xuyên que qua, rồi nướng trên lửa. - Đáng tiếc, chúng tôi không thể phục vụ cho các quý bà một bữa tiệc thực sự dược. -Felix nói. Nhưng ta sẽ ăn tử tế ở Logrono. Còn bây giờ, nào, xin hãy thưởng thức. Khi bữa ăn kết thúc, Jaime bảo: - Ta đi ngủ thôi. Tôi muốn sáng mai ta xuất phát sớm. Amparo nói với Jaime: - Đi thôi, anh yêu. Em đã chọn phòng cho chúng ta. Megan nhìn hai người sóng đôi lên gác, tay trong tay. Felix quay sang Megan: - Sơ có phòng chưa? - Có rồi, cám ơn ông! - Thế thì tốt! Megan và Felix cùng lên gác. - Chúc ông ngủ ngon! -Megan nói. - Chúc sơ ngủ ngon! -Anh đưa túi ngủ cho Megan. Cô muốn hỏi Felix về Jaime nhưng lại thôi. Jaime có thể sẽ cho cô là tọc mạch, mà vì lý do nào đấy, Megan lại hết sức muốn Jaime nghĩ tốt về mình. Thật là nhảm nhí, Megan nghĩ. Hắn ta là một tên khủng bố, tên giết người, kẻ cướp nhà băng và Chúa mới biết còn là gì nữa. Vậy mà mình lại đi lo chuyện hắn có nghĩ tốt về mình hay không. Cho dù nghĩ trong đầu như thế, Megan lại nghĩ đến mặt khác của con người này. Anh ta là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Anh ta cướp nhà băng để lấy tiền phục vụ sự nghiệp đó. Anh ta liều mình cho điều mình tin anh ấy là một con người dũng cảm. Đi qua phòng hai người, Megan nghe tiếng Jaime và Amparo đang cười ở bên trong. Cô bước vào căn buồng trống trải, nơi cô sẽ ngủ, quỳ xuống nền đá lạnh lẽo. - Chúa nhân ừ? Hãy tha lỗi cho con vì ... Tha lỗi cho mình vì cái gì nhỉ Mình đã làm gì nào? Lần đầu tiên trong đời, Megan đã không thể cầu nguyện được: Chúa trên trời có nghe thấu không? Cô chui vào chiếc túi ngủ mà Felix đưa cho, nhưng giấc ngủ xa vời vợi như những ngôi sao lạnh lùng mà cô nhìn thấy qua khung cửa sổ hẹp. Mình đang làm gì ở đây vậy? Megan tự hỏi. Luồng suy nghĩ của cô trô với tu viện ... về trại trẻ mồ côi. Thế còn trước khi ở trại mồ côi Tại sao mình lại bị bỏ rơi ở đó Mình không tin cha mình là một người lính dũng cảm hay một người đấu bò vĩ đại. Nhưng biết được điều đó cũng chẳng phải tuyệt vời lắm sao? Đến gần sáng Megan mới thiếp đi. Ở khắp nhà tù Aranda de Duero, Lucia Carmine bỗng trở nên nổi tiếng. - Em như con cá lớn trong cái ao nhỏ của bọn anh, -tên lính gác nói với cô. -Chính phủ Ý đang gửi người đến để đưa em về đấy. Anh thì muốn được đưa em về nhà anh, Puta Bonitan. Thế em đã làm gì vậy? - Tao cắt dái đứa nào dám gọi tao là Puta Bonita. - Nói cho biết, bạn tao thế nào? - Nó vẫn sống đấy! Lucia thì thầm một lời cảm tạ. Cô nhìn quanh những bức tường xà lim xám xịt khủng khiếp. Làm thế quái nào mà thoát ra khỏi đây được? Cô nghĩ. Chương 15 Tin về vụ cướp nhà băng được truyền đi ngay trên các kênh thông tin của cảnh sát, nhưng mãi tận hai giờ đồng hồ sau, một viên trung úy nào đó mới báo cho Acoca hay. Một giờ sau, Acoca tới Vahadoiid. Y nổi khùng lên trước sự chậm trễ. - Tại sao tôi không được thông báo ngay lập tức? - Xin lỗi đại tá, nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp ... - Các anh đã có nó trong tay mà còn để sổng! - Đó không phải là lỗi của ... - Đưa người thủ quỹ lên đây! Người thủ quỹ tỏ ra đầy vẻ quan trọng: - Hắn ta đến đúng ô của tôi. Chỉ cần nhìn vào mặt hắn, tôi có thể nói ngay hắn là kẻ giết người. Hắn ... - Anh hoàn toàn tin chắc người đàn ông đã đe dọa anh là Jaime Miro? - Tuyệt đối. Thậm chí hắn còn đưa tôi xem tờ áp phích truy nã chính hắn. Nó bị .... - Hắn vào nhà băng một mình sao? - Đúng vậy. Hắn chỉ vào một phụ nữ đứng trong hàng và nói rằng bà ta là đồng bọn, nhưng khi Miro đi khỏi tôi nhận ra bà ấy là một thư ký, khách quen của chúng tôi và ... Đại tá Acoca không còn kiên nhẫn được: - Khi Miro ra, anh có nhìn xem hắn đi hướng nào không? - Ra đằng cửa trước. Cuộc gặp gỡ với viên cảnh sát giao thông cũng không gì hơn. - Có bốn đứa trong xe, thưa đại tá. Jaime Miro, một người đàn ông khác, và hai phụ nữ ngồi phía sau. - Chúng đi hướng nào? Người cảnh sát lúng túng: - Thưa ngài, có thể hướng nào cũng được một khi chúng thoát ra khỏi quãng đường một chiều ấy. Mặt anh ta sáng bừng lên. -Dầu vậy, tôi có thể tả về cái xe. Đại tá Acoca lắc đầu khinh bỉ. - Khỏi phiền! Cô đang mơ, và trong giấc mơ cô nghe thấy tiếng ồn ào của một đám đông, họ tới đây tìm cô để thiêu cô trên giàn hỏa vì tội đã cướp nhà băng. Không phải là cho tôi. Đó là cho sự nghiệp giành tự do. Tiếng ồn ào càng to hơn. Megan ngồi dậy nhìn trừng trừng vào những bức tường lâu đài xa lạ. Tiếng ồn ào là có thực, đang từ bên ngoài vọng vào. Megan vội đi tới bên cửa sổ. Ngay trước lâu đài là một tốp lính đang hạ trại. Cô bàng hoàng. Chúng tóm bọn ta rồi. Mình phải tìm Jaime ngay. Cô vội chạy sang phòng Jaime ngủ với Amparo và nhìn vào trong. Phòng trống rỗng. Cô chạy xuống thang tới phòng khách ở tầng dưới thì thấy Jaime và Amparo đang đứng gần cánh cửa trước đã cài thenbên họ: - Tôi đã xem kỹ. Không có lối nào khác ra khỏi đây. - Mấy cửa sổ sau thì sao? - Quá bé. Lối ra duy nhất là cửa trước này. Chỗ bọn lính đang chờ sẵn. Megan nghĩ. Thế là rơi vào bẫy rồi. Jaime nói: - Thật vô phúc cho ta là chúng lại chọn chỗ này mà hạ trại. - Thế bây giờ chúng ta làm gì? -Amparo thì thào. - Không thể làm gì được. Chúng ta phải ở đây cho tới khi chúng đi. Nếu ... Đúng lúc đó vang lên tiếng đập mạnh ở cửa trước. Một giọng hách dịch vang lên. - Mở cửa! Jaime và Felix nhìn nhau. Rất nhanh, không ai bảo ai, cả hai cùng rút súng ra. Cái giọng đó lại vang lên: - Chúng tôi biết có người ở trong. Mở cửa ngay. Jaime bảo Amparo và Megan: - Tránh ra! Hết đường, Megan nghĩ khi Amparo lùi ra sau Jaime và Felix. Bên ngoài phải có ít nhất hai chục tên lính có vũ khi chúng ta không còn cơ may nào nữa. Trước khi có người kịp ngăn lại, Megan bước nhanh tới cửa trước và tháo chốt. - Ơn Chúa, ngài đã đến! -Megan kêu lên. - Ngài phải giúp tôi. * * * * * Viên sĩ quan chằm chằm nhìn Megan. - Cô là ai? cô làm gì ở đây? Tôi là đại Úy Rodriguez, chúng tôi đang tìm ... - Ôi, ngài đến vừa kịp, ngài đại úy, -cô kéo tay hắn. -Hai đứa con trai tôi bị sốt thương hàn, nên tôi phải đi gọi bác sĩ. Ngài phải vào trong này giúp tôi với. - Thương hàn à? - Vâng, thương hàn, Megan vẫn túm lấy tay hắn, -kinh khủng lắm. Chúng đang nóng như hòn than. Ngài làm ơn gọi mấy anh lính vào giúp tôi đưa hai đứa đi. - Senoral Bà điên hay sao. Bệnh này rất dễ lây. - Thì có sao nào. Chúng cần ông giúp đỡ. Chúng chết mất. -Megan kéo tay hắn nài nỉ. - Buông tôi ra nào. - Ông không được bỏ chúng tôi. Tôi biết làm sao bây giờ? - Vào trong và đợi ở đó cho tới khi chúng tôi báo cảnh sát gọi xe cứu thương hoặc cử bác sĩ tới. - Nhưng ... - Đây là lệnh, thưa bà. đi vào! Rồi hắn gọi to: - Trung sĩ, rời khỏi đây ngay. Megan Đóng cửa lại và dựa vào đó, người rã rời. Jaime nhìn cô,kinh ngạc đến choáng váng: - Trời ơi, giỏi quá. Cô học ở đâu mà nói dối tài thế? Megan quay lại phía anh, thở dài: - Khi ở trại mồ côi, chúng tôi phải học cách tự bảo vệ tôi hy vọng Chúa sẽ tha thứ cho tôi. - Ước gì tôi được thấy cái vẻ mặt thằng cha đại úy lúc ấy -Jaime phá lên cười. -Ôi, thương hàn! Ôi Giêsu Kitô ơi! -Anh thấy cái nhìn trên gương mặt Megan. -Ồ, xin lỗi sơ. Từ bên ngoài, họ nghe thấy tiếng ồn ào của bọn lính đang thu dọn lều bạt và kéo đi. Khi bọn lính đã đi khỏi, Jaime nói: - Cảnh sát sẽ tới đây ngay. Dầu sao, chúng ta vẫn có cuộc hẹn ở Logrono. -Anh quay sang Felix. -Để xem cậu kiếm được cái gì trong phố. Mui kín càng tốt. - Chuyện vặt. -Felix cười. Nửa giờ sau họ đã ở trên một chiếc xe mui kín màu xám đi lên hướng Bắc. Megan rất ngạc nhiên khi được ngồi bên Jaime. Felix và Amparo ngồi ở ghế sau. Jaime liếc sang Megan, một nụ cười thoáng hiện trên môi. - Thương hàn, -anh nói và cười to. Megan nhoẻn miệng: - Hắn sẽ chỉ muốn đi cho nhanh thôi. - Sơ nói đã ở trại mồ côi phải không? - Đúng thế. - Ở đâu? - Avila. - Trông sơ không có vẻ người Tây Ban Nha. - Mọi người cũng bảo tôi như thế. - Ở trại mồ côi, với sơhắc hẳn cũng như địa ngục. Cô giật mình bởi sự quan tâm không ngờ tới. Đáng lẽ phải thế, nhưng lại không. Mình đã không để nó như thế, cô nghĩ. - Sơ có biết cha mẹ mình là ai không? Megan sống lại trí tưởng tượng: - Ồ, có chứ. Cha tôi là một người Anh dũng cảm, thời trước ông ấy lái xe cứu thương cho những người thuộc phái trung thành trong nội chiến Tây Ban Nha. Mẹ tôi bị chết trong chiến trận, tôi bị bỏ trước thềm một nhà nông dân. -Megan nhún vai. -Hay cũng có thể cha tôi là một hoàng tử người nước ngoài đã vụng trộm với một cô gái nông dân, và đã bỏ rơi tôi để tránh tai tiếng. Jaime liếc nhìn cô, không nói gì. - Tôi ... -cô ngập ngừng. -Tôi chẳng biết cha mẹ mình là ai. Câu chuyện rơi vào yên lặng. - Thế sơ ẩn mình sau những bức tường tu viện bao lâu rồi? - Khoảng mười lăm năm. - Ôi Giêsu -Jaime ngạc nhiên, rồi vội nói. -Xin lỗi sơ. Nhưng nói chuyện thế này giống như nới với người từ hành tinh khác vậy. Sơ chẳng biết chút gì về những sự kiện đã xảy ra ở trên đời này suốt mười lăm năm qua. - Tôi chắc rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng chỉ là tạm thời. Nó sẽ lại thay đổi. - Sơ có muốn trở lại tu viện không? . Câu hỏi khiến cho Megan ngạc nhiên. - Tất nhiên là có. - Nhưng tại sao? Jaime làm một cử chỉ khó hiểu. -Tôi muốn nói, đằng sau những bức tường đó sơ đã bỏ phí đi rất nhiều. Ở đây chúng tôi được thưởng thức âm nhạc, thơ ca. Tây Ban Nha đã dâng hiến cho thế giới nào Cervantes, nào Picasso, Lorea, Pizarro, De Soto, rồi Cortes. Đây là một đất nước kỳ diệu. Một vẻ dịu dàng đáng ngạc nhiên toát ra từ kẻ khủng bố kiêm cướp ngân hàng kiêm trộm xe hơi này, một ngọn lửa mềm mại. Thật không ngờ, Jaime nói: - Thưa sơ, tôi xin lỗi vì đã có lúc bỏ mặc sơ. Hoàn toàn không phải do sơ. Mà do tôi đã có những va chạm chẳng tốt lành gì với giáo hội của sơ. - Điều đó thật khó tin. - Hãy tin tôi đi. -Giọng anh chua chát. Trước mắt anh lại hiện lên những tòa nhà, những pho tượng và con đường Guernica vỡ tung dưới những cơn mưa của thần chết. Bên tai anh vang lên tiếng gầm rú của bom đạn hòa lẫn với tiếng gào thét của những nạn nhân tuyệt vọng. Nơi ẩn náu duy nhất của họ là nhà thờ. Các linh mục đã khóa chặt cửa nhà thờ. Họ không cho chúng ta vào. Và cái loạt đạn chết chóc đã cướp đi mẹ anh, cha anh, các chị anh. Không, không phải loạt đạn Đó, Jaime nghĩ. Chính là giáo hội. Giáo hội của sơ đã đứng sau Franco và cho phép hắn thực hiện những tội ác không thể nói thành lời đối với người dân vô tội. - Tôi chắc là giáo hội sẽ phản đối, -Megan nói. - Không hề. Chờ cho tới khi các nữ tu sĩ bị hãm hiếp, các linh mục bị sát hại và nhà thờ bị đốt phá bởi bàn tay những kẻ Falang thì giáo trưởng mới chịu cắt đứt với Franco nhưng cái đó cũng chẳng làm cho cha mẹ và các chị tôi sống lại được. Sự giận dữ trong giọng nói của anh thật đáng sợ. - Tất cả đã qua lâu rồi. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc. - Không, với chúng tôi, nó vẫn chưa kết thúc. Chính phủ này không cho chúng tôi được kéo cờ dân tộc Basque, không được kỷ niệm những ngày lễ dân tộc hay quảng bá tiếng nói của mình. Không, thưa sơ, chúng tôi tiếp tục bị áp bức. Chúng tôi vẫn sẽ chiến đấu đến chừng nào giành được độc lập cho mình. ở Tây Ban Nha có năm triệu người Basque và một trăm năm mươi ngàn người ở Pháp. Chúng tôi muốn độc lập, nhưng Chúa của sơ bận quá, chẳng giúp gì chúng tôi được. Megan nói giọng nghiêm trang: - Chúa không thể đứng ngoài, bởi Người ngự trong tất cả chúng ta. Mỗi người chúng ta là một phần của Người, và khi ta muốn hủy hoại Người, thì đó là ta hủy hoại chính mình. Jaime mỉm cười nói: - Chúng ta giống nhau rất nhiều, sơ với tôi, thưa sơ: - Tôi với ông? - Chúng ta có thể tin vào những điều khác nhau, nhưng chúng ta đều tin đến cháy bỏng. Hầu hết mọi người đến hết cuộc đời cũng chẳng toàn tâm toàn ý với một điều gì. Sơ dâng hiến đời mình cho Chúa, tôi hy sinh đời mình cho sự nghiệp của tôi. Chúng ta đã toàn tâm. Và Megan nghĩ, Mình đã toàn tâm chưa? Nếu đã, sao mình lại còn thích được ở bên con người này? Mình chỉ được nghĩ đến việc quay về tu viện. Jaime Miro có một lực hút như nam châm. Anh ta giống, Manoiete chẳng Liều lĩnh phó mặc cho số phận, bởi vì anh chẳng còn gì để mất Nếu bọn lính bắt được ông thì chúng sẽ làm gì ông? -Megan hỏi. - Xử tử Anh nói điều đớ dửng dưng đến mức trong một thoáng, Megan tưởng mình nghe lầm. - Thế ông không sợ à? - Tất nhiên là tôi sợ. Chúng tôi ai cũng sợ. Chẳng có ai trong chúng tôi muốn chết, thưa sơ. Rồi cũng sẽ gặp Chúa của sơ thôi, nhưng chúng tôi không muốn vội vã. - Ông đã làm những điều khủng khiếp đó sao? - Cái Đó tùy theo quan điểm của sơ. Sự khác biệt giữa một người yêu nước và một kẻ phiến loạn tùy thuộc ai là người nắm trong tay quyền lực vào lúc đó. Chính phủ gọi chúng tôi là những kẻ khủng bố. Chúng tôi tự gọi mình là những chiến sĩ tự do. Jcan Jacques Rousscau từng nói, Tự do là quyền lực để lựa chọn xiềng xích. Tôi muốn có sự tự do đó. Anh nhìn cô một lát. - Nhưng sơ không phải bận tâm đến bất cứ điều gì, đúng không một khi trở lại tu viện sơ sẽ chẳng thấy thích thú cái thế giới bên ngoài nữa. Phải thế chăng? Tiếp xúc lại với thế giới đã đảo lộn cuộc sống của cô. Phải chăng cô đã từ bỏ tự do? Có bao nhiêu điều cô muốn biết, bao nhiêu điều cô muốn học hỏi. Cô cảm thấy mình như một nghười họa sĩ đứng trước tấm vải trắng nguyên và sắp đưa bút vẽ lên đó một cuộc đời. Nếu trở lại tu viện, cô nghĩ, mình sẽ bị tách biệt với cuộc sống. Megan hoảng hốt bởi từ nếu mang tính giả định. Khi trở lại tu viện, cô vội vã tự sửa. Tất nhiên mình sẽ trở lại. Mình chẳng còn nơi nào khác nữa mà đi. Đêm đó nghỉ lại trong rừng. Jaime nói: - Chúng ta đang ở cách Logrono ba mươi dặm và trong hai ngày tới, ta chưa phải gặp ai cả. Nếu cứ tiếp tục di chuyển thì sẽ an toàn cho chúng ta hơn. vì thế ngày mai ta sẽ đi về phía Victoria. Ngày kia ta sẽ đi Logrono và chỉ vài giờ sau đó, thưa sơ, sơ sẽ có mặt tại tu viện ở Mendavia. Suốt đời - Ông sẽ bằng an chứ? -Megan hỏi. - Sơ lo về phần hồn hay phần xác của tôi? Megan thẹn đỏ mặt. - Không có gì xảy ra đâu. Tôi sẽ vượt biên giới qua sống ở Pháp một thời gian. - Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. -Megan nói. - Cảm ơn sơ. -Anh nói từ t -Tôi sẽ nghĩ rằng sơ đang cầu nguyện cho tôi và điều đó sẽ làm tôi thấy an toàn hơn. Thôi, hãy nghỉ đi một chút. Khi Megan quay người ngả lưng, cô thấy Amparo đang nhìn mình từ phía bên kia bãi trống. Trên mặt cô ta lộ rõ vẻ căm ghét hằn học. Không kẻ nào có thể lấy được người đàn ông của ta. * * * * * Sớm hôm sau họ tới ven Nanclares, một làng nhỏ phía tây Victoria. Jaime dừng xe ở một trạm xăng có chỗ sửa ô tô, một người thợ đang cắm cúi làm việc Jaime đánh xe vào gara. - Xin chào, -người thợ nói, -xe quý ông làm sao vậy? - Nếu mà biết thì tôi đã tính được chi phí cho nó. Cái xe này ọc ạch như một bà già và chẳng có chút sinh khí nào. - Ôi, giống bà vợ tôi quá, -người thợ cười toét miệng, -tôi nghĩ xe quý ông hỏng bộ phận chế hòa khí, senor. Jaime nhún vai: - Tôi chẳng biết gì về xe cộ. Điều lo lắng là tôi có một cuộc hẹn rất quan trọng ở Madrid vào ngày mai. Anh có thể sửa chữa xong vào chiều nay không? Người thợ nói: - Tôi còn phải chữa cho xong hai chiếc để ở đây trước xe của quý ông, nhưng ... -anh ta để cho phần cuối của câu nói bay lơ lửng trên không. - Tôi sẽ vui lòng trả ông gấp đôi. Nét mặt người thợ sáng bừng: - Hai giờ chiều được không? Tuyệt. Chúng tôi đi kiếm cái gì ăn, rồi sẽ quay lại vào lúc hai giờ. Jaime quay sang cả nhóm nãy giờ đang theo dõi đối thoại của hai người. - May rồi, -Jaime nói to, -anh ấy sẽ chữa ngay cho chúng ta. Bây giờ ta đi ăn thôi. -Họ ra khỏi xe và theo Jaime xuống phố. - Hai giờ nhé. -Người thợ nói. - Hai giờ. Ra khỏi tầm nghe, Felix nói: - Cậu định làm gì vậy? Cái xe có làm sao đâu? Trừ một điều cảnh sát lúc này đang lùng tìm nó, Megan nghĩ Nhưng chúng sẽ tìm trên đường chứ không tìm ở gara. Một cách giấu xe thật thông minh. - Đến hai giờ chiều thì chúng ta đã đi xa rồi, phải không? -Megan hỏi. Jaime nhìn cô mỉm cười: - Tôi phải gọi điện. Đợi ở đây nhé? Amparo quàng tay Jaime: - Em đi với anh. Megan và Felix nhìn theo hai người. Felix quay sang Megan và nói: - Cô và Jaime có vẻ hợp nhau nhỉ? - Vâng! -Cô bỗng thấy xấu hổ. - Anh ấy không phải người dễ tính nhưng cực kỳ gan dạ và là người đầy tình nghĩa. Chẳng ai có thể như anh ấy. - Tôi kể với sơ Jaime đã cứu tôi như thế nào chưa nhỉ? - Chưa. Tôi rất muốn được nghe. - Vài tháng trước chính phủ hành quyết sáu chiến sĩ tự do. Để trả thù, Jaime đã quyết định phá đập nước ở gần Reina, phía nam Pamplona. Khu vực phía dưới là cơ quan đầu não của quân đội. Chúng tôi xuất kích vào ban đêm, nhưng một kẻ nào đó đã tọc mạch cho bọn GOE và vì thế Acoca đã tóm được ba trong số chúng tôi ... Rồi Felix kể cho Megan nghe Jaime đã thả sổng đàn bò thế nào, đã giả làm linh mục ra sao để cứu các anh trong xà lim tử tù ... Khi Jaime và Amparo trở lại, Felix hỏi: - Có chuyện gì thế? - Các bạn sẽ đón chúng ta tới Victoria. Nửa giờ sau, một chiếc xe tải xuất hiện. Thùng xe được che kín bằng vải bạt. - Xin chào! -Người lái xe vui mừng nói. -Lên thôi nào. - Cám ơn bạn thân mến! - Tôi rất vui được giúp ông. May mà ông đã gọi. Bọn lính khốn kiếp đang nhung nhúc khắp nơi. Ông và các bạn của ông lộ mặt ra thì rất không an toàn. Họ trèía sau, rồi chiếc xe lớn thong thả bò lên hướng Bắc. - Thế các bạn sẽ ở đâu? -Người lái xe hỏi. - Chỗ mấy người bạn. -Jaime đáp. Và Megan nghĩ, Anh ấy chẳng tin một ai, ngay cả những người đang giúp đỡ mình. Nhưng biết làm sao, cuộc sống anh ấy luôn bị đe dọa. Và vô hình dung nó khủng khiếp làm sao với Jaime khi luôn phải sống trong bóng tối, phải trốn chạy khỏi sự truy lùng ráo riết của cảnh sát và quân đội. Tất cả chỉ vì anh tin vào lý tưởng, tới mức sẵn sàng hy sinh tính mạng. Anh đã nói gì nhỉ? Sự khác nhau giữa một người yêu nước và kẻ phiến loạn tùy thuộc vào lúc đó ai nắm quyền lực trong tay. Chuyến đi suôn sẻ. Lớp vải che tỏ ra được việc, và Megan nhận ra cô đã lo sợ biết bao khi họ phải lộ mặt ra đường trong khi cả bọn đang bị săn lùng. Vậy mà Jaime luôn phải sống trong sự căng thẳng đó. Anh ấy can đảm quá. Cô và Jaime nói chuyện với nhau, cuộc đối thoại thật mượt mà, cứ như họ đã biết nhau từ thuở nào. Amparo Jiron lặng lẽ nghe hai người, không nói một lời, trên mặt không biểu lộ tình cảm nào. - Khi còn bé, tôi đã muốn làm một nhà tu hành. Megan tò mò hỏi: - Điều gì khiến ông ... - Tôi đã chứng kiến mẹ tôi, cha tôi, các chị tôi bị bắn chết, bạn bè của tôi bị thảm sát và tôi không,thể đối mặt với gì diễn ra trên trái đất đẫm máu này. Các vì sao là một lối thoát. Chúng ở cách xa ta hàng triệu năm ánh sáng và vì thế tôi thường mơ một ngày nào được tới đó để trốn xa khỏi cái hành tinh khủng khiếp này. Cô nhìn anh, im lặng. - Nhưng không có chỗ nào để trốn, phải không? Cuối cùng thì tất cả chúng ta đều phải đối mặt với trách nhiệm của mình. Vì thế tôi đã quay về trái đất. Trước hết, tôi nghĩ rằng một người thì không thể làm gì được. Nhưng bây giờ tôi hiểu điều đó không đúng. Giêsu đã làm dược và Mohammed, Gandhi, Einstein, ChurEllili nữa, -anh cười gượng, -xin sơ đừng hiểu nhầm tôi. Không phải tôi so mình vôi ai trong số họ, nhưng trong thế giới nhỏ bé của mình, tôi làm những gì tôi có thể làm. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều phải làm những gì mình có thể làm. Megan tự hỏi liệu những lời nói của anh có hàm ý gì đặc biệt dành cho cô không? - Khi vén được màn sao khỏi mắt, tôi đã học để trở thành kỹ sư xây dựng. Tôi đã học cách xây dựng các tòa nhà, bây giờ tôi lại tìm cách phá bỏ chúng. Và mỉa mai thay một số tòa nhà tôi đã phá lại chính là những tòa nhà tôi đã xây. Họ tới Victoria vào hoàng hôn. - Tôi sẽ đưa các bạn tới đâu? -Người lái xe hỏi. - Bạn cho chúng tôi xuống đây thôi. Người lái xe gật đầu! - Được Jaime đỡ Megan xuống xe. Amparo nhìn, cặp mắt quắc lên giận dữ. Cô ta không cho phép người đàn ông của mình được chạm vào người đàn bà nào khác. Nó là con điếm. Amparo nghĩ. Thế mà Jaime lại thèm khát cái con đĩ ấy. Được, không lâu đâu. Chẳng mấy chốc mà Jaime sẽ phát hiện ra cái ngực lép kẹp của nó. Anh ấy cần một người đàn bà thực thụ kia. Cả bọn rẽ theo con đường nhỏ, cảnh giác với mọi thứ xung quanh. Hai mươi phút sau họ tới ngôi nhà một tầng náu mình ở con phố hẹp, có hàng rào bao quanh. - Chỗ này đây, -Jaime nói. -Ta sẽ ở đây đêm nay và tối mai ta sẽ đi tiếp. Mất một l mới mở được cửa, rồi tất cả bước vào. - Nhà của ai thế -Megan hỏi. - Cô hỏi nhiều quá đấy. Amparo nói. -Hãy tỏ ra biết ơn vì chúng tôi đã để cô được sống. Jaime nhìn Amparo một lát. - Cô ta hỏi là đúng. -Anh quay sang Megan. Đây là nhà một người bạn. Sơ đang ở vùng đất của người Basque. Từ đây hành trình sẽ dễ dàng hơn. Khắp nơi đều có bạn bè theo dõi, bảo vệ chúng tôi. Ngày kia thôi, sơ sẽ có mặt ở tu viện. Megan cảm thấy rùng mình, một nỗi buồn man mác xâm chiếm cô. Làm sao thế? Cô tự hỏi. Tất nhiên là mình muốn trở lại. Tha thứ cho con, Chúa nhân từ. Con đã cầu xin Người đưa con về với sự che chở của Người và Người cũng đã thấu lời thỉnh cầu của con. - Tớ đói mềm rồi, -Felix nói, -vào bếp xem nào. Trong bếp được tích trữ đầy ắp thực phẩm. Jaime nói: - Cậu ấy để cho ta bao đồ ăn. Tớ sẽ làm một bữa tuyệt vời -Anh mỉm cười với Megan. -Tôi nghĩ ta xứng đáng được như thế, sơ thấy đúng không? Megan nói: - Tôi không hiểu đàn ông thì nấu nướng ra sao. Felix cười to: - Đàn ông Basque rất tự hào với tài nấu nướng của mình. Sơ sẽ phải kinh ngạc đấy. Đưa Jaime những thứ anh cần, họ theo dõi anh chuẩn bị món Peperade từ hạt tiêu xanh nướng, hành trắng thái lát, khoai, trứng và xúc xích áp chảo lẫn với nhau. Megan nói: - Có vẻ hấp dẫn quá. - À, Đó mới chỉ là món khai vị thôi. Tôi sẽ thết sơ một món đặc sản Basque, món Poilo al chilindron. Anh ấy không nói thết chúng ta, Amparo để ý: Anh ấy bảo thết sơ, thết cái con đĩ ấy. Jaime chặt gà ra từng. miếng, rắc muối tiêu vào, rồi rán vàng trong mỡ sôi. Anh bắc một chảo khác lên và bắt đầu nướng hành, tỏi, khoai tây. - Ta sẽ ninh nhỏ lửa khoảng nửa tiếng. Felix tìm thấy một chai rượu vang đỏ. Anh rót ra mấy chiếc ly. - Rượu đỏ của Larioia. Các bạn sẽ thích thứ này. -Anh đưa một ly cho Megan -Sơ dùng chứ? - Cảm ơn! -Cô nói. Lần cuối cùng Megan thưởng thức mùi vị rượu là ở trại mồ côi. Cô từ từ nâng ly lên môi, nhấp một chút. Thơm ngon quá. Cô nhấp hớp nữa và cảm thấy rượu nóng chảy trong người. Tuyệt vời. Mình phải thưởng thức hết những thứ mà khi còn có thể, Megan nghĩ. Sắp hết cơ, hội rồi. Suốt bữa ăn, Jaime hình như bị cuốn hút vào dòng suy nghĩ nào đó không bình thường. - Cậu nghĩ gì vậy, anh bạn? -Felix hỏi. Jaime ngập ngừng: - Có một kẻ phản bội trong hàng ngũ chúng ta. Một sự im lặng khủng khiếp. - Căn cứ vào đâu cậu cho là như thế? Felix gặng hỏi - Acoca. Hắn bám chúng ta quá gần. Felix nhún vai: - Hắn là con cáo, chúng ta chỉ là bầy thỏ. - Có cái gì đó còn hơn thế. Anh nói vậy nghĩa là làm sao? -Amparo hỏi. - Khi chúng ta sắp sửa nổ đập nước ở gần Reina, Acoca đã được báo trước, -anh nhìn Felix. -Hắn đã giương bẫy và tóm được cậu, Ricardo và Zamozo. Nếu bữa ấy tôi không bị muộn thì cũng đã bị tóm cùng các bạn rồi. Lại còn lần ở nhà trọ nữa. - Anh đã thấy tên lễ tân gọi điện cho cảnh sát. -Amparo giải thích. Jaime gật đầu: - Đúng là vậy, nhưng bởi lôi có linh cảm thấy chuyện không lành. Nét mặt Amparo ủ rũ: - Thế anh nghĩ kẻ đó là ai? Jaime lắc đầu: - Tôi không biết chắc chắn. Song tôi nghĩ có một kbiết được tất cả kế hoạch của chúng ta. - Thế thì ta thay đổi kế hoạch đi. -Amparo nói. -Chúng ta gặp các nhóm khác, rồi bỏ qua Mendavia. Jaime liếc sang Megan. - Chúng ta không thể làm như vậy được. Phải đưa các sơ tới tu viện. Megan nhìn anh và nghĩ, Anh ấy chịu vất vả với mình thế là đủ. Mình không thể đẩy anh ấy vào chỗ nguy hiểm hơn những gian nan anh đã phải chịu. - Jaime, tôi có thể ... Nhưng anh hiểu điều cô định nói: - Đừng lo, Megan. Chúng ta sẽ tới đó an toàn. Anh ta đã thay lòng. Amparo nghĩ. Lúc đầu anh ta không muốn dính dáng đến một nữ tu nào. Bây giờ anh ta lại liều mạng vì nó. Anh ta gọi nó là Megan chứ không gọi là sơ nữa. . Jaime lại nói tiếp: - Có ít nhất mười lăm người biết rõ các kế hoạch của chúng ta. - Phải tìm bằng được kẻ nào. -Amparo khẳng định. - Vậy ta phải làm thế nào? -Felix hỏi. -Anh bối rối đưa tay rút những sợi tua khăn trải bàn. Jaime nói: - Paco đang ở Madrid để kiểm tra. Tôi đã bảo cậu ta gọi điện tới đây cho tôi. - Anh đưa mắt nhìn Felix một lát, rồi quay đi. Điều anh không nói ra là chỉ không quá sáu người biết chính xác tuyến đường mà ba nhóm đang đi. Sự thực đúng là Felix Carpio bị Acoca cầm tù đã tạo cho Felix bằng chứng ngoại phạm hoàn toàn hợp lý. Vào lúc thuận tiện một vụ trốn tù đã được sắp xếp cho. anh ta. Nếu như mình không cứu hắn ra trước.. Jaime nghĩ. Paco đang thẩm tra hắn. Hy vọng cậu ta sẽ báo cáo sớm. Amparo đứng đậy và quay sang Megan: - Giúp ... tôi thu dọn với. Hai người phụ nữ bắt đầu thu dọn bàn ăn, hai người đàn ông vào phòng khách. - Tu sĩ ... Cô ta chịu đựng giỏi đấy chứ? -Felix nói. - Ừ! Cậu thích cô ta phải không? Jaime thấy thật khó khăn, khi nhìn vào mắt Felix. - Đúng, mình thấy thích cô ta. Vậy mà cậu nỡ phản bội cô ấy cùng với tất cả chúng tôi. - Thế cậu và Amparo thì sao? - Chúng tôi được cắt cùng một thứ vải: Cô ấy tin vào sự nghiệp này như chính tôi vậy. Cả gia đình cô ấy bị giết hại bởi bàn tay bọn Falang của Franco. - Jaime đứng dậy vươn vai. -Đi ngủ thôi! - Có thể đêm nay mình không nhắm mắt được. Cậu có tin chắc có kẻ phản bội không? Jaime nhìn anh và nói: - Tôi chắc chắn! Hôm sau, khi Jaime xuống ăn sáng, Megan không nhận ra anh. Mặt đen sạm lại, tóc giả, đeo râu, lại mặc bộ quần áo nhem nhuốc ... Nom anh già đi đến chục tuổi. - Xin chào, -anh nói, giọng nói phát ra từ thân hình đó làm cô giật mình. - Ông đâu ... - Đây là ngôi nhà thỉnh thoảng tôi vẫn dùng đến. Tôi để ở đây những thứ cần thiết. Anh nói điều đó một cách bình thản, nhưng lập tức nó làm Megan thấu hiểu được cuộc sống của anh. Còn bao những ngôi nhà khác và bao bộ cải trang khác anh phải cần đến để tồn tại! Có bao nhiêu cú điện thoại như thế anh.. từng nghe mà cô không hề được biết Cô nhớ lại sự tàn bạo của bọn người đã tấn công vào tu viện và cô nghĩ, Nếu bắt được Jaime, chúng sẽ chẳng tha thứ cho anh. Ôi, giá mà mình biết cách bảo vệ cho anh ấy. Amparo chuẩn bị bữa sáng: bacalao -món cá moruy hấp, sữa gấu, pho mát và sôcôla đặc nóng. Đang ăn, Felix hỏi: - Chúng ta sẽ ở đây đến khi nào? Jaime lãnh đạm nói: - Trời tối ta sẽ đi. Nhưng không để Felix có thể tận dụng được thông tin đó. - Tôi có vài việc phải làm, -anh bảo Felix, -cần cậu giúp đỡ - Sẵn sàng! Jaime gọi Amparo tới bên, dặn: - Lúc nào Paco gọi đến bảo cậu ấy anh sẽ về ngay. Ghi lại nội dung nhé. Cô gật đầu. - Anh cẩn thận đấy. - Đừng lo lắng -Anh quay sang Megan. -Hôm nay là ngày cuối cùng của cô. Ngày mai cô đã ở tu viện. Chắc cô nóng lòng lắm nhỉ? Megan nhìn anh một lúc lâu. - Đúng là như vậy. Không nóng lòng, mà lo sợ, cô nghĩ. ước sao mình không lo sợ như thế. Mình sắp phải xa cách thế giới này, nhưng cho tới hết đời, mình sẽ luôn tự hỏi cái gì sẽ xảy đến với Jaime, với Felix và những người khác. Megan đứng trông theo Jaime và Felix đi ra. Cô cảm thấy giữa họ có một sự căng thẳng mà cô không hiểu được. Amparo nhìn cô xoi mói. Megan bỗng nhớ tới câu nói của cô ta: Anh ấy quá lớn so với cô đấy. Amparo nói cộc lốc: - Dọn giường đi và chuẩn bị bữa trưa. - Được thôi! Megan vào dọn các phòng ngủ. Amparo đứng nhìn cô rồi vào bếp. Suốt một giờ đồng hồ Megan lao vào hút bụi, lau chùi, cố gắng giải thoát đầu óc ra khỏi những gì đang quấy rầy cô. Mình phải quên anh ta đi, cô nghĩ. Không thể được. Anh như một sức mạnh tự nhiên, cuốn phăng mọi vật cản trên đường. Cô miệt mài lau chùi. Lúc Jaime và Felix quay về, Amparo đã đứng đợi họ ở cửa. Trông Felix rất nhợt nhạt. - Tôi không được khỏe lắm. Có lẽ tôi sẽ ngả lưng một chút. Họ nhìn theo anh đi khuất vào buồng ngủ. - Paco gọi đến. -Amparo nói hào hứng. - Cậu ấy bảo sao? - Có một số tin tức cho anh nhưng lại không muốn nói trên điện thoại. Cậu ta đã cử người đến gặp anh. Người đó sẽ có mặt tại quảng trường vào trưa mai. Jaime nhíu mày, nghĩ ngợi. - Cậu ấy không nói đó là ai sao? - Không. Chỉ nói là rất gấp thôi. - Con khỉ! Tôi đã.. Thôi được, tôi sẽ đi gặp. Tôi muốn em để ý Felix. Cô nhìn anh bối rối. - Em không ... - Tôi không muốn cậu ấy dùng điện thoại. Cô thoáng hiểu ra. - Anh nghĩ rằng Felix là ...? Xin hãy làm như tôi bảo. -Anh nhìn đồng hồ. -Gần trưa rồi. Anh phải đi đây. Có thể một giờ nữa anh sẽ về cẩn thận đấy, em yêu. - Anh đừng lo. Megan nghe thấy tiếng họ nói chuyện. Tôi không muốn để cậu ấy dùng điện thoại. Anh nghĩ rằng Felix là ... Xin hãy làm như tôi bảo. Vậy Felix kẻ phản bội, Megan nghĩ. Lúc nãy cô đã thấy anh ta đi vào phòng ngủ và đóng cửa lại. Cô nghe tiếng Jaime đi. Megan bước vào phòng khách. Amparo quay lại: - Cô làm xong chưa? - Chưa xong hẳn. Tôi ... Cô muốn hỏi xem lúc trước Jaime đi đâu, họ định làm gì với Felix, điều gì sẽ xảy ra đến tiếp theo, nhưng cô không muốn nói chuyện với người phụ nữ này. Mình sẽ đợi đến lúc Jaime về. - Làm nốt đi. -Amparo nói. Megan quay trở về buồng ngủ. Cô nghĩ về Felix. Hắn ta dường như rất thân thiện, quan tâm đến cô. Hắn đã hỏi cô rất nhiều, nhưng giờ đây, cái hành động làm ra vẻ thân thiện ấy đã mang một ý nghĩa khác. Cái con người rậm râu ấy tìm hiểu mọi điều để mật báo cho đại tá Acoca. Cuộc sống của cả bọn đang bị đe dọa. Có thể Amparo cần đến ta. Megan nghĩ. Cô bước ra phòng khách nhưng bỗng dừng chân khi nggiọng bên trong vọng ra Jaime vừa đi xong. Anh ta sẽ ngồi trên chiếc ghế băng ở quảng trường trung tâm. Anh ta đội tóc và mang râu giả. Người của ông sẽ nhận ra anh ta không khó khăn gì. Megan đứng đó toàn thân tê liệt - Anh ta vừa đi, khoảng mười lăm phút nữa thì tới đó. Megan lắng nghe, lòng hoảng sợ. Xin ngài nhớ cho thỏa thuận của chúng ta, thưa đại tá -Amparo nói vào máy. - Ngài đã hứa không giết anh ấy. Megan lùi vào hành lang. Tâm tư cô rối bời. Như vậy, Amparo là tên phản bội. Nó đã đưa Jaime vào bẫy. Rón rén lùi lại để Amparo không phát hiện ra. Megan quay lưng và chạy ra cửa sau. Cô không biết mình sẽ giúp Jaime bằng cách nào. Cô chỉ biết rằng phải làm một cái gì đó. Cô ra khỏi cổng và lao thẳng về phía trung tâm thị trấn mà không biết rằng đã làm mọi người chú ý đến mình. Ôi lạy Chúa. Hãy cho con tới kịp. -Cô cầu nguyện. Quãng đường tới quảng trường trung tâm thật dễ dàng, hàng cây cao vút tỏa bóng mát, nhưng Jaime không nhận thấy gì xung quanh. Anh đang nghĩ về Felix. Anh coi Felix như một người em, đã đành cho cậu ta toàn bộ lòng tin. Điều gì biến cậu ta thành kẻ phản bội, sẵn sàng bán rẻ người thân của mình? Có thể người của Paco sẽ đem tới lời giải thích. Tại sao Paco lại không thể nói qua điện thoại? Jaime tự hỏi. Anh tiến gần đến quảng trường thị trấn, ở chính giữa có một đài phun nước và những cây cổ thụ xòe rộng các tán lá ra xung quanh. Một đám trẻ đang chơi đuổi bắt. Hai cụ già đang chơi bài. Sáu bảy người đàn ông đang ngồi rải rác trên các ghế băng sưởi nắng, đọc sách, ngủ gà ngủ gật, hay cho chim bồ câu ăn. Jaime sang đường, thong thả bước theo lối nhỏ, rồi ngồi xuống một chiếc ghế băng. Anh nhìn vào đồng hồ của mình đúng lúc đồng hồ trên tháp bắt đầu điểm trưa. Người của Paco chắc đang tới. Bỗng Jaime liếc nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát đi tới phía quảng trường. Anh nhìn sang hướng khác. Một chiếc nữa cũng vừa dừng bánh. Cảnh sát bắt đầu ra khỏi xe và đi vào quảng trường tim anh đập nhanh. Đây là một cái bẫy. Nhưng ai đặt. Paco, người đã gọi điện tới? Hay Amparo, người đã báo lại cho anh? Chính cô bảo anh tới đây. Nhưng tại sao? Tại sao? Không có thời gian để suy đoán về điều đó vào lúc này. Anh phải tẩu thoát. Nhưng Jaime hiểu chúng sẽ bắn ngay khi anh bỏ chạy. Anh có thể giả vờ gì đó, nhưng chúng đã biết anh ở đây. Phải nghĩ ra một cách. Nhanh lên! . Cách dó một tòa nhà, Megan đang chạy vội về phía quảng trường. Khi vừa lọt: vào tầm mắt, liếc qua một cái cô đã hiểu được tình thế. Cô nhìn thấy Jaime đang ngồi trên ghế băng, và cảnh sát từ hai phía đang tiến vào quảng trường. Megan nghĩ gấp rút, Jaime không còn cách nào để trốn thoát được. Cô đi qua cửa hàng rau. Ở phía trước, chắn ngang lối đi, có một phụ nữ đẩy chiếc xe nôi. Người phụ nữ dừng lại, để chiếc xe nôi áp vào tường, rồi bước vào cửa hiệu mua hàng. Không do dự, Megan chộp lấy chiếc xe, đẩy sang đường và tiến vào quảng trường. Cảnh sát lúc này đang đi tới các ghế băng, kiểm tra giấy tờ những người đàn ông ngồi ở đó. Megan lách qua một người cảnh sát và đẩy chiếc xe nôi đến chỗ Jaime. - Chúa ơi, -Cô rít lên. -Ngồi đấy à, ông Manuel. Tôi tìm ông đứt hơi. Tôi chán ông đến tận cổ rồi. Ông hứa là sáng nay sẽ quét vôi nhà. Thế mà ông lại dửng mỡ ngồi đây như một nhà triệu phú. Mẹ tôi nói thế mà đúng. Ông chỉ là một kẻ ăn bám vô tích sự. Lẽ ra tôi đừng lấy ông mới phải. Jaime mất một giây để phản ứng. Anh uể oải đứng dậy. - Mẹ cô thì hiểu rõ về những kẻ vô tích sự lắm. Bà ấy cũng lấy một ông mà. Nếu bà ấy ... - Ông nói ai? Nếu không có mẹ tôi, con ông đã chết đói rồi Ông có bao giờ mang được một mẩu bánh nào về cho nó? Mấy người cảnh sát dừng lại, chú ý đến cuộc cãi nhau: - Nếu con mụ ấy mà là vợ tôi thì tôi sẽ tống cổ nó về nhà mẹ đẻ, -một người lẩm bẩm. - Tôi chán ngấy thói cằn nhằn suốt ngày của đàn bà các cô lắm rồi. -Jaime gầm lên. -Tôi đã bảo cô rồi cơ mà. Về nhà, tôi sẽ cho cô một bài học. - Thằng cha này được, -một người khác nói. Jaime và Megan vừa đẩy chiếc xe nôi ở phía trước, vừa cãi cọ nhau ồn ào suốt đoạn đường ra khỏi quảng trường. Tốp cảnh sát quay sự chú ý sang những người đàn ông khác ngồi trên ghế - Giấy chứng minh? - Có chuyện gì vậy, ông sĩ quan? Không có chuyện gì. Yêu cầu anh cho xem giấy tờ. Ở các góc quảng trường, tất cả đàn ông đều đang rút ví và chìa ra đủ mọi loại giấy tờ để chứng minh mình là ai. Giữa lúc đó, vang lên tiếng khóc của một đứa bé. Một người cảnh sát nhìn ra. Chiếc xe nôi đã bị bỏ lại ở đó cái đôi cãi cọ khi nãy đã biến mất. Ba mươi phút sau, Megan xuất hiện ở cửa trước ngôi nhà: Amparo đang lo lắng đi đi lại lại. - Cô ở đâu ra thế -Amparo gay gắt hỏi. Cô không được phép ra khỏi nhà mà không hỏi tôi. - Tôi phải ra ngoài để lo một việc - Việc gì? Amparo nghi hoặc hỏi. -Cô không biết ai ở đây cả nếu cô ... Jaime bước vào, Amparo mặt cắt không còn giọt máu. Nhưng cô ta nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh. - Có có chuyện gì thế -Cô hỏi. -Anh không ra quảng trường sao? Jaime khẽ hỏi: - Tại sao vậy, Amparo? Amparo nhìn vào mắt anh và chợt hiểu thế là hết. - Điều gì làm cô thay đổi? Cô ta lắc đầu. - Tôi không thay đổi. Chính anh đã thay đổi. Tôi đã mất đi những người mà tôi yêu thương trong cái cuộc chiến tranh ngu ngốc mà anh đang tiến hành. Tôi phát ốm lên với những trò đổ máu. Anh có dám nghe sự thật về chính anh không, Jaime? Anh cũng xấu xa như cái chính phủ anh đang chống lại nó. Anh tưởng anh đang giúp đỡ đất nước sao? Anh đang phá hủy nó đấy. Anh cướp nhà băng, nổ xe, và lại nghĩ mình là một anh hùng. Một thời tôi đã tin anh, yêu anh, nhưng ... -Giọng Amparo vỡ ra. -Cuộc đổ máu này phải chấm dứt. Jaime bước tới Amparo, mắt anh lạnh như băng. - Ta phải giết mi. - Không! -Megan sợ hãi. -Ông không thể. Xin ông! Felix đã bước vào tự lúc nào và lắng nghe cuộc đối thoại. - Giêsu Kitô! Té ra là cô ta. Chúng ta phải làm gì với con quỷ này. Jaime nói: - Ta phải đem nó theo và để mắt đến nó. -Anh tóm lấy vai Amparo và nói khẽ. -Nếu cô định giở trò gì nữa, tô hứa rằng cô sẽ chết. -Anh đẩy cô ra, rồi quay sang Megan và Felix. -hãy ra khỏi đây trước khi bạn cô ta đến. Chương 16 Anh tóm nó trong tay rồi lại thả nó ra ư? - ưa đại tá, y lệnh của ngài, người của tôi ... - Các anh là lũ ăn hại. Các anh dám gọi mình là cảnh sát à? Các anh làm nhục bộ quận phục trên người. Cảnh sát trưởng đứng khúm núm trước sự khinh miệt của đại tá Acoca. Hắn không thể làm gì khác, bởi tay đại tá này có đủ sức mạnh để lấy đầu hắn. Nhưng Acoca vẫn chưa giải quyết xong với cảnh sát trưởng. - Tôi buộc anh trách nhiệm cá nhân. Tôi sẽ ra lệnh đuổi cổ anh. - Thưa đại tá ... - Đi ra! Trông mà muốn điên tiết. Đại tá Acoca đang lồng lộn trước thất bại. Y đã không đủ thời gian tới Victoria để bắt Jaime Miro nên phải giao phó cho cảnh sát địa phương. Vậy mà họ đã làm hỏng. Giờ thì có Chúa mới biết Jaime đi đâu. Acoca tới bên tấm bản đồ trải rộng trên bàn trước mặt. Chúng đang ẩn náu tại vùng đất Basque. Tất nhiên là thế. Có thể là Burgos. Logrono. Bilbao hoặc San Sebastian. Ta sẽ lập trung vào phía Bắc. Chúng sẽ phải thò mặt ra ở chỗ nào đó. Y nhớ lại cuộc nói chuyện với thủ tướng vào lúc sáng. - Đại tá, ông đã quá thời hạn. Ông đã đọc các báo buổi sáng chưa? Báo chí toàn thế giới đang biến chúng ta thành những thằng hề. Miro và các tu sĩ đã biến chúng ta thành trò cười. - Thưa ngài thủ tướng, tôi xin đảm bảo ... - Vua Juan Canos đã ra lệnh cho tôi lập một ban điều tra chính thức để xem xét toàn bộ vấn đề. Tôi không thể trì hoãn được nữa. - Chậm cuộc điều tra lại thêm vài ngày. Tôi sẽ tóm được Miro và bọn tu sĩ. Im lặng một lát. - Đúng bốn mươi tám tiếng. Không phải Acoca sợ thủ tướng bị thất vọng. Cũng không phải nhà vua, mà chính là OPUS MUNDO. Khi y được gọi tới trụ sở kín của một trong những nhà tư bản công nghiệp hàng đầu Tây Ban Nha, mệnh lệnh dành cho y hết sức rõ ràng. Jaime Miro đang tạo nên một không khí có hại cho tổ chức chúng của chúng ta. Phải chặn bàn tay hắn lại. Anh sẽ được hậu thưởng. Và đại tá Acoca hiểu phần không được nói ra của câu nói là: Nếu thất bại, anh sẽ bị trừng trị. Giờ đây số mạng y đang bị đe dọa. Tất cả chỉ vì mấy đứa cảnh sát ngu ngốc đã để Miro tẩu thoát ngay trước mũi. Jaime Miro có thể lẩn trốn đâu đó. Còn các nữ tu ... Đại tá Acoca bỗng thấy trong người rạo rực. Các nữ tu: Họ là chìa khóa. Jaime Miro có thể lẩn trốn đâu đó, nhưng các bà sơ chỉ có thể tìm chỗ trú ở một tu viện khác. Và chắc chắn phải là một tu viện cùng dòng. Đại tá Acoca quay trở lại với tấm bản đồ. Đây rồi: Mendavia. Đó là chỗ chúng đang tới. Acoca hoan hỉ. Và ta cũng vậy. Có điều ta sẽ tới đó trước để đón chúng. Hành trình của Ricardo và Graciela đang dần tới đích. Ricardo đang sống những ngày hạnh phúc nhất trong đời. Cả quân đội và cảnh sát săn lùng, bị bắt có nghĩa là chết, vậy mà dường như chúng chẳng hề làm anh bận tâm. Dường như anh và Graciela đã tìm được một hòn đảo, một thiên đường mà chẳng gì có thể động tới họ. Hai người đã biến hành trình khổ ải thành một cuộc du lịch kỳ thú mà họ cùng chia sẻ và tận hưởng. Họ nói chuyện không ngừng, khám phá và giảng giải, và những lời nói cứ như những sợ dây mềm mại bện chặt họ lại với nhau. Họ nói về quá khứ, hiện tại và tương lai. Phần nhiều về tương lai. - C sẽ tổ chức đám cưới ở nhà thờ. - Ricardo nói. -Em sẽ là cô dâu xinh đẹp nhất trên đời. Còn Graciela thì mường tượng khung cảnh đó và rộn ràng với ý nghĩ đó. - Rồi chúng ta sẽ sống trong một ngôi nhà đẹp nhất ... Và cô nghĩ, Mình chưa một lần được ở trong một ngôi nhà riêng, hoặc chỉ là một phòng riêng. Chỉ có một chỗ che bằng rèm nơi cô đã chia sẻ với mẹ mình và các ông bác, rồi sau đó, một ô nhỏ trong tu viện nơi cô chung sống với các bà sơ. - Rồi chúng ta sẽ có các cậu bé thông minh và các cô bé xinh đẹp ... Và mình sẽ cho chúng tất cả những gì mình không được hưởng. Chúng sẽ được yêu thương, chiều chuộng. Và Graciela cảm thấy rạo rực trong lòng. Song có một điều khiến cô lo âu. Ricardo là người lính đang chiến đấu cho sự nghiệp mà anh say đắm tin yêu liệu anh có bằng lòng ở lại Pháp, rút khỏi cuộc chiến đấu không? Cô hiểu mình phải bàn chuyện này với anh. - Ricardo? Theo anh cuộc cách mạng này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa? Nó đã kéo quá dài rồi, Ricardo nghĩ. Chính phủ đã đưa ra những lời đề nghị hòa bình, nhưng ETA đã làm những điều còn tệ hại hơn là bác bỏ chúng. ETA đáp lại những đề nghị đó bằng một loạt những vụ tiến công khủng bố ác liệt. Ricardo đã cố tranh cãi với Jaime. - Họ sẵn sàng nhượng bộ, Jaime. Ta có nên thương lượng với họ chăng? - Đề nghị của chúng là một trò lừa đảo, chúng muốn hủy diệt chúng ta. Chúng đang buộc ta phải tiếp tục chiến đấu. Và bởi Ricardo yêu và tin tưởng vào Jaime, anh tiếp tục sát cánh với Jaime. Nhưng những nghi ngờ không chịu khuất phục. Khi máu đổ nhiều hơn, những nghi ngờ cũng tăng theo. Bây giờ Graciela hỏi, theo anh cuộc cách mạng này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa? - Anh không biết. Anh ước sao nó đã chấm dứt. Nhưng anh nói với em điều này, em yêu. Không gì có thể ngăn trở chúng ta, ngay cả chiến tranh cũng vậy. Không bao giờ có đủ từ ngữ để diễn tả với em là anh yêu em thế nào. Và họ tiếp tục mơ mộng. Họ đi suốt đêm, băng qua một miền đất xanh tươi màu mỡ, bỏ lại sau El Burgo và Soria. Tới bình minh, từ trên đỉnh một quả đồi, họ nhìn thấy Logrono hiện ra ở phía xa. Phía bên trái con đường là một rừng thông và dưới nữa một rừng cột điện. Graciela và Ricardo đi theo một con đường quanh co tới ngoại ô của thành phố náo nhiệt. - Mình sẽ gặp họ ở đâu? -Graciela hỏi. Ricardo chỉ vào một tấm áp-phích dán ở một tòa nhà họ đang đi qua. Trên đó viết: XIẾC NHẬT BẢN ĐOÀN XIẾC HẤP DẪN NHẤT THẾ GIỚI VỪA TỪ NHẬT QUA BIỂU DIỄN MỘT TUẦN TỪ 24/7 TẠI CU LẠC BỘ AVENIDA - Đó! -Ricardo nói. -Mình sẽ gặp họ ở Đó, chiều nay. Ở một phía khác của thành phố, Megan, Jaime, Amparo và Felix cũng đang xem tấm áp phích quảng cáo đoàn xiếc. Một sự căng thẳng nặng nề đè lên cả nhóm. Họ không lúc nào dám rời mắt khỏi Amparo. Từ lúc xảy ra sự việc ở Victoria, hai người đàn ông đối xử với Amparo như đồ bỏ, chẳng thèm để ý đến cô, và chỉ nói với cô khi cần thiết. Jaime nhìn đồng hồ. - Đoàn xiếc sắp diễn rồi. Đi thôi! Tại trung tâm cảnh sát ở Logrono, đại tá Ramon Acoca xem xét những chi tiết cuối cùng của kế hoạch. - Đã triển khai lực lượng xung quanh tu viện chưa? Rồi. Mọi thứ đều đã yên vị. - Tốt! Acoca đang trong tâm trạng cởi mở. Kiểu nào con mồi cũng mắc cái bẫy mà hắn dày công giăng ra và lần này sẽ chẳng có tên lính ngu ngốc nào làm hỏng được kế hoạch của hắn. Đích thân hắn chỉ huy chiến dịch này. OPUS MONDO sắp sửa tự hào về hắn. Acoca cùng các sĩ quan của mình rà soát lại một lần nữa từng chi tiết nhỏ. - Bọn tu sĩ sẽ đến cùng Miro và đồng bọn hắn. Quan trọng là chúng ta phải bắt được chứng trước khi chúng bước vào tu viện. Chúng ta sẽ dàn quân trong khu rừng xung quanh. Không được hành động khi tôi chưa ra lệnh. - Trong trường hợp Jaime Miro kháng cự thì mệnh lệnh là gì? Acoca khẽ nói: - Tôi hy vọng nó sẽ kháng cự. Một người liên lạc bước vào phòng: - Xin lỗi đại tá. Có một người Mỹ tới đây xin được gặp ngài. - Hiện giờ tôi không cô thời gian. - Rõ, thưa ngài! -Người lính ngập ngừng. -Ông ta nói đó là việc về các tu sĩ. - Sao? Một người Mỹ, anh nói thế phải không? - Vâng, thưa đại tá! - Đưa ông ta vào! Một lát sau Alan Tucker được dẫn vào. - Xin lỗi vì quấy rầy ngài, thưa đại tá. Tôi là Alan Tucker. Tôi hy vọng ngài sẽ giúp đỡ tôi. - Vâng, làm sao, ông Tucker? Tôi hiểu rằng ngài đang tìm kiếm một trong các nữ tu trốn khỏi tu viện Cistereian -một người tên là Megan. Viên đại tá ngồi xuống ghế, dò xét người Mỹ. - Chuyện đó liên quan thế nào đến ông? - Tôi cũng đang tìm cô ta. Tôi có một việc rất quan trọng. Thú vị thật, đại tá Acoca nghĩ. Tại sao tìm một nữ tu lại quan trọng như thế đối với người Mỹ này? - Ông không biết cô ta ở đâu ư? - Không. Báo chí nói rằng ... Lại báo chí chết tiệt. - Có lẽ ông sẽ nói cho tôi vì sao ông lại đi tìm cô ta. - Xin lỗi, tôi không thể nói được. - Vậy thì xin lỗi, tôi không thể giúp ông được. - Đại tá! Ngài có thể cho tôi biết liệu ngài có tìm được cô ta không Acoca cười nhạt: - Ông sẽ biết. Cả đất nước đang theo dõi cuộc trốn chạy của các tu sĩ Tin tức đưa về từ vụ thoát chết của Jaime Miro và một trong các tu sĩ tại Victoria. Vậy là họ đang đi theo hướng bắc, Alan Tucker nghĩ. Nơi an toàn nhất để họ ra ngoài chắc chắn là San Sebastian. Ta sẽ tìm bằng được con bé. Ông cảm thấy mình sẽ phiền toái với Ellen Scott: Ta giải quyết vụ này dở quá, ông nghĩ, chỉ còn cách mang được con bé về để bù vào đó. Ông ta gọi điện về cho Ellen Scott. Buổi biểu diễn của gánh xiếc Nhật diễn ra trong một nhà bạt lớn dựng ở một khu vực phía ngoài của Logiono. Mười phút trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, nhà bạt đã chật ,cứng người xem. Megan, Jaime và Felix lách qua lối đi đông nghịt để tới ghế của mình. Cạnh Jaime còn hai ghế bỏ trống. Anh nhìn hai chiếc ghế trống và nói: - Có chuyện gì không ổn, Ricardo và sơ Graciela lẽ ra đã phải ở đây. -Anh quay sang Amparo. -Hay là cô ...? - Không. Tôi thề. Tôi không biết gì cả. Ánh đèn lờ mờ và buổi biểu diễn bắt đầu. Trên khán đài rộ lên tiếng xôn xao và họ quay vào nhìn sân khấu. Một người đi xe đạp đang đạp vòng sân diễn, và giữa lúc đó một diễn viên nhào lộn nhảy lên vai anh ta. Rồi hết người này tới người khác tiếp tục nhảy lên, bám vào đằng trước, đằng sau và hai bên cho tới khi không còn nhìn thấy chiếc xe nữa. Khán giả reo hò. Tiếp theo là tiết mực xiếc gấu, rồi đi trên dây. Khán giả háo hức xem các tiết mục biểu diễn, nhưng Jaime và các bạn của anh thì quá lo lắng, chẳng thiết xem. Đã quá giờ hẹn. - Chúng ta đợi thêm mười lăm phút nữa. - Jaime quyết định. -Nếu họ không tới thì ... - Xin lỗi. Hai ghế này đã có người chưa? -Một giọng nói vang lên. Jaime nhìn lên và thấy Ricardo với Graciela, anh vừa cười vừa nói: - Chưa. Xin mời! -Rồi, với giọng thầm thì nhẹ nhõm. - Nhìn thấy cái mặt cậu mà mừng quá. Ricardo gật đầu với Megan, Amparo và Felix. Anh nhìn quanh. - Còn những người khác đâu? - Cậu không đọc báo sao? - Báo nào? Không. Bọn tớ ở trên núi suốt. - Báo cho cậu tin buồn. -Jaime nói. -Rubio đang nằm trong bệnh xá nhà tù. Ricardo ngạc nhiên nhìn anh. - Sao ...? - Cậu ấy bị đâm trong lúc đánh lộn ở quán. Cảnh sát nhặt được cậu ấy lúc gần chết. - Mẹ kiếp! -Ricardo im lặng một lát, rồi thở dài. -Chúng ta phải cứu cậu ấy, đúng không? - Đây là ý định của mình. -Jaime đồng ý. - Sơ Lucia đâu? -Graciela hỏi. -Cả sơ Theresa nữa? Lần này Megan lên tiếng: - Sơ Lucia bị bắt rồi. Sơ ấy là ... Sơ ấy bị truy nã vì tội giết người. Sơ Theresa thì chết rồi. Graclela làm dấu. - Ôi, lạy Chúa tôi! Trên sân khấu, một anh hề đang đi trên dây, mỗi cánh tay nâng một con chó xù và hai con mèo Thái Lan ở hai túi lớn. Khi lũ chó cố với chân tới hai con mèo, sợi dây đung đưa mạnh và anh hề làm ra vẻ rất cố gắng để giữ thăng bằng. Khán giả ồ lên -nghe được người khác nói trong tiếng ồn ào thật là khó khăn. Megan và Graciela có bao điều muốn nói với nhau. Gần như đồng thời, cả hai người bắt đầu chuyển sang nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ của tu viện. Cả nhóm nhìn hai người ngạc nhiên. Ricarđo và mình sẽ cưới nhau ... Thế thì tuyệt vời Nhóm các bạn có chuyện gì không? Megan bắt đầu đáp lại, và chợt nhận ra rằng không có dấu hiệu nào để diễn đạt những điều cô muốn nói. Phải đợi thôi. - Đi thôi! -Jaime nói. -Bên ngoài có một chiếc xe tải, nó sẽ đưa chúng ta đến Mendavia. Và ta sẽ chia tay các bà sơ ở đó rồi đi tiếp. Họ đứng dậy đi ra, Jaime nắm cánh tay paro ra tới chỗ đỗ xe, Ricardo nói: - Graciela và mình sẽ lấy nhau. Một nụ cười làm sáng bừng cả gương mặt của Jaime. - Ôi, tuyệt vời! Xin chúc mừng! -Ánh quay sang Graciela. -Cô không thể tìm được một chàng trai nào hơn đâu. Megan ôm lấy Graciela. - Mình rất mừng cho hai bạn. Và cô nghĩ, Với cô ấy quyết định rời bỏ tu viện có dễ dàng không nhỉ Ta đang hỏi về Graciela Hay ta đang hỏi về mình? Đại tá Acoca đang đọc một báo cáo của viên phụ tá. - Ta đã phát hiện ra bọn chúng gần một giờ trước đây tại rạp xiếc. Tới lúc chúng tôi kịp phong tỏa thì chúng đã đi khỏi. Chúng đi trên chiếc xe tải màu xanh và trắng. Ngài nói đúng, thưa đại tá. Chúng đi về hướng Mendavia. Thế là ván cờ đã kết thúc, Acoca nghĩ. Cuộc săn đuổi đã tỏ ra rất lý thú và ý cũng phải thừa nhận rằng Jaime Miro là một đối thủ xứng đáng. Bây giờ thì Opus Mundo sẽ có những kế hoạch lớn hơn cho ta. Qua chiếc ống nhòm Zeiss có sức phóng to, Acoca theo dõi chiếc xe tải màu xanh, xuất hiện trên đỉnh một quả đồi và hướng về tu viện phía dưới. Những tốp lính trang bị mạnh ẩn kín trong rừng cây hai bên đường và cả xung quanh tu viện, Không cho phép bất cứ kẻ nào có thể thoát được. Khi chiếc xe đến cổng tu viện và phanh lại, đại tá Acoca gào vào máy nói: - Tấn công! Nào! Ý đồ được thực hiện hoàn hảo. Hai trung đội lính lăm lăm súng tự động nhào vào vị trí, chặn đường và bao vây chiếc xe. Acoca đứng nhìn quang cảnh một giây, thưởng thức khoảnh khắc vinh quang của mình. Rồi hắn từ từ tiếp cận chiếc xe, súng lăm lăm trong tay. Các anh đã bị bao vây. -Hắn gọi to. -Các anh không thể thoát được. Giơ tay lên và ra khỏi xe. Từng người một. Nếu chống cự, tất cả các anh sẽ chết. Một lúc lâu im lặng, rồi cánh cửa xe từ từ mở ra, rồi ba người đàn ông, ba phụ nữ chui ra, run rẩy, hai tay giơ cao quá đầu. Tất cả đều là người lạ. * * * * * Cao cao trên quả đồi phía trên tu viện, Jaime và cả nhóm quan sát Acoca cùng bọn lính tiến đến chiếc xe. Họ nhìn thấy hành khách ra khỏi xe, tay giơ cao và dõi theo quang cảnh diễn ra như một vở kịch câm. Jaime thấy hình như mình nghe được cuộc đối thoại: - Các người là ai? - Chúng tôi là người của một khách sạn ngoại ô Logrono. - Các người làm gì ở đây? - Có một người thuê chúng tôi năm nghìn peseta để đưa cái xe này đến tu viện. - Người nào? - Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ gặp ông ta. - Có phải ảnh hắn đây không - Vâng, đúng là hắn. - Phải đi khỏi đây thôi, -Jaime nói. Cả bọn quay về Logrono trong một chiếc xe tải màu trắng. Megan nhìn Jaime ngạc nhiên: - Làm sao mà ông biết? - Rằng ngài đại tá Acoca sẽ đợi sẵn chúng ta ở tu viện? Y đã nói với tôi. - Ông bảo sao? - Con cáo phải tính toán như một kẻ đi săn vậy. Megan. Tôi đặt mình vào vị trí của Acoca. Y sẽ đặt bẫy bắt mình ở đâu và y làm chính xác như tôi đã tính toán. - Thế nếu hắn khống xuất hiện? - Thì sẽ đưa các cô vào tu viện an toàn. - Vậy bây giờ ta tính sao? -Felix hỏi. Đó là vấn đề mà tất cả đều lo âu. - Trong một thời gian, Tây Ban Nha sẽ không an toàn cho chúng ta. -Jaime quả quyết. -Chúng ta sẽ đi thẳng về San Sebastian, rồi sang Pháp -Anh nhìn Megan. -Bên đó cũng có những tu viện dòng Cistereian. Điều đó vượt qua sự chịu đựng của Amparo. - Tại sao anh không ra đầu thú? Nếu anh cứ tiếp tục con đường này, máu sẽ lại đổ, người sẽ lại chết ... - Cô đã mất quyền được nói. -Jaime đáp cộc lốc. -Rất may là cô vẫn còn sống. Anh quay sang Megan: - Cắt qua dãy núi Pyrenees có mười hẻm núi từ San Sebastlan dẫn sang Pháp. Chúng ta sẽ qua đường đố - Nguy hiểm lắm, Jaime, -Felix gàn. -Acoca sẽ lùng bắt chúng ta ở San Sebastian. Chúng sẽ chờ ta vượt biên giới sang Pháp. - Nếu nguy hiểm thế thì ... -Graciela lên tiếng. - Đừng lo. -Jaime trấn an. -San Sebastian là đất Basque. Chiếc xe lại đến ngoại ô thành phố Logrono. - Mọi con đường dẫn đến San Sebastian sẽ bị kiểm soát. -Felix nói. -Cậu tính làm sao chúng ta về được đó? Jaime cũng đã tìm được quyết định: - Ta sẽ đi tàu hỏa. Bọn lính cũng sẽ kiểm soát các đoàn tàu. -Ricardo nói. Jaime nhìn Amparo đầy ngụ ý: - Không đâu, tôi không nghĩ vậy. chúng ta đây sẽ giúp một tay. Cô biết làm sao để gặp được Acoca chứ? Amparo ngập ngừng: - Vâng. - Tốt. Cô sẽ gọi điện cho y. Họ dừng lại ở một bốt điện thoại dọc quốc lộ. Jaime theo Amparo vào trong rồi đóng cửa lại. Anh rút súng ra. - Cô biết phải nói gì chứ? - Biết. Anh nhìn cô ta quay số và khi có người đáp lại ở đầu dây kia, cô ta nói: - Tôi là Amparo Jiron. Đại tá Acoca đang chờ cú điện này ... Cảm ơn ông. - Cô ta nhìn Jaime. Họ đang nối dây cho tôi. -Khẩu súng đang dí sát vào người cô. -Anh có cần phải ...? . - Chỉ được nói như đã bảo. -Giọng anh lạnh băng. Một lát sau, Jaime nghe giọng Acoca vang trong máy: - Cô ở đâu vậy? Khẩu súng thúc mạnh vào sườn cô ta. - Tôi ... tôi ... Chúng tôi vừa rời Logrono. Cô có biết các bạn chúng ta đi đâu không? - Có Mặt Jaime cách mặt cô vài centimeter, mắt anh trợn lên. - Họ quyết định đổi hướng để đánh lừa các ông họ đang trên đường tới Bareelona. Anh ta lái một chiếc Scat trắng. Và sẽ đi đường chính. Jaime gật đầu với Amparo. - Tôi ... tôi phải đi đây. Xe đến rồi. Jaime treo ống nói lên. - Tốt lắm. Đi thôi. Ta sẽ cho y nửa tiếng để điều số lính ở đây đi. Ba mươi phút sau họ có mặt tại ga xe lửa. Từ Logrono tới San Sebastian có ba loại tàu hỏa: Talgo là loại tàu sang trọng tàu loại hai là Ter còn loại tồi và rẻ tiền nhất, chật chội, hôi hám, được đặt nhầm tên là tàu Tốc hành. Chúng đỗ ở tất cả các ga từ Logrono tới San Sebastian. Jaime nói: Ta sẽ đi tàu tốc hành. Lúc này bọn lính của Acoca đang bận rộn dừng mọi chiếc xe Scat trắng trên đường đi Bareelona. Chúng ta sẽ mua vé riêng rẽ và gặp nhau tại toa cuối. -Jaime quay sang Amparo. -Cô đi trước. Tôi sẽ đi sau cô. Amparo hiểu tại sao và thấy căm thù anh. Nếu đại tá Acoca đặt bẫy ở đây thì cô ta sẽ là miếng mồi. Được, cô là Amparo Jiron. Cô không sợ. Cô ta bước vào ga trong khi Jaime và mọi người nhìn theo. Không có tên lính nào. Tất cả bọn chúng đang bao vây đường cao tốc đi Bareelona : chúng sẽ phải điên đầu, Jaime nghĩ bụng. Bất kỳ xe nào cũng thành xe Scat trắng hết. Lần lượt, cả nhóm mua vé và ra kệ. Họ lên tàu không gặp trở ngại nào. Jaime ngồi cạnh Megan. Amparo ngồi trước hai người, kế đến là Felix. Phía dãy bên kia, Ricardo và Graciela ngồi bên nhau. Jaime nói với Megan: - Ba giờ nữa chúng ta tới San Sebastlan. Ta nghỉ đêm tại đó và đến sáng sẽ vượt biên giới sang Pháp. - Còn sau khi tới Pháp? Cô đang nghĩ về những điều sẽ xảy đến với Jaime, nhưng khi đáp, anh nói: - Đừng lo lắng. Cớ một tu viện dòng Cistereian ở cách biên giới vài giờ đồng hồ thôi. -Anh ngập ngừng. -Nếu như đó là điều cô vẫn muốn. Vậy là anh đã hiểu. được những dao động trong cô. Đó có phải là điều mình muốn không? Họ đang đi tới một ranh giới còn hơn cả một biên giới phân chia hai nước.Biên giới này sẽ chia lìa quá khứ với tương lai của cô sẽ là sẽ là gì nhỉ? Cô đã nóng lòng muốn trở về với tu viện, nhưng lúc này trong cô lại đầy do dự. Trước đây cô đã quên mất cái thế giới bên ngoài những bức tường, mình chưa từng biết nó sống động như thế. Megan nhìn lên Jaime và tự thú nhận với mình, Và Jaime là một phần của thế giới đó. Anh gặp cái nhìn của cô và nhìn vào mắt cô. Megan nghĩ, Anh ấy hiểu. Đoàn tàu tốc hành dừng lại ở mọi thôn, mọi làng trên đường đi. Trên tàu chật ních các cặp vợ chồng nông dân, lái buôn và những người bán hàng. Mỗi lần đỗ, hành khách lại ồn ào lên xuống tàu. Con tàu đi qua vùng núi, nặng nhọc bò lên dốc. Cuối cùng khi đoàn tàu vào ga San Sebastian, Jaime nói với Megan: - Nguy hiểm đã qua rồi. Đây là thành phố của chúng tôi. Tôi đã thu xếp xe đón chúng ta ở đây. Một chiếc xe kín mui đậu trước ga. Người lái xe đội chiếc chapElla, loại bêrê to, rộng vành của người Basque, Đón Jaime với những cái ôm siết ấm áp, rồi cả nhóm lên xe. Megan để ý thấy Jaime đi sát Amparo, sẵn sàng tóm ngay nếu cô ta có hành động gì. Anh sẽ làm gì cô ta nhỉ? - Chúng tôi lo cho anh quá, Jaime, -người lái xe nói. -Theo như đài báo thì đại tá Acoca đang tung một mẻ lớn để bắt anh. Jaime cười to: - Cứ để hắn lùng, Gil? Ta sẽ ra ngoài tầm săn lùng. Xe chạy dọc đại lộ Sancho et Sabio theo hướng ra biển. Đó là một ngày hè không gợn mây, đường phố nhộn nhịp những đôi trai gái đi dạo. Bến cảng dập dìu thuyền buồm và thuyền nhỏ. Dãy núi phía xa tạo cho thành phố một tấm phông nền đẹp như tranh. Mọi thứ sao thanh bình quá. .. - Thu xếp thế nào? -Jaime hỏi người lái xe. - Khách sạn Niza. Largo Cortez đang đợi anh. - Gặp lại ông tướng cướp sẽ vui lắm đây. Niza là một khách sạn loại vừa nằm ở một góc quảng trường Juan de Oiezabal nhộn nhịp, cuối đường San Martin. Đó là một tòa nhà màu trắng với những ô cửa chớp nâu, trên đỉnh gắn một biển hiệu lớn. Phần sau của khách sạn chạy dài xuống bờ cát. Khi xe dừng trước cửa khách sạn, cả nhóm theo Jaime đi vào hành lang. Chủ khách sạn Largo Cortez chạy ra đón họ. Ông có vóc người vạm vỡ, nhưng chỉ còn một cánh tay, kết quả của một chiến công mạo hiểm, dáng đi tập tễnh cứ như bị mất thăng bằng. - Chào! -Ông hân hoan kêu lên. -Tôi đợi anh một tuần rồi. Jaime nhún vai: - Chào ông bạn! Bọn tớ chậm mất mấy ngày. Largo Cortez cười nói: - Tôi biết. Báo chí chẳng còn đăng một chuyện gì khác.-Ông quay sang Megan và Graclela. -Mợi người đều hoan nghênh các sơ. Tôi chuẩn bị phòng riêng cho các sơ rồi. - Bọn tôi sẽ ở đây qua đêm. Tới sáng sẽ vượt biên giới sang Pháp. Tôi muốn có một người dẫn đường thông thạo, có thể Cabrera hoặc ông Jose Cebrian. - Tôi sẽ thu xếp, -người chủ khách sạn quả quyết với Jaime. -Có sáu người tất cả phải không - Năm! -Jaime liếc sang Amparo. Cô ta quay đi chỗ khác. - Tôi đề nghị không ai đăng ký tên ở đây. - Cortez nói. -Những gì cảnh sát không biết thì chẳng hại gì đến chúng. Ồ, sao tôi lại không đưa các bạn về phòng, nơi các bạn có thể lấy lại sức lực cho mình? Sau Đó chúng ta sẽ có một bữa tiệc thịnh soạn. - Amparo và tôi sẽ xuống quầy giải khát uống chút gì đó Jaime nói, -rồi sẽ lên sau. Largo Cortez gật đầu: - Như ý anh, Jaime! Megan nhìn Jaime bối rối. Cô tự hỏi Jaime sẽ làm gì Amparo. Anh ta sẽ tàn nhẫn ...? Cô không chịu nổi dù chỉ nghĩ đến việc đó. Amparo cũng đang tự hỏi mình -nhưng sự kiêu hãnh đã ngăn cô ta lại. Jaime dẫn cô tới cuối phòng giải khát và chọn một bàn ở trong góc. Khi người hầu bàn tới, Jaime nói: - Xin cho một ly rượu vang. Một thôi sao? - Một. Amparo thấy Jaime lấy ra một gói nhỏ và mở nó ra. Bên trong là một thứ bột mịn. - Jaime! -Giọng Amparo đầy tuyệt vọng. -Xin hãy nghe em. Hãy hiểu vì sao em lại làm những việc em đã làm. Anh đang xé nhỏ đất nước này. Sự nghiệp của anh là vô vọng. Anh phải dừng ngay sự điên rồ này lại. Người hầu bàn trở lại và đặt ly rượu lên bàn. Khi anh ta vừa bước đi, Jaime cẩn thận đổ gói bột vào ly rượu và khuấy lên. Anh đẩy ly rượu tới trước mặt Ampao. - Uống đi! - Không! - Không phải ai trong chúng ta cũng có đặc quyền được chọn cái chết. -Jaime nói khẽ. -Cách này sẽ nhanh và không đau đớn. Nếu tôi trao cô cho đồng bào tôi tôi sẽ không hứa với cô một sự lựa chọn nào. - Jaime! Đã một thời em yêu anh. Anh phải tin em, xin anh ... - Uống đi! -Giọng anh cứng rắn. Amparo nhìn anh một lúc lâu, rồi nhấc ly rượu lên. - Ta sẽ uống vì cái chết của mi. Anh nhìn Amparo đặt ly rượu lên môi và tợp hết một hơi. Cô rùng mình. - Bây giờ thì làm sao? - Tôi sẽ đưa cô lên gác. Tôi sẽ đặt cô vào giường và cô sẽ ngủ Mắt Amparo đầy lệ: - Anh là thằng ngốc. -Cô thì thầm. -Jaime. Em đang chết đây, và em nói với anh là em đã yêu anh biết ... -câu nói bị nhíu lại. Jaime đứng dậy và đỡ Amparo đứng lên. Cô ta lảo đảo. Căn phòng như đang rung chuyển. - Jaime ... Anh đưa cô ra khỏi quầy giải khát tới hành lang, cố giữ cô đứng thẳng. Largo Cortez đang cầm chìa khóa đợi sẵn. - Tôi sẽ đưa cô ta lên phòng. -Jaime nói. -Đừng để ai quấy rầy cô ta. - Phải. Cortez nhìn Jaime xốc nách Amparo lên thang gác. Megan thấy lạ lùng biết bao khi ở một mình trong một phòng khách sạn tại một thành phố bên bờ biển. San Sebastian đông nghịt những người nghỉ mát, những cặp tình nhân, những đôi uyên ương tới hưởng trăng mật ở hàng trăm phòng khách sạn khác. Đột nhiên Megan muốn có Jaime bên cô và tự hỏi sẽ ra sao nếu anh làm tình với cô. Những cảm giác cô đã nếm trải suốt bao ngày qua ồ ạt ùa về trong một dòng cảm xúc kỳ lạ, mạnh mẽ. Nhưng Jaime đã làm gì với Amparo? Liệu anh ấy có ... Không, anh ấy chẳng bao giờ làm như thế. Hay anh ấy làm thật? Mình muốn có anh ấy, cô nghĩ Ôi, lạy Chúa cái gì sẽ đến với con. Con phải làm gì? Ricardo vừa mặc quần áo, vừa huýt sáo, tâm trạng hết sức vui vẻ. Ta sẽ là con người may mắn nhất thế giới, anh nghĩ Ta sẽ làm cưới ở Pháp. Qua biên giới tới Bayonne sẽ có một nhà thờ rất đẹp. Ngày mai ... Tại phòng mình, Graciela đang đắm chìm trong bể nước ấm, hướng toàn bộ suy nghĩ về Ricardo. Cô mỉm cười một mình và nghĩ, Mình sẽ làm cho anh ấy thật hạnh phúc. Cảm tạ Người, Chúa tôi! Felix Carpio thì lại đang nghĩ tới Jaime và Megan. Đến người mù cũng có thể nhìn thấy luồng điện giữa hai người. Nó sẽ mang đến điều rủi. Nữ tu là thuộc về Chúa. Ricarđo quyến rũ sơ Graciela bỏ tu viện cũng đã rủi rồi. Jaime thì luôn là người táo bạo, liều lĩnh. Anh sẽ làm gì lần này? Năm người gặp nhau trong bữa tối tại phòng ăn của khách sạn. Không ai nhắc đến Amparo. Nhìn Jaime, Megan đột nhiên thấy xấu hổ, dường như anh đã đọc được mọi ý nghĩ trong cô. Mình không nên hỏi thì hơn, cô quả quyết không bao giờ làm điều gì độc ác. Quả là Largo Cortez đã không thổi phồng về bữa tối bữa ăn bắt đầu bằng món Gazpacho -một món súp đặc, nguội nấu từ khoai, dưa chuột và bánh mì nhúng ướt -tiếp theo, là món sa-lát gồm những loại rau tươi -một đĩa paelta lớn - gạo, tôm, gà, và rau được nấu sốt -và kết thúc bằng món bánh Flăng thơm phức. Đây là bữa nóng đầu tiên mà Ricardo và Graciela được thưởng thức trong suốt một thời gian dài. Bữa ăn kết thúc. Megan đứng đậy. - Tôi phải đi về phòng. - Đợi tôi với -Jaime nói. -Tôi phải nói chuyện với cô -Anh đưa cô tới góc trống ngoài hành lang. -Về việc ngày mai ... - Vâng! Và cô hiểu điều anh sẽ hỏi. Điều cô không biết là cô sắp trả lời anh thế nào. Mình đã thanh thản về mình lắm kia mà. Mình đã tin rằng mình có tất cả những gì ước muốn. Giọng Jaime vang bên tai cô: - Cô không thực sự muốn trở về với tu viện, đúng không nào? Đúng không nào? Anh đợi câu trả lời. Mình phải trung thực với anh ấy, Megan nghĩ. Cô nhìn vào mắt anh và nói: - Tôi thực không biết mình muốn gì, Jaime. Tôi bối rối quá. Jaime cười. Anh ngập ngừng, rồi cẩn thận chọn từ: - Megan, cuộc chiến này sẽ mau chóng kết thúc. Chúng ta sẽ giành được những gì chúng ta cần, bởi nhân dân đứng sau chúng ta. Tôi không thể đòi em chia sẻ với tôi nỗi gian nguy vào lúc này, nhưng tôi muốn em chờ tôi. Tôi có một người cô sống ở Pháp. Ở với bà ấy em sẽ được an toàn. Megan nhìn anh một lúc lâu trước khi trả lời: - Jaime, hãy cho tôi thời gian suy nghĩ. - Rồi em sẽ không nói là không chứ? Megan đáp nhỏ nhẹ: - Tôi sẽ không nói không Đêm đó, không một ai trong nhóm chợp được mắt. Ai cũng có quá nhiều điều để nghĩ, quá nhiều đìều phải giải quyết. Megan thức để sống lại với quá khứ. Những năm tháng trong trại mồ côi. Sự huyền bí của tu viện. Rồi sự xô đẩy đột ngột vào mọt thế giới mà cô tưởng sẽ từ bỏ mãi mãi. Jaime Miro đang xả thân chiến đấu cho điều mà anh tin. Còn mình tin vào cái gì? Megan tự hỏi. Từ nay mình sẽ sống một cuộc đời thế nào? Cô đã làm phép lựa chọn một lần. Gần đây cô buộc phải lựa chọn nữa. Cô sẽ phải có câu trả lời vào sớm mai. Graciela cũng đang nghĩ về tu viện. Những năm đó hạnh phúc, bình yên biết bao. Mình đã cảm thấy rất gần bên Chúa. Mình sẽ mất nó chăng? Jaime thì nghĩ về Megan. Cô ấy không thể quay về tu viện. Ta muốn có cô ấy bên cạnh. Câu trả lời sẽ ra sao? Ricardo cũng quá xáo động, không tài nào nhắm mắt. Anh bận rộn vạch ra các kế hoạch cho đám cưới. Nhà thờ ở Bayonne ... Felix thì lại tự hỏi làm sao giấu xác Amparo. Để Largo Cortez lo chuyện đó. Sáng sớm hôm sau mọi người gặp nhau ở hành lang. Jaime tiến tới bên Megan. - Xin chào em! - Chào ông! - Em đã nghĩ về cuộc nói chuyện của chúng ta chưa? Suốt đêm qua, cô chẳng nghĩ về một điều gì ngoài nó. - Rồi, Jaime! Anh nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của cô, cố gắng đọc câu trả lời trong đó. - Em sẽ đợi tôi nhé? - Jaime ... Đúng lúc đó Largo Cortez vội vàng chạy tới. Theo ông là một người đàn ông trạc năm mươi, trông lạnh lùng. - Tôi nghĩ không còn thời gian ăn sáng đâu. - Cortez nói. -Các bạn phải đi ngay. Đây là Jose Cebnan, người dẫn đường, ông ấy sẽ đưa các bạn qua núi sang Pháp. Ông ấy là người thạo đường nhất ở San Sebastian này đấy. - Rất mừng được gặp ông, Jose. -Jaime nói. -Thế ông định thế nào? - Trước hết chúng ta sẽ đi bộ. -Jose Cebrian nói với cả nhóm. -Sang đến phía bên kia biên giới, tôi đã thu xếp xe đợi sẵn chúng ta. Ta phải đi ngay. Xin theo tôi! Cả nhóm đi nhanh ra đường phố vàng rực lên dưới ánh nắng sớm. Largo Cortez bước ra khỏi khách sạn để tiễn họ. - Thượng lộ bình yên! -Ông nói. - Cảm ơn bạn và tất cả. -Jaime đáp lại. -Chúng tôi sẽ trở lại, bạn thân mến. Sẽ sớm hơn bạn tưởng đấy. - Đi đường này. -Jose Cebrian ra lệnh. Cả nhóm bắt đầu đi về hướng quảng trường. Đúng giây phút đó, bọn lính và những người của GOE đột ngột hiện ra ở hai đầu, bịt kín phố lại. Ít nhất phải có tới mười hai tên, súng ống lăm lăm. Hai đại tá Ramon Acoca và Fal Sostelo trấn giữ ở hai đầu. Jaime liếc nhanh về phía bãi biển để tìm đường thoát. Hàng chục tên lính đang từ hướng Đó tiến đến. Họ phải chiến đấu. Theo bản năng, Jaime thò tay lấy súng. - Đừng nghĩ đến chuyện đó, Miro. Hoặc chúng tôi sẽ hạ tất cả các anh ngay chỗ các anh đang đứng đó. -Đại tá Acoca kêu to. Đầu óc Jaime sôi lên giận dữ, cố gắng tìm câu trả lời Làm sao Acoca có thể biết mà tìm tới đây? Jaime quay lại thì thấy Amparo đang đứng ở lối đi vào khách sạn, một nỗi buồn sâu thẳm hiện trên mặt cô. - Con khốn nạn! Tôi nghĩ là cậu ... - Tôi chỉ cho nó uống thuốc ngủ. Khi nào chúng ta qua được biên giới thì họ sẽ gọi nó dậy. - Đồ rắn độc! Đại tá Acoca tiến về phía Jaime. - Kết thúc rồi. -Y quay sang một người lính. -Tước vũ khí của chúng. Felix và Ricardo cùng nhìn Jaime đợi chỉ thị, sẵn sàng làm theo lệnh của anh. Jaime lắc đầu. Anh miễn cưỡng nộp súng của mình cho tên lính, Felix và Ricardo cũng làm theo. - Các anh định làm gì chúng tôi? -Jaime hỏi. Vài người qua đường dừng lại theo dõi sự việc. Giọng Acoca khô khan: - Tôi sẽ đưa anh và nhóm giết người của anh về Madrid. Chúng tôi sẽ đưa các anh ra tòa án quân sự công minh và sau đó treo cổ các anh lên. Còn nếu có quyền, tôi sẽ treo cổ anh lên ngay tại đây, ngay bây giờ. - Hãy để cho các bà sơ đi! -Jaime nói. -Họ không hên quan gì đến việc này. - Họ là lũ tòng phạm. Họ cũng mắc tội như các anh. Đại tá Acoca quay lại làm một dấu hiệu. Những người lính ra hiệu cho những người đến xem đang đông dần dẹp sang một bên để cho ba chiếc xe quân sự đi vào. - Anh và đồng bọn anh sẽ đi xe giữa. -Viên đại tá thông báo với Jaime. -Người của tôi sẽ đi ở đằng trước và đằng sau. Nếu bất cứ ai có hành động nào sai trái, họ sẽ giết tất cả các anh ngay lập tức. Hiểu chưa? Jaime gật đầu. Đại tá Acoca nhổ bọt vào mặt Jaime. - Tốt. Chui vào xe. Tiếng ồn ào giận dữ vang lên từ phía đám người lúc này đã đông đảo. Amparo đứng ở lối đi, bất động nhìn Jaime, Megan, Graciela, Ricardo và Felix trèo vào xe, bọn lính với những khẩu súng tự động vây quanh. Đại tá Sostelo bước đến chiếc xe đầu. - Chúng ta sẽ đi thẳng về Madrid. Không dừng lại ở bất cứ chỗ nào. - Rõ, thưa đại tá. Vào lúc này,ã tập trung ở cả hai đầu phố để xem có chuyện gì. Đại tá Acoca chuẩn bị bước lên chiếc xe đầu. Hắn gọi to những người đứng trước mũi xe. -Lui vào , Từ các phố bên, nhiều người nữa bắt đầu xuất hiện. - Tránh ra! -Acoca ra lệnh. -Tất cả tránh ra khỏi đường. Và họ kéo đến ngày một đông, những người mặc áo choàng rộng thùng thình của dân xứ Basque. Mọi người như đang đáp lại một hiệu lệnh bí mật nào Đó. Jaime Miro đang lâm nguy. Họ kéo đến đây từ các cửa hiệu, từ mọi ngôi nhà. Những bà nội trợ bỏ dở việc đang làm để chạy đến. Các chủ hiệu sắp mở cửa bán hàng nghe tin đó liền vội vàng tới khách sạn. Họ tiếp tục kéo đến. Các nghệ sĩ, thợ hàn, bác sĩ, thợ cơ khí, các thường gia, sinh viên, nhiều người mang theo súng ngắn, súng dài, rìu búa và cả lưỡi hái.Họ là những người dân Basque và đây là đất nước của họ. Đám đông lúc đầu chỉ có một ít người, rồi đến một trăm, và trong vài phút nó đã phình ra tới hàng nghìn, đứng chật kín các vỉa hè các phố, bao vây hoàn toàn ba chiếc xe quân sự. Họ im lặng một cách đáng sợ. Đại tá tuyệt vọng quan sát đám đông khổng lồ. Y gào lên: - Tất cả mọi người hãy tránh xa. Nếu không chúng tôi sẽ xả súng. Jaime nói vọng ra từ trong xe - Tôi không bảo họ tới. Những người này căm thù các ông vì những gì các ông đã làm đối với họ. Tôi chỉ nói một lời là họ sẽ xé xác ông và bọn lính của ông ra từng mảnh. Ông đã quên mất một điều, ông đại tá:.San Sebastian là thành phố của người Basque. Nó là thành phố của tôi. -Anh quay sang nhóm của mình. -Ra khỏi xe nào! Jaime đỡ Megan xuống xe, những người khác xuống theo. Acoca đứng nhìn tuyệt vọng, mặt tái đi vì giận dữ. Cả đám đông chờ đợi, im lặng là thù địch. Jaime bước tới bên viên đại tá: - Lên xe và trở về Madrid đi! Acoca nhìn đám người giận dữ vẫn tiếp tục kéo đến xung quanh: - Tôi ... với đám người này anh cũng không thoát được đâu Miro. Jaime nói với đồng đội: - Hãy ra khỏi đây. -Anh nhổ vào mặt Acoca. Viên đại tá nhìn Jaime như muốn giết chết anh bằng ánh mắt đó. Không thể kết thúc thế này, hắn tuyệt vọng. Mình đã đến rất gần. Nước chiếu tướng. Nhưng hắn hiểu lầm này đối với hắn còn tồi tệ hơn cả một thất bại. Nó là án tử hình. OPUS MUNDO đang đợi hắn ở Madrid. Y nhìn biển người xung quanh. Hắn không có sự lựa chọn. Acoca quay sang người lái xe, giọng tắc nghẹn vì uất ức: - Ra khỏi đây! Cả đám đông dãn ra, theo dõi bọn lính leo lên xe. Một lát sau, ba chiếc xe nối đuôi nhau ra khỏi phố, và đám đông bắt dầu reo hò ầm ĩ. Tiếng reo hò lúc đầu là chúc mừng Jaime Miro, rồi nó cứ to mãi, lớn mãi lên, rồi họ reo hò cho nền tự do của mình, cho cuộc chiến đấu của dân tộc mình chống lại nền chuyên chế, và cho những thắng lợi sắp đến của mình. Có hai đứa bé đang thay nhau gào đến khản giọng: - Hãy tham gia vào ETA. Hai ông bà già đứng khoác tay nhau, bà lão nói: - Bây giờ có thể chúng sẽ trả lại đồng ruộng cho ta. Một ông già lẻ loi đứng trong đám đông, lặng lẽ nhìn ba chiếc xe quân sự bỏ đi. Lát sau ông nói: - Một ngày nào chúng sẽ trở lại. Jaime nắm tay Megan và nói: - Nguy hiểm qua rồi, chúng ta đã được t Ta sẽ vượt biên giới mất một giờ và anh sẽ đưa em tới người cô của anh. Megan nhìn vào mắt anh. - Jaime. Một người đàn ông đang len lỏi qua đám đông về hướng họ, rồi vội vã tới bên Megan. - Xin lỗi -Ông ta hổn hển. -Cô có phải là sơ Megan? Cô quay sang người đàn ông. - Vâng, đúng tôi! Ông ta thở phào nhẹ nhõm. - Tôi mất bao thời gian mới tìm được cô. Tên tôi là Alan Tucker. Không biết tôi có được phép nói chuyện với cô một lát không - Được! - Một mình cô thôi! - Xin lỗi, tôi phải đi ... - Xin cô cho phép. Chuyện này rất quan trọng. Tôi đã đi suốt New York sang đây tìm cô. - Tìm tôi? -Cô nhìn ông ta, bối rối. -Tôi không hiểu. Vì sao ... . - Tôi sẽ giải thích cho cô rõ, nếu cô dành cho tôi một lát. Người lạ mặt nắm tay cô và bước xuôi phố, vừa đi vừa nói nhanh. Megan liếc nhìn lại bảo Jaime Miro đứng đợi cô. Câu chuyện của Alan Tucker đã đảo lộn cả thế giới của cô. - Người phụ nữ mà tôi thay mặt muốn gặp cô. - Tôi không hiểu. Người phụ nữ nào? Bả ấy muốn gì ở tôi? Giá mà ta biết được câu trả lời, Alan Tucker nghĩ. - Tôi không được phép tùy tiện nói chuyện đó. Bà ấy đang chờ cô ở New York. Chẳng có nghĩa gì cả. Phải có sự nhầm lẫn nào đây. - Ông có chắc ông đã tìm tới đúng người ... sơ Megan? - Chắc chắn. Nhưng tên cô không phải là Megan. Tên cô là Patricia. Và trong một tia chớp đột ngột, lờ mờ, cô hiểu ra. Sau bao nhiêu năm, hình ảnh mường tượng của cô sắp thành sự thực. Cuối cùng, cô sắp được biết mình là ai. Cái ý nghĩ đó đang run rẩy ... đang hoảng hốt trong cô. - Bao ... bao giờ tôi phải đi? -Cổ họng cô bỗng khô đắng, khó khăn lắm cô mới thốt nên lời. Tôi muốn ông tìm ra nơi ở của cô ấy và đưa cô ấy về càng nhanh càng tốt. - Ngay bây giờ. Tôi sẽ thu xếp hộ chiếu cho cô. Megan quay lại nhìn Jaime lúc đó đang đứng chờ cô ở cổng trước của khách sạn. - Xin ông chờ cho một lát! Megan bàng hoàng quay lại chỗ Jaime và cảm thấy như mình đang sống trong mơ. - Em làm sao thế -Jaime hỏi. -Người kia làm phiền em à? - Không! Ông ấy ... không! Jame nắm lấy tay Megan: - Bây giờ anh muốn em cùng đi với anh. Chúng ta thuộc về nhau, Megan. Tên cô không phải là Megan. Tên cô là Patricia. . Cô ngước lên nhìn khuôn mặt tuấn tú, mạnh mẽ của Jaime và nghĩ: Em muốn chúng ta thuộc về nhau. Nhưng chúng ta phải chờ đợi. Tước tiên em phải tìm xem em là ai đã. - Jaime! Em muốn được ở bên anh. Nhưng có một việc em phải làm trước đã. Anh ngắm nhìn cô, nét mặt buồn bã. - Em phải đi sao? - Trong một thời gian ngắn thôi. Nhưng em sẽ quay lại. Anh nhìn cô một lúc lâu, rồi lặng lẽ gật đầu. - Được em có thể tìm anh qua Largo Cortez. - Em sẽ trở về bên anh. Em hứa! Và cô thực sự nghĩ như thế. Nhưng đó là trước khi cô gặp Ellen Scott. Chương 17 Dues Jsrael conjungat vosi et sit vobiscum, qui, est đuobus uncis ... plenius bennedicere te Ricardo rời mắt khỏi linh mục và liếc nhìn sang Graciela đang đứng cạnh anh. Mình nói đúng. Nàng là cô dâu đẹp nhất trần gian. Graciela lắng nghe như nuốt từng lời của linh mục vang trong những vòm cuốn của nhà thờ. Không khí bình yên bao trùm hàng nghìn người đã tới đây, hết thế hệ này sang thế hệ khác, để tìm thấy lòng bao dung, và niềm hoan lạc. Nó khiến cô nhớ đến tu viện biết bao. Mình cảm thấy như được trở về nhà, như mình thuộc về đó, Gracleia nghĩ. Exauđi nos, omnipotens et misericors Dcus, ut, quod nostro ministratur oicio, tua beneđictione potivus implea turper Dominum. ..... - Người đã phù hộ cho mình nhiều hơn cả những gì mình đáng được. Hãy xứng đáng với người In te speravi, domine: đixi: Tu es Dues mcus: in man ibus tuis tempora mea ... Cuộc sống của mình trong tay Người. Mình đã nguyện một lời thề hiến dâng cuộc sống còn lại của mình cho Người. - Suscipe, qualsumus, Domine, Pro sacla Connubii lege munus lbialum Lời của linh mục như dội vào Graciela. Cô cảm thấy dường như thời gian đang dừng lại. - Dues qui potestate vir tutis tuae de nihilo cuncta Fecistị .... - Lạy Chúa, xin người khiến lễ cưới này được nên thánh, báo hiệu cho sự toàn vẹn hiệp một của đấng Kitô và hội thánh. Xin người rủ lòng thương đến lễ cưới này và xin sự che chở của Người và sự phục sức của Người. Graciela đột nhiên thấy tức thở. Những bức tường như đang đóng lại đè lên cô. - Nihil in ca ex ưctibus suis ihe auctlr Pnlevarications usulpet Đó là khoảnh khắc mà Graciela chợt hiểu. Cô cảm thấy khối nặng đè trên cô đã được nâng lên. Lòng tràn ngập niềm vui hân hoan khôn tả. Linh mục đang nói: - Cầu cho gái này có được bằng an trên nước của Người. Chúng tôi cầu xin Người phù hộ cho đám cưới này, và ... - Tôi đã cưới rồi. -Graciela kêu to. Một không khí im lặng bàng hoàng bao trùm nhà thờ. Ricardo và vị linh mục nhìn cô ngạc nhiên. Mặt Ricardo tái nhợt. - Graciela. Em nói cái ... Cô nắm lấy tay anh và nhẹ nhàng nói: Tha thứ cho em, Ricardo - Anh ... anh không hiểu gì cả: Hay em không còn yêu anh nữa? Cô lắc đầu - Em yêu anh hơn cả em. Nhưng đời em không còn thuộc về em nữa . Em đã hiến dâng cho chúa từ lâu rồi. - Không. Anh không thể để em hủy hoại bản ... - Ricardo, anh yêu ... Đó không phải là sự hủy hoại. Đó là phúc lành.. Em đã tìm thấy trong tu viện sự bình yên đầu tiên trong đời. Anh là một phần của thế giới em đã đoạn tuyệt -phần tuyệt vời nhất. Nhưng em đã từ bỏ nó. Em phải trở về thế giới của mình. Linh mục đứng yên lắng nghe. - Hãy tha thứ cho em vì nỗi đau em gây cho anh, nhưng em không thể đi ngược lại lời thề. Em đang phản bội lại tất cả những gì mình tin. Bây giờ em đã hiểu. Em không thể mang cho anh hạnh phúc, bởi chính em không thể có hạnh phúc. Xin hãy hiểu em. Ricardo nhìn cô chằm chằm, run rẩy, không thốt nổi một lời. Có cái gì đó trong người anh đã chết. Graciela nhìn khuôn mặt tê tái của anh, và thấy thương anh vô cùng. Cô hôn lên trán anh: - Em yêu anh! -Cô nói khẽ, mắt đẫm lệ ... -Em sẽ cầu nguyện cho anh! Em sẽ cầu nguyện cho cả hai ta! * * * * * Cuối một buổi chiều thứ sáu, chiếc xe cứu thương quân sự đánh vào cửa cấp cứu của bệnh viện thị trấn Duero. Một nhân viên y tế cùng hai cảnh binh mặc sắc phục đi qua những cánh cửa tự động và tiến tới người trực ban phía sau bàn. - Chúng tôi được lệnh tới đây đem Rubio Arzano đi! -Một cảnh binh nói. Anh ta chìa ra tờ lệnh. Người trực ban nhìn tờ giấy và nhăn trán: - Tôi không có thẩm quyền để thả hắn. Việc này phải do ông viện trưởng giải quyết. - Được! Gọi ông ta tới! Người trực ban ngần ngừ: - Nhưng có một việc, ông ta đang đi nghỉ cuối tuần. - Đó không phải là công việc của chúng tôi. Đây là lệnh chuyển, do đại tá Acoca ký. Anh có muốn chúng tôi gọi điện cho ông ấy và nói rằng anh không tôn trọng nó không? - Không, không, -anh ta vội vàng đáp, -không cần thiết như thế. Tôi sẽ bảo họ mang tên tù lên ngay. Trước cổng nhà tù thị trấn cách đó nửa dặm, hai thanh tra xuất hiện từ một chiếc xe cảnh sát và bước vào tòa nhà. Họ tiến tới người trung sĩ trực ban. Một trong hai viên thanh tra chìa ra tấm thẻ. - Chúng tôi đến để đưa Lucia Carmine đi. Viên trung sĩ nhìn hai viên thanh tra trước mặt và hỏi: - Sao chưa có ai nói với tôi việc này? Một người thở dài: - Mẹ cái thói quan liêu chết tiệt, ông nào cũng chỉ biết ông ấy. - Cho tôi xem lệnh điều chuyển? Hai thanh tra đưa tờ lệnh cho viên trung sĩ. - Đại tá Acoca ký lệnh hả? - Đúng đấy! - Các anh đưa nó đi đâu vậy? - Madrid. Đại tá muốn đích thân hỏi cung con đó. - Đứng không? Được, tốt nhất là tôi nên hỏi lại ông ấy. . - Không cần đâu! -Viên thanh tra phản đối. Thưa ông, chúng tôi được lệnh kiểm soát nghiêm ngặt mụ này. Chính phủ Ý rất muốn đem mụ ta về. Nếu đại tá Acoca cần mụ ta thì ông ấy phải chỉ thị trực tiếp cho tôi. - Anh chỉ làm mất thời gian, và ... - Tôi có khối thời gian, anh bạn ạ, nhưng tôi chỉ có một cái gáo, mất nó tôi không còn cái gáo nào khác. Anh ta nhấc máy và nói: - Cho tôi nói chuyện với đại tá Acoca ở Madrid. - Ôi Chúa Giêsu! -Một thanh tra kêu lên. -vợ tôi nó sẽ giết tôi nếu tôi lại về muộn cơm, mà giờ này ông đại tá làm gì có ... Tiếng chuông reo vang. Viên trung sĩ nhìn hai vị thanh tra với ánh mắt đầy hàm ý. - Alô! Đây là trung sĩ trực ban đồn cảnh sát ở Duero. Tôi có một việc quan trọng cần thưa với đại tá Acoca. Một thanh tra nhìn vào đồng hồ vẻ sốt ruột. - Cứt! Tôi còn bao việc phải làm hơn là đứng đây. Lại còn ... - A lô! Đại tá Acoca? - Phải, gì thế -Một giọng nói khọt khẹt vọng ra từ ống nghe. - Thưa đại tá, có hai viên thanh tra tới đây muốn tôi chuyển một người tù đến ngài. - Lucia Carmine phải không? - Vâng, thưa ngài! - Họ có đưa anh lệnh do tôi ký không? - Có thưa ngài. Họ .... - Vậy thì anh còn gọi tôi làm cái mẹ gì? Thả nó ra! - Tôi chỉ nghĩ ... - Không nghĩ ngợi gì hết. Y lệnh! Đường dây chết lặng. Viên trung sĩ nghẹn ngào: - Ông ấy ... ờ ... - Ồng ấy lại nổi đóa lên phải không? -Viên thanh tra cười Viên trung sĩ đứng dậy, cố gắng giấu vẻ ngượng ngập của mình. - Tôi sẽ bảo đưa nó lên. Ở một ngõ hẻm phía sau đồn cảnh sát, một cậu bé ngửa cổ xem một người đàn ông trên cột điện thoại đang gỡ chiếc máy điện thoại ra khỏi đây và leo xuống. - Chú làm gì thế? -Chú bé hỏi Người đàn ông xoa tay lên đầu chú bé. - Chú giúp một người bạn, cậu bé ạ. Ba giờ sau đó, Lucia Carmine và Rubio Arzano gặp lại nhau trong một ngôi nhà nông dân lẻ loi ở phía Bắc. Acoca bị dựng dậy bởi một hồi chuông điện thoại vào lúc ba giờ sáng. Giọng nói quen thuộc vang lên: - Ủy ban muốn được gặp ông. - Rõ, thưa ngài, khi nào vậy? - Ngay bây giờ, ông đại tá. Một chiếc xe kín sẽ đến đón ông sau một giờ nữa. Xin hãy sẵn sàng. - Rõ, thưa ngài! Acoca đặt máy xuống và ngồi bên mép giường, rồi châm một điếu thuốc, lặng lẽ để khói thuốc tràn sâu vào trong lồng ngực Một chiếc xe kín sẽ đến đón ông sau một giờ nữa. Xin hãy sẵn sàng. Y đã rất sẵn sàng. Acoca vào phòng tắm và nhìn bóng mình trong gương. Y đang nhìn vào cặp mắt của một kẻ chiến bại. Ta đã đến rất gần, rất gần. Acoca chua chát nghĩ. Viên đại tá bắt đầu cạo râu, rất cẩn thận và khi xong y tắm rất lâu dưới vòi hoa sen, rồi chọn lựa quần áo để mặc. Đúng một giờ sau, Acoca bước ra khỏi cửa trước và quay lại nhìn lần cuối ngôi nhà của mình mà y biết sẽ không bao giờ được thấy lại nữa. Tất nhiên là chẳng có sự gặp gỡ nào hết. Họ chẳng có gì để nói với y nữa. Một chiếc xe kín mui dài màu đen đang chờ y ở trước ngõ nhà. Cửa xe mở ra khi y bước tới gần. Trong xe, phía trước có hai người và hai người nữa ngồi hàng ghế sau. Acoca hít sâu một hơi rồi chui vào. Một lát sau, chiếc xe biến vào trong đêm tối. Cứ như mơ vậy, Lucia nghĩ. Ta đang nhìn qua cửa sổ, tới dãy Alpes cảa Thụy Sĩ. Đúng là ta đã tới nơi. Jaime đã thu xếp cho cô một người dẫn đường để đảm bảo đưa cô đi an toàn. Tối thì tới nơi. Sớm mai, mình sẽ tới nhà băng Leu. Ý nghĩ đó khiến cô lo lắng. Nếu có trục trặc gì thì làm sao? Cô sẽ làm gì nếu tiền không còn ở đó nữa? Làm thế nào, nếu ... Cho tới khi vầng sáng đầu tiên bừng lên sau dãy núi, Lucia vẫn còn thao thức. Vài phút trước chín giờ, Lucia rời khách sạn Baurau Lac đến trước cửa nhà băng, đợi mở cửa. Một người đàn ông đứng tuổi, nom hiền lành ra mở cửa. - Xin mời vào, hi vọng rằng cô chưa phải đợi lâu? Mới chỉ vài tháng thôi, Lucia nghĩ bụng. - Không, không sao! Ông dẫn cô vào trong. - Chúng tôi giúp được gì cho cô? Làm cho tôi giàu có. - Người cha cho tôi một tài khoản ở đây. Ông ấy bảo tôi tới đây và nhận nó. - Tài khoản đó có mã số chứ? - Có! - Tôi có thể được biết mã số đó không? - B2AI49207. Ông ta gật đầu: - Xin cô đợi cho một lát! Lucia nhìn người nhân viên nhà băng biến mất vào sau bức tường. Nhà băng bắt đầu đông đúc với các khách hàng. Nó phải có ở đây, Lucia nghĩ, không thể có chuyện ... Người đàn ông tiến tới phía cô. Lucia không thể đoán được điều gì trên nét mặt của ông. - Tài khoản này cô nói nó mang tên của cha cô? - Đúng vậy. Angelo Carmine. -Cô lạnh người. Ông nhìn cô một lúc: - Tài khoản này mang hai tên. Điều đó có nghĩa rằng cô không thể động được vào đó? Lucia thấy tắc nghẹn ở cổ: - Mang tên ... mang tên ai nữa? - Lucia Carmine. Vào giây phút đó, cô đã làm chủ thế giới. Tài khoản này lên tới hơn mười ba triệu đôla. - Cô muốn được giải quyết thế nào? -Nhân viên nhà băng hỏi. - Ông có thể chuyển nó sang một nhà băng liên doanh của ông ở Braxin được không? Rio chẳng hạn? - Tất nhiên là được. Chúng tôi sẽ gửi giấy tờ của cô qua người đưa tin chiều nay. Chỉ đơn giản có vậy. Nơi dừng tiếp theo của Lucia là một hãng du lịch. Ở cửa sổ treo một tấm áp phích lớn quảng cáo đất nước Braxin. Điều lành, Lucia hân hoan nghĩ. Cô bước vào trong. - Xin phép được giúp cô? - Vâng, tôi muốn mua hai vé tới Braxin. Ở đó không có những điều luật trao trả tội phạm. Lucia nóng lòng muốn kể cho Rubio biết mọi chuyện diễn ra tốt đẹp làm sao. Anh đang chờ điện của cô ở Biaritiz. Họ sẽ cùng nhau đi Braxin. - Chúng ta có thể sống yên ổn ở đó hết đời. -Cô đã nói với anh như thế. Cuối cùng, giờ đây mọi việc đã được sắp đặt. Sau tất cả những kỳ thú và gian nguy ... Cha và hai anh cô bị bắt và cuộc trả thù đẫm máu của cô với Benito Patas và chánh án Buscetta ... Cảnh sát lùng bắt cô cùng cuộc trốn chạy của cô tới tu viện. Bọn lính của Acoca và tên tu sĩ giả ... Jaime Miro và Theresa cùng cây thánh giá bằng vàng ... và Rubio Arzano. Hơn tất cả là Rubio thân yêu, đã bao lần anh liều mình vì cô? Anh cứu cô thoát khỏi bọn lính trong khu rừng ... thoát khỏi dòng nước giận dữ ở thác nước ... thoát khỏi bọn người ở quán ăn tại Duero. Chỉ nghĩ đến Rubio đã đủ sưởi ấm lòng cô. Lucia quay về khách sạn và nhấc máy điện thoại, nóng lòng chờ tiếng nói đầu dây. Sẽ phải có một công việc gì đấy cho anh chàng ởRio. Việc gì nhỉ Anh ấy có thể làm gì? Chắc chắn anh ấy sẽ muốn mua một nông trại ở đó. Vậy mình có thể làm gì được? - Xin cho biết số máy? -Giọng người ở tổng đài vang lên. Lucia ngồi đó nhìn qua cửa sổ tới dãy núi Alpes tuyết phủ. Chúng ta có hai cuộc sống khác nhau. Rubio và ta, hai kẻ sống trong hai thế giới xa lạ với nhau. Ta là con gái của Angelo Carmine. - Xin cho hay số máy? Anh ấy là nông dân. đó là cái mà anh ấy yêu. Làm sao kéo anh ấy ra khỏi tình yêu Đó được Mình không thể làm như vậy với anh ấy. - Tôi có thể giúp được gì không? -Giọng nói trong máy có vẻ thiếu kiên nhẫn. - Không ... không ... Cảm ơn. -Lucia đáp chậm rãi, rồi cô đặt máy xuống. Sáng hôm sau, Lucia đáp chuyến bay của Thụy Sĩ đi Rio.h Cô đi một mình. * * * * * Cuộc gặp được bố trí tại một phòng khách sang trọng trong nhà Ellen Scott. Bà đi tới đi lui, nóng lòng chờ đợi Alan Tucker đưa cô gái đến. Không. Không phải một cô gái. Một phụ nữ. Một nữ tu. Cô ta nom sẽ ra sao? Cuộc sống đã làm gì cô ấy? Mình đã làm gì con bé? Một người hầu đi vào phòng: - Thưa bà, khách của bà đã tới. - Bà hít sâu một hơi: - Cho họ vào! - Một lát sau, Megan và Alan Tucker bước vào. Con bé đẹp quá, Ellen nghĩ bụng Tucker mỉm cười: - Thưa bà Scott, đây là Megan. Ellen nhìn ông ta và nói khẽ: - Tôi không cần đến ông nữa. -Câu nói đó được coi là một sự dứt khoát giữa họ. Nụ cười trên môi ông vụt tắt. - Tạm biệt ông Tucker! Tucker đứng như trời trồng, sững sờ một lúc, rồi gật đầu bước ra. Ông không thể giấu nổi cái cảm giác mình đã để tuột mất một cái gì đó. Một cái gì rất to lớn. Chậm quá rồi, ông nghĩ. Một sự chậm trễ đau đớn. Ellen Scott nhìn Megan: - Xin mời ngồi. Megan ngồi xuống ghế, hai người phụ nữ nhìn nhau dò xét. Con bé giống mẹ nó quá, -Ellen nghĩ. -Nó đã thành một phụ nữ xinh đẹp. Bà nhớ lại cái đêm khủng khiếp xảy ra vụ tai nạn, nhớ cơn bão tố, vàmáy bay cháy. Anh nói con bé chết rồi cơ mà ... Chúng ta phải làm một cái gì đó. Viên phi công nói rằng ta đang ở gần Avila. ở đây chắc phải có nhiều người đi du lịch. Chẳng ai vì cớ gì lại liên hệ chuyện đứa bé với vụ nổmáy bay ... Chúng ta sẽ gửi nó vào một nhà nông dân tử tế ở ngoại ô thị trấn. Ai đó sẽ nhận nuôi nó và nó sẽ lớn lên, hưởng một cuộc đời đáng yêu ở đây ... Anh phải lựa chọn, Milo. Hoặc có em, hoặc sống hết đời để hầu hạ cho đứa con của anh trai anh. Và giờ đây, quá khứ đó lại hiện về giáp mặt với bà. Bắt đầu từ đâu? - Tôi là Ellen Scott, Chủ tịch hãng Scott Industries. - Cô biết nó chứ? - Thưa, không! Cố nhiên là cô ấy không thể biết được. Ellen tự trách mình. Bà đã chuẩn bị câu chuyện về một người bạn cũ của gia đình đã không may qua đời và một lời hứa trông nom đứa con của người quá cố. Nhưng ngay phút đầu gặp Megan, Ellen đã hiểu ngay rằng câu chuyện đó không ổn. Bà không có sự lựa chọn nào khác. Bà phải trông cậy vào Patricia -Megan. Không thể hủy hoại tất cả dòng họ này. Bà nghĩ đến những gì mình đã làm với người phụ nữ ngồi trước mặt và bỗng trào nước mắt. Nhưng nước mắt lúc này là quá muộn. Giờ là lúc để đền bù. Giờ là lúc phải nói lên sự thật. Ellen Scott ngả người về phía Megan, nắm lấy tay cô, nhỏ nhẹ, gần như thì thầm: - Ta có một câu chuyện để nói với con. Đó là câu chuyện từ ba năm về trước. Suốt năm đầu, cho tới khi đã quá yếu, Ellen Scott luôn luôn tìm cách che chở cho Megan. Bắt tay vào với công việc của Scott Industries, năng khiếu và trí thông minh của cô khiến cho bà Ellen hết sức thích thú, đã mang lại cho bà vẻ tươi tắn bên ngoài và hối thúc khao khát sống của bà. - Cô sẽ phải làm việc cật lực. -Ellen bảo Megan. - Cô sẽ học như tôi đã học. Lúc đầu sẽ khó khăn, nhưng cuối cùng nó sẽ trở thành chính cuộc sống của cô. Và đúng như thế. Megan làm việc miệt mài tới mức không một ai trong số người làm có ý định đua sức với cô. Cô tới trụ sở từ bốn giờ sáng và làm việc suốt cả ngày. Sao cô giỏi thế? Megan mỉm cười và nghĩ, ở tu viện, mình mà ngủ đến bốn giờ sáng, thì Mẹ bề trên Bentina sẽ quở mắng chết. Ellen Scott đã đi xa, nhưng Megan vẫn miệt mài học, và tiếp tục giữ công ty làm ăn phát đạt ... Công ty của bà Ellen Scott. Ellen đã nhận cô làm con nuôi để chúng ta không phải giải thích vì sao cô lại là người của gia đình Scott, bà nói như thế. Nhưng trong giọng của bà cũng vang lên một nốt nhạc kiêu hãnh. Thật là nực cười. -Megan nghĩ. -Suốt bao nhiêu năm sống trong trại mồ côi thì chẳng ai muốn nhận nuôi mình. Bây giờ mình lại được chính gia đình mình nhận làm con nuôi. Chúa mình quả là hài hước thật. Chương 18 Ngồi sau tay lái chiếc xe chạy trốn là một người mới, và sự có mặt của anh ta khiến Miro lo ngại. - Tôi thấy không yên tâm với anh ta, -Jaime bảo Felix Carpio, -Nếu anh ta đánh xe đi, bỏ chúng ta ở lại thì sao? - Yên tâm đi. Cậu ta là anh rể của đứa cháu tôi. Cậu này tin được. Cậu ấy van vỉ dược đi theo chúng mình một lần. - Tôi cảm thấy lo lo. -Jaime nói Đầu buổi chiều hôm đó họ tới Seville và chọn được mtiêu tấn công sau khi xem xét kỹ lưng sáu nhà băng. Mục tiêu nằm ở một phố nhỏ, không có mấy xe cộ đi lại gần với một nhà máy chuyên sản xuất két bạc. Mọi thứ dường như hoàn hảo, trừ một số người đàn ông đang ngồi trong xe. - Có phải chỉ vì hắn mà cậu lo không? Felix hỏi. - Không phải thế. - Thế cái gì nữa? Một câu hỏi khó trả lời. - Linh tính ấy mà. -Anh cố gắng nói tự nhiên, và tự dối mình như thế. Felix thì lại thấy quan trọng: - Hay ta hoãn vụ này lại, nếu cậu muốn? - Chỉ vì tớ nhát gan như thỏ đế sao? Không bạn ạ. Mọi việc sẽ êm mượt như lụa. Lúc đầu, điều đó đúng. Trong nhà băng có khoảng sáu, bảy khách hàng và Felix cầm khẩu tiểu liên không cho ai đến gần, trong khi Jaime vét sạch sẽ các ngăn kéo đựng tiền. Mượt như lụa. Khi hai người quay gót đi ra phía chiếc xe chạy trốn, Jaime quay lại nói với đám người trong ngân hàng. - Các bạn, xin hãy nhớ cho, tiền này chỉ dành cho một sự nghiệp chính nghĩa. Chính ở bên ngoài, mọi việc mới bắt đầu trục trặc. Cảnh sát có mặt khắp mọi nơi. Người lái xe đang quỳ trên vỉa hè, một khẩu súng cảnh sát chĩa vào đầu. Vừa thấy Jaime và Felix xuất hiện, một viên thanh tra hô to: - Bỏ vũ khí xuống. Jaime ngần ngừ một giây, rồi anh giơ súng lên. * * * * * Chiếc máy bay chuyên cơ 727 đang ở độ cao mười hai ngàn thước trên bầu trời Grand Canyon. Đó là một ngày dài mệt nhọc. Nlưng vẫn chưa hết đâu Megan nghĩ. Cô đang trên đường tới California để ký một số giấy tờ sẽ mang lại cho Scott Industries một triệu hecta đất rừng ở phía Bắc San Frandsco. Cô đã vớ được món bở. Đó là lỗi ở họ, Megan nghĩ bụng. Đáng lẽ họ chả nên lừa mình. Hẳn mình là kế toán đầu tiên của tu viện Cistereian mà họ vấp phải. Cô cười vang. Một người phục vụ tiến đến chỗ cô. - Thưa cô Scott, cô có cần gì không ? Cô nhìn ngăn đựng báo và tạp chí. Cô bận rộn với công việc tới mức không có thời gian để đọc cái gì. - Lấy giúp tôi tờ Thời báo New York. Bài báo đăng ở trang nhất như nhảy khỏi trang. Một bức ảnh của Jaime Miro, dưới đó là những dòng chữ: Jảime Miro, kẻ cầm đầu của ETA, phong trào phân liệt cấp tiến người Basque tại Tây Ban Nha, đã bị cảnh sát bắn bị thương và bắt sống trong một vụ cướp nhà băng chiều hôm qua tại Sevihe. Felix Carpio, một kẻ khác trong số bọn khủng bố bị bắn chết tại trận. Nhà đương cục đã tiến hành truy tố Miro kể từ khi ... Megan đọc hết bài báo và ngồi lặng đi một lúc lâu, bồi hồi nhớ lại quá khứ. Nó giống như một giấc mơ xa thầm, được chiếu qua một tấm màn mỏng, mờ ảo và không thực. Cuộc chiến tranh này sẽ chóng kết thúc. Chúng ta sẽ giành được những gì chúng ta cần bởi nhân dân đứng sau chúng ta ... Tôi muốn em chờ tôi ... Ngày trước, cô đã đọc trong một cuốn sách về nền văn hóa một nước nào đó, nói rằng: nếu bạn cưu mang cho một người một lần thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho mạng sống của người đó suốt đời. Vậy mà cô đã cứu Jaime tới hai lần một lần ở trong lâu đài bỏ hoang và lần kia ở quảng trường. Bây giờ mình để họ giết anh ta thì mình sẽ bị nguyền rủa. Cô với tay nhắc máy nói bên cạnh ghế ngồi nói với viên phi công: - lại! Chúng ta sẽ trở về New York! Một chiếc xe đã đậu sẵn để đón cô tại sân bay La Gnardia, và tới khi cô đến trụ sở vào hai giờ sáng thì Lawrence Gray cũng đang đợi cô ở đó. Cha của anh đã từng là luật sư của công ty trong nhiều năm và đã về hưu. Người con trai của ông rất sáng sủa và nhiều tham vọng. Chẳng cần mào đầu, Megan hỏi ngay: - Jaime Miro. Anh có biết gì về anh ta không? Anh ta đáp ngay lập tức: - Là một kẻ khủng bố người Basque. Thủ lĩnh của ETA. Anh vừa đọc được tin hắn ta đã bị bắt cách đây một hai ngày gì đó. Phải, chính phủ sẽ phải đưa anh ta ra xử. Em muốn có người ở đó. Ai là luật sư bào chữa giỏi nhất nước? - Theo anh là Curtis Hayman. Không được, con người đó quá lịch sự. Ta cần một kẻ ác ôn một chút, -cô nghĩ một lát. -Lấy Mike Rosen. - Ôi Megan, hắn đã được đặt hàng đến hết hai trăm năm nữa. - Gọi điện cho hắn. Em cần hắn ở Madrid trong phiên tòa. Anh nhăn trán: - Chúng ta không thể dính vào một vụ xử công khai ở Tây Ban Nha được. - Chắc chắn là có thể. Chúng ta là những người bạn của bị cáo. Anh ngắm nhìn cô một lúc, rồi nói: - Em có bằng lòng cho anh hỏi một câu hỏi riêng tư? - Được, hỏi đi! - Anh sẽ thể hiện tuyệt vời ... - Larry ... - Sao em? - Để sau hẵng, -giọng cô như có thép. Hai mươi phút sau, Lawrence Gray quay trở lại phòng Megan. - Mike Rosen đang ở máy. Anh nghĩ mình đã dựng hắn dậy. Hắn muốn nói chuyện với em. Megan cầm máy điện thoại. - Ông Rosen? Thật là vinh hạnh. Chúng ta chưa một lần gặp mặt, nhưng tôi có cảm giác ông và tôi sẽ trở thành những người bạn thân thiết. Bao nhiêu người đang lấy Scott Industries làm cái bia để tập kiện cáo, cho nên tôi đang tìm một người để lo tất cả những vụ kiện cáo này. Tên của ông là cái tên sẽ còn được nhắc tới nhiều, dĩ nhiên tôi đã chuẩn bị cho ông một khoản rất lớn để ... - Thưa cô Scott? - Vâng? - Tôi không ngại mấy cái việc vặt đó, nhưng cô làm tôi khó nghĩ quá. - Tôi không hiểu ông nói gì. - Thế thì để tôi nói thẳng cho cô biết. Đừng có ỡm ờ nữa. Bây giờ là hai giờ sáng, ai lại đi thuê người làm vào hai giờ sáng thế này. - Thưa ông Rosen ... - Gọi tôi là Mike. Chúng ta sắp sửa là những người bạn thân thiết, đúng không nào? Nhưng bạn bè thì phải tin nhau. Larry bảo cô muốn tôi đi Tây Ban Nha để giải cứu cho một kẻ khủng bố người Basque nào đó đang ở trong tay cảnh sát. - Anh ta không phải là một kẻ khủng bố. -Megan bắt đầu phản ứng, nhưng kịp dừng lại. -Vâng, thưa ông! - Thế có chuyện gì vậy? Hắn ta kiện Scott Industries vì súng bị hóc à? - Anh ta ... - Thật đáng tiếc, bạn ạ. Tôi không thể giúp bạn được công việc bề bộn tới mức sáu tháng nay tôi đã bỏ tắm. Tôi có thể tiến cử với cô vài luật sư. Không, Jaime Miro cần đến ông. Megan nghĩ. Một nỗi tuyệt vọng đột ngột ập đến. Tây Ban Nha là một thế giới khác, một thời đại khác. Giọng cô vỡ ra buồn bã: - Thôi được. Đây là chuyện hoàn toàn riêng tư. Xin lỗi vì đã nói quá thẳng thắn với ông. - Hay lắm, Đó chính là cái những người chỉ huy phải làm. Hoàn toàn riêng tư thì lại là chuyện khác, Megan. Tôi đang khao khát muốn được nghe người đứngScott Industries có mối quan tâm gì trong việc cứu mạng một kẻ khủng bố Tây Ban Nha. Có thể đi ăn trưa vào ngày mai không? - Chắc chắn rồi! -Cô sẽ không để bất cứ điều gì cản đường mình. - Một giờ, tại nhà hàng Le Cirque?-Megan thấy phấn chấn hẳn. - Nhất trí. Cô đặt hàng trước nhé. Nhưng tôi phải báo trước với cô một điều. - Gì vậy? - Tôi có một bà vợ ồn ào lắm đấy. Hai người gặp nhau tại nhà hàng Le Cirque và khi đã yên vị, Mike Rosen nói: - Bên ngoài, trông cô ưa nhìn hơn trong ảnh. Tôi xin cược rằng ai cũng sẽ nói với cô như thế. Ông ta rất lùn và ăn mặc cẩu thả. Nhưng không một chút cẩu thả nào trong đầu óc. Đôi mắt ánh lên một vẻ thông minh sắc sảo. - Cô đã khơi dậy sự tò mò trong tôi. -Mike Rosen nói. -Cô quan tâm gì ở Jaime Miro? - Có bao điều để kể. Nói sao hết được. Megan chỉ nói: - Anh ta là một người bạn. Tôi không muốn anh ta chết. Rosen nhổm trên ghế. - Tôi đã lướt qua một chồng báo sáng nay về anh ta. Nếu Chính phủ của Don Juan Canos hành quyết hắn dù chỉ một lần, thì hắn ta cũng đã nổi tiếng lắm rồi. - Chỉ đọc những lời buộc tội anh bạn cô thôi, họ cũng đủ khản giọng. -Rosen quan sát nét mặt của Megan. -Xin lỗi, nhưng tôi phải trung thực, Miro quả là một người bận rộn. Anh ta cướp nhà băng, phá hủy xe, giết người ... - Anh ta không phải là kẻ giết người. Anh ta là một người yêu nước. Anh ta luôn chiến đấu cho các quyền sống của dân tộc mình. - Phải, phải, anh ta cũng là người hùng của cô. Vậy cô muốn tôi phải làm gì? - Cứu anh ta. - Megan chúng ta là những người bạn tốt của nhau tới mức tôi sẽ phải nói với cô một sự thật. Đến Chúa Giêsu cũng không thể cứu được anh ta đâu. Cô đang đi tìm một phép mầu mà ... - Tôi tin vào phép mầu. Ông giúp tôi chứ? Rosen nhìn cô một lát. - Giúp cái quái gì bạn bè gì đã thử món pa tê này chưa? Tôi nghe bảo họ làm món này cho người ăn kiêng. Bức điện từ Madrid gửi bằng máy FAX viết: Đã nói chuyện với một chục luật sư hàng đầu của châu u. Họ từ chối bào chữa cho Miro. Đã cố gắng vào được chỗ xử như một người bạn của bị cáo. Tòa án bác yêu cầu của tôi Có thể tìm được cho bạn một phép màu, nhưng Giêsu vẫn chưa tỉnh giấc. Đang trên đường về. Cô nợ tôi một bữa trưa. Mike. Phiên tòa được ấn định bắt đầu vào ngày mười bảy tháng Chín. - Hủy bỏ các cuộc hẹn. -Megan bảo người trợ lý. -Tôi có vài việc phải lo ở Madrid. - Cô sẽ đi trong bao lâu, thưa cô? - Tôi chưa biết. Megan vạch chiến lược cho cô khi máy bay bay qua Đại Tây Dương. Phải có một cách, cô nghĩ. Ta có tiền, ta có quyền lực, chìa khóa là tay thủ tướng. Ta phải gặp hắn trước khi phiên tòa bắt đầu. Để sau thì muộn mất. Cuộc gặp gỡ giữa Megan với thủ tướng Leopoido Martinez diễn ra hai mươi bốn giờ đồng hồ sau khi cô đặt chân tới Madrid. Ông mời cô tới dự cơm trưa tại cung Moneloa. - Cám ơn ngài đã cho phép tôi được gặp sớm như thế. -Megan nói. -Tôi biết ngài còn bận trăm công ngàn việc.. Ông giơ tay lên phản đối: - Cô Scott yêu quý của tôi, khi người đứng đầu một hãng quan trọng như Scott Industries bay đến đất nước tôi để gặp tôi thế này, tôi chỉ có thể coi là vinh dự. Xin hãy cho biết tôi có thể làm gì giúp cô nào. - Sự thật là tôi tới đây để giúp ngài đấy. - Megan nói. -Tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng với một số nhà máy chúng tôi có trên đất Tây Ban Nha, chúng tôi chưa tận dụng được tiềm năng mà đất nước ngài đã dành cho. - Vâng? -Lúc này ông ta đã chú ý lắng nghe, mắt sáng lên. Scott Industries đang nghĩ đến việc mở một nhà máy điện tử khổng lồ. Nhà máy này sẽ thu hút khoảng chừng một nghìn tới một nghìn rưởi lao động. Nếu thành công như chúng tôi tin chắc, thì chúng tôi sẽ mở nhiều nhà máy sản xuất vệ tinh nhân tạo. - Và cô chưa quyết định sẽ đặt nhà máy tại nước nào? - Đúng như thế. Cá nhân tôi thì thích đặt tại Tây Ban Nha, nhưng phải nói thẳng, thưa ngài, một số người trong Ban quản trị của tôi không được hài lòng lắm trước tình hình quyền bình đẳng ở đất nước ngài. - Thực vậy sao? - Vâng. Họ cảm thấy những người chống lại một số chính sách của nhà nước bị đối xử khắt khe quá. - Theo cô, cô có trường hợp nào cụ thể? - Quả thực, tôi cũng cố nghĩ. Jaime Miro chẳng hạn. Ông thủ tướng nhìn cô chằm chằm. - Tôi hiểu, và nếu khoan dung với Jaime Miro, chúng tôi sẽ nhận được nhà máy điện tử này và ... - Và nhiều nữa. -Megan quả quyết nói với ông. -Các nhà máy của chúng tôi sẽ nâng cao mức sống ở bất cứ nơi nào chúng có mặt. Ông thủ tướng nheo mắt: - Tôi sợ rằng còn một vấn đề nhỏ. - Vấn đề gì? Chúng ta có thể tiếp tục thương lượng. - Đây là một vấn đề không thể mang ra thương lượng được, cô Scott. Danh dự Tây Ban Nha không thể đem bàn. Cô không thể hối lộ, mua chuộc hay đe dọa chúng tôi được. - Xin hãy tin tôi. Tôi không ... - Cô đến đây với những của bố thí và muốn chúng tôi bóp méo Tòa án để làm hài lòng cô? Xin hãy nghĩ lại, cô Scott Chúng tôi không cần cái nhà máy của cô. Mình đã làm tình hình thêm xấu, Megan nghĩ bụng, tuyệt vọng. Vụ án kéo dài sáu tuần rong một phòng xử án được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt và không cho công chúng vào dự. Megan ở lỳ Madrid, hằng ngày theo dõi chặt chẽ tin tức phiên tòa -thỉnh thoảng Mike Rosen lại gọi điện cho cô. - Tôi hiểu những gì cô đang phải trải qua, cô bạn ạ. Tôi nghĩ cô nên trở về thì hơn. - Tôi không thể, Mike. Cô tìm cách gặp Jaime. - Tuyệt đối không ai được vào. Ngày cuối cùng của phiên tòa, Megan đứng bên ngoài phòng xử án, lẫn vào một biển người. Như một dòng suối, các phóng viên đổ ra khỏi tòa. Megan chặn một người lại. - Thế nào? - Tòa tuyên bố hắn phạm đủ các thứ tội. Hắn sẽ phải nhận hình phạt thắt cổ. * * * * * Vào lúc năm giờ của buổi sáng được ấn định cho cuộc hành quyết Jaime Miro, các đám đông bắt đầu tụ tập bên ngoài nhà tù trung tâm Madrid. Các chướng ngại vật được dân vệ dựng lên để ngăn đám người hỗn độn đang ngày càng đông không tràn vào lối đi. Lính có vũ trang và xe tăng vây quanh các cổng sắt nhà tù. Bên trong nhà tù, tại phòng của giám thị Gomez de la Fuente diễn ra một cuộc gặp mặt không bình thường. Trong phòng là thủ tướng Leopoiđo Martinez, Alonzo Sebastian, thủ lĩnh mới của GOE và hai phó giám thị, Juanito Moilnes và Peros Arango. Giám thị Fuente là người cao lớn, đứng tuổi, có bộ mặt hung tợn, một con người đã say đắm hiến đời mình cho việc rèn giũa những kẻ vô lại mà chính phủ đã giao cho hắn. Moilnes và Arango, những trợ thủ đắc lực nổi tiếng hung tợn đã phục vụ cùng hắn suốt hai mươi năm qua. Thủ tướng Martinez nói: - Tôi muốn biết những bố trí của các anh để đảm bảo sẽ không có trở ngại gì trong khi thực hiện hành quyết Miro. Giám thị Fuente đáp: - Chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra, thưa ngài. Như ngài thấy lúc mới tới một đơn vị lính có vũ trang được bố trí xung quanh nhà tù. Có thể huy động một lực lượng khi cần. - Thế còn bên trong nhà tù? - Các biện pháp phòng ngừa càng nghiêm ngặt hơn. Jaime Miro được giam trong một xà lim hai cửa an toàn ở tầng hai. Những tù nhân cùng tầng tạm thời được chuyển đi. Hai người canh trước cửa phòng giam Miro và hai người khác ở hai đầu khu nhà giam này. Tôi đã ra lệnh khóa toàn bộ để mọi tù nhân đều được giữ trong phòng cho tới khi hành quyết xong. - Lúc nào thì tiến hành? - Vào buổi trưa, thưa ngài. Tôi đã hoãn lễ rửa tội đến một giờ. Thời gian đó đủ để ta đưa xác Miro ra khỏi đây. - Các kế hoạch của anh để tiêu hủy lác hắn? - Tôi đã làm theo yêu cầu của ngài. Chôn xác hắn ở Tây Ban Nha có thể gây cho chính phủ khó xử, nếu dân Basque biến mồ của hắn thành một loại miếu thờ. Chúng tôi đã liên hệ với bà dì của hắn ở Pháp. Bà ta sống ở một làng nhỏ ngoại ô Bayone. Bà ấy đã đồng ý chôn hắn ở đó. Thủ tướng đứng dậy: - Tuyệt vời, -ông ta thở dài. -Tôi vẫn cho rằng treo cổ hắn công khai ở quảng trường sẽ thích đáng hơn. - Đúng thế, thưa ngài. Nhưng trong trường hợp đó tôi sẽ không chịu trách nhiệm về việc kiểm soát đám đông bên ngoài. - Tới cho rằng anh đúng. Chẳng dại gì mà khuấy động nó quá mức cần thiết. Thắt cổ lại đau đớn hơn, kéo dài thời gian hơn. Tuy vậy, nếu có kẻ nào đáng bị thắt cổ, đó chính là Jaime Miro. Giám thị Fuente nói: - Xin lỗi, thưa ngài, tôi được biết một Hội đồng các thẩm phán sẽ họp để xem xét đơn kháng án cuối cùng của các luật sư của Miro. Nếu sự kháng án này được chấp thuận, tôi sẽ phải ... Thủ tướng ngắt lời: - Sẽ không có. Cuộc hành quyết sẽ được tiến hành như đã định. Cuộc gặp kết thúc: Vào 7 giờ sáng, một chiếc xe chở bánh mì đến trước cổng nhà tù. - Tiếp phẩm đây. - Julio đâu? - Hôm nay anh ta ốm ở nhà. - Sao anh không ốm cùng hắn ta, hả anh bạn? - Cái gì? - Không có mì mèo gì buổi sáng nay hết. Chiều quay lại. - Nhưng sáng nào bánh cũng được chuyển vào và chỉ. .... - Thôi, quay cái thân lừa của anh khỏi đây trước khi bọn tôi bực mình. Người lái xe nhìn đám lính cầm súng xung quanh đang chòng chọc nhìn mình. - Rõ rồi, được! Họ nhìn theo anh ta quay xe và đánh xuôi phố. Người chỉ huy của chốt gác báo cáo lại sự việc cho giám thị. Sau khi kiểm tra, người ta biết được người vẫn chở bánh mì tới đang nằm viện, anh ta là nạn nhân của một lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy. giờ sáng. Một chiếc xe đặt bom nở tung ở đoạn phố đối diện nhà tù, làm bị thương sáu người đứng gần. Trong những hoàn cảnh bình thường, lính gác đã rời vị trí để xem x giúp người bị thương. Nhưng vì đã nhận những mệnh lệnh nghiêm khắc nên họ ở nguyên vị trí và lính dân vệ được điều tới giải quyết. Sự việc được báo cáo ngay tới giám thị Fuente. - Chúng đang tuyệt vọng. -Hắn nói. -Chuẩn bị đối phó với mọi tình huống. giờ l5, một chiếc trực thăng xuất hiện phía trên nhà tù. Hai bên thân được sơn chữ LA PRENSA, tờ báo hàng ngày nổi tiếng nhất Tây Ban Nha. Trên mái nhà tù đã đặt sẵn hai khẩu súng phòng không, viên trung úy chỉ huy vẫy một lá cờ để báo cho máy bay bay đi. Nó tiếp tục lượn lờ. Viên sĩ quan nhấc máy điện thoại dã chiến: - Ngài giám thị, có một chiếc trực thăng phía trên đầu chúng ta. - Có dấu hiệu nào không? - Có chữ LA PRENSA, nhưng nom như mới sơn. - Bắn một phát cảnh cáo. Nếu nó không đi, cho biến luôn khỏi bầu trời. - Rõ, thưa ngài! -Anh ta gật đầu với một xạ thủ. -Bắn một phát gần. Viên đạn bay cách sườn máy bay vài thước. Họ trông rõ bộ mặt giật mình của viên phi công. Tay xạ thủ lại nạp đạn. Chiếc trực thăng bay lên rồi bay ngang vùng trời Madrid. Cái quỷ gì nữa đây? Viên trung úy tự hỏi. giờ Megan Scott xuất hiện ở phòng tiếp khách của nhà tù. Trông cô mệt mỏi và nhợt nhạt. - Tôi muốn gặp giám thị Fuente. - Bà đã được hẹn trước? - Không, nhưng ... - Thật đáng tiếc. Ngài giám thị sẽ không tiếp ai vào sáng hôm nay. Nếu bà gọi điện vào chiều nay ... - Nói với ông ấy tôi là Megan Scott. Anh lính nhìn cô gần hơn. Vậy đây là cái người Mỹ giàu có đang tìm cách giải thoát của Jaime Miro. Mình sẵn sàng sống với cô này vài đêm. Năm phút sau Megan đã ngồi trong phòng của giám thị Fuente. Cùng với hắn có sáu người khác trong ban quản giáo. - Tôi có thể làm gì cho cô, thưa cô Scott? - Tôi muốn được gặp Jaime Miro. Giám thị thở dài: - Tôi lo rằng không thể được. - Nhưng tôi là ... - Cô scott tất cả chúng tôi đều hiểu rõ cô là ai. Nếu có thể giải quyết cho cô, thì đó còn hơn một vinh hạnh lớn đối với tôi. -Hắn mỉm cười. -Người Tây Ban Nha chúng tôi là một dân tộc hiểu biết. Chúng tôi cũng đa cảm và đôi lúc cũng không phải là không biết nhắm mắt cho qua một số luật lệ qui định. -Nụ cười của hắn vụt tắt -Nhưng không phải là ngày hôm nay, thưa cô Scott Không. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt. Chúng tôi đã mất nhiều năm để bắt được người mà cô muốn gặp. Vì thế, hôm nay là ngày của luật lệ và qui định. Người gặp Jaime Miro sẽ là Chúa của hắn, nếu hắn có Chúa. Megan nhìn hắn, nét mặt thiểu não: - Tôi có thể ... nhìn anh ta một lúc, có được không? Một người trong số quản giáo lúc đó xúc động trước sự đau đớn trên mặt Megan đã định can thiệp vào câu chuyện, rồi lại thôi. - Rất đáng tiếc. Không thể được! -Giám thị Fuente nói. - Tôi gửi anh ta vài dòng có được không? Giọng cô nấc lên. - Cô sẽ gửi điện cho một cái xác chết. -Hắn nhìn đồng hồ. -Hắn còn sống chưa đầy một tiếng nữa. - Nhưng anh ấy đang kháng án. Không phải là một Hội đồng thẩm phán đang họp để quyết định ... - Họ đã bỏ phiếu chống. Tôi đã nhận được quyết định của họ mười lăm phút trước đây. Đơn kháng án của Miro đã bị bác. Sự hành quyết sẽ diễn ra. , nếu cô thứ lỗi. Hắn đứng dậy, những người khác cũng đứng đậy theo. Megan nhìn những bộ mặt lạnh lùng quanh phòng, rùng mình. - Cầu Chúa rủ lòng thương cho các ông. -Cô nói. Họ im lặng nhìn theo khi cô chạy ra khỏi phòng. Mười phút trước giờ trưa, cánh cửa xà lim Miro được mở ra. Giám thị Fuente cùng hai trợ thủ của hắn, Moiines và Arango cùng bác sĩ Miguel Anuncion bước vào xà lim. Bốn người lính cầm súng đứng theo dõi ngoài hành lang. - Đến giờ rồi -Giám thị nói. Jaime nhổm dậy khỏi giường. Chân và tay anh đều bị cùm. - Tôi đang nghĩ các ông tới chậm. Vẻ đàng hoàng của anh khiến cho giám thị Fuente không thể không cảm thấy kính phục. Nếu ở thời điểm khác, trong những hoàn cảnh khác, có thể chúng ta đã là bạn bè, hắn nghĩ bụng. Jaime bước ra hành lang vắng lặng, mỗi cử động đều khó khăn vì xiềng xích, kèm sát hai bên anh là Moiines, Arango và bọn lính gác. - Thắt cổ phải không? -Jaime hỏi. - Thắt cổ -Giám thị gật đầu. Một hình phạt cực kỳ đau đớn và vô nhân đạo. - Hắn nghĩ thật may là cuộc hành quyết được thực hiện trong phòng kín, tránh được con mắt của mọi người và giới báo chí. Nhóm người đi dọc hành lang. Họ nghe rõ những tiếng hô đều đều, trầm trầm từ ngoài phố vọng vào ...Jaime ... Jaime ... Jaimẹ .... Tiếng hô cứ lan ra, vang xa từ hàng ngàn cổ họng cháy bỏng, có mỗi lúc một to hơn. - Họ đang gọi anh đấy, -Peros Arango nói. - Không, họ đang gọi chính mình đó. Họ đang gọi tự do. Ngày mai họ sẽ lại gọi một tên khác. Tôi có thể chết, nhưng tôi sẽ luôn có một cái tên khác. Họ đi qua hai lần cửa an toàn để tới một căn phòng nhỏ cửa sắt xanh ở cuối hành lang. Đến góc rẽ, một linh mục mặc áo đen đột ngột xuất hiện. - Ôi, cảm tạ các thần linh, cha đã đến kịp. Cha đến để làm lễ cuối cùng cho tên tử tù này trước khi hành hình. Khi ông ta tiến về phía Miro, hai người lính bước đến chặn ông lại. - Xin lỗi cha. -Giám thị Fuente nói. -Không ai được phép tới gần hắn. Nhưng cha là ... - Nếu cha muốn làm lễ cho hắn thì phải làm qua cửa đóng. Một người lính mở cánh cửa màu xanh. Bên trong, một người đàn ông khổng lồ đeo mặt nạ hở một nửa mặt đứng cạnh chiếc ghế được bắt chặt xuống sàn. Trong tay hắn là sợi dây thép gai thắt cổ. Giám thị gật đầu với Moilnes, Arango và người bác sĩ Rồi tất cả theo Jaime bước vào phòng. Những người lính canh dừng lại bên ngoài, cánh cửa xanh đóng lại và được cài then kỹ càng. Bên trong, Moiines và Arango dẫn Jaime đến chiếc ghế, kẹp hai tay anh vào tay ghế trong khi bác sĩ Anuncion và giám thị đứng giám sát. Qua cánh cửa sắt nặng nề được đóng kín họ nghe thấy tiếng linh mục vang lên đều đều. Fuente nhìn Jaime nhún vai. - Chẳng thành vấn đề đâu. Chúa sẽ hiểu hắn nói cái gì! Tên khổng lồ cầm sợi dây đi về phía sau Jaime. Giám thị Fuente hỏi: - Anh có muốn mảnh vải che mặt không? - Không! Giám thị nhìn tên khổng lồ, gật đầu, Hắn nâng sợi dây và bước lên. Những người lính gác bên ngoài chú ý tiếng gào thét đều đều vọng vào từ đám đông hỗn loạn ngoài phố. Cậu có biết không, -một người lầu bầu, -tớ chỉ mong mình được đứng ngoài đó với họ. Năm phút sau, cánh cửa xanh mở ra. Mang túi đựng xác vào! -Bác sĩ Anuncion nói. Theo mệnh lệnh, xác của Jaime bí mật đưa ra cửa sau của nhà tù. Túi xác được đưa vào thùng một chiếc xe tải không ai chú ý tới. Thế nhưng khi chiếc xe chạy ra khỏi nhà tù, đám đông trên phố bỗng ào lên, cứ như bị cuốn theo bởi một lực hút thần bí nào đó. - Jaime! .... Jaime! .... Những tiếng gào thét giờ đã bé hơn. Đàn ông, đàn bà ôm mặt khóc, còn bọn trẻ con thì tròn mắt đứng nhìn, chẳng hiểu điều gì đang xảy ra. Chiếc xe len lỏi qua biển người và cuối cùng rẽ lên đường cao tốc. - Giêsu, đúng là quái quỷ? -Người lái xe nói. -Chắc thằng cha này phải có một cái gì đó. - Ôi Hàng nghìn người đều biết như thế! Hai giờ chiều hôm đó, giám thị Fuente và hai trợ thủ, Juanito Moiines và Peros Arango xuất hiện ở văn phòng của thủ tướng Mach. - Tôi muốn chúc mừng các bạn. -Thủ tướng nói. -Cuộc hành quyết diễn ra tuyệt vời. Người giám thị nói: - Thưa thủ tướng, chúng tôi tới đây không phải để nhận những lời chúc mừng của ngài, mà chúng tôi tới đây để xin từ chức. Martinez ngạc nhiên nhìn họ, bối rối. - Tôi ... tôi không hiểu. Điều gì khiến ... - Đó là vấn đề nhân đạo, thưa ngài. Tôi đã từng nhìn người chết. Có lẽ hắn ta đáng tội chết, nhưng không phải chết như thế. Nó dã man quá. Tôi không muốn nhìn thấy cảnh đó nữa, hay một cái gì gần giống như thế và các đồng sự của tôi cũng cảm thấy thế. - Có lẽ các bạn muốn nói xa xôi. Tiền trả cho các bạn ... - Chúng tôi phải sống với lương tâm của mình. Giám thị Fuente trao cho thủ tướng ba tờ đơn. - Đây là ba tờ đơn xin từ chức của chúng tôi. Nửa đêm hôm đó, chiếc xe tải vượt qua biên giới thuộc Pháp và hướng về làng Bidache, gần Bayonne. Nó dừng lại trước lề một ngôi nhà nông dân xinh xắn. - Nhà này đây. Phải vứt bỏ cái xác trước khi nó bốc mùi. Một người đàn bà trạc năm mươi tuổi ra mở cửa ngôi nhà. - Các ông đã đưa về đây rồi à? - Vâng, thưa bà. Bà muốn để nó ... ờ ... để anh ấy ở đâu? - Xin để giúp ở phòng khách. - Vâng, thưa bà! Tôi không đợi được đến lúc chôn anh ấy. Bà hiểu ý tôi không ạ? Bà nhìn hai người đàn ông mang túi xác vào và đặt nó trên sàn - Cám ơn các ông! - Tạm biệt bà, Bà lặng lẽ đứng nhìn hai người đánh xe đi. Một người đàn lạ khác từ phòng bên bước ra, chạy về phía túi xác và vội kéo khóa chiếc túi. Jaime Miro nằm trong đang toác miệng cười với hai người. - Mọi người biết không, cái dây thắt cổ đúng là đau thật. - Vang trắng hay vang đỏ đây? -Megan hỏi. Chương 19 Tại Sân bay Barajas ở Madrid, nguyên giám thị Gormez đe la Fuente, cùng Moilnes và Arango, hai trợ thủ của mình trước đây, bác sĩ Anuncion và người khổng lồ lúc trước đeo mặt nạ đang trong phòng chờ. - Tôi vẫn nghĩ rằng ông không đi cùng tôi sang Costa Rica là một sai lầm lớn, -Fuente nói, -với năm triệu đôla, ông có thể mua cả cái nước khốn nạn ấy. Moiines lắc đầu: - Arango và tớ sẽ đi Thụy Sĩ. Tớ đã chán xứ nóng lắm rồi. Bọn tớ sẽ kiếm vài chục con thỏ trắng. - Tôi cũng vậy, -người khổng lồ lên tiếng. Họ quay sang Miguel Anuncion: - Thế còn ông, bác sĩ. - Tôi sẽ đi Bangladesh. Ông nói sao? - Đúng vậy. Tôi sẽ dùng tiền này để mở một bệnh viện ở bên đó. Các anh biết không, tôi đã nghĩ đến điều này từ lâu, trước cả khi nhận lời với Megan Scott. Hơn nữa xin nói với các anh, tôi thích Jaime Miro, một người chiến đấu cho tự do. * * * * * Đó là một thời kỳ được mùa lớn ở nông thôn nước Pháp, nông dân thu hoạch rất khá. Mong sao năm nào cũng tuyệt vời như năm nay -Rubio Arzano nghĩ, -Một năm tốt lành về nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, đám cưới của anh, và Sau đó, năm ngoái một cặp sinh đôi ra đời. Có người đàn ông nào dám mơ được hạnh phúc như thế? Trời bắt đầu đổ mưa. Rubio quay đầu máy kéo và lái về phía lều. Anh nghĩ tới hai đứa trẻ sinh đời. Đứa con trai rồi sẽ to lớn, vạm vỡ. Nhưng con bé em? Nó sẽ trở thành một đứa khó kiểm soát. Con bé rồi sẽ gây cho người yêu của nó ôi chuyện phiền phức, Rubio cười một mình. Nó giống mẹ. Anh cho máy kéo vào trong lều, rồi đi về nhà, cảm thấy những giọt nước mưa chảy trên mặt. Anh mở cửa bước vào trong. Anh về vừa kịp. -Lucia mỉm cười. -Bữa ăn đã xong. Vũ lực không dập tắt được phong trào yêu nước của nhân dân Basque. Madrid cố gắng tìm kiếm hòa bình bằng việc dành cho người Basque một quyền tự trị hạn chế, cho phép họ có sắc cờ riêng, tiếng nói riêng và một Cục cảnh sát người Basque. Thực chất đó chỉ là nền tự do bánh vẽ. ETA đáp lại sự xuống thang dối trá của người cầm quyền Madrid bằng việc ám sát Constantin Ortin -toàn quyền quân sự của Madrid và sau đó là Luis Carrero Bianco, người được Franco chọn để kế tục mình. Bạo lực lại tiếp tục leo thang. Trước Đó, ETA đã được sự đồng tình của hai triệu rưởi người Basque, nhưng sự khủng bố kéo,dài đã làm xói mòn lòng tin của họ. Nhân dân các dân tộc Tây Ban Nha, kể cả người Basque, cảm thấy đã tới lúc phải có hòa bình, đã tới lúc phải hàn gắn vết thương trên cơ thể mình. Mẹ bề trên Trưởng tu viện Bentina thức giấc bởi một linh tính rằng điều kỳ diệu nào đó sắp xảy đến. Tất nhiên rồi, bà nghĩ, bao điều kỳ diệu đã đến rồi đó thôi. Tu viện Cistereian đã được mở lại từ lâu dưới sự che chở của vua Don Juan Canos. Sơ Graciela và các tu sĩ bị mang đi Madrid đã trở về an toàn với tu viện, nơi họ lại được ẩn vào với sự im lặng và sự cô đơn thiêng liêng. Sau bữa sáng, Mẹ bề trên bước vào căn phòng của mình và chợt dừng lại, hết sức ngạc nhiên, trên bàn của bà, cây thánh giá vàng nằm đó tỏa sáng lấp lánh. Nó đến như một phép mầu. Ngày nay, dòng Cistereian còn lại năm mươi tư tu viện ở Tây Ban Nha. Và tập quán sống trong im lặng, tách biệt từ ngàn đời của họ vẫn chẳng hề thay đổi. Dịch Thuật : Đỗ Lê Chi Hết Dòng Máu Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 01 ISTANBUL Thứ bảy, mồng 5 tháng Chín, 10 giờ tối. Ngồi một mình trong bóng tối, đằng sau bàn làm việc của Hajib Kafir, anh thờ ơ nhìn qua khung cửa sổ bụi bặm của văn phòng hướng về phía những ngọn tháp muôn tuổi của các giáo đường Hồi giáo Istanbul. Anh đã thân thuộc không ít các thủ đô trên thế giới nhưng Istanbul vẫn là một trong những nơi được anh ưa thích hơn cả. Nhưng không phải Istanbul với phố Beyolu đầy khách du lịch hay quầy rượu cầu kỳ Laleab của khách sạn Hilton mà là một Istanbul với những khu vực khuất nẻo chỉ được biết đến bởi người Hồi giáo: những yalis và những khu chợ nhỏ nép mình sau những Souks và Teli Baba, nghĩa trang chôn một người duy nhất, rồi có rất nhiều người hàng ngày đến cầu nguyện cho linh hồn đã yên nghỉ nầy. Anh ngồi chờ đợi bằng sự nhẫn nại của một tay thợ săn, sự trầm tĩnh của người có đủ nghị lực để kiềm chế được thể xác và cảm xúc của mình. Anh vốn là dân xứ Welsh, mang vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng cũng hết sức thâm trầm, một vẻ đẹp đặc trưng của dân xứ nầy. Tóc anh đen, khuôn mặt rắn rỏi, cặp mắt thông minh màu xanh sẫm. Anh cao trên 1m80 với thân hình vạm vỡ rắn chắc chỉ có được ở những người chịu khó chăm sóc cho sức khoẻ của mình. Cả văn phòng ngập ngụa mùi mồ hôi dầu chua loét của Hajib Kafir, mùi thuốc lá thơm sực nức, mùi cà phê Thổ hăng hăng. Rhys Williams không hề để ý những thứ đó. Anh đang nghĩ đến cú điện thoại từ Chamonix cách đó một giờ. - Một tai nạn khủng khiếp! Tin tôi đi, ông Williams, tất cả chúng tôi đều lâm nạn. Chuyện xảy ra nhanh đến độ không ai kịp trở tay để cứu ông ấy cả. Ông Roffe đã chết ngay lập tức… Sam Roffe, chủ tịch tập đoàn Roffe và các con, tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới, một giang sơn trị giá nhiều tỉ dollar trải rộng khắp toàn cầu. Thật không thể tưởng tượng là Sam Roffe đã chết. Ông vẫn luôn tràn đầy sinh lực, nhanh nhẹn, hoạt bát, một người đàn ông năng động, thường xuyên phải sống trên máy bay đưa ông tới các nhà máy, văn phòng của công ty trên khắp thế giới, những nơi mà ông đã giải quyết những công việc tưởng chừng như không ai làm nổi, xây dựng những ý tưởng mới, thúc đẩy mọi người làm việc nhiều hơn và hiệu quả hơn. Dù đã có gia đình, đã trở thành ông bố, thú vui duy nhất của ông vẫn là kinh doanh. Sam Roffe là một nhân vật vô cùng lỗi lạc. Ai có thể thay thế ông đây? Ai có đủ khả năng điều hành cái giang sơn khổng lồ ông để lại? Sam Roffe đã không kịp chọn người kế vị mình. Bởi vì, ông đâu có biết là mình sẽ không sống quá tuổi năm mươi hai? Ông vẫn luôn nghĩ rằng mình còn khối thời gian. Và giờ đây, thời gian của ông đã hết. Đèn trong phòng bỗng bật sáng và Rhys Williams nhìn về phía cửa, không nhận ra ai bởi loá mắt. - Ông Williams! Tôi không biết là trong phòng vẫn còn người. Đó là Sophie, một trong những nữ thư ký của công ty người được giao việc phụ giúp Rhys Williams mỗi khi anh đến Istanbul. Cô ta là người Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng hai mươi tư, hai mươi lăm, gương mặt xinh đẹp, thân hình mềm mại đầy quyến rũ, hứan. Cô ta đã khôn khéo ngỏ ý với Rhys, rằng lúc nào cũng sẵn sàng chiều lòng anh nếu anh muốn, nhưng Rhys chẳng hề để tâm. - Tôi quay lại để làm mấy bức tlìư cho ông Kafir. - Và cô ta dịu dàng nói thêm, - Có lẽ tôi giúp được cho ông việc gì chăng? Khi cô ta tiến lại gần cái bàn, Rhys nhận thấy mùi như mùi xạ hương của con thú hoang trong mùa giao phối. - Ông Kafir đâu? Sophie lắc đầu nói vẻ tiếc nuối. - Ông ta đã rời khỏi từ lâu rồi. - Cô ta nhẹ nhàng vuốt mặt trước của chiếc váy bằng bàn tay điêu luyện. - Tôi có thể giúp ông việc gì chứ? - Cặp mắt cô ta đen láy và ướt át. - Có. - Rhys đáp. - Tìm ông ta về đây. Cô ta cau mày. - Tôi không thể biết giờ nầy ông ta ở đâu… - Hãy thử chỗ Kervansaray hoặc Mermara xem. Có thể đây là nơi một trong số các cô bồ của Hajib Kafir làm vũ nữ múa bụng. Khó mà biết được với Kafir, Rhys nghĩ. Cũng rất có thể ông ta đang ở cùng với vợ. Sophie tỏ ra hối lỗi. - Tôi sẽ cố gắng, nhưng… tôi e là… - Cho ông ta biết rằng nếu một giờ nửa không có mặt ở đây ông ta sẽ bị sa thải. Sắc mặt cô ta thay đổi. - Tôi sẽ thử xem mình làm được gì ông Williams. - Và cô ta bước về phía cửa. - Tắt đèn cho tôi. Dù sao, ngồi suy nghĩ trong bóng tối vẫn dễ dàng hơn. Hình ảnh của Sam Roffe vẫn luẩn quẩn trong đầu Rhys. Vào khoảng thời gian nầy trong năm, những ngày đầu tháng Chín, núi Mont Blanc rất dễ trèo. Trước kia Sam đã một lần thứ trèo ở đây nhưng ông không thể vượt qua bão tố để lên đến đỉnh núi. "Nhưng lần nầy tôi sẽ cắm được cờ của công ty lên đó", ông hứa với Rhys bằng giọng bỡn cợt. Và cách đây một lát, khi Rhys đang làm thủ tục trả phòng tại khách sạn PeraPalace thì điện thoại gọi cho anh. Rhys có thể nghe được giọng nói thổn thức trong máy. "Mọi người đang vượt qua dòng sông băng… ông Roffe bị trượt chân và sợi dây cáp của ông ấy đứt ông ấy rơi xuống một kẽ nứt sâu thăm thẳm…" Rhys hình dung ra thân hình của Sam đập mạnh vào tảng băng ác nghiệt và lăn nhanh xuống kẽ nứt. Anh cố ép mình quên đi cảnh tượng khủng khiếp đó. Dù sao cũng là quá khứ rồi. Hiện tại còn quá nhiều điều khiến anh phải lo nghĩ. Các thành viên trong gia đình Sam Roffe hiện đang ở khắp nơi trên thế giới cần phải được thông báo về cái chết của ông. Và bản thông cáo cho báo chí cũng cần phải chuẩn bị. Cái tin nầy hiện đã như một đợt sóng thần lan khắp giới tài chính quốc tế. Giữa lúc công ty đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính thì ảnh hưởng do cái chết của Sam Roffe gây ra phải được giảm đến mức thấp nhất có thể. Đây chính là công việc của Rhys. Lần đầu tiên Rhys Williams gặp Sam Roffe đã cách đây chín năm. Rhys lúc đó hai mươi lăm tuổi và đang giữ chức cố vấn thương mại cho một công ty dược phẩm nhỏ. Anh năng động, thông minh và khi hãng nầy mở rộng thì danh tiếng của Rhys theo đó mà nổi lên như cồn. Anh được đề nghị làm việc tại tập đoàn Roffe và các con và khi anh rời bỏ công ty cũ, Sam Roffe đã mua lại công ty ấy và giao nó cho anh. Cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể quên được mãnh lực khó cưỡng được của Sam Roffe trong lần đầu tiên hai người gặp mặt. - Ở đây anh là người của Roffe và các con, - Sam Roffe cho anh biết. - Thnên tôi đã mua lại cái công ty lạc hậu cũ của anh. Rhys thấy vừa tự hào vừa hơi bực tức. - Nếu tôi không ở lại thì sao? Sam Roffe mỉm cười và trả lời một cách tự tin: - Anh sẽ ở lại. Anh và tôi đều có điểm chung, Rhys. Đó là nhiều hoài bão: Chúng ta muốn làm chủ thế giới Và tôi sẽ cho anh biết phải làm như thế nào. Những lời nói như có ma lực, một bữa tiệc đầy hứa hẹn cho nỗi khát khao mãnh liệt đang bùng cháy trong lòng anh, bởi vì anh biết một điều mà Sam Roffe không biết: Chẳng có Rhys Williams nào cả. Anh chỉ là một sự tưởng tượng được tạo ra từ sự liều lĩnh, nghèo nàn và tuyệt vọng. * * * * * Anh ra đời gần khu mỏ Gwent và Carmarthen, những thung lũng đầy những vết nứt nẻ mầu đỏ của xứ Wales, nơi những lớp sa thạch, đá vôi và than đá rạch nát mặt đất xanh tươi. Anh lớn lên cùng mảnh đất có vô số các truyền thuyết, mà ngay đến những cái tên thôi cũng tràn đầy thi vị như: Brecon và Peny Fan, Penderyn và Glyncorrwg hay Maesteg. Đây là mảnh đất huyền thoại với than đá ngập sâu dưới lòng đất được tạo thành từ hai trăm tám mươi triệu năm trước, với phong cảnh đã từng bị bao phủ bởi quá nhiều cây cối, nhiều đến nỗi một con sóc cũng có thể đi từ vùng đồi Brecon đến tận bờ biển mà chân không hề chạm đất. Nhưng rồi cuộc cách mạng công nghiệp cũng đã tìm đến đây và những thân cây xinh đẹp kia lần lượt gục ngã trước bàn tay của đám thợ đốt than để trở thành nguyên liệu cho những lò lửa tham lam của ngành luyện thép. Cậu bé lớn lên cùng những vị anh hùng thuộc về một thế giới khác, một thời gian khác. Robert Farren bị đưa lên giàn hoả của Nhà thờ Thiên chúa giáo La mã vì ông không chịu thề sống độc thân và bỏ rơi bà vợ; Vua Hywel the Good, người mang pháp luật đến cho xứ Wales ở thế kỷ thứ 10; chiến binh dũng cảm Brychen, bố của mười hai con trai và hai mươi tư con gái, người đã đập tan tất cả các cuộc tấn công vào vương quốc của mình. Đó là mảnh đất của những trang sử vẻ vang, nơi cậu bé được nuôi nấng. Nhưng cũng không phải bất cứ thứ gì ở đây cũng vẻ vang. Tổ tiên của Rhys đều là thợ mỏ và cậu bé thường được nghe những câu chuyện chi tiết về địa ngục do bố cậu và các bậc chú bác kể lại. Họ nói về những thời gian khủng khiếp khi không có việc làm, khi những mỏ than giàu có của Gwent và Carmarthen bị đóng cửa do xảy ra những cuộc chiến quyết liệt giữa đám thợ mỏ và các công ty chủ mỏ, mà cuối cùng, những người thợ mỏ vì cảnh bần cùng đã đánh mất cả phẩm cách, cả hoài bão, niềm kiêu hãnh bị xói mòn, đã phải đầu hàng. Khi các khu mỏ được mở cửa lại thì một kiểu địa ngục khác cũng xuất hiện. Hầu hết các thành viên trong gia đình Rhys đã bỏ mạng trong khu mỏ. Một số khác thì chết trong các hầm mỏ dưới lòng đất hoặc rồi cũng qua đời với bệnh ho hen do hai lá phổi đã đen kịt bụi than. Chỉ có một số rất ít là vượt qua được tuổi ba mươi. Rhys thường lắng nghe bố và các bác tranh luận về quá khứ, về những sự khuất phục, sự lụn bại và những cuộc đình công, hoặc về những thời kỳ tươi sáng cũng như đen tối, và đối với cậu bé thì tất cả xem ra đều như nhau. Đều tồi tệ cả: Ý nghĩ về việc phí hoài những năm tháng trong bóng tối của lòng đất đã làm cho Rhys kinh hãi. Cậu bé hiểu rằng mình phải trốn đi. Cậu bé bỏ nhà đi khi mới lên mười hai. Cậu rời khỏi thung lũng than và đi về phía bờ biển, tới vịnh Sunny Ranny và Lavernock, nơi tràn ngập đám du khách giàu có, và cậu bé cố gắng tỏ ra mình là người hữu ích, dìu các quý bà sang trọng tuột xuống vách đá tới bãi biển, mang vác các giỏ hành lý nặng cho các cuộc cắm trại, đánh xe ngựa ở Pernarth và làm việc ở khu giải trí tại vịnh Whitmore. Cậu chỉ ở cách xa nhà có mấy giờ đường nhưng sự xa cách thì không thể nào đo lường được. Mọi người ở đây như thể đến từ một thế giới khác vậy. Rhys Williams chưa bao giờ tưởng tượng được lại có những người đẹp đến thế, những bộ trang phục đẹp đến thế. Người phụ nữ nào nhìn cũng như nữ hoàng còn đám đàn ông thì ai cũng thanh lịch đến tuyệt vời. Đây mới là thế giới của cậu và không có gì mà cậu không thể chiếm về cho mình. Lúc đó Rhys được mười bốn tuổi, và cậu đã dành dụm đủ tiền cho cuộc hành trình đến London. Cậu bỏ ra ba ngày đầu tiên chỉ để đi dạo trong thành phố đồ sộ nhìn ngắm mọi thứ, tận hưởng bằng hết những cảnh tượng kỳ lạ, những âm thanh và những mùi vị khác nhau. Công việc đầu tiên của cậu là làm nhân viên giao hàng cho một cửa hiệu bán vải. Ở đó có hai nam thư ký, trịch thượng như nhau, và một nữ thư ký, người đã làm trái tim cậu bé xao xuyến mỗi khi nhìn cô ta. Hai gã kia đối xử với Rhys như thể chẳng còn cách đối xử nào khác với một kẻ rác rưởi. Cậu bé đúng là kỳ lạ. Cậu ăn mặc khác người, điệu bộ chẳng giống ai và nói năng bằng một giọng rất khó nghe. Bọn họ còn không phát âm đúng cả tên của cậu. Họ gọi cậu là Rice, rồi Rye và Rise "Phải gọi là Roffe mới đúng", Rhys luôn bảo họ như vậy. Còn cô gái thì tỏ ra thương hại cậu. Tên cô ta là Gladys Simpkins và cô ta sống cùng 3 người bạn gái khác trong một căn nhà bé tí ở Tooting. Một hôm, cô cho phép cậu đưa về sau giờ làm việc và mời cậu lên nhà uống trà. Rhys đã trở nên hồi hộp quá mức. Cậu đã vội nghĩ đây sẽ là kinh nghiệm yêu đương đầu tiên trong đời, nhưng khi choàng tay qua người Gladys, cô nhìn sững cậu rồi cười phá lên. - Tôi sẽ chẳng cho cậu cái đó đâu. - Cô nói. - Nhưng tôi sẽ cho cậu một lời khuyên. Nếu cậu muốn làm chuyện gì đó cho bản thân mình, đầu tiên phải biết ăn mặc quần áo sạch sẽ, có một chút văn hoá tối thiểu và phải tự học cách xử sự đi. - Rồi cô ngắm nhìn gương mặt gầy gò nhưng đầy vẻ thiết tha của chàng trai trẻ và nhẹ nhàng nói tiếp, - Nhất định cậu sẽ khá hơn khi lớn lên đấy. * * * * * Nếu cậu muốn làm chuyện gì đó cho bản thân mình… Đó chính là giây phút để anh chàng Rhys Williams giả hiệu ra đời. Rhys Wllliams thật vốn là một người vô giáo dục, dốt nát, không có cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng anh có trí tưởng tượng, sự thông minh và cả một hoài bão lớn đang bùng cháy. Như thế là quá đủ. Anh đã bắt đầu với hình ảnh của con người mà anh muốn trở thành, có ý định trở thành. Khi nhìn vào gương anh không còn thấy một cậu bé vụng về, bẩn thỉu với giọng nói buồn cười mà thay vào đó là một chàng trai khéo léo, lịch thiệp và thành công. Từng bừng bước một, Rhys khớp mình với các hình ảnh đó trong đầu. Anh theo học các lớp buổi tối, trải qua những ngày nghỉ cuối tuần trong các gallery nghệ thuật. Anh cũng thường ra vào các thư viện công cộng, đến nhà hát, ngồi ngoài hành lang nghiên cứu những bộ quần áo đắt tiền của cánh đàn ông trước sân khấu. Anh dè xẻn đối với việc ăn uống sao cho cứ một tháng một lần lại đủ tiền để vào nhà hàng sang trọng, nơi mà anh có thể học được cách xử sự trên bàn ăn của những người khác. Anh quan sát, học hỏi và ghi nhớ. Anh giống hệt một miếng bọt biển, từ từ xoá bỏ quá khứ và hút lấy tương lai. Chỉ trong một năm ngắn ngủi Rhys đã học đủ để nhận ra nữ hoàng Gladys Simpkins của anh chỉ là một cô gái thành thị rẻ tiền, làm cho anh chán ngấy. Anh bỏ tiệm bán vải và vào làm chân thư ký cho một hiệu thuốc thuộc một mạng lưới lớn. Lúc đó trông anh đã già hơn rất nhiều so với tuổi 16 của mình. Anh đã đầy đặn hơn và cao hơn. Đám đàn bà đã dần chú ý đến vẻ đẹp xứ Wales trầm tĩnh và miệng lưỡi lanh lẹ của anh. Anh đã nhanh chóng thành công ở cửa hàng. Nhiều khách hàng nữ sẵn sàng chờ cho đến khi Rhys rảnh rỗi để săn sóc họ. Anh ăn mặc lịch sự, nói năng đúng mức và anh biết mình đã đi vượt khỏi Gwent và Carmarthen một quãng đường dài nhưng mỗi khi nhìn vào gương, anh vẫn chưa hoàn toàn thoả mãn. Cuộc hành trình mà anh định thực hiện vẫn còn ở phía trước. Trong vòng hai năm Rhys đã lên đến chức quản lý cửa hàng nơi anh làm việc. Vị giám đốc khu vực của mạng lưới nói với anh: - Đây mới là sự khởi đầu thôi, Williams. Hãy cố gắng làm việc và một ngày kia anh sẽ thấy mình trở thành quản lý của cả nửa tá cửa hàng ấy chứ. Rhys suýt nữa thì cười to. Tưởng rằng thế đã là đỉnh cao của một hoài bão lớn hay sao? Rhys không hề gián đoạn việc học hành. Anh tiếp tục theo học ngành hành chính kinh doanh, tiếp thị thị trường và luật thương mại. Anh muốn vươn cao hơn nữa. Hình ảnh của anh trong gương là ở đỉnh thang, còn Rhys cảm thấy mình mới đang đứng ở bậc thấp nhất. Cơ hội tiến thân của anh đã đến khi một hôm, một người bán hàng dược phẩm bước vào và quan sát Rhys dụ dỗ các bà các cô mua những thứ mà họ không cần dùng tới. Ông ta nói: - Anh đang lãng phí thời gian ở đây. Lẽ ra vị trí của anh phải ở trong một cửa hàng lớn hơn. - Ý định của ông là sao? - Rhys hỏi. - Để tôi nói chuyện với ông chủ của anh đã. Hai tuần sau Rhys đã làm bán hàng tại một công ty dược phẩm nhỏ. Anh chỉ là một trong năm mươi nhân viên bán hàng, nhưng khi anh nhìn vào tấm gương đặc biệt của mình thì, anh biết đó không phải là sự thực. Đối thủ cạnh tranh duy nhất của anh chính là bản thân anh. Anh đang tiến gần hơn đến hình ảnh của mình, với nhân vật giả hiệu do anh tạo ra. Một người thông minh, có văn hoá, sành điệu và quyến rũ. Những gì anh đang cố đạt tới là rất khó khăn. Ai cũng biết rằng con người được sinh ra với những đặc tính có sẵn, chúng không thể bị tạo ra sau nầy. Nhưng Rhys đã tự tạo ra. Anh đã trở thành cái hình ảnh mà anh đã tưởng tượng ra. Anh đi chào bán sản phẩm trên khắp đất nước, trò chuyện và lắng nghe. Anh trở lại London với rất nhiều những đề nghị khả thi bắt đầu leo lên các bậc thang. Ba năm sau ngày gia nhập công ty, Rhys đã trở thành giám đốc thương mại. Dưới sự lãnh đạo khéo léo của anh, công ty bắt đầu mở rộng phạm vi thế lực. * * * * * Và bốn năm sau, Sam Roffe đã bước vào cuộc đời anh. Ông đã nhận ra hoài bão trong con người anh. - Anh giống tôi, - Sam Roffe nói. - Chúng ta muốn làm chủ thế giới. Tôi sẽ cho anh biết phải làm như thế nào. Sam Roffe là một nhà cố vấn đầy kinh nghiệm. Trong vòng chín năm sau đó dưới dự chỉ dẫn của ông, Rhys Williams đã trở thành tài sản vô giá của tập đoàn. Thời gian tiếp tục trôi qua, anh càng ngày càng được giao nhiều trách nhiệm hơn, tổ chức lại nhiều khu vực, dàn xếp những vụ rắc rối ở khắp mọi nơi trên thế giới, phối hợp nhiều chi nhánh khác nhau của tập đoàn, sáng tạo ra nhiều khái niệm mới. Cuối cùng thì ngoài Sam Roffe ra, Rhys là người hiểu biết về việc điều hành công ty nhiều hơn cả. Rhys Williams được coi là người kế vị chức vụ chủ tịch hợp lý nhất. Một buổi sáng, khi Rhys và Sam Roffe từ Caracas trở về trên máy bay riêng của công ty, một chiếc Boeing 707-320 sang trọng lộng lẫy trong đội máy bay tám chiếc, Sam Roffe đã khen ngợi Rhys về một vụ giao dịch có lời mà anh đạt được với chính phủ Venezuela. - Sẽ có một phần thưởng lớn cho anh trong vụ nầy, Rhys. Và Rhys đã trầm ngâm trả lời: - Tôi không muốn nhận phần thưởng, Sam. Tôi sẽ thích hơn nếu có một chân trong Hội đồng quản trị và một số cổ phần. Anh đã kiếm được nó, và cả hai người đều hiểu điều đó Nhưng Sam trả lời: - Tôi xin lỗi. Tôi không thể phá bỏ quy luật, dù là vì anh. Roffe và các con là tập đoàn gia đình trị. Không một ai khác ngoài các thành viên trong gia đình được có mặt trong Hội đồng quản trị hay nắm giữ cổ phần cả. Dĩ nhiên là Rhys biết điều đó. Anh được tham gia tất cả các buổi họp của Hội đồng quản trị, nhưng không phải với tư cách thành viên. Anh vẫn chỉ là người ngoài. Sam Roffe là người đàn ông cuối cùng trong dòng họ Roffe. Những người khác trong dòng họ, các em họ của Sam, đều là phụ nữ. Và các ông chồng của họ nghiễm nhiên trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Walther Gassner lấy Anna Roffe; Ivo Palazzi lấy Simonetta Roffe, Charles Martel lấy Helene Roffe và Sir Alec Nichols có mẹ là một người mang họ Roffe. Thế nên Rhys buộc phải đi đến quyết định. Anh thừa biết rằng mình xứng đáng có chân trong Hội động quản trị, rằng một ngày nào đó anh sẽ điều hành tập đoàn. Tình thế hiện tại không cho anh làm điều đó, nhưng tình thế lại có cách thay đổi. Rhys quyết định hoãn binh, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Sam đã dạy anh phải kiên nhẫn. Và bây giờ Sam đã chết. * * * * * Đèn trong văn phòng lại bật sáng và Hajib Kafir đứng ở ngưỡng cửa. Kafir là giám đốc thương mại của Roffe và các con ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta thấp, mập, nước da ngăm đen, bụng phệ, tay đeo nhẫn kim cương và tỏ ra tự hào về chúng. Ông ta có vẻ xộc xệch của một người phải vội vã mặc quần áo. Như vậy là Sophie đã không tìm thấy ông ta trong hộp đêm. Vậy cũng tốt Rhys nghĩ. Một tác dụng phụ của cái chết của Sam Roffe. - Rhys! - Kafir thốt lên. - Đồng nghiệp thân mến, tha lỗi cho tôi. Tôi không biết rằng anh vẫn còn ở Istanbul. Khi anh vừa lên đường ra i trường thì tôi cũng có một công việc khẩn cấp phải… - Ngồi xuống, Hajib. Và ông nghe cho rõ đây. Tôi muốn ông gửi bốn bức điện bằng mật mã của tập đoàn. Chúng sẽ được chuyển tới các nước khác nhau. Tôi muốn chúng được tận tay đánh đi bởi người của chúng ta. Ông hiểu chứ? - Dĩ nhiên, - Kafir bối rối trả lời. - Rất hiểu. Rhys liếc nhìn chiếc đồng hồ vàng mỏng dính hiệu Baume & Mercier nơi cổ tay ông ta. - Bưu điện New City sắp đóng cửa. Hãy gửi chúng từ Yeni Posthane Cad. Tôi muốn chúng được đánh đi trong vòng 30 phút nữa. Anh trao cho ông ta bản copy bức điện tín anh đã viết. Bất kỳ ai thảo luận về chuyện nầy sẽ lập tức bị đuổi việc. Kafir liếc qua mảnh giấy và đôi mắt ông ta mở to. - Chúa ơi! - ông ta nói. - Lạy Chúa! - Ông ta ngước mắt lên nhìn vào gương mặt rầu rĩ của Rhys. - Chuyện… chuyện khủng khiếp nầy đã xảy ra như thế nào? - Sam Roffe chết trong một tai nạn. - Rhys trả lời. Bây giờ, lần đầu tiên Rhys cho phép ý nghĩ của mình hướng về điều mà anh đã cố xua đuổi khỏi tâm trí: Elizabeth, con gái của Sam. Năm nay nàng đã hai mươi tư tuổi. Lần đầu tiên Rhys gặp nàng là năm nàng lên mười lăm, miệng ngậm dây đeo quần, nhút nhát và phục phịch. Nhiều năm trôi qua, Rhys đã chứng kiến Elizabeth phát triển thành một thiếu nữ đặc biệt với sắc đẹp của mẹ, trí thông minh và nghị lực của bố. Nàng đã trở nên gần gũi với Sam. Rhys biết cái tin nầy sẽ ảnh hưởng mạnh đến nàng như thế nào. Anh sẽ phải tự mình báo tin cho nàng. Hai giờ sau Rhys Williams đã ngồi trong phi cơ của tập đoàn bay trên bầu trời Địa Trung Hải, nhắm thẳng về hướng New York. Chương 02 BERLIN Thứ 2, ngày 7 tháng Chín, 10 giờ sáng Anna Roffe Gassner biết rằng mình không thể hét lên lần nữa nếu không muốn Walther quay lại và giết chết mình. Bà nằm co ro trong phòng ngủ, người run lên không kiềm chế được, và chờ chết. Câu chuyện bắt đầu từ cảnh thần tiên lãng mạn đã chấm dứt trong sự ghê rợn khủng khiếp, ghê rợn đến khó nói thành lời. Bà đã mất rất nhiều thời gian mới đương đầu được với sự thật. Người mà bà lấy làm chồng là một tên sát nhân cuồng loạn. Anna Roffe chưa hề biết yêu ai trước khi cô gặp Walther Gassner, kể cả cha, mẹ và bản thân cô. Anna vốn yếu ớt bệnh hoạn và thường xuyên phải chịu đau đớn do các cơn choáng váng ngất xỉu. Cô cũng không nhớ nổi quãng thời gian ra khỏi bệnh viện hay các nữ y tá hoặc các chuyên gia bay đến từ các miền đất xa xôi. Bởi vì cha cô là Anton Roffe, thuộc tập đoàn Roffe và các con, nên những chuyên gia y khoa hàng đầu đã đến bên giường bệnh của Anna ở Berlin. Nhưng họ đã khám, đã kiểm tra và đã ra đi mà không biết gì hơn những gì họ đã biết. Họ không thể chẩn đoán được căn bệnh của cô. Anna không thể đến trường như những đứa trẻ khác và càng ngày cô càng trở thành ít nói, tự tạo cho mình một thế giới riêng, đầy những mộng tưởng kỳ diệu, nơi mà không một ai được phép bước vào. Cô tự vẽ ra bức tranh cuộc đời mình bởi vì những màu sắc của thực tại quá gay gắt khiến cô không sao chấp nhận nổi. Khi Anna lên mười tám, những cơn choáng váng, ngất xỉu đột nhiên biến mất một cákhó hiểu như khi chúng xuất hiện. Nhưng chúng cũng kịp phá hỏng cuộc đời cô. Ở vào lứa tuổi mà phần đông các cô gái đã đính ước hoặc kết hôn thì Anna vẫn chưa hề biết đến một nụ hôn của các chàng trai. Cô cố tự khẳng định rằng mình chẳng hề quan tâm. Cô bằng lòng sống cuộc sống mơ mộng của mình, xa lánh mọi việc và mọi người. Năm cô hai mươi lăm tuổi có nhiều người ngỏ lời cầu hôn cô, bởi vì Anna là cô gái có món hồi môn vô cùng lớn và lại là người của một trong những dòng họ danh giá nhất thế giới. Rất nhiều người muốn được chung hưởng tài sản của cô. Cô đã nhận được lời cầu hôn của một bá tước Thuy Điển, một nhà thơ Italia và năm, sáu hoàng thân từ các quốc gia khác nhau. Nhưng Anna từ chối tất cả. Anton Roffe đã rên lên trong lễ sinh nhật lần thứ ba mươi của cô. "Rồi tôi sẽ chết mà chẳng có đứa cháu ngoại nào mất". Trong ngày sinh lần thứ ba nhăm, Anna đến Kitzbuhel ở Áo và cô đã gặp Walther Gassner, huấn luyện viên trượt tuyết, trẻ hơn cô mười ba tuổi. Lần đầu tiên trông thấy Walther, Anna như mụ mẫm cả người đi. Anh ta đang trượt xuống đường dốc đua Hahnekamm và đó là cảnh tượng đẹp nhất mà cô đã từng thấy. Cô đi đến gần cuối đường trượt để nhìn anh ta rõ ràng hơn. Trông anh ta như một thiên thần trẻ trung và Anna cảm thấy việc nhìn anh ta cũng đủ khiến cho cô cảm thấy vô cùng thoả mãn. Và anh ta chợt thấy ánh mắt của cô đang nhìn mình. - Cô không trượt tuyết sao, thưa cô? Cô lắc đầu cảm thấy không còn tin vào giọng nói của mình nữa và anh ta mỉm cười. - Vậy cho phép tôi mời cô dùng bữa trưa. Anna chạy vụt đi trong sự sợ hãi, như một nữ học sinh vậy. Kể từ đó, Walther Gassner ra sức theo đuổi cô Anna Roffe đâu phải khờ dại gì. Cô thừa biết mình không đẹp mà cũng chẳng tài giỏi, cô chỉ là một phụ nữ bình thường, ngoài sự nổi tiếng của dòng họ ra thì chẳng còn gì để dâng hiến cho một người đàn ông. Nhưng Anna cũng biết rằng bên trong vẻ ngoài tầm thường đó cô vẫn là một cô gái nhạy cảm, tràn ngập tình yêu, thơ và nhạc. Có lẽ vì Anna không đẹp nên cô luôn tỏ ra sùng kính cái đẹp. Cô thường đến các viện bảo tàng lớn và bỏ ra hàng giờ để chiêm ngưỡng các bức tranh và các pho tượng. Khi cô trông thấy Walther Gassner, cô có cảm giác như tất cả các vị thần đã bừng tỉnh vì cô. Walther Gassner đến gặp Anna ngay ngày hôm sau khi cô đang ngồi ăn sáng trên sân thượng của khách sạn Tenerhof. Trông anh ta đúng là giống một thiên thần trẻ tuổi. Anh ta nhìn nghiêng trông rất cân đối, nét mặt thanh nhã, nhạy cảm, sinh động. Khuôn mặt anh ta rám nắng và hàm răng trắng tinh đều đặn. Anh ta có mái tóc vàng hoe và cặp mắt xám đen. Anna có thể cảm nhận được cử động của các bắp thịt trên cánh tay và đùi anh ta đằng sau bộ quần áo trượt tuyết và cô cảm thấy bị kích thích dữ dội. Cô giấu đôi bàn tay vào vạt áo để anh ta không trông thấy sự rung động của cô. - Tôi đã đi tìm cô trên các đường trượt suốt buổi chiều hôm qua, - Walther lên tiếng. Còn Anna không thể nói được gì. - Nếu cô chưa biết trượt tuyết, tôi sẽ chỉ bảo cho cô. - Anh ta mỉm cười và nói thêm, - Không cần thù lao. Anh ta đưa cô đến Hausberg, dốc trượt dễ nhất để học bài học đầu tiên. Cả hai đều lập tức nhận ra rằng Anna không hề có khiếu trượt tuyết. Cô liên tục mất thăng bằng và bị ngã, nhưng cô vẫn cố gắng tập tiếp vì cô sợ Walther sẽ tỏ ra coi thường nếu cô bỏ cuộc. Rốt cuộc, sau khi đỡ cô dậy lần thứ mười, anh ta dịu dàng nói: - Có lẽ cô thích hợp với những việc khác hơn là việc nầy. - Việc gì? - Anna khổ sở hỏi. - Tôi sẽ cho cô biết vào bữa ăn tối nay. Họ đã cùng nhau ăn bữa tối hôm đó và bữa sáng hôm sau, rồi lại bữa trưa và bữa tối. Walther đã bỏ rơi các khách hàng khác. Anh ta đưa Anna vào làng thay vì dạy cô trượt tuyết, dẫn cô đến sòng bạc ở Der Goldene Greif, đi mua sắm, đi xe trượt, đi tản bộ hoặc ngồi nói chuyện hàng giờ trên sân thượng của khách sạn. Đối với Anna, đây quả thực là quãng thời gian tuyệt diệu. Năm ngày sau khi họ gặp nhau, Walther cầm lấy bàn tay cô và nói: - Anna, em yêu, anh muốn kết hôn cùng em. Anh ta đã làm hỏng mọi chuyện. Anh ta lôi cô ra khỏi thế giới thần tiên tuyệt diệu và đưa cô trở về với hiện thực phũ phàng về con người cô. Một chiến lợi phẩm chẳng có gì hấp dẫn và đã ba mươi lăm tuổi tuy vẫn còn trinh trắng dành cho kẻ đào mỏ. Cô cố bỏ đi nhưng Walther đã ngăn lại. - Chúng ta yêu nhau, Anna. Em không thể tránh né điều đó. Cô lắng nghe anh ta nói dối, nghe những gì anh ta nói "Từ trước đến giờ anh chưa hề yêu bất cứ một ai", và cô cố làm cho anh ta cảm thấy thoải mái vì thực ra cô cũng rất muốn tin anh ta. Cô đưa anh ta về phòng mình, họ ngồi xuống nói chuyện và khi Walther kể cho Anna nghe câu chuyện của anh ta, bỗng nhiên cô bắt đầu tin tưởng với một niềm tin kỳ lạ rằng đó cũng là câu chuyện đời mình. Cũng như cô, Walther chưa hề biết yêu ai. Anh ta bị mọi người xa lánh vì đã có mặt trên đời với tư cách là một đứa con hoang, giống như Anna bị xa lánh bởi bệnh tật của mình. Cũng như cô, Walther tha thiết được dâng hiến tình yêu của mình. Anh ta sống trong cô nhi viện và đến năm mười ba tuổi, khi vẻ đẹp khác thường xuất hiện, đám đàn bà trong đó bắt đầu lợi dụng anh, đưa anh về phòng họ hàng đêm, lên giường cùng anh và chỉ bảo cho anh cách đem lại cho họ nhiều lạc thú. Và bù lại, họ thưởng cho anh đồ ăn, những miếng thịt ngon, những món tráng miệng. Anh ta nhận được mọi thứ, ngoại trừ tình yêu. Khi Walther đủ tuổi rời khỏi cô nhi viện, anh nhận thấy cuộc đời bên ngoài cũng không có gì khác. Đàn bà muốn lợi dụng vẻ đẹp của anh ta, coi anh ta như món đồ trang sức, nhưng sự việc chỉ dừng lại đến thế. Họ tặng anh ta tiền bạc, quần áo, vàng bạc đủ loại nhưng chưa bao giờ là chính bản thân họ. Anna nhận ra Walther chính là người bạn đời của mình, một người giống hệt với mình. Họ kín đáo tổ chức lễ thành hôn ở toà thị chính thành phố. Anna cứ tưởng rằng bố cô sẽ vui mừng khôn xiết. Nhưng không, ông đã nổi cơn điên khi biết chuyện nầy. - Sao mày ngốc thế hả con, - Anton Roffe quát vào mặt cô. Mày muốn lấy một thằng đào mỏ chẳng ra gì. Bố đã kiểm tra nó kỹ lưỡng rồi. Cả đời nó chỉ bám váy đàn bà, nhưng cũng chưa kiếm được con nào ngu đến mức chịu lấy nó cả. - Thôi đi, - Anna thổn thức, - Bố chẳng hiểu gì về anh ấy cả. Nhưng Anton Roffe biết chắc rằng mình hiểu rất r về Walther Gassner. Ông cho mời chàng rể đến văn phòng của mình. Anh ta nhìn quanh căn phòng có lớp ván lót tường mầu sẫm và treo đầy tranh cổ với vẻ hài lòng rồi nói: - Con thích chỗ nầy. - Đúng. Tôi chắc rằng nó đẹp hơn hẳn cô nhi viện. Walther ranh mãnh nhìn ông, ánh mắt đột nhiên trở nên đề phòng. - Bố nói gì cơ ạ? Anton trả lời: - Bỏ cái giọng ỡm ờ đó đi. Anh đã phạm phải một sai lầm. Con gái tôi không có tiền đâu. Cặp mắt xám của Walther dường như hoá đá. - Bố định nói gì đấy ạ? - Tôi chẳng định nói gì với anh cả. Tôi đang nói thẳng ra đây. Anh sẽ chẳng lấy được gì của Anna đâu, vì nó vốn cũng chẳng có gì cả. Nếu anh tìm hiểu tường tận hơn thì nhất định anh sẽ biết rằng Roffe và các con có tổ chức rất chặt chẽ. Điều đó có nghĩa là không có cổ phần bán ra ngoài. Chúng tôi sống rất thoải mái nhưng chỉ đến thế thôi. Không có tài sản nào được phép bị thất thoát cả. Ông lục túi, lôi ra một phong bì và ném nó lên bàn, trước mặt Walther. - Đây là phần đền bù cho những khó nhọc của anh. Tôi cũng hy vọng rằng anh sẽ rời khỏi Berlin lúc sáu giờ. Tôi không muốn Anna nghe thấy tin tức gì của anh nữa. Walther điềm tĩnh trả lời. - Chẳng lẽ bố không nghĩ rằng con lấy Anna đơn giản là vì con yêu cô ấy? - Không. - Anton chua chát trả lời. - Thế anh đã từng nghĩ thế sao? Walther nhìn ông một lát. - Để xem con đáng giá bao nhiêu. Anh ta xé phong bì và đếm tiền. Ngước mắt nhìn lên Anton Roffe, anh ta nói: - Thế mà con cứ tự cho là mình đáng giá hơn hai mươi nghìn mác nhiều. - Đó là tất cả những gì anh có. Như thế là đã may mắn lắm rồi đấy. - Vâng. - Walther nói. - Nếu bố muốn biết sự thật, con nghĩ là con đã rất may mắn. Cám ơn bố. Anh ta lãnh đạm bỏ phong bì vào túi và bước ra cửa. Anton Roffe thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Ông vừa trải qua cảm giác tội lỗi và ghê tởm về việc mình đã làm nhưng ông biết rằng đây là giải pháp duy nhất. Anna sẽ đau khổ khi bị chú rể bỏ rơi, nhưng như thế còn tốt hơn là để chuyện đó xảy ra sau nầy. Ông sẽ cố tạo cơ hội cho cô gặp gỡ những người đàn ông đầy đủ tư cách và phù hợp với lứa tuổi của cô, ít nhất cũng là những người biết tôn trọng cô nếu như không yêu cô. Một người quan tâm đến bản thân cô chứ không phải là danh tiếng hay tiền bạc của gia đình cô. Người mà không bị mua chuộc bằng hai mươi nghìn mác. * * * * * Khi Anton Roffe về đến nhà, Anna chạy ra chào đón ông, mắt vẫn còn ngấn lệ. Ông ôm chặt cô và nói: - Anna, con yêu, mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Rồi con sẽ quên anh ta… Và qua vai cô, Anton nhìn thấy Walther Gassner đứng trên ngưỡng cửa. Anna giơ cao ngón tay, nói: - Bố hãy xem món quà của Walther cho con. Chắc đây là chiếc nhẫn đẹp nhất mà bố từng thấy phải không? Nó trị giá đến hai mươi nghìn mác. Cuối cùng thì bố mẹ Anna cũng phải chấp nhận Walther Gassner. Để làm quà cưới, họ đã mua tặng đôi vợ chồng một toà nhà có vườn xinh đẹp ở Wannsee với đồ đạc kiểu Pháp, trang trí bằng nhiều tác phẩm mỹ thuật cổ, đi văng và những chiếc ghế êm ái, bàn làm việc kiểu Roentgen đặt trong thư viện và nhiều tủ sách dựng dọc theo tường. Tầng hầm được trang bị nhiều đồ đạc thuộc thế kỷ mười tám mua từ Đan Mạ và Thuy Điển. - Như thế là quá nhiều rồi, - Walther nói với Anna. - Anh không muốn lấy thêm bất cứ thứ gì từ bố mẹ em hoặc từ em nữa. Anh muốn tự mình mua cho em những thứ tuyệt đẹp khác, em yêu. - Anh ta cười to và nói, - nhưng anh lại không có tiền. - Dĩ nhiên là anh có. - Anna trả lời. - Cái gì của em cũng là của anh. Walther mỉm cười với cô và nói: - Thế à? Với sự khẩn khoản của Anna, vì Walther có vẻ miễn cưỡng khi nói chuyện tiền bạc, cô giải thích cho anh ta nghe về tình trạng tài chính của mình. Cô có một khoản tiền uỷ thác đủ giúp cô sống thoải mái trọn đời, còn phần lớn tài sản của cô là những cổ phần trong tập đoàn Roffe và các con. Các cổ phần nầy sẽ không được bán ra ngoài nếu không có sự đồng ý của hội đồng quản trị. - Số cổ phần của em trị giá bao nhiêu? - Walther hỏi. Anna nói với anh ta, Walther hầu như không tin nổi vào tai mình. Anh ta bảo cô nhắc lại tổng số. - Vâng. Anh họ Sam của em sẽ không cho ai bán ra cả. Anh ấy nắm giữ những cổ phần có tính quyết định. Một ngày… Walther bày tỏ sự quan tâm của mình với công việc kinh doanh của gia đình vợ. Nhưng Anton Roffe phản đối quyết liệt. - Một tay trượt tuyết vô công rỗi nghề có thể làm gì cho Roffe và các con? - ông hỏi. Nhưng cuối cùng thì ông cũng phải nhượng bộ con gái và Walther được vào làm ở bộ phận hành chính của tập đoàn. Anh ta càng ngày càng tỏ ra xuất sắc trong công việc và thăng tiến nhanh chóng. Hai năm sau đó, khi bố của Anna qua đời, Walther Gassner đã trở thành thành viên của hội đồng quản trị. Anna rất tự hào về chồng mình. Anh ta quả là người chồng và người tình tuyệt vời. Anh ta thường tặng cô hoa và những món quà nhỏ, anh ta luôn tỏ ra thích thú khi được ở nhà cùng cô vào những buổi tối, khi chỉ có hai người bên nhau. Hạnh phúc của Anna dường như quá lớn so với sự tưởng tượng của cô. "Tạ ơn Chúa kính yêu", cô thường tự nhủ như vậy. Anna học nấu ăn để cô có thể làm cho Walther những món ăn mà anh ta ưa thích. Cô biết làm món Choucroute, một lớp dưa bắp cải giòn và khoai tây nghiền nát như kem phủ lên trên với một miếng sườn hun khói, thêm một khúc xúc xích Frankfork và một khúc xúc xích Nuremberg. Cô nấu món thịt bê bằng bia và gia giảm bằng thìa là Ai Cập, rồi dọn ra với một quả táo nướng đã được bỏ vỏ và hột, bên trong nhồi đầy quả airelle màu đỏ. "Em là đầu bếp cừ nhất thế giới, em yêu" Walther sẽ nói vậy và mặt Anna sẽ đỏ bừng vì kiêu hãnh. Ba năm sau ngày cưới, Anna có mang. Cơn đau kéo dài trong tám tháng đầu tiên, nhưng Anna vẫn sung sướng chịu đựng. Chỉ có một việc khiến cô phải bận tâm. Nó bắt đầu vào một ngày, sau bữa ăn trưa. Cô vừa ngồi mơ màng vừa đan cho Walther một chiếc áo len thì nghe thấy giọng nói của anh ta: - Lạy Chúa, Anna, em làm gì mà ngồi trong bóng tối vậy? Hoàng hôn đã buông xuống và cô nhìn chiếc áo len chưa hề đụng tới trên lòng. Ngày đã trôi qua từ lúc nào? Tâm trí của cô đang trôi về đâu? Sau đó, Anna đã nhiều lần trải qua tình trạng tương tự như vậy và cô bắt đầu tự hỏi liệu có phải việc rơi vào cõi hư vô nầy một điềm báo hiệu cô sắp chết. Cô không nghĩ rằng mình sợ chết, nhưng cô không thể chịu được ý nghĩ phải xa Walther. Bốn tuần em bé ra đời, Anna lại sa vào chốn hư vô và bị trượt trên bậc thang rồi ngã xuống. Cô tỉnh dậy trong bệnh viện. Walther đang ngồi bên giường, nắm chặt lấy tay cô. - Em làm anh lo sợ quá. Trong cơn hoảng hốt bất ngờ, cô chợt nghĩ "Con mình! Mình không hề cảm thấy nó". Ruột gan cô thắt lại. - Con em đâu? - Cô hỏi. Walther ôm chặt lấy cô. Ông bác sĩ nói: - Bà đã sinh đôi, bà Gassner. Anna quay sang Walther, cặp mắt anh ta đẫm lệ. - Một trai một gái, em yêu. Cô thấy mình chết ngất vì sung sướng. Cô bỗng khát khao được ôm các con vào lòng. Cô phải nhìn thấy chúng, sờ chúng, ôm ấp chúng. - Chúng ta sẽ nói về chuyện đó khi nào bà thấy khoẻ hơn, - Ông bác sĩ nói. - Cho đến khi bà khoẻ hơn. Mọi người tin rằng Anna sẽ bình phục nhanh chóng, nhưng cô lại trở nên sợ hãi. Có cái gì đó đang xảy ra với cô mà cô không thể hiểu nổi. Walther đến, cầm tay cô và chào tạm biệt, còn cô thì ngạc nhiên nhìn anh ta và nói, "Nhưng anh mới ở đây…". Sau đó cô nhìn đồng hồ và thấy rằng đã ba, bốn tiếng đồng hồ trôi qua. Cô không biết thời gian đã trôi đi đâu. Cô cũng lờ mờ nhận ra rằng họ cỏ mang hai đứa con đến cho cô vào ban đêm và cô đã nhanh chóng thấy buồn ngủ. Cô không thể nhớ rõ ràng, và cô đâm ra ngại hỏi han. Cũng không làm sao cả. Cô sẽ có chúng khi Walther đưa cô về nhà. Rồi cái ngày tuyệt vời đó cũng đến. Anna xuất viện trên một chiếc xe đẩy, dù cô nhất định bảo rằng mình đã đủ sức để tự bước đi. Quả thật là cô cảm thấy mình còn rất yếu, nhưng cô đã quá hồi hộp được trông thấy các con nên không còn việc gì là quan trọng với cô nữa. Walther đẩy cô vào nhà rồi đưa thẳng cô lên buồng ngủ của họ. - Không, không! - Cô nói. - Cho em đến phòng các con. - Đây là lúc em cần nghỉ ngơi, em yêu. Em vẫn còn yếu… Cô không nghe anh ta nói gì nữa. Cô vùng khỏi tay anh ta và chạy sang phòng bọn trẻ. Anna phải mất một lúc mới điều chỉnh được mắt do căn phòng chìm trong bóng tối vì các rèm cửa đều đã buông xuống. Lòng cô tràn ngập hồi hộp nên cô càng cảm thấy choáng váng. Cô chỉ lo mình sẽ ngất xỉu. Walther đi vào sau cô, anh ta đang nói, đang cố giải thích điều gì đó nhưng chẳng còn gì quan trọng nữa. Vì các con cô ở đó. Chúng đang ngủ trong nôi và Anna nhẹ nhàng bước tới, cố gắng không quấy rầy chúng. Cô đứng đó, chăm chú ngắm nhìn các con. Chúng là những đứa trẻ đẹp nhất mà cô từng thấy. Ngay lúc nầy đây, cô đã thấy đứa con trai có gương mặt đẹp trai và mái tóc hoe của bố. Còn con gái giống hệt một con búp bê với mái tóc vàng mượt như nhung và khuôn mặt nhỏ xinh hình tam giác. Anna quay sang Walther, giọng nghẹn ngào: - Chúng đẹp quá! Em… thật hạnh phúc quá. - Nào, Anna - Walther thì thầm. Anh ta choàng tay qua người Anna và ghì chặt lấy cô, một sự ham muốn mãnh liệt dâng lên trong người. Anna bắt đầu cảm thấy khao khát. Đã lâu rồi họ không làm tình với nhau. Walther nói đúng. Cô còn nhiều thời gian để lo cho bọn trẻ. Cô đặt tên cho con trai là Peter còn con gái là Brigitta. Chúng là hai điều kỳ diệu tuyệt vời mà cô và Walther đã tạo nên, và Anna thường ở lỳ hàng giờ trong phòng hai con để nô đùa với chúng, chuyện trò với chúng. Mặc dù chúng còn chưa hiểu được cô, nhưng cô cũng biết rằng cảm nhận được tình yêu của cô. Đôi khi, trong lúc nô đùa, cô quay lại và thấy Walther đứng ở ngưỡng cửa, vừa từ nhiệm sở về nhà và Anna nhận ra một ngày đã qua. - Đến đây với mẹ con em đi, - Cô thường nói. - Chúng em đang nô đùa vui lắm. - Em chưa chuẩn bị bữa tối phải không? - Walther hỏi, và cô chợt cảm thấy có lỗi. Cô định bụng sẽ để ý đến chồng nhiều hơn, bớt chăm lo các con, nhưng rồi sự việc đó lại tái hiện vào ngày hôm sau. Hai đứa bé cứ như những cục nam châm hút chặt lấy cô. Anna vẫn còn yêu Walther rất nhiều và cô cố che giấu mặc cảm tội lỗi bằng cách tự nhủ rằng các con cũng là một phần của anh ta. Đêm nào cũng vậy, khi Walther vừa ngủ say là cô rời khỏi giường và chạy sang phòng bọn trẻ, mải mê ngắm nghía chúng cho đến khi ánh sáng ban ngày lọt vào phòng. Rồi cô lại vội vã quay trở lại giường trước khi Walther kịp thức giấc. Một lần, giữa đêm khuya, Walther bước vào phòng nuôi trẻ và bắt gặp cô. - Em đang làm gì ở đây vậy? - Anh ta hỏi. - Không, anh yêu. Em chỉ… - Về giường ngủ đi! Đó là lần đầu tiên anh ta nói với cô như vậy. Vào bữa điểm tâm, Walther nói: - Anh nghĩ chúng ta nên đi nghỉ mát một chuyến. Đi xa sẽ tốt cho chúng ta. - Nhưng, Walther, các con còn quá bé, làm sao đi được? - Anh chỉ nói là hai chúng ta thôi. - Em không thể rời chúng được. - Cô lắc đầu Anh ta cầm tay cô và nói: - Anh muốn em tạm quên các con đi. - Quên các con ư? - Giọng nàng sửng sốt. Anh ta nhìn vào cặp mắt cô và nói: - Anna, hãy nhớ xem chúng ta đã vui vẻ bao nhiêu trước khi em có mang? Lúc đó hạnh phúc biết bao? Thật tuyệt diệu khi chúng ta được ở bên nhau, chỉ có hai chúng ta, không có ai khác xen vào. Bấy giờ thì cô đã hiểu. Walther ghen ngay với cả các con của mình. Thời gian cứ vùn vụt trôi qua. Giờ đây thì Walther không bao giờ chịu đến gần bọn trẻ. Anna đã mua rất nhiều món quà tuyệt vời mừng sinh nhật chúng. Walther thì luôn cố gắng thu xếp để vắng nhà vì lý do công việc. Anna không thể cứ tiếp tục lừa dối bản thân mãi. Sự thật là Walther không hề thích bọn trẻ chút nào. Anna cảm thấy đây có thể là lỗi của cô, bởi vì cô quá quan tâm đến chúng. Bị ám ảnh là cụm từ mà Walther hay dùng. Anh ta đã đề nghị cô đi khám bác sĩ, và cô đã đi để làm vui lòng anh ta. Những bác sĩ là một gã khờ. Nhưng Anna để mặc cho tâm trí buông trôi, chẳng thèm nghe từ khi ông ta bắt đầu nói chuyện cho đến khi cô nghe thấy. - Hết giờ rồi, bà Gassner. Chúng ta sẽ gặp lại vào tuần tới chứ? - Dĩ nhiên. Nhưng cô chẳng bao giờ quay lại cả. Anna cảm thấy vấn đề chính vẫn là cả Walther và cô. Nếu lỗi của cô là quá yêu thương các con thì lỗi của Walther lại là không hết lòng yêu thương chúng. Anna cố tìm cách không đề cập đến các con trước mặt Walther, nhưng cô gần như không thể chờ cho tới lúc anh ta đi làm mới có thể vội vàng chạy vào phòng nuôi trẻ để gần gũi chúng. Hai đứa đã qua sinh nhật thứ ba và Anna có thể thấy chúng thật giống người lớn. Peter trông cao hơn so với tuổi, thân hình rắn chắc khoẻ mạnh như bố nó vậy. Anna thường ôm nó vào lòng và lẩm bẩm: - Nầy Peter, con sẽ đối xử với các cô gái đáng thương ra sao đây? Hãy dịu dàng với họ, con yêu của mẹ. Họ sẽ không có Peter mỉm cười bẽn lẽn và ôm chặt lấy mẹ. Rồi Anna quay sang Brigitta. Cô bé ngày càng xinh đẹp hơn. Nó không giống cả Anna và Peter. Brigitta có mái tóc vàng óng ả và làn da mịn màng như làm bằng sứ vậy. Tính khí Peter nóng nảy như bố và điều đó làm Anna đôi khi phải đánh nhẹ vào mông nó, còn Brigitta thì trái lại, có tính khí như của một thiên thần. Những khi Walther vắng nhà, Anna thường nghe nhạc hoặc đọc truyện cho các con nghe. Cuốn sách mà chúng thích nhất là 10 truyện cổ tích. Chúng thường năn nỉ Anna đọc đi đọc lại cho chúng nghe những câu chuyện ma quái, yêu tinh, phù thuỷ và mỗi đêm, Anna thường đặt chúng vào giường, hát bài hát ru: Ngủ đi con, ngủ đi Bố đang chăn cừu… Anna đã cầu nguyện, mong rằng thời gian sẽ làm dịu bớt đi thái độ của Walther, rằng anh ta sẽ thay đổi. Nhưng không, anh ta đã thay đổi theo chiều hướng còn tồi tệ hơn. Anh ta căm ghét các con. Lúc đầu Anna tự bảo rằng như thế là Walther muốn cô dành tất cả tình yêu cho anh ta, rằng anh ta không muốn chia sẻ tình yêu đó cho ai. Nhưng rồi cô dần nhận ra chuyện đó chẳng liên quan gì đến tình yêu của mình. Anh ta ghét cả cô nữa. Bố cô đã nói đúng. Walther cưới cô chỉ vì tiền. Hai đứa con là nỗi lo ngại của anh ta. Anh ta muốn tống khứ chúng đi. Càng ngày anh ta càng nói nhiều đến chuyện bán cổ phần. - Sam không có quyền ngăn chặn chúng ta! Chúng ta có thể lấy tất cả tiền và đi thật xa. Chỉ hai chúng ta thôi. Cô nhìn anh ta: - Thế còn các con? Cặp mắt anh ta trở nên háo hức. - Không. Hãy nghe anh nói đây. Vì lợi ích của đôi ta, phải tống khứ chúng đi. Vậy thôi. Đến lúc đó thì Anna đã nhận ra rằng anh ta bị điên. Và cô vô cùng hoảng sợ. Walther đã đuổi hết tất cả gia nhân trong nhà, ngoại trừ một người đàn bà đến quét dọn mỗi tuần một lần. Anna và bọn trẻ ở nhà một mình với anh ta, nằm đưới sự khống chế của anh ta. Anh ta cần được giúp đỡ. Có lẽ cũng còn chưa quá muộn để cứu anh ta. Vào thế kỷ mười lăm, những người điên bị bắt và nhốt trọn đời trên những nhà thuyền Narrenschiffe, tàu giam người điên, nhưng ngày nay, với nền y học tiến bộ, cô cảm thấy người ta có thể làm được điều gì đó để giúp Walther. * * * * * Giờ đây, vào ngày nầy của tháng chín, Anna ngồi co ro trên sàn phòng ngủ mà Walther đã khoá ngoài đợi ông ta trở về. Bà biết bà phải làm gì. Vì lợi ích của ông ta, cũng như của bà và các con. Anna loạng choạng đứng lên và đi về phía điện thoại. Bà lưỡng lự một lát rồi cầm máy lên và quay số 110, số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát. Một giọng nói xa lạ vang lên trong tai bà: - A lô, đây là phòng cấp cứu sở cảnh sát. Tôi có thể giúp gì cho bà? - Xin ông làm ơn! - Giọng bà nghẹn ngào. - Tôi… Một bàn tay chợt từ đâu thò ra giật lấy ống nghe của bà và quật mạnh lên giá. Anna lùi lại. - Ôi, em van anh, - Bà thổn thức, - đừng đánh em. Walther tiến lại phía bà, cặp mắt sáng rực, giọng nói dịu dàng đến mức không thể tin nổi. - Em yêu, anh sẽ không làm em đau đâu. Anh yêu em mà, bộ em không biết thế sao? - ông ta chạm vào người bà và bà cảm thấy sởn cả gai ốc. - Và chúng ta cũng không muốn cảnh sát tới đây, phải không nào? - Bà lắc đầu lia lịa, không cất nên lời vì quá sợ hãi. - Chính chuyện nầy, Anna. Chúng ta sẽ tống khứ chúng đi. Anh… Chuông cửa bỗng reo vang dưới lầu. Walther lưỡng lự đứng yên tại chỗ. Tiếng chuông lại vang lên. - Ở lại đây - ông ta ra lệnh. - Anh sẽ quay lên ngay. Anna đờ người ra nhìn ông ta bước ra ngoài phòng ngủ. Walther dập cửa đánh sầm và bà nghe rõ tiếng khoá lách cách bên ngoài. - Anh sẽ quay lên ngay. Walther Gassner vội vã chạy xuống nhà, đi ra mở cửa. Một người đàn ông trong bộ đồng phục bưu điện màu xám đứng đó, trong tay cầm một phong bì dán kín. - Tôi có bức điện tối khẩn gửi cho ông bà Walther Gassner. - Vâng. - Walther trả lời. - Anh cứ đưa cho tôi. - Ông ta đóng cửa lại, nhìn chiếc phong bì trong tay và mở nó ra xem. Rất từ từ, ông ta đọc từng chữ trong bức điện. VÔ CÙNG ĐAU ĐỚN BÁO TIN CHO ÔNG BIẾT, SAM ROFFE ĐÃ CHẾT TRONG VỤ TAI NẠN LEO NÚI. YÊU CẦU ÔNG CÓ MẶT Ở ZURICH VÀO CHIỀU THỨ SÁU ĐỂ THAM DỰ PHIÊN HỌP KHẨN CẤP CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ. Bức điện được ký tên "Rhys Williams!" Chương 03 ROMA Thứ hai, mồng 7 tháng Chín, 6 giờ chiều Ivo Palazzi đứng giữa phòng ngủ, máu cháy đầm đìa trên mặt. - Cha mẹ ơi. Chết con rồi? - Tôi vẫn chưa bắt đầu tiêu diệt anh đâu, đồ con hoang khốn nạn! - Donatella quát lên với ông ta. Cả hai đều trần truồng trong căn phòng ngủ rộng lớn thuộc căn hộ của họ ở đường Montemignaio. Donatella có thân hình hấp dẫn, quyến rũ nhất mà Ivo Palazzi từng thấy, và ngay cả lúc nầy, khi máu me đang ròng ròng trên mặt vì những vết cào cấu của cô ta thì ông vẫn cứ cảm thấy bị kích thích đến tột độ Chúa ơi, cô ta đẹp thật. Vẻ đẹp vừa ngây thơ vừa dung tục luôn khiến ông phát điên lên được. Cô ta có khuôn mặt của một con báo, đôi gò má cao, cặp gặm, mút ông và… - nhưng đây không phải là lúc ông nghĩ đến chuyện đó. Ông nhặt một mảnh vải trắng trên ghế để cầm máu và khi nhận ra đó là chiếc sơ mi của mình thì đã quá muộn. Donatella đứng giữa chiếc giường đôi vĩ đại của họ, gào lên: - Ước gì anh chảy máu đến chết luôn. Khi tôi giải quyết anh xong, đồ háu gái bẩn thỉu, thì anh cũng đáng để cho bọn gái điếm la vào người! Ivo Palazzi đã tự hỏi mình cả trăm lần rằng làm sao mà ông lại cứ bị rơi vào tình trạng khổ sở thế nầy. Ông vẫn luôn tự hào rằng mình là người đàn ông hạnh phúc nhất và tất cả bạn bè đã đồng ý điều đó. Bạn bè của ông? Tất cả mọi người thì đúng hơn. Bởi vì Ivo không có kẻ thù. Hồi còn độc thân, ông là một anh chàng La Mã vô tư lự, bất cần đời, một Don Giovani làm cho một nửa đàn ông Italia ghen tị. Triết lý của ông được tóm gọn trong câu ngạn ngữ "Tự lấy làm vinh dự với một người đàn bà". Chuyện đó làm Ivo luôn bận rộn. Ông là người thật sự lãng mạn. Ông yêu liên tục, và mỗi lần yêu ông lại dùng mối tình mới để giúp mình quên đi mối tình cũ. Ivo sùng bái đàn bà và với ông, tất cả bọn họ đều đẹp, từ những cô gái điếm miệt mài kiếm ăn dọc đường Alpha đến những siêu người mẫu bước đi khệnh khạng trên đường Condotti. Ivo chỉ không ưa gái Mỹ. Họ quá khác với sở thích của ông. Vả lại, cũng chả hy vọng gì ở một đất nước với ngôn ngữ tầm thường đến mức đi dịtên Giuseppe Verdi (1) vĩ đại thành Joe Gren. Ivo luôn thu xếp để có trong tay khoảng một tá gái với nhiều cấp khác nhau. Cấp một là các cô mà ông mới quen. Hàng ngày họ sẽ nhận được điện thoại, hoa và một tập thơ tình mỏng. Cấp hai là những người mà ông sẽ tặng một vài món đồ hiệu Gucci và sôcôla Perugina đựng trong các hộp sứ. Những người ở cấp ba sẽ được nhận kim cương, quần áo đắt tiền và lời mời đi ăn tối ở El Toula hoặc Taverna Flavia. Ngủ chung giường với Ivo là những người cấp bốn và họ sẽ được thưởng thức những tuyệt kỹ chăn gối của ông như một người tình. Mỗi cuộc hẹn hò của Ivo là cả một tác phẩm hoàn hảo. Căn hộ nhỏ của ông trên đường Margutta sẽ có đầy hoa, thường là cẩm chướng hoặc anh túc, nhạc thì là opera, cổ điển hoặc rock tuỳ theo sở thích của cô gái. Ivo là một đầu bếp tuyệt vời và một trong những món "độc chiêu" của ông là pollo alla cacciatora, gà của thợ săn. Sau bữa tối sẽ là một chai sâm banh ngâm đá để uống trên giường. Vâng, Ivo rất khoái cấp bốn. Nhưng cấp năm có lẽ mới là cấp tinh tế hơn tất cả. Đó là một lời từ giã não nuột, một món quà chia tay đáng giá và một cuộc chia ly đầy nước mắt. Nhưng tất cả đã lùi về quá khứ. Giờ đây Ivo Palazzi liếc nhanh gương mặt máu me sướt sát của mình qua tấm gương. Phía bên kia giường ngủ và cảm thấy kinh bãi. Trông ông cứ như là đang vừa bị một cái máy gặt đập tấn công vậy. - Hãy xem em đã làm gì anh đây nầy! - ông kêu lên, - Cara, anh biết là em không định làm như thế mà. Ông đi sang phía bên kia giường để ôm Donatella vào lòng. Cánh tay mềm mại của cô ta vòng qua người ông và khi ông vừa mới ghì chặt cô ta thì cô ta chợt cắm những móng tay đài nhọn vào lưng ông và cào mạnh như một con thú hoang. Ivo đau đớn rú lên. - Cứ kêu đi? - Donatella quát. - Nếu có dao ở đây tôi sẽ cắt phăng cái của quý của anh đi rồi chọc vào cái cổ họng khốn nạn kia! - Thôi mà! - Ivo van vỉ. - Các con nghe thấy hết bây giờ. - Kệ chúng! - Cô ta rít lên. - Đã đến lúc phải cho chúng biết bố chúng là loại quái vật gì. Ông bước một bước về phía cô ta. - Đừng đụng vào tôi! Tôi sẽ hiến thân cho tên thuỷ thủ say rượu giang mai đầu tiên mà tôi gặp ngoài đường trước khi để cho anh đến gần lại. Ivo đứng sững, cảm thấy niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Anh không hy vọng đây là cách mà mẹ của các con anh nói chuyện với anh. - Anh muốn tôi dịu dàng với anh à? Anh muốn tôi thôi không đối xử với anh như với một tên vô lại à?, - Giọng của Donatella cao dần lên thành một tiếng gào. - Thế thì hãy đưa ra đây những gì tôi muốn đi. Ivo bồn chồn nhìn ra cửa. - Carissima… anh không thể. Anh không có cái đó. - Thế thì cố lấy cho tôi đi. - Cô ta hét lên. - Anh đã hứa rồi mà. - Cô ta bắt đầu lên cơn kích động, và Ivo quyết định tốt nhất là nên nhanh chóng rời khỏi trước khi đám hàng xóm kịp gọi cảnh sát. - Muốn lấy được một triệu đô la cần có nhiều thời gian. - ông nói bằng giọng dỗ dành. - Nhưng anh… anh sẽ có cách. Ông vội vã mặc quần lót rồi quần dài, đi tất rồi xỏ giầy trong lúc Donatella lăn lộn trong phòng, bộ ngực rắn chắc, đầy đặn nhấp nhô trong không khí. Ivo tự nhủ, Chúa ơi, đàn bà! Thế mà mình vẫn cứ mê mệ mới lạ chứ? Ông với lấy cái áo sơ mi dính đầy máu. Thật là hết cách. Ông mặc nó vào người, cảm thấy lành lạnh ở phía lưng và ngực. Ivo nhìn lại mình lần cuối trong gương. Máu vẫn còn rỉ ra từ những vết cào dài mà móng tay của Donatella để lại trên mặt. - Carissima, - Ivo rên rỉ, - Mình phải giải thích sao với vợ đây? Vợ của Ivo Palazzi là Simonetta Roffe, người thừa kế chi nhánh Italia của dòng họ Roffe. Lúc gặp Simonetta, Ivo còn đang là một kiến trúc sư trẻ. Hãng của ông đã phái ông đi giám sát một số việc sửa chữa trong căn biệt thự Roffe ở Porto Ercole. Ngay từ cái nhìn đầu tiên của Simonetta vào Ivo, quãng thời gian độc thân của ông chỉ còn đếm được từng ngày. Ngay trong đêm đầu tiên Ivo đã cùng cô lên tầng bốn và sa vào vòng hôn nhân với cô chỉ sau đó một thời gian ngắn. Simonetta là người xinh đẹp và có đầu óc quyết đoán, vì vậy cô biết mình muốn gì: đó là Ivo Palazzi. Vì thế Ivo đã biến mình từ một chàng độc thân bất cần đời thành người chồng của một nữ thừa kế trẻ đẹp. Ông từ bỏ không một chút hối tiếc các ao ước về nghề kiến trúc và gia nhập tập đoàn Roffe và các con, với một văn phòng nguy nga tráng lệ ở châu u, khu vực Italia, được người tiền nhiệm bất hạnh Duce mở ra với rất nhiều hy vọng. Ngay từ lúc mới gia nhập, Ivo đã mang lại cho tập đoàn nhiều thành công đánh kể. Ông thông minh, học hỏi nhanh và được tất cả mọi người quý mến. Thật khó có thể không quý mến Ivo. Ông luôn luôn tươi cười luôn luôn quyến rũ. Bạn bè ông thường ghen tức với địa vị tuyệt diệu của ông và tự hỏi ông đã làm thế nào để đạt được nó. Câu trả lời rất đơn giản. Ivo biết cách che giấu mặt trái con người mình. Thực ra ông là một con người đầy cảm xúc, có khả năng căm thù sâu sắc, có khả năng giết người. Cuộc hôn nhân của Ivo và Simonetta khá thành công. Đầu tiên ông lo ngại rằng hôn nhân sẽ bó buộc dũng khí của ông cho đến chết, nhưng rồi ông nhận ra rằng mình đã lầm. Ông chỉ cần đặt lại cho mình một chương trình chặt chẽ hơn, giảm bớt số bạn gái và mọi việc lại tiếp tục như cũ. Bố của Simonetta mua cho hai người một căn nhà rộng lớn ở Olgianta, một thế giới riêng rộng lớn cách Rome hai mươi lăm km về phía bắc, được bảo vệ bởi vô số cánh cổng kín và cả một đội bảo vệ mặc quân phục đứng gác. Simonetta là một người vợ tuyệt vời. Bà yêu Ivo và đối xử với ông như một ông hoàng khiến ông cảm thấy không còn gì tuyệt diệu hơn thế. Simonetta chỉ có một khuyết điểm nhỏ. Đó là khi ghen tuông, bà trở nên vô cùng hung dữ. Một lần bà đã nghi ngờ ông đưa một nữ khách hàng đi công du Brazil. Và ông đã tỏ ra giận dữ một cách chính đáng trước lời buộc tội đó. Trước khi cuộc tranh cãi chấm dứt thì tổ ấm của họ đã kịp biến thành bãi chiến trường. Không một thứ đồ đạc nào còn nguyên vẹn và đa số chúng đều bị vỡ vụn xung quanh đầu Ivo. Simonetta với con dao phay trên tay đuổi theo ông bén gót, đe doạ sẽ giết chết ông rồi tự tử theo và Ivo phải dùng toàn lực mới đoạt được con dao trong tay bà. Họ vật lộn dữ dội trên sàn nhà và cuối cùng Ivo phải xé tan quần áo của bà mới làm cho bà nguôi đi cơn giận. Nhưng sau vụ đó Ivo trở nên vô cùng thận trọng. Ông khách hàng rằng ông sẽ không đi đâu cùng cô ta nữa và ông không bao giờ để mình bị bất kỳ một mảy may nghi ngờ. Ông biết mình là người đàn ông may mắn nhất trên đời. Simonetta vừa trẻ, đẹp, thông minh lại vừa giàu có. Họ có chung các sở thích và bạn bè. Đây là một cuộc hôn nhân hoàn hảo, và khi ông chuyển các cô gái từ cấp hai sang cấp ba, các cô khác từ cấp ba sang cấp bốn, ông tự hỏi mình tại sao lại cứ thích phản bội vợ như vậy. Rồi ông nhún vai như một triết gia và tự nhủ "Vậy ai đó phải làm cho đám đàn bà ấy hạnh phúc chứ". Ba năm sau lễ thành hôn với Simonetta, Ivo gặp Donatella Spolini trong một chuyến công cán tới Sicily. Phải nói đó là một vụ nổ chứ không phải một cuộc gặp, nó chẳng khác nào hai hành tinh va vào nhau. Simonetta có thân hình mảnh dẻ, uyển chuyển của một phụ nữ trẻ do Manzu tạo thành còn Donatella lại có thân hình đầy đặn, khêu gợi như bức tranh của Rubens. Khuôn mặt cô ta thanh tú và cặp mắt nung nấu màu lục làm Ivo thấy bốc lửa trong lòng. Họ đã lên giường cùng nhau chỉ một giờ sau khi gặp mặt và Ivo, luôn tự hào về sức lực kỳ diệu của mình với tư cách là một người tình, đã thấy ngay rằng mình chỉ đáng là học trò của cô giáo Donatella. Cô ta đưa ông lên những đỉnh cao mà ông chưa bao giờ đạt tới, và thân hình cô ta đem lại cho ông những cảm giác mà ông chưa từng mơ có được. Cô ta là cả một kho lạc thú vô tận, và khi Ivo nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, tận hưởng những khoái cảm kỳ lạ, ông biết rằng mình sẽ là một kẻ ngu ngốc nếu để Donatella đi. Và như thế, Donatella đã thành tình nhân của Ivo. Điều kiện duy nhất mà cô ta đưa ra là ông phải rời bỏ tất cả những người đàn bà khác, ngoại trừ vợ của mình. Ivo đã sung sướng tán thành. Tám năm trôi qua và trong suốt quãng thời gian đó Ivo đã không hề phản bội vợ và tình nhân của mình. Đáp ứng một lúc cho cả hai người đàn bà đa tình chắc chắn sẽ làm kiệt sức một người đàn ông bình thường nhưng với Ivo thì hoàn toàn ngược lại. Khi ông làm tình với Simonetta, ông nghĩ đến Donatella cùng thân hình đầy đặn quyến rũ của cô ta và ông cảm thấy mình tràn đầy sự thèm khát. Còn khi ông trên giường cùng Donatella, ông lại nghĩ về bộ ngực trẻ trung mềm mại cùng cặp mông nhỏ nhắn của Simonetta và ông cảm thấy sức lực được tăng lên rất nhiều. Tóm lại là khi ông chăn gối cùng người nầy thì ông lại có cảm giác là mình đang lừa gạt người kia. Điều đó làm tăng hứng thú của ông lên gấp bội. Ivo mua cho Donatella một căn hộ đẹp ở đường Montemignaio để ông đến với cô ta bất cứ lúc nào có thể. Thỉnh thoảng ông lại sắp xếp một chuyến công cán đột xuất và thay vì lên đường, ông dùng thời gian đó để làm tình với Donatella. Ông cũng thường ghé đến cô ta trên đường đến văn phòng và ngủ trưa ở nhà cô ta. Có một lần, Ivo và Simonetta đến New York trên chiếc tàu thuỷ QE2, ông đã liều lĩnh để Donatella trong một cabin ở boong dưới: Đó là năm ngày thú vị nhất trong đời Ivo. Vào cái buổi tối khi Simonetta báo cho Ivo biết bà có mang, ông đã vui mừng khôn xiết. Và một tuần sau đó Donatella cũng thông báo rằng cô ta có mang, và lại thêm một lần nữa lòng Ivo tràn ngập hạnh phúc. Ông tự hỏi tại sao các vị thần lại tốt với đến như vậy. Với tất cả sự khiêm nhường, Ivo đôi khi cảm thấy mình không xứng đáng với những lạc thú tuyệt vời mà bề trên đã ban cho. Theo đúng trình tự, Simonetta sinh hạ một bé gái và một tuần sau đến lượt Donatella với một bé trai. Nhưng các vị thần vẫn chưa ngừng lại với Ivo. Một thời gian ngắn sau, Donatella thông báo với Ivo rằng cô ta lại mang bầu và đến lượt Simonetta cũng nói như vậy vào tuần lễ kế tiếp. Chín tháng sau, Donatella cho ông một cậu con trai và Simonetta cho ông một cô con gái. Bốn tháng sau, cả hai người đàn bà cùng mang bầu và lần nầy họ sinh cùng ngày. Ivo đã chạy như điên từ Salvador Mundi là nơi Simonetta sinh đến Clinia Santa Chiara, nơi mà ông đã đưa Donatella vào. - Ông chạy như con thoi giữa hai bệnh viện, vừa lái chiếc Raccordo Anulare vừa vẫy tay với dám con gái ngồi trước những căn lều nhỏ, dọc theo con đường, dưới những chiếc ô màu hồng, đợi khách. Ivo lái xe quá nhanh nên không kịp nhìn họ nhưng ông rất yêu họ và muốn tất cả bọn họ. Donatella lại sinh một bé trai và phần của Simonetta lại là một bé gái. Đôi lần Ivo mong ước sự việc được đảo ngược lại. Thật là trớ trêu khi vợ ông sinh toàn con gái và người tình thì sinh toàn con trai, bởi vì ông vẫn thích có người thừa kế là đàn ông, mang họ của mình. Nhưng dù sao ông vẫn là người mãn nguyện. Ông có ba đứa con ngoài nhà và ba đứa con trong nhà. Ông yêu thương tất cả luôn tỏ ra là một người cha tuyệt vời, nhớ hết ngày sinh, ngày lễ thánh và tên của chúng. Ba đứa con gái tên là Isabella, Benedetta và Camilla còn lũ con trai là Francesco, Carlo và Luca. Khi bọn trẻ lớn dần lên thì cuộc sống cũng dần trở nên phức tạp hơn với Ivo. Kể cả vợ, người tình và sáu đứa con. Ivo phải lo đến tám buổi sinh nhật, tám ngày lễ thánh và hai kỳ nghỉ trong mỗi vụ hè. Ông phải chắc chắn rằng trường của bọn trẻ ở cách xa nhau. Lũ con gái học ở Saint-Dominique, tu viện Pháp ở đường Cassia, còn bọn con trai thì ở trường dòng tên Massimo ở EUR. Ivo gặp gỡ và tranh thủ cảm tình tất cả các thầy cô giáo của bọn chúng, giúp đỡ các con làm bài tập ở nhà, chơi đùa với chúng, sửa chữa những đồ chơi mà chúng làm hỏng. Ivo phải sử dụng tất cả tài năng và sự khéo léo để quản lý hai gia đình và giữ cho họ cách xa nhau. Ông đúng là một người cha, người chồng gương mẫu và là một người tình lý tưởng. Vào ngày lễ Noel, ông ở nhà với Simonetta và bọn con gái. Còn trong ngày lễ Befama mồng sáu tháng giêng, Ivo ăn mặc y hệt phù thuỷ Befama, tặng cho lũ con trai nhiều món quà cùng Carbone, thứ kẹo cứng mà chúng rất thích. Vợ và người tình của Ivo đều đáng yêu còn lũ con của ông đều sáng sủa, xinh đẹp và ông rất hãnh diện về họ. Đời thật là đẹp. Và rồi các thiên thần bắt đầu trở mặt với Ivo. * * * * * Như những trường hợp bất hạnh nhất, sự việc xảy ra mà không hề có một dấu hiệu gì báo trước. Sáng hôm ấy, Ivo làm tình với Simonetta trước bữa sáng, rồi đi thẳng đến văn phòng, tại đây ông đã hoàn thành tốt đẹp mọi việc. Vào lúc 1 giờ trưa ông nói với người thư ký nam rằng buổi chiều ông phải có mặt tại một cuộc họp - theo yêu cầu của Simonetta. Mỉm cười với ý nghĩ về những lạc thú sắp tới, Ivo lái xe vòng theo khu vực xây dựng chắn ngay dọc theo Lungo Tevere, nơi người ta đã xây một đường xe điện ngầm vào 17 năm về trước, vượt qua cầu tới đường Francia và 30 phút sau lái xe vào gara tại căn hộ đường Montemiganaio. Ngay khi mở cửa bước vào nhà, Ivo đã biết có điều gì bất ổn. Francesco, Carlo và Luca đứng xung quanh Donatella, còn cô ta nhìn ông với nét mặt đầy căm thù đến nỗi trong một khoảnh khắc Ivo đã tưởng mình vào nhầm nhà người khác. - Stronzo! - Cô ta hét lớn với ông. Ivo ngơ ngác nhìn quanh "Carissima! Các con… có chuyện gì vậy? - Anh đã làm gì? - Donatella đứng dậy, - Đây là cái mà anh đã làm? - Cô ta ném tờ tạp chí Oggi vào mặt ông. - Xem đi! Vẫn ngơ ngác, Ivo cúi xuống nhặt tờ tạp chí lên. Đập vào mắt ông trên trang bìa là hình ảnh ông, Simonetta và ba đứa con gái. Đầu đề ghi "Ngưòi bố của gia đình". Chúa ơi! Ông đã hoàn toàn quên chuyện đó. Nhiều tháng trước, tạp chí nầy đã xin phép viết một bài về ông và ông đã dại dột cho phép. Nhưng Ivo không thể tưởng tượng nổi nó lại được đăng lên mặt báo một cách ồn ào như vậy. Ông nhìn người tình đang nức nở khóc cùng bọn trẻ và lên tiếng: - Anh có thể giải thích… - Lũ bạn học của chúng đã giải thích hết rồi! Donatella rít lên: - Lũ con tôi khóc lóc chạy về nhà vì cả trường gọi chúng là con hoang? - Cara, anh… - Bà chủ nhà và đám hàng xóm đối xứ với chúng tôi như là cùi hủi vậy. Chúng tôi không thể ngẩng mặt lên làm người nữa. Tôi sẽ đưa các con đi khỏi đây. Ivo nhìn cô ta chằm chằm. - Em nói cái gì vậy? - Tôi sẽ rời khỏi Rome, và tôi sẽ đưa các con đi theo. - Chúng cũng là của anh mà, - ông la lên, - Em không thể làm như thế được. - Tôi sẽ giết anh nếu anh ngăn cản tôi. Quả là một cơn ác mộng. Ivo đứng đó, nhìn ba đứa con trai và cô nhân tình đang lên cơn điên loạn, thầm nghĩ "Chuyện nầy không thể xảy ra với mình". Nhưng Donatella không buông tha cho ông. - Trước khi chúng tôi đi, - Cô ta thông báo, - Tôi muốn có một triệu đô la. Tiền mặt. Ivo bật cười vì thấy đòi hỏi nầy quá lố bịch. - Một triệu… - Nếu không, tôi sẽ gọi điện cho vợ anh. * * * * * Chuyện đã xảy ra sáu tháng trước. Donatella vẫn chưa thực hiện lời đe doạ nhưng Ivo biết cô ta hoàn toàn có thể. Hàng tuần cô ta lại gia tăng áp lực. Cô ta gọi điện lên văn phòng của ông và nói: - Tôi không cần biết anh lấy tiền bằng cách nào. Hãy kiếm đi. Chỉ có mỗi một cách giúp Ivo kiếm được số tiền lớn như thế. Ông phải bán được số cổ phần trong Roffe và các con. Và Sam Roffe là người ngăn chặn việc bán cổ phần, người đang đe doạ vụ hôn nhân của Ivo và cả tương lai của ông. Ông ta phải bị chặn lại. Nếu biết đúng người thì tất cả đều có thể được lo liệu chu tất. Điều làm Ivo đau đớn hơn hết là Donatella, người tình của ông, không cho ông chạm vào người cô ta. Ivo được phép hàng ngày thăm các con, nhưng phòng ngủ thì tuyệt đối bị cấm cửa. - Sau khi anh đưa tiền cho tôi, - Donatella hứa, - Chúng ta sẽ làm tình với nhau. Vì quá đỗi tuyệt vọng, một buổi chiều, Ivo đã gọi điện cho Donatella và nói: - Anh đến ngày bây giờ đây. Tiền nong đã được thu xếp ổn thoả. Ông định làm tình với cô ta trước rồi xoa dịu cô ta sau. Nhưng mọi việc đã không tuân theo dự định của ông. Ông đã cởi được quần áo cô ta, và khi cả hai cùng trần truồng, ông mới nói sự thật: - Anh vẫn chưa có tiền, Cara, nhưng một ngày gần đây… Và thế là cô ta nhẩy bổ vào tấn công ông như một con thú dữ. Giờ đây Ivo đang nghĩ về những việc đó, khi đang lái xe rời khỏi căn hộ của Donatella và rẽ đường Cassia đông đúc ở phía Bắc, hướng về phía nhà ở Olgiata. Ông liếc khuôn mặt mình trong tấm gương chiếu hậu. Máu đã bớt chảy nhưng những vết cào nhìn rất rõ và đã đổi màu. Ông nhìn xuống chiếc áo sơ mi dính đầy máu. Ông sẽ phải giải thích ra sao với Simonetta về những vết cào trên mặt và lưng đây? Trong một phút liều lĩnh, Ivo đã định kể cho vợ nghe toàn bộ sự thật nhưng ông đã nhanh chóng gạt bỏ ý nghĩ đó. Ông có thể - chỉ có thể cho Simonetta biết rằng trong một giây phút mềm lòng ông đã lên giường cùng một cô gái và làm cho cô ta có mang, và ông có thể - chỉ có thể thoát khỏi bế tắc. Nhưng còn ba đứa con? Trong thời gian là 3 năm? Cuộc đời ông sẽ không đáng giá dù chỉ là đồng 5 lia. Ông không có lý do gì để không về nhà lúc nầy vì hai vợ chồng ông mời khách đến ăn tối và Simonetta sẽ đang chờ đợi ông. Ivo đã đến đường cùng. Hôn nhân của ông sắp sửa tan vỡ. Chỉ có San Genaro, vị thần hộ mệnh với nhiều phép lạ mới cứu được ông. Ivo chợt thấy một tín hiệu đèn bên lề đường Cassia. Ông đột nhiên đạp phanh, ra khỏi xa lộ và dừng lại. 30 phút sau, Ivo lái xe qua những cánh cổng của Olgiata. Bỏ qua những cái nhìn hiếu kỳ của đám bảo vệ lên khuôn mặt rách nát và chiếc áo sơ mi đầy máu, Ivo lái xe dọc con đường quanh co đến chỗ rẽ dẫn về phía cửa nhà. Ông đỗ xe lại, mở cửa trước và bước vào phòng khách. Simonetta và con gái lớn Isabella đang ở trong phòng. Sắc mặt của Simonetta đầy vẻ kinh hoàng khi bà trông thấy Ivo. - Ivo? Chuyện gì xảy ra vậy? - Ông ngượng nghịu mỉm cười, cố giấu vẻ đau đớn và lúng túng thừa nhận, - Anh e rằng anh đã làm một chuyện ngu xuẩn, Cara… Simonetta đến gần hơn, xem xét kỹ các vết cào trên mặt ông và Ivo thấy cặp mắt bà nheo lại. Và khi lên tiếng, giọng bà đã trở nên lạnh lùng. - Ai đã cào anh vậy? - Tiberio, - Ivo thông báo. Từ đằng sau lưng ông đưa ra một con mèo lớn, xấu xí với bộ lông mầu xám đang phun phì phì. Nó nhẩy khỏi tay ông và phóng vụt đi. - Anh mua nó cho Isabella, nhưng cái con khốn nạn ấy tấn công anh khi anh định nhốt nó vào lồng. - Thật tội nghiệp cho anh! - Simonetta đến gần hơn bên cạnh ông. - Thiên thần của em! Hăy lên gác và nằm xuống. Em gọi bác sĩ. Và em sẽ bôi thuốc cho anh. Em… - Thôi, thôi! Anh không sao - Ivo dũng cảm nói. Ông vẫn co rúm người lại khi bà choàng tay qua người. - Cẩn thận! Nó cào cả lên lưng anh nữa. - Anh yêu! Chắc là anh đau đớn lắm phải không? - Không đau lắm, - Ivo trả lời. - Anh thấy vẫn ổn! Quả thực là như vậy. Chuông cửa reo vang. - Để em ra xem. - Simonetta nói. - Không, để anh. - Ivo nói nhanh. lAnh… anh đang chờ một số tài liệu quan trọng từ văn phòng. - Ông bước vội về phía cửa và mở ra. - Ông Palazzi? - Vâng. Một nhân viên bưu điện trong bộ đồng phục màu xám, trao cho ông chiếc phong bì. Bên trong là bức điện của Rhys Williams. Ivo đọc nhanh nội dung. Và ông đứng đó một lúc lâu. Rồi ông hít một hơi thật dài và đi lên lầu thay quần áo chuẩn bị đón khách. Chú thích: (1)Nhà soạn nhạc opera vĩ đại của Italia Chương 04 BUENOS AIRES Thứ hai, mồng 7 tháng Chín, 3 giờ chiều Khu trường đua ở một vùng ngoại vi hẻo lánh của thủ đô Buenos Aires, Argentina chật ních với khoảng 50.000 khán giả đến xem giải đua xe hơi truyền thống hàng năm. Các tay đua phải vượt qua 115 vòng đua, mỗi vòng dài khoảng bốn dặm. Cuộc đua diễn ra trong vòng năm tiếng dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt, và số xe sót lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay từ vòng đua đầu tiên. Đám đông nín thở theo dõi. Đây quả là một cuộc đua vô tiền khoáng hậu. Tất cả các huyền thoại tốc độ trên thế giới đều tụ họp ở đây hôm nay. Chris Amon từ New Zealand, Brian Redmad từ Lancashire. Còn có cả tay đua Andreadi Adamici từ Italia, lái chiếc Alpa Romeo Tipo 33, Carlos Maco từ Brazil, lái chiếc xe Mach Fomula 1. Người đang giữ chức vô địch là tay đua Bỉ Jacky Ickx, cùng với tay đua Thuỵ Điển Roffe Wisell lái chiếc BRM. Đường đua trông như một chiếc cầu vồng sặc sỡ với những cơn lốc xanh đỏ, đen, trắng, vàng của những chiếc Ferrari, McLaren M19 - A s và Lotus Formula 3 s. Khi các vòng đua liên tục nối tiếp nhau, các người khổng lồ bắt đầu gục ngã. Chris Amon đang ở vị trí thứ tư thì van tiết liệu của xe anh bỗng mở ra. Anh ta đụng mạnh vào sườn chiếc Cooper của Brian Redman trước khi kịp khống chế xe của mình bằng cách tắt động cơ, nhưng cả hai chiếc xe đều bị hỏng. Roffe Wisell đang dẫn đầu trong chiếc BRM và bám sát là Jacky Ickx. Lúc vào cua, hộp số của chiếc BRM bỗng vỡ tung và toàn bộ hệ thống điện bị bốc cháy. Chiếc xe bắt đầu quay tròn và chiếc Ferrari của Jacky Ickx cũng bị cuốn vào đó. Đám đông như đang lên cơn điên cuồng. Chỉ còn ba chiếc xe đang cố tăng tốc trên quãng đường còn lại của cuộc đua. Đó là Jorje Amandaris từ Argentina, lái chiếc Surtees, Nils Nilsson từ Thuỵ Điển, lái chiếc Matra, và một chiếc Ferrari 812 B-2, người lái là Martel, đến từ Pháp. Họ đều tỏ ra xuất sắc thách thức những đoạn đường thẳng tắp, những khúc cua chết người, cố gắng vượt lên phía trước. Jorje Amandaris đang dẫn đầu, và vì là một tay đua bản xứ nên anh ta được đám đông cuồng nhiệt cổ vũ. Theo sát Amandaris là Nils Nilsson, lái một chiếc Matra đỏ - trắng và phía sau anh ta là chiếc Ferrari đen trắng của tay đua người Pháp Martel. Không ai để ý đến chiếc xe Pháp cho đến 5 phút cuối cùng, khi nó bắt đầu vượt lên trên đường đua. Đầu tiên là vị trí thứ 10, rồi thứ 7 và thứ 5 và nó càng lúc càng chứng tỏ sức mạnh của mình. Giờ đây, tất cả đều nhìn nó khi nó bắt đầu đe doạ vị trí số hai của Nilsson. Cả 3 chiếc xe đều duy trì tốc độ gần 270 km/giờ. Như thế đã là quá nguy hiểm khi chạy trên các đường đua Brands Hatch hoặc Warkin Glen, nhưng trên đường đua còn thô sơ của Buenos Aires thì chẳng khác nào tự sát. Viên trọng tài mặc áo choàng đỏ đứng bên lề đường đua giơ cao bảng hiệu: "NĂM VÒNG". Chiếc Ferrari đen trắng định vượt qua chiếc Matra của Nilsson từ phía ngoài, và Nilsson nhích dần lên, chặn đường chiếc xe Pháp. Và họ cùng bỏ qua một chiếc xe Đức ở phía trong đ vượt lên. Bây giờ nó đã ngang hàng với xe của Nilsson. Chiếc xe Pháp tụt lại rồi đột ngột tăng tốc, lách vào khoảng giữa xe của Nilsson và chiếc xe Đức. Với một nỗ lực tuyệt vời tay đua Pháp đã đẩy bật hai xe sang hai bên và chiếm lấy vị trí số hai. Đám đông nín thở chợt gào lên tán thưởng. Đó quả là một mưu mẹo thông minh và táo bạo. Bây giờ thì Amandaris vẫn dẫn đầu, Martel ở vị trí số hai và Nilsson ở vị tri số ba với ba vòng còn lại Amandaris đã thấy rõ cảnh tượng vừa rồi. Tay người Pháp cừ thật, anh ta nghĩ thầm, nhưng chưa đủ sức đánh bại ta đâu. Amandaris đã quyết định phải thắng trong cuộc đua nầy. Phía trước anh ta là tấm bảng báo hiệu "HAI VÒNG". Cuộc đua đã sắp kết thúc và người chiến thắng phải là anh ta. Amandaris đã liếc thấy chiếc Ferrari đen vàng đang cố trồi lên bên cạnh. Anh ta nhìn lướt qua cặp mắt lồi, khuôn mặt bẩn thỉu lem luốc của tay lái xe, căng thẳng và kiên quyết. Amandaris thầm thở dài. Anh ta cảm thấy tiếc nuối về việc mình sắp làm, nhưng anh ta không còn sự lựa chọn nào khác. Đua xe không phải là trò chơi của các nhà thể thao mà nó là trò chơi của người chiến thắng. Hai chiếc xe sắp đến gần đầu phía bắc của đường đua, nơi có một khúc quanh với gờ cao, là đoạn nguy hiểm nhất với khoảng một tá xe đã đâm vào đây. Amandaris liếc nhanh sang người lái chiếc Ferrari rồi siết chặt tay lái. Khi hai chiếc xe đến gần khúc quanh, Amandaris khẽ nhấc chân ra khỏi cần ga, để cho chiếc Ferrari vượt lên trước. Anh ta thấy tay đua Pháp liếc nhanh mình với vẻ toan tính. Vậy là chiếc Ferrari đã ở phía anh ta, đã rơi vào cạm bẫy. Đám đông đang la hét dữ dội. Jorje Amandaris chờ cho đến khi chiếc Ferrari đen vàng vượt hẳn qua anh ta từ phía ngoài. Đúng lúc nầy Amandaris tăng hết ga và bắt đầu chuyển hướng sang bên phải, chặn đường tay đua Pháp, và chiếc Ferrari chỉ còn cách đâm thẳng vào bờ tường. Amandaris trông thấy khuôn mặt thất thần, hoảng hốt của tay đua Pháp và anh ta thầm nói: "Xin chào!" Ngay lúc đó chiếc xe Pháp quay hẳn sang đâm vào chiếc Surtees của Amandaris. Amandaris không thể tin nổi vào mắt mình. Chiếc Ferrari sắp sửa đâm sầm vào xe của anh ta. Hai chiếc xe chỉ còn cách nhau khoảng 1 mét và với tốc độ đó thì Amandaris phải quyết định chớp nhoáng. Ai mà đoán được tay người Pháp đó lại là kẻ hoàn toàn điên rồ? Trong một hành động phản xạ tức thời, Amandaris đánh nhanh tay lái sang trái, cố tránh khối kim loại nặng hàng tấn kia lao vào mình, và phanh gấp để cho chiếc xe Pháp lách lên trong gang tấc và vượt qua mặt anh ta về đích. Trong giây lát, chiếc xe của Amandaris tòe ra như đuôi cá và mất lái, quay tròn như chong chóng vượt qua đường đua và lăn mãi, lăn mãi cho đến khi nổ bùng thành một cột lửa khói đỏ và đen. Nhưng đám đông vẫn không rời mắt khỏi chiếc Ferrari của tay đua Pháp đang băng qua vạch đích. Rồi họ rầm rập chạy thành từng đợt về phía chiếc xe, bao vây lấy nó, nói những lời chúc mừng vô nghĩa. Tay lái xe từ từ đứng dậy và bỏ kính mắt cùng mũ bảo vệ ra. Đó là một người đàn bà có mái tóc cắt ngắn màu lúa mì, khuôn mặt được cấu thành bới những đường nét khoẻ mạnh, cân đối. Bà ta đẹp một cách lạnh lùng, theo phong cách cổ điển. Thân hình bà ta đang run rẩy, không phvì kiệt sức mà là vì kích động, nhớ đến khoảnh khắc nhìn vào mắt Jorje Amandaris khi mà bà ta đưa anh ta vào vòng tay tử thần. Thông tín viên gào vào loa đấy phấn khích: - Người chiến thắng là Hélène Roffe - Martel, người Pháp, lái chiếc Ferrari. * * * * * Hai giờ sau, Hélène và chồng, Charles, đã ở trong khách sạn Ritz ở trung tâm Buenos Aires, nằm trên tấm thảm ở phía trước lò sưởi. Helene trần truồng, cưỡi lên người chồng theo một tư thế cổ điển tên là Chiếc xe ngựa thành Lyon, còn Charles rên rỉ: - Ô, Chúa ơi! Xin em đừng làm thế với anh! Anh van em! Những lời van vỉ của ông chỉ làm bà ta tăng thêm độ kích thích và bà ta bắt đầu nhấn mạnh hơn, làm cho ông đau và nhìn những dòng nước mắt ông tuôn ra. Mình đang bị trừng phạt vô cớ, - Charles nghĩ. Ông khiếp sợ nghĩ đến những hình phạt mà Hélène sẽ đem ra sử dụng với ông nếu bà ta biết những tội lỗi mà ông đã phạm phải. Charles Martel lấy Hélène Roffe vì dòng họ và tiền bạc của bà ta. Sau khi thành hôn bà ta vẫn giữ họ của mình cùng với họ của chồng, và bà ta cũng giữ luôn tài sản trong nhà. Cho tới khi Charles phát hiện ra mỉnh đã đầu tư vào một món hàng không sinh lợi thì đã quá muộn. Charles Martel lần đầu tiên gặp Hélène Roffe khi ông còn là luật sư cấp thấp trong một công ty luật lớn ở Paris. Ông được yêu cầu mang một số tài liệu vào phòng họp, nơi buổi họp đang diễn ra. Trong phòng là bốn thành viên cao cấp của công ty và Hélène Roffe. Charles đã nghe nói nhiều về bà ta. Kể cả mọi người ở châu u. Bà ta là một trong những người thừa kế sản nghiệp của tập đoàn dược phẩm Roffe; là người phóng túng và tính khí thất thường, rất được báo chí ái mộ; là nhà vô địch môn trượt tuyết, tự lái chiếc máy bay Learjet của mình, dẫn đầu đoàn thám hiểm leo núi ở Nepal, đua xe và đua ngựa, thay đổi tình nhân như thay áo. Hình ảnh của Helene thường xuất hiện trên các tờ Paris Match và Jours de France. Bà ta đến công ty ông lúc đó để lo việc ly dị của mình. Lần thứ tư hoặc năm, Charles không biết chắc và cũng không buồn quan tâm. Những người thuộc dòng họ Roffe vốn không cùng thế giới với ông. Charles đưa tập tài liệu cho cấp trên, bồn chồn, lo lắng không phải vì sự hiện diện của Helene Roffe mà là vì sự có mặt của bốn vị thành viên cấp cao. Họ tượng trưng cho quyền lực, mà Charles Martel lại là người kính trọng quyền lực. Về cơ bản ông là "type" người khiêm nhường, bằng lòng với cuộc sống giản dị, cư ngụ trong một căn hộ nhỏ ở Passy và đang hoàn thành một bộ sưu tập tem nho nhỏ. Charles Martel không phải là một luật sư xuất sắc nhưng ông có trình độ, cẩn thận và đáng tin cậy. Thái độ của ông luôn tỏ ra hết sức chững chạc. Ông mới ngoài bốn mươi tuổi, dáng vẻ bề ngoài kém hấp dẫn và ít gây được cảm tình. Có một người vào đó đã nói rằng tính cách của ông giống như cát ướt, và sự mô tả đó không phải là không đúng. Vì thế, thật là ngạc nhiên khi mới có một ngày sau khi gặp Helene Roffe, Charles Martel được gọi đến văn phòng của Michel Sachard, một thành viên cao cấp của công ty, và tại đây ông được biết, Helene Roffe yêu cầu đích thân anh sẽ phụ trách vụ ly hôn của bà ta. Anh phải làm việc ngay lập tức. Charles Martel hoàn toàn sửng sốt. Ô. - Tại sao lại là tôi, ông Sachard? Sacharad nhìn vào mắt ông và trả lời. - Tôi cũng không đoán được. Có lẽ là anh hợp ý bà ta. Vì phụ trách vụ ly dị nên Charles phải thường xuyên gặp gỡ Hélène. Rất thường xuyên, ông cảm thấy như vậy. Bà ta không gọi điện cho ông mà mời ông đến ăn tối tại biệt thự của bà ta ở Le Vesinet để bàn về vụ việc rồi lại mời ông đi xem Opera và đến nhà bà ta ở Deauville. Charles cố gắng giải thích cho bà ta rằng đây là một vụ rất đơn giản, chắc chắn bà sẽ li dị được chồng, nhưng Hélène - bà ta cứ khăng khăng bắt ông gọi là Hélène, trước sự ngại ngùng đầy nhạy bén của ông - vẫn cứ bảo ông rằng bà ta cần sự chắc chắn kiên trì của ông. Sau nầy ông vẫn thường nghĩ lại điều nầy với một chút thích thú xen lẫn sự chua xót. Trong những tuần lễ sau đó, Charles bắt đầu nghi ngờ rằng Hélène Roffe bắt đầu quan tâm tới ông, theo chiều hướng lãng mạn. Ông không thể tin nổi điều đó ông chỉ là một kẻ tầm thường, còn bà ta là thành viên của một dòng họ vĩ đại, nhưng Hélène đã làm cho ông mau chóng biết được ý định của bà ta. - Charles, em sẽ lấy anh làm chồng. Ông chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải kết hôn. - Ông không khoái đàn bà cho lắm. Bên cạnh đó, ông cũng không yêu Hélène. Thậm chí ông còn không chắc là mình có thích bà ta không nữa. Sự ồn ào và chú ý xung quanh bà ta ở bất cứ nơi đâu họ đến làm ông thấy mất tự nhiên. Ông bị lôi ra trước công chúng nhờ danh tiếng của bà ta và ông thực sự không quen với vai diễn nầy. Ông cũng đau đớn nhận ra sự tương phản giữa họ. Sự rực rỡ của bà ta luôn gây ra nỗi bứt rức cho tính bảo thủ của ông. Bà ta luôn chạy theo thời trang và là một hình ảnh thu nhỏ của sự quyến rũ, trong lúc ông, vâng, chỉ là một luật sư trung niên tầm thường, đơn điệu. Ông không thể hiểu được Hélène tìm thấy cái gì ở mình. Không ai hiểu cả. Bởi sự nổi tiếng của bà ta trong các môn thể thao mạo hiểm dành cho nam giới, nên người ta đồn rằng Hélène là một trong những người chủ trương của phong trào giải phóng phụ nữ. Thực ra thì bà ta khinh miệt phong trào nầy và cũng chẳng tán thành chủ trương nam nữ bình đẳng. Bà ta cho rằng đàn ông chẳng có lý do gì để được đặt ngang hàng với phụ nữ cả. Đàn ông chỉ được xuất hiện khi cần. Họ không thông minh lắm, nhưng họ dễ bảo để có thể mua vui, để châm lửa hút thuốc, lang thang, mở cửa và đem lại khoái cảm trong việc chăn gối. Họ là những "con vật cưng" tuyệt diệu, tự họ chỉ biết chưng diện và tắm mà thôi. Tóm lại chỉ là thứ để tiêu khiển. Helene Roffe có rất nhiều bạn bè chơi bời, những kẻ liều mạng, những tay tài phiệt, những chàng trai quyến rũ. Nhưng chưa có ai giống Charles Martel. Bà ta biết rõ ông chỉ là một con số không. Một cục đất sét vô dụng. Và đây thật sự là một thách thức. Bà ta sẽ chiếm đoạt ông, nhào nặn ông để xem mình có thể biến ông thành cái gì. Một khi Hélène Roffe đã quyết thì Charles Martel chẳng còn cơ hội thoát thân nào nữa. Hôn lễ được tổ chức ở Neuilly và hai người hưởng tuần trăng mật ở Monte Carlo, nơi Charles đã mất trinh cùng những ảo tưởng của mình. Ông dự định trở về làm ở công ty luật. - Đừng khờ như vậy, - "cô dâu" của ông nói. - Banh tưởng em muốn lấy một gã luật sư tầm thường hay sao? Anh sẽ vào kinh doanh cùng gia đình em. Rồi một ngày nào đó anh sẽ đỉều hành nó. Chúng ta sẽ điều hành nó. Hélène thu xếp cho Charles vào làm ở chi nhánh Paris của công ty Roffe và các con. Ông báo cáo lại cho bà ta nghe tất cả mọi việc đang diễn ra và bà ta hướng dẫn ông, giúp đỡ ông, chỉ cho ông biết ông phải làm gì. Charles tiến bộ rất nhanh chóng. Ông mau chóng trở thành người phụ trách hoạt động của tập đoàn ở Pháp và trở thành thành viên hội đồng quản trị. Hélène đã biến ông từ một luật sư quèn trở thành một uỷ viên hội đồng quản trị của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Nhẽ ra ông phải cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Ngay từ khi mới thành hôn, Charles đã nhận ra rằng mình hoàn toàn bị vợ khống chế. Bà ta chọn thợ may cho ông, chọn thợ đóng giầy và chọn cả hiệu áo sơ mi. Bà ta đưa ông vào Câu lạc bộ Đua ngựa. Bà ta đối xử với ông như một tên đĩ đực. Lương của ông được trả trực tiếp cho bà ta, và bà ta chỉ đưa lại cho ông một con số khiêm tốn để dằn túi. Nếu Charles cần thêm tiền, ông phải hỏi xin bà ta. Bà ta bắt ông báo cáo chi tiết thời gian biểu và ông hoàn toàn nằm trong sự sai bảo của bà ta. Bà ta thường có trò gọi đến văn phòng của ông bắt ông về nhà ngay lập tức chỉ để đưa một lọ kem dưỡng da hay một vài thứ vớ vẩn nào đó. Khi ông về đến nơi, bà ta đã trần truồng đợi ông trong phòng ngủ. Bà ta dâm dục không thể tưởng, như một con thú vậy. Charles đã sống với mẹ đến năm ba mươi hai tuổi, khi bà qua đời vì bệnh ung thư. Bà phải nằm bất động một thời gian dài và ông đã thường xuyên chăm sóc mẹ. Ông chẳng có thời giờ đi chơi với bạn gái hoặc nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mẹ ông là cả một gánh nặng và khi bà ra đi, ông đã nghĩ mình có thể ngửi thấy mùi tự do. Nhưng thực ra, ông lại chỉ ngửi thấy mùi mất mát. Ông không khoái đàn bà và tình dục. Ông đã giải thích với Hélène, với vẻ thật thà ngây thơ về cảm giác của mình khi bà ta lần đầu đề cập đến chuyện hôn nhân "khoản ấy của anh không được khoẻ cho lắm". Hélène mỉm cười đáp lại. - Charles tội nghiệp. Đừng lo ngại gì về chuyện tình dục. Em xin hứa là anh sẽ thích nó. Ông căm ghét chuyện đó. Nhưng hình như điều nầy chỉ làm tăng thêm sự hứng thú của Hélène. Bà ta thường cười chế nhạo sự yếu ớt của ông và ép buộc ông làm những điều ghê tởm khiến Charles cảm thấy hèn hạ và nôn mửa. Bản thân hành vi tình dục đã là đê tiện. Nhưng Hélène lại thích thử nghiệm. Charles thường không đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Một lần khi ông đang lên đến tột đỉnh thì bà ta xoa đá vụn vào tinh hoàn ông, còn lần khác bà ta lại chọc que có điện vào hậu môn ông. Bà ta làm cho ông cảm thấy mình là đàn bà còn bà ta mới là đàn ông. Charles thật sự sợ Hélène. Ông cố tìm cách lấy lại danh dự đàn ông của mình, nhưng, trời ạ, ông chẳng thể nào tìm ra một lĩnh vực nào có thể lấn át được Hélène. Bà ta nắm rõ luật pháp như ông và thậm chí về khoản luật kinh doanh thì lại còn vượt trội cả ông. Bà ta tranh luận với ông hàng giờ về công ty. Bà ta không bao giờ chán việc đó cả. - Charles nghĩ đến tất cả những quyền lực đó. Roffe và các con có thể kiến tạo hoặc huỷ diệt hơn một nửa số quốc gia trên thế giới. Em sẽ điều hành Tập đoàn. Ông tổ của em đã sáng lập ra nó. Nó là một phần của em. Sau mỗi lần như vậy thì Helene lại trở nên cuồng dâm và Charles bị buộc phải thoả mãn bà ta theo những kiểu mà ông không dám nghĩ đến. Ông dần đần trở nên khinh bỉ bà ta. Giấc mơ duy nhất của ông là được ở cách xa bà ta, được bỏ trốn. Nhưng để thực hiện được điều đó thì ông phải có tiền. Một ngày kia, sau bữa trưa, một người bạn của ông tên René Duchamps, nói chuyện với ông về một cơ hội làm giàu. - Một ông chú của tôi đang làm chủ một vườn nho lớn ở Burgundy vừa mới qua đời. Vườn nho sắp bị đem bán khoảng 1400 mẫu thượng hạng. Tôi đang nắm lợi thế trong tay. - René Duchamps tiếp tục, - bởi vì đó là họ hàng của tôi. Tôi không đủ sức làm vụ nầy một mình, nhưng nếu có anh tham gia, thì chỉ trong một năm vốn liếng có thể tăng gấp đôi. Dù sao thì anh cũng nên đến xem qua. Bởi vì không có can đảm thú nhận với bạn rằng mình không có một xu dính túi nên Charles đành phải đến những đồi nho đỏ rực ở Burgundy để xem. Và ông đã thật sự bị ấn tượng mạnh. René Duchamps nói: - Mỗi người sẽ đầu tư hai triệu francs. Và trong một năm chúng ta sẽ có bốn triệu. Bốn triệu francs! Nó đồng nghĩa với tự do, với trốn thoát. Ông có thể đến một nơi mà tài thánh Helene mới tìm ra. - Để tôi suy nghĩ đã, - Charles hứa với bạn. Và ông đã suy nghĩ. Cả ngày lẫn đêm. Đây là cơ hội cho cả một đời người. Nhưng bằng cách nào? Charles biết rằng đi vay mượn mà Helene không biết là chuyện không bao giờ có. Cái gì cũng đứng tên bà ta, từ nhà cửa, các bức tranh quý, những chiếc xe hơi, những món nữ trang đắt tiền… Nữ trang… những món nữ trang đẹp đẽ mà Hélène không sử dụng đều được cất kỹ trong chiếc tủ sắt đặt trong phòng ngủ. Một ý tưởng dần nảy sinh trong đầu ông. Nếu ông có thể lấy được nữ trang của bà ta, mỗi ngày một ít, thì ông sẽ thay thế chúng bằng những món đồ giả và dùng đồ thật để vay tiền. Sau khi đã kiếm đủ tiền từ vụ vườn nho, ông chỉ cần trả đủ chỗ nữ trang thật vào chỗ cũ và vĩnh viễn biến khỏi cuộc đời Hélène. Charles gọi điện cho René Duchamps và nói, trái tim đập mạnh vì kích động. - Tôi quyết định tham gia vụ nầy cùng anh. Phần đầu tiên của kế hoạch nầy làm Charles sợ hãi đến tột độ. Ông phải đánh cắp được chỗ nữ trang của Hélène trong tủ sắt. Ý nghĩ về điều khủng khiếp mình sắp làm khiến Charles trở nên căng thẳng đến nỗi hầu như không còn làm được việc gì khác nữa. Ông sống như một người máy, không nghe không thấy mọi việc xảy ra quanh mình. Lúc nào thấy Hélène là ông lại toát mồ hôi. Hai bàn tay ông luôn run rẩy những khi rỗi rãi. Hélène quan tâm đến ông, như bà ta vẫn quan tâm đến một con vật cưng vậy. Bà ta mời bác sĩ đến khám cho ông, nhưng cũng không tìm ra điều gì bất ổn. "Ông ấy có lẽ hơi căng thẳng đầu óc. Nằm nghỉ một hai hôm có lẽ là ổn thôi". Hélène nhìn Charles một lúc lâu, trần truồng trên giường và mỉm cười "Cám ơn bác sĩ": Lúc bác sĩ vừa đi khỏi, Helene bắt đầu cởi quần áo. - Anh anh cảm thấy không được khoẻ. - Charles tìm cách kháng cự. - Nhưng em khoẻ. - Helene trả lời. Chưa bao giờ ông ghét bà ta đến thế. Cơ hội của Charles đến vào tuần lễ tiếp theo, khi Hélène định đi Garmisch - Partenkirchen trượt tuyết cùng đám bạn. Bà ta quyết định cho Charles ở lại Paris. - Em muốn đêm nào anh cũng phải ở nhà, - Helene bảo ông, - em sẽ gọi điện về. Charles nhìn chiếc Jensen màu đỏ của bà ta lao vụt đi và khi nó vừa khuất đạng, ông chạy vội đến bên tủ sắt. Ông đã nhiều lần thấy bà ta mở nó và ông đã biết gần hết mã số. Tuy nhiên cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ ông mới tìm được phần còn lại. Bằng những ngón tay run rẩy, ông kéo cánh cửa tủ ra. Trong đó, trong cái hộp lót nhung, tự do của ông đang lấp lánh như những ngôi sao nhỏ. Charles đã tìm được một người thợ kim hoàn tên Pierre Richaud, một tay tổ về việc làm nữ trang giả. Charles đã giải thích khá dài dòng về việc ông cần sao chép lại các món nữ trang đó, nhưng Richaud đã thản nhiên trả lời: - Thưa ông, tôi làm cho tất cả mọi người. Ngày nay chẳng ai dám đeo nữ trang thật ra phố nữa đâu. Charles đưa cho ông ta mỗi lần một món để sao lại và sau đó thì đổi lấy đồ thật. Ông đã mượn được tiền bằng cách thế chấp các món nữ trang thật ở Quỹ tín dụng thành phố - hiệu cầm đồ của nhà nước. Việc thực hiện kế hoạch mất nhiều thời gian hơn dự tính của Charles. Ông chỉ mở được tủ khi Hélène không có nhà và việc sao chép nữ trang lắm lúc chậm trễ không thể tưởng. Nhưng rồi cuối cùng, cái ngày Charles có thể nói với René Duchamps đã đến: - Tôi sẽ gom đủ tiền vào ngày mai. Ông đã hoàn thành mọi việc. Ông đã là chủ nhân của một nửa vườn nho. Và Hélène không có một mảy may nghi ngờ nào về những việc ông đã làm. Charles đã bí mật nghiên cứu về công việc trồng nho. Tại sao lại không chứ? Ông không phải là người trồng nho hay sao? Ông học về những loại nho khác nhau: cabemet sauvignon là nho loại phổ thông nhất, bên cạnh đó cũng còn nhiều loại khác: gross cabernet, merlot, malbec, petit verdot… Các ngăn kéo bàn trong văn phòng của Charles chứa đầy những sách về đất đai và phương pháp ép nho. Ông nghiên cứu về cách lên men, cách tỉa cây, cách ghép giống. Và nhu cầu về rượu vang trên thế giới thì vẫn ngày một gia tăng. Ông thường xuyên gặp gỡ người cùng hùn vốn với mình. - Mọi thứ thậm chí còn tốt đẹp hơn tôi nghĩ, - René nói với Charles. - Giá rượu vang đang tăng vọt. Chúng ta sẽ kiếm được ba trăm nghìn franc mỗi thùng đợt ép nho đầu tiên. Nó còn hơn cả những gì Charles từng ước mơ. Nho chính là những cục vàng của ông. Charles bắt đầu mua những tập sách nhỏ viết về các đảo ở miền biển phía Nam, về Venezuela, về Brazil. Chỉ những cái tên thôi cũng đã gợi nên sự kỳ diệu về chúng. Chỉ còn một vấn đề, là có quá ít nơi trên thế giới mà Roffe và các con không đặt văn phòng, nơi mà Hélène không thể tìm thấy ông. Và nếu ông để bà ta tìm ra, ông sẽ bị bà ta giết chết. Ông biết rằng đó là điều hoàn toàn chắc chắn. Trừ khi ông giết bà ta trước. Đó là một trong những mộng tưởng hấp dẫn nhất của Charles. Ông đã giết đi giết lại Hélène trong đầu bằng hàng ngàn các phương cách khác nhau. Giờ đây, Charles lại tỏ ra thích thú với thói tật của Hélène. Tất cả những lần bà ta bắt ông thực hiện những điều tệ hại không sao diễn tả, ông lại nghĩ, tôi sẽ sớm ra đi thôi. Tôi sẽ giàu có bằng tiền của chính cô và cô chẳng làm gì được tôi. Và Hélène thường ra lệnh, "Nhanh lên", "Mạnh lên" hoặc "đừng có dừng lại", thì ông ngoan ngoãn làm theo lời bà ta. Và ông cười thầm trong bụng. * * * * * Trong công việc trồng nho, Charles biết rằng quãng thời gian cao điểm là mùa xuân và mùa hè, bởi vì nho phải được thu hoạch trong tháng Chín, khi mà thời tiết ôn hoà, nắng mưa vừa phải. Trời quá nắng sẽ làm khê mùi vị, còn mưa nhiều sẽ làm loãng mùi vị. Tháng Sáu bắt đầu thật tuyệt vời. Charles kiểm tra thời tiết ở Burgundy một lần, rồi hai lần một ngày. Ông đang vô cùng nóng ruột, chỉ còn vài tuần lễ nữa là ông có thể hoàn tất giấc mơ của mình. Ông đã chọn vịnh Montego. Jamaica là quốc gia mà Roffe và các con không đặt văn phòng đại diện. Ông sẽ dễ dàng giấu mình ở đó. Ông cũng sẽ tránh xa Round Hill hay Ocho Rios, nơi mà một người nào đó trong đám bạn của Helene có thể nhìn thấy ông. Ông sẽ mua một căn nhà nhỏ trên đồi. Sinh hoạt trên đảo rất rẻ. Ông sẽ thuê người giúp việc, mua đồ ăn ngon và sống một cuộc sống sang trọng. Và Charles đã là một người vô cùng hạnh phúc trong những ngày đầu tháng Sáu. Cuộc sống hiện tại của ông là cuộc sống nhục nhã, nhưng ông không phải đang sống trong hiện tại mà là bằng tương lai, trên một hòn đảo nhiệt đới đầy nắng ở vùng biển Caribbe: Thời tiết tháng Sáu ngày một tốt hơn. Vừa có nắng vừa có mưa. Thật tốt cho những trái nho non nhỏ bé. Và nho cứ lớn bao nhiêu thì tài sản của Charles lớn bấy nhiêu. Ngày mười lăm tháng Sáu, vùng Burgundy có mưa phùn. Rồi mưa ngày một to hơn. Trời mưa từ ngày nầy qua ngày khác, rồi tuần nầy qua tuần khác, cho tới khi Charles không còn tâm trí đâu mà ngồi theo dõi dự báo thờ tiết nữa. René Duchamps gọi điện đến. - Nếu trời ngừng mưa vào tháng Bẩy, vụ mùa của chúng ta còn có khả năng được cứu! Hoá ra tháng bẩy lại là tháng mưa nhiều nhất trong lịch sử của Nha khí tượng Pháp. Cho đến ngày đầu tháng Tám khi Charles đã mất đến đồng xu cuối cùng trong số tiền mà ông lấy trộm được. Lòng ông tràn đầy một nỗi sợ hãi mà ông chưa bao giờ phải nếm trải qua. - Tháng sau mình sẽ đến Argentina, - Hélène thông báo cho ông biết. - Em đã đăng ký tham gia một cuộc đua xe hơi ở đó. - Ông đã từng chứng kiến bà ta lao vun vút trên đường đua, và ông đã nghĩ, nếu bà ta bị tai nạn, mình sẽ được tự do. Nhưng bà ta là Hélène Roffe - Martel. Cuộc sống đã cho bà ta đóng vai người chiến thắng, cũng như ông là kẻ chiến bại. Chiến thắng trong cuộc đua làm cho Helene kích động hơn bình thường. Họ trở về khách sạn ở Buenos Aires, rồi bà ta bắt Charles cởi quần áo và nằm sấp trên thảm. Khi chợt nhận ra vật bà ta đang cầm trong tay khi cưỡi lên người ông, ông kêu lên: - Đừng, anh xin em! Bỗng có tiếng gõ cửa. - Mẹ kiếp! - Helene văng tục. Bà ta chờ đợi, và tiếng gõ cửa tiếp tục vang lên. Một giọng nói vang lên: - Thưa ông Martel? - Ở yên đó! Hélène ra lệnh. Bà ta đứng dậy, quấn một tấm lụa quanh thân hình thon thả rắn chắc, đi ra phía cửa và ké. Một người đàn ông trong bộ đồng phục bưu điện mầu xám đứng đó, cầm trong tay một phong bì đã bị niêm kín. - Tôi có điện khẩn gửi cho ông bà Martel. Bà ta cầm phong bì và đóng cửa lại. Xé phong bì ra, và lấy bức điện ra, bà ta chậm rãi đọc nó đến hai lần. - Chuyện gì vậy? - Sam Roffe đã chết, - bà ta nói. Rồi mỉm cười. Chương 05 LONDON Thứ 2 mồng 7 tháng Chín, 2 giờ chiều White s Club toạ lạc ở đầu đường St. James, gần Piccaadilly. Đây là Câu lạc bộ cổ nhất và độc đáo nhất nước Anh, được xây dựng từ thế kỷ mười tám làm câu lạc bộ đánh bạc. Các hội viên thường phải ghi tên các con trai của họ từ khi chúng mới chào đời vì ở đây có cả một danh sách chờ đợi đến ba mươi năm. Mặt tiền của White s là hình ảnh thu nhỏ của sự thận trọng. Những khung cửa rộng trông ra đường St. James có ý tưởng làm cho những người bên trong cảm thấy thoải mái hơn là thoả mãn lòng hiếu kỳ của những du khách đi ngang. Bước lên vài bậc tam cấp đã là cổng rồi, nhưng ngoài các hội viên thì có rất ít người được lọt vào trong đó. Các căn phòng trong đó đều rộng lớn và tráng lệ, được phủ lên lớp vẹt-ni màu đen bóng của thời gian. Đồ đạc trong phòng hầu hết thuộc kiểu cổ và tiện nghi, những chiếc trường kỷ bọc da, giá để báo, những chiếc bàn cổ vô giá và ghế bành lót đệm đã từng được đến nửa tá thủ tướng ngồi qua. Có một phòng chơi cờ thỏ-cáo với một lò sưới lớn đằng sau một tay vịn bằng đồng và một cầu thang uốn cong dẫn lên phòng ăn trên lầu. Căn phòng nầy kéo dài suốt bề ngang của toà nhà, bên trong là một chiếc bàn ăn khổng lồ bằng gỗ gụ dành cho ba mươi người cùng năm chiếc bàn phụ khác. Vào bất kỳ bữa trưa hay bữa tối nào trong căn phòng nầy cũng thấy xuất hiện vài nhân vật có thế lực nhất trên thế giới. Sir Alec Nichols, nghị sĩ, ngồi ở một bàn nhỏ trong góc, đang dùng bữa trưa với khách Jon Swinton. Bố của Sir Alec được phong tước tòng nam tước, và ông nội cũng như cụ của Sir Alec cũng vậy. Tất cả bọn họ đều là hội viên của White s. Sir Alec người gầy gò xanh xao, xấp xỉ năm mươi tuổi, có khuôn mặt quý phái, nhạy cảm và nụ cười duyên dáng. Ông vừa đi xe hơi đến đây từ nhà ở Gloucestershire, mặc bộ veste sọc nhỏ với chiếc sơ mi ca rô sặc sỡ, đeo chiếc cravate màu đỏ, có vẻ hơi lúng túng trong bầu không khí xa hoa yên tĩnh nầy. Nơi đây thực sự làm cho ông phải hãnh diện. Jon Swinton nói khi vẫn đang nhồm nhoàm nhai nốt miếng thịt bê. Sir Alec gật gật. - Đúng. Mọi thứ đã thay đổi từ khi Voltaire nói: "Người Anh có hàng trăm tôn giáo và chỉ có một là được ưa chuộng". Jon Swinton ngước mắt lên. - Voltaire là ai? Sir Alec bối rối trả lời: - À, một tay người Pháp. - Ồ - Swinton tống thức ăn xuống dạ dày bằng một hớp rượu vang. Gã để dao nĩa xuống và lấy khăn lau miệng. - Nào, Sir Alec. Đã đến lúc tôi và ông bàn chuyện công việc. Sir Alec dịu dàng đáp lại: - Tôi đã nói cách đây hai tuần là tôi đang tính toán mọi việc, ông Swinton. Tôi cần thêm một chút thời gian nữa. Một người hầu bàn đến gần họ, mang theo một chồng hộp xì gà bằng gỗ. Anh ta khéo léo đặt tất cả lên bÔng chớ phiền lòng nếu tôi nói thật - Jon Swinton nói. Gã xem nhãn hiệu trên các hộp gỗ, huýt sáo một cách thán phục, rồi rút ra một điếu xì gà trong túi áo ngực và châm lửa. Cả người bồi bàn lẫn Sir Alec đều không có phản ứng gì trước thái độ đó. Người bồi bàn gật đầu với Sir Alec và mang chồng hộp sang bàn khác. - Các ông chủ của tôi đã vô cùng nhân đạo với ông, Sir Alec. Bây giờ, tôi e rằng, họ đã không còn đủ kiên nhẫn nữa! - Gã nhặt que diêm đã cháy lên, ngả người về phía trước và thả nó vào ly rượu của Sir Alec, rồi tiếp tục, - Tôi xin nói thật giữa ông và tôi, rằng họ hoàn toàn không phải là người tốt khi nổi giận đâu. Chắc ông không muốn họ thất vọng về ông chứ, ông có hiểu ý tôi không? - Nhưng đơn giản là bây giờ tôi không có tiền. Jon Swinton cười to. - Thôi đi ông bạn. Mẹ của ông là người của dòng họ Roffe, đúng không? Ông có một trang trại rộng hàng trăm hecta, một toà nhà sang trọng ở Knightbridge, một chiếc Rolls-Royce và một chiếc Bentley bóng lộn. Rõ là ông không phải là hạng sống nhờ tiền trợ cấp phải không? Sir Alec nhìn quanh, đau khổ nói nhỏ. - Không một người nào trong gia đình có tài sản bằng tiền mặt. Tôi không thể… Swinton nháy mắt và nói. - Tôi dám cá rằng bà vợ Vivian bé bỏng dễ thương của ông là một tài sản bằng tiền mặt. Bà ta có đến hai chiếc Bristols đẹp tuyệt! Sir Alec đỏ bừng mặt. Cái tên Vivian trên môi gã đàn ông nầy là cả một sự xúc phạm. Alec nghĩ đến Vivian như lúc ông rời khỏi nàng vào buổi sáng, khi nàng đang còn chìm trong giấc ngủ. Họ ở hai phòng ngủ riêng và một trong những niềm vui lớn nhất của Alec Nichols là được vào phòng ngủ của Vivian để "hãm" nàng. Đôi khi Alec dậy sớm và ông đi sang phòng Vivian khi nàng còn đang ngủ và đứng ngắm nàng. Dù thức hay ngủ thì nàng cũng là cô gái đẹp nhất mà ông từng gặp. Nàng thường ngủ trần truồng và thân hình mềm mại của nàng chỉ lộ ra một nửa vì nàng có thói quen quấn mình trong chăn. Nàng có mái tóc vàng, cặp mắt màu xanh nhạt và làn da mịn màng như kem. Khi Sir Alec lần đầu gặp Vivian tại một dạ hội từ thiện thì nàng còn là một diễn viên hạng xoàng. Ông đã bị mê hoặc bởi nhan sắc của nàng nhưng thứ đưa được ông đến với nàng lại là tính dễ dãi của nàng. Nàng trẻ hơn Alec đến hai mươi tuổi và còn tràn đầy ham muốn với cuộc sống. Khi Alec tỏ ra xấu hổ hay rụt rè ở mặt nào đó thì Vivian lại hoạt bát và cởi mở. Alec không thể nào xua đuổi hình ảnh của nàng khỏi tâm trí nhưng cũng phải mất hai tuần ông mới có đủ can đảm để gọi điện cho nàng. Nàng đã nhận ngay lời mời trước sự ngạc nhiên và sung sướng của ông. Alec đưa nàng đi xem một vở kịch ở Old Vic và sau đó đi ăn tối tại Mirabelle. Vivian sống trong một căn hộ nhỏ dưới tầng hầm tốỉ tăm ở Notting Hill, và khi Alec đưa nàng về nhà, nàng đã hỏi: - Anh có muốn vào chơi không? Ông đã ở lại đó cả đêm và việc nầy làm cho cả cuộc đời ông thay đổi. Đó là lần đầu tiên một người đàn bà có thể đem lại cho ông những khoái lạc tột đỉnh. Ông chưa từng gặp một người nào như Vivian. Lưỡi nàng mềm như nhung, mái tóc vàng tha thướt và những quyến rũ ẩm ướt ở sâu thẳm trong nàng khiến ông say mê khám phá cho đến lúc mệt nhoà. Chỉ mới nghĩ đến nàng thôi là trong lòng ông đã trào dâng niềm ham muốn mãnh liệt. Nhưng tất cả không phải chỉ có thế. Nàng làm cho ông phải cười to, nàng làm cho cuộc sống của ông sinh động hơn. Nàng cười đùa luôn miệng với Alec vì bản tính của ông vốn rụt rè và hơi tẻ, và ông rất thích điều đó. Ông cố gắng đến với Vivian vào bất cứ lúc nào có thể. Mỗi khi Alec dẫn Vivian đến một bữa tiệc nào, nàng luôn là trung tâm của sự chú ý. Alec rất tự hào về điều nầy nhưng ông cũng ghen tị với đám thanh niên xung quanh nàng và ông không thể không tự hỏi có bao nhiêu người trong số đó đã lên giường với nàng. Vào những đêm Vivian không thể gặp ông vì có những cuộc hẹn hò khác, Alec thấy mình phát điên lên vì ghen tuông. Ông thường lái xe đến gần nhà nàng, đỗ xe dưới nhà để xem nàng về nhà lúc mấy giờ và đi cùng với ai. Alec biết mình đang xử sự như một kẻ ngốc nghếch nhưng ông không thể nào tự kiềm chế bản thân. Ông đã rơi vào thế kẹt không thể phá vỡ. Ông biết rõ Vivian không hề phù hợp với mình nên việc cưới Vivian là chuyện không thể bàn đến. Ông là một tòng nam tước, một Nghị sĩ được kính trọng với một tương lai tươi sáng phía trước. Ông là một cổ đông của triều đại Roffe, một uỷ viên hội đồng quản trị của tập đoàn. Còn Vivian, nàng không có một chút vị thế nào để so sánh với thế giới của Alec. Bố mẹ nàng chỉ là những vũ công hạng hai, biểu diễn ở trong đoàn xiếc tỉnh. Vivian không hề được giáo dục ngoại trừ những gì mà nàng thu lượm được trên hè phố hoặc sau cánh gà. Alec biết rằng nàng vốn bừa bãi và hời hợt. Nàng sắc sảo nhưng lại không thông minh lắm. Nhưng Alec vẫn bị nàng ám ảnh. Ông chống lại điều đó. Ông cố không gặp nàng nhưng điều đó vô dụng. Ở bên nàng ông mới thấy hạnh phúc và khi xa cách nàng, ông thấy vô cùng khổ sở. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông cầu hôn với nàng và khi Vivian gật đầu, Sir Alec Nichols ngây ngất vì sung sướng. Cô dâu mới của ông được đến ở trong ngôi nhà chung của gia đình, một ngôi nhà cổ xinh đẹp theo kiến trúc Robert Adam (1) ở Gloucestershire, kiểu Georgian với những chiếc cột kiểu Delphi (2) và một đoạn đường cong dài dành cho xe hơi. Toà nhà nằm giữa một thảm cỏ xanh mướt rộng mười hecta, trong một vùng đất phì nhiêu, có khu săn bắn riêng và vô số dòng suối nhỏ để câu cá. Ở sau nhà là một hoa viên do "Capability" Brown thiết kế. Nội thất của toà nhà mới thật tuyệt vời. Tiền đình với sàn nhà bằng đá và tường bằng gỗ sơn. Có vô số cặp đèn lồng kiểu cổ, bàn lát cẩm thạch kiểu Adam và ghế gỗ gụ. Trong thư viện là các giá sách gắn liền vào tường theo kiểu thế kỷ mười tám và một cặp bàn đặt trên bệ của Henry Holland cùng rất nhiều ghế đóng theo thiết kế của Thomas Hope. Phòng khách là sự pha trộn của Hepplewhite(3) và Chippendale với một tấm thảm Wilton, một cặp chân đèn Waterford bằng thuỷ tinh. Phòng ăn khổng lồ với sức chứa bốn mươi thực khách, ngoài ra còn có phòng hút thuốc lá riêng. Trên tầng hai là sáu phòng ngủ, mỗi phòng có một lò sưởi kiểu Adam và trên tầng ba là khu dành riêng cho gia nhân trong nhà. Sáu tuần sau khi dọn về đây, Vivian nói: - Hãy đi khỏi đây đi Alec. Ông bối rối nhìn nàng. - Em muốn lên Lond chơi vài ngày à? - Ý em là em muốn dọn nhà về London. Alec nhìn ra cửa sổ, về phía bãi cỏ mầu ngọc bích, nơi ông đã từng chơi đùa hồi còn bé, về phía mấy cây sung và cây sồi cổ thụ, rồi ngập ngừng nói: - Vivian, ở đây rất yên tĩnh mà. Anh… Và nàng nói: - Em biết. Đó là điều em không chịu nổi cái sự yên tĩnh khốn nạn nầy! Họ dọn nhà về London ngay tuần sau đó. Alec có một căn nhà bốn tầng rất tao nhã ở Vilton Crescent, phía trước Knightbridge với một phòng khách xinh xắn, phòng làm việc, phòng ăn rộng rãi và ở phía sau nhà là một cửa sổ nhìn xuống một cái động có thác nước, nhiều bức tường và những chiếc ghế dài mầu trắng đặt trong một khu vườn đẹp và gọn gàng. Trên lầu là một phòng ngủ lớn lộng lẫy và bốn phòng khác nhỏ hơn. Vivian và Alec ở trong phòng lớn được hai tuần, cho đến một buổi sáng Vivian nói: - Em yêu anh, Alec, nhưng anh ngáy to quá, anh có biết không? Alec không biết điều đó. - Em thật sự phải ngủ một mình, anh yêu ạ. Anh không thấy phiền lòng phải không? Alec rất phiền lòng. Ông rất thích cái cảm giác từ thân hình mềm mại của nàng lúc ở trên giường, khi nàng áp sát vào ông. Nhưng trong đáy lòng, Alec biết rằng mình không kích thích được Vivian như nhiều gã đàn ông khác. Đó là lý do nàng không muốn chung giường với ông. Vì vậy ông đành phải trả lời: - Dĩ nhiên là anh hiểu. Theo lời nài nỉ của Alec, Vivian vẫn ở phòng lớn còn ông dọn sang một trong bốn phòng còn lại. Thời gian đầu, Vivian theo ông đến Nghị viện và ngồi ở khu dành cho khách trong những ngày Alec phải lên phát biểu. Ông thường nhìn lên nàng, lòng tràn ngập một nỗi hãnh diện sâu sắc khó tả. Hiển nhiên nàng là người phụ nữ đẹp nhất ở đó. Và rồi cái ngày đó cũng đã đến, khi Alec hoàn thành bài phát biểu và nhìn lên chờ đợi sự tán thưởng của Vivian thì chỉ thấy một chiếc ghế trống. Alec tự trách mình vì đã không giúp được Vivian thoả mãn bản tính sôi động của nàng. Bạn bè của ông đều già hơn Vivian và tỏ ra quá dè dặt với nàng. - Ông khuyến khích nàng mời các bạn nàng đến nhà, cố giới thiệu họ với đám bạn của ông. Kết quả thật là tai hại. Alec vẫn luôn tự nhủ rằng khi Vivian có con, nàng sẽ ổn định và thay đổi lối sống. Nhưng rồi một ngày kia, không hiểu vì sao, và Alec thà không hiểu còn hơn, nàng bị nhiễm trùng âm đạo và phải giải phẫu. Alec từ lâu đã ao ước có một cậu con trai. Cái tin nầy làm ông rụng rời, nhưng Vivian thì vẫn thản nhiên. - Đừng lo, anh yêu. - Nàng nói và mỉm cười. - Họ đã cắt dạ con, nhưng em vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Ông nhìn sững nàng một lúc, rồi quay người bỏ đi. Vivian rất thích đi mua sắm lung tung. Nàng tiêu tiền bừa bãi và thiếu cẩn trọng vào quần áo, nữ trang, xe cộ, nhưng Alec lại không hề có ý ngăn cản nàng. Ông tự nhủ rằng nàng đã lớn lên trong cảnh nghèo khổ, thèm khát những thứ đẹp đẽ và sang trọng. Ông muốn mua tất cả cho nàng. Thật bất hạnh là ông lại không đủ sức làm việc đó. Tiền lương của ông bị giảm bớt rất nhiều bởi thuế má. Tài sản của ông nằm hết trong cổ phần ở tập đoàn Roffe và các con mà những cổ phần nầy lại bị hạn chế. Ông cố giải thích chuyện đó với Vivian nhưng nàng chẳng hề quan tâm. Những buthảo luận việc kinh doanh chỉ càng làm cho nàng thấy ngán ngẩm. Và vì vậy Alec đành phải để nàng tự do mọi việc. Lần đầu tiên ông nghe được chuyện nàng đánh bạc là khi Tod Michaels, chủ nhân của Tod s Club, một sòng bạc tai tiếng ở Soho ghé vào thăm ông. - Tôi có giấy nợ một nghìn bảng của vợ ông, Sir Alec. Bà ấy đã thua chúng ở bàn Roulette. Alec hoàn toàn bị sốc. Ông đã lấy lại tờ giấy nợ ngay tối hôm đó đã nói chuyện với Vivian. - Chúng ta không đủ khả năng để chơi trò nầy, - ông bảo nàng. Em đã tiêu nhiều hơn số tiền anh kiếm được. Nàng tỏ ra ăn năn. - Em xin lỗi, anh yêu. Em thật là một người vợ tồi. Và nàng đến bên ông, vòng tay choàng qua ông, áp người vào người ông, và ông quên hết cơn giận. Alec đã có một đêm mỹ mãn khó quên trên giường của nàng. Ông tin chắc rằng bây giờ thì chẳng còn vấn đề gì phải lo nữa. Hai tuần sau Tod Michaels lại ghé đến nhà Alec. Lần nầy giấy nợ của Vivian lên đến năm nghìn bảng. Alec vô cùng giận dữ. - Tại sao ông lại cho cô ấy thiếu nợ? - ông hỏi. - Bà ấy là vợ ông mà, Sir Alec, - Michaels nhẹ nhàng trả lời. - Làm sao tôi có thể từ chối bà ấy được? - Tôi sẽ… tôi sẽ phải kiếm tiền. - Alec đã nói. - Hiện tại tôi không có đủ số tiền mặt nhiều như thế. - Đồng ý! Cứ coi đó là một khoản nợ. Ông hãy trả cho tôi khi nào có thể. Alec nhẹ hết cả người. - Ông Michaels, ông thật là người rộng lượng. Chưa đầy một tháng sau, Alec biết rằng Vivian lại cờ bạc và nợ thêm hai mươi lăm nghìn bảng nữa, và Alec phải trả lãi mười phần trăm mỗi tuần. Lần nầy thì ông thật sự hoảng hốt. Ông không có cách nào kiếm được số tiền mặt nhiều như vậy. Căn nhà, những món đồ cổ tuyệt đẹp, những chiếc xe hơi, tất cả đều thuộc về Tập đoàn Roffe và các con. Cơn giận của ông đã làm Vivian sợ hãi đến nỗi nàng phải hứa là sẽ không đánh bạc nữa. Nhưng cũng đã quá muộn. Alec thấy mình đã rơi vào tay bọn cho vay nặng lãi. Dù ông có đưa cho chúng bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng vẫn không xoay sở được đủ tiền để trả đứt nợ. Số nợ cứ chồng lên hàng tháng và đã kéo dài được gần một năm. Khi đám đàn em của Tod Michaels lần đầu tiên đến thúc ép ông trả nợ, Alec đã đe doạ sẽ báo cảnh sát. - Tôi có nhiều quan hệ với các cấp cao nhất, - Alec nói. Gã đàn ông cười nhăn nhở. - Còn tôi thì lại có nhiều quan hệ với các cấp thấp nhất. Và bây giờ thì Alec ngồi đây, tại White s Club, với gã đàn ông khốn kiếp nầy, cố gắng đè nén lòng kiêu hãnh xuống và van xin thêm một chút thời gian nữa. - Tôi đã trả cho họ nhiều hơn số tiền mà tôi nợ. Họ không thể… - Đó chỉ là tiền lãi, Sir Alec. Ông vẫn chưa thanh toán món nợ gốc. - Đó là sự tống tiền. - Alec kêu lên. Cặp mắt Swinton tối lại. - Tôi sẽ nói lại lời của ông với ông chủ. - Rồi gã từ từ đứng lên. Alec nói nhanh. - Không! Làm ơn ngồi xuống cho. Swinton lại từ từ ngồi xuống ghế: - Đừng có giở cái giọng đó ra với tôi, - Gã cảnh cáo. - Người cuối cùng dám nói thế với tôi đã phải quỳ trên sàn nhà. Alec có biết chuyện ấy. Anh em nhà Kray đã bày ra nhiều trò để trừng phạt các nạn nhân của họ. Và những người đang là chủ nợ của ông cũng chẳng kém phần tàn ộc. Ông cảm thấy vị đắng ngắt đang trào lên trong họng. - Tôi không có ý như vậy. - Alec thanh minh. - Chỉ vì tôi… tôi không kiếm được tiền mặt nữa. Swinton búng nhẹ tay cho tàn xì gà rơi vào ly rượu vang của Alec, và nói: - Ông có một mớ cổ phiếu trong tập đoàn Roffe và các con, phải không Alec thân yêu! - Đúng, - Alec trả lời, - Nhưng tất cả đều không bán ra và chuyển nhượng được. Nó không có lợi cho bất cứ ai trừ khi Roffe và các con cho phép tung ra thị trường chứng khoán. Swinton rít một hơi xì gà và nói. - Và nó sắp sửa được tung ra rồi chứ? - Chuyện nầy phụ thuộc vào Sam Roffe. Tôi… tôi đang cố thuyết phục ông ấy. - Ông phải tích cực nữa vào. - Ông hãy nói cho ông Michaels rằng ông ấy sẽ được nhận đầy đủ số nợ. - Alec nói. - Nhưng xin các người hãy dừng ngay việc thúc giục tôi. Swinton nhìn ông chằm chằm: - Thúc giục ông? Tại sao, Sir Alec, đồ lại cái, ông sẽ biết khi nào chúng tôi bắt đầu thúc giục ông. Cái chuồng ngựa chó chết của ông sẽ cháy rụi và ông sẽ phải ăn thịt ngựa nướng. Sau đó sẽ đến ngôi nhà của ông. Và rồi có thể sẽ đến vợ ông. Gã mỉm cười, và Alec mong gã đừng cười thì hơn: - Ông đã bao giờ ăn một cái âm hộ hầm chưa? Mặt Alec tái nhợt. - Lạy Chúa… Swinton nhẹ nhàng hạ giọng. - Giỡn chút thôi mà; Tod Michaels là bạn của ông. Và bạn bè thì phải giúp đỡ nhau, phải không? Trong buổi họp sáng nay chúng tôi đã nói chuyện về ông. Và ông có muốn biết ông chủ tôi nói gì không? Ông ấy nói: Alec là loại người tử tế. Nếu ông ấy không có tiền, ông ấy sẽ nghĩ ra cách khác để làm chúng ta yên lòng. Alec cau mày. - Cách gì vậy? - Ờ - bây giờ, việc trả tiền có gì khó khăn với một người thông minh tài giỏi như ông, phải không? Ông đang điều hành một tập đoàn dược phẩm lớn mà. Ông sản xuất ra những thứ như cocaine chẳng hạn. Chỉ giữa ông và tôi thì ai mà biết được chuyện gì xẩy ra nếu ông gửi nhầm hàng hoá vào đâu đó? Alec nhìn sững gã. - Ông điên rồi, - Alec nói. - Tôi, tôi không thể làm vậy. - Khi cấp bách thì con người có thể làm được những chuyện đáng kinh ngạc. - Swinton ôn tồn nói. Gã đứng dậy. - Hoặc là ông trả đủ tiền cho chúng tôi, hoặc là chúng tôi sẽ cho ông biết địa điểm giao hàng, - Gã dúi điếu xì gà vào đĩa bơ của Alec. - Cho tôi gửi lời hỏi thăm tới bà Vivian, Alec. Rồi Jon Swinton bỏ đi. Sir Alec ngồi đó một mình, không còn thấy gì, xung quanh là những thứ tiện nghi quen thuộc vốn là một phần rất lớn của quãng đời đã qua của ông, mà giờ đây đang có nguy cơ biến mất. Vật xa lạ duy nhất là mẩu xì gà ướt nhoét, bẩn thỉu trên đĩa bơ của ông. Làm sao ông có thể cho phép bọn chúng bước vào cuộc sống của ông như vậy? Ông đã tự cho bọn chúng giở thủ đoạn đẩy ông vào tay bọn hạ lưu dưới đáy xã hội. Và bây giờ ông biết chúng muốn ở ông một thứ khác còn hơn cả tiền. Tiền chỉ đơn giản là miếng mồi dụ ông vào bẫy. Chúng muốn qua ông móc nối với tập đoàn. Chúng sẽ ép ông phải làm việc cho chúng. Nếu việc ông bị bọn bất lương khống chế lộ ra, lập tức phe đối lập sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Đảng của ông có thể sẽ buộc ông từ chức. Việc nầy sẽ được tiến hành một cách khéo léo và kín đáo. Có thể hsẽ gây áp lực buộc ông xin chuyển qua Chiltern Hundreds, nơi đây ông vẫn được trả một khoản lương danh nghĩa là 100 bảng một năm. Điều duy nhất đáng ngại là ông sẽ không được nhận lương từ Hoàng gia hoặc Chính phủ nữa. Như thế là Alec sẽ không còn được phục vụ trong Nghị viện. Dĩ nhiên là lý do sẽ không mãi che giấu được. Và ông sẽ bị nhục nhã. Trừ khi ông kiếm được một khoản tiền lớn. Ông đã hết lần nầy đến lần khác nói chuyện với Sam Roffe, yêu cầu ông ta cho tập đoàn tham gia thị trường chứng khoán, để cho các cổ phần được bán ra. - Anh hãy quên chuyện đó đi. Ngay giây phút chúng ta để người ngoài lọt vào công ty, sẽ có rất nhiều kẻ lạ mặt đến dạy bảo chúng ta phải điều hành việc kinh doanh như thế nào. Trước khi anh biết được chuyện nầy thì họ đã chiếm lấy hội đồng quản trị rồi cả công ty. Có khác gì với anh đâu, Alec? Anh nhận lương cao, tài khoản chi tiêu của anh là vô hạn. Anh không cần tiền. Trong khoảnh khắc Alec đã định kể cho Sam ông đang cần tiền một cách khẩn cấp ra sao. Nhưng ông biết làm thế cũng chẳng có lợi lộc gì. Sam Roffe chỉ biết đến tập đoàn, là một người lạnh lùng vô cảm, không một chút lòng trắc ẩn. Nếu ông ta biết rằng Alec có hại cho tập đoàn dù chỉ ở một phương diện nào đó, ông ta sẽ lập tức thải hồi Alec không một chút do dự. Không, Sam Roffe là người cuối cùng ông có thể nhờ cậy. Alec đang đối mặt với sự phá sản. Người gác cổng ở White s Club tiến về phía bàn Alec cùng một nhân viên bưu điện mặc đồng phục đưa thư, cầm theo một phong bì niêm kín. - Xin lỗi, Sir Alec, - Người gác cổng lên tiếng, - Nhưng người nầy cứ khăng khăng rằng anh ta được lệnh đích thân trao tận tay ông một bức điện. - Cám ơn, - Sir Alec nói. Người nhân viên bưu điện trao cho ông chiếc phong bì và người gác cổng đưa anh ta quay ra ngoài. Alec ngồi yên một lúc lâu trước khi với lấy chiếc phong bi và mở nó ra. Ông đọc bức điện ba lần rồi từ từ vò nát nó trong lòng bàn tay, cặp mắt đẫm lệ. Chú thích: (1) Kiến trúc sư người Anh (1728 - 1792). (2) Kiểu cột của kiến trúc Hy Lạp cổ (3) Đồ đạc nhà của công ty Hepplenwhite (thế kỷ 19) Chương 06 NEW YORK Thứ hai, 7 tháng Chín, 11 giờ sáng Chiếc Boeing tư nhân 707-320 đang hoàn tất chặng cuối cùng đến sân bay Kennedy, lướt nhẹ ra khỏi đường hướng dẫn hạ cánh. Đây là chuyến bay dài, buồn tẻ và Rhys Wilhams đã gần như mệt lả nhưng anh không tài nào ngủ được trong suốt cả đêm. Anh đã quá nhiều lần đi trên chiếc phi cơ nầy với Sam Roffe. Ở đâu cũng thấy tràn ngập sự có mặt của ông. Elizabeth Roffe đang mong chờ anh. Rhys đã gửi cho nàng một bức điện từ Istanbul, chỉ thông báo là anh sẽ đến vào ngày hôm sau. Anh cũng có thể báo tin cái chết của bố nàng qua điện thoại nhưng nàng đáng được quan tâm hơn thế. Máy bay đã hoàn toàn tiếp đất và đang hướng đến bãi đậu, Rhys mang theo rất ít hành lý và nhanh chóng làm xong các thủ tục hải quan. Bên ngoài, bầu trời xám xịt và ảm đạm, báo hiệu mùa đông giá lạnh sắp đến. Một chiếc limousine sang trọng đã đợi săn để đưa anh đến toà nhà của Sam Roffe ở Long Island có thể Elizabeth đang chờ anh. Trong suốt quãng đường, Rhys cố nhẩm lại những lời anh định nói với nàng, cố xoa dịu sự bất hạnh, nhưng khi Elizabeth mở cửa trước đón chào anh, những lời ấy đã nhanh chóng bay khỏi đầu anh. Mỗi khi Rhys thấy Elizabeth, sắc đẹp của nàng lại khiến anh phải sững sờ. Nàng thừa hưởng nhan sắc của mẹ, cùng một gương mặt sang trọng, cặp mắt đen láy dưới cặp lông mi dài và rậm. Da nàng trắng và mịn màng, mái tóc nàng đen bóng. Dáng người nàng đậm đà và rắn chắc. Nàng mặc một chiếc áo lụa hở cổ màu kem với chiếc váy có nếp gấp bằng nỉ xám và mang đôi giầy màu nâu vàng. Không có chút dấu vết nào của cô bé vụng về Rhys gặp lần đầu tiên hồi chín năm trước. Nàng đã trở thành một thiếu nữ với vẻ đẹp trong sáng, nồng nàn và hoàn toàn có ý thức về nó. Giờ đây nàng đang cười với anh, vui mừng được gặp anh. Nàng nắm tay anh và nói, - Vào đây, Rhys, - rồi dẫn anh vào thư viện rộng rãi có tường lát gỗ sồi . - Sam về cùng anh chứ? Không còn cách nào để báo tin một cách nhẹ nhàng. Rhys hít một hơi dài và nói: - Sam đã gặp một tai nạn khủng khiếp, Liz ạ. Anh thấy rõ sắc hồng trên má nàng biến mất. Nàng đợi anh nói tiếp. - Ông đã chết. Nàng đứng như bị đóng băng. Cuối cùng khi nàng lên tiếng, Rhys chỉ còn nghe loáng thoáng. - Chuyện… chuyện gì đã xảy ra? - Chúng tôi chưa có một chi tiết nào cả. Ông đang leo núi Mont Blanc. Sợi dây bị đứt. Ông rơi xuống một kẽ nứt. - Họ có tìm thấy… Nàng nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mở ra. - Kẽ nứt không đáy. Mặt nàng đã trở nên trắng bệch. Rhys thấy lo lắng. - Em không sao chứ? Nàng mỉm cười và nói: - Dĩ nhiên. Em không sao, cám ơn anh. Anh có muốn một tách trà hoặc một chút gì để ăn không? Anh ngạc nhiên nhìn nàng và định lên tiếng, nhưng anh chợt hiểu. Nàng đang bị xúc động mạnh. Nàng nói lung tung mà không có chút cảm giác nào, cặp mắt sáng ngời bất thường, nụ cười bất động. - Sam là một vận động viên tuyệt vời, - Elizabeth vẫn nói. - Anh đã trông thấy những chiếc cúp của bố em. Ông luôn dành chiến thắng, phải không? Anh biết rằng ông đã từng leo lên ngọn Mont Blanc chứ? Dĩ nhiên anh phải biết. Anh đã một lần đi cùng ông, phải không Rhys? Rhys để yên cho nàng nói, nàng đang cố tự giải toả nỗi đau, cố xây một lớp bảo vệ bằng ngôn từ để lẩn tránh phút giây phải đối mặt với nỗi đau khổ của chính mình. Trong một lúc, khi đang lắng nghe nàng, anh chợt nhớ về cô bé yếu đuối mà anh đã gặp lần đầu, quá dễ tổn thương, quá đỗi rụt rè đến nỗi không tài nào tự bảo vệ mình trước những sự thật phũ phàng. Giờ dây nàng đang bị kích động một cách nguy hiểm, căng thẳng tột cùng và xung quanh nàng là một sự yếu ớt khiến Rhys phải lo ngại. - Để anh gọi bác sĩ, - anh nói. - Ông ấy sẽ giúp em. - Ồ không. Em vẫn hoàn toàn bình thường mà. Nếu anh không thấy ngại, em nghĩ em nên nằm một phút. Em thấy trong người hơi mệt. - Em có cần anh ở đây không? - Cám ơn anh. Có lẽ không cần như vậy đâu. Nàng đưa anh ra cửa và khi anh bước vào xe, Elizabeth chợt gọi: - Rhys? Anh quay lại. - Cám ơn anh đã đến. Chúa ơi! Nhiều giờ sau khi Rhys Williams đi khỏi, Elizabeth Roffe vẫn nằm trên giường, chằm chằm lên trần nhà, theo dõi những hình ảnh chợt ẩn chợt hiện được vẽ nên bởi ảnh nắng tháng chín yếu ớt. Và cơn đau kéo đến. Nàng không uống thuốc vì nàng muốn đau. Nàng và Sam giống nhau ở điểm đó. Nàng có thể chịu đựng được vì nàng là con gái của Sam. Và nàng cứ nằm đó, suốt ngày suốt đêm, không nghĩ gì, rồi lại nghĩ đến tất cả mọi thứ, hồi tưởng, xúc động. Nàng cười, nàng lại khóc, rồi nàng nghĩ mình đang lên cơn điên loạn. Chẳng sao cả. Không ai nghe thấy gì hết. Nửa đêm, nàng thấy đói cồn cào và xuống bếp ăn ngấu nghiến một chiếc sandwich to rồi lại nôn thốc nôn tháo. Nàng vẫn không thấy khá hơn. Không gì có thể làm dịu cơn đau tràn ngập trong lòng. Nàng cảm giác như các đầu dây thần kinh đang bùng cháy. Tâm hồn nàng không ngừng trôi ngược về những năm tháng trước với bố nàng. Nàng quan sát bình minh qua cửa sổ phòng ngủ. Một lúc sau, người giúp việc gõ cửa và Elizabeth bảo cô ta đi. Một lần chuông điện thoại reo, tim nàng giật thót lại, nàng với tay về phía nó và nghĩ, là Sam! Rồi nàng chợt nhớ ra và rút tay lại. Ông sẽ không bao giờ còn gọi điện cho nàng nữa. Nàng cũng không bao giờ được nghe tiếng của ông nữa. Nàng sẽ không bao giờ được gặp ông nữa. Một kẽ nứt không đáy. - Không đáy. Elizabeth nằm đó, để mặc cho dĩ vãng cuốn đi, hồi tưởng lại tất cả. Chương 07 Sự ra đời của Elizabeth Rowane Roffe quả là một tấn bi kịch kép. Bi kịch nhỏ là mẹ của Elizabeth qua đời ngay trên bàn đẻ. Bi kịch lớn là Elizabeth là con gái. Trong chín tháng, cho tới khi cô chào đời, cô là đứa bé được mong đợi một cách tha thiết nhất trên thế giới, người sẽ kế thừa một vương quốc vĩ đại trị giá hàng tỉ tỉ đô la - tập đoàn Roffe và các con. Vợ của Sam Roffe, Patricia, là một phụ nữ tóc đen có nhan sắc hơn người. Nhiều người đàn bà đã cố tìm trăm phương ngàn kế để lấy cho được Sam Roffe vì địa vị của ông, uy tín của ông, sản nghiệp của ông. Còn Patricia đã kết hôn với ông vì bà thật lòng yêu ông. Đó là lý do tồi tệ nhất. Sam Roffe luôn tìm cách sắp xếp công việc làm ăn và Patricia rất phù hợp với yêu cầu của ông. Sam Roffe không có thời gian cũng như tính khí của một người đàn ông thuộc về gia đình. Không còn chỗ nào khác ngoài Roffe và các con trong cuộc sống của ông. Ông miệt mài hiến dâng mình cho tập đoàn và ông trông mong những người xung quanh ông cũng giống như ông vậy. Đối với ông, tầm quan trọng của Patricia chỉ bó gọn trong những gì mà bà đóng góp cho hình ảnh của tập đoàn. Tới lúc Patricia nhận thức được thực trạng cuộc hôn nhân của mình thì đã quá muộn. Sam giao cho bà một vai diễn và bà đã diễn xuất thật tuyệt vời. Bà là một nữ chủ nhân hoàn hảo, một bà Sam Roffe hoàn hảo. Bà không nhận được một chút tình yêu nào từ chồng và bà cũng kịp học cách không ban phát tình yêu. Bà phục vụ Sam không khác gì một cô thư ký hạng bét đang làm công trong Roffe và các con. Bà luôn có mặt để trả lời điện thoại hai mươi tư giờ một ngày, sẵn sàng bay đến bất cứ nơi nào Sam cần bà, thừa khả năng chiêu đãi một công ty vào loại hàng đầu thế giới hay tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho một trăm thực khách dựa theo hàng ngày với đầy đủ khăn trải bàn thêu, bộ ly thuỷ tinh Baccarat lóng lánh, bộ đồ ăn bạc kiểu Georgian nặng trịch. Patricia là một thứ tài sản không được liệt kê của Roffe và các con. Bà làm việc quần quật mà vẫn giữ được nhan sắc, nhờ tập luyện và ăn kiêng đều đặn như những người Spartan thuộc đất nước Hy Lạp cổ xưa. Thân hình của bà thật hoàn hảo, quần áo được thiết kế riêng bởi các hãng thời trang nổi tiếng như Norell ở New York, Channel ở Paris, Harnell ở London và Sybil Connoly ở Dublin. Nữ trang của bà cũng được đặt làm riêng ở tận Bulgaria do tay của Jean Schlumbrger. Cuộc sống của bà luôn bận rộn và đầy ắp nhưng cũng hết sức vô vị và trống rỗng. Việc bà có mang đã làm thay đổi tất cả. Sam Roffe là người thừa kế nam cuối cùng của triều đại Roffe, và Patricia biết rõ rằng ông tha thiết có một đứa con trai như thế nào. Ông đang trông chờ ở bà. Và bây giờ bà trở thành mẫu hậu, bận rộn với đứa con trong bụng, vị hoàng tử bé tí xíu, người mà một ngày kia sẽ kế thừa vương quốc. Khi họ đẩy xe đưa bà vào phòng đẻ, Sam nắm chặt tay bà và nói "Cám ơn em". Bà qua đời ba mươi phút sau đó vì một cơn tắc mạch, và điều hạnh phúc duy nhất về cái chết của Patricia là bà chết mà không biết mình đã làm ông chồng thất vọng đến nhường nào. Sam Roffe dảnh bớt thời gian trong thời gian biểu mệt nhoài của ông tổ chức ma chay cho vợ, rồi tập trung vào vấn đề ông phải làm sao với đứa con vừa mới mất mẹ của mình. Một tuần sau ngày Elizabeth ra đời, nàng được đưa về nhà và giao cho một bà vú, người khởi đầu cho một loạt các bà vú sau nầy. Trong suốt năm năm đầu tiên của cuộc đời, Elizabeth rất hiếm khi được thấy mặt bố mình. Ông không hơn gì một bóng mờ, một người xa lạ luôn chợt đến chợt đi. Ông thường xuyên đi khắp mọi nơi và Elizabeth là một sự phiền toái mà ông phải mang theo, một thứ hành lý thừa. Một tháng Elizabeth thấy mình sống tại toà nhà ở Long Island với những bãi chơi ki, sân tennis, bể bơi và sân bóng quần. Vài tuần sau, bà vú của nàng lại thu dọn quần áo và nàng bay đến ở tại toà biệt thự của gia đình ở Barritz. Nó có đến năm mươi phòng và ba mươi hecta đất khiến Elizabeth cứ bị lạc luôn. Ngoài ra, Sam Roffe còn sở hữu một căn nhà mái bằng lớn ở Beekman Place và một toà biệt thự khác trên bờ biển Smeralda ở Sardinia. Elizabeth qua lại tất cả những nơi nầy, từ nhà qua biệt thự, từ biệt thự qua nhà và nàng lớn lên giữa cảnh thanh lịch xa hoa. Nhưng nàng vẫn luôn cảm thấy mình như một người ngoài đi lạc vào một bữa tiệc sinh nhật lộng lẫy được tổ chức bởi những người xa lạ vô tình. Khi Elizabeth lớn lên, bấy giờ nàng mới hiểu con gái của Sam Roffe là như thế nào. Mẹ nàng đã là một nạn nhân tội nghiệp của tập đoàn, và giờ đây đến lượt nàng. Nếu như nàng không có cuộc sống gia đình, cũng chỉ bởi vì chẳng có gia đình nào cả, mà chỉ có những người giám hộ được trả tiền và hình bóng xa cách của người được gọi là bố của nàng, người dường như không hề để tâm đến nàng, chỉ biết có tập đoàn mà thôi. Patricia có thể chấp nhận hoàn cảnh của mình, nhưng với đứa con thì như thế thật là tàn nhẫn. Elizabeth cảm thấy không ai cần tới mình, không ai không biết làm gì để chống đỡ niềm thất vọng và cuối cùng nàng tự trách bản thân mình là không dễ thương. Nàng cố gắng dành lấy tình cảm của bố mình trong vô vọng. Khi Elizabeth đến tuổi đi học, nàng ngồi trong lớp và làm nhiều món đồ cho ông, những bức tranh vẽ bằng màu nước ngây ngô, những chiếc gạt tàn xiêu vẹo, và nàng cẩn thận cất giữ chúng, chờ đợi bố đi công tác về để đem ra làm cho ông ngạc nhiên, làm cho ông vui lòng và nghe ông nói "Đẹp lắm, con yêu. Con thật là giỏi". Khi ông trở về, Elizabeth mang những món quà yêu quý cho ông và ông liếc qua chúng một cách thờ ơ rồi gật đầu hoặc lắc đầu. "Con sẽ không bao giờ trở thành nghệ sĩ, phải không?". Có đôi lần Ehzabeth chợt bừng tỉnh giữa đêm khuya, và bước xuống cầu thang dài uốn cong trong căn nhà ở Beekman Place, đi qua đại sảnh mênh mông tới căn phòng làm việc của bố nàng. Nàng bước vào trong căn phòng trống trải như đang bước vào chốn linh thiêng. Đây là phòng của ông, nơi ông làm việc, ký những văn kiện quan trọng và điều hành cả thế giới nầy. Elizabeth bước tới cái bàn khổng lồ bọc da và từ từ miết hai tay lên mặt bàn. Rồi nàng vòng ra đằng sau bàn, ngồi vào chiếc ghế da của ông. Nàng cảm thấy ở đó gần gũi với bố mình hơn. Tức là đến nơi nào ông đã đến ngồi nơi nào ông đã ngồi, nàng sẽ trở thành một phần của ông. Nàng luôn nói chuyện với ông trong trí tưởng tượng, và ông sẽ lắng nghe, sẽ thấy thú vị và sẽ tỏ ra ân cần khi nàng giải bày những vấn đề của mình. Một đêm, khi Elizabeth đang ngồi ở chỗ của ông trong bóng tối, bỗng nhiên đèn trong phòng bật sáng. Bố nàng đang đứng ở ngưỡng cửa. Ông nhìn Elizabeth ngồi sau bàn làm việc, mặc một cái áo ngủ mỏng, và hỏi, "Con làm gì một mình ở đây trong bóng tối vậy?" Rồi ông bế nàng lên, đưa nàng lên gác, tới giường ngủ, và Elizabeth đã thao thức cả đêm đó, nghĩ đến việc bố đã bế mình như thế nào. Sau lần đó, đêm nào nàng cũng xuống nhà và ngồi trong phòng làm việc của ông chỗ ông đến bế nàng lên gác nhưng chuyện đó đã không bao giờ còn xảy ra. Không một ai nói chuyện về mẹ với Elizabeth, nhưng có một bức chân dung toàn thân tuyệt đẹp của Patricia treo trong phòng khách và Elizabeth thường đứng ngắm nó hàng giờ. Rồi nàng nhìn lại mình trong gương. Xấu quá. Người ta đã đặt vòng chỉnh răng nên trông nàng cứ như nửa người nửa thú vậy. Chẳng lạ lẫm gì khi bố không hề để ý đến mình, Elizabeth nghĩ. Chẳng bao lâu sau, nàng liên tục thèm ăn và ăn uống rất ngon miệng, rồi nàng bắt đầu lên cân. Bởi vì nàng đã hiểu ra một sự thật tuyệt vời: Nếu nàng béo ra và xấu xí, sẽ không còn ai trông mong nàng sẽ giống mẹ mình. Khi Elizabeth được mười hai tuổi, nàng được gửi vào học tại một trường tư thục đặc biệt ở khu Đông Manhattan. Nàng đi học bằng chiếc Rolls-Royce có tài xế riêng, vào lớp và ngồi một chỗ, yên lặng, không biết đến mọi người xung quanh. Nàng không bao giờ xung phong trả lời câu hỏi, và khi bị gọi tên, nàng cũng chẳng bao giờ tỏ ra là biết câu trả lời. Rồi các giáo viên cũng sớm quen đi và phớt lờ nàng. Họ thảo luận về nàng và nhất trí với nhau rằng nàng là đứa bé hư nhất mà họ từng thấy. Trong một báo cáo cuối năm gửi cho bà hiệu trưởngElizabeth đã viết: "Chúng tôi không thu được một tiến triển nào ở trường hợp Elizabeth Roffe. Em xa rời các bạn cùng lớp và từ chối tham gia bất kỳ một sinh hoạt nhóm nào. Em không kết bạn với bất cứ ai trong trường. Điểm số của em không đạt nhưng thật khó xác định đó là bởi vì em không cố gắng hay không đủ khả năng xứ lý mợi việc. Em ngạo mạn và ích kỷ. Nếu bố em không phải là ân nhân lớn của trường, tôi sẽ cương quyết yêu cầu đuổi học em". Bản báo cáo cách xa thực tế đến hàng năm ánh sáng. Sự thật đơn giản là Elizabeth Roffe không có một tấm lá chắn bảo vệ, không có một cái áo giáp chống lại sự cô đơn tột cùng đã nhấn chìm nàng. Tâm hồn nàng tràn đầy cảm giác sâu sắc về sự vô dụng của mình khiến nàng sợ phải kết bạn, sợ rằng họ sẽ khám phá rằng nàng là đồ vô dụng, khó có cảm tình. Nàng không ngạo mạn mà chỉ hầu như là bị bệnh nhút nhát quá độ. Nàng có cảm giác rằng mình không thuộc về cùng một thế giới mà bố nàng đang sống. Nàng chẳng thuộc về đâu cả. Nàng miễn cưỡng ngồi xe Rolls-Royce đến trường vì nàng biết rằng mình không đáng được như thế. Trong lớp, nàng cũng biết trả lời các câu hỏi của cô giáo nhưng nàng lại không dám nói ra vì sợ mọi người chú ý đến mình. Nàng thích đọc sách và nàng thường thức khuya để vùi đầu vào sách. Nàng cũng mơ màng, và những mơ ước thật kỳ quặc nhưng cũng rất dễ thương. Nàng đang ở Paris cùng bố và họ ngồi xe ngựa chạy qua rừng, rồi những căn phòng khổng lồ giống nhà thờ Saint-Patrick, và thiên hạ không ngừng bước vào với giấy tờ trên tay xin ông chữ ký, còn ông thì vừa vẩy tay xua họ đi vừa nói "Các người không thấy tôi đang bận sao? Tôi đang nói chuyện với con gái tôi, Elizabeth". Nàng và bố đang trượt tuyết ở Thuỵ Sĩ, song song chạy xuống một con đồi dốc, những ngọn gió lạnh buốt đập mạnh vào người họ, đột nhiên ông ngã xuống và kêu lên đau đớn vì chân ông đã gãy và nàng nói "Bố đừng lo! Con sẽ chăm sóc cho bố". Rồi nàng trượt xuống bệnh viện và nói "Nhanh lên, bố tôi đang bị thương", và một tá người mặc áo khoác trắng đưa ông lên một chiếc xe cứu thương bóng loáng, nàng ở bên giường của ông, đút cho ông ăn (có thể là tay ông bị gãy chứ không phải là chân), và mẹ nàng đi vào trong phòng, không hiểu sao bà lại sống lại, và bố nàng nói "Anh không thể gặp em lúc nầy được, Patricia. Anh và Elizabeth đang nói chuyện với nhau". Hoặc là họ đang ở trong ngôi biệt thự xinh đẹp ở Sardinia, và tất cả đám gia nhân đều đi vắng nên Elizabeth nấu bữa tối cho bố nàng. Ông ăn hết mọi thứ và nói "Con nấu ăn giỏi hơn mẹ nhiều, Elizabeth". Những cảnh tượng với bố nàng luôn được kết thúc theo cùng một cách. Chuông cửa reo vang và một người đàn ông cao lớn, cao hơn cả bố nàng chợt xuất hiện và cầu xin Elizabeth nhận lời kết hôn với anh ta, và bố nàng liền nài nỉ nàng "Elizabeth, bố xin con, đừng bỏ rơi bố. Bố cần có con". Và nàng đồng ý ở lại. Trong tất cả những ngôi nhà mà Elizabeth đã từng ở, căn biệt thự ở Sardinia được nàng yêu thích nhất. Không phải vì nó lớn nhất mà là nó có nhiều mầu sắc nhất, thân thiết nhất. Bản thân Sardinia đã hấp dẫn Elizabeth rồi. Đó là một hải đảo bị núi đá vây hãm tạo nên ấn tượng mạnh cách bờ biển phía Tây Nam Italia khoảng 160 hải lý, là một quần thể thiên nhiên hùng vĩ bao gồm núi, biển và trang trại xanh tươi. Những vách đá của núi lửa khổng lồ đã phun lên từ hàng nghìn năm trước từ lờng biển hoang sơ, và những doi đất ven biển quét một hình bán nguyệt đến xa đến ngút tầm mắt, biển Tyrrhenie tạo nên một vành đai xanh xung quanh đảo. Đối với Elizabeth, hòn đảo có những hương vị riêng đặc biệt độc đáo, đó là mùi của gió biển và rừng cây, mùi hoa macchia trắng và vàng, loại hoa yêu thích của Napoleon. Đó là những bụi cây corbeccola cao khoảng gần hai mét có trái mầu đỏ, vị giống vị quả dâu tây và cây guarcias, cây sồi đá vĩ đại có vỏ được xuất vào đại lục để sản xuất nút chai rượu vang. Nàng rất thích nghe những hòn đá hát, những hòn đá huyền bí khổng lồ với muôn vàn những lỗ nhỏ xuyên qua. Khi gió thổi qua các lỗ nhỏ ấy, những hòn đá lại phát ra những âm thanh kỳ quái, như tiếng than vãn ai oán, như bài hát buồn của các linh hồn vất vưởng. Gió vẩn vơ không ngừng thổi. Elizabeth dần dần cũng hiểu được hết các loại gió. Mistrale, ponente, tramontana grecate và levante. Gió dịu dàng và gió hung dữ. Rồi lại còn scirocco, ngọn gió nóng bức khó chịu thổi đến từ sa mạc Sahara. Biệt thự Roffe ở bờ biển Smeralda, phía trên cảng Cervo, toạ lạc trên một vách đá cao trông xuống biển, tách biệt hẳn bởi những dẫy cây bách và cây ôliu quả đắng mọc hoang. Xa tít xuống phía dưới là cảnh đẹp hấp dẫn của khu bến cảng và xung quanh đó, rải rác trên các ngọn đồi xanh là những ngôi nhà bằng đá trát vữa với những mầu sắc hỗn độn kỳ quặc như bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ con. Toà biệt thự cũng được trát vữa, nhưng là loại vữa trộn với hạt cây bách. Nó được xây theo nhiều nấc với nhiều căn phòng rộng lớn, tiện nghi, mỗi phòng đều có lò sưới và ban công. Phòng khách và phòng ăn có cửa sổ nhìn ra toàn cảnh của hòn đảo. Một cầu thang kiểu tự do dẫn lên lầu trên, nơi có bốn phòng ngủ. Đồ đạc trong nhà kết hợp một cách hoàn mỹ với môi trường xung quanh. Đó là những bàn ăn và ghế dài thô sơ, những chiếc ghế bành êm ái. Cửa sổ được che bằng loại màn xếp len trắng dệt tay trên đảo, sàn nhà được lát gạch serasada sặc sỡ của Sardinia và nhiều loại gạch khác nữa của Tuscany. Phòng tắm và phòng ngủ có trải thảm len địa phương cổ truyền. Ngôi nhà trở nên rực rỡ hơn với nhiều bức tranh, một sự pha trộn giữa trường phái ấn tượng Pháp, các hoạ sĩ bậc thầy Italia và các hoạ sĩ trước thời phục hưng ở trên đảo. Hai bước chân dung Samuel Roffe và Terema Roffe, ông bà tổ của Elizabeth được treo trong phòng lớn của toà nhà. Nét đặc biệt của toà nhà mà Elizabeth yêu thích nhất là căn phòng trên cùng, ở ngay dưới mái dốc. Nó được nối xuống dưới bằng một cầu thang hẹp từ tầng hai và Sam Roffe dùng nó làm văn phòng. Trong đó có một bàn làm việc lớn và một ghế xoay có lót nệm. Dọc theo các bức tường là các giá sách, các bản đồ phần lớn là có liên quan đến đế chế Roffe. Cái cửa kiểu Pháp dẫn đến một ban công nhỏ xây chìa ra phía trên một vách đá dựng đứng, và đứng đó nhìn ra quang cảnh thấy thót hết cả tim. Chính trong căn nhà nầy, năm mười ba tuổi Elizabeth đã khám pháuồn gốc gia đình nàng, và lần đầu tiên trong đời nàng cảm thấy mình thuộc về ai đó, rằng nàng là một phần thuộc dòng họ của mình. Sự việc bắt đầu vào ngày mà nàng tìm thấy Quyển sách. Sam lái xe đi Olbia và Elizabeth đi vẩn vơ lên căn phòng trên cùng. Nàng chẳng hề để ý đến những quyển sách trên giá, đã từ lâu nàng biết chúng là sách khoa học kỹ thuật về dược lý, dược phẩm, những sách viết về các công ty đa quốc gia, luật quốc tế. Buồn tẻ và chán ngắt. Chỉ có một số ít sách viết tay được cất trong tủ kính. Một quyển là sách y học bằng tiếng La tinh tên là Circa Instans được viết từ thời Trung cổ, một quyển khác tên là De Materia Medica. Vì đang học tiếng La tinh và cũng vì tò mò muốn xem một quyển sách cổ mà cô mở tủ kính lấy nó ra. Đằng sau nó, nằm khá kín đáo trong một góc khuất là một quyển khác. Elizabeth nhấc nó ra. Đó là một cuốn sách dầy, bìa bọc da đỏ và không có tên. Ngạc nhiên, Ehzabeth mở cuốn sách ra. Như mở cánh cổng đưa nàng sang một thế giới khác. Đó là cuốn tiểu sử của ông tổ nàng, Samuel Roffe, bằng tiếng Anh, in trên giấy da. Cuốn sách không có tên tác giả, không ghi ngày tháng, nhưng Elizabeth chắc rằng nó đã có từ hơn một trăm năm vì hầu hết các trang sách đã bạc mầu, một số trang khác đã ố vàng và long ra vì quá cũ. Nhưng tất cả các điều đó đều không hề quan trọng. Chỉ có câu chuyện trong đó mới thực sự đáng kể, một câu chuyện làm sống lại các bức chân dung treo dưới phòng lớn. Elizabeth đã nhìn các bức chân dung của các cụ tổ nàng hàng trăm lần: một người đàn ông và một người đàn bà cổ lỗ, mặc những bộ quần áo lạ lùng. Người đàn ông không đẹp trai nhưng lại toát ra một sức mạnh đặc biệt và vẻ thông minh trên gương mặt. Tóc ông mầu vàng hoe, gò má cao của dân tộc Slavơ và cặp mắt xanh sáng, tinh nhanh. Người đàn bà rất đẹp. Tóc đen, nước da bóng láng không một tì vết và cặp mắt đen như than. Bà mặc một chiếc váy dài bằng lụa trắng với một áo khoác ngắn, vạt trên thêu kim tuyến. Hai người xa lạ không có ý nghĩa gì với Elizabeth. Nhưng giờ đây, một mình trong căn phòng áp mái, Elizabeth mở cuốn sách ra và bắt đầu đọc, Samuel và Terenia Roffe trở nên sống động. Elizabeth cảm tưởng như mình đang đi ngược thời gian, đang sống trong khu người Do Thái Krakow vào năm 1853 với Samuel và Terenia. Càng đọc cuốn sách, nàng biết rằng ông tổ Samuel của nàng, người sáng lập ra Roffe và các con, là một người lãng mạn, rất thích phiêu lưu. Và là một tên giết người. Chương 08 Hồi ức xa xưa nhất của Samuel Roffe, như Elizabeth đọc là việc mẹ ông bị giết trong một tàn sát người Do Thái đẫm máu năm 1855 khi Samuel được năm tuổi. Cậu bé trốn trong hầm rượu của căn nhà gỗ nhỏ nơi gia đình Roffe cư ngụ cùng nhiều gia đình khác thuộc khu người Do Thái ở Krakow. Khi cuộc náo loạn cuối cùng trôi qua, hàng giờ đồng hồ dài dằng dặc sau đó và âm thanh duy nhất còn sót lại là tiếng khóc than của những người sống sót, Samuel thận trọng rời khỏi chỗ nấp và đi lên trên phố của người Do Thái tìm mẹ. Đối với cậu bé, cả thế giới dường như đang bốc cháy. Bầu trời bị nhuốm màu đỏ rực từ những căn nhà đang chìm trong lửa, làn khói đen đặc cuồn cuộn khắp nơi. Đàn ông, đàn bà nháo nhác lên tìm kiếm người thân hoặc cố tìm cách cứu lấy căn nhà hoặc số tài sản ít ỏi của họ. Krakow, vào giữa thế kỷ mười chín, có một khu thương mại cho thuê nhưng người Do Thái bị cấm đến đó. Nơi đây, trong khu Do Thái ở ven thành phố, họ buộc phải chiến đấu với sự tàn sát bằng tay không, với nước kéo lên từ giếng, và tạo thành đội quân xô thùng để dập tắt ngọn lửa. Samuel nhìn đâu cũng thấy cảnh chết chóc, vô số các xác đàn ông và đàn bà không còn nguyên vẹn nằm la liệt như những con búp bê dập nát; những phụ nữ bị cưỡng hiếp nằm trần truồng và đám trẻ con, máu vẫn chảy đang rên rỉ kêu cứu. Samuel thấy mẹ mình nằm trên phố, nửa tỉnh nửa mê, máu me đầm đìa trên mặt. Cậu quỳ xuống bên cạnh bà, tim đập thình thịch "Mẹ ơi!" Bà mở mắt nhìn thấy cậu, cố cất tiếng nói, và Samuel biết mẹ mình đang hấp hối. Cậu muốn cứu bà nhưng không biết làm cách nào và thậm chí khi cậu nhẹ nhàng lau sạch các vết máu thì việc ấy cũng đã quá muộn. Lâu sau đó, Samuel đứng nhìn đội mai táng cẩn thận đào đất bên dưới xác mẹ cậu: vì máu bà chảy quá nhiều ướt sũng cả đất, và theo Kinh Thánh, tất cả phải được chôn theo bà thì bà mới được về bên Chúa một cách toàn vẹn. Chính vào lúc đó Samuel đã quyết định rằng mình cần phải trở thành bác sĩ. Gia đình Roffe và tám gia đình khác sống trong một căn nhà gỗ hẹp ba tầng. Samuel sống trong một căn phòng nhỏ với bố và bà dì Rachel, và cả đời cậu chưa bao giờ được ở phòng riêng hoặc ăn ngủ một mình. Cậu cũng không thể nhớ được lúc nào tai cậu không nghe được những tiếng nói, nhưng Samuel cũng không khát khao được riêng tư, vì cậu cho rằng chuyện đó là hoàn toàn không có. Cậu luôn sống trong một trạng thái hỗn độn. Một buổi tối Samuel và các thân nhân cùng bạn bè bị khoá chặt trong khu Do Thái như những người Do Thái vẫn nhốt dê, bò, gà của họ. Vào lúc mặt trời lặn, hai cánh cổng gỗ đồ sộ của khu Do Thái được đóng lại và khoá bằng một ổ khoá kim loại lớn. Đến bình minh cổng mới được mở và các thương nhân Do Thái mới được phép đi vào thành phố Krakow để điều khiển việc kinh doanh với những người không phải dân Do Thái, nhưng họ phải trở về ở bên trong khu Do Thái trước khi mặt trời lặn. Bố Samuel đến từ nước Nga, ông trốn khỏi một cuộc tàn sát ở Kiev và ông đã lên đường đi Krakow, nơi ông gặp gỡ cô dâu của mình. Bố của Samuel lưng hơi gù, tóc hoa râm, gương mặt nhăn nheo và mệt mỏi. Ông là người bán hàng rong với những món đồ lặt vặt nữ trang rẻ tiền và dụng cụ làm bếp, ngày ngày ông đẩy xe qua những đường phố chật hẹp của khu Do Thái. Cậu bé Samuel rất thích được rong chơi trên các con phố lát đá đông đúc và nhộn nhịp. Cậu cũng khoái được hít hà mùi bánh mì nướng xen lẫn với mùi cá khô, pho mát, trái cây chín hoà với mùi mùn cưa và da thuộc. Cậu thích nghe những người bán hàng rong hát rao các món hàng của họ và các bà nội trợ mặc cả bằng giọng xúc phạm dễ mích lòng. Các loại hàng hoá mà những người bán hàng rong tiêu thụ được thật khó tưởng tượng: vải lanh, đăng ten, vải bọc, đồ da, thịt và rau, kim chỉ, xà phòng, gà nguyên con đã làm sạch lông, nến, nút c các loại, xirô giầy dép. Sinh nhật lần thứ mười hai của Samuel cũng là ngày đầu tiên bố cậu đưa cậu vào thành phố Krakow. Cái ý nghĩ được bước qua cánh cổng gỗ và nhìn thấy tận mắt Krakow, nhà cửa của những người không phải Do Thái khiến tâm hồn cậu tràn đầy những kích thích không sao chịu nổi. Sáu giờ sáng, Samuel, xúng xính trong bộ quần áo đẹp đứng trong bóng tối bên cạnh ông bố trước cánh cổng vẫn còn khép kín, xung quanh là một đám đông ồn ào với những chiếc xe đẩy thô sơ tự đóng, xe bò hoặc xe ba gác. Không khí lạnh và ẩm thấp làm cho Samuel phải co người vào trong chiếc áo len lông cừu đã xơ chỉ. Dường như sau đến vài tiếng đồng hồ, vầng mặt trời màu cam sáng chói mới chịu ló dạng ở chân trời phía đông và đám người xôn xao cả lên. Một lúc sau, hai cánh cổng gỗ từ từ mở ra và các lái buôn bắt đầu ào ra như một đàn kiến cần cù, hướng về thành phố. Càng đến gần thành phố kỳ diệu, khủng khiếp, tim Samuel càng đập nhanh hơn. Cậu đã có thể nhìn thấy những công sự nhô cao khỏi mặt sông Vistula. Samuel bám vào bố chặt hơn. Cậu đã thực sự ở trong Krakow, xung quanh là những người không phải Do Thái, những người mà đêm nào cũng khoá chặt cánh cổng, giam cầm bố con cậu. Cậu liếc nhanh những người qua lại bằng ánh mắt lấm lét và lo sợ, ngạc nhiên khi thấy họ khác hẳn. Họ không đeo khoá tai, và áo choàng dài đen, và nhiều người trong bọn họ râu ria nhẵn nhụi. Samuel và bố đi dọc theo đường Plante hướng về phía Rynek, nơi họp chợ đông đúc, ở đây họ đi qua gian hàng quần áo và tới nhà thờ có hai cái tháp Saint-Mary. Samuel chưa bao giờ trông thấy khung cảnh tuyệt vời như vậy. Cái cảm giác kích thích vì được tự do làm cho Samuel ngộp thở. Những ngôi nhà ở hai bên hè phố đều tách biệt với nhau chứ không liền lại một khối và phần lớn chúng đều có một mảnh vườn nhỏ phía trước. Chắc chắn, Samuel nghĩ, mỗi người ở Krakow phải là một triệu phú. Samuel đi theo bố đến khoảng sáu nhà buôn sỉ, nơi bố cậu mua hàng hoá và chất lên xe đẩy. Khi chiếc xe đã đầy, ông và cậu bé quay trở lại khu Do Thái. - Mình không thể ở lại lâu hơn sao? - Samuel nài nỉ. - Không, con trai ạ. Chúng ta phải về nhà. Samuel không muốn về. Đây là lần đầu tiên cậu được ra ngoài cánh cổng và trọng người cậu tràn đầy cảm xúc khoan khoái mãnh liệt tựa hồ làm cậu nghẹt thở. Những người đó có thể sống thế nầy, tự do đi bất cứ nơi nào họ muốn, làm bất cứ cái gì họ thích… Tại sao cậu không được sinh ra bên ngoài cổng? Ngay lập tức cậu cảm thấy xấu hổ với bản thân vì đã có ý nghĩ bất nghĩa như vậy. Đêm hôm đó khi lên giường, Samuel đã nằm thao thức rất lâu, nghĩ về Krakow và những ngôi nhà đẹp với mảnh vườn xanh tươi trồng rất nhiều hoa. Cậu phải tìm cách để tự do. Cậu muốn nói chuyện với ai đó về những gì cậu cảm thấy, nhưng không ai có thể hiểu được cậu. Elizabeth đặt Quyển sách xuống và ngả người, nhắm mắt, cố hình dung lại nỗi cô đơn của Samuel, sự phấn khích, cảm giác thất vọng của ông. Đó chính là lúc Elizabeth bắt đầu đồng cảm với ông, cảm thấy mình là một phần của ông. Dòng máu của ông đang chảy trong người nàng, một cảm giác hoà hợp diệu kỳ đang được nung. Elizabeth chợt nghe thấy tiếng xe hơi của bố và nàng nhanh chóng giấu Quyển sách đi. Nàng không còn cơ hội nào khác để đọc nó ở đây. Nhưng khi trở về New York, Quyển sách đã được giấu kỹ tận đáy va-li của nàng. Chương 09 So với ánh nắng mùa đông ấm áp ở Sardinia, New York giống như miền Siberi. Các đường phố ngập tuyết và bùn loãng, gió thổi qua sông Đông lạnh cóng, nhưng Elizabeth chẳng hề quan tâm. Nàng đang ở Ba Lan, ở thế kỷ trước, tham gia những cuộc phiêu lưu của ông tổ nàng. Mỗi buổi chiều sau lúc tan trường, Elizabeth vội vàng chui vào phòng riêng, khoá cửa lại và lôi Quyển sách ra. Nàng đã định bàn luận về Quyển sách với bố nhưng lại sợ ông sẽ lấy nó đi. Về một phương diện kỳ diệu và bất ngờ, chính cụ tổ Samuel là người đã cho Elizabeth lòng can đảm. Đối với Elizabeth, họ rất giống nhau. Samuel suốt ngày thui thủi một mình. Ông không có ai để trò chuyện. Như mình, Ehzabeth nghĩ. Và bởi vì họ gần như cùng tuổi - dù cách nhau cả một thế kỷ - nên nàng vẫn có thể đồng cảm với ông. * * * * * Samuel muốn trở thành bác sĩ. Chỉ có ba thầy thuốc được phép khám bệnh cho hàng ngàn người sống chen chúc trong những căn nhà bẩn thỉu, thường xuyên bị bệnh dịch quấy rầy của khu Do Thái, và trong ba người đó, người phát đạt nhất là bác sĩ Zeno Wal. Ngôi nhà của ông đứng giữa những kẻ láng giềng nghèo khổ không khác gì một toà lâu đài giữa những căn lều lụp xụp. Nó có ba tầng, qua khung cửa sổ có thể thấy những tấm ren trắng mới giặt và thấp thoáng những đồ đạc sáng loáng. Samuel có thể hình dung ra ông bác sĩ ở bên trong đang khám cho bệnh nhân, giúp đỡ họ, điều trị cho họ lành bệnh: đang làm điều mà cậu mong muốn được làm. Chắc chắn, nếu một người như bác sĩ Zeno quan tâm đến cậu, Samuel nghĩ, người đó có thể giúp được cậu trở thành bác sĩ. Nhưng tới gần được bác sĩ Wal thật khó không khác gì tới gần bất kỳ một người không phải Do Thái nào sống ở Krakow, bên ngoài bức tường cấm. Thỉnh thoảng Samuel cũng có dịp được liếc nhìn bác sĩ Zeno Wal vĩ đại đi tản bộ dọc theo hè phố, say sưa nói chuyện với một đồng nghiệp. Một ngày kia, khi Samuel đi ngang qua nhà bác sĩ, cửa trước bỗng mở và ông bác sĩ bước ra cùng cô con gái. Cô ta cũng cỡ tuổi cậu và là người xinh đẹp nhất mà cậu từng thấy. Ngay lúc nhìn cô ta, Samuel đã biết người nầy sẽ là vợ cậu. Cậu chưa biết mình sẽ giải quyết điều kỳ diệu đó như thế nào, chỉ biết là mình phải vậy. Mỗi ngày sau đó, Samuel lại tìm một lý do để đến gần nhà cô ta, hy vọng sẽ thoáng thấy cô ta lần nữa. Một buổi chiều khi Samuel có việc đi ngang nhà bác sĩ Wal, cậu nghe thấy tiếng dương cầm vọng ra và cậu biết rằng chính cô ta đang dạo đàn. Cậu phải gặp cô ta. Nhìn quanh để chắc chắn không có ai, Samuel bước sang phía ngôi nhà. Tiếng nhạc vọng xuống từ trên lầu, ngay phía trên đầu cậu. Samuel lùi lại và nhìn kỹ bức tường. Có nhiều chỗ bám tay cho cậu trèo lên và cậu bắt đầu ngay không do dự. Tầng hai cao hơn cậu tưởng và khi lên tới cửa sổ thì cậu đã ở cách mặt đất hơn ba mét. Cậu nhìn xuống mặt đất và thấy hơi chóng mặt. Tiếng nhạc đã to dần lên và cậu có cảm giác cô ta đàn cho cậu nghe. Cậu bám vào một chỗ khác và đu người lên tới cửa sổ. Từ từ, cậu ngẩng đầu lên cho đến lúc liếc mắt qua được ngưỡng cửa. Cậu thấy mình đang nhìn vào một phòng khách được bày biện bởi những đồ đạc tuyệt đẹp Cô gái ngồi chơi trước chiếc dương cầm mầu vàng - trắng đang dạo nhạc và đằng sau cô ta là bác sĩ Wal ngồi đọc sách trong chiếc ghế bành. Samuel không hề để mắt đến ông. Cậu chỉ chăm chú vào hình ảnh đẹp đẽ đang ở cách cậu có mấy bước chân. Cậu yêu cô ta! Cậu sẽ làm một điều gì đó thật đặc biệt và can đảm để cô ta có thể yêu cậu. Cậu sẽ… Samuel quá tập trung vào cơn mộng tưởng nên nắm tay lỏng ra và rơi vào khoảng không. Cậu hét to một tiếng và thấy hai khuôn mặt hốt hoảng nhìn vào mình trước khi cậu chạm đất. Samuel tỉnh dậy trên bàn mổ trong phòng làm việc của bác sĩ Wal, một căn phòng rộng rãi có nhiều tủ thuốc và một bộ dụng cụ giải phẫu. Bác sĩ Wal đang giữ một miếng bông có mùi ghê tởm dưới mũi cậu. Samuel ngạt thở và ngồi dậy. - Tốt hơn rồi, - Bác sĩ Wal nói. - Tôi định lấy bộ óc cậu ra cơ, nhưng tôi không biết cậu có nó hay không? Cậu định ăn trộm cái gì ở đây hả nhóc? - Không gì cả, - Samuel bực bội trả lời. - Tên cậu là gì? - Samuel Roffe. Những ngón tay của ông bác sĩ bắt đầu thăm dò cổ tay phải của Samuel và cậu hét lên vì đau. - Hừm. Cổ tay cậu đã gẫy, Samuel Roffe. Có thể chúng ta phải để cho cảnh sát lo vụ nầy. Samuel rên lớn. Cậu đang nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi cảnh sát mang cậu về nhà trong tình trạng nhục nhã thế nầy. Trái tim của dì Rachel sẽ vỡ tung còn bố cậu sẽ giết chết cậu: Nhưng quan trọng hơn, làm sao cậu còn hy vọng chinh phục được con gái của bác sĩ Wal? Cậu là tên tội phạm, một người tay đã nhúng chàm. Samuel chợt thấy cổ tay đau nhói lên một cái, và cậu ngước mắt nhìn ông bác sĩ bằng ánh mắt đầy ngạc nhiên đau buồn. - Tốt rồi, - Bác sĩ Wal nói. - Tôi đã xong. - ông đặt một thanh nẹp vào cổ tay cậu rồi hỏi, - Cậu sống ở gần đây hả, Samuel Roffe? - Không ạ, thưa ông. - Cậu thường lai vãng quanh đây phải không? - Vâng, thưa ông? - Tại sao? - Tại sao? - Nếu Samuel nói ra sự thật, ông ta sẽ cười vào mũi cậu. - Cháu muốn trở thành bác sĩ, - Samuel thốt lên, không sao dằn lòng được. Bác sĩ Wal nhìn sững cậu với vẻ hoài nghi: - Đó là lý do khiến cậu trèo lên tường nhà tôi như một tên trộm sao? Samuel kể hết tất cả. Cậu kể về người mẹ bị chết trên phố, về ông bố, về chuyến đi đầu tiên đến Krakow và nỗi thất vọng về việc đêm nào cũng bị nhốt trong khu Do Thái như những con vật. Cậu kể về cảm giác của mình với con gái của bác sĩ. Cậu kể tất cả mọi thứ và bác sĩ Wal lắng nghe trong im lặng. Câu chuyện có vẻ lố bịch ngay cả đối với tai của Samuel và khi kết thúc, cậu thì thầm: - Cháu… cháu xin lỗi. Bác sĩ Wal nhìn cậu một lúc lâu, rồi ông nói: - Bác cũng xin lỗi. Cho cháu, cho bác, và cho tất cả chúng ta. Mỗi người là một tù nhân và sự trớ trêu nhất của tất cả là phải trở thành tù nhân của người khác. Samuel ngỡ ngàng ngước nhìn ông. - Cháu không hiểu, thưa bác sĩ. Ông bác sĩ thở dài. - Một ngày kia cháu sẽ hiểu. Ông đứng dậy, đi về phía bà, chọn một cái ống điếu, từ từ nhét thuốc vào đầy nõ. - Bác e rằng hôm nay là một ngày tồi tệ cho cháu, Samuel Roffe. - Ông đặt que diêm lên nõ điếu, thổi tắt và quay lại phía cậu bé. - Không phải vì cái cổ tay bị gãy của cháu. Nó sẽ lành lại. Nhưng bác sắp phải gây cho cháu một vết đau mà chắc là sẽ không liền nhanh như vậy. Samuel nhìn ông, cặp mắt mở to. Bác sĩ Wal đến bên cạnh cậu và khi ông nói giọng ông thật dịu dàng. - Rất ít người có được một giấc mơ. Còn cháu có đến hai giấc mơ. Và bác e rằng mình sắp phải phá vỡ cả hai giấc mơ của cháu. - Cháu không… - Hãy nghe cho kỹ lời bác nói, Samuel. Cháu sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ, - không bao giờ trong cái thế giới nầy. Chỉ có ba người bọn bác được phép hành nghề trong khu Do Thái nầy. Ở đây có đến hàng tá bác sĩ giỏi đang chờ bọn bác về hưu hoặc chết đi để có thể thế chỗ. Không có cơ hội nào dành cho cháu cả. Không. Cháu đã sinh lầm thời rồi, lầm nơi rồi. - Cháu có hiểu lời bác nói không, cậu bé? Samuel nuốt nước bọt. - Dạ hiểu. Ông bác sĩ do dự rồi tiếp tục. - Về giấc mơ thứ hai của cháu,… bác sĩ rằng giấc mơ nầy cũng không thể được. Cháu không có cơ may nào để lấy được Terenia. - Tại sao? - Samuel hỏi. Bác sĩ Wal nhìn cậu. - Tại sao? Vì cùng một lý do khiến cháu không thể trở thành bác sĩ. Gia đình bác sống theo quy tắc, theo truyền thống. Con gái của bác sĩ lấy một người cùng giai cấp với nó, một người có khả năng giúp nó tiếp tục nếp sống mà nó đã từng được sống. Nó sẽ lấy một chuyên gia, một luật sư, một bác sĩ hoặc một giáo sĩ. Cháu… thôi, cháu phải quên nó đi. - Nhưng… - Ông bác sĩ dẫn cậu ra cửa. - Cháu nhớ giữ gìn mấy thanh nẹp đó trong vài ngày. Nhớ giữ chúng sạch sẽ. - Vâng, thưa bác sĩ. - Samuel nói. - Cám ơn bác sĩ Wal. Bác sĩ Wal ngắm nhìn cậu bé tóc vàng có vẻ thông minh trước mặt mình. - Chào cháu, Samuel. Đầu giờ chiều ngày hôm sau, Samuel nhấn chuông cửa nhà bác sĩ Wal. Ông lặng lẽ ngắm nghía cậu bé qua khung cửa sổ. Bác sĩ Wal biết mình phải đuổi cậu bé đi. - Cho cậu ấy vào, - bác sĩ Wal nói với người giúp việc. Sau đó, cứ mỗi tuần Samuel lại đến nhà bác sĩ Wal đôi ba lần. Cậu giúp bác sĩ làm các công việc vặt và bù lại ông bác sĩ để cho cậu được quan sát khi ông điều trị bệnh nhân hoặc làm việc trọng phòng thí nghiệm, phòng điều chế thuốc. Cậu bé quan sát, nghiên cứu và ghi nhớ tất cả. Cậu quả là một tài năng thiên bẩm. Càng ngày bác sĩ Wal càng cảm thấy mình có lỗi vì ông biết rằng như thế là mình đang khích lệ Samuel, cổ vũ cậu trở thành con người mà cậu không bao giờ có thể đạt tới, nhưng ông lại không nhẫn tâm xua đuổi cậu. Không hiểu là tình cờ hay cố ý mà Terenia rất hay ở quanh quẩn bên Samuel mỗi khi cậu bé có mặt ở nhà cô. Thỉnh thoảng cậu lại liếc nhìn cô đi qua phòng thí nghiệm hoặc ra khỏi nhà, và một lần cậu đã đâm sầm vào cô ta trong bếp, tim cậu đập mạnh đến nỗi cậu tưởng mình sắp xỉu đi. Cô ta nhìn cậu một lúc lâu, vẻ xét đoán lộ rõ trong mắt, rồi cô ta lạnh nhạt gật đầu và bước đi. It nhất thì cô ta cũng đã chú ý đến cậu! Đó là bước đầu tiên. Còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian. Samuel không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là số n. Terenia đã trở thành phần chính trong giấc mơ của cậu về tương lai. Trước kia cậu mơ ước cho bản thân mình thì nay cậu mơ ước cho cả hai người. Bằng cách nào đó cậu sẽ đưa cả hai người ra khỏi khu Do Thái khủng khiếp, cái nhà tù đông đúc bẩn thỉu nầy. Và cậu sẽ trở thành một người thành đạt vĩ đại. Nhưng bây giờ sự thành công của cậu không phải chỉ dành cho mình cậu mà là dành cho cả hai người. Cho dù việc đó là bất khả thi. * * * * * Elizabeth ngủ thiếp đi trong lúc đọc về cụ Samuel. Sáng hôm sau khi thức giấc, nàng cẩn thận giấu Quyển sách đi và bắt đầu thay quần áo đi học. Nàng không tài nào gạt được Samuel ra khỏi tâm trí. Làm cách nào ông cưới được Terenia? Làm cách nào trốn thoát khỏi khu Do Thái? Và làm sao để trở nên nổi tiếng? Elizabeth đã bị Quyển sách lôi cuốn hoàn toàn và nàng luôn cảm thấy bực bội mỗi khi bi bắt buộc phải xa rời nó trở về với thế kỷ 20. Một trong những môn học bắt buộc của Elizabeth là ba-lê và nàng cảm thấy ghê tởm nó. Nàng thường tự ấn mình vào trong chiếc váy xoè mầu hồng, nhìn kỹ mình trong gương và cố tự bảo với bản thân rằng thân hình của mình thật khêu gợi. Nhưng sự thật thì ở ngay trước mặt. Nàng quá mập. Nàng sẽ không bao giờ trở thành một diễn viên ba-lê. Một thời gian ngắn sau lễ sinh nhật lần thứ mười bốn của Elizabeth, bà Netturova, cô giáo ba-lê của nàng, thông báo rằng hai tuần nữa lớp học sẽ tổ chức một buổi vũ hội theo thông lệ hàng năm trong giảng đường và các học sinh phải mời bố mẹ đến. Elizabeth rơi vào trạng thái phập phồng lo sợ. Chỉ cần nghĩ đến cảnh phải bước lên sân khấu đứng trước khán giả thôi đã đủ làm cho nàng kinh hoàng rồi. Nàng không thể làm được việc đó. Một cô bé đang chạy qua đường trước mặt một chiếc xe hơi, Elizabeth trông thấy cô ta, chạy nhanh ra và giật cô bé khỏi nanh vuốt tử thần. Không may thay, thưa các quý bà quý ông, ngón chân của Elizabeth Roffe bị xe bánh xe hơi cán lên, và cô sẽ không thể tham gia buổi vũ hội tối nay. Một người hầu gái đã sơ ý để bánh xà phòng trên đầu cầu thang. Elizabeth bị trượt chân và ngã lăn xuống các bậc thang, vỡ xương chậu. Bác sĩ cho biết không có gì đáng ngại. Vết thương sẽ lành hẳn sau ba tuần. Nhưng không may mắn như thế. Vào ngày biểu diễn Elizabeth vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng tâm trạng gần như hoá rồ. Một lần nữa, lại là cụ Samuel ra tay giúp đỡ nàng. Nàng nhớ lại cụ đã hoảng sợ thế nào nhưng cụ vẫn quay lại gặp gỡ bác sĩ Wal. Nàng sẽ không làm điều gì để cho cụ Samuel phải mất mặt. Nàng sẽ đương đầu với thử thách. Elizabeth thậm chí đã không hề nhắc đến buổi biểu diễn với bố nàng. Từ trước đến giờ nàng vẫn từng yêu cầu ông dự các buổi họp hoặc các buổi liên hoan của nhà trường mà các bậc phụ huynh được đề nghị tham gia, nhưng bao giờ ông cung tỏ ra quá bận rộn. Tối hôm đó, khi Elizabeth chuẩn bị đến vũ hội, bố nàng chợt về nhà. Ông đã vắng nhà suốt mười ngày nay. Ông đi qua phòng ngủ của nàng, nhìn thấy nàng và nói: - Chào con, Elizabeth. Con béo ra một chút thì phải. Nàng đỏ mặt và cố thắt chặt co. - Vâng, bố ạ. Ông định nói gì, nhưng lại đổi ý. - Việc học hành của con ra sao rồi? - Vẫn tốt, bố. - Không có vấn đề gì chứ? - Không, bố ạ. - Tốt. Đó là đoạn hội thoại mà họ đã lặp đi lặp lại trong mấy năm qua, đoạn kinh cầu nguyện vô nghĩa mà dường như là hình thức giao tiếp duy nhất giữa hai bố con. Việc học hành của con ra sao rồi vẫn tốt, Cảm ơn bố, không có vấn đề gì chứ không bố ạ, tốt. Hai người xa lạ nói chuyện thời tiết người nọ lại không lắng nghe hoặc quan tâm đến ý kiến của người kia. Thế đấy, chỉ có một trong hai người quan tâm, Elizabeth nghĩ. Nhưng lần nầy Sam Roffe vẫn đứng đó, ngắm nhìn con gái với vẻ suy tư trên khuôn mặt. Ông đã quen giải quyết các vấn đề cụ thể và mặc dù ông cảm thấy đây cũng là một vấn đề, nhưng ông không biết nó là gì và nếu ai đó nói cho ông thì câu trả lời chắc sẽ là "Đừng vớ vẩn. Tôi đã cho Elizabeth đủ mọi thứ". Lúc bố nàng quay lưng rời đi, Elizabeth nghe thấy chính mình nói: - Lớp… lớp… ba-lê của con tổ chức một buổi biểu diễn. Bố không muốn đến xem hay sao? Và ngay cả khi nói xong mấy lời đó, trong lòng nàng vẫn tràn đầy cảm giác sợ hãi. Nàng không muốn ông đến đó chứng kiến sự vụng về của nàng. Tại sao nàng lại đề nghị ông? Nhưng nàng biết tại sao. Bởi vì nàng là cô gái duy nhất trong lớp mà bố mẹ thường xuyên vắng mặt tại giảng đường: Dù sao thì điều đó cũng không quan trọng, nàng tự nhủ, vì ông sẽ nói "Không". Nàng lắc đầu, tự giận mình và quay đi. Và đằng sau nàng, không thể tin nổi, nàng nghe thấy giọng bố trả lời, "Bố muốn đến lắm". * * * * * Giảng đường chật ních các bậc phụ huynh, người thân và bạn bè, chăm chú theo dõi các học sinh múa theo tiếng nhạc đệm từ hai chiếc dương cầm lớn ở hai bên sân khấu. Bà Netturova đứng tránh sang một bên, đếm nhịp rất to trong khi bọn trẻ múa, cố thu hút sự chú ý của bố mẹ lũ trẻ. Một số ít học sinh đặc biệt duyên dáng và tỏ ra thực sự có tài. Còn những em khác thì diễn bằng cả lòng nhiệt tình thay thế cho phần tài năng còn thiếu. Chương trình thông báo ba đoạn nhạc trích Coppélia, Cinderella và như thường lệ Hồ Thiên Nga. Đặc biệt sẽ có tiết mục múa đơn, mà lúc đó mỗi em sẽ được hưởng một khoảnh khắc vinh quang, một mình. Đằng sau cánh gà, Elizabeth đang ngập chìm trong sự sợ hãi. Nàng không ngừng liếc ra phía khán đài và mỗi khi nhìn thấy bố mình ngồi ở chính giữa dãy thứ hai nàng lại nghĩ mình thật là dại dột khi đề nghị bố đến đây. Trong suốt buổi trình diễn Elizabeth không tài nào bắt kịp nhạc đệm và nàng luôn phải nấp sau các bạn khác. Nhưng rồi thì đoạn độc diễn của nàng cũng đã đến. Nàng cảm thấy mình phì nộn trong chiếc váy xoè như một đồ vật trong rạp xiếc. Nàng chắc rằng tất cả mọi người sẽ cười ồ lên chế giễu khi nàng đơn độc bước ra sân khấu - và nàng đã mời bố đến xem sự bẽ bàng của mình. Điều an ủi duy nhất của Elizabeth là màn độc diễn của nàng chỉ dài có một phút. Bà Netturova luôn tỉnh táo. Nó sẽ kết thúc rất nhanh để không ai kịp bình phẩm nàng. Tất cả những gì bố của Elizabeth phải làm là liếc qua trong một phút và tiết mục của nàng sẽ kết thúc. Elizabeth ngắm nhìn các cô gái khác trong lúc họ múa, từng người một, đối với nàng thì họ chẳng khác gì Markova, Maximova, Fontefin. Nàng bỗng gimình vì một bàn tay giá lạnh nắm vào cánh tay trần của mình, và bà Netturova rít lên. - Nhón gót lên, Elizabeth, em là người tiếp theo. Elizabeth cố nói "Vâng, thưa cô" nhưng cổ họng nàng khô khốc đến độ không một lời nào được thốt ra. Hai chiếc dương cầm bắt đầu dạo bản nhạc quen thuộc cho màn diễn của Elizabeth. Nàng đứng đó như bị đóng băng, bất động và bà Netturova thì thầm "Ra ngoài đi!", rồi Elizabeth cảm thấy lưng bị đẩy mạnh và nàng ở trên sân khấu, gần như trần trụi, trước mắt hàng trăm cặp mắt xa lạ không thiện cảm. Nàng không dám nhìn bố mình. Tất cả những gì nàng muốn là mau mau chóng chóng thoát khỏi thử thách nầy và bỏ chạy thật xa. Việc nàng phải làm thật dễ dàng, vài cái nhún gối, một vài động tác múa và nhảy lên. Nàng bắt đầu vào các bước đi, cố theo đúng nhạc, tự nghĩ mình mảnh dẻ và mềm mại. Khi nàng kết thúc, có tiếng vỗ tay lịch sự nhưng rời rạc vọng lên từ phía khán giả. Elizabeth nhìn xuống hàng ghế thứ hai, và ở đó là bố nàng, đang mỉm cười tự hào và vỗ tay - vỗ tay cho nàng và lòng nhiệt tình trong Elizabeth chợt trỗi dậy. Nhạc đã ngừng. Nhưng Elizabeth vẫn tiếp tục múa, vẫn nhún gối, vẫn bước qua bước lại, xoay người, như đang trong trạng thái vô thức. Các nhạc công bối rối bắt đầu chơi tiếp, đầu tiên là một chiếc dương cầm, rồi chiếc kia, cố gắng bắt theo nhịp bước của nàng. Đằng sau sân khấu, bà Netturova ra dấu cho Elizabeth một cách cuồng loạn, gương mặt tràn đầy sự tức giận. Nhưng Elizabeth đã không nhận biết được gì hết vì quá sung sướng, cứ tự mình nhảy múa. Điều duy nhất đáng kể với nàng là nàng đang ở trên sân khấu, múa cho bố nàng xem. - Tôi chắc rằng ông hiểu, ông Roffe, rằng ngôi trường nầy không thể nào tha thứ cho kiểu thái độ đó. - Giọng bà Netturova rung lên vì giận dữ. - Con gái của ông đã không thèm để ý đến ai khác và hành động như… như thể cô ta là một thứ ngôi sao vậy. Elizabeth có thể cảm thấy bố quay sang nhìn mình và nàng sợ phải thấy ánh mắt của ông. Nàng biết rằng điều nàng vừa làm là không thể tha thứ nhưng nàng đã không tài nào kiềm chế được bản thân. Trong một khoảng thời gian ngắn trên sân khấu nàng đã cố tạo ra một cái gì đó thật đẹp cho bố nàng, cố gây ấn tượng với ông, làm ông quan tâm đến nàng, tự hào vì nàng. Và yêu thương nàng. Còn bây giờ thì nàng nghe thấy ông nói: - Cô Netturova, cô hoàn toàn đúng. Tôi sẽ xem xét để trừng phạt Elizabeth một cách đích đáng. Bà Netturova ném cho Elizabeth một cái nhìn đắc thắng và nói: - Cám ơn ông, ông Roffe. Tôi xin giao việc nầy cho ông. Elizabeth và bố đứng ngoài trường học. Ông không hề nói nửa lời từ lúc rời khỏi văn phòng của bà Netturova. Elizabeth cố gắng sáng tác ra một lời xin lỗi - nhưng nàng có thể nói gì đây? Làm sao nàng có thể giải thích cho ông hiểu tại sao nàng lại làm cái điều mà nàng vừa làm? Ông là một người xa lạ và nàng sợ ông. Nàng đã được nghe chuyện ông trút những cơn giận khủng khiếp lên đầu những người khác vì lỗi lầm của họ hoặc vì họ không nghe lời ông. Bây giờ nàng đứng đây chờ đợi sự tức giận tột cùng của ông đổ xuống đầu. Ông quay sang nàng và nói: - Elizabeth, tại sao chúng ta không tới Rumpelmayers uống một cốc sôcôla sôđa nhỉ Và Elizabeth oà lên khóc. Đêm đó Elizabeth nằm trên giường thao thức, không ngủ được vì quá kích thích. Nàng ôn lại sự việc xảy ra lúc tối. Và nàng gần như không chịu được sự kích động mà nó gây ra cho mình. Bởi vì đây không phải là mộng mơ giả tạo. Nó đã xảy ra, nó có thật. Nàng có thể thấy mình và bố ngồi trong quán Rumpelmagers, xung quanh là lũ gấu, voi, sư tử, ngựa vằn nhồi bông lớn vàng sặc sỡ. Elizabeth gọi một cốc kem chuối và khi nó được mang tới thì nàng mới thấy là nó thật sự vĩ đại nhưng bố nàng không hề phê bình gì. Ông đang nói chuyện với nàng. Không phải là việc học hành của con ra sao rồi vẫn tốt, Cảm ơn bố, không có vấn đề gì chứ không bố ạ, tốt.. Mà là nói chuyện thực sự. Ông kể cho nàng nghe về chuyến đi gần đây đến Tokyo và người chủ tiệc đã đặc biệt mời ông món sôcôla đầy châu chấu và kiến ra sao và ông đã phải ăn hết để khỏi làm ông ta mất mặt như thế nào. Khi Elizabeth đã xử lý xong thìa kem cuối cùng, bố nàng bỗng nói: - Cái gì đã khiến con làm như vậy, Liz? Nàng biết mọi việc giờ đây đang sắp sửa hỏng hết, rằng bố nàng chuẩn bị trách mắng nàng, nói với nàng ông thất vọng về nàng biết bao nhiêu. Nàng trả lời: - Con muốn giỏi hơn bất cứ người nào. - Nàng không thể kìm được lời nói thêm, - Cho bố thấy. Ông nhìn nàng, dường như là lâu lắm, rồi phá lên cười: - Chắc chắn là con đã làm cho đến cả quỷ thần cũng phải ngạc nhiên. - Có chút gì kiêu hãnh lộ ra trong giọng nói của ông. Elizabeth cảm thấy máu dồn lên má và nàng nói: - Bố không giận con sao? Cặp mắt ông ánh lên một vẻ lạ kỳ mà nàng chưa bao giờ được thấy. - Vì con muốn trở thành người giỏi nhất hay sao? Tất cả người của dòng họ Roffe đều như vậy. Nhưng ý nghĩ cuối cùng của Elizabeth trước khi nàng chìm vào giấc ngủ là: Bố mình thích, ông thật sự thích mình. Từ giờ trở đi, hai bố con sẽ luôn được ở bên nhau. Ông sẽ đưa mình đi theo ông. Hai người sẽ nói với nhau nhiều chuyện và sẽ trở thành đôi bạn thân thiết. Buổi chiều hôm sau, thư ký của bố nàng thông báo cho nàng biết mọi việc đã được lo liệu để gửi Elizabeth sang học ở một trường nội trú tận đất nước Thuỵ Sĩ xa xôi. Chương 10 Elizabeth được đăng ký vào học ở International Château Lemand, trường dành riêng cho nữ ở làng Sainte - Blaise, nhìn ra hồ Neuchâtel. Tuổi của các cô gái học trong trường là từ mười bốn đến mười tám. Đây là một trong những trường tốt nhất trong hệ thống giáo dục tuyệt vời ở Thuỵ Sĩ. Elizabeth căm ghét mọi giây phút ở đó. Nàng có cảm giác mình bị đi đày. Nàng bị đưa đi xa nhà, nó giống như sự trừng phạt về một tội lỗi mà nàng không hề phạm phải. Vào buổi tối kỳ diệu duy nhất đó nàng đã cảm thấy mình sắp đạt được điều tuyệt diệu, khám phá được bố nàng, và bố nàng khám phá được nàng, và họ đang trở nên thân thiết. Nhưng giờ đây nàng đã cách xa bố hơn bao giờ hết. Elizabeth vẫn có thể theo dõi các hoạt động của bố nàng qua các tờ báo hàng ngày và tạp chí. Trên đó thường xuyên có những bài viết và ảnh về cuộc gặp gỡ của ông với thủ tướng hoặc tổng thống, khánh thành một nhà máy mới ở Bombay, về cuộc leo núi, ăn tối với giáo chủ Iran. Elizabeth dán tất cả những tin tức đó vào một quyển vở và nàng thường xuyên giở ra ngắm nghía. Nàng giấu nó bên cạnh Quyển sách về cụ Samuel. Elizabeth luôn tìm cách xa rời các sinh viên khác. Một vài cô gái ở chung phòng với hai hoặc ba cô khác nhưng Elizabeth đã yêu cầu được ở một mình một phòng. Nàng viết cho bố nhiều bức thư dài rồi xé nát những bức nào bộc lộ tình cảm của mình. Đôi khi nàng cũng nhận được những bức thư ngắn của bố và vào ngày sinh nhật là nhiều món quà bọc giấy hoa mua ở các cửa hàng sang trọng, được người thư ký đích thân đưa đến. Elizabeth thấy nhớ bố kinh khủng. Nàng sắp được gặp ông tại biệt thự ở Sardinia vào lễ Noel, và trong lúc thời gian ngày càng đến gần thì sự chờ đợi thật là không thể chịu đựng nổi. Nàng phát ốm vì kích động. Nàng lập ra một danh sách những việc quyết tâm làm và cẩn thận viết chúng ra: - Không gây phiền phúc - Tỏ ra quan tâm - Không phàn nàn về bất cứ chuyện gì, đặc biệt là chuyện ở trường. - Không cho bố biết là mình đang cô đơn. - Không ngắt lời khi bố đang nói. - Ăn mặc chỉnh tề vào bất kỳ lúc nào, kể cả bữa sáng. - Cười thật nhiều để cho ông biết mình đang hạnh phúc thế nào. Những lời ghi chú như cuốn kinh cầu nguyện, lời cầu xin của nàng với các vị thần. Nếu nàng thực hiện tất cả những điều nầy, có thể… có thể… những quyết tâm của Elizabeth sẽ trở thành kỳ cục. Nàng đã điều tra nghiên cứu về thế giới thứ ba và mười chín nước đang phát triển, và bố nàng sẽ nói, "Bố không ngờ là con lại quan tâm đến vậy. (điều số hai). "Con là cô gái xuất sắc, Elizabeth". Sau đó ông sẽ quay sang người thư ký và nói: "Tôi không nghĩ rằng Elizabeth cần trở lại trường. Tại sao tôi không giữ nó ở đây với tôi? Một lời cầu nguyện. Một chiếc Learjet của tập đoàn đón Elizabeth ở Zurich và đưa nàng đến sân bay ở Olbia, nơi có một chiếc limousine đã chờ sẵn. Elizabeth ngồi vào băng sau của xe, im lặng, ép chặt hai đầu gối vào nhau để cho đỡ run. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, nàng quả quyết nghĩ, không được để cho ông thấy mình khóc ông phải không được biết mình nhớ ông thế nào. Chiếc xe lướt qua xa lộ dài và quanh co dẫn đến bờ biển Smeralda rồi rẽ vào con đường nhỏ chạy vòng quanh lên đỉnh đồi. Con đường nầy luôn làm Elizabeth sợ hãi. Đây là đoạn đường hẹp và dốc, bên nầy là núi cao và bên kia là vực sâu muôn trượng. Chiếc xe dừng lại ở trước nhà, và Elizabeth bước ra khỏi xe, đi về phía ngôi nhà, và rồi nàng chạy, chạy với hết sức lực của mình. Cửa trước mở ra và Margherita, bà quản gia người Sardinia đứng đó, mỉm cười: - Chào cô Elizabeth. - Bố tôi đâu? - Nàng hỏi. - Ông chủ có việc gấp phải đi Úc. Nhưng ông ấy đã để lại rất nhiều món quà xinh đẹp cho cô. Một mùa Noel dễ thương lại sắp đến rồi. Chương 11 Elizabeth đã cầm Quyển sách theo. Nàng đứng trong phòng lớn của toà biệt thự ngắm nhìn chân dung của Samuel Roffe, và bên cạnh, Terenia, cảm thấy sự có mặt của họ, như thể họ đã sống lại. Một lúc lâu sau, nàng quay lại và đi lên căn phòng áp mái, lấy Quyển sách. Mỗi ngày nàng bỏ ra nhiều giờ ở trong căn phòng đó, đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc lại có cảm giác gần gũi hơn với Samuel và Terenia, và thời gian một trăm năm ngăn cách họ cũng đang dần biến mất… Suốt vài năm sau đó, Elizabeth đọc, Samuel đã ở lại hàng giờ trong phòng thí nghiệm của bác sĩ Wal, giúp đỡ ông pha chế thuốc mỡ và thuốc uống, nghiên cứu các tác động của chúng. Và đằng sau luôn là Terenia xinh đẹp, quyến rũ. Chỉ cần thoáng bóng của Terenia cũng đủ giữ giấc mơ một ngày nào đó nàng sẽ thuộc về anh sống mãi. Samuel và bác sĩ Wal rất hợp nhau nhưng với mẹ của Terenia thì không. Bà là một phụ nữ miệng lưỡi độc địa, hay gây gổ, hợm mình và bà ghét Samuel. Và anh cố tránh xa bà. Samuel bị mê hoặc bởi nhiều loại thuốc có thể chữa khỏi bệnh cho con người. Một quyển sách giấy cói được tìm thấy, trong đó liệt kê 811 toa thuốc được người Ai Cập sử dụng vào năm 1550 trước công nguyên. Tuổi thọ trung bình vào thời đó là mười lăm và Samuel có thể hiểu được khi anh đọc một vài toa: Phân cá sấu, thịt thằn lằn, máu dơi, nước dãi lạc đà, gan sư tử, chân ếch, bột kỳ lân. Dấu hiệu Rx trên mỗi toa thuốc là lời cầu nguyện xa xưa cho thần Horace, vị thần chữa bệnh của người Ai Cập Thậm chí từ "chemistry"(1) cũng xuất phát từ tên cổ của nước Ai Cập, vùng đất của Kahmi hay Chemi. Những tu sĩ - thầy thuốc được gọi là các thầy tư tế, điều mà Samuel mới được biết. Các nhà thuốc trong khu Do Thái và thành phố Krakow đều rất thô sơ. Đa số các chai lọ được đổ đầy các dược phẩm chưa qua thử nghiệm, một số thì vô dụng còn một số thậm chí có hại. Samuel trở nên quen thuộc với tất cả những thứ đó. Có dầu thầu dầu, caloment, đại hoàng, iôt, codeine, ipecac. Bạn có thể mua thuốc bách bệnh để chữa ho gà, đau bụng, sất thương hàn. Bởi vì không có biện pháp phòng ngừa vệ sinh nào được thực hiện nên trong thuốc mỡ và thuốc súc họng đầy những xác sâu bọ, gián, phân chuột và lông thú. Phần đông các bệnh nhân uống thuốc đã chết vì bệnh hoặc vì thuốc. Có vài tờ tạp chí thường đăng các tin tức về dược phẩm và Samuel đọc hết tất cả. Anh thảo luận ý kiến của mình với bác sĩ Wal. - Hợp lẽ là, - Samuel nói, giọng rung lên vì tin tưởng, - phải có cách điều trị cho tất cả các loại bệnh tật. Sức khoẻ là tự nhiên và bệnh tật là phi tự nhiên. - Có thể, - bác sĩ Wal trả lời, - nhưng đa số các bệnh nhân của bác thậm chí còn không chịu cho bác thử các loại thuốc mới với họ. - ông lạnh nhạt nói thêm, - Và bác nghĩ rằng họ rất là khôn. Samuel đọc ngấu nghiến tủ sách về dược phẩm nghèo nàn của bác sĩ Wal. Và khi anh đã đọc đi đọc lại những quyển sách đó, Samuel lại thấy thất vọng bởi quá nhiều những vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong đó. Samuel bị thôi thúc bởi cuộc cách mạng đang diễn ra. Một số nhà khoa học tin rằng có thể chống lại nguyên nhân gây bệnh bằng cách tạo nên sức đề kháng nhằm tiêu diệt cơn bệnh. Bác sĩ Wal cũng đã thử qua một lần. Ông lấy máu của một bệnh nhân bị bệnh bạch hầu và tiêm vào một con ngựa. Khi con ngựa chết, bác sĩ Wal đã bỏ cuộc thí nghiệm. Nhưng chàng trai Samuel lại tin chắc rằng bác sĩ Wal đã đi đúng đường. - Bácên ngừng lúc nầy, - Samuel nói. - Cháu biết việc nầy sẽ có kết quả. Bác sĩ Wal lắc đầu. - Đó là vì cháu mới mười bảy tuổi, Samuel. Khi nào cháu bằng tuổi bác bây giờ, cháu sẽ không còn chắc chắn một điều gì nữa. Quên nó đi. Nhưng Samuel không bị thuyết phục dễ dàng như thế. Anh muốn tiếp tục thí nghiệm của bác sĩ Wal, vì vậy mà Samuel phải cần nhiều thú vật, nhưng anh không biết kiếm ở đâu ra ngoại trừ lũ mèo hoang và chuột anh có thể bắt được. Dù liều lượng có nhỏ đến đâu thì sau khi bị Samuel tiêm, chúng đều chết. Chúng quá nhỏ, Samuel nghĩ. Mình cần một con vật lớn hơn. Một con ngựa, hoặc bò, hoặc cừu. Nhưng phải đi đâu mới tìm được đây. Một buổi chiều muộn khi Samuel về đến nhà, anh thấy một con ngựa già và một chiếc xe hai bánh đứng trước cổng. Một bên chiếc xe là dòng chữ "Roffe và con trai" được viết một cách sơ sài. Samuel như không tin vào mắt mình, chạy vào nhà tìm bố. - Con… con ngựa ngoài đó, - anh nói, - Bố lấy nó ở đâu? Bố anh mỉm cười kiêu hãnh. - Bố mới mua. Chúng ta có thể đi nhiều nơi hơn với con ngựa nầy. Có thể trong bốn, năm năm nữa chúng ta sẽ mua được một con nữa. Con cứ suy nghĩ đi. Chúng ta sẽ có hai con ngựa. Đó là phạm vi tham vọng của bố anh, làm chủ hai con ngựa ốm kéo xe qua những con đường đông đúc, bụi bặm của khu Do Thái ở Krakow. Điều nầy làm Samuel muốn khóc. Đêm ấy, khi mọi người đã ngủ say, Samuel đi ra ngoài chuồng ngựa và kiểm tra con ngựa mà họ gọi là Ferd. Không cần hỏi cũng thấy ngay con ngựa thuộc loại gầy yếu nhất. Nó là một con ngựa già, lưng võng khớp sưng. Không hiểu nó có thể đi nhanh hơn bố của Samuel hay không. Nhưng tất thảy những chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là Samuel đã có trong tay một vật thí nghiệm ưng ý. Anh không cần phải vừa làm thí nghiệm vừa lo nghĩ chuyện bắt chuột và mèo hoang nữa. Dĩ nhiên là anh sẽ phải hết sức cẩn thận. Bố anh sẽ không bao giờ biết được con trai mình đang làm cái gì. Samuel ve vuốt cái đầu con ngựa già: - Mày sắp bước vào ngành kinh đoanh dược phẩm rồi đấy. - Anh thông báo cho nó. Samuel tạo ngay cho mình một phòng thí nghiệm riêng, ở ngay trong góc chuồng ngựa nơi con Ferd bị nhốt. Anh nuôi vi khuẩn bạch cầu trong một cái đĩa đựng đầy nước thịt luộc. Khi nước trở nên đục, anh san một ít qua một cái đĩa khác rồi làm cho nó yếu đi bằng cách pha thêm nước và đun nóng lên một chút. Anh rút đầy một ống tiêm và đến gần Ferd. - Mày nhớ những gì tao nói đấy chứ? - Samuel thì thầm. - Tốt, hôm nay là ngày đặc biệt với mày đấy!- Samuel bơm tất cả nước trong ống tiêm vào chỗ thịt mềm trên vai con ngựa như cách mà anh từng thấy bác sĩ Wal làm. Ferd quay lại nhìn anh trách móc và nó tưới nước tiểu đẫm người anh. Samuel ước lượng rằng cũng phải 72 giờ sau vi khuẩn mới phát triển trong cơ thể Ferd. Vào cuối thời gian đó Samuel sẽ tiêm thêm vào nó một liều lượng lớn hơn. Rồi lại một lần nữa. Nếu lý thuyết về kháng thể đúng, mỗi lầm tiêm sẽ tạo cho máu một sức đề kháng mạnh hơn với cơn bệnh. Samuel sẽ thu được vaccine. Sau nầy, anh sẽ phải tìm một người để thử, dĩ nhiên, và chuyện nầy sẽ khó khăn lắm. Một nạn nhân của căn bệnh chết người sẽ vui lòng thử loại thuốc có thể csống mình. Hai ngày đó Samuel luôn ở bên cạnh Ferd khi nó thức dậy. - Bố chưa thấy ai lại yêu thương một con vật nhiều như vậy, - bố anh nói. - Con không thể xa nó được hay sao? Samuel lẩm bẩm một câu trả lời không thể nghe rõ. Anh có cảm giác tội lỗi về việc mình đang làm, nhưng anh biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh đề cập nó với bố. Tuy nhiên bố anh không cần phải biết chuyện gì. Tất cả việc Samuel phải làm là trích từ Ferd một lượng máu đủ để làm một hoặc hai lọ nhỏ huyết thanh và anh sẽ là người tài giỏi hơn tất cả. Sáng ngày thứ ba và cũng là ngày quyết định, Samuel bị đánh thức bởi tiếng la hét của bố anh ở phía trước căn nhà. Samuel vội vàng ra khỏi giường, chạy đến cửa sổ và nhìn ra ngoài. Bố anh đang đứng với chiếc xe, gào thét điên dại. Không thấy con Ferd đâu cả. Samuel mặc quần áo và chạy vội ra ngoài. - Mẹ kiếp! - Bố anh gầm lên. - Đồ lừa đảo? Đồ dối trá! Quân ăn cướp. Samuel lách qua đám đông đang bắt đầu tụ tập trước cửa nhà anh. - Ferd đâu rồi? - Samuel hỏi. - Bố rất vui vì con đã hỏi. - Bố anh rên rỉ. - Nó chết rồi. Nó chết gục ngoài phố như một con chó. Tim Samuel nhói lên. - Bố và nó đang đi như thường lệ. Bố đi bán hàng, không thúc giục nó, con biết mà, không đánh nó, không hành hạ nó như vài người bán rong khác mà bố biết rõ họ tên. Và nó đã tỏ đúng giá trị như thế nào? Nó lăn quay ra chết. Khi nào bố tóm được thằng ăn cắp đã bán nó cho bố, bố sẽ giết chết hắn. Samuel quay đi, ngực như thắt lại. Khủng khiếp hơn cả việc Ferd chết. Giấc mơ của Samuel cũng đã chết. Cùng với đó là việc ra khỏi khu Do Thái, tự do, căn nhà xinh đẹp cho Terenia và các con của họ, tất cả đã trở thành mây khói. Nhưng một tai hoạ lớn hơn lại đổ ập xuống. Một ngày sau cái chết của Ferd, Samuel được biết bác sĩ Wal và vợ đã thu xếp gả Terenia cho một giáo sĩ Do Thái. Samuel không thể tin được chuyện đó. Terenia phải thuộc về anh? Samuel chạy đến nhà bác sĩ Wal. Anh tìm thấy hai vợ chồng ông trong phòng khách. Anh đi về phía họ, hít một hơi thở sâu và thông báo: - Có một sự nhầm lẫn, sự nhầm lẫn của Terenia, Terenia định lấy cháu kia mà. Họ nhìn sững anh, kinh ngạc. - Cháu biết là cháu không xứng với cô ấy, - Samuel vội nói tiếp, - nhưng cô ấy sẽ không có hạnh phúc nếu lấy bất cứ một ai khác. Vị giáo sĩ đó quá già… - Dơ dáng! Cút! Cút! - Mẹ Terenia hét lớn. Một phút sau, Samuel thấy mình đứng ngoài phố, bị cấm bước vào nhà bác sĩ Wal mãi mãi. * * * * * Vào nửa đêm, Samuel đã nói chuyện rất lâu với đức Chúa. - Người muốn gì ở con? Nếu con không có được Terenia tại sao Người lại bắt con yêu nàng? Người có cảm giác gì không? - Anh cất cao giọng đầy tuyệt vọng và gào lên, - Người có nghe thấy con nói gì không? Và tất cả mọi người trong ngôi nhà nhỏ đông đúc gào lên trả lời cậu, "Tất cả chúng tôi đều nghe thấy, Samuel. Vì Chúa, hãy im đi và cho chúng tôi được ngủ yên". Buổi chiều hôm sau bác sĩ Wal cho người đến tìm Samuel. Anh được dẫn vào phòng khách, nơi ông bà Wal và cả Terenia đang chờ. - Hình như là chúng ta đã gặp vấn đề, - Bác sĩ Wal bắt đầu. - Con gái chúng tôi quả thật là rất bướng bỉnh. Vì một lý do nào đó nó lại có cảm tình với cháu. Bác không thể gọi đó là tình yêu được, Samuel, bởi vì bác không tin là các cô gái trẻ hiểu được tình yêu là gì. Tuy nhiên, nó đã không chịu lấy giáo sĩ Rabinowitz. Nó nghĩ rằng nó muốn lấy cháu. Samuel lén liếc Terenia và thấy cô mỉm cười với mình, anh gần như phát điên lên vì sung sướng. Bác sĩ Wal tiếp tục: - Cháu bảo cháu yêu con gái bác? - Vâ… vâng, thưa bác, - Samuel lắp bắp. Anh cố lặp lại với giọng nói mạnh mẽ hơn, - Vâng, thưa bác. - Thế thì để bác hỏi cháu vài điều, Samuel. Cháu có muốn để Terenia sống hết phần đời còn lại để làm vợ một gã bán rong không? Samuel thấy ngay cạm bẫy, nhưng đã không có cách nào thoát khỏi. Anh nhìn Terenia lần nữa và chậm rãi trả lời: - Không, thưa bác. - À vậy là cháu đã nhìn thấy vấn đề rồi. Không một ai trong chúng ta muốn Terenia lấy một gã bán rong cả. Và cháu là một gã bán rong, Samuel. - Cháu sẽ không mãi như thế, thưa bác sĩ Wal. - Giọng Samuel trở nên mạnh mẽ và quả quyết. - Vậy cậu sẽ làm gì? - Bà Wal gằn giọng. - Cậu xuất thân từ một nhà bán rong và cậu sẽ vẫn ở trong gia đình bán hàng rong đó. Tôi không cho phép con gái tôi lấy một người như thế. Samuel nhìn cả ba người, lòng tràn ngập bối rối. Anh đã đến đây trong tâm trạng hỗn loạn và tuyệt vọng, rồi bay bổng lên tột đỉnh hạnh phúc, và bây giờ lại chìm xuống tận đáy đau khổ. Họ muốn gì ở anh? - Chúng tôi có một sự nhượng bộ, - bác sĩ Wal nói. - Chúng tôi sẽ cho cháu sáu tháng để chứng tỏ rằng cháu không phải chỉ là một gã bán rong. Nếu hết thời hạn mà cháu không thể mang lại cho Terenia cuộc sống mà nó quen thuộc, thì nó sẽ phải lấy giáo sĩ Rabinowitz. Samuel nhìn ông chằm chằm, kinh ngạc: - Sáu tháng! Không ai có thể thành đạt trong vòng sáu tháng. Chắc chắn không một ai trong số những người sống trong khu Do Thái có thể làm được điều đó. - Cháu có hiểu không? - Bác sĩ Wal hỏi. - Dạ có, thưa bác. - Samuel quá hiểu vấn đề. Anh có cảm giác trong bụng anh chứa đấy những chì. Anh không cần giải pháp, anh cần phép màu. Gia đình nhà Wal chỉ bằng lòng với một người con rể là bác sĩ hoặc giáo sĩ hoặc một người giàu có. Samuel nhận định nhanh từng khả năng: Pháp luật không cho phép anh trở thành bác sĩ. Còn giáo sĩ? Một giáo sĩ phải bắt đầu nghiên cứu về Do Thái giáo từ năm mười ba tuổi, còn năm nay Samuel đã mười tám. Giàu có ư? Đây là chuyện không cần nói tới. Nếu anh đi bán hàng rong ngoài phố hai mươi bốn giờ mỗi ngày cho đến năm chín mươi tuổi thì anh vẫn là một kẻ nghèo khó. Ông bà Wal đã giao cho anh một nhiệm vụ bất khả thi. Họ tỏ vẻ nhượng bộ Terenia bằng cách cho cô hoãn lễ thành hôn với tay giáo sĩ, nhưng lại giao cho Samuel những điều kiện mà họ biết chắc rằng anh sẽ không tài nào làm nổi. Terenia là người duy nhất tin tưởng vào anh. Cô có niềm tin rằng anh sẽ tìm ra một cách nào đó để trở nên nổi tiếng hoặc giàu có trong vòng sáu tháng. Cô ấy còn điên hơn cả mình, Samuel tuyệt vọng nghĩ. * * * * * Kỳ hạn sáu tháng bắt đầu và thời gian trôi qua thật nhanh. Ban ngày Samuel đi phụ bố bán hàng rong. Nhưng khi bóng tối bắt đầu liếm dần vào những bức tường của khu Do Thái, Samuel lại vội vã trở về nhà, ăn vội bữa tối và chui vào phòng thí nghiệm của riêng anh. Anh đã điều chếra hàng trăm mẻ huyết thanh và tiêm cho thỏ, mèo, chó, chim, và tất cả bọn chúng đều chết. Chúng quá bé, Samuel cay đắng nghĩ. Mình cần một con vật lớn hơn. Nhưng anh không có con vật nào và thời gian thì cứ vùn vụt trôi qua. Cứ hai lần một tuần Samuel phải vào thành phố Krakow mua thêm những thứ hàng hoá mà bố con anh vẫn bán. Anh thường đứng bên trong cánh cổng bị khoá vào lúc bình minh, xung quanh là những người bán hàng rong khác, nhưng anh không nhìn thấy hoặc nghe thấy họ. Đầu óc anh đang ở một thế giới khác. Một buổi sáng, khi Samuel đang đứng yên, mơ mộng như vậy thì một giọng nói quát lên: - Mầy! Thằng Do Thái kia! Đi nhanh lên! Samuel nhìn lên. Hai cánh cổng đã mở và chiếc xe kéo của anh đang làm nghẽn đường đi. Một trong hai người gác cổng đang giận dữ ra hiệu cho Samuel bước tới. Lúc nào cũng có hai người lính gác túc trực trước cổng. Họ mặc đồng phục màu xanh, mang phù hiệu đặc biệt, được trang bị súng lục và dùi cui. Trên sợi xích quấn quanh lưng một người gác cổng là chiếc chìa khoá lớn để mở và khoá cổng. Dọc theo khu Do Thái là một con sông nhỏ cùng cây cầu gỗ đã cũ bắc qua. Bên kia cầu là đồn cảnh sát, nơi đóng quân của đội lính gác khu Do Thái. Samuel đã từng chứng kiến nhiều người Do Thái bất hạnh bị kéo lê qua cầu. Chỉ có đi mà không có về. Người Do Thái phải trở về bên trong khu Do Thái vào lúc hoàng hôn và bất cứ người Do Thái nào bị bắt bên ngoài cổng sau khi trời tối sẽ bị đưa đến một trại lao động. Đó quả là cơn ác mộng cho bất kỳ người Do Thái nào bị bắt ở ngoài khu Do Thái vào buổi tối hoặc ban đêm. Cả hai người lính đều có trách nhiệm tuần tra trước cổng khu Do Thái suốt đêm, nhưng hầu như trong khu Do Thái biết rằng sau khi hai cánh cổng được khoá, một trong hai người lính sẽ bỏ vào thành phố chơi bời. Và anh ta sẽ chỉ về trước lúc bình minh để giúp đồng sự của mình mở cổng cho một ngày mới. Hai người lính thưòng làm nhiệm vụ ở đó tên là Paul và Aram. Paul là người dễ dãi, tính tình xởi lời. Còn Aram thì hoàn toàn ngược lại. Anh ta trông như một con thú, da ngăm đen, khổ người to bè, đôi tay mạnh khoẻ, và thân thể thì không khác gì một thùng bia. Anh ta rất khoái các trò hành hạ người Do Thái, và mỗi khi đến phiên trực của anh ta thì tất cả những người Do Thái bên ngoài cổng đều chắc mình phải về sớm, bởi vì không có gì làm Aram kích thích hơn là nhốt một người Do Thái ở bên ngoài cổng, nện cho người đó nhừ tử và kéo lê kẻ phạm tội qua cầu tới đồn cảnh sát. Lúc nầy, chính là Aram đang quát lên bảo Samuel đẩy xe đi tới. Anh vội vã đi ra khỏi cổng hướng về phía thành phố, cảm thấy ánh mắt của Aram chọc vào lưng mình. Kỳ hạn sáu tháng của Samuel nhanh chóng rút xuống thành năm tháng, rồi bốn tháng, ba tháng. Không một ngày nào, một giờ nào mà Samuel không nghĩ đến một giải pháp cho vấn đề của anh, hoặc làm việc mê mải trong phòng thí nghiệm tí hon của mình. Anh cố trình bày với một số thương nhân giàu có trong khu Do Thái, nhưng ít có người nào chịu dành thời gian cho anh, và những người có thời gian lại đưa ra những lời khuyên vô bổ. Anh muốn kiếm tiền à? Hãy để dành từng đồng xu nhỏ cậu bé, và một ngày nào đấy cậu sẽ có đủ tiền để mua cả một cơ skinh doanh tốt như của tôi đây. Đối với họ, thật là quá dễ để nói thế. Đa số bọn họ được sinh ra trong những gia đình giàu có. Samuel nghĩ đến chuyện bỏ trốn cùng Terenia. Nhưng đi đâu? Cuối cuộc hành trình vẫn là một khu Do Thái khác và anh vẫn là một gã bán hàng rong nghèo khổ. Không, anh quá yêu Terenia nên không thể đối xử như vậy với cô. Đó quả là cái bẫy thực sự mà anh đã sa chân vào. Thời gian vẫn trôi qua một cách tàn nhẫn, và ba tháng biến thành hai tháng, rồi một tháng. Điều an ủi duy nhất của Samuel trong suốt thời gian đó là anh được gặp Terenia ba lần một tuần, có người đi kèm, dĩ nhiên, và mỗi lần gặp anh lại thấy yêu nàng hơn. Đó là cảm giác vừa ngọt ngào vừa đắng cay, vì càng được gặp nàng thường xuyên hơn thì việc sẽ mất nàng cũng càng đến gần hơn. - Anh sẽ tìm được cách! - Terenia luôn trấn an anh như vậy. Nhưng giờ đây, chỉ còn ba tuần lễ nữa, và Samuel vẫn chưa tiến thêm được bước nào đến giải pháp so với lúc ban đầu. Một đêm khuya, Terenia đến gặp Samuel ở chuồng ngựa. Nàng choàng tay qua người anh và nói: - Mình bỏ trốn đi, Samuel. Anh chưa bao giờ yêu nàng nhiều như lúc nầy. Nàng sẵn sàng hy sinh bản thân, từ bỏ bố mẹ, từ bỏ cuộc sống tuyệt vời mà nàng đang sống, vì anh. Anh ôm chặt nàng và nói: - Chúng ta không thể. Dù có đi đến bất cứ nơi nào thì anh vẫn là một gã bán hàng rong. - Em không quan tâm. Samuel nghĩ tới căn nhà xinh đẹp của nàng với những căn phong rộng rãi, những người giúp việc, và anh nghĩ đến căn phòng bé xíu nghèo nàn anh đang ở với bố, với dì, và anh nói: - Nhưng anh quan tâm, Terenia. Và nàng quay người bỏ đi. Sáng hôm sau Samuel gặp Isaac, một người bạn học cũ, đi dọc theo con phố, tay dắt con ngựa. Nó chỉ còn một mắt, bụng đang đau nặng, vừa bị sưng khớp vừa bị điếc. - Chào Samuel. - Chào Isaac. Tôi không biết anh đang đi với con ngựa tội nghiệp nầy, nhưng anh nên đi nhanh thì hơn. Trông nó có vẻ không còn sống được lâu nữa đâu. - Nó không cần phải thế. Tôi đưa Lottie đến nhà máy keo. Samuel nhìn con vật với một sự phấn khích bất ngờ xuất hiện. - Tôi không nghĩ là họ sẽ trả nhiều tiền cho anh. - Tôi biết. Tôi cũng chỉ cần hai đồng florin để mua một chiếc xe kéo thôi mà. Tim Samuel bắt đầu đập mạnh hơn. - Tôi nghĩ là tôi có thể giúp anh tiết kiệm được quãng đường. Tôi sẽ đổi chiếc xe của tôi lấy con ngựa của anh. Không đầy năm phút việc trao đổi đã hoàn tất. Bây giờ tất cả những gì Samuel phải làm là đóng một chiếc xe khác và giải thích cho bố anh việc anh đã làm mất chiếc xe cũ như thế nào, và anh làm sao có được một con ngựa sắp chết. Samuel dẫn con Lottie vào chuồng, nơi anh đã từng nhốt con Ferd. Khám xét cẩn thận hơn, Samuel nhận thấy con ngựa còn tệ hơn cái vẻ bên ngoài của nó. Anh vỗ nhẹ lên mình nó và nói: - Đừng lo, Lottie, mày sắp làm nên lịch sử y học rồi đấy. Vài phút sau Samuel đã bắt tay vào việc bào chế một loại huyết thanh mới. * * * * * Do quá đông đúc và tình trạng mất vệ sinh nên các bệnh dịch thường xuyên xảy ra ở khu Do Thái. Căn bệnh gần đây nhất là sốt dẫn đến những cơn ho đến ngạt thở, làm sưng nhiều tuyến và gây ra cái chết đau đớn. Các bác sĩ không biết được nguy nhân của chứng bệnh và cách điều trị nó. Bố của Isaac cũng bị nhiễm căn bệnh nầy. Hay tin, Samuel vội vã tới nhà Isaac. - Bác sĩ đã đến đây, - Isaac vừa khóc vừa nói. - Ông ấy bảo đã hết hy vọng rồi. Anh có thể nghe từ trên lầu vẳng xuống những tiếng ho khủng khiếp và dường như không bao giờ kết thúc. - Tôi muốn anh giúp tôi một việc, - Samuel nói. - Hãy lấy cho tôi một chiếc khăn tay của bố anh. Isaac nhìn sững anh. - Cái gì? - Một cái khăn mà bố anh đã dùng. Và hãy cẩn thận khi tiếp xúc với nó. Nó đầy vi trùng đấy. Một giờ sau Samuel trở về chuồng ngựa, cẩn thận cạo những thứ dính trên khăn vào một cái đĩa chứa đầy nước luộc thịt. Anh làm việc suốt đêm hôm đó, cả ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, tiêm từng lượng nhỏ chất đó vào con Lottie, rồi liều lượng lớn hơn, chiến đấu với thời gian, cố gắng dành lấy mạng sống của bố Isaac. Và cố cứu cả cuộc đời của chính anh. Nhiều năm sau đó Samuel không bao giờ chắc chắn Chúa có trông chờ ở anh hay con Lottie hay không, nhưng con Lottie vẫn chịu được những liều lượng tăng dần và Samuel đã có được lượng kháng thể đầu tiên. Việc tiếp theo của Samuel là thuyết phục bố của Isaac cho anh tiêm thuốc vào người ông. Nhưng cuối cùng việc thuyết phục lại không cần thiết. Khi Samuel đến nhà Isaac, trong nhà đã đầy thân nhân họ hàng đang khóc than cho người đang hấp hối trên lầu. - Bố tôi chỉ còn trụ được chút ít thời gian nữa thôi. - Isaac thông báo cho Samuel. - Tôi có thể gặp ông ấy chứ? Hai người đi lên lầu. Bố Isaac đang nằm trên giường, mãt đỏ bừng vì cơn sốt. Mỗi cơn ho kéo dài lại khiến cho thân hình tàn tạ của ông cụ co giầt và làm cho ông càng yếu hơn. Hiển nhiên là ông đang hấp hối. Samuel hít một hơi thở sâu và nói: - Tôi muốn nói chuyện với anh và mẹ anh. - Không ai có chút tin tưởng nào vào cái lọ thuỷ tinh nhỏ mà Samuel mang theo, nhưng dù gì thì cũng chết. Họ nắm lấy cơ hội vì họ đã không còn gì để mất. Samuel tiêm huyết thanh cho bố Isaac. Anh đợi bên giường ông ba tiếng đồng hồ, và nhận thấy không có gì thay đổi. Huyết thanh đã không có tác dụng. Nếu có, đó chỉ là những cơn ho dữ dội hơn. Cuối cùng Samuel bỏ về, tránh mắt Isaac. Sáng sớm hôm sau Samuel phải vào Krakow mua hàng. Anh vô cùng sốt ruột, chỉ mong chóng trở về để xem bố Isaae có còn sống hay không. Ở tất cả các chợ đều có những đám đông lớn, và Samuel mua hàng mãi vẫn chưa xong. Mãi đến chiều muộn xe của anh mới chất đầy hàng và anh trở về khu Do Thái. Tai hoạ xảy ra khi Samuel ở cách cổng hai dặm. Một bánh xe bị gãy làm đôi và hàng hoá đổ ập xuống đường Samuel lâm vào một thế kẹt. Anh vừa phải tìm bánh xe khác ở quanh đâu đó, nhưng cũng không dám bỏ mặc chiếc xe. Một đám đông đã bắt đầu tụ lại, ngắm nhìn số hàng hoá bằng ánh mắt thèm thuồng. Samuel trông thấy một cảnh sát mặc quân phục tiến tới - một người không phải Do Thái - và anh biết anh sẽ mất hết. Họ sẽ lấy tất cả của anh. Người cảnh sát lách qua đám đông và quay sang chàng trai đang hoảng sợ. - Chiếc xe của cậu cần một cái bánh mới. - V... âng, thưa ông. - Cậu có biết phải mua nó ở đâu không? - Không, thưa ông. Người cảnh sát viết vài chữ vào mẩu giấy. - Đ đến đó, cho ông ấy biết cậu cần gì. Samuel trả lời: - Cháu không thể bỏ chiếc xe được. - Có thể, - người cảnh sát trả lời. Ông ta quét cặp mắt nghiêm khắc về phía đám đông. - Tôi sẽ ở lại đây! Đi nhanh lên. Samuel chạy không nghỉ. Theo chỉ dẫn trên tờ giấy, anh tìm thấy một hiệu rèn và khi Samuel giải thích tình hình, người thợ rèn đã tìm được một bánh xe vừa cỡ. Samuel trả tiền cho người thợ rèn bằng số tiền trong chiếc túi nhỏ mà anh mang theo. Giờ đây anh chỉ còn lại có sáu gulden. Anh lại chạy về phía chiếc xe, lăn chiếc bánh xe mới phía trước. Người cảnh sát vẫn còn ở đó và đám đông đã giải tán. Số hàng hoá của anh vẫn còn nguyên. Với sự giúp đỡ của người cảnh sát, cũng phải nửa tiếng sau anh mới thay xong bánh xe. Anh lại lên đường trở về nhà. Ý nghĩ của anh vẫn hướng về bố của Isaac. Anh sẽ thấy ông còn sống hay đã chết? Anh không hiểu mình có thể chịu đựng được sự hồi hộp hay không. Giờ đây anh chỉ còn cách khu Do Thái có một dặm. Samuel đã trông thấy những bức tường cao sừng sững trên nền trời. Và anh còn thấy, mặt trời đã khuất về phía chân trời tây, những đường phố xa lạ ngập mình trong bóng tối. Bận bịu lo lắng về những chuyện vừa xảy ra, Samuel đã hoàn toàn quên đi vấn đề thời gian. Mặt trời đã lặn và anh vẫn còn ở bên ngoài cổng? Anh bắt đầu chạy, đẩy chiếc xe nặng nề về phía trước, tim đập mạnh tưởng chừng như sắp vỡ tung ra. Cổng khu Do Thái chắc là đã đóng. Samuel nhớ lại những câu chuyện khủng khiếp mà anh đã nghe được về những người Do Thái ở bên ngoài cổng vào ban đêm. Anh bắt đầu chạy nhanh hơn. Có thể lúc nầy chỉ còn một người lính đang trực. Nếu đó là Paul, người dễ thân thiện hơn, thì Samuel còn có một cơ hội. Còn nếu đó là Aram - Samuel không dám nghĩ đến điều đó. Bóng tối càng lúc càng dầy đặc, bao trùm lên anh như một màn sương đen, và trời bắt đầu có mưa nhỏ. Samuel đến gần khu Do Thái hơn, chỉ còn cách khoảng hai dãy nhà, và bỗng nhiên cánh cổng khổng lồ sừng sững hiện ra. Chúng đã bị khoá chặt. Samuel chưa bao giờ trông thấy cửa đóng từ bên ngoài. Tựa như cuộc sống bỗng nhiên cạn kiệt, anh rùng mình ghê sợ. Anh đã bị ngăn cách với gia đình, với thế giới của anh, với tất cả những gì mà anh đã quen thuộc. Anh đi chậm lại, cẩn thận tiến gần đến cổng, tìm kiếm hai người lính gác. Không thấy họ đâu. Samuel bỗng tràn ngập niềm hy vọng. Có thể họ đã được gọi theo một lệnh khẩn cấp nào đó. Samuel sẽ tìm cách mở cổng hoặc trèo qua tường không để ai trông thấy. Khi anh đến cổng, một người lính chợt bước ra từ bóng tối. - Cứ đi đến đây, - anh ta ra lệnh. Trong bóng tối Samuel không nhìn thấy rõ mặt người lính. Nhưng anh đã nhận ra giọng nói. Đó là Aram. - Nữa đi. Cứ đi tới đây. Aram nhìn Samuel đi đến gần, một nụ cười nhệch trên mặt. Chàng trai loạng choạng đi tới. - Như thế đấy, - Aram khuyến khích, - Tiếp tục tới nữa đi. Samuel chậm chạp tiến về phía gã khổng lồ, lòng rối tung, đầu óc lùng bùng. - Thưa ông, Samuel lên tiếng, - Cho cháu được giải thích. Cháu gặp phải một tai nạn. Cái xe của cháu… Aram thò bàn tay to lớn ra, túm lấy cổ áo Samuel và nhấc bổng anh lên. - Đồ Do Thái chó đẻ kia, - hắn ta dịu dàng ngâm nga. - Mày nghĩ là tao quan tâm đến lý do tại sao mày ở bên ngoài ư? Mày đã ở sai vị trí với cánh cổng rồi đấy. Mày có biết chuyện gì sắp xảy ra với mày không? Samuel lắc đầu một cách sợ hãi. - Để tao cho mày biết nhé, - Aram nói. - Chúng tao nhận được lệnh mới vào tuần trước. Tất cả những tên Do Thái nào bắt ở ngoài cổng sau khi mặt trời lặn đều bị đưa lên tầu đi Silesia. Mười năm khổ sai. Mày có thích như thế không? Samuel không thể tin nổi. - Nhưng cháu… cháu có làm gì đâu. Cháu… Aram đấm mạnh vào mồm Samuel bằng tay phải rồi thả anh rơi xuống đất. - Đi, - Aram nói. - Đi đi đâu? - Samuel hỏi. Giọng anh nghẹn ngào vì hoảng hốt. - Tới đồn cảnh sát. Sáng mai mày sẽ lên tàu thuỷ cùng một lũ cặn bã khác. Đứng dậy. Samuel nằm yên, không tài nào tập trung tư tưởng. - Cháu… cháu phải vào từ biệt gia đình. Aram lại nhe răng cười. - Họ sẽ không nhớ gì mày đâu! - Xin ông hãy làm ơn! - Samuel van vỉ. - Cho cháu… cho cháu ít ra cũng được viết cho họ vài dòng. Nụ cười của Aram chợt tắt. Hắn đứng phía trên Samuel với vẻ hăm doạ. Nhưng giọng nói của hắn vẫn dịu dàng. - Tao bảo đứng dậy, thằng Do Thái khốn khiếp kia. Nếu mày còn nói nữa, tao sẽ đá vào dái mày đấy. Samuel chậm chạp đứng dậy. Aram nắm lấy cánh tay anh trong bàn tay thép của hắn và bắt đầu lôi anh về phía đồn cảnh sát. Mười năm khổ sai ở Silesia? Không ai có thể quay về từ chỗ đó. Anh ngước nhìn gã đàn ông đang nắm tay anh, lôi anh về phía đồn cảnh sát. - Xin ông đừng làm thế, - Samuel van nài. - Cho cháu đi đi. Aram siết tay anh chặt hơn và Samuel cảm thấy như máu mình ngừng chảy. - Cứ van xin nữa đi, - Aram nói. - Tao rất khoái nghe bọn Do Thái van xin. Mày đã nghe nói về Silesia rồi chứ? Mày sẽ đến đó đúng vào mùa đông. Nhưng đừng lo, ở trong hầm mỏ thì thú vị và ấm áp lắm. Và khi phổi mày đã nám đen vì bụi than và mày lên cơn ho không ngừng, mày sẽ bị bỏ ra ngoài trời tuyết và mày sẽ chết vì lạnh. Phía trước họ, bên kia cầu, ẩn hiện trong cơn mưa là toà nhà dùng làm đồn cảnh sát. - Nhanh lên! - Aram nói. Và bỗng nhiên Samuel biết rằng anh không thể để ai làm thế đối với anh. Anh nghĩ đến Terenia, đến gia đình anh, đến bố của Isaac. Không ai được phép lấy đi cuộc sống của anh. Dù thế nào thì anh cũng phải chạy thoát, phải cứu lấy bản thân. Bây giờ họ đang băng qua cây cầu hẹp, con sông chảy rì rào bên dưới, nước dâng lên cao do những cơn mưa mùa đông. Chỉ còn một đoạn đường ba mươi mét. Chuyện gì cần làm thì phải làm ngay, lúc nầy Aram có súng và nếu không có thì hắn có thể dễ dàng hạ sát anh. Hắn to gấp đôi Samuel và lại khoẻ hơn anh nhiều. Họ đã đến phía bên kia cầu và đồn cảnh sát nằm ngay trước mặt. - Nhanh lên, - Aram gầm gừ, lôi Samuel đi. - Tao còn nhiều việc khác phải làm. Hai người đã đến gần toà nhà đến nỗi Samuel có thể nghe thấy tiếng cười của bọn lính ở bên trong. Aram siết chặt tay và bắt đầu lôi anh qua khoảng sân lát đá dẫn tới đồn cảnh sát. Chỉ còn vài giây nữa thôi. Samuel cho tay phải vào túi áo và sờ thấy túi tiền với năm, sáu đồng gulden bên trong. Những ngón tay anh cầm chặt nó, máu trong người chảy rần rật vì kích động. Anh cẩn thận lôi cái t túi áo bằng bàn tay còn lại rồi nới lỏng sợi dây buộc và buông cái túi rơi xuống đất. Nó đập xuống nền đá và phát ra những tiếng kêu leng keng. Aram đột ngột đứng lại. - Cái gì vậy? - Không có gì hết. - Samuel đáp nhanh. Aram nhìn vào ánh mắt anh và mỉm cười. Vẫn giữ chặt Samuel trong tay, hắn ta lùi lại, nhìn xuống mặt sân và trông thấy cái túi tiền bị mở. - Mày sẽ không cần tiền ở nơi mày đến. - Aram nói. Hắn với xuống nhặt cái túi và tay Samuel cũng với xuống cùng lúc đó. Aram hất cái túi ra xa khỏi người anh. Nhưng tay Samuel không hướng về túi tiền. Nó hướng về một hòn đá to nằm trên sân và khi Samuel đứng thẳng người lên, anh đập mạnh hòn đá vào mắt phải Aram bằng tất cả sức lực của mình, biến nó thành một đám bầy hầy màu đỏ, và anh tiếp tục đập, hết nhát nọ đến nhát kia. Anh thấy cái mũi của Aram trở nên dúm dó, rồi đến cái miệng, rồi cả khuôn mặt hắn ta trở thành một đống máu khủng khiếp. Aram vẫn đứng sững như một con quái vật bị mù vậy. Samuel nhìn hắn ta, gần như buồn nôn vì sợ hãi, và không thể tiếp tục được nữa. Rồi, cái xác khổng lồ bắt đầu gục xuống. Samuel nhìn xuống cái xác của tên lính canh, không thể tin nổi những điều mình vừa làm. Anh nghe thấy những âm thanh trong trại lính và anh bỗng hiểu rõ mối nguy hiểm khủng khiếp mà anh đang mắc phải. Nếu bọn chúng biết được anh vào lúc nầy, bọn chúng sẽ không tống anh đi Silesia nữa. Chúng sẽ lột da anh và treo cổ anh ở quảng trường thành phố. Hình phạt cho bất kỳ một hành vi tấn công cảnh sát nào cũng là cái chết. Và Samuel đã giết một người cảnh sát. Anh phải nhanh chóng bỏ trốn thôi. Anh có thể tìm cách vượt qua biên giới nhưng sau đó anh sẽ phải trốn chui trốn lủi suốt cả quãng đời còn lại. Phải có một cách giải quyết khác. Anh nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của xác chết và chợt hiểu mình cần làm gì. Anh cúi xuống và lục lọi khắp người xác chết cho đến khi lôi ra được chiếc chìa khoá mở cổng lớn. Rồi, cố thắng sự tởm lợm, Samuel nắm lấy đôi giầy của Aram và bắt đầu kéo cái xác về phía bờ sông. Người chết dường như nặng cả tấn. Samuel tiếp tục kéo, anh bị thôi thúc bởi những âm thanh vọng ra từ đồn cảnh sát. Rồi anh cũng tới được bờ sông. Dừng lại một lúc để thở, rồi Samuel đẩy cái xác qua khỏi kè dốc và nhìn nó lăn xuống dòng nước đang chảy ở phía dưới. Một bàn tay mắc vào kè tưởng như dài vô tận, rồi thì cái xác cũng từ từ bị dòng nước cuốn trôi. Samuel đứng đó như bị thôi miên, lòng tràn đầy sợ hãi về việc mình vừa làm xong. Anh nhặt hòn đá vừa dùng để gây tội ác ném luôn xuống sông. Nhưng anh vẫn ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Anh quay lại và chạy qua cây cầu về phía hai cánh cổng lớn của khu Do Thái. Không có ai ở xung quanh đó cả. Bằng những ngón tay run rẩy, Samuel đút chiếc chìa khoá lớn vào ổ khoá và từ từ quay một vòng. Anh kéo mạnh hai cánh cổng gỗ lớn. Không có gì xảy ra. Đối với anh thì chúng quá nặng. Nhưng trong đêm nay thì không có chuyện gì là không thể với Samuel. Người anh tràn đầy một sức mạnh kỳ lạ đến từ bên ngoài và anh mở được cánh cổng khổng lồ ra. Anh đẩy xe vào bên trong, đóng cổng lại rồi đẩy xe chạy như bay về nhà. * * * * * Những người trong nhà đang tụ tập ở phòng khách và khi Samuel bước vào, họ nhìn anh như thể anh là một hồn ma sống dậy. - Họ đã cho cậu về? - Bố… bố không hiểu, - bố anh lắp bắp. - Mọi người đều nghĩ con… Nhanh chóng, Samuel giải thích mọi chuyện xảy ra và những bộ mặt của họ từ quan tâm trở thành đầy khủng khiếp. - Chúa ơi! - Bố Samuel rên lên. - Họ sẽ giết tất cả chúng ta mất. - Không, nếu mọi người nghe lời của con, - Samuel nói. Rồi anh giải thích kế hoạch của mình. Mười lăm phút sau, Samuel cùng bố và hai người hàng xóm đã đứng trước hai cánh cổng của khu Do Thái. Samuel đẩy cánh cổng và luồn ra ngoài một mình, thầm nghĩ mình có thể bị tóm bất cứ lúc nào. Anh đặt chiếc chìa khoá vào ổ và quay một vòng. Thế là hai cánh cổng khu Do Thái đã bị khoá chặt từ bên ngoài. Samuel buộc chặt chiếc chìa khoá vào dây lưng, bước vài bước sang phía bên trái cánh cổng. Một lát sau, một sợi dây thò xuống dọc theo tường như một con rắn lớn. Samuel bám chặt vào đó trong khi ở bên kia tường bố anh và hai người kia bắt đầu kéo anh lên. Khi Samuel lên tới đầu tường, anh buộc một đầu dây thành cái thòng lọng và lồng nó vào một cái cọc đóng nhô ra khỏi tường rồi từ từ tuột xuống đất. Khi đã an toàn xuống đến nơi, anh lắc cho sợi dây tuột ra. - Chúa ơi! - Bố anh lẩm bẩm. - Sáng mai không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây? Samuel nhìn ông và trả lời, - Chúng ta sẽ đập mạnh vào cổng, bảo họ cho chúng ta ra. Vào lúc bình minh, khu Do Thái tràn ngập cảnh sát và binh lính. Họ phải đặt làm một chiếc chìa khoá đặc biệt để mở cánh cổng cho các thương nhân đang la hét đòi được ra ngoài. Paul, người lính gác thứ hai, đã thú nhận rằng mình đã rời bỏ vị trí vào Krakow chơi bời suốt đêm, và anh ta đã bị bắt. Nhưng chừng đó vẫn không đủ để giải thích về cái chết bí mật của Aram. Theo như thường lệ thì việc một lính canh mất tích ở quá gần khu Do Thái như vậy là một lý do đầy đủ cho việc bắt đầu một cuộc tàn sát. Nhưng cảnh sát lại rất hồ nghi vì hai cánh cổng đã bị khoá từ bên ngoài. Những người Do Thái đã bị khoá chặt hết ở bên trong, hiển nhiên là họ không thể gây hại được cho Aram. Cuối cùng, cảnh sát kết luận rằng Aram có thể đã bỏ trốn cùng một trong những người bạn gái của hắn ta. Họ cho rằng hắn đã ném chiếc chìa khoá nặng nề vào đâu đó và họ tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy gì. Nó sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy vì đã bị vùi chặt dưới nền nhà của Samuel. Kiệt quệ về cả thể xác cũng như tinh thần, Samuel vừa đặt mình lên giường là đã ngủ ngay lập tức. Anh tỉnh dậy do có ai quát gọi anh. Ý nghĩ đầu tiên của Samuel là: Họ đã tìm thấy xác Aram. Họ đến đây để bắt mình. Anh mở mắt ra. Isaac đang đứng cạnh giường, trạng thái vô cùng kích động. - Dừng hẳn rồi! - Isaac gào lên. - Cơn ho đã dừng hẳn. Đây đúng là phép màu! Đến nhà tôi đi. Bố của Isaac đã ngồi dậy được. Cơn sốt đã biến mất một cách kỳ lạ và cơn ho cũng đã dừng hẳn. Khi Samuel đến bên cạnh giường, ông già nói: - Bác nghĩ là bác có thể ăn được ít súp gà! Và Samuel bắt đầu bật khóc. Trong có một ngày thôi anh đã lấy đi một mạng người và cứu lại một mạng người. Cái tin về bố của Isaac lan ra khắp khu Do Thái. Thân nhân của những người đang hấp hối tụ tập quanh nhà Samuel, van xin anh cho một chút huyết thanh kỳ diệu của mình. Anh không thể nào thoả mãn được hết các yêu cầu của họ. Và anh đến gặp bác sĩ Wal. Ông cũng đã được nghe nói về những điều mà Samuel đã làm, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi. - Bác phải tận mắt chứng kiến mới được,! - ông nói. - Cháu hãy điều chế một liều và bác sẽ thử nó lên một trong các bệnh nhân của bác. Trong số hàng chục bệnh nhân đã chọn, bác sĩ Wal lựa ra một người mà ông thấy đã gần chết thật. Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ người đó đã tỏ ra hồi phục. Bác sĩ Wal đi đến chuồng ngựa nơi Samuel đang làm việc cả ngày lẫn đêm, điều chế huyết thanh, và nói: - Nó thật công hiệu, Samuel. Cháu đã thành công rồi. Cháu muốn cái gì làm của hồi môn? Samuel ngước nhìn ông và mệt mỏi trả lời: - Một con ngựa khác. * * * * * Năm đó, 1868, là năm khởi nghiệp của Roffe và các con. Samuel và Terenia đã lấy nhau, và phần hồi môn cho Samuel là sáu con ngựa và một phòng thí nghiệm nhỏ nhưng đầy đủ trang thiết bị của riêng anh. Samuel đã mở rộng các thí nghiệm của mình. Anh bắt đầu chưng cất dược phẩm từ các loại thảo mộc và chẳng bao lâu sau những người láng giềng của anh bắt đầu đến căn phòng thí nghiệm bé nhỏ để mua thuốc về điều trị nhưng căn bệnh đang hành hạ họ. Họ được anh tận tình chỉ bảo, và cứ thế, danh tiếng của Samuel lan đi khắp nơi. Với những người không thể trả tiền, Samuel thường nói: - Đừng lo lắng về chuyện tiền nong. Cứ lấy thuốc về đi. Và với Terenia: - Thuốc dùng để cứu người chứ không phải để kiếm lời. Công việc làm ăn của Samuel vẫn tiếp tục phát triển và anh đã có thể nói với Terenia sau một thời gian ngắn: - Anh nghĩ đã đến lúc mở một cửa hàng bào chế nhỏ, tại đó chúng ta có thể bán thuốc mỡ, thuốc bột và các loại thuốc không theo toa bác sĩ khác. Cửa hàng của anh thành công ngay từ ngày đầu tiên. Những người giàu có trước kia đã từng từ chối giúp đỡ Samuel thì nay lại tìm đến anh đề nghị chung vốn. - Chúng ta sẽ là bạn hàng, - họ nói. - Chúng ta sẽ mở một loạt cửa hàng. Samuel bàn luận chuyện đó với Terenia. - Anh rất sợ các cổ đông. Đây là chuyện làm ăn của chúng ta. Anh không thích cái việc những kẻ xa lạ sẽ sở hữu một phần cuộc sống của chúng ta. Terenia cũng đồng ý với anh. Khi công việc kinh doanh càng lúc càng thuận lợi và mở rộng thêm nhiều cửa hàng mới thì những lời đề nghị chung vốn cũng càng lúc càng tăng. Nhưng Samuel vẫn tiếp tục từ chối tất cả. Khi bố vợ hỏi anh lý do vì sao, Samuel trả lời: - Đừng bao giờ cho một con cáo thân thiện vào trong chuồng gà. Một ngày kia nó sẽ tỏ ra thèm khát. Công việc kinh doanh phát đạt, hôn nhân của Samuel và Terenia cũng như vậy. Nàng sinh cho anh năm đứa con trai - Abraham, Joseph, Anton, Jan và Pitor - và cứ mỗi đứa trẻ ra đời Samuel lại mở một hiệu bào chế thuốc mới, cái sau lớn đẹp hơn cái trước. Đầu tiên, Samuel thuê một người làm cho mình, rồi hai người, và không lâu sau anh đã có đến hơn hai tá nhân viên trong tay. Một ngày kia Samuel tiếp một nhân viên chính phủ được phái đến. - Chúng tôi đang xúc tiến việc bãi bỏ một hạn chế cho người Do Thái, - ông ta nói với Samuel. - Chúng tôi muốn anh mở một hiệu bào chế thuốc ở Krakow. Và Samuel đã làm như vậy. Ba năm sau anh đã phát đạt đến mức có thể xây cả một toà cao ốc cho mình trong trung tâm Krakow và mua cho Terenia một căn nhà xinh đẹp trong thành phố. Cuối cùng Samuel đã thực hiện được giấc mơ chạy thoát khỏi khu Do Thái. Nhưng anh còn có những giấc mơ khác, xa hơn cả Krakow. Khi các con lớn dần lên, Samuel thuê gia sư riêng cho chúng, và mỗi đứa con được học một thứ tiếng khác nhau. - Nó điên rồi! - Mẹ vợ của Samuel nói. - Nó đã trở thành trò cười cho hàng xóm láng giềng khi dạy Abraham và Jan nói tiếng Anh, Joseph - tiếng Đức, Anton - tiếng Pháp và Pitor - tiếng Italy. Chúng sẽ nói chuyện với ai đây? Không ai ở đây biết những thứ tiếng man rợ như vậy. Những đứa trẻ thậm chí còn chẳng nói chuyện được với nhau nữa! Samuel chỉ mỉm cười và kiên nhẫn trả lời: - Đó là một phần trong vốn kiến thức của chúng. Anh biết rõ các con mình sẽ nói chuyện với ai. Khi các con ông được mười bốn, mười lăm tuổi, chúng thường được đi đến các đất nước khác nhau với bố chúng. Trong mỗi chuyến đi Samuel lại đặt nền tảng cho các kế hoạch tương lai của ông. Khi Abraham hai mươi mốt tuổi, Samuel triệu tập gia đình lại và thông báo: - Abraham sẽ sang Mỹ sinh sống. - Mỹ! - Mẹ Terenia hét lên. - Ở đó toàn bọn dã man. - Tôi sẽ không để anh làm thế với cháu tôi đâu. Thằng bé sẽ ở đây, nơi mà nó được an toàn. An toàn. Samuel nghĩ đến những cuộc tàn sát và Aram, và về cái chết của mẹ ông. - Nó sẽ ra nước ngoài, - Samuel tuyên bố. Ông quay sang Abraham. - Con sẽ mở một nhà máy ở New York và sẽ chịu trách nhiệm về công việc kinh doanh ở đó. Abraham kiêu hãnh trả lời: - Vâng, thưa bố. Samuel quay sang Joseph. - Vào ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của con, con sẽ đi sang Berlin. Joseph gật đầu. Anton nói: - Và con sẽ đi Pháp. Paris. Con hy vọng như vậy. - Hãy giữ mình, - Samuel lẩm bẩm. - Một số người không phải Do Thái ở đó chẳng phải vừa đâu. - Ông quay sang Jan. - Con sẽ đi Anh Quốc. Pitor, đứa con út, háo hức nói - Và con sẽ đi Italia, bố ạ. Bao lâu nữa thì con sẽ đi được? Samuel cười và trả lời: - Không phải tối nay đâu, Pitor. Con phải chờ đến năm con hai mươi mốt tuổi. Và mọi chuyện đều thuận lợi. Samuel đi theo các con ra nước ngoài và giúp đỡ chúng thành lập văn phòng và nhà máy. Trong vòng bẩy năm sau đó, nhiều chi nhánh của gia đình Roffe được lập nên ở năm quốc gia khác nhau. Nó đang dần trở thành một triều đại và Samuel cho các luật sư tổ chức sao cho các công ty con dù hoạt động độc lập vẫn có trách nhiệm với công ty mẹ. - Không được có người lạ, - Samuel không ngừng cảnh cáo luật sư của mình. - Các cổ phần không bao giờ được rời khỏi gia đình. - Sẽ không đâu. - Viên luật sư trấn an ông. - Nhưng nếu các con ông không thể bán cổ phần của họ, ông Samuel, làm sao họ xoay sở được? Tôi tin chắc rằng ông cũng muốn họ sống thoải mái. Samuel gật đầu. - Chúng ta sẽ sắp xếp cho chúng sống trong những căn nhà đẹp. Chúng sẽ có lương cao, các khoản chi tiêu, nhưng tất cả những thứ khác sẽ phải thuộc về công ty. Nếu chúng muốn bán cổ phần của mình thì phải có được sự nhất trí từ tất cả mọi người. Số cổ phần lớn nhất sẽ thuộc về con trưởng của tôi, và những người thừa kế của nó. Chúng ta sẽ trở nên lớn mạnh. Chúng ta sẽ lớn mạnh hơn cả Rothschilds. Nhiều năm trôi qua và lời tiên tri của Samuel đã trở thành hìện thực. Việc kinh doanh không ngừng phát triển. Mặc dù gia đình ở rải rác ở khắp mọi nơi, Samuel và Terenia vẫn cố gắng lo liệu sao cho tất cả được gần gũi và thân thiết. Các con trai của họ vẫn về dự những ngày sinh nhật và các dịp lễ lớn trong năm. Tuy nhiên các cuộc viếng thăm của họ thường có nhiều ý nghĩa hơn là về dự những lễ hội thông thường. Họ thường đóng kín cửa và thảo luận chuyện kinh doanh với bố. Mỗi người đều có hệ thống tình báo riêng. Mỗi khi một người con ở một nước nghe được về việc phát triển một loại thuốc mới, người đó liền lập tức thông báo cho những người khác và họ sẽ bắt đầu tự sản xuất loại thuốc đó, vì thế trong lĩnh vực nầy họ vẫn luôn qua mặt được các đối thủ cạnh tranh. * * * * * Bánh xe thế kỷ vẫn tiếp tục quay, những đứa con lấy vợ sinh con và cho Samuel những đứa cháu nội. Abraham đã sang Mỹ vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của mình vào năm 1891. Anh cưới một cô gái Mỹ, bảy năm sau đó và năm 1905 đứa cháu nội đầu tiên của Samuel, Woodrow, ra đời, và người nầy lại có một đứa con trai tên là Sam. Joseph lấy một cô gái Đức, sinh được một trai và một gái. Cậu con trai lấy vợ và sinh được một con gái là Anna. Anna lấy một người Đức, là Walther Gassner. Ở Pháp, Anton cưới một cô vợ Pháp, có hai con trai. Một người tự tử chết. Người kia lấy vợ và sinh được một con gái là Hélène. Cô ta đã vài lần kết hôn nhưng vẫn chưa có con. Jan, ở London, kết hôn với một cô gái Anh. Đứa con gái duy nhất của họ lấy một tòng nam tước họ Nichols và có một cậu con trai là Alec. Pitor, ở Rome, lấy một cô gái Italia. Họ có một con trai và một con gái. Khi cậu con trai lấy vợ, vợ anh ta sinh được một cô con gái, Simonetta, người đã yêu và kết hôn với một kiến trúc sư trẻ tuổi, Ivo Palazzi. Đó là tất cả các con cháu của Samuel và Terenia. Samuel sống đủ lâu để được thấy những ngọn gió thay đổi thổi qua thế giới. Marconi tạo ra vô tuyến điện và anh em nhà Wright phóng chiếc máy bay đầu tiên ở Kitty Hawk. Rồi vụ án Dreyfuss dành trọn các tít lớn và đô đốc Peary đặt chân tới Bắc Cực. Chiếc ô tô Ford Modern T được sản xuất hàng loạt, ngoài ra còn có đèn điện và điện thoại. Trong lĩnh vực y học, các loại vi trùng gây bệnh lao, thương hàn và sốt rét đã bị cách ly và chế ngự hoàn toàn. Tập đoàn Roffe và các con, sau gần nửa thế kỷ đã trở thành con vật kếch xù đa quốc gia bao trùm cả thế giới. Samuel và con ngựa tàn tạ của ông, Lottie, đã gây dựng nên cả một triều đại. Khi Elizabeth đọc xong Quyển sách, có lẽ đến lần thứ năm, nàng lặng lẽ mang trả nó về tủ kính. Nàng không cần đến nó nữa. Nàng đã là một phần của nó, cũng như nó là một phần của nàng. Lần đầu tiên trong đời, Elizabeth biết mình là ai và mình từ đâu đến. Chú thích: (1)chemistry: hoá học Chương 12 Elizabeth gặp Rhys Williams lần đầu tiên vào ngàinh nhật lần thứ mười lăm của nàng, trong học kỳ hai của năm thứ nhất ở trường. Anh ghé qua trường chuyển cho Elizabeth những món quà sinh nhật của bố nàng. - Ông ấy cũng muốn đích thân đến, - Rhys giải thích, - nhưng ông ấy không thể bỏ đi được. Elizabeth cố che giấu nỗi thất vọng nhưng Rhys đã nhanh chóng nhận ta. Cô gái trẻ nầy có một cái gì đó đáng thương, một nhược điểm lộ liễu khiến anh thấy mủi lòng. Trong một cơn bốc đồng, anh đề nghị: - Tại sao chúng ta không cùng đi ăn tối nhỉ? Đây là một ý tưởng khủng khiếp, Elizabeth nghĩ. Nàng có thể hình dung thấy cảnh hai người sánh vai nhau bước vào quán ăn, anh ấy, tinh tế và bảnh bao lạ thường, còn mình, cứng nhắc và béo phì. - Không, cám ơn anh! - Elizabeth khó nhọc trả lời. - Em… em phải học bài. Nhưng Rhys Williams không chấp nhận câu trả lời không. Anh nghĩ đến những sinh nhật cô đơn mà mình đã từng nếm trải. Anh xin phép bà hiệu trưởng đưa Elizabeth ra ngoài ăn tối. Họ lên xe của Rhys và hướng về phía sân bay. - Neuchâtel đi đường khác cơ mà. - Elizabeth nói. Rhys nhìn nàng và hỏi một cách ngây thơ: - Ai nói là chúng ta sẽ đến Neuchâtel? - Thế chúng ta đi đâu? - Maxim s. Đó là nơi duy nhất để tổ chức lễ sinh nhật lần thứ mười lăm. Họ bay tới Paris trong một máy bay riêng và ăn một bữa tối tuyệt vời. Đầu tiên là món patê gan với nấm, rồi đến món xúp tôm hùm, vịt chiên giòn với cam và món salad đặc biệt của Maxim s và kết thúc bằng rượu champagne và bánh sinh nhật. Rhys lái xe đưa Elizabeth đi dọc đại lộ Champs Elysées, rồi họ trở về Thuỵ Sĩ ngay đêm hôm ấy. Đó là buổi tối dễ thương nhất trong đời Elizabeth. Dù gì thì Rhys cũng đã cố làm cho nàng cảm thấy thú vị, tuyệt vời và đây là một kinh nghiệm dễ làm say lòng người. Khi Rhys thả Elizabeth ở trường, nàng nói: - Em không biết phải cám ơn anh như thế nào. Em… đây là quãng thời gian đẹp nhất mà em từng có. - Hãy cám ơn bố của em. - Rhys cười to. - Tất cả đều là ý kiến của ông ấy. Nhưng Elizabeth biết rằng Rhys đã nói dối. Và nàng tin chắc rằng Rhys Williams là người đàn ông tuyệt vời nhất mà nàng từng gặp. Và cũng hiển nhiên là người hấp dẫn nhất. Cả đêm hôm đó nàng nằm nhớ đến anh. Sau đó nàng ngồi dậy và đi tới chiếc bàn nhỏ ở phía dưới cửa sổ. Nàng lấy ra một mảnh giấy, một cái bút và viết "Bà Rhys Williams". Nàng nhìn chăm chú những chữ đó rất lâu. * * * * * Rhys đã muộn hai mươi bốn giờ so với cái hẹn với một nữ diễn viên Pháp xinh đẹp nhưng anh chẳng hề bận tâm. Họ đã giải quyết ổn thoả ở Maxim s mà không hiểu sao Rhys không ngừng nghĩ rằng buổi tối với Elizabeth ở đó thật hấp dẫn hơn nhiều. Rồi một ngày kia nàng sẽ được một người nào đó quan tâm đến. Elizabeth không bao giờ chắc chắn ai là người chịu trách nhiệm nhiều hơn cho những thay đổi trong nàng - Samuel hay Rhys Williams - nhưng nàng bắt đầu tự hào về chính bản thân mình. Nàng mất đi cảm giác thèm được ăn luôn mồm và thân hình nàng bắt đầu thon thả ra. Nàng bắt đầu thích chơi thể thao và tỏ ra quan tâm đến việc học hành. Nàng cũng cố gắng hoà đồng với những cô gái khác. Họ không thể tin được chuyện nầy. Họ thường mời Elizabeth tham gia các buổi liên hoan áo ngủ nhưng nàng luôn luôn từ chối. Và thật bất ngờ, một đêm nàng đã xuất hiện trong một buổi liên hoan áo ngủ. Buổi liên hoan được tổ chức trong phòng của bốn cô gái ở chung và khi Elizabeth đến, trong phòng có đến hơn hai tá học sinh, tất cả đều mặc áo ngủ hoặc áo choàng. Một cô nhìn ra và ngạc nhiên kêu lên: - Nhìn xem ai đến kìa? Chúng tớ đang đánh cuộc là cậu sẽ không đến! - Tớ… tớ đến đây. - Không khí trong phòng ngập mùi thơm ngọt ngọt hăng hăng của khói thuốc lá. Elizabeth biết có nhiều cô hút cần sa, nhưng nàng chưa bao giờ thử. Nữ chủ nhân, một cô gái Pháp tên là Renée Tocar, đến bên Elizabeth, mồm ngậm một điếu thuốc to màu nâu. Cô ta rít một hơi dài rồi đưa cho Elizabeth. - Cậu hút chứ? Đó là một lời tuyên bố hơn là một câu hỏi. - Dĩ nhiên, - Elizabeth nói dối. Nàng cầm điếu thuốc lưỡng lự một giây rồi đặt nó giữa đôi môi và rít một hơi. Nàng cảm thấy như mặt mình chuyển sang màu xanh lá cây và hai buồng phổi cuộn lên, nhưng nàng cố mỉm cười và thở phào - Tuyệt! Lúc Renée vừa quay đi, Elizabeth thả mình xuống đi văng. Nàng vừa trải qua một cơn choáng váng nhưng cảm giác ấy qua rất nhanh. Nàng lại thử rít một hơi nữa. Nàng cảm thấy đầu óc quay cuồng một cách lạ lùng. Elizabeth đã nghe và đọc nhiều về những tác dụng của cần sa. Nó cởi trói cho những sự ức chế, đưa mình ra khỏi bản thân mình. Nàng rít thêm một hơi nữa, sâu hơn, và nàng bắt đầu cảm thấy bồng bềnh thú vị, như thể đang ở trên một hành tinh khác. Nàng vẫn nhìn thấy các cô gái trong phòng và nghe họ nói chuyện, nhưng không hiểu sao tất cả bọn họ đều mờ ảo và âm thanh thì dường như là từ xa vọng lại ánh đèn dường như rất sáng và nàng nhắm mắt lại. Ngay lúc đó, nàng cảm thấy như mình đang trôi vào khoảng không. Đó là một cảm giác rất dễ chịu. Nàng thấy mmh đang lượn lờ trên mái nhà của trường học, cao hơn và cao hơn, trên đỉnh Alps tuyết phủ trong một bể mây bồng bềnh. Ai đó gọi tên nàng, gọi nàng quay lại trái đất. Miễn cưỡng, Elizabeth mở mắt ra. Renée đang cúi xuống nàng, trên mặt lộ rõ vẻ quan tâm. - Cậu không sao chứ, Roffe? Elizabeth nở một nụ cười chậm chạp, hài lòng và mơ màng trả lời, - Tớ thấy rất tuyệt. - Và trong trạng thái đê mê, nàng thú nhận, - Tớ chưa bao giờ hút cần sa cả. Renée nhìn nàng chằm chằm: - Cần sa? Đó là thuốc Gauloise. * * * * * Ở phía bên kia làng Neuchâtel là trường nam sinh và các bạn học của Elizabeth thường trốn đi hẹn hò mỗi khi có cơ hội. Các cô gái nói chuyện không ngớt về bọn con trai. Họ nói về thân hình bọn con trai, cỡ chim của họ, về những gì các cô đã cho bọn con trai làm, và các cô đã làm gì lại với họ. Có nhiều lúc Elizabeth cảm tưởng như mình đã bị sập bẫy trong một ngôi trường toàn những phụ nữ cuồng dâm. Tình dục là một nỗi ám ảnh với tất cả bọn họ. Một trong những trò chơi thầm kín trong trường là frôlage (1). Một cô gái trần truồng nằm ngửa trên giường cho một cô khác vuốt ve từ ngực xuống hai đùi. Tiền công là bánh ngọt mua ở trong làng. Cứ mười phút frôlage đổi lấy một cái bánh ngọt. Đến cuối mười phút, thông thường cô gái sẽ đạt được cơn cực khoái, nhưng nếu cô ta chưa được, thì người thực hiện frôlage sẽ tiếp tục và nhận một cái bánh nữa. Một trò tiêu khiển tình dục khác nữa được thực hiện trong phòng tắm. Trường có rất nhiều bồn tắm lớn kiểu cũ với những vòi sen cầm tay có thể lấy xuống từ những chiếc móc treo trên tường. Các cô gái sẽ ngồi trong bồn, mở nước nóng rồi đặt cái đầu vòi sen vào giữa hai chân và cọ tới cọ lui. Elizabeth không ưa cả trò frôlage lẫn trò vòi sen, nhưng những ham muốn tình dục trong nàng cứ ngày một mạnh hơn. Vào lúc nầy nàng đã có một phát hiện choáng váng. Một trong những cô giáo của Elizabeth là một phụ nữ nhỏ nhắn thon thả tên là Chantal Harriot. Cô ta đã xấp xỉ ba mươi tuổi, trông giống một nữ sinh nhiều hơn. Trông cô đầy vẻ hấp dẫn và càng trở nên xinh đẹp hơn khi mỉm cười. Đó là cô giáo tình cảm nhất của Elizabeth và Elizabeth cảm thấy mình rất gắn bó với cô. Mỗi khi Elizabeth không được vui, nàng thường đến với cô Harriot và kể cho cô nghe những vấn đề của mình. Cô Harriot luôn tỏ ra là một người hiểu và thông cảm với nàng. Cô thường cầm tay Elizabeth và vuốt ve nó, rồi cho nàng một lời khuyên nhẹ nhàng cùng một tách sôcôla nóng, bánh cookie, và Elizabeth luôn cảm thấy thoải mái lên ngay. Cô Harriot dạy tiếng Pháp và dạy luôn cả môn thời trang, và cô thường nhấn mạnh vào kiểu cách và sự hài hoà về màu sắc, các phụ tùng thích hợp. - Các em hãy nhớ, - cô thường nói, - trang phục lịch sự nhất trên thế giới cũng trở nên không ra gì nếu các em dùng không đúng phụ tùng. "Phụ tùng" là khẩu hiệu của cô Harriot. Mỗi khi Elizabeth nằm trong bồn tắm, nàng lại thấy mình nhớ đến cô Harriot, nhớ đến nét mặt của cô khi cô nói chuyện với nàng, cái cách mà cô Harriot vuốt ve bàn tay nàng dịu dàng và êm ái làm sao. Khi Elizabeth học môn khác nàng cũng nhận thấy đầu óc mình cứ vẩn vơ về cô Harriot, và nàng nhớ những lần cô vòng tay quanh người nàng, an ủi nàng, chạm vào ngực nàng. Đầu tiên Elizabeth tin rằng những sự đụng chạm như vậy chỉ là vô tình, nhưng rồi chúng xảy ra thường xuyên hơn, và mỗi lần như vậy cô Harriot lại nhìn Elizabeth bằng ánh mắt dịu dàng dò hỏi mong đợi một sự đồng tình nào đó. Elizabeth có thể hình dung ra cảnh cô Harriot với bộ ngực căng cứng, cặp chân dài, và nàng thường tự hỏi không biết trông cô sẽ ra sao lúc khoả thân nằm trên giường. Đúng lúc ấy một nhận thức đầy đủ đã làm Elizabeth sững sờ. Nàng là người đồng tính luyến ái. Nàng không thích bọn con trai, bởi vì nàng thích con gái. Không phải những cô gái trẻ khờ khạo cùng lớp mà là một người nhạy cảm và hiểu biết như cô Harnot. Elizabeth có thể tưởng tượng ra cảnh hai người cùng nhau nằm trên giường, ôm ấp nhau, giúp nhau khuây khoả. Elizabeth đã đọc và nghe nhiều về những người đồng tính, đủ để hiểu rằng cuộc sống đối với họ khó khăn như thế nào. Xã hội không chấp nhận họ. Chủ nghĩa đồng tính bị coi là một thứ tội ác đi ngược lại với tự nhiên. Nhưng có gì là sai, Elizabeth tự hỏi, khi yêu một người một cách dịu dàng đắm say? Có quan trọng người đó là đàn ông hay đàn bà không? Phải chăng tình yêu tự nó đã là một yếu tố quan trọng? Phải chăng cưới một người khác giới mà không có tình yêu thì tốt hơn là yêu một người đồng giới? Elizabeth nghĩ đến việc bố nàng sẽ trở kinh khủng thế nào khi biết được sự thật về nàng. Thế nào thì nàng cũng sẽ phải đương đầu với chuyện nầy. Nàng sẽ phải điều chỉnh lại những suy nghĩ về tương lai. Nàng sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình thường như những cô gái khác, với chồng và con. Nàng đi đến đâu thì cũng sẽ là người bị xa lánh, là một kẻ nổi loạn, sống bên ngoài dòng chảy của xã hội. Nàng và cô Harriot Chantal sẽ tìm một căn hộ ở đâu đó, hoặc một căn nhà nhỏ cũng được. Elizabeth sẽ trang trí nó bằng màu tùng lana, bằng những phụ tùng thích hợp. Trong nhà sẽ có những đồ đạc kiểu Pháp duyên dáng, những bức tranh treo tưòng dễ thương. Bố nàng có thể giúp đỡ… Không, nàng không được trông chờ vào bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía bố nàng. Có thể ông còn không bao giờ thèm nói chuyện với nàng nữa. Elizabeth nghĩ đến tủ quần áo của mình. Nàng có thể là một người đồng tính nhưng nàng quyết định sẽ không ăn mặc giống như họ. Không vải tuýt hay quần áo cẩu thả, không đồ veste may đo hay mũ đàn ông. Chúng chẳng khác gì chiếc chuông báo hiệu của những người phụ nữ đáng thương mắc bệnh hủi. Nàng sẽ cố sao cho càng ra vẻ phụ nữ càng tốt. Elizabeth quyết định rằng nàng sẽ đi học để trở thành một đầu bếp giỏi, để có thể nấu cho cô Harriot những món ăn ngon lành. Nàng hình dung ra cảnh hai người ngồi trong căn hộ của họ, hay trong căn nhà nhỏ, thưởng thức bữa tối do Elizabeth nấu dưới ánh nến lung linh. Đầu tiên sẽ là món súp khoai tây và tỏi tiếp theo là món salad dễ thương, sau đó là tôm hùm hoặc bít tết, tráng miệng là món kem nhẹ nhàng. Sau bữa tối họ sẽ ngồi trên nền nhà, trước ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi, ngắm nhìn những bông tuyết mềm mại rơi bên ngoài. Những bông tuyết. Như vậy là vào mùa đông. Elizabeth vội vàng xem xét lại thực đơn. Thay vào món súp khoai tây và tỏi ăn nguội sẽ là món súp hành ngon lành và có thể có cả món thịt hầm. Món tráng miệng sẽ là trứng rán phồng. Nàng sẽ phải học cách tính thời gian để sao cho nó không bị cháy. Sau đó cả hai sẽ ngồi trên bàn, trước ngọn lửa ấm cúng và đọc thơ cho nhau nghe T.S. Eliot, hoặc cũng có thể là V. J. Rajadhon. Thời gian là kẻ thù của ái tình Tên trộm đã rút ngắn lại Tất cả những giờ vàng ngọc của chúng ta Hồi đó tôi không bao giờ hiểu Tại sao những người yêu nhau lại đi đếm hạnh phúc của họ Suốt ngày suốt đêm suốt tháng năm Trong khi tình yêu của chúng tôi chỉ có thể đo được Bằng niềm vui, những tiếng thở dài và những giọt lệ của chúng ta. À, phải, Elizabeth có thể thấy năm tháng trải dài trước mắt họ, và sự lướt qua của thời gian sẽ bắt đầu hoà tan trong một cảm giác ấm áp quý báu. Và nàng ngủ thiếp đi. * * * * * Elizabeth từng mong chờ điều nầy nhưng nàng vẫn ngạc nhiên khi nó xảy ra. Một đêm nọ nàng bị đánh thức bởi tiếng động của ai đó đi vào phòng và nhẹ nhàng đóng cửa. Elizabeth mở mắt ra. Nàng thấy một bóng đen đang di chuyển qua căn phòng lốm đốm ánh trăng về phía giường của nàng, và một tia sáng trắng nhỏ lướt qua khuôn mặt của cô Harriot. Tim Elizabeth bắt đầu đập mạnh. Cô Harriot thì thầm "Elizabeth" và, đứng đó, tuột chiếc áo choàng ra. Ở bên trong cô không hề mặc gì cả. MiệngElizabeth trở nên khô khốc. Nàng vẫn thường nghĩ đến giây phút nầy, và bây giờ khi nó thực sự diễn ra, nàng lại thấy sợ hãi. Thực ra thì nàng cũng không biết chính xác mình phải làm gì hoặc làm như thế nào. Nàng không muốn làm những điều ngớ ngẩn trước mặt người đàn bà mà nàng yêu thương. - Nhìn cô đây, - Cô Harriot khàn khàn ra lệnh. Elizabeth làm theo. Nàng để cặp mắt mình du ngoạn trên khắp thân thể trần truồng. Cô Harriot bằng xương bằng thịt trước mắt nàng không hoàn toàn như những gì Elizabeth vẫn hình dung. Bộ ngực cô trông như hai quả táo dúm dó và hơi xệ xuống. Bụng cô cũng hơi phệ và cặp mông thì - Elizabeth chỉ có thể nghĩ đến một từ duy nhất - lệch lạc. Nhưng những chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là những gì nằm bên dưới, tâm hồn của người phụ nữ, sự can đảm và dũng cảm khác với những người khác, để thách thức cả thế giới và muốn chia sẻ phần đời còn lại với Elizabeth. - Đến đây, thiên thần nhỏ của tôi, - cô thì thầm. Elizabeth làm theo những gì cô nói, và cô Harriot trườn lên giường, bên cạnh nàng. Ở cô toát ra một mùi vị vừa hoang dại vừa nồng ấm. Cô quay sang Elizabeth, vòng tay qua người nàng và nói: - Ô, em yêu, cô đã mơ đến phút giây nầy. - Và cô hôn vào môi Elizabeth, ấn lưỡi cô vào miệng Elizabeth và rên lên những tiếng gấp gáp. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là cảm giác khó chịu nhất mà Elizabeth từng trải qua. Nàng nằm trong sự choáng váng. Những ngón tay của cô Harriot lướt trên người Elizabeth, bóp chặt vú nàng, từ từ trườn xuống bụng về phía đùi. Và cặp môi của cô lướt trên mình Elizabeth, nhỏ cả nước dãi ra, không khác gì một con vật. Là đây. Đây là khoảnh khắc đẹp đẽ diệu kỳ. Nếu hai chúng ta hoà làm một, em và cô, chúng ta sẽ cùng làm nên vũ trụ để rung chuyền các vì sao và chuyển động bầu trời. Tay cô Harriot cứ dịch dần xuống dưới, vuốt ve hai đùi Elizabeth, bắt đầu lần vào giữa hai chân nàng. Nhanh chóng, Elizabeth cố làm xuất hiện lại bữa ăn tối dưới ánh nến, món trứng rán phồng, buổi tối trước lò sưởi và những năm tháng hai người sẽ cùng nhau chia sẻ, nhưng tất cả đều vô dụng. Cả tâm hồn lẫn thể xác Elizabeth đều bị cự tuyệt, nàng cảm thấy như cơ thể mình đang bị cưỡng hiếp. Cô Harriot rên rỉ: - Ồ, em yêu, cô muốn làm tình với em. Và tất cả những gì Elizabeth có thể nghĩ là cần phải nói "Có vấn đề. Một trong hai chúng ta có phụ tùng không đúng". Và nàng bắt đầu cười rồi khóc như điên dại, khóc cho ảo mộng đẹp đẽ dưới ánh nến lung linh đã chết, cười vì nàng là một cô gái khoẻ mạnh, bình thường vừa hiểu rằng mình được tự do. Ngày hôm sau Elizabeth bắt đầu thử vòi sen. Chú thích: (1)frôlage: sờ soạng (Tiếng Pháp nguyên bản) Chương 13 Dịp lễ Phục Sinh và năm học mới ở trường, năm Elizabeth được mười tám tuổi, nàng đã về sống tại biệt thự ở Sardinia mười ngày. Nàng đã biết lái xe và đó là lần đầu tiên được một mình tìm hiểu hòn đảo. Nàng lái xe dọc theo những con đường dài ven biển và đến thăm những làng chài nhỏ bé. Nàng bơi ở biệt thự dưới ánh mặt trời Địa Trung Hải ấm áp, và ban đêm thì nằmtiếng rên rỉ của những hòn đá khi có gió thổi qua. Nàng đến vũ hội hoá trang ở Tempio, nơi toàn thể dân làng xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống. Giấu mình trong những chiếc áo choàng và mặt nạ, các cô gái mời các chàng trai nhảy, và tất cả mọi người đều thấy cho phép mình tự do làm những điều mà họ không dám làm vào lúc khác. Một chàng trai có thể nghĩ là anh ta biết cô gái đã làm tình với mình đêm ấy, nhưng sáng hôm sau anh ta không thể nào chắc chắn được nữa. Hình như, Elizabeth nghĩ, cả làng đang chơi trò Vệ binh (The Guardsman). Nàng lái xe đến Punta Murra và xem những người dân ở đây nấu thịt cừu non trên bếp lửa ngoài trời. Dân chúng địa phương mời nàng ăn món seada, món pho mát làm từ sữa dê bọc trong bột nhào với một lớp mật ong phủ lên trên. Nàng đã uống selememont tuyệt ngon, thứ rượu vang trắng địa phương không hề có ở một nơi nào khác trên thế giới vì nó quá dễ hỏng nên không thể mang đi xa. Một trong những địa điểm ưa thích của Elizabeth là quán Sư tử đỏ ở cảng Cervo. Đó là một quán rượu nhỏ dưới tầng hầm với mười bàn và một quầy bar theo kiểu cũ. Elizabeth gọi kỳ nghỉ nầy là Time of the boys (Thời gian của các chàng trai). Họ đều là con nhà giàu và họ kéo bè kéo lũ đến đây, liên tục mời Elizabeth tham dự các cuộc thi bơi hoặc cưỡi ngựa. Đây là bước đầu tiên trong nghi thức kết bạn. - Tất cả bọn chúng đều đầy đủ tư cách, - Bố của Elizabeth an ủi nàng. Nhưng với Elizabeth thì họ chỉ là những kẻ ngu ngơ. Họ uống rượu quá nhiều, nói quá lắm và chỉ thích sờ soạng nàng. Nàng biết chắc rằng họ muốn nàng không phải vì bản thân nàng, không phải vì nàng thông minh hay đáng giá, mà bởi vì nàng mang họ Roffe, là người thừa kế của triều đại Roffe. Elizabeth không hề biết được rằng mình đã trở nên xinh đẹp, chỉ vì tin vào sự thật trong quá khứ bao giờ với nàng cũng dễ hơn là tin vào hình ảnh phản chiếu trong gương. Các chàng trai mời nàng uống rượu, ăn tối và tìm mọi cách lên giường với nàng. Họ cảm thấy Elizabeth còn trinh trắng và cái tôi ngây thơ của đàn ông đã đánh lừa họ khiến họ tin rằng nếu ai lấy được trinh tiết của Elizabeth thì nàng sẽ yêu người ấy điên cuồng và mãi mãi trở thành nô lệ của anh ta. Cho nên họ không chịu bỏ cuộc. Dù họ có đưa Elizabeth đi đến đâu chăng nữa thì buổi tối bao giờ cũng được kết thúc bằng câu nói "Mình lên giường đi". Và nàng luôn luôn khéo léo từ chối họ. Họ không biết cái gì đã tạo nên nàng. Họ biết rằng nàng xinh đẹp, và xinh đẹp thường đi kèm với ngu ngốc. Họ không bao giờ nhận ra rằng nàng thông minh hơn họ. Đã có ai từng được nghe nói về một cô gái vừa xinh đẹp vừa thông minh đâu? Và thế là Elizabeth vẫn cứ đi chơi với các chàng trai để làm vừa lòng bố, nhưng nàng chán họ đến tận cổ. Rhys Williams đến biệt thự và Elizabeth vô cùng ngạc nhiên trước sự vui mừng phấn khích của mình khi được gặp lại anh. Trông anh bây giờ còn hấp dẫn hơn cả Rhys Williams trong trí nhớ của nàng. Rhys dường như vui mừng khi gặp nàng. - Chuyện gì xảy ra với em vậy? - Ý của anh là gì? - Lâu nay em có thường soi gương không? Nàng đỏ mặt: - Không. Anh quay sang Sam. - Trừ khi bọn con trai câm điếc và mù chứ còn tôi có cảm giác Liz sẽ không còn ở với chúng ta lâu nữa đâu. "Chúng ta", Elizabeth cảm thấy thú vị khi nghe anh nói điều đó. Nàng tranh thủ quanh quẩn bên hai người đàn ông càng nhiều càng tốt, rót rượu cho họ, lo việc vặt cho họ, thích thú được ngắm nhìn Rhys. Đôi khi Elizabeth ngồi đằng sau nghe họ thảo luận chuyện làm ăn và nàng cảm thấy thật là hấp dẫn. Họ nói về những sự liên kết làm ăn, những nhà máy mới, những sản phẩm đã thành công và thất bại cũng như lý do vì sao. Họ nói về các đối thủ cạnh tranh và các kế hoạch chiến lược. Tất cả những thứ nầy đối với Elizabeth chỉ làm cho nàng điên cái đầu. Một hôm, khi Sam làm việc trong căn phòng áp mái, Rhys mời Elizabeth đi ăn trưa. Nàng đưa anh đến quán Sư tử đỏ và ngồi ngắm anh chơi ném phi tiêu với đám đàn ông ở quầy bar. Elizabeth tự hỏi không biết ở nhà thì Rhys sẽ ra sao? Dường như là anh thích nghi được tất cả mọi nơi. Nàng đã nghe một thành ngữ Tây Ban Nha nhưng nàng chưa bao giờ hiểu nó, và đến bây giờ nàng mới thấm thía được ý nghĩa của nó khi quan sát Rhys. Anh là một người thoải mái từ trong da thịt. Họ ngồi ở một bàn nhỏ trong góc có tấm khăn trải bàn hai mầu đỏ - trắng, gọi món thịt cừu hầm và rượu bia rồi trò chuyện. Rhys hỏi nàng về chuyện học hành. - Sự thật là không đến nỗi tồi lắm, - Elizabeth thú nhận. - Em đang học để biết một số điều nho nhỏ. Rhys mỉm cười. - Có rất ít người học được nhiều ở trường. Tháng Sáu nầy em sẽ ra trường phải không? Elizabeth tự hỏi không hiểu sao anh lại biết. - Vâng. - Thế sau đó em đã biết mình định làm gì chưa? Đó cũng là câu hỏi mà nàng đang tự hỏi bản thân. - Chưa. Quả thực là em chưa biết. - Em có thích lập gia đình không? Tim nàng mất nhịp trong một thoáng. Sau đó nàng nhận ra chỉ là câu hỏi bình thường. - Em chưa tìm được người nào ưng ý. - Nàng nghĩ đến cô Harriot và bữa ăn tối ấm cúng trước lò sưởi cùng những bông tuyết rơi, và nàng cười to. - Bí mật à? - Rhys hỏi. - Bí mật. - Nàng mong rằng có thể chia sẻ chuyện đó với anh, nhưng nàng lại chưa hiểu rõ về anh lắm. Sự thật là Elizabeth nhận ra, nàng chẳng biết gì về Rhys cả. Anh là một người lạ đẹp trai, quyến rũ, đã một lần thương hại nàng và cùng nàng bay đến Paris ăn một bữa tối mừng sinh nhật. Nàng biết anh rất xuất sắc trong công việc và bố nàng rất tin tưởng ở anh. Nhưng nàng lại hoàn toàn không biết gì về đời tư của anh, và anh thật sự là người như thế nào. Quan sát anh, Elizabeth có cảm giác anh là một người có nhiều khuôn mặt, những cảm xúc biểu lộ ra ngoài là để che giấu những cảm xúc thật ở trong lòng, và Elizabeth thắc mắc không biết có ai thực sự hiểu được anh hay không. Chính Rhys Williams là người chịu trách nhiệm về việc Elizabeth mất đi sự trinh trắng. Ý tưởng lên giường với một người đàn ông càng ngày càng thôi thúc Elizabeth. Một phần của nó là những ham muốn xác thịt mãnh liệt đôi khi làm cho nàng bần thần và kẹp chặt nàng trong những làn sóng của sự thất vọng, một cơn đau gấp rút, không rời khỏi cơ thể. Nhưng đó còn là một sự tò mò mạnh mẽ, một nhu cầu muốn biết chuyện đó là như thế nào. Dĩ nhiên là nàng không thể lên giường với bất kỳ ai. Đó phải là một người đ một người nàng yêu thương, một người yêu cũng yêu thương nàng. Vào một đêm thứ bảy, bố của Elizabeth tổ chức một buổi dạ hội ở biệt thự. - Em hãy mặc chiếc váy đẹp nhất vào, - Rhys bảo nàng. - Anh muốn khoe em với tất cả mọi người. Sướng run lên, Elizabeth cho rằng Rhys đã hẹn hò với mình. Khi Rhys đến, anh dắt theo một cô công chúa Italia tóc vàng xinh đẹp. Elizabeth cảm thấy mình bị xúc phạm và phản bội nên nửa đêm hôm đó nàng đã rời khỏi dạ hội và lên giường với một hoạ sĩ Nga say mèm, mặt đầy râu ria tên là Vassilov. Toàn bộ câu chuyện chớp nhoáng đó là một điều bất hạnh. Elizabeth quá bực bội còn Vassilov thì say khướt nên dường như đối với Elizabeth nó không có mở đầu, đoạn giữa và kết thúc. Không có một cử chỉ âu yếm nào, Vassilov cởi quần và ngã phịch xuống giường: Vào lúc đó Elizabeth đã định bỏ chạy nhưng nàng quyết tâm trừng phạt Rhys về sự phản bội của anh. Nàng cũng cởi quần áo và leo lên giường. Một lúc sau, Vassilov đi vào người nàng mà không hề báo trước. Đó là một cảm giác lạ lẫm. Nó không khó chịu nhưng cũng không quá đỗi thích thú. Nàng cảm thấy Vassilov rùng mình một cái và một lát sau đã ngáy khò khò. Elizabeth nằm đó, lòng tràn ngập cảm giác ghê tởm bản thân. Thật khó tin nổi tất cả các bài hát, các cuốn sách, các bài thơ viết về chuyện nầy. Nàng nghĩ đến Rhys, và nàng muốn khóc. Elizabeth lặng lẽ mặc lại quần áo và trở về nhà. Khi tay hoạ sĩ gọi đến nhà nàng vào sáng hôm sau, Elizabeth cho người quản gia nói với anh ta nàng không có nhà. Ngay ngày hôm sau Elizabeth quay lại trường học. Nàng bay trở lại bằng chiếc phản lực của công ty cùng bố nàng và Rhys. Chiếc máy bay vốn được thiết kế để chở hàng trăm hành khách đã được sửa lại thành một con tầu sang trọng. Nó có hai phòng ngủ rộng rãi được trang trí đẹp đẽ nằm ở phía sau, có phòng tắm, phòng làm việc thoải mái, tiện nghi, một phòng khách ở giữa với nhiều bức tranh, một nhà bếp ở đằng trước. Elizabeth nghĩ rằng nó không khác gì tấm thảm bay của bố nàng. Hai người đàn ông dùng hầu hết thời gian để bàn chuyện kinh doanh. Khi Rhys rảnh rỗi, anh và Elizabeth chơi cờ với nhau. Nàng hoà với anh một ván và khi Rhys nói "Anh sẽ nhớ" Elizabeth đã đỏ mặt vì sung sướng. Những tháng cuối ở trường học trôi qua thật nhanh. Đã đến lúc nàng phải bắt đầu nghĩ đến tương lai. Elizabeth nghĩ đến câu hỏi của Rhys, Thế sau đó em đã biết mình định làm gì chưa? Nàng vẫn chưa xác định được. Nhưng chính vì cụ tổ Samuel mà Elizabeth đã trở nên hứng thú với việc kinh doanh của gia đình, và nàng biết rằng nàng sẽ thích trở thành một phần của nó. Nàng không chắc rằng mình có thể làm được cái gì. Có thể nàng sẽ bắt đầu bằng việc phụ giúp cho bố. Nàng nhớ lại tất cả những câu chuyện về một bà chủ kỳ diệu mà mẹ nàng đã từng thể hiện, và bà trở thành vô giá thế nào đối với Sam. Nàng sẽ cố gắng thay chỗ mẹ mình. Đó sẽ là một sự khởi đầu. Chương 14 Bàn tay tự do của ngài Đại Sứ Thuỵ Điển ấn mạnh vào mông Elizabeth và nàng cố phớt lờ chuyện đó khi hai người khiêu vũ quanh phòng, đôi môi nàng vẫn mỉm cười, cặp mắt lướt qua các vkhách ăn mặc sang trọng, dàn nhạc, những người hầu mặc lễ phục, mặt tủ buffet để đầy những món ăn độc đáo, rượu vang ngon, và nàng thầm hài lòng với bản thân. Đây quả là một bữa tiệc hấp dẫn. Họ đang ở trong phòng khiêu vũ thuộc khu nhà ở Long Island. Có khoảng hai trăm khách mời và tất cả bọn họ đều rất quan trọng với tập đoàn Roffe và các con. Elizabeth nhận ra ngài Đại sứ đang ép người vào sát người nàng, cố gắng kích thích nàng. Ông ta đụng lưỡi vào tai nàng và thì thầm: - Cô nhảy đẹp lắm. - Ông cũng vậy, - Elizabeth mỉm cười trả lời, nàng bất thần bước hụt và đạp gót giầy nhọn hoắt của mình lên chân ông ta. Ông ta kêu lên đau đớn và Elizabeth lập tức tỏ ý xin lỗi, - Tôi xin lỗi, thưa ngài Đại sứ. Để tôi mời ngài một ly. Nàng rời khỏi ông ta và lách về phía quầy rượu một cách ung dung giữa đám khách, cặp mắt thận trọng quan sát quanh căn phòng, kiểm tra xem mọi thứ có được hoàn hảo hay không. Hoàn hảo, đó là những gì bố nàng yêu cầu. Giờ đây Elizabeth đã làm chủ cả hàng trăm buổi yến tiệc do Sam tổ chức, nhưng nàng vẫn không bao giờ thấy thoải mái. Mỗi bữa tiệc là một sự kiện, một đêm khai mạc, với hàng tá những điều có thể sai sót. Nàng chưa từng biết đến sự sung sướng như thế. Giấc mộng tuổi thơ được ở gần bên bố, được bố cần tới đã trở thành hiện thực. Nàng đã biết cách điều chỉnh theo thực tế rằng nhu cầu của bố nàng là không phải dành riêng cho một cá nhân nào, rằng giá trị của nàng đối với ông dựa trên những gì nàng có thể cống hiến cho tập đoàn. Đó là chuẩn mực duy nhất mà Sam Roffe dùng để đánh giá người khác. Elizabeth đã có thể lấp đầy khoảng trống do cái chết của mẹ nàng mang lại. Nàng đã trở thành bà chủ tiệc khéo léo của bố nàng. Nhưng Elizabeth là một cô gái cực kỳ thông minh nên nàng còn tiến xa hơn thế. Nàng được tham dự vào các buổi hội nghị kinh doanh với Sam, trên máy bay cũng như trong các khách sạn sang trọng, trong nhà máy cũng như trong các toà đại sứ và các cung điện. Nàng chứng kiến bố mình thi hành quyền lực, dùng hàng tỉ đô la vào việc mua và bán, phá huỷ và xây dựng. Roffe và các con là một sự phong phú vô cùng tận và Elizabeth thấy bố mình rộng rãi hào phóng với các bạn bè của tập đoàn cũng như siết chặt lòng rộng rãi với các kẻ thù của nó. Elizabeth nhìn quanh phòng và thấy Sam đang đứng ở quầy bar, nói chuyện với Rhys, cùng một vị thủ tướng và một thượng nghị sĩ từ California. Sam trông thấy Elizabeth và vẫy tay gọi nàng. Elizabeth đi về phía ông, trong đầu nàng nghĩ về quãng thời gian ba năm trước, khi sự việc bắt đầu. * * * * * Elizabeth bay về nhà ngay ngày nàng tốt nghiệp. Nàng đã mười tám tuổi. Nhà vào lúc đó, đã là căn hộ tại quảng trưòng Beekman ở Manhattan. Rhys cũng ở đó cùng bố nàng. Không hiểu sao nàng lại biết anh sẽ ở đó ở một nơi bí mật trong ý nghĩ của nàng vẫn có hình ảnh của anh, và mỗi khi cô đơn, chán chường hay thất vọng nàng lại lôi chúng ra và sười ấm bản thân bằng hồi ức của mình. Lúc đầu thì chuyện đó dường như là vô vọng. Một cô bé học sinh mười lăm tuổi và một người đàn ông hai mươi nhăm tuổi. Mười tuổi cách biệt đó chẳng khác gì một trăm tuổi. Nhưng qua một số cách tí kỳ diệu nào đó thì đến năm mười tám tuổi sự cách biệt với nàng đã không còn quan trọng như trước. Hình như là nàng già đi nhanh hơn Rhys, cố gắng để bắt kịp anh. Hai người đàn ông đứng lên khi nàng bước vào thư viện, nơi họ đang thảo luận chuyện làm ăn. Bố nàng thản nhiên hỏi: - Elizabeth, con vừa về à? - Vâng. - À! Thế là đã học xong rồi đấy. - Vâng. - Thế thì tốt. Và đó là lời chào mừng nàng trở về nhà. Rhys đi lại phía nàng và mỉm cười. Trông anh có vẻ thật sự vui mừng vì được gặp nàng. - Trông em tuyệt quá, Liz. Lễ tốt nghiệp thế nào? Sam cũng rất muốn đến tham dự nhưng ông không thể đi được. Anh đang nói những điều mà nhẽ ra bố nàng nên nói. Elizabeth giận dữ với bản thân mình vì đã bị tổn thương. Không phải là bố mình không yêu thương mình, nàng tự nhủ, mà đó là vì ông đã được cống hiến cho một thế giới không có phần của nàng trong đó. Ông sẽ đưa một đứa con trai vào thế giới của ông, còn đứa con gái thì chỉ là vật xa lạ mà thôi. Nàng không phù hợp với kế hoạch của tập đoàn. - Con đang làm gián đoạn phải không. - Nàng đi ra cửa. - Đợi một lát đã, - Rhys nói. Anh quay sang Sam. - Liz về nhà thật đúng lúc. Cô ấy có thể phụ giúp vào bữa tiệc đêm thứ bảy. Sam quay sang Elizabeth, ngắm nhìn nàng một cách khách quan, như thể ông đang đánh giá nàng theo một kiểu mới. Nàng rất giống mẹ. Nàng cũng có vẻ đẹp đó vẻ thanh lịch tự nhiên đó. Mắt Sam chợt hiện ra một vẻ gì đó như vô cùng hứng thú. Chưa bao giờ từ trước đến nay ông lại nghĩ con gái mình sẽ là một nguồn vốn tiềm tàng cho Roffe và các con. - Con có cái váy dài sang trọng nào không? Elizabeth ngạc nhiên nhìn ông. - Con… - Cũng không sao. Con đi mua một cái đi. Con có biết làm sao tổ chức một buổi tiệc không? Elizabeth nuốt nước bọt và trả lời: - Chắc chắn là có. Không lẽ tốt nghiệp trường ở Thuỵ Sĩ mà không làm được sao? Họ đã dạy bạn tất cả các lễ nghi xã hội - Dĩ nhiên là con biết cách tổ chức một bữa tiệc. - Tốt. Bố đã mời một số quan khách từ Ả rập. Họ có khoảng… - ông quay sang Rhys. Rhys mỉm cười với Elizabeth và nói: - Bốn mươi. Thêm hoặc bớt vài người. - Để tất cả đấy cho con. - Elizabeth nói với vẻ tự tin. Bữa tiệc đó là một sự thất bại hoàn toàn. Elizabeth đã bảo người đầu bếp làm món Cocktail cua đầu tiên, tiếp theo là món ra gu thịt và đậu cho mỗi người cùng với một loại rượu vang nổi tiếng. Thật không may khi trong món ra gu kia có cả thịt lợn và những người Ả rập không bao giờ ăn tôm cua cũng như thịt heo. Họ cũng không uống các thứ nước giải khát có cồn. Họ chỉ nhìn chằm chằm vào các món ăn mà không hề đụng đũa. Elizabeth ngồi ở một đầu chiếc bàn dài, còn đầu kia là bố nàng, lạnh ngắt vì xấu hổ, trong lòng chết lặng. Chính là Rhys đã cứu vãn cho buổi tối hôm đó. Anh biến vào phòng làm việc và gọi điện thoại. Rồi anh quay lại phòng ăn, gây hứng thú cho khách bằng những câu chuyện tiếu lâm trong khi đám nhân viên bắt đầu dọn sạch bàn. Rất nhanh sau đó, một đội xe phục vụ chạy đến và như có phép màu, các món ăn được bầy ra. Thịt cừu nướng chiên bột, cơm, gà quay, cá, cùng với bánh ngọt, phó mát và hoa quả tươi. Tất cả đều hài với các món ăn, ngoại trừ Elizabeth. Nàng quá khó chịu nên không thể nuốt trôi dù chỉ là một miếng nhỏ. Mỗi khi nàng ngước nhìn Rhys, thì lại thấy anh đang theo dõi mình với vẻ thông đồng trong ánh mắt. Elizabeth không thể nói vì sao, nhưng nàng thấy mất thể diện vì Rhys không những nhìn thấy nỗi nhục của nàng mà còn ra tay cứu nàng ra khỏi nỗi nhục đó. Khi bữa tiệc kết thúc và người khách cuối cùng miễn cưỡng rời khỏi vào mấy giờ sáng, Elizabeth cùng Sam và Rhys ngồi trong phòng khách. Rhys rót một ly rượu mạnh. Elizabeth hít một hơi thở sâu và quay sang bố: - Con xin lỗi về bữa tối hôm nay. Nếu không có Rhys… - Bố tin là lần sau con sẽ khá hơn. - Sam nói dứt khoát. Và ông đã đúng. Kể từ lần đó, mỗi khi Elizabeth tổ chức yến tiệc, dù cho có bốn hay bốn trăm khách, nàng cũng nghiên cứu họ, tìm xem họ thích và không thích cái gì, họ ăn và uống cái gì, họ thích loại hình giải trí nào. Nàng có cả một quyển hồ sơ từng người. Những người khách đều cảm thấy thoả mãn khi thấy có đầy đủ các nhãn rượu hoặc whisky hoặc xì gà mà họ quen dùng, cũng như Elizabeth có thể thảo luận chuyện kinh doanh với họ một cách thông thạo. Rhys có mặt ở hầu hết các bữa tiệc và bên cạnh anh bao giờ cũng là một cô gái xinh đẹp nhất. Elizabeth ghét tất cả bọn họ. Nhưng nàng cũng cố bắt chước họ. Nếu Rhys đi cùng một cô gái kẹp tóc đằng sau Elizabeth sẽ làm tóc giống y như vậy. Nàng cố ăn mặc theo kiểu các cô gái của Rhys, hành động như họ hành động. Nhưng tất cả những việc đó chẳng để lại cho Rhys chút ấn tượng gì. Thậm chí anh còn chẳng buồn để mắt đến. Thất vọng, Elizabeth quyết định mình có sao thì vẫn để vậy thôi. Buổi sáng hôm sinh nhật lần thứ hai mươi mốt của nàng, khi Elizabeth xuống nhà ăn điểm tâm, Sam nói: - Con hãy đặt một số vé đi xem hát tối nay. Sau đó sẽ ăn tối ở nhà hàng hai mốt. Elizabeth nghĩ, ông vẫn nhớ và nàng cảm thấy rất vui sướng. Rồi bố nàng nói thêm: - Chúng ta có tất cả mười hai người. Và chúng ta sẽ xem xét bản hợp đồng mới ở Bolivia. Nàng không nói gì về sinh nhật mình. Nàng nhận được vài bức điện từ các bạn học cũ, nhưng cũng chỉ thế. Đến sáu giờ chiều hôm ấy, một bó hoa to tướng gói trong giấy bóng kính được mang đến. Elizabeth tin chắc rằng nó là của bố nàng. Nhưng trên tấm thiếp viết "Một ngày dễ thương cho một phụ nữ dễ thương" và ở dưới ký "Rhys". Bố nàng rời khỏi nhà đến nhà hát lúc bảy giờ tối hôm ấy. Ông nhìn thấy bó hoa và hờ hững nói: - Cũng đẹp đấy chứ? Elizabeth định nói "Đó là quà sinh nhật", nhưng như thế thì cũng được gì? Nếu bạn định nhắc nhở người mình yêu thương rằng hôm nay là sinh nhật của mình thì thật là phù phiếm. Nàng nhìn ông bước đi và tự hỏi mình sẽ làm gì cho hết buổi tối đây. Tuổi hai mươi mốt luôn được coi là điểm mốc quan trọng. Nó mang ý nghĩa trưởng thành, có tự do, trở thành đàn bà. Thế đấy, hôm nay là cái ngày kỳ diệu và nàng thấy nó cũng không khác gì so với năm ngoái, hay năm trước nữa. Tại sao ông lại không nhớ nổi cơ chứ? Nếu nàng là con trai thì liệu ông có nhớ hay không? Người quản gia xuất hiện để hỏi nàng về bữa tối. Elizabeth không thấy đói. Nàng chỉ thấy trống trải và hoa vắng. Nàng biết rằng mình đang thương xót cho bản thân, nhưng không phải chỉ là cho ngày sinh không được kỷ niệm nầy. Đó là cho tất cả những sinh nhật cô đơn trong quá khứ, cho nỗi đau trưởng thành một mình, thiếu mẹ, thiếu bố, thiếu một người quan tâm săn sóc. Vào lúc mười giờ, khi Elizabeth đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách tối tăm, mặc một chiếc áo dài, thì một giọng nói vang lên "Sinh nhật vui vẻ". Ánh sáng bừng lên và Rhys Williams đã đứng đó từ bao giờ. Anh đi đến bên nàng và nói với vẻ trách móc: - Đây không phải là cách mừng sinh nhật. Một cô gái liệu có bao nhiêu lần sinh nhật hai mươi mốt tuổi. - Em… em nghĩ rằng anh đi cùng bố em đêm nay, - Elizabeth bối rối nói. - Anh đã đi. Và ông có nhắc rằng đêm nay em ở nhà một mình. Thay quần áo đi. Chúng mình sẽ cùng đi ăn tối. Elizabeth lắc đầu. Nàng từ chối lòng thương hại của anh - Cám ơn anh, Rhys. Em… em thật sự không đói. - Không, anh thì đói và anh rất ghét phải ngồi ăn một mình. Anh cho em năm phút để thay đồ, hay là em sẽ mặc nguyên thế nầy mà đi với anh. Họ ăn tối tại Long Island, dùng món xúc xích với ớt cùng hành rán kiểu Pháp và uống nước trái cây, và họ nói chuyện, và Elizabeth nghĩ hôm nay còn tuyệt hơn cả hôm ở nhà hàng Maxim s. Tất cả mọi sự chú ý của Rhys đều tập trung vào nàng và nàng có thể hiểu tại sao anh lại hấp dẫn phụ nữ đến như vậy. Không chỉ vì ngoại hình của anh. Sự thật là anh thật sự thích phụ nữ và anh luôn sung sướng khi được ở bên cạnh họ. Anh làm cho Elizabeth có cảm giác rằng nàng là một người đặc biệt và anh muốn được ở bên nàng hơn bất cứ người nào trên thế giới. Cũng không có gì kỳ lạ, Elizabeth nghĩ, khi mà tất cả đám phụ nữ đều say mê anh. Rhys kể cho nàng nghe đôi điều về tuổi thơ của anh ở xứ Walses, và anh biến nó thành một câu chuyện tuyệt vời, đầy chất mạo hiểm và vui nhộn. - Anh bỏ trốn khỏi nhà! - anh nói, - bởi vì trong anh có một nỗi khát khao được nhìn thấy tất cả và làm tất cả mọi thứ. Anh muốn trở thành những người như anh thấy. Anh cảm thấy chưa đầy đủ với bản thân. Em có hiểu những gì anh nói không? - Ồ, dĩ nhiên là nàng hiểu rất rõ! - Anh làm việc ở công viên, các bãi biển và một mùa hè anh đã hướng dẫn du khách bơi thuyền thúng dọc theo Rhosili, và… - Khoan đã, - Elizabeth ngắt lời anh. - Rhosili là gì và thuyền thúng… là gì? Rhosili là một con sông nước xiết, có nhiều ghềnh thác nguy hiểm. Thuyền thúng là một loại xuồng cổ được làm từ khung gỗ và da thú không thấm nước, có gốc gác từ trước thời La Mã. Em chưa bao giờ đến xứ Wales phải không? Nàng lắc đầu. - À, thế thì em sẽ thích nó đấy. - Nàng biết là mình sẽ thích. - Có một thác nước ở Vale of Neath và đó là một trong những thắng cảnh đẹp trên thế giới. Và có rất nhiều địa điểm hấp dẫn khác như: Aber Eiddi và Porthclair và Killgetty và Llangwm. - Những từ ngữ đó tuôn ra khỏi lưới anh như một đoạn nhạc. - Đó là những vùng đất hoang vu chưa được khám phá, tràn đầy những bất ngờ kỳ diệu. - Và anh vẫn rời khỏi xứ Wales. Rhys mỉm cười với nàng và nói: - Đó là nỗi khao khát trong anh. Anh muốn làm chủ cả thế giới nầy. Điều mà anh không nói với nàng là nỗi khát khao đó vẫn còn nguyên vẹn Trong suốt ba năm sau đó Elizabeth trở nên không thể thiếu được với bố nàng. Công việc của nàng ngày càng làm cho cuộc sống của ông thoải mái hơn, để ông có thể tập trung tất cả vào điều quan trọng nhất. Kinh doanh. Những chi tiết trong việc chăm sóc cuộc sống của ông được dành toàn bộ lại cho Elizabeth. Nàng thuê và sa thải nhân viên, mở và đóng các cửa các căn nhà theo nhu cầu của bố nàng và khiến ông được tiêu khiển. Hơn thế nữa, nàng đã trở thành tai mắt của ông. Sam mỗi cuộc họp kinh doanh Sam luôn hỏi Elizabeth ấn tượng của nàng đối với một người nào đó, hoặc giải thích cho nàng lý do vì sao ông lại hành động đặc biệt như thế. Nàng quan sát ông đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người, liên quan đến hàng trăm triệu đô la. Nàng đã nghe nhiều vị thống đốc bang phải nài nỉ Sam mở nhà máy, hay van xin ông đừng đóng cửa. Sau một trong những cuộc họp như thế, Elizabeth nói: - Thật không thể tin được. Cứ như thể là bố đang điều hành cả một đất nước vậy. Bố nàng cười và trả lời: - Roffe và các con có thu nhập còn lớn hơn ba phần tư các quốc gia trên thế giới. Trong chuyến công du với bố, Elizabeth dần trở nên quen thuộc với các thành viên khác trong gia đình Roffe, các ông chú bà cô của nàng cũng như vợ hoặc chồng của họ. Hồi còn nhỏ Elizabeth đã gặp họ qua các kỳ nghỉ khi họ đến chơi một trong các ngôi nhà của bố nàng, hoặc khi nàng đến thăm nọ nhân dịp các kỳ nghỉ ngắn ngày ở trường. Simonetta và Ivo Palazzi ở Rome, luôn luôn là những người vui nhộn nhất. Họ rất cởi mở và thân thiện, và Ivo luôn làm cho Elizabeth cảm thấy như mình đã lớn khôn. Ông chịu trách nhiệm chi nhánh Italia của Roffe và các con, và ông làm việc rất có hiệu quả. Mọi người đều thích làm ăn với Ivo. Elizabeth nhớ một người bạn học của nàng đã nói khi gặp ông. - Cậu có biết tớ thích ông chú cậu ở điểm gì không? Đó là ông rất nồng nhiệt và hấp dẫn. Đó là Ivo, nồng nhiệt và hấp dẫn. Rồi còn có Helene Roffe - Martel và chồng, Charles, ở Paris. Elizabeth chưa bao giờ thật sự hiểu được Helene, hoặc cảm thấy dễ chịu khi ở bên bà. Bà ta luôn tỏ ra tử tế với Elizabeth nhưng vẫn có một sự lãnh đạm mà nàng không tài nào phá vỡ nỗi. Charles là giám đốc chi nhánh Pháp của Roffe và các con. - Ông rất có trình độ, mặc dù Elizabeth có nghe bố nàng nói rằng ông không có nghị lực. Ông có thể làm theo các chỉ thị nhưng ông không có óc sáng tạo. Sam không bao giờ thay thế ông bởi vì chi nhánh Pháp hoạt động rất có lời. Elizabeth cho rằng chính Helene Roffe - Martel mới là người đem lại sự thành công cho chi nhánh. Elizabeth rất thích bà cô người Đức Anna Roffe Gassner và chồng là Walther. Elizabeth nhớ đã nghe gia đình nàng nói chuyện rằng Anna Roffe đã lấy phải một người chồng không môn đăng hộ đối. Walther Gassner đã từng nổi danh là một người có lý lịch xấu, một kẻ đào mỏ, người đã lấy một phụ nữ kém hấp dẫn và già hơn mình đến mười tuổi chỉ vì tài sản của cô ta. Elizabeth lại không nghĩ rằng bà cô họ của nàng kém hấp dẫn. Nàng luôn thấy Anna là một người hay rụt rè, nhạy cảm, hơi lãnh đạm và e ngại cuộc sống. Elizabeth đã yêu thích Walther ở vẻ bên ngoài. - Ông có vẻ đẹp kinh điển của một minh tinh màn bạc nhưng ông không hề kiêu căng hay đỏm dáng. Ông có vẻ thành thật với Anna và Elizabeth không tin bất kỳ những câu chuyện tồi tệ nào mà nàng được nghe về ông. Trong tất cả đám cô chú họ thì Alec là người nàng quý mến nhất. Mẹ của ông mang họ Roffe và bà đã kết hôn với Sir George Nichols, vị tòng nam tước thứ ba. Alec là người Elizabeth luôm tìm đến mỗi khi nàng gặp rắc rối. Không hiểu sao, có lẽ do tính nhạy cảm và lịch thiệp của ông, ông chỉ như một đứa trẻ ngang hàng với nàng, và bây giờ nàng thấy đó như một lời khen đối với Alec. Ông luôn đối xử với nàng như một người bằng vai phải lứa, sẵn sàng giúp đỡ và khuyên giải nàng. Elizabeth nhớ có một lần, trong một cơn thất vọng cùng cực, nàng đã quyết định bỏ nhà ra đi. Nàng đã thu dọn hành trang, và trong một cơn bồng bột bất ngờ, nàng gọi điện cho Alec ở London để chào tạm biệt. Lúc đó ông đang tham dự một hội nghị nhưng ông đã nghe điện thoại và nói chuyện với Elizabeth hơn một tiếng đồng hồ. Khi ông kết thúc, Elizabeth đã quyết định tha thứ cho Sam và dành cho ông một cơ hội. Đó là Sir Alec Nichols. Vợ ông, Vivian, lại là một kiểu người khác hẳn. Alec rộng rãi và chín chắn bao nhiêu thì Vivian lại ích kỷ và khinh xuất bấy nhiêu. Bà là người phụ nữ chỉ coi mình là trung tâm điển hình nhất mà Elizabeth từng biết. Nhiều năm trước, khi Elizabeth đến nghỉ cuối tuần ở Gloucestershire (Anh), nàng một mình đi picnic. Trời đổ mưa và Elizabeth đã phải trở về nhà sớm, vừa đi đến hành lang thì nghe thấy tiếng cãi nhau từ phòng làm việc vọng ra. - Tôi chán làm bảo mẫu lắm rồi, - Vivian nói. - Anh có thể tiếp đãi cô cháu gái và giúp nó giải trí đêm nay. Tôi đi London đây. Tôi đã có hẹn ở đó. - Chắc chắn là em có thể huỷ bỏ nó, Vivian. Con bé chỉ còn ở đây với chúng ta một ngày, và nó… - Xin lỗi, Alec. Tôi đang muốn làm tình, và tối nay tôi sẽ kiếm được một gã. - Lạy chúa, Vivian! - Thôi, xin anh? Đừng có lo hộ cho cuộc sống của tôi nữa. Vào lúc đó trước khi Elizabeth kịp cử động, Vivian đã lao ra khỏi cửa phòng. Bà liếc nhanh vào bộ mặt khó chịu của Elizabeth và vui vẻ nói "Về sớm thế, cháu yêu!". Và đi thẳng xuống cầu thang. Alec bước ra ngưỡng cửa. Ông nhẹ nhàng nói: - Vào đây, Elizabeth. Elizabeth miễn cưỡng đi vào phòng làm việc. Gương mặt Alec đỏ bừng vì xấu hổ. Elizabeth rất muốn an ủi ông nhưng nàng không biết phải làm như thế nào. Alec bước tới bên bàn lớn, cầm cái tẩu lên nhét đầy thuốc sợi vào châm lửa. Elizabeth tưởng chừng như ông không bao giờ châm xong cả. - Cháu phải hiểu cho Vivian. Elizabeth trả lời: - Chú Alec, đây không phải là việc của cháu. Cháu… - Nhưng về một khía cạnh nào đó thì vẫn có. Chúng ta là người một nhà. Chú không muốn cháu suy nghĩ quá khe khắt về cô ấy. Elizabeth không thể tin nổi. Sau những gì khác thường mà nàng vừa nghe, Alec vẫn tìm cách bênh vực vợ mình. - Đôi khi trong hôn nhân, - Alec nói tiếp, - người vợ và người chồng có những nhu cầu khác nhau. - Ông dừng lại với vẻ ngượng ngùng, cố tìm lời để diễn đạt. - Chú không muốn cháu trách Vivian bởi vì chú… chú không thể thoả mãn được một số nhu cầu của cô ấy. - Đó không phải là lỗi của cô ấy, cháu biết mà. không thể kiềm chế bản thân. - Cô ấy có hay đi chơi với những người đàn ông khác không? - Chú sợ rằng có. Elizabeth vô cùng kinh ngạc. - Vậy tại sao chú không bỏ cô ấy? - Ông dịu dàng mỉm cười. - Chú không thể bỏ cô ấy được cháu yêu ạ. Cháu biết đấy, chú rất yêu cô ấy. Ngày hôm sau Elizabeth quay lại trường. Kể từ lần đó, nàng càng cảm thấy gần gũi với Alec hơn bất kỳ một người nào khác. * * * * * Bây giờ thì Elizabeth đã trở nên quan tâm nhiều đến bố nàng. Ông có vẻ bận tâm lo lắng đến một vấn đề nhưng Elizabeth không tài nào đoán ra. Khi nàng hỏi ông thì ông trả lời: - Chỉ là một chuyện nhỏ mà bố cần làm rõ. Bố sẽ cho con biết sau. Ông trở nên kín đáo hơn và Elizabeth không còn được động tới các giấy tờ của ông nữa. Khi ông nói với nàng "Ngày mai bố sẽ đi Chamonix để leo núi", Elizabeth cảm thấy rất vui. Nàng biết ông cần phải nghỉ ngơi. Ông đã xuống cân, trở nên xanh xao và hay gắt gỏng. - Con sẽ đặt chỗ trước cho bố. - Elizabeth nói. - Đừng lo. Họ đã làm xong cả rồi. Có vẻ chuyện đó không giống ông lắm. Ông đã đi Chamonix vào sáng hôm sau. Đó là lần cuối cùng nàng nhìn thấy ông. Lần cuối cùng nàng được trông thấy ông… Elizabeth nằm trong căn phòng ngủ đầy bóng tối, nhớ lại quá khứ. Dường như cái chết của bố nàng là không thật, có thể bởi vì ông đã quá sống động. Ông là người cuối cùng mang họ Roffe. Ngoại trừ nàng. Chuyện gì rồi sẽ xảy ra với tập đoàn? Bố nàng đã nắm trong tay số cổ phần quyết định quyền điều khiển tập đoàn. Nàng tự hỏi không biết bố mình sẽ để chúng lại cho ai? Elizabeth biết được câu trả lời vào cuối buổi chiều hôm sau. Luật sư của Sam xuất hiện tại nhà nàng. - Tôi mang đến bản sao chúc thư của bố cô. Tôi cũng không muốn đến đây quấy rầy cô trong lúc đau thương nầy, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là nên cho cô biết ngay. Cô là người thừa kế duy nhất của bố cô. Điều đó cũng có nghĩa là số cổ phần quyết định quyền điều hành Roffe và các con đang nằm trong tay cô. Elizabeth không thể tin nổi. Chắc chắn rằng ông đã không trông mong việc nàng sẽ điều hành tập đoàn. - Tại sao? - Nàng hỏi. - Tại sao lại là tôi? Viên luật sư ngập ngừng rồi nói: - Tôi có thể nói thẳng chứ, cô Roffe. Bố cô hãy còn tương đối trẻ. Tôi tin chắc rằng ông ấy không hề cho rằng mình sẽ chết trong vòng nhiều năm tới. Đến đúng thời điểm, ông ấy sẽ cho lập một bản chúc thư khác quyết định quyền lãnh đạo công ty thuộc về ai. Có lẽ lúc nầy ông ấy vẫn còn chưa quyết định được. - Ông ta nhún vai. - Dù sao đó cũng chỉ là phỏng đoán. Điều cốt lõi là bây giờ quyền điều hành đã thuộc về cô. Cô sẽ phải quyết định xem mình phải làm gì với nó, mình phải trao quyền cho ai. - ông ta ngắm nàng một lúc, rồi tiếp tục - Từ trước đến giờ chưa bao giờ có phụ nữ trong hội đồng quản trị của tập đoàn, nhưng,… thôi vậy, lúc nầy cô đang thay thế vị trí của bố cô. Thứ sáu nầy có cuộc họp hội đồng quản trị ở Thuỵ Sĩ. Cô sẽ đi dự chứ? Sam nhất định đã nghĩ đến điều nầy. Cả cụ Samuel cũng vậy. - Tôi sẽ đi. - Elizabeth trả lời. Chương 15 BỒ ĐÀO NHA Thứ tư mồng 9 tháng Chín. Nửa đêm. Trong phòng ngủ của một căn hộ nhỏ cho thuê trên đường Bombeiros, một trong những ngõ hẹp quanh co đầy nguy hiểm của Alto Estoril, một cảnh quay phim đang được tiến hành. Có bốn người trong căn phòng. Một người quay phim, trên giường là hai diễn via id="filepos335528">n đang trong cảnh quay, người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi và cô gái tóc vàng với thân hình bốc lửa. Cô ta không mặc gì trên người ngoại trừ dải băng đỏ chói quấn quanh cổ. Người đàn ông thật cao lớn, có đôi vai của một đô vật và bộ ngực vạm vỡ không lông. Cái chim của hắn, mặc dù đang gục xuống, vẫn to tướng. Người thứ tư trong phòng là khán giả, ngồi ở phía sau, đội một chiếc mũ đen rộng vành và mang kính đen. Người quay phim quay sang người khán giả với vẻ thăm dò và vị khán giả gật đầu. Người quay phim ấn nút máy quay và tiếng xè xè phát ra. Anh ta nói với cặp diễn viên. - Xong rồi. Diễn. Người đàn ông quỳ lên và cô gái ngậm cái của quý của gã vào mồm cho đến khi nó trở nên cứng nhắc. Cô ta buông nó ra và thốt lên: - Chúa ơi, to quá. Anh ta đổ người xuống người cô gái và đi vào giữa hai chân cô ta. - Từ từ thôi anh. - Cô ta cao giọng càu nhàu. - Hãy làm như cô đang thích thú lắm đi. - Làm sao tôi làm được. Nó cứ như quả dưa hấu chết tiệt ấy. Vị khán giả chồm người về phía trước, quan sát từng cử động của người đàn ông. Cô gái rên rỉ: - Lạy Chúa, tuyệt quá, làm chậm thôi, anh yêu. Vị khán giả thở gấp hơn, mắt dán chặt vào cảnh tượng trên giường. Cô gái nầy là người thứ ba, và cô ta thậm chí còn đẹp hơn hai người kia. Cô ta quằn quại từ bên nầy sang bên kia, thốt ra những tiếng rên rỉ nhỏ. - Ah… - rồi hổn hển, - tiếp tục đi! Cô ta ghì chặt cổ người đàn ông, kéo sát vào mình hơn. Động tác của anh ta càng lúc càng nhanh, mạnh hơn còn cô gái thì cào móng tay vào tấm lưng trần của anh ta. - Ah… - Cô ta rên rỉ, - Được rồi! Tôi tới đây! Người quay phim nhìn về phía vị khán giả và người nầy gật đầu, đôi mắt sáng quắc lên sau cặp kính đen. - Nào! - Người quay phim nhắc người đàn ông trên giường. Cô gái, bị cuốn vào cơn điên loạn mãnh liệt của bản thân, không nghe thấy lời nhắc đó. Khi mặt cô ta đã tràn ngập một cơn khoái lạc man dại, toàn thân run lên, đôi tay lực lưỡng của người đàn ông khép lại quanh cổ họng cô ta và bắt đầu siết lại làm cho cô ta thấy nghẹt thở. Cô ta nhìn anh ta chằm chằm, hoang mang, và rồi cặp mắt cô ta chợt tràn đầy một sự kinh hoàng tột độ. Người ngồi xem nghĩ: Đã đến lúc rồi. Là lúc nầy đây! Lạy Chúa! Hãy nhìn vào mắt cô ta. Chúng đang mở rộng với vẻ hoảng hốt. Cô ta dẫy dụa để thoát khỏi chiếc kẹp sắt quanh cổ, nhưng vô dụng. Cô ta vẫn đang trong cơn cực khoái và nó cùng với sự quằn quại của cái chết nhập làm một. Toàn thân người ngồi xem đầm đìa mồ hôi. Cảm giác kích động dường như không sao tả xiết. Cô ta đã chết giữa cơn khoái lạc tột cùng của cuộc đời, mắt còn nhìn sững vào cặp mắt của cái chết. Cảnh tượng thật là đẹp. Mọi việc bất ngờ kết thúc. Người ngồi xem vẫn ngồi đó, mệt lả, thân hình co giật vì cơn hoan lạc, thở những hơi dài và sâu. Cô gái đã bị trừng phạt. Và vị khán giả cảm thấy mìnhượng đế. Chương 16 ZURICH Thứ sáu ngày 11 tháng Chín. Buổi trưa Tổng hành dinh của Roffe và các con chiếm một diện tích khoảng hai mươi tư hecta dọc theo Sprettenbach ở ngoại ô phía đông thành phố Zurich. Khu hành chính là một toà nhà cao ốc mười hai tầng lắp kính hiện đại, cao vượt hẳn lên so với một tổ hợp các khu nghiên cứu phân xưởng sản xuất, phòng thí nghiệm, khu kế hoạch sản xuất và một đoạn đường sắt. Đó là trung tâm đầu não của đế quốc Roffe và các con. Tiền sảnh của toà nhà hoàn toàn hiện đại, được trang hoàng bằng hai mầu xanh lá cây và trắng cộng với các đồ đạc kiểu Đan Mạch. Một nữ nhân viên tiếp tân ngồi sau một cái bàn kính và những người được cô ta cho đi vào sâu trong toà nhà đều có một người hướng dẫn đi cùng. Phía đằng sau bên phái của tiền sảnh là một dãy thang máy với một chiếc tốc hành đặc biệt dành riêng cho chủ tịch tập đoàn. Vào sáng hôm nay, những chìếc thang máy riêng đã được các thành viên hội đồng quản trị sử dụng. Họ đã đến đây trong vòng vài giờ trước từ nhiều nơi trên thế giới bằng phi cơ, tầu hoả, trực thăng và xe hơi. Họ đang tập trung ở phòng họp trần cao, tường lót gỗ sồi rộng lớn; Sir Alec Nichols, Walther Gassner, Ivo Pallazi và Charles Martel. Người duy nhất không thuộc hội đồng quản trị là Rhys Willlams. Các loại nươc giải khát và rượu đã được bày sẵn trên tủ búp phê nhưng không ai trong phòng để ý đến. Tất cả bọn họ đều căng thẳng, hồi hộp, mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Kate Erling, một phụ nữ Thuỵ Điển có năng lực, xấp xỉ năm mươi tuổi, bước vào phòng. - Xe của cô Roffe đã đến. Cặp mắt bà ta lướt quanh căn phòng để chắc chắn rằng mọi thứ đã sẵn sàng: bút, giấy, bình nước bạc ở mỗi chỗ, xì gà và thuốc lá, gạt tàn, diêm. Kate Erling đã làm thư ký riêng cho Sam Roffe được năm năm. Sự thật rằng ông đã chết cũng không khiến cho bà ta hạ thấp các tiêu chuẩn của ông, hoặc của bà ta. Bà ta gật đầu, hài lòng, và rút lui ra ngoài. Ở dưới nhà, phía trước toà cao ốc hành chính, Elizabeth đang bước ra khỏi chiếc limousine. Nàng mặc áo vét và váy đen, áo choàng trắng. Gương mặt nàng không trang điểm. Trông nàng trẻ hơn tuổi hai mươi tư của mình, xanh xao và yếu ớt. Giới báo chí đang đợi nàng. Khi nàng bắt đầu bước vào toà nhà, các phóng viên truyền thanh truyền hình và nhật báo lập tức vậy chặt lấy nàng, tay lăm lăm máy quay phim, máy ảnh và micro. - Tôi ở tờ L Europeo, cô Roffe. Chúng tôi có thể có một lời tuyên bố chứ? Ai sẽ nắm quyền lãnh đạo tập đoàn hiện nay khi bố cô… - Cô Roffe, xin hãy nhìn vào đây. Cô có thể cho độc giả của chúng tôi một nụ cười thật tươi! - Associated Press, cô Roffe. Di chúc của cha cô đã viết gì? - New York Daily News. Bố cô không phải là một nhà leo núi cừ khôi sao? Họ có phát hiện được… - Wall Street Journal. Xin cô nói vài điều về tình trạng tài chính của tập đoàn… - Tôi từ tờ London Times. Chúng tôi dự định thực hiện một bài viết về Roffe… Elizabeth, được ba nhân viên bảo vệ hộ tống, phải vất vả lắm mới chen qua được đám phóng viên vào trong tiền sảnh. - Một bức nữa thôi, cô Roffe… Và Elizabeth bước vào tháng máy, cửa đóng lại. Nàng hít một hơi thở sâu và rùng mình. Sam đã chết. Tại sao họ không thể để nàng được yên? Một lát sau Elizabeth đã đi vào phòng họp. Người đầu tiên chào đón nàng là Alec Nichols. Ông rụt rè vòng tay qua người nàng và nói: - Chú rất tiếc, Elizabeth. Đây quả là một cú sốc lớn với tất cả bọn chú. Chú và Vivian đã thử gọi điện cho cháu nhưng… - Cháu biết. Cám ơn, Alec. Cám ơn về bức điện của chú. - Ivo Palazzi đứng dậy và hôn vào má nàng. - Cara, chú biết nói gì đây! Cháu vẫn bình thường chứ? - Vâng, vẫn ổn. Cám ơn, Ivo. - Nàng quay sang. - Chào chú Charles. - Elizabeth, Hélène và chú hết sức đau lòng. Nếu có bất cứ việc gì… - Cháu cám ơn. Walther Gassner đi về phía Elizabeth và nói với giọng ngượng ngùng: - Anna và chú muốn bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn với những gì đã xảy ra với bố cháu. Elizabeth gật đầu, mặt ngẩng cao. - Cám ơn chú Walther. Nàng không muốn ở đây xung quanh là những người nhắc nhớ đến bố nàng. Nàng muốn bỏ chạy, muốn được một mình cô đơn. Rhys Williams đứng một bên, ngắm nhìn gương mặt Liz và nghĩ thầm, nếu họ không dừng lại chắc nàng ngã quỵ mất. Anh thong thả đi qua đám người, giơ tay ra và nói: - Chào Liz. - Chào Rhys. - Lần cuối cùng nàng gặp anh là khi anh đến nhà báo tin về cái chết của bố nàng. Việc đó dường như đã cách đây nhiều năm rồi. Hoặc mới chỉ có vài giây trước. Nó đã được đúng một tuần. Rhys nhận ra Elizabeth đang cố gắng giữ bình tĩnh. Anh nói: - Bây giờ đã có mặt đông đủ mọi người, sao ta lại không bắt đầu nhỉ? Nàng cười với Rhys tỏ vẻ cám ơn. Mọi người ngồi vào chỗ của mình quanh cái bàn vuông lớn bằng gỗ sồi Rhys dẫn Elizabeth tới đầu bàn và kéo ghế cho nàng. Ghế của bố mình đây, Elizabeth nghĩ. Sam đã ngồi ở đây, làm chủ toạ những cuộc họp. Charles lên tiếng: - Bởi vì chúng ta không có… - ông ngập ngừng rồi quay sang Alec. - Tại sao anh không đại diện? Alec liếc nhìn xung quanh và những khác tỏ dấu hiệu đồng tình. - Thôi được. Alec ấn vào cái nút trên bàn phía trước mặt ông, và Kate Erling đi vào, mang theo một cuốn sổ. Bà ta đóng cửa lại và kéo một chiếc ghế ra, giấy bút sẵn sàng. Alec nói: - Tôi nghĩ trong hoàn cảnh nầy thì chúng ta có thể bỏ qua hết các thủ tục. Tất cả chúng ta đều đau đớn vì sự mất mát khủng khiếp. Nhưng… - ông nhìn Elizabeth với vẻ xin lỗi - điều cốt lõi hiện nay là Roffe và các con phải có một bộ mặt đẹp đẽ. - D accord (1) - Chúng ta chịu búa rìu dư luận như thế đã là đủ lắm rồi. - Charles hầm hừ. Elizabeth nhìn ông và hỏi: - Tại sao? Rhys giải thích: - Hiện nay tập đoàn đang phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề bất thường, Liz. Chúng ta dính vào các vụ kiện cáo nghiêm trọng, phải chịu sự điều tra của chính phủ và một số ngân hàng đang gây áp lực với chúng ta. Điểm chính là tất cả những việc đó gây bất lợi rất lớn đến hình ảnh của tập đoàn. Công chúng mua các sản phẩm y dược bởi vì họ tin tưởng vào nơi đã sản xuất ra chúng. Nếu chúng ta để mất đi niềm tin của họ thì có nghĩa là chúng ta đã mất đi các khách hàng của mình. Ivo nói bằng giọng trấn an: - Không có vấn đề nào là chúng ta không giải quyết được. Điều quan trọng là phải tổ chức chấn chỉnh lại tập đoàn ngay lập tức. - Bằng cách nào? - Elizabeth hỏi. Walther trả lời: - Bằng cách bán các cổ phần của chúng ta ra ngoài. Charles thêm vào: - Bằng cách đó chúng ta có thể lo liệu các khoản nợ ngân hàng và có đủ tiền… - ông bỏ dở câu nói. Elizabeth nhìn Alec. - Chú có đồng ý điều đó không? - Chú nghĩ rằng rất cả mọi người đều đồng ý, Elizabeth ạ. Nàng ngả người vào lưng ghế, vẻ trầm tư. Rhys cầm một xấp giấy, đứng lên và mang lại cho Elizabeth. - Anh đã cho chuẩn bị tất cả các tài liệu cần thiết. Em chỉ việc ký vào là xong. Elizabeth liếc nhìn xấp giấy nằm trước mặt mình. - Nếu em ký thì chuyện gì sẽ xảy ra? Charles nói: - Chúng ta có đến cả tá công ty môi giới quốc tế sẵn sàng thành lập ra một tổ hợp để bao mua các cổ phần bán ra. Họ sẽ bảo đảm việc bán ra với cái giá mà chúng ta cùng thảo luận. Trong một vụ lớn như vụ nầy sẽ có nhiều tổ chức cũng như cá nhân tham gia. - Ý chú là các ngân hàng và các công ty bảo hiểm? Charles gật đầu. - Chính xác. - Và họ sẽ cho người của họ vào hội đồng quản trị? - Đó là chuyện thường… Elizabeth nói: - Như thế họ sẽ điều hành Roffe và các con. - Chúng ta vẫn ở lại hội đồng quản trị. - Ivo nhanh nhẩu chen ngang. Elizabeth quay sang Charles. - Chú nói rằng các tập đoàn môi giới sẵn sàng đứng ra lo liệu? Charles gật đầu. - Đúng. - Vậy tại sao họ vẫn chưa làm gì cả? Ông bối rối nhìn nàng. - Chú không hiểu. - Nếu tất cả mọi người đều đồng ý rằng điều tốt nhất dành cho tập đoàn là đưa nó ra khỏi phạm vi gia đình và đưa vào tay người ngoài thì tại sao không làm nó từ lúc trước? Một sự im lặng khó hiểu bao trùm lên căn phòng. Rồi Ivo nói: - Việc đó phải được sự đồng ý của tất cả, Cara. Tất cả mọi người trong hội đồng quản trị phải tán thành. - Ai không tán thành? - Elizabeth hỏi. Lần nầy thì sự im lặng kéo dài hơn. Cuối cùng Rhys lên tiếng. - Sam. Và Elizabeth chợt nhận ra điều làm cho nàng thấy khó chịu kể từ lúc bước vào căn phòng nầy. Tất cả đều bày tỏ những lời chia buồn, sự bàng hoàng sự tiếc thương về cái chết của bố nàng, nhưng cùng lúc đó lại có một bầu không khí kích động trong phòng, một cảm giác của… và lạ lùng thay, cái từ hiện ra trong đầu nàng là chiến thắng. Họ đã lo mọi thứ giấy tờ cho nàng, tất cả đã sẵn sàng. Em chỉ việc ký vào là xong. Nhưng nếu những gì họ muốn làm là đúng, thì tại sao bố nàng lại phản đối? Nàng hỏi lớn câu hỏi nầy. - Sam có cách nghĩ riêng của mình, - Walther giải thích. - Có thể là bố cháu rất ương ngạnh. Như cụ Samuel vậy, Elizabeth nghĩ. Đừng bao giờ để cho một con cáo thân thiện vào trong chuồng gà. Một ngày kia nó sẽ tỏ ra thèm khát. Và Sam đã không muốn bán. Chắc chắn là ông phải có một lý do đúng. Ivo lại nói: - Tin chú đi Cara, tốt nhất là cứ để các chú lo vụ nầy. Cháu không hiểu những thứ nầy đâu. Elizabeth nói khẽ. - Cháu cũng muốn đấy. - Tại sao cháu cứ phải hành hạ bản thân bằng những thứ nầy nhỉ? - Walther phản đối. - Khi cổ phần của cháu được bán ra, cháu sẽ có một số tiền khổng lồ, có thể tiêu cả không hết. Và cháu có thể đi đến bất kỳ nơi đâu cháu thích để hưởng thụ số tiền đó. Những gì Walther nói rất có lý. Tại sao nàng phải dính vào? Tất cả những gì nàng cần làm là ký vào xấp giấy trước mặt, và rời khỏi. Charles nôn nóng nói: - Elizabeth, chúng ta đang lãng phí thời gian. Cháu không còn cách chọn lựa nào khác đâu. Ngay vào lúc đó Elizabeth biết rằng mình đã chọn lựa. Cũng như bố nàng đã chọn lựa. Nàng có thể bỏ đi và để mặc họ làm bất cứ điều gì họ muốn, hoặc nàng có thể ở lại và tìm hiểu tại sao tất cả đều thiết tha với việc bán cổ phần, tại sao họ lại gây áp lực với nàng. Và nàng có thể cảm nhận được áp lực. Nó rất mạnh, và hầu như là sức ép về vật chất. Tất cả mọi người trong phòng đang trông chờ vào chữ ký của nàng. Nàng liếc mắt về phía Rhys, tự hỏi xem anh đang nghĩ gì. Biểu hiện của anh tỏ vẻ không liên quan. Elizabeth lại nhìn Kate Erling. Bà ta đã làm thư ký cho Sam trong một thời gian dài. Elizabeth ao ước có được một cơ hội để có thể một mình nói chuyện với bà ta. Tất cả bọn họ đều đang nhìn Elizabeth, chờ đợi sự ưng thuận của nàng. - Cháu sẽ không ký. - Nàng nói - Vào lúc nầy. Một khoảnh khắc im lặng sững sờ. Rồi Walther lên tiếng: - Chú không hiểu, Elizabeth. - Mặt ông tái mét. - Dĩ nhiên là cháu phải ký. Mọi việc đã được sắp đặt! Charles giận dữ nói: - Walther nói đúng. Cháu phải ký. Tất cả bọn họ lên tiếng cùng một lúc với thứ ngôn ngữ giận dữ và lộn xộn nhằm vào Elizabeth. - Tại sao cháu lại không ký? - Ivo hỏi. Nàng không thể trả lời: Bởi vì bố tôi không ký. Bởi vì các người đang ép tôi. Nàng có cảm giác, bản năng mách bảo rằng có cái gì đó nhầm lẫn ở đây và nàng quyết định tìm hiểu xem đó là cái gì. Vì thế nàng chỉ nói: - Cháu muốn có thêm chút ít thời gian để suy nghĩ về chuyện nầy. Những người đàn ông nhìn nhau. - Bao nhiêu lâu, Cara? - Ivo hỏi. - Cháu chưa biết. Cháu muốn hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan ở đây. Walther nổi giận. - Mẹ kiếp, chúng ta không thể… Rhys kiên quyết ngắt lời ông: - Tôi nghĩ là Elizabeth nói đúng. Những người khác quay lại nhìn anh. Rhys nói tiếp: - Cô ấy nên có cơ hội để làm sáng tỏ các vấn đề mà tập đoàn đang phải đối mặt, rồi mới có thể quyết định. Tất cả đều đồng ý lời nói của Rhys. - Tôi tán thành, - Alec nói. Charles chua chát nói: - Các vị, chúng ta có đồng ý hay không thì cũng chẳng có gì khác. Elizabeth đang nắm quyền điều hành. Ivo nhìn Elizabeth. - Cara… các chú cần một quyết định nhanh chóng. - Các chú sẽ có nó. - Elizabeth hứa. Tất cả bọn họ nhìn nàng, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Một người trong số họ đang nghĩ "Chúa ơi. Cô ta cũng sẽ phải chết". Chú thích: (1) Đồng ý (tiếng Pháp). Chương 17 Elizabeth cảm thấy sợ hãi. Nàng vẫn thường đến đây, tổng hành dinh ở Zurich cùng với bố, nhưng luôn như một vị khách. Quyền lực thuộc về bố nàng. Và bây giờ nó đã thuộc về nàng. Nàng nhìn quanh văn phòng rộng lớn và cảm thấy mình như một kẻ mạo danh. Căn phòng được trang hoàng lộng lẫy bởi tay Ernst Hohl. Một đầu kê cái t id="filepos355601"> Roentgen với ức tranh phong cảnh Millet ở phía trên. Trong phòng có lò sưởi, và phía trước nó là một chiếc ghế dài bọc da dê, một chiếc bàn uống nước lớn và bốn chiếc ghế dựa. Trên tường treo nhiều tranh của Renoir, Chagall, Klees và hai bức của Courbet. Cái bàn làm việc được làm từ nguyên một khối gỗ gụ đen. Bên cạnh đó, trên một cái bàn chân quỳ là một tổng đài liên lạc - một loạt điện thoại nối trực tiếp với các trụ sở tập đoàn trên thế giới. Ngoài ra còn có hai chiếc điện thoại đỏ với bộ xáo trộn âm, một hệ thống thông tin nội bộ phức tạp, một máy điện báo và nhiều thiết bị khác. Chân dung cụ Samuel Roffe được treo trên tường, đằng sau bàn viết. Một cánh cửa riêng dẫn tới một phòng thay quần áo lớn với vài cái tủ tường bằng gỗ tuyết tùng và một dãy ngăn kéo. Ai đó đã mang hết quần áo của Sam đi và Elizabeth cảm thấy biết ơn. Nàng bước qua một phòng tắm lát gạch vuông có bồn tắm cẩm thạch và vòi hoa sen cố định. Trên giá giữ nhiệt là mấy chiếc khăn sạch của Thổ Nhĩ Kỳ. Tủ thuốc đã trống trơn. Tất cả các đồ đạc thường dùng của bố nàng đã được lấy đi. Có thể là Kate Erling. Elizabeth tự hỏi vu vơ không biết có phải Kate đã thầm yêu Sam rồi không. Dãy phòng của các uỷ viên hội đồng quản trị gồm có một phòng tắm hơi lớn, một phòng thể dục đầy đủ thiết bị, một phòng ăn với sức chứa một trăm thực khách. Khi các vị khách nước ngoài được chiêu đãi, một lá cờ nhỏ tiêu biểu cho đất nước họ sẽ được đặt trong một vật trang trí bằng hoa trên bàn. Ngoài ra Sam còn có một phòng ăn riêng được trang trí nhẹ nhàng với các bức tường được vẽ tranh bích hoạ. Kate Erling đã giải thích cho Elizabeth: - Có hai đầu bếp thường trực, một cho ban ngày và một cho ban đêm. Nếu có từ hơn mười hai thực khách cho bữa trưa và bữa tối thì họ cần được báo trước hai tiếng. Và bây giờ Elizabeth đã ngồi ở bàn làm việc, trước mặt chất đầy giấy tờ, các bản ghi nhớ, thống kê và báo cáo, và nàng không biết phải bắt đầu từ đâu. Nàng nghĩ đến bố nàng đã ngồi đây, tại chiếc ghế nầy, sau chiếc bàn nầy và nàng bỗng dưng tràn ngập cảm giác mất mát không sao chịu nổi. Sam năng lực là thế, tài giỏi là thế. Bây giờ nàng cần ông biết bao? Elizabeth đã sắp xếp gặp Alec vài phút trước khi ông trở lại London. - Cứ từ từ - ông khuyên nàng. - Đừng để ai tạo áp lực với cháu cả. Vậy là ông đã cảm nhận được cảm giác của nàng. - Alec, chú có nghĩ rằng cháu nên đồng ý với việc bán cổ phần của tập đoàn ra ngoài không? Ông mỉm cười với nàng và ngượng ngùng trả lời: - Chú sợ rằng chú sẽ nghĩ như vậy, cháu ạ, vì thế chú mới có vốn riêng để làm ăn, phải không? Các cổ phần của chúng ta cũng không có tác dụng gì với chúng ta trừ khi chúng ta bán chúng đi. Bây giờ thì việc đó tuỳ thuộc ở cháu thôi. Elizabeth nhớ lại cuộc nói chuyện đó khi nàng ngồi một mình trong văn phòng vĩ đại. Ý định gọi điện cho Alec đang chế ngự nàng. Tất cả những gì nàng phải nói là "Cháu đã đổi ý". Và thoát ra. Nàng không thuộc về chỗ nầy. Nàng cảm thấy không tài nào thích nghi nổi. Nàng nhìn vào dãy nút ở hệ thống liên lạc nội bộ trên cái bàn chân quỳ. Đối diện với chúng là một cái nút có đề: RHYS WILLIAMS. Elizabeth đắn đo một lát rồi nhấn vào cái nút đó. * * * * * Rhys ngồi ở phía bên kia cái bàn và quan sát nàng. Elizabeth biết rõ anh đang nghĩ gì trong đầu, những gì mà tất cả bọn họ đang nghĩ. Rằng nàng không có công việc gì ở đây. - Gần như là em đã thả một quả bom vào hội nghị sáng nay. - Rhys nói. - Em rất tiếc nếu như mình đã chọc giận mọi người. Anh cười to. - Chọc giận. - Cũng chưa phải là đúng. - Em đã đặt mọi người vào tình trạng choáng váng. Mọi việc hầu như đã được coi là xong. Việc bán cổ phần ra ngoài đã sẵn sàng được công khai. - Anh nhìn nàng một lúc. - Điều gì khiến em quyết định không ký hả Liz? Làm sao nàng có thể giải thích rằng không có cái gì khác ngoài một cảm giác, trực giác? Anh sẽ cười vào mũi nàng. Và vì Sam đã từ chối bán cổ phần của Roffe và các con cho người ngoài. Nàng sẽ phải tìm hiểu lý do vì sao. Như đọc được tư tưởng của nàng, Rhys nói: - Ông tổ của em đã sáng lập ra tập đoàn như một công việc kinh doanh gia đình, tránh xa người ngoài. Nhưng hồi đó chỉ là một công ty nhỏ. Mọi thứ đã thay đổi. Chúng ta đang điều hành một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới. Ai ngồi vào chiếc ghế của bố em cũng phải đưa ra những quyết định cuối cùng. Đó là một trách nhiệm vô cùng quan trọng. Nàng nhìn anh và tự hỏi có phải đây là cách Rhys bảo nàng hãy bỏ cuộc. - Anh sẽ giúp em chứ? - Em biết là anh sẽ giúp mà. Nàng cảm thấy lòng nhẹ nhõm hẳn đi và hiểu rằng mình trông mong ở anh biết bao. - Điều mà chúng ta nên làm, - Rhys nói, - là đi một vòng xem xét nhà máy ở đây. Em có biết về cấu trúc vật chất của tập đoàn chứ? - Không nhiều lắm. Điều nầy không đúng. Elizabeth đã tham dự nhiều cuộc họp cùng Sam suốt vài năm qua đủ để nắm bắt được các kiến thức về hoạt động của Roffe và các con. Nhưng nàng muốn được nghe quan điểm của Rhys về nó. - Chúng ta còn sản xuất nhiều thứ khác ngoài dược phẩm, Liz. Chúng ta chế tạo hoá chất, nước hoa, vitamin, keo xịt tóc và thuốc trừ sâu. Chúng ta cũng chế tạo mỹ phẩm và dụng cụ sinh học điện tử. Chúng ta cũng kinh doanh thực phẩm và ngành nitrate động vật. Elizabeth biết tất cả những thứ đó nhưng nàng cứ để cho Rhys tiếp tục. - Chúng ta xuất bản nhiều tạp chí cung cấp cho giới thầy thuốc. Chúng ta làm các loại chất dính, các sản phẩm bảo vệ công trình xây dựng và chất nổ plastic. Elizabeth có thể cảm thấy anh trở nên bị cuốn hút vào những gì mình đang nói, nàng có thể nghe được một chút gì đó tự hào trong giọng nói của anh và nàng nhớ đến bố một cách kỳ lạ. - Roffe và các con làm chủ nhiều nhà máy và công ty cổ phần ở hơn một trăm quốc gia. Mỗi nơi trong đó đều phải báo cáo về văn phòng nầy. - Anh dừng lại như để biết chắc rằng nàng đã hiểu vấn đề. - Cụ Samuel bước vào kinh doanh bằng một con ngựa và một cái ống nghiệm. Nó đã lớn mạnh thành sáu mươi nhà máy trên khắp thế giới, mười trung tâm nghiên cứu và một mạng lưới hàng ngàn nhân viên bán hàng. Họ là những người, theo như Elizabeth biết, thường xuyên đến thăm các bác sĩ và bệnh viện. - Năm ngoái, mới chỉ riêng nước Mỹ thôi, đã chi hơn mười bốn tỉ vào thuốc men và chúng ta chiếm một phần béo bở ở thị trường nầy. Thế nhưng Roffe và các con lại đang gặp rắc rối với các ngân hàng. Có cái gì đó nhầm lẫn ở đây. Rhys dẫn Elizabeth đi một vòng thăm các nhà máy ở khu tổng hành dinh. Thực tế khu vực Zurich có mười hai nhà máy với bảy mươi lăm khu nhà trên một diện tích 24 hecta. Đây là một thế giới thu nhỏ, hoàn toàn tự lực. Hai người đi thăm các nhà máy sản xuất, các phòng nghiên cứu, các phòng thí nghiệm chất độc, các nhà kho. Rhys đưa Elizabeth tới một tầng lầu vững chắc nơi thực hiện những cuốn phim cho công việc nghiên cứu, cho việc quảng cáo rộng rãi trên toàn thế giới và cho các khu sản xuất. Ở đây chúng ta còn dùng nhiều phim, - Rhys nói với Elizabeth, - hơn cả các phim trường lớn ở Hollywood. Họ đi qua phòng sinh học phân tử và trung tâm chất lỏng nơi có năm mươi thùng thép không gỉ lớn với thước đo mực nước bằng thuỷ tinh treo ở trên trần chứa đầy chất lỏng sẵn sàng rót vào chai. Họ trông thấy những phòng ép thuốc viên, nơi thuốc bột được ép thành viên theo cỡ, in chữ Roffe và các con, đóng gói và dán nhãn, không ai được phép đụng vào. Một số loại chỉ đặc biệt bán theo đơn bác sĩ, còn lại là sản phẩm độc quyền bán ở các cửa hàng. Có một số toà nhà nhỏ đứng tách biệt ở khu nầy. Đó là khu dành riêng cho các nhà khoa học: các nhà phân tích hoá học, sinh vật học, hoá học hữu cơ, nghiên cứu ký sinh vật, nghiên cứu bệnh. - Có hơn ba trăm nhà khoa học làm việc ở đây! - Rhys nói với Elizabeth. - Phần lớn trong số họ là các tiến sĩ khoa học đấy. Em có muốn xem phòng một trăm triệu đô la không? Elizabeth gật đầu với vẻ tò mò. Căn phòng đó ở trong một toà nhà cách ly bằng gạch, có một cảnh sát mặc cảnh phục đeo súng đứng gác. Rhys phải trình thẻ an ninh của anh thì mới được phép cùng Elizabeth đi vào một hành lang dài với một cánh cửa thép ở tận cùng. Người cảnh sát dùng hai chìa khoá để mở cửa, và Rhys cùng Elizabeth bước vào trong. Căn phòng không có cửa sổ. Từ sàn nhà cho đến trần là những giá để vô số các loại chai, lọ, bình khác nhau sắp thành hàng dài. - Tại sao lại gọi đây là phòng một trăm triệu đô-la? - Bởi vì đó là cái giá để trang bị cho nó. Em có thấy các loại hợp chất trên những cái giá đó chứ? - Không một chai nào có tên cả, chỉ mang số thôi. - Đó là những chất không có tác dụng. Chúng bị thất bại. - Nhưng một trăm triệu… - Cho mỗi một loại thuốc mới thành công thì có đến hàng nghìn thứ kết thúc trong phòng nầy. Một số loại thuốc đạt hiệu quả tốt trong vòng mấy chục năm, rồi sẽ bị đem bỏ. Mà chỉ một loại thuốc thôi cũng đã mất năm, mười triệu vào việc nghiên cứu trước khi chúng ta phát hiện ra nó không tốt hoặc có ai đó đã đánh bại chúng. Chúng ta không bỏ đi bất cứ loại thuốc thất bại nào bởi vì thỉnh thoảng lại có một người trong số những chuyên gia xuất chúng của chúng ta khám phá ra một thứ khiến cho một số thứ trong căn phòng nầy trở nên có giá trị. Số tiền chi vào đây thật là đáng nể. - Đi tiếp nào, - Rhys nói. - Anh sẽ cho em xem phòng - Tổn thất. Nó ở trong một toà nhà khác, không có người gác, đầy các giá để các loại chai lọ như những căn phòng khác. - Chúng ta cũng đã mất cả một gia tài ở đây! - Rhys nói, - Nhưng chúng ta đã dự tính được điều đó. - Em không hiểu. Rhys bước tới một cái giá và nhấc ra một cái chai. Nó được dãn nhãn "Botulism"(1) - Em có biết năm ngoái trên toàn nước Mỹ có bao nhiều trường hợp ngộ độc thịt không? Hai mươi lăm. Nhưng chúng ta phải mất hàng triệu đô la để cất giữ loại thuốc nầy. - Anh lấy ngẫu nhiên một chai khác. - Đây là thuốc chữa bệnh dại. Căn phòng nầy toàn là những thứ thuốc chữa bệnh hiếm khi xảy ra như - rắn độc cắn, cây độc. Chúng ta cung cấp miễn phí cho các lực lượng vũ trang và các bệnh viện, như là một dịch vụ công cộng. - Em thích thế, - Elizabeth nói. Chắc là cụ Samuel cũng thích thế, nàng nghĩ. Rhys dẫn Elizabeth đến phòng thuốc viên con nhộng, ở đây các chai không được mang đến trên một băng chuyền lớn. Lúc họ đi qua phòng, các chai đều đã được diệt trùng, bỏ đầy thuốc, dán nhãn, đậy bông lên và đóng kín. Tất cả đều tự động. Ngoài ra còn một nhà máy thổi thuỷ tinh, một trung tâm kiến trúc lo việc xây cất các toà nhà mới, một ban địa ốc tìm mua đất xây nhà. Trong một toà nhà khác là một số người chuyên dịch các tập hướng dẫn thành năm mươi thứ tiếng khác nhau và in thành sách. Một số nơi đã làm Elizabeth nhớ đến quyển Năm 1984 của George Orwell. Những căn phòng tiệt trùng chìm trong thứ ánh sáng cực tím kỳ lạ. Những căn phòng kế bên được sơn bằng các màu khác nhau: trắng, xanh lá cây hoặc xanh da trời - và công nhân phải mặc các đồng phục phù hợp. Mỗi khi họ vào hoặc ra khỏi phòng, họ phải đi qua một buồng tiệt trùng đặc biệt. Những công nhân mặc đồng phục xanh da trời bị nhốt trong đó gần như suốt ngày. Trước khi họ ăn uống, nghỉ ngơi hoặc làm vệ sinh cá nhân, họ phải cởi bỏ quần áo, bước qua khu vực trung tính màu xanh lá cây mặc quần áo khác và khi trở lại thì họ sẽ phải thực hiện đảo ngược quy trình. - Anh nghĩ em sẽ thấy thú vị ở đây đấy. - Rhys nói. Họ bước xuống một hành lang màu xám của một toà nhà trong khu nghiên cứu. Hai người đi đến một cánh cửa có dòng chữ " CẤM VÀO". Rhys đẩy cửa và anh cùng Elizabeth bước vào. Họ đi qua cánh cửa thứ hai và Elizabeth thấy mình ở trong một căn phòng nhờ nhờ sáng có hàng trăm chuồng nhốt thú vật. Căn phòng nóng và ẩm, nàng có cảm giác như lạc vào rừng sâu. Lúc mắt nàng bắt đầu quen dần với thứ ánh sáng trong phòng, Elizabeth nhận thấy trong lồng đó là khỉ, chuột đồng, mèo, chuột bạch. Tất cả các con vật đều có những phần cơ thể phát triển hẳn ra một cách ghê tởm. Một số thì gào thét và lắp bắp, chạy quanh trong chuồng, trong khi những con khác hôn mê và nằm bất động. Tiếng ồn và mùi hôi thối thật không sao chịu nổi. Cảnh tượng như ở dưới địa ngục vậy. Elizabeth đến gần một cái lồng nhất mỗi một con mèo con lông trắng. Bộ não của nó đã được lấy ra ngoài, bỏ vào một bọc nhựa trong có khoảng nửa tá dây xuyên qua. - Cái gì… cái gì ở đây thế? - Elizabeth hỏi. Một người đàn ông trẻ, cao, để râu đang ghi chép trước cái lồng giải thích: - Chúng tôi đang thử nghiệm một loại thuốc an thần. Hy vọng là nó sẽ dùng được! Elizabeth nói một cách yếu ớt. - Em nghĩ là em có thể sử dụng nó. - Và nàng ra khỏi căn phòng trước khi muốn nôn mửa cạnh nàng trong hành lang. - Em không sao chứ? Nàng hít một hơi thở sâu. - Em… em không sao. Có thật sự cần thiết phải làm tất cả những thứ đó không? Rhys nhìn nàng và trả lời. - Những thí nghiệm đó đã cứu mạng rất nhiều người. Hơn một phần ba nhân loại ra đời sau năm 1950 đã sống sót nhờ vào các thứ thuốc hiện đại. Em hãy nghĩ về điều đó. Và Elizabeth đã nghĩ về điều đó. * * * * * Phải mất đến sáu ngày để đi hết các khu chính yếu và khi kết thúc, Elizabeth đã mệt lả, đầu óc quay cuồng với sự mênh mông rộng lớn của chúng. Và nàng nhận ra mình mới chỉ xem qua có một nhà máy của tập đoàn. Ngoài ra còn hàng tá nhà máy khác ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Các sự kiện và hình ảnh khiến nàng sửng sốt. - Phải mất từ năm đến mười năm mới đưa được một loại dược phẩm mới ra thị trường và cứ hai nghìn hợp chất đem thí nghiệm thì mới thu được ba sản phẩm… Và "Roffe và các con có ba trăm người làm việc mới chỉ trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Và "khắp thế giới, Roffe và các con quản lý hơn nửa triệu nhân viên. Và "Lãi gộp luỹ tiến năm ngoái là… Elizabeth lắng nghe, cố gắng sắp xếp những hình ảnh khó tin mà Rhys đang tống vào đầu nàng. Nàng đã biết rằng công ty rất lớn, nhưng "lớn" cũng chỉ là một từ ngữ đơn thuần mà thôi. Dịch nó thành những con số về người và tiền của mới thật là nhức óc. Đêm hôm đó Elizabeth nằm trên giường, nhớ lại tất cả những điều mình đã nhìn và nghe thấy. IVO: Tin chú đi, Cara, tốt nhất lá cứ để các chú lo vụ nầy. Cháu không hiểu những thứ nầy đâu. ALEC: Catherine! Chú nghĩ cháu nên bán, lúc bấy giờ chú mới có vốn riêng để làm ăn. WALTHER: Tại sao cháu cứ phải hành hạ bản thân bằng những thứ nầy nhỉ? Cháu có thể đi đến bất kỳ nơi đâu cháu thích để hưởng thụ số tiền đó. Tất cả bọn họ đều đúng, Elizabeth nghĩ. Mình sẽ bỏ đi và cho họ làm những gì họ thích với tập đoàn. Mình không thuộc về vị trí nầy. Vào cái giây phút quyết định, nàng thấy nhẹ nhõm cả người. Và lập tức chìm vào giấc ngủ. * * * * * Ngày hôm sau, thứ sáu, là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ cuối tuần. Khi Elizabeth đến văn phòng, nàng cho mởi Rhys đến để thông báo quyết định. - Ông Williamss đã bay đi Nairobi vào tối hôm qua. - Kate Erling cho nàng biết. - Ông ấy nói với cô là ông ấy sẽ trở về vào ngày thứ ba. Có ai khác giúp cô được không? Elizabeth lưỡng lự. - Làm ơn gọi cho Sir Alec. - Vâng, thưa cô Roffe. - Kate nói thêm với một chút do dự trong giọng. - Sở cảnh sát đã gửi cho cô một gói đồ vào sáng nay. Đó là các đồ đạc cá nhân của bố cô mà ông đã mang theo đến Chamonix. Lời nhắc nhở đến Sam mang lại cho nàng một cảm giác mất mát, đau buồn sâu sắc. - Phía cảnh sát xin lỗi vì họ không thể trao nó cho biệt phái viên của cô. Nó đã lên đường đến đây. Elizabeth cau mày. - Biệt phái viên của tôi? - Người mà cô cử đến Chamonix để lấy những thứ đó. - Tôi chẳng cử ai đến Chamonix cả. - Hiển nhiên đây là một sự lộn xộn quan liêu. - Thế gói đồ đâu? - Tôi đã để vào tủ của cô. Đó là chiếc vali Vuitton đựng quần áo của Sam, cùng với chiếc cặp da có khoá. Có thể là báo cáo của tập đoàn. Nàng để Rhys giải quyết chúng. Sau đó nàng nhớ rằng anh đã đi khỏi. Vậy thì, nàng quyết định, nàng cũng sẽ đi nghỉ cuối tuần. Nàng nhìn cái cặp và nghĩ ngợi. Có thể cũng là đồ đạc cá nhân của Sam. Tốt nhất là nên xem qua nó trước. Kate Erling báo cáo với nàng qua điện thoại: - Xin lỗi cô Roffe. Sir Alec không có ở văn phòng. - Cô hãy nhắn ông ấy gọi lại cho tôi. Tôi ở tại biệt thự ở Sardinia. Cô cũng nhắn cho các ông Ivo, Gassner và Martell như thế. Nàng sẽ nói với họ rằng nàng sẽ đi khỏi, họ có thể bán cổ phần, làm những gì họ thích với tập đoàn. Nàng đang hy vọng tới một kỳ nghỉ cuối tuần dài. Toà biệt thự quả là một nơi ấn dật, một cái kén êm ái nơi nàng có thể một mình suy nghĩ về bản thân và tương lai. Các sự kiện đã dồn dập xảy đến với nàng một cách đột ngột khiến nàng không có một cơ hội nào để sắp xếp chúng theo trình tự. Tai nạn của Sam - đầu Elizabeth vấp phải từ "chết", việc thừa kế số cổ phần nắm quyền điều hành Roffe và các con; áp lực cấp bách từ phía gia đình đòi bán cổ phần ra ngoài. Và bản thân tập đoàn. Nhịp tim kinh khủng của một con vật khổng lồ có quyền lực bao trùm thế giới. Quá nhiều để đương đầu cùng một lúc. Khi nàng bay đi Sardinia chiều muộn hôm đó, Elizabeth đã mang chiếc cặp da theo. Chú thích: (1) chứng ngộ độc thịt. Chương 18 Nàng đón một chiếc tắc xi từ phi trường về nhà. Không có một ai ở tại biệt thự vì nó đã đóng cửa và Elizabeth cũng không cho ai biết là nàng sẽ về đây. Nàng tự mình mở cửa và chậm rãi đi qua những căn phòng rộng lớn thân quen, như thể nàng chưa hề rời xa. Nàng không nhận thấy rằng mình đã nhớ chỗ nầy xiết bao. Dường như những kỷ niệm đẹp hiếm hoi của thời thơ ấu của nàng đều diễn ra ở đây. Một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm nàng khi một mình ở trong mê cung nầy, nơi mà luôn có đến nửa tá gia nhân lăng xăng khắp chỗ, nấu nướng, lau chùi, dọn dẹp. Bây giờ chỉ có một mình nàng. Và những tiếng vọng của quá khứ. Nàng để chiếc cặp da của Sam ở phòng trước dưới nhà và mang vali của nàng lên lầu. Theo thói quen từ nhiều năm nay, nàng đi thẳng đến phòng ngủ của mình ở giữa hành lang, rồi dừng lại. Phòng của bố nàng ở tít phía cuối kia. Elizabeth quay người bước về phía đó. Nàng từ từ mở cửa bởi vì trong khi tâm trí vẫn ý thức rõ ràng về thực tế thì bản năng của nàng lại trông chờ được nhìn thấy Sam ở đây, được nghe giọng nói của ông. Căn phòng trống không, dĩ nhiên, và không có gì thay đổi kể từ lần cuối Elizabeth nhìn thấy nó. Trong phòng là một chiếc giường đôi lớn, một tủ commốt đẹp, một bàn trang điểm, hai chiếc ghế nệm êm ái và một chiếc tràng kỷ kê phía trước lò sưởi. Elizabeth đặt vali xuống và đi về phía cửa sổ. Nhưng cánh cửa chớp bằng sắt đã đóng chặt, ngăn lại ánh nắng cuối tháng Chín và các bức màn che cũng đã được khép. Nàng mở rộng tất cả để cho bầu không khí trong lành của núi non ùa vào, êm ái, mát mẻ, báo hiệu mùa thu đang tới. Nàng sẽ ngủ tại căn phòng nầy. Elizabeth xuống nhà và đi vào thư viện. Nàng ngồi xuống một chiếc ghế da êm ái, miết hai bàn tay vào hai thành ghế. Đây là chiếc gh mà Rhys vẫn ngồi khi anh gặp gỡ bố nàng. Nàng nghĩ đến Rhys và thầm mong anh có mặt ở đây cũng nàng. Nàng nhớ lại cái đêm Rhys đã đưa nàng về trường sau bữa tối ở Paris, và nàng đã trở về phòng và viết "Bà Rhys Williamss" ra sao. Trong cơn thôi thúc, Elizabeth đi lại phía bàn và chậm chạp viết "Bà Rhys Williamss". Nàng nhìn dòng chữ và mỉm cười, "Mình tự hỏi", - nàng nói to chế nhạo mình, "còn có bao nhiêu kẻ khờ khạo khác đang làm giống như mình". Nàng không nghĩ đến Rhys nữa nhưng anh vân ở đâu đó tận cùng trong đầu nàng, làm cho nàng có một cảm giác thích thú êm dịu. Nàng đứng dậy và đi lang thang vòng quanh căn nhà. Nàng thăm dò cái bếp kiểu cổ rộng lớn với cái lò sấy bằng gỗ và hai cái lò hấp. Nàng bước đến mở tủ lạnh. Nó trống trơn. Nhẽ ra nàng phải biết trước chuyện đó, với ngôi nhà đóng cửa như thế nầy. Nàng bỗng cảm thấy đói vì thấy chiếc tủ lạnh trống rỗng. Và nàng kiểm tra tủ búp phê. Có hai hộp cá ngừ nhỏ, một bình Nescafé còn một nửa, một gói bánh quy chưa mở. Nếu nàng định ở đây cho qua một kỳ nghỉ cuối tuần dài, Elizabeth quyết định, tốt nhất là nàng nên lập sẵn kế hoạch. Thay vì lái xe vào thị trấn mỗi bữa ăn nàng sẽ đi mua một số đồ ăn đủ dùng trong vài ngày ở một chợ nhỏ tại Cala di Volpe. Trong nhà có một chiếc xe Jeep luôn đậu sẵn trong gara và nàng tự hỏi không hiểu nó còn đó không. Nàng đi vòng ra phía sau bếp, qua một cánh cửa dẫn tới gara và chiếc Jeep vẫn còn đó. Elizabeth đi xuống bếp, trên một tấm bảng đằng sau tủ búp phê có treo một chùm chìa khoá lớn. Nàng tìm thấy chiếc chìa khoá xe và quay trở lại gara. Không hiểu chiếc xe còn xăng không? Nàng quay chìa khoá và nhấn nút đề máy. Máy nổ gần như ngay lập tức. Như vậy vấn đề đã được giải quyết. Sáng mai nàng sẽ lái xe vào thị trấn và mua những thứ cần thiết. Nàng quay vào nhà. Khi bước qua hành lang lát gạch gương, nàng có thể nghe rõ tiếng vọng bước chân mình, chúng thật trống rỗng, đơn độc. Nàng mong rằng Alec sẽ gọi đến và khi nàng đang còn nghĩ ngợi thì tiếng chuông điện thoại chợt vang lên khiến nàng giật thót mình. Nàng đi về phía nó và cầm ơng nghe lên. - Alô. - Elizabeth. Chú Alec đây. Elizabeth cười to. - Có chuyện gì vui vẻ vậy? - Cháu có nói chú cũng không tin đâu. Chú đang ở đâu vậy? - Ở Gloucester. Và Elizabeth bất ngờ cảm thấy thôi thúc được gặp ông lập tức, nói cho ông biết quyết định của nàng về chuyện tập đoàn. Nhưng nói qua điện thoại thì không được. - Chú có thể làm giúp cháu một chuyện không? Cháu muốn bàn vài việc với chú. Alec thoáng do dự một lát rồi nói: - Được. Không một lời về việc huỷ bỏ các cuộc hẹn, và chuyện đó có thể sẽ dẫn đến rắc rối ra sao. Chỉ là "Được". Đó là Alec. Elizabeth buộc mình phải nói: - Và đưa Vivian theo. - Chú e rằng cô ấy không thể đi được. Cô ấy… nên ở lại London thì hơn. Chú sẽ đến vào sáng mai. Được không? - Tuyệt. Cho cháu biết thời gian cụ thể, và cháu sẽ ra sân bay đón chú. - Cứ để chú đón taxi thì tiện hơn. - Cũng được. Cảm ơn chú Alec rất nhiều. Khi Elizabeth đặt ống nghe xuống, nàng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Nàng biết mình đã có một quyết định đúng đắn. Nàng rơi vào tình trạng nầy chỉ bởi vì đã chết trước khi ông kịp có thời gian chỉ định người kế vị mình. Elizabeth thắc mắc không biết vị Chủ tịch mới của Roffe và các con sẽ là ai. Hội đồng quản trị có thể quyết định chuyện đó vì bản thân họ. Nàng nghĩ đến chuyện đó theo quan điểm của Sam và cái tên lập tức xuất hiện trong đầu nàng là Rhys Williamss. Những người khác đều có khả năng trong các lãnh vực của riêng họ nhưng Rhys là người duy nhất có được kiến thức hoàn hảo về việc điều hành toàn bộ hoạt động của tập đoàn trên khắp toàn cầu. Anh tài giỏi và làm việc có hiệu quả. Vấn đề là, dĩ nhiên, không phải ở chỗ Rhys thiếu tư cách làm chủ tịch. Chỉ vì anh không phải họ Roffe, hoặc kết hôn với người trong dòng họ Roffe, thậm chí anh còn không thể ngồi ở ghế uỷ viên hội đồng quản trị. Elizabeth đi ra phòng trước và trông thấy chiếc cặp da của bố nàng. Nàng do dự. Chẳng còn lý do nào để nàng phải xem nó nữa. Nàng có thể trao nó cho Alec khi ông đến đây vào sáng mai. Nhưng, nhỡ còn cái gì riêng tư trong đó… Nàng mang chiếc cặp vào thư viện, đặt lên bàn lấy chìa khoá và mở hai chiếc khoá nhỏ ở hai bên. Giữa chiếc cặp là một phong bì lớn dán. Elizabeth mở phong bì và lôi ra một tập giấy đánh máy nằm rời trong tấm bìa dầy, bên ngoài có ghi: "ÔNG SAM ROFFE MẬT KHÔNG CÓ BẢN SAO" Đây rõ ràng là báo cáo về một vấn đề nào đó, nhưng không đề tên ai trên tờ bìa nên Elizabeth không biết ai đã soạn thảo nó. Nàng bắt đầu xem lướt qua bản báo cáo, chậm dần rồi ngừng hẳn. Nàng không thể tin vào những điều mình đang đọc. Nàng mang tập giấy ra một chiếc ghế bành, bỏ giầy ra, co chân lên ghế và lật lại từ trang thứ nhất. Lần nầy nàng đọc từng chữ, lòng tràn ngập kinh hoàng. * * * * * Đó là một tập tài liệu kỳ lạ, một bản báo cáo mật về việc điều tra hàng loạt các sự kiện xảy ra trong mấy năm gần đây. Ở Chili, một nhà máy hoá chất thuộc Roffe và các con đã phát nổ, tung ra hàng tấn chất độc hại bao phủ một diện tích là hai mươi sáu km vuông. Mười hai người đã chết và hàng trăm người khác phải vào bệnh viện. Tất cả các loại gia súc gia cầm đều bị chết, câv cối bị nhiễm độc. Toàn bộ cư dân trong vùng phải sơ tán. Các vụ kiện cáo chống lại Roffe và các con đã làm tiêu tốn hàng trăm triệu đô la. Nhưng điều gây choáng váng ở đây là vụ nổ đó được cố tình gây ra. Bản báo cáo viết: "Cuộc điều tra của chính phủ Chilê về tai nạn xảy ra rất qua quýt. Quan điểm chính thức là: Tập đoàn thì giàu có, dân chúng thì nghèo khổ, cứ để cho tập đoàn phải đền. Trong đầu ban lãnh đạo điều tra của chúng ta không thấy một nghi vấn nào khác ngoài việc đây đúng là một hành động phá hoại, được thực hiện bởi một hay nhiều người chưa biết rõ, sử dụng chất nổ plastic. Bởi vì đã trái ngược với quan điểm chính thức ở đây nên không thể nào chứng minh được chuyện đó". Elizabeth vẫn còn nhớ rõ tai nạn nầy. Nhiều tờ báo và tạp chí đã đăng đầy các câu chuyện khủng khiếp cùng với ảnh của các nạn nhân, và báo giới quốc tế đã tấn công Roffe và các con, cáo buộc tập đoàn về tội không quan tâm và bỏ mặc nỗi đau đớn của con người. Chuyện đó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của tập đoàn. Đoạn tiếp của bản báo cáo nói về nhưng dự án nghiên cứu lớn mà các nhà khoa học của Roffe và các con đã theo từ nhiều năm nay. Có bốn dự án được nêu ra, mỗi cái đều có một giá trị tiềm năng vô giá. Kết hợp lại, phải mất đến hơn năm mươi triệu để phát triển chúng. Trong từng trường hợp nầy luôn có một công ty dược phẩm cạnh tranh với tập đoàn nhận được bằng sáng chế cho một loại sản phẩm mới, trước Roffe và các con với một công thức giống hệt. Bản báo cáo viết tiếp: "Một tai nạn đến một lần thì có thể coi là tình cờ. Trong một lĩnh vực có vô số công ty cùng nghiên cứu, việc vài công ty cùng nghiên cứu rnột loại sản phẩm là vẫn thường xảy ra. Nhưng bốn sự việc như vậy xảy ra chỉ trong vòng có vài tháng buộc chúng tôi phải kết luận rằng có ai đó ở trong Roffe và các con đã đem cho hoặc bán các công trình nghiên cứu cho các đối thủ cạnh tranh. Bởi vì tính chất bí mật của các cuộc thí nghiệm, rằng chúng được tiến hành trong các phòng thí nghiệm cách ly và được bảo vệ chặt chẽ, các cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy rằng có một người, hoặc một vài người đứng sau vụ nầy được phép ra vào các khu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Vì vậy chúng tôi khẳng định đó phải là người ở cấp bậc điều hành tối cao của Roffe và các con. Và còn nhiều nữa. Một mê độc dược lớn bị dán nhầm nhãn và bị gửi đi. Trước khi kịp thu hồi chúng thì đã có vài vụ chết người xảy ra và tập đoàn lại phải chịu thêm nhiều tai tiếng. Không một ai biết số nhãn in sai từ đâu đến. Một chất độc chết người đã biến mất khỏi phòng thí nghiệm được canh gác cẩn mật. Chỉ trong vòng một giờ một kẻ nặc danh đã tiết lộ chuyện nầy cho báo giới và khởi đầu một cuộc săn đuổi rùng rợn. Bóng chiều đã dần chuyển sang tối và không khí ban đêm trở nên lạnh lẽo. Elizabeth vẫn hoàn toàn bị thu hút vào tập tài liệu trong tay. Khi phòng làm việc đã tối đen, nàng mới đứng dậy bật đèn rồi tiếp tục đọc kinh hoàng nối tiếp kinh hoàng. Giọng văn khô khan, cụt lủn trong bản báo cáo không thể nào giấu đi sự bi thảm. Có một việc đã trở nên rõ ràng. Ai đó đang cố làm hại hoặc tiêu diệt Roffe và các con một cách có phương pháp. "Một người ở cấp quản lý tối cao của tập đoàn". Trên trang cuối là dòng ghi chú bên lề với nét chữ viết tay rõ ràng của bố nàng. "Thêm áp lực bán cổ phần ra ngoài? Đặt bẫy tên khốn". Bây giờ nàng mới nhớ Sam đã lo lắng thế nào, và ông bỗng nhiên trở nên kín đáo. Ông không biết tin vào ai. Elizabeth nhìn lại trang đầu của bản báo cáo lần nữa. - KHÔNG CÓ BẢN SAO. Elizabeth chắc rằng bản báo cáo đã được một hãng điều tra bên ngoài lập ra. Như vậy thì có thể chưa ai biết đến nó ngoại trừ Sam. Và bây giờ là nàng. Tên tội phạm kia không biết rằng mình đang bị nghi ngờ. Sam có biết hắn là ai không? Elizabeth không biết được chuyện đó. Tất cả những gì nàng biết là có một kẻ phản bội. Một người ở cấp quản lý tối cao của tập đoàn. Không một ai khác có cơ hội và khả năng gây ra nhiều sự phá hoại ở các cấp độ khác nhau như thế. Đó có phải là lý do mà Sam từ chối bán cổ phần ngoài? Có phải ông đang cố tìm ra kẻ phản bội trước tiên? Một khi cổ phần được bán ra, việc điều tra sẽ khó tiến hành một cách bí mật và mỗi một động tĩnh lại phải báo cáo cho một nhóm người lạ. Elizabeth nghĩ đến cuộc họp hội đồng quản trị và việc họ đã thúc ép nàng ra sao. Tất cả bọn họ. Nàng bỗng nhiên cảm thấy cô đơn trong căn nhà. Tiếng chuông điện thoại reo vang làm nàng nhảy dựng lên. - A lô? - Liz à? Anh là Rhys đây. Anh vừa mới nhận được tin nhắn của em. Nàng cảm thấy vui vì được nghe giọng nói của anh, nhưng nàng bỗng nhớ ra lý do nàng đã nhắn anh. Để cho anh biết rằng nàng sắp ký vào hồ sơ, để cho cổ phần của tập đoàn được bán ra ngoài. Trong có vài giờ ngắn ngủi mọi việc đã hoàn toàn thay đổi. Elizabeth liếc ra phòng ngoài, về phía chân dung cụ Samael. Cụ đã sáng lập ra tập đoàn và đã chiến đấu vì nó. Bố của Elizabeth đã vun đắp cho nó, biến nó thành khổng lồ, đã sống vì nó, dâng hiến cả cuộc đời cho nó. - Rhys, - Elizabeth nói, - Em muốn tổ chức họp hội đồng quản trị vào thứ ba. Hai giờ chiều. Anh vui lòng sắp xếp cho mọi người có mặt đông đủ nhé? - Hai giờ chiều ngày thứ ba! Rhys tán thành, - Còn gì nữa không em? Nàng lưỡng lự. - Không. Chỉ có thế. Cám ơn anh. Elizabeth từ từ đặt ống nghe xuống. Nàng sắp chiến đấu với họ. Nàng đang ở trên núi cao cùng bố, trèo bên cạnh ông. - Đừng nhìn xuống. Sam luôn miệng nhắc nhở nhưng Elizabeth không nghe và ở bên dưới không có gì khác ngoài muôn trượng không gian trống rỗng sâu thẳm. Tiếng sấm ầm vang và một tia chớp giáng thẳng xuống họ. Nó đánh trúng sợi dây của Sam, đốt nó thành tro, và Sam bắt đầu rơi vào khoảng không. Elizabeth nhìn thân hình của bố quay cuồng và nàng bắt đầu gào thét, nhưng tiếng gào thét của nàng đã bị tiếng sấm át đi. Elizabeth bất chợt thức giấc, chiếc áo ngủ ướt đẫm mồ hôi, tim đập thình thịch. Có tiếng sấm rền và nàng nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy trời đang mưa xối xả. Gió tạt những hạt mưa vào phòng ngủ của nàng qua những khung cửa sổ kiểu Pháp. Elizabeth nhanh nhẹn ra khỏi giường chạy ra đóng chúng lại. Nàng nhìn ra những đám mây cuồn cuộn kín đặc cả bầu trời và những tia chớp rạch ngang đường chân trời nhưng không hề thấy chúng. Nàng đang nghĩ về giấc mơ của mình. Sáng hôm sau cơn bão đã đi qua hòn đảo, chỉ để lại một cơn mưa phùn nhẹ. Elizabeth hy vọng rằng thời tiết sẽ không làm trì hoãn chuyến đi của Alec. Sau khi đọc xong bản báo cáo nàng thật sự cần một người nào đó để trò chuyện. Trong lúc chờ đợi nàng quyết định sẽ tốt hơn nếu cất nó vào một chỗ an toàn. Trong căn phòng áp mái có một tủ két. Nàng sẽ để nó vào đấy. Elizabeth đi tắm, mặc một cái quần cũ và một chiếc áo len rồi đi vào thư viện để lấy bản báo cáo. Nó đã biến mất. Chương 19 Trong căn phòng như thể vừa bị một trận bão quét qua. Gió đã giật tung các cánh cửa sổ kiểu Pháp, và mưa gió thoả sức hoành hành, xới tung mọi thứ lên. Một vài trang báo cáo rời nằm trên tấm thảm ướt, nhưng phần còn lại rõ ràng đã bị gió cuốn đi. Elizabeth tiến đến những khung cửa sổ kiểu Pháp và nhìn ra ngoài. Không nhìn thấy một tờ giấy n trên cỏ, nhưng gió có thể dễ dàng thổi chúng qua các vách đá. Chắc chắn là như thế. KHÔNG CÓ BẢN SAO. Nàng phải tìm cho ra tên của người thám tử mà Sam đã thuê. Có thể Kate Erling sẽ biết. Nhưng bây giờ thì Elizabeth cũng không chắc rằng Sam có tin Kate không. Chuyện nầy đã trở thành một trò chơi khủng khiếp, nơi mà không ai có thể tin ai. Nàng sẽ phải hành động thật thận trọng. Elizabeth bỗng nhớ trong nhà đã hết nhẵn đồ ăn. Nàng có thể đi Cala di Volpe mua đồ và trở về trước khi Alec đến. Nàng đi xuống hành lang lấy áo mưa và khăn trùm đầu. Còn nữa, khi tạnh mưa nàng sẽ xuống sân tìm kiếm các trang báo cáo. Nàng vào bếp và lấy chiếc chìa khoá xe Jeep từ chùm chìa khoá rồi đi lối cửa sau dẫn ra gara. Elizabeth khởi động máy và cẩn thận lùi chiếc xe Jeep ra khỏi gara. Nàng quay xe, hướng về phía cổng, chân giữ phanh vì mặt đất còn ướt. Ra khỏi cống nàng rẽ phải, chạy trên con đường núi hẹp dẫn xuống ngôi làng nhỏ Cala di Volpe ở phía dưới. Trên đường giờ nầy hầu như không có xe cộ qua lại. Elizabeth liếc mắt xuống phía trái và thấy biển cả phía bên dưới đã trở nên tối đen và giận dữ, dâng cao sau trận bão đêm hôm qua. Nàng lái xe chầm chậm vì đoạn đường nầy trở nên khó đi Nó rất hẹp, có hai làn xe, được khoét sâu vào núi dọc theo một vách đá dốc. Bên làn đường phía trong là núi đá vững chắc, còn bên làn phía ngoài là một dốc đứng cao hàng trăm mét xuống tận biển. Elizabeth cố bám vào lằn đường phía trong, chân giữ phanh để giảm bớt đà trượt trên con đường núi dốc. Chiếc xe đang tiến gần tới một chỗ cua gấp. Theo phản xạ, Elizabeth nhấn mạnh lên chân phanh để chiếc Jeep chạy chậm lại. Phanh không ăn. Một lúc lâu sau Elizabeth mới nhận ra điều đó. Nàng đạp một lần nữa, mạnh hơn, bằng tất cả sức lực của mình, tim đập thình thịch trong lúc chiếc xe Jeep không ngừng gia tăng tốc độ. Vượt qua khúc cua, nó chạy với tốc độ nhanh hơn, lướt xuống con đường núi dốc, đà trượt tăng từng giây. Nàng đạp phanh thêm một lần nữa. Vẫn không có hiệu quả. Một khúc cua khác đã ở phía trước. Elizabeth quá sợ, không dám rời mắt khỏi con đường để nhìn xuống đồng hồ tốc độ nhưng qua khoé mắt nàng cũng kịp thấy cây kim cứ nhích dần lên mãi và lòng nàng tràn đầy sự khủng khiếp tê tái. Nàng tới khúc cua và chiếc xe trượt qua với tốc độ kinh hồn. Hai bánh sau của nó lướt về phía mép vực rồi lại bám được vào mặt đường và chiếc xe tiếp tục lao tới phía trước trên con đường núi dốc. Giờ đây không có gì có thể cản được nó, barrier, rào cản, chỉ có những khúc cua chết người đang vẫy tay ở phía trước. Đầu óc Elizabeth cũng phóng nhanh một cách điên cuồng, cố tìm một cách thoát thân. Nàng nghĩ đến chuyện nhảy ra ngoài. Nàng liếc nhanh vào đồng hồ tốc độ. Chiếc xe đang chạy với tốc độ một trăm mười km/giờ và nó vẫn không ngừng gia tăng, kẹt giữa một bên là vách núi và một bên là khoảng không chết người. Nàng sắp chết và trong thoáng chốc, Elizabeth biết rằng mình đang bị mưu sát, và bố nàng cũng đã bị mưu sát. Sam đã đọc bản báo cáo và ông đã bị giết. Như nàng đang bị giết. Và nàng không biết kẻ giết nàng là ai, kẻ nào đã căm ghét họ đến mức làm ra những việc nầy. Dù sao thì cũng dễ chịu đựng hơn nếu kẻ đó là một người xa lạ. Nhưng đó lại là một người nàng biết, một người biết nàng. Những gương mặt loé lên trong đầu nàng. Alec… Ivo… Walther… Charles… Nhất định là một người trong bọn họ. Một người ở cấp bậc điều hành tối cao của tập đoàn. Cái chết của nàng sẽ được coi là tai nạn, giống như Sam. Lúc nầy Elizabeth đã khóc, khóc một cách lặng lẽ, nước mắt hoà vào với bức màn mưa, nhưng nàng không nhận ra điều đó. Chiếc xe Jeep bắt đầu nhẩy lên không kìm hãm được trên mặt đường ám ướt và Elizabeth thì cố vật lộn để giữ cho các bánh xe bám vào mặt đường. Nàng biết đây chỉ là vấn đề tích tắc trước khi nàng lao vào vách đá, đi vào cõi hư vô. Toàn thân nàng trở nên cứng nhắc, đôi tay tê liệt không còn nắm chặt được tay lái. Giờ đây không còn gì trong vũ trụ ngoại trừ nàng, đang lao nhanh trên con đường núi với cơn gió gào thét lôi kéo, nói với nàng. Đến đây với ta, giật mạnh cái xe, cố đẩy nó đến bên bờ vực. Chiếc xe lại bắt đầu lồng lên và Elizabeth cố giữ cho nó chạy thẳng, nhớ lại những gì mình đã học. Luôn giữ xe chạy thẳng khi xe bị trượt. Chiếc xe chạy thẳng trở lại và tiếp tục xuống dốc: Elizabeth liếc nhanh xuống đồng hồ tốc độ, một trăm ba mươi km/giờ. Nàng đang phóng xuống một khúc cua hình chữ chi và nàng biết mình sắp chết. Trong đầu nàng có một cái gì đó đã đóng băng lại và dường như có một tấm màn mỏng chắn giữa nàng và thực tại. Nàng nghe thấy giọng của bố "Con làm gì một mình ở đây trong bóng tối vậy?" và ông bế nàng lên, mang nàng về giường và nàng đang ở trên sân khấu quay mãi quay mãi quay mãi không tài nào dừng lại, và bà Netturova quát lên với nàng (hay đó là cơn gió) và Rhys đứng đó, nói "Liệu một cô gái có bao nhiêu lần sinh nhật 21 tuổi?". Và Elizabeth nghĩ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại Rhys, nàng gào to tên anh và tấm màn biến mất, nhưng cơn ác mộng thì vẫn còn đó. Khúc cua đã lờ mờ ở gần phía trước và chiếc xe vẫn cứ lao hết tốc lực về phía đó như một viên đạn. Nàng sẽ bay qua bờ vực. Mong cho mọi việc xảy ra nhanh, nàng thầm cầu nguyện. Ngay vào lúc đó, ở phía bên phải ngay trước khúc cua chữ chi, Elizabeth thoáng thấy một rãnh nhỏ làm đai phòng lửa được đục vào vách đá dẫn lên núi. Nàng phải quyết định trong giây lát. Nàng không cần biết cái rãnh đó dẫn đi đâu. Tất cả những gì nàng biết là nó đi lên trên, và nó có thể làm giảm dần đà xe, cho nàng một cơ hội. Và nàng quyết định. Tới giây cuối cùng, khi chiếc xe Jeep chạy đến cái rãnh, Elizabeth đánh mạnh tay lái sang bên phải. Hai bánh sau bắt đầu trượt nhưng hai bánh trước ở trên mặt sỏi và đà xe đã bắt đầu giảm lại. Chiếc xe đã hướng lên phía trên và Elizabeth vẫn đang vật lộn với tay lái, cố giữ cho chiếc xe ở trong cái rãnh hẹp. Có một hàng cây nhỏ trồng dọc theo cái rãnh và cành lá của nó quất vào nàng, cào rách mặt nàng, tay nàng. Nàng nhìn về phía trước và kinh hoàng khi thấy biển. Tyrrhene ở phía dưới. Đường rãnh chỉ dẫn sang phía bên kia của vách đá. Ở đó thì cũng chẳng lấy gì làm an toàn cả. Càng lúc nàng càng đến gần mép vực, và nàng không thể nhảy ra vì chiếc xe chạy quá nhanh. Bờ vực đã ở phía trước, biển cách mấ trăm mét ở phía dưới. Khi chiếc xe Jeep va vào lề nó bật lên điên cuồng và điều cuối cùng Elizabeth nhớ là có một thân cây sừng sững trước mặt nàng và sau đó là một tiếng nổ lớn bao trùm cả vũ trụ. Sau đó thế giới trở nên yên tĩnh, trắng xoá, phẳng lặng không còn một tiếng động nào. Chương 20 Nàng mở mắt và thấy mình đang ở trong giường bệnh bệnh viện và người đầu tiên nàng trông thấy là Alec Nichols. - Trong nhà không có gì cho chú ăn đâu, - nàng thì thầm và bắt đầu khóc. Cặp mắt Alec tràn đầy đau thương, ông choàng tay qua người nàng và siết chặt. - Elizabeth! Và nàng lẩm bẩm: - Không sao, Alec. Mọi thứ đều ổn cả. Đúng là như thế. Từng phần cơ thể nàng đều thâm tím và đau như dần, nhưng nàng vẫn còn sống và không tài nào tin được chuyện đó. Nàng nhớ lại nỗi kinh hoàng khi chiếc xe lao xuống núi và toàn thân nàng lạnh ngắt. - Cháu ở đây bao lâu rồi? - Giọng nàng yếu và khàn. - Họ đưa cháu vào đây từ hai hôm trước. Cháu đã bất tỉnh từ lúc đó. Các bác sĩ nói đây quả là một điều kỳ diệu. Theo như tất cả những người chứng kiến vụ tai nạn thì cháu nhất định sẽ chết. Một đội cấp cứu đã tìm thấy cháu và đưa cháu về đây. Cháu bị chấn động và cả người bầm dập nhưng, tạ ơn Chúa, không có cái gì bị gẫy. - ông bối rối nhìn nàng và nói, - Thế cháu làm gì trên cái vành đai phòng lửa đó? Elizabeth kể cho ông nghe. Nàng có thể thấy rõ nỗi kinh hoàng trên mặt ông như thể ông đã trải qua chuyện khủng khiếp ấy với nàng. Ông luôn miệng nói: - Ôi Chúa. Khi Elizabeth kết thúc, mặt mũi Alec tái nhợt đi. - Thật là một tai nạn ngớ ngẩn, khủng khiếp! - Không phải là tai nạn đâu, chú Alec ạ. - Ông nhìn nàng, vẻ bối rối. - Chú không hiểu. Làm sao ông hiểu được. Ông đâu có đọc bản báo cáo. Elizabeth nói: - Ai đó đã làm hỏng hệ thống phanh. Ông lắc đầu với vẻ nghi ngờ. - Tại sao hắn phải làm như thế? - Bởi vì… Nàng không thể cho ông biết được. Chưa được. Nàng tin tưởng Alec hơn bất cứ người nào khác, nhưng nàng chưa sẵn sàng để nói ra. Cho đến khi nàng thấy khoẻ hơn, có thời gian để suy nghĩ kỹ. - Cháu không biết, - nàng lảng đi. - Cháu chỉ biết chắc là có người đã làm chuyện đó. Nàng nhìn ông và nhận thấy rõ sự thay đổi trên khuôn mặt. Chúng chuyển từ trạng thái hồ nghi qua bối rối rồi tức giận. - Được chúng ta nhất định phải điều tra cho rõ. Giọng ông thật quyết liệt. Ông nhấc điện thoại lên và một lát sau thì nói chuyện với ông Cảnh sát trưởng ở Olbia. - Tôi là Alec Nichols, - ông nói. - Tôi… vâng, cô ấy đã khoẻ rồi, cám ơn ông… Cám ơn. Tôi sẽ cho cô ấy biết. Tôi muốn hỏi về chiếc xe Jeep của cô ấy. Xin ông vui lòng cho biết hiện nó đang ở đâu? Xin ông hãy giữ nó ở đó. Và tôi cần một thợ máy giỏi. Tôi sẽ đến đó trong vòng nửa tiếng. - ông đặt ống nghe xuống. - Nó ở trong gara của cảnh sát. Chú sẽ đến đấy. - Cháu sẽ đi với chú! Ông ngạc nhiên nhìn nàng. - Bác sĩ dặn cháu phải nghỉ ngơi trên giường ít nhất một, hai hôm nữa. - Cháu không thể… - Cháu sẽ đi với chú, - nàng bướng bỉnh lặp lại. Bốn mươi lăm phút sau, Elizabeth lê tấm thân bầm dập của mình đến của sở cảnh sát cùng Alec bất chấp sự phản đối của các bác sĩ trong bệnh viện. Luigi Ferraro, cảnh sát trưởng Olbia, là một người Sardo trung niên, da ngăm đen, bụng phệ và chân vòng kiềng. Bên cạnh ông ta là thám tử Bruno Campagna, cao hơn hẳn xếp mình. Campagna lực lưỡng, khoảng năm mươi tuổi, trong có vẻ đầy năng lực. Ông ta đứng cạnh Elizabeth và Alec, quan sát người thợ máy kiểm tra gầm chiếc xe Jeep đã được nâng lên bằng cần trục thuỷ lực. Cái cản xe phía trước ở bên trái cùng bộ tản nhiệt đã bị vỡ nát và trên đó còn nhiều vết nhựa cây mà nó đã đâm vào. Elizabeth cảm thấy choáng váng khi nhìn thấy chiếc xe và nàng phải dựa vào người Alec. Ông nhìn nàng với vẻ quan tâm. - Cháu chắc là chịu được chứ? - Cháu thấy khoẻ rồi, - nàng nói dối. Nàng thấy yếu ớt và mệt mỏi khủng khiếp. Nhưng nàng phải xem xét vì chính mình. Người thợ máy chùi tay vào bộ quần áo đầy vết dầu mỡ và đi về phía đám người. - Họ không còn thiết kế như thế nữa, - anh ta nói. Ơn Chúa, Elizabeth nghĩ. - Bất kỳ một chiếc xe nào khác thì đã nát nhừ rồi. - Thế còn hệ thống phanh? - Alec hỏi. - Phanh? Chúng vẫn còn tốt. Elizabeth cảm thấy một cảm giác giả tạo nhấn chìm nàng xuống. - Ý… Ý anh là gì? - Chúng vẫn hoạt động tốt. Vụ tai nạn nầy không hề làm hỏng chúng. Đó là điều tôi muốn nói khi tôi nói rằng họ không còn thiết kế… - Không thể được, - Elizabeth ngắt lời. - Hệ thống phanh của cái xe Jeep nầy không hề hoạt động. - Cô Roffe tin rằng có ai đó đã phá hỏng hệ thống phanh. - Cảnh sát trưởng Ferraro giải thích. Người thợ máy lắc đầu. - Không, thưa ông. - Anh ta quay lại chiếc xe Jeep và chỉ vào dưới sàn xe. - Chỉ có hai cách phá hỏng… - Anh ta quay sang Elizabeth. - Xin lỗi, thưa cô… hệ thống phanh của chiếc Jeep nầy. Hoặc là cô cắt cái ống nầy hoặc là cô nới lỏng con ốc nầy… - anh ta chỉ một miếng sắt trên sàn xe - và để cho dầu phanh chảy hết. Cô có thể thấy cái ống nầy còn nguyên và tôi cũng đã kiểm tra bình chứa dầu. Nó vẫn còn đầy. Cảnh sát trưởng Ferraro nhẹ nhàng nói với Elizabeth, - Tôi có thể hiểu, trong hoàn cảnh của cô thì có thể… - Khoan đã, - Alec ngắt lời, quay sang người thợ máy. - Có thể nào cái ống đã bị cắt đi và được thay bằng ống mới hoặc dầu bị rút hết và đổ đầy lại không? Người thợ máy quả quyết lắc đầu. - Thưa ông, những cái ống nầy không hề bị ai sờ vào. - Anh ta lấy miếng giẻ ra và cẩn thận lau chùi vết dầu xung quanh con ốc giữ bình dầu phanh. - Ông thấy con ốc nầy chứ? Nếu có ai đó nới lỏng nó ra thì đã phải có dấu vặn trên đó. Tôi bảo đảm rằng ít nhất sáu tháng rồi cũng không có ai đụng tới nó. Hệ thống phanh không hề có hỏng hóc gì nữa. Tôi sẽ cho ông xem. Anh ta đi về phía tường và kéo công tắc. Có tiếng kêu vù vù và chiếc cần trục bắt đầu hạ chiếc xe xuống sàn. Họ nhìn người thợ máy ngồi vào xe, khởi động máy và lùi chiếc xe lại. Khi nó sắp chạm vào bức tường đằng sau, anh ta cài số một và nhấn ga. Chiếc xe lao thẳng về phía thám tử Campagna. Elizabeth định hét lên nhưng ngay lúc đó nó đứng khựng lại, chỉ còn cách ông thám tử có vài phân. Người thợ máy bỏ qua ánh mắt của ông thám tử nhìn anh ta và hỏi, - Các vị thấy rồi chứ? ệ thống phanh thật hoàn hảo. Tất cả bọn họ nhìn Elizabeth, và nàng biết họ đang nghĩ gì. Nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được sự kinh hoàng về đoạn đường xuống núi. Nàng có thể cảm giác được chân nàng đạp phanh và không một phản ứng nào xảy ra. Nhưng người thợ máy của sở cảnh sát đã chứng minh rằng nó vẫn hoạt động tốt. Trừ khi là anh ta có dính vào vụ nầy. Và như thế có nghĩa là cảnh sát trưởng cũng biết. Mình sắp bị hoang tưởng rồi, Elizabeth nghĩ. Alec nói một cách bất lực: - Elizabeth… - Khi cháu lái chiếc xe, hệ thống phanh đã không hoạt động. Alec nhìn nàng một lát, rồi nói với người thợ máy: - Cứ giả sử rằng ai đó đã lắp ráp lại để hệ thống phanh không hoạt động được. Còn cách nào khác để làm được điều đó không? Thám tử Campagna nói. - Họ có thể làm ướt má phanh. Elizabeth cảm thấy một cơn kích động chuyển động trong nàng. – Như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thám tử Campagua trả lời: - Khi má phanh ép vào mâm, nó sẽ không bám. Người thợ máy gật đầu. - Ông ấy nói đúng. Điều duy nhất là… - Anh ta quay sang Elizabeth. - Hệ thống phanh có hoạt động khi cô bắt đầu lái không? Elizabeth nhớ lại mình đã dùng phanh khi lùi ra khỏi ga ra và thêm một lần nữa khi nàng đi tới khúc cua đầu tiên. - Có. - Nàng trả lời. - Chúng hoạt động tốt. - Đó là câu trả lời, - người thợ máy hân hoan nói. - Phanh của cô đã bị ướt khi trời mưa. - Khoan đã, - Alec phản đối, - Tại sao ai đó không thể làm ướt má phanh trước khi cô ấy đi? - Bởi vì, - người thợ máy kiên nhẫn nói, - nếu phanh bị ướt trước khi cô ấy đi, cô ấy sẽ không thể phanh được vào lúc đầu! Ông cảnh sát trưởng quay sang Elizabeth. - Mưa có thể rất nguy hiểm, cô Roffe. Nhất là trên những con đường núi hẹp. Chuyện nầy cũng thường xáy ra. Alec nhìn Elizabeth, không biết phải làm gì tiếp theo. Nàng thấy mình như một kẻ ngớ ngẩn. Xét cho cùng thì đó đã là một tai nạn. Nàng muốn ra khỏi đây. Nàng nhìn ông cảnh sát trưởng. - Tôi… tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông. - Khách sáo. Đây là một chuyện thú vị. Ý tôi… tôi rất lấy làm tiếc về chuyện xảy ra với cô, nhưng tôi luôn vui lòng được phục vụ cô. Thám tử Campagna đây sẽ đưa cô về nhà. * * * * * Alec nói với nàng: - Nếu cháu không thấy phiền lời nói của chú, cháu yêu, trông cháu nhợt nhạt quá. Bây giờ chú muốn cháu vào giường nằm nghỉ ít ngày. Chú sẽ mua các thứ thực phẩm qua điện thoại. - Nếu cháu cứ nằm ở trên giường thế nầy thì ai sẽ nấu cơm? - Chú, - Alec khẳng định. Ông nấu cơm chiều hôm đó và mang đến tận giường cho Elizabeth. - Chú e rằng mình không phải là một đầu bếp giỏi - ông vui vẻ nói khi đặt cái khay xuống trước mặt nàng. Đó là lời nói sai nhất trong năm, Elizabeth nghĩ. Alec là một đầu bếp dở khủng khiếp. Tất cả các món ăn nếu không quá lửa thì cũng là chưa chín hoặc mặn chát. Nhưng nàng vẫn cố nuốt, một phần vì đói, một phần vì không muốn làm Alec tự ái. Ông ngồi cạnh nàng, kể những câu chuyện vui nho nhỏ. Không hề có một từ nào về việc nàng đã xử sự như một con ngốc ở đồn cảnh sát. Nàng yêu ông vì chuyện đó. Hai người ở trọn hai ngày tiếp theo đó trong toà biệt thự, Elizabeth nằm trên giường, Alec thì lăng xăng lo mọi việc, nấu ăn, đọc sách báo cho nàng nghe. Hình thư với Elizabeth trong suốt thời gian đó chuông điện thoại không hề ngừng reo. Ivo và Simonetta ngày nào cũng gọi đến hỏi thăm, còn Hélène và Charles, và cả Walther nữa. Vivian cũng có gọi. Tất cả bọn họ đều đề nghị được đến ở cùng nàng. - Cháu đã thật sự ổn rồi, - nàng bảo họ. - Mọi người không cần phải đến đây nữa. Vài ngày tới cháu sẽ trở về Zurich. Rhys Williamss gọi đến. Elizabeth không nhận ra mình đã nhớ anh xiết bao cho đến khi nàng nghe thấy giọng nói của anh. - Anh nghe nói em đã nhường Hélène, - anh đùa nhưng nàng có thể nghe thấy sự quan tâm trong giọng anh. - Sai rồi. Em chỉ chạy từ trên núi xuống thôi mà. Thật không thể tin nổi nàng lại có thể nói đùa về chuyện đó. Rhys nói: - Anh rất mừng vì em không làm sao, Liz. Tiếng nói của anh cũng như lời nói của anh đã sưởi ấm nàng. Nàng tự hỏi có phải anh đang ở cùng người đàn bà khác, và không biết cô ta là ai. Dĩ nhiên đó là một người rất xinh đẹp. Mặc xác cô ta. - Em có biết mình được đăng trên các hàng tít lớn không? - Rhys hỏi. - Không. - "Nữ thừa kế suýt chết trong một tai nạn xe hơi. Chỉ vài tuần sau cái chết của người bố, một con người nổi tiếng…". Em có thể tự viết lấy phần còn lại. Họ nói chuyện qua điện thoại suốt nửa tiếng đồng hồ và khi Elizabeth gác máy nàng đã cảm thấy khá hơn rất nhiều. Rhys có vẻ thật sự quan tâm đến nàng, lo lắng cho nàng. Nàng thắc mắc không biết có phải anh đã làm cho tất cả đàn bà quen anh có cái cảm giác đó không. Đó là một phần sức quyến rũ của anh. Nàng nhớ lại họ đã cùng nhau ăn mừng sinh nhật như thế nào. "Bà Rhys Williams". Alec đi vào phòng ngủ. Ông nói: - Trông cháu như con mèo Chesire vậy. - Thật sao? Rhys vẫn luôn làm cho nàng có cảm giác như vậy. Có thể, nàng nghĩ, mình nên cho Rhys biết về bản báo cáo mật đó. Alec đã sắp xếp một chiếc máy bay riêng của tập đoàn chở họ về Zurich. - Chú không muốn đưa cháu về sớm thế nầy, - ông nói với vẻ hối lỗi, - nhưng có vài vấn đề cấp bách cần quyết định. Chuyến bay đến Zurich bình an vô sự. Có rất nhiều phóng viên tụ tập tại sân bay. Elizabeth kể ngắn gọn vụ tai nạn của nàng và sau đó Alec đưa nàng an toàn vào chiếc limousine trở về tổng hành dinh của tập đoàn. * * * * * Nàng ở trong phòng họp cùng tất cả các thành lên hội đồng quản trị và cả Rhys cũng có mặt. Buổi họp diễn ra trong suốt ba giờ đồng hồ, bầu không khí sặc mùi xì gà và thuốc lá. Elizabeth vẫn còn bị chấn động sau vụ tai nạn và đầu nàng đau nhức. Không có gì phải lo, cô Roffe. Khi cơn chấn động ngừng hẳn, cô sẽ không còn thấy đau đầu nữa. Nàng nhìn quanh căn phòng, vào những khuôn mặt căng thẳng, giận dữ. - Cháu quyết định không bán. Elizabeth nói với họ. Họ nghĩ rằng nàng thất thường và bướng bỉnh. Nếu như họ biết được rằng nàng đã nhượng bộ đến nơi rồi. Nhưng bây giờ thì chuyện đó không có nữa. Ai đó trong phòng nầy là kẻ thù của nàng. Nếu nàng bỏ cuộc, kẻ đó sẽ chiến thắng. Tất cả bọn họ đều cố thuyết phục nàng, mỗi người một kiểu. Alec nói vừa phải: - Roffe và các con đang cần một chủ tịch có kinh nghiệm, Elizabeth. Đặc biệt là lúc nầy đây. Vì quyền lợi của cháu, và cũng vì mọi người khác, chú mong muốn được thấy cháu rời khỏi đây. Ivo sử dụng sự quyến rũ của mình. - Cháu là một cô gái xinh đẹp, Carissima. Cả thế giới nầy là của cháu. Tại sao cháu lại muốn trở thành nô lệ cho cái việc kinh doanh buồn tẻ nầy khi mà cháu có thể ra ngoài, tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, đi du lịch… - Cháu đã đi du lịch rồi, - Elizabeth nói. Charles sử dụng tính lô gic của người Pháp. - Cháu bất ngờ nắm giữ số cổ phầan điều hành qua một tai nạn khủng khiếp, nhưng như thế không có nghĩa là cháu phải cố điều hành tập đoàn. Chúng ta đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Cháu chỉ làm cho mọi sự nghiêm trọng hơn thôi. Walther nói thẳng: - Tập đoàn đã gặp quá đủ rắc rối rồi. Cháu không biết chúng nhiều thế nào đâu. Nếu bây giờ cháu không bán thì sẽ quá muộn đấy. Elizabeth cảm thấy như đang ở giữa vòng vây. Nàng lắng nghe tất cả, quan sát bọn họ, đánh giá những gì họ đang nói. Ý kiến của mỗi người trong bọn họ đều vì lợi ích của tập đoàn - nhưng lại có một người muốn phá hoại tập đoàn. Một việc đã sáng tỏ. Tất cả bọn họ đều muốn nang rời khỏi đây, cho phép họ bán cổ phần của họ, đưa người ngoài vào tiếp quản Roffe và các con. Elizabeth biết rằng giây phút mà nàng làm điều đó thì cơ hội tìm ra ai đứng đằng sau cũng kết thúc luôn. Miễn là nàng còn ở đây thì nàng còn có thể tìm ra kẻ phá hoại. Nàng sẽ ở đây đến khi nào nàng cần. Nàng đã không trải qua ba năm vừa rồi với Sam mà không học được chút kiến thức gì về kinh doanh. Với sự giúp đỡ của các đồng sự nhiều kinh nghiệm mà ông đã tạo dựng nên, nàng sẽ tiếp tục chính sách của bố nàng. Áp lực từ phía hội đồng quản trị buộc nàng ra đi chỉ làm cho nàng tăng thêm quyết tâm ở lại Nàng quyết định đã đến lúc kết thúc cuộc họp. - Cháu đã quyết định rồi, - Elizabeth nói. - Cháu không có ý định điều hành tập đoàn một mình. Cháu thấy rằng cháu còn cần phải học hỏi nhiều. Cháu biết cháu có thể dựa vào sự giúp đỡ của tất cả các chú. Chúng ta sẽ giải quyết từng vấn đề một. Nàng ngồi ở đầu bàn, vẫn còn xanh xao, trông nhỏ bé và yếu ớt. Ivo vung tay lên một cách vô vọng. - Không ai thuyết phục được cô ấy sao? Rhys quay sang Elizabeth và mỉm cười: - Tôi nghĩ tất cả sẽ phải đồng ý với những gì quý cô đây muốn làm. - Cám ơn Rhys. - Elizabeth nhìn những người khác - Còn một chuyện nữa. Bởi vì cháu thay chỗ của bố cháu nên cháu nghĩ tốt nhất là phải chính thức hoá nó. Charles nhìn nàng. - Ý của cháu… là cháu muốn trở thành chủ tịch? - Đúng vậy, - Alec lạnh lùng nhắc, - Elizabeth đã là chủ tịch rồi. Cô ấy chỉ đơn thuần cho chúng ta biết nên lịch sự xử sự tình huống nầy mà thôi. Charles lưỡng lự rồi nói: - Được. Tôi đồng ý rằng Elizabeth được bổ nhiệm vào chức vụ chủ tịch của Roffe và các con. - Tôi đồng ý. - Walther nói. Đề nghị được thông qua. Thật là một giai đoạn đen tối cho các vị chủ tịch, hắn buồn bã nghĩ. Có quá nhiều người bị ám sát. Chương 21 Không một ai khác có thể nhận thức rõ hơn Elizabeth về trách nhiệm to lớn mà nàng phải gánh vá còn điều hành tập đoàn thì công ăn việc làm của hàng nghìn người còn phụ thuộc vào nàng. Nàng cần sự giúp đỡ nhưng nàng lại không biết mình có thể tin tưởng vào ai. Alec, Rhys và Ivo là những người nàng muốn tin cậy nhất, nhưng nàng vẫn chưa sẵn sàng. Còn quá sớm. Nàng cho gọi Kate Erling. - Vâng, thưa cô Roffe. Elizabeth do dự, tự hỏi nên bắt đầu thế nào đây. Kate Erling đã làm việc cho bố nàng nhiều năm nay. Bà ta nhất định phải có cảm giác về những khuynh hướng ngầm chảy bên dưới bề mặt yên tĩnh dễ gây lầm lẫn. Bà ta sẽ biết rõ về những hoạt động bên trong của tập đoàn, về cảm giác của Sam Roffe, những kế hoạch của ông. Kate Erling sẽ là một đồng minh vững chắc. Elizabeth nói: - Bố tôi đang giữ một bản báo cáo mật dành riêng cho ông, Kate. Bà có biết gì về chuyện đó không? Kate Erling cau mày, tập trung suy nghĩ, rồi lắc đầu; - Ông ấy không nói gì về chuyện ấy với tôi, thưa cô Roffe. - Elizabeth cố thăm dò cách khác. - Nếu như bố tôi muốn làm một cuộc điều tra mật, thì ông sẽ nhờ ai thực hiện? Lần nầy là câu trả lời không do dự. - Ban an ninh của chúng ta. Nơi cuối cùng Sam nhờ đến. - Cám ơn. - Elizabeth nói. Nàng không thể nói với ai được nữa. * * * * * Trên bàn là bản báo cáo tình hình tài chính hiện tại Elizabeth càng đọc càng mất tinh thần, và nàng cho mời kiểm soát viên của tập đoàn vào. Tên ông ta là Wilton Kraus. Ông ta trông trẻ hơn Elizabeth tưởng. Sáng sủa, năng nổ, một chút gì tự cao. Tốt nghiệp trường Wharton, nàng quả quyết, hoặc có thể là Harvard. Elizabeth không nói dông dài. - Làm thế nào mà một tập đoàn như Roffe và các con lại rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính? Kraus nhìn nàng và nhún vai. Ông ta hoàn toàn không quen báo cáo với đàn bà. Ông ta nhún nhường nói: - Vâng, nói ra thì rất là rắc rối… - Chúng ta hãy bắt đầu từ thực tế! - Elizabeth nói cộc lốc - Rằng cho tới hai năm trước đây Roffe và các con vẫn hoạt động bằng nguồn tài chính riêng của tập đoàn. Nàng thấy gương mặt ông ta thay đổi, và cố gắng điều chỉnh. - Vâng… vâng, thưa cô. - Vậy tại sao bây giờ lại nợ ngân hàng nhiều như vậy? Ông ta nuốt khan rồi trả lời: - Vài năm trước, chúng ta đã có thời kỳ mở rộng một cách bất thường. Bố cô và các uỷ viên hội đồng quản trị cảm thấy việc khai thác tiềm năng bằng cách vay ngân hàng các khoản nợ ngắn hạn là tốt hơn cả. Chúng ta hiện nay còn giữ bản cam kết với nhiều ngân hàng đã vay tiền, số tiền là sáu trăm năm mươi triệu đô la. Một số món nợ trong đến nay đã đến hạn. - Quá hạn, - Elizabeth sửa chữa lại. - Vâng, thưa cô. Quá hạn. - Chúng ta trả lãi suất ban đầu cộng thêm một phần trăm và tiền phạt. Tại sao chúng ta không trả dứt các món nợ quá hạn và giảm bớt số nợ ở những chỗ khác? Ông ta đã không còn thấy ngạc nhiên nữa. - Bởi vì e hèm… qua các sự việc không may xảy ra gần đây, lượng tiền mặt của tập đoàn đã bị hao hụt nhiều hơn dự tính. Trong các trường hợp bình thường thì chúng ta sẽ xin gia hạn trả nợ. Tuy nhiên, với các vấn đề hiện tại chúng ta, việc giải quyết các tranh chấp, các thí nghiệm thất bại, và… - Giọng ông ta nhỏ dần. Elizabeth ngồi đó, ngắm nhìn ông ta, tự hỏi ông ta làa phe nào. Nàng nhìn xuống bảng cân đối thu chi lần nữa, cố tìm ra đâu là điểm sai trái. Nó chỉ ra một sự tụt dốc rõ nét trong ba quý vừa qua, chủ yếu là vì các khoản tiền lớn trả cho các vụ kiện cáo được liệt kê trong cột "Chi tiêu đặc biệt, không định kỳ". Nàng hình dung ra vụ nổ ở Chili, đám mây các chất hoá học độc hại bao trùm cả bầu trời. Nàng có thể nghe thấy tiếng gào thét của các nạn nhân. Mười hai người chết. Hàng trăm người khác phải vào bệnh viện. Và cuối cùng tất cả nỗi đau và sự khổ sở của con người đều được quy ra tiền, trong cột "Chi tiêu đặc biệt" (không định kỳ). Nàng ngước lên nhìn Wilton Kraus. - Theo bản báo cáo của ông, ông Kraus, các vấn đề của chúng ta chỉ có tính tạm thời. Chúng ta là Roffe và các con. Chúng ta là mối nguy hiểm số một cho các ngân hàng trên thế giới! Đến lượt ông ta quay sang nhìn nàng. Sự kiêu kỳ đã biến mất, thay vào đó là sự cảnh giác. - Cô nên hiểu rằng, cô Roffe, - ông ta bắt đầu thận trọng, - danh tiếng của một tập đoàn dược phẩm cũng quan trọng như chính sản phẩm của nó. Ai đã từng nói điều nầy với nàng? Bố nàng? Alec? Nàng nhớ lại. Rhys. - Xin ông nói tiếp. - Các vấn đề của chúng ta đã trở nên nổi tiếng. Thế giới kinh doanh là một khu rừng rậm. Nếu các đối thủ của cô nghi ngờ rằng cô đã bị thương, họ sẽ tiến đến giết cô. - ông ta lưỡng lự, rồi nói thêm. - Họ đang tiến đến để tiêu diệt chúng ta. - Nói một cách khác, - Elizabeth trả lời, - các ngân hàng của các đối thủ của chúng ta và các ngân hàng của chúng ta cũng vậy. Ông ta tặng cho nàng một nụ cười khen ngợi ngắn ngủi. - Chính xác. Số tiền cho vay của các ngân hàng cũng chỉ có giới hạn. Nếu họ bị thuyết phục rằng A nguy hiểm hơn B… - Và họ có nghĩ thế không? Ông ta luồn ngón tay vào mái tóc, vẻ hồi hộp. - Từ ngày bố cô qua đời, tôi có nghe được vài cú điện thoại của Herr Julius Badrutt. Ông ta lãnh đạo hệ thống ngân hàng mà chúng ta giao dịch. - Herr Badrutt muốn gì? - Nàng biết được chuyện gì đang đến. - Ông ta muốn biết ai sẽ là tân chủ tịch của Roffe và các con? - Ông có biết ai là tân chủ tịch không? - Elizabeth hỏi. - Không, thưa cô. - Chính là tôi. - Nàng nhìn ông ta đang cố giấu đi vẻ sự ngạc nhiên. - Theo ông nghĩ thì chuyện gì sẽ xảy ra khi Herr Badrutt biết được tin nầy? - Ông ta sẽ chĩa mũi nhọn vào chúng ta, - Wilton Kraus nói thẳng. - Tôi sẽ nói chuyện với ông ta. - Elizabeth nói. Nàng ngả người vào lưng ghế và mỉm cười. - Ông dùng một tách cà phê nhé? - Tại sao lại… cô thật tốt bụng. Vậy, cám ơn cô. Elizabeth nhìn ông ta thư giãn. Ông ta có cảm giác rằng nàng đang thử mình và cảm thấy đã vượt qua được. - Tôi muốn ông cho một lời khuyên, - Elizabeth nói. - Nếu ông ở vị trí của tôi, ông Kraus, ông sẽ làm gì? Thái độ kiêu kỳ lập tức quay trở lại: - Được. - ông ta tự tin nói, - vấn đề rất đơn giản. Roffe và các con có nhiều tài sản to lớn. Nếu chúng ta bán hạ giá một số lớn cổ phần ra ngoài, chúng ta có thể dễ dàng có đủ tiền để trả nợ ngân hàng. Bây giờ thì nàng đã biết ông ta đứng về phía nào. Chương 22 HAMBURG Thứ sáu mồng 1 tháng Mười2 giờ sáng Gió từ ngoài biển thổi vào, bầu không khí của buổi sáng sớm thật lạnh lẽo và ẩm ướt. Trên các con phố của khu Reeperbahn ở Hamburg chật ních các du khách háo hức đi thử những thú vui bị cấm của thành phố tội lỗi. Reeperbahn cung cấp tất cả các mùi vị một cách vô tư. Rượu, ma tuý, gái điếm hoặc đĩ đực, tất cả đều sẵn sàng với mọi giá. Những quán rượu có chủ là đàn bà thắp đèn loè loẹt trên các con phố chính, trong khi đó ở Grosse Freiheit đang biểu diễn các show thoát y dâm dật. Herbertstrasse, cách đó một dãy nhà, dành riêng cho người đi bộ, hai bên phố là các cô gái điếm ngồi thành hàng bên trong các cửa sổ nhà họ, phô phang mọi thứ trên cơ thể qua chiếc áo ngủ mỏng tang, bẩn thỉu không che giấu gì hết. Khu Reeperbahn là một cái chợ rộng lớn, một cửa hàng thịt người, nơi bạn có thể chọn bất kỳ xúc thịt nào mà bạn đủ tiền trả. Đối với người khắt khe thì đây là tình dục đơn giản, kiểu truyền giáo, còn đối với những người thích nhiều thứ thì nơi đây có quá đầy đủ các trò dâm ô đê tiện cho họ thưởng thức. Ở khu Reeperbahn, bạn có thể mua một cô bé hoặc cậu bé mười hai tuổi, hoặc lên giường với cả bà mẹ và cô con. Nếu sở thích của bạn hơi kỳ quặc, bạn có thể để bị đánh bằng roi cho đến khi đạt tới cực khoái. Bạn cũng có thể tổ chức một cuộc truy hoan trong một phòng ngủ bốn bức tường là gương với nhiều cô gái và chàng trai tuỳ theo sức khoẻ của bạn. Khu Reeperbahn tự hào rằng nó có thể đáp ứng được tất cả mọi người. Những cô điếm trẻ mặc váy ngắn và áo khoác bó lượn lờ trên các vỉa hè, gạ gẫm đàn ông đàn bà và thậm chí cả các cặp trai gái đi qua. Người quay phim chậm rãi bước dọc theo phố, là đối tượng cho cả tá gái điếm và các chàng trai đánh má hồng. Anh ta phớt lờ tất cả cho đến khi tới gần một cô gái tuổi không quá mười tám. Cô ta có mái tóc vàng óng. Cô ta đang đứng dựa lưng vào tường và nói chuyện với bạn. Cô ta quay sang người đàn ông đang tiến tới và mỉm cười. - Anh có muốn một bữa tiệc không, anh yêu! Em và bạn em sẽ cho anh một màn đầy thú vị đấy! Người đàn ông nhìn cô ta rồi nói: - Chỉ mình em thôi. Cô kia nhún vai và bỏ đi. - Em tên là gì? - Hildy. - Em có muốn lên phim không, Hildy? - Người quay phim hỏi. Cô gái trẻ nhìn anh ta bằng cặp mắt lạnh lùng. - Lạy Chúa! Anh không định giở trò minh tinh Hollywood với em đấy chứ? Anh ta mỉm cười trấn an. - Không, không. Đây là lời đề nghị thành thật. Đó là phim sex. Anh quay cho một người bạn. - Thế thì giá là năm trăm mác. Trả tiền trước. - Tốt. Cô ta lấy làm hối hận vì đã không đòi thêm. Được, cô ta sẽ tìm cách xin anh ta tiền thưởng. - Em phải làm gì đây? - Hildy hỏi. * * * * * Hildy đang hồi hộp. Cô ta trần truồng nằm dài trên giường trong căn phòng ngủ nhỏ đồ đạc tồi tàn, nhìn ba người còn lại và nghĩ ngợi. Có cái gì không ổn ở đây. Bản năng của cô ta đã được mài dũa trên các đường phố Berlin, Munich và Hamburg. Cô ta đã học cách tin tưởng. Có cái gì đó ở những người nầy khiến cho cô ta không tin được. Cô ta muốn ra khỏi đây trước khi mọi chuyện bắt đầu nhưng họ đã trả trước cho cô năm trăm mác, và hứa cho cô ta thêm năm trăm mác nữa làm tốt. Cô ta sẽ làm tốt. Cô ta là một tay chuyên nghiệp và tự hào về công việc của mình. Cô ta quay sang người đàn ông trên giường, bên cạnh cô ta. Trông anh ta khoẻ mạnh và có vóc dáng dẹp, thân hình không có một sợi lông nào. Chỉ có bộ mặt khiến Hildy bận tâm. Anh ta quá già cho thể loại phim nầy. Nhưng vị khán giả ngồi yên trong góc mới làm Hildy bận tâm nhất. Người nầy mặc một chiếc áo khoác dài, đội một cái mũ lớn và đeo kính đen. Hildy thậm chí không biết được đây là đàn ông hay đàn bà. Cảm giác có vẻ không ổn. Hildy sờ dải băng đỏ buộc quanh cổ, tự hỏi tại sao họ lại bẳt cô ta đeo nó. Người quáy phim nói: - Được rồi. Tất cả sẵn sàng. Diễn. Tiếng máy quay kêu xè xè. Hildy đã được dặn trước phải làm gì. Người đàn ông nằm ngửa ra. Hildy bắt tay vào việc. - Cô ta bắt đầu làm một vòng, đùng cặp môi và cái lưỡi điêu luyện bắt đầu từ tai người đàn ông xuống cổ, qua ngực, bụng và tiếp tục xuống dưới, giữa hai chân, rồi đùi, rồi các ngón chân, quan sát thái độ của anh ta. Rồi cô ta lại ngược lên trên, từ từ, nhẹ nhàng. Người đàn ông bây giờ đã hoàn toàn cương lên, rắn như đá. - Đi vào cô ta, - Tiếng người quay phim. Người đàn ông leo lên người cô ta, và bắt đầu đi vào. Hildy đã quên hết nỗi sợ hãi ban đầu. Cảm giác thật tuyệt vời. - Mạnh lên anh yêu! - Cô ta gào lên. Người đàn ông đã hoàn toàn ở trong cô ta, và Hildy bắt đầu cử động cùng anh ta. Ở cuối căn phòng, vị khán giả chồm người về phía trước, theo dõi từng cử động. Cô gái trên giường đã nhắm mắt lại. - Cô ta đang làm hỏng mọi việc. - Mắt cô ta! - Vị khán giả la lên. Người đạo diễn nói to: - Mở mắt ra? Hildy giật mình mở mắt ra. Cô ta nhìn người đàn ông ở bên trên mình. Anh ta rất khoẻ - Đây là loại mà cô ta thích. Cứng rắn và mạnh mẽ. Anh ta chuyển động nhanh hơn và cô ta cũng bắt đầu nhanh lên. Thông thường thì cô ta không đạt được cực khoái nếu không có cô bạn của mình. Với những khách hàng khác thì cô ta giả vờ và họ không thể nào nhận ra được sự khác biệt. Nhưng người quay phim đã cảnh cáo cô ta rằng nếu cô ta không đạt được cực khoái thì sẽ không được nhận tiền thưởng. Và bây giờ cô ta cố gắng thả lỏng đầu óc mà nghĩ đến những thứ đẹp đẽ sẽ mua bằng số tiền nầy, và cảm thấy bắt đầu lên đến tột đình. - Mạnh lên! Mạnh lên! - Cô ta gào lên. Thân hình cô ta quằn quại. - Ah… - Cô ta hét lên. Vỉ khán giả gật đầu và người quay phim nói to: - Nào! Đôi tay người đàn ông di chuyển về phía cổ cô gái. Những ngón tay to tướng của anh ta quấn quanh khí quản và siết chặt. Cô ta nhìn vào mắt anh ta và hiểu được mọi chuyện, lòng tràn ngập kinh hoàng. Cô ta cố hét to, nhưng đã không thể thở được nữa. Cô ta giẫy dụa điên cuồng để thoát ra, thân hình co giật trong khoái lạc, nhưng người đàn ông vẫn ghì chặt xuống. Không có lối thoát. Vị khán giả chìm vào sự thích thú, nhìn vào cặp mắt cô gái đang giẫy chết, quan sát cô ta bị trừng phạt. Thân hình cô gái giật mạnh một lần nữa rồi nằm im, bất động. Chương 23 ZURICH Thứ hai, mồng 4 tháng Mười, 10 giờ sáng Khi Elizabeth đến v một phong bì dán ín ghi chữ "MẬT" - có đề tên nàng đã nằm ở trên bàn. Nàng mở nó ra. Ở bên trong là một bản báo cáo của phòng thí nghiệm hoá chất. Bên dưới ký tên "Emil Joeppli". Bản báo cáo đầy những thuật ngữ chuyên môn và Elizabeth đọc nó mà chẳng hiểu gì hết. Rồi nàng đọc lại. Lại lần nữa. Lần sau cha id="filepos441901">m hơn lần trước. Cuối cùng thì nàng đã nắm bắt được ý nghĩa của nó, nàng nói với Kate: - Một giờ nữa tôi sẽ quay lại, Và nàng đi tìm Emil Joeppli. Đó là một người đàn ông khoảng ba mươi lăm tuổi, cao, mặt mũi gầy guộc đầy tàn nhang, có một cái đầu hói với lưa thưa vài sợi tóc đỏ. Ông ta bồn chồn một cách khó chịu, dường như là không quen tiếp khách trong căn phòng thí nghiệm nhỏ bé nầy. - Tôi đã đọc báo cáo của ông, - Elizabeth nói, - Có nhiều vấn đề tôi chưa được rõ lắm. Tôi không biết ông có vui lòng giải thích cho tôi không? Ngay lập tức, vẻ bồn chồn của Joeppli biến mất. Ông ta ngồi thẳng người lên, quả quyết và tự tin, bắt đầu nhanh nhẹn nói: - Tôi đang làm thí nghiệm phương pháp vi phân ức chế nhanh các collagen bằng cách dùng các kỹ thuật ngăn chặn mucopolysaccharide và enzyme. Collagen, dĩ nhiên nó là protein cơ bản của tất cả các mô liên kết. - Tất nhiên, - Elizabeth nói. Nàng thậm chí còn không cố gắng tìm hiểu phần kỹ thuật mà Joeppli đang nói. Điều mà Elizabeth hiểu là công trình của ông ta đang làm có thể trì hoãn được bệnh lão hoá. Đó là một khái niệm hấp dẫn. Nàng ngồi đó, yên lặng lắng nghe, nghĩ về ý nghĩa của công trình sẽ làm thay đổi cuộc sống của mọi người trên thế giới. Theo Joeppli, không có lý do gì mà con người không thể sống tới một trăm, hoặc một trăm năm mươi, hoặc hai trăm tuổi cả. - Thậm chí cũng không cần đến một mũi tiêm nào! - Joeppli nói với Elizabeth. - Với công thức nầy, các thành phần thuốc có thể tổng hợp lại dưới dạng thuốc viên hoặc con nhộng. Các khả năng đưa ra thật là một đòn choáng váng. Ý nghĩa của nó không kém gì một cuộc cách mạng xã hội. Hàng tỉ đô la sẽ thuộc về Roffe và các con. Họ sẽ tự chế tạo nó, hoặc cấp giấy phép cho công ty khác sản xuất nó. Sẽ không có người nào quá năm mươi tuổi lại không uống một viên để giữ cho cơ thể sự trẻ trung. Elizabeth khó giấu được sự kích động của nàng. - Ông đã nghiên cứu nó bao lâu rồi? - Như đã viết trong báo cáo, tôi đã làm thí nghiệm nầy trên thú vật suốt bốn năm qua. Tất cả các kết quả hiện nay đều rất khả quan. Đã sẵn sàng để làm thí nghiệm trên cơ thể người. Nàng thích sự nhiệt tình của ông ta. - Còn ai khác biết việc nầy không? - Elizabeth hỏi. - Bố của cô. Đây là công trình "Hồ Sơ Đỏ". Tối mật. Điều đó có nghĩa là tôi chỉ báo cáo lên cho chủ tịch tập đoàn và một thành viên hội đồng quản trị mà thôi. Bỗng nhiên Elizabeth thấy ớn lạnh. - Thành viên nào? - Ông Walther Gassner. Elizabeth ngồi yên một lát. - Kể từ lúc nầy, - nàng nói, - Tôi muốn ông báo cáo trực tiếp cho tôi. Và chỉ mình tôi thôi. Joeppli ngạc nhiên nhìn nàng. - Vâng, cô Roffe. - Bao lâu nữa thì chúng ta có thể tung sản phẩm nầy ra thị trường? - Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp, thì khoảng mười tám đến hai mươi tư tháng nữa kể từ hôm nay. - Tốt. Nếu ông cđiều gì, tiền, trợ giúp, thiết bị… cứ cho tôi biết. Tôi muốn ông tiến hành càng nhanh càng tốt. - Vâng, thưa cô. Elizabeth đứng dậỳ, và ngay lập tức Emil nhảy dựng lên. - Rất vui vì đã được gặp cô. - Ông ta mỉm cười, và bẽn lẽn nói thêm, - Tôi rất thích bố cô. - Cám ơn. - Elizabeth nói. Sam đã biết công trình nầy phải chăng đây là một lý do nữa để ông từ chối bán cổ phần. Ra đến cửa Emil Joeppli quay sang Elizabeth. - Nó sẽ có hiệu quả tốt với con người? - Đúng. - Nàng trả lời. - Dĩ nhiên là như thế. Nó phải như thế. * * * * * - Xử lý một dự án Hồ Sơ Đỏ như thế nào? - Kate Erling hỏi lại. - Từ lúc bắt đầu. - Vâng. Như cô biết, chúng ta có hàng trăm sản phẩm mới đang ở các cấp độ thí nghiệm khác nhau. Chúng… - Ai cho phép chúng? - Dựa theo số tiền, các cấp quản lý khác nhau sẽ có quyền giải quyết. - Kate Erling nói. - Số tiền là bao nhiêu? - Năm mươi nghìn đô la. - Hơn thế thì sao? - Thì phải được hội đồng quản trị thông qua. Dĩ nhiên, một công trình chưa được liệt vào loại Hồ Sơ Đỏ khi chưa vượt quá các thử nghiệm ban đầu. - Bà muốn nói đến khi nó có khả năng thành công? - Elizabeth hỏi. - Đúng vậy. - Nó được bảo vệ thế nào? - Nếu đó là một công trình quan trọng, tất cả công việc sẽ được chuyển tới một trong những phòng thí nghiệm có hệ thống an ninh cao cấp của chúng ta. Và toàn bộ giấy tờ sẽ được chuyển từ các hồ sơ thông thường sang các Hồ Sơ Đỏ. Chỉ có ba người được phép sử dụng nó. Đó là nhà khoa học phụ trách công trình, chủ tịch tập đoàn và một thành viên trong hội đồng quản trị. - Ai quyết định thành viên đó là ai? - Elizabeth hỏi. - Bố cô đã chọn Walther Gassner. Ngay khi vừa nói xong, Kate Erling đã nhận ra sai lầm của mình. Hai người phụ nữ nhìn nhau và Elizabeth nói: - Cám ơn, Kate. Thế là đủ rồi. Elizabeth không nhắc gì đến công trình của Joeppli. Nhưng Kate biết Elizabeth đang nói về vấn đề gì. Có hai khả năng xảy ra. Hoặc là Sam tin tưởng bà ta và đã cho bà ta biết về công trình của Joeppli, hoặc là bà ta đã tự tìm hiểu nó. Cho một người khác. Đây là chuyện rất quan trọng, không cho phép bất cứ một sai lầm nào. Nàng sẽ tự kiểm tra. Và nàng phải nói chuyện với Walther Gassner. Nàng quay điện thoại rồi dừng lại. Có một cách tốt hơn. Chiều tối hôm đó, Elizabeth đã có mặt trên chuyến bay thương mại đi Berlin. * * * * * Walther Gassner có vẻ hồi hộp. Hai người ngồi tại một bàn nhỏ trong góc ở phòng ăn trên lầu của quán Papillon ở Kurfurstendamm. Mỗi khi Elizabeth đến Berlin, Walther vẫn luôn chèo kéo Elizabeth về nhà ông ăn tối cùng Anna và ông. Nhưng lần nầy thì chuyện đó không hề xảy ra. Ông đã đề nghị gặp mặt ở quán ăn nầy. Và không dẫn Anna đi cùng. Walther Gassner vẫn còn vẻ bảnh bao, đẹp trai của một minh tinh màn bạc, nhưng làn da ông đã có những vết nhăn nheo. Sự căng thẳng hiện rõ trên mặt ông còn đôi tay thì không ngừng cử động. Hình như ông đang trong trạng thái căng thẳng dị thường. Khi Elizabeth hỏi đến Anna, Walther có vẻ lấp liếm: - Anna không được khoẻ. Cô ấy không thể đến được. - Có nghiêm trọng lắm không? - Không, không. Cô ấy sẽ khoẻ thôi. Cô ấy đang nghỉ ngơi ở nhà. - Để cháu gọi điện cho - Tốt hơn là cháu không nên quấy rầy cô ấy. Đó là một cuộc nói chuyện gượng gạo, hoàn toàn không giống Walther, người mà Elizabeth vẫn luôn nhận thấy cởi mở và thân thuộc. Nàng nói đến vấn đề của Emil Joeppli. - Điều chúng ta cần là ông ta phải tiến hành một cách nhanh chóng. - Elizabeth nói. Walther gật đầu. - Nó sẽ vĩ đại đấy. - Cháu đã bảo ông ấy không cần báo cáo lại cho chú nữa, - Elizabeth nói với ông. Đôi tay Walther bỗng nhiên dừng lại. Nó như một tiếng quát. Ông nhìn Elizabeth và hỏi: - Sao cháu lại làm thế? - Hoàn toàn không quan hệ đến chú, Walther. Cháu sẽ làm y hệt như vậy với các thành viên khác trong hội đồng quản trị. Đơn giản là cháu muốn giải quyết theo cách riêng của mình. - Ông gật đầu. - Chú hiểu. - Nhưng đôi tay ông vẫn nằm im trên bàn. - Dĩ nhiên là cháu có quyền. - Ông cố gượng cười và Elizabeth thấy rõ sự gắng gượng của ông. - Elizabeth, - ông nói, - Anna có một số cổ phần trong tập đoàn. Cô ấy không thể bán nó ra nếu cháu không cho phép. Chuyện nầy… chuyện nầy vô cùng hệ trọng. Chú… - Cháu xin lỗi, chú Walther. Cháu không thể để cổ phần bị bán ra ngoài vào lúc nầy được. Đôi tay của ông lại bắt đầu cử động. Chương 24 Herr Julius Badrutt là một người đàn ông gầy gò, khó đăm đăm, trông y hệt như con bọ ngựa trong bộ com lê đen. Ông ta không khác gì một que củi, chân tay khẳng khiu, khuôn mặt khô khan không hoàn chỉnh. Ông ta ngồi ngay đó tại bàn họp trong phòng hội đồng quản trị của Roffe và các con, đối diện với Elizabeth. Cùng với ông ta là năm giám đốc ngân hàng khác. Tất cả đều mặc com lê với gi-lê, sơ-mi trắng và cà vạt màu sẫm. Elizabeth nghĩ, họ ít khi xuất hiện với kiểu đồng phục thế nầy. Nhìn qua những đôi măt lạnh lẽo, dửng dưng xung quanh bàn, lòng Elizabeth tràn ngập lo lắng. Trước khi cuộc họp bắt đầu, Kate đã mang vào một khay cà phê và bánh ngọt ngon lành. Đám đàn ông đều đã từ chối. Cũng như họ đã từ chối lời mời đến ăn trưa của Elizabeth. Nàng tin chắc rằng đây là dấu hiệu xấu. Họ đến đây để lấy lại số tiền của họ. Elizabeth nói: - Đầu tiên, tôi muốn được cám ơn tất cả các vị vì đã quá bộ đến đây ngày hôm nay. Có nhiều tiếng đáp khẽ, lịch sự nhưng không rõ ràng. Nàng hít một hơi thở dài. - Tôi mời các vị đến đây là để thảo luận về chuyện gia hạn các khoản nợ mà Roffe và các con đã vay của các vị. Julius Badrutt lắc nhẹ đầu. - Tôi xin lỗi, cô Roffe. Chúng tôi đã thông báo… - Tôi chưa nói xong, - Elizabeth nói tiếp. Nàng liếc quanh căn phòng. - Nếu như tôi là các vị, thưa các vị, tôi sẽ từ chối. Họ nhìn nàng sau đó bối rối nhìn nhau. Elizabeth tiếp tục. - Nếu quý vị quan tâm đến các khoản nợ khi bố tôi điều hành tập đoàn nầy - và ông là một nhà kinh doanh tài giỏi, tại sao quý vị lại gia hạn cho một phụ nữ không chút kinh nghiệm kinh doanh nào? Julius Badrutt lạnh lùng nói: - Tôi nghĩ cô đã tự trả lời câu hỏi của cô, cô Roffe. Chúng tôi không có ý định… Elizabeth nói: - Tôi vẫn chưa nói xong. Họ quan sát nàng với độ cảnh giác cao hơn. Nàng cũng nhìn lại họ, tin chắc rằng mình đã gây được sự chú ý của họ. Họ là các chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ được kính phục, tôn trọng và ghen ghét bởi các đồng nghiệp cỡ nhỏ trong phần còn lại của thế giới tài chính. Họ nhô người về phía trước, chăm chú lắng nghe, thái độ nóng nảy khó chịu được thay thế bằng sự tò mò. - Các vị đều đã biết Roffe và các con từ rất lâu rồi. - Elizabeth tiếp tục. - Tôi chắc rằng đa số các vị biết bố tôi và, nếu có, các vị nhất định phải kính trọng bố tôi. Vài người gật đầu đồng ý. - Tôi cho rằng, - Elizabeth nói tiếp, - các vị đây đã nghẹn cả bữa cà phê sáng khi biết rằng tôi thay thế vị trí của bố tôi. Một người mỉm cười, rồi cười to và nói: - Cô nói khá đúng đấy, cô Roffe. Tôi không muốn tỏ vẻ thiếu lịch sự, nhưng tôi nghĩ tôi đang nói chuyện với các đồng nghiệp về chuyện đó - cô dùng từ gì nhỉ? "Chúng tôi đã nghẹn cả bữa cà phê sáng". Elizabeth khéo léo mỉm cười. - Tôi không trách các vị. Tôi tin rằng tôi cũng sẽ có phản ứng y hệt như vậy. Một giám đốc khác nói: - Tôi rất tò mò, cô Roffe. Bởi vì tất cả chúng tôi đều đồng ý với kết quả của buổi họp nầy, - ông ta dang tay ra rất điệu bộ, - vậy thì tại sao chúng ta còn ở đây. - Các vị ở đây - Elizabeth nói, - bởi vì trong căn phòng nầy là những giám đốc ngân hàng lớn nhất thế giới. Tôi không thể tin rằng các vị lại thành công qua việc nhìn mọi thứ qua vài đồng đô la, vài đồng xu lẻ. Nếu điều đó là sự thật, thì bất cứ một nhân viên kế toán nào cũng có thể điều hành việc làm ăn cho các vị. Tôi tin chắc rằng còn rất nhiều việc đáng làm hơn thế. - Dĩ nhiên là như vậy, - một người khác lẩm bẩm, - nhưng chúng tôi là dân kinh doanh, cô Roffe, và… - Và Roffe và các con cũng là tổ chức kinh doanh. Và còn là kinh doanh lớn. Tôi đã không biết được nó lớn đến đâu cho đến khi ngồi vào chiếc ghế của bố tôi. Tôi không hình dung nổi có bao nhiêu người đã được tập đoàn cứu trên toàn thế giới nầy. Hoặc những cống hiến vĩ đại của chúng tôi cho ngành dược học. Hay cuộc sống của bao nhiêu ngàn người đã dựa vào tập đoàn. - Nếu… Julius Badrutt ngắt lời. - Tất cả đều rất đáng khen, nhưng dường như chúng ta đã đi chệch vấn đề. Tôi biết rằng cô đã được khuyên nên giải phóng bớt cổ phần của tập đoàn, cô sẽ có thừa tiền để trả nợ cho chúng tôi. Sai lầm đầu tiên của ông ta. Elizabeth nghĩ. - Tôi biết rằng cô đã được khuyên. Lời khuyên được đưa ra trong buổi họp riêng của hội đồng quản trị, nơi mọi thứ đều được bảo mật. Ai đó có mặt trong buổi họp đã tiết lộ. Ai đó đang gây sức ép với nàng. Nàng quyết phải tìm ra người đó, nhưng đó là chuyện sau. - Tôi muốn hỏi ông một câu, - Elizabeth nói. - Nếu số nợ của ông được thanh toán liệu ông có quan tâm đến xuất xứ của số tiền không? Julius Badrutt nhìn nàng, đầu óc quay cuồng quanh câu hỏi, cố tìm ra một cái bẫy. Cuối cùng ông ta nói: - Không. Miễn là chúng tôi nhận được đủ số tiền. Elizabeth nghiêng người về phía trước và nói bằng giọng nghiêm trang, - vậy thì không có gì đáng quan tâm nếu các vị được trả nợ bằng tiền bán cổ phần hay từ nguồn tài chính riêng của tập đoàn. Tất cả các vị đều biết rằng Roffe và các con vẫn không ngừng hoạt động. Hôm nay. Ngày mai. Mãi mãi yêu cầu gia hạn thêm một thời gian ngắn. Julius Badrutt chép cặp môi khô khốc và nói: - Tin tôi đi cô Roffe. Chúng tôi đã thông cảm lắm rồi. Chúng tôi hiểu được tình cảnh căng thẳng khủng khiếp mà cô vừa trải qua, nhưng chúng tôi không thể… - Ba tháng, - Elizabeth nói. - Chín mươi ngày. Các vị sẽ nhận thâm một khoản tiền phạt, dĩ nhiên. Không khí xung quanh bàn chợt im lặng. Nhưng đó là sự im lặng từ chối. Elizabeth có thể trông thấy những gương mặt lạnh lùng, chống đối. Nàng quyết định lật con bài cuối cùng. - Tôi… tôi không biết có nên tiết lộ chuyện nầy không, - nàng nói với vẻ do dự thận trọng, - và tôi mong quý vị giữ bí mật cho. - Nàng nhìn quanh và thấy mình đã thu hút được sự quan tâm của họ. - Roffe và các con sắp tung ra một phát minh làm nổ tung toàn bộ ngành công nghiệp dược phẩm. - Nàng dừng lại để làm tăng thêm sự hồi hộp. - Tập đoàn đang chuẩn bị đưa ra một sản phẩm mà doanh thu sẽ vượt xa tất cả các loại sản phẩm khác hiện đang có mặt trên thị trường. Nàng cảm thấy bầu không khí thay đổi. Julius Badrutt là người đầu tiên cắn câu. - L…oại… gì? Elizabeth lắc đầu. - Tôi xin lỗi, Herr Badrutt. Tôi chưa thể nói nhiều hơn thế. Tôi chỉ có thể nói với ông rằng đó sẽ là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử ngành kinh doanh dược phẩm. Nó đòi hỏi một sự phát triển mạnh mẽ với các khả năng hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải tăng chúng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải tìm thêm nguồn tài chính mới trên quy mô lớn. Các vị giám đốc nhìn nhau, im lặng trao đổi. Herr Badrutt lên tiếng đầu tiên. - Nếu chúng tôi cho cô chín mươi ngày, chúng tôi đương nhiên sẽ là những ngân hàng đầu tiên mà Roffe và các con giao dịch sau nầy. - Đương nhiên. Lại những ánh mắt trao đổi đầy ý nghĩa nữa. Như tiếng trông trong rừng rậm vậy, Elizabeth nghĩ. - Trong lúc chờ đợi, - Herr Badrutt nói, - chúng tôi cần cô cam kết rằng những khoản nợ sẽ được thanh toán đầy đủ vào cuối kỳ hạn chín mươi ngày. - Vâng!- Herr Badrutt ngồi đó, nhìn vào khoảng không. Rồi ông ta nhìn Elizabeth, sau đó nhìn những người khác, và nhận được những dấu hiệu im lặng, - Về phần tôi, tôi sẵn sàng đồng ý. Tôi không nghĩ một khoảng thời gian trễ - với số tiền phạt - sẽ gây ra một thiệt hại gì. Một trong số những người kia gật đầu. - Nếu ông nghĩ chúng ta nên tiếp tục, Julius… Và thế là xong. Elizabeth dựa vào lưng ghế, cố giấu đi cảm giác nhẹ nhõm đang dâng lên trong người. Nàng đã có thêm chín mươi ngày. Và nàng sẽ cần đến mỗi phút của quãng thời gian đó. Chương 25 Mọi việc như đang ở trung tâm cơn bão vậy. Các thứ rầm rập qua bàn làm việc của Elizabeth từ hàng trăm phòng ban ở các tổng trụ sở, từ các nhà máy ở Zaire, các phòng thí nghiệm ở Greenland, các văn phòng ở Úc và Thái Lan, từ bốn phương trên trái đất. Đó là báo cáo về các sản phẩm mới, doanh thu, các dự án chiến lược, các chiến dịch quảng cáo, các chương trình thí nghiệm. Phải quyết định về việc xây dựng các nhà máy mới, bán các nhà máy cũ, thu hoạch các công ty, thuê và sa thải các nhân viên. Elizabeth có cả một đội ngũ chuyên môn về mọi mặt của việc kinh doanh, nhưng nàng vẫn là người cuối cùng đưa ra quyết định. Như Sam đã từng làm. Bây giờ nàng mới biết ơn ba năm làm việc với bố. Nàng biết nhiều về tập đoàn hơn nàng tưởng, và cũng ít hơn nhiều so với đòi hỏi. Mỗi một phạm việc của nó đều rất kinh khủng. Elizabeth đã từng nghĩ nó như một vương quốc, nhưng thực ra nó là một loạt vương quốc, được điều hành bởi các phó vương, và văn phòng chủ tịch thì như chiếc ngai vàng. Mỗi người chú của nàng phụ trách lãnh thổ của riêng họ, nhưng họ cũng còn giám sát thêm nhưng khu vực khác ở nước ngoài nên họ phải thường xuyên đi công cán. Elizabeth sớm hiểu rằng nàng có một vấn đề đặc biệt. Nàng là một người đàn bà trong thế giới của đàn ông và nàng khám phá ra chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt. Nàng không bao giờ thật sự tin rằng đàn ông tán thành huyền thoại về sự kém cỏi của đàn bà nhưng nàng đã nhanh chóng hiểu rõ nó. Không một ai nói hoặc hành động công khai về điều đó nhưng Elizabeth phải hàng ngày đối diện với nó. Đó là thái độ xuất phát từ những định kiến lỗi thời và không thể tránh khỏi. Đàn ông không thích nhận lệnh từ đàn bà. Họ không bằng lòng với việc đàn bà nghi ngờ các nhận xét của họ, cố gắng hoàn thiện các ý kiến của họ. Sự thật rằng Elizabeth còn trẻ và xinh đẹp lại càng làm cho sự việc tồi tệ thêm. Họ cố tỏ cho nàng cảm thấy rằng nàng nên ở nhà, trên giường hoặc trong bếp, và nàng phải để các vấn đề kinh doanh quan trọng lại cho đàn ông. Hàng ngày Elizabeth lên lịch họp với các trưởng phòng ban khác nhau. Không phải tất cả đều tỏ ra chống đối. Một số muốn lợi dụng. Một cô gái xinh đẹp ngồi sau bàn chủ tịch sẽ là sự thách thức cho cái tôi của đàn ông. Thật dễ dàng đọc được ý nghĩ của họ: Nếu tôi có thể làm tình với cô ta thì sẽ khống chế được cô ta. Như cái cách thể hiện mình là người lớn của bọn con trai ở Sardinia. Cánh đàn ông đều cố nhắm vào điểm yếu của Elizabeth. Họ nhắm vào đầu óc nàng, bởi vì cuối cùng thì đó cũng là nơi nàng dùng để khống chế họ. Họ đã đánh giá quá thấp trí thông minh của nàng và đó là sai lầm của họ. Họ tính toán sai khả năng nắm giữ quyền lực của nàng và đó lại là một sai lầm nữa. Họ nhận xét sai sức mạnh của nàng, và đây là sai lầm lớn nhất của họ. Nàng là người của dòng họ Roffe, với dòng máu của cụ tổ Samuel và bố nàng trong huyết quản, và nàng thừa hưởng luôn cả sự quyết đoán và tâm hồn của họ. Trong lúc đám đàn ông bao quanh cố lợi dụng Elizabeth thì nàng đã lợi dụng lại được họ. Nàng nắm bắt kiến thức và kinh nghiệm, sự hiểu biết sâu sắc mà họ tích luỹ được, và nàng biến chúng thành của mình. Nàng để cho đám đàn ông nói chuyện, còn nàng thì lắng nghe. Nàng hỏi nhiều câu hỏi và nàng nhớ kỹ các câu trả lời. Nàng học tập. Mỗi đêm Elizabeth mang về nhà hai tập tài liệu dầy cộp, chứa đầy những báo cáo cần nghiên cứu. Đôi khi nàng làm việc đến tận bốn giờ sáng. Một buổi chiều một phóng viên đã chụp được bức ảnh Elizabeth đi ra khỏi nhà với người thư ký xách theo hai chiếc cặp hồ sơ. Bức ảnh xuất hiện trên báo ngày hôm sau. Tiêu đề có ghi: "Nữ thừa kế lao động" Không lâu s đã trở thành người nổi tiếng trên toàn thế giới. Câu chuyện về một cô gái trẻ đẹp thừa kế một tập đoàn trị giá hàng nhiều tỉ đô la và đang nắm quyền điều hành thật là hấp dẫn. Báo giới vồ lấy cơ hội nầy. Elizabeth vừa dễ thương, thông minh lại vừa thực tế, một sự kết hợp hiếm có ở trong các nhân vật nổi tiếng. Nàng tự làm cho bản thân có giá trị với họ mỗi khi có thể, cố gắng xây dựng một hình ảnh tập đoàn đang bị tổn thương và họ đánh giá cao chuyện đó. Khi nàng không biết câu trả lời cho các câu hỏi của các phóng viên, nàng không e ngại nhấc điện thoại lên hỏi người khác. Các ông chú của nàng cứ một tuần một lần bay đến Zurich dự họp, và Elizabeth cố gắng gần họ càng lâu càng tốt. Nàng gặp bọn họ cùng lúc, và thỉnh thoảng lại gặp riêng. Nàng nói chuyện với họ, quan sát họ, cố tìm ra một manh mối khiến cho một người trong bọn họ đã để người vô tội chết trong một vụ nổ, bán bí mật cho các đối thủ cạnh tranh, và một người trong bọn họ đang định tiêu diệt Roffe và các con. Một trong các ông chú họ của nàng. Ivo Palazzi với sự niềm nở hấp dẫn và sự quyến rũ. Alec Nichols, một người thượng lưu đúng đắn, một người đàn ông lịch lãm, luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Elizabeth cần. Charles Martel, một người bị chế ngự, luôn hoảng sợ. Một người luôn hoảng sợ sẽ trở nên nguy hiểm khi bị ép vào đường cùng. Walther Gassner. Một chàng trai Đức chính cống. Bề ngoài đẹp đẽ và thân thiện. Ở bên trong ông như thế nào? Ông đã cưới Anna, một nữ thừa kế, già hơn mình đến mười ba tuổi. Ông cưới bà vì tình hay vì tiền? Khi Elizabeth ở cùng họ, nàng quan sát, lắng nghe và thăm dò. Nàng nhắc đến vụ nổ ở Chili, theo dõi các phản ứng của họ, và nàng nói về những bằng sáng chế mà Roffe và các con để mất vào tay các công ty khác, rồi nàng thảo luận về các vụ kiện tụng của chính phủ đang đe doạ. Nàng không thu hoạch được gì. Bất cứ đó là ai, hắn cũng quá thông mình để che giấu bản chất. Hắn sẽ phải sa bẫy. Elizabeth nhớ lại lời ghi chú của Sam trên bản báo cáo. Đặt bẫy tên khốn. Nàng sẽ phải tìm ra một cách. * * * * * Càng ngày Elizabeth càng thấy mình bị cuốn hút bởi các hoạt động nội bộ trong ngành kinh doanh dược phẩm. Nhiều tin tức xấu đã được cố ý tung ra. Nếu có một báo cáo về một bệnh nhân chết vì thuốc của đối thủ thì chỉ trong nửa giờ sau đã có cả tá người gọi điện ở khắp nơi trên thế giới. "Nhân tiện, ông có nghe về vụ… " Nhưng ngoài mặt các công ty lại tỏ ra tử tế với nhau. Các vị đứng đầu của vài tập đoàn lớn vẫn giữ những cuộc gặp mặt thân mật thường xuyên và Elizabeth có được mời một lần. Nàng là người đàn bà duy nhất hiện diện. Họ nói về các vấn đề chung. Chủ tịch của một tập đoàn lớn, một tay đểu giả, tuổi trung niên, người đã theo đuổi Elizabeth cả buổi tối nói: - Sự hạn chế của Chính phủ càng ngày càng vô lý. Nếu một thiên tài nào đó mà phát minh ra aspirin vào ngày mai thì sẽ không bao giờ được Chính phủ công nhận. - Và ông ta ném cho Elizabeth một nụ cười kẻ cả. - Và cô có biết rằng, thưa quý cô, aspirin đã có từ bao giờ không? Quý cô trả lời: - Từ bốn trăm năm trước Công nguyên, khi Hipcratec tìm thấy chất salicin trong vỏ cây liễu. Ông ta nhìn sững nàng một lúc và nụ cười vụt tắt: - Đúng vậy. - Rồi ông ta bỏ đi. Tất cả những người đứng đầu các công ty đều đồng ý rằng một trong những vấn đề lớn nhất của họ là các đối thủ cạnh tranh, những nhà sản xuất chuyên ăn trộm công thức của các sản phẩm thành công, đổi tên và tung trở lại thị trường. Chuyện nầy khiến cho các công ty dược phẩm nổi tiếng mất hàng trăm triệu đô la một năm. Ở Italia thậm chí còn không cần ăn cắp công thức. - Italia là nước không có các quy định về việc bằng sáng chế bảo vệ các sản phẩm dược phấm mới, - một trong các uỷ viên nói với Elizabeth. - Chỉ cần hối lộ vài trăm ngàn lia ai cũng có thể mua công thức và sản xuất lại dưới tên khác. Chúng ta tốn hàng triệu đô la nghiên cứu - còn họ phỗng tay trên hết tất cả lợi nhuận! - Chỉ ở Italia thôi sao? - Elizabeth nói. - Italia và Tây Ban Nha là tệ nhất. Pháp và Tây Đức thì không đến nỗi. Anh và Mỹ là an toàn nhất. Elizabeth nhìn những con người đạo mạo đó và tự hỏi có ai trong số họ dính vào những vụ ăn trộm bằng phát minh của Roffe và các con. Dường như Elizabeth đã trải qua phần lớn thời gian trên máy bay. Nàng để hộ chiếu ở ngăn trên cùng trong bàn làm việc. Ít nhất một tuần lại có ba cú điện thoại điên rồ từ Cairo hoặc Goatemala hoặc Tôkyô và trong vòng vài giờ Elizabeth đã thấy mình ở trên máy bay cùng nửa tá nhân viên đi giải quyết một vụ khẩn cấp nào đó. Nàng gặp các quản lý nhà máy và gia đình của họ ở các thành phố lớn như Bombay, những miền xa xôi như Puerto Vallarta, và Roffe và các con dần có được một triển vọng mới. Không còn những báo cáo, thống kê bâng quơ như trước nữa. Báo cáo ghi "Goatemala" bây giờ có nghĩa là Emil Nunoz và bà vợ béo vui tính và mười hai đứa con mà ông đang ở cùng, - Rio de Janeiro - là một buổi tối cùng Alessandro Duval với cô tình nhân trang nhã của ông ta. Elizabeth vẫn thường xuyên liên lạc với Emil Joeppli. Nàng luôn gọi điện cho ông bằng đường dây riêng, gọi ông ta tại ngôi nhà nhỏ của ông ta ở Aussersihl và các buổi tối. Thậm chí qua điện thoại nàng cũng thận trọng. - Mọi việc ra sao rồi? - Chậm hơn hy vọng một chút, cô Roffe. - Ông có cần gì không? - Không. Chỉ cần thời gian thôi. Tôi gặp chút rắc rối nhưng tôi nghĩ mọi thứ đã được giải quyết. - Tốt. Nếu ông cần gì cứ gọi cho tôi… bất cứ cái gì. - Tôi sẽ gọi. Cám ơn, cô Roffe. Elizabeth gác máy. Nàng nôn nóng muốn giục ông ta, bảo ông ta nhanh lên, vì nàng biết kỳ hạn với các ngân hàng đang hết. Nàng hết sức cần cái mà Emil Joeppli đang nghiên cứu nhưng tạo áp lực với ông ta không phải là cách tốt, và nàng tiếp tục tự kiềm chế bản thân. Elizabeth biết rằng thí nghiệm đó có thể không hoàn thành đúng vào thời hạn phải thanh toán dứt điểm các khoản nợ. Nhưng nàng đã có kế hoạch. Nàng định để Julius Badrutt biết điều bí mật, dẫn ông ta vào phòng thí nghiệm và cho ông ta thấy chuyện gì đang xảy ra. Và các ngân hàng sẽ cho nàng mọi thời gian cần thiết. Elizabeth thấy mình làm việc với Rhys Williamss càng ngày càng thân mật hơn, đôi khi đến tận đêm khuya. Họ thường làm việc chỉ có hai người, cùng ăn tối trong phòng ăn riêng cnàng ở trụ sở hoặc ở căn hộ thanh lịch nàng đã lấy. Đó là một căn nhà hiện đại ở Zurichberg, nhìn ra hồ Zurich, rộng rãi, thoáng mát và sáng sủa. Hơn bao giờ hết Elizabeth nhận rõ sự quyến rũ nhục dục mãnh liệt ở Rhys nhưng nếu anh có cảm thấy được sức hút của mình với nàng thì anh lập tức cẩn thận không để lộ ra. Anh luôn tỏ ra lịch sự và thân thiện. Avuncular (1) là từ xuất hiện trong đầu Elizabeth và đôi khi nó lại tạo ra một ấn tượng xấu. Nàng muốn dựa vào anh, tin cậy anh, nhưng nàng biết mình phải cẩn thận. Hơn một lần nàng thấy mình định kể cho Rhys nghe về những âm mưu ngầm phá hoại tập đoàn, nhưng có cái gì đó đã ngăn nàng lại. Nàng vẫn chưa sẵn sàng thảo luận vấn đề nầy với bất cứ ai. Cho đến khi nàng biết rõ hơn. Elizabeth ngày một tự tin hơn. Trong một buổi họp về vấn đề bán hàng, họ bàn cãi về việc loại máy sấy tóc mới không được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Elizabeth đã dùng thử và nàng biết nó tốt hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường. - Chúng ta đang nhận lại rất nhiều hàng bị các cửa hàng thuốc gửi trả về, - một trong các nhân viên bán hàng phàn nàn - Chỉ vì nó không phổ biến. - Chúng ta cần tăng cường quảng cáo. - Ngân sách quảng cáo của chúng ta đã quá giới hạn rồi, - Rhys phản đối. - Chúng ta phải tìm cách khác để tiếp cận thị trường! Elizabeth nói: - Hãy đưa nó ra khỏi các cửa hàng dược phẩm. Tất cả nhìn nàng. - Cái gì? - Nó quá sẵn. - Nàng quay sang Rhys. - Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục chiến dịch quảng cáo, nhưng chỉ bán nó ở các thẩm mỹ viện. Hãy làm cho nó trở nên riêng biệt, khó tìm. Đó mới là hình ảnh mà nó nên có. Rhys nghĩ một lát rồi gật đầu và nói: - Tôi đồng ý. Hãy thứ cách nầy xem. Món hàng đã trở nên bán chạy không lâu sau đó. Sau vụ đó, Rhys đã khen nàng: - Em không chỉ có gương mặt đẹp, - anh vừa nói vừa cười vang. Vậy là anh đang bắt đầu chú ý. Chú thích: (1) Avuncular: như chú, bác, cậu Chương 26 LONDON Thứ 6, mồng 2 tháng Mười một, 5 giờ chiều Alec Nichols đang ở một mình trong câu lạc bộ tắm hơi thì cửa phòng bật mở và một người đàn ông bước vào căn phòng đầy hơi nước, một chiếc khăn lớn quấn quanh bụng. Hắn ngồi xuống chiếc ghế dài bằng gỗ, cạnh Alec. - Nóng như trong hoả lò phải không, Sir Alec? Alec quay sang. Đó là Jon Swinton. - Làm sao ông vào được đây? Swinton nháy mắt. - Tôi nói là ông đang chờ tôi. - Hắn nhìn vào mắt Alec và hỏi, - Ông đang đợi tôi phải không, Sir Alec? - Không. - Alec trả lời. - Tôi đã nói là tôi cần thêm thời gian. Ông cũng nói với chúng tôi rằng cô cháu gái bé bỏng của ông sắp bán cổ phần ra ngoài, và ông sẽ trả lại tiền cho chúng tôi. - Nó… nó đã đổi ý. - À vậy thì tốt hơn ông nên đổi ý lại cho cô ta, phải không? - Tôi đang cố. Đây là một vấn đề. - Vấn đề là chúng tôi còn phải nghe bao nhiêu chuyện nhố nhăng của ông nữa. - Jon Swinton tiến lại gần hơn, đẩy Alec trượt theo chiếc ghế dài. - Chúng tôi không muốn thô bạo với ông vì có một người bạn trong Nghị viện như ông thì cũng rất là thú vị. Ông biết ý tôi rồi chứ? Nhưng dù sao thì cũng cần có giới hạn!- Hắn ta dựa vào Alec, và Alec lại trượt ra khỏi người hắn. - Chúng tôi đã cho ông một đặc ân. Bây giờ đã đến lúc ông trả cho chúng tôi. Ông phải giao một chuyến hàng dược phẩm cho chúng tôi. - Không? Không thể được, - Alec nói, - Tôi không thể. Không có cách… Alec bỗng nhận thấy mình đã bị dồn đến đầu chiếc ghế dài, cạnh cái thùng kim loại chứa đầy những hòn đá nóng bỏng. - Cẩn thận. - Alec nói. - Tôi… Swinton vồ lấy tay Alec và vặn chéo nó, dí vào lớp đá nóng. Alec có thể cảm thấy lớp lông tay mình bắt đầu cháy khét lẹt. - Không. Chỉ giây lát sau cánh tay của ông đã bị đè hẳn xuống lớp đá, ông đau đớn la lên và ngã xuống sàn. Swinton đứng phía trên ông. - Ông phải tìm ra cách. Chúng tôi sẽ liên lạc sau. Chương 27 BERLIN Thứ bảy mồng 3 tháng Chín, 6 giờ chiều Anna Roffe Gassner không biết mình còn có thể chịu đựng bao lâu nữa. Bà đã trở thành tù nhân trong ngôi nhà của chính mình. Ngoại trừ người đàn bà đến lau chùi dọn dẹp vài giờ mỗi tuần, Anna và các con hoàn toàn cô độc, sống dưới quyền lực của Walther. Ông ta không còn giấu diếm sự căm ghét nữa. Anna đang ở trong phòng bọn trẻ và họ lắng nghe một trong những đĩa hát yêu thích nhất. Walther xỏ vào. - Tôi chán lắm rồi! - ông quát lên. Và ông đập tan cái đĩa, trong khi bọn trẻ rúm ró lại vì sợ hãi. Anna cố gắng xoa dịu ông. - Em… em… xin lỗi, Walther. Em không biết là anh có nhà. Em có thể làm gì cho anh? - Ông bước đến bên bà, cặp mắt toé lửa, và nói: - Chúng ta sẽ tống bọn trẻ đi, Anna. Ngay trước mặt chúng! Ông đặt tay lên vai bà. - Những gì xảy ra trong căn nhà nầy phải là bí mật của chúng ta. - Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta. Bí mật của chúng ta. Bà cảm thấy những từ ngữ đó vang vọng trong đầu và đôi tay ông bắt đầu siết chặt cho đến khi bà không còn thở được nữa. Và bà xỉu đi. * * * * * Khi Anna tỉnh dậy, bà thấy mình đang nằm trên giường. Các tấm màn cửa đều đã buông xuống. Bà nhìn chiếc đồng hồ ở cạnh giường. Sáu giờ chiều. Ngôi nhà yên ắng quá. Ý nghĩ đầu tiên của bà là về các con và nỗi kinh hoàng tràn ngập trong người. Bà ra khỏi giường bằng đôi chân lẩy bẩy và loạng choạng đi về phía cửa. Nó đã bị khoá ngoài. Bà áp tai vào cánh cửa, nghe ngóng. Nhẽ ra phải có tiếng các con. Nhẽ ra chúng phải đến gặp bà. Nếu như chúng có thể. Nếu như chúng còn sống. Đôi chân bà run đến nỗi gần như không thể lết đến chỗ để điện thoại. Bà thầm cầu nguyện rồi cầm ống nghe lên. Bà nghe thấy tiếng tút dài quen thuộc trong máy. Bà lưỡng lự, lo sợ với ý nghĩ Walther sẽ làm gì mình nếu bị ông ta bắt gặp lần nữa. Anna bắt đầu quay số 110 mà không cho mình có cơ hội nghĩ ngợi. Tay bà run quá nên quay nhầm số, và nhầm thêm lần nữa. Bà bắt đầu nức nở. Còn quá ít thời gian. Cố gắng kìm chế cơn kích động đang tăng dần, bà thử lại lần nữa, các ngón tay cố gắng làm thật chậm rãi. Bà nghe thấy tiếng chuông, và kỳ diệu thay một giọng đàn ông vang lên, "Phòng cấp cứu sở cảnh sát". Anna không nói nổi một tiếng. - Phòng cấp cứu Sở cảnh sát đây. Tôi có thể giúp được gì? - Vâng! - Tiếng nức nở bung ra. - Vâng, in làm ơn… Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người… Walther chợt hiện ra trước mặt bà, giật ống nghe khỏi tay bà và đẩy mạnh bà lên giường. Ông ta dập ống nghe xuống, thở mạnh, giật dây nối điện thoại ra rồi quay sang Anna. - Các con, - bà thì thầm. - Anh đã làm gì các con? Walther không trả lời. Trung ương cục của Sở cảnh sát hình sự Berlin nằm ở số 2832 đường Keithstrasse trong một khu gồm toàn các căn hộ và văn phòng trông rất bình thường. Số điện thoại khẩn cấp của phòng được trang bị một hệ thống giữ số tự động để cho tất cả các cuộc gọi đến đều không thể tự ngắt trừ khi đường dây được tổng đài nhả ra. Bằng cách nầy, tất cả các số điện thoại gọi đến đều bị lần ra, cho dù cuộc gọi có ngắn đến đâu đi chăng nữa. Đây là một thiết bị tinh vi và là niềm tự hào của cả phòng. Năm phút sau cú điện của Anna Gassner, thanh tra Paul Lange bước vào văn phòng xếp, thiếu tá Wageman, tay cầm một chiếc cassette. - Xin xếp hãy nghe đoạn nầy. Thanh tra Lange bấm nút. Giọng đàn ông vang lên, "Phòng cấp cứu Sở Cảnh sát. Tôi có thể giúp được gì? Tiếp theo là giọng đàn bà, tràn ngập kinh hoàng. - Vâng! Vâng, xin làm ơn? Tôi đang gặp nguy hiểm. Xin hãy cử người… Rồi tiếng ngã, tiếng lạch xạch và tín hiệu vụt tắt". Thiếu tá Wageman ngước nhìn thám tử Lange. - Anh đã lần ra cú điện? - Chúng ta đã biết nó được gọi từ đâu. - Thanh tra Lange thận trọng trả lời. - Thế có vấn đề gì nữa? - Thiếu tá Wageman nóng nảy hỏi. - Bảo Trung ương cục cho xe đi điều tra. - Tôi muốn xin phép xếp trước. Thanh tra Lange đặt một mảnh giấy lên bàn, trước mặt ông thiếu tá. - Mẹ kiếp! Thiếu tá Wageman nhìn sững anh ta. - Anh có chắc không? - Có thưa thiếu tá. Thiếu tá Wageman nhìn xuống mảnh giấy lần nữa. Số điện thoại mang tên Gassner Walther. Giám đốc chi nhánh Đức của Roffe và các con, một trong những nhà công nghiệp khổng lồ của Đức. Không cần bàn cãi về những sự quan hệ mật thiết. Chỉ có thằng ngốc mới không nhận ra. Chỉ một hành động sai thôi thì cả hai sẽ cùng phải lang thang trên phố tìm việc làm. Thiếu tá Wageman nghĩ một lúc rồi nói: - Được. Cứ kiểm tra. Tôi muốn anh đích thân đến đó. Và phải hết sức cẩn thận. Anh hiểu chứ? - Tôi hiểu, thưa thiếu tá. * * * * * Dinh cơ của Gassner ở Wannsee, một khu ngoại ô đặc biệt ở phía Tây nam Berlin. Thanh tra Lange đi theo đường Hohenzollrudamm xa hơn thay vì đi đường cao tốc, vì con đường nầy vắng vẻ hơn. Anh ta đi qua Chayalle, qua toà nhà của CIA náu mình sau hàng rào dây thép gai đến nửa dặm. Rồi anh ta đi qua Tổng hành dinh Quân đội Mỹ, rẽ phải vào con đường đã từng được nổi tiếng là con đường số 1, con đường dài nhất ở Đức, chạy từ miền Đông Phổ đến tận biên giới Bỉ. Bên phải anh ta là Brucke der Einheit, cầu Thống nhất, nơi điệp viên Abel đã được trao đổi viên phi công lái chiếc U-2 của Mỹ là Gary Power. Thanh tra Lange ngoặt xe rời khỏi đường cái vào khu đồi rậm rạp cây cối của Wannsee. Những ngôi nhà ở đây đều đẹp đẽ, tráng lệ. Vào các chủ nhật, thỉnh thoảng thanh tra Lange cũng đưa vợ đến đây, chỉ để nhìn cảnh vật bên ngoài các ngôi nhà. Anh ta tìm thấy địa chỉ cần tìm và rẽ vào con đường dài đến tận khu nhà của Gassner. Khu dinh cơ tượng trưng cho một cái gì đó còn hơn cả tiền bạc: đó là quyền lực. Triều đại Roffe đã đủ lớn để lật đổ cả một chính phủ. Thiếu tá Wageman nói đúng: anh ta phải hết sức cẩn thận. Thanh tra Lange lái xe tới cổng trước của căn nhà ba tầng bằng đá, ra khỏi xe, bỏ mũ và nhấn chuông cửa. Rồi đứng đợi. Sự im lặng nặng nề trong căn nhà khiến nó thật hoang vắng. Anh ta biết điều nầy là không thể. Bấm chuông lần nữa. Vẫn không có gì ngoài sự im lặng, yên tĩnh ngột ngạt. Anh ta đang tính toán xem có nên đi vòng ra đằng sau không thì bỗng dưng cánh cửa bật mở. Một người đàn bà đứng ở trong khung cửa. Bà ta tuổi trung niên, vẻ giản dị, mặc một chiếc áo ngủ nhầu nhĩ. Thanh tra Lange tưởng bà ta là quản gia. Anh ta nói ngay sự ngộ nhận của mình. - Tôi muốn gặp bà Walther Gassner. Làm ơn thông báo tôi là thanh tra Lange. - Tôi là bà Gassner, - người đàn bà trả lời. Thanh tra Lange cố giấu sự ngạc nhiên. Bà ta hoàn toàn không như hình ảnh phu nhân của căn nhà nầy. - Tôi… chúng tôi nhận được một cú điện tại trụ sở cảnh sát cách đây không lâu. - Anh ta bắt đầu. Bà ta nhìn anh ta, vẻ mặt thờ ơ vô hồn. Thanh tra Lane cảm thấy mình đang cư xử không được hay lắm, nhưng anh không hiểu tại sao. Anh ta có cảm tưởng mình đang bỏ qua một điều gì đó thật quan trọng. - Có phải bà đã gọi cú điện đó, bà Gassner? - Anh ta hỏi. - Vâng, - bà ta trả lời. - Đó là một sự nhầm lẫn. Có một sự lạnh lẽo mơ hồ nào đấy trong giọng nói của bà ta làm anh ta bối rối. Anh ta nhớ lại giọng nức nở hoảng loạn trong chiếc cassette nửa giờ trước. - Để ghi vào biên bản, xin bà vui lòng cho biết bà đã nhầm lẫn ra sao? Hầu như không thể nhận ra sự do dự của bà ta. - Có tôi nghĩ ra một món nữ trang của tôi bị mất. Nhưng tôi đã tìm thấy nó. - Số điện thoại khẩn cấp cho các vụ giết người, cưỡng hiếp, gây thương tích cho người khác. Phải hết sức cẩn thận. - Tôi hiểu. Thanh tra Lange lưỡng lự, muốn vào trong nhà, muốn tìm hiểu xem bà ta đang che giấu điều gì. Nhưng anh ta không thể nói hoặc làm gì khác hơn. - Cám ơn bà Gassner. Xin lỗi vì đã quấy rầy bà. Viên thanh tra đứng đó, thất vọng nhìn cánh cửa đóng lại trước mũi. Đằng sau cánh cửa Anna quay lại. Walther gật đầu và dịu dàng nói: - Em làm rất tốt, Anna. Bây giờ thì chúng ta lên gác. Ông ta quay người về phía cầu thang và Anna lôi ra một cái kéo được giấu trong những nếp áo, đâm mạnh vào lưng ông ta. Chương 28 ROME Chủ nhật, mông 4 tháng Mười một. Buổi trưa Đây quả là một ngày tuyệt vời, Ivo Palazzi nghĩ, cho việc đến thăm Villa d Este cùng Simonetta và ba đứa con gái xinh đẹp của họ. Khi đi bách bộ tay trong tay với vợ qua công viên Tivoli nổi tiếng, ngắm nhìn các con nô đùa phía trước, chạy từ vòi phun nước nầy sang vòi phun nước khác, ông vẩn vơ tự hỏi không biết Pirro Ligorio, người đã xây công viên nầy cho các chủ nhân của mình, những người thuộc dòng họ d Este, có bao giờ mơ tưởng nó sẽ đem lại niềm vui cho hàng triệu du khách tham quan. Villa d Este ở phía Đông bắc của Rome, cách một quãng đường ngắn, khuất cao trên khu đồi Sabine. Ivo vẫn thây nhưng lần nào cũng có cảm giác vui sướng đặc biệt khi đứng trên nơi cao nhất nhìn xuống hàng tá vòi phun nước phía dưới, mỗi cái đều được thiết kế một cách khéo léo, không cái nào giống cái nào. Ivo từng dẫn Donatella và ba đứa con trai đến đây. Chúng đã yêu thích nơi nầy xiết bao. Ý nghĩ về chúng làm Ivo thấy buồn. Ông đã không được gặp mặt hoặc nói chuyện với Donatella kể từ buổi chiều khủng khiếp đó ở nhà cô ta. Ông vẫn nhớ rõ mồn một những vết cào của cô ta đã để lại trên người ông. Ông biết rõ sự ăn năn mà cô ta phải trải qua, và cô ta phải mong nhớ ông như thế nào. Được, cứ để cho cô ta đau khổ một thời gian, cũng như ông đã từng đau khổ. Trong đầu, ông có thể nghe giọng nói của Donatella và cô ta đang nói "Nào. Lối nầy, các con". Mọi thứ có vẻ rõ ràng, gần như là sự thật. Ông có thể nghe cô ta nói, "Nhanh lên, Francesco!" và Ivo quay lại, Donatella đang ở đằng sau ông, cùng ba đứa con trai của họ, mạnh mẽ tiến lại gần ông cùng Simonetta và ba đứa con gái: Ý nghĩ đầu tiên của Ivo là Donatella đã tình cờ đến đây, tại công viên Tivoli, nhưng ngay lập tức ông nhận ra vẻ mặt của cô ta và đã hiểu. Mụ điếm đang cố đưa hai gia đình lại với nhau, cố tiêu diệt ông? Ivo đối phó tình huống như một người điên. Ông quát Simonetta: - Anh có vài điều muốn cho em biết. Nhanh lên, tất cả mọi người. Và ông dồn gia đình xuống những bậc thang đá dài và ngoằn ngoèo xuống khu dưới, xô đẩy các khách du lịch sang hai bên, mắt vẫn luôn cảnh giác liếc ra sau vai. Ở phía trên, Donatella và ba đứa con trai đang tiến tới bậc thang. Ivo biết rằng nếu bọn trẻ trông thấy ông là mọi việc sẽ hỏng bét. Chỉ cần một đứa gọi "Bố!" thôi là ông có thể bị nhấn chìm xuống các khe suối. Ông giục giã Simonetta và các con gái đi tiếp không cho họ có cơ hội dừng lại, không dám để cho họ đứng lại dù chỉ trong chốc lát. - Chúng ta vội đi đâu thế nầy? - Simonetta thở gấp. - Có gì mà phải vội vàng thế? - Đó là một sự bất ngờ. - Ivo vui vẻ nói. - Rồi em sẽ biết. - Ông liều liếc ra đằng sau thêm một lần. Donatella và ba cậu con trai đã ở ngoài tầm mắt. Phía trước là cả một mê cung với một dãy thang đi lên và một dẫy khác đi xuống. Ivo chọn một cái đi lên. - Nào, - ông gọi các cô con gái. - Ai lên đến đỉnh trước sẽ được nhận phần thưởng! - Ivo! Em mệt quá rồi! - Simonetta ca cẩm. - Chúng ta sẽ nghỉ một lát được không? Ông ngạc nhiên nhìn bà. - Nghỉ? Như thế sẽ làm hỏng cả bất ngờ. Nhanh lên? Ông cầm tay Simonetta và kéo bà lên các bậc thang dốc, ba cô con gái chạy trước. Ivo thấy mình cũng gần như nghẹt thở. Sẽ tốt cho bọn họ, ông chua chát nghĩ, nếu mình lên cơn đau tim và chết ngay tại đây. Mẹ kiếp đàn bà? Bạn không thể tin được vào bất kỳ ai trong số họ cả. Làm sao cô ta có thể cư xử như thế với mình? Cô ta say mê mình. Mình sẽ giết mụ điếm về tội nầy. Ông có thể hình dung ra cảnh mình đang bóp cổ Donatella trên giường. Cô ta không mặc gì ngoài chiếc váy ngủ mỏng tang. Ông xé toang nó ra và bắt đầu trèo lên người cô ta, còn cô ta thì gào thét xin tha thứ Ivo cảm thấy mình đang cương lên. - Chúng ta dừng ở đây nhé? - Simonetta van nỉ. - Không! Sắp đến nơi rồi. Họ đã lên tới đỉnh lần nữa lo lắng nhìn quanh. Donatella và các con không có ở đó. - Anh đưa em và các con đi đâu vậy? - Simonetta hỏi. - Rồi em sẽ biết, - Ivo nói trong cơn kích động. - Theo anh! - ông xô họ về phía lối ra. Isabella, đứa con gái lớn nhất nói: - Mình đi về hả bố? Mình vừa mới đến đây mà! - Chúng ta sẽ đến chỗ khác đẹp hơn, - Ivo hổn hển. Ông liếc nhìn về phía sau. Donatella và các con trai đã xuất hiện, đang trèo lên các bậc thang. - Nhanh lên các con! Một lát sau Ivo và một gia đình của ông đã rời khỏi cổng của Villa d Este, chạy về chiếc xe của họ ở quảng trường lớn. - Em chưa bao giờ thấy anh như thế nầy cả. - Simonetta hổn hển nói. - Anh cũng chưa bao giờ như thế nầy hết, - Ivo thành thực trả lời. Ông nổ máy xe trước khi các cánh cửa kịp đóng và cho xe lao ra khỏi bãi đỗ như ma đuổi. - Ivo! Ông đập khẽ vào tay Simonetta. - Bây giờ anh muốn mọi người hãy nghỉ ngơi. Một bữa trưa thật đặc biệt, anh… anh sẽ đưa mọi người đi ăn ở Hasslee. Họ ngồi ở khung cửa sổ nhìn xuống Spanish Steps với nhà thờ Saint-Peter ẩn hiện tuyệt vời đằng xa. Simonetta và bọn trẻ đã có một bữa trưa tuyệt vời. Đồ ăn rất ngon miệng. Ivo thậm chí còn có thể ăn cả tấm giấy bồi. Đôi tay ông run đến nỗi không thể cầm chặt dao và nĩa. Mình không thể chịu đựng hơn thế nầy nữa, ông nghĩ. Mình không thể để cô ta phá hoại cuộc đời mình. Bởi vì bây giờ ông không còn nghi ngờ gì về việc mà Donatella định làm. Trò chơi đã kết thúc. Trừ khi ông có thể tìm ra cách đưa cho Donatella số tiền mà cô ta yêu cầu. - Ông phải có số tiền đó. Bất kể bằng cách nào. Chương 29 PARIS Thứ hai, mồng 5 tháng Mười một, 6 giờ chiều Vừa về đến nhà Charles đã biết ngay là mình gặp rắc rối. Hélène đang đợi ông, cùng với bà ta là Pierre Richaud, người thợ kim hoàn chuyên làm nhưng vật thế vào chỗ nữ trang mà ông đánh cắp. Charles đứng ở ngưỡng cửa, sững sờ. - Vào đi, Charles, - Hélène nói. Giọng bà ta trầm xuống khiến cho ông thấy sợ hãi. - Em tin rằng anh và ông Richaud đây đã biết nhau. Charles chỉ đứng nhìn, ông hiểu rằng bây giờ nói ra cái gì cũng không có lợi. Người thợ kim hoàn lúng túng cúi mặt xuống đất, rõ ràng là rất khó chịu. - Ngồi xuống đi, Charles! Đó là một mệnh lệnh. Charles ngồi xuống. Hélène nói: - Việc anh đang phải đương đầu, anh yêu của em, là một tội danh ăn trộm lớn. Anh đã lấy nữ trang của em và thay thế vào đó là các đồ giả, do ông Richaud làm. Trong cơn kinh hoàng, Charles nhận thấy quần mình ướt sũng, điều chưa từng xảy ra từ khi ông còn là một đứa trẻ. Mặt mũi ông đỏ bừng. Ông chỉ muốn được rời khỏi phòng một lát để thay quần áo. Không, ông muốn trốn đi thật xa và không bao giờ quay lại. Hélène biết tất cả. Việc bà ta phát hiện ra âm mưu của ông bằng cách nào đã không còn quan trọng. Không có lối thoát và không có chuyện tha thứ. Việc Hélène khám phá ra ông đã lấy trộm nữ trang của bà ta cũng đã đủ kinh khủng rồi. Chờ cho đến khi bà ta biết được động cơ của ông. Chờ cho đến khi bà ta phát hiện ra ông đang lập kế hoạch sử dụng tiền để chạy trốn khỏi bà ta. Địa ngục chuẩn bị mang một ý nghĩa mới. Không ai hiểu Hélène bằng Charles. Bà ta là một kẻ dã man. Sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì. Bà ta sẽ huỷ diệt ông không cần một giây suy nghĩ, biến ông thành một gã lang thang, một người trong số những kẻ vô công rồi nghề ăn ngủ trên đường phố Paris trong bộ quần áo xác xơ. Cuộc đời ông bỗng nhiên trở thành một sự bực mình, một trận mưa phân. - Anh thực sự nghĩ rằng mình sẽ trốn thoát với những thứ ngu xuẩn thế nầy sao? - Hélène hỏi. Charles duy trì sự im lặng tội nghiệp. Ông có thể cảm thấy quần mình càng ướt hơn, nhưng ông không dám nhìn xuống. - Em đã thuyết phục ông Richaud kể hết mọi sự thật. Thuyết phục. - Em đã có đầy đủ các bản sao hoá đơn về số tiền anh đã lấy của em. Em có thể cho anh vào tù ở hai mươi năm đấy. - Bà ta dừng lại, và nói thêm, - Nếu em chọn cách đó. Những lời nói của bà ta chỉ làm Charles tăng thêm nỗi khiếp sợ. Kinh nghiệm đã dạy ông rằng Hélène rộng lượng chính là Hélène nguy hiểm. Charles sợ gặp ánh mắt của bà ta. Ông tự hỏi bà ta sẽ đòi hỏi thứ gì ở ông. Một điều gì đó thật độc ác. Hélène quay sang Pierre Richaud. - Ông sẽ không nói điều gì với bất cứ ai cho đến khi tôi quyết định mình sẽ làm gì. - Dĩ nhiên, bà Roffe - Martel, dĩ nhiên, dĩ nhiên. - Người đàn ông lắp bắp. Anh ta nhìn ra cửa với cặp mắt hy vọng. - Tôi có thể… - Hélène gật đầu và Pierre Richaud hấp tấp bước ra. Hélène nhìn anh ta đi, rồi quay lại ngắm nghía ông chồng mình. Bà ta có thể ngửi thấy nỗi sợ hãi của ông. Và còn một cái gì khác. Nước tiểu. Bà ta mỉm cười. Charles đã đái ra quần vì sợ. Bà đã dạy dỗ ông thật tốt. Hélène rất vừa lòng với Charles. Đó là một cuộc hôn nhân vừa ý. Bà ta đã biến đổi Charles rồi biến ông ta thành bộ hạ của mình. Những sáng kiến ông đưa ra cho Roffe và các con đều rất tuyệt, vì tất cả đều là của Hélène. Bà ta điều hành một phần nhỏ của Roffe và các con thông qua chồng mình, nhưng bây giờ như thế vẫn chưa đủ. Bà ta họ Roffe. Bản thân bà ta đã giàu có và những cuộc hôn nhân trước đó làm cho bà ta giàu có thêm. Nhưng bà ta không quan tâm đến tiền. Bà ta quan tâm đến quyền điều hành tập đoàn. Bà ta đã lập kế hoạch sử dụng số cổ phần của mình để mua thêm cổ phần, hòng dành lấy nhiều cổ phần hơn người khác. Bà ta đã sẵn sàng thảo luận chuyện nầy với họ. Đầu tiên, Sam là người ngăn cản bà ta còn bây giờ lại đến Elizabeth. Nhưng Hélène không cho phép Elizabeth hay bất kỳ ai khác ngăn cản bà ta đạt được điều mà mình mong muốn. Charles sẽ làm điều đó giúp bà ta. Nếu có chuyện gì đó không ổn, ông sẽ là kẻ giơ đầu chịu báng. Bây giờ, dĩ nhiên, ông phải bị trừng phạt vì vụ nổi loạn nhỏ nầy. Bà ta nhìn vào mặt ông và nói: - Không ai dám ăn cắp của em, Charles. Không ai cả. Anh xong rồi! Trừ khi em quyết định cứu anh. Ông ngồi đó, yên lặng, cầu mong bà ta chết đi, nhưng vẫn sợ hãi bà ta. Bà ta tiến lại chỗ ông ngồi, cặp đùi dí sát vào mặt ông. Bà ta nói: - Anh có muốn em cứu anh không, Charles? - Có. - Ông trả lời, giọng khản lại. Bà ta đang cởi váy ra, cặp mắt độc ác, và ông nghĩ, - Ồ, Chúa ơi, không thể lúc nầy! - Vậy thì hãy nghe em. Roffe và các con là tập đoàn của em. Em muốn số cổ phiếu điều hành. Ông ngước nhìn bà ta, khổ sở nói, - Em biết là Elizabeth sẽ không bán mà. Hélène cởi áo khoác cùng quần lót ra. Bà ta đứng đó trần truồng như một con thú, thân hình thon thả tuyệt đẹp hai đầu vú săn lại. - Vậy thì anh phải làm chuyện gì đó cho nó chứ. Hay là ở hai mươi năm tới trong tù. Đừng lo. Em sẽ cho anh biết anh phải làm gì. Nhưng đầu tiên, đến đây, Charles! Chương 30 Vào lúc mười giờ sáng hôm sau, điện thoại riêng của Elizabeth réo chuông. Đó là Emil Joeppli. Nàng đã cho ông ta số để không ai phát hiện ra sự liên lạc của họ. - Tôi không hiểu có gặp được cô không! - Ông ta nói. Giọng ông ta rất kích động. - Mười lăm phút nữa tôi sẽ đến đó. Kate Erling ngạc nhiên nhìn Elizabeth vừa mặc áo khoác vừa ra khỏi văn phòng. - Cô có một cuộc hẹn vào lúc… - Huỷ bỏ tất cả các cuộc hẹn trong vòng một tiếng nữa cho tôi, - Elizabeth nói, và bước đi. Trong toà nhà Phát triển, người canh cửa kiểm tra thẻ của Elizabeth: - Cánh cửa cuối cùng ở bên trái, cô Roffe. Elizabeth thấy Joepli một mình trong phòng thí nghiệm. Ông ta hào hứng chào nàng. - Đêm qua tôi vừa hoàn thành thí nghiệm cuối cùng. Nó hoạt động tốt. Các engyme hoàn toàn ngăn chặn quá trình lão hoá. Cô nhìn xem. - Ông ta dẫn nàng tới một chuồng nhốt 4 con thỏ con hoạt bát, đầy sức sống. Bên cạnh đó là một chuồng nhốt bốn con thỏ khác, trầm hơn, trưởng thành hơn. - Đây là thế hệ thứ năm trăm nhận engyme. - Joepli nói. Elizabeth đứng trước chuồng thỏ. - Trông chúng có vẻ mạnh khỏe. - Đó là một phần của nhóm kiểm tra. - ông ta chỉ cái chuồng phía bên trái, - Chúng là các cá thể già hơn. Elizabeth nhìn các con thỏ tràn đầy sức sống, nô đùa trong lồng như những con thỏ mới sinh yà nàng không thể tin nổi. - Chúng sẽ sống lâu hơn các con kia ít nhất là ba lần, - Joepli nói với nàng. Khi áp dụng tỉ lệ đó với con người, kết quả thật là lớn lao. Nàng không thể kiềm chế được cơn kích động. - Bao… bao giờ ông mới bắt đầu thí nghiệm trên con người? - Tôi đang hoàn tất các ghi chú cuối cùng. Sau đó là chỉ cần nhiều lắm là ba hoặc bốn tuần. - Emil, đừng nói chuyện nầy với ai đấy. - Elizabeth nhắc nhở. Emil Joeppli gật đầu. - Tôi không nói đâu, cô Roffe. Tôi làm việc một mình. Tôi sẽ hết sức cẩn thận. * * * * * Cả buổi chiều hôm đó được dành cho cuộc họp của hội đồng quản trị và nó diễn ra tốt đẹp. Walther không đến. Charles lại đề cập đến chuyện bán cổ phần lần nữa nhưng Elizabeth đã cương quyết từ chối. Sau đó Ivo tỏ ra hết sức quyến rũ và Alec cũng vậy. Charles có vẻ căng thẳng khác thường. Elizabeth mong ước được biết lý do vì sao. Nàng mời bọn họ ở lại Zurich dùng bữa tối với nàng. Cố tự nhiên, Elizabeth nhắc đến các vấn đề được nêu ra trong báo cáo, quan sát một loạt phản ứng, nhưng nàng không nhận thấy một tín hiệu lo lắng hoặc có tội nào. Và tất cả các thành viên tham dự, ngoại trừ Walther đều ngồi vào bàn. Rhys không có mặt trong cả buổi họp lẫn bữa tối: - Tôi phải giải quyết một số việc gấp - anh nói vậy và Elizabeth tự hỏi không biết có phải là một cô gái không. Elizabeth nhận thấy rằng mỗi khi Rhys ở lại làm việc đến khuya với nàng là anh lạiỷ bỏ một cuộc hẹn. Một lần, khi anh không thể đến gặp một cô gái đúng giờ, cô ta đã đến văn phòng. Cô ta là một cô gái tóc đỏ tuyệt vời, với thân hình khiến Elizabeth cảm thấy mình không khác gì một người đàn ông. Cô ta rất giận dữ vì bị anh cho "leo cây" và cô ta cũng không ngần ngại che giấu sự giận dữ của mình. Rhys đã đưa cô ta ra thang máy rồi quay lại. - Xin lỗi về chuyện đó, - anh nói. Elizabeth không thể kiềm chế bản thân. - Cô ấy thật quyến rũ, - nàng ngọt ngào nói. - Cô ấy làm gì vậy? - Cô ấy là nhà phẫu thuật não, - Rhys nghiêm chỉnh trả lời và Elizabeth bật cười. Ngày hôm sau Elizabeth biết rằng cô ta đúng là một bác sĩ phẫu thuật não. Còn nhiều người khác nữa và Elizabeth thấy mình khó chịu với tất cả bọn họ. Nàng ước ao mình có thể hiểu Rhys nhiều hơn. Nàng đã biết một Rhys Williams xã hội, nhưng nàng muốn biết một Rhys Williams riêng tư, cái tôi mà anh vẫn che giấu. Đã hơn một lần Elizabeth nghĩ, Rhys nên điều hành tập đoàn thay vì nhận các mệnh lệnh của nàng. Mình tự hỏi anh thật sự cảm thấy sao về điều đó? Sau bữa tối hôm đó, khi các thành viên hội đồng quản trị đã đáp tàu hoả, máy bay về nhà, Rhys vào căn phòng của Elizabeth, nơi nàng đang làm việc cùng Kate. - Anh nghĩ anh phải giúp em một tay, - Rhys nhẹ nhàng nói. Anh không hề giải thích anh đã đi đâu. Tại sao lại phải đến đây? Elizabeth nghĩ. Anh không phải trình bày với mình. Hai người cùng làm việc và thời gian trôi qua thật nhanh. Bây giờ Elizabeth ngắm nhìn Rhys và thấy anh lúc nào cũng chăm chú xem xét các giấy tờ, cặp mắt tinh anh và hoạt bát. Anh đã tìm ra trong một số chi tiết bị các luật sư bỏ quên trong vài hợp đồng quan trọng. Cuối cùng Rhys vươn vai, liếc nhìn đồng hồ đeo tay. - Ồ! Đã quá nửa đêm rồi. Anh e rằng anh có một cuộc hẹn. Anh sẽ đến vào sáng sớm mai và hoàn thành việc kiểm tra các hợp đồng nầy. Elizabeth thắc mắc liệu anh có hẹn với cô bác sĩ phẫu thuật não hay với một trong các cô khác của anh… Nàng ngăn mình lại. Việc Rhys làm gì trong đời tư là chuyện của riêng anh. - Em xin lỗi, - Elizabeth nói. - Em không biết là đã quá muộn. Anh cứ đi đi. Kate và em sẽ đọc cho xong đống giấy tờ nầy. Rhys gật đầu. - Sáng mai sẽ gặp em. Chào Kate! - Chào ông Williams. Elizabeth nhìn Rhys đi khỏi rồi cố ép đầu óc mình quay trở lại với các bản hợp đồng. Nhưng chỉ một lát sau ý nghĩ của nàng lại hướng đến Rhys. Nàng háo hức muốn kể cho anh về sự tiến triển mà Emil Joeppli đang làm với loại thuốc mới, để chia sẻ niềm vui với anh, nhưng nàng đã ghìm mình lại. Sớm thôi, nàng tự nhủ. Họ xong việc vào lúc một giờ sáng. Kate Erling nói: - Còn vấn đề gì nữa không, cô Roffe? - Không, tôi nghĩ xong cả rồi. Cám ơn, Kate. Ngày mai bà có thể đi muộn. Elizabeth đứng lên, toàn thân tê cứng vì đã ngồi quá lâu. - Cám ơn cô. Tôi sẽ cho đánh máy xong chiều mai. - Vậy thì tốt quá. Elizabeth lấy áo khoác và ví tiền, đợi Kate, rồi hai người cùng bước ra cửa. Họ cùng ra hành lang và hướng về phía chiếc thang máy tốc hành đã mở sẵn cửa. Họ bước vào trong. Khi Elizabeth định nhấn nút thì bỗng có tiếng điện thoại vang lên từ văn phòng. - Để tôi trả lời cho, cô Roffe, - Kate Erling nói - Cô cứ xuống trước đi. Bà ta bước ra khỏi thang máy. Ở tầng một người bảo vệ ca đêm nhìn bảng điều khỉển thang máy thấy đèn đỏ bật sáng ở trên cao và bắt đầu đi xuống. Đó là đèn hiệu của thang máy riêng. Điều nầy có nghĩa cô Roffe đang đi xuống. Tài xế của nàng đang ngồi ở cái ghế trong góc, gà gật trong tờ báo. - Cô chủ đang xuống, - người bảo vệ nói. Người tài xế duỗi người ra và lười nhác đứng dậy. Một hồi chuông báo động bất thần rung lên xé toang sự im lặng của hành lang phòng tiếp tân. Cặp mắt người bảo vệ quét nhanh về phía bảng điều khiển thang máy. Ánh đèn đỏ đang di chuyển nhanh dần lên, cho thấy thang máy đang tăng tốc. Hệ thống điều khiển đã ngừng hoạt động. - Ồ Chúa ơi! - Người bảo vệ lắp bắp. Anh ta chạy vội về phía bảng điện, mở tấm ngăn kéo mạnh chiếc cầu dao khẩn cấp cho hệ thống phanh an toàn hoạt động. Ánh đèn đỏ vẫn tiếp tục lao xuống. Người tài xế cũng chạy vội về phía bảng điện. Anh ta thấy nét mặt của người bảo vệ. - Chuyện gì… - Tránh ra! - Người bảo vệ quát lên. - Nó sắp rơi xuống rồi! Họ chạy khỏi dãy thang máy về phía bức tường xa nhất. Hành lang bắt đầu rung lên theo tốc độ của buồng thang máy trong đường thông và người bảo vệ nghĩ, "Đừng để cô ấy trong đó" và khi buồng thang lao qua hành lang, anh ta nghe thấy tiếng thét khủng khiếp ở bên trong. Một khoảnh khắc sau, một tiếng ầm lớn vang lên và cả toà nhà giật lên như vừa trải qua một cơn động đất. Chương 31 Chánh thanh tra Otto Schmied thuộc Sở cảnh sát hình sự Zurich ngồi tại bàn làm việc, hít thở thật sâu theo kiểu Yoga, cố giữ bình tĩnh, cố kiềm chế cơn giận giữ tràn ngập trong lòng. Thủ tục của cảnh sát có rất nhiều điều luật cơ bản, rõ ràng đến nỗi không ai nghĩ chúng cần được đưa vào sổ tay cảnh sát. Chúng rất đơn giản và được coi là hiển nhiên như ăn, ngủ, thở vậy. Ví dụ, khi một tai nạn xảy ra, điều đầu tiên một thanh tra phải làm là, đơn giản, rõ ràng, không cần viết lên bảng là đến khám xét hiện trường vụ án. Không còn gì cơ bản hơn thế. Nhưng ngay trên bàn của Chánh thanh tra Otto Schmied là báo cáo của thám tử Max Hornung đã vi phạm tất cả những nguyên lý của thủ tục cảnh sát. Nhẽ ra mình phải đoán trước được, ngài Chánh thanh tra chua chát nghĩ. Vậy thì tại sao mình phải ngạc nhiên? Thám tử Hornung là con chim hải âu của thanh tra Schmied, là con thú đen của ông ta, - thanh tra Schmied là một người hâm mộ mãnh hệt Meville - là Moby Dick của ông. Ngài thanh tra hít một hơi thở sâu nữa và từ từ thở ra. Rồi, chỉ với chút ít bối rối, ông cầm báo cáo của thám tử Hornung lên và đọc lại nó từ đầu. BÁO CÁO SĨ QUAN TRỰC Thứ tư mồng 7 tháng 11 THỜI GIAN: 1:15 sáng NỘI DUNG: Báo cáo từ bảng điều khiển chính nơi xảy ra tai nạn tại toà nhà hành chính của Roffe và các con ở nhà máy Eichenbahn. LOẠI TAI NẠN: Không rõ NGUYÊN NHN TAI NẠN: Không rõ SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Không rõ THỜI GIAN: 1:27 sáng NỘI DUNG: Thông báo thứ hai từ bảng điều khiển chính tại nơi xảy ra tai nạn ở Roffe và các con LOẠI TAl NẠN: Thang máy rơi NGUYÊN NHN TAl NẠN: Không rõ SỐ NGƯỜI BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT: Một phụ nữ chết. Tô bắt đầu điều tra ngay lập tức. Vào lúc 1.35 sáng tôi nhìn thấy tên người quản lý toà nhà hành chính của Roffe và các con và từ đó tôi biết được tên các kiến trúc sư trưởng của toà nhà. 2.30 sáng. Tôi xác định được địa điểm của kiến trúc sư trưởng. Ông ta đang tổ chức lễ sinh nhật tại La Puce. Ông ta cho tôi tên của công ty đã lắp đặt thang máy trong toà nhà, Rudolf Schatz, A. 3.15 sáng. Tôi gọi điện cho ông Rudolf Schatz tại nhà ông ta và yêu cầu ông ta ngay lập tức xác định các sơ đồ cho thang máy. Tôi cũng yêu cầu các chứng từ kế toán chính cùng với dự toán ban đầu, dự toán cuối cùng và chi phí cuối cùng, tôi cũng yêu cầu một bản kê hoàn chỉnh tất cả các loại vật liệu về cơ và điện đã được sử dụng. Lúc nầy thanh tra Schmied có thể cảm thấy cơn co giật quen thuộc trên má trái. Ông hít vài hơi thở sâu rồi đọc tiếp: 6.15 sáng. Các tài liệu yêu cầu được giao cho tôi ở Sở cảnh sát bởi vợ ông Schatz, sau khi kiểm tra các ngân sách lúc đầu và chi phí cuối cùng tôi rất thoả mãn rằng: a) Không có các vật liệu kém bị thay thế trong quá trình chế tạo các thang máy b) Vì danh tiếng của nhà sản xuất, giả thiết tai nạn xảy ra do nhân công có tay nghề kém bị loại bỏ c) Các biện pháp an toàn trong thang máy đều rất thoả đáng d) Vì thế kết luận của tôi là nguyên nhân thang máy rơi không phải là tai nạn. (Ký tên) Max Hornung, CID GHI CHÚ: Vì những cú điện thoại của tôi xảy ra giữa đêm khuya và lúc sáng sớm nên có thể ông sẽ phải nhận một hoặc hai lời phàn nàn từ một sô người mà tôi đã đánh thức. Thanh tra Schmied giận dữ dằn bản báo cáo xuống bàn. "Rất có thể!", "Đã đánh thức!" - Ngài Chánh thanh tra cũng đã bị tấn công suốt buổi sáng bởi nửa tá viên chức của chính phủ Thuỵ Sĩ. Anh ta nghĩ anh ta đang điều hành cái gì đây? Cơ quan mật vụ sao? Làm sao anh ta dám đánh thức giám đốc một công ty xây dựng đáng kính và yêu cầu ông ta cung cấp tài liệu vào lúc nửa đêm? Làm sao anh ta dám nghi ngờ sự ngay thẳng của một công ty danh tiếng như Rudolf Schatz? Và còn nhiều, nhiều nữa. Nhưng điều khó hiểu "điều kỳ lạ" là thám tử Max Hornung thậm chí còn không thèm xuất hiện ở hiện trường xảy ra tai nạn cho đến mười bốn tiếng sau khi nó đã được báo cáo? Lúc anh ta đến thì nạn nhân đã được đưa đi, được nhận diện và được pháp y khám nghiệm. Sáu thám tử khác đã kiểm tra hiện trường tai nạn, đã thẩm vấn các nhân chứng và hoàn tất báo cáo của họ. Khi Chánh thanh tra Schmied đọc lại xong báo cáo của Max Hornung, ông ta cho mời anh ta đến phòng làm việc. Chỉ cần nhìn thấy Max Hornung thôi là ông Chánh thanh tra đã thấy ghét anh ta thậm tệ. Max Hornung béo lùn, luôn có vẻ đăm chiêu, đầu hói, khuôn mặt của một kẻ tinh nghịch hay lơ đãng. Đầu anh ta quá to đôi tai lại quá nhỏ, cái mồm không khác gì một quả nho khô dán lên giữa khuôn mặt bè bè. Thám tử Max Hornung còn thiếu hơn chục phân mới đạt được tiêu chuẩn khe khắt của Sở Cảnh sát hình sự Zurich, nhẹ hơn đến bẩy cân và lại bị cận thị nặng. Nhưng hơn tất cả là anh ta quá kiêu căng. Tất cả đám đàn ông trong lực lượng cảnh sát đều có chung một cảm nghĩ về Max Hornung: họ ghét anh ta. - Tại sao ông không sa thải anh ta? - vợ ngài Chánh thanh tra đã vậy và tí nữa thì ông đã đánh bà. Lý do mà Max Hornung tồn tại trong lực lượng cảnh sát Zurich là một mình anh ta thôi cũng đã đóng góp cho thu nhập quốc dân Thuỵ Sĩ nhiều hơn các nhà máy sản xuất chocolate và đồng hồ cộng lại. Max Hornung là một kế toán viên, một thiên tài toán học với kiến thức bách khoa về các vấn đề tài chính, một năng khiếu về tranh biện và một đức tính kiên nhẫn có thể làm cho Job khóc và ghen tị. Max đã từng là nhân viên ở Betrug Abteilung, một Uỷ ban được thành lập để điều tra các vụ gian lận tài chính, các vụ bán cổ phần và giao dịch ngân hàng không đúng quy luật và tình trạng tiền tệ ra vào Thuỵ Sĩ. Chính Max Hornung đã ngăn chặn việc buôn bán tiền tệ bất hợp pháp ở Thuỵ Sĩ, khám phá ra các âm mưu tài chính bất hợp pháp tinh vi trị giá hàng tỷ đô-la và tống nửa tá các nhà kinh doanh hàng đầu được tôn trọng trên thế giới vào tù. Bất kể các nguồn tài sản được che giấu ra sao, trộn đi trộn lại thế nào, chuyển ra Seychelles để tẩy chuyển qua chuyển lại hàng loạt các công ty "dỏm" đầy phức tạp, cuối cùng Max Hornung vẫn tìm ra sự thật. Nói chung là, anh ta đã biến mình thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng tài chính Thuỵ Sĩ. Người Thuỵ Sĩ đánh giá sự riêng tư trên tất cả những gì họ cho là thiêng liêng và tha thiết. Nhưng sẽ chẳng còn gì là riêng tư nếu có Max Hornung theo đằng sau. Tiền lương của Max với công việc là người bảo vệ tài chính thật ít ỏi. Anh ta đã từng được đề nghị những món tiền hối lộ lên đến cả triệu franc trong các tài khoản ngân hàng bằng mã số, một biệt thự ở Cortina d Ampezzo, một chiếc du thuyền và trong một số trường hợp đặc biệt thì có cả các cô gái xinh đẹp khêu gợi. Lần nào các món tiền hối lộ cũng bị từ chối và các nhà chức trách được thông báo ngay lập tức. Max Hornung chẳng hề quan tâm đến tiền bạc. Anh ta có thể trở thành triệu phú một cách đơn giản nếu áp dụng các kỹ năng tài chính của mình vào thị trường chứng khoán nhưng ý nghĩ đó lại chưa hề xuất hiện ở anh ta. Max Hornung chỉ thích mỗi một chuyện: bắt những kẻ đi lệch khỏi con đường đúng đắn trong lĩnh vực tài chính. À vâng, Max Hornung còn có ước mơ cháy bỏng khác: và cuối cùng nó được chứng minh là sự bảo trợ cho cộng đồng kinh doanh. Vì những lý do không ai có thể tìm hiểu, Max Hornung mong được trở thành một thám tử trong ngành cảnh sát. Anh ta tự hình dung mình như một kiểu Sherlock Homes hoặc Maigret, kiên nhẫn do tìm những dấu vết phức tạp, săn đuổi bọn tội phạm tới tận hang ổ một cách không nao núng. Khi một trong những nhà tài chính hàng đầu của Thuỵ Sĩ tình cờ biết được ý định trở thành thám tử của Max Hornung, ông ta lập tức tập trung vài người bạn có thế lực lại và chi trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau Max Hornung đã nhận được lời đề nghị làm thám tử cho lực lượng cảnh sát Zurich. Max không thể tin nổi cơ hội tốt của mình. Anh ta sốt sắng nhận lời và tất cả cộng đồng kinh doanh đã thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục các hoạt động lén lút của họ. Chánh thanh tra Schmied thậm chí đã không quan tâm đến vấn đề nầy. Ông nhận được cú điện thoại từ một nhà chính trị hàng đầu có thế lực nhất ở Thuỵ Sĩ cho ông những lời hướng dẫn và rồi vấn đề kết thúc ở đó. Hoặc là, để chính xác hơn, vấn đề bắt đầu từ đó. Đối với ngài Chánh thanh tra, đó là sự khởi đầu mà không có dấu hiệu kết thúc. Ông đã phải thật sự cố gắng dằn cơn thịnh nộ khi bị một gã thám tử thiếu kinh nghiệm và trình độ về lĩnh vực đó, ép buộc ông. Ông cho rằng phải có một động lực chính trị thật mạnh mẽ cho một việc chưa từng nghe nói đến như thế. Tốt lắm, ông quyết định hợp tác, tự tin rằng mình sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề. Nhưng niềm tin của ông đã bị lay chuyển vào cái lúc Max Hornung trình diện. Chỉ riêng sự xuất hiện của viên thám tử thôi cũng đã đủ buồn cười rồi. Nhưng điều làm thanh tra Schmied ngạc nhiên là thái độ kẻ cả của anh ta. Nó như muốn nói: Max Hornung đã đến đây - bây giờ thì ông có thể nghỉ ngơi và không cần lo lắng gì nữa. Những ý nghĩ của thanh tra Schmied về bất kỳ một sự hợp tác dễ dàng nào đã biến mất. Thay vào đó ông hướng tới một cách giải quyết khác. Ông cố nhét anh ta xuống dưới tấm thảm, tức là, chuyển anh ta từ ban nầy sang ban khác, cho anh ta làm những việc không quan trọng. Max làm việc cho phòng kỹ thuật hình sự, in dấu tay và nhận dạng, phòng truy tìm, ban tài sản bị mất và người mất tích. Nhưng Max Hornung luôn hoàn thành nhiệm vụ. Có một điều lệ rằng tất cả các thám tử đều phải làm sĩ quan trực tại bàn khẩn cấp ban đêm, cứ mười hai tuần thì phải trực một tuần. Chưa từng sai lệch, cứ lần nào Max trực là lại có chuyện quan trọng xảy ra và khi các thám tử khác của ông Schmied chạy lăng xăng lo truy tìm bằng chứng thì Max Hornung lại giải quyết được vụ đó. Thật là tức chết đi được. Anh ta hoàn toàn không biết gì về các thủ tục cảnh sát, khoa tội phạm, thuật ngữ toà án, đường đạn, hoặc tâm lý tội phạm - tất cả những thứ mà các thám tử khác đều có rất nhiều kinh nghiệm - nhưng anh ta lại là người giải quyết được các vụ mà người khác bó tay. Chánh thanh tra Schmied đã kết luận rằng Max Hornung là người may mắn nhất đang còn sống. Thực ra thì, chẳng có gì liên quan đến may mắn cả. Thám tử Max Hornung giải quyết vụ án hình sự giống y như cách mà kế toán viên Max Hornung đã khám phá ra hàng trăm âm mưu khéo léo lường gạt các ngân hàng và chính phủ. Đầu óc Max Hornung chỉ có một con đường, và đó là con đường vô cùng thẳng và hẹp. Tất cả những gì anh ta cần là một sợi chỉ còn sót lại một mẩu rất nhỏ không ăn khớp với phần còn lại của tấm vải, và một khi anh ta đã bắt đầu lần ra, anh ta sẽ gỡ dần cho đến khi âm mưu vô cùng tài tình của một kẻ rất thông minh nào đó bị rách ở ngay đường may nối. Sự thật rằng Max có một trí nhớ như máy ảnh đã làm cho các đồng nghiệp của anh ta phát khùng. Max có thể ngay lập tức nhắc lại tất cả những gì anh ta đã từng nghe, đọc hoặc thấy. Một việc làm khác, có thể làm hại anh ta, nếu quả thật cần phải làm như thế, là các bảng kê khai chi tiêu của anh ta đã làm xấu hổ tất cả các thám tử còn lại. Lần đầu tiên khi anh ta nộp bảng kê khai chi tiêu, viên trung uý đã gọi anh ta đến văn phòng và nhẹ nhàng nói: - Max, anh rõ ràng đã nhầm lẫn trong các con số ở đây. Lời nhắc nhở đó có ẩn ý rằng Capablanca đã hy sinh con hậu vì ngu ng Max chớp mắt: - Sai lầm trong các con số của tôi? - Đúng, thật ra là có vài lỗi lầm. - Viên trung uý chỉ vào tờ giấy trước mặt anh ta. – "Đi vào thành phố, tám mươi xu. Quay lại, tám mươi xu". - ông ta ngước lên và nói, "tiền taxi tối đa sẽ là ba mươi tư franc mỗi chuyến". - Vâng, thưa xếp. Đó là lý do vì sao tôi đi xe bus. Viên trung uý nhìn sững anh ta. - Xe bus? Không có thám tử nào phải đi xe bus khi đang làm nhiệm vụ. Đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra. Câu trả lời duy nhất ông ta có thể nghĩ đến là: - Đúng, chuyện nầy… chuyện nầy không nhất thiết. Ý tôi là… chúng ta dĩ nhiên không khuyến khích những người trong phòng nầy tiêu hoang, Hornung, nhưng chúng ta có ngân sách để chi tiêu một cách tử tế. Còn chuyện nầy nữa. Anh đã ra ngoài để lo vụ nầy trong ba ngày. Anh quên tính cả các bữa ăn. - Không, thưa trung uý. Tôi chỉ uống cà phê sáng và tôi tự chuẩn bị bữa trưa và mang theo trong giỏ. Tôi đã tính các bữa tối vào đây. Và chúng đây: Ba bữa tối, tổng cộng: mười sáu franc. Chắc là anh ta ăn trong Trại cứu tế Quân Đội. Viên trung uý lạnh lùng nói: - Thám tử Max Hornung, phòng nầy đã có từ một trăm năm trước khi anh đến đây và nó sẽ còn tồn tại một trăm năm nữa sau khi anh rời khỏi. Ở đây có một vài truyền thống mà chúng ta phải giữ gìn. - ông ta đẩy bản kê khai lại cho Max. - Anh phải nghĩ đến các đồng nghiệp, anh biết đấy. Bây giờ thì cầm lấy cái nầy, sửa lại và nộp lại đây. - Vâng, thưa trung uý. Tôi… tôi xin lỗi nếu tôi có làm điều gì sai. Một cái phẩy tay độ lượng. - Rất đúng. Dù sao thì, anh cũng mới đến đây. - Ba mươi phút sau thám tử Hornung nộp lại bản báo cáo đã được sửa chữa. Anh ta đã tăng các chi phí lên ba phần trăm. * * * * * Bây giờ, vào ngày nầy trong tháng Mười một, Chánh thanh tra Schmied đang cầm bản báo cáo của thám tử Hornung trong tay còn tác giả của nó thì đứng trước mặt ông. Thám tử Hornung mặc bộ comlê xanh nhạt, đi giầy nâu và tất trắng. Dù rất kiên quyết và cố gắng điều hoà hơi thở theo nhịp Yoga, thanh tra Schmied vẫn nhận thấy mình đang to tiếng. - Anh đang trực ở đây khi nhận được báo cáo. Nhiệm vụ của anh là điều tra vụ án và anh đến hiện trường mười bốn tiếng sau? Cả lực lượng cảnh sát New Zealand chết tiệt cũng có thể bay đến đây rồi bay về trong thời gian đó! - Ồ không, sếp. Bay từ New Zealand đến đây bằng phản lực là… - Ồ anh im ngay. Thanh tra Schmied lấy tay vò mái tóc dày đang ngả màu hoa râm, cố nghĩ xem phải nói với người nầy cái gì. Mình không thể lăng mạ hắn, mình không thể cãi lý với hắn. Hắn là một thằng khờ gặp nhiều may măn. Thanh tra Schmied quát tháo: - Tôi sẽ không tha thứ sự kém cỏi trong phòng nầy, Hornung. Khi các thám tử khác trực và nhận được báo cáo, họ lập tức chạy đến hiện trường để xem xét tai nạn. Họ gọi xe cứu thương, đưa tử thi đến nhà xác, nhận dạng nó… Ông biết mình lại nói quá nhanh và cố bình tĩnh trở lại. - Tóm lại, Hornung, họ làm tất cả những gì một thám tử giỏi phải làm. Trong khi đó thì anh ngồi trong văn phòng và đi đánh thức nửa tá nhân vật quan trọng của Thuỵ Sĩ vào lúc nửa đêm. - Tôi nghĩ… - Không! Tôi đã phải gọi điện xin lỗi suốt cả buổi sáng nay cũng chỉ vì anh thôi. - Tôi phải tìm ra… - Ồ ra khỏi đây ngay, Hornung! - Vâng, thưa xếp. Tôi tham dự đám tang được chứ? Ngay sáng nay. - Được! Đi đi! - Cám ơn xếp. Tôi… - Đi đi! Phải đến ba mươi phút sau Chánh thanh tra Schmied mới thở lại bình thường. Chương 32 Phòng tang lễ ở Shielfeld đông nghẹt người. Đó là một toà nhà bằng đá theo kiểu cũ, trang trí cầu kỳ, có nhiều phòng chuẩn bị và một lò thiêu xác. Hai tá giám đốc và nhân viên của Roffe và các con chiếm trọn hàng ghế phía trước trong phòng hành lễ lớn. Phía sau là các bạn bè, các đại diện cho cộng đồng và giới truyền thông. Thám tử Max Hornung ngồi ở hàng ghế cuối cùng, nghĩ rằng cái chết thật là vô lý. Con người đạt đến thời hoàng kim nhất và sau đó, khi đã có nhiều nhất để cho, nhiều nhất để sống, thì lại chết. Thật là không có hiệu quả. Chiếc quan tài bằng gỗ gụ đã được phủ đầy hoa. Càng lãng phí, thám tử Hornung nghĩ thầm. Quan tài đã được lệnh đóng kín. Max có thể hiểu được vì sao. Vị bộ trưởng đang nói bằng giọng tận thế: - … Cái chết giữa cuộc đời, sinh ra đã có tội, cát bụi lại về với cát bụi. Max Hornung không buồn để ý tới. Anh ta đang nghiên cứu những người trong phòng hành lễ. - Thượng đế ban cho, và Thượng đế lấy đi… Và mọi người bắt đầu đứng lên và hướng về phía lối ra. Buổi lễ đã kết thúc. Max đứng gần cửa, và khi một người đàn ông cùng một người đàn bà đi tới, anh ta bước ra trước mặt người đàn bà và nói: - Cô Elizabeth Roffe? Không biết tôi có được nói vài lời với cô không? Thám tử Max Hornung ngồi cùng Elizabeth Roffe và Rhys Williams trong một căn buồng nhỏ tại tiệm bánh kẹo phía bên kia phòng tang lễ. Qua cửa kính họ có thể thấy cỗ quan tài được đưa vào chiếc xe tang màu xám. Elizabeth quay mặt đi. Cặp mắt nàng đờ đẫn. - Thế nầy là thế nào? - Rhys hỏi. - Cô Roffe đã khai hết cho cảnh sát rồi. Thám tử Max Hornung nói: - Ông Williams phải không? Còn một vài chi tiết nữa tôi muốn được kiểm tra kỹ hơn. - Họ không thể đợi sao? Cô Roffe đã trải qua… Elizabeth đặt tay lên tay Rhys. - Không sao. Nếu em có thể giúp được chuyện gì đó… - Nàng quay sang Max. - Ông muốn biết điều gì, thưa thám tử Hornung? Max nhìn Elizabeth chằm chằm và lần đầu tiên trong đời anh ta không biết phải làm sao mở lời. Đối với Max, phụ nữ cũng xa lạ không khác gì những sinh vật ngoài hành tinh. Họ phi lý và khó đoán, phụ thuộc vào những phản ứng cảm xúc nhiều hơn là lý trí. Họ không tính toán. Max có ít ham muốn tình dục, vì anh ta có đầu óc định hướng, nhưng anh ta cũng có thể nhận rõ logic chính xác về tình dục. Chính các cấu trúc cơ học của nhiều bộ phận chuyển động phù hợp với nhau trong một tổng thể được sắp xếp đã kích thích anh ta. Điều đó, đối với Max, là thi vị của tình yêu. Động lực tuyệt đối của tình yêu. Max cảm thấy nhiều nhà thơ đã bỏ qua điểm nầy. Các cảm xúc đều mơ hồ và bừa bãi, một sự lãng phí năng lượng có thể không di chuyển nổi một hạt cát nhỏ nhất đến vài phân, trong khi logic có thể di chuyển cả thế giới. Điều làm Max bối rối bây giờ là anh ta cảm thấy dễ chịu khi gặp Elizabeth. Điều đó làm anh ta băn khoăn. Từ trước đến giờ không có người đàn bà nào tác động đến anh ta như thế cả. Hình như nàng không hề nghĩ anh ta là một gã đàn ông xấu xí bé nhỏ, lố bịch như những người đàn bà khác vẫn nghĩ. Anh ta cố ép mình không nhìn vào mắt nàng để anh ta có thể tập trung tư tưởng. - Cô có thói quen làm việc đến khuya phải không cô Roffe? - Rất thường! - Elizabeth nói. - Vâng! - Khuya đến đâu? - Cũng tuỳ. Đôi khi đến mười giờ. Đôi khi đến nửa đêm, hoặc lâu hơn nữa. - Như thế có phải là một kiểu gương mẫu? Tức là mọi người xung quanh đều biết việc nầy? Nàng nhìn anh ta, bối rối. - Tôi cho là vậy. - Vào đêm thang máy rơi, cô và ông Williamss và Kate Erling cùng làm việc đến khuya? - Vâng. - Nhưng mọi người không về cùng nhau? Rhys nói: - Tôi đi sớm. Tôi có một cuộc hẹn. Max nhìn anh ta một lát rồi quay lại Elizabeth. - Ông Williamss đi được bao lâu thì cô về? - Tôi nghĩ là khoảng một tiếng. - Cô và Kate Erling về cùng nhau chứ? - Vâng. Chúng tôi lấy áo khoác và ra hành lang. Giọng Elizabeth ngập ngừng. - Chiếc thang máy đã mở cửa sẵn chờ chúng tôi. Chiếc thang máy tốc hành đặc biệt. - Chuyện gì xảy ra sau đó? - Hai chúng tôi cùng vào. Điện thoại trong văn phòng reo. Kate… bà Erling… bảo "để tôi trả lời cho" và bà ấy đi ra. Nhưng tôi đang chờ một cú điện thoại hẹn trước từ nước ngoài nên tôi bảo bà ấy để tôi trả lời. Elizabeth ngừng lại, đầm đìa nước mắt: - Tôi ra khỏi thang máy. Bà ấy hỏi có cần đợi hay không và tôi nói "Không, bà cứ xuống trước đi". Bà ấy ấn nút tầng một. Tôi bắt đầu quay lại căn phòng, và khi tôi đang mở cửa, tôi nghe thấy… Tôi nghe thấy tiếng thét, rồi… Nàng không thể tiếp tục được nữa. Rhys quay sang Hornung, mặt anh sầm lại vì giận dữ. - Đủ rồi, ông hãy cho biết thế nầy là thế nào? Đây là vụ giết người, Max nghĩ. Ai đó đang cố tình giết Elizabeth Roffe. Max ngồi tập trung tư tưởng, nhớ lại tất cả những gì anh ta đã thu lượm được về Roffe và các con sau bốn mươi tám giờ đồng hồ. Đây là tập đoàn đang gặp nhiều tai nạn, phải trả nhiều khoản tiền khổng lồ cho các vụ kiện tụng, sa lầy vì các dư luận tồi tệ, mất khách hàng, nợ ngân hàng những món tiền khổng lồ và họ đang trở lên thiếu kiên nhẫn. Một tập đoàn đã đến lúc cần thay đổi. Chủ tịch của nó, Sam Roffe, người nắm giữ quyền điều khiển đã chết. Một tay leo núi cự phách đã chết trong một tai nạn leo núi. Số cổ phần quyết định đã thuộc về con gái của ông ta, Elizabeth, người suýt chết trong một tai nạn xe Jeep ở Sardinia, và thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong một buồng thang máy mới được kiểm tra. Ai đó đang chơi những trò chơi chết người. Thám tử Max Hornung là người hạnh phúc. Anh ta đã lần ra đầu mối. Nhưng bây giờ anh ta đã gặp Elizabeth Roffe, và nàng không chỉ đơn giản là một cái tên, một phương trình trong bài toán phức tạp. Ở nàng có một điều gì đó thật đặc biệt. Max cảm thấy một sự thôi thúc phải che chở cho nàng, bảo vệ nàng. Rhys lên tiếng: - Tôi muốn hỏi thế nầy là… Max nhìn anh và mơ hồ nói: - Ờ… thủ tục của cảnh sát, ông Wiliams. Chỉ làm theo lệnh thôi. - Anh ta đứng dậy. - Xin thứ lỗi. Anh ta có vài việc khẩn cấp phải làm. Chương 33 Chánh thanh tra Schmied đã có một buổi sáng vô cùng bận rộn. Một cuộc biểu tình chính trị diễn ra trước cửa hãng hàng không Iberia và ba người bị tạm giam để thẩm vấn. Một vụ hoả hoạn có lý do không rõ ràng ở nhà máy giấy ở Brunau. Vụ nầy đang được điều tra. Một cô gái bị cưỡng hiếp ở Platzpitz Park. Một vụ cướp ở Guebelin và một vụ khác ở Grima, cạnh Bauz-au-Lac. Và nếu thế còn chưa đủ, thám tử Max Hornung trở về và hoàn tất bằng một giả thuyết lếu láo. Chánh thanh tra Schmied lại thấy mình bắt đầu muốn xỉu. - Hệ thống ròng rọc của thang máy bị đứt, - Max nói. - Khi nó bị hỏng, tất cả hệ thống an toàn sẽ hỏng theo. Ai đó… - Tôi đã xem báo cáo, Hornung. Hao mòn và hỏng hóc thường lệ. - Không, thưa sếp. Tôi đã kiểm tra các đặc điểm kỹ thuật của con lăn cuốn dây cáp. Nó còn dùng được năm, sáu năm nữa. Chánh thanh tra Schimied cảm thấy cơn co giật nhẹ trên má. - Anh định nói gì vậy? - Không, tôi nghĩ là ai đó đã phá hỏng thang máy. - Tại sao họ phải làm thế? - Đó là những gì tôi đang muốn tìm hiểu. - Anh muốn trở lại Roffe và các con hay sao? Thám tử Max Hornung nhìn thanh tra Schmied với vẻ tin tưởng thật sự. - Không, thưa xếp. Tôi muốn đi Chamonix. * * * * * Thành phố Chamonix nằm cách Geneva bốn mươi dặm về phía đông nam, cao khoảng chín trăm mét so với mực nước biển, trong khu hành chính Haute-Savoie của Pháp, giữa rặng Mont Blanc và dãy Aiguille Rouge với phong cảnh vào loại đẹp diệu kỳ trên thế giới. Thám tử Max Hornung hoàn toàn không biết gì đến phong cảnh khi anh ta ra khỏi tầu hoả tại ga Chamonix, mang theo một chiếc vali các tông méo mó. Anh ta vẩy tay từ chối chiếc taxi và đi bộ về phía sở cảnh sát địa phương, một toà nhà nhỏ nằm trên quảng trường chính ở trung tâm thành phố. Max bước vào, ngay lập tức cảm thấy như ở nhà, cực kỳ thoải mái với sự thân thiết nồng ấm mà anh ta san sẻ với các bạn bè cảnh sát trên toàn thế giới. Anh ta là một người trong bọn họ. Viên trung sĩ người Pháp ngồi sau bàn giấy ngước lên và hỏi: - Chúng tôi có thể giúp gì cho ông? - Vâng. - Max tươi cười. Và anh ta bắt đầu nói. Max tiếp cận tất cả các ngoại ngữ bằng cùng một cách, anh vạch con đường xuyên qua khu rừng dầy đặc các động từ bất quy tắc, các thì, các động tính từ, sử dụng cái lưỡi của mình như một con dao rựa. Khi anh ta nói, sắc mặt của viên trung sĩ thay đổi từ bối rối sang không thể tin nổi. Người Pháp đá mất hàng trăm năm phát triển lưỡi, vòm miệng mềm mại và thanh quản để tạo cho tiếng Pháp âm điệu hết sức tuyệt diệu. Và bây giờ người đàn ông đang đứng trước anh ta đây đang bằng cách nầy cách khác cố biến nó thành một loạt âm thanh ghê rợn, không tài nào hiểu nổi. Viên trung sĩ bàn giấy không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta ngắt lời. - Ông đang định nói gì vậy? Max hỏi lại: - Ý ông là sao? Tôi đang nói tiếng Pháp. Viên trung sĩ nhô người ra đằng trước và hỏi với vẻ tò mò không nao núng. - Anh đang nói lúc nầy sao? Thằng ngu thậm chí còn không nói tiếng nước mình, Max nghĩ. Anh ta lôi thẻ chứng nhận ra và đưa cho viên trung sĩ. Viên trung sĩ đọc nó đến hai lần, nhìn kỹ Max, rồi đọc lại lần nữa. Thật khó tin rằng người đàn ông trước mặt anh ta lại là một thám tử. Anh ta miễn cưỡng trả lại thẻ cho Max. - Tôi có thể giúp gì cho ông? - Tôi đang điều tra một vụ tai nạn leo núi xảy ra khoảng hai tháng trước ở đây. Nạn nhân tên là Sam Roffe. Viên trung sĩ gật đầu. - Có, tôi nhớ. - Tôi muốn nói chuyện với người nào có thể cung cấp thông tin về những gì đã xảy ra. - Đó là một tổ chức cứu nạn trên núi. Tên nó là Societe Chamoniarde de Secours en Montagne. Ông có thể tìm thấy nó ở Place du Mont Blanc. Số điện thoại là 531689. Hoặc ở bệnh viện ở đường Valais cũng có tin tức. Số điện thoại là 530182. Đây. Để tôi viết ra cho ông. - Anh ta với lấy cái bút. - Không cần, - Max nói. - Societe Charmoniarde de Secours en Montagne, Place du Mont Blanc, 531689. Hoặc bệnh viện ở đường Valais, 530182. Viên trung sĩ vẫn còn sững sờ một lúc lâu sau khi Max biến mất khỏi khung cửa. Người phụ trách Societe Charmoniarde de Secours da ngăm đen, có vẻ còn trẻ, ngồi sau một chiếc bàn gỗ thông xộc xệch. Anh ta nhìn Max đi vào và ý nghĩ ngay tức khắc của anh ta là hy vọng người khách trông kỳ quặc nầy không có ý định leo núi. - Tôi có thể giúp gì cho ông? - Thám tử Max Hornung. - Anh ta chìa tấm thẻ chứng nhận ra. - Tôi có thể giúp gì cho ông, thám tử Hornung? - Tôi đang điều tra về cái chết của một người đàn ông tên là Sam Roffe, - Max nói. Người ngồi sau bàn thở dài. - À, vâng. Tôi rất thích ông Roffe. Đó quả là một tai nạn rủi ro. - Anh có chứng kiến chuyện đó chứ? Một cái lắc đầu. - Không. Tôi đưa đội cứu hộ đi ngay lúc nhận được tín hiệu đau buồn của họ, nhưng chúng tôi đã không thể làm được gì hơn. Xác ông Roffe rơi xuống một kẽ nứt. Nó sẽ không bao giờ được tìm thấy. - Chuyện xảy ra thế nào? - Có bốn người leo núi trong nhóm. Người dẫn đường và ông Roffe đi sau cùng. Như tôi biết thì, họ đang vượt qua một dải băng thì ông Roffe trượt chân và ngã xuống. - Ông ấy không đeo dây an toàn hay sao? - Dĩ nhiên có: Nhưng sợi dây bị đứt. - Chuyện như thế có thường xảy ra không? - Chỉ một lần. - Anh ta mỉm cười với một chút đùa cợt rồi chợt trông thấy nét mặt viên thám tử liền vội thêm vào, - Các tay leo núi lão luyện luôn kiểm tra các thiết bị an toàn của họ, nhưng các tai nạn vẫn xảy ra. Max đứng đó một lát, nghĩ ngợi. - Tôi muốn nói chuyện với người dẫn đường. - Người dẫn đường thường lệ của ông Roffe hôm ấy không leo núi. Max chớp mắt. - Ồ? Tại sao không? - Theo tôi nhớ thì anh ta bị ốm. Một người hướng dẫn khác thay thế anh ta. - Anh có tên của anh ta không? - Nếu ông có thể đợi vài phút, tôi sẽ tìm cho ông. Người đàn ông biến mất vào văn phòng bên trong. Vài phút sau anh ta quay lại với tập giấy trong tay. - Tên người hướng dẫn là Hans Bergmann. - Tôi có thể tìm anh ta ở đâu? Anh ta không phải người địa phương. - Anh lật vài trang. - Anh ta đến từ một làng tên là Lesgets. Nó cách đây khoảng sáu mươi cây số. Trước khi Max rời khỏi Chamonix, anh ta ngừng lại ở bàn giấy của khách sạn Kleine Scheidegg và nói với nhân viên sắp xếp phòng. - Lúc ông Roffe ở đây thì anh có làm việc không? - Có - anh ta trả lời. - Vụ tai nạn quả là khủng khiếp. - Ông Roffe ở đây một mình à? Người nhân viên lắc đầu. - Không. Ông ấy có bạn đi cùng. Max nhìn sững. - Bạn à? - Vâng. Ông Roffe đã đặt phòng cho cả hai người. - Anh có thể cho tôi biết tên người bạn của ông ấy. - Dĩ nhiên, - anh ta nói. Anh ta lôi ra một cuốn sổ lớn dưới bàn và bắt đầu lật ngược các trang. Rồi anh ta dừng lại, ngón tay lần từ trên xuống dưới và nói, À đây rồi… Max phải mất gần ba tiếng để đến Lesgets bằng chiếc Volkswagen, loại xe rẻ nhất mà anh ta có thể tìm thuê được, và anh ta suýt nữa đã đi quá đường. Đó thậm chí không phải là một làng. Ở đây chỉ có vài cửa hàng, một nhà nghỉ kiểu Alpine, một cửa hàng bách hoá với một cái bơm xăng duy nhất trước cửa. Max đỗ xe trước cửa nhà nghỉ và bước vào. Có khoảng sáu người đàn ông ngồi nói chuyện trước lò sưởi Tiếng nói chuyện nhỏ đi khi Max bước vào. - Xin lỗi, - anh ta nói, - Tôi muốn tìm Herr Hans Bergmann. "Hans Bergmann. Người dẫn đường. Anh ta đến từ làng nầy". Một người đàn ông lớn tuổi, có khuôn mặt nhăn nheo như tấm bản đồ thời tiết, nhổ nước bọt vào lò sưởi và nói. - Ai đó đã chơi ông rồi. Tôi sinh ra tại Lesgets. Và tôi chưa nghe thấy ai có cái tên là Hans Bergmann cả. Chương 34 Hôm đó là ngày đầu tiên Elizabeth đến văn phòng kể từ sau cái chết của Kate Erling một tuần trước. Elizabeth bước vào hành lang tiếp tân trong tâm trạng bối rối, đáp lại những lời chào của người bảo vệ và các nhân viên bảo an một cách máy móc. Ở cuối hành lang nàng trông thấy các công nhân đang thay thế buồng thang máy đã bị vỡ nát. Nàng nghĩ đến Kate Erling, và Elizabeth có thể hình dung ra sự kinh hoàng bà ta đã phải chịu trong khi lao qua mười hai tầng lầu đến cái chết. Nàng biết mình không bao giờ có thể đi chiếc thang máy đó lại một lần nữa. Khi nàng bước vào văn phòng, thư từ của nàng đã được Henriette, người thư ký thứ hai bóc ra và để ngay ngắn trên bàn. Elizabeth nhanh nhẹn xem qua chúng, viết tắt vài lời cần nhớ, viết các câu hỏi trên những cái khác hoặc đánh dấu chúng cho các trưởng phòng. Ở cuối chồng thư là một phong bì lớn, dán kín, ghi "Elizabeth Roffe – Riêng". Elizabeth lấy cái mở thư và dọc ở phía trên phong bì. Nàng cho tay vào và lấy ra một bức ảnh cỡ 8x10. Đó là tấm ảnh chụp gần một đứa bé tóc đen, mắt đen, cặp mắt lồi ra khỏi sọ não. Đính kèm tấm ảnh là một miếng giấy nhỏ có mấy dòng chữ bằng bút chì: "ĐY LÀ ĐỨA CON TRAI JOHN XINH ĐẸP CỦA TAO. THUỐC CỦA MẦY ĐÃ LÀM CHO NÓ NHƯ THẾ NẦY ĐY. TAO SẼ GIẾT MẦY. Elizabeth buông rơi miếng giấy và tấm ảnh, thấy tay mình run lẩy bẩy. Henriette đi vào với một mớ giấy tờ. - Đây là các giấy tờ cần ký, cô… - Cô ta nhìn thấy vẻ mặt của Elizabeth. - Có chuyện gì vậy? Elizabeth nói: - Làm ơn… gọi ông Williams vào đây. Cặp mắt nàng quay trở lại với tấm ảnh trên bàn. Roffe và các con không thể chịu trách nhiệm với những điều khủng khiếp như vậy. * * * * * - Đó là lỗi của chúng ta, - Rhys nói. - Một chuyến hàng đã bị dán nhầm nhãn. Chúng ta đã cố thu hồi hầu hết lại, nhưng… - Anh giơ tay lên đầy ý nghĩa. - Chuyện nầy xảy ra bao lâu rồi? - Gần bốn năm trước. - Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng? - Khoảng một trăm người. - Anh nhìn trên mặt nàng và nhanh nhẹn thêm vào, - Họ đã nhận được các khoản bồi thường. Không phải tất cả đều như thế nầy, Liz. Xem đây, chúng ta đã rất thận trọng rồi. Chúng ta thực hiện tất cả các biện pháp an toàn có thể, nhưng con người vẫn là con người. Đôi khi lỗi lầm vẫn xảy ra. Elizabeth ngồi nhìn chăm chú vào bức ảnh của đứa bé. - Thật là rùng rợn. - Nhẽ ra họ không nên để em thấy bức thư nầy. - Rhys luồn các ngón tay mình vào mớ tóc đen và nói, - đây là thời kỳ đen tối cần chấm dứt, nhưng chúng ta còn có vài vấn đề khác quan trọng hơn thế. Nàng tự hỏi không biết còn chuyện gì còn quan trọng hơn thế nữa. - Vâng. - FDA (1) vừa mới cho chúng ta một quyết định bất lợi về sản phẩm thuốc xịt aerosol. Loại thuốc nầy sẽ hoàn toàn bị cấm lưu hành trong vòng hai năm tới. - Chuyện nầy ảnh hưởng thế nào đến chúng ta? - Nó sẽ làm chúng ta tổn thất khá nặng đấy. Có nghĩa là chúng ta phải đóng cửa nửa tá nhà máy trên khắp thế giới và chịu mất một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất của chúng ta. Elizabeth nghĩ đến Emil Joeppli và công việc mà ông đang tiến hành, nhưng nàng không nói gì. - Còn gì nữa không? - Em đã xem các báo ra sáng nay chưa? - Chưa. - Vợ của một bộ trưởng trong chính phủ Bỉ, bà Van den Logh, đã uống vài viên Benexan. - Đó là một loại dược phẩm của chúng ta à? - Đúng. Đó là chất antihistamine. Nó chống chỉ định cho những ai bị chứng tăng huyết áp. Trên nhãn hiệu của chúng ta đã ghi rõ lời cảnh cáo. Nhưng bà ta đã không để ý. Elizabeth cảm thấy toàn thân bắt đầu căng thẳng. - Thế chuyện gì đang xảy ra cho bà ta? Rhys trả lời: - Bà ta đang hôn mê. Bà ta có thể chết. Các bài báo đăng rằng sản phẩm đó của chúng ta. Các vụ xin huỷ bỏ đơn đặt hàng đang lan rộng trên khắp thế giới. FDA đã thông báo với chúng ta họ đang bắt đầu điều tra, nhưng việc nầy cũng phải mất ít nhất một năm. Cho đến khi họ kết thúc chúng ta mới có thể tiếp tục bán sản phẩm đó. Elizabeth nói: - Em muốn chúng bị thu hồi khỏi thị trường. - Không có lý do gì để làm thế. Đây là loại thuốc có hiệu lực… - Có ai khác bị tổn thương vì nó nữa không? - Hàng trăm ngàn người đã được nó cứu giúp. - Giọng Rhys trầm xuống. - Nó là một trong những loại thuốc có hiệu lực nhất của chúng ta… - Anh chưa trả lời câu hỏi của em. - Có một số trường hợp riêng, anh cho là như vậy. Nhưng… - Em muốn nó bị thu hồi khỏi thị trường. Ngay lập tức! Anh ngồi yên, cố kìm cơn giận, rồi nói. - Được. Em có muốn biết tập đoàn sẽ phải chi bao nhiêu không? - Không. - Elizabeth trả lời. Rhys gật đầu. - Đến bây giờ thì em vẫn chỉ nghe toàn tin tốt thôi. Tin xấu là các ông chủ ngân hàng muốn gặp em bây giờ. Họ đang đòi các món nợ. Elizabeth ngồi một mình trong văn phòng, nghĩ về đứa bé, về người đàn bà đang nằm hôn mê vì dùng thuốc của Roffe và các con. Elizabeth biết rõ rằng những bi kịch kiểu nầy vẫn gây rắc rối cho các tập đoàn dược phẩm khác chứ không riêng gì Roffe và các con. Hàng ngày trên báo chí vẫn in những việc na ná như vậy, nhưng những chuyện đó không đụng chạm đến nàng như chuyện nầy. Nàng cảm thấy có trách nhiệm. Nàng đã quyết định nói chuyện với các trưởng phòng phụ trách các biện pháp an toàn để xem có phải họ không thể cải tiến các biện pháp hay không. "Đây là đứa con trai John của tao. Bà Van de Logh đang bị hôn mê. Bà ấy có thể chết. Chủ các ngân hàng muốn gặp em bây giờ. Họ quyết định đòi các món nợ". Nàng cảm thấy khó thở như thể tất cả cùng một lúc áp sát vào nàng. Lần đầu tiên Elizabeth tự hỏi liệu mình có khả năng đối phó. Những gánh nặng quá nặng nề và chúng chồng lên quá nhanh. Nàng xoay người trong ghế, để nhìn lên chân dung cụ Samuel treo trên tường. Trông cụ quá tài giỏi, quá chắc chắn. Nhưng nàng biết được nỗi băn khoăn và những điều không chắc chắn, những nỗi thất vọng tối tăm của cụ. Nhưng cụ đã vượt qua. Nàng cũng sẽ tồn tại. Nàng mang họ Roffe mà. Nàng nhận ra bức chân dung bị lệch sang bên. Có lẽ do vụ thang máy rơi. Elizabeth đứng dậy để sửa lại nó. Khi nàng vừa lật bức tranh, cái móc long ra và bức tranh rơi xuống sàn. Elizabeth thậm chí không buồn nhìn xuống. Nàng nhìn chằm chằm vào nơi mà bức tranh đã treo. Dính vào tường là một chiếc microphone bé tí xíu. * * * * * Đã 4 giờ sáng và Emil Joepli lại làm việc khuya. Chuyện nầy gần đây đã trở thành thói quen của ông. Mặc dù Elizabeth Roffe không cho ông một hạn cuối cùng đặc biệt, Joepli vẫn biết công trình của ông quan trọng đến mức nào với tập đoàn và ông vẫn đang thúc đẩy công việc để nó sớm được kết thúc sớm chừng nào hay chừng ấy. Ông đã nghe nhiều lời đàm tiếu về Roffe và các con trọng thời gian nầy. Ông muốn làm tất cả mọi việc có thể để giúp cho tập đoàn. Chuyện nầy có lợi cho ông. Nó mang lại cho ông khoản tiền lương hậu hĩnh và sự tự do hoàn toàn. Ông đã quý mến Sam Roffe và ông cũng quý mến con gái ông ấy. Elizabeth sẽ không bao giờ biết, nhưng những giờ làm việc muộn nầy là món quà của Joepli tặng nàng. Ông gù lưng trên bàn làm việc, kiểm tra lại những kết quả của lần thí nghiệm cuối cùng. Chúng còn tốt đẹp hơn cả ông mong đợi. Ông ngồi đó, chìm đắm trong việc tập trung tư tưởng, không nhận thấy mùi hôi của các lồng thú trong phòng thí nghiệm hay sự ẩm thấp của căn phòng hay giờ giấc đã quá muộn. Cánh cửa bật mở và người bảo vệ ca đêm Sepp Nolan bước vào. Nolan rất ghét làm ca đêm. Có một vẻ gì đó quái đản ở các phòng thí nghỉệm vào ban đêm. Mùi của các lồng thú làm anh ta muốn nôn mứa. Nolan tự hỏi phải chăng tất cả những con thú họ giết ở đây đều có linh hồn và quay lại vật vờ trong các hành lang. Mình phải đòi tiền để trả cho mấy con ma, anh ta nghĩ. Tất cả mọi người trong toà nhà nầy đều đã về nhà từ lâu, ngoại trừ ông khoa học gia điên khùng chết tiệt nầy với những cái lồng đầy thỏ, mèo và chuột đồng. - Bao lâu nữa thì giáo sư về? - Nolan hỏi. Joeppli ngước lên, lần đầu tiên nhận ra Nolan. - Cái gì? - Nếu giáo sư còn ở đây một lúc nữa, tôi có thể mang cho ông một miếng sandwich hoặc một cái gì đó. Tôi đã xem qua nơi để thực phẩm và đã ăn một chút. Joepli nói: - Chỉ một cốc cà phê thôi, làm ơn. - Rồi ông quay lại với các biểu đồ của mình. Nolan nói: - Tôi sẽ khoá cửa ngoài khi rời khỏi đây. - Tôi sẽ quay lại ngay. - Joepli thậm chí không nghe thấy giọng anh ta. Mười sau cửa phòng thí nghiệm lại mở và một giọng nói vang lên: - Ông làm việc muộn quá, Joepli! Joepli giật mình nhìn lên. Khi nhận ra đó là ai, ông đứng dậy, bối rối nói: - Vâng, thưa ngài. - Ông cảm thấy tự hào vì người nầy đã ghé vào thăm ông. - Công trình Suối Thanh Xuân, tối mật, phải không ạ? Emile lưỡng lự. Cô Roffe đã dặn không ai được phép biết về nó. Nhưng, dĩ nhiên, không bao gồm người khách nầy. Đây là người đã đưa ông vào làm trong tập đoàn. Vì thế Emile Joepli mỉm cười và trả lời: - Vâng, thưa ngài. Tối mật. - Tốt. Cứ để như thế. Công việc ra sao rồi? - Rất tuyệt, thưa ngài. Vị khách đi thơ thẩn đến một cái lồng thỏ. Emile Joepli đi theo người đó. - Có vấn đề gì cần tôi giải thích không? Người đàn ông mỉm cười. - Không. Tôi cũng khá quen thuộc nơi nầy, Emil. Khi vị khách quay đi, ông ta đụng phải một cái đĩa không để đựng thức ăn cho súc vật và nó rơi xuống sàn. - Xin lỗi. - Xin ngài đừng bận tâm. Để tôi nhặt nó. Emil Joeppli với tay xuống nhặt nó lên và phía sau đầu ông như nổ tung ra một dòng nước đỏ, và điều cuối cùng ông thấy là nền nhà nâng lên rất nhanh để đón lấy ông. Tíếng chuông điện thoại kêu liên tục đánh thức Elizabeth. Nàng ngồi dậy trên giường, vẫn còn ngái ngủ và nhìn chiếc đồng hồ đặt trên cái bàn nhỏ. Năm giờ sáng. Nàng lần lần nhấc cái ống nghe ra. Một giọng nói hấp tấp vang lên: - Cô Roffe? Đây là bảo an nhà máy. Có một vụ nổ vừa xảy ra tại một trong các phòng thí nghiệm. Tất cả đã bị phá huỷ hoàn toàn. Ngay lập tức nàng tỉnh hẳn. - Có ai bị thương không? - Có thưa cô. Một trong các nhà khoa học bị thiêu chết. Anh ta không cần phải nói tên với Elizabeth. Chú thích: (1) FDA: Cơ quan quản trị thực phẩm và dược phẩm Chương 35 Thám tử Max Hornung đang nghĩ ngợi. Trong cục điều tra đầy những tiếng lách cách của máy chữ, tiếng cãi nhau, tiếng chuông điện thoại nhưng Max Hornung không hề nghe thấy hay nhìn thấy gì hết. Anh ta có sự tập trung cao độ vào một thứ không khác gì một máy tính. Anh ta đang suy nghĩ về điều lệ của Roffe và các con, như cụ Samuel đã tạo dựng lên, duy trì quyền điều hành trong phạm vi gia đình. Thật tài tình. Và nguy hiểm. Chuyện nầy nhắc anh ta nhớ đến vụ chơi hụi, kế hoạch bảo hiểm Italia được ông chủ ngân hàng Tonti nghĩ ra năm 1695. Các thành viên chơi hụi đóng những sa id="filepos563035"> tiền bằng nhau và khi một thành viên chết thì những người còn lại sẽ được hưởng phần tiền của người chết. Chuyện đó đã tạo nên một động cơ mạnh mẽ để tiêu diệt người khác. Như Roffe và các con. Thật quá cám dỗ khi cho người ta thừa hưởng số cổ phần đáng giá cả triệu đô la và rồi bảo họ không thể bán nó đi trừ khi tất cả cùng đồng ý. Max biết rằng Sam Roffe đã không đồng ý. Ông đã chết. Elizabeth đã không đồng ý. Và nàng cũng hai lần suýt chết. Có quá nhiều tai nạn xảy ra. Thám tử Max Hornung không tin vào các tai nạn. Anh ta đến gặp Chánh thanh tra Schmied. Ông Chánh thanh tra lắng nghe bản báo cáo về vụ tai nạn leo núi của Sam Roffe và càu nhàu: - Tức là có một vụ lộn xộn về tên của người dẫn đường. Chuyện nầy vẫn khó tthành một vụ giết người, Hornung. Không có chuyện đó trong phòng của tôi. Viên thám tử bé nhỏ kiên nhẫn nói: - Tôi nghĩ còn có nhiều hơn thế. Roffe và các con đang có nhiều vấn đề nội bộ nghiêm trọng. Có lẽ một kẻ nào đó nghĩ rằng việc thanh toán Sam Roffe sẽ giải quyết được những vấn đề đó. Chánh thanh tra Schmied dựa lưng vào ghế và nhìn thám tử Hornung chằm chằm. Ông chắc chắn rằng những giả thuyết của anh chẳng là gì cả. Nhưng cái ý nghĩ cứ để thám tử Max Hornung đi cho khuất mắt một thời gian làm lòng ông tràn ngập thích thú. Và sự vắng mặt của anh ta sẽ đẩy mạnh được tinh thần cho toàn bộ các nhân viên còn lại trong phòng. Và còn một chuyện nữa phải cân nhắc: Những người mà Max Hornung muốn điều tra. Không ít quyền lực hơn gia đình Roffe. Thường thường thì Schmied sẽ ra lệnh cho Max Hornung luôn cách xa họ một triệu dặm. Nếu thám tử Hornung chọc tức họ - và làm sao anh ta không chọc tức họ - Họ sẽ đủ sức mạnh để tống cổ anh ta ra khỏi lực lượng. Và không ai có thể đổ lỗi cho thanh tra Schmied. Không phải tay thám tử bé nhỏ đã buộc ông làm thế hay sao? Và thế là ông nói với Max Hornung. - Vụ đó là của anh. Cứ từ từ mà tiến hành. - Cám ơn xếp, - Max sung sướng nói. Khi Max đi qua hành lang về văn phòng mình, anh ta đâm sầm vào một nhân viên điều tra những cáì chết bất thường. - Hornung? Tôi có thể mượn trí nhớ anh một lát được không? Max chớp mắt. - Xin anh nói lại? - Đội tuần tra đường sông vừa vớt được một cô gái. Anh xem qua một chút nhé? Max nuốt khan và nói: - Nếu anh muốn. Đây không phải là phần việc Max thích, nhưng anh ta cảm thấy đây là trách nhiệm của mình. Cô ta nằm trong ngăn kéo kim loại trong sự lạnh lẽo của nhà xác. Tóc cô ta vàng hoe, khoảng mười chín hai mươi tuổi. Cái xác cô ta phồng lên vì bị ngâm nước, trần truồng, ngoại trừ một sợi ruy băng đỏ quấn quanh cổ. - Có dấu hiệu giao hợp trước khi chết. Cô ta bị bóp cổ và vứt xuống sông, - người nhân viên nói. - Không có nước trong phổi. Chúng ta không lấy được dấu tay nào trên người cô ta. Anh đã bao giờ gặp cô ta chưa? Thám tử Max Hornung nhìn xuống gương mặt cô gái và nói: - Chưa. Anh ta đi đón xe bus để ra phi trường. Chương 36 Khi thám tử Max Hornung hạ cánh xuống sân bay Costa Smeralda ở Sardinia, anh ta đi thuê chiếc xe hơi rẻ nhất hiện có, một chiếc Fiat 500, và lái đi Olbia. Không như phần còn lại của Sardinia, Olbia là một thành phố công nghiệp, và vùng ngoại ô là một vùng mở rộng lộn nhộn với nhiều nhà máy, một bãi rác của cả thành phố và một nghĩa địa các loại xe hơi đã một thời đẹp đẽ, bây giờ là những khối của vô dụng, dùng làm phế liệu thì tốt. Mỗi thành phố trên thế giới đều có khu chứa xe hơi đồng nát, Max nghĩ. Đài kỷ niệm của nền văn minh. Max đi tới trung tâm thành phố và la id="filepos567663">i xe đến trước một toà nhà treo bảng hiệu "CHỈ HUY SỞ CẢNH SÁT OLBIA". Lúc Max bước vào, anh ta cảm thấy không khí quen thuộc như mình cũng thuộc về chỗ nầy. Anh ta trình thẻ chứng nhận cho viên trung sĩ trực và vài phút sau anh ta được đưa vào văn phòng của cảnh sát trưởng Luigi Ferraro. Ferraro đứng dậy, một nụ cười chào đón nở trên mặt. Nhưng nó vụt tắt khi ông ta trông thấy người khách. Có cái gì đó ở Max không thể tỏ ra được mình là thám tứ. - Tôi có thể xem thẻ của ông chứ? - Cảnh sát trưởng Ferraro lịch sự hỏi. - Dĩ nhiên, - Max nói. Anh ta rút ra chiếc thẻ và cảnh sát trưởng Ferraro xem xét kỹ cả hai mặt của nó và trả lại. Kết luận ngay tức khắc của ông ta là Thuỵ Sĩ hẳn đang rất thiếu thám tử. Ông ta ngồi xuống sau bàn làm việc và nói: - Tôi có thể giúp gì cho ông? Max bắt đầu giải thích bằng một thứ tiếng Ý lưu loát. Vấn đề là có vẻ như cảnh sát trưởng Ferrero đôi khi phải khó khăn lắm mới hiểu được Max đang nói tiếng gì. Khi ông ta nhận ra mình nên làm gì, ông ta khó chịu giơ bàn tay lên và nói: - Thôi đi! Ông có nói được tiếng Anh không? - Được, Max trả lời. - Vậy thì tôi xin ông? Chúng ta hãy dùng tiếng Anh đi. Khi Max đã kể vắn tắt mọi việc, Ferraro nói: - Ông nhầm rồi, Signore. Tôi có thể cho ông biết là ông đang phí thời gian vô ích. Các thợ máy của tôi đã kiểm tra kỹ chiếc xe Jeep. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng đó chỉ là tai nạn. Max gật đầu, bình thản. - Tôi không nghĩ như thế. Cảnh sát trưởng Ferraro nói: - Được. Hiện giờ chiếc xe đó đang được bầy bán trong một gara công cộng. Tôi sẽ cho người đưa ông đến đó. Ông có muốn đến hiện trường vụ tai nạn không? Max chớp mắt và nói: - Để làm gì? Thám tử Bruno Campagna được chọn là người dẫn đường của Max. - Chúng tôi đã xem xét rất kỹ. Đó là một tai nạn, - Campagna nói. - Không đâu. - Max trả lời. Chiếc xe Jeep ở góc gara, phía trước vẫn còn vết sứt mẻ và có vài vết nhựa cây xanh đã khô. - Tôi chưa có thời gian sửa lại nó, - người thợ máy giải thích. Max đi vòng quanh chiếc Jeep, xem xét nó. - Hệ thống phanh đã bị phá hoại ra sao? - Anh ta hỏi. Người thợ máy kêu lên: - Jésus! Ông, cũng nói vậy sao? - Một chút giận dữ trong giọng anh ta. - Đã hai mươi lăm năm qua tôi làm thợ máy, thưa ông. Tôi đã đích thân kiểm tra cái xe Jeep nầy. Lần cuối cùng có người đụng đến hệ thống phanh là trước khi nó rời khỏi nhà máy. - Ai đó đã phá hoại hệ thống phanh. - Max nói. - Bằng cách nào? - Người thợ máy lắp bắp. - Tôi còn chưa biết, nhưng tôi sẽ biết. - Max cam đoan với ông ta với vẻ tin tưởng. Anh nhìn lại chiếc xe lần cuối rồi quay gót ra khỏi gara. Cảnh sát trưởng Luigi Ferraro nhìn thám tử Bruno Campagna và hỏi: - Anh đã làm gì với anh ta? - Tôi chẳng làm gì cả. Tôi đưa anh ta đến gara, anh ta tỏ ra lố bịch với người thợ máy rồi anh ta nói muốn đi dạo một mình. Kỳ quặc! Max đứng trên bờ, nhìn ra mặt nước xanh thẫm của biển Tyrrhenie mà không hề thấy gì. Anh ta đang tập trung tư tưởng, đầu óc bận rộn ghép các mảnh vỡ vào với nhau. Cũng như đang chơi trò ghép hình khổng lồ. Mọi việc luôn ăn khớp nếu ta biết nó phù hợp ở chỗ nào. Chiếc xe Jeep là một phần nhỏ nhưng rất quan trọng của trò chơi lắp ghép nầy. Hệ thống phanh của nó đã được thợ máy lão luyện kiểm tra. Max không có lý do gì để nghi ngờ sự thành thật hay tay nghề của họ. Nên anh ta chấp nhận sự thật rằng hệ thống phanh của chiếc xe Jeep đã không bị phá hoại. Vì Elizabeth đã lái chiếc xe Jeep và có ai đó muốn nàng phải chết, nên anh ta cũng chấp sự thật hệ thống phanh đã bị phá hoại. Không có cách nào để thực hiện việc đó. Nhưng có một người làm được. Max đang phải đối phó với một kẻ khôn ngoan. Chuyện nầy càng làm cho sự việc thêm phần hấp dẫn. Max bước xuống bãi cát, ngồi lên một tảng đá, nhắm mắt lại và bắt đầu tập trung tư tưởng lần nữa, chăm chú vào các mảnh vụn, đổi chỗ, tháo ra lắp vào các mảnh của trò ghép hình. Hai mươi phút sau mảnh cuối cùng đã được lắp vào đúng chỗ. Max mở mắt ra và nghĩ một cách thán phục. Hoan hô! Mình phải gặp cái người đã nghĩ ra trò nầy. Sau đó, thám tử Max đã đến xem xét hai địa điểm, một ở ngoài Olbia và một ở trên núi. Rồi anh ta đáp chuyến máy bay chiều trở về Zurich. Hạng vé bình dân. Chương 37 Đội trưởng lực lượng bảo vệ của Roffe và các con nói với Elizabeth: "Chuyện xảy ra quá nhanh, thưa cô Roffe. Chúng tôi không thể làm gì khác được. Cho đến khi các thiết bị chữa cháy hoạt động thì cả phòng thí nghiệm đã không còn gì nữa. Người ta đã tìm thấy phần còn lại của cái xác Emile Joeppli bị cháy ra tro. Không thể biết được công thức của ông bị lấy đi khỏi phòng thí nghiệm trước hay sau vụ nổ. Elizabeth hỏi: - Toà nhà phát triển có canh gác hai bốn trên hai bốn, phải không? - Vâng, thưa cô. Chúng tôi… - Ông đã phụ trách lực lượng bảo vệ bao lâu rồi? - Năm năm. Tôi… - Ông bị sa thải. Ông ta định nói gì đó để phản đối, nhưng lại đổi ý. - Vâng, thưa cô. - Lực lượng của ông có bao nhiêu người? - Sáu mươi lăm. - Sáu mươi lăm người! Và họ không thề cứu Emile Joeppli. Tôi sẽ gửi giấy báo trước cho họ hai mươi tư tiếng! - Elizabeth nói. - Tôi muốn tất cả bọn họ ra khỏi đây. Ông ta nhìn nàng một lúc. - Cô Roffe, cô có nghĩ như thế là công bằng không? Nàng nghĩ đến Joeppli, và công thức vô giá đã bị đánh cắp, đến cái máy ghi âm cài đặt trong văn phòng nàng đã bị nghiền nát dưới gót giầy. - Đi đi - Elizabeth nói. Trong suốt từng phút của buổi sáng hôm ấy, nàng cố gắng xua đuổi khỏi đầu hình ảnh cái xác cháy ra tro của Emile Joepli cùng căn phòng thí nghiệm đầy những con thú bị thiêu chết. Nàng cố không nghĩ đến thiệt hại của tập đoàn về việc công thức đó bị đánh cắp. Có khả năng một công ty đối thủ sẽ được cấp bằng sáng chế và Elizabeth không thể làm được gì hết. Đó là một khu rừng rậm. Khi các đối thủ nghĩ bạn đang yếu ớt, họ sẽ tiến lên để giết bạn. Nhưng chuyện nầy lại không phải do các đối thủ làm ra. Mà là một người bạn. Một người bạn chết người. Elizabeth sắp xếp cho một đội bảo vệ chuyên nghiệp thế chỗ ngay lập tức. Nàng sẽ cảm thấy an toàn hơn với những người xa lạ quanh mình. Nàng gọi điện cho bệnh viện Internationale ở Brussel để hỏi thăm tình hình của bà Van den Logh, phu nhân của vị bộ trưởng người Bỉ. Họ cho nàng biết bà ta vẫn chưa qua khỏi trạng thái hôn mê. Họ không biết liệu bà ta có sống nổi hay không. Elizabeth đang nghĩ đến Emile Joeppli, em bé tóc đen và bộ trưởng phu nhân thì Rhys bước vào. Anh nhìn vào mặt nàng và nhẹ nhàng nói: - Tồi tệ đến thế sao? Nàng gật đầu, khổ sở. Rhys đến bên nàng và nhìn nàng kỹ hơn. Trông nàng thật mệt mỏi, suy sụp. Anh tự hỏi nàng còn có thể chịu đựng thêm bao lâu nữa. Anh đặt tay lên tay nàng và dịu dàng hỏi: - Anh có thể giúp em được chuyện gì không? Mọi chuyện, Elizabeth nghĩ. Nàng vô cùng cần đến Rhys. Nàng cần sức mạnh, sự giúp đỡ và tình yêu của anh. Mắt họ gặp nhau và nàng sẵn sàng ngả vào vòng tay anh, kể cho anh nghe mọi chuyện, đã và đang xảy ra. Rhys nói: - Không có tin gì mới về bà Van den Logh sao? Một khoảnh khắc trôi qua. - Không, - Elizabeth trả lời. Anh hỏi tiếp: - Em chưa nhận được cú điện nào về bài báo đăng trên Wall Street Journal à? - Bài báo gì? - Em chưa xem nó sao? - Chưa. Rhys gọi về văn phòng lấy một bản copy. Bài báo liệt kê tất cả những rắc rối gần đây của Roffe và các con, nhưng chủ đề chính của nó là tập đoàn nầy đang cần một người có kinh nghiệm để điều hành. Elizabeth đặt tờ báo xuống. - Chuyện nầy nguy hiểm thế nào? Rhys nhún vai. - Thiệt hại thì đã có rồi. Họ chỉ thuật lại mà thôi. Chúng ta đang mất dần đi rất nhiều thị trường. Chúng ta… Hệ thống liên lạc nội bộ réo chuông. Elizabeth nhấn nút. - Vâng! - Herr Juhus Badrutt ở đường dây số hai, cô Roffe. Ông ấy nói có chuyện gấp. Elizabeth nhìn Rhys. Nàng đã hoãn lại cuộc gặp với các chủ ngân hàng. - Nối dây cho tôi. - Nàng cầm ống nghe lên. - Xin chào Herr Badrutt. - Chào cô. - Ở bên kia, giọng nói có vẻ khô khan và cáu kỉnh. - Chiều nay cô có rảnh không? - Vâng, tôi… - Tốt. Bốn giờ thuận tiện cho cô chứ? Elizabeth lưỡng lự. - Vâng. Bốn giờ! Có tiếng khô khan lào xào qua ống nói và Elizabeth nhận ra Herr Badrutt đang đằng hắng: - Tôi rất tiếc khi nghe chuyện của Joeppli, - ông ta nói. Tên của Joeppli không được đề cập đến trong các bài báo về vụ nổ. Nàng chậm rãi gác máy, nhận thấy Rhys đang quan sát mình. - Cá mập ngửi thấy máu, - Rhys nói. * * * * * Điện thoại gọi đến suốt cả buổi chiều hôm đó. Alec gọi: - Elizabeth, cháu đã xem báo sáng nay chưa? - Rồi ạ, - Elizabeth trả lời - Tờ Wall Street Journal đã phóng đại sự việc lên. Im lặng một lát rồi Alec nói tiếp: - Chú không nói về tờ Wall Street Journal. Mà tờ Financial Times cũng có một bài viết dài về Roffe và các con. Nội dung không được tốt lành gì cho lắm. Chuông điện thoại của chú không ngừng reo. Chúng ta đang bị huỷ bỏ nhiều vụ quan trọng. Chúng ta phải làm sao bây giờ? - Cháu sẽ gọi điện lại cho chú, Alec. - Elizabeth hứa. Ivo gọi đến. - Carissima, chú nghĩ tốt nhất là cháu nên chuẩn bị đón nhận một cú sốc. - Cháu đã chuẩn bị, -Elizabeth gượng gạo nghĩ. - Là gì vậy? Ivo nói: - Một bộ trưởng người Italia bị bắt vài giờ trước vì nhận hối lộ. Elizabeth có cảm giác bất ngờ về những điều đang xảy ra. - Chú nói tiếp đi. Giọng Ivo hơi có vẻ gì như xin lỗi. - Đó không phải lỗi của chúng ta, - Ivo nói, - Ông ta tham lam và bất cẩn. Họ bắt ông ta ở phi trường, khi đang lén mang tiền ra khỏi Italia. Họ đã lần ra nguồn gốc số tiền đó là từ chúng ta. Thậm chí Elizabeth đã chuẩn bị tinh thần nàng cũng thấy bị sốc vì không tin nổi. - Tại sao chúng ta lại hối lộ ông ta? Ivo nói, cố ra vẻ tự nhiên: - Như thế chúng ta mới kinh doanh được ở Italia. Đó là một cách sống ở đây. Tội của chúng ta không phải là hối lộ cho ông bộ trưởng, Cara - mà là để bị lộ chuyện nầy ra. Nàng dựa lưng vào ghế, đầu óc quay cuồng. - Bây giờ thì chuyện gì đang xảy ra? - Chú khuyên cháu rằng chúng ta nên gặp gỡ các công ty luật càng nhanh càng tốt! - Ivo nói - Đừng lo. Ở Italia chỉ có người nghèo mới phải đi tù thôi. Charles gọi điện từ Paris, giọng ông tràn đầy lo lắng. Giới truyền thông Pháp nhất loạt đăng đầy các bài báo về Roffe và các con. Charles giục Elizabeth bán tập đoàn trong lúc nó vẫn còn danh tiếng. - Các khách hàng của chúng ta đang mất niềm tin, - Charles nói. - Không có họ thì cũng không còn tập đoàn! Elizabeth nghĩ về các cú điện thoại, các ông chủ ngân hàng, các ông chú họ, và giới truyền thông. Quá nhiều chuyện đang xảy ra quá nhanh chóng, Ai đó đang làm cho chúng xảy ra. Nàng phải tìm ra kẻ đó. Cái tên vẫn còn trong sổ điện thoại riêng của Elizabeth. Maria Martinelli. Nó mang lại một ký ức về cô gái Italia chân dài, cao lớn, người đã là bạn học của Elizabeth ở Thuỵ Sĩ. Thỉnh thoảng họ vẫn liên lạc với nhau. Maria đã trở thành người mẫu và cô ta viết thư cho Elizabeth rằng cô ta đã hứa hôn với một ông chủ báo Italia ở Milan. Elizabeth phải mất đến mười lăm phút mới tìm thấy Maria. Sau những màn xã giao thông thường, Elizabeth nói vào điện thoại. - Cậu vẫn hứa hôn với ông chủ báo đấy chứ? - Dĩ nhiên. Vào giây phút mà Tony ly dị, chúng tớ sẽ lập tức làm đám cưới. - Tớ muốn cậu giúp tớ một chuyện, Maria. - Nói đi. Gần một giờ sau Maria Martinelly gọi lại. - Tớ đã có thông tin mà cậu cần đây. Ông chủ ngân hàng bị bắt về tội lén đưa tiền ra khỏi Italia đã bị bẫy. Tony nói là có người đã mật báo với cảnh sát biên giới. - Anh ấy có biết tên người mật báo ấy không? - Ivo Palazzi. Thám tử Max Hornung đã có một khám phá đầy thú vị: Anh ta không chỉ biết được vụ nổ ở Roffe và các con đã được tính toán kỹ lưỡng mà còn biết được nó được gây ra bởi một loại chất nổ tên là Rylar X, sản xuất riêng cho quân đội và không cung cấp thêm cho ai khác. Điều làm Max bận tâm là Rylar X được sản xuất ở một trong những nhà máy của Roffe và các con. Chỉ cần gọi một cú điện thoại là biết ngay nhà máy nào. Nhà máy ở ngoại ô Paris. Đúng bốn giờ chiều Herr Julius Badrutt co thân hình gầy nhẳng trong ghế và nói thẳng: - Tôi càng muốn giúp đỡ cô bao nhiêu, cô Roffe, thì tôi lại e rằng trách nhiệm của tôi với các bạn hùn vốn càng thêm lớn. Đó là một cách phát biểu, Elizabeth nghĩ, mà các ông chủ ngân hàng thường dùng với các bà goá con côi trước khi họ thu văn tự cầm cố thế nợ. Nhưng lần nầy nàng đã chuẩn bị đối phó với Herr Badrutt. - Hội đồng quản trị của tôi đã yêu cầu tôi thông báo với cô rằng ngân hàng của chúng tôi đòi Roffe và các con phải trả các món nợ ngay lập tức. - Tôi đã được nói là tôi có chín mươi ngày mà! - Elizabeth nói. - Thật không may, chúng tôi cảm thấy tình huống đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Tôi cũng thông báo cho cô rằng các ngân hàng khác đang giao dịch với cô cũng sẽ có quyết định như vậy. Một khi những ngân hàng từ chối giúp nàng, sẽ không còn cách nào giữ cho tập đoàn như cũ. - Tôi rất tiếc phải thông báo cho cô một tin không hay như vậy, cô Roffe, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi nên nói riêng với cô. - Ông biết đấy, rằng Roffe và các con vẫn còn là một tập đoàn có thế lực và giàu có. Herr Julius Badrutt gật đầu. - Dĩ nhiên. Đây là một tập đoàn vĩ đại. - Nhưng các ông vẫn không chịu cho chúng tôi thêm thời gian. Herr Badrutt nhìn nàng một lát, rồi nói: - Ngân hàng nghĩ các vấn đề của cô có thể giải quyết được, cô Roffe. Nhưng… - Ông ta do dự. - Nhưng ông không nghĩ rằng bất cứ ai cũng có thể giải quyết được? - Tôi e rằng như thế. - ông ta đứng dậy. - Thế nếu có ai đó khác làm chủ tịch của Roffe và các con thì sao? - Elizabeth hỏi. - Ông lắc đầu. - Chúng ta đã thảo luận về các khả năng có thể. Chúng tôi không cảm thấy có ai khác trong hội đồng quản trị hiện nay có khả năng toàn diện để giải quyết… Nàng nói: - Tôi đang nghĩ đến Rhys Williams. Chương 38 Viên cảnh sát Thomas Hiller thuộc đội cảnh sát đường thuỷ khu vực sông Thames đang trong tình trạng cực kỳ thảm hại. Anh ta vừa buồn ngủ vừa đói, vừa khao khát tình dục, vừa ướt nhoe nhoét, và anh ta không thể quyết định được đâu là sự khốn khổ nhất của anh ta. Anh ta buồn ngủ vì cô vợ chưa cưới Flo đã bắt anh ta phải thức suốt đêm chiến đấu, anh ta đói bởi vì khi cô ta ngừng quát tháo anh cũng là lúc anh đã trễ giờ làm, và anh ta không có thời gian để ăn một miếng nhỏ, anh ta khao khát tình dục vì cô ta đã không cho anh ta đụng vào người và anh ướt nhoe nhoét bởi vì chiếc tàu cảnh sát dài có chín mét mà anh ta đang dùng được thiết kế cho công việc, không có tiện nghi và cơn gió đã hắt mưa vào tạn căn buồng lái nhỏ nơi anh ta đang đứng. Vào những ngày thế nầy thì chẳng thấy được gì và cũng chẳng có gì mà làm cả. Đội sông Thames quản lý năm mươi tư dặm đường sông từ nhánh sông Dartford đến cầu Stained, và thường thì cảnh sát viên Hiller cũng thích công việc tuần tiễu. Nhưng không phải cái lúc anh ta thảm hại thế nầy. Mẹ kiếp tất cả đám đàn bà? Anh ta nghĩ đến Flo đang nằm trên giường, trần truồng như nhộng, bộ ngực phập phồng như khi cô ta quát tháo anh. Anh ta liếc nhìn đồng hồ. Chỉ nửa tiếng nữa là cuộc tuần tra khốn nạn nầy kết thúc. Con thuyền rẽ về hướng quay lại bến tàu Waterloo. Vấn đề duy nhất của anh ta bây giờ là quyết định xem phải làm việc nào trước: Ngủ, ăn, hay nhảy lên giường với Flo. Có lẽ phải làm ba việc một lúc, anh ta nghĩ. Anh ta dụi mắt để cố tránh cơn buồn ngủ, quay ra nhìn con sông đục ngầu, nước đang dâng cao do cơn mưa. Nó như hiện ra lờ mờ từ trong chốn hư không. Trông nó như một con cá trắng lớn trôi lềnh bềnh, bụng ngửa lên trời, và ý nghĩ đầu tiên của Hiller: Nếu chúng ta kéo nó lên boong, chúng ta sẽ không tài nào chịu được mùi hôi thối. Nó ở cách mạn thuyền phải khoảng mười mét và con thuyền đang chạy xa dần nó. Nếu anh ta mở mồm, con cá chết tiệt nầy sẽ làm trì hoãn việc hết phiên trực của anh ta. Họ sẽ phải dừng lại và móc lấy nó, rồi hoặc kéo theo tàu thuyền hoặc lôi nó lên boong. Bất kỳ họ làm việc gì thì cũng làm chậm trễ việc anh đến với Flo. Được, anh ta không phải báo chuyện nầy. Chuyện gì nếu anh ta không thấy nó? Chuyện gì nếu…? Họ đang đi xa dần. Cảnh sát viên Hiller nói to: - Trung sĩ, có một con cá nổi trên mặt nước ở hai mươi độ phía mạn phải thuyền. Trông nó như một con cá mập lớn. Động cơ Diezel một trăm mã lực bỗng nhiên thay đổi nhịp và con tàu bắt đầu chậm lại. Trung sĩ Gaskins bước đến bên anh ta. - Nó ở đâu? - ông ta hỏi. Hình dạng lờ mờ đã biến mất, chìm trong cơn mưa. - Nó ở đằng kia. Trung sĩ Gaskins lưỡng lự. Ông ta cũng đang nóng lòng muốn về nhà. Ông ta cũng muốn lờ đi con cá chết tiệt. - Nó lớn đến mức gây nguy hiểm cho thuyền bè sao? - ông ta hỏi. Cảnh sát viên Hiller cố gắng kiềm chế và chịu thua. - Vâng. - Anh ta nói. Và thế là chiếc thuyền tuần tra quay lại và từ từ hưóng về nơi mà vật thể được trông thấy lần cuối. Nó lại thình lình hiện ra, gần như ở phía dưới mũi tàu, và cả hai cùng đứng yên, nhìn nó chằm chằm. Đó là cái xác của một cô gái tóc vàng. Cô ta trần truồng, ngoại trừ một dải ruybăng đỏ chói quấn quanh cái cổ sưng vù lên. Chương 39 Vào lúc mà cảnh sát viên Hiller và trung sĩ Gaskins vớt xác cô gái lên khỏi sông Thames thì cách đó mười dặm về phía bên kia của London, thám tử Max Hornung đang bước vào phòng tiếp tân bằng đá cẩm thạch xám - và - trắng của New Scotland Yard. Chỉ cần bước qua cánh cổng huyền thoại cũng đã mang lại cho anh ta cảm giác tự hào. Tất cả bọn họ đều là một phần của đại đoàn thể. Anh ta rất thích thú với địa chỉ điện tín của Scotland Yard: HANDCUFFS (1). Max rất thích tiếng Anh. Vấn đề duy nhất của anh ta bây giờ là liệu họ có đủ khả năng để giao tiếp với anh ta hay không. Người Anh nói tiếng mẹ đẻ của mình một cách rất kỳ lạ. Người cảnh sát ngồi sau bàn tiếp tân hỏi: - Tôi có thể giúp gì cho ông. Max quay sang anh ta. - Tôi có một cuộc hẹn với thanh tra Davidson. - Xin ông cho biết tên? Max nói, chậm rãi và rõ ràng: - Thanh tra Davidson. Người cảnh sát nhìn anh ta nói với vẻ thú vị. - Tên ông là thanh tra Davidson? - Tên tôi không phải là thanh tra Davidson. Tên tôi là Max Hornung. Người cảnh sát nói với vẻ xin lỗi: - Xin lỗi thưa ông, nhưng ông có nói được chút ít tiếng Anh không? Năm phút sau Max đã ngồi trong văn phòng của thanh tra Davidson, một người đàn ông trung niên cao lớn với khuôn mặt hồng hào và hàm răng vàng khấp khểnh. Đúng là "type" dân Anh điển hình, Max vui sướng nghĩ. - Qua điện thoại, ông nói rằng ông rất hứng thú với thông tin về Sir Alec Nichols với tư cách là người bị tình nghi trong một vụ giết người. - Ông ta là một trong nửa tá. Thanh tra Davidson nhìn anh ta chằm chằm. - Ngón chân thiếu của ông ta bị đông lạnh à? Max thở dài. Anh ta nhắc lại những gì mình vừa nói, chậm rãi và cẩn thận. - À - Viên thanh tra suy nghĩ một lát. - Để tôi cho anh biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi sẽ chuyển anh qua Phòng lưu trữ hồ sơ tội phạm C-4. Nếu họ không có tài liệu gì về ông ta, chúng ta sẽ thử ở C-11 và C-13, tình báo hình sự. Tên của Sir Alec Nichols không hề có trong bất cứ một hồ sơ nào. Nhưng Max biết anh ta có thể lấy được tài liệu cần thiết ở đâu. * * * * * Sáng sớm hôm ấy Max đã điện thoại cho một số giám đốc làm việc trong City, trung tâm tài chính của London. Phản ứng của họ rất giống nhau. Khi Max xưng tên, tất cả bọn họ đều tỏ ra lo lắng, vì tất cả những người làm kinh doanh trong City đều có một cái gì đó phải giấu diếm, và danh tiếng của Max Hornung như một vị thần trả thù trong giới tài chính đã vang lừng khắp bốn bể. Lúc Max thông báo rằng anh ta đang truy tìm thông tin về một người nào khác, họ đã hăng hái hợp tác với anh ta. Max bỏ ra hai ngày để viếng thăm các ngân hàng và công ty tài chính, các tổ chức định giá tín dụng và văn phòng thống kê nhân khẩu. Anh ta không có hứng thú nói chuyện với những người ở những chỗ đó, anh ta chỉ có hứng thú trò chuyện với các máy điện toán của họ. Max là một thiên tài về việc sử dụng máy điện toán. Anh ta có thể ngồi trước máy và sử dụng nó như một nghệ sĩ bậc thầy. Bất kể máy dùng ngôn ngữ nào Max cũng am hiểu. Anh ta đã dùng máy kỹ thuật số và các máy ngôn ngữ cấp thấp cũng như cấp cao. Anh tá nắm vững các loại FORTRAN và FORTRAN IV, IBM 307 s khổng lồ và PDP 10 s và 11 s và ALGOL 68. Anh ta thành thạo COBOL, được lập trình cho kinh doanh, BASIC, được cảnh sát sử dụng, APL tốc độ cao được thiết kế riêng cho đồ thị và đồ hoạ. Max cũng nói chuyện được với LISP và APT, rồi cả PL-1. Anh ta cũng nắm được mã nhị phân, hỏi các đơn vị số học và đơn vị CPV, và các máy in tốc độ cao trả lời các câu hỏi của anh ta với tốc độ 1100 dòng một phút. Những chiếc máy tính khổng lồ đã thu hút tin tức như những chiếc máy bơm tham lam, tích trữ lại, phân tích chúng, ghi nhớ chúng và bây giờ chúng đang tuôn vào tai Max, thì thầm những điều bí mật mà chúng đã giấu kỹ trong căn hầm có điều hoà nhiệt độ. Không có gì là bất khả xâm phạm, không có gì là an toàn cả. Trong một nền văn minh như ngày nay, sự riêng tư chính là một sự lừa dối, là chuyện hoang đường Mọi công dân đều bị vạch trần, những điều bí mật sâu kín nhất cũng bị phơi bày, chờ bị xem xét. Mọi người bị ghi vào hồ sơ nếu có số An ninh xã hội, số bảo hiểm, bằng lái xe hay tài khoản ngân hàng. Họ được ghi vào danh sách nếu họ đóng thuế hoặc rút bảo hiểm thất nghiệp hoặc phúc lợi xã hội. Tên của họ được lưu giữ trong các máy điện toán nếu họ được một chương trình y tế bảo trợ, đã ký giấy cầm cố nhà, sở hữu một chiếc xe hơi hoặc xe đạp hay có tiền tiết kiệm hay tài khoản ký gửi. Các máy điện toán biết tên của họ nếu họ đã ở trong bệnh viện hay đang phục vụ trong quân ngũ, có giấy phép câu cá hay săn bắn, đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu, hoặc điện thoại, hoặc điện, nếu họ đã kết hôn hoặc ly dị hoặc mới chào đời. Nếu một người biết xem ở đâu và nếu như người đó kiên nhẫn, tất cả sự thật sẽ phơi bày trước mắt. Max Hornung và các máy điện toán có một sự hoà hợp tuyệt vời. Chúng không cười nhạo giọng nói của Max, cách mà anh ta nhìn, hoặc hành động hoặc trang phục của anh ta. Đối với các máy điện toán thì Max là một người khổng lồ. Chúng kính nể sự thông minh của anh ta, tôn thờ anh ta, yêu quý anh ta. Chúng hạnh phúc được tiết lộ những bí mật của chúng cho anh ta, chia sẻ những câu chuyện nhí nhố thú vị của chúng về những kẻ khờ khạo đã tự mình tìm đến cái chết. y như cuộc nói chuyện phiếm của hai người bạn cũ. - Hãy nói về Sir Alec Nichols, - Max nói. Máy điện toán bắt đầu. Chúng cho Max một bức phác hoạ chính xác về Sir Alec, vẽ bằng các con số, mã nhị phân và biểu đồ. Trong vòng hai giờ Max đã có bức tranh ghép của nhà tài chính nầy. Nhiều bản sao các biên nhận ngân hàng và các tấm séc bị huỷ bỏ cùng các hoá đơn thanh toán đang trải ra trước mắt anh ta. Điều băn khoăn đầu tiên của Max là một loạt các tấm séc với số tiền lớn, tất cả đều ký cho "Người cầm phiếu" - được trả tiền bởi Sir Alec Nichols. Số tiền nầy đã đi đâu? Max nhìn xem có khoản nào chi cho các công việc kinh doanh hay chi tiêu cá nhân hoặc đóng thuế không. Nhưng không hề. Anh ta quay trở lại với bản liệt kê các khoản chi lần nữa! Một tấm séc cho White s Club, một hoá đơn ở chợ thịt, chưa thanh toán… một chiếc áo ngủ ở tiệm John Bates… Guinea… một hoá đơn khám răng chưa thanh toán… Anabella… một chiếc áo dài vải Challis của tiệm Saint-Laurent ở Paris… một hoá đơn từ White Elephant, chưa thanh toán… một biên lai thuế John Windham, tiệm làm đầu… chưa thanh toán… bốn áo dài của Yves Saint-Laurent. Rive Gauche… tiền công của gia nhân. Max hỏi máy điện toán ở Trung tâm cấp bằng lái xe. Khẳng định, Sir Alec sở hữu một chiếc Bentley và một chiếc Morris. Có cái gì đó sai lầm. Không hề có hoá đơn của thợ máy. Max cho máy điện toán kiểm tra lại bộ nhớ. - Không có một hoá đơn nào như thế tồn tại trong vòng bảy năm qua. - Chúng ta quên cái gì chăng? Máy điện toán hỏi. - Không, Max trả lời. Bạn không hề quên. Sir Alec không dùng đến thợ máy. Ông tự sửa các xe hơi của mình. Một người có khả năng cơ khí như thế sẽ không gặp khó khăn gì khi gây sự cố cho một thang máy hoặc một chiếc xe Jeep. Max Hornung nghiền ngẫm những hình vẽ khó hiểu mà các bạn anh ta đang bày ra trước mặt với sự hăng say của một nhà Ai Cập học đang phiên dịch một tổ hợp chữ tượng hình vừa mới được khám phá. Anh ta còn tìm thấy thêm nhiều bí mật khác nữa. Sir Alec đang chi tiêu rất nhiều, nhiều hơn cả số thu nhập của ông ta. Lại một đầu mối khác. Các bạn bè của MaxtrongCity có những mối quan hệ trong rất nhiều khu vực. Trong vòng có hai ngày Max biết thêm rằng Sir Alec đang mượn tiền của Tod Michaels, chủ nhân một câu lạc bộ ở Soho. Max quay sang máy điện toán của Sở Cảnh sát và đưa ra vài câu hỏi. Chúng lắng nghe, và chúng trả lời. Vâng, chúng tôi đã có thông tin của Tod Michaels cho ông. Đã từng bị buộc nhiều tội, nhưng chưa bao giờ bị kết án. Bị tình nghi dính vào các vụ tống tiền, buôn ma tuý, mại dâm và cho vay nặng lãi. Max đi đến Soho và hỏi thêm nhiều vấn đề. Anh ta phát hiện ra Sir Alec Nichols không hề cờ bạc. Nhưng vợ ông thì có. Khi Max kết thúc, trong đầu Max không còn nghi ngờ gì về việc Sir Alec đang bị tống tiền. Ông ta có nhiều hoá đơn chưa thanh toán, ông ta cần tiền gấp. Ông ta có cổ phần trị giá hàng triệu đô la nếu chúng được bán đi. Sam Roffe đã chặn đường ông ta, và bây giờ là Elizabeth. Sir Alec Nichols có động cơ giết người. Max kiểm tra Rhys Williams. Các máy đã cố hết sức nhưng kết quả thu được chẳng có bao nhiêu. Máy điện toán thông báo rằng Rhys Williams là đàn ông, sinh ra tại xứ Wales, ba mươi tư tuổi, chưa kết hôn. Một của Roffe và Các con. Lương tám mươi nghìn đô la một năm, cộng cả tiền thưởng. Một tài khoản tiết kiệm với số dư hai mươi lăm nghìn bảng, một tài khoản séc với số dư trung bình tám trăm bảng. Có một tủ sắt ký gửi ở Zurich, chứa những gì không biết. Có vô số thẻ mua hàng trả chậm và bằng thẻ tín dụng. Phần lớn các món hàng mua như thế là dành cho đàn bà. Rhys Williams không có hồ sơ phạm tội. Anh ta đã làm cho Roffe và các con được chín năm. - Không đủ, Max nghĩ. Gần như không đủ. Dường như Rhys Williams đã lẩn trốn sau các máy điện toán. Max nhớ người đàn ông đã tỏ ý che chở thế nào khi anh ta hỏi chuyện Elizabeth sau đám tang của Kate Erling. Ai đã khiến anh ta phải bảo vệ cho Elizabeth? Hay là bản thân anh ta? Sáu giờ chiều hôm đó Max đặt một chỗ trên chuyến bay bình dân của hãng Alitalia tới Rome. Chú thích: (1) Handcuffs: còng số tám Chương 40 Ivo Palazzi đã bỏ ra gần mười năm để cẩn thận và khéo léo xây dựng một cuộc sống hai mặt phức tạp mà thậm chí ngay cả những người thân cận nhất cũng không thể hiểu được. Max Hornung và các người bạn điện toán của anh ở Rome phải mất gần trọn một ngày gởi. Max liên tục thảo luận với máy điện toán ở Anagrafe Building, nơi cất giữ các con số thống kê nhân khẩu và dữ liệu hành chính của thành phố, và anh ta viếng thăm máy điện toán ở SIO, đến gặp các máy điện toán ở ngân hàng. Tất cả đều chào đón Max. Kể cho tôi nghe về Ivo Palazzi, Max nói. Rất vui, chúng tôi trả lời. Cuộc nói chuyện bắt đầu. M id="filepos602811">t hoá đơn tạp phẩm của Amici… một hoá đơn thẩm mỹ viện Sergio ở Via Condoitti… một bộ comlê xanh của Angelo… hoa của tiệm Carducci… hai chiếc váy dạ hội của Irene Galitzine… giầy của hiệu Gucci… một cái ví hiệu Pucci… một số hoá đơn vật dụng… Max vẫn tiếp tục đọc những gì được in ra, phân tích, tìm hiểu chúng. Có cái gì đó sai lầm. Học phí cho những sáu đứa trẻ. - Bạn có lầm lẫn không? Max hỏi. - Xin lỗi. Lầm lẫn nào? Các máy điện toán ở Angrafe nói với tôi rằng Ivo Palazzi được đăng ký là bố của ba đứa con. Bạn xác định là có sáu khoản học phí à? - Đúng vậy. Bạn nói rằng địa chỉ của Ivo Palazzi ở Olgiata? - Đúng vậy! - Nhưng Ivo Palazzi đang trả tiền thuê nhà cho một căn hộ ở Via Montemigllais! - Đúng. - Vậy là có hai Ivo Palazzi? - Không. Chỉ có một người. Hai gia đình. Ba đứa con gái với vợ ông ta. Ba đứa con trai với Donatella Spolini. Trước khi Max kết thúc, anh ta còn biết được các sở thích của cô nhân tình của Ivo, tuổi tác, tên người làm đầu, tên những đứa con ngoài giá thú của Ivo. Anh ta cũng biết rằng Simonetta tóc vàng, còn Donatella tóc nâu. Anh ta biết được hai người mặc áo dài cỡ bao nhiêu, nịt ngực cỡ bao nhiêu, giầy cỡ nào và giá cả của chúng ra làm sao. Có nhiều điều khiến Max phải để ý trong các khoản chi tiêu. Số tiền thì không lớn nhưng chúng nổi bật lên như ngọn đèn hiệu. Có một tấm ngân phiếu thanh toán cho một chiếc máy tiện, một phi cơ và một lưỡi cưa. Ivo Palazzi thích làm việc bằng đôi tay của mình. Max nghĩ về việc một kiến trúc sư có thể biết đôi điều về thang máy. Gần đây Ivo Palazzi đã đệ đơn vay ngân hàng một khoản tiền lớn, máy điện toán thông báo cho Max. - Ông ta có nhận được tiền không? - Không. Ngân hàng yêu cầu phải có cả chữ ký của vợ ông ta. Ông ta đã rút đơn. - Cám ơn. Max lên xe bus đi tới trung tâm khoa học cảnh sát ở EUR, nơi có một máy điện toán khổng lồ được đặt trong căn phòng hình tròn rộng lớn. - Ivo Palazzi có hồ sơ phạm tội không? Max hỏi. - Có Ivo Palazzi từng bị kết án bạo hành ở tuổi hai mươi ba. Nạn nhân phải vào bệnh viện. Còn Palazzi phải ngồi tù hai tháng. - Còn gì nữa không? - Ivo Palazzi có tình nhân ở Via Montemignaio. - Cám ơn. Tôi biết. - Có vài báo cáo của cảnh sát về những lời phàn nàn của hàng xóm. - Phàn nàn về cái gì? - Gây ồn ào. Đánh nhau, la hét. Có một đêm cô ta đập vỡ tất cả bát đĩa. Chuyện ấy có quan trọng không? - Rất quan trọng, Max nói. Cám ơn. Như vậy Ivo Palazzi rất nóng nảy. Và Donatella Spolini cũng rất nóng nảy. Phải chăng đã có chuyện gì xảy ra giữa cô ta và Ivo? Có phải cô ta đang doạ lột mặt ông ta? Đó là lý do tại sao ông ta phải bất thình lình đi vay ngân hàng một số tiền lớn? Một người như Ivo Palazzi sẽ bảo vệ hôn nhân, gia đình, lối sống của mình đến đâu? Có một khoảng cuối cùng thu hút sự chú ý của Max. Ivo Palazzi được trả một món tiền lớn từ ban tài chính thuộc Sở Cảnh sát an ninh Italia. Đó là phần thưởng, là phần trăm của số tiền tìm thấy trên người viên chủ ngân hàng định mang tiền ra khỏi Italia mà Ivo đã mật báo. Nếu Ivo đã cần tiền đến thế, thì có việc gì ông ta không dám làm để có tiền? Max chia tay với các máy điện toán và đáp chuyến bay trưa của hãng Air France đi Paris. Chương 41 Tiền taxi từ sân bay Charles de Gaule đến khu Nhà thờ Đức Bà là bảy mươi franc, chưa kể tiền thưởng. Còn tiền xe bus thành phố số 351 tới cùng địa điểm trên là bảy franc rưỡi và không cần tiền thưởng. Thám tử Max Hornung chọn xe bus. Anh ta thuê phòng ở khách sạn rẻ tiền Meublé và bắt đầu gọi nhiều cú điện thoại. Anh ta nói chuyện với những người đang nắm giữ trong tay các bí mật của mọi công dân Pháp. Người Pháp thường thì đa nghi hơn người Thuỵ Sĩ nhưng họ vẫn vui vẻ hợp tác với Max Hornung. Có hai lý do ở đây. Thứ nhất là Max Hornung là bậc thầy trong lĩnh vực của anh ta, rất được kính trọng và thật là vinh d id="filepos607815"> khi được làm việc cùng một người như thế. Thứ hai là họ sợ hãi anh ta. Chẳng có điều gì bí mật với Max cả. Người đàn ông bé nhỏ có vẻ già cỗi với giọng nói buồn cười nầy có thể lột trần tất cả mọi người. - Được, - họ nói Max. - Anh hoàn toàn được sử dụng các máy điện toán của chúng tôi. Nhưng tất nhiên, mọi việc phải được giữ kín. - Dĩ nhiên. Max ghé qua ban thanh tra tài chính, Ngân hàng tín dụng Lyon, Sở bảo hiểm quốc gia và nói chuyện phiếm với các máy điện toán thuế. Rồi anh ta đến thăm các máy điện toán tại sở hiến binh và ở quận cảnh sát ở Ile de la Cité. Họ bắt đầu với những câu chuyện phiếm nhẹ nhàng của những người bạn cũ. - Charles và Hélène Roffe - Martel là ai vậy? Max hỏi. - Charles và Hélène Roffe - Martel, thường trú tại số 5 đường Francois Premier Vésinet, thành hôn ngày 25 tháng 5, 1970 tại toà thị chính ở Neuilly, không có con, lần ly dị, họ thời con gái là Roffe, có tài khoản tại Ngân hàng tín dụng Lyon, ở đại lộ Montaigne mang tên Hélène Roffe - Martel, số dư bình quân là hai mươi nghìn franc. - Chi tiêu? - Xin vui lòng. Một hoá đơn mua sách của nhà sách Marceau… một hoá đơn làm răng cho Martel… nhiều hoá đơn bệnh viện cho Charles Martel… hoá đơn bác sĩ về việc khám bệnh cho Charles Martel. - Bạn có kết quả chẩn đoán chứ? - Bạn có thể đợi không? Tôi phải nói chuyện với một máy điện toán khác. - Được. - Max chờ. Chiếc máy lưu giữ các báo cáo của bác sĩ bắt đầu lên tiếng. - Tôi có kết quả chẩn đoán. - Nói đi. - Một trường hợp quá hoảng sợ. - Còn gì nữa? - Nhiều vết thâm tím và bầm dập trên đùi và mông. - Có lời giải thích không? - Không. - Xin cứ tiếp tục. - Một hoá đơn cho đôi giầy đàn ông của Pinet… một chiếc mũ của Rose Valois… gan ngỗng của Fauchon… thẩm mỹ viện Canta… bữa tiệc cho tám người ở Maxim s… áo khoác đàn ông của Sulka… Max ngừng máy. Có cái gì đó về các hoá đơn. Anh ta đã nhận ra đó là gì. Tất cả các hoá đơn đều được ký tên bà Roffe - Martel. Hoá đơn mua quần áo đàn ông, hoá đơn nhà hàng - tất cả các tài khoản đều mang tên bà ta. Thật thú vị. Và thế là đầu mối đầu tiên xuất hiện. Một công ty mang tên Belle Paix tên là Charles Dessain. Số bảo hiểm xã hội của Charles Dessain cũng là số của Charles Martel. Một sự giấu diếm. - Cho tôi biết về Belle Paix, Max nói. - Belle Paix được sở hữu bởi René Duchamps và Charles Dessain, còn có tên là Charles Martel. - Belle Paix làm những gì? - Sở hữu một vườn nho. - Vốn của công ty là bao nhiêu? - Bốn triệu franc. - Charles Martel lấy tiền hùn vốn ở đâu? - Từ Chez ma Tante. - Nhà của bà cô à? - Xin lỗi. Đây là tiếng lóng của Pháp. Tên thật là Crédit Municipal. - Vườn nho có lãi chứ? - Không. Lỗ nặng. Max cần nhiều hơn thế. Anh ta tiếp tục nói chuyện với những người bạn, thăm dò, tán tỉnh, đòi hỏi. Chính chiếc máy điện toán bảo hiểm cho Max biết rằng đang có lời cảnh báo về khả năng gian lận bảo hiểm. Max cảm thấy có một cái gì đó hấp dẫn đang chuyển động trong anh ta. - Cho tôi biết chuyện đó đi, anh ta nói. Và họ nói chuyện, như hai người phụ nữ tán gẫu với nhau trong buổi giặt giũ vào thứ hai hàng tuần. Khi Max kết thúc, anh ta đến gặp một người thợ kim hoàn tên là Pierre Richaud. Trong vòng ba mươi phút, Max biết cặn kẽ có bao nhiêu nữ trang của Roffe Martel đã bị sao chép. Tổng số tiền đã lên đến quá hai triệu franc, bằng số tiền mà Charles Martel đầu tư vào vườn nho. Thế là Charles Dessain Martel tuyệt vọng đến mức phải lấy trộm nữ trang của vợ. - Ông ta còn phạm phải các hành động tuyệt vọng nào khác nữa? Ngoài ra còn có một mục khác cũng khiến Max để ý. Có lẽ nó không nlấy quan trọng, nhưng Max vẫn xếp nó vào đầu một cách gọn gàng. Đó là hoá đơn cho một đôi giầy leo núi. Nó làm Max phải dừng lại vì việc leo núi có vẻ không hợp lắm với hình ảnh về Charles Martel - Dessain của anh ta, một người đàn ông bị vợ khống chế đến độ không được phép mở tài khoản riêng, không được đứng tên trong tài khoản ngân hàng, và buộc phải ăn trộm nữ trang của vợ để làm một vụ đầu tư. - Không, Max không thể tưởng tượngCharles Martel lại dám leo núi. Max quay trở lại với các máy điện toán. - Hoá đơn bạn cho tôi xem ngày hôm qua của cửa hàng thể thao Timwear. Tôi muốn xem kỹ nó. - Được. Nó hiện ra trên màn hình trước mắt anh ta. Đó là hoá đơn cho một đôi giầy cao cổ. Cỡ 36A. Cỡ của phụ nữ. Hélène Roffe Martel chính là người leo núi. Sam Roffe đã bị giết trên một ngọn núi. Chương 42 Armengaud là một con phố Paris yên tĩnh với những căn nhà riêng hoặc một hai tầng, nhà nào cũng có mái và máng nước dốc. Cao hơn hẳn các bạn láng giềng là toà nhà số 26, một căn nhà tám tầng có kiến trúc hiện đại bằng thuỷ tinh, thép và đá, tổng hành dinh của Interpol, ngân hàng tin tức về các hoạt động tội phạm trên thế giới. Thám tử Max Hornung đang nói chuyện với máy điện toán trong một căn phòng rộng lớn, có điều hoà nhiệt độ ở tầng hầm thì một nhân viên bước vào và nói: - Trên lầu có chiếu phim snuff đấy. Anh có muốn xem không? Max ngước lên và hỏi: - Tôi không hiểu. Phim snuff là gì vậy? - Anh cứ thử lên xem đi. Ca id="filepos614411"> hai tá đàn ông và đàn bà đang ngồi trong phòng chiếu phim rộng rãi trên tầng ba của toà nhà. Họ là các thành viên trong ban chỉ huy Interpol, các thanh tra cảnh sát từ Sureté, các thám tử mặc thường phục và rải rác vài cảnh sát viên mặc cảnh phục. Đứng trước căn phòng, bên cạnh tấm màn trắng, René Almedin, phụ tá cho thư ký của Interpol, đang nói. Max bước vào và tìm thấy một chỗ trống ở dãy ghế sau cùng. René Almedin vẫn đang nói: - … trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã nghe nhiều tin đồn về loại phim snuff, một loại phim con heo mà trong đó khi hành vi tình dục kết thúc thì nạn nhân bị giết chết trước ống kính máy quay. Chưa bao giờ có bằng chứng về sự tồn tại của loại phim đó cả. Lý do, tất nhiên là rất rõ ràng. Loại phim đó không phải được thực hiện cho công chúng xem. Chúng được thực hiện để thoả mãn riêng cho những người giàu có muốn tìm khoái lạc theo những cách thức cuồng dâm bệnh hoạn. - René cẩn thận lấy kính ra và nói tiếp. - Như tôi đã nói, tất cả chỉ là tin đồn và dự đoán. Nhưng giờ đây sự việc đã thay đổi. Chỉ lát nữa thôi các vị sẽ được xem vài cảnh trong một cuốn phim snuff thực sự. Có tiếng xôn xao mong chờ từ phía các khán giả. - Hai ngày trước, một người đi bộ mang một chiếc cặp da đã bị xe hơi đâm phải ở Passy và người tài xế đã bỏ trốn. Người khách bộ hành đã chết trên đường đến bệnh viện. Anh ta vẫn còn chưa được nhận diện. Cơ quan Sureté đã tìm thấy cuộn phim nầy trong cặp và chuyển nó qua phòng thí nghiệm, tại đây nó đã được rửa. Anh ta ra dấu và đèn trong phòng mờ đi. Bộ phim bắt đầu. Cô gái tóc vàng không thể quá mười tám tuổi. Có cái gì đó không thật khi xem một gương mặt non choẹt với thân hình bắt đầu nảy nở thực hiện các hành vi tình dục với một gã đàn ông kềnh càng không lông trên giường cùng cô ta. Máy quay tiến gần lại để thấy rõ gã đàn ông đi vào trong cô gái, rồi lại kéo ra để thấy gương mặt cô ta. Max Hornung chưa bao giờ nhìn thấy mặt cô ta. Nhưng anh ta đã nhận ra một cái gì khác quen thuộc. Cặp mắt anh ta chăm chú vào dải ruy băng quấn quanh cổ cô gái. Nó gợi lên một ký ức. Dải ruy băng đỏ. đâu? Cô gái trên màn hình đang từ từ đạt đến cơn khoái lạc, và khi cô ta lên đến tột đỉnh những ngón tay của gã đàn ông vòng quanh cổ cô ta và bắt đầu siết chặt. Vẻ mặt cô gái chuyển từ ngất ngây sang kinh hoàng. Cô ta giãy dụa dữ dội để thoát ra, nhưng đôi tay gã đàn ông cứ siết chặt thêm, cho đến hết cơn cực khoái cũng là lúc cô gái lìa đời. Cuốn phim kết thúc. Đèn trong phòng sáng bừng trở lại. Max đã nhớ ra. Cô gái chính là người đã được vớt lên từ con sông ở Zurich. Tại tổng hành dinh Interpol ở Paris, nhiều phúc đáp từ những điện tín điều tra khẩn cấp bắt đầu đến từ khắp châu u. Sáu vụ giết người giống nhau đã xảy ra ở Zurich, London, Rome, Bồ Đào Nha, Hamburg và Paris. René Almedin nói với Max: - Các sự mô tả phù hợp với nhau một cách chính xác.Tất cả các nạn nhân đều tóc vàng, là phụ nữ, trẻ, họ bị bóp cổ trong lúc đang làm tình, trên người không một mảnh vải ngoại trừ một dải ruy băng đỏ quấn quanh cổ. Chúng ta đang đối đầu với một tên giết người hàng loạt. Một kẻ nào đó có hộ chiếu và hoặc là hắn đủ giàu có để đi mọi nơi bằng phương tiện riêng hoặc là hắn có tài khoản chi tiêu. Một người đàn ông mặc thường phục bước vào phòng và nói: - Chúng ta đã gặp may. Cuốn phim nầy có nguyên liệu sản xuất ở một hãng nhỏ ở Brussel. Đợt hàng đặc biệt nầy có màu sắc không cân xứng nên rất dễ nhận ra. Chúng ta đang thu thập danh sách các khách hàng đã mua nó. Max nói: - Tôi muốn xem danh sách đó khi các anh làm xong. - Dĩ nhiên, - René Almedin trả lời. Anh ta quan sát viên thám tử bé nhỏ. Max Hornung không giống bất cứ thám tử nào mà anh ta đã gặp. Nhưng Max lại chính là người đã trói bọn giết người cuồng dâm lại với nhau. - Chúng tôi chịu ơn anh, - Almedim nói. Max Hornung nhìn anh ta và nháy mắt. - Vì cái gì chứ? - anh ta hỏi. Chương 43 Alec Nichols không muốn tham dự buổi tiệc nhưng ông lại không muốn Elizabeth đi một mình. Cả hai người đều đã được sắp xếp phát biểu. Buổi tiệc được tổ chức tại Glasgow, thành phố mà Alec căm ghét. Một chiếc xe đang ở bên ngoài khách sạn, chờ đưa họ đến sân bay ngay khi họ có thể lịch sự nói lời tạm biệt. Ông đã hoàn thành bài phát biều nhưng đầu óc ông lại ở một nơi khác, ông đang hồi hộp và căng thẳng, ruột gan nóng như lửa đốt. Một kẻ nào đó thật ngốc nghếch khi quyết định dọn món haggis. Alec gần như là không đụng đến nó. Elizabeth ngồi bên cạnh ông. - Chú không sao chứ, Alec? - Chú khoẻ. - ông vỗ nhẹ lên tay nàng. Các bài phát biểu đã hầu như kết thúc thì một người hầu bàn đến gần Alec và thì thầm: - Xin lỗi, thưa ngài. Ngài có điện thoại đường dài. Ngài có thể nói chuyện trong văn phòng. Alec đi theo người hầu bàn ra khỏi phòng ăn rộng lớn vào văn phòng nhỏ đằng sau bàn tiếp tân. Ông nhấc điện thoại lên. Giọng của Swinton vang lên: - Đây là lời cảnh cáo cuối cùng! Rồi đường dây im bặt. Chương 44 Thành phố cuối cùng trong sổ công tác của thám tử Max Hornung là Berlin. Những người bạn điện toán đang chờ anh ta. Max nói chuyện với chiếc máy Nixdorf duy nhất, với cỗ máy chỉ có một cách tr cập duy nhất bằng một tấm thẻ đục lỗ đặc biệt. Anh ta cũng nói chuyện với các máy điện toán lớn ở Allianz và Schuffa và những chiếc khác ở Bundeskrimalamt tại Wiesbaden, điểm tập hợp mọi hoạt động hình sự ở Đức. - Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn? Chúng hỏi. - Cho tôi biết về Walther Gassner. Và chúng cho anh ta biết. Khi chúng nói xong những bí mật của chúng cho Max Hornung, cuộc đời của Walther Gassner trải rộng ra trước mắt Max bằng những biểu tượng toán học đẹp đẽ. Max có thể thấy người đàn ông ấy rõ ràng như thể anh ta đang nhìn vào ảnh của ông ta vậy. Anh ta biết sở thích về ăn mặc của ông ta, rượu vang, đồ ăn, khách sạn một huấn luyện viên trượt tuyết trẻ trung, đẹp trai đã sống xa cách phụ nữ và kết hôn với một nữ thừa kế già hơn mình đến chục tuổi. Có một mục mà Max thấy tò mò: một tấm ngân phiếu cho bác sĩ Heissen, trị giá hai trăm mác. Trên tấm ngân phiếu có ghi "trả tiền khám bệnh". Khám bệnh kiểu gì? Tấm ngân phiếu được thanh toán tại ngân hàng Dresdner ở Dusseldorf. Mười lăm phút sau Max đã nói chuyện với tay giám đốc chi nhánh ngân hàng. Vâng, dĩ nhiên là viên giám đốc chi nhánh biết bác sĩ Heissen. Ông ta là một khách hàng được tôn trọng của ngân hàng. - Ông ta là loại bác sĩ gì? - Bác sĩ tâm thần. Khi Max gác máy, anh ta ngã người vào lưng ghế, mắt nhắm lại, nghĩ ngợi. Một manh mối. Anh ta nhấc điện thoại lên và đặt một cuộc gọi đến cho bác sĩ Heissen ở Dusseldorf. Một nhân viên tiếp tân không chính thức cho Max biết rằng không thể quấy rầy bác sĩ. Khi Max nhất định đòi gặp, bác sĩ Heissen mới chịu cầm máy và thông báo một cách thô lỗ rằng ông ta không bao giờ tiết lộ bất kỳ tin tức gì về bệnh nhân của mình, và chắc chắn ông ta có nằm mơ cũng không thảo luận những vấn đề như thế qua điện thoại. Rồi ông ta gác máy. Max quay lại với các máy điện toán. Cho tôi biết về bác sĩ Heissen, anh ta nói. Ba tiếng sau Max lại nói chuyện với bác sĩ Heissen lần nữa qua điện thoại. - Tôi đã nói với ông rồi, - Ông bác sĩ gằn giọng, - rằng nếu như ông muốn biết bất kỳ thông tin gì về bất cứ bệnh nhân nào của tôi, thì xin ông hãy đến văn phòng của tôi với tờ trát của toà án. - Bây giờ đến Dussenldorf với tôi thì không được tiện lắm, - viên thám tử giải thích. - Đó là chuyện của ông. Còn gì nữa không? Tôi là người bận rộn lắm. - Tôi biết. Tôi đang có bản báo cáo thuế thu nhập năm năm vừa qua của ông ở trước mặt đây. - Gì cơ? Max nói: - Bác sĩ, tôi không muốn gây rắc rối với ông. Nhưng ông đang che giấu hai mươi lăm phần trăm thu nhập của ông một cách bất hợp pháp. Nếu ông muốn, tôi có thể đưa hồ sơ của ông cho những người có thẩm quyền về thuế thu nhập của Đức và cho họ biết phải xem xét ở đâu. Họ có thể bắt đầu với cái tủ sắt của ông ở Munich, hoặc số tài khoản ngân hàng của ông ở Basel. Im lặng một hồi lâu, rồi có tiếng ông bác sĩ hỏi: - Ông nói ông là ai? - Thám tử Max Hornung thuộc Sở Cảnh sát hình sự Thuỵ Sĩ. Lại im lặng một lát. Rôi ông bác sĩ nhã nhặn hỏi: - Và ông muốn biết chính xác chuyện gì vậy? Max cho ông ta biết. Một khi bác sĩ Heissen đã nói thì không gì có thể ngăn cản ông ta được. - Vâng, dĩ nhiên là ông taWalther Gassner. Con người đã xông vào mà không có hẹn trước và nằng nặc đòi gặp ông ta. Ông ta đã viện cớ muốn thảo luận vấn đề của một người bạn. Dĩ nhiên, điều đó đã lập tức làm tôi phải cảnh giác, - Bác sĩ Heissen thổ lộ với Max. - Đó là một hội chứng cổ điển của những người không sẵn sàng hoặc sợ phải đương đầu với các vấn đề của mình. - Vấn đề là gì? - Ông ta nói bạn ông ta bị tâm thần và có khuynh hướng giết người, và có thể sẽ giết ai đó nếu không bị ngăn chặn. Ông ta hỏi xem có cách điều trị nào có thể giúp đỡ được người bạn đó không. Ông ta bảo ông ta không thể để người bạn mình bị nhốt trong nhà thương điên. - Thế ông đã nói gì với ông ta? - Dĩ nhiên, đầu tiên tôi bảo với ông ta rằng tôi phải khám cho bạn ông ta, rằng vài loại bệnh tâm thần có thể điều trị được bằng các loại thuốc hiện đại và các phương pháp trị liệu, và một số loại khác thì không sao chữa khỏi được. Tôi cũng đề cập rằng trong trường hợp như ông ta đã tả thì việc điều trị có thể phải mất một khoảng thời gian dài. - Sau đó thì chuyện gì xảy ra? - Max hỏi. - Không gì cả. - Quả thực là chỉ có thế. Tôi không bao giờ gặp lại ông ta nữa. Tôi cũng muốn được giúp đỡ ông ta. Ông ấy rất là rối trí. Rõ ràng việc ông ta đến với tôi là một tiếng kêu gào đòi giúp đỡ. Nó tương tự như việc tên sát nhân viết lên tường nhà nạn nhân "Ngăn chặn tôi lại trước khi tôi lại giết người". Có một điều vẫn làm Max thấy bối rối. - Bác sĩ, ông nói rằng ông ta không cho ông biết tên, nhưng ông ta lại đưa cho ông tờ ngân phiếu và ký vào đó. Bác sĩ Heissen liền giải thích: - Ông ta quên mang theo tiền. Ông ta tỏ ra rất ái ngại về chuyện đó. Cuối cùng thì ông ta phải viết tờ ngân phiếu. Đó là lý do vì sao tôi biết tên ông ta. Ông còn muốn biết thêm chuyện gì không? - Không? Một cái gì đó vẫn khiến Max thấy khó chịu, một đầu mối lòng thòng lắc lư như trêu tức ngoài tầm với của anh ta. Nó sẽ lọt vào tay anh ta thôi, và trong lúc chờ đợi, anh ta đã kết thúc công việc với các máy điện toán. Đã đến lúc anh ta cần phải nghỉ ngơi. Khi Max về đến Zurich vào sáng hôm sau, anh ta thấy một bản tin do Interpol gửi đến trên bàn làm việc. Nó là một bản danh sách các khách hàng đã mua đợt nguyên liệu sản xuất cuốn phim cuồng dâm kia. Có tám cái tên trong danh sách. Trong đó có tên Roffe và các con. Chánh thanh tra Schmied lắng nghe thám tử Max Hornung báo cáo. Không còn nghi ngờ gì nữa. Viên thám tử nhỏ bé may mắn nầy đã vồ được một vụ trọng án nữa. - Đó là một trong năm người, - Max nói. - Tất cả bọn họ đều có động cơ và có cơ hội. Tất cả đều ở Zurich dự cuộc họp hộì đồng quản trị vào ngày thang máy bị rơí. Bất cứ ai trong số họ cũng có thể ở Sardinia vào lúc chiếc xe Jeep gặp tai nạn. Chánh thanh tra Schmied cau mày. - Anh nói có đến năm kẻ tình nghi. Ngoài Elizabeth Roffe, chỉ có bốn thành viên trong hội đồng quản trị. Vậy ai là kẻ tình nghi thứ năm? Max nháy mắt và kiên nhẫn nói: - Người mà đã ở Chamonix cùng Sam Roffe khi ông ta bị giết. Rhys Williams! Chương 45 Bà Rhys Williams. Elizabeth không tài nào bắt mình tin nổi. Toàn bộ sự việc có cái gì đó như không thực, như nằm ngoài giấc mơ hạnh phúc hồi con gái. Elizabeth nhớ nàng đã viết thế nào trong cuốn vở bài tập, viết đi viềt lại Bà Rhys Williams, Bà Rhys Williams. Rhys nói: - Em đang cười gì thế? Anh ngồi thoải mái trong ghế dựa đối diện với nàng trên chiếc Boeing 707-320 sang trọng. Họ đang ở độ cao mười km so với mặt biển Đại Tây Dương, ăn tối với trứng cá Iran và uống rượu Don Periguon lạnh, y như một cảnh trong phim Cuộc sống ngọt ngào khiến Elizabeth bật cười to. Rhys mỉm cười. - Anh vừa nói gì ngớ ngẩn à? Elizabeth lắc đầu. Nàng nha id="filepos630171">n anh và ngạc nhiên thấy anh thật quyến rũ xiết bao. Chồng nàng. "Em chỉ thấy hạnh phúc". Anh sẽ không bao giờ biết nàng hạnh phúc đến mức nào. Làm sao nàng có thể cho anh biết cuộc hôn nhân nầy có ý nghĩa ra sao với nàng. Anh sẽ không hiểu, bởi vì với anh, đây không phải là hôn nhân, đây chỉ là một vấn đề kinh doanh. Nhưng nàng yêu Rhys. Với Elizabeth, bao giờ nàng cũng vẫn yêu anh. Nàng muốn dành trọn phần đời còn lại ở bên anh, có con với anh, thuộc về anh, làm cho anh thuộc về nàng. Elizabeth nhìn Rhys lần nữa và gắng gượng nghĩ, nhưng trước hết mình cần giải quyết một vân đề nhỏ đã. Đó là phải tìm ra cách khiến anh yêu mình. Elizabeth đã nói với Rhys chuyện nầy vào ngày nàng gặp Julius Badrutt. Sau khi viên giám đốc ngân hàng ra về, nàng cẩn thận chải lại mái tóc, đi vào phòng làm việc của Rhys, hít một hơi thật sâu và nói: - Rhys… anh sẽ lấy em chứ? Nàng có thể thấy rõ sự ngạc nhiên trên mặt anh, và nàng vội vã nói tiếp trước khi anh kịp lên tiếng, cố giữ giọng bình thường. - Đây chỉ là một vụ dàn xếp kinh doanh thuần tuý. Các ngân hàng sẵn sàng gia hạn nếu anh là chủ tịch của Roffe và các con. Cách duy nhất anh có thể làm được chuyện đó là - Elizabeth sợ hãi khi thấy giọng mình lạc hẳn đi, - kết hôn với một thành viên trong gia đình em, và em… em có lẽ là người duy nhất mà anh có thể làm chồng. Nàng thấy mặt mình nóng bừng. Nàng không thể nhìn anh. - Dĩ nhiên, đó không phải là cuộc hôn nhân thật sự, - Elizabeth nói, - có nghĩa là… em muốn nói… anh được tự do đến và đi theo ý mình. Anh quan sát nàng, không giúp đỡ nàng. Elizabeth ước anh hãy nói một cái gì đó. Bất cứ cái gì. - Rhys… - Xin lỗi. Em làm anh thấy ngạc nhiên quá. - Anh mỉm cười. - Không phải ngày nào một người đàn ông cũng nhận được lời cầu hôn của một cô gái xinh đẹp. Anh vẫn mỉm cười, cố gắng thoát khỏi tình cảnh nầy mà không làm cho nàng tự ái. Anh xin lỗi, Elizabeth, nhưng… - Anh đồng ý, - Rhys nói. Và Elizabeth bỗng nhiên cảm thấy như trút được gánh nặng. Nàng đã không nhận ra cho đến phút giây quan trọng nầy. Sắp đến lúc nàng biết ai là kẻ thù của mình. Nàng và Rhys có thể cùng nhau ngăn chặn tất cả những điều tồi tệ đang xảy ra. Có một điều nàng cần phải nói rõ với anh. - Anh sẽ là chủ tịch tập đoàn, - nàng nói, - nhưng số cổ phần điều hành vẫn do em nắm giữ. Rhys cau mày. - Nếu anh điều hành tập đoàn… - Anh sẽ điều hành, - Elizabeth trấn an anh. - Nhưng còn số cổ phần điều hành… - Vẫn mang tên em. Em muốn chắc chắn rằng chúng sẽ không bị bán ra. - Anh hiểu. Nàng có thể cảm thấy sự phản đối của muốn cho anh biết rằng nàng đã có một quyết định. Nàng đã quyết định rằng tập đoàn sẽ có người ngoài tham gia, rằng các thành viên trong hội đồng quản trị có thể bán cổ phần của họ. Với Rhys làm chủ tịch, Elizabeth sẽ không còn lo lắng về việc để cho người ngoài vào chiếm lấy tập đoàn nữa. Nàng rất muốn cho Rhys biết những điều nầy, nhưng nàng biết bây giờ vẫn chưa phải là lúc, và thế là nàng chỉ nói: - Trừ chuyện đó ra, anh hoàn toàn được nắm quyền điều khiển. Rhys đứng đó, im lặng ngắm nàng một lúc lâu. Khi cất tiếng, anh hỏi: - Khi nào em muốn tổ chức hôn lễ? - Càng sớm càng tốt. * * * * * Ngoại trừ Anna và Walther phải ở nhà vì ốm, tất cả đều đến Zurich dự lễ thành hôn của Elizabeth. Alec và Vivian, Hélène và Charles, Simonetta và Ivo. Họ ra vẻ vui mừng cho nàng, và sự vui mừng đó khiến nàng cảm thấy rất giả tạo. Nàng không tiến hành một cuộc hôn nhân mà là tiến hành một vụ kinh doanh. Alec ôm nàng và nói: - Cháu biết là chú luôn chúc cho cháu được mọi sự tốt lành. - Cháu biết, Alec. Cám ơn chú. Ivo đột ngột: - Carissima, tanti auguri e fijli maschi. Tìm thấy tài sản là giấc mơ của kẻ ăn mày, nhưng tìm thấy tình yêu là giấc mơ của những ông hoàng. Elizabeth mỉm cười. - Ai đã nói câu đó? - Chú, - Ivo tuyên bố. - Chú hy vọng là Rhys đánh giá đúng mình là con người may mắn đến thế nào. - Cháu luôn nhắc nhở anh ấy, - nàng nhẹ nhàng nói. Hélène kéo Elizabeth sang một bên. - Cháu luôn gây ngạc nhiên chơ tất cả mọi người, ma chère. Cô không hề nghĩ rằng cháu và Rhys lại để ý đến nhau. - Chuyện xảy ra cũng thật bất ngờ. Hélène nhìn nàng bằng cặp mắt lạnh lùng tính toán. - Đúng. Cô chắc là vậy. - Và bà ta bỏ đi. Sau buổi lễ là tiệc cưới tại Baur-au-lac. Bên ngoài bữa tiệc thì rất náo nhiệt vui vẻ nhưng Elizabeth cảm thấy được những đợt sóng ngầm bên trong. Có một cái gì đó thật độc địa trong căn phòng, một lời nguyền rủa, nhưng nàng không thể nói ra được nó bắt nguồn từ ai. Tất cả những gì nàng biết là có một người nào đó trong phòng rất ghét nàng. Nàng có thể cảm nhận được điều đó ở sâu thẳm trong con người nàng, nhưng khi đưa mắt nhìn quanh, nàng lại chỉ thấy toàn những gương mặt tươi cười thân thiện. Charles đang nâng ly lên để chúc mừng nàng… Elizabeth đã nhận được một báo cáo về vụ nổ ở phòng thí nghiệm. Chất nổ được Bản xuất tại một nhà máy của cô ở ngoại ô Paris. Ivo nụ cười toe toét hạnh phúc trên mặt… ông chủ ngân hàng bị bắt vì tội lén mang tiền ra khỏi Italia bị gài bẫy. Người đàn ông đã mật báo cho cảnh sát biên giới. Ivo Palazzi. Alec? Walther? Người nào? Elizabeth tự hỏi. * * * * * Sáng hôm sau buổi họp của hội đồng quản trị diễn ra và Rhys Williams được nhất trí bầu vào chức vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Roffe và các con. Charles đặt ra câu hỏi đã có sẵn trong đầu tất cả mọi người. - Bây giờ anh điều hành tập đoàn, vậy chúng tôi sẽ được bán cổ phần chứ? Elizabeth có thể cảm thấy sự căng thẳng bất ngờ trong phòng. - Số cổ phần quyết định vẫn ở trong tay Elizabeth. - Rhys thông báo với họ. - Cô ấy mới là người quyết định. Tất cả hướng về phía Elizabeth. - Chúng ta sẽ không bán ra, - tuyên bố. Khi Elizabeth và Rhys còn lại một mình anh nói: - Em có thích tuần trăng mật ở Rio không? Elizabeth nhìn anh, trái tim bay bổng. Anh thản nhiên nói tiếp, - Viên giám đốc của chúng ta ở đó đang định xin nghỉ việc. Chúng ta không thể để mất ông ta. Anh đã định bay đến đó vào ngày mai và sắp xếp lại mọi việc. Sẽ hơi kỳ quặc một chút nếu anh đi mà không có cô dâu mới của mình? Elizabeth gật đầu và nói: - Vâng, dĩ nhiên. Mình thật ngốc, nàng tự nhủ. Đây là ý kiến của mình cơ mà. Đó chỉ là một sự dàn xếp, không phải là một cuộc hôn nhân. Mình không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì ở Rhys. Thế nhưng, một giọng nói rất nhỏ bên trong nàng nói, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra… Khi hai người xuống máy bay tại sân bay Galeao, không khí nóng lên một cách đáng kinh ngạc và Elizabeth nhận ra ở đó đang là mùa hè. Một chiếc Mercedes 600 đang chờ họ. Tài xế là một chàng trai da đen gầy gò khoảng gần ba mươi tuổi. Khi họ lên xe, Rhys hỏi người tài xế: - Luis đâu? - Luis bị ốm, thưa ông Wilhams. Tôi sẽ lái cho ông và bà Williams. - Nói với Luis tôi hy vọng cậu ta sớm bình phục. Người tài xế ngắm nhìn họ qua gương chiếu hậu và nói: - Vâng. Nửa giờ sau họ đã lái xe đến khu vực dạo mát, trên những viên đá lát đường nhiều mầu sắc dọc theo bãi biển Copacabana. Họ dừng lại trước khách sạn hiện đại Princessa Sugarloaf và một lát sau hành lý của họ đã được đưa vào. Họ được dẫn đến một căn buồng rộng lớn với bốn phòng rộng mênh mông nhìn xuống biển. Hoa đầy trong các phòng được cắm những chiếc bình bạc, cùng rượu champagne, whisky và sôcôla. Viên quản lý khách sạn đích thân đưa họ về buồng. - Nếu có chuyện gì chúng tôi có thể làm cho ông bà - bất cứ chuyện gì - tôi xin đích thân phục vụ ông bà hai tư giờ mỗi ngày. - Và ông ta vừa cúi chào vừa bước ra. - Họ thân thiện quá, - Elizabeth nói. Rhys cười to và trả lời. - Họ phải như thế. Em sở hữu khách sạn nầy mà. Elizabeth cảm thấy mặt đỏ bừng. - Ồ. Em… em không biết. - Em có đói không? - Em… không, cám ơn anh, - Elizabeth trả lời. - Em uống chút rượu vang nhé? - Vâng, cám ơn anh. Giọng nói trong tai nàng có vẻ cứng nhắc và thiếu tự nhiên. Nàng không chắc mình nên xử sự thế nào, hay mong chờ gì ở Rhys. Anh bỗng nhiên trở thành một người xa lạ và nàng khủng khiếp nhận ra sự thật rằng hai người đang ở trong một căn buồng khách sạn và thời gian thì đã khuya, sắp đến lúc phải đi ngủ. Nàng nhìn Rhys khi anh khéo léo mở nút chai rượu vang. Anh làm mọi việc thật nhịp nhàng, với sự tự tin thoải mái của một người đàn ông biết chính xác mình muốn cái gì và làm sao để đạt được ý muốn. Nhưng anh muốn gì? Rhys đưa ly champagne cho Elizabeth và nâng ly của anh lên. - Chúc mừng cho sự khởi đầu. - Cho sự khởi đầu. - Elizabeth nói theo. Và những kết thúc có hậu, nàng thầm nói thêm. Họ cùng uống. Chúng ta phải đập vỡ ly vào lò sưởi, Elizabeth nghĩ, để kỷ niệm. Nàng uống cạn chỗ champagne còn lại. Họ đang ở Rio hưởng tuần trăng mật và nàng muốn Rhys. Không phải chỉ có lúc nầy, mà là mãi mãi. Chuông điện thoại reo. Rhys nhấc máy lên và nói ngắn gọn. Khi nói xong, anh dập máy và nói với Elizabeth: - Muộn rồi. Sao em còn chưa bị đi ngủ. Đối với Elizabeth, dường như từ ngủ treo lơ lửng giữa không trung. - Phải, - nàng yếu ớt trả lời. Nàng quay lại và đi vào phòng ngủ nơi mấy người trực tầng đã để hành lý. Giữa phòng là một chiếc giường đôi lớn. Một cô hầu phòng đã mở vali của họ ra và chuẩn bị giường. Một bên là chiếc áo ngủ bằng lụa mỏng tang của Elizabeth, bên kia là bộ pizama nam màu xanh da trời. Nàng lưỡng lự một lát rồi bắt đầu cởi đồ. Khi đã hoàn toàn trần truồng, nàng đi vào phòng thay quần áo lớn có lót kính và cẩn thận tẩy trang. Rồi quấn một chiếc khăn lông Thổ Nhĩ Kỳ quanh đầu, nàng bước sang phòng và mở vòi hoa sen, chầm chậm xoa xà phòng lên người, cảm thấy dòng nưỏc xà phòng ấm áp chảy giữa hai gò ngực, xuống bụng, rồi xuống đùi, như những ngón tay ẩm ướt nóng hổi. Nàng cố gắng không nghĩ đến Rhys một giây phút nào nhưng nàng lại không thể nghĩ đến bất kỳ một điều gì khác. Nàng nghĩ đến cánh tay anh quàng quanh người và thân hình anh ở trên thân hình nàng. Nàng kết hôn với Rhys để cứu vãn tập đoàn hay nàng đang dùng tập đoàn như một lý do vì nàng thèm muốn anh? Nàng cũng không biết nữa. Dục vọng của nàng đã biến thành một ngọn lửa, chỉ chờ để thiêu rụi tất cả. Sự việc tựa như một cô bé mười lăm tuổi đã chờ đợi anh trong từng ấy năm dằng dặc mà không hề nhận biết được điều đó và nhu cầu đã biến thành sự khát khao. Nàng bước ra khỏi bồn tắm, lau người bằng chiếc khăn bông mềm được sưởi ấm, mặc chiếc áo ngủ bằng lụa mỏng để tóc buông xoã và leo lên giường. Nàng nằm đó chờ đợi, nghĩ đến những gì sắp xảy ra, tự hỏi anh sẽ làm như thế nào, và nàng thấy tim mình bắt đầu đập nhanh hơn. Nàng nghe thấy tiếng động và ngước lên nhìn. Rhys đang đứng ở ngưỡng cửa. Anh đã ăn mặc chỉnh tề. - Anh phải ra ngoài ngay, - anh nói. Elizabeth ngồi dậy. - Anh… anh định đi đâu? - Có một vấn đề kinh doanh cần anh giải quyết gấp - Và anh bỏ đi. Elizabeth nằm thao thức suốt đêm đó, trở mình, trằn trọc, lòng tràn ngập các cảm xúc đối lập, tự nhủ mình thật biết ơn khi Rhys giữ đúng lời cam kết, rồi lại cảm thấy mình thật ngốc nghếch vì những gì mình đã liệu trước, tức giận vì anh đã từ chối nàng. Khi Elizabeth nghe thấy Rhys quay lại thì trời đã rạng sáng. Bước chân anh hướng về phía phòng ngủ, và Elizabeth nhắm mắt lại, giả vờ ngủ say. Nàng có thể nghe thấy hơi thở của anh khi anh đến bên giường. Anh đứng đó, ngắm nhìn nàng một lúc lâu. Rồi anh quay lại và bước sang phòng bên kia. Vài phút sau Elizabeth thiếp đi. Đến gần buổi trưa họ mới ăn sáng trên sân thượng. Rhys có vẻ vui và chuyện trò liên tục, kể cho nàng thành phố như thế nào trong dịp lễ Carnaval. Nhưng anh không hề nói về nơi anh đã ở suốt đêm qua và Elizabeth cũng không hỏi về chuyện đó. Một người hầu bàn đến hỏi xem họ muốn ăn gì. Elizabeth để ý thấy đây là một người hầu bàn khác. Nàng không nghĩ về chuyện đó nữa, cũng như việc các cô hầu phòng liên tục ra vào căn buồng nơi nàng ở. * * * * * Elizabeth đang ở trong nhà máy của Roffe và các con ở ngoại ô Rio, ngồi trong văn phòng viên giám đốc Senor Tumar, một người đàn ông trung niên mặt mũi to bè, mình mẩy đầm đìa mồ hôi. Ông ta nRhys: - Anh phải hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Roffe và các con với tôi còn thân thiết hơn cả cuộc sống của mình. Đây là gia đình tôi. Tôi lìa bỏ nó cũng như lìa bỏ gia đình vậy. Một phần trái tim tôi cũng bị mất theo. Hơn bất kỳ thứ gì trên thế giới nầy, tôi muốn ở lại đây. - ông ta dừng lại để lau trán. - Nhưng tôi nhận được một lời đề nghị tốt hơn từ một công ty khác, và tôi còn có vợ, con và mẹ vợ phải chăm sóc. Anh hiểu chứ? Rhys ngả người vào lưng ghế, duỗi chân về phía trước một cách thoải mái. - Dĩ nhiên, Roberto. Tôi biết tập đoàn có nhiều ý nghĩa với ông thế nào. Ông đã nhiều năm làm việc ở đây. Nhưng, một người đàn ông cũng phải nghĩ đến gia đình của mình! - Cảm ơn, - Roberto nói với vẻ biết ơn. - Tôi biết tôi có thể tin cậy ở anh, Rhys. - Còn hợp đồng của ông với chúng tôi thì sao? Tumas nhún vai. - Chỉ là mảnh giấy lộn. Chúng ta xé nó đi là xong, phải không? Một bản hợp đồng thì có gì là tốt đẹp nếu một người không cảm thấy hạnh phúc? Rhys gật đầu. - Đó là lý do chúng tôi bay đến đây. Roberto… để giúp ông được cảm thấy hạnh phúc. Tumas thở dài. - À, giá như mọi việc đừng quá trễ. Nhưng tôi đã đồng ý làm việc cho công ty kia mất rồi. - Ông có biết rằng mình sắp phải vào tù không? - Rhys chợt hỏi. Tumas há hốc miệng nhìn anh. - Vào tù? Rhys nói: - Chính phủ Mỹ ra lệnh tất cả các công ty làm công việc kinh doanh ở hải ngoại phải nộp cho cảnh sát một bản liệt kê các khoản tiền đút lót ở nước ngoài mà họ đã chi trong vòng mười năm qua. Không may là ông lại dính líu quá nhiều vào việc nầy, Roberto. Ông đã vi phạm một số luật lệ ở đây. Chúng tôi đã lập kế hoạch bảo vệ ông - như một thành viên chung thuỷ của gia đình - nhưng nếu ông không còn ở lại với chúng tôi nữa, thì sẽ chẳng còn lý do gì nữa, phải vậy không? Roberto mặt cắt không còn chút máu. - Nhưng, tôi làm việc ấy cũng là vì tập đoàn, - ông ta phản đối. Tôi chỉ làm theo lệnh thôi. Rhys gật đầu với vẻ thông cảm. - Dĩ nhiên. Ông có thể giải thích với chính phủ tại toà. - Anh đứng dậy và nói với Elizabeth. - Chúng ta nên quay về thì hơn. - Đợi đã, Roberto la lên. - Các người không thể bỏ mặc tôi thế nầy được. Rhys nói: - Tôi nghĩ ông đã nhầm rồi. Ông mới là người sắp bỏ đi mà. Tumas lại lau trán, cặp môi co rúm lại không kiềm chế nổi. Ông ta đi về cửa sổ và nhìn ra ngoài. Một sự im lặng nặng nề bao trùm cả căn phòng. Cuối cùng, không quay người lại, ông ta lên tiếng: - Nếu tôi ở lại với tập đoàn, tơi sẽ được hảo vệ chứ? - Cho đến cùng, - Rhys trấn an ông ta. * * * * * Hai người ngồi trong chiếc Mercedes do người tài xế gày gò cầm lái đưa họ trở về thành phố. - Anh đã hăm doạ ông ta, - Elizabeth thốt lên. Rhys gật đầu. - Chúng ta không thể để mất ông ta. Ông ta sẽ chuyển sang làm cho các đối thủ của tập đoàn. Mà ông ta lại biết quá nhiều chuyện kinh doanh của chúng ta. Rất có thể ông ta sẽ bán đứng chúng ta. Elizabeth nhìn Rhys và nghĩ, mình còn phải học anh rất nhiều điều. Họ đến Mirander dùng bữa tối và Rhys tỏ ra rất quyến rũ, vui tính và vô tư. Elizabeth cảm giác như anh đang ẩn mình sau những lời nói, tạo ra một màn khói ngôn từ để giấu đi những c nghĩ của mình. Khi họ ăn tối xong thì đã quá nửa đêm. Elizabeth muốn được ở một mình với Rhys. Nàng đã hy vọng họ sẽ trở về khách sạn. Nhưng anh lại nói: - Anh sẽ cho em thấy cuộc sống ở Rio vào ban đêm. Họ làm một vòng qua các hộp đêm và dường như tất cả mọi người đều biết Rhys. Nơi nào họ đến, anh cũng là trung tâm của mọi sự chú ý, thu hút mọi người. Họ được mời vào ngồi cùng nhiều cặp ở các bàn khác và nhiều nhóm đến ngồi cùng tại bàn của họ. Elizabeth và Rhys không được ở một mình đến một phút. Đối với Elizabeth thì dường như việc nầy là có chủ đích, rằng Rhys đang cố ý dựng lên một bức tường người giữa anh và nàng. Trước kia họ là bạn, còn bây giờ họ là gì? Elizabeth chỉ biết rằng giữa hai người luôn tồn tại một rào cản vô hình. Anh sợ cái gì và tại sao? Ở hộp đêm thứ tư, nơi họ ngồi cùng với nửa tá bạn của Rhys, Elizabeth quyết định thế là quá đủ. Nàng cắt ngang cuộc nói chuyện giữa Rhys và cô gái Tây Ban Nha có vẻ bên ngoài rất xinh đẹp. - Tôi chưa có dịp được khiêu vũ với chồng tôi. Tôi tin rằng cô sẽ thông cảm cho chúng tôi. Rhys ngạc nhiên nhìn nàng, rồi anh đứng dậy. - Tôi e rằng tôi đã bỏ bê cô dâu của tôi, - anh nhẹ nhàng nói với mọi người. Rồi anh cầm tay Elizabeth và dẫn nàng bước ra sàn nhảy. Nàng khó nhọc kiềm chế bản thân và anh vừa nhìn vào mặt nàng vừa nói: - Em đang giận phải không? Anh nói đúng, nhưng đây là cơn giận với chính bản thân nàng. Nàng đã đặt ra qui định và rồi lại khó chịu khi Rhys không phá vỡ chúng. Nhưng dĩ nhiên là còn hơn thế. Đó là việc không sao biết được cảm giác của Rhys. Anh giữ vững thoả thuận giữa hai người vì sự tôn kính hay đơn giản là vì anh không hứng thú gì với nàng? Nàng phải biết điều đó. Rhys nói: - Anh rất tiếc về những người nầy, Liz, nhưng tất cả bọn họ đều ở trong giới kinh doanh, và họ đều có ích cho chúng ta ở mặt nầy mặt khác. Như vậy là anh đã nhận ra cảm giác của nàng. Nàng có thể cảm thấy đôi tay anh quanh người, thân hình anh sát thân hình nàng. Nàng nghĩ, thế nầy có vẻ mới đúng. Tất cả mọi thứ về Rhys đều thích hợp với nàng. Họ thuộc về nhau. Nàng biết điều đó. Nhưng anh có biết nàng muốn anh nhiều thế nào không? Niềm kiêu hãnh của Elizabeth không cho phép nàng nói điều đó với anh. Nhưng anh phải cảm nhận được một điều gì đó. Nàng nhắm mắt lại và áp sát vào anh hơn nữa. Thời gian đã dừng lại và không có gì ngoài hai người cùng điệu nhạc êm dịu và sự kỳ diệu của giây phút nầy. Nàng có thể tiếp tục khiêu vũ mãi trong vòng tay của Rhys. Nàng thư giãn và hoàn toàn phó mặc bản thân cho anh. Và nàng bắt đầu cảm thấy cái gì đó cứng cứng của anh ép vào đùi nàng. Nàng mở mắt ra và ngước lên nhìn anh, trong mắt anh là một vẻ khác lạ mà nàng chưa bao giờ được thấy, một sự gấp gáp, thèm muốn, đó là sự phản chiếu những gì của nàng. Khi anh nói, giọng anh lạc hẳn đi. - Mình về khách sạn đi. Và nàng không thể lên tiếng nữa. Khi giúp nàng mặc áo choàng, những ngón tay anh như đốt cháy da thịt nàng. Họ ngồi cách xa nhau trên băng sau của chiếc limousine, sợ đụng vào nhau. Elizabeth cảm thấy như mình đang bốc cháy. Đối với nàng, thời gian họ đi về đến căn phòng tưởngài vô tận. Nàng không nghĩ mình có thể đợi thêm một phút giây nào nữa. Khi cánh cửa vừa khép lại, họ lao vào nhau với sự ham muốn hoang dại diệu kỳ tràn ngập trong cả hai người. Nàng ở trong vòng tay anh và trong anh là cả một sự dữ tợn mà nàng chưa bao giờ được biết. Anh bế bổng nàng lên và mang nàng vào phòng ngủ. Họ không tài nào trút bỏ quần áo được một cách nhanh chóng. Chúng ta như những đứa trẻ háo hức vậy, Elizabeth nghĩ, và nàng tự hỏi tại sao Rhys lại như vậy. Nhưng chuyện ấy giờ đây đã không còn quan trọng. Không còn gì quan trọng ngoài thân hình trần truồng của họ và cảm giác tuyệt vời của thân thể anh áp sát vào nàng. Họ ở trên giường, khám phá lẫn nhau, và Elizabeth nhẹ nhàng chui ra khỏi vòng tay anh, bắt đầu hôn anh, lưỡi nàng lướt xuống thân hình rắn chắc đang căng ra của anh, nắm chặt anh bằng đôi môi mình, cảm nhận sự cứng cáp mượt mà của anh trong miệng. Hai tay anh đặt lên hông nàng, lật nàng sang một bên, và miệng anh lần vào giữa hai đùi nàng, lách chúng ra và ấn mạnh vào nơi ngọt ngào nhất, và khi hai người không thể chịu đựng thêm một phút giây nào nữa, anh leo lên người nàng và từ từ đi vào trong nàng, vừa ấn sâu vừa nhẹ nhàng xoay tròn và nàng bắt đầu cử động thân thể theo nhịp điệu của anh, nhịp điệu của họ, nhịp điệu của vũ trụ, và mọi thứ bắt đầu chuyển động nhanh hơn, nhanh hơn, quay tròn không sao kiềm chế được cho đến khi có một sự bùng nổ ngất ngây và trái đất trở nên yên tĩnh và bình lặng trở lại. Họ nằm đó, sát vào nhau , và Elizabeth sung sướng nghĩ, "Bà Rhys Williams". Chương 46 - Thưa bà Williams, - giọng của Henriette vang lên trong hệ thống liên lạc nội bộ, - thám tử Max Hornung muốn gặp bà. Ông ấy nói có chuyện gấp. Elizabeth quay sang nhìn Rhys, bối rối. Họ từ Rio về Zurich chiều hôm trước, và họ mới đến văn phòng có vài phút trước. Rhys nhún vai: - Em báo cô ấy cho ông ta vào. Mình thử xem có chuyện gì mà quan trọng thế. Một lát sau ba người đã ngồi trong văn phòng của Elizabeth. - Ông muốn gặp tôi về việc gì? - Elizabeth hỏi. Max Hornung không vòng vèo. Anh ta lên tiếng: - Có người đang định mưu sát bà. Khi nhìn thấy mặt Elizabeth biến sắc, Max tỏ ra thực sự lo lắng, tự hỏi có cách nào khéo léo hơn để anh ta có thể nói lên ý của mình. Rhys Williams nói: - Ông đang nói về cái quái quỷ gì thế? Max tiếp tục nói với Elizabeth. - Đã có hai âm mưu nhằm hãm hại bà. Có thể sẽ còn nhiều hơn thế. Elizabeth ấp úng. - Tôi… ông đã lầm rồi. - Không, thưa bà. Chiếc thang máy rơi nhằm mục đích giết bà đấy. Nàng nhìn anh ta trong yên lặng, cặp mắt đen tràn ngập vẻ hoang mang và một cảm xúc khác lắng xuống sâu trong lòng nàng, mà Max không thể nhận ra. - Cả chiếc xe Jeep cũng vậy. Elizabeth đã bình tĩnh trở lại. Ông nhầm rồi. Đó là một vụ tai nạn. Không có gì đặc biệt ở chiếc xe Jeep cả. Cảnh sát ở Sardinia đã kiểm tra nó. - Không. - Tôi đã gặp họ. - Elizabeth khăng khăng. - Không, thưa bà. Bà thấy họ kiểm tra một chiếc xe Jeep. Nó không phải là xe của bà. Cả hai người đều nhìn anh ta chằm chăm. Max tiếp tục. - Chiếc xe Jeep của bà chưa bao giờ ở trong gara đó. Tôi đã tìm thấy nó trong một bãi xe phế thải ở Olbia. Con ốc xoáy xy lanh của hệ thống phanh đã bị nới lỏng và dầu phanh chảy hết ra ngoài. Đó là lý do tại sao bà không phanh được. Phía bên trái của cái cản xóc trước vẫn còn bị móp và có dính nhiều vết nhựa cây mà bà đã va vào. Phòng thí nghiệm đã kiểm tra. Hoàn toàn phù hợp. Cơn ác mộng đã quay trở lại. Elizabeth cảm thấy nó tràn qua nàng, tựa như những cánh cổng ngăn chặn nỗi sợ hãi của nàng chợt mở rộng và lòng nàng lại tràn đầy sự khủng khiếp như lúc lái xe xuống núi. Rhys nói: - Tôi không hiểu. Làm sao một ai đó có thể! Max quay sang nhìn Rhys. - Tất cả các chiếc xe Jeep đều giống nhau. Họ đã dựa vào điều đó. Khi bà ấy đâm xe vào núi thay vì lăn xuống vực, dĩ nhiên họ phải ứng phó ngay. Họ không thể để cho ai kiểm tra chiếc xe Jeep bởi vì nó phải giống như một tai nạn. Họ tưởng nó sẽ chìm sâu dưới đáy biển. Nhẽ ra bà đã bị giết ngay tại chỗ, nhưng một đội bảo trì đã tình cờ đến nơi, phát hiện ra bà và đưa vào bệnh viện. Họ liền lấy một chiếc xe Jeep khác, đập phá một vài thứ và đánh tráo nó trước khi cảnh sát kịp đến nơi. Rhys nói: - Ông liên tục nói "họ". - Người mà đứng đằng sau giúp đỡ. - Ai… ai muốn giết tôi? - Elizabeth hỏi. - Người đã giết bố bà. Nàng chợt cảm thấy không thực, như thể chưa có chuyện gì xảy ra hết. Tất cả chỉ như một cơn ác mộng sẽ trôi qua. - Bố của bà đã bị mưu sát, - Max tiếp tục. - Ông ấy bị giết chết bởi một tên dẫn đường giả. Bố của bà không đến Chamonix một mình. Có một người nữa đến đó với ông ấy. Khi nói, giọng của Elizabeth gần như là một tiếng thì thầm: - Ai? Max nhìn Rhys và nói: - Chồng của bà. Ba tiếng đó vang vọng trong tai nàng. Như thể chúng đến từ rất xa, lúc to lúc nhỏ và nàng tự hỏi không biết có phải mình đang mất trí không. - Liz, - Rhys nói, - Anh không ở đó lúc Sam bị giết. - Ông đã ở Chamonix với ông ấy, ông Williams! Max quả quyết. - Đúng. Bây giờ thì Rhys đang nói với Elizabeth. - Nhưng anh đã đi khỏi trước khi Sam trèo lên núi. Nàng quay sang nhìn anh. - Tại sao anh không cho em biết? Anh lưỡng lự một lát, rồi dường như đã quyết định. - Đó là chuyện anh không thể thảo luận với bất cứ ai. Trong suốt năm qua có kẻ đang ngầm phá hoại Roffe và các con. Việc nầy được tiến hành hết sức khôn khéo, để cho mọi chuyện xảy ra dường như chỉ là một loạt các tai nạn. Nhưng anh đã bắt đầu thấy được ý đồ. Anh đã bàn bạc với Sam và hai người đã quyết định thuê một cơ quan bên ngoài điều tra. Bấy giờ Elizabeth mới biết việc đang xảy ra và đồng thời trong lòng nàng tràn ngập cảm giác vừa nhẹ nhỏm vừa tội lỗi. Rhys đã biết về bản báo cáo từ trước. Nhẽ ra nàng phải tin tưởng mà cho anh biết về nó, thay vì cứ giữ rịt nỗi sợ hãi cho bản thân. Rhys quay sang thám tử Max Hornung. - Sam Roffe đã nhận được một báo cáo xác nhận những nghi ngờ của tôi. Ông ấy yêu cầu tôi đến Chamonix để bàn bạc về chuyện đó. Tôi đã đến. Và chúng tôi đã quyết định chỉ có hai người biết chuyện nầy cho đến khi tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm về những việc đang xảy ra. Khi anh tiếp tục, có một chút gì chua chát trong giọng nói của anh. - Rõ ràng sự việc đã không được giữ kín bị giết bởi vì kẻ đó biết được chúng tôi đã đến gần hắn. Bản báo cáo đã bị mất. - Em đã có nó, - Elizabeth nói. Rhys ngạc nhiên nhìn nàng. - Nó ở cùng với số đồ dùng riêng của Sam. - Nàng nói với Max. - Bản báo cáo cho biết đó là một người trong hội đồng quản trị của Roffe và các con, nhưng tất cả bọn họ đều có cổ phần trong tập đoàn. Tại sao họ còn muốn tiêu diệt tập đoàn? Max giải thích: - Họ không định tiêu diệt nó, bà Williams. Họ chỉ gây ra các chuyện lôi thôi để các ngân hàng lo lắng đến mức bắt đầu đòi những món tiền vay. Họ muốn buộc bố bà bán cổ phần ra cho người ngoài. Nhưng người đứng sau những sự việc nầy vẫn chưa đạt được điều mà hắn mong muốn. Tính mạng bà vẫn còn đang bị nguy hiểm. - Vậy thì ông phải cho cảnh sát bảo vệ vợ tôi? - Rhys hỏi. Max nháy mắt và lạnh nhạt trả lời: - Tôi không lo lắng về chuyện đó, ông Williams. Bà ấy đã không ở ngoài sự giám sát của chúng tôi kể từ ngày kết hôn với ông. Chương 47 BERLIN Thứ hai, mồng 1 tháng Mười hai, 10 giờ sáng Cơn đau thật không sao chịu nổi và ông đã phải sống với nó suốt bốn tuần lễ. Bác sĩ đã để lại vài viên thuốc, nhưng Walther Gassner sợ không dám uống. - Ông phải đề cao cảnh giác để Anna không thể giết ông một lần nữa hoặc bỏ trốn. Ông nên đến bệnh viện ngay, - viên bác sĩ bảo ông. - Ông đã mất khá nhiều máu… - Không! Đó là điều cuối cùng Walther muốn. Những vết thương do dao đâm sẽ bị báo lại với cảnh sát. Walther đã cho mời bác sĩ của tập đoàn vì ông biết ông ta sẽ không nói ra chuyện nầy. Walther không thể để cho cảnh sát can thiệp vào. Nhất là lúc nầy. Tay bác sĩ lặng lẽ khâu vết thương đang há miệng, cặp mắt đầy vẻ hiếu kỳ. Khi ông ta xong việc, ông ta hỏi: - Ông có cần tôi cho một y tá đến đây không, ông Gassner? - Không. Vợ… vợ tôi sẽ lo cho tôi. Chuyện đó cách đây đã một tháng. Walther đã gọi điện cho cô thư ký và thông báo rằng ông gặp một tai nạn và sẽ phải ở nhà. Ông nghĩ đến cái giây phút khủng khiếp khi Anna cố giết chết ông bằng lưỡi kéo. Ông đã xoay người kịp lúc để nhận nó vào vai thay vì vào tim. Ông đã gần như ngất đi vì đau đớn và choáng váng nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để lôi Anna vào phòng ngủ và nhốt bà lại. Và trong suốt thời gian đó bà cứ gào lên "Anh đã làm gì các con? Anh đã làm gì các con?" Kể từ đó Walther nhốt hẳn bà trong phòng ngủ. Ông chuẩn bị tất cả các bữa ăn cho bà. Ông mang khay lên phòng của Anna, mở khoá cửa và vào phòng. Bà thường ngồi thu mình vào góc tường, co rúm người trước mặt ông và thì thầm "Anh đã làm gì các con?". Đôi khi ông mở cửa phòng ngủ và thấy bà áp tai vào tường, lắng nghe những âm thanh của đứa con trai và con gái họ. Căn nhà lúc nầy hoàn toàn yên ắng, ngoại trừ hai người. Walther biết còn lại rất ít thời gian. Ý nghĩ của ông bị gián đoạn bởi một tiếng động yếu ớt. Ông lắng nghe. Và ông lại nghe thấy nó. Ai đó đang di chuyển ở hàng lang trên lầu. Không thể có người nào khác trong nhà. Chính tay ông đã khoá hết tất cả các cửa. Trên lầu, Frau Mendler đang quét nhà. Cô là người giúp việc lĩnh lương theo ngày và đây mới lần thứ hai cô làm việc trong căn nhà nầy. Cô không thích nó. Khi cô làm ở đây vào thứ tư tuần trước, Herr Gassner đã theo dõi cô mọi nơi như thể ông ta nghi ngờ cô định ăn trộm cái gì. Khi cô định lên lầu để quét dọn, ông ta đã giận dữ ngăn cô lại, trả tiền công cho cô và đuổi cô về Có một cái gì đó trong thái độ của ông ta khiến cô sợ hãi. May thay, hôm nay không thấy bóng dáng ông ta đâu cả Frau Mendler tự mở cửa vào nhà bằng chiếc chìa khoá cô đã lấy tuần trước và đi lên lầu. Căn nhà im lặng một cách không bình thường và cô cho rằng không có ai ở nhà. Cô đã dọn dẹp một phòng ngủ và thấy một ít tiền, một lọ thuốc viên bằng vàng. Cô bắt đầu đi tới phòng ngủ bên và thử mở cửa. Nó bị khoá chặt. Kỳ lạ. Cô tự hỏi có phải họ cất cái gì có giá trị bên trong. Cô quay quả đấm lần nữa và một giọng nữ từ đằng sau cánh cửa vọng ra: - Ai đó? Fráu Mendler giật tay ra khỏi quả đấm, sửng sốt. - Ai đó? Ai ở ngoài đó? - Frau Mendler, người quét dọn. Bà có muốn tôi dọn dẹp phòng ngủ của bà không? - Cô không thể vào được. Tôi bị nhốt trong nầy. Giọng nói lúc nầy to hơn, đầy kích động. - Cứu tôi! - Làm ơn cứu tôi! Hãy gọi cảnh sát. Nói với họ chồng tôi đã giết chết các con. Ông ấy sắp giết cả tôi. Nhanh lên! Hãy đi ngay khỏi đây trước khi ông ấy… Một bàn tay xoay người Frau Mendler lại và cô thấy mình đang nhìn thẳng vào mặt của Herr Gassner. Ông ta tái mét như xác chết. - Cô lẻn vào đây làm gì? - ông ta hỏi. Ông ta vẫn nắm chặt cánh tay cô. - Tôi… tôi không lẻn vào, - cô trả lời. - Hôm nay là ngày tôi đến quét dọn. Hãy… - Tôi đã nói với hãng của cô là tôi không muốn bất kỳ ai đến đây nữa. Tôi… - ông ta dừng lại. Ông đã gọi điện đến cho hãng rồi sao? Ông đã định như thế, nhưng vì đau đớn quá nên ông không còn nhớ gì nữa. Frau Mendler nhìn vào mắt ông ta và kinh hoàng vì những gì cô thấy trong đó. - Họ không hề cho tôi biết, - cô nói. Ông vẫn đứng yên, lắng nghe những âm thanh từ đằng sau cánh cửa bị khoá, Yên lặng. - Ông quay sang Frau Mendler. - Đi ngay khỏi đây. Đừng quay lại nữa. Cô không thể đi khỏi căn nhà nhanh hơn nữa. Ông ta không trả tiền cho cô, nhưng cô đã kịp lấy lọ thuốc bằng vàng và ít tiền lẻ cô tìm thấy trên tủ bát. Cô cảm thấy tội nghiệp cho người đàn bà bất hạnh đằng sau cánh cửa. Cô ước gì mình có thể giúp đỡ bà ta, nhưng cô không thể dính vào vụ nầy. Cô đã có tên trong hồ sơ cảnh sát. Ở Zurich, thám tử Max Hornung đọc một bức điện từ trụ sở Interpol ở Paris gửi đến. SỐ HOÁ ĐƠN VỀ NGUYÊN LIỆU ĐỂ QUAY CUỐN PHIM SNUFF ĐƯỢC TÍNH VÀO TÀI KHOẢN CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ TẬP ĐOÀN ROFFE VÀ CÁC CON. NHN VIÊN MUA HÀNG KHÔNG LÀM VIỆC CHO TẬP ĐOÀN NỮA. ĐANG CỐ TÌM KIẾM. SẼ BÁO TIN SAU. CHẤM DỨT. Ở Paris, cảnh sát vớt được một cái xác nữ trần truồng từ dưới sông Seine. Cô ta tóc vàng, tuổi gần hai mươi. Cô ta có quấn một dải băng đỏ quanh cổ. Ở Zurich, Elizabeth Williams được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát hai mươi bốn trên hai mươi bốn. Chương 48 Đèn trắng nhấp nháy báo hiệu có người gọi vào đường dây riêng của Rhys. Chưa đến nửa tá người có sđiện thoại nầy. Anh nhấc điện thoại lên. - A lô! - Chào anh yêu! - Đúng là giọng khàn khàn đặc biệt. - Em không nên gọi đến đây cho anh. Người đàn bà cười to. - Anh chưa bao giờ lo lắng về những việc như thế. Đừng nói với em rằng Elizabeth đã thuần hoá được anh. - Em muốn gì? - Rhys hỏi. - Em muốn gặp anh vào chiều nay. - Chuyện đó là không thể được. - Đừng làm em bực, Rhys. Em sẽ đến Zurich hoặc… - Không. Anh không thể tiếp em ở đây được. - Anh lưỡng lự. - Anh sẽ đến chỗ em! Thế có phải tốt hơn không. Chỗ thường lệ của chúng ta nhé, chéri! - Và Hélène Roffe Martel gác máy. Rhys chậm rãi đặt ống nghe xuống và ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Anh đã từng có quan hệ xác thịt với người đàn bà hấp dẫn nầy nhưng mọi chuyện đã kết thúc từ lâu. Nhưng Hélène không phải là loại đàn bà có thể buông tha ai một cách dễ dàng. Bà ta đã chán Martel và bà ta muốn Rhys. - Anh và em sẽ tạo thành một cặp hoàn hảo, - bà ta nói vậy, và Hélène Roffe Martel có thể sẽ rất kiên quyết. Và rất nguy hiểm. Rhys quyết định cần phải đi Paris một chuyến. Anh phải làm cho bà ta hiểu dứt khoát một lần rằng không thể còn chuyện gì tồn tại giữa hai người nữa. Một lát sau anh vào văn phòng của Elizabeth và cặp mắt nàng ngời sáng. Nàng vòng tay qua người anh và thì thầm: - Em đang nghĩ đến anh. Mình hãy về nhà chơi trò rượt đuổi chiều nay đi. Anh bật cười. - Em đang trở thành kẻ cuồng dâm đấy. Nàng ôm anh chặt hơn. - Em biết. Như thế không tuyệt hay sao? - Anh e rằng chiều nay anh phải bay đi Paris, Liz. Nàng cố che giấu nỗi thất vọng của mình. - Em sẽ đi cùng anh chứ? - Không cần. Chỉ là một vấn đề kinh doanh nho nhỏ thôi. Anh sẽ về vào đêm nay. Chúng ta sẽ ăn tối muộn đấy. * * * * * Khi Rhys bước vào khách sạn nhỏ quen thuộc ở tả ngạn sông Seine, Hélène đã ở đó, ngồi chờ anh trong phòng ăn. Rhys chưa bao giờ thấy bà ta đến muộn cả. Bà ta có đầu óc tổ chức, hiệu quả, đặc biệt xinh đẹp thông minh, một người tình tuyệt vời, nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó. Hélène là người không có lòng xót thương. Trong con người bà ta có một sự tàn nhẫn, một bản năng sát thủ. Rhys đã thấy nhiều người bị tổn thương vì nó. Anh không có ý định trở thành nạn nhân của bà ta. Anh ngồi xuống bàn. Bà ta lên tiếng. - Trông anh khá lắm, anh yêu. Hôn nhân rất thích hợp với anh. Elizabeth có chăm sóc anh chu đáo trên giường không? Anh mỉm cười và để cho lời nói bớt vẻ xỏ xiên. - Đó không phải việc của em. Hélène ngả người về phía trước và nắm bàn tay anh: - À, phải chứ, chéri. Đó là việc của chúng ta. Bà ta bắt đầu vuốt ve bàn tay anh và anh nghĩ đến bà ta lúc ở trên giường. Một con cọp cái, hoang dã, điệu nghệ và tham lam vô độ. Anh rụt tay lại. Cặp mắt Hélène lạnh băng. Bà ta nói: - Nói cho em nghe, Rhys. Anh cảm thấy sao khi làm chủ tịch Roffe và các con? Anh đã gần như quên rằng bà ta có nhiều tham vọng thế nào, thèm khát thế nào. Anh nhớ lại những cuộc nói chuyện dài mà họ đã từng có. Bà ta bị ám ảnh bởi ý nghĩ lên nắm quyền điều hành tập đoàn. "Anh và em, Rhys. Nếu Sam không còn, chúng ta sẽ điều hành nó". Ngay cả giữa lúc họ đang làm tình. "Đó là tập đoàn của em, anh yêu. Dòng máu của Samuel chảy trong người em. Nó là của em. Em muốn nó. Yêu em đi, Rhys". Quyền lực là thuốc kích dục của Hélène. Và cả sự nguy hiểm. - Em muốn gặp anh vì chuyện gì? - Rhys hỏi. - Em nghĩ đã đến lúc anh và em phải lập vài kế hoạch. - Anh không hiểu em đang nói gì. Bà ta nói vẻ hiểm độc: - Em biết anh quá rõ mà, anh yêu. Anh cũng có nhiều tham vọng như em vậy. Tại sao anh chịu phục dịch như cái bóng của Sam trong ngần ấy năm khi anh có hàng tá đề nghị sang điều hành các công ty khác? Bởi vì anh biết rằng một ngày kia anh sẽ được điều hành Roffe và các con. - Anh ở lại vì anh quý Sam. Bà ta phá lên cười. - Dĩ nhiên, cheRichelieu! Và bây giờ anh cưới cô con gái bé nhỏ hấp dẫn của ông ấy. Bà ta lấy một điếu xì gà đen nhỏ từ trong ví và bật chiếc bật lửa bạch kim. - Charles nói với em rằng Elizabeth đã sắp xếp để giữ quyền điều khiển số cổ phần và từ chối bán ra ngoài. - Đúng vậy, Hélène. - Nếu cô ấy chẳng may gặp tai nạn, dĩ nhiên, thì anh sẽ là người thừa kế tài sản của cô ấy. Rhys nhìn sững bà ta một lúc lâu. Chương 49 Trong nhà mình ở Olgiata, Ivo Palazzi đang lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ phòng khách thì thấy một cảnh tượng khủng khiếp. Gần đoạn đường dành cho xe hơi là Donatella và ba đứa con trai đang đi tới. Simonetta còn đang ngủ trưa ở trên lầu. Ivo vội vã chạy ra cửa trước và đến gặp gia đình thứ hai của mình. Ông đang tràn ngập tức giận đến độ có thể giết người. Ông đã hết lòng với người đàn bà nầy, tử tế, thương yêu, và bây giờ mụ ta đang cố tìm cách huỷ hoại sự nghiệp của ông, hôn nhân của ông, cuộc sống của ông. Ông nhìn Donatella ra khỏi chiếc Lancia Flavia ông đã hào phóng tặng cho cô ta. Ivo nghĩ trông cô ta chưa bao giờ đẹp hơn thế. Ba đứa trẻ lần lượt bước ra ôm chầm lấy ông và hôn hít. Ôi, Ivo yêu quý chúng xiết bao! Ôi, ông hy vọng Simonetta đừng tỉnh giấc biết nhường nào! - Em đến gặp vợ anh, - Donatella cương quyết nói và quay sang lũ trẻ, - Nào đi, các con. - Không! - Ivo kêu lên. - Làm sao anh ngăn em được? Nếu hôm nay em không gặp được bà ấy thì em sẽ gặp vào ngày mai. Ivo lâm vào thế kẹt. Không còn lối thoát nào hết. Nhưng ông biết rằng mình không thể để cô ta hay bất kỳ ai khác phá hỏng mọi thứ ông đã vất vả lao động để có được. Ivo nghĩ mình như một con người lịch sự và ông ghét những gì mình phải làm. Không phải chỉ cho ông, mà cho cả Simonetta và Donatella cùng tất cả các con của ông. - Em sẽ có tiền, - Ivo hứa. - Cho anh năm ngày. Donatella nhìn vào mắt ông. - Năm ngày. - Cô ta nói. * * * * * Ở London, Sir Alec Nichols đang tham gia một cuộc tranh luận trong phòng họp Hạ nghị viện. Ông được chọn phát biểu một bài về chính sách chủ yếu giải quyết vấn đề đình công của giới lao động làm tê liệt nền kinh tế Anh Quốc. Nhưng ông khó tập trung được tư tưởng tuần lễ vừa qua. Chúng đã mò ra ông ở bất cứ nơi nào ông đến, tại câu lạc bộ, tại tiệm cắt tóc, nhà hàng, các cuộc họp kinh doanh. Và lần nào Alec cũng phải dập máy nửa chừng. Ông biết điều chúng đòi hỏi mới là sự bắt đầu. Một khi chúng đã chế ngự được ông chúng sẽ tìm cách chiếm lấy số cổ phần của ông, chúng sẽ làm chủ một phcủa tập đoàn dược phẩm khổng lồ, nơi chế tạo ra đủ các loại thuốc. - Ông không thể để cho điều đó xảy ra. Bọn chúng bắt đầu gọi điện cho ông bốn, năm lần một ngày cho đến khi thần kinh ông căng ra tới điểm đứt. Điều làm Alec lo lắng bây giờ là cả ngày hôm nay ông chưa nghe thấy bọn chúng gọi. Ông đã tưởng sẽ có một cú vào bữa sáng, và lại một cú nữa khi ông ăn trưa ở White s. Nhưng không có một cú nào và không hiểu sao ông không thể vứt bỏ cái cảm giác rằng im lặng còn đáng sợ hơn cả những sự đe doạ. Ông cố xua những ý nghĩ đó đi xa vào lúc nầy đây, khi đang phảt biểu ở Hạ nghị viện. - Không người bạn nào của giới lao động trung kiên hơn tôi. Lực lượng lao động là nhân tố giúp cho đất nước chúng ta hùng mạnh. Những người lao động làm việc trong các xí nghiệp, điều khiển các thiết bị trong các nhà máy. Họ là thành phần tinh tuý nhất của đất nước nầy, là xương sống giúp cho nước Anh vươn cao và cường thịnh giữa các quốc gia. - ông dừng lại. - Tuy nhiên, cũng đôi khi quyền lợi của mọi quốc gia cần phải được hy sinh để… - Ông nói như một con vẹt. Ông đang tự hỏi có phải mình đã làm bọn chúng sợ hãi bỏ đi khi tháu cáy chúng. Sau tất cả, chúng chỉ là bọn du côn vặt vãnh. Còn ông là Sir Alec Nichols, Tòng nam tước, nghị sĩ trong nghị viện Anh. Chúng có thể làm gì được ông? Có thể ông sẽ không nghe thấy bọn chúng nữa. Kể từ ngày hôm nay chúng sẽ trả lại cho ông cuộc sống yên lành. Sir Alec kết thúc bài diễn văn trong tiếng vỗ tay rào rào từ các dẫy ghế bên dưới. Ông đi về chỗ thì một người hầu đến bên ông và nói: - Tôi có một lời nhắn cho ngài, Sir Alec. Alec quay lại. - Gì cơ? - Ông phải về nhà càng nhanh càng tốt. Ở đó vừa có một tai nạn. Khi Alec về đến nhà thì Vivian đang được đưa ra xe cứu thương. Bác sĩ ở bên cạnh bà. Alec tạt xe vào lề đường và chạy ra trước khi nó kịp dừng hẳn. - Ông nhìn gương mặt trắng bệch bất tỉnh của Vivian và quay sang viên bác sĩ. - Chuyện gì vậy? Viên bác sĩ trả lời với vẻ bất lực. - Tôi không biết, Sir Alec. Tôi nhận được một cú điện thoại nặc danh nói ở đây vừa xảy ra một vụ tai nạn. Khi tôi đến nơi, tôi thấy bà đây đã nằm trên sàn nhà trong phòng ngủ. Xương bánh chè của bà nhà đã bị đập lên sàn nhà đầy gai nhọn. Alec nhắm mắt lại, cố cưỡng lại cơn buồn nôn đang dâng lên. Ông có thể cảm thấy rờn rợn trong cổ. - Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể, dĩ nhiên, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là ông nên chuẩn tinh thần. Có lẽ bà nhà sẽ không thể đi lại được nữa. Alec cảm thấy như nghẹt thở. Ông đi về phía xe cứu thương. - Bà ấy đã được tiêm thuốc giảm đau, - viên bác sĩ nói. - Tôi không nghĩ là bà ấy sẽ nhận ra ông!- Alec thậm chí không nghe thấy ông ta nói gì. Ông leo vào thùng xe và ngồi lên chiếc ghế phụ, nhìn chằm chằm vào vợ mình, bỏ mặc cửa sau bị đóng lại, còi xe vang lên và chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Ông nắm lấy bàn tay giá lạnh của Vivian. Bà mở mắt ra. - Alec. Giọng bà thì thào không rõ. Cặp mắt Alec đẫm lệ. - Ôi, em yêu, em yêu… - Hai gã… đeo mặt nạ… chúng đè em xuống… đánh gẫy chân em… Em không bao giờ khiêu vũ được nữa… Em sẽ thành phế nhân… Alec… Anh có còn muốn em không Ông gục đầu vào vai bà thổn thức. Đó là những giọt nước mắt thất vọng và đau đớn, nhưng còn một điều gì khác nữa, một điều ông không dám thừa nhận với bản thân. Ông cảm thấy nhẹ nhõm nhiều. Nếu Vivian bị tàn phế, ông sẽ có thể chăm sóc bà, và bà không thể rời bỏ ông để đi theo bất kỳ một ai khác nữa. Nhưng Alec biết chuyện nầy chưa dừng lạỉ ở đây. Bọn chúng chưa chịu buông tha cho ông. Đây mới chỉ là lời cảnh cáo của bọn chúng. Cách duy nhất để ông có thể tống khứ bọn chúng đi là cho chúng những gì chúng muốn. Thật nhanh chóng. Chương 50 Thứ năm, mồng 4 tháng Mười hai Đúng 12 giờ trưa, tổng đài điện thoại của Sở cảnh sát hình sự Zurich nhận được một cú điện thoại. Nó được chuyển qua cho Chánh thanh tra Schmied và khi ông nói chuyện xong, ông liền đi tìm thám tử Max Hornung. - Mọi việc coi như xong, - ông nói với Max. - Vụ Roffe đã được giải quyết. Họ đã tìm ra kẻ giết người. Anh hãy ra ngay sân bay. Anh chỉ có đủ thời gian để kịp máy bay. Max nháy mắt với ông: - Tôi sẽ đi đâu? - Đi Berlin. Chánh thanh tra Schmied gọi điện cho Elizabeth Williams. - Tôi gọi đến báo cho bà vài tin tốt lành đây, - ông nói. - Bà sẽ không cần người bảo vệ nữa. Tên giết người đã bị bắt. Elizabeth thấy mình siết chặt điện thoại. Cuối cùng thì nàng cũng biết được tên của kẻ thù giấu mặt. - Đó là ai? - Elizabeth hỏi. - Walther Gassner. Họ chạy nhanh trên xa lộ, hướng về phía Wannsee. Max ngồi ở ghế sau, cạnh thiếu tá Wageman và hai thám tử ngồi ở đằng trước. Họ đã đón Max ở sân bay Tempelhof và thiếu tá Wageman đã kể vắn tắt tình hình cho Max nghe trong lúc họ đi trên đường. - Ngôi nhà đã bị bao vây nhưng chúng ta vẫn phải cẩn thận tìm cách đột nhập vào bên trong. Ông ta đang giữ bà vợ làm con tin. Max hỏi: - Làm sao ông phát hiện ra Walther Gassner? - Cũng nhờ anh thôi. Thế nên tôi nghĩ là anh sẽ thích được có mặt ở đây. Max bối rối. - Nhờ tôi? Anh kể cho tôi nghe về viên bác sĩ tâm thần mà ông ta đến khám bệnh. Theo trực giác tôi đã gửi nhận dạng của Gassner đến nhiều bác sĩ tâm thần khác và phát hìện ra ông ta đã tìm đến quá nửa trong số đó để "nhờ giúp đỡ". Mỗi lần ông ta lại dùng một cái tên khác rồi không quay trở lại. Ông ta biết bệnh tình của mình thế nào. Vợ ông ta đã gọi điện đến yêu cầu chúng tôi giúp đỡ từ vài tháng trước nhưng khi một nhân viên đến nơi điều tra thì lại bị bà ta đuổi về. Lúc nầy họ đã ra khỏi xa lộ, chỉ còn vài phút nữa là đến căn nhà. - Sáng nay chúng tôi nhận được một cú điện của một người phụ nữ làm nghề quét dọn, tên là Frau Mendler. Cô ta cho biết là cô ta đến làm việc ở nhà của Gassner vào ngày thứ hai và cô ta đã nói chuyện với bà Gassner đang bị nhốt trong căn buồng ngủ khoá chặt. Bà Gassner nói với cô ta rằng chồng bà ta đã giết chết hai đứa con và sắp sửa giết luôn cả bà ta. Max nháy mắt. - Chuyện xảy ra vào thứ hai à? Và cho đến sáng nay cô ta mới gọi cho các ông? - Frau Mendler có hồ sơ khá dài ở sở cảnh sát. Cô ta không dám tìm đến chỗ chúng tôi. Đêm qua cô ấy kể chuyện cho người bạn trai và sáng nay họ quyết định gọi điện cho. Họ đã đến Wannsee. Chiếc xe đỗ cách lối vào nhà Walther Gassner một dẫy nhà, sau một chiếc xe mui kín không biển. Một người đàn ông bước ra khỏi xe và chạy về phía thiếu tá Wageman và Max. - Ông ta vẫn còn ở trong nhà, thưa thiếu tá. Tôi đã cho người bao vây khu vực nầy. - Anh có biết người phụ nữ còn sống hay không? Người đàn ông ngập ngừng. - Không, thưa thiếu tá. Tất cả các màn cửa đều được hạ xuống. - Thôi được. Hãy tiến hành nhanh gọn và êm thắm. Cho mọi người về vị trí. Năm phút. Người đàn ông vội vàng rời đi. Thiếu tá Wageman với tay vào xe và lấy ra một máy điện đàm cỡ nhỏ. Ông ta nhanh nhẹn đưa ra các mệnh lệnh. Max không để ý nghe. Anh ta đang nghĩ về điều mà thiếu tá Wageman nói cách đó vài phút. Có cái gì đó vô lý. Nhưng lúc nầy không có thời giờ để hỏi ông ta. Nhiều người bắt đầu di chuyển về phía toà nhà, nấp sau những thân cây và bụi rậm. Thiếu tá Wageman quay sang Max: - Vào chứ, Hornung? Đối với Max, dường như đây là cả một đội quân đang xâm nhập khu vườn. Vài người được trang bị súng trường có kính ngắm và áo giáp, những người khác thì mang theo súng hơi ngạt. Cuộc hành quân tiến hành vô cùng chính xác. Khi thiếu tá Wageman ra hiệu, những quả lựu đạn hơi cay cùng lúc được ném và tầng trệt và các cửa sổ trên lầu và đồng thời cửa trước cửa sau cũng bị phá bởi những người mang mặt nạ phòng độc. Đằng sau họ là các thám tử với súng ống lăm lăm trên tay. Khi Max và thiếu tá Wageman chạy qua cửa trước đã được mở toang, trong tiền sảnh vẫn còn tràn ngập khói cay nhưng chúng nhanh chúng tan đi qua những khung cửa sổ và cửa lớn mở rộng. Hai thám tử áp giải Walther tay mang còng vào tiền sảnh. Ông ta mặc một bộ pijama, bên ngoài khoác áo khoác, râu không cạo gương mặt hốc hác, cặp mắt sưng phồng. Max nhìn ông ta chăm chú, lần đầu tiên trông thấy ông ta tận mắt. Không hiểu sao ông ta có vẻ không thực. Chính Walther kia, người ở trong máy điện toán, người mà cuộc đời đã được viết ra trên màn hình, mới là thực. Vậy đâu là thực mà đâu là bóng? Thiếu tá Wageman nói: - Ông đã bị bắt, Herr Gassner. Vợ ông đâu? Walther Gassner trả lời bằng giọng khàn khàn. - Bà ấy không có ở đây. Bà ấy đã đi rồi? Tôi… Trên lầu có tiếng cửa bị mở tung, và một lát sau một thám tử gọi xuống: - Tôi thấy bà ấy rồi. Bà ấy bị nhốt trong phòng. Viên thám tử xuất hiện trên cầu thang, đỡ thân hình run rẩy của Anna Gassner. Tóc bà bết lại và mặt bà có nhiều vết xước, nhiều chỗ sưng, và bà đang nghẹn ngào. - Ôi tạ ơn Chúa, - bà nói. - Tạ ơn Chúa vì Người đã đến. Viên thám tử nhẹ nhàng dìu bà xuống thang, đi về phía nhóm người đang đứng trong phòng tiếp tân rộng lớn. Khi Anna ngước lên và trông thấy chồng mình, bà bắt đầu kêu gào. - Ổn rồi, bà Gassner, - Thiếu tá Wageman nhẹ nhàng nói. - Ông ấy không còn làm hại được bà nữa. - Các con tôi, - bà khóc to. - Ông ấy đã giết các con tôi. Max nhìn vào mặt Walther Gassner. Ông ta đang nhìn vợ mình chằm chằm với vẻ vô vọng. Trông ông ta suy sụp và không còn sức sống. - Anna, - ông ta thì thào. - Ôi, Anna. Thiếu tá Wageman nói: - Ông có quyền giữ im lặng hoặc mời luật sư. Vì lợi ích của ông, tôi hy vọng ông sẽ hợp tác với chúng tôi. Walther không hề nghe thấy. - Tại sao em lại phải báo cho họ, Anna? - Ông ta tiếp tục nói. - Tại sao? Chúng ta không có hạnh phúc với nhau sao? - Các con đã chết, - Anna rít lên. - Chúng chết rồi. Thiếu tá Wageman nhìn Walther Gassner và hỏi: - Có đúng không? Walther gật đầu, cặp mắt trông già cỗi, tàn tạ. - Đúng… chúng chết rồi. - Đồ sát nhân. Đồ sát nhân! - Vợ ông ta lại rít lên. Thiếu tá Wageman nói: - Chúng tôi muốn ông chỉ cho xem các tử thi. Ông sẵn sàng chứ? Bây giờ Walther Gassner đang khóc, những giọt nước mắt lăn trên hai gò mả ông ta. Ông ta không thể nói lên lời. Thiếu tá Wageman hỏi: - Chúng ở đâu? Là Max lên tiếng trả lời. - Bọn trẻ được chôn cất trong nghĩa trang Saint-Paul. Tất cả mọi người trong phòng đều quay sang nhìn anh ta. - Chúng đã chết cách đây năm năm, ngay từ khi mới chào đời. - Max giải thích. - Sát nhân! - Anna Gassner quát vào mặt chồng. Và họ quay lại, nhìn thấy cơn điên loé lên trong mắt bà. Chương 51 ZURICH Thứ năm, mồng 4 tháng Mười hai, 8 giờ tối Màn đêm giá lạnh của mùa đông đã buông xuống, dập tắt hoàn toàn ánh hoàng hôn ngắn ngủi. Tuyết bắt đầu rơi, và gió mang một lớp bột mịn rải đều khắp thành phố. Trong toà cao ốc hành chính của Roffe và các con, ánh sáng của các văn phòng vắng lặng toả ra trong bóng tối như những mảnh trăng vàng bé nhỏ. Elizabeth làm việc khuya một mình trong văn phòng, chờ đợi Rhys từ Geneva trở về, nơi anh đến để tham gia một cuộc họp. Nàng thầm mong anh sẽ trở về ngay bên nàng. Tất cả mọi người đã rời khỏi toà nhà nầy từ lâu Elizabeth cảm thấy bồn chồn, không thể tập trung tư tưởng. Nàng không tài nào xua được hình ảnh của Walther và Anna ra khỏi tâm trí. Nàng nhớ đến Walther khi nàng lần đầu gặp ông, trẻ trung, đẹp trai, yêu Anna điên cuồng. Hoặc giả vờ như vậy. Thật khó tin rằng Walther lại là người gây ra những việc làm khủng khiếp như vậy Trái tim của Elizabeth hướng về phía Anna. Elizabeth đã thử vài lần gọi điện cho bà, nhưng không có người trả lời. Nàng sẽ bay đến Berlin mang lại cho bà bất cứ sự an ủi nào có thể. Tiếng chuông điện thoại reo vang làm nàng giật mình. Nàng nhấc ống nghe lên. Alec ở đầu dây bên kia và Elizabeth cảm thấy vui khi nghe giọng nói của ông. - Cháu đã nghe chuyện của Walther rồi chứ? - Alec hỏi. - Vâng. Thật là kinh khủng quá. Cháu không thể nào tin nổi. - Cháu đừng tin, Elizabeth. Nàng nghĩ mình đã nghe nhầm. - Gì cơ ạ? - Đừng tin chuyện đó. Walther vô tội. - Cảnh sát đã nói… - Họ đã lầm. Walther là người đầu tiên Sam và chú kiểm tra. Chú và bố cháu nhận thấy ông ấy là trong sạch. Ông ấy không phải là người mà chúng ta đang tìm kiếm. Elizabeth nhìn chằm chằm vào điện thoại, lòng tràn ngập một cảm giác mơ hồ. Ông ấy không phải là người mà chúng ta đang tìm kiêm. Nàng nói, - Cháu… cháu không hiểu chú đang nói cái gì. Alec do dự đáp lại: - Chuyện nầy nói qua điện thoại không tiện, Elizabeth, nhưng chú không có dịp nào để nói riêng với cháu cả. - Nói với cháu về chuyện gì? - Elizabeth hỏi. - Suốt năm vừa rồi, - Alec nói, - có người ngầm phá hoại tập đoàn. Một nhà máy của chúng ta ở Nỹ bị nổ, nhiều phát minh bị đánh cắp, các loại dược phẩm nguy hiềm bị dán nhầm nhãn. Bây giờ chưa phải lúc để nói ra tất cả. Chú đã gặp Sam và khuyên chúng ta nên thuê một cơ quan bên ngoài điều tra đề tìm ra chân tướng của kẻ đững đằng sau những sự việc đó. Chú và bố cháu đã thoả thuận là không tiết lộ chuyện nầy cho bất kỳ ai. Trái đất tựa như đột ngột dừng lại và thời gian bị đóng băng. Một cảm giác như trông thấy lướt qua Elizabeth. Những lời nói của Alec vang lên qua điện thoại nhưng nàng như đang nghe thấy giọng của Rhys. Anh nói, có kẻ đang ngầm phá hoại Roffe và các con. Việc nầy được tiến hành hết sức khôn khéo để cho mọi chuyện xảy ra dường như chỉ là một loạt các tai nạn. Nhưng anh đã bắt đầu thấy được ý đồ. Anh đã bàn bạc với Sam và hai người đã quyết định thuê một cơ quan bên ngoài điều tra. Alec vẫn tiếp tục nói. - Họ đã làm xong báo cáo và Sam mang nó đi Chamonix. Chú và bố cháu đã thảo luận việc đó qua điện thoại. Elizabeth có thể nghe thấy giọng của Rhys, "Sam yêu cầu tôi đến Chamonix để bàn bạc về việc đó… Và chúng tôi đã quyết định chỉ có hai người biết chuyện nầy cho đến khi tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm về những việc đang xảy ra". Elizabeth bỗng cảm thấy khó thở. Khi nói, nàng cố giữ giọng bình thường. - Alec, có ai… ngoài chú và Sam ra còn ai khác biết về bản báo cáo không? - Không ai cả. Đó là tất cả vấn đề. Theo Sam thì bản báo cáo cho biết thủ phạm là một người thuộc cấp quản lý cao nhất của tập đoàn. Cấp quản lý cao nhất. Và Rhys đã không nhắc đến việc anh đi Chamonix cho đến khi viên thám tử nói ra. Nàng chầm chậm hỏi, từng thứ, từng thứ một. - Sam có cho Rhys biết chuyện nầy không? - Không. Tại sao? Chỉ có một cách để Rhys biết được những gì trong bản báo cáo. Anh đã đánh cắp nó. Đó là lý do duy nhất để anh có thể đi Chamonix. Để giết Sam. Elizabeth không còn nghe thấy những gì còn lại mà Alec nói. Tai nàng lùng bùng lấp đi giọng nói của ông. Nàng buông rơi ống nghe, đầu óc quay cuồng, cố gắng chống lại nỗi kinh hoàng đang bắt đầu nhấn chìm nàng xuống. Tâm trí nàng là một loạt các hình ảnh nhảy nhót hỗn loạn. Lúc nàng bị tai nạn xe Jeep, nàng đã nhắn cho Rhys nàng đi Sardinia. Đêm mà thang máy rơi, Rhys đã không có mặt trong cuộc họp của hội đồng quản trị nhưng sau đó anh lại xuất hiện khi chỉ còn lại mỗi mình nàng và Kate Earling. Anh nghĩ cần phải giúp em một tay và ngay sau đó anh đã rời khỏi toà nhà. Hay là anh đã? Toàn thân nàng run lên. Đó phải là một sai lầm khủng khiếp. Không phải Rhys. Không! Đó là tiếng gào thét trong tâm trí nàng. Elizabeth đứng lên khỏi bàn giấy và loạng choạng bước qua cửa thông sang văn phòng của Rhys. Căn phòng tối đen. Nàng bật đèn lên và đứng nhìn quanh một cách không chắc chắn, không đoán trước được mình sẽ tìm được gì. Nàng không tìm bằng chứng về tội lỗi của Rhys mà nàng tìm bằng chứng về sự vô tội của anh. Thật khó chịu đựng nổi khi người đàn ông nàng yêu tha thiết, người đã ôm nàng trong vòng tay và ái ân cùng nàng lại là một tên sát thủ máu lạnh. Trên bàn làm việc của Rhys có một cuốn sổ hẹn. Elizabeth mở nó ra, lật trở lại và tháng chín, vào kỳ nghỉ cuối tuần khi nàng gặp tai nạn xe Jeep. Nairobi được đánh dấu trên lịch công tác của anh. Nàng cần kiểm tra hộ chiếu xem có đúng anh đã đến đó không. Nàng bắt đầu xem xét bàn làm việc của Rhys để tìm hộ chiếu với một cảm giác tội lỗi, biết rằng dù sao thì cũng phải có một sự giải thích vô tội. Ngăn kéo cuối cùng ở bàn làm việc của Rhys bị khoá. Elizabeth lưỡng lại. Nàng biết nàng không có quyền phá khoá. Dù sao đó cũng là một sự xâm phạm lòng tin, vượt quá rào cản và có thể sẽ không có đường quay lại. Rhys sẽ biết rằng nàng làm chuyện nầy và nàng phải giải thích lý do với anh. Nhưng Elizabeth cần phải biết. Nàng cầm con dao rọc giấy trên bàn và cạy ổ khoá. Trong ngăn kéo có nhiều thư báo và các bản ghi chép. Nàng lôi hết ra ngoài. Có một phong bì, với nét chữ đàn bà đề tên Rhys Williams ở chỗ người nhận. Dấu bưu điện mới cách đó có vài ngày, từ Paris. Elizabeth lưỡng lự một lát rồi mở ra. Đó là thư của Hélène. Nó mở đầu bằng: "Chéri, em đã cố liên lạc với anh bằng điện thoại. Chúng ta phải gặp lại gấp để lo kế hoạch…" Elizabeth không đọc hết bức thư. Nàng nhìn sững vào bản báo cáo bị đánh cắp trong ngăn kéo. ÔNG SAM ROFEE MẬT KHÔNG CÓ BẢN SAO Nàng cảm thấy căn phòng bắt đầu quay tròn và nàng bấu chặt vào mép bàn làm điểm tựa. Nàng đứng đó một lúc lâu, mắt nhắm lại, chờ cơn choáng váng trôi qua. Tên sát nhân đã lộ mặt. Đó là gương mặt của chồng nàng. Sự im lặng bị phá vỡ bởi tiếng chuông điện thoại dai dẳng từ xa. Phải mất một lúc lâu Elizabeth mới nhận ra nó xuất phát từ đâu. Nàng chậm chạp quay trở lại phòng của mình. Và nhấc điện thoại lên. Đó là nhân viên phục vụ ở phòng tiếp tân, giọng vui vẻ: - Tôi chỉ kiểm tra xem bà có còn ở đó không thôi bà Williams. Ông Williams đang lên gặp bà đấy. Để dàn cảnh một tai nạn khác. Cuộc đời nàng là tất cả những gì đứng giữa Rhys và quyền điều khiển Roffe và các con. Nàng không thể đối diện với anh, không thể giả vờ có điều gì bất ổn. Giây phút anh gặp nàng, anh sẽ nhận ra. Nàng phải bỏ trốn. Trong cơn hoảng loạn mù quáng, Elizabeth quờ lấy ví và áo choàng rồi bước ra khỏi văn phòng. Nàng dừng lại. Nàng đã quên cái gì đó. Hộ chiếu của nàng! Nàng phải tránh xa Rhys, đến một nơi nào anh không thể tìm ra nàng. Nàng chạy bổ vào bàn làm việc, tìm hộ chiếu và chạy ra hành lang, tim đập thình thịch như sắp vỡ tung. Đèn hiệu trên thang máy đang di chuyển lên trên. Tám… chín… mười… Elizabeth bắt đầu phóng xuống cầu thang, chạy trốn để cứu lấy cuộc sống của mình. Chương 52 Giữa Civitavecchia và Sardinia là một chiếc phà chuyên chở hành khách và xe ô tô. Elizabeth lái một chiếc xe hơi thuê, lẫn lộn giữa hàng tá xe hơi khác. Các sân bay giữ hồ sơ nhưng các bến phà thì không. Elizabeth là một trong hàng trăm hành khách đi ra đảo Sardinia nghỉ ngơi. Nàng có thể chắc chắn rằng mình hoàn toàn không bị theo dõi nhưng trong lòng vẫn tràn ngập một nỗi sợ hãi không có lý do. Rhys đã đi quá xa, bây giờ không gì có thể ngăn anh lại được. Nàng là người duy nhất có thể tố giác anh. Anh sẽ phải thanh toán nàng. Khi Elizabeth trốn khỏi văn phòng, nàng cũng không biế mình sẽ đi đâu. Nàng chỉ biết rằng nàng phải đi khỏi Zurich và trốn ở đâu đó, rằng nàng sẽ không được an toàn cho đến khi Rhys bị bắt. Sardinia. Đó là nơi đầu tiên nàng nghĩ đến. Nàng đã thuê một chiếc xe hơi nhỏ và đã dừng lại gọi điện thoại trên đường sang Italia, cố liên lạc với Alec. Ông không có nhà. Nàng nhờ nhắn lại ông gọi điện thoại cho nàng ở Sardinia. Không thể gặp được thám tử Max Hornung và nàng cũng để lại lời nhắn tương tự cho anh ta. Nàng sẽ ở tại toà biệt thự ở Sardinia. Nhưng lần nầy nàng sẽ không ở một mình. Cảnh sát sẽ đến đó bảo vệ nàng. Khi chiếc phà cập bến Olbia, Elizabeth nhận thấy không cần phải đi đến đồn cảnh sát. Họ đang chờ nàng, đó là Bruno Campaglla, viên thám tử nàng đã gặp một lần với cảnh sát trưởng Ferraro. Campagna chính là người đã đưa nàng đi xem chiếc xe Jeep sau khi tai nạn xảy ra. Viên thám tử đi nhanh đến xe của Elizabeth và nói: - Chúng tôi đang bắt đầu lo lắng cho bà, bà Williams. Elizabeth nhìn ông ta, ngạc nhiên. - Chúng tôi nhận được điện thoại của cảnh sát Thuỵ Sĩ - Campaglla giải thích, - Yêu cầu chúng tôi không được rời mắt khỏi bà. Chúng tôi đã kiểm soát tất cả các bến tàu và sân bay. Elizabeth cảm thấy vô cùng biết ơn Max Hornung! Anh ta đã nhận được lời nhắn của nàng. Thám tử Campagna nhìn gương mặt mệt mỏi, u sầu của nàng. - Bà có cần tôi lái xe không? - Làm ơn, - Elizabeth nói với vẻ cám ơn. Nàng ngồi sang ghế bên và viên thám tử cao lớn ngồi vào sau tay lái. - Bà muốn đợi ở đâu hơn… đồn cảnh sát hay nhà bà? - Nhà tôi, nếu ai đó có thể ở đó cùng tôi. Tôi… tôi có lẽ không nên ở một mình ở đó. Campagna gật đầu với vẻ trấn an. - Đừng lo. Chúng tôi đã nhận được lệnh bảo vệ bà chặt chẽ. Tối nay tôi sẽ ở đó cùng bà, và chúng tôi sẽ có một chiếc xe cảnh sát có hệ thống liên lạc đỗ cạnh nhà bà. Không ai có thể đến gần bà được. Sự tự tin của ông ta đủ làm cho Elizabeth thấy thoải mái. Thám tử Campagna lái xe nhanh và khéo léo lượn qua những con phố hẹp của Olbia, hướng về phía con đường núi dẫn đến Costa Smeralda. Mỗi chỗ họ đi qua đều làm cho nàng nhớ đến Rhys. Elizabeth hỏi: - Có tin tức gì… về chồng tôi không? Thám tử Campagna liếc nhanh nàng với vẻ thông cảm rồi quay ngay lại với con đường trước mặt. - Ông ấy đang chạy trốn, nhưng sẽ không đi được xa đâu. Họ đoán là sẽ bắt được ông ta vào sáng mai. Elizabeth biết rằng nhẽ ra mình phải có cảm giác nhẹ nhõm, nhưng thay vào đó, lời nói của ông ta lại mang đến cho nàng một nỗi đau đớn khủng khiếp. Rhys chính là người mà thiên hạ đang nói đến, là người đang bị săn đuổi như một con thú. Anh đã đặt nàng vào cơn ác mộng kinh hoàng nầy và bây giờ anh bị giăng bẫy trong chính cơn ác mộng của anh, cố sức cứu lấy mình nhưng anh đã làm cho nàng phải cố sức cứu lấy nàng. Và nàng đã tin tưởng anh xiết bao? Nàng rùng mình. Thám tứ Campagna hỏi nàng: - Bà có lạnh không? - Không. Tôi vẫn bình thường. - Nàng cảm thấy bồn chồn. Một làn gió ấm áp dường như đang thổi qua chiếc xe, khiến thần kinh càng căng lên. Đầu tiên nàng nghĩ đó là trí tưởng tượng của mình cho đến khi thám tử. Campaglla nói: - Tôi e rằng chúng ta đang gặp cơn gió scirocco. êm nay chúng ta sẽ rất bận rộn đây. Elizabeth hiểu ý của ông ta. Gió scirocco có thể khiến cho loài người và các loài thú lên cơn điên dại. Gió nầy từ sa mạc Sahara thổi đến, nóng, khô và mang theo cả cát với một âm thanh rin rít ma quái khiến cho thần kinh mất cân bằng. Tỷ lệ tội ác luôn tăng trong mùa gió scirocco, và các thẩm phán thường xử các tội phạm với sự độ lượng hơn. Một giờ sau, toà biệt thự xuất hiện trước mắt họ, nổi bật lên trong bóng tối. Thám tử Campagna lái xe vào gara và tắt máy. Ông đi sang phía bên kia mở cửa xe cho Elizabeth. - Tôi muốn bà ở ngay đằng sau tôi, bà Williams, - Ông ta nói. - Để đề phòng bất trắc. - Được. - Elizabeth trả lời. Họ đi về phía cửa trước của ngôi biệt thự tối om. Thám tử Campaglla nói: - Tôi chắc rằng ông ấy không ở đây nhưng chúng ta không thể bỏ qua một chi tiết nhỏ nào. Tôi có thể mượn chìa khoá chứ? Elizabeth đưa chìa khoá cho ông ta. Ông ta nhẹ nhàng đẩy nàng sang phía bên kia cánh cửa, tra chìa vào ổ và mở cửa, tay kia đặt hờ gần khẩu súng. Anh ta thò tay vào trong bật đèn và tiền sảnh bỗng sáng bừng lên. - Bà hãy đưa tôi đi xem xét căn nhà, - Thám tử Campagna nói. - Phải chắc chắn rằng chúng ta kiểm soát được tất cả các phòng. OK? - Được! Họ đi khắp biệt thự và đi đến đâu viên thám tử to lớn cũng bật đèn lên. Ông ta nhìn vào các phòng kho, các góc nhà, và kiểm tra để chắc chắn rằng tất cả cửa sổ và cửa ra vào đã được khoá. Không còn ai khác trong căn nhà. Khi họ trở lại phòng khách ở tầng dưới, thám tử Campagna nói: - Xin bà cho phép tôi được gọi về trụ sở. - Dĩ nhiên, - Elizabeth đáp. Nàng dẫn ông ta vào phòng làm việc. Ông ta nhấc ống nghe lên và quay số. Một lát sau ông ta nói: - Thám tử Campagna đây. Chúng tôi đang ở tại biệt thự. Tôi sẽ ở đây suốt đêm nay. Ông có thể cho xe tuần đến đậu ở trước cửa nhà. Ông ta nghe một lúc rồi nói lại vào điện thoại: - Bà ấy vẫn ổn. Chỉ hơi mệt chút thôi. Tôi sẽ báo cáo lại sau. - Rồi ông ta gác máy. Elizabeth ngồi vào một chiếc ghế. Nàng cảm thấy căng thẳng và hồi hộp, nhưng nàng biết rằng ngày mai sẽ còn tồi tệ hơn. Hơn nhiều. Nàng sẽ được an toàn nhưng Rhys sẽ phải hoặc vào tù hoặc chết. Không hiểu sao, bất chấp tất cả những gì anh đã làm, nàng cũng không sao chấp nhận nổi ý nghĩ đó. Thám tử Campagna nhìn nàng với vẻ quan tâm. - Tôi có thể uống một tách cà phê! - ông ta nói. - Còn bà? Nàng gật đầu. - Tôi cũng uống một chút. - Nàng từ từ đứng lên. - Bà cứ ngồi đó, bà Williams. Vợ tôi vẫn thường nói tôi là người pha cà phê cừ nhất trên thế giới. Elizabeth cố gắng mỉm cười. - Cám ơn ông. - Nàng ngồi xuống với vẻ biết ơn. Nàng đã không nhận ra mình kiệt sức đến thế nào. Giờ đây, lần đầu tiên Elizabeth thấy rằng có một sự lầm lẫn nào đó trong suốt cuộc điện đàm với Alec, một lời giải thích nào đó, rằng Rhys là vô tội. Thậm chí khi nàng đang chạy trốn, nàng vẫn cố níu kéo một ý nghĩ rằng anh không giết bố nàng rồi ân ái cùng nàng và lại cố giết nàng. Phải là một con quái vật mới thực hiện được những việc như vậy. Và nàng cố giữ tia hy vọng mong manh đó như một đốm sáng nhỏ lập loè trong lòng. Đốm sáng ấy đã tắt ngấm khCampagna nói "ông ấy đang chạy trốn, nhưng sẽ không đi được xa đâu. Họ đoán là sẽ bắt được ông ấy vào sáng mai". Nàng không thể chịu đựng nổi khi nghĩ đến chuyện đó nhưng nàng không tài nào nghĩ được bất kỳ chuyện gì khác. Rhys đã lập kế hoạch chiếm đoạt tập đoàn bao lâu rồi? Có thể là từ lúc anh gặp cô bé mười lăm tuổi nhạy cảm, cô đơn trong trường trung học nội trú ở Thuỵ Sĩ. Đó là lần đầu tiên anh quyết định sẽ đánh lừa Sam thông qua cô con gái của ông. Chuyện nầy đối với anh thật quá dễ dàng. Bữa tối tại nhà hàng Maxim s, những cuộc nói chuyện thân mật trong suốt ngần ấy năm, và sự quyến rũ… Ồ, sự quyến rũ kỳ lạ? Anh đã vô cùng kiên nhẫn. Anh đã đợi cho đến khi nàng trở thành đàn bà, và điều trớ trêu nhất là Rhys thậm chí không cần phải đeo đuổi nàng. Mà là nàng đeo đuổi anh. Chắc hẳn anh đã cười nhạo nàng nhiều biết bao. Anh và Hélène. Elizabeth tự hỏi có phải họ đã âm mưu cùng nhau, và nàng lại tự hỏi bây giờ Rhys đang ở đâu, và cảnh sát liệu có giết anh khi họ bắt được anh không. Nàng bắt đầu thổn thức, không sao kiềm chế nổi. - Bà Williams… - thám tử Campagna đứng bên nàng, tay cầm một tách cà phê. - Bà uống đi, - ông ta nói. - Rồi bà sẽ thấy dễ chịu hơn. - Tôi… tôi xin lỗi. Tôi rất ít khi bị như vậy. Ông ta dịu dàng nói: - Tôi nghĩ bà sẽ chóng khỏe thôi. Elizabeth uống một hớp cà phê nóng. Ông ta đã cho cái gì vào trong đó. Nàng nhìn ông ta và ông ta mỉm cười. - Tôi cho rằng một chút Whisky sẽ không có hại gì cả. Ông ta ngồi xuống phía đối diện với nàng trong sự im lặng thân thiện. Nàng rất biết ơn về sự hiện diện của ông ta. Nàng không bao giờ có thể ở lại đây một mình. Không khi nào cho đến khi nàng biết rõ chuyện gì đã xảy ra với Rhys, cho đến khi nàng biết được anh còn sống hay đã chết. Nàng uống cạn tách cà phê. Thám tử Campagna nhìn đồng hồ. - Chiếc xe tuần tra sẽ đến đây trong vòng vài phút nữa. Có hai người trong xe chịu trách nhiệm canh gác đêm nay. Tôi sẽ ở dưới lầu. Còn bây giờ tôi đề nghị bà đi ngủ và cố ngủ cho say vào. Elizabeth rùng mình. - Tôi không ngủ được. Nhưng dù nói thế thì cơ thể nàng cũng đã rã rời vì quá mệt mỏi. Chuyến xe hơi dài và sự căng thẳng quá độ mà nàng phải chịu đựng một thời gian dài cuối cùng đã hạ gục nàng. - Có lẽ tôi chỉ nằm một chút thôi. - Nàng nói một cách khó khăn. Elizabeth nằm trên giường, cố chống lại cơn buồn ngủ. Dù sao thì cũng thật là không công bằng nếu nàng ngủ trong khi Rhys đang bị săn đuổi. Nàng hình dung ra cảnh anh bị bắn gục trên một con phố tối đen, lạnh lẽo và nàng chợt rùng mình. Nàng cố giữ cho mắt mở ra nhưng chúng đã nặng trĩu và ngay khi các mí mắt khép lại nàng bắt đầu cảm thấy mình chìm xuống, chìm xuống, vào cõi hư vô êm dịu. Một lúc nào sau đó nàng bị đánh thức dậy bởi những tiếng gào thét. Chương 53 Elizabeth ngồi dậy, tim đập dữ dội, không biết chuyện gì đã đánh thức mình. Rồi nàng lại nghe thấy nó. Một tiếng gào the thé dường như xuất phát từ ngay bên ngoài cửa sổ buồng nàng, âm thanh như một người nào đó trong cơn hấp hối. Elizabeth đứng lên và loạng choạng đi về phía cửa sổ và nhìn ra ngoàióng đêm. Đó là bức tranh phong cảnh của Daumier được chiếu sáng bởi vầng trăng lạnh lẽo của mùa đông. Các thân cây tối đen và cứng đờ, cành lá bị cơn gió điên cuồng quật tơi bời. Xa xa, về phía dưới, biển khơi như một chảo dầu đang sôi lên sùng sục. Tiếng gào thét lại vang lên. Rồi lại một lần nữa. Và Elizabeth đã nhận ra nó. Những tảng đá đang cất tiếng hát. Cơn gió sirocco đã nổi lên rất mạnh và đang thổi qua những rặng núi đá tạo nên thứ âm thanh chói tai kinh khủng đó, triền miên không dứt. Và nó trở thành tiếng của Rhys, la hét bên tai nàng, van xin nàng giúp đờ anh. Nàng không thể chịu đựng nổi nữa. Nàng bịt chặt tai lại nhưng những âm thanh đó vẫn không hề biết mất. Elizabeth định đi về phía cửa phòng ngủ và nàng kinh ngạc khi thấy mình yếu ớt đến thế. Đầu óc nàng choáng váng vì kiệt sức. Nàng bước ra hành lang và đi xuống dưới nhà. Nàng cảm thấy mụ mẫm như thể đã bị đánh thuốc mê. Nàng cố gọi thám tử Campagna nhưng giọng nàng chỉ là tiếng rền rĩ khàn khàn trong cổ họng. Nàng sải những bước xuống cầu thang, cố giữ thăng bằng. Nàng gọi to: - Thám tử Campagna. - Không có tiếng trả lời. Elizabeth loạng choạng bước vào phòng khách. Ông ta không có ở trong đó. Nàng lần từ phòng nọ sang phòng kia, luôn phải bấm chặt tay vào đồ đạc để khỏi bị ngã. Thám tữ Campagna không có ở trong nhà. Nàng chỉ còn lại một mình. Elizabeth đứng trong tiền sảnh, đầu óc rối bời, cố trấn tĩnh để suy nghĩ. Có lẽ viên thám tử đã ra ngoài nói chuyện với đám cảnh sát trong xe tuần tra. Dĩ nhiên là như vậy. Nàng lại gần cửa ra vào, mở ra và nhìn ra ngoài. - Không ai ngoài đó cả. Chỉ có đêm đen và cơn gió đang gào thét. Với cảm giác sợ hãi mỗi lúc một gia tăng, Elizabeth quay lại và đi vào phòng làm việc. Nàng sẽ gọi điện đến đồn cảnh sát hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Nàng nhấc điện thoại lên, và thấy đường dây đã bị ngắt. Đúng lúc đó ánh sáng vụt tắt. Chương 54 Ở London, tại bệnh viện Westminster, Vivian Nichols tỉnh lại trong lúc bà được đưa ra khỏi phòng giải phẫu, dọc theo hành lang dài lạnh lẽo. Ca phẫu thuật đã kéo dài suốt tám giờ đồng hồ. Dù các bác sĩ tài giỏi đã cố gắng hết sức, bà vẫn không bao giờ có thể đi lại được nữa. Bà tỉnh dậy trong cơn đau cực độ, luôn miệng gọi tên Alec. Bà cần ông, bà cần có ông bên cạnh, để ông hứa rằng ông sẽ mãi mãi yêu bà. Nhưng ban giám đốc bệnh viện không tài nào biết được Alec hiện đang ở đâu. Ở Zurich, trong phòng liên lạc của Sở cảnh sát hình sự, người ta nhận được một thông điệp của Interpol từ Úc gửi đến. Nhân viên mua phim trước kia làm cho Roffe và các con hiện đang ở Sydney. Anh ta đã chết bởi một cơn đau tim cách đây ba ngày. Tro của anh ta sẽ được đưa về bằng tầu thuỷ. Interpol không thể thu được bất kỳ tin tức nào về vụ mua phim. Họ đang chờ đợi các chỉ thị khác. Ở Berlin, Walther Gassner ngồi trong phòng đợi kín đáo của một bệnh viện tâm thần tư đắt tiền ở khu ngoại ô xinh đẹp của thành phố. Ông ta đã ngồi bất động ở đó gần mười giờ đồng hồ. Đôi khi các y tá hộ lý dừng lại nói chuyện với ông và cho ông một vài thứ để ăn chẳng buồn để ý đến họ. Ông đang chờ Anna của ông. Đó là một cuộc chờ đợi lâu dài. Ở Olgiata, Simonetta Palazzi đang lắng nghe giọng một người đàn bà qua điện thoại. - Tên tôi là Donatella Spolini, - người đó nói. - Chúng ta chưa hề gặp mặt, bà Palazzi, nhưng chúng ta có khá nhiều điểm giống nhau. Tôi đề nghị chúng ta sẽ gặp nhau vào bữa trưa ngày mai ở tiệm Bolognese tại Piazza del Popolo. Một giờ chiều nhé? Simonetta đã có hẹn đi mỹ viện vào ngày hôm sau nhưng bà lại rất thích thú với những chuyện bí mật. - Tôi sẽ đến, - bà nói. - Nhưng làm sao tôi có thể nhận ra cô? - Tôi đi cùng ba đứa con trai. Trong biệt thự của mình ở Le Vésinet, Hélène Roffe Martel đang đọc một bức thư ngắn gửi cho bà mà bà đã tìm thấy trên mặt lò sưởi ở phòng khách. Đó là thư của Charles. Ông đã bỏ bà, chạy trốn đến một nơi xa. "Em sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa, - bức thư viết. - Đừng cố tìm anh làm gì!" Hélène xé bức thư thành những mảnh nhỏ. Bà sẽ gặp lại ông. Bà sẽ tìm thấy ông. Ở Rome, Max Hornung đang có mặt tại sân bay Leonardo da Vici. Trong suốt hai giờ qua anh ta đã cố liên lạc với Sardinia, nhưng cơn bão đã làm gián đoạn mọi sự liên lạc. Max quay lại phòng điều hành bay để nói chuyện lại với người quản lý sân bay. - Ông phải điều cho tôi một chiếc máy bay đi Sardinia, - Max nói. - Hãy tin tôi, đây là vấn đề sinh tử. Người quản lý sân bay đáp: - Tôi tin ông, thưa ông, nhưng tôi không thể làm gì trong tình trạng nầy cả. Thậm chí cả tàu bè cũng đã phải ngừng chạy. Không có phương tiện nào có thể ra vào nổi hòn đảo đó cho đến khi cơn gió sirocco ngừng thổi. - Khi nào thì nó ngừng thổi? - Max hỏi. Viên quản lý quay sang nhìn tấm bản đồ thời tiết lớn treo trên tường. - Có lẽ ít nhất là mười hai giờ nữa. Elizabeth Williams sẽ không còn sống sau mười hai giờ nữa. Chương 55 Bóng tối thù địch, đầy những kẻ thù vô hình đang rình rập để tấn công nàng. Và Elizabeth lúc nầy mới nhận ra rằng mình hoàn toàn ở dưới quyền sinh sát của bọn chúng. Thám tử Campagna đã đưa nàng đến đây để nàng bị ám sát. Ông ta là người của Rhys. Elizabeth nhớ lại Max Hornung đã giải thích về việc đánh tráo chiếc xe Jeep. Có ai đó đứng sau trợ giúp. Người biết rõ hòn đảo nầy. Thám tử Campagna đã thuyết phục quá giỏi. Chúng tôi đã kiểm soát tất cả các bên tàu và sân bay. Bởi vì Rhys đã biết trước rằng nàng sẽ đến đây ẩn núp. Bà muốn đợi ở đâu hơn - đồn cảnh sát hay nhà bà? Thám tử Campagna không hề có ý định để cho nàng đến đồn cảnh sát. Ông ta không hề gọi điện về trụ sở. Mà lại gọi cho Rhys. Chúng tôi đang ở tại biệt thự. Elizabeth biết nàng phải chạy trốn, nhưng nàng đã không còn chút sức lực nào hết. Nàng đang cố gắng giữ cho mắt đừng nhắm lại, chân tay nặng trĩu. Nàng chợt hiểu lý do vì sao. Ông ta đã bỏ thuốc mê vào tách cà phê của nàng. Elizabeth quay lại và lần vào nhà bếp tối om. Nàng mở một ngăn tủ ra và sờ soạng lung tung cho đến khi tìm được cái mình cần. Nàng lôi xuống một chai dấm, đổ vào chiếc ly cùng với một chút nước rồi cố gắng uống hết. Ngay lập tức nàng bắt đầu nôn oẹ vào trong chậu rửa. Vài phút sau nàng cảm thấy khá hơn, nhưng trong người vẫn còn rất yếu ớt. Đầu óc nàng không chịu hoạt động. Dường như tất cả các đường mạch trong người nàng đã đứt rời, đang chuẩn bị đón tiếp bóng tối của cái chết. - Không, - nàng giận dữ tự bảo. - Mình sẽ không chết thế nầy được. Mình sẽ phải chiến đấu. Bọn chúng sắp phải giết mình đấy. - Nàng cất cao giọng nói, - Rhys, đến đây giết em đi, - nhưng giọng của nàng vẫn chỉ là một tiếng thì thầm. Nàng quay lại và đi ra phía tiền sảnh, cảm nhận đường đi bằng trực giác. Nàng dừng lại dưới bức chân dung của cụ Samuel, trong khi bên ngoài tiếng rên rỉ, tiếng cơn gió xa lạ cào xé căn nhà, gào thét với nàng, chế nhạo nàng, răn đe nàng. Nàng đứng một mình trong bóng tối, đương đầu với muôn vàn những điều khủng khiếp. Nàng có thể đi ra ngoài, ra nơi chưa từng biết, cố chống lại anh. Nhưng bằng cách nào? Tâm trí nàng đang cố nhắc nàng một điều gì đó nhưng nàng vẫn còn đang choáng váng vì thuốc mê. Nàng không thể tập trung tư tưởng. Một điều gì đó về tai nạn. Rồi nàng chợt nhớ ra và nói to. "Anh ấy phải làm cho nó giống như một tai nạn!" Phải ngăn anh ấy lại, Elizabeth. Có phải Samuel đã nói? Hay là ý nghĩ trong đầu nàng? Mình không thể. Đã quá muộn rồi. Cặp mắt nàng đang khép lại và nàng áp mặt vào tấm chân dung lạnh ngắt. Nếu được đi ngủ thì thật tuyệt vời biết bao. Nhưng nàng cần phải làm một việc gì đó. Nàng cố nhớ xem đó là việc gì, nhưng nó vẫn cứ trôi đi. Đừng để nó giống như một tai nạn. Làm cho nó giống một vụ giết người. Vậy là tập đoàn sẽ không bao giờ thuộc về anh ấy. Elizabeth biết mình phải làm gì. Nàng đi vào phòng làm việc. Nàng đứng im một lúc rồi với lấy ngọn đèn bàn và ném nó vào tấm gương. Nàng nghe thấy cả hai vỡ vụn ra. Nàng lại nhấc một chiếc ghế nhỏ lên và nện nó vào tường cho đến khi nó long ra thành từng mảnh. Nàng đến chỗ tủ sách và bắt đầu xé các trang sách, ném chúng ra khắp phòng. Nàng cũng giật dây của chiếc máy điện thoại vô dụng ra khỏi tường. Cứ để cho Rhys giải thích những chuyện nầy với cảnh sát nàng nghĩ. Đừng có tỏ ra lịch sự vào đêm nay. - Được, nàng sẽ không lịch sự. Chúng sẽ phải thật vất vả mới bắt được nàng. Một cơn gió mạnh bỗng ùa vào phòng, cuộn các trang sách lên cao rồi vụt tắt. Trong khoảnh khắc Elizabeth chợt nhận ra chuyện gì vừa xảy ra. Nàng không còn ở một mình trong nhà nữa. * * * * * Tại sân bay Leonardo da Vici, gần khu vực hàng hoá, thám tử Max Hornung đang chăm chú nhìn một chiếc trực thăng hạ cánh. Người phi công vừa mở cửa thì Max đã ở bên cạnh anh ta. - Ông có thể chở tôi ra Sardinia không? - anh ta hỏi. Người phi công nhìn anh ta chằm chằm. - Có chuyện gì thế? Tôi vừa chở một người ra đấy xong. Ở đó đang có cơn bão to lắm. - Anh sẽ chở tôi chứ? - Ông sẽ phải trả gấp ba đấy. Max thậm chí không hề do dự. Anh ta leo vào chiếc trực thăng. Khi họ cất cánh, Max quay sang hỏi người phi công, - Người khách mà anh chở ra Sardinia là ai vậy? - Tên anh ta là Williams. Bóng tối giờ đây là đồng minh của Elizabeth, che chở nàng khỏi tay tên sát nhân. Đã quá muộn để chạy trốn. Nàng phải tìm một chỗ nào đó trong căn nhà nầy để ẩn nấp. Nàng đi lên gá cố giữ khoảng cách giữa nàng và Rhys. Lên đến nơi, nàng do dự rồi rẽ sang phòng ngủ của Sam. Một vật gì đó trong bóng tối lao thẳng vào nàng, và nàng hét lên, nhưng đó chỉ là một bóng cây bị gió quất bên ngoài cửa sổ. Tim nàng đạp mạnh đến nỗi nàng đoán chắc được Rhys đứng dưới nhà cũng có thể nghe thấy được. Hãy ngăn cản anh, tâm trí nàng bảo. Nhưng bằng cách nào? Đầu nàng nặng trĩu. Mọi thứ đều rất mờ nhạt. Suy nghĩ đi! Nàng tự nhủ. Trong trường hợp nầy thì cụ Samuel sẽ làm gì? Nàng đi tới phòng ngủ ở cuối hành lang, lấy chìa khoá từ bên trong và khoá cửa lại từ bên ngoài. Rồi nàng khoá những cánh cửa khác và chúng là những cánh cổng của khu Do Thái ở Krakow, và Elizabeth không biết chắc tại sao mình lại làm thế, và nàng nhớ lại rằng nàng đã giết Aram và họ phải bắt nàng. Nàng nhìn ánh đèn pin ở bên dưới, bắt đầu tiến lên cầu thang và tim nàng giật đánh thót. Rhys đang đến để giết nàng. Elizabeth bắt đầu trèo lên tầng áp mái, được nửa đường thì đầu gối nàng đã run lập cập. Nàng ngã quy trên sàn và bò bằng tay trong suốt đoạn đường còn lại. Nàng lên đến đỉnh cầu thang và lê người lên. Rồi nàng mở cửa căn phòng áp mái và đi vào. Cánh cửa, Samuel nói. Khoá cửa vào. Elizabeth khoá cửa, nhưng nàng biết như thế vẫn không ngăn được Rhys. Ít nhất thì, nàng nghĩ, anh cũng phải phá cửa. Thêm một hành động bạo lực phải giải thích. Cái chết của nàng sẽ giống một vụ giết người. Nàng đẩy đồ đạc chèn vào cửa, bước chậm chạp, như thể bóng tối là biển cả nặng nề đang nhận chìm nàng. Nàng đẩy cái bàn sát vào cửa, rồi cái ghế bành và một cái bàn khác, làm việc như một cái máy, tranh thủ thời gian dựng cái pháo đài đáng thương chống lại tử thần. Từ sàn nhà phía dưới nàng nghe thấy tiếng đổ vỡ và một lát sau lại một tiếng nữa, rồi một tiếng nữa. Rhys đang phá cửa các phòng ngủ để tìm nàng. Dấu hiệu tấn công, một dấu vết cho cảnh sát lần theo. Nàng bẫy anh như anh đã bẫy nàng. Nhưng có điều gì khiến nàng băn khoăn một cách mơ hồ. Nếu Rhys phải làm cho cái chết của nàng giống như một tai nạn, tại sao anh lại phá cửa. Nàng đến gần dãy cửa sổ kiểu Pháp và nhìn ra ngoài, lắng nghe tiếng cơn gió điên cuồng đang hát bài cà truy điệu nàng. Bên dưới ban công là dốc đứng xuống biển. Không có lối thoát nào từ căn phòng nầy cả. Đây là nơi Rhys sẽ đến để kết liễu nàng. Elizabeth sờ soạng xung quanh tìm vũ khí, nhưng chẳng có vật gì có thể giúp được nàng. Nàng chờ đợi kẻ sát nhân trong bóng tối. Rhys còn đợi gì nữa? Tại sao anh còn chưa phá cửa và kết thúc chuyện nầy đi? Phá cửa. Có cái gì đó lầm lẫn. Thậm chí nếu anh mang xác nàng đi và bố trí ở một nơi nào khác, Rhys vẫn không thể giải thích được về những hành động bạo lực trong nhà, tấm gương vỡ, những cánh cửa bị phá. Elizabeth cố đặt mình vào hoàn cảnh của Rhys để tính toán Rhys có kế hoạch gì giải thích được tất cả những chuyện nàng mà không bị cảnh sát nghi ngờ về cái chết của nàng. Chỉ còn mỗi một cách. Và ngay cả khi Elizabeth nghĩ đến điều đó nàng cũng có thể ngửi thấy mùi khói. Chương 56 Từ trên trực thăng Max đã trông thấy bờ biển Sardiniae phủ bởi một đám mây bụi đỏ xoáy tròn, dầy đặc. Tiếng người phi công vang lên ngay bên tai anh ta át cả tiếng cánh quạt dữ dội: - Thời tiết mỗi lúc một xấu đi. Tôi không biết chúng ta có hạ cánh được không. - Anh phải hạ cánh! - Max lớn tiếng trả lời. - Hướng về phía Porto Cervo. Người phi công quay sang nhìn Max. - Nó ở trên đỉnh của một ngọn núi chết tiệt. - Tôi biết, - Max nói. - Anh có làm được không? - Cơ hội của chúng ta là bảy - ba. - Theo hướng nào? - Ngược lại. Khói luồn qua khe cửa, lọt lên từ dưới sàn nhà, và một âm thanh mới hoà vào tiếng gió rít. Tiếng xèo xèo của ngọn lửa. Bây giờ Elizabeth mới biết nàng đã có câu trả lời, nhưng đã quá trễ a id="filepos732496">ể cứu mạng nàng. Nàng đã bị sập bẫy ở đây. Dĩ nhiên tất cả các cánh cửa và tấm gương vỡ đã không thành vấn đề gì nữa vì chỉ trong vài phút nữa thôi căn nhà nầy và nàng sẽ hoàn toàn biến mất. Tất cả sẽ bị thiêu rụi cùng ngọn lửa, như căn phòng thí nghiệm và Emil Joeppli, và Rhys sẽ có chứng cớ ngoại phạm ở một nơi nào khác, và anh không thể bị buộc tội. Rhys đã đánh bại nàng. Anh đã đánh bại tất cả. Khói đang cuồn cuộn tràn vào phòng, hơi khói cay xè màu vàng làm Elizabeth ngạt thở. Nàng có thể trông thấy những lưỡi lửa bắt đầu liếm vào cánh cửa kêu răng rắc và nàng bắt đầu cảm thấy nóng. Chính nỗi tức giận đã làm tăng thêm sức mạnh của Elizabeth. Nàng lần lần về phía dãy cửa sổ kiểu Pháp qua làn khói mù mịt. Nàng đẩy cửa và bước ra ngoài ban công. Ngay lúc cửa mở, ngọn lửa từ hành lang đã nhảy vào trong phòng và liếm lên tường. Elizabeth đứng trên ban công, khoan khoái hít thở không khí trong lành trong khi những cơn gió như muốn xé toang quần áo nàng. Nàng nhìn xuống. Ban công nhô ra khỏi sườn nhà, như hòn đảo tí hon lơ lửng trên một vực thẳm. - Không có hy vọng gì, không có lối thoát nào. Trừ khi… Elizabeth nhìn lên mái nhà lợp đá đen trên đầu. Nếu nàng có cách leo lên mái nhà và đi sang sườn bên kia của ngôi nhà còn chưa cháy thì nàng có thể sống sót. Nàng cố hết sức đưa tay lên, nhưng mái nhà lại quá xa tầm tay nàng. Ngọn lửa thì mỗi lúc một gần, bao trùm cả căn phòng. Chỉ còn một cơ hội mỏng manh. Elizabeth nắm vội lấy nó. Nàng cố trở lại căn phòng đầy khói, tưởng như chết ngạt đến nơi. Nàng lấy cái ghế phía sau bàn làm việc và lôi nó ra ngoài ban công. Cố giữ thăng bằng, nàng đặt chiếc ghế đúng vị trí và trèo lên nó. Giờ đây các ngón tay nàng đã với được mái nhà, nhưng vẫn chưa bám vào được. Nàng quờ quạng tìm một cách mù quáng mong tìm lấy một chỗ bấu víu. Bên trong, những lưỡi lửa đã bén và màn cửa và đang nhảy nhót khắp phòng, tấn công những quyển sách, thảm và đồ đạc, tiến dần về phía ban công. Mấy ngón tay của Elizabéth bỗng tóm được vào phần mái nhô ra ngoài. Hai cánh tay nàng nặng như chì, nàng không chắc rằng mình còn có thể bám chặt được hay không. Nàng bắt đầu đu người lên và cái ghế đang trượt khỏi chân nàng. Thu hết sức lực còn lại trong người, nàng đu tiếp lên và vẫn bám chặt. Nàng đang trèo qua bức tường của khu Do Thái, đang chiến đấu vì cuộc sống của mình. Nàng vẫn tiếp tục đu và đột nhiên nhận thấy mình đã nằm thở dốc trên mái nhà. Nàng ép mình phải nhích lên, từng tấc từng tấc về phía trên, áp sát người vào mái nhà, biết rằng chỉ một lần trượt thôi là sẽ rơi ngay xuống vực thẳm đen ngòm phía dưới. Nàng lên tới nóc nhà, dừng lại thở và định hướng. Cái ban công nàng vừa rời khỏi đang cháy rừng rực. Không thể quay lại được nữa. Nhìn xuống phía bên kia của căn nhà, Elizabeth có thể thấy được ban công của một trong những phòng ngủ dành cho khách. Lửa chưa lan đến đó. Nhưng Elizabeth không biết mình có thể đến được đó hay không. Mái nhà dốc xuống dưới, các viên ngói lại không chặt, gió thì đang điên cuồng lôi kéo nàng. Nếu nàng trượt chân, sẽ không có gì ngăn cản nàng rơi xuống cả. Nàng ở nguyên tại chỗ, người cứng lại, sợ không dám thử. Và như một phép lạ, một bóng người xuất hiện trên ban công đó, và đó là Alec, ông nhìn lên và gọi to với giọng bình tĩnh: - Cháu làm được mà, cháu yêu. Rất đơn giản và dễ dàng. Tim Elizabeth bay vút lên. - Cứ từ từ - Alec hướng dẫn. - Từng bước một. Rất dễ thôi mà. Và Elizabeth bắt đầu tiến về phía ông, thận trọng, trượt xuống từng tấc từng tấc, không đặt chân lên viên ngói nào khi chưa bám được vào một viên khác. Việc nầy dường như kéo dài vô tận. Và trong suốt thời gian đó nàng nghe thấy tiếng động viên của Alec, hối thúc nàng tiếp tục. Nàng hầu như vẫn ở nguyên chỗ cũ, trượt về phía ban công. Một viên ngói long ra và nàng bắt đầu rơi. - Bám chặt vào? - Alec nói. Elizabeth tìm thấy một chỗ bám khác và nàng bấu lấy nó một cách mạnh mẽ. Nàng đã đến bờ mái, và bên dưới là khoảng không trống rỗng. Nàng sẽ phải buông người xuống ban công nơi có Alec đứng chờ. Nếu nàng trượt ra ngoài… Alec vẫn ngước lên nhìn nàng, mặt ông đầy vẻ trầm tĩnh tự tin. - Đừng nhìn xuống, - ông nói. - Nhắm mắt lại và buông người xuống. Chú sẽ đỡ cháu. Nàng phải thử thôi. Nàng hít một hơi dài và một hơi khác. Nàng biết phải liều nhưng lại không dám làm điều đó. Những ngón tay của nàng tê cóng lại. - Nào? - Alec gọi và Elizabeth để cho cơ thể mình rơi vào khoảng không và bỗng nhiên được vòng tay của Alec tóm lấy kéo nàng về với sự an toàn. Nàng nhẹ nhõm và nhắm mắt lại. - Tuyệt vời, - Alec nói. Và nàng cảm thấy một họng súng lạnh lẽo dí vào đầu. Chương 57 Viên phi công trực thăng đang bay hết sức thấp trên đảo, lướt qua các ngọn cây, cố tránh những cơn gió khắc nghiệt. Không khí vẫn vô cùng hỗn độn ở độ cao đó. Người phi công đã trông thấy đỉnh Porto Cerno ở phía trước. Max cũng đã thấy nó ngay lập tức. - Nó đấy! - Max la lên. - Tôi có thể thấy toà biệt thự. Và sau đó anh ta thấy một cái gì khác khiến cho tim thót lại. - Nó đang cháy! Trên ban công nghe thấy tiếng trực thăng đang đến gần át cả tiếng gió thổi, nàng ngước nhìn lên. Alec thì không hề để ý đến. Ông ta quan sát Elizabeth, cặp mắt tràn đầy vẻ đau đớn. - Đó là vì Vivian. Chú phải làm vậy vì Vivian. Cháu thấy đó. Họ phải tìm thấy cháu trong đống lửa. Elizabeth không lắng nghe. Nàng chỉ có thể nghĩ. Không phải là Rhys, không phải là Rhys. Suốt từ đầu là Alec. Alec đã giết bố nàng và cố giết nàng. Ông ta đã ăn cắp bản báo cáo và tìm cách hại Rhys. Ông ta làm cho nàng khiếp sợ phải chạy trốn Rhys vì Alec biết rằng nàng sẽ tới đây. Chiếc trực thăng đã biến mất khỏi tầm mắt, khuất sau rặng cây. Alec nói: - Nhắm mắt lại, Elizabeth. Nàng hung dữ trả lời: - Không? Và giọng Rhys bỗng vang lên: - Bỏ súng xuống, Alec! Cả hai cùng nhìn xuống, và trên bãi cỏ phía trước, trong ánh lửa bập bùng, họ thấy Rhys cùng cảnh sát trưởng Luigi Ferraro và nửa tá thám tử, vũ trang bằng súng trường. - Kết thúc rồi, Alec, - Rhys quát to - Thả cô ấy ra. Một tay thám tử mang súng có ống ngắm nói: - Tôi không thể ngắm bắn ông ta trừ khi bà ấy chạy ra xa. - Chạy đi! - Rhys cầu khẩn. - Chạy đi. Từ sau các gốc cây ở bên kia bãi cỏ, Max Hornung vội vã chạy sang gặp Rhys. Anh ta chợt dừng lại khi trông thấy cảnh tượng ở bên trên. Rhys nói: - Tôi đã nhận được điện của ông. Nhưng tôi đến quá trễ. Cả hai người cùng nhìn lên hai bóng người trên ban công, như hai con rối, được soi sáng bằng những ngọn lửa đang bốc cháy ở phía bên kia căn nhà. Gió đang biến toà biệt thự thành một bó đuốc khổng lồ, soi sáng của những rặng núi xung quanh, khiến cho đêm tối giống như cảnh tượng trong địa ngục vậy. Elizabeth quay lại nhìn vào mặt Alec, đó là mặt nạ của thần chết, đôi mắt vô hồn. Ông ta bỏ nàng chạy về phía cửa ban công. Ở dưới đất viên thám tử nói: - Tôi đã tóm được ông ta, Và nâng khẩu súng trường lên. Anh ta bắn một phát. Alec lảo đảo rồi biến mất qua khung cửa vào nhà. Một lát sau trên ban công có hai bóng người, rồi chỉ còn có một. Elizabeth gào lên: - Rhys! Nhưng anh đã chạy về phía nàng. Mọi việc sau đó diễn ra nhanh, lộn xộn như ở trong kính vạn hoa. Rhys bế bổng nàng lên và đưa nàng xuống một cách an toàn còn nàng bám chặt vào người anh mà vẫn thấy còn chưa đủ sát. Rồi nàng nằm trên bãi cỏ, mắt nhắm lại, còn Rhys thì vẫn ôm nàng trong vòng tay: - Anh yêu em, Liz. - Anh yêu em, em yêu của anh. Nàng lắng nghe giọng nói của anh mơn man quanh nàng, vuốt ve nàng. Nàng không thể nói lên lời. Nàng nhìn vào mắt anh và thấy tất cả tình yêu cùng nỗi đớn đau, và rất nhiều điều nàng muốn nói với anh. Nàng cảm thấy có lỗi vì tất cả những nỗi nghi ngờ tồi tệ của mình. Nàng sẽ dành trọn cuộc đời để đền bù lại cho anh. Giờ đây nàng quá yếu ớt để nghĩ đến chuyện đó; quá yếu ớt để nghĩ đến bất kỳ chuyện gì. Dường như chuyện đã xảy ra cho một người nào khác ở một thế giới khác, một thời gian khác. Điều quan trọng duy nhất bây giờ là nàng và Rhys ở bên nhau. Nàng cảm thấy cánh tay khoẻ mạnh của anh ôm chặt nàng, mãi mãi, và như thế là quá đủ. Chương 58 Alec như đang bước vào một góc địa ngục rực cháy. Khói mỗi lúc một dày đặc hơn, tràn ngập căn phòng với những ảo tưởng nhảy múa liên tục ẩn hiện. Ngọn lửa nhảy xuống người Alec, vuốt ve mái tóc ông ta, tiếng lách tách của nó biến thành giọng của Vivian gọi ông trong một bài hát mê hồn đầy quyến rũ. Trong ngọn lửa bỗng cháy rực lên, ông ta trông thấy nàng. Nàng đang nằm thoải mái trên giường, thân hình tuyệt vời trần truồng trừ một dải ruy băng đỏ tươi quanh cổ, cái dải ruy băng đỏ nàng đã mang trong lần đầu tiên ông làm tình nàng. Nàng gọi tên ông một lần nữa, giọng nàng tràn đầy khao khát. Và lần nầy nàng muốn ông ta chứ không phải một ai khác. Ông ta tiến lại gần hơn, và nàng thì thầm: - Anh là người duy nhất em đã từng yêu. Và Alec tin điều đó. Ông ta cần phải trừng phạt nàng vì những gì nàng đã làm. Nhưng ông ta đã rất khôn. Ông ta bắt những người khác chịu tội cho nàng. Tất cả những điều tồi tệ ông ta làm đều là vì nàng. Khi ông ta tiến về phía nàng, Vivian lại thì thầm: - Anh là người duy nhất em đã từng yêu, Alec. Và ông ta biết đó là sự thật. Nàng dang hai cánh tay trần như mời mọc và ông ta đổ xuống bên cạnh nàng. Ông ta ôm chặt nàng và họ hoà vào làm một. Ông ta ở trong nàng, và ông ta là nàng. Và lần nầy ông ta có thể làm cho nàng thoả mãn. Và ông ta cảm thấy sung sướng khi nó biến thành một cơn đau tột độ quá sức chịu đựng. Ông ta có thể cảm thấy sức nóng từ cơ thể nàng thiêu đốt ông ta và ngay khi ông ta quan sát trong sự kinh ngạc, dải ruy băng quanh cổ Vivian biến thành ngọn lửa chói loà vuốt ve ông ta, liếm vào người ông ta. Một lát sau, một xà nhà từ trên trần bỗng rơi thẳng xuống đầu ông ta như một giàn hoả thiêu. Alec chết như những nạn nhân của ông. Trong cơn khoái lạc. Dịch Thuật: Trần Hoàng Cương Hết Dưới Ánh Sao Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Phần 01 Phần 02 Phần 01 Thứ năm, 10 tháng 9 năm 1992, 20 giờ Chiếc phản lực 727 lọt vào giữa những đám mây đang cuồn cuộn hung dữ lao tới. Tiếng người phi công lo lắng vang lên trong toa: - Bà thắt dây cẩn thận rồi chứ, thưa bà Cameron? Không có tiếng trả lời. - Bà Cameron… Bà Cameron… Nàng choàng thức giấc sau cơn mơ màng. - Vâng. Trí óc nàng đang hồi tưởng lại những ngày tháng hạnh phúc, nhưng nơi chốn hạnh phúc đã qua. - Bà vẫn yên ổn chứ? Chỉ lát nữa, chúng ta sẽ ra khỏi trận bão này. - Tôi vẫn bình thường, anh Roge. Rất có thể mình gặp may nếu chiếc máy bay này rơi xuống và mình sẽ chết, Lara Cameron thầm nghĩ. Đó là một cái chết đúng lúc. Mọi thứ đều sụp đổ cả rồi. Đấy là số mệnh. Nàng thầm nghĩ. Mi không thể cưỡng lại được số phận. Trong một năm qua cuộc đời nàng đã bị cuốn vào một cơn lốc, dữ dội đến mức nàng không sao điều khiển được nữa. Nàng đã rơi vào tình trạng có nguy cơ mất hết. ít nhất thì mình cũng chẳng còn gì nữa để mà lo gìn giữ, nàng chua chát thầm nghĩ. Chẳng còn gì nữa. Mình sẽ không kịp về dự bữa tiệc sinh nhật của mình mất, Lara thầm nghĩ. Mọi khách khứa lúc này đang chuẩn bị để đến dự tiệc. Hai trăm khách, trong đó có cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Thống đốc bang New york, các vận động viên thể thao, các nhà tài phiệt nổi tiếng của mười hai quốc gia. Đích thân nàng đã duyệt lại bản danh sách khách mời. Bữa tiệc sẽ hết sức linh đình và náo nhiệt. Nàng sẽ ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào tất cả khách khứa, như thể không có chuyện gì xảy ra hết. Nàng là Lara Cameron kia mà! Khi chiếc máy bay riêng của Lara Cameron, cuối cùng hạ cánh an toàn xuống phi trường La Guardia nhưng chậm mất một tiếng rưỡi. Nàng quay sang nói với viên phi công: - Ta sẽ quay lại Reno ngay đêm nay, Roger. - Tôi xin sẵn sàng, thưa bà chủ. Xe hơi Limousine cùng tài xế đã chờ nàng ngoài cửa nhà ga sân bay. Tài xế nói. - Tôi đang rất lo cho bà, thưa bà Cameron. - Máy bay bi lọt vào giữa một đám mây bão. Hãy chạy sao cho chúng ta về kịp buổi tiệc. - Vâng, thưa bà chủ. Lara với tay nhấc máy điện thoại trong xe, quay số điện của Jery Townsend. Vậy là anh ta đã chuẩn bị xong mọi thứ cho bữa tiệc. Lara hỏi thêm xem khách đã đến đông đủ chưa? Không thấy câu trả lời. Chắc anh ta chạy sang phòng vũ hội rồi, Lara thầm nghĩ. - Nhanh nữa lên Max. - Nàng bảo tài xế. - Vâng, thưa bà Cameron. Hình dáng toà nhà CameronPlaza không bao giờ làm Lara Cameron nhìn thấy mà trong lòng không trào lên một cảm giác hài lòng vì đó là tác phẩm của nàng, là sáng tạo của nàng. Nhưng tối nay, nàng sốt ruột đến mức kkhông cảm thấy gì hết. Bao nhiêu người đang nóng lòng chờ nàng tại đó. Lara đẩy cánh cửa quay tròn, đi nhanh qua gian tiền sảnh rộng lớn và sang trọng. Carlos, giám đốc điều hành toà nhà nhìn thấy nàng vội chạy ra đón. - Chào bà Cameron. Thưa bà… - Khoan mọi chuyện đã, - Lara đáp, chân nàng vẫn bước thoăn thoắt. Nàng đã đến bên cánh cửa khép lại của phòng vũ hội lớn và đứng lại hít một hơi rất sâu. Mình sẵn sàng đón nhận mọi thứ tồi tệ nhất, nàng thầm nghĩ. Nàng đẩy mạnh cách cửa, tươi cười bước vào và đột nhiên đứng sững lại, choáng váng. Phòng vũ hội rộng lớn vẫn tối tăm. Chỉ có những ngọn đèn thường trực bố trí dưới chân tường hắt lên làn ánh sáng yếu ớt. Không có một ai. Không một người nào ở trong đó. Lara đứng lặng đi, kinh hoàng. Vậy hai trăm khách quý đâu? Họ làm sao? Trong thiếp mời của nàng ghi là tám giờ, vậy mà bây giờ đã mười giờ. Tất cả ngần ấy con người biến đâu mất sạch? không khác gì trong giấc mơ. Nàng đứng nhìn gian phòng thênh thang trống rỗng và tăm tối mà toàn thân run lên. Bữa tiệc kỷ niêm sinh nhật nàng năm ngoái, cũng ở gian phòng rộng lớn này chật ních bè bạn của nàng, vang động tiếng nhạc và tiếng cười vui vẻ. Nàng còn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó… Phần 02 Một năm trước đó, Lara Cameron đã ghi chương trình làm việc trong ngày theo đúng như lệ thường: 10, tháng chín, 1991 5. 00 Tập thể dục với huấn luyện viên. 7. 00 Xuất hiện trong chương trình Tivi “ Chào buổi sáng nước Mỹ” 7. 45 Gặp các chủ ngân hàng Nhật Bản. 9. 30 Jery Townsend 10. 30 Họp uỷ ban kế hoạch. 11. 00 Đánh fax, gọi điện ra nước ngoài. Thư tín. 11. 30. Họp uỷ ban xây dựng. 12. 30 Gặp S-L 13.00 Ăn trưa. Tạp chí Fortune phỏng vấn - Hugh Thompson. 14.00 Gặp các chủ nhà băng của Metropolitan Union 16.00 Uỷ ban quận. 17.00 Gặp Thị trưởng - Nhà từ thiện. 18.15. Gặp các kiến trúc sư 18.30 Uỷ ban quản lý nhà đất. 19,30 Tiệc nhẹ với Tập đoàn Đầu tư Dallas 20.00 Tiệc kỷ niệm sinh nhật ở phòng vũ hội lớn, Toà nhà Cameron. Lara đã mặc xong quần áo tập, đang sốt ruột chờ đợi thì Ken, huấn luyện viên thể dục của nàng đến. - Anh đến trễ, Ken. - Bà tha lỗi, thưa bà Cameron. Đồng hồ báo thức của tôi hỏng và… - Tôi rất bận. Ta bắt đầu! - Đúng thế, thưa bà. Cùng huấn luyện viên, nàng tập thể dục nửa giờ rồi mở bằng hình thể dục thẩm mỹ, băng có hình mẫu những động tác mạnh mẽ. Bà ta giữ thân hình như cô gái tuổi hai mốt, Ken thầm nghĩ. Mình rất thèm được làm tình với người có tấm thân như thế này. Anh rất thích thú mỗi sáng lại được nhìn thấy Lara Cameron, được bên cạnh nàng. Người ta thường hỏi anh, bà Lara Cameron thân hình ra sao và anh luôn trả lời họ rằng, trông như cô gái mười tám. Hôm nay Lara tập như cái máy, đầu óc nàng đang ở tận đâu đâu. Buổi tập kết thúc, Ken nói: - Tôi sẽ mở tivi xem bà trong chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” - Anh nói gì? - Đầu óc Lara đột nhiên quên bẵng việc ấy. Nàng đang nghĩ dến cuộc gặp sắp tới với các chủ nhà băng Nhật Bản. - Hẹn gặp bà ngày mai, thưa bà Cameron. - Và anh đừng đến trễ như hôm nay đấy, Ken. Lara vào tắm vòi hoa sen rồi thay y phục, ngồi ăn điểm tâm một mình trên sân trời, bữa ăn chỉ có nho tươi, ngũ cốc và trà xanh. Xong bữa, nàng vào phòng giấy. Nàng nói với cô thư ký: - Tôi cần nói chuyện điện thoại với nước ngoài tại phòng giấy. Bây giờ tôi phải có mặt ở đài truyền hình ABC. Cô bảo Max đem xe đón tôi ngoài cổng. Buổi phát hình “Chào buổi sáng nước Mỹ” tiến hành tốt đẹp. Joan Lunden tiến hành cuộc phỏng vấn và cô vẫn duyên dáng giống như mọi khi. - Lần trước, cũng trong chương trình phát hình này, - Joan Lunen nói - bà mới khởi công xây toà nhà chọc trời cao nhất thế giới. Đó là cách đây bốn năm. Lara gật đầu: - Đúng thế. Toà tháp Cameron sẽ được khánh thành vào năm tới. - Ở địa vị hiện nay bà cảm thấy thế nào, thưa bà Cameron? Bà đã hoàn thành được những công trình kiến trúc vĩ đại đến mức khó có thể tin nổi, trong khi bà vẫn trẻ đẹp như thế này? Bà đang được rất nhiều phụ nữ coi là tấm gương để họ noi theo. - Cô quá khen đấy thôi, - Lara cười vang. - Tôi không có thời giờ để nghĩ đến chuyện lại có những ai muốn noi theo tôi. Tôi quá bận rộn. - Bà là một trong những nhà tư bản xây dựng thành đạt nhất trong lĩnh vực kinh doanh mà xưa nay thường được quan niệm là lĩnh vực của nam giới. Bà đã làm cách nào vậy? Chẳng hạn, thoạt đầu bà đã suy nghĩ thế nào mà lại quyết định chọn lĩnh vực xây dựng. Rồi cách bà chọn địa điểm nữa? - Tôi không chọn - Lara nói - mà địa điểm chọn tôi. Tôi cứ ngồi trong xe, lái đi khắp mọi chỗ, và thế rồi tôi đi ngang qua một khoảnh đất. Đột nhiên tôi không nhìn thấy đó là đất trống mà lại hình dung thấy ở đó một toà nhà lớn lộng lẫy hoặc dùng làm văn phòng cho những tổ chức kinh doanh hoặc làm cư xá, đầy ắp những gia đình đáng được sống trong điều kiện tiện nghi và khung cảnh dễ chịu. Tôi mơ màng ra như thế. - Và thế là bà biến những hình ảnh trong mơ thành hiện thực. Xin cảm ơn bà. Tốp chủ ngân hàng Nhật Bản phải đến đây lúc 7h45. Họ vừa mới bay từ Tokyo tới vào tối hôm qua, vậy mà Lara đã bố trí cuộc gặp vào thời gian sớm sủa này khiến họ chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức sau chuyến bay vất vả kéo dài mười hai tiếng mười phút. Khi thấy họ phản đối, Lara nói: - Tôi rất tiếc, thưa các ngài. Nhưng tôi chỉ có thể bố trí được thời gian đó. Sau khi gặp các Ngài tôi còn phải đi ngay Nam Mỹ. Mấy chủ ngân hàng Nhật đành phải chịu. Họ bốn người, đều nhỏ thó, lịch sự và đầu óc sắc như lưỡi kiếm Võ Sĩ Đạo. Vào thập kỷ trước, giới tài chính thế giới chưa đánh giá đúng khả năng của các nhà tài chính Nhật Bản. Bây giờ thì sai lầm đó đã được chỉnh đốn. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Trung tâm Cameron trên Đại lộ số 6. Các vị khách Nhật Bản định đầu tư 100 triệu USD vào một khách sạn lớn do Lara sắp khởi công xây cất. Họ được dẫn vào phòng họp. Mỗi người đem đến một món quà tặng. Lara cảm ơn họ và để đáp lại, cũng tặng họ mỗi người món quà. Nàng đã dặn cô thư ký bọc các món quá vào giấy bao bì mầu nâu hoặc ghi. Người Nhật coi mầu trắng là mầu tang và quà bọc trong giấy trắng là điều họ không thể chấp nhận. Trợ lý của Lara tên gọi Tricia, bưng vào khay trà pha theo kiểu Nhật Bản và cà phê cho bà chủ. Thật ra mấy vị khách Nhật cũng muốn uống cà phê nhưng vì lịch sự, họ không nói ra. Họ uống cạn tách trà, Lara bảo trợ lý rót thêm vào. Howard Keller, người hùn vốn với Lara, bước vào phòng họp. Ông đã ở tuổi ngoài năm mươi, gầy và xanh xao, tóc hoa râm, mặc bộ âu phục nhầu nát, trông như mới ngủ dậy, Lara giới thiệu. Howard Keller đưa mỗi người một bản in tờ thiệp mời đầu tư. Như các vị thấy đấy, - Lara nói - chúng tôi đã có sẵn một khoản thế chấp ban đầu. Toà nhà khách sạn liên hoàn này bao gồm bảy trăm hai mươi đơn vị diện tích khép kín dành cho khách thuê, khoảng ba mươi ngàn bộ vuông dùng cho các phòng sử dụng chung và một nhà để xe chứa được một ngàn chiếc… Giọng nàng đầy sôi nổi và dứt khoát. Các chủ ngân hàng Nhật cố giữ tỉnh táo để nghiên cứu bản mời đầu tư, bởi họ vẫn chưa hết buồn ngủ sau chuyến bay quá tốn sức tối qua. Cuộc gặp gỡ diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ nhưng kết thúc với thành công mỹ mãn. Lara đã hiểu được rằng huy động 100 triệu đôla bằng cách mời đầu tư dễ dàng hơn nhiều so với vay năm chục ngàn đôla. Đám khách Nhật Bản vừa ra khỏi, Lara họp ngay với Jerry Townsend. Ông này đã từng là chuyên gia quảng cáo của Hollwood, vóc người cao lớn, hiện phụ trách về quan hệ đối ngoại của Hãng xây dựng Cameron. Ông nói: - Cuộc phỏng vấn bà sáng nay trong chương trình Chào buổi sáng nước Mỹ trên tivi quả là một sự kiện lớn. Cho đến giờ này tôi đã nhận được khá nhiều cú điện thoại khen ngợi cuộc phỏng vấn đó. - Tờ Forbes sao rồi? - Đã lên khuôn. Tuần báo People sẽ đưa ảnh bà lên bìa số tới. Bà đã đọc bài báo nói về bà trên tờ New Yorker chưa? Bà thấy bài báo vĩ đại đấy chứ? Lara bước đến sau bàn giấy: - Cũng tạm được. - Cuộc phỏng vấn của tờ Fortune ấn định vào chiều nay. - Tôi đã báo thay đổi rồi. Townsend sửng sốt: - Tại sao vậy? - Tôi sẽ tiếp phóng viên của họ vào bữa ăn trưa nay. - Bà định tạo không khí thoải mái chăng? Lara ấn nút máy truyền âm. - Kathy, cô sang đây gặp tôi. Một giọng nhẹ nhõm vang lên: - Vâng, thưa bà Cameron. Lara Cameron ngẩng đầu lên. - Việc của ông thế là xong, ông Townsend. Tôi yêu cầu ông và người của ông tập trung vào Toà tháp Cameron. Chúng tôi đã đang tiến hành… - Phải làm nhiều hơn nữa. Tôi muốn thấy các báo và tạp chí đều có bài về toà cao ốc này. Dù sao nó cũng là toà nhà cao nhất thế giới. Nhất thế giới ông nghe rõ rồi chứ. Trong tuần lễ khai trương, tôi muốn mới tất cả mọi người vào tham quan các phòng và các cửa hiệu trong đó. Jerry Townsend đứng lên: - Đúng vậy. Kathy, trợ lý điều hành của Lara bước vào. Trông cô duyên dáng trong bộ đồ đen lịch sự, tuổi trên ba mươi. - Cô đã điều tra xem ông nhà báo khẩu vị ra sao chưa? - Ông ta là loại sành ăn. Thích ăn nấu theo kiểu Pháp. Tôi đã gọi điện cho nhà hàng Le Cirque và yêu cầu ông Sirio mang thức ăn đủ cho hai người ăn trưa đến đây. - Tốt. Chúng tôi sẽ ngồi ăn trong phòng ăn của riêng tôi. Cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài bao lâu, thưa bà? Bởi bà còn phải vào khu Trung tâm gặp các chủ ngân hàng của thủ đô. - Cô báo họ là tôi sẽ tiếp họ lúc ba giờ và tại đây. Kathy ghi vào sổ: - Bà có muốn biết thư từ gửi cho bà ngay bây giờ không? - Cô đọc đi. Quỹ thiếu nhi hân hạnh mời bà ngày hai mươi tám… - Không được rồi. Cô gửi lời tôi cảm ơn họ và tặng họ một ngân phiếu. - Cuộc gặp của bà đã ấn định tại Tulsa, ngày thứ ba vào.,. - Huỷ cuộc gặp ấy đi. - Bà được mời đến dự bữa tiệc ban ngày vào thứ sáu tới của Hội phụ nữ Manhattan. - Tôi không đi được. Nếu họ cần tiền, biếu họ một tấm ngân phiếu. - Liên hiệp Văn học mời bà đến nói chuyện trong một bữa tiệc nhẹ chiều ngày bốn… - Hiện chưa biết có nhận lời họ được hay không. - Có cả giấy mời của Quỹ từ thiện những người tàn tật, nhưng thời gian lại không thích hợp. Thời gian đó bà đang còn ở San Francisco. - Gửi biếu họ một tấm ngân phiếu. - Hai ông bà Deborah Srb mời bà đến dự tiệc vào tối thứ bẩy này. - Tôi sẽ cố đến dự, - Lara nói. Hai vợ chồng Kristan và Deborah rất đáng mến, nếu đến đó nàng sẽ gặp nhiều bè bạn và được hưởng một tối nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ. - Kathy, có bao nhiêu cái tôi? - Bà nói gì, tôi chưa hiểu? - Tôi có bao nhiêu thân xác. Kathy nhìn nàng, - Bà chỉ có một, thưa bà Cameron. - Đúng thế. Tôi chỉ có một thân xác. Cô làm cách nào để tôi tiếp các chủ ngân hàng thủ đô vào hai giờ rưỡi hôm nay, rồi tiếp uỷ ban quận vào bốn giờ, gặp Thị trưởng vào năm giờ, tiếp các kiến trúc sư lúc sáu giờ rưỡi, dự tiệc nhẹ bảy giờ rưỡi và kỷ niệm sinh nhật tôi vào tám giờ? Lần sau bố trí lịch cho tôi, cô phải tính toán cho khéo. - Tôi rất tiếc. Bà yêu cầu tôi. - Tôi yêu cầu cô động não. Tôi không cần đến những người lười suy nghĩ. Cô sắp xếp lại lịch đi, nhất là bố trí lại cuộc gặp với các kiến trúc sư và với uỷ ban Quận. - Đúng thế, - Kathy lạnh nhạt nói. - Cháu bé thế nào rồi? Câu hỏi làm cô thư ký ngơ ngác. - Cháu David ấy ạ? Cháu… yên ổn. - Bây giờ chắc thằng bé lớn lắm rồi nhỉ? - Cháu đã tròn hai tuổi. - Cô đã nghĩ cho cháu học trường nào chưa? - Thưa bà, chưa. Cháu còn nhỏ quá… - Cô lầm rồi, Kathy. Nếu cô định cho con cô một trường loại tốt ở New York này thì cô phải lo chạy ngay từ khi nó chưa ra đời kia. Lara ghi gì đó vào cuốn sổ trên bàn giấy. - Tôi quen hiệu trưởng trường Dalton. Tôi sẽ liên lạc để cháu nhà cô được vào học ở đấy. - Xin cảm ơn bà. Lara không buồn ngẩng đầu lên. - Thế là xong. - Vâng, thưa bà, - Kathy bước ra khỏi phòng giấy trong lòng băn khoăn, không biết bà chủ là người đáng yêu hay đáng ghét. Hồi cô mới vào làm ở Hãng Cameron, cô đã được người ta doạ về tính tình của bà chủ. Bà ta là thứ người đúc bằng sắt, chạy bằng dây cót, giống như chiếc đồng hồ bấm giây. Cô không sống nổi với bà ta đâu! Kathy nhớ lại lần đầu tiên gặp bà chủ, trong cuộc tuyển chọn. Cô đã thấy ảnh Lara Cameron in trên hàng chục tờ báo và tạp chí nhưng không tấm ảnh nào phản ánh đúng con người bà. Lúc gặp, cô mới thấy Lara Cameron đẹp khủng khiếp. Câu đầu tiên bà nói là “Cô ngồi xuống, Kathy!”. Bà đã đọc bản khai lý lịch, trình độ của Kathy và bây giờ giọng bà sao lạnh lùng và quan cách đến thế. Kathy thấy rõ ngay đây là một phụ nữ đầy nghị lực và có ý chí phi thường. - Đây là bản khai đầy đủ? - Cảm ơn bà. - Trong này bao nhiêu phần trăm là sự thật? - Xin lỗi, tôi chưa hiểu. - Hầu hết những giấy tờ được đặt lên cái bàn này đều là trò bịa đặt! Cô có thật sự thích làm công việc ở đây không? - Tôi rất thích, thưa bà Cameron. Hai thư ký của tôi vừa mới thôi việc. Công việc cô phải đảm nhiệm sẽ rất nặng đấy. Liệu cô có chịu được cách thức làm việc ở đây không? - Tôi nghĩ là chịu được. - Tôi sẽ ra lệnh và cô phải thi hành mọi mệnh lệnh đó. - Vâng, - Kathy đã cảm thấy có điều gì đó đáng ngại. - Tốt. Thời gian thử thách là một tuần. Cô sẽ phải ký vào bản cam đoan là không bao giờ đem chuyện của tôi hoặc của hãng ra kể với bất cứ ai. Có nghĩa là cô không được trả lời báo chí phỏng vấn, không được cung cấp tư liệu cho ai viết sách. Mọi chuyện xảy ra ở đây đều tuyệt đối bí mật, chỉ tôi và cô được biết mà thôi. - Tôi hiểu. - Tốt lắm! Từ đó đến nay đã năm năm. Suốt năm năm đó Kathy đã trải qua đủ thứ tâm trạng: yêu, ghét, thán phục và khinh bỉ bà chủ. Hồi đầu, chồng cô hỏi: - Người ta đồn có đúng không? Câu hỏi đó thật khó trả lời. - Bà ấy lớn lao hơn cuộc đời. - Kathy trả lời chồng. - Bà ấy đẹp khủng khiếp. Làm việc nhiều hơn bất cứ ai khác mà em biết. Có trời mới biết bà ấy ngủ vào lúc nào. Cầu toàn, đến mức mọi người xung quanh đều khốn khổ vì những đòi hỏi. Về mặt nào đấy, đó là một thiên tài. Đôi khi bà ấy cũng nhỏ nhen, để bụng đôi khi lại vô cùng hào hiệp… Chồng Kathy đã phải bật cười: - Nói cách khác, bà Cameron vẫn là một phụ nữ. Hôm ấy Kathy nhìn chồng và không cười, cô đã nói tiếp: - Em cũng không biết nhận định về bà chủ ra sao nữa. Đôi lúc em thấy sờ sợ bà ta. - Không sao đâu, em yêu. Em quá lo đấy thôi. - Không phải đâu. Mà em có cảm giác nếu ai cản chân Lara Cameron, bà ấy dám giết người đó lắm! Khi Lara xong việc đánh Fax và gọi điện thoại ra nước ngoài, nàng cho đòi Charlie Hunter, một chàng trai đầy tham vọng, phụ trách kế toán. - Charlie, anh vào đây! - Vâng, thưa bà Cameron. Một phút sau, Hungter đã có mặt trong phòng giấy bà chủ. - Có tôi, thưa bà Cameron? - Tôi đã đọc những câu trả lời phỏng vấn của anh trên số báo New York Times sáng nay, - Lara nói. Mặt chàng trai rạng rỡ hẳn lên. - Ôi, vậy mà tôi chưa được đọc. Bà thấy sao ạ? - Anh kể với họ về hãng Cameron và về những khó khăn chúng ta phải đương đầu. Hunter cau mày: - Thưa bà, nếu thế tức là ông nhà báo đã hiểu sai những câu tôi trả lời ông ta… - Anh đã bị thải hồi! - Sao ạ? Tại sao ạ? Tôi… - Lúc tôi tuyển anh vào đây, anh đã ký bản cam đoan không trả lời bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Sáng nay tôi thấy anh đã bị vi phạm lời cam đoan đó. - Tôi… Bà không thể làm như thế được, thưa bà Cameron. Chưa có ai thế chân tôi. Tôi đã lo chuyện đó rồi, - Lara nói. * * * * * Bữa ăn trưa đã gần kết thúc. Phóng viên của tờ Fortune là Hugh Thompson, một người đàn ông vẻ mặt rất trí thức, có cặp mắt mầu nâu sắc sảo đằng sau cặp kính râm gọng sừng. - Bữa ăn ngon quá, thưa bà Cameron, - ông ta nói - Toàn món ăn tôi thích cả. Cảm ơn bà. - Tôi vui mừng thấy ông hài lòng. - Lẽ ra bà không nên quan tâm đến tôi qua nhiều như vậy. - Ông đừng ngai, - Lara mỉm cười. - Cha tôi ngày xưa thường nói rằng con đường đi đến trái tim người đàn ông là thông qua dạ dày họ. - Và bà muốn chinh phục trái tim tôi trước khi bước vào cuộc phỏng vấn hay sao, thưa bà Cameron? - Đúng thế, - Lara mỉm cười đáp. - Hãng của bà đang gặp nhiều khó khăn lắm phải không? - Xin lỗi, tôi chưa hiểu câu hỏi, - nụ cười trên môi Lara vụt tắt. - Chuyện đó bà không thể giấu được. Người ta đồn một số tài sản của bà đang có nguy cơ bị tan biến do kinh phí của chúng đều từ những trái phiếu ít giá trị. Và nếu thị trường chứng khoán tức sụp đổ. Lara bật cười: - Đấy là ông căn cứ vào những miệng lưỡi ác độc. Nhưng xin ông hãy tin lời tôi nói, ông Thompson. Tôi sẽ đưa ông xem thứ này. Bản sao danh sách các nhà tài phiệt tham gia đầu tư trực tiếp vào những công trình xây dựng của tôi. Được chưa nào? - Tốt lắm. Nhân đây xin hỏi bà một câu, tại sao tôi không thấy chồng bà có mặt trong buổi khai trương khách sạn mới của bà hôm trước! Lara thở dài: - Phillip chồng tôi rất muốn có mặt nhưng ông ấy đang ở xa, trong chuyến đi biễu diễn nước ngoài. - Trước đây ba năm tôi có xem một buổi biểu diễn của ông nhà Đúng là tuyệt vời. Hình như ông bà đã cưới nhau được một năm rồi phải không nhỉ? - Vâng. Một năm qua là năm hạnh phúc nhất của đời tôi. Tôi quả là người phụ nữ diễm phúc. Tuy vậy, tôi luôn luôn trên đường, chồng tôi cũng vậy. Nhưng mỗi khi xa nhau, tôi có thể nghe băng những buổi biểu diễn của Philip, bất kể ở đâu. Thompson mỉm cười: - Và ông nhà cũng có thể nhìn thấy những toà nhà bà xây dựng, bất kể ở đâu. Lara bật cười: - Ông quá khen. - Đúng quá rồi còn gì? Bà đã xây dựng trên khắp nước Mỹ. Bà sở hữu bao nhiêu cư xá, nhà cho các văn phòng doanh nghiệp thuê, và cả một mạng lưới khách sạn… Bà làm cách nào mà thành công như thế, thưa bà Cameron? Nàng mỉm cười. - Bằng cách loè thiên hạ. - Bà là con người bí hiểm. - Thật ư? Tại sao ông nói thế? - Lúc này đây, rõ ràng bà là nhà kinh doanh xây dựng thành đạt nhất ở New york. Điều đó không ai có thể chối cãi. Tên bà được đắp nổi trên một nửa số bất động sản trong thành phố này. Bà lại đang xây toà cao ốc cao nhất thế giới. Các địch thủ của bà gọi là “ Người sắt”. Bà đã tỏ ra xuất sắc trong một lĩnh vực xưa nay vẫn được quan niệm là của nam giới. - Điều đó làm ông bất bình ư, ông Thompson? - Không. Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn là cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu nổi bà thuộc loại người nào. Hễ tôi hỏi hai người xem họ nghĩ gì về bà thì đều nhận được ba nhận định khác nhau. Mọi người đều thừa nhận bà là nhà doanh nghiệp lớn, một nhà doanh nghiệp tài tình. Ý tôi muốn nói… Bà không phải người nhà trời, vậy mà bà thành đạt đến mức khủng khiếp. Tôi biết đám chủ, thợ trong các đội xây dựng của bà. Họ đều là những người đàn ông dữ dằn. Vậy bà làm cách nào điều khiển được họ? Lara cười! - Đúng là không có người phụ nữ nào giống tôi. Nói vậy thôi, thật ra bí quyết của tôi rất đơn giản, tôi thuê những người giỏi nhất và trả công họ ở mức cao nhất có thể. Quá đơn giản hoá vấn đề! Thompson thầm nghĩ. Quá đơn giản hoá. Thật ra bà ta chưa chịu lộ sự thật ra với mình. Ông định chuyển hướng cuộc phỏng vấn. - Mọi báo chí đều viết về nhưng thành công trong kinh doanh của bà. Riêng tôi muốn đi một chút vào đời tư. Chưa ai viết gì về lai lịch của bà, thưa bà Cameron. - Tôi rất tự hào về lại lịch của tôi. Tốt lắm. Vậy xin bà kể cho nghe đôi chút. Do đâu mà bà đi vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản? Lara mỉm cười và người phóng viên thấy nụ cười nàng hiền lành như của một cô bé con. - Do túng bấn. - Bà túng bấn? - Cha tôi, - nàng chỉ lên tấm chân dung treo trên tbức tường sau lưng. Đó là hình một người đàn ông dáng quý tộc, đầu to và tóc bạc. - Đó là cha tôi, ông James Hugh Cameron, - giọng nàng trở nên trìu mến. - Chính cha tôi là nguyên nhân những thành đạt của tôi hôm nay. Cha tôi chỉ có mình tôi. Mẹ tôi qua đời từ khi tôi còn nhỏ xíu, cha tôi đã nuôi dạy tôi khôn lớn. Cha mẹ tôi gốc ở Scotland bên Anh, di cư sang vùng Nova Scotia bên Mỹ này từ rất lâu rồi và sống tại thị trấn Glace Bay. - Glace Bay? - Một thị trấn chài lưới ở Đông Bắc Mũi Breton, trên bờ Đại Tây Dương. Những người thám hiểm Pháp đầu tiên đặt chân lên đã đặt cái tên đó, có nghĩa là “vũng băng”. Ông dùng thêm cà phê nữa? - Không cảm ơn bà. - Ông nội tôi có một trang ấp lớn ở Scotland. Cha tôi sau đấy còn tậu được thêm nhiều đất đai nữa. Người rất giàu. Hiện nay chúng tôi vẫn còn toà lâu đài riêng của gia đình gần thị trấn Loch Morlich. Năm tôi lên tám, tôi đã có ngựa riêng để cưỡi. Áo quần của tôi đều được mua tại London. Cha mẹ tôi sống trong ngôi nhà nguy nga và có rất nhiều người hậu hạ. Đúng như một câu chuyện cổ tích cho đám trẻ nhỏ. - Giọng nàng trầm xuống do hồi tưởng lại quá khứ xa xăm. - Mùa đông chúng tôi trượt băng và đi xem đấu hockey trên băng. Mùa hè chúng tôi bơi trên hồ Glace Bay. Luôn có vũ hội trong các phiên chợ và trong những khu vườn kiểu Venise… Người phóng viên mải miết ghi vào sổ tay. - Cha tôi từng xây những toà nhà ở Edmonton, Calgary, ở Ontario. Cha tôi say mê việc xây dựng. Khi còn rất nhỏ tôi đã được người dạy dỗ và tôi cũng rất mê cái nghề này… Giọng nàng trở nên trìu mến, say sưa: - Ông phải hiểu cho một điều, ông Thompson. Trong việc xây cất nhà cửa, điều quan trọng không phải là tiền bạc, sắt thép, gạch đá mà là con người. Con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Tôi muốn tạo cho mọi người nơi ở dễ chịu, tiện nghi để họ tận hưởng đời sống tự do riêng tư. Cha tôi coi đấy là điều quan trọng hơn cả và tôi cũng tiếp nhận được quan niệm đó của cha tôi… Hugh thompson ngẩng đầu lên: - Bà còn nhớ ngôi nhà đầu tiên bà tiến hành xây dựng không? Lara dướn người lên: - Tất nhiên tôi nhớ. Hôm tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười tám, cha tôi hỏi tôi muốn được tặng món quà gì. Bấy giờ rất nhiều người kéo đến thị trấn Glace Bay và thị trấn trở thành đông đúc. Tôi cảm thấy rất thiếu diện tích nhà ở cho họ. Tôi bèn trả lời muốn xây một cư xá nhỏ. Cha tôi bèn tặng tôi một khoản tiền, coi là quà sinh nhật. Nhưng chỉ hai năm sau tôi đã thu lại đủ khoản đó, hoàn lại cho cha tôi. Sau đấy tôi vay tiền của một nhà băng và bắt đầu xây toà nhà thứ hai. Đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã là chủ ba toà nhà và đều do tay mình xây lên. - Chắc cụ thân sinh ra bà phải rất tự hào về con gái? Một nụ cười trìu mến lại hiện lên cặp môi nàng. - Đúng thế. Cha tôi đã đặt tên tôi là Lara, có nghĩa là “ nổi tiếng””, lừng lẫy”. Ngay từ khi tôi còn rất nhỏ ông đã luôn nói rằng sau này tôi sẽ thành người lừng lẫy. Nụ cười trên môi nàng biến mất. - Cha tôi qua đời do một cơn đau tim nặng, lúc đó ông chưa già. - Lara ngừng lại một chút. - Hàng năm tôi đều về Scotland thăm mộ cha. Tôi… tôi rất đau khổ nên không thể ở lại Glace Bay nữa. Tôi quyết định chuyển đến sống ở Chigago. Đến đó tôi nảy ý định xây một khách sạn nhỏ, có kèm dịch vụ thương mại và tôi đã thuyết phục được một chủ nhà băng cấp vốn. Toà nhà khách sạn đó đã thành công. Nàng nhún vai: - Và sau đấy, con đường cứ mở ra dần. Tôi thoáng có ý nghĩ là có thể một nhà tâm lý học nào đó sẽ nói rằng toàn bộ vương quốc bất động sản này không phải tôi tạo ra cho bản thân tôi mà chính là để hiến dâng hương hồn cha tôi. Cha tôi, James Cameron, là con người kỳ diệu nhất trong tất cả những người tôi biết. - Chắc chắn bà phải yêu quý cụ lắm. - Đúng thế. Và cha tôi cũng rất yêu tôi, - nàng thoáng nở khẽ một nụ cười. - Tôi nghe nói hôm tôi ra đời, cha tôi mời tất cả dân cư ở Glace Bay, mỗi người một ly rượu. - Ra vậy đấy, - Thompson nói - Vậy là mọi thứ bắt đầu tại Glace Bay. - Đúng thế, - Lara dịu dàng nói - Mọi thứ khởi đầu từ thị trấn Glace Bay. Cách đây đã bốn chục năm… Glace Bay, Nova Scotia 10 tháng Chín, 1952 James Cameron đang nằm trong một nhà thổ say khướt, vào đúng cái đêm vợ ông sinh đôi, một trai một gái. Ông nằm trên giường, kẹp giữa hai ả gái điếm cũng sinh đôi thì Kirstie, mụ chủ nhà chứa đập cửa thình lình. - James! - Mụ hét lên, đẩy mạnh cửa, bước vào. - Bà làm cái trò gì thế, - James giận dữ quát - Tôi đã chui vào tận trong này mà vẫn không được yên ổn sao? - Xin lỗi đã làm gián đoạn thú vui của ông, James. Nhưng bà vợ ông… - Mặc xác mụ ta, - James - Vợ ông đang đẻ… - Vậy hả? Thì cho mẹ đẻ. Đấy là chuyện đàn bà các người. - Nhưng bác sĩ gọi điện đến. Ông ta tìm hỏi mãi mới biết ông ở đây. Vợ ông đang nguy kích lắm. Ông nên đến với và ấy xem sao. James lồm cồm ngồi dậy, trườn ra khỏi giường, mắt đờ đẫn, cố tỉnh lại. - Mụ khốn kiếp. Không để cho người ta được yên nữa! - ông ngước nhìn mụ chủ chứa - Thôi được rồi. Tôi đi. - Rồi đưa mắt nhìn hai ả gái điếm loã lồ trên giường. - Nhưng tôi không trả tiền hai cô này đâu. Tôi chưa làm được gì. - Được! Ông hãy mau về nhà trọ đi đã, - mụ chủ quay sang hai ả gái điếm. - Còn hai đứa, đi theo tao. James Cameron là một người đàn ông mặt mũi trông như đã có thời là người dòng dõi cao quý, nhưng bây giờ thì sa đoạ đến mức không còn gì là tư cách nữa. Ông đã ngoài năm chục và làm quản lý một trong những nhà trọ của lão chủ ngân hàng Sean Mc Allister. Trong năm năm qua, James Cameron cùng với vợ là Peggy chia nhau một số công việc nặng nhọc tại đấy. Bà thì lau dọn nhà và nấu ăn cho hai tá khách trọ. James thì lo thức uống cho họ. Thứ sáu nào ông cũng làm nhiệm vụ đi thu tiền thuê trọ của khách ở cả bốn nhà trọ khác nữa trong thị trấn Glace Bay về nộp cho chủ là lão Mc Allister. Ngoài ra còn một việc nữa là khi nào thấy cần giải sầu là ông lại uống rượu say khướt. James Cameron hận đời. Dường như ông đã nếm đủ mọi nỗi uất hận của kẻ thất thế và không còn thấy cuộc đời có gì thú vị nữa. Năm ông mười một tuổi, gia đình ông bỏ quê hương ở Scotland bên Anh, di cư sang đây với hai bàn tay trắng và cha mẹ ông phải vật lộn vất vả với cuộc sống. Cha ông bắt con phải vào làm thợ trong mỏ than từ lúc James mới mười bốn tuổi. Năm mười sáu tuổi, ông bị tàn tật vì một tại nạn nhỏ và thôi việc. Năm sau, cha mẹ ông qua đời trong một tai nạn đường sắt. Vì vậy James thấy nỗi khổ cực của ông đâu phải do ông. Ông đổ cho Số phận ông hẩm hiu. Nhưng ông có hai ưu thế lớn. Hình dáng ông đẹp trai và khi cần ông có thể làm người xung quanh mến mộ. Trong một lần nghỉ cuối tuần ở Sydney, một thị trấn gần Glace Bay, ông gặp một cô gái Mỹ trẻ tuổi, dễ thương, tên là Peggy Maxwell. Cô đến đó nghỉ hè cùng với gia đình. Peggy không xinh đẹp gì lắm nhưng cha mẹ cô rất giầu, trong khi James đang nghèo kiết xác. James bèn chài cô gái. Và bất chấp cha mẹ phản đối, Peggy đã lấy James. - Tôi sẽ cho con Peggy một khoản hồi môn là năm ngàn đô la - bố Peggy nói với chàng rẻ - Anh hãy dùng khoản tiền đó để làm vốn làm ăn. Anh có thể đầu tư vào bất động sản và chỉ sau năm năm số tiền sẽ tăng gấp đôi. Tôi sẽ giúp anh. Nhưng James không đợi được đến năm năm. Không hỏi ý kiến ai hết, ông bỏ số tiền bố vợ cho, chung vốn với một người bạn kinh doanh dầu lửa bất hợp pháp. Sáu mươi ngày sau, công việc tan thành, mất sạch cả vốn lẫn lãi. Bố vợ ông nổi cáu, kiên quyết không chịu giúp con rể thêm lần nữa. - Anh là thằng ngu, James! Tôi không bỏ tiền ra cho thứ ngu như anh nữa! James lấy vợ định để đào mỏ ai ngờ lại đâm thành cực nhọc thêm. Bởi từ nay ông lại có thêm một cái miệng nữa phải nuôi mà ông lại đang thất nghiệp. Chính lão Sean Mc Allister đã cứu ông. Lão chủ nhà băng này tuổi đã gần sáu mươi, dáng thấp tè và béo múp míp, có một đồng hồ quả quýt vàng đeo trên sợi dây cũng bằng vàng. Lão đến sống ở thị trấn Glace Bay này cách đây hai chục năm và lập tức thấy ngay những thuận lợi ở vùng này. Thợ mỏ và dân nghèo từ khắp các nơi ùn ùn kéo đến thị trấn và không tìm ra nhà để ở. Mc Allister có thể cho họ vay tiền để xây nhà nhưng lão không làm thế. Lão thấy cách rẻ tiền hơn là xây những nhà trọ cho cho thuê. Hai năm sau lão đã có trong tay một khách sạn cùng năm nhà trọ, và tất cả đều chật ních. Rất khó tìm người quản lý các nhà trọ đó, bởi công việc của quản lý hết sức vất vả. Phải trông nom ngần ấy căn phòng, nấu ăn cho khách trọ và làm sao thu được đủ tiền của khách. Trong khi đó lão không muốn trả công cao. Vừa mới có một người quản lý đòi thôi việc, lão Mc Aliister bèn phát hiện ra James Cameron có thể làm thay. Ông thường vẫn đến nhà băng của lão vay tiền và luôn trả chậm. Lão bèn sai người đến gọi James. - Tôi có việc làm cho anh đây, - Mc Allister nói. - Ông nói thật đấy chứ? - Anh gặp may. Tôi đang có một công việc tuyệt vời, mở ra nhiều triển vọng. - Làm ở nhà băng phải không? - James Cameron hỏi, trong lòng khấp khởi mừng. Nhà băng là nơi lắm tiền, làm ở đó thế nào mà chẳng kiếm được chút gì rơi vãi. - Không - Mc Aliister nói - Anh là người có cái mã đẹp lại biết cách ăn nói. Anh nên làm công việc tiếp xúc với nhiều loại người. Tôi muốn thuê anh làm quản lý cho nhà trọ của tôi ở phố Cablehead. - Ông bảo làm quản lý nhà trọ ư? - James khó chịu hỏi. - Chứ sao nữa, - lão chủ nhà băng nói - Anh chị đang chưa có chỗ ở tử tế. bây giờ trông nom nhà trọ cho tôi, trước hết anh có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, lại thêm một khoản tiền lương nhỏ nữa. - Nhỏ là bao nhiêu? - Tôi rộng tay với anh, James. tôi trả anh hai nhăm đôla một tuần. - Hai mươi nhăm thôi à? - Tuỳ anh thôi. Nhan hay không tuỳ anh. Còn khối người muốn làm chân này. Cuối cùng James không còn sự lựa chọn nào khác. - Thôi, cũng được. - Tốt. Nhân tiện anh thu cho tôi tiền trọ của bốn nhà trọ khác của tôi và cứ sáng thứ bảy anh nộp cho tôi. Khi James kể lại với vợ, Peggy không bằng lòng: - Mình có biết công việc quản lý nhà trọ ra sao đâu, James! - Thì ta học. Hai vợ chồng sẽ cùng làm. Peggy tin lời chồng. - Cũng được, - bà nói. Và họ quản lý nhà trọ đó theo cách của họ. * * * * * Những năm sau, có nhiều dịp cho James kiếm việc làm tốt hơn, khiến ông có thể sống danh giá và nhiều tiền hơn, nhưng ông đã quá tin vào số mệnh và đâm nghi ngờ mọi thứ. Ông thường nói: - Xoay xở làm gì cho mệt. Số phận mình đã hẩm hiu, mình có làm gì thì cũng chẳng thể khá hơn được. Vào đêm tháng Chín đó, ông thầm nghĩ, Vậy là con mụ vợ khốn kiếp! Mình đã vào nhà chứa mà rồi nó cũng không để mình giải khuyây cho yên ổn. Ở nhà mụ chủ Kirstie ra, gió lạnh tháng Chín tạt vào mặt ông Lạnh quá, mình ghé vào làm chút men cho ấm đã, James nghĩ và ghé vào quán rượu Ancient Mariner. Một giờ sau ông loạng choạng đi về nhà trọ của mình trong khu New Aberdeen, khu phố nghèo khổ nhất của thị trấn Glace Bay. Lúc đến nơi, chừng gần một chục khách trọ đã đang lo lắng chờ ông. - Bác sĩ đang ở trong đó với bà nhà đấy, - một người nói - ông nhanh lên. James chệnh choạng bước vào gian phòng nhỏ của hai vợ chồng ở phía sau nhà. Ông nghe thấy bên cạnh tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Peggy vợ ông nằm bất động trên giường. Bác sĩ đang cúi xuống theo dõi bà. Thấy James bước vào, bác sĩ quay đầu ra. - Thế nào rồi? - James hỏi. Bác sĩ đứng thẳng lên, nhìn James vẻ căm giận. - Lẽ ra anh phải đưa chị ấy đến cho tôi khám từ trước chứ? - Để tốn tiền vô ích à? Chúng tôi đâu có giàu có gì? - Chị ấy tắt thở rồi. Tôi đã làm mọi cách nhưng không cứu được. Chị ấy đẻ sinh đôi. Nhưng chỉ đứa bé gái còn sống. - Lạy chúa! - James nức nở khóc. - Lại số mệnh rồi. - Anh nói cái gì? - Số mệnh! Số tôi bao giờ cũng đen đủi. Bây giờ nó lại chơi tôi một vố nữa. Nữ hộ sinh bước vào, bế đứa bé quấn kín mít trong chiếc khăn trải giường trắng. - Con anh đây, anh Cameron. Con gái anh đây. - Con gái à? Con gái thì sau này làm được cái gì? - Giọng James đã líu lại. - Tôi thấy anh thật đáng ghê tơm, - bác sĩ Duncan nói. Chị hộ sinh quay sang James. - Tôi sẽ ở lại đây cho đến ngày mai, hướng dẫn anh cách trông nom đứa bé. James Cameron nhìn đưa bé đỏ hỏn, bé xíu, bọc gần như kín mít trong tấm vải trắng, thầm nghĩ: Khéo không nó cũng chết thôi. Trong ba tuần lễ đầu tiên, không ai dám nghĩ rằng đứa bé sống nổi. Một người vú đến cho đứa trẻ bú. Và cuối cùng, một hôm, ông bác sĩ đã có thể nói: - Vậy là con gái anh sống được rồi. Xong, ông ta nhìn James Cameron rồi nói tiếp, rất khẽ: - Chúa Trời đã động lòng thương con bé. Chị vú nói: - Ông Cameron, ông phải đặt tên cho cháu chứ? - Tôi chẳng biết đặt tên cho nó hết. Chị đặt đi. - Đặt là Lara được không? Cái tên ấy nghe đẹp lắm… - Tuỳ chị. Thế là đứa trẻ có cái tên Lara. Dịch theo bản tiếng Anh “The stars shine down” Fontana book, London, 1993 - Nhà xuất bản văn học - 1997 Hết Hãy Kể Về Giấc Mơ Của Em Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 01 Ai đó đang theo dõi nàng. Nàng đã đọc nhiều về những kẻ chuyên nghề theo dõi, nhưng dường như là họ thuộc về một thế giới khác - thế giới của bạo lực. Nàng không hề hay biết ai muốn làm hại mình. Nàng cố gắng trấn tĩnh, nhưng cuối cùng cũng rơi vào giấc ngủ đầy những cơn ác mộng và mỗi buổi sáng lại giật mình thức giấc với cảm giác sợ hãi lửng trên đầu Có thể chỉ là do mình tưởng tượng ra. Ashley Patterson nghĩ. Mình đã quá vất vả rồi. Mình nên đi nghỉ một chuyến. Nàng chăm chú ngắm nhìn mình qua tấm gương để ở phòng ngủ. Trong gương in hình một người đàn bà ở độ tuổi 30, trang phục gọn gàng, tỏa ra sự sang trọng, vóc dáng mảnh mai và cặp mắt thông minh song tràn đầy vẻ ưu tư. ở nàng toát lên vẻ tao nhã ưa nhìn và một chút gì đó như là quyến rũ. Mái tóc đen mượt mà buông xõa một cách tự nhiên xuống hai bờ vai. Trông mình đáng ghét quá. Ashley nghĩ. Mình quá gầy. Có lẽ mình phải ăn mạnh nữa lên. Nàng rời tấm gương, xuống bếp chuẩn bị bữa sáng, cố ép mình quên đi những điều đáng sợ có thể xảy ra để tập trung vào món trứng ốpla. Nàng bật máy pha cà phê rồi cho một lát bánh mì vào lò nướng bằng điện. Mười phút sau,, bữa sáng đã sẵn sàng trên bàn. Ashley ngồi xuống. Nàng cầm thìa lên, nhìn đĩa đồ ăn một lúc rồi lắc đầu ngao ngán. Nỗi sợ hãi đã làm tiêu tan cảm giác thèm ăn của nàng, dù nàng đang đói đến cồn cào. Không thể tiếp tục thế này được nữa, nàng giận dữ nghĩ. Bất kể hắn là ai mình cũng không để hắn uy hiếp mình nữa. Nhất định. Ashley liếc đồng hồ. Đã đến giờ đi làm. Nàng nhìn quanh căn phòng quen thuộc như tìm kiếm sự trấn tĩnh lại. Đây là căn hộ trên tầng bốn của khu chung cư ở phố cụt Via Camino, có phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc riêng, phòng tắm, nhà bếp và cả phòng để quần áo. Nàng đã sống ở đây, Cupertino - California được ba năm. Và cho tới hai tuần trước thì nàng vẫn nghĩ đây là một tổ ấm lý tưởng. Còn bây giờ hóa ra nó đã biến thành pháo đài, nơi không ai có thể lọt vào hòng ám hại nàng. Ashley tiến ra cửa chính và kiểm tra lại ổ khóa. mình sẽ gắn thêm cái chốt vào, nàng nghĩ. Ngày mai. Sau đó nàng tắt đèn, kiểm tra cửa một lần nữa sau khi đã khóa lại rồi dùng thang máy đi xuống tầng hầm để xe. Gara vắng lặng, khoảng cách từ cửa thang máy đến chiếc xe con của nàng là 20 feet. Nàng cẩn thận nhìn quanh, rồi chạy vụt ra xe, chui vào trong và đóng sấm cửa lại, tim đập thình thịch. Nàng lái xe vào trung tâm thành phố dưới bầu trời xám xịt, ảm đảm như báo trước những điềm gở sắp xảy ra. Dự báo thời tiết nói là sẽ có mưa. Nhưng rồi sẽ không mưa đâu, Ashley nghĩ. mặt trời sẽ xuất hiện thôi. Tôi đánh cuộc vớí ngài đấy Thượng đế ạ. Nếu không có mưa thì tức là mọi việc vẫn ổn cả và chuyện đó chỉ là tôi tưởng tượng ra mà thôi. * * * * * Mươi phút sau, Ashley Patterson lái xe đến khu trung tâm Cupertino. Cho tới bây giờ nàng vẫn chưa hết ngạc nhiên về điều kì diệu đã xảy ra với cái thị trấn im lìm nhỏ nhoi ở vùng Santa ClaraValley này. Cách San Francisco 50 dặm về hướng Bắc, đây là nơi cuộc cách mạng tin học nổ ra và nó rất xứng đáng với cái biệt danh Silicon Valley nổi tiếng thế giới. Ashley làm việc tại Công ty Global Computer Graphic, một công ty mới ra đời nhưng đã khá thành công với khoảng 200 nhân viên. Lúc Ashley rẽ vào đường Silverado, nàng có cảm giác hắn đang ở đằng sau nàng, đang theo dõi nàng. Nhưng hắn là ai ? Và tại sao ? Nàng nhìn vào kính chiếu hậu. Tất cả đều vẫn có vẻ bình thường. Nhưng bản năng lại mách bảo nàng khác. Tòa nhà của Global Computer Graphic được xây cất theo kiểu hiện đại và lộng lẫy đã ở trước mặt nàng. Ngoặt vào khu bãi đậu, cho người bảo vệ xem tấm thẻ nhận dạng, nàng đưa xe vào chỗ đỗ của mình. Tại đây nàng thấy an toàn hơn. Lúc nàng ra khỏi xe thì trời đổ mưa. Chín giờ sáng, Global Computer Graphie như một cỗ máy khổng lồ đang chạy hết công suất. có đến 80 nhân viên cao cấp - song phần lớn đều trẻ tuổi - đang làm việc. Họ say sưa dựng các trang Web, tạo biểu tượng cho các công ty mới, làm bìa, tạo mẫu cho công ty đĩa hát, các nhà xuất bản, thiết kế phần minh họa cho các tạp chí khác nhau. Khu làm việc của họ được chia thành những bộ phận cơ bản: quản lý, kinh doanh, tiếp thị và hoạt động kỹ thuật. Không khí làm việc hăng say, sôi nổi một cách tự nhiên. Họ ngồi tại bàn hoặc đi lại trong các bộ trang phục thoải mái như quần Jean, áo len, váy dài, váy ngắn... Ashley vừa định ngồi vào bàn thì Shane Miller, trưởng phòng, bước tới. “Chào, Ashley”. Shane Miiier khoảng 31-32 tuổi, vạm vỡ, nghiêm chỉnh và dễ thương. Lúc đầu anh ta đã cố tán tỉnh Ashley lên giường cùng mình nhưng sau rồi lại bỏ cuộc và họ đã trở thành bạn thân. Shane đưa cho Ashley cuốn tạp chí Time mới nhất. “Xem chưa ?” Ashley liếc qua trang bìa. Đó là hình ảnh của một người đàn ông trạc 50 tuổi, tóc bạc, nhìn hơi đặc biệt. Ghi chú ở ngay bìa tạp chí viết “Bác sĩ Steven Patterson, Cha đẻ của.... “Tôi đọc rồi”. “Làm con của một ông bố nổi tiếng có cảm giác gì ?” “Tuyệt diệu”. Ashley cười, “Ông ấy thật vĩ đại”. “Tôi sẽ bảo bố tôi là anh nói vậy. Tôi có hẹn ăn trưa với ông”. “Được thôi. Nhân tiện...”. Shane Miller đưa cho Ashley bức ảnh của một minh tinh màn bạc sắp được dùng cho một mẫu quảng cáo của khách hàng. “Chúng ta có chút rắc rối ở đây Cô thấy đấy Desiree đã nặng thêm khoảng 5 kilô. Hãy nhìn vào quầng đen quanh mắt cô ta xem. Và dù có trang điểm đi nữa thì da cô ta trông vẫn cứ bẩn bẩn thế này đấy. Cô xem liệu có khắc phục được không ?”. Ashley lật qua lật lại tấm ảnh. “Tôi sẽ tẩy quầng đen đó đi. Tôi cũng sẽ cố bóp cho mặt cô ta gầy bớt đi. Nhưng Không. Như vậy trông cô ta sẽ rất kì quặc”: Nàng vẫn liên tục lật tấm ảnh. Còn phải xem. lại vài chỗ khác nữa: “Cảm ơn. Tối thứ bẩy vẫn thế chứ ?”. “Không báo lại là không thay đổl” Shane Miller cúi đầu về phía tấm ảnh..”Không cần phải vội đâu. Tháng sau mới dùng đến nó mà”. Ashley mỉm cười. “Còn gì mới nữa không ?” * * * * * Nàng bắt tay vào việc. Ashley là một chuyên gia về lĩnh vực quảng cáo và thiết kế đồ họa, Nàng tạo nền, tạo mẫu bằng các kiểu chữ và hình ảnh minh họa. Nửa giờ sau, khi đang làm việc với bức ảnh cô diễn viên nọ, Ashley cảm thấy có ai đó đang nhìn mình. Nàng ngẩng lên. Đó là Dennis Tibble. “Xin chào em”. Giọng gã luôn làm nàng tức điên lên. Tibble là một tài năng lớn của Công ty. Gã nổi tiếng khắp cả khu vực với biệt hiệu “Tay hàn gắn” Tibble thường xuất hiện mỗi khi có máy tính gặp sự cố Gã khoảng trên dưới 30, gầy gù, đầu hói, nom khó ưa với vẻ ngạo mạn không giấu giếm. Nhân cách của gã chẳng ra gì và trong ngoài Công ty thì đang xì xào rằng gã đã phải lòng Ashley từ lâu. “Có cần tôi giúp không ?” “Không, cảm ơn”. “Này, sao thứ bẩy này chúng ta lại không cùng ăn tối nhỉ ?” “Cảm ơn, tôi bận rồi”. “Lại đi với sếp hả ?” Ashley ngẩng lên nhìn gã, điên tiết thật sự. “Này, không phải chuyện của...” “Tôi chẳng hiểu cô tìm thấy cái gì tốt đẹp ở anh ta. Còn tôi thì khác Tôi sẽ tặng cô những giây phút thật tuyệt diệu Chắc cô hiểu tôi muốn nói gì ?” Ashley cố gắng kiềm chế cơn giận. “Tôi có việc phải làm, Dennis”. Tibble đứng sát vào người nàng và thì thầm. “Có một chuyện em phải biết về anh đấy, em cưng. Anh sẽ không bỏ cuộc đâu. Không bao giờ”. Nàng nhìn gã bỏ đi và tự hỏi : Phải chăng là hắn ? 12giờ 30, nàng tạm rời công việc để đến nhà hàng Marghellta đi Roma dùng bữa trưa với cha nàng. Ngồi trong một góc khuất của nhà hàng đông đúc nàng nhìn Steven tiến về phía mình: Phải công nhận rằng ông rất đẹp trai. Hầu hết mọi người có mặt đều quay nhìn theo khi ông đi qua. Làm con của một ông bố nổi tiếng có cảm giác gì? Nhiều năm trước, bác sĩ Steven Patterson đã đi tiên phong trong lĩnh vực giải phẫu tim mạch. Ông được mời đến giảng dạy ở hàng trăm bệnh viện trên thế giới. Mẹ của Ashley qua đời năm nàng 12 tuổi và nàng không còn ai thân thích ngoài Steven, bố mình. “Xin lỗi vì bố đến muộn, Ashley”. Ông cúi xuống hôn nhẹ lên má nàng. “Không sao, con cũng vừa tới xong”. Ông ngồi xuống. “Con đã xem tờ Time chưa ?” “Rồi ạ. Shane đã đưa cho con”. Ông cau mày. “Shane ? Ông chủ à ?” “Không phải ông chủ. Anh ấy... anh ấy là trưởng phòng của con”. “Đừng bao giờ lẫn lộn giữa công việc và giải trí, Ashley. Không phải là bạn bè bình thường, phải không ? Con sai rồi đấy”. “Bố, chúng con chỉ là...” Người bồi bàn đi đến. “Mời hai vị xem thực đơn”. Bác sĩ Patterson quay lại, vẻ cáu kỉnh. “Anh không thấy chúng tôi đang nói chuyện à ? Bao giờ tôi gọi hãy đến”. “Tồi... tôi xin lỗi”. Anh ta vội vã rời đi. Ashley hơi cúi xuống vì xấu hổ. Nàng đã quên mất là bố mình rất hay cáu bẳn. Đã có lần ông đánh một bác sĩ thực tập trong một ca phẫu thuật chỉ vì chút xíu sơ suất...Nàng chợt nhớ đến những vụ cãi vã dữ dội giữa bố và mẹ hồi nàng còn nhỏ. Họ đã làm nàng khiếp đảm. Bố mẹ nàng luôn tranh giành nhau yề một cái gì đó mà nàng, dù cố gắng hết sức cũng không thể nhớ ra. Nó đã biến khỏi đầu óc nàng. Bố nàng lại tiếp tục, như thể cuộc nói chuyện chưa hề bị ngắt quãng. “Đến đâu rồi nhỉ ? À, ở chổ giao du với Shane, Miller là một lỗi lầm. Một lỗi lầm nghiêm trọng Những lời của ông đã đưa nàng về một quá khứ buồn bã. Nàng có thể nghe thấy giọng bố gay gắt. “Giao du với Jim Cleary là một lỗi lầm. Một lỗi lầm nghiêm trọng... Ashley, năm 18 tuổi, sống tại Bedford, Pennsyl - vanỉa, nơi nàng ra đời. Còn Jún Cleary lúc đó là chàng trai nổi tiếng nhất khu vực trường Trung học Bedford. Anh ta là thành viên đội bóng đá, đẹp trai, vui nhộn và có nụ cười đầy quyến rũ. Ashley cảm tưởng như tất cả lũ con gái trong trường đều muốn ngủ với Jim. Và đa số bọn nó đã làm vậy. Nàng nghĩ với vẻ ghê tởm. Khi Jim Cleary bắt đầu rủ Ashley đi chơi, nàng đá quyết định sẽ không lên giường với anh ta. Nàng biết tỏng rằng anh ta chỉ muốn làm tình với nàng. Nhưng rồi thời gian trôi qua, nàng đã thay đổi ý định. Nàng cũng thích chuyện đó còn Jim thì lại ngày càng tỏ ra đứng đắn, thành thật hơn trong quan hệ với nàng. Mùa đông năm đó lớp lớn trong trường tổ chức đi trượt tuyết vào cuối tuần trên núi. Jim Cleary rất mê môn thể thao này. “Chúng ta sẽ có những giây phút tuyệt vời”. Jim quả quyết. “Em không đi đâu”. Ashley ngúng nguẩy. Jim nhìn nàng sửng sốt. “Tại sao ?” “Em ghét mùa đông. Ngón tay em sẽ bị tê cứng, dù có đi găng”. “Nhưng sẽ rất vui vẻ để...” “Em không đì mà”. Nàng dằn dỗi. Và Jim đã ở lại Bedford theo nàng. Hai người cùng chia sẻ nhưng suy nghĩ, những sở thích của nhau và họ luôn cảm thấy vui vẻ khi ở bên nhau. Khi Jim Cleary hỏi Ashley, “Có người hỏi anh một câu rất dớ dẩn, rằng có phải em là người yêu của anh không ? Anh trả lời sao bây giờ ?”. Thì nàng đã mỉm cười. “Bảo với họ rằng, phải đấy”. * * * * * Bác sĩ Patterson tỏ ra lo lắng. “Con cặp kè với thằng Cleary hơi nhiều đấy” “Bố, anh ấy rất đứng đắn, con yêu anh ấy”. “Làm sao con yêu nó được. Nó chỉ là thằng cầu thủ chết tiệt thôi. Bố sẽ không để con lấy bọn vai u thịt bắp đâu. Nó không đủ tử tế với con đâu, Ashley”. Ông đã nói tương tự thế về tất cả nhưng chàng trai mà Ashley đã đi chơi cùng. Bố nàng vẫn tiếp tục gièm pha, dè bỉu Jim Cleary nhưng sự việc chỉ vỡ ra vào đêm nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp. Jim Cleary và Ashley hẹn nhau cùng tới dự buổi lễ. Khi Jim đến đón thì nàng còn đang thổn thức. “Em sao thế ? Có chuyện gì xảy ra vậy ?” “Bố... bố nó sẽ đưa em sang London. Ông đã đăng ký cho em theo học ở đó.” Jim Cleary lặng người đi, nhìn nàng. “Ông làm thế vì chuyện của chúng ta, phải không ?” Ashley gật đầu, trông rất tội nghiệp. “Khi nào em đi ?” “Ngày mai”. “Đừng, Ashley, vì Chúa, đừng để bố em chia rẽ chúng ta. Hãy nghe anh. Anh muốn cưới em. Ông chú anh đã sắp xếp cho anh một công việc rất tốt tại văn phòng quảng cáo của ông ở Chicago. Chúng ta sẽ bỏ trốn. Sáng mai mình gặp nhau ở ga. Có tàu đi Chicago lúc bẩy giờ. Em đi cùng anh chứ ?” Nàng nhìn anh một lúc lâu rồi khẽ nói : “Vâng”: Cố gắng lục lọi ký ức đến đâu Ashley cũng không thể nhớ nổi đêm vui đó diễn ra như thế nào. Nàng và Jim đã hầu như chỉ giấu mình vào một góc bàn bạc về kế hoạch trốn đi sáng hôm sau. “Tại sao chúng mình không bay đến Chicago?” Nàng hỏi. “Vì chúng mình sẽ phải khai tên thật với hãng hàng không. Nếu đi tàu hỏa thì sẽ chẳng ai biết mình là ai và đi đâu cả”. Lúc ra về Jim hỏi khẽ.”Em có muốn tạt qua chỗ anh không ? Người nhà anh đã đi nghỉ cuối tuần hết rồi”. Ashley lưỡng lự. “Jim... chúng ta đã chờ đợi bao lâu rồi... Thêm vài ngày nữa thì có sao đâu”. Em nói cũng đúng…Jim phá lên cười. “Có lẽ anh là người duy nhất trên cái nước Mỹ này cưới được một cô gái còn trinh”. Khi Jim Cleary đưa Ashley về đến nhà thì bác sĩ Patterson đã đứng chờ ở cửa. “Sao con lại về muộn quá như vậy ?”. “Cháu xin lỗi. Buổi liên hoan...” “Đừng giải thích vớ vẩn, Cleary. Anh nghĩ là anh đang gạt ai cơ chứ ?” “Cháu không...” “Từ giờ trở đi, xin anh bỏ cái bàn tay bẩn thỉu của anh ra khỏi con gái tôi, được chứ ?” “Con im ngay”. Ông quát lên. “Cleary, anh cút đi cho khuất mắt tôi”. “Thưa bác, con gái bác và cháu...” “Jim...” “Đi vào phòng ngay”. “Thưa bác...” “Nếu anh còn luẩn quẩn ở đây thì đừng trách là tôi sẽ bẻ xương anh ra đấy”. Ashley chưa bao giờ thấy bố giận dữ như vậy. Ông quát tháo cho đến khi Jim phải bỏ đi mà không nói được lời nào còn Ashley thì nước mắt đầm đìa. Mình sẽ không để bố đối xử như vậy vớt mình nữa. Ashley nghĩ một cách quả quyết. Bố đang cố phá hoại đời mình. Nàng ngồi bó gối trên giường rất lâu. Tương lai của mình là Jim. Mình muốn sống cùng anh ấy. Mình không muốn ở đây lâu hơn nữa. Nàng đứng dậy và thu dọn đồ đạc, cho vào túi. Nửa giờ sau, Ashley khẽ mở cửa sau và chạy đến nhà Jim Cleary, cách khu nhà nàng tới hơn chục cây số Mình sẽ ở đó đêm nay và sáng mai sẽ cùng Jim đáp tàu đi Chicago. Khi đến gần nhà anh, nàng nghĩ lại. Không. Thế này không được. Mình không muốn hỏng việc. Mình sẽ gặp Jim ở ga. Và nàng lặng lẽ quay về nhà. * * * * * Ashley đã thức trắng cả đêm đó để nghĩ về cuộc sống tuyệt diệu mà nàng và Jim sắp được hưởng. Năm giờ rưỡi, nàng xách túi lên và rón rén đi qua cửa phòng bố nàng vẫn đang khép chặt. Nàng ra khỏi nhà, đi xe buýt đến ga. Chưa thấy Jim đâu cả. Nàng đã đến quá sớm. Một tiếng sau mới có tàu. Nàng ngồi đợi người yêu trên chiếc ghế dài. Trong lúc chờ đợi, nàng mường tượng đến cánh bố nàng thức dậy, không thấy nàng đâu, sẽ bổ đi tìm khắp nơi. Ông nhất định sẽ tức điên lên. Mình không muốn bố kiểm soát đời mình. Một ngày kia bố sẽ hiểu Jim và sẽ thấy con gái bố hạnh phúc thế nào. 6 giờ 30... 6 giờ 40... 6 giờ 45.... 6 giờ 50... Vẫn không thấy Jim đâu. Ashley bắt đầu lo lắng. Chuyện gì đã xảy ra? Nàng quyết gọi điện đến nhà Jim. Không ai nhấc máy cả 6 giờ 55... anh ấy sẽ đến ngay thôi mà. Nàng lẩm bẩm. Nghe tiếng còi tàu ở xa, nàng nhìn xuống đồng hồ 6 giờ 59. Con tàu đang từ từ chuyển bánh. Nàng tuyệt vọng nhìn quanh. Một cái gì đó tồi tệ đã xảy ra và anh ấy. Anh ấy đã gặp tai nạn. Anh ấy đang trong bệnh viện... Vài phút sau, nàng đứng nhìn con tàu khuất bóng, chở theo cả giấc mơ của nàng trong đó. Nàng cố đợi thêm nửa giờ và gọi điện cho Jim lần cuối cùng. Không thấy gì cả. Nàng lặng lẽ lê gót về nhà. Trưa hôm đó, hai bố con Ashley đáp máy bay tới London. Nàng theo học ở thủ đô xứ sương mù được hai năm để rồi khi nhận ra mình có niềm say mê với máy tính, nàng đã đệ đơn xin học bổng MEI Wang tại Đại học California dành cho nữ giới, ngành kỹ thuật. Đơn của nàng được chấp thuận và ba năm sau đó nàng trở thành nhân viên của Công ty Global Computer Graphics. Thời gian đầu, nàng có viết dăm bẩy lá thư cho Jim Cleary nhưng rồi nàng lại đốt hết đi. Hành động và sự im lặng của Jim đã cho nàng biết tình cảm của anh ta dành cho mình như thế nào rồi. Giọng nói của bác sĩ Patterson kéo Ashley trở về với thực tế. “Con thả hồn đi đâu vậy? Con đang nghĩ gì thế!” Ashley ngắm bố qua bàn ăn. “Không ạ”. Bác sĩ Patterson vẫy tay gọi người bồi bàn, mỉm cười thân thiện và nói, “Giờ thì cho chúng tôi xem thực đơn”. Chỉ khi trở về văn phòng Ahley mới nhờ nàng đã quên không chúc mừng bố mình về việc ông được đăng lên trang bìa của tờ Time. Dennis Tibble đã chờ sẵn tại bàn làm việc của nàng. “Thấy người ta bảo cô đi ăn với ông già hả ?”. Hắn như cái máy nghe lén vậy. Hắn cứ nghĩ việc của hắn là phải biết tất cả mọi chuyện xảy ra ở đây. “Có chuyện gì ?” “Thế thì không vui lắm đâu”. Gã hạ giọng. “Tại sao cô chẳng bao giờ đi ăn với tôi ?” “Dennis... tôi đã nói rồi. Tôi không thích”. Gã cười to. “Cô sẽ thích. Rồi xem”. Có cái gì đó kỳ lạ ở gã, hình như là vẻ hăm dọa. Nàng tự hỏi một lần nữa, liệu gã có phải là. Nàng lắc đầu. Không. Nàng phải quên chuyện đó đi. Trên đường về nhà, Ashley cho xe rẽ qua hiệu sách Apple Tree. Trước khi ra khỏi xe nàng đã cẩn thận quan sát qua tấm gương chiếu hậu xem có ai theo dõi mình không. _Không ai cả. Nàng yên tâm đi vào nhà sách. Một người đàn ông trẻ mau mắn bước lại. “Tôi có thể giúp gì cho cô ?”. “Vâng. Tôi... anh có sách về những kẻ theo dõi không ?” Anh ta nhìn nàng lạ lẫm. “Theo dõi à ?”. Ashley bỗng thấy mình ngớ ngẩn. Nàng nói nhanh. “Vâng, tôi cũng cần những cuốn về... vườn tược.. và hoang thú ở châu Phi...” “Những người theo dõi, vườn tược và hoang thú ở châu Phi ?”. “Đúng vậy”. Nàng nói quả quyết. Ai mà biết được. Có thể tới ngày nào đó mình sẽ có một khu vườn và mình sẽ đi du lịch Phi châu thì sao ? Khi Ashley quay ra. xe, trời lại đổ mưa. Nước mua đập vào mặt kính, biến quãng đường trước mặt thành một bức tranh lấm tấm kỳ quái. Nàng bật cho hai cái gạt nước hoạt động. Chúng chạy qua chạy lại trên mắt kính rít lên. “Hắn sẽ được cô sẽ được cô sẽ được cô Ashley vội vàng tắt đi không cho nó hoạt động nữa. Không, nàng nghĩ. Chàng đang nói, “Không có ai, không có ai, không có ai”. Nàng bật lại cần gạt nước. “Hắn sẽ được cô… sẽ được cô sẽ được cô… Ashley đỗ xe vào gara, đến bên thang máy và nhấn nút. Hai phút sau nàng đã đứng trước căn hộ của mình. Nàng nhét chìa khóa vào ổ, xoay một vòng, mở cửa ra và chết lặng. Tất cả đèn trong nhà đều bật sáng trưng. Chương 02 Xung quanh bụi dâu Con khỉ đuổi con chồn. Con khỉ nghĩ thật là vui vẻ. Bốp ! Đi đời con chồn. Toni Prescott biết rất rõ tại sao mình lại thích hát bài đồng dao đó. Mẹ nàng thì rất ghét nó. “Thôi ngay bài hát ngớ ngẩn đó đi: Con có nghe mẹ nói không? Con không biết hát đâu”. Vâng, thưa mẹ”. Và Toni lại tiếp tục hát, hát nữa, thì thầm trong cổ họng. Đã lâu lắm rồi những ký ức của những ngày xưa đó vẫn mang lại cho nàng cảm giác kích động. Về sự thách thức, sự chống đối lại mẹ nàng. Toni Prescott rất ghét làm việc tại Công ty Global Computer Graphics. Năm nay nàng 22; sôi nổi, tinh ranh và liều lĩnh. Ở con người nàng, sự trầm tĩnh và thói bồng bột chia làm hai phần đều nhau. Nàng cớ khuôn mặt hình trái tim, cặp mắt màu nâu ranh mãnh, và một thân hình không còn cách gọi nào khác hơn là khêu gợi. Nàng sinh ra ở London và nói giống Anh đặc sệt. Nàng rất khỏe mạnh và yêu thích thể thao, đặc biệt là các môn thể thao mùa đông: trượt tuyết, trượt ván và trượt băng. Hồi còn học đại học ở London, Toni thường ăn bận rất tề chỉnh vào ban ngày nhưng khi bóng tối ập xuống nàng chỉ mặc chiếc váy ngắn cũn hoặc các bộ đồ khiêu vũ khác, chân thì luôn đi nhún nhẩy. Nàng thường dành cả buổi tối ở phòng khiêu vũ Eiectric nằm trên đại lộ Camden hoặc Subterania tại khu vực Leopard, hòa nhập với đám dân chơi West End. Giọng nàng khá hay, đầy bí ẩn và lôi cuốn. Tại một số câu lạc bộ nàng thường chơi plano và hát, được đám khách quen hoan nghênh rầm rộ. Đó là lúc nàng thấy sung sướng nhất. Và điều thường xảy ra trong các câu lạc bộ đó là. “Cô có biết cô là một ca sĩ tuyệt vời không, “Toni”?. “ Ta”. “Cô uống chút gì nhé ?” “Một ly Pimm thì tốt”. Nàng mỉm cười. “Xin được phục vụ”. Và đến đó là kết thúc. Một câu nói thầm quen thuộc sẽ vang lên bên tai. “Vậy tại sao chúng ta lại không ghé qua chỗ tôi và vui vẻ chút xíu nhỉ ?” Chuồn thôi”. Và Toni nhanh chóng rời khỏi. Nàng sẽ nằm trên giường của mình, nghĩ về đám đàn ông ngờ nghệch và việc điều khiển họ mời dễ dàng làm sao. Nàng không rõ họ có biết nàng nghĩ vậy không song họ lại muốn bị điều khiển. Họ cần bị điều khiển. Một thời gian sau, nàng chuyển từ London tới Cupertino. Lúc đầu, đó là một sự bất hạnh. Toni rất ghét Cupertino và nàng còn phải miễn cưỡng làm việc tại Global Computer Graphics. Nàng đã chán ngấy những phích cắm, những máy in, những bản sao, những mạng điều khiển rồi. Nàng thật sự nhớ cuộc sống ban đêm đầy thú vị ở London. Ở Cupertino cúng có vài hộp đêm mà nàng thường lui tới. San Jose Liye, P.J.Muligan’s hoặc Holywood Junction. Nàng hay mặc váy ngắn bó sát người, đi giầy cao gót đến cả chục phân hoặc những đôi dép đế rất dầy. Nàng trang điểm thật đậm - lông mày kẻ sẫm, lông mi giả, tô mắt tím và bôi son bóng. Dường như nàng đang cố che giấu đi vẻ đẹp của chính mình. Rất nhiều kỳ nghỉ cuối tuần, Toni một mình đi lên San Franclsco, nơi theo nàng, còn được coi là có chỗ vui chơi. Nàng tìm đến các nhà hàng hoặc câu lạc bộ có nhạc sống như Harry Denton’s, One Market và Caiifornia Café. Trong thời gian các nhạc công nghỉ ngơi, Toni thường ngồi vào đàn dương cầm và hát. Các khách hàng đều thích nghe nàng: Mỗi khi nàng định trả tiền đồ uống thì người chủ lại xua tay. “Không, đây là tôi mời cô. Cô hát tuyệt lắm. Lần sau nhớ quay lại nhé”. Mẹ có nghe thấy gì không? “Cô hát tuyệt lắm. Lần sau nhớ quay lại nhé!? * * * * * Vào một tối thứ bảy, Toni ngồi dùng bữa tại quán Pháp trong khách sạn Cliff. Ban nhạc vừa biểu diễn xong, đang rời khỏi vị trí. Người quản lý nhìn thấy Toni liền gật đầu với nàng, ý mời mọc. Toni đứng dậy và đi tới chiếc piano. Nàng đàn và hát một bài của Cole Portel. Khi nàng biểu diễn xong, tiếng vỗ tay vang rền cả căn phòng. Nàng hát thêm hai bài nữa rồi trở về bàn, tiếp tục bữa ăn của mình. Một người đàn ông trung niên hói đầu bước đến. “Xin lỗi, tôi có thể ngồi cùng bàn một lát được không ?”. Toni đang định nói “không” thì ông ta đã tiếp tục “Tôi là Norman Zimmerman. Tôi là chủ Công ty môi giới The King and I. Hi vọng tôi có cơ hội kể cho cô nghe về nó.” Toni đã đọc vài bài báo về ông ta. Đó là một thiên tài sân khấu. Ông ta ngồi xuống. “Cô cô một tài năng kì diệu, thưa cô. Và cô đang lãng phí thời gian vô ích về những chỗ như thế này. Lẽ ra cô phải biểu diễn ở Broadway”. Broadway. Mẹ có nghe thấy không ? “Tôi muốn được thử giọng cô để... “Xin lỗi, Tôi không thể”. Ông ta nhìn nàng ngạc nhiên. “Nó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cô. Tôi nghĩ là cô cũng không rõ mình thật sự tài giỏi như thế nào đâu”. “Tôi đã có việc làm rồi”. “Xin tò mò hỏi, đó là công việc gì ?” “Tôi làm cho một công ty tin học”. “Vậy để tôi cho cô rõ. Tôi sẽ trả gấp hai số lương hiện nay của cô và...” Toni ngắt lời, “Tôi vô cùng cảm kích, nhưng tôi.. tôi không thể”. Zimmerman ngả lưng ra sau và hỏi. “Cô không thích nghề biểu diễn ư”? “Rất thích là đằng khác”. “Vậy cô có điều gì vướng mắc ?” Toni lưỡng lự, sau đó thận trọng trả lời, “Có thể tôi lại sẽ bỏ giữa chừng”. “Vì chồng cô hay... ?” “Tôi chưa kết hôn”. “Tôi không hiểu. Cô nói cô rất thích biểu diễn. “Đây là một cơ hội rất tốt cho cô...”. “Xin lỗi. Tôi không giải thích nổi”. Nếu mình giải thích thì ông ta cũng chẳng hiểu. Toni đau khổ nghĩ. Sẽ không ai hiểu cả. Mình đang phải sống chung với một của nợ đáng kinh tởm. Đến trọn đời. Vài tháng sau ngày đặt, chân đến Global Com- puter Graphics, Toni bắt đầu tìm hiểu về Internet, cánh cửa rộng lớn cho nàng gặp gờ đám đàn ông. Hôm đó Toni ngồi ăn tối với Kathy Heaiy, bạn gái của nàng, đang làm việc tại một công ty tin học đối thủ ở Duke of Edinburgh. Nơi họ ngồi là một quán rượu nguyên ở bên Anh, được tháo dỡ, đóng vào container, chê sang Caiifornia và dựng lại, không thừa, không thiếu, không thay đến một chiếc đanh. Toni kêu món cá và khoai tây kiểu London, sườn nướng với dồi kiểu Yorkshire, đậu hầm nhừ và xúc xích cùng rượu vang Anh. Giữ vững truyền thống, nàng nghĩ. Mình phải nhớ cội nguồn. Toni nhìn Kathy. “Mình muốn cậu giúp mình một chuyện”. “Nói đi” “Giúp mình sử dụng lnternet”. “Toni, cái máy mà mình có thể truy cập được chỉ dùng cho công việc thôi, và điều này còn trái với quy định của công ty...”. “Vứt cái qui định đó đi. Cậu biết sử dụng Internet phải không ?” “Ừ”. Toni vỗ nhẹ lên tay Kathy Heaiy và mỉm cười. “Thế thì tốt”. Chiềc hôm sau, Toni lên phòng làm việc của Kathy Heaiy và cô bạn gái đã dẫn nàng vào thế giới kỳ diệu đó. Sau khi nháy vào biểu tượng Internet, Kathy gõ mật mã của cô và đợi một lúc, sau đó nháy đúp lên một biểu tượng khác và vào luôn mục tán gẫu. Toni sững sờ ngồi nhìn các cuộc nói chuyện diễn ra giữa mọi người trên toàn thế giới. “Mình thích cái này !” Toni nói. “Mình sẽ mua máy cho riêng mình ở nhà. Cậu sẽ giúp mình cài đặt Internet chứ ?” “Dĩ nhiên. Chuyện đó thì dễ. Cậu chỉ cần bấm chuột vào trường URL đã được qui định sẵn, và...” “Như lời một bài hát thì đừng nói với tôi, hãy cho tôi xem”. * * * * * Toni biết cách lên mạng chỉ sau một đêm và kể từ khi đó, cuộc đời nàng thay đổi hoàn toàn. Nàng không còn buồn chán nữa. Internet như tấm thảm bay đưa nàng đi khắp thế giới. Khi Toni từ công ty về nhà, nàng ngay lập tức bật máy lên và lao vào khám phá các mục tán gẫu khác nhau. Điều đó thật giản đơn. Nàng truy cập lnternet nhập vào mật mã và thế là một cửa sổ mở ra, chia màn hình thành hai phần trên và dưới. Toni gõ vào. “Xin chào. Có ai ở đó không ?”. Chữ bắt đầu hiện ra ở phần dưới của màn hình. “Bob. Tôi ở đây. Tôi đang đợi bạn”. Nàng đã sẵn sàng gặp gỡ cả thế giới. Đó là Hans ở Hà Lan. “Hãy nói về anh đi, Hans”. “Tôi là quản lý tại một câu lạc bộ nổi tiếng ở Amsterdam. Tôi thích nhẩy nhót, quậy phá lung tung, một chút. Tới lượt cô”. Toni trả lời. “Rất tuyệt. Tôi cũng thích nhẩy tôi có thể đi nhẩy thâu đêm được. Tôi sống ở một thị trấn nhỏ buồn tẻ và không có chỗ nào vui chơi, trừ vài cái hộp đêm”. “Sao buồn quá vậy ?” “Chết tiệt vậy đó”. “Tại sao cô_không để tôi giúp cơ nhỉ ? Khi nào thì mình có dịp gặp nhau.” “Cảm ơn!” Nàng ra khỏi mục tán gẫu. Đó là Paui, ở Nam Phi: “Tôi đang đợi cô quay lại đây, Toni...”. “Tôi đây. Tôi đang muốn biết về anh đấy, Paui”. “Tôi 32 tuổi. Tôi là bác sĩ ở Johannesburg. Tôi...” Toni giận dữ ngừng cuộc nói chuyện. Bác sĩ. Ký ức khủng khiếp lại tràn ngập nàng. Toni nhắm mắt lại, tim đập mạnh - Nàng hít thở thật sâu. Đêm nay thế thôi, nàng nghĩ. Và bỏ đi ngủ. Tối hôm sau, Toni quay trở lại mạng. Lần này là Sean ở Dublin. “Toni... Một cái tên đẹp”.. “Cảm ơn, Sean”. “Cô đã đến Ireland lần nào chưa ?”. “Chưa ?”. “Cô sẽ thích nó thôi. Đó là miền đất của ma quỷ hãy cho tôi biết trông cô thế nào đi, Toni.” “Tôi cược là cô rất đẹp”. “Anh thắng cược rồi. Tôi rất đẹp. Tôi rất bốc lửa và còn đang độc thân. Anh làm nghề gì vậy ?”. “Tôi làm bartender. Tôi…,” Toni lạnh lùng cắt đứt cuộc nói chuyện. Mỗi đêm với nàng lại mỗi khác. Họ là cầu thủ Polo ở Argentina, là nhà buôn ôtô ở Nhật, nhà môi giới bất động sản ở Chicago hay một kỹ thuật viên truyền hình ở New York. Internet là một trò chơi thú vị và Toni hoàn toàn bị nó lôi cuốn. Nàng có thể đến bất cứ đâu nàng muốn mà vẫn an toàn vì nàng là một người ẩn danh. Rồi có một đêm, nàng gặp Jean Claude Parent trên mục chuyện gẫu. “Bon soir. Rất vui được gặp cô, Toni”. “Tôi cũng vậy. Anh ở đâu ?”. “Quebec”. “Tôi chưa bao giờ đến Quebec cả. Liệu tôi có thích nó không nhỉ ?” Toni mong chở một chữ có trên màn hình. Nhưng thay vào đó, Jean Ciaude trả lời. “Tôi không biết. Điều đó tùy thuộc vào con người cô như thế nào ?”. Toni thấy thích thú trước câu trả lời này. “Thật không ? Để thích được Quebec thì tôi phải là loại người gì ?”. “Quebec giống khu biên giới Bắc Mỹ hồi xưa vậy Rất Pháp. Quebec là khu vực độc lập. Chúng tôi không thích bị ai điều khiển cả”. Toni gõ vào, “Tôi cũng vậy”. “Vậy thì cô sẽ thích nó. Đó là một thành phố đẹp, nằm giữa những dãy núi và rất nhiều hồ nước, là thiên đường để săn bắn và câu cá”. Nhìn những dòng chữ hiện trên màn hình, Toni có thể cảm nhận được sự nhiệt tình của Jean Claude. “Tuyệt quá!. Nhưng hãy kể về anh đi”. “Toni ? Không có gì để nói cả. Tôi năm nay 38 tuổi, còn độc thân. Tôi vừa mới chấm dứt một vụ và tôi muốn tiến tới với một người phụ nữ thích hợp. Et vous ? Cô đã kết hôn chưa ?” Toni trả lời. “Chưa. Tôi cũng đang tìm một người cho mình. Anh làm nghề gì vậy ?”. “Tôi có một cửa hàng đá quý nho nhỏ. Hi vọng cô sẽ đến thăm nó một ngày gần đây”. “Đó phải chăng là lời mời ?” “Có thể coi như vậy”. Toni gõ nhanh. “Nghe hấp dẫn quá”. Và nàng nghĩ. Mình nên tìm cách đến đó. Anh ấy có thể cứu được mình. Và cứ thế, hầu như đêm nào Toni cũng nói chuyện với Jean Ciaude Parent. Anh đã nhập và gửi ảnh cho nàng qua mạng, Toni nhận thấy đây là một người đàn ông vô cùng hấp dẫn thông minh và lịch sự. Khi Jean Ciaude nhìn thấy ảnh Toni trên mạng, anh ta viết: “Trông cô rất tuyệt, macherie. Tôi đã đoán như vậy rồi. Xin hãy đến cùng tôi”. “Nhất định”. “Sớm nhé”. “Chà chà!. Toni rời khỏi mạng”. * * * * * Tại Công ty, vào sáng hôm sau, Toni nghe Shane Miiler nói chuyện với Ashley Patterson và nghĩ, anh ta tìm thấy cái quái gì ở cô ta nhỉ? Với Toni, Ashley trông thật buồn rầu, ảm đạm, một thứ “bà cô bên chồng...”. Cô ta chẳng biết thưởng thức một trò vui nào. Toni nghĩ. Nàng chê bai tất cả những gì thuộc về Ashley. Cô ta chỉ là loại người bảo thủ, thích ngồi nhà đọc sách, xem những kênh truyền hình đại loại như Lịch sử và CNN. Cô ta không thích thể thao. Thật nhạt nhẻo. Cô ta chưa bao giờ biết đến “mục tán gẫu”. Ashley chưa bao giờ được gặp những người xa lạ qua mạng máy tính. Đồ cá ướp. Cô ta không biết mình đang đánh mất cái gì. Toni nghĩ. Nếu không có mục tán gẫu, mình sẽ chẳng bao giờ được biết Jean Claude Parent. Toni nghĩ tiếp, không hiểu mẹ nàng sẽ ghét Internet đến đâu. Nói chung là mẹ nàng ghét tất cả mọi thứ. Bà chỉ có hai cách nói chuyện là quát mắng và than van. Toni không bao giờ làm bà vừa lòng. Mày không thể làm việc gì cho tử tế được hay sao, Con ngu kia ?: Quát mắng nàng là công việc hàng ngày của bà. Toni nghĩ đến chuyện mẹ nàng đã chết trong một tai nạn khủng khiếp. Nàng vẫn còn nhớ tiếng gào thét cầu cứu của bà. Đến đây thì bỗng nhiên nàng mỉm cười: Một xu một cuộn chỉ, Một xu một cái kim. Đó là cách tiêu tiền, Bốp ! Đi đời con chồn. Chương 03 Ở một nơi khác, lúc khác, lẽ ra Aiette Peters đã là một họa sĩ thành công Những gì nàng có thể nhớ được là cuộc sống của mình tràn đầy màu sắc. Nàng có thể nhìn thấy màu, ngửi màu, thậm chí là nghe màu. Giọng của cha nàng màu xanh, đôi khi màu đỏ. Giọng của mẹ nàng màu nâu xám. Giọng của thầy giáo màu vàng. Giọng của người bán hàng màu tím. m thanh của những ngọn gió trên cây màu xanh lục. m thanh của tiếng nước chảy màu xám. Năm nay, Aiette Peters 20 tuổi. Nàng có thể rất mộc mạc giản dị nhưng cũng có thể rất lộng lẫy xa hoa tùy theo tâm trạng và cảm giác của nàng về bản thân. Vẻ đẹp của nàng không bao giờ bị coi là đơn điệu cả. Một phần ở sự hấp dẫn nơi nàng là nàng hoàn toàn ý thức được vẻ đẹp của mình. Nàng có vẻ e thẹn và dịu dàng, tính tình hiền lành thậm chí hơi cổ nữa. Aiette sinh ra ở Rome, và nàng nói giọng Ý như hát. Nàng yêu tất cả những gì thuộc về Rome. Nàng thường đứng trên đỉnh Spanish Steps và nhìn toàn cảnh thành phố, cảm thấy như nó là của mình vậy. Mỗi khi nhìn tới những ngồi đến cổ vĩ đại, nàng đều thấy mình như thuộc về kỷ nguyên đó. Nàng đã đi tản bộ ở piazza Navona, lắng nghe tiếng nước cháy”ở vòi phun nước Fountain của bốn con sông và có thể đứng hàng giờ không biết chán trong nhà thờ St.. Peters Basilica, bảo tàng Vatican và Gailery Borghese, chiêm ngưỡng các tác phẩm bất hủ của Raphael, Fra Bartolommeo, Andrea del Sarto và Pontormo. Tài năng của họ làm nàng vừa khâm phục vừa thất vọng. Nàng ao ước mình được sinh ra vào thế kỷ l6 để quen biết họ. Đối với Aiette, họ còn thực hơn những người khách quađường kia. Nàng muốn trở thành họa sĩ biết bao. Nhưng Aiette vẫn còn như nghe thấy giọng nói màu nâu xám của mẹ nàng: “Con đang lãng phí giấy bút đây. Con không có năng khiếu đó đâu. Đầu tiên, việc chuyển tới Caiifornia khiến cuộc sống của nàng bị đảo lộn. Aiette không biết làm thế nào để hòa nhập với cuộc sống ở đây, nhưng rồi Cupertino đã mang đến cho nàng một bất ngờ dễ chịu. Nàng rất thích vẻ riêng tư ở thị trấn nhỏ này, và nàng thích được làm việc cho công ty Global Computer Graphics. Không có một phòng trưng bầy nghệ thuật tầm cớ nào ở Cupertino, nhưng vào ngày nghỉ Aiette thường lái xe xuống San Francisco để ghé thăm các gailery ở đó. “Sao cậu lại thích mấy thứ đó nhỉ ?” Toni Prescott hỏi nàng. “Hãy đến P. J, Mulligans chơi bời nhẩy nhót với mình đi”. “Cậu không quan tâm đến nghệ thuật à ?” Toni cười. “Dĩ nhiên. Thế tên anh ấy là gì ?” Cuộc sống của Aiette chỉ có một khúc mắc nho nhỏ. Nàng bị mắc chứng trầm cảm, lúc nào cũng có cảm giác xa lánh, ghét bỏ người khác. Trạng thái tinh thần của nàng thay đổi thất thường, đang từ người vui vẻ hạnh phúc có thể ngay lập tức trở thành kẻ đau đớn tuyệt vọng. Nói chung là nàng không cách gì kiểm soát được tình cảm của mình… Toni là người duy. nhất mà Aiette có thể giãi bầy mọi chuyện. Và cách giải quyết tốt nhất của Tom thì luôn là : “Hãy đi vui vẻ tí chút là xong thôi mà”... Chủ đề quen thuộc của Toni là Ashley Patterson. Nàng. nhìn Shane Miller nói chuyện với Ashley. “Xem con mụ Cứt sắt kìa”. Toni khinh khỉnh nói. “Trông mới lạnh lẽo làm sao”. Aiette gật đầu. “Cô ta trông thật nghiêm nghị. Có lẽ ai đó nên dạy cho cô ta biết cười”. Toni khịt mũi. “Ai đó nên dạy cô ta làm tình thì tốt hơn”. * * * * * Cứ một tuần một lần Aiette lại tham gia vào hội cứu trợ những người vô gia cư ở San Francisco. Có một bà già, người nhỏ tí, đặc biệt thường xuyên mong chờ sự có mặt của Aiette. Bà cụ phải ngồi xe lăn và Aiette sẽ đưa bà ra bàn ăn rồi mang đến giúp bà những đĩa thức ăn nóng. Bà cụ nói vòi giọng đầy cảm kích.”Cháu yêu, nếu ta có con gái thì ta cũng muốn nó giống hệt như cháu”. Aiette nắm chặt tay bà ta. “Cảm ơn vì lời khen rất tuyệt của bà”. Thình lình một giọng nói bên trong vang lên : Nếu bà có con gái thì nó cũng sẽ giống như bà, là một con heo. Aiette rất lấy làm kinh tởm cái tiếng nói đó. Dường như có một người nào khác ẩn náu trong nàng vậy. Ác nỗi, tiếng nói quái gở này lại thường xuyên vang lên. Hôm đó, Aiette đi mua sắm cùng Betty Hardy, bạn đi lễ nhà thờ của nàng. Họ dừng lại trước một cửa hàng. Betty chăm chú ngắm cái váy đằng sau khung kính. “Có đẹp không ?” “Rất đẹp”. Aiette trả lời. Đó là chiếc váy xấu nhất mà tôi từng thấy. Chỉ thích hợp với loại ụt ịt như cô thôi. Một ngày khác, Aiette ngồi ăn tối với Ronaid, người kéo chuông nhà thờ. “Tôi thật sự thích trò chuyện với cô, Aiette. Mình hãy gặp gỡ nhau thường xuyên hơn”. Nàng cười bẽn lẽn. “Tôi cũng vậy”. Chờ đến kiếp sau nhé. Một lần nữa nàng lại thấy ghê tởm. Mình bị làm sao vậy ? Không có câu trả lời. Ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất cũng có thể làm cho Aiette nổi cơn giận dữ. Buổi sáng đi làm, khi có một chiếc xe vô tình hay cố ý vượt tắt qua mũi xe nàng, Aiette thường nghiến răng kèn kẹt, nghĩ. Tao sẽ giết mày, đồ chết giẫm. Khi người lái xe vẫy tay xin rồi Aiette lại mỉm cười thông cảm. Nhưng cơn giận xem ra thì vẫn còn đầy. Những khi bầu trời bị mây đen che phủ, Aiette lại tưởng tượng ra cảnh những con người đang đi lại dưới phố kia sẽ bị lên cơn đau tim, bị tai nạn xe cộ hoặc bị ai đó giết hại. Những cảnh đó luôn hiện ra trước mắt nàng sống động một cách kỳ lạ. Và rồi sau đó, trong lòng Aiette lại tràn ngập cảm giác hổ thẹn, hối hận. Có những ngày đẹp trời, Aiette hoàn toàn biến đổi tâm tính. Nàng tỏ ra rộng lượng và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến niềm vui của nàng là nàng biết bóng tối sẽ quay trở lại và nó sẽ nuốt chửng lấy nàng. Aiette đi lễ nhà thờ đều đặn mỗi sáng chủ nhật. Tại đây có một chương trình tự nguyện giúp đỡ những người vô gia cư, dạy giáo trình nghệ thuật bậc cao và làm trợ giáo cho các sinh viên năm đầu. Aiette nhận quản lý bọn trẻ bậc phổ thông vào ngày chủ nhật và giúp việc trong nhà trẻ. Nàng tự nguyện làm tất cả các công việc từ thiện và dành hết thời gian cho phép vào những việc đó Aiette đặc biệt yêu thích việc giảng dạy về hội họa cho bọn trẻ. Một chủ nhật, nhà thờ tổ chức hội chợ từ thiện và Aiette mang vài bức tranh đo chính nàng vẽ đến bán. Ngài mục sư Frank Selvaggio nhìn chúng với vẻ ngạc nhiên. “Thật là... thật là rực rỡ. Cô nên bán chúng ở các gailery thì hơn”. Aiette đỏ mặt vì xấu hổ. “Không, không phải thế. Tôi chỉ vẽ chơi thôi”. Người đến dự mỗi lúc một đông. Họ đi cùng gia đình, bạn bè. Các gian lều của hội chợ đã được dựng lên sẵn sàng. Mỗi gian trưng bầy một sản phẩm. Hàng chồng bánh ngọt được trang trí đẹp mắt, những chiếc khăn thêu các. họa tiết kỳ lạ, những lọ mứt nhà làm, và vô số đồ chơi trẻ con bằng gỡ... khách khứa đi hết gian này sang gian khác, lựa cái nọ, chọn cái kia, mua những thứ mà có lẽ sau đó họ sẽ chẳng bao giờ mò tới. “Nhưng dưới danh nghĩa từ thiện mà”. Aiette nghe thấy một bà vợ giải thích cho chồng như vậy. Nàng ngắm những bức tranh của mình bầy xung quanh căn lều. Hầu hết là tranh phong cảnh với màu sắc tươi sáng, rực rỡ được vẽ trên loại vải tốt. Lòng nàng lúc này lại tràn đầy ngờ vực”. Mày đang phung phí nhiều thứ vào mây bức tranh vớ vẩn đấy, con nhóc ạ? Một người đàn ông tiến đến. “Xin chào. Tất cả là do cô vẽ à ?” Giọng ông ta màu xanh thẳm. Không đồng u.Micheiangelo tạt qua và vẽ đấy. “Cô rất có năng khiếu”. “Cảm ơn”. Ông có biết thế nào là năng khiếu không ? Một cặp trẻ tuổi cũng dừng lại trước lều của nàng. “Hãy nhìn màu sắc mà xem. Anh phải mua một bức mới được. Nó thật sự là rất tuyệt đấy”. Suốt cả buổi chiều, không ít người đến mua tranh và khen ngợi tài năng của nàng. Aiette rất muốn tin họ nhưng mỗi lần như vậy tấm màn đen trong đầu nàng lại hạ xuống và nàng nghĩ, Tất cả bọn họ đều đã bị lừa.. Một nhà môi giới nghệ thuật tiến đến. “Trông chúng rất đáng yêu. Cô nên kinh doanh bằng tài năng của mình”. “Tôi chỉ là dân nghiệp dư thôi”. Aiette trả lời. Và nàng không nói gì thêm nữa. Cho đến cuối ngày, Aiette đã bán được hết chỗ tranh. Nàng gom toàn bộ số tiền thu được, nhét vào một chiếc phong bì và trao cho mục sư Frank Selvaggio. Ông ta cầm lấy và nói : “Cảm ơn cô, cô Aiette. Cô đã gửi một món quà rất có ý nghĩa cho cuộc sống của những con người đau khổ”. “Mẹ có nghe thấy gì không”?. * * * * * Hồi còn ở San Francisco, Aiette thương bỏ ra nhiều thời gian lê la ở Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại và Bảo tàng Trẻ De Young để nghiên cứu các bộ sưu tập của nền nghệ thuật Hoa Kỳ. Có vài họa sĩ trẻ đang sao chép các bức tranh trên tường. Một người trong số họ đã khiên cho Aiette phải để ý. Anh ta xấp xỉ 30, mảnh khảnh, tóc vàng hoe, gương mặt thông minh, cương nghị. Anh ta đang chép lại bức Petuniers của Georgia O Keeffe và công việc có vẻ hết sức trôi chảy. Anh ta chợt trông thấy Aiette đang nhìn mình. “Xin chào”. Giọng anh ta màu vàng chói. “Chào anh”. Aiette bẽn lẽn trả lời. Anh ta hất đầu về phía bức tranh đang sao lại “Cô nghĩ thế nào ?” “Bellissimo. Theo tôi thì rất tuyệt”. Và nàng đợi cho giọng nói bên trong mình vang lên. Chỉ là trò vớ vẩn. Nhưng không có gì cả. Nàng rất ngạc nhiên. “Thật sự là rất tuyệt”. Anh ta mỉm cười. “Cảm ơn. Tôi tên là Richard, Richard Menton.” “Aiette Peters”. “Cô có thường đến đây không ?” Richard hỏi. “Nếu có thể thì cũng thường xuyên. Tôi không còn ở San Francisco”. “Vậy cô ở đâu”? “Cupertino”. - Không - “Không phải việc của anh”, hoặc “Bộ anh muốn biết lắm sao ?” “Mà lại ở Cupertino” Có cái gì đang xẩy ra vậy. “Đó là một thị trấn nhỏ và đáng yêu”. “Tôi rất thích nó”. Không - “Cái chó gì khiến anh nghĩ là nó đáng yêu” hoặc Anh thì biết cái cóc khô gì về thị trấn đáng yêu đó” mà lại - “Tôi rất thích nó”. Anh ta đả hoàn tất công việc. “Tôi thấy đói bụng rồi. Cô dùng bữa trưa luôn với tôi nhé. Quán De Young có nhiều đồ ăn ngon lắm đấy”. Aiette hơi lưỡng lự. “Rất sẵn lòng”. Không - “Trông anh thật ngu xuẩn” hoặc “Tôi không bao giờ ăn trưa với người lạ “ mà lại - “Rất sẵn lòng”. Đây là một cảm giác rất mới lạ và nó làm Aiette vui hẳn lên. Bữa trưa đặc biệt thú vị và không có một ý nghĩ phá bĩnh nào xuất hiện trong đầu Aiette. Họ thảo luận về một số họa sĩ vĩ đạị và Aiette kể cho Richarđ nghe về sự thay đổi ở Rome. “Tôi chưa bao giờ đến Rome cả”. Anh ta nói. “Có thể một ngày nào đấy”. Và Aiette nghĩ. ở Rome cùng anh thì thú vị biết bao. Khi bữa ăn kết thúc, Richard chợt thấy người bạn cùng phòng bèn gọi luôn anh ta. “Gary, tôi không biết là cậu cũng định đến đây. Xin giới thiệu một người với cậu: Đây là Aiette Peters. Còn đây Gary King, giới thiệu với cô”. Gary cũng ở tầm tuổi Richard, mắt xanh sang và tóc dài đến vai. “Hân hạnh được gặp anh, Gary”. “Gary là bạn thân của tôi từ hồi còn trung học”. “Ư”. Tôi đã mười năm mài đũng quần cùng Richard, nên nếu có muốn nghe một số câu chuyện thú vị thì...”. “Gary, hình như cậu định đi đâu phải không ?” “Được”, Anh ta quay sang Alette. “Nhưng đừng quên lời đề nghị của tôi. Tôi sẽ gặp cô sau”. Họ cùng nhìn Gary rời khỏi. Richard nói, “Aiette...”. “Anh muốn nói gì ?” “Chúng ta sẽ gặp lại chứ ?” “Tôi cũng mong như vậy”. Rất rất nhiều. Sáng thứ hai, Aiette kể cho Toni nghe về những gì đã xảy ra với nàng. “Đừng dây dưa với bọn họa sĩ”. Toni cảnh cáo. “Cô sẽ ăn bánh vẽ đấy. Thế có định gặp lại hắn không ?” Aiette mỉm cười. “Có. Tôi nghĩ là anh ta thích tôi. Và tôi cũng thích anh ấy. Tôi thật sự thích anh ấy”. Có một sự bất đồng nho nhỏ và đã kết thúc bằng một cuộc tranh cãi dữ dội. Nguyên là mục sư Frank đang chuẩn bị nghỉ ngơi sau 40 năm phụng sự Chúa. Ông là người vô cùng tốt bụng và tận tụy với công việc chăm sóc con chiên nên toàn thể giáo đoàn đều rất buồn lòng về việc ông sắp phải ra đi. Họ đã bí mật tổ chức cuộc họp để quyết định xem sẽ tặng ông món gì làm quà chia tay. Đồng hồ... tiền bạc... một kỳ nghỉ... một bức tranh... Ông rất yêu nghệ thuật. “Tại sao chúng ta không cho người vê cảnh ông đang đứng trước nhà thờ ?” Mọi người nhìn cả vào Aiette. “Cô sẽ vẽ chứ ?” “Cũng được”. Nàng vui vẻ nhận lời. Waiter Manning là một thành viên quan trọng của giáo đoàn và là người có đóng góp nhiều nhất cho nhà thờ. Ông cũng là một doanh nghiệp thành đạt nhưng lại luôn tỏ ra ganh ghét trước thành công của người khác. Ông ta nói, “Con gái tôi là một họa sĩ giỏi. Có lẽ nên để nó vẽ thì hơn”. Ai đó gợi ý, “Vậy hãy để cả hai cùng vẽ và chúng ta sẽ chọn là một bức đẹp hơn tặng cho ngài mục sư”. Aiette đã bỏ ra năm ngày để hoàn thành bức vẽ và nó thực sự là một kiệt tác, mang theo cả tình cảm chan chứa của nàng với ngài mục sư. Chủ nhật sau đó; mọi người lại tập hợp nhau để chọn tranh. Tất cả đều đánh giá cao họa phẩm của Aiette. “Trông nó rất thật, dường như ngài mục sư có thể bước ra đây với chúng ta vậy”. “Ồ, ông ấy nhất định sẽ rất thích”. “Cô nên đưa nó vào viện bảo tàng, Aiette...”. Waiter Manning mở bức tranh của con gái ông ta ra. Đó cũng là một tác phẩm đẹp, nhưng thiếu sự sống động như bức của Aiette. “Cũng đẹp lắm”. Ai đó lịch sự lên tiếng, “nhưng tôi nghĩ bức thư của Aiette...”. “Tôi đồng ý...”. “Bức của Aiette thì...”. Waiter Manning nói to. “Mọi người nên biết chuyện này. Con tôi là họa sĩ chuyên nghiệp”, Ông ta nhìn Aiette, “chứ không phải là dân nghiệp dư. Nó đã vẽ bức tranh với tất cả tình cảm của mình. Chúng ta không thể không chọn nó”. “Nhưng, Waiter...” “Không, thua ngài. Chúng ta phải nhất trí với nhau. Hoặc là tranh của con gái tôi hoặc là không gì cả”. Aiette lên tiếng. “Tôi cũng thích bức tranh đó lắm. Hãy chọn nó làm món quà cho ngài mục sư”. Waiter Manning cười tự mãn. “Ngài mục sư nhất định sẽ thích món quà này lắm. Tối hôm đó, trên đường về, Waiter Manning bị chết trong một vu đụng xé không rõ thủ phạm. Biết tin này, Aiette rụng rời cả chân tay. Chương 04 Ashley Patterson đang tắm táp qua loa sau một ngày làm việc thì nghe, thấy tiếng động. Tiếng cửa mơ ? Hay cửa đóng ? Nàng tắt vòi nước rồi chăm chú lắng nghe, tim đập thình thịch. Hoàn toàn yên lặng. Náng đứng tần ngần một lúc rồi vội vã lau khô thân mình sũng nước và rón rén bước vào phòng ngủ. Mọi thứ vẫn bình thường. Mình lại tưởng tượng vớ vẩn rồi. Phải vào mặc quần áo đã. Nàng bước tới ngăn để đồ lót, mở ra vả lặng người đi, không tin vào mắt mình nữa. Ai đó để lục lọi chỗ này. Áo ngực và tất dài bị xếp lẫn lộn với nhau. Còn nàng thì luôn luôn đặt chúng riêng rẽ ở hai bên ngăn kéo. Bỗng nhiên Ashley thấy trong người nôn nao khó chịu. Phải chăng hắn đã lấy đồ lót của nàng để lau người hắn ? Phải chăng hắn muốn cưỡng hiếp nàng ?. Xong rồi sẽ giết nàng ? Ashley thấy khó thở quá. Nhưng nếu báo cảnh sát, họ sẽ cười vào mũi mình. Cô muốn chúng tôi điều tra vì cô nghĩ có ai đó đã lục lọi đồ lót của cô ? Một kẻ nào đó. đang theo dõi tôi. Cô đã trông thấy hắn chưa ? Chưa. Có ai đe dọa cô không? Không. Cô có biết người nào định làm hại cô không? Không. Vô dụng thôi, Ashley nghĩ một cách chán chường. Mình không báo cảnh sát được. Họ chỉ cần hỏi vài câu thôi là mình sẽ hóa như một con ngốc ngay lập tức. Nàng vội vàng mặc quần áo và bỗng muốn nhanh chóng rời khỏi đây hơn bao giờ hết. Mình phải đi thôi. Phải đến chỗ nào mà hắn không thể tìm ra mình. Nhưng dù nghĩ như thế nàng vẩn cảm thấy có cái gì đó bất ổn. Hắn biết mình sông và làm việc ở đâu Còn mình biết gì về hắn ? Không gì cả. Nàng không muốn giữ súng bên mình vì tình nàng vốn ghét bạo lực. Nhưng bây giờ mình cần phải phòng thân, Ashley nghĩ. Và nàng đi xuống bếp, chọn một con dao sắc mang vào phòng ngủ, giấu nó vào ngăn Kéo bàn trang điểm ngay cạnh giường. Mình không thể nào để lẫn đồ lót với nhau được. Nhất định là phải có chuyện gì. Hay mình đang nằm mơ. * * * * * Trong hòm thư của nàng ở hành lang tầng trệt xuất hiện một chiếc phong bì. Trên phần tên người gửi có đề “Khu trung học Bedford, Bedford, Pennsylvania”? Ashley đọc tờ giấy mới đến hai lần. HỌP LỚP SAU 10 NĂM ! Người giầu, người nghèo, ăn mày, kẻ cướp. Các người có thường tự hỏi xem bạn mình sinh sống ra sao trong vòng 10 năm qua không ? Đây là cơ hội để biết rõ điều đó. Kỳ nghỉ cuối tuần ngày 15 tháng Sáu này sẽ có một buổi gặp mặt kỳ thú. Ăn, uống, hát hò và nhẩy múa. Xin hãy đến dự. Xin gửi trước phiếu chấp nhận đính kèm dưới đây để chúng tôi biết được bạn sẽ có mặt. Mọi người đang mong chờ bạn. Trên đường đến Công ty, Ashley nghĩ về tờ giấy mời. “Mọi người đang mong chờ bạn. Tất cả trừ Jim Cleary, nàng nghĩ một cách cay đắng. Anh muốn cưới em. Óng chú anh đã sắp xếp cho anh một công việc rất tốt tại văn phòng quảng cáo của ông ấy ở Chicago... Có tàu đi Chicago lúc bảy giờ sáng. Em đi cùng anh chứ ? Và nàng nhớ lại cảm giác mòn mỏi, tuyệt vọng lúc ngồi chờ Jim tại nhà ga, khi mà nàng đã đặt hết niềm tin vào anh ta. Anh ta đã trở mặt, đã không đủ can đảm để đến nói chuyện với nàng. Thay vào đó, anh ta bỏ mặc nàng một mình lo âu, phấp phỏng. Quên cái giấy mời đi. Mình sẽ không tới đâu. Ashley ăn trưa cùng Shane Miller tại quán TGI Fridays. Họ dùng bữa trong yên lặng. “Trông cô có vẻ lo lắng ?” Shane nói. “Xin lỗi”. Ashley lưỡng lự một lát. Nàng định kể cho Shane nghe về chuyện xảy ra ở nhà, nhưng lại cảm thấy ngớ ngẩn quá. Ai đó đã lục lọi ngăn kéo của cô ư ?Thay vào đó nàng nói, “Tôi được mới đi dự buổi họp lớp trung học sau lO năm ra trường”. “Vậy cô có đi không ?”. “Dĩ nhiên là không”. Câu trả lời mạnh mẽ hơn nàng tưởng. Shane Miler nhìn nàng nghiêm nghị. “Tại sao lại không ? Sẽ rất thú vị đấy”. Jim Cleary có đến không ? Liệu anh ta đã có gia đình chưa ? Anh ta sẽ nói gì vớt mình ? “Xin lỗi vì tôi không thế đến nhà ga ? Xin lỗi vì đã nói dối là tôi muốn cưới em? “Tôi không đi đâu”. Nhưng Ashley không thể không nghĩ đến buổi họp lớp. Sẽ rất hay nếu mình được gặp vài người bạn học cũ, nàng nghĩ. Nàng chơi thân với một số rất ít trong lớp. Một trong số đó là Florence Schlffer. Không hiểu cô ấy giờ ra sao nhỉ? Và nàng cũng muốn biết thị trấn Bedford giờ có thay đổi nhiều hay không. Ashley Patterson lớn lên ở Bedford, Pennsylva- nia, tại một thị trấn nhỏ cách Pittsburg hai giờ đi xe, sâu trong vùng núi Ailegheny. Bố nàng đã từng là Giám đốc bệnh viện Memoriai hạt Bedforđ, một trong một trăm bệnh viện hàng đầu ở Mỹ. Được trải qua tuổi thơ ở Bedford thì thật tuyệt vời ở đây có rất nhiều công viên để đi dạo, có bờ sông để câu cá và các sự kiện xã hội diễn ra quanh năm. Ashley rất thích đi thăm thung lũng lớn? nơi có bộ tộc Amish sinh sống. Nàng thường đứng nhìn những cỗ xe độc mã của người Amish qua lại, mui xe được sơn sặc sở, mầu sắc tùy theo địa vị của người chủ xe trong bộ tộc. ở đây còn có những buổi hòa nhạc ngoài trời, Festivai Bí ngô diễn ra hàng năm. Ashley mỉm cười khi nghĩ đến quãng thời gian hạnh phúc nàng sống ở đó. Có thể mình sẽ quay lại, nàng nghĩ Jim Cleary sẽ không đủ can đảm xuất hiện đâu. Ashley nói cho Shane Miller quyết định của mình. “Đúng một tuần. Tôl sẽ về vào đêm chủ nhật tuần sau”. “Được”. Hãy gọi cho tôi chính xác lúc nào cô về tới. Tôi sẽ ra sân bay đón cô”. “Cảm ơn Shane”. Ăn trưa xong, Ashley trở lại bàn làm việc và bật máy tính lên. Trước sự ngạc nhiên của nàng, hàng loạt các mảng màu bắt đầu nhẩy múa trên màn hình, dần dần nhập vào nhau,tạo nên một bức ảnh. Ashley hoang mang cực độ. Đó chính là ảnh nàng. Trên góc cao của màn hình xuất hiện một bàn tay cầm con dao làm bếp. Bàn tay đó dần dần đưa xuống, quay xung quanh ảnh nàng, như rình đâm thẳng con dao vào ngực nàng. Ashley hét lên, “Không !”. Nàng tắt phụt màn hình đi. Shane Miller vội vã đến bên cành. “Ashley ! Chuyện gì vậy ?”. Nàng vẫn còn run rẩy, “Trên... màn hình...”. Shane bật màn hình lên. Trên đó là hình ảnh một cô gái đang đuổi theo quả bóng bay... Anh quay sang nhìn Ashley, ngơ ngác. “Cái gì.. ?” “Nó... nó biến mất rồi”. Nàng thì thầm. “Cái gì biến mất chứ ?”. Nàng lắc đầu. “Không có gì. Tôi cảm thấy hơi bị căng thẳng, Shane. Tôi xin lỗi”. “Tại sao cô không đến chỗ bác sĩ Speakman ?”. Ashley đã từng gặp ông ta. Đó là một nhà tâm lý học được Công ty thuê về chuyên để giải tỏa Spress cho các nhà tin học trẻ tuổi. Ông ta không hẳn là một bác sĩ y khoa nhưng ông ta cũng rất am hiểu và nhậy cảm với những diễn biến trạng thái tinh thần, tâm lý của người bệnh. Và đó thực sự la điều cần thiết nhất cho tất cả những người làm việc ở đây. “Tôi sẽ đến”. Ashley trả lời. * * * * * Bác sĩ Ben Speakman mới khoảng 50 tuổi nhưng đã trở thành một ông lão đáng kính trong cái thế giới toàn những người trẻ tuổi. Văn phòng của ông lúc nào cũng như một ốc đảo yên tĩnh, nằm ở tít phía cuối của tòa nhà. “Đêm qua tôi vừa gặp ác mộng”. Ashley lên tiếng. Nạng nhắm mắt và từ từ hồi tưởng lại. “Tôi chạy... chạy mãi trong một vườn hoa rộng mênh mông... Côn bọn chúng thì có những gương mặt kỳ lạ, kinh tởm... Chúng luôn gào thét bên tai tôi..: Nhưng tôi không thể nghe được chúng nói gì. Tôi cứ chạy, chạy mãi về một nơi vô định nào đó..: Tôi không rõ nơi đó là ở đâu hoặc là cái gì” Nàng dừng lại và mở mắt ra. “Có thể cô đang chạy trốn cái gì chăng ? Cái gì đang đuổi theo cô vậy ?”. “Tôi không biết. Tôi... tôi nghĩ là tôi đang bị theo dõi, bác sĩ Speakman. Nghe thì có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng tôi cho rằng có ai đó đang định giết tôi”. Ông nhìn nàng chằm chằm. “Ai muốn giết cô chứ ?”. “Tôi... tôi không biết”. “Cô đã nhìn thấy người theo dõi mình chưa ?”. “Chưa”. “Cô sống một mình phải không ?” “Vẫng !”. “Hiện giờ cô đang để ý đến ai ? ý tôi là về phương diện tình cảm”. “Hiện giờ thì chưa”. “Vậy là bởi vì... Tôi muốn nói là khi một người phụ nữ mà không có một người đàn ông bên cạnh thì, sự căng thẳng thần kinh hoàn toàn có thể xảy ra...”. Vậy ra ông ta muốn nói mình đang cần một... Nàng cố kiềm chế không nghĩ đến từ đó nữa. Và văng vẳng bên tai là tiếng quát của bố nàng, “Bố cấm con nói từ đó nữa. Mọi người sẽ nghĩ là con chẳng ra gì. Người tứ tế không ai nói đến cả. Con học cái kiểu nói đó ở đâu vậy? “Tôi nghĩ là cô đã làm việc quá sức đấy, cô Ashley. Theo tôi, tôi nghĩ không có gì phải lo lắng đâu chỉ hơi quá căng thẳng thôi. Cố gắng thư giãn nhiều hơn một chút. Mọi việc sẽ ổn thôi”. “Tôi sẽ cố gắng”. Shane Miller đã đứng đợi nàng bên ngoài. “Bác sĩ Speakman nói gì ?” Ashley gượng mỉm cười. “Ông ấy bảo tôi vẫn ổn. Chỉ là làm việc quá sức thôi”. “Vậy chúng ta phải làm gì đó chứ.” Shane nói. “Trước hết, sao cô không nghỉ ở nhà lấy vài ngày ?” Giọng anh tràn ngập sự quan tâm. “Cảm ơn”. Nàng nhìn Shane. Anh là một người đàn ông đáng mến. Một người bạn tốt. Anh ta không phải là hắn. Ashley nghĩ. Không thể nào. Suốt cả tuần sau đó, Ashley không nghĩ được chuyện gì khác ngoài buổi họp lớp. Không hiểu việc mình tốt đó có phải là một sai lầm không? Nếu Jim Cleary xuất hiện thì sao ? Liệu anh ta có biết đã làm khổ mình nhiều thế nào không? Liệu anh ta có quan tâm đến chuyện đó không? Liệu anh ta có còn nhớ mình không? Đêm hôm trước khi lên đường đi Bedford, nàng không tài nào ngủ được. Có lúc nàng đã định hủy chuyến bay. Mình khổ quá. Ashley nghĩ. Quá khứ thì vẫn là quá khứ thôi. Ashley ngơ ngác nhìn chiếc vé máy bay, săm soi lại nó rồi lên tiếng. “Hình như có cái gì đó lầm lẫn ở đây. Tôi đi hạng du lịch mà. Còn đây là vé hạng nhất”. “Vâng, cô đã đổi nó”. Người bán vé cười cười. Nàng sửng sốt nhìn cô ta : “Tôi á ? “Cô đã gọi điện và yêu cầu chúng tôi đổi th83;nh vé hạng nhất”. Cô ta chìa cho Ashley một mảnh giấy. “Đây là số thẻ tín dụng của cô ?”. Nàng nhìn nó và nói một cách khó khăn. “Vâng...” Nhưng nàng không hề gọi cú điện thoại đó. Ashley đến Bedford khá sớm và đăng ký phòng tại khách sạn Bedford Springs. Sáu giờ chiều buổi họp lớp mới bắt đầu nên nàng quyết định đi thăm lại thị trấn. Nàng vẫy một chiếc taxi đỗ trước cửa khách sạn. “Đi đâu thưa cô ?”. “Lòng vòng cái đã”. Trong cái nhìn của những người tha hương trở về thì quê nhà bao giờ cũng có vẻ nhỏ đi, nhưng riêng với Ashley, hình như nó lại rộng lớn hơn so với ký ức của nàng. Chiếc xe lướt qua những con phố quen thuộc, trụ sở tờ Bedford Nhật Báo, đài truyền hình WKYE và hàng tá các quán ăn cũng như phòng trưng bầy nghệ thuật. Cửa hàng thực phẩm Bedford, cung điện Clara, Bảo tàng Pháo đài Bedford, và hàng cổ Bedford... Tất cả đều vẫn nguyên vẹn. Họ vượt qua bệnh viện Memoriai, một tòa nhà ba tầng bằng gạch nhìn rất đáng yêu. Đó là nơi bố nàng đã trở nên nổi tiếng. Trong đầu nàng lại hiện về những cuộc cãi vã kinh khủng giữa bố và mẹ. Họ luôn tranh giành nhau về một thứ. Nhưng đó là thứ gì ? Nàng không nhớ nổi. * * * * * Năm giờ chiều, Ashley quay về phòng khách sạn. Nàng thay đổi quần áo đến ba lần trước khi quyết định chọn cái váy đen nền nã đơn giản. Buổi họp lớp được tổ chức tại phòng tập thể đục trường Trung học Bedfold, khi Asley bước vào nàng nhận thấy xung quanh mình tới trên trăm con người nhìn vừa quen vừa lạ. Tính cho chính xác là 120. Một số trong đó là các bạn học mà nàng dễ dàng nhận ra ngay, còn số khác thì có thay đN93;i.chút ít. Ashley đưa mắt tìm một người duy nhất : Jim Cleary. Anh ta có thay đổi nhiều không ? Anh ta có dắt vợ đi cùng không ? Mọi người đổ xô đến chỗ nàng. “Ashley,TrentWateyon đây.Trông cậu khá quá” “Cảm ơn, cậu cũng vậy, Trent”. “Xin giới thiệu vợ mình với cậu,..” “Ashley, phải cậu không ?”. “Đúng ! ờ....” “Art. Art Davies. Vẫn nhớ mình chứ ?” “Dĩ nhiên”. Nom anh ta ăn mặc tồi tàn và có vẻ ốm yếu. “Mọi việc vẫn suôn sẻ chứ, Art ?” “Ừ cậu biết đấy, mình muốn trở thành kỹ sư, nhưng rồi không thành”. “Mình xin lỗi”. “Không sao, bây giờ mình đang là thợ cơ khí”. “Ashley ! Lenny Holland đây. Chúa ơi, trông cậu xinh đẹp quá !” “Cảm ơn, Lenny”. Anh ta đã tăng cân và đeo một chiếc nhẫn kim cương ở ngón út. “Mình bây giờ buôn bán bất động sản, cũng khá lắm. Thế cậu đã kết hôn chưa ? Ashley hơi lưỡng lự. “Chưa !” “Có nhớ Nicki Brandt không ? Bọn mình đã cưới nhau. Giờ đã có hai đứa sinh đôi rồi”. “Xin chúc mừng cậu”. Trong 10 năm qua, tất cả ngần ấy con người đều đã thay đổi. Họ béo ra và gầy đi... Thành đạt và thất bại. Họ kết hôn và li hôn... Có con và không có con... Vào buổi tối hôm đó, trong bầu không khí náo nhiệt của buổi họp lớp, trong tiếng nhạc inh ỏi, Ashley đã trò chuyện với các bạn học cũ và biết thêm nhiều điều về cuộc đời họ. Tuy nhiên tâm trí nàng vẫn hướng tới Jim Cleary. Nhưng không có dấu hiệu nào của anh tất cả. Anh ta sẽ không đến nàng nghĩ. Anh ta biết mình sẽ có mặt ở đây và anh ta sợ gặp mình. Một phụ nữ đầy hấp dẫn bước tới. “Ashley ! Mình đang hi vọng sẽ được gặp cậu”. Đó là Florence Shiffer. Ashley thật sự vui mừng. Florence là một trong số vài người bạn thân nhất của Ashley hồi đó. Họ chọn một cái bàn trong góc khuất để được yên ổn chuyện trò với nhau. “Trông cậu vẫn như ngày nào, Florence”. Ashley nói. “Cậu cũng vậy. Xin lỗi vì mình đã đến muộn. Đứa nhỏ nhà mình không được khỏe. Sau lần cuối cùng gặp cậu, mình đã lấy chồng và tiếp theo là ly dị. Bây giờ mình đang hy vọng sẽ tiến tới hôn nhân cùng ông Wonderful. Thế còn cậu thì sao ? Sau buổi liên hoan tốt nghiệp là cậu biến mất hút. Mình đã nhiều lần tìm cậu nhưng mãi sau mới biết cậu đã rời khỏi thị trấn”. “Mình đi London”. Ashley trả lời. “Bố mình bắt mình học đại học ở đó. Bố con mình đi ngay sáng hôm sau đêm liên hoan”. “Mình cũng đã tìm mọi cách liên hệ với cậu. Mấy ông thám tử cứ nghĩ là mình có thể biết cậu ở đâu. Họ truy tìm cậu mãi, vì hồi đó cậu là người yêu của Jim Cleary mà”. Ashley hỏi chậm. “Thám tử à.” “Ừ”. Họ điều tra hung thủ giết người”. Ashley cảm thấy máu dồn cả lên mặt. “Cái gì? Giết người ư... ?” Fiorence ngó sững nàng. “Chúa ơi. Thế cậu không biết gì à ?” “Biết cái gì cơ ?” Ashley nói gấp. “Cậu đang nói về chuyện gì vậy ?”. “Ngay hôm sau đêm liên hoan, bố mẹ của Jim về nhà và nhìn thấy xác con trai mình. Jim bảo đảm bằng dao cho đến chết và còn bị... thiến nữa”. Dường như cả căn phòng bắt đầu xoay tròn. Ashley cố vịn tay vào mép bàn. Florence giữ chặt lấy cánh tay nàng. “Mình... mình xin lỗi, Ashley. Mình nghĩ là cậu có đọc báo và có biết... Nhưng dù sao... cậu cũng đi London rồi”. Ashley nhắm chặt hai mắt lại. Nàng thấy mình đêm đó đã trườn ra khỏi nhà và chạy đến nhà Jim Cleary. Nhưng nàng đã quay về để ra ga vào sáng hôm sau. Nếu mình đến với Jim. Ashley nghĩ một cách hoảng loạn anh ấy sẽ không chết. Vậy mà bao nhiêu năm qua mình đã ghét bỏ anh ấy. Chúa ơi!. Ai đã giết anh ấy ? Ai? Nàng như nghe thấy giọng bố mình. “Xin anh bỏ cái tánh bẩn thỉu của anh ra khỏi người con gái tôi, được chứ? .... Nêu anh còn luẩn quẩn ở đây thì đừng trách tôi se bẻ xương anh ra đấy.. Nàng gắng gượng đứng dậy. “Tha lỗi cho mình, Florence. Mình thấy không được khỏe lắm”. Và nàng lẩn vào đám đông. Những tay thám tử. Họ sẽ sờ đến bố nàng. Tại sao bố lại không kể cho mình nghe? Ashley đáp chuyến bay đầu tiên trở về Caiifornia. Nàng bỏ đi ngủ khi ngoài trời hãy còn ánh sáng. Và nàng đã gặp ác mộng. Một bóng đen đứng trong bóng tối đã quát mắng Jim, rồi đâm liên tiếp vào anh. Sau đó bóng đen từ từ bước ra ngoài sáng. Đó là bố nàng. Chương 05 Ashley sống trong trạng thái đau khổ và dằn vặt liền mấy tháng sau đó. Hình ảnh cái xác của Jim Cleary không toàn vẹn nằm bất động trong vũng máu luôn hiện ra trong đầu nàng: Nàng còn gặp bác sĩ Speakman một, hai lần nữa nhưng không đủ can đảm kể ra chuyện này với ông hoặc với bất kỳ ai. Nàng thấy mình có tội dù chỉ là nghĩ rằng cha nàng có thể đã làm chuyện đó. Ashley tự nhủ cố gắng tập trung vào công việc để xua những ý nghĩ u ám đó ra khỏi tâm trí, nhưng thực hiện được nó thật khó khăn. Nàng tuyệt vọng nhìn vào cái biểu tượng mà mình vừa làm hỏng. Shane Miller vẫn nhìn nàng vẻ quan tâm. “Cô không sao chứ, Ashley ?” Nàng cố gượng cười. ưKhông” “Tôi rất thông cảm về chuyện người bạn của cô” Nàng đã kể cho Shane nghe về Jim. “Tôi... tôi sẽ cố vượt qua chuyện này”. “Tối nay cùng đi ăn chứ ?” “Cảm ơn. Tôi... tôi nghĩ là tôi chưa đủ... Để tuần sau đi”. “Cũng được. Nếu có chuyện gì cân tơi giúp...” “Tôi hiểu. Nhưng sẽ không ai giúp được gì hết”. Toni nói với Aiette. “Cô Cứt sắt gặp rắc rối rồi. Tội nghiệp cô ta quá....Cô ta đen đủi thật”. “Thôi đi. Bộ chúng mình không có chuyện rắc rối sao, hả ?”. Chiều thứ sáu, trước kỳ nghĩ cuối tuần, Dennis Tibble chặn Ashiey lại khi nàng vừa rời khỏi Công ty, định về nhà. “Này em, anh muốn nhờ em giúp một chuyện”. “Tôi xin lỗi, Dannis. Tôi… “Thôi nào. Bình tĩnh đã tôi cố gắng nắm lấy tay nàng.. “Anh cắn lời khuyên của một phụ nữ...” “Dennis, tôi không...” “Anh đã yêu một người và anh muốn kết hôn với người đó, nhưng lại có đôi chút rắc rối. Em giúp anh chứ ?”. Ashley lưỡng lự. Nàng không ưa gì. Dennis Tabble, nhưng nàng cảm thấy nhận lời giúp gã thì cũng vô hại. Có thể chờ đến mai không ?” “Anh muốn nói chuyện với em ngay. Chuyện này rất gấp”. Ashley hít một hơi dài: “Cũng được”. “Về nhà em chứ ?” Nàng lắc đầu. “Không !” Nàng sẽ không thể đuối được gã đi. “Vậy em tạt qua chỗ anh chăng ?” Ashley hơi phân vân. “Cũng tốt”. Mình có thể đi lúc nào mình muốn. Giúp được gã vụ này thì có thể từ nay gã sẽ buông tha cho mình. Toni nói với Aiette; “Cô Cứt sắt & #273;ịnh đến nhà tên đê tiện đấy. Cậu có thấy như thế là rất ngu không ? Chàng hiểu trong đâu cô ta chứa những gì nhỉ ?”. “Cô ta chỉ định giúp hắn ta thôi. Không có gì sai...” “Nào, Aiette. Cậu vẫn còn là trẻ con à ? Hắn muốn chiếm đoạt cô ta, thì có”. “Không đâu. Hắn không dám đâu...” * * * * * Căn hộ của Dennis Tibble được trang trí theo mo đen ma quái. Trên tường treo rất nhiều quảng cáo của các bộ phim kính đi, hàng đống các manơcanh khỏa thân và các loại thú nhồi hoang dã. Một sản phẩm điêu khắc nhuốm đầy vẻ tà dâm được bầy ở chỗ trang trọng nhất của phòng khách. Đây là nơi ở của một tên biến thái, Ashley nghĩ. Nàng cảm thấy mình không thể chờ cho đến khi xong việc được. “Rất mừng là em đã chịu đến đây, em cưng. Anh vô cùng hoan nghênh. Nếu...”. “Tôi không thể ở lại lâu hơn, Dennis”. Ashley cảnh cáo gã. “Hãy kể cho tôi nghe về người yêu của anh đi”. “Cô ta quả thật rất có ý nghĩa với tôi”. Gã rút ra bao thuốc. “Làm một điều không”? “Tôi không hút thuốc”. Nàng nhìn gã châm lửa. “Vậy uống chút gì chứ?” “Tôi không muốn uống”. Gã cười phá lên. “Cô không hút cũng không uống. Thật là thú vị, phải không?. Nàng nghiêm giọng với gã, Dennis, nếu anh không...” “Đùa tí cho vui thôi mà”. Gã đi tới quầy bar và rót một li rượu vang. Uống thử chút van nài xem. Nó không cắn em đâu mà lo”. Gã trao cho nàng cái ly. Nàng nhấp một ngụm nhỏ? Hãy kể về cô ta đi”. DennisTibble ngồi xuống bên nàng. “Anh chưa bao giờ gặp một cô gái nào như thế. Trông cô ta gợi tình như em vậy, và còn… “Tôi sẽ đi nếu anh không dừng cái kiểu đùa cợt này lại”. “Đó chỉ là lời khen thôi mà. Cô ta hóa điên lên vì anh, nhưng bố mẹ cô ta lại. rất ghét anh”. Ashley không bình luận gì. “Vấn đề ở chỗ nếu anh muốn thì bọn anh sẽ kết hôn, nhưng cô ta sẽ bị gia đình ruồng bỏ. Mà gia đình họ lại đang sống rất hòa thuận. Cho nên, sau này cô ta có thể sẽ đổ lỗi lên đầu anh. Em có thấy thế là rắc rối không. Ashley uống thêm một ngụm rượu nữa. “Ư, tôi cũng...” Sau câu nói đó, cảnh vật trước mắt nàng vụt tối sầm lại. Ashley từ từ tỉnh dậy, lờ mờ hiểu rằng đã có chuyện gì vô cùng nghiêm trọng vừa xảy ra. Cảnh vật vẫn bồng bềnh trước mặt như ẩn hiện sau làn sương khói mờ ảo, chỉ thấy hình thù mà không rõ góc cạnh. Nàng cố sức mở mắt ra nhìn quanh căn phòng và bắt đầu hoảng sợ. Nàng đang nằm trên giường, trần truồng, trong một căn buồng khách sạn rẻ tiền. Nàng gượng ngồi dậy, đầu nhức như búa bỏ. Nàng hoàn toàn không biết khi nào và bằng cách nào mình lấy đến được chỗ này. Có một tờ thực đơn đặt trên cái bàn cạnh đầu giường và nàng với tay cầm lấy nó. Khách sạn Chicago Loop. Nàng đọc lại một lần nữa và sửng sốt. Mình làm cái quái gì ở Chicago nhỉ? Mình đã ở đây bao lâu rồi. Mình đến chỗ Dennis Tibble chiều thứ sáu. Hôm nay là ngày mấy ? Nàng nhấc điện thoại lên. “Quý cô cần gì ?” Khó khăn lắm Ashley mời lên tiếng được : “Hôm nay là ngày nào nhỉ?” Nàng hỏi phỏng chừng. “Hôm nay là ngày 17...” “Không. Tôi muốn nói là thứ mấy cơ ?” “Ồ, Hôm nay là thứ hai. Tôi có thể...” Ashley hoang mang lặp lại cầu trả lời. Thứ hai - Nàng đã bất tỉnh hai ngày hai đêm. Dựa lưng vào thành giường, nàng cố nhớ lại tất cả. Nàng đã đến nhà Dennis Tibble - Nàng đã uống một ly rượu… Sau đó, nàng không còn biết gì nữa. Chắc chắn gã đã bỏ gì đấy vào rượu làm nàng tạm thời mất đi trí nhớ. Nàng đã từng đọc về những loại ma túy có tác dụng như vậy. Nó được gọi là “Thuốc làm mất trí”. Có lẽ, gã đã cho nàng uống loại thuốc này pha lẫn rượu. Gã đã bịa ra chuyện muốn nghe lời khuyên của nàng để lừa nàng tới nhà gã. Và mình đã mắc bẫy như một con ngớ ngẩn. Ashley không hề có ấn tượng gì về việc mình đã ra phi trường, bay tới Chicago và đăng ký trọ tại cái khách sạn rẻ tiền này, cùng Tibble. Và tồi tệ hơn, không nhờ nồi những gì đã xảy ra trong căn phòng này. Mình phải đi ngay khỏi đây. Ashley nghĩ liều lĩnh. Nàng cảm thấy như mỗi phân vuông trên da thịt mình đều đã bị xâm phạm. Anh ta đã làm gì” Cố không nghĩ về chuyện đó, nàng ra khỏi giường, phòng tắm và mở vòi hoa sen. Nàng để cho dòng nước nóng rửa sạch. Thân thể, tẩy đi những gì tồi tệ, bấn thỉu đã bôi trát lên đó. Liệu gã có làm nàng mang bầu không nhỉ? Ý nghĩ về việc có con với gã làm nàng thấy ghê tởm. Ashley tắt vòi hoa sen, lau khô người, ra khỏi buồng tắm đi tới mở cánh cửa của chiếc tủ kề ở góc phố Quần ảo của nàng không có trong đó. Chỉ là một chiếc váy mini bằng da màu đen, một chiếc áo nịt rẻ tiền và đôi giầy cao gót. Ashley nhăn nhó khi phải mặc những thứ đổ vào người, nhưng đã hết đường chọn lựa. Nàng nhắm mắt mà mặc, sau đó ti hí mắt nhìn mình trong gương. Thật không hổ danh gái đứng đường. Ashley kiểm tra lại ví. Có 40 đô la tiền mặt. Cuốn sổ séc và thẻ tín dụng vẫn còn nguyên. Ơn Chúa! Ashley bước ra hành lang. Hoàn toàn vắng lặng. Nàng - theo thang máy xuống tầng trệt và tiến lại quầy đón tiếp, trao cho người lễ tân tấm thẻ tín dụng. “Quý cô đi hả ?” Anh ta tặng nàng cái liếc mắt đầy đểu cáng. “Cô đã có, những phút tuyệt diệu ở đây, phải không nào ?”. Ashiey nhìn trừng trửng, không hiểu anh ta nói gì và cũng không định tìm hiểu nó. Nàng rất muốn hỏi xem Dennis Tibble đã đi vào lúc nào, nhưng rồi nàng quyết định tốt nhất là nên quên chuyện này đi. Người lễ tán đặt thẻ của Ashley vào máy kiểm soát tự động. Anh ta hơi cau mày, thử lại lần nữa. Cuối cùng anh ta nói. “Tôi xin lỗi. Tấm thẻ này đã hết giá trị sử dụng”. Ashley há hốc mồm. “Không thể nào ! Có nhầm lẫn gì không ?” Anh ta nhún vai. “Cô còn cái thẻ nào khác không ?” “Không. Tôi không có. Anh có cần giấy tờ tùy thân không ?” Anh ta vươn người qua mặt quầy, nhìn từ đầu xuống chân nàng, Cái nhìn dè bỉu, giọng nói mỉa mai. “Chắc là cần, nếu cô có giấy chứng minh”. “Tôi muốn gọi điện thoại”. “Ở góc kia kìa”. * * * * * “Bệnh viện Memoriai. San Francisco đây...” “Làm ơn cho tôi gặp bác sĩ Steven Patterson”. “Vui lòng chờ một phút”. “Văn phòng bác sĩ Patterson đây”. “Sarah hả ? Ashley đây. Có bố tôi ở đó không?” “Xin lỗi, thưa cô Patterson. Bác sĩ đáng trong phòng giải phẫu và…”. Ashley ghì chặt ống nghe vào tai. “Cô có biết bao lâu thì xong không ?” “Khó nói lắm. Hình như ông ấy còn một ca tiếp theo ngay ca này”. Ashley thấy mình như phát điên lên. “Tôi cần phải nói chuyện với bố tôi. Gấp. Cô có thể chuyển lời cho bố tôi được không ? Sớm chừng nào tốt chừng ấy, bảo ông gọi ngay cho tôi”. Nàng nhìn số điện thoại gắn trên máy và đọc cho cô thư ký Sarah nghe. “Tôi sẽ đợi cho tới khi bố tôi gọi đến”. “Nhất định tôi sẽ nói với bác sĩ”. Nàng ngồi ở đó gần một giờ đồng hồ, chờ đợi tiếng chuông điện thoại. Người ra vào nhìn nàng, liếc mắt cho nàng và nàng cảm thấy mình như đang trần truồng ngồi trong gian hàng triển lãm vậy. Cuối cùng thì chuông cũng reo và nàng gần như vồ lấy điện thoại. “Ailo... “ Nàng hổn hển. “Ashley ?” Đó. chính là giọng bố nàng. “Bố, con:..”. “Có chuyện gì thế ?”. “Con đang ở Chicago và...”. “Thế con làm gì ở đó vậy ?” “Kể ra thì dài dòng lắm. Hiện giờ con cần một vé máy bay đi San Jose nhưng lại không còn một xu dính túi. Bố giúp con với”. “Dĩ nhiên. Chờ máy nhé”. Ba phút sau, bố nàng tiếp tục : “Có một chuyến bay số 407 của Hàng không Quốc gia cất cánh từ sân bay O’Hare lúc 10 giờ 40 sáng. Bố đặt vé cho con rồi, cứ đến chỗ đăng ký vé ở săn bay mà láy. Bố sẽ đón con ở sân bay San Jose và...” “Không !” Nàng không thể để ông nhìn thấy nàng trong tình trạng này được... “Để con về nhà đã”. “Cũng được. Bố con mình đã gặp nhau vào bữa tối. Lúc đó nhớ kể hết cho bố nghe”. “Cảm ơn bố. Cảm ơn”. Trên suốt chuyến bay, Ashley không dứt khỏi ý nghĩ về những việc khủng khiếp mà Dennis Tibble đã dám làm với nàng. Mình sẽ báo cảnh sát Nàng tự nhủ. Mình không thể để hắn ung dung tự tại được. Hắn đã làm thế này với bao nhiêu phụ nữ rồi ?. Về đến nhà. Ashley cảm thấy như mình đã trở về với một pháp đài bất khả xâm phạm. Nàng vội vàng cởi bỏ những thứ dơ bẩn trên người và quyết định tắm thêm một lần nữa trước khi đi gặp bố. Nàng bước vào phòng ngủ và dừng sững lại. Trước mặt nàng, trên bàn trang điểm, là một mẩu đầu lọc thuốc lá. Hai bố con ngồi ở một góc khuất trong nhà hàng The Oaks. Nàng thấy bố nhìn mình với vẻ quan tâm. Ồi, Ông hỏi. “Con làm gì ở Chicago vậy ?”. “Con... con không biết…” Ông nhíu mày khó hiểu. “Con không biết ư ?” Ashley lưỡng lự. Rồi nàng quyết định kể hết cho bố, có thể ông sẽ cho nàng vài lời khuyên. Nàng nói một cách thận trọng. “Dennis Tibble mời con đến nhà để giúp anh ta giải quyết một chuyện...”. “Dennis Tibble ?” Ông ngắt lời nàng, giận dữ. “Cái tên xảo trá lấy hả ?” Ashley thỉnh thoảng vẫn kể về các đồng nghiệp của nàng cho bố nghe. “Thế con đã giải quyết cái gì với nó?” Nàng biết ngay là mình đã phải sai lầm. Bố nàng thường hay có phán ứng dữ dội với các vấn đề của nàng. Đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến cánh đàn ông. “Nếu anh còn luẩn quẩn ở đây thì đừng trách là tôi sẽ bẻ xương anh ra đấy. “Chuyện không có gì quan trọng đâu, bố Ashley trả lời...” “Nhưng bố muốn nghe”. “Ashley im lặng một lúc, tràn đầy cảm giác lo sợ về một điềm gở được báo trước. “Con đã uống rượu ở nhà anh ta và....” Khi nói, nàng quan sát gương mặt bố và thấy nó bỗng đỏ gay đỏ gắt. Cái nhìn của ông làm nàng hoảng sợ. Nàng cố cắt ngắn câu chuyện đi. “Không”, bố nàng khăng khăng. “Bố muốn nghe tất cả”. Đêm đó, nằm trên giường, Ashley làm đủ mọi cách mà không ngủ được. Đầu óc nàng hỗn loạn cả lên. Nếu những gì Dennis Tibbe làm với mình bị, công khai ra thì thật bẽ mặt quá. Có chui xuống đất cũng không hết nhục nhã xấu hổ. Nhưng cũng không thể để hắn tái diễn chuyện này với người phụ nữ nào khác, mình phải báo cảnh sát. Bạn bè, và cả những người chỉ quen biết, đã không ít lần cảnh báo với Ashley, rằng Dennis rất thèm muốn nàng, nhưng nàng đều bỏ ngoài tai. Bây giờ nằm nghĩ lại, nàng mới nhận ra: Hắn ta ghét bất kỳ ai trò chuyện với nàng, thường xuyên mời nàng đi chơi với hắn, thường xuyên nghe trộm... Cuối cùng thì mình cũng đã biết ai là kẻ theo dõi, Ashley nghĩ. Tám giờ rưỡi sáng hôm sau, khi Ashley đang chuẩn bị đi làm thì có tiếng chuông điện thoại. Nàng cầm ống nghe lên. “Alo”... “Ashley, Shane đây. Cô đã nghe tin gì chưa ?”. “Tin gì cơ ?”. “Trên ti vi. Người ta phát hiện ra xác Dennis”. “Tibble”. Cả thế giới dường như chao đảo. “Chúa ơi! Chuyện gì đã xảy ra vậy ?” “Theo cánh sát thì ai đó đã đâm chết anh ta và sau đó, khủng khiếp quá, thiến luôn” Chương 06 Sam Blake đã không mấy khó khăn để có được cái chức đồn phó đồn cảnh sát S cupertino. Ông kết hôn với Serena Dopwling, em gái của ngài cánh sát trưởng, một người đàn bà lắm điều với cái lưỡi sắc nhọn có thể cưa đứt cả khu rừng Oregon. Sam Blake là người đàn ông duy nhất có thể chịu đựng được bà. ta. Ông ta hơi lùn, lịch thiệp, có vẻ kiểu cách, mang gương mặt của một vị thánh. Dù Serena đã không ít lần tỏ ra ngạo ngược đến không ai chịu được nổi, Sam vẫn bình tĩnh ngồi chờ vợ nguôi cơn giận rồi mới nhẹ nhàng khuyên bảo. Blake vào ngành cảnh sát vừa vì mê cái nghề này, lại vừa vì cảnh sát trưởng Matt Dowling là bạn thân nhất của ông. Họ đã trải qua thời thơ ấu cùng nhau. Black làm việc rất tận tụy. Ông có đầu óc thông minh, nhanh nhậy và một trí nhớ tuyệt vời. Hai yếu tố đã giúp ông trở thành một viên thám tử xuất sắc. Sáng hôm đó, Sam Blake và cảnh sát trưởng kiêm anh rể Dowling ngồi uống cà phê cùng nhau. Dowrling bảo. “Tôi nghe nói đêm qua em gái tôi lại quấy rầy anh hả? Chúng tôi nhận được phải đến cả tá cuộc gọi của những người hàng xóm phàn nàn về tiếng ồn trong nhà anh. Về khoản la hét thì Serena là nhà vô địch rồi”. Sam nhún vai. “Cuối cùng tới tôi cũng đã làm cho bà ấy bình tĩnh trở lại mà, Matt”. “Ơn Chúa! Là nó đã không ở cùng tôi, Sam. Không hiểu trong người nó có cái gì nửa. Nó thường xuyên lên cơn”. Cuộc nói chuyện của họ bị gián đoạn. “Thưa ông cảnh sát trưởng, chúng tôi vừa nhận được tin khẩn. Có một vụ giết người ờ đại lộ Sunnyvale.” Dowling nhìn Sam Blake. Blake gật đầu. “Tôi sẽ đến đo”. Mười lăm phút sau, dồn phó Blake đã có mặt ở căn hộ của Dennis Tibble. Viên cảnh sát tuần tra đang ngồi tại trong phòng khách nói chuyện với người quản lí khu nhà. “Cái xác đâu”?, Blake hỏi. Viên cảnh sát hất đầu về phía phòng ngủ. “Trong đó, thưa sếp”. Nom anh ta có vẻ sợ hãi. Blake bước nhanh vào và đứng sững lại, choáng váng. Một cái xác đàn ông trần truồng nằm vắt ngang giường, còn dưới sàn thì nhoe nhoét máu. Tiến lại gần hơn, ông hiểu ngay là máu đã chảy ra từ đâu. Những mảnh chai vỡ ghim đầy trên lưng nạn nhân, lại còn có cả những mảnh ly, tách vỡ. Bộ phận sinh dục đã bị cắt bỏ toàn bộ. Nhìn cảnh tượng đó, Blake bỗng như thấy một cơn đau chạy rần rần qua háng. “Làm cách nào mà một người đầu óc bình thường có thể xuống tay đến mức này nhỉ?” Ông nói oang oang. “Không có dấu vết của hung khí ư? Đã tìm kiếm kỹ lưỡng chưa?”. Blake quay ra phòng khách hỏi chuyện người quản lý tòa nhà. “Ông có biết nạn nhân không?” “Có, thưa ngài. Đây chính là căn hộ của anh ta”. “Tên anh ta là gì?” “Tibble. Dennis Tibbie”. “Anh ta sống ở đây bao lâu, rồi?” “Gần ba năn nỉ”. “Ông có thể kể chút gì về anh ta không?”. “Không nhiều lắm đâu thưa ngài. Tibble sống khá an phận, luôn trả tiền nhà đúng hạn. Có đôi lần anh ta đưa phụ nữ về nhà. Tôi nghĩ họ đều là gái điếm”. “Ông có biết anh ta làm việc ở đâu không?” “Công ty tin học Global Graphics”. “Ai phát hiện ra cải xác?” “Một trong những người giúp việc. Bà Mara. Hôm qua là ngày nghỉ nên sáng nay bà ta mới vào nhà...”. “Tôi muốn gặp bà ta”. “Vâng, để tôi đi gọi”. * * * * * Maria là một phụ nữ Brazii da đen, khoảng ngoài 40, lo lắng và sợ sệt. “Bà phát hiện ra cái xác phải không, bà Maria?” “Tôi không làm chuyện đó. Tôi xin thề”. Bà ta nói hoảng hốt. Tôi có cần gọi luật sư không?” “Không. Bà không cần luật sư. Chỉ cần kể xem bà đã thấy những gì?” “Không có gì cả. Ý tôi là sáng nay tôi vào đây để lau chùi, dọn dẹp như hàng ngày. Tôi nghĩ là anh ta đã đi làm rồi. Sáng nào anh ta cũng đi từ lúc bấy giờ. Tôi dọn dẹp phòng khách và…” “Mẹ kiếp Maria, bà có nhớ phòng khách như thế nào trước khi bà dọn dẹp nó không?” “Ông muốn hỏi cái gì cơ?”. “Bà có di chuyển đồ đạc không? Lấy cái gì đi chẳng hạn?”. “Có. Có li rượu bị vỡ ở trên sàn nhà. Nó rất bẩn. Tôi...” “Thế bà đã làm gì nó?” Ông nóng nẩy. “Tôi quẳng vào thùng rác”. “Bà còn làm gì nữa?” “Tôi lau cái gạt tàn và...”. “Thế có đầu lọc thuốc lá trong ấy không?” Bà ta dừng lại suy nghĩ. “Một cái. Tôi vứt nó vào giỏ rác trong bếp”. “Chúng ta hãy vào xem”. Ông nói rồi đứng phắt dậy, theo sau Maria, vào bếp. Bà ta chỉ cái giỏ rác. Trong đó là một mẩu đầu lọc có dính son. Sam Blake cẩn thận xúc nói lên bằng một miếng sắt nhỏ. Ông cùng Maria quay lại phòng khách. “Maria, bà có thấy vật gì bị mất trong nhà này không? Những vật giá trị chẳng hạn?”. Bà ta nhìn quanh. “Tôi nghĩ là không. Cậu Tibble chỉ thích sưu tập các bức tượng nhỏ. Cậu ta đã tốn rất nhiều tiền vào chuyện đó. Mà chúng vẫn nguyên vẹn ở đây”. Vậy động cơ không phải là cướp của, Ma túy chăng? Trả thù chăng? Hay chuyện tình ái lăng nhăng”?. “Sau khi dọn xong ở đây thì bà làm gì?” “Tôi hút bụi như mọi khi. Sau đó...” Giọng bà ta ấp úng. “Tôi đi vào phòng ngủ và..: tôi thấy cậu ta”. Bà ta nhỉ. Sam Blake, “xin thề là tôi không làm chuyện đó”. Người thanh tra cảnh sát chuyên điều tra các vụ án bất thường đã tiến vào cùng các phụ tá. Họ mang theo cả cái bao đựng xác. Ba giờ sau, Sam Blake đã có mặt trong phòng cảnh sát trưởng. “Thu thập được gì không, Sạm?”. “Không nhiều lắm”. Blake ngồi xuống, đối diện với Dowling. “Dennis Tibble làm việc ở Global. Hình như là tay khá giỏi đấy”. “Nhưng cũng không đủ làm cho anh ta khỏi bị giết”. “Không chỉ bị giết đâu, Matt. Còn bị thiến nữa. Anh nên đến xem hung thủ đã làm gì với các xác đó. Tên này có vẻ như bị điên vậy”. “Không còn gì nữa à?”. “Chúng tôi chưa rõ về hung khi lắm, phải đợi kết quả bên xét nghiệm, nhưng có lẽ là mảnh chai vỡ, theo tôi. Tôi cũng đã nói chuyện với đám hàng xóm. Chẳng giúp ích thêm được gì. Không ai thấy có người lạ nào ra vào nhà anh ta. Không có tiếng động gì bất thường. Anh ta là loại cô độc, không ưa dây dưa với xóm giềng. Còn một chuyện nữa. Tibble đã làm tình trước khi bị giết. Chúng tôi có lấy được lông âm hộ nước nhờn, một vài dấu vết khác và một mẩu đầu lọc thuốc lá có dính son môi. Chúng tôi sẽ cho thử DNA”. “Cánh báo chí sẽ vớ bẫm nhờ vụ này đây, Sam. Tôi đoán là tiêu đề sẽ như kiểu VỤ GIẾT NGƯỜI RÙNG RỢN Ở SILICON VALLEY”. Đồn trưởng Dowling thở dài. “Cố gắng phá án càng nhanh càng tốt”. “Tôi đến công ty Global Graphics bây giờ đây”. Ashley đã mất tới cả tiếng đồng hồ để quyết định có nên đến công ty hay không. Nàng hết sức bối rối. Mọi người nhìn mình và sẽ biết có chuyện không ổn. Nhưng nếu không đến thì họ sẽ lại thắc mắc ngay. Rằng vì sao? Rằng mình trốn tránh cái gì? Cảnh sát chắc sẽ đến điều tỉa về vụ này. Nếu họ hỏi mình sẽ phải nói ra sự thật. Và họ sẽ chẳng tin mình. Họ sẽ cho là mình giết Dennis Tibble. Còn nếu họ tin và nếu mình nói bố mình cũng biết những gì hắn làm với mình thì cảnh sát sẽ lại quay sang nghi ngờ bố. Nàng nghĩ đến cái chết của Jim Cleary. Bên tai nàng là giọng nói của Florence : “Bố mẹ Jim về nhà và nhìn thấy xác con trai họ. Jim bị đâm bằng dao cho đến chết và còn bị thiến nữa”. Ashley nhắm nghiền mắt lại. Chúa ơi, chuyện gì đang xảy ra vậy? Chuyện gì? Đồn phó Sam Blake bước vào khu vực sản xuất của Công ty, nơi các nhân. viên đang túm tụm lại, khẽ khàng chuyện trò với nhau. Ông dễ dàng đoán được chủ đề của câu chuyện. Ashley lo lắng nhìn theo khi ông ta tiến đến văn phòng của Shane Miller. Ashane đứng lẻn chào Blake. “Đồn phó Blake?” “Vâng!” Hai người bắt tay nhau. “Xin mời ngồi”... Sam Blake ngồi xuống ghế. “Theo tôi được biết thì Dennis Tibble là nhân viên ở đây?”. “Đúng vậy. Một trong những người khá nhất. Với chiếc máy tính trong tay, không có gì mà anh ta không làm được”. “Xin ông cho biết đôi điều về cuộc sống của anh ta”. “Tôi e là không được nhiều lắm. Tibble là loại người thích sự cô độc”. “Ông có cho là anh ta dính dáng đến ma túy không?” “Dennis? Mẹ kiếp, không. Anh ta hoàn toàn khỏe mạnh”. “Vậy anh ta có cờ bạc không? Liệu có nợ nần ai đó một khoản tiền lớn không”? “Không. Lương anh ta khá cao, chỉ hơi ăn diện một chút thôi”. “Thế còn về đàn bà! Anh ta có bạn gái không?” “Đàn bà không hấp dẫn lắm với Tibble”. Shalle nghĩ một lúc. “Mới đây, tôi nghĩ vây, anh ta có nói cho vài người ở đây là đang chuẩn bị kết hôn”. “Anh ta có nhắc đến tên vị hôn thê không?” Miller lắc đầu. “Không. Không nhắc với tôi”. “Ông vui lòng cho tôi hỏi chuyện vài nhân viên chứ”. “Thoải mái thôi. Ông cứ việc tiến hành. Nhưng tôi phải nói là tất cả bọn họ đều bị sốc đấy”. Họ sẽ còn bị sốc hơn nếu nhìn thấy cái xác của anh ta. Blake nghĩ thầm. Hai người bước ra khu sản xuất. Shane Miller cao giọng. “Xin mọi người chú ý đây là phó cảnh sát trưởng Blake. Ông muốn hỏi chúng ta vài điều”. Đám nhân viên chú ý lắng nghe. Đồn phó Blake lên tiếng. “Tôi chắc rằng tất cả mọi người ở đây đều đã biết chuyện gì xảy ra với anh Tibble. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của mọi người để tìm ra hung thủ.. Có ai biết anh ta có kẻ thù nào không? Liệu có ai căm ghét đến mức phải giết anh ta mới hả không.?” Tất cả im phăng phắc: Blake lại tiếp tục. anh ta đang định cưới vợ. Có ai biết gì về người vợ sắp cưới của anh ta không?”. Ashley chợt cảm thấy khó thở. Đã đến lúc phải kể hết ra. Phải kể cho ông Blake này biết những gì Tibble đã làm với nàng. Nhưng Ashley chợt nhờ tới gương mặt của bố mình khi nghe kể về chuyện đó. Họ sẽ buộc ông vào tội giết người. Bố nàng có thể không giết ai cả Ông là một bác sĩ. Ông là một nhà giải phẫu. Dennis Tibble đã bị thiến. Đn phó Blake đang nói”... và không ai ở đây gặp anh ta sau khi anh ta rời khỏi đây hôm thứ sáu vừa qua?” Toni Prescott nghĩ, Nào.., Nói đi chứ, cô Cứt sắt Hãy nói là cô đã đến nhà anh ta. Tại sao cô không nói nhỉ? Blake đứng im một lúc, cố giấu vẻ thất vọng. “Được, nếu ai trong số quý vị nhớ được điều gì có thể giúp ích cho cuộc điều tra, hãy gọi điện cho tôi. Tôi luôn hoan nghênh các vị. Ông Miller có số điện của tôi. Xin cảm ơn”. Họ nhìn ông ta đi ra cửa cùng Shane. Ashley cảm thấy người nhẹ hẳn đi. Đồn phó Blake quay sang Shane. “ở đây anh ta có đặc biệt chơi thân với ai không?” “Không, không có”, Shane trả lời, “Tôi nghĩ là Dennis không thân với ai hết. Anh ta rất có cảm tình với một nữ chuyên viên của chúng tôi nhưng hai người họ chưa bao giờ đi đâu cùng nhau”. Đồn phó Blake dừng lại. “Cô ta có đây không?” “Có, nhưng...” “Tôi cần gặp cô ta”. “Cũng được, ông hãy sử dụng văn phòng của tôi”. Ashley thấy họ quay lại. Và cùng tiến đến chỗ nàng. Nàng thấy mặt mình đỏ lên. “Ashley, đồn phó Blake muốn gặp cô”. Vậy là ông ta đã biết! Ông ta sẽ hỏi nàng về lý do nàng đến nhà Dennis Tibble vào chiều thứ sáu đó. Mình phải hết sức cẩn thận, Ashley nghĩ. Ông ta nhìn nàng. “Có phiền không, thưa cô Patterson?”. Nàng lấy lại giọng. “Không, không phiền”. Rồi theo chân ông ta vào văn, phòng của San Miller. “Mời ngồi”. Hai người cùng ngồi xuống. “Hình như Dennis Tibble rất để ý cô?” “Tôi... tôi...” Cẩn thận “Vâng!” “Cô đã đi chơi cùng anh ta chưa?” Đến nhà anh ta thì không giống đi chơi cùng anh ta. “Chưa!” “Anh ta có kể cho cô về người mà anh ta định cưới không?”. Ashley cảm thấy lo lắng hơn. Liệu ông ta có giăng bẫy ở chỗ này không nhỉ “Có thể ông ta đã biết chuyện mình đến nhà hắn, Có thể họ đã có dấu vân tay của mình. Bây giờ là lúc nên kể cho ông đồn phó Blake này nghe về những gì Tibble đã làm với mình. Nhưng nếu mình kể ra, Ashley tuyệt vọng nghĩ, sẽ liên quan đến cả bố mình và họ sẽ tức khắc lật lại vụ án Jim Cleary. Họ đã biết vụ này chưa? Liệu cảnh sát ở Bedford có thông báo về nó cho cảnh sát Cupertino? Đồn phó Bake nhìn nàng chờ đợi câu trả lời. “Cô Patterson?” “Gì cơ? Ồ, tôi xin lỗi. Chuyện này làm tôi hơi bực...” “Tôi hiểu. Tibble có nhắc đến người phụ nữ kia không?” “Có nhưng anh ta không nói tên cô ta”. Cuối cùng thì dù sao củng là sự thật. “Cô đã bao giờ đến nhà Tibble chưa?” Ashley hít một hơi dài. Nếu nàng nói không, buổi hỏi cung có thể chấm dứt. Nhưng nếu họ tìm thấy vân tay của nàng... “Có”. “Cô đã đến đó rồi à?” “Vâng”. Ông ta nhìn nàng chăm chú hơn. “Cô nói là chưa bao giờ đi chơi với anh ta mà”. Đầu óc Ashley quay cuồng. “Đúng vậy. Chúng tôi không phải hẹn nhau. Tôi chỉ mang đến cho anh ta vài thứ giấy tờ bỏ quên thôi”. “Vào lúc nào?”. Nàng cảm thấy bị mắc bẫy. “Khoảng... một tuần trước”. “Và đó là lần duy nhất cô đến nhà anh ta?”. “Vâng.” Bây giờ, nếu họ lấy được vân tay của nàng thì nàng cũng trong sạch. Đồn phó Blake im lặng nhìn Ashley và nàng cảm thây tội lỗi. Nàng muốn nói với ông ta tất cả sự thật. Có thể một tên trộm nào đó đã vào nhà và giết hắn - tên trộm của 10 năm trước trong vụ Jim Cleary cách đây 3000 dặm. Nếu bạn tin vào sự ngẫu nhiên. Nếu bạn tin vào ông già Noel. Nếu bạn tin vào các nàng tiên bướm. Mẹ kiếp, bố là bố, Đồn phó Blake nói. “Đây là một tội ác nghiêm trọng. Chúng tôi chưa xác định được động cơ của nó. Nhưng cô biết không, bao năm trong nghề tôi chưa bao giờ thấy một tội ác nào lại không có động cơ cả. Cô có thấy Dennis Tibble dính vào ma túy không? “Tôi biết chắc là không”. “Vậy là gì? Không phải ma túy. Không phải cướp. Không phải nợ nần. Vậy chỉ còn lại động cơ tình ái thôi, phải không? Có ai đó đã ghen tuông với anh ta?” Hoặc là một ông bố muốn bảo vệ con gái mình. “Tôi cũng bối rối như ông vậy”. Ông ta nhìn nàng một lúc, ánh mắt như muốn nói. “Tôi chẳng tin đâu, thưa cô”. Đồn phó Blake đứng dậy. Ông rút ra một tấm danh thiếp và trao nó cho Ashley. “Nếu cô nghĩ ra điều gì, tôi xin hết sức hoan nghênh việc cô gọi tới báo cho tôi”. “Tôi cũng hy vọng như vậy”... “Tạm biệt”. Nàng nhìn ông ta đi. Thế là xong. Bố vẫn trong sạch. Khi Ashley về đến nhà, chiều hôm đó, có một mẩu nhắn ở chiếc điện thoại tự động của nàng. Đêm qua em làm anh thấy quá đã. Hãy nhớ là em đã hứa đêm nay cũng vậy. Giờ đó. Chỗ đó. Ashiey đứng nghe trong hoài nghi. Mình sắp phát điên rồi, nàng nghĩ. Có lẽ bố không dính dáng. Có ai đó đứng từ phía sau toàn bộ sự việc. Nhưng ái? Và tạl sao?. Năm ngày sau, Ashley nhận được một bản kê tài chính từ ngân hàng tín dụng của nàng. Có cái mục làm nàng phải chú ý. Một hóa đơn ca Shop thời trang Mod với số tiền là 450 dollar. Một hóa đơn của câu lạc bộ Circus với số tiền là 300 dollar. Một hóa đơn của nhà hàng Louie với số tiền là 250 dollar. Nàng chưa bao giờ nghe nói đến những nơi này. Chương 07 Ashley Patterson theo dõi cuộc điều tra vụ án Dennis Tibble trên ti vi và báo chí hàng ngày. Cảnh sát có vẻ như đã khám phá được nguyên nhân. Thế là xong. Chẳng còn gì phải lo nữa. Chiều hôm đó, đồn phó Sam Blake xuất hiện trước cửa nhà nàng. Ashley nhìn ông ta, miệng tự nhiên khô khốc. “Hy vọng là không làm phiền cô”. Sam Blake nói. “Tôi đang trên đường về nhà và chợt nghĩ là nên ghé qua đây ít phút... Ashley nuốt nước bọt. “Không phiền gì đâu, xin mời vào”. “Cô có căn hộ đẹp quá”. “Cảm ơn”. “Tôi cá là Dennis Tibble không thích loại nhà kiểu này”. Tim Ashley đập mạnh. “Tôi không biết. Anh ta chưa bao giờ đến đây”. “Vậy mà tôi nghĩ là có đấy”. “Không! Ông đồn phó, tôi đã nói rồi, tôi không bao giờ hẹn hò với anh ta cả”. “Được. Tôi ngồi được chứ?”. “Xin mời”. “Cô thấy đấy tôi đang gặp rắc rối lớn ở vụ này, cô Patterson.. Nàng không theo một kiểu mẫu nào cả. Như tôi đã nói mọị tội ác đều có đồng cơ. Tôi đã nói chuyện với hầu hết nhân viên ở Global và không ai biết rõ về Tibble cả. Anh ta sống khép kín quá”. Ashley lắng nghe, đón chờ một tai họa giáng xuống. “Thực ra, theo.những gì họ nói với tôi thì cô là người duy nhất mà anh ta thích”. Ông ta đã thực sự tìm ra cái gì hay đang nhử mình đây?. Ashley cẩn thận trả lời. “Anh ta thích tôi, ông đồn phó, nhưng tôi không thích anh ta. Và tôi cũng đã nói thẳng ra với anh ta cảm nghĩ đó của mình”. Ông ta gật đầu: “Vâng, tôi nghĩ cô thật tốt bụng khi mang giấy tờ đến tận nhà anh ta”: Ashley định nói giấy tờ nào? thì bỗng nhiên nhớ ra. “Không hẳn thế. Tôi chỉ tiện đường thôi”. “Được. Ai đó phải căm ghét Tibble lắm mới gây ra tội ác kinh khủng đến vậy”. Ashley ngồi căng thẳng, không nói được gì. “Cô có biết tôi ghét cái gì không? Những vụ án không phá được. Chúng luôn mang lại cho tôi cảm giác thất vọng. Bởi vì khi một vụ án đi đến chỗ bế tắc, tôi không nghĩ nó có nghĩa là tên tội phạm lại thông minh đến vậy. Tôi chỉ nghĩ đến trình độ quá kém cỏi của đám cảnh sát chúng tôi Vâng, dù sao tôi cũng là người may mắn. Xưa nay tôi đều đã giải quyết được tất cả các vụ án qua tay mình”. Ông ta đứng lên. “Tôi không có ý định từ bỏ vụ này. Nếu nhớ ra điều gì, cô có thể gọi điện cho tôi không, cô Patterson?” “Vâng, dĩ nhiên”. Ashley nhìn ông ta đi ra và nghĩ. Phải chăng ông ta đến đây cảnh cáo mình. Ông ta đã biết nhiều hơn những gì vừa nói? * * * * * Giờ đây, Toni thấy hứng thú với Internet hơn bao giờ hết. Nàng thích nhất là tán gẫu với Jean Claude. Song nàng cúng không quên thường xuyên trao đổi với những người khác. Mỗi lần như vậy nàng ngồi trước computer, gởi và nhận những mẩu tin nho nhỏ trên bàn phím. “Toni? Có cô ở đây không? Tôi đang đợi cô đây”. “Tôi xứng đáng để cho anh đợi mà. Hãy kể về mình đi. Hiện anh đang làm. nghề gì vậy?” “Tôi làm việc ở nhà thuốc. Tôi nghĩ là tôi sẽ có lợi với cô đấy. Cô có xài hàng trắng không?” “Thôi nhé”. “Cô đó hả, Toni?”. “Mark phải khống?”. “Ừ”. “Đã lâu rồi không thấy anh lên mạng”. “Tôi rất bận.Tôi rất muốn gặp cô, Toni”. “Hãy cho tôi biết, Mark, anh đang làm nghề gì?” “Tôi là thủ thư”. “Nghe có vẻ không hấp dẫn lắm. Chỉ là sách và” “Khi nào chúng ta có thể gặp nhau”? “Sao anh không hỏi Nostrađamus?” “Toni, xin chào. Tên tôi là Weady”. “Xin chào Wendy”. “Cô có vẻ vui nhỉ?”. “Tôi rất yêu đời mà”... “Vậy thì tôi có thể giúp cô yêu đời thêm nữa đó”. “Anh đang nghĩ gì trong đầu vậy”. “Tôi cũng hi vọng cô không phải là loại người thiếu cận, sợ tiếp xúc và đối diện với những thử thách mới. Tôi muốn giúp cô chuyển sang một quãng đời mới!” “Cám ơn, Wendy. Nhưng anh không hề có thứ mà tôi đang cần”. Và sau đó, tới lượt tlean Claude Parent. “Bonne nuit. Comment ca va? “Tôi vẫn khỏe. Thế còn anh?”. “Tôi rất nhớ cô. Tôi đang hi vọng sẽ được gặp con người thật của cô”: “Tôi cũng vậy. Cảm ơn về bức ảnh anh gửi cho tôi. Trông anh quả thật rất hấp dẫn”. “Còn cô thì rất đẹp. Tôi nghĩ đà đến lúc chúng ta phải tìm hiểu thêm về nhau. Công ty cô có định cho người đến Quebec tham dự hội nghị tin học không?” “Cái gì? Tôi hoàn toàn không biết chuyện này. Khi nào vậy?” “Ba tuần nữa. Có rất nhiều công ty lớn tham gia đấy. Hy vọng là cô sẽ đến”. “Tôi cũng vậy”... “Ngày mai giờ này mình gặp nhau chứ?” “Dĩ nhiên. Mai nhé”. “À để mai”. Sáng hôm sau, Shane Miller đi đến chỗ Ashley, “Ashley, cô đã nghe nói về hội nghị tin học ở Quebec chưa?”. Nàng gật đầu. “Có. Có vẻ thú vị đấy”. “Tôi đang cân nhắc xem có nên cử người đến tham dự không đây”. “Tất cả các công ty khác đều đi”,Ashleynói. “Symantec, Microsoft, Apple. Quebec sẽ là một cuộc trình diễn lớn của họ đấy. Một chuyến đi như vậy có thể coi là một món quà Giáng sinh được”. Shane Miller mỉm cười trước sự nhiệt tình của nàng. “Để tôi xem đã”. Chiều hôm sau, Shane Miller gọi Ashley vào văn phòng. “Cô có thích nghỉ Giáng sinh ở Quchec không?” “Thật ư? Tuyệt quá! Ashley thốt lên mừng rỡ. Từ trước đến giờ nàng toàn nghỉ lễ Giáng sinh cùng bố, nhưng năm nay thì nàng đá chán ngấy chuyện đó rồi…” “Cô nên mang theo nhiều quần áo ấm”. “Đừng lo. Tôi sẽ thu xếp đầy đủ. Tôi mong chờ cơ hội này đã lâu lắm rồi, Shane”. Toni đang ngồi tán gẫu trên mạng. “Jean Claude, công ty sẽ cử nhóm chúng tôi sang Quebec đấy.” “Tuyệt diệu. Tôi thấy vui quá. Khi nào cô đến nơi?”. “Hai tuần nữa. Chúng tôi có cả thảy là 15 người”. “Rất tuyệt diệu!. Tôi đang có cảm giác là một sự kiện trọng đại sắp sửa diễn ra”.. “Tôi cũng vậy”. Một sự kiện vô cùng quan trọng. Ashley vẫn lo lắng theo dõi tin tức hàng đêm nhưng hình như vụ án Dennis Tibble cũng không có tiến triển gì mới cả. Nàng dần cảm thấy thoải mái hơn. Nếu cảnh sát không thể lôi được nàng vào vụ này thì có nghĩa là cha nàng cũng sẽ không có gì liên quan. Đã nhiều lần nàng định đánh bạo hỏi ông về chuyện đó nhưng rồi lại thôi. Nhỡ ông vô can thì sao? Liệu ông có tha thứ cho nàng về tội dám nghi ngờ ông là hung - thủ - giết - người không? Còn nếu bố có tội thật thì mình cũng chẳng muốn biết làm gì, Ashley nghĩ. Có thể mình sẽ không chịu đựng được. Vả lại cho dù đúng là bố làm chuyện này thì cũng chỉ để bảo vệ mình mà thôi. Nói chung là mình không nên gặp. bố vào dịp Giáng sinh năm nay. * * * * * Nàng gọi điện cho bác sĩ Patterson ở San Francico. Nàng không vòng vo mà vào thẳng chuyện. “Giáng. sinh năm nay bố con ta sẽ không ở bên nhau, bố ạ. Công ty đã cử con đi dự hội nghị tin học ở Canada rồi”. Đầu dây bên kia im lặng một lúc lâu. “Thật là một quyết định tồi tệ, Ashley. Bố con mình vẫn luôn nghỉ Giáng sinh cùng nhau mà”. “Con không thể...”. “Con là tất cả đối với bố, con biết không?” “Vâng, và....bố là tất cả đối với con”. “Đó mới là điều quan trọng”.. Đủ để giết người không? “Hội nghị diễn ra ở đâu?” “Ở Quebec. ở đó...”. “A, một nơi rất tuyệt. Đã nhiều năm bố không đến đó rồi. Để bố cho con biết bố định l>†m gì. Thời gian đó bố không có cuộc hẹn quan trọng nào ở bệnh viện cả. Bố sẽ bay đến đó và bố con mình sẽ lại cùng nhau hưởng một Giáng sinh vui vẻ” Ashley nói nhanh. “Con không nghĩ là...”. “Con hãy đặt trước phòng cho bố tại ngay cái khách sạn con ở. Chúng ta sẽ không phải phá lệ, đúng không?” Nàng lưỡng lự và rồi lên tiếng.. “Vâng, bố ạ”. Làm sao mình gặp bố đây? Alette rất vui. Nàng nói với Toni. “Mình chưa bao giờ đến Quebec cả. ở đó có Viện bảo tàng không?” “Dĩ nhiên là có”. Tonl trả lời. “Ở đó có tất cả. Có các trò thể thao mùa đông. Trượt tuyết này, trượt ván này...”. Alette rung mình. “Mình rất ghét mùa đông. Chẳng có trò nào dành cho minh cả. Ngón tay mình sẽ bị cóng lại dù mình có nhốt nó suốt ngày trong găng. Mình sẽ chui vào các Viện bảo tàng.:.”. Ngày 21. tháng Mười hai, nhóm chuyên viên của Công ty Global Graphics hạ cánh xuống sân bay quốc tế Jean - Lesage ở SaintFor và lên xe về lâu đài Frontenac ở Quebec. Nhiệt độ bên ngoài sà xuống tới dưới 0 độ C và đường phố thì bị phủ một lớp tuyết dây. Jean Claude đã cho Toni cố điện thoại nhà riêng. Nàng gọi ngay cho anh ta khi vừa lên phòng. Hi vọng là tôi không gọi quá muộn chứ?” “Tôi không thể tin được là cô đã ở đây. Khi nào thì tôi gặp được cô?” “Sáng mai chúng tôi phải đến hội nghị. Có thể là tôi sẽ lẻn ra để đi ăn trưa với anh.” “Tuyệt! Trên đường Glande Allée Est có nhà hàng Le Paris - Brest. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đó lúc một giờ trưa nhé”.. “Tôi sẽ đúng hẹn”... Trung tâm Hội nghị cấp cao Quebec trên đại lộ René Lévesque là một tòa nhà kính thép bốn tầng, có sức ch̗3;a lên đến hàng nghìn người. Chín giờ sáng, khu đại sảnh rộng mênh mông đã chật kín những chuyên gia tin học từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về, trao đổi thông tin về sự phát triển của ngành. Trong các phòng công nghệ đa phương tiện, phòng trưng bày, trung tâm video cũng vậy. Có đến sáu hội thảo chuyên để diễn ra cùng một lúc. Toni thấy chán ngắt. Chỉ nói mà chẳng làm gì cả, nàng nghĩ. 12 giờ 45 phút, nàng lẻn la khỏi gian đại sảnh và vẫy một chiếc taxi bảo chở đến chỗ hẹn. Jean Claude đã đợi nàng ở đó. Anh nắm tay nàng, nồng nhiệt. “Toni, rất vui vì cô đã đến”. “Tôi cũng vậy”. “Tôi sẽ cố thu xếp để cô có một quãng thời gian dễ chịu ở đây”. Jean Claude nói. “Thành phố xinh đẹp này có rất nhiều điều mà cô cần khám phá đấy”. Toni nhìn anh, mỉm cười. “Tôi biết là tôi sẽ thích nó mà”. “Tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian nhất bên cô”. “Anh bỏ hết mọi chuyện ư? Thế còn cửa hàng của anh thì sao?”. Jean Claude cười. “Tôi đã có người quản lý khi vắng mặt rồi”. Bồi bàn mang thực đơn đến. Jean Claude nói với Toni? Cô có muốn thử vài món kiểu Pháp - Canada của chúng tôi không?” “Có”. “Vậy hãy để tôi gọi món cho cô, Anh nói với người bồi. “Nows voudriows le Brome lake Duck- ling. Rồi quay sang giải thích cho Toni.” Đây là một món ăn địa phương, vịt nhồi táo với nước xốt”. “Ngon quá”. Và quả đúng như vậy. * * * * * Suốt bữa trưa đó, họ hỏi về quá khứ của nhau, “Vậy là anh chưa kết hôn à?” Toni hỏi, Chưa. Còn cô?”... “Cũng chưa”. “Có lẽ cô chưa tìm được người đàn ông thích hợp?” Ồ, Chúa ơi, nếu đơn giản thế thì tốt. “Đúng vậy”. Họ nói về Quebec và những gì cùng định làm với nhau ở đây. “Cô có biết trượt tuyết không?” “Có Tôi rất thích”. “Ah, bon moi aussi. Còn có xe trượt, ván trượt, những cửa hàng bán đồ thể thao mùa đông tuyệt với nữa.” Sự nhiệt tình của anh có một chút gì đó hơi trẻ con. Tuy nhiên Toni chưa lần nào cảm thấy dễ chịu như lần nảy. Shane Miller đã sắp xếp để người của Công ty mình tham gia hội nghị vào buổi sáng và nghỉ ngơi vào buổi chiều. “Mình chẳng biết làm gì ở đây cả”. Alette than phiền với Toni. Trời lạnh quá. Thế cậu định làm gì?” “Mọi thứ”. Toni cười to. Ngày nào Toni và Jean Claude cũng ăn trưa với nhau còn buổi chiều thì họ cùng nhau đi thăm thành phố. Nàng chưa bao giờ thấy một nơi nào như Quebec cả. Họ đến thăm La Citadelle với những bức tường cổ bảo vệ Quebec xa xưa, xem cảnh đổi gác truyền thống diễn ra trong các pháo đài. Họ cùng nhau khám phá các khu mua sắm Saint Jean, Cartier, Cote de la Fabrique, tản bộ qua quảng trường Petit Champlain. “Đây là khu vực thương mại lâu đời nhất Bắc Mỹ đấy”. Jean Claude nói với nàng. “Tuyệt vời”. Nơi nào họ đi qua cũng tràn ngập không khí Giáng sinh với cây thông, ảnh và tượng Chúa, tiếng nhạc rộn ràng của những người hát rong. Jean Claude đưa Toni đi chơi xe máy trượt tuyết ở vùng ngoại ô. Khi đến đoạn dốc hẹp, anh hỏi. “Có có thấy vui không?” Toni biết đây không phải là một câu hỏi vu vơ. Nàng gật đầu và khẽ trả lời. “Quãng thời gian này quả là rất tuyệt”. Alette dành hết thời gian rồi vào các bảo tàng, di tích. Nàng đi thăm nhà thờ Notre - Damme, nhà nguyện Good Shephesd và bảo tàng Augus- tine, nhưng thực bụng nàng cũng không thích thành phố này lắm. Có đến hàng tá restaurant nổi tiếng ở đây nhưng Aiette lại hay ăn ở Le Commensal, một quán ăn chay. Nàng. đã nhiều lần nghĩ về anh bạn họa sĩ Rlchard Melton ở San Flancisco và tự hỏi lúc này anh đang làm gì, liệu anh có nhớ nàng không? Ashley ngày một số lễ Giáng sinh hơn. Nàng định gọi điện cho bố và bảo ông đừng đến. Nhưng mình phải nói sao đây. Bô là kẻ sát nhân? Con không muốn nhìn thấy bố nữa. Còn Giáng sinh thì đang tới cận kề bên nàng. “Tôi muốn giới thiệu cho cô cửa hàng trang sức của tôi”. Jean Claude nói với Toni. “Cô có thích thăm nó không?”. Toni gật đầu. “Thích”. Cửa hàng của Jean tọa lạc ở trung tâm_thành phố Quebec, trên đường Notre -Dame. Vừa bước chân vào, Toni sững cả người. Trên mạng, Jean nói, “Tôi có một cửa hàng đá quý nho nhỏ”, thì đây nó là cả khu vực rộng lớn, thiết kế trang nhã. Nửa tá nhân viên đang bận rộn với khách hàng của mình. Toni đưa mắt nhìn quanh và nói. “Thật - thật tuyệt” Jean mỉm cười. “Merci. Tôi muốn tặng cô một cadeau - một món quà nhân dịp Giáng sinh”. “Không. Không cần thiết. Tôi...”. “Xin đừng cướp đi niềm vinh hạnh của tôi”. Jean Claude dẫn Toni tới quầy bán nhẫn. “Hãy nói xem cô thích gì?” Toni lắc đầu. “Những thứ này đắt quá. Tôi không thể...” “Làm ơn nào”. Toni nhìn anh ta một lúc, rồi gật đầu. “Đành vậy” Nàng ngắm cả quầy một lần nữa. Chính ở giữa quầy là một chiếc nhẫn ngọc lớn có gắn nhiều viên kim cương nhỏ. Jean Claude đưa mắt thề cái nhìn của nàng. “Cô thích cái nhẫn ngọc này à?” “Trông nó rất đẹp, nhưng nó quá...” “Nó là của cô”. Jean Claude rút chiếc chìa khóa nhỏ, mở quầy và lấy chiếc nhận ra. “Đừng, Jean Claude...”. “Pour mời”. Anh đeo nó vào ngón tay Toni. Nó vừa khít... “ Voilà! Đây là dấu hiệu...” Toni nắm chặt tay. “Tôi... tôi không biết phải nói gì”. “Anh không thể nói cho em biết điều này đã làm anh sung sướng đến thế nào ở đây có một quán ăn rất khá, quán Pavillon. Mình sẽ ăn tối ở đấy nhé?”.. “Bất kỳ nơi nào anh muốn”. “Tám giờ tối nay anh sẽ gọi cho em”. * * * * * Sáu giờ tối hôm đó, Ashley nhận được điện thoại của bố. Bố xin lỗi vì sắp làm con phải thất vọng, Ashley. Bố không thể cùng con đón Giáng sinh được. Có một ca rất nghiêm trọng ở Nam Mỹ đang chờ bố. Bố phải bay đi Argentina ngay đêm nay”. “Con... con rất tiếc Ashley hỏi. Nàng cố làm ra vẻ tiếc nuối”. “Chúng ta còn nhiều cơ hội khác phải không con?”. “Vâng. Chúc bố lên đường mạnh khỏe”. Toni đang chờ mong bữa tối cùng Jean Claude. Đó sẽ là một buổi tối khó quên. Nàng lẩm nhẩm bài hát quen thuộc khi trang điểm. Trên và dưới con đường thành phố Trong và ngoài đôi cánh đại bàng Đó là cách tiêu tiền Bốp. Đi đời con chồn Con nghĩ là Jean Claude đã yêu con, mẹ ạ. Pavillon nằm ở Gare du Palais, trong khu vực g axe lửa cũ của Quebee. Đó là nhà hàng lớn với một quầy bar dài ở ngay lối vào và hàng dẫy bàn trải dài cho đến tận cùng. Cứ vào 11 giờ hàng đêm, bàn ghế lại được dọn bớt đi, dồn vào sát tường để làm sàn nhẩy và người ta mở đủ các loại nhạc, từ reggae đến jazz, pop, rock, blue... Toni và Jean Claude đến lúc chín giờ và được ông chủ chào đón nồng nhiệt từ ngoài cửa. “Ông Parent. Rất mừng được gặp ông”. “Cảm ơn, André. Đây là Toni Prescott. Đây là ông Nicholas”. “Rất hân hạnh, thưa cô Prescott. Bàn của hai người đã chuẩn bị xong. Đồ ăn ở đây ngon lắm”. Jean Claude nói với Toni khi họ ngồi xuống “Mình dùng champagne trước nhé”. Toni gật đầu, mắt vẫn ngắm cái nhẫn ngọc mà Jean Claude đã tặng nàng. “Đẹp quá!” Nàng thốt lên. Jean Claude hơi nhô người về phía trước. Tu aussi. Anh không thể diễn tả là anh đã vui thế nào vì cuối cùng chúng ta đã gặp nhau”. “Em cũng vậy”. Nhạc nổi lên. Jean Claude hỏi Toni. “Em có thích khiêu vũ không?” “Có”. Khiêu vũ là một trong những sự đam mê của Toni, và khi bước ra sàn nhảy rồi thì nàng quên hết mọi thứ. Hồi đó nàng đang nhẩy với bố thì nghe thấy mẹ nói, “con này vụng về quá”. Jean Ciaude ôm nàng thật chặt. “Em nhẩy giỏi quá” “Cảm ơn”. Mẹ có nghe thấy không? Toni nghĩ, ước gì cứ mãi mãi thế này. Trên đường về khách sạn, Jean Claude nói, Cherie, em có muốn tạt qua nhà anh làm một li rượu không?” Toni lưỡng lự. “Đêm nay không được, Jean ạ”. “Ngày mai nhé?”. Nàng nắm chặt tay anh: “Ngày mai”. Lúc ba giờ sáng, nhân viên Cảnh sát René Pi - card đang lái xe tuần tra dọc theo đường Grande Allée trong khu QuartierMontcalm thì phát hiện cửa chính của một ngôi nhà hai tầng gạch đỏ bị mở toang. Anh đừng xe lại và bước xuống đi vào nhà. Anh bước lên bậc thềm và gọi to. “Cést la Police. Y a-t-il, quelqu’ un...” Không có tiếng trả lời. Anh bước vào và nhẹ nhàng di chuyển đến phòng khách lớn. “Cést la Poiice. Y a-t-il, quelqu’un?” Vẫn không có tiếng đáp lại: Cả căn nhà yên ắng một cách đáng ngờ. Lên cò súng, Picard đi vào phòng khách, sau đó di chuyển từ phòng nọ sang phòng kia; mồm vẫn gọi to. Vẫn là sự im Iặng kỳ quái. Anh quay lại hành lang. Có một cái cầu thang gạch dán lên tầng trên. Anh gọi lần nữa. Chỉ có im lặng đáp lại.. Anh tiến lên gác, lại gọi thêm lần nữa, sau đó bắt đầu tiến theo hành lang. Trước mặt anh là cánh cửa phòng ngủ đang khép hờ. Anh đến sát cửa, bất thần co chân đạp mạnh rồi xông thẳng vào. Mặt anh tái xám đi. “Chúa ơi!”. * * * * * Năm giờ sáng trong tòa nhà màu vàng xám của Sở cảnh sát trung tâm Quebec trên đường Story, phó cảnh sát trưởng nói : “Có thu thập được gì không?” Cảnh sát Guy Fontaine trả lời. Nạn nhân tên là Jean Claude Parent. Anh ta bị đâm ít nhất là 12 nhát, thân thể còn bị rạch nát ra. Nhân viên pháp y nói vụ án xảy ra khoảng 3-4 giờ trước. Chúng tôi tìm thấy tờ hóa đơn của nhà hàng Pavillon trong túi áo nạn nhân. Anh ta ăn tối ở đó. Chúng tôi đã dựng ông chủ nhà hàng dậy rồi”, “Kết quả sao?” “Parent đã ăn tối ở đó cùng một cô gái tên là Toni Prescott, da nâu, nói giọng Anh. Người quản lý cửa hàng trang sức của Parent có khai rằng, ông chủ Jean của mình đã dẫn đến cửa hàng một người phụ nữ như vậy và giới thiệu cô ta là Toni Prescott. Jean đã tặng cô ả một chiếc nhẫn ngọc đắt tiền. Chúng tôi cũng tin rằng Parent đã làm tình trước khi bị giết và hung khí là một con dao rọc giấy. Có rất nhiều dấu tay trên đó. Chúng tôi đã gửi các mẫu vân tay đó cho phòng thí nghiệm và cho cả FBI. Chúng ta sẽ ngồi chờ kết quả.” “Anh đã bắt Toni Precott chưa?”. “Chưa”. “Tại sao lại chưa?”. “Chúng tôi không tìm ra cô ta. Chúng tôi đã kiểm tra tất cả các khách sạn trong khu vực. Chúng tôi còn kiểm tra cả hồ sơ ở đây và của bên FBI. Cô ta không có giấy khai sinh, số chứng minh thư và bằng lái xe”. “Vô lý Cô ta có thể biến khỏi thành phố này sao?” Cánh sát Fontaine lắc đầu. “Tôi không nghĩ vậy đâu thưa sếp. Sàn bay đã đóng cửa lúc nửa đêm. Chuyến tàu hỏa cuối cùng rời khỏi Quebec xuất phát từ năm rưỡi chiều qua. Chuyến đầu tiên của hôm nay thì tới sáu giờ rưỡi mới khởi hành. Chúng ta sẽ đưa nhận dạng của cô ta đến bến xe bus, các công ty taxi và các phương tiện giao thông khác”. “Ơn Chúa, chúng ta đã biết tên cô ta, nhận dạng và vân tay. Cô ta sẽ không thể thoát được. Một giờ sau, FBI đã gửi bản báo cáo xét nghiệm sang. Không thể xác định được vân tay. Không có hồ sơ của Toni Prescott. Chương 08 Năm ngày sau, khi từ Quebec trở về, Ashley nhận được cú điện thoại của bố. Ông báo tin. “Bố vừa về đến nhà”. “Về?” Một phút để Ashley nhớ lại. Bệnh nhân ở Argentina. Người đó thế nào ạ?” “Sống.” “Chúc mừng bồ”. “Mai con tới San Francisco ăn tối với bố được không?”. Nàng sợ gặp ông nhưng nghĩ không ra lí do từ chối. “Vâng!” “Nhà hàng Lulu. Tám giờ nhé”. Khi Bác sĩ Patterson đến nơi thì Ashley đã ngồi chờ sẵn ở đó. Và nàng lại thấy những ánh mắt dõi theo bố nàng. Ông vốn nổi tiếng mà. Liệu ông có dám hi sinh mọi thứ mình có để… Ông đã đứng cạnh bàn. “Rất mừng gặp lại con, con yêu. Bố rất tiếc về vụ nghỉ Giáng sinh vừa rồi”. Nàng ép mình phải lên tiếng. “Con cũng vậy”. Sau đó nàng dán mặt vào tờ thực đơn không đọc ra trong đó viết gì, cố gắng không nghĩ ngợi lung tung. “Con muốn dùng gì?” “Con... con chưa đói lắm”. Nàng trả lờii. Cỏn phải ăn nhiều lên đi, Dạo này trông con gầy quá”. “Con muốn ăn thịt gà”. “Nàng nhìn bố gọi món và tự hỏi xem có nên mang chuyện đó ra nòi không? “Quebec thế nào?”. “Rất thú vị”. Ashley đáp. Đó là một miền đất đẹp. “Sau này bố con mình sẽ có dịp cùng nhau đến đó”. Nàng quyết định nhanh và cố giữ giọng bình thường. “Vâng. Nhân tiện đây... hồi tháng Sáu con có đi họp lớp với các bạn học cũ ở Bedford.” Ông gật đầu. “Con có thấy thích không?” “Không ạ”. Nàng nói chậm,. cẩn thận chọn từng từ một. “Hôm mà bố con mình bay đi London, người ta tìm thấy... xác của Jim Cleary. Anh ấy bị đâm chết và còn... bị thiến nữa”. Nói đến đó, nàng ngước mắt nhìn, chờ đợi phản ứng của bố. Bác sĩ Patterson cau mày. “Cleary? Ờ, ừ. Bố nhớ rồi. Cái thằng cứ lẵng nhẵng bám theo con. “Thế là bố đã cứu con khỏi tay nó, phải không?” Thế nghĩa là gì? Có phải là thú tội không? Ông đã cứu nàng bằng cách giết Jim Cleary? Ashley hít mạnh và tiếp tục. “Dennis Tibble cũng bị giết như vậy. Anh ta cũng bị đâm chết và bị thiến”. Nàng thấy ông cầm lát bánh mì và cẩn thận phết bơ lên đó. Sau cùng ông lên tiếng. “Bố không hề ngạc nhiên, Ashley. Những người xấu thường có kết cục không tốt”.. Và đó là một bác sĩ, người chuyên đi cứu vớt người khác. Mình chưa bao giờ hiểu bố cả, Ashley nghĩ. Và có lẽ là mình cũng không muốn hiểu. Rồi khi bữa ăn kết thúc, Ashley vẫn chẳng rõ được thêm chuyện gì. * * * * * Toni lên tiếng. “Mình thật sự thích Quebec, Alette. Một ngày nào đó mình sẽ trở lại. Thế cậu chơi có vui vẻ không?”. Alette bẽn lẽn trả lời. “Mình chỉ thích các Viện bảo tàng thôi”. “Thế cậu đã gọi điện cho bạn trai ở San Francisco chưa?”. Anh ấy không phải bạn trai của mình”. “Mình cược là cậu muốn an ấy là bạn trai của cậu đấy”: “Có thể”. “Vậy sao còn không gọi anh ta?” “Như thế có vẻ không đứng đắn lắm”. “Gọi đi”. Họ hẹn nhau ở bảo tàng De Young. “Tôi rất nhớ cô”. Richard Melton nói. “Quebec thế nào?” “Nhiều thứ để xem”. “Ước gì tôi được đến đấy cùng cô”. Có thể một ngày nào đó. Alette hi vọng. “Công việc của anh ra sao rồi?” “Cũng tàm tạm. Tôi vừa bán được một bức cho một nhà sưu tập nổi tiếng. “Tuyệt”. Nàng cảm thấy vui sướng thật sự. Và nàng nghĩ, ở bên Richard, mình thật kỳ lạ quá. Nếu là người khác mình nhất định sẽ nghĩ, thằng ngu nào lại mất tiền mua tranh của anh vậy? Hoặc hàng trăm lời bình luận tồi tệ khác. Nhưng mình đã không nghĩ vậy đối với Richard. Chuyện này cho Alette một cảm giác lạ lùng về bản thân, như thể nàng đã tìm ra phương thuốc để trị căn bệnh nan y vậy. Họ ăn trưa tại bảo tàng. Em thích ăn gì?” Richald hỏi. “Thịt bò nướng ở đây khá lắm”. “Em ăn chay. Cho em một đa 8alạd. Cảm ơn”. “Được” Một cô hầu bàn trẻ trung xinh đẹp tiến đến. “Richard, chào”. “Chào Bernice”... Bất ngờ, Alette cảm thấy cơn ghen trào lên. Phản ứng này khiến nàng ngạc nhiên. “Anh đã chuẩn bị gọi món chưa?”. “Ừ, Cô Peters đây muốn một đa salad, còn anh một phần xanduych bò nướng”. Cô hầu bàn ngắm nhìn Alette..Cô ta ghen với mình à? Nàng tự hỏi. Khi cô ta rời đi Alette nói. “Cô ấy trông thật đẹp. Anh có thân với cô ấy không? “Tự nhiên má nàng đỏ ửng lên. Giá mà mình đừng hỏi như vậy. Richard mỉm cười. “Anh thường xuyên đến đây mà. Hôm đầu tiên tới đây, anh không có nhiều tiền. Anh chỉ gọi xanduych thôi nhưng Bernice đã cho anh ăn một bữa thịnh soạn. Cô ấy tốt bụng lắm”. “Cô ấy tốt thật”. Alette nói. Và trong đầu thì nghĩ. Đùi cô ta to quá. Sau đó họ quay sang nói chuyện về hội họa. “Em ước một ngày nào đó được đến Giveruy”. Alette nói. “Nơi Monet đã từng vẽ”. “Thế em có biết Monet xuất thân là một nhà biếm họa không?”. “Không”. Sự thật là như vậy. Sau đó Monet gặp Boudin và nhận ông này làm thầy, rồi được khuyên nên thử thách ở lĩnh vực bích họa. Và Monet đã chuyển hẳn sang thể loại này. Ông có một bức tranh vẽ người đàn bà trong vườn trên một tấm vái cao đến 8 feed, phải dùng ròng rọc kéo mỗi khi muốn mở rộng ra hay cuộn nó lại. Bức tranh đó hiện vẫn được trưng bầy ở bảo tàng d’Orsay ở Paris”. Thời gian cứ êm đềm trôi qua. * * * * * Sau bữa trưa, Alette và Richard cùng nhau đi xem các vật trưng bày ở bảo tàng. Có đến 14.000 mẫu vật khác nhau, từ oác, đồ táo tác của thế giới Ai Cập cổ đại cho đến các bức danh họa Mỹ hiện đại. Alette tràn đầy ngạc nhiên trước tình cảm của mình với Richard và sự biến mất của các ý nghĩ phủ định trước kia. Một nhân viên trong bộ đồng phục tiến về phía họ. “Richard, chào”. “A, Brian. Đây là bạn tôi, Atette Peters. Còn đây, Brian Hill”. Brian hỏi Alette. “Cô có thích Viện bảo tàng này không? “Có. Nó rất hay”. “Richard đang dạy tôi vẽ đấy”. Brian nói. Alette nhìn Richard. “Thật à?” Richard khiêm tốn trả lời, “Chỉ hướng dẫn chút chút thôi”. “Hơn thế nhiều, cô Aiette ạ. Tôi luôn muốn trở thành họa sĩ. Thế nên tôi mới xin làm việc trong bảo tàng này. Hơn nữa, Richard cũng hay đến đây vẽ. Nhìn Richard làm việc, tôi luôn nghĩ. “Ước gì mình được như cậu ấy. Thế là tôi hỏi Richard có chịu dạy tôi vẽ không? Cậu ấy chịu liền. Cô đã xem nhiều tranh của Richard chưa?” “Rồi. Nàng trả lời. “Tuyệt vời”. Khi họ sang phòng khác, nàng nói. “Anh thật là tốt bụng”. “Anh thích giúp đỡ mọi người”. Và nhìn nàng. Ra đến cổng bảo tàng, Richarđ lên tiếng “Tối nay bọn anh có buổi liên hoan nho nhỏ. Vậy sao em không ghé qua chỗ của anh nhỉ?” Anh cười. “Anh có vài bức tranh muốn cho em xem”. Alette nắm chặt tay. “Chưa được, Richarđ”. “Tùy em thôi. Gặp em cuối tuần sau nhé”. “Vâng”. Anh không hề biết nàng mong chờ ngày đó đến đường nào. Richard đưa Alette ra chỗ nàng để xe. Anh vẫy tay tạm biệt khi nàng cho xe lăn bánh. Đêm đó Alette nghĩ, Cứ như chuyện cổ tích vậy Richard đã cứu vớt mình. Rồi nàng chìm vào giấc ngủ sầu với những giấc mơ đẹp về Richard. Hai giờ sáng, Gray, bạn cùng phòng của Richard Melton trở về từ cuộc vui sinh nhật. Cả căn nhà tối om. Anh ta bật đèn phòng khách lên. “Richard”? Gray đi vào phòng ngủ. Cửa phòng mở toang. Anh ta nhìn vào trong và thấy cơn buồn nôn bỗng tử đâu ập đến. “Bình tĩnh nào, chàng trai”. Viên cảnh sát điều tra Whitier nhìn những ngón tay lẩy bẩy đặt trên ghế. “Nào, lại một lần nữa nhé. Thế cậu ta có kẻ thù, hay có ai vì ghen ghét quá mức mà ra tay vậy không?” Gary nuốt nước bọt. “Không.. Tất cả... tất cả đều quý Richard”. Làm sao chắc chắn là tất cả được? Cậu và Richard ở chung nhà bao lâu rồi?”. “Hai năm” “Các cậu có phải dân đồng tính không?” “Chúa ơi”, Gary kêu lên phẫn nộ, “không bao giờ. Chúng tôi là bạn tốt của nhau. Sống chung chẳng qua là lý do tài chính thôi”. Điều tra viên Whitiel nhìn quanh căn hộ nhỏ. “Chắc chắn là không bị mất”, Ông ta nói. “Chẳng có gì để ăn trộm cả. Thế cậu ta có tình cảm thân thiết với ai không?”. “Không... à có. Richard có thích một cô. Tôi nghĩ là cậu ta đã yêu cô ấy rồi”. “Có biết tên cô gái không.”? “Có. Alette. Alette Peters. Cô ta làm việc ở Cupertino”. Hai điều tra viên Whitier và Reynolds nhìn nhau. “Cupertino?”. “Lạy Chúa”, Reynolds nói.. Ba mươi phút sau, Whitier gọi điện cho đồn trưởng Dowling. “Ông đồn trưởng, tôi nghĩ là ông sẽ rất thú vị khi biết rằng ở chỗ tôi vừa có một vụ án mà cách thức giống hệt vụ của các ông ở Cupertino- đâm chết bằng dao và sau đó xẻo luôn bộ phận sinh dục”. “Lạy Chúa”. Tôi vừa liên lạc với FBI. Theo hồ sơ của. họ thì đã có ba vụ như vậy. Vụ đầu tiên là ở Bedford, Pennsylvania, 10 năm trước. Vụ thứ hai là Dennis Tibble của ông, vụ thứ ba ở Qec và đây là vụ thứ tư. “Pennsylvania... Cupertino... Quebec... San Francisco... Có quan hệ gì nhỉ.”... “Chúng tôi đang cô tìm kiếm đây. Muốn sang Quecbec thì phải có hộ chiếu: FBI đang kiểm tra tất cả những người đi Quebec quanh kỳ Giáng sinh này xem có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý nào không? * * * * * Khi đám phóng viên đánh hơi được chuyện gì đang xảy ra, lập tức xuất hiện những hàng tít lớn trên báo chí toàn thế giới. Báo Mỹ TRUY TÌM TÊN GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT Báo Pháp: BỐN NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ GIẾT VÀ BỊ HÀNH HẠ THÔ BỈ Báo Đức. MỘT KIỂU CHẾT DÀNH CHO BỐN CON NGƯỜI TẠI BỐN ĐỊA ĐIỂM Báo Italia: RIÊNG TỪNG NẠN NHN - CHUNG MỘT HẬN THÙ? Còn trên mạng Internet, các nhà tâm lý học được đà lên mặt ra sức phân tích các vụ án. “…Và tất cá nạn nhân đều là đàn ông. Việc họ bị đâm và bị thiến càng chứng tỏ đây là sản phẩm của bọn đồng tính luyến ái...” “… Vì thế, nếu cảnh sát tìm thấy mối liên quan giữa các nạn nhân, họ sẽ dễ dàng nhận ra đây là do bàn tay của một người tình bị các nạn nhân này ruồng rẫy...” Sáng thứ bảy, điều tra viên Whitier gọi điện cho đồn phó Blake từ San Francisco. “Ông đồn phó, tôi có tin mới cho ông đây”. “Tin gì vậy?” “Tôi vừa nhận được một thông tin của bên FBI. Có người ở Cupertio đã qua Quebec vào đợt Giáng sinh vừa rồi”. “Hay quá. Tên gã là gì?”. “Đàn bà. Patterson. Ashley Patterson”. Sáu giờ chiều hôm đó, đồn phó Sam Blake bấm chuông nhà Ashley Patterson. Ông nghe thấy giọng nói thận trọng của nàng sau cánh cửa. “Ai vậy?” Đồn phó Blake. Tôi muốn nói chuyện với cô một chút. Cô Patterson”. Cánh cửa từ từ mở ra. Ashley đứng đó, nhìn ông cảnh giác. “Tôi vào được chứ?”. “Vâng. Dĩ nhiên”. Về bố mình à? Mình phải cẩn thận mới được. Ashley mời Blake ngồi. “Tôi có thể giúp gì cho ông?”. “Xin cô vui lòng trả lời vài câu hỏi của tôi”. Ashley quanh co một cách thiết tự nhiên. “Tôi... không biết... Bộ tôi bị nghi ngờ vì sao?”. Nụ cười của ông ta làm nàng yên tâm hơn. “Khơng phải thế, cô Pattersơn. Chỉ là thủ tục thôi mà. Chúng tôi vẫn đang điều tra về tên sát nhân”. “Nhưng tôi chẳng biết gì về tên sát nhân nào cả” Nàng nói nhanh. Có nhanh quá không? “Nghe nói cô mới ở Quebec về?” “Vâng”. “Cô có quen Jean Claude Parent?” “Jean Claude Parent?” Nàng nghĩ một lúc. “Không. Tôi chưa bao giờ nghe nói đến cái tên này. Anh ta là ai vậy?” “Là chủ một cửa hàng trang sức ở Quebec”. Ashley lắc đầu. “Tôi đâu có mua trang sức gì ở Quebec”. “Cô đã làm việc với Dennis Tibble”. Ashley cảm thấy nỗi sợ hãi đột ngột xuất hiện. Thế là về bố nàng rồi. Nàng thận trọng trả lời “Tôi không làm việc với anh ta. Chúng tôi chỉ làm việc cùng trong một Công ty thôi”. Dĩ nhiên. Thỉnh thoảng cô cũng đi San Francisco phải không?”. Ashley không hiểu ông ta định dẫn câu chuyện đến đâu. Cẩn thận. “Thỉnh thoảng”. “Cô có gặp một họa sĩ nào tên là Richard Melton không?” “Không. Tôi chẳng biết ai có cái tên như vậy cả”. Đồn phó Blake nhìn Ashley, thất vọng. “Cô Patterson, xin cô vui lòng đến chỗ chúng tôi làm một cuộc trắc nghiệm nho nhỏ. Nếu muốn, cô có thể gọi luật sư của mình và...” Tôi không cần luật sư. Tôi sẵn sàng chấp nhận trắc nghiệm”. Chuyên viên trắc nghiệm nói dối tên là Keith Rosson và là một trong những người cừ nhất ở lĩnh vực này. Dù phải bỏ một cuộc hẹn nhưng anh ta vẫn rất vui lòng giúp đỡ Sam Blake. Ashley ngồi đối diện với chiếc máy phát hiện nói dối. Rosson đã nói chuyện gẫu với Ashley 4 phút trước đó để nắm bát các thông tin và trạng thái tâm lí, tình cảm của nàng. Bây giờ, thì mọi thứ đã sẵn sàng. “Cô thấy dễ chịu chứ?” “Vâng”. “Tốt. Chúng ta hãy bắt đầu?” Anh ta nhấn một cái nút. “Tên cô là gì?” “Ashley Patterson”. Cặp mắt Rosson đảo qua đảo lại giữa Ashley và cái máy. “Bao nhiêu tuổi?” “28”. “Cô sống ở đâu?”. “Số l0964 phố cụt Via Camino Cupertino”. “Cô có đi làm không?” “Có”. “Cô có biết Richald Melton không?” “Không”. Vẫn không có gì thay đổi ở cái máy. “Cô làm việc ở đâu?” “Công ty tin học Global Graphics”. “Cô có thích công việc của mình không?” Có “Cô làm việc 5 ngày một tuần?” “Vâng”. “Cô đã bao giờ gặp Jean Claude Parent chưa?” “Chưa”. Cái máy vẫn thế. “Sáng nào cô cũng ăn sáng chứ?” “Vâng”. “Cô có giết Dennis Tibble không?” “Không”. Buổi kiểm tra còn kéo dài thêm 30 phút nữa và lặp đi lặp lại ba lần theo các cách khác nhau. Khi xong việc Keith Rosson đến phòng Sam Blake và trao cho ông ta báo cáo kết quả. “Trong như tiếng gió vậy, không có đến một phần trăm dối trá. Các vị nhầm người rồi”. Anh kết luận. Không hiểu sao anh bỗng thấy thật vui vẻ, nhẹ nhõm. Ashiey rời khỏi đồn cảnh sát, xây xẩm hết mặt mày. Ơn Chúa, mọi việc đã xong. Nàng chỉ lo họ sẽ hỏi các câu liên quan đến bác sĩ Patterson, bố nàng. Nhưng may mắn là chuyện đó đã không xảy ra. Không ai có thể lôi bố mình vào được nữa. Ashley đỗ xe vào bãi và đi thang máy lên nhà. Nàng mở khóa bước vào rồi cẩn thận khóa cứa lại. Lúc đó nàng mới cảm thấy nhẹ nhõm và đôi chút phấn chấn. Tắm cái đã Ashley nghĩ. Nàng đi vào buồng tắm và đứng chết lặng. Trên tấm gương trong phòng tắm, ai đó đã dùng thỏi son môi của nàng viết nguệch ngoạc dòng chứ MÀY PHẢI CHẾT. Chương 09 Nàng đang trong cơn hoảng hốt cực độ. Những ngón tay nàng run rẩy đến nỗi sau ba lần nàng vẫn chưa bấm đúng số cần gọi. Hít một hơi dài, nàng bấm lại một lần nữa 2... 9... 9.... 2... 1...0… 1: Bên kia chuông đã reo. “Cảnh sát đây”. Đồn phó Blake, làm ơn. Tôi có chuyện gấp”. “Ông ấy về nhà rồi. Người khác được không?” “Không! Tôi... Anh có thể nhắn ông ấy gọi điện cho tôi được không? Tôi là Ashley patterson. “Tôi cần nói chuyện với ông ấy ngay”. “Cô giữ máy nhé. Tôi sẽ cố liên lạc với sếp”. Đồn phó Blake đang kiên nhẫn nghe vợ quát tháo. “Ông anh tôi bắt anh làm việc như ngựa cả ngày lẫn đêm mà không trả cho anh đủ tiền để chăm lo cho tôi. Tại sao anh không đòi tăng lương? Tại sao?” Họ đang ngồi ở bàn ăn. “Em cảm ơn lay hộ anh đĩa khoai tây”. Serena với người qua bàn và đặt phịch cái đĩa trước mặt chồng, “Vấn đề là họ không đánh giá đúng tài năng của anh”. “Em nói đúng. Cho anh một ít nước xốt”. “Anh có nghe em nói không đấy? Bà ta quát lên. “Từng từ một, em yêu. Bữa tối nay ngon lắm. Em quả là một đầu bếp cừ khôi”. “Anh tệ quá, anh không chịu nói lại thì em biết cãi nhau với ai bây giờ?” Chuông điện thoại réo vang “Chờ anh một chút”. Ông đứng lên và đi ra nhấc ống nghe. “Allo... ừ… Nối dây đi.., Cô Patterson?” Ông nghe thấy tiếng nàng thổn thức. “Có cái gì đó rất khủng khiếp vừa xảy ra. “Xin ông hãy đến chỗ tôi ngay”. “Được. Tôi tới ngay”. Serena cũng đứng dậy. “Cái gì? Anh lại đi à? Mình đã ăn xong đâu?” “Nghiêm trọng đấy em ạ. Anh sẽ cố về càng sớm càng tốt”. Bà ta nhìn Blake đeo súng vào người. Ông hôn khẽ lên má vợ. “Ăn tối ngon miệng nhé, em yêu”. * * * * * Ashiey mở cửa ngay khi Blake đến nơi. Nước mắt vẫn còn ròng ròng trên má nàng. Sam Biake bước vào nhà, thận trọng nhìn quanh. “Còn ai ở đây không?” “Có ai đó đã ở đây”. Nàng đang cố trấn tĩnh, “Hãy xem đây! Nàng dẫn ông ta vào buồng tắm. Sam Blake đọc to dòng chữ trên tấm gương: MÀY PHẢI CHẾT. Ông ta quay sang Ashiey. “Cô có đoán được ai viết không?” “Không”. Ashley trả lời. “Đây là nhà tôi. Không ai có chìa khóa cả... Có ai đó đã lọt vào đây. Có ai đo đang theo dõi tôi. Hắn ta định giết tôi”. Nàng lại thổn thức. “Tôi không thể chịu đựng thêm nữa”. Đồn phó Blake vỗ nhẹ lên vai nàng. “Thời nào, Mọi chuyện rồi sẽ ồn thôi. Chúng tôi sẽ cho người bảo vệ cô và sẽ mau chóng tìm ra thủ phạm”. Ashley hít một hơi dài. “Tôi xin lỗi. Tôi không thề kiềm chế được. Thật kinh khủng quá”. “Cô hãy kể cho tôi nghe”. Sam Blake yêu cầu. Nàng cố gượng cười. “Được”. “Một tách trà nhé, cô Patterson?” Hai người ngồi nói chuyện bên tách trà nóng. “Chuyện bắt đầu từ khi nào?”. “Khoảng sáu tháng trước. Tôi cảm giác rằng mình bị theo dõi. Đầu tiên thì rất mơ hồ nhưng càng về sau càng rõ ràng. Tôi biết chắc mình đã bị theo dõi nhưng tôi không thể phát hiện ra ai cả. Rồi có ai đó đã lẻn vào máy tính của tôi và tạo ra bức ảnh tôi bị một bàn tay cầm dao rạch nát”. “Cô có nghi ngờ, chỉ nghi ngờ thôi, là một ai đó không?”. “Không!”. “Cô nói lúc trước đã có người vào đây?” “Vâng. Một lần thì tất cả đèn đóm đều bật sáng khi tôi đi vắng. Một lần khác thì có đầu lọc thuốc lá ở bàn trang điểm. Tôi không hút thuốc bao giờ. Hắn còn mở tủ quần áo và lục lọi cả... đồ lót của tôi. Và bây giờ thì.. như thế đấy”. “Cô có người bạn trai nào bị cô bỏ rơi không?” “Không!” “Thế cô có làm ăn với ai mà họ bị thua thiệt với cô không?” ,Không!” “Cô không hề nghi ngờ ai sao” “ Không!” Nàng định kể về chuyện xảy ra ở Chicago nhưng lại sợ dính dáng đến bố mình. Tốt nhất là không nói gì cả. “Đêm nay tôi không muốn ở một mình”. Nàng lẩm bẩm thành tiếng. “Cũng được. Để tôi gọi về đồn và cử người đến đây...” “Không! Làm ơn! Tôi không muốn tin vào bất cứ ai. Ông có thể ở lại đây được không? Chỉ đến sáng mai thôi”. “Tôi nghĩ là tôi không thể”. “Mong ông làm ơn”. Nàng run rẩy cầu xin. Biake nhìn vào mắt Ashley và nghĩ, chưa bao giờ ta gặp người nào trong tình trạng hoảng sợ như vậy. “Có chỗ nào để có thể ở qua đêm không? Một người bạn gái thân thiết chẳng hạn. Tôi sẽ đưa cô tới. “Nhỡ chính là một trong số bạn bè của tôi làm ra những chuyện này thì sao?” Blake gật đầu. “Đúng... Thôi được, tôi sẽ ở lại Sáng mai tôi sẽ sắp xếp người bảo vệ cô 24/24 giờ”. “Cảm ơn ông”. Giọng nàng đầy cảm kích. Blake vỗ nhẹ lên tay Ashley. “Đừng quá lo lắng. Tôi hứa là sẽ nhanh chóng khám phá la sự việc để tôi gọi cho đồn trưởng báo cáo lại mọi chuyện”. Ông nói chuyện khoảng năm phút, sau đó bảo nàng, “Có lẽ tôi cũng nên gọi về cho vợ tôi”. “Dĩ nhiên”. Đồn phó Blakenhấc ống nghe lên lần nữa và bấm số. “Chào em. Đêm nay anh không về đâu, vầy em hãy xem ti vi:” Anh không cái gì? Anh đang ở đâu, cùng con điếm rẻ tiền nào?” Ashley nghe rõ mồn một giọng bà ta la hét qua máy. “Serena...” “Anh đừng hòng gạt tôi”. “Serena...” “Đàn ông các anh ai cũng thế cả.” “Serena...” “Tôi sẽ không để chuyện này xảy ra đâu”. “Serena...” “Làm một bà vợ tôi thì được trả ơn như vậy đấy”. Cuộc đối thoại một chiều kéo dài gần mười phút. Cuối cùng, đồn phó Blake đắt ống nghe xuống và xấu hổ quay sang Ashley. “Tôi xin lỗi. Bà ấy không phải như vậy đâu”. Ashley nhìn ông và nói. “Tôi hiểu mà”. “Không. Ý tôi muốn nói Serena làm vậy vì bà ấy sợ” Ashley nhìn ông ta ngạc nhiên. “Sợ?” Blake im lặng một lúc. “Serena sắp ra đi. Bà ấy bị ung thư. Tạm thời thì căn bệnh đang thuyên giảm. Vợ tôi bắt đầu bị từ bảy năm trước. Chúng tôi mới cưới nhau được có năm năm thôi. Vậy là ông biết...” “Vâng. Nhưng chuyện đó không ảnh hưởng gì. Tôi yêu bà ấy”. Ông ta ngừng lại. “Vợ tôi sợ tôi sẽ bỏ bà ấy, sợ cái chết. Quát tháo chẳng qua là để che đậy nỗi sợ hãi mà thôi”. “Tôi... tôi xin lỗi”. “Con người bà ấy cũng tốt lắm. Bà ấy rất lịch thiệp, hòa nhã, đáng yêu. Đó mới là Serena mà tôi biết”. Ashley nói. “Xin lỗi nếu tôi có nhỡ...”. “Không có gì đâu”. Ông ta nhìn quanh. “Ở đây chỉ có một phòng ngủ thôi. Ông có thể vào đó còn tôi sẽ ngủ tại đây, phòng khách, trên đi văng”. Sam Blake lắc đầu. “Đi vắng thì thích hợp với tôi hơn.” “Ông thật là tử tế quá”. “Không có gì đâu, cô Patterson”. Ông ta nhìn nàng đi vào căn buồng nhỏ mang chặn gối ra. Nàng trải khăn trải giường lên đi văng. “Tôi hi vọng là ông sẽ...”. “Thế là ổn rồi. Tôi cũng không định ngủ nhiều đâu” Ông đi kiểm tra lại các cửa sổ và cửa ra vào “Tốt rồi”. Sau đó ông đặt khẩu súng trên bàn cạnh đi văng. “Chúc ngủ ngon. Sáng ra chúng ta, sẽ thu xếp các chuyện còn lại”. Ashley gật đầu. Nàng bước đến hôn lên má ông. “Cảm ơn ông”. Đồn phó Blake nhìn theo nàng đi vào không ngủ. Cánh cửa khép lại. Ông ra kiểm tra cửa sổ một lần nữa. Đêm nay sẽ rất dài đây. Tại tổng hành dinh FBI ở Washington nhân viên đặc biệt Ramirez đang nói chuyện với Roland Kingsley, sếp bộ phận của mình. “Chúng ta đã có bản báo cáo về DNA và dấu tay ở các vụ xảy ra tại Bedford, Cupertino, Quebec và San Francisco. Chúng ta cũng vừa hoàn thành xong bản xét nghiệm DNA tổng hợp. Dấu tay hoàn toàn giống nhau và DNA cũng chỉ là một”. Kingsley gật đầu. “Vậy là giết người hàng loạt à?” “Đúng vậy”. “Hãy mau chóng tìm ra tên khốn kiếp đó.” Sáu giờ sáng hôm đó, cái xác trần truồng của đồn phó Sam Blake được tìm thấy tại con hẻm đằng sau tòa nhà của Ashley Patterson bởi bà vợ của ông bảo vệ tòa nhà. Sam Blake bị đâm chết và bị thiến. Chương 10 Họ có năm người: Đồn trưởng Dowling, hai cảnh sát mặc thường phủ và hai cảnh sát mặc cảnh phục. “Tất cả trong phòng khách nhìn Ashley đang ngồi thu mình trên ghế rấm rứt khóc. Đồn trưởng Dowling lên tiếng, “Cô là người duy nhất có thể giúp chúng tôi, cô Patterson”. Ashley nhìn họ và gật đầu thở của nàng có vẻ ngắt quãng. “Tôi... tôi sẽ. cố gắng”. “Hãy bắt đầu lại từ đầu. Đồn phó Blake đã ở đây qua đêm?”. “Vâng Chính tôi đã yêu cầu ông ấy. Lúc ấy tôi đã quá sợ hãi”. “Nhà này chỉ có một phòng ngủ?” “Vâng”. “Thế đồn phó Blake đã ngủ ở đâu?” Ashley chỉ vào cái đi văng, nơi để gối và chăn. “Ở đây”. “Cô đi ngủ lúc mấy giờ?”. Ashley nghĩ một lúc. “Khoảng... nửa đêm. Chúng tôi uống trà, nói chuyện và tôi đã cảm thấy an tâm hơn. Tôi mang chăn gối ra cho ông ấy, sau đó thì vào phòng ngủ”. Nàng cố kiềm chế cảm xúc. “Đó là lần cuối cô gặp ông ấy phải không?”. “Vâng.” “Và sau đó thì cô ngủ luôn?”. “Tôi không thể ngủ ngay được. Cuối cùng tôi phải uống thuốc ngủ. Và tôi nhớ là mình chỉ thức dậy khi nghe tiếng phụ nữ hét to ở dưới con hẻm mà thôi”. Nàng bắt đầu run rẩy. “Cô có nghĩ là ai đó đã vào đây và giết chết ông ấy không?”. “Tôi... tôi không biết”. Ashley trả lời. “Có ai đó đã thường xuyên lọt vào nhà tôi. Hắn còn viết những lời đe dọa trên tấm gương trong phòng tắm”. “Ông ấy đã kể cho tôi nghe qua điện thoại rồi”. “Có thể ông ấy đã nghe thấy cái gì và... và đi ra ngoài kiểm tra”. Đồn trưởng Dowling lắc đầu. “Tôi không nghĩ là ông ấy lại trần truồng đi ra ngoài đâu”. Ashley khóc to. “Tôi không biết! Tôi không biết. Đó chỉ là cơn ác mộng thôi”. Nàng lấy tay bưng mặt lại. Đồn trưởng Dowling hỏi. “Tôi muốn xem xét căn nhà một chút. Tôi cố cần lấy lệnh khám xét không?” “Dĩ nhiên không. Ông cứ tự nhiên”. Ông ta gật đầu với hai người mặc thường phục. Một người đi vào phòng ngủ. Người kia đi vào bếp. “Cô và ông ấy đã nói chuyện gì?”. Ashley hít một hơi dài. “Tôi:.. kể về những chuyện đã xảy ra với tôi. Ông ấy rất...” Nàng nhìn ông đồn trưởng. “Tại sao ai đó lại muốn giết ông ấy? Tại sao?” “Tôi không biết, cô Patterson. Chúng tôi đang điều tra đây”. Trung úy Elton, người vừa đi vào bếp đã đứng ở ngưỡng cửa. “Tôi muốn gặp riêng ông đồn trưởng một chút”. “Xin lỗi cô”. Đồn trưởng Dowling vào bếp. “Gì cơ?” Trung úy Elton nói, “Tôi tìm thấy cái này trong bồn rửa bát đây”. Anh ta giơ lên một con dao làm bếp đẫm máu. “Nó vẫn chưa được rửa. Tôi nghĩ chúng ta sẽ lấy được dấu vân tay ở đây.” Kostoff, người đi vào phòng ngủ cũng vội vã chạy vào bếp. Anh ta cầm theo chiếc nhẫn ngọc có đính kim cương. “Tôi tìm thấy nó trong hộp trang sức. Nó giống hệt với lời mô tả bên Quebec gửi sang về chiếc nhẫn mà Jean Claude Parent tặng Toni Prescott”. Ba người im lặng nhìn nhau. “Không còn nghi ngờ gì nữa.” Dowling phá tan không khí im lặng. Ông thận trọng cầm lấy con dao làm bếp cùng chiếc nhẫn rồi quay lại phòng khách. Ông ta giơ con dao lên và hỏi. “Cô Patterson, đây là dao của cô?”. Ashley nhìn nó. “Vâng, hình như là vậy. Sao cơ?” Đồn trưởng Dowling giơ tiếp cái nhẫn lên. “Cô đã nhìn thấy cái nhẫn này bao giờ chưa?” Ashley lắc đầu. “Chưa”. “Chúng tôi tìm thấy nó trong hộp đồ trang sức của cô”. Ông thấy rõ nàng hoang mang tột độ. Ashley thì thầm. “Tôi... Ai đó đã nhét nó vào đấy.” “Ai đã làm việc đó chứ?” Mặt nàng tái nhợt đi. “Tôi không biết”. Một nhân viên khác đi vào gọi. “Đồn trưởng?” “Ờ, Bakel Ông ta lôi Baker ra góc nhà. “Bên cậu có cái gì?” “Chúng tôi phát hiện ra vết máu ở hành lang và trong thang máy. Hình như là cái xác đã bị bọc trong khăn trải giường, bị kéo lê vào thang máy và bị vứt ở ngõ sau”. “Cứt!” Đồn trưởng Dowling quay sang Ashley. “Cô Patterson cô đã bị bắt. Tôi sẽ cho cô biết quyền lợi của mình. Cô có quyền không nói nhưng những gì cô nói có thể sẽ là bằng chứng chống lại cô trước tòa. Cô được phép gọi luật sư cho mình. Nếu cô không có, tòa án sẽ cử người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cô”. * * * * * Khi họ về đến đồn cảnh sát, đồn trưởng Dowling nói. “Lấy dấu tay rồi đưa cô ta vào phòng giam”. Ashley thực hiện các thủ tục như một cái máy. Khi tất cả đã xong, đồn trưởng Dowling lên tiếng. “Cô được phép gọi một cú điện thoại”. Ashley nhìn ông ta và lí nhí trả lời. “Tôi không gọi cho ai cả” Mình không thể gọi cho bố được. Đồn trưởng Dowling nhìn nàng theo người cảnh sát đi ra. “Thật là mắc dịch. Các anh đã xem báo cáo kiểm tra nói dối của cô ta chưa. Đọc nó thì tôi dám thề là cô ta hoàn toàn vô tội”. Kostoff bước vào. “Sam đã làm tình trước khi chết. Chúng tôi đã cho chiếu tia cực tím lên thân thể và tấm khăn bọc xác ông ấy. Đã có kết quả về tinh dịch và dịch âm đạo trên đó. Chúng ta...” Đồn trưởng Dowling lầm bầm. “Chờ đó!” Ông đã chần chừ quá lâu để báo cho em gái cái tin này. Nhưng giờ cũng phải làm thôi. Ông ta thở dài và nói,” Tôi sẽ quay lại ngay”. Hai mươi phút sau, Dowling gõ cữa nhà Sam. “Ồ, một niềm vui bất ngờ”, Serena thốt lên. “Sam có về cùng anh không?” “Không, Serena. Anh phải hỏi em một câu trước đã. Nó có vẻ không được tế nhị lắm”. Bà ta nhìn ông ngạc nhiên, “Vâng?” “Em... em có làm tình với Sam trong vòng từ sáng qua đến hôm nay không? Vẻ mặt bà ta lập tức thay đổi. “Cái gì? Chúng em... không Tại sao anh lại...? Sam không trở về, phải không?” “Anh không muốn kể ra chuyện này, nhưng cậu ấy” “Anh ấy bỏ em đi theo con điếm kia, phải không? Em biết chuyện này sẽ xảy ra mà. Em không trách anh ấy đâu. Em đúng là một bà vợ không ra gì. Em...” Serena, Sam đã chết”. “Em luôn quát mắng anh ấy. Em thật sự không muốn làm vậy. Em còn nhớ...”. Dowling cầm tay em gái. “Serena, Sam chết rồi”. “Có một lần bọn em ra biển và...” Ông nắm bả vai Serena lắc mạnh. “Nghe anh nói này, Sam chết rồi”. “Và bọn em còn đi picnic nữa...” Nhìn Serena, Dowling biết là cô em có nghe và có nhận thức được những gì ông nói. “Ở đó một người xông đến và nói, Đưa hết tiền đây. Còn Sam thì nói cho tôi xem khẩu súng của anh nào”. Dowling để mặc Serena nói. Em gái ông đang bị sốc. Nó không dám tin vào sự thật. Ông tự nhủ đó là Sam. Hãy kể cho em nghe về người đàn bà kia đi. Cô ta có đẹp không? Sam nói với em lúc nào trông em cũng đẹp nhưng em biết là không phải vậy. Sam nói thế, chỉ để làm em thấy dễ chịu, vì anh ấy rất yêu em. Sam sẽ không bao giờ bỏ em. Sam nhất định sẽ quay lại. Rồi anh xem. Anh ấy vẫn còn yêu em...” Serena lảm nhảm. Đồn trưởng Dowling ra nhấc điện thoại và bấm số “Cho y tá đến đây ngay”. Rồi ông đi tới, vòng tay ôm em gái mình. “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi”. “Em đã kể cho anh nghe lúc Sam và em...”. Mười lăm phút sau, y tá có mặt. “Chăm sóc bà ấy cho cẩn thận”. Đồn trưởng Dowling nói. Có một cuộc họp nhỏ trong phòng đồn trưởng Dowling. “Có điện gọi ông từ đường dây”. Đồn trưởng nhấc ống nghe. “Tôi đây?”. “Đồn trưởng, tôi là nhân viên đặc biệt Ramirez ở tổng bộ FBI - Washington. Chúng tôi mướn cung cấp cho ông vài thông tin về vụ giết người hàng loạt của các ông. Chúng tôi không có hồ sơ của Ashley Patterson, vì cô ta chưa có tiền án nào cả, hơn thế, trước năm 1988, ở California người ta lại không đòi phải lấy dấu ngón tay cái khi cấp bằng lái xe”. “Tiếp tục đi”. “Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó là lỗi cửa máy tính nhưng khi kiểm tra lại thì...” Đồn trưởng Dowling ngồi nghe đến năm phút, vẻ hoài nghi hiện rõ trên nét mặt. Cuối cùng ông lên tiếng. “Anh chắc là không có sự nhầm lẫn nào chứ? Có vẻ như... Tất cả bọn họ...? Tôi hiểu... Cảm ơn anh rất nhiều”. Ông đặt ống nghe xuống rồi ngồi thừ ra... Sau đó ông ngẩng lên. “Đó là xét nghiệm của FBI ở Washington. Họ vừa kiểm tra tổng thể các dấu vân tay trên xác các nạn nhân. Jean Claude Parent ở Quebec đã cùng với một phụ nữ Anh tên Toni Prescott khi anh tá bị giết”. “Đúng”. “Richard Melton ở San Francisco thì cùng với cô Alette Peters người Ý”. “Đúng”. “Và đêm qua đến lượt Sam Blake cùng Ashley Patterson”. “Đúng”. Đồn trưởng Dowling hít một hơi dài. “Ashley Patterson...” “Sao cơ” “Toni Prescott...?”. “Sao cơ?” “Alette Peters...” “Sao cơ?”. “Tất cả chỉ là một người mà thôi”. Chương 11 Robert Crowther, người môi giới bất động sản của Công ty Bryant & Crowther mở cánh cửa trang trí cầu kỳ ra và nói. “Đây là sân thượng. Từ đây các bạn có thể nhìn thấy cả tháp Coit nữa đấy”. Anh ta nhìn đôi vợ chồng trẻ bước từng bước một tới lan can. Phong cảnh nhìn từ đây quả thật lộng lẫy, toàn bộ thành phố San Francisco trải dài phía dưới tạo nên một tấm thảm nguy nga tráng lệ. Robert Crowther thấy họ thầm trao đổi với nhau bằng ánh mắt và nụ cười bí ẩn, thì bất giác vui mừng. Họ đang cố giấu đi sự thích thú của mình. Xưa nay vẫn vậy. Các khách hàng đều tin rằng nếu họ biểu lộ sự vồ vập quá đỗi với món hàng, giá cả sẽ lập tức tăng cao. Với căn nhà người crowther nghĩ thầm, giá cao nhưng không đắt. Anh chỉ quan tâm xem đôi vợ chồng này có đủ khả năng chi trả không thôi. Anh chồng làm luật sư, mà các luật sư trẻ thường không có nhiều tiền. Đôi vợ chồng này trông khá đẹp đôi và có vẻ rất mực yêu thương nhau. David Singer khoảng trên dưới 30, tóc vàng, thông minh, bộ điệu vẫn còn như trẻ con. Vợ anh ta, Sandra, đáng yêu, tràn đầy tình cảm. Robert Crowther đã lưu ý điểm lợi thế là cái bụng bầu của cô vợ và nói : “Căn phòng khách thứ hai rất tiện cho một bà vú. Cách đây một dẫy nhà có một sân chơi, lại còn có hai trường học ở khu bên cạnh”. Anh ta lại thấy họ bí mật cười với nhau lần nữa. Căn nhà này có một gian gác lửng với phòng ngủ có toa lét và phòng riêng cho khách. Còn ở tầng dưới là một phòng khách rộng, phòng ăn, phòng đọc sách, nhà bếp, lại cũng có phòng ngủ dành cho khách, và hai phòng tắm. Hầu như tất cả các phòng đều nhìn thấy được toàn cảnh thành phố Robert nhìn đôi vợ chồng, một lần nữa kiểm tra căn hộ rồi thì thầm với nhau ở góc nhà. “Em thích nó quá”. Sandra nói với David. “Nó sẽ rất tiện cho con chúng ta. Nhưng anh này, mình có chịu nổi giá tiền không? Những 600.000 dollars?” “Cộng cả tiền bảo quản”, David thêm vào. “Tin xấu là, chúng ta không thể chịu được vào hôm nay. Còn tin tốt là chúng ta có thể chấp nhận vào thứ năm. Ông thần đèn sắp xuất hiện và cuộc sống của mình sẽ thay đổi”. “Em biết”. Cô vợ nói với vẻ vui mừng. “Thật tuyệt” “Vậy mình lấy nó chứ?” Sandra hít một hơi dài. “Đồng ý”. David cười toét, vẫy tay và nói. “Mừng ông về đến nhà, ông Singer”. Tay trong tay, họ đi tới chỗ Robert Crowther đứng: “Chúng tôi quyết định lấy nó”, David nói. “Chúc mừng hai bạn. Đây là một trong những chỗ ở đáng chọn nhất tại San Francisco. Các bạn sẽ rất hạnh phúc khi ở đây”. “Chắc chắn là vậy”. “Các bạn thật may mắn. Tôi phải nói rằng có rất nhiều người thích căn nhà này”. “Tiền đặt cọc là bao nhiêu?” “10000 dollars bây giờ là tốt nhất. Tôi có mang tờ cam kết theo đây. Khi các bạn ký vào, chúng tôi sẽ yêu cầu thêm l6.000 dollar nữa. Ngân hàng của các bạn sẽ tự động hàng tháng giữ một số tiền nhất định vào tài khoản của chúng tôi trong vòng 20-30 năm”. David liếc Sandra. “Được”. “Tôi sẽ cho người chuẩn bị giấy tờ”. “Chúng tôi có thể xem lại một lần nữa không” Sandra trăn trở đề nghị Crowther nở nụ cười hiền lành. “Bao lâu cũng được, bà Singer. Nó là của bà mà”. * * * * * “Cứ như một giấc mộng đẹp vậy, David. Em không tin là mọi chuyện lại diễn ra suôn sẻ thế này đâu”. “Thế đấy?”. David nắm tay Sandra. “Anh muốn biến tất cả các giấc mơ của em thành hiện thực”. “Anh đã làm rồi, anh yêu”!. Họ đang sống ở một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ tại quận Marina, nhưng khi đứa trẻ ra đời nó sẽ trở nên quá chật chội. Cho tới bây giờ họ vẫn không thể chịu nổi giá tiền căn nhà ở Nob Hill nhưng thứ năm tới sẽ là ngày Gia nhập ở Công ty luật quốc tế Kincaid, Turner, Rose ở Ripley, nơi mà David đang làm việc. Ngoài 26 người dự tuyển có khả năng, sẽ có thêm 6 người nữa được gia nhập vào bầu không khí kiêu kỳ của Công ty và tất cả mọi người ở đây đều nhất trí David là mót trong số đó. Kincaid, Tumer, Rose & Ripley với các văn phòng ở San Francisco, New York, London, París và Tokio là một trong những Công ty luật uy tín hàng đầu thế giới. Mục tiêu tuyển người của nó là những sinh viên xuất sắc nhất của các trường Luật danh tiếng. Công ti này chuyên dùng chính sách gậy và cà rốt để thử thách các tay luật sư trẻ.. Các nhân viên kỳ cựu sẽ tước đoạt không thương tiếc quyền, lợi của đám trẻ, chẳng thèm đếm xỉa gì đến thời giờ và sức khỏe họ, cho họ ngập đầu vào hàng loạt những vụ việc chán ngắt mà chẳng ai muốn mò tay: Công việc thì phải làm không phút ngơi tay, áp lực lại rất nặng nề. Đó là cái gậy. Nhưng những ai còn tồn tại nổi sau đó sẽ được hưởng củ cà rốt. Đó là lời hứa yề một vị trí trong công ty. Điều này đồng nghĩa với lương cao, được hưởng một phần trong cái bánh ngọt lợi nhuận kếch xù, một văn phòng rộng rãi, có phòng vệ sinh riêng, công việc trên khắp toàn cầu và còn vô số lợi ích khác. David đã nếm trải bao khốn khó ở Kincaid, Turnel, Rose ở Ripley được sáu năm, buồn vui lẫn lộn. Giờ làm việc dài dằng dặc, stress triền miên nhưng anh đã quyết định vượt qua tất cả để được gia nhập Công ty. Và bây giờ thì cái ngày đó cũng đã trong tầm tay anh. Sau khi chia tay với người môi giới nhà đất, David và Sanđra rủ nhau đi mua sắm. Họ mua xe nôi, cũi, tã lót và quán áo cho đứa con trong bụng Sandra, đứa con mà họ đã chuẩn bị sẵn cho nó cái tên Jeffrey. “Mua cho con một ít đồ chơi nữa”, David nói. “Mình còn nhiều thời gian mà”. Sandra cười. Mua sắm xong, họ đi tản bộ dọc theo khu cảng ở Ghlrardello Square, vượt qua nhà máy đồ hộp tới cầu tầu Fisherma. Rồi họ ăn trưa tại nhà hàng American Blstro. Hôm đó là thứ bảy, thời tiết ở SanFrancisco rất đẹp, phù hợp với bộ veston đen, cavat sáng màu, cặp da và bữa ăn trưa ngon miệng cùng ngồi nhà ưng ý Hôm đó là ngày của chàng luật sư. David và Sandra gặp nhau ba năm trước, trong một bữa tiệc nho nhỏ. David tới dự cùng con gái một khách hàng của công ty Sandra lúc đó thì đang làm việc cho một công ty cạnh tranh Tại bữa tiệc ấy, David và Sandra đã tranh luận về một quyết định được đưa ra tròng một vụ án chính trị ở Washington. Cụộc tranh luận của họ càng lúc càng gay gắt hơn và cho đến nứa chừng thì cả hai chợt nhận ra rằng họ đã không quan tâm đến phán quyết của tòa án. Họ đang khoe khoang tài năng với nhau, chỉ là thế thôi. Ngay hôm sau David gọi điền cho Sandra. “Tôi muốn kết thúc vấn đề ở đây”, David trình bày. “Tôi nghĩ thế là đủ rồi”. “Tôi cũng vậy”. Sandra đồng ý. “Chúng ta có thể gặp nhau vào bữa tối chứ?” Sandra lưỡng lự. Nàng đã có hẹn rồi “Được”. Nàng trả lời. “Tối nay cũng được”. Họ đã kết bạn với nhau ở bữa ăn đó. Một năm sau, họ làm lễ cưới. Joseph Kincaid, một trong cổ đông lớn của Công ty đã tặng David món quà cưới giá trị là một tuần nghỉ ngơi. Lương của David tại Kincaid, Turner, Rose & Ripley là 45.000 dollar một năm. Sandra vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Nhưng bây giờ, với đứa trẻ sắp ra đời, chi tiêu của họ đã gia tăng rất nhiều. “Em sẽ phải nghỉ việc trong vài tháng”. Sandra nói. “Em không muốn thuê bà vú, anh ạ. Em muốn tự mình lo cho con nó”. Kết quả siêu âm đã cho biết họ sẽ có con trai. “Mình sẽ lo liệu được mà”. David quả quyết. Ngày gia nhập sẽ làm thay đổi cuộc đời họ. Sáng thứ năm, David vừa mặc quần áo vừa xem bản tin trên ti vi. Người phát thanh viên nói với giọng nghiêm trọng. “Chúng tôi có một câu chuyện li kỳ... Ashley Patterson, con gái của bác sĩ lỗi lạc Steven Pat-terson ở San Francisco đã bị bắt vì bị tình nghi là thủ phạm của hàng loạt vụ giết người giống nhau. Cảnh sát và FBI đang truy tìm...” David đứng sững trước tivi, lặng người đi. “Đêm qua, đồn trưởng cảnh sát Matt Dowling ở hạt Santa Clara đã công bỏ việc bắt giữ Ashley Patterson bởi hàng loạt vụ giết người hết sức dã man. Đồn trưởng Dowling đã trả lời các phóng viên như sau, Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã tóm đúng thủ phạm. Các bằng chứng đã nói lên tất cả..” Bác sĩ Steven Patterson. Đầu óc Dayid bắt đầu hồi tưởng lại quá khứ. Năm đó anh 21 tuổi và bắt đầu học năm thứ nhất trường Luật. Một ngày kia anh về nhà và phát hiện mẹ mình nằm bất tỉnh trong phòng ngủ. Anh gọi số 911. Xe cứu thương đến đưa mẹ anh vào bệnh viện Memorial San Francisco. David đợi bên ngoài phòng cấp cứu cho đến khi bác sĩ bước ra nói chuyện với anh. “Mẹ tôi... mẹ tôi sẽ không sao chứ?” Bác sĩ lưỡng lự. “Chúng tôi đã mới bác sĩ chuyên khoa tim kiềm tra. Bà ấy bị dãn dây chằng van tim”. “Thế nghĩa là sao?” David hỏi. “Tôi e là chúng tôi đã hết khả năng. Bà cụ đã quá tuổi cấy ghép rồi, mà làm tiêu phẫu tim thì... nguy hiểm”. Daviđ cảm thấy đau nhói. “Vậy mẹ tôi... bao lâu nữa?” “Vài ngày, hoặc một tuần. Xin lỗi, cậu trai ạ”. David đau đớn đứng thừ ra. “Còn ai có thể giúp mẹ tôi không?”. “Tôi nghĩ là không. Người duy nhất. đủ khả năng là Steven Patterson, nhưng ông ấy rất...” “Steven Patterson là ai?” “Ông ấy là bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tiểu phẫu tim. Nhưng thời gian biểu của ông ấy thì không bao giờ...” David đã bỏ đi. David gọi đến văn phòng bác sĩ Patterson từ điện thoại công cộng ở góc hành lang bệnh viện. “Tôi muốn hẹn gặp bác sĩ Patterson. Về mẹ của tôi, bà ấy...”. “Xin thứ lỗi. Chúng tôi không chấp nhận cuộc hẹn mới nào. Anh hãy gọi lại sau sáu tháng nữa”. “Mẹ tôi không chờ được sáu tháng đâu”. David quát lên. “Tôi xin lỗi. Tôi có thể chuyển anh cho...” David dập điện thoại xuống. Sáng hôm sau, David đến văn phòng của bác sĩ Patterson. Phòng chờ đông cứng người. David đi tới bàn tiếp tân. “Tôi muốn hẹn gặp bác sĩ Patterson. Mẹ tôi rất yếu và... Cô gái ngẩng đầu lên, nói “Anh đã gọi điện hôm qua, phải không?” “Vâng”. “Tôi đã bảo anh rồi. Chúng tôi đã đóng sổ hẹn và không chấp nhận thêm bất kỳ trường hợp nào”. “Tôi sẽ đợi”. David ngang bướng nói. “Anh không đợi được đâu. Bác sĩ...” David ngồi xuống. Anb nhìn từng người một được gọi vào phòng khám cho đến lúc chỉ còn mình anh. Sáu giờ chiều, cô tiếp khách nói. “Không còn gì ở đây nữa. Bác sĩ đã về rồi”. David đến thăm mẹ ở phòng điều trị đặc biệt tối hôm đó. “Một phút thôi nhé”, cô y tá nhắc. “Bà ấy yếu lắm”. David rón rén bước vào, đầm đìa nước mắt. Mẹ anh đang nằm đó với máy hô hấp nhân tạo. Trông bà còn bợt bạt hơn cả tấm khăn trải giường. Cặp mắt bà nhắm nghiền. David tiến lại gần bà và nói khẽ. “Mẹ ơi, con đây Con sẽ không để cái chết đến với mẹ đâu. Rồi mẹ sẽ khốc lại mà”. Nước mắt vẫn lăn trên má anh. “Mẹ có nghe thấy con nói không? Mình sẽ cùng nhau chiến đấu. Không gì có thể đánh bại chúng ta khi mẹ con mình ở bên nhau. Con sẽ gọi bác sĩ giỏi nhất đến chữa cho mẹ. Mẹ hãy nghỉ ngơi đi. Ngày mái con quay lại”. Anh cúi xuống và hôn lên má bà. “Liệu ngày mai bà có còn sống không?” * * * * * Chiều hôm sau, David đi tới gara để xe dưới tầng hầm khu nhà đặt văn phòng của bác sĩ Patterson. Người bảo vệ nhà xe đang đi loanh quanh trong đó. Ông ta tiến lại gần David. “Tôi có thể giúp gì cho anh?”. “Tôi đang đợi bà xã”. David nói. “Cô ấy khám bệnh ở chỗ bác sĩ Patterson”. “Người bảo vệ mỉm cười. Ông ấy là người tuyệt vời đấy.” “Ông ấy thường kể cho chúng tôi nghe về chiếc xe ưa thích của mình”. David ngừng lại, làm ra vẻ cố nhớ. “Cadillac thì phải?”. Người bảo vệ lắc đầu. “Không”, ông ta chỉ chiếc Rolis-Royce đỗ ở góc gara. “Nó kia kìa”. “Ồ, đúng vậy. Tôi lại cứ nhớ là ông ấy nói về chiếc Cadillac”. “Tôi hơi ngạc nhiên đấy”. Người bảo vệ nói. Rồi ông ta vội vã chạy tới một chiếc xe mới đến. David cẩn thận đến gần chiếc Rolls-Royce. Khi biết chắc rằng không có ai nhìn mình, anh bèn mở cửa xe và chui tọt vào băng sau rồi nằm bẹp xuống sàn xe. Anh nằm đó, chật chội và khó chịu, chờ đợi bác sĩ Patterson xuất hiện. Sáu giờ mười lăm phút, David nghe thấy tiếng mở cửa xe, thấy xe hơi lún xuống, chứng tỏ đã có người ngồi vào. Anh nghe thấy tiếng động và chiếc xe bắt đầu lăn bánh. “Xin chào, bác sĩ Patterson”. “Chào, Marco”. Chiếc xe rời khỏi gara và David cảm thấy nó lượn theo khúc rẽ. Anh đợi thêm hai phút, sau đó hít mạnh và ngồi thẳng dậy. Bác sĩ Patterson nhìn thấy anh qua tấm gương chiếu hậu. Ông nói bình tĩnh. “Nếu anh có ý định ăn cướp thì rất tiếc là tôi không mang tiền mặt trong người”. “Rẽ vào phố nhỏ kia và đỗ xe sát lề đường”. Bác sĩ Patterson gật đầu. David hồi hộp theo dõi ông ngoặt xe vào con phố nhỏ và dừng xe sát vỉa hè. “Tôi sẽ đưa anh tất cả tiền trong người,” Bác sĩ Patterson nói, “anh lấy luôn cả xe cũng được. “Không cần phải dùng vũ lực đâu. Nếu..”. David trườn lên ngồi cạnh ông. “Đây không phải là một vụ cướp. Tôi cũng chẳng cần xe của ông làm gì”. Bác sĩ Pattersonnhìn anh khó chịu. “Thế anh cần cái quái gì ở tôi?”. “Tên tôi là Singer. Mẹ tôi sắp chết lồi. Tôi cần ông đến cứu bà”. Khuôn mặt bác sĩ Pattrson thoáng dịu đi, nhưng thay vào đó lại là sự giận dữ. “Hãy hẹn với...” “Không còn thời gian để hẹn hò nữa”. David quát lên. “Mẹ tôi sắp chết và tôi sẽ không để điều đó xảy ra đâu”. Anh cố trấn tĩnh mình. “Xin ông làm ơn. Các bác sĩ khác bảo ông là niềm hi vọng cuối cùng của tôi”. Bác sĩ Patterson vẫn nhìn anh bằng cặp mắt giận dữ. “Thế bà cụ bị làm sao?”. “Mẹ tôi bị... dãn dây chằng van tim. Các bác sĩ khác không đám làm phẫu thuật. Họ nói rằng chỉ có ông mới đủ khá năng cứu mẹ tôi”. Bác sĩ Patterson lắc đầu. “Lịch của tôi...” “Tôi không quan tâm đến lịch của ông”. Đây là mẹ tôi. Ông phải cứu bà ấy vì bà ấy là tất cả đối với tôi” Im lặng kéo dài. David ngồi đó, cặp mắt nhắm nghiền. Anh nghe thấy giọng bác sĩ Patterson. “Tôi không hứa trước nhưng tôi sẽ qua thăm bệnh cho bà. Hiện giờ bà đang nằm ở đâu?”. Davld mở mắt nhìn ông ta. “Phòng điều trị đặc biệt bệnh viện Memorial San Francisco”. “Gặp anh 8 giờ sáng mai ở đó”. Giọng David lạc hẳn đi. “Tôi không biết...” “Nhờ đấy, tôi không hứa hẹn điều gì cả. Và tôi cũng không tán thành kiểu thử thách long can đảm thế này đâu, cậu trẻ ạ. Lần sau hãy cố gọi điện trước”. David ngồi bất động. Bác sĩ Patterson nhìn anh. “Sao?” “Còn một chuyện nữa”. “Thế à?”. “Tôi... tôi không có tiền tôi là sinh viên luật và tôi còn một chặng đường dài trước mặt”. Bác sĩ PatterBOn nhìn anh chằm chằm. Chợt David thốt lên mạnh mẽ.“Nhưng tôi thề tôi sẽ tìm mọi cách để trả tiền cho ông, dù có phải lao lực hết cả cuộc đời. Tôi biết giá tiền của ông và tôi...” “Tôi không nghĩ anh phải làm thế đâu, con trai”. “Tôi không còn ai để nhờ cậy nữa, bác sĩ Pat- terson. Tôi... Tôi cầu xin ông”. Bầu không khí trong xe lại lắng xuống. “Cậu đã học được mấy năm rồi?” “Tôi vừa mới nhập học xong”. “Và cậu muốn sau này sẽ trả tiền cho tôi?” “Tôi thề là như vậy”. Khi David về đến nhà, anh chắc mẩm trong bụng rằng thế nào mình cũng bị cảnh sát tóm cổ về tội bắt cóc hoặc có hành vi đe dọa hoặc cái gì đó tương tự như thế. Nhưng anh đã nhầm. Bây giờ tất cả chỉ còn là chuyện ngày mai bác sĩ Patterson có xuất hiện hay không mà thôi. Sáng hôm sau, khi David đi vào phòng đặc biệt thì bác sĩ Patterson đã có mặt ở đó và đang khám bệnh cho mẹ anh. David chỉ biết đứng nhìn, tim đập mạnh, mồm khô đắng. Bác sĩ Patterson quay sang đám bác sĩ đứng xung quanh giường bệnh. “Đưa, bà ấy vào phòng mổ ngay. Khi người ta đưa mẹ anh đi, David, mới dám cất tiếng hỏi, “Liệu mẹ tôi...” “Chúng tôi sẽ cổ”. Sáu giờ sau, bác sĩ Patterson ra gặp David trong phòng chờ. Anh nhầy dựng lên. “Mẹ tôi...?”, anh không dám kết thúc câu hỏi. “Bà ấy sẽ bình phục thôi. Mẹ anh chịu đựng tốt lắm”. David đứng đó, lòng tràn ngập cảm giác biết ơn Anh thầm cầu nguyện. Con xin tạ ơn Chúa. Bác sĩ Patterson nhìn anh. Tôi còn chưa biết cả tên anh”. “David, thưa ông”. “Được anh David này, ảnh có biết tại sao tôi lại quyết định làm việc này không?” “Không ạ...”. “Có hai lý do. Bệnh tình của mẹ ảnh quả là một thử thách đối với tôi. Còn lý do thứ hai là... vì anh”. “Tôi... tôi không hiểu”. “Những gì anh đã làm cũng giống như tôi hồi trẻ. Anh làm tôi nhớ lại quá khứ: Còn bây giờ...- giọng ông thay đổi, anh có nói là sẽ trả tiền tôi sau phải không?” David thấy ngực mình nặng trĩu. “Vâng, thưa ông. Một ngày...” “Thế ngay bây giờ thì sao.?” David nuốt nước bọt. “Bây giờ?”. “Tôi với anh thỏa thuận nhé. Anh có biết lái xe không?” “Có, thưa ông.” “Tốt. Tôi lại rất ghét tự mình lái xe. Anh sẽ lái xe đưa tôi đi làm và đón tôi vào sáu giờ chiều trong vòng một năm. Đến cuối kỳ hạn, tôi sẽ trừ cho anh...?” Vậy là xong. Bác sĩ Patterson đã cứu sống mẹ David và để đổi lại, anh đưa đón ông đi làm trong một năm trời. Dần dần, David trở nên sùng bái bác sĩ Patterson. Không kể việc ông thỉnh thoảng có những cơn giận khủng khiếp thì đây là người đàn ông vị tha nhất mà Dayid từng biết. Ông chủ yếu tập trung vào các hoạt động từ thiện và dành gần hết thời gian rỗi vào việc nghiên cứu thực hành ở buồng bệnh. David và ông thường trò chuyện với nhau khi anh lái xe đưa đón ông đi làm: “Anh đang học luật gì vậy, David?” “Luật hình sự”. “Tại sao vậy? Bộ anh muốn giúp bọn côn đồ trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật lắm sao?” “Không, thưa ông. Cũng còn có rất nhiều người lương thiện bị dính dáng đến pháp luật cần sự giúp đỡ. Tôi muốn giúp những người đó kia.” Khi hết thời hạn, bác sĩ Patterson giữ tay David và nói, “Chúng ta thậm chí...” * * * * * Đã nhiều năm qua David không gặp bác sĩ Patterson nhưng anh vẫn thường nghe nhắc đến tên ông. “Bác sĩ PatterBon mở phòng khám miễn phí cho các trẻ em bị AIDS...” Hôm nay bác sĩ Patterson sang Kenya để mở Trung tâm Y tế Patterson...” “Trung tâm từ thiện Patterson chính thức đi vào hoạt động...” Dường như ông có mặt ở mọi nơi, dành hết thời gian và tiền bạc cho những người cần ông giúp đỡ. Giọng nói của Sandra làm David bừng tỉnh. “David. Anh không sao đấy chứ .” Anh rời mắt khỏi màn hình tivi. “Cảnh sát vừa bắt con gái của bác sĩ Steven Patterson vì tội giết người hàng loạt”. “Thật kinh khủng. Em rất tiếc, anh ạ”. “Ông ấy đã tặng Mẹ thêm bảy năm tuyệt vời trên cõi đời này. Thật không công bằng khi một chuyện tồi tệ đến thế này lại xảy ra với một người như bác sĩ Patterson. Ông là người tốt bụng nhất mà anh từng gặp, ông không đáng chịu những hậu quả này. Làm sao mà ông ấy lại có thể có được cô con gái quái vật như vậy?” Anh nhìn đồng hồ. “Mẹ kiếp? Anh sẽ bị muộn mất”. “Anh còn chưa ăn sáng mà”. “Anh chẳng muốn ăn nữa” David lại liếc vào tivi “Đây và hra m nay là ngày gia nhập...” “Anh coi như ổn rồi còn gì? Không thể còn trục trặc gì nữa”. “Luôn luôn có khúc mắc đấy em ạ. Năm nào cũng có những người chắc mười mươi nhưng rồi lại bị ra rìa”. Sandra ôm chặt David và nói, “Có được anh là sự may mắn của họ đấy”. David hôn nhẹ lên má vợ. “Cảm ơn em. Anh thật không biết cuộc đời sẽ ra sao nếu thiếu em”. “Gọi cho em ngay khi biết kết quả, được không David?” “Dĩ nhiên. Chúng ta sẽ đi ăn mừng”. Câu nói này cứ vang vọng trong đầu David. Nhiều năm trước, anh đã nói với một người, “Chúng ta sẽ đi ăn mừng”? Và anh đã giết chết cô ta. Trụ sở của Kincaid, Turner, Rose ở Ripley chiếm hết ba tầng trong tòa cao ốc Trans America Pyramid ở trung tâm San Francisco. Khi David bước vào, anh được đón tiếp bằng những nụ cười đầy ý nghĩa. Điều đó khác hẳn với câu “chào buổi sáng” thông thường. Họ biết họ sắp thu nhận thêm một đồng xu mới vào Công ty. Và quan trọng là người này đã tỏ ra rất xứng đáng. Trên lối dẫn về góc làm việc nhỏ bé của mình, Daviđ đi ngang qua căn phòng đã được bầy biện sẵn dành cho người sắp được gia nhập. Và anh không thể không liếc vào bên trong. Căn phòng thật rộng rãi, có buồng vệ sinh riêng, một bộ bàn ghế làm việc, một cửa sổ hướng ra phía vịnh San Francisco. Anh đứng lặng đi một lúc, chìm vào suy nghĩ. Khi David ngồi xuống bàn làm việc, thư ký của anh, Holly nói. “Chào buổi sáng, ông Singer”. Cô ta có vẻ hơi cao giọng. “Chào buổi sáng, Holly”. “Tôi có tin tức cho ông đây”. “Mời cô”. “Ông Kincaid muốn gặp ông tại văn phòng của ông ấy vào lúc năm giờ chiều nay”. Cô ta dừng lại và mỉm cười. Vậy là thật sướng rồi. “Cảm ơn cô”. Cô ta đến gần David hơn và nói, “Tôi nghĩ là tôi nên tiết lộ cho ông. Tôi đã uống cà phê cùng Dorothy, thư ký của ông Kincaid sáng nay. Cô ấy bảo ông là người đứng đầu danh sách đấy”. David cười. “Cảm ơn, Holly”.. “Ông dùng cà phê chứ?” . “Được lắm!” “Đen nóng, đến ngay”. David ngồi vào bàn làm việc. Hàng đóng hồ sơ, tài liệu và hợp đồng. Hôm nay quả là một ngày tốt. Xong. “Ông Kincaid muốn gặp ông tại văn phòng của ông ấy lúc năm giờ chiều nay... Anh là người đứng đầu danh sách đấy? Anh định báo cho Sandra biết tin ngay. Nhưng có cái gì đó níu kéo anh lại. Mình sẽ chờ đến lúc đó, anh nghĩ. Mười một giờ, Holly bước vào. “Có bác sĩ Patterson muốn gặp ông. Ông ấy không hẹn..,” Anh ngẩng lên. “Bác sĩ Patterson ở đây à?” “Vâng”. David đứng dậy. “Mời ông ấy vào ngay”. Steven Patterson đi phía sau Holly. David cố giấu thái độ của mình. Trông ông già đi nhiều và có vẻ mệt mỏi. “Chào David”. “Bác sĩ Patterson. Mởi ông ngồi”. David nhìn ông chậm chạp ngồi xuống ghế. “Tôi đã xem bản tin sáng nay. Tôi... rất lấy làm tiếc”. Bác sĩ Patterson chán nản gật đầu. “Ừ. Đúng là một đòn nặng”. Ông ngẩng lên. “David, tôi cần cậu giúp đỡ”. “Dĩ nhiên,” David hăng hái trả lời. “Bất cứ việc gì tôi có thể làm được. Bất cứ việc gì? “Tôi muốn cậu bào chữa cho Ashley!. Giọng của David chìm xuống. “Tôi... tôi không thể. Tôi không còn là luật sư hình sự chuyên bào chữa cho tội phạm nữa”. Bác sĩ Patterson nhìn anh và nói, “Ashley không phải là tội phạm”: “Tôi:.. ông không hiểu đâu, bác sĩ Patterson. Hiện tôi đang là luật sư thực tập thôi. Tôi có thể giới thiệu.” “Tôi đã nhận được hàng chục cú điện thoại của các luật sư tội phạm nổi tiếng. Tất cả bọn họ đều muốn nhận vụ này”. Ông dựa lưng vào ghế. “Nhưng tôi biết họ không quạn tâm đến con gái tôi. Đây là vụ án nghiêm trọng và họ chỉ nhằm vào chuyện tiếng tăm mà thôi. Họ chẳng giúp gì được cả. Mà Ashley là tất cả đối với tôi”. “Tôi muốn ông cứu mẹ tôi. Bà ấy là tất cả đối với tôi? David nói, “Tôi thật sự muốn giúp ông, nhưng”. “Khi cậu ra trường, cậu đã làm cho Công ty luật hình sự cơ mà?” Tim David bắt đầu đập nhanh hơn. “Đúng vậy nhưng… “Cậu đã là luật sư chuyên về án hình sự được vài năm?”. David gật đầu. “Đúng, nhưng tôi đã từ bỏ rồi. Đã quá lâu và…” “Không lâu thế đấu, David. Và cậu đã bảo cậu thích công việc này lắm cơ mà. Tại sao cậu, lại bỏ nó để chạy sang đây vậy hả?” David ngồi yên, rồi trả lời, “Chuyện đó không quan trọng”. Bác sĩ Patterson rút ra một bức thư viết tay và đưa cho David. Dù không cần đọc nhưng David cũng biết trong bức thư viết gì. Thưa bác sĩ Patterson, Tôi không biết phải nói thế nào về tâm long độ lượng của ông và món nợ quá lớn của tôi đối với ông. Nếu có việc gì tôi có thể giúp ông, chỉ cần ông nói với tôi và việc đó sẽ được hoàn thành không một lời hỏi han. David vẫn cầm bức thư trong tay. “David, cậu sẽ nói chuyện với Ashley chứ?” David gật đầu. “Vâng, dĩ nhiên là như vậy, nhưng...” Bác sĩ Patterson đứng lên. “Cảm ơn cậu”. David đứng nhìn theo ông đi ra khỏi cửa. “Tại sao cậu lại bỏ nó và sang đây thế hả?” Vì tôi đã phạm phải một sai lầm, và người phụ nữ vô tội tôi yêu đã chết. Tôi sẽ không để ai chết trên tay tôi nữa. Không bao giờ. Tôi không thể bào chữa cho Ashley Patterson được. David nhấn nút máy liên lạc. “Holly, cô làm ơn hỏi ông Kincaid xem ông ấy có thể gặp tôi ngay bây giờ được không?” . “Vâng, thưa ông”. Ba mươi phút sau, David bước vào văn phòng trang trí vô cùng cầu kỳ của Joseph Kincaid. Kincaid khoảng 60 tuổi, khỏe mạnh, chắc chắn song nom hơi đơn điệu. “Được” Ông ta nói với David, “Cậu đang rất lo lắng phải không? Cuộc gặp của chúng ta sẽ vào lúc năm giờ cơ mà?” David bước đến cạnh bàn làm việc của ông ta. “Tôi biết. Tôi đến đây để bàn về một chuyện khác, Joseph”. Nhiều năm trước, Davld đã mắc phải một sai lầm khi gọi ông ta là Joe và ông ta đã nổi cơn tam bành lên. “Đừng bao giờ gọi tôi là Joe. “Ngồi đi, David”. Anh ngồi xuống. “Xì gà nhé? Hàng Cuba đấy”. “Không, cảm ơn”. “Có việc gì vậy?” “Bác sĩ Steven Patterson vừa đến gặp tôi”. Kincaid xì một tiếng. “ông ấy vừa lên bản tin sáng nay xong. Thật đáng xấu hổ. Thế ông ta cần gì ở cậu?” “Ông ấy yêu cầu tôi bào chữa cho con gái ông ấy” Kincaid ngạc nhiên nhìn David. “Cậu không còn làm luật sư hình sự nữa mà”. “Tôi cũng bảo ông ấy rồi”. “Vậy thì thế này”, Kincaid nghĩ một lúc. “Cậu biết không, tôi rất muốn bác sĩ Patterson trở thành khách hàng của mình. Ông ấy có ảnh hưởng rất lớn. Ông ấy có thể mang lại nhiều vụ kinh doanh béo bở cho Công ty đấy. Ông ta có mối liên hệ với nhiều tổ chức y tế...” . “Còn nữa”. Kincaid lại ngạc nhiên nhìn David. “Ồ?” “Tôi đã hứa sẽ đến nói chuyện với con gái ông ấy”. “Tôi hiểu. Dù sao, tôi cho là chuyện này không có hại gì cả. Cứ đến nói chuyện đi rồi chúng ta sẽ giới thiệu một luật sư thích hợp cho ông ta”. “Đó là kế hoạch của tôi”. “Tốt. Chúng ta đang xây dựng nền móng quan hệ với ông ta. Cậu tiến hành đi”. Ông ta mỉm cười “Gặp lại lúc năm giờ”: “Vâng. Cảm ơn ông, Joheph”. Lúc ra khỏi văn phòng của Kincaid, David tự hỏi, có cái quái gì khiến bác sĩ Patterson cứ khăng khăng đòi mình bào chữa cho con gái ông ấy nhỉ? Chương 12 Ashley ngồi trong phòng giam nhà tù Santa Clara, cố gắng ý thức lại xem mình đã vào đây như thế nào. Lúc bị bắt, nàng đã tỏ ra vui mừng tột độ vì tất cả những kẻ định làm hại nàng đều sẽ bị chặn lại ở bên ngoài. Nàng coi nhà tù như tấm chắn, che chở nàng thoát khỏi những điều tồi tệ không thể giải thích được xảy ra với mình. Cuộc đời nàng đã biến thành một cơn ác mộng đen tối. Ashiey nghĩ lại tất cả mọi chuyện xảy ra. Ai đó đã vào nhà nàng và giở trò trêu ghẹo, phá phách nàng... chuyến đi tới Chicago... dòng chữ trên tấm gương... và bây giờ cảnh sát kết tội nàng về những án mạng mà nàng không hề liên quan đến. Có một âm mưu nào đó nhằm chống nàng nhưng nàng không hề biết lý do vì sao cũng như ai đứng đằng sau nó. Sáng hôm đó, một người coi tù đến phòng giam Ashley : “Có khách”. Anh ta dẫn Ashley đến phòng thăm hỏi phạm nhân, nơi bố nàng đang chờ nàng. Ông đứng đó, nhìn nàng, khuôn mặt mòn mỏi vì buồn phiền. “Con... bố thật không biết nói gì”. Ashley thì thầm. “Con không hề làm bất kỳ chuyện gì mà người ta đã gán cho con”. “Bố biết là con không làm. Người ta đã nhầm lẫn, rồi chúng ta cũng sẽ bình yên cả thôi. Ashley nhìn bố và tự hỏi làm sao mà nàng lại nghĩ ông là thủ phạm được cơ chứ. “…Đừng lo lắng.” Ông nói tiếp. “Mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Bố đã gọi luật sư cho con rồi. David Singer. Anh ta là một trong những người có khả năng nhất mà bố được biết. Anh ta sẽ đến gặp con. Bố muốn con kể cho anh ta mọi chuyện”. Ashley trả lời tuyệt vọng. “Bố, con không biết phải kể cái gì. Con đâu có biết chuyện gì đã xảy ra.” “Chúng ta sẽ tìm ra chân tướng của nó, con ạ. Bố sẽ không để ai làm tổn hại đến con đâu. Không ai! Không bao giờ! Con là tất cả đối với bố, con có hiểu không?” “Và bố là tất cả đối với con”. Ashley thì thầm. Bác sĩ Patterson ở lại thêm một giờ nữa. Khi ông về, thế giới của Ashley lại thu hẹp lại trong căn phòng giam giữ nàng. Nàng nằm trên giường, cố ép mình không được nghĩ đến bất kỳ chuyện tồi tệ gì. Rồi sẽ sớm kết thúc thôi, và mình sẽ nhận ra đó chỉ là một giấc mơ... Chỉ là giấc mơ...giấc mơ... Nàng ngủ thiếp đi. * * * * * Giọng nói của người cơi tù làm Ashley tỉnh giấc. Nàng được dẫn tới phòng thăm hỏi phạm nhân, nơi Shane Miller đang chờ. Anh đứng lên khi Ashley bước vào. “Ashiey...” Tim nàng đập mạnh. “Ồ, Shane!” chưa bao giờ nàng lại vui mừng như thế cả. Hình như là nàng biết anh đến để giải phóng cho nàng, anh sẽ sắp xếp để đưa nàng ra khỏi đây. “Shane, rất mừng được gặp lại anh” “Tôi cũng vậy”. Shane lúng túng trả lời. Anh đưa mắt nhìn quanh căn phòng buồn tẻ. Dù thế nào thì tôi cũng phải nói. Khi biết tin, tôi... tôi không thể tin nổi nữa. Chuyện gì đã xảy ra? Cái gì đã khiến cô làm vậy, Ashley?” Mặt nàng từ từ biến sắc. “Cái gì đã khiến tô” Anh cũng nghĩ là tôi...?” “Không sao cả”. Shane nói nhanh. “Đừng nói gì thêm cả. Cô không nên tiếp xúc với ai ngoại trừ luật sư của mình”. Ashley lặng đi, nàng nhìn anh ta đăm đăm. Anh ta cũng tin là nàng có tội. “Anh đến đây làm gì?” “Ờ tôi tôi không muốn đâu, nhưng trong... trong hoàn cảnh hiện nay, tôi... Công ty... quyết định sa thải cô ý tôi là... Công ty không thể liên quan đến những chuyện như vậy. Việc báo chí đăng tin cô làm việc tại Global có ảnh hưởng rất xấu tới Công ty. Cô hiểu chứ? Ngoài ra không có lý do cá nhân nào đâu”. Trên đường lái xe tới San Jose, David Singel thầm sắp xếp trong đầu những điều anh sẽ nói với Ashley Patterson. Anh phải lấy thông tin từ cô ta sau đó chuyển tới chỗ Jesse Quiller, một trong số các luật sư cãi án hình sự bậc nhất ở Hoa Kỳ. Nếu một người nào đó có thể giúp Ashiey thì đó phải là Jesse. David được đưa tới văn phòng của đồn trưởng Dowling. Anh trao cho ông ta tấm danh thiếp. “Tôi là luật sư Tôi đến gặp Ashley Patterson và...” “Cô ta đang đợi anh”. David ngạc nhiên nhìn ông ta. “Vậy ư?” “Ớ” Đồn trưởng Dowling quay sang người nhân viên và gật đầu. Người này nói với David. “Mời ông theo lối này”. Anh ta dẫn David vào phòng thăm hỏi phạm nhân và vài phút sau, Ashley bước vào. David hoàn toàn bị bất ngờ trước Ashley Patterson. Anh đã gặp nàng một lần từ nhiều năm trước, khi anh còn là sinh viên luật và đang lái xe cho bố nàng. Trước mắt anh hiện giờ là một cô gái thông minh và quyến rũ. Duy chỉ có ánh mắt nàng là biểu lộ sự sợ hãi. Ashley kéo ghế ngồi đối diện David. “Chào, Ashley. Tôi là David Singerl”. “Bố tôi nói là anh sẽ đến”. Giọng nàng run run. “Tôi muốn hỏi cô vài vấn đề”. Nàng gật đầu. “Trước khi bắt đầu, cô nên biết những gì cô kể đều được đảm bảo bí mật về pháp lý. Chỉ cô và tôi biết nó thôi. Và tôi cần được biết sự thật”. Anh lưỡng lự. Anh không định đi quá xa, nhưng anh lại muốn Jesse Quier nắm bắt toàn bộ tình tiết sự việc để dễ bề thuyết phục anh ta nhận vụ này. “Cô có giết những người đó không?” “Không!” Giọng Ashley vang lên chắc nịch. “Tôi vô tội”. David rút từ trong ví ra một miếng giấy và liếc qua nó. “Cô có quen Jim Cleary không?”. “Có Chúng tôi còn định kết hôn nữa. Tôi vốn không có lý do gì để hãm hại Jim cả. Tôi yêu anh ấy”. David ngắm Ashley một lúc, sau đó nhìn miếng giấy lần nữa. “Thế còn Dennis Tibble?” “Dennis làm việc cùng Công ty với tôi. Đêm anh ta bị giết tôi có gặp anh ta nhưng tôi cũng không thể gây án được. Tôi đang ở Chicago”. David nhìn vào mặt Ashley. “Anh phải tin tôi. Tôi... cũng không có lý do gì để giết Dennis”. “Được”. Anh lại liếc miếng giấy. “Thế quan hệ giữa cô và Jean Claude Parent như thế nào?”. “Cảnh sát có hỏi tôi về anh ta. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến tên anh ta cả. Làm sao tôi có thể giết một người khi hoàn toàn không biết người đó, Nàng nhìn David van nài. “Anh thấy không? Họ đã bắt nhầm rồi. Họ nhầm mất rồi”. Nàng bắt đầu thổn thức: “Tôi không hề giết ai cả”. “Richard Melton”? “Tôi cũng chẳng hề biết anh ta”. David đợi cho đến lúc Ashley lấy lại được bình tĩnh. “Vậy còn đồn phó Blake?”. Ashley lắc đầu: “Đêm đó, đồn phó Blake ở lại nhà tôi để canh chừng cho tôi. Có ai đó theo dõi và đe dọa tôi. Tôi ngủ trong phòng ngủ còn ông ấy ngủ trên đi văng phòng khách. Người ta... tìm thấy xác ông ấy ở dưới ngõ”. Giọng nàng bắt đầu run lên. “Tại sao tôi lại giết ông ấy chứ? Ông ấy đang giúp đỡ tôi cơ mà”. David bối rối nhìn Ashley. Có cái gì đó vướng mắc ở đây. David nghĩ thầm. Hoặc cồ ta nói thật hoặc cô ta là một kịch sĩ đại tà. Anh đứng lên. “Tôi sẽ quay lại. Tôi cần gặp ông đồn trưởng một chút”. Hai phút sau anh đã ở trong phòng đồn trưởng. “Anh đã hỏi chuyện cô ta chưa?” Đồn trưởng Dowling hỏi. “Rồi. Tôi nghĩ là ông đang gặp rắc rối đấy, đồn trưởng ạ”. “Ý anh là sao?” “Việc bắt giữ cô ta là quá vội vàng. Ashley Patterson thậm chí còn không biết cả hai trong số các nạn nhân mà ông cho là đã bị cô ta giết”. Đồn trưởng Dowling mỉm cười. “Anh cũng bị cô ta lừa hả? Cũng phải thôi. Trông cô ta như thế thì ai chả bị, cứ gì anh”. “Ông đang nói cái gì vậy?” “Để tôi cho anh xem”. Ông ta mở tập hồ sơ trên bàn ra rút ra mấy tờ, đưa cho David. “Đây là bản sao các báo cáo của FBI, phòng điều tra vụ án bất thường, báo cáo DNA và báo cáo của Interpol về năm nạn nhân trong vụ này. Tất cả các nạn nhân đều làm tình trước khi chết. Tại mỗi hiện trường đều thu được dấu tay và dịch âm đạo của người đàn bà đó. Có vẻ như có đến ba phụ nữ liên quan. Và FBI đã xét nghiệm tất cả các bằng chứng đó, thì anh biết cái gì đã xảy ra không? Cả ba đều chỉ là một Ashley Patterson. DNA và dấu tay của cô ta trùng khớp với những gì thu được ở các hiện trường.” David hoài nghi nhìn ông ta. “Ông... có chắc không?” “Dĩ nhiên. Trừ khi anh nghi ngờ rằng Interpol, FBI và năm phòng điều tra khác dựng lên chuyện này để hại thân chủ của anh. Tất cả ở đó, thưa ngài luật sư. Một trong số các nạn nhân là em rể tôi. Ashley đã cố để trở thành đệ nhất sát thủ và cô ta sắp bị kết án. Còn gỉ nữa không?” “Có” David hít một hơi dài. “Tôi muốn gặp Ashley Patterson một lần nữa”. Họ dẫn anh trở lại phòng thăm phạm nhân, Khi Ashley bước vào, David giận dữ hỏi ngay. “Tại sao cô lại gạt tôi”? “Cái gì? Tôi không hề gạt anh. Tôi vô tội. Tôi... đã có đủ bằng chứng để đưa cô lên ghế điện bất cứ lúc nào. Tôi đã nói rồi, tôi cần sự thật”. Ashley nhìn anh một phút và sau đó khẽ khàng trả lời. “Tôi đã kể lại sự thật. Tôi không còn gì để nói nữa”. Nghe giọng nàng, David nghĩ, Cô ta hoàn toàn tin tưởng vào những gì đã nói. Mình đang hỏi chuyện một người điên. Mình phải kể gì cho Jesse Quiller bây giờ? “Cô đã gặp bác sĩ tâm lý chưa?” “Chưa. Được. Nếu anh muốn”. “Tôi sẽ thu xếp”. Trên đường về San Francisco, David nghĩ, Hết kiên nhẫn rồi. Anh đã nói chuyện với cô ta, Nếu Ashley thật sự nghĩ rằng cô ta đang nói thật thì đúng là cô ta đã bị điên. Ném có ta cho Jesse để anh ta điều trị và thế là xong. Trái tim anh lại khống tận thành ý kiến của cái đầu * * * * * Tại San Franclsco, bác sĩ Patterson nhận được vô số lời thăm hỏi, thậm chí chia buồn, của các bạn đồng nghiệp. “Thật là chuyện đáng tiếc, Steven. Anh không đáng nhận cái hậu quả đó...” “Quả là gánh nặng cho anh. Nếu tôi có thể giúp gì” “Tôi thật không hiểu bọn trẻ ngày nay ra sao. Ashley trông vẫn có vẻ bình thường...” Và đằng sau những bộ mặt đầy thông cảm kìa là ý nghĩ : May là không phải con mình. Vừa về đến Công ty, David đã vội vã đi vào văn phòng của Joseph Kincaid. Ông ta ngẩng đầu lên, nói. “Đã qua sáu giờ rồi, David, nhưng tôi vẫn chờ anh: Anh đã gặp con gái bác sĩ Patterson chưa?” “Tôi đã gặp”. “Thế anh đã định nhờ ai bào chữa cho cô ta chưa?” David lưỡng lự. “Chưa, ông Josepha. Tôi còn phải thu xếp cho cô ta gặp bác sĩ tâm lý đã. Sáng mai tôi sẽ quay lại để làm việc đó”. Joseph Kincaid nhìn David, bối rối. “Ồ, David, tôi nghĩ là anh đang bị cuốn vào vụ này đấy. Tuy nhiên, chúng ta không thể để Công ty dính dáng tới một vụ kinh khủng như thế được”. Tôi không bị dính vào đâu, Joseph. Đơn giản là tôi nợ bố cô ta quá nhiều mà thôi. Tôi đã hứa với ông ấy”. “Không có gì làm bằng chứng phải không?” “Đúng vậy”. “Vậy chỉ là vấn đề đạo đức?” David nhìn ông ta một lần định nói gì đó nhưng lại dừng kịp. “Vâng. Chỉ là vấn đề đạo đức”. “Tốt, vậy khi đã bàn xong với ông Patterson, anh quay lại đầy và chúng ta sẽ nói chuyện tiếp”. Không một lời nào về chuyện gia nhập. Chiều hôm đó, khi David về đến nhà, cả căn hộ chìm trong bóng tối. “Sandra?” Không có tiếng trả lời. Nhưng khi David vừa bật đèn lên thì Sandra bất ngờ xuất hiện từ trong bếp, hai tay bưng cao chiếc bánh ngọt có cắm nến, ánh lửa lung linh trong mắt nàng. “Ngạc nhiên không? Chúng ta sẽ ăn mừng...Nàng nhìn mặt David và ngừng ngay lại. “Có việc gì thế anh? Anh không được chọn à? Có ai còn hơn cả anh sao? “Không, không”, David làm ra vẻ bình thường. “Vẫn ổn cả”. Sandra đặt bánh xuống và đến gần anh. “Nhất định là có chuyện gì”. “Chỉ là... hoãn lại thôi”. “Hôm nay anh có gặp Joseph Kincaid không?” “Có Ngồi xuống đi em. Mình phải nói chuyện một chút”. Họ ngồi xuống đi văng. Rồi Dạvid cất tiếng. “Chuyện bất ngờ đã xảy ra. Sáng nay Steven Patterson đến gặp anh ở Công ty”. “Ông ấy à? Về chuyện gì vậy?” “Đề nghị anh bào chữa cho con gái ông ấy...” Sandra nhìn anh ngạc nhiên. “Nhưng, David... anh không...” “Anh biết. Anh đã cố giải thích cho ông ấy. Và anh đã từng học về luật hình sự”. “Nhưng bây giờ anh đâu còn làm việc đó nữa. Anh có nói với ông ấy là anh sắp trở thành nhân viên chính thức của công ty không?”. “Không. Ông ấy cứ khăng khăng anh là người duy nhất có thể cứu được con gái ông ấy. Dĩ nhiên là không thể được. Anh đã giới thiệu một người tài giỏi như Jesse Quiller nhưng ông ấy chẳng thèm quan tâm”. “Được, rồi bác sĩ Patterson cũng phải tìm người khá thôi”. “Đúng. Ánh có hứa là đến nói chuyện với con gái ông ấy, vá anh đã làm việc đó”. Sanđra dựa vào thành đi văng. “Ông Kincaid có biết chuyện này không?”. “Có Anh có kể cho nghe. Ông ta chẳng hề để ý đến”. Anh nhái lại giọng Kincaid. “Tuy nhiên chúng ta không thề để Công ty dính dáng đến một vụ kinh khủng như vụ này được”. “Con gái bác sĩ Patterson thế nào?” “Theo thuật ngữ y học thì cô ta là một cái bánh trái cây”. “Em không phải bác sĩ”, Sandra nói. “Có nghĩa là gì?” “Có nghĩa là cô ta hoàn toàn tin rằng mình vô tội, Thế có đúng như cô ta tin không?” “Đồn trưởng đồn cảnh sát Cupertino đã cho anh xem hồ sơ. Dấu tay và DNA của cô ta có ở tất cả hiện trường các vụ án”. “Thế bây giờ anh định làm gì”. “Anh đã gọi điện cho Royce Salem. Ông ấy là bác sĩ tâm lý thường cộng tác với văn phòng của Jesse Quiller. Anh sẽ nhờ ông ấy kiểm tra Ashley rồi sau đó chuyển tài liệu cho bộ cô ta. Bác sĩ Patterson có thể nhờ bất cứ bác sĩ tâm lý nào mà ông muốn để thử lại; hoặc sẽ chuyển tài liệu cho luật sư nào nhận vụ này”. “Em hiểu rồi”, Sandra nhìn khuôn mặt mệt mỏi của David. “Thế ông Kincaid có nói gì về chuyện gia nhập không?” Anh lắc đầu. “Không”. Giọng Sandra đầy hi vọng. “Ông ấy sẽ nói. Ngày mai hoặc ngày kia - hoặc một ngày nào đó”. Bácsĩ Roy Salem cao, gầy, để ria kiểu Sigmund Freud. Có thể đây là ngẫu nhiên, David tự nhủ. Chắc chắn ông ấy không có làm ra vẻ giống Freud. “Jesse thường nhắc đến anh luôn,” Bác sĩ Salem nói. “Anh ấy rất quý anh”. “Tôi cũng rất quý ông ấy”. “Vụ Patterson này nghe hấp dẫn quá nhỉ. Rõ ràng là hành động của người thần kinh không bình thường. Anh đang định dùng căn bệnh tâm thần để biện hộ à?” “Thực tế là vậy”. David trả lời. “Nhưng tôi không nhận vụ này đâu. Trước khi tìm được một luật sư khác, tôi phải có được kết luật trạng thái thần kinh của cô ta”. David tóm tắt qua sự việc cho bác sĩ Salem nghe. “Ashley tự nhận là vô tội, nhưng tất cả bằng chứng đều chống lại cô ấy”. “Được, chúng ta hãy cùng nhau khám phá linh hồn cô ta”. Cuộc thôi miên diễn ra trong phòng hỏi cung nhà tù hạt Santa Clara. Tất cả đồ đạc trong phòng chỉ là một cái bàn và bốn cái ghế gỗ. Ashley, nhợt nhạt và ủ rũ, được một phụ nữ đưa vào. “Tôi sẽ chờ bên ngoài”. Bà ta nói, rồi lặng lẽ lui ra. David lên tiếng, “Ashley, đây là bác sĩ Salem. Giới thiệu với bác sĩ, đây là Ashley Patterson”. “Chào, Ashley”. Bác sĩ Salem thân thiện. Nàng đứng đó, không nói gì, hồi hộp nhìn hết người nọ đến người kia. David có cảm giác là nàng sẵn sàng chạy ra khỏi căn phòng bất cứ lúc nào. “Ông Singer nói cô không phản đối phương pháp thôi miên”. Im lặng. Bác sĩ Salem tiếp tục. “Cô có đồng ý để tôi thôi miên không, cô Ashley?” Ashley nhắm mắt lại và khẽ gật đầu. “Có” “Vậy thì chúng ta bắt đầu ngay chứ?” “Tôi sẽ ra ngoài”, David nói. “Nếu...” “Khoan đã.” Bác sĩ Salem ngắt lời David. “Tôi muốn anh ở lại”. David chán nản đứng im. Anh hối hận là mình đã đi quá xa. Mình sẽ không dấn sâu hơn nữa. Đến đây là chấm dứt thôi. “Cũng được”. David miễn cưỡng trả lời. Anh đang nóng lòng muốn chuyện này chấm dứt nhanh để trở về văn phòng. Cuộc gặp sắp tới với Kincaid đã choán hết đầu óc anh. Bác sĩ Salem nói với Ashley.: “Sao cô không ngồi xuống ghế nhỉ?”. Ashley ngồi xuống... “Cô đã bao giờ bị thôi miên chưa, Ashley?” Nàng lưỡng lự một lúc rồi lắc đầu. “Chưa”. “Không có gì đâu. Cô chỉ việc thư giãn và lắng nghe giọng nói của tôi. Cô không phải lo lắng gì cả. Không ai định làm hại cô. Hãy có cảm giác rằng sự thoải mái đang xâm chiếm cô. Đúng rồi. Hãy thư giãn và cẩm thấy mắt cô nặng dần. Cơ thể cô rất mệt, rất rất mệt. Tất cả việc cô muốn làm bây giờ là đi ngủ. Nhắm mắt lại và thả lỏng người ra. Cô đang thấy rất buồn ngủ..:” Mười phút sau, bác sĩ Salem đến gần Ashley. “Ashley, cô có biết cố đang ở đâu không?” “Có Tôi ở trong tù.” Giọng nàng nghe xa vắng như vọng về từ cõi nào khác vậy. “Cô có biết tại sao cô ở trong tù không?” “Mọi người nghĩ rằng tôi đã làm chuyện xấu xa “Chuyện đó có đúng không? Cô có làm không?” “Không” “Ashley, cô có giết ai không?” “Không” . David ngạc nhiên nhìn bác sĩ Salem. Liệu người ta vẫn có thể nói dối khi bị thôi miên hay sao? “Cô có biết ai dính dáng đến những chuyện này không?”. Đột nhiên, khuôn mặt Ashley méo mó biến dạng và hơi thở của nàng trở nên nặng nề, khò khè. Hai người đàn ông trố mắt nhìn bộ dạng của nàng đang dần dần biến đổi. Môi mím chặt, cả khuôn mặt nàng hoàn toàn khác lạ hẳn đi. Nàng ngồi thẳng dậy và một sự tươi vui chợt xuất hiện trên gương mặt nàng. Nàng mở mắt ra, cặp mắt ánh lên sự linh lợi, hoạt bát. Một sự thay đổi kỳ diệu. Bất ngờ, nàng cất lên tiếng hát, những câu hát đầy bí hiểm và hoàn toàn theo kiểu Anh. Nửa cân gạo rẻ tiền Nửa cân mật ngào đường Trộn chúng lại và chế biến Bốp, đáng đời con chồn. * * * * * David chăm chú lắng nghe. Cô ta nghĩ là mình đang gạt ai đó chứ? Cô ta đang cô trở thành một người khác kìa. “Tôi muốn hỏi cô vài câu nữa, Ashley”. Nàng hất đầu và nói bằng giọng Anh đặc sệt, “Tôi không phải Ashley”. Bác sĩ Salem và David nhìn nhau, rồi cùng quay lại nhìn Ashley. “Nếu cô không phải là Ashley thì cô là ai?” “Toni. Toni Prescott”. “Ashley”. Bác sĩ Salem gọi. “Toni”. Cô ta nhất định tiếp tục cái trò dối trá. David nghĩ. “Thôi được. Toni. Điều tôi muốn là...” “Để tôi cho các người biết tôi muốn gì. Tôi muốn ra khỏi cái nơi bẩn thỉu này. Các người có thể đưa chúng tôi ra khỏi đây không?” “Còn tùy.” Bác sĩ Salem trả lời. “Cô có biết gì về ...?”. “… những vụ án mà mụ Cứt sắt đã làm. Tôi có thể kể những....Biểu hiện của Ashley lại bất ngờ khác đi. Nàng co người vào ghế, gương mặt dịu lại và liên tục thay đổi cho đến khi trở thành một cá thể hoàn toàn khác biệt. Nàng nói bằng giọng có pha tiếng italia. “Toni đừng nói thêm gì nữa”. David hoang mang nhìn nàng. “Toni? Bác sĩ Salem lên tiếng”. “Xin lỗi vì đã ngắt quãng, bác sĩ Salem”. Bác sĩ Salem hỏi, “Cô là ai?” “Tôi là Alette. Alette Peters”. Chúa ơi, không phải giả vờ rồi, David nghĩ. Lạ thật. Anh quay nhìn bác sĩ Salem. Bác sĩ Salem nói khẽ. “Họ là... David hoàn toàn bối rối. Họ sao cơ? “Tôi sẽ giải thích sau”. Bác sĩ Salem quay lại với Ashley. “Ashley... ý tôi là Alette. Ở đây các cô có mấy người?”. “Ngoài Ashley ra, chỉ có Toni và tôi thôi”. Alette trả lời. “Cô nói giọng Ý?” . “Vâng. Tôi sinh ra ở Rome. Ông đã bao giờ đến Rome chưa?” “Chưa. Tôi chưa bao giờ đến đó cả”. Mình không thể tin được là đã tham dự cuộc đối thoại này. David nghĩ. “Thật tiếc quá”. “Vâng. Cô biết Toni à”? “Dĩ nhiên”. “Cô ấy lại nói giọng Anh”. “Vì Toni sinh ra ở London”. “Được Alette, tôi muốn hỏi cô về những vụ án đó. Cô có biết ai...”. Cả David và bác sĩ Salem đều thấy khuôn mặt và tính cách Ashley thay đổi trước mắt họ. Dù chưa nói nhưng họ cũng biết nàng đã trở thành Toni. “Ông đang lãng phí thời gian đấy”. Đã là giọng Anh đặc sệt. “Alette không biết gì đâu. Tôi mới là người các ông cần hỏi”. “Được Toni. Tôi sẽ nói chuyện với cô. Tôi có vài câu hỏi cho cô đây”. “Tôi biết mà, nhưng tôi mệt lắm”. Nàng ngáp một cái. “Mụ Cứt sắt cứ bắt chúng tôi thức đêm. “Tôi phải đi ngủ đây”. “Đừng ngủ bây giờ, Toni. Nghe tôi đã. Cô phải giúp chúng tôi...” Mặt nàng đanh lại. “Tại sao tôi phải giúp ông? Mụ Cứt sắt đã làm gì cho tôi và Alette chưa? Tất cả những gì mụ ta làm là không cho chúng tôi chơi bời vui vẻ. Được, tôi chán lắm rồi, tôi chán mụ ta lắm rồi. Ông có nghe tôi nói gì không?” Nàng gào lên, gương mặt biến dạng. Bác sĩ Salem nói. “Để tôi làm cô ta tỉnh lại đã”, David toát mồ hôi. “Vâng”. Bác sĩ Salem lại gần Ashley. “Ashley... Ashley... Xong xuôi rồi. Nhắm mắt lại nào. Mắt cô đang rất nặng, rất nặng... Cô đang hoàn toàn thư giãn. Đầu óc cô thanh thản. Cơ thể cô thoải mái...” Ông ta nhìn David rồi quay sang Ashley. “Hai...” Ashley bắt đầu cử động. Hai người nhìn biểu hiện của nàng đang thay đổi. “Ba...” Mặt nàng dịu lại. “Bốn...” Họ cảm giác được sự trở lại của nàng. “Năm...”. Ashley mở mắt ra. Nàng nhìn quanh căn phòng. Tôi cảm thấy... Tôi vừa ngủ xong à?” “Đúng”. Bác sĩ Salem trả lời. Nàng quay sang David. “Tôi có nói gì không? “Ý tôi là có thể... giúp ích được?” Chúa ơi, David nghĩ. Cô ta không biết gì! Cô ta thật sự không biết gì! Anh trả lời. “Cô làm tốt lắm, Ashley. Tôi muốn nói chuyện riêng với bác sĩ Salem một chút”. “Cũng được”. “Vậy chúng ta gặp lại sau nhé”. Người đàn bà khi nãy bước vào dẫn Ashley ra khỏi căn phòng. David rơi mình xuống ghế. “Tất cả những cái quái này là thế nào?” Bác sĩ Salem thở dài. “Bao nhiêu năm qua tôi chưa gặp một hiện tượng nào rõ ràng như lần này...” “Thế nào cơ?” “Đã bao giờ anh ghe nói đến rối loạn đa nhân cách chưa?” “Nó là cái gì vậy?”. “Đó là trường hợp có vài nhân cách hoàn chỉnh sống khác biệt trong cùng một cơ thể. Có thể coi như là hiện tượng rối loạn cá tính. Hiện tượng này đã được ghi lại trong các tàị liệu về tâm thần học từ hơn 200 năm trước. Nó thường bắt nguồn từ các chấn thương về tinh thần khi còn thơ ấu. Nạn nhân (MPD) phải trốn tránh nỗi đau bằng cách tạo ra một nhân cách khác. Đôi khi có người mang đến hàng chục nhân cách khác nhau”. “Thế những nhân cách đó có biết nhau không?” “Có lúc có, có lúc không. Toni và Alette biết nhau. Nhưng Ashley lại hoàn toàn không biết hai nhân cách kia. Những kẻ ăn bám đó được tạo ra khi người chủ không chịu nổi những chấn thương tinh thần. Đó là một cách trốn tránh. Mỗi một cú sốc xảy ra lại có thể sản sinh ra một thán cách mới. Theo tài liệu ghi lại thì các nhân cách này hoàn toàn khác nhau. Có cái thì ngu dốt nhưng cũng có cái lại cực kỳ thông minh. Chúng có thể nói các thử tiếng khác nhau. Tính cách và sở thích của chúng cũng hết sức đa dạng”. “Thế... bệnh này có phổ biến không?” “Một số tài liệu cho rằng khoảng một phần trăm dân chúng bị mắc bệnh này, còn trong viện tâm thần nó chiếm khoảng hơn 10% trong số bệnh nhân”. “Nhưng Ashley trông vẫn bình thường và ...” “Bệnh nhân bị MPD hoàn toàn bình thường cho đến khi bị một nhân cách khác thế chỗ. Chủ thể vẫn có việc làm, xây dựng gia đình, sống một cuộc sống bình thường, nhưng kẻ ăn bám kia, tức khách thể, có thể thay thế bất cứ lúc nào. Một khách thể có thể làm chủ trong một giờ, một ngày, thậm chí nhiều tuần, và khi đó chủ thể sẽ hoàn toàn không có khái niệm gì về thời gian và những việc mình đã làm”. “Vậy là Ashley... chủ thể... hoàn toàn không biết gì về những việc hai nhân cách kia đã làm?” “Đúng”. David chăm chú lắng nghe. “Trường hợp rối loạn đa nhân cách nổi tiếng nhất là Briđey Murphy. Đây là lần đầu tiên căn bệnh này xuất hiện trước cộng đồng. Kể từ đó, nhiều trường hợp khác nữa cũng đã xuất hiện nhưng đều không được để ý đến”. “Chuyện nghe có vẻ kỳ lạ quá”. “Chủ đề này đã thu hút tôi trong một thời gian dài. Chỉ có chung một kiểu mẫu thôi. Ví dụ nhé, thông thường thì các nhân cách kia thường có chữ cái đầu tiên ở tên giống hệt với chủ thể - Ashley Patterson... Alette Peters.. Toni Prescott...” “Toni ...?” David kêu lên. Nhưng anh chợt hiểu ra, “Antoinette?” “Đúng. Anh đã bao giờ nghe đến hiện tượng thay đổi bản ngã chưa? “Rồi” “Đó, đầu tiên là bán ngã bị thay đổi hay là nhân cách bị thay đổi. Xuất hiện một loại người có tính cách hung bạo và luôn có thể có những hành động tàn nhẫn. Mà tình cảm của con người thì không có giới hạn. Bác sĩ Jekyll và ông Hyde là một cuốn tiểu thuyết, nhưng hoàn toàn dựa trên những chuyện có thật. Anh đọc nó chưa?” Đầu óc David quay cuồng, “Rồi. Vậy là Ashley có liên quan,..” “Cô ta có thể không nhận ra điều đó. Các vụ này được thực hiện bởi một trong hai nhân cách kia”. “Chúa ơi! Làm sao tôi giải thích được trước tòa bây giờ?” Bác sĩ Salem nhìn anh ngạc nhiên. “Hình như anh nói là không nhận vụ này cơ mà.?” “Dĩ nhiên là không. Ý tôi là, tôi cũng chẳng biết được. Tôi... về điểm này, tôi cũng đang rối loạn đa nhân cách đây”. David im lặng một lúc. “Thế bệnh này có chữa khỏi được không?” “Thường là được”. “Nếu không được thì làm sao?” Im lặng. “Tỷ lệ tử vong khá cao”. “Ashley không biết những chuyện này thật à! “Không”. “Ông sẽ giải thích cho cô ấy chứ?” “Dĩ nhiên”. “Không”. Đó là một tiếng hét. Ashley ngồi co rúm lại, nép sát vào bức tường sau lưng, cặp mắt tràn đầy vẻ kinh hoàng. “Ông nói dối là ông gạt tôi!” Bác sĩ Salem trả lời, “Ashley, đây là sự thật. Cô phải đối mặt với nó. Tôi đá giải thích rồi, những gì xảy ra hoàn toàn không phải lỗi của cô. Tôi ...! “Đừng lại gần tôi!” “Không ai làm hại cô đâu”. “Tôi muốn chết. Cho tôi chết đi!” Nàng bật khóc nức nở. Bác sĩ Salem nhìn người đàn bà coi tù, nói. “Bà nên cho cô ấy uống thuốc an thần. Và hãy trông chừng, vì cô ta có thể tự sát đấy”. David gọi điện cho bác sĩ Patterson. “Tôi muốn gặp ông”. “Tôi đang đợi tin cậu đây, David. Cậu đã gặp Ashley chưa?” “Rồi. Chúng ta gặp ở đâu nhỉ?” “Tôi đợi cậu ở văn phòng của tôi”. * * * * * Trên đường về San Francisco, David nghĩ thầm, Mình không thể nào nhận vụ này được. Khả năng thất bại quá cao. Mình sẽ tìm một luật sư hình sự tử tế và trách nhiệm của mình coi như xong. Bác sĩ Patterson đang đợi David trong văn phòng. “Cậu gặp Ashley rồi à?” “Vâng”. “Nó vẫn khỏe chứ?” Mình phái trả lời sao đây? David hít một hơi dài. “Ông đã từng nghe nói đến bệnh rối loạn đa nhân cách chưa?” Bác sĩ Patterson cau mày. “Tôi chưa rõ”. Đó là khi một hoặc nhiều nhân cách... hay còn gọi là khách thể... cùng tồn tại trên một cơ thể và chiếm lấy quyền điều khiển, nhưng chủ thể hoàn toàn không hay biết. Con gái ông đã bị căn bệnh đó, rối loạn đa nhân cách”. Bác sĩ Patterson sững sờ nhìn David. “Cái gì? Tôi... tôi không tin. Cậu có chắc không?” “Tôi cũng có mặt khi Ashley được bác sĩ Salem thôi miên. Trong Ashley còn có hai nhân cách nữa. Cô ấy đã bị chúng điều khiển không chỉ một lần”. David nói càng lúc càng nhanh. “Ông đồn trưởng Dowlig đã đưa ra các bằng chứng chống lại con gái ông. Không còn nghi ngờ gì về việc cô ấy có dính vào các vụ án mạng”. Bác sĩ Patterson thất lên. “Chúa ơi! Vậy là nó có tội à?” Không. Vì tôi không tin cô ấy nhận thức được rằng mình có liên quan tới các vụ án kia. Cô ấy chỉ là công cụ của một tròng hai nhân cách ẩn náu trong mình. Ashley không có lý do gì để dính dáng vào cả. Cô ấy không có động cơ giết người và cũng .không làm chủ được bản thân. Song tôi nghĩ là sẽ rất khó phân biệt được giữa tội ngộ sát và tội cố sát “Vậy việc bào chữa của cậu sẽ...” David ngắt lời ông. “Tôi không định bào chữa cho cô ấy. Tôi định chuyển vụ này cho Jesse Quiller. Ông ấy là một luật sư đại tài. Tôi đã từng làm việc cùng Jesse và ông ấy là hạng nhất trong số...” Không”. Giọng bác sĩ Patterson đanh lại. “Cậu phải biện hộ cho Ashley”. David kiên nhẫn giải thích, “Ông không hiểu ư? Tôi không thích hợp đâu. Cô ấy cần ...” “Tôi đã nói rồi, cậu là người duy nhất tôi tin tưởng. Con gái tôi là tất cả với tôi, David. Và cậu sẽ là người cứu vớt nó”. “Tôi không thể. Tôi không đủ kinh nghiệm...” “Dĩ nhiên là cậu có đủ. Cậu từng đã là luật sư hình sự”. “Vâng, nhưng...” “Tôi không chấp nhận người nào khác đâu”. David nhận thấy bác sĩ Patterson đang cố kiềm chế cơn giận. Chuyện này không được, David nghĩ. Anh cố thử lại lần nữa. Jesse Quiller là người giỏi nhất...” Bác sĩ Patterson chồm về phía trước, mặt ông đỏ dừ. “David, với cậu, người mẹ là tất cả, thì Ashley đối với tôi cũng vậy. Cậu đã một lần nhờ tôi giúp và cậu trao tính mạng mẹ cậu vào tay tôi. Bây giờ tôi đang nhờ cậu giúp và tôi đặt cuộc đới Ashley vào tay cậu. Tôi muốn cậu bào chữa cho Ashley. Đó là món cậu nợ tôi”. Ông ấy không nghe, David cay đắng nghĩ thầm. Ông ấy bị làm sao vậy? Hàng chục câu từ chối chạy qua trong đầu David nhưng chúng đều phải biến mất trước câu nói : “Đó là món cậu nợ tôi” David cố lần cuối cùng. “Bác sĩ Patterson...” “Có hay không, David?” Chương 13 Sandra đã đợi sẵn khi David về đến nhà. “Chào anh”. Anh ôm nàng vào lòng và nghĩ. Chúa ơi, nàng đáng yêu quá. Không hiểu thằng ngốc nào dám bảo phụ nữ mang bầu là không đẹp nhỉ? Giọng Sandra vui vẻ. “Hôm nay nó lại đá em đấy” Nàng cầm tay David đặt lên bụng mình. “Anh có thấy nó khống?” Vài giây sau, David trả lời- “Không- Nó đúng là thằng quỉ nhỏ”. “A, này, Crowther gọi điện cho anh đấy”. “Crowther?” “Tay môi giới địa ốc ấy mà. Giấy tờ đã chuẩn bị xong hết rồi”. David lặng người đi. “Ô” “Em muốn anh xem cái này” Sandra hăm hở nói. “Đừng đi đâu nhé”. David nhìn nàng đi vội vào buồng ngủ, nghĩ thầm, Mình làm gì bây giờ? Phải nhanh chóng quyết định thôi. Sandra đã trở ra với vài mẫu giấy dán tường màu xanh. “Chúng ta sẽ làm cho con căn phòng màu xanh, phòng khách thì hai màu xanh và trắng, những màu mà anh ưa thích. Anh thích giấy dán tường sáng màu hay tối màu?” David cố ép mình phải tập trung. “Sáng màu đẹp hơn”. “Em cũng thấy như vậy. Chỉ có vấn đề là thảm trải sàn sẽ phải mang màu xanh đậm. Anh thấy thế có hợp không?”. Minh không thể mất vị trí này được, Mình đã lao động vất vả vì nó. Nó rất quan trọng với mình. “David, anh thấy thế có hợp không?” Anh nhìn nàng. “Cái gì cơ? Ồ, Có. Bất cứ cái gì em thích”. “Chắc là chúng sẽ rất đẹp đây”. Chúng ta sẽ mất chúng nếu anh không trở thành nhân viên chính thức trong Công ty. Sandra nhìn quanh căn nhà nhỏ. Mấy thứ đồ này còn dùng được, nhưng em e rằng ta sẽ phải mua thêm nhiều thứ khác nữa”. Nàng nhìn anh lo lắng. “Cái gì cũ sẽ đem cho, phải không? “Em không muốn vứt chúng đi đâu”. “Được”. David lơ đãng trả lời. Sandra nép người vào vai anh. “Chúng ta sắp chuyển sang một cuộc sống hoàn toàn mới, phải không anh? Đứa con, Công ty và ngôi nhà của chúng mình. Hôm nay em đã sang bên đó. Em còn xem cả sân chơi và trường học nữa. Sân chơi đẹp lắm. Có cả cầu trượt, đu quay và dụng cụ tập thể dục. Thứ bảy này em lại muốn ra đó cùng anh. Jeffrey nhất định sẽ rất thích”. Mình có thể thuyết phục Kincaid rằng chuyện này sẽ rất có lợi cho Công ty.. “Trường học cũng rất khá. Nó chỉ cách nhà ta có hai dẫy và lại không lớn lắm. Em cho là điều này rất quan trọng”. Bây giờ David mới nghe vợ và nghĩ, Mình không thể làm nàng thất vọng được. Không thể cướp đi giấc mơ của nàng, Sáng mai mình sẽ bảo Kincaid là mình không nhận vụ Patterson nữa. Patterson sẽ phải tìm luật sư khác. “Chuẩn bị đi anh. Chúng mình hẹn tám giờ ở nhà Quiller đấy”. Đây là lúc phải nói thật. David cảm thấy căng thẳng. “Có vài việc anh phải nói với em”. “Vâng?” “Sáng nay anh đã gặp Ashley Patterson”. “Ồ, kể cho em nghe đi. Cô ấy có phạm tội không? Cô ấy có làm những chuyện kinh khủng đó không?” “Có và không”. “Anh nói cứ như ở tòa ấy. Thế nghĩa là sao?” “Cô ấy có liên quan... nhưng không có tội”. “David...?” “Ashley bị một chứng bệnh gọi là rối loạn đa nhân cách. Sau này anh sẽ giải thích kỹ cho em. Đại khái hãy hiểu là cô ấy đã làm những việc sống lại hoàn toàn không biết là mình làm việc đó”. Sandra nhìn anh chằm chằm. “Kinh khủng quá” “Trong người cô ấy có hai nhân cách khác. Anh đã nghe chúng nói chuyện”. “Anh nghe rồi à?” “Ừ. Chúng đều có thật. Ý anh là cô ấy không giả vờ” “Và cô ấy không biết là mình...” “Không!” “Vậy thì cô ấy có tội hay vô tội? “Cái này phải tùy vào phán quyết của tòa án. Bố cô ấy không quan tâm đến Jesse Quiller, vì vậy anh phải tìm một luật sư khác”. “Nhưng Jesse là hạng nhất rồi còn gì. Tại sao nàng ấy lại không nhờ Jesse?” David lưỡng lự. “Ông ấy muốn anh bào chữa cho Ashley”. “Nhưng anh đã bảo là anh không thể rồi cơ mà?” “Dĩ nhiên”. “Sau đó thì...”. “Ông ấy không nghe” “Thế ông ấy nói gì, David?” Anh lắc đầu. “Không quan trọng đâu”. “Ông ấy nói gì?” David chậm rãi, như từng tiếng một. “Ông ấy nói anh đã tin tưởng đặt tính mạng mẹ anh vào tay ông ấy và ông ấy đã cứu bà, thì bây giờ ông ấy cũng tin tưởng đặt tính mạng con gái mình vào tay anh. Và yêu cầu anh phải cứu cô ấy”. “Anh nghĩ là mình có thể không?” “Anh không biết. Kincaid không muốn anh nhận vụ này. Nếu nhận, anh sẽ mất đi cơ hội gia nhập vào Công ty”. “Ồ” Im lặng một lúc lâu. Rồi David tiếp tục. “Anh đã tính rồi. Hoặc anh từ chối bác sĩ Pattelson để chính thức gia nhập Công ty. Hoặc nhận bào chữa cho Ashley và ra đi không một đồng lương, đón nhận những gì tồi lệ nhất sẽ xảy ra sau đó”. Sandra im lặng lắng nghe. “Có rất nhiều người tài giỏi để đảm nhận việc bào chữa cho Ashley nhưng không hiểu vì cái lý do chết tiệt gì mà bố cô ấy không chịu chấp nhận ai cả. Anh không hiểu tại sao ông ấy cứ khăng khăng đòi anh. Nếu nhận vụ này, anh sẽ mất việc và chúng ta sẽ không dọn nhà được nữa. Chúng ta sẽ phải quên đi tất cả các dự tính của mình, em yêu ạ”. Sandra nhẹ nhàng. “Em nhớ trước khi mình lấy nhau, anh có kể về bác sĩ Patterson cho em nghe. Ông ấy là một trong, những bác sĩ bận rộn nhất thế giới, nhưng vẫn bỏ thời. gian ra để giúp một chàng trai không xu dính túi. Ông ấy là người hùng của anh. Anh từng nói rằng nếu có con trai anh cũng muốn nó sau này sẽ giống như bác sĩ Steven Patterson.” David gật đầu: “Khi nào anh phải quyết định chính thức?” Nàng hỏi, vẫn rất nhẹ nhàng. “Sáng sớm mai, khi anh gặp Kincaid”. Sandra cầm tay David và nói. “Không cần nhiều thời gian thế đâu. Bác sĩ Patterson đã cứu mẹ anh. Anh phải cứu con gái ông ấy”. Nàng nhìn quanh và mỉm cười. “Dù sao chúng ta vẫn thường trang trí căn nhà này với hai màu xanh, trắng mà”. * * * * * Jesse Quiller là một trong những luật sư hình sự hàng đầu ở Mỹ. Đó là một người cao lớn, nghiêm nghị, phong thái giản dị, luôn biết cách làm cho bồi thẩm đoàn thông cảm với mình. Ông khéo léo giúp họ cảm thấy ông cũng là một thành viên trong số họ, và tự nhiên họ muốn giúp ông. Đó là một trong những lý do khiến Jesse ít khi bị thất bại trong các phiên xử. Còn lý do khác là ông có trí nhớ tuyệt vời cùng đầu óc hết sức nhanh nhậy, minh mẫn, ứng biến siêu phàm. Thay cho các kỳ nghỉ, Quiller thường tận dụng mùa hè đề đi giảng dạy, và nhiều năm trước, David đã từng là học trò của ông. Khi David tốt nghiệp, Quiller mời anh về làm ở Công ty Luật của mình và chỉ hai năm sau, David đã chính thức gia nhập Công ty. David rất thích môn luật hình sự và luôn tỏ ra xuất sắc. Ba năm sau, David đột ngột xin thôi việc và chuyển sang làm nhân viên tập sự luật dân sự cho Công ty Kincaid, Turner, Rose & Ripley. Đã nhiều năm trôi qua nhưng David và Quiller vẫn duy trì tình bạn thân thiết. Họ, và vợ họ, vẫn thường cũng nhau ăn tối một lần một tuần. Jesse Quiller trước kia là một tay thạo đời, duyên dáng và rất hấp dẫn đàn bà. Sau đó ông gặp Emily và nhanh chóng say mê cô. Emily thì béo tròn, trẻ con hết cơ, đến từ vùng trang trại Iowa - khác hẳn với loại đàn bà thường hò hẹn cùng Quiller. Cô đúng là con người của gia đình. Họ hợp thành một đôi không giống ai và đám cưới cuối cùng vẫn xảy ra vì họ đã quá yêu nhau. Tối thứ ba hàng tuần hai nhà Singels và Quillers vân ăn tối cùng nhau và sau đó chơi bài theo kiểu Liverpool. Jesse đã đứng chờ sẵn David và Sandra tại cửa ra vào căn nhà xinh đẹp của ông trên đường Hayes. Ông ôm hôn Sandra và nói, “Vào đi. Chúng ta có champagne ướp lạnh đấy. Hôm nay là một ngày vất vả với cậu, phải không? Căn nhà mới và buổi gia nhập. Hay là buổi gia nhập và căn nhà mới?” David và Sandra nhìn nhau. “Emily đang chuẩn bị bữa ăn trong bếp”. Ông nhìn mặt hai người. “Tôi nghĩ đây là bữa ăn mừng.” “Bộ tôi bỏ sót cái gì sao?” David trả lời, “Không, Jesse. Bởi vì chúng tôi có rắc rối nho nhỏ”. “Nào, vào đi chứ? Uống cái gì nhé?” Jesse nhìn Sandra. “Không, cảm ơn. Tôi không muốn. con mình nhiễm thói xấu đó”. “Đứa bé thật may mắn vì có bà mẹ như cô”. Ông quay sang David. “Vậy còn cậu?” “Tôi chưa cần”. David trả lời. Sandra đi vào nhà bếp. “Để tôi xem có giúp gì được Emily không?” “Ngồi đi, David. Trông cậu lo lắng quá”. “Tôi đang tiến thoái lưỡng nan đây”. David gật đầu. “Để tôi đoán xem nhé. Nhà hay buổi gia nhập đây?” “Cả hai” “Cả hai à?”. “Ừ! Anh có biết vụ Patterson không?” “Ashley Patterson? Có. Thế xảy ra chuyện gì nữa?” Ông chợt dừng lại. “Đợi nhé. Cậu đã kể về Steven Patterson hồi còn ở trường Luật. Ông ta đã cứu mẹ cậu”. “Đúng... Bác sĩ Patterson muốn tôi bào chữa cho con gái ông, ABhley. Tôi thì cố chuyển vụ này cho anh nhưng ông ấy không muốn ai ngoài tôi cả”. Quiller cau mày. “Ông ấy có biết cậu đã bỏ ngành luật hình sự không?” “Có thế mới lạ chắc. Có đến cả tá luật sư có thể làm vụ này tốt hơn tôi”. “Ông ấy cũng biết cậu đã là luật sư hình sự chứ” “Có” Quiller thận trọng hỏi: “Ông ấy đối với con gái thế nào?”. Hỏi gì mà kì quặc thế, David nghĩ thầm. “Cô ta hơn tất cả mọi thứ trên đời này”. “Được. Giả sử là cậu nhận vụ này. Kết quả là Kincaid không muốn tôi nhận nó. Nếu cứ nhận, tôi có cảm giác là mình sẽ mất vị trí ở Công ty”. “Tôi hiểu. Và căn nhà cũng tiêu luôn?” David giận dữ trả lời. “Đó là nơi cái tương lai chết tiệt của chúng tôi chui vào. Nếu tôi nhận vụ này thì tôi quả là đồ ngu, Jesse. Ngu thật sự!” “Thế cậu còn nổi điên lên về chuyện gì?” David hít một hơi dài. “Vì tôi sắp sửa nhận nó”. Quiller mỉm cười. “Vậy sao tôi không ngạc nhiên nhỉ?”. David gõ tay vào trán. “Nếu tôi từ chối, nếu tôi dừng hẳn ra ngoài chỉ để lo cho cái tương lai của mình, không chịu làm gì giúp đỡ cho họ, và chẳng may con gái ông ấy bị kết tội thì suốt quãng đời sau này tôi cũng phải sống trong dằn vặt và đau khổ mà thôi”. “Tôi hiểu. Thế còn ý của Sandra?” David cố mỉm cười, “Ông lạ gì tính vợ tôi nữa?” “Phải. Cô ấy nhất định muốn cậu nhận vụ này”. “Không sai!” “Tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ cậu, David”. David thở dài. “Không. Đó là món nợ của tôi. Tôi phải giải quyết nó một mình”. Quiller cau mày. “Chuyện này không thể được”. “Tôi biết. Tôi đã cố giải thích cho bác sĩ Patterson nhưng ông ấy đâu có thèm nghe”. “Thế cậu đã nói chuyện này với Kincaid chưa”. “Sáng mai tôi sẽ gặp ông ta”. “Cậu có nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?” “Tôi đoán được kết cục rồi: Ông ta sẽ khuyên tôi đừng nhận và nếu tôi không nghe, ông ta sẽ yêu cầu tôi nghỉ phép không lương”. “Trưa mai mình gặp nhau ở nhà hàng Rubicon nhé, lúc một giờ”. David gật đầu. “Vâng”. Emily từ nhà bếp đi ra, đang lau tay bằng một miếng giẻ. David và Quiller cùng đứng dậy. “Chào David:” Emliy reo lên và David tiến lại hôn nhẹ lên má bà. “Hy vọng là mọi người thấy đói bụng rồi. Bữa tối đã chuẩn bị xong. Sandra đang bầy bàn. Cô ấy đảm ra phết”. Emily cầm một cái khay và quay lại nhà bếp. Quiller nhìn David. “Cậu luôn là bạn thân của tôi và Emily. Tôi thành thật khuyên cậu, hãy nên quên chuyện đó đà”. Daviđ ngồi yên, không nói gì. “Chuyện đã qua lâu rồi, David. Và đấy không phải lỗi của cậu. Chuyện đó có thể xảy ra với bất kỳ ai”. “Nhưng nó đã xảy ra với tôi, Jesse. Tôi đã giết chết cô ấy”. * * * * * David ngồi đó, đưa mình về một thời gian và không gian hoàn toàn khác. Đó là một vụ chắc ăn và David đã nói với Quiller. “Tôi sẽ giải quyết nhanh thôi”. Helen Woodman, một phụ nữ xinh đẹp, tình nghi là giết bà mẹ kế giàu có của mình. Giữa hai người thường xảy ra những cuộc cải vả dữ dội, nhưng tất cả các bằng chứng chống lại. Helen đều mập mờ và thiếu sức thuyết phục. Sau mỗi lần đến nhà tù gặp cô ta, David lại càng thêm tin rằng Helen vô tội. Và cứ sau mỗi lần gặp đó tình cảm của anh dành cho cô lại càng sâu đậm hơn. Cuối cùng, anh đã phá vỡ một nguyên tắc cơ bản của nghề luật sư : không bao gờ được yêu thân chủ của mình. Phiên tòa thoạt đầu diễn ra suôn sẻ như David dự tính. Anh đã bác bỏ được tất cả những lời buộc tội của công tố viên và giành được tình cảm của bồi thẩm đoàn. Nhưng rồi điều bất hạnh đã bất ngờ ập đến. Bằng chứng ngoại phạm của Helen và khi vụ án xảy ra thì cô đang ở nhà hát cùng người bạn trai. Song dưới sức ép của phiên tòa người bạn trai của Helen đã không công nhận bằng chứng đó. Rồi lại thêm nhân chứng khai rằng ông ta đã thấy Helen có mặt ở hiện trường vào lúc án mạng xẩy ra. Sự vô can của Helen đến đây không còn nữa. Bồi thám đoàn đã khép cô vào tội giết người có chú ý và tuyên án tử hình. David hoàn toàn sụp đổ. “Sao em lại làm thế, Helen?” Anh gặng hỏi. “Sao em lại nói dối anh?” “Em không giết bà ấy, David. Khi em về đến nhà thì đã thấy bà ấy nằm chết trên sàn. Em sợ rằng anh không tin tưởng em nên em... em đã dựng lên chuyện ở nhà hát”. David đứng nghe, vẻ hoài nghi hiện rõ trên nét mặt. “Em nói thật đó, David”. “Thật ư?” David quay mặt đi và gào lên. Đêm hôm đó, Helen đã tự sát trong tù. Một tuần sau, một tên trộm bị bắt đã thú nhận chính hắn là hung thủ giết mẹ kế của Helen. Sáng hôm sau, David rời khỏi Công ty của Jesse Quiller. Ông ra sức khuyên bảo anh. “Đó không phải lôi của cậu, David. Cô ấy đã nói dối và...” “Đó mới là lỗi của tôi. Tôi đã để cô ấy nói dối. Tôi không làm tất công việc của mình. Tôi đã quá tin tưởng cô ấy và vì thế mà tôi mất cô ấy”. Sau đó vài tuần, David vào làm nhân viên tập sự cho Kincaid, Tumer, Rose & Ripley. “Tôi không bao giờ chịu trách nhiệm về tính mạng của bất kỳ người nào nữa”. David đã thề. Và bây giờ anh sắp sửa bào chữa cho Ashley Patterson. Chương 14 Mười giờ sáng hôm sau, David bước vào văn phòng của Joseph Kineaid. Ông ta đăng ký một số giấy tờ, ngẩng đầu lên khi David xuất hiện. “A, ngồi đi, David. Tôi xong ngay đây mà”. David ngồi xuống và chờ đợi. Lát sau Kincaid nở một nụ cười và nói. “Nào, tôi tin rằng cậu mang đến một tin vui đấy”. Tin vui cho ai? David tự hỏi. “Cậu có một tương lai rực rỡ ở đầy và tôi tin rằng cậu không muốn làm hỏng nó. Công ty đã chuẩn bị một kế hoạch lớn cho cậu”. David vẫn ngồi yên, cố gắng tìm từ ngữ thích hợp. “Sao? Cậu đã báo bác sĩ Patterson tìm luật sư khác chưa?”. Chưa. Tôi quyết định sẽ nhận bào chữa cho con gái ông ấy Nụ cười của Kincaid tắt ngấm. “Cậu thật lòng muốn bào chữa cho cô ta à? cô ta là kẻ đồi bại, là tên giết người bệnh hoạn. Ai đứng ra bênh cho cô ta rồi tên tuổi cũng sẽ bị bôi đen mà thôi.” “Không phải vì tôi muốn nhận đâu, Joseph. Tôi bị ép buộc thôi. Tôi mắc nợ bác sĩ Patterson một sinh mạng và đây là cách duy nhất để tôi trả cho ông ta”. Kincaid ngồi yên. Cuối cùng ông ta lên tiếng. “Nếu cậu đã quyết định nhận nó thì tôi khuyên cậu nên nghĩ vắng mặt đi một thời gian. Dĩ nhiên là không nhận lương”. Vĩnh biệt ngày gia nhập. “Sau khi kết thúc, cậu hãy quay lại đáy và dĩ nhiên vị trí của cậu vẫn dành cho cậu” David gật đầu. “Tôi sẽ bảo Collis tạm thay phần việc của cậu. Tôi tin rằng cậu sẽ phải hết sức tập trung trong vụ này”. Ba mươi phút sau, bộ tứ Kincaid, Turner, Rose & Ripley có cuộc họp riêng. “Chúng ta không thể để Công ty dinh vào những vụ việc kiểu này được”. Henry Turuer phản đối. Joseph Kincaid lập tức trả lời.“Chúng ta không hoàn toàn dính vào, Henry. Chúng ta đã cho thằng nhóc nghỉ không lương rồi.” Albert Rose đề nghị. “Tôi nghĩ là nên loại hắn ra luôn”. “Đừng như vậy. Đối với Công ty thì bác sĩ Patterson quả là một con bò sữa đáng giá đấy. Ông ta quan hệ cực kỳ rộng rãi và sẽ phải biết ơn chúng ta vì đã cho ông ta mượn David. Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì đây cũng là một vụ đầu tư có lời. Nếu mọi chuyện tốt đẹp thì chúng ta sẽ có bác sĩ Patterson là khách hàng và David trở thành nhân viên chính thức. Nếu không, chúng ta chỉ việc bỏ Singer đi và sẽ xem xét còn cô thể giữ lại được Patterson không. Không hề thiệt hại gì”. John Ripley cười to sau một lúc im lặng. Ý kiến hay, Joseph”. David đến chỗ bác sĩ Steven Patterson ngay sau khi rời khỏi văn phòng Kincaid. Anh đã gọi điện trước và ông đang chờ anh. “Thế nào, David?” Câu trả lời sẽ thay đổi cuộc đời mình, David nghĩ. Và không phải theo chiều hướng tốt. “Tôi nhận lời bào chữa cho con gái ông”. Steven Patterson hít một hơi dài. “Tôi biết mà. Tôi đã đánh cuộc cả cuộc đời tôi vào đấy”. Ông hơi lưỡng lự rồi nói như chữa lại. “Tôi đánh cuộc mạng sống của con gái tôi”. “Công ty đã cho tôi nghỉ không lương. Tôi sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của một trong những luật sư” Bác sĩ Patterson giơ tay lên. “David, tôi phải nói rõ rằng tôi không muốn một người nào khác nhúng tay vào vụ này, Mạng sống của con gái tôi chỉ giao cho mình cậu mà thôi”. “Tôi hiểu”. David trả lờ “Nhưng Jesse Quiller”. Bác sĩ Patterson đứng lên. “Tôi không muốn nghe thêm một lời nào nữa về Jesse Quiner hay bất kỳ ai trong bọn họ. Tôi rất hiểu các luật sư hình sự. Họ chỉ chú trọng vào danh vọng và tiền bạc mà thôi. Nhưng vụ này không phải là tiền bạc hay danh vọng. Đây là vì Ashley”. David định giải thích, nhưng lại thôi. Anh biết, sẽ chỉ là nói với người điếc. Ông ta như một kẻ cuồnng tín vậy. Mình có thể sử dụng tất cả những sự giúp đỡ mình có, David nghĩ. Tại sao ông ấy lại không cho chứ? “Tôi xin nói rõ thêm một điềm sau”. David gật đầu. “Vâng”. “Tôi sẽ lo liệu tất cả phí tổn và chi tiêu của cậu...” “Không. Vụ này miễn phí mà”. Bác sĩ Patterson nhìn anh, sau đó gật đầu. “Trả nợ à?” “Trả nợ?” David mỉm cười. “Ông có lái xe được không?” “David, nếu cậu phải nghỉ không lương, cậu sẽ cần một số tiền để duy trì cuộc sống. Cứ để đó cho tôi”. “Tùy ông thôi”. Ít nhất thì cũng có cái mà ăn ở tòa án. * * * * * Jesse Quiller đã đợi David ở Rubicon. “Thế nào rồi?” David thở dài. “Đúng như dự đoán, Tôi phải nghỉ không lượng”. “Bọn khốn nạn. Sao chúng dám...” “Tôi không trách họ đâu.” David ngắt lời. “Đó là một Công ty cực kỳ bảo thủ”. “Thế bây giờ cậu định làm gì?” “Ý của anh là...” “Ý tôi là gì à? Cậu đang nhận một vụ án thế kỷ. Cậu lại không có văn phòng làm việc, không có nơi nghiên cứu hồ sơ, không có sách luật hình sự hoặc máy fax và tôi cũng đã trông thấy cái máy tính cổ lỗ của cấu và Sandra rồi. Nó không thể chạy được các chương trình luật cậu cần hoặc đưa cậu lên Internet được đâu”. “Tôi sẽ lo xong thôi”. “Xong cái con khỉ ấy. Chỗ tôi còn một văn phòng trống, cậu cứ lấy mà dùng. Ở đó có tất cả các thứ cậu cần đấy”. Một lúc sau David mới lấy lại được giọng, “Jesse, tôi không thể...” “Cậu có thể “Quiner cười to. “Cậu sẽ phải nghĩ cách mà trả nợ tôi sau. Cậu vẫn luôn trả nợ mọi người, phải không thánh David?”. “ Rồi ông cầm lấy tờ thực đơn. “Tôi sắp chết đói rồi đây” Ông nhìn quanh.“Nhân tiện, bữa trưa nay cậu trả tiền nhé”. David đến thăm Ashley ở nhà tù hạt Santa Clara. “Chào, Ashley”. “Chào! Trông nàng còn nhợt nhạt hơn cả cái sự nhợt nhạt thường ngày. Bố tôi vừa đến lúc sang. Ông nói rằng anh sắp đưa tôi ra khỏi đây”. Hy vọng một cách lạc quan là được, David nghĩ. Anh nói thận trọng. “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, Ashley. Vấn đề ở chỗ là có quá ít trường hợp giống như của cô. Chúng ta sẽ phái cho họ biết và quen về nó. Chúng tôi sẽ tìm những bác sĩ giỏi nhất trên thế giới đến để kiểm tra và chứng nhận cho cô”. “Tôi sợ lắm”, Ashley thì thầm. “Sợ cái gì?” “Vì có hai người nữa sống trong tôi mà tôi lại không biết họ”. Giọng nàng run rẩy. “Họ có thể thay thế tơi bất cứ lúc nào mà tôi lại không thể kiểm soát được hành động của họ. Tôi sợ lắm”. Mắt nàng đã ngấn nước. David nói chậm rãi. “Họ không phải là người. Họ chỉ ở trong ý niệm của cô thôi. Họ là một phần của cô. Nếu được điều trị chính xác, cô sẽ khỏi bệnh thôi”. Khi David về đến nhà, chiều hôm đó, Sandra ôm chầm lấy anh và nói. “Em không thể nói được là em tự hào về anh như thế nào”. “Vì anh nghỉ việc à?” David hỏi. “Đúng vậy. À, Crowther lại gọi đến đấy. Tay môi giới địa ốc ấy mà. Anh ta nói là giấy tờ đã chuẩn bị hết rồi, chỉ ký là xong. Mình phải trả trước 60.000 đôla. Em e là mình sẽ phải nói với anh ta rằng mình không thể...” “Chờ đã. Anh vẫn còn tiền trong kế hoạch trợ cấp lương hưu của Công ty. Cùng với tiền bác sĩ Patterson đưa cho, có thể chúng ta sẽ xoay xở được”. “Không quan trọng đâu, David. Dù sao thì em cũng không muốn làm hư thằng con bằng căn nhà mới đó”. “À anh có tin mới đây. Jesse sẽ để anh...” “Em biết rồi. Em đã nói chuyện với Emily. Chúng ta sẽ chuyển đến làm việc ở chỗ của Jesse”. “Chúng ta?” “Anh quên là mình đã cưới một trợ lý luật sư sao? Này, em giúp được nhiều việc đấy. Em sẽ làm việc cùng anh đến khi nào.,.” Nàng chạm vào bụng mình...” Jeffrey ra đời. Đến lúc đó thì ta sẽ tính sau”. “Bà Singer, bà có biết là tôi yêu bà lắm không?” “Không. Anh mất thời gian quá. Bữa tôi không thể kéo dài hơn một tiếng đâu”. “Một tiếng thì làm sao đủ”. David nói. Sandra vòng tay qua người anh, thì thầm. “Sao anh không cởi quần áo ra Singer?” “Cái gì? Anh giật người lên và nhìn nàng, lo lắng. “Thế còn về... Thế bác sĩ Bailey đã nói gì?” “Bác sĩ nói nếu anh không nhanh chóng cởi quần áo ra thì em sẽ đánh anh một trận đấy”. David cười to. “Ông ấy nói thật chí lý”. Sáng hôm sau, David lo kê dọn “văn phòng đi mượn” của mình. Nó nằm phía sau văn phòng Jesse Quiner và khá tiện lợi, bởi là một phần tách ra và riêng biệt của cả dẫy năm văn phòng liền nhau. “Chúng tôi thu dọn sơ sơ cho cậu rồi đấy”, Jesse nói. “Tôi chắc chắn là cậu sẽ tìm được mọi thứ tại đây. Thư viện ở sau cái cửa kia, cậu có máy fax, máy tính, tóm lại là những gì cần cho công việc của cáu. Nếu thấy thiếu hoặc cần thêm cái gì thì cứ bảo nhé”. “Cảm ơn. David xúc động. “Tôi... tôi không biết nói sao nữa, Jesse”. Jesse mỉm cười. “Rồi cậu phải trả nợ đấy. Đừng quên”. Sandra đến sau vài phút. “Em sẵn sàng rồi”. Nàng nói. “Mình sẽ bắt đầu từ đâu?” “Đầu tiên phải tìm lại hồ sơ tất cá các vụ án có dính đến bệnh đa nhân cách. Có thể trên Internet nhiều lắm đấy. Nhập vào địa chỉ của Trung tâm theo dôi tội phạm California, chương trình truyền hình Tòa án và vài nơi khác, sẽ thu được nhiều thứ có ích cho ta. Tiếp theo, liên lạc với các chuyên gia về vấn đề đa nhân cách để yêu cầu họ có mặt với tư cách người làm chứng. Chúng ta sẽ phỏng vấn họ và nghiên cứu xem có thể sử dụng các bằng chứng của họ không. Rồi còn phải xem lại các thủ tục của tòa hình sự lấy danh sách các nhân chứng của bên công tố và cả những gì họ có thể trình bầy trước tòa nữa. Tóm lại là anh muốn điều tra tường tận về phía bên kia”. “Nhưng mình cũng phải gửi cho họ những thứ y như vậy của bên mình. Thế anh có định đưa Ashley ra làm nhân chứng không?” David lắc đầu. “Cô ấy yếu lắm. Cong tố viên sẽ làm cô ấy hóa rồ lên mất bởi sự truy hỏi của ông ta”. Anh nhìn Sandra. Vụ này quả là vô cùng khó trôi.” Sandra mỉm cười. “Nhưng anh sẽ thắng mà. Em biết vậy”. * * * * * David gọi điện cho Harvey Vdell, kế toán trưởng Công ty Kincaid, Turner, Rose và Ripley. “Harvey, David Singer đây”. “Chào. Nghe nói là anh rời khỏi Công ty một thời gian hả?”. “Ờ” “Anh đang theo một vụ hay đấy. Báo chí đăng đầy cả rồi. Tôi có thể giúp gì cho anh đây?” “Tôi còn 60.000 dollas trong quỹ lương hưu và trợ cấp ở đây, Harvey. Tôi chưa muốn rút ra ngay đâu nhưng Sandra và tôi vừa mua một căn nhà mới vì thế tôi cần tiền để trả trước cho họ”. “Nhà mới à? Ồ, chúc mừng anh chị”. “Cảm ơn. Bao giờ thì tôi mới lấy được đây?” Một thoáng lưỡng lự ở đầu dây bên kia. “Tôi gọi lại cho anh sau nhé?” “Dĩ nhiên”. David đọc cho anh ta số điện thoại. “Tôi sẽ gọi lại ngay đấy”. “Cảm ơn”. Harvey Vdell đặt ống nghe xuống rồi lại nhấc lên ngay. “Báo với ông Kincaid tôi có chuyện cần gặp” Ba mươi phút sau anh ta đã ở trong phòng Kincaid. “Chuyện gì vậy, Harvey?” “Ông Kincaid, David vừa gọi điện cho tôi. Anh ta mua một căn nhà mới và cần 60.000 của mình trong quỹ lương hưu và trợ cấp để trả trước. Theo tôi thì chúng ta không cần phải đưa. Anh ta đã nghỉ và không...” “Không hiểu anh ta có biết trả góp một ngôi nhà khó khăn thế nào không nhỉ?” “Có lẽ là không. Tôi sẽ nói là chúng ta không thể...” “Cứ đưa tiền cho anh ta”. Harvey nhìn ông ta ngạc nhiên. “Nhưng chúng ta không cần...” Kincaid nhô người về đằng trước. “Chúng ta đang giúp David đào một cái hố cho chính hắn, Harvey. Một khi mà David đã trả tiền trước cho căn nhà đó... thì cũng có nghĩa chúng ta sẽ hoàn toàn nắm được hắn”. Harvey Vdell gọi điện lại cho David. “Tôi báo cho anh tin mừng đây, David. Anh có thề rút tiền ra bất kỳ lúc nào, ông Kincaid nói sẽ giúp anh mọi thứ anh cần. “Ông Crowther. David Singer đây. Tiền nhà đã lo xong Ngày mai ông có thể nhận”. Tuyệt. Tôi đã nói rồi, có nhiều người cũng muốn lấy căn nhà đấy nhưng tôi cảm thấy hai vị mới là chủ thực sự của nó. Chắc chắn các vị hạnh phúc khi sống ở đó”. Phiên tòa xử Ashley Patterson diễn ra ở San Jose, trong tòa án cấp cao của hạt Santa Clara nằm trên đường North First. Quyết định về quyền xét xử đã thông báo từ vài tuần trước. Đây là vấn đề phức tạp vì những vụ_án mạng đã xảy ra ở hai bang và hai quốc gia khác nhau. Cuộc tranh luận được tổ chức ở San Francisco với sự có mặt của thanh tra Guy Foutaine từ Phòng cảnh sát Quebec, đồn trưởng Dowling từ hạt Santa Clara, thanh tra Eagan tử Bedford, Pennsylvania, đại úy Rudford từ Phòng cảnh sát San Francisco và Roger Toland, sếp cảnh sát San Jose. Foutain nói, “Đề nghị dẫn độ can phạm về Quebee vì chúng tôi đã nắm trong tay những chứng cứ vô cùng xác thực về tội lỗi của cô ta. Chắc chắn là cô ta sẽ bị kết tội ở đó”. Thanh tra Eagan phản đối. “Chúng tôi cũng vậy, ông Foutain ạ. Jim Cleary là vụ đầu tiên nên chúng tôi cho là phải được hưởng quyền ưu tiên hơn các vụ khác”. Đại úy Rudford thì nói. “Thưa các vị, tất cả chúng ta đều sẽ chứng minh được tội lỗi của cô ta. Nhưng có đến ba vụ xảy ra ở Califôrnia nên phạm nhân nên bị xử ở đó. Việc này hẳn có lợi hơn cho tất cả chúng ta”. “Tôi đồng ý”. Đồn trưởng Dowiing nói. “Và hai vụ trong đó lại xảy ra ở hạt Santa Clara, nên việc xét xử ở đây là hợp lý nhất”. Họ còn tiếp tục tranh cãi thêm hai giờ nữa về công lao của mỗi bên để cuối cùng đi đến quyết định là phiên tòa xét xử ba vụ giết Dennis Tibble, Richard Melton và đồn phó Sam Blake sẽ được tổ chức ở tòa án cấp cao tại San Jose. Họ cũng nhất trí rằng hai vụ ở Bedford và Quebec sẽ bị gạt ra khỏi phiên xử này. * * * * * Trong cuộc gặp riêng trước khi xử án, David đã tỏ thái độ đứng hẳn về phía Ashley. Vị thầm phán đại diện cho tòa án hỏi. “Anh sẽ bào chữa thế nào đây?” “Vô tội và vô tội vì bị bệnh mất trí”. Ông ta gật đầu. “Tốt lắm”. Thưa ngài thẩm phán, chúng tôi xin được bảo lãnh cho bị cáo”. Người đại diện của phía công tố nhẩy dựng lên. “Thưa thẩm phán, chúng tôi cực lực phản đối Bị cáo bị kết tội đã gây ra ba vụ án mạng dã man và sẽ bị Viện công tố khép vào án tử hình. Có thể nhân cơ hội này cô ta sẽ tìm mọi cách để trốn chạy”. “Không đúng”, David trả lời. “Không ai…” Vị thẩm phán ngắt lời. “Tôi đã xem hồ sơ và đơn yêu cầu không chấp nhận bảo lánh của bên công tố viên. Không thể bảo lãnh được. Vụ này đã được giao cho thẩm phán Winiams toàn quyền xử lý Bị cáo sẽ bị giam giữ tại nhà tù hạt Santa Clara cho đến khi phiên tòa diễn ra”. David thờ dài. “Vâng, thưa ngài thẩm phán”. Anh quay sang Ashley. “Đừng lo. Mọi việc sẽ ổn thôi. Hãy nhớ... cô không có tội”. Khi David về đến văn phòng, Sandra nói với anh. “Anh đã xem tin tức chưa? Các tờ báo khổ nhỏ gọi Ashley là “Con đĩ hàng thịt”. Trên tivi thì có cả một phóng sự về vụ này”. “Anh biết chuyện này sẽ ngày một tồi tệ mà”. David thở dài, “đây mới chỉ là mở màn thôi. Hãy làm những gì cần làm đi.” còn tám tuần nữa thì phiên tòa bắt đầu. Đó là tám tuần làm việc cật lực. David và Sadra quần quật ngày lẫn đêm, cố lục tìm cho hết bản sao của các vụ xét xử những bị cáo bị rối loạn đa nhân cách. Có đến hàng chục vụ như vậy. Và đủ các thứ tội giết người, hăm hiếp, cướp của, buôn ma túy, phóng hỏa đốt nhà... Một số bị kết án, một số được tha bổng. “Chúng ta sẽ cải cho Ashley trắng án” David nói với Sandra. Sandra thu thập tên của các nhân chứng và gọi điện cho họ. “Bác sĩ Nakamoto, tôi là cộng sự của luật sư David Singer. Tôi rất tin vào các xác nhận của ông trong cuốn Orgeon Vs Bohannan. Ông Singer sắp bào chữa cho Ashley Patterson... ông nhận lời à? Vâng. Tốt quá, chúng tôi rất mong ông sẽ đến San Jose và kiểm tra tình trạng của cô ấy...” “Bác sĩ Booth, tôi ở văn phòng của David singer. Ông ấy sắp biện hộ cho Ashley Patterson. Chính ông đã kiểm tra vụ Dickerson phải không ạ. Chúng tồi rất trông mong vào kinh nghiệm lão luyện của ông... Chúng tôi mong ông sẽ đến San Jose và kiểm tra cho cô Patterson. Chúng tôi thật sự cần đến chuyên môn của ông...”. “Bác sĩ Jameson, tôi là Sandra đây. Chúng tôi hy vọng ông sẽ…” Và cứ thế, cứ thế, tử sáng sớm cho đến quá nửa đêm. Cuối cùng danh sách của 12 nhân chứng đã xong. David xem nó và nói, “Thật là gây ấn tượng. Bác sĩ, trưởng khoa... hiệu trưởng các trường Y danh tiếng...” Anh nhìn Sandra và mỉm cười. “Anh nghĩ là chúng ta đang có lợi thế đấy”. Lần nào cũng vậy David vừa vào đến cửa là Jesse Quiner đã hỏi. “Thế nào rồi. Tôi có giúp được gì không?” “Tôi vẫn lo được mà”. Quiner nhìn quanh văn phòng. “Cậu có đầy đủ các thứ chứ?” David cười. “Mọi thứ, kể cả người bạn tốt nhất của tôi.” Một buổi sáng thứ hai, David nhận được một phong bì từ phòng công tố, trong đó là bản danh sách dài. David đọc xong, đầu óc nặng trĩu. Sandra nhìn anh quan tâm, “Cái gì vậy?” “Em xem đi. Họ có cả đống chuyên gia y khoa tên tuổi chống lại MPD”. “Thế anh định giải quyết thế nào”. “Chúng ta sẽ thừa nhận Ashley có mặt ở hiện trường vụ án, nhưng là do một trong hai nhân cách kia thực hiện hành động giết người chứ không phải cô ấy. Liệu anh có thuyết phục nổi bồi thẩm đoàn tin chuyện này không?” Năm ngày trước khi phiên tòa diễn ra, David nhận được điện thoại của thẩm phán Williams nói muốn gặp anh. David đi sang văn phòng của Quiner. “Jesse, kể cho tôi nghe về thẩm phán Winiams với”. Jesse ngả người ra sau ghế. “Tessa Winiams... Cậu đã bao giờ làm Hướng đạo sinh chưa David?” “Rồi” “Cậu còn nhờ khẩu hiệu của Hướng đạo sinh “Chuẩn bị đầy đủ chứ?” “Nhớ”. “Cậu phải chuẩn bị đầy đủ khi bước vào phiên tòa của Tessa Williams. Bà ta lợi hại lắm. Cả đáo để nữa. Một con người vươn lên từ bùn đất đấy. Xuất thân tại” một gia đình lĩnh canh ở Mississippi, Tessa Williams chỉ nhờ vào học bổng mà học hết đại học. Họ hàng, làng xóm quê hương vô cùng tự hào về Wlilliams nên đã hùn tiền lại cho bà theo học tiếp ở trường Luật. Có tin đồn là đã từ chối cả quyền cao chức trọng Whashington để chỉ là bà một quan tòa tự do, độc lập. Tóm lại, Williams là cả một huyền thoại đấy”. “Hay quá”, David thốt lên. “Phiên tòa diễn ở Santa Clara à?” “Ừ”, “Vậy thì cậu sẽ gặp ông bạn cũ Mickey Brennan của tôi trong vai công tố viên rồi”. “Kể về ông ta đi, Jesse”?. “Hắn là một tay Ailen nóng nẩy và cứng rắn từ trong ra ngoài. Gia đình nhà Blennan giống ghê lắm đấy. Bố là chủ một nhà xuất bản lớn, mẹ là bác sĩ, chị gái là giảng viên đại học. Hồi ở trường, hắn là một ngôi sao bóng đá và luôn đứng đầu trong trường luật. Jesse chồm người về phía trước. “Hắn khá đấy, David. Hãy cẩn thận. Đòn độc của hắn là vô hiệu hóa lời khai của các nhân chứng bên bị và sau đó đập họ luôn. Hắn rất thích chơi trò cút bắt với họ. Thế tại sao bà Williams lại muốn gặp cậu?” “Tôi cũng không rõ: Trong điện thoại bà ta chỉ nói là có chút vướng mắc muốn thảo luận với tôi thôi”. Jesse Quiller cau mày. “Chuyện này lạ đấy. “Khì nào thì cậu tôi gặp bà ta?” “Sáng thứ tư”. “Cẩn thận đấy”. “Cám ơn Jesse. Tôi sẽ đề phòng”. * * * * * Tòa án cấp cao hạt Santa Clara là một ngôi nhà bốn tầng quét vôi trắng, nằm trên đường North First. Ngay ở lối vào chính là một trạm kiểm soát có nhân viên mặc cảnh phục, có máy dò kim loại, rào chắn. Có tất cả bẩy phòng xử án trong tòa nhà này, mỗi phòng do một thẩm phán và đội ngũ nhân viên trợ giúp chịu trách nhiệm. Mười giờ sáng ngày thứ tư, David Singer bước vào phòng làm việc của nữ thẩm phán Tessa Williams. Trong phòng có cả Mickey Brennan. Ông công tố viên cứng rắn này xấp xỉ 50, thấp người, vạm vờ, nói giọng pha thổ âm Ailen. Còn Tessa Williams cũng trạc 50, lai Phi châu, người mảnh dẻ và trông còn khá hấp dẫn, cử chỉ và điệu bộ mạnh mẽ, đầy uy quyền. “Chào ông Singer. Tôi là thẩm phán Williams. Còn đây là ông Brennan”. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Bà thẩm phán nhìn sang David. “Mời ngồi. Tôi muốn “bàn trước chút chuyện về vụ Patterson. Theo hồ sơ thì ông định bào chữa cho cô ta là vô tội, vì bệnh mất trí?” “Vâng, thưa thẩm phán”. “Tôi mời cả hai ông đến đây vì tôi nghĩ chúng ta có thể tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền bạc của nhà nước. Tôi luôn chống lại việc dàn xếp biện hộ nhưng trong vụ này, tôi cho như thế là hợp lý”. David bối rối lắng nghe. Bà thẩm phán quay sang Brennan. “Tôi đã đọc bản luận tội sơ bộ và nghĩ rằng vụ này không nhất thiết phải ra tòa. Đồng thời tôi cũng mong rằng nhà nước sẽ hủy bỏ án tử hình để thay vào đó là án chung thân”. David lên tiếng. “Hãy khoan. Hình như có gì lầm lẫn thì phải”. Cả hai người đều quay sang nhìn anh. “Ông Singer...” “Thân chủ của tôi vô tội. Cô ấy đã vượt qua cuộc kiểm tra nói dối và điều đó chứng minh...” “Chuyện đó không chứng minh được gì cả và như anh biết đó, nó không có giá trị trước tòa. Đây sẽ là một phiên tòa có khả năng kéo dài và sẽ khá là lộn xộn, chủ yếu do sự tò mò của công chúng.” “Tôi chắc rằng...” “Tôi đã làm nghề luật nhiều năm rồi, ông Singer.” Bà Williwams nóng nẩy ngắt lời anh. “Tôi đã nghe đủ các kiểu bào chữa rồi. Tự bào chữa chấp nhận được, giết người vì nông nổi nhất thời - chấp nhận được vì đầu óc có vấn đề chấp nhận được... Nhưng tôi cho ông biết tôi không tin vào điều sau đây, ông luật sư. Vô tội vì tôi không liên quan đến án mạng, đó là do một nhân cách khác của tôi thực hiện... Cái kiểu này ông có thể tìm thấy trong cuốn Blackstone. Thân chủ ông hoặc có hoặc không liên quan đến vụ án, thế thôi. Cho nên, nếu ông thay đổi mục đích bào chữa, chúng ta cớ thể tiết kiệm...” “Không, thưa bà thẩm phán, tôi không thay đổi”. Tessa Williams nhìn David chằm chằm. Ông ngang ngạnh quá. Rất nhiều người cho đó là một phẩm chất đáng quý”, bà ta chồm người về phía trước, “còn tôi thì không”. “Thưa bà thẩm phán...” “Ông đã buộc chúng ta phải đối mặt nhau trong một phiên tòa kéo dài ít nhất ba tháng hoặc lâu hơn”. Brennan gật đầu. “Tôt đồng ý”. “Xin lỗi, nếu các vị cảm thấy...” David khăng khăng. “Ông Singer”, bà thẩm phán lại không để anh nói hết, “tôi có thiện ý mời ông đến đây để cùng nhau tìm một hướng đi đúng. Nếu cứ theo cách ông dự định tiến hành thì thân chủ của ông có thể sẽ chết đấy”. “Thôi nào, bà đang vội vàng đánh giá vụ án này mà không...” “Vội vàng ư? Ông đã xem các bằng chứng chưa?” “Rồi, tôi...” “Chúa ơi, DNA Và dấu tay của hung thủ, tức Ashley, có ở khắp các hiện trường. Tôi chưa bao giờ thấy trường hợp phạm tội nào lại rõ ràng đến thế. Nếu ông cứ khăng khăng đòi tiếp tục, có thể tòa án sẽ biến thành trò hề mết. Được, tôi sẽ không để chuyện này xảy ra đâu. Tôi không muốn phiên tòa của mình trở thành rạp xiếc. Hãy giải quyết nó ngay bây giờ đi, khi còn chưa muộn. Tôi hỏi ông một lần nữa, ông có đồng ý biện hộ cho thân chủ ông án chung thân không?” “Không!” David bướng bỉnh đáp. Bà ta giận dữ nhìn anh. “Được. Gặp nhau vào tuần sau”. Tự anh đã tạo ra kẻ thù cho chính mình. Chương 15 San Jose nhanh chóng bị hâm nóng bởi bầu không khí sôi sục của phiên tòa xử Ashley. Giới truyền thông trên toàn thế giới lũ lượt kéo đến. Các khách sạn đều kín chỗ và không ít người phải trú chân ở các vùng ngoại vi Santa Ciara, Sunnyvale và Palo Allo. Còn David thì thường xuyên bị đám ký giả săn đuổi. “Ông Singer, xin ông vui lòng cho biết, có phải ông định bào chữa cho thân chủ ông vô tội?” “Ông có định đưa Ashley Patterson ra bục nhân chứng...?” “Có phải đại diện tòa án đã đề nghị thỏa thuận về mục đích biện hộ?” “Bác sĩ Patterson sẽ khám bệnh cho con gái mình chứ…?” “Tạp chí của tôi sẵn sàng trả 50.000 dollas cho cuộc phỏng vấn với thân chủ của ông...” Mickey Brennan cũng bị giới báo chí bám chặt. “Ông Brennan, xin ông vui lòng nói vài lời về phiên tòa sắp tới?” Brennan mỉm cười rõ tươi trước ống kính truyền hình. “Vâng. Tóm gọn trong năm chữ. Chúng tôi nhất định thắng. Xin miễn bàn luận gì thêm”. “Khoan đã! Ông cô nghĩ cô ấy bị mất trí không...?” “Án tử hình sẽ được đưa ra chứ...? “Có phải ông cho rằng đây là một vụ dễ giải quyết?” David đã thuê một văn phòng ở gần tòa án, nơi anh có thể tiến hành phỏng vấn các nhân chứng và chuẩn bị cho các phiên xử.. Anh cũng quyết định Sandra sẽ kết thúc công việc ở chỗ Jesse Quiller tại San Francisco, khi phiên tòa bắt đầu. Bác sĩ Salem cũng đã đến San Jose. “Tôi muốn ông thôi miên Ashley lần nữa” David nói. “Hãy cố lấy thêm nhiều tin tức từ cô ấy và hai nhân cách kia, để chúng ta có đủ vốn liếng bước vào trận chiến”. Họ đến nhà giam gặp Ashley. Nàng đang cố gắng che đấy sự sợ hãi của mình. Trong con mắt David, trông nàng như một con hươu đã bị mắc vào cái bẫy của đám thợ săn hung ác. “Chào Ashley. Cô còn nhớ bác sĩ Salem không?” Ashley gật đầu. “Ông ấy sẽ thôi miên cô một lần nữa. Có vấn đề gì không?” Ashley dè dặt. Ông ấy sẽ nói chuyện với... những người kia à?” “Đúng vậy. Cô không phản đối chứ?” “Không. Nhưng tôi... tôi không muốn gặp họ”. “Cô sẽ không gặp họ đâu”. “Tôi ghét việc này lắm!” Ashley đột ngột hét lên giận dữ. “Tôi hiểu”. David dịu dàng nói. “Đừng quá lo. Sẽ chóng xong thôi”. Anh gật đầu với bác sĩ Salem. “Thả lỏng người ra, Ashley. Hãy nhớ xem việc này dễ dàng thế nào. Nhắm mắt lại và thư giãn đi. Cố gắng đừng nghĩ ngợi gì. Hãy lắng nghe giọng tôi. Quên hết mọi chuyện khác đi. Cô đang rất buồn ngủ. Mắt cô bắt đầu nặng trĩu xuống. “Cô muốn đi ngủ... Đi ngủ...” Mười phút trôi qua, bác sĩ Salem ra hiệu cho David: David tiến đến gần Ashley. “Tôi muốn gặp Alette. Cô có ở đó không Alette?” Và họ thấy gương mặt Ashley dần dần biến đổi như lần thôi miên trước. Sau đó, một giọng Italia êm dịu, ngọt ngào vang lên. “Xin chào”. “Chào Alette. Cô có khỏe không?” “Không. Quả là một thời kỳ mệt nhọc”. “Mệt nhọc cả với chúng tôi nữa, “ David an ủi, “nhưng mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi”. “Hy vọng là vậy”. “Alette, tôi muốn hỏi cô vài chuyện”. “Si…” “Cô có biết Jim Cleary không?” “Không”. “Cô có biết Richard Melton không?” “Có” Giọng nàng thoáng chút buồn rầu. “Những chuyện... xảy ra với anh ấy thật kinh khủng”. David nhìn bác sĩ Salem. “Đúng vậy. Kinh khủng quá. Thế lần cuối cùng cô gặp Richard là khi nào?” “Tôi đến San Francisco để gặp anh ấy. Chúng tôi đi thăm Viện bảo tàng và sau đó cùng đi ăn tối trước khi ra về, Richard rủ tôi đến nhà anh”. “Thế cô có đồng ý không?” “Không. Giá mà lúc ấy tôi đi, Alette nói với giọng hối hận, có thể sẽ cứu được anh ấy”. Nàng im lặng một lúc. “Chúng tôi chia tay và tôi quay lại Cupertino”. “Và đó chính là lần gặp cuối cùng?” “Vâng”. “Cảm ơn Alette”. David đến gần Ashley hơn và gọi “Toni? Cô có ở đó không, Toni? Tôi rất muốn gặp cô”. Trước mắt họ, gương mặt Ashley lại đổi sang một vẻ mới, gợi tình hơn nhưng cũng nanh nọc hơn. Và nàng bỏng cất cái giọng trong trẻo hát bài đồng dao khá quen thuộc với những vùng nông thôn nước Anh. Nửa can gạo rẻ tiền Nửa cân mật ngào đường Trộng chúng lại và chế biến Bốp, đi đời con chồn. Nàng nhìn David. “Anh có biết tại sao tôi hay hát bài này không” “Không” “Bởi vì mẹ tôi rất ghét nó. Bà ấy ghét luôn cả tôi nữa”. “Tại sao mẹ cô lại ghét cô?” “Ồ, dù sao bây giờ chúng ta cũng không thể hỏi bà ấy được, phải không?” Tonl cười to. “Đối với bà ấy thì tôi không bao giờ làm được cái gì cho ra hồn cả. Mẹ anh là người thế nào, David?” “Bà là người phụ nữ tuyệt vời”. “Anh thật may mắn. Tôi chắc là do tạo hóa đã an bài như vậy. Phải chăng Chúa trời đang đùa giỡn với chúng ta”. “Cô có tin vào Chúa không? Cô có phải là người theo đạo không, Toni?” “Tôi không biết. Có thể Chúa có tồn tại. Nếu đúng như vậy, chắc là ông ấy phải cố những trò đùa kỳ lạ lắm? Alette là người sùng đạo. Cô ấy thường xuyên đi lễ nhà thờ”. “Thế còn cô?” Toni cười khan. “Ồ, nếu cô ấy đi thì tôi cũng đi”. “Toni, cô có cho rằng giết người là việc làm đúng không?” “Không, dĩ nhiên là không”. “Nhưng...” “Trừ khi anh bắt buộc phải làm như vậy”. David và bác sĩ Salem nhìn nhau. “Ý cô là gì?” Giọng nàng chợt thay đổi, trở nên dịu dàng hơn. “Ừ, anh biết đó, nếu anh phải tự bảo vệ bản thân. Nếu có ai định hãm hại anh”. Nàng bỗng trở lên bối rối. “Nếu có ai định giở trò bẩn thỉu với anh”. Và liền đó, nàng lên cơn kích động. “Toni...” Nàng bắt đầu nức nở. “Tại sao họ không để tôi yên? Tại sao họ cứ phải...?” Nàng khóc to hơn. “Toni...” Yên lặng. “Toni...” Không có Phản ứng gì. Bác sĩ Salem nói, “Cô ta đi rồi. Để tôi đánh thức Ashley dậy” David thở dài. “Cũng được”. Vài phút sau, Ashley mở mắt ra. “Cô thấy thế nào?” David hỏi. “Mệt quá. Mọi việc... tốt cả chứ?” “Ừ. Chúng tôi đã gặp Alette và Toni. Họ...” “Tôi không muốn biết đâu”. “Cũng được. Sao cô không nghỉ đi nhỉ, Ashley? Chiều mai tôi sẽ quay lại gặp cô”. Họ nhìn người cai ngục đưa Ashley đi. Bác sĩ Salem nói. “Anh phải đưa cô ấy ra bục nhân chứng thôi, David. Điều này đủ sức thuyết phục tất cả các bồi thẩm đoàn trên thế giới..,” “Tôi đã cân nhắc chuyện này rất nhiều rồi”. David trả lời. “Tôi nghĩ là mình không thể”. “Tại sao?” “Brennan, ông công tố viên, là một tay sát thủ đấy. Ông ta sẽ làm cô ấy hóa rồ lên mất. Tôi không thể làm vậy được”. * * * * * Hai ngày trước khi phiên xử sơ bộ diễn ra, David và Sandra ngồi ăn tối cùng vợ chồng Quiller. “Chúng tôi đã đăng ký ở tại khách sạn Wyndham”. David nói. “Viên quản lý đã đặc biệt chiếu cố cho tôi, Sandra sẽ đến ở cùng tôi. Thị trấn này giờ đây chật cứng và ngột ngạt đến không chịu nổi”. “Không hiểu khi phiên tòa chính thức diễn ra thì nó sẽ giống cái gì”. Emily cố pha trò. Quiller nhìn David. “Tôi có thể giúp gì không?” David lắc đầu. “Tôi đang phải quyết định một vấn đề nhức óc đây có nên đưa Ashley ra bục nhân chứng không?” “Gay go đấy”. Jesse Qullier nói. “Đưa ra cũng dở mà không đưa ra cũng dở. Vấn đề là chắc chắn Brennan sẽ nhân cơ hội, biến Ashley Patterson thành một ác phụ dâm đãng, một quái vật giết người không ghê tay. Nhưng nếu không đưa ra, bồi thẩm đoàn sẽ có ấn tượng rằng họ đến phiên xử chỉ để đọc lời tuyên án. Mặt khác, theo những gì cậu nói, nếu đưa Ashley ra, Brennan có thể sẽ giết chết cô ấy”. “Brcenlan đã triệu tập các chuyên gia y khóa đến để phản đối MPD”. “Vậy thì cậu phải làm cho họ tin chuyện đó là có thật”. “Tôi cũng định như vậy” David trả lời. Anh có biết chuyện gì làm tôi bực mình nhất không? Đó là những trò hề. Còn nữa, tôi muốn đổi địa điểm xử án, nhưng rồi lại thôi vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy chỗ mà thôi. Anh còn nhớ hồi Johnny Carson diễn trên tivi không? Vui nhộn một cách độc địa thật đấy nhưng lúc nào cũng để lại một hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Còn bây giờ, cách bọn diễn hài trên tivi toàn quân hiểm. Chúng 8ẵn sàng làm trò cười trên tính mạng của người khác. “David?” “Gì cơ?” Jesse Quiller chậm rãi nói. “Mọi chuyện có vẻ sẽ tồi tệ hơn ta tưởng đấy.” Đêm trước phiên xử, David không tài nào ngủ nổi. Anh bất lực trong việc ngăn chặn những ý nghĩ bi quan cứ cuộn lên trong đầu. Khi vừa thiếp đi anh nghe thấy một giọng nói. Mày đã làm cho thân chủ cuối cùng của mày bị chết. Nếu người này nữa cũng chung kết quả đó thì sao? David ngồi bật dậy, người đầm đìa mồ hôi. Sandra mở mắt ra. Anh không sao chứ?” “Không. Có. Anh đang làm cái quái gì ở đây thế này. Việc anh phải làm là nói “không” với bác sĩ Patterson”. Nàng nắm chặt lấy tay anh và khẽ nói vậy tại sao anh không làm?” Anh lầm bầm. “Em nói đúng. Anh không thể,Vậy thì thôi. Nào, sao anh không cố ngủ để sáng mai có sức mà chiến đấu. “Ờ” Nhưng rồi anh vẫn thức trắng suốt đêm đó. Thấm phán Williams đã nhận xét đúng về báo giới. Họ vô cùng tàn nhẫn. Phóng viện từ khắp nơi trên thế giới lũ lượt kéo đến, hăm hở săn tìm thông tin về một phụ nữ xinh đẹp bị kết tội giết nhiều mạng người một cách dã man. Sự việc Mickey Brennan bị cấm không được nêu tên của Jim Cleary và Jean Claude Parent ra tòa đã được quyết định nhưng báo giới đã giải quyết vấn đề này giúp ông ta. Các chương trình nói chuyện trên tivi, các tạp chí cùng vô số các loại nhật báo khác nhau liên tục đăng các bài viết về năm nạn nhân đã bị sát hại vô cùng thê thảm ra sao. Mickey Brennan hết sức thỏa mãn. Khi David xuất hiện cả đám đông lập tức chạy ùa tới. Cánh nhà báo quây chặt lấy anh. “Ông Singer, ông có còn làm cho Kincaid, Turner, Rose & Ripley không...?” “Xin ông hãy nhìn đây, ông Singer...:” Có đúng là ông bị sa thải vì nhận cãi vụ này không...?”. “Xin ông kể đôi lời về Helen Woodman. Có phải ông đã thất bại trong vụ đó...?” “Ashley Patterson có nói tại sao cô ấy lại...” “Ông có định đưa thân chủ của ông ra bục nhân chứng...” “Xin miễn bình luận”. David chỉ lạnh lùng đáp vậy. Khi Brennan xuống ô tô ông ta cũng lập tức bị chặn lại. “Ông Brennan, ông nghĩ thế nào về phiên tòa...?” “Đã bao giờ ông buộc tội một nhân cách như thế...?”. Brennan mỉm cười cởi mở: “Chưa. Tôi không thể chờ đợi để nói chuyện với. tất cả bọn họ được. Họ có thể lập nên cả một câu lạc bộ bóng đá được mà”. Lại mỉm cười. “Tôi phải vào đây.” Tôi không muốn để bất kỳ một bị cáo nào phải chờ đợi”. * * * * * Đầu tiên là việc chọn lựa bồi thẩm đoàn. Sau khi thẩm phán Williams, trong cương vị chánh án, đưa ra câu hỏi, lần lượt Davill và Brennan trình lên những yêu cầu, những đòi hỏi của mình về thành phần đó. Đối với những người đến “xem” phiên tòa, việc lựa chọn bồi thẩm đoàn coi ra quá đơn giản. Chọn cho mình một người có vẻ mang cùng quan niệm về vụ án với mình. Thực ra, việc này được tiến hành rất cẩn thận và không kém phần gay gắt. Những người có kinh nghiệm không bao giờ đưa ra những câu hỏi mà câu trả lời chỉ đơn thuần là có và không. Họ luôn hỏi những câu hỏi chung chung để buộc người bị hỏi phải nói nhiều và qua đó khó tránh khỏi sẽ bộc lộ một vài sơ hở nào đó để người hỏi dễ bề quyết định. Mục tiêu của Brennan và David hoàn toàn khác nhau. Trong vụ này, Brennan cần một bồi thẩm đoàn có đàn ông chiếm đa số, những người đàn ông đã trở nên phẫn nộ, ghê tởm trước việc một phụ nữ đã đâm chết lại còn thiến các nạn nhân của mình. Mọi câu hỏi của Brennan đều nhằm tìm ra những người có lối suy nghĩ truyền thống, những người không mấy tin vào chuyện ma quỷ hoặc những chuyện kỳ quặc khác. Còn Dayid thì lại nhàm đến những đối tượng ngược lại. “Ông là Harris phải không? Tôi là David Singer. Tôi đại diện cho bị cáo. Đã bao giờông có mặt trong một bồi thẩm đoàn chưa, ông Harris?” “Chưa.” “Tôi đánh giá cao việc ông bỏ thời gian để tham gia vào vụ xử này”. “Sẽ thú vị đấy, những án mạng kiểu đó”. “Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy”. “Thực ra thì tôi chờ dịp này từ lâu rồi”. “Thật không, thưa ông?” “Thật”. “Ông làm việc ở đâu, ông Harris?” “Ngành thép Liên bang”. “Tôi nghĩ rằng ông và các bạn ông đã bàn rất nhiều về vụ án..” “Đúng vậy”. “Chuyện này cũng dễ hiểu. Dường như tất cả mọi người đều bàn về nó. Thế ý kiến chung là gì? Có phải các bạn ông đều nghĩ rằng Ashley Patterson có tội?” “Đúng. Tôi buộc lòng phải nói vậy”. “Bản thân ông thì có nghĩ thế không?” “Ờ, có vẻ chắc chắn là như vậy”. Nhưng ông có sẵn sàng nghe tất cả những lời biện hộ trước khi quyết định không?” “Có, Toni nhất định nghe”. “Ông thích đọc cái gì, ông Harris?” “Tôi không phải là người ham mê sách vở. Tôi chỉ thích đi cắm trại, săn bắn và câu cá thôi”. “Một người hướng ngoại. Thế khi ông nghỉ đêm ngoài trời và ngắm nhìn các vì sao, có bao giờ ông nghĩ là sẽ có một nền văn minh nào khác trên đó không?”. “Anh muốn nói đến những cái VFO điên rồ đấy hả? Tôi chẳng bao giờ tin vào mấy chuyện vớ vẩn đó hết”. David quay sang bà Williams. “Loại, thưa bà thầm phán… Một người khác” “Lúc rỗi rãi ông thường làm gì, ông Allen?” “Ở tôi đọc sách hoặc xem tivi”. “Tôi cũng thích những cái đó. Thế ông thường xem chương trình gì?” Một số chương trình hấp dẫn đêm thứ năm. Khó lựa chọn quá. Bọn truyền hình có vẻ rất khoái cái trò phát các chương trình hay vào cùng một lúc”. “Đúng. Thật là vớ vẩn quá. Ông có bao giờ xem X - Files không? “Có Bọn trẻ con nhà tôi thích lắm”. “Thế còn Sabnna- - phù thủy tuổi ngây thơ?” “Có Chúng tôi cùng xem nó. Tuyệt vời đấy”. “Thế ông hay đọc sách gì?” “Anne Rice, Stephen King…” Lại một người nữa. “Ông thích xem chương trình nào trên tivi, ông Meyer?” “60 phút, Tin tức một. giờ, với Jim Lehrer phim tài liệu...” “Thế ông hay đọc sách gì?” “Lịch sử và chính trị”. “Cảm ơn ông”. Loại. Chánh án Williams ngồi trên ghế, lắng nghe từng câu hỏi, khuôn mặt không biểu lộ chút cảm xúc gì. Nhưng David có thể cảm thấy sự phản đối hiện rõ mỗi lúcbà nhìn anh. Khi người cuối cùng đã được lựa chọn, bồi thẩm đoàn bao gồm bẩy đàn ông và năm phụ nữ. Brennan nhìn David đắc thắng. Ngươi chắc chắn thất bại thôi. Chương 16 Sáng sớm ngày phiên tòa chính thức diễn ra David đến gặp Ashley tại nhà giam. Nàng gần như sắp hóa điên lên. “Tôi không thể tiếp tục được nữa. Bảo họ hãy để tôi yên”. “Ashley, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Chúng ta phải đối mặt với họ và chúng ta sẽ giành chiến thắng”. “Anh không biết…Anh không biết tôi cảm thấy như thế nào đâu. Như đang sống trong địa ngục vậy”. “Chúng tôi sẽ đưa cô ra khỏi nơi đó. Đây chỉ là bước đầu thôi”. Nàng thổn thức: “Tôi sợ họ... sẽ làm những chuyện tồi tệ với tôi.” “Tôi sẽ không để họ làm vậy với cô đâu”. David quả quyết “Tôi muốn cô phải tin vào tôi. Hãy nhớ, cô không phải chịu trách nhiệm gì về những vụ án đó cả. Cô không hề làm sai điều gì. Họ đang đợi chúng ta đó”. Nàng hít một hơi dài. “Được. Tôi nhất định sẽ vượt qua. Tôi nhất định sẽ vượt qua. Tôi nhất định sẽ vượt qua. Ngồi ở hàng ghế đầu tiên là bác sĩ Steven. Patterson. Ông nhắc đi nhắc lại với đám nhà báo bao quanh phòng xử án chỉ một câu duy nhất: “Con tôi vô tội”. Phía sau vài hàng là Jesse và Emlly Quiller, họ đến để ủng hộ David về mặt tinh thần. Ở bàn công tố là Mickey Brennan và hai trợ lý: Susan Freeman và Eleanơr Tucker. Sandra và Ashley ngồi ở bàn luật sư biện hộ, giữa họ là David. Hai người phụ nữ đã gặp nhau vào tuần trước. “David, anh có thể nhìn Ashley và hiểu rằng cô ấy vô tội” “Còn em, em hãy nhìn vào các bằng chứng Ashley để lại trên các xác chết và hiểu rằng cô ấy đã giết họ. Nhưng giết họ và phạm tội lại là hai phạm trù hoàn toàn khác. Tất cả những gì anh phải làm bây giờ là thuyết phục cho bằng đượcbồi.thẩm đoàn tin theo những gì anh đã tin”. Thẩm phán Willlams bước vào và tiến về chỗ của mình. Viên mõ tòa hô, “Tất, cả đứng đậy. Phiên tòa chính thức bắt đầu. Thẩm phán Tessa Williams sẽ là chánh án, chủ tọa phiên tòa”. Quan tòa Williams nói. “mời các vị ngồi. Đây là vụ Nhân dân California chống lại Ashiey Patterson. Bắt đầu”. Bà quay sang” Brennan. “Ông công tố có phát biểu lời mở màn không”? Mickey Brennan đứng lên. Có, thưa chánh án”. Ông quay nhìn về bồi thẩm đoàn rồi đi lại phía họ. “Xin chào. Các vị biết đấy thưa các quí ông quí bà, bị cáo cũng có mặt trong phiên tòa này bị buộc tội là hung thủ của ba vụ án mạng”.Ông ta hất đầu về phía Ashley. “Bây giờ cô ta đang trong dáng vẻ một phụ nữ trẻ, ngây thơ, yếu đuối. Nhưng chúng tôi sẽ chứng minh cho các vị thấy đằng sau cái mặt nạ đỏ là một kẻ giết người lạnh lùng, dã man và có tính toán đối với ba nạn nhân vô tội. Để tránh bị phát hiện, mỗi lần gây án ả ta lại dựng một cái tên khác nhau. Ả biết rất rõ mình đang làm gì. Đó là một sát thủ máu lạnh. Lần lượt, tôi sẽ trình ra cho các vị thấy tất cả những gì chứng tỏ bị cáo đang ngồi kia là có tội. Xin cảm ơn.” Ông ta về chỗ ngồi. Chánh án Williams nhìn sang David. “Ông luật sư biện hộ cỏ phát biểu gì không?789 “Có, thưa chánh án”. David đứng lên, hướng về phía bồi thầm đoàn. Anh hít một hơi thở sâu. “Thưa các quí ông quí bà, trong phiên tòa này, tôi sẽ chứng minh cho các vị thấy rằng Ashley Patterson không hề phái chịu trách nhiệm về những vụ án mà ngài công tố đã buộc vào thân chủ tôi. Ashley không có động cơ để giết bất kỳ một người nào, thậm chí còn có người cô ấy không hề hay biết. Thân chủ của tôi cũng là một nạn nhân. Cô ấy là nạn nhân của căn bệnh MPD hay còn gọi là rối loạn đa nhân cách, căn bệnh mà ngay bây giờ tôi sẽ giải thích cho quí vị được rõ”. Anh liếc nhanh chánh án Williams và bình tĩnh nói tiếp. “MPD là một căn bệnh hoàn toàn có thật. Đó là khi có những nhân cách khác, hay chúng ta tạm gọi là những khách thể, thay thế cho người chủ và nắm quyền kiểm soát các hành động của chủ thể. MPĐ đã xuất hiện từ rất lâu. Beniamin Rush, thầy thuốc và cũng là người đã ký vào bản Tuyên ngôn độc lập đã từng nhắc đến MPD trong các bài giảng của mình. Rất nhiều hiện tượng, sự việc liên quan đến MPD đã được xem xét một cách nghiêm túc trong suốt thế kỷ 19 và ngay cả ở thế kỷ của chúng ta thế kỷ 20”. Brennan ngồi nghe David nói với nụ cười giễu cợt trên môi. “Chúng tôi sẽ cho các vị thấy rằng đó chỉ là do các nhân cách khác nhau trong con người Ashley Patterson thực hiện các vụ giết người, còn chính bản thân Ashley không hề có lý do gì để hành động như vậy cả. Không hé. Cô ấy hoàn toàn không làm chủ được bản thân nên không thể chịu trách nhiệm. Trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, sẽ có hàng loạt các chuyên gia y khoa lỗi lạc trình bày chi tiết về MPD. Thật may mắn, căn bệnh này hầu như có thể chữa khỏi”. Anh nhìn thẳng vào mặt các thành viên bồi thẩm đoàn. “Ashley Patterson không kiểm soát được hành động của mình, và nhân danh công lý chúng tôi đề nghị Ashley Patterson không bị kết tội về những tội ác mà chính Ashley không hề nhúng tay vào”. David ngồi xuống. Chánh án Williams nhìn Brennan, “Ông đã sẵn sàng chưa?” Brennan đứng đN53;y. Rồi, thưa quan tòa. Ông ta khẽ nhếch mép cười với hai cộng sự rồi tiến đến trước mặt bồi thấm đoàn. Ông ta đứng đó và bất thần ợ lên một tiếng rất to. Tất cả bồi thẩm đoàn đều nhìn sững ông ta với vẻ ngạc nhiên. Brennan nhìn họ ra vẻ bối rối rồi bỗng tươi hẳn nét mặt. “Ồ, tôi hiểu rồi. Các người đang đợi tôi nói. Tôi xin lỗi. Ờ, tôi không nói đâu vì tôi không làm chuyện đó. Một nhân cách khác của tôi, gã Pete, mới là người tiến hành”. David giận dữ đứng bật dậy. Phản đối. Thưa quí tòa, đây là sự lăng nhục...” “Phản đối hữu hiệu”. Nnưng mọi sự đã xong. Brennan ném cho David một nụ cười kẻ cả rồi quay lại phía bồi thấm đoàn. “Tôi đoán rằng từ vụ xử phù thủy Salem 300 năm trước đến bây giờ chẳng hề có luật sư nào bào chữa như vậy cả”. Ông ta quay sang nhìn Ashley. “Tôi khôn làm chuyện đó. Không, thưa các ngài. Đó là quỷ sứ bắt tôi phải làm vậy”. David lại chồm dậy. “Phản đối; ông ta...” “Phản đối vô hiệu”. David gieo mình xuống ghế.. Brennan bước gần đến bồi thẩm đoàn hơn. “Tôi xin thề với các vị rằng tôi sẽ chứng minh được bị cáo có chủ ý giết và thiến ba người đàn ông Dennis Tibble, Richard Melton và đồn phó Sam Blake. Ba người! Bất chấp những gì ông luật sư biện hộ nói. Ông ta quay lại, chỉ vào Ashley. “Chỉ có một bị cáo ngồi đây và cô ta là người bì tình nghi. Ông Singer gọi đó là gì nhỉ?” “Rối loạn đa nhân cách à? Vâng, tôi có đưa đến một số bác sĩ tài năng và họ sẽ cho các vị thấy lối cãi đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng trước hết xin mới các vị nghe một vài người:..” Breunan quay lại nhìn chánh án Williams. “Xin phép được gọi nhân chứng đầu tiên. Nhân viên đặc biệt Vincent Jordan”. Một người đàn ông hói đầu, vóc người tầm thước đứng dậy và tiến về chỗ đành cho nhân chứng. Người mõ tòa nói. “Xin nói đầy đủ họ tên và đánh vần để tôi ghi âm”. “Nhân viên đặc biệt Vincent Jordan. J-o-r-d-a-n.” Brennan đợi ông ta thề xong và ngồi xuống. “Ông đang làm việc tại Cục điều tra liên bang ở thủ đô Whasington phải không?” “Vâng, thưa ông”. Công việc chuyên môn của ông ở FBi trả lời. “Ông Jordan?”. “Tôi ở bộ phận xét nghiệm vân tay”. Ông làm việc này bao lâu rồi? “15 năm”: 15 năm cơ à? Trong thời gian đó đã lần nào ông gặp trường hợp tự tạo dấu tay để giống hệt như dấu tay người khác chưa?” “Chưa, thưa ông”. Hiện nay ở FBI có lưu lại bao nhiêu dấu tay?” “Theo tính toán cuối cùng thì có khoảng hơn 250 triệu, nhưng chúng tôi vẫn tiếp nhận đến 34.000 dấu tay mỗi ngày”. “Và không có cái nào giống cái nào chứ?” “Không, thưa ông”. “Làm thế nào để ông nhận ra được các dấu tay?” Chúng tôi dùng bẩy mẫu vân tay khác nhau để phân biệt. Vần tay thì không ai giống ai cả. Chúng được hình thành từ trước khi người ta sinh ra và tồn tại suốt một đời người. Ngoại trừ gặp tai nạn hoặc cố tình tẩy xóa vần tay mình mất hoặc sai biệt đi, song không bao giờ có chuyện vân tay giống nhau”. Ông Jordan, ông đã nhận diện được dấu tay tìm thấy tại hiện trường của ba vụ án mà bị các hiện có mặt tại phiên tòa này bị tình nghi là hung thủ, phải không?” “Phải. Chúng tôi đã nhận rạ được”. “Và ông cũng nhận được dấu tay của bị cáo Ashley Pattenrson rồi, phảikhông?”. “Vâng, thưa ông”. “Ông đã kiểm tra chúng chưa”. “Rồi”. “Xin ông vui lòng cho biết kết luận”. “Các dấu tay tìm thấy tại hiện trường và dấu tay của Ashley Patterson hoàn toàn trùng khớp”. Trong phòng nổi lên nhưng tiếng xì xào. “Trật tự! Trật tự!” Chánh án đập mạnh búa, quát lên. Brennan đợi cho đến khi tiếng ồn lắng xuống. “Chúng giống hệt nhau à.”“ Ông có lầm lẩn gì không, ông Jordan? Có” sơ suất gì không?”: “Không, thưa ông. Tất. cả các dấu tay đều rõ ràng và dễ nhận ra”. Chúng ta đang nói về dấu tay để lại ở hiện trường ba vụ án Dennis Tibble, Richal Melton và đồn phó Sam Blake đấy chứ” “Vâng, thưa ông”. “Và dấu tay của bị cáo Ashley Patterson đã được tìm thấy ở đó”? “Đúng vậy”. “Và ông có nghĩ đến một sự lầm lẫn nào không.” “Không”. “Cảm ơn, ông Jordan”. Brennan quay sang David. “Tới lượt ông”. David ngồi yên một lát rồi đứng dậy đi đến gần bục nhân chứng. “Nhân viên đặc biệt Jordan, khi ông kiểm tra các dấu tay, có bao giờ gặp trường hợp cố ý tẩy xóa hoặc, cắt, bỏ, vân, tay trên ngón tay để che giấu tội ác của mình không?” “Có, nhưng chúng tôi thường dùng các máy laze cường độ mạnh để khôi phục chúng”. “Ông có làm thế trong vụ Pattlson này không?” “Không, thưa ông”. “Tai sao vậy?” “Ờ” như tôi đã nói... tất cả các dấu tay đều rõ rn ng”. David liếc nhìn bồi thẩm đoàn. “Vậy ý ông muốn nói là bị cáo không hề cố ý tẩy xóa hoặc sửa chữa dấu tay của mình.” “Đúng vậy”. “Cảm ơn. Tôi không còn gì để hỏi”. Anh quay ngang phía bồi thẩm đoàn. “Ashley Patterson không cố ý thấy đổi dấu tay của mình vì cô ấy vô tội và.”. Chánh án Williams gõ búa. “Đủ rồi, ông luật sư biện hộ. Ông sẽ có cơ hội để bào chữa cho thân chủ của mình”. David quay lại chỗ ngồi. Brennan nói với Jordan. “Xin cảm ơn ông”. Nhân viên FBI trở về chỗ ngồi của mình. Brennan nói tiếp. “Tôi xin mời nhân chứng thứ hai, Satanley Clarke”. Một người đàn ông trẻ tuổi tóc dài tiến vào phòng xử án. Anh ta đi thẳng tới bục nhân chứng. Sau khi tuyên thệ xong, anh ta ngồi xuống. Breunan bắt đầu hỏi. “Ông làm nghề gì, ông Crlarke?” “Tôi làm ở Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia. Nghề chính của tôi là nghiên cứu”. “Đối với những người không chuyên như chúng tôi thì có thể hiểu đó là DNA. “Đúng vậy, thưa ông”. “Ông làm việc ở đó bao lâu rồi?” “Bẩy năm” “Chức vụ của ông là gì?” “Giám sát viên”. “Bẩy năm, tôi cho là ông đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thử DNA?” “Có thể coi như vậy. Bởi tôi vẫn làm việc đó hàng ngày Brennan liếc nhìn bồi thẩm đoàn. “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều biết đến tầm quan trọng của DNA”. Ông ta chỉ xuống đám đông dự khán. “Liệu một nửa số người ngồi kia có DNA giống hệt nhau chứ?”. “Dĩ nhiên là không. Nếu chúng ta lấy các mẫu DNA và phân tích theo các cơ sở dữ liệu thì cứ 500 tỷ người mới thấy một người có DNA giống như một người khác”. Brennan làm vẻ kinh ngạc. “Một trong 500 tỷ ông Clarke, làm thế nào để lấy DNA từ một hiện trường vụ án?” “Rất nhiều cách. Chúng tôi lấy DNA từ nước bọt, tinh dịch, dịch âm đạo, máu, tóc, răng, tủy xương... và chỉ từ một trong những thứ đó thôi cũng đủ tìm ra một con người!” “Đúng vậy”. “Ông đã so sánh DNA tìm thấy trong ba vụ án Dennis Tibble; Richard Melton và Sanluel Blake chưa?” “Rồi”. “Và ông cũng nhận được mẫu tóc của bị cáo Ashley Ptterson rồi chứ?” “Tôi đã nhận được”.. “Thế sau khi so sánh DNA từ hiện trường các vụ án và DNA của bị cáo, kết quả thế nào?” “Chúng giống hệt nhau”. Phản ứng từ phía đám đông lại trỗi dậy. Ồn ào hơn lần trước. “ Chánh án Williams gõ búa. “Trật tự! Giữ im lặng, nếu không tất cả sẽ phải ra ngoài”. Brennan đợi cho đến khi căn phòng hoàn toàn im lặng trở lại. “Ông Clarke, có phải ông muốn nói DNA lấy từ mỗi hiện trường mỗi vụ án và DNA của bị cáo hoàn toàn giống nhau?” Brennan cố ý nhấn mạnh ở từ cuối cùng. “Vâng, thưa ông”. Breunan liếc về phía Ashley đang ngồi rồi hỏi tiếp! Thế có bao giờ bị lẫn không? Giả sử như là DNA trong những vụ án này không được quản lý tốt và không còn giá trị...”. “Không, thưa ông. Các mẫu DNA ở cả ba vụ án này đều được niêm phong và bảo quản vô cùng cẩn thận”.. “Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa. Bị cáo đã giết chết ba...?” David bật dậy. “Phản đối, thưa quý tòa. Ông công tố viên có ý định...” “Phản đối bữu hiệu”. David ngồi xuống. “Cảm ơn ống Clarke”. Brennan quay sang David: “Tôi không còn gì để hỏi”. “Tôi cũng không có gì để hỏi”. Bồi thẩm đoàn ngạc nhiên nhìn anh Breunan cũng ngạc nhiên nhắc lại. “Không có gì để hỏi? Rồi ông ta quay sang nhân chứng. “Anh có thể về chỗ”. Sau đó ông ta nhìn bồi thẩm đoàn và nói. “Tôi rất kinh ngạc vì luật sư biện hộ đã không hỏi gì nhân chứng, bởi.vì điều đó chứng tỏ rằng bị cáo đã giết và thiến ba nạn nhân, và...” David đứng lên. “Thưa quý tòa...” “Phản đối hữu hiệu: Ông Breunan, ông đã vượt quá giới hạn đấy” “Tôi xin lỗi, thưa quý tòa. Tôi không còn gì để nói”. Ashley đang sợ hãi nhìn David. Anh thì thầm.“Đừng lo. Sẽ chóng kết thúc thôi”. * * * * * Thêm vài nhân chứng được hỏi vào buổi chiều hôm đó và lời khai của họ đều rất bất lợi cho Ashley. “Người trông coi tòa nhà đã gọi ông đến căn hộ của “Dennis Tibbie phải không, thanh tra Lightman?” “Đúng vậy!” “Xin cho biết ông đã thấy gì ở đó” Quang cảnh vô cùng bừa bộn. Máu chảy đầy căn phòng”. “Thế còn tình trạng của nạn nhân?” “Bị đâm chết và bị thiến”. Brennan nhìn bồi thẩm đoàn, cố làm ra vẻ ghê sợ. “Bị đâm chết” và bị thiến? “ Thế ông có tìm thấy bằng chứng gì không?” “Ồ, có nạn nhân đá làm tình trước khi bị giết. Chúng tôi có tìm thấy dịch âm đạo và nhiều dấu tay. “Vậy tại sao ông không ngay lập tức cho bắt một ai đó?” “Dấu tay ở hiện trường không phù hợp với bất kỳ dấu tay nào chúng tôi có trong hồ sơ, nên đành phải chờ đợi”. “Nhưng đến khi các ông nhận được mẫu dấu tay và DNA của Ashley Patterson, tất cả đều trùng khớp chứ?” “Đúng vậy. Tất cả giống hệt nhau”. Bác sĩ Patterson ngày nào cũng có mặt tại phiên tòa. Ông ngồi ở hàng ghế đầu tiên, ngay sau chỗ ngồi của bị cáo. Mỗi khi ông đến hoặc rời khỏi phòng xử đều bị đám ký giả vây chặt lấy. “Bác sĩ Patterson, ông nghĩ thế nào về phiên tòa?” “Tiến triển rất tốt”. “Theo ông thì chuyện gì sẽ xảy ra?” “Con gái tôi sẽ được chứng minh là vô tội”. Một buổi chiều muộn, khi David và Sandra về đến khách sạn, có một thông điệp đang chờ sẵn họ. “Xin hãy gọi đến ông Kwopg ở ngân hàng”. Hai vợ chồng nhìn nhau. “Đến lúc phải trả tiền tiếp rồi ư?” Sandra hỏi. “Ừ, Khi vui vẻ thì thời gian trôi qua thật nhanh”. David nói một cách khô khan. Rồi anh nghĩ ngợi giây lát. “Phiên tòa sẽ kết thúc sớm thôi. Chúng ta còn đủ tiền trong tài khoản để trả cho họ tháng này”. Sandra lo lắng nhìn anh. “David, nếu chúng ta không trả đủ thì sẽ mất hết sao?” “Đúng. Nhưng em đừng lo. Ở hiền nhất định sẽ gặp lành”. Và anh nghĩ đến Helen Woodman. Brian Hill ngồi vào ghế nhân chứng sau khi đã tuyên hệ xong. Brennan tặng cho anh một nụ cười thân thiện.. “Xin cho biết ông đang làm gì, ông Hill?” “Vâng. Tôi là bảo vệ tại bảo tàng De Young ở San Franciso”. “Đây hẳn là một công việc thú vị”. “Vâng, nếu ông yêu nghệ thuật. Tôi rất mê hội họa”. “Ông đã làm việc này bao lâu rồi?” “Bốn năm”. “Có nhiều người thường xuyên đến bảo tàng không? Ý tôi là người ta đến, đi rồi lại đến và đi nhiều lần ấy?” “Ồ, có”. “Vậy tôi đoán rằng sau nhiều lần như thế họ sẽ quen biết với ông hay ít ra thì ông cũng quen mặt họ? “Đúng vậy”. “Và người ta nói rằng các họa sĩ được phép sao chép tranh trong báo tang”. “Đúng vậy. Có rất nhiều họa sĩ đến đó.” “Ông có quen ai trong số họ không, ông Hill?” “Có và chúng tôi dễ trở nên thân thiện hơn sau một thời gian”. “Ông có quen một người tên là Richal Melton không?” Brian Hlll thở dài. “Có. Anh ấy rất có tài.” “Có tài, nên ông đã nhờ anh ta dạy ông vẽ?” “Đúng”. David đứng lên. “Thua quý tòa, thật là nực cười, tôi không hề thấy chuyện này có gì liên quan đến vụ án cả. Nếu ông Brennan.”. Xin đừng gấp, thưa quý tòa. Tôi muốn ông Hill đây có thể nhận rõ nạn nhân qua hình ảnh và tên tuổi. Sau đó sẽ nói cho chúng ta biết nạn nhân có liên quan đến ai”. “Phản đối vô hiệu. Ông công tố có thể tiếp tục”. “Và anh ta nhận lời chứ?” “Vâng, khi nào anh ta rỗi.” “Khi nạn nhân Melton đến bảo tàng, có bao giờ ông thấy anh ta đi cùng một phụ nữ trẻ không?” “Lúc đầu thì không. Nhưng sau đó hình như anh ấy đã gặp đúng người thích hợp và tôi thường thấy hai người đi với nhau”. “Tên cô ấy là gì?” “Alette Peters”. Brennan tỏ ra bối rối. “Alette Peters? Ông có chắc là cái tên này không?” “Có thưa ngài. Đó là tên mà anh ấy giới thiệu cô ta với tôi”. “Vâng”. Anh ta chỉ Ashley. _”Cô ta ngồi ở kia”. Brennan nói. “Nhưng đó không phải Alette Peters. Đó là bị cáo Ashley Patterson”. David lại. đứng lên. “Thưa quý tòa, chúng tôi đã nói rằng Alette Peters chỉ là một phần của vụ án này thôi. Cô ta là một trong những nhân cách điều khiển Ashley Patterson và...” “Phản đối vô hiệu. Ông Brennnan, ông có thể tiếp tục” “Bây giờ, ông Hill, ông có tin chắc rằng bị cáo đang ngồi kia với cái tên Ashiey Patterson, thực sự có quen biết Richarl Melton với cái tên là Alette Peters?” “Đúng vậy”. “Và không nghi ngờ gì họ là một?” Brian Hill lưỡng lự. “Ờ”…vâng, họ chỉ là một người”. “Và ông đã gặp cô ta đi cùng Richarl Melton trong ngày anh ta bị giết?” “Vâng”. “Cảm ơn ông”. Breunan quay sang David. “Tới lượt ông”. David đứng dậy và chậm rãi tới gần bục nhân chứng. “Ông Hill, tôi nghĩ rằng trách nhiệm bảo vệ ở một nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng trăm triệu dollar là rất quan trọng?” “Vâng, thưa ông”. “Và để trở thành một người bảo vệ tốt, ông phải nhận biết được những sự khác nhau thường xảy ra ở đó?” “Đúng vậy”. “Ông phải nhận biết được mọi chuyện xảy ra?. “Đúng vậy”. Ông nói rằng khả năng nhận biết của ông đã trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài? “Vâng, đúng vậy”. “Tôi hỏi như thế bởi vì tôi nhận thấy khi ông Breunan hỏi ông có phải Ashley Patterson là người đi cùng Richarl Melton không, ông đã tỏ ra lưỡng lự. Ông không thật chắc à?” Anh ta im lặng một lát. “Hầu như là chắc chắn, nhưng họ vẫn có vài nét khác nhau”. Ở điểm nào vậy, ông Hill?” “Alette Paters rất có vẻ Italia, và cô tạ cũng nói giọng Italia. Hơn thế trông cô ta trẻ hơn bị cáo”. “Chính xác, ông Hill. Người mà ông gặp ở san Francisco là một nhân cách khác của Ashley Patterson. Cô ấy sinh ra ở Rome và trẻ hơn đến tám tuổi...”. Brennan giận đi đứng dậy. “Phản đối”. David quay lại phía chánh án Williams. “Thưa. quý tòa, tôi...” “Hai vị làm ơn đến gần đây?” David và Brennan cùng tiến tới. Tôi rất không muốn phải nhắc nhở ông thêm một lần nữa, ông “Singer. Sẽ đến lượt luật sư biện hộ sau khi ông công tố công việc Từ giờ đến lúc đó, xin ông ngừng ngay cái việc thanh minh cho thân chủ của mình.” * * * * * Đến lượt Bernice Jenkins làm nhân chứng. “Xin cô cho biết nghề nghiệp của mình, cô Jenkins?. “Tôi phục vụ tận nhà hàng”. “Nhà hàng nào vậy?” “Nhà hàng trong bảo tàng Đe Young”. “Quan hệ của cô với Richard Melton thế nào?” “Chúng tôi là bạn tốt”. “Xin cô nói rõ thêm”. “Ờ, đầu tiên thì tình cảm của chúng tôi rất nồng thắm, hay nói cách khác là lãng mạn, nhưng sau đó lại nguội dần đi. Có cái gì đó đã xảy ra”. Sau nữa thi sao? “Chúng tôi trở nên giống như anh em vậy. Ý của tôi là, chúng tôi tâm sự với nhau tất cả mọi vấn đề của mình”. “Có bao giờ anh ấy kể về bị cáo không”. “Ờ…có nhưng cô ấy mang một cái tên khác”. “Tên gì?” “Alette Peters”. “Nhưng anh ấy hẳn biết rõ tên thật của cô ta là Ashley patterson?” “Không. Anh ấy nghĩ tên cô ta là Alette Peters”. “Ý của cô là cô ta đã lừa gạt Richard Melton?” David đứng phắt dậy. “Phản đối”. “Phản đối hữu hiệu. Ông không được phép mớm cung cho nhân chứng, ông Brennan”. “Xin lỗi, thưa quý tòa”. Brennan quay lại với Bemice Jenkins. “Anh ta có kể với cô về cô Alette Peters này, nhưng cô đã bao giờ thấy họ đi cùng nhau chưa?” “Có. Một hôm anh ấy đưa cô ta đến nhà hàng và giới thiệu hai chúng tôi với nhau”. “Có phải cô đang nói đến bị cáo. Ashley Patterson?” “Vâng. Chỉ có điều cô gái đi cùng Richarđ lại xưng tên mình là Alette Petere”. Gary King ngồi vào ghế nhân chứng. Brennan hỏi. “Anh là bạn cùng phòng với Rich- ard Melton phải không.” “Vâng”. “Các anh cũng là bạn nhau chứ? Anh có thường xuyên đi chơi với nạn nhân không?” “Có Chúng tôi là cặp bài “trùng mà”. “Thế anh Melton có đặc biệt để ý đến một phụ nữ trẻ nào không?” “Có” “Anh có biết tên cô ta không?”, “Có Richard khoe tên bạn gái mình là Alette Peters”. “Anh có trông thấy cô ta trong phòng xử án này không?” “Có Cô ta ngồi ở kia”. “Người anh đang chỉ là bố cáo Ashley Patterson, anh có nhìn nhầm không “Không”. “Khi anh về nhà, hôm vụ án xảy ra, anh phát hiện thấy xác của Richard Melton trong phòng?” “Đúng như vậy”. “Tình trạng như thế nào?” “Máu me đầm đìa”. “Cái xác bị rạch nát chứ?” Một cái rùng mình. “Vâng, thưa ông. Thật là kinh khủng”. Brennan liếc mắt thăm dò phản ứng của bồi thẩm đoàn. Đúng như những gì ông ta mong đợi. “Sau đó anh làm gì?” “Tôi gọi cảnh sát”. “Cảm ơn”. Ông ta quay sang David. “Tới ông”. David đứng lên và đến gần Gary King. “Hãy kể cho chúng tôi nghe về Richarđ Melton. Anh ta là người như thế nào?” “Rất tuyệt”. “Anh ta có nóng nẩy không? Có hay gây gổ đánh nhau không?” “Richard à? Không. Hoàn toàn ngược lại. Rất, trầm tĩnh và còn có phần rụt rè.” “Nhưng anh ta lại thích loại đàn bà buông thả và tràn đầy nhục dục chứ?” Gary ngạc nhiên nhìn David. “Không hề. Richard thích những phụ nữ trầm lặng, nhẹ nhàng”. “Anh ta và Alette có hay cãi nhau không? Cô ta có hay quát nạt anh ta không?” Gary tỏ ra bối rối. “ông hoàn toàn nhầm rồi. Họ không bao giờ cãi nhau hết. Họ rất hợp nhau”. “Có bao giờ anh thấy một sự việc gì đó khiến anh nghĩ rằng Alette lại có thể sát hại...” “Phản đối. Ông luật sư biện hộ đang mớm cung cho nhân chứng”. “Phản đối hữu hiệu”... “Tôi không còn gì để hỏi nữa David nói.” Khi David ngồi xuống, anh nói với Ashley. “Đừng lo. Họ đang giúp chúng ta tìm đến chiến thắng”. Giọng David tự tin hơn nhiều so với tâm trạng của anh. David và Sandra đang ngồi ăn tối ở nhà hang San Fransico trong khách sạn Wyndham thì người bồi bàn đi tới và nói, “Có một cú điện khẩn gọi ông, ông Singer”. “Cám ơn”. David nói với Sandra, “Anh sẽ quay lại ngay”. Rồi anh đi theo người bồi bàn ra nghe điện. “David Singer đây”. “Đavid. Jesse đây. Lên phòng và gọi lại cho tôi ngay. Có chuyện xảy ra rồi đấy”. Chương 17 David, tôi biết là mình không nên quấy rầy, nhưng tôi nghĩ anh nên trình bày” chuyện này với tòa án”. “Chuyện gì xảy ra vậy?” “Mấy hôm nay anh có lên mạng Intemet không” “Không. Tôi đang bận mà”. “Ờ, Nội dung phiên tòa đã có đầy trên đó rồi. Họ bàn luận với nhau ở mục tán gẫu”. “Thật là lố lăng”, David nói,. “Nhưng có cái gì khiến anh phải gọi điện cho tôi”: “Tồi tệ lắm, David. Họ nói rằng Ashley có tội và sẽ bị kết án. Họ diễn ra điều này sinh động lắm. Cậu không thể tưởng tượng được họ tàn nhẫn đến mức nào đâu”. David bất ngờ nghĩ ra, nói. “Chúa ơi! Nếu có người nào trong bồi thẩm đoàn cũng vào mạng Internet ở mục đó”. “Điều bất lợi chính là ở chỗ đó. Chỉ cần một ai đấy trong số họ lên mạng là tất cả sẽ truyền tay nhau và cùng sẽ bị ảnh hưởng. Cậu nên đề nghị xử lại, hoặc ít nhất thì cũng phải cách ly toàn bộ bồi thẩm đoàn”. “Cảm ơn, Jesse. Tôi sẽ làm như thế”. David đặt ống nghe xuống. Anh trở lại nhà hàng nơi Sandra đang chờ. Nàng hỏi. “Xấu đi à?” “Xấu đi”. Sáng hôm sau, trước khi phiên tòa bắt đầu, David yêu cầu gặp chánh án Williams. Anh được đưa vào văn phòng của bà, cùng với Mickey Brennan. “Ông muốn gặp tôi à?” “Vâng, thưa bà thẩm phán. Đêm qua tôi mới phát hiện ra phiên tòa đã là chủ đề số một trên Intemet. Tất cả mọi người đều nói về nó và họ đều đòi kết tội thân chủ của tôi. Việc này rất bất lợi cho phía chúng tôi. Và, tôi chắc rằng nếu có vị nào trong bồi thẩm đoàn có máy tính nói mạng hoặc trao đổi với bạn bè thường hay lên mạng thì việc này sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến công việc bào chữa của tôl. Vì thế, tôi đề nghị được xử lại. Bà ta nghĩ ngợi một lúc. “Không chấp nhận”. David cố kiềm chế mình. “Hoặc là tôi đề nghị các thành viên bồi thẩm đoàn phải bị cách ly ngay...” “Ông Singer, áp lực hàng ngày ở tòa đã quá đủ rồi. Phiên tòa này đã là chủ đề số một trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn thế giới. Tôi đã cảnh cáo ông đừng biến nó thành trò hề, nhưng ông đâu có nghe tôi”. Bà đứng dậy. “Được, đây là trò hề của ông. Nếu. ông muốn bồi thẩm đoàn phải bị cách ly, ông nên đề nghị trước khi phiên tòa diễn ra. Vả lại tôi cũng có thể không chấp nhận lời đề nghị đó cơmà. Còn gì nữa không?” David ngồi yên, trong bụng rối bời. “Không, thưa thẩm phán?” “Vậy hãy về phòng xử ngay”. Mickey Brennan đang hỏi đồn trưởng Dowling. “Đồn phó Sam Blake đã gọi điện báo cho ông biết ông ấy sẽ ở lại nhà bị cáo qua đêm để bảo vệ cô ta phải không” “Có phải cô ta đã nói với ông ấy rằng ai đó đang đe dọa mạng sống của mình? “Đúng vậy”. “Đồn phó Blake có gọi lại cho ông nữa không”? “Không. Tôi chỉ nhận được cú điện báo rằng có người tìm thấy xác cậu ấy ở ngõ sau nhà cô Patterson mà thôi”. “Và dĩ nhiên là ông đến đó ngay?” “Vâng”. “Ông đã thấy gì?” Ông ta nuốt khan. “Cái xác của Sam bọc trong một tấm khăn trải giường đẫm máu. Bị đâm chết và bị rạch nát người, hệt như hai nạn nhân kia. “Như hai nạn nhân kia ư?” Vậy là các vụ án đều có cùng một kiểu giết người?” “Đúng vậy”. “Dường như là do một người làm ra?” David đứng lên “Phản đối”. “Phản đối hữu hiệu”. “Xin lỗi quý tòa. Thế sau đó ông làm gì, ông đồn trưởng?” “Ờ, cho đến trước lúc đó thì Ashley Patterson vẫn chưa hề bị nghi ngờ. Nhưng sau khi chuyện này xảy ra thì chúng tôi đã bắt giữ và lấy dấu vân tay cô ta”. “Tiếp theo?” “Chúng tôi gửi dấu tay cho FBI và nhận được kết, quả hết sức rõ ràng”. “Ông có thể nói kết quả đó cho bồi thẩm đoàn nghe không?” Đồn trưởng Dowling quay về phía bồi thẩm. “Dấu tay của Ashley hoàn toàn phù hợp với những dấu tay mà FBI có được từ những vụ án trước”. “Cảm ơn “ ông đồn trưởng”. Brennan nhìn David. “Tới lượt ông”. David đứng dậy và tiến gần đến bục nhân chứng “Ông đồn trưởng, chúng tôi thấy ông viết trong tờ khai ở phiên tòa này rằng con dao có dính máu được tìm thấy trong gian bếp căn hộ của Ashley Patterson?” “Đúng”. “Nó được giấu như thế nào?” Bọc trong cái gì? Hay được cất ở một chỗ khó tìm thấy?”. “Không. Nó vẫn để đớ như bình thường”. “Để đó như bình thường? Để đó bởi một người không có cái gì phải giấu giếm. Một người vô tội và” “Phản đối”. “Phản đối hữu hiệu”. “Tôi không còn gì để hỏi”. “Mời nhân chứng về chỗ”. Brennan nói. “Xin quý” tòa cho phép... Ông ta ra hiệu cho một người ngồi ở cuối phòng và người này đi lên, mang theo tấm gương lấy từ phòng tắm của Ashley Patterson, trên đó có dòng chữ viết tay “MÀY PHẢI CHẾT”. David đứng dậy. “Cái gì đây?” Thẩm phán Williams quay sang Brennan. “Ông Bennan...?” “Đây chính là miếng mồi mà bị cáo đã sử dụng để nhử đồn phó Blake đến nhà mình rồi ra tay giết chết ông ta. Nó được lấy ra từ phòng tắm nhả bị cáo”. “Phản đối, thưa quý tòa. Chuyện này không liên quan”. “Tôi sẽ chứng minh rằng nó có liên quan”. “Chúng ta sẽ xem xe.m. Ông có thể tiếp tục”. Brennan đặt tấm gương để cho bồi thẩm đoàn trông thấy. “Tấm gương này được lấy từ phòng tắm của bị cáo”. Ông ta nhìn bồi thẩm đoàn. “Như các vị thấy đấy, hàng chữ viết tay nguệch ngoạc này là MÀY PHẢI CHẾT. Đây chính là lý do để bị cáo dụ đồn phó Sam Blake đến bảo vệ cô ta”. Ông ta quay sang chánh án Williams. “Tôi xin được gọi nhân chứng tiếp theo, bà Laura Niven”. Một phụ nữ trung niên bước vào, bước lên bục nhân chứng và đọc lời tuyên thệ. “Bà làm việc ở đâu, bà Niven?” “Tôi làm ở Cơ quan hành chính San Jose”. “Bà làm công việc gì ở đó?” “Tôi là chuyên gia tự dạng” “Bà làm ở đó bao lâu rồi, bà Niven?” “22 năm”. Brennan hất đầu về phía tấm gương. “Bà đã thấy tấm gương này chưa?” “Rồi”. “Và bà đã kiểm tra nó chứ?” “Vâng” “Và bà cũng đã có mẫu chữ viết tay của bị cáo chứ?” “Vâng”. “Bà đã kiểm tra nó chưa?” “Bà đã so sánh hai mẫu chữ chưa?” “Rồi”. “Kết luận như thế nào?” “Do cùng một người viết”. Tiếng xì xào nổi lên trong phòng. “Bà muốn nói rằng chính Ashley Patterson đã tự viết lên tấm gương?” “Đúng vậy”. Brennan quay sang David. “Tới lượt ông”. David lưỡng lự. “Anh liếc Ashley. Nàng cúi gằm mặt xuống bàn lắc đầu. “Tôi không có gì để hỏi”... Chánh án Williams nhìn David. “Không hỏi gì sao, ông Singer?” David đứng lên. - “Không. Tất cả những lời khai này đều vô nghĩa”. Anh quay sang phía bồi thẩm đoàn. “Ông công tố viên sẽ phải chứng minh rằng Ashley Patterson đều biết các bị cáo và không có động cơ ạ” Chánh án Williams giận dữ nói to. Tôi đã cảnh cáo ông rồi. Đây không phải là chỗ dạy luật pháp cho bồi thầm đoàn. Nếu...” David bùng lên. Bà đã để ông ta đi quá xa vời” “Đủ rồi, ông Singer. Xin ông hãy lại đây”. David đến gần bà ta. “Tôi sẽ kiện ông về thái độ của ông trước tòa và kết tội ông một đêm trong trại giam ngay sau phiên tòa này kết thúc”. “Khoan đã, thưa quý tòa. Bà không thể...” Bà ta nói dứt khoát. “Tôi đã kết án ông rồi. Hay là ông muốn thêm một đêm nữa?” David đứng nhìn bà ta hít một hơi thở sâu. “Vì thân chủ của tôi, tôi sẽ... tôi sẽ cố gắng kiềm chế bản thân”. “Một quyết định khôn ngoan”. Chánh án Williams gõ búa. “Phiên xử tạm hoãn”. Bà ta quay sang viên mõ tòa. “Khi phiên tòa kết thúc, tôi muốn ông Singer phải vào trại giam”. “Vâng, thưa chánh án”. Ashley quay sang Sandra. Chúa ơi! Chuyện gì xẩy ra vậy?” Sandra nắm chặt tay nàng. “Đừng lo. Cô phải tin vào David”. Sandra gọi điện cho Jesse Quiller. “Tôi biết rồi”, ông nói, “qua các bản tin, Sandra. Tôi không trách David đã mất bình tĩnh đâu. David luôn bị bà chánh án xử từ đầu đến giờ. Song cậu ấy đã làm gì để bà ta dịu lại vậy?” “Tôi không biết, Jesse. Chuyện càng ngày càng tồi tệ Anh nhìn bồi thẩm đoản mà xem. Họ ghét Ashley ra mặt. Họ chỉ chờ để kết tội cô ấy thôi. Nhưng sắp đến lượt bên biện hộ rồi. David sẽ làm họ phải thay đổi”.. “Hy vọng là thề”. * * * * * Chánh án Williams ghét anh, và chuyện này ảnh hưởng xấu đến Ashley. Nếu anh không làm một cái gì đó để cải thiện tình hình thì Ashley có thể sẽ phải lên ghế điện. Mà anh thì không thể để chuyện đó xẩy ra được”. “Vậy anh định làm gì Sandra hỏi. David thở dài. “Rút lui khỏi vụ này”. Cả hai người đều biết hậu quả của nó. Báo chí sẽ ầm ầm lên về thất bại của David. “Thế ra anh không bao giờ nên nhận nó”. David cay đắng. “Bác sĩ Patterson tin tưởng anh sẽ cứu được con gái ông ấy, nhưng anh đã...” Anh không thể nói tới được nữa. Sandra vòng tay ôm chặt David. “Đừng lo, anh yêu. Mọi việc sẽ lại tốt đẹp thôi mà”. Mình đã làm mọi người thất vọng, David nghĩ. Ashley, Sandra... Mình sắp bị Công ty sa thải, không có việc làm mà đứa bé lại Bắp ra đời. Mọi thứ sẽ lại tốt đẹp thôi mà. Đúng. Sáng hôm sau, David yêu cầu gặp chánh án WilllamB trong văn phòng của bà. Mickey Brennan cũng có mặt. Thẩm phán Williams hỏi. “Ông muốn gặp tôi à ông Singer?” “Vâng, thưa thẩm phán. Tôi muốn rút lui khỏi vụ này”. “Thế là thế nào” David chậm rãi trả lời. “Tôi cho rằng mình không phảí là người thích hợp với nó. Tôi nghĩ mình đang làm hại thân chủ của mình. Tôi muốn được thay thế”. Thẩm phán Williams nói khẽ. “Ông Singer, nếu ông nghĩ rằng tôi để ông ra đi và bắt đầu lại phiên tòa này, tiêu phí thêm không biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian, thì ông đã nhầm to rồi đấy. Câu trả lời là không. Ông có hiểu không” David nhắm mắt lại cố ép mình phải bình tĩnh. Rồi anh mớ mắt ra và nói “Vâng, thưa bà chánh án. Tôi hiểu bà”. Anh đã rơi vào mê hồn trận. Chương 18 Ba tháng đã trôi qua kể từ ngày xử án đầu tiên và David không còn nhớ nổi đâu là đêm cuối cùng anh được ngủ ngon giấc nữa. Một buổi chiều, khi vừa từ phiên xử về, Sandra nói. “David, em nghĩ là em nên trở về San Flancisco”. David ngạc nhiên nhìn vợ. “Tại sao? Chúng ta mới... Ồ, Chúa ơi!” Anh vòng tay ôm lấy nàng. “Con mình, nó sắp ra đời hả?” Sandra mỉm cười. “Bất cứ lúc nào, kể từ bây giờ. Em nghĩ là em ở gần bác sĩ Bailey thì tốt hơn. Mẹ bảo sẽ đến ở cùng em”. “Dĩ nhiên. Em nên quay về đó”. David nói. “Anh quên hết cả ngày tháng rồi. Trong vòng ba tuần nữa là con chào đời, phải không em?” “Vâng” David nhăn mặt. “Anh lại không thể có mặt bên em được”. Sandra nắm tay anh. “Đừng lo, anh. Vụ xử sẽ sớm kết thúc thôi”. “Phiên tòa chết tiệt này đã phá hỏng hết cả cuộc sống của chúng ta”. “David, rồi chúng ta sẽ ổn thôi. Công việc cũ của em vẫn chờ em. Sau khi con ra đời, em có thể”. Anh xin lỗi, Sandra. Giá mà... “David, đừng bao giờ hối hận về chuyện anh đã làm những việc mà anh con là đúng”. “Anh yêu em”. “Em cũng yêu anh”. David sờ tay vào bụng nàng. “Anh yêu cả hai mẹ con em”. Rồi anh thở dài. “Thôi được. Để anh giúp em thu dọn đồ đạc. Đêm nay anh sẽ đưa em về 3an Francisco và...” “Không”. Sandra cương quyết. “Anh không thể rời khỏi đây. Để em bảo Emily đến đưa em đi”. “Nếu được thì mời chị ấy ở lại ăn cơm luôn nhé”. “Vâng”. Emily sốt sắng nhận lời ngay. “Để tôi đến đưa bạn đi”. Và chỉ hai giờ sau chị đã cớ mặt ở San Jose. Ba người cùng nhau ăn tối ở nhà hàng Chai Jane. “Thật không đúng lúc chút nào”, Emily nói. “Tôi thật chẳng muốn nhìn thấy hai bạn phải mỗi người một nơi trong hoàn cảnh này”. “Phiên tòa cũng gần xong rồi”. David nói một cách hy vọng. Có thể nó sẽ kịp xong trước khi con tôi chào đời”, Emily mỉm cười. “Thế thì chúng ta sẽ có bữa ăn mừng chiến thắng kép”. Trước khi Sandra lên đường, David nắm chặt tay vợ. “Anh sẽ gọi điện cho em vào các buổi tối”. Anh nói. “Đừng quá lo lắng cho em. Em không sao đâu. Em yêu anh nhiều”. Sandra nhìn anh và nói thêm “Anh nhờ bảo trọng. Nom anh ốm đi nhiều đấy”. Và David chợt nhận ra từ giờ phút này trở đi anh cô đơn biết dường nào. Phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra. Mickey Brennan đứng lên và nói, “Tôi xin mời nhân chứng tiếp theo, bác sĩ Lawrence Larkin. Một người đàn ông tóc xám, vẻ hơi đặc biệt tiến đến bục nhân chứng, đọc tuyên thệ rồi ngồi vào chỗ. Bác sĩ Larkin, xin cảm ơn về sự có mặt hôm nay. Tôi biết thời gian của ông rất quý báu. Xin ông nói một đôi lời về bản thân”. “Tôi đã có một quá trình làm việc khá tốt ở Chicago. Tôi là cựu giám đốc Hiệp hội Tâm thần học Chicago”. “Ông đã theo ngành này được bao lâu rồi?” “Khoảng 30 năm”. “Với cương vị là một nhà tâm thần học, tôi nghĩ rằng ông đã gặp rất nhiều người mắc bệnh rối loạn đa nhân cách”. “Không”. Brennan cau mày. “Ông nói không có nghĩa là không gặp nhiều những trường hợp như vậy ư? Khoảng hơn chục chẳng hạn”. “Tôi chưa bao giờ gặp một ca nào như thế cả”. Brennan đắc thắng nhìn bồi thẩm đoàn, sau đó quay lại với nhân chứng. “Trong 30 năm làm việc với các bệnh nhân tân thần, ông chưa bao giờ gặp một trường hợp nào bị rối loạn đa nhân cách?” “Đúng vậy”. “Tôi rất ngạc nhiên. Ông giải thích thế nào về chuyện đó”. “Rất đơn giản. Tôi nghĩ rằng căn bệnh rối loạn đa nhân cách là không có thật”. “Hơi khó hiểu, thưa bác sĩ. Chẳng phải là các trường hợp này đã được ghi lại trong sách vở đó sao?” Bác sĩ Larkin khịt mũi. “Được ghi lại không có nghĩa là nó có thật. Ông thấy đấy, có một số bác sĩ tin vào MPD, nhưng họ lại luôn lầm lẫn nó với các bệnh khác như tâm thần phân biệt, trầm cảm hay hàng tá các loại rối loạn khác”. “Rất hay. Vậy theo ông, với cương vị là một nhà tâm thần học, ông không tin rằng bệnh rối loạn đa nhân cách là cò thật?” “Đúng vậy”. “Cảm ơn bác sĩ” Mickey Brenann quay sang David. “Tới lượt ông”. David đứng dậy đi tới bục nhân chứng. “Ông là cựu giám đốc Hiệp hội Tâm thần học Chicago, phải không ông Larkin?” “Đúng”. “Chắc hẳn ông đã gặp rất nhiều người cùng vai vế với ông”. “Đúng vậy. Và tôi rất tự hào về chuyện này”. “Ông có biết bác sĩ Royce Salem không?” “Có Tôi biết khá rõ ông ta”. “Ông ta có phải là một nhà tâm thần học giỏi không?” “Rất giỏi. Một trong những người cừ nhất”. Thế ông đã bao giờ gặp bác_sĩ Clyde Donovan chưa?” “Có. Rất nhiều lần”. “Ông cũng cho rằng ông ấy là một nhà tâm thần học xuất sắc chứ?” “Tôi vẫn sử dụng ông ta, cười nhạt, mỗi khi tôi cần”. “Thế còn bác sĩ Ingram? Ông có biết ông ta không?” “Ray Ingram? Có biết. Tay này cũng khá lắm. “Đủ kinh nghiệm chứ?” “Ờ dĩ nhiên”. “Hãy cho tôi biết, có phải tất cả các nhà tâm thần học đều đồng ý với nhau vê tất cả các căn bệnh liên quan đến tâm thần?” “Không, dĩ nhiên là phải có bất đồng. Tâm thần học không phải là môn khoa học chính xác”. “Rất thú vị đấy, bác sĩ Larkin. Bởi vì các bác sĩ Salem, Dollovan và Ingram đều sẽ đến đây để trình bày về các ca rối loạn đa nhân cách mà họ đã gặp Tôi hỏi xong”. Chánh án Wllliams quay sang Blennan. “Còn gì nữa không?” Brennan đứng dậy và bước ra khỏi chỗ. “Bác sĩ Larkin, ông cứ tin rằng nếu các bác sĩ khác không đồng ý với ông về MPD thì có nghĩa là họ đúng còn ông sai?” “Không. Tôi có thể giới thiệu đến hàng chục bác sĩ không tin vào MPD như tôi”. “Cảm ơn bác sĩ. Tôi không còn gì để hỏi”. * * * * * Mickey Brennan hỏi. “Bác sĩ Upton, chúng tôi nghe nói rằng nhiều khi cái được gọi là rối loạn đa nhân cách rất dễ bị lẫn với các căn bệnh tâm thần khác. Có phương pháp nào để chứng minh rối loạn đa nhân cách không phải là một trong loại bệnh kia? “Không có cách nào”. Brennan cố tình há hốc mồm ra vẻ ngạc nhiên và liếc nhìn bồi thẩm đoàn. “Không có cách nào ư? Ý của ông là không có cách nào để biết được một người tự nhận là bị MPD nói dối hoặc mượn nó để bao che cho một tội ác mà người đó không muốn chịu trách nhiệm?” “Tôi đã nói rồi, không có”. “Đó đơn giản chỉ là chuyện quan điểm thôi sao? Một số nhà tâm thần học tin vào MPD, số khác lại không tin?” “Đúng vậy”. “Cho phép tôi hỏi ông vấn đề này, thưa bác sĩ. Nếu ông thôi miên ai đó, ông có chắc sẽ nói được họ thật sự bị MPD hay họ chỉ giả vờ mà thôi?” Bác sĩ Upton lắc đầu. “Tôi e là không. Cho ù có thôi miên đi chăng nữa thì cũng không thể biết được người ta nói thật hay nói dối”. “Rất hay. Cảm ơn bác sĩ. Tôi đã hỏi xong”. Brennan quay sang David. “Tới lượt ông”. David đứng dậy. “Bác sĩ Upton, đã bao giờ có bệnh nhân bị các bác sĩ khác chẩn đoán là mắc MPD đến chỗ ông khám bệnh chưa?” “Có. Vài trường hợp”. “Và ông điều trị cho họ chứ?” “Không”. “Tại sao?” “Vì tôi không thể chữa khỏi một căn bệnh không có thật. Có một bệnh nhân đã biển thủ công quỹ rồi muốn tôi chứng nhận rằng anh ta không hề liên quan vì đó là do một nhân cách khác của anh ta làm. Một bệnh nhân khác thì bị cảnh sát bắt vì tội ngược đãi con cái. Bà ta nói rằng có ai đó trong người bà ta xui hãy làm như vậy. Còn có vài bệnh nhân khác nữa, song tất cả bọn họ đều có vẻ đang cố gắng giấu giếm chuyện gì đó. Nói một cách khác là họ đang nói dối”. “Dường như ông cô ý kiến khá rõ ràng về vụ này nhỉ, bác sĩ Upton”. “Đúng vậy. Tôi biết là tôi đúng.” “Ông biết là ông đúng ư?” “Ý của tôi là...” “…là những người khác sai hết chứ gì? Tất cả những bác sĩ tin vào căn bệnh MPD đều sai?” “Tôi không có ý như thế...” “Và ông là người duy nhất đúng. Cảm ơn bác sĩ. Tôi đã hỏi xong”. Bác sĩ Simon Raleigh đứng ở bục nhân chứng. Ông ta khoảng 60 tuổi thấp nhỏ, hói đầu. Brennan nói, “Cảm ơn sự có mặt của ông hôm nay, thưa bác sĩ. Tôi biết ông đã có một sự nghiệp lâu bền và rực rỡ. Ông đây là bác sĩ vừa là giảng viên...” _ David đứng dậy. “Luật sư biện hộ sẽ yêu cầu nhân chứng nói về bản thận mình sau”. “Cảm ơn”. Brennan quay lại với nhân chứng. Bác sĩ Raleigh, iatrogenicity có nghĩa là gì?” “Đó là tình trạng các liệu pháp điều trị bằng tâm lý làm cho một căn bệnh đã có sẵn trở nên trầm trọng hơn”. “Xin ông nói rõ thêm, thưa bác sĩ”. “Trong tâm thần học, các bác sĩ chuyên khoa thường dùng câu hỏi hoặc cử chỉ của mình để tác động lên bệnh nhân. Họ có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy như mình đã lâm vào tình trạng đúng như bác sĩ mong đợi vậy”. “Thế nó có liên quan gì đến MPD?” “Nếu nhà tâm thần học hỏi bệnh nhân về các nhân cách khác trong người anh ta, bệnh nhân có thể bịa ra nó để làm vừa lòng bác sĩ. Thôi miên có thể tạo ra MPD trong những bệnh nhân bình thường”. “Tức là dưới tác động của thôi miên, bác sĩ có thể thay đổi tình trạng của bệnh nhân theo chiều hướng xấu?” “Chuyện đó hoàn toàn có thể xẩy ra”. “Cảm ơn, thưa bác sĩ”. Ông ta nhìn David. “Tới phiên ông”. “Cảm ơn”. Anh đứng lên, bước đến gần bục nhân chứng và tỏ ra sốt sắng. “Sự nghiệp của ông thật là đáng khâm phục. Ông không chỉ là nhà tâm thần học mà còn là một giảng viên đại học nữa”. “Đúng vậy”. “Ông đã dạy học bao lâu rồi?” “Hơn 15 năm”. “Thật tuyệt. Ông phân chia thời gian như thế nào? Ý tôi là có phải một nửa thời gian ông đứng ở bục giảng và một nửa thời gian còn lại ông làm việc với cương vị một bác sĩ?” “Bây giờ tôi chỉ dạy học thôi”. “Thế ông ngừng hành nghề bác sĩ bao lâu rồi?” “Khoảng tám năm. Nhưng tôi vẫn liên tục đọc các tài liệu y khoa một cách cập nhật”. “Ông thật đáng nể. Ông không bỏ sót một điều gì cả. Tức là ông rất quen thuộc với iatrogenicity?”. “Đúng”. Trước kia phải chăng từng đã có rất nhiều bệnh nhân đến chỗ ông tự nhận là bị MPD?” “Ờ, không...” Không nhiều lắm à? Ông đã làm bác sĩ trong hàng chục năm qua, ông có dám nói là đã có khoảng hơn chục trường hợp tự nhận là bị MPD đến chỗ ông không?” “Không”. “Sáu?” Bác sĩ Raleigh lắc đầu. “Bốn?” Không có tiếng trả lời. “Bác sĩ, ông đã bao giờ gặp một bệnh nhân bị MPD chưa?” “Ở, thật khó nói...” “Có hay không, thưa bác sĩ?” “Không”. “Vậy là ông chỉ biết MPD qua những gì ông đọc thôi sao? Tôi không còn gì để hỏi”. * * * * * Phía công tố gọi thêm sáu nhân chứng nữa và kết quả thu được đều giống nhau. Tổng cộng Mickey Brennan đã mới được chín nhà tâm thần học hàng đầu trên khắp đất nước để chứng minh rằng căn bệnh MPD hoàn toàn là chuyện hoang đường. Phần việc của bên công tố gần như đã hoàn thành. Khi người cuối cùng trong danh sách của Brennan bước khỏi bục nhân chứng, chánh án Willims quay sang ông ta. “Ông còn nhân chứng nào không, ông Brennan?” “Không, thưa quý tòa. Nhưng tôi muốn cho bồi thẩm đoàn xem những tấm ảnh chụp của cảnh sát về hiện trường ba vụ án...” David giận dữ đứng dậy. “Không thể được”. Chánh án Wiliams nhìn David. “Ông nói gì vậy ông Singer?” “Tôi nói”, David hạ giọng xuống phản đối. Ông công tố viên đang cố gây ảnh hưởng đến bồi thẩm đoàn bằng cách...” “Phản đối vô hiệu. Việc này đã được đề nghị trước khi phiên tòa diễn ra”. Bà quay sang Brennan. Ông có thể tiếp tục”. David ngồi xuống, ngao ngán. Brennan về bàn mình, rút ra một tập ảnh và trao nó cho bồi thẩm đoàn. “Chúng ta không thích thú gì khi xem chúng, thưa các vị, nhưng sự thật là như vậy đó. Nó không phải là lời nói hay giả thuyết. Nó cũng không phải là những nhân cách bí mật đi giết người. Đó là ba nạn nhân bị hại sát một cách man rợ. Giờ đây công lý tùy thuộc vào sự sáng suốt của các vị”. Brennan có thể nhận ra vẻ ghê tởm của các thành viên bồi thẩm đoàn khi họ xem ảnh. Ông ta quay sang David. “Tạm ngừng buộc tội”. Chánh án Williams nhìn đồng hồ. “Bây giờ là 16 giờ. Phiên tòa nghỉ một ngày và sẽ bắt đầu lại vào lúc 10 giờ sáng thứ hai. Bãi tòa”. Chương 19 Ashley Patterson vừa bị dẫn tới giá treo cổ thì một cảnh sát chạy tới hét lên. Khoan đã. “Cô ta phải bị chết bằng ghế điện”. Khung cảnh vụt thay đổi và giờ đây Ashley đang ngồi trên chiếc ghế đặc biệt, chẩn tay bị trói cứng. Người đao phủ vừa chuẩn bị đóng cầu dao thì thẩm phán Williams xuất hiện, la lên. “Không. Chúng ta sẽ tiêm thuốc độc vào cô ta”. David choàng tỉnh và nổi bật dậy, tim đập thình thịch. Bộ quần áo ngủ đẩm mồ hôi. Bỗng nhiên anh thấy đầu óc mình choáng váng, ngực nhói lên, người như ngầy ngấy sốt. Anh sờ tay lên trán. Nóng hừng hực… Một cơn xây xẩm mặt mày kéo đến khi David định bước xuống khỏi giường. “Ồ, không,” anh rên-rỉ, “đừng vào hôm nay. Đừng vào lúc này”. Đây là ngày David mong chờ, ngày mà luật sư biện hộ bắt đầu phần việc chính của mình. David loạng choạng vào phòng tắm và rửa mặt bằng nước lạnh. Anh nhìn mình qua tấm gương. “Trông như quỷ sứ vậy”. Khi David đến phòng xử thì chánh án Williams đã ngồi sẵn ở vị trí quen thuộc của mình. Tất cả chỉ chờ môi một mình anh. “Xin lỗi vì đã đến muộn”. David nói. Giọng anh khản khàn. “Tôi cố thể nói chuyện riêng với bà chánh án chứ?” “Được” David lại gần Tessa Williams, cùng với Mickey Brennan theo đằng sau. “Thưa bà chánh án”, David nói, “tôi muốn hoãn phiên xử lại một ngày”. “Vì lý do gì?” “Tôi... tôi cảm thấy không được khỏe. Tôi tin rằng các bác sĩ sẽ cho tôi thuốc và ngày mai tôi sẽ bình phục”. “Tại sao không có cộng sự nào đi cùng ông vậy?” David ngạc nhiên nhìn bà ta “Tôi không có cộng sự”. “Tại sao”. “Bởi vì...” Chánh án Williams nhoài người về phía trước. Tôl chưa bao giờ thây một vụ xử án nào như vụ này cả. Ông định làm một kẻ lữ hành đơn độc tìm kiếm vinh quang ở đây phải không? Ông sẽ không thấy nó trong phiên tòa này đâu. Để tôi nói cho ông một chuyện khác. Có thể ông nghĩ rằng tôi xử ép vì tôi không tin vào cái kiểu bào chữa quỷ - sứ - bảo - tô - làm - vậy của ông, nhưng không phải vậy. Chúng ta sẽ để cho bồi thẩm đoàn quyết định xem bị cáo có hoặc vô tội. Còn gì nữa không, ông Singer?” David nhìn vị chánh án, và cả căn phòng bỗng như chao đảo. Anh muốn chửi thẳng vào mặt bà ta. Anh cũng muốn quỳ xuống van xin bà ta hãy rủ lòng thương hại. Anh muốn về nhà đi ngủ. Giọng anh mệt mỏi: “Không, cảm ơn, thưa bà chánh án” Tessa Williams gật đầu. “Ông Singer, xin đừng làm lãng phí thêm một phút nào nữa”. David tiến gần chỗ ngồi của bồi thẩm đoàn, cố quên đi cơn sốt đang hành hạ. Anh chậm rãi nói. “Thưa các vị các vị đã nghe những lời nhạo báng của ông công tố về sự thật căn bệnh rối loạn đa nhân cách. Nhưng tôi tin rằng ông Bennan không tỏ ra cố ý hằn thù. Những lời tuyên bố ấy đã chỉ cho chúng ta thấy một sự hoàn toàn không hiểu biết về căn bệnh này của ông ta mà thôi. Và sự thật là ông Brennan đã không có chút kiến thức nào về nó, cũng như một vài nhân chứng phía bên ông ta vậy. Còn tôi, tôi sắp đưa ra một số nhân chứng, những người thật sự biết về nó. Họ là những bác sĩ lỗi lạc, nhưng chuyên gia đầy kinh nghiệm về MPD. Sau khi nghe xong những lời chứng nhận của họ, tôi quả quyết rằng các vì sẽ chẳng còn nhớ tới những gì ông Brennaa khẳng định nữa. Ông Brennan từng nói về tội lỗi của thân chủ tôi đo liên quan đến những vụ án kia. Đây là điểm rất quan trọng. Có tội. Đối với tôi giết người ở cấp độ số 1, đó không chỉ là hành động giết người mà còn là ý định giết người nữa. Tôi sẽ cho các vị thấy, ở đây, cái ý định đó là hoàn toàn không có bởi vì Ashley Patterson đã không kiểm soát được bản thân lúc tội ác diễn ra. Thân chủ tôi đã hoàn toàn không nhận biết được những chuyện xẩy ra. Một số bác sĩ tài năng sẽ chứng nhận rằng trong người Ashley Paitelson còn có hai nhân cách khác, mà ta có thể tạm gọi chúng là những khách thể, những kẻ ăn bám. Và một trong hai khách thể đó chính là kẻ đã điều khiển chủ thể.” David nhìn lướt các vị bồi thẩm đoàn. Dường như họ đang đong đưa trước mắt anh. Anh nhắm mắt định thần trong giây lát. “Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã xác nhận căn bệnh rối loạn đa nhân cách là có thật. Các bác sĩ tâm lý nổi tiếng trên toàn thế giới, những người đã từng điều trị cho các bệnh nhân bị MPD cũng xác nhận có căn bệnh này. Một trong các nhãn cách khác của Ashley Patterson có liên quan đến án mạng, nhưng đó chỉ là một nhân cách kẻ thay thế cướp đi quyền kiểm soát bản thân của cố ấy mà thôi”. Giọng anh trở nên mạnh mẽ. “Để hiểu vấn đề này rõ ràng hơn các vị cần phải hiểu rằng luật pháp không bao giờ trừng phạt những người vô tội. Vì thế ở đây xẩy ra một nghịch lý. Hãy tưởng tượng một cặp anh em sinh đôi dính liền nhau bị bắt vì tội giết người. Luật pháp nói rằng bạn không thể trừng phạt người có tội vì như thế bạn bắt buộc phải trừng phạt cả người vô tội”. Toàn bộ bồi thẩm đoàn đều chăm chú lắng nghe. David hất đầu về phía Ashley. “Trong vù án này, không chỉ có hai mà có đến ba nhân cách cùng dính vào”. Anh quay sang chánh án Williams. “Xin được mời nhân chứng đầu tiên của tôi, bác sĩ Joel Ashanti”. * * * * * “Bác sĩ Ashanti, ông đang làm việc ở đâu?” “Bệnh viện Madison, New York”. “Và ông đã đến đây theo yêu cầu của tôi?” “Không. Tôi đọc báo thấy có vụ án này và tôi muốn đến để cho lời khai. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân bị rối loạn đa nhân cách và tôi định giúp đỡ các vị trong chừng mực có thể. MPD thì ít được biết đến và tôi muốn nhân cơ hội này hy vọng sẽ làm sáng tỏ tất cả những hiểu nhầm về căn bệnh quái ác đó”. “Tôi rất hoan nghênh, thưa bác sĩ. Trong các bệnh nhân của ông, thường hay có các bệnh nhân có đến hai nhân cách hoặc còn gọi là khách thế khác không?” “Theo kinh nghiệm của tôi, những người bị MPD thường có nhiều nhân cách hơn thế, đôi khi lên đến con số trăm”. Eleanor Tucker quay sang thì thầm gì đó với Brennan và ông công tố mỉm cười. “Ông đã Làm việc với căn bệnh rối loạn đa nhân cách được bao lâu rồi, bác sĩ Ashanti?” “15 năm”. “Với các bệnh nhân bị MPD thường là có một nhân cách trội hẳn lên và có ảnh hưởng lớn đến các nhân cách khác?” “Đúng vậy”. Một vài thành viên bồi thẩm đoàn trao đổi với nhau. “Và người chủ người mà có các nhân cách khác bên trong - nhận biết được các khách thể kia chứ?”. “Chuyện này còn tùy. Đôi khi các khách thể đều biết nhau, đôi khi chúng chỉ biết một số trong đó. Nhưng người chủ thường là không nhận biết được cho đến khi được chữa trị căn bệnh bằng các liệu pháp tâm lý”. Rất. hay.. Thế bệnh MPD có thể chữa khỏi không?” “Thường thì có. Nó đòi hỏi một thời gian điều trị tâm lý lâu dài. Đôi khi phải đến sáu, bảy năm”. “Đã bao giờ ông chữa khỏi hoàn toàn cho bệnh nhân bị MDP chưa?” “Xin cảm ơn bác sĩ”. David quay lại nhìn bồi thẩm đoàn một lúc. Hấp dẫn, nhưng thiếu thuyết phục, anh nghĩ. Rồi anh nhìn sang Brennan. “Tới lượt ông”. Brennan đứng dậy và rời khỏi chỗ. “Bác sĩ Ashanti, ông nói rằng ông đã bay từ New York đến đây chỉ mong được giúp đỡ vài điều?” “Đúng vậy”. “Việc ông đến đây cũng chẳng giúp thêm được chuyện gì với sự thật rằng đây là một vụ đặc biệt nguy hiểm và việc xuất hiện trước công chúng của ông sẽ có lợi cho...” David đứng lên. “Phản đối. Như thế là khiêu khích...”. “Phản đối vô hiệu”. Bác sĩ Ashanti bình tĩnh trả lời. “Tôi đã giải thích lý do tôi đến đây rồi”. “Được. Từ lúc bắt đầu hành nghề đến nay, ông có thể nói xem ông đã điều trị bao nhiêu bệnh nhân bị rối loạn tâm thần rồi? “Khoảng 200 người”. “Và trong ngần ấy cà, có bao nhiêu người bị mắc bệnh rối loạn đa nhân cách?” “12 người...” Brennan giả vờ ngạc nhiên nhìn ông bác sĩ. “Trong số hai trăm người?” “Ờ, vâng. Ông thấy đấy”. Điều tôi không hiểu, thưa bác sĩ Ashanti, là làm thế nào mà ông có thể giữ được cái danh hiệu chuyên gia nếu ông chỉ mới gặp có ngần ấy trường hợp. Tôi sẽ rất hoan nghênh nếu ông cho chúng tôi những bằng chứng có thể chứng nhận hoặc phải nhận sự tồn tại của căn bệnh rối loạn đa nhận cách”. “Khi ông nói bằng chứng,....” “Chúng ta đang ở trong tòa án, thưa bạc sĩ. Bồi thẩm đoàn sẽ chẳng bao giờ quyết định nếu chỉ dựa vào nhưng giả thuyết hoặc hoặc những nếu như đâu. Nếu như, ví dụ nhé, bị cáo rất ghét những người bị cô ta giết, và sau khi giết họ bèn quyết định mượn một nhân cách trong con người mình để bào chữa.....” David đứng dậy. “Phản đối! Như thế là gây sự...” “Phản đối vô hiệu”. “Thưa quý tòa”. “Ngồi xuống, ông Singer”. David trừng mắt nhìn chánh án Williams rồi giận dữ ngồi xuống. “Vậy là tất cả những gì ông đang nói, thưa bác sĩ, là khống có bằng chứng gì để chứng mình, sự tồn tại của MPD ư?” “ờ, không. Nhưng...” Brennan gật đầu. “Tôi đã hỏi xong”. * * * * * Ở bục nhân chứng bây giờ là bác sĩ Royce Salem. David hỏi. “Bác sĩ Salem, có phải ông đã kiểm tra cho Ashley Patterson?” “Đúng”. “Kết luận của. ông thế nào?” “Cô Patterson bị bệnh MPD. Cô ấy có hai nhân cách khác tên là Toni Prescott và Alette Peters”. “Cô ấy có kiềm soát được họ không?” “Không. Khi họ nắm quyền kiểm soát, cô ấy bị triệu chứng Fugue amnesia.” “Xin ông giải thích rõ hơn”. “Fugue amnesia là tình trạng bệnh nhân mất đi ý thức không biết mình đang ở đâu, đang làm gì. Tình trạng này có thể tồn tại trong vài phút, vài ngày, hoặc vài tuần”. “Và trong suốt thời gian đó thì bệnh nhân có phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm không?” “Không”. “Cảm ơn bác sĩ”. Anh quay sang Brennan. “Tới lượt ông”. “Bác sĩ Salem, ông là bác sĩ tư vấn cho một số bệnh viện và ông giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới?” “Vâng, thưa ông”. “Tôi cho là những bác sĩ ngang hàng với ông đều là những người nổi tiếng, có tài? “Đúng vậy”. Tất cả bọn họ đều đồng ý về căn bệnh rối loạn đa nhân cách chứ?” “Không”. “Không. Ý của ông là gì?” “Một số người không đồng ý”. “Ý của ông là họ không tin rằng căn bệnh này tồn tại?” “Đúng...” “Vậy là họ sai còn ông thì đúng?” “Tôi đã điều trị cho các bệnh nhân và tôi hiểu là có căn bệnh như thế. Khi...”. “Cho phép tôi hỏi một chuyện. Liệu có không, một căn bệnh như rối loạn đa nhân cách, khi kẻ thay thế hay còn gọi là khách thể, phải ra lệnh cho chủ thể làm những gì ngoài ý muốn? Thí dụ khách thể bảo. Giết; và chủ thể buộc phải làm theo?” “Cũng còn tùy. Những khách thể đều có các cấp độ ảnh hưởng khác nhau”.. “Vậy là người củ có thể phải chịu trách nhiệm?” “Đôi khi”. “Phần lớn là bị” “Không” “Thưa bác sĩ, đâu là bằng chứng chứng tỏ MPD là có thật”. Tôi có các bằng chứng về sự thay đổi hoàn toàn thể chất của bệnh nhân dưới tác động của thôi miên, và tôi biết...” “Và theo ông, đó là những căn cứ của sự thật?” “Đúng”. “Bác sĩ Salem, nếu tôi thôi miên ông trong một căn phòng ấm cúng và bảo ông rằng ông đang trần truồng trong bảo tuyết ở Bắc Cực, liệu thân nhiệt của ông có tụt xuống không?” “Ờ, có, nhưng...” “Tôi đã hỏi xong”. David tiến tới bục nhân chứng. “Bác sĩ Salem,, ông có nghi ngờ gì về việc có những nhân cách khác tồn tại trong Ashley Patterson không?” “Không. Và chúng hoàn toàn có khả năng thay thế cũng như khống chế cô ấy”. “Và cô ấy không nhận thức được điều đó?” “Cô ấy không nhận thức được”. “Cảm ơn bác sĩ”. “Tôi xin được mời nhân chứng tiếp theo, Shane Miller”..David nhìn anh ta làm thủ tục tuyên thệ. “Ông đang làm nghề gì, ông Miller?” “Tôi làm giám sát viên ở Công ty tin học Global Graphics. “Ông làm ở đó bao lâu rồi?” “Khoảng bảy năm”. Và Ashley Patterson là nhân viên ở đó. “Vâng”... “Vậy là ông biết cô ấy khá rõ ràng?” “Đúng vậy...” “Ông Miller, ông vừa được nghe các bác sĩ trình bầy một số triệu chứng của bệnh rối loạn đa nhân cách như hoang tưởng, lo lắng, bồn chồn. “Ông có từng thấy những triệu chứng này ở cô Patters không?”. “Tôi...”. “Có phải cô Patterson đã kể với ông rằng có ai đó đang theo dõi mình” “Đúng vậy”. “Và cô ấy không biết đó là ai hoặc tại sao người đó phải làm vậy?” “Đúng”. Ashley đã lân nào kể với ông rằng có ai đó đã lẻn vào máy tính của cô ấy để đe dọa cô ấy không?” “Có” “Và mọi thứ ngày một tồi tệ thêm nên cuối cùng chính ông đã khuyên cô ấy đến gặp bác sĩ tâm lý học trong công tý, bác sĩ Speakman?” “Đúng”. “Và Ashley Patterson đã biểu lộ những triệu chứng mà chúng ta vừa nói đến?” “Đúng”. “Cảm ơn ông Miller”. David quay sang Brennan. “Tới lượt ông”. “Có bao nhiêu nhân viên làm việc trực tiếp dưới quyền ông, ông Miller?”. “30 người”. “Trong 30 người đó, Ashley Patterson là người duy nhất ông thấy thường tỏ ra lo lắng?” “Ờ, không...” “Đúng không?” “Tất cả mọi người đều có lúc phải lo lắng”. “Ý của ông là những nhân viên khác cũng phải đến gặp bác sĩ tâm lý trong Công ty à?” “Dĩ nhiên. Ông ấy thường xuyên bận rộn”. Blennan tỏ ra ngạc nhiên. “Thật vậy sao?” “Đúng. Đa số bọn họ đều gặp vấn đề. Dù sao họ cũng là người mà”: “Tôi đã hỏi xong”. David tiến tới bục nhân chứng. “Ông Miller, ông nói rằng một số nhân viên dưới quyền ông cũng gặp vấn đề. Vấn đề gì vậy?” Có thể là gây lộn với bạn trai hoặc chồng, và...” “Còn gì nữa?” “Có thể là vấn đề tài chính...” “Còn gì nữa?...” “Con cái quấy rầy...” Nói cách khác tức là tất cả các vấn đề thương nhật mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải?” “Đúng”. “Nhưng không ai đến gặp bác sĩ Speakman vì họ nghĩ mình đang bị theo dõi hay bị ai đó dọa giết?” “Đúng”. “Cảm ơn ông”. Phiên tòa tạm nghỉ trưa. * * * * * David cho xe ra khỏi bãi đỗ, trong lòng ngao ngán. Phiên tòa càng lúc càng trở nên tồi tệ đối với anh và tất nhiên, càng tồi tệ hơn với Ashley. Các bác sĩ không thể thống nhất ý kiến về sự tồn tại của căn bệnh MPD. Nếu họ không đồng ý với nhau, David nghĩ, thì làm sao mình khiên cho bồi thẩm đoàn đồng ý với mình được đây? Mình không thể để một kết cúc thảm thương xẩy đến với Ashley được. Không bao giờ. David hướng tới quán Harolds café, một quán ăn lộ thiên với những mái lều nho nhỏ riêng biệt nằm gần tòa án. Anh đỗ xe rồi đi vào. Người phục vụ mỉm cười với anh. “Xin chào ông Singer”. Anh đã nổi tiếng. Ô danh. “Lợi này, thưa ông”. Anh đi theo cô ta đến một căn lều và ngồi vào. Cô ta trao cho anh tờ thực đơn kèm theo nụ cười dài dằng dặc rồi bỏ đi, cặp mông đong đưa một cách khều gợi. Đồ nhà thổ. David giận dữ nghĩ thầm. Anh không đói nhưng trong đầu lại vang lên giọng.nói của Sandra, “Anh phải cố mà ăn uống để giữ gìn sức khỏe”. “Căn lều bên cạnh là của hai người đàn ông và hai người đàn bà. Một người đang nói, “Cô ta còn tệ hơn cả Lizzie Borden, Borden chỉ giết có hai người thôi”. Một giọng nam khác thêm vào, “và Borden không thiến các nạn nhân”. “Theo anh thì họ sẽ làm gì với cô ta?” “Anh đùa à? Tử hình chứ còn gì nữa! Đó là miệng lưỡi thiên hạ, David nghĩ. Anh chợt có cái cảm giác thất vọng, rằng nếu anh đi xung quanh cái quán ăn này, thì sẽ được nghe cả mớ những lời bình luận tương tự như những gì anh vừa nghe thấy. Brennan đả biến Ashley thành con quái vật trong mắt công chúng. Anh nhớ tới lời Quiller. “Nếu cậu không đưa cô ấy lên bục nhân chứng, bồi thẩm đoàn sẽ có cảm gíac rằng họ đến phiên tòa chỉ để, đọc lời tuyên án mà thôi. Mìnth phải nắm lấy cơ hội này mới được. Mình sẽ làm cho bồi thẩm đoàn tin rằng Ashley không có tội. Cô Phục vụ đã đứng bên anh. “Ông đã sẵn sàng gợi món chưa, ông Singer?”. Tôi đổi ý rồi” David nói, “Tôi không đói”: Và anh còn có thể cảm thấy những ánh mắt thâm hiểm găm vào lưng khi bước ra khỏi quán. May là họ không có vũ khí, David nghĩ... Chương 20 David chạy tới gặp Ashley ngay khi anh về đến tòa án. Nàng đang ngồi trên một chiếc võng nhỏ, mắt nhìn đăm đắm xuống sàn nhà. “Ashley”. Nàng ngẩng đầu lên, cặp mắt tràn đầy nỗi thất vọng. David ngồi xuống bên nàng. “Tôi có vài chuyện muốn nói”. Ashley im lặng nhìn anh. “Những điều tồi tệ mà họ đang nói về cô... không có điểm nào là thật cả. Nhưng bồi thẩm đoàn sẽ không biết điều đó. Họ không hiểu cô. Chúng cho họ thấy cô thật sự là người như thế nào”. Ashley hỏi lại bằng giọng buồn tẻ, “Tôi thật sự là người như thế nào?” “Cô là một người tốt đang mắc phải một căn bệnh quái ác. Họ sẽ thông cảm với điều đó”. “Vậy anh muốn tôi làm gì?” “Tôi muốn cô lên bục nhân chứng để cho lời khai”. Nàng tròn mắt nhìn anh, giọng lạc đi. “Tôi... tôi không thể. Tôi không biết gì hết. Tôi không biết nói gì với họ cả.” “Cứ để đây tôi lo. Tất cả những gì cô phải làm là trả lời các câu hỏi của tôi Một nhiên viên tòa án xuất hiện. “Đã đến giờ lên phòng xử”. David đứng lên, nắm chặt tay Ashley. “Rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy thôi. Cô hãy làm theo tôi bảo”. “Tất cả đứng lên. Phiên tòa tiếp tục làm việc. Thẩm phán Tessa Williams sẽ làm chủ tọa vụ xử án mang tên Nhân dân California chống lại Ashley Patterson.” Chánh án Williams ngồi xuống. David nói. “Tôi có thể trao đổi riêng với bà được chứ, thưa chánh án?” “Ông có thể”. Anh đến gần bà ta, với Brennan theo sau. “Chuyện gì vậy, ông Singer?” “Tôi muốn đưa ra một nhân chứng không có trong danh sách”. “Đã quá muộn để đưa ra nhân chứng mới”. Brennan nói. “Tôi muốn để Ashley Patterson làm nhân chứng”. Chánh án Williams trả lời. “Tôi không...” Mickey Brennan nói nhanh. “Phía công tố không phản đối, thưa bà chánh án”. “Bà chánh án Williams nhìn cả hai. Tốt. Ông có thể đưa nhân chứng của ông ra, ông Singer”. “Cảm ơn, thưa bà chánh án”. Anh đến gần nàng và khẽ gọi, “Ashley...” Nàng sợ hãi ngồi yên. “Cô phải ra”. Ashiey đứng dậy, tim đập mạnh, từ từ bước đến bục nhân chứng. Mickey Brennan thì thầm với Eleanor. “Tôi đang cầu cho hắn đưa cô ta ra”. Eleanor gật đầu. “Vậy là xong”. Ashley Patterson làm thủ tục tuyên thệ cùng với người nhân viên tòa án. Cô hãy thề với Chúa, rằng sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật và không có gì khác ngoài sự thật”. “Tôi xin thề”. Giọng nàng thì thầm. Rồi nàng ngồi xuống. David đến bên Ashley, gần tới mức có thể. Anh dịu dàng nói. “Tôi biết chuyện này rất khó khăn với cô. Cơ đã bị tình nghi bởi những tội ác khủng khiếp mà cô không hề phạm phải. Tất cả những gì tôi muốn là để cho bồi thẩm đoàn biết được sự thật. Cô có nhớ gì về bất cứ một vụ án nào không?” Ashley lắc đầu. “Không!”. David liếc nhìn bồi thẩm đoàn rồi tiếp tục. “Cô có biết Dennis Tibble không?” “Có Chúng tôi cùng làm ở Công ty máy tính Global Graphics”. “Cô có lý do gì để giết Dennis Tilbble không?” “Không”. Khó khăn lắm nàng mới nói tiếp được. “Tôi... tôi đến nhà Dennis Tibble để giúp anh ta một chuyện mà anh ta nhờ tôi, và đó là lần cuối cùng tôi gặp anh ta”. “Cô có biết Richard Melton không?” “Không”. “Anh ta là họa sĩ. Anh ta bị giết ở San Francisco. Cảnh sát đã tìm được dấu tay và cả mẫu DNA của cô ở đó”. Ashley lắc đầu quầy quậy. “Tôi... tôi không biết phải nói gì cả. Tôi hoàn toàn không biết anh ta”. “Thế cô biết đồn phó Sam Blake chứ?” “Có Ông ấy đã giúp tôi. Tôi không giết ông ấy”. “Cô có nhận ra rằng có hai nhân cách khác, hay là hái khách thể ở trong cô không, Ashley?” “Có” Giọng nàng run rẩy.. “Cô biết điều đó khi nào?” “Trước khi phiên tòa diễn ra. Bác sĩ Salem nói cho tôi biết. Tôi không thể tin nổi. Cho tới tận bây giờ. Điều này... quá khủng khiếp”. “Trước đó cô không biết gì về họ sao?” “Không”. “Cô chưa bao giờ nghe đến những cái tên Toni Prescott và Alette Peters?” “Chưa”. “Cô có tin rằng bây giờ họ đang tồn tại trong cô không?” “Có tôi phải tin như vậy. Hợ nhất định đã làm những... những chuyện tồi tệ kia...”. “Vậy là, cô không có ý niệm gì về Richard Melton, cô không có động cơ để giết Dennis Tibble và đồn phó Sam Blacke, người đã ngủ lại nhà cô để bảo vệ cho cô?”. “Đúng”. Mắt nàng nhìn về phía đám đông bên dưới và nàng lại thấy nỗi sợ lướt qua. “Một câu hỏi cuối cùng”, David nói. “Đã bao giờ cô vi phạm pháp luật chưa?” “Chưa bao giờ”. David đặt tay lên vai nàng. “Tạm thế đã”. Anh quay sang Brennan. “Tới lượt ông !Brennan đứng dậy với nụ cười trên mặt. “Tốt. Cô Patterson, cuối cùng thì chúng tôi cũng được nói chuyện với tất cả các cô. Cô có bao giờ? Vào bất cứ lúc nào, quan hệ tình dục với Đennis Tibble không?” “Không”. “Cô có bao giờ quan hệ tình dục với Richard Melton không?” “Không”. “Cô có bao giờ, vào bất cứ lúc nào, có quan hệ tình dục với đồn phó Samuel Blake không?” “Không”. “Hay thật”. Brennan liếc bồi thẩm đoàn. “Tôi phải hỏi một cách khiếm nhã như vậy bởi vì DNA lấy la từ dịch âm đạo được tìm thấy tiên người ba nạn nhân giống hệt với DNA của cô”. “Tôi... tôi không biết gì về chuyện đó cả”. “Có thể cô, đã bị gài bẫy. Có thể có kẻ xấu nào đó đã dựng nên vụ này...” “Phản đối ! Như thế là xúc phạm”. “Phản đối vô hiệu”. “Và dùng ba nạn nhân kia để hãm hại cô. Liệu cô có kẻ thù nào căm ghét cô tới mức dám làm những chuyện đó không?” “Tôi... không biết”. “Phòng xét nghiệm dấu tay của FBI đã kiểm tra những dấu tay mà cảnh sát tìm thấy ở hiện trường. Tôi tin chắc rằng cô sẽ ngạc nhiên trước...” “Phản đối”. “Phản đối hữu hiệu. Cẩn thận, ông Brennan”. “Vâng, thưa quý tòa”. David chậm rãi ngồi xuống. Ashley vẫn ở trong cơn bối rối. “Những kẻ thay thế nhất định sẽ...” “Dấu tay ở hiện trường ba vụ án là của cô, và chỉ của cô mà thôi”. Ashley ngồi yên lặng. Brennan về bàn, lấy ra một con dao làm bếp bọc giấy bóng kính và giơ nó lên. #417;uCô có nhận ra vật này không?” “Nó... nó là một trong...” Một trong các con dao của cô hả? Đúng vậy. Nó cũng là một bằng chứng đấy. Vết máu trên con dao này hoàn toàn giống mẫu máu của đồn phó Blake. Và cả dấu tay của cô trên hung khi giết người này nữa”. Ashley lắc đầu quầy quậy một cách vô thức. “Tôi chưa bao giờ gặp một vụ án mạng nào rõ ràng như vậy mà cũng chưa bao giờ gặp một sự bào chữa nực cười đến vậy. Dựa vào hai nhân vật không hề tồn tại là cách tốt nhất...” David đứng phắt dậy. “Phản đối”. “Phản đối hữu hiệu. Tôi đã nhắc nhở ông rồi, ông Brennan”. “Xin lỗi, thưa quý tòa”. Brennan lại tiếp tục. “Tôi tin chắc rằng bồi thẩm đoàn cũng muốn gặp những nhân vật mà các vị thường nhắc đến. Cô là Ashley Patterson, đúng không?” “Vâng...” “Tốt. Tôi muốn nói chuyện với Toni Prescott”. “Tôi... tôi không thể gọi cô ấy ra được”. Brennan tỏ vẻ ngạc nhiên. “Không thể? Thật không.? Được, thế còn Alette Peter thì sao?” Ashley thất vọng lắc đầu. “Tôi... không kiểm soát đưlc họ”.. “Cô Patterson, tôi đang cố giúp cô đây”, Brennan nói. “Tôi muốn cho bồi thẩm đoàn thấy những kẻ thay thế cô đã giết và thiến ba nạn nhân yô tội. cô hãy đưa họ ra đây”. “Tôi... tôi không thể:. Nàng nức nở. Cô không thể vì họ không hề tồn tại! Cô đang núp đằng sau những bóng ma. Cô là người duy nhất ngồi ở bục nhân chứng và cô là người duy nhất có tội. Những kẻ thay thế không tồn tại nhưng cô thì có và tôi sẽ cho cô biết những điều tồn tại khác nữa - những bằng chứng không thể chối cãi lằng cô đã giết chết ba người đàn ông và tàn nhẫn cắt đi bộ phận sinh dục của họ”. Ông ta quay sang chánh án Williams. “Thưa quý tòa, tôi đã nói xong”. David nhìn sang bồi thẩm đoàn. Tất cả bọn họ đang nhìn Ashley với vẻ phẫn nộ hiện rõ trên mặt. Chánh án Williams gọi. “Ông Singer?” David đứng dậy. “Thưa quý tòa, tôi xin phép được thực hiện biện pháp thôi miên đối với bị cáo và..” Chánh án Williams cương quyết cắt ngang. “Ông Singer. Tôi đã nói trước rằng tội sẽ không để phiên tòa này biến thành sân khấu của ông. Ông không được phép thôi miên cô ta trong phiên xử của tôi Câu trả lời là không”. David phản ứng mạnh mẽ. “Bà phải cho tôi thực hiện việc đó. Bà không biết nó quan trọng thế nào...” “Đủ rồi, ông Singer”. Giọng bà ta lạnh băng. “Tôi kết án ông lần thứ hai về thái độ của ông trước tòa. Ông có muốn hỏi lại nhân chứng nữa không?” “Có, thưa quý tòa”. Anh tiến đến gần bục nhân chứng. “Ashley, cô biết rằng mình đã tuyên thệ rồi chứ” “Vâng”. Nàng hít một hơi thở sâu, cố gắng kiềm chế mình. “Và tất cả những gì cô nói đều là sự thật?” “Vâng”. “Cô biết rằng có hai nhân cách khác mà cô không kiểm soát nổi đang ẩn náu trong tâm hồn, thể xác và trí óc cô?” “Có” “Toni và Alette?” “Vâng”. “Cô không hề dính dáng gì đến những vụ án mạng đó?” “Vâng”. “Một trong hai nhân cách kia đã làm, và cô không phải chịu trách nhiệm gì cả”. Eleanor nhìn Brennan dò hỏi nhưng ông ta chỉ mỉm cười và lắc đầu. “Cứ để hắn tự treo hắn lên”. Ông ta thì thầm. “Heien...” David dừng lại, mặt trắng bệch. “Ý tôi là Ashiey... tôi muốn cô đưa Toni ra”. Ashley nhìn David và tuyệt vọng lắc đầu. “Tôi... tôi không thể” Nàng thì thầm. David nói. “Không, cô có thể, Toni đang lắng nghe chúng ta. Cô ấy đang khoái trá, vậy tại sao cô lại không thể. Cô ấy đã trốn đi cùng ba vụ án mạng”. Anh cao giọng lên. “Cô rất thông mình, Toni. Hãy ra đây và nhận những lời chào hỏi. Không ai dám đụng đến cô đâu. Họ không thế trừng phạt cô được vì Ashley vô tội, nhưng họ sẽ phải trừng phạt Ashley để tóm được cô”. Tất cả mọi người trong phòng xử án đều lạ lẫm nhìn vào Ashley. Nàng vẫn ngồi đó, bất động. David đến gần nàng hơn. “Toni! Toni, cô có nghe thấy tôi không? Tôi muốn cô ra đây. Ngay! Anh chờ một lúc. Không có dấu hiệu gì xẩy ra. Anh cao giọng hơn. “Toni, Alette ! Ra đây? Ra đây ngay. Tất cả chúng tôi đều biết hai cô hiện đang ở đây”. Không còn tiếng động nào khác trong phòng xử án. David đã mất bình tĩnh. Anh quát lên. “Ra đây Hãy lộ mặt đi... Mẹ kiếp ! Ra đi ! Ra đi ! Mặt Ashley đầm đìa nước mắt. Chánh án Williams giận dữ lên tiếng. “Lại gần đây, ông Singer”. David chầm chậm bước đến cạnh bà. “Ông đang quấy rầy nhân chứng đấy, ông Singer? Tôi sẽ gửi một bản báo cáo về thái độ của ông lên Hội đồng luật sư Liên bang. Ông đang bị nghỉ việc và tôi sẽ đề nghị khai trừ ông khỏi đoàn luật sư”. David không trả lời. “Ông còn nhân chứng nào không?” David, lắc đầu. “Không, thưa quý tòa”. Vậy là hết. Anh đã thua. Ashley sẽ chết. “Phía luật sư biện hộ đã xong việc”. Joseph Kincaid ngồi ở dẫy ghế cuối cùng trong phòng xử án, chứng kiến tất cả, nét mặt đanh lại. Ông ta quay sang Harvey Vdell. “Loại hắn đi” Rồi ông ta đứng dậy và bỏ ra. Vdell chặn David lại khi anh rời khỏi phòng xử án. “David...” “Harvey, chào”. “Xin lỗi về sự đường đột này”. “Không có gì...” “Ông Kincaid không muốn đâu, nhưng, ông ấy nghĩ rằng tốt hơn hết là anh không nên quay lại Công ty nữa. Chúc anh may mắn.”. Vừa bước ra khỏi phòng xử án, David ngay lập tức bị một rừng phóng viên vây chặt lấy. “Ông có phát biểu gì không, ông Singer...?” “Chúng tôi nghe thẩm phán Williams nói rằng ông sắp bị khai trừ khỏi luật sư đoàn...?” “Chánh án Williams đã kết án ông về thái độ trong tòa án... Ông có nghĩ rằng...” “Các chuyên gia cho rằng ông sẽ thua vụ này. Ông đã có kế hoạch gì...” “Các chuyên gia luật pháp cho rằng thân chủ của ông sẽ lĩnh án tử hình...” “Ông đã có dự định gì cho tương lai chưa... ? David không nói một lời, chui tọt vào xe và phóng vụt đi. Chương 21 Anh cứ lặp đi lặp lại những cảnh đó trong đầu hết lần này sang lần khác. Tôi đã Xem bản tin sáng nay..Xin thành thật chia buồn cùng bác sĩ. Đây quả là một đòn choáng váng. Tôi cần sự giúp đỡ của cậu, David. Dĩ nhiên. Tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi muốn cậu bào chữa cho Ashley. Tôl không thề làm được. Tôi không phải là luật sự hình sự. Nhưng tôi có thể giới thiệu cho ông một luật sư tài ba khác, Jesse Quiller. Mọi việc sẽ ổn thôi. Cảm ơn cậu, David. Cậu đang rất hồi hộp, phải không. Cuộc gấp của chúng ta năm giờ mới bắt đau cơ mà. Ờ, tôi có một tin vui cho cậu đây. Chúng tôi quyết định kết nạp cậu làm thành viên chính thức của Công ty.. Anh đề nghị gặp tôi à? Vâng, thưa thẩm phán. Họ đang nói về vụ này trên mạng, và tất cả bọn họ đều đòi kết án thân chủ của tôi. Điều nấy rất bất lợi cho phía bào chữa. Vì thế, tối yêu cầu được xử lại. Tôi nghĩ đây là những lý do chính đáng để xử lại, ông David. Tôi chấp nhận yêu cầu của ông... Trò đùa nghiệt ngã của từ “nếu như”. Sáng hôm sau, phiên tòa lại tiếp tục. “Ông công tố viên đã có lời buộc tội cuối cùng chưa?” Brennan đứng dậy. Ông ta đến gần chỗ dành cho bồi thẩm đoàn và nhìn họ, từng ngươi, từng người một. “Ở đây, các vị là những người đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu như các vị tin rằng bị cáo thật sự có những nhân cách khác và cô ta không phải chịu trách nhiệm về những gì cô ta đã làm, những tội ác khủng, khiếp mà cô ta phạm phải, và các vị tha cho cô ta, để sau đó các vì nói rằng mọi người đều có thể thoát khỏi sự trừng phạt bởi tội sát nhân chỉ đơn giản la họ tự nhận họ đã không hề làm vlệc ấy mà là do những nhân cách bí mật làm. Họ có thể cướp của, lãm cướp, giết người, và họ có tội không? Không! Tôi không làm việc đó. Đó là một nhân cách khác của tôi làm”. Ken hoặc Joe hoặc Suzy hoặc bất kỳ cái tên nào họ tự gọi bản thân. Vâng tôi nghĩ rằng tất cả các vị đấy chưa thông minh để nhận thấy khôi hài đó. Sự thật là nằm trong tấm ảnh mà các vị đã em. Những nạn nhân đó không hề bị giết bởi bất cứ một kẻ thay thế nào cả. Họ đã bị giết một cách giã man, tàn bạo và có tính toán bởi bị cáo đang ngồi ở bàn kia, Ashley Patterson. Thưa các vị trong bồi thẩm đoàn, những gì mà bên biện hộ cố thực hiện trong phiên tòa này, hầu như đã từng được thực hiện trước đó. Trong vụ Mann chống lại Teller, là điển hình của một trò lừa bịp. Còn trong vụ nước mỹ chống lại Whirley, một y tá can tội sát hại em bé sơ sinh cũng biện hộ rằng miònh bị bệnh MPD, song tòa án đã phán quyết rằng cô ta có tội. “Các vị thấy đấy, tôi rất lấy làm tiếc cho bị cáo. Có bao nhiêu cá tính sống trong một cô gái tội nghiệp.- Tôi chắc rằng không ai trong chúng ta lại muốn có một mờ những kẻ xa lạ điên rồ luẩn quẩn trong mình, phải không? Để rồi chúng đi giết người và sau nữa, thiến các nạn nhân đó. Tôi thì sợ lắm”. Ông ta quay lại nhìn Ashley. “Trông bị cáo không hề sợ hãi gì, phải không? Không hề sợ, nên mới đủ sức mặc một chiếc váy đẹp và trang điểm hết sức cẩn thận. Trông cô ta thật sự không sợ hãi gì cả. Cô ta nghĩ rằng các vị sẽ tin vào câu chuyện hoang đường kia và tha bổng cho cô ta. Không ai chứng minh đừợc bệnh rối loạn đa nhân cách có tồn tại hay không, vì thế chúng ta phải tự mình đưa ra lời phán xét. “Bên biện hộ nói rằng các nhân cách kia đã thay thế và làm chủ hành vi của bị cáo. Chúng ta hãy xem - đó là Toni, cô ta sinh ở Anh quốc. Và Alette, cô ta sinh ra ở Ý. Họ chỉ là một người thôi. Họ sinh ra ở các quốc gia khác nhau và vào các thủ điểm khác nhau. Các vị có thấy khó hiểu không? Tôi thì có. Tôi đã cho bị cáo một: cơ hội để trình ra trước tòa những khách thể của mình nhưng cô ấy đã không làm được. Tôi tự hỏi vì sao? Hay là vì họ không tồn tại...? Luật pháp California có chấp nhận MPD là một loại bệnh tâm thần không? Không. Hay luật pháp Colorado? Không. Mlssissippi? không. Hay luật pháp Liên bang? Cũng không. Thực tế là nước Mỹ không có một bang nào có luật xác nhận dùng căn bệnh MPD là một kiểu bào chữa hợp pháp. Và tại sao? Bởi vì đó không phải là bào chữa. Thưa các vị, đó chỉ là một bằng chứng hoàn toàn hư cấu nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật mà thôi... Mục đích chính của bên biện hộ là muốn các vị tin vào hai nhân cách khác đang tồn tại trong bị cáo dễ lấy đó làm một thứ “ngoại phạm cho hành động tội ác của bị cáo. Nhưng trong phiên tòa này chỉ có duy nhất một bị cáo mà thôi đó là Ashley Patterson, Chúng ta đã chứng minh một cách không mảy may ngờ vực rằng cố ta chính là thủ phạm. Nhưng bị cáo lại tự cho rằng mình không định vào những án mạng đó bịa đặt rằng tội ác được thực hiện bởi những kẻ khác, những kẻ đã mượn thể xác của cô ta để giết hại ba người vô tội - những khách thể. Vậy là chẳng phải sẽ rất tuyệt nếu trong chúng ta cũng có những khách thể hay sao, những kẻ sẽ thay ta thực hiện những ham muốn thầm kín mà luật pháp không cho phép. Liệu các vị có muốn sống trong mót thế giới mà mọi công dân đều có thể thản nhiên giết hại người khác rồi nói: Các vị không thế đụng đến tôi, đó là do những khách thể trong tôi làm hoặc các vị không thể trừng phạt những khách thể trong tôi vì đó chính là tôi? Nhưng phiên tòa này không phải lặp ra để xử những nhân vật hoang đường, không có thật. Bị cáo, Ashley Patterson, đang phải đứng ở vành móng ngựa bởi chính cô ta đã gây ra ba cái chết dã man và chính quyền yêu cầu khép cô ta vào án tử hình. Cảm ơn”. Mickey Brennan lui về chỗ. “Bên bào chữa đã có lời biện hộ cuối cùng chưa?” David đứng dậy. Anh đi đến trước mặt bộ thẩm đoàn và nhìn họ. Những gì anh thấy nói họ chỉ đem đến cho anh cảm giác của sự thất bại mà thôi. “Tôi biết rằng đây là một vụ rất khó khăn đối với tất cả chúng ta. Các vị đã nghe những chuyên gia y tế xác nhận rằng họ từng điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rối loạn đa nhân cách, song các vị cũng đã nghe những chuyên gia khác khẳng định là không hề có căn bệnh này. Các vị không phải là bác sĩ, vì vậy không ai muốn các vị đưa ra lời phán xét cuối cùng dựa trên phương diện y học. Tôi xin thành thật xin lỗi quý vị về thái độ không thật đúng mức của tôi ở phiên tòa hôm qua. Tôi quát Ashley Patterson chỉ vì tôi muốn buộc những khách thể trong cô ấy phải xuất hiện. Tôi đã nói chuyện với chúng, những khách thể đó. Tôi biết chúng có tồn tại. Chúng thật sự là Toni Yà Alette và chúng hoàn toàn có thể thay thế chủ thể Ashley vào bất kỳ lúc nào chúng muốn. Ashley k.hông hề hay biết gì về những án mạng. đó. ở đầu phiên xử tôi đã nói nếu muốn khép ai vào tội giết người ở cấp độ, cần phải có những bằng chứng cụ thể và biết rõ được động có dẫn đến hành động đó. Nhưng thưa các vị, ở đây, cả ba vụ án, cảnh sát hoàn toàn không tìm thấy động cơ nào cả. Không hề. Pháp luật có nói rằng trước khi kết án, bên công tố phải chứng minh được bị cáo có tội một cách hợp lý. Và tôi tin chắc rằng các vị đều đồng ý với tôi là ở đây còn tồn tại một sự hồ nghi rất lớn. “Về phần các bằng chứng, bên biện hộ không hề hỏi tới. Duy nhất chỉ có dấu tay và DNA của bị cáo lưu lại tại hiện trường: Nhưng sự thật đã khiến chúng ta phải ngập ngừng. Ashley Patter- son là một cô gái thông minh. Nếu cô ấy thật sự dính dáng đến các tội ác và không muốn bị bắt, tại sao, cô ấy lại ngu ngốc đến mức để lại dấu tay của mình lộ liễu như vậy. Câu trả lời là không”. David còn tiếp tục 30 phút nữa. Cuối cùng anh lấy hết can đảm nhìn vào từng gương mặt các vi bồi thẩm đoàn và buồn bã khi không thấy ở đó có dấu hiệu gì sáng sủa cả. Chánh án Williams quay sang bồi thẩm đoàn. “Tôi sẽ cung cấp cho các vị những điều luật có thể áp dụng được trong vụ này. Yêu cầu các vị lắng nghe thật kỹ!. Bà nói trong vòng 20 phút tiếp theo, rất tỉ mỉ về nhưng điều khoản mà pháp luật chấp nhận và, không chấp nhận. “Nếu các vị có bất kỳ câu hỏi gì hoặc muốn xem lại lời khai, các vị có thể gặp thư ký tòa án. Bây giờ, bồi thẩm đoàn sẽ tạm vắng mặt để thảo luận riềng. Phlên tòa sẽtiép tục sau khi bồi thẩm đoàn đã có phán quyết cuối cùng”. David nhìn theo từng vị bồi thẩm rời khỏi vị trí để đi vào phòng kín. Lâu chừng nào tốt chừng ấy David nghĩ 45 phút sau bồi thẩm đoàn đã trở ra. * * * * * Ashley và David nhìn họ trở về vị trí của mình. Gương mặt Ashley đã hóa đá. Còn toàn thân David thì ướt đẫm mồ hôi. Chánh án Williams hỏi người đại diện bồi thẩm đoàn. Các vị đã có kết luận chưa?” “Đã có, thưa chánh án”. “Xin ông trao nó cho chấp hành viên”. Chấp hành viên mang bản phán quyết lại cho chánh án. Tessa Williams từ tử mở nó ra. Cả phòng xử án im phăng phắc. Bà đưa trả lại để người chấp hành mang tới cho bồi thẩm đoàn. Xin ông vui lòng đọc to lên. Bằng giọng chậm rãi, ông ta đọc “Trong vụ án Nhân dân Collforma chống lại Ashley Pattersoll, chúng tôi bồi thầm đoàn, dựa vào những sự kiện xẩy ra, kết luận bị cáo Ashley Patterson, phạm tội giết Dennis Tibble, theo điều 187 Bộ luật hình sự? Tiếng xì xào đã lan ra trong phòng xử án. Ashley nhắm chặt mắt lại. “Trong vụ án..................................................................................................... ........ phạm tội giết đồn phó SamueIBlake,....................................................... hình sự.” “Trong vụ án......................,............................................................................. .......... phạm tội giết Richard Melton, theo điều 187 Bộ luật hình sự. Chúng tôi, bồi thẩm đoàn, theo tất cả các quyết định, đồng ý đây là tội giết người ở cấp độ 1. David cảm thấy khó thở. Anh quay sang Ashley, nhưng không thể nói một lời nào. Anh chỉ còn biết choàng tay ôm lấy nàng mà thôi. Thẩm phán Williams nói. Tôi đề nghị bồi thẩm đoàn biểu quyết”. Từag người một, họ lần lượt đứng lên. “Kết luận vừa đọc, cũng là kết luận của các vị?” Và khi tất cả đã xác nhận, thẩm phán Williams nói tiếp. “Lời tuyên án sẽ được ghi lại và tiếp nhận trong vài phút nữa. Tôi rất cám ơn bồi thẩm đoàn về những đóng góp của các vị trong phiên tòa này. Phần việc của các vị đã kết thúc. Ngày mai tòa án sẽ chính thức tuyên án”. David ngồi đó chết lặng nhìn Ashley bị dẫn đi. Thẩm phán Williams đứng dậy, quay về văn phòng, không hề liếc nhìn David. Thái độ của bà đã đủ nói rõ cái quyết định vào ngày mai Ashley sẽ bị lĩnh án tử hình. * * * * * Sandra gọi điện cho anh từ San Francisco. “Anh không sao chứ, David?” Anh cố giữ giọng bình thường. “Không. Anh vẫn ổn. Thế còn em?”. Em cũng thế. Em đã xem bán tin trên ti vi. Bọn họ đối xử thật bất công với anh. Bà ta không thể khai trừ anh được. Anh chỉ muốn giúp thân chủ của mình thôi mà”. Anh không nói gì. Em xin lỗi, David. Ước gì em được ở đó cùng anh. Em có thể lái xe đến và...”, “Không, David nói, “chúng ta không còn cơ hội nào nữa. Hôm nay em đã đến bác sĩ chưa?” “Rồi”. “Ông ấy nói gì?” “Sắp rồi. Bất cứ ngày nào”. Mừng sinh nhật con, Jeffrey. Jesse Quiller gọi đến. “Hỏng hết”. David thở dài. Cậu đã cố gắng hết sức rồi. Nhưng cậu đã chọn nhầm chánh án. Trước đó cậu đã làm gì khiến bà ta mếch lòng vậy?” David trả lời. “Bà ấy muốn thương lượng về mục đích bào chữa. Bà ấy không muốn đưa vụ này ra tòa Lẽ ra tôi nên nghe bà ấy thì hơn”. Tất cả các kênh truyền hình đều tràn ngập tin tức về thất bại của David. Anh ngồi nghe một chuyên gia luật bình luận về vụ án. “Tôi chưa bao giờ thấy một luật sư nào quát tháo thân chủ của mình. Cả phiên tòa đã sững sờ thái độ đó. Đây là một sự lăng nhục...” David tắt phụt ti vi. Tất cả mọi sai lầm là ở đâu? Cuộc sống vốn chỉ mong chờ nhưng kết thúc có hậu cơ mà. Bởi vì mình đã phá hỏng tất cả, Ashley sắp chết, mình sắp bị khai trừ, đứa bé có thể ra đời bất kỳ lúc nào và mình thậm chí còn đang thất nghiệp. Nửa đêm, David ngồi một mình trong căn phòng khách sạn, xung quanh là bóng tối. Khoảnh khắc của sự tuyệt vọng. Trong đầu anh chỉ tồn tại duy nhất hình ảnh của buổi xử án cuối cùng. “Ồng không được phép thôi miên cô trong phòng xứ của tôi. Câu trả lời là không.” Nếu bà ta cho mình dùng biện pháp thôi miên với Ashley, mình tin chắc rằng sẽ thiết phục được bồi thẩm đoàn. Quá muộn rồi. Tất cả đã kết thúc. Chợt một giọng rất nhỏ, nhõng nhẽo, vang lên trong anh, Ai bảo mọi chuyện đã kết thúc? Tôi vẫn chưa nghe thấy bà mập hát. Tôi không thể làm gì thêm nữa. Thân chủ của ông vô tội. Ông định để cô ấy chết hay sao? Hãy để yên. Những lời của chánh án Williams vang vang trong đầu David. “Ông không được phép thôi miên cô ta trong phiên tòa của tôi” Và những chữ cuối cứ lặp đi lặp lại, “ trong phiên tòa của tôi”. Vào lúc năm giờ sáng, David gọi liền hai cú điện thoại. Anh gọi xong thì mặt trời cũng vừa hiện ra ở phía đằng đông. Đây là điềm báo trước, David nghĩ thầm, chúng ta sẽ chiến thắng. Một lúc sau, David chạy vội xuống cửa hàng bán đồ mỹ nghệ. Người bán hàng đến gần anh. “Xin hỏi ông cần mua gì?” Ông ta nhận ra David. “Ông Singer”. Tôi cần một tấm mành kiểu Trung Quốc. “Ông có loại nào như vậy không?” “Có, nhưng chúng tôi không có hàng thật...” “Lấy cho tôi xem”. Vâng”. Ông ta đưa David đến chỗ treo hàng, chỉ vào một cái. “Cái này...” “Tôi lấy nó”. David cắt ngang. Vâng, thưa ông. Tôi phải gửi nó đến đâu? Tôi sẽ mang nó đi ngay”. * * * * * David tạt vào cửa hàng tạp phẩm, mua một con dao nhà binh của Thụy sĩ. 15 phút sau, anh đã chạy đến khu nhà tòa án với tấm mành trên tay. Anh nói với người phụ trách đói bảo vệ. “Tôi phải hỏi chuyện Ashley Patterson ngay. Tôi được phép sử dụng phòng làm việc của ngài thẩm phán Goldberg: Hôm nay ông ấy không làm việc ở đây”. Người phụ trách gật đầu. “Vâng, thưa ông. Tôi sẽ đưa bị cáo đến. Bác sĩ Salem và một người nữa đang chờ ông ở đó”.. “Cảm ơn”. Anh ta nhìn theo David câm tấm mảnh trước vào thang máy, lẩm bẩm. Đúng là đồ điên. Văn phòng của thẩm phán Goldberg rất lịch sự với bàn làm việc và ghế quay hướng vé cửa sổ gần tường là một bộ đi văng và vai chiếc ghế đơn. Khi David bước vào thì bác sĩ Salem yà một người nữa đã đứng trong đó. “Xin lỗi, tôi đã đến muộn”. Đavid nói. Bác Salem lên tiếng. “Đây là Hugh Iverson. Ông ấy là người mà anh yêu cầu”. Hai người bắt tay nhau. “Bắt đầu mọi việc nhanh lên”, Đavid nói, “Ashley đang đến đấy”. Anh quay sang Hugh Iverson và chỉ vào một góc phòng. “Chỗ đó được không?. “Được” David nhìn Iverson bắt tay vào việc. Vài phút sau, cánh cửa mở ra và Ashley đi vào cùng người phụ trách đội bảo vệ. Tôi có trách nhiệm ở lại đây”. Anh ta nói. David gật đầu. “Được”. Anh quay sang Ashley. Mời cô ngồi”. “Đầu tiên, tôi muốn ngỏ lời xin lỗi cô về những chuyện đã xẩy ra”. Nàng gật đầu, hoàn toàn mụ mẫm, “Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc đâu. Chúng ta vẫn còn cơ hội”. Nàng nhìn anh với cặp mắt thêm tin tưởng. Ashley tôi muốn bác sĩ Salem thôi miên cô thêm một lần nữa”. Không. Các người còn...” “Hãy giúp đỡ tôi. Được không?” Nàng nhún vai. David gật đầu với bác sĩ Salem. Ông ta nói với Ashley. “Việc nay đã làm rồi, vậy cô cũng biết là chỉ cần nhắm mắt lại và thư giãn mà thôi. Hãy thư giãn. Thả lỏng toàn thân. Tất cả những gì cô muốn làm bây giờ là ngủ. Cô đang cảm thấy vô cùng buồn ngủ...” Mười phút sau, bác sĩ Salem nhìn David và nói, “Anh có thể bắt đấu”. David đến gần Ashley, tim đập thình thịch. “Tôi muốn nói chuyện với Toni”. Không có phản ứng gì... David nói to hơn. “Toni. Tôi muốn cô ra ngay. Có có nghe tôi nói không? Alette.., Tôi muốn cả hai cô hãy nói chuyện với tôi”. Im lặng. David quát lên. “Chuyện đến với các cô vậy? Các cô sợ quá hay sao? Vì những gì xẩy ra trong phòng xử án, phải không? Các cô có nghe bồi thẩm đoàn nói gì không? Ashley có tội kìa. Các cô sự phải xuất hiện à? Cô là đồ hèn, Toni!” Họ nhìn Ashley. Vẫn không có phản ứng gì. David thất vọng nhìn bác sĩ Salem. Thất bại đến nơi rồi. “Phiên tòa tiếp tục. Chánh án Tessa Williams làm chủ tọa”. Ashley ngồi ở bàn bị cáo bên cạnh Davld. Một tay của. David quấn băng kín mít? Anh đứng lên. “Tôi có thể nói chuyện riêng với bà chánh án không?” “Được. David đến gần bà ta, với Brennan theo sau. Anh nói. “Tôi muốn đưa ra một bằng chứng mới cho vụ án này”. “Không được”. Brennan phản đối. Thẩm phán Williams quay sang ông ta: Nghiêm khắc. “Hãy để tôi quyết định, ông Brennan”: Rồi bà quay lại với David. “Phiên tòa đã kết thúc rồi. Thân chủ của ông đã bị kết án và...” “Nhưng đây là lý do về tâm thần”, David nói. “Tôi chỉ dám yêu cầu mười phút mà thôi”. Thẩm phán Williams giận dữ trả lời. Thời gian không có nghĩa gì với ông sao, ông Singer. Ông đang làm lãng phí thời gian của tất cả mọi người đấy”. Rồi bà bỗng quyết định. “Được. Tôi hy vọng đáy sẽ là đề nghị cuối cùng của vụ án này mà anh có thể đưa ra ở một tòa án nhả nước. Phiên tòa tạm nghỉ 10 phút”. David và Blennan đi theo bà thẩm phán về văn phòng. Bà ta hỏi David. “Tôi cho, ông 10 phút. Có chuyện gì vậy, ông luật sư?” “Tôi muốn cho bà xem một đoạn phim, thưa bà thẩm phán”. Brennan lên tiếng. “Tôi thấy không cần phải làm gì với...” Thẩm phán Williams ngắt lời ông ta: “Tôi cũng vậy, Bà ta quay sang David. “Ông còn 9 phút”. David vội vã mở cánh cửa dân ra hành lang. “Vào đi” Hugh Iverson bước vào, mang theo một chiếc máy chiếu phim 16 ly và một màn ảnh xách tay. “Tôi có thể đặt nó ở đâu?” David chỉ vào góc phòng. “Ở kia”. Họ cùng nhìn anh tới lắp đặt thiết bị và cắm điện vào máy chiếu phim. “Tôi tắt đèn nhé?” David hỏi. Thẩm phán Williams cố ghìm cơn giận xuống. “Được ông cử làm đi, ông Singer”: Bà ta nhìn đồng hồ. “ông còn 7 phút”. Máy chiếu phim hoạt động. Văn phòng của thẩm phán Goldberg hiện ra trên màn ảnh. David và bác sĩ salem đang nhìn Ashley ngồi trên ghế. Trên màn ảnh, bác sĩ Salem nói. Anh có thể bắt đầu”. David đến gần Ashley. “Tôi muốn nói chuyện với toni… Toni, tôi muốn cô ra ngay. Cô có nghe tôi nói không? Alette... Tôi muốn cả hai cô ra nói chuyện với tôi” Im lặng. Thẩm phán Williams ngồi theo dõi đoạn phim với vẻ mặt lạnh lùng. David quát lên. “Chuyện gì đến với các cô vậy? Các cô sợ quá hay sao? Vì những gì xẩy ra trong phòng xử án, phải không? Các cô có nghe bồi thẩm đoàn nói gì không? Ashley có tội kìa. Các cô sợ phải xuất hiện à? Cô là đồ hèn, Toni!” Thẩm phán Williams đứng lên. “Thế là đủ rồi! Tôi đã được xem cái kiểu chữa bệnh này rồi. Hết giờ, thưa ông Singer”: Đợi đã”, David nói. “Bà, không thể...” “Mọi chuyện đã kết thúc”. Thẩm phán Williams nói và đi ra cửa. Bất thình lình, một giọng hát vang lên, tràn ngập cả văn phòng..... Một xu một cuộn chỉ Một xu một cây kim Đó là cách tiêu tiền Bốp! Đi đời con chồn. * * * * * Bối rối, thẩm phán Williams quay lại. Bà ta nhìn vào những sự việc diễn ra trên màn ảnh. Gương mặt của Ashley đã hoàn toàn thay đổi. Đó là Toni. Toni giận dữ nói. “Quá sợ hãi việc xuất hiện trước tòa? Bộ ông nghĩ rằng tôi sẽ ra theo lời gọi của ông sao? Ông nghĩ tôi là loại người gì hả con ngựa non kia?” Thẩm phán Williams chầm chậm bước chiếc ghế kê giữa căn phòng, mắt vẫn không rời khỏi màn ảnh. “Tôi đã nghe hết những lời họ tự lường gạt bản thân rồi? Nàng giả giọng một người. “Tôi không nghĩ rằng căn bệnh rối loạn đa nhân cách là có thật. Đúng là một bọn ngốc. Tôi chưa bao giờ...” Trước, mắt họ, gương mặt của Ashley lại thay đổi ông nàng có vẻ thoải mái trên ghê mặt hiện rõ sự xấu hổ. Bằng giọng Ý, Alette lên tiếng. “Ông Singer, tôi biết ông đã cố hết sức mình: Tôi muốn ra trước tòa để giúp ông, nhưng Toni không cho?. Gương mặt thẩm phán Williams ngây ra. Vẻ mặt và giọng nói lại thay đối. Cô giầu lòng thương xót quá đấy. Tom nói. David hỏi. Toni, cô có biết chuyện gì sẽ xẩy ra với cô nếu ba chánh án khép Ashley vào tội chết không?” Bà ta sẽ không làm thế đâu. Ashley thậm chí còn không biết một người trong số các nạn nhân cơ mà. Ông có nhớ không?” David trả lời. Nhưng Alette thì biết tất cả bọn họ. Và chính Alette đã gây ra các vụ đó. Cô ta quan hệ tình dục với họ sau đó đâm chết họ, rồi lại còn thiến họ...” Ông ngốc quá ! Ông chẳng biết gì cả, phải không? Alette đâu có đủ bản lĩnh làm những việc đó. Là tôi làm. Bọn chúng đáng chết mà. Chúng chỉ thèm muốn chuyện tình dục thôi”? Nàng thở mạnh. chúng tôi đã bắt bọn chúng trả giá. Và không ai chứng minh được tôi đã làm chuyện đó. Cứ để cô Cứt sắt tội nghiệp nhận tất cả hậu quả đi. Còn chúng tôi đã có một nơi ẩn nắp toni và…” Đằng sau bức mành Trung Quốc ở góc tường chợt vang lên tiếng lách cách. “Toni quay lại. Cái gì đó?” “Không? David nói nhanh. Chỉ là...” Toni đứng lên và chạy về phía máy quay cho đến khi mặt nàng choán hết cả màn ảnh. Nàng gạt mạnh tay làm khung hình nghiêng hẳn đi, một phần của bức mành kiểu Trung Quốc rơi trên màn ảnh. Ở giữa là một lỗ nhỏ được khoét rất khéo léo. Các người đã đặt cái camera chết tiệt ở đây,” Toni la lên. Nàng quay sang David. “Thằng con hoang, mày định làm gì vậy?Mày dám chơi tao à?” Trên bàn có một con dao rọc giấy. Toni chộp lấy nó và chĩa vào David, mồm vẫn la lớn. Tao sẽ giết mày. Tao sẽ giết mày”. David cô giữ nàng lại, nhưng không nổi. Con dao rọc giấy phập vào tay anh. Toni vung dao lên định đâm tiếp. Người phụ trách đội bảo vệ chạy đến giữ nàng lại. Tom đá anh ta ngã xuống sàn. Cửa phòng bật mở, một nhân viên mặc đồng phục chạy vào. Nhìn thấy sự việc, anh ta lao tới Toni. Nàng đá vào hang khiến anh ta quỵ xuống. Thêm hai nhân viên mặc đồng phục nữa xuất hiện. Phải đến ba người mới ấn được Toni ngồi xuống ghế. Nàng không ngớt mồm chửi mắng họ. Máu từ tay David chảy ra đầm đìa. Anh nói với bác sĩ Salem, “Ơn Chúa, ông hãy gọi cô ấy dậy đi”. Ashley... Ashley... Hãy nghe tôi nói. Cô hãy ra đi. Toni đã đi rồi. Bây giờ đã an toàn rồi, Ashley. Tôi đếm đến ba nhé? Thân hình Ashley ngừng động đậy và trở nên ngoan ngoãn trước mắt mọi người. “Cô có nghe thấy tôi nói không?” Có? Đó là giọng Ashley, nghe xa vắng như từ cõi nào vậy. Cô sẽ tỉnh dậy khi tôi đếm đến 3. 1...2...3... Cô cảm thấy thế nào?” Cặp mắt nàng mở ra. “Tôi mệt quá. Tôi có nói gì không.” Màn ảnh trong văn phòng thẩm phán Williams đã trở về màu trắng toát. David đến bên cạnh tường và bật đèn lên. Brennan lên tiếng. “Được ! Diễn hay lắm. Nếu người ta có trao giải Oscars cho vai diễn...” Thẩm phán Williams quay sang ông ta. “Ông im ngay”. Breunan sững sờ nhìn bà. Căn phòng bỗng trở nên yên lặng. Thẩm phán Williams nhìn David. “Ông luật sư…” “Vâng?” Bà ngập ngừng. “Tôi nợ ông một lời xin lỗi”. * * * * * Ngồi ở ghế chủ tọa, thẩm phán Williams tuyên bố. “Cả hai bên công tố viên và bào chữa đều đồng ý chấp nhận ý kiến của một nhà tâm thần học đã khám cho bị cáo, bác sĩ Salem. Kết luận của tòa án trong phiên xử này là bị cáo không có tội vì lý do thần kinh không ổn định. Bị cáo sẽ được đưa đi điều trị ở bệnh viện tâm thần. Phiên tòa chấm dứt”. David đứng lên, kiệt quệ. Vậy là xong, anh nghĩ. Cuối cùng cũng xong. Anh và Sandra sắp được bắt đầu lại cuộc sống của mình. Anh nhìn thẩm phán Williams và nói một cách hạnh phúc: “Tôi sắp được làm bố rồi”. Bác sĩ Salem nói với David. “Tôi”muốn khuyên anh một điều. Tôi không biết có làm được không nhưng nếu anh thu xếp nổi thì sẽ rất có lợi cho Ashley”. “Cái gì vậy?” “Bệnh viện tâm thần Connecticut đã điều trị bệnh nhân bị MPD nhiều hơn bất cứ nơi nào trên khắp cả nước. Một người bạn của tôi, bác sĩ Otto Lewison, phụ trách ở đó. Nếu anh có thể sắp xếp cho Ashley đến đấy thì rất tốt”. Cảm ơn”, David trả lời. “Để tôi xem tôi có thể lo được không”. Bác sĩ Patterson nói với David. “Tôi... tôi không biết phải cảm ơn cậu thế nào đây”. David mỉm cười. “Không cần đâu. Đây là công việc miễn phí mà. Ông còn nhớ không?” Cậu đã hoàn thành nó thật xuất sắc. Có những lúc tôi đã sợ rằng...” “Tôi cũng vậy”. “Nhưng luật pháp đã tỏ ra công bằng. Con gái tôi nhất định sẽ khỏi bệnh”. “Tôi tin chắc như vậy”, David nói. “Bác sĩ Salem đã giới thiệu cho tôi một bệnh viện tâm thần ở Connecticut. Các bác sĩ ở đấy đều có kính nghiệm với căn bệnh MPD”. Bác sĩ Patterson trầm ngâm giây lát. Cậu biết đấy, Ashley không đáng phải chịu đựng những việc đó. Nó vốn là một đứa con gái tốt bụng”. Tôi hiểu. Tôi sẽ thương lượng với thẩm phán Williams”.. Thầm phán Williams tiếp anh trong văn phòng. “Tôi có thể giúp gì ông, ông Singer?” “Tôi muốn xin bà một đặc ân”. Bà ta mỉm cười. “Hy vọng là được. Đó là điều gì vậy? David trình bày cho bà thẩm phán nghe những gì bác sĩ Salem đã nói với anh. Đây đúng là một yêu cầu đặc biệt. ở Califomia cũng có vài bệnh viện tâm thần cơ mà”. David trả lời. “Vâng. Cảm ơn, thưa bà chánh án”. Anh quay ra cửa, lòng đầy thất vọng. Tôi đã nói không đâu, ông Singer”. David dừng lại. “Đây quả là một yêu cầu đặc biệt, nhưng vụ án này cũng là một vụ án đặc biệt”. Anh chờ đi. Tôi nghĩ là tôi có thể thu xếp cho cô ấy được chuyển đi. “Cảm ơn, thưa bà thẩm phán. Tôi vô cùng biết ơn quyết định của bà”. Trong phòng giam, Ashley nghĩ, Họ đã khép mình và tội chết. Một cái chết từ từ trong bệnh viện của những người điên, Họ giết chết mình lúc này còn tốt hơn. Nghĩ đến những năm tháng vô vọng, dài dàng dặc phía trước, nàng gục xuống nức nở. Cánh cửa phòng giam bật mở và bố nàng xuất hiện. Ông đứng sững nhìn nàng, vẻ mặt đầy đau khổ. “Con... Ông ngồi xuống, đối diện nàng. Con sống rồi”. Ông nói, Nàng lắc đầu. “Con không muốn sống nữa”. Đừng nói như thế. Con đang mắc bệnh, nhưng rồi sẽ khỏi thôi. Nhất định sẽ khỏi. Khi nào tinh thần của con khá hơn, con sẽ đến ở với bố và bố sẽ chăm sóc cho con. bố con mình sẽ mãi bên nhau cho dù bất cứ chuyện gì xẩy ra. Họ không thể chia cắt bố con mình được”. Ashley ngồi yên, không nói gì. “Bố rất hiểu cảm giác của con lúc này, nhưng hãy tin bố đi, mọi việc sắp thay đổi rồi. Con gái của bố sẽ hạnh phúc và trở về bên bố. Ông chậm rãi đứng lên. Đã đến lúc bố phải về San Francisco” Ông đợi Ashley nói điều gì. Nàng vẫn im lặng. “David nói với bố rằng con sẽ được chuyển đến một trong những bệnh viện tâm thần tốt nhất trên thế giới. Ba sẽ đến thăm con thường xuyên. Con có thích thế không?” Nàng gật đầu, vô cảm. “Có. Tốt lắm, con ngoan. Ông ôm và hôn lên má nàng. Hy vọng là con sẽ sớm khỏi bệnh. Bố chỉ muốn con về bên bố mà thôi”. Ashley nhìn, theo ông và nghĩ thầm. Tại sao mình không thể chết được? Tại sao họ không cho mình chết đi? Một giờ sau, David vào thăm nàng. Ồ vậy là đã xong”, anh nói. Anh nhìn nàng với vẻ quan tâm. “Cô không sao chứ? Tôi không muốn vào nhà thương điên đâu. Tôi muốn chết, Tôi không thể chịu nổi cuộc ống như thế này nữa. Giúp tôi đi, David. Xin anh hãy giúp tôi” “Ashley, cô sắp được giúp đỡ rồi. Quá khứ đã qua. Bây giờ là tương lai của cô. Cơn ác mộng đã hoàn toàn chấm dứt”. Anh nắm lấy tay nàng. “Xem này, cô đã tin tưởng tôi biết nhường nào. Hãy tiếp tục tin tôi. Cô nhất định se trở lại với cuộc sống bình thường”. Nàng không nói gì. Hãy nói, “Tôi tin anh, David”. Nàng hít một hơi thở sâu. “Tôi, tôi tin anh, David”. Anh cười to. “Ngoan lắm. Đây sẽ là một khởi đầu mới của cô”. * * * * * Tất cả các phương tiện truyền thông như phát cuồng lên khi lời tuyên án được chánh án Williams phát ra. Đêm đó, Darid trở thành người hùng. Anh đã nhận một vụ án dường như bất khả thi và anh đã chiến thắng. Anh gọi điện cho Sadra. “Em yêu, anh..,” “Em biết rồi, anh yêu, em biết rồi. Em vừa mới xem ti vi xong. Tuyệt quá phải không anh. Em rát tự hào về anh”. “Anh không thể nói được anh vui đến mức nào khi vụ này kết thúc, Anh sẽ về với em ngay đêm nay. Anh không thể chờ thêm...” “David...?” “Gì cơ em?” “David... oooh...” “Anh đây? Có chuyện gì vậy?” “… Oooh... Con sắp ra đời rồi...” “Đợi anh với! David la lên.” Jeffrey Singer, nặng 3,9 kg là đứa bé sơ sinh đẹp nhất mà David từng thấy. “Trông nó giống anh quá, David”. Sandra nói. “Thật không?” David cười rạng rỡ. “Em rất mừng là mọi việc đả trở nên tốt đẹp” Sanđra nói. David thở dài. “Đã có nhiều lúc anh không còn đủ lòng tin ở mình nữa”. “Em không bao giờ đặt nhầm niềm tin nơi anh cả”. David ôm chặt lấy Sandra và nói. “Anh sẽ về với mẹ con em ngay. Anh phải đến Công ty thu dọn vài thứ đã”. Khi David đến Kincaid, Turuer, Rose & Ripley, anh được đón tiếp bằng những lời chào nồng nhiệt. “Chúc mừng cậu, David...” “Làm tốt lắm...”. “Cậu thật sự là đã dạy cho họ...”. David đi về bàn làm việc của mình. Holly không có ở đó. Anh bắt đầu cất dọn đồ đạc trên bàn. “David...”. Anh nhìn lên. Đó là Joseph Kincaid. Ông ta đến gần và nói. “Anh đang làm gì vậy?” “Tôi thu dọn. Ông thấy rồi đấy. Tôi đã bị đuổi việc mà”. Kincaid mỉm cười! Đuổi việc. Dĩ nhiên là không. Không, không! không! Hình như là có chuyện gì lầm lẫn đây thì phải”. Ông ta cười tươi hơn. “Cậu sẽ là thành viền chính thức của Công ty, cục cưng của tôi ạ. Thực ra tôi đã chuẩn bị một buổi họp cho cậu ở đây vào lúc l5 giờ”. David nhìn ông ta. “Thật chứ?” Kincaid gật đầu. “Chắc chắn như vậy”. “Vậy thì ông nên hủy nó đi”. David trả lời. “Tôi đã quyết định quay lại ngành luật hình sự rồi. Tôi đã nhận được lời mời của Jesse Quiller. Ít nhất thì khi làm việc với ngành luật này người ta còn biết ai đó thật sự là tội phạm. Nên, Joey nhóc con, đem nhét cái thành viên chính thức đó vào nơi nào không có ánh sáng mặt trời đi.” Anh cười, bước nhanh đi. Jesse Quiller nhìn quanh căn nhà, nói. “Tuyệt lắm. Rất thích hợp với hai người”. “Cảm ơn”, Sandra trả lời, Nàng nghe thấy tiếng động trong cũi. “Để em đi xem con đã”. Rồi vội vã chạy sang phòng bên cạnh, Jesse Quiller thích thú ngắm nhìn cái khung ảnh bằng bạc nguyên chất với tầm hình đầu tiên của Jeffrey trong đó. “Trông dễ thương quá. Nó ở đâu ra vậy?” “Thẩm phán Williams gửi tặng đấy”. “Jesse nói. Rất vui mừng vì cậu đã quay lại, đồng nghiệp”. “Tôi cũng rất mừng vì đã được quay lại, Jesse. Có lẽ bây giờ cậu cần có chút thời gian để thư giãn. Gắng nghỉ ngơi cho khỏe...” Đúng. Chúng tôi đang định đưa Jeffrey lên Oregon thăm ông bà ngoại nó và...” “Nhân tiện, sáng nay chúng ta vừa nhận được một vụ rất thú vị đấy, David. Người đàn bà này bị buộc tội giết hai đứa con của mình. Song tôi lại có cảm giác là bà ta vô tội. Rất không may là tôi sắp phải đi Washington lo một vụ khác. Nên nghĩ rằng cậu có thể đến gặp bà ta và xem xem...”. Chương 22 Bệnh viện Tâm thần Conecticut nằm cách Westport 15 dặm về phía bắc, vốn thuộc D wim Boeker, một người Đức giàu có, người đã xây nó lên vào năm 1910. Một ngôi nhà kiểu trang viên, một nhà xưởng, chuồng ngựa và một bể bơi chiếm hết mảnh đất cỏ diện tích khoảng 40 mẫu Anh. Chính phủ đã mua lại toàn bộ cơ ngơi này vào năm l925 và biến nó thành nơi chữa bệnh thần kinh có sức chứa hàng trăm bệnh nhân. Bao quanh khu đất là hàng rào dây thép gai. Lối vào có trạm gác. Tất cả các cửa sổ đèu được gắn chân song sắt và một khu của tòa nhà được củng cố thành khu an toàn để cách ly những bệnh nhân đặc biệt nguy hiểm. Trong văn phòng của bác sĩ Otto Lewison, giám đốc bệnh viện, đáng có một cuộc họp. Bác sĩ Gilbert và bác sĩ Craig Foster sôi nổi bàn bạc về bệnh nhân mới sắp được đưa đến. Gilbert Keller trạc 40 tuổi, tầm vóc trung bình, tóc vàng và cặp mắt mầu xám rất to. Ông là chuyên gia nổi tiếng về bệnh rối loạn đa nhân cách. Otto Lewison, người đứng đầu bệnh viện, đã ngoài 70, nhỏ nhắn, lịch sự, bảnh bao với bộ râu rậm và cặp kính không gọng. Bác sĩ Craig Foster đã làm việc với bác sĩ Keller nhiều năm và đang viết một cuốn sách về bệnh rối loạn đa nhân cách. Tất cả đều chăm chú vào hồ sơ của Ashley Patterson. Otto Lewison nói. “Cô này ghê đấy. Mới 28 tuổi mà đã giết chết năm người đàn ông rồi”. Ông ta liếc xuống tờ giấy đặt trước mặt rời tiếp tục “Cô ta còn định giết cả luật sư của mình nữa chứ.” “Sẽ rất thú vị đây”. Gilbert nói. Otto Lewison tiếp. “Chúng ta sẽ tạm giữ cô ta trong khu an toàn A cho đến khi nào có được một kết luận đầy đủ và chính xác “Thế khi nào thì cô ta đến?” Bác sĩ Keller hỏi. Giọng nữ thư ký của Otto Lewison vang lên qua máy nói. “Bác sĩ Lewison, họ đã đưa Patterson đến rồi. Có cần đưa cô ta vào văn phòng ông không?” “Có” Lewison nhìn lên. “Như thế đã đủ trả lời câu hỏi của anh chưa?” Đối với Ashley, chuyến đi quả thật là một cơn ác mộng. Kết thúc phiên tòa, nàng bị dẫn về phòng giam và phải ở lại đó ba ngày để chờ việc dàn xếp đi Connecticut. Một chiếc xe tù đưa nàng đến sân bay Oakland, nơi đã có máy bay đợi sẵn. Đó là một chiếc DC- 6 đã cải tạo thuộc hệ thống chuyên chở tù nhân Quốc gia, được điều hành bởi V.S. Marshais Service. Trên máy bay có tất cả 24 tù nhân, thấy đều bị còng tay và chân. Ashley cũng phải mang khóa số 8 và khi nàng vừa ngồi xuống thì lập tức đôi chân cũng bị còng vào ghế. Tại sao họ lại làm thế với mình? Mình không phải là tội phạm nguy hiểm. Mình chỉ là một phụ nữ bình thường. Và một giọng nói bên trong nàng vang lên, Ngườt đã giết chết năm nạn nhân vô tội. Các tù nhân trên chuyến bay này đều là loại rắn mặt với đủ các tội danh như giết người, hãm hiếp, ăn cướp có vũ trang và vô số tội nghiêm trọng khác. Họ đang trên đường tới những nhà tù an toàn nhất trên lãnh thổ. Ashley là phụ nữ duy nhất trên chuyến bay này. Một tên nhìn nàng và cười to. Chào em, có muốn đến ngồi vào lòng anh không?” Thôi đi”, người cảnh sát dẫn giải quát. “Này? Em có hay mơ mộng không vậy? Con đĩ này có lẽ không còn... Cô em bị kết tội gì vậy?” Một tên khác nôi. “Em có hứng không? Hay là anh ra ngồi cạnh em và giúp em cảm thấy dễ chịu...? Một tên khác thì nhìn Ashley chằm chặp. “Khoan đã?” Hắn ta nói. “Con điếm này đã giết chết năm gã ngu và còn cắt chim bọn chúng nữa đấy” Tất cả đều quay lại nhìn Ashley. Kể từ lúc đó nàng không còn bị quấy rầy nữa. * * * * * Trên đường tới New York, máy bay phái hạ cánh hai lần để gửi và nhận tù nhân. Đó là một chuyến bay dài, không khí thay đổi bất thường và khi hạ cánh ở sân bay La Guardia, Ashley đã gần như là đi vì say máy bay. Cảnh sát mặc cảnh phục đã chờ nàng ở chân cầu thang. Ashley được giải phóng khỏi chiếc còng chân trên máy bay nhưng khi lên xe cảnh sát nàng lại phải chịu đựng nó một lần nữa. Chưa bao giờ nàng cảm thấy nhục nhã thế này. Họ vẫn nghĩ rằng nàng định chạy trốn hay giết hại thêm ai khác nữa ư? Tất cả đã kết thúc, đã là quá khứ rồi. Họ có nhận ra điều đó không? Nàng tin chắc rằng những chuyện ấy sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Nàng muốn nhanh chóng trốn khỏi nó. Đến đâu cũng được. Ashley cố chợp mắt được vài lần trên quãng đường đài đến Connecticut. Giọng nói của người bảo vệ đánh thức nàng dậy. “Đến rồi”. Trước mặt họ là cánh cổng Bệnh viện Tâm thần Connecticut. Khi Ashley bước vào văn phòng của bác sĩ Lewison, ông lên tiếng. “Chào mừng cô tới bệnh viện Tâm thần Connecticut, cô Patterson”. Ashley đứng đó, nhợt nhạt và câm lặng. Bác sĩ Lewison nói vài lời giới thiệu và kéo ra một chiếc ghế. “Mời cô ngồi”. Ôngta nhìn người bảo vệ “Mở khóa tay và khóa chân cho cô ấy”. Những thứ đó được tháo ra và Ashley ngồi xuống. Bác sĩ Foster nói. “Tôi biết chuyện này là rất khó đối với cô. Chúng tôi sẽ cố gắng làm mọi việc trở nên đơn giản chừng nào tốt chừng ấy. Mục đích của chúng tôi là một ngày nào đó được thấy cô rời khỏi nơi đây, hoàn toàn khỏi bệnh”. Ashley lấy lại giọng. “Thế... mất khoảng bao lâu” Otto Lewison trả lời. “Bây giờ còn quá sớm để trả lời câu hỏi đó. Song nếu bệnh của cô có thể chữa khỏi được, thì ít nhất cũng phải mất đến dăm sáu năm”. Mỗi lời của ông như một đòn giáng vào Ashley. “Nếu bệnh của cô có thể chữa khỏi được, thì cũng phải mất đến dăm sáu năm...” “Việc điều trị sẽ không làm cô bị ảnh hưởng gì đâu. Đó chỉ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giai đoạn thôi miên, liệu pháp nhóm, liệu pháp nghệ thuật, và do bác sĩ Keller phụ trách. Điều quan trọng cần nhớ là chúng tôi không phải kẻ thù của cô”. Gilbert Keller ngắm nhìn gương mặt nàng. “Chúng tôi giúp đỡ cô và chúng tôi muốn cô cũng giúp lại chúng tôi”. Đã hết chuyện để nói. Otto Lewison gật đầu với người dẫn giải. Anh ta đến bên Ashley và nắm lấy cánh tay nàng. Craig Foster nói. “Anh ta sẽ đưa cô về phòng riêng. Chúng ta sẽ gặp lại sau”. Khi Ashley đã rời khỏi, Otto Lewison quay sang Gilbert Keller. “Anh nghĩ thế nào?” “Ở trường hợp này thuận lợi hơn. Chỉ có hai khách thể mà thôi”. Keiler cố nhớ trong đầu. “Còn trường hợp nhiều nhất ở đây là bao nhiêu nhỉ?”. “Bà Beltran chín khách thể”. Ashley chẳng hề hay biết cái gì đang chờ đợi nàng, nhưng không hiểu sao nàng lại mường tượng đến một nhà tù tối tăm, ẩm thấp. Còn bệnh viện tâm thần Connecticut thì giống một câu lạc bộ nhiều hơn với những chấn song bằng sắt. Khi Ashley được dắt qua những hành lang dài và vui mắt nàng trông thấy rất nhiều bệnh nhân đang tự do đi lại. Họ ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau, tất cả đều tỏ ra bình thường. Tại sao họ lại ở đây? Một vài người mỉm cười với nàng và nói “xin chào” nhưng Ashley quá bối rối nên không mở nổi miệng ra nữa. Mọi thứ trông đều có vẻ không thật. Nàng đang ở trong nhà thương điên. Mình có bị điên không? Họ đi đến tấm cửa thép lớn ngăn cách một phần của khu nhà. Có một người bảo vệ đứng sau cánh cửa đó. Ông ta nhấn vào cái nút đỏ và cửa từ từ mở ra. “Đây là Ashley Patterson”. Ông ta nói, “Chào cô Patterson. Mọi thứ họ làm đều có vẻ bình thường. Nhưng ở đây không có cái gì bình thường cả. Thế giới đã bị đảo ngược rồi. Ashley nghĩ. “Lối này, cô Patterson”. Ông ta dắt nàng tới một cánh cửa khác và mở ra. Ashley bước vào trong. Thay vì phòng giam, nàng nhìn thấy một căn phòng cỡ vửa với tường quét vôi xanh, một bộ đi văng nhỏ và một chiếc giường khá thoải mái. “Cô sẽ ở lại đây. Đồ đạc của cô sẽ được mang đến trong vài phút nữa”. Ashley nhìn ông ta đi ra và đóng cửa lại. Cô sẽ ở tại đây. Nàng bắt đầu thấy sợ. Nếu mình không muốn ở thì sao? Nếu mình muốn ra khỏi đây thì sao? Nàng đến gần cánh cửa. Nó đã bị khóa. Ashiey ngồi xuống đi văng, cố gắng suy nghĩ. Nàng chỉ tập trung vào những ý nghĩ lạc quan. Chúng tôi sẽ cố chữa khỏi cho cô. Chúng tôi sẽ cố chữa khỏi cho cô. Chúng tôi sẽ cô chữa khỏi cho cô. Chương 23 Bác sĩ Gilbert Keiler, người chịu trách nhiệm thực hiện việc điều trị cho Ashley, thật hợp với chuyên môn của ông là “đặc trị” bệnh rối loạn đa nhân cách. Mặc dù đôi khi cũng gặp thất bại nhưng nhìn chung thì tỉ lệ thành công đạt khá cao. Câu trả lời cho những ca bệnh này thật không dễ dàng chút nào. Công việc đầu tiên của ông là phải làm sao cho bệnh nhân tin tưởng mình, cảm thấy thoải mái thì gặp mình, sau đó mới lần lượt gọị ra các khách thể, từng người một, cho đến cuối cùng chúng có thể giao tiếp với nhau và hiểu được lý do tại sao chúng lại tồn tại và tại sao chúng không còn cần thiết nữa. Đó là thời điểm của sự hòa lẫn các khách thể riêng biệt sẽ trộn lẫn với nhau và trở về một chủ thể duy nhất. Từ giờ đến lúc đó là cả một quãng đường dài, bác sĩ Keller nghĩ. Sáng hôm sau, bác sĩ Keller cho người đưa Ashley đến văn phòng của ông. “Chào buổi sáng, Ashley”: “Chào ông, bác sĩ Keller”. “Hãy gọi tôi là Gilbert. Chúng ta sắp thành bạn rồi. Cô cảm thấy thế nào?” Nàng nhìn ông và hỏl lại. “Họ bảo tôi rằng tôi đã giết 5 người. Vậy tôi nên cảm thấy thế nào?” “Cô có nhờ gì về những vụ đó không? “Không”. “Tôi đã đọc hồ sơ vụ án của cô, Ashley. Cô không giết họ. Mà là một trong hai khách thể của cô gây ra. Chúng tôi sẽ tạo quan hệ với các khách thể của cô, và lâu dần, với sự giúp đỡ của cô chúng tôi sẽ làm cho họ biến mất”. “Tôi... tôi hy vọng ông có thể...” “Tôi có thể. Tôi ở đây để giúp cô, và đó là những gì tôi sắp làm. Những khách thể được sinh ra trong cô là để cứu cô khỏi những nỗi đau tinh thần khủng khiếp. Chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân của những nỗi đau đó. Và tôi cũng cần biết những khách thể đó sinh viên lúc nào và tại sao”. “Bằng cách gì để ông làm được những việc đó?” “Chúng ta sẽ nói chuyện. Có nhiều điều mới mẻ sẽ đến với cô. Chúng tôi sẽ dùng phương pháp thôi miên. Cô đã từng được thôi miên phải không?” “Vâng” “Không có gì phải gấp rút cả. Chúng ta còn nhiều thời gian”. Ông nói quả quyết. “Và khi rời khỏi nơi đây, nhất định cô sẽ hoàn toàn bình phục”. Họ nói chuyện với nhau gần một giờ đồng hố. Và Ashley cũng dần cảm thấy thoải mái hơn. Trở về phòng mình, nàng tự nhủ. Mình thật sự nghĩ là ông ấy làm được. Và nàng thầm cầu nguyện. * * * * * Bác sĩ Keller vào gặp Otto Lewison. “Sáng nay chúng tôi đã gặp nhau”, Keller nói. “Tin vui là Ashley đã chấp nhận rằng mình có vấn đề và sẵn sàng để được giúp đỡ”. “Đây là một khởi đầu tốt. Hãy tiếp tục thông báo cho tôi”. “Được, Otto” Bác sĩ Keller nghĩ về thử thách đang chờ mình. Ashley Patterson có một cái gì đó rất đặc biệt. Ông quyết định, bằng mọi giá cũng không bỏ cuộc sẽ giúp nàng tới cùng. Ngày nào họ cũng trò chuyện với nhau và sau một tuần kể từ ngày Ashley vào viện, bác sĩ Keller bảo nàng. “Tôi muốn cô thư giãn và thoải mái. Tôi sẽ thôi miên cô”. Rồi ông tiến về phía nàng. “Không? Khoan đã”. Ông ngạc nhiên nhìn nàng. “Có vấn đề gì ư” Hàng chục ý nghĩ kinh hoàng trỗi lên trong Ashley. Ông ấy sắp gọi những khách thể của nàng ra. Nàng cảm thấy sợ hãi trước cảnh tượng đó “Làm ơn”, nàng nói. Tôi... tôi không muốn gặp họ”. “Cô sẽ không gặp họ đâu”. Bác sĩ Keller trấn an nàng. “Không thật mà”. Nàng nuốt nước bọt. “Vâng”. “Cô đã sẵn sàng chưa?” Nàng gật đầu: “Rồi”. “Tốt. Chứng ta bắt đầu nhé”. 15 phút sau, khi Ashley đã hoàn toàn bị thôi miên, Gilbert Keller liếc xuống tờ giấy để trên bàn. Toni Prescott và Alette Peters? Đã đến lúc phải thay đổi nhân cách kiểm soát trong con người nàng. Ông nhìn Ashley đang thiêm thiếp trên ghế, rồi nhô người về phía trước. “Chào Toni. Cô có, nghe thấy tôi nói không?” Bác sĩ Keller nhìn gương mặt Ashley từ từ biến đổi, trở nên hoạt bát đến bất ngờ. Nửa cân gạo rẻ tiền Nửa cân mật ngào đường. Trộn chúng vào nhau và chế biến Bốp! đi đời con chồn. “Hay lắm, Toni. Tôi là Gilbert Keller”. “Tôi biết ông là al rồi”, Toni đáp. Giọng hơi trơ tráo. “Rất hân hạnh được gặp cô. Đã có ai nói với cô rằng cô có một giọng hát rất tuyệt chưa?” “Thôi đi”. “Tôi nói thật mà. Cô có đi học hát bao giờ không? Tôi cược là có đấy”. “Ông thua cược rồi. Sự thực là tôi rất muốn đi nhưng ...” Chúa ơi, thôi ngay cái giọng đó đi! Ai nói với con mà con biết hát vậy? Giọng nàng bỗng tấm tức. “Thôi, không sao”. “Toni, tôi muốn giúp đớ cơ”. “Không, không phải. Đồ bác sĩ bịp bợm. Đừng hòng gạt tôi”. “Tại sao cô lại nghĩ vậy, Toni?” " “Đó là tất cả những gì bọn đàn ông khốn nạn các người muốn làm”. “Toni...? Toni...?” Im lặng. Bác sĩ Keller nhìn vào gương mặt Ashley. Rất thanh thản. Ông nhô người về phía trước: “Alette?” Mặt Ashley không có gì thay đổi. “Alette...?” Không phản ứng. “Tôi muốn nói chuyện với cô, Altte. Ashley bắt đầu cử động một cách khó khăn. “Ra đây, Alette”. Ashley thở sâu, và bắt ngờ đáp lại ông là một giọngÝ du dương. “Ông có biết nói tiếng Ý không” “Alette...” “Tôi không muốn trò chuyện gì bây giờ cả”. “Alette, hãy nghe tôi. Cô sẽ không sao đâu. Tôi chỉ muốn cô thư giãn thôi”. “Mi sento stanca... tôi mệt quá”. Cô mới trải qua một quãng thời gian khó khăn, nhưng giờ đây tất cả đã ở phía sau rồi. “Tương lai của cô sẽ rất yên bình. Cô có biết mình đang ở đâu không?” Giọng ông ta màu trắng. “Sì. Là nơi dành cho những người điên. “Đó là lý do ông ở đây. Ông bác sĩ ạ. Ông cũng là một thằng điên. “ “Đây là nơi cô đến để được điều trị. Alette, cái gì đến với cô khi cô nhắm mắt lại và hình dung về chỗ này?”. “Hogarth. Ông ta đã vẽ những người điên và những cảnh tượng vô cùng khủng khiếp”. Loại người dốt nát như ông thì làm biết sao được ông ấy. “Tôi không muốn cô nghĩ xấu về nơi này như vậy. Hãy kể về cô đi, Alette. Cô muốn làm gì? “Cô thích làm gì khi sống ở đây?” “Tôi thích vẽ”. “Chúng tôi sẽ mang đồ nghề đến cho cô”. “Không” “Tại sao?” Tôi không muốn thế. Ông gọi đó là gì, nhóc con? Với tôi, đó chỉ là một mớ giẻ rách. Hãy để cho tôi yên. “Alette?” Gilbert Keller thấy gương mặt Ashley lại thay đổi. Alette đã đi khỏi. Bác sĩ Keller đánh thức Ashley. Nàng mở mắt ta và chớp mấy cái. “Ông đã bắt đầu chưa?” “Xong rồi”. “Thế nào?” “Toni và Alette đã nói chuyện với tôi. Chúng tôi đã có một khởi đầu tốt, Ashley”, * * * * * Bức thư của David Singer viết. Ashley thân, Đây chỉ là vài dòng ngắn ngủi để cho cô biết rằng tôi đang nhớ ăến cô và hy vọng sức khỏe của cô có những tiến triển tốt đẹp. Thực ra thì, tôi vẫn thường nghĩ về cô. Tối cảm thấy như chúng ta vừa cùng nhau trải qua một cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến ác liệt nhưng rồi cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Và tôi có một tin tốt cho cô đây. Tôi vừa được cam đoan rằng việc khởi kiện cô về tội giết người ở Bedford và Quebec đã bị hủy bỏ. Nếu cần tôi giúp điều gì, xin cô cứ nói. Chúc cô những lời chúc tốt đẹp nhất. David. Sáng hôm sau, bác sĩ Keller lại thôi miên Ashley và nói chuyện với Toni. “Cái gì nữa đây, bác sĩ?” “Tôi chỉ muốn tán gẫu với cô thôi. Dù sao tôi cùng muốn giúp cô mà.” “Tôi không cần các người giúp. Tôi chẳng lùn sao cả”. “Ở nhưng tôi lại cần sự giúp đỡ của cô, Toni. Cho tôi hỏi cô một câu. Cô nghĩ thế nào về Ashley?” “Cô Cứt sắt à? Đừng bắt tôi phải trả lời.” “Cô không thích cô ấy à?” “Nói thẳng ra là như vậy”. “Cô không thích cô ấy ở điểm nào?” Một thoáng im lặng. “Cô ta cứ cấm, không chịu cho người khác vui chơi. Nếu tôi không thay thế cô ta, cuộc sống của chúng tôi sẽ rất tẻ nhạt. Tẻ nhạt. Cô ta chẳng hề thích đi hộp đêm, nhảy nhót hay đi du lịch hoặc tham gia vào bất kỳ một hoạt động vui chơi nào”. “Nhưng cô thì có.” Chắc chắn rồi. Đó mới ìa cuộc sống, phải không? “Cô sinh ra ở London à, Toni? Cô có muốn kể cho tôi nghe về nó không?” Tôi cho ông biết nhé, ước gì ngay bây giờ tôi được ở đó. Im lặng. Toni...? Toni...”. Nàng đã đi khỏi. Gilbert nói với Ashley. “Tôi muốn nói chuyện với Alette”. Ông nhìn nét mặt Ashley thay đổi. Ông gọi khẽ, “Alette,”. Si?. “Cô có nghe tôi nói chuyện với Toni chứ?” “Có” “Cô và Toni có biết nhau không?”. “Có Dĩ nhiên là có rồi, đồ ngu. “Cô có ưa Toni không?” “Bình thường”. Tại sao ông hỏi toàn những câu ngớ ngẩn vậy?. “Tại sao cô không nói chuyện với cô ấy. “Toni không muốn tôi làm vậy!”. “Toni có thường bảo cô phải hành động hoặc cư xử thế nào không?” “Toni là bạn của tôi”. Không phải việc của ông. “Tôi cũng muốn trở thành bạn cô, Alette: Hãy kể về bản thân cô đi. Cô sinh ra ở đâu?” “Ở Rolne” à! Cô có thích Rome không ai, Gilbert. Keller thấy nét mặt Ashley thay đổi, và nàng bắt đầu thổn thức. Tại sao? Bác sĩ Keller nhô người về phía trước, gọi khẽ. Không sao đâu, Cô sẽ tỉnh dậy ngay thôi, Ashley. Nàng mở mắt ra. Tôi đã nói chuyện với Toni và Alette. Họ la bạn của nhau. Tôi muốn tất cả các cô là bạn của nhau”. Khi Ashley ăn trưa một năm y tá vào phòng nàng và thấy một bức tranh phong cảnh viết trên sàn nhà. Anh ta ngẩn người ra một lát rồi nhặt nó liên, mang đến phòng bác sĩ Keller. Đang có một cuộc họp trong văn phòng bác sĩ Lewison. “Thế nào rồi, Gilbert?” Bác sĩ Keller trầm ngâm, “Tôi đã nói chuyện với cả hai khách thể. Người có ảnh hưởng lớn hơn là Toni. Cô ta có một lý lịch Anh song không kể gì về nó. Người kia, Alette, sinh ra ở Kome, và cũng không muốn kể về nó. Đó là điểm tôi phải tập trung vào, bởi có thể đó là nơi mà những chấn thương xẩy ra. Toni có vẻ hung hăng hơn. Alette thì nhậy cảm và hơi lãnh đạm. Cô ta thích vẽ nhưng lại sợ cái ý thích đó, sợ việc mình theo đuổi nó. Tôi phải tìm ra lý do vì sao”. “Vậy, theo anh nghĩ, thì Toni chi phối Alette?” “Đúng. Toni nắm quyền kiểm soát nhiều hơn. Ashley không nhận ra được sự tồn tại của Alette. Nhưng Toni và Alette biết nhau. Điều thú vị ở chỗ là Toni hát rất hay còn Alette là một tài năng hội họa”. Ông giơ lên bức tranh nhặt được trong phòng Ashley. “Tôi nghĩ tài năng của họ sẽ là chìa khóa cho chúng ta”. Cứ một tuần một lần Ashley nhận được thư của bố. Sau khi đọc chúng, nàng lại ngồi một mình trong phòng, không muốn trò chuyện với ai. “Đó là cầu nối duy nhất của cô ấy với gia đình”. Bác sĩ Keller nói với Otto Lewison, “Tôi nghĩ chúng làm tăng thêm khát vọng được bắt đầu cuộc sống mới của cô ấy. Tất cả mọi sự giúp đỡ dù nhỏ nhất, đều rất quý báu với Ashley”. Ashley đã dần quen với bầu không khí xung quanh. Các bệnh nhân ở đây có vẻ như được tự do, dù ở mỗi cửa và hành lang đều có người canh gác. Nhứng cánh cổng dẫn ra ngoài luôn bị khóa chặt Chi có một phòng giải trí để cho các bệnh nhân tụ tập xem ti vi, một phòng tập thể thao và một phòng ăn. Bệnh viện có đủ loại bệnh nhân: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Mỹ... Mọi biện pháp đều được thực hiện để giúp cho bệnh nhân cảm thấy cuộc sống có vẻ bình thường, song khi Ashley về đến phòng, cánh cửa bao giờ cũng bị khóa lại sau lưng nàng. “Đây không phải là bệnh viện”, Toni phàn nàn với Alette. “Đây đúng là một cái nhà tù khốn khiếp”. “Nhưng bác sĩ Keller nghĩ rằng ông ấy sẽ chữa khỏi cho Ashley. Đến lúc đó mình sẽ được ra khỏi đây”. “Đừng khờ như vậy, Alette. Cậu có thấy không? Cách duy nhất để chữa khỏi cho cô Cứt sắt là loại bỏ chúng ta, làm cho chúng tá biến mất. Nói cách khác là nếu cô Cứt sắt khỏi bệnh thì chúng ta sẽ phải chết. Dù sao thì tôi cũng không bao giờ để chuyện ấy xẩy ra”. “Vậy cậu định làm gì?” “Tôi sẽ tìm cách trốn ra khỏi đây”. Chương 24 Sáng hôm sau, một y tá nam dắt Ashley về phóng của nàng. Anh ta nói, “Hôm nay trông cô khác hẳn”. “Thật không, Bill?” “Ừ, cứ như một người khác vậy”. Toni dịu dàng nói, “Đó là tại anh đấy”. “Ý của cô là gì?”. “Anh đã làm cho tôi cảm thấy khác hẳn”. Nàng chạm vào tay và nhìn vào mắt anh ta; “Anh làm cho tôi cảm thấy rất tuyệt. “Thế à”. “Thật đấy. Trông anh rất gợi tình. Anh có biết không”. “Không”. “Thật mà Anh đã kết hôn chưa, Bill?” “Một lần”. “Vợ anh đúng là bị điên mới bỏ anh. Anh làm ở đây bao lâu rồi, Bill?” “Năm năm”. “Khá lâu đấy nhỉ. Có bao giờ anh cảm thấy muốn đi khỏi chỗ này không?” “Đôi khi.” Toni hạ giọng xuống. Anh biết đấy, tôi chẳng bị làm sao cả. Đồng ý là lúc mới vào đây tôi quả thật có chút vấn đề, nhưng tôi đã được bác sĩ Keller chữa khôi rồi. Tôi cũng muốn đi khỏi đã. Tôi tin là anh giúp được tôi. Hai chúng ta sẽ cùng nhau bỏ đi. Và chúng ta sẽ có những giây phút tuyệt vời bên nhau”. Anh ta nhìn nàng một lúc. “Tôi không biết phải nói sao nữa”. Có. Hãy xem xem, chuyện thật đơn giản. Tất cả những gì anh phải làm là mở cửa cho tôi, vào một đêm nào đó, khi tất cả đã ngủ say, và chúng ta sẽ cùng ra đi”. Nàng nhìn anh và khẽ nói thêm, giọng thì thầm. “Chuyện này có lợi cho anh đấy”. Anh gật đầu. “Để tôi suy nghĩ đã”. Anh cứ nghĩ kỹ đi”, Toni nói một cách tin tưởng. Khi Toni trở về phòng, nàng nói với Alette, “Chúng ta sắp thoát khỏi chỗ này rồi. Sáng hôm sau, Ashley được đưa lên văn phòng bác sĩ Keller, “Chào Ashley”. “Chào Gilbert”. “Hôm nay chúng ta sẽ thử dùng phương pháp Sodium Amytal. Cô đã bao giờ thử nó chưa?” “Chưa”. “Vậy thì cô sẽ thấy nó cũng dễ chịu thôi”. Ashley gật đầu. “Được. Tôi sẵn sàng rồi”. Năm, phút sau, bác sĩ Keller đã nói chuyện với Toni. “Chào Toni”. “Chào ông bịp bợm”. “Cô ở đây có thoải mái không?” “Ông hỏi nực cười quá. Nói thật nhé, tôi bắt đầu thích chỗ này rồi đấy. Tôi thấy như ở nhà ấy”. “Vậy tại sao cô lại muốn trốn đi?” Giọng Toni đanh lại. “Cái gì?” “Bill nói với tôi rằng cô yêu cầu anh ta giúp cô trốn khỏi đây”. Thằng khốn nạn. Giọng Toni trở nên giận dữ. Nàng nhẩy khỏi ghế, chạy đến bên ban, chộp lấy cái chặn giấy và ném vào mặt bác sĩ Keller. Ông né được. “Tao giết mày, và giết cả nó nữa”. Bác sĩ Keller tóm lấy cô. “Toni...” Ông nhìn thấy sự thay đổi tiền mặt Ashley. Toni đã đi khỏi. Ông nhận la tim mình đang đập mạnh. “Ashley !” Khi Ashley tỉnh dậy nàng mở mắt ra, nhìn xung quanh và bối rối. “Mọi việc vẫn ổn chứ?” “Toni vừa tấn công tôi. Cô ấy rất giận dữ vì bị tôi phát hiện việc cô ấy định bỏ trốn”. “Tôi… Tôi xin lỗi. Tôi cũng cảm giác được vừa có chuyện gì tồi tệ xẩy ra...” Không sao đâu. Tôi muốn để cô, Alette và Toni gặp nhau thôi. “Không”. “Tại sao lại không?” “Tôi sợ. Tôi... tôi không muốn gặp họ. Ông có hiểu không? Họ không có thật. Họ chỉ là sự tưởng tượng của tôi mà thôi”.. “Sớm hay muộn gì cô cũng phải gặp họ, Ashley. Cô phải biết rõ hai người kia. Đó là cách duy nhất để chữa khỏi cho cô”. Ashley đứng lên. “Tôi muốn về phòng”. Còn lại một mình, Ashley đứng nhìn theo người gác đi ra. Trong nàng tràn đầy cảm giác thất vọng. Nàng nghĩ, Mình sẽ không bao giờ được ra khỏi đây. Họ đang lừa dối mình. Họ không chữa nổi. căn bệnh của mình. Nàng không thể nào đối diện được với sự thật là có hai nhân cách nữa đang tồn tại trong nàng... Bởi vì chúng mà nhiều người đã bị giết hại. Tại sao lại là tôi, hả Trời? Nàng bật khóc. Tôi đã xúc phạm gì đến Người? Nàng ngồi xuống giường và nghĩ tiếp. Mình không thể tiếp tục được nữa. Chỉ có một cách để kết thúc mà thôi. Mình phải làm ngay. Ashley sục sạo, lục lọi căn phòng nhỏ, hòng tìm kiếm một vật gì khả dĩ thực hiện được ý định tự tử. Chẳng còn gì cả. Căn phòng dường như trống trơn, hoàn toàn vô dụng đối với những ai có ý định đó. Chợt Ashley nhìn thấy bức tranh cùng với vải và bút vẽ. Cái bút làm bằng gỗ. Ashley bẻ đôi nó ra, tạo thành hai đầu lởm chởm sắc nhọn. Tư từ, nàng đặt nó vào cổ tay. Nàng cứa một nhát rất mạnh và sâu vào tĩnh mạch. Máu bắt đầu tuôn ra. Ashley lại đặt chỗ đầu sát lên cổ tay bên kia và cũng làm như vậy. Nàng lặng lẽ đứng nhìn máu nhỏ giọt xuống tấm thảm. Rồi nâng bắt đầu thấy lạnh. Nàng ngả xuống sàn nhà, nằm cuộn tròn lại. Căn phòng vụt tối sầm đi. * * * * * Bác sĩ Gilbert Keller choáng váng khi nhận tin Ashley tự vẫn. Ông lai đến phòng cấp cứu. Hai cổ tay nàng đã được băng bó lại. Nhìn nàng mệt mỏi nằm đó, bác sĩ Keller nghĩ, Mình đã sơ ý. Mình chủ quan quá. Mình không thể để chuyện này tái diễn được. “Chúng tôi suýt nữa thì mất cô”, ông nói Ashley cố gắng mỉm cười. “Tôi xin lỗi. Nhưng mọi việc dường như... có vẻ tuyệt vọng quá”. Đó chính là ý nghĩ sai lầm của cô”. Bác sĩ Keller trấn an nàng. “Cô có muốn được giúp đỡ không, Ashley?” “Có” Vậy thì cô phải tin tôi. Cô phải hợp tác với tôi. Tôi không thể làm chuyện này một mình được. “Cô thấy thế nào? Ashley im lặng một lúc lâu. “Ông muốn tôi làm gì?” “Đầu tiên, tôi muốn cô hứa sẽ không bào giờ làm chuyện dại dột như vậy nữa”. “Vâng! Tôi hứa”. “Tôi sẽ bảo Toni và Alette cũng phải hứa như cô. Bây giờ tôi giúp cô ngủ nhé”. Vài phút sau, bác sĩ Keller đã nói chuyện với Toni. “Con mụ ích kỷ đó định giết tất cả chúng tôi. Mụ ta chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Ông hiểu ý tôi chứ?” “Toni…” “Được tôi không có ý đó Tôi...” “Cô có thể yên lặng và nghe tôi nói không” “Tôi nghe đây”. “Tôi muốn cô hứa sẽ không bao giờ làm hại Ashley nữa”. “Tại sao tôi lại phải hứa chứ?” Để tôi nói cho cô biết. Bởi vì cô là một phần của Ashley. Cô được sinh ra từ nỗi đau của cô ấy. Tôi không biết cô đã trải qua những chuyện gì Toni, nhưng tôi biết, nó hẳn là rất khủng khiếp. Nhưng cô phải hiểu rằng Ashley cũng phải trải qua những chuyện đó, hệt như cô vậy. Và Alette thì cũng được sinh ra với cùng một lý do như cô. Cả ba người các cô có rất nhiều điểm chung. Các cô phải giúp nhau chứ không phải là ghét bỏ nhau. Cô có thể hứa không?” Im lặng. “Toni?” Tôi nghĩ là được”. Nàng trả lời một cách miễn cưỡng. “Cảm ơn. Bây giờ cô có muốn kể về nước Anh không?” “Không”. “Alette, cô có ở đây không?” “Có” Thế ông nghĩ là tôi ở đâu hả, đồ ngu?” “Tôi muốn cô cũng hứa như Toni. Không bao giờ làm hại Ashley”. Đó là người duy nhất ôn quan tâm, phải không? Ashley, Ashley, Ashley. Thế còn chúng tôi thì sao?”. “Alette?” “Được Nhiều tháng đã trôi qua song vẫn không có tín hiệu khả quan nào cả. Bác sĩ Keller ngồi ở bàn làm việc, lục lọi trong đầu óc và trên giấy tờ, xem có sai sót, nhầm lẫn ở chỗ nào không. Ông phụ trách điều trị cho nửa tá bệnh nhân nhưng ông nhận ra rằng Ashley là người mà ông quan tâm nhất. Có một vực thẳm lớn ngăn cách giữa sự ngây thơ trong trắng với những mưu toan đen tối không ngừng nhăm nhe chiếm đoạt cuộc sống của nàng. Mỗi lần nói chuyện với Ashley, trong lòng ông lại trào lên mạnh mẽ cái ham muốn được bảo vệ, che chở cho nàng. Đối với mình cô ấy như một đứa con gái vậy, ông nghĩ. Mình đang bao biện đấy ư? Mình đã yêu cô ấy rồi. Bác sĩ Keller nói với bác sĩ Otto Lewison. “Tôi gặp rắc rối rồi, Otto”. “Tôi tưởng những rắc rối chỉ dành cho bệnh nhân của chúng ta?” “Chuyện này chỉ liên quan đến một trong các bệnh nhân, Ashley Patterson” “Ồ” “Tôi nhận ra rằng mình... mình đã bị cô ấy quyến rũ”. “Sự thể đâm ra ngược lại sao?” “Vâng”. “Nếu như vậy có thể sẽ rất nguy hiểm với cả hai người đấy, Gilbert”. “Tôi biết”. “Ồ, miễn là cậu nhận thức được chuyện đó... Hãy cẩn thận”. “Tôi cũng định như vậy”. Tháng 11 Sáng nay mình đã trao cho Ashley một cuốn sổ ghi nhớ. “Tôi muốn cô, Toni và Alette sẽ cùng sử dụng nó, Ashley. Cô có thể giữ nó trong phòng. Mỗi khi một ai đó trong các cô muốn trao đổi gì thì cứ viết nó ra đây, thay vì phải gặp tôi.” “Được Gilbert.” Một tháng sau, bác sĩ Keller ghi vào nhật ký. Tháng 12 Việc điều trị vẫn dậm chân tại chỗ. Toni và Alette vẫn từ chối kể chuyện quá khứ. Việc thuyết phục Ashley thôi miên càng lúc càng khó khăn hơn. Tháng 3 Cuốn sổ đó vẫn trống trơn. Mình không tìm ra nổi sự kháng cự mãnh liệt nhất là ở Toni hay ở chính Ashley. Khi mình thôi miên Ashley, Toni và Alette chỉ xuất hiện có chốc lát. Họ vẫn không chịu nói gì về quá khứ. Tháng 6 Mình gặp Ashley thường xuyên hơn nhưng vẫn không có tiến triển gì. Cuốn sổ vẫn không được ai động tới. Mình đã cho Alette bộ đồ vẽ. Mình hy vọng nếu Alette chịu cầm bút vẽ điều kỳ diệu có thể sẽ xuất hiện. Tháng 7 Có cái gì đó đã xảy ra, nhưng mình không biết chắc chắn nó có phải là tín hiệu tốt không. Alette vẽ một bức tranh rất đẹp về toàn cảnh khu bệnh viện. Khi thấy mình khen bức tranh, Alette tỏ ra rất vui. Nhưng đến chiều thì bức tranh đã bị xé thành nhiều mảnh. * * * * * Bác sĩ Keller và Otto Lewlson ngồi uống cà phê với nhau. “Tôi nghĩ là tôi sẽ phải dùng thử liệu pháp nhóm,” bác sĩ Keller nói. “Không còn biện pháp hữu hiệu nào khác nữa.” “Anh hiện phải chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân?” “Không nhiều hơn nửa tá. Tôi muốn Ashley tiếp xúc với những người khác. Tử khi vào đây cô ấy vẫn sống một mình trong một thế giới. Tôi muốn để cô ấy thử phá vỡ nó xem sao?” “Ý kiến hay. Rất đáng thử xem.” Bác sĩ Keller dẫn Ashley vào một phòng họp nhỏ. Trong phòng đã có sáu người. “Tôi muốn cô gặp vài người bạn,” bác sĩ Keller nói. Ông dẫn Ashley đến giới thiệu với từng người nhưng nàng tỏ ra quá e dè, đến mức lạnh nhạt. Mỗi cái tên do bác sĩ Keller đọc lên lập tức bị xóa đi bởi cái biệt hiệu kèm theo vang lên trong nàng. Đó là Bà Béo, Ông Nhiều Xương, Bà Hói, Ông Què, Bà Trung Quốc và Ông Lịch Sự. Trông họ đều đầy vẻ thân mật. “Mời cô ngồi.” Bà Hói nói, “Cô dùng cà phê chứ?” Ashley ngồi xuống. “Cảm ơn.” “Chúng tôi đã nghe nhiều về cô. Ông Lịch Sự nói. “Cô đã trải qua nhiều chuyện không vui phải không?” Ashley gật đầu. Ông Nhiều Xương lên tiếng. “Chúng tôi đều cũng đã trải qua rất nhiều chuyện và chúng tôi đều sẵn sàng để được bác sĩ Keller giúp đỡ. Nơi này rất tuyệt.” “Ở đây có những bác sĩ giỏi nhất thế giới,” Bà Trung Hoa nói. Tất cả đều có vẻ bình thường, Ashley nghĩ. Bác sĩ Keller ngồi bên, ghi lại toàn bộ. Hơn nửa tiếng sau ông đứng dậy. “Đến giờ phải đi rời, Ashley.” Nàng đứng ngay lên. “Rất vui được gặp tất cả các vị”. Ông Què đứng lên theo nàng, thì thầm, “Nhớ đừng uống nước ở đây. Bị bỏ độc đấy. Họ muốn giết chúng ta để nhận tiền của Nhà nước.” Ashley nuốt nước bọt. “Cảm ơn. Tôi sẽ nhớ.” Khi Ashley và bác sĩ Keller ra ngoài hành lang, nàng hỏi. “Họ bị bệnh gì vậy?” “Hoang tưởng, tâm thần phân liệt, MPD, rối loạn có xu hướng ép buộc. Nhưng, Ashley, từ ngày vào đây chữa trị đến nay, bệnh tình của họ đã thuyên giảm rõ rệt Cô có muốn thường xuyên gặp họ không?” “Không.” Bác sĩ Keller bước vào văn phòng Otto Lewison. “Không đạt được gì cả,” ông thú nhận. “Liệu pháp nhóm không có hiệu quả, còn thôi miên thì không phải lúc nào cũng được. Tôi muốn thứ theo cách khác.” “Cách gì?” “Tôi muốn đưa Ashley đi ăn tối ở bên ngoài.” “Tôi không nghĩ đó là một ý kiến hay, Giiberti, E rằng sẽ xảy ra nguy hiểm. Có ấy sẵn sàng...” “Tôi biết. Hiện tôi đang là kẻ thù của cô ấy. Và tôi muốn trở thành bạn.” “Khách thể Toni đã một lần định giết anh. Nếu cô ta định lặp lại hành động đó thì sao?” “Tôi sẽ đề phòng.” Bác sĩ Lewison nghĩ một lát: “Được. Anh có muốn ai. đi cùng không?” “Không. Tôi sẽ không sao đâu, Otto.” “Anh định khi nào bắt đầu?” “Tối nay.” “Ông muốn dẫn tôi ra ngoài ăn tối à?”. “Tôi nghĩ như vậy sẽ tết hơn cho cô về nhiều mặt, Ashley. Ý cô thế nào?” “Đồng ý.” Ashley ngạc nhiên khi thấy mình quá đỗi phấn khích trước cái tin sẽ được ra ngoài ăn tối cùng Gilbert Kẹller. Ra khỏi đây cả một buổi tối thì thích thật, Ashley nghĩ. Nhưng nàng biết chính là cái ý nghĩ được đi cùng Gilbert Keller mới thực sự khiến nàng hồi hộp và vui vẻ đến vậy. Họ ăn tối tại nhà hàng NhậtOtaniGardens, cách bệnh viện năm dặm. Bác sĩ Keller biết mình đang làm chuyện mạo hiểm. Toni và Alette có thể thay thế Ashley bất kỳ lúc nào. Ông luôn phải cảnh giác. Quan trọng hơn là sao cho Ashley tin rằng mình có thể giúp được cho cô ấy. “Thật vui quá Gilbert,” Ashley nhìn quanh nhà hàng đông đúc, nói, Cái gì cơ? “Những người ở đây trông cũng chẳng khác gì những người trong bệnh viện.” “Không hoàn toàn khác nhau đâu, Ashley. Tôi tin chắc rằng tất cả bọn họ cũng đều có vấn đề. Khác biệt duy nhất là những người trong bệnh viện không thể chung sống cùng những người ở đây được, nên chúng tôi phải tách họ ra đề giúp đờ họ trở về với cộng đồng”. “Tôi cũng không hề biết mình có vấn đề, cho đến khi ông biết rồi đấy.” Cô có biết tại sao không, Ashley? Bởi vì cô đã cố che giấu chúng. Cô không dám đối diện với những vấn đề của mình nên đành phải xây một hàng rào trong đầu và nhắm mắt ném những gì cô coi là tồi tệ qua đó. Có rất nhiều người khác cũng làm như cô.” Ông đột ngột thay đổi chủ đề. “Món cá nướng thế nào?” “Ngon lắm, cảm ơn.” Kể từ đó, mỗi tuần một lần bác sĩ Keller và Ashley lại cùng nhau ra ngoài dùng bữa. Họ ăn trưa tại nhà hàng Italia nhỏ tên là Banducci và ăn tối tại The Palm, Eveleenes và The Gumbo Pot. Cả Toni và Alette đều không lần nào xuất hiện. Một tối, bác sĩ Keller đưa Ashley đi nhẩy. Đó là một hộp đêm nhỏ với ban nhạc tuyệt vời. “Cô có thích không?” Ông hỏi. “Rất thích. Cảm ơn.” Nàng nhìn ông và nói. Ông không giống những bác sĩ khác.” “Họ không khiêu vũ à?” “Ông biết ý tôi muốn nói gì mà.” Ống ôm nàng chặt hơn và họ đều cảm nhận được sự gấp rút của thời gian. “Chuyện này sẽ nguy hiểm vớt cả hai người đấy, Gllbert...”. Chương 25 Tôi biết ông đang định làm cái quái gì rồi, ông bịp bợm ạ ông muốn làm cho Ashley nghĩ rằng ông là bạn của cô ta. “Tôi là bạn của Ashley, Alette, và của cô nữa, Toni.”. “Không. Ông không phải. Ông nghĩ rằng cô ta rất tốt đẹp còn tôi thì chẳng là cái chó chết gì cả.” Cô sai rồi. Tôi tôn trọng cô và Alette cũng như tôi tôn trọng Ashley vậy. Đối với tôi, tất cả các cô đều quan trọng như nhau. “Thật không?” “Thật Toni, khi tôi nói cô có giọng hát tuyệt vời tôi cũng nói thật. Cô có chơi được nhạc cụ nào không?” “Piano.” “Nếu tôi thu xếp cho cô sử dụng chiếc piano trong phòng giải trí, liệu cô có thấy thích không?” “Có thể.” Giọng nàng nghe hớn hở. Bác sĩ Keller mỉm cười. “Tôi rất vui khi giúp được cô chuyện đó. Cô có thể dùng nó.” “Cảm ơn.” Bác sĩ Keller đã thu xếp cho Toni mỗi buổi chiều được một mình vào phòng giải tới một giờ. Đầu tiên, cửa phòng bị đóng lại, những khi các bệnh nhân nghe được tiếng nhạc và tiếng hát vọng tới, họ bèn nhẹ nhàng mở ra để nghe được rõ hơn. Và Toni đã nhanh chóng trở thành nguồn vui của rất nhiều bệnh nhân ở đây. Bác sĩ Keller đang kiểm tra ghi chép của mình cùng bác sĩ Lewison. Lewison hỏi, “Thế còn nhân cách kia, Alette?” “Tôi đã sắp xếp cho cô ấy vẽ ở trong vườn vào mỗi buổi chiều. Chắc chắn sẽ có nhiều người đến xem đấy. Tôi nghĩ đây sẽ là một phương pháp hữu hiệu.” Nhưng Alette đã từ chối. Bác sĩ Keller hỏi, “Sao cô không sử dụng bộ đồ vẽ mà tôi đã tặng? Bỏ chúng đi thì phí quá. Cô quả thật có tài mà.” Làm sao ông biết? “Cô có thích hội họa không?” “Có.” “Vậy tại sao cô lại không vẽ?” “Vì tôi vẽ không đẹp.” Đừng quấy rầy tôi nữa. “Ai bảo cô thế?” “Mẹ... mẹ tôi.” “Chúng ta chưa bao giờ nói tới mẹ cô. Cô có muốn kể cho tôi nghe về bà không?” “Chẳng có gì để kể cả.”. “Bà qua đời vì tai nạn, phải không?” Nàng im lặng một lúc lâu. “Đúng. Bà ấy chết vì tai nạn.” Ngày hôm sau, Alette bắt đầu vẽ. Nàng rất thích ở ngoài vườn cùng giá vẽ và cây cọ. Khi vẽ, nàng có thể quên hết mọi chuyện xung quanh. Một số bệnh nhân đến xem nàng vẽ. Giọng nói của họ rất có nhiều màu sắc khác nhau. “Tranh của cô nên đưa vào nhà trưng bầy mới phải.” Màu đen. “Cô vẽ đẹp. lắm.” Màu vàng. “Cô học vẽ ở đâu vậy?” Màu đen. “Cô có thể vẽ hình tôi không?” Màu da cam. “Ước gì tôi vẽ đẹp được như cô.” Màu đen. Nàng luôn cảm thấy tiếc nuối khi đến giờ phải quay về căn phòng của mình nằm trong tòa nhà lớn. * * * * * “Tôi muốn cô gặp một người Ashley. Đây là Lisa Garrett.” Bà ta tuổi khoảng ngũ tuần, bé nhỏ và có vẻ vật vờ “Hôm nay Lisa được xuất viện.” Bà ta cười rạng rỡ. “Tuyệt quá phải không? “Tôi đã nợ bác sĩ Keller rồi.” Glibert Keller nhìn Ashiey, nói. “Lisa bị MPD và có đến 30 khách thể.” “Đúng vậy. Và tất cả bọn họ cùng đã biến mất.” Bác sĩ Keller nhấn mạnh. “Bà ấy là bệnh nhân MPD thứ ba xuất viện trong năn nay.” Trong lòng Ashley trào lên niềm hy vọng. Alette nói, “Bác sĩ Keller rất tốt bụng. Ông ta có vẻ thật sự thích chúng ta.” “Cậu ngốc lắm,” Toni nhạo báng. “Cậu có biết cái gì sẽ xảy ra không. Mình đã bảo rồi. Ông ta giả thích chúng ta để khiến chúng ta làm những gì ông ta muốn. Thế cậu có biết ông ta muốn gì không? Ông ta muốn gọi hai chúng ta ra, sau đó thuyết phục Ashley rằng cô ta chẳng cần gì đến chúng ta nữa. Rồi cậu có muốn biết sau đó là gì không? Cậu và mình sẽ chết. Bộ cậu muốn thế lắm sao? Tớ thì không.” “Ở, không...” Alette lưỡng lự nói. “Nghe mình dì. Chúng ta sẽ tiếp tục chơi ú tim với ông bác sĩ, hãy cho ông ta tin rằng chúng ta thật sự muốn hợp tác. Không vội vã gì cả. Rồi chúng ta sẽ xỏ mũi ông ta. Và mình xin hứa rằng một ngày nào đó chúng mình sẽ cùng thoát khỏi nơi đây.” “Cứ làm theo những gì cậu nói đi, Toni.” Tốt. Vậy thì cứ để lão bịp bợm kia nghĩ rằng công việc của hắn đang tiến triển tốt.” Thêm một bức thư nữa của David. Kèm vào đó là bức ảnh một em bé. Bức thư viết? Ashley thân, tôi hy vọng rằng việc điều trị sẽ giúp cho sức khỏe và tinh thần của cô ngày một khá hơn về phía tôi, mọi việc vẫn ổn. Kèm theo đây là hình ảnh đứa con lên hai tuổi của chúng tôi, Jeffrey. Nó vẫn lớn nhanh và có lẽ chẳng mấy chốc là đến lúc nó phải lập gia đình. Không có tin tức gì mới cả. Tôi chỉ muốn cô biết rằng chúng tôi vẫn đang nhớ tới cô. Sandra nhờ tôi gửi đến cô tấm lòng yêu mến. David Ashley ngắm nhìn bức ảnh. Nó là một em bé dễ thương, nàng nghĩ. Hy vọng là nó có một cuộc sống hạnh phúc. Nàng đi ăn trưa và khi quay lại, bức ảnh đã bị xé vụn thành nhiều mảnh. Ngày 15-6 Bệnh nhân Ashley Patterson. Phương pháp điều trị. Sứ dụng Sodium Amytal. Khách thể, Alette Peters. “Hãy kể về Rome đi, Alette.” Đó là thành phố đẹp nhất thế giới. Ở đấy có vô số bảo tàng tuyệt vời. Tôi thường đến thăm các bảo tàng đó.” Ông thì biết gì về bảo tàng? “Và cơ muốn trở thành họa sĩ?” “Đúng.” Thế ông còn nghĩ tôi muốn trở thành cái gì nữa, lính cứu hỏa à? “Cô có học vẽ không?” Không.” Sao ông không đi mà làm phiền người khác nhỉ? “Tại sao lại không? VI những gì mẹ cô nói à?” “Ồ không. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi không đủ khả năng.” Toni đuổi ông ấy đi đi! “Hồi đó, có lần nào cô bị tổn thương tinh thần không? Cô điều gì ti tệ xảy ra mà cô vẫn còn nhớ được không?” “Không. Tôi sống rất hạnh phúc.” Toni! Ngày 15-8, 9 giờ. Bệnh nhân là Ashley Patterson. Phương pháp điều trị. Thôi miên. Khách thể, Toni Prescott. “Cô có muốn kể về London không, Toni?” “Có Tôi đã có. một quăng thời gian vui vẻ ở đó London la một thành phố văn minh. Nơi ấy có rất nhiều việc để làm.” “Cô có gặp rắc rối gì không?” “Rắc rồi? Không. Tôi sống rất hạnh phúc ở London.” Cô không thể nhớ được chuyện gì tồi tệ đã xảy ra sao? “Dĩ nhiên là không. Ông định làm gì với nó, hả đồ bịp bợm. Mỗi lần như vậy đều gợi lại những ký ức cho Ashley. Trong giấc ngủ, nàng thường mơ thấy mình đang làm việc tại Công ty Global Graphics Shane Miller cũng ở đó. Và anh ta đang khen ngợi những công việc mà nàng đã hoàn thành. “Chúng tôi không thể tiếp tục mà thiếu cô được, Ashley. Chúng tôi sẽ giữ cô lại đây mãi mãi.” Sau đó là cảnh nhà tù, Shane Miller nói; “Tôi không muốn đâu, nhưng trong hoàn cảnh này, công ty buộc phải sa thải cô. Công ty không thể dính dáng vào những vụ như thế này được. Cô có hiểu không? Không hề có vấn đề gì riêng tư đâu.” Sáng hôm sau, khi Ashley thức dậy, gối nàng ướt đẫm nước mắt. Việc điều trị khiến cho Alette cảm thấy buồn. Nó làm nàng nhớ Rome biết bao. Nhờ cả những giây phút hạnh phúc bên Richard Melton. Nhẽ ra chúng ta đã được sống hạnh phúc bên nhau, nhưng giờ thì quá muộn rồi. Quá muộn. Toni ghét việc điều trị vì nó chỉ mang lại cho nàng những ký ức tồi tệ mà thôi. Tất cả những gì nàng đã làm để bảo vệ Ashley và Alette. Nhưng có ai hoan nghênh nàng không? Không. Nàng chỉ khiến người ta quay lưng lại, như thể nàng là một tội phạm vậy. Nhưng mình phải ra khỏi đây, Toni thầm hứa. Mình sẽ ra khỏi đây. Những tờ lịch cứ lần lượt được gở xuống và thêm một năm nữa lại trôi qua. Bác sĩ Keller cáng ngày càng tỏ ra thất vọng. “Tôi vừa đọc xong báo cáo mới nhất của anh,” Bác sĩ Lewison nói với Gilbert Keller. “Anh có nghĩ rằng phương pháp chữa trị của mình thực sự có thiếu sót, hay là họ đang đùa giỡn với chúng ta? Họ đang đùa giỡn, Otto. Có vẻ như họ thừa biết tôi đình làm gì và họ tìm cách chống trả. “Tôi nghĩ là Ashley thật sự muốn ủng hộ tôi nhưng hai khách thể kia không cho. Thường là chúng ta có thể khống chế được họ bằng biện pháp thôi miên, nhưng Toni quá mạnh. Cô ta hoàn toàn làm chủ và cô ta tỏ ra rất nguy hiểm.” “Nguy hiểm ư?” “Đúng. Ông hãy hình dung sự căm thù của cô ta lớn đến mức nào để có thể giết chết rồi hủy hoại thân thể tới năm người đàn ông.” Quãng thời gian còn lại của năm đó cũng không có gì khá hơn. Bác sĩ Keller đạt thêm nhiều thành công với các bệnh nhân khác của mình, nhưng với Ashley, người mà ông quan tâm nhất, lại không tiến triển được gì ông cảm giác rằng Toni đang rất vui thích được đùa giỡn với ông. Rồi sau đó, thật bất ngờ, một đốm sáng đã xuất hiện. Nó đtực bắt đầu tù một bức thư của bác sĩ Patterson. Mồng 5 tháng Sáu. Ashley con, Bố đang trên đường tới New York lo công việc và rất được ghé thăm con, Bố sẽ gọi cho bác sĩ Lewison, và nếu ông ấy không phản đối bố sẽ đến chỗ con vào ngày 5, có thể sớm hoặc muộn hơn một chút. Yêu con nhiều. Bố * * * * * Ba tuần sau, bác sĩ Patterson đến bệnh viện cùng một phụ nữ nom hấp dần, tóc đen, ngoài 40 tuổi và đứa con gái ba tuổi, Katrina. Họ được dẫn đến phòng của bác sĩ Lewison. Ông đứng lên khi họ bước vào. “Bác sĩ Patterson, rất mừng được gặp ông.” “Cảm ơn. Đây là cô Victoria Ani ston và con gái Katrina.” “Chào cô Aniston, chào Katrina.” “Tôi đưa họ đến thăm Ashley.” “Tuyệt. Cô ấy đang ở chỗ bác sĩ Keller, nhưng không lâu nữa đâu.” Bác sĩ Patterson hỏi, “Tình trạng Ashley thế nào rồi?” Otto Lewison lưỡng lự. “Liệu tòi có thể gặp riêng ông vài phút không?” “Được” Bác sĩ Patterson quay sang Victoria và Katrina, “Hình như ngoài kia có khu vườn đẹp lắm. Hai mẹ con em ra đấy chờ anh rồi chúng ta sẽ cùng đến gặp Ashley.” Victoria Aniston mỉm cười. “Vâng.” Bà nhìn Otto Lewison. “Rất hân hạnh được gặp ông, thưa bác sĩ.” “Cảm ơn cô Aniston.” Bác sĩ Patterson nhìn hai người bước ra ngoài. Ông quay sang Otto LewiBon. “Có vấn đề gì sao?” “Để tôi cho ông biết, bác sĩ Patterson. Chúng tôi không thu được nhiều kết quả như mong đợi. Ashley nói rằng mình cần được giúp đỡ, nhưng cô ấy lại không chịu hợp tác với chúng tôi. Thực tế là cô ấy đang chống lại việc điều trị.” Bác sĩ Patterson bối rối nhìn Otto Lewison. “Tại sao?” “Chuyện này cũng không có gì lạ. Ỏ một vài giai đoạn, bệnh nhân bị MPD rất sợ phải gặp các khách thể của mình: Họ không chịu đựng được cái ý nghĩ là có những kẻ khác đang sống trong tâm hồn và thể xác họ và lại còn có thể thay thế họ. Ông thử tưởng tượng xem chuyện đó đáng sợ đến mức nào. Bác sĩ Patterson gật đầu. “Đúng vậy.” “Chúng tôi đang đau đầu về trường hợp của Ashley đã Thông thường là những khách thể đó xuất hiện khi bệnh nhân bị xâm phạm hay quấy rồi từ khi còn rất nhỏ. Nhưng với Ashley, chúng tôi lại không có được đầy đủ hồ sơ nên không thể biết được tại sao lại có những chấn thương đó và nó đã bắt đầu như thế nào?” Bác sĩ Patterson yên lặng một hồi lâu. Giọng ông nặng nề hẳn đi khi ông nói, “Tôi có thể giúp các ông,” Ông hít một hơi thở sâu. “Tôi vẫn luôn tự trách mình.” Otto Lewison chăm chú lắm nghe. “Chuyện xảy ra vào năm Ashley lên sáu tuổi. Tôi có việc phá sang Anh quốc. Vợ tôi không cùng đi được. Tôi dẫn Ashley theo. Bên đó, vợ tôi có một ông anh họ, tên là John. Tôi đâu biết rằng John không bình thường về mặt tinh thần, tâm lý. Thỉnh thoảng tôi phải đi giảng bài v="3 vẫn nhờ John trông nom Ashley. Một ngày kia, khi tôi về nhà, vào buổi chiều, John đã bỏ đi. Còn Ashley thì đang trong cơn hoảng loạn. Phải mất rất nhiều thời gian mới làm nó bình tĩnh lại được. Sau đây, nó không cho ai lại gần, trở nên rụt rè và dễ sợ hãi. Một tuần sau đó, John bị bắt về tội xâm phạm tình dục trẻ em hàng loạt.” Gương mặt bác sĩ Patterson đầy đau khổ. “Tôi không thể tha thứ cho mình. Và từ đó trở đi, tôi không bao giờ để Ashley ở lại một mình với bât kỳ ai nữa.” Họ cùng chợt im lặng. Rồi Otto Lewison lên tiếng. “Tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng tôi nghĩ rằng ông đã cho chúng tôi câu trả lời mà chúng tôi đang mong đợi, bác sĩ patterson. Bây giờ thì bác sĩ Keller đã có hướng cụ thể để tiến hành chữa trị cho Ashley rồi. “Với tôi nhắc lại chuyện này chỉ thêm đau lòng thôi.” “Tôi hiểu.” Ottu lewison nhìn đồng hô. “Có lẽ Asĩlley đã xong rồi đấy. Ông nên ra vườn cùng mẹ con cô Aniston và tôi sẻ đưa Ashley la đó.” Bác sĩ Patterson đứng dậy. “Cảm ơn.” Otto Lewison nhin theo bác sĩ Patterson ra khỏi phòng. Ông không thể chờ lâu hơn nếu để báo cho Keller biết mình vừa đã thu lượm được những gì. * * * * * Victoria Aniston và Katrina đang đợi ông. Anh đã gặp Ashley chưa?” Victoria hỏi. “Vài phút nữa họ sẽ đưa nó ra đây.” Bác sĩ Patterson trả lời. Ông nhìn quanh khoảng đất rộng rãi. “Chỗ này rất đáng yêu, phải không?” “Katrina chạy đến bên ông. Cháu muốn leo lên trời nữa cơ.” Ông mỉm cười. “Được. Rồi nhấc bổng đứa bé, ông tung nó lên không trung và đỡ lấy khi nó rơi xuống. “Cao nữa cơ ” Bám chặt này. Lên nhé” Ông lại ném đứa bé lên và khéo léo đỡ lấy trong tiếng cười như nắc nẻ của nó. “Nữa đi.” Lưng của bác sĩ Patterson hướng về phía toà nhà, va?thế ồng không thấy Ashley và bác sĩ Keller đang đi tới. “Cao lên.” Katrina gào to. Ashley đứng ở cửa, toàn thân lạnh toát. Nàng nhìn bố mình chơi đủa với con bé, và thời gian dường như vớ vụn ra. Mọi việc sau đó cứ tuần tự hiện lên trong nàng như một khu phim quay chậm. Đó cũng là một bé gái đang được tung lên cao...“Cao lên, bố ơi!” “Bám chặt này. Lên nhé.” Rồi sau đó bé gái được ném lên giường… Một giọng nói vang lên, “Con sẽ thích…” Hình một người đàn ông nằm trên giừơng đằng sau bé gái. Bé gái la lên. “Dừng lại. Không, không.” Ngườt đàn ông vẫn ở trong bóng tối. Ông ta ôm chặt đứa bé và vuốt ve nó. “Có phải dễ chịu lắm không?” Bỗng nhiên bóng tối vụt tan biến. vâ Ashley nhận ra khuôn mặt người đàn ông, Đó là bố nàng. Nhìn ông đang chơi đùa cùng đứa bé trong vườn Ashley thét lên từng tràng và không tài nào dừng lại được. Bác sĩ Patterson, Victoria Aniston và Katrina cùng quay lại, nhìn nàng chằm chằm. Bác sĩ Keller nói nhanh. Tôi thành thật xin lỗi. “Hôm nay quả là một ngày tồi tệ. Các vị có thể quay lại vào một lần khác được không?” Rồi ông dắt Ashley vào trong. Họ đưa nàng vào phòng cấp cứu. “Nhịp tim Ashley tăng cao đột ngột,” bác sĩ Keller nói. “Cô ấy đang trong tình trạng cuồng loạn.” Ông đến gần nàng và nói. “Ashley, cô không có gì phải sợ cả. Cô an toàn rồi. Không ai làm hại cô được nữa. Hãy nghe giọng nói của tôi và thư giãn... thư giãn... thư giãn...”. Nửa giờ sau, “Ashley, cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Cái gì đã làm cô nổi giận và sợ hãi.” “Bố và... em bé gái...” font size="3" face=""Times New Roman"">“Họ làm sao.” Đó là Toni trả lời. “Cô ta không thể đối diện với quá khứ. Cô ta sợ Bố sẽ làm chuyện đó với đứa bé gái, như đã từng làm với cô ta.” Bác sĩ Keller nhìn nàng chăm chú. “Ông ta... ông ta đã làm gì Ashley?” Chuyện ấy xảy ra ở London. Đứa bé gái nằm trên giường. Ông ta nằm xuống cạnh và nói, Bố sẽ làm cho con thấy rất hạnh phuc con ngoan, và cứ nói khiến nó cười to. Rồi sau đó... ông ta cởi váy ngủ của nó ra, bắt đầu đùa với nó. “Tay của bố tuyệt không?” Ashley la lên. Dừng lại. Đưng làm thê. “ Nhưng ông ta không dừng lại. Ông ta ôm chặt hun và cứ tiếp thế tiếp tục... Bác sĩ Keller hỏi, “Đó là lần đầu tiên hả, Toni?” “Phải.” “Lúc đó Ashley bao nhiêu tuổi? “Sáu !” “Và đó là lúc cô ra đời?” “Đúng. Ashley quá sợ hãl để đối mặt với chuyện đó.”. “Sau đó còn chuyện gì xảy ra.” “Đêm nào ông ta cũng tìm đến giường Ashley. Cô bé không thể ngăn được ông bố. Khi họ về nhà, Ashley kể với mẹ những chuyện xảy ra, và bà đã mắng con gái là đồ điếm, đồ dối trá. Ashley rất sợ giấc ngủ trong đêm bởi cô bé biết ông bố sẽ mò vào nằm cùng, ông ta thường bắt cô bé vuốt ve để sau đó, ông ta tự thủ dâm. Rồi còn nói với Ashley, Đừng cho ai biết việc này nếu không bố sẽ không yêu con nữa. Cô bé đâu còn kể được cho ai? Bố và mẹ thì lúc nào cũng cãi nhau và Ashley nghĩ rằng đó là do lỗi của mình. Cô ta biết rằng mình đã làm chuyện gì đó có lỗi nhưng lại không biết đích xác nó là chuyện gì Mẹ Ashley rất ghét con gái.” “Chuyện này kéo dài trong bao lâu?” Bác sĩ Keller hỏi. “Khi tôi lên tám...” Toni nói thêm, như giải thích “tức là Ashiey 14 tuổi”. “Tiếp tục đi, Toni.” Gương mặt Ashley thay đổi, và bây giờ thì là Alette. Nàng nói tiếp. “Khi ông ta nhận công việc nghiên cứu tại bệnh viện Umberto Prime, chúng tôi cùng ông chuyển đến Rome.”. “Và đó là nơi, cô ra đời?” “Đúng. Ashley không thể chịu nổi những gì diễn ra đêm đó, vì thế tôi phải xuất hiện để bảo vệ cô ta.” “Chuyện gì đã xảy ra, Alette?” “Ông bố trần truồng đi vào phòng Ashley rồi luồn vào giường cô ta. Lần này thì ông ta cưỡng hiếp cô. Ashley la hét, giẫy giụa mọi cách nhưng vô ích. Sau đó, mặc cho Ashley van xin đừng tiếp tục, đêm nào ông ta cũng mò đên. Và ông ta luôn nói, “Đây là cách một người đàn ông biểu lộ tình yêu với một người đàn bà, và con là người đàn bà của bố và bố rất yêu con. Con không được kể chuyện này cho ai biết, nhớ chưa?” “Và Ashley đã không kể cho bất kỳ ai?” Ashley nức nở, nuớc mắt lăn dài trên hai gò má. Tất cả những gì Gilbert muốn làm là nắm lấy tay nàng, ôm nàng vào lòng, nói với nàng rằng ông yêu nàng và mọi việc từ nay sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng, dĩ nhiên, chuyện đó không thể. Mình là bác sĩ của cô ấy. Khi Keller trở về văn phòng Otto Lewison thì bác sĩ Patterson, Victoria Aniston và Katrina đã ra đi. Đây là những gì mà chúng ta đang mong đợi, Keller nói với Lewison. “Cuối cùng thì cũng có hướng đi rồi. Tôi đã biết Toni và Alette sinh ra khi nào và tại sao. Chúng ta hây chờ đón một sự thay đổi lớn, kể từ giờ phút này.” Bác sĩ Keller nói đúng. Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Chương 26 Tại lần thôi miên tiếp đó, khi Ashley đã hoàn toàn bị khống chế, bác sĩ Keller hỏi, “Ashley, kể cho tôi nghe về Jim Cleary?” Tôi yêu Jim. Chúng tôi dự định cùng nhau chạy trốn để sau đó sẽ kết hôn.,.” “Rồi…” “Tại đêm liên hoan tốt nghiệp, Jim hỏi tôi có đến nhà anh ấy được không, và tôi... tối nói không. Khi anh ấy đưa tôi về nhà, bố tôi đã đợi sẵn. Ông giận lắm. Ông đã đuổi Jim đi, bắt Jim phải tránh xa tôi ra.” “Sau đó thì sao?” “Tôi quyết định bỏ trốn cùng Jim. Tôi gói ghém đồ đạc và chạy đến nhà anh ấy. Nàng ngập ngừng. “Được nửa đường thì tôi đổi ý và quay về nhà. Tôi…” Gương mặt Ashley bắt đầu thay đổi. Nàng ngồi thoải mái hơn trong ghế, và đó là toni. “Cô ta đã làm cái gì nào? Cô ta đến nhà Jim, bác sĩ ạ.” Khi nàng đến nơi, căn nhà tối om. Người nhà Jim đã đi nghĩ cuối tuần hết rồi. Ashley bấm chuông cửa. Vài phút sau, Jim Cleary xuất hiện trong bộ đồ ngủ. “Ashley.” Anh ta nhe răng cười. “Rốt cuộc thì em đã đến.” Anh ta đẩy nàng vào trong. “Em đến vì…” “Anh không quan tâm tại sao em đến. Bây giờ em đã ở đây rồi.” Anh ta vòng tay và ôm hôn nàng. “Em uống chút gì không?” “Không. Nước lọc là đủ.” “Nàng bỗng trở nên e dè.” “Được thôi. Vào đây.” Anh ta nắm tay và dẫn nàng vào bếp. Rót một ly nuớc cho nàng, anh ta đứng nhìn nàng uống cạn. “Trông em hồi hợp quá”. “V…âng” “Chẳng có gì hồi hộp cả. Người nhà anh không thể về vào lúc này đâu. Mình lên gác đi.” “Jim, em nghĩ là mình không nên”. Anh ta vòng ra đằng phía sau nàng, bàn tay đã lần tới ngực nàng. Nàng quay lại. “Jim…” Môi anh ta đã đè vào môi nàng, và anh ta buộc nàng phải dựa lưng vào thành bếp. “Anh sẽ làm cho anh hạnh phúc, em yêu.” Đó là giọng của bố nàng. “Bố sẽ làm cho con thấy rất hạnh phúc, con ngoan.” Người nàng cứng lại. Nàng thấy anh ta đang cởi quần áo của nàng ra và đang đi vào nàng ngay khi nàng còn đứng đó, trần truồng. Và anh ta rên lên khe khẽ. Cơn giận giữ bắt đầu xâm chiếm nàng. Nàng trông thấy con dao làm bếp to được cắm hờ trên giá gỗ. Nàng bắt đầu chem. Vào ngực anh ta, mồm la lên, “Dừng lại, bố…Dừng lại…dừng lại…dừng lại…” Nàng nhìn xuống, Jim đã nằm gục trên sàn, máu chảy lên láng trên người. “Đồ cầm thú,” nàng hét lên. “Mày sẽ không còn làm thế với tao được nữa. Nàng ngồi xuống và cắm phập con dao vào bộ phận sinh dục của anh ta. * * * * * Sáu giờ sang hôm sau, Ashley ra ga xe lửa đợi Jim. Chẳng có tín hiệu gì của anh ta cả. Nàng bắt đầu thấy lo. Chuyện gì đã xảy ra. Ashley nghe thấy tiếng còi tàu ở phía xa. Nàng nhìn đồng hồ. Bảy giờ đúng. Con tàu đang từ từ chuyển bánh. Ashley đứng lên và tuyệt vọng nhìn quanh. Một cái gì đó thật tồi tệ xảy ra với anh ấy. Vài phút sau, nàng đứng nhìn theo con tàu khuất bong sân ga, chở theo cả giấc mo của nàng trong đó. Nàng cố đợi thêm nữa giờ và sau cùng, lặng lẽ lê gót về nhà. Trưa hôm đó, hai bố con Ashley đáp máy bay tới London. Cuộc thôi miên kết thúc. Bác sĩ Keller đếm, “…4…5…Cô tỉnh dậy nhé.” Ashley mở mắt to. “Chuyện gì xảy ra vậy?” “Toni vừa kể cho tôi nghe cô ấy đã giết Jim Cleary như thế nào. Anh ta đã tấn công cô trước.” Mặt Ashley trắng bệch. “Tôi muốn về phòng.” Bác sĩ Keller thong báo với Otto Lewison. “Chúng ta đang thật sự bắt đầu tiến về phía trước, Otto. Chúng ta đã đi đúng hướng, mặc dù Ashley vẫn còn e ngại việc đối diện với sự thật.” Bác sĩ Lewison nói, “Cô ta thật sự không hay biết vụ án đó diễn ra như thế nào ư?” “Hoàn toàn không. Làm sao cô ta biết được. Là do Toni làm kia mà.” Hai ngày sau. “Cô có thấy thoải mái không, Ashley?” “Có,” Giọng nàng nghe xa vắng. “Tôi muốn cô kể về Dennis Tibble. Anh ta là bạn cô à?” “Dennis và tôi làm cùng một công ty. Chúng tôi cũng không hẳn là bạn.” “Phía cảnh sát nói rằng họ tìm thấy dấu tay của cô ở nhà Dennis Tibble” “Đúng vậy. Tôi đến đó vì muốn anh ta giúp một việc.” “Và cái gì đã xảy ra?” “Chúng tôi nói chuyện vài phút rồi anh ta cho tôi uống một ly rượu có bỏ thuốc bên trong.” “Tiếp theo, cô nhớ dược gì nữa?” “Tôi…tôi tỉnh dậy ở Chicago.” Đó là Toni. “Ông có muốn biết chuyện gì đã thật sự xảy ra không…?” Dennis Tibble cầm chai rượu lên, nói với giọng đểu cáng. “Vui vẻ tí nhé. “Hắn ta kéo nàng về phòng ngủ. “Dennis, tôi không muốn…” Nhưng rồi nàng cũng bị hắn kéo đi. Và hắn hối hả cởi quần áo nàng ra. “Anh biết em muốn gì mà, em cưng. Em muốn được làm tình với anh chứ gì. Đó mới là lý do em đến đây.” Nàng cố gắng chống cự. “Dừng lại, Dennis!” “Chỉ khi nào anh cho em cái mà em đang cần. Em nhất định sẽ thích nó đấy.” Hắn đẩy nàng xuống giường, khóa chặt lấy nàng, tay lần xuống háng nàng. Vang lên giọng bố nàng. “Con nhất định sẽ thích nó đấy.” Và hắn cố nhét cái đó vào người nàng, liên tục, liên tục. Nàng khẽ la lên, không, bố, dừng lại!” Và sau đó là một cơn giận dữ xâm chiếm. Nàng nhìn thấy chai rượu. Nàng với lấy nó, đập vào cạnh nàng rồi đâm lấy mũi, những cạnh sắc nhọn vào lưng hắn. Hắn gào lên và ngồi dậy nhưng đã bị nàng ôm chặt lấy trong khi vẫn không ngừng đâm cái chai vỡ vào hắn. Nàng nhìn hắn từ từ lăn xuống. “Dừng lại, “ nàng thút thít khóc. “Anh hứa là không bao giờ làm như thế nữa chứ? Vâng, vâng chắc chăn là vậy”. Nàng nhặt một mảnh vỡ lên và lần tới gần hắn. * * * * * Bác sĩ keller để cho những khoảnh khắc im lặng trôi qua. “Sau đó thì cô làm gì, Toni?” “Tôi quyết định chuồn khỏi đó trước khi cảnh sát tới. Tôi phải chấp nhận rằng mình rất đẹp và khêu gợi. Tôi muốn xa lánh cuộc sống buồn tẻ của Ashley một thời gian, và tôi bèn đến chơi với một người bạn ở Chicago. Thật không may là anh ta đi vắng nên tôi đã đi mua sắm, vào vài quán bar và vui chơi tí chút ở đó.” “Tiếp theo nữa?” “Tôi thuê khách sạn để ngủ. “Nàng nhún vai. “Từ đó trở đi là phần của Ashley.” Nàng từ từ tỉnh dậy, lờ mờ hiểu rằng đã có chuyện gì xảy ra nghiêm trọng. Cảnh vật bồng bềnh trước mắt như ẩn hiện trong làn sương khói mờ ảo, chỉ thấy hình thù mà chẳng thây góc cạnh. Cố sức mở to mắt ra, Ashley nhìn quanh căn phòng và bắt đầu hoảng sợ. Nàng đang nằm trên giường, trần truồng, trong một căn phòng khách sạn rẻ tiền. Nàng hoàn toàn không biết khi nào và bằng cách nào mình lại đến được chỗ này. Nàng gượng ngồi dậy, đầu nhức như búa bổ. Nàng ra khỏi giường, chui vào phòng tắm và mở vòi sen. Nàng để cho dòng nước rửa sạch thân thể, tẩy đi những gì tồi tệ, bẩn thỉu đã bôi trát lên đó. Liệu gã có làm nàng mang bầu không nhỉ? Ý nghĩ về việc có con với gã làm nàng thấy ghê tởm. Ashley tắt vòi hoa sen, lau khô người, ra khỏi phòng tắm và mở cánh cửa của chiếc tủ kê ở góc phòng. Quần áo của nàng không có trong đó. Chỉ thấy một chiếc áo mini bằng da màu đen, một cái áo nịt rẻ tiền và một đôi giày cao gót. Ashley nhăn nhó khi phải mặc những tứ đó vào người, nhưng nàng đã hết đường chọn lựa. nàng nhắm mắt mà mặc, sau đó ti hí mắt nhìn trong gương. Trông thật xứng danh bọn gái đứng đường. “Bố,con…” “Có chuyện gì thế?” “Con đang ở Chicago và…” “Thế con làm gì ở đó vậy?” “Kể ra thì dài dòng lắm. Hiện giờ con cần một vé máy bay đi San Jose nhưng lại không còn một xu dính túi. Bố giúp con với.” “Dĩ nhiên. chờ máy nhé… Có chuyến bay số 407 của Hàng không Quốc gia cất cánh từ sân bay O’Hare lúc 10 giờ 40 sáng. Bố đã đặt vé cho con rồi, cứ đến chỗ đăng ký vé ở sân bay mà lấy…” “Alette, nghe thấy tôi nói không, Alette?” “Tôi đây, bác sĩ Keller.” “Tôi muốn cô kể về Richard Melton. Anh ta là bạn cô, phải không?” “Đúng. Anh ấy rất tốt…tuyệt vời. Tôi đã yêu anh ấy.” “Thế anh ta có yêu cô không?” “Tôi nghĩ là có. Anh ấy là họa sĩ. Chúng tôi hay cùng nhau vào bảo tàng. Ở bên Richard, tôi cảm thấy rất vui vẻ. Tôi nghĩ rằng nếu anh ấy không chết thì chúng tôi nhất định sẽ lấy nhau.” “Hãy kể về lần gặp gỡ cuối cùng đi”. “Khi ra đến cổng bảo tàng, Richard bảo tôi, tối nay bọn tôi có buổi liên hoan nhỏ. Vậy sao em không ghé qua chỗ anh nhỉ? Anh có vài bức tranh đến cho em xem.” “Chưa được, Richard.” “Tùy em thôi. Gặp em cuối tuần sau nhé.” “Vâng” “Tôi lái xe đi,” Alette nói. “Và đó là lần cuối cùng tôi…” Bác sĩ Keller nhìn gương mặt nàng bất chợt thay đổi và ông biết đó là Toni. “Alette thì nghĩ vậy, “Toni, “nhưng sự thật đâu phải vậy.” “Vậy thì cái gì đã xảy ra?” Bác sĩ Keller hỏi. Nàng đến nhà Richard ở trường Fell. Căn nhà xoàng xĩnh nhưng những bức tranh cuảa Richard đã làm cho nó trở nên đẹp đẽ hơn. “Tranh của anh làm căn phòng trở nên sống động hẳn lên, Richard.” “Cảm ơn, Allette.” Anh ta nắm tay nàng. “Anh muốn được làm tình với em. Em đẹp quá.” “Con đẹp quá,” Bố nàng cũng nói thế. Và người nàng cứng lại. Bởi vì nàng biết những diều tồi tệ tiếp theo sắp xảy ra. Nàng nằm trên giường, mường tượng cảnh ông ta gắng sức đi vào trong nàng, xé nàng ra thành từng mảnh. Và nàng la lên, “Không! Dừng lại, bố! Dừng lại!” Và rồi cũng là một cơn giận dữ trào dâng. Nàng không biết tại sao mình lại có con dao trong tay, nhưng nàng đã chém. Liên tiếp vào người anh ta, và mồm vẫn không thôi quát lên, “Tôi bảo ông dừng lại! Dừng lại!” Ashley quằn quại trên ghế, la hét thất thanh. “Ổn rồi, Ashley.” Bác sĩ Keller nói. “Cô đã an toàn rồi. Cô sẽ tỉnh dậy khi tôi đếm đến 5.” Ashley mở bừng mắt, vẫn còn run rẩy. “Mọi việc đều ổn thỏa chứ ?” “Toni vừa kể về Richard Melton. Anh ta đã làm tình với cô. Cô nghĩ đó là bố mình, nên đã...” Nàng bịt chặt tai lại. “Tôi không muốn nghe thêm nữa.” Bác sĩ Keller đến gặp Otto Lewisow. “Tôi nghĩ chúng ta đã thật sự đi đúng hướng. Đây quả là một nỗi đau khó vượt qua với Ashley, nhưng cũng sắp ổn rồi. Chỉ còn có hai vụ nữa thôi.” “Và sau đó?” “Tôi sẽ đưa Ashley, Toni và Alette ra gặp nhau.” Chương 27 “Toni, Toni, có nghe tôi nói không?” Bác sĩ Keller nhìn dáng vẻ của Ashley đang thay đổi. “Tôi nghe ông đây, bác sĩ.” “Mình nói chuyện về Jean Ciaude Pareảt nhé.” “Lẽ ra tôi đã phải biết anh ta là hạng người như thế nào.” “Ý của cô là gì ?” “Lúc đầu, anh ta tỏ ra vô cùng lịch sự: Ngày nào anh ta cũng đưa tôi đi chơi và chúng tôi thật sự đã có một quãng thời gian vui vẻ bên nhau. Nhưng tôi không ngờ anh ta cũng lại giống như bọn đàn ông khác. Tất cả những anh ta muốn chỉ là chuyện lên giường mà thôi.”, “Tôi hiểu.” “Anh ta tặng tôi một chiếc nhẫn rất đẹp, và tôi đoán là anh ta nghĩ như vậy là đủ sở hữu tôi. Tôi đã theo về nhà anh ta...” Đó là một căn nhà hai tầng xây bằng gạch đỏ trong có bầy biện rất nhiều đồ cổ. “Dễ thương quá.” “Có một thứ đặc biệt anh muốn cho em xem, trong phòng ngủ của anh ở tầng hai. “Rồi anh ta dẫn nàng lên, còn nàng thì không có cách gì cưỡng lại nổi. Họ vào phòng ngủ và anh ta nắm lấy tay nàng, khẽ thì thầm, “Cởi đồ đi em”. “Em không muốn...” “Có, em muốn. Cả hai chúng ta đều muốn.” Anh ta nhanh chóng lột quần áo nàng ra, đặt nàng lên giường và đè lên người nàng. Nàng rên rỉ, “Đừng ! Xin đừng, bố !”. Nhưng anh ta chẳng thèm để ý. Anh ta tiếp tục ở trong nàng cho đến khi hết cơn rên rỉ mới chịu dừng lại. “Em tuyệt lắm,” anh ta nói. Một ý nghĩ điên cuồng xé tung đầu óc nàng lên. Nàng cầm con dao rọc giấy để trên bàn và cắm sâu vào người anh ta. “Mày sẽ không còn làm thế với ai được nữa.”. Nàng lần xuống háng anh ta. Cuối cùng, nàng vào toa lét tắm rửa, mặc lại quần áo và trở về khách sạn. “Ashiey...” Gương mặt nàng thay đổi trở lại. “Tỉnh dậy đi.” Ashley từ từ mở mắt ra. Nàng nhìn bác sĩ Keller và hỏi, “Lại Tom nữa à ?” “Đúng. Cô ấy gặp Jean Claude trên mạng Internet. Ashley, khi cô ở Quebec, có phải có những lúc cô cảm thấy như bị mất đi ý niệm về thời gian, tức là tự nhiên cô thấy mình như đang ở vài giờ hoặc vài ngày sau đó, và cô hoàn toàn không biết cái quãng thời gian bị mất ấy đã trôi qua như thế nào ?” Nàng gật đầu. “Đúng. Chuyện này... chuyện này xảy ra nhiều lần rồi.” “Đó là những lúc Toni thay thế cô.” “Và cũng là khi... khi cô ấy... ?” “Đúng vậy.” Vài tháng tiếp theo không có sự kiện gì đặc biệt xảy ra. Mỗi buổi chiều bác sĩ Keller đều nghe Toni đàn hát, và ông cũng hay xem Alette vẽ tranh trong vườn. Còn một vụ án nữa, nhưng ông muốn Ashley được có thời gian thoải mái trước khi nhắc đến nó. Đã năm năm trôi qua kể từ ngày đầu nàng đặt chân đến đây. Cô ấy đã hầu như khỏi rồi, bác sĩ Keller nghĩ. Một buổi sáng thứ hai, ông cho đưa Ashley lên văn phòng của mình. Trông nàng nhợt nhạt như thể đã biết trước những điều khủng khiếp sắp phải đối mặt. “Chào buổi sáng, Ashley.” “Chào buổi sáng, Gilbert.” “Cô cảm thấy thế nào ?” “Hồi hộp. Đây là vụ cuối cùng phải không ?” “Phải. Mình sẽ nói chuyện về đồn phó Sam Blake. Ông ta đã làm gì trong nhà cô ?” “Là tôi yêu cầu ông ấy đến. Có kẻ đã viết lên tấmgương trong phòng tắm của tôi “MÀY PHẢI CHẾT”. Tôi không biết phải làm gì cả. Tôi thực sự nghĩ rằng ai đó đang muốn giết tôi. Tôi gọi cho cảnh sát và đồn phó Blake đã đến. Ông ấy là người rất đáng mến.” “Cô có bảo ông ta ở lại với cô không ?” “Có Tôi rất sợ phải ở một mình. Ông ấy nói là sẽ ở lại đêm đó rồi sáng hôm sau sẽ cho người bảo vệ tôi 24/24. Tôi đề nghị ông ấy nằm trong phòng ngủ còn tôi sẽ ở ngoài đi văng nhưng ông ấy không chịu, đòi làm ngược lại. Tôi nhớ là ông ấy đã kiểm tra cửa sổ và khóa cửa ra vào bằng hai lần khóa. Khẩu súng của ông ấy để trên bàn. Tôi chúc ông ấy ngủ ngon rồi về phòng và đóng cửa lại.” “Rồi chuyện gì xảy ra tiếp theo ?” “Tôi... Điêu tiếp theo tôi nhớ là tôi bị đánh thức dậy bởi tiếng la hét ở ngõ sau. Sau đó ông đồn trưởng đến và nói với tôi rằng Blake đã bị giết” Nàng dừng lại, mặt tái đi. “Được. Tôi sẽ làm cho cô ngủ bây giờ đây. Thư giãn... Nhắm mắt lại và thư giãn...” Mười phút sau, bác sĩ Keller gọi, “Toni...” “Tôi đây. Ông muốn biết chuyện gì đã thật sự xảy ra phải không ? Ashley đúng là dại dột mới mời Sam ở lại trong nhà. Lẽ ra tối nên cho cô ta biết những gì hắn tà sẽ làm sau đó.” Nghe thấy tiếng khóc trong phòng ngủ, ông ta nhanh nhẹn vùng dậy, cầm lấy khẩu súng, hướng về phía cửa phòng, lắng nghe. Im lặng. Chắc là chỉ do ông tưởng tượng ra. Khi vừa quay đi ông ta lại nghe tiếng khóc cất lên. Ông ta khẽ đẩy cửa ra, súng lăm lăm trong tay. Ashley đang ngủ trên giường, trần trưồng. Chính là nàng đã tạo ra những tiếng khóc, tiếng rên khe khẽ. Ông ta tiến đến bên giường. Dáng nằm co ro khiến cho nàng trông càng hấp dẫn hơn. Nàng lại khẽ rên rỉ, có lẽ là đang gặp ác mộng. Ông muốn ôm nàng vào lòng, chỉ để trấn an nàng. Ông nằm xuống cạnh nàng và khẽ kéo nàng về phía mình, cảm thấy hơi âm tử cơ thể nàng tỏa ra và tự nhiên thấy ngọn lửa dục tình bừng cháy. Nàng bị đánh thức bởi giọng nói của ông ta. Mọi việc ổn cả rồi. Cô đã an toàn. Và môi ông ta đè lên môi nàng, tay ông ta kéo rộng hai chân nàng ra rồi đi vào trong nàng. Và nàng thét lên, “Không, bố ơi !” Ông ta cứ động nhanh hơn và nhanh hơn, còn nàng thì chỉ còn nghĩ đến chuyện phải trả thù. Nàng cầm con dao ở bàn trang điểm bên cạnh giường và đâm liên tiếp vào người ông ta. * * * * * “Thế sau khi giết ông ta, cô làm gì ?” “Bọc xác ông ta bằng tấm khăn trải giường rồi lôi ông ta vào thang máy,. lôi qua ga ra, tới ngõ đằng sau nhà...” “…và sau đó,” bác sĩ Keller kể cho Ashiey, “Toni bọc xác ông ta bằng tấm khăn trải giường rồi lôi ông ta vào thang máy, lôi qua ga ra, tới ngõ đằng sau nhà.” Ashiey ngồi đó, mặt trắng bệch. “Cô ta là con... Tôi là con quái vật.” Gilbert Keller nói. “Không, Ashley, cô phải nhớ rằng Toni được sinh ra từ nỗi đau của cô, để bảo vệ cô. Alette cũng vậy. Chuyện này đã đến lúc kết thúc. Tôi muốn cô gặp gỡ họ. Đó là bước tiếp theo để giúp cho cô bình phục hẳn.” Ashley nhắm chặt mắt lại. “Được. Khi nào chúng ta... làm việc đó ?” “Sáng mai.” Ashley đã hoàn toàn trong tình trạng bị thôi miên. Bác sĩ Keller bắt đầu với Toni. “Toni, tôi muốn cô và Alette nói chuyện với Ashley.” “Cái gì khiến ông dám nghĩ là cô ta sẽ điều khiển được chúng tôi ?” “Tôi nghĩ là cô ấy làm được.” “Được, bác sĩ. Tùy ông thôi.” “Alette, cô đã sẵn sàng gặp Ashley chưa ?” “Nếu Toni nói được thì được.” “Tốt, Alette. Đến giờ rồi đó.” Bác sĩ Keller hít một hơi thở sâu và nói, “Ashley, tôi muốn cô chào Toni.” Im lặng một lúc lâu. Rồi có tiếng lí nhí, “Chào Toni...” “Chào.” “Ashley, chào Alette đi.” “Chào Alette...” “Chào Ashley...” Bác sĩ Keller thở ra một hơi nhẹ nhõm. “Tôi muốn các cô biết nhau. Các cô đều đã trải qua những nỗi đau giống nhau. Chúng đã chia các cô ra từ một thực thể duy nhất. Nhưng sự phân chia đó không còn lý do để tồn tại nữa. Các cô sẽ cùng nhập vào để trở thành một con người hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Đây là một quá trình khó khăn và lâu dài, nhưng các cô đã dũng cảm vượt qua rồi đó. Tôi hứa danh dự với các cô rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.” Kể từ lúc đó, công việc điều trị cho Ashley tiến triển rất tốt. Ngày nào nàng cũng nói chuyện với hai khách thể của mình. “Tôi phải bảo vệ cô, “ Toni giải thích. “Cứ mỗi lần giết một người, tôi lại nghĩ rằng mình đang giết Bô vì những gì ông ấy đã đối xử với cô.” “Tôi cũng cố gắng bảo vệ cô.” Alette nói. “Tôi... tôi cảm ơn các bạn. Tôi biết ơn cả hai bạn.” Ashley quay sang bác sĩ Keiier, nói một cách hài hước, “Đó, tất cả đó chỉ là tôi phải không ?” “Đúng ra là tôi đang độc thoại phải không ?” “Cô đang nói chuyện với hai phần kia của cô,” ông dịu dàng chữa lại. “Đã đến lúc tất cả các cô hợp lại thành một rồi đấy.” Ashiey nhìn ông và mỉm cười. “Tôi đã sẵn sàng.” Chiều hôm đó, Keiier đến gặp Otto Lewison. Bác sĩ Lewisow nói, “Tôi chờ một báo cáo tốt đẹp đây, Keller.” Bác sĩ Keller gật đầu: “Ashley hồi phục nhanh kỳ lạ. Chỉ vài tháng nữa thôi là cô ấy sẽ khỏe hẳn và có thể xuất viện được.” “Đúng là một tin tốt. Chúc mừng anh.” Mình sẽ nhớ cô ấy, bác sĩ Keller nghĩ. Mình sẽ nhớ cô ấy biết bao. “Bác sĩ Salem chờ ông ở đường dây số 2, ông Singer.” “Cảm ơn.” David cầm ống nghe lên, hơi bối rối. Tại sao bác sĩ Salem lại gọi điện đến ? Họ đã không gặp nhiều năm rồi. “Royce ?” “Chào David. Tôi có vài tin tức thú vị cho cậu đây Về Ashley Patterson.” David bỗng cảm thấy lo lắng. “Chuyển gì đó, bác sĩ Salem ?” “Cậu có nhớ chúng ta đã cực khổ thế nào để tìm ra nguyên nhân căn bệnh của cô ấy không, và chúng ta đã thất bại ?” David quên sao nổi. Đó chính là điểm yếu trong vụ án của Ashley. “Có.” “Tôi mới có câu trả lời. Bạn tôi, bác sĩ Lewison, người đứng đầu Bệnh viện Tâm thần Connecticut, vừa gọi điện cho tôi. Vướng mắc chính là ở bác sĩ Steven Patterson. Ông ta là kẻ xâm phạm Ashley tử khi cô ấy còn nhỏ.” Đavid hoài nghi hỏi lại, “Ai cơ ?” “Bác sĩ Lewison cũng mới biết thôi.” David ngồi nghe bác sĩ Salem kể mà đầu óc thì phiêu diêu tận đâu đâu. Anh nhờ lại những lời. của bác sĩ Patterson. “Cậu là người duy nhất tôi tin tưởng, David. Con gái tôi là tất cả đối với tôi. Và cậu sẽ là người cứu vớt nó... Tôi muốn cậu bào chữa cho Ashiey, và tôi không chấp nhận người nào khác...” Rồi David chợt nhận ra tại sao ông ta khăng khăng bắt anh một mình bào chữa cho Ashley. Bởi ông ta tin rằng nếu việc làm xấu xa của mình có bị khám phá thì cũng sẽ được anh bảo vệ. Bác sĩ Patterson phải lựa chọn giữa con gái và danh tiếng, và ông ta đã không ngần ngại từ bỏ con gái mình. Đồ khốn nạn. “Cám ơn Royce !” * * * * * Chiều hôm đó, khi Ashley đi ngang qua phòng giải trí, nàng trông thấy tờ Tin tức Westports mà ai đó đã bỏ quên ở đó. Trên trang nhất tờ báo là bức ảnh bố nàng cùng Victoria Aniston và Katrina. Đoạn đầu bài báo viết, “Bác sĩ Patterson sắp kết hôn vớt Victona Aniston, một phụ nữ rất nổi tiếng trong giới thượng lưu, đã có một con gái ba tuổi với người chồng trước. Bác sĩ Patterson sắp chuyển về làm việc tại Bệnh viện St.John ở Manhattan, ông và vợ chưa cưới đã mua một ngôi nhà ở Long Island...” Ashley dừng lại. Mặt nàng méo mó đi như đang đeo một lớp mặt nạ đa người vậy. “Tao sẽ giết thằng khốn đó,” Toni gào lên. “Tao sẽ giết nó.” Nàng đã hoàn toàn mất tụ chủ. Họ phải đưa nàng vào phòng đặc biệt, khóa tay, khóa chân nàng lại. Khi các y tá đưa đồ ăn đến, nàng còn định tấn công họ, khiến không ai dám đến quá gần nàng. Toni đã hoàn toàn thay thế Ashley. Khi thấy bác sĩ Keller, nàng gào lên. “Thả tao ra ngay, bọn khốn nạn! Ngay!” “Chúng tôi sẽ thả cô ra,” bác sĩ Keller dịu dàng nói, “nhưng đầu tiên cô phải bình tĩnh đã.” “Tao rất bình tĩnh,” Toni quát lên. “Thả tao ra!” Bác sĩ Keller ngồi xuống bên cạnh nàng và nói, “Toni, khi cô thấy bức ảnh của bố mình, cô nói rằng sẽ đánh cho ông ta một trận, và...” “Ông sai rồi! Tôi nói là tôi sẽ giết hắn.” “Giết chóc thế là đủ rồi. Cô không còn muốn đâm ai nữa đâu.” “Tôi sẽ không chỉ đâm hắn đâu. Ông có biết axit clohidric không ? Nó có thể ăn thủng mọi thứ, nhất là da thịt con người. Hãy đợi đến khi tôi” “Tôi không muốn nghe những chuyện như thế nữa.” “Ông nói đúng. Phóng hỏa! Phóng hỏa sẽ tốt hơn. Hắn sẽ không phải chờ đến lúc bị lửa đất dưới âm phủ đâu. Tôi có thể làm chuyện đó và họ sẽ chẳng bao giờ tóm được tôi nếu...” “Toni, quên những chuyện đó đi.” “Được. Để tôi nghĩ thêm vài cách khác chu toàn hơn.” Ông nhìn nàng một lúc, cau mày. “Tại sao cô lại giận dữ như vậy ?” “Ông không biết à ? Thế cũng đòi là một bác sĩ xuất sắc ư ? Hắn sắp cưới một người phụ nữ có đứa con gái lên ba. Chuyện gì sẽ xảy ra với đứa bé đó, hả ngài Bác Sĩ Nổi Tiếng ? Để tôi cho ngài biết. Đó là những gì hắn đã từng làm với chúng tôi. Tôi phải ngăn chặn chuyện này lại !” “Tôi hy vọng chúng ta sẽ quên hết những thù hận đó.” “Thù hận ? Ông có muốn nghe kể về thù hận không ?” Trời mưa như trút nước, những giọt mưa quất ràn rạt trên nóc chiếc xe đang chạy hết tốc độ. Đứ bé nhìn bà mẹ đang ngồi sau tay lái, chăm chú quan sát đoạn đường phía trước, và cười vui vẻ. Nó cất tiếng hát : Xung quanh bụi dâu. Con khỉ đuổi... Mẹ nó quay sang, quát. “Im ngay. Tao đã bảo mày biết là tao ghét bài hát này rồi mà. Mày làm cho tao phát điên lên rồi đấy, các thứ đồ con:..” Sau đó mọi chuyện diễn ra như một khúc phim quay chậm. Đoạn cua phía trước, chiếc xe bị trượt trên đường, gốc cây. Đứa bé gái văng ra khỏi xe. Nó bị va đập, nhưng không đau đớn gì. Nó từ từ đứng lên. Và nó nghe tiếng tiếng kêu của người mẹ đang mắc kẹt trong xe. “Giúp tôi ra khỏi đây. Giúp tôi ! Giúp tôi!” Nó cứ đứng nhìn cho tới khi chiếc xe nổ tung. “Thù hận ? Ông còn muốn nghe nữa không ?” Waiter Manning nói, “Mọi ngườt nên biết chuyện này. Con gái tôi là hòa sĩ chuyên nghiệp chứ không phải là dân nghiệp dư. Nó đã vẽ bức tranh vớt tất cả tình cảm của mình. Chúng ta không thể không chọn nó... Chúng ta phải nhất trí vớt nhau. Hoặc là bức tranh của con gái tôi hoặc là không gì cả.” Nàng dừng xe ở lề đường, vẫn để cho máy nổ. Nàng nhìn Walter Manning băng qua phố, hướng về phía ga ra, nơi ông ta cất xe. Nàng cài số và nhấn ga, ở khoảnh khắc cuối cùng, Walter Manning mới nghe thấy âm thanh của chiếc xe đang rồ đến và ông ta giật mình quay lại Nàng còn kịp thấy nét mặt rúm ró của nạn nhân khi chiếc xe tông thẳng vào và hất tung ông ta lên cao. Nàng vẫn tiếp tục cho xe chạy. Không có nhân chứng nào cả. Chúa đã đứng về phía nàng. “Đó là thù hận, bác sĩ ạ ? Đó mới thực sự là thù hận.” Gilbert Keiler ngồi nghe Toni kể lại, thật sự kinh hoàng trước sự cuồng tín tàn nhẫn đó. Ông hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn còn lại trong ngày. Ông chỉ muốn được một mình yên tĩnh mà thôi. Sáng hôm sau khi bác sĩ Keller bước vào phòng đặc biệt, Aiette đã thay thế cho Toni. Nàng có vẻ nóng nảy. “Tại sao ông lại đối xử với tôi như vậy, bác sĩ Keller?” Alette hỏi. “Hãy thả tôi ra đi.” “Tôi sẽ thả cô.” Bác sĩ Keller trấn tĩnh nàng. “Kể về Toni cho tôi nghe đi. Cô ấy đã nói gì với cô ?” “Cô ấy nói chúng tôi phải trốn khỏi đây và giết chết Bố.” Đến lượt Toni. “Chào bác sĩ. Chúng tôi đã ổn cả rồi. Tại sao ông còn chưa cho chúng tôi đi ?” Bác sĩ Keller nhìn vào mắt Toni. Trong đó chỉ có hình ảnh của một sát thủ máu lạnh mà thôi. Otto Lewison thở dài. “Tôi rất tiếc về những gì vừa xảy ra, Gilbert. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp” “Tôi có thể sẽ không bao giờ hiểu được Ashley.” “Tôi cho rằng điều này sẽ có nghĩa là công việc chữa trị lại phải bắt đầu từ đầu.” Bác sĩ Keller trầm ngâm. “Không hẳn thế đâu, Otto. Chúng ta đã đi đến được giai đoạn mà ba nhân cách đều đã biết và đã gặp nhau. Đây là một bước đột phá lớn. Bước tiếp theo chỉ là làm cho họ nhập lại thành một. Tôi phải bằng mọi giá hoàn thành việc này.” “Cái bài báo chó chết đó...” “Cũng thật may mắn cho chúng ta là Toni đã xem qua nó.” Otto Lewison ngạc nhiên nhìn sang. May mắn à ?” “Đúng. Bởi vì trong Toni còn dư một sự thù hận. Bây giờ chúng ta đã biết nó và chúng ta có thể khai thác nó. Tôi muốn làm một cuộc thí nghiệm. Nếu thành công thì mọi việc sẽ vẫn tốt đẹp, Nếu không...7871;ud. Ông dừng lại và nói thêm, khe khẽ, “... tôi nghĩ rằng Ashley sẽ phải kết thúc phần đời còn lại ở nơi này.” “Anh định làm gì ?” “Tôi nghĩ rằng với ông bố của Ashley thì việc gặp lại cô ấy sẽ chẳng hay ho gì, nhưng tôi muốn thuê một dịch vụ báo chí, chuyên gửi đến đây tất cả những bài báo có liên quan đến bác sĩ Patterson.” Otto Lewisosw chợp mắt. “Thế thì sao ?” “Tôi sẽ đưa tất cả cho Toni xem. Cho đến cuối cùng, tôi nghĩ, sự thù hận ấy cũng sẽ bị tiêu diệt. Bằng cách đó tôi có thể theo dõi và kiểm soát được nó.”. Năm ngày sau, Ashley đã hoàn toàn thay thế hai khách thể của mình. Khi bác sĩ Keller đi vào phòng đặc biệt, nàng lên tiếng. “Chào buổi sáng, Gilbert. Xin lỗi vì những chuyện đã xảy ra mới đây.” Bác sĩ Keller chào lại Ashley rồi ra hiệu cho người bảo vệ đến mở khóa chân và tay cho nàng. Ashley đứng lên, xoa xoa cổ tay. “Thật là khó chịu, “ nàng nói. Họ cùng nhau ra ngoài hành lang. “Toni rất giận dữ...” “Nhưng cô ấy sẽ sớm chấm dứt cơn giận thôi. Đây là kế hoạch của tôi...” Cứ mỗi tháng lại có ba hoặc bốn bài báo viết về bác sĩ Steven Patterson được gửi đến. Một bài viết : Thứ sáu tuần này bác sĩ Steven Patterson sẽ long trọng tổ chức hôn lễ cùng Victoria Aniston tại Long Isiand. Đông đủ bạn hữu của ông đã nhận lời đến dự..” Toni lại lên cơn kích động khi bác sĩ Keller cho nàng xem bài báo này. “Cuộc hôn nhân này sẽ không lâu bền đâu.” “Sao cô lại nói vậy, Toni ?” “Bởi vì Bố sẽ chết !” “Bác sĩ Patterson đã từ chức ở Bệnh viện St.John và sẽ về lãnh đạo khoa Tim thuộc Bệnh viện Giám lý Manhattan...”. “Thế là Bố tha hồ cư 905;ng hiếp trẻ con ở đó,” Toni gào lên. * * * * * “Bác sĩ Steven Patterson được nhận giải thưởng Lasker về những cống hiến của ông cho ngành y học và được khoản đãi ở Nhà Trắng... “ “Họ nên treo cổ Bố lên thì hơn !” Toni giận dữ nói. Giibert Keller nhận thấy Toni đọc không sót một dòng chữ nào viết về bác sĩ Patterson. Thời gian trôi qua, và phản ứng của Toni với các tin tức mới cũng dần dần giảm đi. Điều đó chứng tỏ lòng thù hận của nàng đã dần được bão hòa. Nàng chuyển từ căm thù sang giận dữ, và cuối cùng, lãnh đạm, thờ ơ... Một mẩu tin đăng ở mục địa ốc. “Bác sĩ Steven Patterson và vợ mớt cưới đã chuyển nhà đến Manhattan, nhưng họ đang có kế hoạch mua thêm một căn nhà nữa tại Hampton và sẽ nghỉ hè ở đó cùng con gái của họ, Katrina.” Toni bắt đầu nức nở. “Ông ấy có thể làm như vậy với chúng tôi sao ?” “Cô có cảm thấy rằng bé gái kia đã thay thế vị trí của cô không, Toni ?” “Tôi không biết. Tôi... tôi bối rối quá.” Một năm nữa trôi qua. Ashley được điều trị ba lần một tuần. Alette hầu như ngày nào cũng vẽ, còn Toni thì từ chối chơi đàn piano và hát. Vào dịp Giáng sinh, bác sĩ Kellel cho Toni xem một bài báo mới. Có cả ảnh của bác sĩ Steven Patterson cùng Victoria và Katrina. Nhan đề của bài báo là : GIA ĐÌNH PATTERSON ĐÓN GIÁNG SINH Ở HAMPTONS. Toni buồn bã nói, “Bố con tôi thường cùng nhau đón lễ Giáng sinh. Ông ấy luôn tặng tôi những món quà tuyệt vời.” Nàng nhìn bác sĩ Keller. “Ông ấy cũng không hoàn toàn xấu. Ngoại trừ ra - ông biết đấy - đó là một ông bố tốt. Tôi nghĩ là ông ấy thực lòng yêu con gái mình.” Đó là tín hiệu đầu tiên của bước đột phá tiếp theo. Một ngày kia, bác sĩ Keller đi ngang phòng giải trí, ông chợt nghe thấy tiếng piano và tiếng hát của Toni. Ngạc nhiên, ông bước vào trong và ngắm nhìn nàng. Nàng đang hoàn toàn thả hồn theo dòng nhạc. Ngay ngày hôm sau, bác sĩ Keller nói chuyện với Toni. “Bố cô đang ngày một già đi, Toni. Liệu cô sẽ có cảm nghỉ gì khi ông ấy qua đời ?” “Tôi... tôi không muốn ông ấy chết nữa. Tôi biết tôi đã nói ra nhiều điều ngu ngốc, nhưng tôi nói thế chỉ vì tôi rất giận ông ấy.” “Bây giờ cô đã hết giận chưa ?” Nàng ngẫm nghĩ giây lát. “Tôi không còn giận nữa. Tôi chỉ đau lòng thôi. Tôi nghĩ là ông nói đúng. Tôi đã cảm thấy được bé gái đó đang thế chỗ của tôi.” Nàng nhìn ông và nói, “Tôi đã lầm lẫn. Bố tôi có quyền tiếp tục cuộc sống của ông ấy và Ashley cũng có quyền tiếp tục cuộc sống của mình.” Bác sĩ Keller mỉm cười. Chúng ta đã trở về đúng đường.” Ba người họ đang tự do trò chuyện với nhau. Bác sĩ Keller lên tiếng, “Ashley, cô đã từng cần đến Toni và Alette vì cô không thể chịu đựng được nỗi đau. Giờ đây cô cảm thấy thế nào về bố mình?” Nàng chậm rãi đáp. “Tôi không bao giờ quên những gì ông ấy đã làm với tôi, nhưng tôi có thể tha thứ. Tôi muốn bỏ quá khứ lại sau lưng và bắt đầu với tương lai phía trước.” “Để làm được điều đó, chúng tổi phải hợp nhất ba người lại làm một. Cô cảm thấy sao, Alette?”. Alette hỏi, “Nếu tôi là Ashley, tôi còn tiếp tục vẽ được nữa không?” “Dĩ nhiên là được.” “vậy thì, tốt thôi.” “Còn Toni ?” “Tôi vẫn có thể chơi piano và hát đấy chữ ?” “Đúng,” Ông trả lời. “Vậy thì, tại sao lại không ?” “Ashley?” “Tôi đã sẵn sàng để hợp nhất ba chúng tôi làm một. Tôi... tôi muốn cảm ơn họ về sự giúp đỡ của họ mỗi khi tôi cần đến.” “Đó là ý thích của tôi, khờ ạ.” Toni nói. “Tôi cũng vậy.” Ashley nói. Đã đến lúc tiến hành bước cuối cùng : Hợp nhất. “Tốt. Bây giờ tôi sẽ thôi miên cô, Ashley. Cô hãy nói lời chia tay với Toni và Alette đi” Ashley hít một hơi thở sâu. “Tạm biệt Toni. Tạm biệt Alette.” “Tạm biệt Ashley.” “Bảo trọng nhé, Ashley.” Mười phút sau, Ashley đã hoàn toàn bị thôi miên. “Ashley, cô không còn gì phải sợ nữa. Tất cả mọi vấn đề đã ở sau lưng cô. Cô không phải nhờ ai bảo vệ nữa. Cô có thể tự lo liệu cuộc sống của mình mà không cần cầu cứu tới một người nào đó. Cô có thể đối diện với bất cứ chuyện gì xảy ra. Cô có đồng ý với tôi không ?” “Có Tôi đã sản sàng đối mặt với tương lai.” “Tốt. Toni? Không có tiếng trả lời. “Toni?” Không có tiếng trả lời” “Altte ?” Im lặng. “Alette ?” Im lặng. “Họ đã đi rồi, Ashley. Bây giờ cô đã khỏi bệnh và đã hoàn toàn là cô”: Ông nhìn gương mặt Ashley sáng bừng lên. “Cô sẽ tỉnh dậy khi tôi đếm đến 3. 1... 2...3…” Ashley mở mắt ra, và một nụ cười sung sướng nở trên môi nàng. “Có đúng như vậy không ?” “Đúng.” ông gật đầu, Nàng ngây ngất. “Tôi được tự do. Ồ, cảm ơn, Gilbert ? Tôi thấy... tôi thấy như tấm màn đen khủng khiếp che mắt mình đã được kéo lên vậy.” Bác sĩ Keller nắm tay nàng. “Tôi không thể nói được là tôi vui sướng đến mức nào. Chúng ta sẽ còn có vài cuộc kiểm tra trong vài tháng tới, và nếu họ đánh giá đúng như tôi nghĩ, chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm cho cô xuất viện. Tôi sẽ sắp xếp việc điều trị ngoại trú cho cô ở bất cứ nơi nào cô sống.” Ashiey gật đầu, quá xúc động đến không thể nói thêm, dù chỉ một lời cảm ơn. Chương 28 Trong vòng vài tháng sau đó, Otto Lewison đã cử ba chuyên gia tâm thần học đến kiểm tra Ashley. Họ dùng phương pháp thôi miên và Sodium Amytal. “Chào Ashley. Tôi là bác sĩ Montfort, và tôi muốn hỏi cô vài vấn đề. Cô cảm thấy thế nào về bản thân ?” “Tôi thấy rất tuyệt, thưa bác sĩ. Cứ như là tôi mới khỏe lại sau một” trận ốm dài vậy.” “Cô có nghĩ mình là người xấu không ?” “Không. Tôi biết có những việc tồi tệ đã xảy ra, nhưng tôi không tin là mình lại phái gánh chịu trách nhiệm về những việc đó.” “Cô có ghét ái không ?” “Không.” “Thế còn về bố cô ? Cô có ghét ông ấy không ?” “Không. Tôi không hề ghét ông ấy. Tôi cũng không nghĩ là ông ấy có thể tránh được hậu quả của những việc mình đã làm. Nhưng bây giờ tôi chỉ hy vọng ông ấy được bình yên.” “Cô có muốn gặp lại ông ấy không ?” “Tôi nghĩ không thì hơn. Ông ấy có cuộc sống của mình. Còn tôi thì chỉ muốn tự mình bắt đầu một cuộc sống mới cho riêng mình mà thôi.” “Ashley ?” “Vâng.”. “Tôi là bác sĩ Vaughn. Tôi muốn nói chuyện với cô một chút.” “Vâng.” “Cô có nhớ Toni và Alette không ?” “Dĩ nhiên là có: Nhưng họ đã đi rồi.” “Cô cảm thấy thế nào về họ ?” “Lúc đầu, tôi ghê tởm họ, nhưng bây giờ tôi biết là họ đã từng giúp đớ tôi. Tôi rất biết ơn họ.”. “Buổi đêm cô vẫn ngon giấc chứ ?” “Bậy giờ thì có.” “Hãy kể những giấc mơ của cô đi.” “Tôi đã từng có những cơn ác mộng, trong đó tôi luôn bị những vật kỳ lạ săn đuổi. Tôi đã nghĩ rằng mình sắp sửa bị giết.” “Bây giờ cô còn gặp những con vật kỳ lạ đó không ?” “Không hề. Những giấc mơ của tôi bây giờ rất thanh bình. Tôi thấy những sắc màu tươi sáng và cả những gương mặt rạng rỡ. Đêm qua tôi vừa mơ thấy mình đang lao xuống dốc ở khu trượt tuyết. Cảm giác thật là tuyệt vời. Tôi không còn sợ mùa đông lạnh nữa.” “Cô cảm thấy thế nào về bố cô ?” “Tôi muốn ông ấy được hạnh phúc, và tôi cũng muốn được hạnh phúc.” “Ashley ?” “Vâng.” “Tổi là bác sĩ Hoelterhoff.” “Chào bác sĩ.” “Họ không hề cho tôi biết là cô lại đẹp đến thế. Cô có nghĩ rằng mình đẹp không ?” “Tôi nghĩ rằng mình có đôi chút hấp dẫn nào đó.”. “Tôi thấy cô có một giọng nói rất dễ thương. Cô có nghĩ như vậy không ?” “Đó không phải là giọng nói được rèn luyện, nhưng, vâng...” nàng cười to. “Tôi có thể hát được đúng nhạc.” “Và họ nói rằng cô biết vẽ. Có vẽ có đẹp không?” “Chỉ là nghiệp dư thôi, nhưng tôi nghĩ là...cũng coi được. Vâng.” Ông ta trầm ngâm nhìn nàng : “Cô có vấn đề gì muốn thảo luận cùng tôi không ?” “Tôi không nghĩ ra. Tôi đã được điều trị rất tốt ở đây.” “Cô nghĩ sao về việc rời khỏi chốn này và hòa nhập vào thế giới bên ngoài?” “Tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện đó. Đáng sợ, nhưng chắc cũng rất thú vị.” “Cô có nghĩ rằng mình sẽ sợ hãi khi ra ngoài đó không ?” “Không. Tôi muốn xây dựng một cuộc sống mới. Tôi sử dụng máy vi tính thành thạo. Tôi không thể trở về công ty cũ, nhưng tôi tin rằng có thể kiếm được việc ở một công ty khác.” Bác sĩ Montfort, bác sĩ Vaughn, bác sĩ Hoelterhoff và bác sĩ Keller tập trung trong văn phòng của Otto Lewison. Ông ta đang xem xét các bản báo cáo của họ. Khi xem xong, ông ta ngẩng lên nhìn bác sĩ Keller và mỉm cười. “Chúc mừng anh,” ông nói. “Tất cả những bản báo cáo này đều rất khả quan. Anh đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc.” “Ashley là một phụ nữ tuyệt vời, Otto. Tôi rất mừng là cô ấy đã sắp được trở về cuộc sống thật của mình.” “Cô ấy có đồng ý việc điều trị ngoại trú khi rời khỏi đây không ?” “Có” Otto Lewisón gật đầu. “Rất tốt. Tôi sẽ viết giấy xuất viện cho Ashley.” Ông quay sang ba người kia. “Cảm ơn các vị. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các vị.” Chương 29 Hai ngày sau Ashley được gọi lên văn phòng của bác sĩ Lewison. Keller cũng đang ở đó. Nàng được ra viện và được trở về nhà riêng ở Cupertino, nơi họ đã sắp xếp việc điều trị ngoại trú cho nàng. Bác sĩ Lewison nói, “Rốt cuộc ngày hôm nay đã đến. Cô có thấy vui không?” Ashley trả lời, “Tôi rất vui, và tôi cũng rất sợ Tôi... tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy mình như cánh chim lần đầu sổ lồng vậy. Tôi thấy mình như sắp bay bổng lên rồi đây.” Mặt nàng hết sức sinh động. “Rất mừng là cô được xuất viện, nhưng tôi, tôi sẽ rất nhớ cô đấy.” Bác sĩ Keller nói. Ashley cầm tay ông, nồng nhiệt. “Tôi cũng sẽ rất nhớ ông. Tôi không biết phải... phải cảm ơn ông thế nào nữa.” Mắt nàng đỏ hoe. “Ông đã trả cho tôi cuộc sống.” Nàng quay sang bác sĩ Lewison. “Khi trở về California, tôi sẽ xin vào một công ty tin học ở đó tôi sẽ cho ông biết tôi làm việc ra sao và tôi điều trị ngoại trú thế nào. Tôi muốn ông tin chắc rằng những gì trước kia đã xảy ra với tôi sẽ không bao giờ tái diễn nữa.” “Tôi nghĩ rằng cô không còn phải lo lắng gì về chuyện đó,” bác sĩ Lewison trấn an nàng. Khi Ashley bước ra, bác sĩ Lewison quay sang Gilbert Keller. “Ca này là đủ để đền bù cho rất nhiều những ca đã không thành công, phải không Gilbert ?” Đó là một ngày tháng Sáu đẹp trời, và trên đại lộ Madison, nụ cười rạng rỡ của Ashley đã khiến cho nhiều người phải ngoái đầu nhìn lại. Nàng chưa bao giờ hạnh phúc như vậy. Nàng nghĩ đến cuộc sống tươi đẹp phía trước và những việc mà nàng sẽ làm. Lẽ ra đó phải là một kết thúc bi thảm dành cho nàng, nàng nghĩ, nhưng rồi nó lại trở thành một cái kết có hậu mà nàng vẫn hằng cầu xin. Nàng bước vào ga Pennsylvania. Đây là ga xe lửa bận. rộn nhất nước Mỹ một mớ hỗn độn những căn phòng ngột ngạt và những lối đi rắc rối, quanh co. Nhà ga đông nghịt những người là người. Và mỗi người đều có một câu chuyện kể thú vì nàng nghĩ. Họ đi đến những nơi khác nhau, sống những cuộc sống khác nhau và bây giờ, mình cũng sẽ sống cuộc sống của riêng mình. Nàng mua vé ở quầy. Con tầu của nàng cũng vừa vào ga. Thật là may mắn. Nàng nghĩ. Nàng lên toa và ngồi vào ghế. Lòng nàng đầy hồi hộp trước những chuyện sắp xảy ra. Con tầu đột ngột giật mạnh. Cuối cùng thì mình cũng lên đường. Và khi con tàu bắt đầu lăn bánh hướng về Hamptons, nàng khẽ lẩm nhẩm bài hát quen thuộc : “Xung quanh bụi dâu Con khỉ đuổi con chồn Con khỉ nghĩ như thế là vui Bốp! Đi đời con chồn...” Dịch Thuật: Trần Hoàng Cương Hết Kế Hoạch Hoàn Hảo Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 01 Trang đầu tiên cuốn nhật ký của Leslie Stewart viết : "Nhật ký thân mến : Sáng nay ta đã gặp người đàn ông ta sẽ lấy làm chồng " Một lời tâm sự giản dị và lạc quan, không thể là dấu hiệu báo trước cho hàng loạt những bi kịch sau này. Đó là một ngày đẹp trời, đẹp đến nỗi không ai có thể nghĩ tới sự xui xẻo hay dám để xảy ra điều gì sai sót. Leslie Stewart không tin lắm vào chiêm tinh học, nhưng sáng hôm đó, khi ngẫu nhiên giở tờ báo Lexington Herald Leader ra, mục Dự báo tương lai bằng chiêm tinh của Zoltaire bỗng đập vào mắt nàng : " dành cho những người thuộc mệnh leo ( từ 23/7 đến 22/8 ) : vào đầu khoảng thời gian này bạn sẽ có tính yêu trong cuộc đời mình. Bạn đang ở đỉnh cao của sự sung mãn và nên chú ý tới một sự kiện thú vị sẽ đến với mình. người đến với bạn thuộc mệnh virgo. hôm nay là ngày của tình yêu, hãy chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận nó". Chuẩn bị để đón cái gì nhỉ ? Leslie thờ ơ nghĩ. Ngày hôm nay sẽ trôi qua như mọi ngày khác. Chiêm tinh học đúng là thứ vớ vẩn. Leslie làm việc cho công ty quảng cáo Bailey & Tomkins ở Lexington, Kentucky. Lịch công việc hôm nay của nàng có ba cuộc gặp vào buổi chiều. Đầu tiên là với công ty Kentucky Fertilizer, những người này rất khoái chiến dịch quảng cáo nàng đang làm cho họ, họ muốn đẩy nhanh tiến độ hơn nữa và rất thích câu mở đầu, "Néu bạn muốn thưởng thức mùi thơm của hoa hồng ...". Cuộc gặp thứ hai là với công ty Breeders Stud và thứ ba là với công ty Than Lexington. Vậy mà là ngày của tình yêu ư ? Ngoài hai mươi tuổi, với thân hình mảnh mai, gợi cảm, Leslie Stewart là một nữ thư ký thạo việc. Mắt nàng mầu xanh, hai gò má hơi cao và mái tóc mềm, dài, với kiểu cách đơn giản nhưng thanh lịch. Một người bạn của Leslie từng bảo nàng "Với nhan sắc của em, thêm chút đầu óc và một chỗ dựa, em có thể có cả thế giới này". Leslie xinh đẹp và có chỉ số IQ là 170. Nhưng nàng ko cho hình thức là một lợi thế của mình. Đàn ông chỉ muốn nhanh chóng yêu và hỏi nàng làm vợ chứ không mấy ai trong số họ chịu bỏ thời gian tìm hiểu nàng. Là một trog hai thư ký, Leslie đồng thời cũng là người phụ nữ duy nhất trong số mười lăm nam nhân viên khác của công ty. Chưa đầy tuần lễ đầu tiên, Leslie đã thấy mình thông minh hơn tất cả bọn họ. Đây là một khám phá nàng giữ riêng cho mình. Ngay từ đầu, hai sáng lập viên của công ty, Jim Bailey, một gã béo phì, gần bốn mươi tuổi với giọng nói nhẹ nhàng, và Al Tomkins, trẻ hơn Jim khoảng mười tuổi, khá nhanh nhẹ, đã lần lượt, từng người một, mời Leslie lên giường với họ. Nàng chấm dứt "ý tưởng" đó của cả hai, bằng câu trả lời rất đơn giản, "Còn nhắc đến một lần nữa, tôi sẽ đi". Chuyện chấm dứt tại đó. Leslie là một nhân viên rất có giá không thể mất được. Trong tuần làm việc đầu tiên, vào giờ uống cà phê, Leslie đã kể cho mọi người nghe một câu chuyện cười. "Một bà tiên hứa tặng cho ba người đàn ông mỗi người một điều ước. Người đầu tiên nói "Ước gì tôi thông minh thêm 25% nữa". Bà tiên gật đầu và rồi người kia reo lên "Ô` giờ đây tôi đã thông minh hơn rất nhiều". "Người thứ hai thì "Ước gì tôi thông minh hơn 50% nữa". Bà tiên gật đầu và người này mừng rỡ "Thật tuyệt vời, giờ đây tôi đã biết nhiều điều mà trước đó tôi không biết". "Người thứ ba nói "Ước gì tôi thông minh thêm 100% nữa". Bà tiên gật đầu và anh chàng này biến thành một phụ nữ". Leslie nhìn mọi người, chờ đợi. Tất cả bọn họ chằm chằm nhìn lại nàng và không ai cười. Ngày của tình yêu như chiêm tinh dự báo ấy bắt đầu lúc mười một giờ. Jim Bailey bước vào phòng làm việc bé xíu của Leslie nói : "Chúng ta có khách hàng mới. Tôi muốn cô lo cho việc này". Leslie đang phụ trách nhiều việc hơn bất kỳ ai ở công ty, song nàng thấy tốt nhất là không phản đối. "Được thôi. Thế đó là cái gì ?". "Không phải là cái gì mà là ai. Cô đã nghe đến cái tên Oliver Russell chưa ?". Ai mà chẳng biết đến cái tên ấy. Đó là một luật sư của đại phương đang tranh cử chức Thống đốc bang, gương mặt anh ta trưng đầy trên các tấm bảng quảng cái đặt ở khắp Kentucky này. Ơ tuổi 35, với một danh tiếng khá lầy lững, anh ta được đánh giá là người có năng lực nhất của bang. Russell đã làm hàng loạt những cuộc nói chuyện trên các kênh truyền hình chủ yếu của bang, như WDKY. WTVQ, WKYT, ... và trên các đài phát thanh nhiều người nghe nhất trong vùng, như WKQQ và WLRO. Rất đẹp trai, mang dáng dấp của một vạn động viên điền kinh, với mái tóc đen, hơi tối, đôi mắt cũng đen và nụ cười ấm áp. Anh ta cũng có tiếng là đã từng qua đêm với vô số quý bà ở Lexingaton. "Có, tôi có nghe tiếng anh ta. Thế chúng ta sẽ phải làm gì ?". "Chúng ta sẽ giúp Russell giành ghế thống đốc bang. Anh ta đang trên đường đến đây." Oliver đến muộn mất vài phút. Ngoài đời nom anh còn hấp dẫn hơn trong ảnh. Russell nở nụ cười cởi mở khi được giới thiệu với Leslie. "Tôi đã được nghe nói nhiều về cô. Tôi rất vui vì cô sẽ là người chịu trách nhiệm vận động, tuyên truyền cho tôi". Anh ta không có vẻ gì như Leslie đã tưởng tượng. Đó là một người đàn ông chân thực và thẳng thắn. Tự nhiên, nàng thấy luống cuống. "Tôi .. à, cảm ơn. Xin mời ông ngồi". Oliver Russell ngồi xuống ghế. "Nào, chúng ta bắt đầu nhé". Leslie gợi ý. "Tại sao ông muốn ứng cử vào vị trí Thống đốc bang ?". "Rất đơn giản. Kentucky là một bang tuyệt vời. Chúng ta đã biết điều đó vì chúng ta sinh ra ở đây, và chúng ta có thể tận hưởng sựu tuyệt diệu của nó. Nhưng, ở nhiều nơi khác, họ lại cho rẳng chúng ta giống một bầy mọi. Tôi muốn thay đổi cái nhìn này. Kentucky từng có nhiều điểm nổi trội hơn cả mười hai bang khác cộng lại. Lịch sử của nước Mỹ bắt đầu từ đây. Kentucky đem tới cho nước Mỹ hai vị Tổng Thống. Đây là nơi chôn rau cắt rốn của Daniel Boone, Kit Catson và Judge Roy Bean. Chúng ta có phong cảnh đẹp nhất thế giới, những dòng sông, những cánh đồng cỏ xanh ngát, tất cả mọi thứ. Tôi muốn cả thế giới này phải biết điều đó". Anh nói đầy thuyết phục, còn Leslie hoàn toàn bị cuốn hút. Nàng chợt nhớ tới câu chiêm tinh "Vào đầu khoảng thời gian này bạn sẽ có tình yêu trong cuộc đời mình ... Hôm nay sẽ là ngày của tình yêu, hãy chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận nó." Russell nói tiếp. "Chiến dịch vận động sẽ không thể thành công nếu như cô không có niềm tin mãnh liệt vào điều này như tôi". "Tôi tin chứ". Leslie nói nhanh. Có quá nhanh ko nhỉ ? "Tôi sẽ quan tâm tới việc này." Nàng ngập ngừng một chút. "Cho phép tôi hỏi ông một câu có được không ?". "Vâng !". "Ông thuộc mệnh nào ?". "Virgo". Sau khi Oliver Russell ra về, Leslie đến ngay văn phòng của Jim Bailey. Nàng nói "Tôi thích anh ấy. Russell là người chân thực. Anh ấy sẽ là một thống đốc tốt đấy." Jim nhìn nàng, soi mói "Không dễ thế đâu". "Thế à ? Tại sao không ?". Bailey nhún vai, nói "Tôi không biết. Có cái gì đó tôi không giải thích được. Cô đã nhìn thấy Russell trên các tấm biển quảng cáo và trên các kênh truyền hình chưa ?" "Rồi". "Ơ`, thì thế đấy !". "Tôi ko hiểu, tại sao cơ ?". "Không ai biết chắc, nhưng có khá nhiều chuyện đồn đại. Một trong những chuyện đó là Russell dường như có ai đó sau lưng cung cấp cho anh ta tiền để ra tranh cử, và không hiểu lý do nào đấy bỗng lại bỏ rơi anh ta". "Đúng lúc cuộc vận động tranh cử của anh ta đang ở lợi thế ư ? Điều đó e không hợp lý lắm, Jim ạ". "Tôi biết". "Thế tại sao Russell lại tìm đến chúng ta ?" "Vì anh ta muốn. Tôi thấy anh chàng này nhiều tham vọng đây. Và rất muốn làm một cái gì đó khác người. Russell muốn chúng ta tiến hành một chiến dịch quảng cáo có hiệu quả nhưng lại ko muốn mất nhiều tiền. Anh ta không có khả năng chi hơn nữa. Tất cả những gì chúng ta sẽ làm cho anh ta là sắp xếp các buổi phỏng vấn, các cuộc diễn thuyết viết báo, những việc tương tự như thế ...". Bailey ngừng lại một chút, lắc đầu. "Trong khi đó đương kim Thống đốc Addison đang tốn bạc triệu cho cuộc tranh cử đấy. Xem ra Russell không phải là tay vừa đâu. Anh ta là một luật sư giỏi, rất có danh tiếng trong ngành của mình. Tôi cho rằng Russell sẽ là một vị thống đốc khá, nếu trúng cử". Đêm hôm đó, Leslie bắt đầu trang nhật ký bằng câu : Nhật ký thân mến : Sáng nay ta đã gặp người đàn ông ta sẽ lấy làm chồng. Leslie Stewart có một tuổi thơ thật đáng buồn. Cha nàng là giáo viên Anh ngữ trường Lexington Community, mẹ ở nhà nội trợ. Cha Leslie đẹp trai lại rất trí thức. Ông còn là người rất quan tâm đến gia đình. Theo ông, cả nhà luôn cùng đi nghỉ hoặc du lịch là điều hợp lý. Ông rất chiều Leslie, luôn miệng nói Leslie xinh đẹp, và hết lời khen ngợi mỗi khi Leslie được điểm cao hoặc ngoan ngoãn vâng lời. Trong mắt ông, Leslie chẳng bao giờ làm gì sai tráci cả. Sinh nhật lầ thứ 9, Leslie được cha tặng cho cô một chiếc váy dài màu tím, cổ tay viền đăng ten. Ông cho con gái mặc chiếc váy đó rồi ông khoe với bạn bè khi họ tới dự lễ sinh nhật. Ông nói với họ "Trông con bé xinh chưa kìa ". Leslie rất yêu cha. Một năm sau, vào một buổi sáng, cuộc sống sung sướng của Leslie đã biến mất. Mẹ bé, mặt đầm đìa nước mắt, nói với bé rằng "Con yêu quý, cha con đã ... đã bỏ chúng ta mà đi rồi." Leslie ko hiểu. "Thế lúc nào thì cha về ?" "Cha con sẽ ko về nữa." Mỗi một từ như nhát dao đâm vào tim Leslie. Mẹ đã khiến ba phải ra đi, Leslie nghĩ. Bé thấy giận mẹ vì chắc hẳn bởi vì mẹ đã cãi nhau với ba. Nhưng chắc chắn chẳng đời nào ba chịu xa mình. không khi nào. Leslie tự nhủ như vậy. Nhiều tuần trôi qua, cha Leslie vẫn không gọi điện về. Người ta không cho ba về để gặp mình, Leslie nghĩ, mẹ đang phạt ba. Bác của Leslie đã giải thích cho Leslie biết, bố mẹ bé chẳng có cãi lộn gì hết. Cha Leslie mê một người đàn bà goá chồng, dạy ở trường đại học, và đã đến ở với bà ấy, ở phố Limestone. Một hôm, khi đi chợ, mẹ đã chỉ cho Leslie căn nhà ấy. "Họ sống ở đó", bà nói vẻ buồn bã. Một ngày thứ sáu, sau khi tan học, Leslie tìm đến căn nhà đó và bấm chuông. Một đứa con gái bằng tuổi Leslie ra mở cửa. Con bé kia cũng mặc một chiếc váy dài màu tím, cổ tay viền đăng ten. Leslie chằm chằm nhìn chiếc váy, sững sờ. Đứa con gái kia nhìn bé, tò mò hỏi : "Mày là ai ?" Leslie chạy vụt đi. Khoảng hơn một năm sau đó, Leslie chứng kiến sự ra đi của mẹ. Cô bé từng nghe nói "chết vì thất tình là một điều ngớ ngẩn", nhưng đã được tận mắt chứng kiến sự đau buồn và sau đó là sự ra đi vội vã của mẹ, để khi ai đó hỏi sao mẹ chết, Leslie đã không quanh co trả lời "Mẹ cháu chết vì thất tình". Từ ngày ấy, cô bé Leslie đã thề rằng sẽ ko để người đàn ông nào có thể làm điều tương tự như vậy với mình. Sau khi mẹ mất, Leslie đến ở với bác. Nàng lên cấp ba rồi vào đại học Kentucky. Ơ năm đại học cuối cùng Leslie đoạ danh hiệu hoa hậu bang. Vô số lời mời của các hãng thời trang đến với nàng. Leslie có hai chuyện tình ngắn ngủi, một với chàng sinh viên là thần tượng bóng đá ở trường và một với thầy giáo dạy kinh tế. Hai người này nhanh chóng làm cô chán ngấy. Thực tế là vì Leslie cao hơn cả hai. Đúng lúc Leslie sắp ra trường, người bác mất. Cô sinh viên kết thúc việc học hành và đệ đơn xin vào công ty quảng cáo Bailey & Tomkins. Trụ sở của công ty nằm tại thành phố Vine, là một toà nhà hình chữU. Đích thân Jim Baile, một trong hai sáng lập viên đọc đơn xin việc và vài dòng tiểu sử của Leslie. "Được. Cô là người may mắn đấy. Chúng tôi đang cần một thư ký". "Thư ký ư ? Tôi ... " " Sao ?" "A`, không !" Leslie bắt đầu công việc của một thư ký. Nhưng ngay trong lúc vội vã ghi chép biên bản tất cả những cuộc họp, đầu óc nàng vẫn bận rộn với việc tìm cách tăng phần hấp dẫn cho những ý tưởng quảng cáo được đưa ra. Một buổi sáng, có người nói "Tôi có một ý kiến tuyệt vời cho biểu tượng của món thịt bò trộn tương ớt Rancho. Trên nhãn của gói hàng, chúng ta sẽ in hình chàng cao bồi đang chọc tiết con bò, điều này sẽ khiến mọi người nghĩ rằng món này làm bằng thịt bò tươi, và .. " Thật là một ý tưởng ngu ngốc, Leslie nghĩ. Mọi người quay phắt lại nhìn và nàng kinh hoàng nhận ra mình đã nói thành lời những suy nghĩ trong đầu. "Cô làm ơn giải thích điều đó được không, cô gái ?" "Tôi .." Nàng ước mình có thể chui được xuống đất. Tất cả đang chờ đợi. Leslie hít một hơi thật sâu. "Khi mọi người ăn thịt bò, họ không muốn thấy là họ đang ăn một con vật chết". Im lặng tràn ngập phòng họp. Jim Bailey hắng giọng : "Chúng ta có thể nghĩ thêm về điều này". Tuần sau đấy, trong cuộc họp bàn về việc quảng cáo cho một sản phẩm xà phòng tắm mới, một người nói, "Chúng ta sẽ lấy những người đẹp để quảng cáo". "Xin lỗi", Leslie phát biểu. "Tôi thấy việc này đã nhiều nơi làm. Nhiều người đã làm. Tại sao chúng ta không dùng những nữ tiếp viên hàng không để cho mọi người thấy là xà phòng của chúng ta được sử dụng khắp nơi trên thế giới ?" Trong những cuộc họp sau, cánh đàn ông thấy tự nhiên họ đã bị cuốn hút theo ý kiến của nàng. Một năm sau, Leslie trở thành nhân vật không thể thiếu trong các cuộc họp. Hai năm sau đó, nàng trở thành một chuyên gia quảng cáo, phụ trách nhiệm vụ chính của công ty. Oliver Russell thực sự là thách thức đầu tiên đối với Leslie, từ khi nàng làm việc ở đây. Hai tuần sau ngày gặp Russell, Bailey gợi ý nàng nên từ bỏ vụ này vì chắc chắn Russell sẽ không đủ tiền để chi phí, nhưng Leslie thuyết phục Bailey nên giữ lại. "Cứ cho nó là một vụ may rủi đi", nàng nói. Bailey nhìn nàng một lúc lâu. "Thôi được". Leslie và Oliver Russell gặp nhau ở công viên Triangle. Đó là một ngày đầu đông se lạnh, có những cơn gió nhẹ từ hồ thổi đến. "Tôi ghét chính trị lắm", Oliver nói. Leslie nhìn anh đầy ngạc nhiên. "Thế tại sao anh lại ... ?". "Bởi vì tôi muốn thay đổi, Leslie ạ. Đã qua rồi cái thời người ta cứ đặt quyền lực vào tay những người không xứng đáng, và điều khiển họ. Có rất nhiều điều tôi muốn làm". Giọng anh tràn đầy niềm hứng khởi. "Nhưng người cầm quyền đất nước đang biến nước Mỹ thành câu lạc bộ của những chú bé to đầu, Họ quan tâm đến quyền lợi của bản thân hơn là quyền lợi của cả dân tộc. Điều đó thật là tồi tệ và tôi định sửa lại, thử xem có được không ?" Leslie chăm chú nghe Oliver nói và nàng nghĩ, "Anh ấy sẽ làm được". Sự thực là nàng thấy mọi cái ở anh đều cuốn hút. Nàng chưa từng có cảm giác đó với bất kỳ người đàn ông nào, và nàng ko có cách gì để biết được anh ta nghĩ về nàng ra sao. "Anh ấy đúng là một con người hoàn hảo." Leslie thấy cứ vài phút lại có người đến bên ghế của họ, bắt tay Oliver và hỏi thăm sức khoẻ anh. Phụ nữ đúng là mối nguy đối với nàng. "Lúc nào họ cũng vây lấy anh ấy", nàng nghĩ. "Chắc tất cả họ đã từng lên giường với anh. Trừoi, đó ko phải là việc của mình". Leslie nghe nói gần đây anh đính hôn với con gái một ông nghị sĩ. Nàng tự hỏi, rồi chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ ? "Ơ` mà đấy cũng chẳng phải việc của mình". Không thể không thừa nhận rằng chiến dịch vận động cho Oliver xem chừng có nguy cơ thất bại. Không có tiền để trả cho nhân viên, cho truyền hình, đài phát thanh và báo chí ... Russell không thể cạnh tranh nổi với đương kim Thống đốc Cary Addison, người mà hình ảnh được trưng bầy ở khắp nơi. Leslie bố trí cho Oliver xuất hiện ở một vài cuộc dã ngoại của công ty, tại một số nhà máy và hàng tá các vụ việc xã hội, nhưng nàng biết tất cả các "vụ" đó đều quá nhẹ ký, đều dễ dàng bị át giọng. và điều ấy làm nàng buồn. "Cô có xem két quả tín nhiệm mới đây không?". Jim Bailey hỏi. "Cậu trai của cô thất bại rồi". Không, nếu như ta có thể giúp anh ấy, Leslie nghĩ. Leslie và Oliver ăn tối ở nhà hàng Cheznous. "Chiến dịch không chạy phải không ?". Oliver nhẹ nhàng hỏi. "Chúng ta còn nhiều thời gian". Leslie an ủi anh. "Khi cử tri bắt đầu biết đến anh ..." Oliver lắc đầu. "Tôi đã đọc kết quả tín nhiệm. Tôi muốn cô biết rằng tôi đánh giá cao những gì cô đã cố gắng làm cho tôi, Leslie ạ. Cô đã làm được nhìeu việc lắm". Nàng ngồi đối diện với Oliver qua chiếc bàn, suy nghĩ. Anh đúng là người đàn ông tuyệt vời nhất mà ta từng gặp, và ta không thể giúp gì được cho anh. Nàng muốn vòng tay ôm anh vào lòng mà an ủi. An ủi anh ấy ư ? Sao ta lại trẻ con thế nhỉ ? Khi họ đứng dậy để ra về, một người đàn ông, một phụ nữ và hai đứa trẻ tiến lại phía họ. "Oliver, anh có khoẻ ko ?" Người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, đẹp trai, lông mày rậm và đen, một bên mắt bịt băng đen khiến cái nhìn của con mắt còn lại có vẻ dữ tợn. Oliver nắm lấy tay ông ta. "Chào Peter. Xin giới thiệu với anh đây là cô Leslie Stewart. Còn đây là Peter Tager". "Xin chào cô Leslie". Tager quay về phía gia đình mình. "Còn đây là vợ tôi, Besty, hai con gái Elisabeth và Rebeca". Trong giọng ông ta ẩn chứa vẻ hãnh diện. Peter quay lại nhìn phía Oliver. "Tôi vô cùng xin lỗi anh về chuyện vừa qua. Thật là một trò bẩn thỉu. Tôi rất ghét phải làm như vậy, nhưng tôi không có cách lựa chọn nào khác." "Tôi hiểu, Peter". "Liệu còn điều gì tôi có thể làm ... " "Ô`, không sao đâu. Tôi ổn mà." "Anh biết không, tôi luôn cầu chúa cho anh gặp may mắn." Trên đường về nhà, Leslie hỏi "Tất cả chuyện đó là sao ?" Oliver định nói gì rồi lại thôi. "Không có gì cả đâu." Leslie sống trong một căn hộ bé xíu ở khu Bran-dywine của Lexington. Khi xe đã đến khi nhà, Oliver ngập ngừng nói : "Leslie, tôi biết là công ty của cô và cô đang nỗ lực giúp tôi mà không được thù lao xứng đáng, nhưng nói thật nhé, cô đang lãng phí thời gian đấy. Tốt nhất là tôi nên cam chịu thất bại từ bây giờ." "Không", Leslie thốt lên, và sự quả quyết trong giọng nói làm chính nàng cũng phải ngạc nhiên, "anh không được bỏ cuộc. Chúng ta sẽ tìm ra cách để lật ngược tình thế này." Oliver đưa mắt nhìn nàng. "Cô thực sự quan tâm đến chuyện này thế ư ?" "Phải", nàng nói khẽ, "tôi thực sự quan tâm đấy." Khi họ đến trước cửa căn hộ của nàng, Leslie hít một hơi thật sâu, "Anh có muốn vào không ?" Anh nhìn nàng một lúc. "Có !" Sau đó, nàng không còn biết chuyện gì xảy ra nữa. Tất cả những gì nàng còn nhớ là họ đã cởi quần áo cho nhau, nàng đã nằm trong vòng tay anh và họ đã làm tình với nhau thật dữ dội, hoang dã. Sau đấy, cả hai nằm im lặng tận hưởng dư vị của niềm khoái cảm trong khoảnh khắc mà thời gian như đã ngưng trôi. Đó là cảm giác tuyệt vời nhất mà Leslie từng biết. Họ cứ như vậy với nhau cả đêm. Thật là kỳ diệu, Oliver cùng một lúc cho và nhận không biết mệt. Anh ấy là một con thú. Và Leslie nghĩ. Ôi, Chúa ơi, ta cũng là một con thú. Hôm sau, trong bữa ăn sáng có nước cam, trứng ốp và vài lát bánh mì, Leslie nói. "Sẽ có một buổi dã ngoại tại hồ Xanh vào thứ sáu này đấy, Oliver ạ. Và sẽ có cả đám đông ở đó. Em muốn sắp xếp để anh phát biểu. Rồi chúng ta sẽ mua một chương trình phát thanh để toàn bộ Kentucky đều nghe được những điều anh nói. Rồi ..." "Leslie ", anh phản đối, "anh không có tiền để làm chuyện ấy." "Ô`, đừng ngại", nàng nói vẻ thản nhiên. "Công ty em sẽ thanh toán". Nàng biết là chẳng có công ty nào chịu đứng ra chi trả hết. Nàng sẽ trả bằng chính tiền của mình. Nàng sẽ nói với Jim Bailey rằng đó là tiền của một người hâm mộ Russell. Thì cũng đúng là vậy. Nàng thầm nghĩ. Ta sẽ làm bất cứ điều gì để giúp anh ấy. Có khoảng 200 người trong chuyến dã ngoại tại hồ Xanh. Khi Oliver đứng trước đám đông, trông anh thật tuyệt vời. "Một nửa cư dân của của đất nước này không đi bầu cử. Chúng ta giữ kỷ lục về tỷ lệ bầu cử thấp nhất, hơn bất kì một quốc gia công nghiệp nào trên thế giới, dưới 50%. Nếu các bạn muốn thay đổi, trách nhiệm của các bạn là khiến cho họ phải thay đổi tình hình trên. Điều này còn cao hơn cả trách nhiệm, đó là quyền lợi. Lại sắp có moọt cuộc bầu cử tới đây. Dù các bạn bỏ phiếu cho tôi hay cho đối thủ của tôi thì xin hãy cứ đi, hãy vẫn đi bầu cử." Đám đông hoan hô anh. Leslie bố trí cho Oliver xuất hiện trước đám đông trong mọi hoàn cảnh. Anh cắt băng khánh thành cho một bệnh viện nhỏ của trẻ em, cho một cây cầu mới, nói chuyện với các hội phụ nữ, hội người lao động, xuất hiện tại các hoạt động từ thiện, đến thăm nhà dưỡng lão ... Dù vậy, kết quả cũng không được nâng lên là mấy. Bất cứ lúc nào Oliver không phải vận động tranh cử thì anh lại ở bên Leslie. Họ cùng cưỡi ngựa, lang thang qua chợ đồ cổ chiều thứ bảy, cùng ăn tối ở A` la Lucie. Oliver tặng hoa cho Leslie vào ngày lễ Groundhog và thậm chí cả lễ kỷ niệm Battle of Bull Run, anh nhắn rất nhiều thông điệp tình yêu vào băng ghi âm trong điện thoại của nàng. "Em yêu, em ở đâu vậy ? Anh nhớ em, nhớ em, nhớ em." " Anh đang yêu phát điên lên vì câu trả lời trong máy của em. Em có biết nó nghe gợi tình thế nào không ?" "Anh nghĩ niềm hạnh phúc này thật quá lớn. Anh yêu em". Leslie chẳng quan tâm tới việc Oliver đưa nàng đi đâu, chỉ cần được ở bên anh. Một trong những việc thú vị nhất mà họ đã làm là đi bè trên sông Russell Fork vào ngày chủ nhật. Lúc đầu, bè trôi nhẹ nhàng, êm đềm cho tới khi con sống đổi tính trở nên hung dữ, cuộn những con sóng cao dần lên thành những khối nước khổng lồ chụp xuống đầu họ. Thật đáng sợ nhưng cũng thật kích thích biết bao. Chuyến đi kéo dài khoảng ba tiếng rưỡi. Khi Leslie và Oliver ra khỏi bè, cả người họ ướt sũng và tràn trề niềm sung sướng vì đã sống sót. Tay họ không lúc nào rời nhau. Họ làm tình với nhau trên ca bin xe tải, ở ghế sau của xe con, và trong rừng. Vào một hôm, Oliver tự tay làm bữa tối tại nhà và mời Leslie đến. Căn nhà xinh xắn nằm ở Versaille, một thị trấn nhỏ ở gần Lexington. Anh làm món bít tết, có nước chấm chua ngọt, tỏi, rau thơm, ăn cùng với khoai tâu rán, salát và rượu vang đỏ. "Anh là một đầu bếp cừ khôi đấy." Leslie hôn lên trán anh. "Thực sự anh làm món gì cũng tuyệt vời cưng ạ". "Cảm ơn em". Anh nhớ ra một việc. "Này anh có một bất ngờ nho nhỏ cho em, và anh muốn em thử nó." Anh biến vào phòng ngủ rồi quay lại với một chiếc lọ nhỏ đựng thứ nước trong vắt. "Nó đấy". Anh nói "Cái gì vậy ?" "Em có nghe nói đến Ecstasy chưa ?" "Nghe ư ? Em biết quá rõ ấy chứ." "Anh muốn nói là chất gây nghiện Ecstasy cơ. Đây là Ecstasy ở dạng chất lỏng. Người ta bảo nó là thần dược của tình yêu đấy." Leslie cau mày. "Anh yêu, em không cần đến nó. Chúng mình không cần nó. Nguy hiểm lắm". Nàng ngập ngừng. "Anh thường xuyên dùng thứ này à ?" Oliver cười vang. "Ô` không, nhìn mắt em kìa, một người bạn mới cho anh và bảo anh dùng thử. Đây là lần đầu tiên ... " "Sẽ không có lần đầu tiên này đâu. Anh hãy vứt nó đi." "Em nói đúng đấy. Anh vứt nó ngay đây." Anh vào nhà tắm và giây lát sau Leslie nghe thấy tiếng giật nước. Oliver quay lại. "Xong", anh cười cười, "ai cần dùng đến Ecstasy em nhỉ". Và anh ôm nàng vào lòng. Leslie đã từng đọc những câu chuyện và nghe những bài hát về tình yêu, nhưng chưa bao giờ nghĩ một tình yêu thực sự sẽ đến với mình. Nàng thường nghĩ lãng mạn là một tình cảm rất ngớ ngẩn, là những giấc mơ không có thực. Nhưng giờ đây nàng đã tin. Thế giới xung quanh nàng bỗng chốc sáng lên, rạng rỡ một màu hồng. Tất cả những gì nàng chạm vào đều trở nên kì diệu và kì diệu nhất là Oliver Russell. Một sáng chủ nhật, Oliver và Leslie đi dạo trong công viên Breaks Interstate, thích thú ngắm nhìn đám đông đang tò mò quanh họ. "Trước đây em chưa từng biết đến cảm giác của một con người nổi tiếng." "Anh cho là rồi em sẽ thích." Họ tiến lại gần một tấm biển đặt bên lề lối đi. Leslie đứng khựng lại, trên tấm biển có dòng chữ viết tay rất rõ ràng : "Leslie , em sẽ lấy anh chứ ?" Tim nàng đập rộn. Nàng quay nhìn Oliver, không nói được lời nào. Anh dịu dàng ôm lấy nàng. "Em đồng ý không ?" Sao mình lại may mắn thế nhỉ ? Leslie nhủ thầm. Nàng ôm chặt lấy anh và thì thào. "Vâng, anh yêu. Tất nhiên là em đồng ý." "Anh không dám hứa là em sẽ lấy một thống đốc nhưng chắc chắn em sẽ lấy một luật sư không tồi." Nàng hôn lên trán anh và thì thầm. "Thật là tuyệt vời anh ạ". Mấy ngày sau, khi Leslie đang chuẩn bị quần áo để đi ăn tối với Oliver, thì anh gọi đến. "Em yêu, anh rất xin lỗi vì anh phải hoãn bữa ăn tối của chúng ta. Anh có một cuộc gặp rất quan trọng. Em tha thứ cho anh chứ ?" Leslie mỉm cười nhẹ nhàng. "Vâng, em sẽ không giận đâu." Ngày hôm sau, Leslie giở tờ State Journal và đập vào mắt nàng là hàng tít "xác một cô gái được tìm thấy trên sông kentucky." Bài báo viết : "Sáng sớm nay cảnh sát đã phát hiện xác của một cô gái trẻ khoảng 20 tuổi trên sông Kentucky, cách Lexington 10 dặm về phía đông. Người ta đang tiến hành khám nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết ... " Leslie lặng người đi. Cô gái chết quá trẻ. Không biết cô đã có chồng hoặc người yêu chưa ? Ơn chúa, ta vẫn còn sống, và được yêu. Có vẻ như cả Lexington đã biết họ sắp lấy nhau. Lexington là một thành phố nhỏ và Oliver Russell thì lại là một nhân vật nổi tiếng. Họ nói hai người thật đẹp đôi, đúng là trai tài gái sắc. "Hi vọng anh ta biết mình may mắn đến thế nào". Jim Bailey nói. Leslie mỉm cười. "Không, cả hai chúng tôi chứ." "Thế cô có định bí mật trốn theo trai không đấy ?" "Ô` không đâu, chúng tôi sẽ làm đầy đủ thủ tục tại nhà thờ Calvavy Chapel. Oliver muốn vậy mà." "Sự kiện hạnh phúc ấy sẽ diễn ra khi nào?" "Sáu tuần nữa." Mấy ngày sau, trên trang đầu báo State Journal đăng mẩu tin về cô gái trẻ chết trên sông Kentucky. "Khám nghiệm tử thi cho biết cô gái đã được xác định là Lisa Burnette, làm nghề thư ký, chết vì dùng quá liều một chất gây nghiện nguy hiểm bị cấm lưu hành là Ecstasy dạng lỏng ... " Ecstasy dạng lỏng. Leslie nhớ lại bữa tối ở nhà Oliver, nàng nghĩ : Ơn chúa, anh ấy đã vứt nó đi. Những tuần sau đó, cả hai đều bận ngập đầu chuẩn bị cho đám cưới. Có bao nhiêu việc phải làm. Giấy mời gửi tới gần 200 người. Leslie chọn một bé gái để nâng váy cô dâu, rồi phải lo váy áo, giầy tất và găng tay cho nó nữa. Nàng mua cho mình một bộ váy cưới ở nhà may fayette Mall trên phố Nicholasvill, mũ choàng voan, chuỗi ngọc trai đeo cổ và một đôi găng tay dài. Oliver cũng phải tự lo lắng quần áo cho mình. Phù rể của anh là một đồng nghiệp làm cùng công ty. "Tất cả mọi thứ đã xong". Oliver nói với nàng. "Anh đã nhận được thư trả lời của tất cả những người được mời. Hầu hết là họ sẽ đến." Leslie dịu dàng hôn lên mà anh. "Em không thể chờ lâu hơn nữa, anh yêu ạ." Vào buổi tối thứ năm, một tuần trước đám cưới, Oliver đến nhà nàng. "Leslie, anh xin lỗi, anh phải bay đi ngay Paris vì một khách hàng của anh đang gặp rắc rối và người ta cần đến anh đến đó". "Paris ư ? Thế anh sẽ đi trong bao lâu ?" "Chỉ khoảng hai hoặc ba ngày. Muộn nhất là bốn ngày, anh sẽ trở về ngay khi xong việc". "Anh hãy bảo phi công lái cho cẩn thận đấy." "Anh sẽ bảo". Khi Oliver đi rồi, Leslie với vội tờ báo trên bàn. Nàng hồi hộp xem phần chiêm tinh học của Zontaire. "Dành cho những người theo mạng leo ( 23/7 đến 22/8 ) : Hôm nay không phải là ngày để thay đổi kế hoạch đã định. một sai lầm nhỏ có thể dẫn bạn đến những hậu quả nghiêm trọng." Leslie đọc đi đọc lại, bối rối kinh khủng. Mấy lần nàng định gọi điện cho Oliver để bảo anh đừng đi. Nhưng thế thì kì quá, dù sao cũng chỉ là một câu chiêm tinh ngỡ ngẩn. Thứ hai, Leslie không nhận được tin gì của Oliver. Nàng gọi điện đến văn phòng anh, mọi người ở đó cũng đang sốt ruột như nàng. Thứ ba, anh vẫn biệt tăm tích. Leslie bắt đầu lo lắng. Bốn giờ sáng thứ tư, nàng bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Ôi ! Oliver ! Cảm ơn Chúa. Nàng định làm căng với anh vì đã không gọi điện sớm hơn, nhưng bây giờ điều đó không còn quan trọng nữa rồi. Nàng nhấc điện thoại. "Oliver phải không ?" Một giọng nam lạ. "Cô Leslie Stewart đấy ạ ?" Leslie bỗng lạnh hét cả người. "Ai, ai đấy ?" "Tôi là Al Touers, phóng viên tờ Associated Press. Chúng tôi mysn cô phát biểu một chút về chuyện này, cô Stewart." Chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Oliver đã chết ? "Cô Stewart ?" "Vâng !" Giọng nàng như không còn chút sinh khí. "Chúng tôi có thể xin cô cho biết ý kiến". "Về cái gì ?" "Về đám cưới của ngài Oliver Russell với con gái nghị sĩ Todd Davis ở Paris". Trong khoảnh khắc, căn phòng như sụp xuống. "Cô và ngài Russell đã đính hôn phải không ạ ? Liệu chúng tôi có thể biết ý kiến .. " Người nàng như hoá đá. "Cô Stewart ... " Nàng lấy lại giọng nói. "Vâng, tôi ... tôi chúc họ hạnh phúc", rồi đặt máy. Đúng là một cơn ác mộng. Nàng cố mở mắt thêm một chút nữa để hòng tin rằng đây chỉ là giấc mơ. Nhưng đó là sự thực. Một lần nữa, nàng đã bị bỏ rơi. "Cha con sẽ không về nữa đâu." Nàng vào nhà tắm và thấy khuôn xanh lét của mình trong gương. "Chúng tôi muốn biết ý kiến của cô về chuyện này". Oliver đã lấy một khác làm vợ. Tại sao ? Ta đã làm gì sai ? Sao ta lại để mất anh ấy ? Nhưng sâu thẳm trong trái tim Leslie hiểu rằng Oliver đã bỏ nàng ra đi. Nàng sẽ đối mặt với tương lai như thế nào đây ? Sáng hôm sau, khi Leslie đến công ty, tất cả mọi người đều tránh nhìn nàng. Nàng bước vào phòng làm việc của Jim Bailey. Anh nhìn khuôn mặt xanh xao của nàng và nói "Hôm nay không cần phải đến đây, Leslie ạ. Về nhà nghỉ ngơi đi." Leslie hít một hơi thật sâu. "Không, cám ơn, tôi khoẻ." Các đài phát thanh, các kênh truyền hình, cấc ấn phẩm xuất bản buổi chiều đều ngập tràn thông tin chi tiết về đám cưới ở Paris. Không nghi ngờ gì nữa, nhân vật quan trọng nhất của Kentucky, nghị sĩ Todd Davis và câu chuyện về đám cưới của con gái ông ta cùng với chuyện chú rể phụ tình đã trở thành một cái tin nóng hổi, hấp dẫn nhất. Điện thoại của Leslie reo liên hồi. "Chúng tôi ở tờ báo Courrier Journal. Cô Stewart, làm ơn cho chúng tôi biết ý kiến về đám cưới này ?" "Vâng, điều duy nhất mà tôi quan tâm là hạnh phúc ảu Oliver " "Nhưng cô và ông ấy sắp .. " "Sẽ là một sai lầm nếu chúng tôi lấy nhau. Anh ấy gặp con gái của Nghị sĩ Davis trướ. Hiển nhiên họ phải trở thành vợ chồng. Tôi cầu Chúa ban hạnh phúc cho cả hai." "Đây là báo State Journal ở Frankfort .." Và cứ thế. Leslie cảm thấy phải đến một nửa Lexington đang thương hại nàng, một nửa kia đang phỏng đoán chuyện sẽ xảy ra tiếp theo. Bất cứ nơi nào Leslie đến, nàng cũng gặp những cái liếc trộm, những lời thì thào. Mọi người khâm phục sự bình tĩnh của nàng. "Làm sao cô lại để ông ấy làm điều đó với ... ?" "Khi anh thực sự yêu ai đó," Leslie trả lời giản dị, " anh sẽ mong cho người ấy được hạnh phúc. Oliver Russell là người đàn ông tuyệt vời nhất tôi từng gặp. tôi chúc cho cả hai người hạnh phúc." Nàng viết thư xin lỗi và trả lại quà mừng cho những người được mời đến dự đám cưới. Leslie nửa mong nửa ko mong điện thoại của Oliver. Nhưng khi chuông reo, nàng lại không hề chuẩn bị tinh thần để đón nó. Nàng giật bắn mình khi nghe giọng nói quen thuộc. "Leslie ... anh không biết nói gì." "Thật sao ?" "Thật." "Thế có nghĩa là không có gì để nói cả." "Anh chỉ muốn giải thích với em về chuyện đã xảy ra. Trước khi gặp em, anh và Jan đã gần như sắp đính hôn. Và khi gặp lại cô ấy, anh ... anh biết rằng mình vẫn còn yêu ... " "Tôi hiểu rồi. Oliver, tạm biệt." Năm phút sau, cô thư ký của nàng thông báo. "Có một cú điện thoại cho cô ở đường dây số một, cô Stewart." "Tôi không muốn nói chuyện với ... " "Đó là nghị sĩ Davis." Ông bố của cô dâu đây. Ông ấy muốn cái gì ở mình nhỉ ? Leslie băn khoăn, nàng nhấc máy. Một giọng nói nằng nặng của vùng miền Nam. "Cô là Stewart ?" "Vâng." "Tôi là Todd Davis. Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện với nhau một chút." Nàng ngập ngừng. "Thưa ông, tôi không biết chúng ta có nên ... " "Tôi sẽ đến đón cô trong một giờ nữa." Máy cắt ngay. Đúng một giờ sau đó, một chiếc Limousine chầm chậm đỗ lại cổng công ty, nơi Leslie đang làm việc. Nghe báo, nàng đi ra. Người tài xế bước xuống mở cửa xe cho nàng. Nghị sĩ Davis ngồi ở ghế sau. Ông có vẻ rất gây ấn tượng với mái tóc trắng và hàng ria nhỏ, khuôn mặt của một người đáng kính. Mặc dù trời hơi mưa ông vẫn mặc bộ comlê trắng và đội chiếc mũ rơm kiểu cách. Nghị sĩ Davis mang dáng vẻ của một nhà quý tộc miền Nam ở thế kỷ trước. Khi Leslie đã ngồi vào trong xe, ông ta nói "Cô là một phụ nữ trẻ và đẹp." "Cám ơn." Nàng đáp nhỏ. Chiếc xe lăn bánh. "Tôi không chỉ nói về mặt hình thức đâu, cô Syewart. Tôi có nghe những lời bình luận của cô về đám cưới trên các phương tiện truyền thông. Cô có bản lĩnh thật đấy. Tôi chẳng dám tin khi nghe những lời cô nói." Giọng ông ta bỗng trở nên giận dữ. "Cô đang nghĩ tôi là một kẻ đạo đức giả đúng không ? Thú thật với cô là tôi cùng Oliver đã lừa gạt cô một cách quá ư là đê tiện. Và tôi tức giận Jan vì nó đã cướp anh ta của cô. Nói cách khác tôi cảm thấy tội lỗi, ôửi vì nó là con gái tôi. Kể ra chúng nó cũng hợp nhau." Giọng ông run run vì cảm động. Họ ngồi im lặng một lúc, rồi Leslie cất tiếng. "Tôi biết Oliver, tôi chắc là anh ấy cũng không định làm tôi đau đớn. Điều gì xảy ra ... đã xảy ra rồi. Tôi chỉ mong sự tốt lành nhất sẽ đến với anh ấy. Anh ấy đã lựa chọn như vậy. Tôi không thể làm việc gì để ngáng trở đường đi của anh ấy." "Cô thật rộng lượng", ông ta ngừng lại, nhìn cô một lát, "cô thực sự là một cô gái tuyệt vời." Chiếc xe đỗ lại. Leslie nhìn qua cửa xe. Họ đã đến Paris Pike, trung tâm ngựa của Kentucky. Có khoảng hơn một trăm trại ngựa ở Lexington này, và lớn nhất là của nghị sĩ Davis. Hai người ra khỏi xe, đi quanh khu quây ngựa. Họ dừng lại một lúc, ngắm nhìn những con vật đẹp đẽ đi lại. Nghị sĩ Davis quay về phía nàng. "Tôi là người rất đơn giản," ông ta hạ giọng, "ồ, tôi biết điều này có vẻ khó nghe đối với cô, nhưng đó là sự thật. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ ở lại đây nốt quãng đời còn lại của mình. Không một nơi nào trên thế giới giống đây cả. Hãy nhìn xem xung quanh, cô Stewart. Ơ đây gần chân trời đến nỗi ta có cảm giác sắp được lên thiên đàng. Mark Twain đã từng nói, nếu phải chết, ông muốn trút hơi thở cuối cùng tại Whasington và giờ đây tôi muốn thoát khỏi nó." "Thế tại sao ông còn tranh cử để làm Nghị sĩ Quốc hội ?" "Bởi vì tôi phải có trách nhiệm. Người dân bầu tôi làm Nghị sĩ, và chừng nào họ còn tín nhiệm, tôi sẽ còn phải làm tốt nhất công việc của mình." Bất chợt ông thay đổi đề tài. "Tôi muốn cô biết là tôi rất khâm phục cách xử sự của cô. Nếu có mệt mỏi vì điều đó, tôi biết nó cũng gây ra một vài lời bàn tán, thì ... tôi xin được thể hiện sự quý mến của tôi ..." Leslie ngước nhìn ông ta. "... Tôi nghĩ có lẽ cô nên đi xa một thời gian, một chuyến du lịch nước ngoài chẳng hạn. tất nhiên, tôi sẽ lo một khoản .." "Làm ơn đừng nói thế ..." "Tôi chỉ ..." "Tôi biết, tôi chưa gặp con gái ông, Nghị sĩ Davis ạ, nhưng nếu Oliver yêu cô ấy, chắc hẳn cô ấy phải rất đặc biệt. Tôi hi vọng họ sẽ hạnh phúc." Ông ta lúng túng nói. "Tôi nghĩ cô nên biết là chúng tôi sẽ quay lại đây để cưới lại. Ơ Paris mới chỉ là một bữa tiệc nhỏ thôi, có tính nội bộ. Jan muốn được làm lễ cưới ở nhà thờ tại đây." Một cú nhói trong tim nàng. "Tôi hiểu. Được thôi. Họ sẽ chẳng có gì phải lo lắng cả." "Cám ơn cô." Đám cưới diễn ra hai tuần sau đó, tại chính nhà thờ Calvary Chapel, nơi Leslie và Oliver đã định làm lễ cưới. Nhà thờ đông kín người. Oliver Russell, Jan và Nghị sĩ Todd Davis đứng trước vị cha xứ làm lễ. Jan Davis là một cô gái tóc nâu xinh đẹp, thân hình tha thướt và có một vẻ quý tộc nòi. Vị cha xứ đang sắp kết thúc buổi lễ. "Cầu Chúa ban phước cho người đàn bà này, hai con người sẽ gắn kết về mặt tâm hồn và thể xác, sẽ cùng nhau đi đến tận cuối đời ... " Cửa nhà thờ bật mở. Leslie Stewart bước vào. Nàng dừng bước, lắng nghe, rồi đi đến hàng ghế cuối cùng và đứng tại đó. " ... Nếu ai đó biết được vì lý do gì mà hai con người này không thể gắn kết lại với nhau về mặt tâm hồn và thể xác thì hãy nói ra hoặc ..." Vị cha xứ liếc nhìn Leslie, " .. háy giữ kín mãi mãi cho riêng mình." Thế là, không ai bảo ai, tất cả đều hướng về phía Leslie. Tiếng thì thào nổi lên phá vỡ sự yên lặng đang ngự trị. Tất cả đều có cảm giác họ đang phải chứng kiến một tấn bi kịch. Phòng nguyện bỗng tràn ngập bầu không khí căng thẳng. Vị cha xứ dừng lại một lúc, rồi hắng giọng, vẻ hồi hộp. "Và bây giờ, với quyền lực của Chúa ban cho, ta tuyên bố hai con là vợ chồng." Ông nhìn vào Oliver, nói "Con hãy hôn cô dâu đi." Khi vị cha xứ ngước mắt lên. Leslie đã biến mất. Trang cuối cùng trong nhật ký của Leslie viết : Nhật ký thân mến : Lễ cưới thật sang trọng. Oliver là một chú rể rất đẹp trai. Cô dâu mặc bộ đồ cưới bằng satinh trắng muốt, trông thật diễm lệ. Chưa bao giờ ta nhìn Oliver đẹp như lúc ấy. Anh ta có vẻ rất hạnh phúc. Ta cũng hài lòng. Bởi vì trước khi cắt đứt hẳn với Oliver, ta sẽ khiến anh ta ước gì mình chưa từng được sinh ra trên cõi đời này. Chương 02 Chính Nghị sĩ Todd Davis đã sắp xếp cho cuộc tái hợp giữa Oliver và con gái ông ta. Todd Davis goá vợ. Ông là một tỷ phú, có trong tay nhiều đồn điền thuốc lá, mỏ than, mỏ dầu ở Oklahoma và Alaska, cùng một chuồng ngựa quý vào bậc nhất thế giới. Là một trong số ít người lãnh đạo Hạ Nghị Viện, ông ta nằm trong danh sách các yếu nhân bậc nhất của Washington. Davis có một triết lý sống đơn giản : Không bỏ qua một vận may nào, không bỏ sót một lỗi lầm nào. Ông hãnh diện về thành công của mình, trong thương mại cũng như trong chính trường. Gần đây, ông đã chấm Oliver Russell để đi tiếp con đường của ông. Việc Oliver có thể là con rể ông, thực ra là điểu không hề chờ đợi, không có trong dự tính nhưng rốt cuộc lại là động cơ thúc đẩy chủ yếu, cho đến lúc Jan nằng nặc đòi chia tay anh ta. Khi Nghị sĩ Davis biết tin Oliver sắp lấy vợ, và người đó là Leslie Stewart, ông bỗng thấy thực phiền muộn, thậm chí lo lắng. Nghị sĩ Davis gặp Oliver lần đầu tiên khi anh nhận giải quyết một công việc về luật pháp cho ông. Anh đã gây cho ông một ấn tượng khó quên. Đẹp trai, thông minh, nhanh nhẹn và có một vẻ quyến rũ rất đàn ông, dễ cuốn hút đám đông. Todd Davis đã sắp xếp ăn một bữa tối với Oliver và anh không hề biết mình đã bị quan sát cẩn thận như thế nào. Một tháng sau lần gặp gỡ ấy, Nghị sĩ Davis nói với Peter Tager. "Tôi nghĩ là chúng ta đã tìm được ra một vị Thống đốc mới của bang" Tager là người đứng đắn, xuất thân từ một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Cha ông ta là giáo viên dạy sử, mẹ làm nội trợ, cả gia đình đều là những con chiên ngoan đạo. Năm Peter mười một tuổi, cả nhà gặp tai nạn vì xe ô tô bị hỏng phanh trên đường đi du lịch. Vụ tai nạn thật khủng khiếp , người duy nhất sống sót là Peter, nhưng bị hỏng một mắt. Peter tin rằng chính Chúa đã cứu sống mình nên ông ta càng phải nghe lời Người. Peter đánh hơi được sự biến động chính trị nhanh hơ bất kỳ ai mà Nghị sĩ Davis từng gặp. Ông ta biết cử tri ở đâu và làm cách nào để có được họ, luôn đoán trước được công chúng muốn nghe điều gì, hay cái gì làm họ chán ngấy. Song điều quan trọng hơn cả là đối với Davis là ông có thể tin được Peter. Peter được nhiều người yêu quý. Còn ông ta thì lại yêu quý gia đình mình hơn mọi thứ trên đời. Todd Davis chưa thấy người đàn ông nào lại hãnh diện về vợ con như Peter. Lần đầu tiên Todd gặp Peter Tager là lúc ông ta đang được đề cử vào Nghị viện. "Thưa Nghị sĩ, có quá nhiều người cần được giúp đỡ. Tôi muốn làm điều mình có thể làm." Nhưng Nghị sĩ Davis đã mở mắt cho Peter. " Anh có biết rằng anh có thể giúp được nhiều người hơn bằng cách giúp việc cho tôi ở Hạ Nghị viện không ? Đó là cách lựa chọn thích hợp. Và Tager hiểu mình phải hoàn thành công việc như thế nào. "Người mà tôi nghĩ đến để đưa lên chức Thống đốc bang là Oliver Russell." "Chàng luật sư đó ư ?" "Phải anh ta có khiếu chính trị đấy. Nếu có chúng ta chống lưng , anh ta không thể thua." "Nghe được đấy Nghị sĩ ạ." Hai người bắt đầu bàn bạc. Nghị sĩ Davis kể cho con gái nghe về Oliver Russell."Cậu ta có triển vọng lắm lắm, con yêu ạ." " Và có một quá khứ ra phết đấy. Không biết anh ta đã lên giừng với bao nhiêu phụ nữ rồi ?" "Con gái, đừng có nghe những kẻ ngồi lê đôi mách. Tối thứ sáu, cha sẽ mời anh ta đến đây dùng bữa. " Bữa ăn tối thứ sáu diễn ra suôn sẻ. Olivier thật duyên dáng, và Jan cũng không kìm được lòng, niềm nở đón tiếp anh. Ngài Nghị sĩ ngồi ngắm cả đôi, trong đầu vẽ ra kế hoạch tuyệt vời cho Olivier. Cuối buổi tối đó, Jan mời Olivier đến dự một bữa tiệc vào thứ bảy tuần sau. "Rất hân hạnh, thưa cô." Và cũng từ bữa đó, họ bắt đầu có những cuộc gặp riêng. Ngài Nghị sĩ thông báo cho Peter. "Chúng ta sắp làm đám cưới, đã đến lúc ta lăng xê Olivier rồi." Olivier được mời tới gặp Nghị sĩ Davis tại văn phòng. "Tôi muốn hỏi anh một câu. Anh có muốn trở thành Thống đốc bang Kentucky không ?" Olivier ngạc nhiên nhìn ông ta. "Tôi ... tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đó." "Vậy mà Peter và tôi nghĩ đã giúp anh rồi đấy. Năm tới sẽ có một cuộc bầu cử. Chúng tôi có đủ thời gian để gây dựng cho anh. Anh hãy tỏ rõ mình. Nếu có chúng tôi đằng sau, anh không thế thất bại được." Olivier hiểu điều đó là sự thật. Nghị sĩ Davis là con người đầy quyền lực, một cỗ máy chính trị được tra đầy đủ dầu mỡ, một cỗ máy có thể tạo nên những sản phẩm kỳ diệu mà cũng đủ sức phá huỷ bất kỳ vật gì cản đường nõ. "Anh sẽ phải hoàn toàn tuân thủ." Nghị sĩ đe. "Vâng, tôi xin nghe." "Tôi có một stốt lành cho anh đây. Chừng nào mà tôi còn nhúng tay vào thì đó mới chỉ là bước đầu. Anh sẽ làm Thống đốc một hay hai nhiệm kỳ gì đó và tôi hứa là sẽ đưa anh đến Nhà Trắng." Olivier thấy nghẹn trong họng. "Ông ... ông nói nghiêm túc đấy chứ ?" "Tôi không đùa những chuyện như vậy. Chắc tôi không nói anh cũng hiểu đây là thời đại của truyền hình. Anh có những cái mạnh mà đồng tiền không thể mua được - đó là năng lực cuồn hút. Mọi người đổ xô lại anh, và bản thân anh cũng sẽ yêu quý họ. Đó cũng là điều Jack Kennedy có." "Tôi ... tôi không biết nói thế nào." "Anh không phải nói gì cả. Ngày mai tôi đi Washington và khi tôi trở vể, chúng ta sẽ vào việc." Mấy tuần sau, chiến dịch tranh cử chức Thống đốc bang Kentucky bắt đầu tiến hành. Những tấm áp phích in hình Olivier được trưng ra khắp nơi trong bang. Anh xuất hiện trên truyền hình và trong các cuộc hội thảo mang tính chính trị. Tỷ lệ tín nhiệm của dân chúng với anh tăng lên từng tuần. "Cậu ta lên được năm điểm nữa rồi", Peter thông báo với nghị sĩ Davis, "chỉ còn kém ông Thống đốc mười điểm nữa thôi. Chúng ta còn rất nhiều thời gian. Trong mấy tuần nữa, họ sẽ bằng điểm nhau." Nghị sĩ Davis gật đầu. "Olivier sẽ thắng. Không cần bàn nữa." Todd Davis và Jan cùng ăn sáng. "Thế nào chàng trai của con đã cầu hôn chưa ?" Jan mỉm cười. "Chưa chính thức nhưng con thấy anh ấy đã có ngụ ý." "Đừng để nó ngụ ý qúa lâu, con gái ạ. Ta muốn con làm đám cưới trước khi chồng con dọn vào dinh Thống đốc. Không nên để một vị Thống đốc sống cảnh cô đơn. " Jan vòng tay ôm cổ cha. "Con rất vui vì cha đã mang anh ấy đến cho con. Con rất yêu anh ấy." "Điều làm con hạnh phúc thì cũng làm cha hạnh phúc." Tất cả mọi việc diễn ra thật hoàn hảo. Ngay tối hôm sau, khi về đến nhà, Nghị sĩ Davis bắt gặp cảnh cô con gái nước mắt đầm đìa, đang thu xếp đồ đạc. Ông nhìn cô, bối rối. "Chuyện gì vậy, con gái ?" "Con sẽ đi khỏi đây. Chừng nào còn sống con không muốn nhìn thấy Olivier nữa." "Oa, giữ lời đấy nhé. Con đang định nói chuyện gì vậy ?" Cô quay lưng về phía ông. "Con đang nói về Olivier." Giọng cô trở nên bực bội hơn. "Đêm qua, anh ta đã trên giường voí đứa bạn thân nhất của con. Nó gọi điện cho con sáng nay và bảo rằng anh ấy quả là một người tình tuyệt vời." Ông Nghị sĩ đứng lặng đi. "Chắc có kẻ nào muốn phá ... " "Không, con đã gọi điện cho Olivier. Anh ta ... anh ta đã không chối gì cả. Con sẽ đi. Con đi Paris đây." "Con chắc là mình đúng ... ?" "Chắc chắn ." Sáng hôm sau, Jan làm như đã nói. Nghị sĩ Davis nói chuyện với Olivier. "Tôi rất thất vọng ở anh đấy, con trai ạ." Olivier thở dài. "Tôi xin lỗi về chuyện đã xảy ra. Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện thôi. Lúc đó, tôi đã làm vài ly, và người đàn bà đến bên tôi, rồi ... tôi ... tôi không thể từ chối." "Ta có thể hiểu được chuyện ấy. " Ngài nghị sĩ nói với vẻ thông cảm sâu sắc. "Rốt cuộc thì bởi anh là một thằng đàn ông, phải không ?" Olivier cười chân thành. "Vâng, và chuyện đó sẽ không lặp lại nữa. Tôi có thể đảm abỏ là ... " "Chuyện quá tệ, anh bạn ạ. Lẽ ra anh sẽ là một vị Thống đốc." Mặt Olivier tái xanh. "Cái gì, ngài nói cái gì vậy ?" "Thế này, Olivier ạ, thật không phải nếu tôi vẫn ủng hộ anh. Y tôi là, khi mà anh nghĩ đến tình cảm của Jan ... " "Việc tranh cử Thống đốc có liên quan gì tới Jan ?" "Tôi đã từng nói với mọi người là Thống đốc bang Kentucky sắp là con rể tôi, buộc lòng, tôi phải lập kế hoạch khác, đúng không ?" "Hãy hợp lý một chút đi, ngài Nghị sĩ, tôi không thể ..." Nghị sĩ Davis lạnh nhạt cười. "Đừng bao giờ dậy tôi phải làm điều này hay không làm điều nọ, Olivier. Tôi tạo dựng cho anh được thì cũng dễ dàng bóp chết anh được !" Ông ta lại mỉm cười. "Nhưng đừng hiểu lầm tôi. Tôi không phải không có tình cảm đâu. Cầu chúa ban cho anh những điều tốt lành nhất." Olivier ngồi đó, im lặng trong giây lát. "Tôi hiểu. Tôi ... tôi xin lỗi về tất cả những chuyện này." "Tôi cũng vậy, Olivier ạ. Tôi thực sự ... " Khi Olivier đi khỏi, nghị sĩ Davis gọi điện cho Peter Targer. "Chúng ta sẽ không tiếp tục chiến dịch tranh cử nữa." "Bỏ nó ư ? Tại sao ? Chiến thắng trong tầm tay rồi. Lần thăm dò tín nhiệm gần đây nhất ..." "Hãy làm đúng như lời tôi yêu cầu. Huỷ bỏ tất cả sự hiện diện của Olivier đi. Chúng ta rời tay ra, hắn ta chẳng dậy nổi đâu." Hai tuần sau, tỷ lệ tín nhiệm của Olivier tụt xuống với vận tốc chóng mặt. Những tấm biển quảng cáo biến mất, chương trình radio và truyền hình cũng im bặt. "Thống đốc Addison đang dẫn đầu về tỷ lệ tín nhiệm. Nếu chúng ta cần tìm một ứng cử viên mới, thì phải nhanh lên." Peter nói. Ngài Nghị sĩ trầm ngâm. "Còn ối thời gian, bỏ qua chuyện đó đi." Mấy ngày sau đó, Olivier đến công ty Bailey & Tomkin để yêu cầu họ lo việc vận động cho anh. Jim Bailey đã giới thiệu về anh với Leslie và ngay lập tức anh đã bị nàng quyến rũ. Nàng không chỉ đẹp, còn thông minh, đáng yêu và rất tin tưởng ở anh. Đôi lúc, anh cảm thấy nhớ Jan, nhưng lại nhanh chóng quên ngay. Với Leslie hoàn toàn là chuyện khác. Nàng nồng nhiệt và nhạy cảm, tình yêu đến với họ thật tự nhiên. Thi thoảng, anh cũng tiếc nuối cái mình đánh mất ... " Đây chỉ là bước đầu tiên. Anh sẽ làm Thống đốc độ một, hai nhiệm kỳ, và tôi hứa sẽ đưa anh đến Nhà trắng." Cần quái gì. Ta vẫn hạnh phúc mà không cần đến những cái đó. Olivier tự an ủi mình. Nhưng đôi lúc, anh cũng không thể bắt mình đừng nghĩ về cái vinh quang mà lẽ ra anh sẽ có. Tin về đám cưới của Olivier loang ra, Nghị sĩ Davis cho gọi Peter. "Peter. có chuyện rồi đây. Chúng ta không thể để Olivier Russell vứt bỏ sự nghiệp của mình bằng cách cưới một phụ nữ vô danh tiểu tốt được." Peter cau mày. "Tôi không biết ông đang định làm gì vào lúc này, thưa ông Nghị sĩ. Đám cưới đã được chuẩn bị xong hết rồi." Nghị sĩ Davis suy nghĩ một lúc. "Tỷ lệ tín nhiệm của Olivier chưa về số không đấy chứ ?" Rồi ông gọi điện cho con gái ở Paris. "Jan, cha có tin buồn cho con đây. Olivier sắp lấy vợ." Im lặng rất lâu. "Con ... con có nghe ..." "Điều đáng buồn là nó không yêu người phụ nữ ấy. Nó nói với cha là phải lấy vợ vì quá thất vọng trước việc con bỏ đi. Nó vẫn còn yêu con đấy." "Olivier nói vậy ư ?" "Hoàn toàn đúng vậy. Nó đang phải làm một việc khủng khiếp cho mình. Mà con gái ạ, phần nào chính con đã buộc nó phải làm như vậy. hi con bỏ đi, nó gần như suy sụp." "Cha ... con ... con không biết... " "Cha chưa từng thấy người đàn ông nào đau khổ hơn thế." "Cha ơi, con phải làm gì bây giờ ?" "Thế con vẫn còn yêu nó đấy chứ ?" "Con vẫn luôn yêu anh ấy. Con biết con đã sai lầm khủng khiếp." "Ơ`, thế thì chưa muộn đâu." "Nhưng anh ấy sắp lấy vợ kia mà ?" "Con gái, tại sao chúng ta lại chỉ ngồi đợi và nhìn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Biết đâu nó sẽ đi theo tiếng gọi của tình yêu ?" Khi Davis treo máy, Peter hỏi. "Ông định làm gì, thưa Nghị sĩ ?" "Tôi ư ?" Nghị sĩ Davis nói với vẻ vô tình. "Không gì cả. Chỉ là đặt viên gạch trở lại đúng chỗ của nó thôi. Tôi nghĩ mình sẽ nói chuyện với Olivier." Buổi chiều hôm đó, Olivier Russell đến văn phòng của Nghị sĩ Davis. "Rất vui được gặp lại anh, Olivier. Trông anh có vẻ vẫn khoẻ đấy." "Cám ơn ông, trông ông cũng vậy." "Ô`, không đâu, tôi biết là mình đang già đi từng ngày. Nhưng tôi vẫn cố làm việc, chừng nào có thể." "Ông cho gọi tôi tới đây gặp ông, phải không Nghị sĩ ?" "Phải đấy, Olivier, xin mời anh ngồi." Olivier ngồi xuống ghế. "Tôi muốn anh giúp tôi gỡ một vụ dính líu đến luật pháp ở Paris. Một trong những công ty của tôi tại đó gặp rắc rối. Đội hội cổ đông thì sắp đến. Tôi muốn anh qua và giải quyết cho tôi chuyện đó." "Ô`, tôi rất sẵn sàng. Thế khi nào Đại Hội bắt đầu ? Để tôi xem lại lịch làm việc và ... " "Tôi e là anh phải đi ngay hôm nay thôi." Olivier tròn mắt nhìn ông ta. "Ngay chiều nay ư ?" "Tôi xin lỗi vì báo cho anh quá muộn, nhưng tôi cũng vừa nhận được thông báo này. Máy bay riêng của tôi đã sẵn sàng. Anh cố gắng lên nhé, đây là việc vô cùng quan trọng với tôi." Olivier trầm ngâm. "Tôi sẽ cố gắng hết sức." "Hoan hô anh, Olivier . Tôi biết là tôi có thể tin cậy vào anh mà." Ông ta ngừng lại một chút. "Tôi rất buồn trước những gì xảy ra với anh. Anh biết về tỷ lệ tín nhiệm mới nhất chứ ? Tôi e là anh thất bại mất." "Tôi biết." "Lẽ ra tôi sẽ không quan tâm quá nhiều đến vậy, nhưng ... " "Nhưng sao ?" "Lẽ ra anh sẽ là một vị Thống đốc. Nhưng anh đã chọn một tương lai khác, kém sáng sủa hơn. Lẽ ra anh đã có tiền ... quyền lực. Để tôi nói với anh một chút về hai thứ đó, Olivier . Tiền không quan tâm tới việc ai là chủ nó. Một người may mắn có thể có rất nhiều tiền nếu trúng xổ xố, một gã công tử dặt dẹo cũng có thể được thừa hưởng cả đống tiền hoặc một tên cướp nhà băng cũng có thể có rất nhiều tiền. Nhưng quyền lực, quyền lực thì lại là một vấn đề khác hẳn. Có quyền lực thì có thể sở hữu cả thế giới. Nếu anh là vị Thống đốc của cái bang này, anh có thể can thiệp vao mọi chuyện của mọi người ở đây. Anh có thể làm cho cuộc sống của họ khá lên hoặc tồi đi. Đã có lần tôi hứa với anh là một ngày nào đó sẽ đưa anh vào Nhà Trắng. Thế đấy, tôi đã hứa, và lẽ ra anh sẽ có thể trở nên như vậy. Hãy nghĩ lại xem, Olivier , nếu có quyền lực, anh sẽ trở thành một con người quan trọng nhất trên thế gian, điều hành một đất nước giàu mạnh nhất trên thế giới. Đó là điều đáng để mơ ước, phải không ?" Ông ta chậm rãi nhắc lại. "Người hùng mạnh nhất thế giới." Olivier lắng ng không biết câu chuyện sẽ dẫn đến đâu. Và như đoán biết được câu hỏi chưa nói ra của Olivier , ngài Nghị sĩ lại tiếp. "Và anh đã từ bỏ tất cả những vinh quang chỉ vì cái trôn một mụ đàn bà. Thế mà tôi lại nghĩ anh thông minh hơn thế, con trai ạ." Olivier vẫn im lặng, chờ đợi. Nghị sĩ Davis lại tiếp. "Tôi đã nói chuyện với Jan sáng nay. Nó đang ở Paris, khách sạn Ritz. Khi tôi nói là anh sắp lấy vợ, ôi ... nó đã rất đau khổ, oà lên khóc." "Tôi, tôi xin lỗi, tôi thực sự xin lỗi." "Thật tiếc là hai con không thể quay lại được với nhau." Davis thở dài. "Thưa Nghị sĩ, tôi sẽ cưới vợ vào tuần sau." "Tôi biết. Và tôi sẽ không can thiệp vào chuyện đó đâu. Cứ cho tôi là một lão gìa lẩm cẩm, nhưng đối với tôi, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất trên đời. Chúa ban phước cho anh, Olivier ạ." "Cám ơn ông." Ngài Nghị sĩ liếc nhìn đồng hồ. "Thôi, anh về nhà và thu xếp đồ đạc đi. Chi tiết về đại hội tôi sẽ fax tới anh ở Paris." Olivier đứng dậy. "Xin ông cứ yên tâm, tôi sẽ quan tâm việc này trên hết." "Tôi biết là anh sẽ như vậy. A` này, tôi đã đặt phòng cho anh ở khách sạn Ritz rồi đấy." Ngồi trong chiếc máy bay sang trọng của Nghị sĩ Davis ới Paris, Olivier suy nghĩ mãi về những điều ông ta nói. "Lẽ ra anh sẽ là một vị Thống đốc. Nhưng anh đã chọn một tương lai khác, kém sáng sủa hơn ... Để tôi nói với anh một chút về tiền bạc và quyền lực ... Có quyền lực sẽ sở hữu cả thế giới. Nếu anh là vị Thống đốc của cái bang này, anh có thể can thiệp vao mọi chuyện của mọi người ở đây. Anh có thể làm cho cuộc sống của họ khá lên hoặc tồi đi ... " Nhưng mình chẳng cần cái quyền lực đó. Olivier tự an ủi bản thân mình. Không, mình sắp lấy làm vợ một phụ nữ tuyệt vời. Cả hai sẽ đem lại hạnh phúc cho nhau. Rất hạnh phúc. Khi Olivier hạ cánh xuống sân bay Le Bouget Airport của Paris, một chiếc Limousine đã đợi anh ở đó. "Thưa ông Russell, chúng ta đi đâu đây ?" Người tài xế hỏi anh. "A` này, tôi đã đặt phòng cho anh ở khách sạn Ritz rồi đấy. Jan cũng đang ở khách sạn Ritz." Có lẽ mình nên ở một khách sạn khác thì hơn, Plaza - Athénée hay Meurice. Người tài xế nhìn anh, vẻ chờ đợi. "Đến khách sạn Ritz." Olivierđáp. I t nhất thì anh cũng muốn đến chào và xin lỗi Jan. Anh gọi điện cho Jan từ phòng riêng. "Olivier đây, anh đang ở Paris." "Em biết, cha em đã gọi điện cho em." "Anh đang ở tầng dưới. Anh muốn tới chào em, liệu em ... " "Lên đây." Khi Olivier đến cửa buồn hạng nhất của Jan, anh vẫn chưa biết sẽ nói gì với cô. Jan đợi anh ở cửa. Cô đứng đó, mỉm cười, rồi quàng tay qua cổ anh, ôm anh càng lúc càng chặt. "Cha nói là anh sẽ đến đây. Em vui quá !" Olivier bỡ ngỡ. Anh đang định kể cho cô nghe về Leslie, nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Anh xin lỗi vì chuyện xảy ra giữa chúng ta ... Anh không bao giờ muốn làm em đau khổ ... Anh đã yêu một phụ nữ khác ... nhưng anh luôn ... " "Anh, anh phải nói với em chuyện này." Anh vụng về nói. "Sự thật là ..." song khi anh nhìn vào mắt Jan, anh lại nhớ tới lời của cha cô. "Tôi đã có một lần hứa, một ngày nào đó sẽ đưa anh vào Nhà Trắng. Phái, tôi đã định thế ... Và hãy nghĩ đến quyền lực đó đi, Olivier. Là người quan trọng nhất trên thế gian, điều hành đất nước mạnh nhất thế giới. Đó là điều đáng để mơ ước phải không ?" "Điều gì vậy, anh yêu ?" Và những từ ngữ trong mỉệng anh cứ tuôn ra như đã học thuộc kỹ càng. "Anh đã sai lầm khủng khiếp, Jan ạ, anh là một thằng dở hơi. Anh yêu em. Anh muốn cưới em." "Olivier !" "Em có đồng ý lấy anh không ?" "Vâng, ôi, vâng, anh yêu." Không một chút ngập ngừng. Anh bế bổng cô lên và đưa cô về phía buồng ngủ. Chỉ vài giây sau họ đã ở trên giường, và Jan nói. "Anh không thể biết được em đã nhớ anh như thế nào đâu, anh yêu ạ." "Lẽ ra anh đã phải đến đây sớm hơn ... " Jan rên rỉ trong vòng tay anh. "Ôi, thật tuyệt vời !" "Đó là vì chúng ta sinh ra là để của nhau mà." Olivier ngồi bật dậy. "Chúng mình phải thông báo ngay cho cha chuyện này." Cô nhìn anh, ngạc nhiên. "Ngay bây giờ ?" "Phải." Còn riêng mình sẽ nói với Leslie. Mười lăm phút sau Jan đã nói chuyện với Nghị sĩ Davis. "Olivier và con sẽ tổ chức đám cưới." "Tuyệt lắm, con gái ạ. Cha không thể ngạc nhiên hay sung sướng hơn. Nhân tiện, ông Thị Trưởng của Paris là ông bạn già của cha. Ông ta đang chờ con gọi đấy. Ông ta sẽ làm đám cưới cho con tại đó. Cha đã sắp đặt mọi thứ cho con tại đó. Cha đã sắp đặt mọi thứ đâu đấy hết rồi." "Nhưng ... " "Để cha nói chuyện với Olivier ." "Vâng, cha đợi một chút." Jan đưa điện thoại cho anh. "Cha muốn nói chuyện với anh." "Vâng, xin nghe đây." "Con trai, anh làm ta rất vui đấy. Anh đã làm một điều đúng đắn." "Cám ơn cha, con cũng nghĩ vậy." "Cha đã sắp xếp cho hai đứa làm đám cưới tại Paris. Và khi nào về nhà, các con sẽ làm lại đám cưới tại nhà thờ Calcavary Chapel." Olivier cau mày. "Nhà thờ Chalvary Chapel ư ? Con ... con không cho nó là hay đâu. Đó là nơi Leslie và con ... Tại sao chúng ta không ... ?" Giọng Nghị sĩ lạnh lùng. "Con đã làm con gái ta đau khổ, Olivier , và bây giờ đến lúc con phải đền bù cho nó. Ta nói có đúng không ?" Im lặng kéo dài. "Vâng, thưa cha, đúng ạ." "Cám ơn con, Olivier , cha mong được gặp các con trong mấy ngày nữa. Chúng ta sẽ nói chuyện ... Thống đốc ..." Đám cưới tại Paris là một buổi lễ ngắn ngủi, diễn ra tại Toà Thị chính. Kết thúc bữa tiệc, Jan nhìn Olivier và nói. " Cha muốn chúng ta quay về làm lễ cưới tại nhà thờ Calvary Chapel." Olivier ngập ngừng, nghĩ đến Leslie và những điều sắp gây ra cho nàng. Nhưng anh đã đi quá xa rồi. "Cha muốn gì cũng được." Olivier không lúc nào không nghĩ đến Leslie . Nàng đâu có tội tình chi để phải chịu những tủi nhục anh đã gây ra cho nàng. Mình sẽ gọi điện và giải thích. Nhưng cứ mỗi lần cầm đến điện thoại, anh lại bối rối. Mình sẽ giải thích thế nào đây ? Mình sẽ nói gì với cô ấy ? Và anh không tự trả lời được. Cuối cùng, anh đành mặc để cho báo chí làm chuyện ấy. Nó khiến anh càng cảm thấy tệ hơn. Sau ngày Olivier và jan về Lexington, chiến dịch vận động cho Olivier lại tiếp tục và còn rầm rộ hơn trước. Peter Targer phụ trách toàn bộ chiến dịch đó và Olivier lại xuất hiện liên tục trên truyền hình và báo chí. Anh diễn thuyết trước đám đông ở vườn Kentucky Kingdom Thrill, xuất hiện tại một cuộc mitinh lớn ở xưởng Toyota Motor tại Georgetown. Anh nói chuyện trên quảng trường rộng 20000 feet vung ở Lancaster. Song đó chỉ là sự bắt đầu. Peter còn sắp xếp quảng cáo cho Olivier bằng xe buýt vòng quanh bang. Những chiếc xe to, dài có in hình anh đi từ Georgetown đến Stanford, dừng lại tại Franfort .. Versailles ... Winchester ... Louisville. Olivier nói chuyện ở Kentucky Fairground và trung tâm Exposition. Tóm lại, anh có mặt ở tất cả những nơi cần có mặt trong bang. Chiến dịch tranh cử của Olivier diễn ra không nghỉ, chỉ gián đoạn có vào hôm bởi chính đám cưới của anh với Jan. Anh cũng không nhìn thấy Leslie ở cuối nhà thờ, lòng bỗng bồn chồn không yên. Anh nói điều đó với Peter Targer . "Anh có cho rằng Leslie sẽ làm điều dại dột để hại tôi không ?" "Tất nhiên là không. Mà nếu muốn chăng nữa thì cô ấy sẽ làm được gì. Quên cô ta đi." Olivier biết được Peter nói đúng. Mọi việc đều diễn ra êm đẹp. Chẳng có lý do gì để lo lắng cả. Không gì có thể cản trở anh lúc này. Không có gì. Buổi tối diễn ra lễ bầu cử, Leslie ngồi một mình ở nhà xem tivi, theo dõi tỉ lệ tín nhiệm của Olivier nhích từng điểm một. Cuối cùng, khoảng năm phút trước lúc nửa đêm, thống đốc Addison xuất hiện trước màn hình và đọc một bài diễn văn tuyên bố nhường chức. Leslie tắt tivi. Nàng đứng dậy và thở dài. Đừng khóc nữa, người đàn bà của tôi Ô`, hôm nay xin em đừng khóc nữa Chúng ta sẽ hát bài hát cho quê hương Kentucky yêu dấu Cho quê hương Kentucky thân thuộc đã ở xa nghìn trùng. Đã đến lúc rồi. Chương 03 Nghị sĩ Davis khá bận rộn vào sáng hôm đó. Ông đã phải bay từ thủ đô về Louissvill để tham gia vào một cuộc bán đấu giá ngựa. "Anh nên giữ khuôn mặt lạnh lùng," ông ta bảo Peter Targer , khi họ ngắm những chú ngựa nòi tuyệt đẹp đang diễu qua diễu lại trên sân. "Thế mới ăn tiền đấy, Peter ạ." Một chú ngựa cái nòi rất đẹp được đưa ra bục đấu giá. "Con Cánh buồm xa kìa," Nghị sĩ Davis nói, "tôi muốn nó." Người chủ toạ đập búa liên tục, nhưng mười phút sau, con ngựa đã thuộc về Nghị sĩ Davis . Điện thoại cầm tay reo. Peter bấm máy. "Vâng, tôi nghe đây." Ông ta nghe một lúc rồi hỏi Nghị sĩ. "Ông có muốn nói chuyện với cô Leslie Stewart không ?" Davis nhăn mặt. Ông ta ngập ngừng một chút rồi mới cầm máy. "Cô Stewart đấy à ?" "Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông, nhưng tôi không biết có thể gặp được ông không, thưa Nghị sĩ, tôi cần một sự giúp đỡ." "Ô`, tôi sẽ bay về Whasingtom tối nay, nên ... " "Tôi có thể đến đó gặp ông, điều này thực sự quan trọng." Nghị sĩ Davis ngần ngừ một lúc. "Thôi được, nếu đó là chuyện quan trọng, tôi sẽ rất vui lòng được giúp đỡ cô, thư tiểu thư. Tôi sẽ quay lại trang trại trong vài phút nữa, cô có muốn gặp tôi ở đó không ?" "Thế thì tốt quá." "Hẹn gặp cô trong một giờ nữa." "Cám ơn ông." Davis tắt máy và nhìn sang Peter . "Tôi đã đánh giá nhầm con bé này. Tôi cứ nghĩ nó thông minh hơn kia. Lẽ ta nó nên đòi tiền trước khi Jan và Olivier lấy nhau." Ông ta dừng lại, vẻ ngẫm nghĩ. "Tôi chẳng đi guốc trong bụng cô ta rồi." "Chuyện gì cơ, thưa Nghị sĩ ?" "Tôi thử đoán trước cho anh nghe về cái chuyện quan trọng này nhé. Cô Stewart phát hiện ra mình đã mang bầu với Olivier và cô ta đòi gặp để yêu cầu tôi chi một ít tiền. Cái trò cổ lỗ này ... " Một giờ sau, Leslie lái xe vào sân trang trại của ngài Nghị sĩ. Một người mặc đồng phục đã đứng trước cửa lớn. "Cô là Stewart ?" "Vâng." "Nghị sĩ Davis đang đợi cô, xin mời cô đi theo lối này." Leslie bước vào, đi dọc theo hành lang rất rộng đến một căn phòng lớn được gọi là thư việc. Ơ đó có thật nhiều sách. Nghị sĩ Davis ngồi sau chiếc bàn lật giở cuốn sách gì đó, ông ta đứng dậy khi nàng bước vào. "Rất vui được gặp cô, con gái, xin mời ngồi." Leslie ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nghị sĩ Davis cầm quyển sách đang xem lên. "Đây là danh sách các nài ngựa từng chiến thắng trong các cuộc thi ngựa từ trước đến giờ ở Kentucky , đọc cũng thấy hay, cô gái ạ. Thế cô có biết tên người đầu tiên là ai không ?" "Không." "Aristides, vào năm 1875. Ô, tôi quên mất là cô không đến đây để tranh luận về ngựa." Ông ta dặt quyển sách xuống. "Cô nói là cô cần một sự giúp đỡ." Ông ta đoán trước rằng nàng sẽ nói là : Tôi vừa mới phát hiện ra rằng tôi đang mang thai đứa con của Olivier , và tôi không biết phải làm gì bây giờ ... tôi không muốn gây ra một vụ bê bối, song ... tôi sẵn sàng lưu giữ lại đứa con, nhưng tôi không có đủ tiền ... "Ông có biết Henry Chambers không ?" Leslie hỏi. Nghị sĩ Davis thản nhiên, tỏ ra không chú ý. "Tôi ... Henry ? A` vâng, tôi có biết, nhưng sao ?" "Tôi rất cảm ơn ông nếu ông giới thiệu tôi với ông ấy." Nghị sĩ Davis nhìn nàng, cố gắng sắp xếp lại những suy nghĩ cỉa mình. "Đó là một sự giúp đỡ ư ? Cô muốn gặp Henry Chambers ?" "Vâng." "Tôi sợ rằng ông ta không còn ở đây, cô Stewart ạ. Ông ấy sống ở Phoenix, Arizona." "Tôi biết, tôi vừa rời Phoenix sáng nay. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu như tôi quen một ai ở đó." Nghị sĩ Davis ngắm cô gái trẻ trước mặt mình một lúc. Bản năng mách bảo rằng có chuyện gì đó đang xảy ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. "Cô biết gì về Henry Chambers ?" "Ô`, chỉ là chuyện ông ta là dân Kentucky thôi." Davis ngồi lặng đi, suy nghĩ. Cô ấy là một phụ nữ đẹp. Chambers sẽ nợ ta một thứ. "Tôi sẽ gọi điện cho ông ấy ngay bây giờ." Năm phút sau. "Chào Henry , Todd đây. Chắc anh đang tiếc vì tôi mua mất con Cánh buồm xa sáng nay phải không ? Tôi biết là anh cũng để mắt đến nó mà." Ông ta nghe một lúc rồi cười phá lên. "Tôi cá là anh đã làm đấy. Nghe nói anh lại vừa mới ly hôn. Quá tệ đấy. Tôi rất quý Jessica." Cuộc đối thoại diễn ra kiểu đó chưng vài ba phút, rồi Nghị sĩ Davis nói. "Henry , tôi muốn nhờ anh một việc đây. Một người bạn cuả tôi sẽ đến Phoenix ngày mai, và cô ấy chẳng biết một ai ở đó cả. Tôi sẽ rất cảm ơn nếu anh có thể để mắt đến cô ấy một chút ... Trông cô bé như thế nào ư ?" Ông ta quay lại phía Leslie và mỉm cười. "Không quá xấu. Và không thể bình luận gì được." Ông ta nghe một lúc, rồi quay lại hỏi nàng. "Mấy giờ máy bay của cô tới đó ?" "Đúng hai giờ năm mươi. Chuyến bay số 159." Davis nhắc lại thông tin đó. "Tên cô ấy là Leslie Stewart . Anh sẽ phải cảm ơn tôi vì sự nhờ vả của tôi đấy. Anh nhận lời rồi nhé, Henry . Tôi sẽ thường xuyên liên lạc với anh." Máy cắt. "Cảm ơn ông." "Thế tôi còn giúp được việc gì cho cô nữa không ?" "Không, đó là tất cả những gì tôi cần." Tại sao nhỉ ? Leslie có việc quái gì với Chambers đây ? Việc đối mặt cùng dư luận đám cưới hụt với Olivier tồi tệ hơn gấp trăm lần những gì Leslie có thể tưởng tượng. Nó giống như một chuỗi những cơn ác mộng. Bất kỳ chỗ nào nàng đi qua là ở đó nổi lên những tiếng xì xào. "Đấy, cô ấy đấy. Hắn ta đã đánh đổi cô ấy để ... " "Tôi sẽ giữ lại giấy mời làm kỉ niệm ..." "Không biết cô ấy làm gì với đống quần áo cưới nhỉ ... ?" Những lời bàn tán của đám đông như chọc ngoáy vào vết thương của nàng, và những cơn đau đớn, nhức nhối làm nàng tưởng chừng như không chịu nổi. Không bao giờ. Không bao giờ nàng còn tin được một người đàn ông nào nữa. Điều an ủi duy nhất là đến một ngày nào đó, một lúc nào đó, nàng sẽ bắt Olivier phải trả giá cho những gì anh đã gây ra cho nàng. Không thể tha thứ được. Nhưng nàng không biết làm thế nào. Với Nghị sĩ Davis đứng sau lưng anh ta. Và chính Olivier cũng đầy quyền lực và tiền bạc nữa chứ. Thế thì ta cũng cách để có quyền lực và tiền bạc. Nhưng làm thế nào ? Làm thế nào đây ? Lễ nhậm chức diễn ra ở tiền sảnh của Toà thị chính bang Frankfort, gần cái đồng hồ xinh xắn cao 34 foot. Jan đứng bên cạnh Olivier , hãnh diện ngắm người chồng đẹp trai của mình sắp chính thức là Thống đốc của bang Kentucky . Nếu Olivier chịu nghe lời, thì con đường công danh của anh sẽ chỉ dừng lại khi đến Nhà Trắng, cha cô đã bảo như vậy. Và Jan sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để không xảy ra sai lầm. Không thể có sai lầm được. Sau lễ nhận chức, Olivier ngồi cùng bố vợ trong thư viện của toà nhà dành riêng cho Thống đốc bang, một ngôi nhà rất đẹp được xây theo kiểu biệt thự Petit Trianon của Maria Antoinette ở gần cung điện Versailles, nước Pháp. Nghị sĩ Davis nhìn xung quang căn phòng sang trọng và gật đầu với vẻ hài lòng. "Hai đứa sốngở đây cũng ổn đấy nhỉ ?" "Con có được là nhờ cha." Olivier nói với vẻ vui sướng. "Con sẽ không bao giờ quên điều đó." Nghị sĩ Davis vẫy tay. "Đừng có nghĩ như vậy, Olivier . Anh được thế này là vì anh xứng đáng được vậy. Tôi chỉ là người tác động vào cho nó sớm hơn một chút mà thôi. Nhưng nhớ rằng đây mới chỉ là bắt đầu. Tôi đã ở trong môi trường chính trị khá lâu và cũng học được một hai điều bổ ích." Ông ta nhìn anh, vẻ chờ đợi, và Olivier nhũn nhặc đáp. "Con xin được cha dạy bảo." "Anh biết đấy, mọi người thường hay nhầm. Đừng bao giờ hỏi xem mình biết ai. Mà phải tự hỏi đã biết những gì về người mình biết. Tất cả mọi người đều có bí mật đáng xấu hổ phải che giấu. Tất cả những gì anh phải làm là thu nhặt lấy những điều ấy, và đến lúc anh sẽ ngạc nhiên biết bao vì thấy họ tận tuỵ làm cho anh bất kể việc gì anh cần. Tôi ngẫu nhiên biết được một vị quan chức khả kính trong nội các đã từng phải mất một năm đi điều trị thần kinh. Một vị đại diện của Chính phủ từng phải trải qua trường giáo dục vị thành niên vì tội ăn cắp. Anh thấy sự nghiệp của họ sẽ ra sao nếu tất cả những chuyện đó lộ ra ngoài. Đó chính là nguồn sữa cho chúng ta đấy." Ngài Nghị sĩ mở chiếc cặp xách tay đắt tiền ra và đưa cho Olivier một tập giấy. "Đây là những người mà anh sẽ phải đối đầu ở Kentucky này. Họ đều có quyền và có tiền, nhưng cũng đều có gót chân Asin." Olivier cầm lấy tập giấy, mắt tròn xoe. "Con trai ạ, anh giữ những thứ này cẩn thận nhé. Vàng ròng đấy." "Xin cha yên tâm, con sẽ giữ chúng cẩn thận." "A` này, con trai, đừng có quá đáng với những người này khi con còn cần họ phục vụ cho con. Đừng có làm họ thân bại dnah liệt, cứ mềm nắn rắn buông." Ông ta dừng lại nhìn anh. "Thế dạo này vợ chồng anh ra sao ?" "Dạ, tuyệt vời ạ. " Olivier trả lời như một cái máy. Về mặt nào đó, thì cũng đúng. Đó là một cuộc hôn nhân hoàn hảo, và anh phải hết sức cẩn thận để khỏi làm gì ảnh hưởng đến thành quả đó. Anh sẽ không bao giờ quên cái giá phải trả để có được đám cưới này. "Thế thì được, hạnh phúc của Jan rất quan trọng đối với tôi." Một lời cảnh báo. "Cũng với con nữa, thưa cha." "A` này, anh thấy Peter Targer như thế nào ?" "Con rất quý ông ta, cha ạ. Ông ta là một cộng sự đắc lực đấy." Olivier hào hứng nói. Nghị sĩ Davis gật đầu. "Tôi rất vui vì anh nói vậy. Anh không thể kiếm được ai tốt hơn đâu. Tôi sẽ gửi anh ta đến làm phụ tá cho anh. Đó sẽ là cánh tay phải của anh đấy." Olivier nhũn nhặn cười. "Vâng, được thế thì còn gì bằng." Nghị sĩ Davis đứng dậy. "Thôi, tôi phải về Whasington đây. Hãy cho tôi biết ngay nếu anh cần tôi giúp gì." "Cám ơn cha, con sẽ làm như vậy." Vào buổi sáng chủ nhật sau khi gặp gỡ với Nghị sĩ Davis , Olivier đi tìm Peter . "Ông ấy ở nhà thờ, thưa Thống đốc." "A`, ừ, tôi quên mất. Tôi sẽ gặp ông ấy ngày mai." Peter đến nhà thờ vào tất cả các buổi sáng chủ nhật, cùng với gia đình. Ngàoi ra, mỗi tuần, ông ta còn tham dự ba buổi cầu nguyện, mỗi buổi kéo dài khoảng hai tiếng. Về mặt này, Olivier quý Peter thực sự. Ông ta là người duy nhất mình có thể tin cậy được. Sáng thứ hai, Peter bước vào văn phòng của Olivier . "Anh muốn gặp tôi, Olivier ?" "Tôi cần một sự giúp đỡ, của cá nhân thôi." Peter gật đầu. "Bất cứ việc gì, nếu tôi có thể." "Tôi cần một căn hộ." Peter nhìn quanh căn phìng to lớn với vẻ ngạc nhiên. "Chẳng lẽ chỗ này còn quá nhỏ với anh, thưa Thống đốc ?" "Không." Olivier nhìn thẳng vào con mắt duy nhất của Peter . "Đôi khi tôi có những cuộc gặp vào đêm. Đây là điều bí mật. Ông hiểu ý tôi chứ ?" Một chút yên lặng không dễ chịu chút nào. "Vâng." "Tôi muốn một nơi nào đó không nằm trung tam thành phố. Ông có thể tìm giúp tôi không ?" "Tôi nghĩ là được." "Tất nhiên, chuyện này chỉ giữa chúng ta thôi." Peter gật đầu, nhưng có vẻ không vui lắm. Mấy giờ sau, ông ta gọi điện cho Nghị sĩ Davis ở Washington. "Olivier nhờ tôi thuê cho anh ta một căn hộ với lý do không được nói ra." "Nó dám làm thế à ? Chà, nó sẽ được một bài học, Peter ạ. Được một bài học. Tuân lệnh đi, Peter . Nhưng nhớ đừng để Jan biết đấy." Ngài Nghị sĩ suy ngĩ một lúc rồi nói. " Tìm cho nó chỗ nào đấy ở Indian Hills, chỗ nào chỉ có một đường vào thôi." "Nhưng như thế thì không đúng với yêu cầu của anh ta để ..." "Olivier hãy cứ làm đi Chương 04 Giải pháp cho vấn đề của Leslie bỗng chợt xuất hiện khi nàng đọc hai bài báo đăng trên tờ Lexington Herald - Leader. Bài thứ nhất khá dài, hết lời ca ngợi tân Thống đốc Olivier Russell , và được kết thúc bằng câu : "Không ai ở Kentucky này, quen biết anh, lại bất ngờ nếu một ngày nào đó anh là Tổng thống nước Mỹ." Bái báo thứ hai ở trang viết sau : "Henry Chambers , một công dân cũ của Lexington, người sở hữu chú ngựa Tia chớp đã về nhất trong cuộc đua ngựa tại Lexington cách đây năm năm, và Jessica - vợ ông, người vợ thứ ba vừa mới ly dị. Hiện Henry Chambers đang sống tại Phoenix, là chủ nhân của tờ báo Phoenix Star." Quyền lực của báo chí. Đó mới chính là thứ quyền lực thực sự. Katherine Graham và tờ báo Whasington Post của bà ta chẳng đã làm lụi tàn cuộc đời của một vị tổng thống đó sao. ( Có ý nói về vụ Tổng thống Mỹ Nixon .) Và đấy chính là ý tưởng bất chợt xuất hiện trong Leslie . Hai ngày sau đó, Leslie dành toàn bộ thời gian vào việc tìm hiểu Henry Chambers . Mạng Internet đã cung cấp cho nàng vô số thông tin quan trọng về con ngưòi này. Chambers năm nay tròn năm nhăm, được thừa hưởng cả một gia tài từ ngành công nghiệp thuốc lá do người cha để lại và chỉ dành thời gian vào việc tiêu số tiền đó. Nhưng Leslie không quan tâm đến cái ví khổng lồ ấy. Nàng chỉ chú ý đến việc ông ta đang sở hữu một tờ báo và vừa mới ly dị. Nửa giờ sau cuộc gặp gỡ với Nghị sĩ Davis , Leslie đến gặp Jim Bailey. "Jim, tôi xin nghỉ." Anh nhìn nàng với vẻ cảm thông. "Ô`, tất nhiên rồi, cô nên đi nghỉ ngơi ở đâu đó ít ngày. Khi nào cô về, chúng ta có thể ..." "Tôi sẽ không quay lại." "Gì kia ? Tôi ... tôi không muốn cô đi đâu, Leslie , chạy trốn không phải là cách giải quyết..." "Tôi không chạy trốn." "Cô đã suy nghĩ kỹ chưa ?" "Rồi." "Thế là chúng tôi sắp mất cô rồi. Vậy khi nào thì cô đi ?" "Ngay bây giờ." Leslie đã nghĩ rất nhiều cách để tiếp cận với Henry Chambers . Không thiếu những khả năng đều bị nàng lần lượt gạch bỏ. Kế hoạch này phải được chuẩn bị thật hoàn hảo. Và rồi, cuối cùng nàng nghĩ đến Nghị sĩ Davis . Davis và Chambers cùng có một xuất thân như nhau, cùng hoạt động trong một quỹ đạo. Chắc chắn họ phải biết rõ về nhau. Và, Leslie quyết định gọi điện cho Davis . Khi Leslie hạ cánh xuống sân bây Sky Harbor của Phoenix, việc đầu tiên nàng làm là đến quầy bán báo của sân bay. Nàng mua tờ Phoenix Star và giở tìm nó, song không thấy. Nàng mua tiếp tờ Arizona Republic, rồi tờ Phoenix Gazette. Và nó đây rồi, mục chiêm tinh, nhưng giờ đây mình đã quá thông minh để có thể tin vào những điều tưởng như là ngớ ngẩn. dành cho những người thuộc mạng leo ( 27/3 đến 22/8 ): hôm nay là ngày thần jupiter sẽ gặp mặt trời của bạn. những kế hoạch lãng mạn của bạn sẽ được thoả mãn. viễn cảnh tuyệt vời cho ngày mai sẽ đến vào ngày hôm nay. hành động cẩn trọng ! Một chiếc Limousine đã đợi nàng ở cửa ra sân bay. "Cô là Stewart ?" "Vâng." "Ông Chambers gửi tới cô lời chào và lệnh cho tôi đưa cô đến khách sạn." "Ông ấy tốt bụng quá." Leslie thất vọng. Nàng cứ thầm mong chính ông ta sẽ ra đón nàngÔng Chambers muốn biết liệu cô có thể gặp ông vào bữa tối nay không ?" Tuyệt vời, thật là trên cả tuyệt vời. "Anh làm ơn nói với ông ấy là tôi lấy làm hân hạnh." Tám giờ tối hôm đó, Leslie ngồi ăn cùng Henry Chambers . Ông ta nom ưa nhìn, với khuôn mặt mang vẻ quý tộc và mái tóc nâu lốm đốm bạc. Ông ta nhìn Leslie ngưỡng mộ. "Todd không sai khi nói rằng anh ấy sẽ gửi đến cho tôi một báu vật." Leslie mỉm cười. "Cám ơn ông." "Điều gì khiến cô đến Phoenix hả Leslie ?" Ông chả cần biết làm gì. "Tôi được nghe kể nhiều về vùng này và tôi cho rằng mình có thể thích nơi đây." "Đây là nơi tuyệt vời đấy. Rồi cô sẽ thích nó cho mà xem. Arizona có tất cả mọi thứ, những dãy núi, những cánh rừng và cả sa mạc nữa. Cô có thể tìm thấy ở đây tất cả những gì mình muốn." Và tôi phải tìm thấy. "Cô cần một chỗ để ở chứ ? Tôi chắc là có thể giúp cô được việc đó." Leslie biết rằng nàng chỉ đủ tiền để sống ở đây trong vòng ba tháng. Còn kế hoạch của nàng không được kéo dài quá hai tháng. Cô không ít sách vở dậy phụ nữ cách quyến rũ đàn ông. Các nhà tâm lý học sắp xếp chúng theo mức độ, từ "nghệ thuật tiếp cận" đến "làm thế nào để đưa họ lên giường". Leslie vứt hết những lời chỉ bảo đó. Nàng có biện pháp của riêng mình. Nàng mê hoặc Henry Chambers , không phải bằng thể xác, mà chính bằng tâm hồn. Henry chưa từng gặp người phụ nữ nào như nàng. Trong chuyện này, ông ta giống như một cậu bé ngờ nghệch, luôn tin rằng những người đàn bà xinh đẹp nhất thiết phải ngu ngốc. Chưa bao giờ ông bị hớp hồn bởi một cô gái trẻ trung, xinh đẹp và không hề ngu ngốc hay đần độn. Leslie như một điều kì lạ đối với ông. Nàng không những thông minh sắc sảo mà còn có nhiều hiểu biết đáng ngạc nhiên về nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Họ nói về chính trị, tôn giáo, lịch sử và Henry mau chóng coi nàng như một người bạn. Cô ấy có thể chia sẻ với mình cả những gì riêng tư nhất. Henry Chambers rất thích đưa Leslie cùng tới những chỗ đông người. Ông giới thiệu nàng với các bạn bè mình, khoác vai nàng đến Carefree Wine, Fine Art Festival và Actor Theater. Họ cùng đi xem hài kịch tại Phoenix Suns và America West Arena. Họ đi thăm Lyon Gallery ở Scóttdale, ở Symphony Hall. Một buổi tối, họ đi xem trận đấu hockey giữa hai đội thiếu niên của Phoenix. Sau khi đi xem về, Henry nói. "Anh rất thích em, Leslie ạ. Anh nghĩ chúng mình là một cặp tuyệt vời đấy. Anh muốn làm tình với em." Nàng nắm chặt tay ông và nói rất khẽ. "Em cũng thích anh, Henry ạ, nhưng câu trả lời là không." Ngày hôm sau, họ có hẹn cùng đi ăn trưa. Henry gọi cho Leslie . "Sao em không qua đón anh ở toà báo Star nhỉ ? Anh muốn cho em xem chỗ này một chút." "Em xin đến ngay." Leslie nói. Đây chính là điều nàng chờ đợi bấy lâu. Có hai tờ báo khác nữa ở Phoenix này là tờ Arizona Republic và tờ Phoenix Gazette. Tờ báo của Henry , Star, là tờ duy nhất đang bị lỗ. Toà soạn và cơ sở vật chất của tờ Star nhỏ bé hơn nhiều so với Leslie hình dung. Henry đưa nàng đi một vòng, và khi nhìn ra xung quanh, nàng nghĩ. Như thế này thì thật không đủ sức đánh đổ một vị Thống đốc hay một vị Tổng thống. Nhưng đây sẽ là nền tảng ban đầu. Nàng sẽ lên kế hoạch cho nó quan tâm tới tất cả những gì nàng nhìn thấy. Nàng hỏi Henry liên tục, và ông dành toàn bộ những câu trả lời đó cho Lyle Bannister, Tổng biên tập. Leslie cực kì ngạc nhiên khi thấy Henry biết quá ít về công việc kinh doanh báo chí và càng ít hơn việc quan tâm đến tờ báo. Điều này khiến nàng xác định là mình phải gắng học hỏi thật nhiều. Việc đó đã xảy ra ở Borgata, tại một quán ăn giả trang kiểu làng quê nước Y . Bữa tối thật tuyệt vời. Cả hai đều thích món sốt bê với một chai Grand Marnier. Henry Chambers thật duyên dáng và hài hước. Họ đã có một buổi tối không chê vào đâu được. "Anh rất yêu Phoenix, " Henry nói, "thật khó mà tin được rằng mới cách đây 50 năm, vùng này chỉ có được 65 nghìn dân, thế mà bây giờ đã hơn một triệu." Leslie tỏ vẻ tò mò. "Điều gì đã khiến anh rời Kentucky để đến đây ?" Henry nhún vai. "Đó không phải là một lựa chọn tự nguyện, mà chỉ do cái lá phổi chết tiệt của anh. Lão bác sĩ riêng còn không dám chắc anh sẽ qua khỏi. Nghe nói Arizona là nơi có khí hậu thích hợp với sức khoẻ của mình, anh bèn quyết định đến đây để sống nốt quãng đời còn lại, ngày nào hay ngày ấy." Ông mỉm cười nói với nàng. "Và bây giờ chúng ta đang ở đây." Ông nắm lấy bàn tay nàng. "Khi nói rằng nơi đây sẽ tốt cho anh, họ không biết đến điều tốt nhất này. Em không cho anh là quá già so với em chứ ?" Ông hỏi nàng, vẻ lo lắng. Leslie mỉm cười. "Anh còn trẻ, quá trẻ là đằng khác." Henry nhìn nàng thật lâu. "Anh rất nghiêm túc đây, em sẽ lấy anh chứ ?" Leslie nhắm mắt lại. Nàng như thấy trước mắt mình là tấm biển ở công viên Breaks Intertate ngày nào, với dòng chữ viết tay. "Leslie , em sẽ lấy anh chứ ?" ... Anh không dám hứa em sẽ thành Thống đốc phu nhân, nhưng chắc chắn em sẽ lấy một luật sư không tồi ... Leslie mở mắt ra và nhìn thẳng vào Henry. "Vâng, em muốn lấy anh." Hơn bất kỳ thứ nào trên đời. Họ làm đám cưới hai tuần sau đó. Nghị sĩ Davis đọc thông báo về đám cưới của Leslie trên tớ Lexington Herald - Leader. Ông ta suy nghĩ rất lâu. "Xin lỗi vì làm phiền ông, nhưng tôi không biết liệu tôi có thể gặp được ông không ? Tôi muốn ông giúp cho một việc ... Ông có biết Henry Chambers không ? ... Tôi rất cảm ông nếu ông giới thiệu tôi với ông ấy." Nếu như đó là tất cả những gì cô ta muốn, thì sẽ chẳng có gì phải lo lắng . Nếu như đó là tất cả những gì nàng muốn ... Tuần trăng mật của Leslie à Henry diễn ra tại Paris, và ở bất cứ nơi nào họ đến, trong cái thành phố hoa lệ này, Leslie đều tự hỏi không biết liệu Olivier và Jan đã từng đến những chỗ đó, đi trên những đường phố đó, ăn tối tại những nhà hàng đó, mua sắm tại những cưa hiệu đó hay chưa. Nàng tưởng tượng ra cảnh họ ở bên nhau, làm tình với nhau. Olivier cũng đang thì thầm vào tai Jan những điều giả dối như anh ta đã từng thì thầm vào tai nàng. Những điều giả dối mà anh ta sẽ phải trả giá đắt. Henry thực lòng yêu nàng và sẵn lòng làm tất cả để nàng hạnh phúc. Trong hoàn cảnh đó, Leslie lẽ ra cũng có thể yêu ông, nhưng một cái gì sâu thẳm trong nàng đã chết. Mấy ngày sau, họ quay về Phoenix, Leslie đã làm Henry ngạc nhiên khi nàng bảo. " Henry, em thích làm việc ở toà báo." Ông phá cười lên. "Tại sao cơ ?" " nghĩ làm việc ở đó rất thú vị. Em đã từng điều hành trong một công ty chuyên về quảng cáo. Em có thể giúp tờ báo của anh ở lĩnh vực này." Lúc đầu, ông phản đối, nhưng cuối cùng thì ông cũng đồng ý. Henry thấy ngày nào Leslie cũng đọc tờ Lexington Herald - Leader. "Em vẫn còn nhớ nhà hả ?" Ông trêu nàng. "Cũng có thể." Leslie mỉm cười. Nàng không bỏ sót bất kỳ một chữ nào viết về Olivier . Nàng muốn anh ta được hạnh phúc và thành công. Khi Leslie cho Henry thấy rằng tờ Star của ông đang ngày càng lỗ nặng, ông cười vui vẻ. "Em yêu, chẳng là cái quái gì cả đâu. Anh còn có nhiều nguồn thu nhập khác mà chắc chắn em chưa từng nghe nói tới. Đừng bận tâm về chuyện vặt đó." Nhưng nó đã thực sự làm Leslie bận tâm. Nàng phát hiện ra nguyên nhân lỗ của tớ Star là do các nghiệp đoàn không muốn tăng cường các trang thiết bị mới cho tờ báo, nói rằng càng lạc hậu càng tạo ra công ăn việc làm cho các thành viên trong nghiệp đoàn. Họ đang thoả thuận về việc ký một hợp đồng mới với Star. Khi Leslie nói về điều này với Henry, ông bảo. "Sao em cứ thích làm khổ đầu óc mình bằng những chuyện không đâu như thế ? Cứ sống vui vẻ đi." "Thì em đang sống vui vẻ đây." Leslie trấn an ông. Leslie có một cuộc gặp với Craig McAllister, luật sư của Star. "Việc thoả thuận tiến đến đâu rồi ?" "Tôi ước gì có tin vui cho bà, thưa bà Chambers , nhưng tôi tin rằng tình hình hiện nay không được tốt cho lắm." "Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn thoả thuận phải không ?" "Đúng vậy, như Joe Riley, người lãnh đạo của nghiệp đoàn các thợ in, là một gã cứng đầu kinh khủng. Hắn cương quyết không chịu lùi dù một phân. Hợp đồng với các thợ làm báo sẽ hết trong mười ngày nữa, và Riley nói, nếu đến lúc đó chưa có hợp đồng mới, họ sẽ biểu tình." "Hắn dám làm thế không ?" "Có chứ. Tôi chẳng thích thú gì việc thách thức với bọn nghiệp đoàn này, nhưng thực tế, nếu không có họ, chúng ta không thể ra một số báo nào hết. Họ có thể khiến chúng ta sập tiệm lắm. Hai công ty quảng cáo đã phá sản vì dám đối đầu với các nghiệp đoàn đấy." "Thế họ đòi hỏi gì ?" "Như thường lệ thôi : Tăng lương, giảm giờ làm, an toàn lao động ... " "Họ cố tình ép chúng ta. Craig, tôi không thích thế chút nào." "Họ không doạ đâu, bà Chambers . Họ dám làm thật đấy." "Anh có ý kiến gì về việc này ?" "Tôi cho rằng chúng ta không còn cách lựa chọn nào khác." "Tại sao tôi không nói chuyện với Joe Riley nhỉ ?" Cuộc gặp được ấn định vào lúc hai giờ chiều, và Leslie đã trở về hơi muộn sau bữa ăn trưa. Khi nàng bước vào phòng khách, Riley đang ở đó, tranh thủ tán tỉnh cô thư ký của Leslie , tên là Amy ; một cô gái tóc đỏ trẻ trung, xinh đẹp. Joe Riley là dân Ailen, khoảng bốn nhăm tuổi, đã từng là thợ in báo hơn 15 năm. Ba năm gần đây, ông ta mới giành được chức chủ tịch nghiệp đoàn đó và nổi danh cứng rắn trong những cuộc thương lượng. Leslie dừng lại một chút, nhìn ông ta tán tỉnh Amy. Riley đang nói " ... rồi người đàn ông quay lại phía cô ta và bảo : Em nói thì dễ làm, nhưng làm sao để anh lấy được bây giờ ?" Amy cười vang. "Anh nghe những chuyện này ở đâu thế, Joe ?" "Ô`, ở vỉa hè đấy cưng ạ, thế tối nay ta đi ăn với nhau nhé ?" "Rất vui lòng." Riley ngước lên và nhìn thấy Leslie. "Xin chào bà Chambers ." "Xin chào ông, Riley, mời ông vào văn phòng tôi." Riley và Leslie ngồi trong phòng họp của toà soạn. "Ông dùng cà phê chứ ?" "Không, cảm ơn." "Thế ông dùng thứ mạnh hơn nhé ?" Ông ta cười nhếch mép. "Bà biết là sẽ vi phạm nội quy nếu uống rượu trong giờ làm việc, bà Chambers ." Leslie hít một hơi thật sâu. "Tôi muốn hai chúng ta có một cuộc nói chuyện vì tôi nghe nói ông là một người biết điều." "Tôi đang cố gắng để được thế." "Tôi muốn ông biết rằng tôi rất có thiện cảm với nghiệp đoàn. Tôi nghĩ người của ông đúng là đáng giá, nhưung những gì mà ông đòi hỏi thật không hợp lý chút nào. Một số thói quen của họ đang khiến chúng tôi phải chi thêm hàng triệu đô la mỗi năm." "Bà có thể nói rõ hơn được không ?" "Rất vui lòng, thưa ông. Họ đòi giảm giờ làm song lại tìm mọi cách làm thêm để đòi tiền ngoài giờ, thậm chí một số người còn tận dụng cả ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi không thể chịu đựng được việc đó hơn nữa. Tờ báo của chúng tôi đang bị lỗ bởi vì trang thiết bị đã quá lỗi thời. Chúng tôi có thể mua máy móc mới ... " "Chắc chắn là không ! Máy móc hiện đại của bà có thể khiến đoàn viên chúng tôi thất nghiệp. Và tôi không định để việc cơ giới hoá đẩy người của tôi ra đường. Mấy cái máy của bà không cần ăn, nhưng người của tôi lại cần." Riley đứng dậy. "Hợp đồng của chúng ta sẽ hết vào tuần tới, chúng tôi sẽ có cái chúng tôi muốn, hoặc chúng tôi sẽ biểu tình." Tối hôm đó, Leslie kể cho Henry nghe về cuộc gặp với Riley, ông nói. "Tại sao em lại dính dáng đến chuyện đó ? Nghiệp đoàn và chúng ta đều phải dựa vào nhau mà sống. Cho anh khuyên em một điều nhé, cưng, em chưa có kinh nghiệm với những chuyện này đâu, và em là phụ nữ, hãy để cánh đàn ông bọn anh lo. Đừng ... " Ông chợt dừng lại, thở hổn hển. "Ôi, anh yêu, anh ổn chứ ?" Ông gật đầu. "Sáng mai anh sẽ phải đi gặp lão bác sĩ ngu ngốc của mình. Chắc lão lại khuyên anh nên dùng bình oxy cho mà xem." Em sẽ lo chuyện đó," Leslie nói, "em sẽ tìm một cô y tá để chăm sóc anh, những khi em không có mặt ở đây ..." "Không, anh không cần y tá y tiếc gì hết. Anh ... anh chỉ hơi mệt thôi." "Thôi nào, Henry . Để em đưa anh lên giường nghỉ." Ba ngày sau, khi Leslie triệu tập khẩn cấp cuộc họp ban lãh đạo, Henry nói. "Em đi đi, cưng, anh thấy dễ chịu rồi." Bình dưỡng khí đã giúp ông, nhưng ông cảm thấy mệt và suy sụp. Leslie gọi điện cho bác sĩ của Henry. "Anh ấy gầy đi nhanh quá và rất đau đớn. Ông phải làm cái gì đi chứ ?" "Thưa bà Chambers , chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể. Bây giờ bà cứ để ông nhà nghỉ ngơi và để chúng tôi chăm sóc ông ấy." Leslie đứng đó, nhìn Henry nằm trên giường, mệt mỏi vì ho quá nhiều. "Xin lỗi về cuộc họp," ông nói. "Em điều hành toàn bộ tờ báo đi. Dù sao thì cũng chẳng có ai làm được điều đó." Nàng chỉ mỉm cười. Chương 05 Các thành viên trong ban lãnh đạo đã tập trung đông đủ quanh bàn họp, nhấm nháp bánh mì với kem pho mát và cà phê, chờ Leslie. - Nàng đến. "Xin lỗi để mọi người phải đợi. Henry gửi lời chào đến tất cả các bạn." Đã có khá nhiều thay đổi kể từ buổi họp đầu tiên mà Leslie tham gia. Lúc đầu, mọi người coi thường nàng, xem nàng chỉ như một kẻ thích dính mũi vào chuyện người khác. Nhưng dần dần, khi Leslie học hỏi được nhiều hơn, đủ để đưa ra được những ý kiến có giá trị thì nàng lại được họ kính trọng. Bắt đầu cuộc họp hôm nay, Leslie quay về phía Amy, cô ta đang phục vụ cà phê, và nói: "Amy, tôi muốn cô dự họp." Amy nhìn nàng, ngạc nhiên. - "Tôi sợ trình độ tốc ký của tôi không được khá lắm , thưa bà Chambers , Cynthia có thể làm việc đó khá hơn..." " - Tôi không yêu cầu cô ghi chép diễn biến cuộc họp. CÔ chỉ cần ghi lại những gì cuộc họp thông qua thôi" - "Vâng, thưa bà." Amy lấy giấy bút, ngồi vào một chiếc ghế ở góc phòng. Leslie quay lại nói với mọi ngườị - chúng ta có một vấn đề. Hợp đồng của chúng ta với nghiệp đoàn thợ in báo sắp hết. Chúng ta đã tiến hành thương lượng với họ ba tháng qua, và vẫn chưa đạt được bất kỳ thoả thuận nàọ Chúng ta phải quyết định, và phải quyết định nhanh. Các bạn hẳn đã đọc bản báo cáo mà tôi đã gửi cho mỗi người ! Bây giờ, tôi muốn biết ý kiến của các bạn. Nàng nhìn Gene Osborne, một đối tác trong công ty luật địa phương. - "Nếu bà hỏi tôi, Leslie ạ, thì tôi cho rằng bọn họ quá quắt lắm rồi. Hôm nay ta nhường họ một bước, ngày mai họ lại bắt ta lùi thêm một bước nữa" Leslie gật đầu và nhìn Aaron Drexel, chủ một cửa hàng bán báo địa phương. - "Còn anh, Aaron?" - "Tôi đồng ý với Gene, họ là những người thật không biết điều. Nếu chúng ta cho họ một thứ, thì ngược lại họ cũng phải cho lại ta một thứ khác chứ ? Theo ý kiến riêng tôi, chúng ta có thể chịu được một cuộc bãi công, nhưng họ thì không. Quan điểm của những người còn lại cũng tương tự. Leslie nói: - tôi buộc lòng phải phản đối các bạn. Tất cả nhìn nàng, ngạc nhiên. - "Theo tôi, chúng ta nên cho họ cái họ đòi" - "Thật điên rồ." - "Họ sẽ làm chủ toà báo mất." - rồi họ sẽ còn đòi nữạ" - "Bà không thể làm thế được." Leslie cứ để họ nóị. Khi tất cả đã im lặng trở lại nàng từ tốn. - "Joe là một người biết điều. ông ấy tin tưởng vào điều mình đòi hỏị" Ngồi dựa lưng vào tường, Amy ngỡ ngàng theo dõi cuộc tranh cãi. Một người phụ nữ nói to - "Tôi ngạc nhiên vì bà lại cùng một phe với hắn ta đấy, Leslie" - "Tôi không về phe với ai cả. Tôi chỉ cho rằng chúng ta nên hợp lý một chút thôi, Dù sao, ý kiến của tôi cũng không có giá trị quyết định. Chúng ta hãy bỏ phiếu đi" Nàng quay lại phía Amỵ - "đây là điều tôi muốn cô ghi vào trong biên bản cuộc họp." - Vâng, thưa bà." Leslie quay lại nói với tất cả. - "Những aí phản đối yêu sách của nghiệp đoàn, giơ tay lên." Mười một cánh tay giơ lên. - "Cô hãy viết vào biên bản rằng chỉ một mình tôi đồng ý còn tất cả những người dự họp đều phản đối yêu sách của nghiệp đoàn." Amy ghi vào cuốn sổ, vẻ suy nghĩ hiện lên trên mặt cô tạ Leslie nói: - "Nếu như không còn chuyện gì..." Tất cả đồng loạt đứng dậỵ - cám ơn vì các bạn đã đến đủ. Nàng nhìn họ đi ra rồi quay sang Amỵ - Cô có thể đánh máy lại biên bản này không ?" - có ngay đây, thưa bà. Leslie rời khỏi phòng họp. điện thoại reo mấy phút sau đó. - ông Riley gọi, thưa bà." Amy nóị Leslie cầm máỵ "Xin chàọ" " - Joe Riley đâỵ Tôi muốn cám ơn bà vì những điều bà đã cố gắng làm." Leslie nói . "Tôi không hiểụ . . - " buổi họp hôm nay ấy, tôi đã được nghe kể về mọi chuyện ra sao." - tôi ngạc nhiên đấy, ông Rilẹy ạ. đây là một cuộc họp nội bộ cơ mà ?" Joe Riley cao ngạọ - bà cứ tin là tôi có bạn bè ở khắp mọi nơi đị. Dù sao tôi cũng nghĩ bà đã cố gắng thuyết phục họ, thật tuyệt vời Rất đáng tiếc vì họ không đồng tình với bà." Im lặng một chút, rồi Leslie nói chậm. - ông Riley, nếu tôi làm cho họ phải đồng tình thì sao ? - "ý bà là gì ? - "Tôi có một ý tưởng rất hay đâỵ Nhưng không nói qua điện thoại được. Chúng ta có thể tới đâu đó kín đáo một chút không ?" Phía bên kia im lặng như để cân nhắc. - "Rồi, tôi đồng ý, bà định tới đâu nào ?" - "Chỗ nào đó mà chúng ta không bị phát hiện ra . - Bà thấy quán Golden Cup ra sao ?" - được tôi sẽ đến đó trong một giờ nữa." - Tạm biệt. Quán Golden Cup không phải là một địa chỉ nổi danh trong vùng . Phoenix này, nó nằm gần đường xe tải, trong một khu mà cảnh sát luôn khuyến cáo khách du lịch không nên lai vãng. Joe Riley đã đến đó trước nàng, ngồi trong một góc tối. Gã đứng dậy khi nàng lại gần. - Cám ơn ông đã đến đâỵ" Leslie nói, rồi cả hai cùng ngồi xuống. . - "Tôi đến vì bà đã nói sẽ có cách để chúng ta ký được hơp đồng mớị" - "đúng vậỵ Tôi cho là ban lãnh đạo của Star thật ngu ngốc và không biết nhìn xa trông rộng. Tôi đã cố tình thuyết phục nhưng họ không buồn nghe." Riley gật đầụ "Tôi biết. Bà đã thuyết phục họ ký hợp đồng mới với chúng tôi. - "đúng thế đấy, họ không nhận ra tầm quan trọng của các ông đối với tờ báo. Gã chằm chằm nhìn nàng, không hiểu. - "Nhưng họ đều phản đối ý kiến của bà, làm sao chúng ta có thể... - "Nguyên nhân duy nhất về việc họ phản đối tôi là bời họ không đánh giá đúng mức về các ông. Nếu các ông đủ sức tiến hành một cuộc bãi công lâu dài, và có thể tờ báo vì thế mà chết, ông sẽ chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của mình." - "ý bà là gì vậy ?" Leslie nói với vẻ căng thẳng. - "điều tôi nói với ông hôm nay phải được giữ kín, nhưng đó là cách duy nhất để các ông đạt được điều mình muốn. Vấn đề rất đơn giản. HỌ nghĩ các ông chỉ doạ thôi, chứ không định làm thật. ông phải cho họ thấy là ông kiên quyết đến mức nào. Hợp đồng của các ông hết giá trị vào đúng nửa đêm ngày thứ sáu." - vâng. . . - Họ dự kiến các ông chỉ cùng lắm là biểu tình trong im lặng. Nàng ngửng đầu nhìn xung quanh. - đừng có làm vậỵ" Gã cúi đầu nuốt từng chữ. - "Hãy cho họ thấy không có các ông thì cũng chẳng có nổi Star? đừng có tỏ ra hiền lành như nhưng chú cừụ. Hãy phá phách một chút. - Mắt Riley thô lố. ,, - Tôi đang nói chuyện cực kỳ nghiêm túc đấỵ" Leslie nói nhanh. - chỉ vừa đủ để họ thấy rằng các ông kiên quyết đến mức nào thôi. Cắt một ít dây điện chẳng hạn, hay nhấn vài ba nút sai vị trí. Để họ thâý cần phải có các ông tới sừa chữa. Mọi sai hỏng có thể được khắc phục chỉ trong một hai ngày, nhưng thế là đủ khiến họ xanh mắt rồị Cuối cùng họ phải nbận ra mình đang đối đầu với ai, với lực lượng nàọ" Joe Riley lặng đi một lúc lâu, nhìn Lesliẹ - Bà thật là một phụ nữ tuyệt vờị Cám ơn ông! Tôi chỉ nghĩ về những chuyện đã qua để đi đến một quyết định đơn giản thôị Hãy cứ tạo ra một chút đổ vỡ để tu sửa, và buộc ban lãnh đạo phải nói chuyện với các ông. Thay việc các ông chỉ bãi công trong im lặng và tờ báo thì đóng cửạ! Tôi làm việc này chẳng .qua cũng chỉ để bảo vệ tờ Star mà thôị - Một nụ cười chậm chạp nở trên môi Rileỵ - Để tôi mời bà một cốc cà phê, bà Chambers." - Chúng ta bãi công đi" đêm thứ sáu, đúng không giờ một phút, dưới sự chỉ huy của Joe, những người thợ in báo bắt đầu bãi công. HỌ đập vỡ bóng đèn, lật đổ vài cái tủ chứa đầy vật tư, đốt cháy hai máy in. Một người bảo vệ vào ngăn cản bị họ nện cho nhừ tử Những người thợ này mỗi lúc lại thêm hăng máu phá phách. - "Cho cái bọn ăn trên ngồi chốc ấy biết thế nào là sức mạnh của chúng ta" Một người kêu lên. - không .có báo chí gì cả nếu không có chúng ta - "Chính chúng ta là Star?" HỌ hò reọ HỌ phá phách quá mức thoả thuận. Xưởng in giờ đây không khác gì một bãi chiến trường. Bỗng nhiên, ở bốn góc tường xuất hiện bốn luồng sáng cực mạnh soi thẳng vào những người bãi công. HỌ dừng lại, ngỡ ngàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Gần cửa ra vào, camera của các hãng truyền hình đang ghi lại cảnh tan hoang. đứng ngay cạnh đó là các phóng viên của các tờ Arizona Republic, Phoenix Gazette, và vô số các phương tiện truyền thông khác. Ngoài ra, ít nhất còn có khoảng hai chục cảnh sát và lính cứu hoả. Joe Riley bàng hoàng nhìn quanh. " Làm thế quái nào mà họ lại đến nhanh thế nhỉ ? " Khi cảnh sát bắt đầu tràn vào để túm cổ những kẻ phá phách, câu trả lời bất chợt đến với Riley, gã cảm thấy như vừa bị ai đó tống thật mạnh vào bụng. Leslie Chambers đã chơi xỏ gã ? Nếu cái cảnh tan hoang này mà bị đưa ra công luận, thì thiện cảm của đoàn viên và công chúng đối với nghiệp đoàn của gã sẽ đi tong. Tất cả sẽ quay lưng lại với gã Chính cái con chó đẻ kia đã dàn xếp để cho mình vào bẫỵ Chỉ một giờ sau đó, toàn cảnh phá hoại ở toà báo Star đã được đưa lên truyền hình và các làn sóng phát thanh đã tường thuật đầy đủ chi tiết về vụ việc Còn các báo viết thì đành phải chậm hơn vài tiếng, tin tức sẽ đến với độc giả vào sáng hôm saụ Joe Riley đã vô tình giúp Phoenix Star chiếm được thiện cảm của quần chúng. Leslie đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Trước đó, nàng đã bí mật cử một số nhân viên điều hành của Star tới Kansas để học cách quản lý một tờ báo lớn cũng như về công nghệ mới trong nghề in báo. Ngay sau vụ bê bối, hai nghiệp đoàn đang đình công khác là nghiệp đoàn những người đưa thư và thợ khắc chạm, đã quay lại hợp tác với Star. Với sự quy thuận của những kẻ bại trận, Leslie đã mở ra con đường mới cho Star trong kỹ thuật in ấn. Lợi nhuận bắt đầu xuất hiện. Chỉ qua một đêm, năng suất đã tăng 20%. Buổi sáng sđập phá kia, Henry bị sa thảị vào một buổi chiều muộn ngày thứ sáu, hai năm sau đám cưói của họ, Henry hị mắc chứng khó tiêu. Sáng thứ bảy, ông ho rũ rượi và tất nhiên đau dữ dội trong ngực. Leslie phải gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện. Chủ nhật, Henry ra đi. ông để lại cho Leslie toàn bộ gia sản. Thứ hai, sau đám tang, Craig Mcallister tới gặp Lesliẹ - Tôi muốn trao đổi với bà một chút về vài vấn đề liên quan đến pháp luật. nhưng nếu ià quá sớm - Không." Leslie nói, "tôi ổn rồi" Cái chết của Henry càng làm cho Leslie nhớ tới điều nàng ấp ủ bấy lâu naỵ ông là một người đáng yêu, ngọt ngào, thế mà nàng lại sử dụng ông như một thứ công cụ để thực hiện mục đích của mình; chống lai Oliver. Và không biết từ lúc nào, trong đầu của Leslie, cái chết của Henry đã trở thành mọt lý do nữa để triệt hạ Oliver. - Bà định làm gì vớỉ Star ? Macallister hỏị - Tôi nghĩ bà sẽ không lãng phí thời gian để điều hành nó ?" - Đó chính là điều tôi muốn làm. Chúng ta hãy chuẩn bị mở rộng quy mô." Leslie đặt mua tờ Managing Editor. đây là tờ tạp chí thương mại có nêu tên các công ty môi giới báo chí ở khắp nước Mỹ. Nàng lựa chọn các công ty Dirks, Van Essen và Associates ở Santa Fe, New Mexico - Tôi là Leslie Chambers, tôi đang muốn mua một tờ báo, và tôi không biết..." HỌ giới thiệu nàng với tờ Sun, ở Hammond, Oregon. - tôi muốn anh bay ngay tới đó xem qua nó một chút." Leslie nói với Mcallister. Hai hôm sau, Mcallister gọi điện về cho Lesliẹ - Bà nên quên tờ Sun đi, thưa bà Chambers." - Có chuyện gì vậy ? - Vấn đề ở chỗ Hammond là một nơi chỉ có hai tờ báo địa phương. Lượng ấn bản của tờ Sun chỉ có 15 ngàn một ngày, trong khi đó, tờ báo kia, Hammond Chronicle, là 28 ngàn, gần gấp đôi, ông chủ của Sun đòi năm triệu đôla Vụ này nghe chừng không hay đâụ Leslie nghĩ ngợi một chút. - Chờ nhé, tôi sẽ đến đó.! Nàng bỏ ra hai ngày tiếp theo để kiểm tra cơ sở vật chất của tờ báo và mọi thứ liên quan. - "Tờ Sun không thể cạnh tranh được với tờ Chroniclẹ " Mcallister quả quyết với nàng. - Tờ Chronicle đang trên đà phát triển, còn lượng ấn bản của tờ Sun đang giảm từng ngày một." - "Tôi biết. Tôi sẽ mua nó." Anh nhìn nàng đầy ngạc nhiên. - Bà sẽ làm gì kia ? - "Tôi sẽ mua nó." VIỆC mua bán hoàn tất trong ba ngàỵ người chủ cũ của Sun vui mừng ra mặt vì rũ bỏ được nó. - "Tôi cho rằng phụ nữ chả bao giờ nên làm kinh tế," ông ta hể hả tuyên bố: - "bà ta trả tôi đủ năm triệu đô." Walt Meriwether, chủ nhân tờ Chlonicle, gọi điện cho Lesliẹ - "Tôi được biết bà là đối thủ mới của tôi," ông ta nói thật lịch sự. Leslie khẳng định. "đúng vậỵ" - "Nếu mọi việc bên ấy không ổn, có thể bà sẽ bán lại tờ Sun cho tôi Nàng mỉm cười - "Thế còn nếu bên ông không ổn, thì ông cũng sẽ bán lại tờ Chrôlicle cho tôi: - Meriwether cười vang. - "Chắc chắn rồi, chúc bà nhiều may mắn, bà Chambers." đặt máy xuống, Meriwether cựời mỉm. "Sáu tháng nữa, ta sẽ có thêm tờ Sun." Leslie quay lại Phoemx và nói với Lyle Bannister, Tổng biên tập của Star. - Anh cùng tôi đến Hammond oregon. Tôi muốn anh điều hành tờ báo ở đó cho tới khi nó có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. - "Tôi vừa nói chuyện vóì Mcallister. - Bannister nói: - Tờ báo đó không có chân. Anh ấy bảo cbúng ta chỉ tốn công vô ích với nó thôi. Leslie nhìn Bannister chằm chặp. - anh ấy trêu tôi đấy Tại Oregon, Leslie triệu tập cuộc họp gồm tất cả các nhân viên của tờ Sun. - "Từ hôm nay chúng ta sẽ có đôi chút thay đổi," nàng thông báo với họ, - "đây là một thị trấn có hai tờ báo và chúng ta sở hữu cả hai" Tổng biên tập tờ Sun, Derek Zones, nói - "Xin lỗi bà Chambers, tôi chắc bà chưa hiểu tình hình ở đây lắm. Lượng ấn bản của chúng ta luôn luôn thấp hơn tờ Chronicle và đang tụt xuống từng tháng một. Chưa có cách nào để chúng ta vực được nó lên." - "Chúng ta sẽ làm được, " Leslie cam đoan, - "tôi còn dự tính mua cả Chronicle luôn thể." Mọi người trong phòng họp nhìn nhau và hình như họ đều có chung một ý nghĩ : - Phụ nữ và những kẻ nghiệp dư thì không nên tham gia vào công việc kinh doanh báo chí. - "Bà dự định làm gì đây ?" Zornes lịch sự hỏị - Anh đã nghe câu chuyện bẻ đũa chưa ?" - "Bẻ đũa ư ? Chưa.." - "Khi muốn bẻ một bó đũa, người ta không cầm cả nắm để bẻ, mà bẻ từng chiếc một, cho đến hết Zornes cố gắng cười phá lên. - "Có nghĩa là chúng ta sẽ bẻ gãy Chronicle như thế ?" - đúng vậỵ ! - bà định tiến hành ra sao ? - Bắt đầu từ thứ hai này, chúng ta sẽ giảm giá báo từ 20% đến 35%, đồng thời cũng giảm lượng quảng cáo khoảng 30%. Tuần sau, chúng ta sẽ tung ra một trò chơi đố vui cỏ thưởng cho những độc giả của báo, ai trúng thưởng sẽ được mời đi du lịch miễn phí ở nước ngoàị Chúng ta sẽ bắt đầu quảng cáo trò chơi ngay từ hôm naỵ, Chiều hôm đó, khi ngồi bình luận về cuộc họp buổi sáng, tất cả các nhân viên đều chung một kết luận, là tờ báo của họ đã rơi vào tay một người phụ nữ điên khùng. Chiến dịch bắt đầu, nhưng chính tờ Sun lại bị bẻ gẫỵ Mcallister hỏi Lesliẹ - bà có biết tờ Sun đang tiêu tốn hết bao nhiêu tiền không . - Tôi biết chính xác nó mất bao nhiêu. - Thế bà định giữ nó cho đến khi nào ? - Cho tới khi chúng ta thắng lợi, " Leslie nói - đừng lo Rồi chúng ta sẽ thắng. Nói vậy, nhưng chính Leslie đang như ngồi trên lửa LỖ ngày càng nặng. Lượng ấn bản vẫn tụt như không có cách gì níu lại được, còn các nhà quảng cáo thì tỏ thái độ lạnh nhạt, nhiều người còn tuyên bố tẩy chay Sun khi biết "nó" quyết định giảm lượng quảng cáo trên mặt báọ - Lý thuyết của bà e không ổn." Mcallister nóị "Chúng ta cần phải chấm dứt ngay tình trạng nàỵ Tôi cho rằng bà đang ném tiền qua cửa sổ, nhưng cũng phải có điểm dừng chứ." Tuần tiếp sau đó, lượng ấn bản bỗng không tụt xuống nữa: Mất khoảng tám tuần để tờ Sun biết đến sự tăng trưởng. Việc giảm giá báo và giảm lượng quảng cáo cũng thật hấp dẫn, nhưng điều làm cho lượng ấn bản của tờ Sun tăng lên chính là nhờ vào trò chơi đố vui có thưởng. Trò này kéo dài khoảng 12 tuần, và những người đăng ký tham gia ngày càng đông. Phần thưởng là những chuyến du lịch miễn phí đến vùng bờ biển phía Nam, London, Paris hay Rio. Khi phần thưởng được trao ngay và hình ảnh của những người trúng thưởng được đăng trên trang nhất của tờ báo thì lượng ấn bản của Sun tă đến mức chóng mặt. - Bà đã chơi một canh bạc quá liều lĩnh đấy," Mcalhster nói với vẻ cảm phục, "nhưng có kết quả." - Đó không phải là một canh bạc, - Leslie nói, "không ai bỏ tiền ra để chẳng thu về cái gì cả." Khi Walt Meriwether nhận được số liệu mới nhất về lượng ấn bản cúa Sun, ông ta hoảng hốt. đây là lần đầu tiên tờ Sun vượt lên trên tờ Chroniẹ , được lắm, ! ông ta gầm gừ trong cổ họng. ! Hai người chơi một ván bài ngu ngốc. Để xem cô còn nghĩ được thêm trò vui có thưởng nào nữa không." Nhưng đã quá muộn. Mười một tháng sau ngày Leslie mua tờ Sun, Walt đến gặp nàng - "Tôi bán đấy ,, ông ta nói gọn lỏn. "Cô có muốn mua Chronice không?" Vào ngày hợp đồng với Chronicle được ký kết, Leslie nói với các nhân viên của mình. - "Bắt dầu từ thứ hai, chúng ta sẽ tăng giá báo và tăng gấp đôi lượng quảng cáo, dừng trò chơi có thưởng lạị" Một tháng sau đó, Leslie nói với Mcallister. - Tờ Evening Standard ở Detroit đang rao bán. NÓ còn có một trạm truyền hình nữa. Tôi nghĩ chúng ta sẽ xem xét vụ nàỵ" Mcallister hốt hoảng. - "Bà Chambers, chúng ta có biết gì về truyền hình đâụ và,:. - Vậy thì chúng ta phải học, đúng không ?" Đế chế Leslie bắt đầu được xây dựng từ đấy. Chương 06 Ngày làm việc của Oliver lúc nào cũng bận rộn. Những cuộc tiếp đãi chính trị, những đạo luật mới phải thông qua, các cuộc họp và những cuộc phỏng vấn báo chí không ngừng diễn ra. Tờ State Journal ở Frankfort, tờ Herald-Leaders ở Lexington và tờ Louisvill Courier-Journal luôn dành cho anh những bài viết sinh động và đầy hoa mỹ. Oliver nổi danh là một Thống đốc làm việc hiệu quả. Anh được tôn trọng trong giới thượng lưu xã hội, và anh biết nguyên do của nó: Vì anh đã cưới con gái Nghị sĩ Todd Davis. Oliver rất thích sống ở Frankfort. Đây là một thành phố đẹp và có bề dày lịch sử. Nó nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi các ngọn đồi đầy cỏ xanh cảu Kentucky. Anh không biết sống ở Washington D.C sẽ như thế nào. Những ngày bận rộn trải ra khắp tuần, và tuần trôi qua hết tháng, chẳng mấy chốc, Oliver đã ở năm cuối của nhiệm kỳ. Oliver để Peter Tager làm thư ký báo chi cho mình. Đây là một sự lựa chọn tối ưu. Tager luôn làm vừa lòng giới báo chí, và với những giá trị đạo đức truyền thống, tao nhã như gia đình, tôn giáo mà ông thích nói đến, ông luôn đem lại cho những bữa tiệc một nội dung, một giá trị nào đó. Peter với một bên mắt mang băng đen giờ đây cũng nổi tiếng không kém gì Oliver. Mỗi tháng ít nhất một lần, như chiếc đồng hồ luôn chạy đúng, Todd Davis lại bay về Frankfort để gặp Oliver. Ông ta nói với Peter. "Ngày nào anh cũng phải coi xem Oliver có làm việc nghiêm chỉnh không nhé. Đừng để nó phí phạm thời gian vào những việc không đâu. Vào một buổi tối lạnh lẽo của tháng mười, Oliver và Nghị sĩ Davis ngồi trong phòng đọc sách của anh. Hai người đàn ông cùng Jan vừa đi dự bữa tối tại nhà Gabriel về. Jan đã lên phòng riêng. "Jan có vẻ hạnh phúc đấy nhỉ, tôi cũng lấy làm hài lòng, Oliver ạ". "Con luôn cố gắng để Jan được hạnh phúc, thưa cha". Nghị sĩ Davis nhìn Oliver và tự hỏi không biết thằng con rể này dùng c riêng kia bao nhiêu lần trong một tuần. "Nó yêu anh lắm đấy, con trai ạ". "Con cũng yêu cô ấy." Giọng Oliver nghe cũng khá thành thục. Nghị sĩ Davis mỉm cười. "Tôi rất vui mừng khi nghe anh nói vậy. Con gái ta đang chuẩn bị để trang trí lại Nhà trắng đấy". Tim Oliver như thắt lại. "Con xin lỗi". "Ô hay, thế ta chưa nói với anh hay sao? Bắt đầu rồi đấy. Tên anh đang nổi trội ở Washington. Chúng ta sẽ bắt đầu chiến dịch tranh cử ngày mồng một của năm tới". Oliver gần như sợ sệt khi hỏi câu tiếp theo. "Cha có thực sự nghĩ rằng con sẽ may mắn không, Todd?" "Cái từ may mắn nghe có vẻ cờ bạc quá nhỉ, và tôi lại không chơi cờ bạc, anh ạ. Tôi không hơi đâu dính dáng vào cái gì không chắc chắn cả". Oliver hít một hơi thật sâu. Anh có thể là người quan trọng nhất trên thế giới. "Con muốn cha biết con đã cảm động đến nhường nào trước những gì cha làm cho con, Todd ạ". Ngài nghị sĩ vỗ vai anh, tỏ vẻ thân mật. "Đấy là việc người ta phải làm để giúp con mình, không đúng sao?" Cái từ con rể không bao giờ nhạt phai trong đầu Oliver. Davis nói thật khoan thai. "Bên cạnh đó, Oliver ạ, tôi rất thất vọng vì Hội đồng Lập pháp của bang anh đã thông qua luật thuế đánh vào thuốc lá" "Khoản thu nhập đó sẽ bù vào chỗ thiếu hụt trong ngân sách về thuế và của bang và... "Nhưng chắc là anh sẽ phủ quyết nó". Oliver chằm chằm nhìn ông ta, không hiểu. "Phủ quyết nó ư?" Ngài nghị sĩ tặng anh con rể Thống đốc một nụ cười rất khiêm nhường. "Oliver này, tôi muốn anh biết rằng nếu tôi có đề nghị anh chuyện đó thì cũng chẳng phải tôi nghĩ cho bản thân tôi. Có rất nhiều bạn bè tôi đã đầu tư những đồng tiền, mà họ phải khó nhọc lắm mới kiếm ra được, vào các đồn điền thuốc lá. Và tôi không muốn thấy họ trơn vì cái thuế ấy của anh, anh có thấy không?" Im lặng một lúc lâu. "Anh có thấy không, Oliver?" "Không", Oliver nói, "con thấy thế là không công bằng". "Tôi công nhận. Tôi cũng thấy như vậy". Oliver nói. "Con nghe nói cha đang định bán đồn điền thuốc lá, phải không ạ?" Davis ngửng lên nhìn anh, vẻ ngạc nhiên. "Tại sao tôi lại muốn bán đồn điền thuốc lá của mình đi kia chứ?" "Vì các công ty thuốc lá đang làm ăn thua lỗ, và..." "Anh nói về nước Mỹ đấy, con rể ạ. Một đất nước có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới này. Chờ đến khi nào chiến dịch tranh cử của anh diễn ra ở Trung Quốc, châu Phi hay ấn độ nhé". Ông ta nhìn đồng hồ và đứng dậy. "Tôi phải quay vê Washington bây giờ, tôi còn có một cuộc họp ở đó". "Chúc cha đi đường may mắn" Nghị sĩ mỉm cười. "Cám ơn anh" "Anh đến muộn nhé, anh yêu". Hắn lao đến với cô. "Anh xin lỗi. Anh rất vui vì em chưa bắt đầu khi chưa có anh". Cô ta mỉm cười. "Ôm em đi". Hắn ôm cô vào lòng và siết chặt, thân thể mềm mại và ấm áp của cô làm người hắn nóng rực lên. "Cởi quần áo đi anh, nhanh lên". "Em có muốn cùng anh tới Washington D.C không?" Miriam bật dậy. "Anh nghiêm túc đấy chứ?" "Rất nghiêm túc. Có thể anh sẽ đến đó. Anh muốn có em ở bên anh. "Nếu vợ anh phát hiện ra chuyện của chúng ta thì sao?" "Cô ấy sẽ không biết đâu". "Nhưng tại sao lại là Washington?" "Anh không thể trả lời em câu hỏi đó lúc nà tất cả những gì anh có thể nói bây giờ là mọi việc sẽ rất thú vị". "Em sẽ đến bất cứ nơi nào mà anh muốn, chừng nào mà anh còn yêu em". "Em biết là anh yêu em mà". Nhưng lời yêu thương buột ra thật dễ dàng, như mọi lần. "Đến với em đi anh" "Chờ anh một chút. Anh có cái này cho em" Hắn đứng dậy với lấy chiếc áo Jacket vắt trên chiếc ghế tựa. Và lôi trong túi ra một lọ nhỏ rồi đổ một ít chất lỏng trong đó ra ly. "Thử đi em" "Cái gì đấy anh?" Miriam hỏi. "Em sẽ thích nó cho mà xem. Anh hứa đấy". Hắn ngửa cổ uống một nửa và đưa chỗ còn lại cho Miriam. Miriam ngập ngừng, rồi làm một hơi hết sạch. Cô mỉm cười. "Không tồi". "Nó sẽ khiến em thấy sung sướng hơn đấy". "Ôi, em đã sung sướng lắm rồi. Lên giường đi anh". Họ mê mải cuồng nhiệt, cho đến lúc Miriam chợt há hốc mồm và nói hổn hển. "Em... em không khoẻ". Cô ta bắt đầu quằn quại. "Em không thở được nữa". Mắt cô ta nhắm nghiền lại. "Miriam". "Không có tiếng trả lời. "Miriam". Cô ta nằm đó, không biết gì nữa. Hắn đứng dậy và bắt đầu tính toán. Mình đã đưa thứ nước này cho hàng tá phụ nữ, nhưng mới chỉ một lần xảy ra sự cố. Mình phải cẩn thận mới được. Hắn đứng cạnh giường, nhìn xuống cô gái. Hắn thấy ngực cô vẫn phập phồng nhè nhẹ. Cô ta còn thở, lạy Chúa. Nhưng không thể để người ta thấy cô ta trong căn hộ này. Quá nguy hiểm đối với hắn. Hắn sẽ đặt cô ta ở đâu đó để người ta dễ tìm thấy và đưa vào bệnh viện. Hắn có thể tin rằng cô sẽ không nói ra hắn. Hắn mất gần nửa tiếng để mặc quần áo cho Miriam và xóa đi dấu vết trong căn phòng. Hắn mở cửa và cẩn thận quan sát tứ phía rồi vác Miriam lên vai, đưa cô xuống tầng dưới và đặt cô vào ô tô. Gần nửa đêm, đường phố vắng tanh. Trời lất phất mưa. Hắn lái xe đến công viên Juniper Hill và khi chắc chắn là không ai nhìn thấy, hắn đưa Miriam ra khỏi xe, cẩn thận đặt cô lên một chiếc ghế đá. Hắn chẳng muốn để cô ở đó, nhưng không còn cách nào khác. Tương lai của hắn là tất cả. Có một trạm điện thoại công cộng không xa chỗ đó. Hắn chạy tới và ấn số 911. Jan vẫn thức đợi Oliver về. "Quá nửa đêm rồi. Điều gì khiến anh..." "Anh xin lỗi, em yêu. Bọn anh đã có một cuộc tranh luận dài lê thê và chán ngắt về vấn đề ngân sách, và... mỗi người mỗi ý kiến khác nhau". "Trông anh xanh quá," Jan nói, "anh chắc mệt lắm". "Anh hơi mệt thật, em yêu ạ. "Oliver thừa nhận" Cô mỉm cười vẻ gợi ý. Chúng mình lên giường đi?" Anh hôn lên trán cô. "Anh thực sự cần một giấc ngủ. Cuộc họp tối nay đã đánh quỵ anh rồi". Câu chuyện được đăng trên trang nhất của tờ Stale Journal ngay sáng hôm sau: Thư ký của Thống đốc được tìm thấy bất tỉnh tại công viên Vào hai giờ sáng nay, cảnh sát đã tìm thấy một phụ nữ bất tỉnh nhân sự, tên là Miriam Fried-land, đang nằm trên một ghế băng trong công viên dưới trời mưa. Cô đã được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Memorial, tình trạng của cô còn đang là điều tranh cãi. Khi Oliver đọc mẩu tin đó, Peter chạy sộc vào phòng anh, tay cũng đang cầm một tờ báo. "Anh đọc chưa?" "Rồi, kinh... kinh khủng quá. Báo chí đã gọi tới tấp sáng nay". "Anh cho là chuyện gì đã xảy ra?" Peter. Oliver lắc đầu. "Tôi không biết. Tôi vừa gọi điện đến bệnh viện. Cô ấy vẫn chưa hồi tỉnh. Họ đang tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng này và sẽ cho tôi biết khi nào có kết quả". Peter nhìn Oliver. "Tôi hy vọng rồi cô ấy sẽ ổn". Leslie không được biết câu chuyện đó, nàng đang ở Brazil để mua một kênh truyền hình. Điện thoại từ bệnh viện đến vào ngày hôm sau. "Thưa thống đốc, chúng tôi vừa kết thúc việc xét nghiệm. Miriam bị nhiễm chất Ecstasy. Cô ấy đã dùng nó ở dạng lỏng nên càng nguy hiểm hơn". "Tình trạng Miriam bây giờ ra sao?" "Chưa thể kết luận. Cô ấy vẫn đang hôn mê. Và có thể tỉnh dậy hoặc... ", anh ta ngập ngừng, "không bao giờ tỉnh dậy nữa". "Làm ơn thông tin cho tôi nhé". "Tất nhiên, thưa Thống đốc, chắc ngài lo lắng". "Đúng vậy". Oliver đang họp thì một cô thư ký bước vào. "Xin lỗi ngài, có một cú điện thoại của ngài". "Tôi đã bảo là không cắt ngang cuộc họp này cơ mà, Heather". "Nghị sĩ Davis đang ở đầu dây bên kia ạ". "ồ..." Oliver quay lại phía cử toạ. "Xin lỗi các ngài sau vài phút chúng ta sẽ bàn tiếp". Anh nhìn họ ra khỏi phòng. Khi cửa đã đóng lại, anh nhấc máy lên. "Cha ạ?" "Oliver, có chuyện gì xảy ra với cô thư ký của con vậy?" "Vâng, đúng là chuyện kinh khủng, con..." "Kinh khủng như thế nào?" "ý cha là gì ạ?" "Anh biết tỏng ý tôi muốn hỏi gì". "Todd, cha không nghĩ là... Con, con xin thề là con không biết chuyện gì xảy ra đâu". "Ta hy vọng là vậy". Giọng nghị sĩ rắn lại. "Anh biết tiếng đồn bay đến Washington nhanh thế nào không, Oliver. Đó chỉ là một thành phố nhỏ của nước Mỹ. Chúng tôi không muốn có chuyện gì bất lợi xảy ra đối với anh. Chúng tôi đã sẵn sàng để chuyển chỗ cho anh rồi. Tôi rất, rất lấy làm phiền lòng nếu anh làm điều gì ngu ngốc". "Xin thề với cha là con trong sạch". "Hãy cố gắng mà giữ mình vậy". "Vâng, con sẽ...", điện thoại đã đặt xuống. Ta phải cẩn thận hơn. Không thể để bất cứ cái gì ngáng trở đường đi của mình. Anh liếc nhìn đồng hồ, rồi với lấy chiếc điều khiển từ xa, bật ti vi. Đang có chương trình thời sự. Trên màn ảnh là cảnh một đường phố hoang tàn, mấy bức tường lỗ chỗ đạn. Một phóng viên nữ, trẻ, đầy vẻ hấp dẫn, trang phục như một người lính, tay cầm micro và nói. "Cuộc tấn công được phỏng đoán đã diễn ra vào lúc nửa đêm ngày hôm sau, nhưng dù với bất cứ lý do gì, chúng ta cũng không thể lấy lại cảnh thanh bình của những ngôi làng đã bị tàn phá và làm sống lại sinh mạng của biết bao nhiêu người dân vô tội đã ngã xuống trong cuộc khủng bố tàn nhẫn này. Máy quay cận cảnh Dana Evans, một phụ nữ trẻ trung, đáng yêu, sôi nổi trong chiếc áo jacket và đôi ủng lính. "Mọi người đang đói khát và mệt mỏi. Điều duy nhất họ cần lúc này là hoà bình. Liệu nó có đến không? Chỉ có thời gian mới trả lời được chúng ta. Đây là chương trình phóng sự của Dana Evans từ Sarajevo cho đài truyền hình WTE, Tập đoàn viễn thông Washington Tribune". Chương trình chuyển sang mục thương mại. Dana Evans là một phóng viên thường trú tại nước ngoài của WTE. Nàng có riêng một mục thời sự vào tất cả mọi ngày, và Oliver cố gắng không để mất một chương nàng. Dana là một trong những phóng viên kiêm phát thanh viên nổi tiếng nhất hiện nay. Cô ấy trông thật tuyệt vời, Oliver nghĩ như vậy không chỉ một lần. Làm thế quái nào mà một cô gái xinh xắn hấp dẫn như thế lại phải có mặt ở một nơi vĩ như lò lửa chiến tranh ấy nhỉ? Chương 07 Dana là con nhà lính có nòi, con gái của một vị đại tá huấn luyện, cuộc đời nay đây mai đó. Năm 11 tuổi nàng đã sống qua 5 thành phố lớn của Mỹ và 4 nước, từ Aberdeen của Maryland, pháo đài Benning ở Georgia, pháo đài Hood Leavenworth ở Kansas đến Monmounth ở New Jersey. Dana từng học tập tại các trường dành cho con gái của các sĩ quan như trường Zama ở Nhật Bản, Chiemsee ở Đức, Darby ở Ýù và Buchanan ở Puerto Rico... Dana là con một. Bạn bè của nàng là đám quân nhân và gia đình họ, cùng sống trong khu trại với gia đình nàng. Dana sớm tinh khôn, vui vẻ và nhanh nhẹn, nhưng mẹ lại lo lắng về việc Dana không có một tuổi thơ bình thường. “Cứ 6 tháng lại chuyển nhà một làn như thế này thò thật khổ cho con, con yêu.” Mẹ nàng thường nói. Dana nhìn mẹ ngạc nhiên. “Tại sao hả mẹ?” Cứ mỗi lần ông bố chuyển đến đơn vị mới, Dana đều bị mẹ dọa. “Chúng ta lại sắp dọn nhà rồi đấy.” Không nói ra, nhưng nàng rất đỗi vui mừng. Dana thích di chuyển bao nhiêu thì mẹ nàng lại ghét bấy nhiêu. Khi Dana 13 tuổi, mẹ bảo. “Mẹ không thể sống như cái bọn du thử du thực thế này mãi được. Mẹ sẽ ly hôn.” Dana hoảng hốt khi nghe mẹ nói. Nàng không quá buồn về chuyện bố mẹ ly dị, nhưng lại sợ mình không còn được theo bố đi chu du khắp nơi như trước nữa. “Chúng ta sẽ sống ở đâu hả mẹ?” “Ở Claremont, California. Mẹ đã được sinh ta và lớn lên tại đó. Đấy là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, con sẽ thích cho mà xem.” Mẹ Dana nói đúng về việc Claremont là một thị trấn nhỏ xinh đẹp, nhưng đã sai khi nói là Dana sẽ thích nó. Claremont nằm dưới chân dãy San Gabriel ở Los Angeles County, với dân số khoảng 33 000 người. Đường phố đầy những dãy câyxanh đáng yêu. Claremont có một trường tiểu học công. Dana ghét nó lắm. Đang sống như dân du mục phải trói chân ở một thị trấn nhỏ tí thế này, nàng cảm thấy gò bó ghê gớm. “Mình sẽ sống ở đây mãi mãi hả mẹ?” Dana hỏi. “Ừ, nhưng sao hả con yêu?” “Bởi vì nơi đây quá nhỏ với con, con thích sống ở tthành phố lớn cơ.” Vào ngày đầu tiên Dana đi học, nàng về nhà với vẻ rất thất vọng. “Chuyện gì vậy hả con gái? Con không thích trường đó à?” Dana thở dài. “Trường thì ổn, nhưng nhiều trẻ con quá.” Mẹ phá lên cười. “Thì là trường tiểu học mà. Và con cũng vậy. Con đã lớn với ai đâu.” Dana học tiếp ở trường trung học của Claremont và trở thành phóng viên báo Wolfpacket, tờ báo của trường. Nàng phát hiện ra mình thích công việc làm báo, nhưng nàng vẫn nhớ cuộc sống du mục trước đây đến cồn cào ruột gan. “Khi nào con đủ lớn,” Dana nói, “con sẽ lại đi vòng quanh thế giới.” Năm Dana 18 tuổi nàng ghi tên vào trường đại học McKenna của Claremont, khoa báo chí, và trở thánh phóng viên cho tờ báo của trường, tờ Forum. Năm sau, nàng đã là biên tập của tờ báo. Các sinh viên đến chỗ nàng để đề nghị những chuyện đại loại như: “Tuần tới, khoa bọn tớ tổ chức đại hội. Dana ạ, bạn có thể đưa chuyện đó lên báo...” “Câu lạc bộ tớ có cuộc họp vào thứ ba tuần này...” “Bạn có thể cho đăng lại ngày tập hợp của câu lạc bộ bi kịck không...” “Chúng tớ cần tăng quỹ cho thư viện mới...” Những chuyện như vậy không bao giờ hết, nhưng Dana vô cùng thích thú. Nàng thích được ở cái vị trí có thể giúp đỡ được người khác. Vào năm thứ hai đại học Dana quyết định sẽ theo nghề báo chí. Nàng nói với mẹ. “Con thích đi phỏng vấn những người quan trọng trên toàn thế giới, nó cũng giống như việc giúp ai đó làm nên lịch sử.” Hồi niên thiếu, mỗi lần nhìn vào gương, Dana lại cảm thấy thất vọng ghê gớm. Quá lùn, quá gầy, quá lép kẹp. Tất cả bọn con gái trong trường đều có một vẻ gì đó xinh đẹïp, trừ nàng. Mình giống như một con viẹt xấu xí trong một đàn thiên nga. Nghĩ vậy, Dana quyết định sẽ không nhìn vào gương nữa. Nếu chăm chú soi gương như cũ, Dana sẽ thấy khi 14 tuổi, thân thể nàng mới bắt đầu phát triển. Năm 16 tuổi nàng đã trở nên rất khêu gợi. Khi Dana 17 tuổi, các chàng trai bắt đầu theo đuổi nàng một cách nghiêm túc. Có cái gì rất thôi thúc ở khuôn mặt hình trái xoan, đôi mắt mở to, và nụ cười giòn tan của nàng thì vừa đáng yêu vừa như thách thức. Ngay từ năm 12 tuổi Dana đã biết mình muốn được mất đi sự trinh trắng như thế nào. Đó sẽ là một đêm trăng sáng, thật đẹp, trên một hòn đảo nhiệt đới xa đất liền, với những con sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ và tiếng nhạc văng vẳng, êm dịu từ xa vọng tới. Một người lạ mặt, thật đẹp trai và từng trải sẽ ôm lấy em, nhìn sâu vào trong mắt em, thấu vào tận tâm hồn em. Anh sẽ chỉ ôm lấy em mà không nói bất kỳ lời nào, đưa em tới một gốc cây cọ. Hai người sẽ cởi bỏ quần áo và làm tình với nhau trong tiếng nhạc dìu dặt vọng đến. Dana đã mất đi sự trinh trắng tại ghế sau của một chiếc xe Chevrolet, sau cuộc liên hoan ở trường, với một cậu bạn cùng lớp, gầy gò, tóc đỏ tên là Richard Dobbins, người cùng làm tờ Forum với nàng. Cậu ta tặng Dana chiếc nhẫn và một tháng sau, chuyển nhà tới Milwaukee cùng gia đình. Dana không bao giờ còn nghe nói gì về cậu ta nữa. Một tháng trước khi lấy bằng B.A. môn báo chí, Dana đến tòa soạn của tờ báo địa phương, tờ Claremont Examiner, xin làm phóng viên. Người đàn ông ở bàn dân sự nhìn qua bản lý lịch của nàng. “Cô đã từng làm biên tập của tờ Forum?” Dana cười nhũn nhặc. “Đúng vậy.” “Được thôi, cô may mắn đấy, chúng tôi đang cần người nên sẽ cho cô thử.” Dana vui mừng, nàng đã chuẩn bị sẵn tên một loạt nước mà nàng muốn đến viết bài: Nga này... Trung Quốc... châu Phi... “Tôi biết là mình sẽ không được cử ngay là phóng viên thường trú tại nước ngoài, nhưng, sau khi...” “Được, cô sẽ bắt đầu ở đây với vị trí của một người thực tập. Cô sẽ lo cho các biên tập viên được uống cà phê vào buổi sáng. Bọn họ đều thích cà phê đặc đấy. Rồi cô đem những bản copy đến phòng sắp chữ...” “Dana trừng trừng nhìn ông ta. “Tôi không thể...” “Cô không thể làm sao?” “Tôi không thể nói với ông là tôi mừng như thế nào khi được nhận vào đây.” Tất cả mọi người đều khen Dana pha cà phê ngon, và là người chạy việc cừ nhất mà họ từng có. Tất cả mọi ngày, nàng đều đến tòa soạn từ rất sớm và làm bạn với tất cả mọi người. Nàng luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Nàng biết dó chính là cách tốt nhất để đến đích nhanh nhất. Vấn đề là 6 tháng sau Dana vẫn chỉ là một thực tập sinh. Nàng tới gặp Bill Crowell, tổng biên tập. “Tôi cho là mình đã sẵn sàng.” Dana nói thẳng thắn. “Nếu ông có thể giao cho tôi một công việc, tôi sẽ...” Ông ta không buồn ngẩng lên nhìn cô. “Vẫn còn chưa đến lúc. Cà phê của tôi nguội rồi đây này.” Thế là không công bằng, họ không cho mình lấy một cơ hội. Dana đã đọc được ở đâu đó một lời khuyên và nàng rất tin vào nó. “Nếu có cái gì đó chặn bạn lại, hãy mặc kệ nó.” Phải, sẽ không gì chặn được ta cả, không có gì. Nhưng ta phải bắt đầu thế nào đây? Một buổi sáng, khi Dana mang cà phê đi qua phòng nhận tin còn vắng tanh, một dải giấy đang đùn từ trong máy ra. Tò mò, Dana bước vào và đọc nó. ASSOCIATES PRESS - CLAREMONT, CALIFORNIA. TẠI CLAREMONT, SÁNG NAY, CÓ MỘT VỤ ĐƯỢC PHỎNG ĐOÁN LÀ BẮT CÓC. MỘT CẬU BÉ SÁU TUỔI ĐÃ BỊ MỘT NGƯỜI LẠ MẶT MANG ĐI... Dana đọc hết bản tin nhắn, mắt mở to. Nàng hít một hơi thật sâu, ngắt đoạn giấy đó ra khỏi máy và đút vào túi. Không ai nhìn thấy. Dana chạy vội về phòng làm việc của Bill Crowell, thở hổn hển. “Ông Crowell, sáng nay ai đó đã bắt cóc một cậu bé ở Claremont. Hắn hứa cho cậu bé cưỡi ngựa. Đầu tiên, cậu bé nói thích kẹo. Tên bắt cóc đã đưa cậu đến một cửa hàng bánh kẹo. Người chủ cửa hàng nhận ra cậu bé và gọi cảnh sát, tên bắt cóc đã lủi mất.” Bill Crowell xốn xang. “Thế mà máy nhận tin lại không có tin này. Làm sao cô biết được?” “Lúc đó tôi... tôi ngẫu nhiên có mặt tại cửa hành bánh kẹo ấy. Họ đang nói về chuyện đó và...” “Tôi sẽ cử phóng viên đến đó ngay.” “Sao ông không để tôi đi?” Dana nói dồn dập. “Người của cửa hàng quen tôi, ông ấy sẽ kể hết với tôi.” Bill nhìn nàng một lúc rồi đáp một cách miễn cưỡng. “Thôi được.” Bài phỏng vấn người chủ cửa hàng bánh kẹo của nàng được đăng trên trang nhất tờ Claremont Examiner vào ngày hôm sau đã được độc giả đánh giá cao. “Cũng không tồi lắm,” Bill Crowell nói với nàng, “không tồi chút nào.” “Cám ơn.” Khoảng gần một tuần sau đó, Dana lại một mình lân la tới phòng nhận tin. Lần này, cũng có một câu chuyện đến từ Associated Press: PONOMA, CALIFORNIA: HUẤN LUYỆN VIÊN JUDO NỮ BẮT GIỮ KẺ HIẾP DM. Tuyệt vời. Dana lại xé phần giấy đó nhét vào túi áo và vội vàng chạy đến chỗ Bill Crowell. “Cô bạn học cùng lớp vừa mới gọi điện cho tôi,” Dana hào hứng nói. “Cô ấy nhìn qua cửa sổ và thấy một phụ nữ đang khóa tay một kẻ có vẻ như muốn cưỡng hiếp bà ta. Tôi sẽ đi phỏng vấn vụ này. Ông cho phép chứ?” Crowell nhìn nàng một lúc. “Đi đi.” Dana lái xe đến thẳng Pomona phỏng vấn người nữ huấn luyện viên kia. Câu chuyện của nàng một lần nữa lại được đăng trên trang nhất. Bill Crowell hỏi Dana khi nàng bước vào phòng làm việc của ông ta. “Cô có muốn ;à một kẻ săn tin chuyên nghiệp không?” Dana run“Thật là tuyệt.” Nó bắt đầu rồi đây. Nàng nghĩ. Sự nghiệp của mình cuối cùng cũng đã bắt đầu. Ngày hôm sau, tờ Claremont Examiner được bán cho Tập Đoàn Viễn Thông Washington Tribune ở WashingtonD.C. Khi cái tin này loang ra, hầu hết các nhân viên của tờ Claremont Examiner đều thở ngắn than dài. Sẽ không tránh khỏi dược một cuộc thu hẹp nhân sự và điều đó có nghĩa là một vài người trong số họ sẽ mất việc. Dana không nghĩ như vậy. Mình sẽ làm việc cho Washingtin Tribune, nàng nghĩ, và điều suy nghĩ logic tiếp theo là, tại sao mình không đến làm việc tại trụ sở chính của nó? Nàng vào phòng làm việc của Bill Crowell. “Tôi muốn đi xa khoảng 10 ngày.” Ông ta nhìn nàng, tò mò. “Dana, hầu hết mọi người ở đây còn không dám đi vào phòng tắm vị sợ khi quay lại sẽ mất bàn làm việc. Cô không sợ điều đó ư?” “Tại sao tôi lại phải sợ? Tôi là phóng viên giỏi nhất ở đây.” Nàng nói với vẻ tự tin. “Tôi sẽ đi kiếm cho mình một chỗ ở Washington Tribune.” “Cô nói nghiêm túc đấy chứ?” Ông ta nhìn vẻ mặt nàng. “Phải, cô nói nghiêm túc.” Ông ta gật đầu. “Thôi được, cô thử gặp Matt Baker đi, ông ấy là một trong những người phụ trách của Tập Đoàn Washington Tribune đấy. Nó bao gồm mấy tờ báo, các trạm truyền hình, radio và rất nhiều thứ nữa...” “Matt Baker, được.” Chương 08 Washington D.C là một thành phố lớn hơn Dana tưởng tượng. Đó là trung tâm quyền lực của thế giới. Dana thấy năng lượng trong mình như đang sôi lên sùng sục. "Đây mới là chỗ dành cho mình", nàng sung sướng nghĩ. Việc đầu tiên nàng làm là tìm địa chỉ Washington Tribune, rồi đến đó. Trụ sở Tribune nằm ở đại lộ số 6, chiếm trọn một khối cao ốc. Nó bao gồm bốn toà nhà ngất ngưởng như chạm đến tận mây xanh. Dana vào bằng cửa chính và tự tin bước vào bàn của người gác mặc đồng phục. "Tôi có thể giúp gì cô đây?" "Tôi làm việc ở đây, tôi làm cho Tribune, tôi đến để gặp ông Matt Baker". "Cô đã có hẹn chưa?" Dana ngập ngừng. "Chưa có... nhưng..." "Hãy quay lại khi nào có đã có hẹn đã nhé". Anh ta chuyển sự chú ý sang một đống người đang đứng đằng sau nàng. "Tôi có hẹn với Trưởng ban điều hành", một trong những người đó nói. "Làm ơn chờ một chút", người gác cửa bấm số. Phía sau anh ta, một trong những chiếc thang máy mở cửa và nhiều người đi vào. Dana tính toán rất nhanh. Nàng nhảy vội vào theo, trong đầu cầu Chúa là người gác không phát hiện ra. Người phụ nữ vào cuối cùng ấn nút. "Xin lỗi chị," Dana nói, "phòng của ông Matt Baker ở tầng mấy nhỉ?" "Tầng ba," chị ta nhìn Dana "cô không đeo thẻ kìa". "Ôi, tôi để quên nó ở nhà". Khi thang máy đến tầng 3, Dana bước ra và đứng sững lại, bàng hoàng trước tất cả những gì mình thấy. Nàng thấy vô khối những ngăn làm việc xinh xinh. Có vẻ như phải tới hàng trăm ngăn, với hàng ngàn người. Mỗi ngăn có một tấm biển nhỏ để chức năng của nó. Nàng hoa mắt lên bởi màu sắc của những tấm biển ấy... Biên tập... Nghệ thuật... Thể thao... Thông tin... Dana chặn một người đàn ông vội vã đi ngang. "Xin lỗi, cho tôi hỏi phòng ông Matt Baker ở đâu ạ?" "Ông Baker á", anh ta chỉ ch nàng, "đi hết hành lang này, phía bên phải, phòng cuối cùng". "Cảm ơn anh". Khi Dana quay lại, nàng đâm sầm vào một vị râu ria tua tủa, ăn mặc luộm thuộm, đang cầm một xấp giấy tờ. Có mấy tờ bị tuột khỏi tay ông ta rơi xuống sàn. "Ôi, tôi xin lỗi, tôi đang..." "Mắt mũi cô để đâu vậy hả?" Người đàn ông quát tướng lên, cúi xuống nhặt mấy tờ giấy. "Chỉ là vô tình thôi mà. Đây, tôi sẽ giúp ông. Tôi..." Dana cúi xuống, và mông nàng hích vào cái bàn bên cạnh làm đám giấy tờ trên đó lả tả rơi xuống. Người đàn ông kia nhìn nàng đầy vẻ tức giận. "Hãy làm ơn thôi đi cho tôi nhờ. Cô đừng giúp tôi nữa được không?" "Được thôi," Dana cũng thấy cáu. "Tôi mong sao ở cái đất Washington này không có ai thô lỗ như ông". Ngẩng cao đầu, nàng bước tới phòng cuối cùng, bên phải hành lang. Tấm biển trên cửa kính ghi Matt Baker. Trong phòng không có ai. Dana bước vào và ngồi xuống. Nàng nhìn khung cảnh làm việc tấp nập, nhộn nhịp qua khung cửa sổ. Đây không giống như Cleremont Examiner cả, nàng nghĩ. Có hàng nghìn người làm việc ở đây. ở đầu hành lang, người đàn ông thô lỗ, đầy râu ria nọ tiến về phía nàng. Không, ông ta sẽ không vào đây. Ông ta đang trên đường đi đâu đó. Và người đàn ông đó bước vào, mắt ông ta tròn xoe. "Cô đang làm cái chết tiệt gì ở đây hả?" Dana nuốt khan. "Dạ, chắc ông là Matt Baker". Rồi nàng hân hoan nói, "Tôi là Dana Evans". "Tôi hỏi cô đang làm gì ở đây?" "Tôi là phóng viên của tờ Claremont Examiner". "Sao nữa?" "Ông vừa mới mua tờ báo đó". "Tôi á?" "Tôi... à, ý tôi là tập đoàn mua nó. Một tờ báo mua một tờ báo mà. Đại loại thế." Dana lúng búng. "Dù sao thì tôi cũng đã đến đây để làm việc. Tất nhiên, tôi đã có một chỗ làm ở đây. Nó cũng giống như một sự chuyển giao, đúng vậy không?" Ông ta vẫn chằm chằm nhìn nàng. "Tôi có thể bắt đầu ngay từ bây giờ, "Dana nói ào ào, "không có vấn đề gì cả." Matt Baker đi về phía bàn làm việc. "Thằng điên nào cho cô vào đây?" "Tôi đã nói với ông rồi. Tôi là phóng viên của Claremont..." "Quay về Claremont của cô đi," ông ta gào lên, "và cố đừng đụng vào ai trên đường nữa". Dana đứng dậy và nói rành rọt. "Rất cảm ơn ông, ông Baker. Tôi xin ghi nhận sự đón tiếp lịch sự của ông". Nàng hùng hổ bước ra khỏi phòng. Matt Baker nhìn theo lắc đầu. Thế giới này lắm vĩ nhân cuồng thế nhỉ. Dana lê bước theo hành lang khi nãy, tới phòng biên tập to như cái hội trường, nơi hàng trăm các phóng viên đang đánh bài của họ trên máy vi tính. Đây chính là nơi mình sẽ làm việc. Quay về Claremont đi. Ông ta dám nói thế à! Dana giận giữ nghĩ. Khi ngẩng đầu lên, Dana thấy Matt Baker ở đằng xa đang cắm đầu đi về phía nàng. Người đàn ông chết tiệt này có mặt khắp mọi nơi hay sao? Dana nép vội vào một ngăn làm việc, nơi ông ta không thể thấy nàng. Baker tới bàn một phóng viên, cạnh chỗ Dana đứng. "Anh có tiến hành phỏng vấn được không, Sam?" "Không, tôi đã tới trung tâm y tế Georgetown, và họ nói rằng không có ai tên như thế điều trị ở đấy cả. Nghĩa là vợ Tripp Taylor không phải là bệnh nhân ở đó. Matt Baker nói. "Tôi biết chắc chắn là bà ta nằm đó. Họ muốn ém nhẹm vụ này đấy mà. Tôi muốn biết lại phải vào viện". "Nếu thực sự cô ta ở đó, chúng ta cũng chẳng có cách gì để tiếp cận được đâu, Matt ạ". "Anh đã thử cái trò tặng hoa xưa cũ ấy chưa?" "Rồi, nhưng cũng chẳng ăn thua". Dana đứng đó, chờ khi Matt Baker và người phóng viên kia đi xa. Phóng viên kiểu quái gì mà không làm nổi một cuộc phỏng vấn nhỉ? Ba mươi phút sau, Dana bước vào trung tâm y tế Georgetown. Nàng tới quầy bán hoa. "Cô cần gì ạ?" Người bán hàng hỏi. "Tôi muốn..." Nàng ngập ngừng một lúc, "... 50 đôla tiền hoa," nàng gần như nhấn mạnh vào con số "50". Khi nhận bó hoa người bán đưa cho, Dana hỏi. "Có cửa hàng nào quanh đây bán phễu giấy gói hoa hay đại loại như thế không nhỉ?" "Có một quầy bán quà tặng ở góc kia." "Cám ơn bà." Cửa hàng này bán vô số những thứ lưu niệm vặt vãnh như bưu ảnh, thiếp chúc mừng; những đồ chơi rẻ tiền, bóng và cờ; những thứ vặt nhai cho vui, và một ít quần áo lẩm cẩm. Dana mua một chiếc phễu giấy gói hoa, một tấm thiếp chúc mừng sức khoẻ và viết vài dòng nguệch ngoạc lên trên. Điểm dừng tiếp theo của nàng là bàn chỉ dẫn nằm ở lối đi chính của bệnh viện. "Tôi mang hoa đến cho bà Trip Taylor." Người hướng dẫn lắc đầu. "Không có bà Trip Taylor nào ở đây cả." Dana làm bộ sửng sốt. "Thế à? Chán quá nhỉ? Những thứ này là của phó Tổng thống Mỹ gửi đến." Nàng giở cái phễu gói hoa ra và chỉ cho người kia xem tấm thiếp. Dòng chữ trên đó ghi "Chúc chóng bình phục", với chữ ký "Athur Cannon". Nàng thở dài. "Thế là tôi lại phải mang nó về" nàng quay người làm bộ định đi. Người hướng dẫn nhìn nàng vẻ nghi ngại. "Chờ một chút đã" Dana dừng lại. "Vâng?" "Tôi có thể chuyển cho bà ấy." "Xin lỗi!" Dana nói. "Phó tổng thống Cannon yêu cầu tôi phải trao tận tay." Nàng nhìn anh ta. "Làm ơn cho tôi biết tên anh để nếu ngài có hỏi tại sao tôi còn có thể nói được là ai đã cản trở tôi". Anh chàng kia hoảng. "Ôi, được, tôi chẳng muốn gây phiền toái làm gì. Cô cứ mang đến phòng 615. Nhưng giao xong là cô phải ra ngay đấy nhé" "Được thôi." Năm phút sau, nàng đã ngồi nói chuyện với vợ của ngôi sao nhạc rock nổi tiếng Tripp Taylor. Stacy Taylor khoảng 25, 26 tuổi. Dana không thể biết Stacy có quyến rũ hay không vì vào lúc đó, khuôn mặt cô ta mang vẻ đau đớn và mệt mỏi. Cô ta đang cố với cốc nước để trên bàn gần giường thì Dana bước vào. "Hoa cho..." Dana dừng lại vì quá bất ngờ khi nhìn thấy dáng vẻ người phụ nữ tội nghiệp. "Của ai đấy?" Lời nói bật ra thật yếu ớt. Dana chìa tấm các ra. "Của... của một người hâm mộ." Cô ta nhìn Dana vẻ nghi ngờ. "Cô có thể đưa giúp tôi cốc nước được không?" "Vâng, được ạ," Dana được gói hoa xuống bàn. "Tôi còn giúp được bà gì nữa không?" "Có đấy, cô ta nói thều thào bằng đôi môi khô héo," cô có thể đưa tôi ra khỏi nơi chết tiệt này. Chồng tôi không cho ai vào thăm tôi. Tôi phát ốm lên vì cứ phải nhìn thấy bác sĩ với y tá rồi". Dana ngồi trên ghế như bùng lên. "Cô không biết à? Tôi đã bị một tai nạn cố ý." "Bà ư?" "Phải." "Thật là kinh tởm," Dana nổi giận, nàng thấy rõ là người phụ nữ này đã bị chồng đánh đập. Bốn mươi lăm phút sau, Dana đã biết toàn bộ sự thật. Khi Dana quay lại Tribune, gác cửa đã là một người khác. "Tôi có thể..." Dana không để ông ta nói hết câu. "Đây không phải lỗi của tôi". Nàng hổn hển nói. "Làm ơn tin tôi đi, tôi bị tắc đường. Nói với ông Baker là tôi lên ngay bây giờ. Ông ấy sẽ nổi điên lên với tôi vì sự chậm trễ này mất". Nàng chạy vội đến thang máy và ấn nút. Người gác cửa nhìn theo nghi hoặc rồi đành bấm máy. "Xin chào, nói với ông Baker là có một cô gái trẻ..." Thang máy dừng lại. Tại tầng 3, các hoạt động như sôi động hơn cả lúc trước. Dana dừng lại, nhìn quanh, cuối cùng cũng đã tìm thấy cái nàng cần tìm. Tại một ngăn với tấm biển Mục vườn nhà, nàng thấy còn một bàn trống. Dana chạy như bay đến đó, ngồi xuống trước máy vi tính và bắt đầu đánh bài. Câu chuyện đã được chuẩn bị kỹ trong đầu Dana trong suốt quãng đường về nên bây giờ nó tuôn ra trôi chảy. Nàng vừa in xong và đang xếp chúng lại với nhau thì một bàn tay nặng trịch đặt lên vai. "Cô làm quái gì ở đây?" Matt Baker hỏi. "Tôi tìm một công việc, ông Baker. Tôi vừa biết xong bài này, và tôi nghĩ..." "Cô nghĩ sai rồi" Baker hùng hổ. "Cô không những chỉ lẻn vào đây mà còn chiếm đoạt bàn làm việc của một người khác. Nào, bây giờ cô muốn tự mình ra khỏi đây hay để tôi phải gọi bảo vệ." "Nhưng..." "Ra ngoài." Dana bật dậy, lòng tự trọng bị tổn thương, nàng nhét tất cả xấp giấy vào tay Matt Baker rồi đi ra phía thang máy. Matt Baker lắc đầu như không tin vào mắt mình. Chúa ơi, không biết cô ta là dạng người gì mà hành động tự tiện thế. Có một thùng rác ở dưới bàn. Matt Baker vừa định nhét xấp giấy vào đó, bỗng nhiên, một dòng chữ đập thẳng vào mắt ông: "Spacy Taylor, với khuôn mặt bầm tím và đau khổ, tố cáo rằng cô ta phải nằm viện vì người chồng, ngôi sao nhạc rock Tripp Taylor, đã đánh cô." - Mỗi lần tôi có thai, anh ta lại đánh tôi. Anh ta không muốn có con...". Matt đọc tiếp đến hết như chôn chân tại chỗ. Khi ông ta ngửng đầu lên. Dana đã đi mất. Cầm tập giấy trong tay, Matt chạy như bay đến thang máy, hy vọng đuổi kịp cô gái. Khi đến chỗ rẽ, ông đầm sầm vào Dana. Nàng đang đứng, dựa lưng vào tường, chờ đợi. "Làm thế nào mà cô có được bài này?" Dana trả lời thật đơn giản. "Tôi đã nói với ông rồi. Tôi là một phóng viên". Matt hít một hơi thật sâu. "Quay lại phòng tôi ngay." Họ lại ngồi trong văn phòng của Matt Baker. "Cô làm việc được đấy". Ông thừa nhận. "Cám ơn ông! Tôi không thể nói với ông là tôi cảm động về lời nói ấy như thế nào". Dana vui vẻ nói. "Tôi sẽ là phóng viên tốt nhất mà ông từng có. Rồi ông sẽ thấy. Điều tôi thực sự muốn là làm phóng viên thường trú tại nước ngoài, nhưng tôi sẵn sàng chờ đợi, thậm chí là một năm", "nàng thấy ông nhướn mày, "hay có thể là hai". "Tờ Tribune thì không có việc gì mới, còn đây là danh sách những người chờ đợi". Nàng ngạc nhiên nhìn ông ta. "Nhưng tôi cho là..." "Chờ đấy". Dana nhìn ông ta cầm bút lên và viết ra ta từ "cho là" rồi chỉ vào nó. "Khi là một phóng viên cho là một điều gì đi, cô Evans, nó thật lố bịch, với cả cô và tôi. Cô hiểu chứ?" "Vâng, thưa ông". "Tốt", ông tỏ vẻ nghĩ ngợi một lúc, rồi quyết định, "cô đã bao giờ xem kênh truyền hình WTE chưa? Đó là k của tập đoàn viễn thông Tribune đấy". "Chưa, thưa ông. Tôi không nói rằng tôi..." "Cô may đấy. Có một chỗ trống ở đó. Một người viết lời bình vừa mới xin nghỉ. Cô có thể thay thế chỗ của ông ta?" "Làm gì cơ ạ?" Dana hỏi, vẻ căng thẳng. "Viết lời bình cho các chương trình truyền hình". Mặt nàng ỉu xìu. "Viết lời bình? Tôi có biết gì về..." "Rất đơn giản. Người làm tin sẽ đưa cho cô tất cả những thông tin cần thiết về đoạn phim sẽ phát trên truyền hình. Cô chuyển nó sang tiếng Anh rồi truyền trên máy TelePromTer cho người dẫn chương trình đọc". Dana ngồi đó, lặng im. "Thế nào hả?" "Chẳng sao, nhưng tôi là một phóng viên cơ mà?" "Chúng tôi đã có tới 500 phóng viên ở đây, và tất cả bọn họ đều là loại kỳ cựu cả. Đến toà nhà số 4. Hỏi ông Hawkins. Nếu cô muốn bắt đầu sự nghiệp thì truyền hình cũng không tồi đâu". Matt Baker cầm lấy điện thoại. "Tôi sẽ gọi cho ông ta". Dana thở dài đứng dậy. "Vâng, cảm ơn ông, nếu ông còn gì..." "Ra ngoài". Các studio của kênh truyền hình WTE chiếm toàn bộ tầng 6 của toà nhà số 4 trong quần thể Tribune. Tom Hawkins, người phụ trách phần bản tin đêm, đưa Dana vào phòng làm việc của ông ta. "Cô đã bao giờ làm việc trong lĩnh vực truyền hình chưa?" "Chưa, thưa ông, tôi mới chỉ làm phóng viên báo viết thôi". "Báo viết là quá khứ, chúng ta là hiện tại. Và chỉ có chúa mới biết tương lai sẽ là cái gì? Để tôi dẫn cô đi quanh đây một vòng". Có khoảng vài tá người làm việc tại bàn. Các loại tin tức từ vài chục tờ báo khác nhau đang hiện lên trên màn hình máy tính. "Đây là nơi chúng tôi nhận tin từ tất cả các vùng trên toàn thế giới". Hawkins giải thích. "Tôi sẽ quyết định lấy cái gì và bỏ cái gì. Phòng nhân sự sẽ cử người tới chỗ cần thiết để lấy tin tức. Các phóng viên thường trú sẽ gửi bài về bằng sóng vi ba và máy transmiter (máy phát). Bên cạnh dịch vụ điện báo, chúng tôi còn có 160 kênh, các phóng viên được trang bị máy điện thoại di động, máy phát hình. Tất cả các chương trình được bố trí khít đến từng giây. Những người viết lời bình phải làm việc với các biên tập chương trình để khớp thời gian đến mức tối đa. Trung bình một tin ngắn chỉ diễn ra trong khoảng một phút rưỡi đến một phút bốn mươi lăm giây". "Có bao nhiêu người viết lời bình ở đây?" Dana hỏi. "Sáu. Rồi cô sẽ được làm quen với các biên tập chương trình, những người sản xuất, các phóng viên, người dẫn chương trình...". Ông ta dừng lại. Hai người, một nam một nữ đang bước đến gần họ. "Thiêng thật, vừa nói về người dẫn chương trình thì lại gặp ngay Julia Brinkman và Michael Tate ở đây". Julia là một phụ nữ nhỏ nhắn, nét mặt khả ái, tóc nhuộm mày hạt dẻ, đôi mắt to, xanh và sáng. Mechael lại có dáng vẻ như một vận động viên điền kinh với nụ cười hút hồn và những cử chỉ duyên dáng. "Đây là người viết lời bình mới của chúng ta". Hawkins nói, "Donna Evanston". "Dana Evans chứ". "Thì gì mà chả được. Nào, chúng ta đi làm đi". Ông ta đưa Dana quay về phòng. Đi qua một phòng lớn, ông ta hất đầu bảo nàng. "Đây là nơi chúng ta chọn tin. Chúng được gọi là những viên đạn. Chúng ta phải vào đây hai lần trong ngày. Tin tức buổi chiều sđược chuẩn bị xong trong vòng từ mười hai đến một giờ chiều và tin vào ban đêm thì từ mười đến mười một giờ. Khi tôi nói với cô là tôi muốn có tin gì, cô phải biết kết hợp chúng với những sự kiện có liên quan khác, làm sao cho các khán giả của chúng ta không chuyển kênh. Các biên tập băng hình sẽ cung cấp cho cô các đoạn băng cần thiết, cô bố trí lại thành một kịch bản và chuyển cho tôi". "Dạ, tôi hiểu". "Đôi khi có những vụ scandal, chúng tôi có thể tạo thành một chuyên mục thường xuyên vào một giờ cố định". "Hay quá nhỉ". Dana nói. Nàng không hề biết rằng vào một ngày nào đó, chính nó, cái chuyên mục này, sẽ cứu nàng thoát chết. "Tác phẩm" đầu tiên của Dana thật kinh khủng. Đáng lẽ phải đưa tin chủ đạo lên đầu thì nàng lại đặt nó vào giữa. Rồi Julia phát hiện ra mình đọc lời bình của Michael trong khi anh này lại đọc lời bình của cô. Lát sau, vị chủ nhiệm chương trình nói với Dana. "Ông Hawkins muốn gặp cô ngay". Hawkins ngồi sau bàn, mặt tái nhợt đi vì tức giận. "Tôi biết", Dana nói nhỏ nhẹ, "đây là lỗi của tôi đã làm hỏng chương trình". Hawkins ngồi im lặng nhìn nàng. Danna cố lại lần nữa. "Tom à, tôi hứa, từ nay trở đi tôi sẽ làm tốt hơn, được không?" Ông vẫn chằm chằm nhìn nàng. "Sẽ không bao giờ xảy ra chuyện này nữa", nàng nhìn thẳng vào ông, cao giọng, "vì tôi bị đuổi việc". "Không". Hawkins nói từng câu một. "Thế thì quá dễ cho cô. Cô phải làm lại, đến khi nào nó ổn mới thôi. Tôi đang nói về bản tin chiều mai đấy. Chính tôi sẽ kiểm tra vụ này". "Vâng ạ". "Tốt, tôi muốn cô ở đây vào lúc tám giờ sáng mai". "Vâng, Tom". "Và nếu chúng ta còn làm việc cùng nhau, xin cô gọi tôi là ông Hawkinss cho". Bản tin chiều hôm sau diễn ra suôn sẻ. Tom Hawkins đúng thật. Tất cả chỉ là bắt vào đúng nhịp điệu mà thôi. Lấy băng hình... viết tin... làm việc với biên tập băng hình... bố trí vào TelePrompter cho người dẫn chương trình đọc. Từ hôm đó, mọi việc đối với Dana trở nên nhàn nhã. Bước ngoặt đến với Dana tám tháng sau ngày nàng vào làm việc cho kênh truyền hình WTE. Hôm đó, nàng vừa đưa xong chương trình tin tức buổi tối vào máy TelePrompter lúc 9 giờ 45 phút và đang chuẩn bị ra về. Khi đi vào phòng quay, nàng bắt gặp một cảnh tượng cực kỳ hỗn độn. Như thể tất cả đều cùng một lúc nhao nhao phát biểu. Rob Cline, chủ nhiệm chương trình, đang gào thét. "Cô ta ở chỗ quái nào đây?" "Tôi không biết". "Có ai nhìn thấy cô ta không?" "Không". "Anh gọi điện đến nhà cô ấy chưa?" "Tôi chỉ nghe thấy tiếng máy trả lời tự động thôi". "Tuyệt vời chưa, chúng ta sẽ lên hình", ông ta nhìn đồng hồ, "trong 12 phút nữa". "Biết đâu Julia gặp tai nạn". Michael nói. "Cô ta có thể chết rồi thì sao?" "Không thể chấp nhận được, ít nhất cô ta cũng phải gọi điện chứ?" Dana bước vào. Nàng nói. "Xin lỗi..." Người chủ nhiệm quay lại nhìn nàng với vẻ sốt ruột. "Cái gì?" "Nếu Julia không đến kịp, tôi có thể lên hình thay cô ấy". "Quên đi". Ông ta quay lại viên trợ lý. "Gọi điện xuống bảo vệ hỏi xem đã thấy cô ấy vào cổng chưa". Anh này cầm lấy phôn. "Julia đã vào cổng chưa...? Này, khi nào cô ấy đến, bảo lên ngay nhé". "Bảo hắn giữ riêng một u thang máy cho cô ta đi. Chúng ta sắp lên hình rồi." Ông ta lại sốt ruột nhìn đồng hồ. "Còn có bảy phút chết tiệt nữa". Dana đứng đó, nhìn đám đông nhộn nhạo. Michael đề nghị. "Tôi có thể lãnh cả hai vai được mà". "Không", vị chủ nhiệm gào lên. "Chúng tôi cần đủ cả hai người ở đây cơ.". Ông ta lại nhìn đồng hồ. "Ba phút nữa. Mẹ kiếp. Con mụ ấy làm cái quái quỷ gì không biết. Chúng ta sẽ lên hình trong..." Dana bật dậy. "Tôi biết tất cả những gì cần đọc, tôi là người viết lời mà". Ông ta lườm cô. "Cô còn chưa trang điểm, lại ăn mặc không đúng kiểu nữa". Một tiếng nói rất to từ người phụ trách âm thanh. "Còn hai phút nữa, xin vào chỗ cho, nhanh lên". Michael nhún vai chạy lên bục, đứng trước máy quay. "Nào, vào chỗ đi". Dana mỉm cười với vị chủ nhiệm. "Xin chào ông Cline nhé". Nàng quay người đi ra cửa. "Chờ một chút đã", ông ta ôm lấy đầu. "Cô có chắc là cô mình làm được không?" "Thì cứ phải liều thôi". "Thôi được, tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác". Ông ta rên lên. "Chuẩn bị đi. Mẹ ơi, con không nghe lời mẹ mà làm bác sĩ đi cho xong". Dana chạy vội lên bục đứng cạnh Michael. "30 giây... 20... 10... 5..." Vị chủ nhiệm vẫy tay, và một luồng sáng đỏ từ camera chiếu vào họ. "Xin chào quý vị." Dana nói trôi chảy. "Xin đón chào quý vị đến với chương trình tin tức lúc 10 giờ đêm của kênh truyền hình WTE. Chúng tôi xin có một câu chuyện gây chấn động diễn ra ơ Hà Lan. Một vụ nổ tại một trường tiểu học ở Amssterdam chiều hôm nay..." Phần còn lại của buổi tin hôm đó, không có gì để chê trách. Sáng hôm sau, Rob Cline đến phòng làm việc của Dana. "Tin xấu đây, Julia bị tai nạn giao thông tối qua. Mặt cô ấy", ông ngập ngừng, "bị biến dạng". "Tôi xin lỗi". Dana nói, vẻ lo lắng. "Có nặng lắm không?" "Khá nặng đấy". "Nhưng ngày nay kỹ thuật thẩm mỹ có thể..." Ông ta lắc đầu. ít nhất cũng không phải là bây giờ, cô ấy không thể tiếp tục công việc này được nữa". "Tôi sẽ đến thăm. Cô ấy hiện ở đâu?" "Họ đã đưa cô ấy về gia đình ở Oregon". "Tôi xin lỗi". "Cô được vài thứ, nhưng cô lại mất vài thứ". Ông ta chăm chú nhìn nàng. "Hôm qua cô xuất hiện được đấy. Chúng tôi sẽ để cô tiếp tục cho đến khi tìm được người mới". Dana đến tìm Baker. "Ông có xem bản tin tối qua không?" "Có", ông lẩm bẩm, "vì chúa cô nên bôi thêm một chút son phấn và ăn mặc cho tử tế hơn". Dana cảm thấy mất hào hứng. "Được thôi". Khi nàng đủng đỉnh đi, Matt Baker nói thêm. "Thế là không tồi đâu." Câu ấy mà từ miệng Batt nói ra thì quá là một lời khen rồi. Vào đêm thứ mười lên hình như vậy, vị chủ nhiệm Cline nói với Dana. "Chúng tôi giữ hẳn cô ở lại đây. Dù sao, bố già cũng bảo nên giữ cô lại". Dana tự hỏi không biết bố già đây có phải là Matt Baker không. Sau sáu tháng, Dana trở thành một khuôn mặt quen thuộc của truyền hình Washington. Nàng trẻ trung xinh đẹp, quyến rũ và sự thông mình thì không cần kể ra. Vào cuối năm đó, một trong những chương trình của nàng ở đây và bây giờ, chuyên phỏng vấn những người nổi tiếng, đã chiếm hàng đầu trong số những chương trình được khán giả yêu thích nhất. Những cuộc trò chuyện của nàng vừa thân tình vừa chân thật, và những người nổi tiếng vốn e ngại xuất hiện trước màn hình ti vi giờ đây lại tự nguyện mời Dana phỏng vấn. Báo chí bắt đầu phỏng vấn chính nàng. Và Dana cũng trở thành một người nổi tiếng. Vào ban đêm, Dana xem các chương trình thời sự quốc tế. Nàng ngưỡng mộ các phóng viên thường trú tại nước ngoài. Họ đang làm những việc thật quan trọng. Họ đang ghi lại lịch sử, thông báo cho cả thế giới về những sự kiện quan trọng đang xảy ra khắp toàn cầu. Nàng thấy mình thật vô dụng. Hợp đồng hai năm của Dana với WTE sắp hết. Philip Cole, phụ trách các phóng viên, gọi nàng lên. "Cô đã làm việc rất tốt, Dana ạ. Chúng tôi hãnh diện vì cô đấy". "Cảm ơn ông, Philip". "Cũng đã đến lúc để chúng ta bàn đến việc ký lại hợp đồng rồi. Đầu tiên..." "Tôi đi đây". "Xin lỗi?" "Khi nào hết hạn hợp đồng tôi sẽ đi". Ông ta nhìn nàng, tò mò hết cỡ. "Tại sao cô lại đi? Cô không thích làm việc ở đây à?" "Tôi rất muốn. Tôi rất muốn làm việc với WTE, nhưng tôi muốn là một phóng viên thường trú tại nước ngoài". "Đấy là một cuộc sống kinh khủng". Ông ta cáu kỉnh. "Thế quái nào mà cô lại thích nó chứ?" "Bởi vì tôi đã chán ngấy việc phải nghe những người nổi tiếng nói về việc họ tự nấu ăn ra sao. Còn bao nhiêu việc lớn lao khác đang xảy ra xung quanh chúng ta, có bao nhiêu người đang đau khổ và chết chóc. Thế giới không chỉ một màu hồng, tôi muốn cho mọi người thấy điều đó". Nàng hít một hơi thật sâu. "Tôi xin lỗi, tôi không thể ở đây thêm nữa". Nàng đứng dậy và đi ra cửa. "Chờ chút, cô có chắc những gì mình muốn không?" "Đấy là việc mà tôi luôn mong được làm". Dana trầm tĩnh đáp. "Philip nghĩ một lát. "Thế cô muốn đi đâu?" Phải một lúc sau Dana mới nhập được hết thông tin từ câu hỏi của ông. Rồi nàng nói thật rành rọt. "Sarajevo" Chương 09 Trở thành Thống đốc quả là hấp dẫn hơn những gì Oliver từng tưởng tượng. Quyền lực giống như một ả nhân tình xinh đẹp và khêu gợi, khiến anh mê đắm trong vòng tay nó. Mỗi quyết định của anh ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người ở đây. Anh trở nên say mê công việc thông qua các đạo luật, và ảnh hưởng cũng như tiếng tăm của anh chẳng mấy chốc nổi lên như cồn. Mình đang ngồi vào chỗ không phải ai cũng được ngồi. Oliver sung sướng nghĩ. Trong đầu anh chẳng lúc nào quên câu nói của Nghị sĩ Davis. "Đây mới chỉ là bước đầu, Oliver ạ, hãy đi từng bước vững chắc". Và Oliver luôn cẩn thận. anh có khá nhiều vụ áp-phe, nhưng tất cả đều nằm trong bóng tối. Anh biết nó sẽ ra sao nếu bị lộ ra. Thỉnh thoảng Oliver lại gọi điện đến bệnh viện hỏi thăm tình hình Miriam. "Thưa thống đốc, cô ấy vẫn đang bất tỉnh". "Thông báo ngay cho tôi nếu có gì đặc biệt nhé". Một trong những trách nhiệm khi anh làm thống đốc bang là phải tổ chức những bữa tiệc. Quan khách của Oliver chủ yếu là các nhà tài trợ, những ngôi sao thể thao và nghệ thuật, các ông bầu giải trí, những người có tên tuổi ở chính trường và một loạt các vị khách danh dự khác. Jan thật đáng mặt là một bà chủ nhà hoàn hảo và Oliver thích kiểu mà người ta cư xử với c. Một hôm, Jan nói với chồng. "Em vừa nói chuyện với cha xong. Cha bảo tuần tới sẽ tổ chức bữa tiệc tại nhà riêng. Cha muốn chúng mình tới đó, có vài người quan trọng mà cha muốn anh gặp". Thứ bảy đó, tại toà nhà sang trọng của Nghị sĩ Davis ở Georgetown, Oliver được bắt tay với những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới chính khác ở Washington. Đó là một bữa tiệc tuyệt vời, và anh thấy tự thoả mãn với chính mình. "Vui vẻ chứ, Oliver?" Peter hỏi. "Tôi không thể ước điều gì hơn thế. Một bữa tiệc cực kỳ". "Đấy, nhân nói về những điều ước, lại làm tôi nhớ hồi cháu Elisabeth nhà tôi mới sáu tuổi, một hôm mặt mũi cứ nhăn nhó nhất định không chịu dậy mặc quần áo đi học. Betsy rất khó chịu. Con bé nhìn mẹ và hỏi: "Mẹ ơi, mẹ nghĩ gì thế?". Betsy bảo nó. "Mẹ ước gì bây giờ con không nhăn nhó nữa, mặc quần áo và đi ăn sáng như một bé ngoan". Thế là Elisabeth nói. "Mẹ ơi, mẹ sẽ không được ban điều ước ấy". Anh thấy có tuyệt không? Bọn trẻ có thông minh không cơ chứ. Gặp lại anh sau nhé, Thống đốc". Một cặp vợ chồng tiến vào cửa và Nghị sĩ Davis ra đón họ. Vị đại sứ Italia, Atilio Picone, trông nghiêm trang đúng với cái tuổi sáu mươi của ông ta. Hàng lông mày đen rậm không giấu được những nét điển hình của người dân đảo Sicil. Bà vợ, Sylva là một trong những người phụ nữ đẹp nhất mà Oliver đã từng gặp. Bà đã từng là diễn viên điện ảnh trước khi lấy Atilio và đến giờ vẫn còn nổi tiếng tại ý. Lý do thật dễ hiểu với Oliver. Sylva có cặp lông mày nâu, cong và rộng, khuong mặtt kiểu Madonna, và thân thể của thần vệ nữ. Bà vợ kém ông chồng đến hai lăm tuổi. Nghị sĩ Davis dẫn vợ chồng đại sứ đến giới thiệu với Oliver. "Tôi rất hân hạnh được làm quen với ông bà", Oliver nói, mắt không rời khỏi Sylva. Bà ta mỉm cười. "Tôi có được hân hạnh nghe nhiều chuyện về ông". "Hy vọng là không có gì quá tệ". "Tôi..." Ông chồng cắt ngang. "Nghị sĩ Davis đánh giá ông rất cao". Oliver vẫn nhìn Sylva và nói: "ồ, tôi lại được tôn lên rồi". Nghị sĩ Davis đưa họ tới một nhóm khác. Khi quay lại, ôn gta nói với Oliver. "Quá lắm, thống đốc ạ. Bà ta là quả cấm đấy. Anh mà động vào thì cứ là tan tành sự nghiệp". "Ôi, Todd, cha đùa ạ, con đâu có...". "Tôi nói nghiêm túc đấy. Anh có thể biến hai nước thành cừu địch ngay bây giờ". Cuối buổi tối hôm đó, khi Sulva và chồng sắp ra về, Atilio nói với Oliver. "Thật là vui được gặp ảnh hưởng". "Đó là niềm hân hạnh cho tôi". Sylva cầm lấy tay anh và nói nhỏ. "Chúng tôi mong được gặp lại anh". "Đôi mắt họ gặp nhau. "Vâng". Và Oliver nghĩ, Mình phải cẩn thận mới được. Hai tuần sau đó, khi đang làm việc ở Frankfort, Oliver nghe cô thư ký thông báo. "Thưa thống đốc, ngài Nghị sĩ Davis đang ở đây và muốn gặp ông". "Nghị sĩ Davis đang ở đây ư?" "Vâng, đúng vậy". "Mời ông ấy vào. Oliver không hiểu bố vợ mình đến dây làm gì trong khi anh biết rằng ông ta đang có một vụ tranh cãi rất căng thẳng ở Washington về một luật thuế mới. Cửa bật mở, ngài Nghị sĩ bước vào. Theo sau là Peter Tager. Nghị sĩ Davis mỉm cười và vỗ vai chàng rể. "Thống đốc ạ, tôi rất mừng được gặp anh đấy". "Con cũng rất mừng được gặp ch, Todd ạ". Rồi quay sang Peter. "Chào anh, Peter". "Xin chào, Oliver". "Hy vọng là tôi không làm phiền anh chứ?" Nghị sĩ Davis hỏi. "ồ, không đâu, thưa cha. Có chuyện không ổn ạ?" Nghị sĩ Davis nhìn Peter và mỉm cười. "ồ, tôi không nghĩ anh lại hỏi tôi có điều gì đó không ổn, Oliver ạ. Thực tế tôi có thể nói rằng mọi việc đang rất tốt đẹp". Oliver nhìn cả hai người, trong lòng bối rối. "Con không hiểu gì cả". "Tôi có vài tin tốt cho anh đây, con rể ạ. Chúng tôi có thể ngồi chứ? "Ôi, tha lỗi cho con. Hai người uống gì đây? Cà phê? Hay Wiskey..." "Không, chúng tôi đã bị kích thích đủ rồi". Oliver lại thấy bối rối, không hiểu điều gì đã xảy ra. "Tôi vừa mới từ Washington đến đây. Có một nhóm người rất có ảnh hưởng ở đó cho rằng anh xứng đáng là Tổng thống tương lai của chúng ta". Oliver cảm thấy như một luồng gió mát thổi qua. "Con thật ư?" "Đúng vậy, lý do để tôi bay đến đây là vì đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới việc tung ra chương trình lăng xê anh. Cuộc bầu cử còn không đầy hai năm nữa". "Thật là khớp thời gian". Peter hào hứng nói. "Trước khi qua vòng đầu tiên, tất cả mọi người trên thế giới sẽ biết được chúng ta là ai". Nghị sĩ Davis bổ sung. "Peter sẽ lo cho anh chiến dịch quảng cáo này. Anh sẽ sắp xếp mọi thứ. Anh biết là không thể tìm được ai tốt hơn Peter đâu". Oliver nhìn Peter và nồng nhiệt nói. "Con biết từ lâu rồi". "Đấy là niềm hân hạnh của tôi, chúng ta sẽ còn có nhiều chuyện vui nữa, Oliver ạ". Oliver quay sang Nghị sĩ Davis. "Con hy vọng là chiến dịch tranh cử sẽ không quá tốn kém". "Đừng lo chuyện đó. Anh phải luôn là người dẫn đầu. Tôi đã thuyết phục nhiều bạn bè để họ nhận lời tài trợ cho anh". Ông ta tựa vào ghế. "Đừng có tự coi mình thấp như vậy, Oliver. Theo một điều tra cách đây khoảng hai tháng, anh được đánh giá đứng thứ ba trong số các vị Thống đốc bang làm việc hiệu quả nhất đấy. Song anh có vài điểm mạnh mà hai ngưoiừ kia không có. Trước đây tôi đã có lần nói với anh về chuyện này - đó là năng lực cuốn hút. Nó là cái mà tiền bạc không thể mua được. Người ta thích anh, và người ta sẽ bỏ phiếu cho anh". Oliver càng nghe càng thấy phấn chấn. "Khi nào thì chúng ta bắt đầu?" "Chúng tôi đã bắt đầu", Nghị sĩ Davis nói, "chúng ta sẽ xây dựng một đội ngũ chuyên về việc quảng cáo và sẽ đánh thức các đại biểu ở tất cả các bang dậy". "Sự may mắn của con có bao nhiêu phần trăm hiện thực?" "Trong cuộc bầu cử để chọn ứng viên của Đảng, anh sẽ dễ dàng đánh gục được tất cả những người khác. Peter đáp. "Còn đến cuộc tổng tuyển cử, Tổng thống Norton đang còn rất phong độ, xứng đáng là địch thủ đáng gờm của anh đấy. Nhưng dĩ nhiên vẫn có điều tốt lành, đây lại là nhiệm kỳ thứ hai rồi, ông ta có muốn cũng đành chịu. Phó Tổng thống Cannon thì như một vệt sáng yếu ớt. Chỉ có một tia nắng nhỏ cũng đủ sức làm ông ta biến mất". Cuộc gặp kéo dài đến bốn giờ đồng hồ. Cuối cùng, Nghị sĩ Davis nói với Peter Tager "Peter này, xin lỗi anh có thể để cha con tôi nói chuyện riêng một chút không?". Vâng, thưa ngài". Khi ông ta đã ra đi và khép cửa lại, Nghị sĩ Davis bảo Oliver. "Tôi đã nói chuyện này với Jan sáng nay" bỗng hơi hoảng. "Dạ!". Nghị sĩ Davis nhìn anh và mỉm cười. "Nó hạnh phúc lắm". Oliver thở phào như trút một gánh nặng. "Con rất vui được nghe cha nói thế". "Tôi cũng vậy, con rể ạ, tôi cũng rất vui. Đừng quên giữ cho gia đình mình luôn là một tổ ấm. Anh hiểu ý tôi muốn chứ?". "Xin cha đừng lo lắng về chuyện đó. Con...". Nghị sĩ Davis mỉm cười. "Tôi phải lo lắng chứ, Oliver. Tôi không bảo anh tuyệt đối không được nhăng nhít, nhưng nhớ là đừng để chuyện đó biến anh thành thằng ngốc". Khi Todd Davis và Peter đi dọc theo hành lang Toà thị chính, Nghị sĩ nói: "Tôi muốn anh dựa ngay cho tôi là một đội quân chuyên dụng cho chiến dịch vận động này. Đừng ngại chuyện chi phí. Song song với nó, tôi muốn có những văn phòng chuyên trách về việc này đặt tại một số nơi trọng yếu như New York, Washington, Chicago và San Francisco. Cuộc bầu cử chọn ứng cử viên Đảng bắt đầu sau 12 tháng tới đây. Hội nghị bỏ phiếu còn 18 tháng nữa. Sau đó thì chúng ta sẽ chẳng còn phải lo lắng gì". Họ đã tiến lại gần chiếc xe, "đi cùng chúng tôi ra sân bay, Peter". "Oliver sẽ là một vị Tổng thống tài giỏi". Peter nhận xét. Nghị sĩ Davis gật đầu. Và ta có nó trong tay đây. Nó sẽ là con rối của ta. Ta giật dây một cái, thế là Tổng thống Hoa Kỳ sẽ nhảy múa. Ngài nghị sĩ rút trong túi ra hộp xì gà. "Xì gà chứ?" Chiến dịch quảng cáo cho cuộc bầu cử chọn ứng cử viên của Đảng trên khắp nước Mỹ bắt đầu tốt đẹp. Nghị sĩ Davis quả không nhìn nhầm người. Peter Tager là một trong những nhà sắp đặt chính trị tài giỏi nhất thế giới, các tổ chức mà ông ta sáng lập ra thật không chê vào đâu được. Trong mắt mọi người, Tager là một người chồng, người cha mẫu mực và một con chiên ngoan đạo. Ông ta chiếm được cảm tỉnh của nhà thờ Thiên chúa giáo. Bởi vì biết điều hành những công việc chính trị, do vậy Tager còn có thể thuyết phục được những người theo Đảng tự do bỏ qua những sự khác biệt của họ mà cùng hợp tác hành động. Khuôn mặt với dải băng đen che một bên mắt hỏng giờ đây đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Lịch làm việc do Peter lập cho Oliver kín đặc các chuyến bay cho đến tất cả các bang của Mỹ. Oliver nhìn mà phát hoảng, nói. "Không... không thể được Peter". "Anh có đơn phương độc mã đâu" Peter trấn an. "Chúng ta sẽ di chuyển bằng chiếc máy bay Challenger của bố vợ anh cho mượn. Biết bao nhiêu người đỡ từng bươc chân của anh. Rồi còn có tôi ở bên cạnh anh đây". Nghị sĩ Davis giới thiệu Sim Lombardo với Oliver. Lombardo là một gã đàn ông to cao, lực lưỡng, đen cả về mặt hình thức cũng như tâm hồn. Gã rất ít nói. "Anh ta hoà hợp thế nào với chúng con được?" Oliver hỏi bố vợ khi chỉ còn lại hai người. "Sin là người chuyên giải quyết các vấn đề ngáng trở chúng ta. Đôi khi, có những kẻ phải thêm một tí thuyết phục mới chịu nghe. Sim là người giỏi thuyết phục lắm". Oliver không thể còn nghĩ ngợi gì thêm. Khi chiến dịch tranh cử Tổng thống đến gần hơn, Peter bắt đầi cho Oliver biết những điều cần nói, khi nào cần nói, và nói như thế nào. Ông ta thấy Oliver luôn gây được ấn tượng ở những bang chủ chốt. Đến bất kỳ nơi nào, anh cũng nói trúng những điều người ta muốn nghe. Tại Pennsylvania: "sản xuất là dòng máu nóng của cả nước. Chúng ta không được quên điều đó. Chúng ta sẽ mở cửa lại các công xưởng, và đưa cả nước Mỹ vào guồng máy sản xuất". Hoan hô. Tại California: "công nghiệp máy bay là một trong những thế mạnh nhất của Mỹ. Khôn có lý do gì để một xưởng sản xuất máy bay của chúng ta phải đóng cửa. Chúng ta sẽ mở lại chúng". Hoan hô. Tại Detroit: "Chúng ta sản xuất ô tô, song lại để người Nhật đi trước chúng ta về mặt công nghệ. Chúng ta sẽ giành lại vị trí số một này. Detroit sẽ lại là trung tâm ô tô của cả thế giới". Hoan hô. Tại sân bãi của các trường đại học, anh nói về việc cho sinh viên vay tiền với lãi suất giảm. Tại các trại lính đóng quanh đất nước, anh nói về tinh thần vô địch của quân đội Hoa Kỳ. Lúc đầu Oliver còn là một cái tên chưa nổi, những kẻ đối nghịch với còn coi thường anh. Nhưng khi chiến dịch đi vào guồng, tỉ lệ tín nhiệm đối với anh ngày càng tăng. Trong tuần đầu tiên của tháng bảy, hơn bốn nghìn đại biểu và thành viên dự khuyết của hàng trăm đảng phái khác nhau, và các ứng cử viên, cùng dồn về dự hội nghị ở Cleveland, khiến thành phố này tràn ngập không khí ngày hội với những cuộc diễu hành, những xe chăng cờ hoa và các yến tiệc. Camera truyền hình ở hầu hết các nơi trên thế giới dều tụ tập về đây. Peter và Sim bố trí để Oliver luôn ở trong tầm ngắm của các phóng viên. Có khoảng nửa tá người sẽ là đối thủ của Oliver nhưng Nghị sĩ Davis đã khéo léo làm việc ở hậu trường để loại bỏ dần từng người một trong số đó. Ông ta gọi điện thoại đến một số những người đã chịu ơn mình, có những chuyện đã cách đây hàng chục năm. "Toby đấy à, Todd đây, Emma và Suzzy thế nàoA?... Tốt, tôi muốn nói về cậu con trai của các anh, Andrew ấy. Tôi lo cho hắn lắm đấy, Toby ạ. Anh biết không, theo ý kiến của tôi, hắn hơi tự do quá. Phía nam sẽ không chấp nhận hắn đâu. tôi gợi ý với anh thế này nhé... "Alfred à, Todd đây. Roy dạo này thế nào?... Không cần phải cám ơn tôi. Tôi rất vui vì được giúp được nó mà. Tôi muốn nói với anh về ứng viên của các anh, Jerry ấy. Theo tôi hắn quá hữu khuynh đấy. Nếu anh ủng hộ hắn, ta sẽ mất miền bắc đấy, tôi thử gợi ý anh thế này nhé... "Kenneth đấy à, Todd đây. Tôi rất vui khi nói với anh là cái vụ nhà đất ấy đã giải quyết êm thấm. Tất cả chúng ta đã chơi một cú thật đẹp, đúng không? Nhân tiện, tôi nghĩ chúng mình nên nói một chút về Staler. Tên này yếu quá. Hắn bại mất. Mà mình thì không thể ủng hộ một người bại trận được, tôi cho là..." Cứ thế, cho đến khi người duy nhất có khả năng đoạt vị trí ứng cử viên cho đảng là Thống đốc Oliver Russell. Trong đợt bỏ phiếu kín lần thứ nhất, Oliver kiếm được 700 phiếu: hơn 200 phiếu so với đại diện của 6 bang công nghiệp phía bắc, 150 phiếu so với sáu tháng New England, 40 phiếu so với bốn bang miền Nam, 180 phiếu với hai bang trang trại, và cân bằng với ba bang Thái Bình Dương. Peter làm việc cật lực để chiến dịch quảng cáo cho Oliver luôn diễn ra rầm rộ và hiệu quả. Lần kiểm phiếu cuối cùng két thúc, Oliver là người chiến thắng. Anh được bầu là chủ tịch đảng Cộng hoà trong tiếng vỗ tay vang trời. Bước tiếp theo là chọn phó chủ tịch. Melvin Wicks là một sự chọn lựa lý tưởng. Ông là chính khách gốc California, một tài chủ sung sức, và là người theo chính kiến cộng hoà. "Họ sẽ bổ sung cho nhau", Peter nói. "Bây giờ công việc chính mới bắt đầu đây. Chúng ta sẽ thuận lợi lớn với số phiếu vừa có, 700 phiếu". Số phiếu đại biểu đủ để chiếm ghế Tổng thống. Tager nói với Oliver, "Người dân muốn có một vị Tổng thống trẻ trung... đẹp trai, hài hước một chút và phải có cái nhìn xa trông rộng. Họ muốn anh nói với họ là họ vĩ đại như thế nào, và họ muốn tin vào điều đó... Hãy để họ thấy anh thông minh, nhưng đừng quá... Nếu anh tấn công đối thủ của mình, hãy làm như không phải vì anh... Đừng bao giờ coi thường nhà báo. Cứ đối xử với bọn này như bạn bè, và họ sẽ cũng coi anh là người bạn... Cố gắng tránh mọi chuyện xầm xì. Nên nhớ rằng anh là môt người của mọi người". Chiến dịch quảng cáo vẫn chưa dừng lại. Chiếc máy bay của Nghị sĩ Davis cần mẫn chở Oliver đến Taxas trong ba ngày, đến Massachusetts trong sáu giờ. Mỗi một phút đều được tính toán. Có những ngày Oliver phải đến mười thành phố và đọc khoảng mười bài diễn văn. Mỗi đêm lại là một khách sạn khác. Khách sạn Drạke ở Chicgo, St. Regis ở Detroit, Carlyle ở New York, Place D armes ở New Orleans, đến nỗi, cuối cùng Oliver thấy cái nào cũng giống cái nào. Bất cứ nơi nào Oliver đến, anh cũng đều được đón rước bằng xe dẫn đường của cảnh sát, đám đông và những cử tri cuồng nhiệt. Jan tháp tùng Oliver trong hầu hết các chuyến đi, và anh phải công nhận cô là một người tuyệt vời. Jan hấp dẫn và thông mình, đám nhà báo rất thích cô. Thỉnh thoảng, Oliver cũng đọc được trên báo về những cuộc mua bán gần đây nhất của Leslie: một tờ báo ở Madrid, một trạm truyền hình ở Mexico, một đài phát thanh ở Kansas. Anh mừng cho thành công của nàng, nó khiến anh bớt đi dằn vặt về những gì anh đã gây ra cho nàng. ở tất cả những nơi Oliver tới, các phóng viên chụp hình anh, phỏng vấn anh... Có khoảng hơn một trăm nhân viên phục vụ chiến dịch quảng cáo cho anh, nhiều người trong số họ đến từ những miền xa nhất của trái đất. Càng về cuối, tỉ lệ tín nhiệm càng chỉ ra Oliver là người dẫn đầu. Nhưng, điều không chờ đợi là đối thủ của anh, phó tổng thổng Cannon, đang bắt đầu tấn công anh. Peter thấy lo lắng. "Tỉ lệ tín nhiệm của Cannon đang tăng. Chúng ta phải chặn ông ấy lại mới được. Hai cuộc khẩu chiến trực tiếp trên truyền hình giữa phó tổng thống Cannon và Oliver Russell đã được lên lịch. "Cannon sẽ nói về vấn đề kinh tế", Peter bảo Oliver, "và đó là thế mạnh của ông ấy. Nhưng chúng ta sẽ biến ông ấy thành trò cười. Đây là kế hoạch của tôi..." Buổi tối diễn ra cuộc khẩu chiến thứ nhất, trước camera truyền hìn, phó Tổng thống Cannon phát biểu về vấn đề kinh tế. "Nước Mỹ chưa bao giờ có một nền kinh tế sung sức như hiện nay. Các nghành công nghiệp đang nở hoa..." Ông trình bày khoảng mười phút, cố gắng thuyết phục mọi người bằng dẫn chứng và số liệu. Đến lượt Oliver đứng trước máy, anh nói, "Thật kinh ngạc. Tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều hài lòng vì nền kinh tế nước nhà hưng thịnh", anh quay sang đối thhưng ngài quên không đề cập đến một lý do khiến các công ty của chúng ta làm ăn phát đạt. Đó mà cái mà người ta gọi một cách hoa mỹ là hậu quả của công nghệ. Để cho rõ ràng, tôi xin được giải thích: hậu quả công nghệ có nghĩa là hàng loạt con người bị sa thải để nhường chỗ cho máy móc. Chúng ta có số người thất nghiệp nhiều hơn bao giờ hết. Đó chính là khía cạnh phi nhân bản trên bức tranh kinh tế sáng lạn mà chúng ta đã thấy. Tôi sẽ không chia sẻ với ngài đây quan điểm cho rằng sự thành công về mặt tài chính quan trọn hơn con người..." Khi phó tổng thống Cannon nói về kinh tế, Oliver bàn về khía cạnh con người, tình cảm và các cơ hội. Trong bài nói của mình, Oliver như đã biến phó Tổng thống Cannon thành một chính khách máy móc lạnh lùng, chẳng quan tâm gì đến người dân Mỹ và cuộc sống của họ. Sau hôm khẩu chiến đầu tiên, tỉ lệ tín nhiệm của Olver vọt hẳn lên, dẫn trước ngài phó tổng thống đáng thương ba điểm. Nhưng vẫn còn một cuộc đọ sức nữa. Athur Cannon đã được một bài học nhớ đời. Tại lần đọ sức thứ hai này, ông đứng trước micro và nói "Đất nước của chúng ta là nơi mà mọi người đều có những cơ hội như nhau. Nước Mỹ là thánh địa của tự do nhưng thế thôi thì chưa đủ. Người dân chúng ta còn phải có quyền lao động và quyền tận hưởng thành quả lao động của mình...". Ông ta bắt chước cái kiểu đề cao con người của Oliver và tất cả những gì mà ông ta dự định phát biểu cũng chỉ nhằm vào chủ đề đó. Nhưng Peter đã đi trước một bước. Khi Cannon kết thúc bài nói của mình, Oliver bước lên hùng hồn. "Thật gần gũi. Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đang mủi lòng trước những điều ngài đây đã nói về những cảnh ngộ khó khăn của những người thất nghiệp, và, như ngài gọi họ là "những người đã quên không nói đến việc chúng ta phải phải làm thế nào để đem lại hạnh phúc cho những người đó..." Và cứ như thế, khi phó Tổng thống Cannon nói về tình cảm con người, Oliver chỉ trích ông ta bằng các vấn đề chính trị, bằng kế hoạch phát triển kinh tế khiến ngài phó Tổng thống trở nên cô độc như một con người lạc lõng. Oliver, Jan và Nghị sĩ Davis cùng ăn tối tại nhà riêng của Nghị sĩ ở Georgetown. Ngài nghị sĩ mỉm cười với Jan. "Cha vừa xem kết quả tín nhiệm gần đây nhất. Cha nghĩ là con sắp được vào trang trí lại Nhà trắng đấy". Khuôn mặt Jan rạng rỡ. "Cha có thực sự nghĩ rằng chúng con sẽ thắng không?" "Cha đã sai lầm về nhiều chuyện, con gái ạ, nhưng chưa bao giờ cha sai lầm về chính trị. Nó đã ăn vào máu của cha rồi. Tháng Mười một này, chúng ta sẽ có một Tổng thống mới, và người đó đang ngồi cạnh con đấy". Chương 10 “Xin thắt dây lưng lại.” “Thế là chúng ta đã lên đường!” Dana vui vẻ ngha id="filepos216193">. Nàng nhìn Benn Alberson và Wally Newman, hai đồng sự của nàng trong chuyến đi này. Benn Alberson, phụ trách sản xuất băng cho Dana, là một người đàn ông râu ria đầy mồm, cực kỳ năng động, khoảng 40 tuổi. Anh đã làm một vài chương trình tin tức được xếp hạng nhất và rất được vị nể. Wally Newman, phụ trách quay camera, mới qua tuổi 50, vừa có tài, vừa rất nhiệt tình, luôn hăm hở đón những công việc được giao. Dana nghĩ về sự mạo hiểm mà họ sắp đối đầu. Họ sẽ hạ cánh xuống Paris rồi bay đi Zagreg, Croatia và cuối cùng là Sarajevo. Trong tuần cuối ở Washington, Dana đã có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Shelley McGuire, trưởng ban biên tập phần tin nước ngoài. “Cô cần có một chiếc xe phát sóng ở Sarajevo để chuyển bài của mình lên vệ tinh.” Mc Guire nói. “Chúng ta không có trạm vệ tinh tại đó nên sẽ phải thuê của công ty Yugoslavi. Nếu mọi việc xuôn sẻ, chúng tôi sẽ gửi một xe đến sau. Sẽ có nhửng cảnh cô phải trực tiếp có mặt ở trận địa đấy. Benn Alberson sẽ nói với cô anh ấy muốn gì. Cô sẽ chọn cảnh để quay và sau đó dựng phim, làm tiếng tại một phòng thu địa phương. Tôi tặng cô hai chuyên gia sản xuất và quay phim giỏi nhất của công ty đấy. Yên tâm, không có chuyện gì đâu.” Dana sẽ nhớ như in những lời nói lạc quan đó. Mười ngày trước khi Dana lên đường, Matt Baker gọi điện tới và bảo nàng đến văn phòng gặp ông ta ngay. “Mình sẽ phải đến đó.” Dana gác máy với một linh cảm kỳ lạ, “ông ta đã thay đổi ý định và sẽ không cho mình đi nữa. Sao ông ấy lại có thể làm thế với mình? Mình sẽ bắn chết ông ta ngay.” Mười phút sau, Dana bước vào văn phòng của Matt. “Tôi biết ông sắp nói gì rồi”, nàng phủ đầu, “nhưng như thế là không hay đâu. Tôi sẽ đi! Tôi đã chờ đợi ngày này từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi hy vọng mình có thể làm được một việc gì có ý nghĩa ở đó. Ông đã cho tôi cơ hội để thử thách.” Nàng hít một hơi thật sâu. “ Thôi được, ông muốn nói gì đây?” Matt Baker nhìn nàng và nói với vẻ trìu mến, “Bon voyage”. Dana nhìn ông ta một cách ngạc nhiên. “Cái gì kia?” “Bon voyage, tiếng Pháp có nghĩa là chúc chuyến đi tốt lành.” “Tôi biết nó có ý nghĩa gì chứ. Nhưng tôi... không ngờ ông lại chúc tôi...” “Tôi chúc cô điều đó vì tôi đã trò chuyện với một số phóng viên thường trú ở những nước có hoàn cảnh tương tự. Họ cho tôi một số lời khuyên để tôi chuyển đến cô...” Dana không tin nổi vào tai mình nữa. Người đàn ông khô khan và thô lỗ này lại chịu mất thời gian và công sức đi hỏi kinh nghiệm của những phóng viên thường trú ở nước ngoài để mách bảo cho nàng ư? “Tôi... Tôi không biết cám ơn ông...” “Đừng có làm vậy”, ông nói nhanh, “cô sắp đi vào một nơi chiến sự. Không có nổi 1% đảm bảo là có thể tự bảo vệ được mình, bởi vì bom đạn thì không có mắt để tránh những người vô tội. Nhưng khi cô đang ở giữa một khung cảnh ác liệt, lượng adrenaline trong cô sẽ dâng cao. Cô có thể bị kích động, làm những điều ngu ngốc mà cô không bao giờ lường trước được. Cô phải chú ý đến điều này. Đừng lang thang ở những đường phố vắng lặng. Không có một tin tức giật gân nào giá trị bằng mạng sống của cô cả. Một điều nữa là...” Những lời dặn dò kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói. “Thế đấy, bảo trọng lấy mình. Nếu có rủi ro gì xảy ra với cô, tôi sẽkhông thể tự than thứ cho mình được.” Dana bước đến hôn lên má ông. “Đừng có làm cái trò đó lần nữa đấy”, ông nạt nộ rồi đứng đậy. “Sẽ khốc liệt đấy, Dana ạ. Bất kỳ lúc nào muốn trở về, hãy báo tôi biết, tôi sẽ lo cho.” “Tôi sẽ không đâu,” Dana nói với vẻ tự tin. Sau này, nàng mới biết là mình nhầm. Chuyến bay tới Paris không xảy ra chuyện gì. Họ hạ cánh ở sân bay Charles de Gaulle, rồi một chiếc xe nhỏ chở họ đến phòng chờ của hãng Hàng Không Croatia Airlines, trễ mất 3 tiếng đồng hồ. 10 giờ tối hôm đó, máy bay đáp xuống sân bay Butmir tại Sarajevo. Hành khách được đưa vào khu nhà bảo vệ, nơi họ bị những ngươì gác mặc quân phục kiểm tra hộ chiếu. Khi Dana đi ra gần đến cửa, một người đàn ông lùn tịt vẻ rất khó chịu, mặc đồ dân sự, chặn nàng lại. “Hộ chiếu đâu?” “Tôi đã trình họ hộ...” “Tôi là đại tá Gordan Divjak. Hộ chiếu của cô đâu?” Dana đưa cho ông ta hộ chiếu cùng với tấm thẻ ưu tiên dành cho nhà báo. Ông nhìn lướt qua. “Nhà Báo hả?” rồi ngửng lên nhìn nàng, cái nhìn sắc như dao cạo. “Cô đứng về phía nào?” “Tôi chẳng ở bên nào cả”, Dana bật lên tự nhiên. “Thế thì ghi chép phải cẩn thận đấy, chúng tôi không nhẹ tay với gián diệp đâu.” Đại tá Gordan Divjak răn đe trước. ĐÓN CHÀO BẠN ĐẾN SARAJEVO! Chiếc xe Land Rover lỗ chỗ vết đạn đang chờ họ ở sân bay. Lái xe là một chàng chỉ mới qua tuổi 20 một chút, khá vui tính. “Tôi là Jovan Tolj, tôi sẽ làm tài xế cho các vị ở Sarajevo này.” Jovan nhấn nút ga, cho xe rẽ vào qua các khúc cua và phi như bay trên những phố vắng như thể đang bị săn đuổi. “Xin lỗi”, Dana thấy lo lắng, “tại sao chúng ta phải vội vàng thế?” “Là vì nếu chị muốn còn sống sót để đến khách sạn.” “Nhưng...” Đúng lúc đó, Dana nghe thấy những âm thanh rền vang như tiếng sấn từ xa, và có vẻ như đang tiến đến gần. Tiếng động mà nàng nghe thấy đó không phải là sấm. Trong bóng tối, Dana vẫn thấy được những tòa nhà sạt hết mặt tiền, những căn hộ không mái, những nhà hàng không còn cửa kính... Nàng đã thấy khách sạn Holiday Inn ở trước mặt. Phía trước khách sạn chỉ còn là một đống đổ nát. Một cái hô sâu, đen sì nằn chình ình trên đường vào. Chiếc xe lao qua cửa. “Chờ chút, đây là khách sạn của chúng tôi”, Dana kêu lên, “Anh còn phóng đi đâu nữa?” “Cửa trước nguy hiểm lắn,” Jovan nói. Anh cho xe rẽ vào một con đường nhỏ, “mọi người đều ra vào bằng cửa hậu.” Môi Dana khô lại. “Ồ, ra thế à?” Phòng chính của khách sạn Holiday Inn đầy những người đang túm tụm trò chuyện. Một người đàn ông Pháp còn trẻ trông khá hấp dẫn, tiến lại phía Dana. “A, chúng tôi đang chờ chị đây. Chị là Dana Evans, đúng không?” “Vâng.” “Tôi là Jean Paul Hubert, phóng viên của M6 Métropole Télévision.” “Rất vui được gặp anh. Đây là Benn Albertson và Wally Newman.” Mấy người đàn ông bắt tay nhau. “Chào mừng các bạn đến với những gì còn sót lại của một thành phố đang nhanh chóng biến mất.” Những người khác cũng tiến đến chào họ. Từng người một giới thiệu mình. “Steffan Mueller, phóng viên Kabel Network.” “Roderick Munn, BBC 2.” “Marco Benelli, Italia I.” “Akihiro Ishihara, TV Tokyo.” “Juan Santos, Kênh 6, Guadalajara.” “Chun Qian, Truyền Hình Thượng Hải.” Dana cảm tưởng như tất cả các nước trên thế giới đều gửi phóng viên của mình đến đây. Màn giới thiệu tưởng như không bao giờ hết. Cuối cùng là một người đàn ông Nga, béo lùn, miệng nở nụ cười, để hởp lấp lánh mấy cái răng vàng. “Nikolai Petrovich, Gorizont 22.” “Có bao nhiêu phóng viên ở đây?” Dana hỏi Jean Paul. “Khoảng hơn 250 người. Không có mấy trận chiến lại tập trung nhiều màu cờ sắc như thế này đâu. Đây là chuyến công tác đầu tiên của chị à?” Giọng anh ta như kiểu đang bình luận về một trận tennis. “Vâng.” Jean Paul nói. “Nếu tôi giúp được gì thì cứ cho biết nhé.” “Cám ơn,” nàng ngập ngừng, “thế cái gã đại tá Gordan Divjak ấy là ai vậy?” “Chị không cần phải biết làm gì. Tất cả chúng tôi đều thấy hắn như một dạng Gestapo của phía Séc, nhưng không chắc lắm. Tôi khuyên chị nên tránh xa con người đó ra.” “Tôi sẽ nhớ.” Một lúc sau, khi Dana đã lên giường, bỗng có một tiếng nổ dữ dội ở gần ngay đó, rồi lại một tiếng nữa. Căn phòng rung lên bần bật. Có cái gì đó, như không thể hình dung được, nằm ngoài cả phim ảnh. Dana thức cả đêm, nằm nghe tiếng động của những cỗ máy giết người khủng khiếp và nhìn qua cửa sổ những luồng sáng vụt lóe ngang bầu trời. Buổi sáng, Dana trở dậy, mặc vào người quần bò, ủng lính, áo jacket chống đạn. Nàng cảm thấy khá yên tâm, nhưng bỗng có tiếng của Matt vang lên trong đầu, “đừng coi thường những khu phố không người. Không tin tức giật nào bằng mạng sống của cô đâu.” Dana, Benn và Wally gặp nhau tại phòng lớn của khách sạn, họ nói chuyện về gia đình. “Tôi quên chưa thông báo cho hai bạn một tin mừng của tôi.” Wally nói. “Tôi sẽ có cháu ngoại vào tháng tới.” “Thật tuyệt vời.” Dana reo lên, rồi nàng nghĩ, “Không biết mình còn sống được đến lúc có con rồi có cháu không nhỉ? Thôi cái gì phải đén sẽ đến.” “Tôi có một ý tưởng đây,” Benn nói, “Chúng ta sẽ làm chương trình đầu tiên về ngay những gì xảy ra ở đây, cho thấy cuộc sống của con ngườibị ảnh hưởng như thế nào. Tôi và Wally sẽ đi trinh sát địa điểm để ghi hình. Còn cô thì đi thuê giờ vệ tinh, được không Dana?” “Được.” Jovan đã đợi ở cửa, trong chiếc xe Land Rover, “Doboro Jutro, chúc buổi sáng tốt lành.” “Xin chào, Jovan, tôi muốn đến nơi người ta cho thuê thời gian sử dụng vệ tinh.” Xe lăn bánh, lần đầu tiên Dana có thể thoải mái ngắm nghía Sarajevo. Nàng có cảm tưởng rằng thành phố này không còn một ngôi nhà nào gọi được là lành lặn. Tiếng súng như không bao giờ ngớt. “Họ không bao giờ dừng à?” Dana hỏi. “Họ sẽ dừng khi nào hết đạn.” Jovan nói với vẻ tức giận, “mà họ thì không bao giờ hết đạn cả.” Đường phố vắng tanh vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy một vài gã đồng tính dập dờ. Tất cả các hiệu cà phê đều đóng cửa. Vỉa hè bị cày xớikỹ kưỡng. Họ đi qua tòa nhà Oslobodjenje. Jovan tự hào giới thiệu. “Đây là tòa báo của chúng tôi, bọn Séc cố phá hủy nó, nhưng không được.” Vài phút sau, họ đến trung tâm vệ tinh, Jovan nói. “Tôi sẽ đợi chị.” Đằng sau chiếc bàn đón tiếp ở cửa ra vào là một ông già chừng 80 tuổi. “Ông có nói được tiếng Anh không ạ?” Dana hỏi. Ông già ngước nhìn nàng, khinh khỉnh. “Tối nói được 9 thứ tiếng, thưa cô, cô cần gì và thích nói b tiếng nước nào?” “Tôi là phóng viên của WTE, tôi muốn thuê thời gian sử dụng vệ tinh và thương lượng về...” “Lên tầng 3.” Tấm bảng trên cửa viết “Trạm phân phối vệ tinh Yugoslavia.” Phòng chờ chật người, lố nhố đứng ngồi trên những thanh gỗ dài chống vào tường như ghế. Dana len vào gặp cô gái trẻ tại bàn đón tiếp. “Tôi là Dana Evans, phóng viên của WTE, tôi muốn thuê thời gian sử dụng vệ tinh.” “Xin mời chị ngồi, và đợi đến lượt mình.” Dana nhìn quanh căn phòng. “Tất cả những người này là đều đến thuê thời gian sử dụng vệ tinh đấy ư?” Cô gái ngửng lên nhìn Dana, đáp. “Đúng thế đấy.” Phải đến gần 2 giờ sau Dana mới lê đến được phòng của người quản lý. Đó là một người đàn ông béo lùn, phì phèo điếu xì gà trên môi, trông rất giống những ông bầu phim ảnh Holywood khoảng giữa thế kỷ. Giọng nói của ông ta nghe rất nặng. “Tôi giúp được cô cái gì đây?” “Tôi là Dana Evans, phóng viên truyền hình WTE. Tôi muốn thuê một trong những chiếc xe của ông và đặt trước thời gian để sử dụng vệ tinh, khoảng 30 phút thôi. Vào 6 giờ sáng, giờ ở Washington, liên tục tất cả mọi ngày.” Nàng dò xét thái độ của ông ta. “Có vấn đề gì không ạ?” “Một thôi. Không có chiếc xe nào dành cho cô bây giờ cả. Tất cả đều đã được trước rồi. Tôi sẽ gọi điện cho cô nếu có ai hủy.” Dana như không tin vào tai mình. “Không ư...? Nhưng tôi cần phải truyền về vệ tinh, tôi...” “Những người khác cũng vậy, thưa cô. Trừ những người đã có xe riêng của họ.” Dana quay lại phòng đón tiếp. Nó còn đông hơn ban nãy, chật kín người. “Mình phải làm gì chứ nhỉ.” Nàng nghĩ. Ngồi vào xe, Dana nói với Jovan. “Tôi muốn anh đưa tôi đi quanh thành phố.” Chàng trai quay lại nhìn nàng rồi gật gù. “Nếu chị muốn.” Chiếc xe lao đi như bay. “Làm ơn đi chậm lại được không, tôi muốn có một chút cảm nhận về nơi này.” Sarajevo như một thành phố của thời kỳ đồ đá, không có điện, nước và cứ mỗi giờ trôi qua lại có thêm vài ngôi nhà bị bom phá hủy. Tiếng bom đạn thường xuyên đến nỗi người ta không buồn để ý đến nữa. Không khí tang tóc như bao trùm lấy toàn thành phố. Hầu như góc phố nào cũng có những tốp người; đàn ông, đàn bà, và trẻ con, đủ cả, đang chia nhau nhúm thức ăn ít ỏi còn giữ được. “Họ là những người chạy trốn khỏi Bosnia và Croatia,” Jovan giải thích, “đang cố kiếm lấy ít tiền để mua thức ăn.” Lữa cháy ở khắp nơi. Không có bóng dáng của bất kỳ người chữa cháy nào. “Không có đội xe cứu hỏa ở đây à?” Dana hỏi. Jovan lắc đầu. “Có, nhưng không dám đến. Họ sẽ là những mục tiêu ngon lành đối phương.” Lúc đầu, Dana cho rằng cuộc chiến Bosnia và Herzegovina cũng có một chút ý nghĩa nào đó. Nhưng chỉ sau một tuần ở Sarajevo, nàng đã nhận thấy rằng nó thật vô nghĩa, cái cuộc chiến tranh tương tàn này. Không ai có thể giải thích được nguyên do. Ai đó đã nhắc tới một giáo sư đại học, vốn là một sử gia nổi tiếng. Ông bị thương và đang nằm diều trị tại nhà. Dana quyết định tới gặp ông ta. Jovan đưa nàng tới một trong những khu phố lâu đời nhất của thành phố. Giáo sư Mladic Staka người nhỏ bé, tóc đã bạc, vẻ hiểu biết hiện rõ trên gương mặt. Ông bị thương vào sống lưng và phải nằm bất động trên giường. “Cám ơn cô đến thăm tôi,” ông nói, “những ngày này không mấy ai còn nghĩ tới chuyện thăm viếng nhau. Cô nói là cần nói chuyện gì với tôi?” “Vâng, tôi đang làm một chương trình truyền hình về cuộc chiến này.” Dana trả lời. “Nhưng để nói lên sự thật, tôi cần phải hiểu nó đã.” “Lý do rất đơn giản, cô gái ạ. Cuộc chiến này đã là điều không thể hiểu được rồi. Từ hàng thập kỷ nay, người Séc, người Croatia, người Bosnia và Hồi giáo từng sống hòa bình bên nhau, dưới thời Tito. Họ là bạn bè, là hàng xóm của nhau. Họ cùng lớn lên, cùng làm việc, cùng tới trường và lấy nhau.” “Thế còn bây giờ?” “Những người anh em ấy đang bắn giết nhau. Họ đã làm với nhau những việc mà tôi không thể nói ra được nữa.” “Tôi có được nghe một vài chuyện,” Dana nói. Những chuyện nàng nghe được đó tưởngnhư không thể tin nổi: những hố chôn người tập thể, những đứa trẻ và bóp cổ, những người dân vô tội bị lùa vào nhà thờ rồi bị thiêu sống. “Bên nào bắt đầu trước?” Vị giáo sư lắc đầu. “Điều này còn tùy thuộc vào việc cô hỏi người nào. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, hàng trăm nghìn người Séc, ở bên phía Allies, đã bị người Croatia giết, ở phía Nazis. Giờ đây, người Séc đang đòi nợ máu. Họ bắt giữ con tin và rất tàn bạo. Hàng trăm bức tường ở Sarajevo đã sập xuống. Ít nhất đã có 10 000 người bị chết và hơn 60 000 bị thương. Những người Bosnia và Hồi giáo cũng phải chịu trách nhiệm vì họ đã tham gia vào việc tra tấn và bắn giết. Rồi tất cả những người căm ghét chiến tranh cũng buộc phài lao vào cuộc. Người ta không còn biết tin vào cái gì nữa. Điều duy nhất mà họ còn là lòng hận thù, là những đám lửa lớn đang liên tục cháy, mà nhiên liệu của nó là xác những người dân vô tội.” Khi Dana quay về khách sạn, chiều hôm đó, Benn Alberson đang chờ nàng, nói rằng họ đã có một chiếc xe phát sóng và thời gian là 6 giờ chiều mai. “Tôi đã tìm được một chỗ lý tưởng để chúng ta ghi hình.” Wally Newman nói. “Đó là khu quảng trường với một nhà thờ Thiên Chúa giáo, một nhà thờ Hồi giáo, một nhà thờ Tin Lành và một giáo đường Do Thái. Tất nhiên, riêng biệt nhau. Tất cả đều đã bị đánh bom. Cô có thể viết rằng ngay cơ bị hủy diệt là như nhau, và đó cũng là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra đối với những người dân sống ở đây, những người không hề đón chào chiến tranh nhưng đang phải chịu đựng nó.” Dana gật đầu, vui mừng “Tuyệt vời. Sẽ gặp lại nhau vào buổi tối. Tôi phải đi làm việc đây,” rồi nàng chạy về phòng. Đúng 6 giờ tối hôm sau, Dana, Wally và Benn tụ họp tại quảng trường Benn đã nói đến hôm trước. Wally đặt camera trên chiếc giá 3 chân, còn Benn thì đang đợi tín hiệu nhận từ Washington. Tiếng súng ở đâu đó vẫn dội tới. Dana mừng vì trên mình đang khoác chiếc áo chống đạn. “Chẳng việc gì phải sợ. Họ sẽ không bắn chúng ta. Họ đang bắn nhau cơ mà. Họ cần chúng ta để nói cho thế giới biết về câu chuyện của họ.” Dana nhìn thấy wally vẫy tay. Nàng hít một hơi thật sâu, nhìn vào ống kính camera, và bắt đầu. “Những ngôi nhà thờ btrúng bom mà các bạn nhìn thấy ở sau lưng tôi là hình ảnh tiêu biểu cho những gì đang diễn ra tại đất nước này. Không còn một bức tường nào nguyên vẹn để che chở cho con người ở đây, không còn một chốn an toàn. Chỉ mới đây thôi, họ còn đến xưng tội tại nhà thờ của tôn giáo mình. Nhưng giờ đây, quá khứ, hiện tại và tương lai như đang hòa quyện vào nhau và...” Đúng lúc đó, Dana nghe thấy tiếng rít của một viên đạn. Nàng ngửng lên và thấy đầu của Wally vỡ ra, loang loáng đỏ, chắc là một thủ thuật của ánh sáng đây mà, nhưng khi nhìn lại, nàng thấy thân hình to lớn của ông đổ sập xuống vỉa hè. Dana lạnh toát người, không thể tin vào mặt mình. Tiếng la ầm ĩ vang lên. Tiếng súng mỗi lúc càng nổ gần hơn và Dana bắt đầu run rẩy như không thể kiểm soát được bản thân. Có những cánh tay túm lấy nàng và đẩy nàng nằm xuống. Nàng giãy dụa, đấm đạp họ, cố gắng giải thoát mình. Không, phải về thôi. Chúng ta không cần phải tốn dù chỉ 10 phút nữa ở đây... Cũng chẳng cần gì nữa. Thật là sai lầm khi cứ phải lãng phí sức lực, tinh thần và cả tính mạng nữa ở đây. Đừng mơ nữa, cô bé ngốc nghếch ạ. Những đứa trẻ ở Trung Quốc đang chết đói kìa. Mày nghĩ mày là Chúa Trời chắc. Này, để ta nói cho mày biết điều này. Mày là một con dở hơi. Một Chúa Trời không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ để cho đầu của Wally vỡ toang ra thế kia. Wally đang chờ đứa cháu ngoại cuả ông ấy ra đời. Mày có nghe thấy gì không? Hả? Có nghe thấy gì không? Dana đang trong 1 cú sốc khủng khiếp. Nàng không hề biết rằng mình đã được đưa qua đường để trở lại xe. Khi mở mắt, nàng thấy mình nằm trên giường. Benn và Jean Paul đang bên. Dana nhìn họ. “Đã xảy ra rồi phải không?” Nàng nhắm chặt mắt lại. “Tôi xin lỗi,” Jean Paul nói. “Thật khủng khiếp khi phải tận mắt chứng kiến. Cô thật may mắn vì đã sống sót. Chuông điện thoại vang lên. Benn cầm máy. “Xin Chào.” Anh nghe một lát. “Vâng có đây.” Anh quay sang Dana. “Matt Baker đấy. Cô có nói chuyện được với ông ta không?” “Được,” Dana bước xuống, đi về phía điện thoại. “Xin chào,” cổ họng nàng khô khốc, rất khó phát âm. Giọng Matt Baker đầy vẻ lo lắng. “Tôi muốn cô về ngay, Dana.” Tiếng Dana giờ chỉ như những lời thì thầm. “Vâng tôi muốn về nhà.” “Tôi sẽ sắp đặt cho cô chuyến bay đầu tiên rời khỏi đó.” “Xin cám ơn.” Nàng nói rồi đặt máy. Jean Paul và Benn giúp nàng ngồi xuống giường. “Tôi xin lỗi,” Jean Paul nói, “mọi người đều không biết nói gì...” Nước mắt trào ra, lăn xuống má Dana. “Tại sao họ lại giết Wally? Ông ấy có bao giờ hại ai đâu. Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Con người bị bắn giết như súc vật mà không ai quan tâm. Không ai quan tâm!” Benn nói, “Dana, chúng ta không thể làm gì lúc này về việc...” “Phải có chứ,” giọng Dana chợt trào lên nỗi tức giận. “Cháung ta phải làm cho họ quan tâm. Cuộc chiến này không chỉ phá hủy nhà thờ, phố xá, trường học... mà nó còn giết hại bao nhiêu con người, những con người hoàn toàn vô tội. Chúng ta cần phải kể lại câu chuyện này. Đó là cách tố cáo duy nhất để thế giới biết và lên án nó.” Nàng quay về phía Benn và hít một hơi thật sâu. “Tôi sẽ ở lại, Bennạ. Tôi sẽ không để bất kỳ ai nghĩ rằng tôi chạy trốn.” Anh nhìn nàng, vẻ lo lắng. “Dana, cô có chắc là mình...” “Tôi chắc. Tôi biết bây giờ mình phải làm gì rồi. Anh có thể gọi điện cho Matt và bảo ông ấy đừng sắp lịch bay cho tôi nữa.” “Nếu như đó là điều cô thực sự muốn.” “Đó là điều thực sự tôi muốn.” Nàng nhìn Benn rời khỏi phòng. Jean Paul nói. “Có lẽ tôi nên đi để chị...” “Không,” trong phút chốc, Dana lại nhớ tới cái đầu của Wally vỡ ra đầy máu và thân hình ông đổ xuống đất. “Không,” nàng nói, nhìn Jean Paul “làm ơn ở lại, tôi cần có anh.” Jean Paul ngồi bên giường, và Dana kéo Anh lại gần mình hơn. Sáng hôm sau, Dana nói với Benn. “Anh có thể kiến được một người quay camera không? Jean Paul nói với tôi về một cô nhi viện ở Kosovo vừa mới bị ném bom. Tôi muốn đến đó làm chương trình.” “Tôi sẽ cố tìm ra ai đó.” “Cám ơn anh. Tôi sẽ đến trước và gặp anh ở đó.” “Cẩn thận đấy.” “Đừng lo.” Jovan đợi nàng ở cửa. “Chúng ta sẽ đến Kosovo.” Dana nói với anh chàng lái xe. Jovan quay hẳn lại nhìn nàng. “Nguy hiểm lắm, thưa cô. Con đường duy nhất đến đó phải qua một cánh rừng và...” “Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ rủi ro, Jovan. Sẽ ổn thôi.” “Nếu cô muốn.” Họ băng qua thành phố, và khoảng 15 phút sau thì đến một cánh rừng khá rậm. “Còn khoảng bao xa nữa?” “Không xa nữa đâu. Chúng ta chỉ nên ở đó trong...” Đúng lúc đó, chiếcLand Rover rơi vào bãi mìn. Chương 11 Ngày bầu cử càng đến gần, cuộc đua tranh chiếc nghế Tổng thống càng ác liệt. - Chúng ta thắng ở Ohio rồi - Peter Tager nói , "tại đó chúng ta được 21 phiếu đại biểu. Tại Alabama cũng ổn, 9 phiếu. Florida, chúng ta được 25 phiếu. ông ta hua hua bảng tổng kết, Illinois 22 phiếu... New York 38, và Califomia 44 phiếu. Thực ra thì thế cũng chưa phải là nhiều.." Mọi người đều lo lắng, trừ Nghị sĩ Davis. "Tôi có một cái mũi thính" - chúng ta sẽ thắng. Tại bệnh viện Frankfort, Minam Frilandan đang trong tình trạng hôn mê. Vào ngày bầu cừ, thứ ba đầu tiên của tháng Mười một? Leslie ở nhà một mlnh ngồi xem tivi. Ollver Russell đă kiếm được hơn hai triệu phiếu thường và đa số phiếu đại biểu. Anh ta đã trở thành Tổng thống của nước Mỹ. một trong những con người quyền lực nhất trên thế giới. Không ai theo dõi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng kỳ này sát sao hơn Leslie Stewart Chambers. Mặc dù nàng luôn bận rộn với việc xây dựng đế chế của mình và liên tục mua bán nhứng tờ báo mới, những trạm truyền hình, phát thanh trên khắp nước Mỹ, cũng như cả nước Anh, hay châu á và brazil.. - lúc nào thì bà mới thấy là đủ ? - Tổng biên tập của nàng, bà Daml Solana hỏi. - "Sắp rồi, sắp rồi mà". Chỉ còn một bước nữa mà nàng phải đi: và cái bước cuối cùng đó đã đến với nàng vào một bữa tiệc tối ở Scottsdale. Một vị khách nói. - "Tôi nghe nói margaretportman sắp li dị. Margaret là chủ của Tập đoàn Viễn thông Washington Tribune. Leslie không nói gì vào lúc đó, nhưng sang hôm sau, nàng gọi điện cho Chad Morton, một trong những luật sư của mình. - "Tôi muốn anh tim hiểu x đúng là Washington Tribune đang rao bán không ?. Câu trả lời đến ngay vào ngay hôm sau - "Tôi không hiểu tại sao bà biết tin này, bà Chambers, nhưng có vẻ như bà nói đúng đấỵ Bà Portman và chồng vừa li dị trong im lặng. HỌ đang chia tài sản. Tôi nghĩ là Tribune sắp bị rao bán đấy". - "Tôi muốn mua nó". Bà đang nói đến một vụ động trời đấỵ Tập đoàn WTE này không chỉ bao gồm một hệ thống báo và tạp chi mà còn cả một đài truyền hình liên mạng, và...". - "Tôi vẫn muốn mua". Buổi chiều hôm đó, Leslie và Chad Morton lên đường đến Washington, D.C. Leslie gọi điện cho Margaret Portman, người mà nàng đã giao thiệp từ mấy năm naỵ - "Tôi đang ở Washington", Leslie nói, "và tôi..". - Tôi biết. đúng là bức vách có tai, Leslie nghĩ. - "Tôi nghe nói chị có ý định bán Tribune.? - có thể. - Không biết liệu chị có ý định gạt lại phần báo chí cho tôi không ?". - Cô quan tâm đển việc này hả, Leslie ?". - CÓ thể. . Margaret hỏi Matt Baker. - Anh có biết gì về Leslie Chambers không ?. - "Nàng công chúa tuyết đấy". - CÔ ấy sẽ đến đây trong vài phút nữa. Tôi muốn anh đưa cô ấy đi xem phần báo chí". Tất cả mọi người trong Tribune đã biết là Tập đoàn của họ sắp bị bán. - Thật là sai lầm nếu bán Trlbune cho Leslie Chambers". Matt Baker kêu lên. - Tại sao anh lại nói thế ?". - đầu tiên, tôi không chắc là bà ta có hiểu biết gì về việc kinh doanh báo chí. Bà có biết Leslie Chambes đã làm gì với những tờ báo đầy uy tín mà bà ta mua về không ? Biến chúng thành những tờ lá cải rẻ tiền. Bà ta sẽ huỷ diệt Tribune. Bà ta sẽ...", ông dừng lại. Leshe Chambers đang đứng ở cửa, im lặng. Margaret xởi lởi - Ô Leslie, được gặp cô tôi vui quá - đây là Matt Baker, Tổng biên tập của Tnbune. HỌ chào nhau bằng cái nhìn lạnh giá. - "Matt sê đưa cô đi xem một vòng". - Tôi cũng đang chờ việc đó. Matt Baker thở dài . "Thôi được, chúng ta đi nào". MỞ đầu cho chuyến thăm thú, Matt Baker lạnh lùng giới thiệu - "Cấu trúc của chúng tôi như thế này: cao nhất là Tổng biên tập...". - Là ông đấy phải không, ông Baker ?". - Phảị Dưới tôi là hai người phụ trách, một về kinh doanh và một về nhân sự. dưới nữa lả các Trưởng Ban biên tập về các mục như : Thể Thao, Văn Hóa, Cuộc Sống, Kinh doanh. Du Lịch , v..vv... Tôi đã bớt đi một số mục không cần thiết lắm". "Tuyệt vời quá. Thế WTE này có bao nhiêu nhân viên ?". Khoảng trên năm nghìn". HỌ đi qua một bàn làm việc. - đấy là nơi các tin tức được trình bày lên báo. Ngươi kia phụ trách việc đặt tranh ảnh như thế nào cho phù hơp và tin nào sẽ lên trang nào. Ban này làm việc viết tựa đề cho các tin. - Hay quá. - Bà có muốn xem qua xưởng in không ? - ồ có chứ, tôi muốn xem tất cả. Matt cảm thấy đăng đắng trong cổ họng. "Tôi xin lỗi !". - Tôi nói là tôi muốn xem. HỌ đi thang máy xuống và đến một toà nhà khác. Xưởng in tổng thể chừng bằng khoảng bốn cái sân bóng đá. Tất cả mọi thứ trong khoảng không vĩ đại này đều được tự động hoá. CÓ 30 ró-bót đang làm việc. chúng vác những cuộn giấy to tướng và xếp vào những trạm quanh đó. Baker giải thich. - Mỗi một cuộn giấy này nặng khoảng 2 tấn. Nếu trải ra, nó dài khoảng tám dặm. Những cuộn giày được đưa vào máy in với vận tốc khoảng 21 dặm một giờ. Một con ró-bót lớn có thể mang được mười sáu cuộn một lúc. Có SÁU máy in ở đó; mỗi bên ba cáị Leslie và Matt Baker đứng ở giữa, nhìn những tờ báo tuồn từ trong máy in ra, được cắt, được đóng vào với nhau, được bó lại rồi được bỏ vào những cái thùng và cuối cùng là được chuyển tớì các xe tải đang chờ để chở chúng đi. - Trước kia, chúng tôi phải dùng tới ba mươi người để làm những việc mà bây giờ chỉ cần một ngưòi làm". Matt nói. "Thờí đại của công nghệ mà". Leslie nhìn ông một lúc. - Thời đại của hậu quả công nghệ. - Tôi không biết bà có thực sự quan tâm đến tình hình kinh tế của công nghiệp báo chí không?" Matt Baker hỏi một cách khô khan. - có thể bà đã nghe luật sư hay kế toán của bà nói...". - Tôi thực sự quan tâm, thưa ông Baker. Ngân sách in ấn của tờ báo này là 15 tnệu đô la. Lượng ấn bản hàng ngày của các ông là 816 ngàn, 474 ngàn, 1 triệu, 140 ngàn, 498 ngàn vào chủ nhật, và lượng quảng cáo của các ông là 68,2 phần trăm". Matt nhìn nàng ngạc nhiên. - Nếu tính cả việc sở hữu toàn bộ dây chuyền báo chí, thì lượng ấn bản của các ông mỗi ngày là trên hai triệu, và hai triệu tư vào chủ nhật. - Tất nhiên, Tribune chưa phải là tờ báo lớn nhất thế giới, phải không ông Baker ? Hai tờ chiếm giữ vị trí đó đều được in tại London. Tờ Sun, với lượng ấn bản một ngày là bốn triệu. TỜ Daily Mirror, hơn ba triệu. Matt ngỡ ngàng, ông hít một hơi thật sâu - Tôi xin lỗi, tôi không ngờ là bà..... Tại Nhật Bản có trên 200 tờ nhật báo ra mỗi ngày, bao gồm Asahi Shimbun, Mainchi Shimbun, và Yomiun Shimbun, ông có nghe tôi nói không, ông Baker ?". - có thưa bà, tôi xin lỗi vì đã có thái độ không thiện chí. - đồng ý, ông Baker, bây giờ chúng ta quay lại với bà Margaret Portman chứ ?. Buổi sáng hôm sau, Leslie đối mặt với Margaret Portman và khoảng nửa tá luật sư trong phòng họp của Tribune. - Nào, chúng ta sẽ bàn về vấn đề giá cả. Leslie nói. Cuộc thảo luận diễn ra trong khoảng bốn tiếng, cuối cùng, Leslie đã là chủ mới của WTE. Tập đoàn này đắt hơn là nàng nghĩ. Nhưng đó chẳng phải là vấn đề. Còn có những điều quan trọng hơn thế. Sau hôm đó, Leslie cho gọi Matt Baker lên phòng làm việc của nàng. - ông có dự định gì không ?- Nàng hỏi. - Tôi sẽ đi. Nàng nhìn ông một cách tò mò. "Tại sao ?". - Bà cũng có chút tai tiếng đấỵ Người ta không thich làm việc cho bà, người ta nói bà thường biến những tờ báo có uy tín thành những tờ lá cải chỉ đăng tin chó cán xe ! - ông làm việc ở đây đã bao lâu rồi ?. - Mười lăm năm. - và bây giờ ông sẵn sàng vứt bỏ tất cả ư ?. - Tôi không vứt bỏ cái gì hết. Chỉ là.... - Nghe tôi nói đâỵ Tôi cũng nghĩ Tribune là một tờ báo tốt, nhưng tôi còn muốn nó thành một tờ báo vĩ đại cơ. ông có thể giúp tôi được không? - Không, tôi không thể... - Sáu tháng. Hãy thử làm việc ở đây với tôi trong sáu tháng. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc tăng lương ông lên gấp đôi hiện nay. Matt nhìn nàng một lúc lâu. Trẻ trung. xinh đẹp và thông minh. Nhưng... ông vẫn có cảm giác là không thích nàng. - ..Thế ai sẽ lãnh đạo ở đây ?". Leslie mỉm cườị - ông từng làổng biên tập của Tribune, bây giờ cũng vẫn vậy thôi. Và ông tin nàng. Chương 12 Đã sáu tháng trôi qua kể từ ngày chiếc Land Rover của Dana bị rơi vào bãi mìn. Thật là một cú nhớ đờị Nàng thoát chết và không bị gì nặng hơn ngoài một chiếc xương sườn gãy, cổ tay sai khớp, những vết bầm tím và một chút chấn động. Jovan bị gãy một chân, bị rách vài chỗ không nặng lắm và cũng đầy những vết bầm tím. Matt Baker gọi điện cho Dana ngay đêm hôm đó và ra lệnh cho nàng lập tức quay về Washington. Nhưng tai nạn này khiến Dana quyết tâm ở lại hơn giờ hết. "Mọi người ở đây đang thất vọng", nàng nói với ông, "tôi không thể chạy trốn như thế được. Nếu ông buộc tôi phải về, thì sau đó tôi cũng bỏ việc". "Cô ra điều kiện với tôi đấy hẳn?". "Phải". "Thế thì để tôi cho cô biết điều này nhé. Tôi chưa từng để ai ra điều kiện với tôi đâu, cô hiểu không?". Dana không nói gì. "Cô nghĩ thế nào nếu tôi cho cô một cái giấy phép vắng mặt?" "Tôi không cần cái giấy đó", nàng nghe tiếng ông thở dài trong máỵ "Thôi được, cứ ở đó, Dana, nhưng...". "Vâng?" "Hứa với tôi là cô sẽ cẩn thận". Từ cửa sổ khách sạn, Dana có thể nghe thấy tiếng nhạc của những cỗ máy chết chóc, nàng nóị "Vâng, tôi hứa". Suốt đêm đó, thành phố phải chịu một cuộc tấn công khủng khiếp. Dana không tài nào ngủ được. Mỗi một tiếng pháo nổ có nghĩa là một ngôi nhà sập xuống, là một gia đình tan nát, kẻ mất người còn... Sáng sớm hôm sau, Dana cùng nhóm của mình xuống đường, sẵn sàng lên hình. Benn chờ cho tiếng pháo và súng bớt đi, gật đầu với Danạ "Mười giây nữa". "Sẵn sàng", nàng nóị Benn nhấn nút, Dana quay nhìn đống đổ nát sau lưng rồi đối mặt với camerạ "Đây là một thành phố đang dần biến mất khỏi mặt đất. Không có điện, thành phố này không còn con mắt... Các trạm truyền hình và phát thanh bị đóng cửa, thành phố này mất tai... Toàn bộ hệ thống giao thông công cộng không còn nữa, thế là nó mất nốt chân...". ống kính camera chuyển dịch theo lời nàng nóị Còn nguyên vẹn dấu vết đổ nát, và mới tinh khôị "Và ở một cuộc sống khác, bọn trẻ vẫn chơi đùa, tiếng cười hồn nhiên của chúng vẫn vang lên". Tiếng pháo kích nghe có vẻ gần hơn. Còi báo động đột nhiên rú lên. Những người qua lại trên đường phố phía sau Dana vẫn cắm cúi đi như chẳng hề nghe thấy gì. "âm thanh mà các bạn vừa nghe thấy là còi báo động báo cho người ta phải chạy đi tìm chỗ trú ẩn. Nhưng những người dân của thành phố Sarajevo này không còn tìm nổi chỗ nào khả dĩ an toàn nữa, nên họ đành cứ tiếp tục đi trong im lặng. Những người có thể, đã chạy trốn khỏi đất nước của mình, từ bỏ nhà cửa và tài sản. Những người ở lại thì chết dần. Một sự lựa chọn đau lòng. Cũng có phong phanh những lời đồn đại về hoà bình. Có quá nhiều lời đồn nhưng lại có quá ít hoà bình. Liệu hoà bình có thật sự đến đây không? Và nếu đến thì khi nàỏ Liệu trẻ em có được ra khỏi hầm để lên mặt đất chơi đùa không? Không ai biết được câu trả lờị Họ chỉ có thể hy vọng. Đây là Dan Evans, chương trình làm từ Sarajevo cho WTE". Nút đỏ trên camera tắt. "Chúng ta đi khỏi đây thôi", Benn nóị Anday Casarez, người quay camera mới của họ vội vàng thu xếp đồ nghề. Một cậu bé đứng ở bên kia đường nhìn Dana chằm chằm. Cậu mặc bộ quần áo rách rưới và đi đôi giầy há mõm. Đôi mắt nâu rất sáng trên khuôn mặt nhem nhuốc. Cánh tay phải của cậu bé không còn nữạ Dana thấy cậu bé cứ chăm chú nhìn mình, bèn mỉm cười chàọ "Xin chào". Không có câu trả lờị Dana quay lại phía Benn. "Chúng ta đi thôi". Một vài phút sau, họ đã lên đường trở về khách sạn Holyday Inn. Khách sạn đầy chật nhà báo của các hãng thông tấn, phát thanh và truyền hình ở khắp quốc gia trên thế giới hội tụ lại và tạo nên một gia đình lớn. Họ ở những nước đối lập nhau về mặt chính trị, nhưng trong hoàn cảnh nguy hiểm này, họ cùng chia sẻ với nhau mọi thứ và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhaụ Họ cùng viết những bài về chiến sự xảy rạ Có một trận pháo kích ở Motenegrọ.. Có một trận đánh bom ở Vukovar... Một bệnh viện ở Petrovo Selo bị phá huỷ... Jean Paul đã ra đị Anh phải thuyên chuyển tới một nơi khác và Dana nhớ anh đến se sắt. Một buổi sáng, khi Dana rời khách sạn, cậu bé hôm nọ nàng nhìn thấy đang đứng ở bên đường. Jovan mở cửa chiếc xe Land Rover mới cho Danạ "Xin chào chị". "Xin chào", cậu bé vẫn đứng đó, nhìn như dán vào Danạ Nàng lại gần cậu bé, "xin chào". Vẫn không có câu trả lờị Dana quay sang hỏi Jovan. "Nói xin chào bằng ngôn ngữ ở đây như thế nàỏ" Cậu bé con đáp luôn, "Dobro, Jutro". Dana quay lại cậu tạ "Vậy là cháu hiểu tiếng Anh?" "Có thể". "Thế tên cháu là gì?". "Kemal". "Cháu bao nhiêu tuổi hả Kemal?" Cậu bé chạy biến đị "Chắc nó sợ người lạ", Jovan nóị Dana nhìn theo cậu bé, "Tôi không trách nó. Vì đúng tôi là người lạ". Bốn tiếng sau, khi chiếc Land Rover quay lại khách sạn. Kemal đang đứng đợi họ ở lối ra vàọ Chờ Dana ra khỏi xe, cậu nói, "Mười hai". "Cái gì cơ?" Rồi nàng sực nhớ ra, "ồ". Cậu bé hơi còi so với tuổị Nàng nhìn bên tay phải không còn nữa của cậu bé và định hỏi, nhưng kịp dừng lạị "Cháu sống ở đâu, Kemal? Cô đưa cháu về nhà nhé". Cậu bé lại bỏ chạỵ Jovan nóị "Thằng bé này đúng là không được dạy dỗ". Dana nói nhỏ, :"Có thể điều đó đã mất đi cùng với cánh tay nó!" Buổi tối hôm đó, tại phòng ăn tối của khách sạn, các phóng viên bàn tán về tin đồn một lệnh ngừng bắn. "Cuối cùng thì Liên hiệp quốc cũng tham gia vào", Gabrella Orsi nóị "Vừa đúng lúc đấy". "Nếu mà anh hỏi tôi, thì là quá muộn rồi". "Không bao giờ là quá muộn cả". Dana nói nhỏ. Buổi sáng hôm sau, có hai thông tin đến theo đường điện báọ Tin thứ nhất nói về một thoả ước hoà bình của hai bên có sự chứng kiến của Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc. Tin thứ hai thông báo rằng, Oslobodjenje, tờ báo của Sarajevo, đã trúng bom và bị xoá sổ khỏi mặt đất. "Các tờ báo ở Washington đang hả hê với tin thoả ước hoà bình, vậy thì chúng ta sẽ làm chương trình Oslobodjenje". Dana nói với Benn. Dana đứng trước một đống đổ nát, nơi đã từng là trụ sở của Oslobodjenjẹ Nút đỏ trên camera loé sáng. "Không ngày nào là không có người chết", Dana nhìn thẳng vào ống kính, "và không có nhà cửa bị phá huỷ". Như toà nhà này, nó vừa bị ném bom ngày hôm quạ Đây là trụ sở của tờ báo tự do duy nhất tại Sarajevo, tờ Oslobodjenje, một tờ báo dám nói lên sự thật. Từ khi thành phố rơi vào cuộc chiến tàn khốc này, người ta phải chuyển tờ báo xuống tầng hầm, để giữ cho nó được sống. Khi không còn cửa hàng để bán báo, chính các phóng viên phải đi ra đường và bán từng tờ báo cho những người qua lạị Họ bán được một thứ lớn hơn tờ báo đó là tự dọ Với cái chết của Oslobodjenje, một mảnh của tự do đã chết ở đâỵ Trong văn phòng của mình, Matt Baker đang xem chương trình của Danạ "Mẹ kiếp, còn nhỏ khá quá". Ông quay sang viên trợ lý. "Tôi muốn cô ấy phải có một xe phát vệ tinh riêng. Anh lo vụ đó đi". "Vâng, thưa ông". Khi Dana về đến phòng riêng, một vị khách đã ngồi sẵn sàng đợi nàng. Đại tá Gordan Divjak. Dana dừng lại bất ngờ. "Không ai báo cho biết là tôi có khách". "Đây không phải là một chuyến thăm viếng thông thường", con mắt đen của gã chiếu thẳng vào nàng. "Tôi xem chương trình của cô về Oslobodjenje". Dana nhìn gã. "Vâng". "Cô được phép vào đất nước của chúng tôi để làm báo, chứ không phải đưa ra nhận định". "Tôi có đưa rạ..". "Đừng có ngắt lời tôị ý tưởng về tự do của các người không cần thiết cho bọn nàỵ Cô có hiểu không?" "Không, e là tôị.." "Thế thì để tôi giải thích cho cô nhé, cô Evans. Cô là một vị khách ở đất nước tôị Cũng có thể là điệp viên của chính phủ cô". "Tôi không phải là...". "Đừng có ngắt lời tôị Tôi đã cảnh cáo cô ở sân bay rồị Chúng tôi không phải đang chơi đùa đâu nhé. Chúng tôi đang chiến đấụ Bất kỳ ai là gián điệp cũng bị xử tử. "Từng lời của gã lạnh như băng giá". Gã gườm gườm nhìn nàng rồi đứng dậỵ "Đầy là lần cảnh cáo cuối cùng". Dana nhìn gã đi rạ Mình sẽ không để hắn doạ mình, nàng nghĩ quả quyết như vậỵ Nhưng thực sự là nàng sợ. Matt Baker gửi cho Dana một gói bưu phẩm. Đó là một hộp to khủng khiếp đầy kẹo, sôcôla thanh, bánh bích quy và nhiều thứ đồ ăn linh tinh khác. Dana mang cho cả xuống phòng lớn của khách sạn và chia cho các phóng viên khác. Tất cả đều vui vẻ. "Sếp thế mới gọi là sếp chứ", Santomi Asaka nóị "Này, làm thế nào để tôi cũng kiếm được việc gì đó ở Tribune nhỉ?" Juan Santos đùạ Kemal lại đợi họ ở lối ra vàọ Chiếc áo jaket rách mà cậu mặc đã tả tơi đến mức người ta có cảm giác như nó sắp rời ra từng mảnh... "Xin chào, Kemal". Cậu bé đứng đó, không nói gì, nhìn nàng dưới chiếc mũ phớt đã mất chỏm, gần như che sụp xuống mặt. "Cô sắp đi chợ đây, cháu có muốn đi với cô không?" Không có câu trả lờị "Để tôi thử cách khác nhé, Dana nói với Jovan, nàng mở cửa sau của chiếc xe và nói, vẻ mời mọc. "Nào, cháu vào xe đi". Cậu bé đứng lặng đi, vẻ ngạc nhiên, rồi chậm chạp tiến lại gần. Dana và Jovan nhìn cậu chui vào ghế saụ Dana nói với Jovan. "Anh có biết cửa hàng quần áo nào còn mở không?". "Tôi biết một chỗ". "Đi đến đó". Họ ngồi im lặng trong một vài phút đầụ "Cháu có mẹ hay cha không, Kemal?" Cậu bé lắc đầụ "Thế cháu sống ở đâủ". Cậu bé nấc lên. Và rồi Dana thấy cậu ngồi sát vào hơn như để cảm nhận hơi ấm từ thân nàng. Cửa hàng bán quần áo nằm ở Bascarrsija, nơi từng là khu chợ sầm uất của Sarajevọ Mặt tiền đã bị trúng bom, nhưng cửa hàng vẫn phục vụ khách. Dana nắm lấy cánh tay trái Kemal và dần nó vào trong cửa hàng/ Người bán hàng ra đón họ. "Tôi có thể giúp gì được đâỷ" "Vâng, tôi muốn mua một chiếc áo jaket cho cậu nhỏ của tôi". Nàng nhìn Kemal. "Phải vừa mới cỡ cậu ấy". "Xin mời theo lối này". Khu bán quần áo cho trẻ em bay la liệt các loại jaket. Dana quay lại hỏị "Cháu thích cái nàỏ" Kemal đứng im, không đáp. Nàng nói với người bán hàng. "Lấy cho chúng tôi cái màu nâu", và rồi nàng nhìn xuống quần của Kemal. "Chúng tôi muốn mua hai cái quần và một đôi giầy nữa". Họ rời khỏi cửa hàng khoảng một giờ sau, Kemal đã mặc bộ quần áọ Nó ngồi vào ghế sau xe và vẫn không nói một lờị "Mày không biết mở mồm nói lời cảm ơn à?" Jovan giận dữ mắng. Cậu bé oà khóc. Dana choàng tay qua người nó. "Thôi mà, ổn rồi, ổn rồi mà". Hãy xem cuộc chiến này đã làm gì với những đứa trẻ. Khi họ quay về khách sạn. Dana nhìn theo Kemal ra khỏi xe và chạy biến đi, không nói một lờị "Không biết những đứa trẻ như vậy thì sống ở đâu nhỉ? Nàng hỏi Jovan. "Trên đường phố, chị ạ. Có hàng trăm những đứa trẻ mồ côi như nó ở cái thành phố Sarajevo nàỵ Chúng không có gia đình, nhà cửạ..". "Làm thế nào mà chúng sống được?". Anh ta nhún vaị "Tôi không biết". Ngày hôm sau, khi Dana ra khỏi khách sạn, Kemal đã đứng đợi ở cửa, mặc bộ đồ nàng mua cho hôm qua, và đã rửa mặt. Tin về hiệp ước hoà bình đã đến vào giờ ăn trưa hôm đó. Dana quyết định lại tới thăm giáo sư Mladic Staka và hỏi xem ông nghĩ gì về chuyện nàỵ Trông giáo sư còn tiều tuỵ hơn cả lần trước. "Tôi rất vui được gặp lại cô, cô Evans ạ. Tôi nghe nói cô làm được một số chương trình rất tuyệt, nhưng..." ông ngừng lại ấp úng, "rất tiếc là nhà tôi lại không có điện thoại để bật ti vị Tôi có thể giúp được việc gì đâỷ" "Tôi muốn biết ý kiến của giáo sư về hiệp ước hoà bình mới đây, thưa giáo sư". Ông ta ngả người vào lưng ghế và chậm rãi nói: "Tôi thấy thật thú vị khi ở những nơi như Dayton, Ohio, người ta lại ra được một quyết định liên quan đến tương lai của Sarajevo này". "Họ sẽ thống nhất trên cơ sở tay ba, một cuộc họp của ba vị lãnh tụ, bao gồm lãnh tụ của người hồi giáo, người Croatia, và người Serbiẹ Giáo sư nghĩ gì về chuyện nàỷ" "Chỉ khi nào cô tin vào điều kỳ diệu mà thôi", ông cau mày, "sẽ có một chính thể quốc gia với 18 vị thủ lĩnh và 109 chính quyền địa phương nữạ Đó là thứ mà người ta gọi là tháp Balel chính trị. Còn người Mỹ thì gọi đó là hôn nhân gượng ép đấỵ Không ai trong số họ muốn rời bỏ quyền tự trị của mình. Họ sẽ tạo ra quốc kỳ riêng, tiền tệ riêng, và luật pháp riêng". Ông lắc đầụ "Một kiểu sáng hoà bình, chiều chiến tranh thôi". Dana Evans không còn làm phóng viên vô danh tiểu tốt nữa mà trở thành một huyền thoại quốc tế. Những chương trình truyền hình của nàng chất chứa niềm yêu quý nhân loại sâu sắc. Và bởi vì Dana quan tâm, nên những khán giả của nàng cũng quan tâm, và chia sẻ cùng nàng những tình cảm nóng bỏng. Matt Baker bắt đầu được điện thoại của những hãng truyền thông khác xin được phát chương trình của Danạ Ôngthấy hãnh diện thay cho nàng. Con bé bắt đầu làm việc cần mẫn và bây giờ là làm việc tốt. Với chiếc xe truyền vệ tinh riêng. Dana bận rộn hơn bao giờ. Nàng không còn phải chịu sự kiểm soát của công ty vệ tinh Yogoslavie nữạ Dana và Benn cùng quyết định sẽ làm chương trình gì mà họ muốn. Một số chương trình họ làm ngay tại hiện trường, và một số khác họ thu sẵn vào băng. Dana, Benn len lỏi khắp phố xá và quay phim chụp ảnh bất kỳ cái gì mà họ cần, rồi Dana sẽ thu lời bình luận của nàng trong một phòng thu địa phương, sau đó gửi chúng về Washington. Vào giờ ăn trưa, tại phòng ăn của khách sạn, có rất nhiều đĩa lớn đựng bánh xăng-đuých đặt ở giữa bàn. Các phóng viên đều tự phục vụ lấỵ Roderick Munn phóng viên đài BBC bước vào phòng ăn, tay vung vẩy một mảnh bảo AP bị cắt rạ "Mọi người nghe đây", anh gào to, "Dana Evans, phóng viên thường trú của WTE, giờ đây đang được phát chương trình của mình trên khoảng một tá các đài truyền hình. Và Evans còn được chỉ định nhận giải thưởng Vì hoà bình...". Lời bình luận nổi lên theo đó. "Chúng mình thật may mắn vì được làm việc cùng với một người nổi tiếng như vậy". Một phóng viên nói, vẻ hoan hỉ. Đúng lúc đó, Dana bước vào phòng ăn. "Xin chào mọi ngườ. Tôi không có thời gian ăn trưa cùng các vị hôm naỵ Tôi sẽ lấy theo vài cái bánh xăng-đuých". Nàng lấy khá nhiều bánh và gói chúng lại bằng giấy bạc. "Gặp lại mọi người sau nhé". Họ im lặng nhìn nàng đi rạ Kemal đang đợi nàng. "Xin chào, Kemal". Không trả lời "Cháu vào xe đi". Kemal ngồi vào ghế saụ Dana đưa cho cậu bé chiếc bánh và im lặng nhìn cậu nhai nghiến ngấụ Nàng đưa thêm chiếc nữa, cậu bé tiếp tục gần như nuốt chửng nó. "Cháu ăn chầm chậm thôi", Dana nóị "Đi đâu đây chị?" Jovan hỏị Dana quay lại Kemal. "Đi đâu đâỷ". Nó ngước lên nhìn nàng tỏ vẻ không hiểụ "Cô sẽ đưa cháu về nhà, Kemal ạ. Cháu sống ở đâủ". Nó lắc đầụ "Cô muốn biết là cháu ở đâu". Hai mươi phút sau đó, chiếc xe dừng lại trước một bãi trống gần nhà Mijackạ Khoảng một tá những cái lều được dựng bằng giấy bồi và chặn bằng đủ loại gạch vỡ xung quanh. Dana ra khỏi xe và quay về phía Kemal. "Đây là nơi cháu sống saỏ". Cậu bé miễn cưỡng gật đầụ "Và cả những bạn khác cũng vậy, đúng không?" Nó lại gật đầụ "Cô muốn quay những cảnh này, Keml ạ". Nó lắc đầu, "Không". "Tại sao không?" "Bọn cớm sẽ đến và đuổi chúng cháu đi mất. Cô đừng làm như thế". Dana nhìn cậu bé một lúc, "Thôi được, cô hứa là không". Sáng hôm sau, Dana chuyển đi khỏi khách sạn Holyday Inn. Khi không thấy nàng xuất hiện ở bữa ăn sáng, Gabriella Orsi từ đài phát thanh Altre Station của Italia hỏi, "Dâ đâu nhỉ?" Roderick Munn trả lờị "Cô ấy đi rồị Thuê nhà dân để ở. Cô ấy bảo thích ở một mình". Nikolai Ptrovich, phóng viên đài Gorizont của Nga nóị "Tất cả chúng ta đều thích ở một mình. Thế là không đủ tử tế với cô ta saỏ" Có cảm giác chúng là không hài lòng. Chiều hôm đó, lạic có một gói bưu phẩm lớn gửi cho Danạ Nikolai Petrovich nóị "Cô ta không có ở đâỵ Chúng mình cứ chia dùng chứ nhỉ?" Nhân viên giữ đồ của khách sạn từ chốị "Tôi xin lỗị Cô Evans sẽ cho người đến nhận". Mấy phút sau, Kemal đến. Các phóng viên nhìn cậu nhận gói đồ rồi đi luôn. "Cô ấy không chia cho chúng ta nữa đâu". Joan Santos lầm bầm. "Tôi cho là cô ấy đã trở nên kiêu ngạo mất rồi". Trong tuần tiếp theo đó, Dana vẫn có chương trình phát trên truyền hình, nhưng nàng không hề xuất hiện tại khách sạn nữạ Những lời bàn tán không hay về nàng ngày càng nhiềụ Dana và chú bạn nhỏ của nàng đã trở thành đề tài chủ yếu cho những cuộc đối thoạị Sau đó mấy ngày, một gói bưu phẩm to tướng, như mọi lần lại đến khách sạn. Nicolai Petrovich hỏi nhân viên giữ đồ. "Cô Evans có cho người đến lấy nó bây giờ không?" "Có thưa ông". Vị người Nga vội vàng quay vào phòng ăn. "Lại một gói bưu phẩm nữa đến rồi". Ông ta nói, "ai đó sẽ đến lấỵ Tại sao chúng ta không đi theo người đó và nói với Evans tất cả những gì chúng ta nghĩ về cô ấy". Mọi người đều đồng ý. Khi Kemal đến lấy gói đồ, Nicolai nói với cậu bé. "Cháu đem đến cho cô Evans à?". Kemal gật đầụ "Evans muốn gặp chúng tôi, cháu dẫn chúng tôi đến chỗ cô ấy nhé?" Kemal nhìn ông ta một lúc rồi nhún vaị "Chúng tôi sẽ có xe đưa cháu đi, cháu chỉ đường cho chúng tôi nhé?". Mấy phút sau, một đoàn ô tô lên đường. Khi ra đến ngoại thành, Kemal chỉ một khu trang trại đã bị đánh bom. Đoàn xe dừng lạị "Cháu hãy đi trước và đưa cho cô ấy cái gói này, Nicolai nói, "chúng ta sẽ cùng làm cho cô ấy ngạc nhiên". Họ nhìn Kemal đi vào khu trang trại đổ nát. Họ chờ một chút rồi đi theo và đẩy cửa rạ Tất cả dừng lại vì quá bất ngờ. Căn phòng đầy chật những đứa trẻ với nhiều lứa tuổi, màu dạ Đa phần chúng đều bị tàn tật, thương vong, què hoặc cụt. Khoảng hơn ba chục cái võng nhà binh được chăng ngang tường. Dana đang phân phát gói quà cho bọn trẻ thì cửa bật mở. Nàng ngửng lên nhìn, hoảng hốt khi thấy cả nhóm ùa vàọ "Các vị... làm cái gì ở đâỷ". Rodevich Munn nhìn quanh, ngượng ngùng. "Tôi xin lỗi Danạ Chúng tôi đã nhầm. Chúng tôi cứ nghĩ là..." Dana quay về phía họ. "Tôi hiểụ Bọn chúng đều là những trẻ mồ côị Chúng không có chỗ nào để ở và cũng không có ai chăm sóc. Phần lớn đều đang cần chữa trị trong khi bệnh viện mới bị thả bom. Nếu cảnh sát tìm thấy, chúng sẽ bị đưa vào những nơi mà người ta gọi là trại trẻ mồ côi và sẽ chết dần chết mòn tại đó. Còn cứ để chúng sống ở đây, rồi chúng cũng chết. Tôi đang cố nghĩ xem làm cách nào để cứu bọn trẻ ra khỏi nơi này". Nàng nhìn đám đông vẻ cầu cứụ "Các bạn có cách gì không?" Rodevich nói nhỏ. "Tôi cho là có đấỵ Có một chiếc máy bay của tổ chức Chữ thập đỏ sẽ từ Paris đến đây vào tối naỵ Người phi công là bạn tôi". Dana hỏi, vẻ tràn trề hy vọng. "Anh có thể nói với anh ấy được không?" Munn gật đầụ "Được". Nicolai Petrovich nóị "Hãy xem, chúng ta mà dính vào chuyện này, họ sẽ quẳng chúng ta ra khỏi đây ngay". "Anh không buộc phải tham gia", Munn nói, "chúng tôi sẽ giải quyết vụ này". "Tôi phản đối", Nicolai gắng sức thuyết phục, "chuyện này sẽ đưa tất cả chúng ta vào nguy hiểm". "Thế còn bọn trẻ thì saỏ Dana hỏi ông tạ húng ta đang nói về cái sống và cái chết của chúng đấy". Chiều hôm ấy, Munn đến chỗ Danạ "Tôi vừa nói chuyện với bạn tôị Anh ấy rất sung sướng được giúp chúng ta đưa bọn trẻ đến Paris, ở đó chúng sẽ an toàn. Anh ấy cũng có hai cậu con trai". Dana mừng run lên. "Thật tuyệt vờị Rất cám ơn anh, Munn". Munn nhìn nàng. "Chính chúng tôi phải cám ơn cô". Vào 8 giờ tối hôm đó, một chiếc xe tải có biểu tượng của hội chữ thập đỏ bên sườn xe đỗ lại trước khu trang trại đổ nát đó. Người lái xe tắt đèn, và dưới ánh sáng của vầng trăng non, Dana cùng bọn trẻ nhanh chóng trèo lên xẹ Mười lăm phút sau, chiếc xe chuyển bánh về phía sân bay Butmir. Sân bay đã ngừng hoạt động và chỉ dành phục vụ cho chuyến bay của hội chữ thập đỏ đến cung cấp đồ cứu tế. Con đường ra sân bay là con đường dài nhất mà Dana từng đị Tưởng như dài vô tận. Khi nhìn thấy ánh đèn đỏ của máy bay đằng trước, nàng nói với lũ trẻ. "Chúng ta gần đến rồi". Kemal nắm chặt lấy tay nàng. "Cháu sẽ ổn thôi", Dana trấn an nó. "Tất cả các cháu sẽ được chăm sóc" và nàng nghĩ mình sẽ nhớ nó. ở cổng sân bay, người gác cổng vẫy tay ra hiệu cho quạ Xe chạy thẳng đến bên chiêc máy bay chở hàng có ký hiệu của hội chữ thập đỏ. Người phi công đang đứng cạnh đó. Anh chạy vội về phía Danạ "Vì chúa, tại sao tới muộn thế. Đưa bọn trẻ vào trong đi, nhanh lên. Chúng tôi buộc phải bay từ cách đây hai mươi phút rồi". Dana đẩy bọn trẻ vào trong máy bay, Kemal là người cuối cùng. Nó quay lại nhìn nàng môi run run, "Cháu còn được gặp cô nữa không?" "Cô tin là còn, cháu ạ". Nàng ôm lấy nó, lòng thầm cầu chúa một điều tốt lành. "Vào đi, cháu". Cửa khoang đóng lạị Tiếng động cơ rú lên và máy bay bắt đầu lăn trên đường băng. Dana và Munn đứng đó, nhìn theo chiếc máy bay cất cánh vào bóng đêm, về hướng bắc, hướng tới Paris. "Anh chị làm được một điều thật tuyệt vời," người lái xe nói, "tôi muốn anh chị biết rằng"... Tiếng phanh gấp của một chiếc xe phía sau làm họ quay lạị Đại tá Gordan nhảy ra khỏi xe và tức tối nhìn lên bầu trời, chiếc máy bay đã biến mất, bên cạnh gã là Nikolai Petrovick, nhà báo người Ngạ Đại tá Gordan nhìn Danạ "Cô bị bắt. Tôi đã cảnh cáo cô là tội gián điệp sẽ phải trả giá bằng mạng sống". Dana hít một hơi thật sâụ "Đại tá, nếu ông muốn bắt tôi để xét xử trước toà vì tội làm gián điệp...". Gã nhìn sâu vào mắt nàng, lạnh lùng ngắt lờị "Ai nói với cô là xét xử trước toà?" Chương 13 Lễ nhậm chức, diễu hành, tuyên thệ, tất cả rồi cũng qua đi, Oliver háo hức bước vào nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Washington D.C là một thành phố duy nhất trên trái đất thấm đẫm chất chính trị. Đây là cái rốn quyền lực của thế giới và Oliver là trung tâm của cái rốn đó. Có vẻ như tất cả mọi người ở đây đều ít nhiều liên quan tới bộ máy của chính phủ. Tại đây có liên quan tới bộ máy của chính phủ. Tại đây có tới 15 ngàn người hoạt động ngoài nghị viện và hơn năm nghìn nhà báo. Tất cả họ đều được bú chung một bầu sữa bà mẹ chính quyền. Oliver Russell vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của John Kennedy "Washington, D.C là thành phố mang vẻ duyên dáng của miền Bắc và tính hiệu quả của miền Nam. Ngày đầu tiên làm Tổng thống, Oliver đi quanh Nhà Trắng cùng với Jan. Họ đã thuộc lòng từng chi tiết trong đó: Nhà Trắng là một quần thể với 132 phòng ngủ, 32 phòng tắm, 29 lò sưởi, 3 cầu thang máy, một bể bơi, một phòng tập thể dục buổi sáng, bãi đua ngựa, sân bóng, bãi đua ngựa, sân bóng rổ, một ophòng chiếu phim cùng 18 acres đất trồng cỏ và hoa. Họ từng mơ ước tới cuộc sống nơi đây không biết bao nhiêu lần, nhưng giờ đây, khi mơ ước đã thành sự thực, họ vẫn không choáng ngợp. "Cứ như một giấc mơ ấy, anh nhỉ?". Jan thì thào. Oliver cầm tay vợ". "Anh rất vui là chúng mình sẽ cùng nhau chia sẻ giấc mơ này, em yêu ạ". Và đúng như Oliver nghĩ như vậy thật. Jan đã trở thành một người bạn đời tuyệt vời, càng ngày Oliver càng yêu Jan. Khi Oliver ra khỏi phòng bầu dục, Peter Tager đang ngồi chờ ỏ dó. Ngay sau ngày nhậm chức, Oliver đã cử ông ta làm thư ký riêng cho mình. "Tôi thực sự chưa tin nó là sự thực, Peter ạ". Peter mỉm cười. "Dân chúng tin điều đó và họ đã bỏ phiếu cho ngài, thưa Tổng thống". Oliver ngửng lên nhìn ông ta. "Cứ gọi tôi là Oliver như cũ". "Thế cũng được. Nhưng chỉ khi có hai chúng ta thôi. Và anh luôn nhớ cho, bắt đầu từ giờ phút này, bất cứ điều gì anh nói, việc gì anh làm cũng có thể ảnh hưởng đến thế giới này". Cửa phòng bật mở, "Thưa Tổng thống, Nghị sĩ Davis đang đợi ở ngoài ạ". "Để ông ấy vào đi, Heather". Peter đứng dậy. "Tôi nên đi thì hơn. Bàn làm việc của tôi còn cả đống giấy tờ cần giải quyết". Nghị sĩ Davis bước vào. "Ôi, Peter...". "Xin chào nghị sĩ". Hai người bắt tay nhau. Peter quay lại nói. "Xin gặp lại ngài sau, thưa Tổng thống". NGhị sĩ Davis tiến đến bên bàn của Oliver và gật đầu. "Cái bàn này hợp với anh lắm, Oliver ạ. Tôi không thể nói là tôi thực sự vui như thế nào khi thấy anh ngồi ở đây". "Cảm ơn cha, con đang cố để làm quen với nó. Con muốn nói là Adams đã từng ngồi ở đây... Licoln... và cả Roosevlt nữa...". Nghị sĩ Davis cười phá lên. "Đừng để những bóng ma đó doạ anh. Trước khi họ trở thành những huyền thoại thì họ cũng là người trần mắt thịt như tôi và anh thôi. Họ cũng ngồi ở đó và cố gắng làm những việc đáng phải làm. Lần đầu tiên đặt cái mông vào đó họ cũng phát hoảng lên ấy chứ. Tôi vừa nói chuyện với Jan xong, con bé cứ như đang ở trên mây trên gió. Nó sẽ là một Đệ nhất phu nhân tuyệt vời đấy". "Con biết ạ". "Nhân đây, tôi cũng có một danh sách muốn bàn cùng anh, thưa Tổng thống, cái giọng ông ta nhấn vào câu thưa Tổng thống nghe có vẻ như đùa cợt. "Vâng, thưa cha". Nghị sĩ Davis trải tờ giấy lên mặt bàn. "Cái gì đó ạ?" "Đây là một vài gợi ý mà tôi muốn dành cho văn phòng của anh". "Ô, thưa cha, con đã quyết định rồi..." "Tôi nghĩ anh cứ xem qua cái này đi một chút". "Nhưng không có..." "Cứ nhìn qua đi, Oliver", giọng ngài Nghị sĩ trở nên lạnh lùng. Mắt Oliver tròn xoe. "Cha..." Nghị sĩ nắm lấy tay anh, "Oliver, tôi muốn anh đừng có trong đầu, dù chỉ một giây, cái ý nghĩ cho rằng tôi áp đặt lên anh những ý muốn của tôi. Thế là anh sai rồi đấy. Tôi đưa cho anh bản danh sách này vì tôi nghĩ những người tốt nhất giúp anh điều hành đất nước. Tôi là người yêu nước. Oliver ạ, và tôi không một chút xấu hổ vì điều đó. Đất nước này là tất cả với tôi". Ông ta ngừng lại một chút, "Phải, tất cả đấy. Nếu anh cho rằng tôi giúp anh vào được nhà trắng chỉ vì anh là con rể tôi thì anh nhầm to rồi. Tôi đưa anh vào đây vì tôi nghĩ anh là người thích hợp nhất cho vị trí này. Đó là điều tôi quan tâm hơn cả". Ông ta gõ ngón tay lên tờ giấy. "Và đây là những người sẽ giúp anh làm tốt công việc của mình". Oliver ngồi đó, lặng im. "Tôi đã ở thành phố này hàng chục năm nay rồi Oliver ạ. Và anh có biết tôi đã học được điều gì không? Đó là không gì buồn hơn bằng việc làm Tổng thống có một nhiệm kỳ. Anh có biết tại sao không? Bởi vì trong bốn năm đó, anh mới chỉ có một chút khái niệm về việc mình cần phải làm gì để đất nước tốt đẹp hơn. Anh có biết bao giấc mơ cần biến thành hiện thực. Và vào lúc anh vừa sẵn sàng làm điều đó, vừa khi anh muốn làm một điều gì đó đặc biệt", ông ta nhìn quanh căn phòng, "thì một người khác đã vào đây thế chỗ cho anh, và những giấc mơ của anh tan biến. Thật là buồn khi phải nghĩ đến cảnh tượng đó, đúng không? Biết bao nhiêu người đã phải giã từ giấc mơ ấy chỉ vì họ có mỗi một nhiệm kỳ Tổng thống. Anh có biết là từ khi McKinley vào ngồi đây, năm 1897, hàng loạt vị Tổng thống sau ông ta đã chỉ có một nhiệm kỳ không? Nhưng anh, Oliver, tôi muốn nhìn thấy anh là Tổng thống với hai nhiệm kỳ. Tôi muốn anh thực hiện được tất cả những giấc mơ của mình. Tôi sẽ chứng kiến việc anh tái cử" Nghị sĩ Davis liếc nhìn đồng hồ và đứng dậy. "Tôi phải đi đây. Chúng tôi có một buổi họp ở Nghị viện. Tôi sẽ gặp lại anh vào bữa tối nay". Ông ta đi ra. Oliver nhìn theo một lúc lâu. Rồi ngài ngồi xuống đọc bản danh sách mà ông ta để lại. Hắn mơ thấy Miriam tỉnh dậy và ngồi dậy ngay ngắn trên giường. Một viên cảnh sát đến bên, nhìn cô và hỏi. "Bây giờ cô có thể nói cho chúng tôi biết ai đã làm như vậy đối với cô không?" "Được". Hắn tỉnh dậy, người ướt đẫm mồ hôi. Sáng sớm hôm đó, Oliver gọi điện đến bệnh viện, nơi Miriam đang điều trị "Tôi e là không có cơ may nào cho cô ấy hêt, thưa Tổng thống". Vị trưởng khoa thần kinh trả lời. "Nói thật ra, trong sắc diện cô ấy không tốt tí nào". Oliver ngập ngừng giây lát rồi nói: "Cô ấy không có gia đình gì cả. Nếu ông cho là cô ấy không có cơ may hồi phục thì để cho cô ấy được giải thoát có nhân đạo hơn không?". "Tôi cho là chúng ta nên đợi thêm một thời gian nữa, biết đâu lại có điều kỳ diệu xẩy ra thì sao?". Trưởng ban lễ tân, Jay Perkins, đang báo cáo. "Có 147 nhà ngoại giao làm việc tại Washington, thưa Tổng thống. Quyển sách màu xanh da trời này là danh sách ngoại giao, bao gồm tên tuổi tất cả các đại diện nước ngoài và vợ con họ. Quyển sách màu xanh lá cây kia là danh sách xã hội, trong đó có tên tất cả các chính khách đứng đầu và thành viên đảng cộng hoà". Ông ta đưa cho Oliver một tập giấy nữa. "Đây là danh sách các đại sứ của các nước mà ngài sẽ đón tiếp". Oliver nhìn lướt qua bảng danh sách và tìm thấy ngay tên của vị đại sứ người Italia và vợ ông ta: Atilio Picone và sylvai Sylva. Oliver hỏi như vô tình. "Thế họ có mang vợ đi cùng không?". "Không. Vợ họ sẽ giới thiệu sau. Tôi cho là ngài nên bắt đầu gặp gỡ những người này càng sớm càng tốt". "Được". Perkins nói. "Tôi sẽ bố trí việc này vào tuần tới. Tất cả các đại sứ đều sẽ được mời. Ngài nên tổ chức một bữa tiệc tại nhà trắng để ra mắt họ". "ý kiến hay đấy". Oliver lại liếc nhìn bản danh sách đặt trên bàn. Atilio và Sylva Picone. Tối thứ bảy, phòng ăn tối nhà trắng treo đầy quốc kỳ của các nước trên thế giới. Oliver đã gặp Atilio Picone hai ngày trước, khi ông ta đến trình quốc thư. "Phu nhân Picone có được khoẻ không?" Oliver hỏi. Có một chút ngập ngừng. "Vợ tôi vẫn khoẻ, xin cảm ơn Tổng thống" Bữa tiệc thật thành công. Oliver đi từ bàn nọ sang bàn kia, trò chuyện vui vẻ với các quan khách. Một vài nhân vật đặc biệt nhất thế giới cũng có mặt tại bữa tiệc. Oliver đi tới chỗ ba người phụ nữ đã kết hôn với những những người đàn ông hết sức quan trọng nhưng vẫn làm chủ được cuộc sống của mình: Leonore... Delores... Carol... Khi Oliver đi ngang qua phòng, Sylva Picone đến bên cạnh ông và chìa tay ra. "Đây là giờ phút tôi mong đợi từ lâu, thưa Tổng thống". Đôi mắt bà sáng rực lên. "Tôi cũng vậy". Oliver thì thầm. "Tôi biết thế nào rồi ngài cũng đắc cử", gần như thì thầm. "Chúng ta có thể nói chuyện sau được không?" Không một chút ngập ngừng. "Tất nhiên rồi". Sau bữa tiệc, tất cả chuyển xuống phòng khiêu vũ. Oliver nhìn Sylva trong vũ điệu cổ điển, và thầm nghĩ đúng là một phụ nữ đẹp, thân hình mới quyến rũ làm sao. Tiệc nhảy còn thành công hơn cả tiệc ăn. Tuần sau đó, trên trang nhất của tờ Washington Tribune, chạy ngang dòng tít lớn: Tổng thống bị buộc tội tranh cử gian lận. Oliver nhìn chằm chằm mà không tin nổi vào mắt mình? Đây là điều tệ hại nhất có thể xảy ra. Tại sao nó lại xảy ra nhỉ? Và rồi Oliver bất chợt hiểu được lý do. Câu trả lời nằm ngay trước mặt, ở góc tờ báo. "Chủ bút: Leslie Stewart". Tuần tiếp theo, lại có một hàng chữ trên trang đầu tờ Washington Tribune Tổng thống bị nghi ngờ làm sai lệch thuế lợi tức của bang Kentucky khi còn là thống đốc bang này Hai tuần sau, lại có chuyện khác đăng trên trang đầu Washington Tribune: Cựu trợ lý của Tổng thống Rusell dự định kiện Tổng thống vì tội quấy rối tình dục. Cửa phòng bầu dục bật mở và Jan bước vào. "Anh đã xem báo sáng nay chưa?". "Rồi, anh...". "Tại sao anh lại làm những chuyện đó hả, Oliver? Anh...". "Chờ một chút đã. Em không thấy điều gì đang xảy ra ư? Jan? Leslie Stewart đứng sau tất cả những vụ này. Anh tin chắc là cô ấy muốn trả thù anh. Cô ấy hẳn không quên chuyện cũ. Được rồi, coi như cô ấy thắng lần này, mọi chuyện qua rồi em ạ". Nghị sĩ Davis gọi điện. "Oliver, tôi muốn gặp anh trong một giờ nữa". "Con sẽ ở đây thưa cha". Oliver đang trong phòng đọc sách nhỏ thì Davis đến. Ông đứng lên đón bố vợ. "Xin chào cha". "Đúng là một buổi sáng chết tiệt". Giọng nghị sĩ chứa đầy tức tối. "Người đàn bà kia sẽ phá đổ mọi thành quả của chúng ta mất". "Không, cô ấy sẽ không định làm vậy đâu, cô ấy chỉ...". "Tất cả mọi người đọc cái tờ báo rác rưởi đó, và người tin vào cái mà người ta đọc". "Todd, chuyện đó đã qua rồi và...". “Chuyện đó chưa qua đâu. Anh có nghe bài bình luận sáng nay của kênh WTE không? Nó bàn về việc ai sẽ là người có khả năng làm Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ đấy. Anh đứng cuối danh sách, Oliver ạ. Leslie đang cố tìm cách hạ bệ anh. Anh phải dừng cô ta lại, bằng mọi giá". "Nhưng điều đó là không thể, cha biết mà. Họ được bảo vệ bằng quyền tự do báo chí. Chúng ta không thể làm gì được họ cả". Nghị sĩ nhìn Oliver vẻ thăm dò. "Có đấy". "Cha định nói về cái gì?". "Ngồi xuống đi", hai người cùng ngồi xuống. "Người đàn bà đó rõ ràng là còn yêu anh, Oliver ạ. Đây là cách cô ta trừng phạt anh vì đã bỏ rơi cô ta. Lời khuyên của tôi là nên giải quyết trong hoà bình". "Con phải làm gì bây giờ?". Nghị sĩ Davis nhìn Oliver thật lâu. "Hãy dùng cái đầu của anh đi". ”Chờ một chút nào, Todd. Có phải cha khuyên con là...“. ”Điều mà tôi khuyên anh là làm nguội con bé lại. Để cho nó thấy là anh rất hối hận. Tôi vừa nói là nó còn yêu anh. Nếu không còn yêu nữa, nó sẽ không làm vậy“. ”Chính xác, cha bảo con phải làm gì?“. ”Quyến rũ nó, con rể ạ. Anh đã làm được một lần thì anh cũng có thể làm lại một lần nữa. Anh sẽ nắm lại được nó trong tay. Anh sắp có một bữa chiêu đãi vào tối thứ sáu tới, mời nó đi. Anh có thể thuyết phục nó không đối đầu với anh nữa“. ”Con không biết là mình sẽ làm như thế nào...“. ”Tôi không cần biết anh làm thế nào. Có thể anh sẽ đưa nó đi đâu đó, nơi anh chị tha hồ trò chuyện riêng với nhau. Tôi có một căn nhà nghỉ ở Virginia. Rất biệt lập. Tôi sẽ về Florida mấy ngày cuối tuần, và sẽ đưa Jan đi cùng“. Ông ta móc túi và đưa cho Oliver một mảnh giấy gấp cùng chùm chìa khóa. ”Đây là vị trí ngôi nhà và chìa khóa“. Oliver nhìn bố vợ chằm chằm. ”Chúa ơi, cha đã sắp xếp tất cả rồi sao? Thế nếu Leslie không... à giả sử cô ấy không đồng ý thì sao? Nếu cô ấy từ chối thì sao?“. Nghị sĩ đứng dậy. ”Nó sẽ đồng ý, nó sẽ đi. Gặp lại anh vào thứ hai nhé, Oliver. Chúc may mắn“. Oliver đứng đực ra hồi lâu và nghĩ. Không, mình không thể một lần nữa xử sự xấu với Leslie. Mình không thể. Buổi tốm hôm đó, khi chuẩn bị ngồi vào bàn ăn, Jan nói. ”Oliver này, cha sẽ đưa em đi Florida vào kỳ nghỉ cuối tuần này. Cha được trao giải thưởng gì đó, em nghĩ là ông muốn khoe quý phu nhân của Tổng thống đấy mà. Anh có muốn em đi không? Em biết là có một bữa tiệc vào tối thứ sáu này, nếu anh cần em ở nhà...“. ”Không, không, em cứ đi đi, anh sẽ rất nhớ em đấy, ”và đúng là mình sẽ nhớ cô ấy thật. Khi nào giải quyết xong vụ này, mình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho Jan. Leslie đang nghe điện thoại thì cô thư ký chạy vào thông báo. ”Thưa bà...“. ”Cô không thấy là tôi đang...“. ”Tổng thống Russell đang ở đường dây số 3“. Leslie nhìn cô gái rồi mỉm cười. ”Thôi được“, nàng nói qua điện thoại. ”Tôi sẽ gọi lại cho anh sau“. Nàng bấm nút số 3. ”Xin chào“. ”Leslie đấy à?“. ”Chào anh, Oliver, hay là tôi phải gọi là ngài Tổng thống đây?“. ”Em muốn gọi anh là gì cũng được“, ông trả lời mềm mỏng, ”và có...“, đột nhiên ông dừng lại ” muốn gặp em“. ”Anh có chắc đó là một ý kiến hay không?“. ”Anh chắc chắn“. ”Anh là Tổng thống, liệu tôi có thể chối từ lời đề nghị của Tổng thống không nhỉ?“. ”Không, nếu em là một người Mỹ yêu nước. Có một bữa tiệc tại Nhà Trắng vào tối thứ sáu này. Em đến nhé“. ”Lúc mấy giờ?“. ”Tám giờ tối“. ”Được, tôi sẽ đến“. Trông nàng thật lộng lẫy trong chiếc váy kiểu Thượng Hải bó sát người với những chiếc khuy vàng nặng tới 22 karat, và một đường xẻ dài bên trái. Khi Oliver nhìn thấy nàng, những kỷ niệm xưa lại ào ạt dội về trong ông. ”Leslie...“. ”Vâng, thưa Tổng thống“. Ông nắm lấy tay nàng, cảm nhận được sự mềm mại lẫn ẩm ướt. Một tín hiệu đây. Oliver nghĩ. Nhưng nó là cái gì? Sự căng thẳng? Tức giận? Hay nàng cũng đang hồi tưởng lại kỷ niệm xưa? ”Anh rất mừng vì em đến, Leslie ạ“. ”Tôi cũng vậy“. ”Chúng minh nói chuyện sau nhé“. Nụ cười của nàng làm ông thấy ấm cả lòng. ”Vâng“. Ngồi cách Oiver hai bàn là một nhóm các nhà ngoại giao người Arập. Một người trong số họ, với những nét rất sắc sảo, đôi mắt đen, có vẻ như không rời mắt khỏi Oliver. Tổng thống quay sang Peter Tager và hất đầu về phía người Arập kia. ”Ai đấy?“. Tager nhìn lướt theo hướng đó. ”Ali tất cả Fulani. Ông ta là thư ký của các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Anh hỏi ông ta làm gì?“. ”Chẳng để làm gì cả“. Oliver ngửng lên lần nữa. Đôi mắt kia vẫn chằm chằm nhìn ông. Oliver là một chủ nhà tuyệt vời, ông đã khiến cho tất cả các quan khách cảm thấy thoải mái. Sylva ngồi ở một bàn, Leslie ngồi ở bàn kia. Khi bữa tiệc sắp kết thúc, Oliver cố gắng gặp riêng Leslie. ”Chúng ta cần nói chuyện với nhau. Anh còn nhiều điều phải nói với em. Chúng ta có thể gặp nhau ở đâu đó được không?“. Có một chút ngập ngừng trong giọng nói của nàng. ”Oliver, có lẽ tốt hơn là chúng ta không...“. ”Anh có ngôi nhà ở Manassas, bang Virginia, cách Washington khoảng một tiếng xe hơi. Em sẽ tới đó chứ?“. Nàng nhìn thẳng vào mắt ông, lần này không một chút do dự. ”Nếu anh muốn em đến“. Oliver tả qua đường đi đến đó. ”Ngày mai, lúc tám giờ tối“. Giọng Leslie khàn khàn hẳn đi. ”Em sẽ đến“. Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia sáng hôm sau, giám đốc CIA James Frisch, đang trình bày một vấn đề khá nóng bỏng. ”Thưa Tổng thống, sáng nay chúng tôi vừa nhận được tin báo rằng Liby mua rất nhiều vũ khí nguyên tử của Iran và Trung Quốc. Có một tin đồn rất đáng chú ý là họ chuẩn bị tấn công Israel. Khoảng một hay hai ngày nữa chúng tôi sẽ chính thức trình lên ngài tin này“. Lou Werner, Bộ trưởng Ngoại giao, nói. ”Tôi thấy chúng ta không nên chờ đợi. Cứ phản ứng ngay từ bây giờ, vào thời điểm nhanh nhất mà chúng ta có thể làm được“. Oiver nói với Werner. ”Thôi, chúng ta cứ chờ thêm một hai ngày để xem có tin gì mới không“. Cuộc họp kéo dài cả buổi sáng. Thỉnh thoảng Oliver lại nhận ra rằng ông bị phân tâm bởi cuộc hẹn với Leslie tối nay. ”Quyến rũ nó đi, con rể, con sẽ lại nắm được nó trong tay“. Tối thứ bảy, Oliver dùng chiếc xe dành cho nhân viên của Nhà Trắng, do một nhân viên mật vụ điều khiển, đi tới Manasas. Ông rất muốn bãi bỏ cuộc hẹn này, nhưng đã quá muộn rồi. Mình chẳng có lý do gì để lo ngại cả. Chắc chắn là Lelie sẽ đến. Đúng tám giờ tối, Oliver nhìn qua cửa sổ thấy chiếc xe của Leslie đang lăn bánh vào tòa nhà của Nghị sĩ Davis. Ông thấy nàng ra khỏi xe, bèn chạy tới đón. Họ đứng nhìn nhau, không nói gì. Thời gian như ngừng trôi và tưởng như họ chưa hề xa nhau. Oliver là người lên tiếng trước. ”Chúa ơi, tối qua, khi anh nhìn em... Anh đã gần như quên mất là em đẹp thế nào rồi“. Oliver nắm lấy tay nàng. Họ cùng bước vào phòng khách. ”Em muốn uống gì đây?“. ”Em không cần gì đâu, cảm ơn anh“. Oliver ngồi cạnh nàng trên chiếc ghế phôtơi. ”Anh phải hỏi em điều này, Leslie ạ. Em có căm ghét anh không?“. Nàng chậm chạp lắc đầu. ”Không, nhưng em đã từng nghĩ là em căm ghét anh“, rồi nàng nhếch mép cười. ”Phần nào đó, em cũng coi đấy là nguyên nhân cho sự thành đạt của em hôm nay“. ”Anh không hiểu“. ”Em muốn theo đuổi anh để trả hận, Oliver ạ. Em mua các tờ báo, trạm truyền hình và phát thanh là để tấn công anh. Anh là người đàn ông duy nhất mà em đã yêu thật sự. Và khi anh... anh bỏ em đi, em... em không thể chịu đựng nổi“, khuôn mặt nàng giàn giụa nước mắt. Oliver choàng tay qua người nàng. ”Leslie...“. Sau đó, môi họ gắn chặt vào nhau, họ hôn nhau cuồng nhiệt. ”Ôi, Chúa ơi“, nàng nói, ”em không ngờ chuyện này lại xảy ra“. Và Oliver đưa nàng vào phòng ngủ. Họ cởi quần áo cho nhau. ”Anh ơi, nhanh lên đi“, Leslie rên rỉ, ”nhanh lên đi, anh yêu...“. Họ ở trên giường, ôm chặt lấy nhau, thân thể dính vào nhau như một. Cuộc tình của họ thật nhẹ nhàng và thấm đượm, tựa như mới bắt đầu. Và nó luôn luôn như mới bắt đầu. Rồi hai người nằm lăn ra, hạnh phúc, thỏa mãn. ”Buồn cười quá anh nhỉ?“ Leslie nói. ”Gì cơ em?“. ”Tất cả những chuyện tồi tệ về anh đã đăng trên báo ấy. Em muốn anh phải chú ý đến em“, nàng nép vào người tình cũ, ”và em đã đạt được mục đích, đúng không?“. Oliver cười to, ”Đúng rồi“. Leslie ngửng lên và nhìn ông. ”Em rất tự hào về anh, Oliver ạ. Tổng thống của nước Mỹ“. ”Anh cố gắng để làm một vị Tổng thống tốt. Đó là điều thực sự quan trọng với anh. Anh muốn làm một cái gì đó khác người“. Oliver nhìn đồng hồ. ”Anh e là mình phải về thôi“. ”Tất nhiên rồi, em sẽ để anh đi trước“. ”Khi nào thì anh lại được gặp em nữa đây, Leslie?“ ”Bất kỳ lúc nào anh muốn“. ”Chúng mình phải thật cẩn thận đấy“. ”Em biết, chúng mình sẽ rất cẩn thận“. Leslie vẫn nằm đó, lim dim mắt nhìn Oliver mặc quần áo. Khi chuẩn bị ra về, ông cúi xuống nàng và nói. ”Em của anh thật tuyệt vời“. ”Và anh của em cũng tuyệt vời. Anh hãy luôn luôn như vậy đối với em“. Ông hôn nàng. ”Ngày mai anh sẽ gọi điện cho em“. Oliver đi nhanh ra và quay về Washington. Biết bao nhiêu điều đã đổi thay, nhưng chúng mình vẫn như ngày xưa. Mình phải cẩn thận để không làm nàng đau khổ nữa. Ông nhấc điện thoại và bấm dẫy số mà Nghị sĩ Davis đã đưa cho. Nghị sĩ Davis cầm ngay máy. ”Xin chào“. ”Con, Oliver đây“. ”Anh đang ở đâu thế?“. ”Con đang trên đường trở về Washington. Con muốn ba một tin vui. Chúng ta không cần phải lo lắng gì về chuyện đó nữa. Mọi việc đã ở trong vòng kiểm soát“. ”Tôi không thể nói cho anh biết là nghe được tin đó tôi vui như thế nào đâu“. Có sự tin tưởng trong giọng nói của Nghị sĩ Davis. ”Con biết vậy mà, thưa cha“. Sáng hôm sau, khi Oliver mặc quần áo, ông tiện tay cầm tờ Washington Tribune lên xem. Trên trang nhất của tờ báo là hình ngôi nhà của Nghị sĩ Davis ở Manassas. Dòng chữ chú thích ở dưới làm ông choáng váng: Đây là lâu đài tình yêu bí mật của Tổng thống Russell. Chương 14 Leslie tham gia vào mọi việc trong tờ báo: biên tập, viết bài, trình bày... Một hôm nàng bảo người phụ trách ban quảng cáo, "Tại sao ta không kiếm được hợp đồng quảng cáo nào của Gleason s nhỉ? Đó là cửa hàng số một của Georgtown". "Tôi đã thử, nhưng...". "Tôi biết người chủ của nó, tôi sẽ gọi điện cho ông ta". Nàng gọi ngay, và nói. "Allan này, ông không ký hợp đồng quảng cáo nào với Tribune cả, tại sao vậy?". Ông ta cười vang. "Leslie, độc giả của cô toàn đến cửa hàng toi ăn trộm thôi". Trước khi đến một cuộc họp, Leslie thường đọc tất cả những thông tin về những con người ở đó. Nàng biết điểm yếu và điểm mạnh của từng người và nàng trở thành một người thương thuyết cực kỳ cứng rắn và khéo léo. Matt Baker cảnh cáo nàng. "Đôi khi bà có thể cứng rắn. Nhưng đôi lúc cũng nên để lại cho người ta một cái gì đó chứ, Leslie". "Quên đi. Tôi là người tin tưởng vào chính sách "tiêu thổ" Trong năm tiếp theo đó, tập đoàn Washington Tribune đã mua thêm một tờ báo, một trạm phát thanh ở úc, một đài truyền hình ở Denver và một tờ báo ở Hammond, ấn độ. Cứ khi nào có một cuộc mua bán mới là nhân viên của những nơi đó lại lo lắng về những gì sẽ đến với họ. Leslie ngày càng nổi danh. Leslie Stewart có một sự ganh tỵ nực cười với Katharine Graham. "Bà ta may mắn thật", nàng nói, "và bà ta nổi tiếng là một kẻ đáng ghét". Matt Baker định hỏi rằng nàng có biết mình danh tiếng gì không, nhưng rồi ông lai thôi. Một buổi sáng, Leslie đến văn phòng và phát hiện ra có ai đó đặt trên bàn làm việc của nàng một hộp gỗ nhỏ bên trong có hai quả bóng bằng đồng thau. Matt Baker rất bối rối. "Tôi xin lỗi, tôi sẽ mang..." "Không, để nó đấy". "Nhưng..." "cứ để lại". Matt Baker đang có một cuộc họp trong văn phòng của mình thì có tiếng Leslie qua bộ đàm. "Matt, đến đây ngay". "Không hề "mời ông", cũng không có "xin chào". Chắc bà ta lại cáu kỉnh gì đây. Matt ngán ngẩm nghĩ. Nàng công chúa Tuyết đang ngọc thể bất an. "Giờ tôi phải lên đấy một lát", Matt nói với mọi người. Ông rời khỏi văn phòng, đi dọc theo hành lang, nơi có hàng trăm nhân viên bận rộn với công việc. Ông đi thang máy lên Tháp Ngà và bước vào phòng làm việc sang trọng, rộng rãi của Leslie. Khoảng nửa tá Trưởng ban biên tập đã tụ hội đông đủ ở đó. Leslie đang ngồi sau chiếc bàn to tướng của nàng ngửng lên khi Matt bước vào và nói, "Nào chúng ta bắt đầu thôi". Nàng triệu tập một cuộc họp các biên tập viên. Matt vẫn còn nhớ như in lời nàng nói. "Ông sẽ điều hành tờ báo, còn tôi sẽ không nhúng tay vào". Đáng lẽ ông phải biết hơn cả nàng chứ. Nàng không có quyền triệu tập một cuộc họp như thế này. Đây là việc của ông cơ mà. Nhưng mặt khác, nàng lại là chủ bút và chủ sở hữu và Washington Tribune, và nàng có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Matt Baker nói. "Tôi muốn nói chuyện với bà về bài báo viết về tổ ấm tình yêu bí mật của Tổng thống Russel ở Washington Post, tờ báo cạnh tranh với họ. "Các anh đã xem nó chưa?". Matt đã xem. "Rồi, nhưng chỉ là..." "thời gian gần đây tờ này được mọi người gọi là người mang tin sốt dẻo đấy. Ông và các phóng viên của ông ở đâu khi tờ Post săn được tin hả?". Dòng chữ nổi bật trên trang nhất của tờ Post: Người vận động hành lang thứ hai bị phát hiện đã hối lộ bộ trưởng nội vụ. "Tại sao không phải là chúng ta có tin này?" "Bởi vì đó là tin không chính thức, tôi sẽ kiểm tra nó. Chỉ là..." "Tôi không muốn là kẻ chạy sau đít người khác". Matt Baker thở dài và ngồi xuống. Người đàn bà này sắp gieo sấm sét đây. "Chúng ta sẽ là tờ báo số một, hoặc là chúng ta không là gì cả". Leslie tuyên bố. "Và nếu đã không là gì cả thì chúng ta cũng không có việc cho bất kỳ ai ở đây, đúng vậy không?" Leslie quay sang Arnie Cohn, Trưởng ban biên tập của Đặc san chủ nhật. "Khi người ta tỉnh dậy vào sáng chủ nhật, chúng ta muốn họ đọc đặc san này chứ không muốn họ ngủ tiếp. Bài vở của tuần vừa rồi nhạt nhẽo lắm". Cohn nghĩ thầm, bà ta là đàn ông thì ta sẽ... "Xin lỗi", ông nói nhỏ, lần tới tôi sẽ cố gắng". Leslie quay lại Jeff Connors, Trưởng ban biên tập thể thao. Connors khá đẹp trai, khoảng 35 tuổi, cao lớn, có dáng dấp của một vận động viên điền kinh, tóc vàng, đôi mắt xám, thông mình. Anh là người luôn biết mình phải làm gì cho tốt. "Anh viết rằng Fielding sắp bị bán cho Pirates". "Người ta bảo tôi là..." "Người ta bảo gì anh cũng nghe ư? Nó sai hoàn toàn. Tờ Tribune đã cho đăng một tin không bao giờ là sự thật cả". "Tôi đã kiếm được tin đó từ người quản lý của Fielding", Jeff Connors nói, không hề bối rối, "ông ta bảo tôi rằng..." "Lần sau phải kiểm tra kỹ nguồn tin, và phải kiểm tra đi kiểm tra lại". Leslie quay lại và chỉ một tờ báo đã ố vàng, được đóng khung treo trang trọng trên tường. Đó là trang nhất tờ Chicago Tribune, ra ngày 3 tháng mười một năm 1948. Dòng tít rất rõ chạy qua mặt tờ báo: DEWAY đã đánh bại TRUMAN. "Đây là điều tồi tệ nhất mà một tờ báo có thể gây ra", Leslie nói, "là việc tạo nên tin giả. Chúng ta đang làm cái công việc đòi hỏi luôn phải đăng tin chính xác". Nàng liếc nhìnđồng hồ. "Thôi, chỉ có vậy. Tôi mong là các anh chị làm công việc của mình tốt hơn". Khi họ đứng dậy chuẩn bị ra ngoài, Leslie nói với Matt Baker. "Tôi muốn ông ở lại". "Được thôi", ông ngồi xuống ghế và nhìn những người khác đang rời khỏi phòng. "Tôi có quá khắc nghiệt với họ không?". Nàng hỏi ông. "Bà cứ làm những gì mình muốn. Tất cả bọn họ đều là những người làm thuê". "Ông biết rằng chúng ra đến đây không phải là để kết bạn, mà là để làm báo". Nàng ngẩng đầu lên nhìn lại tờ báo đóng khung treo trên tường. "Ông tưởng tượng xem, chủ bút của tờ báo kia sẽ cảm thấy thế nào khi nó ra mắt bạn độc và Truman thìổng thống nước Mỹ? Tôi không bao giờ muốn có cảm giác đó, Matt. Không bao giờ". "Cứ cho là sai đi". Matt nói. "Câu chuyện về Tổng thống Russell trên trang nhất sẽ thích hợp hơn với một tờ báo lá cải đấy. Sao bà cứ chăm chăm moi móc ông ta vậy? Thử cho ông ta một cơ hội đi". Leslie nói với vẻ mơ màng bí mật. "Tôi cho ông ấy một cơ hội rồi". Nàng đứng bật dậy và trở lại tỉnh táo. "Tôi có linh cảm là Tổng thống sẽ không thông qua luật thuế mới đánh vào viễn thông. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể thanh toán đựơc hai cái trạm ở San Diego và Omaha". "Chúng ta chẳng thế làm được gì chuyện này". "Thì đúng vậy chứ sao. Tôi mốn ông ta bị bật ra khỏi văn phòng đó. Matt. Tôi muốn một người khác sẽ vào nhà trắng, một người biết mình phải làm gì". Matt không muốn đi vào bất kỳ một cuộc tranh luận nào với Leslie về chuyện Tổng thống. Nàng là người vô cùng quyết liệt trong vấn đề này. "Ông ta không xứng đáng với vị trí đó. Và tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chắc chắn rằng ông ta không thể tái cử ở nhiệm kỳ sau". Philip Cole, trưởng ban tin tức quốc tế, chạy vội vàng đến phòng làm việc của Matt Baker khi ông chuẩn bị về. Nét ông ta đầy vẻ lo lắng: "Chúng ta có chuyện rồi. Matt ạ". "Có thể để đến ngày mai không? Tôi đang muộn giờ..." "Chyện về Dana Evans". Matt hỏi giật. "Chuyện gì về cô ấy?" "Bị bắt rồi". "Bị bắt?" Ông hỏi một cách ngờ vực. "Nhưng vì sao cơ?" "Vì tội làm gián điệp. Ông có muốn tôi... "Không, tôi sẽ tự mình lo vụ này". Matt Baker chạy vội đến bàn làm việc và bấm số, số điện thoại của văn phòng chính phủ. Chương 15 Nàng bị lôi sềnh sệch từ xà lim đến một khoảng sân tối om và lạnh lẽo. Nàng chống trả điên cuồng, cố thoát khỏi hai người đàn ông đang lôi tay mình, nhưng chẳng kết quả gì. Sáu tên lính đã chờ sẵn, tay lăm lăm súng trường và mặc nàng gào thét, chúng kéo nàng đến cột gỗ được chôn sẵn dưới đất. Đại tá Gordan đứng nhìn bọn lính trói nàng vào cột. "Sao ông dám làm nhục tôi, tôi không phải là gián điệp". Nàng la hét, nhưng tiếng la của nàng bị nuốt chửng bởi tiếng súng cối ở đâu đó. Gã đại tá bước ra xa và gật đầu ra lệnh cho bọn lính. "Chuẩn bị, nhằm...". "Câm mồm đi". Có bàn tay thô ráp lắc mạnh. Dana mở mắt, tim đập như trống thúc. Nàng đang nằm trên giường, trong cái xà lim chật hẹp và tối tăm. Đại tá Divjak đứng sững trước mặt. Dana hoảng sợ, ngồi bật dậy, cố giũ khỏi cơn ác mộng. "Ông... định làm gì tôi?" Đại tá Divjak nói lạnh lùng. "Đáng lẽ cô phải bị xử bắn, nhưng thật không may tôi được lệnh thả cô ra". Tim Dana đập mạnh. "Cô phải rời khỏi đây trong chuyến bay đầu tiên", gã dừng lại nhìn sâu vào mắt cô, gằn giọng, "và đứng bao giờ quay trở lại nữa". Bộ Ngoại giao và thậm chí cả tổng thống Mỹ đã phải tạo sức ép để Dana Evans được thả ra. Khi Peter Tager biết được vụ bắt giữ Dana, ông ta đã tìm gặp tổng thống. "Bộ ngoại giao vừa thông báo cho tôi. Dana Evans bị bắt vì họ cho rằng cô ấy là gián điệp. Chúng đang định hành hình cô ấy". "Chúa ơi, thật kinh khủng, chúng ta không được để chuyện đ xảy ra". "Đúng vậy, cho phép tôi sử dụng danh nghĩa của anh". "Được, hãy làm bất cứ điều gì mà anh cho là cần thiết". "Tôi sẽ làm việc với bộ ngoại giao. Nếu chúng ta gỡ được vụ này, có thể Tribune sẽ nhẹ nhàng hơn với anh". Oliver lắc đầu. "Tôi chẳng trông mong gì chuyện ấy. Chúng ta phải tìm mọi cách để đưa Dana ra khỏi đó ngay". Sau hàng tá những cú điện thoại khẩn cấp cộng với sức ép từ phòng bầu dục, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ và cả thậm chí Tổng thư ký liên hiệp quốc, bon bắt Dana mới miễn cưỡng thả nàng ra. Biết được tin này, Peter chạy vội báo cho Oliver. "Dana được thả rồi. Cô ấy đang trên đường về Mỹ". "Tuyệt vời". Hắn nghĩ về Dana trên đường đi dự một cuộc họp vào buổi sáng hôm đó. Mình thật vui vì đã cứu được cô ấy. Hắn không hề biết rằng sau này hắn sẽ phải trả giá bằng cả cuộc sống bằng hành động này. Khi biết chuyến bay của Dana hạ cánh xuống sân bay quốc tế Dulles, Matt Baker cùng hàng tá phóng viên từ các hãng thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình đã chờ sẵn để chào đón nàng. Dana không hề tin nổi khi nhìn thấy đám đông. "Chuyện gì...?" "Đi lối này, Dana, cười lên nào". "Cô đã bị đối xử ra sao? Có thô bạo không?" "Cô cảm thấy thế nào khi trở về nhà?" "Hãy cho chúng tôi chụp một bức ảnh" "Cô có ý định quay lại đó không?" Tất cả như nói cùng một lúc. Dana đứng đó, chìm ngập trong những câu hỏi dồn dập. Matt Baker xô đẩy đám đông, đưa Dana vào chiếc xe limousine chờ sẵn và phóng đi. "Có... chuyện gì xảy ra vậy?" Dana hỏi. "Cô đang là nhân vật nổi tiếng đấy". Nàng lắc đầu. "Tôi không cần, Matt. Rồi nàng nhắm nghiềm mắt lại một lúc lâu. "Cảm ơn ông đã cứu tôi ra khỏi đó". "Cô phải cám ơn tổng thống và ngài Peter Tager. Họ là người gỡ nút cho toàn bộ chuyện này. Cô cũng nên cám ơn Leslie Stewart nữa". Khi Matt cho Leslie biết tin Dana bị bắt, nàng đã nói với ông. "Bọn chó má, chúng dám đối xử thô bạo như thế đối với phóng viên của Tribune à. Tôi muốn anh phải làm mọi cách, mọi giá để chúng thả cô ấy ra. Cứ làm mọi việc có thể đưa cô ấy ra khỏi nơi đó". Dana nhìn ra ngoài cửa xe. Người ta đi lại nói cười trên đường phố. Không có âm thanh của súng nổ, không có tiếng bom đầy chết chóc. Thật kỳ lạ. "Trưởng ban biên tập chương trình Nhà đất đã tìm được một căn hộ cho cô. Giờ tôi sẽ đưa cô tới đó. Cô cứ nghỉ ngơi, bao lâu cũng được. Khi nào khoẻ hẳn, bọn tôi sẽ lại đón cô trở lại làm việc". Ông nhìn vào mắt cô. "Cô khoẻ chứ? Nếu cô muốn đi khám bệnh, bọn tôi sẽ sắp xếp..." "Không, tôi khoẻ, tôi đã được khám bệnh ở Paris rồi". Căn hộ nằm trên đường Calvert, nội thất được bài trí hài hoà với một phòng ngủ, phòng khách, bếp, nhà tắm và cả một phòng làm việc nhỏ. "Được chứ?", Matt hỏi. "Rất đầy đủ, cảm ơn ông, Matt". "Rôi cô còn phải họp báo để tường thuật lại mọi chuyện đấy. Tôi sẽ lo vụ đó cho cô". Nàng đang đứng trên một chiếc cầu, nghe thấy tiếng súng nổ và nhìn những thân thể trương phình trôi lập lờ phía dưới. Nàng tỉnh giấc và khóc nức nở. Đó là giấc mơ của nàng ở nơi đây nhưng lại là thực tế đang xảy ra ở nơi kia. Những con tội đã bị tàn sát dã man, bất kể họ là ai, đàn ông, đàn bà, hay người già, trẻ em. Nàng nhớ lại lời giáo sư Staka. "Cuộc chiến này bản chất là không thể hiểu được". Và điều nàng tưởng như không thể tin nổi là người ta hầu như không quan tâm đến nó. Nàng không dám ngủ nữa, sợ nhưng cơn ác mộng sẽ có cơ hội ập đến với mình. Nàng đứng dậy, bước lên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Thành phố thật yên tĩnh, không súng đạn, không có những người la hét, nó có vẻ như không tự nhiên. Nàng tự hỏi không biết bây giờ Kemal ra sao và liệu nàng còn được gặp cậu bé nữa không. Biết đâu giờ này nó quên mất mình rồi. Cả buổi sáng hôm sau Dana đi mua sắm quần áo. Tại bất cứ nơi nào nàng đến, mọi người đều nhìn nàng chằm chằm. Dana nghe thấy họ thì thầm với nhau: "Đấy, cô ấy đấy, Dana Evans". Những người bán hàng cũng nhận ra nàng, nàng đã nổi tiếng, và nàng ghét điều đó. Dana bỏ ăn sáng và cũng chẳng ăn trưa. Nàng đói nhưng không sao nuốt được. Nàng thấy quá căng thẳng, như đang chờ đợi một tai họa nào đó rơi xuống đầu. Khi đi trên phố, nàng cố gắng thu người lại, lẩn tránh ánh mắt của những người lạ vì thấy nghi ngờ tất cả. Trong tai nàng như luôn có tiếng súng nổ. Mình không ghể cứ sống mãi thế này được. Dana nghĩ. Buổi trưa, Dana đến văn phòng của Matt Baker. "Cô làm gì ở đây thế? Cô đang trong thời gian nghỉ mà". "Tôi muốn trở lại làm việc, Matt ạ". Matt nhìn Dana và nhớ lại người con gái trẻ trung ông gặp cách đây một vài năm. "Tôi làm việc ở đây. Tất nhiên, tôi đã có một chỗ ở đây rồi. Nó giống như một cuộc chuyển giao, phải không?... Tôi có thể bắt đầu ngay bây giờ...". Và cô gái ấy còn làm được nhiều hơn cả lời hứa lúc đầu. Giá mà mình có được một đứa con gái... "Sếp của chúng ta muốn gặp cô đấy". Matt bảo nàng. Họ cùng đến văn phòng của Leslie Stewart. Hai người phụ nữ gặp nhau. "Chúc mừng cô đã trở về, Dana". "Cảm ơn bà". "Hai người ngồi xuống đi". Dana va Matt kéo ghế ngồi đối diện với Leslie. "Tôi tới để cảm ơn bà vì đã cứu tôi ra khỏi chỗ đó". "Chắc ở đó kinh khủng lắm nhỉ. Tôi xin lỗi", nang quay sang Matt Baker, "chúng ta sẽ xếp cô ấy vào chỗ nào bây giờ hả Matt?" Ông quay sang Dana. "Chúng tôi đang muốn bổ nhiệm lại vị trí phóng viên của chuyên mục Nhà Trắng. Cô thích việc đó không, Dana?" Đó là vị trí uy tín nhất trong truyền hình. Khuôn mặt Dana bừng sáng. "Có, tôi rất thích". Leslie gật đầu. "Được, vậy là cô sẽ theo dõi ở đó". Dana đứng dây. "Xin một lần nữa cảm ơn bà". "Chúc may mắn". Dana và Matt rời văn phòng của Leslie. "Chúng ta sẽ đi xem chỗ làm việc mới của cô nhé". Ông dẫn nàng đến toà nhà số 4, nơi mọi người đang chờ để chào đón nàng. Phải mất đến mười lăm phút Dana mới rời được đám đông những người đầy thiện chí ấy. "Dana là phóng viên mới ở mục nhà trắng của anh đấy". Matt nói với Philip Cole. "Tuyệt, tôi sẽ chỉ cho cô xem văn phòng của cô". "Cô đã ăn trưa chưa?" Matt hỏi. "Chưa, tôi..." "Tại sao chúng ta không cùng ăn nhỉ?" Phòng ăn dành cho nhân viên nằm ở tầng sáu. Nó thật rộng rãi, thoáng đãng và kê rất nhiều bàn ghế. Matt đưa Dana đến một bàn ở góc phòng. "Bà Stewart có vẻ dễ thnhỉ?" Dana nói. Matt định nói điều gì đó, nhưng lại thôi. "à, ừ, chúng ta gọi món đi". "Tôi không đói". "Cô đã ăn rồi à?". "Chưa". "Thế cô có ăn sáng không?". "Không". "Dana... thế cô ăn bữa gần nhất là lúc nào?". Nàng lắc đầu. "Tôi không nhớ, nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng cả". "Không được. Tôi không thể để một phóng viên mới của chuyên mục nhà trắng lại chết vì đói được". Người phục vụ đến bên bàn. "Ông đã sẵn sàng gọi món chưa, ôn Baker?" "Rồi". Ông lướt nhìn thực đơn. "Cô Evans đây sẽ dùng thịt hun khói, rau diếp và bánh nhân thịt, cà chua", ông quay sang nàng, "cô dùng bánh ngọt hay kem?" "Kh...ô..ng". "Còn tôi thì cho món bò chiên". "Vâng, thưa ông". Dana ngó xung quanh. "Mọi thứ ở đây như không phải là thật. Mọi chuyện ở kia mới là cuộc sống. Matt ạ. Thật kinh khủng. Không ai ở đây thèm quan tâm đến nơi đó". "Đừng nói vậy, Dana. Mọi người ở đây tất nhiên là có quan tâm. Nhưng chúng ta không phải là tên sen đầm quốc tế. Chúng ta chỉ cố gắng ở mức có thể mà thôi". "Thế thì chưa đủ", Dana giận dữ la to. "Dana..." Matt khựng lại. Cô ấy hình như đang không ở đây, mà ở một nơi rất xa, rất xa; như đang nghe thấy những âm thanh mà ông không thể nghe, nhìn thấy những cảnh tượng mà ông không thể nhìn. Họ cứ ngồi lặng đi như thế cho đến khi người phục vụ mang đồ ăn tới. "Đây rồi". "Matt, tôi thực sự không đói mà..." "Cô sẽ ăn hết", Matt ra lệnh. Jeff Connors đang tiến lại gần bàn. "Chào Matt" "Ô, chào Jeff". Jeff nhìn Danna. "Xin chào cô". Matt nói với nàng. "Dana, đây là Jeff Connors. Cậu ta là trưởng ban biên tập mục Thể thao". Dana gật đầu. "Tôi là người rất hâm mộ cô, cô Evansa. Rất mừng là cô đã được cứu thoát". Dana gật đầu lần nữa. Matt mời. "Cậu có muốn nhập bọn không?" "ồ, rất hân hạnh". Anh ta kéo ghế nói với Dana. "Tôi đã không bỏ lỡ một chương trình nào của cô cả. Chúng thật xuất sắc". Dana lầm bầm. "Cảm ơn". Jeff là một vận động viên nổi tiếng ở công ty chúng ta đấy, Dana. Cậu ấy chơi trong đội bóng chày". Lại một cái gật đầu nhẹ. "Nếu cô rỗi, Jeff nói, "thứ sáu này, đội Orioles sẽ chơi với đội Yankees ở Baltinmore đấy. Nó..." Và lần đầu tiên Dana quay sang nhìn thẳng vào anh ta. "Nghe sôi động nhỉ. Mục đích của cuộc chơi chỉ là đánh quả bóng và sau đó chạy vòng quay sân trong khi đội kia cố gắng chặn anh lại phải không?" Jeff nhìn nàng bối rối. "Vâng, nhưng..." Dana đứng bật dậy, giọng nàng run lên. "Tôi đã nhìn thấy người ta chạy vòng quanh một cái sân, nhưng không phải vì trờ chơi, mà vì chính mạng sống của mình, bởi có kẻ đang nhả đạn vào họ. Nàng như bị kích động. "Đó không phải là trò chơi và càng không phải là trò bóng chày ngu ngốc của các anh". Mọi người trong phòng đều quay lại cả nhìn nàng. "Anh cút đi". Dana nức nở lao ra khỏi phòng. Jeff quay sang Matt Baker. "Tôi... tôi thành thật xin lỗi. Tôi không có ý..." "Đó không phải là lỗi của anh. Cô ấy vẫn chưa bình tĩnh lại được. Chỉ có Chúa mới biết cô ấy đã phải chịu đựng những gì". Dana lao về văn phòng mình và đóng sầm cửa lại. Nàng ngồi xuống, cố gắng giữ cho mình bình tĩnh lại. Ôi trời ơi! Mình đã cư xử như một n điên. Họ sẽ mắng mình, và thế thì cũng đáng. Tại sao mình lại gay gắt với anh ta. Tại sao mình lại gây nên một chuyện tồi tệ như thế. Đây không phải là chỗ của mình nữa rồi. Chẳng còn chỗ nào dành cho mình nữa rồi. Nàng gục đầu xuống bàn, khóc nức nở. Vài phút sau, có ai đó mở cửa bước vào. Dana ngước lên. Đó là Jeff Connors. Anh ta bưng một khay đựng thịt hun khói, rau diếp, một lát bánh kẹp thịt, cà chua và một khoanh pho mát. Cô đã quên bữa trưa này", anh nói thật nhẹ nháng. Dana lau nước mắt, gắng sức nói. Tôi... tôi xin lỗi. Tôi thực sự xin lỗi. Tôi không có quyền..." "Cô có quyền", anh nói khẽ, "dù sao đi nữa, ai cần đi xem cái trò bóng chày cổ lỗ kia làm gì, phải không?" Anh đặt khay lên bàn. "Tôi ăn trưa cùng cô nhé". "Cám ơn, nhưng tôi không đói". Anh thở dài. "Cô lại đặt tôi vào thế khó xử rồi, cô Evans. Matt nói cô phải ăn, cô không muốn làm tôi mất việc đấy chứ?" Dana cố tạo nên nụ cười. "Không đâu", nàng bẻ nửa chiếc bánh xăng-đuých và cắn một miếng nhỏ. "To hơn nào". Dana cắn một miếng nhỏ nữa. "To hơn nữa đi". Nàng ngước mắt nhìn anh. "Anh thực lòng muốn tôi ăn bánh này à?" "Đúng thế đấy", anh ngắm nàng cắn một miếng to hơn nữa. "Tốt rồi, à, tiện đây, nếu cô không làm gì tối thứ sau, tôi không biết mình đã nói chưa, nhưng có trận giữa Oriles và Yankees. Cô đi chứ?" Dana nhìn anh và gật đầu. "Vâng". Ba giờ chiều hôm đó, khi Dana bước vào cổng Nhà trắng, người hướng dẫn bảo nàng. "Ngài Tager muốn gặp cô, cô Evans. Tôi sẽ cho người đưa cô đến văn phòng của ông ấy". Dana đi theo người dẫn đường qua một hành lang dài hun hút đến văn phòng của Peter Tager. Ông ta đang chờ nàng. "Ngài Tager..." "Tôi không ngờ được gặp cô sớm thế, cô Evans. Người ta không cho cô nghỉ ngơi một chút sao?" "Không phải, mà vì tôi không muốn nghỉ", Dana nói. Tôi... tôi cần phải làm việc". "Mời cô ngồi", nàng ngồi xuống ghế đối diện, "Tôi có thể mời cô uống gì đây?" "Không, cám ơn ngài, tôi vừa ăn trưa". Nàng thầm cười khi nghĩ đến anh chàng Jeff Connors. "Ngài Tager, tôi muốn cảm ơn ngài và Tổng thống Russell vì đã cứu tôi thoát chết". Nàng ngập ngừng. "Tôi biết là Tribune đã không được thiện chí lắm với Tổng thống, và tôi..." Peter khoát tay. "Chà, đó là chuyện chính trị. Tổng thống sẽ không tha thứ cho bọn chúng vụ này đâu. Cô có biết chuyện về nàng Helen thành Troy không?" "Có ạ". Ông ta mỉm cười. "ờ, mà có lẽ chúng tôi cũng sẽ gây chiến với cô đấy. Cô là một người quan trọng". "Tôi không thấy thế". "Tôi muốn cô biết rằng cả tôi và Tổng thống đều rất hài lòng khi biết cô sẽ làm việc tại Nhà trắng". "Cảm ơn ngài". Peter nói tiếp. "Tiếc là Tribune không hoà hợp với Tổng thống Russell và cô lại chẳng làm được gì để thay đổi tình hình đó. Nhưng dù vậy, ở cấp độ cá nhân, nếu có gì Tổng thống hoặc tôi có thể giúp... chúng tôi đánh giá cô rất cao". "Cảm ơn ngài, tôi xin ghi nhớ". Cửa phòng mở. Oliver bước vào. Dana và Peter đứng dậy. "Ôi, ngồi xuống đi". Tổng thống nói. Ông bước về phía Dana. "Mừng cô trở về". "Cảm ơn Tổng thống, và tôi thực sự muốn cảm ơn ngài". Oliver cười. "Nếu không bảo vệ được sinh mạng của một con người làm Tổng thống mà làm gì. Tôi nói thẳng với cô nhé, cô Evans, không ai trong chúng tôi hâm mộ tờ báo của cô đâu, nhưng chúng tôi lại hâm mộ cô đấy". "Xin cảm ơn ngài". "Peter sẽ dẫn cô đi một vòng quanh đây. Nếu có vướng mắc gì, chúng tôi sẽ giúp cô". "Ngài thật tốt quá". "Nếu cô không ngại, tôi muốn cô gặp ông Werner, bộ trưởng bộ ngoại giao. Tôi muốn cô kể cho ông ta nghe tình hình ở Sarajevo rồi ông ta sẽ làm báo cáo vắn tắt cho tôi". "Tôi rất vui được làm điều đó". Khoản một tá người ngồi trong phòng họp riêng của bộ trưởng bộ ngoại giao, lắng nghe Dana kể lại những gì nàng biết. "Hầu hết nhà cửa ở Sarajevo đều bị phá hỏng hoặc huỷ hoại... không điện, không nước. Người ta tháo bình ắc quy ô tô để chạy tivi.. "Đường xá trong thành phố bị nghẽn lại bởi những chiếc ô tô, xe thồ, xe đạp bị trúng bom. Phương tiện giao thông duy nhất là đôi chân. "Khi có mưa, mọi người lấy nước từ những cống rãnh trên đường phố và trữ trong thùng... "Không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với hội chữ thập đỏ hay các nhà báo. Trong cuộc chiến này đã có hơn bốn mươi nhà báo thiệt mạng và hàng tá người bị thương. Không biết liệu cuộc khởi nghĩa chống lại Slobodan Milosevic có thành công hay không, nhưng cảm nhận chung là thái độ của ông sẽ suy sụp thảm hại do chính cuộc sống của những người dân ở đây đã quá tồi". Cuộc họp kéo dài khoảng hai tiếng. Đối với Dana, nàng vừa có cảm giác đau buồn lại vừa thấy phấn chấn. Bởi nàng đã miêu tả đựoc chân thực những gì xảy ra tại đó, nàng thấy như mình đang sống lại khung cảnh sinh động ấy, nhưng đồng thời, nàng cũng thấy thật nhẹ nhàng vì được kể nó ra. Bộ trưởng ngoại giao nói. "Cảm ơn cô nhiều, cô Evans, vì đã cho chúng tôi rất nhiều thông tin, ông ta mỉm cười. "Mừng cô trở về an toàn". "Tôi cũng vậy, thưa bộ trưởng". Tối thứ sau, Dana ngồi cạnh Jeff Connors trong khu vực dành cho giới báo chí, theo dõi trận bóng chày. Đây là lần đầu tiên kể từ khi trở về, nàng có thể nghĩ tới một cái gì đó không phải là chiến tranh. Vừa theo dõi diễn biến trên sân, nàng vừa nghe tiếng người tường thuật. "Đây là giờ phút gay go của trận đấu... Nelson đang ném bóng. Adomar đánh dọc xuống bên trái sân. Palmeiro đang lại gần anh ta. Tỷ số đang là 2 và 1. Nelson ném bóng vào giữa rồi... Palmeiro lao tới đón bóng... Một cú đánh tuyệt vời! Cứ như cả bức tường đã bay theo trái bóng... kết thúc... Palmeiro đang...". ở lượt đấu thứ bảy, Jeff hỏi. "Cô có thích trận đấu này?". Dana ngước mắt lên nhìn anh. "Vâng, tôi thích". Sau trận đấu, họ trở lại D.C. và dùng bữa tối ở quán "Hai mươi - mười lăm". Tôi muốn xin lỗi anh lần nữa vì cách cư xử hôm trước". Dana nói. "Chỉ vì tôi đã trải qua cuộc sống ở một nơi mà...", nàng dừng lại vì không biết phải nói thế nào, "nơi mà người ta phải đối mặt giữa sống và chết. Tất cả thật kinh khủng, bởi không ai ngăn cản cuộc chiến đó cả, người dân không còn biết hy vọng vào cái gì nữa". Jeff nhẹ nhàng. "Dana, cô đừng để mình quá bị ám ảnh bởi cuộc chiến đó nữa. Cô phải tiếp tục sống, và sống ở đây". "Tôi biết chỉ là ... không dễ dàng lắm". "Tất nhiên là vâyl Tôi muốn giúp cô, cho phnhé?" Dana nhìn anh một lúc lâu rồi đáp. "Xin hãy giúp em". Hom sau, Dana lại hẹn đi ăn trưa với Jeff. "Em tới đón anh nhé", anh đề nghị và cho nàng địa chỉ. "Được thôi". Dana tự hỏi không biết Jeff đang làm gì ở đó. Vùng này nổi tiếng là một địa danh không lấy gì làm tốt đẹp cho lắm. Dana đã tìm được câu trả lời khi họ tới nơi. Hai đội bóng đang vây lấy Jeff, toàn những cầu thủ con nít từ 9 tuổi đến 13 tuổi trong những trang phục nhiều màu sắc Dana đậu xe ngoài rìa để xem. Jeff đang hướng dẫn lũ trẻ. "Nhớ là đừng có vội vàng. Khi người ta ném bóng, hãy tưởng tượng là quả bóng đến ta rất chậm, vì thế nên ta có thừa thời gian để đánh. Hãy để cái đầu chỉ đạo cánh tay nhé...". Jeff ngó ra và thấy Dana. Anh vẫy vẫy. "Thôi nhé, các chàng trai, hôm nay tạm thế nhé". Một cậu bé hỏi. "Người yêu của chú đấy à, chú Jeff". "ồ, nếu chú may mắn". Jeff mỉm cười. "Tạm biệt nhé". Anh bước đến bên xe Dana. "Không khác gì một câu lạc bộ", nàng nhận xét. "Chúng khá lắm. Anh đến đây hướng dẫn chúng tuần một lần". Nàng mỉm cười. "Em cũng thích thế", và nàng đột nhiên tới Kemal. Không biết giờ này cậu bé có khoẻ không và đang làm gì. Dần dần Dana nhận thấy mình mỗi ngày một thích Jeff Connors hơn. Anh nhạy cảm, thông minh và hài hước. Nàng luôn được vui vẻ bên anh. Ký ức kinh hoàng về Sarajevo đang dần nhạt nhoà đi. Một buổi sáng, nàng thức dậy và không còn thấy ác mộng nữa. Khi nàng kể cho Jeff nghe điều này, anh cầm tay nàng thì thầm. "Đó mới chính là người con gái của anh". Dana băn khoăn không biết có nên hiểu xa hơn câu nói đó không. Có một bức thư viết tay chờ Dana tại văn phòng. "Cô Evans, đừng lo lắng cho cháu, cháu đang hạnh phúc, không cô đơn chút nào. Cháu không nhớ ai cả. Và cháu sẽ gửi trả lại cô những bộ quần áo cô mua cho cháu vì cháu không cần đến nữa. Cháu đã có quần áo của mình rồi. Tạm biệt cô. Bức thư ký tên "Kemal". Thư có dấu bưu điện ở Paris, đầu bì thư có dòng chữ "Ngôi nhà Xavier cho các cậu bé". Dana đọc đi đọc lại. Rồi nàng nhấc điện thoại. Phải đến bốn tiếng sau Dana mới gặp được Kemal. Giọng cậu bé có vẻ dò xét. "Xin chào". "Kemal, cô là Dana Evans đây. Không có tiếng trả lời. "Cô đã nhận được nhận được thư của cháu". Im lặng. "Cô chỉ muốn nó là cô mừng khi thấy cháu hạnh phúc và đang sống cuộc sống tốt đẹp". Dana chờ một lúc rồi tiếp tục. "Cô ước gì mình cũng được hạnh phúc như cháu. Cháu có biết tại sao cô không hạnh phúc không? Vì cô nhớ cháu, cô nghĩ về cháu rất nhiều". "Không, cô không nhớ cháu", Kemal kêu lên, "cô không thèm quan tâm đến cháu". "Không đúng thế, vậy cháu có muốn đến Washington để sống với cô không?" Im lặng thật lâu. "Cô có... có ý định đó sao?" "Đúng, thế cháu có thích vậy không?" "Cháu... cậu bé bật khóc. "Cháu có thích không? Kemal?" "Có... có, cô ạ". "Cô sẽ thu xếp nhé". "Cô Evans?" "Gì hả cháu?" "Cháu yêu cô" Dana và Jeff đi bên nhau trong công viên West Potomac. "Em nghĩ là mình sẽ sống với một người nữa", và nàng thông báo với anh, "cậu ta sẽ sống ở đây với em trong tuần tới". Jeff nhìn nàng ngạc nhiên. "Cậu ta?" Dana thấy mình hài lòng trước phản ứng của anh. "Vâng, tên cậu ấy là K, mười hai tuổi". Và nàng kể cho anh nghe câu chuyện. "Cậu bé cậu có vẻ tuyệt vời đấy nhỉ?" "Đúng thế, nó đã trải qua một địa ngục trần gian, Jeff ạ, em muốn nó quên đi". Anh nhìn nàng và nói. "Anh cũng muốn giúp nó". Đêm đó, lần đầu tiên họ ngủ cùng nhau. Chương 16 Có hai Washington D.C. Một là thành phố của vẻ đẹp kỳ diệu: những công trình kiến trúc, bảo tàng thế giới, các tượng đài kỷ niệm những nhân vật vĩ đại trong quá khứ: Lincoln, Jefferson, Washington... Một thành phố của những công viên xanh mướt, những bông hoa tươi thắm và khoảng trời êm dịu. Còn một Washington D.C khác là nơi của những kẻ vô gia cư, một thành phố, với tỉ lệ tội phạm cao nhất đất nước, một mê cung của nạn cướp của và giết người. Monroe Arms là một khách sạn trang nhã, nằm kín đáo, không xa ngã tư đường 27 và đường K. Khách sạn không quảng cáo. Nó sống chủ yếu nhờ những khách quen. Một chủ hãng bất động sản tên là Lard Cameron đã xây dựng khách sạn này từ vài năm trước. Jeremy Robinson, giám đốc điều hành khách sạn đang xem xét sổ đăng ký khách trọ với vẻ lúng túng hiện rõ. Ông kiểm tra lại họ tên những khách thuê các phòng hạng sang để chắc chắn là không xảy ra một sơ suất nào. ở phòng 325, một diễn viên tên tuổi đã lu mờ đang diễn tập cho một vở kịch sẽ được trình diễn ở nhà hát quốc gia. Theo tờ Washington Post, bà ta đang hy vọng được nổi danh trở lại. ở phòng 425, nằm đúng trên đầu phòng nữ diễn viên kia, một thương gia nổi tiếng, đến Washington rất đều đặn. Tên ở sổ đăng ký của ông ta là J.L Smith, nhưng vẻ ngoài ông lại khiến người ta liên tưởng đến một sắc dân nào đó ở vùng Trung Cận Đông. Ông là vị khách vô cùng hào phóng. Phòng 525 là ngài William Quint, một nghị sĩ đảng Cộng hoà, hành tung rất bí ẩn. Bên trên nữa, phòng 625, là người bán hàng của công ty phần mềm máy tính, đến Washington mỗi tháng một lần. Đăng ký tại phòng 725 là Pat Murphy, một chuyên gia vận động hành lang cỡ quốc tế. Gần đây, mọi việc đều tốt đẹp, Jeremy Robinson nghĩ. Những người khách quen thuộc đối với ông. Nhưng phòng 825, phòng hạng nhất nằm ở tầng cao nhất, thì hơi khó hiểu. Đó là căn phòng được dành cho những khách quen lại vừa quan trọng nhất. Nó chiếm trọn một tầng, được bài trí bằng vô số đồ cổ giá trị, những bức tranh quý, và có thang máy riêng dẫn thẳng đến gara ở tầng hầm. Vì thế, những vị khách muốn giấu tên và có thể đến và đi không ai hay biết. Đeieù làm Jeremy Robinson bối rối là cái tên vị khách trong phòng này ghi ở sổ đăng ký của khách sạn: Eugenne Gant. Thực sự có ai mang tên như vậy không, hay chỉ là một người thích đọc Thomas Walfe đã chọn nó làm bí danh? Carl Gorman, nhân viên trực ngày, người tiếp nhận vị khách tên Gart đã nghỉ vài giờ trước đây và không ai tìm thấy anh ta đâu. Robinson rất ghét sự khó hiểu. Ai là Eugene Gant và tại sao lại được ở dãy phòng sang trọng bậc nhất này. ở phòng 325 tầng ba, Dame Gisella Barrett đang một mình tập vở. ở tuổi 60, bà có vẻ ngoài khá bắt mắt. Đó là một diễn viên sân khấu đã từng được khán giả ngưỡng mộ và các nhà phê bình đề cao suốt một dải, từ phía Tây London đến Manhattan. Vẻ đẹp rực rỡ của một thời vẫn còn vương lại trên gương mặt đã thoáng vài nét nhăn của sự chua xót. Dame Bisella đã đọc bài báo trên tờ Washington Post, nói rằng bà trở lại Washington để tái tạo danh tiếng. Một sự nổi danh trở lại! Dame Barrett cảm thấy phẫn nộ. Sao họ dám? Mình đã mất nó đâu. Thực sự là vậy, lần cuối cùng bà xuất hiện trên sân khấu cách đây đã hơn 20 năm. Một diễn viên vĩ đại thì phải có một đạo diễn cùng một nhà sản xuất tài ba lẫy lừng. Cánh đạo diễn ngày nay quá non nớt đối với uy quyền tối cao của sân khấu thực thụ. Còn các nhà sản xuất lừng danh của Anh quốc như H.M Tenant, Binkie, Beaumont, C.B. Cochran đều không còn nữa. Thậm chí những nhà sản xuất được coi là tài năng của Mỹ như Helburn, Belasco và Golden cũng đã ra đi. Còn gì để nói khi nhà hát bây giờ nằm trong tay những kẻ nhiều tiền va chỉ sử dụng nó như một công cụ kiếm tiền. Những ngày xa xưa thật đáng để nuối tiếc. Đâu cả rồi những người viết kịch bản với ngòi bút toả ánh hào quang? Dame Bisella đã là một ngôi sao không thể thay thế với vai Ellie Dunn trong vở "Ngôi nhà có trái tim tan vỡ" của Berna Shaw. Các nhà phê bình sân khấu đã không tiếc lời khen ngợi mình. Thật tội nghiệp George. Anh ấy không thích bị gọi George. Phải là Bernard cơ. Mọi người cứ nghĩ về anh ấy như về một biểu tượng của sự chua chát, đắng cay. Nhưng họ đâu biết, ẩn sau cái vẻ ngoài đó lại là một tâm hồn Ai-len đầy lãng mạn. Anh đã luôn gửi cho mình những bông hồng nhung tươi thắm. Mình cho là anh ấy quá nhút nhát nên không thể tiến xa hơn được. Có thể anh ấy sợ mình sẽ từ chối. Bà đang chuẩn bị đóng một vai quyền lực nhất - Lady Machbeth - cho sự xuất hiện trở lại này. Đó là sự lựa chọn hoàn hảo. Dame Bisella đặt ghế sau bức tường nhìn ra ban công. Như thế bà sẽ không bị dòm ngó từ bên ngoài. Bà ngồi xuống, hít một hơi dài, bắt đầu nhập vào nhân vật. Một nhân vật của Shakespeare. Chỉ bà mới xứng đáng với tầm vóc của vai diễn này. ... "Vì chúa, sao lại ngu ngốc đến vậy? Sau bao nhiêu năm tôi ở khách sạn này, lẽ ra các người phải biết..." Giọng nói gay gắt phát ra từ cửa sổ căn phòng tầng trên. Trong phòng 425, J.L. Smith, một tay buôn vũ khi đang lớn tiếng mắng người phục vụ. "... Món ăn tôi đặt luôn là món trứng cá Beluga, Beluga, rõ chưa!". Ông ta chỉ vào đĩa trứng cá trên bàn xe đẩy. "Món này chỉ đáng cho bọn xếp cảng cá ăn". "Tôi thành thật xin lỗi, ngài Smith. Tôi sẽ xuống bếp và..." "Không phải bận tâm nữa". J.L. Smith ngắm nghía cái khuy tán Rolex bằng kim cương của mình. "Tôi không còn thời gian. Tôi có một cuộc hẹn quan trọng đang chờ". Ông ta tiến ra cửa và sau ít phút nữa sẽ có mặt ở văn phòng của ngài chưởng lí. Hôm qua chính ngài ta đã kết tội ông mười lăm lần hối lộ cho Bộ trưởng bộ quốc phòng. Nếu họ đủ chứng cứ buộc tội thì ông sẽ bị ba năm tù giam kèm theo mức phạt là một triệu đô la. ở phòng 525 ngài nghị sĩ William Quint, thuộc thế thệ thứ ba của một gia đình danh giá ở Washington đang có cuộc gặp gỡ với ba thành viên khác trong nhóm điều tra của ông. "Việc mua bán và sử dụng ma tuý ở thành phố này đã hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát". Quint nói, "Chúng tađưa nó trở lại khuôn khổ". Quay sang Dalton Isaak, ông hỏi. "Theo anh, bọn nào tiếp nhận ma tuý?" "Các băng nhóm của các lãnh địa. Bọn Brentwood đang trả giá cao hơn bọn Fouteeth Street và bọn Simple City, dẫn đến vụ thanh toán hồi tháng trước với bốn cái xác nằm lại..." "Ngừng lại. Và ngay lập tức". Quint nhấn mạnh, không giấu vẻ giận dữ xen lẫn lo lắng". FBI đã gọi cho tôi còn viên cảnh sát trưởng đã hỏi tôi về kế hoạch tảo thanh đợt này". "Ngài trả lời họ ra sao?" "Như mọi lần thôi. Rằng chúng ta đang ngập đầu ngập cổ vào việc điều tra". Ông ta quay sang viên trợ lý. "Sắp xếp một cuộc gặp với bọn Brentwood. Bảo chúng, nếu còn muốn chúng ta chống lưng phải san sẻ công bằng mối hàng với bọn khác". Ông ta lại quay sang viên trợ lý khác. "Chúng ta thu được bao nhiêu tháng trước". "Mười triệu tại chỗ và mười triệu từ ngoài vào". "Phải tăng lên nữa. Cái thành phố này đang trở nên ngày càng đắt đỏ". ở phòng 625, Norman Haff đang trần truồng trên chiếc giường tối om xem phim con heo phát trên kênh ti vi mạch kín của khách sạn. Gã có màu da xanh rớt cùng một vòng eo khổng lồ đầy bia, da thịt thì bèo nhèo. Gã chồm lên bạn tình. "Hãy nhìn họ đang làm gì kìa, Irma", gã thì thào. "Em có muốn anh làm như thế không?" Gã sờ nắn xung quanh vòng eo bạn tình, mắt vẫn dán chặt vào màn hình.... Gã tắt pin và nằm vật ra, thở hổn hển, cảm thấy thật tuyệt. Gã sẽ cùng Irama một lần nữa vào buổi sáng, trước khi tháo hơi và xếp "nàng" vào va li. Normal là người chào hàng, cái nghề luôn phải rong ruổi đến những nơi lạ lẫm, nơi mà gã không có ai làm bầu bạn. Và gã đã "tìm ra" Irma cách đây vài năm. "Nàng" là tất cả những gì đàn bà mà gã cần. Những đồng nghiệp ngốc nghếch của gã đi vòng quanh nước Mỹ, mất không biết bao nhiêu tiền cho đám đĩ rạc cũng chỉ để đạt tới cái kết quả gã vừa đạt được. Song, hơn hẳn bọn họ, gã có thể thoả mãn bất kỳ lúc nào gã muốn, lại khỏi phải lo chuyện bệnh tật gì. ở tầng trên, phòng 725, gia đình Pat Murphy vừa đi ăn tối về. Tim Murphy, mười tuổi, đang đứng trên ban công nhìn ra công viên. "Ngày mai mình trèo lên đỉnh đài tưởng niệm, bố nhé?" Cậu bé nài nỉ. Em trai Tim phản đối. "Không. Em muốn đến Viện Smithsonian. "Trụ sở Smithsonian", ông bố sửa lại. "Gì cũng được. Con muốn tới đó". Đây là lần đầu tiên bọn trẻ được đến thủ đô, dù bố chúng, mỗi năm có tới hơn 6 tháng sống ở đây. Pat Murphy là một chuyên gia vận động hành lang và sắp tới sẽ là một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu ở Washington. Ông bố của Murphy là thị trưởng một thị trấn nhỏ ở Ohio và Pat đã lớn lên với niềm say mê chính trị. Pat có cậu bạn thân tên là Joey. Họ học cùng nhau, đi trại hè cùng nhau và cũng chia sẻ mọi thứ. Nghĩa là không thể còn gì thân thiết hơn. Nhưng tất cả đã thay đổi trong một kì nghỉ, khi bố mẹ Joey đi vắng nhà và Joey đến ở cùng Pat Murphy. Nửa đêm, Joey mò đến phòng Pat, chui vào giường. "Pat", cậu ta thì thầm, "dậy đi". Pat mở mắt. "Chuyện gì? Chuyện gì xảy ra thế?" "Mình thấy cô đơn", Joey thì thầm. "Mình... muốn cậu". Pat Murphy bối rối. "Để làm gì?" "Cậu không hiểu à? Mình yêu cậu. Mình muốn cậu". Và cậu ta hôn môi Pat. Pat kinh hãi phát hiện ra điều khủng khiếp là Joey mắc bệnh đồng tính. Không bao giờ Pat nói chuyện với Joey nữa. Pat Murphy ghê tởm sự đồng tính; họ là những kẻ đồng dâm, là quái vật. Chúa nguyền rủa chúng khi chúng đi dụ dỗ những đứa trẻ ngây thơ. Ông biến nỗi căm ghét và ghê tởm thành một chiến dịch lớn, lâu dài, chống lại đến cùng các ứng cử viên mà ông chắc chắn là biết họ mang bệnh đồng tính, rao giảng về những tội ác, những nguy hiểm mà nó mang đến cho con người. Hồi trước, ông ta thường đến Washington một mình, nhưng lần này vợ ông cứ nhất định đòi cho bà và lũ trẻ đi theo. "Em muốn cuộc sống của anh ở đó ra sao", bà ta nói và cuối cùng Pat đành phải nhượng bộ. Giờ đây, ông ta đứng nhìn bà vợ và lũ trẻ, thầm nghĩ, đây là lần cuối ta nhìn thấy chúng bay. Sao ta lại có thể phạm một sai lầm ngu dốt thế nhỉ? Thôi được, nó cũng sắp kết thúc rồi. Gia đình ông đang bàn kế hoạch ngày mai, nhưng làm gì có cái ngày mai đó. Trước khi họ thức dậy thì ông đã đang trên đường đến Brazil rồi. Alan đang chờ ông ta. ở phòng 825, căn phòng đế vương, là một sự im lặng tuyệt đối. Thở, hắn tự nhủ. Mình phải thở... thở chậm hơn nữa... chậm hơn nữa... Hắn sắp rơi vào cơn hoảng loạn và cứ đứng nhìn chăm chăm vào thân hình mảnh dẻ, không một mảnh vải che thân của cô gái trẻ sóng sượt trên nền nhà, nghĩ. Đó không phải là lỗi của mình. Cô ta bị trượt ngã. Đầu cô gái bị vỡ khi va vào góc bạn bịt sắt, máu tràn xuống trán. Hắn đã bắt mạch cổ tay cô, nhưng không có dấu hiệu gì. Thật không tin nổi khi cô bé mới sung sướng, quằn quại trong tay hắn... Mình phải thoát khỏi đây. Ngay bây giờ! Hắn nhanh chóng mặc quần, áo. Chuyện này không chỉ là một vụ scandal bình thường mà nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới. Họ chắc không thể lần ra mình ở đây. Mặc xong quần áo, hắn vào phòng tắm, nhúng ướt chiếc khăn và lau chùi tất cả mọi chỗ mà hắn có thể chạm đến. Khi đã chắc chắn mình không để lại dấu vết nào, hắn nhìn quanh một lần cuối. Chiếc xắc tay của cô bé! Hắn nhặt lên rồi đi đến cuối phòng, nơi có thang máy riêng. Hắn bước vào trong, gắng trấn tĩnh lại. Hắn bấm nút "G", và vài giây sau đã ở trong gara. Không có ai. Hắn đang bước tới chiếc ôtô của mình, đột nhiên nhớ ra và nhanh chóng quay lại thang máy. Rút chiếc khăn tay, hắn lau những cái nút bấm. Hắn đứng khuất trong bóng tối, nhìn quanh một lần nữa để chắc chắn chỉ có một mình hắn. Cuối cùng, khi đã thấy an tâm, hắn bước tới ôtô, mở cửa và ngồi vào. Động cơ nổ êm. Chiếc xe phóng ra khỏi garage. Cô hầu buồng Filipina phát hiện ra xác chết nằm sõng soài trên trên nền nhà. “Odios ko, Kawawa naman iyong babae!” (tiếng địa phương - tỏ ý sợ hãi, kinh hoàng) Cô ta làm dấu thánh, lao ra khỏi phòng, la hét ầm ĩ. Ba phút sau, giám đốc điều hành Jeremy Robinson và Thom Peters, quản lý khách sạn đã có mặt tại 825, căn phòng sang trọng hạng nhất. Họ đứng nhìn chằm chằm vào cái xác lõa lồ của cô gái. “Chúa ơi,” Thom nói, “Cô ta chỉ 16, 17 là cùng.” Ông ta quay sang người giám đốc. “Tốt hơn hết là ta gọi cảnh sát?” “Đợi đã!” Cảnh sát. Báo chí. Dư luận. Trong một thoáng suy nhĩ, Robinson băn khoan không biết có thể cái xác một cách im lặng ra khỏi khách sạn hay không. “Thôi dược, hãy làm như vậy.” Cuối cùng Jeremy Robinson đồng ý với vẻ miễn cưỡng. Thom Perters rút ra chiếc khăn tay và dùng nó để lót bàn tay nhấc điện thoại. “Cậu đang làm cái gì vậy?” Robinson kêu lên. “Đây không phải là án mạng mà chỉ là một tai nạn.” “Chúng ta chưa biết là gì cơ mà?” Peters trả lời. Anh ta quay số và chờ. “Cảnh sát phải không? Có một xác chết ở khách sạn Monroe Arms.” Thanh tra Nick Reese có vẻ ngoài như một viên cảnh sát đường phố: cao lớn, vạm vỡ, cái mũi gẫy, dấu tích cho người ta biết ông đã từng là võ sĩ quyền Anh. Nick bắt đầu sự nghiệp là một nhân viên trong cảnh sát thủ đô Washington, sau tiến dần lên, từ hạ sĩ tới trung úy, rồi sĩ quan tuần tra cao cấp. Ông được bổ nhiệm là thanh tra D2 rồi D3 và trong 10 năm qua là người phá được nhiều vụ án nhất của phòng. Thanh tra Reese lặng lẽ quan sát hiện trường. Trong phòng còn có 6 người đàn ông khác. “ Đã ai động vào cái xác chưa?” Ông rùng mình, hỏi. Robinson nhún vai. “Chưa.” “Cô ta là ai?” “Tôi không biết.” Reese quay sang nhìn viên giám đốc. “Một cô gái trẻ chết trong căn phòng hạng nhất của ông mà ông lại chẳng biết gì về cô ta? Thế khách sạn này có sổ đăng ký khách không?” “Tất nhiên là có, ông thanh tra ạ, nhưng trường hợp này...” Robinson ngập ngừng. “Trường hợp này...?” “Ông Eugene Gant đã đăng ký phòng này.” “Ông ta là ai?” “Tôi không biết.” Thanh tra Reese không thể kiên nhẫn được nữa. “Thử xem nhé. Người đặt phòng này bắt buộc phải trả tiền... tiền mặt, thẻ tín dụng hay là cái quái gì đó đi nữa. Và người tiếp nhận ông Gant này vào chắc hẳn phải nhìn thấy ông ta. Ai tiếp nhận? “Gorman, nhân viên trực ngày.” “Tôi muốn nói chuyện với anh ta.” “Tôi... tôi sợ là không thể.” “Hả? Sao thế?” “Hôm qua anh ta đi nghỉ rồi.” “Gọi anh ta ngay.” Robinson thở dài. “Anh ta nào có nói với ai là mình đi đâu.” “Khi nào anh ta quay về?” “Hai tuần nữa.” “Tôi sẽ coi ông là người không muốn hợp tác. Tôi không có ý định đợi đến 2 tuần mà muốn có những câu trả lời ngay bây giờ. Chắc hẳn ai đó phải nhìn thấy có người ra vào phòng này chứ?” “Không chắc thế!” Robinson nói có vẻ hối lỗi. “Bên cạnh thang máy chung, phòng này còn có một thang máy riêng dẫn thẳng xuống gara ở tầng trệt. Tôi không hiểu nổi những chuyện này. Đó... rõ ràng là một tai nạn. Có thể cô ta là một con nghiện đã dùng thuốc quá liều rồi bị ngã...” Một viên thám tử tiến đến gần thanh tra Reese. “Tôi đã kiểm tra tủ quần áo. Váy cô ta mặc là của hãng GAP, giày hãng Wild Pais. Chẳng nói lên điều gì cả.” “Không có gì để nhận biết cô ta là ai à?” “Không. Nếu cô ta có xắc tay thì nó cũng biến mất rồi.” Thanh tra Reese xem xét lại xác chết lần nữa. Ông ta quay qua một viên cảnh sát gần đó. “Lấy cho tôi miếng xà phòng. Nhớ nhúng vào nước.” Viên cảnh sát tròn mắt nhìn. “Gì ạ?” “Một miếng xà phòng ướt.” “Vâng thưa ngài.” Thanh tra Reese quỳ xuống cạnh cái xác và quan sát chiếc nhẫn trên tay cô gái. “Nó giống như một chiếc nhẫn của học sinh thường đeo...” Re nhẹ nhàng chà miếng xà bông ướt dọc theo ngón tay cô gái và cẩn thận tháo chiếc nhẫn ra. Ông xoay xoay chiếc nhẫn, vừa quan sát nó vừa lẩm bẩm. “Đây là một chiếc nhẫn của trường trung học Denver. Có những chữ cái trên đó, P.Y.” Ông quay sang bảo người đứng cạnh. “Kiểm tra đi. Gọi cho trường trung học Denver để tìm hiểu cô bé là ai. Phải nhanh. thật nhanh. Thắng thua là ở sự nhanh chậm đó.” Thám tử Ed Nelson, người giám định vân tay, nói với Reese. “Rõ ràng là có vấn đề, Nick ạ. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng không thể lấy nổi dấu vân tay nào ở đây. Ai đó đã cố tình xóa hết đi.” “Vậy thì ai đó đã phải ở đây khi cô bé bị chết. Tại sao hắn ta không gọi bác sĩ? Sao hắn ta phải lau dấu vân tay ? Và còn nữa, cô bé con này làm cái quái gì ở căn phòng đắt tiền này?” Ông quay sang Robinson. “Phòng này được thanh toán bằng gì?” “Nó được trả bằng tiền mặt theo như sổ sách của chúng tôi ghi lại. Một người được ủy thác mang tiền đến còn việc đặt phòng thì qua điện thoại.” Một ai đó lên tiếng. “Bây giờ chúng ta có thể mang xác đi dược hứa Nick?” “Đợi một chút. Có tìm thấy dấu hiệu bạo lực nào không?” “Mới chỉ thấy chấn thương trên trán. Nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ làm khám nghiệm pháp y.” “Có dấu vết gì nữa không?” “Không. Tay chân cô bé rất sạch.” “Có bị hãm hiếp không?” “Chúng tôi sẽ kiểm tra.” Thanh tra Reese thở dài. “Vật tất cả những gì chúng ta có ở đây là một nữ sinh từ Denver đến Washington để rồi bị giết trong một khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố. Ai đó đã lau hết những dấu tay rồi biến mất. Mọi thứ đều chúng tỏ là một sự mờ ám. Tôi muốn biết ai thuê phòng này?” Ông ra lệnh. “Giờ đã có thể đưa cô bé đi được.” rồi quay sang thám tử Nelson. “Anh đã kiểm tra dấu tay ở thang máy riêng chưa?” “Rồi. Thang máy từ phòng này dẫn thẳng xuống gara. Chỉ có hai nút bấm và đều đã được lau sạch.” “Kiểm tra gara chưa?” “Cũng rồi. Không có gì đặc biệt cả.” “Kẻ làm việc này đã chứng tỏ hắn rất có kinh nghiệm trong việc che xóa dấu vết. Một kẻ đầy tiền án tiến sự, hoặc một VIP thích tham giavào các trò tiêu khiển bệnh hoạn.” Ông quay sang Robinson. “Ai thường thuê phòng này?” Robinson miễn cưỡng đáp. “Phòng này thường dành cho những khách quan trọng nhất. Vua, thủ tướng...” Ông ngập ngừng, “...các tổng thống.” “Trong vòng 24 giờ qua có cuộc điện thoại nào từ phòng này không?” “Tôi không biết.” Reese rất bực bội. “Nhưng các ông sẽ ghi lại chứ, nếu có?” “Tất nhiên rồi.” Thám tử Reese nhấc máy. “Tổng đài, tôi là thanh tra Nick Reese. Tôi muốn biết có cuộc gọi nào từ phòng 825, phòng bậc nhất, trong vòng 20 tiếng qua... Tôi sẽ đợi.” Ông quan sát viên thám tử phủ một tấm vải lên xác cô gái rồi đặt cô lên chiếc giường đẩy. “Chúa ơi,” Reese nghĩ. “Cô bé thậm chí còn chưa bắt đầu cuộc sống.” Ông nghe tiếng người trực tổng đài. “Thanh tra Reese?” “Tôi đây.” “Hôm qua có một cú gọi từ phòng đó. Một cuộc gọi nội hạt.” Reese rút sổ và bút chì ra. “Đọc số máy đi.” Ông lẩm nhẩm nhắc theo . “4-5-6-7-0-4-1...” Reese vừa đặt bút xuống bỗng sững lại. Ông nhìn chằm chằm vào quyển sổ. “Ôi khỉ thật!” “Chuyện gì vậy?” thám tử Nelson hỏi. Reese ngước lên. “Đó là số điện thoại của Nhà Trắng.” Chương 17 Hôm sau, đang bữa sáng, Jan hỏi. “Anh ở đâu tối hôm qua thế, Oliver?” Oliver thót tim. Nhưng chắc là câu hỏi tình cờ thôi. Bà chẳng thể biết chuyện gì đã xảy ra. Không một ai biết. Không một ai. “Anh có cuộc ha id="filepos368534">p với...” Jan cắt ngang. “Cuộc gặp đó đã hủy bỏ. Nhưng mãi 3 giờ sáng anh mới về. Em đã tìm anh khắp các phòng. Anh ở đâ vậ?” “À, có chuyện xảy ra. Sao thế? Em có cần... Có gì không ổn à?” “Bây giờ thì không có gì.” Jan nói vẻ mệt mỏi. “Oliver, anh không chỉ làm khổ em mà anh còn đang làm tổn hại đến chính anh đấy. Anh đã đi quá xa. Em không muốn thấy anh mất tất cả. Anh không thể...” Đôi mắt bà giàn giụa nước. Oliver đứng lên và đi đến choàng tay quanh người bà. “Được rồi, Jan. Mọi thứ vẫn ổn. Anh yêu em biết bao.” Mình làm mọi việc theo cách của mình, Oliver nghĩ. Chuyện xảy ra tối qua chẳng phải lỗi của mình. Chính cô ta đã gọi mình. Lẽ ra mình không nên gặp cô ấy. Ông đã rất cẩn trọng, không để cho ai nhìn thấy. Mình hoàn toàn trong sạch. Oliver tự khẳng định. Peter Tager rất lo lắng cho Oliver. Ông ta biết mình không thể nào ngăn chặn được tính háo sắc của Oliver. Có những đêm Peter Tager phải bày vẽ ra những cuộc họp đòi hỏi có mặt tổng thống tham dự, ở rất xa Nhà Trắng, và còn phải xoay sở để đội đặc vụ không kè kè bên cạnh ngài trong vài giờ. Khi Peter Tager phàn nàn về chuyện này với Nghị Sĩ Davis, ông ta nói: “À, Oliver là người thuộc diện máu nóng. Đôi khi ta cũng đành chịu bó tay. Tôi thực sự khâm phục nhân cách của anh, Peter ạ. Tôi cũng biết gia đình có ý nghĩa ra sao với anh, biết những chuyện nhăng cuội của tổng thống khiến anh khó xử thế nào. Nhưng chúng ta đừng phán xử vội. Anh hãy cố gắng giữ cho mọi chuyện càng bí mật càng tốt.” Thanh tra Nick Reese rất ghét vào phòng khám nghiệm tử thi sặc mùi chết chóc và mùi foóc-môn. Nhân viên điều tra Helen Chuan, một phụ nữ với vẻ ngoài hấp dẫn đang chờ ông ở đó. “Chào em.” Reese nói. “Đã xong chưa?” “Có kết quả sơ bộ cho anh đây, nick. Cô bé không chết bởi vết thương trên trán. Tim cô ta đã ngừng đập trước khi va đầu vào bàn. Cô bé chết vì đã dùng quá liều methylenedioxymethamphetamine.” Viên thám tử thở dài. “Em nói thế thì có trời mà hiểu, Helen ạ.” “Xin lỗi. Ngoài đường người ta gọi nó là thuốc Thần Tiên - Ecstasy.” Cô đưa cho ông bản báo cáo. “Đây là những gì mà bọn em có thể kết luận trong lúc này.” BIÊN BẢN KHÁM NGHIỆP TỬ THI Tên tử thi: Jane Doe - Hồ sơ số C-Lg61 Tóm lược: I. Phần tim bị mở rộng. A. Cardiomegaly (750 gm) B. Mở rộng bên trái tim (2.3 cm) C. Gan bị sung huyết (2750 gm) D. Phủ tạng ứ huyết (350 gm) II. Nhiễm độc thuốc phiện cấp. Tắc nghẽn máu cấp toàn phủ tạng. III. Về chất độc (xem báo cáo riêng) IV. Xuất huyết não (xem báo cáo riêng ) Kết kuận (nguyên nhân gây chết): - Phần tim bị mở rộng - Nhiễm độc thuốc phiện cấp. Nick Reese ngẩng lên. “Như vậy, nếu dịch nôm na cái bản đầy thuật ngữ y hnày ra thì là cô bé đã chết vì dùng quá liều thuốc Ecstasy đó hả?” “Đúng thế.” “Có bị xâm phạm tình dục không?” “Heln Chuan ngập ngừng một chút. “Màng trinh bị rách và có dất vết của tinh dịch cùng một chút máu ở đùi.” “Như vậy là bị hãm hiếp rồi.” “Tôi không cho là thế!” Reese nhướn mày. “Không có dấu hiệu của bạo lực.” Thanh tra Reese nhìn helen bối rối. “Cô đang muốn nói gì vậy?” “Jane Doe là một cô gái trinh tiết và đây là lần đầu tiên cô ta quan hệ tình dục.” Thanh tra im lặng phân tích thông tin. Ai đã có thể thuyết phục một cô nữ sinh trinh trắng lên căn phòng sang trọng đó để làm tình với hắn ta nhỉ? Cô bé phải biết người đó, nếu không, hắn ta phải rất nổi tiếng hoặc là người đầy quyền lực. Điện thoại reo. Helen Chuan nhấc máy. “Văn phòng điều tra đây.” Cô ta nghe một lúc rồi đưa ống nghe cho Reese. “Của anh đấy.” Nick Reese cầm máy. “Reese đây.” Vẻ mặt ông bỗng rạng rỡ: “Ồ, vâng, bà Holbrook. Cảm ơn bà đã gọi lại. Đó là một chiếc nhẫn của trường bà với hai chữ P.Y. Bà có nữ sinh nào mang chữ cái như thế không?... Tôi rất quan tâm. Cám ơn bà. Tôi sẽ đợi.” Ông ngước lên hỏi Helen. “Em chắc là cô ta không bị cưỡng hiếp chứ?” “Em không thấy có dấu vết của sự cưỡng ép Không một chút nào cả.” “Liệu có thể là sau khi cô ta chết không??” “Em nghĩ là không.” “Có tiếng bà Holbrook trong điện thoại. “Thanh tra Reese?” “Vâng.” “Theo như máy vi tính lưu trữ, chúng tôi có một nữ sinh với chữ cái P.Y. Tên cô ta là Pauline Young.” “Bà có thể mô tả cô ta chứ, bà Holbrook?” “Sao, à vâng. Pauline 18 tuổi. Cô ta thấp, béo, tóc đen...” “Được rồi.” Không phải cô ta. “Chỉ có duy nhất một cô mang tên tắt ấy sao?” “Chỉ có một cô gái tên vậy thôi.” Ông bám vội lấy ý đó. “Tức là còn có một nam học sinh cũng tên như vậy.” “Vâng. Paul Yerby. Cậy ta nhiều tuổi hơn. Nhưng giờ thì Paul đang ở Washington.” Tim Reese đập mạnh. “Cậu ta ở đây ư?” “Vâng. Cả lớp cậu ta đến Washington để thăm Nhà Trắng và...” “Và tất cả họ đang ở tại thủ đô à?” “Đúng thế!” “Ở khách sạn Lombardy. Họ chịu giảm giá nếu đi cả nhóm. Tôi đã nói chuyện với các khách sạn khác nhưng họ chẳng...” “Cám ôn bà rất nhiều, bà Holbrook.” Nick Reese đặt ống nghe xuống rồi quay sang Helen. “Cho anh biết khi nào cuộc khám nghiệm hoàn tất nhé?” “Tất nhiên. Chúc anh may mắn, Nick.” Ông gật đầu. “Anh nghĩ là anh vừa gặp may đấy.” Khách sạn Lombardy nằm trên đại lộ Pennsylvania, ngay gần Nhà Trắng, gần một số đài tưởng niệm và ga tàu điện ngầm. Thám tử Reese bước vào phòng chính của khách sạn được bài trí theo kiểu cổ và hỏi nhân viên lễ tân: “Ởû đây có ai là Paul Yerby không?” “Xin lỗi. Chúng tôi không tiết lộ...” Reese lia thẻ thanh tra ra. “Tôi đang rất vội anh bạn ạ.” “Vâng , thưa ngài.” Anh ta nhìn bản đăng ký của khách. “Có ông Yerby ở phòng 315. Tôi sẽ...?” “Không cần, tôi muốn làm anh ta ngạc nhiên. Đừng động vào điện thoại đấy.” Reese theo thang máy lên tầng 3, đi dọc hành lang, rồi dừng lại trước phòng 315. Ông nghe thấy tiếng nói từ trong phòng vọng ra. Ông cởi khuy áo jacket rồi gõ vào cánh cửa. Một thanh niên ở độ tuổi mới lớn ra mở. “Chào ông!” “Cậu là Paul Yerby.” “Không.” Cậu ta quay vào trong. “Paul, có ai tìm cậu này.” Nick Reese bước nhanh vào phòng. Một chàng trai mảnh dẻ, với quần jean áo len chui cổ, đi từ phóng tắm ra. “Cậu là Paul Yerby?” “Vâng. Ông là ai?” Reese rút phù hiệu ra. “Thanh tra Nick Reese. Có một vụ giết người.” Mặt chàng trai biến sắc. “Tôi... Tôi giúp gì được cho ông?” Nick Reese cảm nhận được nỗi sợ hãi. Ông rút chiếc nhẫn của nạn nhân ra. “Đã bao giờ cậu nhìn thấy chiếc nhẫn này chưa, Paul?” “Chưa.” Paul vội nói. “Tôi...” “Nó có các chữ cái của tên cậu đây.” “Thật sao? Ồ, vâng...” Cậu ta ngập ngừng. “Tôi đoán là của tôi. Chắc tôi đã để mất đâu đó.” “Hay đã đưa nó cho ai?” Cậu ta mấp máy môi :“Ừm, vâng, chắc thế...” “Hãy về trụ sở cảnh sát với tôi, Paul.” Paul lộ vẻ căng thẳng. “Tôi bị bắt à?” “Để làm gì chứ?” Thám tử Reese đáp. “Phải cậu đã gây rta tội ác không?” “Đương nhiên là không. Tôi...” “Vật thì sao tôi lại bắt cậu?” “Tôi... tôi không biết. Tôi không biết tại sao tôi phải cùng về đồn với ông?” Cậu Paul liếc về phía cánh cửa đang mở. Thanh tra Reese kéo cánh tay cậu ta. “Hãy cùng tôi đi một cách trật tự nhé. Đừng làm gì dại dột.” Cậu bạn học ở cùng phòng hỏi. “Cậu có muốn mình gọi cho mẹ cậu hay ai đó không, Paul?” Paul lắc đầu thiểu não. “Không. Đừng gọi cho ai cả.” Giọng cậu ta thì thào. Tòa nhà Henry I. Daly, số 300 đại lộ Indiane, NW. Washington cao 6 tầng, gạch xám, trông rất mất cảm tình, được chọn làm trụ sở cảnh sát của thành phố. Ban điều tra các vụ án giết người ở tầng 3. Trong khi Paul Yerby đang phải chụp ảnh và lấy vân tay, thanh tra Reese tìm gặp đại úy Otto Miller. “Tôi nghĩ rằng mình đã tìm ra được manh mối vụ án ở Monroe Arms.” Miller ngả người ra ghế. “Tiếp tục đi.” “Tôi đã tóm được bạn trai của cô bé. Cậu ta có vẻ hoảng sợ. Bây giờ chúng ta sẽ cùng hỏi han cậu ta một chút.” Đại úy Miller hất đầu về chồng giấy ngất ngưởng trên bàn. “Mình phải giải quyết cái đống này trong vài tháng tới đây. Đưa cho mình biên bản xét hỏi thôi.” “Cũng được!” Thanh tra Reese quay ra. “Nick... nhớ đọc trước cho cậu ta nghe các quyền lợi nhé.” Paul Yerby được đưa vào phòng thẩm vấn. Đó là một căn phòng nhỏ với một cái bàn, 4 cái ghế tựa và một máy camera. Một tấm kính chỉ nhìn được từ ngoài vào để các nhân viên có thể theo dõi cuộc thẩm tra từ phòng bên. Paul Yerby ngồi đối diện với Nick Reese cùng hai thám tử nữa; Doug Hogan và Edga Bernstein. “Cậu có biết là chúng tôi sẽ ghi lại toàn bộ cuốc đối thoại không?” Reese hỏi. “Có, thưa ngài.” “Cậu có quyền có người biện hộ. Nếu không đủ tiền, chúng tôi sẽ chỉ định một người cho cậu.” “Cậu có muốn một luật sư đại diện không?” Thám tử Berstein hỏi thêm. “Tôi không cần luật sư.” “Thôi được. Cậu có quyền im lặng. Những gì cậu nói ở đây đều sẽ có thể là bằng chứng chống lại cậu trước tòa, rõ chưa?” “Rõ rồi, thưa ngài.” “Tên chính thức của cậu là gì?” “” “Điïa chỉ?” “Số 23 đường Marion, Denver, Colorado. Nhưng tôi có làm gì sai đâu. Tôi...” “Không ai nói cậu làm sai. Chúng tôi chỉ muốn biết một vài thông tin thôi, Paul ạ. Cậu sẽ giúp chúng tôi chứ?” “Vâng, nhưng tôi...Tôi không biết tất cả... những cái này là về chuyện gì?” “Cậu không biết gì à?” “Không, thưa ngài.” “Cậu có bạn gái nào không, Paul?” “Ừm... Ông biết đấy...” “Không tôi chả biết gì cả. Sao cậu không nói cho chúng tôi biết đi?” “À được. Tôi gặp gỡ các cô gái...” “Ý cậu là hẹn hò chứ gì? Cậu đưa các cô gái ấy đi chơi à?” “Vâng.” “Cậu có hẹn riêng với cô gái nào không?” Im lặng. “Cậu có người yêu không, Paul?” “Có.” “Tên cô ấy là gì?” Thanh tra Berstein hòi. “Chloe.” “Chloe, gì nữa?” Reese gặng. “Chloe Houston.” Reese ghi lại. “Địa chỉ cô ấy, Paul?” “6-0-2 đường Oak, Denver.” “Tên bố mẹ cô ta là gì?” “Cô ấy sống với mẹ.” “Tên bà ấy là gì?” “Jackie Houston. Bà ấy là thống đốc bang Colorado.” Ba thám tử cảnh sát nhìn nhau. Quỷ thần ơi! Đó là những gì chúng ta cần! Reese giơ chiếc nhẫn ra. “Nhẫn này của cậu hả, Paul?” Cậu ta xem xét chiếc nhẫn một lát rồi trả lời một cách miễn cưỡng. “Đúng.” “Cậu đã tặng Chloe à?” Paul nuốt khan, đầy căng thẳng. “Tôi... tôi cho là thế.” “Cậu chắc chứ?” “Tôi nhớ rồi, vâng, đúng thế đấy.” “Cậu đến Washington với một nhóm bạn cùng lớp, đúng không?” “Đúng vậy.” “Chloe có trong nhóm đó không?” “Có, thưa ông.” “Thế bây giờ Chloe đang ở đâu hả Paul?” Thám tử Bernstein hỏi. “Tôi... tôi không biết.” “Cậu gặp cô ấy lần cuối cùng là khi nào?” Đến lượt Hogan hỏi. “Cách đây 2 ngày.” “Cách đây hai ngày à?” Reese hỏi. “Vâng.” “Ở đâu ?” Bernstein hỏi. “Ở Nhà Trắng.” Ba người nhìn nhau ngạc nhiên. “Cô ấy ở Nhà Trắng ư?” Reese hỏi lại. “Vâng, thưa ông, chúng tôi có một chuyến tham quan Nhà Trắng. Mẹ của Chloe đã xếp đặt chuyện này.” “Và Chloe có ở đó với cậu?” Thám tử Hogan hỏi. “Vâng.” “Có chuyện gì không bình thường xảy ra trong chuyến tham quan đó không?” “Ông muốn nói gì ạ?” “Các cậu có gặp hay nói chuyện với ai trong khi tham quan không?” “Ồ, thì tất nhiên là người hướng dẫn rồi.” “Chỉ có thế thôi?” Reese hỏi. “Đúng vậy.” “Chloe có đi cùng các cậu trong suốt thời gian đó không?” “Có...” Yerby ngập ngừng một chút, “à mà không, cô ấy có tách ra một lúc để tìm phòng vệ sinh dành cho nữ. Cô ấy đi khoảng 15 phút. Khi quay lại, cô ấy...” cậu ta dừng bặt. “Cô ấy làm sao?” Reese hỏi. “Không, chỉ là quay lại thôi.” Cậu ta rõ ràng là đang nói dối. “Này, con trai,” Thanh tra Reese nhẹ nhàng. “Cậu có biết là Chloe đã chết không?” Cả 3 cùng chăm chú theo dõi Paul. “Không, Chúa ơi, không thể như thế được. Tại sao?” Mặt Yerby nhăn nhúm lại vì nỗi đau quá bất ngờ. “Cậu không biết thật à?” “Không, tôi,,, tôi không thể tin được.” “Cậu có liên quan gì đến cái chết của Chloe không?” “Tất nhiên là không. Tôi... tôi yêu Chloe.” “Cậu đã bao giờ ngủ với c chưa?” “Không. Chúng tôi còn... đợi. Chúng tôi sắp lằm đám cưới .” “Nhưng thỉnh thoảng 2 người chắc có dùng chất kích thích chứ.” “Không, chúng tôi chưa bao giờ dùng thứ đó.” Cửa bật mở và thám tử Harry Carter với thân hình to lớn bước vào. Anh ta đến bên Reese, thì thầm điều gì đó. Reese gật đầu, rồi ông nhìn Yerby chằm chằm. “Cậu nhìn thấy Chloe lần cuối cùng vào lúc nào?” “Thì tôi đã nói rồi, ở Nhà Trắng.” Cậu ta ngọ nguậy trên ghế, vẻ lúng túng. “Thanh tra Reese cúi sát xuông Yerby, gằn giọng. “Các dấy tay của cậu đầy rẫy trong căn phòng sang trọng nhất ở khách sạn Monroe Arms. Chúng làm sao mà tự đến được đấy.” Paul Yerby ngồi đó mặt tái mét. “Cậu có thể thôi dối trá được rồi đấy. Chúng tôi đã nắm được tẩy cậu rồi.” “Tôi... tôi không làm điều đó.” “Cậu đã đặt phòng ở khách sạn Monroe Arms hả?” Thám tử Bernstein hỏi. “Không phải tôi.” Cậu ta nhấn mạnh chữ “tôi”. Thám tử Reese chộp ngay lấy. “Thế cậu biết ai đặt chứ?” “Không!” Câu trả lời buột ra rất nhanh. “Cậu thừa nhận cậu đã ở phòng đó không?” Thám tử Hogan hỏi. “Phải, nhưng ... nhưng khi tôi đi thì Chloe vẫn còn sống.” “Tại sao cậu lại bỏ đi?” Thám tử Hogan không buông. “Cô ấy yêu cầu tôi. Cô ấy... cô ấy đang chờ ai đó.” “Thôi đi nào, Paul. Chúng tôi biết chính cậu đã ghiết cô ta.” Thám tử Bernstein nói nhẹ nhàng. “Không!” Paul run lên. “Tôi thề là không hề liên quan đến chuyện đó. Tôi chỉ lên đấy với Chloe và ở lại có một lúc thôi.” “Bởi vì cô ấy đang chờ ai đó?” Thanh tra Reese hỏi. “Đúng. Cô ấy... Cô ấy có vẻ như rất sốt ruột.” “Cô ấy có nói sẽ gặp ai không?” Hogan hỏi? Cậu ta mấy máy môi. “Không!” “Cậu đang nói dối. Cô ấy có bảo với cậu.” Hogan sẵng. “Cậu nói cô ấy sốt ruột. Về chuyện gì vậy?” Thanh tra Reese quay lại vấn đề làm ông chú ý. Paul lại mấy máy môi. “Về ... về người đàn ông cô ấy sẽ gặp ở đó, trong bữa ăn tối.” “Người đàn ông đó là ai, Paul?” Thám tử Bernstein hỏi. “Tôi không thể nói cho các ông.” “Sao không?” Thám tử Hogan hỏi. “Tôi đã hứa với Chloe là sẽ không nói với ai.” “Nhưng Chloe đã chết.” Mắt Paul Yerby đã rưng rưng. “Tôi không thể tin điều đó.” “Hãy nói tên người đàn ông đó.” Thám tử Reese. “Tôi không thể. Tôi đã hứa.” “Vậy thì đây là những gì sắp đến với cậu. Cậu sẽ phải nằm trong trại giam đêm nay. Sáng mai, nếu cậu nói tên người đàn ông, chúng tôi sẽ thả cậu. Nếu không , chúng tôi sẽ kết tội cậu đã giết người.” Thám tử Reese nói như kết luận. Họ chờ đợi câu trả lời. Im lặng. Nick Reese ra hiệu cho Bernstein. “Dẫn cậu ta đi.” Thám tử Reese quay lại văn phòng của đại úy Miller. “Tôi có một tin xấu và một tin rất tồi tệ.” “Tôi không có thời gian đâu, nick.” “Tin xấu là tôi không biết chắc cậu ta có phải là người đưa Eestacy cho cô bé hay không. Tin tồi hơn là mẹ cô gái làm thống đốc Colorado.” “Ôi trời ơi! Báo chí khoái vụ này lắm đây.” Đại úy Miller hít một hơi dài. “Tại sao cậu không cho rằng chàng trai đó gây ra?” “Cậu ta thú nhận đã có ở cùng cô gái lại nói rằng cô ấy bảo cậu ta đi vì đang chờ ai đùó. Bọn trẻ thừa thông minh để kể ra câu chuyện ngu ngốc này. Tôi tin chắc cậu ta biết người đàn ông mà Chloe Houston đang đợi, song không chịu nói ra là ai.” “Cậu có ý gì không?” “Đây là lần đầu tiên cô bé, tên Chloe, đến Washington. Họ đã dạo một vòng quanh Nhà Trắng. Cô bé không quen ai ở đây. Bỗng cô ta đòi đi vệ sinh. Không có nhà vệ sinh công cộng ở Nhà Trắng. Muốn đi, phải ra ngoài, đến khu dành cho khách ở Elipse góc đường số 15 và đường E hoặc đến trung tâm cho khách tham quan Nhà Trắng. Cô bé sẽ phải mất tới 15 phút. Tôi nghĩ rằng trong khi chạy loanh quanh tìm kiếm, Chloe đã gặp một ai đó trong Nhà Trắng, ai đó mà cô bé có thể nhận ra. Có thể kẻ đó đã nhiều lần xuất hiện trên TV chẳng hạn. Cho dù ai thì cũng phải là một nhân vật quan trong. Hắn dẫn Chloe đến toa lét riêng và gây ấn tượng với cô bé, đến nỗi cô bé đã đồng ý gặp hắn ở Monroe Arms.” Đại Úy Miller trầm tư. “Có lẽ tôi nên gọi Nhà Trắng. Họ yêu cầu phải thông báo kịp thời chuyện này. Cứ tiếp tục với chàng trai đó nghe. Tôi muốn biết tên của người đàn ông kia.” “Được rồi.” Khi thanh tra Reese bước ra khỏi, đại úy Miller vớ lấy điện thoại và quay số. Vài phút sau, ông ta nói , “Vâng, thưa ngài, chúng tôi đang tạm giữ một nhân chứng. Cậu ta bị giam trong xà lim ở đồn cảnh sát, đại lộ Indiana. Vẫn chưa, thưa ngài. Tôi nghĩ là cậu ta sẽ khai trong ngày mai thôi... Vâng, thưa ngài tôi hiểu.” Sáng hôm sau, lúc 8 giờ, thanh tra Nick Reese đén xà lim của Paul Yerby thì thân hình cậu ta đã treo lủng lẳng trên một thanh ngang. Chương 18 NẠN NHN MƯỜI SÁU TUỔI - ĐƯỢC XÁC NHẬN LÀ CON GÁI THỐNG ĐỐC BANG COLORADO BẠN TRAI CỦA CÔ BỊ CẢNH SÁT NGHI NGỜ VÀ GIAM GIỮ. CẢNH SÁT ĐANG TRUY LÙNG NHN CHỨNG Hắn đọc những dòng tít trên và giật mình hoảng sợ. 16 tuổi ư? Cô ta trông có vẻ lớn hơn thế. Vậy hắn phạm tội gì nhỉ? Sát nhân? Hoặc có thể là tội ngộ sát. Thêm vào đó là tội quan hệ tình dục với lứa tuổi vị thành niên. Hắn ngắm nhìn cô gái trần truồng bước ra khỏi phòng tắm khách sạn với nụ cười bẽn lẽn. “Em chưa làm chuyện này bao giờ.” Hắn quàng tay quang người cô, vuốt ve. “Anh hạnh phúc vì được là người đầu tiên cùng em, em yêu.” Trước đó, hắn đã rót ra ly rượu có pha Ecstasy. Hắn mời cô. “Uống một chút đi. Nó sẽ làm cho em cảm thấy sung sướng hơn.” Và rồi họ làm tình với nhau. Sau đó, cô gái kêu thấy người khó chịu. Cô ta vùng ra khỏi giường, loạng choạng đập đầu vào góc bàn. Một vụ tai nạn. Tất nhiên cảnh sát sẽ không đơn giản tin vào cái sự tật đó. Nhưng nó cũng chẳng có gì liên quan đến mình cả. Không gì hết. Sự việc diễn ra như trong mơ, như một cơn ác mộng đã xảy ra với ai đó chứ không phải với hắn. Nhưng một khi đã được in lên mặt báo thì nó là chuyện có thật. Xuyên qua những bức tường của văn phònng, hắn vẫn có thể nghe thấy tiếng tiếng còi xe cảnh sát trên đại lộ Pennsylvania bên ngoài Nhà Trắng. Hắn nhìn những người xung quanh. Ai nấy đều đang cắm cúi với công việc của mình. Vài phút nữa là đến giờ họp nội các. Hắn hít một hơsâu. Mình phải lấy lại can đảm mới được. Trong phòng Bầu Dục có phó tổng thống Alvin Wicks, Sime Lombardo và Peter Tager. Tổng thống Oliver bước vào và ngồi xuống bên bàn. “Xin chào quí vị.” Một lời chào bình thường. Peter Tager hỏi. “Ngài đã dọc tờ Tribune chưa, thưa tổng thống?” “Chưa.” “Xác một cô gái vừa được phát hiện ở khách sạn Monroe Arms. Tôi e rằng đó là một tin xấu.” Oliver đột nhiên thấy mình cứng đờ người trên ghế. “Chuyện thế nào?” “Cô gái tên là Chloe Houston, con gái của thống đốc Jackie Houston.” “Ôi! Lạy Chúa!” Tổng thống như buột mồm nói. Cả 3 người kia đều ngạc nhiên trước phản ứng đó. Oliver nhanh chóng nhận ra điều đó. “Tôi... tôi có quen Jackie Houston... Từ lâu rồi. Đó... đó thật là một tin khủng khiếp. Khủng khiếp quá.” Sime Lombardo nói. “Cho dù tội ác xảy ra ở Washington thì cũng không thuộc phần trách nhiệm của chúng ta. Cái tờ Tribune này lại đang định bắt Nhà Trắng chúng ta gánh trách nhiệm ấy đây.” Melvin Wicks lên tiếng. “Có cần làm gì để bà Leslie Steward này ngậm mồm lại không?” Oliver đang hồi tưởng lại buổi tối thú vị bên Jackie năm nào. “Không cần,” Oliver nói, “tự do báo chí mà, thưa quí vị.” Peter Tager quay sang hỏi. “Thế còn bà thống đốc...” “Chuyện đó để tôi lo.” Tổng thống nói rồi bấm nút nội đàm. “Cho tôi nói chuyện với thống đốc Houston ở Denver.” “Chúng tôi đã tiến hành xem xét tình hình.” Peter Tager tiếp tục, “Tôi sẽ thu thập những con số chứng minh tình trạng tội phạm trong nước đã giảm, và ngài cũng vừa đệ trình xin Quốc Hội chi thêm ngân sách cho lực lượng cách sát, và vân vân...” Những lời lẽ vang lên thật rỗng tuếch, đến ngay cả ông ta cũng nhận thấy. “Một sự lựa chọn thật không đúng lúc,” Melvin Wicks nói. Điện thoại nội đàm kêu. Oliver nhấc máy. “Alô!” Ông nghe giây lát rồi đặt xuống. “Bà thống đốc đang trên dường tới đây.” Ông nhìn Peter Tager. “Peter, anh xem xét giùm tôi bà ta bay chuyến nào rồi đón giúp về đây.” Peter gật gật đầu, mắt vẫn không rời tờ báo, la lên: “Đây rồi. Đây là bài xã luận của tờ Tribune. Lời lẽ thật lỗ mãng.” Peter Tager chuyển cho Oliver trang báo có đăng bài xã luận. “NGÀI TỔNG THỐNG BẤT LỰC TRONG VIỆC KIỂM SOÁT TỘI ÁC TẠI THỦ ĐÔ. Đấy, bắt đầu là vậy đấy.” “Mẹ kiếp con mụ Leslie Steward,” Sime Lombardo khẽ rủa. “Phải có người nói chuyện phải quấy với mụ ta mới được.” Tại văn phòng tổng biên tập Washington Tribune, Matt Baker đang đọc lại bài xã luận công kích tổng thống Russell có thái độ nhu nhược trước làn sóng tội phạm của nước Mỹ thì Frank Lonergan bước vào. Lonergan trạc 40 tuổi, là một phóng viên có biệt tài về những vụ phạm pháp hình sự. Có thể do anh ta từng làm việc trong ngành cảnh sát. Anh hiện là một trong những phóng viên điều tra bậc nhất. “Frank, cậu viết bài xã luận này đấy à?” “Đúng vậy.” “Đoạn này nói về tình hình tội phạm ở Minnesota giản 25%. Không thể chấp nhận được. Mà sao cậu lại chỉ nói về Minnesota?” Lonergan đáp. “Đó là gợi ý của nàng công chúa tuyết.” “Kỳ cục thật.” Matt Baber cắn cảu nói. “Tôi sẽ nói chuyện với bà ta.” Lúc Matt Baker bước vào văn phòngLeslie Stewart thì nàng đang nói chuyện điện thoại. “...Tôi sẽ gửi tới để anh sắp xếp lại các chi tiết, nhưng tôi muốn chúng ta hãy tăng số tiền cho ông ta, càng nhiều càng tốt. Đằng nào nghị sĩ Embry của bang Minnesota cũng đi ăn trưa với tôi hôm nay và tôi sẽ lấy danh sách đó từ chỗ ông ta. Cám ơn.” Nàng đặt máy xuống. “Ồ, Matt.” Matt Baker bước lại sát bàn Leslie. “Tôi muốn nói chuyện về bài xã luận này.” “Được đấy chứ, phải không?” “Thối lắm, Leslie ạ. Sặc mùi bôi nhọ. Tổng thống chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết về tình hình tội phạm ở Washinton, D.C. Đã có ngài thị trưởng lo chuyện đó, và còn cả cảnh sát nữa. À, còn chuyện tội phạm giảm 25% ở Minnesota là cái quái quỷ gì vậy? Bà lấy ở đâu ra con số này?” Leslie Stewart ngả người ra ghế, bình tĩnh đáp. “Matt, đây là tờ báo của tôi. Và tôi sẽ nói bất kỳ điều gì tôi muốn. Oliver Russell là một tổng thống tồi. Gregory Embry có thể đảm nhiệm vai trò ấy tốt hơn nhiều. Chúng ta sẽ giúp ông ấy vào Nhà Trắng.” Nhận thấy vẻ biến đổi trên khuôn mặt Matt, nàng hạ giọng. “Thôi nào Matt. Tờ Tribune là cánh tay phải của kẻ chiến thắng. Ông ta đang trên đường tới đây đấy. Liệu anh có muốn đi ăn trưa cùng chúng tôi không?” “Không! Tôi không thích những kẻ ăn đồ bố thí.” Ông quay người rời khỏi văn phòng. Phía ngoài hành lang, Matt Baker đụng với nghị sĩ Embry. Ông thượng nghị sĩ ở độ tuổi 50, nom ra vể vênh vang lắm. “Ồ, chào ngài nghị sĩ. Xin chúc mừng ngài.” Embry nhìn Matt, bối rối. “Cảm ơn. Nhưng vì chuyện gì vậy?” “Vì ngài đã làm giảm dược 25% nạn tội phạm trong bang.” Nói rồi Matt Baker bỏ đi, để lại sau lưng ông thượng nghị sĩ với vẻ mặt sững sờ. Bữa ăn trưa diễn ra tại một nhà hàng trang trí nội thất theo kiểu cổ do Leslie Stewart đặt trước. Khi nàng và nghị sĩ Embry bước vào, người quản lý vội chạy ra đón. “Bữa trưa đã sẵn sàng, thưa bà Stewart. Bà có dùng chút rượu không?” “Tôi thì không,” Leslie trả lời. “Còn ông nghị sĩ thì thế nào?” “Ồ, thường là tôi không uống vào ban ngày, nhưng hôm nay thì xin bà một ly Martini.” Leslie Stewart thừa biết nghị sĩ Embry uống rượu suốt ngày. Nàng có cả đống tư kiệu về ông ta. Ông ta có một vợ, 5 đứa con và một cô nhân tình người Nhật. Mong muốn của ông ta là thành lập một tổ chức quân sự bí mật ngay tại bang mình. Song những điều đó đều chẳng có nghĩa gì vói Leslie. Điều quan trọng hơn cả là ngài nghị sĩ Gregory Embry rất có hứng thú với những vụ làm ăn lớn. Một mình. Tự mình làm. Vàrất có lòng tin ở mình. Và Washington chính là món hàng số một. Lesli hiểu rõ điều này và nàng rắp tâm hỗ trợ ông ta ở canh bạc đó. Trở thành tổng thống, Embry không thể quên ơn nàng. Họ đang ngồi bên bàb ăn. Nghị sĩ Embry nhấp ngụm Martini thư hai. “Tôi muốn cảm ơn bà về bài báo vừa rồi, thật là một cử chỉ đẹp.” Leslie cười tươi. “Đó là mong muốn của tôi. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp ông đánh bại Oliver Russell.” “Ồ, tôi nghĩ là mình đang gặp may.” “Tôi cũng nghĩ vậy. Dân tình đã bắt đầu mệt mỏi về những vụ scandal của tổng thống. Tôi cho rằng chỉ cần thêm một chuyện nữa trước ký bầu cử,ta sẽ mất hết tín nhiệm.” Nghị sĩ Embry đăm đăm nhìn Leslie thăm đò. “Bà có nghĩ tình hình sẽ như vậy không?” Leslie gật đầu, nhẹ nhàng nói, “Tôi không ngạc nhiên về điều đó.” Bữa trưa hôm ấy quả là ngon. Cú điện thoại gọi đến là của Antonio Valdez - trợ lý phòng điều tra. “Bà Stewart, có phải bà muốn nhờ tôi tìm và tập hợp tài liệu về vụ Chloe Houston cho bà không?” “Đúng vậy.” “Cấp trên yêu cầu giữ bí mật, nhưng vì bà là chỗ thân quen nên tôi nghĩ...” “Anh đừng lo. Tôi sẽ cẩn thận. Cho tôi biết thông tin về giải phẫu tử thi đi.” “Nguyên nhân cái chết là do một loại ma túy dạng lỏng có tên là Ecstasy.” “Gì cơ?” “Ecstasy. Cô bé đã uống ruợu pha với chất đó.” ”Anh có một bất ngờ nho nhỏ dành cho em đây. Anh muốn em thử nó. Đây là Ecstasy ở dạng lỏng... Một người bạn đã cho anh...” Và xác người phụ nữ được tìm thấy trên sông Kentucky được xác định chết là do uống quá liều Ecstasy... Leslie ngồi thừ người ra, tim đập thình thịch. Đó là ý Chúa. Leslie cho gọi Frank Lonergan tới. “Tôi muốn anh theo dõi vụ Chloe Houston. Theo tôi thì tổng thống có thể dính líu vào vụ đó.” Frank Lonergan chằm chằm nhìn bà chủ, khinh ngạc. “Tổng thống ư?” “Trong vụ này có vài uẩn khúc gì đó. Tôi tin chắc vậy. Chàng trai bị bắt giữ thì cứ khăng khăng đây là một vụ tự tử. Mà cậu ta cũng đã chết. Tôi muốn anh kiểm tra lại thời gian của tổng thống vào buổi chiều và tối hôm xảy ra vụ án. Hãy cầu Chúa để ông ta đủ chứng cứ ngoại phạm. Tôi muốn việc này phải hành động kín đáo. Tuyệt đối bí mật. Và anh chỉ báo cáo cho mình tôi thôi.” Frank Lonergan hít một hơi thật sâu. “Bà biết chuyện này nghĩa là gì không?” “Hãy bắt đầu ngay đi. À Frank nà.” “Tôi đây.” “Hãy tìm trên Internet giúp tôi về cái chất gọi là Ecstasy. Xem nó có liên hệ gì với Oliver Russell không.” Trên trang y tế của mạng Internet, mục về ma túy, Lonergan tìm thấy tư liệu về Miriam Friedland, cựu thư ký của Oliver Russell. Cô ta đang nằn điều trị tại bệnh viện ở Frankfort, bang Kentucky. Lonergan lập tức gọi điện tới. Bác sĩ nói. “Cô Friedman mới mất cách 2 hôm. Từ lúc vào viện tới khi chết, cô ấy không một lần tỉnh.” Frank Lonergan gọi điện tới văn phòng của thống đốc Houston. “Tôi rất tiếc.” Nhân viên thư ký nói, “bà thống đốc đang trên đường tới Washington.” 10 phút sau, Frank Lonergan có mặt ở sân bay quốc gia. Anh đã đến muộn. Hành khách từ trên máy bay bước xuống. Lonergan nhìn thấy Peter Tager tiến lại chào một phụ nữ tóc vàng, quyến rũ, trạc 40 tuổi. Họ vừa đi vừa trò chuyện, tới chiếc Limousine đang chờ sẵn. Tager mở cửa xe. Bà khách gật đầu như cám ơn rồi ngồi vào. Đứng từ xa, Lonergan thầm nghĩ: mình sẽ phải nói chuyện với quí bà này. Anh cho xe quay về thành phố và phôn từ xe hơi. Đến lần gọi thứ 3, anh được biết là bà thống đốc đã đặt phòng tại khách sạn Four Seasons. Khi Jackie Houston được dẫn vào phòng đọc sách nhỏ nằm ngay cạnh phòng Bầu Dục, Oliver Russell đã đợi bà tại đó. Tổng thống nắm lất tay bà. “Jackie, tôi rất lấy làm tiếc. Thật không có lời nào để chia buồn cùng bà.” Cũng đã 17 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng họ gặp . Họ đã quen nhau trong một văn phòng luật sư ở Chicago, Hồi đó bà vừa tốt nghiệp trường luật, là một cô gái trẻ, hấp dẫn. Rất nhanh chóng họ có một cuộc tình ngắn ngủi, nồng cháy , không dễ quên. 17 năm đã qua. Còn Chloe thì vừa tròn 16 tuổi. Ông không dám hỏi Jackie điều đang cắn rứt mình. Ta cũng chẳng muốn biết. Họ im lặng nhìn nhau. Tới lúc Oliver nghĩ rằng bà đang sắp nói về quá khứ, ông quay mặt nhìn ra chỗ khác. Jackie Houston nói. “Cảnh sát nghĩ rằng Paul Yerby có dính dáng tới cái chết của Chloe.” “Có lẽ vậy.” “Không đâu.” “Không ư?” “Paul yêu Chloe lắm. Thằng bé chẳng nỡ làm điều gì hại nó cả.” Giọng bà như nghẹn lại. “Chúng nó... chúng nó đang định làm đám cưới.” “Theo những gì tôi biết thì cảnh sát đã tìm thấy dấu vân tay của chàng trai này trong phòng khách sạn, nơi cô bé bị giết.” Jackie Houston nói. “Báo chí viết rằng... chuyện đó xảy ra ở dãy phòng Đế Vương tại khách sạn Monroe Arms.” “Đúng thế.” “Oliver, Chloe chỉ có ít tiền học bổng. Còn bố của Paul thì là một nhân viên đã về hưu. Thế thì chúng nó lấy tiền ở đâu mà thuê được dãy phòng đế vương ấy?” “Tôi... tôi cũng không hiểu.” “Cần phải sáng tỏ chuyện này. Tôi sẽ không bỏ cuộc chừng nào chưa tìm được kẻ gây cái chết của con gái tôi.” Bà chau mày. “Chiều hôm đó, Chloe có hẹn với ông phải không? Ông có tới gặp con bé không?” Tổng thống chần chừ một lát. “Không! Tôi cũng rất muốn gặp Chloe, Không may hôm đó lại có việc đột xuất nên dành phải hủy cuộc hẹn với cháu.” Tại một căn hộ ở phía đầu kia thành phố. Trên giường, đôi tình nhân đang quấn chặt lấy nhau. “Em không sao chứ, JoAnn?” “Em khỏe, Alex ại.” “Trông em có vẻ lơ đãng thế nào ấy. Em đang nghĩ gì vậy?” “Chẳng gì cả.” JoAnn McGrath nói. “Thật không?” “Ừ, thật ra thì em đang nghĩ tới cô gái tội nghiệp bị giết hại trong khách sạn em.” “À, anh cũng có có đọc về vụ đó. Cô bé là con gái một thống đốc đấy.” “Đúng thế .” “Cảnh sát có tìm ra người đã ở cùng cô ấy không?” “Không. Họ cũng đã thẩm vấn hết thẩy mọi người trong khách sạn.” “Cả em ư?” “Vâng. Tất cả những gì em có thể nói với cảnh sát là một cú điện thoại.” “Điện thoại gì vậy?” “Có ai đó ở dãy phòng Đế vương ấy đã gọi điện đến Nhà Trắng.” “Đột nhiên hắn sững lại. Rồi hắn nói thản nhiên. “Chuyện đó chẳng có nghĩa gì. Ai mà chẳng có việc phải gọi tới Nhà trắng. Nào em yêu, làm cho anh nóng lên đi.” Frank Lonergan vừa từ sân bay về tới tòa soạn thì điện thoại cấm tay của anh reo. “Lornegan đây.” “Chào ngài phóng viên. Cổ họng ngắn đây. Ngài vẫn bỏ tiền mua tin đấy chứ?” Đó là Alex Coopper, kẻ chuyên sống bằng nghề bán tin. Chính Lonergan đã đặt cho gã cái bí danh Cổ họng ngắn. Anh ỡm ờ. “Còn tùy thuộc vào độ sốt dẻo và tin cậy của nó.” “Nó sẽ làm anh nhảy dựng lên đây. Tôi muốn 5 000 đôla.” “Tạm biệt nhé, cổ họng ngắn.” “Đừng vội cúp máy. Đó là tin về cô gái bị giết ở khách sạn Monroe Arm.” Điều đó đột nhiên cuốn hút Franck Lonergan. “Có chuyện gì về cô gái?” “Ta nên gặp nhau ở đâu nhỉ, ngài phóng viên?” “Đúng nửa tiếng nữa, tại nhà hàng Ricco’s.” Hai giờ chiều, Frank Lonergan và Alex Cooper đều cùng có mặt tại điểm hẹn. Lonergan không thích làm việc với Alex vì hắn là con người không đàng hoàng. Nhưng từ trước tới giờ hắn rất được việc. Tuy vậy, với “vụ” này, Lonergan cũng không chắc ở hắn lắm. “Hy vọng anh không làm mất thì giờ của tôi.” Lonergan nói. “Ồ, tôi không nghĩ đây là chuyện lãng phí thời gian. anh nghĩ gì nếu tôi nói rằng có sự liên quan giữa Nhà Trắng với hung thủ, kẻ đã giết cô gái?” Một vẻ khoái trá hiện ra trên khuôn mặt Alex. Frank Lonergan cố kiềm chế. “Tiếp đi.” “5000 đô chứ?” “1000” “Hai.” “Được, anh nói đi.” “Cô bồ của tôi trực điện thoại tại Monroe Arms.” “Tên cô ấy là gì?” “JoAnn McGrath.” Lonergan ghi lại vào sổ. “Rồi sao?” “Có ai đó ở dãy phòng đế vương đã gọi điện tới Nhà trắng vào thời điểm cô gái ở đó.” “Tôi nghĩ tổng thống có liên quan tới vụ này” lời của Leslie Stewart vang lên. “Độ tin cậy của thông tin này?” “Chắc như đinh đóng cột.” “Tôi sẽ kiểm tra lại. Nếu đúng thì anh sẽ có tiền. Anh đã nói tin này với những ai, ngoài tôi?” “Chưa ai hết.” “Tốt. Không được kể cho ai khác đấy.” Lonergan đứng dậy. “Ta sẽ liên lạc sau”. “Còn chuyện này nữa.” Cooper nói. Lonergan đứng lại “Chuyện gì ?” “Anh cũng đừng cho ai biết là tôi đã cung cấp tin này. Tôi không muốn JoAnn từ nay sẽ không tin tôi nữa.” “Được thôi.” Ngồi lại một mình, Alex Cooper nhẩm tính xem sẽ làm gì với số tiền 2000 đô mà không để JoAnn biết. Tổng đài điện thoại khách sạn Monroe Arms nằm ở một góc bên cạnh quầy lễ tân. Lúc Lonergan bước vào với cặp tài liệu trên tay, JoAnn McGrath đang bận việc. Anh nghe thấy cô ta nói qua điện thoại. “Tôi sẽ chuyển máy cho ngài. Xin chờ một chút.” JoAnn nối máy rồi quay lại phía Lonergan. “Tôi có thể giúp gì cho ông?” “Tôi là người của công ty điện thoại.” Lonergan nói. anh rút ra một tấm thẻ. “Chúng tôi có một số rắc rối.” JoAnn McGrath nhìn anh ngạc nhiên. “Chuyện gì vậy?” “Có người khiếu nại rằng phải trả tiền cước phí cho những cuộc gọi không phải của họ.” Anh vờ tra lại trong tập hồ sơ. “Ngày 15 tháng 10. Họ phải trả tiền cuộc gọi đi Đức, mà họ thì không quen ai ở Đức cả. Thế nên họ bực mình lắm.” “Ồ, nhưng nào tôi có biết gì về chuyện này?” JoAnn nói một cách bực dọc. “Tôi cũng không nhớ là đã có cuộc gọi nào đi Đức vào tháng trước không?” “Cô có ghi lại các cuộc gọi của ngày đó không?” “Tất nhiên là có.” “Làm ơn cho tôi xem một chút.” “Được thôi.” Cô lôi ra dưới đống giấy tờ một tấm bìa kẹp hồ sơ. Chuông điện thoại lại reo. Trong lúc JoAnn bận nghe máy, Lonergan nhanh chóng lật tìm tư liệu mình cần. Ngày 12 tháng 10... Ngày 13... 14... 16... Tờ ghi các cuộc gọi của ngày 15 đã bị mất. Frank Lonergan đã chờ sẵn tại khách sạn Four Seasons khi Jackie Houston từ Nhà Trắng trở về. “Xin lỗi, bà là thống đốc Houston?” “Vâng.” Bà ta quay lại. “Tôi là Frank Lonergan, phóng viên báo Washington Tribune tôi muốn gửi tới bà lời chia buồn sâu sắc của tờ báo chúng tôihống đốc.” “Cám ơn anh.” “Liệu bà có thể dành cho tôi vài phút để trò chuyện không, thưa bà?” “Tôi thực sự không...” “Tôi nghĩ sẽ có ích”... Anh hất đầu về phía phòng chờ của khách sạn. “Chúng ta có thể tới đó, vài phút thôi?” Bà thống đốc thở dài. “Cũng được.” “Tôi biết con gái bà đã tới tham quan Nhà Trắng vào đúng cái hôm mà...” Anh không thể nói nổi hết câu. “Đúng thế. Con bé... nó tới đó cùng lũ bạn học. Nó rất muốn được gặp mặt Tồng Thống.” Lonergan cố giữ giọng tự nhiên. “Cô bé có cuộc hẹn với tổng thống Russell phải không?” “Phải. Chính tôi sắp xếp cuộc gặp này. Tôi và tổng thống là bạn cũ.” “Thế cô bé có gặp được tổng thống không, thưa bà Houston?” “Không, ông ấy mắc công việc đột xuất.” Giọng bà ta nghẹn lại. “Có một điều tôi dám chắc...” “Điều gì, thưa bà?” “Paul Yerby không giết con bé. Chúng nó rất yêu nhau.” “Nhưng cảnh sát cho rằng...” “Tôi không quan tâm những gì họ nói. Họ đã bắt giữ chàng trai đó vô tội. Cậu ta... cậu ta thất vọng tới mức đã treo cổ tự vẫn. Thật khủng khiếp.” Frank Lonergan chăm chú nhìn bà thống đốc, giọng dè dặt: “Nếu không phải là Paul Yerby thì bà có nghĩ đến là ai khác không? Ý tôi muốn nói là cô bé có nói sẽ gặp ai đó ở Washington không?” “Không. Con bé chẳng quen ai ở đây cả. Con bé muốn...” Mắt bà bỗng nhòa lệ.”Xin lỗi. Hãy bỏ qua cho tôi.” “Ồ, không có gì. Cám ơn bà đã dành thời gian cho tôi, thưa thống đốc Houston.” Nơi tiếp theo Lonergan tới là nhà xác. Helen Chuan vừa bước ra khỏi phòng xét nghiệm tử thi. “Ồ, ai thế kia!” “Chào tiến sĩ.” “Cơn gió nào mang anh tới đây, Frank?” “Tôi muốn nói chuyện với cô về Paul Yerby.” Helen Chuan thở dài. “Thật là đáng xấu hổ. Chúng đều còn quá trẻ.” “Lý do gì khiến một chàng trai như vậy lại tự tử nhỉ?” Helen Chuan nhún vai. “Ai mà biết được.” “Ý tôi là cô có chắc cậu ta tự tử không?” “Kết quả kiểm tra hiện trường và xét nghiệm thì đúng như vậy. Dây thắt lưng xiết cổ cậu ta chặt tới nỗi người ta phải cắt bỏ mới gỡ ra được.” “Không có dấu hiệu gì ở hiện trường hay trên thi thể cậu ta chứng tỏ có sự sát hại sao?” Cô nhìn anh tò mò. “Không!” Lonergan gật đầu. “OK. Cảm ơn. Đừng để các xác chết của cô phải chờ đợi lâu.” “Hài hước thật.” Phía ngoài hành lang có một buồng điện thoại. Hỏi tổng đài, Lonergan có được số điện thoại của bố mẹ Paul Yerby. Bà mẹ nhấc máy, giọng mệt mỏi. “Alô!” “Bà Yerby phải không ạ?” “Vâng.” “Xin lỗi đã làm phiền bà. Tôi là Frank Lonergan, phóng viên tờ Washington Tribune. Tôi muốn...” “Tôi không thể.” Một lát sau, ông Yerby nghe máy. “Tôi xin lỗi. Vợ tôi... báo chí làm phiền chúng tôi suốt cả sáng nay. Chúng tôi không muốn...” “Chỉ một phút thôi, thưa ông Yerby. Có người ở Washington tin rằng con trai ông bà không giết Chloe Houston.” “Tất nhiên là không!” Giọng ông trở nên mạnh mẽ hơn. “Thằng bé chẳng bao giờ, chẳng đời nào làm vậy.” “Cậu Paul nhà ta có bạn bè gì ở Washington không?” “Không. Nó chẳng quen ai ở đó cả?” “Tôi hiểu. Vậy nếu c giúp gì được...” “Anh có thể giúp chúng tôi một việc được không anh Lonergan? Chúng tôi đã thu xếp mang xác thằng bé về đây rồi. Nhưng còn đồ đạc thì chưa. Chúng tôi muốn lấy về bất cứ thứ gì còn lại của nó. Anh có thể giải quyết giúp chúng tôi chuyện nhỏ này không?” “Tôi sẽ giúp ông.” “Chúng tôi vô cùng cám ơn anh.” Tại trụ sở cảnh sát, viên sĩ quan mở hộp dựng đồ dùng cá nhân của Paul Yerby. “Không nhiều lắm đâu.”Anh ta nói. “Chỉ có quần áo và một cái máy ảnh thôi.” Lonergan thò tay vào hộp và lôi ra chiếc thắt lưng màu đen. Nó không hề bị cắt. Frank Lonergan bước vào phòng làm việc của Deborah Kanner - thư ký chuyên trách xếp lịch các cuộc hẹn của Tổng thống Russell. Cô ta đang chuyển bị đi ăn trưa. “Tôi có thể giúp gì được anh , Frank?” “Deborah, tôi có một vấn đề.” “Chuyện gì đây?” Frank Lonergan vờ nhìn sổ tay. “Tôi có nguồn tin nói rằng vào ngày 15 tháng 10 tổng thống có cuộc gặp bí mật với một đặc phái viên Trung Quốc để bàn về vấn đề Tây Tạng.” “Tôi không hề biết gì về cuộc gặp này.” “Cô có thể xem lại giúp tôi được không?” “Anh bảo ngày nào nhỉ?” “Ngày 15 tháng 10” Lonergan nhìn Deborah lôi từ ngăn kéo ra tập hồ sơ ghi các cuộc gặp và giở lướt qua. “Ngày 15 tháng 10 ư? Anh muốn nói vào giờ nào?” “10 giờ tối, ngay tại đây, trong phòng Bầu Dục.” Cô ta lắc đầu. “Không phải. 10 giờ tối hôm đo,ù tổng thống có cuộc hẹn với tướng Whitman.” Lonergan cau mày. “Không phải như vậy? Cho tôi xem qua một chút.” “Xin lỗi. Tôi không thể. Nhưng chính xác đấy.” 30 phút sau. Frank Lonergan đang nói chuyện với tướng Whitman. “Thưa ngày, tờ Tribune muốn đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa ngài và tổng thống vào ngày 15 tháng 10 vừa qua. Tôi cho là có một số điểm quan trọng đang được bàn cãi.” Vị tướng lắc đầu. “Tôi không biết anh lấy tin này từ đâu, anh Lonergan. Bời vì cuộc gặp đó đã bị hủy bỏ. Tổng thống bận việc khác.” “Ngài có chắc như vậy không?” “Một trong 2 người là tôi mà lại không chắc ư? Chúng tôi đang thu xếp một cuộc gặp khác.” “Xin cám ơn ngài.” Frank Lonergan quay về Nhà Trắng. Anh lại vào văn phòng của Deborah Kanner. “Anh biết mấy giờ rồi không, Frank?” “Thì cũng vậy thôi.” Lonergan nói vẻ hối hận. “Người cung cấp tin cho tôi thề rằng Tổng thống đã gặp mặt ngay tại đây, với phái viên Trung Quốc để bàn về Tây Tạng.” Cô thư ký nhìn anh vẻ khó chịu. “Tôi phải nói thế nào để anh tin vào giờ đó, ngày đó tổng thống không có cuộc gặp nào như vậy cả.” Lonergan thở dài. “Nói thật tôi cũng chẳng biết phải làm sao đây. Sếp tôi thì cứ muốn đăng tin này, vì nó cũng khá quan trọng. Có lẽ chúng tôi cứ cho đăng vậy.” Anh làm bộ đi ra cửa. “Đợi đã.” Anh quay lại. “Gì vậy?” “Anh không thể đăng bừa vậy được. Chuyện ấy hoàn toàn không xẩy ra. Tổng thống sẽ nổi giận cho mà xem.” “Đăng hay không đâu phải do tôi quyết định.” Deborah lưỡng lự. “thế nếu tôi chứng minh cho anh rằng hôm đó tổng thống có gặp tướng Whitman thì anh sẽ quên chuyện này đi chứ?” “Tất nhiên rồi. Tôi đâu muốn gây rắc rối với Nhà Trắng làm gì.” Lonergan nhìn Deborahôi tập tài liệu ra, lần giở các trang. “Đây là danh sách những cuộc hẹn của tổng thống trong ngày đó. Xem nhé, ngày 15 tháng 10.” Danh sách dài 2 trang. Deborah chỉ vào cột ghi thời gian 10 giờ tối...”Đây anh nhìn đi, giấy trắng mực đen hẳn hoi.” “Cô nói đúng.” Lonergan đáp. Anh đang mải tìm kiếm trên trang giấy. Một cuộc hẹn lúc 3 giờ. Chloe Houston. Chương 19 Cuộc họp bất thường diễn ra ở phòng Bầu dục mới chỉ bắt đầu được vài phút màkhông khí dường như đã rất căng thẳng bì các mối bất hòa mang sẵn trong mỗi người tham dự. Bộ trưởng quốc phòng lên tiếng: “Tình hình sẽ ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta nếu ta vẫn trì hoãn hành động. Nó sẽ là quá muộn để ngăn chặn sự việc.” “Chúng ta không thể hành động vội vã được.” Nói đoạn, tướng Stephan Gossard quay sang hỏi giám đốc CIA. “Ông đã có trong tay những thông tin gì?” “Rất khó nói. Chúng tôi chỉ chắc hắn là Libya đang mua một số lượng lớn vũ khí từ Iran và Trung Quốc.” Tổng thống Oliver nhìn về phía ngoại trưởng hỏi. “thế Libya phủ nhận việc đó à?” “Vâng đúng vậy. Cả phía Trung Quốc và Iran cũng thế.” Tổng thống hỏi tiếp. “Còn phía các nước Ả rập thì sao?” Giám Đốc CIA đáp: “Thưa tổng thống, theo những thông tin mà tôi có được, nếu Israel tấn công, thì đó sẽ là cái cớ mà các nước Ả rập đang mon đợi. Họ sẽ tham gia vào việc loại bỏ Israel.” Tất cả cùng nhìn Tổng thống. “Ông có những nguồn tin đáng tin cậy ở Libya phải không?” Tổng thống hỏi. “Vâng, thưa tổng thống.” “Tôi muốn những tin mới nhất. Nếu có, hãy báo cho tôi ngay. Xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự tấn công, chúng ta sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài hành động.” Cuộc họp đến đây phải hoãn lại. Giọng của thư ký tổng thống vang lên qua nội đàm “Thưa tổng thống, có ngài Tager xin gặp.” “Mời ông ta vào.” “Cuộc họp diễn ra như thế nào?” Vừa vào Peter Tager đã hỏi. “Ồ, đây chỉ là một cuộc họp bình thường.” Oliver nói với vẻ thất vọng, “về chuyện sẽ có một cuộc chiến tranh trong nay mai...” “Và kèm theo cả vấn đề lãnh thổ?” Tager nói vẻ cảm thông. “Đúng vậy.” “Nghe chừng có vẻ hay đấy.” “Xin mời ngồi.” Peter Tager vừa ngồi xuống vừa hỏi. “Vậy anh có biết chuyện gì về cái tiểu vương quốc Ả rập thống nhất không?” “Không nhiều lắm, “Oliver trả lời. “cách đây 20 năm, có 5 hay 6 nước Ả rập gì đó đã tập hợp nhau lại để thành lập một liên minh.” “Có tất cả 7 nước. Họ thành lập vào năm 1971. Đó là các nước Abu Dhabi, Fujaira, Dubai, Sharjah, Rasal-Khaimah, Unim al-Auaiwan và Ajman. Khi chưa liên minh với nhau thì họ chẳng là gì cả. Nhưng khối liên minh này đã phát triển một cách không thể hình dung nổi. Hiện nay, họ là một trong những nước có mức sống cao nhất. Tổng sản phẩm quốc nội đã vượt hơn 39 tỉ đôla vào năm ngoài.” Oliver nói với vẻ sốt ruột. “Tôi đoán là có một tin gì đó phải không, Peter?” “Đúng vậy. Người đứng đầu của hội đồng các tiểu cường quốc Ả Rập muốn gặp anh.” “Được thôi. Vậy tôi sẽ gọi cho Bộ trưởng bộ quốc phòng...” “Nhưng ông ta chỉ muốn gặp riêng anh, và ngay hôm nay.” “Anh nói nghiêm túc không đấy? Tôi không chắc là mình...” “Oliver này, dòng họ Majlis là một trong những thế lực lớn của khối Ả rập và còn được các quốc gia Ả Rập khác rất kính nể. Cuộc gặp này có thể mở ra nhiều triển vọng tốt cho ta. Tôi biết điều này là không tuân thủ qui định quốc gia nhưng tôi nghĩ là anh nên gặp họ.” “Một cuộc gặp gỡ chính thức sẽ thuận tiện hơn nếu như tôi...” “Tôi sẽ sắp xếp mọi việc.” “Vậy họ muốn gặp ở đâu?” “Họ có du thuyền đang đậu ở vịnh Chesepeake, gần Annapolis. Tôi sẽ đưa anh đến đó một cách kín đáo.” Oliver ngồi bất động, nhìn trân trân lên trần nhà. Cuối cùng ông vươn về phía trước và ấn nút nội đàm. “Hãy hoãn tất cả các cuộc hẹn chiều nay cho tôi.” Chiếc du thuyền tuyệt đẹp dài tới 212 ft (~60m) đang neo ở vịnh. Tất cả mọi người trên thuyền đều đang chờ đợi tổng thống Mỹ. Toàn bộ thủy thủ là người Ả Rập. “Xin chào mừng ngài đến đây, thưa tổng thống.” Ali Al-Fulani, thư ký thứ nhất của các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất lên tiếng. “Xin mời ngài lên thuyền.” Khi Oliver bước du thuyền, viên thư ký ra hiệu cho thủy thủ đoàn. Vài phút sau, thuyên đã lướt đi. “Chúng ta sẽ đi xuống tầng dưới phải không?” Tổng thống hỏi viên thư ký. “Phải.” Ta có thể bị giết hoặc bị bắt cóc ở một nơi nào đùó. Đây là việc ngu xuẩn nhất từ trước đến nay mà ta đã làm. Có lẽ chúng “điệu” ta tới đây để có thể dễ dàng bắt đầu cuộc tấn công vào Israel trong khi ta không thể đưa ra mệnh lệnh nào hòng trả đũa lại. Tại sao ta lại đồng ý với Tager đi gặp bọn chúng cơ chứ? Nhưng Oliver vẫn theo Ali Al-Fulani xuống cầu thanh, đến một căn phòng lộng lẫy được bài trí theo kiểu Trung Đông. Ở đó có 4 gã Ả Rập lực lưỡng canh gác. Một người đàn ông đang ngồi trên tràng kỉ vội đứng dậy khi Oliver bước vào. Ali Al-Fulani nói: “Xin giới thiệu với tổng thống, đây là Quốc Vương Hamad đáng kính.” Hai người bắt tay nhau. “Rất hân hạnh được gặp Quốc Vương.” “Cám ơn ngài đã đến, thưa tổng thống. Xin mời ngài dùng trà.” “Cám ơn quốc vương, tôi xin được không dùng.” “Tôi cho rằng cuộc gặp gỡ này không quá đường đột với ngài,” Quốc Vương Hamad bắt đầu. “Thưa tổng thống, từ hàng trăm năm nay, rất khó khăn, nếu nhhư không nói là không thể được, trong việc giải quyết các vấn đề giữa 2 nước chúng ta; những mâu thuẫn về chính trị, ngôn ngữ, đạo giáo và văn hóa. Đó là lý do của rất nhiều cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa 2 phía. Nếu người Do Thái có chiếm đất của người Palestine, thì cũng không ai ở Omaha hay Kansas bị ảnh hưởng. Họ vẫn sống bình thường như đang họ sống. Nếu có một giáo đường Do Thái ở Jerusalem bị đánh bom, thì những người Ý ở Rome và Venise cũng chẳng phải bận tâm tới.” Oliver tự hỏi không biết bài diễn văn này sẽ dẫn đến đâu đây. Liệu đó có phải là một lời cảnh báo cho cuộc chiến tranh sắp tới không? “Chỉ có một nơi duy nhất trên thế giới phải chịu những tổn hại do các cuộc chiến tranh ở Trung Đông gây ra, chính là Trung Đông.” Ông ta vươn người về phía Oliver. “Và bây giờ là lúc chúng ta chấm dứt sự điên rồ này.” Bắt đầu rồi đây. Oliver nghĩ. “Những người lãnh đạo của các vương quốc Ả Rập và dòng dọ Majlis đã trao cho tôi một sứ mệnh là trình lên ngài một yêu cầu.” “Tôi xin được nghe.” “Một yêu cầu hòa bình.” Oliver kinh ngạc “Hòa bình?” “Chúng tôi muốn giải hòa với đồng minh của các ngài, Israel. Lệnh cấm vận của các ngài đối với Iran và các nước Ả Rập đã làm chúng tôi thiệt hại hàng tỉ đôla mỗi năm. Chúng tôi muốn chấm dứt tình hình này. Nếu Mỹ đứng lên như một trung gian hòa giải; các nước Ả Rập, bao gồm Iran, Libya, Syria, sẽ sẵn lòng ngồi xuống và bàn bạc về một hiệp định hòa bình vĩnh viễn với Israel.” Tổng thống quá dỗi ngạc nhiên về đề nghị này. “Các ông làm chuyện này là vì...” “Tôi xin trân trọng nói với ngài rằng đề nghị này của chúng tôi hoàn toàn không xuất phát từ lòng quí mến với Israel hay với nước Mỹ các ngài, mà chính vì quyền lợi của chúng tôi. Biết bao chàng trai của chúng tôi đã chết vì sự điên rồi này. Chúng tôi muốn kết thúc. Thế là đủ. Chúng tôi muốn lại được tự do bán dầu cho các nước trên thế giới . Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, nhưng chúng tôi vẫn muốn hòa bình hơn.” Oliver hít một hơi thật sâu. “Tôi cho là mình cần một chút nước trà.” “Giá mà anh ở đó,” Oliver nói với Peter Tager, “thật không thể tả nổi. Họ đã sẵn sàng cho chiến tranh, nhưng họ lại không muốn xảy ra chiến tranh. Đúng là dòng máu thương gia. Họ muốn tự do bán dầu ra thị thường thế giới nên họ cần hòa bình.” “Kỳ diệu thật,” Peter hào hứng, “giải quyết xong vụ này, anh sẽ trở thành một vị anh hùng đấy.” “Tôi sẽ tự bàn chuyện đó,” Oliver nói với Peter Tager, “Không cần phải thông qua quốc hội. Tôi sẽ nói chuyện với thủ tướng Israel. Chúng ta sẽ giúp ông ấy thương lượng với các nước Ảrập.” Oliver ngừng lại rồi nói với Tager bằng giọng khàn khàn. “Mấy phút đầu tôi cứ lo mình bị bắt cóc.” “Họ không có cơ hội đó đâu,” Peter mỉm cười. “Tôi đã cho một chiếc tàu và một máy bay trực thăng đi theo anh.” “Nghị sĩ Davis đang chờ được gặp ngài, thưa tổng thống. Ông ấy không hẹn trước nhưng bảo đây là chuyện khẩn cấp.” “Hủy bỏ cuộc hẹn tiếp theo của tôi rồi mời Nghị sĩ Davis vào.” Cửa mở và Todd Davis bước vào phòng bầu dục. “Thật là một điều ngạc nhiên lý thú, Todd ạ. Mọi việc đều ổn chứ?” Ngài nghị sĩ ngồi xuống. “Ổn cả, Oliver. Tôi vừa nghĩ đến anh và cho là nên tới đây chuyện phiếm với anh một chút.” Oliver mỉm cười. “Lịch làm việc của con đã kín vào ngày hôm nay, nhưng với cha thì...” “Chỉ vài phút thôi. Tôi vừa chạy qua chỗ Peter. Anh ta có kể cho tôi nghe chuyện anh gặp phía Ả Rập.” Oliver cười. “Thế có được không cha? Có vẻ như cuối cùng chúng ta cũng có hòa bình ở Trung Đông đấy nhỉ?” Ông gõ nhè nhẹ lên bàn. “sau biết bao nhiêu thập kỷ! Ít nhất thì nhiệm kỳ này của con cũng có cái gì đó để nhớ đấy, phải không Todd?” Nghị sĩ Davis hỏi nhỏ:”Anh đã nghĩ kỹ chưa, Oliver?” Tổng thống hơi cau mày. “Cái gì? Cha bảo sao?” “Hòa bình là một từ rất đơm giản, nhưng lại có nhiều ý nghĩa. Hòa bình không bao giờ đem lại bất kỳ lợi nhuận nào bằng tiền. Khi có chiến tranh, nhữnng nước này mua vũ khí do chính ta sản xuất, trị giá hàng tỉ đôla. Khi hòa bình, họ chẳng cần đến vũ khí làm gì. và nếu Iran không bán được dầu, giá dầu lên, thì chính chúng ta , nước Mỹ, sẽ có lợi.” Oliver nghe mà cứ ngớ người ra. “Todd, nhưng đây là chuyện sinh mệnh con người.” “Đừng có ngây thơ như thế. Oliver. Nếu chúng ta thực sự muốn có hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập thì chúng ta đã làm điều đó từ lâu rồi. Israel bé như cái kẹo ấy. Bất kỳ vị tổng thống tiền nhiệm nào cũng có thể ép họ thương lượng với phía Ả Rập, nhưng tại sao lại cứ thích để nguyên trạng như vậy? Đừng hiểu lầm tôi nhé. Người Do thái là một dân tộc tốt. Tôi cũng có công chuyện cùng vài người bọn họ trong nghị viện.” “Con không thể tin rằng cha...” “Tin hay không tùy anh. Oliver ạ. Hiệp định hòa bình chẳng đem lại lợi lộc gì cho đất nước này cả. Tôi không muốn anh đương đầu với chuyện đó.” “Con phải đương đầu với chuyện đó?” “Đừng có bảo với tôi là anh phải làm gì, Oliver ạ.” Nghị sĩ Davis ngồi thẳng dậy. “Tôi sẽ bảo cho anh. Đừng quên là ai đã đưa anh ngồi vào cái ghế này.” Oliver nói nhỏ nhưng rõ ràng. “Todd, cha có thể không tôn trọng con, nhưng cha phải tôn trọng cái văn phòng (chức vụ) này. Không bàn tới chuyện ai đưa con vào đây, nhưng con đang làm tổng thống.” Nghị sĩ Davis đứng dậy. “Tổng thống ư? Anh chỉ là một con rối chết tiệt thôi, Oliver ạ. Anh là con bù nhìn của tôi. Anh nắm quyền trong tay, nhưng anh không phải là người ra lệnh.” Oliver chằm chằm nhìn ông ta một lúc lâu. “Cha và các bạn của cha sở hữu bao nhiêu mỏ dầu hà Todd?” “Đó không phải là việc của anh. Nếu anh dám làm việc kia, thì coi như anh kết thúc luôn. Anh có nghe tôi nói không đấy? Tôi cho anh 20 giờ để biết nên làm thế nào là khôn ngoan.” Vào bữa tối hôm đó, Jan nói. “Cha bảo em nói chuyện với anh, Oliver ạ, ông thất vọng lắm.” Oliver ngẩng lên nhìn vợ và thầm nghĩ. ‘mình rồi cũng sắp phải đương đầu với cả cô ấy đây.’ “Cha đã kể cho em nghe chuyện xảy ra giữa 2 người.” Jan nói tiếp. “Thế à?” “Vâng,”bà vươn ngừơi qua bàn hôn nhẹ lên má ông, “và em thấy việc anh sắp làm thật tuyệt vời.” Phải mất một lúc ông mới hiểu được điều bà nói. “Nhưng cha em phản đối việc đó.” “Em biết. Và có nghĩa là cha sai. Nếu họ sẵn sàng giải hòa với nhau, anh phải giúp họ nhé.” Oliver nghe như nuốt từng lời của Jan, ông ngắm bà thật kỹ. Lần đầu tiên ông thấy là một Đệ nhất Phu Nhân xứng đáng biết chừng nào. Bà tham gia vào các hoạt động từ thiện và đứng tên trong một loạt các quỹ cứu trợ, bảo trợ khác. Bà thật đáng yêu, thông minh và cần mẫn; và cũng là lần đầu tiên ông ngắm bà, lòng tự hỏi. Tại sao mình lại cứ đi ngoại tình nhỉ? Tất cả những gì mình cần đễu chẳng đang ở Jan hay sao? “Anh có một cuộc họp tối nay phải không?” “Không,” Oliver đáp chậm rãi. “Anh sẽ hủy bỏ nó. “Tối nay anh ở nhà.” Đêm đó, Oliver đã làm tình với Jan sau một thời gian rất lâu ngưng nghỉ, và cả hai đều thấy tuyệt diệu. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy, ông nghĩ. ”Mình phải bảo Peter bỏ cái căn hộ bí mật kia đi mới được.” Bức thư nằm trên bàn của hắn vào sáng hôm sau: “Tôi muốn ngài biết rằng tôi là người thực sự ngưỡng mộ ngài, và tôi không muốn làm gì tổn hại tới ngài. Tôi ở trong gara của khách sạn Monroe Arms vào đên ngày 15 ấy và tôi thực ngạc nhiên khi thấy ngài cũng ở đó. Ngày hôm nay tôi đọc được tin về vụ cô gái trẻ bị giết, tôi đã hiểu tại sao ngài quay lại để xóa đi dấu tay trên nút bấm của thang máy. Tôi biết là tất cả báo chí sẽ rất quan tâm tới câu chuyện này của tôi và sẽ trả tiền hậu hĩnh. Nhưng, như đã viết ở trên, tôi là một trong những người ngưỡng mộ ngài. Thực là tôi không muốn làm gì tổn hại đến ngài. Tôi đang cần một chút trợ giúp về mặt tài chính, và nếu ngài có lòng, thì chuyện này sẽ chỉ chúng ta biết mà thôi. Tôi sẽ liên lạc với ngài sau mấy ngày nữa, khi ngài có đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Xin trân trọng chào ngài Một người bạn” “Chúa ơi,” Sim Lombardo khẽ kêu lên. “Thật không thể tin được. Bức thư đến đây bằng cách nào?” “Bằng đường bưu điện” Peter nói, “gửi cho Tổng thống,” Trên bì ghi rõ chữ “Thư riêng.” Sim Lombardo nói. “Có thể là một kẻ điên rồ nào đó đang định...” “Không được chủ quan thế, Sim ạ. Tôi cũng chẳng mảy may tin vào chuyện này, nhưng nếu chiû cần một lời thì thào lọt ra ngoài thì Tổng Thống coi như thân bại danh liệt. Chúng ta phải bảo vệ ngài.” Peter Tager đang ở trụ sở FBI, số 10, phố Pennsylvania, nói chuyện với nhân viên mật vụ Clay Jacobs. “Anh bảo đó là chuyện quan trọng, đúng không?” Jacobs hỏi. “Phải” Tager mở chiêc cặp da đen lấy ra một tờ giấy, và đẩy qua bàn cho Clay Jacobs, Ông ta cầm lên và đọc to. “Tôi muốn ngài biết rằng tôi là người thực sự ngưỡng mộ ngài... Tôi sẽ liên lạc với ngài sau mấy ngày nữa, khi ngài có đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo.” Tất cả những chữ ở giữa 2 dòng này đều đã bị đè lên bằng băng bút xóa. Jacobs ngảng lên. “Cái này là gì vậy?” “Nó liên quan đến việc an toàn của tổng thống. Ngài yêu cầu tôi phải tìm ra ai là người viết bức thư này. Ngài muốn anh hãy tìm dấu vân tay.” Clay Jacobs lật qua lật lại tờ giấy, chau mày suy nghĩ. “Điều này thật không bình thường chút nào, Peter ạ.” “Tại sao?” “Tôi thấy nó có cái gì rất lạ lùng.” “Tất cả những gì tổng thống muốn anh làm là tìm ra tên của tác giả bức thư.” “Cứ cho là dấu tay của hắn còn ở trên này.” Peter gật đầu. “Cho là vậy.” “Anh chờ chút nhé.” Jacobs đứng dậy và đi sang một phòng khác. Peter ngồi đó và nhìn qua cửa sổ, nghĩ đến bức thư và hậu quả xấu nhất mà nó có thể đem lại. Đúng 7 phút sau, jacobs quay lại. “Anh may mắn đấy.” Tim Peter đập rộn lên. “anh tìm thấy gì chứ?” “Có,” Jacobs đưa cho Peter một tờ giấy. “Người mà anh tìm có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông khoảng một năm trước đây. Tên anh ta là Carl Gorman, làm việc tại khách sạn Monroe Arms.” Ông ta dừng lại, nhìn Peter thật kỹ. “Anh còn cần hỏi gì nữa về chuyện này không?” “Không,” Peter đáp thật lòg. “Không còn gì nữa.” “Frank Lonergan đang ở đường dây số 3, thưa bà Stewart. Anh ấy bảo chuyện khẩn.” “Tôi sẽ cầm máy cám ơn.” Leslie bấm nút. “Frank?” “Bà ở đó một mình chứ?” “Đúng vậy.” Nàng nghe thấy tiếng anh ta hít một hơi rất sâu. “Ok, chúng ta có việc rồi.” Sau đó, Lonergan trình bày liền một hơi trong suốt 10 phút không nghỉ. Leslie chạy như bay đến văn phòng của Matt Baker. “Chúng ta phải nói chuyện, Matt,” nàng thở hổn hển và ngồi xuống chiếc ghế trước mặt ông. “Ông thấy thế nào nếu tôi bảo với ông là tổng thống có liên quan đến vụ Chloe Houston?” “Ăn khách đấy. Nhưng tôi cho là bà đã đi quá xa.” “Frank vừa gọi điện đến., Anh ấy đã nói chuyện với bà thống đốc Houston, bà ta không tin là Paul Yerby giết con gái mình. Frank cũng đã nói chuyện với bố mẹ của Paul, Họ cũng không tin là như vậy.” “Tôi cũng không chờ việc họ tin,” Matt thủng thẳng, “Nếu đó là điều duy nhất bà muốn nói...” “Mới chỉ là bắt đầu thôi. Frank đến gặp nhân viên khám nghiện thử thi. Chị ta bảo rằng chiếc thắt lưng mà cậu bé dùng để tự tử quấn vào cổ chặt đến nỗi người ta đã phải cắt đứt nó mới tháo ra được...” Matt nghe chăm chú hơn. “Và...?” “Frank đến nơi lưu giữ đồ đạc còn lại của Yerby. Chiếc thắt lưng lành nguyên không hề bị cắt xén gì hết.” Matt thở dài. “Ý bà muốn nói là thằng bé đã bị giết trong nhà giam nhằm bịt miệng chứ gì?” “Tôi chẳng định suy tưởng gì cả. Tôi chỉ đang tìm kiếm sự thật mà thôi. Đã một lần Oliver Russell thuyết phục tôi dùng Ecstasy dạng lỏng. Hồi ông ta đang tranh cử chức thống đốc bang, một cô gái đã chết trên sông Kentucky vì chất lỏng đó. Khi Oliver đã là thống đốc, người ta tìm thấy nữ thư ký của ông ấy bị nhiễm độc Ecstasy và bất tỉnh trong công viên. Lonergan biết rằng chính tổng thống, sau nhiều lần gọi điện đến thăm hỏi, cuối cùng đã chính thức gợi ý bệnh viện chấm dứt sự sống của cô gái ấy.” Leslie ngập ngừng một chút. “Có một cú phôn từ dẫy phòng Đế vương, hiện trường vụ án, đến Nhà Trắng, đúng vào đêm Chloe Houston bị giết. Trang của ngày 15 tháng 10 đã bị mất. Còn nữ thư ký chuyên trách xếp lịch làm việc cho tổng thống nói với Lonergan rằng ông ta có một cuộc gặp với tướng Whitman vào tối hôm Dó. Nhưng thực ra không hề có cuộc gặp ấy. Frank đã nói chuyện với thống đốc Houston, bà ta nói rằng nhân dịp Chloe đi tham quan Nhà Trắng, bà đã sắp đặt cho con gái gặp Tổng thống vào chiều hôm đó.” Cả 2 cùng im lặng khá lâu. “Frank Lonergan bây giờ ở đâu?” Matt hỏi. “Anh ấy đi tìm Carl Gorman, người nhân viên đã tiếp vị khách đặt phòng Đế Vương.” Jeremy Robinson từ chối.”Xin lỗi, chúng tôi không được phép tiết lộ thông tin cá nhân của các nhân viên ở đây.” “Thì tôi chỉ xin địa chỉ nhà riêng của anh ấy để...” Frank nài nỉ. “Thật không may cho anh, Gorman đang đi nghỉ.” Lonergan thở dài. “Ồ, thế thì tệ thật. Tôi cứ hy vọng anh ấy sẽ có điều kiện giúp tôi một số thông tin thiếu.” “Thông tin gì?” “À vâng. Chúng tôi đang viết về vụ con gái bà thống đốc Houston bị chết ở khách sạn này. Tôi chỉ định trao đổi tí chút với Gorman.” Anh lấy ra một quyển sổ, một cây bút. “Khách sạn này có từ khi nào nhỉ? Tôi muốn biết chút ít về ịch sử của nó, các khách hàng...” Jeremy chau mày. “Chờ chút! Chắc chán là không cần đâu. Ý tôi là... cô ấy có thể bị sát hại ở đâu đó chứ...” Frank nói vẻ đồng tình. “Tôi hiểu, nhưng chuyện đó lại xảy ra ở đây. Khách sạn của ông sắp nổi danh chẳnng kém gì vụ Watergate đâu.” “Anh...?” “Lonergan.” “Anh Lonergan này. Tôi sẽ rất... rất cám ơn nếu anh có thể... ý tôi muốn nói là cái kiểu quảng cáo này sẽ rất bất lợi cho khách sạn chúng tôi. Liệu có cách nào khác...?” Lonergan ra vẻ nghĩ ngợi một lát. “Ừ nhỉ, nếu gặp được Gorman, tôi cho là mình có thể tìm ra hướng đi mới đấy.” “Quý hóa quá. Để tôi đi lấy địa chỉ cậu ta cho anh.” Frank Lonergan thực sự lo lắng. Theo như những thông tin mà anh thu lượm được, vấn đề ngày càng trở nên sáng tỏ, hé lộ ra một vụ giết người cố ý và một vụ xóa dấu vết ở trình độ cao. Trước khi đến gặp Gorman anh quyết định rẽ qua nhà một lát. Vợ anh Rita, đang trong bếp chuẩn bị bữa tối. Rita là một phụ nữ mảnh dẻ, tóc đỏ, mắt xanh long lanh và làn da thật mịn màng. Rita ngạc nhiên nhìn chồng bước vào. “Frank, sao hôm nay anh lại về nhà vào giờ làm việc thế?” “Thì em cứ coi như anh vừa từ trên trời rơi xuống và hãy chào anh đi.” Cô nhìn anh. “Không, đã xẩy ra chuyện gì vậy?” Anh ngập ngừng. “Đã bao lâu rồi em không gặp mẹ?” “Em vừa gặp mẹ tuần trước. Nhưng sao cơ?” “Em nên đi thăm mẹ lần nữa, ngay hôm nay. Bây giờ.” “Có chuyện không ổn hả anh?” Anh cười. “Chỉ không ổng ư?” rồi đến bên lò sưởi. “Có lẽ em sắp phải lau quét sạch sẽ cái lò sưởi này đấy. Chúng ta sẽ đặt giải thưởng Pulitzer (giải thưởng cao nhất về văn xuôi Mỹ) ở đây và cả một chiếc huy chương Peabody nữa.” “Anh đang nói gì vậy?” “Anh đang thu tập tài liệu để thổi bay một vài nhân vật. Ý anh là những nhân vật cỡ chóp bu ấy. Đây quả là câu chuyện thú vị nhất mà anh được tham gia vào.” “Thế tại sao anh lại muốn em đi thăm mẹ?” “Có chút nguy hiểm em ạ. Một số người sẽ không thích anh làm vụ này. Anh thấy sẽ tốt hơn nếu em đi xa khoảng vài ngày cho đến khi mọi việc kết thúc.” “Nhưng anh đang bị nguy hiểm...” “Anh sẽ không bị nguy hiểm. Anh chỉ bị nguy hiểm khi chúng dùng em để ra điều kiện.” “Anh chắc chắn không có gì xảy ra với mình chứ?” “Chắc chắn. Em hãy soạn đồ đi. Anh sẽ gọi điện cho em tối nay.” “Thôi được.” Rita trả lời, vẻ miễn cưỡng. Lonergan nhìn đồng hồ. “Anh sẽ đưa em ra ga.” Một giờ sau, Lonergan dừng xe trước ngôi nhà gạch khiêm nhường nằm rong khu Wheaton. Anh ra khỏi xe, bước tới bên cửa và bấm chuông. Không có ai đáp lại (mở cửa). Anh lại bấm chuông lần nữa và đợi. Cánh cửa nặng nề bất chợt mở ra và một người phụ nữ to béo, tuổi trung niên nhìn anh với đôi mắt dò xét. “Anh hỏi ai?” “Tôi là người của ban theo dõi thuế thu nhập - IRS.” Lonergan nói và đường hoàng rút ra một tấm thẻ. “Tôi muốn gặp Carl Gorman.” “Em trai tôi không ở đây.” “Chị có biết anh ấy đang ở đâu không?” “Không!” Câu trả lời tuột ra quá nhanh. Lonergan gật gù. “Tiếc thật, thôi cũng không sao. Chị có thể thu xếp đồ đạc của anh ấy. Tôi qu về Sở và cho xe tải đến ngay bây giờ đây.” Lonergan làm ra vẻ bỏ đi. “Chờ chút đã! Xe tải nào cơ? Anh nói chuyện gì vậy?” Lonergan dừng lại. “Em trai chị không nói gì à?” “Nói gì cơ?” Lonergan xoay mình nhìn thẳng vào người phụ nữ. “Anh ấy đang gặp rắc rối.” Chị ta nhìn anh lo lắng. “Rắc rối gì ạ?” “Xin lỗi, tôi không được tự tiện nói về chuyện này,” anh lắc đầu, “anh ấy có vẻ là một chàng trai dễ thương đấy nhỉ?” “Phải,” chị ta nói vẻ thiết tha, “Carl là người rất tuyệt vời.” Lonergan gật đầu. “Đấy cũng là cảm giác của tôi khi tôi thẩm tra cậu ta.” Chị gái Carl lo lắng. “Thẩm tra nó về chuyện gì?” “Gian dối trong khai báo thuế thu nhập. Thật tội quá. Tôi muốn đến mách cho cậu ấy cách giải quyết vụ này, nhưng...” Anh nhún vai, “Đành vậy, nếu cậu ấy không có ở đây...” anh lại quay đi. “Chờ đã! Nó... nó đang ở khu câu cá. Tôi ... tôi được dặn là không nói với bất cứ ai.” “Thậm chí cả với tôi?” “Không, anh lại là chuyện khác. Nó đang ở trại câu cá Sunshine bên hồ Richmond, bang Virginia.” “Thôi được, tôi sẽ đến đó tìm cậu ấy.” “Thế thì hay quá. Anh dám chắc là chuyện của nó sẽ ổn thỏa chứ?” “Hoàn toàn chắc,” anh quả quyết, “tôi sẽ giúp cậu ấy giải quyết chuyện này.” Lonergan cho xe chạy thẳng về phía nam. Richmond nằm cách đó khoảng 100 dặm. Trong những kỳ nghỉ hè, cách đây vài năm, Lonergan thường về đấy nghỉ ngơi, câu cá, và thường gặp may. Hy vọng lần này anh cũng gặp may như vậy. Trời hơi mưa, nhưng Carl Gorman chẳng hề quan tâm. Đây là lúc cá sắp đớp mồi. Anh ta đang săn loại cá vược vằn. Mấy chiếc cần câu đã mắc sẵn mồi đặt ở phía sau con thuyền có mái chèo. Sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền đang lênh đênh giữa hồ. Hình như mồi câu vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với lũ cá. Chúng có vẻ không vội vàng. Anh ta cũng chẳng sốt ruột gì cả. Chưa bao giờ Gorman vui hơn bây giờ. Anh ta sắp sửa giàu to. Giàu hơn cả những gì hằng mơ đến. Đúng là một may mắn không ngờ. Mình đã ở đúng nơi, đúng lúc. Anh ta quay lại khách sạn Monroe Arms để lấy chiếc áo jacket bị bỏ quên và vừa định rời bãi đậu xe thì cửa thang máy riêng dẫn lên dẫy phòng Đế Vương bật mở. Khi nhìn thấy người đàn ông bước ra, Carl Gorman ngồi chết lặng trong xe, không động cựa nổi. Rồi Carl thấy ông ta quay lại, lấy khăn tay lau chuì kỹ lưỡng các nút bấm của thang máy rồi ra xe và lái đi. Song chuyện này cũng sẽ bị quên đi nếu sáng hôm sau Carl không đọc tin một cô gái bị chết trên dãy phòng Đế vương của khách sạn Monroe Arms đăng trên báo. Anh ta sắp xếp các chi tiết lại với nhau. Phần nào, Gorman thấy tiếc cho người đàn ông kia. Mình thực sự ngưỡng mộ ông ấy. Rắc rối là ở chỗ, khi bạn là một người nổi tiếng, bạn sẽ không thể giấu mặt vào đâu được. Dù bạn đi bất cứ đâu thì cả thế giới cũng nhận ra bạn. Ông ta sẽ phải trả tiền mình để mình im lặng. Ông ta không còn cách nào khác. Mình sẽ bắt đầu với 100 000 đôla. Ông ta đã trả một lần thì sẽ phải trả mãi mãi. Có thể mình sẽ mua 1 lâu đài ở Pháp hay 1 biệt thự ở Thụy Sĩ... Carl cảm thấy dây câu bị giật mạnh và tiếng vặn răng rắc của cần. Anh ta có thể được sự cố gắng thoát ra của con cá. Mày không chạy được đâu. Mày đã cắn câu rồi. Trong khoảnh khắc, Carl nghe thấy tiếng động cơ của xuống máy đang tiến lại gần. Họ đâu có cho phép thuyền gắn động cơ vào hồ nhỉ. Chúng sẽ làm bọn cá chạy mất thôi. Chiếc xuồng máy chạy phăng phăng về phía Carl. “Này, đừng lại gần như thế,” Carl la lên. Chiếc xuồng máy vẫn không có vẻ muốn đổi hướng hoặc dừng lại. “Này, cẩn thận đấy. Có mắt không hả? Mẹ kiếp...” Chiếc xuồng máy chồm thẳng vào con thuyền câu, chẻ nó ra làm đôi và hất tung Carl xuống. Ngột thở quá! Carl gắng nhô đầu lên khỏi mặt nước. Chiếc xuồng máy vòng lại và nhằm thẳng vào Carl lao tới . Điều cuối cùng cùng Catrl Cảm nhận được trước khi chiếc xuống húc vào đầu anh ta là con cá vẫn đang cố giật ra khỏi lưỡi câu. Khi Frank Lonergan đến nơi, vùng hồ đã chật kín xe cảnh sát. Có cả một xe cứu thương đang nhấp nháy chạy đi. Frank ra khỏi xe và hỏi người đứng bên. “Có chuyện gì mà nhộn nhạo lên thế?” “Một chàng trai khốn khổ nào đấy bị tai nạn trên hồ. Anh ta chẳng còn gì nhiều...” Lonergan hiểu ra ngay mọi chuyện. Đúng nửa đêm , Frank Lonergan vẫn một mình cần mẫn làm việc trên máy vi tính.Anh đang viết câu chuyện có thể lật nhào tổng thống Hoa Kỳ. Bài báo sẽ đem lại cho anh giải Pulitzer. Không còn nghi ngờ gì nữa. Sự kiện này sẽ giúp anh nổi tiếng hơn cả Woodward và Bernsters. Đây chắc chắn sẽ là câu chuyện của thế kỷ. Tiếng chuông cửa cắt ngang luồng suy nghĩ của anh. Anh đứng dậy và đi ra. “Ai đấy?” “Có bưu phẩm của bà Leslie Stewart gửi cho anh đây.” Bà ta có tin mới đây. Anh mở cửa. Một tia sáng kim loại ánh lên và xẻ đôi giữa ngực anh. Mọi sự sau đó lại chìm trong yên tĩnh. Chương 20 Phòng khách nhà Frank Lonergan như vừa trải qua một cơn bão. Tất cả các ngăn kéo và cửa tủ đều mở toang, đồ đạc vung vãi khắp trên sàn nhà. Nick Reese đứng nhìn người ta mang thi thể Frank Lonergan đi. Ông quay sang thám tử Steve Brown hỏi: “Có thấy hung khí giết không ?” “Không.” “Anh đã nói chuyện với những người hàng xóm chưa?” “Rồi. Cả dãy nhà này là vườn thú, toàn khỉ. Không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, không nói điều gì. Thế đấy. Bà Rita đang trên đường về đây. Bà đã nghe được tin này qua radio. Trong vòng 6 tháng nay ở đây xảy ra 2 vụ cướp, và...” “Tôi không nghĩ đây là một vụ cướp bóc.” “Ý anh là gì?” “Lonergan được lệnh của bà chủ báo Tribune điều tra về chuyện Paul Yerby. Tôi muốn biết anh ấy đang viết cái gì. Chẳng còn mảnh giấy nào trong các ngăn kéo phải không?” “Sạch sẽ.” “Không một ghi chép?” “Đúng vậy.” “Vậy có thể anh ấy là người rất gọn gàng, hoặc có thề ai đó đã lượm đi hết.” Reese đi lại phía bàn làm việc. Ở đó lủng lẳng một sợi dây cáp, chẳng nối vào đâu cả. Ông đỡ sợi dây, hỏi. “Cái gì đây?” Thám thử Brown đi ra. “Đây là dây dùng cho máy vi tính. Chắc chắn ở đây phải có chiếc máy đó, cũng có nghĩa là bản sao có thể đang ở đâu đây.” “Chắc chúng đã mang cái máy đi, nhưng hẳn Lonergan đã giữ lại bản sao tư liệu của ng ấy. Chúng ta thử kiểm tra bên ngoài xem sao.” Họ tìm thấy một cái điõa lưu cất trong chiếc cặp để ở xe hơi của Lonergan. Reese đưa cho Brown. “Tôi muốn anh mang cái đĩa này về trụ sở. Có lẽ phải có mật lệnh mới mở được. Hãy nói Chris Colby xem thử. Anh ấy là chuyên gia đấy.” Cánh cửa hé mở, Rita Lonergan bước vào, mặt tái nhợt vì đau khổ và kinh hãi. Cô đứng khựng lại khi thấy mấy người đàn ông ở đó. “Bà là bà Lonergan?” “Các anh là ai?” “Thanh tra Nick Reese. Còn đây là thám tử Brown.” Rita Lonergan nhìn quanh. “Đâu rồi...?” “Chúng tôi đã chuyển thi thể chồng bà đi rồi, bà Lonergan ạ. Tôi xin thật vô cùng xin lỗi, tôi biết lúc này bà rất buồn nhưng tôi muốn hỏi bà mấy câu.” Rita nhìn ông, đôi mắt bỗng trở nên sợ hãi. Reese chờ đợi phản ứng đó. Bà ấy sợ gì? Tiếng Lonergan vang lên trong đầu Rita. “Anh đang thu tập tài liệu... Ý anh là những nhân vật cỡ chóp bu ấy. Câu chuyện thú vị nhất mà anh được tham gia vào.” “Bà Lonergan?” “Tôi... tôi không biết gì cả.” “Bà không biết chồng bà đang viết về vụ gì sao?” “Không, Frank không bao giờ nói với tôi về công việc của anh ấy.” Rõ ràng là bà ta nói dối. “Bà có nghĩ là ai đã có thể giết chồng mình không?” Bà nhìn các ngăn kéo và cửa tủ bị mở tung. “Đây chắc là một vụ trộm.” Reese và Brown nhìn nhau. “Các ông làm ơn để tôi một mình được không? Đây quả là một việc khủng khiếp, quá sức chịu đựng của tôi.” “Vâng, tất nhiên. Chúng tôi có thể giúp gì cho bà không?” “Không. Chỉ cần... Chỉ cần các ông đi khỏi.” “Chúng tôi sẽ trở lại.” Nick Reese khẳng định. Khi thanh tra Reese về tới sở cảnh sát, ông gọi cho Matt Baker. “Tôi đang điều tra về vụ giết hại Frank Lonergan.” Reese nói. “Anh có thể nói cho tôi biết anh ấy đang theo vụ gì không?” “Vâng. Frank đang theo vụ Chloe Houston.” “Tôi hiểu rồi. Anh ấy có ghi lại gì không?” “Không. Chúng tôi đang đợi bản báo cáo, thì...” Ông dừng lại. “Được rồi. Cảm ơn anh Baker.” “Nếu anh có tin gì, nhớ báo tôi biết.” “Anh sẽ là người đầu tiên được biết.” Reese khẳng định. Sáng hôm sau, Dana Evans tới văn phòng Tom Hawkin. “Tôi muốn làm rõ về cái chết của Frank. Tôi tới gặp bà vợ góa của anh ấy đây.” “Rất hay. Tôi sẽ tổ chức cho cô một nhóm quay phim.” Trưa hôm đó, Dana và các đồng sự kéo đến nhà Frank Lonergan. Nàng bấm chuông cửa. Đây là loại phỏng vấn mà nàng ngại nhất. Thật là tồi tệ phải trưng lên TV hình ảnh về các nạn nhân của những tội ác khủng khiếp. Song nếu trốn tránh hoặïc thờ ơ trước những nỗi đau ấy thì dường như đối với nàng, còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Cửa mở và Rita Lonergan đứng trước mặt Dana. “Chị cần...?” “Tôi xin lỗi đã làm phiền bà, bà Lonergan. Tôi là Dana Evans, phóng viên của kênh truyền hình WTE. Chúng tôi muốn biết phản ứng của bà về...” Rita Lonergan đờ người ra một lúc, rồi thét lên. “Các người là kẻ sát nhân.” Cô ta quay người chạy vào trong. Dana nhìn người quay phim, ngạc nhiên. “Đợi ở đây một chút.” Nàng đi vào nhà và thấy Rita Lonergan đang ngồi trong phòng ngủ. “Bà Lonergan...” “Đi ra! Cô đã giết chống tôi.” Dana lúng t. “Bà đang nói về chuyện gì vậy?” “Tờ báo của cô đã cô đã giao cho anh ấy một công việc nguy hiểm. Không chỉ với anh ấy. Bởi vì anh ấy còn bắt tôi dọn về ở với mẹ, tức là cũng có thể nguy hiểm cả cho tôi. Có phải đúng là các người đã giết anh ấy không?” Dana nhẹ nhàng, gần như thầm thì. “Vâng, chúng tôi cũng có một phần trách nhiệm. Bà có biết Frank đang theo vụ gì, viết về chuyện gì không?” “Frank không nói cho tôi biết.” Rita gào lên. “Anh chỉ nói nó vô cùng nguy hiểm. Nói về ai đó có quyền hành rất cao. Nói về giải Pulitzer và về...” Cô gục xuốc, òa khóc. Dana đi tới, choàng tay ôm lấy Rita. “Tôi xin lỗi. Chúng ta hãy giúp nhau đi. Frank còn nói gì nữa không?” “Hết rồi . Anh chỉ khuyên tôi nên lánh đi. Rồi chở tôi ra ga. Rồi bảo sẽ đi gặp một nhân viên nào đó của khách sạn...” “Khách sạn gì?” “Monroe Arms.” “Tôi không rõ vì sao cô ở đây, cô Evans.” Jeremy Robinson nói. “Lonergan hứa với tôi rằng nếu tôi hợp tác, thì anh ấy sẽ không để lộ tên khách sạn.” “Ông Robinson, Lonergan đã chết. Tôi chỉ cần chút ít thông tin.” Jeremy Robinson lắc đầu. “Tôi chẳng biết gì cả.” “Ông đã nói gì với Lonergan?” Robinson thở dài. “Ông ấy hỏi tôi địa chỉ của Carl Gorman, nhân viên ở đây. Tôi đã cho ông ấy biết.” “Ông Lonergan có đến gặp anh ta không?” “Tôi không rõ.” “Tôi muốn biết địa chỉ đó.” Jeremy nhìn nàng một lúc rồi lại thở dài: “Được thôi. Anh ta sống với chị gái.” Sau vài phút, Dana đã có địa chỉ trong tay. Khi nàng vừa rời khách sạn, Robinson nhấc điện thoại lên và gọi đến Nhà Trắng. Ông muốn biết vì sao họ lại quá quan tâm đến vụ này? Chris Colby, chuyên gia máy tính, đi như chạy vào phòng thanh tra Reese, tay vung vẩy chiếc đĩa mềm, gần như run lên vì phấn khích. “Cậu thu thập được cái gì vậy?” Thanh tra Reese hỏi. Chris Colby hít mội hơi dài. “Chuyện này sẽ làm anh bất ngờ đấy. Đây là dữ liệu của cái đĩa này.” Vừa nói Colby vừa nhét chiếc đĩa vào ổ não máy vi tính đặt trên bàn Reese. Thanh tra Reese đọc và không tin nổi vào mắt mình nữa. “Lạy Đức Mẹ đồng trinh. Tôi phải cho đại úy Miller xem mới dược.” Đọc xong, đại úy Otto Miller nhìn thanh tra Reese. “Tôi... tôi chưa bao giờ... hình dung nổi những chuyện... kiểu như thế này.” “Chưa từng có. Chính tôi cũng vậy. Ta sẽ làm gì với nó đây?” “Tôi nghĩ ta phải chuyển nó tới bà Trưởng Lý liên bang Hoa Kỳ.” Đại úy Miller nói. Họ cùng có mặt trong văn phòng của bà trưởng lý liên bang Barbara Gatlin. Trong phòng còn có Giám Đốc cơ quan điều tra liên bang FBI Scott Brandon, cảnh sát trưởng Washington Dean Bergstrom, giám đốc cục tình báo trung ương CIA James Frisch và chánh án tòa án tối cao liên bang Edgar Graves. Barbara Gatlin nói: “Tôi mời các vị tới đây bởi tôi cần lời khuyên của các vị. Thẳng thắn mà nói, tôi không biết cách xử lý nào. Chúng ta gặp phải một tình huống độc nhất vô nhị. Frank Lonergan là phóng viên của tờ Washington Tribune, đã bị sát hại khi đang điều tra về cái chết của Chloe Houston. Tôi sẽ đọc cho các vị nghe bản sao từ chiếc đĩa mà cảnh sát đã tìm thấy trong xe hơi của Lonergan.” Bà nhìn vào tờ giấy đang cầm trên tay và đọc to: đã có lý do để tin rằng Tổng Thống Hoa Kỳ đã giết hại ít nhất 3 sinh mạng và liên quan đến 4 cái chết khác.” “Sao cơ?” Scott Brandon thốt lên. “Để tôi đọc tiếp.” Tôi có được những thông tin sau từ nhiều nguồn khác nhau. Leslie Stewart, bà chủ của tờ Washington Tribune sẵn sàng thề rằng đã có lần Oliver Russell cố thuyết phục bà dùng một loại chất lỏng được gọi là chất gây ảo giác Ecstasy. Khi Oliver Russell còn là thống đốc bang Kentucky; Lisa Burnette, nữ thư ký làm việc tại trụ sở Quốc Hội, dọa sẽ kiện ông vì tội quấy rối tình dục. Russell nói với đồng nghiệp ông sẽ đàm phán với cô ta. Hôm sau, người ta tìm thấy xác Lisa Burnette trên sông Kentucky. Cô chết vì dùng quá liều thuốc Ecstasy. Vài năm sau, cô Miriam Friedland, thư ký của thống đốc Rusell được tìm thấy nằm bất tỉnh trong đêm trên chiếc ghế đá công viên. Cô bị hôn mê do sử dụng Ecstasy dạng lỏng. Cảnh sát chờ đợ cô tỉnh lại để hỏi xem ai là người đưa thuốc cho cô. Tổng thống Oliver Russell đã gọi điện đến bệnh viện và gợi ý cho các bác sĩ chấm dứt tình trạng hônmê của Miriam với lý do nhân đạo. Miriam Friedman qua đời vẫn trong tình trạng hôn mê như ngày vào viện. Chloe Houston bị chết do dùng quá liều thuốc ảo giác Ecstasy. Tôi biết được, vào đên Chloe chết, có một cú phôn từ dãy phòng Đế Vương của khách sạn Monrroe Arms, nơi cô bé bị giết hại, tới nhà Trắng. Khi tôi kiểm tra bản lưu giữ các cuộc gọi của khách sạn thì tờ giấy ghi ngày hôm đó đã bị xé. Người ta nói với tôi là tổng thống có cuộc họp tối hôm đó, nhưng tôi biết cuộc họp đã bị hủy bỏ. Và không ai biết đêm đó tổng thống đã ở đâu. Paul Yerby bị bắt vì cảnh sát tình nghi cậu ta dính líu vào cái chết của Chloe Houston. Đại úy Otto Miller báo cáo cho Nhà Trắng biết nơi giam giữ Yerby. Sáng hôm sau, người ta phát hiện Yerby đã chết. Xét nghiệm cho thấy Yerby đã treo cổ bằng chính chiếc thắt lưng quần của mình. Nó xiết vào cổ cậu ta chặt đến mức phải dùng dao để cắt mới gỡ được ra. Nhưng chính tôi, khi xem xét số vật dụng còn lại của Yerby để ở đồn cảnh sát, thì thấy chiếc thắt lưng của câu ta vẫn còn đó, nguyên vẹn. Qua một người bạn ở cục điều tra liên bang FBI tôi được biết, có một bức thư tống tiền đã giử tới Nhà Trắng. Tổng thống Russell yêu cầu FBI kiểm tra dấu vân tay. hầu hết bức thư đã bị tẩy xóa, nhưng nhờ có những phương tiện đặc biệt, FBI đã giải mã được bức thư. Dấu tay trên lá thư là của Carl Gorman, nhân viên khách sạn Monroe Arms, có lẽ đây là người duy nhất biết được ai đã thuê dãy phòng đế vương, nơi cô bé Chloe bị giết. Gorman đang ở trại câu cá, nhưng tên anh ta đã bay tới tận Nhà trắng. Khi tôi đến khu trại, Gorman đã bị giết trong tình huống có vẻ như một vụ tai nạn. Có quá nhiều mối liên hệ ngẫu nhiên về những cái chết này. Tôi vẫn tiếp tục điều tra, nhưng thú thật, tôi rất sợ. Nên tôi phải lưu lại đây những gì mình biết, phòng trường hợp tôi có gặp rủi ro nào đó, các vị còn có cơ sở để điều tra cho rõ ngọn ngành.” “Lạy Chúa tôi,” James Frisch giám dốc CIA thốt lên, “thật... kinh khủng.” “Không thể tin được.” Scott Brandon, giám đốc FBI thở dài. Bà Trưởng lý Gatlin nói. “Lonergan tin điều đó. ó lẽ anh ấy bị giết để thông tin này không bị lộ ra ngoài.” “Giờ chúng ta phải làm gì?” Chánh án Graves hỏi. “Làm sao bà có thể hỏi tống thống Hoa Kỳ rằng có phải ông đã giết tới 6 mạng dân Mỹ không?” “Câu hỏi khá đấy. Buộc tội tổng thống sao? Bắt ngài ư? Bỏ tù ngài ư?” “Trước khi làm bất cứ điều gì tôi nghĩ chúng ta sẽ phải giử bản sao này cho chính tổng thống, để ngài có cơ hội thanh minh.” Mọi người ầm ừ ưng chịu. “Trong lúc chờ đợi, tôi sẽ xin giấy bắt tổng thống. Chỉ là để là để khi cần.” Một trong số những người có mắt tronng phòng nghĩ bụng. Mình phải báo cho Peter Tager. Peter Tager đặt điện thoại xuống và ngồi lặng đi rất lâu, suy tính cách xử lý thônng tin vừa nhận được. Rồi ông ta đi xuống phòng Deborah Kanner. “Tôi phải gặp tổngthống.” “Ngài đang bận họp. Ông có thể...” “Tôi phải gặp ngài ngay, Deborah. Việc gấp đấy.” Deborah nhấc máy điện thoại lên ấn nút: “Thưa tổng thống, xin lỗi vì đã cắt ngang. Ông Tager đang ở đây, ông ấy nói có việc cần gặp ngài.” Cô nghe một lát. “Cám ơn ngài,” rồi đặt máy xuống, cô quay sang Tager, “5 phút nữa.” Năm phút sau, trong phòng riêng của tổng thống Russell. “Có gì quan trọng vậy, Peter?” Tổng thống hỏi. Tager hít một hơi . “Bà Trưởng Lý và FBI nghĩ rằng anh có liên quan đến 6 vụ giết người.” Oliver mỉm cười. “Chỉ là chuyện đùa...” “Đùa à? Họ đang tới đây. Họ nghĩ anh đã giết Chloe Houston và...” Oliver tái mặt. “Gì cơ?” “Tôi biết điều đó thật điên rồ. Từ những gì tôi được nghe, tất cả các chứng cứ đều không có cơ sở. Tôi chắc anh có thể giải thích được anh ở đâu vào cái đêm cô bé bị giết.” Oliver lặng thinh. Peter Tager chờ đợi. “Oliver, anh có thể giải trình được không?” Oliver nuốt nước bọt. “Không, tôi không thể.” “Anh PHẢI giải thích được.” Oliver khó khăn nói. “Peter, tôi cần ở một mình .” Peter Tager gặp Nghị Sĩ Davis tại tòa nhà Quốc Hội. “Có chuyện gì gấp thế, Peter?” “Về... về Tổng thống.” “Chuyện gì?” “Bà Trưởng Lý và FBI nghĩ Oliver là kẻ giết người.” Nghị sĩ Davis nhìn chằm chằm vào Tager. “Quỉ tha ma bắt hay sao mà anh nói vậy?” “Họ buộc tội Oliver đã giết vô số người. Tôi biết được nhờ một người bạn làm trong FBI.” Tager kể lại cho nghị sĩ Davis về thông tin vừa nhận được. Nghe Tager kể xong, nghị sĩ Davis chậm rãi hỏi: “Anh có biết điều đó nghĩa là gì không?” “Có. thưa ngài. Có nghĩa là Oliver...” “Oliver chó chết. Tôi đã mất nhiều năm đưa hắn tới chỗ tôi muốn. Tôi không quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra với hắn. Tôi là người điều khiển, Peter ạ. Tôi có quyền lực. Tôi sẽ không để đồ ngu xuẩn đó làm mất quyền hành của tôi. Tôi không cho phép bất cứ ai làm thế!” “Tôi không biết ngài có thể...” “Anh nói các chứng cứ đều không có cơ sở phải không?” “Đúng vậy. Tôi được biết họ khó có thể chứng minh được. Nhưng tổng thống lại không có bằng chứng ngoại phạm.” “Bây giờ tổng thống ở đâu?” “Trong phòng của ngài.” “Tôi có tin tốt lành cho ngài đây.” Nghị sĩ Davis lẩm bẩm. Nghị sĩ Davis đang đối mặt với Oliver trong phòng Tổng thống. “Tôi được biết có một số chuyện phiền phức, Oliver ạ. Tất nhiên tôi cho đó là chuyện vớ vẩn. Tôi không hiểu ai đó có thể nghĩ là anh...” “Con đang nát óc ra đây. Con không làm gì sai cả, Todd ạ.” “Tôi cũng nghĩ là anh không làm gì. Song để những ngờ vực đó xảy ra, dù chỉ là ngờ vực, liệu anh có thể tiên đoán được hậu quả của nó với chúng ta chứ?” “Tất nhiên, nhưng...” “Anh là người quan trọng, không thể để nó xảy ra, dù là nghi ngờ hay đồn đại. Chúng ta giữ vai trò kiểm soát thế giới. Anh quên rồi ư? Anh có định từ bỏ nó không?” “Todd, con chẳng có tội gì hết. Con không giết ai. Cũng không liên quan tới cái chết nào.” “Nhưng họ đang nghĩ là anh CÓ. Tôi còn được biết anh đã không tìm ra nổi bằng chứng ngoại phạm vào tối hôm cô bé Chloe Houston bị giết, có đúng khônng?” Im lặng một lát. “Vâng.” Nghị sĩ Davis cười. “Trí nhớ của anh bị sao vậy, con trai? Tối đó anh ở cùng tôi mà. Chúng ta đã ngồi cùng nhau suốt cả buổi tối.” Oliver nhìn bố vợ, bối rối: “Gì ạ?” “Ổn thôi. Tôi là chứng cớ ngoại phạm của anh. Không ai thẩm vấn tôi đâu. Không ai cả. Tôi sẽ cứu anh, Oliver ạ.” Cả 2 im lặng một lúc lâu. Oliver nói. “Todd, cha muốn đổi lấy cái gì?” Nghị sĩ Davis gật gù. “Chúng ta sẽ bắt đầu từ hội nghị Hòa Bình Trung Đông. Anh sẽ hoãn nó lại, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau. Tôi có kế hoạch lớn đây. Chúng ta sẽ không để bất cứ chuyện gì làm hỏng kế hoạch đó.” Oliver nói. “Con sẽ vẫn tiến hành Hội Nghị Hòa Bình.” Nghị sĩ Davis nheo mắt. “Anh nói gì?” “Con quyết định vẫn tiến hành. Cha thấy đấy, điều quan trọng không phải là vị tổng thống sẽ ngồi trên ghế của mình bao lâu, Todd ạ, mà là ông ta làm được gì khi giữ chức đó.” Nghị sỉ Davis đỏ mặt. “Anh có biết mình đang là gì không?” “Có.” “Tôi lại nghĩ anh không biết. Bọn họ đang trên đường đến đây để buộc anh vào tội giết người đấy, Oliver. Rồi anh sẽ giải quyết những công việc chó chết của mình ở đâu, từ nhà tù à? Anh vừa ném cả cuộc đời mình đi đấy, thằng khờ ạ.” Một giọng vang lên từ điện toại. “Thưa tổng thống, có mấy người muốn gặp ngài. Bà Trưởng Lý Gatlin, ông Brandon của FBI, ngài chánh án Graves, và...” “Để họ vào.” Nghị sĩ Davis cười gằn. “Đến hồi kết rồi đây, tổng thống. Tôi có lỗi nhiều với anh, Oliver ạ. Nhưng còn anh, anh có lỗi nhiều hơn với chính cuộc đời mình. Tôi sẽ hủy diệt anh.” Cửa mở, bà Trưởng Lý Gatlin bước vào, theo sau là Brandon, Graves và Bergstrom. Thẩn Phán Graves nói: “Chào Nghị Sĩ Davis...” Todd Davis lặng lẽ gật đầu rồi bước ra khỏi phòng. Barbara Gatlin đóng cửa lại. Bà tiến về phía trước. “Thưa ngài tổng thống, thật ngại, nhưng tôi mong ngài sẽ hiểu. Chúng tôi phải hỏi ngài vài câu.” Oliver nhìn thẳng. “Tôi đã được biết vì sao các vị đến đây. Tất nhiên tôi chẳng liên quan gì đến bất cứ cái chết nào.” “Tôi chắc chắn rằng tất cả chúngtôi đều nhẹ nhõm khi nghe được điều này, thưa Tổng thống.” Scott Brandon nói: “Tôi cũng muốn nói với ngài rằng không ai trong chúng tôi thật sự tin là ngài có dính líu. Nhưng đã có lời tố cáo, chúng tôi không còn cách nào khác phải điều tra.” “Tôi hiểu.” “Thưa tổng thống, ngài có thể nói cho chúng tôi biết tối hôm 15 tháng 10 ngài đã ở đâu không? Đó là buổi tối hôm Chloe Houston chết...” Cả phòng im lặng. “Thưa tổng thống?” “Tôi xin lỗi . Tôi không thể.” “Nhưng chắc chắn là ngài có nhớ ngài đã ở đâu hoặc làm gì vào tối hôm đó chứ?” Im lặng. “Thưa tổng thống?” “Tôi, tôi không thể nghĩ ngay bây giờ được. Tôi mong các vị sẽ trở lại sau.” “Bao lâu nữa?” Bergstrom hỏi. “Tám giờ.” Oliver nhìn họ đi khỏi rồi đứng dậy, bước chậm chạp đi sang phòng khách nhỏ có Jan đang làm việc ở đó. Bà ngẩng lên khi ông bước vào, ngạc nhiên trước vẻ khác lạ hiện rõ trên gương mặt ông. Hít một hơi thật sâu, Oliver nói. “Jan, anh... anh phải thú nhận với em là...” Nghị sĩ Davis đang trong cơn thịnh nộ. “Sao ta lại có thể ngu đến thế cơ chứ? Ta đã đánh giá sai, cất nhắc lầm người. Hắn ta đang cố tình phá hỏng mọi thứ mà ta đã hết lòng tạo dựng. Ta sẽ phải dạy cho hắn bài học dành cho những kẻ muốn phản bội ta.” Ông ngồi bên bàn một lúc lâu, quyết định mình sẽ phải làm gì. Rồi ông nhấc điện thoại lên, quay số. “Cô Stewart, tôi còn nhớ cô đã nói với tôi, khi nào có gì mới thì gọi cho cô.” “Vâng , tôi xin nghe, thưa nghị sĩ.” “Hãy nói những gì tôi muốn trước đã. Kể từ đây, tâôi trông chờ toàn bộ vào sự giúp đỡ của tờ Washington Tribune: Tham gia chiến dịch, các bài xã luận, phỏng vấn...” “Để tôi sẽ nhận được cái gì?” Leslie ngắt lời ông ta. “Tổng thống Hoa kỳ. Bà Trưởng Lý vừa được cho phép bắt tổng thống vì liên quan đến vài vụ giết người.” Có tiếng thở mạnh. “Ngài nói tiếp đi, nghị sĩ Davis.” Leslie Stewart nói nhanh đến nỗi Matt Baker ù hết cả đầu. “Vì Chúa, hãy chậm thôi,” Ông chặn lại, “bà đang nói gì vậy?” “Tổng thống của chúng ta! Chúng ta đã túm được ông ấy, Matt! Tôi vừa nói chuyện với Nghị sĩ Todd Davis. Chánh án tóa án Tối Cao, giám đốc CIA, giám đốc FBI và Trưởng Lý Hoa kỳ đang ở văn phòng tổng thống với lệnh bắt ông ta vì tội giết người. Có một đống bằng chứng chống lại tổng thống, Matt ạ. Ông ta lại không có chứng cứ ngoại phạm. Thật là chuyện giật gân của thế kỷ!” “Bà không thể cho đăng lên cái tin ấy được.” Matt nói như ra lệnh. Nàng nhìn ông đầy ngạc nhiên. “Ý ông là gì?” “Leslie, chuyện này quá lớn, không quyết định vội vã được. Ý tôi là nó cần được kiểm tra đi kiểm tra lại.” “Kiểm tra cho đến khi nó xuất hiện trên trang nhất của tờ Washinton Post chứ gì? Không, cám ơn ông. Tôi sẽ không để lỡ dịp này đâu.” “Bà không thể buộc tội tổng thống đã giết người mà không có...” Leslie cười. “Tôi sẽ không làm thế, Matt ạ. Những gì chúng ta làm là chỉ đưa ra một sự thật, rằng đã có lệnh bắt tổng thống. Thế là đủ để phá ông ấy.” “Nghị sĩ Davis đã...” ... “Đã lật chính con rể mình. Ông ta tin là tổng thống có tội. Ông ta nói vậy với tôi.” “Thế chưa đủ. Chúng ta sẽ xác minh thêm chút đã, rồi...” “Với ai? Katherine Graham ư? Ông mất trí rồi à? Chúng ta sẽ cho ra luôn, hoặc chúng ta sẽ mất cơ hội này.” “Tôi không thể để bà đăng lên mặt báoà cái tin động trời này mà không xác minh cẩn thận.” “Thế ông định sẽ hỏi ai? Đây là tờ báo của tôi, tôi sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn.” Matt Baker đứng dậy.”Như vậy là vô trách nhiệm. Tôi sẽ không cho bất cứ phóng viên nào của tôi viết bài này.” “Họ không phải viết đâu. Tự tôi sẽ viết.” “Leslie, nếu bà làm thế, tôi sẽ đi. Vì chúa.” “Không, ông không đi, Matt. Ông và tôi sẽ cùng nhau chia giải Pulitzer.” Nàng nhìn theo ông bước ra khỏi phòng, lẩm bẩm. “Ông ấy sẽ quay lại.” Leslie ấn nút nội đàm. “Gọi giúp tôi Zoltaire tới đây.” Leslie nhìn Zoltaire, hỏi: “Tôi muốn biết về mình trong 24 giờ tới.” “Được, thưa bà Stewart. Rất hân hạnh được phục vụ bà.” Zoltaire cầm lên quyển chiêm tinh học và mở ra. Ông xem xét, tính toán một lúc rồi trợn tròn mắt. “Gì vậy?” Zoltaire nhìn lên: “Tôi... điều gì đó rất quan trọng dường như sắp xảy ra.” Ông ta chỉ vào trang sách. “Bà nhìn này. Sao Hỏa sẽ cắt quỹ đạo sao Diêm vương của bà trong 3 ngày, tạo nên một khoảng trống nguy hiểm...” “Không sao đâu,” Leslie sốt ruột. “Nói sang chuyện đuổi bắt ấy đi.” Zoltaire chớp chớp mắt. “Cuộc đuổi bắt ư? À vâng!” Ông ta lại nhìn vào sách. “Một sự kiện lớn đang xảy ra. bà đã đi được nửa đường. Bà sắp nổi tiếng, thậm chí hơn cả bây giờ. bà Stewart. Cả thế giới sẽ biết tới bà.” Trong lòng Leslie tràn ngập cảm giác hân hoan. Cả thế giới sắp biết đến nàng. Nàng sẽ có mặt tại buổi lễ trao thưởng, Người dẫn chương trình sẽ nói. “Và bây giờ, người nhận giải thưởng Putlizer của năm nay cho tác phẩm quan trọng nhất của báo chí, bà Leslie Stewart.” Mọi người sẽ đứng lên vỗ tay rầm rộ, những tiếng thung hô đến điếc tai. “Bà Stewart...” Leslie tỉnh khỏi cơn mơ. “Bà hỏi gì nữa không?” “Không, “ Leslie nói, “cám ơn ông, Zoltaire. Thế là đủ rồi.” Tối hôm đó, khoảng 7 giờ, Leslie chăm chú đọc lại bản nháp của bài báo nàng vừa viết. Ngay cái tựa bài đã như một cú phát hỏa cho một cuộc chiến sinh tử. LỆNH BẮT TỔNG THỐNG RUSSELL VÌ TỘI GIẾT NGƯỜI. TỔNG THỐNG BỊ TRA HỎI TRONG CUỘC ĐIỀU TRA VỀ 6 CÁI CHẾT. Leslie quyết định sẽ dùng tựa bài này rồi nói với Lyle Bannister, phó tổng biên tập Tribune. “In đi!” Nàng nói thêm. “Số lượng đặc biệt. Tôi muốn nó có mặt trên mọi đường phố Washington sau 1 giờ nữa, cùng thời điểm câu chuyện này được phát trên kênh truyền hình WTE.” Lyle Bannister lưỡng lự. “Bà không nghĩ là Matt Baker nên xem qua nó à?” “Tribune không phải là tờ báo của ông ấy. Nó là của tôi. In đi. Ngay bây giờ.” “Vâng, thưa bà chủ.” Ông nhấc điện thoại và quay số. “Chúng ta sẽ cho thêm...” Bảy giờ rưỡi. Barbara Gatlin, Trưởng Lý liên bang Hoa Kỳ cùng nhóm người có mặt bên bà cả ngày hôm nay, chuẩn bị lên xe quay lại Nhà Trắng. Barbara Gatlin khó nhọc nói. “Tôi mong rằng không cần dùng đến nó. Chỉ là đề phòng thôi. Tôi có mang theo lệnh bắt Tổng thống...” Đúng 8 giờ, thư ký của Oliver báo. “Bà Trưởng Lý Gatlin và những người đi cùng xin được gặp.” “Để họ vào.” Oliver nhìn từng người khi họ bước vào. Jan đứng cạnh, nắm chặt tay chồng. Barbara Gatlin nói, “Giờ ngài đã chuẩn bị trả lời câu của chúng tôi chưa, thưa Tổng Thống?” Oliver gật đầu. “Tôi sẵn sàng.” “Thưa tổng thống, Chloe Houston có hẹn gặp ngài vào hôm 15 tháng 10 không?” “Có cô bé có hẹn tôi.” “Và ngài có gặp cô ấy không?” “Không. Tôi phải hủy bỏ.” Ngay trước 3 giờ có một cú điện thoại. ”Anh yêu, em đây mà. Em đang một mình đợi anh. Em đang thuê phòng ở Maryland. Em đang ngồi trong bồn, không mặc gì cả.” “Chúng ta sẽ làm gì đó.” “Bao giờ anh đi dược?” “Anh sẽ tới đó trong một giờ nữa.” Oliver nhìn vào cả nhóm. “Nếu những điều tôi sắp nói với quí vị đây là lọt ra ngoài, thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới địa vị tổng thống và mối quan hệ của nước Mỹ với các quốc gia khác. Tôi rất phân vân khi buộc phải xử xự thế này nhưng các vị đã không cho tôi được lựa chọn.” Cả nhóm tò mò nhìn Oliver đi tới cánh cửa bên và mở ra. Sylva Picone bước vào. “Đây là Sylva Picone, phu nhân ngài đại sứ Ý. Hôm 15 tháng 10 bà Picone và tôi đã cùng nhau tại một phòng thuê ở Maryland từ 4 giờ chiều cho tới tận 2 giờ sáng. Tôi hoàn toàn chẳng hay biết gì về cái chết của Chloe Houston hoặc về bất kỳ cái chết nào khác.” Chương 21 Dana bước vào phòng Tom Hawkins. “Tom, tôi mang đến anh chuyện thú vị đây. Trước khi Frank Lonergan bị giết, anh ấy đã đến nhà Carl Gorman, một nhân viên của khách sạn Monroe Arms. Gorman, sau đó bị giết trong một vụ ĐƯỢC CHO là tai nạn tàu thuyền. Anh ta sống với chị gái. Tôi muốn đưa nhóm quay phim đến đó ghi hình cho bản tin 10 giờ tối nay. “ “Cô không cho đấy là vụ tai nạn tàu thuyền?” “Không. Có quá nhiều sự trùng hợp.” Tom Hawkins ngẫm nghĩ. “Được, tôi sẽ sắp xếp.” “Cám ơn anh. Địa chỉ đây. Tôi sẽ gặp nhóm quay phim ở đó. Tôi về nhà thay đồ đã.” Vừa đẩy cửa vào, Dana chợt có cảm giác bất an. Đó là cảm giác đã hơn một lần xuất hiện trong người nàng, hồi ở Sarajevo; cảm giác báo trước sự nguy hiểm. Ai đó đang ở đây? Nàng đi khắp nhà, chậm rãi, cảnh giác, kiểm tra tất cả các tủ. Không bị mất gì. “Chỉ là mình tưởng tượng thôi,” Dana nhủ thầm. Nhưng nàng không tin đó chỉ là tưởng tượng. Khi Dana tới ngôi nhà chị gái Gorman thì chiếc xe săn tin điện tử đã có mặt. Đó là chiếc xe tải lớn với cần ăng ten trên nóc và các thiết bị điện tử phức tạp ở trong. Andrew Wright, phụ trách âm thanh và Vernon Mills, quay phim, đang đợi nàng. “Chúng ta sẽ phỏng vấn ở đâu?” Mills hỏi. “Tôi muốn làm trong nhà. Tôi sẽ gọi các anh khi sẵn sàng.” “Được.” Dana bước tới gõ cửa. Chỉ vài giây, Marianne Gorman đã xuất hiện. “Chị cần gì?” “Tôi là...” “À! Tôi biết chị là ai rồi. Tôi đã thấy chị trên TV.” Vâng, chúng ta có thể trò chuyện vài phút được không?” Dana hỏi. Marianne Gorman lưỡng lự. “Vâng. Mời chị...” Dana đi theo chị ta vào phòng khách. Marianne Gorman mời Dana ngồi. “Về em trai tôi phải không? Nó đã bị giết. Tôi biết điều này.” “Ai giết anh ấy?” Marianne Gorman nhìn ra chỗ khác. “Tôi không biết.” “Có phải Frank Lonergan đã đến gặp chị không?” Người phụ nữ nheo mắt. “Hắn đã lừa tôi, để tôi nói cho hắn nghe chỗ em trai tôi... và...” Mắt chị ta ngấn lệ. “Giờ thì Carl đã chết.” “Lonergan nói gì với chị?” “Hắn nói là người của IRS, thuế má gì đó.” Dana nhìn chị ta. “Nếu không phiền, tôi muốn có một cuộc phỏng vấn ngắn với chị để đưa lên TV. Chị chỉ cần nói về cái chết của người em trai và chị cảm thấy thế nào về tội ác đó tại thành phố này.” Marianne Gorman gật đầu. “Thế thì được.” “Cám ơn chị.” Dana ra cửa vẫy Vernon Mills. Anh xách máy quay đi tới, Andrew Wright theo sau. “Tôi chưa từng làm như thế này bao giờ.” Marianne nói. “Chị không phải lo lắng gì cả. Chỉ ngồi và nói. Trong vài phút thôi.” Vernon bước vào phòng khách, hất hàm. “Cô muốn quay ở đâu?” “Chúng ta quay tại đây, trong phòng khách này.” Nàng chỉ vào góc phòng. “Anh đặt máy quay ở đó.” Vernon làm theo rồi quay lại chỗ Dana và Marianne. Anh cài micro lên áo 2 người . “Chị hãy bật lên lúc nào chị sẵn sàng nói.” Marianne chợt kêu lên. “Không! Khoan đã! Tôi xin lỗi. Tôi... tôi không thể.” “Tại sao vậy?” Dana hỏi. “Điều này... điều này rất nguy hiểm. Tôi có thể... nói riêng với cô được không?” “Vâng.” Dana nhìn Vernon và Wright. “Các anh cứ để máy quay đấy. Tôi sẽ gọi sau.” Vernon gật đầu. “Chúng tôi ở trong xe.” Dana quay sang Marianne Gorman. “Tại sao lên TV chị lại gặp nguy hiểm?” Marianne lưỡng lự nói. “Tôi không muốn chúng thấy tôi.” “Ai? Chúng là ai?” Marianne nuốt nước bọt. “Carl đã làm điều mà cậu ấy... Cậu ấy không nên làm. Carl đã bị giết vì thế. Mấy gã đã giết cậụ ấy lại sẽ giết tôi mất. “ Chị ta run rẩy. “Carl đã làm gì?” “Ôi, lạy chúa, tôi đã van xin nó đừng làm thế.” Marianne than vãn. “Đừng làm gì?” Dana hỏi dồn. “Nó... nó đã viết thư tống tiền.” Dana ngạc nhiên. “Thư tống tiền?” “Phải. Hãy tin tôi, Carl người tốt. Chỉ là vì nó thích... nó thích những thứ đắt tiền mà với đồng lương của nó, không thể đáp ứng nổi. Tôi không khuyên can nổi nó. Nó bị giết vì bức thư đó. Tôi biết chuyện này. Chúng đã tìm thấy nó. Đã giết nó. Và chúng biết tôi ở đâu. Tôi rồi cũng sẽ bị giết mất thôi.” Chị ta nức nở. “Tôi... Tôi không biết phải làm gì.” “Hãy kể cho tôi về bức thư...” Marianne Gorman thở thất sâu. “Em trai tôi chuẩn bị đi nghỉ. Nó để quên áo khóac ở khách sạn Monroe Arms, nơi nó làm việc. Vì muốn mang áo theo nên nó đã quay lại lấy. Và ở gara, nó thấy cửa thang máy riêng dẫn lên dẫy phòng đế vương mở ra. Carl kể rằng đã nhận ra một người đàn ông nổi tiếng, và nó rất ngạc nhiên hơn bởi người đàn ông đó còn quay lại đêû lau chùi cẩn thận những nút bấm cửa thang máy. Chắc để xóa dấu tay. Nó nghĩ vậy. Lúc đó nó đâu biết chuyện gì đã xảy ra. Rồi hôm sau, nó đọc được tin cô gái tội nghiệp bị giết, và nó biết người đàn ông kia chính là thủ phạm”... Marianne ngập ngừng. “Và nó đã gửi thư tới Nhà Trắng...” Dana bàng hoàng song cố từ tốn hỏi lại. “Nhà Trắng ư?” “Vâng.” “Cậu ấy gửi thư cho ai?” “Cho người đàn ông nó nhìn thấy trong nhà xe. Cô biết không? cái người bịt băng đen ở một bên mắt ấy. Tên ông ta là Peter Tager Chương 22 Qua các bức tường của văn phòng, hắn có thể nghe rõ tiếng xe cộ qua lại trên đại lộ Pennsylvania bên ngoài Nhà Trắng, rồi hắn dần dần nhận thức được thực tế chung quanh. Peter điểm lại mọi chuyện xảy ra và thấy hài lòng vì mình đã an toàn. Tổng thống Oliver Russell sắp bị bắt vì tội giết người, dù ông ấy không là hung thủ. Rồi pha id="filepos495133"> tổng thống Melvin Wicks sẽ trở thành tổng thống. Thượng nghị sĩ Davis thì không kiểm soát được tổng thống Wicks. Và mình không có liên quan tới bất cứ cái chết nào cả, Tager nghĩ. Tối nay có buổi lễ cầu nguyện, Peter Tager đang chờ đến giờ làm lễ. Mọi người đều thích nghe hắn nói về tôn giáo và quyền lực của tôn giáo. Họ bảo hắn có tài hùng biện. Peter Tager biết đến tình dục từ năm 14 tuổi. Chúa đã đày dọa hắn bằng cách bắt hắn có 1 ham mê vô độ đối với phụ nữ. Tai nạn cướp đi một mắt Tager, hắn nghĩ là mình mất đi nét quyến rũ với người khác giới. Trớ trêu thay, các cô lại bảo cái băng đen bịt một bên mắt kia nom rất gợi tình. Thêm nữa, Chúa Trời lại ban cho hắn sự quyến rũ đặc biệt qua cách nói năng, xử sự với các cô gái, để các cô có thể dâng hiến cho hắn, ngay từ lần gặp đầu tiên, ở bất kỳ đâu: ghế sau ôtô, kho thóc, góc công viên... nói chi đến phòng ốc giường nệm đàng hoàng. Không may là hắn đã làm một trong số các cô-qua-đường đó mang bầu và buộc phải cưới cô ta để rốt buộc thêm vào mình 2 đứa con gái. Gia đình trở thành gánh nặng với hắn, kìm hãm ham muốn nhục dục của hắn lại. Nhưng cũng có cái hay. Gia đình lại trở thành vỏ bọc hữu hiệu che giấu những chuyện sa đọa của hắn. Hắn đã từng nghiêm túc nghĩ đến ý định xin vào ngành cảnh sát, nhưng rồi hắn lại gặp nghị sĩ Todd Davis và trở thành tay chân thân tín của ông ta. Cuộc đời hắn rẽ sang một hướng khác. Sân khấu của hắn nay là chính trường. Rộng hơn, quyền lực nhiều hơn, cũng lắm cơ hội hơn cho thói háo sắc của hắn. Thoạt đầu, không hề có trục trặc gì trong quan hệ vụng trộm của hắn với các cô gái. Rồi một người bạn khoe với hắn lọ thuốc gây ảo giác có tên là Ecstasy. Hắn nghi hoặc. Người bạn bèn tặng luôn hắn. Hắn đã cùng Lisa Burnette, một con chiên ngoan đạo, chia sẻ lọ thuốc đó trong nhà thờ ở Frankfort. Rủi ro xảy ra. Người ta tìm thấy xác Buernette trên sông Kentucky. Tai nạn tiếp theo đến với Miriam Friedland, nữ thư ký của thống đốc Oliver Russell. Cô ta bị phản ứng và hôn mê. Không phải lỗi của mình, Peter Tager quả quyết. Mình cũng dùng nó nhưng có sao đâu? Rõ ràng Miriam đã cùng lúc sử dụng quá nhiều loại thuốc. Sau đó tất nhiên là đến Chloe Houston. Hắn gặp cô bé trong Nhà Trắng khi cô đang tìm phòng vệ sinh nữ. Chloe đã nhận ra hắn từ xa và rất ấn tượng. “Ngài là Peter Tager! Em nhìn thấy ngài trên TV suốt.” “À, tôi rất vui. Tôi có thể giúp gì được cô?” “Em đang tìm phòng vệ sinh”. Cô gái trẻ trung và rất xinh đẹp “Trong Nhà Trắng không có phòng vệ sinh chung đâu, thưa cô.” “Ôi trời.” Hắn chợt lóe lên một âm mưu. “Tôi nghĩ có thể giúp cô. Đi theo tôi.” Hắn dẫn cô lên tầng trên chỉ cho cô phòng tắm riêng rồi đợi bên ngoài. Khi Chloe hắn hỏi. “Cô mới đến Washington à?” “Vâng.” “Sao cô không để tôi chỉ cho cô thấy Washington thật sự nhỉ? Cô có muốn vậy không?” Hắn nhận thấy cô bé ngẩn cả người ra. “Em... chắc chắn là em muốn... nếu không phiền lắm...” “Với một người đẹp như cô ư? Chẳng phiền chút nào cả. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng bữa cơm tối nay nhé?” Chloe mỉm cười “Nghe tuyệt quá.” “Tôi đảm bảo với em rằng sẽ rất tuyệt. Song em không được nói cho bất cứ ai biết là chúng ta đã gặp nhau nhé! Chỉ là bí mật của 2 ta thôi.” “Em sẽ không nói. Em hứa.” “Tôi có cuộc gặp mặt cấp cao với chính phủ Nga tại khách sạn Monroe Arms vào tối nay.” Hắn có thể thấy được cô bé đang mê mẩn. “Chúng ta có thể ăn tối tại dãy phòng đế vương ở đó. Sao em không đến đó gặp tôi lúc 7 giờ tối nhỉ?” Cô gái nhìn hắn, gật đầu một cách thích thú. “Được, em sẽ có mặt đúng 7 giờ.” Hắn bày cho Chloe cách đến được dẫy phòng sang trọng đó. “Sẽ chẳng khó khăn gì đâu. Chỉ cần gọi tôi là em đã đến.” Và Chloe đã làm đúng vậy. Đầu tiên, Chloe Houston cũng hơi lưỡng lự. Khi thấy Peter ôm ghì lấy cô, đôi mắt tìm kiếm môi cô, Chloe vùng ra và nói. “Đừng. Em vẫn còn là con gái đấy.” Thật như đổ thêm dầu vào ngọn lửa dục vọng đang bừng bừng trong hắn. “Xin lỗi. Anh không hề muốn em làm những gì mà em không muốn!” Câu nói khiến Chloe an tâm hẳn. Hắn còn nói thêm. “Chúng ta chỉ ngồi trò chuyện thôi nhé.” “Anh thất vọng à?” Tager nắm luôn lấy tay Chloe. “Không hề, cưng của anh.” Rồi hắn đứng dậy, ra quầy rượu, lấy xuống lọ Ecstasy và rót ra 2 ly. Hắn mang tới, đưa một cho Chloe. “Gì vậy?” cô bé hỏi. “Ruợu ngon. Sẽ rất sảng khoái. Cạn l ly!” Hắn cầm ly ruợu nốc cạn rồi nhìn Chloe uống cạn ly của mình. “Được đấy!”Chloe nói. Hắn trò chuyện nhăng cuội với cô bé, chờ thuốc phát huy hiệu lực. Khoảng nửa tiếng sau, hắn nhẹ nhàng ôm lấy Chloe, hôn vào môi cô. Chloe hôn trả, nghiến ngấu. Hắn đặt tay lên khuy áp Chloe. “Cởi ra nhé?” Hắn nói. “Vâng.” Peter dõi theo Chloe đi vào buồng tắm, rồi cũng bắt đầu cởi quần áo mình ra. Sau vài phút Chloe bước ra, trần truồng. Hắn thích thú ngắm nhìn cơ thể trẻ trung, quyến rũ của cô. Chloe trèo lên giường, nằm xuống bên hắn. Làm tình với Chloe hắn thấy đặc biệt thích thú. Sự vụng về và trinh trắng của cô bé làm khoái cảm của hắn tăng bội phần. Hắn vừa định tiếp tục lần thứ 2 thì bỗng Chloe ngồi bật dậy. “Em có sao không, cưng?” “Em... em ổn thôi. Em chỉ thấy hơi...” Cô bé bám chặt thành giường một lúc, “Em sẽ quay lại ngay.” Chloe bước xuống sàn. Peter nhìn theo. Bất chợt cô bé trượt ngã, đầu đập vào góc bịt sắt của chiếc bàn. “Chloe!” Hắn nhảy ra khỏi giường, hốt hoảng đến bên Chloe. Không thấy tim cô bé đập. Ôi, Chúa ơi, hắn nghĩ. Sao em có thể làm thế với anh cơ chứ? Đó không phải lỗi của mình. Cô ấy bị trượt chân mà... Hắn nhìn quanh. Họ không thể tìm thấy dấu vết của mình ở đây được. Hắn nhanh chóng mặc quần áo, vào buồng tắm, lấy một cái khăn nhúng nước rồi bắt đầu lau chùi tất cả những chỗ hắn có thể đã chạm tới. Hắn lấy ví của Chloe, xem xét xung quanh để c rằng không còn một dấu vết nào chứng tỏ hắn đã ở đây. Xong việc, hắn đi thang máy xuống gara. Điều cuối cùng hắn làm là quay lại xoá dấu tay y tên các nút của thang máy. Khi Paul Yerby bị hỏi cung, Peter Tager đã dùng quan hệ của mình để khử đi mối hiểm họa. Sẽ chẳng ai có thể nghĩ Tager lại liên quan đến cái chết của Chloe. Và rồi bức thư tống tiền được gởi tới. Carl Gorman, nhân viên khách sạn, đã nhìn thấy hắn. Peter cho Sime đi thanh toán Gorman, với lý do là để bảo vệ tổng thống. Vậy là đã chấm dứt được rắc rối? Nhưng lạt xuất hiện nguy cơ Frank Lonergan sẽ tìm ra sự thật. Vậy cũng cần khử nốt anh ta. Giờ lại xuất hiện một phóng viên tọc mạch khác cần giải quyết. Song cũng chỉ còn 2 mối hiểm họa: Marianne Gorman và Dana Evans. Và Sime đang trên đường tới đưa cả 2 sang bên kia thế giới. Chương 23 Marianne Gorman lặp lại. “Cô chắc chắn phải biết cái người bịt một bên mắt đó. Đó là Peter Tager.” Dana sửng sốt. “Chị chắc chứ?” “Ồ, để nhận ra một người mang cái vẻ đặc biệt như vậy có khó không?” “Tôi cần dùng điện thoại của chị.” Dana vội gọi cho Matt Baker. Nữ thư ký của ông trả lời. “Văn phòng Matt Baker xin nghe.” “Dana đây. Tôi phải nói chuyện với ông ấy. Khẩn cấp đấy.” “Chị giữ máy nhé.” Một lát sau, Matt Baker đã ở đầu dây bên kia “Dana, có gì trục trặc sao?” Nàng hít sâu 1 hơi. “Matt, tôi vừa biết được ai đã ở cùng Chloe Houston lúc cô bé chết.” “Chúng ta đã biết là ai rồi mà. Đó là...” “Pater Rager.” “Gì?” Matt gào lên. “Tôi đang ở nhà người chị của Carl Gorman, nhân viên khách sạn đã bị giết. Carl Gorman thấy Tager xóa dấu vân tay của mình ở thang máy khách sạn vào đêm Chloe Houston chết. Gorman đã gởi cho Tager lá thư tống tiền, và tôi nghĩ Tager đã giết anh ta. Tôi và nhóm làm phim đang ở đây. Ông có muốn tôi đưa lên truyền hình vụ này không?” “Đừng làm gì lúc này!” Matt vội vã ngăn. “Tôi sẽ... 10 phút nữa gọi lại cho tôi.” Ông gác ống nghe và lao thẳng tới Tháp Ngà. Leslie đang ngồi trong đó. “Leslie, bà không thể in...” Nàng quay ra, giơ cao ma-két với cái đầu đề “LỆNH BẮT VÌ TỘI GIẾT NGƯỜI DÀNH CHO TỔNG THỐNG RUSSELL.” “Anh nhìn này, Matt.” Giọng nàng đầy vẻ đắc thắng. “Leslie... Tôi có tin này cho bà...” “Đây là tất cả tin tức tôi cần.” Nàng nghênh nghênh cái đầu. “Tôi đã nói là anh sẽ quay lại mà. anh không thể đi xa được, có đúng không? Quá khó khăn mà, phải không Matt? Anh cần tôi. Anh sẽ luôn luôn cần tôi..” Ông đứng đó, nhìn nàng, tự hỏi: Điều gì đã biến cô ta trở thành người đàn bà như vậy? “Dừng ngượng vì anh đã có lỗi” Leslie nói 1 cách tự mãn. “Anh muốn gì?” Matt Baker tran trân nhìn nàng, lúc lâu sau, ông nói. “Tôi muốn nói tạm biệt, Leslie.” Nàng nhìn ông quay lưng bước ra khỏi cửa. Chương 24 “Điều gì sẽ xảy đến với tôi?” Marianne Gorman hỏi. “Chị đừng quá lo lắng.” Dana nói như dỗ dành, “chị sẽ được bảo vệ.” Nàng quyết định chớp nhoáng. “Marianne, chúng ta sẽ làm một c phỏng vấn trực tiếp, tôi sẽ chuyển băng tới FBI. Ngay khi xong việc, tôi sẽ đưa chị đi khỏi đây.” Bên ngoài có tiếng xe hơi phanh két lại. Marianne v id="filepos507018">i vã lao ra phía cửa sổ. “Ôi Lạy Chúa tôi!” Dana chạy tới đứng cạnh. “Có gì vậy?” Sime Lombardo ra khỏi xe. Gã nhìn ngôi nhà và đi thẳng tới cửa. Marianne lập bập. “Đó là... là... là 1 trong 2 người đàn ông đã đến đây hỏi về Carl vào cái ngày Carl bị giết. Tôi tin rằng hắn đã giết cậu ấy.” Dana nhấc điện thoại lên, vội vàng quay số. “Văn phòng Hawkins đây.” “Nadine, tôi cần nói chuyện với ông Hawkins ngay.” “Ông ấy không có trong văn phòng, Chắc sẽ quay lại sau khoảng...” “Để tôi nói chuyện với Nate Erickson.” Nate Erickson, trợ lý của Hawkins nhấc máy. “Dana à?’ “Nate... Tôi cần giúp đỡ. Tôi có một tin giật gân. Tôi muốn được lên hình trực tiếp ngay bây giờ.” “Tôi không thể.” Erickson phản đối. “Tom mới được quyền giải quyết việc này.” “Không còn thời gian nữa đâu.” Dana gào lên. Nàng liếc ra bên ngoài cửa sổ, thấy Sime Lombardo đang tiến lại phía cửa ra vào. Trong xe, Vernon Mills nhìn đồng hồ. “Chúng ta có làm phỏng vấn hay không đây? Tôi có hẹn...” Trong nhà, Dana đang cố thuyết phục. “Đây là vấn đề sống chết đấy, Nate ạ. Anh truyền hình trực tiếp cho tôi đi. Hãy vì Chúa, làm ngay đi!” Nàng đặt điện thoại xuống, bước tới TV, bật kênh 6 lên. Màn hình đang phát vở kịck. Một ông già đang nói chuyện với phụ nữ trẻ. “Em không bao giờ thực sự hiểu anh, phải không Kristen?” “Sư thật là em quá hiểu anh. Vì thế em muốn ly dị, George ạ.” “Còn có ai khác không?” Dana chạy vào phòng ngủ, bật cả TV trong đó. Có tiếng gõ cửa. Nghe rất to. “Đừng mở,” Dana nói với Marianne... Nàng kiểm tra để chắc chắn rằng micro vẫn hoạt động. Tiếng gõ cửa càng ngày càng to. “Chúng ta chạy thôi.” Marianne thì thầm. “ Có cửa sau...” Đúng lúc đó, cánh cửa bị đạp tung, Sime nhảy vào phòng. Gã đóng sầm cửa lại và nhìn 2 người đàn bà. “Cháo các quí cô. Tôi thấy rằng mình đã tóm được cả 2 rồi.” Dana thất vọng liếc nhìn chiếc TV. ”Nếu còn có người nào khác thì đó là lỗi tại anh, George ạ.” “Có thể là lỗi tại anh, Kristen.” Sime Lombardo rút ra 1 khẩu súng bán tự động cỡ 22 li, bắt đầu tra bộ phận giảm thanh vào nòng súng. “Không!” Dana nói “Anh không thể...” Marianne lẩm nhẩm “Ôi lạy Chúa tôi!” “Hãy nghe này...”Dana nói. “Chúng ta có thể...” “Tôi nói các cô hãy im mồm đi.” Dana nhìn vào chiếc TV. “Anh luôn tin vào cơ hội thứ 2, Kristen. Anh không muốn để mất những gì chúng ta đã có... Những gì chúng ta có thể lại có nữa.” Vẫn 2 cái giọng đó vang lên như trêu ghẹo. Sime nói. “Tôi bảo 2 cô nhé! Ta hãy giải quyết cho xong đi thôi.” Khi 2 người phụ nữ hoảng sợ, dò dẫm đi vào phòng ngủ thì bóng đèn trên chiếc camera ở góc phòng bỗng bật đỏ. Hình ảnh Kristen và Georgr biến khỏi màn hình và tiếng phát thanh viên vang lên: ”Chúng tôi xim tạm dừng chương trình này để chuyển trực tiếp tới quí vị câu chuyện giật gân ở vùng Wheaton...” Màn hình hiện lên khung cảng phòng khách nhà Gorman. Dana và Marianne dược quay cận cảnh, Sime đứng sau họ. Gã khựng lại, lúg khi nhìn thấy mình trên TV. “Gì vậy, cái chó chết gì vậy?” Trong xe, 2 nhân viên kỹ thuật nhìn thấy những hình ảnh vừa mới lóe lên trên màn hình. “Lạy Chúa tôi,” Vrnon Mills nói, “Chúng ta đang truyền hình trực tiếp.” Daba liếc nhìn màn hình, thầm thở dài, vui sướng. Nàng quay thẳng về phía camera. “Đây là Dana Evans. Quí vị đang chứng kiến trực tiếp cảnh ngôi nhà của Carl Gorman, người đã bị giết mấy ngày trước đây. Chúng tôi đang phỏng vấn người đàn ông nắm giữ 1 số thông tin về cái chết của Gorman.” Nàng quay sang Sime... “Anh có thể kể cho chúng tôi và cho quí vị khác giả biết một cách chính xác những gì đã xảy ra không?” Lombardo đứng đó, đờ ra, nhìn hình mình trên TV, mấp máy môi. “Xin chào!” Từ chiếc TV, gã nghe thấy tiếng mình. “Xin chào!” và thấy hình mình cử động khi nghiêng về phía Dana. “Gì thế này... các người đang làm gì thế? Trò quái quỷ gì vậy?” “Không phải trò đùa đâu. Chúng ta đang được truyền hình trực tiếp. 2 triệu người đang theo dõi chúng ta.” Lombardo nhìn lại mình trên màn hình 1 lần nữa, vội đút súng vào túi. Dana liếc nhìn Marianne Gorman, rồi nhìn thẳng vào mắt Sime Lombardo. “Peter Tager đứng sau cái chết của Carl Gormam phải không?” Nick Reese đang ngồi trong văn phòng thì người trợ lý lao vào “Nhanh lên! Hãy xem cái này! Họ đang ở nhà Gorman.” Anh ta chuyển TV sang kênh 6, hình ảnh hiện lên. “Peter Tager đã sai anh giết Carl Gorman, đúng không?” “Tôi không biết cô đang nói gì. Tắt cái TV chết tiệt đó đi trước khi tao...” “Trước khi anh cái gì? Anh sẽ giết chúng tôi trước 4 triệu con mắt của 2 triệu người à?” “Lạy chúa!” Nick Reese hét lên. “Gọi mấy xe tuần tra tới đó ngay.” Trong phòng Xanh ở Nhà Trắng, Oliver và Jan đang xem kênh WTE, sửng sốt. “Peter á?” Oliver từ tốn nói. “Tôi không thể tin được!” Cô thư ký của Peter lao như bắn vào. “Ông Tager, tôi nghĩ ông nên bật kênh 6 lên.” Cô nhìn hắn lo lắng, rồi vội vã đi ra. Peter Tager nhìn theo, thắc mắc. Hắn cầm điều khiển, ấn nút, màn hình TV bật sáng. Dana đang nói “... và có phải Peter Tager cũng phải chịu trách nhiệm trong cái chết của Chloe Houston không?” “Tôi không biết gì về chuyện này hết. Cô phải hỏi Tager chứ?” Peter Tager không tin vào mắt mình. Không thể có chuyện này! Chúa không thể đối xử vậy với ta được. Hắn nhảy dựng lên, lao về phía cửa. Ta sẽ không để bọn chúng tóm được ta. Ta sẽ trốn ! Rồi hắn dừng lại. Ở đâu? Ta có thể trốn ở đâu? Hắn chậm rãi quay về bàn, ngồi phịch xuống ghế, chờ đợi. Trong văn phòng của mình, leslie Stewart choáng váng. Peter Tager à? Không! Không! Không! Leslie vồ lấy điện thoại, ấn số. “Lyle, dừng ngay việc phát hành lại. Không được tung ra 1 tờ nào hết. Nửa tờ cũng không. 1 trang cũng không. Cái trang nhất đó. Anh nghe rõ chứ?” Ở đầu kia, tiếng Lyle đáp. “Bà Stewart, báo đã được tung ra toàn bộ từ nửa giờ trước. Bà đã ra lệnh càng nhanh càng tốt mà?” Leslie ném điện thoại xuống. Nàng nhìn dòng chữ to và đậm nét chạy suốt chiều ngang trang nhất tờ Washington Tribune: LỆNH BẮT VÌ TỘI GIẾT NGƯỜI DÀNH CHO TỔNG THỐNG RUSSELL. Rồi nàng lại nhìn lên mảnh báo đóng khung treo trên tường. DEWEY ĐÁNH BẠI TRUMA bây giờ, bà Stewart. Cả thế giới sẽ biết đến bà... Ngày mai, nàng sẽ thành trò cười cho toàn thế giới. Ở nhà Gorman, Sime Lombardo điên cuồng nhìn hình ảnh của mình trên TV và nói, “Ta phải chuồn khỏi đây.” Gã lao ra cửa. Có tới nửa ta xe tuần tra rú còi inh ỏi cũng vừa xịch đến. Chương 25 Jeff Connors đứng cùng Dana đợi chuyến bay của Kemal hạ cánh xuống sân bay quốc tế Dulles. “Nó vừa thoát chết.” Dana lo lắng. “Nó... nó không giống những cậu bé khác. Ý em là đừng ngạc nhiên nếu nó có thái độ không bình thường.” Nàng mong Jeff cũng thích Kemal. Jeff an ủi. “Đừng lo lắng, em yêu. Anh chắc nó sẽ là một cậu bé tuyệt vời.” “Kia rồi, máy bay tới rồi.” Họ nhìn lên. 1 ch id="filepos515964">m nhỏ trên bầu trời, lớn dần, lớn dần, rồi trở thành chiếc 747 bóng loáng. Dana nắm chặt tay Jeff. “Nó đấy.” Hành khách đi xuống. Dana lo lắng nhìn theo từng người một. “Đâu nhỉ?” Và cậu bé kia. Cậu mặc bộ quần áo mà Dana đã mua cho ở Sarajevo, khuôn mặt rạng rỡ. Cậu từ từ đi xuống, khi nhìn thấy Dana, cậu dừng lại. Cả 2 nhìn trân trân vào nhau. Rồi chạy ào tới nhau, ôm chặt nhau và cùng khóc. Lúc Dana lấy lại được giọng, nàng nói. “Chào mừng cháu tới nước Mỹ, Kemal.” Cậu bé gật gật, không nói được lời nào. “Kemal. cô muốn cháu gặp bạn cô. Đây là chú Connors.” Jeff cúi xuống. “Chào Kemal. Chú đã được nghe Dana nói nhiều về cháu.” Kemal giật giật tay Dana. “Cháu sẽ tới sống cùng cô.” Nàng nói, “Cháu có thích vậy không?” Kemal gật đầu. Cậu sẽ không rời Dana. Nàng nhìn đồng hồ. “Chúng ta đi thôi. Em phải phụ trách ghi hình ở Nhà Trắng.” Đó là một ngày đẹp trời. Cao, xanh, gió man mát thổi từ sông Potomac tới. Họ đứng trong khu vườn hồng cùng vài chục phóng viên các đài truyền hình, các báo. Camera của Dana hướng vào tổng thống đang đứng trên bục, bên cạnh ngài là Jan. Tổng thống Russell nói. “Tôi có 1 thông báo quan trọng. Lúc này đang diễn ra cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo chính phủ liên hiệp các quốc qia A rập, Libya, Iran và Syria, để bàn về hiệp ước hòa bình với Israel. Sáng nay tôi được biết rằng cuộc gặp mặt đang diễn ra tốt đẹp và rằng hiệp ước có thể sẽ được ký kết trong 1 hoặc 2 ngày tới. Một điều vô cùng quan trọng là Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ chúng ta trong vấn đề sống còn này.” Oliver quay sang người đàn ông đang đứng cạnh mình. “Xin mời nghị sĩ Todd Davis.” Nghị sĩ Davis bước tới micro. Ông ta mặc bộ quần áo màu trắng có gắn gia huy, đội chiếc mũ vành rộng màu trắng, tươi cười với đám đông. “Đây quả là giây phút lịch sử trong lịch sử của đất nước vĩ đại này. Đã nhiều năm nay, như quý vị đều biết, chúng ta đã và đang cố gắng mang lại hòa bình giữa Israel và các nước A Rập. Đó là một nhiệm vụ lâu dài và khó khăn, nhưng giờ đây, cuối cùng, với sự giúp đỡ và lãnh đạo của tổng thống tuyệt vời của chúng ta, tôi vui mừng thông báo rằng những nỗ lực của chúng ta cuối cùng cũng đang ra hoa kết trái.” Ông ta quay sang Oliver. “Chúng ta hãy chúc mừng vị tổng thống vĩ đại của chúng ta vì ngài đã góp phần cực kỳ to lớn để...” Dana ngầm nghĩ cuộc chiến đang đi đến hồi kết. Có thể đây mới chỉ là bước khởi đầu, cho một ngày kia, chúng ta sẽ có một thế giới, mà những người lớn biết dàn xếp các vấn đề của họ bằng tình yêu thay vì lòng căm ghét, trẻ em có thể lơn lên mà không hề nghe thấy những âm thanh gớm ghiếc của bom đạn, không phải sợ hãi vì những kẻ lạ mặt lấy mất chân mất tay...” Nàng quay sang nhìn kemal đang thì thầm to nhỏ với Jeff. Dana mỉm cười. Jeff đã cầu hôn với nàng. Kemal sẽ có cha. Họ sắp trở thành 1 gia đình. Sao mình lại may mắn thế nhỉ? Dana nghĩ. Các bài phát biểu cứ trôi đi. Người quay phim chuyển camera khỏi bục, rồi quay cận cảnh Dana. Nàng nhìn vào ống kính. “Đây là Dana Evans, phóng viên đài WTE, từ thủ đô Washington...” Dịch Thuật Đặng Thùy Dzương Dịch từ nguyên bản tiếng Anh THE BEST LAID PLANS Hết Không Có Gì Mãi Mãi Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương Kết Mở Đầu SAN FRANCISCO - Mùa xuân - 1995 Chưởng lý quận Carl Andrew đang cáu kỉnh: - Chuyện chết tiệt gì thế này? - ông ta nói. - Ba bác sĩ sống chung phòng và làm việc trong cùng một bệnh viện. Một người khiến cho bệnh viện suýt phải đóng cửa, người thứ hai giết bệnh nhân vì một triệu đô-la, còn người thứ ba thì lại bị giết. Andrew ngừng lại, hít một hơi rõ dài: - Mà lại rất là đàn bà! Ba con mụ bác sĩ trời đánh! Báo chí đãi đằng chúng cứ như những danh nhân. Nào Chương trình 60 phút. Nào thì phóng sự đặc biệt của Barbara Walters. Tôi không thể cầm một tờ báo hay tạp chí nào lên mà không phải nhìn ảnh hay đọc bài viết về chúng. Chẳng mấy đâu, rồi Hollywood sẽ tung ra một bộ phim biến ba con mụ này thành những nữ kiệt? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Chính phủ trưng mặt các ả lên tem bưu điện như Presley vậy. Ôi, lạy Chúa, thật chịu hết nổi! - Ông ta giáng một quả đấm xuống bức hình người đàn bà in trên bìa tạp chí Time. Dòng tít viết: "Bác sĩ Paige Taylor - Thiên thần từ bi hay đồ đệ của ác quỷ?" - Bác sĩ Paige Taylor, - giọng ông chưởng lý quận đầy ghê tởm. Ông ta quay sang Gus Venable, viên chánh công tố. - Tôi giao vụ này cho anh đấy, Gus. Tôi muốn kết án. Tội sát nhân. Phòng hơi ngạt. - Đừng lo, - Gus Venable trầm giọng, - cứ để nó cho tôi. Ngồi trong phòng xử án nhìn bác sĩ Paige Taylor, Gus Venable nghĩ: Cô ta lẩn tránh toà. Rồi ông ta tự cười mình. Không ai có thể lẩn tránh được toà. Cô ta dáng cao, thon thả, với đôi mắt nâu huyền nổi bật trên gương mặt nhợt nhạt. Một người quan sát thờ ơ chắc chỉ xem cô ta như một loại đàn bà quyến rũ. Người tinh ý hơn mới nhận thấy còn những điều khác. Đó là tất cả những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời cùng tồn tại trong cô ta. Nét hớn hở vui tươi của đứa bé thêm vào vẻ băn khoăn e lệ của tuổi hoa niên và sự khôn ngoan, nỗi đau khổ của đàn bà. Có một vẻ ngây thơ nơi cô ta. Cô ta là cô gái mà một người đàn ông có thể lấy làm hãnh diện dẫn về giới thiệu với cha mẹ mình, Gus nghĩ mỉa mai, nếu cha mẹ anh ta hợp gu với những tên giết người máu lạnh. Có một nét gì xa xăm, gần như huyền bí trong mắt cô ta, một vẻ gì đó nói lên rằng bác sĩ Paige Taylor đã lùi sâu vào nội tâm, tới một thời gian khác, một nơi chốn khác, xa khỏi phòng xử án lạnh lùng, cằn cỗi, nơi cô ta đã bị đẩy vào. Phiên xử diễn ra tại Toà Công lý San Francisco tôn nghiêm, cổ kính trên phố Bryant. Nơi đặt toà án tối cao và nhà tù tiểu bang là một công trình trông đầy hăm doạ, cao bảy tầng, bằng đá vuông, xám xịt. Khách đến dự phiên toà được lùa qua một dãy hành lang kiểm soát điện tử. Trên gác, tầng ba, là phòng xử án. Trong phòng 121, nơi xét xử những vụ giết người, ghế quan toà tựa sát mặt tường chính diện, đằng sau là lá cờ nước Mỹ. Bên trái là chỗ ngồi của bồi thẩm đoàn, chính giữa đặt hai bàn được ngăn bằng lối đi, một bàn dành cho luật sư bên nguyên, bàn kia dành cho luật sư bên bị. Phòng xử án đã chật ních phóng viên và đầy ắp loại khán giả say mê dự các phiên toà xử tai nạn giao thông trên đường cao tốc và tội giết người. Trong các phiên xử tội giết người, đây là vụ hấp dẫn nhất. Chỉ riêng Gus Venable, luật sư công tố, cũng đáng để xem rồi. Ông ta to cao lừng lững, với bờm tóc xám, chòm râu dê, và cung cách lịch lãm của một điền chủ miền Nam, mặc dù ông chưa bao giờ ở miền Nam cả. Ông có vẻ mặt ngơ ngác vô tư và bộ óc của một cỗ máy tính. Nhãn hiệu của ông ta, đông cũng như hè là bộ complê trắng khoác ngoài chiếc sơ-mi cổ hồ cứng đã lỗi thời. Alan Penn, luật sư của Paige Taylor, là sự tương phản với Venable, một con người rắn chắc, năng nổ, lừng danh bới tài gỡ tội cho các thân chủ của mình. Hai luật sư này không bao giờ thiếu cơ hội để đối mặt nhau trước toà án và quan hệ của họ là sự nể trọng nhau miễn cưỡng và ngờ vực nhau hoàn toàn. Venable ngạc nhiên khi thấy Alan Penn đến gặp ông vào tuần trước khi phiên xử bắt đầu. - Hãy cảnh giác với những tay thầy cãi có tài. - Anh đang mưu tính chuyện gì thế, Alan? - Nghe đây, tôi chưa bàn với thân chủ của tôi, nhưng giả sử, chỉ giả sử thôi, tôi có thể thuyết phục cô ta nhận tội để xin giảm án và đỡ cho nhà nước một khoản án phí, thì sao? - Anh định thương lượng với tôi đấy à, Alan? - Gus Venable với tay xuống bàn giấy, lục lọi - Chẳng thấy cuốn lịch chết tiệt của tôi đâu cả. Hôm nay ngày bao nhiêu nhỉ? - Mùng 1 tháng Sáu. Sao? - Khoan nào, tôi cứ tưởng phải là Giáng sinh cơ đấy nếu không anh đã chẳng hỏi xin một món quà như vậy. - Gus… Venable nhoài người về phía trước. - Anh biết không, Alan, bình thường thì tôi có thể bị anh thuyết phục rồi đấy. Nói thật, bây giờ tôi khoái đi câu ở Alaska hơn. Nhưng câu trả lời là không. Anh biện hộ cho một tên sát nhân tàn nhẫn đã vì tiền mà giết một người bệnh bất lực. Tôi đề nghị án tử hình. - Tôi nghĩ cô ta vô tội, và tôi… - Không, anh không nghĩ thế đâu. Và không ai có thể làm cho bất cứ ai nghĩ như thế. Trường hợp rõ mười mươi rồi. Khách hàng của anh tội lỗi như Cain (1) vậy. - Chưa đâu, chừng nào bồi thẩm đoàn chưa kết tội. - Họ sẽ, - Gus để một khoảng lặng, - họ sẽ kết tội thôi. Sau khi Alan Penn ra về, Gus Venable ngồi nghĩ lại về cuộc đối thoại vừa xảy ra. Việc Penn đến gặp ông là một dấu hiệu của sự thất bại. Penn hẳn đã hiểu mình ít có cơ thắng nổi vụ này. Venable nghĩ về những chứng cớ không thể chối bỏ mà ông đang nắm cùng các nhân chứng ông sẽ gọi ra thẩm vấn và ông thấy hài lòng. Không còn nghi ngờ gì nữa, bác sĩ Paige Taylor sẽ vào phòng hơi ngạt. * * * * * Không phải dễ mà chọn được một bồi thẩm đoàn cho các vụ án nghiêm trọng. Nhất lại là vụ Paige. Nó đã chiếm lĩnh các tít lớn trên trang nhất hàng tháng liền. Sự nhẫn tâm của nó đã gây nên một làn sóng giận dữ. Chủ toạ phiên toà là Venable Young, một luật gia người da đen tài năng, nghiêm khắc, nghe đồn sắp được bổ nhiệm vào Toà án Tối cao Liên bang. Bà không được tiếng kiên nhẫn với các luật sư, và dễ nổi nóng. Đã có một câu cách ngôn trong giới thầy cãi ở San Francisco. Nếu khách hàng của anh có tội và anh đang trông chờ sự khoan dung, hãy tránh xa phòng xử án của thẩm phán Young. Hôm trước ngày xét xử, thẩm phán Young cho mời hai luật sư đến văn phòng của bà. - Chúng ta sẽ đặt một số nguyên tắc cơ bản, thưa các quý ông. Bởi tính chất nghiêm trọng của phiên toà này, tôi sẽ cho các ông một vài chiếu cố để chắc chắn bị cáo được xét xử công bằng. Nhưng tôi cảnh cáo cả hai ông, chớ có mưu toan lợi dụng điều đó. Rõ chưa? - Rõ, thưa quý toà! - Rõ, thưa quý toà! Gus Venable sắp kết thúc bản cáo trạng mở màn cho phiên xử. - Thưa quý bà, quý ông trong đoàn bồi thẩm, Nhà nước sẽ chứng minh - phải, chứng minh chắc chắn bác sĩ Paige Taylor đã giết bệnh nhân của mình. Và cô ta không chỉ phạm tội giết người, mà còn giết người vì tiền… một số tiền lớn. Cô ta giết John Cronin vì một triệu đô-la. - Hãy tin tôi, sau khi nghe tất cả bằng chứng, quý vị sẽ dễ dàng thấy tội lỗi của bác sĩ Paige Taylor là ở mức độ cao nhất. Xin cảm ơn. Bồi thẩm đoàn ngồi im lìm, vẻ chờ đợi. Gus Venable quay về phía chánh án. - Thưa, nếu toà cho phép tôi xin được gọi nhân chứng thứ nhất, Gary Williams. Khi nhân chứng đã tuyên thệ, Gus Venable hỏi: - Anh là nhân viên phục vụ ở bệnh viện Embarcadero Country? - Vâng, đúng vậy. - Có phải anh làm việc ở phòng bệnh số Ba, nơi John Cronin được đưa vào năm ngoái? - Vâng. - Anh có thể cho biết ai là bác sĩ phụ trách trường hợp của bệnh nhân John Cronin? - Bác sĩ Taylor. - Anh nhận xét thế nào về mối quan hệ giữa bác sĩ Taylor và John Cronin? - Phản đối! - Alan Penn đứng phắt dậy. - Phía công tố đã mớm cung cho nhân chứng. - Chấp nhận. - Cho phép tôi diễn đạt theo cách khác. Anh có bao giờ nghe thấy bác sĩ Taylor và John Cronin nói chuyện với nhau không? - Ồ có chứ. Làm sao không nghe được. Tôi làm việc trong phòng bệnh liên tục mà. - Anh có cho rằng những cuộc trò chuyện đó là thân mật không? - Không, thưa ngài. - Thật ư? Tại sao anh lại nói vậy? - À tôi nhớ hôm đầu tiên ông Cronin được đưa vào và khi bác sĩ Taylor đến khám cho ông ta, ông ta đã bảo cô ấy… - Anh ta ngập ngừng. - Tôi không biết liệu tôi có thể nhắc lại lời của ông ta không? - Cứ nói đi, anh Williams. Tôi cho là không có trẻ con trong phòng xử án này. - Vâng, ông ta bảo cô ấy cất mẹ nó tay đi. - Ông ta nói thế với bác sĩ Taylor? - Vâng, thưa ngài. - Hãy kể với toà ông còn nghe hay nhìn thấy điều gì nữa? - Ông Cronin luôn mồm gọi bác sĩ Taylor là "con mẹ ấy", ông không muốn cho cô ta lại gần. Cứ mỗi bận bác sĩ Taylor bước vào phòng là ông ta lại nói những câu như: "Con mẹ ấy lại đến!" hoặc "Bảo con mẹ ấy để cho tôi yên", và rồi "Sao người ta không cho tôi một bác sĩ thực thụ nhỉ? Gus Venable ngừng hỏi để nhìn sang chỗ bác sĩ Taylor ngồi, ánh mắt của cả bồi thẩm đoàn dõi theo ông. Venable lắc đầu như thể buồn bã, rồi quay lại phía nhân chứng. - Theo anh, ông Cronin có vẻ là một người đàn ông muốn tặng một triệu đô-la cho bác sĩ Taylor không? Alan Penn lại đứng lên. - Phản đối! Phía công tố lại mớm cung cho nhân chứng. Chánh án Young nói: - Bác bỏ. Nhân chứng có thể trả lời câu hỏi? Alan Penn nhìn Paige Taylor rồi buông mình xuống ghế. - Đời nào. Ông ta căm ghét sự gan góc của nữ bác sĩ này. - Bác sĩ Arthur Kane đang đứng trên bục nhân chứng. Gus Venable hỏi: - Bác sĩ Kane, ông là bác sĩ trực khi John Cronin được phát hiện là bị giết… - Đoạn Gus liếc sang chánh án Young, - bị chết bởi một liều insulin đưa vào tĩnh mạch. Đúng vậy không? - Đúng. - Và sau đó ông phát hiện bác sĩ Taylor là người chịu trách nhiệm về việc đó? - Đúng thế. - Bác sĩ Kane, tôi sẽ cho ông xem biên bản chứng tử của bệnh viện do bác sĩ Taylor ký. - Venable cầm lên một tờ giấy và đưa cho Kane. - Mời ông đọc to lên được không? Kane đọc: "John Cronin. Nguyên nhân tử vong: Tắt thở do nhồi máu cơ tim gây biến chứng tác động mạch phổi". - Còn theo ngôn ngữ ngoài chuyên môn? - Biên bản ý nói bệnh nhân chết vì đau tim. - Và tờ giấy đã được bác sĩ Taylor ký? - Đúng vậy. - Bác sĩ Kane, có phải đó là nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của John Cronin? - Không. Ông ta chết vì bị tiêm insulin. - Như vậy, bác sĩ Taylor đã cho dùng một liều insulin tử vong rồi khai man trong biên bản? - Vâng. - Và ông đã báo cáo với bác sĩ Wallace, giám đốc bệnh viện, người sau đó đã thông báo cho nhà chức trách. - Vâng. Tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của tôi. - Giọng Kane vang lên niềm công phẫn chính đáng. - Tôi là bác sĩ. Tôi không tán thành lấy đi sinh mạng của người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhân chứng tiếp theo được gọi là vợ goá của nạn nhân. Hazel Cronin độ xấp xỉ bốn mươi, với mái tóc đỏ rực lửa và một thân hình đầy khêu gợi mà bộ trang phục đen tuyền không giấu nổi. Gus Venable nói: - Tôi biết điều này thật khổ tâm, thưa bà Cronin, nhưng tôi buộc lòng phải yêu cầu bà cho toà biết về quan hệ của bà và người chồng mới khuất? Bà goá Cronin chấm đôi mắt bằng một chiếc khăn tay ren lớn. - Tôi và John sống thương yêu nhau. Anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời. John vẫn thường nói chỉ có tôi mới mang lại cho anh ấy hạnh phúc thực sự. - Bà làm vợ John Cronin được bao lâu rồi? - Hai năm, và John luôn luôn bảo đó là hai năm thần tiên. - Bà Cronin, chồng bà có bao giờ kể cho bà về bác sĩ Taylor không? Ông ấy có kể cô ta là một bác sĩ giỏi không? Hoặc cô ta có tận tuỵ với ông ấy không? Hoặc ông ấy có quý cô ta không? - Không bao giờ. - John có bao giờ nói tới chuyện gạt bà và các anh em của bà khỏi di chúc của ông ấy không? - Không hề. Anh ấy là người đàn ông hào hiệp nhất thế giới. Anh ấy luôn nói với tôi rằng không có gì mà tôi không thể có, và rằng khi nào anh ấy chết… - Bà ta nức nở, - rằng khi nào anh ấy chết đi, tôi sẽ là người đàn bà giàu có, và… - Bà ta không nói tiếp được nữa. Chánh án Young tuyên bố: - Toà nghỉ mười lăm phút. Ngồi ở cuối phòng xử án, Jason Curtis đầy tức giận. Anh không thể nào tin nổi những điều các nhân chứng nói về Paige Taylor. Đây là người đàn bà ta yêu người đàn bà ta sẽ cưới làm vợ. Ngay sau khi Paige bị bắt, Jason Curtis đã tới thăm cô trong tù. - Chúng ta sẽ chiến đấu, - anh quả quyết với cô. - Anh sẽ kiếm cho em luật sư hình sự giỏi nhất nước Mỹ. Và một cái tên vụt xuất hiện trong đầu anh. Alan Penn, Jason liền đi gặp ông ta. - Tôi có theo dõi vụ này trên các tài liệu. - Penn nói. - Báo chí đã xét xử và kết tội cô ta giết John Cronin vì tiền. Hơn nữa cô ta cũng đã nhận là giết ông già đó. - Tôi biết cô ấy, - Jason Curtis nói với luật sư. - Hãy tin tôi, Paige không làm chuyện đó vì tiền đâu. - Do cô ta nhận là đã giết, - Penn nói, - Ở đây chúng ta chỉ có thể cãi rằng đó là một hành động nhằm chấm dứt đau đớn cho bệnh nhân. Dù là căn bệnh vô phương cứu chữa, việc làm đó vẫn trái với luật pháp bang California, cũng như của nhiều bang khác. Nhưng về chuyện này có rất nhiều quan điểm trái ngược. Tôi có thể giở ngón "Chim hoạ mi Florence hót nơi công đường" và mấy cái trò chó chết khác, nhưng vấn đề là ý trung nhân của anh lại giết một người bệnh đã để lại cho cô ta một triệu đô-la trong di chúc. Cái gì xuất hiện ra trước ở đây, con gà hay quả trứng? Cô ta biết về số bạc triệu trước khi giết ông ta hay sau đó? - Lúc ấy, Paige không hề hay biết về số tiền, - Jason quả quyết. Giọng Penn không ra đồng tình, cũng không ra phản đối. - Được. Đó chỉ là một ngẫu nhiên may mắn. Còn ông chưởng lý quận lại coi cô ta là sát nhân và ông ta muốn có án tử hình. - Ông nhận vụ này hay không? Penn lưỡng lự. Rõ ràng Jason Curtis tin vào nữ bác sĩ Taylor. Kiểu như Samson tin Delilah (2). Ông nhìn Jason và nghĩ: Hay gã chó đẻ tội nghiệp này bị cạo đầu mà không biết? Jason chờ đợi câu trả lời. - Tôi sẽ nhận vụ này, miễn anh biết cho đây là một chuyến leo dốc. Khó nhọc lắm đấy. Lời nói của Alan Penn hoá ra lại quá lạc quan. * * * * * Khi phiên toà được tiếp tục vào sáng hôm sau, Gus Venable gọi cả chuỗi nhân chứng mới. Một y tá được mời lên bục. - Tôi nghe John Cronin nói với bác sĩ Taylor: "Tôi biết tôi sẽ chết trên bàn mổ. Cô sẽ giết tôi mất. Tôi hy vọng người ta biết rằng cô giết người. Một luật sư, Roderick Pelham, được gọi làm chứng. Gus Venable hỏi: - Khi ông thông báo cho bác sĩ Taylor về một triệu đô-la trong tài sản của John Cronin, cô ta nói sao? - Cô ta nói điều gì đó đại loại như: "Có vẻ không được hợp đạo lý. Ông ấy là bệnh nhân của tôi. - Cô ta thừa nhận điều đó là trái đạo lý? - Vâng. - Nhưng cô ta vẫn đồng ý nhận tiền? - Ồ vâng! Hoàn toàn đồng ý! Đến lượt Alan Penn thẩm vấn nhân chứng: - Ông Pelham, bác sĩ Taylor có chờ đợi ông đến không? - Ồ, không, tôi… - Ông không gọi điện cho cô ta và nói: "John Cronin để lại cho cô một triệu đô-la" chứ? - Không, tôi… - Vậy khi thông báo cho cô ta, ông đã gặp trực tiếp cô ta phải không? - Phải. - Và khi ông báo cho Taylor biết về số tiền, cô ta phản ứng ra sao? - Ờ… cô ấy cô ấy có vẻ ngạc nhiên, nhưng… - Cám ơn ông Pelham. Thế là đủ? Phiên toà đã sang tuần thứ tư. "Khán giả" và báo chí thấy luật sư bên nguyên và luật sư bên bị đều hết sức ngoạn mục. Gus Venable mặc đồ trắng còn Alan Penn đóng bộ đen, và cả hai hoạt động trong phòng xử án như hai đấu thủ đang trong một trận cờ vua sống mái, với Paige Taylor là con tốt thí. Gus Venable đang thắt nút. - Nếu toà cho phép, tôi xin gọi Alma Rogers tới bục nhân chứng. Khi nhân chứng này đã tuyên thệ, Venable hỏi: - Bà Rogers, bà làm nghề gì. - Cô Rogers. - Xin cô thứ lỗi. - Tôi làm tại hãng Du lịch Corniche. - Hãng của cô đặt vé du lịch đi các nước, đăng ký khách sạn và thu xếp các tiện nghi khác cho khách hàng, đúng không? - Đúng, thưa ngài. - Tôi muốn cô hãy nhìn bị cáo. Trước đây cô đã bao giờ gặp người này chưa? - Ồ có thưa ngài. Cô ta đến hãng du lịch của chúng tôi cách đây khoảng vài ba năm. - Cô ta cần gì? - Cô ta muốn một chuyến đi London, Paris, và tôi nghĩ, cả Venice nữa. - Cô ta có yêu cầu phục vụ trọn gói không? - Ồ không! Cô ta muốn mọi thứ đều hạng nhất… máy bay, khách sạn. Và tôi nghĩ cô ta còn muốn thuê một chiếc du thuyền. Phòng xử án lặng ngắt. Gus Venable bước lại bàn công tố và giơ lên một tập hồ sơ. - Cảnh sát đã tìm thấy những trang quảng cáo này trong căn hộ của bác sĩ Taylor. Đó là lịch trình các tuyến đi Paris, London và Venice, toàn đường bay và khách sạn đắt tiền, lại có cả quyển liệt kê giá thuê du thuyền. Tiếng xì xào nổi lên trong phòng xử án. Gus Venable mở một quyển sổ. Đây là một vài du thuyền được hệt kê trong danh sách. - Ông ta đọc to. - "Christina O… hai mươi sáu ngàn đô-la một tuần cộng thêm chi phí… "Thời gian", hai mươi tư ngàn năm trăm đô-la một tuần… "Giấc mơ may mắn", hai bảy ngàn ba trăm đô-la một tuần". - Ông ta ngẩng lên. - Ở đây có đánh dấu bên dưới chiếc tàu "Giấc mơ may mắn". Paige Taylor đã chọn chiếc du thuyền hai mươi bảy ngàn ba trăm đô-la một tuần. Cô ta chỉ chưa chọn được nạn nhân của mình mà thôi. Chúng tôi chọn hồ sơ này là tang chứng. Venable quay sang Alan Penn, cười mỉm. Còn Alan Penn thì liếc qua Paige. Cô đang nhìn trân trân xuống bàn, mặt tái nhợt. - Xin dành nhân chứng cho ông. - Venable nói. Penn đứng dậy khoan thai hỏi: - Dịch vụ du lịch hồi đó ra sao, thưa cô Rogers? - Tôi không hiểu? - Tôi hỏi dịch vụ của hãng cô hồi đó ra sao. Corniche có phải là một hãng du lịch lớn không? - Vâng, khá lớn. - Tôi hình dung nhiều người đến hỏi han lắm nhỉ? - Ồ, đúng vậy. - Theo cô, có tới năm hay sáu người một ngày không? - Ồ không? - Giọng cô ta đầy vẻ phẫn nộ. - Chúng tôi tiếp tới năm mươi khách trong một ngày ấy chứ. - Năm mươi người một ngày? - Giọng Penn đầy ấn tượng. - Và cái ngày chúng ta đang nói tới lại cách đây những ba năm. Nếu nhân năm mươi với chín trăm ngày thì cũng độ bốn mươi lăm ngàn người. - Khoảng chừng đó. - Thế mà, trong cả ngần ấy người, cô lại vẫn nhớ ra bác sĩ Taylor. Vì sao vậy? - Cô ta và hai cô bạn nữa rất sốt sắng làm một chuyến du lịch châu u. Tôi thấy hay hay. Các cô ấy như nữ sinh vậy. Ồ, phải. Tôi nhớ họ rất rõ, đặc biệt vì họ trông không có vẻ đủ tiền, dù chỉ để thuê một chiếc du thuyền. - Tôi hiểu. Chắc mọi người đến hỏi xin bảng lịch trình đều đi du lịch cả chứ? - Tất nhiên là không. Nhưng… - Bác sĩ Taylor thực ra đã không đặt chuyến đi nào, đúng không nhỉ? - Vâng, cô ta không đặt với hãng chúng tôi. Cô ta chỉ xem một số lịch trình. - Như vậy không có nghĩa là cô ta đi Paris hoặc London, đúng không? - Không, nhưng… - Cám ơn. Bà có thể về chỗ. Venable hướng về phía chánh án Young. - Tôi xin được gọi bác sĩ Benjamin Wallace lên làm chứng… - Bác sĩ Wallace, ông phụ trách bệnh viện Embarcadero Country phải không? - Phải. - Vậy đương nhiên, ông có biết bác sĩ Taylor cũng như công việc của cô ta? - Đúng vậy. - Ông có ngạc nhiên khi biết bác sĩ Taylor bị truy tố vì tội giết người không? Penn bật dậy. - Phản đối, thưa quý toà. Câu trả lời của bác sĩ Wallace sẽ không hơp lệ. - Nếu tôi cắt nghĩa được. - Venable chặn ngang. - Nó có thể hợp lệ nếu cho phép tôi… - Thôi được, để xem tiến triển thế nào. - Chánh án Young nói. - Nhưng chớ có hỏi tầm bậy đấy, ông Venable. - Tôi xin tiếp cận câu hỏi theo cách khác, - Venable tiếp tục ông Wallace, tất cả các thầy thuốc đều phải đọc lời thề Hippocrates(3), đúng vậy không? - Đúng. Và một phần của lời thề đó là… - Venable đọc tờ giấy cầm trong tay "Tôi thề tránh xa mọi hành vi tội ác và tham nhũng". - Đúng. - Trước đây bác sĩ Taylor có làm gì khiến ông nghĩ cô ta có khả năng phá vỡ lời thề Hippocrates không? - Phản đối! - Penn lại đứng dậy. - Bác bỏ. - Chánh án Young gạt đi. - Có! - Wallace trả lời câu hỏi. - Xin ông hãy nói rõ hơn. - Chúng tôi có một bệnh nhân mà bác sĩ Taylor quyết định cần được truyền máu. Nhưng gia đình người đó không chấp nhận. - Và chuyện gì đã xảy ra? - Bác sĩ Taylor vẫn cứ truyền cho bệnh nhân. - Như vậy có hợp pháp không? - Hoàn toàn không. Nếu thiếu giấy của toà án. - Và rồi bác sĩ Taylor đã làm gì? - Cô ta xin được giấy sau đó và chữa lại ngày tháng. - Như vậy cô ta đã làm một việc phi pháp, lại còn giả mạo trong hồ sơ bệnh án để hòng chạy tội. - Đúng vậy. Alan Penn nhìn sang Paige, giận dữ. Cô ta còn giấu mình cái chết tiệt gì nữa đây? - Ông ta tự hỏi. Nếu như ai đó trong phòng xử muốn tìm kiếm một dấu hiệu cảm xúc nào trên khuôn mặt Taylor thì họ đã thất vọng. Lạnh như cục đá, Chủ tịch đoàn bồi thẩm -nghĩ. Gus Venable hướng lên phía chánh án. - Thưa quý toà, như toà đã biết, một trong những nhân chứng tôi hy vọng được mời ra đây là bác sĩ Lawrence Barker. Không may, ông Barker bị một cơn đột quỵ và không thể có mặt ở phòng xử án này được. Để thay thế, bây giờ tôi sẽ mời một số nhân viên cùng làm việc với bác sĩ Barker. Penn đứng lên. - Tôi phản đối. Không thể làm chuyện thay thế nhân chứng như thay áo được. Venable chặng ngang. - Thưa quý toà, tôi đảm bảo rằng mạch thẩm vấn của tôi hết sức phù hợp với những lời chứng mà chúng ta đã nghe. Cần phải xem xét cả năng lực chuyên môn của bị cáo. Chánh án Young nói một cách hoài nghi. - Chúng ta sẽ xem. Đây là phòng xử án chứ không phải rừng rậm. Tôi không chấp nhận bất cứ cuộc săn bắn nào. Ông có thể gọi nhân chứng của ông. - Xin cám ơn. Gus Venable quay sang người mõ toà. - Tôi muốn gọi bác sĩ Mathew Peterson. Một người đàn ông khoảng lục tuần, nom vẻ lịch lãm tiến tới bục nhân chứng. Sau khi ông ta tuyên thệ và đã ngồi vào chỗ, Gus Venable hỏi: - Bác sĩ Peterson, ông đã làm việc ở bệnh viện Embarcadero Country được bao lâu rồi? - Tám năm. - Chuyên khoa của ông là gì? - Phẫu thuật tim. - Trong những năm ở bệnh viện Embarcadero Country ông có dịp nào làm việc với bác sĩ Lawrence Barker không? - Ồ có chứ. Nhiều lần. - Ý kiến của ông về bác sĩ Barker như thế nào? - Cũng giống như của mọi người. Ngoài ra, có lẽ bác sĩ Barker là nhà phẫu thuật tim giỏi nhất thế giới, kể từ thời De Bakey và Cooley. - Có phải ông đã có mặt ở phòng mổ vào sáng hôm bác sĩ Taylor mổ cho một bệnh nhân tên là… - Venable giả vờ lục xem tài liệu. -… Lance Kelly? Sắc giọng của nhân chứng chợt thay đổi: - Có tôi đã ở đó! - Ông hãy kể lại điều gì đã xảy ra vào ca mổ hôm ấy? Bác sĩ Peterson trả lời một cách miễn cưỡng: - Ca mổ hỏng. Chúng tôi bắt đầu tuột mất bệnh nhân. - Ông nói "tuột mất bệnh nhân", nghĩa là thế nào? - Tim ông ta ngừng đập. Chúng tôi đã tuyệt vọng và… - Bác sĩ Barker đã được gọi đến? - Vâng. - Và ông ta tới phòng mổ khi cuộc phẫu thuật đang tiếp diễn? Đang vào hồi kết thúc. Đúng vậy. Và quá muộn để có thể xoay chuyển được gì. Chúng tôi đã không thể làm bệnh nhân sống lại. - Và khi đó bác sĩ Barker đã nói gì với bác sĩ Taylor? - Chúng tôi tất cả đều rất buồn, và… - Tôi hỏi bác sĩ Barker có nói gì với bác sĩ Taylor không? - Có. - Bác sĩ Barker nói gì vậy? Một khoảng lặng thinh và đúng lúc đó, bên ngoài dội lên một tiếng sấm, như tiếng nói của Chúa Trời. Trong chớp mắt, cơn giông bùng ra, và mưa xối xả dội xuống nóc nhà toà án. Peterson trả lời: - Bác sĩ Barker nói: "Cô giết ông ta rồi". Cả hội trường ồn ào lên. Chánh án Young đập chiếc búa quan toà xuống. - Đủ rồi! Các vị là bầy người sống trong hang động hay sao đó? Còn mất trật tự lần nữa các vị sẽ phải ra đứng dưới trời mưa đấy. Trong sự im lặng dồn nén. Gus Venable hỏi lại: - "Cô giết ông ta rồi"? Ông có chắc rằng bác sĩ Barker đã nói câu đó với bác, sĩ Taylor không? - Tôi chắc chắn! - Và ông cũng xác nhận bác sĩ Barker là một người rất đáng được coi trọng về mặt y học. - Đúng? - Cám ơn. Phần tôi đã xong, thưa bác sĩ. - Ông ta quay sang Alan Penn. - Đến lượt ông. Penn đứng dậy và tiến đến gần nhân chứng. - Bác sĩ Peterson, tôi chưa bao giờ được chứng kiến một ca mổ, nhưng tôi hình dung chắc phải căng thẳng ghê gớm, nhất lại là một ca nghiêm trọng như phẫu thuật tim. - Hết sức căng thẳng. - Trong một ca như thế tổng cộng có bao nhiêu người trong phòng? Ba hay bốn? - Ồ không. Bao giờ cũng phải tới nửa tá hoặc hơn. - Thật ư? - Vâng. Thường có hai bác sĩ phẫu thuật, một người phụ mổ, đôi khi tới hai bác sĩ gây mê, một y tá chính và ít nhất một y tá lưu động. - Ra thế. Hẳn là khá nhiều tiếng ồn. Như xin chỉ dẫn hoặc những việc tương tự chẳng hạn. - Đúng! - Và tôi được biết một thực tế phổ biến là người ta thường bật nhạc trong khi mổ. - Đúng vậy! - Khi bác sĩ Barker vào và thấy Lance Kelly đang hấp hối, chắc không khí lại càng thêm bấn loạn. - Mọi người đều bận rộn vào việc cứu chữa bệnh nhân. - Nhiều tiếng ồn ào, đúng không? - Đúng, rất ồn ào. - Thế mà, trong cảnh náo động đó, và trong tiếng nhạc, ông lại có thể nghe thấy bác sĩ Barker nói bác sĩ Taylor là đã giết bệnh nhân. Liệu ông có nghe nhầm hoặc tưởng tượng ra không nhỉ? - Không, thưa ngài. Tôi không thể nhầm được. - Điều gì khiến ông tin chắc thế? Bác sĩ Peterson thở dài. - Bởi vì tôi đứng ngay cạnh bác sĩ Barker khi ông ta nói điều đó. Chẳng có lối thoát đẹp đẽ nào. - Hết câu hỏi. Penn thở dài. Vụ này lại mất rồi, và ông không thể làm gì được. Sắp sửa có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Demse Berry lên làm chứng. - Cô là y tá tại bệnh viện Embarcadero Country? - Vâng. - Cô đã làm việc ở đó bao lâu? - Năm năm. - Trong thời gian đó, cô có nghe được cuộc đối thoại nào giữa bác sĩ Taylor và bác sĩ Barker không? - Có chứ. Nhiều lần. - Cô có thể nhắc lại một vài chuyện không? Y tá Berry nhìn bác sĩ Taylor, do dự: - Ờ, bác sĩ Barker lắm khi rất cay nghiệt… - Y tá Berry, tôi không hỏi cô tính nết bác sĩ Barker. Tôi yêu cầu cô kể cho chúng tôi những gì cô nghe thấy ông ta nói về bác sĩ Taylor. Một khoảng im lặng kéo dài. - Một lần ông nói chị ấy bất tài, và… Mặt Gus Venable khoác lên vẻ ngạc nhiên. - Cô nghe bác sĩ Barker bảo bác sĩ Taylor là bất tài ư? - Vâng, thưa ngài. Nhưng ông ấy luôn luôn… - Cô còn nghe ông ta nhận xét gì khác về bác sĩ Taylor không? Nhân chứng nói gượng gạo: - Quả thực tôi không nhớ. - Cô Berry, cô đã tuyên thệ… - Thôi được, một lần tôi nghe thấy ông Barker nói… - Đoạn cuối câu chỉ còn là tiếng lầm bầm. - Chúng tôi chẳng nghe thấy gì cả. Xin cô nói to lên. Cô nghe thấy ông ấy nói gì? - Ông ta bảo… ông ta sẽ không cho bác sĩ Taylor mổ, ngay cả với một con chó. Tiếng hổn hển bật ra đồng loạt trong phòng xứ án. - Nhưng tôi tin chắc ông ấy chỉ định… - Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu ý bác sĩ Barker, đúng như ông ta nói. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Paige Taylor. Phía công tố có vẻ đã quá áp đảo. Nhưng Alan Penn vốn nổi danh là nhà ảo thuật kỳ tài trong phòng xử án đã đứng dậy. Bây giờ đến lưọt ông thể hiện phần biện hộ. Liệu ông có lôi được con thỏ nào khác từ trong mũ ra không? Alan Penn hỏi Paige Taylor đang trên bục nhân chứng. Đây là giờ phút mọi người đều mong đợi. - Bác sĩ Taylor, có phải John Cronin đã là bệnh nhân của bác sĩ. - Phải. - Cảm giác của bác sĩ về ông ta thế nào? - Tôi thích ông ấy. Ông hiểu mình bệnh nặng đến chừng nào, nhưng ông rất dũng cảm. Ông đã phải phẫu thuật một khối u tim. - Và chính cô đă tiến hành ca phẫu thuật đó? - Vâng! - Và cô đã phát hiện điều gì trong khi mổ? - Khi mở lồng ngực ông ta, chúng tôi thấy khối u hắc tố ác tính đã di căn. Nói cách khác, bệnh ung thư đã lan khắp cơ thể ông ta. - Đúng. Nó đã di căn sang các tuyến bạch huyết. - Có nghĩa là đã hết hy vọng? Không còn phương thuốc nào có thể cứu vãn được nữa. - Không. - John Cronin đã phải dùng tới các thiết bị nhân tạo? - Đúng vậy. - Bác sĩ Taylor, có phải cô đã chủ ý dùng một liều insulin tử vong để chấm dứt cuộc đời John Cronin? - Tôi đã làm như thế? Tiếng rì rầm dậy lên trong phòng xử. Cô ả thản nhiên thật, Gus Venable nghĩ. Nghe cứ như ả cho ông ta uống một tách cà phê. - Hãy nói cho toà biết vì sao bác sĩ quyết định chấm dứt sự sống của John Cronin? - Bởi vì ông ấy yêu cầu tôi. Ông ấy van xin tôi. - Ông ấy nhắn tôi đến gặp lúc nửa đêm, trong cơn đau khủng khiếp. Các thứ thuốc chúng tôi cho ông ấy dùng đã hết tác dụng từ lâu. - Giọng Taylor vẫn đều đều. - Ông ấy nói không muốn chịu đựng sự hành hạ thêm nữa. Ông ấy biết cái chết chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai. Ông ấy cầu xin tôi hãy kết thúc giúp cho sớm phút nào hay phút ấy. Và tôi đã làm. - Bác sĩ, cô có hề miễn cưỡng khi thực hiện mũi tiêm ấy không? Cô có chút cảm giác tội lỗi nào không? - Không. Một khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi nghĩ, chăng có lý do gì để ông già phải tiếp tục bị nỗi đau hành hạ. - Cô cho bệnh nhân dùng insulin bằng phương pháp nào? - Tôi tiêm vào tĩnh mạch ông ta. - Điều đó gây thêm chút đau đớn nào không? - Không hề. Ông ấy chỉ trôi vào giấc ngủ. Gus Venable đứng dậy liền. - Phản đối! Tôi nghĩ bị cáo định nói ông ta trôi vào cái chết! Tôi… Chánh án Young gõ búa. - Ông Venable, ông mất trật tự quá. Ông sẽ có cơ hội vặn vẹo. Viên công tố nhìn sang bồi thẩm đoàn, lắc đầu và ngồi xuống. Penn tiếp tục hỏi: - Bác sĩ Taylor, khi cho John Cronin dùng insulin, cô có biết rằng ông ta đã đưa cô vào di chúc với một triệu đô-la không? - Không, tôi lấy làm sửng sốt khi biết điều đó. Mũi cô ả chắc phải nở tướng ra, Gus Venable cay cú nghĩ bụng. - Có bao giờ cô nói tới chuyện tiền thưởng hay hỏi xin John Cronin điều gì không? Một thoáng ửng đỏ lan trên má Taylor. - Không bao giờ. - Nhưng cô đã có mối quan hệ thân mật với ông ta? - Đúng! Với một bệnh nhân lâm bệnh nặng như vậy quan hệ bác sĩ - bệnh nhân thường là đặc biệt hơn. Chúng tôi trò chuyện về các vấn đề gia đình và kinh doanh của ông ấy. - Nhưng cô có thể có lý do nào trông đợi điều gì ở ông ta chứ? - Không. - Ông ta để lại tiền cho cô bởi vì ông ta đã trở nên tôn trọng và tin tưởng cô. Xin cảm ơn bác sĩ Taylor. Penn quay sang Gus Venable. - Đến lượt ông. Khi Penn trở về bàn của mình, Paige Taylor nhìn về phía cuối phòng xử án. Jason ngồi đó, gửi tới cô ánh mắt khích lệ. Bên cạnh anh là Honey. Một người lạ ngồi kế bên Honey, ở chỗ mà lẽ ra là của Kat. Nếu cô ấy còn sống. Nhưng Kat đã chết. Paige thầm nghĩ. Mình cũng đã giết cô ấy rồi. Gus Venable đứng dậy và chậm chạp đi tới bục nhân chứng. Ông liếc nhìn vào mấy hàng ghế ký giả. Tất cả đều đã chật, và tất cả các phóng viên đều đang mải miết ghi chép. Ta sẽ cho họ điều gì đó để viết, Venable bụng bảo dạ. - Ông đứng trước bị cáo trong một khoảnh khắc kéo dài, quan sát cô ta. Rồi bất chợt ông cất tiếng. - Bác sĩ Taylor… John Cronin có phải là bệnh nhân đầu tiên mà cô đã giết tại bệnh viện Embarcadero không? Alan Penn chồm dậy giận dữ: - Thưa quý toà, tôi… Chánh án Young đã gõ chiếc búa của bà xuống. - Phản đối được chấp nhận! - Bà quay về phía hai luật sư. - Toà nghỉ mười lăm phút. Tôi muốn hội ý với hai ông trong văn phòng của tôi. Khi hai luật sư đã yên vị trong văn phòng của bà, chánh án Young quay sang Gus Venable. - Ông có theo học trường luật không nhỉ, ông Gus? - Tôi xin lỗi, thưa quý toà, tôi… - Ông có thấy lều rạp căng ngoài đó không? - Xin lỗi, tôi không hiểu. Giọng bà chánh án như tiếng roi quất. - Phòng xử án của tôi không phải là rạp xiếc, và tôi cũng không định để ông biến nó thành nơi diễn trò của mình. Sao ông dám đưa ra một câu hỏi kích động như vậy! - Tôi xin lỗi, thưa quý toà. Tôi sẽ chỉnh lại câu hỏi và… - Ông sẽ còn làm quá hơn thế - Chánh án Young gằn giọng. - Ông phải chỉnh đốn lại chính cái thái độ của ông thì có. Tôi chính thức cảnh cáo ông, thưa ông công tố. Và nếu ông còn giở trò kích động một lần nữa, tôi sẽ tuyên bố bãi bỏ phiên toà. - Vâng, thưa ngài chánh án. Khi họ quay trở lại phòng xử, chánh án Young nói với bồi thẩm đoàn. - Toà hoàn toàn gạt bỏ câu hỏi sau cùng của công tố viên. - Bà quay sang Gus. - Ông có thể tiếp tục. Gus Venable bước về bục nhân chứng. - Bác sĩ Taylor, hẳn cô rất ngạc nhiên khi được thông báo người đàn ông mà cô giết hại đã để lại cho cô một triệu đô-la. Alan Penn bật dậy: - Phản đối! - Chấp nhận. - Chánh án Young nói với Venable. - Ông đang thử thách sự kiên nhẫn của tôi đấy. - Xin lỗi quý toà. - Venable quay lại phía bị cáo. - Cô hẳn phải có quan hệ rất gần gũi với bệnh nhân của mình. Ý tôi muốn nói, đâu phải ngày nào cũng có một người gần như hoàn toàn xa lạ, để lại cho ta một triệu đô-la, đúng không? Paige Taylor hơi đỏ mặt. - Tình bạn của chúng tôi nằm trong phạm vi quan hệ thầy thuốc và người bệnh. - Có cái gì hơn thế chăng? Một người đàn ông không thể gạt người vợ yêu quý cùng gia đình mình ra khỏi di chúc và để lại một triệu đô-la cho người dưng mà không có lý do nào đó. Những chuyện cô moi được ở ông ta về công việc kinh doanh… Chánh án Young nhoài người tới trước và nói giọng đe doạ. - Ông Venable… Ông công tố viên giơ hai tay lên làm cử chỉ phục tùng, rồi quay lại phía bị cáo. - Vậy là cô và John Cronin chỉ tán chuyện thân mật. Ông ta kể cho cô những chuyện riêng tư, ông ta quý mến và tôn trọng cô. Cô cho đó là một lập luận hợp lý không, bác sĩ Taylor. - Và chỉ vì vậy mà ông ta đã biếu cô một triệu đô-la? Paige Taylor nhìn xuống phòng xử án. Cô im lặng. Cô không có câu trả lời. Venable dợm bước quay trở về bàn công tố, rồi bất thần quay lại đối mặt với bị cáo. - Bác sĩ Taylor, lúc trước cô khai rằng cô không hề biết John Cronin sẽ để lại tiền bạc gì cho cô hoặc ông ta sẽ gạt gia đình mình ra khỏi di chúc. - Đúng vậy. - Một bác sĩ nội trú kiếm được bao nhiêu ở bệnh viện Embarcadero? Alan Penn nhổm dậy. - Phản đối! Tôi không thấy… - Đó là câu hỏi hợp lệ. Bị cáo hãy trả lời. - Ba mươi tám ngàn đô-la một năm. Venable nói ra chiều thông cảm. - Thế thì chẳng là bao vào thời buổi này, đúng không nhỉ? Không đủ để dành dụm cho một chuyến đi nghỉ xa hoa, như London, Paris hay Venice chẳng hạn? - Tôi cho là không. - Không ư? Vậy là cô không dự định một kỳ nghỉ như thế vì cô biết mình không đủ tiền. - Đúng vậy. Alan Penn lại nhổm lên. - Thưa quý toà… Chánh án Young quay sang viên công tố. - Ông dẫn dắt đi đâu thế ông Venable? - Tôi chỉ muốn xác minh rằng bị cáo không thể dự kiến một chuyến đi xa xỉ như vậy nếu không nhìn trước vào số tiền của một ai đó mà cô ta sẽ biến thành của mình. - Cô ta đã trả lời câu hỏi rồi. Alan Penn biết mình phải làm một cái gì đó. Thâm tâm ông chẳng hào hứng gì nhưng ông vẫn tiến tới bục nhân chứng với tất cả vẻ hồ hởi của một anh chàng vừa trúng số. - Bác sĩ Taylor, cô còn nhớ là đã lấy về những cuốn quảng cáo du lịch này chứ? - Vâng. - Cô định đi châu u hay thuê một chiếc du thuyền? - Dĩ nhiên là không. Tất cả chỉ là một chuyện đùa, một giấc mơ không thể thành sự thực. Tôi và các bạn tôi nghĩ rằng điều đó có thể làm chúng tôi phấn chấn lên. Lúc đó chúng tôi mệt mỏi quá, bèn… nghĩ ra một chuyện vui vui. - Giọng cô nhỏ dần. Alan Penn lén nhìn đoàn bồi thẩm. Nét mặt họ biểu lộ sự ngờ vực hoàn toàn. Gus Venable đang hỏi bị cáo để thẩm tra lại. - Bác sĩ Taylor, cô có quen bác sĩ Lawrence Barker? Một ký ức chợt loé lên trong cô. Mình sẽ giết Lawrence Barker. Mình sẽ làm điều đó từ từ. Cứ để cho lão ta chịu đau đớn trước, rồi mình sẽ giết lão. - Có. Tôi quen bác sĩ Barker. - Ở quan hệ nào? - Bác sĩ Barker và tôi thường làm việc với nhau trong hai năm vừa qua. - Theo cô, ông ta có phải là một bác sĩ giỏi không? Alan Penn nhảy dựng lên. - Tôi phản đối, thưa quý toà. Nhân chứng… Nhưng trước khi ông kịp nói hết hoặc chánh án Young kịp ra lệnh, Paige đã trả lời. - Ông ấy còn hơn cả giỏi. Ông ấy là một tài năng tuyệt vời! Penn ngồi sụp xuống ghế, sững sờ đến mức không nói nổi gì nữa. - Phiền cô diễn giải chi tiết hơn được không? - Venable yêu cầu. - Bác sĩ Barker là một trong những nhà phẫu thuật tim mạch nồi tiếng nhất thế giới: ông có phòng mạch tư rất lớn, nhưng ông đã dành cho bệnh viện Embarcadero ba ngày trong một tuần. - Vậy cô đánh giá cao những nhận xét của ông ta về mặt y học chứ? - Vâng. - Theo cô, ông ta có thể xét đoán năng lực của các bác sĩ khác không? Penn mong sao cô ta nói. "Tôi không biết". Paige ngập ngừng: - Có thể. Gus Venable quay về phía đoàn bồi thẩm. Quý vị đã nghe bị cáo khai rằng cô ta đánh giá cao nhận xét chuyên môn của bác sĩ Barker. Tôi hy vọng cô ta đã nghe rõ lời phê bình của bác sĩ Barker về khả năng… hay đúng hơn là sự thiếu khả năng của mình. Alan Penn bật lên, giận dữ. - Phản đối. - Chấp nhận. Nhưng đã quá muộn. Sự thể hỏng mất rồi. Trong giờ giải lao. Alan Penn kéo Jason vào phòng vệ sinh nam. - Anh lôi tôi vào cái bỏ mẹ gì vậy? - Penn cáu kỉnh. - John Cronin ghét cô ta, Barker ghét cô ta. Tôi yêu cầu khách hàng của tôi kể sự thật, và toàn bộ sự thật. Chỉ có cách đó tôi mới có thể xoay chuyển nổi tình thế. Còn như thế này, tôi không làm gì nổi. Cô bạn lòng của anh dối trá cứ trơn tuột. Và mỗi bận cô ta mở miệng là lại như đóng thêm một chiếc đinh vào cỗ áo quan của mình. Cái vụ chó chết này thua đứt rồi. Chiều hôm đó, Jason Curtis đến gặp Paige. - Bác sĩ Taylor, cô có khách. Jason bước vào phòng giam. - Paige… Cô quay lại nhìn anh, nuốt lệ: - Có vẻ tệ quá anh nhỉ? Jason gượng cười: - Em biết đấy, người ta nói còn nước còn tát. - Jason, anh không tin rằng em đã giết John Cronin vì tiền chứ? Điều em làm là chỉ để giúp cho ông ấy thôi. - Anh tin em. - Jason nói khẽ. - Anh yêu em. Anh ôm lấy cô. Ta không muốn mất nàng. Jason thầm nghĩ. Ta không thể. Nàng là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ta. - Mọi việc sẽ ổn thôi. Anh hứa với em, rồi chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi. Paige nép chặt vào anh và nghĩ: Không có gì là mãi mãi. Không có gì hết. Sao mọi việc lại có thể ngang trái đến mức này… Chú thích: (1) Theo sự tích Kinh Thánh, Cain là con của Adam và Eva, đã phạm tội giết em trai, được coi là kẻ sát nhân đầu tiên của loài người. (N.D) (2) Sự tích trong Kinh Thánh. (N.D) (3) Hippocrates người Hy Lạp, ông tổ của ngành y, sống vào khoảng 400-377 trước CN. Chương 01 SAN FRANSISCO, tháng 7, 1990 - Hunter Kat. - Có. - Taft Betty Lou. - Có tôi. - Taylor Paige. - Có. Họ là toàn bộ số phụ nữ ít ỏi giữa đám đông bác sĩ nội trú năm đầu tiên vừa đến tập trung tại giảng đường rộng lớn và xám xịt của bệnh viện Embarcadero Country này. Embarcadero Country là bệnh viện cũ kỹ nhất San Francisco và là một trong những bệnh viện già nua nhất nước Mỹ. Trong trận động đất năm 1989, Chúa đã chơi xỏ hầu hết cư dân San Francisco nhưng lại tha cho bệnh viện này. Đó là một kiến trúc xấu xí, chiếm hơn ba lô đất vuông, với những toà nhà xây bằng gạch và đá, xám xỉn và bụi bặm. Bên trong cổng, trước cửa toà nhà chính, là một phòng chờ rộng với những băng ghế gỗ cứng dành cho người nhà và bệnh nhân. Những bức tường tróc lở bởi quá nhiều lượt sơn chồng chất qua bao thập kỷ, những hành lang mòn vẹt, gồ ghề bởi hàng triệu lượt người ngồi xe đẩy, chống nạng và bước chân qua. Toàn bộ khu nhà bị bao bọc trong lớp gỉ mốc meo của thời gian. Bệnh viện Embarcadero Country là một thành phố trong thành phố. Có hơn chín ngàn con người làm việc tại đây, bao gồm bốn trăm y bác sĩ, một trăm năm mươi bác sĩ tình nguyện làm ngoài giờ, tám trăm bác sĩ nội trú và ba nghìn y tá, cộng thêm các kỹ thuật viên phụ trách thiết bị và những nhân viên kỹ thuật khác. Các tầng trên gồm một khu liên hợp mười hai phòng mổ, kho tiếp liệu trung tâm, ngân hàng máu, phòng kế hoạch trung tâm, ba phòng cấp cứu một phòng AIDS và hơn hai ngàn giường bệnh. Hôm nay là một ngày tháng Bảy, ngày đầu tiên tiếp nhận các bác sĩ nội trú mới. Bác sĩ Benjamin Wallace, giám đốc bệnh viện lên đọc diễn văn. Wallace là một nhà chính trị thuần tuý, một người đàn ông cao lớn, trông oai vệ, chuyên môn có hạn nhưng đủ quyến rũ để dành được những sự ưu ái trên con đường thăng tiến tới địa vị hiện nay. - Xin chào mừng tất cả các bạn, những bác sĩ nội trú mới của chúng tôi. Hai năm đầu ở trường y, các bạn đã làm việc với các xác chết. Trong hai năm cuối các bạn được làm việc với các bệnh nhân dưới sự giám sát của các bác sĩ thâm niên. Giờ đây, chính các bạn là người sẽ chịu trách nhiệm về các bệnh nhân của mình. Đó là một trách nhiệm ghê gớm. Nó đòi hỏi cả tấm lòng lẫn năng lực chuyên môn. Mắt quét xuống giảng đường, ông nói tiếp: - Một số trong các bạn dự định đi vào phẫu thuật. Số khác theo nội khoa. Mỗi nhóm sẽ được giao cho một bác sĩ nội trú năm trên phụ trách. Người đó sẽ chỉ dẫn công việc hàng ngày cho các bạn. Từ giờ trở đi, mỗi việc các bạn làm đều có thể là vấn đề sinh tử. Họ nghe chăm chú, nuốt lấy từng lời. - Embarcadero là một bệnh viện cỡ tỉnh. Điều đó có nghĩa chúng ta mở rộng cửa tiếp nhận bất cứ bệnh nhân nào. Phần lớn họ là dân nghèo, họ đến đây vì không đủ tiền vào bệnh viện tư. Các phòng cấp cứu của chúng ta bận rộn suốt hai tư giờ trong ngày. Các bạn sẽ phải làm việc quá mức và nhận lương dưới mức. Ở bệnh viện tư, năm đầu tiên các bạn chỉ được đi bám đuôi thăm bệnh. Năm thứ hai người ta mới cho các bạn mó tay vào dao mổ và đến năm thứ ba các bạn mới được phép mổ những ca thứ yếu dưới sự giám sát. Ở đây thì không nhiêu khê như vậy. Phương châm của chúng tôi là "Vừa xem, vừa làm, vừa dạy". Chúng tôi thiếu người trầm trọng, cho nên càng đưa các bạn vào công việc nhanh chừng nào càng tốt chừng ấy. Có ai hỏi gì không? Có một triệu câu hỏi mà các tân bác sĩ nội trú muốn hỏi. - Không à? Tốt. Mai sẽ là ngày làm việc đầu tiên của các bạn. Các bạn phải có mặt tại bàn tiếp đón chmh thức vào năm giờ ba mươi phút sáng mai. Chúc các bạn may mắn! Lời huấn thị đã kết thúc. Mọi người ùn ùn ra cửa trong tiếng trò chuyện rì rào sôi nổi. Ba phụ nữ chợt thấy mình đứng cạnh nhau. - Các nữ nhi khác đâu cả rồi? - Tôi nghĩ chúng ta là tất cả rồi đấy. - Giống hệt ở trường nhỉ. Câu lạc bộ con trai. Mình có cảm tưởng nơi này thuộc Kỷ Nguyên Đen Tối. Người nói câu đó là một cô gái da đen tuyệt đẹp, cao gần sáu bộ (1), hơi to ngang, nhưng vô cùng duyên dáng. Tất cả nơi cô, từ bước đi, dáng điệu đến cái nhìn hờ hững, giễu cợt đều gợi lên vẻ xa cách. - Tôi tên Kat Hunter. Mọi người gọi tôi là Kat. - Paige Taylor. - Cô gái trẻ, trông thông minh và thân thiện tự giới thiệu. Họ quay sang người phụ nữ thứ ba. - Betty Lou Taft. Mọi người gọi tớ là Honey. - Cô nói giọng miền Nam mềm mại. Honey có khuôn mặt cởi mở, ngây thơ, đôi mắt xám tro dịu dàng và nụ cười ấm áp. - Chị quê ở đâu? - Kat hỏi. - Memphis, Tennessee. Họ nhìn Paige. Cô quyết định đưa ra câu trả lời đơn giản. - Boston. - Minneapolis, - Kat nói. - Nơi đó gần hơn cả, cô nghĩ bụng. - Có vẻ như tất cả chúng ta đều sống xa nhà. Các bạn ở đâu? - Paige hỏi. - Tôi ở một khách sạn nhếch nhác, - Kat đáp. - Tôi chưa có cơ hội tìm chỗ ở. - Mình cũng thế. - Honey nói. Paige tươi hẳn lên. - Mình vừa xem một vài căn hộ sáng nay. Có một căn rất tuyệt, nhưng mình không đủ tiền. Có ba phòng ngủ… Họ chằm chằm nhìn nhau. - Nếu chúng ta chia ba… - Kat nói. Căn hộ nằm ở quận Marina, phố Filbert. Ba phòng ngủ, hai phòng tắm, đồ đạc cổ lỗ sĩ, nhưng sạch và ngăn nắp. Sau khi cả ba đã xem xét kỹ, Honey tuyên bố: - Mình thấy hay đấy. - Mình cũng vậy? - Kat tán đồng. Họ cùng nhìn Paige. - Chúng ta chấp nhận đi. Họ chuyển đến căn hộ ngay chiều hôm đó. Người coi nhà giúp họ mang hành lý lên gác. - Thế ra các cô đi làm ở bệnh viên. - Gã hỏi. - Y tá hử? - Bác sĩ. - Kat chỉnh lại. Gã nhìn cô ngờ vực. - Bác sĩ? Cô định nói là bác sĩ thật đấy chứ? - Phải, là bác sĩ thật. - Paige bảo gã. Gã khụt khịt. - Nói thật với các cô, nếu tôi cần chăm sóc sức khoẻ, tôi không nghĩ là sẽ để cho đàn bà khám người tôi đâu - Chúng tôi sẽ ghi nhớ điều đó. - Tivi để đâu nhỉ, tôi không thấy. - Kat hỏi. - Nếu các cô cần thì hãy mua lấy một cái. Chúc vui vẻ, thưa các tiểu thư… À, bác sĩ. Gã cười khùng khục, bỏ đi. - Y tá hử? Kat khịt mũi, bắt chước giọng gã. - Thói tự phụ đàn ông. Thôi, chúng ta chọn phòng ngủ đi. - Với mình, phòng nào cũng được, - Honey nói dịu dàng. Họ xem xét ba phòng ngủ. Có một phòng rộng hơn hai phòng kia. Tại sao cậu không dùng phòng này đi, Paige? Cậu đã tìm ra chỗ này mà. - Kat hỏi. Paige gật đầu: - Cũng được. Họ về các phòng riêng của mình và bắt đầu dỡ đồ đạc. Paige cẩn thận lôi từ trong vali ra một bức ảnh lồng khung, chụp một người cỡ ngoài ba mươi tuổi. Anh ta trông khả ái, đôi kính gọng đen tạo cho gương mặt một vẻ học giả. Paige đặt bức ảnh bên cạnh giường, gần một xấp thư. Kat và Honey lững thững bước vào. - Ra ngoài kiếm cái gì ăn tối chứ? - Mình xong rồi đây. - Paige nói. Kat nhìn tấm ảnh. - Ai thế? Paige mỉm cười. - Chồng chưa cưới của mình. Anh ấy là bác sĩ, làm việc cho tổ chức Y tế Thế giới. Tên anh ấy là Alfred Turner. Anh ấy hiện đang làm việc ở châu Phi, nhưng sẽ chuyển về San Francisco nay mai thôi. Và bọn mình sẽ được sống bên nhau. - Cậu may thật. - Honey nói bâng khuâng. - Chàng trông hay đấy. Paige nhìn cô bạn. - Cậu đã gắn bó với ai chưa? - Chưa. Mình e rằng không được may mắn lắm với đàn ông. - Biết đâu vận may của cậu sẽ thay đổi ở Embarcadero, - Kat nói. Ba người ăn tối ở Tarantino, không xa khu nhà nơi họ ở. Trong bữa ăn họ tán gẫu về chuyện học hành và cuộc sống, nhưng câu chuyện của họ còn khá dè dặt. Họ là ba người xa lạ đang thận trọng tìm hiểu lẫn nhau. Honey rất ít nói. Cô ấy có vẻ nhút nhát, Paige nghĩ. Dễ tổn thương. Có lẽ một anh chàng nào đó ớ Memphis đã làm cô ấy tan nát cõi lòng. Paige nhìn Kat. Tự tin. Đầy tự trọng. Mình thích cách nói năng của cô ta. Có thể cô ta xuất thân từ một gia đình gia giáo. Trong khi đó, Kat đang nghiên cứu Paige. Một cô gái nhà giàu, có lẽ chưa phải làm gì trong đời. Cô ta xoay xoả được là nhờ vào nhan sắc. Honey nhìn hai cô kia. Họ thật chắc chắn, thật tự tin về bản thân mình. Công việc của họ sẽ trôi chảy. Tất cả đều nhầm hết. Khi trở về nhà, Paige hồi hộp không sao ngủ được. Cô nằm trên giường, nghĩ về tương lai. Bên ngoài cửa sổ có tiếng đụng xe dưới đường, tiếng người la hét, và trong tâm trí Paige nó hoà lẫn vào ký ức với tiếng gào thét, tiếng cầu nguyện của dân bản xứ châu Phi, và cả tiếng súng nổ. Cô bị đưa vào một làng nhỏ trong rừng nhiệt đới, giữa cuộc chiến tranh bộ lạc tàn khốc. Paige khiếp đảm. - Họ giết chúng ta mất! Cha cô ôm lấy cô. - Họ sẽ không làm hại chúng ta đâu, cưng. Chúng ta tới đây để giúp những con người này. Họ biết chúng ta là bạn. Và bất thần, một tộc trưởng xông vào lều của họ… Honey nằm trên giường nghĩ ngợi. Từ Memphis, Tennessee đến đây xa lắc, Betty Lou. Có lẽ mình không bao giờ trở lại đó được nữa. Không bao giờ. Cô còn nghe rõ lời ông cảnh sát trưởng. "Vì tôn trọng gia đình ông ta, chúng tôi sẽ coi cái chết của Đức cha Douglas Lipton như một tự tử không rõ nguyên nhân, nhưng tôi có lời đề nghị rằng, cô hãy cuốn gói khỏi thành phố này và đừng bao giờ quay lại nữa…" Kat đăm đăm nhìn ra cửa sổ phòng ngủ, lắng nghe những âm thanh dưới phố. Cô nghe rõ tiếng mưa rả rích. Ta sẽ cho cả bọn họ biết mình đã lầm. Cô muôn làm bác sĩ? Một nữ bác sĩ da đen ư? Và sự từ chối cửa các trường y, "Cám ơn cô đã gửi đơn xin học. Rất tiếc hiện nay danh sách tuyển sinh của chúng tôi đã đủ. Xét hoàn cảnh cửa cô, chúng tôi nghĩ cô sẽ thuận lợi hơn ở một trường đại học nhỏ hơn". Cô đỗ thủ khoa, nhưng trong số hai mươi nhăm trường y cô xin học, chỉ có một trường nhận cô. Ông chủ nhiệm khoa nói: - Thời buổi này gặp được con nhà bình dân tử tế là quý rồi. Ông ta mà biết sự thật khủng khiếp ấy… Chú thích: (1) Khoảng 1,80m (N.D) Chương 02 Vào lúc 5 giờ 30 sáng, khi đám nội trú mới còn đang điểm danh, nhân viên bệnh viện đã đứng xung quanh để hướng dẫn những việc khác nhau cho họ. Thậm chí vào giờ sớm sủa như vậy, sự huyên náo đã bắt đầu. Bệnh nhân dồn về đây suốt đêm, trên các xe cấp cứu xe cảnh sát hoặc tự lê đến. Nhân viên bệnh viện gọi tắt họ là F và J - dân trôi dạt. Họ tuôn về những phòng cấp cứu, gẫy giập, chảy máu, đâm chém và tai nạn giao thông, chấn thương cả thể xác lẫn tinh thần, những người không nhà cửa và vô thừa nhận, luồng chảy của nhân loại qua những cống rãnh đen tối của các thành phố lớn. Có một cảm giác râm ran khi quan sát hiện tượng này. Đó là sự hỗn loạn có tổ chức, những chuyển động điên cuồng, những âm thanh rên rỉ và hàng tá những ca bất ngờ cùng tồn tại một lúc. Đám nội trú mới đứng tụm lại với nhau, chuẩn bị hoà nhập với môi trường mới. Paige, Kat và Honey đang đứng đợi ngoài hành lang thì một bác sĩ nội trú năm trên tiến lại. - Ai trong số các bạn là bác sĩ Taft? Honey ngẩng lên trả lời: - Tôi đây. Anh chàng mỉm cười và chìa tay ra: - Rất hân hạnh được gặp cô. Người ta yêu cầu tôi đi tìm cô. Sếp nói cô đã đạt điểm thi tốt nghiệp rất cao ở trường. Bệnh viện này chưa bao giờ có một người như vậy. Chúng tôi mừng được đón cô về đây. Honey cười, ngượng ngập. - Cám ơn. Kat và Paige nhìn Honey kinh ngạc. Mình không ngờ rằng cô ta lại xuất sắc đến thế. Paige nghĩ. - Cô định theo nội khoa, đúng không, bác sĩ Taft? - Vâng. Anh chàng quay sang Kat. - Cô là bác sĩ Hunter? - Vâng. - Cô quan tâm đến phẫu thuật thần kinh? - Đúng vậy. Anh ta xem danh sách. - Cô được giao cho bác sĩ Lewis. Cuối cùng anh ta quay sang Paige, hỏi: - Bác sĩ Taylor? - Vâng. Cô định theo phẫu thuật tim? - Đúng vậy. - Rất tốt. Chúng tôi đã xếp cô và bác sĩ Hunter vào các tua phẫu thuật. Hai cô có thể trình diện chỗ y tá trưởng Margaret Spencer. Phía dưới ấy. - Cám ơn. Paige nhìn các bạn, thở dài: - Thôi, tôi đi đây. Chúc tất cả may mắn. Margret Spencer giống cái tàu chiến hơn là một người đàn bà. Phục phịch, với cái nhìn nghiêm nghị và cung cách thô ráp. Khi Paige đến, bà ta đang bận trong phòng y tá. - Xin lỗi… Bà Spencer ngẩng lên, "Vâng…" - Tôi được yêu cầu trình diện ở đây. Tôi là bác sĩ Taylor. Y tá Spencer nhìn vào một tờ giấy. - Xin đợi một lát. Bà đi vào, khuất sau cánh cửa, lát sau bà trở ra tay cầm chiếc áo choàng trắng. - Của cô đây. Găng tay để đeo trong phòng mổ và khi đi khám bệnh. Còn trong giờ làm việc cô hãy mặc cái áo choàng trắng này. - Xin cám ơn! - Và đây nữa. Bà trao cho Paige một tấm biển nhỏ bằng kim loại, trên đó có dòng chữ Paige Taylor M.D(1). Paige giữ tấm biển trong tay một lúc lâu. Paige Taylor M.D. Cô cảm tưởng như đang được trao bằng danh dự. Bao nhiêu năm học hành gói gọn cả trong mấy chữ ngắn ngủi này: Paige Taylor M.D. Y tá Spencer nhìn cô chằm chằm: - Cô không sao chứ? - Không sao đâu. - Paige mỉm cười. - Tôi rất khoẻ. - Cám ơn. Tôi có thể thay quần áo ở đâu? - Phòng thay quần áo của bác sĩ ở phía cuối hành lang. Cô sẽ phải đi tua bây giờ nên có lẽ thay quần áo đi là vừa. Paige cám ơn rồi đi xuống cuối hành lang, vừa đi vừa ngạc nhiên về khối lượng công việc xung quanh. Hàng lang có rất nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, bệnh nhân đang vội vã đi lại. Những thông báo dồn dập trên hệ thống loa công cộng càng làm tăng sự căng thẳng. - Bác sĩ Keeman phòng mổ 3… Bác sĩ Keeman phòng mổ 8. - Bác sĩ Talbot phòng cấp cứu 1… Bác sĩ Talbot phòng cấp cứu 1. - Bác sĩ Engel phòng 212… Bác sĩ Engel phòng 212. Paige đi tới cánh cửa to có dòng chữ PHÒNG THAY ĐỒ BÁC SĨ và đẩy ra. Trong đó, cả tá đàn ông đang ở trong những giai đoạn thay quần áo khác nhau. Hai trong số họ hoàn toàn trần truồng. Họ quay lại nhìn trân trân về phía Paige khi cửa mở ra. - Ôi xin lỗi. Paige lúng búng, vội đóng cửa lại. Cô đứng sững, chưa biết phải làm gì. Vài bước gần đó có biển đề PHÒNG THAY ĐỒ Y TÁ. Paige bước tới và mở cửa ra. Phía trong, các cô y tá đang thay quần áo. Một người ngẩng lên. - Xin chào. Có phải cô là một y tá mới không? - Không, tôi nhầm. Paige đáp cương quyết, đóng mạnh cửa rồi quay lại phòng đầu tiên. Cô đứng đó một lát, thở một hơi sâu và bước vào. Câu chuyện phía trong đang tiếp diễn chợt ngừng lại. Một người nói. - Cô em. Đây là Phòng dành cho bác sĩ. - Tôi là bác sĩ. - Paige nói với vẻ thản nhiên. Họ quay lại nhìn nhau. - Ồ, OK, xin chào? - Một người lên tiếng. - Xin cám ơn. - Cô do dự trong một giây rồi mạnh dạn tiến về phía chiếc tủ còn trống. Mấy người đàn ông theo dõi cô treo quần áo bệnh viện lên mắc. Cô quay đầu nhìn đám đàn ông rồi xoay lưng về phía họ, chầm chậm cởi cúc áo. Các vị bác sĩ phái mày râu trở nên lúng túng, chẳng biết phải làm gì. Cuối cùng, một trong số họ lên tiếng. - Có lẽ chúng ta nên dành riêng cho cô bé đây một chút riêng tư, phải không các vị? - Cô bé! - Xin cám ơn. - Paige nói. Cô đứng đó chờ cho bọn họ rời khỏi phòng. Chẳng lẽ ngay nào mình cũng phải qua cái thủ tục này ư? Các tua khám trong bệnh viện này có một cung cách bất di bất dịch. Bác sĩ chính đi đầu, phía sau là các bác sĩ nội trú năm cuối, tiếp theo là mấy bác sĩ nội trú khác và một vài sinh viên y khoa. Paige được xếp đi theo bác sĩ chính William Radnor. Cô đang cùng năm bác sĩ nội trú khác đứng ở hành lang chờ ông. Trong nhóm có một bác sĩ trẻ người Hoa. Anh ta chìa tay ra: - Tom Chang. - Anh ta tự giới thiệu. - Tôi hy vọng các bạn cũng đều đang phấp phỏng như tôi. Paige thích anh ta ngay lập tức. Một người đàn ông tiến về phía họ. - Xin chào, - Ông ta nói. - Tôi là bác sĩ Radnor. Ông ta có giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt sáng màu da trời. Lần lượt các bác sĩ nội trú tự giới thiệu. - Đây là ngày đầu tiên các bạn đi tua. Tôi muốn các bạn lưu ý mọi điều mà các bạn nghe hạy nhìn thấy. Tuy vậy cũng cần phải biết tỏ ra thư gíãn. Paige lập tức tự nhủ. Tập trung nhưng phải làm ra vẻ thư giãn! - Nếu bệnh nhân thấy các bạn bối rối, căng thẳng, họ lập tức sẽ căng thẳng theo và sợ đến phát chết bởi vì nghĩ rằng họ đang mắc phải một căn bệnh mà các bạn không dám nói với họ. Không làm bệnh nhân căng thẳng! - Nhớ rằng từ hôm nay các bạn sẽ chịu trách nhiệm về mạng sống của con người. Từ đây mình luôn phải chịu trách nhiệm về mạng sống của một ai đó. Ôi, lạy Chúa. Bác sĩ Radnor càng nói, Paige càng căng thẳng, và khi ông kết thúc thì lòng tự tin vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của cô đã bay biến hết. Mình chưa sẵn sàng để làm công việc này. Cô nghĩ. Mình không biết mình đang làm gì. Có ai bảo rằng mình có thể trở thành một bác sĩ đâu. Nếu chẳng may mình làm chết người thì sao? Bác sĩ Radnor tiếp tục: - Tôi muốn các bạn ghi chép tỷ mỷ về bệnh nhân: Xét nghiệm, máu, điện tâm đồ…, mọi thứ. Rõ cả chứ? Có tiếng lao xao: "Vâng, thưa bác sĩ". - Ở đây có khoảng ba đến bốn mươi bệnh nhân tim mạch đang nằm chờ phẫu thuật. Công việc của các bạn phải được tổ chức cẩn thận. Bây giờ ta sẽ bắt đầu tua buổi sáng. Chiều sẽ lại làm tua nữa. Hồi ở trường y sao mà dễ chịu thế. Paige nhớ lại bốn năm học ở đấy. Khoá của họ gồm trăm rưởi sinh viên, chỉ có mười lăm cô gái. Cô sẽ không bao giờ quên buổi đầu tiên học về giải phẫu: Sinh viên vào một phòng lớn lát men trắng có hai mươi bàn xếp thành hàng ngay ngắn, trên mặt bàn phủ một tấm vải vàng. Mỗi bàn xếp năm sinh viên. Giáo sư nói: "Nào, hãy kéo vải phủ ra". Lúc đó, trước mặt Paige hiện ra một xác chết. Đó là xác chết đầu tiên cô nhìn thấy trong đời. Cô nghĩ mình sẽ cảm thấy choáng hoặc buồn nôn và bèn cố sức giữ bình tĩnh. Cái xác được bảo quản tốt nên nhìn cũng không khủng khiếp lắm. Trong mấy ngày đầu, sinh viên còn cảm thấy sự nghiêm trang trong phòng học giải phẫu. Nhưng thật là ngạc nhiên đối với Paige, chỉ trong vòng một tuần là họ đã có thể ăn san-đuých ngay tại đó, trong giờ nghỉ giải lao, và làm những trò đùa tục tĩu hoặc thô bạo. Có lẽ đó là một dạng tự bảo vệ, chối bỏ cái chết trong họ. Sinh viên đặt tên cho các xác chết và nói chuyện với "chúng" như nói với bạn cũ. Paige cố bắt mình cư xử như đám bạn học nhưng cảm thấy rất khó khăn. Cô nhìn xác chết dưới tay mình và nghĩ. Đây từng là một người có gia đình. Hàng ngày anh ta đi làm. Mỗi năm một lần cùng vợ con đi nghỉ. Có lẽ anh ta thích thể thao, xem phim, xem kịch. Anh ta đã cười thấy các con khôn lớn, chia xẻ với chúng niềm vui, nỗi buồn. Anh ta đã có những ước mơ. Mình hy vọng nó đã trở thành hiện thực… Một cảm giác buồn bã trào lên trong lòng cô: Anh ta đã chết, còn cô vẫn đang sống. Theo thời gian, đến cả Paige cuối cùng cũng trơ ra mọi cảm xúc. Mở lồng ngực kiểm tra phổi, vùng mổ quanh tim, khám mạch máu, dây thần kinh… Phần lớn thời gian trong hai năm đầu ở trường y sinh viên dành để học thuộc danh sách những bộ phận trong cơ thể và các thuật ngữ y học. Sinh viên còn láu cá nghĩ ra những câu có vần có điệu để giúp họ ghi nhớ. Bọn con trai là hay nghĩ những câu tục tĩu nhất. Hai năm cuối có vẻ thú vị hơn với những môn nội khoa, ngoại khoa, tiêu hoá… và họ có thời gian làm việc trong bệnh viện địa phương. Mình lại hồi tưởng rồi. Paige nghĩ ngợi. - Bác sĩ Taylor… - Bác sĩ nội trú năm cuối nhìn cô chăm chú. Paige chợt tỉnh. Các bác sĩ khác đã đi được một đoạn. - Tôi tới ngay đây! Nơi dừng đầu tiên là một căn phòng lớn hình chữ nhật có hai dãy giường kê theo hai cạnh tường, mỗi giường có một cái tủ con đặt liền bên. Paige hình dung phải có màn che ngăn giữa các giường, nhưng không thấy. Sự riêng tư không được phép hiện diện ở đây. Bệnh nhân đầu tiên là một ông già với nước da phù thũng. Ông ta đang ngủ say, thở nặng nhọc. Bác sĩ Radnor đi xuống chân giường xem xét biểu đồ treo tại đó rồi bước đến bên cạnh bệnh nhân và chạm vào vai ông ta. - Ông Petter! Bệnh nhân mở mắt. - Cái gì? - Chào buổi sáng. Tôi là bác sĩ Radnor. Tôi chỉ kiểm tra xem sức khoẻ ông ra sao. Ông ngủ tốt chứ? - Cũng tạm được. - Ông thấy đau ở đâu không? - Vâng, vùng ngực. - Để tôi xem nào. Sau khi khám xong Radnor nói: - Ông đang phục hồi tốt. Tôi sẽ nói y tá đưa ông ít thuốc để giảm cơn đau. - Xin cám ơn bác sĩ. - Tôi sẽ khám cho ông một lần nữa vào buổi chiều. Đám đông rời khỏi giường bệnh. Bác sĩ Radnor quay lại nói: - Luôn cố gắng hỏi những câu người bệnh chỉ cần trả lời có hoặc không? Họ không cần phải mất sức khi trả lời bác sĩ. Và phải luôn làm họ tin tưởng vào sức khoẻ của mình. Tôi yêu cầu các bạn nghiên cứu bản theo dõi bệnh nhân và hãy ghi chép những điểm chính. Chúng ta sẽ quay lại chiều nay để xem ông ta thế nào. Phải lưu ý ghi chép cả bệnh sử, tất cả những lời phàn nàn của bệnh nhân, tình trạng sức khoẻ của gia đình và thân hữu… ông ta có uống rượu, hút thuốc không? Tôi muốn có báo cáo về tiến trình sức khoẻ của từng bệnh nhân một. Họ đi tiếp đến giường sau, của một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi. - Xin chào ông Rawlings. - Chào bác sĩ. - Ông có cảm thấy khá hơn trong buổi sáng nay không? - Không tốt lắm. Tôi. gần như mất ngủ cả đêm qua. Phần bụng đau quá. Bác sĩ Radnor quay sang phía một bác sĩ nội trú. - Chụp phim có thấy gì không? - Không có bất kỳ một dấu hiệu lo ngại nào cả. - Cho ông ấy một liều Barium enema Stat. Anh chàng nội trú đứng cạnh Paige thì thầm vào tai cô. - Tớ hy vọng cậu biết stat nghĩa là gì. "Lắc mông đi cô bé!" Bác sĩ Radnor nghe thấy. - Stat bắt nguồn từ tiếng Latinh, Statim - ngay lập tức Trong nhiều năm tới, Paige sẽ luôn phải nghe những mệnh lệnh như vậy. Bệnh nhân tiếp sau là một bà già đã qua phẫu thuật. - Xin chào bà Turkel. - Các ông định giữ tôi lại đây bao lâu nữa? - Không lâu nữa đâu. Vừa rồi, điều trị cho bà đã rất thành công. Bà sẽ được về nhà trong thời gian tới. Quá trình hỏi đáp đó cứ lặp đi lặp lại, cả buổi sáng trôi qua nhanh chóng. Tổng cộng họ đã khám cho ba mươi bệnh nhân. Với môi bệnh nhân, các bác sĩ nội trú lại cắm cúi ghi chép và cầu cho những ghi chép ấy có ích sau này. Có một bệnh nhân làm Paige khó hiểu. Bà ta có vẻ rất khoẻ mạnh. Cô hỏi: - Bà ta mắc bệnh gì vậy? Bác sĩ Radnor gật đầu: - Bà ta chẳng có bệnh gì cả. Bà ta là Gomer (2). Và đối với những ai trong số các bạn chưa biết, khi ở trường y, tôi xin nhắc rằng Gomer là viết tắt của câu nói: Cút khỏi phòng cấp cứu của tôi! Đó là loại người thích chí với tình trạng sức khoẻ tồi. Riêng năm vừa rồi đã sáu lần bà ta nằm ở đây. Họ tiến lại bệnh nhân cuối cùng, một bà giờ thở bằng máy hô hấp. Bệnh nhân đang hôn mê. - Bà ta bị nhiễm máu rất nặng. - Bác sĩ Radnor giải thích cho đám nội trú. - Hôn mê đã sáu tuần nay. Tuyệt vọng. Chúng ta chẳng có thể làm gì cho bà ấy nữa. Chiều nay chúng ta sẽ rút phích. Paige cảm thấy sốc. - Rút phích. Bác sĩ Radnor giải thích nhẹ nhàng. - Hội đồng đạo đức bệnh viện đã quyết định sáng nay. Bà ta đang tồn tại ở dạng thực vật. Và ngày nào chưa chết, thì có nghĩa là bà ta vẫn chỉ tồn tại ở dạng ấy. Tám mươi bảy tuổi, não đã chết. Để bà ta sống mới thật nhẫn tâm, và tổn hao tài chính cho gia đình. Tôi sẽ gặp các bạn vào tua chiều nay. Họ nhìn theo ông khi ông đi khỏi. Paige quay lại phía bệnh nhân. Bà ta còn sống. Chỉ vài giờ nữa bà ta sẽ chết. Chúng ta sẽ rút phích chiều nay. Giết người! Paige nghĩ. Chú thích: (1) viết tắt của chữ Doctor of Medicme (Bác sĩ Y khoa) (2) viết tắt của câu: Get out of my emergency room. (N.D) Chương 03 Kết thúc chuyến tua buổi chiều, đám nội trú mới nhập bệnh viện tụ tập trong gian sảnh nhỏ ở tầng trên. Trong phòng có tám cái bàn, một tivi đen trắng cổ lỗ và hai cái quạt xua đều ra khắp phòng mùi bánh san-đuých và cà phê. Câu chuyện ở mỗi bàn đều giống nhau. Một người nói. - Ngó cái họng tớ nào. Có rộp lên không? - Mình nghĩ mình bị sốt. Ớn người lắm. - Bụng tớ trương lên đây này. Chắc đau ruột thừa mất. - Ngực mình thì cứ đau thắt lại. Lạy chúa, đừng để mình bị nhồi máu cơ tim. Kat ngồi vào bàn với Paige và Honey. - Công việc thế nào? - Cô hỏi. - Tớ nghĩ ổn cả thôi. - Honey nói. Cả hai nhìn Paige. - Mình thấy căng thẳng, nhưng phải cố mà thư giãn. Mình lo lắng, nhưng phải cố giữ bình tĩnh. - Cô thở dài. - Một ngày dằng dặc. Mình mừng được thoát khỏi đây và tối nay định vui vầy một chút. - Tớ cũng nghĩ vậy, - Kat tán đồng. - Tại sao chúng ta không đi ăn tối và xem xinê nhỉ? - Tuyệt đấy. Một nhân viên phục vụ lại bàn họ. - Ai là bác sĩ Taylor? Paige nhìn lên: - Tôi đây! - Bác sĩ Wallace muốn gặp cô. Wallace là giám đốc bệnh viện. Mình đã làm gì sai nhỉ? Paige băn khoăn. Người phục vụ đứng chờ. - Bác sĩ Taylor… - Tôi đi ngay đây. - Cô đứng lên hít thật sâu. - Mình sẽ gặp các cậu sau vậy. - Đi đường này, bác sĩ? Paige theo người đó vào thang máy rồi lên tầng năm, nơi đặt văn phòng của bác sĩ Wallace. Benjamin ngồi sau bàn. Ông ta hơi ngước lên khi Paige bước vào. - Xin chào bác sĩ Taylor. - Xin chào! Wallace hắng giọng: - Hôm nay là ngày đầu tiên, Nhưng cô đã kịp gây ấn tượng rồi. Paige nhìn ông ta, bối rối. - Tôi, tôi chưa hiểu? - Tôi nghe nói cô gặp phải một vấn đề nhỏ trong phòng thay đồ dành cho bác sĩ. - Ồi! Thì ra là chuyện ấy. Wallace nhìn cô mỉm cười: - Tôi cho rằng tôi phải thu xếp thế nào đó cho cô và các cô gái khác. - Chúng tôi… Chúng tôi là bác sĩ chứ không phải là cô gái. Chúng tôi sẽ rất cám ơn. - Trong khi chờ đợi có lẽ cô nên thay đồ trong phòng dành cho y tá. - Tôi không phải là y tá. - Cô rắn rỏi nói. - Tôi là bác sĩ. - Tất nhiên, tất nhiên. Chúng tôi sẽ thu xếp cho các nữ bác sĩ. - Cám ơn! Ông ta trao cho Paige một tờ giấy: - Bây giờ tôi đưa cho cô lịch làm việc. Cô sẽ trực cấp cứu trong hai mươi tư giờ, kể từ sáu giờ chiều nay. - Ông ta liếc đồng hồ. - Nghĩa là chỉ còn ba mươi phút nữa thôi. Paige nhìn ông ta kinh ngạc. Hôm nay cô đã phải dậy từ lúc 5 giờ sáng. 24 giờ nữa? Mà đúng ra là 36 tiếng. Bởi vì ngày tiếp đó cô vẫn phải đi tua. Ba mươi sáu tiếng! Liệu mình có chịu nổi không đây? Cô sắp được biết ngay thôi. Paige đi tìm Kat và Honey. - Có lẽ tớ buộc phải quên bữa tối và xinê thôi. Tớ phải trực cấp cứu và làm việc 36 tiếng liền. Kat gật đầu. - Chúng tớ cũng thế. Phiên tớ vào ngày mai. Honey vào thứ tư. - Chắc sẽ không ghê gớm lắm đâu. - Paige nói vui vẻ. - Tớ biết ở đây có chỗ ngủ. Có lẽ tớ lại thích ấy chứ. Cô đã nhầm. Người phục vụ đưa Paige đi dọc theo hành lang dài. - Bác sĩ Wallace nói tôi sẽ trực cấp cứu trong 36 giờ. - Paige hỏi. - Mọi người đều phải làm như vậy sao? Trong ba năm đầu thôi. - Người dẫn đường an ủi cô. - Tuyệt! - Nhưng bác sĩ sẽ có một số thời gian để nghỉ. - Thật ư? - Đây rồi. Phòng trực ở đây! Ông ta mở cửa. Paige bước vào. Căn phòng giống như trai phòng của tu sĩ trong một tu viện nghèo. Vẻn vẹn một cái giường đơn và một máy điện thoại đặt cạnh giường. - Bác sĩ có thể ngủ giữa các cú điện thoại. - Người nhân viên nói như an ủi. - Cám ơn! * * * * * Những cuộc gọi bắt đầu khi Paige còn đang ở quầy cà phê với bữa ăn tối đơn giản. - Bác sĩ Taylor, phòng cấp cứu số 3… Bác sĩ Taylor phòng cấp cứu số 3. Và suốt thời gian, Paige bị săn đuổi bởi các cô y tá. - Một bệnh nhân bị gãy xương sườn. - Ông Henegan kêu đau vùng ngực. - Bệnh nhân ở phòng 2 đau đầu, cho thuốc ecetaminophen được không? Lúc nửa đêm, khi Paige vừa chợp mắt thì cô lại bị dựng dậy. - Đến ngay phòng cấp cứu số 1. Đó là một vết thương do dao chém. Khi Paige xử lý xong thì đã là 1 giờ 30 sáng. Vào lúc 2 giờ 15 cô lại bị dựng dậy. - Bác sĩ Taylor… Phòng cấp cứu 2. Stat. Paige đáp mệt nhọc. - Vâng. Anh chàng đó bảo stat nghĩa là gì nhỉ? Lắc mông đi cô bé. Cô gắng sức cất mình dậy và theo hành lang đến phòng cấp cứu. Một bệnh nhân bị gẫy chân đang rống lên vì đau. - Chụp X quang. - Paige ra lệnh. - Cho tiêm Demerol 5mg. - Cô đặt bàn tay lên cánh tay bệnh nhân. – Sẽ ổn cả thôi. Cứ yên tâm. Mình không được hoảng loạn. Paige tự nhủ. Mình phải bình tĩnh, lạnh lùng. Nhưng cô bối rối quá, ai quan trọng hơn, người bệnh cô đang khám hay người tiếp theo? - Ông nằm đây nhé, - cô nói đờ đẫn. - Tôi sẽ trở lại ngay. Khi Paige lao tới phòng cấp cứu 2, cô lại nghe thấy xướng tên mình. Bác sĩ Taylor… phòng cấp cứu 1. Bác sĩ Taylor… phòng cấp cứu 1. Stat. - Ôi lạy Chúa. Paige nghĩ. Cô có cảm giác mình đang bị một cơn ác mộng khủng khiếp vây hăm, không có chỗ tận cùng. Cho đến sáng, Paige bị đánh thức do những ngộ độc thức ăn, gãy tay, gãy xương sườn, thoát vị khe thực quản, vân vân. Khi quay về phòng trực, cô cảm thấy mình chỉ còn đủ sức để lăn ra giường. Nhưng vừa chơp mắt thì điện thoại lại réo vang. Cô nhoài người với điện thoại mà mắt vẫn nhắm. - Hello… - Bác sĩ Taylor, chúng tôi đang chờ cô đây. - Cái gì cơ? Cô vẫn nằm đó, cố nhớ xem mình đang ở đâu. - Tua của cô đang bắt đầu rồi, bác sĩ. - Tua của tôi? Thật là một kiểu đùa ác. Paige nghĩ. Thật chẳng còn ra người nữa. Chẳng ai, kể cả họ, có thể làm việc như thế này. Nhưng người ta đang chờ cô. Mười phút sau, Paige lại đi tua như hôm qua, tuy vẫn nửa tỉnh nửa mê. Cô nói lý nhí với bác sĩ Radnor. - Tôi xin lỗi, nhưng cả đêm qua tôi chẳng được chợp mắt. Ông đặt tay lên vai cô, thông cảm. - Rồi cô sẽ quen thôi. Cuối cùng, khi được rời khỏi bệnh viện, cô ngủ suốt mười bốn tiếng liền. Áp lực của công việc quả là một hình phạt quá mức đối với các bác sĩ nội trú. Một số người đã biến khỏi bệnh viện. Mình không được làm như vậy, Paige tự nhủ. Hậu quả thật ghê gớm. Sau một ca 36 tiếng, Paige kiệt quệ và chẳng nhớ nổi mình đang ở đâu nữa. Cô bước đến chỗ thang máy, đửng đó, không biết làm gì, đầu óc quay cuồng. Tom Chang tiến lại: - Cậu không sao chứ? - Không sao. - Cô lẩm bẩm. Anh ta nói: - Cậu trông như ma ấy. - Cám ơn. Họ hành hạ tụi mình làm gì nhỉ? - Paige hỏi Chang mà như tự hỏi mình. Chang nhún vai. - Về mặt lý thuyết làm như vậy là để củng cố quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân. Nếu ta chỉ ở nhà, ta sẽ chẳng biết điều gì xảy ra với họ. - Cũng có lý đấy! - Paige gật đầu. - Thực ra chẳng có lý gì cả. Làm sao chúng ta có thể quan tâm đến bệnh nhân khi mà ta cũng buồn ngủ đến mức đứng không nổi nữa. Chang lại nhún vai. - Tớ chẳng biết. Tất cả các bệnh viện đều như vậy hết. - Anh nhìn Paige chăm chú. - Cậu có dám coi đây là nhà của mình không? Paige nhìn anh ta và nói tự tin. - Tất nhiên. - Cẩn thận đấy. - Chàng nói rồi bỏ đi. Paige chờ cho đến khi thang máy mở ra. Trong lúc chờ, cô thiếp đi. Hai ngày sau, Paige ngồi ăn sáng với Kat. - Cậu có muốn nghe xưng tội không? - Paige hỏi. Rồi không chờ Kat trả lời, cô nói tiếp. - Đôi khi người ta đánh thức mình để cho bệnh nhân uống aspirin lúc 4 giờ sáng. Khi mình gà gật bước ngoài hành lang nhìn vào phòng và thấy bệnh nhân đang ngủ ngon lành, mình chỉ muốn đập vào cánh cửa hét lên: Tất cả mọi người dậy đi! Kat chìa tay ra. - Cùng hội cùng thuyền cả thôi. Bệnh nhân có đủ loại hình dạng, kích thước, tuổi tác màu da. Người hốt hoảng, kẻ gan lỳ, người nhẹ nhàng, kẻ lại lắm lời. Nhưng họ giống nhau ở điểm: Đều là những con người đau đớn. Đa số bác sĩ là những người chuyên tâm. Như trong mọi ngành nghề khác ; ở đây cũng có những ngưởi giỏi, người kém, có người trẻ, người già, người hung hăng, người ít nói, người dễ chịu, người khó chơi… Thỉnh thoảng, một vài người gợi ý chuyện tình dục với Paige. Có người thì tế nhị, có người lại thô lỗ. - Cô em có thấy lẻ loi không? Anh cô đơn quá. Anh tự hỏi… - Những giờ phút trực như thế này thật là khủng khiếp phải không? Cô em có biết rằng có một việc mang lại sinh lực cho mình không? Đó là làm tình. Sao chúng ta không tận dụng nhỉ? - Vợ tôi đi vắng mấy ngày. Tôi có một căn nhà nhỏ ở gần Carmal. Weeken này chúng ta có thể… Rồi lại cả bệnh nhân nữa chứ. Cũng đủ kiểu gợi ý: - Cô là bác sĩ của tôi à? Cô có biết cô đang giấu trong mình một phương thuốc có thể chữa trị cho tôi không? - Lại gần đây cô em. Tôi muốn chạm vào cô cơ… Paige nghiến răng và phớt lờ. Khi mình và Alfred lấy nhau, mọi phiền phức này sẽ chấm dứt. Chỉ riêng việc nghĩ về Alfred đã khiến cô rạo rực. Chàng sẽ trở về. Chẳng bao lâu nữa. Một buổi sáng, trước khi đi tua, Paige và Kat nói chuyện với nhau về sự quấy rối tình dục mà họ đang cùng phải chịu đựng. - Đa số bác sĩ là những người đàn ông đứng đắn. Nhưng một vài người lại cứ nghĩ rằng chúng ta có mặt ở đây là để phục vụ họ. - Kat nói, - Trong một tuần, ít nhất cũng có một người gạ gẫm. "Em đến chỗ anh một lát đi, anh có rượu và mấy chiếc đĩa CD tuyệt lắm". Còn trong phòng phẫu thuật, tay bác sĩ mà mình phụ mổ cứ lướt tay qua ngực mình. Một thằng vắt mũi chưa sạch còn nói: "Cô em biết không. Anh thích gà. Chỗ thịt đen ấy". Paige gật đầu. - Họ nghĩ họ khiến ta thích thú khi coi ta là những đối tượng tình dục. Tớ chỉ muốn họ coi mình là một bác sĩ. Nhiều người trong số họ chẳng muốn ta làm việc đâu. Họ chỉ muốn ta vào giường với họ thôi. Thật không công bằng. Đàn bà luôn bị coi là thấp kém cho đến khi chứng minh được năng lực của mình. Đàn ông thì ngược lại. Họ được coi là giỏi giang cho đến khi tự phô bày là những thằng ngốc. - Đây là vương quốc của đàn ông. - Paige nói. - Nếu tụi mình có số lượng áp đảo, ta sẽ thành lập một thế giới riêng, toàn đàn bà. Paige có nghe nói về Arthur Kane. Trong bệnh viện người ta đồn đại không ngớt về lão. Lão được đặt biệt danh "Bác sĩ 007 - kẻ chuyên sát hại". Mọi vấn đề, giải pháp của 007 chỉ là phẫu thuật. Tay bác sĩ này có tỷ lệ phẫu thuật cao nhất bệnh viện. Và tỷ lệ tử vong cũng cao không kém. Arthur Kane đậm người, lùn, mũi diều hâu, răng xỉn vì thuốc lá, nói chung là quá béo. Nhưng lão lại tự cho mình là tay sát gái. Lão hay dùng thuật ngữ thịt tươi để chỉ các y tá và nữ bác sĩ nội trú mới đến. Paige Taylor chính là loại thịt tươi đó. Kane nhìn thấy cô và sán đến ngồi bên, dù chẳng ai mời cả. - Tôi đã theo dõi cô một thời gian. - Lão mở đầu. Paige ngước lên ngạc nhiên. - Tôi không hiểu. - Tôi là bác sĩ Kane, bạn bè gọi tôi là Arthur. Có một chút gì thâm hiểm trong giọng nói của lão. Paige ngạc nhiên tự hỏi không biết lão có bao nhiêu bạn bè. - Cô thấy làm việc ở đây thế nào? Câu hỏi làm Paige bất ngờ. - Tôi nghĩ rằng… tốt thôi. Lão nhoài người về phía trước. - Đây là bệnh viện lớn. Rất dễ lạc ở đây. Cô hiểu tôi nói gì chứ? Paige lo lắng. - Không hoàn toàn. - Cô quá xinh đẹp với một nữ bác sĩ. Nếu cô muốn có vị trí ở đây, cô cần một người có thể giúp cô. Một người biết về những đường đi nước bước. Câu chuyện càng lúc càng trở nên khó chịu. - Và ông thích giúp tôi ư? - Đúng vậy. - Lão nhe hai hàm răng xỉn. - Chúng ta có thể thảo luận chuyện này vào một bữa ăn tối nào đó. - Chẳng có gì để mà thảo luận cả, thưa bác sĩ Kane. Tôi không quan tâm. Arthur Kane nhìn theo Paige đi khuất, mặt lão đanh lại. Trong năm nội trú đầu tiên, các bác sĩ cứ hai tháng một lần phải chuyển từ khoa này sang khoa khác: sản, rồi xương, rồi tiết niệu, rồi phẫu thuật… Paige hiểu rằng thật là nguy hiểm khi nhập viện, nhất là vào mùa hè, nếu chẳng may bạn bị mắc một bệnh nghiêm trọng. Khi đó các bác sĩ chính thường nghỉ hè và số phận bệnh nhân được phó mặc cho các bác sĩ trẻ, đang nội trú. Hầu như tất cả các bác sĩ đều thích bật nhạc trong phòng mổ. Một bác sĩ có biệt hiệu là Mozart, người khác lại có tên Axi Rose, do sở thích âm nhạc của họ. Chẳng hiểu sao các ca mổ đều làm người ta đói ngấu. Họ thường xuyên thảo luận về các món ăn. Ví dụ trong ca mổ cắt bên thận hỏng của một bệnh nhân, bác sĩ mổ chính có thể thản nhiên nói: - Hôm qua mình được một bữa tuyệt vời ở Bardelli hiệu ăn Ý ngon nhất San Francisco. Hoặc người nào đó bình thản hỏi. - Các bạn đã được thử loại bánh của ở Câu lạc bộ Sip chưa? - Còn muốn ăn thịt bò, hãy thử ở Prime Rib ở Van Ness ấy. Cũng trong lúc đó, các y tá đang cọ máu bệnh nhân vương ra sàn. Khi nào không nói về thức ăn, họ nói về các trận bóng chày, bóng bầu dục. - Cậu có xem thằng 49 chơi hôm chủ nhật vừa rồi không? Tớ cam đoan là bọn này để sổng mất cup Joe Montana. Cứ như thế, câu chuyện tiếp diễn. - Kafka(1) Paige nghĩ. Kafka thế nào cũng thích những cảnh này. Một lần, vào khoảng 3 giờ sáng, khi Paige đang ngủ trong phòng trực thì điện thoại réo vang. Một giọng nói vang lên: Khi họ đã ở ngoài hành lang, Kat hỏi. - Thưa bác sĩ, ông ta bị bệnh gì đấy ạ. - Đây là loại GOK(2), tức là chỉ có Chúa mới biết. Chúng ta đã làm mọi xét nghiệm X quang, scan, sinh thiết… tất tật. Nhưng chẳng phát hiện ra bệnh ở đâu. Họ tiến lại một bệnh nhân trẻ. Đầu quấn đầy băng, anh ta đang ngủ ngon lành. Khi bác sĩ Hutton mở băng ra, anh ta choàng tỉnh dậy. - Chuyện gì vậy? - Ngồi dậy. - Bác sĩ Hutton nói. Người thanh niên run lẩy bẩy. Mình sẽ không bao giờ đối xử với bệnh nhân như thế. Kat tự nói với mình. Bệnh nhân tiếp sau là một ông già khoảng bảy mươi nhưng còn khoẻ mạnh. Khi bác sĩ Hutton tiến lại gần, ông ta gầm lên. - Đồ chó, tao sẽ đưa mày ra toà. - Bình tĩnh, thưa ông Sparolini. - Đừng gọi tao là ông Sparolini. Mày đã biến tao thành một hoạn quan rồi còn gì. Nghịch cảnh, Kat nghĩ. - Ông Sparolini, chính ông đã đồng ý phẫu thuật và… - Đấy là mưu mô của mụ vợ tao. Đồ chó cái chết bằm. Tao mà về đến nhà thì nó chết? Họ bỏ đi, để mặc ông ta lảm nhảm một mình. - Sao thế? - Một bác sĩ nội trú hỏi. - Ông ta bị mắc căn bệnh của loài dê. Bà vợ tuy trẻ, nhưng đã có tới sáu đứa con và không muốn đẻ thêm nữa. Tiếp theo là một cô bé mười tuổi. Bác sĩ Hutton xem biểu đồ và nói. - Ta sẽ tiêm để đuổi mấy con sâu trong người cháu. Cô y tá với ống tiêm tiến lại. - Không đau đâu, bé con. - Cô y tá an ủi. Kat nhớ lại những từ ấy. "Không đau đâu, bé con… Đó là lời cha dượng thì thầm vào tai cô trong bóng tối kinh hoàng. Sẽ rất tuyệt. Dạng chân ra. Nào, chó con". Và lão đã cưỡng bức cô. Tay lão bịt mồm cô để ngăn tiếng thét phát ra. Năm đó cô mười ba tuổi. Và sau đó, hàng đêm, lão đều mò vào phòng Kat. "Mày thật may mắn có một người đàn ông như tao dạy dỗ". Không một sự van xin, kêu khóc nào có thề khiến lão ta dừng lại. Kat không biết cha mình là ai. Mẹ cô là người quét dọn trong các toà công sở. Bà thường làm việc ban đêm. Cha dượng của cô là một người đàn ông to lớn bị thương tật trong một tai nạn ở xưởng luyện thép, suốt ngày ở nhà và uống rượu. Đêm đến, khi vợ đi khỏi là lão mò vào phòng của Kat. "Nếu mày hở ra với mẹ và em mày thì tao sẽ giết hết". Lão thường nói như thế. Mình không thể để ông ta làm hại Mike. Mike kém Kat năm tuổi. Cô rất quý em và lo cho em, thực sự như một bà mẹ. Mike là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời cô. Một buổi sáng, khiếp sợ vì những lời doạ nạt của cha dượng, Kat quyết định phải nói cho mẹ hay. Mẹ sẽ làm mọi việc để chấm dứt chuyện này và bảo vệ cô. - Mẹ ơi, dượng vào phòng con khi mẹ đi làm, ông ấy ép con. Mẹ Kat nhìn sững một giây rồi thẳng tay tát vào mặt con gái. - Mày dám dựng lên câu chuyện bẩn thỉu đến thế ư? Con đĩ. Kat không bao giờ nói tới chuyện đó nữa. Nguyên nhân duy nhất làm cô còn ở lại ngôi nhà này là Mike. Nó sẽ bị hại nếu chẳng có mình, Kat nghĩ. Nhưng vào cái ngày Kat biết rằng mình đã có mang, cô trốn khỏi nhà và đến với bà thím ở Mineapolis. Cuộc sống của cô thay đổi từ đó. - Cháu không cần kể cho cô chuyện gì đã xảy ra. - Thím Sophie nói. - Cháu có biết trên phố Sesame người ta hát gì không? "Tuổi thanh xuân đâu dễ có". Cưng ạ, cuộc sống với người da đen chẳng dễ chịu gì. Cháu có hai lựa chọn. Cháu có thể cứ như thế này, giấu mặt đi và lên án xã hội đã gây ra những bất công hoặc là cháu đứng dậy làm cho mình thành người quan trọng. - Cháu phải làm thế nào? - Cháu phải biết giữ gìn phẩm giá của mình. Đầu tiên phải có một ý niệm về con người mà mình sẽ trở thành sau này. Và sau đó là làm việc để trở thành người như thế. - Cháu không muốn sanh con. - Kat nói. - Cháu muốn nạo thai. Chuyện đó được thực hiện một cách lặng lẽ, do một bà đỡ là bạn của thím Sophie. Sau vụ đó, Kat tự nhủ. Mình sẽ không bao giờ cho phép một người đàn ông nào đụng đến mình. Không bao giờ. Minneapolis là một xứ sở thần tiên với Kat. Cứ cách vài khối nhà lại có một hồ nước, dòng suối hoặc nhánh sông. Và có tới hơn tán ngàn acrơ công viên phong cảnh. Cô bơi thuyền trên các hồ trong thành phố và đi thuyền dạo chơi trên sông Mississippi. Cô đi thăm "Vườn thú lớn" với thím Sophie và đến "Thung lũng giải trí" vào các ngày chủ nhật. Cô cưỡi ngựa ở "Trang trại Tuyết tùng", và xem các hiệp sĩ mặc áo giáp đấu thương trong các lễ hội Phục hưng. Thím Sophie nhìn Kat vui chơi và nghĩ thầm, "Con bé chẳng hề có tuổi thơ". Dần dần, Kat lại vui vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra, nhưng thím Sophie cảm thấy trong sâu lắng tâm hồn cháu bà có một điểm chẳng ai hiểu được, một thanh chắn mà con bé dựng lên hòng tránh những hiểm nguy. Ở trường Kat cũng có bạn nhưng không hề có đứa con trai nào. Mấy đứa bạn gái của Kat bắt đầu hẹn hò, nhưng Kat vẫn cô đơn và cô quá tự hào để không than vãn, kể lể về chuyện đó. Cô gái chỉ nhìn vào bà thím của mình, người mà cô rất mực yêu quý. Trước đây Kat chẳng có hứng thú gì với trường lớp sách vở nhưng thím Sophie đã làm mọi cái thay đổi. Nhà thím đầy sách và lòng ham thích đọc sách của thím rất dễ lây lan. - Trong sách có những thế giới tuyệt vời. - Thím bảo cháu gái - Đọc đi, rồi cháu sẽ hiểu mình từ đâu đến và sẽ đi đến đâu. Cô có cảm giác một ngày nào đó cháu sẽ trở nên nổi tiếng. Cháu có thể trở thành người cháu muốn. Lúc này cháu chỉ là một người da đen nghèo. Nhưng nhiều nhà nghị sĩ, ngôi sao điện ảnh, nhà khoa học cũng đã từng nghèo như vậy. Vào một ngày nào đó chúng ta sẽ có tổng thống da đen. Tất cả phụ thuộc vào cháu. Đó là sự khởi đầu. Kat trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Cô đọc rất nhiều. Trong thư viện trường, một hôm cô đọc được cuốn "Rèn mũi tên" của Sinclair Lewis và cô say mê với câu chuyện về một bác sĩ trẻ. Cô đọc thêm truyện "Lời hứa phải giữ" của Agnes Coofur và "Nữ bác sĩ" của Else Rose. Những câu chuyện này mở ra một thế giới mới trong cô. Cô phát hiện trong thế giới này không hiếm những người tự nguyện dành cả cuộc đời cho việc giúp đỡ, cứu sống người khác. Một ngày, Kat tử trường về nhà, nói với thím Sophie: - Cháu sẽ trở thành bác sĩ. Một bác sĩ nổi tiếng! Chú thích: (1) Franz Kafka (1883-1924), nhà văn Tiệp gốc Do Thái. (2) viết tắt của câu "God only know" (N.D) Chương 04 Sáng thứ hai, ba biểu đồ bệnh án của Paige biến mất. Cô liền bị khiển trách. Thứ tư, Paige bị đánh thức lúc 4 giờ sáng trong phòng trực cấp cứu. Ngái ngủ, cô nhấc ống nghe. - Bác sĩ Taylor đây. Im lặng. - Alô… alô. Cô nghe rõ tiếng thở ở đầu dây bên kia. Sau đó là tiếng dập máy. Paige nằm thao thức đến hết đêm. Sáng ra, cô kể cho Kat chuyện xảy ra đêm qua. - Hoặc mình mắc chứng hoang tưởng hoặc là có kẻ nào đó thù mình. - - Bệnh nhân đôi khi trở nên hằn học với bác sĩ, - Kat nói. - Cậu có nghĩ ai đó… Paige thở dài. - Hàng chục người. - Mình tin là chẳng có gì đáng ngại đâu. Paige mong sao mình có thể tin được như vậy. Bức điện kỳ diệu đã đến vào cuối hè. Nó nằm đợi sẵn khi Paige về đến căn hộ khuya hôm đó. Bức điện viết: "Đến San Francisco trưa chủ nhật. Nóng lòng gặp em. Yêu, Alfred" Cuối cùng thì anh cũng trở về với cô. Paige đọc đi đọc lại bức điện, lần sau nỗi sung sướng của cô lại dâng lên cao hơn lần trước. Alfred. Tên chàng mở ra cả một ký ức xao động. Paige và Alfred đã cùng lớn lên bên nhau. Cha họ cùng là thành viên trong đoàn cán bộ y tế của WHO(1) tới các nước Thế giới thứ ba để chiến đấu với những căn bệnh vi rút ác tính. Paige và mẹ đi cùng cha cô, bác sĩ Taylor, trưởng đoàn. Paige và Alfred đã có một tuổi thơ kỳ diệu. Ở Ấn Độ, Paige học nói tiếng Hinđu. Hai tuổi, cô bé đã biết gọi tên túp lều tranh họ ở là basha. Cha cô là gorashaib, người đàn ông da trắng, còn cô là nani, em gái bé bỏng. Người ta gọi cha của Paige là abadhan, thủ lĩnh hoặc baba, người cha. Khi bố mẹ vắng nhà, cô uống bhanga, một thứ rượu cất từ lá basit, và ăn chapati với ghi. Rồi họ lên đường đi Phi châu. Một chuyến phiêu lưu khác. Paige và Alfred thường bơi lội vùng vẫy ở những khúc sông có cá sấu và hà mã. Thú cảnh của hai đứa là lũ ngựa vằn, báo và rắn con. Chúng lớn lên trong những túp lều tranh vách đất quây tròn, không cửa sổ sàn đất nện bẩn thỉu và mái hình chóp lơp rơm. Một ngày nào đó. Paige tự hứa với mình, ta sẽ sống trong một ngôi nhà thật sự, một căn nhà đẹp với bãi cỏ xanh và hàng rào trắng. Đối với các bác sĩ đó là một cuộc sống khó khăn, cực nhọc. Nhưng đối với hai đứa trẻ, đó là một cuộc phiêu lưu không ngừng trên mảnh đất của sư tử, hươu cao cổ và voi. Chúng đi học trong những ngôi trường xây bằng đá xỉ, và ở nơi không có trường, chúng có gia sư. Paige là đứa trẻ sáng dạ, trí óc như miếng bọt biển, thấm hết mọi thứ. Alfred ngưỡng mộ cô. - Paige, một ngày nào đó anh sẽ cưới em làm vợ. - Alfred nói khi cô bạn mười hai tuổi, còn cậu mười bốn. - Em cũng sẽ lấy anh làm chồng, Alfred. Chúng là hai đứa trẻ nghiêm túc, quyết tâm sống trọn cuộc đời bên nhau. Các bác sĩ của tổ chức WHO là những con người quên mình, dành cả cuộc đời cho sự nghiệp. Ở châu Phi, họ phải cạnh tranh với wogesha, các thầy lang bản xứ, với những phương thuốc thô thiển được truyền từ đời cha sang đời con, và thường gây hậu quả chết người. Phương thuốc truyền thống chữa trị vết thương trên da của người Masai là olklorite một hỗn hợp tiết bò, thịt sống và tinh chất của một thứ rễ cây bí truyền. Phương thuốc chữa đậu mùa của người Kikuyu là đánh đuổi bệnh tật cho trẻ con bằng gậy. - Các ông phải chấm dứt ngay chuyện đó. - Bác sĩ Taylor bảo họ. - Không có tác dụng gì đâu. - Còn hơn là ông đâm những cái kim nhọn vào da thịt chúng tôi. - Họ đáp lại. Trạm y tế là những chiếc bàn xếp thành dãy dưới tán cây. Các thầy thuốc phải khám cho hàng trăm bệnh nhân một ngày và luôn luôn có một hàng dài người chờ đợi họ - những người mắc bệnh phong, rồi những buồng phổi nhiễm lao, những cơn ho rũ rượi, rồi đậu mùa, kiết lỵ… Paige và Alfred quấn quýt bên nhau. Khi lớn hơn, chúng cùng đi chợ ở một bản xa hàng dặm đường. Và chúng trò chuyện với nhau về những dự định tương lai. Y học là một phần trong tuổi hoa niên của Paige. Cô đã học chăm sóc bệnh nhân, học kê đơn thuốc và cô đoán trước được khi nào thì cha cần cái gì, để giúp đỡ cha. Paige yêu quý cha. Curt Taylor là người đàn ông tận tuy, quên mình nhất mà cô từng biết. Ông thực sự yêu thương con người, dành cả cuộc đời để cứu giúp những người cần đến ông và lòng say mê đó đã truyền sang Paige. Dù bận bịu đến đâu ông vẫn tìm được thời gian dành cho con gái. Ông biến sự thiếu tiện nghi trong những nơi ở sơ sài của họ thành niềm vui. Quan hệ của Paige với mẹ cô lại khác. Mẹ cô là một hoa khôi của giới thượng lưu. Vẻ lãnh đạm của bà làm cho Paige e ngại. Cưới một bác sĩ rồi theo chồng đến những vùng xa xôi hẻo lánh, nghe thì thật lãng mạn, nhưng thực tế khắc nghiệt đã khiến bà cay đắng. Bà không phải một phụ nữ trìu mến, đáng yêu và Paige có cảm giác như bà luôn luôn than vãn. - Tại sao chúng ta lại phải đến mảnh đất Chúa bỏ quên này hả, Curt? - Con người ở đây sống như con vật. Chúng ta sẽ mắc một căn bệnh kinh tởm nào đó của họ mất thôi. - Tại sao anh không hành nghề ở Mỹ và kiếm tiền như những bác sĩ khác? Và cứ thế, triền miên. Mẹ cô càng nhiếc móc, Paige càng yêu quý cha hơn. Khi Paige mười lăm tuổi, mẹ cô biến mất cùng với tay chủ đồn điền cacao ở Brazil. - Mẹ không quay trở lại nữa hả ba? - Paige hỏi. - Không, cưng ạ. Ba xin lỗi. "Càng tốt!" - Cô không định nói như vậy. Cô chỉ đau khổ thấy mẹ ghét bỏ hai cha con đến mức có thể bỏ lại tất cả mà đi. Chuyện xảy ra đã khiến Paige càng gần gũi với Alfred Turner hơn. Họ cùng vui chơi, cùng đi thám hiểm, và chia xẻ với nhau những mơ ước của mình. - Khi nào lớn lên, anh cũng làm thầy thuốc. - Alfred tâm sự. - Chúng ta sẽ sống với nhau và sẽ làm việc cùng nhau. - Và chúng ta sẽ đẻ thật nhiều con. - Được thôi. Nếu như em thích. Vào đêm sinh nhật lần thứ mười sáu của Paige, sự gắn bó tình cảm của họ đã chuyền sang một giai đoạn mới. Tại một làng nhỏ ở Đông Phi, các bác sĩ bị gọi đi hết vì một ca cấp cứu, do có bệnh dịch trong vùng, chỉ còn Paige, Alfred và người đầu bếp ở lại trông nom trạm. Họ ăn tối rồi đi ngủ. Đến nửa đêm, Paige choàng tỉnh vì tiếng gầm xa xa của đàn thú rừng chạy trốn. Cô nằm trong lều, nghe tiếng chân chạy và tiếng gầm rú mỗi phút càng gần hơn, và cô bắt đầu thấy sợ. Cô thở gấp. Không biết lúc nào cha cô và những người khác mới về. Cô nhỏm dậy. Lán của Alfred chỉ cách đó có vài bước chân. Khiếp hãi, cô đứng lên, nhấc cửa lều và chạy sang đó. Anh chàng đang ngủ. - Alfred. Cậu ngồi dậy, tỉnh ngủ ngay lập tức. - Paige, hả? Có chuyện gì thế? - Em sợ. Em có thể nằm vào giường anh một lát không? - Tất nhiên. - Họ nằm đó, lắng nghe tiếng thú rừng chạy lồng qua các bụi rậm. Mấy phút sau, tiếng rầm rập lắng xuống. Alfred bắt đầu nhận thấy cơ thể ấm áp của Paige bên cạnh mình. - Paige, anh nghĩ em nên trở về lều của mình đi. Paige cảm thấy cái vật đàn ông của Alfred áp vào cô rắn đanh. Tất cả nỗi thèm khát dồn nén bấy lâu sôi lên dữ dội. - Alfred. - Gì cơ? - Giọng cậu khàn khàn. - Chúng ta sẽ cưới nhau chứ? - Ừ! - Thế thì được. Tiếng động của rừng nhiệt đới xung quanh họ biến mất. Họ bắt đầu thám hiểm và khám phá một thế giới mà ngoài họ ra chưa từng có ai biết đến. Họ là những tình nhân đầu tiên trong thế giới này và họ hãnh diện về sự huyền diệu của nó. Rạng đông, Paige lẻn về lều của mình, và cô nghĩ một cách sung sướng. Mình đã là đàn bà. Thỉnh thoảng, Curt Taylor lại gợi ý cho con gái trở về Mỹ sống với em trai ông trong ngôi nhà đẹp đẽ ở Deerfield, phía Bắc Chicago. - Vì sao? - Paige hỏi. - Để con có thể lớn lên thành một thiếu nữ đứng đắn. - Con là một thiếu nữ đứng đắn đấy chứ. Các thiếu nữ đứng đắn không trêu chọc khỉ rừng và cưỡi lên lưng lũ ngựa vằn như con. Câu trả lời bao giờ cũng như nhau: - Con không bỏ ba đâu. * * * * * Khi Paige mười bảy tuổi, đoàn y tế WHO đi tới một làng rong rừng rậm Nam Phi để thanh toán dịch. Các bác sĩ vừa đến thì chiến tranh đã nổ ra giữa hai bộ lạc địa phương. Curt Taylor được khuyến cáo là nên rời đi. - Vì Chúa, không thể được. Các bệnh nhân của tôi sẽ chết mất nếu tôi bỏ mặc họ. Bốn ngày sau, ngôi làng bị tấn công. Paige và cha cô nép trong căn lều của họ, lắng nghe tiếng hò hét và tiếng súng nổ bên ngoài. Paige khiếp đảm. - Họ sẽ giết chúng ta mất. Cha cô ôm cô vào lòng. - Họ sẽ không làm hại chúng ta đâu, cưng. Chúng ta đến đây để giúp những con người này. Họ biết chúng ta là bạn. Và ông đã nói đúng. Một tù trưởng xông vào lều của hai cha con với một số chiến binh. - Đừng lo. Chúng tôi sẽ bảo vệ ông. Và họ đã giữ lời hứa. Trận chiến cuối cùng cũng kết thúc, nhưng sáng ra Curt Taylor đã đi đến quyết định. - Ông đánh một bức điện cho người em trai. Gửi Paige về chuyến bay tới. Sẽ điện chi tiết sau. Đón cháu ở sân bay. Paige phản ứng dữ dội khi biết tin. Cô bị đưa đi, khóc như điên, tới một sân bay nhỏ bụi bặm, nơi một chiếc Piper Cub đang chờ để chở cô lên thị trấn, ở đó cô có thể đón máy bay đi Johannesburg. - Ba tống con đi cho rảnh nợ chứ gì? - Cô gào lên. - Ông xiết chặt con gái vào lòng. - Ba thương con hơn bất cứ thứ gì trên đời, bé ạ. Ba sẽ nhớ con từng giây phút. Nhưng ba sẽ sớm trở về Mỹ, và chúng ta sẽ lại ở bên nhau. - Ba hứa chứ? - Ba hứa. Alfred cũng đi tiễn Paige. - Đừng lo, - cậu bảo người yêu. - Khi nào được là anh sẽ về cưới em ngay. Em sẽ đợi anh chứ? Câu hỏi khá là ngốc nghếch, sau ngần ấy năm. - Tất nhiên em sẽ đợi. Ba ngày sau, khi máy bay đáp xuống phi trường O'Hara ở Chicago, chú Richard đã có mặt để đón Paige. Cô chưa bao giờ gặp chú. Cô chỉ biết rằng chú là một thương nhân rất giàu và vợ đã mất cách đây vài năm. "Chú là người thành đạt nhất trong gia đình", cha cô thường nói vậy. Câu đầu tiên của ông chú làm cô choáng váng. - Chú rất buồn phải thông báo cho cháu, Paige ạ, nhưng chú vừa nhận được điện báo ba cháu đã bị chết trong một cuộc giao tranh của thổ dân. Thế giới của cô vỡ tan trong phút chốc. Nỗi đau mạnh đến mức cô nghĩ sẽ không thể chịu nổi. Mình sẽ không để cho chú thấy mình khóc. Paige tự nhủ. - Không! Lẽ ra mình không được bỏ đi. Mình sẽ quay về nơi đó. Trên đường từ sân bay về, Paige gườm gườm nhìn dòng xe cộ dày đặc. Cháu ghét Chicago. - Sao thế, Paige? - Một khu rừng rậm. Richard không cho Paige quay lại châu Phi dự tang cha và điều đó khiến cho cô phát khùng. - Paige, người ta đã chôn cất cha cháu rồi. Chẳng có lý do gì mà quay lại. Có một lý do. Alfred đang ở đó. Ít ngày sau khi Paige đến, ông chú tỏ ý bàn bạc về tương lai của cô. - Không có gì phải bàn hết, - Paige tuyên bố. - Cháu sẽ làm bác sĩ. Hai mốt tuổi, tốt nghiệp cao đẳng, Paige đầu đơn vào mười đại học y và cả mười trường đều nhận. Cô chọn trường ở Boston. Phải mất hai ngày mới gọi được cho Alfred ở Zaire, nơi anh đang làm việc ngoài giờ cho một đơn vị của Tổ chức Y tế Thế giới. Khi Paige báo tin, chàng nói: - Thật tuyệt, em yêu. Anh cũng gần tốt nghiệp khoá y khoa rồi. Anh sẽ làm việc cho WHO thêm một thời gian nữa, sau đó chúng ta sẽ hành nghề cùng nhau. "Cùng nhau". Một từ tuyệt diệu. - Paige, anh thèm gặp em quá. Nếu anh xin nghỉ được ít ngày, em có thể đến với anh ở Hawaii không? - Vâng. - Không một chút do dự. Cả hai cùng cố gắng. Sau đó, Paige hiểu Alfred đã phải khó khăn đến mức nào mới thu xếp được chuyến đi dài như vậy, nhưng anh không hề đả động tới chuyện đó. Họ sống ba ngày kỳ diệu trong một khách sạn nhỏ ở Hawaii có tên là Vũng Nắng, và dường như họ chưa bao giờ chia ly. Paige muốn Alfred trở về Boston với cô biết chừng nào, nhưng cô biết như vậy là ích kỷ. Công việc anh đang làm quá quan trọng. Ngày cuối cùng bên nhau, khi họ mặc quần áo, Paige hỏi. - Người ta sẽ phái anh đi đâu, Alfred? - Gambia, hoặc có thể là Bangladesh. Để cứu vót những sinh mạng, để giúp những con người cần đến anh biết bao. Cô ghì chặt lấy Alfred và nhắm mắt lại. Cô không bao giờ muốn anh đi. Như đọc được ý nghĩ của cô, anh nói: - Anh hứa rồi sẽ không để em phải xa anh. Thư từ đều đặn. Dù đang ở chân trời góc bể nào, Alfred cũng cố gọi cho cô vào những dịp Giáng sinh và sinh nhật. Ngay trước đêm giao thừa năm thứ hai đại học của Paige, Alfred gọi điện về. - Paige! - Anh yêu! Anh đang ở đâu thế? - Anh ở Senegal. Anh tính chỉ cách khách sạn Vũng Nắng tám trăm dặm thôi. Cô lặng đi một phút. - Anh định nói… - Em có thể đến Hawaii đón năm mới với anh không? - Ôi vâng! Vâng! Alfred đã đi gần nửa vòng trái đất để gặp cô, và lần này phép màu còn mạnh hơn lần trước. Thời gian ngừng lại cho hai người. - Sang năm, anh sẽ phụ trách một đoàn cán bộ WHO, - Alfred nói. - Khi nào em tốt nghiệp, anh muốn chúng ta cưới nhau. Họ còn được ở bên nhau một đêm nữa, và khi không thể gặp mặt, thư từ của họ vẫn băng qua không gian và thời gian. Khi Paige đọc bức điện của Alfred đến lần thứ năm, cô nghĩ, anh ấy sắp về San Francisco. Kat và Honey đã về phòng ngủ. Paige lay họ dậy. - Alfred sắp về! Anh ấy sắp về rồi? Anh ấy sẽ đến đây vào chủ nhật! - Tuyệt, - Kat lầm bầm. - Sao không đợi chủ nhật hẵng dựng người ta dậy. Vừa mới chợp mắt… Honey hưởng ứng hơn. Cô ngồi dậy và nói. - Tuyệt vời! Mình mong gặp chàng của cậu chết đi được Cậu xa anh ta bao lâu rồi? - Hai năm, - Paige đáp, - nhưng bọn mình vẫn liên hệ thường xuyên. - Cậu là cô nàng may mắn. - Kat thở dài. - Dậy cả thôi. Tớ sẽ pha cà phê. Ba người ngồi vào bàn dưới bếp. - Sao chúng ta không làm một bữa tiệc đón Alfred nhỉ? - Honey gợi ý. - Đại loại một bữa "Chúc mừng chú rể" ấy mà. - Ý kiến hay đấy, - Kat đồng ý. - Chúng ta sẽ làm một buổi lễ hẳn hoi, bánh gatô, bóng bay, mọi thứ. - Chúng ta sẽ nấu bữa tối cho Alfred ngay tại đây, - Honey nói. Kat lắc đầu. - Tôi đã nếm thử tài nấu nướng của các bà rồi. Đi đặt nhà hàng thôi! Còn bốn ngày nữa mới đến chủ nhật và họ dành hết cả thời gian rảnh rỗi để bàn tính việc đón tiếp Alfred. Bằng một phép màu nào đó, cả ba cô đều không phải trực vào hôm đó. Thứ bảy, Paige cố thu xếp một buổi đi mỹ viện. Cô mua về và khoe ngay một bộ váy mới. - Trông tớ tươm tất chưa? Liệu anh ấy có ưng không nhỉ? - Trông cậu thật mê ly! - Honey trấn an bạn. - Mình hy vọng chàng xứng đáng với cậu. Paige mỉm cười. - Mình lại hy vọng sẽ xứng đáng với Alfred. Các cậu cũng sẽ mê anh ấy cho mà xem. Anh ấy kỳ diệu lắm. Hôm chủ nhật, một bữa trưa được chuẩn bị công phu đặt trên bàn ăn với một chai sâm banh ướp đá. Ba người đàn bà đứng quanh bàn, hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của Alfred. Hai giờ chiều, tiếng chuông reo lên, Paige lao ra mở cửa. Đó là Alfred. Trông chàng hơi mệt mỏi, gầy đi Nhưng vẫn là Alfred của cô. Đứng cạnh chàng là một phụ nữ tóc đen, khoảng chừng ba mươi tuổi. Paige ôm chầm lấy anh. Rồi cô quay lại Honey và Kat, nói đầy hãnh diện. - Đây là Alfred Turner. Alfred, đây là các bạn cùng phòng của em, Honey Taft và Kat Hunter. - Hân hạnh được gặp các cô. - Alfred nói. - Rồi anh quay sang người đàn bà bên cạnh. - Còn đây là Karen Turner, vợ tôi. Ba cô gái đứng chết lặng. - Vợ anh? - Paige chậm chạp hỏi lại. - Ừ - Chàng cau mày. - Em không… không nhận được thư anh sao? - Thư? - Ừ? Anh gửi cách đây mấy tuần. - Không… - Ôi anh… anh vô cùng xin lỗi. Anh đã giải thích tất cả trong thư… nhưng tất nhiên, nếu em không nhận được… - Giọng anh nhỏ dần. - Anh thực sự xin lỗi, Paige. Chúng mình xa nhau quá lâu… và rồi anh gặp Karen… em hiểu thế nào rồi đấy… - Em hiểu. - Paige nói giọng đờ đẫn. Cô quay sang Karen, cố nở nụ cười. - Tôi… tôi hy vọng chị và Alfred sẽ rất hạnh phúc. - Cám ơn. Tiếp đó là một quãng im lặng ngượng ngùng. - Chúng ta nên đi thôi, anh yêu ạ. - Karen nói. - Đúng. Anh chị nên đi thì hơn. - Kat nói. Alfred lùa tay vào tóc. - Anh thật tình xin lỗi, Paige. Anh… thôi… tạm biệt em. - Tạm biệt, Alfred. Ba người đàn bà đứng đó, nhìn theo cặp vợ chồng bước xa dần. - Tên đểu! - Kat thốt lên. - Đê tiện đến thế là cùng. Mắt Paige đã đầy lệ. - Mình… anh ấy không phải người như thế đâu… mình muốn nói… chắc anh ấy đã giải thích tất cả trong thư. Honey vòng tay ôm Paige. - Cần phải ra một đạo luật thiến hết bọn đàn ông đi. - Mình sẽ uống mừng luật đó. - Kat nói. - Xin lỗi. - Paige lắp bắp. Cô cắm cúi chạy về phòng và đóng sập của lại. Cô không ra khỏi phòng suốt ngày hôm đó. Chú thích: (1) Tổ chức Y tế thế giới. Chương 05 Mấy tháng sau đó, Paige hoạ hoằn mới gặp được Kat và Honey. Họ ăn bữa sáng vội vàng trong căng tin và thỉnh thoảng lướt qua nhau trong các hành lang bệnh viện. Họ trao đổi chủ yếu bằng những mầu giấy nhắn để lại ở căn hộ. "Bữa tối trong tủ lạnh" "Lò vi sóng đã tắt" "Xin lỗi, mình không có thời gian dọn dẹp". "Thứ bảy chúng ta đi ăn tiệm được không?" Những giờ làm việc kéo dài, bận rộn quá sức chịu đựng vẫn tiếp tục, là sự hành hạ cũng như thử thách lòng kiên nhẫn của tất cả các bác sĩ nội trú. Paige cám ơn sự căng thẳng đó. Nó không cho cô lúc nào để mà nghĩ về Alfred và tương lai tuyệt diệu mà họ đã cùng vẽ nên bên nhau. Thế nhưng cô không sao gạt được Alfred ra khỏi tâm trí. Điều anh làm đã để lại nỗi đau sâu thẳm và nó không chịu buông tha cô. Cô tự hành hạ mình bằng trò chơi vô nghĩa "giá như". Giá như mình ờ lại châu Phi với Alfred. Giá như chàng về Chicago với mình. Giá như chàng không gặp Karen. Giá như… Một hôm, thứ sáu, khi Paige vào phòng thay quần áo để đi găng tay, hai chữ "con đĩ" đã được viết trên tủ áo cô bằng một loại bút đánh dấu đen. Ngày hôm sau, khi Paige đi tìm cuốn sổ trực của cô, nó đã mất tăm. Tất cả ghi chép của cô cũng đã biến mất. Chắc mình để lạc đâu đó, Paige nghĩ. Nhưng cô không thể nào tin được. Thế giới bên ngoài nhà thương đã ngừng tồn tại. Paige biết tin Irag xâm lược Kuwait, nhưng cuộc chiến vẫn bị lu mờ bởi nỗi thương tâm trước một bệnh nhân mười lăm tuổi đang hấp hối vì bệnh máu trắng. Ngày Đông và Tây Đức thống nhất, Paige còn đang mải cứu sống một bệnh nhân bị bệnh đái đường. Margaret Thatcher đã thôi giữ chức Thủ tướng Vương quốc Anh, nhưng quan trọng hơn, bệnh nhân phòng 214 đã đi lại được. Các đồng nghiệp đã giúp Paige đứng vững. Trừ một vài ngoại lệ, còn họ đều chuyên tâm, hết lòng chữa bệnh, giảm nhẹ đau đớn và cứu sống con người. Paige quan sát những phép màu họ làm ra mỗi ngày, lòng đầy hãnh diện. Những giờ dài dằng dặc ở bệnh viện và sự khẩn trương trong công việc đã gây cho các y bác sĩ sự căng thẳng cao độ. Tỷ lệ ly hôn tăng vọt, và những vụ ngoại tình trở nên phồ biến. Tom Chang là một trong số người có vấn đề. Anh kể với Paige trong lúc uống cà phê. - Mình có thể điều khiển giờ giấc. - Chang tâm sự - nhưng vợ mình không chịu. Cô ấy than phiền rằng chẳng cách nào gặp được mình nữa, và mình đã thành xa lạ với đứa con gái nhỏ. Cô ấy nói đúng. Mình không biết phải làm sao bây giờ. - Vợ cậu đã đến thăm bệnh viện này chưa? - Chưa. - Sao cậu không mời cô ấy đến đây ăn trưa hả - Tom? Hãy để cho cô ấy biết cậu làm gì ở đây và công việc đó quan trọng đến mức nào. Chang tươi tỉnh hẳn. - Sáng kiến hay quá. Cám ơn Paige. Mình sẽ làm như vậy. Bạn cùng ăn trưa với vợ chồng mình được không? - Rất sẵn lòng. Sye, vợ Chang, hoá ra là một thiếu phụ đáng yêu, với sắc đẹp hài hoà không có tuổi. Chang dẫn vợ đi tham quan bệnh viện, và sau đó họ ăn trưa trong căng tin với Paige. Chang cho Paige biết Sye sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông. - Chị thích San Francisco không? - Paige hỏi. Im lặng một thoáng. - Thành phố này cũng hay, - Sye đáp lịch sự, - nhưng em có cảm giác ở đây em là một kẻ xa lạ. Quá lớn, quá ồn. - Nhưng theo tôi hiểu, Hồng Kông cũng lớn và ồn ào đấy chứ. - Em quê ở một làng nhỏ cách Hồng Kông một tiếng đi đường. Ở đó không có xe cộ ầm ỹ và mọi người đều quen biết nhau. - Cô nhìn sang chồng. - Tom và em cùng đứa con gái đã sống rất hạnh phúc ở đó. Đó là một làng rất đẹp trên đảo Lamma. Bờ biển trắng phau và những trang trại xinh xắn, bên cạnh là làng chài nhỏ Sak Kwu Wan. Thật thanh bình biết bao. Giọng người đàn bà đượm nỗi tiếc nuối quê hương. - Dạo ấy, vợ chồng em lúc nào cũng bên nhau, đúng nghĩa là một gia đình. Ở đây, em chẳng bao giờ gặp được anh ấy. - Chị Chang, tôi hiểu lúc này thật khó khăn cho chị, nhưng chỉ vài năm nữa thôi Tom sẽ được mở phòng khám tư, và khi đó công việc cũng như giờ giấc của Chang sẽ dễ chịu hơn nhiều. Tom Chang nắm lấy tay vợ. - Em thấy chưa? Mọi việc sẽ ổn cả thôi, Sye. Em phải kiên nhẫn chứ. - Em hiểu rồi. - Người vợ nói. Giọng cô ta không mấy tin tưởng. Trong khi họ nói chuyện, một người đàn ông bước vào căng tin. Khi anh ta dừng lại ở cửa, Paige chỉ nhìn thấy gáy người đó. Tim cô đập dồn dập. Người đàn ông quay lại. Đó là một người lạ hoàn toàn. Chang nhìn Paige. - Bạn không sao chứ? - Không, - Paige nói dối. Mình phải quên Alfred đi. Chuyện đã qua rồi. Nhưng còn kỷ niệm của bao nhiêu năm tuyệt vời ấy, niềm vui, nỗi sung sướng, tình yêu họ đã dành cho nhau… Làm sao mình có thể quên đi tất cả? Hay là thuyết phục một bác sĩ nào đó phẫu thuật thuỳ não cho mình? Paige chạy ngang qua Honey trong hành lang. Honey thở không ra hơi và lo lắng. - Mọi việc ổn cả chử? - Paige hỏi. Honey mỉm cười bối rối. - Ừ ổn. - Cô cắm cúi đi tiếp. Honey mới được giao cho một bác sĩ hướng dẫn tên là Charles Isler, người nổi tiếng khắp bệnh viện là một tay quân phiệt. Ngay tua trực đầu tiên của Honey, ông ta đã nói. - Bác sĩ Taft, tôi rất mong được làm việc với cô. Bác sĩ Wallace đã kể cho tôi về thành tích xuất sắc của cô ở trường y. Tôi được biết bác sĩ sẽ thực hành nội khoa. - Vâng. - Tốt. Vậy là chúng tôi còn có được bác sĩ ở đây ba năm nữa. Họ bắt đầu tua trực. Bệnh nhân đầu tiên của họ là một thanh niên người Mexico. Isler bỏ qua các bác sĩ nội trú khác và quay sang Honey. - Bác sĩ Taft, tôi nghĩ bác sĩ sẽ thấy đây là một ca đáng chú ý. Bệnh nhân cỏ tất cả những biểu hiện và triệu chứng kinh điển: Kém ăn, sụt cân, đắng miệng, mệt mỏi, thiếu máu, dễ cáu kỉnh và rời rã. - Ông nheo mắt nhìn Taft. - Bác sĩ chẩn đoán thế nào? Và ông mỉm cười chờ đợi. Honey ngó ông ta trừng trừng: - À. có thể là một số bệnh… đúng không à? Bác sĩ Isler nhìn lại khiến cô bối rối. Ông gợi ý: - Đây là một trường hợp rõ ràng của bệnh… Một bác sĩ nội trú tiếp lời. - Ngộ độc chì? - Đúng! - Isler đáp. Honey mỉm cười. - Hiển nhiên rồi. Ngộ độc chì. Bác sĩ Isler lại quay sang Honey. - Cách điều trị ra sao? Honey nói một cách lẩn tránh. - À có một số cách điều trị khác nhau, phải không ạ? Một bác sĩ nội trú khác phát biểu. - Nếu bệnh nhân đã bị nhiễm độc lâu ngày, cần phải được chữa trị như một ca tiềm chứa viêm não. Bác sĩ Isler gật đầu. - Đúng. Đó là điều chúng ta đang làm. Chúng ta đang điều trị chelat. Ông nhìn sang Honey. Cô gật đầu đồng ý. Bệnh nhân tiếp theo là một ông lão tám mươi tuổi. Mắt ông ta đỏ ngầu và hai mí mắt gần như dính chặt với nhau. - Chúng tôi sẽ chăm sóc cụ ngay đây, - bác sĩ Isler trấn an ông lão. - Cụ cảm thấy thế nào? - Ồ không đến nỗi quá tệ với một lão già như tôi. Bác sĩ Isler lật tấm chăn, để lộ đầu gối và mắt cá chân sưng tấy của người bệnh. Có những thương tổn trên bàn chân ông lão. Bác sĩ Isler quay sang đám nội trú. - Sưng do viêm khớp. - Ông nhìn Hunter. - Kèm theo thương tổn da và viêm kết mạc. Tôi tin chắc bác sĩ có thể chẩn đoán đó là bệnh gì. Honey chậm chạp nói. - Có thể là… bác sĩ biết đấy… - Hội chứng Reiter, - một bác sĩ nội trú lên tiếng. - Nguyên nhân chưa rõ. Thường có kèm theo sốt nhẹ. Bác sĩ Isler gật đầu. - Đúng. - Ông lại nhìn Honey. - Tiên lượng bệnh ra sao? - Tiên lượng? Anh chàng kia lại đáp. - Tiên lượng chưa rõ. Có thể điều trị bằng các loại thuốc chống viêm. - Rất tốt, - bác sĩ Isler nói. Họ khám cho mười hai bệnh nhân, và khi tua thăm bệnh kết thúc, Honey nói với bác sĩ Isler. - Bác sĩ Isler, em có thể gặp riêng bác sĩ một lát không ạ? - Được! Đến phòng tôi. Khi họ đã ngồi trong phòng làm việc của Isler, Honey nói. - Em biết bác sĩ thất vọng về em. - Tôi phải thừa nhận là tôi hơi ngạc nhiên… Honey ngắt lời. - Em biết, thưa bác sĩ Isler. Đêm qua, em không sao chợp mắt nổi. Nói thực là… em hồi hộp quá vì được làm việc với ông, đến nỗi em… em không sao ngủ được. Ông ta nhìn cô ngạc nhiên. - À, ra thế. Tôi đã nghĩ chắc phải có nguyên nhân… Thành tích học tập của cô tuyệt thế kia mà. Điều gì đã khiến cô quyết định trở thành bác sĩ? Honey cụp mắt xuống giây lát, rồi nhẹ nhàng nói. - Em có một cậu em trai bị tai nạn. Các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể để cứu cậu ấy… nhưng em đã phải nhìn cậu ấy chết. Chết dần dần, mà em thì bất lực làm sao. Đó là lúc em quyết định dành cả đời mình để giúp cho những người khác khoẻ mạnh. - Nước mắt cô tuôn xuống. Cô ấy yếu đuối thậ1! - Isler nghĩ. - Vui lòng được trò chuyện với cô. - Ông nói như một kết luận, cũng là tế nhị thông báo đã hết giờ tiếp khách. Honey nhìn ông ta và nghĩ. Ông ta tin mình. Chương 06 Phía bên kia thành phố, phóng viên báo chí và tivi đang đứng trực đầy đường chờ Lou Dinetto khi gã ra khỏi phòng xử án, mỉm cười vây vây, kiểu chào của hoàng tộc với đám dân đen. Đi kèm hai bên Lou là hai tên vệ sĩ, một cao, gầy đét, có biệt hiệu Shadow và một to vật tên là Rhino. Lou Dinetto bao giờ cũng ăn mặc chải chuốt, đắt tiền, complê lụa sẫm, sơ-mi trắng, cà vạt xanh, giày da cá sấu. Quần áo của gã được cắt may rất khéo, tạo cho gã dáng thanh mảnh, bởi thực ra gã lùn mập, lại bị tật chân cong. Gã luôn tươi cười niềm nở với báo chí, và báo chí cũng thích đưa tin về gã. Dinetto đã bị khởi tố ba lần vì đủ loại tội, từ gây hoả hoạn đến cướp bóc, giết người, nhưng lần nào gã cũng trắng án. Bây giờ, khi gã rời phòng xử, một phóng viên hét với theo. - Ông biết rồi ông vẫn sẽ được tha bổng chứ, ông Dinetto? Dinetto cười. - Tất nhiên, tôi biết. Tôi là nhà kinh doanh vô tội. Chính phủ chẳng có việc gì làm nên lôi tôi ra toà đấy thôi. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta phải è cổ ra mà đóng thuế. Một camera truyền hình chĩa tới. Lou Dinetto dừng lại để mỉm cười vào máy. - Ông Dinetto, ông có thể giải thích vì sao hai nhân chứng lại lẩn trốn mất không? - Tất nhiên tôi có thể giải thích. - Dinetto nói. - Họ là những công dân trọng danh dự, và họ không muốn nói dối. - Chính phủ cho rằng ông là trùm maphia miền Tây và ông đã sắp đặt… - Điều duy nhất mà tôi sắp đặt là chỗ ngồi các vị khách trong nhà hàng của tôi. Tôi muốn mọi người cảm thấy thoải mái. - Gã cười rộng miệng, hướng về phía đám phóng viên. - Tôi mời tất cả các bạn đến nhà hàng của tôi tối nay. Không phải trả tiền. Gã tiến lại phía chiếc xe đen bóng đang chờ. - Ông Dinetto… - Ông Dinetto… - Tôi sẽ gặp lại các bạn tối nay, ở nhà hàng của tôi. Các bạn đều đã biết địa chỉ đấy. Lou Dinetto ngồi vào xe. Rhino đóng cửa rồi ngồi lên ghế trước. Shadow trườn vào theo. - Thật tuyệt, thưa sếp! - Rhino nói. - Sếp đối đáp rất tuyệt. - Ta đi đâu bây giờ? - Shadow hỏi. - Về nhà, tao muốn tắm nước nóng và ăn thịt bò rán. Chiếc xe lao đi. - Tao không thích câu hỏi về nhân chứng. - Dinetto nói. - Chú mày chắc chắn rằng chúng nó đã không thể nói được chứ? - Trừ trường hợp chúng sống lại từ đáy hồ, thưa ông chủ. Dinetto gật đầu: "Tốt". Rồi gã cười gằn, hỏi: - Mày có thấy phản ứng trên nét mặt của chưởng lý quận khi quan toà bác bỏ… Một con chó bỗng dưng xuất hiện lao thẳng vào xe. Shadow quay mạnh tay lái và chồm lên phanh chân. Chiếc xe lao lên vỉa hè rồi tông luôn vào cột đèn bên đường. Đầu Rhino chúi về phía trước, đập vào kính chắn gió. - Mày làm cái quỷ gì thế? - Dinetto gào lên. - Mày định giết tao à? Shadow run bần bật. - Em xin lỗi, có con chó chạy ngang… - Mày coi mạng con chó hơn mạng tao à? Đồ ngu. Rhino rên khe khẽ. Dinetto trông thấy máu chảy trên trán của hắn. - Lạy Chúa! - Dinetto hét lên. - Mày trông này… - Em không sao đâu. - Rhino lẩm bẩm. - Mày thật hậu đậu. - Dinetto quay sang phía Shadow. - Đưa nó đi bệnh viện. Shadow cho xe lùi lại. - Bệnh viện Embarcadero ở gần đây thôi. Đưa nó vào phòng cấp cứu. - Vâng. Thưa sếp. Dinetto ngồi ngả về phía sau: - Một con chó. - Hắn nói ghê tởm. - Lạy Chúa! Kat đang ở phòng cấp cứu khi Dinetto, Shadow và Rhino kéo vào. Rhino chảy máu nhiều. Dinetto gọi với. - Này cô kia! Kat quay lại. - Ông nói với tôi đấy à? - Tôi còn nói với ai ở đây được nữa. Người này chảy máu nhiều. Chữa ngay đi. - Còn cả chục người đến trước. - Kat nói nhẹ nhàng. - Anh ta cũng phải đợi thôi. - Nó chẳng phải đợi ai hết. - Dinetto nói với Kat. - Phải làm cho nó lập tức. Kat đi đến chỗ Rhino, khám qua loa rồi đưa một mảnh bông, áp vào vết thương. - Giữ lấy. Tôi sẽ quay lại. - Tôi nói chữa cho nó cơ mà. Kat quay lại phía Dinetto. - Đây là phòng cấp cứu bệnh viện. Tôi là bác sĩ trực. Cho nên ông, hoặc là im lặng hoặc ra ngay khỏi đây. Shadow nói: - Cô kia, cô không biết đang nói chuyện với ai à? Tốt nhất là hãy làm theo lời ông ta. Đây là ngài Lou Dinetto. - Nào, bây giờ biết nhau rồi, - Dinetto nói giọng sốt ruột. - Chữa ngay cho người này đi. - Tai ông có vấn đề rồi, - Kat nói. - Tôi nhắc lại, hoặc là im lặng hoặc ra khỏi đây. Rhino gầm gừ. - Cô không thể ăn nói như thế với… Dinetto quay sang Rhino quát. - Câm mồm đi! - Rồi gã nhìn lại Kat, đổi giọng. - Tôi sẽ rất cám ơn nếu cô chữa cho ông này càng nhanh càng tốt. - Tôi sẽ làm tất cả. - Kat đáp rồi bảo Rhino nằm xuống giường. - Tôi sẽ quay lại sau vài phút. - Rồi cô nói với Dinetto. - Đằng kia có mấy cái ghế đó. Dinetto và Shadow nhìn cô rồi đi về phía mấy bệnh nhân khác. - Lạy Chúa. - Shadow nói. - Cô ta chẳng hề biết ông là ai. - Tao chẳng cho rằng điều đó có ý nghĩa gì. Nó là một đứa con gái có cái đầu đấy. Mười lăm phút sau, Kat quay lại chỗ Rhino và khám cho gã. - Không có gì nghiêm trọng đâu, - cô nói. - Ông gặp may rồi. Đây chỉ là một vết thương xoàng. Dinetto đứng nhìn Kat khâu vết thương trên trán cho Rhino một cách thành thạo. Khi Kat hoàn thành vết khâu, cô nói. - Vết thương sẽ liền nhanh thôi. Sau năm ngày ông hãy quay lại đây để tôi rút chỉ. Dinetto tiến lại xem xét cái trán của Rhino. - Vết khâu rất đẹp. - Gã trầm trồ. - Cám ơn. - Kat nói. - Xin ông tha lỗi những lời tôi nói ban nãy. - Đợi một chút. - Dinetto nói rồi quay lại Shadow. - Đưa cô ấy một vé. Shadow rút tờ 100 đô-la chìa cho Kat. - Đây. - Nơi thu tiền ở bên ngoài. - Kat nói. - Đây không phải cho bệnh viện, cho riêng cô đấy. - Không, cám ơn. Dinetto nhìn theo Kat đi tới chăm sóc bệnh nhân khác. Shadow nói. - Hay là chê ít? Dinetto lắc đầu. - Cô ấy là một người tự chủ và tự trọng. Ta thích điều này. - Gã im lặng một lát. - Evans đang xin nghỉ à? - Vâng! Ta muốn chú mày thu thập thông tin về cô bác sĩ này. - Để làm gì? - Đòn bẩy. Tao nghĩ sẽ có lúc cần đến cô ta đấy. Chương 07 Bệnh viện được các y tá điều hành. Margaret Spencer, y tá trưởng, đã làm việc ở Embarcadero hơn hai mươi năm, và bà biết tất cả các xác chết được chôn ở đâu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Y tá Spencer là người phụ trách bệnh viện này, và bác sĩ nào không nhận ra điều đó, thường sẽ gặp rắc rối. Bà biết bác sĩ nào nghiện ma tuý, hay rượu, những ai trình độ kém và những ai đáng được bà ủng hộ. Bà cai quản các y tá phòng mổ. Chính Margaret Spencer là người bố trí y tá cho các ca mổ, mà y tá cũng có ba bảy loại, từ những người đắc lực đến những kẻ bất tài. Điều này khiến các bác sĩ càng phải nể vì Spencer. Bà có quyền xếp một cô y tá vụng về nhất cho một ca mổ thận phức tạp nhất hoặc gứi một y tá xuất sắc nhất cho một ca cắt amidan, nếu bà ghét hay ưa bác sĩ phụ trách ca đó. Một trong những định kiến của Margaret Spencer là sự ác cảm với các nữ bác sĩ và người da đen. Kat Hunter vừa là nữ bác sĩ lại vừa là người da đen. Kat làm việc thật vất vả. Không ai nói gì hay làm gì công khai, nhưng những định kiến, bằng nhiều cách, cứ len lỏi tới gây cản trở cho công việc của cô. Cô không thể có những y tá theo đúng yêu cầu. Họ toàn gửi những người hầu như không có năng lực. Kat nhận thấy mình thường xuyên phải khám cho các bệnh nhân nam mắc bệnh da liễu. Lúc đầu cô coi chuyện đó là bình thường, nhưng có một hôm, sau khi phải khám liền một hơi cho cả nửa tá người bệnh da liễu cô bắt đầu thấy nghi ngờ. Trong một bữa ăn trưa, cô hỏi Paige. - Cậu đã phải khám cho bao nhiêu đàn ông mắc bệnh da liễu? Paige nghĩ một lát. - Tuần trước mình phải khám cho một người. - Mình phải làm một điều gì đó mới được. Kat nghĩ. Bà Spencer dự định buộc Kat ra đi bằng cách hành hạ cô, nhưng bà không tính đến nghị lực cùng quyết tâm của Kat. Từng bước, từng bước cô dành được thiện cảm của những người làm việc với mình. Cô có một khả năng bẩm sinh trong việc gây ấn tượng với đồng nghiệp và bệnh nhân. Nhưng sự kiện gây chấn động nhất của Kat là vụ "truyền máu lợn". Hôm đó, Kat đi tua cùng với một bác sĩ nội trú năm trên tên là Dundas. Họ đến bên giường một bệnh nhân đang bất tỉnh. - Ông Levi bị một tai nạn giao thông. - Dundas thông báo cho những bác sĩ nội trú khác. - Ông ta mất nhiều máu, cần phải truyền ngay lập tức. Bây giờ bệnh viện đang thiếu máu. Gia đình ông ta lại từ chối cho máu. Thật là bực hết chỗ nói. - Thân nhân ông ta hiện ở đâu? - Kat hỏi. - Ở ngoài phòng đợi. - Bác sĩ Dundas nói. - Anh cho phép tôi nói chuyện với họ chứ? - Kat hỏi. - Chẳng ích gì đâu. Tôi đã giải thích cặn kẽ cho họ rồi. Họ nhất định không chịu. Kat ra phòng đợi. Ở đó có vợ, con trai lớn và con gái nạn nhân. Người con trai đeo một thứ bùa tôn giáo. - Bà Levi? - Kat hỏi người đàn bà. Bà ta đứng dậy. - Chồng tôi sao? Họ có định mổ cho chồng tôi không? - Có. - Kat nói. - Nhưng đừng yêu cầu chúng tôi cho máu. Ngày nay việc đó quá nguy hiểm với AIDS và các loại bệnh khác. - Bà Levi, - Kat nói, - bà không thể mắc AIDS bằng cách cho máu. - Đừng giải thích với tôi nữa. Tôi đã đọc báo. Tôi biết. Kat nhìn bà một lát. - Tôi hiểu rồi. Được thôi. Bà Levi, hiện giờ bệnh viện đang thiếu máu nhưng chúng tôi đã có cách giải quyết. - Tốt lắm! - Chúng tôi sẽ truyền cho chồng bà máu lợn. Hai mẹ con nhìn Kat choáng váng. - Cái gì? - Máu lợn. - Kat nói vui vẻ. - Có lẽ cũng chẳng hại gì đâu. Cô nói xong rồi quay đi. - Chờ một chút. - Bà Levi kêu lên. Kat dừng lại: - Sao? - Cho chúng tôi bàn bạc một chút. - Tất nhiên. Mười lăm phút sau, Kat lên gặp bác sĩ Dundas. - Anh không cần băn khoăn về gia đình Levi nữa. Họ đã sẵn sàng cho máu rồi. Câu chuyện lập tức lan nhanh trong bệnh viện. Các bác sĩ, y tá trước đây phớt lờ cô nay đều tìm cách bắt chuyện với cô. Vài ngày sau, Kat vào kiểm tra phòng cá nhân của Toni Leonard, một bệnh nhân bị mụn nhọt. Ông đang chén một bữa ăn khổng lồ mua ở một hiệu ăn gần đó. Kat tiến lại. - Ông đang làm gì đây? - Ông ta nhìn lên và mỉm cười. - Ăn một bữa tử tế, đổi món chút thôi. Xin mời cô cùng dùng: Nhiều thức ăn lắm. Kat rung chuông gọi y tá. - Gì vậy, thưa bác sĩ? - Mang thức ăn ra khỏi đây. Ông Leonard đang trong chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt của bệnh viện. Cô không đọc biểu đồ này à? - Dạ có, nhưng ông ta cứ đòi. - Mang đi, làm ơn ngay cho. - Này, đợi chút, - Leonard phản đối. - Tôi không nuốt nổi những thứ ở bệnh viện này. - Ông sẽ ăn, nếu ông muốn khỏi mụn nhọt. - Kat nhìn y tá. - Mang đi ngay. Ba mươi phút sau, Kat bị gọi lên phòng Giám đốc bệnh viện. - Ông cần gặp tôi, thưa bác sĩ Wallace. - Đúng, cô ngồi xuống, Toni Leonard là bệnh nhân của cô phải không? - Đúng vậy, tôi thấy ông ta ăn những món nóng như san-đuých với thịt hun khói và dưa, xa lát khoai và nhiều thứ khác. - Và cô cho mang thức ăn đi? - Tất nhiên. Wallace nhoài người khỏi chiếc ghế dựa. - Bác sĩ, cô có lẽ không rõ Toni Leonard có chân trong hội đồng giám sát bệnh viện này. Phải để ông ấy hài lòng. Hiểu rồi chứ? Kat nhìn ông ta và nói bướng bỉnh. - Chưa hiểu, thưa ông. Ông ta chớp mắt. - Sao? - Tôi cho rằng cách Toni Leonard hài lòng là làm ông ấy khoẻ mạnh. Ông ta sẽ không thể khỏi nếu như cứ tiếp tục hành hạ dạ dày của mình. Benjamin Wallace gượng một nụ cười. - Sao chúng ta không để ông ta tự lựa chọn nhỉ? Kat đứng lên. - Bởi vì tôi là bác sĩ của ông ta. Còn gì nữa không ạ? - Tôi… à… không. Chỉ thế thôi! Kat đứng dậy ra khỏi phòng. Benjamin Wallace ngồi đó, tức run lên. Đàn bà làm bác sĩ! * * * * * Kat đang trực đêm, bỗng có điện thoại gọi. - Bác sĩ Hunter, phòng 320 cần có cô. - Tôi lên ngay đây? Bệnh nhân ở phòng 320 là bà Molloy, mắc chứng ung thư. Bà đã ngoài tám mươi, sức khoẻ tồi tệ. Khi đi tới gần cửa, Kat đã nghe nhiều giọng lao xao phía trong. Cô bước nhanh vào. Bà Molloy nằm trên giường, mệt nhọc nhưng tỉnh táo. Con gái và con trai bà cũng ở trong phòng. Người con trai nói. - Chúng ta chia gia tài làm ba phần. - Không! - Một cô con gái nói. - Laurie và tôi là những người chăm sôc mẹ. Ai là người nấu nướng, tắm giặt cho bà? Chúng tôi phải được toàn bộ tiền bạc và… - Tôi cũng là máu thịt của bà ấy như các cô. - Người đàn ông kêu lên. Bà Molloy nằm trên giường, bất động, lắng nghe. Kat bừng tức giận. - Xin lỗi. - Cô nói. Một người đàn bà quay lại nhìn cô. - Lát nữa cô hãy đến, cô y tá, chúng tôi đang bận. Kat nói giận dữ. - Đây là bệnh nhân của tôi. Tôi cho các vị mười giây để ra khỏi phòng này. Các vị có thể chờ ngoài phòng đợi. Bây giờ các vị hãy tự đi ra trước khi tôi gọi bảo vệ đến. Người đàn ông định nói gì đó nhưng ánh mắt Kat đã khiến ông ta phải ngừng lại. Ông ta quay sang hai bà chị, nhún vai. - Chúng ta ra ngoài nói tiếp vậy. Kat nhìn theo ba người đi ra rồi quay lại chỗ bà Molloy và chạm nhẹ vào đầu bà lão. - Họ chỉ nói vở vẩn thôi mà. Kat nói nhẹ nhàng và ngồi xuống bên cạnh bà, cầm lấy bàn tay, và nhìn bà già đang chìm đắm dần vào giấc ngủ. Chúng ta đều đang chết! - Kat nghĩ - Hãy quên đi những điều Dylan Thomas nói: "Chân lý đích thực là đi vào buổi đêm vĩnh hằng đó sao cho thật êm đềm? Kat đang chữa cho bệnh nhân thì một người phục vụ đến và nói. - Đằng kia có một người cần gặp cô qua điện thoại, thưa bác sĩ. Kat cau mày. - Cám ơn. - Rồi cô quay về phía bệnh nhân đang băng bó. - Tôi sẽ trở lại ngay. Kat đi về phía trực tầng, nhấc điện thoại. - Ai đấy? - Chào chị, em đây. - Mike? - Cô rất vui sướng và ngạc nhiên khi nghe giọng của em. Nhưng sự ngạc nhiên chuyển ngay thành nỗi lo lắng. - Mike, chị đã nói em đừng gọi về đây. Chị có điện thoại ở nhà. - Vâng, em xin lỗi, nhưng không chờ được. Có một vấn đề nhỏ. Kat biết ngay là có chuyện. - Em có vay người bạn ít tiền để đầu tư vào một vụ… Kat chẳng buồn hỏi xem vụ đó là gì, nói luôn. - Và đã thất bại? - Vâng, bây giờ anh ta đòi lại tiền. - Bao nhiêu, Mike? - Độ năm ngàn? - Bao nhiêu? Cô y tá trực nhìn Kat ngạc nhiên. - Năm ngàn đô-la. Kat hạ giọng. - Chị không có chừng ấy. Nhưng chị có thể gửi cho em một nửa số ấy. Còn lại chị sẽ gửi sau vài tuần nữa. Thế là được chứ gì? - Có lẽ vậy. Em chẳng muốn phiền chị, nhưng gấp quá. Kat biết chuyện gì đã xảy ra. Em trai cô mới hai hai tuổi nhưng luôn dính vào những vụ làm ăn bí hiểm. Nó chơi bời với đám thanh niên lêu lổng. Chỉ trời mới biết rồi tương lai nó sẽ ra sao. Nhưng Kat cảm thấy phải có trách nhiệm với nó. Đấy là lỗi của mình, Kat nghĩ. Nếu mình không đi khỏi nhà và bỏ mặc nó… - Cẩn thận nhé em. Chị yêu em. - Cô nói rồi gác máy. Mình phải kiếm số tiền ấy. - Kat nghĩ. - Mike là tất cả những gì mình có trên đời. Bác sĩ Isler đang đợi làm việc với Honey Taft một lần nữa. Ông đã tha thứ cho sự thụ động và chậm chạp của cô lần trước nhưng thật ra ông cũng khá hài lòng trước sự cảm phục của cô. Còn lần này, cô luôn đứng sau các bác sĩ nội trú khác, không bao giờ xung phong trả lời các câu hỏi của ông. Sau khi tua ba mươi phút, bác sĩ Isler ngồi trong phòng Benjamin Wallace. - Chuyện gì vậy? - Wallace hỏi. - Về Taft. Wallace ngạc nhiên. - Taft. Cô ta có lời giới thiệu tốt nhất mà tôi từng đọc. - Điều ấy làm tôi khó hiểu, - bác sĩ Isler nói. - Tôi nhận được báo cáo của một số bác sĩ nội trú. Cô ta luôn chẩn đoán sai và mắc những lỗi nghiêm trọng. - Tôi chỉ muốn biết sự thật là cái quái gì vậy. - Tôi chưa hiểu. Cô ta học ở trường y tốt lắm. - Có lẽ ông phải gọi điện về cho chủ nhiệm khoa, nơi cô ta học. - Bác sĩ Isler đề nghị. - Đấy là Jim Pearson. Một cha rất hay. Tôi sẽ gọi ngay đây. Vài phút sau, Wallace đã nối được với Jim Pearson. Họ trao đổi xã giao vài câu, sau đó Wallace nói. - Tôi gọi về chuyện cô Betty Lou Taft, sinh viên cũ của ông. Một thoáng im lặng. - Sao? - Chúng tôi có một vài vấn đề với cô ta, Jim ạ. Cô ta được nhận thực tập ở đây với lời giới thiệu rất tốt của ông. - Đúng vậy. - Và cô ta xứng đáng theo đuổi nghề y? - Vâng. - Ông có chút nghi ngờ gì không? - Không! - Bác sĩ Pearson nói chắc nịch. - Chẳng có gì đâu. Cô ta có lẽ hơi lúng túng. Cô ta hay xúc động lắm. Hãy cho cô ta thêm một cơ hội nữa. Tôi tin rằng sẽ tốt đẹp cả thôi. - Được rồi. Tôi cám ơn. Chúng tôi sẽ cho cô ta cơ hội. Cuộc nói chuyện chấm dứt. Jim Pearson ngồi đó, tự xỉ vả mình về những việc đã làm. Nhưng phải nghĩ đến vợ con trước đã. Chương 08 - Không may cho Honey Taft đã sinh vào một gia đình quá thành đạt. Ông bố đẹp trai của cô là người sáng lập và chủ tịch một hãng máy tính lớn ở Memphis Tennessee, bà mẹ duyên dáng là nhà di truyền học, và hai chị gái sinh đôi của cô cũng quyến rũ, thông minh và đầy tham vọng như cha mẹ họ. Nhà họ Taft nằm trong số những gia đình xuất chúng nhất ở Memphis. Honey xuất hiện một cách phiền toái khi các chị cô được sáu tuổi - Honey là một sơ xuất nhỏ của chúng tôi, - mẹ cô nói với bạn bè. - Tôi đã muốn phá thai nhưng Fred phản đối. Bây giờ thì anh ấy lại tiếc. Trong khi các cô chị nồi trội ở mọi nơi mọi lúc thì Honey chỉ luôn ở mức làng nhàng. Họ sáng láng, còn Honey mờ nhạt. Các chị cô học nói khi chín tháng còn Honey cho đến lúc gần hai tuổi mới thốt ra được từ đầu tiên. - Chúng tôi gọi nó là "con lật đật". - Cha cô cười. - Honey là con vịt xấu xí của.gia đình Taft. Có điều tôi không bao giờ nghĩ sẽ có ngày nó hoá thành thiên nga. - Không phải Honey xấu xí, nhưng cũng chẳng thể bảo cô bé là xinh đẹp. Cô trông bình thường, với khuôn mặt gày quắt, một nhúm tóc vàng hoe và một thân hình chẳng đáng ghen tỵ. Cái mà Honey có là tâm tính vui tươi, hiền dịu lạ thường, một phẩn chất chẳng lấy gì làm quý hoá trong một gia đình ganh đua nhau về tham vọng như vậy. Từ khi còn bé tý, mong ước lớn nhất của Honey đã làm sao cho bố mẹ cùng các chị vừa lòng và yêu quý cô. Đó là một cố gắng vô ích. Bố mẹ cô bận rộn với sự nghiệp của họ, và các chị cô còn mải đoạt vương miện trong các cuộc thi hoa hậu và giành học bổng. Vô tình hay hữu ý, cả gia đình đã gieo vào Honey mặc cảm thua kém sâu xa. Ở trường trung học, Honey nổi tiếng với biệt hiệu "cô dựa tường". Cô một mình đến dự các bữa tiệc khiêu vũ của trường, luôn cười mỉm, cố không tỏ ra mình thảm hại đến mức nào, vì cô không muốn làm người khác mất vui. Cô nhìn các chị được những chàng trai nổi tiếng nhất trường đến tận nhà đón đi, để rồi sau đó lủi thủi về phòng mình đánh vật với bài tập. Và cố nén khóc. Vào những dịp cuối tuần và kỳ nghỉ hè, Honey kiếm được tiền tiêu vặt nhờ trông trẻ. Cô thích chăm sóc trẻ con, và lũ trẻ yêu quý cô. Khi nào không làm việc, Honey đi thám hiểm Memphis một mình. Cô đi thăm Graceland nơi Elvis Presley đã từng sống và đi dạo phố Beale, nơi nhạc blue ra đời. Cô lang thang khắp bảo tàng PinkPalace và Cung thiên văn. Cô tham quan bể cá. Honey luôn luôn đơn độc. Cô không hề biết cuộc đời cô sắp biến đổi hoàn toàn. Honey biết nhiều bạn gái cùng lớp cô đã được nếm mùi tình ái. Họ bàn luận không ngớt ở trường: - Đằng ấy đã ngủ với Ricky chưa? Thật đáng mặt lắm… - Joe tới được cực điểm rồi đấy… - Đêm qua tớ đi với Tony. Mệt quá! Anh chàng hung thật! Đêm nay tớ phải "làm lại" mới được… Honey đứng nghe bọn họ xì xào, lòng đầy nỗi ghen ty cay đắng và một cảm giác rằng cô sẽ không bao giờ được biết nó ra sao. Ai cần đến mình cơ chứ! Một tối thứ sáu, trường có vũ hội. Honey đã định không đi, nhưng cha cô bảo. - Này con, bố thấy lo đấy. Bố nghe các chị con kể, con là "cô dựa tường", và con không đi khiêu vũ vì con không có ai hẹn hò cả. Honey đỏ mặt. - Không đúng, - Cô nói. - Có người hẹn con rồi, và con sẽ đi. Lạy trời đừng cho bố hỏi ai hẹn với mình, Honey thầm khấn. Bố cô không hỏi. Thế là Honey lại lóc cóc đến vũ hội, ngồi trong xó quen thuộc của cô nhìn mọi người nhảy và vui thú. Và rồi phép màu đã xuất hiện. Roger Merton, đội trưởng đội bóng đá và là chàng trai được ái mộ nhất trường đang cãi nhau với cô bồ trên sàn nhảy. Gã đang say. - Đồ khốn nạn ích kỷ! - Cô ta hét. - Đồ con đĩ ngu ngốc! - Đi mà bắt vít lấy một mình. - Tao mà lại phải bắt vít một mình. Tao sẽ bắt vít con khác. Bất cứ con nào, tao muốn là được. - Cứ việc! - Cô ả đùng đùng bỏ ra khỏi sàn nhảy. Honey không thể bỏ ngoài tai câu chuyện. Merton bất chợt thấy cô đang giương mắt ngó gã. - Nhìn cái con mẹ gì hả? - Gã nói líu ríu. - Có gì đâu. - Honey nói. - Tôi sẽ cho con đĩ ấy biết tay? Cô tưởng tôi không cho nó biết tay được hả? - Tôi… có. - Đúng rồi. Làm một… ly nhé! Honey ngập ngừng. Merton rõ ràng đang xỉn. - Tôi không… - Tuyệt! Tôi có một chai trong xe. - Tôi không nghĩ là tôi… Gã chụp lấy cánh tay Honey và lôi cô ra khỏi phòng. Cô đi theo bởi vì không muốn gây lộn khiến mọi người chú ý tới. Ra ngoài, Honey cố gỡ ra. - Roger, tôi chẳng chẳng hay ho gì đâu, tôi… - Cô em là cái đếch gì vậy, chim non hả? - Không, tôi… - Thế thì được. Tới đi. Gã dòng cô tới xe và mở cửa. Honey đứng ngẩn ra giây lát. - Vào đi - Tôi chỉ ngồi một lát thôi đấy, - cô nói. Cô chui vào xe chỉ vì không muốn làm phiền lòng Roger. Gã nhảy vào ngồi cạnh. - Chúng ta sẽ cho con ngốc ấy biết thế nào là lễ độ - Gã lôi ra chai bourbon. - Đây! Honey mới chỉ uống một lần và cô ghét rượu. Nhưng đây là Roger mời. Hắn còn muốn gì ở cô nữa nhỉ? Cô nhìn gã và miễn cưỡng nhấp một ngụm nhỏ. - Cô em được đấy, - gã nói. - Mới chuyển đến trường này hả? Honey đã học với gã được ba năm. - Không, - Honey ấp úng, - tôi… Gã nhoài tới và thọc tay vào ngực cô. Hoảng hốt, Honey né người ra. - Này! Thôi đi. Cô em không muốn làm vừa lòng anh sao? - Roger lè nhè hỏi. Đó là một câu phù phép. Honey muốn làm vừa lòng tất cả mọi người, và nếu đây là dịp để làm điều đó. Trên băng ghế sau chật chội của chiếc xe Merton, lần đầu tiên trong đời Honey được biết thế nào là tình dục và nó đã mở ra cho cô một thế giới mới đầy kinh ngạc. Honey không mê sex lắm, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là Merton thấy khoái. Mà gã khoái ghê thật điều khiến Honey lấy làm ngạc nhiên. Gã sướng cứ mê tơi. Cô chưa từng thấy ai thích cái gì nhiều đến thế. Vậy ra đó là cách để làm vừa lòng một người đàn ông, Honey nghĩ. Đó là một phát hiện. * * * * * Honey không thể tin nổi điều kỳ diệu vừa xảy ra. Cô nằm trên giường, nghĩ tới cái vật cứng ngắc của Merton bên trong mình, tới rồi lui hối hả, gấp gáp, và rồi tiếng rên rỉ của gã. - Ôi thế, thế… lạy Chúa, em tuyệt quá, Sally… Honey chẳng lấy thế làm phiền. Cô đã được làm vừa lòng đội trưởng đội bóng đá! Chàng trai nổi tiếng nhất trường! Thậm chí mình không biết mình làm gì lúc đó, Honey nghĩ. Giá mà mình học được cách làm cho đàn ông sung sướng nhỉ… Đó là lúc Honey có phát hiện thứ hai. Sáng hôm sau, Honey đến Pleasure Chest, một hiệu sách tình dục trên phố Poplar và mua nửa tá sách về đề tài đó. Cô bí mật mang về nhà và đọc lén trong phòng riêng. Cô sửng sốt về những gì mình đang "thu nhập". Cô lật lấy lật để những trang sách Vườn hoang, Kama Sutra, Nghệ thuật yêu đương của người Tibet, Thuật giả kim khoái lạc, rồi giở lại đọc từ đầu. Cô nghiền ngẫm những lời của Gedum Chopel và những bí quyết của Kanchinatha. Cô nghiên cứu loạt tranh đầy kích động về ba mươi bảy tư thế làm tình và cô học ý nghĩa của các tư thế Trăng khuyết, Vòng tròn, Cánh sen, Vân đẳng. Honey đọc đến mức thành thạo tám kiểu làm tình và mười sáu con đường khoái lạc. Cô đã biết cách dạy đàn ông thực hiện karuma để tăng mạnh thêm khoái cảm của họ, ít nhất về mặt lý thuyết. Honey cảm thấy giờ đây cô đã sẵn sàng áp dụng kiến thức vào thực tế. Trong Kama Sutra có mấy chương về kích thích tình dục cho người đàn ông, nhưng vì Honey không biết kiếm đâu ra Hedysarum gungeticum, loại cây kshirika hay xanthochymus pictonus nên cô đành phải tìm cách thay thế riêng của mình. Tuần sau, khi gặp Roger Merton ở lớp, Honey lại gần gã và nói. - Em rất thích tối hôm nọ đấy. Chúng ta có thể làm lại được không? Phải mất một lúc gã mới nhớ ra Honey là ai. - Ồ. Tất nhiên. Tại sao lại không nhỉ? Tối nay các cụ nhà anh đi vắng. Tám giờ đến anh nhé. Khi Honey đến nhà Merton tối hôm đó, cô mang theo một chai xi rô nhỏ. - Đề làm gì thế? - Merton hỏi. - Em sẽ làm cho anh xem, - Honey nói. Và cô đã làm cho gã xem thật. Hôm sau, Merton kể với đám bạn trai của gã ở trường về Honey. - Cô ta thật kỳ lạ, - gã nói. - Chúng mày không thể tin được cô ả có thể làm gì với một chai xi rô nhỏ ấm áp đâu. Chiều hôm đó, tới nửa tá bọn con trai xin hẹn với Honey. Từ đó trở đi, tối nào cô cũng vắng nhà. Bọn con trai sướng điên, và điều đó làm Honey rất hạnh phúc. Bố mẹ Honey mừng rỡ trước sự nổi tiếng của con gái. - Con bé nhà tôi nảy nở hơi muộn. - Bố cô hãnh diện khoe. - Nhưng giờ đây nó là một Taft thật sự rồi. Honey luôn bị điểm kém về môn toán, và cô biết mình sẽ trưọt thẳng cẳng trong kỳ thi cuối năm. Giáo viên toán của cô, thầy Janson còn độc thân và ở ngay gần trường. Một tối nọ, Honey đến thăm thầy. Ông mở cửa và nhìn cô ngạc nhiên. - Honey! Có chuyện gì thế? - Em cần thầy giúp đỡ. - Honey nói. - Bố em sẽ giết em nếu em trượt kỳ này. Em có mấy bài toán khó, thầy có vui lòng giảng giùm em không ạ? Thầy Janson lưỡng lự. - Thế này thì hơi bất thường, nhưng… thôi được. Thầy Janson rất quý Honey. Cô không như những cô gái khác trong lớp. Họ ồn ào mà lãnh đạm, trong khi Honey mẫn cảm và chu đáo, luôn tha thiết làm vừa ý mọi người. Giá mà cô có khả năng hơn về môn toán. Thầy Janson ngồi cạnh Honey trên đi văng và bắt đầu giảng về những rối rắm của logarit. Honey không quan tâm đến logarit. Trong khi nghe Janson nói, cô nhích gần vào thầy, mỗi lúc một sát hơn. Cô bắt đầu thở vào cổ, vào tai thầy, và trước khi kịp hiểu điều gì đang xảy ra, thầy Janson thấy quần mình đã bị kéo khoá. Ông nhìn Honey kinh ngạc. - Em làm cái gì vậy? - Em đã thèm muốn ngay từ lần đầu tiên gặp thầy, Honey nói. Cô lôi trong bóp ra một hộp kem trứng. - Cái gì thế này? Rồi thầy sẽ biết… Honey được điểm A môn toán. Không phải chỉ những món phụ trợ mà Honey sử dụng đã làm nên tiếng tăm cho cô mà chính là những kiến thức cô lượm lặt được từ tất cả những cuốn sách tình dục cổ đại. Cô hiến cho bạn tình những kỹ xảo họ chưa bao giờ biết tới, vì chúng đã bị lãng quên hàng ngàn năm. Cô đã mang lại một ý nghĩa mới cho từ "khoái lạc". Điểm số của cô tăng vùn vụt, và cô bỗng nhiên còn nổi tiếng hơn cả các chị mình hồi trung học. Cô ăn tối ở quán Con Mắt Phòng Kín và Câu lạc bộ Xe Đạp Bombay, cô được mời đi trượt băng ở Memphis Mall. Bọn con trai rủ cô đi trượt tuyết ở vách núi Cedar và bay nhảo lộn ở phi trường Landis. Những năm học cao đẳng của Honey cũng tưng bừng như vậy. Một hôm, vào bữa tối, cha cô bảo: - Con sắp tốt nghiệp rồi. Đã đến lúc phải suy nghĩ về tương lai của con. Con đã biết mình muốn làm nghề gì chưa? Cô trả lời ngay. - Con muốn làm y tá. Mặt cha cô đỏ tía lên. - Ý con nói là bác sĩ. - Không, bố ơi. Con… - Con là một Taft. Nếu muốn vào ngành y, con phải là bác sĩ. Hiểu chưa. - Vâng, thưa bố. Honey đã rất thành thật khi nói với cha là cô muốn trở thành y tá. Cô thích săn sóc con người, chăm chút đỡ đần cho họ. Cô kinh hoàng khi nghĩ đến việc phải trở thành thầy thuốc, phải chịu trách nhiệm trước sinh mạng của bệnh nhân nhưng Honey biết cô không được làm cha cô thất vọng. Con là một Taft. Điểm học cao đẳng của Honey không đủ để cô được nhận vào trường y, nhưng thế lực của cha cô lại đủ. Ông là người có đóng góp lớn cho một trong những trường đại học y ở Knoxville, Tennessee. Ông đến gặp tiến sĩ Jim Pearson, chủ nhiệm khoa. - Ông đã đòi hỏi một sự chiếu cố lớn, - Pearson nói. - Nhưng hãy thoả thuận thế này. Tôi sẽ nhận Honey vào năm dự bị. Sau sáu tháng, nếu thấy cô ta không đủ sức học tiếp chúng tôi buộc phải… - Vậy là được rồi - Taft ngắt lời. - Con bé sẽ khiến ông ngạc nhiên cho mà xem. Ông Taft đã nói đúng. Cha Honey thu xếp cho cô ở Knoxville với một người anh họ của ông, đức cha Douglas Lipton. Douglas Lipton là mục sư của nhà thờ đạo Tin Lành. Ông đã ngoài sáu mươi, có bà vợ trẻ hơn chục tuổi. Ông mục sư rất vui vì có Honey trong nhà. - Cô bé như một luồng gió mới. - Ông nói với bà. Ông chưa từng gặp ai tha thiết làm vui lòng mọi người đến thế. Ở trường y, Honey học hành không đến nỗi não, nhưng cô thiếu chăm chỉ. Cô vào đây chẳng qua là để vừa lòng cha. Các giáo viên quý Honey. Có một vẻ dễ mến thực sự nơi cô khiến họ đều muốn cô học giỏi. Thật trớ trêu, cô lại đặc biệt yếu môn gìải phẫu. Đến tuần thứ tám, giáo viên giải phẫu gọi cô lên. - Tôi e phải đánh trượt em mất thôi. - Ông nói buồn bã. Mình không thể trượt, Honey nghĩ. Mình không thể làm nhục cha mình. Boccaccio (1) khuyên thế nào ấy nhỉ? Honey tiến lại gần vị giáo sư. - Em xin vào trường này là vì thầy. Em đã nghe tiếng thầy bao lâu nay. - Cô tiến sát hơn nữa. - Em muốn được như thầy. - Và sát hơn nữa. - Làm bác sĩ là tất cả đối với em. - Và sát hơn nữa. - Xin thầy giúp em với. Một tiếng sau, khi Honey rời khỏi phòng làm việc của ông ta, cô đã có đáp án cho kỳ thi tới. Trước khi tốt nghiệp trường y, Honey đã chài được một vài thầy giáo. Ở cô có một vẻ yếu đuối khiến họ không thể không muốn được bảo vệ, che chở cho cô. Tất cả họ đều tưởng chính mình mới là người cám dỗ cô và họ cảm thấy có tội là đã lợi dụng sự ngây thơ của cô. Tiến sĩ Jim Pearson là người cuối cùng không cưỡng nổi ý muốn tốt đẹp ấy. Những báo cáo về Honey khiến ông ta nổi cơn tò mò. Có nhiều lời đồn đại về những ngón làm tình kỳ lạ của cô. Một hôm, ông ta cho vời Honey đến để bàn về việc học tập. Cô mang theo một gói bột đường nhỏ, và cho tới cuối buổi chiều, tiến sĩ Pearson cũng không khác gì những ông thầy khác. Honey làm cho ông ta cảm thấy mình trẻ trung và ham muốn vô độ. Cô cho ông cảm thấy quyền lực của vua chúa với nô lệ, của thần thánh với tín đồ. Ông cố không nghĩ đến vợ con. Honey thực sự quý mến đức cha Douglas Lipton, và cô lấy làm buồn thấy vợ ông là một người đàn bà lạnh lùng, lãnh cảm, luôn luôn dè bỉu ông. Honey cảm thấy ông đáng thương quá. Ông không đáng phải chịu như thế, cô nghĩ. Ông cần được an ủi. Một hôm, bà Lipton đi qua đêm thăm bà chị gái. Nửa đêm hôm đó, Honey bước vào phòng ngủ của ông mục sư. Cô khoả thân hoàn toàn. Douglas… Ông mở choàng mắt. - Honey? Cháu làm sao thế? - Không. - Cô đáp. - Có thể nói chuyện với ông được không ạ. - Tất nhiên. - Ông với tay định bật đèn. - Đừng bật. - Cô trườn vào giường, lăn tới cạnh ông. - Có chuyện gì thế? Cháu có ốm không? - Em lo lắm. - Chuyện gì vậy? - Lo cho ông. Ông xứng đáng được yêu. Em muốn làm tình với ông. Ông già tỉnh hẳn. - Lạy Chúa tôi! Cháu còn trẻ con. Cháu đùa đấy hả? - Không. Vợ ông chẳng cho ông chút tình yêu nào… - Honey, thật quá quắt! Quay về phòng cháu ngay và… Ông cảm thấy rõ tấm thân trần của Honey áp sát vào mình. - Honey, không thể như thế được. Bác… Môi cô đã gắn lấy môi ông, thân thể cô đã trùm lên thân hình ông, và ông hoàn toàn bị cuốn theo. Cô ở trên giường ông suốt đêm hôm đó. Sáu giờ sáng, cửa phòng ngủ mở toang, bà Lipton bước vào. Bà đứng đó, chòng chọc nhìn hai người, rói bỏ đi không nói một câu. Hai giờ sau, cha Douglas Lipton tự sát trong gara của mình. Honey choáng váng khi hay tin. Cô không thể tin nổi điều đã xảy ra. Cảnh sát trưởng đến nhà và nói chuyện với bà Lipton. Xong việc, ông ta đến tìm Honey. - Vì tôn trọng gia đình ông ấy, chúng tôi sẽ lập biên bản cái chết của đức cha Douglas Lipton như một vụ "tự sát không rõ nguyên nhân". Nhưng tôi có lời đề nghị cô hãy cuốn gói khỏi thành phố này và đừng bao giờ quay lại nữa. Honey đến bệnh viện Embarcadero Country ở San Francisco. Với lời giới thiệu đầy tán tụng của tiến sĩ Jim Pearson. Chú thích: (1) Giovanni Boccacio (1313-1375), nhà văn Italia, nổi tiếng với tác phẩm "Mười ngày". Chương 09 Thế giới đã mất hết ý nghĩa đối với Paige. Không có đầu và không có cuối, ngày và đêm chảy vào nhau theo một nhịp điệu vô tận. Bệnh viện đã trở thành toàn bộ cuộc sống của cô. Thế giới bên ngoài là một hành tinh xa lạ. Lễ Giáng sinh đến rồi đi, và một năm mới bắt đầu ở thế giới bên ngoài, quân đội Mỹ đã giải phóng Kuwait. Không có một lời của Alfred. Chàng sẽ hiểu rằng mình đã sai lầm, Paige nghĩ. Chàng sẽ quay lại với ta. Những cú phôn quái gở vào sáng sớm đã chấm dứt đột ngột như khi chúng bắt đầu. Paige an tâm thấy không ai có tai nạn hoặc hăm doạ bí ẩn nào xảy đến với cô. Dường như tất cả chỉ là cơn ác mộng… nhưng lại không phải như vậy, tất nhiên. Công việc hàng ngày vẫn tiếp tục với nhịp độ quay cuồng. Không còn thì giờ để nhận biết bệnh nhân nữa. Họ chỉ là những túi mật, những buồng gan bệnh hoạn, những xương đùi đứt gãy, những tấm lưng đau nhức. Bệnh viện là một khu rừng rậm đầy yêu ma máy móc - máy hô hấp, máy kiểm tra X quang. Và mỗi thứ máy lại phát ra một âm thanh riêng. Tiếng rin rít tiếng ỳ ầm, tiếng lé ré không ngớt trên hệ thống liên lạc nội bộ, tất cả trộn lẫn với nhau thành một tạp âm ồn ào, điên loạn. Năm thứ hai nội trú là một lễ trưởng thành. Họ được tin cậy hơn, đồng thời cũng phải nhận lấy những công việc nặng nề hơn, những trách nhiệm lớn lao hơn. Họ nhìn đám nội trú mới đến với một cảm giác vừa khinh thị vừa kiêu hãnh. - Lũ khốn khổ, - Kat bảo với Paige, - chúng không hề biết mình đang lâm vào tình cảnh nào. Rồi chúng sẽ biết ngay thôi. Paige và Honey bắt đầu lo lắng cho Kat. Cô bị sụt cân, và có vẻ phiền muộn. Đang trò chuyện, họ thường chợt bắt gặp Kat nhìn vào khoảng không như mải lo nghĩ điều gì. Thỉnh thoảng Kat lại nhận được một cú phôn bí ẩn và sau mỗi lần, tình trạng u uất của cô càng trầm trọng hơn. Paige và Honey quyết định tìm hiểu cô bạn. - Cậu làm sao vậy? - Paige hỏi. - Cậu biết bọn mình đều yêu quý cậu, và nếu cậu có vấn đề gì, bọn mình muốn được giúp đỡ. - Cám ơn. Mình hiểu các bạn, nhưng các bạn không làm gì được đâu. Đây là chuyện tiền bạc. Honey ngạc nhiên nhìn Kat. - Cậu cần tiền để làm gì. Chúng ta chẳng bao giờ đi đâu Chúng ta chẳng có thời gian để mua sắm thứ gì. Chúng ta… - Không phải cho mình. Cho thằng em mình cơ. - Trước giờ Kat chưa bao giờ nhắc đến cậu em trai. - Mình không biết là cậu có em trai. - Paige nói. - Cậu ấy có ở San Francisco không? - Honey hỏi. Kat ngập ngừng. - Không. Nó ở Detroit. Rồi các cậu sẽ gặp nó. - Hay lắm. Cậu ấy làm nghề gì? - Đại loại là thầu khoán, - Kat đáp mơ hồ. - Lúc này vận may của Mike hơi xuống nhưng rồi nó sẽ lại bật lên. Nó luôn luôn như vậy. Cầu Chúa cho mình nói đúng, Kat nghĩ. Harry Bowman được chuyển về từ một chương trình thực tập nội trú ở Iowa. Đó là một anh chàng vui nhộn, vô tư, thân thiện với tất cả mọi người. Một hôm, anh ta bảo Paige: - Tối nay tôi làm một bữa tiệc nhỏ. Nếu cô với bác sĩ Hunter và bác sĩ Taft đến được thì hay quá. Tôi nghĩ các cô sẽ có một dịp vui. - Đồng ý, - Paige nói. - Chúng tôi mang gì đến nào. Bowman cười. - Không phải mang gì hết. - Anh có chắc không? - Paige hỏi. - Một chai rượu, hoặc… - Quên đi! Tôi sẽ làm ở căn hộ nhỏ của mình. Căn hộ nhỏ của Bowman hoá ra là một dãy mười phòng tầng mái, chất đầy đồ cổ. Ba người đàn bà bước vào, trố mắt kinh ngạc. - Chúa ơi! - Kat thốt lên. - Tất cả những thứ này ở đâu ra vậy? - Tôi tốt phước có được một ông bố giỏi giang. - Bowman nói. - Ông đã để lại cho tôi toàn bộ gia tài. - Vậy mà anh vẫn đi làm? - Kat thán phục. Bowman mỉm cười. - Tôi thích làm bác sĩ. Bữa tiệc đứng bao gồm trứng cá Beluga, paté de campagne, cá hồi Scotch xông khói, sò tách vỏ, càng cua bể, xa lát trộn hẹ tây và sâm banh Cristal. Bowman nói đúng. Bọn họ đã có một buổi tối tuyệt vời Không biết cám ơn anh thế nào cho đủ, - Paige nói với Bowman trước khi họ ra về. - Thứ bảy các cô có rỗi không? - Anh hỏi. - Có. - Tôi có một chiếc xuống máy nhỏ. Tôi sẽ cho các cô đi dạo một chuyến. - Thế thì còn gì bằng. * * * * * Lúc bốn giờ sáng, Kat bị lôi dậy từ giấc ngủ ngon lành trong phòng trực. - Bác sĩ Hunter, phòng cấp cứu số 3… Bác sĩ Hunter, phòng cấp cứu số 3. Kat lê ra khỏi giường, cô cưỡng lại mệt nhọc. Giụi mắt cho khỏi cơn buồn ngủ, cô theo thang máy xuống phòng cấp cứu. Một nhân viên đón cô ở cửa. - Ông ta đang co rúm trong góc kia kìa. Ông ta đau quá. Kat bước lại chỗ người bệnh. - Bác sĩ Hunter đây, - cô nói giọng ngái ngủ. Anh ta rên lên. Lạy Chúa, bác sĩ ơi. Hãy làm gì đi. Cái lưng nó giết tôi mất. Kat cố kìm một cái ngáp. - Anh đau bao lâu rồi. - Hai tuần. Kat nhìn anh ta, bối rối. - Hai tuần? Sao anh không đến sớm hơn? Anh ta cố cử động, và nhăn nhó. - Nói thật với bác sĩ tôi ghét bệnh viện. - Thế sao anh còn đến đây? Mặt anh ta giãn ra. - Sắp tới có một giải golf lớn, nếu bác sĩ không chữa lưng cho tôi thì tôi không chơi được mất. Kat hít một hơi dài. - Giải golf ư? - Vâng. Kat cố gắng kiềm chế. - Tôi bảo cho mà biết. Về nhà đi. Uống hai viên aspirin, và nếu sáng mai chưa đỡ, lúc ấy hẵng gọi tôi. Cô đùng đùng ra khỏi phòng, để mặc anh ta há hốc miệng nhìn theo. Xuồng máy nhỏ của Harry Bowman hoá ra là một du thuyền tám động cơ dài năm mươi bộ. - Xin mời lên boong! - Anh ta đón Paige, Kat và Honey ở bến tàu. Ba người đàn bà ngó chiếc thuyền, thán phục. - Đẹp quá! Paige nói. Họ du ngoạn trong vịnh ba tiếng liền, thưởng thức một ngày nắng ấm. Suốt mấy tuần lễ, đây là lần đầu tíên họ được xả hơi. Khi họ thả neo ngoài đảo Angel, ăn một bữa trưa ngon lành, Kat nói: - Thế này mới là sống. Thôi đừng lên bờ nữa. - Nói được đấy. - Honey nói. Tóm lại, đó là một buổi thần tiên. Khi họ trở lại bến tàu, Paige nói. - Không thể tả được tôi thích thú đến thế nào. - Tôi rất mừng, - Bowman vỗ vào tay cô, - chúng ta sẽ còn đi nữa. Bất cứ lúc nào. Tôi luôn sẵn sàng đón ba cô. Thật là một người đàn ông dễ thương, Paige nghĩ. Honey thích làm việc ở khoa sản. Đó là một phòng bệnh tràn đầy hy vọng và sự sống, trong một nghi lễ hân hoan bất tận. Những người làm mẹ lần đầu thì vừa hăm hở vừa sợ hãi. Những cựu sản phụ thì chỉ mong chóng xong việc. Một bà sắp đẻ nói với Honey. - Ơn Chúa! Tôi sắp được thấy lại ngón chân tôi rồi! Nếu Paige có một quyển nhật ký, hẳn cô đã đánh dấu ngày 15 tháng Tám bằng chữ đỏ. Đó là ngày Jimmy Ford đi vào cuộc đời cô. Jimmy là một nhân viên phục vụ bệnh viện, với nụ cười rạng rỡ và tâm tính yêu đời nhất mà Paige từng gặp. Anh gầy nhỏ, trông như mới mười bảy. Nhưng thực tế đã hai nhăm tuổi, và di chuyển khắp các hành lang bệnh viện như một cơn bão vui tươi. Không có gì là quá buồn phiền với Jimmy. Anh thường xuyên chạy việc vặt cho tất cả mọi người, hoàn toàn không có cảm giác về địa vị và đối xử với bác sĩ, y tá hay người gác cổng hệt như nhau. Jimmy Ford thích kể chuyện cười. - Các vị đã nghe chuyện một bệnh nhân bị bó cứng người chưa? Thằng cha nằm giường bên cạnh hỏi anh ta làm nghề gì. "Tôi làm nghề lau cửa sổ ở cao ốc EmpireStateBuilding". Gã kia lại hỏi: "Anh bỏ nghề khi nào?". Người bó bột đáp: "Trên đường rơi xuống". Jimmy ngoác miệng cười rồi vội vàng đi giúp một ai đó. Jimmy ngưỡng mộ Paige. - Một ngày kia tôi sẽ trở thành bác sĩ. Tôi muốn được như chị. Anh ta hay mang cho Paige những món quà nhỏ vài thanh kẹo, dăm thứ đồ chơi ngộ nghĩnh. Và mỗi tặng vật lại kèm theo một chuyện cười. - Ở Houston, một người đàn ông chặn một khách bộ hành lại và hỏi: "Đến bệnh viện theo đường nào nhanh nhất?". Người kia trả lời: "Hãy nói điều gì đó tồi tệ về Texas". Những chuyện đùa dễ sợ, nhưng Jimmy đã làm cho chúng nghe thật khôi hài. Anh ta đến bệnh viện cùng một giờ với Paige, và phóng xe máy tới chỗ cô. Một bệnh nhân hỏi: "Ca mổ của tôi có nguy hiểm không?". "Ông không thể có một ca mổ nguy hiểm với hai trăm đô-la". Và anh ta lại phóng đi. Khi cả Paige, Kat và Honey cùng được một ngày rảnh rỗi, họ đi khám phá San Francisco. Họ thăm quan Cối xay gió Hà Lan và Vườn trà Nhật Bản. Họ ra Bến tàu đánh cá và đi xe cáp treo. Họ xem kịch ở Nhà hát Curran và ăn tối ở quán Maharani trên đường Post. Tất cả bồi bàn đều là người ấn, và trước sự ngạc nhiên của Kat và Honey, Paige nói chuyện với họ bằng tiếng Hindu. Hum Hindustani baht babut ocho bolta hi và từ giây phút đó, quán ăn thuộc về họ. - Cậu học nói tiếng Ấn ở đâu ra vậy? - Honey hỏi. - Tiếng Hindu chứ, - Paige nói. Rồi ngập ngừng. - Bọn mình… mình có sống ở Ấn Độ một thời gian. "Vẫn còn sâu đậm quá. - Cô và Alfred đứng ở Agla, dán mắt vào Taj Mahal. - Vua Jahan đã xây ngôi đền này để tưởng niệm vợ ông ta. Mất hai mươi năm đấy, Alfred. "Anh sẽ xây cho em một Taj Mahal. Lâu bao nhiêu anh không cần biết! "Đây là Karen Turner. Vợ tôi. Cô nghe gọi tên mình, và tỉnh lại. - Paige… Mặt Kat lộ vẻ lo lắng. - Cậu có sao không thế? - Không. Mình không sao cả. Những ngày giờ không chịu nồi vẫn tiếp tục. Một năm mới nữa đến và đi, năm thứ hai lướt vào năm thứ ba, và vẫn không có gì thay đổi. Bệnh viện vô cảm với thế giới bên ngoài. Chiến tranh, nạn đói và thảm hoạ ở những đất nước xa xôi thật mờ nhạt với những cơn bệnh sống chết mà họ phải đối phó hai mươi tư giờ trong một ngày. Hễ khi nào Kat và Paige gặp nhau trong hành lang bệnh viện, Kat lại toét miệng cười và hỏi. - Thở được chứ hả? - Cậu ngủ lần cuối cùng khi nào? - Paige hỏi lại. Kat thở dài. - Ai mà nhớ được! Họ hối hả hết ngày này sang đêm khác, cố bắt kịp sự khẩn cấp triền miên, nuốt vội vài miếng san-đuých khi có dịp và uống cà phê nguội ngắt trong những chiếc tách bằng giấy. Sự quấy rối tình dục dường như đã trở thành một phần trong đời sống của Kat. Không chỉ các bác sĩ liên tục buông lời gợi ý, mà cả các bệnh nhân cũng toan rủ cô lên giường. Họ cũng nhận được phản ứng như đám bác sĩ. Không có gã đàn ông nào trên đời được động vào ta. Và cô thực sự tin điều đó. Lại một cú phôn nữa của Mike đến vào giữa buổi sáng bận rộn. - Chào chị. Kat biết điều gì sẽ đến. Cô đã gửi cho Mike tất cả tiền dành dụm được, nhưng sâu trong tâm thức, cô hiểu dù cô có gửi bao nhiêu cũng không bao giờ đủ. - Kat, em tự rủa mình phải phiền tới chị. Thật đấy mà. Nhưng em hơi kẹt. - Giọng cậu ta méo mó. - Mike… em có làm sao không? - Ồ có. Nhưng không nghiêm trọng đâu. Chỉ vì em nợ tiền một người mà hắn lại cần trả ngay. Không biết… - Để chị xem có thể làm được gì. - Kat ngao ngán nói. - Cám ơn. Em có thể luôn luôn trông cậy vào chị, đúng không? Em thương chị lắm. - Chị cũng thương em, Mike ạ. Một hôm, Kat hỏi Paige và Honey. - Các cậu có biết cả lũ chúng ta cần cái gì không? - Ngủ một tháng chứ gì? - Một kỳ nghỉ. Đó là cái chúng ta phải làm, dạo chơi Cham-Elysees và dí mũi vào những cửa hàng đắt tiền ở đó. - Đúng rồi. Làm một chuyến tàu hạng nhất, - Paige cười khúc khích. - Chúng ta sẽ ngủ suốt ngày và chơi suốt đêm. Honey phá ra cười. - Nghe được đấy. - Mấy tháng nữa chúng ta có kỳ nghỉ phép rồi. - Paige gợi ý. - Tại sao chúng ta không lên kế hoạch đi đâu đó một chuyến? - Sáng kiến tuyệt diệu. - Kat hăng hái nói. - Thứ bảy ghé qua một hàng du lịch nhé. Họ dành ba ngày sôi nổi vạch kế hoạch. - Mình thèm đến London chết đi được. Biết đâu chúng mình lại được thấy Nữ hoàng. - Paris mới là nơi mình muốn đến. Nó được coi là thành phố lãng mạn nhất thế giới. - Mình lại muốn bơi thuyền gondola dưới ánh trăng Venice. "Có lẽ chúng ta sẽ đi Venice hưởng tuần trăng mật, Paige nhỉ, Alfred từng nói thế. Em có thích không". "Ôi thích chứ!" Cô tự hỏi Alfred có đưa Karen đi Venice hưởng tuần trăng mật của họ không. * * * * * Sáng thứ bảy, ba cô gái ghé qua hãng du lịch Cormche trên đường Powell. Người đàn bà sau quầy đon đả. - Các cô cần chuyến nào ạ? - Chúng tôi muốn đi châu u: London, Paris, Venice… - Hay quá, chúng tôi có một số tua trọn gói hạng rẻ đây. - Không, không, không. - Paige nhìn Honey và toét miệng cười. - Hạng nhất. - Đúng. Máy bay hạng nhất. - Kat đế vào. - Khách sạn hạng nhất. Honey thêm. - Có ngay, tôi có thể giới thiệu khách sạn Ritz ở London, Crillon ở Paris, Cipriam ở Venice và… - Sao chúng ta không xin vài cuốn quảng cáo nhỉ? - Paige nói. - Chúng ta có thể xem xét và quyết định. - Thế cũng được, - người đại lý du lịch nói. Paige xem một cuốn quảng cáo. - Hãng có nhận cho thuê du thuyền nữa à? - Vâng. - Tốt. Chúng ta có thể thuê một cái. - Tuyệt. - Người đại lý vơ một tập quảng cáo và đưa cho Paige. Khi nào các cô sẵn sàng hãy báo cho tôi biết. Tôi rất sung sướng được phục vụ các cô. - Chúng tôi sẽ gọi cho bà, - Honey hứa. Khi họ ra đến ngoài, Kat cười rũ và nói: - Chẳng có gì giống như một mơ ước hão, đúng không? - Đứng lo, - Paige quả quyết. - Một ngày kia chúng ta sẽ có thể đến tất cả những nơi đó. Chương 10 Seymour Wilson, chủ nhiệm khoa nội của bệnh viện Embarcadero Country là con người bất lực trước công việc vô biên. Có quá nhiều bệnh nhân, lại quá ít y bác sĩ, và quá ít thời gian trong một ngày. Ông cảm thấy mình giống như thuyền trưởng một con tàu đang đắm, chạy lăng xăng một cách vô hiệu để cố bít lại lỗ rò. Hiện tại, mối lo trước mắt của bác sĩ Wilson là Honey Taft. Trong khi một số bác sĩ có vẻ rất thích cô ta thì những bác sĩ nội trú và y tá đáng tin cậy vẫn tiếp tục báo cáo rằng Taft không có khả năng làm việc. Wilson rút cục phải tới gặp Ben Wallace. - Tôi muốn tống khứ một trong các bác sĩ của chúng ta, - Ông nói. - Đám nội trú cùng ê kíp nói với tôi rằng cô ta không có năng lực. Wallace đã nhớ ra Honey. Cô ta là người có điểm cao kỳ lạ và một lời giới thiệu rực rỡ. - Tôi không hiểu. - Ông nói. - Hẳn có nhầm lẫn gì đây ông đăm chiêu giây lát rồi tiếp. - Seymour, tôi bảo anh cách này. Tay nào khét tiếng nhất trong đám nhân viên của anh? - Bác sĩ Ted Allison. - Xong rồi. Sáng mai phái Honey Taft đi tua với Allison. Yêu cầu hắn báo cáo lại về cô ta. Nếu hắn cũng bảo cô ta thiếu năng lực, tôi sẽ tống cổ ngay. - Có lý đấy Wilson nói. - Cám ơn Ben. Vào bữa trưa, Honey kể với Paige là cô được phân công đi tua với bác sĩ Allison sáng ngày mai. - Tớ biết lão ta, - Paige nói, - tiếng tăm lão khiếp lắm. - Tớ cũng nghe đồn vậy, - Honey trầm ngâm. Cùng lúc đó, ở một nơi khác trong bệnh viện Seymour, Wilson đang nói chuyện với Ted Allison, một tay kỳ cựu với hai mươi năm trong nghề. Ông ta đã từng là một sĩ quan quân y trong hải quân và ông ta vẫn còn tự hào với cái trò "đá đít". Seymour Wilson nói. - Tôi muốn ông để mắt chặt chẽ tới bác sĩ Taft. Nếu cô ta không qua được, loại luôn. Ông hiểu chứ? - Hiểu! Ông ta đang mong một cú như thế này. Cũng như Seymour Wilson, Ted Allison khinh miệt những kẻ dốt nát. Hơn nữa, ông ta lại mang một niềm tin mạnh mẽ rằng nếu đàn bà muốn có mặt ở ngành y, họ phải làm y tá. Sáu giờ sáng hôm sau, đám nội trú tập trung ở hành lang để bắt đầu tua của họ. Cả nhóm gồm bác sĩ Allison, Tom Bensson - trợ lý trưởng của ông ta và năm bác sĩ nội trú, trong đó có Honey Taft. Allison nhìn Honey nghĩ. Được lắm, bà thầy thuốc, để xem bà làm ăn ra sao. Rồi ông ta quay sang lệnh cho cả nhóm. - Đi nào! Bệnh nhân đầu tiên ở phòng số 1 là một cô gái nằm trên giường trùm khăn kín mít. Em đang ngủ khi cả nhóm lại gần. - Tôi muốn tất cả các vị hãy xem biểu đồ của cô bé này. - Bác sĩ Allison nói. Đám nội trú xúm vào nghiên cứu biểu đồ bệnh án. Bác sĩ Allison quay sang Honey. - Bệnh nhân này bị sốt, người ớn lạnh, bải hoải, biếng ăn, kèm theo ho và viêm phổi. Chẩn đoán của cô thưa bác sĩ Taft? Honey đứng đó, cau mày im lặng. - Thế nào? - Vâng, - Honey nói trầm ngâm. - Có thể nói cô bé đã mắc bệnh vi rút vẹt - sốt do vẹt. Allison nhìn cô ngỡ ngàng. - Điều gì điều gì khiến cô nghĩ vậy? - Triệu chứng điển hình của bệnh vi rút vẹt và tôi được biết cô ta đi làm ngoài giờ ở cửa hàng bán vẹt. Bệnh lây từ những con vẹt ốm. Allison gật đầu chậm chạp. - Rất… rất tốt. Cô biết cách điều trị chứ? - Vâng. Tetraxyline cho mười ngày, nằm nghỉ tuyệt đối trên giường và uống thật nhiều nước. Allison quay sang cả nhóm. - Các vị có nghe thấy không? Bác sĩ Taft hoàn toàn đúng. Họ chuyển sang bệnh nhân tiếp theo. Allison nói. - Kiểm tra biểu đồ của người này, ta thấy bệnh nhân bị nổi nhiều cụm nhọt, chảy máu, mệt mỏi. Hãy đưa ra chẩn đoán. Một bác sĩ nội trú hỏi ướm: - Có vẻ như một loại viêm phổi. Bác sĩ thứ hai phát biểu. - Có thể là ung thư. Allison quay sang Honey. - Chẩn đoán của cô là gì, bác sĩ Taft? Honey trông vẻ đăm chiêu. - Ngay từ đầu, tôi đã muốn nói đây là bệnh bụi do sợi, một dạng ngộ độc chất thạch miên. Biểu đồ cho biết bệnh nhân làm việc ở xưởng sản xuất thảm. Ted Allison không giấu nổi sự thán phục. - Xuất sắc! Thật xuất sắc! Cô biết cách điều trị chứ? - Rất tiếc, hiện nay chưa có cách chữa trị riêng cho trường hợp này. Ấn tượng càng mạnh mẽ. Trong hai giờ tiếp theo đó Hunter đã chẩn đoán được một ca hiếm có của hội chứng Ruiter, một trường hợp viêm xương biến dạng và một ca sốt rét. Khi tua của họ kết thúc, bác sĩ Allison bắt tay Honey. - Tôi không phải là người dễ bị gây ấn tượng nhưng tôi muốn nói rằng bác sĩ sẽ có một tương lai sán lạn. Honey đỏ mặt. - Cám ơn bác sĩ Allison. - Và tôi nhất định sẽ bảo với Ben Wallace như vậy. Ông ta nói và bước đi. Tom Bensson, trợ lý trưởng của bác sĩ Allison nhìn Honey, mỉm cười. - Nửa tiếng nữa gặp nhau nhé, cô em! * * * * * Paige cố tránh khỏi đường đi của bác sĩ Athur Kane - 007, nhưng hễ có dịp là lão lại nhờ Paige phụ mổ và mỗi lần gặp lão ta lại càng sấn sổ hơn. - Sao em không chịu đi với anh? Chắc em có của người khác rồi chứ gì? Hoặc: - Này cưng, anh ngắn người thật nhưng đâu phải chỗ nào cũng ngắn. Em hiểu anh muốn nói gì không? Paige đã tới mức khiếp sợ mỗi khi phải làm việc với lão. Hết lần này tới lần khác, cô phải chứng kiến Kane tiến hành những phẫu thuật không cần thiết và lôi ra những cơ quan lành lặn của bệnh nhân. Một hôm, trong khi cùng Kane tới phòng mổ, cô hỏi. - Hôm nay chúng ta sẽ mổ gì, bác sĩ? - Mổ ví của ông ta! - Lão nhìn vẻ mặt của Paige. - Đùa đấy mà, cô em. - Lẽ ra phải cho lão làm ở lò mổ hay hàng thịt. - Paige tức giận kể với Kat sau đó - Lão ta không có quyền mổ xẻ bửa bãi người ta. Sau một ca phẫu thuật cực kỳ vô lý, Kane quay sang Paige và lắc đầu. - Tệ quá. Tôi không biết ông ta có qua nổi không? Paige không thể giấu được sự phẫn nộ nữa. Cô quyết định nói chuyện với Tom Chang. - Cần phải có ai đó báo cáo về Kane. Ông ta đang giết bệnh nhân đấy. - Bạn cứ quá lo. - Không đâu. Thật kinh khủng khi họ để cho lão điên ấy làm phẫu thuật. Đó là tội ác. Cần phải đưa lão ra trước hội đồng kỷ luật. - Thế thì hay ho gì? Cần phải có thêm những bác sĩ khác ra làm chứng nhưng chẳng ai muốn dây vào lão. Đây là một cộng đồng khép kín và chúng ta phải sống trong đó, Paige ạ. Hầu như không thể có chuyện một bác sĩ ra làm chứng chống lại bác sĩ khác. Tất cả chúng ta đều có nhược điểm và chúng ta cần đến nhau rất nhiều. Hãy bình tĩnh lại. Mình sẽ đưa bạn đi ăn trưa. Paige thở dài. - Thôi được, nhưng thật là một hệ thống chấy rận. Vào bữa trưa, Paige hỏi. - Cậu và Sye thế nào rồi. Phải mất một lúc Tom mới đáp lại. - Mình… bọn mình vẫn gay lắm. Công việc đã triệt phá cuộc hôn nhân của mình. Mình không biết phải làm sao đây. - Rồi đâu sẽ vào đó thôi. - Paige an ủi. - Nhưng không bao giờ còn như xưa nữa. - Chang nói ảm đạm. Paige ngẩng đầu lên nhìn anh. Chang quả quyết. - Mình sẽ tự tử nếu cô ấy bỏ mình. * * * * * Sáng hôm sau, Athur Kane được bố trí một ca mổ thận. Chủ nhiệm khoa phẫu thuật bảo với Paige. - Bác sĩ Kane đề nghị cô phụ mổ cho ông ta ở phòng số 4. Mồm miệng Paige bỗng nhiên khô khốc. Cứ nghĩ đến việc phải gần lão cô cũng đã thấy lợm giọng rói. - Có thể gọi người khác không ạ? - Paige dè dặt hỏi. - Ông ấy đang đợi cô, bác sĩ Paige. Paige thở dài. - Thôi được. Khi Paige đi xong đôi găng, ca mổ đã bắt đầu. - Giúp tôi một tay, cưng. - Kane bảo Paige. Bụng của bệnh nhân đã được quét một lớp dung dịch Iode và đường rạch đã thực hiện ở phần bụng trên, phía bên phải, ngay dưới khung xương sườn. Rất tốt, cho đến lúc này, Paige nghĩ. - Dao mổ! Y tá chính đưa cho bác sĩ Paige con dao mổ. Lão ta ngẩng lên. - Bật nhạc! Một tích tắc sau, nhạc từ đĩa CD đã vang lên. -Hăng hái lên nào. - Lão ta quay sang Paige. - Bắt đầu bovie, cô em. - Cô em, Paige nghiến chặt răng và cầm lấy bovie một dụng cụ đốt điện. Cô bắt đầu đốt cầm máu các động mạch để giảm bớt lượng máu trong ổ bụng. Ca mổ tiến triển tốt. - Tạ ơn Chúa, Paige nghĩ. - Gạc. Y tá chính đưa cho Kane một miếng gạc. - Tốt. Hút đi. - Lão ta cắt quả thận khi nó vừa lộ ra. - Con quỷ nhỏ đây rồi. Hút nữa. - Lão gắp quả thận lên bằng forcep. - Được rồi. Khâu ông ta lại thôi. Lần đầu tiên mọi việc đều xuôn xẻ, nhưng vẫn có cái gì đó làm Paige lo lắng. Cô nhìn sát quả thận hơn. - Nó có vẻ lành lặn. Cô cau mày, băn khoăn. Trong khi bác sĩ Kane bắt dầu khâu cho bệnh nhân, Paige vội chạy tới chỗ hình chụp X quang trên khung được chiếu sáng. Cô quan sát một thoáng rồi khẽ kêu lên. - Ôi lạy Chúa! Bác sĩ Kane đã cắt nhầm phải bên thận tốt. * * * * * Ba mươi phút sau, Paige ở trong văn phòng của Ben Wallace. - Lão lôi quách quả thận lành lặn ra và để lại quả bị bệnh! - Giọng Paige run run. - Phải tống tên đồ tể đó vào tù. Ben Wallace nói, mềm mỏng: - Paige, tôi đồng ý với cô là chuyện đó thật đáng tiếc nhưng rõ ràng không phải do chủ tâm. Đó chỉ là một sơ suất, và… Một sơ suất? Bệnh nhân sẽ phải sống nhờ bằng máy móc suốt đời. Phải có ai trả giá cho chuyện này chứ. - Hãy tin tôi, chúng ta sẽ có một sự kiểm tra, đánh giá. Paige biết điều đó có nghĩa là gì: Một nhóm bác sĩ sẽ xem xét lại sự việc xảy ra nhưng sẽ được tiến hành hết sức bí mật và thông tin sẽ được giữ bí mật với công luận và với chính bệnh nhân. - Bác sĩ Wallace… - Paige, cô là một thành viên trong đội chúng ta. Cô phải có tinh thần đồng đội. - Lão ta không có quyền làm việc trong bệnh viện này. Hay bất cứ bệnh viện nào khác. - Cô cần nhìn toàn cục. Nếu ông ta bị đuổi việc sẽ gây ra dư luận xấu và làm tổn hại đến thanh danh của bệnh viện. Chúng ta có thể phải đương đầu với các đoàn thanh tra. - Nhưng còn những người bệnh thì sao? - Chúng ta sẽ gắt gao hơn với bác sĩ Kane. - Ông ta nhoài người tới trước. - Tôi sẽ cho cô vài lời khuyên. Khi nào hành nghề riêng, cô phải có thiện chí với những đồng nghiệp khác. Bằng không, cô sẽ chẳng làm ăn được gì đâu. Tôi có thể nói chắc chắn với cô như vậy. Paige đứng lên. - Vậy là ông sẽ không làm gì? - Tôi đã nói rồi, chúng tôi sẽ làm cái việc kiểm tra đánh giá nội bộ. - Và chỉ có thế thôi? - Chỉ có thế thôi. - Thật vô lý, - Paige nói. Cô đang ăn trưa với Kat và Honey trong căng tin. Kat lắc đầu. - Nào ai bảo cuộc đời phải có lý đâu. Paige nhìn khắp gian phòng lát gạch men trắng vô khuẩn. - Cái chốn này khiến mình phát ngấy. Tất cả đều bệnh hoạn. - Nếu không họ đã chẳng vào đây, - Kat nói. - Tại sao chúng ta không làm một bữa tiệc nhỉ? - Honey gợi ý. - Một bữa tiệc? Cậu nói cái gì thế? - Kat hỏi. Giọng Honey bỗng sôi nổi hẳn: - Chúng ta có thể đặt rượu và ít đồ ăn cho tử tế, một bữa tiệc ra tiệc. Mình nghĩ chúng ta phải làm một cái gì đó mà vui vẻ lên. Paige nghĩ một lát. - Các cậu biết không, sáng kiến không tồi. Chúng ta làm đi! - Thoả thuận rồi nhé. Để tớ tổ chức cho, - Honey nói. - Chúng ta sẽ làm sau chuyến đi tua ngày mai. Athur Kane sán lại gần Paige trong hành lang. Giọng lão lạnh ngắt. - Mày là một con bé hỗn xược. Phải có ai đó dậy cho mày câm miệng! Và lão ta bỏ đi. Paige nhìn theo lão, nghi hoặc. Wallace đã kể với lão. Lẽ ra ông ta không nên làm như thế. Nếu cô bị mang tiếng là một người chuyên tố cáo các bác sĩ đồng nghiệp… Mình có nên làm thế nữa không? Paige nghĩ ngợi. Nhất định là có! Tin về bữa tiệc do ba nữ bác sĩ tổ chức lan ra nhanh chóng. Tất cả các bác sĩ nội trú đều góp tiền vào. Một thực đơn phong phú được đặt tại nhà hàng Erme và rượu được mang đến từ cửa hàng bên cạnh. Bữa tiệc được bắt đầu vào hồi năm giờ ở phòng nghỉ dành cho bác sĩ. Rượu và đồ ăn được đem đến lúc 4 giờ 30. Thật là linh đình. Những đĩa hải sản và tôm hùm, tôm he, nhiều loại patê, thịt băm viên Thuy Điển, mỳ xào nóng, hoa quả và các món tráng miệng. Khi Paige, Kat và Honey đến lúc 5 giờ, trong phòng đã đầy chật đám nội trú hăng hái, sinh viên thực tập và các y tá Paige quay sang Honey. - Thật là sáng kiến tuyệt diệu! Honey mỉm cười. - Cám ơn. Tiếng thông báo dội lên từ loa phóng thanh. - Bác sĩ Finley và Kettler đến phòng cấp cứu. Stat. Hai bác sĩ đang cắn dở con tôm nhìn nhau thở dài rồi vội vã rời khỏi phòng. Tom Chang lại gần Paige. - Chúng ta phải tổ chức tiệc mỗi tuần. - anh nói. - Đúng đấy. Chúng ta… Tiếng loa lại xổ ra. - Bác sĩ Chang… phòng 317… Bác sĩ Chang… phòng 317. Và một phút sau. - Bác sĩ Smythe… phòng cấp cứu số 2… bác sĩ Smythe đến phòng cấp cứu số 2. Loa phóng thanh không dừng lại nữa. Trong vòng ba mươi phút gần như tất cả bác sĩ và y tá đều bị gọi tới một ca cấp cứu nào đó. Honey nghe gọi tên mình, rồi Paige và Kat. - Mình không thể tin nổi điều đang xảy ra. - Kat nói. - Các cậu có biết người ta vẫn thường nói đến thần hộ mệnh không? Mình nghĩ số mệnh ba chúng ta đã bị bùa chú bởi một con quỷ. Đó là một lời tiên tri. Sáng thứ hai tuần sau, khi Paige hết phiên trực và trở ra xe, hai lốp xe đã bị rạch nát. Cô nhìn chằm chằm, không sao tin nổi. Phải có ai đó dạy cho mày câm miệng! Về đến căn hộ, cô bảo Kat và Honey. - Phải coi chừng Athur Kane. Hắn điên đấy. Chương 11 Kat bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. - Chị Kat, Mike đây. - Cô nhỏm dậy, tim bỗng đập thình thịch. - Mike, em có làm sao không? - Cô nghe tiếng cậu em cười. - Chưa bao giờ tốt hơn, chị ạ. Cám ơn chị và bạn chị. - Bạn chị? - Ngài Dinetto. - Ai? - Kat cố tập trung trong trạng thái chao đảo vì mất ngủ. - Ngài Dinetto. Ông ta đã cứu cuộc đởi em. Kat không hiểu cậu em đang nói gì. - Mike… - Chị có biết cái bọn mà em nợ tiền không? Ngài Dinetto đã làm chúng không dám quấy quả em nữa. Đúng là một con người hào hiệp. Và ông ấy quan tâm đến chị đấy, Kat. Kat đã quên sự cố với Dinetto ngày nào, và giờ đây nó bỗng hiện về. "Này cô kia, cô không biết đang nói chuyện với ai hả. Tốt hơn hãy làm những gì ông ta bảo. Đây là ngài Lou Dinetto". Mike vẫn đang nói. - Em sẽ gửi cho chị ít tiền, Kat. Bạn chị đã thu xếp việc làm cho em. Bạn chị. Kat thấy lo. - Mike, hãy nghe chị. Chị muốn em nên thận trọng. Cô lại nghe thấy tiếng cậu em cười. - Đừng lo! Em từng bảo chị là đời em sẽ lên hương mà. Em đã nói đúng chưa? - Hãy tự lo cho mình, Mike ạ. Đừng… Liên lạc đã bị cắt. Kat không thể nào ngủ lại được. Dinetto! Sao gã biết về Mike, và tại sao gã lại giúp nó. Đêm hôm sau, khi Kat ra khỏi bệnh viện, một chiếc Limousine đen đợi cô ở chắn kiểm soát. Shadow và Rhino đứng cạnh xe. Kat vừa định vượt qua thì Rhino lên tiếng. - Vào đi bác sĩ. Ngài Dinetto đang chờ gặp cô. Cô quan sát gã đàn ông trong một thoáng. Rhino trông thật gớm ghiếc nhưng Shadow mới là kẻ khiến cho Kat sợ. Có một cái gì đó chết chóc trong vẻ bất động của hắn. Vào hoàn cảnh khác, Kat đã chẳng bao giờ ngồi vào chiếc xe này nhưng cú điện thoại của Mike khiến cô bối rối, và lo ngại. Cô được đưa tới một căn hộ nhỏ ở ngoại ô thành phố, Dinetto đang đợi cô. - Cám ơn cô đã đến, bác sĩ Hunter, - gã nói. - Tôi đánh giá cao đấy. Một người bạn của tôi bị một tai nạn nhỏ. Tôi muốn cô xem cho hắn. - Ông đang làm gì với Mike vậy? - Kat hỏi. - Có gì đâu gã đáp tỉnh bơ, - tôi nghe nói Mike có một rắc rối nhỏ, và tôi quyết định gỡ hộ cậu ta. - Làm sao… làm sao ông biết về Mike? - Kat hỏi. - Ý tôi nói rằng nó là em tôi và… Dinetto mỉm cừời. - Đó là việc của tôi. Chúng ta là bạn, chúng ta phải giúp đỡ nhau. Mike dính với mấy thằng cha bất hảo và tôi giúp cậu ấy thoát ra. Cô phải cám ơn tôi mới đúng. - Tôi biết ơn ông, - Kat nói, - tôi thực sự biết ơn. - Tốt! Cô cũng biết từ "phủi tay" chứ? Kat lắc đầu. - Tôi không làm điều gì phi pháp đâu. - Phi pháp! - Dinetto nói. Gã tỏ vẻ bị xúc phạm. - Tôi không yêu cầu cô làm bất cứ điều gì như vậy. - Ông bạn này bị một tai nạn nhỏ mà ông ta lại chúa ghét bệnh viện. Cô xem cho ông ta được chứ? - Mình dẫn xác vào đây để làm gì thê này? Kat tự hỏi. - Được thôi. - Ông ta ở trong phòng ngủ. Bạn Dinetto bị đánh đập thậm tệ. Hắn nằm trên giường bất tỉnh. - Điều gì đã xảy ra với ông ta vậy? - Kat hỏi. Dinetto nhìn cô và nói. - Ông ta bị ngã cầu thang. - Cần phải đưa ông ta đi bệnh viện. - Tôi đã bảo ông không ưa bệnh viện. Tôi có thể cung cấp bất cứ dụng cụ y tế nào cô cần. Tôi có riêng một bác sĩ chăm sóc cho bạn bè tôi, nhưng ông ta vừa bị một tai nạn. Lời gã gây một cơn ớn lạnh khắp người Kat. Cô không muốn gì hơn là chạy về nhà và không bao giờ phải nghe đến cái tên Dinetto nữa, nhưng cuộc sống là một sự ràng buộc. Quid pro quo (1). Kat cởi áo khoác ra và bắt tay vào việc. Chú thích: (1) có đi có lại (tiếng La tinh trong nguyên bản). Chương 12 Sang năm nội trú thứ tư, Paige đã phụ mổ cho hàng trăm ca. Những ca mổ dường như gắn liền với cô trở nên một phần không tách rời của cô. Cô đã thành thạo những thủ tục phẫu thuật tiết niệu, gan, thận cùng những tiểu phẫu khác và thú vị nhất vẫn là phẫu thuật tim. Nhưng Paige rất bực vì chưa được tự mổ. Điều gì đã xảy ra với phương châm "Vừa xem, vừa làm, vừa dạy" nhỉ? Cô băn khoăn. Câu trả lời đến khi George Engund, phẫu thuật gia chính cho gọi cô. - Paige, ngày mai có một ca mổ thoát vị ở phòng mổ 3, bảy giờ ba mươi sáng. Cô ghi lại. - Được thôi. Ai mổ? - Cô. - Vâng, tôi… - Cô không nói tiếp được - Tôi mổ? - Đúng vậy. Có vấn đề gì không? Paige cười rộn rã cả phòng. - Không, chẳng có vấn đề gì cả, cám ơn. - Cô đã sẵn sàng rồi đấy. Tôi nghĩ bệnh nhân thật nay mắn được cô giải phẫu. Tên ông ta là Walter Herzorg. Phòng 314. - Herzorg, phòng 314. Được rồi. Paige cảm thấy phấn khích. Mình đã chính thức được giải phẫu. Mình giữ mạng sống một người trong tay. Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chưa chuẩn bị kỹ, nếu mình có sai lầm? Thì mọi chuyện đều có thể xảy ra cả. Luật Muspling đã nói rồi. Và trong lúc tự đối thoại với chính mình, Paige bỗng cảm thấy bàng hoàng. Cô đi xuống căng tin và gọi một tách cà phê đen. Mọi việc sẽ ổn thôi. Mình đã phụ mổ cả chục ca như thế này. Chẳng có gì là khó cả. Ông ta may mắn được mình giải phẫu. Uống xong cà phê, cô đã hoàn toàn bình tĩnh để đến gặp bệnh nhân. Walter Herzorg ngoài sáu mươi tuổi, gầy, hói, và rất lo lắng. Ông ta đang nằm trên giường khi Paige bước vào, tay ôm bó hoa. - Cô y tá, tôi muốn gặp bác sĩ. Paige tiến lại và trao bó hoa cho người bệnh. - Tôi là bác sĩ. Tôi sẽ mổ cho ông ngày mai. Ông ta nhìn bó hoa, rồi nhìn cô. - Cô là gì? - Ông đừng lo. Ông sẽ được chăm sóc cẩn thận. Cô cầm lấy biểu đồ và xem kỹ. - Biểu đồ nói sao? - Người đàn ông hốt hoảng. - Sao cô ta lại mang hoa cho mình? - Ông sẽ được phẫu thuật chu đáo. - Cô thực sự sẽ mổ cho tôi à? - Walter Herzorg bất lực nuốt khan. - Vâng. - Trông cô trẻ quá. Paige nắm lấy tay ông ta. - Tôi chưa từng làm hỏng một ca nào. - Cô nhìn quanh phòng. - Ông có muốn tôi mang cho ông thứ gì đọc không. Sách hay tạp chí? Ông ta vừa nghe vừa lo. Sao cô ta lại dễ chịu với mình thế. Có điều gì cô ta chưa nói chăng? - Thôi, tôi sẽ gặp ông vào ngày mai. Cô đứng dậy viết gì đó vào mảnh giấy rồi trao cho ông ta. - Đây là số phôn của tôi. Đêm nay nếu cần gì ông cứ gọi tôi sẽ đến ngay. Khi Paige đi khỏi Herzorg càng lo lắng. Vài phút sau, Jimmy bắt gặp Paige ở sảnh. Anh tiến lại ngoác miệng cười. - Xin chúc mừng. Nghe nói mai chị mổ chính. Tin đi nhanh thật. Paige nghĩ. - Dù hắn ta là ai thì hắn cũng rất may mắn, - Jimmy nói, - Nếu tôi có bị sao thì chị là người duy nhất tôi muốn cầm dao mổ cho tôi. - Cám ơn Jimmy! Tất nhiên Jimmy bao giờ cũng đùa được. - Chị có nghe một người đàn ông bị đau ở mắt cá? Anh ta quá keo kiệt để đi khám ở bệnh viện, vì thế khi nghe một ông bạn cũng cảm thấy đau y hệt, hắn liền bảo bạn, "Cậu nên đi khám bác sĩ ngay và cho tớ biết kết quả". Hôm sau, được tin ông bạn kia đã chết, hắn liền chạy ngay đến bệnh viện và đòi làm đủ thứ xét nghiệm, tổng cộng trị giá năm nghìn đô-la. Họ chẳng phát hiện ra cái gì nghiêm trọng cả. Hắn liền gọi ngay cho vợ người bạn đã chết. "Trước khi chết ông ấy có đau lắm không?". "Không, - bà vợ trả lời, ông ấy không nhìn thấy cái xe đã cán mình". Paige quá hưng phấn nên chẳng ăn được gì trong bữa tối. Suốt buổi chiều cô tập lại cách thắt nút chỉ mổ dưới đèn bàn. Mình sẽ đi ngủ sớm để ngày mai còn tỉnh táo, minh mẫn, cô tự nhủ. Cô thức suốt đêm, ôn lại các ca mổ. Có ba loại thoát vị: Thoát vị nắn được là loại có thể phục vị, đẩy ruột trở về ổ bụng ; thoát vị không thể là loại có hiện tượng dính gây khó khăn cho việc đưa về ổ bụng, và nguy hiểm nhất là thoát vị nghẹt. Ở trường hợp này, mạch máu đi qua chỗ thoát vị bị tắc nghẹt, làm cho ruột bị hoại tử. Walter Herzorg thuộc ca dễ xử lý nhất. Sáu giờ sáng, Paige lái xe vào bãi đậu của bệnh viện. Một cái xe Ferrari màu đỏ đỗ cạnh chỗ đậu xe của cô. Paige tự nhủ ai là chủ chiếc xe ấy, chắc phải giàu lắm. Lúc bảy giờ, Paige giúp Herzorg thay bộ áo khoác màu xanh da trời. Mấy cô y tá đã cho Herzorg một liều an thần giúp ông ta bình tĩnh lại khi chờ chiếc xe chuyên dụng đưa vào phòng mổ. - Đây là lần đầu tôi phải mổ. - Walter Herzorg nói. - Tôi cũng vậy. - Paige nghĩ. Chiếc xe đưa ông vào phòng mổ số 3. Paige đi bên cạnh, tim đập mạnh đến nỗi cô sợ rằng Herzorg có thể nghe được. Phòng mổ số 3 là phòng mổ lớn nhất, có thề đặt cả một máy trợ tim, tim-phổi nhân tạo và một dãy các thiết bị y tế đồ sộ. Khi Paige bước vào, nhân viên phục vụ đã sẵn sàng vận hành các thiết bị. Ở đó còn đã có cả bác sĩ theo dõi, chuyên gia gây mê, hai bác sĩ nội trú, một y tá chính lưu động. Tất cả đều nhìn cô chờ đợi. Họ xem và đánh giá ca phẫu thuật đầu tiên của cô. Paige đến bên bàn mổ. Người ta đã cạo lông vùng bụng và háng của Walter Herzorg, xịt thuốc sát trùng, khăn sạch được phủ xung quanh vùng mổ. Herzorg nhìn lên rầu rĩ. - Cô không làm tôi chết chứ, thưa cô? Paige mỉm cười. - Làm thế để hại cả danh dự tuyệt hảo của tôi ư? Cô nhìn về phía chuyên gia gây mê, thở sâu và gật đầu. Ca mổ bắt đầu. - Dao mổ. Khi Paige chuẩn bị làm những đường rạch đầu tiên trên mật da, cô thấy hình như y tá muốn hỏi cô điều gì. - Sao? - Cô có muốn nghe nhạc không, thưa bác sĩ? Đây là lần đầu tiên Paige được hỏi một câu như vậy Paige mỉm cười. - Được nhạc của Jimmy Buffett. Khi hoàn thành những đường mổ đầu tiên, bao nhiêu lo lắng của cô bỗng tan biến hết. Có cảm giác là cô đã làm việc này từ nhỏ và sẽ làm cho đến hết đời Cô cắt qua những lớp mờ, lớp cơ một cách thành thạo để lộ khu vực thoát vị. Trong suốt thời gian đó cô nghe thấy sự trao đổi quen thuộc trong phòng mổ. - Gạc… - Đưa tôi bovie… - Đây! - Có lẽ chúng ta xử lý đúng. - Kẹp… - Hút… Paige hoàn toàn tập trung vào công việc. Xác định vị trí bao thoát vị, tách nó ra. Đặt lại vào trong khoang bụng, buột thắt ở phía đáy bao. Cắt bỏ phần còn lại… Một giờ hai mươi phút sau nhát dao mổ đầu tiên, ca phẫu thuật kết thúc. Tâm trạng Paige đầy khấn khích. Khi Walter Herzorg được khâu xong, y tá chính quay sang Paige. - Bác sĩ Taylor… - Paige nhìn lên. - Sao? Cô y tá mỉm cười. - Thật là đẹp thưa bác sĩ. * * * * * Đó là một ngày chủ nhật, cả ba cô gái đều được nghỉ. - Hôm nay mình làm gì đây? Kat hỏi. Paige có một ý. - Hôm nay đẹp trời. Chúng ta tới Trec Parl đi. Chúng ta có thể mang theo bữa trưa và ăn ngoài trời… - Hay đấy! - Honey nói. - Được đấy Làm đi! - Kat tán thành. Chuông điện thoại réo vang. Cả ba nhìn về phía chiếc máy. - Lạy Chúa. Kat nói. - Tớ cho rằng Lincolh đã giải phóng chúng ta cơ mà. Đừng trả lời. Hôm nay là ngày nghỉ. - Chúng ta chẳng có ngày nghỉ nào cả. - Paige nhắc. Kat đi về phía máy điện thoại, nhấc lên rồi nói. - Bác sĩ Hunter nghe đây. Cô lắng nghe một câu gì đó rồi chuyển sang cho Paige. - Của cậu đấy! Paige đón ống nghe từ tay bạn. - Bác sĩ Taylor đây. Chào Tom… sao… để mình xem… được rồi… mình sẽ đến đấy trong vòng mười lăm phút nữa. - Cô đặt máy. Thế là hết cả pícnic. Cô nghĩ. - Tin xấu à? Bọn mình có thể bị mất một bệnh nhân. Mình sẽ cố về kịp bữa tối. Khi Paige lái xe đến bệnh viện và đỗ ở khu dành cho bác sĩ, cô lại thấy chiếc Ferrary đỏ. Bao nhiêu ca mố mới trị giá bằng cái xe này nhỉ? Cô tự hỏi. Hai mươi phút sau cô có mặt ở phòng dành cho người nhà. Một người đàn ông trong bộ quần áo màu sẫm đang ngồi ở ghế bệnh nhân nhìn ra cửa sồ. - Ông là Newton? Ông ta đứng lên. - Tôi đây! - Tôi là Taylor. Tôi đến kiểm tra một bệnh nhân. Cậu ta vào viện do đau vùng bụng. - Vâng. Tôi đến mang nó về nhà. - Tôi e rằng không thể được. Peter bị thủng ruột. Phải truyền máu và phẫu thuật ngay lập tức. Nếu không cậu ta sẽ chết. Ông Newton lắc đầu. - Chúng tôi là nhân chứng của Jchovah. Chúa không thể để nó chết được, và tôi không cho phép máu của người khác hoà vào máu nó. Người mang nó vào đây là vợ tôi. Bà ấy sẽ phải bị trừng phạt về chuyện này. Ông Newton, tôi cho rằng ông không hiều về tình trạng nguy kịch của con ông. Nếu không phẫu thuật ngay, nó sẽ chết. Người đàn ông nhìn cô mỉm cười. - Cô không hiểu những con đường của Chúa, đúng không? Paige tức giận. - Có lẽ tôi không biết rõ lắm về những con đường của Chúa nhưng tôi biết rõ về bệnh thủng ruột. - Cô rút ra một tờ giấy. - Cháu còn nhỏ nên ông phải ký vào bản mẫu đồng ý cho mổ. - Cô chìa tờ giấy ra. - Nếu tôi không ký? - Vì sao?… Khi đó con ông sẽ… chết. Ông ta gật đầu. - Cô nghĩ rằng quyền lực của cô to lớn hơn quyền lực của Chúa à? Paige nhìn ông chăm chú. - Ông không định ký ư? - Không. Một quyền lực cao hơn sẽ giúp con trai tôi. Rồi cô sẽ thấy. Khi Paige quay lại, cậu bé Peter Newton mới sáu tuổi đang ngất đi. - Ông ta không định ký đâu, - Chang nói, - thằng bé mất nhiều máu quá. Cậu định làm gì đây? Paige đã quyết định. - Mang cậu bé vào phòng mổ số 1 ngay lập tửc? Chang nhìn cô ngạc nhiên. - Cha nó thay đổi ý kiến rồi à? Paige gật đầu. - Thay đổi rồi. Nhanh lên! Cậu khá thật! Tớ đã nói chuyện với cha nó cả giờ đồng hồ nhưng không lay chuyển được. Lão cứ nói: "Chúa sẽ phù hộ." - Chúa sẽ phù hộ. - Paige nói quả quyết. Sau hai giờ phẫu thuật và truyền bốn chai máu, ca mổ hoàn thành. Các dấu hiệu đều khả quan. Một người giúp việc chạy vào. - Bác sĩ Taylor, bác sĩ Wallace cần gặp cô ngay lập tức. Benjamin Wallace tức giận đến mức lạc cả giọng. Làm sao cô dám làm cái điều tày trời như thế? Truyền máu và mổ không có sự đồng ý của cha mẹ? Cô phạm luật rồi đấy! - Tôi đã cứu sống một đứa bé. Wallace hít một hơi thật sâu. - Lẽ ra cô phải xin lệnh của toà án. - Làm gì có thời gian - Chỉ chậm mười phút, thằng bé sẽ chết. Chúa còn bận ở nơi khác. Wallace nhấp nhổm. - Chúng ta phải làm gì bây giờ? - Kiếm một giấy phép của toà. - Để làm gì? Cô đã mổ người ta rồi mà. - Tôi sẽ chữa lùi lại một ngày. Sẽ chẳng ai nhận ra sự khác biệt đâu. - Lạy Chúa. - Ông ta vò đầu. - Chuyện này có thể làm tôi mất việc. Paige nhìn ông một lúc lâu, rồi bỏ đi. - Paige? Cô dừng lại. - Cô hứa từ sau sẽ không làm như thế nữa chử? - Tôi sẽ chỉ làm khi buộc phải như vậy. Paige trấn an ông ta. Chương 13 Tất cả các bệnh viện dường như đều không tránh khỏi bị ăn trộm thuốc. Theo luật, mỗi lần thuốc gây mê được lấy đi khỏi tủ thuốc đều phải kèm theo chữ ký, nhưng dù sự kiểm soát có nghiêm ngặt đến đâu, dân nghiện ma tuý hầu như bao giờ cũng vượt qua trót lọt. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn ở bệnh viện Embarcadero Country. Margaret Spencer tới gặp Ben Wallace. - Tôi không biết phải làm gì, thưa bác sĩ. Fentanyl của chúng ta vẫn đang biến mất một cách bí hiểm. Fentanyl là một loại thuốc mê có tính gây nghiện cao. - Mất nhiều không? - Một số lượng lớn. Nếu chỉ là một lần và một vài lọ thì còn có thể giải thích được nhưng đây lại xảy ra thường xuyên. Mỗi tuần có hơn một tá lọ biến mất. - Bà có nghi cho ai không? - Không, thưa bác sĩ. Tôi đã nói với bộ phận an ninh. Họ cũng bối rối lắm. - Những ai được phép tới tủ thuốc? - Đó chính là vấn đề. Hầu hết các bác sĩ gây mê đều được lấy thuốc khá tự do ; và cả phần lớn y tá và bác sĩ phẫu thuật. Wallace đăm chiêu. - Cám ơn bà đã đến gặp tôi. Tôi sẽ lo chuyện này. - Cám ơn bác sĩ. - Y tá Spencer đi ra. Ta không cần chuyện đó vào lúc này, Wallace bực bội nghĩ. Cuộc họp của ban lãnh đạo bệnh viện sắp tới gần và với ba vấn đề phải giải quyết đã là quá đủ. Ben Wallace biết rõ con số thống kê. Hơn một phần mười bác sĩ ở Hợp chủng quốc đã mắc nghiện, không lúc này thì lúc khác, không ma tuý thì các chất có cồn. Việc lấy thuốc dễ dàng đã cám dỗ họ. Đối với một bác sĩ, thật đơn giản khi mở tủ, lấy ra thử thuốc mình muốn, dùng ga rô và xi lanh tự tiêm cho mình. Một con nghiện thường cần được tiêm chích hai tiếng một lần. Bây giờ chuyện đó đang xảy ra ở bệnh viện của ông. Phải làm một cái gì đó trước khi ban lãnh đạo họp. Nó sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình. Ben Wallace không dám chắc có thể tin tưởng vào ai đó hòng giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông phải thận trọng. Ông tự hỏi có nên cho bác sĩ Taylor hay bác sĩ Hunter tham gia vào không. Sau một hồi lâu suy tính, ông quyết định sử dụng họ. Ông cho gọi hai người đến. - Tôi có việc cần nhờ cậy các cô. - Ông vào cuộc ngay và giải thích về chuyện mất Fentanyl. - Tôi muốn các cô trông chừng, nếu có bác sĩ nào bỏ ra ngoài đang giữa ca phẫu thuật hoặc có bất cứ dấu hiệu lên cơn nghiện nào, mong các cô hãy thông báo cho tôi biết. Hãy phát hiện những thay đổi trong tính cách người quen biết của mình: phiền muộn hoặc tâm trạng thất thường, đến chậm giờ hoặc bỏ ra ngoài. Tôi sẽ rất cám ơn nếu các cô tuyệt đối giữ bí mật. Khi họ rời văn phòng của Wallace, Kat nói: - Đây là một bệnh viện lớn. Chúng ta sẽ cần đến Sherlock Homes (1). - Không, không cần thiết, - Paige nói buồn bã. - Mình biết người đó là ai rồi. Mitch Campbel nằm trong số các bác sĩ mà Paige ưa thích. Ông khoảng ngoài năm mươi tuổi, tóc muối tiêu luôn vui vẻ, và là một trong những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất bệnh viện. Gần đây, Paige nhận thấy ông luôn luôn đến ca mổ muộn vài phút và có những cơn run rẩy rõ rệt. Ông liên tục dùng Paige làm trợ thủ và thường để cho cô thực hiện phần việc chính trong ca phẫu thuật. Đang giữa ca, tay ông thường run rẩy và ông lại đưa dao mổ cho Paige. - Tôi không được khoẻ, - Ông ấp úng. - Cô làm nốt hộ tôi được không? Và ông bỏ ra ngoài. Paige lo lắng, không hiểu ông mắc bệnh gì. Bây giờ cô mới rõ. Cô cân nhắc xem phải làm gì. Cô hiểu rằng nếu chuyện đó đến tai bác sĩ Wallace, Campbel sẽ bị đuổi việc lập tức và tồi tệ hơn, sự nghiệp của ông sẽ tan tành. Mặt khác, nếu không tỏ thái độ gì, cô sẽ đặt tính mạng của bao bệnh nhân vào vòng nguy hiểm. Có lẽ mình nên nói chuyện với ông ấy, Paige nghĩ. Bảo ông ta rằng mình đã biết, và khẩn nài ông ta đi chữa trị. Cô đem chuyện đó ra bàn với Kat. - Chuyện to đấy, - Kat đồng tình. - Ông ta là một người tốt, một bác sĩ giỏi. Nếu cậu tố cáo, ông ta sẽ tiêu mất, nhưng nếu không, cậu cũng phải nghĩ đến những tác hại mà Campbel có thể gây ra. Cậu nghĩ ông ta sẽ phản ửng thế nào? - Chắc ông ta chối phắt, Kat ạ. Đó là cách thông thường. - Ừ! Chuyện này khó khăn đấy. Hôm sau, Paige được phân công cùng một ca mổ với bác sĩ Campbel. Mình hy vọng mình nhầm, Paige thầm ước. Mong sao ông ấy đừng đến muộn và đừng bỏ ra ngoài trong khi mổ. Campbel đến muộn mười lăm phút và đang giữa ca mổ, ông nói. - Tiếp tục hộ tôi nhé, Paige! Tôi sẽ quay lại ngay. Mình phải nói chuyện với Campbel, Paige quyết định. Mình không thể làm hỏng sự nghiệp của ông ấy. Sáng hôm sau, khi Paige và Honey lái xe vào bãi đậu dành riêng cho bác sĩ, Harry Bowman dừng ngay bên cạnh họ trong chiếc Ferrari đỏ. - Xe đẹp quá, - Honey nói. - Một chiếc như thế này giá bao nhiêu? Bowman cười. - Nếu như đã phải hỏi thì cô sẽ không thể mua nổi đâu. Nhưng Paige không nghe thấy gì, cô chằm chằm nhìn vào chiếc xe, nghĩ tới dãy phòng trên tầng thượng, những bữa tiệc xa hoa và chiếc du thuyền. Tôi tốt phước được một ông bố giỏi giang. Ông để lại cho tôi tất cả gia tài vậy mà Bowman vẫn đi làm ở một bệnh viện tỉnh. Tại sao? Mười phút sau, Paige ở trong phòng nhân sự, nói chuyện với Karen, nhân viên phụ trách hồ sơ. - Cho mình nhờ một chút được không, Karen? Bọn mình biết với nhau thôi nhé, Harry Bowman rủ mình đi chơi nhưng mình có cảm giác hắn đã có vợ. Cho mình liếc qua lý lịch hắn được không? - Được chứ. Mấy tên chó dái ấy, chẳng biết thế nào cho vừa. Chị nói phải đấy, tôi sẽ cho chị xem hồ sơ Karen lục tủ và đưa cho Paige một xấp giấy tở. Paige lướt nhanh. Đơn xin việc của bác sĩ Harry Bowman cho biết anh ta tốt nghiệp một trường đại học nhỏ ở Midwest, vừa học vừa làm để theo đuổi trường y. Anh ta là bác sĩ gây mê. Cha anh ta là thợ cạo. * * * * * Honey Taft là một bí hiểm đối với hầu hết bác sĩ ở bệnh viện Embarcadero Country. Trong các tua sáng, cô tỏ ra thiếu tự tin. Nhưng sang các tua chiều, cô dường như là một người khác. Cô am hiểu từng người bệnh một cách đáng ngạc nhiên, rất chính xác và hiệu quả trong chẩn đoán. Một bác sĩ nội trú năm trên kể với đồng nghiệp về cô. - Quỷ bắt tôi đi nếu mà tôi hiểu được. - Anh ta nói. - Buổi sáng, người ta phàn nàn tới tấp về bác sĩ Taft. Cô ta phạm lỗi liên tục. Anh biết chuyện tiếu lâm về cô y tá làm việc gì cũng hỏng không? Bác sĩ bảo cô ta cho bệnh nhân phòng 4 uống ba viên thuốc, thì cỏ ta lại cho bệnh nhân phòng số 3 uống bốn viên, và khi bác sĩ còn đang than phiền về cô ta thì đã thấy cô ả đang đuổi một bệnh nhân trần như nhộng chạy xuống sảnh, tay lăm lăm một chảo nước sôi. Ông bác sĩ kêu lên: "Trời đất ơi! Tôi bảo cô chích nhọt (2) cho ông ấy cơ mà? Người đồng nghiệp cười phá lên. - Bác sĩ Taft là như vậy đấy. Nhưng tới chiều cô ta lại cực kỳ xuất sắc. Chẩn đoán xác đáng, lý giải tuyệt vời và sắc sảo như quỷ. Hẳn cô ta phải dùng một loại thuốc tiên nào đó chỉ tác dụng vào buổi chiều. Anh ta vò đầu. - Đồ chết tiệt. Bác sĩ Nathan Ritler là một con người mô phạm, sống và làm việc bằng sách vở. Tuy thiếu sự phát sáng tài năng song bù lại, ông ta có tay nghề và lòng tận tuỵ và ông ta chờ đợi những phẩm chất giống như vậy ở những người cộng sự của mình. Honey chẳng may bị phân công vào tốp của ông ta. Trạm dừng đầu tiên là một phòng chữa mười hai bệnh nhân. Một trong số họ vừa ăn xong bữa sáng. Ritler nhìn biểu đồ ở cuối giường bệnh. - Bác sĩ Taft, biểu đồ cho biết đây là bệnh nhân của cô. Honey gật đầu. - Vâng! - Sáng nay ông ta phải chụp phế quản. Honey gật đầu: - Đúng vậy. - Vậy mà cô cho phép người ta ăn? - Bác sĩ Ritler gắt lên. - Trước khi chụp phế quản? Anh chàng tội nghiệp này chưa có gì vào bụng từ lúc… Nathan Ritler quay sang trợ lý của ông ta. - Dừng bữa lại. - Ông ta toan nói điều gì đó với Honey nhưng kìm được. - Đi tiếp. Bệnh nhân tiếp theo là một người Puetorico đang ho sù sụ. Bác sĩ Ritler khám cho anh ta. - Bệnh nhân của ai đây? - Của tôi ạ. - Honey nói. Ông ta cau mày. - Lẽ ra phải chữa viêm cho anh ta rồi chứ, - Ông nhìn biểu đồ, - cô cho anh ta năm mươi miligam Ampicilin, bốn lần trong một ngày? - Đúng vậy! - Không đúng. Sai! Cần phải dùng năm trăm miligam bốn lần một ngày. Cô bỏ sót một con số không. - Tôi xin lỗi, tôi… - Hèn chi bệnh nhân chẳng khá lên chút nào. Tôi muốn sửa lại ngay lập tức. - Vâng, thưa bác sĩ! Khi họ tới chỗ một bệnh nhân khác của Honey, Ritler nóng nảy nói. - Người này đã được chụp ruột kết. Phim X quang của ông ta đâu? - Phim X quang ạ? Ôi, tôi quên không lấy rồi. Ritler chiếu vào Honey một cái nhìn khó hiểu. Buổi sáng trượt xuống dốc từ lúc đó. Bệnh nhân tiếp theo họ nhìn thấy đang rên la, nước mắt giàn giụa. - Tôi đau quá. Tôi bị làm sao thế này? - Chúng tôi không biết, - Honey nói. Bác sĩ Ritler quắc mắt nhìn cô. - Bác sĩ Taft, tôi có thể ra ngoài gặp cô một lát không? Ngoài hành lang ông ta nói. - Không bao giờ, không bao giờ được bảo với người bệnh rằng ta không biết. Chúng ta là người duy nhất mà họ trông cậy, một cách tuyệt đối. Và nếu cô chưa biết câu trả lời thì phải bịa ra mà nói. Cô hiểu chưa? - Như thế thật không phải với… - Tôi không hỏi cô phải hay không phải. Hãy làm theo chỉ dẫn của tôi. Họ khám cho một trường hợp thoát vị đĩa đệm, một bệnh nhân viêm gan, một người mắc bệnh Alzheimer yà hai chục người khác. Ngay khi tua vừa kết thúc, Ritler tới văn phòng Benjamin Wallace. - Chúng tôi có một vấn đề. - Ritler nói. - Gì thế, Nathan. - Về một bác sĩ nội trú ở đây. Honey Taft. - Lại cô ta! - Cô ta làm sao. - Cô ta là một thảm hoạ. - Nhưng cô ta đã có lời giới thiệu tuyệt vời như vậy… - Ben, tốt hơn hết anh nên tống cổ cô ta trước khi bệnh viện thật sự bê bối, trước khi cô ta giết một vài bệnh nhân. Wallace ngẫm nghĩ một lát rồi đi đến quyết định. - Được cô ta sẽ bị đuổi khỏi đây. * * * * * Paige bận với cuộc giải phẫu gần hết buổi sáng. Khi vừa xong việc, cô tới gặp bác sĩ Wallace, kể cho ông ta mối nghi hoặc về Harry Bowman. - Bowman? Cô có chắc không? Ý tôi nói… Tôi không thấy anh ta có biểu hiện nghiện ngập nào. - Anh ta không sử dụng, - Paige giải thích, - anh ta bán đi. Anh ta sống như một triệu phú với đồng ương nội trú. Ben Wallace gật đầu. - Tốt lắm. Tôi sẽ cho kiểm tra. Cám ơn cô, Paige. Wallace cho gọi Bruce Anderson, trưởng ban an ninh của bệnh viện. - Có thể chúng ta đã lần ra tên ăn cắp thuốc, - Wallace dặn. - Tôi muốn cậu phải kiểm soát chặt chẽ bác sĩ Harry Bowman. - Bowman? - Anderson cố giấu nỗi ngạc nhiên. Bác sĩ Bowman thường cho anh em bảo vệ xì gà Cuba và nhưng món quà nhỏ khác. Tất cả họ đều quý mến anh ta. - Nếu anh ta vào kho hãy khám xét khi anh ta trở ra. - Vâng, thưa ông. Harry Bowman đi về phía quầy thuốc. Gã đã đầy ắp đơn đặt hàng. Rất nhiều đơn đặt hàng. Khởi đầu là một sự tình cờ may mắn. Hồi đó, gã làm việc tại một bệnh viện nhỏ ở AmesIowa, sống ngoi ngóp với đồng lương nội trú. Gã lại ưa rượu sâm banh và thích có tiền xài, rồi số phận đã mỉm cười với gã. Một sáng nọ, một bệnh nhân đã được ra viện gọi điện tới cho gã. - Bác sĩ, tôi đau quá. Ông hãy cho tôi thử gì dứt cơn đau đi. - Ông có muốn vào viện lại không? - Tôi không muốn rời khỏi nhà. Ông mang thuốc đến cho tôi được không? Bowman nghĩ một lát. - Thôi được. Tôi sẽ ghé qua trên đường về nhà. Khi đến thăm người bệnh, gã mang cho ông ta một lọ Fentanyl. Bệnh nhân chộp lấy. - Tuyệt vời! - Ông ta nói và rút ra một nắm giấy bạc. - Đây! Bowman nhìn ông ta ngỡ ngàng. - Ông không phải trả tiền cho tôi. - Ông lỡm tôi đấy à? Đây là món vàng. Tôi có khối bạn sẵn sàng trả cho ông cả đống của nếu ông mang thứ này đến cho họ. Bắt đầu là như vậy. Trong vòng hai tháng, Harry Bowman đã kiếm được nhiều tiền hơn cả gã từng mơ ước. Không may, chuyện đến tai giám đốc bệnh viện. Sợ dư luận làm rùm beng, ông ta bảo Bowman nếu chịu ra đi trong yên lặng, sẽ không có gì xuất hiện trên lý lịch của gã. May là mình đã ra đi, Bowman nghĩ. San Francisco là thị trường lớn hơn nhiều. Gã đến tủ thuốc. Bruce Anderson đang đứng bên ngoài. Bowman gật đầu chào anh ta. - Bruce. - Chào bác sĩ Bowman. Năm phút sau, khi Bowman bước ra khỏi quầy thuốc, Anderson nói. - Xin lỗi. Tôi phải khám xét ông. Harry Bowman trừng trừng nhìn anh ta. - Khám xét tôi? Cậu nói gì thế hả, Bruce? - Thưa bác sĩ, tôi xin lỗi. Chúng tôi được lệnh khám xét tất cả mọi người sử dụng tủ thuốc, - Anderson nói dối. Bowman tỏ ra phẫn nộ. - Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện tương tự. Tôi nhất quyết từ chối! - Vậy thì tôi phải đề nghị ông đi với tôi đến phòng bác sĩ Wallace. - Tốt thôi! Ông ấy sẽ nổi giận khi biết chuyện này. Bowman xông vào văn phòng của Wallace. - Có chuyện gì vậy, Ben? Thằng cha này muốn lục soát tôi lạy Chúa? - Và anh từ chối? - Hoàn toàn. - Thôi được. - Wallace vươn tới chỗ điện thoại. - Tôi sẽ để cảnh sát San Francisco làm việc này, nếu anh muốn vậy. - Ông ta bắt đầu bấm số. Bowman hoảng hốt. - Khoan đã nào! Không cần thiết như vậy đâu. - Gã đột nhiên tỏ ra đặc biệt dễ thương. - Ồ, tôi biết tất cả chuyện này là thế nào rồi! - Gã móc tay vào túi và lôi ra một lọ Fentanyl. - Tôi lấy cái này để dùng cho một ca mổ, và… Wallace trầm giọng. - Dốc túi ra. Một vẻ tuyệt vọng lan trên mặt Bowman. - Không có lý do gì… - Dốc túi ra. Hai giờ sau, cơ quan chống ma tuý ở San Francisco đã có bản thú tội có chữ ký và danh sách những người đã mua thuốc của Bowman. Khi Paige biết tin này, cô đến gặp luôn Mitch Campbel. Ông ngồi trong văn phòng, đang nghỉ ngơi. Tay ông đặt trên bàn khi Paige bước vào và cô có thể thấy chúng đang run rẩy. Campbel vội vàng rút tay đặt lên đùi. - Chào Paige. Công việc của cô thế nào? - Tốt, Mitch ạ. Tôi muốn nói chuyện với ông. - Cô ngồi xuống. Cô ngồi xuống, đối diện với ông ta. - Ông bị bệnh Parkinson bao lâu rồi? - Ông ta nhợt nhạt đi. - Cái gì? - Thế đấy. Ông đang cố giấu phải không? Một sự im lặng nặng nề. - Tôi… tôi đúng vậy. Nhưng tôi… tôi không thể bỏ nghề bác sĩ. Tôi… tôi không thể bỏ được. Đó là cả cuộc đời tôi! Paige nhoài người tới trước và nói chân thành. - Ông không phải bỏ nghề, nhưng ông không nên mổ nữa. Campbel bỗng nhiên trông già hẳn. - Tôi biết. Năm sau tôi sẽ bỏ. - Ông cười nhợt nhạt. - Chắc tôi phải bỏ bây giờ thôi, đúng không? Cô hãy nói với bác sĩ Wallace. - Không, - Paige nói nhẹ nhàng. - Ông hãy nói với ông ta. * * * * * Paige đang ăn trưa trong căng tin thì Tom Chang đến ngồi cạnh cô. Mình vừa nghe chuyện, - anh nói. - Bowman! - Thật không thể ngờ được. Cô lắc đầu: - Mình đã suýt nhầm ấy chử. Chang ngồi im lặng. - Cậu không sao chứ, Tom? Cậu muốn nghe mình "Ôkê" hay muốn nghe sự thật? - Chúng ta là bạn. Mình muốn sự thật. - Cuộc hôn nhân của mình đã sa xuống địa ngục. - Mắt anh đột nhiên ướt đẫm. - Sye bỏ đi rồi. Cô ấy đã về nhà. - Mình thật tiếc. - Không phải là lỗi của cô ấy. Bọn mình đã không còn cuộc sống vợ chồng nữa. Sye bảo mình đã cưới cái bệnh viện. Cô ấy nói đúng. Mình tiêu toàn bộ thời gian ở đây, chăm sóc cho những người xa lạ thay vì ở nhà bên những con người mình yêu quý. - Cô ấy sẽ trở lại. Rồi sẽ ổn thôi mà. - Paige an ủi. - Không. Lần này thì không đâu. - Cậu đã nghĩ tới phòng tư vấn hôn nhân, hoặc… - Cô ấy từ chối. - Mình rất tiếc, Tom. Nếu mình có thể làm được gì… Cô nghe thấy tên mình trên loa phóng thanh. - Bác sĩ Taylor, phòng 410… Paige chợt có cảm giác nhói đau. - Mình phải đi đã. - Cô bảo Tom. - Phòng 410. Đó là phòng của Sam Berstein. Ông ta là một trong số bệnh nhân dễ chịu nhất của cô. Một người đàn ông bảy mươi tuổi, nhã nhặn, được đưa vào viện với bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân vào đây luôn mồm ca thán, nhưng Sam Berstein là một ngoại lệ. Paige khâm phục sự dũng cảm và lòng tự trọng của ông. Ông có vợ cùng hai con trai lớn, đến thăm thường xuyên và cô cũng đâm ra mến họ. - Ông dùng thiết bị nhân tạo với dòng chữ DNR (3) "Yêu cầu không cấp cứu nếu tim ngừng đập". Khi Paige đến phòng 410, một y tá đang ở bên giường Berstein. Cô ta ngẩng lên khi Paige bước vào. - Ông ấy đi rồi, bác sĩ. Em không làm động tác cấp cứu bởi vì… - giọng cô ta nhỏ dần. - Cô đã làm đúng, - Paige nói chậm rãi. - Cám ơn! - Em có thể làm được gì? - Không. Cứ để tôi lo liệu. - Paige cúi nhìn thi thể của một con người đã từng cười, từng sống, một con người đã có gia đình, bè bạn, suốt một đời lao động và chăm sóc những người mình yêu. Còn bây giờ… Cô lại chỗ ngăn kéo, nơi ông để các vật dụng riêng. Một chiếc đồng hồ rẻ tiền, một xâu chìa khoá, mười lăm đô-la, bộ răng giả và một bức thư gửi cho vợ. Tất cả những gì còn lại của một đời người. Paige không thể xua tan đi tâm trạng buồn nản đeo đẳng lấy cô. - Ông già thật dễ thương. Tại sao…? - Paige, cậu không thể gắn bó tình cảm với bệnh nhân như vậy, Kat nói. - Điều đó sẽ huỷ hoại cậu. - Mình biết. Cậu nói đúng, Kat. Nhưng mà vậy đấy. Thật quá nhanh. Sáng nay mình còn nói chuyện với ông ấy. Ngày mai đã đưa tang ông ấy rồi. - Cậu không định đi đấy chứ? - Không. Đám tang diễn ra trên vùng đồi nghĩa trang. Theo đạo Do Thái, lễ mai táng phải được tiến hành càng sớm càng tốt, và thường được ấn định vào ngày hôm sau. Thi thể Sam Berstein được mặc takhrikhim, một chiếc áo thụng trắng và được đặt trong talit. Thân nhân đứng xung quanh huyệt. Vị giáo sĩ cầu nguyện: Hamakom ynathaim etkhem b tokh shảr availai tzyon veeyerushalayim. Người đàn ông đứng bên cạnh Paige thấy vẻ bối rối trên khuôn mặt cô, liền dịch: Cầu Chúa cho người yên nghỉ với tất cả lời than khóc của zion và Jerusalem. Trước sự kinh ngạc của Paige, những người trong gia đình bắt đầu giằng xé quần áo của họ khi đang tụng kinh. Baruch ata adonai elohainu melech haolam dayan ha-emet. Đó là để tỏ lòng kính trọng, - người đàn ông thầm thì "Từ cát bụi người trở về cát bụi, nhưng linh hồn Chúa ban sẽ về bên Chúa đời đời". Tang lễ kết thúc. Sáng hôm sau, Kat gặp Honey trong hành lang. Honey trông có vẻ lo lắng. - Có chuyện gì thế? - Kat hỏi. - Bác sĩ Wallace cho gọi mình, hẹn mình hai giờ đến văn phòng ông ta. - Cậu biết lý do không? - Mình nghĩ mình hơi bê bối trong tua trực ngày hôm kia. Bác sĩ Ritler là một con quái vật. - Có thể lắm. - Kat nói. - Nhưng mình tin mọi việc rồi sẽ ổn thôi. - Hy vọng thế. Mình có dự cảm chẳng lành. Đúng hai giờ, cô có mặt ở văn phòng của Benjamin Wallace, mang theo một lọ mật ong nhỏ trong xắc. Nhân viên tiếp đón đã đi ăn trưa. Cửa phòng bác sĩ Wallace mở rộng. - Mời vào, bác sĩ Taft. - Ông ta nói. Honey bước vào văn phòng. - Phiền cô đóng cửa lại. Honey đóng cửa. - Mời cô ngồi. Honey ngồi đối diện với ông ta. Cô gần như run rẩy. Benjamin Wallace cứ đề mặc cho cô run thật lâu. Ông ta nhìn cô và nghĩ: Chẳng khác gì một con chó cún. Nhưng việc gì cần làm thì phải làm thôi. - Tôi e rằng tôi có một tin xấu cho cô, - Ông ta nói. Một giờ sau, Honey gặp Kat ở phòng tắm nắng. Cô buông mình xuống chiếc ghế bên cạnh bạn, mỉm cười. - Cậu đã gặp bác sĩ Wallace chưa? - Kat hỏi. Gặp rồi. Chúng tôi có một cuộc trò chuyện thật lâu. Cậu có biết ông ta bị vợ bỏ từ tháng Chín năm ngoái không? Họ đã lấy nhau mười lăm năm. Ông ta có hai đứa con lớn nhưng hầu như không bao giờ được gặp. Khốn khổ! Ông ta thật cô đơn. Chú thích: (1) Thám tử lừng danh trong các tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Anh Arthur Conan Doyle (1859-1930). (2) Trong tiếng Anh, từ "mụn nhọt" và "nước sôi" đều là "boil". (3) viết tắt của câu: Do not resseitate. Chương 14 Một giao nữa nữa lại trôi đi. Paige, Kat và Honey đều đón năm 1994 tại bệnh viện. Dường như với họ cuộc sống không có gì thay đổi ngoại trừ tên của các bệnh nhân. Khi Paige băng qua bãi đậu xe, cô nhớ đến Harry Bowman và chiếc Ferrari đỏ. Bao nhiêu cuộc đời đã bị huỷ hoại bởi độc dược mà anh ta bán ra? Cô tự hỏi. Ma tuý thật mê hoặc. Và kết cục, là chết chóc. Jimmy Ford xuất hiện với một bó hoa nhỏ dành cho Paige. - Nhân dịp gì thế, Jimmy? Anh chàng đỏ mặt: - Tôi chỉ muốn tặng chị. Chị biết tôi sắp cưới vợ chưa? - Chưa! Thật tuyệt vời. Cô nàng may mắn ấy là ai? - Tên cô ấy là Betsy, làm ở cửa hàng bán quần áo Chúng tôi sẽ có một tá con. Con gái đầu lòng sẽ được đặt tên Paige. Hy vọng chị không phản đối. - Phản đối ư? Tôi hãnh diện thì có. Jimmy ngượng ngùng. - Chị đã nghe chuyện một bác sĩ cho bệnh nhân của ông ta hai tuần để sống chưa? "Tôi không thể trả tiền cho ông ngay bây giờ", người bệnh nói. "Thôi được, tôi cho anh thêm hai tuần nữa". Bác sĩ quyết định. Và Jimmy lại biến đi. Paige thấy lo cho Tom Chang. Tâm trạng anh dao động dữ dội, từ phởn phơ sang buồn thảm. Một buổi sáng, trong khi trò chuyện với Paige, anh nói: - Bạn có nhận thấy mọi người ở đây sẽ chết sạch nếu thiếu chúng ta không? Chúng ta có thần năng vá víu cơ thể họ và làm cho họ nguyên vẹn như cũ. Và sáng hôm sau: - Tất cả chúng ta đang tự phỉnh mình, Paige ạ. Không có chúng ta bệnh nhân còn chóng bình phục hơn. Chúng ta là những kẻ đạo đức rởm, luôn làm ra vẻ có mọi câu trả lời. Không đâu! Paige quan sát anh giây lát: - Cậu có tin tức gì của Sye không? - Hôm qua mình vừa nói chuyện với Sye. Cô ấy sẽ không quay lại. Cô ấy nhất quyết ly hôn. Paige nắm lấy cánh tay anh. - Mình rất tiếc, Tom. Anh nhún vai. - Tại sao? Điều đó chẳng bận gì đến mình: Không một chút nào nữa. Mình sẽ kiếm một người đàn bà khác. -Anh nhe răng cười.- Và có một đứa con khác. Rồi cậu xem. Có một cái gì không thực trong những lời nói đó. Đêm ấy Paige nói chuyện với Kat: - Mình thấy lo ngại cho Tom Chang. Gần đây cậu có nói chuyện với Tom không? - Có. - Cậu thấy Tom có vẻ bình thường không? - Với mình thì chẳng có thằng đàn ông nào coi bộ bình thường hết. Paige vẫn áy náy không yên. - Tối mai bọn mình mời Tom đi ăn chung nhé. - Được thôi. Sáng hôm sau, khi Paige đến bệnh viện, cô được chào đón bằng cái tin một người gác cổng đã tìm thấy xác Tom Chang ở dưới tầng hầm chứa thiết bị. Anh chết do uống thuốc ngủ quá liều. Paige vật vã: - Lẽ ra tôi phải cứu Tom. - Cô khóc nức lên.- Anh ấy đã cầu cứu nhưng tôi không hiểu. - Cậu không cách gì giúp được Tom đâu, Paige! - Kat nói quả quyết.- Cậu không phải là vấn đề, và càng không phải là giải pháp. Tom không thể sống thiếu vợ con. Đơn giản có vậy thôi. Paige quệt nước mắt. - Khốn kiếp cái nơi này! Nếu nó không vắt kiệt thời gian của người ta như vậy thì vợ Tom đã chẳng bỏ đi. - Nhưng cô ta đã bỏ đi. -Kat nhẹ nhàng nói.- Chuyện đã qua rồi. Trước đây Paige chưa bao giờ dự tang lễ của người Hoa. Đó là một cảnh tượng kỳ lạ. Từ sáng sớm, một đám đông đã tụ tập bên ngoài Nhà Vĩnh biệt trên đường Green ở khu phố Tàu. Đám rước được hình thành, với một ban kèn lớn, và ở đầu đám rước, người chịu tang bưng một tấm ảnh đồ sộ của Tom Chang. Cuộc diễu hành bắt đầu trong tiếng kèn thê thảm, vòng qua khắp các đường phố của San Francisco, xe chở quan tài đi sau chót. Phần lớn người đưa ma đều đi bộ, những người già cả thì ngồi ô tô. Paige có cảm tưởng như đoàn người đi vòng quanh vô định. Cô bối rối. - Chúng ta đi đâu thế? -Cô hỏi một người đi bên. Ông ta hơi cúi mình và đáp: - Phong tục của chúng tôi là đưa người quá cố đi qua một số nơi có ý nghĩa với cuộc đời anh ta: tiệm ăn, cửa hàng, những chỗ anh ta thường lui tới… - Tôi hiểu. Cuộc diễu hành chấm dứt trước cổng bệnh viện Embarrcadero Country. Người đi bên quay sang Paige, giải thích. - Đây là nơi Tom Chang từng làm việc. Nơi anh ta đã tìm thấy hạnh phúc của mình. - Không đúng, Paige nghĩ. Đây là nơi Tom đã mất đi hạnh phúc. Một buổi sáng, đang đi dọc đường Market, Paige nhìn thấy Alfred Turner. Tim cô đập mạnh. Cô không sao quên được chàng. Chàng bước qua đường khi đèn xanh bật sáng. Còn lúc Paige tới được ngã tư thì đèn đã đổi sang màu đỏ. Mặc kệ, cô cứ băng qua, bỏ ngoài tai những tiếng ô tô rú và tiếng kêu thất thanh của những người đi xe máy. Paige đã sang hè phố bên kia và lao đến bắt kịp người đàn ông. Cô nắm lấy tay áo chàng. - Alfred… Người đàn ông quay lại. - Xin lỗi. Đó là một người lạ hoàn toàn. Giờ đây khi Paige và Kat đã sang năm thứ tư nội trú, họ được tiến hành phẫu thuật khá thường xuyên. Kat làm việc với các nhà phẫu thuật thần kinh, và cô không bao giờ hết ngạc nhiên trước tổ hợp hàng trăm tỷ máy tính được gọi là nơ-ron chứa trong hộp sọ. Công việc thật lý thú. Kat cảm phục các bác sĩ đồng nghiệp của cô. Họ là những phẫu thuật gia tài tình, xuất sắc. Nhưng một số bác sĩ đã gây khó khăn cho cô. Họ tìm đủ mọi cách hẹn hò với cô, và càng từ chối, cô càng trở nên một thách thức đối với họ. Một lần cô nghe một bác sĩ lẩm bẩm: - Xi líp sắp lại đến kìa. Trong một ca phẫu thuật não, cô phụ mổ cho bác sĩ Kibler. Vỏ não đã được mở bằng một đường rạch nhỏ xíu, bác sĩ Kibler đẩy canun cao su vào não thất bên trái trong khi Kat nong vết rạch bằng một cái panh nhỏ. Cô tập trung toàn bộ vào những gì đang diễn ra. Bác sĩ Kibler liếc nhìn Kat, vừa làm, ông ta vừa nói: - Có một câu chuyện như thế này: Một tên sâu rượu lảo đảo đi vào quày bar và nói: "Cho tao một ly mau!" - "Không được", chủ quán đáp, "anh đã say rồi". Chiếc cưa điện cứa vào sâu hơn. - Mày không cho tao uống, tao chết bây giờ. - Gã say rượu hét. Dịch nào tuỷ tràn ra ngoài canun. - Thế này vậy, - chủ quán nói. - Có ba việc tôi muốn giải quyết. Nếu anh làm được, tôi sẽ khao anh một chầu. Trong khi ông ta kể, mười lăm mililít không khí được tiêm vào não thất, và hình chụp X quang thể hiện mặt trước - sau và mặt cắt của não. "Thấy tay cầu thủ bóng chày ngồi trong góc kia không? Tôi không sao đuổi hắn ra khỏi đây được. Anh tống cổ nó ra hộ tôi. Sau nữa, tôi có nuôi một con cá sấu trong phòng. Nó bị đau răng. Nó cáu bẳn đến nỗi bác sĩ thú y cũng chẳng dám mon men đến gần. Sau hết, có con mụ bác sĩ trên Bộ Y tế xuống định đóng cửa quán này. Anh hãy cưỡi mụ ta!". Y tá chính đang hút bớt lượng máu trong khu vực. "Tên sâu rượu đá đít gã cầu thủ ra ngoài, và lần đến phòng có nuôi cá sấu. Mười lăm phút sau hắn trở ra, máu me be bét, quần áo tả tơi, và hắn hỏi, "Con mụ bác sĩ đau răng đâu rồi? Bác sĩ Kibler cười rộ lên. - Cô có hiểu không? Hắn cưỡi con cá sấu thay vì ả bác sĩ. Chắc là khoái hơn nhiều. Kat đứng im, căm giận, chỉ muốn vả vào mặt lão. Sau ca mổ Kat trở về phòng trực, cố xua đi nỗi uất ức. Mình sẽ không để cho mấy gã con hoang đó đốn ngã mình. Không thể! Thỉnh thoảng Paige cũng đi lại với một vài bác sĩ trong bệnh viện, nhưng cô tránh gắn bó tình cảm với bất kỳ ai. Alfred Turner đã làm tổn thương cô quá nặng, và cô quyết không bao giờ đi qua cái cửa ải ấy một lần nữa. Hầu như toàn bộ ngày và đêm của cô trôi qua trong bệnh viện. Công việc mệt nhoài, nhưng Paige đã chính thức được mổ chính mà cô thấy hứng thú. Một buổi sáng, George Englund, chủ nhiệm khoa phẫu thuật gọi cô lên. - Năm nay cô bắt đầu chuyên khoa của mình. Phẫu thuật tim mạch. Cô gật đầu: - Thưa, vâng! Tôi có một ưu đãi dành cho cô. Cô đã nghe tiếng bác sĩ Barker chưa? Paige nhìn ông ta, ngạc nhiên. - Bác sĩ Lawrence Barker? - Phải. - Tất nhiên. - Mọi người đều biết Lawrence Barker. Ông là một trong những nhà phẫu thuật tim mạch nổi tiếng nhất thế giới ông ấy vừa từ Ả rập Xê út về tuần trước, sau khi mổ cho đức vua. Bác sĩ Barker là bạn cũ của tôi, và ông đồng ý dành cho bệnh viện chúng ta mỗi tuần ba ngày. - Tuyệt quá! - Paige thốt lên. - Tôi gửi cô vào tốp của ông ấy. Trong một thoáng, Paige không nói lên lời. - Tôi… tôi không biết nói gì. Tôi rất cám ơn bác sĩ. - Đây là cơ hội tuyệt vời cho cô. Cô có thể học được rất nhiều từ ông ấy. - Chắc chắn rồi. Cám ơn George. Tôi thực sự biết ơn ông. - Sáu giờ sáng mai tua của cô với bác sĩ Barker bắt đầu. - Tôi mong đến lúc ấy. "Tôi mong đến lúc ấy" là một câu quá tầm thường. Đúng hơn, được làm việc với một người như bác sĩ Lawrence Barker là giấc mơ của Paige. Một người như bác sĩ Lawrence Barker là thê nào! Chỉ có duy nhất một bác sĩ Lawrence Barker mà thôi. Cô chưa bao giờ thấy ông, nhưng cô có thể mường tượng ra một hình ảnh. Hẳn ông phải cao lớn, đẹp trai, với mái tóc hoa râm và đôi bàn tay thon thả, khéo léo. Một người đàn ông thân mật và nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ làm việc gần gũi bên nhau, Paige nghĩ, và mình sẽ làm cho ông không thể thiêú mình được. - Không biết ông đã có vợ chưa nhỉ? Đêm đó, một giấc mơ rạo rực đến với Paige. Họ tiến hành một ca mổ, cùng trần truồng. Đang giữa ca, Barker nói: "Anh muốn em". Một y tá mang bệnh nhân ra khỏi bàn mổ, bác sĩ Barker bế Paige nằm lên đó và làm tmh với cô. Paige choàng dậy, ngã lăn ra khỏi giường. Sáu giờ sáng hôm sau, Paige đang hồi hộp chờ đợi trên hành lang tầng hai cùng với Joel Philips, bác sĩ nội trú năm trên và năm bác sĩ nội trú khác thì một người đàn ông thấp lùn, bộ mặt càu cạu hùng hổ tiến về phía họ. Người ông ta chúi về phía trước như đang chống chọi với một cơn gió lớn. - Ông ta tiến lại gần nhóm bác sĩ. Còn đứng đực ra đấy làm gì? Đi! Mất một lát Paige mới lấy lại bình tĩnh. Cô hấp tấp đuổi theo cả nhóm. Trong khi họ đi dọc hành lang, người đàn ông thấp lùn lầu bầu. - Các anh chị phải chăm sóc ba mươi đến ba nhăm bệnh nhân mỗi ngày. Tôi yêu cầu các anh chị phải ghi chép cụ thể về từng người một. Rõ chưa? Tiếng lẩm bẩm đáp lại: - Rõ, thưa ngài. Họ đã đến phòng bệnh số 1. Người đàn ông thấp lùn bước tới giường một bệnh nhân khoảng bốn mươi tuổi. Giọng cộc cằn và cung cách đe doạ của ông ta thay đổi tức khắc. Ông nhẹ nhàng chạm vào vai người bệnh và mỉm cười. - Chúc buồi sáng tốt lành. Tôi là bác sĩ Barker. - Chào bác sĩ. - Ông cảm thấy trong người thế nào? - Tôi thấy tức ngực. Barker nghiên cứu biểu đồ ở chân giường rồi quay sang bác sĩ Philips. - Hình chụp X quang có cho thấy gì không? - Không có gì thay đổi. Ông ấy đang hồi phục tốt. - Làm một CBC khác. Philips ghi lại. Barker vỗ vào cánh tay người đàn ông và mỉm cười. - Có vẻ tốt đấy. Một tuần nữa chúng tôi sẽ cho ông xuất viện. - Ông quay sang đám nội trú, gắt, - Nhấc chân lên! Chúng ta phải khám nhiều bệnh nhân nữa. Bệnh nhân tiếp theo là một bà béo phị đang phải dùng máy điều hoà nhịp tim. Barker xem xét biều đồ. - Chào bà Shelby. - Giọng ông vỗ vể.- Tôi là bác sĩ Barker. - Ông còn giữ tôi ở đây bao lâu nữa? - Bà quyến rũ lắm. Tôi chỉ muốn giữ bà ở đây mãi mãi, nhưng tôi có vợ mất rồi. Bà Shelby cười rinh rích. - Vợ ông thật là một người phụ nữ may mắn. Barker kiểm tra biểu đồ của bà ta một lần nữa. - Có thể nói bà sắp được về nhà rồi. - Tuyệt quá. - Tôi sẽ ghé thăm bà chiều nay. Lawrence Barker quay sang đám nội trú. - Đi tiếp! Họ ngoan ngoãn theo ông đến một phòng bán đơn, trong đó có một cậu bé người Guatemala nằm trên giường vây quanh là cả gia đình đang lo lắng. - Xin chào! - Bác sĩ nói trìu mến. Ông liếc qua biểu đồ. - Sáng nay cậu cảm thấy thế nào? Cháu cảm thấy khoẻ, thưa bác sĩ. Barker quay sang Philips. - Điện tâm đồ có gì thay đổi không? - Không, thưa bác sĩ. - Thế thì tốt. - Ông vỗ lên cánh tay cậu bé.- Cậu chịu khó nhé, Juan. - Con trai tôi sẽ khỏi chứ ạ? - Bà mẹ hỏi, lo âu. Bác sĩ Barker mỉm cười. - Chúng tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình. - Cám ơn bác sĩ. Barker bước ra ngoài hành lang, mọi người bám theo. Ông dừng lại. - Bệnh nhân bị bệnh cơ tim, sốt, run rẩy từng cơn, đau đầu và phù cục bộ. Anh chị nào có giỏi thử cho tôi biết nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh này là gì? Im lặng, Paige nói ngập ngừng. - Tôi nghĩ đây là bệnh bẩm sinh… di truyền. Barker nhìn cô và gật đầu khích lệ. Sung sướng, Paige nói tiếp. Nó bỏ qua… - Cô nói chậm rãi để cố nhớ lại - Nó bỏ qua một thế hệ và di truyền theo gen mẹ.- Cô ngừng lại, thầm tự khen mình. Bác sĩ Barker gườm gườm nhìn cô. - Cứt ngựa! Đó là bệnh Chagas. Chỉ có dân Mỹ Latinh mới mắc bệnh này. - Ông nhìn Paige miệt thị.- Lạy Chúa! Ai bảo rằng cô là một bác sĩ nhỉ? Mặt Paige đỏ tía lên. Phần còn lại của buổi hôm đó là một màn sương đối với Paige. Họ khám cho hai mươi tư bệnh nhân và Paige có cảm giác như bác sĩ Barker dành cả buổi sáng này để cố làm cho cô bẽ mặt. Ông ta luôn luôn chĩa câu hỏi vào cô, kiểm tra, vặn vẹo. Khi cô nói đúng, ông ta chẳng khen được một lời. Nhưng hễ cô sai là ông ta quát tháo. Trong một lúc nhầm lẫn của cô Barker gầm lên: "Tôi sẽ không cho phép cô mổ ngay cả một con chó!". Cuối cùng, cuộc đi tua cũng kết thúc. Philips, bác sĩ nội trú năm trên nói: - Hai giờ chúng ta sẽ lại bắt đầu vòng tua chiều. Mang theo sổ trực, ghi chép từng bệnh nhân, và đừng quên điều gì đấy. Anh ta nhìn Paige ái ngại, định nói điều gì đó, nhưng rồi quay đi, đuổi theo bác sĩ Barker. - Mình không bao giờ muốn gặp lại lão điên này nữa, Paige nghĩ. Hôm sau, Paige phải trực đêm. Cô chạy hết ca này sang ca nọ, cuống cuồng tìm cách ngăn chặn cơn lũ thảm hoạ tràn vào phòng cấp cứu. Một giờ sáng, cuối cùng cô cũng thiếp được đi. Cô không nghe thấy tiếng còi rú khi một chiếc xe cứu thương ập tới trước cổng bệnh viện. Hai cô hộ lý mở tung cửa xe, chuyển bệnh nhân bất tỉnh từ cáng sang xe đẩy và hối hả lăn vào Phòng cấp cứu số 1. Một y tá chạy bên cạnh bệnh nhân, y tá thứ hai đợi trên cầu thang dốc. Sáu mươi giây sau, người bệnh được chuyển từ xe đẩy sang bên bàn kiểm tra. Đó là một người đàn ông trẻ, máu me ngập ngụa đến nỗi khó mà nói nổi anh ta giống cái gì. Một y tá bắt tay vào việc, cắt mở quần áo tả tơi khỏi người anh ta bằng một chiếc kéo lớn. Dập nát mọi nơi. Anh ta chảy máu như lợn bị chọc tiết. - Không sờ thấy mạch nữa. - Ai trực? - Bác sĩ Taylor. - Gọi gấp. Nếu chị ấy đến kịp, may ra anh ta còn sống. Paige choàng tỉnh trong tiếng chuông điện thoại. - A lô… - Bác sĩ Taylor, cấp cứu ở Phòng số 1. Tôi nghĩ anh ta không qua nổi. Paige ngồi dậy trên chiếc giưòng đơn. - Được. Tôi đến ngay đây. Cô nhìn đồng hồ đeo tay: 1h30 sáng. Cô xuống khỏi giường và lần ra thang máy. Một phút sau, cô bước vào Phòng cấp cứu số 1. Ở giữa phòng, trên chiếc bàn khám là một bệnh nhân mình mẩy đẫm máu. - Cái gì thế này? - Paige hỏi. - Tai nạn xe máy. Bị xe tải đâm. Anh ta không đội mũ bảo hiểm. - Paige đến bên cái thân hình bất động, và trước cả khi nhìn thấy mặt người đó, cô đã biết là ai. Cô tỉnh hẳn: - Nối ba đường vào tĩnh mạch! Cho thở ô xy. Gứi máu đến đây, stat. Gọi Phòng Nhân sự để biết nhóm máu của bệnh nhân. Y tá nhìn cô ngạc nhiên. - Chị biết người này? - Phải. - Cô gắng gượng thốt lên. - Anh ta là Jimmy Ford. Paige sờ tay lên da đầu Jimmy. - Sưng nặng. Cho chụp X quang và làm scan đầu. - Chúng ta sẽ băng cố định. Tôi muốn anh ta sống? - Vâng, thưa bác sĩ! Paige vật lộn suốt hai tiếng đồng hồ để làm tất cả những gì có thể cho Jimmy Ford. X quang cho thấy sương sọ bị dập, não chấn thương, xương cánh tay gẫy và vô số chỗ rách nát. Nhưng tất cả những cái đó phải chờ đến khi bệnh nhân ổn định lại mới xử lý được. 3h30 sáng, Jimmy đã thở đều, mạch tốt hơn. Paige cúi nhìn thân hình bất động của anh ta. Chúng tôi sẽ có nửa tá con. Con gái đầu lòng sẽ được đặt tên Paige. Hy vọng chị không phản đối. - Nếu có bất cứ biến chuyển nào, hãy gọi tôi. - Paige nói. - Bác sĩ đừng lo, - một y tá nói. - Chúng tôi sẽ quan tâm hết sức. Paige trở vè phòng trực. Mệt rã rời, nhưng vì quá lo lắng cho Jimmy, cô không sao ngủ được. Chuông điện thoại lại réo. Cô chỉ còn đủ sức để nhấc ống nghe. - Alô. - Bác sĩ, lên tầng ba ngay. Stat. Một bệnh nhân của bác sĩ Barker bị nhồi máu cơ tim. - Tôi đến đây. - Paige nói. Một bệnh nhân của Barker, Paige hít một hơi sâu, lảo đảo ra khỏi giường, vã nước lạnh lên mặt và chạy lên tầng ba. Một y tá đang đợi bên ngoài một phòng bệnh cá nhân. - Đó là bà Hearns. Hình như bà ta lại lên một cơn tai biến tim nữa. Paige bước vào phòng. Hearns là một người đàn bà khoảng năm mươi tuổi. Mặt bà vẫn còn lưu những dấu tích của sắc đẹp một thời nhưng cơ thể béo phì và phù thũng. Bà ta ôm lấy ngực, rên rỉ. - Tôi chết mất, tôi chết mất thôi. Tôi không thở được. - Bà sẽ khoẻ thôi, - Paige trấn an. Cô quay sang y tá - Làm điện tâm đồ chưa? - Bà ta không cho tôi chạm vào người. Bà ta hoảng quá. - Chúng tôi phải làm điện tâm đồ, - Paige nói. - Không? Tôi không muốn chết. Xin bác sĩ đừng để cho tôi chết… Paige bảo y tá: - Hãy gọi bác sĩ Barker. Yêu cầu ông ta đến ngay. Cô y tá chạy đi. Paige áp ống nghe lên ngực bà Hearns. Nhịp tim có vẻ bình thường nhưng Paige không dám mạo hiểm thêm một lần nào nữa. - Bác sĩ Barker sẽ đến đây trong vài phút, - cô bảo bà Hearns. - Bà cố bình tĩnh lại đi. - Tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ thế này. Ngực tôi nặng như đeo đá. Xin đừng bỏ tôi. - Tôi sẽ không bỏ bà. - Paige hứa. Trong khi chờ đợi bác sĩ Barker, Paige gọi điện sang bộ phận theo dõi tăng cường, Jimmy chưa có gì biến chuyển. Anh ta vẫn hôn mê. Ba mươi phút sau, bác sĩ Barker xuất hiện. Rõ ràng là ông ta mặc vội quần áo. - Chuyện gì vậy? - Ông ta hỏi. - Tôi nghĩ bà Hearns lại lên một cơn suy tim nữa. - Paige nói. Barker tiến lại giường bệnh. - Cô làm điện tâm đồ chưa? - Bà ta không cho làm. - Mạch? - Bình thường. Không sốt. Barker áp tai nghe vào lưng bà Hearns. - Thở sâu nào. Bà ta làm theo. - Lại lần nữa. Bà Hearns ợ lên một tiếng. - Xin lỗi. - Bà ta mỉm cười. - Bây giờ thì khá hơn rồi. Bác sĩ Barker nhìn bà ta chăm chú. - Bữa tối bà ăn gì, bà Hearns? - Bánh mỳ kẹp thịt băm. - Chỉ có vậy thôi? Một suất? - Hai. - Còn gì nữa không? - À hành và chả cá Pháp. - Và đồ uống? Một ly sữa sôcôla. Bác sĩ Barker cúi nhìn người bệnh. - Tim bà vẫn tốt. Khẩu vị của bà mới là chuyện đáng lo. - Ông ta quay sang Paige. - Trường hợp cô nhìn thấy đây là một ca ợ nóng. Thưa cô bác sĩ, tôi muốn gặp cô ngoài kia! Họ đã ra hành lang, ông ta rít lên. - Ở trường y người ta dậy cô cái chết tiệt gì hả? Cô không phân biệt nổi sự khác nhau giữa chửng ợ nóng và một cơn tai biến tim à? - Tôi nghĩ… - Vấn đề là cô cóc thèm suy nghĩ! Nếu đang đêm cô còn dựng tôi dậy vì chứng ợ một lần nữa, tôi sẽ phát vào mông cô đấy. Hiểu chưa. Paige đứng thẳng đuỗn, mắt đanh lại. - Cho bệnh nhân thuốc chữa khó tiêu, thưa bà bác sĩ Lawrence Barker nói châm chọc, - bà sẽ thấy bệnh nhân khỏi ngay. Hẹn gặp lại vào tua 6h sáng. Paige nhìn ông ta bỏ đi, chân nện thình thịch. Khi Paige loạng choạng trở về phòng trực, cô nghĩ. Mình sẽ giết Lawrence Barker. Thật từ từ, chậm chạp. Lão sẽ ốm đọa ra. Lão sẽ phải nối chằng chịt các loại ông lên người. Lão sẽ phải van xin mình giải thoát. Nhưng đừng hòng. Mình sẽ để cho lão chịu đau đớn, khốn khổ và khi nào lão khoẻ hơn… mình sẽ giết lão! Chương 15 Paige vẫn phải đi tua sáng với "Hung thần", tên cô thầm gán cho bác sĩ Barker. Cô đã phụ mổ cho ông ba lần, và dù có mặc cảm thù ghét, cô vẫn không thể không thán phục trước tài năng kỳ lạ của ông ta. Trong nỗi kính sợ, cô nhìn ông ta mở lồng ngực bệnh nhân, khéo léo thay quả tim già nua bằng một quả tim khoẻ mạnh, và khâu lại. Ca phẫu thuật ít ra phải năm tiếng đồng hồ. Một vài tuần nữa thôi, người bệnh này sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Hèn chi các phẫu thuật gia nghĩ mình là Chúa. Họ đã mang người chết trở lại với cuộc sống. Đôi khi, Paige nhìn thấy một quả tim ngừng đập và biến thành một cục thịt bình thường. Và rồi phép mầu xuất hiện, cái cơ quan bất động đó lại bắt đầu co bóp và đẩy máu đi khắp cơ thể đang hấp hối. Một buổi sáng có ca phẫu thuật lồng động mạch chủ. Paige được phân công phụ mổ cho bác sĩ Barker. Khi họ sắp bắt đầu, Barker gắt: - Làm đi! Paige trố mắt nhìn ông ta. - Tôi không hiểu… - Đây là một ca đơn giản. Cô không xử lý nổi hay sao? - Có một sự khinh miệt trong giọng ông ta. - Được! - Paige nghiến răng đáp. - Thế thì ra tay đi. Lão này đang chọc tức ta đây. Barker quan sát Paige thành thạo chêm một cái ống rỗng vào vào động mạch của bệnh nhân rồi luồn nó vào trong tim. Động tác thực hiện một cách tuyệt hảo. Barker nhìn không nói một lời. Quỷ bắt lão đi, Paige nghĩ. Mình có làm tốt đến đâu lão cũng chẳng hài lòng. Paige tiêm chất nhuộm cản tia rơ nghen qua đường ống Họ theo dõi trên màn hình khi chất nhuộm chảy vào động mạch vành. Hình ảnh xuất hiện trên màn huỳnh quang cho thấy độ tắc nghẽn và vị trí của chỗ tắc trong động mạch, trong khi một camera tự động ghi lại một hình chụp X quang. Bác sĩ nội trú năm trên nhìn Paige và mỉm cười. - Làm rất khéo. - Cám ơn! - Paige quay sang bác sĩ Barker. - Chậm bỏ mẹ. - Ông ta văng một câu. Và bỏ ra ngoài. Paige tạ ơn những ngày bác sĩ Barker vắng mặt ở bệnh viện để làm việc tại phòng mạch tư của ông ta. Cô nói với Kat: - Một ngày vắng tiếng lăo bằng cả tuần ở thôn quê. - Cậu ghét ông ta thật ư? Đó là một bác sĩ xuất chúng, nhưng lại là một con người kinh khủng. Cậu có nhận thấy tính nết một số người rất hợp với tên của họ không(1)? Nếu bác sĩ Barker không được hò hét mọi người, chắc lão ta sẽ bị đột quỵ. - Đấy là cậu chưa thấy một số tài năng mà mình phải chịu đựng đấy thôi. - Kat cười. - Họ cứ tưởng đâu như mình là tặng vật của Chúa. Không có đàn ông có phải cuộc sống sẽ dễ chịu bao nhiêu không nhỉ? Paige chằm chằm nhìn Kat nhưng không nói gì. Paige và Kat khám cho Jimmy Ford. Anh ta vẫn hôn mê. Họ không thể làm gì được. Kat thở dài. - Quỷ thật. Tại sao tai hoạ lại cứ đến với những chàng trai tử tế nhỉ? Giá mà mình biết được. Cậu nghĩ Jimmy có qua nổi không? Paige ngập ngừng. - Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể. Bây giờ chỉ còn là ý Chúa. - Thật nực cười. Mình lại cứ tưởng chúng ta là Chúa. - Kat nói. Hôm sau, khi Paige đi tua ca chiều, Kaplan, một tay nội trú ở năm trên chặn cô lại ở hành lang. - Hôm nay cô gặp hên. - Anh ta ngoác miệng cười. - Cô sẽ nhận một sinh viên thực tập mới. - Thật không? Thật, một IN (2). - IN? - "Cháu lão ngốc". Vợ bác sĩ Wallace có một ông cháu muốn làm bác sĩ. Hắn bị đuổi cổ khỏi hai trường rồi. Tất cả bọn này đều đã chịu trận. Bây giờ đến lượt cô. Paige rên rẩm: - Tôi làm gì có thời gian. Để tôi xem đã. - Không được phép lựa chọn. Ngoan ngoãn đi, rồi Wallace sẽ cho cô điểm cao. - Kaplan bỏ đi. Paige thở dài rồi đi đến đám nội trú mới đang đợi để đi tua. IN đâu nhỉ? Cô nhìn đồng hồ. Hắn đã muộn ba phút. Mình sẽ cho bắn thêm một phút, Paige quyết định, còn sau thì mặc xác. Rồi cô nhìn thấy IN, một gã trai cao, mảnh dẻ đang vội vã chạy tới. Hắn đến gần Paige, thở không ra hơi, và nói: - Xin lỗi, bác sĩ Wallace bảo tôi… - Anh đến muộn, - Paige cộc lốc. - Tôi biết. Tôi xin lỗi. Tôi bị giữ lại ở… - Không sao. Tên anh là gì? - Jason. Jason Curtis. - Hắn ta mặc một chiếc áo vét thể thao. - Áo choàng trắng của anh đâu? - Áo choàng trắng của tôi? - Không ai bảo anh phải mặc áo choàng trắng trong khi làm việc à? Hắn trông bối rối. - Không. Tôi e rằng tôi… Paige nói giận dữ: - Quay lại phòng y tá trưởng và bảo bà ta đưa thứ đó cho. Anh có sổ thăm bệnh không? - Không. Cháu lão ngốc không cần phải mô tả về mình. - Gặp chúng tôi ở phòng bệnh số 1. - Cô có chắc không? Tôi… - Làm đi! - Paige và những người khác bỏ đi, để Jason Curtis trố mắt nhìn theo. Họ đang khám cho bệnh nhân thứ ba thì Jason Curtis hớt hải đi tới. Hắn đã mặc áo choàng trắng, tay cầm cuốn sổ. Paige đang nói "… khối u tim có thể thuộc loại sơ cấp, là loại hiếm, hoặc thứ cấp là loại phổ biến hơn nhiều". Cô quay sang Curtis. - Anh hãy kể tên ba loại khối u. Hắn trân trân nhìn cô. - Tôi e rằ ng tôi… tôi không thể. - Tất nhiên là không rồi. - U màng ngoài tim. U cơ tim. U màng trong tim. Hắn ta nhìn cô và mỉm cười. - Thật thú vị. - Lạy Chúa! Paige nghĩ. Wallace hay không Wallace, mình cũng tống cổ thằng nhóc này sớm. Họ chuyển sang người bệnh tiếp theo, và sau khi Paige khám xong, cô kéo cả nhóm ra ngoài hành lang để tránh gây ồn ào. - Chúng ta đang phải đối phó với một ca bệnh tuyến giáp kèm theo sốt và nhịp tim quá nhanh. - Cô quay sang Jason Curtis. - Phải chăm sóc ông ta như thế nào? Hắn đứng ngẩn ra, nghĩ ngợi ít lâu. Rồi nói: - Nhẹ nhàng phải không? Paige cố gắng kiềm chế. - Anh không phải là mẹ của bệnh nhân, anh là bác sĩ? Ông ta cần được truyền dịch liên tục để chống mất nước, đồng thời cho tiêm Iode và các loại thuốc kháng tuyến giáp và thuốc an thần để tránh co giật. Jason gật đầu. - Nghe có lý đấy. - Thật hết chịu nổi! Khi họ kết thúc, Paige gọi Jason Curtis ra một bên. - Tôi nói thẳng anh không phiền chứ? - Không. Không hề. - Hắn ta đáp dễ dãi. - Tôi rất cám ơn. - Hãy kiếm nghề khác đi. Hắn sững lại, cau mày. - Cô nghĩ tôi nên bỏ nghề này? - Đúng vậy. Anh không thích nghề này phải không? - Không hẳn. - Vậy cớ sao anh lại chọn nó? - Nói thật với cô, tôi bị đẩy vào đấy. - Thôi được, hãy nói với bác sĩ Wallace rằng ông ta đã lầm. Tôi nghĩ anh nên kiếm một nghề gì khác thì hơn. - Tôi thực tình cám ơn cô đã cho tôi biết, - Jason Curtis nói chân thành. - Tôi tự hỏi nên chăng chúng ta hãy bàn luận thêm về chuyện này. Nếu hôm nay cô chưa hẹn với ai bữa tối… - Chẳng có gì phải bàn nữa, - Paige nói cộc lổc. - Anh có thể bảo với ông chú anh… Đúng lúc đó Wallace hiện ra. - Jason? - Ông ta gọi. - Tôi tìm anh khắp nơi. Ông quay sang Paige. - Tôi thấy hai người đã gặp nhau. - Vâng, chúng tôi đã gặp nhau, - Paige nói nghiêm trang. - Tốt. Jason là kiến trúc sư phụ trách thiết kế phần mở rộng của bệnh viện. Paige đứng sững ra. - Anh ta… ra vậy đấy? - Phải. Thế anh ta chưa bảo với cô à? Cô cảm thấy mặt cô đỏ rần lên. Không ai bảo anh mặc áo choàng trắng trong khi làm việc à? Cớ sao anh vào nghề này? Nói thật với cô, tôi bị đấy vào đấy chứ. Vì mình... Paige chỉ muốn chui xuống lỗ. Anh ta đã biến cô thành trò hề. Cô quay sang Jason. - Sao anh không nói cho tôi biết anh là ai? Anh ta nhìn cô, thích thú. - Cô có cho tôi cơ hội nào đâu. - Cô ta không cho anh cơ hội để làm gì? - Bác sĩ Wallace hỏi. - Xin lỗi… - Paige nói, giọng cay cú. - Còn bữa tối nay thì sao? - Tôi không ăn. Tôi bận. - Và Paige bỏ đi. Jason nhìn theo cô, thán phục. - Thật là một người đàn bà kỳ lạ. - Đúng đấy. Thôi, vào phòng tôi ta bàn về bản thiết kế mới đi. - Được Nhưng Jason chỉ còn nghĩ về Paige. * * * * * Đó là vào tháng Bảy, thời gian ấn định cho tất cả các bệnh viện trên toàn nước Mỹ, khi các bác sĩ nội trú chuẩn bị trở thành bác sĩ thực thụ. Năm nào các cô y tá cũng ngóng dịp này để nhăm nhe những người họ có thể biến thành chồng hoặc tình nhân. Trong cái ngày đặc biệt ấy, khi đám nội trú mới xuất hiện, hầu như mọi con mắt phụ nữ đều dán vào bác sĩ Ken Mallory. Chẳng ai biết rõ nguyên nhân vì sao Ken Mallory lại chuyển từ một bệnh viện tư đặc biệt ở WashingtonDC đến cái bệnh viện cấp tỉnh ở San Francisco này. Anh ta là bác sĩ nội trú năm thứ năm, phẫu thuật viên đa khoa. Người thì bảọ Ken phải vội vã rời Washington vì vụ tình ái với vợ của một nghị sĩ. Người khác lại quả quyết rằng có một y tá đã tự tử vì Ken nên anh ta bị buộc phải ra đi. Chỉ duy một điều họ biết chắc là Ken Mallory rất đẹp trai, đẹp đến mức họ chưa từng gặp. Anh chàng cao ráo, vóc dáng lực sĩ, tóc quăn vàng và một gương mặt đầy quyến rũ. Mallory hoà vào cuộc sống thường nhật của bệnh viện cứ như anh ta đã từng cả đời ở đây. Gần như ngay từ đầu, các cô y tá đã tranh giành nhau sự chú ý của anh ta. Hàng đêm, người ta thấy Ken Mallory lẩn vào những phòng trực trống cùng với đám y tá, hết cô này đến cô khác. Khả năng "ngựa giống" của anh ta đã lan truyền trong bệnh viện như một huyền thoại Paige, Kat và Honey cũng bàn tán về Mallory. - Các cậu có tin là đám y tá cứ lao vào anh ta không? Kat cười: - Họ giằng giật anh ta hàng tuần cơ đấy. - Nhưng cũng phải thừa nhận là anh ta hấp dẫn đi! - Honey nhận xét. Kat lắc đầu. - Không. Tớ không thừa nhận. Một buổi sáng, mấy bác sĩ nội trú đang ở phòng thay quần áo thì Mallory bước vào. - Bọn này đang nói chuyện về cậu đây. - Một người nói. - Chắc cậu kiệt sức rồi. Manory cười ngoác miệng. - Đêm qua cũng không tồi. - Anh ta vừa qua đêm cùng lúc với hai cô y tá. - Grundy, một bác sĩ nội trú nói. Cậu khiến bọn tớ y như một lũ hoạn quan. Này Ken, trong bệnh viện này có ai mà cậu không hạ nổi không? Mallory cười. - Tớ ngờ là chẳng có. Grundy nghĩ một loáng rồi nói. - Tớ cuộc là tớ có thể nêu ra cho cậu một cái tên. - Thật ư? Ai vậy? Một bác sĩ nội trú năm cuối. Tên cô ta là Kat Hunter. Mallory gật đầu. - Con búp bê đen ấy à? Tớ thấy cô ta rồi. Hấp dẫn đấy. Nhưng sao cậu lại nghĩ tớ không lôi ả ta vào giường được? - Bởi vì bọn tớ đều bị bật ra cả. Tớ không cho rằng cô ả thích đàn ông. - Có thể cô ta chưa gặp người thích hợp, - Mallory cười cợt. Grundy lắc đầu. - Không. Cậu cũng chẳng ăn thua gì đâu. Đó là một lời thách đố. Tớ cá là cậu sai đây này. Một bác sĩ nội trú khác lên tiếng: - Cậu dám cá không? Mallory nhếch mép. - Tất nhiên. Sao không? - Được rồi. - Cả nhóm vây quanh Mallory. - Tớ cá 500 đô-la là cậu không làm tình được với cô ta. - Tớ nhận! - Mallory đáp chắc nịch. - Tôi cá 300 đô. Một người nữa tham gia. - Cho tớ chơi với. Tớ cá 600 đô. Cuối cùng tất cả lên tới năm ngàn đô. - Thời hạn bao lâu? - Manory hỏi. Grundy nghĩ rồi nói. - 30 ngày. Đủ chứ? - Thừa. Tớ chẳng cần nhiều đến thế. - Nhưng cậu phải chứng minh. Hoặc là cô ta phải công nhận đã ngủ với cậu. - Grundy nói. - Tất nhiên. - Mallory nhìn cả bọn rồi ngoác miệng. - Các cậu sẽ thua thôi. Mười lăm phút sau Grundy đến căng tin, nơi Kat, Paige và Honey đang ăn sáng. Hắn tiến lại gần. Có thể ngồi cùng bàn một lát được không, các quý cô bác sĩ? Paige nhìn lên: - Tất nhiên. Grundy ngồi xuống. Hắn nhìn Kat và nói với vẻ có lỗi. - Tôi hoàn toàn chẳng thích nói điều này, tôi quả là điên, tôi nghĩ phải cho cô biết… Kat nhìn anh ta không hiểu: - Biết cái gì? Grundy nói: - Lạy Chúa, thật đáng xấu hổ. Ken Mallory cá năm ngàn đô với một số bác sĩ trong phòng nội trú rằng sẽ ngủ với cô trong vòng 30 ngày. Mặt Kat đanh lại. - Anh ta dám thế thật à? Grundy nói: - Cô tức giận là phải thôi. Tôi cũng rất khó chịu khi nghe chuyện đó. Tôi chỉ muốn báo trước cho cô biết. Anh ta sẽ rủ cô đi chơi, và có lẽ cô cũng cần biết động cơ đằng sau việc đó. - Cám ơn. - Kat nói. - Tôi cám ơn anh đã cho tôi biết. - Tôi chỉ có thể làm được như vậy. Họ nhìn Grundy đi khỏi. Ngoài hành lang các bác sĩ nội trú đang chờ Grundy. - Thế nào? - Họ đồng thanh. Grundy cười. - Tuyệt! Cô ta tức điên lên. Thằng chó dái thế nào cũng chết. Bên bàn ăn, Honey nói: - Chuyện này thật kinh khủng. Kat gật đầu. - Cần phải có ai đó cho hắn một liều thuốc thần kinh. Paige ngồi im, nghĩ ngợi. Một lát sau, cô nói: - Cậu biết không, Kat. Cậu đi với hắn có khi lại hay đấy. Kat nhìn cô bạn ngạc nhiên. - Cái gì? Có một ánh tinh quái trong mắt Paige. - Tại sao lại không nhỉ? Nếu hắn muốn một cuộc chơi thì hãy giúp hắn, chỉ có điều hắn sẽ chơi trò chơi của chúng ta. Kat nhoài người tới trước. - Tiếp tục đi. - Hắn có 30 ngày, đúng không nhỉ? Khi hắn rủ cậu đi chơi, cậu hãy tỏ vẻ nồng nàn, mê mẩn. Cậu phải thật đắm đuối vào, làm cho hắn mất tự chủ. Điều duy nhất cậu không được làm, cầu Chúa phù hộ cho trái tim cậu, là lên giường với hắn. Chúng ta sẽ dậy cho hắn một bài học năm ngàn đô-la. Kat nghĩ tới người cha dượng. Đó là một cách báo thù. - Tớ thích trò này, - Kat nói. - Cậu muốn nói cậu sẽ làm thế ư? - Honey hỏi. - Tớ sẽ làm. Kat không hề biết, bằng những lời này, cô đã ký vào giao kèo với cái chết. Chú thích: (1) Barker trong tiếng Anh có nghĩa là Người rao hàng. (2) viết tắt của "Idiot Nephew" Chương 16 Jason Curtis không thể quên được Paige Taylor. Anh gọi điện cho thư ký của Ben Wallace. - Xin chào! Jason Curtis đây. Tôi cần số điện thoại nhà riêng của bác sĩ Paige Taylor. - Được thôi, ông Curtis, xin chờ một phút, - rồi cô ta cho anh số phôn. Honey nhấc máy: - Bác sĩ Taft đây: - Tôi là Jason Curtis. Bác sĩ Taylor có nhà không? - Không. Cô ấy trực ở bệnh viện. - Ồ tiếc quá. Honey thấy giọng anh ta lộ rõ sự thất vọng. - Nếu cần gấp tôi có thể … - Không, không… - Tôi có thể nhắn lại và nói cô ấy phôn của anh. - Thế thì tốt quá. - Jason cho Haney số máy của anh. - Tôi sẽ chuyển lời cho cô ấy. - Cám ơn. - Jason Curtis gọi, - Honey nói khi Paige vừa vào nhà - Nghe giọng có duyên ra phết. Số phôn của anh ta đây. - Đốt đi! - Cậu không gọi lại thật à? - Không. Không bao giờ. - Cậu vẫn còn vương vấn Alfred, đúng không? - Tất nhiên là không. Honey chỉ moi được đến thế. Jason chở hai ngày trước khi gọi lần hai. Lần này Paige trả lởi phôn. - Bác sĩ Taylor. - Xin chào! - Jason nói nhẹ nhàng. - Tôi đã đi tua với cô hôm nọ, và mời cô cùng ăn tối. Cô nói… - Tôi nói rằng tôi bận. Tôi vẫn còn bận. Tạm biệt, ông Curtis. - Cô dập máy. - Thế là thế nào? - Honey hỏi. - Chẳng thế nào cả. Sáu giờ sáng hôm sau, khi đám nội trú tụ tập quanh Paige để đi tua sáng, Jason Curtis xuất hiện. Anh mặc áo choàng trắng. - Hy vọng tôi không đến muộn, - anh nói vui vẻ.- Tôi phải lấy áo choàng. Tôi biết cô sẽ bực mình nếu tôi không mặc nó. Paige hít một hơi dài, giận dữ. - Anh lại đây. - Cô đẩy Jason vào một phòng bỏ trống. - Anh làm trò gì vậy? - Nói thật với cô, tôi lo cho mấy bệnh nhân mà chúng ta khám hôm nọ. - Anh ta sốt sắng. - Tôi đến để xem mọi người có yên ổn không. Anh chàng này đang chọc tức cô. - Sao anh không ra ngoài mà xây cất cái gì đó của mình. Jason nhìn cô nói khẽ: - Thì tôi đang thử đây. - Anh ta chìa ra một nắm vé. - Tôi chưa biết sở thích của cô nên tôi đã lấy vé trò chơi Người khổng lồ, ca kịch, opera và hoà nhạc… Cô chọn đi. Anh chàng này thật quá thể. - Anh luôn luôn ném tiền đi như vậy ư? - Chỉ khi nào tôi yêu. – Jason đáp giản dị. - Này, anh… Anh chìa vé ra cho cô. - Cô chọn đi. Paige cầm hết. - Cám ơn. - Cô nói ngọt ngào. - Tôi sẽ mang cho các bệnh nhân ngoại trú của tôi. Đa phần họ chẳng có dịp đi xem kịch hoặc opera… Anh mỉm cười. - Tuyệt, tôi hy vọng họ thích. Cô đi ăn tối với tôi nhé? - Không… - Dù gì thì cô cũng phải ăn chứ. Cô hãy nghĩ lại đi. Paige cảm thấy hơi có chút hối hận về tập vé. - Tôi e rằng tôi không phải là bạn đồng hành dễ chịu đâu. Đêm qua tôi phải trực, và… - Chúng ta sẽ đi sớm. Cô thở dài. - Thôi được nhưng… - Tuyệt vời! Khi nào tôi đón cô? - Tôi sẽ ở đây lúc bẩy giờ. - Tôi sẽ đến đón cô. - Anh ngáp. - Bây giờ tôi về nhà ngủ tiếp đây. Giờ này đến Chúa còn chưa dậy. - Ai bắt tội cô thế cơ chứ? Paige nhìn anh đi ra, không khỏi mỉm cười. Bẩy giờ tối hôm đó khi Jason đến bệnh viện để đón Paige, y tá trực nói. - Ông có thể tìm bác sĩ Taylor ở phòng trực. - Cám ơn. - Jason theo hành lang đến phòng trực. Cửa đóng. Anh gõ nhẹ. Không ai trả lời. Anh gõ mạnh hơn rồi mở cửa ngó vào trong. Paige nằm trên giường, ngủ say sưa. Jason bước lại nơi cô nằm, đứng ngắm cô hồi lâu. Anh sẽ cưới em, cô bé ngủ quên ạ. Anh rón rén ra khỏi phòng và khẽ khép cửa lại. Sáng hôm sau, Jason đang họp thì cô thư ký bước vào với một bó hoa nhỏ. Trên tấm thiếp là dòng chữ: "Xin lỗi RIP". Jason bật cười. Anh gọi phôn đến bệnh viện cho Paige. Cuộc hẹn của cô đang gọi đây. - Tôi thực sự xin lỗi về tối hôm qua. - Paige nói. - Tôi ngượng quá. - Đừng. Tôi có một câu hỏi. - Gì vậy? - RIP có nghĩa là Hãy Yên Nghỉ (1) hay Rip Van Winkle (2)? Paige cười. - Anh hãy chọn lấy. - Lựa chọn của tôi là tối hôm nay. Chúng ta có thể làm lại được không? Cô do dự. Mình không muốn sa vào chuyện này. Cậu vẫn còn vương vấn Alfred đúng không? - A lô. - Cô vẫn nghe đấy chứ? - Vâng. - Một buổi tối đâu có hại gì, Paige quyết định. - Được, chúng ta có thể đi ăn tối. - Tuyệt vời. Tối hôm đó, khi Paige đóng bộ, Kat hỏi. - Cuộc hẹn có vẻ nặng ký nhỉ. Ai đấy? - Một bác sĩ - kiến trúc sư. - Paige nói. - Một cái gì? Paige kể lại câu chuyện. - Anh chàng có vẻ ngộ đấy. Cậu quan tâm chứ? - Không hẳn. Buổi tối trôi qua thú vị. Paige thấy Jason thật dễ gần. Họ nói bâng quơ về mọi chuyện và thời gian lao qua như bay. - Hãy kể về cô đi, - Jason nói. - Cô lớn lên ở đâu? Anh sẽ không tin nổi. - Tôi tin mà. Thôi được. Congo, Ấn Độ, Miến Điện, Nigeria, Kenya… - Tôi không tin. Thật đấy. Cha tôi làm việc cho WHO. - Cái gì cơ? - Tổ chức Y tế thế giới. Ông là bác sĩ. Cả thời thơ ấu tôi theo ông đi khắp các nước thế giới thứ ba. - Hẳn là vất vả lắm. - Rất thú vị. Chỉ có khó khăn là tôi chẳng ở nơi nào được lâu để mà kết bạn. Anh không cần ai nữa, Paige, chúng ta luôn có nhau rồi… Đây là Karen vợ tôi. Cô cố rũ khỏi hồi ức. - Tôi đã học được nhiều thứ tiếng lạ lùng và biết được nhiều phong tục lạ lùng không kém. - Chẳng hạn…? - Chẳng hạn như… tôi. - Cô ngẫm nghĩ một lát, ở Ấn Độ, người ta tin rằng cuộc sống vẫn tồn tại sau cái chết và kiếp sau phụ thuộc vào cách ăn ở của anh ở kiếp này. Nếu ăn ở xấu xa, kiếp sau anh hoá kiếp thành súc vật. Thậm chí trông thấy một con chó, tôi cử thắc mắc hoài, kiếp trước nó là ai và đã làm gì xấu xa để đến nông nỗi này. - Chắc nó đã từng làm chỉ điểm. - Jason nói. Paige mỉm cười. - Và sau đó là Gherao. - Gherao? - Đó là một hình phạt khủng khiếp, một đám đông vây bủa một người… - Cô chợt im bặt. - Và sao? - Thế thôi. - Thế thôi ư? - Họ chẳng nói chẳng rằng, chẳng làm gì hết. - Nhưng người kia không thể đi đâu, không thể thoát đâu được. Anh ta bị vây hãm. Cảnh đó có thể kéo dài nhiều, rất nhiều giờ. Anh ta ở trong vòng tròn, còn đám người thì đổi phiên gác. Một lần tôi đã chứng kiến một người đàn ông cố thoát khỏi Gherao. Họ đánh anh ta tới chết. Nhớ lại, Paige rùng mình. Những con người bình thường thân thiện là thế đã biến thành một đám đông man rợ gào rú điên loạn. "Ra khỏi đây mau!" Alfred thét lên, chàng nắm lấy tay cô và dắt cô chạy vào một phố nhỏ yên tĩnh. - Kinh khủng, - Jason nói. - Cha tôi đưa gia đình đi khỏi nơi đó ngay hôm sau. - Giá mà tôi biết được cha cô. - Cha tôi là một bác sĩ tuyệt vời. Ông có thể thành công lớn ở đại lộ Công Viên, nhưng ông không màng tới tiền bạc. Mối quan tâm duy nhất của ông là cứu giúp con người. Giống như Alfred, cô nghĩ. - Cha cô ra sao rồi? - Ông bị giết trong cuộc chiến tranh bộ lạc. - Thật tiếc quá. - Ông yêu công việc của mình. Lúc đầu, dân bản xứ chống lại ông. Họ rất mê tín. Ở những làng hẻo lánh bên Ấn Độ, mỗi người đều có một Jatak, tức là lá số tử vi mà thầy mo của bản lấy cho, và họ sống theo lá số tử vi đó. - Cô mỉm cười. - Tôi cũng thích có một cái. - Thế đám thầy mo có phán em sẽ lấy một kiến trúc sư trẻ, đẹp trai không? Paige nhìn anh nói quả quyết. - Không. - Câu chuyện đã đi đến chỗ quá riêng tư. Anh là kiến trúc sư, chắc anh thích nghe chuyện này. Tôi lớn lên trong những cái chòi vách bằng phên liếp sàn đất nện, mái lợp tranh, lúc nhúc những dơi và chuột. Tôi sống trong những Tukuls mái rơm, tường đốt dầy và không có cửa sổ. Ước mơ của tôi là một ngày nào đó được sống trong một căn nhà hai tầng đủ tiện nghi và hàng hiên, thảm cỏ xanh và hàng rào gỗ trắng, và… - Paige ngừng lại. - Xin lỗi, tôi không định kể lề thế này, nhưng vì anh đã hỏi. - Tôi rất thích câu chuyện của em, Jason nói. Paige nhìn đồng hồ. - Đã quá muộn rồi. - Chúng ta có thể gặp lại vào buổi tối khác không? Mình không muốn để anh ta tiếp tục, Paige nghĩ. Chuyện này rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Cô lại nghĩ đến điều Kat đã nói. Cậu đang níu vào một bóng ma. - Hãy buông ra đi. Cô nhìn Jason và nói. - Vâng. Sáng sớm hôm sau, một người đưa tin mang đến một cái gói. Paige mở cửa. - Tôi cần chuyển cái này cho bác sĩ Taylor. - Tôi là bác sĩ Taylor. Người đưa tin nhìn Paige ngạc nhiên. - Cô là bác sĩ? - Phải. - Paige nói. - Tôi là bác sĩ, xin hỏi điều đó có làm phiền ông không? Ông ta nhún vai. - Không, thưa cô. Hoàn toàn không. Xin mời cô ký vào đây. Cái gói nặng một cách bất ngờ. Tò mò, Paige mang nó vào đặt lên bàn phòng khách và mở ra. Đó là mô hình thu nhỏ của một ngôi nhà hai tầng xinh xắn, có hàng hiên. Trước nhà là một bãi cỏ và một khu vườn bé tẹo bao quanh bởi một hàng rào gỗ trắng. Chắc anh ấy phải thức suốt đêm để làm hình mẫu này. Tấm thiếp kèm theo viết: Của anh [] Của chúng ta [] - Hãy đánh dấu vào một ô trống. Cô ngồi đó, lặng nhìn hồi lâu. Ngôi nhà thì đúng, nhưng người đàn ông lại không phải. Ta làm sao thế nhỉ? Paige tự hỏi mình. Anh ấy thông minh, hấp dẫn và đáng yêu. Nhưng cô biết làm sao rồi. Anh không phải Alfred. Chuông điện thoại reo. Đó là Jason. - Em đã nhận được căn nhà chưa? - Anh hỏi. - Đẹp lắm! Cám ơn anh rất nhiều. - Tôi muốn xây cho em một căn nhà thực sự. Em đã điền vào chỗ trống chưa? - Chưa. - Tôi là người đàn ông kiên nhẫn. Em có được rảnh cho bữa tối nay không? - Có nhưng cần báo trước với anh, tôi phải mổ suốt ngày hôm nay, nên buổi tối sẽ rất mệt. - Chúng ta sẽ kết thúc sớm. Tiện thể, bữa tối sẽ làm ở nhà bố mẹ tôi. Paige ngập ngừng mất một lúc. - Tôi đã kể tất cả về em. - Thôi được. - Paige nói. Sự việc diễn ra quá nhanh. Điều này làm cô lo lắng. Khi đặt máy xuống Paige nghĩ: Thực ra mình không nên nhận lời. Tối nay mình sẽ mệt đến mức không thể làm được gì ngoài đi ngủ. Ý nghĩ thôi thúc cô gọi lại cho Jason và huỷ bỏ cuộc hẹn. Đã quá muộn rồi. Chúng ta sẽ kết thúc sớm vậy. Tối hôm ấy khi Paige sửa soạn áo váy, Kat nói. - Trông cậu mệt phờ rồi. - Đúng vậy. - Thế sao vẫn đi? Lúc này tốt nhất cho cậu là một giấc ngủ. Hay cậu còn dư sức? - Không. Tối nay thì không. - Lại Jason à? - Ừ. Mình sẽ gặp phụ huynh anh ta. - A! - Kat lắc đầu. - Không phải như cậu tưởng đâu. - Paige nói. Thực sự không phải. * * * * * Cha mẹ Jason sống trong một ngôi nhà cổ kính và duyên dáng ở quận PacificHeights. Cha Jason là một người đàn ông quãng bẩy mươi, phong cách quý phái. Mẹ anh là một phụ nữ niềm nở, bình dị. Họ khiến Paige lập tức có cảm giác như đang ở nhà mình. - Jason kể rất nhiều về cô, - bà Curtis nói, - vậy mà nó lại không kể cô đẹp đến như thế này. - Cám ơn bác. Họ vào trong thư viện đầy những mô hình nhà cửa, lâu đài mà Jason đã thiết kế. - Nói riêng với nhau thôi nhé: Jason cụ cố của nó và tôi đã tạo ra nhiều cảnh quan cho San Francisco này, - cha Jason nói. - Con trai tôi là một tài năng đấy. - Đó là điều con vẫn thường khoe với Paige. - Jason nói. Paige cười. - Cháu biết chứ ạ. - Mắt cô nặng trĩu và cô phải gắng hết sức để tỉnh táo. Jason nhìn cô, lo lắng. - Chúng ta ăn tối đi. - Anh đề nghị. Họ vào một phòng ăn rộng ốp gỗ sồi, được trang tn bằng những đồ cổ duyên dáng và những bức chân dung treo trên tường. Một người hầu bắt đầu phục vụ. Cha Jason nói. - Bức hoạ kia là cụ cố của Jason. Tất cả những toà nhà cụ thiết kế đã bị phá huỷ trong trận động đất năm 1906. Thật đáng buồn, bởi vì chúng là vô giá. Chốc nữa tôi sẽ cho cô xem vài tấm ảnh chụp những building đó nếu cô… Đầu Paige đổ gục xuống bàn. Cô đã ngủ. - May mà tôi không làm món súp, - mẹ Jason nói khẽ. Ken Mallory có một vấn đề. Khi tin đồn về vụ cá cược lan ra trong bệnh viện, số tiền cuộc đã lên tới mười ngàn đô-la. Quá tự tin vào tài sát gái của mình, Mallory đã nhận số tiền cược vượt xa khả năng tài chính của hắn. Nếu mình thua thì sẽ khôn nạn đây. Nhưng mình không thể thất bại. Đã đến lúc ra tay rồi. Kat đang ăn trưa trong căng tin với Paige và Honey thì Mallory sáp lại. - Có thể ngồi cùng bàn được không, các bác sĩ? Không phải các cô, không phải các em. Bác sĩ, khôn đấy, Kat nghĩ một cách mỉa mai. - Cứ tự nhiên, - cô nói. Paige và Honey đưa mắt nhìn nhau. - Mình phải đi đây, - Paige nói. - Tôi cũng thể. Gặp lại sau nhé. - Honey đứng dậy. Mallory nhìn Paige và Honey đi ra. - Buổi sáng bận rộn lắm hả? - Mallory hỏi - Hắn làm như đang thực sự quan tâm. - Có phải tất cả đâu? - Kat phô cho hắn một nụ cười ngọt ngào, hứa hẹn. Mallory đã vạch kế hoạch chiến lược hẳn hoi. Ta sẽ cho cô ả ấy thấy ta quan tâm đến ả như một con người, chứ không phải chỉ giống cái. Đàn bà… chúng ghét mục tiêu tình dục. Phải nói chuyện y học với cô ả. Ta sẽ làm từ từ, thong thả. Một tháng, ta còn khối thời gian để lôi ả lên giường. - Cô đã nghe chuyện khám nghiệm tử thi bà Turnball chưa? - Mallory mào đầu. - Bà ta có nguyên cả chai Coca-Cola trong dạ dày. Không tưởng tượng nổi làm sao… Kat nhoài tới trước. - Anh làm gì vào tối thứ bảy, Ken? Mallory đã bị đánh úp. - Cái gì? - Em nghĩ biết đâu anh lại thích mời em đi ăn tối. Hắn thấy mình gần như đỏ mặt. Chúa ơi! Có khác nào bắt cá trong thau! Ả này đâu có đồng tính.Mấy thằng khốn kia nói vậy vì chúng không sục được vào váy cô ả. Được mình sẽ làm cho bọn chúng xem. Cô ả chẳng vừa gợi ý là gì! Hắn cố nhớ xem đã hẹn em nào tối thứ bảy. Sauy, Cô y tá phòng mổ. Cô nàng có thể đợi. - Không có việc gì đâu, - Mallory nói. - Anh muốn mời em đi ăn tối. Kat đặt tay lên tay hắn. - Tuyệt! - Cô nói êm ru. - Em mong sao thứ bảy chóng đến. Hắn toét miệng cười. - Anh cũng vậy. Cô không biết giá bao nhiêu đâu, cô em. Mười ngàn đô-la đấy! Chiều hôm đó Kat kể lại với Paige và Honey. - Mồm hắn há hốc ra! - Kat cười. - Giá các cậu được nhìn cái vẻ mặt hắn. Trông cứ như con mèo phải nuốt chửng con chim hoàng yến vậy. - Hãy nhớ cậu là Kat. - con mèo. Còn hắn là con chim hoàng yến. - Paige nói. - Cậu sẽ làm gì với hắn vào tối thứ bảy? - Honey hỏi. - Có gợi ý gì không? - Có chứ, - Paige đáp. - Kế hoạch là thế này… Tối thứ bảy, Kat đi ăn với Ken Manory tại Emilio, một nhà hàng bên bờ vịnh. Cô trang điểm thật cẩn thận với bộ váy dài trắng, hở vai. - Trông em thật mê hồn. - Mallory nói. Hắn thận trọng gẩy đúng nốt nhạc. Tán tụng nhưng không thúc ép. Say mê, nhưng không khêu gợi. Mallory rắp tâm phô bày hết vẻ quyến rũ của mình, nhưng điều đó bỗng trở nên không cần thiết. Rất nhanh, hắn thấy rõ rằng chính Kat mới là người đang ra sức làm duyên làm dáng với hắn. Sau một tuần rượu, cô nói. - Mọi người đều khen anh là một bác sĩ tuyệt vời, Ken ạ. - Có gì đâu Mallory làm bộ khiêm tốn. - Tôi được đào luyện tốt, và tôi quan tâm nhiều đến bệnh nhân. Họ rất quan trọng đối với tôi. - Giọng hắn đầy ắp sự thành thực. Kat đặt tay lên tay hắn. Hẳn là thế rồi. Anh quê ở đâu? Em muốn biết tất cả về anh. Anh thực sự ấy. Chứa ơi! Đứng bài của mình, Mallory nghĩ bụng. Hắn không hề nghĩ mọi việc lại trơn tru thế này. Hắn là tay sát gái có hạng. Radar của hắn bắt được mọi tín hiệu từ đàn bà. phát ra. Họ sẵn sàng gật đầu với một cú liếc mắt, một nụ cười, một cung giọng của hắn. Tín hiệu của Kat làm nhiễu loạn radar của Ken. Cô ngả sát vào hắn, giọng khàn khàn. - Em muốn biết tất cả. Ken kể về mình trong suốt bữa ăn, và mỗi bận hắn toan đổi chủ đề sang phía Kat thì cô lại nói: - Không, không. Em muốn nghe nữa. Đời anh kỳ diệu biết baò! Cô ả chết mê chết mệt rồi, Mallory khẳng định. - Hắn ước gì mình có thể đặt cược được thêm. Thậm chí mình có thể thắng ngay đêm nay, Ken nghĩ. Hắn lại càng chắc mẩm khi Kat nói, trong lúc họ uống cà phê. - Anh có muốn về phòng em làm một ly rượu đêm không? Mallory vuốt cánh tay cô, nói khẽ: - Anh muốn chứ. Mấy thằng cu đó điên hết cả rồi, Mallory nghĩ. Hắn chưa từng gặp ai ào ào như cô ả này. Hắn có cảm tưởng mình sắp bị ả cưỡng hiếp. Ba mươi phút sau, họ bước vào căn hộ của Kat. - Đẹp đấy, - Mallory nói, nhìn quanh. - Rất đẹp. Em ở đây một mình hả? - Không. Bác sĩ Taylor và bác sĩ Taft ở chung với em. - Ồ! Cô nghe được vẻ nuối tiếc trong tiếng thở dài của Ken. Kat tặng cho hắn một nụ cười mời mọc. - Nhưng đến khuya họ mới về cơ. Mallory ngoác miệng cười. - Tốt! - Anh uống gì không? - Một ly, Scotch và soda. - Hắn nhìn theo Kat đi tới quầy bar nhỏ pha rượu. Cô ả có bộ mông tuyệt vời, Mallory nghĩ. Trông ngon quá. Và mình vừa được nằm với cô ả vừa được mười ngàn đô. Hắn cười thành tiếng. Kat quay lại. - Có gì buồn cười vậy? - Không có gì. Anh chỉ đang nghĩ là anh thật may mắn được ở đây một mình với em. - Em mới là người may, - Kat nói ngọt ngào và đưa tới cho Ken ly rượu. Mallory nâng ly và vừa mở miệng. - Mừng cho… thì Kat đã chen vào, - mừng cho chúng ta. Ken chỉ còn biết gật đầu. Hắn vừa định nói "Bật nhạc được không nhỉ? - thì Kat đã bảo: - Anh muốn nghe nhạc không? - Em là người đọc được ý nghĩ của anh đấy. Kat chọn bản Cole Parter cổ điển. Cô kín đáo liếc đồng hồ, và quay sang Mallory. - Anh có thích nhảy không? Mallory sán lại gần cô. - Còn phụ thuộc vào chuyện ai là bạn nhảy. Anh thích nhảy với em. Kat nhích vào lòng Ken và họ bắt đầu dìu nhau đi trong tiếng nhạc êm dịu, mơ màng. Ken nhận biết thân thể Kat áp mạnh vào mình và hắn cảm thấy bị kích thích. Hắn xiết chặt cô hơn, và cô mỉm cười với hắn. Đến lúc ra đòn rồi đây. - Em đáng yêu lắm, em biết không? - Mallory nói gấp gáp Anh muốn em ngay từ phút đầu gặp gỡ. Kat nhìn vào mắt hắn: - Em cũng cảm thấy hệt như vậy với anh, Ken. - Môi hắn lần đến môi cô, và hắn trao cho cô một cái hôn nồng nàn; cuồng nhiệt. - Vào phòng ngủ đi em, - Mallory nói. Nỗi thèm khát bất ngờ cuộn lên trong hắn. - Ôi vâng! Hắn nắm lấy tay cô và cô dẫn hắn vào phòng mình. Đúng lúc đó, cửa ngoài bật mở. Paige và Honey bước vào. - Hello! - Paige chào. Cô nhìn Mallory ngạc nhiên. - Ồ, bác sĩ Mallory? Tôi không nghĩ được gặp bác sĩ ở đây. - À tôi… tôi… Chúng tôi vừa đi ăn tối. - Kat khoe. Mallory tối tăm mặt mũi. Hắn cố ghìm mình, quay sang Kat. - Anh phải về đây. Muộn rồi, mai là một ngày nặng nhọc của anh. - Ôi em rất tiếc, - Kat nói. Có cả một thế giới hứa hẹn trong cô. - Tối mai thế nào em? - Mallory hỏi. - Em rất muốn… - Tuyệt! - Nhưng em không đi được. - Ồ thôi được thế thử sáu? Kat nhíu mày. - Ôi cưng ơi. Em sợ thứ sáu cũng không được rồi. Mallory bắt đầu tuyệt vọng. - Thứ bảy? - Thứ bảy là hay nhất. Ken gật đầu, thở phào nhẹ nhõm. - Tốt quá. Hẹn em thứ bảy. Hắn quay sang Paige và Honey. - Chúc ngủ ngon. - Tạm biệt. Kat tiễn Mallory ra cửa. - Chúc anh những giấc mơ ngọt ngào. Em sẽ mơ đến anh đấy. Mallory bóp tay cô. - Anh tin sẽ biến giấc mơ của em thành hiện thực. Chúng ta sẽ bù lại vào thứ bảy này nhé. - Em không thể đợi được nữa. Đêm đó, Kat nằm trên giường nghĩ tới Mallory. Cô cặm hắn. Nhưng lạ làm sao, cô lại thấy thích buổi tối hôm nay. Cô tin chắc Mallory cũng thích, mặc dù hắn vẫn đang diễn trò. Phải chi điều đó là sự thực, Kat nghĩ, không phải một cuộc chơi. Cô không hề biết một cuộc chơi nguy hiểm biết chừng nào. Chú thích: (1) Rest in Peace. (2) Một nhân vật trong chuyện The sketch Book của nhà văn WashingtonIrving, ngủ suốt hai mươi năm Chương 17 Chắc là do thời tiết, Paige chán chường nghĩ. Ngoài trời lạnh lẽo, thê lương, mưa giăng xám xịt làm tinh thần bải hoải. Ngày làm việc của cô bắt đầu từ sáu giờ sáng, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Bệnh viện dường như chật ních các gomer, và như họ cùng than vãn một lúc. Y tá thì cáu gắt và cẩu thả Họ lấy máu nhầm các bệnh nhân với nhau, để mất phim X quang đang cần gấp và quát tháo với cả người bệnh. Thêm vào đó, nhân viên bệnh viện lại nghỉ la liệt vì dịch cúm. Ngày hôm nay là như vậy. Điểm sáng duy nhất là cú phôn của Jason. - Chào em, - anh nói vui vẻ. - lôi chỉ gọi để kiểm tra xem bệnh nhân của chúng ta như thế nào? - Họ vẫn tồn tại được. - Có mảy may nào cơ hội ăn trưa với nhau không? Paige cười. - Ăn trưa là gì? Nếu gặp may mắn, tôi có thể vớ được một miếng san-đuých ôi vào lúc bốn giờ chiều. Ở đây đang bấn loạn. - Thôi được, tôi không giữ em nữa. Tôi có thể gọi lại được không? - Được. - Có mất gì đâu. - Chào em. Paige làm việc liên tục đến tận nửa đêm, và cuối cùng, khi được giải phóng, cô mệt đến mức không cử động nổi. Cô thoáng nghĩ tới chuyện ở lại bệnh viện và qua đêm trong phòng trực, nhưng hình ảnh chiếc giường ấp áp ở nhà lại quá quyến rũ. Cô thay đồ và lảo đảo đi ra thang máy. Bác sĩ Peterson lại gần cô. - Chúa ơi! - Ông ta kêu lên. - Con mèo nào lôi cô đi thế? Paige mỉm cười mệt mỏi. - Trông tôi khiếp lắm hả? - Khủng khiếp. - Peterson toét miệng cười. - Cô về nhà bây giờ bây giờ chứ? Paige gật đầu. - Cô may đấy. Còn tôi vào trận đây. Thang máy đến. Cô đứng vào trong, dở thức dở ngủ. - Paige? - Peterson gọi khẽ. Cô choàng tỉnh. - Cái gì? - Cô tự lái xe về được không? - Được Paige lẩm bẩm. - Và khi về đến nhà, tôi sẽ ngủ một mạch hai mươi tư tiếng đồng hồ. Cô ra đến bãi đậu và bò vào xe. Cô ngồi rũ ra, mệt đến nỗi không thể nổ máy. Mình không thể ngủ ở đây. Mình sẽ ngủ ở nhà. Cô lên xe về căn hộ, không nhận thấy mình đang cho xe chạy chòng chành, cho đến khi một tài xế gào lên. - Này, xéo ngay ra khỏi đường, con mụ say rượu kia! Cô cố sức tập trung. Mình không được ngủ gật… Mình không được ngủ gật. Cô bật đài và vặn tiếng thật to. Khi đã về đến khu nhà, cô ngồi lại trong xe hồi lâu trước khi lấy đủ sức tàn để trèo lên cầu thang. Kat và Honey đã ngủ. Paige nhìn đồng hồ cạnh giường. Một giờ sáng, cô muốn cởi quần áo, nhưng việc đó dường như là quá sức. Cô nằm lăn ra, và ngủ ngay lập tức. Cô bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại như dội đến từ một hành tinh xa lắc. Paige cố ngủ tiếp, nhưng âm thanh của nó như hàng đống mũi kim đâm ngoáy vào não cô. Cô loạng choạng ngồi dậy và nhấc phôn. - A lô? - Bác sĩ Taylor? - Tôi đây. - Giọng cô khản đặc… Bác sĩ Barker yêu cầu cô phụ mộ ở phòng phẫu thuật số 4, stat. Paige hắng giọng. - Chắc có sự nhầm lẫn gì rồi, - cô nói líu ríu. - Tôi vừa hết phiên. - Phòng mổ số 4. Ông Barker đang đợi. - Đường đây bị ngắt. Paige ngồi trên giường, đờ đẫn, tâm trí mù mờ. Cô nhìn đồng hồ. Bốn giờ ba mươi. Tại sao đang đêm bác sĩ Barker lại gọi cô nhỉ? Chỉ có một câu trả lời. Chuyện gì đó đang xẩy ra với một bệnh nhân của cô. Cô dò dẫm vào phòng tắm, vã nước lạnh lên mặt. Cô nhìn vào gương. Lạy chúa? Trông mình như bà lão tám mươi. Cô nghĩ. Mười phút sau, Paige quay trở lại bệnh viện. Cô vẫn còn lơ mơ khi theo thang máy lên tầng bốn. Cô vào phòng thay đồ bác sĩ, rồi rửa tay và sang phòng mổ. Ở đó đã có ba y tá và một bác sĩ nội trú phụ mổ cho Barker. - Ông ta nhìn Paige bước vào và la lên. - Lạy Chúa tôi! Cô mặc áo bệnh viện! Không ai bảo cho cô là phải mặc áo choàng trong phòng mổ à? Paige đứng sững lại, tỉnh hẳn, mắt cô rực lên: - Ông nghe đây, - cô nói giận giữ. - Tôi đã hết phiên trực. Tôi đến đây là giúp cho ông. Tôi không… - Đừng có tranh cãi với tôi, - bác sĩ Barker nói cộc lốc - Lại đây và cầm lấy đồ nghề đi. Paige bước tới bàn mổ và nhìn xuống. Không phải bệnh nhân của cô. Barker không có lý do gì gọi mình. Lão ta cố ép mình bật ra khỏi bệnh viện. Hừ, đừng hòng mình chịu rời khỏi đây! Cô lườm Barker, cầm panh lên và bắt đầu làm việc. Đây là một ca cấp cứu đường vòng động mạch vành. Vết rạn trên da đã được mở từ chính giữa ngực xuống xương ức, sau đó xương ức được xẻ ra bằng cưa điện. Tim và những huyết mạch chính lộ ra. Paige nong chiếc panh kim vào giữa hai gờ xương ức cố giữ cho chúng tách ra đủ độ cần thiết. Cô quan sát bác sĩ Barker mổ màng ngoài một cách điêu luyện, để lộ ra quả tim. - Ông ta chỉ các động mạch vành, nói: - Vấn đề là ở đây. Chúng ta sẽ làm một số động tác ghép nối. Ông đã bóc lấy một sợi tĩnh mạch dài ở chân người bệnh và khâu một đoạn vào động mạch chủ từ tim ra. Đầu kia ông nối vào một động mạch vành bên ngoài vùng tắc nghẽn, đưa máu đi qua đoạn ghép để tránh vùng này. Barker nhìn nhà phẫu thuật lão luyện làm việc. Phải chi tính nết ông ta đừng ác nghiệt như thế? Ca mổ kéo dài ba giờ. Đến hồi kết thúc, Paige gần như thiếp đi. Khi vết mổ đã được khép lại, bác sĩ Barker quay sang các nhân viên và nói: - Cám ơn tất cả mọi người. Ông ta không thèm nhìn Paige. Paige lập cập ra khỏi phòng không nói một lời và đi thẳng lên văn phòng của Benjamin Wallace. Wallace vừa đến. - Trông cô kiệt sức rồi, - Ông ta nói. - Cô cần phải nghỉ đi. Paige hít một hơi dài để ghìm cơn tức giận. - Tôi muốn chuyển sang tốp phẫu thuật khác. Wallce nhìn cô chăm chú. - Cô được phân công vào nhóm bác sĩ Barker đúng không? - Đúng. - Thế có vấn đề gì? - Ông hỏi lão ta xem. Lão ta căm thù tôi thì phải. Phen này tống được tôi đi lão sẽ khoái lắm đây. Tôi sẽ đi tốp khác. Tốp nào cũng được. - Tôi sẽ nói chuyện với ông ta, - Wallace nói. - Cám ơn. Paige quay đi và ra khỏi phòng. Tốt hơn hết họ nên để mình tránh xa lão ta. Nhìn thấy lão lần nữa, sợ rằng mình sẽ giết lão mất. Paige về nhà và ngủ liền mười hai tiếng. Cô tỉnh dậy với cảm giác đã xảy ra một điều gì đó tuyệt vời, rồi cô nhớ lại. Mình không phải gặp lại "Hung thần" nữa! Cô vừa lái xe đến bệnh viện vừa huýt sáo. Khi Paige tới hành lang, một người phục vụ lại gần cô. - Bác sĩ Taylor… - Gì vậy? - Ông Wallace muốn gặp bác sĩ. - Cám ơn, - Paige nói, rồi thầm tự hỏi mình sẽ được giao vào nhóm của ai. Cô bước vào văn phòng của Benjamin Wallace. - Trông cô khá hơn rồi đấy, Paige. - Cám ơn. Tôi đã cảm thấy đỡ rồi. Mà đúng thật. Cô lâng lâng trong cái cảm giác được phóng thích. - Tôi đã nói chuyện với bác sĩ Barker. Paige mỉm cười. - Tôi thực sự cám ơn. - Ông ấy không cho cô đi. Nụ cười của Paige tan biến: - Cái gì? - Ông ta bảo cô đã được phân công vào tốp của ông ta rồi và cô phải ở lại. Cô không tin vào tai mình nữa. - Nhưng tại sao chứ? - Cô biết tại sao rồi. Lão chết treo đó cần một người biết chịu đựng để cho lão thoả cơn nhục mạ. - Tôi sẽ không chịu nổi đâu. Bác sĩ Wallace buồn bã: - Tôi e rằng cô không có lựa chọn nào khác. Trừ phi cô muốn rời khỏi bệnh viện. Cô không nghĩ đến chuyện đó chứ? Paige không việc gì phải nghĩ tới chuyện ấy. - Không. - Cô sẽ không để cho lão Barker bắt cô phải ra đi. Đó là mưu mô của lão. - Không, cô gằn giọng, - tôi sẽ ở lại. - Tốt, thế là ổn rồi nhé. - Đừng hòng, Paige nghĩ. Mình sẽ tìm ra cách bắt lão phải trả giá. * * * * * Trong phòng thay đồ bác sĩ, Ken Mallory đang chuẩn bị vào tua. Grundy và ba bác sĩ khác bước vào. - Anh chàng của chúng ta đây rồi! - Grundy nói. - - Làm ăn thế nào, Ken? - Tốt. Grundy quay sang đám kia. - Trông hắn có vẻ chưa được xơ múi gì nhỉ? - Rồi hắn bảo Mallory. - Cậu chồng tiền đi là vừa. Tớ đang tính trả nốt tiền mua xe. Một bác sĩ khác đế vào. - Tớ định mua một tủ áo mới. Mallory lắc đầu tiếc rẻ. - Đâu có chuyện đó. Sắp tiền ra đi, mấy cha nội? Grundy nhìn hắn dò xét. - Cậu nói thế là ý gì? - Nếu cô ả khoái đàn bà thì thằng này là quan hoạn. Tao chưa từng gặp con nào "máu me" như ả. Tối hôm nọ suýt nữa thì tao "quại" được ả rồi. Đám kia nhìn nhau, lo lắng. - Nhưng cậu vẫn chưa lôi được cô ta lên giường? - Nguyên nhân duy nhất là bọn này bị gián đoạn trên đường vào buồng ngủ. Tớ đã hẹn cô ta tối thứ bảy này. Coi như xong, chỉ còn chờ vỗ tay nữa thôi. Mallory mặc xong quần áo. - Thôi nào các tướng, dẹp đường ra… Một lát sau, Grundy chặn Kat lại ngoài hành lang. - Tôi tìm cô mãi, - hắn nói, mặt bừng bừng tức giận. - Có chuyện gì thế? - Thằng con hoang Mallory. Hắn nhơn nhơn kể với mọi người rằng hắn sẽ ngủ được với cô vào tối thứ bảy. - Đừng lo, - Kat nói nghiêm trang. - Hắn sẽ thua. Khi Ken Mallory đến đón Kat, hắn thấy cô bận một chiếc váy cổ trễ thật sâu, để lộ bộ ngực ngon lành và thân hình đầy khêu gợi. - Trông em thật lộng lẫy. - Hắn tán. Cô vòng tay ôm hắn. - Em muốn diện cho anh. - Cô đổ vào lòng hắn. Chúa ơi, cô nàng thèm khát thật rồi! Khi Mallory cất tiếng, giọng hắn khàn đi. - Kat, trước khi chúng ta đi ăn tối, sao lại không tranh thủ vào kia và… Cô vuốt ve mặt hắn. - Ôi anh yêu. Em cũng thèm lắm. Nhưng Paige đang ở nhà. Thực ra Paige đang làm việc ở bệnh viện. - Nhưng sau bữa tối… - Cô để cho lời gợi ý buông lơ lửng. - Thì sao? - Chúng ta có thể về chỗ anh. Mallory vòng tay quanh người cô và hôn cô. - Ý kiến tuyệt diệu. Hắn đưa cô đến Iron Harse và họ ăn một bữa tối ngon lành. Mặc dù cố cưỡng lại mình, Kat vẫn bị cuốn hút. Ken rất có duyên, vui tính, và quyến rũ kỳ lạ. Hắn có vẻ thực tâm muốn biết tất cả về cô. Cô biết hắn đang tâng bốc cô, nhưng ánh mắt ngưỡng mộ của hắn có vẻ như là thực. Nếu mình không biết trước. Mallory ăn uống chật vật. Hắn chỉ còn có thể nghĩ. Hai tiếng nữa mình sẽ kiếm được mười ngàn đô… Một tiếng nữa mình sẽ kiếm được mười ngàn đô… Ba mươi phút nữa… Họ đã uống cà phê xong. - Em sẵn sàng chưa? - Mallory hỏi. Kat đặt tay lên tay hắn. - Anh không thể biết em sẵn sàng đến mức nào đâu cưng. Đi anh. Họ bắt taxi đến căn hộ của hắn. - Anh phát cuồng lên vì em, - Mallory thủ thỉ. - Anh chưa từng gặp ai như em. Còn cô lại nghe rõ giọng Grundy. Hắn nhơn nhơn kể với mọi người rằng hắn sẽ ngủ được với cô vào tối thứ bảy. Khi về đến nhà, Mallory trả tiền taxi và dẫn Kat vào thang máy. Hắn có cảm giác như đường lên phòng hắn dài vô tận. Hắn mở cửa và nói gấp gáp. Đây rồi Kat bước vào trong. Đó là một căn hộ độc thân bình thường, thiếu đến trầm trọng một bàn tay phụ nữ. Kat hít hà. - Ôi, dễ thương quá. Đúng típ của anh. Hắn nhoẻn miệng cười. - Để chỉ cho em buồng của chúng ta. Anh bật nhạc đã. Khi hắn quay đi tìm băng. Kat liếc đồng hồ. Giọng ca của Barbara Streisand tràn ngập căn phòng. Mallory cầm lấy tay Kat: - Nào, cưng. - Khoan đã, - Kat nói dịu dàng. Hắn nhìn cô, bối rối. - Gì vậy? - Em muốn tận hưởng giây phút này bên anh. Trước khi chúng ta cùng… - Tại sao chúng ta không thưởng thức nó trong phòng ngủ? - Em muốn uống. - Uống ư? - Hắn cố giấu sự sốt ruột. - Được. Em dùng gì? - Cho em vodka. Ken mỉm cười. - Anh nghĩ chúng ta có thể nhịn một chút - Hắn đi lại quầy bar nhỏ, vội vã rót rượu. Kat lại nhìn đồng hồ. Mallory mạng rượu đến và đưa cho Kat một ly. - Của em đây, bé. Kat nhấp một ngụm và kêu lên ; - Ôi lạy Chúa! Ken nhìn cô, sững lại: - Sao thế? - Đây là vodka? - Em bảo anh là vodka mà. - Thật ư? Em xin lỗi. Em ghét vodka thậm tệ! Cô vuốt mặt. - Anh cho em một ly scotch với soda được không? - Được chứ! - Hắn cố nén sự nôn nóng và ra bàn rượu pha ly khác. Kat lại liếc nhìn đồng hồ. Ken Mallory quay lại. - Của em đây. - Cám ơn, anh yêu. Cô nhấm nháp. Mallory lấy chiếc ly từ tay cô và đặt lên bàn. Hắn vòng tay quanh người cô, kéo sát lại và cô cảm thấy hắn đã cao hứng. - Nào, - Ken nói êm ái. - Hãy làm nên lịch sử di, em. - Ôi vâng! - Kat rên lên. - Vâng! Cô để cho hắn đưa vào phòng ngủ. Tới rồi đây! Tới rồi đây? Mallory hoan hỉ. Bức tường thành Jericho đã bị phá. Hắn quay sang Kat, giục: - Cởi ra đi, em yêu. - Anh trước đi, anh yêu. Em muốn xem anh cởi quẩn áo. Điều đó rất kích động. - Ô được thôi. Trong khi Kat đứng nhìn, Mallory từ từ trút bỏ y phục. Đầu tiên là áo vét, rồi sơ mi, cà vạt, rồi giày, tốt và sau cùng là quần. Hắn có thân hình rắn rỏi của một lực sĩ. - Em thích thế này ư, bé? - Ôi vâng. Anh hãy cởi nốt quần lót ra đi. Chầm chậm, Mallory để rơi nó xuống sàn. Hắn đã cứng ngắc. - Đẹp lắm, - Kat nói. - Bây giờ đến lượt em. - Vâng. - Đúng lúc đó, máy nhắn tin của Kat kêu lên: Mallory giật mình. - Cái chết tiệt gì…? Người ta gọi em, - Kat nói. - Em có thể dùng điện thoại của anh được không? - Bây giờ? - Vâng, chắc là một ca cấp cứu. - Vào lúc này? - Anh yêu, anh biết nguyên tắc rồi đấy. - Nhưng… Trong khi Mallory giương mắt nhìn. Kat tới chỗ điện thoại và quay số. - Bác sĩ Hunter đây… Thật ư? Tất nhiên. Tôi sẽ đến ngay. Mallory trân trân nhìn Kat. - Có chuyện gì vậy? - Thiên thần ơi, em phải quay lại bệnh viện. - Bây giờ? - Vâng. Một bệnh nhân của em đang hấp hối. - Ông ta có thể đợi đến… - Em xin lỗi. Để hôm khác anh nhé. Ken Mallory đứng đó, trần như nhộng, nhìn Kat bỏ đi. Khi cánh cửa sập lại sau lưng cô, hắn cầm ly rượu của cô, đập vào tường. Con đĩ… con đĩ… con đĩ… Khi Kat về đến nhà, Paige và Honey đang chờ cô, háo hức. - Thế nào? - Paige hỏi. - Tớ gọi có đúng lúc không? Kat cười: - Cậu căn giờ rất tuyệt. Cỏ bắt đầu kể lể tình tiết. Khi kể đến đoạn Mallory trần truồng và ngơ ngác trong phòng ngủ, của quý chổng ngược lên, họ cười đến chảy nước mắt. Kat đã dấy lên ý muốn kể cho các bạn cô thấy Ken Mallory thú vị đến thế nào, nhưng cô bỗng cảm thấy mình ngớ ngẩn. Xét cho cùng, hắn cũng chỉ nhằm vào cô để được cuộc. Không hiểu sao, Paige hình như cảm nhận được ý nghĩ của Kat. - Hãy cẩn thận với hắn đấy, Kat. Kat mỉm cười. - Đừng lo. Nhưng mình phải thú nhận rằng nếu mình không biết chuyện cá cược… Hắn là một con rắn, nhưng hắn toả ra mùi dầu rắn rất thơm. - Khi nào cậu gặp lại anh ta? - Honey hỏi. - Mình sẽ cho hắn một tuần để dịu bớt. Paige quan sát cô. - Cậu hay là Ken. Chiếc Limousine màu đen của Dinetto đang đợi Kat bên ngoài bệnh viện. Lần này chỉ có mình Shadow. Kat ước gì Rhino thế vào chỗ đó. Có một cái gì ở Shadow khiến cô mụ mị cả người. Hắn không bao giờ cười và hiếm khi mở miệng, toàn thân hắn toát lên mùi tử khí. - Vào đi! Hắn nói khi Kat tiến lại gần chiếc xe. - Này, - Kat nói phẫn nộ, - hãy bảo ông Dinetto rằng ông ta không thể ra lệnh cho tôi được đâu. Tôi không làm việc cho ông ta. Tôi chỉ giúp ông ta một lần… - Vào đi! Đến mà bảo với ông ấy. Kat ngập ngừng. Thật dễ dàng bỏ đi và không dính líu gì nữa, nhưng Mike sẽ ra sao? Kat chui vào xe. Nạn nhân lần này bị đánh đập tàn tệ, bị quật bằng xích sắt. Lou Dinetto đang ngồi cạnh đó. Kat xem qua nạn nhân và nói, ông phải đưa người này đi bệnh viện ngay lập tức. - Kat, - Dinetto nói, - cô phải chữa cho cho hắn tại đây! - Vì sao? - Kat vặn lại. Nhưng cô đã biết câu trả lời. Nó luôn làm cô khiếp đảm. Chương 18 Đó là một trong những ngày tươi sáng của San Francisco, khi trong không gian phảng phất những mùi vị kỳ diệu. Trận gió đêm đã dọn hết mây mù cho một sáng chủ nhật nắng vàng khô ráo. Jason tới đón Paige. Cô ngạc nhiên thấy mình vui mừng đến thế khi nhìn thấy anh. - Chào buổi sáng, - Jason nói. - Trông em rất đẹp. - Cám ơn. - Em muốn làm gì hôm nay? - Đây là thành phố của anh, - Paige nói. - Anh dẫn đường, em đi theo. - Hợp lý đấy. - Nếu anh không phiền, - Paige nói, - em muốn đảo qua bệnh viện một lát. - Anh tưởng hôm nay em được nghỉ. - Thì đúng vậy, nhưng có một bệnh nhân làm em lo lắng. Jason chở cô đến bệnh viện. - Em không vào lâu đâu, - Paige hứa khi ra khỏi xe. - Anh đợi em ở đây. Paige lên tầng ba, đến phòng Jimmy Ford. - Anh ta vẫn hôn mê. Một loạt ống chằng chịt từ những chai lọ nối vào người Jimmy. Một y tá ở trong phòng. Chị ta ngước lên nhìn Paige. - Chào bác sĩ Taylor. - Chào buổi sáng, - Paige đến bên giường bệnh. - Có gì biến chuyển không? - Tôi e rằng không có. Paige sờ mạch Jimmy và nghe nhịp tim. - Đã mấy tuần rồi, - y tá nói. - Chiều hướng xấu, phải không bác sĩ? - Anh ấy sẽ qua khỏi, - Paige quả quyết. Cô quay sang nhìn thân hình bất động trên giường và cao giọng. - Anh có nghe tôi không? Rồi anh sẽ khỏi! - Không có phản ứng gì. Cô nhắm mắt và thầm cầu nguyện. Nhắn tin cho tôi ngay nếu có gì biến chuyển. - Vâng, thưa bác sĩ. - Anh ta sẽ không chết, Paige nghĩ, mình sẽ không để Jimmy chết. Jason nhảy ra khỏi xe, khi Paige đi đến. - Mọi việc ổn cả chứ? Không lẽ mình lại bắt anh ấy san sẻ gánh nặng của mình. - Vẫn đâu vào đấy, - Paige đáp. - Chúng ta làm một ngày rong chơi nhé, - Jason nói. - Một điều luật của bang quy định mọi tuyến du lịch đều phải xuất phát tại Fisherman's Wharf. Paige mỉm cười. - Chúng ta không nên phá luật. Fisherman s Wharf giống như một lễ hội ngoài trời. Đám nghệ sĩ đường phố đua nhau trổ tài nghệ. Nào là vũ công, nhạc công, nào là hề câm, hề xiếc. Những gánh hàng rong bán những chảo lớn bốc khói đầy cua càng và xúp trai với bánh mì giòn. - Không đâu như nơi này trên thế giới. Jason nói trìu mến và tự hào. Sự nhiệt tình của anh làm cho Paige xúc động. - Cô đã thăm Fisheman's Wharf và hầu hết những điểm du lịch khác của San Francisco, nhưng cô không muốn làm anh mất hứng. - Em đã bao giờ đi xe cáp chưa? - Jason hỏi. - Chưa. Kể từ tuần trước. - Thế thì em chưa biết sống. Đi nào. Họ thả bộ sang phố Powell và lên một chiếc xe cáp. Khi họ bắt đầu vào độ dốc, Jason nói: - Đây là công trình nổi tiếng với cái tên "Sự điên rồ của Halhdie". Ông ta dựng nó lên vào năm 1873. - Em dám cuộc là mọi người đều quả quyết là nó sẽ không tồn tại được. Jason cười. - Đúng thế. Hồi còn học cao đẳng, vào kỳ nghỉ, anh thường làm hướng dẫn viên du lịch. - Chắc anh thành thạo lắm nhỉ. - Nhất hạng đấy. Em có muốn nghe một bài diễn thuyết của anh không? - Em muốn? Jason chuyển sang giọng mũi của một hướng dẫn viên du lịch. - Thưa các quý bà quý ông, xin được giới thiệu với quý vị: Đại lộ Grant, phố cổ nhất của San Francisco, con đường dài nhất là Misson Street, bảy dặm rưỡi, rộng nhất là Van Ness Avenue với 125 bộ, và quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết phố hẹp nhất, DeForest, chỉ có bốn bộ rưỡi. Đúng vậy, thưa quý bà quý ông, bốn bộ rưỡi. Chúng ta có thể coi Fibert là phố dốc nhất với độ dốc 31,5 phần trăm, - anh nhìn Paige và toét miệng cười. Anh lấy làm lạ là mình vẫn còn nhớ những con số đó. Khi họ xuống khỏi xe cáp, Paige ngước nhìn Jason mỉm cười: - Tiếp theo là gì đây? - Chúng ta sẽ đi xe ngựa. Mười phút sau họ đã ngồi trên chiếc xe ngựa từ Fisheman's Wharf qua quảng trường Ghirardelli để tới bãi biển phía bắc, Jason liên tiếp chỉ cho Paige những địa điểm hấp dẫn dọc đường, và cô ngạc nhiên thấy mình thích thú đến thế. - Đừng để cho mình say mê. Họ lên tháp Cort để ngắm toàn cảnh thành phố. Khi đang trèo lên Jason hỏi. - Em có đói không? Đến lúc này Paige mới thấy bụng dạ sôi réo. - Có. Tốt. Anh đưa em đến một trong những tiệm ăn Tàu ngon nhất thế giới: Tommy Toy. Paige đã nghe các bệnh nhân bệnh viện kháo nhau về quán ăn này. Bữa ăn biến thành một đại tiệc. Họ mở đầu bằng tôm hùm, canh hải sản. Tiếp theo là món lườn gà với đậu tuyết và hồ đào Pecan, thăn bê rưới nước sốt Tứ Xuyên và cơm chiên thập cẩm. Để tráng miệng, họ chọn kem đào. Tất cả đều ngon tuyệt. - Anh có thường đến đây không? - Paige hỏi. - Khi nào có thể. Ở Jason có cái chất tinh nghịch mà Paige thấy hấp dẫn. - Anh không còn lựa chọn nào khác. - Jason toét miệng cười. - Đồ chơi đầu tiên của anh là bộ lắp ráp. Thật thú vị khi ước mơ một điều gì đó rồi được xem ước mơ của mình biến thành bê tông, gạch, đá và vút lên trời cao để trở thành một phần của thành phố mình đang sống. Anh sẽ xây cho em một Taj Mahal. Bao nhiêu lâu anh không cần biết. - Anh là một người may mắn, Paige ạ, vì anh được dành cuộc đời cho nghề nghiệp mình yêu thích. Ai đã nói thế này: "Hầu hết con người ta đều sống cuộc đời âm thầm tuyệt vọng". Như bao nhiêu bệnh nhân của mình, Paige nghĩ. - Anh không ước muốn làm nghề nào khác, hoặc sống ở nơi nào khác. Đây là thành phố thần thoại - Giọng anh sôi nổi. - Ở đây có mọi thứ ta cần. Anh không bao giờ thấy chán. Paige nhìn anh giây lâu, thích thú trước sự nhiệt thành của anh. - Anh đã bao giờ lấy vợ chưa? Jason nhún vai. - Một lần. Anh lúc đó còn quá trẻ. Chẳng ra làm sao. - Thật đáng tiếc. - Chẳng cần tiếc đâu. Cô ta đã tái giá với một tay sản xuất thịt hộp giàu sụ. Còn em đã có lần nào chưa? Khi nào lớn lên em cũng làm bác sĩ. Chúng ta sẽ cưới nhau. - Chưa. Họ đi thuyền dạo chơi trện vịnh dưới cầu Cổng Vàng và CầuBay, Jason lại lấy giọng hướng dẫn viên du lịch. "Và kia, thưa quý ông quý bà, là Alcatraz huyền thoại, từng là nơi cư ngụ của một số tội phạm lừng danh thế giới. Kelly Súng máy, Al Capone và Robert Stroud, kẻ được mệnh danh là Người Chim! "Alcatraz", tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là con Bồ Nông. Tên gốc của nó là Isla de los Alcatraz, trước đây loài chim này là cư dân duy nhất trên hòn đảo. Quý vị có biết tại sao ở đó người ta phải cho tù nhân tắm nước nóng hàng ngày không? - Không. Để chúng không thể chịu nổi làn nước lạnh giá trong vịnh nếu mưu toan vượt ngục. - Thật thế ư? - Paige hỏi. Đã bao giờ anh nói dối em chưa? * * * * * Trời về chiểu khi Jason nói: - Em đã bao giờ đến thung lũng Noe chưa? Paige lắc đầu. - Chưa. - Anh muốn dẫn em đi xem. Nơi đó xưa kia toàn sông ngòi và trang trại, bây giờ thì đầy những biệt thự xinh xắn kiểu Victoria. Các ngôi nhà đều rất cổ, vì đó là vùng duy nhất được Chúa dung tha trong trận động đất năm 1906. - Hay đấy. Jason ngập ngừng. - Nhà anh ở đó. Em có muốn ghé qua không? - Anh nhìn thấy phản ứng của Paige. - Paige, anh yêu em. - Chúng ta mới quen nhau, làm sao anh có thể … - Anh biết ngay từ giây phút nghe em nói: Không ai phải bảo anh mặc áo choàng trắng trong khi làm việc à? Đó chính là lúc anh phải lòng em. - Jason… - Anh là tín đồ trung thành của tình yêu sét đánh. - Ông nội anh nhìn thấy bà nội anh đi xe đạp trong công viên, liền bám theo ngay và hai tháng sau họ cưới nhau. Ông bà sống với nhau năm mươi năm, cho tới khi ông mất. Cha anh nhìn thấy mẹ anh đi qua đường và ngay lúc đó ông đã biết cô gái đó là vợ ông. Họ lấy nhau đã được bốn nhăm năm. Em thấy không, đó là truyền thống gia đình. Anh muốn cưới em. Paige nhìn Jason và nghĩ, đây là người đàn ông đầu tiên hấp dẫn mình, sau Alfred. Anh ấy đáng yêu, thông minh, chân thật. Anh ấy là tất cả nhưng gì đàn bà mong muốn ở đàn ông. Mình bị làm sao thế nhỉ? Mình đang ôm ấp một bóng ma. Nhưng tận đáy lòng, cô vẫn bị chế ngự bởi cảm giác một ngày nào đó Alfred sẽ quay trở lại. Cô nhìn Jason và đi đến quyết định. - Jason… - Đúng lúc đó, máy nhắn tin của cô kêu lên. - Paige… - Em phải đi tìm điện thoại. Hai phút sau, cô nói chuyện được với bệnh viện. Jason thấy mặt Paige tái đi. Cô gào vào máy. - Không! Không được! Bảo họ tôi đến ngay. - Cô dập mạnh ống nghe xuống. - Chuyện gì thế? - Jason hỏi: Cô quay sang anh, mắt cô đã đầy lệ: - Đó là Jimmy Ford, bệnh nhân của em. Họ sẽ để Jimmy chết. Khi Paige đến phòng Jimmy Ford, đã có ba người trực sẵn quanh cái hình hài bất động trên giường: George Englund, Benjamin Wallace và một luật sư, Silvester Damone. - Chuyện gì đang diễn ra ở đây vậy? - Paige hỏi. Benjamin Wallce nói: - Cuộc hội họp đồng đạo đức bệnh viện sáng nay đã quyết định rằng tình trạng của Jimmy Ford là vô vọng. Chúng tôi nhất trí tháo bỏ… - Không! Các ông không thể! Tôi là bác sĩ của anh ta. Tôi nói anh ta có cơ may hồi tỉnh! Chúng ta không được để cho bệnh nhân chết. Shivester Damone nói: - Bác sĩ, cô không có quyền quyết định. Paige nhìn ông thách thức: - Ông là ai? - Tôi là luật sư của gia đình. - Ông ta lôi ra một tờ giấy và đưa cho Paige. - Đây là nguyện vọng của Jimmy Ford khi còn sống, đặc biệt nêu rõ rằng nếu anh ta bị thương nguy hiểm đến tính mạng, anh ta không muốn kéo dài sự sống sinh vật bằng những phương tiện máy móc. - Nhưng tôi là người theo dõi tình trạng của Jimmy. - Paige van vỉ. - Anh ấy đã ổn định mấy tuần nay. Và có thể hồi tỉnh bất cứ lúc nào. - Bác sĩ có dám đảm bảo không? - Damone hỏi. - Không, nhưng… - Vậy thì bác sĩ phải làm theo lệnh. Paige cúi nhìn Jimmy. - Không? Các ông hãy đợi thêm một chút. Ông luật sư ngọt nhạt. - Bác sĩ, tôi tin chắc bệnh viện càng giữ bệnh nhân lâu thì càng có lợi, nhưng gia đình không thể trang trải viện phí được nữa. Tôi yêu cầu bác sĩ hãy bỏ máy hô hấp của anh ta ra… - Chỉ thêm một hai ngày thôi mà, - Paige tuyệt vọng nói, - tôi tin… - Không, - Damone cương quyết. - Hôm nay. George Enghlund quay sang Paige. - Xin lỗi, nhưng tôi e rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác. - Cám ơn bác sĩ, - Ông luật sư nói. - Tôi giao lại việc này cho các vị. Tôi sẽ thông báo ngay với gia đình để họ bắt đầu chuẩn bị tang lễ. - Ông ta quay sang Benjamin Wallaee. - Cám ơn sự hợp tác của ông. Chúc thuận lợi. Họ nhìn ông ta ra khỏi phòng. - Chúng ta không thể làm như vậy với Jimmy! - Paige nói. Bác sĩ Wallace hắng giọng: - Paige… - Hay là chúng ta giấu cậu ấy sang phòng khác. Tôi tin là có thể làm được điều gì đó. - Đây không phải là yêu cầu. - Benjamin Wallace quay sang George Englund. - Anh có định…? - Không! - Paige kêu lên. - Để tôi… để tôi làm. - Tốt lắm. Nếu các ông không phiền, tôi muốn được ở một mình với anh ấy. George Englund xiết chặt tay cô. - Paige, tôi xin lỗi. - Tôi hiểu. Paige nhìn hai người đàn ông rời khỏi phòng. Cô ngồi lại một mình bên chàng trai đang trong cơn mê man. Cô lại nhìn những đường tiếp ven và chiếc máy hô hấp đang giữ cho anh ta sự sống. Thật đơn giản khi tắt máy, ngắt bỏ một kiếp người. Nhưng con người này đã có bao nhiêu ước mơ, hy vọng. Một ngày nào đó tôi sẽ làm bác sĩ. Tôi muốn được như chị. Chị biết sắp cưới vợ chưa… Tên cô ấy là Besty… Chúng tôi sẽ có một tá con. Con gái đầu lòng sẽ mang tên Paige. Jimmy còn quá nhiều điều cần phải sống. Paige đứng đó, cúi nhìn Jimmy, nước mắt làm nhoà nhạt căn phòng. - Quỷ bắt cậu đi! - Cô nói. - Cậu là đồ bỏ chạy! - Bây giờ thì cô nức nở. - Còn những ước mơ của cậu thì sao? - Tôi tưởng cậu muốn trở thành bác sĩ cơ mà! Trả lời tôi đi! Cậu có nghe tôi không hả? Mở mắt ra? - Cô nhìn xuống cái thân hình bệch bạc. Không có phản ứng gì. - Tôi xin lỗi, - Paige thều thào. - Xin lỗi. - Cô cúi xuống hôn lên má Jimmy và chậm chạp đứng thẳng dậy. Cô nhìn thấy một cặp mắt đang mở. - Jimmy! Jimmy. - Anh ta chớp mắt rồi nhắm mắt lại. Paige ghì xiết tay người bệnh. Cô cúi xuống, vừa nói vừa nấc lên: - Jimmy, cậu biết chuyện một bệnh nhân phải nằm truyền dịch không nhỉ? Anh chàng nằng nặc đòi bác sĩ thêm một chai nữa. Anh ta sắp có khách tới ăn trưa. Chương 19 Honey hạnh phúc hơn bao giờ hết trong đời. Cô đã có được quan hệ thân tình với bệnh nhân, như một vài bác sĩ khác. Cô thành thực quan tâm đến họ. Cô làm việc ở khoa Lão, khoa Nhi và nhiều phòng bệnh khác nhau. Bác sĩ Wallace đã lo cho cô luôn được giao những nhiệm vụ vô thưởng vô phạt. Ông ta muốn cô ở bệnh viện để sẵn món cho mình. Honey ghen với các y tá. Họ được chăm nom bênh nhân và không phải lo phán quyết về điều gì cả. Mình chưa bao giờ muốn làm bác sĩ. Mình chỉ luôn muốn làm y tá thôi. - Không có y tá trong gia đình Taft. Buổi chiều, khi rời bệnh viện, Honey thường đi mua sắm ở Bay Company, Streetlight Records hoặc mua quà cho trẻ con ở khoa Nhi. - Mình rất yêu trẻ, - cô thổ lộ với Kat. - Cậu định có một lô lốc con đấy à? - Một ngày nào đó, - Honey ước ao. - Nhưng trước tiên mình phải tìm cho được ông bố của chúng đã. Một trong những bệnh nhân yêu thích của Honey trong khoa Lão là Daniel McGuire, một cụ già chín mươi tuổi, vui nhộn, đang bị bệnh gan hành hạ. Hồi trẻ cụ là một tay cở bạc và cụ rất thích trò cá cược với Honey. - Ta cá năm mươi xu là tay phục vụ sẽ mang bữa sáng muộn. - Ta cá một đô là chiều nay sẽ có mưa. - Ta cá đội Giant sẽ thắng. - Honey luôn luôn nhận cược. - Ta cá mười lăm ăn một là ta đập được cái này đấy. - Lần này cháu không cược với cụ đâu, - Honey nói. - Cháu đứng về phía cụ. - Ông cụ cầm lấy tay cô. - Ta biết. - Cụ há miệng cười. - Giá mà ta trẻ hơn được vài tháng thì… Honey cười. - Không sao. Cháu ưa những anh già. Một buổi sáng có một bức thư gửi đến bệnh viện. Honey mang vào phòng cho cụ Guire. - Đọc hộ ta với, được không? - Mắt ông cụ đã mờ. - Dĩ nhiên, - Honey nói. Cô mở phong bì, đọc lướt qua rồi buột kêu lên. - Cụ trúng xổ số rồi? Năm mươi ngàn đô-la! Chúc mừng cụ nhé? - Có thế chứ! - Ông cụ reo lên. - Ta luôn biết một ngày nào đó ta sẽ trúng số mà! Lại đây cho ta ôm một cái. Honey cúi xuống và ôm ông cụ. - Cô biết không, Honey? Ta là người may mắn nhất thế giới. Tua chiều, khi Honey trở lại, ông cụ đã qua đời. Cụ đã thua trận cá cược quan trọng nhất. Honey đang ở trong phòng nghỉ của bác sĩ thì Stevens bước vào. Ở đây có ai mệnh Xử Nữ (1) không? Một bác sĩ phá lên cười. - Nếu cậu muốn hỏi trinh nữ, tớ ngờ rằng không có đâu Xử Nữ, - Bác sĩ Stevens lặp lại. - Tôi cần người mang mệnh Xử Nữ. - Tôi là Xử Nữ. - Honey nói. - Có vấn đề gì không? Stevens lại gần cô. - Vấn đề là có một con mụ dở chứng trong phòng bệnh của tối. Mụ không cho ai đến gần ngoài người có mệnh Xử Nữ. Honey đứng dậy. - Để tôi đến gặp bà ta. - Cám ơn. Tên mụ ta là Frances Gordon. Frances Gordon vừa phải phẫu thuật xương hông. Ngay lúc Honey bước vào phòng, người đàn bà đã ngẩng lên và nói. - Cô là Xử Nữ. Cô sinh vào giáp giới cung Hoàng đạo đúng không? Honey mỉm cười: - Đúng ạ! - Bọn Bảo Bình và Sư Tử ấy có biết làm quái gì đâu. Họ đối xử với bệnh nhân chúng tôi cứ như là với những miếng thịt. - Bác sĩ ở đây đều rất tốt, - Honey chống chế. - Họ… - Hừ! Tất thảy chúng đều vì tiền thôi. - Bà ta nhìn sát mặt Honey. - Cô thì khác. Honey đọc lướt biều đồ ở cuối giường, vẻ ngạc nhiên lộ rõ trên mặt cô. Honey chớp mắt. - Ở đây nói bà làm nghề… nghề bói toán? Frances Gordon gật đầu: - Đúng vậy. Cô có tin vào siêu linh không? Honey lắc đầu: - Tôi sợ rằng không! - Quá tệ. Cô ngồi xuống đây. Honey lấy một cái ghế. - Đưa tay tôi xem nào. Honey lắc đầu: - Tôi thực sự không. - Thôi nào, đưa tay đây cho tôi. Miễn cưỡng, Honey để cho bà ta cầm lấy bàn tay mình. Frances Gordon sờ nắn bàn tay Honey một thoáng, mắt nhắm lại. Khi mở mắt, bà ta nói: - Tiền vận của cô long đong lắm. Ai mà chẳng phải long đong, Honey nghĩ. - Có một điều gì đó thay đổi trong cô, vừa mới đây thôi, đúng không? Honey chỉ mong thoát ra khỏi nơi đây. Người đàn bà này làm cô căng thẳng và hoảng sợ. Cô cố rút tay ra. - Cô sẽ yêu. - Tôi e rằng tôi phải… - Anh ta là một nghệ sĩ. - Tôi có quen nghệ sĩ nào đâu. - Rồi cô sẽ quen. - Frances Gordon thả tay Honey ra. - Hãy trở lại gặp tôi! - Bà ta ra lệnh. - Tất nhiên. Cô lủi thật nhanh. Honey dừng lại thăm Mrs Owens, bệnh nhân mới, một người đàn bà mới hai tám tuổi nhưng trông như đã sắp năm mươi. Chị ta bị gẫy mũi, hai mắt thâm tím, mặt sưng vêu, bầm dập. Honey bước lại giường. - Tôi là bác sĩ Taft. Người đàn bà nhìn cô bằng cặp mắt vô hồn, trống rỗng. Chị ta vẫn im lặng. - Chuyện gì xảy ra với chị thế? - Tôi bị ngã cầu thang, - chị ta mở miệng đáp, để lộ một lỗ trống hoác vốn là vị trí của hai chiếc răng cửa. Honey xem qua biểu đồ. - Chị bị gãy hai xương sườn và dập xương chậu? - Vâng. Cú ngã nặng quá. - Sao mắt chị thâm tím cả thế kia? - Tôi ngã mà… - Chị có gia đình chưa? - Rồi. - Chị có con không? - Hai đứa. - Chồng chị làm gì? - Đừng hỏi đến chồng tôi, được chứ? - Tôi sợ rằng không hôi không được, - Honey nói. - Có phải chính anh ta gây cho chị nông nỗi này? - Không ai đánh tôi cả. - Tôi sẽ phải báo cho cảnh sát. Mrs Owens đột nhiên hoảng sợ. - Không! Xin đừng làm thế! - Tại sao? - Hắn sẽ giết tôi! Bác sĩ chưa biết hắn đâu! - Anh ta thường đánh chị như thế à? - Vâng, nhưng hắn… Hắn không định… Chẳng qua là hắn say… - Sao chị không bỏ quách hắn đi? Mrs Owens nhún vai, và cử động đó làm chị ta đau đớn. - Tôi và lũ trẻ biết đi đâu, lấy gì mà ăn? Honey nghe mà tức anh ách. - Chị không phải chịu đựng như thế, chị biết không? Có những tổ chức sẵn sàng cho chị và các cháu nương náu. Người đàn bà tuyệt vọng lắc đầu. - Tôi không có tiền. Tôi đã mất việc thư ký khi hắn bắt đầu… - Chị ta không nói tiếp được nữa. Honey siết tay người bệnh. - Chị sẽ ổn thôi. Để tôi xem có thể giúp gì được chị. Năm phút sau, Honey xộc vào văn phòng của bác sĩ Wallace. Ông ta hớn hở khi nhìn thấy cô, lòng thầm tự hỏi lần này cô mang theo thứ gì. Cô đã dùng đủ loại: mật ong, nước nóng, sôcôla chảy, và thử ông ta mê nhất là xi rô. Sáng tạo của cô thật vô kể? - Chốt cửa lại đi, bé! - Không được đâu, Ben. Em phải đi ngay. Cô kể cho ông ta về người bệnh. - Em phải báo cho cảnh sát, - Wanace nói - Đây là luật. Pháp luật đã không bảo vệ được chị ta. Anh xem, tất cả những gì chị ta muốn là thoát khỏi ông chồng. Chị ta đã từng là thư ký. Anh có cần một nhân viên giữ sổ sách không? - Có nhưng… khoan đã! - Cám ơn, - Honey nói. - Chúng ta sẽ giúp Mrs Owens đứng dậy, tìm cho chị ta một chỗ ở, và chị ta sẽ có việc làm! Wallace thở dài. - Để anh xem đã. - Em biết anh làm được mà, - Honey nói. Sáng hôm sau, Honey trở lại thăm Mrs Owens. - Hôm nay chị thấy thế nào? - Honey hỏi. - Cám ơn, tôi đỡ rồi. Khi nào tôi về nhà được? Chồng tôi không thích… - Chồng chị sẽ không làm khồ chị được nữa. - Honey nói quả quyết. - Chị sẽ ở lại đây cho tới khi chúng tôi tìm được một chỗ cho chị và bọn trẻ, và khi nào khỏe lại, chị sẽ có việc làm ngay tại bệnh viện này. Mrs Owens trân trân nhìn Honey, nghi hoặc: - Bác sĩ… bác sĩ nói thật chứ? - Hoàn toàn. Chị sẽ có nhà riêng để sống với các con. Chị sẽ không phải sống với nỗi kinh hoàng trước kia nữa. Và chị sẽ có một công việc đàng hoàng, đủ cho mình và cho con cái. Mrs Owens chộp lấy tay Honey. - Tôi không biết phải cám ơn bác sĩ thế nào, - chị ta sụt sịt. - Bác sĩ không biết tôi đã phải trải qua những gì đâu. - Tôi có thể hình dung được, - Honey nói. - Chị sẽ bình yên. Người đàn bà gật đầu, nghẹn ngào không nói gì được nữa. Hôm sau, khi Honey đến gặp Mrs Owens, căn phòng trống rỗng. - Chị ta đâu? - Honey hỏi. - À một y tá nói, - chồng chị ta đến đón sáng nay rồi. Tên cô lại vang lên trong hệ thống liên lạc nội bộ: "Bác sĩ Taft… Phòng 215… Bác sĩ Taft… Phòng 215. Honey đụng Kat trong hành lang. - Công việc thế nào? - Kat hỏi. - Cậu không tin nổi đâu? - Honey nói. Bác sĩ Ritter đang đợi cô trong phòng 215. Trên giường bệnh là một người Ấn Độ gần ba mươi tuổi. - Đây là bệnh nhân của cô? - Bác sĩ Ritter hỏi. - Vâng. - Anh ta không nói được tiếng Anh à? - Vâng. Ông ta trỏ biểu đồ. - Và đây là chữ của cô? Nôn oẹ, chuột rút, khát, mất nước… - Đúng vậy, - Honey nói một mạch ngoại biên… - Vâng. - Và cô chẩn bệnh gì? - Bệnh cúm thể bụng. - Cô đã lấy mẫu phân chưa? - Chưa. Để làm gì ạ? - Còn để làm gì nữa. Bởi vì bệnh nhân của cô bị bệnh tả. - Ông ta gào lên. - Chúng ta sẽ phải đóng cửa cái bệnh viện chó chết này? Chú thích: (1) Virgo - Cung thứ sáu của Hoàng đạo theo chiêm tinh. Chương 20 - Bệnh tả? - Benjamin Wallace rít lên. - Anh đang bảo với tôi rằng bệnh viện này có người bị bệnh tả? - Tôi e rằng đúng vậy. - Anh có hoàn toàn chắc chắn không? - Không còn nghi ngờ gì nữa. - Bác sĩ Ritter nói. Phân của anh ta nhung nhúc khuẩn phẩy. Độ pH động mạch thấp, huyết áp giảm, tim đập nhanh và da tím tái. Theo luật, tất cả những trường hợp bệnh tả và những bệnh lây truyền khác đều phải được báo cáo tức khắc lên Bộ Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh dịch ở Atlanta. - Ben, chúng ta phải báo cáo thôi. - Họ sẽ tức khắc đóng cửa! - Wallace đứng lên, lồng lộn. - Trời tru đất diệt tôi đi. Tất cả bệnh nhân ở đây sẽ phải bị kiểm dịch. Anh ta biết mình bị bệnh không? - Không. Anh ta không nói được tiếng Anh. Đó là một người Ấn. - Ai đã tiếp xúc với anh ta? - Hai y tá và bác sĩ Taft. - Và bác sĩ Taft đã chẩn đoán đó là bệnh cúm? - Phải. Anh sẽ sa thải cô ta chứ? - Ờ không, - Wallace nói. - Ai chẳng có lúc sai lầm. Không nên khinh suất. Biểu đồ ghi là bệnh cúm thể bụng à? - Vâng. Wallace đi đến quyết định. - Cử để thế. Còn anh làm ngay việc này. Truyền ven chống mất nước, dùng dung dịch Ringer lactat. Cho Tetacyline. Nếu chúng ta phục hồi được dung tích máu và nước của bệnh nhân ngay lập tức thì anh ta có thể qua khỏi trong vài giờ. - Chúng ta sẽ không báo cáo? - Bác sĩ Ritter hỏi. Wallace nhìn vào mắt ông ta. - Báo cáo một ca cúm thể bụng ư? - Còn về hai y tá và bác sĩ Taft? - Cũng cho dùng Tetracyline luôn. Tên bệnh nhân là gì? - Pandit Jawah. - Cho cách ly bốn mươi tám tiếng. Trong khoảng chừng đó hắn sẽ khỏi hoặc sẽ chết. Honey hoảng sợ thật sự. Cô hớt hải đi tìm Paige. - Tớ cần cậu giúp đở. - Có chuyện gì vậy? Honey kể cho bạn nghe chuyện về anh chàng Ấn độ. - Tớ muốn cậu nói chuyện với anh ta. Anh ta không nói được tiếng Anh, mà cậu lại biết tiếng Ấn. - Tiếng Hindu. - Thì cũng thế cả. Cậu sẽ thông ngôn hộ mình chứ? - Tất nhiên. Mười phút sau, Paige nói chuyện với Pandit Jawah. Năm phút sau nữa, Honey đón Paige ở ngoài hành lang. - Anh ta nói gì? - Anh ta nói: "Tôi chết mất". Mình bảo: "Anh sẽ khỏe thôi". Anh ta bảo phải cầu xin thượng đế. Mình giải thích là chúng ta sẽ chữa chạy ngay. Anh ta rất cám ơn. - Mình cũng cám ơn cậu. - Thế bạn bè để làm gì nào? - Bệnh tả là thứ bệnh có thể dẫn đến tử vong trong vòng hai tư tiếng đồng hồ vì mất nước, hoặc cũng có thể chữa khỏi chỉ trong vài giờ. Năm tiếng sau đợt chạy chữa tích cực, Pandit Jawah đã gần như trở lại bình thường. Paige ghé lại thăm Jimmy Ford. Mắt anh ta sáng lên khi nhìn thấy cô. - Chào. - Giọng anh ta vẫn còn yếu, nhưng sức lực thì đã tiến triển một cách thần kỳ. - Thế nào? - Paige hỏi. - Tuyệt. Chị có nghe chuyện một bác sĩ bảo với bệnh nhân: "Tốt nhất anh phải bỏ rượu, bỏ thuốc và ngừng sinh hoạt tình dục". Bệnh nhân nói: "Tôi chẳng xứng đáng với cái gì tốt nhất đâu. Tốt thứ hai là gì, bác sĩ?" Bây giờ thì Paige biết rằng Jimmy Ford sẽ khỏi. Mallory vừa hết phiên trực, đang định đi gặp Kat thì nghe tên mình bị xướng lên. Hắn ngần ngừ, tự hỏi có nên mặc kệ mà chuồn đi không. Tên hắn lại bị xướng một lần nữa. Miễn cưỡng, hắn nhấc máy. - Bác sĩ Mallory. - Bác sĩ, xin ông đến ngay phòng cấp cứu số 2. Có một bệnh nhân… - Rất tiếc, - Mallory nói. - Tôi hết giờ rồi. Tìm ai khác vậy. - Không còn ai ở đây xử lý được ca này. Hiện bệnh nhân bị chảy máu dạ dày, tình trạng nguy cấp. E rằng chúng ta có thể mất người bệnh nếu… - Mẹ kiếp! Thôi được. Tôi sẽ đến ngay. Mình phải gọi cho Kat và báo rằng mình sẽ đến muộn. Bệnh nhân trong phòng cấp cứu là một người đàn ông quãng sáu mươi. Ông ta gần như mê man, nhợt nhạt như xác chết, mồ hôi đầm đìa, thở nặng nhọc, rõ ràng là đau khủng khiếp. Mallory nhìn lướt ông ta và nói: - Đưa vào phòng mổ, stat! Mười lăm phút sau, bệnh nhân đã ở trên bàn mổ. Bác sĩ gây mê đang theo dõi huyết áp. - Tụt nhanh quá. - Bơm thêm máu cho ông ta. Ken Mallory bắt đầu phẫu thuật, chạy đua với thời gian. Chỉ mất một giây đã cắt lớp da, tiếp đến là lớp mớ, lớp mạc, lớp cơ và cuối cùng là lớp màng bụng trong mờ, "lần vải lót" của ổ bụng. Máu chảy tràn ra từ dạ dày. - Gọi ngân hàng máu gửi đến đây bốn đơn vị. - Mallory bắt đầu đốt các động mạch để cầm máu. Ca mổ kéo dài bốn tiếng, và đến khi kết thúc, Mallory mệt phờ. Hắn cúi nhìn bệnh nhân và nói. - Ông ta sẽ sống. Cô y tá tặng Mallory một nụ cười nồng nàn. - Thật may có anh ở đây, thưa bác sĩ Mallory. Ken ngắm cô ả. Cô ta trẻ, xinh xắn và rõ là đang mời mọc. Phải xếp hàng sau thôi, cô em ạ, Mallory nghĩ. Hắn quay sang một bác sĩ nội trú năm đầu. - Đóng bụng ông ta lại và chuyển sang phòng hồi sức. Sáng mai tôi sẽ đến kiểm tra. Mallory cân nhắc xem có nên gọi điện cho Kat không, nhưng bây giờ đã là nửa đêm. Hắn gửi cho cô một tá hoa hồng. Sau khi điểm danh vào lúc sáu giờ sáng, Mallory đến phòng hồi sức để thăm người bệnh vừa mổ đêm qua. - Ông ta đã tỉnh. - Y tá thông báo. Mallory lại gần giường bệnh. - Tôi là bác sĩ Mallory. Ông cảm thấy thế nào? - Cứ nghĩ đến chuyện suýt chết là tôi tháy khỏe ngay, - người bệnh nói yếu ớt. - Người ta bảo bác sĩ đà cứu sống tôi. Đúng là cái chuyện chết tiệt. Tôi đang ngồi trong xe đi dự tiệc tối thì đau quặn lên, và chắc là tôi đã ngất đi. Thật may bệnh viện lại ở ngay gần, và người ta đã mang ngay tôi vào phòng cấp cứu. - Số ông hên đấy. Ông mất rất nhiều máu. - Người ta bảo chỉ chậm thêm mươi phút là tôi đi tiêu. Tôi muốn cám ơn bác sĩ. Mallory nhún vai. - Tôi chỉ làm phận sự của tôi thôi. Người bệnh chăm chú nhìn hắn. - Tôi là Alex Harrison. Cái tên không có ý nghĩa gì với Mallory. - Hân hạnh được biết ông, ông Harrison. - Ken bắt mạch người bệnh. - Bây giờ ông còn đau nữa không? Một chút thôi, nhưng tôi đoán người ta đã tống cho tôi khá nhiều thuốc. - Thuốc giảm đau sẽ tiêu dần, ông đừng lo. Và đau đớn cũng sẽ hết. Rồi ông sẽ khỏe lại. - Tôi sẽ phải nằm viện bao lâu? - Vài ngày nữa là ông ra viện thôi. Một nhân viên phòng hành chính bước vào mang theo một số tờ khai của bệnh viện. - Ông Harrison, để làm hồ sơ, bệnh viện cần biết ông có bảo hiểm y tế không? - Ý anh muốn biết tôi có trả nổi viện phí không chứ gì? - Tôi không nói như vậy, thưa ông. - Anh có thể kiểm tra ở nhà băng San Francisco Fidelity. - Ông ta nói khô khan. - Tôi là chủ nhà băng đó. Buổi chiều, khi Mallory đến thăm bệnh cho Alex Harrison, hắn thấy một người đàn bà quyến rũ ngồi bên cạnh ông. Cô ta cỡ ngoài ba mươi, tóc vàng, thon thả và ăn bận sang trọng với bộ váy Adolfo mà Mallory ước tính phải hơn một tháng lương của hắn. - A! Người hùng của chúng ta đây rồi, - Alex Harrison nói. - Bác sĩ Mallory, đúng không nhỉ? - Vâng. Ken Mallory. - Bác sĩ Mallory, đây là con gái tôi, Lauren. Cô ta chìa ra bàn tay mảnh dẻ, tỉa tót. - Cha tôi nói bác sĩ đã cứu sống ông. Ken mỉm cười. - Vì thế mới tồn tại nghề bác sĩ. Lauren nhìn hắn tán thưởng. - Không phải tất cả các bác sĩ đâu. Mallory thấy rõ hai con người này không thuộc về một bệnh viện tỉnh. Hắn nói với Harrison. - Ông đang bình phục, nhưng để cho yên tâm, có lẽ ông nên gọi bác sĩ riêng. Alex Harrison lắc đầu. - Không cần thiết. Ông ta có phải là người cứu sống tôi đâu. Mà chính là anh. Anh có thích làm việc ở đây không? Một câu hỏi lạ lùng. - Có chứ. Nhưng sao ông hỏi vậy? Harrison ngồi dậy trên giường. - À tôi đang nghĩ. Một anh chàng bảnh trai, đầy năng lực như anh có thể có một tương lai rực rỡ. Tôi không nghĩ anh sẽ có nhiều tương lai ở một nơi như thế này. - Ờ. Tôi… - Có lẽ định mệnh đã mang tôi đến đây. Lauren xen vào. - Tôi nghĩ ba tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn với anh đấy. - Lauren nói đúng. Anh và tôi cần phải nói chuyện nghiêm túc hơn khi tôi được ra viện. Tôi muốn mời anh về nhà ăn tối. Mallory nhìn Lauren và nói chậm rãi. - Tôi rất hân hạnh. Đời hắn đã sang trang. * * * * * Ken Mallory bắt đầu thấy việc làm tình với Kat là không dễ dàng. - Tối thứ hai được không, Kat? - Tuyệt vời. - Hay lắm. Anh sẽ đón em ở… - Khoan đã! Em vừa sực nhớ ra. Tối hôm đó em phải đón bà chị họ từ New York đến chơi. - Thế thứ ba? - Thứ ba em phải trực. - Thứ tư thì sao? - Em đã hẹn với Paige và Honey rồi. Mallory phát sốt lên. Thời hạn của hắn đang đến gần. - Thế thứ năm? - Thứ năm thì được. - Tuyệt. Anh đến đón em nhé? - Không. Tại sao chúng ta không hẹn nhau ở Chez Pnisse nhỉ? - Được thôi. Tám giờ nhé? - Em đã nóng lòng rồi đây. Mallory đợi ở tiệm ăn đến tận chín giờ mới gọi điện cho Kat. Không có trả lời. Hắn chờ thêm nửa tiếng. Chắc cô ta hiểu sai, hắn nghĩ. Cô ta không thể cố ý lỡ hẹn với mình. Sáng hôm sau, hắn gặp Kat ở bệnh viện. Cô chạy tới bên hắn. - Ôi Ken, em xin lỗi? Thật ngớ ngẩn hết sức. Em định chợp mắt một chút trước khi gặp anh. Thế rồi em ngủ thiếp đi và khi em tỉnh dậy thì đã nửa đêm. Tội nghiệp anh yêu. Anh đợi em có lâu không? - Không, không. Không sao. - Con đàn bà ngu ngốc! Hắn áp sát vào cô. - Anh muốn kết thúc cái đang làm dở, bé ạ. Anh phát điên khi nghĩ về em. - Em cũng thế, - Kat nói. - Em không thể chờ được nữa. - Tuần sau chúng ta có thể … - Ôi cưng, tuần sau em bận mất rồi. Thế là lại hỏng. Thời gian thì cứ trôi đi. Kat đang tường thuật lại sự việc cho Paige nghe thì chuông reo. - Xin lỗi. - Cô nhấc phôn. - Bác sĩ Hunter. - Cô lắng nghe giây lát. - Cám ơn. Tôi sẽ đến ngay. - Cô dập máy. - Mình phải đi đây. Cấp cứu. Paige thở dài. - Thì còn cái quái gì nữa! Kat rảo bước dọc hành lang rồi theo thang máy xuống phòng cấp cứu. Bên trong đặt hơn hai chục chiếc giường, tất cả đều chật kín. Kat nghĩ nơi đây giống như một căn phòng khổ nạn, ngày và đêm nhồi đầy những nạn nhân của các vụ đụng xe, đâm chém, bắn giết, đầy những cánh tay cẳng chân lệch lạc. Một tạp cảnh những cuộc đởi đứt vỡ. Đối với Kat, đây là một góc của địa ngục. Một phục vụ viên lao đến: - Bác sĩ Hunter… - Chuyện gì vậy? - Cô hỏi. Họ len tới chiếc bàn cấp cứu ở cuối phòng. - Ông ta bất tỉnh. Trông như bị đánh đập tàn tệ. Mặt và đầu méo mó, mũi bị gẫy, trật một bên khớp vai, ít nhất có hai chỗ gẫy trên cánh tay phải và… - Sao lại gọi tôi? - Đội cấp cứu thấy có vết thương ở đầu. Có thể chấn thương não. Họ đã đến chỗ nạn nhân nằm. Mặt người đó bê bết máu, sưng to, bầm dập. Ông ta đi giày da cá sấu và tim Kat hụt một nhịp. Cô nhao tới nhìn kỹ hơn. Đó là Lou Dinetto. Kat thành thạo đưa ngón tay kiểm tra da đầu và mắt hắn. Chắc chắn có chấn thương. Cô chạy vội tới điện thoại và quay số. - Bác sĩ Hunter đây. Tôi muốn cho scan đầu. Bệnh nhân tên là Dinetto. Lou Dinetto. Hãy gửi xe đẩy đến đây stat. Kat bỏ máy và quay lại với bệnh nhân. Cô bảo người phục vụ. - Ở lại đây với ông ta. Khi nào xe đến, hãy đưa ông ta lên tầng ba. Tôi chờ ở đó. Ba mươi phút sau, trên tầng ba, Kat đang nghiên cứu CAT scan. - Ông ta bị xuất huyết não, sốt cao và sốc nặng. Tôi muốn để ông ta ổn định lại trong hai tư tiếng. Sau đó mới có thể quyết định khi nào thì mổ được. Kat tự hỏi chuyện xảy ra với Dinetto có ảnh hưởng gì đến Mike không. Và như thế nào. * * * * * Kat ăn tối với Mallory trong một quán ăn nhỏ, riêng biệt ở gần bờ vịnh. Ngồi đối diện với Mallory, nhìn hắn, Kat cảm thấy hối tiếc. Lẽ ra mình không nên dính vào chuyện này, Kat nghĩ. Mình đã biết tỏng ý đồ của hắn ta, vậy mà mình vẫn thích ở bên hắn. Gã đàn ông chết tiệt? Nhưng bây giờ mình không thể dừng kế hoạch lại được nữa. Họ đã uống cà phê. Kat vươn qua bàn. - Chúng ta về chỗ anh nhé, Ken? Chắc ăn rồi, Mallory nghĩ. Kat cựa quậy trong ghế một cách khó chịu. - Ôi! - Cô nhăn nhó. - Em sao thế? - Mallory hỏi. - Em không biết. Em xin lỗi một phút được không? - Tất nhiên. - Hắn nhìn cô đứng dậy và chạy vào nhà vệ sinh. Khi trở ra, cô nói: - Không đúng lúc rồi, cưng ạ. Em xin lỗi. Anh đưa em về nhà thôi. Hắn chằm chằm nhìn cô, cố giấu thất vọng. Định mệnh khốn kiếp đang âm mưu chống lại hắn. - Được! - Mallory nói cộc lốc. Hắn đã sẵn sàng nổ tung. Hắn chỉ còn đúng năm ngày nữa. Năm phút sau khi Kat trở về nhà, chuông cửa réo lên. Kat mỉm cười. Mallory đã tìm được cớ quay lại, và cô thầm rủa mình sao lại hài lòng đến thế. Cô đi ra mở cửa. - Ken… Rhino và Shadow đứng lù lù ở đó. Kat cảm thấy một cơn sợ hãi đột ngột. Hai tên ép cô lùi vào phòng. Rhino lên tiếng: - Cô sẽ mổ cho ngài Dinetto! Cổ họng Kat khô khốc. - Vâng. Bọn này không muốn có bất cứ điều gì xảy ra cho ông ấy. - Tôi cũng vậy, - Kat nói. - Bây giờ thì xin các anh, tôi rất mệt và… - Có khả năng ông ấy chết không? - Shadow hỏi. Kat ngập ngừng. - Trong phẫu thuật não luôn luôn có nguy cơ… - Tốt nhất cô không nên để điều đó xảy ra. - Hãy tin tôi. Tôi… - Không được để chuyện đó xảy ra. - Hắn nhìn Rhino. - Đi mày. Kat nhìn bọn chúng đi ra. Đến cửa, Shadow quay lại và nói: - Cho bọn này gửi lời chào Mike. - Kat chợt đờ người ra. - Đó là là một kiểu đe doạ của các anh phải không? - Bọn này không đe doạ ai hết, bác sĩ. Bọn này chỉ bảo cho mà biết thôi. Nếu ngài Dinetto chết thì cô và thằng em chó chết của cô sẽ cùng bị xoá tên trong cuốn sổ cuộc đời, hiểu không? Chương 21 Trong phòng thay đồ, nửa tá bác sĩ đang chờ đợi sự xuất hiện của Ken Mallory. Khi hắn bước vào, Grundy nói: - Chào người anh hùng chinh phạt! Bọn này muốn nghe những tin tức sốt dẻo nhất. - Gã ngoác miệng cười - Nhưng phải chính cô ả khai kia. - Tớ đang gặp vận rủi. - Mallory mỉm cười. - Nhưng các cậu cứ xếp tiền ra đi. Kat và Paige đang mặc áo choàng phẫu thuật. - Cậu đã bao giờ mổ cho một bác sĩ chưa? - Kat hỏi. - Chưa. - Cậu may thật. Đó là loại bệnh nhân tệ hại nhất thế giới. Họ biết quá nhiều. - Cậu mổ cho ai thế? - Bác sĩ Mervyn Franklin "Cấm làm tôi đau". - Chúc may mắn. - Tớ cần đến lời chúc của cậu. Bác sĩ Mervyn Franklin là một người đàn ông ngoài sáu mươi, gầy, hói, tính tình nóng nảy. Kat vừa bước vào phòng, ông ta đã gắt: - Cô đúng giờ gớm nhỉ. Xét nghiệm điện phân đã có chưa? - Rồi ạ, - Kat nói. - Tất cả đều bình thường? - Ai bảo cô thế? Tin thế nào được cái phòng thí nghiệm chết tiệt đó! Có đến nửa thời gian họ chẳng biết mình làm gì. Phải dặn họ chớ có lẫn lộn trong khi truyền máu. - Tôi xin bảo đảm, - Kat nói kiên nhẫn. - Ai tiến hành phẫu thuật? - Bác sĩ Jurgenson và tôi. Bác sĩ Franklin, tôi xin hứa không có gì phải lo lắng đâu. - Ai bị mổ não nào, cô hay là tôi? Tất cả các ca mổ đều nguy hiềm. Cô biết tại sao không? Vì có tới nửa đám bác sĩ phẫu thuật bị lộn nghề. Lẽ ra họ phải làm đồ tể. - Bác sĩ Jurgenson rất giỏi. - Tôi biết, nếu không tôi đã chẳng cho anh ta sờ vào tôi Ai là bác sĩ gây mê? - Chắc là bác sĩ Miller. - Lão lang băm ấy hả? Tôi không muốn lão ta. Kiếm cho tôi người khác… - Bác sĩ Franklin… - Hãy kiếm người khác. Hỏi xem Haliburton có đây không! - Thôi được. - Và cho tôi biết tên các y tá. Tôi muốn kiểm tra họ. Kat nhìn thẳng vào mắt ông ta. - Hay là bác sĩ thích tự mổ lấy? - Cái gì? Ông ta gườm gườm nhìn cô một lúc, rồi mỉm cười ngượng nghịu. - Không phải thế đâu. Kat nói nhẹ nhàng: - Thế tại sao bác sĩ không để cho chúng tôi làm việc? - Thôi được. Cô biết không? Tôi thích cô đấy. - Ngược lại, tôi cũng vậy. Y tá đã cho bác sĩ thuốc giảm đau chưa? - Rồi. - Chúng tôi sẵn sàng rồi đây. Bác sĩ còn cần gì ở tôi nữa không? - Có. Hãy dạy cho đám y tá ngớ ngẩn biết ven của tôi ở chỗ nào. Trong phòng mổ số 4, ca phẫu thuật não cho bác sĩ Mervyn Franklin đang diễn ra tốt đẹp. Ông ta đã ca thán suốt dọc đường đến phòng mổ: - Phải lưu ý cho thuốc mê tối thiểu thôi. Não không có cảm giác, một khi đã đục vào tớỉ đó thì không cần gây mê nhiều. - Tôi biết rồi mà, - Kat kiên nhẫn. - Và phải chú ý giữ thân nhiệt dưới bốn mươi độ. Đó là mức tối đa. - Được ạ Hãy bật nhạc nhanh trong khi mổ. Bắt tất cả phải đi nhón chân. - Được ạ - Và phải chắc chắn xin một y tá dụng cụ giỏi nhất. - Được ạ! Và cứ thế ông ta lải nhải. Khi hộp sọ của bác sĩ Franklin được cưa ra, Kat nói: - Tôi nhìn thấy cục máu rồi. Không đến nỗi nào đâu. Và cô bắt đầu tấn công vào nó. Ba tiếng sau, khi họ bắt đầu khép đường rạch thì George Englund, chủ nhiệm khoa phẫu thuật bước vào phòng mổ, đến bên Kat. - Kat, cô sắp xong chưa? - Chúng tôi đang đóng gói. - Để đó cho bác sĩ Jurgenson. Chúng tôi cần cô ngay. Cấp cứu. Kat gật đầu. Cô quay sang Jurgenson. - Anh kết thúc hộ nhé? - Không vấn đề gì. Kat đi ra với George Englund. - Có chuyện gì vậy? - Bệnh nhân của cô bị xuất huyết. Họ đang chuyển ông ta vào phòng mổ số 3. Trong có vẻ khó qua lắm. Cô phải mổ ngay. - Ai vậy? - Ông Dinetto. Kat nhìn Englund, kinh hãi. - Dinetto? Nếu ngài Dinetto chết, cô và thằng em khôn kiếp của cô sẽ bị xoá sổ. Kat hối hả chạy dọc hành lang dẫn đến phóng mổ số 3. Tiến lại gần cô là Rhino và Shadow. - Có chuyện gì thế hả? - Rhino hỏi. Mồm miệng Kat khô khốc đến nỗi khó khăn lắm mới nói được ra lời. - Ông Dinetto bắt đầu xuất huyết. Chúng tôi phải mổ ngay bây giờ. Shadow chộp lấy cánh tay cô. - Thế thì làm đi! Nhưng nhớ lời thằng này đấy. Ông ấy phải sống! Kat giằng ra và lao vào phòng mổ. Bác sĩ Vance cùng mổ với Kat. Anh là một phẫu thuật viên giỏi. Kat bắt đầu rửa tay theo đúng quy định: mỗi cánh tay nửa phút, rồi mỗi bàn tay nửa phút. Cô rửa lại và sau đó cọ các ngón tay. Bác sĩ Vance bước tới bên cạnh cô và cũng bắt đầu thủ tục đó. - Cô cảm thấy thế nào? - Tốt. - Kat nói dối. Lou Dinetto được đưa vào phòng phẫu thuật trong trạng thái nữa tỉnh nửa mê. Đầu hắn được cạo trọc và sơn dung dịch Merthiolate, lấp lánh màu vàng nhạt dưới ngọn đèn mổ. Trông gã nhợt nhạt như một thây ma. Tốp phẫu thuật đã vào vị trí: bác sĩ Vance, cũng là bác sĩ nội trú, một người gây mê, hai y tá dụng cụ và một y tá tuần hoàn. Kat rà soát lại lần cuối để tin chắc mọi thứ đều sẵn sàng. Cô nhìn các màn hình theo dõi độ bão hoà ô xy, carbon dioxide, nhiệt độ, điện tâm đồ, huyết áp tự động, các chuông báo động, ống nghe vùng trước tim. Tất cả đều đâu vào đấy. Bác sĩ gây mê quàng băng quấn đo huyết áp vào cánh tay phải của Dinetto, rồi úp tấm mặt nạ cao su lên mặt bệnh nhân. - Được rồi. Bây giờ thở sâu. Ba lần. Dinetto đã thiếp đi trước khi thở hơi thứ ba. Ca mổ bắt đầu. Kat thông báo rành rọt. - Có vùng tổn thương ở chính giữa não do van động mạch chủ đứt ra tạo thành cục đông máu. Nó làm tắc nghẽn một mạch máu nhỏ ở bên phải não và hơi tràn sang bên trái. - Cô xem xét kỹ hơn. - Nó ở rìa thấp của cổng Sylvius. Dao mổ. Khoan điện trổ một lô nhỏ xíu bằng đồng xu để lộ màng cứng não. Sau đó, Kat cắt mở màng cứng để lộ một phần vỏ não ở bên dưới: - Kẹp? Y tá dụng cụ đưa cho cô chiếc kẹp điện. Vết rạch dưới được nong ra bằng một cái panh nhỏ. - Máu chảy khiếp quá, - Vance nói. Kat cầm lấy bovie và bắt đầu đốt các nơi chảy máu. - Chúng ta sẽ cầm lại. Bác sĩ Vance bắt đầu thấm máu trên màng cứng bằng những miếng bông mềm. Các tĩnh mạch đang rỉ máu trên màng cứng đã tự hàn và đóng lại. - Có vẻ tốt - Vance nói - Ông ta sẽ qua khỏi. Kat thở dài nhẹ nhõm. Và ngay khoảnh khắc đó Lou Dinetto bỗng cứng đờ và bắt đầu co giật. Bác sĩ gây mê thông báo: - Huyết áp đang rơi! - Truyền thêm máu! - Kat nói. Tất cả nhìn lên màn hình. Những đường cong thoải ra nhanh chóng. Hai nhịp tim dội lên kèm theo sự rung tâm thất. - Sốc tim! - Kat dằn giọng. Cô hối hả nối bảng điện vào người bệnh nhân và bật máy. Ngực Dinetto phồng lên một lần rồi xẹp xuống. - Tiêm Epinephrine! Gấp! - Tim ngừng đập! - Bác sĩ gây mê kêu lên sau một giây. Kat thử lại lần nữa, tăng thêm điện. Một lần nữa, người bệnh lại giật lên. - Tim ngừng đập! - Bác sĩ gây mê la lớn. - Suy tâm thu. Mất nhịp hoàn toàn. - Tuyệt vọng, Kat cố thử một lần cuối cùng. Lần này, cả thân người Dinetto nảy bật lên, rồi rũ xuống. - Không có gì hết. - Ông ta chết rồi. - Vance nói. Chương 22 Mật mã Đỏ là lệnh báo động khẩn cấp kêu gọi dốc toàn bộ chi viện y tế để cứu sống bệnh nhân. Khi tim Lou Dinetto ngừng đập vào giữa ca mổ, tốp Mật mã Đỏ phẫu thuật lao ngay đến để ứng cứu. Kat nghe rõ tiếng gọi gấp gáp qua hệ thống truyền thanh. "Mật mã Đỏ, phòng mồ số 3… Mật mã Đỏ…" Mật mã Đỏ đồng nghĩa với Tử thần. Kat hoảng hồn. Cô dùng sốc điện một lần nữa. - Không phải cô đang cố cứu tính mạng của người bệnh mà là của chính cô và Mike. Cả người Dinetto nảy tung lên rồi rơi xuống, bất động. - Thử một lần nữa! - Bác sĩ Vance thúc giục. Bọn này không doạ ai hết, bác sĩ. Bọn này chỉ bảo cho mà biết thôi. Nếu ngài Dinetto chết, cô và thằng em khốn kiếp của cô sẽ bị xoá sổ. Kat xoay núm và lại gắn chiếc máy lên ngực Dinetto. Người bệnh lại bật lên và rũ xuống. - Lại lần nữa! Không ăn thua rồi. Kat tuyệt vọng nghĩ. Mình sẽ chết cùng với hắn. Phòng mổ bỗng đông nghịt các bác sĩ và y tá. - Cô còn chờ đợi gì nữa chứ? - Một ai đó nói. Kat hít một hơi dài và lại ép bảng điện xuống ngực Dinetto. Ngay lúc đó không có gì xảy ra. Rồi một gợn sáng mờ nhạt xuất hiện trên màn hình. Nó trùng đi giây lát, rồi lại xuất hiện và trùng đi và rồi nó bắt đầu dâng lên mạnh hơn, cao hơn cho đến khi thành nhịp đều đều, ổn định. Kat nhìn trửng trừng, không tin nổi. Tiếng vô tay dậy lên trong căn phòng đầy người. - Ông ta sống rồi! - Ai đó reo lên. - Chúa ơi! Đã kề miệng lỗ rồi ấy chứ. Họ không biết là kề sát đến mức nào, cả hắn lẫn mình, Kat nghĩ. Hai tiếng sau, Lou Dinetto được chuyển từ bàn mồ sang xe lăn và trở lại phòng chăm sóc đặc biệt. Kat đi bên cạnh hắn. Rhino và Shadow đang đợi ngoài hành lang. - Ca mổ đã thành công, - Kat nói. - Ông ta sẽ khỏe. Ken Mallory đang sa lầy. Hôm nay là ngày cuối cùng của vụ cá cược. Vấn đề lớn lên từ từ nên hắn khó nhận ra. Ngay từ tối đầu tiên hắn đã tin chắc kéo được Kat lên giường dễ hơn bất kỳ một người đàn bà nào. Khó khăn ư? Cô ả phát sốt lên còn gì! Bây giờ thời hạn của hắn đã hết, và hắn đang đứng trước thảm hoạ. Mallory ngẫm nghĩ về tất cả những trục trặc đã qua - bạn cùng phòng của Kat xộc vào đúng lúc cô ta sắp lên giường với hắn, chật vật mới hẹn được một buổi, vậy mà cô ta bị gọi đi, bỏ lại hắn đứng trần truồng, rồi chị họ đến chơi, rồi ngủ quên, rồi đau bụng tháng… Khoan đã! Không thể có chuyện tất cả đều ngẫu nhiên? Kat đã cố tình làm như thế! Bằng cách nào đó, chuyện cá cược đã đến tai cô ta, và cô ả quyết định chơi khăm hắn một vố, làm hắn mất toi mười ngàn đô. Con đĩ! Hắn chẳng gần kề chiến thắng hơn ngày đầu tiên được một chút nào. Cô ả đã chủ tâm xỏ mũi hắn. Sao mình lại bị nó lừa một cách chó chết như vậy? Hắn biết hắn không thể móc đâu ra tiền. Khi Mallory bước vào phòng thay đồ, bọn kia đã chực sẵn. - Ngày thanh toán! - Grundy hô lên. Mallory nặn ra một nụ cười. - Còn đến nửa đêm, đúng không nhỉ? Hãy tin tớ đi các tướng, cô ta đã sẵn sàng rồi. Có tiếng cười khẩy. - Được. Nhưng bọn này chỉ tin chính lời cô ta thôi đấy. Hãy chuẩn bị tiển mặt vào sáng mai. Mallory phát lên cười. - Các cậu phải nhả tiền ra thì có. Hắn phải tìm được một cách. Và đột nhiên, hắn đã có câu trả lời. Ken Mallory tìm thấy Kat ở phòng nghỉ. Hắn ngồi xuống đối diện với cô. - Anh nghe nói em vừa cứu sống một bệnh nhân. - Và luôn cả em nữa. - Cái gì? - Không có gì đâu. - Em có muốn cứu sống đời anh không? Kat nhìn anh ta giễu cợt. - Đi ăn tối cùng anh nhé. - Ken, em quá mệt rồi. - Cô mệt mỏi vì trò chơi với hắn. Quá đủ rồi, Kat nghĩ. Đã đến lúc dừng lại. Mình đã rơi vào cái bẫy của chính mình. Cô ước sao hắn không phải loại người như vậy. Chỉ cần hắn thành thật với cô. Mallory không thể để cho Kat thoát. - Chúng ta sẽ về sớm, - hắn dỗ dành. - Đằng nào em cũng phải ăn tối chứ? Miễn cưỡng, Kat gật đầu. Cô biết đây sẽ là lần cuối cùng. Cô sẽ nói cho hắn rằng cô đã biết hết. Cô sẽ kết thúc cuộc chơi. - Thôi được. Honey hết ca vào lúc bốn giờ chiều. Cô nhìn đồng hồ và quyết định còn đủ thời gian để đi mua sắm. Cô vào cửa hàng Candilier mua một ít nến, rồi sang Hãng Chè và Cà phê San Francisco mua cà phê cho bữa sáng, và ở Christ Kelly, cô mua một tấm khăn trải bàn. Hôm nay mình sẽ tự nấu bữa tối ở nhà, Honey tự nhủ. Cô biết Kat có hẹn với Mallory, còn Paige phải trực. Tay xách nách mang, Honey bước vào căn hộ và sập cửa lại. Cô bật đèn. Một gã da đen khổng lồ lết ra từ nhà tắm, máu nhỏ giọt xuống thảm. Hắn chĩa súng về phía cô: - Kêu một tiếng tao bắn tung óc đấy. Honey rú lên. Chương 23 Mallory ngồi đối diện với Kat trong tiệm ăn Schoroeder ở phố Front. Sẽ xảy ra chuyện gì nếu hắn không trả nổi mười ngàn đô la? Người ta sẽ rêu rao khắp bệnh viện rằng hắn là một tên lừa đảo, một thằng huyênh hoang bệnh hoạn. Kat đang kể lể về một bệnh nhân. Mallory nhìn vào mắt cô, nhưng không nghe lọt câu nào. Hắn còn những chuyện quan trọng hơn phải nghĩ. Bữa tối đã gần qua, và bồi bàn đã mang cà phê đến. Kat nhìn đồng hồ. - Mai em phải trực sớm, Ken ạ. Chúng ta về thôi. Hắn ngồi im, nhìn đăm đăm xuống bàn. - Kat… - Hắn ngẩng lên. - Anh có chuyện phải nói với em. - Gì vậy? - Anh cần phải thú tội. - Hắn hít một hơi sâu. - Thật không dễ dàng đối với anh. Cô nhìn hắn, bối rối. - Có chuyện gì vậy? - Anh không biết phải nói thế nào với em. - Hắn dò dẫm từng từ. - Anh… anh đã ngu ngốc đánh cuộc với vài bác sĩ rằng… rằng anh sẽ ngủ được với em. Kat chằm chằm nhìn hắn. - Anh… - Xin em đừng nói gì cả. Anh xấu hổ quá về việc anh đã làm. Bắt đầu chỉ là chuyện đùa cợt về phía anh. Rồi đã xảy ra một điều anh không ngờ tới. Anh đã phải lòng em mất rồi. - Ken… - Anh chưa bao giờ yêu, Kat. Anh đã quen biết nhiều đàn bà, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy thế này. Anh không thể nào thôi nghĩ đến em. - Hắn lấy hơi thở run run. Anh muốn cưới em. Đầu óc Kat chao đảo. Tất cả bỗng dưng lộn nhào. - Em… em… không biết phải… - Em là người đàn bà duy nhất anh cầu hôn. Xin em hãy nhận lời đi. Em đồng ý lấy anh chứ, Kat? Tim cô đập rộn lên. Thật giống như một giấc mơ tuyệt vời bỗng trở thành hiện thực. Tất cả những gì cô muốn ở Ken là thành thật. Và bây giờ Ken đã thú thực với cô. Suốt thời gian qua chàng đã luôn cảm thấy day dứt, ân hận. Chàng không giống như bọn đàn ông khác. Chàng chân thành và nhạy cảm. Kat nhìn Mallory, mặt cô cháy rực. - Vâng, Ken. Ôi, vâng! Nụ cười của hắn ngời sáng căn phòng. - Kat… - Hắn nhoài tới hôn cô. - Anh xin lỗi vì vụ cá cược ngu ngốc ấy. - Hắn lắc đầu, vẻ tự giễu cợt. - Mười ngàn đô la. Chúng ta có thể dùng số tiền ấy đi hưởng tuần trăng mật. Nhưng thà anh mất nó để được có em. Kat đang nghĩ. Mười ngàn đô la. - Anh ngốc quá. - Ken lẩm bẩm. - Khi nào là ngày hết hạn của anh? Nứa đêm hôm nay, nhưng không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là chúng ta. Là chúng ta sẽ cưới nhau. Chúng ta… - Ken? - Gì hả em yêu! - Về chỗ anh đi. - Một ánh tinh nghịch loé lên trong mắt Kat. - Anh vẫn còn thời gian để thắng cuộc đấy! Kat là một con hổ cái trên giường. Lạy Chúa tôi. Thật đáng của? Mallory nghĩ. Tất cả những cảm xúc dồn nén Kat bấy nhiêu năm bỗng chốc vờ tung ra. Kat là người đàn bà cuồng nhiệt nhất mà Mallory từng biết. Sau hai giờ đồng hồ, Ken mệt lử. Hắn ôm Kat trong tay. - Em thật kỳ diệu. - Hắn nói. Cô chống khuỷu tay lên giường, cúi nhìn hắn. - Anh cũng thế. Em hạnh phúc lắm. Mallory toét miệng cười. - Anh cũng rất hạnh phúc. Mười ngàn đô la! Hắn nghĩ. Và một cú làm tình long trời lở đất. - Hãy hứa với em sẽ luôn luôn như thế này đi, Ken. - Anh hứa. - Mallory nói bằng giọng chân thành nhất. Kat nhìn đồng hồ. - Em phải mặc quần áo đây. - Em không ngủ lại đêm ở đây ư? - Không, sáng mai em phải đưa Paige đến bệnh viện. - Cô trao cho hắn một cái hôn nồng nàn. - Đừng lo. Chúng ta sẽ sống cả đời bên nhau cơ mà. Hắn nhìn cô mặc quần áo. - Anh mong thu được tiền cược quá l Anh sẽ tổ chức cho chúng ta một tuần trăng mật tuyệt vời. - Hắn cau mày. - Nhưng nếu họ không tin anh thì sao? - Họ sẽ không tin đâu! Kat đăm chiêu giây lát. Cuối cùng, cô nói: - Đừng lo. Em sẽ cho họ biết. Mallory toe toét cười. - Quay lại giường đi em. Chương 24 Tên da đen chĩa súng vào Honey đang gào rú. - Tao bảo ngậm mồm lại! - Tôi… tôi xin lỗi, - Honey nói, run rẩy. - A… nh… muốn gì? Hắn ép tay vào một bên sườn, cố bịt dòng máu: - Tao muốn gặp chị tao. Honey nhìn hắn. Kinh ngạc. Tên này loạn trí rồi. - Chị anh? - Kat. - Giọng hắn thều thào. - Ôi lạy Chúa? Cậu là Mike? - Vâng. Khẩu súng rơi xuống, gã da đen nằm vật ra sàn, Honey lao đến. Máu tuôn ra từ một vết thương do đạn xuyên vào. - Nằm yên, - Honey nói. Cô cuống cuồng chạy vào phòng tắm, gom mấy lọ ôxy già và một chiếc khăn bông lớn. Rồi cô trở ra với Mike. - Sẽ đau đấy. - Cô báo trước. Mike nằm sõng soài, không nhúc nhích. Cô đổ ôxy già vào vết thương và ép chiếc khăn tắm lên. Hắn nắm chặt tay để khỏi gào thét. - Tôi sẽ gọi xe cấp cứu đưa cậu đến bệnh viện, - Honey nói. Hắn chộp lấy tay cô. - Không! Không bệnh viện. Không cảnh sát. - Giọng hắn yếu dần. - Kat đâu? - Tôi không biết, - Honey nói, bất lực. Cô biết Kat đi chơi với Mallory, nhưng cô không biết rõ họ ở đâu. Để tôi gọi bạn tôi. - Paige? - Mike hỏi. Honey gật đầu. - Phải. Vậy là Kat đã kể về bọn mình. Bệnh viện phải mất mười phút mới tìm được Paige. - Cậu phải về nhà ngay, - Honey nói. - Mình đang trực, Honey. Mình đang… - Em trai Kat đang ở đây… - Ồ hãy bảo cậu ấy… - Cậu ta bị bắn. - Cái gì? - Cậu ta bị bắn! - Mình sẽ gửi xe cấp cứu đến và… - Cậu ra không cho gọi bệnh viện hay cảnh sát gì hết. Mình không biết phải làm gì. - Bị nặng không? - Khá nặng. Paige lặng đi một lát. - Mình sẽ tìm ai đó trực thay. Nửa tiếng nữa mình về. Honey đặt máy và quay sang Mike. - Paige sẽ về. Hai tiếng sau, trên đường trở về nhà, Kat lâng lâng hạnh phúc. Cô đã lo lắng về khả năng làm tình của mình, sợ rằng mình sẽ căm ghét chuyện đó suốt đời sau nỗi đau khủng khiếp thời thơ ấu. Nhưng chính là Mallory đã biến nó thành một điều tuyệt diệu. Chàng đã gọi ra những lạc thú mà cô chưa bao giờ biết rằng nó vẫn tồn tại trong mình. Mỉm cười với ý nghĩ họ đã thắng được đám bác sĩ kia vào giờ phút cuối cùng, Kat mở cửa và… đứng ngây ra. Paige và Honey đang quỳ bên Mike. Còn cậu em cô thì nằm sõng sượt trên sàn, gối kê dưới cổ, một chiếc khăn tắm nút bên sườn, áo quần bê bết máu. Paige và Honey ngẩng lên nhìn khi Kat xông vào. - Mike! Lạy Chúa! - Cô lao đến và quỳ xuống bên Mike. - Xảy ra chuyện gì thế này? - Chào chị. - Giọng hắn chỉ còn là tiếng lào phào. - Cậu ấy bị bắn, - Paige nói. - Mất máu nhiều quá. - Đưa đến bệnh viện thôi. - Kat nói. Mike lắc đầu. - Không, - hắn thì thào. - Chị là bác sĩ. Hãy chữa cho em. Kat nhìn Paige. - Mình có thể cầm máu bằng mọi cách, nhưng viên đạn còn trong người. Chúng ta không có dụng cụ ở đây để lấy nó ra. - Nó vẫn bị mất máu. - Kat nói. Cô nâng đầu đứa em lên tay. - Nghe đây, Mike. Nếu không cho cấp cứu, em sẽ chết mất thôi. - Không… thể… lộ… ra. Em không muốn cảnh sát biết… Kat nói trầm giọng. - Em đã đính vào chuyện gì, Mike? - Không có gì đâu. Em ký một… hợp đồng kinh doanh… thất bại… mấy thằng khốn đó rồ lên và bắn em. Đó là câu chuyện Kat đã nghe hàng trăm lần. Dối trá. Tất cả là dối trá. Trước kia cô biết, và bây giờ cô vẫn biết, nhưng cô cố tránh né sự thật. Mike bám vào cánh tay Kat. - Chị giúp em với, chị. - Được rồi. Chị sẽ giúp em, Mike. - Kat cúi xuống, hôn lên má cậu em. Rồi cô đứng lên và bước tới điện thoại quay số bệnh viện. - Bác sĩ Hunter đây, - cô nói giọng run rẩy. - Tôi cần ngay một xe cấp cứu… * * * * * Ở bệnh viện, Kat nhờ Paige mổ cho Mike để lấy viên đạn ra. - Cậu ta mất nhiều máu, - Paige bảo bác sĩ phụ mổ. - Truyền thêm một đơn vị nữa. Trởi hửng sáng khi cuộc phẫu thuật kết thúc. Và thành công. Paige gọi Kat ra một bên. - Cậu muốn mình ghi vào biên bản thế nào? - Cô hỏi. - Mình có thể báo cáo như một tai nạn, hoặc… - Không. - Kat nói. Giọng cô đầy đau khổ. - Lẽ ra mình phải làm điều này từ lâu rồi. Mình muốn cậu báo cáo là vết thương do súng đạn gây ra. Mallory đang đợi Kat ở ngoài phòng mổ. - Kat! Anh nghe nói về em trai em… Kat gật đầu mệt mỏi. - Anh rất tiếc. Cậu ấy không sao chứ? Kat nhìn Mallory và nói: - Vâng! Lần đầu tiên trong đời, Mike sẽ yên ổn. Mallory xiết chặt tay Kat. - Anh chỉ muốn em biết rằng đêm qua thật tuyệt. - Em là một phép thần. Ôi, anh vừa sực nhớ ra. Mấy tay bác sĩ đánh cuộc với anh đang đợi. Nhưng sau chuyện vừa xảy ra, chắc em không muốn đến gặp họ với lý do đó… - Tại sao không? Cô khoác tay Ken và hai người sánh vai tới phòng nghỉ. Đám bác sĩ trân trối nhìn họ tiến lại gần. - Chào Kat, - Grundy nói. - Chúng tôi cần một lời chứng của cô. Bác sĩ Mallory khẳng định là qua đêm cùng với cô, rất tuyệt vời. - Còn hơn cả tuyệt vời, - Kat nói. - Phải nói là kỳ diệu! - Cô hôn lên má Mallory. - Gặp anh sau nhé, anh yêu. Cánh đàn ông đứng đó, ngạc nhiên và giận dữ nhìn Kat đi ra. Trong phòng thay đồ bác sĩ, Kat nói với Paige và Honey. - Vừa rồi bấn cả lên, mình chưa kịp thông báo với các cậu một tin mới. - Tin gì thế? Ken đã cầu hôn với mình. Vẻ sững sờ hiện trên mặt họ. - Cậu đùa! - Paige nói. - Không. Anh ấy đã ngỏ lời với mình tối hôm qua. Và mình đã đồng ý. - Nhưng cậu đừng lấy hắn! - Honey la lên. - Cậu biết tỏng hắn ta rồi còn gì. Hắn chỉ muốn lôi được cậu lên giường để thắng cược thôi. - Anh ấy đã thắng. - Kat toe toét cười. Paige nhìn cô: - Cậu lú lẫn mất rồi, Kat. - Chúng ta đã nhầm về Ken, - Kat nói. - Hoàn toàn nhầm. Chính Ken đã thú nhận với mình về chuyện cá cược. Suốt thời gian qua anh ấy rất day dứt. Các cậu có biết chuyện gì không? Mình đi chơi với Ken để trừng trị anh ấy, và anh ấy đi với mình để mong được cuộc. Kết cục là bọn mình đã phải lòng nhau. Ôi mình không thể nói hết là mình hạnh phúc biết chừng nào! Honey và Paige đưa mắt nhìn nhau. - Khi nào cậu cưới? - Honey hỏi. Bọn mình chưa bàn chuyện đó, nhưng chắc là sắp thôi Mình muốn hai đứa cậu làm phù dâu cho mình. - Yên trí, - Paige nói. - Bọn mình nhận đấy. Nhưng một nỗi nghi ngờ vẫn lẩn quất trong tâm trí cô. Cô ngáp. - Thật là một đêm dài. Mình về nhà ngủ đây. - Mình ở đây với Mike, - Kat nói. - Khi nào nó tỉnh, cảnh sát sẽ đến hỏi chuyện. - Cô cầm lấy tay các bạn. - Cám ơn, các cậu tốt với mình quá. Trên đường về nhà, Paige nghĩ lại chuyện xảy ra lúc đêm. Cô biết Kat thương xót cậu em đến mức nào. Phải can đảm lắm mới dám giao cậu ta cho cảnh sát. Lẽ ra mình phải làm điều này từ lâu rồi. Chuông điện thoại reo vang khi Paige bước vào nhà. Cô vội nhấc máy. Đó là Jason. - Chào. Anh chỉ gọi để nói rằng anh nhớ em. Em sống ra sao? Paige muốn kể cho anh nghe, để chia sẻ nỗi niềm. Nhưng đây là chuyện riêng của Kat. - Vẫn bình thường thôi. - Cô nói. - Tốt lắm. Bữa tối nay em có rảnh không? Paige hiểu đó không chỉ đơn thuần là một lời mởi ăn tối. Nếu còn gặp gỡ mình sẽ gắn bó với anh ta mất. Cô biết đây là một trong những quyết định quan trọng nhất của đời cô. Cô hít một hơi sâu. - Jason… Chuông cửa reo lên. - Chờ em một chút nhé, Jason. Paige đặt phôn xuống và ra mở cửa. Chính là Alfred Turner. Chương 25 Paige đứng đờ ra. Alfred mỉm cười. - Anh vào được không? Cô lắp bắp: - Tất… tất nhiên. Em x… in lỗi. - Cô nhìn Alfred bước vào phòng khách, lòng tràn ngập những cảm xúc trái ngược. Cô vừa sung sướng, vừa hồi hộp, vừa giận dữ. Sao mình lại thế này? Paige nghĩ. Có khi anh ấy chỉ ghé qua thăm hỏi. Alfred quay sang cô: - Anh bỏ Karen rồi. Paige choáng váng. Alfred bước lại gần cô. - Paige, anh đã sai lầm kinh khủng. Lẽ ra, anh không bao giờ được bỏ em. Không bao giờ. - Alfred… - Paige sực nhớ ra. - Xin lỗi. Cô vội vã tới nhấc máy. - Jason? - Thế nào Paige? Và tối nay, chúng ta có thể … - Em… em không thể gặp anh được đâu. - Ồ nếu tối nay không được thì tối mai vậy nhỉ? - Em… em không chắc… Anh cảm thấy sự căng thẳng trong giọng cô. - Em sao thế? - Không. Không sao. Mai em sẽ gọi cho anh và giải thích tất cả. - Thôi được. - Giọng anh nghe có vẻ hoang mang. Paige dập máy. - Anh nhớ em, Paige. - Alfred nói. - Em có nhớ anh không? Không. Tôi chỉ đuổi theo nhưng người qua đường và gọi họ là Alfred thôi. - Có. - Paige thú nhận. - Anh biết mà. Chúng ta thuộc về nhau. Luôn luôn là như vậy. Thật ư? Thế thì tại sao anh lại lấy Karen? Anh tưởng anh có thể bước ra bước vào cuộc đời tôi lúc nào tuỳ thích hay sao? Alfred đứng sát vào cô: - Đúng không em? Paige nhìn anh, bối rối: - Em không biết… Alfred cầm lấy tay cô. - Đương nhiên là đúng rồi. - Chuyện gì đã xảy ra với Karen? Alfred nhún vai. - Karen là một sai lầm. Anh cứ nghĩ hoài về em và những năm tháng tuyệt diệu của chúng ta. Chúng ta luôn hợp nhau, về mọi thứ. Cô nhìn anh, thận trọng, dè dặt. - Alfred… - Paige, anh về đây để ở lại. Nhưng không phải ở đây. Chúng ta sẽ đi New York. - New York? - Phải. Rồi anh sẽ nói em nghe. Cho anh một tách cà phê đi chứ. - À vâng. Em sẽ pha ngay, chỉ vài phút thôi. Alfred theo Paige vào bếp và xem cô pha cà phê. Cô cố gắng sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Cô đã mong mỏi đến tuyệt vọng Alfred quay lại, và bây giờ anh đang ở đây… Alfred nói: - Paige, anh đã học được nhiều trong mấy năm qua. Anh đã khôn lớn ra rồi. - Sao? - Đúng vậy. Em biết đấy, anh đã làm việc cho WHO ngần ấy năm. - Em biết. - Những đất nước ấy chẳng biến đổi gì, vẫn y hệt như cái hồi chúng ta còn nhỏ. Sự thật, một số nước còn tồi tệ đi. Bệnh tật nhiều hơn, đói khổ hơn… - Nhưng anh vẫn cứu giúp họ. - Paige nói. - Phải, và bất chợt anh tỉnh ra. - Tỉnh ra? - Anh nhận thấy anh đang bỏ phí cuộc đời. Anh chui rúc mãi ở đó, sống trong khốn khổ, làm việc hai tư tiếng một ngày, cứu chữa cho một lũ man di mọi rợ, trong khi anh có thể kiếm hàng đống tiền ở đây. Paige không tin vào tai mình nữa. - Rồi anh gặp một bác sĩ có phòng khám ở Đại lộ Công Viên, New York. Em có biết một năm hắn làm được bao nhiêu tiền không? Hơn năm trăm ngàn đô! Em nghe rõ chưa hả? Năm trăm ngàn đô la một năm? Paige chằm chằm nhìn anh. - Anh tự hỏi: "Cả đời mình kiếm đâu ra số tiền ấy? - ông ta đã đề nghị anh cộng tác. - Alfred nói tự hào. - Và anh sẽ hành nghề với ông ta. Đó là lý do anh và em chuyển đến New York. Paige đứng lặng, tê tái vì những điều cô đang nghe. - Anh có thể kiếm đủ cho chúng ta một dãy phòng trên tầng thượng, mua cho em quần áo đẹp và tất cả những gì anh vẫn thường hứa với em. - Anh toét miệng cười. - Em ngạc nhiên lắm hả? Miệng Paige khô khốc. - Em… em không biết phải nói gì. Alfred bật cười. Hẳn nhiên rồi. Năm trăm ngàn đô la một năm đủ làm cho bất cứ ai kinh ngạc. - Em không nghĩ đến tiền, - Paige nói chậm chạp. - Không ư? Cô nhìn anh, như thể lần đầu tiên mới gặp. - Alfred, khi anh làm việc cho WHO, anh có cảm thấy mình đang giúp đỡ mọi người không? Alfred nhún vai: - Không gì có thể giúp nổi những con người ấy. Mà quan tâm đến họ làm quái gì. Em có thể tin nổi Karen lại muốn anh ở lại Bangladesh không? Anh cầm lấy tay Paige… - Và anh về đây với em. Em hơi trầm lặng. Bất ngờ quá phải không? Paige nghĩ đến cha cô. Ông đã có thể thành công lớn ở Đại lộ Công Viên, nhưng ông không màng tới tiền bạc. Mối quan tâm duy nhất của ông là cứu chữa con người. - Anh đã ly dị Karen, nên chúng ta có thể cưới nhau ngay bây giờ. - Anh vỗ vào tay cô. - Em nghĩ thế nào về chuyện sống ở New York? Paige hít một hơi sâu. - Alfred… Anh mỉm cười chờ đợi. - Sao hả em? - Anh đi đi. Nụ cười từ từ biến mất: - Cái gì? Paige đứng dậy. - Em muốn anh đi khỏi đây. Anh lúng túng: - Em muốn anh đi đâu? - Em không thể nói được. Điều đó sẽ xúc phạm đến anh. Sau khi Alfred đi khỏi, Paige ngồi nghĩ ngợi miên man. Kat nói đúng. Cô đã cô níu một bóng ma. Cứu chữa cho một lũ man di mọi rợ, trong khi anh có thể kiếm hàng đông tiền ở đây… Năm trăm ngàn đô la một năm! Và đó là hình ảnh mình vương vấn đến tận bây giờ! Cô nghl một cách ngạc nhiên. Lẽ ra cô phải thấy buồn, nhưng không, lòng cô tràn đầy cảm giác hoan hỉ. Bỗng chốc cô được tự do. Bây giờ cô đã biết mình muốn gì. Cô nhấc máy gọi Jason. Anh đáp ngay: - Alô! - Jason, Paige đây. Anh còn nhớ đã kể với em về ngôi nhà ở thung lung Noe không? - Có. - Em muốn đến xem. Tối nay anh rảnh chứ? Jason trầm giọng: - Em có thể cho anh biết chuyện gì đã xảy ra không, Paige? Anh thật bối rối. - Chính em mới là người bối rối. Em tưởng em yêu một người đàn ông mà em quen biết từ lâu. Nhưng anh ta không còn là người ấy nữa. Bây giờ em biết em muốn gì rồi. - Gì vậy? - Em muốn xem ngôi nhà của anh. * * * * * Thung lũng Noe thuộc về một kỷ nguyên khác. Đó là một ốc đảo xanh tươi giữa tâm điểm của một trong những thành phố tân kỳ nhất thế giới. Ngôi nhà của Jason là một hình ảnh phản chiếu con người anh - ấm cúng, gọn gàng và duyên dáng. Anh dẫn Paige đi thăm khắp nhà. - Đây là phòng khách, đây là bếp, buồng tắm dành cho khách, phòng làm việc… - Anh nhìn cô và nói, - phòng ngủ ở trên gác. Em có muốn xem không? Paige nói nhỏ: - Em rất muốn. Họ lên cầu thang, vào phòng ngủ. Tim Paige đập dồn. Điều đang xảy ra là không thể tránh khỏi. Lẽ ra mình phải biết ngay từ đầu. Cô không biết nổi ai đã đi bước đầu tiên khi họ. Ở trong vòng tay nhau và môi của Jason đã gắn lấy môi cô. Họ bắt đầu cởi quần áo cho nhau, cả hai cùng hối hả. Rồi họ nằm lên giường, cùng nhau. - Lạy Chúa, - anh thì thầm. - Anh yêu em. - Em biết, - Paige trêu. - Từ lúc em bảo anh phải mặc áo choàng trắng, đúng không? Rồi Paige nói thêm: - Em muốn ngủ lại đêm nay. Jason mỉm cười: - Sáng ra em không ghét anh chứ? - Em hứa mà. Họ trò chuyện… làm tình… và trò chuyện, suốt đêm. Buổi sáng, cô làm điểm tâm cho anh. Jason ngắm cô làm, và nói: - Anh không biết mình may mắn đến mức nào, nhưng anh cám ơn em. - Em mới là người may mắn. - Em biết không? Lời cầu hôn của anh vẫn chưa có câu trả lời. - Anh sẽ có chiều nay. Chiều hôm đó, một người đưa tin mang một chiếc phong bì đến văn phòng của Jason. Bên trong là tấm các anh đã gửi kèm với ngôi nhà mẫu. Của anh [ ] Của chúng ta [X] Hãy đánh dấu vào ô trống. Chương 26 Lou Dinetto chuẩn bị xuất viện. Kat đến phòng hắn để chào. Rhino và Shadow đã có ở đó. Thấy Kat vào, Dinetto quay sang hai tên đồ đệ, quát: - Biến đi! Kat nhìn chúng lủi ra khỏi phòng. Dinetto nhìn Kat và nói: - Tôi nợ cô một. - Ông không nợ tôi gì hết. - Cô nghĩ cái mạng tôi rẻ thế ư? Tôi nghe tin cô sắp lấy chồng. - Đúng vậy. - Một bác sĩ. - Hãy bảo anh ta chăm sóc cô cẩn thận, nếu không anh ta sẽ phải trả lời trước tôi đấy. - Tôi sẽ nhắn lại. Một thoáng ngập ngừng. - Tôi rất tiếc về chuyện Mike. - Nó không sao đâu, - Kat nói. - Tôi đã trò chuyện rất lâu với nó. Nó sẽ bình phục. - Tốt. - Hắn chìa ra một phong bì to tướng. Một chút gọi là quà cưới cho cô. Kat lắc đầu. - Không, cám ơn. - Nhưng… - Ông hãy giữ mình. - Cô cũng vậy nhé. Cô biết không? Cô thực sự là người đàn bà cứng cỏi. Tôi muốn cô hãy nhớ điều này. - Nếu cô cần giúp đỡ - bất cứ điều gì. - Hãy đến tôi. Cô nghe rõ không? - Tôi nghe rõ. Cô biết hắn thực tâm. Và cô cũng biết mình sẽ không bao giờ nhờ cậy đến gã. Những tuần sau đó, Paige và Jason gọi cho nhau ba bốn lần trong ngày, và ở bên nhau tất cả những đêm Paige không phải trực. Bệnh viện bận rộn hơn bao giờ hết. Paige đã trực một mạch ba mươi sáu tiếng liền đầy những ca cấp cứu. Cô vừa ngả lưng xuống chiếc giường đơn thì nghe tiếng réo khẩn thiết của chuông điện thoại. Cô quờ quạng nhấc ống nghe: - A lô! - Bác sĩ Taylor, xin mời đến ngay phòng 422, stat. Paige cố định thần. Phòng 422. Đó là bệnh nhân của bác sĩ Barker. Lance Keny. Ông ta vừa mới thay van hai lá. Chắc có chuyện gì rồi. Paige lập cập leo xuống giường và đi ra hành lang vắng vẻ. Cô quyết định không chờ thang máy. Cô chạy lên cầu thang. Có thể y tá chỉ lo lắng thôi. Nếu nghiêm trọng, mình sẽ gọi bác sĩ Barker, cô nghĩ. Cô bước vào phòng 422, sững lại nơi cửa. Bệnh nhân đang rên rỉ và thở hồng hộc. Y tá trông thấy Paige, như trút được gánh nặng. - Tôi không biết phải làm gì, thưa bác sĩ. Tôi… Paige vội vã đến bên giường bệnh. - Không sao đâu. - Cô an ủi bệnh nhân. Cô đặt hai ngón tay lên cổ tay ông ta. Mạch đang đập điên cuồng. Van hai lá lại trục trặc. - Cho giảm đau đã. - Paige ra lệnh. Y tá chuẩn bị xong, Paige tiêm vào ven người bệnh. Rồi cô hạ lệnh: - Yêu cầu y tá trưởng bố trí tốp mổ ngay. Và cho gọi bác sĩ Barker, stat. Mười lăm phút sau, Kelly đã ở trên bàn mổ. Tốp phẫu thuật gồm hai y tá dụng cụ, một y tá tuần hoàn và hai bác sĩ nội trú. Một màn hình vô tuyến đặt ở góc cao trong phòng, biểu hiện nhịp tim, điện tâm đồ và huyết áp. Bác sĩ gây mê bước vào, và Paige lập tức có cảm giác tai ương. Đa số các bác sĩ gây mê ở bệnh viện đều có tay nghề cao, nhưng Herman Kock là một ngoại lệ Paige đã cố tránh anh ta hết mức có thể. Cô không tin anh ta. Bây giờ cô không có lựa chọn nào khác. Paige nhìn anh ta cố định ống truyền trong khi cô trùm tấm vải phủ có khoét ô mổ lên ngực bệnh nhân. - Nối một đường vào tĩnh mạch cổ, - Paige nói. Kock gật đầu. - Vấn đề ở đây là gì thế? - Một bác sĩ nội trú hỏi. - Bác sĩ Barker vừa thay van hai lá hôm qua. Tôi nghĩ van bị đứt. - Paige nhìn bác sĩ Kock. - Bệnh nhân đã mê chưa? Kock gật đầu: - Say sưa như nằm ngủ ở nhà vậy. Mong sao đứng là như thế, Paige nghĩ. - Anh dùng gì đấy? - Propofol. Cô gật đầu: - Được rồi. Bắt đầu! Một bác sĩ nội trú bật nhạc. Paige bước tới bên bàn mổ dưới ngọn đèn sáng trắng 1.100 watt và quay sang y tá dụng cụ. - Đưa tôi con dao mổ… Paige bắt đầu tháo các mối chỉ từ cuộc phẫu thuật hôm trước. Tiếp theo cô cắt một đường tử chân cổ xuống xương ức trong khi một bác sĩ nội trú thấm máu bằng những miếng gạc. Cô thận trọng lách qua những lớp mở, lớp cơ, và trước mắt cô hiện ra quả tim đang đập ngoi ngóp. - Vấn đề là đây, - Paige nói. - Tâm nhĩ bị thủng. Máu tụ lại xung quanh và dồn ép tim. - Paige nhìn màn hình trên tường. - Tăng lưu lượng lên. - Paige ra lệnh. Cửa phòng mổ bật mở và Lawrence Barker bước vào ông ta đứng sang một bên theo dõi sự việc. Paige nói: - Bác sĩ Barker, ông có định… - Đây là ca mổ của cô. Paige nhìn nhang sang Kock. - Cẩn thận. Kẻo gây mê quá liều đấy. Chậm lại, mẹ kiếp. - Nhưng tôi… - Tốc độ V rồi kìa? Huyết áp đang tụt? - Cô muốn tôi phải làm gì? - Kock hỏi bất lực. - Anh ta phải biết chứ. - Tiêm Lidocaine và Epinephrine! Ngay lập tức! - Cô gào lên. - Vâng. Cô nhìn Kock lấy thuốc và tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân. Một bác sĩ nội trú nhìn lên màn hình và kêu: - Huyết áp rơi rồi! Paige làm việc cuống cuồng để ngăn dòng máu. Cô ngước nhìn Kock. - Lưu lượng quá nhiều! Tôi đã bảo anh… Tiếng tim đập trên màn hình bỗng nhiên hỗn loạn. - Lạy Chúa! Có chuyện rồi! - Đưa tôi máy khử rung! - Paige la lên thất thanh. Y tá tuần hoàn mở hai bảng điều khiển vô trùng, cắm điện và đưa cho Paige. Paige áp chúng thẳng lên tim của Kelly. Người bệnh giật lên, rồi rũ xuống. Cô thử lại lần nữa, cố làm ông ta sống lại, cố làm ông thở lại. Vô ích. Trái tim nằm bất động, một cơ quan vô dụng, đã chết. Paige nổi giận. Cuộc phẫu thuật của cô đã gần thành công. Nhưng Kock đã gây mê quá liều. Khi Paige áp máy khử rung lên cơ thể Lance Kelly lần thứ ba, bác sĩ Barker bước đến bên bàn mổ và nói: - Cô giết ông ta rồi. Chương 27 Jason đang dự cuộc họp thiết kế thì thư ký của anh thông báo. - Bác sĩ Taylor đang chờ ở đầu dây. Tôi bảo cô ấy gọi lại nhé? - Không. Để tôi nói chuyện. - Jason nhấc ống nghe. - Paige? - Jason… em cần anh! - Cô nức nở. - Có chuyện gì thế em? - Anh có thể đến nhà em được không? - Tất nhiên. Anh đến ngay đây. - Anh đứng dậy. - Cuộc họp kết thúc. Chúng ta sẽ tiếp tục vào sáng mai. Nửa tiếng sau, Jason đến căn hộ của Paige. Cô mở cửa và lao vào vòng tay anh. Mắt cô đỏ hoe vì khóc. - Sao thế này? - Jason hỏi. - Thật khủng khiếp! Bác sĩ Barker nói em… em giết bệnh nhân, mà sự thực, đó… đó không phải là lỗi của em! - Giọng cô vỡ ra. - Em không chịu đựng nổi nữa… - Paige, - Jason nói nhẹ nhàng, - em đã kể với anh là ông ta luôn khó chịu như vậy kia mà, em đau khổ làm gì? Paige lắc đầu. - Còn hơn thế nữa kia. Lão ta đã tìm mọi cách nhục mạ em ngay từ hôm đầu cùng làm việc. Jason, nếu một bác sĩ dốt bảo em ngu thì em chẳng thèm bận tâm, nhưng lão quái đản này lại quá giỏi. Em phải tôn trọng sự đánh giá của lão. Em nghĩ em không đủ năng lực. - Vớ vẩn! - Jason giận dữ. - Em mà không đủ năng lực ư? Mọi người đều nói em là một bác sĩ tuyệt vời. - Nhưng mọi người không phải là Lawrence Barker. - Quên Barker đi! - Em sẽ quên, - Paige nói. - Em sẽ bỏ bệnh viện. Jason ôm lấy cô. - Paige, anh biết em yêu nghề, biết em sẽ không thể nào bỏ được. - Em không bỏ nghề đâu. Em chỉ không bao giờ muốn thấy lại cái bệnh viện này nữa. Jason rút khăn lau nước mắt cho Paige. - Em xin lỗi đã làm anh bận lòng vì tất cả những chuyện này, - Paige nói. - Thế vị hôn phu để mà làm gì, hả em? Cô mếu máo cười. - Nghe hay lắm. Thôi được. - Paige hít một hơi sâu: Em đỡ hơn rồi. Cám ơn anh đã an ủi em. Em đã gọi điện cho bác sĩ Wallace xin thôi việc. Bây giờ em đến bệnh viện gặp ông ta đây. - Hẹn em tối nay nhé. Paige đi qua những hành lang bệnh viện, biết rằng đây là lần cuối cùng. Xung quanh cô là tiếng ồn ào quen thuộc và những con người hối hả ngược xuôi. Nơi đây đã trở thành mái ấm của cô, thân thiết với cô hơn là cô tưởng. Cô nghĩ đến Jimmy và Chang, và bao nhiêu bác sĩ tuyệt vời mà cô đã cùng làm việc. Jason yêu quý đã cùng đi tua với cô trong chiếc áo choàng trắng. Cô đi qua căng tin, nơi cô cùng Honey và Kat đã ăn hàng trăm bữa sáng, qua phòng ngủ, nơi họ định tổ chức dạ tiệc mà không thành. Những hành lang và những căn phòng đầy kỷ niệm. Mình sẽ nhớ nơi này, Paige nghĩ, nhưng mình từ chối làm việc cùng dưới một mái nhà với con quái vật ấy. Cô đến văn phòng của bác sĩ Wallace. Ông ta đang đợi cô - Phải nói là cú phôn của cô làm tôi ngạc nhiên đấy Paige! Cô quyết định dứt khoát chưa? - Rồi, thưa bác sĩ. Benjamin Wallace thở dài: - Thôi được. Trước khi cô đi, bác sĩ Barker muốn gặp cô. - Tôi cũng đang muốn gặp ông ta đây. Bao căm giận chất chứa trong lòng Paige sôi lên sùng sục. - Ông ta ở trong phòng thí nghiệm. Thôi… chúc cô may mắn. - Cám ơn. - Paige đáp rồi xăm xăm tới gặp "hung thần". Bác sĩ Barker đang săm soi một số phim dương bản dưới kính hiển vi. Khi Paige bước vào, ông ta ngẩng lên và hỏi ngay: - Tôi nghe nói cô quyết định rời khỏi bệnh viện? - Đúng vậy. Cuối cùng thì ông cũng thoả nguyện rồi chứ? - Thế là thế nào? - Barker ngạc nhiên. - Ông đã muốn tôi cút xéo khỏi đây ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy tôi. Được, ông thắng rồi đấy. Tôi không thể chống chọi ông hơn được nữa. Khi ông bảo tôi giết bệnh nhân của ông, tôi… - Giọng Paige đứt đoạn. - Tôi… tôi nghĩ ông là đồ vô lương tâm, ngậm máu phun người. Tôi căm thù ông. - Cô ngồi xuống đi, - Barker nói. - Không. Tôi không còn gì để nói nữa. - Nhưng tôi còn. Mẹ kiếp! Cô tưởng cô là ai mà… Đột nhiên, ông ta cứng họng và bắt đầu thở hổn hển. Paige đứng đó, kinh hoàng nhìn bác sĩ Barker với những ngón tay co quắp túm chặt lấy ngực áo, ngã vật xuống ghế, mồm há hốc, gương mặt nhăn nhó vẹo sang một bên. Tức khắc, cô lao đến bên ông ta. - Bác sĩ Barker! - Cô chộp lấy điện thoại và gào vào máy. - Mật mã Đỏ! Mật mã Đỏ! - Ông ấy bị đột quỵ nặng, - bác sĩ Peterson nói. - Còn quá sớm để kết luận ông ấy có qua khỏi được không. - Đó là lỗi tại mình, Paige nghĩ. Mình đã cầu cho ông ta chết. Cô cảm thấy khốn khổ. Cô quay lại gặp Ben Wallace. - Tôi rất tiếc về chuyện xảy ra, - cô nói. - Ông ta là một bác sĩ giỏi. - Đúng. Đáng tiếc thật. Rất đáng tiếc… - Wallace quan sát cô giây lâu. - Paige, nếu bác sĩ Barker không thể làm việc tại đây nữa, cô có ý định ở lại không? Paige ngập ngừng. Có chứ… Dĩ nhiên. Chương 28 Bệnh án của ông ta ghi: John Cronin, đàn ông, da trắng, 70 tuổi. Chẩn đoán: u tim. Paige chưa gặp John Cronin. Ông ta đã được lên lịch phẫu thuật tim. Cô vào phòng ông ta, đi cùng với một y tá và một bác sĩ. Cô mỉm cười niềm nở và nól: - Chúc buổi sáng tất lành, ông Cronin. Người ta vừa rút ra các thứ ống, quanh miệng ông ta vẫn còn vết băng dính. Và tay trái được nối với hai chai truyền dịch lơ lửng trên đầu. Cronin nhìn Paige. - Cô là cái đếch gì vậy? - Tôi là bác sĩ Taylor. Tôi sẽ khám cho ông và… - Cút ngay! Đừng có động tay vào người tôi. - Sao người ta không cho tôi một bác sĩ thực sự nhỉ? Nụ cười của Paige tắt lặng. - Tôi là phẫu thuật gia tim mạch. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp ông. Cô sẽ mổ tim tôi? - Đúng vậy, tôi… John Cronin nhìn người bác sĩ đi cùng Paige và nói: - Vì Chúa, đây là thứ tốt nhất của cái bệnh viện này đấy hả? - Tôi đảm bảo với ông, bác sĩ Taylor rất có trình độ - người bác sĩ kia nói. - Cái mông đít tôi cũng thế. Paige nói cứng nhắc: - Hay ông muốn mời bác sĩ phẫu thuật riêng? - Tao không có, - Ông già rít lên. - Tao không đủ tiền cho lũ lang băm chết tiệt đó. Bác sĩ chúng bay thảy đều như vậy. Chỉ quan tâm đến tiền, còn mạng người chẳng đáng nửa xu. Với chúng bay thì bệnh nhân chỉ là những miếng thịt. Paige cố kiềm chế mình. - Tôi biết lúc này ông đang hoảng loạn, nhưng… - Hoảng loạn? Chỉ vì mày sẽ cắt tim tao à? - Ông ta gào lên. - Tao biết tao sẽ chết trên bàn mổ. Mày sẽ giết tao. Tao hy vọng người ta biết mày giết người. - Đủ rồi đấy! - Paige nói. - Nếu ta chết thì lý lịch của cô cũng chẳng ra gì, phải không cô ả bác sĩ? Có lẽ ta sẽ cho cô mổ thịt ta. Paige cảm thấy mình nghẹn thở. Cô bảo người y tá:+ - Tôi muốn làm điện tâm đồ và xét nghiệm hoá học. - Cô đưa mắt nhìn John Cronin lần nữa, rồi đi ra khỏi phòng. Một tiếng sau, khi Paige quay lại với các bản xét nghiệm, John Cronin ngẩng lên: - Ôi dào, con mẹ ấy lại đến. Paige mổ cho John Cronin vào sáu giờ sáng hôm sau. Ngay lúc mở lồng ngực ông ta, cô đã biết không còn hy vọng gì nữa. Vấn đề không phải là tim. Các cơ quan nội tạng của Cronin đã có dấu hiện di căn. Một bác sĩ nội trú thốt lên: - Ôi lạy Chúa! Chúng ta làm gì bây giờ? Chúng ta sẽ cầu nguyện để người này không phải sống quá lâu. Khi Paige ra khỏi phòng mổ, cô thấy một phụ nữ và hai người đàn ông đang đợi cô ngoài hành lang. Người phụ nữ có mái tóc đỏ rực, mặt bự son phấn và nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền. Chị ta mặc một chiếc váy bó sát người như để khẳng định thêm tấm thân đầy nhục cảm. Hai người đàn ông cỡ ngoại tứ tuần, và cả hai đều tóc đỏ. Với Paige, trông họ như một gánh xiếc. - Cô là bác sĩ Taylor? - Người đàn bà hỏi. - Vâng. - Tôi là bà Cronin. Còn đây là các anh trai tôi. Chồng tôi thế nào? Paige ngập ngừng. Cô nói thận trọng. - Ca mổ đã kết thúc như chúng tôi dự đoán. - Ôi ơn Chúa! - Bà Cronin kêu lên thống thiết, chấm chấm mắt bằng một chiếc khăn tay ren. - Tôi sẽ chết mất nếu có gì không may xảy ra với John! Paige có cảm giác như đang xem một vở kịch rẻ tiền. - Tôi có thể gặp người yêu quý của tôi bây giờ không? - Chưa được, thưa bà Cronin. Ông ấy đang ở trong phòng hồi sức. Ngày mai bà hãy nên quay lại. - Chúng tôi sẽ quay lại. - Chị ta quay sang đám đàn ông. - Đi thôi các tướng. Paige nhìn họ đi khỏi. Tội nghiệp John Cronin, cô nghĩ. Paige nhận được báo cáo vào sáng hôm sau. Ung thư đã di căn khắp cơ thể Cronin. Quá muộn rồi để điều trị bức xạ. Chuyên gia ung thư nói với Paige. - Không còn làm gì được ngoài việc giữ cho bệnh nhân dễ chịu. Ông ta sẽ đau khủng khiếp đấy. - Ông ta còn bao nhiêu thời gian nữa? - Nhiều lắm là một hoặc hai tuần. Paige vào thăm John Cronin trong phòng chăm sóc đặc biệt. Ông đang ngủ. Ông không còn là lão già cáu kỉnh, cay độc nữa, mà là một con người đang chống chọi tuyệt vọng để giành lấy sự sống. Ông phải thở bằng máy, và đang được tiếp ven. Paige ngồi xuống bên giường, nhìn ông. Trông ông mệt mỏi và giống như người bại trận. Ông là một trong những kẻ xấu số Paige nghĩ thầm. Thậm chí với tất cả phép mầu của y học hiện đại, chúng ta cũng không thể làm gì để cứu được. Cô dịu dàng chạm vào tay ông. Một lúc sau, cô đi ra. Chiều hôm đó, Paige lại ghé qua thăm Cronin. Ông đã được bỏ máy hô hấp. Khi mở mắt và nhìn thấy Paige, ông nói thẫn thờ. - Ca mổ xong rồi, hả? Paige mỉm cười trấn an. - Vâng. Tôi ghé qua xem ông có được dễ chịu không. - Dễ chịu à? - Ông ta khịt mũi. - Cô quan tâm để làm quái gì? - Xin đừng cãi vã nữa, - Paige nói. Cronin nằm yên, lặng lẽ quan sát cô. - Người ta kể với tôi rằng cô đã mổ rất khéo. Paige không nói gì. - Tôi bị ung thư, đúng không? - Đúng. - Có nặng lắm không? Đó là một câu hỏi mà tất cả các phẫu thuật gia sớm hay muộn cũng phải đương dầu. - Khá nặng, - Paige nói. Một thoáng im lặng kéo dài. - Thế còn chữa trị bằng tia xạ hay phương pháp hoá học thì sao. - Rất tiếc, cách đó chỉ làm ông khổ sở hơn thôi, mà chẳng giúp được gì… - Tôi hiểu. Không sao… Tôi đã sống một cuộc đời sung sướng. - Tôi biết. - Cô có thể không nghĩ như vậy khi nhìn tôi trong tình trạng này, nhưng tôi đã có vô khối đàn bà. - Tôi tin. - Phải. Đàn bà… tiệc tùng… xì gà ngon… Cô có gia đình chưa? - Chưa ạ. - Cô cần phải có. Ai cũng phải có gia đình. Tôi cũng đã có vợ. Hai lần. Lần đầu tiên sống với nhau được ba mươi năm. Bà ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Rồi bà ấy mất vì đau tim… - Thật đáng tiếc. - Phải. - Ông ta thở dài. - Sau đó, chắc tôi bị trời trừng phạt nên mới cưới phải một con mụ vô đạo. Ả và hai thằng anh háu đói của ả. Lỗi tại tôi, ai bảo hăng máu lên lắm vào? Mái tóc đỏ của ả đã làm tôi nóng máy. - Tôi chắc bà ấy… - Không phải biện hộ. Cô biết tại sao tôi phải vào nằm cái nhà thương chó chết này không? Vợ tôi quẳng tôi vào đây đấy. Mụ ta không muốn phí của cho tôi đi bệnh viện tư. Có như thế mụ và mấy thằng anh mới bấu véo được nhiều tiền của tôi hơn. - Ông ta ngước nhìn Paige. - Tôi còn bao lâu nữa? - Ông muốn biết sự thật không? - Không… à có. - Một hoặc hai tuần. - Lạy Chúa! Tôi sẽ còn đau đớn khủng khiếp hơn, đúng không? - Tôi sẽ cố hết sức để cho ông được dễ chịu, thưa ông Cronin. - Hãy gọi tôi là John. - John. - Đời chó má thật, đúng không? - Bác nói bác đã sống một cuộc đời sung sướng cơ mà? - Đúng, tôi nói vậy. Biết đời sắp hết thì nói đùa thôi. Cô có biết chúng ta đang đi đến đâu không? - Tôi không biết. - Tôi sẽ cho cô biết khi nào đến đó. - Người ta mang thuốc đến kìa. Tôi có thể làm gì giúp bác khuây khoả hơn không? - Có! Đêm nay hãy trở lại đây trò chuyện với tôi. Hôm nay Paige không phải trực đêm, và cô đã mệt nhoài. - Tôi sẽ quay lại. Đêm đó, khi Paige trở lại thăm John Cronin, ông vẫn thức. - Bác cảm thấy thế nào? - Ông co rúm lại. - Kinh khủng. Tôi không phải người giỏi chịu đau. Tôi đã đến ngưỡng cửa rồi. - Tôi hiểu. - Cô gặp Hazel rồi hả? - Hazel? - Mụ vợ tôi. Con vô đạo đức ấy. Ả và mấy thằng anh ả đến đây thăm tôi. Bọn chúng nói đã gặp cô. - Vâng. - Ả gớm đấy chứ, đúng không? Tôi tự rước vạ vào thân rồi. Chúng không đợi được đến lúc tôi ngoẻo nữa. - Bác đừng nói thế. - Sự thật như vậy. Lý do duy nhất Hazel lấy tôi là vì tiền. Nói thật với cô, chuyện đó chẳng làm tôi bận lòng lắm. Tôi đã được tung hoành với cô ả trên giường nhưng rồi ả và mấy thằng anh bắt đầu tham lam vô độ. Chúng luôn luôn muốn nhiều hơn nữa. Họ ngồi bên nhau, im lặng. - Tôi đã kể với cô là tôi chu du được nhiều nơi chưa nhỉ? - Chưa ạ. - Ờ. Tôi đã đến Thuỵ Điển… Đan Mạch… Đức. Cô đã sang châu u chưa? Cô nghĩ đến hôm ở hãng du lịch. Mình thèm được thấy London chết đi được. Paris mới là nơi mình muốn đi. Mình muốn dạo chơi trên thuyền gondola dưới ánh trăng ở Venice. - Chưa ạ. Chưa bao giờ. - Cô phải đi. - Có thể là một ngày nào đó. - Chắc cô chẳng kiếm được bao nhiêu ở một bệnh viện như thế này, hả? - Cháu kiếm đủ. Ông gật đầu. - Ừ. Cô phải sang thăm châu u. Hãy cho tôi một ân huệ. Hãy đến Paris, nghỉ lại ở Crillon, ăn tối tại nhà hàng Maxim, gọi một miếng bít tết to dầy, một chai sâm panh, và trong khi thưởng thức, tôi muốn cô hãy nhở đến tôi. Cô sẽ làm thế chứ? Paige đáp chậm rãi. - Cháu sẽ làm như vậy, một ngày nào đó. John Cronin quan sát cô. - Tốt. Thôi, tôi mệt rồi. Mai cô lại đây và nói chuyện với tôi nữa nhé. - Cháu sẽ quay lại, - Paige nói. John Cronin đã ngủ. Chương 29 Ken Mallory là người rất tin vào Nữ thần May mắn, và sau cuộc gặp gỡ với cha con Harrison, hắn càng tin chắc rằng mình có thần May mắn phù hộ. Rất hiếm khi có một người giàu có như Alex Harrison lại được đưa vào bệnh viện quèn như thế này. Và mình là người cứu sống ông ta, nên ông ấy muốn bày tỏ sự cám ơn. Mallory nghĩ thế. Ken dò hỏi qua bạn bè về gia đình Harrison. Họ giầu đến mức không thèm che dấu điều đó. Một người bạn nói. - Ông ta có chừng vài chục triệu, có khi còn hơn, và một cô con gái rất xinh. Cô này đã có ba bốn đời chồng thì phải. Lần sau cùng là một bá tước. - Cậu đã gặp nhà Harrison lần nào chưa? - Chưa bao giờ. Nhà này không hoà mình với dân chúng đâu. Sáng thứ bảy, Alex Harrison gọi điện cho Ken Mallory. - Ken này, anh có nghĩ rằng đến tuần sau thì tôi đủ sức khỏe để tổ chức một dạ tiệc không? - Nếu ông không làm quá phức tạp thì tôi không thấy có lý do gì cản trở cả. - Mallory trả lời. - Tuyệt. Anh sẽ là khách danh dự đêm đó đấy. Mallory đột nhiên mừng cuống lên. Ông già thực tâm đây. - Cám ơn ông. - Lauren và tôi sẽ đợi anh vào lúc bảy giờ rưỡi tối thứ bảy. - Ông ta cho Mallory địa chỉ ở Nob Hill. - Tôi sẽ đến. - Mallory nói. Cơ hội ngàn năm đây. Mallory có hứa là sẽ đưa Kat đi nhà hát vào tối đó nhưng hủy cuộc hẹn này cũng dễ thôi. Hắn đã thu đủ tiền cá cược và lại còn được vui vẻ với cô gái. Vài lần mỗi tuần hai người lại tìm được một chỗ vắng vẻ, hoặc là ở phòng trực, hoặc một phòng trống nào đó của bệnh viện hoặc ở nhà một trong hai người. Cô ấy tự kiềm chế trong một thừi gian dài, Mallory nghĩ, nên bây giờ được giải toả mới ghê gớm thế. Rồi thì đến một lúc nào đó cũng phải nói bai bai thôi. Hôm có hẹn với nhà Harrison, Mallory gọi điện cho Kat. - Em yêu, có tin không hay. - Anh yêu, chuyện gì vậy? - Một bác sĩ bị ốm và người ta nhờ anh trực thay. Có lẽ tối nay mình không gặp nhau được. Kat không muốn để Mallory biết rằng cô rất thất vọng, và rằng cô cần ở bên anh đến mức nào, cô chỉ nói nhỏ nhẹ. - Thôi được, nghề của bác sĩ mà. - Đúng thế, anh sẽ đền em sau vậy. - Anh chẳng phải đền gì đâu. Em yêu anh. - Anh cũng yêu em. - Ken này, khi nào thì bàn chuyện của chúng mình? Chuyện gì cơ? - Hắn hỏi, tuy thừa biết cô muốn gì. Một lời cam kết. Đàn bà bao giờ cũng thế. Họ cứ dùng mồi nhử, hy vọng những thằng ngố phí hoài cuộc đời với họ. Nhưng hắn đủ khôn. Đến lúc đó gã sẽ làm ra vẻ rất tiếc rồi cho rơi như hắn đã làm cả chục lần trước nay. Kat nói tiếp, như thúc giục: - Bọn mình phải định ngày chứ, Ken? Em còn bao nhiêu việc phải làm. - Tất nhiên. Bọn mình sẽ làm mà. - Có thể vào tháng Sáu. Anh nghĩ sao? - Em chẳng nên biết anh nghĩ gì đâu. Nếu anh tính đúng thì khi đó anh sẽ có lễ cưới, nhưng không phải với em. - Được rồi, chúng ta sẽ bàn chuyện đó. Anh phải đi ngay bây giờ. * * * * * Ngôi nhà của Harrison giống như từ trong phim hiện ra, nằm trên một khu đất rộng với những cây cỏ được tỉa tót cần thận. Bản thân ngôi nhà gây một cảm giác là nó sẽ tồn tại mãi mãi. Có khoảng hai chục vị khách. Một dàn nhạc nhỏ đang chơi trong phòng khách rộng thênh thang. Khi Mallory bước vào, Lauren bèn tiến lại trong chiếc váy lụa dài quét đất. Cô nắm chặt tay hắn: - Xin chào vị khách danh dự. Tôi rất mừng được đón tiếp, anh ở đây. - Tôi cũng vậy. Ông cụ sức khỏe ra sao? - Bố tôi rất khỏe. Anh là người hùng trong ngôi nhà này đấy. Mallory cười khiêm tốn: - Tôi chỉ làm công việc của mình thôi. - Tôi cho rằng hàng ngày Chúa vẫn nói những lời như vậy. Nói đoạn, Lauren cầm tay Mallory dắt đi giới thiệu với khách khứa. Toàn là khách quan trọng. Trong danh sách có thống đốc bang California, Đại sứ Pháp, chánh án và nhiều nhà hoạt động chính trị, nghệ thuật, tài chính khác. Mallory có cảm giác quyền lực tràn ngập gian phòng này và cảm thấy phấn khích. Mình thuộc vào lớp người này, gã nghĩ, chính ở đây, những con người này. Bữa tiệc thật ngon và phùc vụ thật chu đáo, kiểu cách. Cuối cùng khi khách khứa lần lượt ra về, Harrison nói với Mallory: - Đừng vội đi, Ken, tôi muốn nói chuyện với anh. - Tôi rất sung sướng. - Ken nở mặt nở mày đáp. Harrison, Lauren và Ken ngồi trong thư viện. Hai cha con ngồi cạnh nhau. - Lúc còn trong bệnh viện, khi nói rằng tôi nghĩ anh có một tương lai tuyệt vời trước mắt, là tôi có ý đấy - Tôi rất cám ơn sự tin tưởng của ông! - Anh nên mở phòng khám tư đi. Mallory cười nhún nhường. - Tôi e rằng chuyện ấy không dễ dàng, thưa ông Harrison. Cần phải có nhiều thời gian tích luỹ kinh nghiệm, và cả tiền bạc nữa, mà tôi thì… - Bình thường thì thế, nhưng anh đâu phải người bình thường. - Tôi không hiểu. - Sau khi anh kết thúc giai đoạn nội trú, cha định gây dựng cho anh một phòng khám, - Lauren nói xen vào như giải thích. Trong một giây, Mallory chẳng biết nói gì. Mọi việc quá đẹp. Cứ như trong mơ. - Tôi… tôi chẳng biết nói gì để cám ơn. - Hắn lắp bắp. - Tôi có nhiều bạn bè giàu có. Tôi đã nói với họ về anh. Tôi có thể hứa rằng anh sẽ có nhiều khách hàng ngay khi anh mở phòng khám. - Ông bố nhiệt tình hứa hẹn. - Ba ơi, luật sư mới cần khách hàng chứ. - Cô con gái nũng nịu trách yêu. - Dù thế nào, tôi thích tài trợ cho anh. Anh có quan tâm tới việc đó không? Mallory cảm thấy khó thở. - Rất nhiều, thưa ông. Nhưng tôi không rõ là liệu tôi có đủ tiền trả lại ông. - Anh không hiểu rồi. Đấy là tôi trả anh. Anh chẳng nợ gì hết. Lauren nhìn Mallory với đôi mắt rực cháy. - Anh nói đồng ý đi. - Chỉ có kẻ nào ngốc mới nói không, đúng không. - Mallory làm bộ đùa cợt. - Rõ rồi. - Lauren nói nhẹ. - Và tôi tin rằng anh chẳng ngốc. Trên đường về nhà, Ken Mallory như bay trong trạng thái lâng lâng. Người ta bảo cầu được ước thấy. Hắn nghĩ. Đây còn hơn thế. Hắn không cầu mà vẫn được. Lauren gọi điện đến Mallory: - Em hy vọng anh không phản đối kết hợp công việc với vui chơi. Hắn mỉm cười một mình: - Không đâu. Em có ý gì đấy? - Có một vũ hội từ thiện tổ chức vào tối thứ bảy này. Anh có đưa em đi được không? - Ôi cô em, anh sẵn sàng đưa cô em đi mọi nơi. Anh rất sung sướng. Hắn phải trực ở bệnh viện vào đúng tối hôm đó, nhưng hắn sẽ cáo ốm và người ta sẽ tìm được một ai đó thay thế thôi. Mallory là người ít khi tin vào sự may rủi, hắn cho rằng thành công chỉ đến khi mọi việc đã được lên kế hoạch cẩn thận. Nhưng những gì đang xảy ra lại vượt quá những giấc mơ ngông cuồng nhất, chẳng thể nào tiên liệu được. Chỉ trong vài ngày hắn đã gặp và quen biết rất nhiều bạn bè của Lauren. Nhịp độ cuộc sống của hắn bị thay đổi. Hắn thường xuyên đi chơi với Lauren đến quá nửa đêm để ngày hôm sau gà gật khi ở bệnh viện. Người ta kêu ca nhiều về hắn nhưng hắn chẳng quan tâm. Tao sẽ biến khỏi đây sớm, hắn luôn tự nhủ như vậy. Chỉ riêng nghĩ về khả năng thoát khỏi cái bệnh viện buồn tẻ này và mở một phòng khám riêng đã đủ làm hắn phấn chấn, nhưng thêm vào đó Nữ thần May mắn còn cho hắn một phần thưởng vô giá nữa, đó là Lauren. Kat bây giờ đã trở thành một vật cản khó chịu. Mallory luôn phải nghĩ ra cớ này cớ nọ để từ chối gặp cô Khi bị cô gặng hỏi, hắn lại ca cái bài ca cũ rích: - Em yêu, anh đang phát điên lên vì em đây, tất nhiên anh sẽ cưới em, nhưng ngay bây giờ thì… - và hắn bịa ra một lý do nào đó. Thế rồi lại chính Lauren là người đề nghị hắn cùng nghỉ cuối tuần với cô ta tại một trang trại của gia đình ở vùng Big Sur. Mallory quá hài lòng. Mọi việc đều trôi chảy, hắn nghĩ, ta sắp sửa sở hữu toàn bộ những thứ này. Trang trại nằm trên quả đồi phủ đầy phi lao, một toà nhà lớn bằng đá, gạch, gỗ trông ra Thái Bình Dương. Trong nhà có một phòng ngủ của chủ nhân, tám phòng ngủ dành cho khách, một phòng khách rộng thênh thang với lò sưởi xây bằng đá, cả bể bơi trong nhà… Tất cả đều toát lên sự giàu sang lâu đời. Khi họ vào nhà, Lauren quay lại với Mallory và nói: - Em đã cho người hầu nghỉ cuối tuần rồi. Ken cười toác miệng. - Hay quá. Hắn vòng tay quanh Lauren và nói cái câu cửa miệng của gã với mọi cô gái. - Anh đang phát rồ lên vì em đây. - Chứng tỏ cho em xem nào. - Lauren nũng nịu. Họ quần nhau cả ngày, và Lauren cũng cuồng nhiệt chẳng kém gì Kat. - Em làm anh tả tơi ra đây này! - Mallory hổn hển. - Chính thế. Em chẳng muốn anh còn sức lực để làm tình với một ai nữa. Lauren nói và ngồi dậy, hỏi: - Anh không còn ai khác nữa phải không, Ken? - Hoàn toàn không, - Mallory nói thành thật, - thế giới này, với anh, ngoài em ra chẳng còn ai hết. Anh yêu em, Lauren. Đây là thời điểm quyết định. Tương lai của hắn đã được gói ghém trong một cái hộp đẹp đẽ. Một bác sĩ thành đạt là một chuyện và con rể của Alex Harrison lại là một chuyện khác. - Anh muốn cưới em. Chưa bao giờ hắn thành thật như lúc này. Và hắn nín thở chờ câu trả lời. - Ồ vâng, anh yêu! Vâng! - Lauren nói. Trong lúc đó, Kat đang phát điên vì lo lắng. Cô cố gọi cho Mallory ở bệnh viện. - Tôi rất tiếc, bác sĩ Hunter, bác sĩ Mallory không trả lời điện thoại, anh ta không có ở đây. - Anh ấy có dặn lại là tìm mình ở đâu không? - Không! Kat đặt máy rồi quay sang Paige. - Một việc gì đã xảy ra. Mình biết mà. Anh ấy phải gọi cho mình chứ? - Có cả trăm lý do khiến anh ta không gọi cho cậu được. Có lẽ anh ta phải rời thành phố, hoặc là… - Phải đấy. Mình tin rằng phải có lý do gì đấy. Kat nhìn mãi vào máy điện thoại và ước rằng nó sẽ réo vang. Khi Mallory trở lại San Francisco, hắn gọi ngay đến bệnh viện tìm Kat. - Bác sĩ Hunter hôm nay nghỉ bù, - người trực nói. - Cám ơn. Mallory gọi về nhà. Kat đang chờ máy. - Chào em! - Ken, anh ở đâu đấy? Em lo cho anh quá. Em đã cố gọi cho anh mà… - Anh có chuyện gia đình, gấp quá. - Hắn nói bình thản. - Anh xin lỗi vì không kịp gọi cho em. Anh phải rời thành phố. Bây giờ anh qua chỗ em được không? - Anh biết là được mà. Em rất vui mừng vì anh bình an. - Nửa giờ nữa nhé. - Hắn đặt máy và nghĩ một cách sung sướng. Thời điểm đã đến rồi. Phải nói nhiều chuyện, Kat ạ, chuyện của chúng mình thật vui nhưng chỉ là vui thế thôi. Khi Mallory đến, Kat lao tới quàng tay quanh người hắn. - Em nhớ anh quá. - Cô không thể nói rõ là cô đã lo lắng đến tuyệt vọng tới mức nào. Đàn ông thường chẳng thích những chuyện đó. Cô lùi lại. - Anh yêu, trông anh có vẻ mệt mỏi quá. Mallory gật đầu: - Anh chẳng được ngủ tí nào suốt hai tư giờ qua. Điều này thì đúng. Hắn nghĩ. Kat vội vã: - Khổ anh quá. Em nấu gì cho anh ăn nhé? - Thôi. Anh chẳng sao đâu. Cái mà anh thật sự cần là một giấc ngủ. Nào ngồi xuống đây, Kat. Chúng mình phải nói chuyện. - Sao, có chuyện gì vậy? - Kat hỏi, thầm lo lắng. Mallory hít một hơi dài. - Kat, anh đã nghĩ nhiều về chuyện của hai ta. Cô cười: - Em cũng thế. Em có một tin cho anh đây. - Không, hãy cho anh nói hết, Kat, anh nghĩ chúng mình hơi vội vã, hơi quá vội vã. Mặt Kat nhợt ra. - Sao? Anh nói cái gì? - Anh nói chúng mình phải lui mọi chuyện lại. Cô cảm thấy mọi vật xung quanh đổ sụp. Khó thở quá. - Ken, chúng ta không hoãn được. Em đã có thai với anh. Chương 30 Nửa đêm, Paige mới về đến nhà. Cô mệt rũ. Đó là một ngày bận rộn đến quá quắt, bòn rút hết sinh lực của cô. Không có thời gian đề ăn trưa, và bữa tối chỉ là một miếng san đuých giữa ca mổ. Cô lăn ra giường, ngủ ngay tức khắc. Rồi cô bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Loạng choạng, cô vớ lấy ống nghe và đờ đẫn liếc nhìn đồng hồ bên cạnh giường. Ba giờ sáng. - A lô… - Bác sĩ Taylor? Xin lỗi vì phải quấy rầy nhưng một bệnh nhân của bác sĩ yêu cầu được gặp bác sĩ ngay. Cổ họng Paige khô rang. Khó nhọc lắm cô mới cất được tiếng nói. - Tôi đã hết giờ trục. Có thể gọi ai đó… - Ông ta không chịu đâu. Ông ta nói cần gặp chính bác sĩ. - Ai thế? - Jason Cronin. Cô ngồi thẳng dậy. - Có chuyện gì vậy? - Tôi không biết. Ông ta từ chối nói chuyện với bất cứ ai ngoài bác sĩ Taylor. Thôi được, - Cô nói mệt mỏi, - Tôi đến ngay đây. Ba mươi phút sau, Paige đến nơi. Cô đi thẳng vào phòng của Jason Cronin. Ông nằm trên giường, vẫn thức. Những chiếc ống thò ra từ mũi và hai cánh tay ông. - Cám ơn cô đã đến. - Giọng ông yếu ớt và khàn đặc. Paige ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh giường. Cô mỉm cười: - Không sao đâu, Jason. Cháu chẳng phải làm gì khác ngoài ngủ. Cháu có thể làm cho bác điều gì mà không một ai khác trong cả cái bệnh viện khổng lồ này có thể làm được? - Tôi muốn cô nói chuyện với tôi. Paige rên rẩm. - Vào giờ này ư? Cháu lại cứ nghĩ phải cấp cứu cho bác. - Thì đúng vậy mà. Tôi muốn ra đi. Cô lắc đầu: - Không thể được. Bác không thể về nhà bây giờ. Bác sĩ không thể được chăm sóc như ở… Ông ngắt lời cô: - Tôi không muốn về nhà. Tôi muốn ra đi. Cô nhìn ông và nói chậm chạp. - Bác nói cái gì vậy? - Cô biết tôi muốn nói điều gì rồi. Thuốc thang chẳng còn tác dụng nữa. Tôi không thể chịu nổi sự đau đớn này. Tôi muốn chết. Paige cúi xuống và cầm lấy bàn tay ông ta: - John, cháu không thể làm như vậy. Để cháu cho bác một ít… - Không, tôi mệt mỏi rồi, Paige. Tôi muốn đến cái nơi mà tôi sẽ phải đến. Tôi không muốn nán lại một cách khốn khổ như thế này. Không một chút nào nữa. - John… - Còn mấy thời gian nữa đâu? Chỉ vài ngày thôi. - Tôi đã bảo cô là tôi kém chịu đau lắm mà. Tôi nằm đây như con thú nằm trong bẫy, người nhằng nhịt những cái ống khốn kiếp này. Cơ thể tôi đã mục ruỗng ở bên trong. Như thế này không phải là sống mà là chết khổ chết sở. Vì Chúa, hãy giúp tôi đi! Ông oằn người vì một cơn đau bất chợt. Rồi ông lại nói, giọng yếu dần: - Tôi xin cô… Hãy giúp tôi với… Paige biết cô phải làm gì. Cô phải báo cáo lời thỉnh cầu của John Cronin lên bác sĩ Benjamin Wallace. Rồi ông ta lại phải thông qua Uỷ ban quản lý bệnh viện. Họ sẽ tập hợp một nhóm bác sĩ để đánh giá tình trạng của Cronin, rồi mới ra quyết định. Sau đó, quyết định lại phải được chuẩn y bởi… - Paige… đây là sinh mạng của tôi. Hãy để tôi được làm điều tôi thích. Cô nhìn cái thân hình thống khổ đang bị kìm kẹp trong đau đớn. - Tôi van xin cô… Cô cầm lấy bàn tay ông và giữ nó hồi lâu. Rồi cô thốt lên: - Thôi được, John. Cháu sẽ làm điều đó cho bác. Ông cố gượng một nét cười. - Tôi biết tôi có thể trông cậy vào cô mà. Paige cúi xuống và hôn lên trán ông. - Bác nhắm mắt lại và ngủ đi. - Chào Paige. - Chúc ngủ ngon, John. John Cronin thở dài và khép mắt lại, một nụ cười thanh thản hiện trên mặt ông. Paige ngồi đó ngắm nhìn, nghĩ tới điều mình sắp phải làm. Cô nhớ cô đã ghê sợ ra sao vào cái ngày đầu tiên đi tua cùng bác sĩ Radnor. Bà ấy bất tỉnh đã sáu tuần. Không còn biểu biện nào của sự sống. Chúng ta không thể làm gì cho bà ấy được nưà. Chúng ta sẽ rút phích chiều nay. Có gì sai trái khi giải thoát cho một con người khỏi nỗi đau đớn triền miên trước giờ phút lìa đời? Chầm chậm, tựa hồ như đang cử động dưới nước, Paige đứng lên và đi tới tủ thuốc ở góc phòng, nơi có để một lọ insulin dùng cho trường hợp cấp cứu. Cô lấy lọ thuốc ra và đứng lặng, nhìn đăm đăm vào nó. Rồi cô bật nắp lọ. Cô hút đầy insulin vào ống tiêm rồi quay lại giường của John Cronin. Vẫn còn thời gian để rút lui. Tôi nằm đây như một con thú nằm trong bẫy… Như thế này không phải là sống mà là chết khổ chết sở. Vì Chúa, hãy giúp tôi đi! Paige cúi xuống và tử từ tiêm insulin vào tĩnh mạch của Cronin. - Hãy ngủ yên, - Paige thì thầm. Cô không nhận thấy mình đang khóc. Paige lái xe về nhà và thao thức suốt đêm, nghĩ về điều cô đã làm. Sáu giờ sáng, cô nhận được cú phôn của một bác sĩ nội trú ở bệnh viện. - Bác sĩ Taylor, rất tiếc phải báo một tin xấu. Bệnh nhân của bác sĩ, John Cronin, đã chết vì tim ngừng đập vào sáng sớm hôm nay. Bác sĩ trực ca sáng hôm đó là Arthur Kane. Chương 31 Có một lần đi xem opéra, Ken Mallory đã ngủ gật. Nhưng đêm nay gã say mê từng phút trong vở Rigoletto, được trình diễn tại Nhà hát Opéra San Francisco. Hắn được ngồi cùng lô với cha con Harrison. Vào giờ nghỉ ở ngoài đại sảnh của nhà hát, Alex Harrison đã giới thiệu hắn với khắp lượt bạn bè của ông ta. - Đây là con rể tương lai của tôi và là một bác sĩ xuất sắc Ken Mallory. Là con rể của Alex Harrison đã đủ biến hắn thành một bác sĩ xuất sắc. Sau buổi biểu diễn, cha con Harrison và Mallory đến khách sạn Fairmon ăn bữa khuya. Mallory thích thái độ cung kính của người quản lý khách sạn khi dẫn họ đến bàn riêng trong phòng ăn sang trọng. Từ giờ trở đi, ta có thể lui tới những no như thế này, Mallory nghĩ, và mọi người rồi sẽ biết ta là ai. Sau khi gọi các món, Lauren nói: - Chúng ta phải tổ chức một bữa tiệc để tuyên bố đính hôn, anh yêu ạ. - Ý kiến hay đấy? - Cha cô nói. - Chúng ta sẽ làm một đại tiệc. Anh nghĩ sao, Ken? Một hồi chuông báo động rung lên trong đầu Mallory. Một bữa tiệc đính hôn có nghĩa là cả thiên hạ biết. Ta phải tính chuyện với Kat trước đã. Tiền có thể dàn xếp xong. Mallory thầm rủa vụ cá cược ngu ngốc mà hắn đã mắc vào. Chỉ vì mười ngàn đô la, cả tương lai sán lạn của hắn có cơ sụp đổ. Hắn có thể hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu hắn tìm cách giải thích về Kat cho cha con Harrison. À tôi quên không nói, tôi đã đính hôn với một bác sĩ ở bệnh viện. Cô ta là người da đen… hoặc: Tôi bị vướng vào một tình thế thật nực cười. Tôi đã chót cuộc với mấy người trong bệnh viện mười ngàn đô là rằng tôi có thể làm tình với một bác sĩ da đen… - Không, Mallory nghĩ. Mình phải tìm cách giải quyết Kat. Hắn mỉm cười. - Có vẻ là một ý tưởng tuyệt diệu đấy. Lauren sôi nổi nói: - Hay lắm. Em sẽ khởi sự ngay. Đàn ông các anh chẳng biết thế nào là tổ chức một bữa tiệc đâu. Alex Harrison quay sang Mallory. - Tôi đã bắt đầu cho quả bóng lăn rồi đấy, Ken. - Dạ, thưa ngài… - Gary Gitlin, giám đốc bệnh viện NorthShore là bạn chơi golf lâu năm với tôi. Tôi đã nói chuyện với ông ấy về anh, và ông ta đã đồng ý nhận anh. Đó là một bệnh viện khá uy tín, anh biết đấy. Trong khi đó tôi sẽ lo giúp anh mở phòng mạch tư. Mallory nghe mà bay bổng. - Thật tuyệt vời. - Tất nhiên phải mất vài năm mới gây dựng được một phòng mạch đàng hoàng, nhưng ta nghĩ anh có thể kiếm được hai hoặc ba trăm ngàn trong một hoặc hai năm đầu tiên. - Hai hoặc ba trăm ngàn đô la! Lạy Chúa! Ông ta nói cứ như kiêm vài thanh kẹo cao su. - Rất… rất hay, thưa ngài. Alex Harrison mỉm cười. - Ta sắp là bố vợ anh. Ken, anh hãy bỏ chữ "thưa ngài" khách sáo đi được rồi đấy. Gọi ta là Alex thôi. - Vâng, Alex. - Anh biết không, em chưa bao giờ được làm cô dâu vào tháng Sáu, - Lauren nói. - Tháng Sáu được không, anh yêu! Gã nghe văng vẳng giọng Kat: Chúng ta định ngày đi anh. Có thể là tháng Sáu. Mallory cầm lấy tay Lauren. Rất tuyệt. Còn khối thời gian để mình xứ lý với Kat. Hắn cười thầm. Mình sẽ trích cho cô ả một ít trong số tiền thắng cuộc vì lôi được ả lên giường. - Ta có một du thuyền ở miền nam nước Pháp, - Alex Harrison nói tiếp. - Hai con có ưng hưởng tuần trăng mật ở Riviera không? Hai con có thể bay đến đó bằng chiếc Guldstream của gia đình ta. Du thuyền Riviera. Giống như một giấc mơ hoang đường hơn. Nhưng nó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực. Mallory nhìn Lauren. - Con đi đâu cũng được, miễn là có Lauren. Alex Harrison gật đầu. - Mọi việc đều ổn thoả rồi nhé. - Ông ta mỉm cười với cô con gái. - Ba sẽ nhớ con, bé ạ. Ba không mất con đâu, ba. Ba lại được thêm một chàng bác sĩ. Alex Harrison gật đầu. - Mà lại giỏi nữa chứ. Ta không biết cám ơn thế nào cho đủ vì con đã cứu mạng ta, Ken ạ. Lauren vuốt ve tay Mallory. - Con sẽ cám ơn anh ấy cho ba. - Ken, tại sao chúng ta không cùng ăn trưa tuần sau nhỉ? - Alex Harrison nói. - Ta sẽ kiếm cho anh một chỗ đặt văn phòng thật đàng hoàng, có thể ở cao ốc Post, và ta sẽ bố trí cho anh gặp Gary Gitlin. Nhiều bạn bè ta nóng lòng muốn biết anh đấy. - Con nghĩ ba phải nhường con thôi, - Lauren nũng nịu. Cô quay sang Ken. - Em đã nói chuyện với bọn bạn em về anh. Chúng nó cũng đòi gặp anh đấy, nhưng em không cho đâu. - Anh chẳng quan tâm đến ai khác ngoài em. - Mallory nói nồng nàn. Khi họ vào chiếc Rolls - Royce có tài xế lái, Lauren hỏi: - Em thả anh ở đâu hả cưng? - Bệnh viện. Anh phải khám cho vài bệnh nhân. Hắn không hề có ý định thăm bệnh nhân nào. Hôm nay là ngày trực của Kat. Lauren vuốt má hắn. - Tội nghiệp bé của em. Anh làm việc nhiều quá. Mallory thở dài. - Không sao. Chừng nào anh còn mang sứ mạng cứu chữa cho con người. Mallory nhanh chóng vào phòng thay đồ bác sĩ và trút bỏ bộ com lê dạ tiệc. Hắn tìm thấy Kat trong phòng bệnh lão khoa. - Chào em. Cô đang hờn giận. - Ken, anh đã hẹn em đêm qua… - Anh biết. Anh xin lỗi. Anh không thể đến được và… Đây là lần thứ ba trong tuần qua. Chuyện gì vậy chứ? Cô ta đã bắt đầu trở nên phiền nhiễu. - Kat, anh cần phải nói chuyện với em. Qủanh đây có phòng nào trống không? Cô nghĩ một thoáng. - Có một bệnh nhân ở phòng 315 vừa ra viện. - Chúng ta vào đó đi. Họ xuống cầu thang. Một y tá đi ngược lên. - Ôi bác sĩ Mallory! Ông Peterson đang tìm bác sĩ đấy! - Bảo ông ấy tôi bận. - Hắn nắm cánh tay Kat và kéo cô vào thang máy. Khi đến tầng ba, họ lặng lẽ bước dọc hành lang vào phòng 315. Mallory đóng cửa lại. Hắn cảm thấy nghẹn thở. Cuộc đời vàng son của hắn phụ thuộc vào mấy phút tới đây. Hắn cầm lấy tay Kat. Đã đến lúc phải nói thật: - Kat, em biết anh yêu em đến thế nào rồi. Anh chưa từng có tình cảm với ai như với em. Nhưng bé ạ có con bây giờ… em không thấy trở ngại đến mọi thứ lắm ư? Anh muốn nói… chúng ta làm việc cả ngày cả đêm, và chúng ta chưa đủ tiền để… - Chúng ta có thể cố gắng, - Kat nói. - Em yêu anh, Ken, và em… - Khoan đã nào. Anh chỉ muốn bàn với em, chúng ta nên lui lại một thởi gian nữa. Hãy để anh kết thúc việc tập sự ở bệnh viện và bắt đầu hành nghề tư ở đâu đó. Có thể chúng ta sẽ trở lại miền Đông. - Vài năm nữa chúng ta có thể cưới nhau và sinh con đẻ cái Vài năm nữa? Nhưng em đã nói với anh là em có thai rồi mà. - Anh biết, em yêu, nhưng bây giờ… mới hai tháng thôi hả? Vẫn còn đủ thời gian để bỏ nó đi. Kat nhìn gã, choáng váng. - Không! Em không bỏ nó đâu. Em muốn chúng ta cưới nhau ngay. Bây giờ. Ta có một du thuyền ở miền nam nước Pháp. Hai con có ưng hưởng tuần trăng mật ở Riviera không? Hai con có thể bay đến đó bằng chiếc Gulfstream của gia đình ta. - Em đã kể với Paige và Honey là chúng mình sắp làm đám cưới. Các cô ấy hứa sẽ làm phù dâu cho em. Em cũng đã khoe với họ về đứa bé rồi. Mallory cảm thấy ớn lạnh. Sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát của hắn. Nếu Alex Harrison đánh hơi được chuyện này, thì đời hắn coi như hỏng hẳn. - Em không nên làm thế. - Tại sao? Mallory cố nặn ra một nụ cười. - Hãy để chuyện riêng tư của chúng ta được riêng tư. - Ta sẽ lo giúp anh mở phòng mạch tư… Anh có thể kiêm được hai boặc ba trăm ngàn đô la trong một hoặc hai năm đầu. - Kat, anh hỏi em lần cuối cùng, em có phá thai không? - Hắn cầu mong cô đồng ý, cố giữ cho giọng nói không tỏ ra tuyệt vọng. - Không! - Kat… - Em không thể, Ken. Em đã kể cho anh việc đó kinh khủng như thế nào, hồi em còn là cô bé. Em đã thề sẽ không bao giờ sống lại cảnh đó một lần nữa. Anh đừng hỏi em làm gì. Vào giây phút đó, Ken Mallory hiểu rằng hắn không còn cơ hội. Hắn không còn cách nào khác. Hắn sẽ phải giết cô. Chương 32 Honey mong từng ngày đến kỳ gặp bệnh nhân ở Phòng 306. Tên anh ta là Sean Reilly, một anh chàng người Ireland đẹp trai, với mái tóc và cặp mắt đen lấp lánh. Honey đoán anh ta khoảng ngoài bốn mươi. Lần đầu tiên đến thăm bệnh cho anh ta, Honey nhìn biểu đồ và nói: - Anh vào đây để phẫu thuật túi mật? - Tôi nghĩ người ta sẽ bóc túi mật của tôi. Honey mỉm cười. - Đại loại như vậy. Sean găm ánh mắt đen láy vào cô. - Họ có thể cắt của tôi bất cứ bộ phận nào họ cần trừ trái tim. Nó đã thuộc về cô rồi. Honey bật cười. - Sự xu nịnh có thể đưa anh tới bất cứ chỗ nào anh muốn đấy. - Hy vọng là như vậy, cô bác sĩ yêu dấu ạ. Mỗi khi được vài phút rảnh rỗi, Honey lại ghé vào tán gẫu với Sean. Anh rất có duyên và vui nhộn. - Cô bé ơi, có cô bên cạnh thì bị phanh thây ra cũng đáng thôi. - Anh không sợ mổ chứ, phải không? - Cô hỏi. - Nếu cô mổ cho tôi thì không, người yêu dấu ạ. - Tôi không làm phẫu thuật. Tôi là bác sĩ nội khoa. - Bác sĩ nội khoa có được đi ăn tối với bệnh nhân của họ không? - Không. Như vậy là trái nguyên tắc. - Bác sĩ nội khoa không bao giờ phá vỡ nguyên tắc ư? - Không. - Honey mỉm cười. - Tôi nghĩ cô rất đẹp, - Sean nói. Trước đây chưa từng có ai nói thế với Honey. Cô đỏ mặt: - Cám ơn. - Cô giống như sương mai trên thảo nguyên Killarney vậy. - Anh đã ở Iceland bao giờ chưa? - Honey hỏi. - Chưa, nhưng tôi hứa rồi sẽ có ngày cùng em đến đó. - Đúng là kiểu tán tỉnh Ireland, nhưng… Buổi chiều, khi Honey đến thăm Sean, cô hỏi: - Anh cảm thấy thế nào? - Đỡ hơn vì được nhìn thấy cô. Cô đã suy nghĩ về lời mời ăn tối của tôi chưa? - Chưa. - Honey nói. - Tôi hy vọng sau khi mổ, tôi có thể mời cô đi chơi. Cô chưa đính hôn, hay lấy chồng, hoặc làm điều gì ngớ ngẩn tương tự chứ? Honey mỉm cười: - Tôi chưa đến nỗi ngớ ngẩn như vậy. - Tốt! Tôi cũng thế. Ai thèm để mắt đến tôi? Hàng đống đàn bà con gái, Honey nghĩ. - Nếu cô thích nấu nướng ở nhà, tôi là một đầu bếp tuyệt vời đấy. - Được để xem. Khi Honey vào phòng Sean sáng hôm sau, anh nói: - Tôi có một món quà nhỏ cho cô. - Anh đưa cho cô một bức vẽ. Trên đó là phác hoạ khuôn mặt mềm mại của Honey. - Đẹp quá! Honey reo lên. - Anh là một hoạ sĩ tuyệt vời? Bỗng nhiên cô nhớ đến lời của bà thầy bói: Cô sẽ yêu. Anh ta là một nghệ sĩ. Cô nhìn Sean, lạ lùng. - Sao vậy? - Không, - Honey nói chậm rãi. - Không sao. Năm phút sau, Honey bước vào phòng Frances Gordon. Bà đồng vẫn đang bị làm hàng loạt xét nghiệm. - A, Xử Nữ lại đến! Honey hỏi: - Bà còn nhớ đã phán rằng tôi sẽ yêu một người - một nghệ sĩ không? - Nhớ chứ. - Tôi… tôi nghĩ là tôi đã gặp anh ta. Frances Gordon mỉm cười. - Thấy chưa? Những vì sao không bao giờ nói dối. - Bà có thể … phán thêm một chút về anh ấy, về chúng tôi không? - Có cỗ bài bói trong ngăn kéo kia. Đưa nó cho ta nào. Khi Honey cầm cỗ bài, cô nghĩ: Thật kỳ quặc! Mình có tin trò này đâu. Frances Gordon bắt đầu lật các quân bài. Bà ta gật gù, mỉm cười rồi lại gật gù. Đột nhiên, bà ta chững lại mặt tái nhợt đi. - Ôi lạy Chúa! - Bà ngước nhìn Honey. - Cái gì có chuyện gì vậy? - Honey hỏi. - Người nghệ sĩ này. Cô nói cô đã gặp anh ta? - Tôi nghĩ như vậy. Vâng. Giọng Frances Gordon đầy buồn bã. - Anh chàng tội nghiệp. - Bà ta lại nhìn Honey. - Tôi rất tiếc… rất tiếc. * * * * * Sean Reilly được ấn định mổ vào sáng hôm sau. 8 giờ 15 sáng, bác sĩ Wallace Radnor vào phòng mổ số 2, chuẩn bị phẫu thuật. 8 giờ 25 sáng, chiếc xe cung cấp máu hàng tuần dừng lại trước cổng cấp cứu của bệnh viện Embarcadero. Người lái mang những túi huyết tương vào ngân hàng máu ở tầng hầm. Eric Foster, bác sĩ nội trú trực còn đang mải nhâm nhi cà phê và bánh quy Đan Mạch với một cô y tá trẻ, xinh xắn. - Để chỗ nào đây? - Người lái xe hỏi. - Cứ cất tạm đằng kia kìa. - Foster chỉ vào trong góc. - Ô kê. - Người lái xe đặt những bịch máu xuống và rút ra một tờ khai. Foster ký vào đó. - Cám ơn. Sau khi anh ta đi khỏi, Foster quay lại cô y tá. - Chúng ta đến đoạn nào rồi nhỉ, Andrea? - Anh vừa nói rằng em rất đáng yêu. - Phải rồi. Nếu cô em chưa có chồng, anh sẽ bám ngay đấy. Em không bao giờ lăng quăng một chút sao? - Không. Chồng em là võ sĩ quyền anh! - Ồ! Em có em gái không? - Sự thật là có. - Cô ấy cũng xinh như em chứ? - Xinh hơn. - Cô ấy tên là gì? - Marilyn. Tại sao chúng ta không chơi kép một đêm nhỉ? Trong khi họ tán chuyện, máy fax bắt đầu kêu. Foster không để ý. 8 giờ 45 sáng, bác sĩ Radnor bắt đầu mổ cho Sean Reilly. Khởi đầu trôi chảy. Phòng mổ hoạt động như một cỗ máy trơn dầu trong tay những người vận hành thành thạo. 9 giờ 05 sáng, bác sĩ Radnor chạm tới túi mật. Cho đến lúc này, ca mổ vẫn theo đúng bài bản. Khi Radnor vừa bắt đầu cắt túi mật, ông bị tuột tay và con dao mổ cứa vào một động mạch. Máu vọt ra. - Lạy Chúa! - Radnor cố cầm máu lại. Bác sĩ gây mê kêu lên. - Huyết áp tụt xuống 95. Anh ta bị sốc! Radnor quay sang y tá tuần hoàn. - Chuyển máu đến đây, stat! - Có ngay, thưa bác sĩ. 9 giờ 06 sáng, chuông điện thọại đổ dồn ở ngân hàng máu, - Đừng đi nhé, - Foster bảo Andrea. Anh ta đi qua chỗ máy fax, lúc này đã ngừng kêu, và cầm lấy phôn. - Bộ phận cung cấp máu đây. - Chúng tôi cần bốn đơn vị nhóm O tại phòng mổ số 2, stat. - Được. Foster đặt máy và đi tới góc phòng nơi đặt chỗ máu mới. Anh ta rút ra bốn túi và đặt lên chiếc xe đẩy kim loại được dùng trong những ca cấp cứu như thế này. Anh ta kiểm tra lại hai lần: - Nhóm O, - anh ta nói thành tiếng và gọi người phục vụ. - Có chuyện gì thế? - Andrea hỏi. Foster nhìn lịch mổ trước mặt. - Có vẻ một bệnh nhân đang làm bác sĩ Radnor sợ cuống lên. 9 giờ 10 sáng. Người phục vụ bước vào ngân hàng máu. Chuyển cái này đến phòng mổ số 2. Người ta đang đợi đấy. Foster nhìn người phục vụ đẩy xe ra, rồi quay sang cô y tá. - Kể tiếp về cô em gái của em đi. - Nó cũng lấy chồng rồi. - Dào ôi… Andrea mỉm cười: - Nhưng nó vẫn đi lăng quăng đấy. - Thật không? - Em đùa đấy thôi. Em phải trở lại làm việc đây, Eric. Cám ơn anh đã khao em bánh và cà phê. Foster nhìn cô y tá đi ra. Mông thê mới Ià mông ch ứ t 9 giờ 12 sáng, người phục vụ đang đợi thang máy lên tầng hai. 9 giờ 13 sáng, bác sĩ Radnor đang gắng hết sức để hạn chế tai biến. - Chỗ máu chết tiệt ấy đâu rồi? 9 giờ 15 sáng, người phục vụ đẩy cửa vào phòng mổ số 2. - Cám ơn. - Y tá tuần hoàn nói. Cô ta mang máu lại bàn. - Có rồi đây, thưa bác sĩ. - Truyền cho anh ta. Nhanh lên! Ở ngân hàng máu, Eric Foster đã uống hết tách cà phê mà vẫn còn ngồi nghĩ về Andrea. Các em xinh xinh đều lấy chồng hết cả. Anh ta bước lại bàn, bất chợt nhìn thấy tờ fax. Anh ta rút ra và đọc: Tín hiệu Cảnh cáo 687, 25 tháng 6: Tế bào Hồng cầu, Huyết tương tươi Đông lạnh. Đơn vị CB83711, CB800007 Ngân hàng máu California, Arizona, Washington, Oregon. Những mẫu máu xét nghiệm có phản ứng lặp lại với kháng thể HIV Loại 1 đã bị phân phát. Anh ta nhìn chằm chằm vào tờ fax, rồi chạy đến bàn làm việc cầm lấy tờ hoá đơn mà anh ta vừa ký khi giao máu. Số trên hoá đơn và số trên thông báo giống hệt nhau. - Ôi lạy Chúa! - Foster kêu lên. Anh ta chộp lấy điện thoại. - Cho tôi phòng mổ số 2, nhanh lên! Một y tá trả lời. - Ngân hàng máu đây. Tôi vừa gửi bốn đơn vị nhóm O. Đừng sử dụng! Tôi sẽ gửi máu mới đến ngay bây giờ. - Rất tiếc, đã quá muộn. - Người y tá đáp. - Chính bác sĩ Radnor là người tiết lộ tin buồn cho Sean Reilly. - Đây là một sơ suất. - Radnor nói. - Một sai lầm kinh khủng. Tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để điều đó đừng xảy ra. Sean trừng trừng nhìn ông ta, choáng váng. - Lạy Chúa! Tôi sẽ chết! - Chúng tôi không biết trong vòng sáu hoặc tám tuần nữa anh có bị HIV dương tính hay không. Và nếu có, cũng chưa chắc là anh sẽ bị AIDS. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được cho anh. - Ông thì làm thế quái nào được. - Sean nói cay đắng. - Coi như tôi đã chết rồi. Honey đau khổ khi biết tin. Cô nhớ lại lời của Frances Gordon. Anh chàng tội nghiệp. Sean Reilly đang ngủ khi Honey bước vào. Cô ngồi xuống bên cạnh giường bệnh, nhìn anh hồi lâu. - Anh mở mắt và thấy Honey. - Tôi mơ thấy điều tôi đang mơ, rằng tôi sẽ không chết. - Sean… - Cô đến thăm một xác chết đấy à? - Xin anh đừng nói kiểu đó nữa. - Làm sao điều đó lại xảy ra? - Anh kêu lên. - Một ai đó đã lầm lẫn, Sean ạ. - Lạy Chúa, tôi không muốn chết vì bệnh AIDS. - Một số người nhiễm HIV có thể không bao giờ bị AIDS. Người Ireland thường hay may mắn. - Giá mà tôi có thể tin cô. Cô cầm lấy tay anh: - Anh phải tin. - Tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện từ bây giờ, - Sean nói. - Em sẽ cầu nguyện với anh. Anh mỉm cười khô khan. - Tôi nghĩ chúng ta nên quên đi bữa tối đã hẹn. - Ồ không. Đâu có chối bỏ dễ dàng thế được. Em đang mong đến ngày ấy đây. Anh nhìn cô giây lâu. - Cô nói thực lòng đấy chứ? - Thực mà! Dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa. - Anh nhớ đấy, anh đã hứa đưa em về Iceland. Chương 33 - Anh sao thế, Ken? - Lauren hỏi, - Anh có vẻ căng thẳng quá, anh yêu. Chỉ còn lại hai người trong thư viện đồ sộ của Harrison. Người quản gia và cô hầu gái đã phục vụ một bữa tối ngon lành gồm sáu món, và trong khi ăn Ken và Alex Harrison - Hãy gọi tôi là Alex - đã bàn bạc về tương lai sán lạn của hắn. - Sao anh căng thẳng thế? - Bởi vì con đĩ da đen có bầu kia đang chờ làm đám cưới với tôi. Bởi vì tin đồn về cuộc đính hôn của chúng ta có thể bung ra bất cứ lúc nào, cô ta sẽ nghe được và sẽ tố cáo. Bởi vì tương lai đẹp đẽ của tôi có thể tan tành. Hắn cầm lấy tay Lauren. - Chắc tại anh làm việc căng thẳng quá. Đối với anh, bệnh nhân không chỉ là bệnh nhân, Lauren ạ. Họ là những con người đang lâm nạn, và anh không thể không lo lắng cho họ. Cô ta vuốt ve mặt gã. - Đó là điều khiến em yêu anh, Ken. Anh thật nhân ái. - Anh được dạy dỗ như vậy. - Ôi suýt nữa em quên nói với anh. Biên tập viên mục xã hội của tờ Chronicle và một nhiếp ảnh sẽ đến đây vào thứ hai để phỏng vấn. Chẳng khác nào một cú đấm vào dạ dày hắn. - Anh đến đây với em được không, cưng? Họ muốn chụp hình anh. - Anh… anh muốn đến lắm, nhưng hôm đó anh bận cả ngày ở bệnh viện rồi. - Hắn nghĩ hối hả. - Lauren, anh nghĩ phỏng vấn bây giờ không hay lắm. Hay là chúng ta để đến… Lauren bật cười. - Anh chưa biết báo chí rồi, anh yêu. Họ như một đám chó săn ấy. Tốt hơn hết là làm cho xong chuyện ấy đi anh yêu! Thứ hai. Sáng hôm sau, Ken Mallory bám theo Kat xuống phòng thiết bị. Trông cô mệt mỏi và phờ phạc. Cô không trang điểm, cũng không uốn lại tóc. Lauren chẳng bao giờ để cho mình như vậy, Mallory nghĩ. - Chào em yêu! Kat không trả lời. Mallory ôm lấy cô. - Kat, anh đã suy nghĩ nhiều về chuyện chúng ta. Suốt mấy đêm rồi anh không ngủ. Em là hạnh phúc duy nhất của anh. Em đúng, và anh đã sai. Chỉ vì anh hơi sốc một chút. Nhưng anh muốn đứa con của chúng ta. - Hắn thấy gương mặt cô bừng sáng. - Anh nói thật chứ, Ken? - Sao lại không? Cô vòng tay quanh người hắn. - Ơn Chúa! Ôi, anh yêu. Em lo quá. Em không biết mình sẽ ra sao nếu thiếu anh. - Em không phải lo như thế. Từ nay, mọi việc sẽ rất tuyệt. Cô sẽ không bao giờ biết tuyệt vời đến thế nào đâu. Coi này, tối chủ nhật anh được nghỉ. Em có rỗi không? Cô nắm chặt tay hắn. - Em sẽ thu xếp. - Tuyệt! Chúng ta sẽ ăn một bữa tối ngon lành, yên tĩnh rồi về chỗ em. Em có nghĩ Paige và Honey sẽ đi vắng không? Anh muốn chúng ta một mình. Kat mỉm cười. - Vâng. Anh không biết anh đã làm em hạnh phúc đến thế nào đâu. Đã bao giờ em nói em yêu anh nhiều đến chừng nào chưa? - Anh cũng yêu em. Anh sẽ chứng tỏ cho em nhiều đến mức nào vào đêm chủ nhật. Tính toán kỹ, Mallory quyết định đây là một kế hoạch hoàn hảo. Hắn đã vạch đường đi nước bước đến chi tiết nhỏ nhất. Không thể có cách nào đổ tội cho hắn về cái chết của Kat. Thật quá mạo hiểm nếu lấy thứ hắn cần ở quầy thuốc của bệnh viện, vì hệ thống bảo vệ đã chặt chẽ hơn từ sau vụ Bowman. Sáng sớm chủ nhật, Mallory đi tìm một hiệu thuốc ở xa vùng hắn sống. Phần lớn hiệu thuốc đóng cửa vào chủ nhật, hắn phải đi loanh quanh mãi mới tìm được một hiệu mở cửa. Dược sĩ sau quầy nói. - Xin chào. Tôi có thể giúp gì ông? - Tôi đi thăm bệnh cho một người ở gần đây. Tôi muốn kê đơn thuốc cho anh ta. - Hắn rút tập đơn thuốc ra và viết tên thuốc. Ông dược sĩ mỉm cười. - Thời buổi này chẳng có mấy bác sĩ được gọi đến nhà chữa bệnh. - Tôi biết. Thật đáng tiếc, phải không? - Mallory đưa tờ giấy cho dược sĩ. Ông ta xem và gật đầu. - Xin chờ cho vài phút. - Cám ơn. Bước một. Chiều hôm đó, Mallory ghé qua bệnh viện. Hắn ở trong đó không quá mười phút rồi trở ra, mang theo một gói nhỏ. Bước hai. Mallory hẹn Kat ăn tối ở nhà hàng Trader Vic, và đã ngồi sẵn chờ khi cô đến. Hắn nhìn cô bước tới bên bàn. Đây là bữa cuối cùng, con đĩ. Hắn đứng lên và sắp sẵn nụ cười âu yếm. - Chào búp bê. Trông em đẹp lắm. Và hắn phải thừa nhận là cô đẹp. Trông cô thật gợi cảm. Cô ta có thể làm người mẫu. Và cô ta rất tuyệt trên giường. Cái mà cô ta thiếu là vài chục triệu đô-la. Một lần nữa, Kat lại nhận thấy những phụ nữ khác trong tiệm ăn dán mắt vào Ken, ghen tỵ với cô. Nhưng Ken chỉ nhìn cô. Chàng lại là Ken của cô, nồng nàn và chu đáo. - Ngày hôm nay thế nào em? - Mallory hỏi. Cô thở dài. - Bận rộn. Ba ca mổ buổi sáng và hai ca buổi chiều. - Cô vươn người. - Em biết vẫn còn quá sớm, nhưng em thề là em đã cảm thấy con đạp trong bụng. Mallory mỉm cười. - Có thể nó muốn chui ra đấy. - Chúng ta phải đi siêu âm xem con trai hay con gái. Em thích mua quần áo cho nó ngay từ bây giờ. - Hay lắm. - Ken, chúng ta định ngày cưới đi anh. Em muốn làm lễ thành hôn càng sớm càng tốt. - Xong ngay. - Mallory nói dễ dãi. - Tuần sau chúng ta đi đăng ký. - Tuyệt vời! Có lẽ chúng ta nên xin nghỉ mấy ngày và đi đâu đó hưởng tuần trăng mật. Không cần xa lắm. - Oregon hoặc Washington. Sai rồi, cô em. Anh sẽ hưởng tuần trăng mật vào tháng Sáu, trên du thuyền của anh ở Riviera. - Hay đấy. Anh sẽ nói chuyện với Wallace. Kat siết tay hắn. - Cám ơn anh, - giọng cô khàn đi. - Em sẽ cho anh một cô vợ ngoan nhất thế giới. - Chắc chắn rồi. Bây giờ ăn món rau của em đi. Chúng ta muốn cu con khoẻ mạnh, đúng không nào? Họ rời tiệm ăn lúc 9 giờ tối. Khi về gần đến căn hộ của Kat, Mallory hỏi. - Em có chắc là Honey và Paige đi vắng không? - Chắc chắn, - Kat nói. - Paige trực ở bệnh viện, còn Honey, em đã bảo cô ấy rằng em muốn ở nhà một mình. - Cứt! Cô nhìn thấy vẻ mặt của hắn. - Sao thế anh? - Không sao đâu bé. Anh chỉ muốn phút riêng tư của đời ta được hoàn toàn riêng tư. Mình phải thận trọng. Hết sức thận trọng. Nhanh lên em. Sự nôn nóng của hắn làm cho Kat bị kích động. Trong căn hộ, Mallory giục. - Vào buồng ngủ đi em. Kat nhoẻn miệng cười. - Ý kiến hay tuyệt. Hắn nhìn cô cởi quần áo và nghĩ: Cô ta có thân bình đẹp thật. Nhưng con cái vào là hỏng hết. - Anh không cởi ra à, Ken? - Có chứ. - Hắn nhở lại cái lần cô bắt hắn cởi hết quần áo rồi bỏ đi. Được, bây giờ cô ta sẽ phải trả giá. Hắn chầm chậm trút bỏ quần áo. Mình có làm được không? Hắn tự hỏi. Hắn gần như run lên vì căng thẳng. Điều mình sắp làm là lỗi của cô ta. Mình đã cho cô ta một cơ hội rút lui, nhưng cô ta quá ngu, không biết mà đón lấy. Hắn trườn lên giường bên cạnh cô và cảm thấy thân thể nồng ấm của cô áp vào hắn. Họ bắt đầu vuốt ve nhau, và hắn thấy mình nổi hứng. Hắn đi vào trong cô và cô lập tức rên rỉ. - Ôi anh yêu… tuyệt vời quá… - Cô cử động gấp gáp hơn. - Thế… thế. Ôi, lạy Chúa… Đừng dừng lại… Người cô cong lên, co thắt, rồi cô rùng mình và nằm lịm đi trong tay hắn. - Anh đã…? - Cô hỏi hắn. - Rồi. - Mallory nói dối. Hắn quá căng thẳng. - Uống một chút gì nhé. - Không. Em không được uống. Hại đến con… - Để kỷ niệm mà, em yêu. Một chút xíu không hại gì đâu Kat ngập ngừng. - Thôi được. Một ly nhỏ thôi đấy. - Cô định đứng lên. Mallory ngăn lại. - Không. Không, cứ nằm trên giường đi, mẹ nó. Em phải quen dần với sự nuông chiều đi. Kat nhìn theo Mallory ra phòng khách và cô nghĩ: Mình là người đàn bà may mắn nhất thế giới. Mallory đi tới quầy rượu nhỏ và rót scotch vào hai chiếc ly. Hắn liếc vào phòng ngủ để tin chắc Kat không nhìn thấy, rồi bước lại đi văng, chỗ hắn để áo vét. Hắn móc trong túi áo ra một cái lọ nhỏ và dốc dung dịch trong lọ vào ly của Kat. Hắn khuấy đều và đưa lên mũi ngửi. Không có mùi gì hết. Hắn mang rượu vào phòng ngủ và đưa cho Kat ly rượu có pha thuốc. - Hãy nâng cốc chúc cho con của chúng ta, - Kat nói. - Nào, chúc con chúng ta. Mallory nhìn Kat nhấm nháp chỗ rượu. - Chúng ta sẽ tìm một căn hộ xinh xắn. – Kat nói mơ màng. - Em sẽ bày biện một phòng trẻ. Bọn mình sẽ làm hư đứa bé mất thôi. - Cô nuốt thêm một ngụm nữa. Mallory gật đầu. - Chắc thế. - Hắn nhìn cô chăm chú. - Em cảm thấy thế nào? - Tuyệt diệu. Em đã lo lắng nhiều quá. Bây giờ thì em yên tâm rồi. - Thế thì tốt, - Mallory nói. - Có gì đâu mà phải lo. Mắt Kat trĩu nặng. - Đúng, - cô nói, - không có gì đáng lo cả. - Cô bắt đầu líu lưỡi Ken, em cảm thấy kỳ lạ quá. - Người cô bắt đầu lắc lư. Lẽ ra cô không được để bị mang bầu. Cô nhìn hắn đờ đẫn. - Cái gì cơ? - Cô đã làm hỏng tất cả, Kat. - Làm hỏng…? - Cô thấy lơ mơ. - Cô ngáng đường tôi. - S... sao? - Không ai được phép ngáng đường tôi. - Ken, em chóng mặt quá. Hắn đứng đó, nhìn cô. - Ken… giúp em với… Ken… - Đầu cô ngật ra gối. Mallory nhìn đồng hồ. Vẫn còn khối thời gian. Chương 34 Honey là người về nhà đầu tiên và vấp phải thi thể Kat nằm gục trong vũng máu trên sàn nhà tắm lát gạch men trắng. Một cái nạo nhuốm máu ở bên cạnh. Kat bị băng huyết từ tử cung. Honey đứng đó bàng hoàng. "Ôi, lạy Chúa!", giọng cô nghẹn tắt như thì thầm. Cô quỳ xuống bên cạnh và run rẩy bắt mạch. Không có gì hết. Honey vội vã vào phòng khách nhấc điện thoại và quay số cấp cứu. Một giọng đàn ông cất lên. - Chín-một-một, cấp cứu đây. Honey đứng đó, đờ đẫn, chẳng thốt nên lời. - Chín-một-một, cấp cứu đây. Ai đó? - Cứu cứu với. Tôi… - Lời của Honey như tắc lại. - Cô ta chết rồi! - Ai chết thưa cô? - Kat! - Con mèo của cô chết ư? - Không. - Honey gào lên. - Kat chết rồi. Phái ai đó đến đây mau lên? - Thưa cô… Honey dập máy. Với những ngón tay lật bật, cô quay số bệnh viện. - Bác sĩ T… Taylor, làm ơn… - Giọng cô thều thào. - Xin cô chờ một lát. Honey nắm chặt máy điện thoại, những ngón tay tím đi. - Bác sĩ Taylor nghe đây. - Paige! Cậu phải vể nhà ngay lập tức? - Honey à? Chuyện gì vậy? - Kat chết rồi. - Cái gì? Giọng Paige lạc đi vì bàng hoàng. - Sao lại… - Có lẽ nó muốn tự nạo thai. - Ôi lạy Chúa. Được rồi. Tớ về ngay đây. Khi Paige về đến nhà thì ở đó đã có hai cảnh sát, một thanh tra và một giám định viên pháp y. Honey ngồi trên giường, ngây dại. Người giám định đang cúi xuống quan sát cơ thể trần truồng của Kat. Viên thanh tra nhìn lên khi Paige bước vào nhà tắm đầy máu. - Cô là ai? Paige nhìn trân trân vào cơ thể đã chết. Mặt cô tái đi - Tôi là bác sĩ Taylor. Tôi sống ở đây. - Có lẽ cô giúp được chúng tôi. Tôi là thanh tra Burns. Tôi đã cố gắng nói chuyện với cô kia. Nhưng cô ta hoảng quá, chẳng trả lời được gì. Bác sĩ vừa cho cô ta thuốc an thần. Paige quay đi tránh nhìn cảnh khủng khiếp trên sàn. - Ông muốn biết điều gì? - Cô ấy sống ở đây à? - Vâng. Mình sắp có đứa con với Ken. Nó sẽ ra sao? - Có vẻ như cô ấy muốn tống khứ đứa bé, và tự làm ra mọi chuyện. - Burns nói. Paige đứng đó, quay cuồng. Cô nói. - Tôi không tin. Thanh tra Burns quan sát cô rồi hỏi. - Vì sao cô không tin, thưa bác sĩ? - Cô ấy muốn có đứa bé. - Cô bắt đầu nghĩ mạch lạc trở lại. - Chỉ cha nó là không muốn. - Cha nó? - Bác sĩ Ken Mallory. Anh ta làm việc ở bệnh viện Embarcadero. Anh ta không muốn cưới cô ấy. Đây nhé. Kat là - đã là, thật đau lòng khi phải dùng thì quá khứ. - bác sĩ. Nếu cô ấy muốn nạo thao thì chẳng đời nào tự làm trong nhà tắm. - Paige lắc đầu. - Có điều gì đó không ổn. Giám định viên đứng dậy. - Có lẽ cô ta phải tự giải quyết vì không muốn người khác biết về đứa bé. - Không đúng. Cô ấy luôn kể cho chúng tôi nghe về nó. Thanh tra Burns nhìn Paige. - Cô ta ở đây một mình tối qua à? - Không. Cô ấy có hẹn với bác sĩ Mallory. * * * * * Ken Mallory nằm trên giường, suy nghĩ cặn kẽ về những sự việc xảy ra tối hôm ấy. Hắn thử diễn lại từng chi tiết và tin rằng chẳng hề có một chỗ hở nào. - Tuyệt, hắn tự nhủ. Nằm trên giường hắn tự hỏi vì sao cảnh sát chậm tới tìm hắn như vậy, và khi hắn vừa mỉm cười thì đúng lúc ấy, chuông cửa réo vang. Mallory để chuông réo lần thứ ba mới đứng dậy khoác áo đi ra mở cửa. Hắn đứng trước cửa hỏi với ra. - Ai đó? - Giọng hắn nghe như ngái ngủ. Một giọng cất lên. - Tôi cần gặp bác sĩ Mallory? - Vâng! - Thanh tra Burns. Sở cảnh sát San Francisco. Sở cảnh sát? - Hắn chọn một giọng điệu hơi ngạc nhiên, rồi mở cửa. Người đàn ông đứng trước cửa và chìa thẻ ra. - Tôi vào được chứ? - Vâng. Có chuyện gì vậy? - Ông biết bác sĩ Hunter chứ? - Tất nhiên tôi biết? - Trên mặt hắn thoáng vẻ hốt hoảng. - Có chuyện gì xảy ra với Kat à? - Lúc tối ông có gặp cô ấy không? - Vâng, lạy Chúa. Hãy nói cho tôi đi, cô ấy không sao chứ? - Tôi e rằng có tin dữ. Bác sĩ Hunter đã chết. - Chết? Tôi không tin. Làm sao lại đến nông nỗi ấy. - Có lẽ cô ấy định tự nạo thai và đã phạm sai lầm. - Ôi lạy Chúa! - Mallory nói. Hắn rơi mình xương ghế. - Lỗi của tôi. Thanh tra nhìn chăm chú. - Lỗi của ông? - Vâng? Tôi và bác sĩ Hunter sắp cưới nhau tôi nói với cô ấy rằng tôi không cho là nên có con bây giờ. Tôi muốn lui lại và cô ấy đồng ý. Tôi đề nghị cô ấy vào bệnh viện để người ta chăm sóc, nhưng có lẽ cô ấy đã tự quyết định. Tôi, tôi không tin được. - Khi nào ông chia tay cô ấy? Chắc chắn vào lúc 10 giờ. Tôi chở cô ấy về nhà rồi về luôn đây. - Ông có vào nhà cô ấy không? - Không? - Bác sĩ Hunter có nói về việc định làm không? - Không. Chẳng một lời nào. Thanh tra Burns rút danh thiếp ra. - Nếu còn nhớ thêm điều gì có ích, xin ông làm ơn gọi cho tôi. - Tất nhiên! Paige và Honey thức suốt đêm nói chuyện về những điều xảy ra với Kat, nói đi nói lại mà không sao tin được rằng Kat đã chết. Chín giờ sáng. Thanh tra Burns ghé qua. - Xin chào. Tôi muốn nói với các cô rằng tối qua tôi đã nói chuyện với bác sĩ Mallory. - Thì sao? - Anh ta nói họ đi ăn tối và anh ta đã chở cô gái về đây rồi đi về thắng nhà mình. - Hắn nói dối. - Paige nói. Cô hỏi tiếp. - Chờ một lát! Các ông có tìm thấy dấu vết tinh dịch trên người Kat không? - Có. Sự thật là vậy. - Như thế. - Paige nói phấn khích. - Điều đó chứng tỏ hắn nói dối. Hắn đã lên giường với cô ấy và sau đó… - Tôi đã nói về chuyện đó với anh ta sáng nay. - Anh ta nói họ đã làm tình trước khi đi ăn tối. - Ồ! - Nhưng cô vẫn chưa chịu. - Dấu tay của hắn sẽ có trên cái nạo giết chết cô ấy. - Giọng cô say sưa. - Ông có tìm thấy dấu tay không? - Có thưa bác sĩ. - Thanh tra trả lời với vẻ nhẫn nại - Dấu tay là của cô gái. - Khoan đã! Hắn có thể đeo găng và sau khi xong việc hắn in dấu tay cô ấy lên đó. Ông thấy thế nào? Giống như một người đã xem quá nhiều phim trong mục Giết người, Cô ấy ghi lại trên tivi. Thanh tra nghĩ. - Ông không tin là Kat bị giết à? - Paige gặng hỏi. - Tôi e là như vậy. - Các ông đã khám nghiệm tữ thi chưa? - Rồi! - Có gì không? Người ta cho rằng chết bởi tai nạn. Bác sĩ Mallory nói cô ấy đã quyết định không có con, do vậy, có lẽ… - Đi vào nhà tắm và tự móc nó ra? - Paige cắt ngang. - Lạy Chúa, ông thanh tra. Cô ấy là một bác sĩ một phẫu thuật gia. Không đời nào cô ấy làm điều ngu ngốc như vậy. Thanh tra Burns trầm ngâm. - Cô nghĩ rằng Mallory đã thuyết phục cô ấy nạo thai, giúp cô ta làm việc đó rồi bỏ đi khi chuyện đổ vỡ. Paige lắc đầu. - Không thể có chuyện ấy được. Kat sẽ không đời nào nghe theo. Hắn ta đã giết Kat một cách có chủ tâm, - ý của Paige biến thành lời. - Kat rất khoẻ. Chắc cô ấy phải ngất đi thì hắn mới có thể làm được những điều như vậy. Khám nghiệm tử thi cho thấy không có dấu hiệu nào chứng tỏ cô ấy bị ngất đi… - Các ông có thấy vết tích gì của thuốc ngủ hay là? - Chẳng có gì! - Burns thấy một điều gì đó thoáng qua trên khuôn mặt Paige. - Tôi không thấy nó giống như một vụ giết người. Tôi cho là bác sĩ Hunter đã có một hành động sai lầm… và… tôi xin lỗi. Paige nhìn theo thanh tra đi ra. - Chờ một chút. - Cô nói. - Ông đã biết động cơ giết người rồi còn gì. Thanh tra quay lại. - Không hẳn. Mallory nói cô ấy đã đồng ý nạo thai. Chúng ta chẳng còn gì mà suy luận. Đúng không? - Nhưng đây là vụ giết người. - Paige bướng bỉnh. - Thưa bác sĩ, cái mà chúng ta cần là chứng cứ, dù chỉ một mẩu. Theo lời bác sĩ Mallory thì lỗi là ở nạn nhân; và cô ta đã chết. Tôi thật sự rất tiếc. Paige nhìn theo thanh tra đi ra. Mình sẽ không để Ken Mallory thoát khỏi vụ này. Cô nghĩ đầy tuyệt vọng. * * * * * Jason ghé thăm Paige. - Anh vừa nghe chuyện xảy ra. - Anh nói. - Thật không thể tin được. Làm sao cô ấy lại dám tự làm điều ấy. - Cô ấy không tự làm, - Paige nói. - Cô ấy bị giết. Cô kể lại cho Jason cuộc nói chuyện với thanh tra Burns. - Cảnh sát sẽ chẳng làm gì thêm đâu. Họ cho là một tai nạn. Anh Jason, Kat chết là do lỗi của em. - Lỗi của em? - Em là người thuyết phục Kat chấp nhận cuộc chơi với Mallory. Cô ấy không muốn thế. Lúc đầu, đó là một trò đùa ngu ngốc. Nhưng về sau cô ấy lại yêu hắn ta. - Em không thể lên án mình về chuyện đó. - Jason nói chắc chắn. Paige nhìn quanh, hoảng sợ. - Em không thể sống ở đây thêm một ngày nào nữa. - Em phải đi khỏi ngôi nhà này thôi. Jason ôm lấy cô. - Chúng ta cưới nhau ngay đi. Sớm quá. Em nói là Kat vẫn chưa… - Anh biết, chúng ta sẽ chờ một hai tuần nữa. - Cũng được. - Anh yêu em, Paige. - Em cũng yêu anh. Thật là ngu ngốc! Em cảm thấy có lỗi vì cả Kat và em cùng đang yêu nhưng cô ấy đã chết còn em thì đang sống. Vào thứ ba, trên trang nhất tờ San Francisco Chronicle xuất hiện tấm ảnh Ken Mallory tươi cười quàng tay Lauren Harrison và dòng chữ lớn "NGƯỜI THỪA KẾ CƯỚI MỘT BÁC SĨ". Paige nhìn vào tờ báo, không tin nổi. Kat mới chết có hai ngày mà Ken Mallory đã công bố đính hôn với người đàn bà khác. Vậy là trong khi hứa sẽ cưới Kat, hắn đã chuẩn bị làm chồng một người phụ nữ kia. Vì thế mà hắn giết Kat, gạt Kat ra khỏi con đường của hắn. Paige nhấc điện thoại và quay số máy Sở cảnh sát. - Làm ơn cho gặp thanh tra Burns. Phút sau cô đã được nối với thanh tra. - Bác sĩ Taylor đây. - Vâng, chào bác sĩ! - Ông đã thấy bức ảnh trên tở Chronicle sáng nay chưa? - Rồi. - Như vậy ông đã biết động cơ rồi đấy, - Paige kêu lên. - Ken Mallory phải bịt miệng Kat trước khi Lauren Harrison biết. Ông phải bắt ngay Mallory. - Cô gần như quát lên trong máy điện thoại. - Chờ một chút bình tĩnh nào. Chúng ta có thể thấy được động cơ nhưng tôi đã nói với cô, chẳng có mảy may một chứng cớ nào. Chính cô nói là bác sĩ Hunter phải bị đánh thuốc mê trước khi Ken Mallory có thể thực hiện việc nạo thai. Sau khi nói chuyện với cô tôi đã trao đổi với bên pháp y. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào của một chất có thể gây mê trong người Kat cả. - Như thế, nghĩa là hắn ta đã cho cô ấy một thứ thuốc an thần. - Paige vẫn bướng bỉnh. - Có lẽ là Chloral hydrate. Đó là một chất tác dụng nhanh và… Thanh tra Burns nói với giọng kiên nhẫn. - Bác sĩ, không hề có dấu hiệu của Chloral hydrate trong người cô gái. Tôi rất tiếc. Thực sự rất tiếc, nhưng chúng ta không thể bắt một người với lý do anh ta sắp lấy vợ. Còn có điều gì nữa không? - Có tất cả… Không! - Paige đáp và dập mạnh máy. Mallory chắc phải cho Kat dùng một loại thuốc nào đó. Dễ nhất là kiếm trong khoa dược của bệnh viện. Mười lăm phút sau Paige đã tới bệnh viện. Pete Samuels, dược sĩ trưởng bệnh viện đứng sau quầy. - Chào bác sĩ Taylor. Tôi giúp được gì cô nào? - Tôi tin rằng bác sĩ Mallory có đến đây mấy ngày trước và lấy một ít thuốc. Anh ấy có nói lại với tôi nhưng tôi không nhớ tên. Samuels nhăn trán. - Tôi không nhớ là bác sĩ Mallory có đến đây lần nào trong cả tháng vừa rồi. - Chắc chắn chứ? Samuels gật đầu. - Chắc. Nếu không tôi đã nhớ. Chúng tôi luôn nói chuyện về bóng đá mà. Paige cảm thấy hơi thất vọng. - Cám ơn! Chắc hắn phải đặt làm thuốc ở một hiệu nào đấy. Paige biết rằng luật pháp quy định mỗi đơn có loại thuốc liên quan đến chất làm say đều phải có ba bản copy - một dành cho bệnh nhân, bản thứ hai gửi về Cục Quản lý và bản cuối cùng lưu trong hồ sơ của hiệu thuốc. Paige nghĩ Ken Mallory phải lưu lại đơn thuôc ở một nơi nào đó trong số hai ba trăm hiệu thuốc ở San Francisco này. Chẳng có cách nào để cô lần theo vết của cái đơn thuốc ấy. Có lẽ Mallory đặt làm thuốc trước ngày giết Kat. Có lẽ là thứ bảy hay chủ nhật gì đó. Nếu là chủ nhật thì mình còn có cơ hội, Paige nghĩ. Rất ít hiệu thuốc làm việc vào ngày nghỉ. Diện tìm kiếm có thể thu hẹp. Cô lên tầng trên và ghé vào phòng lưu trữ lịch trực. Bác sĩ Ken Mallory trực suốt ngày thứ bảy, như vậy có thể hắn mua thuốc mê vào ngày chủ nhật. Có bao nhiêu hiệu thuốc ở San Francisco mở cửa vào chủ nhật? Paige nhấc ống nghe và quay số hỏi ban quản lý dược của bang. - Tôi là bác sĩ Taylor, - Paige nói. - Chủ nhật vừa rồi, một người bạn tôi đã đặt làm thuốc ở một cửa hiệu. Cô ấy nhờ tôi đi lấy nhưng tôi lại quên khuấy mất tên hiệu thuốc, chị có giúp tôi được không. - Nhưng tôi chưa rõ sẽ giúp chị bằng cách nào khi chính chị… - Có phải đa số các hiệu thuốc đóng cửa vào chủ nhật không? - Đúng vậy, nhưng… - Xin chị làm ơn cho tôi danh sách các hiệu thuốc mở cửa vào chủ nhật. Im lặng. - Cùng được, nếu chị rất cần! - Rất quan trọng chị ạ. - Chị chờ một lát. - Cả thảy có ba mươi sáu hiệu thuốc mở cửa vào ngày chủ nhật nằm rải rác trên toàn thành phố. Nếu cô có thể nhờ cảnh sát thì sẽ đơn giản hơn nhưng bây giờ thanh tra Burns không còn tin cô nữa. Mình và Honey phải tự làm thôi. Paige nghĩ và cô giải thích cho Honey việc phải làm. - Chỉ là vớt vát phải không? - Honey nói. - Cậu cũng chưa chắc là hắn có đặt thuốc vào chủ nhật không cơ mà? Chỉ còn cách này thôi. Kat đã chết. Mình sẽ kiểm tra hiệu thuốc ở khu Richmond, Marina, Morth, Beach, Upper Market, Mission, Potrero, còn cậu làm ở vùng Excelsior, Ingleside, Lake Merced, Western Addition và Sunset nhé. - Được thôi! Đến hiệu thuốc đầu tiên, Paige bước vào chìa thẻ của mình rồi nói. - Một đồng nghiệp của tôi, bác sĩ Ken Mallory đã đến đây hôm chủ nhật để đặt một loại thuốc. Anh ấy có việc phải ra ngoài thành phố và nhờ tôi đi lấy. Tôi không nhớ tên thuốc đó. Ông làm ơn xem lại giùm. - Bác sĩ Ken Mallory à? Cô đợi cho một chút. - Lát sau ông ta quay ra. - Xin lỗi, ông Mallory không đặt chúng tôi làm gì cả. - Cám ơn? Paige nhận được câu trả lời tương tự ở bốn hiệu thuốc tiếp theo. Honey cũng chẳng khá gì hơn. - Chúng tôi có cả hàng ngàn đơn ở đây. Cô biết đấy. - Tôi biết, nhưng anh ấy đã đến vào chủ nhật vừa rồi. - Nhưng chúng tôi không hề nhận được đơn của bác sĩ Mallory. Rất tiếc. Suốt ngày hai cô gái đi từ hiệu thuốc này sang hiệu thuốc khác. Họ đã cảm thấy nản. Cho đến tận cuối giờ chiều, đã sắp đến giở đóng cửa, Paige lần đến một hiệu thuốc nhỏ ở khu Potrero. Người dược sĩ nói. - Vâng, ở đây, bác sĩ Ken Mallory, tôi nhớ ông ta. - Ông ấy đang trên đường thăm bệnh nhân. Tôi nhớ ngay vì bây giờ rất hiếm bác sĩ làm như vậy trong ngày nghỉ. Chẳng có bác sĩ nội trú nào đi thăm bệnh nhân tận nhà cả. - Thế anh ấy đặt gì vậy? Paige cảm thấy phải nén thở. - Chloral hydrate. Paige gần như run lên vì phấn khích. - Chắc chắn chứ ạ? - Đơn còn đây này! - Tên bệnh nhân là gì nhỉ? Ông ta nhìn lại đơn thuốc. - Spuros Levathes. - Ông làm ơn cho tôi xin một bản copy được không - Paige hỏi. - Được chứ. Một giờ sau, Paige ngồi trong phòng làm việc của thanh tra Burns. Cô đặt đơn thuốc lên trên bàn của ông. - Chứng cứ ông cần đây. - Paige nói. - Ngày chủ nhật, bác sĩ Mallory đến một hiệu thuốc cách nhà hắn ta vài dặm và đặt thuốc Chloral hydrate. Hắn đã cho thuốc đó vào cốc nước của Kat và khi cô ta mê đi hắn móc bụng cô ấy, làm như một vụ tai nạn. - Bây giờ còn một vấn đề nữa, bác sĩ Taylor. Không có Chloral hydrate trong người cô ấy. - Chắc chắn có. Người của ông mắc sai lầm. Hãy yêu cầu ông ta làm lại. Ông thanh tra bắt đầu mất kiên nhẫn. - Bác sĩ… - Làm ơn. Tôi biết tôi đúng mà. - Cô đang làm mất thời gian của mọi người đấy. Paige nhìn thẳng vào ông ta. Cuối cùng thanh tra gật đầu. - Thôi được. Tôi sẽ nhờ ông ta một lần nữa. Có thể ông ta mắc sai lầm thật. Jason đón Paige đi ăn tối. - Chúng ta sẽ ăn tối ở nhà anh. - Anh nói. - Anh muốn cho em biết một vài chuyện. Khi ngồi trên xe, Paige kể lại cho Jason những thông tin mới nhất về vụ Kat. - Họ sẽ tìm ra Chloral hydrate trong người cô ấy. - Paige nói. - và Ken Mallory sẽ nhận được cái mà hắn phải nhận. - Anh rất tiếc về mọi chuyện vừa qua. - Em biết. - Cô áp tay vào má anh. - Cám ơn Chúa đã mang anh lại cho em. Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà Jason. Paige nhìn ra cửa xe và cảm thấy xúc động. Xung quanh vườn cây xanh trước cửa nhà mọc lên một hàng rào gỗ sơn trắng. Cô ở trong nhà một mình, chung quanh tối om. Ken Mallory sử dụng chìa khoá mà Kat giao cho, mở cửa căn hộ rồi nhanh nhẹn tiến lại phòng ngủ. Paige nghe thấy tiếng chân Mallory lại gần, nhưng trước khi kịp kêu lên thì hắn đã chồm đến, hai tay thít chặt lấy cổ cô. - Đồ chó. Mày định phá tao à. Được thôi, từ giờ mày sẽ không còn đi lăng nhăng được nữa. - Hắn siết chặt hơn. - Tao khôn hơn tất cả bọn mày. Đúng không? Ngón tay hắn bám sâu vào cổ Paige. - Chẳng ai chứng minh được là tao đã giết Kat. Cô cố kêu lên, nhưng không sao thốt ra lời được. Cô giãy giụa, và đột nhiên bừng tỉnh. Cô nằm một mình trong phòng. Ngồi dậy rồi mà Paige vẫn run. Cô thức suốt đêm ấy, chờ cho thanh tra Burns gọi đến. Lúc mười giờ thì chuông réo. - Bác sĩ Taylor? - Vâng? - Cô cố nín thở. - Tôi đang có trong tay báo cáo thứ ba của giám định. - Sao? - Paige hồi hộp quá. - Không có dấu hiệu của Chloral hydrate và bất cứ chất an thần nào trong người bác sĩ Harrison. - Tuyệt đối không. - Không thể như vậy được? Phải có. Không có dấu hiệu va đập nào có thể làm Kat ngất đi. Không có vết bầm ở cổ. Vô lý. Chắc chắn Kat phải mê đi khi Mallory giết cô ấy. Giám định chắc sai. Paige quyết định nói chuyện trực tiếp với giám định viên. * * * * * Bác sĩ Dolan rất bực tức. - Tôi không muốn bị hỏi như hỏi cung thế này. - Ông ta nói. - Tôi đã kiểm tra ba lần. Tôi đã nói với thanh tra Burns rằng không hề có dấu hiệu của Chloral hydrate trong bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể nạn nhân. - Nhưng… - Còn gì khác nữa không? Paige nhìn ông ta cầu cứu. Hy vọng cuối cùng của cô đang trôi dần đi. Ken Mallory sẽ thoát khỏi tội giết người. - Tôi đoán… Nếu ông không tìm thấy một hoá chất nào, thì tôi chẳng… - Tôi không nói là không có hoá chất nào. Cô nhìn ông ta một giây. - Có tìm thấy? Chỉ có dấu vết của Trichloroethylene. Cô nhăn mặt. - Nó có tác dụng gì? Chẳng có gì. Một loại thuốc giảm đau. Không làm ai ngủ được cả. - Tôi biết. - Rất tiếc tôi không giúp gì được. Paige gật đầu. - Cám ơn! Cô đi dọc hành lang dài của nhà xác, vô cùng buồn bã, cảm tưởng như vừa mất cái gì thật gần gũi, thân thiết. Cô đã rất tin rằng Kat bị đánh mê đi bằng Chloral hydrate. Người ta chỉ tìm thấy dấu biệu của Trichloroethylene. Thuốc ấy chẳng làm ai ngủ được. Nhưng tại sao nó lại có trong người Kat. Nhưng Kat không hề dùng một loại thuốc nào cả. Paige dừng lại giữa. hành lang, đầu óc làm việc tất bật. Khi về đến bệnh viện, Paige lên ngay thư viện trên tầng năm. Chỉ một phút sau cô đã tìm thấy mục Trichloroethylene trong từ điển. Mục từ này viết: Một chất không màu, trong, dễ tan, ở nhiệt độ tử 1.47 đến 59 độ F. Công thức hoá học CCl2,-CHCl. Và ở dòng cuối cùng cô đã tìm thấy điều cần thiết. Khi Chloral hydrate phân hủy, nó tạo ra Trichloroethylene như một sản phẩm phụ. Chương 35 - Thanh tra, bác sĩ Taylor xin gặp. - Lại cô ta à? - Ông muốn quay lưng từ chối. - Cô ta bị ám ảnh bởi những lý thuyết nửa vời do cô ta dựng lên. Ông buộc sẽ phải dừng mọi chuyện lại. Đưa cô ta vào! Khi Paige bước vào, thanh tra Burns nói ngay. - Này bác sĩ, tôi cho rằng cô đi quá xa đấy. Bác sĩ Dolan đã gọi cho tôi phàn nàn về… - Tôi đã biết Mallory làm thế nào! - Giọng của cô đầy phấn khích. - Có Trichloroethylene trong người Kat. Thanh tra gật đầu. - Bác sĩ Dolan có nói với tôi về điều đó. Ông ấy cũng nói chất này chẳng thể làm nạn nhân mê đi. - Chloral hydrate đã biến thành Trichloroethylene! Paige nói hào hứng. - Mallory đã nói dối khi bảo không lên phòng với Kat. Chloral hydrate khi hòa vào rượu thì sẽ chẳng có mùi gì cả, và chỉ cần vài phút là nó sẽ tác dụng. Khi cô ấy mê đi hắn đã giết cô ấy và dàn cảnh như một vụ nạo thai tai biến. - Bác sĩ, xin cô thứ lỗi, nhưng cô hồ đồ quá đấy. - Không hồ đồ đâu. Hắn ta đặt thuốc cho bệnh nhân tên là Spyros Levathes, nhưng hắn chưa bao giờ cho ông ta dùng thuốc đó. - Làm sao cô biết? Bởi vì hắn không thể nào làm được việc đó. Tôi đã kiểm tra Spyros Levathes. Ông ta mắc bệnh loạn chuyển hoá pocphirin. - Cái gì vậy? - Đó là rối loạn trao đổi chất do di truyền. Bệnh này gây ra chứng nhạy cảm ánh sáng, đau đớn, căng thẳng thần kinh, tim đập nhanh và một số triệu chứng khó chịu khác. Đó là kết quả do gen bị sai hỏng. - Tôi chưa hiểu. - Bác sĩ Mallory không thể cho bệnh nhân dùng Chloral hydrate vì thuỏc ấy sẽ giết chết ông ta! Chloral hydrate là thuốc chống chỉ định cho bệnh loạn chuyển hoá pocphirin. Nó sẽ gây ra phản ứng co giật tức thời. Lần đầu tiên, thanh tra Burns thấy khâm phục. - Cô đã làm thật tốt việc của mình. Paige cố gây thêm áp lực. - Vì sao Ken Mallory lại đi xa mấy dặm để đặt thuốc cho một người mà anh ta biết rõ rằng không thể dùng loại thuốc đó? Ông phải bắt anh ta ngay. Thanh tra ngồi đó, gõ ngón tay lên mặt bàn. - Không đơn giản như vậy. - Ông phải bắt… Thanh tra giơ ngón tay lên. - Được rồi. Cô hãy nghe tôi nói điều mà tôi sẽ làm. - Tôi sẽ gặp chưởng lý quận và thảo luận với ông ta xem chúng ta có thể làm gì. Paige biết rằng cô đã làm tất cả những gì cô có thể làm được. - Cám ơn ông thanh tra. - Tôi sẽ thông báo với cô sau. Sau khi Paige đi khỏi, thanh tra Burns ngồi suy nghĩ về cuộc nói chuyện vừa rồi. Chưa có chứng cớ nào đủ mạnh để chống lại Mallory ngoài những nghi ngờ của một người đàn bà cương quyết. Ông kiểm lại những sự kiện ông có trong tay. Bác sĩ Mallory đã đính hôn với bác sĩ Kat Hunter. Chỉ hai ngày sau khi Hunter chết, anh ta đính hôn ngay với con gái Alex Harrison. Rất đáng ngờ, nhưng chưa phải là phạm luật. Mallory nói rằng anh ta thả bác sĩ Hunter ở cửa rồi ra về mà không vào nhà. Tinh dịch tìm thấy trên người nạn nhân nhưng anh ta đã đưa ra một lời giải thích có vẻ hợp lý cho chuyện đó. Sau đến chuyện Chloral hydrate. Mallory đặt thuốc cho bệnh nhân, mà loại thuốc này có thể giết chết bệnh nhân. Anh ta có phạm tội giết người? Hay là không? Burns bấm nút qua hệ thống liên lạc nội bộ gọi thư ký. - Bacbara, thu xếp cho tôi gặp chưởng lý quận vào chiều nay. * * * * * Trong phòng đã có bốn người đàn ông khi Paige bước vào. Đó là chưởng lý quận, trợ lý của ông ta, một người tên là Warren và thanh tra Burns. - Cám ơn cô đã ghé qua, bác sĩ Taylor, - Chưởng lý nói. - Thanh tra Burns có kể cho tôi rằng cô quan tâm đến cái chết của bác sĩ Hunter. Tôi đánh giá cao điều đó. Bác sĩ Hunter là bạn cùng phòng của cô và cô muốn công lý được thi hành? Như vậy người ta sẽ bắt Ken Mallory. - Vâng! Paige nói. - Không còn nghi ngờ gì nữa. Bác sĩ Mallory đã giết cô ấy. Bao giờ các ông bắt hắn. Hắn… - Tôi e rằng chúng tôi không thể làm điều đó. Paige nhìn ông ta không hiểu. - Sao vậy? - Chúng tôi không thể bắt bác sĩ Mallory. - Nhưng vì sao? - Chúng tôi chưa có chứng cứ. - Các ông có rồi còn gì! - Paige kêu lên. - Chất Trichloroethylene chứng minh rằng… - Thưa bác sĩ, trước toà, sự ngu dốt về luật pháp bị cấm kỵ còn sự ngu dốt về y học thì được châm chước. - Tôi chưa hiểu. - Đơn giản thôi. Có nghĩa là Mallory có thể nói rằng anh ta mắc sai lầm, anh ta không biết những hiệu ứng mà Chloral hydrate có thể gây ra cho bệnh nhân mắc pocphyrin. Chẳng ai chứng minh được là hắn nói láo. Điều ấy có thể chứng tỏ hắn là một bác sĩ dốt nhưng không có nghĩa là hắn phạm tội giết người. Paige nhìn ông ta tức giận. - Các ông định để hắn thoát chứ gì? - Ông ta nhìn cô một lát. - Tôi sẽ nói cho cô điều tôi chuẩn bị làm. Tôi đã thảo luận với thanh tra Burns. Nếu cô cho phép, chúng tôi sẽ cho người về nhà cô lấy đi những chiếc cốc. Nếu tìm thấy dấu hiệu của chất Chloral hydrate, chúng tôi sẽ tiến hành bước sau. - Nếu hắn rửa rồi thì sao? Thanh tra Burns nói khô khan. - Tôi không hình dung được hắn còn thời gian để dùng chất tẩy. Còn nếu như hắn chỉ tráng cốc qua loa thì chúng ta sẽ tìm thấy. Hai giờ sau, thanh tra Burns gọi cho Paige. - Chúng tôi đã phân tích hoá học tất cả những cái cốc, thưa bác sĩ. Paige chuẩn bị cho sự thất vọng. - Chúng tôi đã tìm thấy dấu hiệu của Chloral hydrate ở một trong những chiếc cốc đó. Paige nhắm mắt lại và cầu Chúa. - Và trên đó còn có dấu vân tay. Chúng tôi đã kiểm tra xem có phải là của Ken Mallory không? Đột nhiên Paige cảm thấy phân vân. Thanh tra nói tiếp. - Khi giết cô ấy nếu như hắn giết - Hắn mang găng, do vậy dấu tay của hắn không có trên cái nạo. Nhưng không thể mang cốc rượu đến cho cô ta mà tay lại mang găng được, có thể hắn cũng không mang găng đặt cốc lại vào giá, sau khi tráng rửa qua. - Không, - Paige nói. - Chắc chắn hắn sẽ chẳng làm thế, phải không? - Tôi buộc phải thừa nhận rằng, lúc đầu tôi không tin là giả thuyết của cô có thể dẫn đến điều gì bổ ích. Bây giờ tôi nghĩ rằng bác sĩ Mallory có lẽ là người mà chúng tôi cần quan tâm. Nhưng chứng minh anh ta phạm tội lại là một chuyện khác. Chưởng lý quận có lý. Cần phải khéo léo mới lôi Mallory ra toà được. Hắn vẫn có thể cãi rằng hắn đặt thuốc cho bệnh nhân của hắn. Chẳng có luật nào cấm người ta phạm sai lầm trong y tế cả. Tôi chưa rõ sẽ phải làm thế nào. - Khoan đã. - Paige nói nhanh, kích động. - Tôi nghĩ là tôi biết cách. * * * * * Ken Mallory đang nghe Lauren nói qua điện thoại. - Cha và em đã tìm thấy một văn phòng mà anh sẽ mê tơi cho mà xem, anh yêu. Một dãy trong toà nhà 490 Post Building. Em sẽ thuê cho anh một cô thư ký, nhưng cô ta không được quá xinh đâu, anh đừng mừng vội. Mallory cười. - Em chẳng cần lo chuyện ấy. Trên đời này, ngoài em ra, chẳng có người phụ nữ nào khiến anh quan tâm cả. - Em rất mong anh đến xem. Anh có thể đi bây giờ không? - Sau một hai giờ nữa anh sẽ được nghỉ. - Tuyệt. Anh sẽ đón em ở nhà nhé. - Được rồi, anh sẽ đến đó. - Mallory đặt máy. - Không thể tốt hơn được. Hắn nghĩ. Trên trời có Chúa, cô ấy yêu mình. Hắn nghe gọi tên mình qua hệ thống truyền thanh nội bộ. "Bác sĩ Mallory… Phòng 430… Bác sĩ Mallory… Phòng 430…". Hắn ngồi đó mà mơ tưởng về một tương lai chói lọi phía trước. Một phòng đẹp trong toà nhà 490 PostBuilding, ở đó toàn các quý bà, quý ông lắm tiền, họ sẵn sàng ném tiền cho hắn. Hắn lại nghe gọi tên mình… "Bác sĩ Mallory… phòng 430". Hắn lắc đầu rồi đứng dậy. Ta sẽ thoát khỏi cái nhà thương điên này. Hắn nghĩ khi bước đi. Một bác sĩ nội trú đợi hắn ngoài hành lang. - Tôi e rằng chúng tôi có một vấn đề. - Anh ta nói. - Đây là bệnh nhân của bác sĩ Peterson, nhưng ông ấy không có ở đây, tôi đang tranh luận với mấy bác sĩ khác. Họ bước vào. Trong phòng có ba người. Một người trên giường bệnh, một y tá nam và một bác sĩ mà Mallory chưa gặp bao giờ. Bác sĩ nội trú nói. - Đây là bác sĩ Edwards. Chúng tôi cần lời khuyên của anh, bác sĩ Mallory. - Gì vậy? Bác sĩ nội trú giải thích. - Bệnh nhân này mắc bệnh loạn chuyển hoá pocphyrin và bác sĩ Edwards yêu cầu cho ông ta thuốc an thần. - Tôi chưa thấy có gì ở đây. - Cám ơn, - Bác sĩ Edwards nói. - Đã 48 giờ qua bệnh nhân không ngủ. Tôi đã chỉ định cho ông ta dùng Chloral hydrate để ông ta có thề nghỉ một lát và Mallory nhìn ông ta kinh ngạc. - Anh điên à? Thuốc ấy có thể giết ông ta đấy. Nó sẽ làm ông ta co giật lập tức và có thể ông ta sẽ chết. Anh học y ở chỗ quỷ quái nào vậy? Người đàn ông nhìn Mallory nói nhỏ nhẹ. - Tôi không học y, - Rồi anh ta chìa thẻ ra. - Tôi làm việc ở Sở cảnh sát San Francisco, đội trọng án. - Anh ta quay lại người nằm trên giường. - Cậu đã thu được chưa? Người đó lôi từ dưới gối ra một máy ghi âm. - Được rồi. Mallory nhìn người này rồi người kia, nhăn nhó. - Tôi chẳng hiểu gì cả. Chuyện gì xảy ra vậy? Thanh tra quay lại. - Bác sĩ Mallory, ông đã bị bắt. Chúng tôi nghi ngờ ông liên quan đến cái chết của bác sĩ Hunter. Chương 36 Tờ San Francisco Chronicle trương hàng tít lớn "MỘT BÁC SĨ BỊ BẮT TRONG CUỘC TÌNH TAY BA". Câu chuyện bên dưới tường thuật dông dài mọi chi tiết gay cấn của vụ án. Mallory đọc được bài viết đó trong phòng giam. Hắn tức giận vò tờ báo vứt đi. Thằng bạn tù nói. - Có vẻ họ tóm được "chim" mày rồi. - Mày đừng có tin báo, - Mallory nói đầy tự tin. - Tao có nhiều chỗ quen biết, và họ sẽ kiếm cho tao một luật sư giỏi nhất thế giới. Tao sẽ ra khỏi đây trong hai tư tiếng đồng hồ. Tao chỉ cần gọi một cú phôn là xong. Hai cha con Harrison đọc tờ báo đó trong khi ăn sáng. - Lạy Chúa! - Lauren nói. - Ken! Con không tin nổi? Một người hầu tiến lại gần bàn. - Xin lỗi, cô Harrison, bác sĩ Mallory gọi điện cho cô. Tôi nghĩ rằng ông ấy gọi từ nhà tù. - Được tôi sẽ ra nghe! - Lauren định đứng dậy. Alex Harrison nói. - Con hãy ngồi xuống và ăn cho xong bữa sáng. - Quay sang người hầu, ông ta nói. - Chúng tôi không quen biết ông Mallory nào hết. Paige đọc tờ báo trong khi mặc quần áo. Mallory sẽ bị trừng phạt bởi những điều khủng khiếp mà hắn đã làm, nhưng cô không vì thế mà được thanh thản. Cho dù người ta có làm gì hắn đi nữa thì cũng chẳng giúp Kat sống lại. Chuông cửa réo vang. Paige ra mở. Một người lạ đứng đó. Ông ta mặc bộ complê màu sẫm, tay xách chiếc cặp. - Cô là bác sĩ Taylor? - Vâng. - Tôi tên là Rodenrk Pelham. Tôi là luật sư của hãng Rothman và Rothman. Tôi có thể vào nhà được không? Paige nhìn ông ta, khó hiểu. - Vâng! - Ông ta vào phòng. - Ông cần gặp tôi có chuyện gì? Cô nhìn ông ta mở cặp và lôi vài tờ giấy ra ngoài. - Cô có lẽ đã biết rằng cô là người được hưởng quyền lợi chính theo di chúc của John Cronin chứ? Paige vẫn nhìn ông ta, hoàn toàn không hiểu. - Ông nói gì vậy? Có lẽ ông nhầm rồi. - Ồ không, chẳng có nhầm lẫn nào cả. Ông Cronin để lại cho cô số tiền là một triệu đô-la. Paige ngồi phịch xuống ghế, bàng hoàng. Cô nhớ lại. Cô phải sang thăm châu u. Hãy cho tôi một ân huệ. Hãy đến Paris, nghỉ lại ở Crillon, ăn tối tại nhà hàng Maxim, gọi một miêng bít têt to, dầy, một chai sâm panh và khi ăn uống tôi muốn cô hãy nhớ đến tôi. - Nếu cô ký vào đây, chúng tôi sẽ lo mọi thủ tục còn lại. Paige nhìn lên. - Tôi… tôi chẳng biết nói sao. Nhưng ông ta còn cả gia đình cơ mà? - Theo như di chúc, họ chỉ được hưởng phần tài sản còn lại, một số tiền không lớn lắm. - Tôi không thể nhận được. - Paige nói. Pelham nhìn cô ngạc nhiên. - Vì sao? - Cô chẳng biết trả lời ra sao. John Cronin muốn cô nhận số tiền ấy. - Tôi không biết. Nhưng điều này không phù hợp với đạo đức thế nào ấy. Ông ấy là bệnh nhân của tôi. - Thôi được. Tôi sẽ để cái séc lại đây. Cô sẽ quyết định làm gì với nó thì làm. Chỉ cần cô ký vào đây. Paige ký vào tờ giấy mà vẫn chưa hoàn hồn. - Tạm biệt bác sĩ. Cô nhìn ông ta đi khỏi, vẫn ngồi bất động nghĩ về John Cronin. * * * * * Tin Paige nhận được thừa kế là chủ đề những chuyện ngồi lê đôi mách ở bệnh viện. Paige cứ hy vọng là chuyện đó sẽ được giữ kín. Cô vẫn chưa rõ phải làm gì với số tiền ấy. Nó không thuộc về mình, cô nghĩ. Ông ta còn có gia đình. Paige vẫn quá xúc động để có thể làm việc bình thường, nhưng bệnh nhân vẫn chờ cô chăm sóc. Sáng nay, theo lịch, cô có một ca phẫu thuật. Athur Kane đợi cô ở ngoài hành lang. Họ không nói chuyện với nhau kể từ sau vụ phim X quang bị đảo ngược. Tuy Paige chẳng có gì chứng minh rằng Kane làm điều đó nhưng nó vẫn cứ làm cô e sợ. - Hello, Paige. Nào, hãy để mọi chuyện cũ qua đi, được chứ? Paige nhún vai. - Được thôi! - Thằng Mallory làm một chuyện ghê quả phải không? - Kane hỏi. - Đúng! Kane nhìn cô gái một cách độc ác. - Cô có hình dung ra một bác sĩ cố tình giết một con người không? Thật là khủng khiếp. - Phải - Nhân tiện, - Hắn nói. - xin chúc mừng cô. Tôi nghe nói cô đã là triệu phú. - Tôi chẳng biết trả lời sao. - Tôi có hai vé đi nhà hát tối nay. Paige, tôi nghĩ chúng ta có thể cùng đi. - Cám ơn, - Paige nói. - Tôi đả đính hôn rồi. - Nếu thế, tôi cho rằng cô nên từ hôn đi. Cô nhìn hắn ngạc nhiên. - Tôi không hiểu ông nói cái gì? Kane tiến lại gần cô. - Tôi đã ra lệnh khám nghiệm John Cronin. Paige thấy tim cô đập nhanh. - Thì sao? - Ông ta không chết do hỏng tim. Ai đó đã tiêm cho ông ấy một liều insulin quá cao. Tôi đoán rằng kẻ đó không ngờ người ta lại làm khám nghiệm thi thể ông ta. Mồm Paige trở nên khô khốc. - Cô ở bên cạnh Cronin khi ông ấy chết, đúng không? Cô hơi do dự. - Vâng. - Tôi là người duy nhất biết điều này và là người duy nhất có báo cáo. - Hắn cầm lấy tay cô. - Tôi sẽ khoá mồm lại. Thế nào, cô nghĩ sao về tối nay? Paige rút tay ra. - Không! - Cô có biết là cô đang làm gì không? Cô hít một hơi. - Có và bây giờ xin ông thứ lỗi… - Cô bỏ đi. Kane nhìn theo, mặt lão đanh lại, lão đi về phía văn phòng của bác sĩ Wallace. Chuông đổ ở nhà cô lúc một giờ sáng. - Cô là một đứa ngu xuẩn, đáng ghét. Vẫn là giọng nói đó. Tuy người nói đã cố gắng làm lạc đi, nhưng lần này Paige đã nhận ra. Lạy Chúa cô nghĩ. Hoá ra mình e ngại hắn là có lý. Sáng hôm sau, khi Paige đến bệnh viện, hai người đàn ông đang chờ cô. - Bác sĩ Taylor? - Vâng! - Cô phải đi theo chúng tôi. Cô bị bắt do liên quan đến cái chết của ông John Cronin. Chương 37 Ngày cuối cùng của phiên toà xử Paige, luật sư bào chữa cho cô, Alan Penn, tóm tắt ý kiến của mình trước đoàn bồi thẩm. - Thưa quý bà, quý ông, các vị đã nghe nhiều nhân chứng nói về trình độ nghiệp vụ của bác sĩ Taylor. Tất nhiên quan toà Young sẽ nhắc các vị rằng đó không phải là nội dung phiên toà hôm nay. Tôi tin chắc rằng với mỗi bác sĩ không đồng tình với công việc của cô ta, chúng ta lại có thể tìm cả tá bác sĩ khác ca ngợi cô ấy. Nhưng đó cũng không phải là vấn đề chủ yếu hôm nay. Paige Taylor bị đưa ra toà do cái chết của John Cronin. Cô ta thừa nhận là đã giúp ông ấy chết. Cô ta làm như vậy vì ông ấy rất đau đớn và vì ông ấy yêu cầu cô ta làm. Đó là việc chấm dứt cuộc sống theo yêu cầu, nó đang được chấp nhận trên toàn thế giới. Năm ngoái, toà thượng thẩm California đã chấp nhận quyền của người trưởng thành và tỉnh táo được từ chối hay đòi hỏi không bị điều trị bằng phương tiện y tế dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân được quyền sống hay chết tuỳ thuộc vào sự chọn lựa hay từ chối việc chữa chạy. Ông nhìn thẳng vào bồi thẩm đoàn. - Chấm dứt cuộc sống theo yêu cầu là một hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn và tình thương, và tôi dám chắc rằng nó được chấp nhận ở dạng này hay dạng khác trong các bệnh viện trên toàn thế giới. Công tố viên đòi hỏi bản án tử hình. Các vị đừng để ông ta đánh lận việc này với việc kia. Chưa bao giờ trên thế giới có bản án tử hình cho tội chấm dứt cuộc sống theo yêu cầu. Sáu mươi ba phầm trăm người Mỹ tin rằng cần phải cho phép làm việc đó. Và thực tế, trên mười tám bang của nước Mỹ, nó đã là họp pháp. Vấn đề là ở chỗ liệu rằng chúng ta có quyền ép buộc những bệnh nhân vô phương cứu chữa phải sống trong đau đớn, sống và bị hành hạ hay không? Câu hỏi càng trở nên phức tạp vì những tiến bộ vĩ đại của công nghệ trong y học. Chúng ta đã chuyển nhiệm vụ săn sóc bệnh nhân cho máy móc. Mà máy móc đâu có tình thương. Nếu một con ngựa bị gãy chân người ta giải thoát cho nó bằng cách bắn vào đầu. Còn với con người, người ta khép họ vào một cực hình sống dở chết dở - Đó là địa ngục. - Bác sĩ Taylor không quyết định để John Crollin chết lúc nào. John Cronin tự quyết định lấy. Không còn nhầm lẫn gì nữa, điều bác sĩ Taylor làm là một hành động của tình thương. Cô ấy đã đứng ra chịu trách nhiệm hoàn toàn về điều đó. Các vị có thể tin rằng cô ấy không hề biết gì về số tiền ông ta để lạí cho cô. Điều cô ta đã làm là một sự đồng cảm với bệnh nhân. John Crollin sống với một trái tim bệnh hoạn, không sao chữa chạy được, căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn chót, di căn tới khắp cơ thể, gây ra những cơn đau khủng khiếp kéo dài. Các vị thử tự hỏi mình xem. Trong hoàn cảnh đó liệu các vị có muốn sống nữa không? Xin cám ơn. Anh quay lại đi về phía bàn của mình và ngồi xuống bên cạnh Paige. Gus Venable đứng dậy đi đến trước mặt Paige, lắc đầu rồi quay lại trước đoàn bồi thẩm. - Đồng cảm ư? Tình thương ư? Thưa quý bà, quý ông trong đoàn bồi thẩm, tôi đã hành nghề luật hơn hai mươi năm và tôi phải nói rằng, trong suốt những năm ấy, chưa bao giờ tôi gặp phải một trường hợp giết người vụ lợi lại rõ ràng và tàn nhẫn như trường hợp này… Paige cảm thấy chới với theo từng lời buộc tội của ông ta. - Bên bào chữa nói về sự chấm dứt cuộc sống theo yêu cầu. Có phải bác sĩ Taylor làm điều đó xuất phát từ lòng trắc ẩn? Tôi không nghĩ như vậy. Chính bác sĩ Taylor và những nhân chứng khác khẳng định rằng John Cronin chỉ có thể sống thêm vài ngày nữa. Có lẽ bởi vì cô ta sợ rằng bà Cronil sẽ biết được chuyện chồng bà thay đổi di chúc và sẽ ngăn chặn việc đó lại. Thật là một sự trùng hợp lý thú, ngay sau khi ông Cronin thay đổi di chúc, để lại cho bác sĩ Taylor một triệu đô-la, cô ta đã cho ông ta một liều insulin cao, giết chết ngay ông ấy. Bằng chính lời của mình, bên bị đã tự buộc tội cho mình. Bị cáo nói rằng cô ta và John Cronin có quan hệ tốt và rằng ông ấy quý mến và kính trọng cô ta. Nhưng các vị đã nghe những nhân chứng khẳng định rằng họ nghe thấy ông ta gọi bác sĩ Taylor là "Con mẹ ấy" và "Đừng có đụng tay vào người tao?". Gus Venable lại nhìn bị cáo. Ông ta quay lại đoàn bồi thẩm. "Luật sư đã chứng thực rằng, khi nghe tin về một triệu đô-la dành cho mình, bác sĩ Taylor đã nói "Không phù hợp đạo lý. Ông ấy là bệnh nhân của tôi". "Nhưng cô ta đã chụp lấy ngay số tiền ấy. Cô ta đang cần tiền. Cô ta có đầy ngăn kéo những quyển hướng dẫn du lịch đi Paris, London, Venice… Cần nhớ rằng không phải cô ta đến hỏi các hãng du lịch sau khi có tiền. Không, cô ta đã chuẩn bị trước. Tất cả những thứ mà cô ta cần là tiền và cơ hội. John Cronin có cả hai điều kiện ấy. Một người ốm yếu, sắp chết mà cô ta có thể khống chế. Cùng theo lời cô ta, một người đang chịu những đau đớn thì khó mà suy nghĩ tỉnh táo được. Chúng ta hiện giờ vẫn không biết bằng cách nào bác sĩ Taylor thuyết phục ông Cronin thay đổi di chúc, tước quyền lợi của gia đình mà ông ta yêu quý để trao lại tiền cho cô ta trong cái đêm định mệnh ấy. Họ nói những gì? Phải chăng ông ta đề nghị một triệu đô-la để chấm dứt thảm cảnh của ông? Đó là một khả năng mà chúng ta phải tính đến. Nhưng trong mọi trường hợp nào đó thì cũng là việc giết người nhẫn tâm. Thưa quý toà, trong suốt quá trình xử án, các vị có biết ai là nhân chứng buộc tội quan trọng nhất không? - Ông ta chỉ vào Paige. - Chính là bị cáo. Các vị nghe thấy cô ta nói rằng chưa bao giờ cô ta vi phạm lời thề thiêng liêng Hippocrat, nhưng đó là cô ta nói dối. Chúng ta đã được nghe người làm chứng nói về chuyện cô ta truyền máu không hợp pháp, sau đó lại giả mạo giấy tờ. Cô ta nói chưa hề giết ai ngoài Cronin. Nhưng chúng ta đã được nghe rằng bác sĩ Barker, một thầy thuốc được mọi người kính trọng, đã lên án cô ta giết chết bệnh nhân của ông ấy. Thật không may, thưa quý bà, quý ông, Lawrence Barker bị mệt nặng nên không thể có mặt ở đây để làm chứng chống lại bị cáo. Nhưng chúng ta hãy nghe ý kiến của bác sĩ Barker về bị cáo. Bác sĩ Peterson đã chứng nhận về bệnh nhân mà bị cáo đã mổ. Ông ta đọc bản tốc ký. "Bác sĩ Barker đã vào phòng mổ khi ca phẫu thuật đang tiến hành? - Phải! - Ông ta có nói gì không? Trả lời: Ông ta quay lại bác sĩ Taylor và nói: "Cô đã giết ông ta rồi". Còn đây là lời nói của y tá Berry. Hỏi: Cô hãy nói những điều mà bác sĩ Barker nói về bác sĩ Taylor? Trả lời: Ông ta nói rằng cô ta là một bác sĩ tồi. Lần khác ông ấy nói sẽ không cho cô ta mổ ngay cả một con chó. Gus Venable nhìn lên. - Ở đây có một âm mưu gì đó, hoặc là tất cả những bác sĩ, y tá đáng kính đều đã nói dối về bác sĩ Taylor hoặc là chính bị cáo nói dối. Không chỉ nói dối đơn thuần mà còn bệnh hoạn… Cánh cửa ngách phòng xử án bật mở và một trợ lý công tố bước vào. Anh ta dừng lại một lát trên ngưỡng cửa, hơi do dự. Sau đó anh ta tiến thẳng đến bên Gus Venable. - Thưa ngài… Gus Venable quay lại, tức giận. - Anh không thấy tôi đang… Người trợ lý thì thầm điểu gì đó. Gus Venable nhìn anh ta ngạc nhiên. - Sao? Thật tuyệt… Chánh án Young nhoài người về phía trước, giọng nghiêm khắc. - Tôi xin lỗi ngắt lời, hai ông nghĩ gì về việc các ông đang làm? Gus Venable quay lại nói với quan toà, giọng phấn khích. - Thưa quý toà, tôi vừa được thông báo là bác sĩ Lawrence Barker đang chờ bên ngoài phòng xử án. - Ông ấy ngồi trên xe đẩy, nhưng vẫn sẵn sàng làm nhân chứng. Tôi muốn hỏi ông ta mấy điều. Tiếng ồn ào nổi lên trong gian phòng. Alan Penn đứng bật dậy. - Tôi phản đối! - Ông kêu lên - Công tố viên đang kết thúc lời của ông ta. Chẳng có lệ nào lại cho gọi nhân chứng muộn như thế này. Tôi… Chánh án Young đập búa. - Đề nghị hai vị luật sư lại gần đây. - Penn và Venable làm theo. - Điều này không bình thường, thưa quý toà, tôi phản đối… - Penn tiếp tục. Young thong thả đáp. - Đúng là không bình thường, thưa ông Penn, nhưng ông đã lầm khi nói rằng chưa có tiền lệ. Tôi có thể dẫn ra cả tá trường hợp trong đó những nhân chứng quan trọng được ra làm chứng trong những tình huống đặc biệt. Nếu muốn quan tâm đến, ông có thể xem lại phiên toà cách đây năm năm. Chính tôi chủ toạ phiên đó. Alan Penn hậm hực. - Như vậy là toà cho phép ông ta ra làm chứng? Chánh án Young suy nghĩ giây lâu rồi nói. - Bởi vì bác sĩ Barker là một nhân chứng quan trọng, trước đây ông ta không thể ra làm chứng do sức khoẻ. Vì lợi ích của công lý, tôi sẽ cho phép ông ta làm việc đó vào lúc này. - Ngoại lệ! Nhưng tôi đòi ông ấy phải được kiểm tra khả năng trước khi làm chứng. - Ông Penn, trước toà ông không được dùng từ đòi mà phải dùng từ yêu cầu. - Quay sang Venable, bà nói. - Ông có thể gọi nhân chứng vào. Alan Penn đứng đó, bất lực. Thế là hết, chẳng còn cơ may nào nữa. Gus Venable quay sang viên trợ lý. - Dẫn bác sĩ Barker vào. Cánh cửa mở ra chậm chạp, bác sĩ Barker tiến vào trên cái ghế có bánh xe. Tóc ông bạc trắng. Mọi người nhìn cả vào người đàn ông nhợt nhạt trên xe đẩy. Khi xe lăn ngang Paige, ông chỉ nhìn lướt qua cô. Trong mắt ông chẳng có một chút thân thiện nào và Paige nhớ những lời cuối cùng ông nói với cô: "Cô nghĩ cô là cái quái gì…" Khi xe dừng lại trước quan toà. Young nhoài người về phía trước và hỏi từ tốn. - Bác sĩ Barker, ông có đủ sức làm nhân chứng hôm nay không? - Có, thưa quý toà! - Barker nói. - Ông có biết hết những gì đang diễn ra ở đây, trong phòng xử án này không? - Có thưa quý toà. - Ông nhìn về phía Paige ngồi. - Người đàn bà kia bị khép vào tội giết người, giết bệnh nhân của mình. Paige rùng mình. Người đàn bà kia... Quan toà Young đã quyết. Bà quay sang người trợ lý. Để nhân chứng thề đi. Sau khi tuyên thệ xong, chánh án Young nói với bác sĩ Barker. - Ông có thể ngồi trên ghế của ông. Công tố sẽ hỏi và luật sư bên bị cũng được phép kiểm tra chéo. Gus Venable mỉm cười. - Tôi cám ơn, thưa quý toà! - Ông ta tiến đến trước cái xe lăn. - Chúng tôi sẽ không làm ông mất nhiếu thì giờ, thưa bác sĩ, và toà sẽ đánh giá rất cao việc ông cố gắng đến đây làm chứng. Ông có biết những nhân chứng và lời khai của nọ trong suốt tháng vừa rồi? Bác sĩ Barker gật đầu. - Tôi có theo dõi qua báo chí và tivi, và những điều đó khiến tôi lộn mửa. Paige lấy tay bưng mặt. Gus Venable cố che dấu cảm giác thắng lợi. Ông ta nói. - Bản thân tôi cũng có cảm giác tương tự như vậy. - Tôi đến đây vì tôi muốn công lý được thực thi. - Bác sĩ Barker nói. Venable mỉm cười. - Chúng tôi cũng thế. Lawrence Barker hít một hơi dài, và khi ông nói, trong giọng ông đượm nỗi tức giận. - Vậy thì vì cái quái gì mà các người lôi bác sĩ Taylor ra xử. Venable nghĩ rằng ông ta hiểu nhầm. - Tôi chưa rõ ý ông? - Phiên toà này là một trò hề? Paige và Alan nhìn nhau, choáng váng. Mặt Gus Venable nhợt ra. - Bác sĩ Barker… - Đừng cắt ngang lời tôi. - Barker cáu kỉnh. - Các vị đã sử dụng quá nhiều lời chứng của những kẻ ghen tức nhỏ nhen để công kích một phẫu thuật gia xuất sắc. Cô ấy… - Chờ một chút… - Venable bắt đầu cuống - Có đúng là chính ông đã phê phán bác sĩ Taylor nặng nề đến mức cô ta đã định rời bỏ bệnh viện Embarcadero không? - Phải? Gus Venable cảm thấy dễ chịu hơn. - Vậy thì sao ông lại cho rằng bác sĩ Taylor là một phẫu thuật gia xuất sắc. - Bởi vì đó là sự thật? - Barker quay về phía Paige và khi ông nói, dường như trong phòng xử án chỉ có hai người. - Chỉ có một số người sinh ra để làm bác sĩ. Cô là người trong số hiếm hoi ấy. Ta biết ngay từ đầu khả năng của cô. Ta đã nghiêm khắc với cô có lẽ là hơi quá, bởi vì ta trông đợi ở cô rất nhiều. Ta nghiêm với cô để cô nghiêm với bản thân mình hơn. Ta muốn cô thật hoàn hảo vì trong nghề của chúng ta không có chỗ cho sự sai lầm. Không thể. Paige nhìn ông, đầu óc cô chao đảo. Mọi việc xảy ra quá nhanh và quá đột ngột. Phòng xử án ồn ào. - Ta không thể để cô rời bệnh viện được. - Bác sĩ Barker nói nốt câu nói dở… Gus Venable cảm thấy chiến thắng đang tuột dần. Nhân chứng có giá nhất lại biến thành giấc mơ khủng khiếp. - Bác sĩ Barker, người ta làm chứng rằng ông đã lên án bác sĩ Taylor giết bệnh nhân của ông, Lauce Kelly. Tại sao…? - Tôi nói điều đó vì cỏ ấy là nhà phẫu thuật. Cô ấy phải chịu trách nhiệm sau cùng. Sự thật là người gây mê đã làm ông ta chết. Đến lúc này thì phòng xử án đã trở nên náo động. Paige ngồi đó, kinh ngạc đến sững sờ. Bác sĩ Barker chậm rãi nói tiếp, có vẻ khó nhọc. - Về chuyện John Cronin để lại tiền, cô ấy chẳng biết gì hết. Tôi đã nói chuyện trực tiếp với ông ta. Cronin nói rằng ông ấy để lại tiền cho bác sĩ Taylor vì ông ta căm ghét gia đình mình, ông ấy còn nói sẽ đề nghị bác sĩ Taylor giải phóng khỏi tình trạng khổ sở đó cho mình và tôi đã đồng ý. Từ phía những người tham dự phiên toà tiếng ồn ào lại nổi lên. Gus Venable đứng đó, mặt nghệt ra. Alan Penn đứng bật. - Thưa quý toà, tôi đề nghị hủy bỏ mọi lời buộc tội! Quan toà Young gõ búa. - Im lặng! - Bà quát lên. Rồi hướng về hai luật sư bà nói. - Vào phòng tôi. Khi ba người đã vào trong phòng chánh án, Gus Venable vẫn ở trong trạng thái bị sốc. - Tôi, tôi chẳng biết bình luận gì. Rõ ràng ông ta là không bình thường. Ông ta lẫn lộn. Tôi muốn để các bác sĩ tâm thần kiểm tra ông ấy. Ông không thể vừa thế này vừa thế khác. - Gus ạ! Có vẻ lời buộc tội của ông đang sắp thành mây khói. Để tránh cho ông những sự khó xử thêm nữa, tôi định hủy lời buộc tội giết người này. Có ai phản đối gì không? Một sự im lặng kéo đài. Cuối cùng Venable gật đầu. - Tôi không phản đối gì. Young nói. - Ông quyết định đúng. Tôi muốn cho ông một lời khuyên. Đừng bao giờ, đừng bao giờ gọi ra một nhân chứng khi chưa biết ông ta sẽ nói gì. * * * * * Phiên toà lại tiếp tục. Chánh án Young nói: - Thưa quý toà, thưa bồi thẩm đoàn, chúng tôi xin cám ơn quý vị vì thời gian và sự nhẫn nại mà quý vị dành cho phiên toà. Chúng tôi xin hủy mọi lời buộc tội. Bị cáo được tự do. Paige quay lại gửi về phía Jason một nụ hôn rồi cô tiến về phía bác sĩ Barker đang ngồi trên xe đẩy. Cô quỳ xuống ôm lấy ông. - Tôi chẳng biết làm gì để cám ơn ông, - Cô thì thầm. - Đáng lẽ cô không bị lôi kéo vào cái trò này mới phải. - Ông làu bàu. - Thật là một sự ngu xuẩn. Nào, hãy ra khỏi đây và đến chỗ nào đó mà ta có thể chuyện trò được! Quan toà Young nghe thấy. Bà đứng dậy và nói: - Các vị có thể sử dụng phòng làm việc của tôi. Ít nhất tôi cũng có thể giúp các vị điều đó. Trong phòng làm việc của quan toà chỉ có ba người Paige, Jason và bác sĩ Barker. Barker nói. - Rất tiếc là họ không cho phép ta đến đây sớm hơn. Cô cũng biết các bác sĩ nghiêm khắc như thế nào. Paige gần như khóc. - Tôi không thể nói tôi cám ơn… - Đừng nói thế, - Ông gạt đi. Paige im lặng rồi như chợt nhớ ra điều gì. - Ông nói chuyện với John Cronin khi nào? - Cái gì? - Ông nghe thấy rồi còn gì. Ông nói chuyện với John Cronin khi nào? - Khi nào á? Cô nói chậm rãi. - Chưa bao giờ ông gặp John Cronin cả. Thậm chí ta còn không biết tên ông ấy. Trên môi Barker thoáng hiện nụ cười. - Đúng. Nhưng ta biết cô. Paige nhoài về phía trước vòng tay quanh người ông. - Đừng uỷ mị thế. - Ông nói. Rồi ông nhìn Jason. - Thỉnh thoảng cô ấy lại yếu đuối thế đấy. Cậu hãy quan tâm hơn đến cô ấy, nếu không cậu phải trả lời trước tôi đấy. Jason nói: - Xin ông đừng lo. Tôi sẽ làm như vậy. Paige và Jason cưới nhau ngay hôm sau. Bác sĩ Barker là người chủ hôn của họ. Chương Kết Daige Curtis mở phòng khám tư và được bệnh viện NorthShore dan tiếng mởi cộng tác. Paige dùng một triệu đô-la của John Cronin để thành một một quỹ y tế mang tên cha cô tại châu Phi. Lawrence Barker cùng làm việc với Paige trong tư cách là một cố vấn kỹ thuật. Arthur Kane bị hội đồng y tế California tước giấy phép hành nghề. Jimmy Ford đã hoàn toàn bình phục và cưới Betsy. Họ đặt tên con gái đầu lòng là Paige. Honey Taft đến sống ở Iceland với Sean Reilly và làm y tá ở Dublin. Sean Reilly là một hoạ sỹ thành đạt và chưa thấy có dấu hiệu của AIDS. Mike Hunter bị kết án về một vụ cướp có vũ khí và vẫn đang chịu án. Alfred Turnes hành nghề ở Đại lộ Công Viên và rất thành đạt. Benjamin Wallace bị cách chức Giám đốc bệnh viện Embarcadero. Laurence Harrison cưới thần tượng tennis của cô ta. Lou Dinetto bị phạt mười lăm năm tù vì tội trốn thuế. Ken Mallory bị kết án tù chung thân. Một tuần sau khi Dinetto vào trại giam người ta tìm thấy Mallory bị đâm chết trong xà lim của hắn. Bệnh viện Embarcadero vẫn ở đó chờ một trận động đất khác. Dịch Thuật: Phạm Hương Trà Hết Ký Ức Nửa Đêm Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương Kết Mở Đầu KHU CỬU LONG, THÁNG 5 - 1949 - Phải như một tai nạn. Anh có thể bố trí được không? Thật là một điều nhục nhã. Hắn cảm thấy tức giận sôi lên. Câu hỏi đó ông ta có thể hỏi những thằng đâm thuê chém mướn ngoài phố. Và hắn đã định trả lời một cách mỉa mai: Vâng, tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như vậy. Ông có muốn một tai nạn ngay trong nhà không? Tôi có thể cho cô ta gãy cổ, rớt xuống thang máy. Như vụ, vũ nữ Marseilles. Hay, cô ta có thể uống rượu say rồi chết đuối trong bồn tắm. Như người đàn bà thừa kế ở Gstaad. Cô ta có thể uống bạch phiến quá liều. Hắn đưa ra ba cách như vậy. Hoặc cô ta có thể ngủ thiếp trên giường với một điếu thuốc cháy dở. Như nữ thám tử Thuỵ Điển trong khách sạn bên bờ sông ở Paris. Hoặc, có thể ông thích một kiểu gì đó ngoài đường. Tôi có thể dàn dựng một tai nạn xe cộ, một vụ máy bay rơi, hay một vụ mất tích ngoài biển. Nhưng rồi hắn lại chẳng nói những điều đó, vì sự thực hắn sợ cái con người đang ngồi trước mặt hắn. Hắn đã nghe nói quá nhiều chuyện đáng sợ về con người này, và hắn có nhiều lý do để tin vào cảm giác của mình. Cuối cùng hắn chỉ nói: "Vâng, thưa ông, tôi có thể dựng một tai nạn. Sẽ chẳng ai biết gì hết". Ngay khi hắn vừa thốt ra những lời đó, một ý nghĩ thoáng hiện ra trong đầu hắn: Thằng cha này biết rằng ta sẽ biết. Hắn đợi. Cả hai người, đang ở trên lầu hai một toà nhà lớn trong thành phố Cửu Long bọc kín bởi những bức tường do một người Trung Hoa ở đây xây từ năm 1840 để bảo vệ thành phố chống bọn Anh man rợ. Những bức tường này đã bị đổ nát nhiều trong chiến tranh thế giới lần thứ hai nhưng còn có những bức tường khác, ngăn bọn ngoại bang không vào được: Đó là các toán chuyên giết người cắt cổ, bọn nghiện ngập ma tuý, và cướp bóc lang thang qua các phố chật hẹp, quanh co, đông đúc, đó là các tốp người tụ tập tại các cầu thang tối tăm dẫn đến những nơi u ám. Người ta phải thông báo cho các khách du lịch nên xa lánh những nơi này, và ngay cả những tên cớm cũng chẳng dám bén mảng vào trong các thành phố Tung Tau Tshen, mà chỉ dám mon men bên ngoài. Qua cánh cửa sổ, hắn có thể nghe được những tiếng ồn ngoài phố, và cả các giọng the thé hay khàn khàn, các thứ tiếng của cư dân sống tại thành phố nhiều bức tường này. Con người với đôi mắt lạnh sắc như mảnh chai, đang nhìn hắn với vẻ thăm dò. Mãi sau ông ta mới nói: "Rất tốt, tôi để anh tự quyết định phương pháp". - Vâng, thưa ông. Thế mục tiêu đang ở đây, Cửu Long phải không? - London, tên cô ta là Catherine. Catherine Alexander. Một chiếc xe kiểu limousine, bám theo sau là một chiếc xe con khác trên đó có hai tên vệ sĩ đầy đủ súng đạn, họ đưa người đàn ông nói trên đến Ngôi Nhà Xanh ở Lascar Row, khu Tsim Sha Tsui. Ngôi nhà này chỉ mở cửa đón những ông chủ đặc biệt. Các vị nguyên thủ quốc gia, các ngôi sao chiếu bóng, và các vị chủ tịch của tổng công ty thường lui tới đây. Người quản lý ngôi nhà lấy làm tự hào về sự thận trọng này: Khoảng sáu năm trước đây, một trong các cô gái làm việc tại ngôi nhà đã nói chuyện với một nhà báo về các vị khách của cô ta, và sáng hôm sau, người ta thấy cô nằm chết ở Cảng Aberden, lưỡi bị cắt. Trong ngôi Nhà Xanh này, mọi thứ đều để bán: Sự trinh tiết, các cậu con trai, các cô đồng tính luyến ái tự thoả mãn với nhau không cần cái "của quý" của đàn ông, và cả súc vật cũng bán được. Chỉ có ở nơi đó, người ta mới bán nghệ thuật của Ishimpo thế kỷ thứ 10 còn lại là như thế nào. Ngôi Nhà Xanh là một biểu tượng tràn trề cho những lạc thú bị cấm đoán. Người đàn ông lần này yêu cầu hai cô phục vụ. Họ là một đôi rất thích hợp, với những khuôn mặt xinh đẹp, thân hình tuyệt mỹ, và không có ức chế. Ông nhớ lại lần trước đến đây… cái ghế đẩu sắt không có đế ngồi với những ngón tay và đầu lưỡi mơn trớn nhẹ nhàng, với cái thùng tắm đổ đầy nước ấm ngọt ngào tràn ra cả sàn nhà lát gạch và miệng các cô gái ấy đã rà soát toàn bộ thân thể ông. Ông cảm thấy khoái lạc trào dâng. "Đã đến rồi, thưa ngài". Ba tiếng đồng hồ sau, khi đã làm xong mọi việc với các cô gái, thoả mãn và hài lòng, người đàn ông ra lệnh cho chiếc limousine quay mũi xe về đường Mody. Ông nhìn qua cửa kính, ánh đèn lấp lánh của cái thành phố không bao giờ ngủ. Người Trung Hoa gọi nơi đây là Cửu Long - chín con rồng, và ông hình dung những con rồng đó đang nấp khuất sau những ngọn núi trên cao, sẵn sàng bay xuống phá tan đi sự hèn yếu và bất cẩn… Họ đã tới đường Mody. Nhà tu hành đạo Lão đang đợi ông ta. Trông nhà tu giống một hình vẽ trên tấm da thời da cổ, với chiếc áo dài đã nhạt màu của người phương đông xưa, và bộ râu dài đã bạc nhưng được vuốt một cách cẩn thận. - Jou sahn! - Jou sahn! - Gei do chi! - Yat-chihn! - Jou. - Nhà tu nhắm mắt, lâm râm cầu kinh và bắt đầu lắc ống thẻ, một cái ống bằng gỗ đựng đầy những thẻ đánh số. Một chiếc thẻ rơi ra, ông ta thôi không lắc nữa. Trong yên lặng ông tra số thẻ trong cuốn sách và ngước nhìn vị khách. Nhà tu nói một thứ tiếng Anh nhát gừng: "Thánh dạy rằng ngài sắp được thoát khỏi một kẻ thù nguy hiểm". Người đàn ông sửng sốt một cách vui mừng. Ông ta quá lạc quan nên không nhận ra rằng nghệ thuật gieo quẻ chỉ là một sự mê tín. Và ông ta cũng quá lạc quan để không biết đến điều đó. Hơn nữa, đó cũng là một lời tiên đoán may mắn. Hôm nay là ngày thánh Constantin Agios, ngày của ông ta. "Các thánh đã phù hộ ngài sống lâu". "Do jich" "Hou wah" Năm phút sau, lại ngồi vào chiếc xe limousine trên đường đi Kai Tak, sân bay Hongkong, ở đó đã có một chiếc máy bay riêng đang đợi để đưa ông về Athens. Chương 01 IOANINA, HY LẠP THÁNG 7-1948 Đêm nào, nàng cũng nằm mơ, la hét rồi tỉnh dậy. Nàng cảm thấy như đang lênh đênh ở giữa mặt hồ rộng lớn trong cơn giông tố khủng khiếp, có một người đàn ông và một người đàn bà đang đè đầu nàng dìm xuống nước băng giá để cho nàng chết đuối. Mỗi lần bừng tỉnh như vậy tâm hồn hoảng loạn, nàng cố lấy lại hơi thở và mồ hôi toát ra đầm đìa. Nàng không biết nàng là ai và nàng không còn trí nhớ về dĩ vãng. Nàng nói tiếng Anh - nhưng nàng cũng chẳng biết nàng là người nước nào và vì sao nàng lại đến đây, đất Hy Lạp này, sống trong tu viện Carmelite nhỏ bé, nơi đã che chở cho nàng. Rồi thời gian cứ trôi đi, những ký ức quá khứ cứ thoáng hiện như nhử trêu nàng, những ý nghĩ mơ hồ, những hình ảnh mờ ảo hiện lên rồi lại tan đi nhanh chóng không cho nàng tóm chặt được nó, giữ nó và ngắm nghía nó. Những hình ảnh đó xuất hiện đột nhiên ở một lúc nào đó chộp vào đúng lúc nàng không có chút đề phòng, và làm nàng lẫn lộn hết cả. Lúc mới đầu, nàng còn tự đặt ra những câu hỏi. Các bà xơ ở Carmelite rất tử tế và hiểu nàng nhưng hình như họ được lệnh phải im lặng, và chỉ có một người được phép nói với nàng là Xơ Theresa, người nhiều tuổi nhất và là Mẹ Bề trên yếu đuối. - Xơ có biết con là ai không? - Không, con của ta ạ, - Xơ Theresa trả lời. - Làm sao con lại được đến nơi đây? - Ở chân những quả núi kia có một cái làng tên là Ioanina. Con ở trong một con thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt hồ khi trời giông bão, cái năm ngoái ấy. Con thuyền đang chìm nhưng nhờ ơn Chúa, hai trong các xơ của con đã thấy và cứu sống con. Họ đã mang con về đây? - Nhưng… trước đó, con từ đâu đến hở Xơ? - Xin lỗi con, ta không biết. Nàng không thể thoả mãn với những điều đó. - Đã có ai hỏi gì về con? Đã có người nào muốn tìm con? Xơ Theresa lắc đầu. - Không có ai cả, con ạ. Nàng muốn oà khóc vì thất vọng. Nàng lại cố nhớ một lần nữa. - Báo chí… họ phải có chuyện về việc ta mất tích. - Như con biết. Chúng ta không được phép liên hệ với thế giới bên ngoài. Chúng ta phải theo ý của Chúa, con ạ. Chúng ta phải cám ơn Người về những ban ơn của Người. Con còn sống. Và đó là tất cả những gì mà nàng có thể biết được. Thời gian đầu, nàng quá yếu đuối để có thế hiểu được những điều đã xảy ra với mình, nhưng dần dà, sau nhiều tháng qua đi, nàng đã lấy lại được nghị lực và sức khỏe. Khi nàng đã khỏe hơn để có thể đi loanh quanh, suốt ngày nàng cúi mình trong khu vườn đầy hoa thuộc phần đất của tu viện, dưới ánh sáng ấm cúng đã toả khắp Hy Lạp như trong một thiên đường huyền ảo, với cả những làn gió nhẹ thổi qua, mang theo hương vị thơm ngon của những quả chanh và những chùm nho. Bầu không khí ở đây thật thần tiên và tĩnh mịch, tuy vậy nàng vẫn cảm thấy không yên. Ta đã bị lạc, nàng nghĩ vậy và chẳng ai chú ý. Tại sao? Ta có làm điều gì độc ác chăng? Ta là ai? Ta là ai? Ta là ai? Những hình ảnh lại tiếp tục xuất hiện, không theo một đòi hỏi nào cả. Một buổi sáng, nàng chợt tỉnh vì nhìn thấy mình trong buồng với một người đàn ông trần truồng đang cởi quần áo nàng. Phải chăng là một giấc mơ? Hay có điều gì đã xảy ra trong quá khứ đối với nàng? Người đàn ông đó là ai? Có phải rằng nàng đã lấy một người nào đó trước đây? Nàng đã có chồng rồi ư? Nàng không mang nhẫn cưới. Trong thực tế nàng không có một sở hữu gì khác ngoài những lệnh theo thói quen ở Carmelite mà Xơ Theresa đã ban cho nàng, một cái ghim cài áo, một con hoàng anh có đôi mắt mầu ngọc bích và sải cánh rộng. Nàng chỉ là một người vô danh, một người lạ sống giữa những kẻ lạ. Chẳng có ai giúp đỡ nàng, không có nhà nghiên cứu tâm thần nào có thể bảo cho nàng rằng trí óc của nàng đã bị rối loạn, và chỉ có thể yên ổn nếu ngăn cách hẳn với quá khứ khủng khiếp. Và rồi những hình ảnh lại đến, nhanh hơn và nhanh hơn. Cứ như là trí óc của nàng tự dưng rơi vào một trò chơi ghép hình vĩ đại, với các tấm hình rời rạc phải xếp vào đúng chỗ của nó. Nhưng những tấm hình này chẳng có nghĩa gì cả. Nàng như thấy một cảnh trường quay chật những người mặc quân phục. Họ như đang chuẩn bị làm một cuốn phim. Ta có là một diễn viên không? Một người lính đưa cho nàng một bó hoa. Cô phải trả tiền cho những bông hoa này đấy nhé, anh ta cười. Sau đó hai đêm, nàng lại mơ về cùng một người đàn ông. Nàng đã chào tạm biệt người đó tại sân bay, và khi tỉnh dậy, nàng đã thổn thức vì đã để mất ông ta. - Không còn có những giấc mơ thanh bình những lần sau đó. Toàn là mộng mị. Đó là những mảnh vụn của đời nàng, quá khứ của nàng. Ta phải tìm ra ta là ai. Hiện ta là ai. Và vào lúc nửa đêm, đột nhiên, một cái tên lóe ra trong tiềm thức nàng - Catherine - tên mình là Catherine Alexander. Chương 02 ATHENS, HY LẠP Vương quốc của Constantin Denmiris không thể xác định trên bất cứ một tấm bản đồ nào cả, thực vậy, ông là người cai quản một lãnh địa còn rộng lớn và mạnh hơn nhiều quốc gia. Ông là một trong vài ba người giàu có nhất thế giới và ảnh hưởng của ông thì không thể tính được. Ông không có chức danh hay chức vụ nào chính thức nhưng ông thường mua và bán cả thủ tướng, cả các hồng y giáo chủ, các vị đại sứ và cả các vị vua. Mạng lưới tay chân của ông có ở khắp mọi nơi, đan kết bằng những sợi dây quan hệ ngang dọc trong hàng chục quốc gia. Ông là người có phép màu nhiệm, có một trí thông minh sắc bén nổi bậc, có sức mạnh tấn công về thế lực có chiều cao hơn mức trung bình khá nhiều, với bộ ngực nở nang và hai vai vuông vắn. Nước da ông ngăm ngăm nâu và ông có cái mũi Hy Lạp to tướng với đôi mắt màu xanh ô liu. Ông có bộ mặt như mặt con chim ưng, một loài chim chuyên bắt mồi. Khi ông đã quyết gạt bỏ đi những bối rối, Denmiris tỏ ra cực kỳ cuốn hút người khác. Ông nói được 8 thứ tiếng và là người kể chuyện đáng được ghi nhận. Ông có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quan trọng nhất thế giới, một đôi máy bay riêng và hàng tá ngôi nhà, lâu đài và vi la rải rác khắp địa cầu. Ông còn là người sành về sắc đẹp, và khi đã thấy những người đàn bà đẹp thì họ thường không cưỡng nổi được. Ông đã nổi danh là một người tình có sức mạnh, và những phi vụ lãng mạn của ông cũng đầy màu sắc như những cuộc phiêu lưu kinh tế của ông vậy. Constantin Denmiris tự hào là một người yêu nước - ngọn cờ Hy Lạp xanh và trắng luôn được treo trước cửa vi la của ông ở Kolonaki và Psara, cái đảo riêng của ông - nhưng ông lại không phải trả tiền thuế. Ông không cảm thấy tự buộc mình vào những luật lệ quy định cho những con người thông thường. Trong huyết mạch của ông có một dòng máu - dòng máu của chúa. Gần như, hễ một ai đã gặp Denmiris đều muốn ở ông một điều gì: tài trợ cho một dự án kinh doanh; hoặc đơn giản chỉ là nương nhờ ở quyền lực của ông qua tình bạn. Denmiris thích thú với sự thách thức nơi ông khi hình dung được một con người nào đó thực sự là người thế nào và rất ít khi ông suy nghĩ sẽ xảy ra điều gì sau này. Trí óc phân tích của ông luôn hoài nghi sự thật bên ngoài, nên ông không tin cả vào những gì ông đã nói ra và cũng chẳng tin tưởng vào ai. Khẩu hiệu của ông là "Với bạn bè phải gần gũi, nhưng với kẻ thù phải gần gũi hơn". Các phóng viên muốn tìm hiểu về cuộc đời ông chỉ thấy được tính ôn hoà và sự hấp dẫn của ông, một con người tinh tế và tao nhã. Họ không có nguyên cớ gì để ngờ vực rằng đằng sau vẻ ngoài đáng mến đó. Denmiris là một tên giết người, một tên du côn đểu cáng mà bản chất đó đã đi vào máu của ông. Ông còn là một người không bỏ qua một điều gì, không bao giờ quên một chi tiết nhỏ nhặt nào. Theo ngôn ngữ cổ Hy Lạp, từ "dikaisini" là công lý thì có cùng nghĩa với "ekdikisi" là trả thù và Denmiris bị ám ảnh bởi hai từ ấy ông nhớ những từng điều sỉ nhục mà ông đã phải chịu đựng và những ai chẳng may gây ra nó cho ông, thì ông đáp lại ngay gấp một trăm lần hơn thế. Những người đó không bao giờ hiểu được điều ấy, vì cái đầu óc toán học của Denmiris thường chơi trò báo thù rất chính xác, ông kiên trì giăng ra những cái bẫy gài sẵn và còn tạo ra những mạng nhện dày đặc, những sợi dây phức tạp để cuối cùng sẵn sàng vồ lấy mồi và tiêu diệt kẻ thù mau lẹ. Ông rất thích thú ngồi hàng giờ để nghĩ ra những cái bẫy cho những kẻ thù của mình. Ông thường nghiên cứu những nạn nhân của mình rất cẩn thận phân tích cá tính họ, đánh giá mặt mạnh và mặt yếu của họ. Trong bữa tiệc một tối nọ. Denmiris đã nghe lỏm rằng một tay sản xuất phim nào đó đã coi ông là "một tên Hy Lạp nịnh bợ". Denmiris giận lắm, đợi thời cơ. Hai năm sau, tay sản xuất phim kia đã ký hợp đồng với một nữ tài tử nổi tiếng quốc tế, có sắc đẹp quyến rũ để đóng trong một bộ phim với ngân quỹ rất lớn do ông ta bỏ tiền để sản xuất. Denmiris đợi đến khi cuốn phim đã hoàn thành một nửa, rồi ông mới quyến rũ cô diễn viên chính ấy bỏ làm phim và cùng ông đi bơi thuyền. - Sẽ có một tuần trăng mật! - Denmiris nói với cô ấy. Quả là cô ta đã được hưởng tuần trăng mật nhưng lại không có đám cưới. Cuốn phim cuối cùng phải đình lại và nhà làm phim này bị phá sản. Cũng có vài tay chơi trong các trò chơi của Denmiris mà với những tay này, ông chưa thắng ngay, nhưng ông không vội vàng. Ông còn vui thích với việc tiên đoán diễn biến, lên kế hoạch, hành động và thực hiện ý đồ của mình. Giờ đây ông không còn kẻ thù nào nữa, vì không còn ai chịu làm kẻ thù cho ông, nên những nạn nhân chỉ còn là những kẻ đã dám cả gan cản đường ông trong quá khứ. Cái ý nghĩa "dikaiosim" của Constantin Denmiris có hai mặt. Một mặt ông không hề quên một cái gì là bất nhân mặt khác ông cũng không quên một cái gì là ơn huệ. Một ngư phủ nghèo nhưng vẫn tạo ra cho thằng bé được mình cưu mang cảm thấy nó là chủ của chiếc thuyền của mình. Một cô gái điếm đã nuôi và may sắm quần áo cho một chú thanh niên khi chú ta quá nghèo không có tiền trả cho cô, nhưng cô ta lại lặng lẽ nhận thừa kế một ngôi nhà nhiều buồng mà chẳng cần suy nghĩ ai là người cô phải mang ơn. Denmiris là con một người làm nghề bốc vác ở cảng Piraeus. Nhà ông có 14 anh chị em cả thảy và chẳng bao giờ trong nhà có thức ăn trên bàn cho con cái. Thoạt đầu, Constantin Denmiris đã tỏ ra có một thiên bẩm về công việc. Anh kiếm tiền thêm khi tan học về, đi làm các việc phụ, và khi 16 tuổi, anh đã tiết kiệm đủ tiền để mở một quầy bán thực phẩm ở ngoài cảng với một người bạn làm ăn nhiều tuổi. Công việc cứ nở rộ như hoa nhưng người bạn già kia lại lừa mất một nửa lợi nhuận. Phải mất mười năm Denmiris mới khử được người đó. Cậu thanh niên sôi sục lên vì tham vọng mãnh liệt. Đêm anh nằm không ngủ được, đôi mắt long lanh trong bóng tối. Ta sắp giàu có rồi. Ta sắp nổi tiếng rồi. Một ngày kia đứa nào cũng sẽ biết tên ta. Chỉ có thốt ra những lời như vậy mới làm anh ngủ được. Anh không có ý nghĩ làm thế nào để đạt được như vậy. Anh chỉ nghĩ rằng nó phải như vậy. Vào ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 17 của mình, anh đọc một bài báo về những vùng dầu ở Ả-rập và nó như cánh cửa thần đi đến tương lai đã mở ra trước anh. Anh đến gặp bố. - Con sắp đi Ả-rập Saudi. Con sắp làm việc ở vùng dầu. - Too-son! Mày biết gì những vùng dầu mỏ? - Con chẳng biết gì, bố ạ. Con sẽ học. Một tháng sau, Constantin Denmiris lên đường. Thủ tục của Công ty Dầu mỏ liên lục địa đối với các công nhân nước ngoài là chỉ ký hợp đồng thuê mướn hai năm, nhưng Denmiris không nản lòng về điều đó. Anh lập kế hoạch sẽ ở Ả-rập Saudi tới bao giờ mà anh có của thì thôi. Anh đã mường tượng một cuộc phiêu lưu ngoạn mục trong những đêm Ả-rập, một miền đất quyến rũ, bí ẩn với những người phụ nữ đẹp một cách lạ lùng, và vàng đen khi hút lên sẽ chảy tràn mặt đất. Thực tế quả là một chấn động mạnh đối với anh. Vào một buổi sáng sớm mùa hè, Denmiris đã đến Fadili, một trại buồn tẻ ở giữa sa mạc, có một ngôi nhà bằng đá xấu xí vây quanh bởi những bụi cây barasti nhỏ bé. Có khoảng một nghìn công nhân loại mạt hạng sống ở đó, phần lớn là người Saudi. Những phụ nữ đi chân đất qua những dãy phố bụi bặm và không lát nhựa đều che mạng kín mặt. Denmiris đi vào ngôi nhà có văn phòng làm việc của ông J.J. McJntyre, người phụ trách nhân sự của công ty. Ông McJntyre nhìn người thanh niên đang đi vào cơ quan: - Thế bên nước cậu đã mướn cậu à? - Vâng ạ, thưa ông! - Thế đã nằm ở vùng dầu nào chưa, cậu con trai? Nghĩ một lát, Denmiris đã định nói dối. Nhưng ông trả lời: - Dạ chưa ạ. McJntyre nhăn mặt. - Cậu chắc thích nợi đây lắm hả? Xa mọi nơi hàng ngàn dặm, ăn uống kém, không có phụ nữ cho cậu sờ nắn nếu cậu không muốn chặt bỏ hai hòn của cậu đi, và không có cái đồ chết tiệt đó để làm ban đêm đâu. Nhưng lương trả thì tốt, được đấy? - Tôi đến đây để học, - Denmiris nói một cách nghiêm chỉnh. - Ề! Rồi ta sẽ nói cho cậu điều gì cậu sẽ học được nhanh nhất. Hiện cậu ở một nước Hồi giáo hả. Nghĩa là không uống rượu chứ. Kẻ nào mà ăn cắp ăn nẩy thì phải chặt tay phải. Lần thứ hai tay trái. Lần thứ ba, mất một bàn chân. Nếu mà cậu giết người thì cậu sẽ bị mất đầu. - Tôi không có ý định giết ai cả. - Đợi đấy - Mac Jntyre lầm bầm - Cậu mới đến đây thôi. Tổng thể kiến trúc ở đây là một toà nhà Babel, người ta đến đây từ hàng chục nước khác nhau, nên họ nói ngôn ngữ riêng của họ. Denmiris tai rất nhạy và có thể nhanh chóng học được các thứ tiếng. Bọn đàn ông đến đây để làm đường giữa một sa mạc không mến khách chút nào, hoặc xây nhà, lắp điện, đặt điện thoại, xây xưởng sản xuất, lắp đặt hệ thống cấp nước và cung cấp thực phẩm, thiết kế hệ thống cống rãnh, cơ sở y tế, và dường như đối với cậu Denmiris trẻ tuổi, có hàng trăm việc khác có thể làm được. Họ phải lao động trong điều kiện nhiệt độ lên đến trên bốn mươi độ C, chịu đựng nạn ruồi muỗi, bụi bặm và lại còn sốt rét và ỉa chảy. Ngay trong sa mạc, cũng có một sự phân biệt đẳng cấp xã hội. Trên cao là các nhân viên xác định vị trí có dầu, và dưới là các công nhân lao động gọi là bọn phu - và các nhân viên thư ký được gọi là bọn "quần bóng" Gần một nửa bọn đàn ông tham gia vào việc khoan - các nhà địa chất, các nhân viên giám thị, các kỹ sư và các nhà hoá dầu - họ đều là người Mỹ, vì là cái máy khoan quay đã được phát minh ở Mỹ và người Mỹ thì rất quen thuộc với công việc này. Cậu thanh niên đi ra để làm quen với họ. Constantin Denmiris tranh thủ càng lâu càng tốt để gần bọn thợ khoan và không ngừng hỏi han. Anh ta bắt đầu biết giữ lại những thông tin, tiếp thu cái thông tin đó theo kiểu như là cát nóng bỏng hút nước vậy. Anh đã nhận ra rằng người ta dùng hai phương pháp khoan khác nhau. Anh ta mon men gần một trong những tay thợ khoan đang làm ở một giàn khoan khổng lồ sâu tới 130 bộ. - Tôi không hiểu tại sao lại áp dụng hai cách khoan khác nhau. Tay thợ khoan giải thích. - Tốt, cu cậu ơi, một kiểu dùng dây cáp, một kiểu quay. Bọn tao bây giờ làm theo kiểu quay nhiều hơn. Họ đều bắt đầu như thế cả mà. - Họ làm vậy hở anh? - Ừ. Vì một khi mà đã dựng được một giàn khoan như cái này, người ta phải lắp lên những chi tiết thiết bị để hạ sâu xuống giếng. - Tay thợ nhìn vào bộ mặt hăm hở của cậu thanh niên. - Tao đố mày có ý kiến vì sao lại gọi là giàn khoan đấy? - Em chịu, ông anh ạ. - Đó là tên một tay bị treo cổ nổi tiếng ở thế kỷ 19. - Thế à? - Sau này người ta mới khoan bằng dây cáp. Hàng trăm năm trước, người Trung Hoa đã đào giếng nước kiểu đó. Họ đục một lỗ ở trên mặt đất bằng cách nâng lên và hạ xuống một dụng cụ cắt gọt nặng treo trên một sợi cáp. Nhưng ngày nay khoảng 85% các giếng đều được đào theo phương pháp quay. Anh quay đi, định về nơi khoan dầu của anh. - Xin lỗi. Thế phương pháp quay thì hoạt động thế nào hở anh. Tay thợ dừng lại. - Được, thay vì phải chọn mãi mới được cái lỗ trên mặt đất, bây giờ chỉ việc khoan một lỗ cái. Mày thấy chưa? Ở giữa giàn khoan, có một bàn quay bằng thép quay được do một máy khác. Bàn quay này kẹp chặt và làm xoay một cái ống nối dài xuống dưới. Ở đầu dưới cùng của cái ống, còn có một chỗ còn có thể vặn ra được. Nghe tưởng đơn giản, phải không? Trông thế thôi, chứ phức tạp lắm đấy. Phải có cách moi cái chất đã bị nhão lên khi khoan. Phải đề phòng không cho cái bức thành tạo thành hốc và lại còn phải đánh dấu nước và khí lấy lên từ giếng. - Với cái kiểu khoan như vậy, thế mũi khoan có bao giờ bị cùn không anh? - Có chứ, nên đôi khi, chúng ta phải kéo cả dây khoan chết tiệt ấy lên, lắp cái mũi khoan mới vào đầu ống khoan rồi lại hạ xuống đáy lỗ khoan. Thế chú mày có ý định thành thợ khoan không đấy? - Không, anh ạ. Em còn muốn có một giếng dầu riêng cơ? - Xin chúc mừng. Thôi nhé, tao về làm việc đây. Một buổi sáng, Denmiris xem một trục khoan đang hạ xuống giếng, nhưng đáng lẽ cái trục khoan phải khoan xoáy xuống, nhưng lại thấy nó cắt một khoanh tròn ở thành hố và mang lên một mẩu đá. - Xin lỗi. Cái mũi khoan nó làm như vậy để làm gì? - Denmiris hỏi. Tay thợ khoan dừng lại, lau trán. - Đó là khoan thành giếng. Chúng tao dùng cái cục đá này để phân tích, xem nó có chứa dầu trong đó không! - À em hiểu rồi. Khi mọi việc trôi chảy, Denmiris lại nghe thấy tay thợ khoan kêu to lên "Tôi đang quay sang phải" - như thế có nghĩa là họ đang khoan một cái hố. Denmiris nhận thấy rằng có hàng chục hố nho nhỏ đã khoan trên khắp vùng, với đường kính khoảng từ hai đến ba inch. - Xin lỗi. Nhưng hố đó để làm gì thế ạ? - Cậu thanh niên hỏi. - Đó là những giếng thăm dò, cho chúng ta biết dưới đó có cái gì. Như vậy thiết kiệm được cho công ty nhiều tiền và đỡ mất thời gian. - Em hiểu. Mọi cái đều làm mê mẩn cậu thanh niên và cậu vẫn cứ muốn hỏi. - Xin lỗi. Làm sao anh biết nên khoan ở chỗ nào? - Chúng tao có nhiều nhà địa chất - còn gọi các con pupé nhỏ bé - họ đo đạc các địa tẩng và nghiên cứu các mẫu lấy từ giếng khoan. Rồi đến bọn cổ cuốn thừng. - Xin lỗi anh, "cổ cuốn thừng" là gì hở anh? - Thợ khoan. Khi họ… Constantin Denmiris làm việc từ sáng sớm đến khi mặt trời lặn, kéo các đống dây qua các bãi sa mạc nóng bỏng, lau chùi thiết bị, và lái các xe kéo ngang, qua những cột lửa bốc lên từ những mỏm đá. Các ngọn lửa đó cháy ngày đêm làm tan đi các khí độc. Ông McJntyre đã nói với Denmiris những sự thật. Đồ ăn uống ở đây rất tồi, điều kiện sống thì khủng khiếp, và ban đêm chẳng có gì để làm. Còn tồi hơn Denmiris cảm thấy như thể một lỗ chân lông trên mình, đều chứa đầy các hạt cát. Sa mạc vẫn sống và không có đường để chạy trốn. Cát lọt cả và trong lều và chui vào quần áo, và cả cơ thể con người đến mức anh nghĩ khéo mình phát rồ mất. Và rồi, tình hình còn tệ hơn nữa. Cái xe kéo shamal. Bão cát thổi suốt ngày trong cả một tháng, tiếp theo là những cơn gió rít với một sức mạnh đủ để làm người ta phát điên lên. Denmiris nhìn ra ngoài cửa sổ của cái lều barasti khi cát đang cuốn bên ngoài. - Liệu chúng ta có làm việc ở bên ngoài thế này không? - Mày nói đúng quá, Charlie ạ. Đó không phải là dòng nước khoáng cho sức khỏe con người. Xung quanh họ, người ta ra sức tìm kiếm dầu. Đã có những giếng mới ở Abu Hadriyad và còn có các giếng khác ở Qatif và các công nhân bị buộc làm việc bận rộn hơn bao giờ hết. Có hai người mới đến, một nhà địa chất người Anh và vợ ông ta. Herry Potter thì vào khoảng gần sáu mươi tuổi và vợ ông ta, bà Sybil thì mới độ ngoài ba mươi. Về một khía cạnh nào đó Sybil Potter được coi là cũng vừa mắt, một phụ nữ mập mạp có giọng nói vừa cao, vừa khó nghe. Ở Fadibi, bà ta là một người đẹp ngoại lệ. Vì ông Harry Potter thường hay phải xa nhà, đi thăm dò các vùng dầu mới, nên vợ ông phải ở nhà một mình. Cậu Denmiris trẻ tuổi được cử giúp bà ta đi lại trong khu nhà và cậu còn giúp bà ta cả trong công việc bố trí ăn ở. - Đây là nơi khốn khổ nhất trong đời tôi chưa thấy bao giờ - Sybil Potter phàn nàn với giọng nói trầm trầm của bà. - Ông Herry cứ luôn muốn tôi đi đến những nơi khủng khiếp như thế này. Tôi không biết làm sao tôi thoát được cảnh này? - Ông bà đang làm một công việc rất quan trọng. - Denmiris khẳng định với bà. Bà nhìn vào mắt người thanh niên hấp dẫn này một cách khác thường. - Ông nhà tôi không làm được cái việc mà ông phải làm. Anh có hiểu tôi muốn nói gì không? Denmiris biết rất rõ ý bà muốn nói gì. - Không thưa bà. - Tên anh là gì nhỉ? - Denmiris, thưa bà. Constantin Denmiris. - Thế các bạn anh gọi anh là gì? - Costa. - Ừ, Costa, tôi nghĩ rằng anh và tôi đang trở thành những người bạn rất tốt đấy. Chúng ta chắc chẳng có gì giống những người ở đây, có phải thế không? - Những người ở đây? - Anh biết đấy. Những người xa lạ. - Tôi phải về để làm việc. - Denmiris nói. Suốt mấy tuần sau, Sybil Potter cứ luôn kiếm cớ cho gọi người thanh niên đến. - Herry sáng nay lại đi rồi. - Bà nói với anh. - Ông ta đi để làm cái việc khoan điên rồ của ông ta. - Bà nói thêm một cách cay độc. - Ông ta đáng phải làm việc đó nhiều ở nhà thì phải. Denmiris không trả lời. Các nhà địa chất là những người quan trọng trong các cấp bậc ở công ty và Denmiris không có ý định dính dáng gì đến vợ của Potter và làm phân tán việc riêng của anh. Anh cũng không biết chính xác vì sao, nhưng anh biết không cần hỏi ai rằng cách này thì công việc anh đang làm chính là tấm thông hành tới mọi việc anh hằng mơ đến, dầu là tương lai và anh đã được định là một phần trong tương lai đó. Một lần vào lúc nửa đêm. Sybil Potter cho gọi Denmiris. Anh đi vào khu nhà bà và gọi cửa. - Vào đi! - Sybil đang mặc một cái áo ngủ mỏng dính và khốn thay nó chẳng che được gì hết. - Tôi đây - bà muốn gặp tôi ạ, thưa bà. - Ừ, vào đi, Costa. Cái đèn ngủ này hình như làm sao không sáng. - Anh lấy ra xem. - Không có bóng bên trong… - Và anh thấy thân thể bà ép sát vào lưng anh và hai bàn tay bà đang mò mẫm vào anh. - Bà Potter… Đôi môi bà đã kề sát môi anh và bà đã đẩy anh nằm trên giường. Và anh cũng không kìm hãm nổi những gì xảy ra sau đó. Quần áo anh đã tụt hết và anh đã đi sâu vào bà, bà rên lên vì sung sướng. - Thế đấy! Ôi, được, cứ thế. - Trời ơi, sao mà dai thế? Bà ôm ghì anh một lần cuối và run lên. - Ôi, cưng ơi, yêu cưng. Denmiris nằm đó sợ hãi. Tôi đã làm gì? Nếu ông Potter mà thấy thì tôi hết đời. Như bà đọc được ý nghĩ của anh, Sybil Potter gượng cười. - Đó là điều bí mật riêng của chúng ta, phải không, cưng? Điều bí mật riêng của họ còn tiếp tục mấy tháng sau nữa. Denmiris không có cách nào xa lánh được bà, và vì chồng bà cứ đi xa nhiều ngày đúng lúc công việc khai thác bận rộn của ông ta, Denmiris không làm sao nghĩ ra được cớ gì để khỏi leo lên giường bà. Không biết sau điều đó còn tệ hơn. Sybil Potter đã yêu anh như điên dại. - Anh thì quá giỏi với công việc làm ở nơi này như thế này, cưng ạ! - Bà bảo anh. - Anh và em sẽ trở về nước Anh thôi! - Nhà tôi là Hy Lạp. - Không nói thế nữa! - Bà vỗ vào thân hình dài và gầy của anh. - Anh sẽ trở về nhà với em. Em sẽ ly dị Herry và chúng ta sẽ lấy nhau. Denmiris tự nhiên có cảm giác sợ hãi. - Sybil, anh, anh không có tiền. Anh… Bà đưa đôi môi bà rà xuống ngực anh. - Không thành vấn đề. Em biết cách làm sao cho anh kiếm được tiền, anh yêu ạ. - Em làm được ư? Bà ta ngồi dậy trên giường. - Tối hôm trước Herry nói với em, ông mới tìm thấy một số vùng dầu mới. Anh biết không cái khoản đó thì ông ấy rất giỏi. Sao mà ông ấy khoái chí về việc đó thế. Ông ấy đã viết báo cáo trước khi đi và bảo em gởi đi vào túi thư sáng nay. Nhưng em còn để đây. Anh có muốn xem không? Tim Denmiris bắt đầu đập nhanh hơn. - Ừ, anh… anh muốn. Anh ngắm nhìn bà tụt xuống giường và lục lọi suốt ở góc một cái bàn nhỏ cũ kỹ. Bà lấy ra một phong bì bằng giấy mỏng nhưng dày và quay lại giường cùng cái phong bì đó. - Mở ra đi! Denmiris do dự tý chút. Anh mở phong bì, lôi ra tập giấy bên trong. Có 5 trang. Anh lướt qua rất nhanh, rồi quay lại từ đầu và đọc từng tờ một. Liệu thông tin này có giá trị không? Đó có phải là báo cáo về vùng dầu mới có thể trở thành một trong những vùng dầu mỏ giàu có nhất trong lịch sử không. Denmiris nuốt nước bọt. - Ừ. Có thể. - Đấy, cho anh đấy. - Sybil nói một cách mãn nguyện - Bây giờ chúng ta có tiền rồi. Anh gật đầu: - Không đơn giản thế đâu. - Tại sao không ! Denmiris giải thích: - Cái này chỉ có giá trị với ai có thể chọn một số khu đất xung quanh khu vực này. Nhưng cần nhiều tiền lắm. Anh chỉ có ba trăm đô la trong tài khoản của anh ở nhà băng. - Ồ đừng lo điều đó. Herry có tiền. Em sẽ viết một ngân phiếu. Liệu năm nghìn đô la có đủ không? Constantin Denmiris không tin nổi điều anh vừa nghe được. - Ừ. Anh… Anh không biết nói sao bây giờ. - Đó là cho cả hai chúng ta, cưng ạ. Vì tương lai chúng ta. Anh ngồi như vậy trên giường suy nghĩ bao nhiêu chuyện. - Sybil, em có thể giữ báo cáo này đến ngày mai hay ngày kia không? - Dĩ nhiên, được chứ. Em sẽ giữ nó tới thứ sáu. Như vậy có đủ thời gian cho anh không, cưng? Anh gật đầu chậm chạp: - Như vậy sẽ đủ thời gian cho anh. Với năm nghìn đô la mà Sybil cho không anh, đó không phải là một món quà, mà đó là tiền vay, anh tự nhủ. - Constantin Denmiris chọn mua một acre(1) đất quanh cái nơi có tiềm năng mới đó. Mấy tháng sau, khi cái giếng dầu tự nhiên bắt đầu phun cùng với vùng dầu chính, Constantin Denmiris đã nhanh chóng trở thành một nhà triệu phú. - Anh trả lại cho Sybil năm nghìn đô la, gửi cho bà một cái áo ngủ mới, và trở về Hy Lạp. Bà ta chẳng bao giờ còn gặp lại anh nữa. Chú thích: (1) 1 acre - 0,4047 ha. Chương 03 Có một lý thuyết nói rằng không có cái gì trong thiên nhiên mất đi cả - mỗi âm thanh phát ra, mỗi lời được nói lên, vẫn tồn tại đâu đây trong không gian và thời gian, và một ngày kỉa sẽ được nhắc lại. Trước khi người ta phát minh ra radio, có ai tin được rằng không khí quanh ta chứ đầy các âm thanh của âm nhạc, tin tức và tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới. Rồi sẽ có ngày, chúng ta có thể đi ngược thời gian để lắng nghe Bài diễn văn ở Gettlysburg của Lincoln, lắng tiếng nói của Sech-pia, lời thề trên Núi… Catherine Alexander, đã nghe được tiếng nói từ quá khứ của nàng, nhưng những tiếng nói ấy như câm lặng và rải rác, và làm đầu óc nàng đầy những sự việc lẫn lộn… - Cô có biết cô là một cô gái đặc biệt, Cathy? Tôi cảm thấy như vậy ngay từ lúc đầu tiên gặp cô. - Thế là hết, tôi muốn ly dị. Tôi đã yêu một người khác… - Tôi biết tôi đã đối xử không tốt như thế nào… Tôi muốn làm theo ý em! - Hắn cố tìm cách giết tôi. - Ai muốn giết cô? - Chồng tôi. Những tiếng nói đó vẫn không ngớt. Như một trận tra tấn Quá khứ của nàng như một ống kính lăng trụ vạn hoa với những hình ảnh luôn thay đoi cứ như đuổi bàt nhau qua tâm trí nàng. Tu viện là một nơi che chở yên bình và tuyệt vời, nhưng tự dưng trở thành nhà tù đối với nàng. Tôi không phải là người ở đây. Nhưng tôi thuộc về đâu? Nàng không có khái niệm gì cả. - Không có gương soi trong tu viện, nhưng bên ngoài gần vườn cây có một cái ao có thể phản chiếu hình ta. Catherine thận trọng tránh xa nơi đó, sợ rằng có cái gì không tốt có thể tiết ]ộ ra cho nàng. Nhưng buổi sáng hôm đó nàng đi qua ao, chậm rãi quỳ và nhìn xuống: Mặt nước ao chiếu lên một khuôn mặt đáng yêu của một phụ nữ da rám nắng, tóc đen, vẻ mặt nghiêm trang và không có một khuyết tật, đôi mắt nâu đựng đầy đau khổ… Nhưng có lẽ đó chỉ là một trò lừa dối của nước. Nàng nhìn thấy cái miệng độ lượng luôn tươi cười, và cái mũi hơi hếch lên nhè nhẹ một phụ nữ xinh đẹp đang độ hơn ba mươi tuổi. Nhưng là một phụ nữ không có quá khứ và không có tương lai. Một người phụ nữ thất lạc. - Tôi cần có ai giúp, Catherine suy nghĩ một cách thất vọng, tôi cần có một người để chuyện trò. Nàng đi đến phòng làm việc của Xơ Theresa. - Thưa xơ… - Con đấy à? - Con… nghĩ con muốn gặp bác sĩ. Con muốn có ai giúp con tìm ra con là ai? Xơ Theresa nhìn nàng một lúc lâu. - Con ngồi xuống. Catherine ngồi xuống chiếc ghế cứng kê trước cái bàn cổ, đầy vết xước Xơ Theresa nói lặng lẽ: "Con yêu quý, thượng đế là vị bác sĩ của con. Đúng là ngươi sẽ nói cho con Người muốn biết những điều đó. Hơn nữa, bên trong những bức tường này không có người ngoài nào được phép. Tự nhiên Catherine lại nhớ ký ức thoáng qua, hình ảnh lờ mờ về một người đàn ông đang nói với nàng trong vườn tu viện - đưa nàng một vật gì đó… nhưng rồi mọi cái lại biến đi. - Con không phải là người ở đây. - Thế con là người ở đâu? Và có vấn đề "Con không biết chắc. Con đang tìm kiếm một cái gì đó không ở đây. Hãy quên con đi, Xơ Theresa". Xơ Theresa đang chú ý tìm hiểu về nàng, nét mặt xơ đầy ưu tư: - Ta hiểu. Nếu con đi khỏi đây, thì con đi đâu? - Con không biết! - Để cho ta suy nghĩ một chút về việc đó, con ạ. Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau. - Cám ơn xơ. Khi Catherine đã xa, Xơ Theresa còn ngồi ở bàn làm việc một lúc lâu, mắt nhìn bâng quơ. Bà phải quyết định việc rất khó. Cuối cùng, bà lấy một mẩu giấy và một cây bút rồi bắt đầu viết. - Thưa ông - bà bắt đầu như vậy. - Có một điều xảy ra tôi cảm thấy rằng tôi phải lưu ý ông. Tình bạn giữa chúng tôi cho tôi biết rằng cô ấy muốn rời tu viện. Xin ông cho biết tôi phải làm gì. Ông đọc lại mấy dòng ấy một lần nữa, và ngồi dựa lưng vào ghế, phân tích những điều có thể rút ra được từ đó. Như vậy, Catherine Alexander muốn quay lại từ cái chết. Tệ quá.Ta phải theo dõi sát nàng. Cẩn thận. Thật cẩn thận đấy. Trước tiên là phải đưa nàng ra khỏi tu viện, Denmiris quyết định đã đến lúc phải đến thăm Xơ Theresa. Sáng hôm sau, Denmiris bảo lái xe đưa ông đi Ioanina. Khi xe đi qua miền quê, Constantin Denmiris nghĩ về Catherine Alexander. Ông nhớ lại nàng xinh đẹp biết ngần nào khi lần đầu ông đã gặp nàng. Nàng thật lộng lẫy vui nhộn, và lanh lợi, rất phấn khởi được ở Hy Lạp. Nàng đã từng có mọi thứ, Denmiris nghĩ vậy. Và rồi, các đấng thánh đã lấy đi sự yên vui. Catherine đã lấy một trong các phi công của ông, và đám cưới của họ đã trở thành một hình phạt trong đời họ. Cứ qua một đêm, nàng lại già di tới mười tuổi và nàng đã trở thành một kẻ nghiện rượu béo ị và xấu xí. Denmiris thở dài. Thật là phí hoài. Denmiris đã ngồi trong phòng làm việc của Xơ Theresa. - Tôi không muốn làm phiền ông về điều đó - Xơ Theresa xin lỗi, - nhưng vì con bé chẳng có nơi nào để đi và… - Xơ đã nói đúng, - Constantin Denmiris an ủi xơ - Có phải nó đã nhớ ra được một điều gì đó về quá khứ? Xơ Theresa lắc đầu. - Không, ông thân mến đáng thương ạ… - Bà đi qua cửa sổ, ở đó có mấy tu sĩ đang làm việc trong vườn. - Cô ta đi ra đây bây giờ. Constantin đi bên bà và nhìn qua cửa sổ. Có ba tu sĩ, đang quay lưng về phía ông. Ông đợi. Một tu sĩ quay mặt lại, và ông có thể nhìn thấy mặt người này, nhịp thở của ông nghẹn lại trong cổ. Nàng đẹp quá. Có điều gì đã xảy ra đối với người phụ nữ tàn tạ và béo này? - Cô ấy là người ở giữa. - Xơ Theresa nói Denmiris gật đầu. - Vâng. - Lời nói xơ Theresa thì thật hơn cả những cái gì bà đã biết. - Ông muốn tôi làm gì cho cô ấy? - Cẩn thận. Cho tôi nghĩ một tý. - Denmiris nói - Tôi sẽ còn gặp bà! Constantin Denmiris cần phải quyết định. Vẻ ngoài của Catherine Alexander đã làm ông sửng sốt. Nàng đã thay đổi hoàn toàn. Không ai có thể biết được rằng vẫn những phụ nữ đó, ông nghĩ. Và cái ý nghĩ đến trong đầu óc ông thì đơn giản một cách độc ác đến nỗi ông suýt nữa cười phá lên. Tốỉ hôm đó, ông đã gửi mấy chữ cho xơ Theresa. Thật lạ lùng, Catherine nghĩ. Một giấc mơ lại thành thật. Xơ Theresa đứng lại gần căn buồng bé nhỏ của nàng sau buổi lễ sáng. - Ta có một vài tin cho con, con ạ! - Dạ! Xơ Theresa chọn cẩn thận những từ để nói. - Tin rồi tốt. Ta viết thư cho một người bạn của tu viện về con, và ông ta muốn giúp con. Catherine cảm thấy tim nàng muốn giật thót lên: - Giúp con - thế nào ạ? - Có một vài việc ông ta muốn nói với con. Vì ông ta người rất tử tếvà độ lượng. Ông ấy muốn cho con rời tu viện. Và những lời đó làm cho cô tự nhiên run rẩy khắp người. Cô muốn được đi khỏi và đến một thế giới xa lạ mà cô không thể nhớ được. Và ai là người đã ban ơn cho ta? Mọi điều mà xơ Theresa muốn nói là: - Ông ấy là một người rất chu đáo. Con phải biết ơn. Xe của ông sẽ đến để đón con sáng thứ hai. Catherine không ngủ được suốt hai đêm hôm sau. Ý nghĩ được rời tu viện và đi đến thế giới bên ngoài đột nhiên làm nàng sợ hãi. Nàng cảm thấy trần trụi và lạc lõng. Có lẽ, tốt hơn hết là ta đi xa không còn biết ta là ai. Xin Chúa đoái hoài tới con. Vào hôm thứ hai, chiếc xe limousine đến đỗ ngoài cửa tu viện vào 7 giờ sáng. Catherine đã thức suốt đêm suy nghĩ về tương lai không biết ra sao. Xơ Theresa dẫn nàng ra cửa để đi ra thế giới bên ngoài. - Chúng ta sẽ cầu Chúa cho con. Hãy nhớ, nếu con quyết định quay về với chúng ta, con sẽ luôn luôn có một chỗ ở đây. - Xin cám ơn xơ. Con sẽ nhớ. Nhưng trong thâm tâm nàng, Catherine tin chắc nàng không bao giờ còn quay lại nữa. Cuộc hành trình dài từ Ioanina đến Anthens làm cho trong đầu Catherine đầy những cảm xúc mâu thuẫn xung đột nhau. Đó là điều vô cùng phấn khích được thoát khỏi cổng tu viện, là nỗi lo có một điềm gở gì đó về thế giới bên ngoài. Nàng liệu có nắm được điều khủng khiếp gì đã xảy ra trong quá khứ của nàng? Nàng phải làm gì qua những giấc mơ về quá khứ rằng có một người nào đó cố tình dìm chết nàng? Vào đầu buổi chiều hôm đó, họ đi theo con đường miền quê qua những cái làng nhỏ và cuối cùng đến vùng ngoại ô Anthens, và chẳng bao lâu họ đã ở giữa thành phố nhộn nhịp. Thành phố dường như hoàn toàn xa lạ và không có thực đối với Catherine - nhưng lại có cái gì quen thuộc một cách kỳ lạ với nàng. Hình như tôi đã ở đây thuở trước, Catherine thích thú nghĩ vậy. Người lái xe quay mũi xe về phía đông, và mười lăm phút sau, họ lên tới một ngôi nhà ở một vùng rộng lớn trên đồi. Họ cho xe đi qua một cổng sắt cao và mộ cửa vòm đá, tới một con đường ô tô dài hai bên trồng những cây bách diệp, xe dừng lại trước một villa kiểu Địa Trung hải, viền quanh bằng những bức tượng rất đẹp. Người lái xe mở cửa cho Catherine và nàng bước xuống. Một người đàn ông đang đứng đợi ở cửa trước. - Kalimehra. - Ông có phải… là người tôi đến để gặp không? - Dạ, không ạ, ông Denmiris đang đợi bà ở thư viện! Denmiris. Đó có phải là cái tên trước đây nàng đã từng được nghe. Làm sao ông ta lại quan tâm đến việc giúp đỡ ta? Catherine đi theo người đàn ông qua một gian phòng lớn hình tròn, có vòm mái làm bằng những tấm kính từ Wedgwood. Sàn nhà lát bằng đá mầu kem từ nước Ý. Phòng khách rất rộng, trên trần là các thanh dầm lớn và chỗ nào cũng có những đi-văng tiện nghi và thấp cùng với những cái ghế to. Một bức vẽ lớn sẫm mầu và rực rỡ của hoạ sĩ Goya, phủ cả một phía tường bên. Khi họ gần tới thư viện, người đàn ông dừng lại. - Ông Denmiris đang đợi bà trong thư viện. Các bức tường thư viện đều một màu trắng và có viền hoa văn vàng, và các giá sách dọc các bức tường xếp đầy các quyển sách bọc da gáy thếp vàng. Một người đàn ông đang ngồi sau một cái bàn lớn. Ông nhìn lên khi Catherine bước vào và đứng dậy. Ông cố tìm một dấu hiệu nhận ra sự quen biết trên mặt nàng, nhưng không có. - Xin mời vào. Tôi là Constantin Denmiris. Tên cô là gì? Ông hỏi câu đó với giọng như là vô tình. Liệu nàng có nhớ ra được tên nàng không? - Catherine Alexander. Ông tỏ ra không có phản ứng. - Xin chào, Catherine Alexander. Xin mời ngồi. Ông ngồi đối diện với nàng, trên chiếc đi-văng bọc da mầu đen. Nhìn gần, nàng còn đáng yêu hơn. Nàng đẹp tuyệt vời. Denmiris nghĩ vậy. Ngay cả khi nàng mặc bộ đồ đen. Thật đáng hổ thẹn khi tàn phá đi bất cứ cái gì đẹp đẽ. Ít nhất thì nàng sẽ chết trong hạnh phúc. - Thật… ông tử tế quá, cho tôi được gặp! Catherine nói - Tôi không hiểu vì sao ông… Ông cười đầy thiện cảm. - Điều đó thực rất đơn giản. Thường tôi vẫn giúp đỡ Xơ Theresa. Tu viện có rất ít tiền, nên tôi giúp được gì thì tôi giúp. Khi bà viết thư cho tôi nói về cô và hỏi tôi xem có giúp được không, tôi đã nói với bà rằng tôi rất sung sướng được giúp đỡ. - Điều đó rất là… - Nàng định nói tiếp nhưng không biết nói sao được. - Có phải xơ Theresa nói với ông rằng tôi… rằng tôi đã mất hết cả trí nhớ? - Vâng, bà không nói gì về điều đó. - Ông dừng lại và nói bâng quơ, - Cô còn nhớ được nhiều không? - Tôi biết tên tôi, nhưng tôi không biết tôi từ đâu đến, hoặc thực tế là ai. - Nàng nói thêm đầy hy vọng - Có thể là tôi sẽ tìm được ai ở Anthens biết tôi. Constantin Denmiris cảm thấy tự nhiên hơi rùng mình, một cái rùng mình báo động. Đó là điều cuối cùng trên đời mà nàng muốn biết. - Tất nhiên điều ấy có thể -, ông nói rất thận trọng. - Vì sao chúng ta không trao đổi điều đó sáng nay. Rất tiếc, tôi phải đi họp bây giờ tôi đã sắp xếp cho cô một buồng đặc biệt ở đây. Tôi nghĩ rằng cô sẽ cảm thấy dễ chịu. - Tôi… tôi thật không biết phải cám ơn ông thế nào. Ông khoát tay. - Điều đó không cần thiết. Cô sẽ được chăm sóc chu đáo ở đây. Xin cứ tự nhiên như ở nhà nhé. - Xin cám ơn, ông… - Bạn bè tôi gọi tôi là Costa. Một người giúp việc dẫn Catherine vào một buồng ngủ tuyệt vời, được thiết kế mầu trắng mờ êm dịu, có một cái giường lớn quá kích thước bình thường phủ ga lụa, một bộ ghế bành và đi-văng trắng, những cái bàn và bộ đèn cổ, trên tường treo những bức tranh thuộc trường phái ấn tượng. Nhưng bức rèm màu xanh nước biển nhạt che ánh nắng từ ngoài vịnh chiếu vào. Qua cửa sổ Catherine có thể nhìn thấy xa xa là biển Thổ Nhĩ Kỳ. Người giúp việc nói: - Ông Denmiris đã đặt một số quần áo đưa về đây xin bà chấp thuận. Xin bà chọn cho bất cứ thứ gì bà thích ạ! Catherine còn biết ngay từ đầu rằng nàng vẫn đang mặc những bộ đồ mà người ta phát cho nàng từ tu viện. - Cám ơn. Nàng thả mình luôn xuống chiếc giường mềm mại, như cảm thấy rằng nàng đang ở trong mơ. Người lạ này là ai và vì sao ông ta lại tốt với người như vậy? Một giờ sau, người ta đẩy vào một xe chất đầy quần áo. Một bà thợ may đã vội vàng đi vào buồng ngủ của Catherine. - Tôi là Dimas. Cho phép tôi xem phải làm gì với khổ người của bà. Xin bà vui lòng cởi bộ đồ ra cho. - À tôi… ôi xin lỗi nhé? - Xin bà cứ cởi hết ra ạ? Tôi không thể biết được rõ kích thước là bao nhiêu trong bộ đồ này. Đã bao lâu rồi kể từ khi nàng đã trần truồng trước mặt một người khác? Catherine bắt đầu cởi hết quẩn áo của nàng với động tác chậm chạp, và cảm thấy e thẹn. Khi nàng hoàn toàn trần truồng đứng trước người phụ nữ, bà Dimas nhìn khắp thân hình nàng với cái nhìn thông thạo. Bà đã bị cảm kích: - Bà có một thân hình đẹp quá. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm rất đẹp và vừa ý bà. Hai người phụ nữ phụ việc đi vào, mang theo những hộp quần áo đồ lót, áo khoác, váy ngắn, giầy. - Xin bà cứ chọn cái nào bà thích! - Bà thợ may nói, - và cho tôỉ được ướm thử với người bà. - Tôi… không thể chọn mua cái nào cả, - Catherine phản ứng. - Tôi không có tiền. Bà thợ may cười: - Tôi không nghĩ rằng vấn đề tiền là điều đáng quan tâm. Ông Denmiris đã lưu ý tôi điều đó rồi ạ! - Nhưng làm sao? Những loại vải gợi cho nàng những ký ức và xúc giác với những loại quần áo mà nàng đã từng mặc. Đó là các loại tơ và len dầy, vải bông, với hàng loạt các mầu tao nhã. Cả ba người phụ nữ làm rất mau lẹ, hiệu quả và hai giờ sau, Catherine đã có gần nửa tá các quần áo đẹp đẽ. Thật là quá sức tưởng tượng. Nàng ngồi đó, không biết phải là gì với chính mình. Tôi đã ăn mặc nghiêm chỉnh, nàng nghĩ nhưng không có nơi nào để đi cả. Nhưng cũng có vài nơi để đi vào thành phố. Cái mấu chốt của tất cả những gì đã xảy ra với nàng chính là ở Anthens. Nàng tin chắc như vậy. Nàng đứng dậy. Nào, người xa lạ. Chúng ta đang cố tìm cô là ai? Catherine đi lang thang ra đại sảnh phía trước, và một người hầu bàn đã tiến gần nàng. - Xin phép cô, tôi có thể giúp gì được cô? - Ừ. Tôi… tôi muốn đi vào thành phố. Anh có thể gọi một chiếc taxi không? - Tôi chắc chắn rằng không cần thiết, thưa cô. Chúng ta sẽ có xe limousine sẵn sàng theo lệnh cô. Tôi sẽ bảo lái xe đến cho cô. Catherine do dự: - Cám ơn anh. Liệu Denmiris bằng lòng cho nàng vào thành phố không? Ông không nói là không mà. Mấy phút sau, nàng đã ngồi vào ghế sau của chiếc limousine hiệu Daimler, nhắm hướng khu trung tâm Anthens. Catherine sửng sốt bởi thành phố sống động và ồn ào, những đổ nát điêu tàn liên tiếp hiện ra quanh nàng cùng với những di tích lâu đài. Người lái xe chỉ về đằng trước và nói một cách kiêu hãnh: - Đây là Pathenon, cô kìa, trên đỉnh Acropolis. Catherine ngắm nhìn ngôi nhà đá trắng quen thuộc. Chỉ có ở Anthens nữ thần của sự thông thái - nàng nghe thấy lời nói từ chính nàng. Người lái xe cười tán thành. - Cô có phải là sinh viên nghiên cứu về lịch sử Hy Lạp không ạ, thưa cô? Những giọt lệ thất vọng đã làm mắt Catherine mờ đi. - Tôi không biết, - nàng nói thầm - Tôi không biết. Họ lại đi ngang qua một công trình đổ nát nữa. - Đó là hí trường Herodes Atticus. Cô thấy không, một phần của bức tường vẫn còn đứng nguyên. Có lần trên năm nghìn người đã ngồi ở đây. - Sáu nghìn, hai trăm năm mươi bảy người. - Catherine nói nhẹ nhàng. Những khách sạn hiện đại và những binding văn phòng có khắp nơi, giữa những điêu tàn mãi mãi một sự hỗn hợp kỳ lạ giữa quá khứ và hiện tại. Chiếc limousine đi ngang qua một công viên lớn ở trung tâm thành phố, giữa công viên, những giếng phun nước như nhảy múa lấp lánh. Những dãy bàn che dù xanh và vàng xếp hàng trong công viên, và bầu trời trên đầu họ như được che phủ bởi những tấm vải màu xanh. Catherine nghĩ, trước đây hình như ta đã nhìn thấy nơi đây, đôi bàn tay nàng trở nên lạnh cóng. Và tôi đã may mắn. Có nhiều quán cà-phê bên đường trước mỗi khối nhà, và ở góc phố những người đàn ông đang bán những miếng bọt biển mới đánh bắt được. Đâu đâu cũng có những người bán hoa, mỗi quầy hoa của họ đã gây nên một sự đam mê màu sắc mạnh mẽ. Chiếc limousine đã tới Quảng Trường Syntagma. Khi họ đi ngang qua một khách sạn góc đường. Catherine kêu lên: - Dừng, dừng lại đi! Người lái đạp nhanh phanh hãm. Catherine cảm thấy Catherine khó thở. Tôi nhận ra khách sạn này. Tôi đã có lần ở đây. Khi nàng nói vậy, giọng nàng như bị rung lên. - Tôi muốn xuống đây. Tôi muốn biết anh có thể đón tôi ở đây sau hai giờ nữa không? - Tất nhiên, thưa cô. Người tài xế vội ra mở cửa cho nàng, và Catherine đã bước ra ngoài trong không khí mùa hè nóng nực. Đôi chân nàng run lên. - Cô có làm sao không, thưa cô? Nàng không trả lời. Nàng cảm thấy như nàng đang đứng trên bờ vực thẳm, hoặc như sắp rơi xuống địa ngục vô danh và khủng khiếp. Nàng len giữa đám đông, kinh ngạc giữa đoàn người vội vã qua các phố phường, với tiếng ồn ào của những cuộc chuyện trò. Sau sự yên bình và hiu quạnh của tu viện, mọi việc bây giờ như là không phải thực. Catherine thấy tự dưng nàng lại đi về Plaka, khu phố cổ của Anthens ở ngay trái tim của thành phố, với những lối đi quanh co uốn khúc và những cầu thang cũ kỹ bụi bặm dẫn đến những ngôi nhà nhỏ bé, những quán cà phê và những kiến trúc quét vôi trắng và không ra kiểu gì cả. Nàng tìm thấy đường đi bằng một bản năng mà nàng không hiểu được và cũng chẳn kiểm soát nổi. Nàng đi lên một quán rượu ở trên tầng thượng một ngôi nhà nhìn khắp thành phố, dừng lại ở mỗi nơi và ngắm nhìn. Tôi đã ngồi ở cái quán này. Họ đưa cho tôi tờ thực đơn bằng tiếng Hy Lạp. Bọn chúng tôi có ba người. - Các ngài muốn dùng gì ạ? - Họ đã hỏi. - Mong anh gọi món giúp tôi? Tôi e rằng tôi phải đặt cả ông chủ khách sạn? Họ đã cười. Nhưng "họ" là những ai? Một người hầu bàn lại gần Catherine: - Bor na sas voithiso? - Ochi efharisfo. Tôi có thể giúp bà được gì? - Không, cám ơn. Làm sao ta lại biết tiếng đó. Ta có phải là người Hy Lạp không? Catherine vội vàng đi tiếp, và như thể là có ai đang dẫn dắt người. Nàng như là biết chính xác nàng đi đâu. Mọi cái đều quen thuộc. Và chẳng có gì cả. Chúa của con, nàng nghĩ. Con sắp điên dại. Con đang bị lẫn lộn trong đầu. Nàng lại đi qua quán cà phê "Trenflinkas". Một ký ức đang dày vò trong những ngóc ngách của tâm trí nàng có một cái gì đó đã xảy ra với nàng ở đây, một điều gì đó quan trọng. Nàng không tài nào nhớ ra là gì. Nàng đi qua những phố xá ồn ào và quanh co và rồi rẽ trái đến Voukourestion. Phố này có rất nhiều cửa hàng lịch sự. Ta đã từng dừng chân ở đây. Nàng bắt đầu sang qua đường thì một chiếc xe con hai chỗ ngồi màu xanh đi sát góc đường, suýt nữa đụng phải nàng. Nàng như nghe được một giọng nói: "Những người Hy Lạp không làm đường chuyển tiếp cho xe ôtô. Trong thâm tâm, họ vẫn còn muốn cưỡi những con lừa. Nếu anh muốn đi du ngoạn vào đất Hy Lạp, không nên đọc sách hướng dẫn, hay đọc những bi kịch Hy Lạp. Chúng tôi luôn tràn trề những ham muốn lớn lao, những niềm vui sâu lắng và những nỗi đau không cạn, và chúng tôi cũng không biết làm thế nào để lấy lớp sơn văn minh che phủ bên ngoài được". Ai đã nói với nàng những điều này? Một người đàn ông đang vội vàng đi xuống, bước về phía nàng và nhìn nàng. Ông ta đi chậm lại, nhìn vào mặt nàng như nhận ra điều gì. Ông ta cao, da xàm xạm và Catherine thì tin chắc trước đây nàng chưa hề gặp. Và rồi… - Hello, - Ông có vẻ rất vui mừng được gặp nàng. - Hello - Catherine thở sâu một cái. - Ông có biết tôi ạ! Ông ta cười vui vẻ. Dĩ nhiên tôi biết cô! Catherine cảm thấy tim nàng giật thót lên. Nàng rồi cũng sẽ biết sự thật về quá khứ của mình. Những tại sao lại nên nói "Tôi là ai" với một người lạ ở trên phố đông đúc này làm gì? - Ta… nói chuyện được chứ? - Catherine hỏi. - Tôi nghĩ tôi cũng rất muốn. Catherine bắt đầu hơi sợ. Sự bí ẩn của việc tìm ra nàng đang sắp được giải quyết. Và do vậy nàng cảm thấy sợ hãi hơn. Có điều gì tôi không muốn biết thì sao? Lỡ có điều gì xấu xa thì sao? Người đàn ông đưa nàng tới một quán rượu ngoài trời. Tôi rất mừng tôi lại bất ngờ gặp được cô! - Ông nói. Catherine nuốt nước bọt và nói: - Tôi cũng vậy! Một người hầu bàn dẫn họ tới một cái bàn. - Cô muốn uống gì nào? - Người đàn ông hỏi. - Không! - Nàng lắc đầu. Có rất nhiều câu hỏi: Liệu ta bắt đầu từ đâu? - Cô rất đẹp! - người đàn ông nói - Cái số nó vậy. Cô có đồng ý không? - Vâng! - Nàng hoàn toàn bị kích động và run lên. Nàng thở sâu một cái. – Tôi… chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi nhỉ? Ông ta cười: - Điều đó có gì quan trọng, Koritsimon? Paris hay Rome, ở cuộc đua ngựa, trong một bữa tiệc. Ông ta tiến lên cầm tay: - Cô là người người xinh đẹp nhất mà tôi đã gặp xung quanh đây. Cô đòi bao nhiêu? Catherine quay ngoắt đi và vội chạy xuống phố. Nàng rẽ ngay vào một góc và đi chậm lại, hai mắt nàng ứa lên những giọt nước mắt nhục nhã. Phía trước là một quán nhỏ có một cái biển treo ở cửa sổ đề "Bà Piris - Thầy bói". Catherine đi chậm, rồi dừng lại. Tôi biết bà Piris. Tôi đã đến đây. Tim nàng lại bắt đầu rộn ràng. Nàng cảm thấy ở đây, qua cửa vào tối tăm này, là sự bắt đầu của đoạn cuối những bí ẩn. Nàng mở cửa và bước nào. Phải mất một lúc lâu nàng mới quen được sự tối tăm như hũ nút của cái buồng này. Ở góc buồng có quầy rượu quen thuộc và hơn chục cái bàn và ghế. Một người hầu bàn đi về phía nàng và chào nàng bằng tiếng Hy Lạp. - Kalimechira! - Kalimechira. Pou inch Madame Piris? - Bà Piris! Người hầu bàn khoát tay vào cái bàn trống ở góc buồng, và Catherine đến đó và ngồi xuống. Mọi thứ đều đúng như nàng nhớ lại. Một người phụ nữ già không tưởng tượng được, mặc đồ đen, với bộ mặt khô héo thành góc cạnh, đang di chuyển tới cái bàn. - Tôi có thể - Bà đứng lại, nhìn như đóng cọc vào mặt Catherine. Đôi mắt bà mở rộng. - Tôi có biết cô một lần rồi nhưng gương mặt cô…- Bà ta ngáp một cái. - Cô đã về rồi à? - Bà biết tôi là ai? - Catherine háo hức hỏi. Người phụ nữ quắc mắt lên, đôi mắt bà đầy vẻ sợ hãi. - Không? Cô đã chết rồi! Cút đi! Catherine khẽ kêu kên và rụng rời cả người và nàng thấy tóc trên da đầu dựng cả lên. - Xin - Tôi vừa… - Đi, Bà Douglas? - Tôi phải biết… Người phụ nữ già làm dấu thánh, quay đi và vào vội. Catherine còn ngồi đó một lát, run lên rồi chạy ùa ra ngoài phố. âm thanh trong đầu nàng còn vọng theo nàng. Bà Douglas? Và điều đó ví như một cái cống tháo nước đã mở ra, Hàng chục cảnh sáng chói đột nhiên đổ cả vào đầu óc nàng, hàng loạt hình ảnh rực rỡ của ống lăng trụ vạn hoa không sao hiểu nổi. Tôi là bà Larry Douglas. Nàng còn thấy gương mặt đẹp giai của chồng nàng. Nàng đã say đắm chàng như điên như dại, nhưng có điều gì đó trục trặc. Có điều gì đó… Hình ảnh tiếp theo là chính nàng đang cố tìm cách tự tử, và tỉnh dậy trong bệnh viện. Catherine đứng lại trên đường phố, sợ rằng đôi chân nàng không còn muốn bước nữa, để cho những hình ảnh cứ dồn dập đi vào trong đầu nàng. Nàng đã uống nhiều rồi, vì nàng đã mất Larry. Nhưng rồi chàng lại trở về với nàng. Họ đang ở trong buồng và Larry đang nói. Tôi biết tôi đã đối xử không tốt như thế nào. Tôi muốn làm theo ý em, Cathy. Tôi yêu em. Tôi thực sự chưa hề yêu một ai cả. Tôi mong có một dịp may mắn khác. Em có muốn đi đâu đó hưởng tuần trăng mật thứ hai không? Tôi biết một nơi tuyệt vời cho chúng ta tới. Đó là Ioanina. Và rồi lại bắt đầu sợ hãi. Các hình ảnh trong đầu nàng bây giờ rất đáng sợ. Nàng đang ở trên đỉnh núi cùng Larry, chàng lạc trong màn sương xám mù mờ ảo, và chàng đang tiến gần đến nàng, hai cánh tay đưa ra, sẵn sàng đẩy nàng ngã xuống bờ kia. Lúc đó, có một số người du lịch đến đã cứu nàng. Và rồi là các hang động. - Viên thư ký khách sạn nói với tôi về một sốhang động gần đây. Các đôi đi hưởng tuần trăng mật đều đến đó! Và họ đã đi đến hang, Larry đã dẫn nàng đi sâu vào hang, nàng lại ở đó đến chết. Nàng đưa hai tay bịt chặt tai lại như để bịt kín tất cả những suy nghĩ đang dồn dập tới nàng. Nàng đã được cứu thoát và đưa về khách sạn một bác sĩ đã phải cho nàng uống thuốc an thần, Nhưng vào lúc nửa đêm, nàng lại tỉnh giấc và nghe thấy tiếng Larry và tiếng bà chủ trong bếp, họ bàn cách giết nàng, gió đã cuốn đi theo cả những lời nói của họ. - Không có một ai sẽ… - Tôi nói với anh tôi sẽ chăm sóc. - Hỏng mất. Chẳng có gì họ có thể bây giờ, khi cô ta đang còn ngủ. Và nàng còn nhớ nàng đã chạy đi trong giông bão khủng khiếp đó - họ còn đuổi theo người - nàng chạy tới cái thuyền có mái chèo, gió cuốn chiếc thuyền con ra giữa mặt hồ trong sóng gió. Chiếc thuyền đã bắt đầu chìm, và nàng đã bất tỉnh. Catherine ngồi phịch xuống một cái ghế dài trên phố, quá kiệt sức nên không còn đi được nữa. Hoá ra những cơn ác mộng lại là sự thực. Chồng nàng và bà chủ của anh đã cố tình giết nàng. Nàng lại nghĩ về người lạ mặt đã đến thăm nàng ở tu viện không lâu sau khi nàng được cứu thoát. Ông ta đã đưa cho nàng một con chim làm bằng vàng đặc biệt, cánh của nó đang giang bay. - Bây giờ thì không ai dám hại cô nữa. Những người độc ác đã chết. - Đến bây giờ nàng còn chưa nhìn rõ mặt rõ mặt nàng. Catherine bắt đầu hồi hộp. Cuối cùng, nàng ngồi dậy và đi ra phố, ở đó nàng phải gặp người lái xe để đưa nàng trở lại với Constantin Denmiris, nàng sẽ được an toàn nơi đây. Chương 04 - Sao lại để cho cô ấy đi? - Constantin Denmiris hỏi. - Tôi có lỗi thưa ngài, - người hầu trả lời - Ngài không nói gì về việc không cho cô ấy đi nên… Denmiris bắt anh ta phải im. - Thôi, không sao. Cô ấy chắc chắn phải về ngay thôi! - Có điều gì không ạ, thưa ngài? - Không! Denmiris nhìn người hầu quay đi ngang qua cửa sổ và đứng ngắm cái vườn được chăm sóc hoàn hảo. Nếu Catherine Alexander xuất hiện ngoài phố Anthens thì thật nguy hiểm, vì ở ngoài phố, có thể có người nhận ra cô ta. Tệ quá, ta không thể để cho cô ấy sống được. Nhưng trước hết ta phải trả thù. Cô ta còn phải sống đến khi ta trả xong hận thù. Ta còn đang thích thú về nàng. Ta sẽ cho cô ta đi khỏi đây, đến nơi nào mà chẳng có ai biết đến cô ta cả. Ta sẽ sắp xếp cho cô ta một công việc văn phòng của cô ta ở đó. Một giờ sau, khi Catherine đã trở về nhà Constantin Denmiris có thể thấy ngay được sự thay đổi ở nàng. Như vậy là bức màn đen đã kéo lên và Catherine lại tự nhiên còn sống. Nàng đang mặc bộ đồ lụa trắng rất hấp dẫn, khoác ngoài một chiếc bờ lu cũng màu trắng và Denmiris lại so với ngày trước thì vẻ ngoài của nàng đã thay đổi nhiều quá. Nostimi, ông nghĩ khêu gợi. - Ông Denmiris… - Costa! - Tôi… tôi biết tôi là ai và điều gì đã xảy ra! Nét mặt ông không hề lộ ra một tý gì. - Thực ư? Ngồi xuống đi, cô em của tôi, và kể tôi nghe đi. Catherine quá bị kích động nên nàng không ngồi được Nàng đi đi lại lại từng bước không còn nhịp nhàng, trên thảm, các từ cần nói cứ muốn bật ra. - Chồng tôi và bà - bà chủ của anh, Noelle, cố tình giết tôi! Nàng dừng lại, nhìn ông lo lắng. Những câu hỏi đó có phải là điên dại không? Tôi không biết. Có thể như vậy. - Nói tiếp đi, cô em thân mến, - Ông nói. - Có một số nữ tu sĩ ở tu viện đã cứu tôi. Chồng tôi làm việc cho ông, có phải thế không? - Nàng nói toạc ra. Denmiris do dự, cân nhắc cẩn thận câu trả lời: - Vâng! - Ông phải nói với cô như thế nào bây giờ? - Anh ấy là một phi công của tôi. Tôi thấy có trách nhiệm với cô. Có thế thôi… Nàng nhìn thẳng vào mặt ông. - Nhưng ông đã biết rõ tôi là ai. Tại sao sáng nay ông không nói với tôi? - Tôi e rằng cô bị kích động! - Denmiris nói nhẹ nhàng - Tôi cho rằng tốt hơn là để cô tự tìm ra những điều về cô. - Ông có biết điều gì xảy ra đối với chồng tôi và người đàn bà đó? Hiện họ ở đâu? Denmiris nhìn vào đôi mắt Catherine: - Họ bị hành quyết rồi. Nàng kêu khẽ một tiếng. Đột nhiên nàng cảm thấy quá yếu đuối không đứng nổi và ngã khuỵu xuống ghế. - Tôi không… - Họ đã bị nhà nước hành quyết, Catherine! - Nhưng… vì sao? Cẩn thận. Nguy hiểm rồi. - Bởi vì họ cố tình muốn giết cô! Catherine nhíu đôi lông mày: - Tôi không hiểu. Vì sao mà nhà nước lại xử tử họ? Tôi còn sống cơ mà! Ông ngắt lời nàng. - Catherine, luật lệ Hy Lạp rất nghiêm. Và toà án ở đây làm việc rất nhanh chóng. Họ đã đưa ra xét xử công khai. Một số nhân chứng đã xác nhận rằng chồng cô và Noelle Page đã âm mưu giết cô. Họ đã bị kết tội và lãnh án tử hình! - Khó tin lắm. - Catherine ngồi đó, đờ đẫn - Toà án... Constantin Denmiris đi về phía nàng và đặt tay lên vai nàng. - Cô phải quên quá khứ đi mới được. Họ cố tình làm việc độc ác với cô, và họ đã phải trả giá cho việc làm đó - ông cố nhấn mạnh với một vẻ hy vọng - Tôi nghĩ cô và tôi phải bàn về tương lai. Có kế hoạch gì không? Nàng không nghe ông nữa. Larry, nàng nghĩ khuôn mặt đẹp trai của Larry, khi anh cười. Cánh tay của Larry, tiếng nói của anh… - Catherine… Nàng ngước nhìn lên: - Tôi xin lỗi! - Cô có suy nghĩ gì về tương lai không? - Không, tôi… tôi không cần biết tôi sẽ làm gì. Có thể tôi sẽ ở lại Anthens… - Không! - Denmiris nói quả quyết - Đó không phải là ý kiến hay. Như vậy sẽ đưa đến những kỷ niệm không vui. Tôi đề nghị cô rời Hy Lạp. - Nhưng tôi không có nơi nào để đến cả? - Tôi đã suy nghĩ về việc này. - Denmiris nói với nàng. - Tôi có văn phòng ở London. Đã có lần cô đã làm việc với một người tên là William Fraser ở Washington. Có có nhớ không? - William? - Và đột nhiên nàng đã nhớ ra cái tên đó. Đó là một trong những giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời nàng. - Cô đã là trợ lý hành chính của ông ấy, tôi tin như vậy! - Vâng, tôi… - Cô sẽ làm công việc giống như vậy cho tôi ở London. Nàng do dự. - Tôi không biết. Tôi không muốn tỏ ra vô ơn, nhưng… - Tôi hiểu. Tôi biết mọi việc hình như xảy ra quá nhanh. - Denmiris nói rất tình cảm. - Cô cần có thời gian để suy nghĩ về các sự việc đó. Thôi, cô nên ăn tối ngay tại buồng của cô cho yên tĩnh, và sáng mai chúng ta sẽ thảo luận thêm! Đề nghị cô ăn tối ngay trong buồng cô là một đề xuất vừa mới xảy ra trong đầu ông. Vì ông không thể để cho vợ ông chạy đi tìm ông ở chỗ cô. - Ông chu đáo quá! - Catherine nói - Và độ lượng quá. Các bộ quần áo thì… Ông đập vào bàn tay cô và để như vậy một chút lâu hơn cần thiết. - Đó là ý chí của tôi. Nàng ngồi trong phòng ngủ, ngắm nhìn mặt trời lặn qua rặng núi xanh để lại những màu sắc như cố văng ra trước khi tắt. Không còn có cách nào để làm sống lại quá khứ. Chỉ có thể nghĩ về tương lai. Cám ơn Chúa đã phù hộ cho Constantin Denmiris. Ông là người đồng hành trong đời nàng. Không có ông, không thể có ai giúp nàng được. Và ông còn giúp nàng một việc làm ở London. Ta có nên nhận việc đó không? Những suy nghĩ của nàng bị đứt quãng vì có tiếng gõ cửa. - Chúng tôi đã mang bữa tối lên, thưa cô. Sau khi Catherine đã đi lâu rồi, mà Constantin Denmiris vẫn ngồi trong thư viện, đang nghĩ về cuộc đối thoại vừa qua, Noelle, chỉ có một lần trong đời Denmiris đã tự cho phép không kiềm chế cảm xúc của mình. Ông đã bị say đắm vì yêu Noelle Page, và nàng đã trở thành bà chủ của đời ông. Ông chưa bao giờ quen biết một người đàn bà nào như nàng. Nàng hiểu biết nhậy bén về nghệ thuật, âm nhạc, và cả kinh doanh, và nàng đã trở thành một con người không thể thiếu được đối với ông. Ở Noelle không có điều gì làm ông phải ngạc nhiên. Ông mãn nguyện với nàng. Nàng là người đàn bà xinh đẹp nhất, quyến rũ nhất mà Denmiris đã được quen biết. Nàng đã rời bỏ nơi cao xa để ở gần ông. Noelle đã khuấy động những xúc cảm nơi ông mà trước đó ông chưa bao giờ có. Nàng là người yêu, người tin cẩn và người bạn của ông. Denmiris đã tin tưởng hoàn toàn vào nàng nhưng nàng đã phản bội lại ông khi yêu Larry Douglas. Đó là một lỗi lầm mà Noelle phải trả giá bằng đời nàng. Constantin Denmiris đã dàn xếp với chính quyền để cho thi thể nàng được chôn cất trên địa phận nghĩa trang ở Psara, hòn đảo của riêng ông ở Aegean. Ai cũng thấy rõ đó là một cử chỉ đẹp đẽ và đầy tình cảm của ông. Thực lòng, Denmiris đã bố trí nơi chôn cất nàng ở đó để ông có thể thích thú, đi dạo qua ngôi mộ xây vòm cuốn đó. Trong buồng ngủ của ông, bên cạnh giường là bức hình Noelle khi nàng đang nhìn ông, mỉm cười và đáng yêu nhất. Nụ cười bất tận và không bao giờ nguội giá. Ngay bây giờ, đã hơn một năm rồi. Denmiris vẫn không nguôi nghĩ về nàng. Nàng đã là một vết thương lớn nơi ông mà không một vị bác sĩ nào có thể hàn gắn được. Vì sao, Noelle, vì sao? Anh đã cho em tất cả. Anh yêu em, em yêu quý của anh. Anh yêu em. Anh yêu em. Và rồi Larry Douglas. Anh ta đã phải trả giá bằng cả cuộc đời anh. Những đối với Denmiris thế chưa đủ đâu. Trong tâm tư ông còn có mối thù khác nữa. Một mối thù hoàn hảo. Ông đang định lấy lại những niềm vui thú với vợ của Douglas như Douglas đã làm với Noelle. Rồi, ông sẽ gửi Catherine về với chồng nàng. - Costa… - Đó là tiếng nói của vợ ông. Melina đi vào thư viện. Constantin Denmiris đã cưới Melina Lambrous, một phụ nữ đầy quyến rũ, xuất thân trong một gia đình trưởng giả và lâu đời ở Hy Lạp. Nàng cao và dáng vẻ vương giả, có phẩm chất cao quý bẩm sinh. - Costa, người đàn bà em trông thấy ở phòng ngoài là ai đó, anh? - giọng nói của nàng rất trầm lắng. Câu hỏi làm ông không kịp đề phòng. - Cái gì? Ồ. Cô ta là bạn ở một công ty kinh doanh ấy mà - Denmiris nói. - Cô ta đang định làm việc cho anh ở London. - Em nhìn thoáng qua cô ta. Cô ấy làm em nhớ tới một người nào đấy. - Thế à? - Vâng! - Melina do dự. - Cô ấy làm em nhớ tới vợ của viên phi công anh đã để làm việc cho anh. Nhưng, sau đó, việc không ổn. Họ đã giết cô. - Ừ. - Denmiris tỏ ý tán thành - Họ đã giết cho ta. Ông nhìn Melina khi Melina quay đi ra. Ông phải cẩn thận. Melina không điên dại. Ta không bao giờ cưới nàng. Denmiris nghĩ. Nếu là một sai lầm tồi tệ… * * * * * Mười năm trước, đám cưới của Melina Lambrous và Constantin Denmiris đã gây nên làn sóng phản ứng trong các giới doanh nghiệp và các nhóm hoạt động xã hội Anthens, đến Rivera rồi đến cả Newport. Điều làm người ta chú ý nhiều đến đám cưới là chỉ trước khi cưới cỡ một tháng thì cô dâu còn dính líu vào việc đính hôn của một người khác. Khi còn là một đứa trẻ, Melina Lambrous đã làm gia đình cô chán nản vì tính thích làm gì thì làm của cô. Khi cô được mười tuổi, cô đã quyết định sẽ thành thủy thủ. Gia đình người lái xe phát hiện thấy cô ở ngoài cảng, khi cô đang tìm cách trốn lên một con tàu, và họ đã mang cô về nhà mà chẳng nhận được một chút ơn huệ gì cả. Khi mười hai tuổi, cô lại tìm cách trốn đi theo một đoàn xe lưu động. Đến lúc Melina được mười bảy tuổi, cô đã phải theo đuổi cái số phận của cô - rất xinh đẹp, giàu có quá đáng vì cô là con gái của Mihalis Lambrous. Các báo chí thích viết về cô. Cô là một nhân vật trong thần thoại mà bạn bè đều là các công chúa, hoàng tử, và qua đó, thật là lạ Melina đã biết cách xử sự để giữ được tính cách của cô sao không bị hư hỏng. Melina có một người anh ruột, Spyros, hơn cô mười tuổi, và họ rất quý mến nhau. Bố mẹ của họ đã chết trong một tai nạn tàu thủy khi Melina mới có mười ba tuổi, và chính Spyros đã nuôi dạy cô. Spyros bảo vệ cho cô em hết mực - còn quá đáng nữa là khác, Melina nghĩ vậy. Khi Melina đã tới tuổi lấy chồng, Spyros cũng rất chú ý tới cậu nào dự định muốn nắm tay cô em mình. Chẳng có cậu nào trong số đó đủ tiêu chuẩn cả. - Em phải cẩn thận đấy, - anh thường khuyên nhủ Melina. - Hiện, em là mục tiêu cho các thằng đào mỏ trên thế giới đấy. Em còn trẻ, giàu có và xinh đẹp, và em mang tên một dòng họ nổi tiếng. - Hoan hô, ông anh thân yêu của em. Thế thì vô cùng thuận lợi cho em, cho tới khi em tám mươi tuổi và chết già. - Đừng có lo, Melina. Một chàng trai trẻ tử tế sẽ đến với em. Chúng ta là bá tước Vassilis Manos, và chàng mới khoảng ba mươi nhăm, một nhà doanh nghiệp thành đạt thuộc một dòng họ Hy Lạp lâu đời và nổi tiếng. Bá tước hiện đang say đắm cô Melina trẻ đẹp. Anh đã đề nghị đính hôn, sau khi họ gặp nhau mới có mấy tuần lễ. - Nó xứng với em toàn diện. - Spyros nói tỏ ý may mắn. - Manos có chỗ đứng vững chắc, và nó yêu em mê mẩn. Melina thì không thấy nhiệt tình lắm. - Anh ấy không hấp dẫn, anh Spyros ạ. Khi chúng em ngồi cùng nhau, anh ấy toàn nói nào là kinh doanh, kinh doanh và kinh doanh. Em muốn anh ấy phải lãng mạn hơn cơ. Anh chàng nói rất đanh thép: - Cần để lấy làm chồng hơn là cần lãng mạn. Em cần có một người chồng đàng hoàng và vững vàng, nó phải trả tất cả vì em mới được. Và sau đó, Melina đã bị người anh thuyết phục đồng ý lời cầu hôn của Bá tước Manos. Bá tước rất cảm động. - Em đã làm anh thành người đàn ông hạnh phúc nhất trên thế giới này, - anh tuyên bố - Tôi vừa lập một công ty mới. Bây giờ tôi đặt tên nó là "Melina International" Nàng thích đám cưới phải có mười hai bông hồng. Ngày cưới đã chọn, một nghìn khách, đã gởi giấy mời đi rồi và các kế hoạch cụ thể đã là xong. Chính vào lúc đó Constantin Denmiris đã đi vào cuộc đời của Melina Lambrous. Họ gặp nhau có một lần trong hàng chục lần hay gần như thế, trong các buổi tiệc của các cặp đính hôn là họ được mời. Bà chủ tiệc giới thiệu họ: - Đây là Melina Lambrous. - Constantin Denmiris. - Denmiris, nhìn chằm chằm vào bà với đôi mắt tỏ vẻ bối rối. - Người ta để bà đứng đó lao lần nữa? - Anh hỏi. - Tôi xin các vị tha thứ? - Chắc là thiên đàng đưa bà xuống để dạy dỗ cho con người chúng tôi sắc đẹp là gì? Melina cười: - Anh nịnh hót quá, anh Denmiris ạ. - Anh lắc đầu - Em còn đáng đề cao hơn nữa. Tôi không có thể nói liệu em có công bằng không! Đúng lúc đó Bá tước Manos tiến đến và làm ngắt câu chuyện. Đêm đó, ngay trước lúc đi ngủ, Melina nghĩ về Denmiris. Nàng đã nghe nói nhiều về anh. Anh rất giàu có, anh là một chàng trai goá vợ, và anh nổi tiếng là một nhà kinh doanh nhẫn tâm và là một người hay ép buộc phụ nữ. Mình cũng mừng là không có liên can gì tới anh ta. Melina nghĩ vậy. Chúa đang cười. Sáng hôm sau buổi tiệc, người hầu Melina vào phòng điểm tâm. - Có một gói tặng phẩm đưa đến cho cô, cô Lambrous. Lái xe của ông Denmiris giao lại ạ! - Làm ơn, mang vào đây. Thế là Constantin Denmiris lại nghĩ anh phải gây ấn tượng với mình về sự giàu có của anh ta đây. Được, anh ta sẽ phải thất vọng. Cái gì anh ta đưa đến… có thể là một đồ trang sức đắt tiền hay một món đồ cổ có giá trị. Mình sẽ gửi trả cho anh ta. Hộp tặng phẩm nhỏ có hình chữ nhật gói rất đẹp. Tò mò, Melina mở ra. Bưu thiếp ghi rất đơn giản "Tôi nghĩ cô sẽ vui với tặng phẩm này. Constantin!" Đó là quyển truyện bìa bọc da Toda Rada của Nikos Kazantzakis, tác giả ưa thích nhất của cô, làm sao anh ta lại biết thế nhỉ? Melina bèn viết mấy chữ cám ơn và nghĩ, thế là được. Sáng hôm sau, lại có một gói khác đưa tới. Lần này thì là bộ đĩa hát của Delius? Nhà soạn nhạc ưa thích của cô. Có ghi lời: "Cô sẽ vui thích khi đọc Toda Rada và nghe nhạc này". Từ hôm đó, ngày nào cũng có tặng phẩm. Những bó hoa nàng ưa thích nhất, những loại nước hoa, các bản nhạc và sách mà nàng thích nghe đọc. Constantin Denmiris không hề lảng tránh tìm được cái mà nàng thích, và nàng cũng không muốn anh làm thế nhưng lại vui thích về sự quan tâm của anh. Khi Melina gọi điện cám ơn Denmiris anh nói: - Chẳng có gì anh có thể tặng em bằng với sự công bằng em sẽ làm. - Anh đã nói như vậy với bao nhiêu phụ nữ từ trước tới nay? - Cô có muốn đi ăn trưa với tôi không, Melina? Nàng định nói không, nhưng rồi lại nghĩ: Không nên làm người khác đau khổ về việc đi ăn trưa. Anh ra rất hay nghĩ ngợi. - Rất hài lòng! Khi nàng nói với bá tước Manos rằng nàng sẽ cùng đi ăn trưa với Constantin Denmiris, chàng phản đối. - Thế là thế nào, em thân yêu! Em không thể cùng làm gì với con người khinh khủng đó đâu. Tại sao em lại sắp đến gặp hắn? - Vassihs, anh ta đã gửi em những quà tặng nhỏ hàng ngày. Em sẽ đến để bảo anh ấy thôi. - Và ngay khi Melina nói vậy, nàng nghĩ. - Tôi không thể nói với anh ấy qua điện thoại. Constantin Denmiris đã đặt ăn trưa ở khách sạn Floca bình dân trên phố Panepistimion và anh đang đợi Melina đến. Anh đứng lên. - Em đấy à. Anh sợ em sẽ thay đổi ý kiến. - Em luôn giữ lời hứa. Anh nhìn thẳng vào nàng và nói rất trịnh trọng: - Và anh, anh cũng giữ lời hứa của anh. Anh sẽ cưới em. Melina lắc đầu, nửa buồn, nửa vui. - Anh Denmiris, tôi đã đính hôn lấy một người khác rồi. - Manos! - Anh khoát tay như thể muốn thôi cái gì. - Anh ta không xứng với em. - Ồ, thế à? Và sao lại thế hở anh? - Anh đã kiểm tra về anh ta. Trong gia đình anh ta có bệnh, anh ta là một người hay chảy máu, anh ta đã bị cảnh sát gọi vì một vụ tình dục ở Brussels, và anh ta chơi quần vợt thì chán lắm. Melina không thể nào cười được nữa. - Và anh… - Anh không chơi quần vợt. - Em hiểu rồi. Thế mà tại sao em lại phải lấy anh? - Không. Em sẽ lấy anh bởi vì anh sẽ làm em trở thành người phụ nữ hạnh phúc nhất chưa từng có. - Anh Denmiris… Anh cầm tay nàng trong tay anh. - Costa. Nàng đẩy tay anh ta. - Anh Denmiris, hôm nay tôi đến đây để nói với anh rằng tôi muốn anh thôi đừng gửi cho tôi quá nhiều tặng phẩm nữa. Tôi không có ý định gặp anh nữa. Anh chăm chú nhìn nàng một lúc lâu. - Anh chắc rằng em không phải là một người tàn nhẫn. - Em cũng hy vọng thế! Anh cười. - Tốt. Thế em không muốn làm tan nát trái tim anh chứ. - Em không tin rằng trái tim anh lại dễ bị vỡ như vậy. Anh khá nổi tiếng đấy. - À nghĩa là trước khi anh gặp em. Từ lâu anh đã mơ ước về em! Melina cười. - Anh nói nghiêm túc đấy. Khi anh còn là một thanh niên rất trẻ, anh đã từng đọc về gia đình Lambrous. Em rất giàu có mà anh thì rất nghèo. Anh chẳng có gì cả. Anh làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Bố anh là một người làm bốc vác, ông làm ở cảng Pirarus. Anh có 14 anh chị em cả thảy, và anh phải tranh đấu cho mọi thứ anh muốn có. Không nghĩ về việc của mình, nàng bị xúc động. - Nhưng bây giờ anh giàu rồi! - Ừ. Không giàu bằng sắp tới anh còn giàu hơn. - Làm thế nào mà anh giàu thế. - Đói! Anh trước đây luôn luôn đói. Anh còn đói. Nàng có thể đọc được sự thật trong ánh mắt anh. - Sao anh lại… sao, anh đã bắt đầu cuộc đời như thế nào? - Thực em có muốn biết không? Và Melina thấy lời nói như tự phát ra: - Em thực muốn biết! - Khi anh mười bảy tuổi, anh đến làm việc cho một công ty dầu mỏ ở Trung Đông. Anh chẳng phải đến để làm việc tốt. Một tối, anh ăn cơm với một nhà địa chất tư, anh này làm việc cho một công ty lớn. Anh ta gọi một món bít-tết tối hôm đó, và ông ta gọi có mỗi món súp. Anh hỏi ông ta tại sao ông không ăn bít-tết, và ông nói bởi vì ông không có răng hàm, và ông không thể làm răng giả. Một tháng sau,. Ông gọi điện cho anh lúc nửa đêm báo cho anh biết ông vừa tìm ra một giếng dầu mới. Ông ấy nói với ông chủ của ông ta về việc này. Và buổi sáng, anh đi mượn từng xu một nếu mượn được và buổi tối anh đã chọn mua khu đất quanh nơi mới tìm được dầu. Hoá ta nó thành một trong những giếng dầu lớn nhất thế giới. Melina nuốt từng lời của anh, rất thán phục. - Đó là bước đầu. Anh cần có các tàu chở dầu để chở đầu của anh, và sau đó anh đã có một đội tàu. Rồi một nhà máy lọc dầu. Rồi một hãng hàng không. - Anh nhún vai - Anh tiến lên từ đó. Không phải mãi sau khi họ cưới, thì Melina đã hiểu được rằng câu chuyện về bít-tết hoàn toàn là chuyện bịa. Melina Lambrous đã không có ý định gặp lại Constantin Denmiris nữa. Nhưng, do hàng loạt những trùng hợp đã sắp đặt cẩn thận, Denmiris thường luôn cùng có mặt trong bữa tiệc, hay đi xem hát, hay những việc từ thiện mà Melina tham dự. Và mỗi lần như vậy, nàng cảm thấy sự cuốn hút của ông như có từ tính cực mạnh. Bên anh thì Vassihs Manos dường như trở nên khó chịu, nàng căm giận nhưng đành phải chấp nhận điều ấy đối với nàng. Melina Lambrous rất thích những bức hoạ của Flemy và khi cuốn "Những người đi săn tuyết" của Bruegel vừa đưa ra bán, trước khi những mua được, thì Constantin Denmiris đã gửi cuốn đó tặng nàng. Melina rất ngạc nhiên vì sự hiểu biết rất tường tận tất cả các ý thích của nàng. - Em không thể nhận những món quà tặng đắt tiền như vậy! - nàng đã phản đối. - À, nhưng đó không phải là quà tặng. Em phải trả giá cho nhưng món quà ấy đấy. Tối nay, ăn cơm tối với anh nhé. Vì cuối cùng nàng vẫn đồng ý. Đối với đàn ông thì không dễ cưỡng nổi họ. Một tuần lễ sau Melina phá bỏ sự đính hôn của nàng với bá tước Nanos. Khi Melina nói với anh trai nàng về tin này, anh đã sững người ra. - Vì sao, nhân danh thượng đế đi…? Spyros hỏi - Vì sao! - Bởi vì em sắp lấy Constantin Denmiris! - Nó là một con người khinh khủng. Em bị điên hay sao đấy? Em không thể lấy Denmiris được. Nó là một con quỷ sứ. Nó sẽ tiêu diệt em. - Nếu… - Anh hiểu sai về anh ấy, Spyros. Anh ấy tuyệt vời. Và chúng em đã yêu nhau. Thế… - Em đã yêu! - anh ngắt lời - Anh không biết sau này nó thế nào, nhưng không thể yêu nó được. Em có biết sự nổi tiếng của nó là với phụ nữ không? Nó… - Đó là chuyện quá khứ, Spyros ạ. Em sắp làm vợ anh ấy! Và anh không thể làm gì được để bảo em gái anh ngoài chuyện đám cưới. Một tháng sau Melina Lambrous và Constantin Denmiris lấy nhau. * * * * * Vào những buổi đầu thì dường như đó là một cuộc hôn nhân hoàn hảo. Constantin hay vui đùa và quan tâm đến người khác. Anh là một người yêu quyến rũ say đắm, anh thường làm Melina sửng sốt với những quà tặng quá lãng phí và rồi các chuyến đi tới những nơi xa lạ. Vào đêm đầu tiên trong tuần trăng mật của họ, anh nói: - Vợ đầu của anh không có thể cho anh được một thằng con trai. Bây giờ chúng ta sẽ đẻ nhiều con trai nhé! - Không có con gái à? - Melina vội ngắt lời. - Nếu em muốn. Nhưng đứa đầu là con trai. Ngày mà Melina biết được nàng đã có mang, Constantin rất vui sướng. - Nó sẽ chiếm đoạt cả vương quốc của tôi! - anh tuyên bố một cách rất hạnh phúc. Trong tháng thứ ba, Melina bị sẩy thai, việc đó xảy ra khi Constantin Denmiris ở nước ngoài. Khi về, anh nghe được tin anh đã phản ứng như một thằng điên. - Em làm sao vậy! - anh rít lên. - Làm sao như thế? - Costa, em… - Em không cẩn thận! - Anh lấy một hơi dài. - Được. Việc gì đã xảy ra thì đã rồi. Chúng ta phải có đứa con trai khác. - Em… Em không thể. - Nàng không dám nhìn vào đôi mắt của anh. - Em nói gì thế? - Em bị mổ. Em không thể có một đứa nào nữa. - Anh đứng ngây ra đó, người cứng đờ, rồi quay lại biến mất không nói một lời. Từ khi đó, cuộc đời Melina trở thành một địa ngục, Constantin Denmiris xử sự như thể là vợ anh đã cố tình giết con trai anh. Anh không biết đến vợ, bắt đầu đi kiếm các phụ nữ khác. Melina không thể chịu đựng được nữa, nhưng cái nhục nhã đau khổ nhất lại chính là ý thích của anh khi phô bày lộ liễu những mối quan hệ với các ngôi sao điện ảnh, các ca sĩ opéra và vợ của một số người bạn, anh mang người tình đến Psara và đưa lên tàu bằng thuyền buồm của anh và luôn công khai. Báo chí vui mừng theo dõi những cuộc phiêu lưu lãng mạn của Constantin Denmiris. Họ đang dự một bữa tiệc ở nhà một chủ ngân hàng nổi tiếng. - Anh và Melina phải đến nhé! - người chủ ngân hàng nói - tôi có một anh đầu bếp phương Đông nấu các món Tàu ngon nhất thế giới. Danh sách khách mời dài lắm. Bàn tiệc là cả một tập hợp như một sưu tầm hấp dẫn các nghệ sĩ, các nhà chính trị và nhà công nghiệp. Các món ăn lại càng tuyệt vời. Đầu bếp đã chế biến súp vây cá, tôm cuốn, thịt lợn mushu, vịt Bắc Kinh, sườn rán, miến Quảng Đông và hàng chục món khác. Melina ngồi gần chủ nhân bữa tiệc ở đầu bàn này và đầu bên kia là chồng nàng ngồi gần phu nhân của chủ tiệc. Bên phải Denmiris là một ngôi sao điện ảnh trẻ xinh đẹp Denmiris cứ tập trung nhìn cô ta, chẳng cần biết ai ở bàn tiệc. Melina còn nghe được cả những đoạn trao đổi trong câu chuyện của họ. - Khi em làm xong phim em phải đi thuyền buồm với anh nhé. Khi đó sẽ là những ngày nghỉ đáng yêu nhất dành cho em. Chúng ta sẽ cho thuyền đi dọc bờ biển Dalmat… Melina không muốn nghe nữa, nhưng không được. - Em chưa bao giờ ở Psara chứ, có phải thế không? Đó là một đảo nhỏ đáng yêu, hoàn toàn cách ly với thế giới. Em sẽ vui thích nơi đó. Melina muốn chui xuống gầm bàn. Nhưng rồi sự tồi tệ nhất đã xảy ra. Mọi người vừa xong cái món sườn rán, và những người hầu bàn mang ra những bát nước rửa tay bằng bạc. Một cái bát nước rửa tay được đặt trước cô diễn viên trẻ, Denmiris nói: - Em không cần cái đó! - Rồi vừa nhe răng cười anh vừa nâng tay cô về phía anh và bắt đầu liếm từ từ nước sốt còn dính trên những ngón tay nàng, từng ngón một. Các vị khách khác quay mặt đi. Melina đứng bật dậy và quay về người chủ tiệc. - Xin chủ nhân cho phép tôi cáo từ, tôi… tôi đau đầu. Các vị khách nhìn theo nàng chạy vội ra khỏi buồng. Denmiris đêm đó không về nhà hay là cả đêm hôm sau nữa. Khi Spyros nghe biết chuyện đó, anh giận tái người. - Để cho anh nói chuyện! - người anh Melina điên lên, - và anh sẽ giết tên chó đẻ đó. - Làm như vậy không giúp gì được anh ấy đâu. - Melina bảo vệ cho chồng. - Bản chất anh ấy như vậy rồi. - Bản chất à? Nó là đồ con vật? Phải gạt bỏ nó đi. Sao em không ly dị nó? Đó là điều mà Melina thường tự hỏi mình suốt những đêm dài hiu quạnh nàng phải nằm một mình. Và rồi nàng lại đi đến một câu trả lời. Ta yêu anh ấy. * * * * * Năm rưỡi sáng, Catherine được một người hầu gái theo đạo đánh thức giấc. - Xin chào, thưa cô… Catherine mở mắt và nhìn xung quanh tưởng như lẩm lẫn. Đáng ra là những đang nằm trong căn phòng bé nhỏ ở tu viện, nhưng giờ nàng đang trong một buồng ngủ đẹp đẽ. Ký ức của nàng lại như hiện trở lại. Chuyến đi Anthens… Bà Catherine Douglas… Họ đã bị nhà nước hành quyết… - Thưa cô… Ông Denmiris hỏi rằng cô có muốn ăn sáng cùng ông ở thềm trước nhà không ạ? Catherine nhìn vào nàng hầu, tỏ vẻ còn ngái ngủ. Nàng đã dậy từ bốn giờ sáng, tâm trí nàng cứ muốn quay cuồng. - Cám ơn. Nói với ông Denmiris tôi sẽ đến ngay đây. Hai mươi phút sau, một người hầu dẫn Catherine đến thềm lớn quay mặt ra biển. Có một cái tường đá thép, có thể nhìn qua vườn phía dưới hai mươi bộ. Constantin Denmiris đã ngồi vào bàn, đang đợi. Ở nàng, có một sự ngây thơ khêu gợi. Ông đang muốn lấy nó đi, sở hữu nó và làm cho sự ngây thơ đó thuộc của ông. Ông tưởng tượng ra nàng trần truồng trên giường, giúp ông trừng phạt Noelle và Larry một lần nữa. Denmiris đứng dậy. - Xin chào. Bỏ qua cho tôi đã đánh thức cô dậy sơm, nhưng vì tôi phải đi đến văn phòng làm việc của tôi sau ít phút nữa, và tôi muốn có cơ hội để chúng ta có thể nói chuyện một chút. - Vâng, dĩ nhiên - Catherine nói. Nàng ngồi xuống cái bàn đá lớn đối diện với ông, quay mặt ra biển. Mặt trời vừa mới lên, toả trên mặt biển với hàng ngàn tia nắng. - Cô muốn dùng gì buổi sáng? - Tôi không đói! - Nàng lắc đầu. - Có lẽ uống cà phê nhé? Người hầu đang rót cà phê nóng vào cốc Belleck. - Catherine ạ! - Denmiris bắt đầu - Cô có suy nghĩ về buổi nói chuyện trước của chúng ta không? Catherine suốt đêm qua chẳng nghĩ gì. Ở Anthens chẳng còn lại gì cho nàng, và nàng phải đi đâu đó. Tôi không muốn trở về tu viện, nàng quả quyết. Việc Constantin Denmiris mời nàng làm việc ở London phảng phất nói lên một âm mưu gì đó. Thực tế, Catherine chấp nhận hết, điều đó có vẻ như đáng khích lệ lắm. Có thể là sự bắt đầu một cuộc sống mới. - Vâng! - Catherine nói, - Tôi đã! Và tôi cho rằng tôi cứ nên làm việc đó! Constantin Denmiris cố giấu vẻ hài lòng: - Tôi rất vui sướng. Cô đã ở London chưa? - Không. Đó là tôi không nghĩ vậy. - Sao ta không biết chắc? Còn có rất nhiều điều ngạc nhiên nữa đấy? - Đó là một trong số ít thành phố văn mình trên thế giới. Tôi tin chắc rằng cô sẽ rất thích thành phố đó. Catherine do dự. - Ông Denmiris ạ, sao ông cứ gánh chịu những điều rắc rối đó vì tôi? - Tôi muốn nói: bởi vì tôi thấy phải có ý thức trách nhiệm. - Ông ngừng một lát. - Tôi đã giới thiệu chồng cô với Noelle Page. - À! - Catherine chậm rãi nói. Noelle Page. Cái tên làm cô hơi rùng mình. Cả hai người đó đã bị chết vì nhau. Chắc Larry phải yêu cô ta lắm. Catherine cố gắng hỏi những câu hỏi đã làm cô trăn trở suốt đêm: - Họ bị hành quyết thế… thế nào? Một sự im lặng trong giây lát. - Họ bị một đội binh bắn! Ồ, nàng như cảm giác được những viên đạn đã xé nát thịt da Larry, và đã làm ngã gục thân thể con người mà nàng yêu mến biết mấy. Nàng đau khổ vì đã hỏi đến điều này. - Tôi xin có lời khuyên cô. Đừng nghĩ gì về quá khứ nữa. Điều đó chỉ gây thêm đau đớn. Cô phải quên tất cả đi! - Ông nói đúng. Tôi sẽ cố. - Catherine chậm rãi nói. - Tốt. Tôi phải bố trí máy bay đi London sáng nay, Catherine. Cô có thể sẵn sàng rời đây sau một lúc không? Catherine lại nghĩ về chuyến bay nàng đã đi cùng Larry, việc sửa soạn vội vã, đóng gói đồ đạc và những thích thú trước đó. Lần này, không có ai đi cùng chẳng có mấy thứ để đóng gói, và chẳng có gì cần sửa soạn. - Vâng. Tôi có thể sẵn sàng. - Tuyệt vời. Tiện đây - Denmiris nói luôn, - bây giờ trí nhớ của cô đã dần dần trở lại, có thể có một vài người nào đó cô muốn tiếp xúc với họ vài người trong quá khứ đối với họ, cô nên cho họ biết cô không sao cả nhé. Cái tên làm căng thẳng đầu óc nàng là William Fraser. Ông ta là người độc nhất trên thế giới này mà nàng biết rằng nàng không dễ gặp được họ. Khi ta đã ổn định làm ăn, Catherine nghĩ. Khi ta bắt đầu làm việc, ta sẽ tiếp xúc với họ. Constantin Denmiris ngắm nhìn nàng, đợi câu trả lời của nàng. - Không - Cuối cùng Catherine nói, - Chẳng có ai đâu. Nhưng không có ý nghĩ rằng nàng đã vừa cứu mạng ở William Fraser. - Tôi sẽ giải quyết hộ chiếu cho cô - ông đưa nàng một phong bì - Đây là khoản tạm ứng lương. Cô không phải lo về nơi ở. Công ty có một ngôi nhà ở London. Cô sẽ ở đó. Mọi việc đã giải quyết quá chu đáo. - Ông tử tế quá. Ông nắm tay cô. - Cô sẽ thấy rằng tôi…- Ông định nói rồi thay đổi ý muốn nói của mình. Phải cẩn thận, ông nghĩ. Từ từ. Anh đừng có làm cho cô ta sợ nữa… - Rằng tôi có thể là một người bạn rất tốt. - Ông là một người bạn rất tốt. Denmiris cười. Đợi đấy. Hai giờ sau, Constantin Denmiris đưa Catherine ngồi vào ghế sau chiếc xe Rolls Royce để đưa cô ra sân bay. - Mong cô thích London - ông nói. - Tôi sẽ liên lạc với cô luôn! Năm phút trước khi ô tô khởi hành, Denmiris đã gọi cho London: - Cô ta đang trên đường! Chương 05 Máy bay dự định rời sân bay Hellenikon lúc 9 giờ sáng. Đó là chiếc Hawker Siddeley, và điều làm Catherine ngạc nhiên, nàng là hành khách duy nhất. Viên phi công, một người Hy Lạp tuổi trạc trung tuần, có bộ mặt vui vẻ, tên là Pantelis, đã thấy Catherine ngồi xong đàng hoàng đã buộc dây an toàn. - Chúng ta sẽ cất cánh trong vài phút nữa. Anh thông báo cho nàng. - Cám ơn! Catherine nhìn viên phi công đi vào buồng lái cùng viên lái phụ, và tim nàng đột nhiên đập nhanh hơn. Đó là chiếc máy bay mà Larry đã bay. Có phải Noelle Page đã ngồi vào chiếc ghế mà hiện nàng đang ngồi không? Từ nhiên Catherine cảm thấy là bị mất hết can đảm và sức mạnh, các bức tường bắt đầu khép kín lại, nhốt nàng bên trong. Nàng nhắm mắt và thở dài. Thế là hết, nàng nghĩ. -"Denmiris nói đúng. Đó là quá khứ và không thể làm thay đổi được những gì đã xảy ra." Nghe thấy tiếng rồ máy, nàng mở mắt. Máy bay đang cất cánh, quay đầu về phía tây Bắc thẳng hướng London. Đã bao lần Larry bay như thế này? Larry. Nàng bị day dứt bởi những cảm xúc lẫn lộn mà tên của anh đã gợi lại cho nàng. Và những kỷ niệm. Những kỷ niệm tuyệt vời, những kỷ niệm khủng khiếp… Đó là vào mùa hè 1940, một năm trước khi Mỹ tham chiến. Nàng vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, và phải đi từ Chicago lên Washington để nhận việc làm đầu tiên. Cô bạn cùng buồng đã nói: - Này, tao nghe nói có một nghề mới chắc làm mày chú ý. Một đứa con gái trong bữa ăn nói rằng nó sắp đi Texas. Nó sẽ làm cho ông Bill Fraser. Ông này phụ trách khâu quan hệ báo chí của Bộ Quốc Phòng. Tối qua tao vừa nghe nói thế vậy nếu chúng mày đến đó bây giờ, chúng mày sẽ đánh bại các đứa khác. Catherine đã chạy đua với chúng bạn, tìm cho được phòng đón tiếp của ông Fraser lúc đó đã có hàng chục lá đơn xin việc để trên bàn. Tôi không gặp may, Catherine nghĩ vậy. Cánh cửa buồng bên trong vừa mở và William Fraser bước ra. Ông ta cao, một con người hấp dẫn, với bộ tóc hung, xoăn xoăn, lại xam xám ở thái dương, đôi mắt xanh sáng quắc và có cái cằm to như muốn đe doạ người khác. Ông ta nói với nhân viên tiếp tân: - Tôi cần một tờ tạp chí Life! Số báo này ra từ ba hay bốn tuần trước. Có một bức ảnh Stalin ở bìa. - Tôi sẽ hỏi mua ạ, thưa ông Fraser - nhân viên tiếp tân nói. - Sally này, tôi đang đàm thoại với Thượng Nghị sĩ Borah. Tôi muốn đọc cho ông nghe một đoạn trong số báo đó. Cô có 2 phút để tìm ra số báo đó cho tôi - Ông đi vào phòng làm việc và khép cửa lại. Những người muốn nộp đơn xin làm việc nhìn nhau và nhún vai. Catherine đứng đó, cố nghĩ cách. Cô quay ra và chạy khỏi văn phòng. Cô nghe thấy một phụ nữ nói: - Được, thế là giảm xuống phải không ạ? Ba phút sau, Catherine quay về văn phòng với tạp chí "Life" - có tranh Stalin ở bìa. Cô đưa cho nhân viên tiếp tân. Năm phút sau Catherine thấy cô được ngồi trong văn phòng ông William Fraser. - Sally nói với tôi rằng cô đã cầm lên tạp chí Life. - Vâng, thưa ngài? - Tôi cho rằng cô không thể nào có được một số báo đã phát hành ba tuần rồi trong cái túi của cô. - Không, thưa ngài! - Làm sao cô tìm được nhanh thế! - Tôi chạy xuống hiệu cắt tóc và phòng khám răng luôn luôn có những số báo cũ vất lung tung. - Thế đối với mọi việc cô có tính nhanh thế không? - Không, thưa ông! - Chúng ta sẽ xem - William Fraser nói. - Cô đã được thuê làm việc. Catherine thích cách làm việc của Fraser. Ông đỗ cử nhân, giàu và có tư tưởng xã hội, và hình như ở Washington, ai ông cũng quen biết. Tạp chí Time đã gọi ông là "Ông cử nhân được ưa thích nhất trong năm". Sáu tháng sau khi Catherine bắt đầu làm việc cho William Fraser, họ phải lòng nhau. Trong buồng ngủ với ông, Catherine nói: - Em phải nói với ông một điều. Em còn trinh tiết. Fraser lắc đầu ngạc nhiên. - Thật không tưởng tượng được Làm sao tôi lại có thể được ôm một trinh tiết độc nhất của thành phố Washington này. Một hôm William Fraser nói với Catherine: - Họ đang yêu cầu văn phòng ta phải kiểm tra bộ phận phim ảnh bên quân đoàn không quân, họ đang quay phim với hãng MGM ở Hollywood. Tôi muốn có trong tay cuốn phim này khi tôi ở London. - Giao cho em ư? Anh Bill, em không thể ngay cả đặt chân lên phố Browme. Làm sao em biết mà quay một cuốn phim về tập luyện. - Việc mới quá chứ gì, đối với ai cũng vậy. - Fraser cười. - Cô không phải lo. Bên đó họ có ông Giám đốc. Tên ông ta là Allan Benjamin. Quân đội định sử dụng các diễn viên bên ngoài đóng trong phim. - Tại sao! - Tôi cho rằng cho thấy lính tráng khó bảo dù đúng như những người lính. - Như vậy mới là Quân đội chứ! Và Catherine đã bay đi Hollywood để kiểm tra về phiếu huấn luyện. Phòng ghi âm chật cứng người, hầu hết mặc đồng phục quân đội rất chỉnh tề. - Xin lỗi - Catherine nói với một người đi ngang qua - Ông Allan Benjamin có đây không ạ? - Hỏi ông hạ sĩ người bé kia kìa. Catherine quay lại và thấy một người trông yểu tướng, nhanh nhẹn trong đồng phục với phù hiệu hạ sĩ ở cánh tay. Anh ta đang quát một người đeo sao đại tướng. - Làm đúng như đạo diễn mới. Tôi phải lên chỗ thằng ngốc đóng vai tướng đây. Tôi cần không hoá trang. - Anh ta giơ tay lên một cách tuyệt vọng. Ai cũng muốn làm chỉ huy, không ai chịu làm nô lệ thế này. - Xin lỗi, - Catherine nói. - Tôi là Catherine Alexander. - Cám ơn chúa! - Con người bé nhỏ nói - Cô đi đi cho. Tôi không biết tôi đang làm gì ở đấy. Tôi có một việc lương ba ngàn rưỡi đô la một năm ở Dearborn làm biên tập viên báo chí kinh doanh về đồ đạc, mà tôi lại đầu quân vào quân đoàn tín hiệu và giao viết phim huấn luyện. Tôi có biết gì về sản xuất và điều khiển việc làm phim đâu? Đó là tất cả các điều cô muốn biết đó. - Anh ta quay đi và vội chạy ra lối ra, để Catherine đứng một mình. Một người đàn ông gầy, tóc hoa râm mặc quần áo mùa đông đi về phía cô, với nụ cười vui vẻ: - Cô có cần giúp gì không? - Tôi cần một điều lạ lùng - Catherine nói - Tôi phụ trách về việc này, và tôi không biết tôi phải làm gì. - Chào mừng cô đến Hollywood. Tôi là Tom O Brien trợ lý giám đốc phim. - Anh ta cười - Cô nghĩ cô có thể điều khiển công việc này? Cô thấy góc môi cô như muốn cứng lại: - Tôi sẽ cố. Tôi đã chụp sai bức hình với Willie Wyler. Kết quả không xấu xí nhưng trông thật tội. Điều cần thiết là phải có bố trí một chút. Khi kịch bản đã viết rồi, thì phải sẵn sàng dựng ngay! - Catherine nhìn quanh phòng ghi âm. - Một vài bộ quân phục này trông gớm quá. Cho tôi xem liệu chúng ta có thể làm tốt hơn không? O Brien gật đầu tán thưởng. - Phải đấy! Catherine và O Brien đi qua nhóm những người huy động. Tiếng nói chuyện lầm rầm trong phòng ghi âm vĩ đại này làm cho người ta đủ điếc tai. - Để cho chúng tao xuống, chúng mày! - O Brien quát - Đây là cô Alexander. Cô sẽ phụ trách ở đây". - Cứ để cho mọi việc tiếp tục, để tôi có thể thấy rõ hơn cùng với anh, có đúng không? - Catherine nói. O Brien bắt mọi người đứng vào hàng vội vàng. Catherine nghe thấy những tiếng cười và những tiếng nói chung quanh, cô quay lại không hài lòng. Một trong nhiều người mặc đồng phục đứng ở một góc, không hề chú ý, đang nói chuyện với mấy cô gái, các cô này õng ẹo và rúc rích cười. Thái độ cậu này có vẻ khó chịu với Catherine. - Xin lỗi. Anh có muốn làm việc cùng chúng tôi không đấy? Cậu ta quay lại và hỏi một cách lơ đãng. - Cô đang nói chuyện với tôi đấy ạ! - Vâng. Chúng ta đến đây để làm việc. Cậu ta rất đẹp trai, cao và gầy, tóc xanh mượt và mắt nâu xẫm. Bộ quân phục của cậu ta vừa khít người. Trên vai cậu là cái vạch cấp đại uý và ở ngực, cậu ta gài một dải lụa màu sáng như một rạch ngang, Catherine chú ý nhìn cậu ta: - Những huy chương này… - Thưa thủ trưởng, những huy chương này có gợi cảm không ạ? - Giọng nói của cậu ta rất sâu lắng và đầy vẻ vui đùa thiếu lễ độ. - Vứt những cái đó đi! - Vì sao ạ? Tôi nghĩ những cái này làm cho phim thêm chút màu sắc. - Có một điều nhỏ mà anh quên. Nước Mỹ hiện chưa có chiến tranh. Anh muốn nói anh đã thắng lợi ở chiến tranh trong dạ hội hoá trang phải không? - Cô nói phải, - cậu ta chấp hành ngoan ngoãn. - Tôi không nghĩ đến điều đó. Tôi sẽ bỏ một số cái đi. - Bỏ tất cả đi, - Catherine nói dứt khoát. Sau buổi quay phim, khi Catherine đang ăn trưa ở ban chỉ huy, anh đi về phía bàn cô. - Tôi muốn hỏi cô sáng nay tôi đóng thế nào. Liệu tôi có được tín nhiệm không? Thái độ của anh làm cô tức điên lên: - Anh thích ăn mặc đồng phục và hãnh diện với các cô gái, nhưng anh có nghĩ đến việc đăng ký vào quân đội không? - Anh ta như bị một cú sốc, và bắn lại: - Còn điều cô nói con nít nó cũng biết! Catherine sẵn sàng cho nổ. - Tôi nghĩ anh là người không cẩn thận. - Vì sao? - Nếu anh không biết vì sao, tôi không bao giờ giải thích cho anh. - Tại sao cô không thử…? Tối nay cùng ăn tối nhé. Chỗ cô ở đâu nhỉ. Cô có nấu ăn được không đấy? - Đừng nên quay lại tham gia đóng phim nữa? - Catherine ngắt lời - Tôi đã bảo ông O Brien gửi séc trả tiền cho anh về buổi làm việc sáng nay. Tên anh là gì nhỉ? - Douglas. Larry Douglas! Kinh nghiệm làm việc với người diễn viên trẻ thiếu lễ độ đã làm cho Catherine nhớ mãi, và nàng quyết định không nghĩ đến nữa. Nhưng vì lý do nào đấy, nàng cảm thấy khó quên anh ta. Khi Catherine trở về Washington, William Fraser nói: - Anh vắng em. Anh nghĩ về em nhiều quá. Em có yêu anh không? - Rất yêu, Bill ạ. - Anh cũng yêu em lắm. Sao tối nay ta lại không đi đâu đó là làm gì để kỷ niệm chứ? Catherine biết rằng đó là cái đêm mà anh sẽ đặt vấn đề. Họ đi đến câu lạc bộ Jefferson độc nhất. Giữa buổi ăn tối, Larry Douglas đi vào, anh còn đang mặc đồng phục Quân đoàn Không quân với đầy đủ các huân chương. Catherine nhìn và không ngờ rằng anh đi ngang qua bàn của nàng không chào nàng mà lại chào Fraser. Bill Fraser đứng lên: - Cathy, đây là đại uý Lawrence Douglas Larry. Đây là cô Alexander Catherine. Larry hiện đang bay với hãng RA. Anh là người lãnh đạo của quân đoàn Mỹ ở đó. Họ nói với anh về chủ đề là căn cứ máy bay chiến đấu ta sẵn sàng ra chiến trận. Như là việc quay lại một cuốn phim cũ, Catherine nhớ nàng đã ra lệnh cho anh vứt bỏ cả vạch và huy chương và anh đã vâng lời vui vẻ như thế nào. Nàng đã thiển cận, và thái quá, nàng gọi anh ta là "nhát như cáy". Nàng muốn bò xuống dưới bàn mà chuồn thẳng. Ngày hôm sau, Larry Douglas điện thoại cho Catherine tại phòng làm việc của nàng. Nàng từ chối nói chuyện với anh. Khi hết giờ làm việc, anh đứng ngoài đường, đợi nàng. Anh đã cất bỏ tất cả huy chương và băng lin chỉ còn đeo có phù hiệu là đại uý. - Thế này được chứ. - Anh cười và đi lại gần nàng. Catherine ngắm anh: - Có phải là đã đeo phù hiệu không đúng quy định không? - Tôi không biết. Tôi nghĩ cô phụ trách cái đó. Nàng nhìn vào mắt anh và biết rằng nàng nhầm. Có một lực hút như nam châm ở anh mà không thể cưỡng nổi. - Thế anh muốn gì ở tôi? - Tất cả. Tôi muốn cô. Họ đi về buồng anh và làm tình. Đó là một vui sướng đặc biệt mà Catherine chưa hề có thể mơ tưởng, mọi việc đến với nhau kỳ ảo làm rung chuyển cả căn buồng và vũ trụ đến khi lạc thú trở thành một trái bom nổ, một cuộc du ngoạn không thể tin được, đến rồi lại đi, kết thúc rồi lại bắt đầu. Và nàng lại nằm đó, mệt mỏi, chết lặng đi, ôm anh chặt vào mình, không muốn cho anh đi, không bao giờ muốn cho những cảm giác đó bị dừng lại. Họ lấy nhau năm giờ đồng hồ sau, ở Maryland. Bây giờ, ngồi trên máy bay trên đường đi London để bắt đầu một cuộc đời mới, Catherine nghĩ: Chúng ta còn hạnh phúc. Những điều sai trái đó ở đâu? Những cuốn phim lãng mạn và những bản tình ca đã đánh lừa chúng ta cứ tin vào những kết thúc hạnh phúc, vào các kỵ sĩ trong tình yêu không bao giờ, không bao giờ chết. Chúng ta đã tin rằng James Stewart và Dona Reed đã có một cuộc sống tuyệt vời và chúng ta đã rơi lệ khi Fredne March quay về với Myrna Loy vì những năm tốt đẹp nhất của cuộc đời và chúng ta tin chắc Joan Fontaine đã tìm thấy hạnh phúc trong cánh tay của Laurence Olivier trong vai Rebecca. Họ đã nói dối. Tất cả nói dối. Và những bài hát. Anh sẽ yêu em, luôn luôn. Những người đàn ông luôn được hình dung thế nào. Với một cái đồng hồ bằng quả trứng? Một bộ? Hai bộ? Mãi mãi và mỗi ngày. Tôi đang rời xa. Tôi muốn ly dị. Một số buổi thích thú. Chúng ta đang trèo lên ngọn núi MountToumerka. … Anh và đêm tối âm nhạc. Người quản lý khách sạn nói với tôi về một số hang động gần đây… Anh yêu em vì những lý do tình cảm. Không ai sẽ… bây giờ khi cô ta đang còn ngủ. Là người yêu của tôi. Chúng tôi đã nghe những bài hát, xem phim và đã nghĩ rằng cuộc sống sẽ như thế nào. Tôi tin tưởng vào chồng tôi nhiều. Tôi còn có thể tin tưởng vào một ai được nữa? Tôi đã làm gì để gây cho hắn muốn giết tôi? - Cô Alexander… Catherine nhìn lên, sững sờ, lơ đãng. Viên phi công đang còn đứng ngoài kia. - Chúng ta đã hạ cánh. Chào mừng các vị đến London! Có một chiếc limousine đang đợi Catherine ở sân bay. Người tài xế nói: - Thưa cô Alexander, tên tôi là Alfred. Tôi sẽ bố trí giải quyết hành lý của cô. Cô muốn về thẳng nhà chứ ạ? - Nhà của tôi? Vâng, thế thì tốt quá. Catherine ngồi phịch xuống ghế. Không thể tin được. Constantin Denmiris bố trí máy bay riêng cho cô, và một nơi để sống. Ông ta vừa là người rộng lượng nhất thế giới, vừa là… Nàng không thể nghĩ đơn giản một phương án nào cả. Không. Ông là người đại lượng nhất trên thế giới. Ta không tìm được cách nào để nói lên những ý kiến nhận xét của ta về những việc đó. Ngôi nhà, trên phố Elizabeth, ngoài Quảng trường Eaton, sang trọng cực kỳ. Có một đại sảnh lớn, một buồng tiếp khách trang hoàng đẹp đẽ với những chùm cây nến pha lê, một thư viện trên các giá sách, một căn bếp chứa đầy thực phẩm, ba buồng ngủ trang hoàng hấp dẫn, và cả khu ở cho những người đầy tớ. Catherine đã được một phụ nữ khoảng hơn bốn mươi tuổi mặc toàn đồ đen, đón tiếp ngay ở ngoài cửa. - Xin chào, cô Alexander. Tôi là Anna. Tôi là người quản lý nhà của cô! Tất nhiên. Người quản gia của tôi. Catherine bắt đầu… - Bà có khỏe không? Người tài xế mang những hòm và vali của nàng vào để cả ở buồng ngủ. - Chiếc limousine là để phục vụ cô, - anh nói với nàng. - Xin bảo Anna khi nào cô có thể đi làm, tôi xin đón cô. Chiếc limousine là để phục vụ cô. Tất nhiên: - Cám ơn. Anna nói: - Tôi xin đỡ đồ của cô. Nếu cô cần gì, xin cô cho biết. - Tôi không thể nghĩ là cần gì bây giờ - Catherine đi loanh quanh trong khu nhà đến khi Anna đã để đồ đạc xong. Nàng đi vào buồn ngủ và nhìn vào những bộ quần áo mới đẹp mà Denmiris đã mua cho cô và nghĩ. Có một cảm giác là tất cả hoàn toàn không có thực. Bốn mươi tám giờ trước đày, nàng đang còn tưới nước ở vườn cây trong tu viện. Bây giờ nàng đang sống một cuộc sống như nữ quận công. Nàng không rõ công việc của nàng như thế nào. Ta sẽ làm việc nhiều.Ta không muốn cho ông ta xuống dốc. "Ông tốt một cách tuyệt vời". Nàng đột nhiên thấy mệt. Nàng nằm xuống chiếc giường mềm mại và tiện nghi. Ta phải nghỉ một chút, nàng suy nghĩ. Mắt nàng nhắm lại. Nàng đang bị chết đuối và kêu cứu. Và Larry đang bơi về phía nàng, khi anh tới gần nàng, anh lại dìm nàng xuống nước. Và nàng bị nhốt trong một cái hầm tối, những con dơi móc vào mắt nàng. Catherine bừng tỉnh vì quá sợ hãi, ngồi trên giường, run rẩy. Nàng hít thở mạnh cho đỡ mỏi mệt. Thế là đủ, nàng suy nghĩ. Thế là hết. Đó là ngày hôm qua. Còn hôm nay. Không còn ai làm cô đau đớn. Không ai cả. Không một ai nữa. Bên ngoài phòng ngủ của Catherine, Anna, người quản gia đã lắng nghe hết những tiếng kêu. Bà đợi một lát, khi mọi sự yên lặng, bà đi xuống phòng lớn và nhấc dây nói báo cáo mọi việc cho Constantin Denmiris. * * * * * Công ty kinh doanh Hy Lạp đặt tại trụ sở số 217 phố Bond, bên ngoài quảng trường Picadilly, trong một building cũ của Chính phủ từ những năm trước đây đã chuyến thành những văn phòng làm việc. Bên ngoài building là một kiệt tác về kiến trúc, lộng lẫy và tráng lệ. Khi Catherine đến đây, các nhân viên chính phủ đang đợi nàng. Có khoảng nửa tá người đứng gần cửa để chào đón nàng. - Xin chào mừng cô Alexander. Tôi là Evenlyn Kaye. - Đây là Carl… Tuker… Mathew… Jennic… những tên và các khuôn mặt… - Các bạn có khỏe không? - Văn phòng sẵn sàng đón đợi cô. Tôi xin dẫn cô đi. - Cám ơn! Buồng tiếp đón được trang hoàng đầy ý vị, với một sôfa rộng bọc da, hai bên có các ghế dựa kiểu chippendale và một thảm lớn. Họ đi xuống hành lang dài trải thảm, rồi vào buồng họp có những tấm panen nặng nề và ghế dựa bọc da, theo những cái bàn cao bóng loáng. Catherine đi vội vào một phòng làm việc rất hấp dẫn, với những đồ gỗ tiện nghi có bọc đệm và những ghế xe bọc da. - Đó là tất cả của bà. - Đẹp quá, - nàng lẩm bẩm. Còn có những bông hoa tươi trên bàn làm việc. - Của ông Denmiris đấy ạ! - Ông sâu sắc quá! Evenlyn Kaye, người phụ nữ đã đưa nàng đi giới thiệu các phòng, bà là một phụ nữ đứng tuổi, người to béo, có bộ mặt vui tươi và phong cách chu đáo. - Cần phải vài ngày để cô quen mọi chỗ, nhưng công việc thì thực rất đơn giản. Chúng ta là một trong những trung tâm cân não của Vương quốc Denmiris. Chúng tôi tổng hợp các báo cáo của các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và gửi báo cáo tổng hợp về ban điều hành ở Anthens. Tôi là giám đốc văn phòng. Cô sẽ là trợ lý cho tôi. - Ồ - Thế tôi được là trợ lý giám đốc. Catherine không có ý nghĩ người ta mong đợi gì ở nàng. Nàng như bị ném vào thế giới muôn màu muôn vẻ. Những máy bay riêng, những chiếc limousines, ngôi nhà xinh đẹp đầy đủ đầy tớ. - Wim Vandeen là thần đồng toán học của chúng ta, sống ở đây. Anh có thể tính các số liệu và đưa vào biểu đồ phân tích tài chính để chỉ đạo. Bộ óc của anh làm việc nhanh hơn các máy tính tốt nhất. Sang bên phòng anh và gặp anh đi. Họ đi xuống hành lang tới một phòng làm việc cuối đại sảnh, Evenlyn mở cửa không khoá. - Wim, đây là người trợ lý mới. Catherine bước vào buồng và đứng đó, ngay như đóng cọc Wim Vandeen trông khoảng độ ngoài ba mươi một chút, người gầy, có cái miệng và quai hàm lỏng lẻo, biểu cảm thì nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Anh đang ngắm nhìn ngoài cửa sổ. - Wim, Wim! Đây là Catherine Alexander. Anh quay lại: - Catherine, tên thực là Marta Skowronka đệ nhất, nàng là con một người đầy tớ sinh năm 1684, bị những người Nga bắt, nàng lấy Peter Đệ nhất và đã là nữ vương của nước Nga từ 1725 đến 1727, Catherine Đại đế là con sau của hoàng tử Đức sinh năm 1729 và lấy Peter sau này trở thành Hoàng đế Đệ Tam vào năm 1726, và bà đã kế tục ngai vàng của vua trong năm sau đó sau khi bà đã giết chết ông. Dưới sự trị vì của bà, nước Ba Lan đã ba lần chia cắt và đã có 2 cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ… Các thông tin tuôn ra như một vòi nước với giọng đơn điệu. Catherine lắng nghe, ngây người ra. - Như vậy… như vậy rất hay, - nàng nói. Wim Vandeen nhìn quay đi. - Wim thẹn khi anh gặp người khác. - Evenlyn nói. Thẹn à? Catherine nghĩ. Đàn ông mà thẹn. Và anh ta lại là một thần đồng? Công việc ở đây đang làm là gì? * * * * * Ở Anthens, trong văn phòng ở phố Aghiou Geronda, Constantin Denmiris đang nghe điện thoại của Alfred từ London. - Tôi đã đưa cô Alexander từ sân bay về thẳng nhà ở. Thưa ông Denmiris. Tôi đã hỏi xem cô có yêu cầu tôi đưa cô đi đâu không, như ông đã đề nghị, và cô nói không! - Cô không có tiếp xúc với ai ở bên ngoài cả à? - Không, thưa ngài. Trừ khi cô gọi điện từ nhà ở, thưa ngài. Constantin Denmiris không lo lắng về việc đó. Anna, người quản gia, sẽ báo cáo với ông. Ông thay ống nghe, thoả mãn. Nàng hiện không có gì nguy hiểm cho ông và ông tiếp tục theo dõi nàng. Nàng chỉ có một mình trên thế giới này. Nàng không có ai để tiếp xúc, trừ người ban ơn cho nàng - Constantin Denmiris. Ta phải sắp xếp để đi London sớm, Denmiris nghĩ rất may mắn. Nhanh đi thôi. Catherine thấy công việc mới của nàng rất thích thú. Các báo cáo hàng ngày đến từ các nơi trong vườn quốc của Constantin Denmiris. Có những vận đơn đường biển từ nhà máy cán thép ở Indiana, các sổ sách kiểm tra từ một nhà máy ô tô ở Italy, các hoá đơn của hàng loạt tờ báo của Úc, một mỏ vàng, một công ty bảo hiểm. Catherine gắn các báo cáo lại, xem qua và chuyển thông tin trực tiếp cho Wim Vandeen. Wim liếc nhìn các báo cáo một lượt, đưa vào máy tính tuyệt vời là bộ óc của anh, và hầu hết được tính toán ngay tỉ lệ phần trăm lợi nhuận hay thiệt hại cho công ty. Catherine vui thích được biết những đồng sự mới của cô và nàng cảm thấy hơi ngại bởi vẻ đẹp của ngôi nhà cố kính nàng làm việc ở đó. Nàng có nói những điều đó với Evenlyn Kaye một lần trước mặt Wim và Wim nói: - Đó là ngôi nhà hải quan của Chính phủ do Ngài Chistopher Wren thiết kế vào năm 1721. Sau vụ cháy lớn ở London, Chistopher Wren đã thiết kế lại cả thảy 55 nhà thờ kể cả nhà thờ St. Paul, St. Michael, và St. Bride. Ông còn thiết kế Ngân Hàng hối đoái Hoàng gia và điện Buckingham. Ông chết năm 1723 và được chôn cất ở nhà thời St. Paul. Ngôi nhà được chuyển thành văn phòng làm việc vào năm 1907 và trong Đại chiến thế giới II dưới thời Blitz, chính phủ đã tuyên bố đó là chỗ ẩn nấp chính thức cho những cuộc ném bom. Chỗ ẩn nấp cho những cuộc ném bom là một buồng rộng có gia cố chống bom, được lắp thêm cửa nặng gắn với nền móng nhà. Catherine nhìn vào cái buồng được gia cố nặng nề đó và nghĩ về những người đàn ông, đàn bà và trẻ con người Anh, dũng cảm đã trú ngụ ở đây trong những trận oanh tạc khủng khiếp của phi đội Luftwaffe của Hitler. Móng nhà rất lớn, chạy khắp chiều dài ngôi nhà. Có một nồi hơi lớn để đun nước sưởi ấm cho ngôi nhà, và có trang bị các thiết bị điện và điện tử. Nồi hơi là một vấn đề quan trọng. Nhiều lần, Catherine đã phải dẫn những người thợ sừa chữa xuống nền nhà để xem xét. Mỗi lần lại muốn sữa chữa những cái đã hư hỏng và họ lại bỏ đi. - Trông nguy hiểm lắm, - Catherine nói. - Có thể nó sẽ bị nổ? - Chỉ là do tim cô lo lắng thôi, cô ạ, không đâu. Cô xem cái van an toàn ở đây? Vậy đấy, nếu nồi hơi bị quá nớng, cái van này sẽ nhả hơi nước thừa ra, không sao cả. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, đã có London. London… một biểu tượng ngoạn mục của những rạp hát, vũ ba lê, các dàn nhạc. Có những cửa hàng sách cổ rất thích thú như Hatchards, và Royles - hàng chục các viện bảo tàng, và các hiệu đồ cổ nhỏ bé, và các khách sạn Catherine đã đến xem cửa hàng in Litô ở Cecil Court và đi mua hàng ở các cửa hàng lớn như Harrods, Fort num và Mason, Marks và Spencer và đã đi uống trà chủ nhật ở Savoy. Thỉnh thoảng, những suy nghĩ không có chủ đích chợt nẩy ra trong đầu nàng. Có quá nhiều thứ gợi lại cho nàng và Larry. Một tiếng nói… một câu… một loại nước hoa… một bài hát. Không. Quá khứ đã chấm dứt rồi. Tương lai là điều quan trọng. Và mỗi ngày như vậy làm nàng như khỏe ra. Catherine và Evenlyn Kaye trở thành những người bạn thân và thỉnh thoảng cùng đi chơi với nhau. Một ngày chủ nhật, họ đã đi xem triển lãm nghệ thuật ngoài trời bên bờ sông Thames. Có mấy chục nghệ sĩ có mặt tại đó, cả trẻ và già, họ bày các bức tranh, tất cả họ có một nét chung, là họ không thể trưng bày các tác phẩm của họ ở bất kỳ một triển lãm nào. Các bức tranh của họ rất khủng khiếp. Catherine đã mua một bức để tỏ bày thiện cảm. - Cô định treo bức tranh này ở đâu? - Evenlyn hỏi. - Trong buồng nồi hơi. - Catherine nói. Khi họ đi dọc theo những phố xá London, họ đã đi qua nơi các nghệ sĩ vỉa hè, nhiều người dùng phấn mầu để vẽ trên hòn đá mặt hè. Một số tác phẩm của họ cũng hay lắm. Các khách qua đường cứ muốn đứng lại để ngắm nghía các bức tranh và rồi ném vài xu cho các nghệ sĩ. Một buổi trưa, trên đường đi ăn về, Catherine đã đứng lại ngắm một người đã nhiều tuổi đang vẽ một bức tranh phong cảnh bằng phấn. Vừa khi về xong, trời bắt đầu đổ mưa, ông già đứng đó ngắm nhìn bức tranh của ông đã bị xoá đi. Thật giống cuộc đời quá khứ của ta quá, Catherine nghĩ vậy. Evenlyn đưa Catherine đi chợ Người chăn cừu. - Đây là một nơi rất hay, - Evenlyn đảm bảo như vậy. Nơi đó chắc chắn có nhiều màu sắc. Có một khách sạn lâu đời tới ba trăm tuổi tên là Tiddy Dols, một quầy báo chí, một cái chợ, một tiệm mỹ phẩm, một lò bánh, một hiệu đồ cổ và vài ngôi nhà từ hai đến ba tầng. Tên viết trên các hộp thư thì đủ kiểu. Có cái đọc là - Helen - và dưới là "những bác học tiếng Pháp". Có biển khác là đọc được "Rossis" và ở dưới là "Dạy tiếng Hy Lạp ở đây" (Greek taught here). Evenlyn cười: - Về một mặt nào đó, tôi cũng đoán như vậy Chỉ có cái kiểu giáo dục của các cô gái ở đây thì không thể đưa vào giảng dạy ở nhà trường được! Evenlyn cười phá lên còn to hơn khi Catherine ngượng đỏ cả mặt. Catherine sống một mình hầu hết thời gian nàng muốn được bận rộn để cho bớt đi lẻ loi. Suốt ngày, nàng đắm mình vào những suy nghĩ làm sao có được những giờ phút quý hoá trong cuộc sống để lấy lại những gì đã bị mất đi trong đời. Nàng cố từ bỏ những ưu phiền trong dĩ vãng hoặc trong tương lai. Nàng đã giành thời gian đi thăm thành phố cổ Windoorm, và cả Canterbury với nhà thờ xinh đẹp và Hamptas Court. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nàng đi về miền quê lưu lạc tại những quán trọ nhỏ bé hoặc đi bộ qua các thôn làng. Ta còn sống, nàng nghĩ. Không ai sinh ra hạnh phúc. Mọi người phải xây dựng hạnh phúc riêng của mình. Ta đã sống sót. Ta còn trẻ và khỏe mạnh và sẽ có nhiều điều tốt đẹp xảy ra. Ngày thứ hai, nàng trở về làm việc. Trở về với Evenlyn, các cô gái và Wim Vandeen. Wim Vandeen là một điều bí ẩn. Catherine chưa bao giờ gặp một người nào như anh ta. Có hai mươi nhân viên trong văn phòng, và không cần phải dùng đến máy tính, Wim Vandeen có thể nhớ lương, số bảo hiểm và những khoản khấu trừ vào lương của từng nhân viên. Tuy vậy, tất cả những số liệu đó đều có hồ sơ lưu trữ, anh còn giữ các số liệu ghi chép của công ty trong đầu anh. Anh còn nhớ cả lưu lượng tiền mặt hàng tháng của các ngành sản xuất kinh doanh trong công ty, so sánh với các tháng trước hoặc hồi cố lại tới 5 năm trước khi anh bắt đầu làm cho công ty. Wim Vandeen nhớ được mọi cái anh đã được nhìn thấy, nghe được hay đọc qua. Khả năng trí nhớ của anh không thể tưởng tượng nổi. Những câu hỏi đơn giản bất cứ chủ đề nào cũng nảy ra hàng loạt thông tin, nhưng anh lại là người chống tư tưởng xã hội. Catherine trao đổi với Evenlyn về anh. - Tôi không hiểu Wim tý nào cả. - Wim là một con người lập dị, - Evenlyn nói. - Chị phải hiểu anh ta đúng như bản chất anh ta. Những gì anh ta quan tâm chỉ là những con số. Tôi không cho rằng anh ta có quan tâm đến con người. - Thế anh ta có bạn bè gì không? - Không! - Thế anh ta có hẹn hò gì không - ý tôi muốn nói là đi với các bạn gái? - Không! Theo Catherine thì Wim bị cách ly và bị cô đơn, và nàng cảm thấy nàng có một cái gì đó giống với anh ta. Khả năng trí nhớ của Wim làm kinh ngạc Catherine. Một buổi sáng, nàng bị nhức đầu. Wim nói một cách cộc lốc: - Thời tiết này không giúp gì cho các bệnh đó lắm. Chị nên đi và khám ở bác sĩ tai!- - Cám ơn, Wim. Tôi… - Các bộ phận của tai gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong, giữa tai ngoài và tai giữa là màng nhĩ và một hệ thống xương nhỏ - xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Tai trong có ống dẫn hình bán nguyệt, cửa sổ hình ovan, ống eustache, dây thần kinh thính giác và ốc tai. - Và rồi anh bỏ đi. Lại có hôm khác, Catherine và Evenlyn đưa Wim đi ăn trưa ở Ram s Head, một nhà hàng bình dân trong khu vực đó. Trong phòng cuối, các khách hàng đang chơi trò ném phi tiêu. - Wim, anh có quan tâm đến thể thao không? - Catherine hỏi. - Anh có bao giờ đi xem bóng chày không? - Bóng chày ấy à, - Wim nói. - Quả bóng chày có chu vi là chín inch một phần tư, làm bằng sợi cuốn vào một lõi bằng cao su cứng và bọc ngoài bằng da trắng. Cái gậy thường làm bằng gỗ cây tần bì, đường kính chỗ lớn nhất từ hai đến ba phần tư inch và chiều dài không lớn hơn bốn mươi hai inch. Anh ấy biết hết các số liệu thống kê, Catherine nghĩ, nhưng lại chẳng thích thú gì việc đang làm cả? - Anh đã từng chơi thể thao không? Bóng rổ chẳng hạn? - Bóng rổ thường chơi trên nền sàn gỗ hay sân xi măng. Quả bóng làm bằng da, hình cầu, chu vi ba mươi mốt inch, bên trong có vét-xi bằng cao su bơm hơi tới áp lực mười ba pound, Nặng hai mươi đến hai mươi hai ounce. Bóng rổ do James Naismish phát minh ra vào năm một nghìn tám trăm chín mốt. Catherine đã được trả lời như vậy. Đôi khi Wim tỏ ra lúng túng trước mọi người. Vào một ngày chủ nhật, Catherine và Evenlyn đưa Wim đi Maidenhead trên sông Thames. Họ dừng ở Compleat Angler để ăn trưa. Người hầu bàn tới bàn của họ: - Chúng tôi hôm nay có những kẹp thịt. Catherine quay lại Wim. - Anh thích món kẹp thịt à? Wim nói: - Có những loại kẹp dài, kẹp kiểu con trai ở sông, hay kẹp tròn, kẹp cạo râu, kẹp lướt vát, kẹp đơn, và những kẹp mạch máu. Người hầu bàn trố mắt nhìn anh ta. - Ngài có muốn đặt món gì không ạ, thưa ngài. - Tôi không thích kẹp, - Wim nói cáu kỉnh. Catherine yêu mến những người làm việc với nàng, nhưng Wim là trường hợp ngoại lệ. Anh ta nổi bật trên cả sự hiểu biết của nàng, và cùng lúc đó, anh càng tỏ ra là đã bị loại bỏ và cô đơn. Một hôm Catherine lại nói với Evenlyn: - Liệu có cơ may nào để Wim trở thành con người bình thường không? Phải lòng ai và lấy người ta chẳng hạn? Evenlyn thở dài. - Tôi đã nói với cô. Anh ta không có xúc cảm. Anh ta chưa hề gắn bó với bất kỳ ai cả. Nhưng Catherine không tin điều ấy. Một đôi lần, nàng đã bắt gặp có một nét thoáng qua về sự quan tâm - một tình cảm - hay một tiếng cười - trong con mắt Wim, và nàng muốn kéo Wim ra ngoài tình trạng đó, giúp anh. Hay đó chỉ là sự tưởng tượng của nàng thôi. Có một hôm, các nhân viên, văn phòng nhận được giấy mời tham gia buổi khiêu vũ từ thiện tổ chức ở Savoy. Catherine vào phòng làm việc của Wim. - Wim, anh có đi nhảy không? Anh nhìn chăm chắm vào nàng. - Một gạch trắng và một nửa nhịp bốn bốn là một khoảng của điệu Foxtrot. Người đàn ông bắt đầu nhịp mạnh bằng chân trái và tiến lên hai bước. Người phụ nữ bắt đầu bằng chân phải và lùi hai bước. Cả hai bước chậm, tiếp đến là một bước nhanh theo góc phải rồi tới các bước chậm. Để nhún, người đàn ông bước lên, trên chân trái và nhún - chậm - rồi chuyển lên sang chân phải - chậm. Rồi người đàn ông chuyển sang trái bằng chân trái - nhanh. Rồi khép chân phải và chân trái của anh ta lại - nhanh! - Catherine đứng đó, không biết nói gì nữa. Anh ta biết tất cả các từ nhưng anh ta không hiểu ý nghĩa các từ đó. Constantin Denmiris gọi điện đến. Đã khuya rồi và Catherine đang chuẩn bị đi ngủ. - Tôi hy vọng tôi không làm phiền cô. Constantin đây. - Không, trái lại. - Nàng rất mừng được nghe tiếng ông. Nàng đã không được nói chuyện với ông từ lâu và đang muốn hỏi ý kiến ông. Sau nữa, ông là người duy nhất trên thế giới này thực sự biết về quá khứ của nàng. Nàng cảm thấy ông như là người bạn cũ của nàng. - Tôi đã nghĩ nhiều về cô, Catherine ạ. Tôi lo rằng, cô có thể cảm thấy London là một nơi hiu quạnh. Sau nữa là cô không quen biết ai ở đấy! - Đôi khi tôi cũng thấy cô đơn, - Catherine thú nhận. - Nhưng, tôi cũng quen dần. Tôi nhớ lời ông nói. Hãy quên quá khứ, hãy sống vì tương lai. - Phải đấy. Hãy nói về tương lai, tôi sẽ đến London ngày mai. Tôi muốn mời cô cùng đi ăn tối đấy. - Tôi sẽ rất lấy làm thích điều đó, - Catherine nói nồng nhiệt. Nàng đang mong đợi. Nàng sẽ có dịp nói với ông rằng nàng vô cùng biết ơn ông. Khi Constantin Denmiris đặt ống nghe xuống, ông đã cười một mình. Cuộc săn đuổi vẫn tiếp tục. Họ ăn tối ở nhà hàng Ritz. Phòng ăn lịch sự và các món ăn lại rất thú vị. Nhưng Catherine quá phấn khích nên không chú ý gì cả mà chỉ chú ý con người đang ngồi đối diện với cô. Có nhiều điều cô phải nói với ông. - Ông có các nhân viên tuyệt vời! - Catherine nói - Wim thì đáng kinh ngạc. Tôi không thấy ai có thể… Nhưng Denmiris lại không lắng nghe những từ đó. - Ông đang theo dõi cô, nghĩ sao nàng lại đẹp như vậy, và nàng bị tổn thương như thế nào. Nhưng ta không được vội vàng với nàng. Denmiris quyết định. Không, ta phải chơi trò này từ từ và chiến thắng từng bước một, cái con người này sẽ vì em, Noelle ạ, và cho người yêu của em. - Ông sẽ ở London có lâu không?. - Catherine hỏi. - Độ một hay hai ngày. Tôi có một số công việc để giải quyết. Đó là sự thật. Nhưng ông biết ông có thể giải quyết các công việc đó qua điện thoại. Không, ông phải đến London để bắt đầu một chiến dịch làm cho Catherine gần ông hơn, để làm cho phụ thuộc vào ông thực sự bằng tình cảm. Ông nghiêng người về phía trước. - Catherine, tôi đã nói với cô về cái quãng thời gian tôi đã làm việc ở vùng Ả-rập Saudi chưa nhỉ? Hôm sau, Denmiris lại đưa Catherine đi ăn tối. - Evenlyn nói với tôi cô đang làm một việc tuyệt vời ở văn phòng của tôi. Tôi sẽ phải nâng lương cho cô. - Thì ông quá độ lượng với tôi còn gì nữa, - Catherine phản đối. - Tôi… Denmiris nhìn vào mắt nàng. - Cô không biết tôi rộng lượng đến thế nào ư. Catherine bối rối. Anh ấy chỉ có tốt, nàng nghĩ. Tôi không hình dung những nổi sự việc. Ngày hôm sau. Catherine chuẩn bị đi. - Cô có muốn đi ra sân bay với tôi không, Catherine? - Vâng! - Nàng cảm thấy ông rất quyến rũ, gần như gắn bó. Ông là người vui tính có nhiều phẩm chất nổi bật và nàng đã được sung sướng bởi sự quan tâm của ông. Tại sân bay, Denmiris đã hôn Catherine nhẹ nhàng lên má. - Tôi rất sung sướng được có thời gian gần nhau như thế nào, Catherine ạ! - Tôi cũng vậy cám ơn ông, Costa. Nàng đứng đó ngắm nhìn máy bay của ông cất cánh. Ông ta là con người đặc biệt, Catherine nghĩ. Ta sắp phải thiếu ông! Chương 06 Mọi người thường ngạc nhiên về tình bạn bên ngoài rất thân thiết giữa Constantin Denmiris và người anh vợ của của ông Spyros Lambrous. Spyros Lambrous cũng giàu có và đầy sức mạnh gần như Denmiris. Denmiris là chủ của một đội tàu vận tải lớn nhất trên thế giới, Spyros Lambrous cũng là chủ nhân một đội tàu lớn thứ nhì. Constantin Denmiris kiểm soát hàng loạt các tời báo, hãng - hàng không, mỏ dầu và nhà máy cán thép, và cả mỏ vàng, Spyros Lambrous lại có các công ty bảo hiểm, các ngân hàng, một số lớn đất đai bất động sản và cả các nhà máy hoá chất. Họ như là các đối thủ cạnh tranh những thân hữu, hơn thế nữa, họ còn như những người cùng chí hướng. - Thật tuyệt vời, người ta nói rằng hai trong các người có thế lực nhất trên thế giới lại là những người bạn lớn như vậy? Trong thực thế, họ là các đối thủ không thay thế được mà còn coi thường nhau. Khi Spyros Lambrous mua một con tàu thủy dài 100 bộ(1) thì Constantin Denmiris lập tức lại mua một con tàu thủy dài 150 bộ(2), có bốn động cơ diesel GM, một đoàn thủy thủ gồm 13 người, cuộc sống trên thuyền có mức cao và một bể bơi nước ngọt trên đó. Khi đội tàu của Spyros Lambrous đạt tới sức chở tổng cộng 200.000 tấn, gồm mười hai tàu chở dầu, thì Constantin Denmiris lại tăng đội tàu của mình lên hai mươi ba tàu chở dầu, với sức chở tổng là 650.000 tấn. Spyros Lambrous có một tàu ngựa đua, thì Denmiris mua luôn một trong huấn luyện ngựa đua rất lớn để đối chọi lại ông anh vợ và tất nhiên là thắng. Cả hai đều thường xuyên gặp nhau, vì họ thường cùng tham gia vào các ủy hội từ thiện, ngồi cùng ban điều hành của hàng loạt các công ty khác nhau, và thỉnh thoảng cũng cùng có mặt trong các cuộc tụ họp gia đình. Về tính khí thì chính xác là họ đối nghịch hẳn nhau. Nếu như Constantin Denmiris xuất thân từ một đứa trẻ lang thang, tự mình tiến thân lên cao, thì Spyros Lambrous lại sinh ra trong một gia đình quý tộc. Ông ta là một người đàn ông gầy và lịch thiệp luôn ăn mặc nghiêm chỉnh, nhã nhặn có phong cách của thế giới cổ. Ông ta là hình ảnh của cả dòng dõi gia đình kể từ thời Otto ở Bavaria, đã có một lần trị vì, làm vua nước Hy Lạp, một bộ phận nhỏ, nhưng người cầm đầu, thu thập các của cải để buôn bán, đóng tàu và mua đất. Cha của Spyros Lambrous là một trong những người đó, và Spyros đã được thừa hưởng vương quốc của ông. Đã nhiều năm, Spyros Lambrous và Constantin Denmiris đã thực hiện một trò chơi chữ về tình bạn. Nhưng mỗi người đều khẳng định rằng, cuối cùng, mình sẽ tiêu diệt đối phương, Denmiris thì lấy lý do là bản năng phải tồn tại, còn Lambrous thì vì cách đối xử tàn tệ của ông em rể với Melina. Spyros Lambrous là một người mê tín. Ông cho rằng cái mệnh của ông rất tốt, và ông chỉ lo lắng sao cho không làm sai ý Chúa. Đôi khi ông cũng hỏi ý kiến các nhà tâm lý học để được chỉ bảo. Ông ta có đủ thông minh để nhận ra những gian trá, nhưng có một nhà tâm lý học mà ông đã tìm thấy ở vị này là tính không ngay thẳng. Bà đã tiên đoán việc sẩy thai của cô em Melina của ông và bà còn đoán sau đám cưới sẽ xảy ra điều gì và hàng tá chuyện đã qua đi không sao cả. Bà ta sống ở Anthens. Tên bà ta là Pins. Constantin Denmiris có một thói quen là ông đến văn phòng làm việc ở phố Aghion Geronda sáng nào cũng vậy đúng sáu giờ. Vào thời gian mà những đối thủ của ông đã đi làm việc, Denmiris đã điều khiển xong các nhân viên của ông ở hàng chục nước mất hàng giờ đồng hồ. Phòng làm việc riêng của Denmiris rất đặc biệt. Từ đó, nhìn xuống một quang cảnh rất đẹp, những cửa sổ như những bức tranh mà thành phố Anthens như ở dưới chân mình. Sàn nhà bằng đá granite đen. Đồ đạc toàn bằng thép và da. Trên các bức tường là cả một bộ sưu tập về nghệ thuật lập thể, với Légers, Braques và khoảng nửa tá tranh của Picasso. Có một gương lớn, một bàn làm việc bằng thép và một ghế bành - ngai vua bằng da. Trên bàn có một phù điêu pha lê mặt Alexander Đại đế. Chữ đề ở dưới đọc được là: "Alexandros. Người bảo vệ con người". Vào một buổi sáng đặc biệt, điện thoại riêng của Constantin Denmiris réo lên khi ông bước vào phòng. Có khoảng độ nửa tá người đã được phép gọi trực tiếp đến số điện thoại này. Denmiris nhấc ống nghe lên. - Kalimelira. - Kalimelira. - Tiếng nói ở đầu kia là tiếng của người thư ký riêng của Spyros Lambrous, Nikos Ventos. Hắn nói rất rắn rỏi. - Bỏ qua cho tôi đã làm phiền ông, ông Denmiris ạ. Ông đã nói với tôi là cứ gọi khi có tin gì mà ông cán… - Ừ. Tin gì thế? - Ông Lambrous đang có kế hoạch lấy một công ty tên gọi là Aurora International. Trong trao đổi chứng khoán New York có đăng ký tên công ty này. Ông Lambrous có một người bạn trong ban giám đốc, tay này nói với ông ấy có một hợp đồng rất lớn của chính phủ đang chuẩn bị giao cho công ty này chế tạo máy bay ném bom. Đây là một việc rất bí mật, tất nhiên. Chứng khoáng sẽ tăng giá rất nhanh khi người ta công bố tin này… - Tôi không quan tâm đến thị trường chứng khoán, - Denmiris ngắt giọng. - Đừng quấy rầy tôi nữa trừ phi anh có điều gì quan trọng muốn nới với tôi. - Xin lỗi, ông Denmiris. Tôi nghĩ… Nhưng Denmiris đã đặt ống nghe xuống. Vào khoảng 8 giờ sáng, khi trợ lý của Denmiris, Giannis Tcharos, đi vào Constantin Denmiris đang ngồi ở bàn, ngước nhìn lên. - Có một công ty ở Trao đổi chứng khoán New York, Aurora International, báo cáo cho tất cả các tờ báo của ta rằng công ty này đang bị điều tra về làm ăn gian dối. Sử dụng nguồn tin không tên, những lời lẽ hàm ý, hiểu rộng ra được. Tôi muốn bọn nó ghìm chuyện này lại khi chứng khoáng tụt xuống. Rồi bắt đầu mua khi tôi kiểm soát được nó. - Dạ, thưa ngài. Có thể thôi ạ? - Không. Sau khi tôi đã kiểm soát được rồi, thông báo rằng tin đồn đó không có cơ sở. Ồ, được. Cho người ta thấy rằng Trao đổi chứng khoáng New York được thông báo rằng Spyros Lambrous mua chứng khoán của ông, là một thông tin nội bộ. Giannis Tcharos nói rất tế nhị: - Thưa ông Denmiris, ở Hợp chủng Quốc, đó là một tội hình sự. - Tôi biết. * * * * * Cách một dặm, ở Quảng trường Syntagama, Spyros Lambrous đang làm việc trong văn phòng của ông. Nơi làm việc phản ánh cái sở thích triết trung của ông. Đồ đạc ít có đồ cổ đó là một hỗn hợp giữa kiểu dáng Pháp và Ý. Ba bức tường đều có treo các tác phẩm của các hoạ sĩ theo trường phái ấn tượng Pháp. Bức tường thứ tư dành cho một số hoạ sĩ Bỉ, từ Van Rysselberghe đến De Smit. Biển đề ở cửa ngoài phòng đọc được là: Spyros Lambrous và các cộng tác viên, - nhưng chưa bao giờ có một cộng tác viên nào cả. Spyros Lambrous được thừa kế từ người cho ông một dịch vụ buôn bán rất kết quả, và qua nhiều năm ông đã xây dựng nơi đây thành một tổ hợp hoạt động khắp thế giới. Spyros Lambrous phải là một con người hạnh phúc. Ông rất giàu có và thành đạt, và ông vui thích với sức khỏe tuyệt vời của ông. Nhưng đối với ông không thể có hạnh phúc thực sự chừng nào mà Constantin Denmiris còn sống. Người em rể ông là người ông ghét cay ghét đắng. Lambrous coi thường người này. Đối với Lambrous, Denmiris là một tên đa mưu kế, một con người rất có nhiều phương sách, một tên du thủ du thực vô đạo đức. Lambrous luôn luôn oán hận Denmiris vì đã đối xừ tệ bạc với Melina, nhưng sự đối địch tàn bạo giữa hai người có cái liên hệ khủng khiếp riêng của họ. Điều đó bắt đầu từ mười năm trước, trong một bữa ăn trưa của Spyros với em gái của ông, chưa bao giờ cô thấy anh mình bị kích động như vậy. - Melina, em có biết rằng cứ trong một ngày thôi, cả thế giới tiêu dùng số nhiên liệu dưới lòng đất mà phải mất một nghìn năm mới tạo ra được. - Không, anh Spyros ạ. - Càng có yêu cầu nhiều về dầu trong tương lai, thì càng phải có đủ tàu chở dầu để chuyên chở số lượng đó. - Anh sắp đóng một số tàu ấy à? Ông gật đầu. - Nhưng không phải loại chở dầu thông thường. Anh dự định chế tạo một đội tàu chở dầu đầu tiên gồm các tàu rất lớn. Lớn gấp ba lần các tàu hiện có. - Lời nói của ông đầy nhiệt huyết. - Anh đã mất nhiều tháng để xem xét các hình vẽ. Em hãy nghe nhé. Một gallon dầu thô chở từ vịnh Péc-xích đến các cảng miền Đông nước Mỹ chi phí mất bẩy xu. Nhưng với tàu lớn, chi phí giảm đi chỉ còn ba xu cho một gallon. Em có hiểu nó có ý nghĩa gì không? - Anh Spyros - thế anh định lấy tiền ở đâu để đóng một đội tàu như vậy? Ông cười: - Đó là cái hay nhất trong kế hoạch của anh. Kế hoạch đó không tốn của anh lấy một xu. - Kế hoạch gì? Ông dướn người về phía trước: - Anh sẽ đi Mỹ trong tháng tới để nói chuyện với người cầm đầu các công ty lớn. Với những tàu chở dầu này, anh có thể chở cho họ với giá bằng một nửa giá họ phải trả để chuyên chở hiện nay! - Nhưng… anh hiện nay chưa có cái tàu to nào cả. Nụ cười của ông phá lên ngạo nghễ. - Không, khi mà anh có được các hợp đồng vận chuyển dài chẳng hạn của các công ty dầu mỏ, thì ngân hàng sẽ cho anh vay tiền để đóng những con tàu đó. Em nghĩ thế nào? - Em nghĩ anh giỏi quá. Đó là một kế hoạch kiệt xuất. Melina đã bị kích động bởi những ý đồ của ông anh đến độ cô đã nói điều đó với Denmiris ngay tối hôm đó trong bữa ăn. Khi đã giải thích xong, Melina còn nói: - Đó có phải là một ý đồ tuyệt vời không anh? Constantin yên lặng một lát. - Anh cô là người hay mơ mộng. Điều đó không bao giờ thực hiện được. Melina nhìn ông sửng sốt: - Sao không, Costa? - Bởi đó là một ý đồ lỉều lĩnh. Trước hết là hiện chưa có một đòi hỏi lớn như vậy về dầu hoả, do vậy những tàu chở dầu thần thoại đó theo ý anh ấy sẽ trống rỗng. Hai là, các công ty dầu mỏ sẽ không mặn mà để đổ những thùng dầu quý hoá của họ lên cái hạm đội mà ngay cả việc tồn tại cũng không có được. Và thứ ba là, những ngân hàng mà anh ấy sẽ làm việc, họ sẽ chế nhạo và đuổi anh ấy ra khỏi văn phòng của họ. Vẻ mặt Melina đầy chán ngán. - Spyros quá nhiệt tình. Anh có nên trao đổi điều đó với anh ấy không? Denmiris lắc đầu. - Cứ để cho anh ấy mơ mộng, Melina ạ. Tốt hơn hết là anh ấy không nên biết về cuộc trò chuyện của chúng ta. - Được Costa. Anh nói thế nào, em sẽ làm thế. Sáng sớm hôm sau Constantin Denmiris lên đường sang Mỹ để thảo luận về các tàu chở dầu lớn. Ông biết rằng dự trữ dầu hoả trên thế giới bên ngoài nước Mỹ là các lãnh thổ thuộc khối Liên Xô do bảy anh em quản lý: Srandra Oli Company ở New Jersey, Standard Oil Company ở California, Gulf Oil, The Texas Company, Socony - Vacunm, Royal Dutch - Shell và Auglo - Iranian. Ông còn biết nếu ông có thể làm việc được với một công ty, các công ty khác chắc chắn cứ thế theo. Trước hết Constantin Denmiris đến thăm văn phòng điều hành của Standar Oil ở New Jersey. Ông được hẹn làm việc với Owen Curtis, Phó chủ tịch thứ tư. - Tôi có thể làm gì giúp ông, ông Denmiris? - Tôi có một suy nghĩ rằng tôi có thể mang lại lợi ích lớn về tài chính cho công ty của ông. - Vâng, ông có thể nói điều đó qua điện thoại nhé. - Curtiss liếc nhìn vào đồng hồ đeo tay - Tôi có cuộc họp sau đây mấy phút. Nếu ông có thể nói gọn… - Tôi sẽ nói vắn tắt. Để chuyên chở một gallon dầu thô từ vịnh Percik tới bờ biển phía Đông hợp chủng Quốc, các ông phải chi bẩy xu!. - Đúng thế. - Ông có ý kiến gì nếu tôi nói với ông tôi đảm bảo chuyên chở toàn bộ dầu của ông chỉ có ba xu một gallon? Curtiss cười với thái độ kẻ cả: - Làm thế nào mà ông lại có thể làm được điều lạ lùng đó? Denmiris nói nhẹ nhàng: - Với một đội tàu gồm các tàu chở dầu lớn có sức chứa vận chuyển gấp ba lần tàu hiện nay. Tôi có thể chuyên chở dầu của các ông nhanh bằng các ông hút lên khỏi mặt đất. Curtiss đang tìm hiểu ông, mặt ông ta đầy vẻ suy nghĩ. - Ông sẽ lấy đội tàu chở dầu to lớn đó ở đâu? - Tôi sắp đóng! - Xin lỗi. Chúng tôi muốn quan tâm đến vấn đề đẩu tư… Denmiris ngừng lại. Sẽ không tiêu đến của các ông một xu. Tất cả các vấn đề mà tôi đang muốn hỏi ông về các hợp đồng dài hạn để chuyên chở dầu của ông bằng nữa các giá mà ông đang phải trả. Tôi sẽ giải quyết vấn đề tài chính của tôi với các ngân hàng. Sau đó là im lặng khá lâu và nặng nề. Owen Curtiss đằng hắng lấy giọng. - Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là tôi đưa ông lên trên gặp ông chủ tịch của chúng tôi! Đó là bước đầu. Các công ty dầu khác rất nóng lòng muốn làm ăn với Constantin Denmiris về các tàu chở dầu mới. Vào lúc mà Spyros Lambrous biết được điều gì đã xảy ra thì quá muộn. Ông ta cũng bay sang Hợp Chủng Quốc và đã làm việc được về tàu chở dầu lớn với một vài công ty độc lập, nhưng Denmiris đã hớt được hết váng crem ở ngoài chợ rồi. - Nó là chồng cô, - Lambrous gầm lên, - nhưng tôi thề với cô Melina, một ngày nào đó tôi sẽ bắt nó phải trả giá về những gì nó đã làm. Melina cảm thấy vô cùng khổ tâm về những điều đó. Cô cảm thấy cô đã phản bội người anh của mình. Nhưng khi cô cự lại chồng mình, ông ta nhún vai. - Anh không đến với họ, Melina ạ. Họ đến với anh. Làm sao anh từ chối họ được? Và thế là kết thúc cuộc trao đổi. Nhưng những cách thức làm ăn thì không quan trọng khi cảm nghĩ của Lambrous nếu so sánh với cách đối xử của Denmiris với Melina. Ông cũng có thể nhún vai về việc Constantin Denmiris là một đứa tán gái nổi tiếng - sau hết, là một con người phải có sở thích riêng của mình. Nhưng điều đáng phàn nàn về Denmiris, đó lại là sự nhục nhã không chỉ đối với Melina mà còn đối với cả gia đình Lambrous. Cái việc mờ ám của Denmiris với diễn viên điện ảnh, Noelle Page, đã là một ví dụ quá xa rồi. Việc đó đã gây ra các hàng chữ lớn trên các báo chí khắp thế giới. Một ngày, Spyros Lambrous nghĩ. Một ngày kia… Nikos Veritos, trợ lý của Lambrous, đi vào phòng làm việc, Veritos làm việc với Spyros Lambrous đã mười lăm năm. Anh ta có năng lực, nhưng ít chịu động não, một con người không chú ý tới tương lai, tóc đã hoa râm và không sĩ diện. Sự đối đầu giữa hai anh em rể đã tạo cho Veritos cái mà anh coi là cơ hội vàng son. Anh đã cá cược là Constantin Denmiris sẽ thắng, và thỉnh thoảng anh lại đưa những tin mật cho ông này, hy vọng sẽ được ban thưởng thích đáng. Veritos tiến lại gần Lambrous: - Xin lỗi. Có ông Anthony Rizzoli đến gặp ông. Lambrous thở dài: - Hãy để cho việc đó qua đi, - Ông nói. - Mời ông ấy vào. Ông Anthony Rizzoli mới độ khoảng bốn nhăm. Ông ta tóc đen, có mũi quặp mảnh, và đôi mắt nâu sâu thẳm. Ông ta đi lại như dáng võ sĩ quyền anh đã được huấn luyện. Ông ta mặc bộ đồ cắt may màu hạt dẻ đắt tiền, một áo sơ mi lụa và đi một đôi giày mềm mại. Ông ta nói năng nhỏ nhẹ mà lịch sự, và đúng vậy có một điều kỳ quặc như đe doạ ở ông. - Rất vui sướng được gặp ông, ông Lambrous ạ. - Mời ngồi, ông Rizzoli. Rizzoli ngồi xuống một chiếc ghế. - Tôi có thể làm gì giúp ông. - Tốt quá, như tôi đã giải thích với ông Veritos đây, tôi muốn thuê một trong những tàu chở hàng của ông. Ông thấy đấy, tôi có một số nhà máy ở Marseilles và tôi muốn chở một số máy móc sang Mỹ. Nếu ông và tôi có thể làm việc được, tôi có thể chuyển một số dịch vụ sang cho ông trong tương lai. Spyros Lambrous ngả người vào lưng ghế và nghiên cứu con người đang ngồi trước mắt ông. Không ngon lành. - Nghĩa là ông chỉ muốn chở hàng, ông Rizzoli? - Ông hỏi. Tony Rizzoli cau mày: - Thế nào? Tôi không hiểu. - Tôi nghĩ ông hiểu! - Lambrous nói. - Tàu của chúng tôi không đủ để cho ông thuê. - Tại sao không? Ông nói về cái gì hở? - Thuốc, ông Rizzoli ạ. Ông là người chuyên buôn bán thuốc. Đôi mắt của Rizzoli co hẹp lại. - Ông điên à? Ông đã nghe nhiều các lờì đồn đại. Nhưng những điều đó còn hơn cả những lời đồn đại. Spyros Lambrous đã kiểm tra cẩn thận người này. Tony Rizzoli là một trong các tay buôn lậu thuốc phiện hàng đầu thế giới. Ông ta là Mafia, một bộ phận của tổ chức này, và người ta có nói là các nguồn vận chuyển của Rizzoli đã bị kiệt quệ rồi. Và đó là lí do vì sao hắn rất lo lắng để giải quyết việc này. - Tôi e rằng ông phải đi một nơi nào đó để giải quyết. Tony Rizzoli ngồi đó nhìn chằm chằm vào ông, đôi mắt hắn lạnh giá. Cuối cùng, hắn gật đầu. - Ô kê! - Hắn lấy một danh thiếp từ túi ra và ném cái đó lên bàn làm việc. - Nếu ông thay đổi ý kiến, ông có thể báo cho tôi theo địa chỉ này! - Hắn đứng dậy và một lát sau, hắn đi ra. Spyros Lambrous cầm tấm thiếp lên. "Anthony Rizzoli - Xuất nhập khẩu" ghi trên tấm thiếp. Có địa chỉ một khách sạn ở Anthens và cả số điện thoại ở phía dưới thiếp. Nikos Veritos ngồi ngay đó, mắt mở to, nghe câu chuyện giữa hai người. Khi Tony Rizzoli đi ra cửa, anh nói: - Hắn thực là thế ư? - Ừ. Tay Rizzoli này chuyên buôn bạch phiến. Nếu chúng ta mà cho hắn dùng một trong những con bài của chúng ta, chính phủ sẽ loại tất cả con tàu của chúng ta không cho làm ăn gì nữa. Tony Rizzoli ra khỏi phòng làm việc của Lambrous với vẻ mặt tức giận. Cái tay Hy Lạp khôn ngoan này đối xử với ta như là một nông dân ngoài phố! Và làm sao hắn lại biết về thuốc phiện? Chuyến hàng lớn lắm, với giá trị ngoài thị trường ít nhất cũng tới chục triệu đô la. Nhưng vấn đề là phải làm sao để đưa vào New York. Món bạch phiến chết tiệt này đang được thu gom khắp Anthens. Ta phải gọi dây nói cho Sicily và ban chỉ huy. Tony Rizzoli chưa bao giờ bị mất một chuyến hàng nào, và hắn không có ý định để mất món hàng này… Hắn nghĩ về bản thân hắn chưa bao giờ thua cả. Hắn đã lớn lên ở Hell s Kitchen, New York. Về mặt địa lý, thì nó ở giữa khu phía tây Manhattan, giữa Đại lộ số 8 và sông Hudson, và phía Bắc và phía Nam là các phố thứ 23 và 59. Nhưn g về mặt tâm lý và cảm xúc thì Hell s Kitchen là một thành phố trong một khu vực có vũ trang. Các phố này do các toán cướp cai quản. Đó là các toán Gophers, toán Parlor Mob, toán Golrillas Rhodes. Các hợp đồng giết thuê mỗi cái đã lên đến hàng trăm đô la, và hợp đồng trả thù bằng vũ lực thì ít hơn. Bọn chủ Hell s Kitchen sống trong các căn nhà bẩn thỉu, cho thuê, đầy những chấy rận, chuột và bọ. Không có thùng tắm và bọn thanh niên giải quyết những cái thiếu thốn đó theo cách riêng của chung, chúng cởi quần áo nhảy xuống nước bên ngoài các cảng sông Hudson, ở đó các cống nước thải của các phố Kitchen đổ ra sông. Cái cảnh ngập ngụa các xác chó mèo chết trương lên. Quang cảnh phố xá cho thấy có nhiều hoạt động không ngớt và đa dạng. Các xe cứu hoả rú còi báo động… các toán cướp đánh nhau trên các mái nhà… một buổi lễ cưới trên hè phố bọn trẻ chơi bóng gậy… một cuộc rượt đuổi sau con ngựa đang chạy… súng bắn… chỉ có một sân chơi cho bọn trẻ là hè phố, mái nhà tập thể, và những căn buồng đầy rác rưởi và - vào mùa hè nước bẩn từ những dòng sông. Trên hết cả, đó là cái mùi hăng hăng cay của sự nghèo khổ. Đó là bầu không khí, ở đó Tony Rizzoli đã trưởng thành. Kỷ niệm xa xưa nhất của Tony Rizzoli là đã một lần bị đánh ngã gục và tiền mua sữa trong túi bị đánh cắp. Khi đó hắn chỉ có bảy tuổi. Những thằng con trai nhiều tuổi hơn và to lớn hơn là những mối đe doạ thường xuyên của hắn. Con đường đi đến trường thì là khu đất rộng không có người ở và ngay cả trường học cũng là bãi chiến trường. Khi mà Rizzoli được mười lăm tuổi, nó đã trở thành một thằng con trai khỏe mạnh và có nghề đáng kể đó là đánh nhau. Nó thích thú với việc đánh nhau vì nó rất giỏi trong việc này, và những trận đánh nhau đó đã làm nó có cảm tưởng nó là siêu nhân ở đây. Nó và các bạn nó đã tham gia các trận thi đấu quyền anh ở nhà thể thao Stillman. Đôi lúc, một số bọn trùm găng tơ đã bất chợt đến để xem xét và để mắt đến các tay chuyên đánh thuê mà họ là trùm. Frank Costello xuất hiện ở đây hai hay ba lần trong tháng, cùng với Joe Adonis và Lueky Luciano. Bọn chúng đều vui thích với các trận quyền anh mà người trẻ hơn bao giờ cũng được diễn, và như một hình thức đa dạng, họ bắt đầu cá cược về các trận đấu. Tony Rizzoh thì luôn luôn là kẻ chiến thắng, và hắn nhanh chóng được các ông trùm ưa thích. Một hôm, Rizzoli đang thay quần áo trong một buồng có khoá. Thằng bé nghe lỏm được câu chuyện giữa Frankl Costello và Lucky Luciano: - Một mỏ vàng…- Lucian đã nói. - Tôi đã thắng hắn năm lần tuần qua. - Mày sắp đặt cược về cuộc đánh của hắn với Lou Domstic? - Chắc chắn rồi. Tôi đánh mười một to! - Mày phải đặt lẻ là bao nhiêu? - Mười trên một. Nhưng địa ngục là bao nhiêu? Cứ vào của Rizzoli? Tony Rizzoli không chắc chắn rằng cuộc đối thoại đó nghĩa là thế nào. Hắn đến gặp anh trai mình là Gino và nói về điều đó. - Lạy chúa Jesus! - anh hắn cầu xin. - Bọn nó đã cướp tiền cược của mày à. - Nhưng vì sao? Em không phải là chuyên nghiệp. Gino nghĩ một lúc: - Mày chưa bao giờ thua cả phải không Tony? - Không! - Khả năng nào xảy ra nếu bọn chúng chỉ cá rất nhỏ để nhử, và rồi chúng thấy mày có thể làm gì, chúng bắt đầu cá lớn! Thằng cu con nhún vai. - Điều đó chẳng là cái cóc khô gì với em cả. Gino cầm cánh tay thằng em và nói rất nghiêm túc: - Cái đó có ý nghĩa rất lớn đối với mày đấy. Đối với cả bọn chúng tao nữa. Nghe tao đây, thằng nhóc… Trận đánh với Lou Domenic tổ chức tại sân vận động Stillman vào chiều thứ sáu và tất cả các bọn lớn đều đến đó - Frank Costells, Joe Adonis, Albert Anastasia, Lucky Luciano và Meyer Lausky. Chúng vui thích cho bọn trẻ đánh nhau, nhưng cái mà chúng còn thích hơn là chúng tìm cách móc tiền của bọn nhóc. Lou Domenic mới có mười bảy tuổi, lớn hơn Tony một tuổi và nặng hơn năm pound(3) nhưng chưa đủ sức với tay nghề quyền anh và bản chất giết người của Tony Rizzoli. Trận đấu có năm hiệp. Hiệp một Tony rất thuận lợi. Hiệp hai cũng thiên về nó. Và hiệp ba. Bọn trùm đã sẵn sàng đếm tiền. - Bọn nhóc sắp nhớn để trở thành vô địch thế giới, - Lucky lầu bầu. - Mày đã cá với hắn bao nhiêu? - Mười lớn, - Frank Costello nhắc lại. - Số lẻ đẹp nhất tao muốn đánh là mười năm một. Bọn nhóc đã nổi tiếng. Và bất ngờ, điều không mong đợi đã đến. Ở giữa hiệp năm, Lou Domenic đánh nốc-ao Rizzoli với cú móc trên. Trọng tài bắt đầu đếm… rất chậm, nhìn thăm dò các khán giả mặt trơ ra như đá. - Đứng thẳng lên, thằng con hoang, - Joy Adonis hét lên. - Đứng dậy và đánh đi! Tiếp tục đếm, và mặc dù đếm chậm thế mà cuối cùng vẫn tới số mười. Tony Rizzoli vẫn còn ngã trên dây, im lặng. - Đồ chó đẻ. Một cú đấm may mắn? Nhiều người bắt đầu cộng các khoản mất mát của mình. Đó là cái chính. Tony Rizzoh được Gino đưa vào buồng thay quần áo. Tony nhắm nghiền mắt, sợ rằng họ không thấy được nó đã mê man và có thể xảy ra điều gì khủng khiếp cho hắn. Tony bắt đầu lấy lại sức, không đợi đến khi phải đưa về nhà an toàn. - Chúng ta đã được! - anh hắn kêu lên. - Mày có biết chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền không? Gần một ngàn đô la. - Tôi không hiểu. Tôi… - Tao đã vay tiền của bọn cho vay lãi để cá cho Domenic, và được mười lăm một. Chúng ta giàu rồi. - Chúng có bị điên không? - Tony hỏi. Gino cười: - Chúng không bao giờ biết. Ngày hôm sau khi Tony Rizzoli vừa ở trường đi ra, có một chiếc limousine dài đen đang đợi chỗ đường rẽ. Lucky Luciano ngồi sau ghế. Hắn khoát tay ra hiệu cho thằng bé qua kính cửa xe: - Lên xe đi. Tim Tony Rizzoli bắt đầu đập. - Tôi không thể. Ông Luciano, tôi đánh chậm quá… - Lên xe đi. Tony Rizzoli chui vào chiếc limousine. Lucky Luciano nói với thằng lái xe: - Đi quanh khu nhà này. Lạy chúa nó không bị đưa đi bắn chết? Luciano quay về phía thằng bé. - Mày lặn ấy à, - hắn nói lạnh lùng. Rizzoli chối. - Không, thưa ngài. Tôi… - Đừng có úm tao. Mày được bao nhiêu trong trận này? - Chẳng được gì ạ, ông Luciano. Tôi… - Tao muốn hỏi mày một lần nữa. Mày được bao nhiêu bằng cách lặn đó? Thằng bé do dự. - Một nghìn đô la. Lucky Luciano cười. - Đó chỉ để nuôi gà. Nhưng tao lại đoán là… mày bao nhiêu tuổi? - Gần mười sáu ạ! - Tao cho rằng một thằng mười sáu tuổi, như vậy không tồi đâu. Mày biết mày đã làm tao và bạn tao mất nhiều tiền không. - Tôi xin lỗi. Tôi! - Thôi, quên đi. Mày là thằng bé can đảm đấy. Mày sẽ có tương lai tốt. - Xin cám ơn ông! - Tao sẽ giữ kín chuyện này, Tony, hoặc bọn tao sẽ cắt hột của mày và bắt mày ăn. Nhưng tao muốn mày đến gặp tao thứ hai này. Mày và tao sẽ cùng làm việc. Một tuần lễ sau, Tony Rizzoh đã làm việc cho Lucky Luciano. Rizzoli bắt đầu bằng việc chạy số và rồi trở thành một thằng cò mồi. Nó rất lanh lợi và nhanh nhẹn và lúc này nó làm việc và được nâng lên hàng thiếu uý của Luciano. Khi Luciano bị bắt, bị kết án và bị bỏ tù, Tony vẫn còn ở trong tổ chức của Luciano. Các gia đình đã đi vào con đường cờ bạc, cho vay nặng lãi đĩ điếm hay bất cứ việc làm ăn gì để kiếm lời bất hợp pháp. Buôn bán ma tuý thường là rất vất vả nhưng một số người vẫn cứ tham gia, và các gia đình bất đắc dĩ phải cho phép họ lập đường dây buôn bán thuốc phiện của riêng họ. Ý nghĩ đó trở thành một điều ám ảnh đối với Tony Rizzoh. Từ đó, cái mà hắn đã thấy, những người buôn bán thuốc phiện thì hoàn toàn không có tổ chức. Tụi nó phải làm cho công việc của họ phải chạy. Với trí óc suy xét và với sức lực của họ. Hắn quyết định. Tony Rizzoh không phải là một người lao vào việc gì cũng may rủi. Hắn đã bắt đầu mọi việc bằng các kiến thức hắn có thể biết được về heroin do đọc sách. Heroin đã nhanh chóng trở thành vua của - các loại ma tuý. Marifuana và cocain cũng là chất ma tuý mạnh, nhưng heroin tạo một khoái cảm hoàn toàn, không đau đớn không nảy sinh vấn đề gì, và không phải chữa chạy bệnh tật gì. Kẻ nào đã là nô lệ heroin thì chỉ muốn bán hết cái gì họ có, ăn cắp tất cả cái gì có thể ăn cắp được và sẵn sàng phạm các tội ác. Heroin đã trở nên một tôn giáo của họ, một lý lẽ cho sự tồn tại trên đời này của họ. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nơi trồng cây thuốc phiện lớn nhất, từ cây đó lấy ra chất heroin. Các Gia đình này có quan hệ ở Thổ Nhĩ Kỳ do vậy Tony Rizzoli đã có cuộc nói chuyện với Pete Lucca, một trong những tên cầm đầu. - Tôi sẽ tham gia, - Rizzoli nói. Nhưng bất cứ việc gì tôi làm đều là vì Gia đình. Tôi muốn ông biết vậy. - Ông là một người giỏi, Tony. - Tôi muốn sang Thổ Nhĩ Kỳ để xem việc đã xong chưa. Ông có thể bố trí việc đó không? - Ông già do dự. - Tôi sẽ nhắn họ. Nhưng họ không giống chúng tôi, Tony ạ. Họ không có đạo đức gì cả. Họ là những con vật. Nếu họ không tin ông, họ sẽ giết ông! - Tôi sẽ phải thận trọng. - Ông làm thế nhé. Hai tuần sau, Tony Rizzoìi đã lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn đã đi đến các vùng Izmir, Afyon và Eskischir, các vùng trồng cây thuốc phiện, và những phút đầu, hắn được chào mừng đầy vẻ nghi ngờ. Hắn là người lạ, và những người lạ thì không được đón chào. - Chúng ta sẽ có nhiều công việc làm ăn cùng nhau. - Rizzoli nói vậy. - Tôi muốn xem qua một tý các cánh đồng thuốc phiện. - Tôi chẳng biết gì cả, không thấy các ruộng trồng. - Các anh đang lãng phí thời gian của các anh. - Cút đi. Nhưng Rizzoli đã quyết định. Gần sáu cú điện thoại và các điện tín bằng cáp đã đánh đi để trao đổi. Cuối cùng, ở Kilis, biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Sifei, hắn đã được phép xem các cây thuốc phiện gặt về trại của Carella, một trong những tên chúa đất lớn nhất. - Tôi không hiểu gì, - Tony nói. - Làm sao các ông lấy được heroin từ hoa thuốc phiện? Một nhà khoa học mặc áo trắng giải thích cho anh về việc đó: - Có mấy bước, ông Rozzoli ạ. Heroin được tổng hợp từ thuốc phiện, bằng cách xử lý moóc-phin với axit axetic. Heroin lại lấy từ mủ đặc biệt của cây thuốc phiện (poppy) gọi là Papaver Sommferam, hoa của những giấc ngủ. Opium là tên từ tiếng Hy Lạp là Opos, có nghĩa là nước quả. - Rất hiểu ông! Vào vụ thu hoạch, Tony lại được mời đến thăm lãnh địa của Carella. Mỗi một người trong họ Carella phải trang bị một "cozzi licak" - dao cắt hình con dao mổ, để rạch một đường chính xác vào cây. Carella giải thích: - Cây thuốc phải thu hoạch rất nhanh trong hai mươi bốn giờ đồng hồ, nếu không cả vụ coi như vứt đi. Có chín người trong gia đình và mỗi người phải làm việc cật lực mới đảm bảo đúng thời vụ được. Không khí ở đây chứa đầy khói gây nên bệnh say ngủ. Rizzoli cảm thấy người như ngây ngất. - Cẩn thận! - Carella cảnh giác. - ông phải tỉnh táo. Nếu ông nằm ở đây trên cánh đồng này, ông sẽ không bao giờ dậy được nữa. Vì vậy ở đây các cửa sổ và cửa ra vào của các ngôi nhà được khép rất kín hoặc đóng lại trong hai mươi bốn giờ một ngày, trong suốt mùa thu hoạch. Các cây thuốc phiện đã cắt về, Rizzoli xem, khi những nhựa trắng nhờn nhờn được chuyển hoá từ moóc-phin thành heroin ở "phòng thí nghiệm" trên đồi. - Thế, chính đây đấy à? Carella lắc đầu. - Không, ông bạn ạ. Đây chỉ là bước đầu Làm ra heroin là khâu dễ nhất. Cái bí quyết là vận chuyển nó mà không bị bắt. Tony Rizzoli cảm thấy trong người hắn như có một điều kích thích. Đó là làm sao hắn lấy được cái kỹ thuật chuyên môn này. Đến bây giờ, việc làm ăn này đều do bọn không có trình độ làm. Nay, hắn sẽ cho bọn chúng thấy một tay chuyên môn làm như thế nào. - Thế anh vận chuyển loại hàng này thế nào? - Có nhiều cách. Xe tải, xe đò, tàu hoả, ô tô, ngựa lừa, lạc đà. - Cả lạc đà? - Chúng tôi tuồn heroin vào trong những cái túi tọng vào bụng các con lạc đà - bọn kiểm soát chỉ có thể dùng máy dò kim loại mới phát hiện ra được. Vì vậy chúng tôi đóng vào các túi cao su. Đi đến đích chúng tôi sẽ mổ bụng con lạc đà. Vấn đề là đôi khi, túi vỡ trong bụng lạc đà, khi ấy con vật lê được đến biên giới như một tên say rượu. Nếu thế bọn kiểm soát có thể phát hiện ra! - Các ông đi đường nào? - Đôi khi heroin đi đường Aleppo, Beviut và Istanbul, và đưa đi Marseilles. Đôi khi thuốc đi từ Istanbul tới Hy Lạp rồi chuyển đi Sicita qua đảo Corsica, Morocco và qua Đại Tây Dương. - Tôi đánh giá cao sự hợp tác của ông! - Rizzoli nói. - Tôi sẽ bảo thằng bé của tôi. Tôi có một vấn đề khác muốn hỏi ông. - Vâng! - Tôi muốn được đi theo chuyến hàng tới. Yên lặng một lúc lâu. - Như thế sẽ rất nguy hiểm! - Tôi coi đó là điều may mắn của tôi. Trưa hôm sau, Tony Rizzoli được giới thiệu với một tên cướp người to lớn, cồng kềnh, có bộ râu mượt và rậm, thân hình như một cái thùng. Đây là ông Mustapha ở Afvon. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Afvon nghĩa là thuốc phiện. Mustapha là một trong những tay buôn lậu khéo léo nhất của chúng tôi! - Con người ta phải khéo léo. - Mustapha nói rất khiêm tốn - Có nhiều nguy hiểm lắm. - Nhưng đáng giá nhất là rủi ro, ề! - Tony Rizzoli ngắt lời - Ông đang nói về tiền. - Mustapha nói vẻ trịnh trọng - Đối với chúng tôi thuốc phiện còn hơn là tiền thu hoạch được.Có một điều thần bí về cái đó. Thuốc phiện là một loại cây hơn cả lương thực nữa. Nhựa trắng của cây này là thứ trời cho, nó là một thứ thuốc thiên nhiên nếu dùng với liều lượng nhỏ. Thuốc có thể ăn được hay trực tiếp bôi lên da, và nó sẽ chữa hầu hết các chứng bệnh đau thông thường như đau dạ dày, cảm lạnh, sốt, đau đầu, vết thương, bong gân. Nhưng phải rất cẩn thận. Nếu anh uống liều cao, không những nó làm cảm giác của anh bị mờ, mà nó còn làm anh mất hết năng lực về tình dục, và ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì không có gì có thể phá hoại phẩm giá của họ mạnh hơn là sự bất lực của họ. - Đúng thế. Điều gì ông nói cũng đúng. Hành trình từ Afyon bắt đầu lúc nửa đêm. Một nhóm nông dân, đi dọc theo hàng một qua đêm tối để hẹn gặp Mustapha. Các con la chất đầy thuốc phiện, tới 350 kg, trên 700 pound buộc lên lưng bảy con la lùn tịt. Mùi hăng hăng ngọt ngọt của thuốc phiện, như là cỏ khô bị ẩm, bốc lên xung quanh những người đi theo. Đó là mười hai nông dân đi để bảo vệ thuốc phiện khi vận chuyển cùng Mustapha. Mỗi nông dân trang bị súng trường. - Những ngày này chúng ta phải cẩn thận. - Mustapha nói với Rizzoli. - Chúng tôi có Cảnh sát quốc tế và nhiều cảnh binh bảo vệ. Ngày trước còn nực cười hơn. Chúng tôi thường xuyên chở thuốc phiện qua làng xóm hay thành phố trong các hòm phủ vải đen. Nó làm động lòng khi gặp nhân dân và cảnh sát trên đường phố, làm họ phải bỏ mũ và chào rất kính cẩn một quan tài thuốc phiện đi qua! Tỉnh Afyon nằm ở giữa phần ba miền tây của Thổ Nhĩ Kỳ dưới chân núi Sultan, trên một cao nguyên, xa lánh và cách ly hẳn với thành phố của nước này. - Mảnh đất này rất tốt cho công việc của chúng tôi! - Mustapha nói - Chúng tôi tìm ra nó không dễ dàng gì. Các con la di chuyển chậm chạp qua những ngọn núi hoang vu, vào lúc nửa đêm, ba ngày sau, đã tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syri. Ở đó họ gặp một người đàn bà mặc đồ đen. Bà ta đang dắt một con ngựa chở một túi vôi bột vô hại, và một sợi dây gai, buộc rất lỏng vào yên ngựa. Sợi dây lòng thòng sau con ngựa, nhưng không chạm mặt đất. Đó là một sợi dây dài khoảng 200 feet. Đầu dây do Mustapha cầm và tiếp theo là mười lăm người ông thuê đi sau ông ta. Họ như thu mình lại, lưng uốn gập gần mặt đất một tay cầm sợi dây, tay kia giữ chặt lấy túi vải đầy thuốc phiện. Mỗi túi nặng ba mươi nhăm pound. Người đàn bà và con ngựa đi dọc theo một con đường gài bẫy vụng về bằng mìn chống - cá nhân, nhưng đó là một con đường đã được dọn sạch mìn bởi một đàn cừu đã đi qua khu vực này trước đây. Nếu sợi dây rơi xuống đất, dây chùng xuống làm tín hiệu cho Mustapha và các người khác là có lính ở đằng trước. Nếu người đàn bà bị bắt giữ để hỏi han gì đó, thì những tay buôn lậu sẽ an toàn đi lên phía trước vượt qua biên giới. Họ đã đi qua Kilis, điểm biên giới, chỗ này mìn rất dày đặc. Một khi đã đi qua được khu vực có lính kiểm soát, những tay buôn lậu sẽ đi tới khu vực ba dặm vuông, đến khi tới nơi hẹn, ở đó họ được một tay buôn lậu ở Siry đón. Họ để các túi thuốc phiện xuống đất, và được tặng một chai rượu raki và những người này chuyền tay nhau uống. Rizzoli nhìn kỹ họ cân, xếp lại và buộc an toàn lên những cái lưng võng của mười hai con lừa Syri bẩn thỉu. Công việc thế là xong. - Được Rizzoli nghĩ, bây giờ ta hãy xem bọn Thailand làm cái đó như thế nào. Chặng đường tới của Rizzoli là Bangkoc, khi người ta đã biết anh thành thật, anh được phép xuống một tàu đánh cá Thái, tàu này chở những thuốc phiện gói trong những túi polyethylen, rồi đút vào những thùng xăng trống rỗng có những vòng đai gắn trên nắp. Khi tàu đến gần Hongkong, nọ ném những thùng này theo hàng lối gọn gàng ở chỗ nước nông quanh Lima và các hòn đảo Ladrone, ở đó đối với các tàu đánh cá Hongkong thì rất đơn giản là nhặt lên bằng những cái móc. - Không tồi - Rizzoli nói - nhưng có cách khác hay hơn. Các người trổng cây thuốc phiện gọi là heroin là - H - và Ngựa, - nhưng đối với Tony Rizzoh, heroin là vàng. Lợi nhuận thu được làm choáng váng con người. Người nông dân trồng cây thuốc phiện làm nguyên liệu, được trả ba trăm năm mươi đô la cho mười cân, nhưng vào thời gian thuốc phiện được chế biến và bán trên các đường phố New York, giá trị nó được tăng lên thêm hai trăm năm mươi đô la. Điều đó dễ quá, Rizzoli nghĩ Carella đúng. Cái chính là làm sao không bị bắt. Điều đó đã xảy ra ở giai đoạn đầu, mười năm trước đây Nhưng bây giờ, khó khăn hơn nhiều. Interpol, lực lượng cảnh sát quốc tế, vừa qua đã coi buôn lậu thuốc phiện là loại tội phạm đứng đầu bảng của họ. Tất cả các loại tàu rồi các cảng chính có buôn lậu, ngay cả khi có người chỉ bị nghi ngờ rất ít cũng bị cho lên bờ và khám xét. Chính vì vậy nên Rizzoli đến gặp Spyros Lambrous. Đội tàu của ông lúc này chưa bị nghi ngờ. Chẳng lẽ cảnh sát lại khám mỗi một cái trong các tàu chở hàng này. Nhưng cái thằng con hoang lại quật hắn xuống. Ta phải tìm cách khác, Tony Rizzoli nghĩ. Nhưng phải làm nhanh. - Catherine - Tôi có làm phiền cô không? Lúc đó là nửa đêm. - Không - Costa. Nghe tiếng nói của ông rất thích. - Mọi việc tốt đẹp cả chứ? - Vâng ạ, cám ơn ông. Tôi thực rất thích công việc của tôi. - Tốt. Tôi sẽ sang London sau mấy tuần nữa. Tôi mong được gặp cô. Cẩn thận đấy. Đừng đẩy quá nhanh. - Tôi muốn trao đổi với một số người của Công ty. - Tốt quá! - Ngủ ngon nhé. - Chúc ông ngủ ngon. Lần này nàng gọi điện cho ông. - Costa - Tôi không biết nói thế nào. Cái vòng đó rất đẹp. Ông không nên… - Đó chỉ là một kỷ niệm nhỏ thôi, Catherine à. Evenlyn nói với tôi cô đã giúp bà ta nhiều lắm. Tôi chỉ muốn thể hiện sự đánh giá của tôi. Dễ thôi, Denmiris nghĩ. Quà tặng nhỏ và có chút nịnh nọt. Sau đó: Vợ tôi và tôi sẽ ly thân. Rồi đến một giai đoạn - tôi sẽ ở một mình! Một cuộc nói chuyện bóng gió về cưới xin và mời đi thuyền ra đảo của ông. Các công việc theo lề lối đó không bao giờ bị thất bại. Nó sẽ đặc biệt khêu gợi. Denmiris nghĩ, bởi sẽ kết thúc khác nhau. Cô ta sẽ phải chết. Ông gọi điện cho Napoleon Chotas. Luật sư rất vui vẻ nghe ông nói. - Đợi một tý, Costa. Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ? - Vâng, cám ơn. Tôi cần một đặc ân đây! - Tất nhiên. - Noelle Page có một cái vi la nhỏ ở Rafina. Tôi muốn ông mua cho tôi cái đó, dưới tên một người nào đó. - Nhất định phải thế. Tôi sẽ cho một trong các luật sư ở văn phòng của tôi… - Tôi muốn ông giải quyết việc đó chỉ có tính chất cá nhân. Napoleon Chotas ngồi đó, nhìn chăm chăm vào máy điện thoại. Cái villa là tổ ấm đáng yêu nhất mà Noelle Page và Larry Douglas đã thực hiện các việc của họ. Sao Constantin Denmiris lại muốn cái villa này? Chú thích: (1) 100 ft = 30,48 m (2) 150 ft = 45,72 m (3) 1 pound = 0,4536 kg Chương 07 Toà án Asakion ở giữa Anthens là một building lớn xây bằng đá màu xám, chiếm cả một khu ô vuông ở giữa phố Đại học và phố Strada, Ngoài ba mươi phòng xử án trong building, chỉ có ba phòng dành cho các vụ xử hình sự: đó là phòng 21, 30 và 33. Vì vụ án giết người của Anastasia Savalas đã gây ra sự chú ý quá lớn, nên phải làm ở phòng 33. Phòng xử án này rộng mươi bộ, dài ba trăm bộ, và các ghế ngồi chia làm ba khu vực cách nhau sáu bộ, mỗi hàng ghế có chín ghế dài bằng gỗ. Phía trước phòng xử là một cái bục cao, trên là bàn của các vị quan toà chủ toạ bằng gỗ dán nhựa cao su sáu bộ, với những ghế có tựa cao cho ba quan toà chủ toạ. Phía trước là chỗ đứng của các người làm chứng, đặt trên một cái bục thấp hơn, có gắn một cái đèn đọc sách, phía bên kia sát tường là chỗ của đoàn hội thẩm hiện có mười thẩm phán. Trước chỗ ngồi của các bị cáo là bàn của các luật sư. Vụ án giết người với tính chất của nó, đã là đủ đặc biệt, nhưng phòng kháng án mà công việc là bảo vệ bị cáo do Napoleon Chotas điều khiển, Napoleon Chotas là một trong những luật sư hình sự nổi tiếng trên thế giới. Chotas chỉ tham gia xét sử các vụ giết người, và ông đã có những thành tích đáng kể về thành công. Các chi phí ông lấy, người ta đồn là hàng triệu đô la. Napoleon Chotas là một người gầy, trông hốc hác, với đôi mắt to và buồn như đôi mắt mật thám trên một khuôn mặt nhăn nheo. Ông ăn mặc xuềng xoàng, dáng vẻ bề ngoài của ông không gây cho người khác một chút gì là tin tưởng. Nhưng đằng sau cái vẻ lờ mờ đó là một trí thông minh, sắc sảo nổi bật. Báo chí đã đưa ra những ý kiến tỏ ý ngạc nhiên vì sao Napoleon Chotas lại đồng ý bảo vệ người đàn bà trong vụ án này. Không thể có cách nào, ông khó có thể thắng được trong vụ này. Người ta cũng đánh cuộc nhau rằng đây sẽ là thất bại đầu tiên của Chotas. Peter Demomdes, công tố ủy viên, trước đây cũng đã có lần chống lại Chotas, và do vậy, ông ta không bao giờ chấp nhận việc ấy, ngay cả đối với bản thân mình, ông lại rất ngại trình độ của Chotas. Tuy vậy, lần này Demonides cảm thấy rằng ông chẳng phải lo lắng gì cả. Vì đã từng có vụ giết người cổ điển rõ rành rành, thì vụ Anastasia Savalas là một vụ như vậy. Các sự việc như sau: Anastasia Savalas là một phụ nữ trẻ xinh đẹp, đã có chồng là một người đàn ông giàu có - Georges Savalas, ông này hơn vợ ba mươi tuổi. Anastasia đã có dính líu với người lái xe trẻ, Josef Pappas, và theo người làm chứng cho biết, chồng cô đã quyết định ly dị Anastasia và đã viết di chúc nhưng lại gạt cô ra. Vào đêm án mạng, cô đã cho các đầy tớ nghỉ việc để chuẩn bị cơm tối cho chồng. Georges Savalas lại bị cảm lạnh từ trước đó. Khi ăn tối, ông đã bị một cơn ho. Vợ ông đã mang cho ông chai thuốc ho của ông. Savalas đã uống hết một ngụm và chết. Một vụ rõ rành rành. Từ sáng sớm, phòng xử số 33 chật ních khán giả. Anastasia Savalas ngồi ở bàn bị cáo, mặc một cái váy đen đơn giản và mặc một cái áo bờ lu, không đeo trang sức và rất ít phấn sáp. Cô ta đẹp đến mức có thể làm choáng váng người khác. Công tố viên, Peter Demonides phát biểu trước đoàn hội thẩm: - Thưa quý ông, quý bà. Đôi khi trong một vụ giết người, việc xét xử phải mất hai hay ba bốn tháng. Nhưng tôi nghĩ rằng các quí vị sẽ phải phiền lòng nếu lưu tại đây một thời gian lâu như vậy. Khi quý vị nghe các sự việc trong vụ này, tôi chắc chắn các vị cũng đồng ý không cần hỏi han gì và chỉ cần một lời phán quyết - giết người ở mức độ sơ đẳng. Nhà nước sẽ chuẩn y bị cáo cố tình giết chồng mình bởi vì người chồng đe doạ ly dị vợ khi ông phát hiện người vợ có ngoại tình với người lái xe riêng của gia đình. Chúng tôi cũng xét thấy bị cáo có động cơ, có cơ hội và phương tiện để thực hiện ý đồ tàn ác của mình. Xin cám ơn. - Ông trở về chỗ ngồi. Chánh án quay về phía Chotas. - Bào chữa có chuẩn bị bài diễn văn khai mạc cho buổi xử án này không đấy? Napoleon Chotas đứng lên từ từ: - Vâng, thưa ngài đáng kính. - Ông tiến đến gần chỗ ngồi của đoàn hội thẩm với dáng đi không chắc chắn và lờ đờ. Ông cứ đứng đó, lim dim mắt nhìn họ, và khi ông nói, cứ như là ông nói với chính mình. - Tôi đã sống khá lâu rồi, tôi đã thấy rằng không có ai kể cả đàn ông và đàn bà có thể giấu được tính độc ác của mình. Điều đó thể hiện rất rõ. Một nhà thơ có lần nói rằng con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tôi cho rằng câu đó đúng. Tôi muốn quý vị, quý ông và quý bà hãy nhìn vào con mắt của bị cáo. Trong trái tim của bà ta, bà ta không thể tìm ra cách nào đó để giết một ai. - Napoleon Chotas đứng đó một lát như thế để cố nghĩ ra cách nói, nhưng rồi lại ngồi xuống. Peter Demonides, một ý nghĩ chiến thắng chợt nẩy ra trong đầu. Lạy chúa. Đây là câu mở đầu ý tứ nhất trong đời mà tôi được nghe thấy! Ông già này để mất hết rồi. - Công tố ủy viên có chuẩn bị gì để gọi người làm chứng thứ nhất không? - Vâng, thưa ngài đáng kính. Tôi xin gọi Rosa Lykourgos! Một người phụ nữ đã đứng tuổi, dáng vẻ nặng nề đứng lên ở bàn khán giả và đi nhanh có vẻ quả quyết lên trước phòng xử án. Bà đã thề. - Bà Lykourgos, bà làm nghề gì? - Tôi làm quản gia… - Tiếng bà bị nghẹn lại - Tôi làm quản gia cho ông Savalas! - Vâng, thưa ngài. - Và xin bà nói cho biết đã làm cho ông Savalas được bao lâu rồi? - Hai mươi lăm năm. - Ái chà, lâu đấy. Bà có quý ông chủ của bà không? - Ông ta là thánh. - Thế khi ông Savalas lấy vợ lần thứ nhất, bà đã làm cho ông ấy rồi chứ? - Vâng, thưa ngài, khi vợ ông ấy chết, tôi đã ở bên mộ cùng ông ấy. - Nếu nói rằng họ có quan hệ với nhau rất tốt, có đúng không? - Họ đã yêu nhau say đắm. Peter Demonides nhìn về phía Napoleon Chotas, xem ông có phản đối gì không khi thẩm vấn. Nhưng Chotas vẫn ngồi yên trên ghế, trông như chẳng có gì nghĩ ngợi. - Bà có làm việc cho ông Savalas trong thời gian ông đã lấy vợ thứ hai, Anastasia Savalas? - Peter Demonides tiếp tục. - Ồ, có thưa ngài. Chắc chắn là có. - Bà bật những lời nói đó như không cần suy nghĩ. - Có phải bà muốn nói rằng đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc? Lại một lần nữa, ông nhìn sang Napoleon Chotas, nhưng không thấy phản ứng. - Hạnh phúc à? Không thưa ngài. Họ đánh nhau như chó với mèo. - Bà có làm chứng lần nào họ đánh nhau không? - Một người như tôi chẳng có thể làm chứng gì được. Các ông có thể nghe thấy họ cãi nhau, cả nhà nghe thấy - và nhà thì to lắm. - Tôi cho rằng những xô xát đó chỉ là lời ra tiếng vào, hơn là những xô xát thể xác? Có nghĩa là ông Savalas có bao giờ đánh vợ không? - Ồ, xô xát đánh nhau đấy chứ. Nhưng không như ông nói, chính bà ấy đánh ông ấy. Ông Savalas phải đi làm ăn suốt năm, và con người tội nghiệp đó ngày càng yếu đuối. - Bà đã nhìn thấy bà Savalas đánh chồng chưa? - Nhiều lần rồi chứ. - Người làm chứng nhìn sang bà Anastasia Savalas và trong giọng nói của bà tỏ ra thoả mãn lắm. - Bà Lykourgis, vào cái đêm ông Savalas chết, có những người nào trong số các người giúp việc đang làm việc trong nhà? - Trong chúng tôi chẳng có ai cả? Peter Demonides làm cho giọng nói tỏ ra sửng sốt. - Ý bà nói trong một ngôi nhà mà theo bà rất rộng, lúc đó lại không có ai cả sao? Thế ông Savalas có người đầu bếp, hay người đầy tớ… hầu bàn chẳng hạn…? - Ồ, vâng, thưa ông. Ở nhà có đủ cả những người đó. - Nhưng bà đã nói với mọi người đêm nay cho mọi người nghỉ. Bà ấy đã nói bà muốn nấu ăn cho chồng bà. Cứ như tuần trăng mật thứ hai. - Nhận xét cuối cùng bà vừa nói vừa xì mũi. - Thế là Bà Savalas đã đuổi mọi người? Lần này ông chánh án nhìn sang Napoleon Chotas, đợi xem ông này có phản đối không? Nhưng vị luật sư ngồi đó như bận rộn cái gì không để ý. Ông chánh án quay sang Demonides: - Công tố ủy viên không nên gợi ý cho người làm chứng. - Tôi xin lỗi, thưa Ngài. Tôi xin lặp lại câu hỏi. Demonides đến gẩn bà Lykourgos. - Điều bà đã nói tức là vào đêm mà mọi người là những người giúp việc đến nhà, bà Savalas ra lệnh cho mọi người về để bà có thể ở với chồng một mình? - Vâng, thưa ngài. Và người đàn ông đáng thương đó bị cảm lạnh. - Thế bà Savalas có thường hay nấu ăn tối cho chồng bà không? Bà Lykourgos xỉ mũi. - Ê. Không, thưa ngài. Không phải là bà thường nấu ăn. Bà ta chẳng bao giờ nhúng tay vào việc nhà bao giờ! Và Napoleon vẫn ngồi đó, lắng nghe như thể ông chỉ là khán giả thôi. - Cám ơn, Bà Lykourgos. Những lời bà nói giúp chúng tôi rất nhiều. Peter Demomdes quay sang Chotas, cố giấu sự thoả mãn của mình. Những lời làm chứng của bà Lykourgos đã có tác dụng rõ rệt với bồi thẩm đoàn. Họ đang đưa mắt nhìn vẻ không tán thành bị cáo. Để xem lão già cố xoay sở thế nào về những lời đó. - Chứng cứ của ông. Napoleon ngước nhìn lên. - Cái gì? Ồ. Không có câu hỏi. Chánh án nhìn ông tỏ ngạc nhiên. - Ông Chotas… ông không muốn lật ngược những chứng cứ này? Napoleon Chotas đứng lên. - Không, thưa Ngài đáng kính. Bà ta dường như là một người phụ nữ ttung thực hoàn toàn. - Ông lại ngồi xuống. Peter Demonides không thể tin được cái may mắn tốt đẹp cho mình. Lạy chúa, ông nghĩ hắn cũng không gây ra tranh luận gì. Lão già như thế là hết nước. Demomdes đang tận hưởng thắng lợi của mình. Chánh án quay sang công tố viên. - Ông có thể gọi người làm chứng tiếp. - Nhà nước muốn gọi Josef Pappas. Một thanh niên cao, đẹp trai, tóc màu sẫm đứng dậy khỏi ghế khán giả và đi về phía bục người làm chứng. Anh ta đã thề. Peter Demonides bắt đầu. - Ông Pappas, xin ông nói cho toà biết nghề của ông? - Tôi là tài xế. - Ông có được mướn làm việc lúc đó không? - Không? - Nhưng ông vẫn mướn đến gần đây cơ mà. Nghĩa là, ông vẫn được mướn cho đến lúc xảy ra cái chết của ông Georges Savalas? - Đúng thế ạ! - Ông đã làm việc cho gia đình Savalas bao lâu rồi? - Hơn một năm một chút ạ! - Thế công việc có dễ chịu không? Josef Pappas để mắt nhìn ông Chotas, đợi ông đến cứu anh ta. Chỉ thấy yên lặng. - Công việc có dễ chịu không, ông Pappas? - Cũng được ạ, tôi cho là thế. - Lương có khá không? - Có ạ! - Rồi, ý ông muốn nói việc làm cũng được phải không? Nghĩa là có thêm những khoản ngoài lương không? Ông có ăn nằm thường xuyên với và Savalas không? Josef Pappas nhìn về phía Napoleon nhờ giúp đỡ. Nhưng không có ý kiến gì của ông ta cả. - Tôi… Vâng, thưa ngài. Tôi cho là có ạ! Peter Demonides thản nhiên với việc Pappas thừa nhận cái xấu xa đó cho mình. - Anh cho là có? Anh đã thề. Hoặc là anh đã tằng tịu với bà ấy hay là anh không. Một trong hai cái? Pappas, đứng cựa quậy khó nói: - Chúng tôi đã có tằng tịu! - Vậy ngay khi anh nói anh đang làm việc cho chồng bà ta - được trả lương hậu hĩnh, và cũng sống dưới mái nhà ông ấy? - Vâng, thưa ngài. - Điều đó không làm anh phiền lòng à, nhận được lương của ông ta trả hàng tuần, trong khi đó anh vẫn tằng tịu với vợ ông ta? - Dạ, đó không phải là tằng tịu. Peter Demonides giương cái bẫy rất cẩn thận: - Đó không phải là sự tằng tịu? Thế anh cho là cái gì. Tôi e rằng anh không hiểu. - Tôi cho rằng - tôi và Anastasia đang chuẩn bị kết hôn! Trong phòng xử án có tiếng xì xào ngạc nhiên. Các thẩm phán đang nhìn về phía bị cáo. - Cái việc kết hôn là ý anh hay ý bà Savalas? - Dạ, cả hai chúng tôi đều muốn thế ạ. - Ai đề xuất điều đó? - Tôi cho rằng bà ấy ạ. - Anh ta quay sang xem Anastasia Savalas ngồi ở chỗ nào. Khỉ quay lại anh ta chẳng có biểu hiện gì là xót xa cả. - Nói thật, ông Pappas, tôi rối cả đầu lên. Sao anh lại mong đợi kết hôn? Bà Savalas đã có chồng, có phải không nhỉ? Vậy anh định đợi ông ta chết già à? Hay đợi ông ta bị tai nạn chết hay đại loại như thế? Chính xác trong đầu anh, anh có ý định gì? Các câu hỏi này quá khích nên công tố ủy viên, ba luật sư nhìn về phía ông Napoleon Chotas, đợi ông nổ ra lời phản đối. Nhưng vị luật sư bào chữa này đang còn bận rộn ghi chép vớ vẩn, chẳng chú ý gì cả. Anastasia Savalas cũng thế, bắt đầu nhìn có vẻ quan tâm. Peter Demonides nhấn mạnh lợi thế của ông: - Ông không trả lời câu hỏi của tôi à, ông Josef Pappas? Josef Pappas cử động tỏ vẻ khó chịu. - Tôi không biết chính xác như vậy. Giọng nói của Peter Demonides cứ như sợi dây thắt lại. - Để tôi nói với anh, một cách chính xác. Bà Savalas định giết chồng bà để đưa ông ta ra ngoài cuộc. Bà ta đã biết rằng ông ấy chuẩn bị ly dị bà và không đưa bà vào di chúc của ông, và như vậy bà bị bỏ rơi chẳng được gì cả. Bà… - Phản đối! -Tiếng đó không phải do Napoleon Chotas nói mà là chánh án. - Ông đang hỏi các người làm chứng để quyết định à? Ông chánh án nhìn về phía Napoleon Chotas, sửng sốt về sự im lặng của ông luật sư này. Ông đang ngồi lùi ra sau ghế, đôi mắt như nửa nhắm nửa mở. - Xin lỗi, thưa ngài đáng kính. - Nhưng anh ta đã biết anh làm điều đó. Peter Demonides quay về phía Chotas. - Chứng cứ của ông. Napoleon đứng dậy. - Xin cám ơn, ông Demonides, không có câu hỏi. Cả ba quan toà quay nhìn nhau, đều không hiểu nổi. Một người nói to lên: - Ông Chotas, ông biết rằng đó là cơ hội của ông để kiểm tra chéo lời làm chứng này? Napoleon Chotas cứ như không biết. - Vâng, thưa ngài đáng kính. - Về mặt làm chứng, ông không muốn hỏi anh ta câu hỏi nào cả à? Napoleon Chotas khoát tay lên không khí và nói lờ mờ: - Không, thưa ngài đáng kính! Vị quan toà thở dài: - Thôi được. Đề nghị công tố ủy viên gọi người làm chứng tiếp. Người làm chứng tiếp là Mihahs Haritonides đã thề xong, công tố ủy viên hỏi: - Xin ông cho toà biết nghề nghiệp của ông, xin mời? - Vâng, thưa ngài. Tôi là quản lý khách sạn. - Xin ông nói cho chúng tôi biết tên khách sạn? - The Argos. - Và khách sạn có địa điểm ở đâu? - Ở Corfu. - Tôi sắp hỏi ông, ông Haritonides, có ai trong phòng xử này đã có lần lưu tại khách sạn của ông không? Haritonides nhìn xung quanh và nói: - Vâng, thưa ngài. Nó và bà ấy. - Và họ ở lại đêm, cả hai trong cùng một buồng chứ? - Vâng, thưa ngài. Họ thường đến vào cuối tuần. - Cám ơn, ông Haritomdes. - Ông nhìn Napoleon Chotas. - Chứng cứ của ông. - Không có câu hỏi! Chánh án quay lại hai vị quan toà, và họ thì thầm với nhau một lát. Chánh án nhìn về Napoleon Chotas. - Ông không có câu hỏi đối với người làm chứng này, ông Chotas? - Không thưa ngài đáng kính. Tôi tin những lời làm chứng này. Đó là một khách sạn đẹp. Bản thân tôi đã ở đấy. Chánh án lại nhìn chằm chằm vào Napoleon Chotas một lúc lâu. Rồi ông quay sang công tố ủy viên. - Nhà nước muốn gọi người làm chứng tiếp. Nhà nước muốn gọi bác sĩ Vamilis Frangescos! Một người đàn ông cao, dáng vẻ đặc biệt, đứng dậy và đi về phía bàn nhân chứng. Ông đã thề xong. - Bác sĩ Frangescos, xin ông làm ơn nói với Toà ông làm nghề thầy thuốc về gì? - Tôi là người hành nghề bác sĩ đa khoa. - Có phải tương đương với bác sĩ gia đình? - Đó là cách gọi khác, vâng. - Ông đã hành nghề được bao lâu rồi, bác sĩ? - Gần ba mươi năm. - Tất nhiên, ông được nhà nước cấp bằng chứ? - Tất nhiên! - Bác sĩ Frangescos, Georges Savalas có phải là bệnh nhân của ông? - Vâng, đúng thế ạ! - Khoảng thời gian nào? - Hơn mười năm một chút! - Và ông có chữa cho ông Savalas về một bệnh gì đặc biệt không? - Vâng ạ, lần đầu tiên, ông đến tôi vì có bệnh huyết áp. - Và ông đã chữa bệnh đó. - Vâng! - Nhưng sau đó, ông có gặp ông ta không? - Có ạ. Đôi lúc, ông ấy có đến gặp tôi - khi ông bị viêm cuống phổi, hay đau mật - nhưng không có gì là nặng cả. - Lẩn cuối cùng, ông gặp ông Savalas là bao giờ? - Tháng mười hai năm ngoái. - Nghĩa là trước khi ông ấy chết không lâu. - Đúng vậy. Ông ta có đến văn phòng của ông không, bác sĩ? - Không. Tôi đến thăm ông ở nhà riêng của ông. - Thế ông có hay gọi điện thoại không? - Ít lắm! - Nhưng trường hợp này là một ngoại lệ. - Vâng! - Vì sao? Bác sĩ do dự. - Vâng, ông ấy không được khỏe để đến văn phòng của tôi. - Thế ông ấy bị làm sao? - Ông ấy bị mấy vết rách da, một số xương sườn bị dập, và bị chấn thương sọ não! - Ông ấy có bị tai nạn gì không? Bác sĩ do dự. - Không. Ông ấy nói với tôi, ông ấy bị vợ đánh. Trong phòng xét xử, có tiếng ngáp nghe rất rõ. Chánh án tức giận nói: - Ông Chotas, ông có muốn phản đối việc ghi lại tất cả lời chứng như đã nghe nói không? Napoleon Chotas nhìn lên và nói rất ôn tồn. - Ồ, cám ơn. Thưa ngài đáng kính. Vâng, tôi phản đối. Nhưng tất nhiên, lại đã ghi cả rồi. Các thẩm phán hiện đang nhìn bị cáo với vẻ hằn thù ra mặt. - Cám ơn, Bác sĩ Frangescos. Không còn hỏi gì nữa chứ. Peter Demonides quay sang Chotas và nói vẻ tự thoả mãn. - Chứng cứ của ông! - Không có câu hỏi! Rồi đến hàng loạt người làm chứng: một người đầy tớ chứng nhận là bà đã trông thấy Bà Savalas nhiều lần đi vào khu ở của người lái xe… người hầu bàn chứng nhận là đã nghe thấy Georges Savalas đe doạ vợ ly dị, và thay đổi di chúc… Các hàng xóm đã nghe thấy cãi nhau ồn ào giữa những người trong nhà Savalas… Và Napoleon Chotas vẫn không hỏi gì bất cứ người làm chứng nào. Cái lưới đã vây chặt lấy Anastasia Savalas. Peter Demomdes có thể cảm thấy thắng lợi đến tay rồi. Trong đầu ông, ông có thể thấy trước được những dòng tít trên các báo. Vụ này là vụ xử giết người nhanh nhất trong lịch sử. Vụ xử án này có thể kết thúc hôm nay, ông nghĩ. Luật sư nổi tiếng Napoleon Chotas là người bị thất bại. - Tôi xin gọi ông Niko Mentakis lên bục. Mentakis là một người còn trẻ, gầy, nghiêm túc, có cách nói chậm rãi và cẩn thận. - Ông Mentakis, xin ông cho Toà biết nghề nghiệp của ông? - Vâng, thưa ngài. Tôi làm việc ở một trại nuôi dưỡng. - Ông chăm sóc các cháu bé? - Ồ không, thưa ngài. Không phải là trại nuôi dưỡng đó. Ở chỗ chúng tôi có cây, và hoa, và tất cả các loại thảo mộc. - Ồ, tôi hiểu. Vậy ông là chuyên gia về trồng cây chứ? - Tôi có thể là thế. Tôi đã làm việc này từ lâu. - Và tôi cho rằng một phần công việc của ông là phải đảm bảo rằng các loại thảo mộc ông có thể bán phải sống xanh tốt chứ? - Ồ vâng, thưa ngài. Chúng tôi chăm sóc những cây đó rất tốt. Tôi không bao giờ bán các loại cây ốm yếu cho khách thường xuyên. - Do vậy, ý ông nói, khách hàng cũng là các khách vẫn đến mua thường xuyên. - Vâng thưa ngài - Giọng ông nói tỏ vẻ tự hào - chúng tôi phục vụ rất tốt. - Nói cho tôi biết, ông Mentakis. Bà Savalas có phải là một trong những khách hàng thường xuyên của ông. - Ồ, vâng, thưa ngài. Bà Savalas rất yêu cây và hoa. Chánh án sốt ruột nói: - Ông Demonides, toà không cảm thấy rằng cách thẩm vấn này là thích đáng. Xin ông chuyển sang cách khác đi, hay… - Nếu toà cho tôi kết thúc, thưa ngài đáng kính, người làm chứng này rất quan trọng trong vụ này. Chánh án nhìn sang Napoleon Chotas. - Ông Chotas, ông có phản đối gì cách hỏi này không? Napoleon Chotas đứng lên và nói như không để ý. - Cái gì? Không, thưa ngài đáng kính. Chánh án nhìn vào ông rõ ý thất vọng, và rồi quay sang Peter Demonides. - Được lắm. Ông tiếp tục đi. - Ông Mentakis, Bà Savalas có đến chỗ ông vào một ngày trong tháng mười hai và bảo ông rằng một số cây của bà ấy có vấn đề? - Vâng, thưa ngài. Bà ấy có đến. - Thực ra, bà ấy không nói rằng có sâu bệnh phá hoại các cây của bà? - Vâng, thưa ngài. - Và bà ấy có yêu cầu ông đưa một chất gì đó để đuổi các con sâu đó không? - Vâng, thưa ngài. - Ông có thể nói cho toà biết đó là chất gì không? - Tôi bán cho bà ta một ít antimoan. - Và ông có thể nói cho toà chính xác là chất gì không? - Nó là một chất độc, như arsenic. Trong phòng xử án có tiếng ồ rộ lên. Chánh án gõ mạnh búa. - Nếu còn có ồn ào nữa, tôi sẽ ra lệnh cho các mõ toà đình chỉ phiên toà. Ông quay sang Peter Demonides. - Ông có thể tiếp tục thẩm vấn. - Như vậy là ông đã bán cho bà ta một liều lượng antimoan! - Vâng, thưa ngài! - Và ông nói chất độc đó có thể làm chết người được không? Ông đã so sánh chất đó với arsenic. - Ồ, vâng, thưa ngài. Chất đó độc chết người được, thật ạ! - Và ông có ghi vào sổ bán ra khi bán không, vì luật yêu cầu ông khi ông bán chất gì độc, ông phải ghi sổ? - Vâng, thưa ngài. - Thế ông có mang sổ ghi đó theo ông không ông Mentakis? - Tôi có mang. - Ông đưa cho Peter Demonides một quyển sổ bán hàng. Công tố ủy viên đi qua các thẩm phán. - Thưa quý vị, tôi muốn xem chất này có gắn nhãn loại A không? - Ông quay sang người làm chứng. - Tôi không còn có câu hỏi gì nữa. - Ông nhìn sang Napoleon Chotas. Napoleon Chotas nhìn lên và lắc đầu. - Không có câu hỏi. Peter Demonides thở sâu một cái. Đã đến giờ cho đợt trút bom của ông. - Tôi xin giới thiệu chất độc bảng B. - Ông quay xuống cuối phòng, và nói một viên mõ toà đứng gần cửa, - Ông làm ơn mang cái đó lên bây giờ. Viên mõ toà vội chạy ra và một lát sau, hắn quay lại cầm chai thuốc si-rô ho để trên một cái khay. Người ta có thể thấy rõ chai không đầy. Các khán giả nhìn ngắm, lạ lùng khi viên mõ toà đưa chai đó lên công tố ủy viên. Peter Demonides đặt chai lên bàn trước các thẩm phán. - Thưa quý ông, quý bà, quý vị đang nhìn vào vũ khí giết người. Đây là vũ khí đã giết Georges Savalas. Đây là một loại sirô thuốc ho mà bà Savalas đã cho chồng uống vào đêm ông chết. Thuốc này có pha antimoan. Như các bạn thấy, nạn nhân đã uống thuốc này - và hai mươi phút sau ông chết. Napoleon đứng lên và nói nửa úp nửa mở: - Phản đối. Không có cách nào vị công tố ủy viên biết được rằng chính từ cái chai đặc biệt này mà người quá cố đã bị đầu độc bằng thuốc. Và Peter Demonides đã đóng cái bẫy. - Với sự tôn trọng đúng mức các đồng nghiệp đã được học hành đầy đủ của tôi, bà Savalas đã thừa nhận là bà ấy đã cho chồng và uống sirô này trong khi ông bị một cơn ho nặng vào đúng cái đêm hôm đó ông chết. Thuốc này đã được giữ trong buồng có chìa khoá giao cảnh sát, mãi mấy phút trước đây, chiếc chìa khoá đà được mang đến toà án này. Quan pháp y đã chứng nhận rằng Georges Savalas đã bị chết vì ngộ độc antimoan. Sirô ho này có chứa antimoan. - Ông nhìn Napoleon Chotas đầy vẻ thách thức. Napoleon Chotas lắc đầu thất bại: - Vậy tôi cho rằng không có gì nghi ngờ. Peter Demonides nói với vẻ đắc thắng: - Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Chotas ạ. Trong vụ chỉ còn phải buộc tội. Chánh án quay sang Napoleon Chotas. - Việc bào chữa có sẵn sàng để tóm tắt chưa? Napoìeon Chotas đứng lên: - Vâng, thưa ngài đáng kính! Ông đứng đó một lát. Rồi ông từ từ tiến lên phía trước. Ông đứng trước đoàn hội thẩm, chúi đầu xuống như đang cố gắng hình dung ra cái gì sẽ cần nói. Khi ông bắt đầu nói, ông nói rất chậm, chọn từng từ một. - Tôi giả dụ rằng một số vị trong các vị ở đây tự hỏi tại sao tôi không có thẩm vấn chéo bất kỳ người làm chứng nào. Được, để nói sự thật với các vị, tôi nghĩ ông Demonides đây đã làm việc tốt, nên tôi không cần hỏi họ thêm làm gì. Thằng già lại định mang vụ của tôi cho tôi, Peter Demonides nghĩ vui mừng. Napoleon Chotas quay nhìn chai sirô ho một lát, rồi quay lại với các hội thẩm. - Các người làm chứng tỏ rất thật thà. Nhưng thực tế, họ chả chứng minh được điều gì cả, có phải thế không? Điều tôi muốn nói là… - ông lắc đầu - Được, khi các vị thêm một số điều vào những lời làm chứng tóm lại chỉ có một chuyện là: Một cô gái trẻ xinh đẹp lấy một ông chồng già mà chắc chắn không thoả mãn cô về tình dục. - Ông gật đầu về phía Josef Pappas. - Vì vậy cô ta tìm một thanh niên có thể đáp ứng được. Chúng ta đã biết quá nhiều chuyện như vậy trên báo chí, có phải không ạ? Chẳng có gì bí mật về các vụ tằng tịu cả. Toàn thế giới đã biết. Điều đó đã được viết ra trong các tạp chí lá cải trên thế giới. Bây giờ, quý vị và tôi không tán thành tư cách của cô ta, thưa quý ông, quý bà, nhưng Anastasia Savalas không phải đến phòng xử này vì vi phạm lời hứa hôn. Cô ta không phải đến toà vì cô ta có những nhu cầu sinh lý bình thường mà tất cả phụ nữ trẻ tuối nào cũng có. Không, cô ta bị xử ở toà án này vì tội giết người. Ông quay sang nhìn cái chai lần nữa, cứ như là rất ngạc nhiên với cái chai đó. Để cho ông già tiếp tục nhiệt tình, Peter Demonides nghĩ. Ông liếc nhìn đồng hồ treo trên tường phòng xử đã mười hai giờ kém mười lăm. Các quan toà thường nghị án vào trưa. Ông già lại không thể kết thúc bài tổng quan của ông ấy. Ông ta cũng không đủ khôn ngoan để đợi phiên toà họp lại. Sao ta lại sợ lão đó nhỉ Peter Demonides tự hỏi. Napoleon Chotas đang thao thao bất tuyệt. - Xin hãy cùng xem xét các chứng cứ nào? Một số cây của bà Savalas bị bệnh và bà ấy chăm sóc các cây đó để cứu chúng. Bà ta đến ông Mentakis một chuyên gia về cây cỏ, ông này đã khuyên bà dùng antimoan. Nên bà đã làm theo lời khuyên của ông này. Các vị có gọi như vậy là giết người không? Tôi nói chắc chắn rằng không. Và rồi còn có lời làm chứng của người giúp việc, người này nói rằng bà Savalas đuổi các người làm để bà ấy có thể ăn cơm tuần trăng mật với chồng, để bà ấy đi chuẩn bị nấu ăn. Được, tôi nghĩ sự thật người giúp việc chị ta chắc chắn cũng mến ông Savalas các vị không thể làm việc với một người nào trong hai mươi lăm năm mà lại không có tình cảm sâu lắng với người đó. Chị ta cũng ghen tức với Anastasia Savalas. Từ cái giọng nói của chị ta, các vị có thể thấy điều đó. - Chotas ho nhẹ và đằng hắng. - Vậy thì, cho phép tôi giả thiết rằng bị cáo, từ trong trái tim bà ta, bà ta yêu chồng bà cố gắng một cách tuyệt vọng để không phải ly dị. Bất cứ một người đàn bà nào yêu một người đàn ông cũng phải làm thế nào để thể hiện tình cảm đó? Đúng một trong những cách cơ bản nhất là nấu ăn cho chồng mình. Đó có phải là một dạng của tình yêu không? Tôi nghĩ rằng đúng vậy. - Ông quay lại nhìn cái chai lần nữa. - Và có phải đó cũng là một cách khác để biểu hiện sự thương cảm với ông khi ông ốm và sức khỏe cũng không tốt? Đồng hồ trên tường chỉ mười hai giờ kém một phút. - Thưa quý ông, quý bà, tôi nói với quý vị khi phiên toà bắt đầu nhìn vào bộ mặt của người đàn bà này. Đó không phải là bộ mặt của một phụ nữ giết người. Những con mắt đó không phải là những con mắt của kẻ sát nhân. Peter Demonides theo dõi các thẩm phán khi các vị này đang ngoái cổ về bị cáo. Ông ta chẳng bao giờ thấy được sự hận thù rõ rệt. Ông nắm chắc thẩm phán đoàn như rút họ ra từ trong túi quần ông vậy. - Luật pháp rất rõ ràng, thưa quý ông quý bà, như các vị đã được luật sư đáng kính thông báo, để quay lại lời luận án tội phạm các vị không nên nghi ngờ gì về tội trạng của bị cáo này. Không có tội gì. Khi Napoleon Chotas nói, ông ấy lại ho, rút một cái khăn ra và che miệng. Ông ta đến gần cái chai sirô trên bàn trước bàn các hội thẩm. - Khi quý vị đi thẳng vào sự việc này, vị ủy viên công tố đã không chứng minh được điều gì, phải không ạ? Loại trừ đây là cái chai bà Savalas đã đưa cho chồng bà. Sự thật là nhà nước không phải xét vụ này tý nào cả. - Khi ông vừa nói xong câu nói đó, ông lên một cơn ho. Như vô tình, ông lấy chai thuốc ho, mở nắp, đưa lên môi và uống một ngụm lớn. Mọi người trong phòng xử án nhìn thấy, như bị thôi miên, và có người há hốc mồm sợ hãi. Cả phòng xử án náo động cả lên. Chánh án nói như hét: - Ông Chotas… Napoleon Chotas uống một ngụm nữa. - Thưa ngài đáng kính những lời kết tội của ủy viên công tố là một sự nhạo báng công lý. Georges Savalas không chết vì người đàn bà này. Trường hợp này cần phải được bảo vệ. Chuông đánh mười hai tiếng. Một mõ toà chạy vào chỗ chánh án và thì thầm. Chánh án đập mạnh búa. - Ra lệnh! Ra lệnh! Chúng ta sẽ nghỉ. Đoàn bồi thẩm sẽ nghỉ và cố gắng đạt được bản luận tội. Phiên toà sẽ họp lại vào hai giờ! Peter Demonides đứng đó, ngây người ra. Có kẻ nào đó đã mở nút chai! Nhưng không, không được. Các chứng cứ đã được bảo vệ liên tục. Các nhà bệnh lý học có sai không? Demonides quay lại nói với viên trợ lý của mình, và khi ông nhìn quanh tìm Napoleon Chotas thì ông này biến đâu mất. - Đúng hai giờ, khi phiên toà họp lại, các vị thẩm phán từ từ đi vào phòng xét xử và ngồi vào ghế của mình. Napoleon Chotas không thấy đâu. Tên chó đẻ này đã chết rồi chắc, Peter Demonides nghĩ như vậy. Và ông vừa nghĩ như vậy xong thì Napoleon Chotas đi vào qua cửa lớn, trông hoàn toàn khỏe mạnh. Ai ai trong phòng xử án cũng quay lại để nhìn ông khi ông đi về ghế của mình. Chánh án nói: - Quý ông, quý bà của đoàn bồi thẩm, các vị đã đi tới bàn luận tội chưa? Vị đứng đầu Đoàn bổi thẩm đứng dậy. - Chúng tôi đã xong, thưa ngài đáng kính. Chúng tôi thấy bị cáo không có tội! Đột nhiên, những tiếng vỗ tay vang lên từ các khán giả. Peter Demomdes cảm thấy tức sôi máu lên. Thằng con hoang lại chơi tao nữa hả, ông nghĩ. Ông ngước nhìn lên và Napoleon Chotas đang ngắm ông và cười. Chương 08 Hãng Trisis và Tritsis, không cần phải bàn cãi, là một công ty có uy tín nhất về các dịch vụ luật ở Hy Lạp. Những nhà sáng lập ra hãng này đã nghỉ hưu từ lâu, và hiện nay hãng này thuộc về Napoleon Chotas. Có tới sáu, bảy thành viên, nhưng Napoleon Chotas là người lãnh đạo tài tình nhất. Bất cứ khi nào, những người giàu có mà bị buộc tội giết người, thì họ phải nghĩ ngay đến Napoleon Chotas. Thành tích của ông là một hiện tượng nổi bật. Trong những năm làm việc bảo vệ những người bị buộc các tội hình sự lớn, Chotas đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vụ án Anastasia Savalas vừa mới đây đã được nhắc đến bằng những hàng tít lớn trên các báo chí khắp thế giới là một minh chứng rõ rệt. Chotas đã bảo vệ một khách hàng mà ai ai cũng cho là một vụ giết người rành rành, và ông đã giành được thắng lợi đặc biệt. Trong vụ này, ông có thể gặp rủi ro lớn, nhưng ông hiểu rằng chỉ có cách đó, ông mới có thể cứu thoát khách hàng của ông. Ông cười với chính mình, ông nhớ lại những bộ mặt của các vị hội thẩm khi ông đã uống cái thứ sirô có chứa chất độc chết người đó. Ông đã tính toán khéo léo thời gian phần trình bày kết thúc của ông sao cho ông có thể dừng lại đúng mười hai giờ. Đó là mấu chốt của mọi việc. Nếu các hội thẩm mà thay đổi cách làm thường ngày - tới quá mười hai giờ… ông nghĩ mà rùng mình, không biết sẽ thế nào. Vì nếu như vậy, sẽ xảy ra hậu quả không lường được là có khi ông mất mạng. Sau khi phiên toà tạm nghỉ, Chotas đã chạy vội ra hành lang, lúc đó một nhóm phóng viên đã cản đường ông. - Ông Chotas, sao ông lại biết thuốc sirô ho đó không độc. - Ông có thể giải thích vì sao? - Ông có nghĩ rằng có người nào đã thay cái chai đó? - Có phải Anastasia Savalas đã… - Thưa quý vị, tôi e rằng phải trả lời một yêu cầu về bản chất. Tốt hơn hết câu hỏi của ông nên được trả lời sau. - Ông chạy vội ra buồng của nam giới ở cuối hành lang. Ở ngoài có biển đề: "Hỏng không dùng được!" Một phóng viên nói: - Tôi thấy rằng ông nên tìm một buồng nam giới khác! Napoleon Chotas cười. - Tôi sợ rằng tôi không đợi được, ông đẩy cửa, đi ngay vào và khoá trái cửa lại. Một nhóm người đã túc trực bên trong đợi ông. Bác sĩ đã than phiền. - Tôi bắt đầu lo rồi. Antimoan tác dụng rất nhanh. - Ông vội bảo ngay người trợ lý. - Chuẩn bị ngay bơm thụt dạ đày. - Vâng, thưa bác sĩ. Bác sĩ quay sang Napoleon Chotas. - Nằm ngay ra nền nhà. Tôi sợ rằng khó chịu rồi đó. - Khi tôi quyết định phương án này, Napoleon Chotas cười, - Tôi tin chắc tôi không sao cả. Chi phí cho Napoleon Chotas để cứu mạng Anastasia Savalas là một triệu đô la, gửi tại tài khoản Ngân hàng Thuỵ Sĩ. Chotas có một ngôi nhà như cung điện ở Kolonarai - một khu vực có các dinh thự rất đẹp của Anthens - một villa trên đảo Corfu, và một căn hộ ở Paris, phố Foch. Bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu thì Napoleon Chotas cũng có những lý do tuyệt vời để được vui thú cho đời ông. Chỉ có một đám mây che phủ ở đường chân trời của ông. Đám mây đó là một người tên là Frederick Stavros, ông ta một thành viên mới nhất của hãng Tritsis & Tritsis. Các luật sư khác của hãng lúc nào cũng phàn nàn về Stavros. - Ông ta là hạng thứ, Napoleon ạ. Ông ta không xứng đáng với một hãng như hãng của ta… - Stavros trong vụ nào cũng rất vụng về. Tay này như một tay rồ… - Ông có nghe thấy Stavros hôm qua nói gì ở toà không? Quan toà như muốn ném ông ra cửa… - Cho hắn rời đi, làm sao ông không cho cái thằng cha Stavros nghỉ đi? Ông ta chỉ là cái bánh xe thứ sáu ở đây. - Chúng ta không cần ông ta, và ông ta làm hại đến tiếng tăm của chúng ta… Chỉ có Napoleon Chotas là biết rõ thực chất điều đó. Và đã nhiều lần ông muốn phơi bày sự thật ra. Ông không thể cho ông ta thôi được. Nhưng rồi ông lại nói là: - Để cho ông ấy có cơ hội. Stavros sẽ làm được tốt thôi. Và đó là tất cả những điều mà các cộng tác viên có thể moi được những ý kiến của ông về Stavros. Một triết gia đã nói "phải thận trọng với điều gì anh muốn, thì anh mới có thể đạt được". Frederick Stavros, thành viên mới của hãng Tritsis & Tritsis, đã đạt được điều mình mong muốn, và điều đó đã làm ông thành một người khốn khổ nhất trên trái đất này. - Ông không ăn không ngủ được, và ông bị sụt cân đến mức báo động. - Ông phải đi khám bệnh đi, Frederick ạ, - vợ ông khăng khăng yêu cầu ông vậy. - Ông trông dạo này kém quá. - Không, tôi… bệnh không thể khỏi đâu. - Ông biết rằng sự đau khổ trước điều xấu với ông thì không bác sĩ nào chữa được. Lương tâm của ông đang giết chết ông. Frederick Stavros là một con người ít tuổi, có cảm xúc mãnh liệt, hăng say nhiều tham vọng và hay lý tưởng hoá. Từ nhiều năm, ông đã lập ra một văn phòng xoàng xĩnh ở khu phố nghèo Monastiraki của Anthens, ông đấu tranh cho các khách hàng nghèo khổ và ông thường làm việc không lấy tiền. Khi ông ấy gặp được Napoleon Chotas, đời ông đã thay đổi nhanh chóng! Một năm trước, Stavros đã bảo vệ Larry Douglas, trong một vụ án cùng Noelle Page về tội giết vợ là Catherine. Napoleon đã được người hùng Constantin Denmiris thuê để bảo vệ người đàn bà ông ta bao. Ngay từ đầu, Stavros đã may mắn để Chotas chịu trách nhiệm bảo vệ cho cả hai. Anh rất sợ vị luật sự kiệt xuất này. - Em sẽ thấy Chotas mà ra tay, - anh muốn nói với vợ anh. - Con người đó kỳ lạ lắm. Anh mong anh sẽ được làm việc ở hãng của ông ta một ngày nào đó. Khi vụ án gần kết thúc, thì có sự đảo lộn không lường được Napoleon Chotas tươi cười tập hợp Noelle Page, Larry Douglas và Frederick vào một buồng riêng. Chotas nói với Stavros: - Tôi vừa họp với các vị quan toà. Nếu các bị cáo muốn thay đổi lời bào chữa thành có tội, các quan toà đồng ý kết tội mỗi người năm năm trong đó bốn năm án treo. Trong thực tế, họ không bao giờ phải ngồi tù quá sáu tháng. - Ông quay lại Larry. - Vì ông là một người Mỹ, ông Douglas ạ, ông sẽ bị trục xuất. Ông sẽ không bao giờ được quay lại Hy Lạp nữa. Noelle Page và Larry Douglas đều rất muốn thay đổi lời bào chữa. Mười lăm phút sau, khi các bị cáo và các luật sư của họ đang đứng trước quan toà, chánh án nói: - Toà án Hy Lạp không bao giờ kết tội tử hình chưa chứng minh được một cách chắc chắn là người đó can tội sát nhân: Vì lý do đó, các đồng nghiệp của tôi và tôi rất ngạc nhiên khi các bị cáo đã thay đổi lời bào chữa thành có tội vào giữa chừng việc xét xử… tôi tuyên bố tội trạng của hai bị cáo, Noelle Page và Larry Douglas, sẽ bị hành quyết xử bắn… được thực hiện trong vòng chín mươi ngày kể từ ngày hôm nay. Ngay lúc đó Stavros mới biết rằng Napoleon Chotas đã lừa tất cả bọn họ. Đó không bao giờ là một việc buôn bán. Constantin Denmiris đã thuê Chotas không phải để bảo vệ Noelle Page mà để đảm bảo chắc chắn cô ta bị kết tội. Đó là sự trả thù của Denmiris đối với người đàn bà đã phản bội ông. Stavros đã từ một người tham gia vô tư thành một tên tay chân tàn nhẫn. - Tôi không thể để xảy ra như vậy, Stavros nghĩ. Tôi sẽ nói với chánh án rằng Chotas đã làm như vậy và lời buộc tội sẽ đảo ngược. Lúc đó Napoleon Chotas đã đến với Stavros và nói: - Nếu ngày mai anh rỗi, tại sao anh lại không đến tôi và ăn cơm trưa với tôi, Frederick? Tôi muốn anh gặp các thành viên của tôi… Bốn tuần lễ sau, Frederick Stavros trở thành thành viên chính thức của hãng uy tín Tritsis & Tritsis, với một văn phòng rất lớn và lương hậu hĩnh. Ông đã bán tâm hồn cho quỷ ác. Nhưng ông đã đi đến việc phải làm là một việc mặc cả quá ghê gớm để giữ lấy mình. Tôi không thể làm theo kiểu đó. Ông cũng không thể rũ khỏi cái cảm giác tội lỗi. Ta là một tên giết người, ông nghĩ. Frederick Stavros đang hấp hối sau cơn ác mộng, và cuối cùng đã đi tới một quyết định. - Ông đến văn phòng của Napoleon Chotas vào một buổi sáng sớm. - Leon! - Trời ơi, con người này, anh trông sao mà gớm ghiếc thế này, - Napoleon Chotas nói. - Sao anh không đi nghỉ ít ngày, Frederick? Đi nghỉ sẽ làm anh đỡ hơn đấy. Nhưng Stavros biết rằng đó không phải là giải pháp cho vấn đề của ông. - Leon, tôi rất biết ơn ông về những điều ông đã làm cho tôi, nhưng tôi… tôi không thể ở đây. Chotas nhìn ông rất ngạc nhiên. - Ông đang nói cái gì vậy ông đang làm việc rất tốt cơ mà. - Không. Tôi đang bị dằn vặt! - Dằn vặt gì? Tôi không hiểu cái gì làm cho anh phiền lòng như vậy. Frederick Stavros nhìn chằm chằm vào ông, với vẻ ngờ vực. - Thế nào… anh và tôi đã làm gì đối với Noelle Page và Larry Douglas à. Thế anh… anh cảm thấy có tội à? - Những con mắt của Chotas như co hẹp lại. Cẩn thận. - Frederick, đôi khi công lý cũng phải phục tùng cho những phương cách của tội ác! - Napoleon Chotas cười. - Hãy tin tôi, chúng ta chẳng có gì phải tự trách mình cả. Bọn chúng có tội. - Chúng ta đã kết tội họ. Chúng ta lừa dối họ. Tôi không thể sống mãi như vậy. Tôi bị đau khổ. Tôi xin báo anh. Tôi chỉ làm ở đây đến cuối tháng. - Tôi không muốn chấp nhận anh thôi việc, - Chotas nói giọng chắc nịch. - Sao anh không làm như tôi đề nghị - đi nghỉ đi…? - Không. Tôi không bao giờ có thể sung sướng được ở đây, với những gì tôi đã biết. Tôi đau khổ lắm. Napoleon Chotas dò xét với đôi mắt tỏ vẻ nghiêm khắc. - Anh có hiểu ý nghĩa của việc anh đang làm không? Anh định vứt bỏ một nghề vinh quang… là cả cuộc đời anh. - Không. Tôi đang cứu vãn đời tôi. - Thế anh đã dứt khoát suy nghĩ như vậy phải không? - Vâng, tôi thực là đau khổ, Leon ạ. Nhưng xin ông đừng phiền lòng, tôi không muốn bàn về những gì đã xảy ra nữa. - Ông quay đi và bước ra ngoài văn phòng. Napoleon Chotas ngồi suy nghĩ một lúc lâu ở bàn làm việc suy nghĩ lung tung. Cuối cùng, ông đã quyết định. - Ông nhấc ống nghe và quay số - Mong ông nói dùm với ông Denmiris là tôi cần gặp ông ấy chiều nay. Nói với ông ấy rằng đây là việc khẩn. Vào bốn giờ chiều, Napoleon Chotas đã ngồi ở văn phòng của Constantin Denmiris. - Có vấn đề gì thế Leon? - Denmiris hỏi - Có thể chẳng có vấn đề gì, Chotas trả lời thận trọng, nhưng tôi nghĩ tôi phải thông báo với anh rằng Frederick Stavros sáng nay có đến tôi. Hắn đã quyết định bỏ hãng. - Stavros? Larry Douglas? Luật sư? Thế đấy? - Hình như lương tâm hắn cắn rứt hắn. Yên lặng nặng nề. - Tôi hiểu. - Hắn hứa không trao đổi về… về những gì đã xảy ra ở phiên toà ấy. - Anh có tin hắn không? - Có. Dĩ nhiên, tôi tin, Costa ạ! Constantin Denmiris cười. - Được, rồi xem. Chúng chẳng có gì phải lo lắng cả, có phải không? Napoleon Chotas đứng dậy cảm thấy nhẹ nhõm. - Tôi cho rằng có gì chẳng có gì phải bận tâm. Tôi nghĩ anh sẽ hiểu. - Anh nói với tôi như vậy cũng phải. Anh có thể đi ăn tối với tôi trong tuần tới không. - Tất nhiên! - Tôi sẽ gọi báo anh, và chúng ta sẽ sắp xếp một vài việc. - Cám ơn anh, Costa. * * * * * Ngày thứ sáu, lúc đã quá chiều, nhà thờ Kapnikarea cổ kính ở trung tâm Anthens đắm chìm trong sự yên lặng, bình yên và tĩnh mịch. Ở góc gần bàn thờ chúa, Frederick Stavros quỳ trước Đức Cha Konstantinou. Vị lịnh mục đặt nhẹ nhàng một tấm vải phủ lên đầu Stavros. - Con có tội, thưa cha. Con muốn được rửa tội. - Những phiền muộn của con người, con ạ, là điều mà anh ta cho rằng anh ta chỉ là một con người. Tội lỗi của con là gì? - Con là một kẻ giết người. - Con đã lấy đi những mạng sống? - Vâng, thưa cha. Con không biết làm sao để ăn năn hối lỗi! - Chúa biết phải làm gì. Chúng ta sẽ hỏi Người. - Con đã để bị lầm đường, mất phẩm giá và tham lam. Việc đã xảy ra một năm trước đây. Con đã bào chữa cho một người bị kết tội giết người. Vụ án đã qua rồi. Nhưng rồi Napoleon Chotas… Khi Frederick Stavros ra khỏi nhà thờ một tiếng rưỡi đồng hồ sau, ông cảm thấy ông như một con người khác. Dường như gánh nặng đã được nhấc đi khỏi hai vai ông. - Ông cảm thấy được trong sạch sau lễ rửa tội đã có hàng thế kỷ nay. Ông đã nói với vị linh mục mọi điều, và đó là lần đầu tiên từ cái ngày khủng khiếp ấy, ông cảm thấy lại được thanh thản. Ta sẽ bắt đầu một đời mới. Ta sẽ chuyển đến một thành phố khác và bắt đầu tươi tỉnh. Ta sẽ cố gắng bằng một cách nào đó giấu đi điều khủng khiếp mà ta đã làm. Rất cám ơn cha đã cho con điều may mắn. Trời đã tối và trung tâm Quảng trường Enmos yên lặng như ngoài sa mạc. Khi Frederick Stavros đi tới góc phố. Đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh và ông bắt đầu qua đường. Khi ông tới giữa tâm đường, một chiếc Limousise từ trên đồi đi xuống, không có đèn chiếu phía trước, đâm vào ông như một con quái vật khổng lồ, không có mắt. Stavros ngây người ra, không còn cử động gì được. Quá muộn rồi không còn nhảy ra được nữa. Một tiếng va đánh rầm một cái, Stavros thấy mình khuỵu xuống và nằm sóng xoài trên mặt đường. Có nột khoảnh khắc đau đớn quằn quại và rồi tất cả đen tối. * * * * * Napoleon Chotas là người hay dậy sớm. Ông thích có những lúc quạnh hiu trước sự căng thẳng của một ngày bắt đầu dồn ép lên ông. Ông thường ăn sáng một mình, và vừa ăn vừa đọc báo buổi sáng. Vào sáng hôm đó có một vài tin tức làm ông chú ý. Thủ tướng Themis – Tocles Sophoulis đã thành lập nội các liên hiệp năm đảng phái. Ta phải gửi lời chúc mừng tới ông ta. Lực lượng cộng sản Trung Hoa được biết là đã tới bờ phía Bắc sông Dương Tử, Harry Truman và Alben Brak Ley đã trúng Tổng thống và Phó tổng thống Hợp chủng quốc. Napoleon Chotas giở trang hai và tự nhiên ông lạnh cả người. Mục tin đập vào mắt ông như sau: "Ông Frederick Stavros, thành viên của một hãng có uy tín về luật pháp Tritsis & Tritsis, bị một chiếc ô tô đâm vào, lái xe sau khi đâm xe đã chạy trốn từ nhà thờ Kapnikarea ra. Các nhân chứng cho biết đó là một chiếc xe limousise màu đen không có biển số. Ông Stavros là một nhân vật quan trọng trong vụ án giết người Noelle Page và Larry Douglas đầy xúc động. Ông là luật sư bào chữa cho Larry Douglas và…" Napoleon Chotas thôi không đọc nữa. Ông ngồi trên ghế, đờ đẫn, bỏ bữa ăn sáng. Một tai nạn. Đây có phải là một tai nạn không? Constantin Denmiris đã nói với ông không có gì cần lo ngại cả. Nhưng đã có nhiều người khác sai lầm đánh giá Denmiris qua vẻ mặt bên ngoài. Chotas điện thoại và gọi cho Constantin Denmiris. Một nhân viên thư ký đã kêu ông ta đến. - Anh đã đọc báo buổi sáng chưa? - Chotas hỏi. - Không, tôi chưa đọc. Sao? - Frederick Stavros đã chết. - Thế nào? - Có một tiếng than tỏ vẻ sửng sốt. - Anh nói gì thế? - Anh ấy đã bị giết chết đêm qua bởi một lái xe đâm vào và chạy thẳng. - Trời ơi, khổ quá, Leon. Họ có bắt được lái xe không? - Không, chưa! - Có lẽ, tôi phải ép bọn cảnh sát một chút. Ngày nay chẳng ai có được an toàn cả. Tiện đây, thế nào thứ năm tôi đến anh ăn tối nhé? - Được! - Nhớ hẹn đấy nhé? Napoleon Chotas là một chuyên gia trong việc đọc dòng tin tức. Constantin Denmiris sửng sốt thưc sự. Anh ta chẳng làm được gì trước cái chết của Stavro, Chotas quả quyết. Sáng hôm sau, Napoleon Chotas lái xe đưa vào garage riêng của binding cơ quan ông và đậu xe tại đó. Khi ông lên cầu thang máy, một thanh niên xuất hiện gần ông mà ông không biết. - Ông có lửa không ạ? Thoáng có sự cảnh giác trong đầu Chotas. Trước mặt ông là một người lạ mặt, và dường như hắn chẳng có việc gì trong garage này. - Chắc là có. - Không nghĩ ngợi gì, Chotas đập cái cặp tài liệu vào mặt anh ta. Người lạ đó kêu lên một tiếng như bị đau. - Ông là đồ chó đẻ! - Hắn sục tay vào túi và kéo ra một khẩu súng có gắn ống giảm thanh. - Ê? Có gì thế? Có tiếng quát. Một người bảo vệ mặc đồng phục chạy về phía họ. Tên lạ mặt sừng lại giây lát, rồi vụt chạy qua cửa đang mở. Người bảo vệ đến gần Chotas. - Ông có sao không. Ông Chotas? - À được - Napoleon tự thấy khó thở. - Không sao cả! - Hắn định làm gì vậy? Napoleon nói chậm chạp: - Tôi không rõ! Đó có thể là một sự trùng hợp, Chotas tự mình bảo mình khi ông đang ngồi ở bàn làm việc. Có thể thằng cha cướp bóp ta. Nhưng sao lại dùng súng có giảm thanh để đi cướp của người khác. Không, hắn định giết ta. Và Constantin Denmiris muốn tuyên bố với mọi người là ông đã bị choáng váng bởi tin đó vì ông đã khiếu nại về cái chết của Frederick Stavros. Ta sẽ biết, Chotas nghĩ. Denmiris không phải là một tay dựa vào may rủi. Hắn ta có thể làm mọi điều để gỡ bỏ đi những đầu mối nào bị lỏng. Được, ông Denmiris, ông sẽ còn bị sửng sốt. Tiếng nói viên thư ký của Napoleon Chotas ở bên kia đầu dây điện thoại nội bộ: - Ông Chotas, ông phải đến toà trong ba mươi phút nữa! Hôm nay là buổi ông giải trình kết luận của ông trong một số vụ giết người, nhưng Chotas quá bị sốc nên không có mặt ở phòng xử án được. - Gọi điện cho các vị quan toà và giải thích tôi bị ốm. Bảo một trong các vị thành viên thay tôi. Không cho ai gọi điện nữa nhé. Ông lấy máy ghi âm ở ngăn kéo bàn ra và ngồi đó, suy nghĩ. Rồi ông bắt đầu nói… Đầu giờ chiều hôm đó, Napoleon có mặt ở văn phòng Công tố uỷ viên nhà nước, Peter Demonides, có mang theo một phong bì giấy dai và dầy. Người ở phòng tiếp khách nhận ngay ra ông. - Xin chào ông, ông Chotas. Tôi được giúp gì cho ông ạ? - Tôi muốn gặp ông Demonides. - Ông ấy đang họp. Ông có hẹn không ạ? - Không. Xin nói giùm tôi đang ở đây, và đây là việc khẩn. - Vâng, dĩ nhiên ạ. Mười lăm phút sau, Napoleon Chotas được mời vào văn phòng công tố uỷ viên. - Được - Demonides nói - Rồng đến nhà tôm. Tôi có thể làm gì cho ông đây? Chúng ta trưa nay có trao đổi một chút về những lời biện hộ của các bị cáo không? - Không. Đấy là vấn đề cá nhân, Peter ạ! - Ngồi xuống, Leon! Khi hai người ngồi xuống ghế, Chotas nói: - Tôi muốn gửi ông một phong bì. Phong bì đã gắn kín và chỉ mở khi tôi bị chết vì tai nạn! Peter Demomdes đang dò xét ông, vẻ tò mò. - Ông có dự liệu điều gì xảy ra đối vói ông không? - Có thể lắm. - Tôi hiểu. Một trong các khách hàng vô ơn của ông? - Đó không phải vấn đề là ai. Ông là một người mà tôi có thể tin tưởng. Ông có thể để phong bì này ở đâu đó, sao cho an toàn để ai có thể lấy được nó? - Tất nhiên!- ông ta dướn người về phía trước. - Ông trông như có vẻ bị đe doạ. - Tôi ấy à. - Ông có muốn văn phòng tôi bảo vệ ông không? Tôi sẽ cho một cảnh sát cùng ông. Chotas đập mạnh vào phong bì. - Đấy chính là cái bảo vệ. Tôi cần. - Được thôi. Nếu ông tin chắc vậy. - Tôi tin chắc. - Chotas đứng lên và chìa tay ra. - Etharisto. - Tôi không thể nào nói rõ với ông tôi đánh giá cái này thế nào! - Peter Demonides cười. - Parakaolo. Ông đã nợ tôi! * * * * * Một giờ sau, một người đưa tin, ăn mặc đồng phục xuất hiện ở văn phòng Tổng Công ty kinh doanh Hy Lạp. Anh ta lại gần một trong các nhân viên thư ký. - Tôi có một gói đồ gởi cho ông Denmiris. - Tôi sẽ được ký nhận. - Tôi được chỉ thị là phải giao tận tay ông Denmiris! - Xin lỗi tôi không thể cản trở công việc của ông ta được Gói đồ này là của ai? - Napoleon Chotas! - Ông chắc là ông không thể để nó lại à? - Vâng, thưa bà. - Để tôi xem ông Denmiris có nhận gói đó không? Bà ta ấn nút vào điện thoại nội bộ. - Xin lỗi, ông Denmiris. Có một người mang một gói nhỏ của ông Chotas gửi ông ạ. Tiếng của Denmiris từ đầu dây bên kia. - Mang vào, Irène. - Ông ấy nói rằng chỉ được giao cho mình ông. Có một khoảnh khắc yên lặng. - Đưa anh ta vào. Irène dẫn người đưa tin vào phòng làm việc. - Ông có phải là Constantin Denmiris? - Vâng - Xin ông ký nhận cho ạ? Denmiris ký vào một tờ giấy. Người đưa tin để lại một gói bọc giấy lên trên bàn Denmiris. - Xin cám ơn! Constantin Denmiris nhìn thư ký của ông và người đưa tin đi ra. Ông xem xét gói bọc một lát vẻ mặt tư lự, rồi mở ra. Bên trong có một máy ghi âm, băng trong đó. Tò mò, ông ấn nút và băng bắt đầu làm việc. Tiếng nói của Napoleon Chotas trong phòng. "Costa thân mến, mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu anh tin rằng Frederick Stavros không có ý định lộ cái bí mật nhỏ của chúng ta. Tôi còn tiếc nữa là anh không tin tưởng rằng tôi không có ý định trao đổi cái việc không hay đó. Tôi có mọi lý do để nghĩ rằng anh đứng đằng sau cái chết của Stavros đáng thương, và bây giờ đến cái ý định của anh giết tôi. Vì mạng sống của tôi là quý đối với tôi cũng như mạng sống của anh đối với anh, tôi phải kính cẩn cúi đầu trở thành nạn nhân mới của anh… Tôi đã cẩn thận viết ra các chi tiết vai trò mà anh và tôi đã đóng trong vụ án Noelle Page và Larry Douglas, và đặt nó trong một bọc có gắn dấu và đã gửi công tố uỷ viên để chỉ mở khi tôi chết vì tai nạn. Nên bây giờ, anh cần lưu ý, người bạn của tôi, rằng tôi còn sống và khỏe mạnh. Cuốn băng hết". Constantin Denmiris ngồi đó, mắt nhìn vào khoảng không. Khi Napoleon Chotas trở về văn phòng làm việc của ông chiều hôm đó, ông không còn sợ hãi gì nữa. Constantin Denmiris là một con người nham hiểm, nhưng hắn sẽ không bao giờ làm hại ai mà việc đó có nguy cơ đưa hắn vào vòng nguy hiểm. Hắn đã lập kế hoạch hành động. Chotas nghĩ, và ta đã chiếu hết cờ hắn. Ông cười với mình.Có lẽ ta nên có kế hoạch đi ăn tối thứ sáu. Trong mấy hôm sau, Napoleon Chotas rất bận rộn để sẵn sàng tham gia bào chữa một vụ giết người mới, một người vợ đã giết hại gái bao của chồng mình. Chotas sáng nào cũng dậy rất sớm và làm việc tới tối khuya, chuẩn bị cho việc tham vấn của ông. Bản năng của ông nói với ông rằng - mặc cho mọi sự bất hoà - Ông sẽ còn chiến thắng. Vào tối thứ tư, ông làm việc tại văn phòng đến nửa đêm, mới về nhà. Ông về tới villa ông vào một giờ khuya. Người hầu bàn đón ông ở cửa. - Ông có cần gì không ạ, ông Chotas? Tôi có thể chuẩn bị món mezedes nếu ông đói bụng hay…? - Không, cám ơn. Tôi vẫn khỏe. Đi ngủ đi! Napoleon Chotas đi lên buồng ngủ. Ông để một giờ đồng hồ nữa để điểm qua vụ án trong đầu và cuối cùng vào hai giờ ông ngủ thiếp đi. Ông đã mơ. Ông đang ở toà án, thẩm vấn một nhân chứng, khi đó đột nhiên người này bắt đầu xé rách quần áo anh ta. - Sao anh lại làm thế! - Chotas hỏi. - Tôi đang cáu đây. Chotas nhìn xung quanh phòng xử án thì thấy khán giả cũng đang cởi quần áo. Ông quay sang quan toà. - Thưa quý ngài đáng kính, tôi phải phản đối tới… Quan toà cũng đang cởi áo ngoài. - Đây nóng quá! - ông nói. Ở đây nóng quá. Và ồn ào quá. Napoleon mở mắt ra. Ngọn lửa đang liếm cánh cửa buồng ngủ và khói tuôn vào trong buồng. Napoleon ngồi dậy và tỉnh táo ngay. Nhà cháy rồi. Sao không có báo động gì cả? Cửa ra vào lúc này bị kẹt do giãn nở bởi nhiệt độ. Chotas vội chạy ra cửa sổ, bị ngạt vì khói. Ông cố sức mở cửa sổ nhưng cửa sổ lại bị chốt bên ngoài. Khói ngày càng dầy đặc hơn, và càng khó thở. Không còn lối thoát nào nữa. Than hồng đang bắt đầu rơi từ trần xuống. Một bức tường đổ sụp và ngọn lửa như cứ muốn nuốt ông. Ông kêu thét lên. Tóc và bộ pijama đã bắt lửa. Chẳng nhìn thấy gì ông lao mình ra cửa sổ còn đóng và rơi văng ra ngoài, thân hình bén lửa của ông bị đập xuống nền đất cao mười sáu bộ. Sáng sớm hôm sau, công tố uỷ viên nhà nước, Peter Demonides được một đầy tớ dẫn vào phòng làm việc của Constantin Denmiris. - Kalimchar, Peter, - Denmiris nói. - Cám ơn ông đã đến. Ông có mang cái đó không? - Có, thưa ngài. - Ông đưa cho Denmiris cái gói kín mà Napoleon đã trao cho ông. - Tôi nghĩ ông phải giữ cái này ở đây! - Ông thật là hay suy nghĩ, Peter. Ông có muốn ăn sáng một chút không? - Etharisto! - ông tử tế quá, ông Denmiris ạ! - Costa, gọi tôi là Costa. Nhiều khi tôi vẫn quan tâm đến ông, Peter ạ. Tôi nghĩ ông có một tương lai quan trọng. Tôi sẽ tìm một vị trí thích hợp cho ông ở tổ chức của tôi. Ông có quan tâm tới điều đó không? Peter Demonides cười. - Có, Costa ạ. Tôi rất muốn. - Tốt. Chúng ta sẽ một cuộc nói chuyện về việc đó sau khi ăn sáng. Chương 09 Catherine nói chuyện với Constantin Denmiris ít nhất là tuần một lần, và điều đó trở thành một thông lệ. Ông vẫn giữ đều đặn việc gửi quà tặng và khi nàng phản đối, ông bảo đảm rằng đó chỉ là những biểu hiện nhỏ của sự đánh giá kết quả công việc. "Evenlyn nói với tôi cô đã giải quyết tình hình ở Bater giỏi như thế nào", hoặc "Tôi nghe Evenlyn nói là ý kiến của cô đã tiết kiệm cho chúng ta rất nhiều về cái chi phí chuyên chở". Thực tế, Catherine rất tự hào rằng nàng đã làm việc rất tốt. Nàng đã tìm được một vài việc trong văn phòng có thể cải tiến tốt hơn. Cái khéo léo cũ của nàng đã hồi lại, và biết rằng hiệu quả hoạt động của văn phòng đã giă tăng vì có nàng. - Tôi rất hãnh diện về cô, - Constantin Denmiris nói với nàng và Catherine cảm thấy đỏ bừng cả mặt vì xúc động. - Ông thật là tuyệt vời, một con người luôn quan tâm đến người khác. Phải luôn thay đổi nước cờ, Denmiris quyết định. Stavros và Chotas thì đã ra rìa một cách an toàn rồi, chỉ có một người còn là cầu nối giữa ông và những gì đã xảy ra là Catherine. Nguy hiểm đã thấy được, Denmiris không phải là một con người có thể chơi trò may rủi. Thật là tội nghiệp, Denmiris nghĩ vậy, rằng rồi nàng cũng phải đi thôi. Nàng đẹp quá. Nhưng trước hết, là cái villa ở Ratina. Ông đã mua cái villa đó. Ông muốn đưa Catherine đến đó làm tình với nàng như là Larry Douglas đã làm tình với Noelle. Sau đó… Thỉnh thoảng Catherine cũng nhớ lại quá khứ. Nàng đọc trong Thời báo ở London những tin tức về cái chết của Frederick Stavros và Napoleon Chotas, và những cái tên đó chẳng có ý nghĩa gì với nàng trừ cái chi tiết nói rằng họ làm luật sư bào chữa cho Larry Douglas và Noelle Page. Đêm đó nàng lại nằm mơ. Một buổi sáng, nàng thấy trên trang báo, có một bài làm nàng đứng ngồi không yên: William Fraser, trợ lý của Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, đã đến London để thảo ra một hiệp định thương mại với Thủ tướng Anh Quốc. Nàng đặt tờ báo xuống, cảm thấy một cách điên rồ như bị tổn thương. William Fraser. Anh đã một thời có một vai trò quan trọng trong đời nàng. Điều gì sẽ xảy ra nếu ta không rời anh? Catherine ngồi ở bàn làm việc, cười với nụ cười run sợ mắt nhìn vào đề mục đó trên tờ báo. William Fraser là một trong những người đàn ông thân nhất mà nàng đã được quen biết. Chỉ những kỷ niệm về anh làm nàng cảm thấy ấm cúng và lại yêu anh. Bây giờ anh đang ở London. Ta phải gặp anh, nàng nghĩ. Theo bài báo thì anh đang nghỉ ở khách sạn Claridge. Catherine quay số điện thoại khách sạn, và ngón tay nàng như run rẩy. Nàng cảm thấy như quá khứ lại biến thành hiện tại. Nàng tự thấy như thèm muốn được gặp lại Fraser. anh sẽ nói gì khi nghe giọng nói của ta? Khi nào anh lại được gặp ta? Người trực điện thoại nói: - Xin chào, đây là khách sạn Claridge. Catherine thở mạnh. - Xin làm ơn cho tôi gặp ông Fraser. Catherine cảm thấy như nàng đã bị chạm lòng tự trọng. Ta điên rồi. Sao ta lại nghĩ như vậy nhỉ? Vả lại đến nay, anh có thể có vợ. - Thưa bà… - Tôi… không sao. Xin cám ơn. - Nàng đặt ống nghe xuống nhẹ nhàng. Ta bị muộn quá rồi. Thế là hết. Costa đúng. Hãy để cho quá khứ là quá khứ. Sự cô đơn có thể là một chất ăn mòn, ăn mòn đi cả tinh thần. Mọi người cần phải chia sẻ niềm vui và kiêu hãnh và cả đau khổ. Catherine ngắm nhìn hạnh phúc của các đôi khác, nghe những âm vang nụ cười của những cặp tình nhân. Nhưng nàng vẫn cố rũ bỏ nỗi buồn cho riêng mình. Ta không phải là người phụ nữ độc nhất trên thế giới sống một mình. Ta còn sống! Ta còn sống! Không bao giờ thiếu những việc làm ở London. Các rạp chiếu bóng ở London toàn chiếu phim Mỹ và Catherine thích đi xem các phin đó. Nàng đã xem Lưỡi dao cạo; Anna và vua Xiêm; Thoả thuận của người quân tử là những cuốn phim làm xáo động, và Cary Grant thì tuyệt vời trong vai Người chưa vợ là Bobby Soxer. Catherine đi nghe hoà nhạc ở Acbert Hall và dự những buổi khiêu vũ ba lê ở Sadler s Welles. Nàng đến Statford - Von để xem Anthony Quayle trong The Thaming of the Shrew, và xem Sik Laurence Olivier trong Vua Richard Catherine Alexander. Nhưng cũng hơi kỳ dị vì đi xem một mình. Và rồi Kirk Reynolds cùng đi với nàng. Có một lần ngay trong văn phòng, một người đàn ông cao, hấp dẫn đến gần Catherine và nói: - Tôi là Kirk Reynolds. Cô đã từng ở đâu nhỉ? - Tôi mong ông tha lỗi! - Tôi đang chờ cô. Bắt đầu quen là như thế. Kirk Reynolds là một luật sư Mỹ, làm việc cho Constantin Denmiris về các công thương quốc tế. Anh vào khoảng trên bốn mươi, tính nghiêm túc, thông minh và rất hay lắng nghe người khác. Catherine nói về Kirk Reynolds với Evenlyn: - Chị có biết tôi thích anh ta cái gì nhất? Anh ấy làm tôi có cảm tưởng tôi là phụ nữ. Tôi đã từ lâu không cảm thấy như thế rồi. - Tôi không rõ. - Evenlyn phản đối nhẹ nhàng. - Nếu tôi là cô thì tôi phải thận trọng. Đừng có vội vàng lao vào làm gì. - Tôi không muốn, - Catherine hứa. Kirk Reynolds dẫn Catherine đi chơi một cách đàng hoàng nhiều nơi ở London. Họ đã đến Old Bauley, ở đó có các nạn nhân đã được xét xử qua nhiều thế kỷ, và họ đã lang thang qua các đại sảnh ở Toà tư pháp, đi thăm các quan tư pháp trông rất nghiêm nghị với bộ tóc giả và quần áo dài thời đó. Họ đến thăm phong cảnh nhà tù Newgate, xây dựng vào thế kỷ thứ tám. Ngay đàng trước nơi các tù nhân bị giam giữ, đường sá rộng rãi, rồi lại hẹp lại không bình thường. - Thế là quá đủ rồi, - Catherine tự nói. - Tôi tự hỏi sao lại xây dựng các con đường như vậy? - Để thích hợp đối với những đám đông. Đây là nơi người ta dùng để hành quyết công khai. Catherine rùng mình. Xe đã đến gần nhà. Một buổi tối, Kirk Reynolds dẫn Catherine đến đường Bến Đông Ấn, đi dọc theo các cột xây ở đây. - Trước đây không lâu, nơi đây còn có bọn cảnh sát đi tuần hàng hai. - Reynolds nói. - Đây là nơi treo cổ các nạn nhân. Khu vực này tối tăm và hoang vắng, đối với Catherine, nơi đây có vẻ nguy hiểm. Họ ăn tối tại Đại lộ Whiteby, một trong các quán ăn lâu đời nhất của London, ngồi trên ban-công xây trên sông Thames, ngắm nhìn các xà lan xuôi dòng sông, và những tàu lớn đang trên đường ra biển. Catherine thích cái tên lạ của các quán ăn ở London. Ye Olde Cheshire Cheese và Falstaff hay là Con dê đi ủng. Một đêm khác họ cũng đến ngôi nhà công cộng cổ nhiều màu sắc ở City Road, gọi là Con Đại bàng. - Tôi đánh cuộc với cô là cô đã từng hát về nơi này khi cô còn là một đứa trẻ, - Kirk nói. Catherine nhìn chăm chăm vào anh. - Hát về nơi ấy à? Tôi cũng chưa bao giờ nghe nói về nơi này. - Vâng, cô đã nghe rồi. Con Đại bàng ở nơi có bài hát cổ. - Bài hát ru nào? - Những năm trước đây. City Road đã là trung tâm buôn bán đồ may mặc và vào cuối tuần, các thợ may lại hết tiền, và họ đã phải mang những cái bàn là đến hiệu cầm đồ đợi ngày lương. Vì vậy, có ai đã viết một bài hát ru về điều đó: Ngược xuôi phô phường Vào ra quán Đại bàng Tiền tuôn như nước chảy Rượu tràn lên bàn ủi(1). Catherine cười. - Làm thế nào mà anh biết những điều đó ở thế giới này? - Các luật sư người ta cho là biết tuốt. Nhưng có một điều tôi không biết. Cô có đi trượt tuyết không? - Tôi e rằng không. Tại sao? - Anh tự nhiên tỏ ta nghiêm nghị. - Tôi sắp đi đến St. Moritz. Ở đó có nhiều người hướng dẫn trượt băng rất giỏi. Cô có đi với tôi không, Catherine? Vấn đề là cô hoàn toàn bất ngờ. Kirk đang đợi trả lời. - Tôi… tôi không biết, Kirk à. - Cô có nghĩ về điều đó không? - Có - Người nàng bỗng run rẩy. Nàng nhớ lại khi làm tình với Larry sung sướng biết dường nào và nàng không biết liệu nàng có thể có được những cảm giác đó nữa không. - Tôi sẽ phải nghĩ đến điều đó. Catherine quyết định giới thiệu Kirk với Wim. Họ đón Wim ở nhà anh và đưa anh đến quán The Iry ăn tối. Suốt cả buổi tối đó, Wim chẳng có nhìn thẳng vào Kirk Reynolds lần nào. Anh gần như hoàn toàn muốn thối lui. Kirk nhìn Catherine có vẻ dò hỏi. Nàng nói to lên. Nói chuyện với anh ấy đi. Kirk gật đầu và quay lại Wim. - Anh có thích London không Wim? - Tất nhiên là có chứ. - Anh thích một thành phố nào nhất? - Không! - Anh có thích thú công việc của anh làm không? - Tất nhiên có chứ. Kirk nhìn vào Catherine, lắc đầu và nhún vai. Catherine nói to: - Cứ nói đi. Kirk thở dài, và quay lại Wim. - Tôi sẽ đi chơi gôn chủ nhật, Wim à. Anh có đi chơi với tôi không? Wim nói: - Về gôn, cái gậy đầu bịt sắt, đó là loại sắt bắt vít được, loại sắt chưa qua lửa, loại sắt trộn giở, loại sắt làm lưỡi dao,… và gậy đánh gôn. Các loại đầu bằng gỗ là loại bắt vít bằng đồng, hình cái cùi-dìa dài… Kirk Reynolds chớp mắt mấy cái. - Anh giỏi quá. - Anh ta chưa bao giờ chơi gôn đâu. - Catherine giải thích. - Wim… chỉ biết mọi thứ có thế thôi. Anh ta chỉ có thể làm mọi thứ bằng toán học. Kirk đã thấy đủ quá. Anh đã hy vọng được có một buổi tối một mình với Catherine, nhưng nàng lại kéo theo cái thằng cha phiền toái này. Kirk cười gượng. - Thế à. - Anh quay sang Wim và hỏi một cách ngây thơ, - Anh có biết hai mũ năm mươi chín là bao nhiêu không? Wim ngồi đó yên lặng khoảng ba mươi giây, như để nghiên cứu cái khăn trải bàn, và, như Kirk đã hỏi, Wim nói: - 576,460,303,423,488. - Chúa ơi! - Kirk nói. - Thật thế à? - Ề, - Wim càu nhàu. - Thật thế đấy. Catherine quay sang Wim. - Wim, anh có thể rút căn bậc sáu của… - Nàng lấy một số ngẫu nhiên - 24,137,585? Cả hai người đang nhìn Wim, anh đang ngồi đó, mặt vô tư lự không có cảm xúc gì cả. Hai mươi nhăm giây sau, anh nói: - Mười bẩy, số còn lại là mười sáu. - Tôi không thể tin điều đó được, - Kirk tuyên bố. - Hãy tin đi. - Catherine nói với anh. Kirk nhìn Wim. - Làm sao anh làm được như thế! Wim nhún vai. Catherine nói: - Wim có thể nhân hai số có bốn con số với nhau trong ba mươi giây, và nhớ được năm mươi số điện thoại trong năm phút. Một khi anh đã biết thì anh không bao giờ quên những con số đó. Kirk Reynolds đang nhìn Wim Vandeen rất sửng sốt. - Văn phòng tôi chắc chắn phải có người như anh, - anh nói. - Tôi đã có việc làm rồi, - Wim ngắt lời. Khi Kirk Reynolds đưa Catherine về nhà cuối buổi tối đó anh nói: - Cô không nên quên St. Moritz, phải không? - Không, tôi không quên. - Tại sao ta không thể nói là – có! Constantin Denmiris gọi điện vào khuya đêm đó. Catherine đã định nói với ông ta về Kirk Reynolds, nhưng cuối cùng nàng quyết định không nói nữa. Chú thích: (1) Bàn là, bàn ủi Chương 10 ANTHENS Cha Konstantinou rất lo sợ. Từ lúc đọc báo tường thuật về cái chết của Frederick Stavros bị một lái xe ô tô đâm và bỏ chạy trên báo, người đã bị ám ảnh bởi câu chuyện đó. Vị linh mục này đã được nghe hàng ngàn lời thú tội kể từ khi người được phong sắc, nhưng lời thú tội thê thảm của Frederick lại theo sau đó là cái chết của ông, đã để lại một ấn tượng không thể phai mờ trong trí người. - Hề, điều gì làm cha phiền muộn vậy? Cha Konstantinou quay nhìn người con trai trẻ khỏe đang nằm trần truồng trên giường gần người. - Chẳng có gì, con yêu của ta! - Thế con không làm cha hạnh phúc à? - Cha biết con đã làm vậy, Georgios. - Rồi, có vấn đề gì? Cha cứ làm như con không có mặt ở đây lạy chúa! - Không nên ăn nói báng bổ như thế. - Con không thích bị cha lờ đi như vậy! - Cha xin lỗi, con yêu quý. Đó chỉ là việc… một trong những người được cha rửa tội đã bị giết trong một tai nạn - Tất cả chúng ta cũng phải chết một lúc nào đó? - Ừ, tất nhiên, Nhưng đây lại là một con người rất phức tạp! - Ý cha muốn nói, ông ta đau đầu chứ gì? - Không. Ông có một điều bí mật khủng khiếp, và nó là gánh nặng quá lớn đối với ông ta. - Bí mật gì hở cha? Vị linh mục đập vào đùi vị thanh niên. - Con nên hiểu, cha không thể trao đổi điều đó được. Người ta đã nói với cha trong khi thú tội. - Con nghĩ chúng ta chẳng có gì bí mật đối với nhau cả. - Chúng ta không có gì bí mật, Georgios, nhưng… - Gamoto! Hoặc là có, hoặc là không có. Bằng cách nào đó thì… - Cha nói lão ấy đã chết. Bây giờ có khác gì nữa đâu? - Không có gì, Cha cho rằng như vậy, nhưng… Georgios Lato quàng hai tay vòng người cùng nằm giường với anh và thì thầm vào tai ông. - Con tò mò đấy. - Con đang cù vào tai ta đấy hả? Lato bắt đầu xoa khắp thân hình Cha Konstantinou. - Ồ đừng thôi nhé… - Được Cha cho rằng điều đó thực ra cũng chẳng hại gì bây giờ nữa… - Georgios Lato đã xuất hiện trong thế giới này. Nó sinh ra trong khu nghèo khổ của Anthens, và khi được mười hai tuổi nó đã trở thành một thằng điếm đực. Thoạt đầu, Lato lê chân qua các phố, nhặt được vài đô la do đã hầu những tên uống rượu trong cái ngõ hẻm và ở khách du lịch tại buồng ở khách sạn của họ. Nó được trời phú cho một vẻ đẹp tuy hơi tối nước một chút, nhưng có một thân hình chắc, khỏe. Khi nó mười sáu tuổi, một tên ma cô nói với nó: - Mày là một Poulaki, Georgios. Mày bỏ việc ấy đi. Tao có thể gây dựng cho mày để kiếm được nhiều tiền nhé! - và hắn giữ lời hứa. Từ đó trở đi Georgios Lato chỉ phục hầu những người đàn ông quan trọng, giàu có và nó được thưởng khá hậu hĩnh. Khi Lato gặp được Nikos Ventos, trợ lý riêng của tướng công vĩ đại Spyros Lambrous, cuộc đời Lato đã thay đổi. - Tao đâm ra yêu mày, - Nikos Veritos nói với thằng bé trẻ tuổi. Tao muốn mày thôi không làm đĩ đực nữa. Bây giờ mày là thuộc về tao. - Chắc chắn rồi, Niki. Tôi cũng yêu ông. Veritos đã thường xuyên mua chuộc thằng bé bằng những quà tặng. Ông đã mua cho nó quần áo mặc, trả tiền thuê một căn hộ nhỏ cho nó và còn dạy nó biết cách tiêu tiền. Nhưng ông cũng rất ghét khi nó xa ông, không biết nó làm gì. Để giải quyết vấn đề đó, một hôm Veritos đã tuyên bố: - Tao kiếm cho mày một việc ở công ty của Spyros Lambrous nơi tao làm. - Như vậy để ông lúc nào cũng theo dõi em? Em không muốn đâu… - Tất nhiên không phải thế đâu, cưng ạ. Tao chỉ muốn mày gần tao thôi. Georgios lúc đầu cũng không chống lại nhưng cuối cùng lại thôi. Nó thấy rằng hiện nó lại thích làm việc ở công ty. Nó làm ở văn phòng văn thư, và làm một thằng giao thư từ, và như vậy nó lại được tự do kiếm tiền thêm bên ngoài của các khách hàng có giá như Cha Konstantinou. Georgios Lato, chiều hôm đó, rời khỏi giường của Cha Konstantinou, đầu óc nó cứ như cuồng lên. Bí mật mà vị linh mục đã cho nó biết là một mẩu tin hấp dẫn, và Georgios Lato có ngay ý định làm sao nó có thể kiếm được tiền từ cái tin đó. Nó có thể trao tin đó cho Nikos Veritos, nhưng nó lại nghĩ ra kế to hơn. Ta đi thẳng trước hết với thủ trưởng cao nhất hãy, Lato tự mình bảo mình. Đó là nơi có thể thanh toán sòng phẳng. Sáng hôm sau, Lato đến văn phòng giao dịch của Spyros Lambrous. Người thư ký ngồi sau bàn ngước nhìn lên. - Ồ, hôm nay có thư sớm thế, Georgios. Georgios Lato lắc đầu. - Không, thưa bà. Tôi phải gặp ông Lambrous. Bà cười. - Thực à? Cậu muốn gặp ông ta làm gì? Cậu có đề nghị buôn bán gì với ông ta? Lato nói nghiêm chỉnh: - Không, không phải như vậy. Tôi vừa được nhắn tin mẹ tôi sắp chết, và tôi… phải về nhà. Tôi muốn cám ơn ông Lambrous đã cho tôi việc làm ở đây. Chỉ mất một phút thôi, nhưng nếu ông ta quá bận… Nó bắt đầu quay đi. - Đợi tý! Tôi tin chắc ông ta chẳng quan tâm đâu? Mươi phút sau, Georgios Lato đứng trong phòng làm việc của Spyros Lambrous. Nó chưa bao giờ được được vào trong phòng này trước đây nên vẻ xa hoa đây làm nó phát ngợp. - Được, cậu thanh niên ạ. Tôi rất tiếc khi nghe mẹ cậu sắp chết. Có thể có một khoản tiền thưởng nhỏ sẽ… - Rất cám ơn, thưa ngài. Nhưng cái đó thực không phải lý do mà tôi đến đây. Lambrous cau mày nhìn nó. - Tôi không hiểu. - Ông Lambrous, có một số thông tin quan trọng mà tôi nghĩ có giá trị đối với ông. Nó có thể thấy vẻ mặt nghi ngờ của Lambrous. - Ồ thực à? Tôi e rằng tôi bận quá, nên nếu cậu… - Đó là về Constantin Denmiris. - Những từ cứ thế mà phát ra. - Em có một người bạn làm linh mục. Ông ấy đã nghe được một người trong buổi thú tội, đã bị giết chết ngay sau đó vì một tai nạn xe cộ, và người đó đã nói với ông về Constantin Denmiris. Ông Denmiris làm một việc độc ác. Thực là độc ác, ông ấy phải đi tù mới phải. Nhưng nếu ông chú ý… Spyros Lambrous đột nhiên cảm thấy rất muốn biết. - Ngồi xuống đi… tên cậu là gì? - Lato, ông ạ. Georgios Lato! - Được Lato. Cứ coi như cậu nói bắt đầu từ đầu… Sự kết hôn của Constantin và Melina đã bị tan vỡ từ nhiều năm, nhưng vẫn chưa xảy ra va chạm thân thể như gần đây. Điều đó bắt đầu trong một cuộc tranh cãi nóng nảy về việc tằng tịu của Constantin Denmiris vơi một người bạn thân của Melina. - Anh thì đối với đàn bà nào cũng làm đĩ đực được, - cô đay nghiến anh. - Cái gì anh mó vào cũng thành bẩn thỉu! - Skasch! câm cái mồm độc ác của cô đi! - Anh không thể cấm được tôi! - Melina chống lại. - Tôi sẽ đi nói với toàn thế giới anh là một thằng bỉ ổi. Anh tôi nói đúng. Anh là một con quái vật. Denmiris tát Melina một cái rất mạnh. Cô chạy ra khỏi buồng. Tuần sau lại cãi nhau lần nữa và Constantin lại đánh cô. Melina gói đồ cho vào túi xách và đáp máy bay đi Atticos, cái đảo riêng do anh cô làm chủ. Cô đã để mất chồng và cô bắt đầu thấy hối hận về những việc cô đã làm. Đó là lỗi của ta, Melina nghĩ. Ta không thể giận Costa. Và anh ấy không muốn đánh ta. Anh ấy mất bình tĩnh và không còn biết làm gì nữa. Nếu Costa không quan tâm ta nhiều thì anh ấy lại chẳng đánh ta, phải thế không? Nhưng rồi cuối cùng, Melina biết chỉ cần những lời xin lỗi là xong, bởi cô không thể nào huỷ bỏ hôn nhân với anh ấy được Chủ nhật sau đó, cô quay về nhà. Denmiris đang ở phòng đọc sách. - Ông ngước nhìn lên khi Melina vào. - Thế là em đã quyết định trở về. - Đây là nhà em, Costa. Anh là chồng em, và em yêu anh. Những em muốn nói với anh một điều. Nếu anh còn xúc phạm em nữa, em sẽ giết anh. Ông nhìn vào mắt vợ và biết nàng nói thật. Về một khía cạnh khác, quan hệ của họ có vể được cải thiện sau những lần bị kích động ấy. Sau đó một thời gian dài, Constantin cũng rất thận trọng không để mất bình tĩnh với Melina. Ông tiếp tục đi tằng tịu, và Melina thì quá tự kiêu không cần van xin ông thôi. Rồi có một hôm, Anh ta quá mệt vì các con, Melina nghĩ và anh đã nhận ra rằng anh chỉ cần mình ta. Một tối thứ bảy, Constantin Denmiris đang chuẩn bị đóng bộ đi ăn tối. Melina vào buồng: - Anh sắp đi đâu đấy? - Anh có việc. - Anh quên rồi sao? Chúng ta phải đi ăn tối ở nhà Spyros tối nay. - Anh không quên. Nhưng có việc quan trọng hơn phải làm. Melina đứng đó nhìn anh, tức giận. - Tôi biết đó là việc gì rồi! Việc đĩ đực của anh! Và anh sắp đến một trong những con đĩ của anh để thoả mãn nó chứ gì? - Em nên ăn nói cẩn thận. Em sắp thành con mẹ hàng tôm hàng cá đó, Melina! Denmiris ngắm mình trong gương. - Tôi không muốn anh làm điều đó! Những điều ông làm đối với vợ cũng quá xấu, nhưng mà với người anh của vợ còn tàn nhẫn hơn, những việc như đã xảy ra trước đây thật là quá đáng. Cô phải tìm cách làm anh đau khổ và chỉ có một cách có thể làm được. - Tối nay cả hai phải ở nhà! - Melina nói. - Ồ, thực thế à? - Anh hỏi một cách thản nhiên. - Và sao lại thế? - Anh có biết hôm nay là ngày gì? - Cô đay nghiến anh. - Không! - Là ngày kỉ niệm tôi đã giết con anh, Costa. Tôi đã bị sẩy thai ấy! Anh đứng ngây như tượng gỗ, và cô có thể thấy hai đồng tử trong đôi mắt anh tối sầm lại. - Em nói với các bác sĩ thắt lại để không bao giờ có con khác với anh, - cô nói dối. Anh hoàn toàn không còn tự chủ được nữa. - Skasch! và anh đấm vào mặt cô, nổi giận. Melina kêu la, quay lại và chạy xuống phòng lớn. Constantin vẫn ở đàng sau cô. Anh ta nắm được cô ở đầu cầu thang. - Tao sẽ trị mày về cái tội ấy, - anh gầm lên. Khi anh lại đánh cô lần nữa, Melina không còn đứng vững được nữa, cô ngã và nằm sóng soài dọc cầu thang. Cô nằm đó, rên rỉ vì đau. - Ôi, trời ơi, giúp tôi. Tôi bị gãy xương hay sao rồi. Denmiris vẫn đứng đó, nhìn xuống, đôi mắt lạnh lùng. - Ta phải kêu một người hầu cho gọi bác sĩ. Ta không muốn bị muộn với công việc đã hẹn. Điện thoại réo ngay trước giờ ăn trưa. - Ông Lambrous? Đây là bác sĩ Metaxi. Em gái ông yêu cầu tôi gọi ông. Bà ấy đang ở bệnh viện tư của tôi. Tôi e bà ta bị một tai nạn… Khi Spyros Lambrous vào buồng Melina đang nằm, ông đi ngay đến giường của cô, và nhìn xuống cô gọi. Melina bị gãy tay và bị chấn thương sọ não, mặt cô thì bị sưng to lên. Spyros Lambrous nói có một tiếng: - Constantin. Giọng ông run lên vì tức giận. Đôi mắt của Melina đầm đìa nước mắt. - Anh ấy không muốn thế! - nàng thì thầm. - Tao sẽ phải tiêu diệt nó. Tao thề! Spyros Lambrous chưa bao giờ cảm thấy hung dữ như vậy. Ông không chịu nổi những ý nghĩ về những điều Constantin Denmiris đã làm đối với Melina. Có điều phải làm là chặn hắn lại, nhưng phải làm sao? Ông như đang bị mất trí. Ông cần lời khuyên. Như trong quá khứ thường ông cũng bị vậy, Spyros Lambrous quyết định hỏi bà Piris. Có cách nào đó bà ấy có thể giúp ông. Trên đường đến gặp bà, Lambrous suy nghĩ loạn trí, bạn bè của ta sẽ cười ta nếu họ nghĩ ta đã đi xem bói. Nhưng có một việc trong quá khứ, Bà Piris đã nói với anh những điều phi thường mà sắp xảy ra. Bây giờ bà ấy phải giúp ta. Họ đã ngồi vào bàn ở một góc tối của quán cà phê thắp đèn lờ mờ. Bà ta trông già hơn khi ông gặp lần trước. Bà ngồi đó đôi mắt gắn chặt vào ông. - Tôi cần bà giúp, Bà Piris ạ! - ông Lambrous nói. Bà gật đầu. - Bắt đầu từ đâu? - Có một vụ giết người cách đây một năm rưỡi rồi. Một phụ nữ tên là Catherine Douglas đã… Những biểu hiện trên mặt bà Piris thay đổi. - Không! - Bà kêu thé lên một tiếng, đứng dậy. - Không! Các thánh nói với tôi cô ấy sẽ chết? Spyros Lambrous chẳng hiểu sao cả. - Cô ấy đã chết - ông nói. - Cô ấy bị… giết…? - Cô ấy còn sống. Ông hoàn toàn bị rối trí. - Cô ấy không thể còn sống. - Cô ấy đang ở đây. Cô ấy đã gặp tôi trước đây ba tháng. Họ giữ cô ấy trong tu viện! Ông nhìn chăm chăm vào bà, ngây người ra và đột nhiên mọi chi tiết sắp xếp được đâu vào đó. Họ giữ cô ở tu viện. Một trong những hành động từ thiện ưa thích của Denmiris là cho tu viện ở Isanina, thành phố mà Catherine Douglas được giả thiết là đã bị giết chết. Thông tin mà Spyros đã nhận được từ Georgios Lato hoàn toàn khớp. Denmiris đã đưa hai người vô tội đến cái chết vì bị buộc tội là đã giết Catherine trong khi Catherine còn đang sống, được các bà sơ giấu đi. Và Lambrous biết làm cách nào để tiêu diệt Constantin. Chương 11 Các vấn đề về Tony Rozzoli ngày càng chồng chất. Việc gì có thể hỏng thì đã hỏng. Những điều đã xảy ra chắc chắn không phải lỗi lầm của hắn ta, nhưng hắn biết rằng gia đình sẽ buộc trách nhiệm hắn. Họ không khoan dung cho những lời xin lỗi. Cái làm thất vọng đặc biệt nhất là phần đầu của chiến dịch ma tuý thì đã đi qua rồi. Anh ta đã tuồn được chuyến hàng đến Anthens không xảy ra vấn đề gì, và hàng hoá đã được tạm thời cất trong kho cả rồi. Anh đã mua chuộc một tay chiêu đãi viên hàng không để đưa hàng đó lên chuyến bay từ Anthens đến New York. Nhưng rồi thì, hai mươi tư giờ trước chuyến bay, tên ngốc đó bị giữ vì quá chén vẫn lái xe, và hãng hàng không đã đuổi anh ta. Tony Rozzoli phải quay sang phương án hai. Hắn đã bố trí một con la - Ở trường hợp này là một bà cụ đi du lịch bẩy mươi tuổi tên là Sara Murchison đi thăm cô con gái ở Anthens về - để mang một cái va li về New York cho hắn. Bà ta chẳng biết là mang cái gì cả. - Đó là một số quà kỷ niệm cháu đã hứa gửi cho mẹ cháu. - Tony Rozzoli giải thích, và - bởi vì cụ rất tốt nên cháu mới dám nhờ cụ giúp cháu, cháu xin trả cụ tiền vé máy bay. - Ồ, cái đó không cần, - Sara Murchison phản đối. - Tôi rất muốn làm điều đó giúp ông. Tôi ở không xa căn hộ của mẹ ông. Tôi mong được gặp cụ. - Và cháu tin chắc mẹ cháu cũng rất mong gặp cụ, Tony Rozzoli nói liến thoắng. - Vấn đề là cháu hơi yếu. Nhưng sẽ có người đến lấy cái va li này. Bà cụ mà làm việc này thì tuyệt - một bà già Mỹ trăm phần trăm, ngọt ngào. Chỉ có một điều là hải quan nghi hàng lậu của bà cụ là va li chắc chắn toàn là kim chỉ. Sara Murchison phải khởi hành đi New York sáng hôm sau. - Cháu sẽ đón và đưa cụ ra sân bay! - Thế sao, cám ơn. Cậu là một thanh niên chu đáo quá. Mẹ cậu chắc rất tự hào về cậu. - Dạ vâng. Mẹ cháu và cháu quý nhau lắm ạ. - Mẹ hắn đã chết mười năm rồi. Sáng hôm sau, khi Rozzoli đang định rời khách sạn để đến kho hàng lấy hàng, thì điện thoại réo lên. - Ông Rozzoli? - Đó là một giọng lạ. - Vâng. - Tôi là bác sĩ Patsaka đang ở phòng cấp cứu Bệnh viện Anthens, Bà Sara Murchison đang ở đây. Tối qua, bà cụ bị vấp, ngã và gãy xương hông. Bà rất lo lắng và bảo tôi nói với ông, rất lấy làm tiếc… Tony Rozzoh đặt mạnh ống nghe xuống. - Merda? - Thế là hai lẩn rồi. Tìm ở đâu ra con la khác bây giờ? Rozzoli đã biết là hắn phải rất cẩn thận. Có tin đồn là có một nhân viên chống ma tuý Mỹ bắn rất giỏi hiện đang ở Anthens làm việc cùng với nhà cầm quyền Hy Lạp. Họ đang theo dõi ở mọi lối ra Anthens, và tàu bay, tàu thuỷ đều bị soát thường xuyên. Và nếu như vậy chưa đủ, còn có một tin khác. Một trong các tay chạy hàng cho hắn - một tên trộm nhưng lại nghiện đã thông báo rằng cảnh sát bắt đầu đi lục soát các kho hàng, tìm thuốc phiện được chứa ở đâu, và còn có các nhóm phá các nhóm buôn lậu. Sự căng thẳng rất lớn. Đã đến giờ giải thích tình hình cho gia đình. Tony Rozzoli rời khách sạn, đi bộ xuống phố Patission thẳng đến Giao dịch điện thoại thành phố. Hắn cũng không biết chắc điện thoại khách sạn có nối được hay không nhưng vì hắn không muốn bị lỡ nữa. Số nhà 85 phố Patission là một toà nhà đá nâu rất lớn đằng trước có dãy cột lớn, và có tấm biển đề: O.T.E. Rozzoli đi vào trong nhà và nhìn quanh. Hai mươi tư buồng điện thoại dọc theo tường, mỗi buồng có một số. Các giá sách để các quyển danh bạ điện thoại khắp nơi trên thế giới. Ở giữa buồng có một cái bàn làm việc có bốn thư ký đang ghi thứ tự và gọi từng người vào nói điện thoại. Mọi người xếp hàng đợi đến mình. Tony Rozzoli tiến đến gần một trong các phụ nữ ngồi sau bàn. - Xin chào, - hắn nói. - Tôi có thể giúp gì ông? - Tôi muốn đăng kí gọi ra nước ngoài. - Tôi e rằng phải đợi mất ba mươi phút. - Không sao. - Xin ông cho biết tên nước và số điện thoại? Tony Rozzoli do dự. - Nhất định. Hắn đưa một mẩu giấy cho người phụ nữ. - Tôi muốn gọi khẩn. - Brown. Tom Brown! - Rất tốt. Ông Brown. Tôi sẽ gọi ông nếu thông được đường dây. - Cám ơn! Hắn đi ngang qua một trong những ghế băng đặt ngang qua buồng và ngồi xuống. Ta phải cố giấu cái bọc đó trong ô tô, rồi trả tiền cho lái xe và bảo lái qua biên giới. Nhưng như vậy hắn vẫn có thể rủi ro, xe có thể bị lục soát. Có thể, nếu tôi có thể tìm ra cách nào khác… - Ông Brown… ông Tom Brown… - tên hắn được nhắc ba lần trước khi Tony Rozzoli nhận được đó là gọi hắn. Hắn đứng dậy và vội vàng ra chỗ bàn. - Bên kia nhận nghe rồi. Buồng bảy, xin mời. - Cám ơn. Tiện thể, cho tôi xin lại cái giấy địa chỉ tôi vừa đưa cô? Tôi còn cần cái số đó. - Nhất định rồi. - Cô ta giao lại cho hắn cái mẩu giấy. Tony Rozzoli đi đến buồng bảy và đóng cửa. - Hello! - Tony? Anh đấy hả? - Ê, anh thế nào, Pete? - Phải nói với anh sự thật, chúng ta có liên quan một chút, Tony. Các thằng cu mong các gói trên đường đến đây lắm. - Tôi đã có một vài vấn đề. - Thế gói đồ đã gửi đi chưa? - Không còn ở đây! Yên lặng. - Chúng tôi không muốn bất cứ điều gì xảy ra cho nó, Tony! - Sẽ chẳng có gì xảy ra đâu. Tôi vừa mới tìm ra cách khác để đưa nó đi khỏi đây. Có cái bọn chết tiệt đó khắp các nơi! - Chúng ta nói chuyện mười triệu đô la, Tony. - Tôi biết. Đừng sốt ruột, tôi sẽ nghĩ ra một vài điều. - Anh làm đi, Tony. Anh nghĩ ra điều gì đi. Đường dây bị ngắt. - Signomi. Cô có trông thấy người đàn ông vừa đi ra không? - Người phụ nữ nhìn lên - Ochi? - Tôi muốn biết ông ta gọi về số nào. - Xin lỗi. Chúng tôi không được phép cung cấp thông tin đó. Người đàn ông sờ vào túi sau và lấy ra một cái ví có một cái phù hiệu mạ vàng gài vào cái ví đó. - Cảnh sát. Tôi là thanh tra Tinou. Thái độ người phụ nữ thay đổi. - Ồ. Ông ấy đưa cho tôi một mẩu giấy có số trên đó, và rồi ông ấy lại lấy lại. - Nhưng cô có ghi lại để theo dõi không? - Ồ, vâng, chúng tôi vẫn làm như vậy. - Cô làm ơn cho tôi lại cái số đó? - Được ạ, Cô ta viết một con số lên một mẩu giấy và đưa cho thanh tra. Ông nghiên cứu tờ giấy một lát. Mã số nước gọi đến là 34, điện thoại trao đổi là 91. Haly. Palermo. - Cám ơn. Cô có nhớ tên người ấy không? - Vâng. Đó là Brown. Tom Brown! Cuộc trao đổi điện thoại đã làm Tony Rozzoli thêm nghị lực. Hắn phải vào buồng tắm. Damn Pete Lucca! Phía trước, ở góc Quảng trường Kolonaki, Rizzoli nhìn thấy một biển đề: Apohoritirion: WC. Đàn ông và đàn bà cũng vậy đều đi qua cửa ra vào để dùng cùng một tiện nghi. Và người Hy Lạp tự cho là văn minh, Rozzoli nghĩ. Ghê tởm. * * * * * Có bốn người đàn ông ngồi quanh một bàn họp trong villa trên núi trên Palermo. - Hàng đáng ra phải gửi rồi, Pete. - Một người trong bọn họ ca cẩm. - Không biết có vấn đề gì? - Tôi không chắc vấn đề có thể là Tony Rozzoli. - Trước đây, đối với Tony, chúng ta chưa có rắc rối gì. - Tôi biết - nhưng đôi khi con người ta trở nên tham lam. Tốt nhất có lẽ chúng ta nên cử một người đi Anthens kiểm tra sự thể xem sao. - Tệ quá. Tôi vẫn thích Tony. Tại số 10 phố Stadiou. Trụ sở cảnh sát ở trung tâm Anthens. Trong phòng họ ở có Cảnh sát trưởng Livreri Dimitri, Thanh tra Tinou và một người Mỹ, thiếu uý Walt Kelly, nhân viên Hải quan của Bộ kho bạc Mỹ. - Chúng tôi đã được báo, - Kelly đang nói, - rằng đang có một vụ buôn ma tuý lớn. Chuyến hàng đang chuẩn bị ra khỏi Anthens. Tony Rozzoli đã tham gia vào vụ này. Thanh tra Tinou ngồi yên lặng. Nha Cảnh sát Hy Lạp không muốn chào đón sự tham gia của nước khác trong công việc của họ. Đặc biệt là người Mỹ. Họ luôn cảnh giác và chỉ tin họ thôi. Cảnh sát trưởng nói. - Chúng tôi sẵn sàng làm việc, thiếu uý ạ. Tony Rozzoli đã điện về Palermo mới cách đây một lát. Chúng tôi đã tìm được số điện thoại và đang lần ra gốc. Khi chúng tôi tìm được, chúng tôi sẽ biết nguồn gốc của vấn đề này. Điện thoại trên bàn ông lại réo. Dimitri và thanh tra Tinou nhìn nhau. Thanh tra Tinou cầm ống nghe lên. - Cậu đã có nó chưa? - ông lắng nghe một lát, nét mặt không có biểu hiện gì cả, rồi đặt ống nghe xuống. - Được chứ? - Họ đã truy được số đó! - Và sao? - Cú điện thoại gọi đến quảng trường công cộng ở thành phố. - Gamoto? - Ông Rozzoli của chúng ta rất inch eksipnos. Walt Kelly nói không bình tĩnh: - Tôi không nói tiếng Hy Lạp. - Xin lỗi, Thiếu uý. Điều đó nghĩa là khôn ngoan. - Kelly nói, - Tôi muốn các ông tăng cường theo dõi hắn. - Con người này rất ngạo nghễ. - Cảnh sát trưởng quay lại thanh tra Tinou. - Thực ra, chúng ta chưa đủ chứng cứ để tiến hành nhanh hơn nữa, có phải không? - Không, thưa ông. Chỉ mới có nghi ngờ. Cảnh sát trưởng Dimitri quay sang Walt Kelly. - Tôi e rằng tôi không thể có đủ người để theo dõi bất cứ ai mà chúng tôi nghi ngờ đã tham gia vào ma tuý. - Nhưng đối với Rozzoli. - Tôi xin đảm bảo với ông, chúng tôi có nguồn riêng của chúng tôi, ông Kelly. Nếu chúng tôi có được thêm thông tin, chúng tôi biết trao đổi với ông ở đâu? Walt Kelly nhìn ông ta, thất vọng. - Không nên đợi quá lâu. - Ông nói. - Chuyến hàng này sẽ thoát đấy. Villa ở Rafina đã sẵn sàng. Người được giao cai quản bất động sản đã nói với Constantin Denmiris: - Tôi biết ông đã mua đồ đạc trong đó nhưng tôi đề nghị ông mua thêm một số đồ đạc mới… - Không. Tôi muốn mọi thứ đúng như hiện có. - Đúng như là đã có khi Noelle bất tín của ông và người của cô, Larry, ở đó rồi phản bội ông ta. Ông đi qua phòng khách. Có phải họ đã làm tình ở đây ở giữa sàn nhà này không? Hay trong kho? Hay trong bếp? Denmiris đi vào trong buồng ngủ. Ở một góc có một cái giường lớn. Cái giường của bọn nó. Ở đó Douglas đã vuốt ve thân hình trần truồng Noelle, ở đó hắn đã lấy cắp đi những cái gì đó thuộc về Denmiris. Douglas đã phải trả giá cho việc phạm thượng của hắn và bây giờ ông sắp phải trả đáp lại. Denmiris nhìn vào giường. Ta sẽ làm tình với Catherine trước hết ở đây, Denmiris nghĩ. Rồi ở cái buồng khác. Ông gọi điện cho Catherine từ villa này. - Hello! - Tôi đang nghĩ về ông. Tony Rozzoli có hai vị khách từ Sicile không mời mà đến. Họ đi vào buồng ở khách sạn của anh không báo trước, và Rozzoli ngay tức khắc đã đánh hơi thấy rắc rối. Alfredo Mancuso rất to lớn. Gino Laveri còn to hơn. Mancuso đi ngay vào vấn đề: - Pete Lucca đã sai chúng tôi đến đây. Rozzoh cố gắng để làm cho ổn thoả. - Hay lắm. Xin chào mừng các bạn đến Anthens. Tôi có thể làm gì cho các bạn? - Anh có thể cắt cái Rozzoli, - Mancuso nói. - Pete muốn biết anh đang chơi trò gì? - Trò gì à? Anh đang nói về cái gì đó? Tôi đã giải thích với ông ấy rằng tôi đang có một khó khăn nhỏ. - Chính vì vậy chúng tôi mới đến đây. Để giúp anh giải quyết cái đó! - Đợi một chút, các bạn, - Rozzoli chống chế. - Tôi để gọi hàng chỗ khác, và rất an toàn. Khi nào… - Pete không muốn hàng đó anh để chỗ khác. Ông ta đã phải đầu tư vào đó khá nhiều tiền. - Laveri đã đặt nắm tay của hắn lên ngực Rozzoli, và đẩy anh vào ghế dựa. - Lemme giải thích việc đấy với anh, Rozzoli ạ. Nếu món hàng này đã đưa ra phố New York như đã dự định, Pete có thể lấy được tiền, sàng ra một ít, và đưa tiền đó lại làm việc trên phố xá. Anh hiểu tôi nói gì chứ? Ta có thể chắc chắn cho đi hai con đười ươi này, Rozzoh nghĩ. Nhưng hắn biết hắn không nên đánh bọn này, hắn phải đánh Pete Lucca. - Chắc chắn, tôi hiểu chính xác anh đang nói gì, - Rozzoli nói khẩn khoản. - Nhưng việc không dễ như vẫn thường làm. Cảnh sát Hy Lạp có mặt mọi nơi, và họ lại có cả một tên chống ma tuý từ Washington. Tôi đã có một kế hoạch… - Thì Pete cũng có, - Laveri ngắt lời. - Anh có biết kế hoạch là gì không? Ông ấy bảo tôi nói với anh rằng nếu chuyến hàng không lên đường được tuần tới, anh sẽ phải mang tiền mặt của anh mà nộp. - Hề! Rozzoli phản ứng. Tôi không có loại tiền đó. Tôi… - Pete đã nghĩ có thể anh không đến. Nên ông bảo chúng tôi tìm cách khác và bắt anh trả tiền. Tony Rozzoli hít hơi thật sâu. - Ôkê. Phải nói với ông ấy, mọi việc đều phải có kiểm soát. - Chắc chắn rồi. Trong khi chờ đợi chúng tôi sẽ… Tony Rozzoh không bao giờ uống rượu vào buổi sáng, và coi đó thể diện, nhưng khi hai tên đó đi ra, hắn đã mở một chai Whyski Scotch và làm hai ngụm đầy. Hắn cảm thấy hơi ấm của thứ rượu Scotch này chảy trong người hắn, nhưng lại không giúp gì được hắn. Không có gì sắp xảy ra có thể giúp ta được, hắn nghĩ. Làm sao cái lão già ấy lại trở mặt với ta như vậy? Ta đã như là con trai lão thế mà hắn chỉ cho ta có một tuần lễ để tìm ra cách giải quyết. Sòng bạc, hắn quyết định. Ta sẽ kiếm một con la ở đó. Vào mười giờ đêm hôm đó, Rozzoli lái xe đến Loutraki, một sòng bạc bình dân cách Anthens về phía Tây khoảng năm mươi dặm. Hắn loanh quanh trong cái buồng lớn ồn ào của sòng bạc và dò xét các hoạt động. Luôn luôn có hàng chục thằng thua lỗ sẵn sàng làm mọi việc để kiếm nhiều tiền. Người càng tuyệt vọng bao nhiêu thì càng dễ bắt mồi bấy nhiêu. Rozzoli chấm được đối tượng tại bàn quay số. Hắn ta là một người nhỏ con, tanh tách như chim, tóc xám, khoảng trên năm mươi, luôn quấn ở trán một khăn tay. Hắn càng bị mất nhiều thì hắn càng toát mồ hôi hột ra. Rozzoli chăm chú nhìn hắn. Hắn đã có những biểu hiện rõ rệt. Đó là một trường hợp cổ điển bị thua bạc nhiều, quá cả sức chịu đựng. Khi đống tíc-kê trước mặt hắn bị mất hết, hắn nói với tên cầm đầu cái sòng: - Tôi… tôi muốn ký để mua một đống tíc-kê khác. Tên cầm cái quay và nhìn về phía tên chủ sòng. - Cho hắn đi. Đây là lần cuối cùng nhé. Tony Rozzolí đang nghĩ không biết con gà mờ này đã bị móc bao nhiêu tiền rồi. Hắn kéo ghế ngồi gần tay thua bạc kia, và mua phiếu nhảy vào chơi. Trò quay số là một trò chơi hút máu, nhưng Rozzoli biết chơi số lẻ như thế nào, và đống tíc-kê của hắn cứ đầy lên và đống tay kia thì giảm dần. Tên thua bạc như hết hy vọng, trải các tíc-kê còn lại trên mặt bàn, chơi trò đoán số, màu sắc, và cả cá cược về chẵn lẻ. Hắn không còn có suy nghĩ gì là hắn đang đi xuống địa ngục, Rozzoli nghĩ. Tíc-kê cuối cùng bị lấy nốt. Người lạ mặt, ngồi đó, đờ đẫn. Hắn ta còn nhìn và còn hy vọng ở tên cầm cái. - Có thể cho…? Tên cầm cái lắc đầu. - Xin ông. - Hắn ta thở dài và đứng dậy. Rozzoli cũng đứng lên cùng lúc đó. - Quá tệ - hắn nói rất tình cảm để lấy lòng. - Tôi đã có chút may mắn. Để tôi mua mời anh uống tí chút chứ? Con người đó mắt nửa nhắm nửa mở. Giọng hắn run run. - Ông tử tế quá, ông ạ! Ta đã kiếm ra được con la của ta, Rozzoli nghĩ, dĩ nhiên là lão này cần tiền. Chắc chắn, hắn ta có thể nhảy rỡn lên với vận may để mang một cái vỏ bọc vô hại đến New York để được một trăm đô la hoặc thế, và cả một chuyến đi Mỹ không mất tiền. - Tôi tên là Tony Rozzoli! - Victor Korontzis. Rozzoh và Korontzis đi đến quán ba. - Anh muốn uống gì? - Tôi… tôi sợ tôi không còn đủ tiền. Tony Rozzoli khoát tay rộng ra. - Không nên ngại điều đó! - Ừ, cho tôi một cốc restina, cám ơn. - Rozzoli quay lại phía hầu bàn - Và một chai Chiras Regal không mất tiền nhé. - Ông đến đây là khách du lịch à? - Korontzis hơi bất lịch sự. - Vâng, - Rozzoli trả lời. - Tôi đi nghỉ hè. Một đất nước đẹp quá! Korontzis nhún vai. - Tôi cũng cho là thế. - Ông có thích nơi đây không? - Ồ tất nhiên, đẹp lắm. Chỉ có điều đắt đỏ quá. Tôi muốn nói cứ tăng giá. Trừ phi ông là triệu phú, kiếm ăn được khó khăn quá, nhất là khi ông một vợ lại bốn con nữa thì chết. - Giọng hắn tỏ ra cay đắng lắm. Dần dần sẽ tốt hơn. - Anh làm gì, Victor? - Tôi làm bảo vệ ở Nhà Bảo tàng Quốc gia Anthens. - Bảo vệ là làm gì nhỉ? Một chút tự hào trong giọng nói của Korontzis. Tôi chịu trách nhiệm các đồ cổ đã được khai quật lên ở Hy Lạp. - Hắn nhắm một hớp rượu. - Được, không phải tất cả, tất nhiên. Chúng tôi còn có các bảo tàng khác. Bảo tàng Acroplis và Bảo tàng khảo cổ Quốc gia. Nhưng bảo tàng của chúng tôi có nhiều hiện vật có gía trị nhất. Tony Rozzoli thấy hắn thành thật nên muốn biết: - Giá trị thế nào? Victor Korontzis nhún vai. - Hầu hết hiện vật là vô giá. Có luật cấm không cho mang những đồ cổ ra nước ngoài, tất nhiên rồi. Nhưng chúng tôi lại có một cửa hàng nhỏ ở bào tàng chuyên bán bản sao. Bộ óc của Rozzoli bắt đầu làm việc dữ lắm. - Nếu như vậy? Các bản sao có tốt lắm không? - Ồ, tuyệt vời! Chỉ có chuyên gia mới có thể phân biệt được giữa bản làm giả và vật thật nguyên bản gốc. - Để tôi mua cho anh thứ rượu khác nhé. - Rozzoli nói. - Cảm ơn. Ông tử tế quá. Tôi e rằng tôi không có gì để đối xử lại với ông. - Không nên quan tâm điều đó. Là lẽ tự nhiên thôi, có vài việc anh có thể làm giúp tôi. Tôi muốn xem bảo tàng của anh. Nó chắc hấp dẫn lắm. - Rozzoli cười. - Ồ đúng thế, - Korontzis đảm bảo với anh rất nhiệt tình về bảo tàng của mình. - Nó là một trong những bảo tàng hay nhất trên thế giới. Tôi rất lấy làm may mắn nếu được dẫn ông đi xem vào một ngày nào đó. Khi nào ông rỗi? - Sáng mai thế nào? Tony Rozzoli có cảm tưởng rằng tay này còn là một đối tượng có lợi hơn một con la nhiều. Bảo tàng Anthens nằm ngoài khu Platia Syntagma, Ở giữa Anthens. Ngôi nhà bảo tàng là một building xinh đẹp xây dựng theo kiểu đền chùa cổ, đằng trước có bốn cái cột Ionian, trên nóc phất phới lá cờ Hy Lạp, và trên mái cao, có bốn hình tượng lớn. Bên trong, những phòng lớn lát đá chứa các đồ cổ từ các triều đại khác nhau trong lịch sử Hy Lạp, và các buồng bầy rất nhiều tủ đựng các di vật và hiện vật. Có những chiếc cúp vàng, mũ miện vàng, khắc cả gươm và cả con tàu ở trên mũ. Một tủ còn có bốn mặt nạ để chôn cất bằng vàng, và nhiều vật, các mảng vỡ từ các bức tượng cổ các thế kỷ trước. Victor Korontzis mời Tony Rozzoli đi xem do anh hướng dẫn. Korontzis dừng ở trước một tủ đựng một tượng nhỏ nữ chúa với một vươn miện bằng cành cây thuốc phiện. - Đây là nữ chúa thuốc phiện, - anh giải thích với một giọng trầm và nhỏ. - Vương miện này biểu tượng cho chức năng và người mang lại những giấc ngủ, giấc mơ, sự biểu lộ và sự chết. - Thế cái tượng đó giá bao nhiêu? Korontzis cười. - Nếu bán ấy à? Phải hàng triệu. - Thế kia à? Người bảo vệ bảo tàng nhỏ nhắc với những niềm tự hào hiển nhiên khi anh ta đi loanh quanh, chỉ dẫn về kho tàng vô giá này. - Đây là cái đầu Kouros, năm trăm ba mươi năm trước công nguyên… Đây là cái đầu của Anthens với cái mũ Corinthran, thế kỷ một nghìn bốn trăm năm mươi năm trước công nguyên và đây là một vật thần thoại. Một mặt nạ vàng của Achacan từ ngôi mộ hoàng tộc ở Acropoli của Myceae, từ thế kỷ mười sáu trước công nguyên. Người ta cho đó là Agamemmon! - Anh đừng nói nữa? Anh dẫn Tony Rozzoli đến tủ khác. Trong tủ này là một vò hai quai cục kỳ quý của Hy Lạp. - Đây là cái tôi thích nhất - Korontzis thú nhận, với nụ cười kín đáo. - Tôi biết cha mẹ thì không được quá yêu một người con nào, nhưng tôi thì không thể làm như thế được. - Cái vò hai quai này… Đối với tôi nó trông giống như một cái lọ hoa thôi. - À, vâng, cái lọ hoa này được tìm thấy trong buồng ngai vàng khi khai quật ở Knossos. Anh có thể nhìn thấy những chi tiết người ta bắt một con bò đực bằng lưới. Ở thời xưa, lúc đó người ta bắt những con bò đực bằng lưới để không cho bò bị chảy máu tháng trước, do vậy… - Cái đó giá bao nhiêu? - Rozzoli ngắt lời. - Tôi cho phải đến chục triệu đô la! Tony Rozzoli trợn lông mày lên. - Để làm gì? - Thực vậy! Anh phải nhớ, nó là từ thời kỳ hậu Minoa, khoảng một nghìn năm trăm năm trước công nguyên. Tony còn đang nhìn quanh hàng tá tủ kính để đầy các hiện vật. - Tất cả các đồ này có giá trị không? - Ồ, ông bạn của tôi, không. Chỉ có đồ cổ thật thôi. Đó là những vật không thay thế được, tất nhiên, và nó cho ta một vật thực để biết nền văn minh cổ đại như thế nào. Tôi xin giới thiệu với ông vài thứ ở chỗ kia nữa. Tony đi theo Korontzis sang một buồng khác. Họ dừng trước một tủ ở góc buồng. Victor Korontzis chỉ vào một cái lọ. - Đây là một trong những kho báu vĩ đại nhất. Đó là một trong những ví dụ sớm nhất vì việc biểu tượng hoá các dấu hiệu phát âm. Vòng tròn có dấu chữ thập anh thấy đấy là chữ Ka. Vòng trong gạch chéo là một trong các hình cổ xưa nhất được con người thời đó dùng để biểu hiện vũ trụ. Chỉ có mỗi một… Ai cho cái đồ rác rưởi này. - Nó giá độ khoảng bao nhiêu? - Tony hỏi. - Một khoản tiền ban thưởng vô cùng lớn của vua. - Korontzis thở dài. Khi Tony rời khỏi Bảo tàng sáng hôm đó, hắn đang tính toán hắn sẽ giàu có với những mơ mộng điên dại. Do một cú tình cờ kỳ lạ, hắn đã dẫm chân lên một mỏ vàng. Hắn phải tìm được một con la, và thật vậy, hắn đã tìm ra chiếc chìa khoá để đi vào nhà đựng các kho báu. Những khoản lợi nhuận do buôn bán heroin còn phải chia năm xẻ bảy. Không ai ngây thơ để gạch chéo xoá sổ Gia đình, nhưng các đồ cổ mà chuồn ra được thì khác lắm đấy. Nếu hắn tuồn được các hiện vật này ra khỏi Hy Lạp, thì sẽ là một công việc làm ăn thêm mà chỉ phụ thuộc vào mình hắn; bọn trùm găng-stơ không còn mong gì ở hắn cả. Rozzoli có nhiều lý do để phấn chấn hơn. Bây giờ, việc ta phải làm, Rozzoli nghĩ là phải tìm cách móc câu vào con cá. Ta lo về chuyện con la sau. Tối hôm đó, Rozzoli đưa anh bạn mới quen đó đến hộp đêm Mostrov Anthens, một hộp đêm mà các trò vui ở đây rất dâm đãng, và các tiếp viên gợi tình thì có ngay sau khi trình diễn. - Chúng ta hãy chọn một cặp điếm để anh em mình vui một chút, - Rozzoli đề nghị. - Tôi phải về nhà với vợ con, - Korontzis có ý phản đối. Hơn nữa, tôi e rằng anh không kham nổi những việc thế này. - Hề, anh là khách của tôi. Tôi đã có khoản để chi tiêu. Chẳng đáng là gì với tôi. Rozzoli bố trí một trong những cô gái đưa Victor Korontzis về khách sạn của cô. - Anh có đến không đấy? Korontzis hỏi. - Tôi có chút việc phải giải quyết, - Tony nói với anh. - Anh cứ đi trước đi. Mọi việc đó chu đáo cả. Sáng hôm sau, Rozzoli lại nhẩy ngay vào bảo tàng lần nữa. Có rất nhiều đám du lịch đi xem các phòng, lạ lùng về các kho tàng cổ xưa. Korontzis đưa Rozzoh vào phòng làm việc của anh. Anh hiện còn thẹn đỏ mặt. - Tôi… tôi không biết làm sao để cám ơn ông về việc tối qua, Tony à. Cô ta… thật tuyệt vời. Rozzoli cười. - Những người bạn với nhau là thế nào Victor? - Nhưng tôi chẳng có gì để đáp lại anh được! - Tôi không mong anh làm vậy, - Rozzoli nói thật thà. - Tôi thích anh. Tôi thích là bạn anh. Tiện đây, tối nay, ở một khách sạn, có chơi bài xì. Tôi sẽ đi chơi. Anh có thích đi không? - Cám ơn. Tôi cũng thích, nhưng… - Anh nhún vai. - Tôi không nghĩ rằng như vậy có lợi cho tôi. - Cứ đi đi. Nếu anh ngại về tiền bạc, không nên quan tâm về cái khoản đó. Tôi sẽ góp vốn cho anh luôn thể. Korontzis lắc đầu. - Anh đã quá tốt rồi. Nếu tôi thua tôi không thể trả nợ anh được. - Ai mà nói sẽ bị lỗ, người đó sẽ được đấy! - Tony Rozzoli cười gằn. - Được à? Tôi… tôi không hiểu. - Một anh bạn tôi tên là Otto Dalton đang cầm cái trò đó. Có nhiều nhóm du lịch Mỹ lắm tiền đang ở thành phố, họ thích chơi bạc lắm, Otto và tôi sắp dẫn họ đến. - Rozzoìi nói một cách nhẹ nhàng. Korontzis đang nhìn anh, mắt thao láo. - Dẫn họ đến? Ý anh muốn nói, anh là… anh sắp đi lừa đảo à? - Korontzis liếm môi. - Tôi… tôi chưa bao giờ làm điều gì như vậy. Rozzoli gật đầu rất thiện cảm. - Tôi hiểu. Nếu điều đó làm phiền anh, anh không phải làm thế. Tôi chỉ nghĩ đó là cách dễ nhất cho anh để lấy lại hai ba ngàn đô la. Những con mắt của Korontzis trợn hẳn lên. - Hai ba ngàn đô la? - Ồ, vâng, ít nhất. Korontzis lại liếm môi lần nữa. - Tôi… tôi… có nguy hiểm không? Tony Rozzoli cười. - Nếu là nguy hiểm, dễ tôi muốn làm à, tôi muốn à? Chỉ như một miếng bánh. Guồng máy của Otto… một tay buôn. Hắn có từ trên đỉnh, từ đáy hay từ giữa. Hắn đã làm việc đó từ nhiều năm nay rồi và chẳng hề bị bắt. Korontzis ngồi đó, nhìn thẳng vào Rozzoli. - Bao nhiêu… liệu tôi cần bao nhiêu tiền, để chơi trò đó? - Khoảng năm trăm đô la. Nhưng rồi tôi sẽ nói với anh như thế nào. Việc này như tôi cho anh vay năm trăm, và nếu anh thua thì anh chẳng cần trả lại cho tôi. - Thật là anh quá rộng rãi, Tony ạ. Vì sao… vì sao anh lại làm thế cho tôi? - Tôi sẽ nói với anh vì sao. - Giọng nói của Tony đầy lòng nhân từ. - Khi tôi thấy một con người lao động vất vả lại đang khó khăn như anh, với một vị trí có trọng trách là người giám sát của một trong các bảo tàng lớn nhất trên thế giới, và Nhà nước không đánh giá anh đúng mà chỉ trả cho anh một đồng lương mạt hạng - và anh phải phấn đấu để nuôi vợ con. Được, tôi sẽ nói với anh sự thật. Victor, điều đó làm tôi không yên được. Từ ngày anh được tăng lương đến nay bao lâu rồi? - Họ… họ không tăng lương cho tôi. - Được rồi anh sẽ được. Hãy nghe đây. Anh có thể chọn, Victor ạ. Anh có thể cho tôi giúp anh một chút tối nay để anh có thể lấy được vài ngàn đô la và bắt đầu sống như anh muốn. Hoặc là anh sẽ tiếp tục sống chật vật cho đến cuối đời. - Tôi… tôi không biết, Tony. Tôi sẽ không… Tony Rozzoli đứng dậy. - Tôi hiểu. Tôi chắc chắn sẽ trở lại Anthens một hai năm nữa, và chúng ta có thể gặp nhau nữa. Được quen biết anh là điều tôi rất mừng. Rozzoli bắt đầu đi ra cửa… Korontzis phải quyết định. - Đợi tý. Tôi… tôi muốn đi với anh tối nay. Tony Rozzoli nói: - Điều đó thực làm cho tôi cảm thấy tốt đẹp để có thể giúp anh thoát được. Korontzis do dự. - Hãy bỏ qua cho tôi, nhưng tôi muốn đảm bảo là được hiểu đúng về anh. Anh nói rằng nếu tôi thua năm trăm đô la, tôi sẽ không phải trả lại anh! - Đúng thế, - Rozzoli nói. - Bởi vì anh không thể thua. Trò chơi đã sắp đặt rồi. - Sẽ chơi ở đâu? - Buồng hai mươi ở khách sạn Metropole. Mười giờ. Anh hãy nói với vợ anh là anh đi làm về muộn. Chương 12 Có bốn người ở buồng bên cạnh cùng khách sạn với Tony Rozzoli. - Tôi muốn gặp anh bạn tôi là Otto Dalton, - Rozzoli nói. - Victor Korontzis. - Rozzoli giới thiệu Korontzis với Dalton. Hai người bắt tay nhau. Rozzoli nhìn người kia có vẻ như muốn dò hỏi. - Tôi không tin là đã gặp những quý ông kia! Otto Dalton giới thiệu: - Perry Breslauer từ Detroit… Marvin Seymuor từ Houston… Sal Prizzi từ New York. Victor Korontzis gật đầu chào, không để họ nghe được giọng nói của anh. Otto Dalton khoảng trên sáu mươi tuổi, gầy, tóc hoa râm, yếu đuối. Perry Breslauer trẻ hơn, nhưng mặt tay này thuồn thuộn và hốc hác. Marvin Seymuor cũng gầy, người trông tàm tạm: Sal Prizzi là một người to lớn, chắc chắn như cây sồi với cánh tay khỏe mạnh. Tay này có đôi mắt nhỏ, ẩn ý, và mặt có một vệt sẹo lớn vì một nhát dao. Rozzoli đã giới thiệu ngắn gọn với Korontzis trước khi chơi. Những thằng cha này có nhiều tiền. Seymuor có một công ty bảo hiểm. Breslauer có các đại lý xe hơi khắp nước Mỹ, và Sal Prizzi là người đứng đầu một hiệp hội lớn ở New York. Otto Dalton đang nói. - Tốt lắm thưa quý vị. Chúng ta bắt đầu chứ? Tickê trắng là năm trăm đô la, màu xanh là mười, đỏ là hai mươi nhăm và màu đen là năm mươi. Các vị hãy nhìn kỹ mầu tiền của các vị. Korontzis đưa ra năm trăm đô la mà Tony Rozzoli đã cho anh vay. Không, anh nghĩ, không phải cho vay, cho hắn. Anh nhìn qua Rozzoli và cười. Thật là một người bạn tuyệt Rozzoli. Những người khác lấy ra các xấp lớn tiền từ ngân hàng. Korontzis chợt có cảm giác lo lo. Nếu có việc gì xảy ra, làm thế nào, và nếu anh bị thua cả năm trăm đô la? Anh nhún vai. Bạn anh Tony sẽ quan tâm tới việc đó. Nhưng nếu anh thắng. Korontzis tự nhiên tràn đầy cảm xúc phấn chấn. Cuộc chơi bắt đầu. Họ chọn người rút đầu tiên. Món tiền đi đầu thường nhỏ, và người ta chấp nhận năm con bài, bẩy con bài, rút con tẩy và sần thượng hạ. Ban đầu, kẻ thắng người thua đều nhau, nhưng dần nước thuỷ triều cứ nâng dần lên. Dường như Victor Korontzis và Tony Rozzoli không bị hỏng. Nếu bọn họ bài đỏ, những người khác bài đen. Nếu bọn họ mát tay, Korontzis và Korontzis lại mát tay hơn. Victor Korontzis không thể tin được vào vận may của anh. Cuối buổi tối hôm đó, anh đã được gẩn hai ngàn đô la. Thật là một kỳ tích. - Các cậu thật là may quá, - Marvin Seymuor lầu bầu. - Khỏi phải nói, - Breslauer đồng ý. - Thế nào, ngày mai cho chúng tôi cơ hội gì nhé? - Tôi sẽ báo anh. - Rozzoli nói. Khi họ đã đi, Korontzis sửng sốt: - Tôi không thể tin vào điều đó. Hai ngàn đô la! Rozzoli cười. - Đó chỉ đủ nuôi gà thôi. Tôi nói với anh mà. Otto là một trong cả một quầy máy nhẹ nhất về kinh doanh. Các chàng trai đó còn muốn đánh với ta dịp khác. Anh có chú ý không? - Anh cá đấy à. Trên mặt Korontzis nở một nụ cười thoải mái. - Tôi nghĩ chỉ là nói vui thôi. Đêm hôm sau, Victor Korontzis được ba ngàn đô la. - Thật là kỳ lạ! - Anh nói với Rozzoli. - Sao họ không nghi ngờ gì cả nhỉ? - Dĩ nhiên là không. Tôi cược với anh là họ yêu cầu chúng ta nâng giá trị tic-kê ngày mai. Họ nghĩ sẽ thắng để lấy lại tiền. Anh có tin thắng không? - Chắc chứ, Tony. Tôi sẽ thắng. Khi họ đã ngồi vào bàn, Sal Prizzi nói: - Các anh biết, đến nay chúng tôi thua nhiều quá. Thế nào nâng tic-kê lên nhé? Tony Rozzoli nhìn sang Korontzis và nháy mắt. - Với tôi được, - Rozzoli nói. - Thế nào anh bạn? Cả hai người gật đầu hiểu ý nhau. Otto Dalton xếp một đống các tic-kê lên. Các con trắng là năm mươi đô la, các con xanh là một trăm, và các con đỏ làm năm trăm, các con đen là một nghìn. Victor Korontzis nhìn sang Rozzoli. Họ không dự kiến giá trị các tic-kê sẽ cao như vậy. Rozzoli gật đầu trấn an một lần nữa. Ván bài bắt đầu. - Không có gì thay đổi. Bàn tay của Victor Korontzis rất tài nghệ. Con bài nào anh cầm cũng thắng nhưng không nhiều. - Các con bài chết tiệt? - Prizzi lầu bầu. - Thay bộ bài này đi! Otto Dalton bắt buộc phải đưa ra bộ bài mới. Korontzis nhìn sang Tony Rozzoli và cười. Anh biết sẽ không có gì thay đổi vận may của anh. Vào nửa đêm, họ ăn bánh mì kẹp thịt người ta đưa đến. Các tay chơi nghỉ giải lao mười lăm phút. Tony Rozzoli kéo Korontzis ra ngoài. - Tôi bảo Otto phải dành cho bọn nó một ít, - anh thì thầm. - Tôi không hiểu. - Để họ thắng vài lần. Nếu họ cứ thua mãi, họ sẽ nản chí và chuồn. - Ồ, tôi hiểu. Như vậy mới khôn đấy. - Khi họ nghĩ là họ đang đỏ, ta lại nâng giá trị tic-kê lên và sẽ đóng đinh bọn nó. Victor Korontzis đang do dự. - Tôi đã thắng nhiều tiền như vậy Tony. Anh nghĩ chúng ta có nên rút khi chúng ta đã…? Tony Rozzoli nhìn vào mắt anh và nói: - Victor, làm sao anh lại muốn rời nơi đây đêm nay khi mới chỉ có năm mươi ngàn đô la trong túi? Khi cuộc chơi sắp kết thúc, Breslauer, Prizzi và Seymuor bắt đầu thắng. Tay của Korontzis còn tốt, nhưng tay của các người khác còn may hơn. Otto Dalton là một tay cừ khôi, Korontzis nghĩ. Anh đã ngắm Dalton rút bài, và không thể nào phát hiện một động tác giả nào. Cuộc chơi còn tiếp tục, Victor Korontzis đã bị thua. - Anh không quan tâm. Trong một vài phút khi anh ấy đã - gọi là nhĩ - chia sẻ cho người khác, anh, Rozzoli và Dalton sẽ chuyển sang thế giết. Sal Prizzi nghĩ đã thoả mãn. - Được! - hắn nói, bọn anh trông đã bình tĩnh lại. Tony Rozzoli lắc đầu lấy làm tiếc. - Vâng đúng thế, có phải không? - Anh liếc nhìn sang Korontzis tỏ ý thông hiểu. - Điềm may mắn của anh không thể tiếp tục mãi - Marvin Seymuor nói. Perry Breslauer nói toạc ra. - Có phải các anh muốn nói là tăng tic-kê lên một lần nữa, và như vậy các an định cho chúng tôi thất bại thực sự phải không? Tony Rozzoli có ý định như vậy, nhưng hắn lại nói có vẻ đăm chiêu: - Tôi không biết. - Hắn quay sang Victor Korontzis, - Anh nghĩ thế nào Victor? Sao anh có muốn tối nay chúng ta rời khỏi nơi đây với năm mươi ngàn đô la trong túi? Ta có thể sẽ mua nhà, mua một chiếc xe mới. Ta có thể đưa cả gia đình đi nghỉ hè… Korontzis gần như run lên vì bị kích động bởi niềm sung sướng, sắp tới rồi. Anh cười: - Tại sao không? - Được! - Sal Prizzi nói, - Chúng ta sẽ chơi tic-kê là bàn và giới hạn là trời. Họ đang chơi rút năm con bài. Các con bài đầu đã rút xong. - Tôi đi tiền nhé, - Breslauer nói. - Nào hãy đi năm ngàn đô la đây. Mỗi người đặt tiền ra. Victor Korontzisr rút được hai con "đầm". Anh đã rút ba con rồi, một trong ba con là một - con "đầm" khác. Rozzoli nhìn vào tay mình và nói: - Tôi tố một ngàn. Marvin Seymuor xem bàn tay mình: - Tôi sẽ gọi, và tố hai ngàn. - Tôi không đủ sức. - Otto Dalton chịu thua. - Tôi sẽ gọi. - Sal Prizzi nói. Cái đĩa tiền chuyển sang Marvin Seymuor. Trong ván bài sau, Victor Korontzis chỉ rút được một con bát, một con cửu, một con dập và một con "Hầu cơ". Chỉ thiếu một con thì được sần hạ. - Tôi sẽ tố một ngàn đô la, - Dalton nói. - Tôi sẽ gọi và tố lên một ngàn. - Để tôi tố lên một ngàn nữa. - Sal Prizzi nói. Đến lượt Korontzis, anh tin chắc rằng rút bài lần này có thể đánh bại các người khác. Anh chỉ bị một con lệch thôi. - Tôi gọi - Anh rút một con, lật úp xuống, không dám xem là gì. - Hai con tứ và hai con sập. - Breslauer đặt úp tay xuống. - Ba con thất. - Prizzi đặt tay xuống. Họ quay lại nhìn Victor Korontzis. Anh lấy hơi thở sâu, nhặt con bài thiếu lên. - Bài đen - Hỏng rồi - anh nói. Anh chịu thua. Số tiền đặt bài ngày càng nhiều. Chồng tic-kê của Victor Korontzis đã vơi đi gần hết. Anh nhìn sang Rozzoli lo lắng. Rozzoli cười trấn an, nụ cười hàm ý rằng khỏi phải lo làm gì. Rozzoli mở một ván mới. Người ta rút lại các con bài. - Tôi đi một ngàn đô la. Perry Breslauer: - Tôi tố một ngàn đô la nữa. Marvin Seymuor: - Và tôi tố lên hai. Sal Prizzi: - Anh biết có điều gì không? Tôi nghĩ các anh đang tháu cáy. Hãy tố lên năm nghìn nữa. Khi nào cái kiểu tố đáng nguyền rủa này chấm dứt? - Victor? Korontzis nhấc tay lên từ từ và xòe ra từng hai con bài một. Một con xì một con xì nữa, lại một con xì thứ ba, cộng với một con tây và một vài sập. Máu trong người anh bắt đầu sôi lên, làm anh sướng râm ran cả người. - Anh chơi chứ! Anh cười với chính mình. Các kiểu tố liền này đã chấm dứt. Anh biết rằng anh sắp rút được một con Tây nữa cho đủ cả hội. Anh ném con mười đi và cố giữ tiếng nói như thường lệ. - Tôi gọi, xin một con nữa. Otto Dalton nói: - Tôi sẽ rút hai. - Ông nhìn bài của mình, - Tôi tố một ngàn đô la! Tony Rozzoli lắc đầu. - Quá nhiều với tôi. - Anh chịu thua. Prizzi nói: - Tôi tố năm ngàn! - Tôi thua! - Marvin Seymuor chịu thua. Còn lại Victor Korontzis và Sal Prizzi. - Anh có gọi không? - Prizzi hỏi - Phải trả anh năm ngàn nữa. Victor Korontzis nhìn vào đống tic-kê. Anh còn lại tất cả có năm ngàn. Nhưng khi nào ta sẽ thắng số tiền lớn này… anh nghĩ. Anh lại nhìn vào tay mình lần nữa. Bàn tay này không thể bị bại được. Anh đặt đống tic-kê ở giữa bàn và lại rút một con bài. Đó là con ngũ. Nhưng anh còn có ba con xì. Anh đặt tay xuống. Ba con xì. - Bốn con nhạn!- Prizzi xòe tay ra. Korontzis ngồi đó, ngây người ra, nhìn Prizzi cào về số tiền trên bàn. Anh có cảm giác như thể là anh đã mất cả người bạn Tony. Nếu tôi chỉ chịu đựng một chút nữa là tôi bắt đầu thắng. Bây giờ đến lượt Prizzi rút trước. - Chơi bẩy con nhé - anh tuyên bố. - Tôi đặt tiền một nghìn đô la! Các tay chơi khác cũng ném tiền vào. Victor Korontzis nhìn qua Tony Rozzoli không còn hy vọng giúp đỡ. - Tôi không có…! - Được, - Rozzoli nói. Hắn quay sang các người khác. - Hãy nhìn kìa, các bạn, Victor không còn cơ may nào để kiếm được tiền mang về tối nay, nhưng tôi đảm bảo với các anh rằng anh ta sẽ thắng. Hãy cho anh ta vay. Và chúng ta sẽ thanh toán vào cuối buổi này! Prizzi nói: - Làm đi. Thế có nghĩa gì - hội tín dụng à…? Chúng tôi không biết Victor Korontzis có phải từ cái của ông Adam không. Làm sao chúng tôi biết được anh ta sẽ trả được tiền? - Anh hãy tin vào lời tôi, - Tony Rozzoli bảo đảm ấy. - OK. Ở đây sẽ bảo đảm cho tôi. Otto Dalton nói to lên. - Nếu Tony nói ông Korontzis là chơi được thì ông ấy sẽ chơi được. - Được tôi cho rằng được đấy. - Sal Prizzi nhún vai. - Đối với tôi là được, - Perry Breslauer nói. Otto Dalton quay sang Victor Korontzis. - Anh muốn bao nhiêu? - Cho tôi mười nghìn! - Tony Rozzoli nói. Korontzis kiểm tra lại mình và sửng sốt. Mười nghìn đô la, số tiền lớn hơn cả tiền anh kiếm được trong hai năm. Nhưng Rozzoli phải biết anh đang làm gì. Victor Korontzis nuốt nước bọt. - Được… thế là được. Một đống tic-kê đặt trước mặt Korontzis. Các con bài đêm nay là kẻ thù của Victor Korontzis. Vì đi tiền đã mất hết, đống tic-kê mới cũng giảm dần. Tony Rozzoli cũng thua. Khoảng hai giờ sáng, họ nghỉ giải lao. Korontzis kéo Tony Rozzoli ra góc nhà. - Thế nào bây giờ? - Korontzis thì thầm lo lắng. - Trời ơi, anh nên biết, bao nhiêu tiền thì tôi vẫn ủng hộ anh? - Đừng lo gì cả, Victor. Tôi cũng vậy. Tôi đã ra hiệu cho Otto rồi. Khi đến lượt anh ấy cầm cái, ván bài sẽ lật ngược lại Chúng ta đang đánh trúng đòn chúng rồi. Họ lại ngồi vào chỗ. - Cho ông bạn tôi hai mươi ngàn đô la nữa, - Rozzoli nói. Marvin Seymuor cau mày. - Ông có chắc anh ta muốn chơi tiếp không? Rozzoli quay sang Victor Korontzis. - Tuỳ anh đấy. Korontzis do dự. Tôi đã ra hiệu cho Otto rồi. Ván bài sẽ lật ngược. - Tôi chơi. - Ô kê! Các tic-kê giá trị hai mươi ngàn đô la đặt trước mặt Korontzis. Anh nhìn đống tic-kê và tự nhiên cảm thấy rất may mắn. Otto Dalton đang rút bài. - Được, thưa quý vị. Chơi năm con nhé. Đi tiền đầu tiên một ngàn. Các tay chơi để các tic-kê vào giữa bàn. Dalton chia năm con bài cho mỗi người. Korontzis không nhìn vào tay hắn. Tôi sẽ đợi, anh nghĩ. Sẽ may lớn cho xem. - Đặt tiền đi. Marvin Seymuor, ngồi bên phải Dalton, xem tay hắn một lúc. - Tôi thua. - Hắn ném các con bài xuống. Sal Prizzi tiếp: - Tôi sẽ gọi, và tố một ngàn đô la. Hắn đặt các tic-kê của hắn ở giữa bàn. Tony Rozzoli nhìn vào tay mình và nhún vai. - Tôi thua. - Hắn ném bài xuống. Perry Breslauer nhìn vào tay hắn và cười: - Ta sẽ xem tố, và ta sẽ tố năm ngàn đô la nữa. Chỉ còn có sáu ngàn đô la để cho Victor Korontzis còn có thể ngồi vào bàn chơi. Chậm rãi anh đưa tay lên và các con bài ra. Anh không thể tin vào những gì anh nhìn thấy. - Anh cầm một cần hạ một con ngũ, một lục, một thất, một bát và cửu cơ. Một ván bài hoàn hảo! Thế Tony đúng. Nhờ chúa! Korontzis cố giấu sự phấn khích của anh. - Ta sẽ xem họ tố, và ta sẽ tố năm ngàn. - Đó là cái ván bài mà đang làm anh giàu lên. Dalton chịu thua: - Không phải cho tôi qua. - Đến tôi chứ! - Sal Prizzi nói. - Tôi nghĩ anh lại tháu cáy rồi. Tôi sẽ gọi, và tố lên năm ngàn nữa. Victor Korontzis cảm thấy hơi run run và kích động. - Anh ta rút được các con bài của cả cuộc đời. Có lẽ đây là ván bài lớn nhất anh đã chơi. Perry Breslauer đang nhìn vào những con bài trên tay. - Được, tôi nghĩ sẽ gọi và tố năm ngàn nữa, các bạn ạ. Lại đến lượt Victor Korontzis. Anh lại thở sâu một cái. - Tôi sẽ xem các anh, và tố năm ngàn nữa! Anh gần như run lên vì bị kích động. Đó là tất cả khả năng có thể làm để theo kịp khỏi phải bị gạt ra ván chơi. Perry Breslauer xòe tay ra, vẻ thắng lợi rạng rỡ trên nét mặt. - Ba con "Tây". Tôi đã thắng! Victor Korontzis nghĩ: - Không được tốt lắm, - anh cười nhạt. - Sần thật rồi. - Anh đặt các con bài xuống và hăm hở cầm lấy đống tiền. - Cầm đi - Sal Prizzi từ từ đặt tay xuống. - Tôi đánh cuộc anh một sần có ông Tây. Sập tới xì đây. Victor Korontzis mặt tái nhợt. Anh cứ tự nhiên thấy như bị xỉu và tim anh đập mạnh. - Chúa ơi, - Tony Rozzoli nói. - Những con sần trời phạt đó? - hắn quay sang Korontzis. - Tôi xin lỗi, Victor. Tôi… tôi không biết nói thế nào? Otto Dalton nói: - Tôi nghĩ đó chỉ là tối nay thưa quý vị. Hắn nhìn vào một tờ giấy và chuyển cho Victor Korontzis. - Ông nợ sáu mươi nhăm ngàn đô la. Victor Korontzis nhìn xem xét. Tony Rozzoli, ngây người ra. Rozzoli nhún vai tỏ vẻ không giúp gì được anh ta cả. Korontzis kéo ra một khăn mùi xoa và bắt đầu lau lông mày. - Ông muốn trả món đồ như thế nào? - Dalton hỏi. - Tiền mặt hay séc? - Tôi không cần séc, - Prizzi nói, nhìn vào Victor Korontzis. - Tôi sẽ trả tiền mặt. - Tôi… tôi… - lời không nói ra được. Anh cảm thấy như anh đang run. - Tôi… tôi không có khoản… Mặt của Sal Prizzi tối sầm lại. - Anh nói thế nào? - hắn gào lên. Tony Rozzoli nói ngay: - Đợi một phút, Victor muốn nói anh ta không có khoản tiền đó sẵn bây giờ. Tôi nói với các anh, anh ấy sẽ thanh toán tốt. - Anh nói vậy không có nghĩa là để mẩu bánh mì lên bàn tôi phải không Rozzoli. Tôi muốn nhìn thấy tiền của nó. - Anh sẽ có! - Rozzoli nói trấn an. - Anh sẽ có những khoản ấy trong những ngày tới. Sal Prizzi nhẩy chồm lên. - Đồ chết tiệt kiểu đó. Tôi không phải là hội từ thiện. Tôi muốn số tiền đó ngày mai phải có. - Không nên nóng nảy. Anh ấy sẽ giao thôi. Victor Korontzis đã chìm vào giữa cơn ác mộng và không có lối nào ra. Anh ngồi đó, không cựa quậy, chỉ còn biết những người khác đã đi rồi. Chỉ còn Tony và Korontzis với nhau. Korontzis như ngây dại. - Tôi… tôi không thể có được món tiền đó, - anh lầu bầu. - Không bao giờ cả? Rozzoli đặt tay lên vài Korontzis. - Tôi không biết nói với anh thế nào bây giờ, Victor ạ. Tôi không lường được lại xấu đến như vậy. Tôi cho rằng tôi có mất chăng cũng chỉ là số tiền anh đã được hồi tối nay. Victor Korontzis lau nước mắt. - Nhưng… anh có thể gánh cái đó, Tony. Tôi… tôi không thể. Tôi sẽ phải giải thích với họ là tôi không có thể trả họ. Tony Rozzoli nói: - Tôi không nghĩ đến rằng nếu tôi là anh, Victor ạ. Sal Prizzi đứng đầu một Hiệp hội các Thuỷ thủ bờ biển phía đông. Tôi nghe được rằng bọn này chơi rừng lắm. - Tôi không thể giải quyết việc này được. Vì tôi không có tiền, tôi không có tiền. Hắn làm gì được tôi? - Tôi xin giải thích cho anh hắn có thể làm gì anh. - Rozzoli nói thành thực. - Hắn có thể sai bọn tay chân hắn tháo đầu gối anh ra. Anh sẽ không bao giờ còn đi lại được nữa. Hắn còn có thể cho bọn thủ hạ tạt axít vào mắt anh. Anh sẽ chẳng còn nhìn thấy gì hết. Và rồi, khi anh đã phải chịu mọi đau đớn, hắn sẽ quyết định để anh sống như vậy hay giết anh. Victor Korontzis đang nhìn chăm chăm vào Tony, mặt anh xám lại. - Anh… anh nói đùa đấy chứ? - Tôi mong cho đó chỉ là nói đùa. Thật đây là lỗi tại tôi, Victor ạ. Tôi sẽ không bao giờ để anh chơi với con người như Sal Prizzi nữa. Hắn là một sát thủ. - Ôi, Chúa ơi. Tôi sẽ phải làm gì? - Anh có cách gì để kiếm tiền không? Korontzis bắt đầu cười phá lên như điên dại. - Tony… tôi chỉ có thể giúp đỡ gia đình với cái gì tôi làm ra. - Được rồi, chỉ có một điều tôi có thể đề nghị anh rời thành phố này, Victor. Có thể đi khỏi đất nước này. Đi đâu đó mà Prizzi không thể tìm ra anh. - Tôi không thể làm như vậy. - Victor Korontzis mếu máo. Tôi có một vợ và bốn con. - Anh nhìn Tony Rozzoli vẻ thứ lỗi. - Anh nói sẽ có một sự xếp đặt, rằng chúng ta không thể bị thua. Anh đã nói với tôi thế… - Tôi biết. Và tôi thực là rất hối hận. Bao giờ cũng làm việc như vậy trước khi chơi. Chỉ có một điều tôi nghĩ là Prizzi đã lừa. - Mặt Korontzis lại có chút hy vọng. - Được rồi nếu nó lừa, tôi không trả hắn nữa. - Có một vấn đề có liên quan, Victor ạ! - Rozzoli nói rất nhẫn nại. - Nếu anh đổ tội cho hắn là lừa đảo, hắn sẽ giết anh, và nếu anh không trả hắn, hắn cũng sẽ giết anh? - Ôi, cầu chúa! - Korontzis lầm bầm. - Tôi là một người đã chết. - Tôi thực sự cảm thấy khủng khiếp về điều đó. Anh có chắc rằng không có cách nào khác anh có thể lấy… - Tôi sẽ phải sống trăm khiếp đời. Một ngàn kiếp đời. Mọi thứ tôi có đều phải đi cầm cố. Tôi có thể kiếm ở đâu được? Và vào lúc đó Tony Rozzoli mới bất chợt nói lên. - Đợi một chút, Victor? Anh có nói là các chế bản gì ở bảo tàng cũng giá trị lắm phải không? - Ừ, nhưng với những cái đó thì làm được cái gì…? - Hãy để tôi nói hết cái đã. Anh nói rằng các vật sao chép thì cũng tốt như nguyên bản phải không? - Tất nhiên là không rồi. Các chuyên gia nào cũng có thể nói…? - Thôi. Thế là được. Nếu một trong các chế bản đó thiếu, và một vật sao thế vào chỗ đó thì sao? Tôi muốn nói, khi tôi ở trong bảo tàng chỗ có nhiều khách du lịch đi qua đó. Liệu họ có biết được sự khác nhau không? - Không, nhưng tôi… tôi biết anh muốn nói gì rồi. Không, tôi không bao giờ làm thế. Rozzoli nói rất nhẹ nhàng. - Tôi hiểu, Victor ạ. Tôi vừa nghĩ, có thể bảo tàng sẽ thiếu một số ít chế bản đó. Ở đó có nhiều lắm! Victor Korontzis lắc đầu. - Tôi đã làm giám sát bảo tàng này từ hai mươi năm nay. Tôi chưa hề bao giờ nghĩ đến điều đó. - Tôi xin lỗi. Tôi không muốn đề nghị như vậy. Lý do mà tôi nghĩ thế là vì nó sẽ cứu mạng anh, - Rozzoli đứng dậy và vươn vai. - Được, đã muộn rồi. Tôi lo vợ anh không biết anh ở đâu. Victor Korontzis lại nhìn chăm chăm vào hắn: - Cứu mạng tôi à? Thế nào? - Đơn giản thôi. Nếu anh lấy một trong những đồ cổ đó… - Đồ cổ? - Đồ cổ… và đưa cho tôi, tôi sẽ mang ra nước ngoài bán đi cho anh, và trả Prizzi tiền anh đã nợ hắn. Tôi nghĩ tôi có thể thuyết phục nó để nó cho anh nợ lâu hơn. Và anh sẽ thoát khỏi các móc câu này. Tôi không phải giấu giếm gì mà nói thật với anh là tôi cũng có rủi ro lớn vì anh, bởi vì nếu tôi bị bắt tôi sẽ rắc rối to. Nhưng tôi vẫn sẵn sàng làm việc đó vì tôi thấy tôi có nợ anh. Đó là lỗi của tôi đưa anh vào cái tình trạng rối bời này. - Anh là một người bạn tốt, - Victor Korontzis nói. - Nhưng tôi lại không thể trách anh được. Tôi không phải dấn vào cái trò chơi này. Anh cố động viên tôi. - Tôi biết. Tôi lại muốn nó chuyển hoàn toàn khác cơ. - Được chúng ta hãy đi ngủ đi một chút, tôi sẽ nói chuyện thêm với anh ngày mai. Ngủ ngon nhé, Victor. - Ngủ ngon, Tony. * * * * * Có điện thoại gọi ngay đến bảo tàng sáng hôm sau. - Korontzis? - Tôi là Sal Prizzi. - Tôi đang nói về việc nhỏ là sáu mươi nhăm ngàn đô la. Lúc nào tôi đến lấy được? Victor Korontzis bắt đầu khó thở: - Tôi… tôi không có tiền bây giờ, ông Prizzi. Ở đầu dây bên kia, yên lặng hoàn toàn. - Anh chơi cái kiểu gì với tôi đấy? - Tin tôi, tôi chẳng chơi trò gì đâu. Tôi… - Rồi tôi cần lấy lại số tiền chết tiệt ấy của tôi. Rõ chưa? - Dạ, vâng. - Bảo tàng chỗ anh mấy giờ đóng cửa? - Sáu giờ? - Tôi sẽ ở đó. Mang tiền cho tôi, hay tôi sẽ đập vào mặt anh. Và sau hết, sẵn sàng cho mày một trận. Đường dây cắt. Victor Korontzis ngồi đó trong nỗi sợ kinh hoàng. Anh muốn trốn đi. Nhưng trốn ở đâu? Anh đã rơi vào một cảm giác thất vọng hoàn toàn, đầu óc luẩn quẩn với những chữ "nếu". Nếu chỉ cái đêm đó ta không đi đến sòng bạc; nếu như ta chẳng bao giờ gặp Tony Rozzoli; hoặc nếu ta chỉ biết giữ lời hứa với vợ là không bao giờ chơi bạc nữa. Anh lắc lắc đầu như thể làm văng ra những chữ nếu đó. Ta phải làm gì chứ. Bây giờ… Và lúc đó, Tony Rozzoli đi vào văn phòng anh. - Xin chào, Victor. Đã sáu giờ ba mươi. Cán bộ nhân viên đã về nhà và bảo tàng đã đóng cửa từ nửa tiếng rồi. Victor Korontzis và Tony Rozzoli còn đang canh cái cửa trước. Korontzis đã thêm nghị lực. - Nếu hắn nói không thì sao? Nếu hắn đòi tiền tối nay? - Tôi sẽ làm việc với hắn, - Tony Rozzoli nói. - Để tôi nói chuyện với hắn. - Nhưng nếu hắn không biểu lộ gì cả? Hoặc nếu hắn chỉ… anh biết… cho ai giết tôi? Anh nghĩ hắn sẽ làm thế không? - Không đến khi nào mà hắn còn thấy có cơ hội lấy được tiền. - Rozzoli nói rất đáng tin. Vào bảy giờ tối, cuối cùng Sal Prizzi xuất hiện. Korontzis vội chạy ra mở cửa. - Xin chào, - anh nói. Prizzi nhìn Rozzoli. - Các anh đang làm cái chết tiệt gì ở đây? - Hắn quay lại Victor Korontzis. - Đây chỉ là câu chuyện giữa chúng ta! - Cứ như bình thường thôi! - Rozzoli nói. - Tôi ở đây để giúp các anh! - Tôi không cần anh giúp. - Prizzi quay sang Korontzis. - Tiền của tôi đâu? - Tôi… tôi không có. Nhưng… Prizzi nói gằn từng chữ từ cổ họng: - Nghe đây, mày định chọc tao phải không? Mày phải đưa tiền đó cho tao tối nay, hay là tao sẽ quẳng mày cho cá rỉa. Mày hỉểu chứ? Tony Rozzoli nói: - Hê, anh bình tĩnh đi. Các anh sẽ lấy được tiền của các anh. Prizzi quay sang hắn. - Tao bảo mày đứng ra ngoài việc này. Đây không là việc của mày. - Tôi coi việc đó là việc của tôi. Tôi là bạn của Victor. Victor không có tiền mặt ngay giờ, nhưng anh ấy sẽ có cách để có tiền trả anh. - Hắn đã có tiền, hay chưa có hả? - Anh ấy có và chưa có, - Rozzoli nói. - Trả lời cái kiểu gì kỳ lạ? Cánh tay của Tony Rozzoli làm động tác quét khắp buồng: - Tiền ở đây? Sal Prizzi quan sát cái buồng. - Ở đâu? - Trong cái rương này. Các rương này toàn đồ cổ…? - Đồ cổ, - Korontzis nói cứ như là tự phát ra. - Đó là của cải vô cùng quý giá. Tôi muốn nói khoảng hàng triệu. - Ề? - Prizzi quay sang nhìn các rương. - Nếu như các cái rương này để ở nơi nào đó trong bảo tàng thì dễ cho ta dường nào? Ta cần tiền mặt cơ. - Anh sẽ lấy tiền mặt chứ, - Rozzoli nói nhẹ nhàng. - Gấp hai lần số tiền mà bọn tôi nợ anh. Anh chỉ cần kiên nhẫn cho một chút, thế thôi. Victor không phải là con người tráo trở. Anh cần ít thời gian nữa. Tôi sẽ nói với anh kế hoạch của anh ấy. Victor sẽ lấy một trong các đồ cổ này… đồ cổ… và sẽ bố trí bán nó đi. Chừng nào anh ấy lấy được tiền, anh ấy sẽ trả anh. Sal Prizzi lắc đầu. - Tôi không thích cái kiểu đó. Tôi không biết gì về cái món đồ cổ này cả. - Anh không phải lo gì xa cả. Victor là một trong các chuyên gia giỏi nhất thế giới. - Tony Rozzoli đi đến một trong những cái rương và chỉ vào cái phiến đá. - Anh nói rằng cái này giá trị lắm hả. Victor? Victor Korontzis nuốt nước bọt rồi nói. - Đây là nữ chúa Hygea, thế kỷ 14, Trước Công nguyên. Nhà sưu tập nào cũng có thể vui lòng trả cái này khoảng hai hay ba triệu đô la. Rozzoli quay sang Sal Prizzi. - Cái của ông kia. Ông thấy tôi muốn nói gì không? Prizzi cau mày: - Tôi không biết. Tôi phải đợi bao lâu? - Ông sẽ có gấp hai lần số tiền đó trong một tháng. Prizzisuy nghĩ một lát rồi gật đầu: - OK, nhưng nếu tôi phải đợi một tháng, phải chi thêm cho tôi - vài trăm tờ nữa chứ. Tony Rozzoli nhìn sang Victor Korontzis. Korontzis gật đầu thoải mái. - OK, - Rozzoli nói. - Anh được chia một phần. Sal Prizzi đi đến gần người quản lý bé nhỏ. - Tôi cho anh ba mươi ngày. Nếu lúc đó tôi không nhận được tiền của tôi, anh sẽ… Korontzis nuốt nước bọt. - Vâng, thưa ngài. - Hãy nhớ… ba mươi ngày! Hắn nhìn chằm chằm một lúc lâu vào Tony Rozzoli. - Tôi không thích anh! Họ nhìn theo Sal Prizzi đi ra và cùng ra cửa. Korontzis ngồi phịch xuống ghế, lau lông mày. - Ôi lạy Chúa, - anh nói. - Tôi nghĩ nó định giết tôi. Anh có nghĩ ta có thể đưa nó tiền trong vòng ba mươi ngày không? - Được chứ - Tony Rozzoli hứa. - Tất cả mọi việc anh phải làm là chỉ cầm lấy một trong những thứ này ra khỏi cái rương và đặt lại chỗ đó một vật sao chép lại. - Làm sao anh sẽ mang cái đó ra ngoài nước được? Anh sẽ bị bỏ tù nếu họ bắt được anh. - Tôi biết, - Tony Rozzoli nói rất chắc chắn. - Nhưng đó là một may mắn, tôi sẽ phải làm. Tôi đã ơn anh như thế quá nhiều rồi, Victor ạ! * * * * * Một giờ sau, Tony Rozzoli, Sal Prizzi, Otto Dalton uống rượu ở phòng hạng đặc biệt ở khách sạn Dalton. - Nhẹ như lông hồng! - Rozzoli nói kiêu hãnh. - Thằng con hoang đái ra quần. - Tao sợ nó quá, hú? - Sal Prizzi cười gằn. - Mày sợ tao, - Rozzoli nói. - Mày chỉ là một nghệ sĩ chết tiệt. - Việc bây giờ thế nào đây? - Marvin Seymuor hỏi. - Việc bây giờ là, hắn sẽ đưa tao một trong các đồ cổ đó. Tao sẽ tìm cách tẩu ra nước ngoài và bán đi. Rồi, tao sẽ cho chúng mày mỗi đứa một cái đuôi cắt ra. - Rozzoli trả lời. - Đẹp rồi! - Perry Breslauer nói. - Tao thích đấy! Đó thực như một mỏ vàng, Rozzoli nghĩ. Một khi mà Korontzis đã lao vào cái đó, nó sẽ bị móc vào. Chẳng có đường nào cho nó tháo lui được. Ta sẽ làm cho hắn quét sạch toàn bộ cái bảo tàng Chúa phạt này đi. Marvin Seymuor hỏi: - Thế nào, anh đang chuẩn bị đưa hàng ra khỏi nước này bằng cách nào đấy? - Tôi sẽ tìm cách, - Tony Rozzoli nói. - Tôi sẽ tìm ra cách. Nó phải. Và nhanh. Alfredo Mancuso và Gino Laveri đang đợi. Chương 13 Tại trụ sở cảnh sát ở phố Stadiou, người ta triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Trong phòng họp có Cảnh sát trưởng Dmitri, Thanh tra Tinou, Thanh tra Nicolino. Walt Kelly, nhân viên Ngân khố và khoảng nửa tá thám tử. - Không khí cuộc họp thì khác cuộc họp trước đây rất nhiều. Thanh tra Nicolino đang nói, - Chúng ta bây giờ có lý do để tin các thông tin của ông là đúng, ông Kelly. Các chân rết của chúng ta cho chúng ta biết rằng Tony Rozzoli đang cố gắng tìm cách buôn lậu một chuyến hàng rất lớn heroin ra khỏi Anthens. Chúng ta cũng bắt đầu lục soát một số kho hàng khả nghi có thể chứa hàng đó. - Các anh có cho đuôi theo dõi Rozzoli không? - Chúng tôi đã tăng số người sáng nay. - Cảnh sát trưởng Dmitri nói. - Tôi hy vọng với Chúa rằng không quá muộn. - Walt Kelly thở dài. Thanh tra Nicolino đã chỉ định hai đội thám tử chuyên việc theo dõi Tony Rozzoli, nhưng ông đánh giá thấp đối tượng của ông. Buổi chiều thì Rozzoli đã biết hắn có đuôi theo dõi. Bất cứ khi nào hắn rời cái khách sạn nhỏ mà hắn ở, hắn cũng bị bám đuôi, và khi hắn quay về, có ai đó thường hay lẩn quẩn ở sân. Họ là những tay chuyên nghiệp thực sự. Rozzoli thích thế. Đó là một biểu hiện người ta tôn trọng hắn. Bây giờ, hắn không những phải tìm cách đưa heroin ra khỏi Anthens, mà hắn còn sẽ phải buôn lậu cả những đồ cổ vô giá. Alfredo Mancuso và Gino Laveri đều cưỡi ngựa trên lưng ta và cảnh sát thì luôn luôn theo dõi ta như tấm giẻ rách. Ta phải tiếp xúc nhanh mới được. Chỉ có một cái tên nảy ra trong đầu là Ivo Bruggi, một chủ tàu nhỏ ở Rome chưa lâu lắm. Rozzoli trước đây đã làm ăn với Bruggi. Đó là một cuộc làm ăn thử không thành công, nhưng dù sao còn hơn không có gì. Rozzoli chắc chắn cho rằng điện thoại ở buồng khách sạn của anh bị ghi âm. Ta đã phải có một nơi riêng để ở đó ta có thể nhận được điện gọi đến khách sạn. Hắn ngồi đó nghĩ một lúc lâu. Cuối cùng, đứng dậy hắn đi qua buồng phía bên kia phòng lớn và gõ cửa. Một người đã nhiều tuổi, vẻ mặt hơi buồn mở cửa. Rozzoli làm ra vẻ vui mừng. - Xin lỗi - hắn nói. - Tôi xin lỗi đã làm phiền ông. Tôi ở buồng bên cạnh, bên kia phòng lớn. Tôi muốn hỏi liệu tôi có thể vào nói chuyện với ông một phút có được không ạ? Người đàn ông ngắm nhìn hắn vẻ nghi ngờ. - Để cho chu đáo, tôi muốn thấy ông mở cửa phòng ông. Tony Rozzoli cười. - Nhất định rồi. - Hắn bước qua phòng lớn, lấy chìa khoá ra, và mở cửa. Người đó gật đầu. - Được rồi. Mời vào. Tony Rozzoli đóng cửa buồng hắn và đi vào buồng bên kia phòng lớn. - Ông muốn gì vậy? - Quả là một việc cá nhân, và tôi rất ngại làm phiền ông, nhưng… Vâng, sự thật là, tôi đang sắp phải ly dị, và vợ tôi đang theo dõi tôi. Hắn lắc đầu tỏ vẻ không muốn tí nào. - Cô ta còn kiểm soát cả điện thoại ở phòng tôi. - Đàn bà! - ông láng giềng gầm gừ. - Chúa phạt bọn họ tôi cũng vừa phải ly dị vợ tôi năm ngoái. Đáng ra tôi phải làm việc đó từ mười năm trước. - Thế à? - Dù sao thì, điều mà tôi muốn nhờ ông là, nếu ông có lòng tốt, xin ông cho một số bạn tôi được biết số điện thoại của ông để gọi đến tôi ở đây. Tôi xin hứa với ông là không có nhiều người gọi đâu. Người đàn ông lúc lắc đầu. - Tôi không thể bị quấy rầy. Rozzoli rút ra tờ một trăm đô la khỏi túi. - Đây là để làm phiền ông. Người đàn ông liếm môi. - Ồ, được, nhất định, - Ông nói. - Tôi cho rằng chẳng có gì ngại cả. Tôi sung sướng được giúp một người bạn chịu đau khổ. - Ông thật là tốt quá. Vậy khi nào có điện thoại gọi tới, xin ông gõ cửa phòng tôi. Tôi sẽ ở nhà suốt cả thời gian. - Được! Sáng sớm hôm sau, Rozzoli đi đến trạm điện thoại công cộng để gọi cho Ivo Bruggi. Hắn quay số tổng đài và xin gọi về Rome. - Singor Bruggi, per piacere. - Non c è in casa! - Quando arriverà? - Non lo so! - Gli dica, di chinamare il Singor Rizzoli. Rozzoli để lại số điện thoại tổng đài của khách sạn và số buồng ông hàng xóm. Hắn đi về buồng hắn. Hắn tức cái buồng này. Có người nào đã nói với hắn là tiếng Hy Lạp, khách sạn là xenodochion, có nghĩa là nơi chứa người lạ. Đó còn hơn là nhà tù…, Rozzoli nghĩ vậy. Đồ đạc thì xấu xí: một cái sofa xanh đã cũ, hai cái bàn đã bị gặm xước ở hai đầu, một bàn để viết nhỏ có đèn và một cái giường kiểu Torquemada. Hai ngày sau đó, Tony Rozzoli nằm lì ở buồng mình, đợi gọi cửa, và nhờ một thằng bé sai vặt ở khách sạn đi mua đồ ăn. Chẳng ai gọi cả. Cái thằng Ivo Bruggi chết tiệt ở đâu mất tiêu rồi? Đội theo dõi báo cáo Thanh tra Nicolino và Walt Kelly. - Rozzoli nằm lì ở khách sạn. Hắn không đi đâu mua bán gì trong hai mươi tám giờ rồi. - Các anh có chắc chắn hắn ở trong đó không? - Vâng, thưa ngài. Nhưng người hầu phòng nhìn thấy hắn buổi sáng và cả tối khi họ dọn buồng. - Thế có điện thoại gì không? - Không có gì cả ạ. Anh muốn chúng tôi làm gì? - Ngồi yên. Rồi hắn chẳng chóng thì chày cũng phải hoạt động. Chắc chắn băng ghi âm điện thoại buồng hắn vẫn tốt. Ngày hôm sau, điện thoại buồng Rizzili réo. Shit? Bruggi không thể gọi hắn ở buồng này. vì hắn đã nhắn cho cái thằng cha ngốc nghếch đó gọi hắn ở buồng ông hàng xóm. Hắn thận trọng. Rozzoli nhấc điện thoại lên. Một tiếng nói: - Có phải Tony Rozzoli đó không? Đó không phải tiếng nói của Ivo Bruggi. - Ai đấy? - Anh đến gặp tôi ở văn phòng tôi vào một ngày khác để bàn về công việc nhé, ông Rozzoli. Tôi gạt anh ra đấy! Có lẽ anh và tôi phải bàn bạc lại việc đó. Tony Rozzoli cảm thấy run lên vì sự vui mừng đột ngột. Spyros Lambrous? Thằng con hoang đã quay lại rồi. Hắn không thể tin vào vận may của hắn. Mọi vấn đề đã được giải quyết Ta có thể chuyển heroin và đồ cổ cùng một lúc. - Ề. Rõ rồi. Rất may cho ta để thảo luận về việc đó. Khi nào anh muốn gặp? - Anh có thể đến chiều nay được không? Thế là hắn đang muốn làm ăn lắm. Bọn giàu có chết tiệt đều giống nhau cả. Chúng không bao giờ thoả mãn. - Được ở đâu? - Sao anh không đến văn phòng của tôi? - Tôi sẽ đến đó. - Tony Rozzoli bỏ ống nghe xuống, tự tin. Trong hành lang của khách sạn, một tên thám tử mất công toi mấy ngày hôm nay đang báo cáo về ban chỉ huy. - Rozzoli vừa có cú điện thoại của người này, nhưng không rõ tên và chúng tôi chưa tìm được tông tích của cú điện thoại. - Được, theo dõi hắn khi hắn rời khách sạn. Cho tôi biết hắn đi đâu. - Vâng thưa ngài. Mười phút sau, Tony Rozzoli bò qua thành cửa sổ đi theo con đường nhỏ đằng sau khách sạn. Hắn thuê xe taxi hai lần để đảm bảo hắn không bị theo dõi, và nhẩy ngay vào văn phòng Spyros Lambrous. Từ ngày Spyros Lambrous đến thăm Melina ở bệnh viện, ông đã thề là phải trả thù cho em gái ông. Nhưng ông không thể nghĩ ra được một kiểu trừng phạt vào xứng đáng cho Constantin Denmiris. Rồi sau chuyến Georgios Lato đến thăm và nhất là sau những tin đáng tin mà bà Piris đã nói cho ông, một vũ khí đã đặt vào tay ông để ông có thể cho tiêu cái thằng em rể. Thư ký của ông báo: - Có ông Anthony Rozzoli đến gặp ông, ông Lambrous. Ông ta không có hẹn và tôi đã nói ông không thể… - Cho hắn vào. - Vâng, thưa ngài. Spyros Lambrous ngắm nhìn khi Rozzoli đi vào qua cửa, tươi cười và thân mật. - Cám ơn ông đã đến, ông Rozzoli. Tony Rozzoli cười. - Rất vui mừng. Thế là ông đã quyết định ông và tôi sẽ làm việc cùng nhau? - Không. Nụ cười của Tony Rozzoli nhạt ngay. - Ông nói gì thế? - Tôi nói "Không". Tôi không có ý định làm ăn với anh. Tony Rozzoli trố mắt nhìn, ấp úng. - Vậy cái gì xui khiến ông gọi cho tôi? Ông nói ông có lời bàn với tôi và… - Tôi có. Thế anh có thích sử dụng các đội tàu của Constantin Denmiris không? Tony Rozzoli như muốn xỉu ra trên ghế. - Constantin Denmiris? Ông đang nói gì vậy? Hắn chưa bao giờ… - Vâng, hắn sẽ. Tôi có thể hứa với anh rằng ông Denmiris sẽ rất may mắn để chiều ông bất cứ cái gì ông muốn. - Vì sao? Hắn sẽ được cái gì cơ? - Chẳng được gì cả! - Như vậy không có lý. Tại sao Denmiris lại làm một việc như vậy? Lambrous ấn nút liên lạc nội bộ: "Mang cà phê lên nhé". Ông nhìn Tony Rozzoli: - Thế anh muốn làm gì cho anh? - Ê, đen, không pha đường. - Đen, không pha đường, cho ông Rozzoli. Khi cà phê đã bưng ra, và người thư ký đã đi ra khỏi. Spyros Lambrous nói: - Tôi sẽ nói với anh một chuyện nhỏ, anh Rozzoli ạ! Tony Rozzoli vẫn đang nhìn ông, vẻ đề phòng. Constantin Denmiris đã lấy em tôi. Mấy năm trước đây hắn đã có một cô bồ. Tên cô ta là Noelle Page! - Nghệ sĩ, có phải không? - Ừ. Cô ta đã lừa dối hắn và lại dan díu với một người tên là Larry Douglas. Noelle và Douglas bị ra toà vì đã giết vợ Douglas bởi vì cô vợ này không muốn cho phép anh ta ly dị. Constantin Denmiris thuê một luật sư tên là Napoleon Chotas để bảo vệ cho Noelle. - Tôi nhớ được một số tin về vụ án. - Có nhiều điều người ta không nêu trên báo. Anh thấy, ông em rể tôi không có ý định cưu mang cô bồ không trung thành của nó. Nó muốn trả thù. Nó thuê Napoleon Chotas để Noelle Page phải bị buộc tội. Gần cuối buổi xử án, Napoleon Chotas nói với các bị cáo rằng hắn đã thông đồng với các quan toà để giảm nhẹ tội nếu họ chỉ cần nhận là có tội. Đó là lời nói dối. Họ nhận tội là có tội và bị hành quyết. - Có thể cái ông Chotas này thực nghĩ rằng… - Để tôi kể hết hãy. Xác cô Catherine Douglas không bao giờ tìm được. Lý do không bao giờ tìm thấy được là cô ấy còn sống, Rozzoli à. Constantin Denmiris đã giấu cô ta đi đâu đó! Tony Rozzoli đang chăm chú nhìn ông. - Đợi một phút. Denmiris biết nàng còn sống, và ông ta vẫn còn để cho bồ của mình và bạn trai của cô bị chết vì đã giết nàng? - Đúng như vậy. Không hiểu chính xác luật lệ lắm, nhưng tôi không chắc rằng sự việc phải được giải quyết, cậu em rể của tôi phải vào tù một thời gian. Hay chí ít, nó chắc cũng phải điêu tàn. Tony Rozzoli ngồi đó, nghĩ về những điều hắn vừa được nghe. Có một số chi tiết làm hắn không hiểu hết. - Ông Lambrous, vì sao ông lại kể cho tôi nghe chuyện này? Môi Spyros Lambrous chuyển từ từ thành một nụ cười kéo dài. - Bởi vì tôi nợ nó một sự chiếu cố. Tôi muốn anh đến gặp nó rất may mắn để cho anh sử dụng tàu của nó. Chương 14 Trong người ông như có một cơn giông tố mà ông không kiềm chế nổi, và còn một nơi lạnh íẽo ẩn sâu vào trái tim ông mà không một kỷ niệm nồng ấm nào làm tan biến đi được một năm trước đây, ông đã bắt đầu những việc để trả thù Noelle. Ông tưởng rằng tất cả đã qua đi, và quá khứ đã bị vùi sâu, sẽ không có gì xảy ra cho ông, nếu không có một hậu quả không lường được, Catherine Alexander đã sống lại. Và điều đó cần phải cho đi cả Frederick Stavros và Napoleon Chotas. Họ đã chơi trong một cuộc chơi chết người với ông và họ đã thắng. Nhưng điều làm Constantin Denmiris sửng sốt nhất là ông thích thú những nguy cơ, những tột cùng của sự phấn khích. Công việc làm ăn rất hấp dẫn ông nhưng nếu so với cuộc chơi sinh mạng và chết chóc này thì chỉ là mờ nhạt mà thôi. Ta là một tên giết người, Denmiris suy nghĩ. Không không phải là tên giết người. Một người thực thi. Và thay vì phải ăn năn về điều đó, ông lại còn thấy như đời thêm vui. Hàng tuần Constantin Denmiris đều nhận được báo cáo về các hoạt động của Catherine Alexander. Đến nay, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Các hoạt động xã hội của nàng đều gắn liền với những người cùng làm việc với nàng. Theo như Evenlyn cho biết thì Catherine thỉnh thoảng có đi ra ngoài với Kirk Reynolds. Nhưng từ khi Reynolds làm việc cho Denmiris, đến nay không có vấn đề gì. Cô gái nghèo phải tuyệt vọng, Denmiris nghĩ. Reynolds cũng rất bối rối. Anh cũng không thể nói chuyện gì ngoài luật pháp. Nhưng đó là việc tốt cả Điều làm Catherine tuyệt vọng nhất là tình bạn, điều này đối với ông thì dễ. Ta còn phải nợ Reynolds nhiều lời cám ơn. Catherine gặp Kirk Reynolds đều đều, và nàng cảm thấy ngày càng bị anh cuốn hút. Anh không đẹp trai, những chắc chắn anh rất hấp dẫn. Ta đã đọc được bài học đẹp trai với Larry, Catherine nghĩ vẫn sờ sợ. Câu nói cố xưa vẫn đúng: Đẹp trai chỉ là vì nó đẹp trai. Kirk Reynolds là một con người có suy nghĩ và đáng tin cậy. Anh là người mà ta có thể nương nhờ, Catherine nghĩ. Ta không cảm thấy một tia lửa nào bừng sáng lên, nhưng chắc chắn ta không bao giờ muốn thế nữa. Larry đã quan tâm đến việc đó. Ta bây giờ đã già dặn để sống với một người mà ta tôn kính, ai tôn trọng ta, là một người bạn đồng hành thì với người đó, ta có thể chia sẻ một cuộc sống đẹp đẽ và yên lành, không phải lo lắng bị ném lên đỉnh núi hay bị chôn vùi trong hang động tối tăm. Họ đến rạp hát để xem vở Người phụ nữ không phải để bốc cháy của Christopher Fry và vào một buổi khác Thuỷ triều tháng chín nơi Gertruder Lawrence đóng. Họ đến các câu lạc bộ đêm. Dàn nhạc hình như đang chơi bản "Người thứ ba và cuộc sống hoa hồng". - Tuần tới tôi sẽ đi St. Moritz, - Kirk Reynolds nói với Catherine. - Cô có nghĩ về điều đó không? Catherine đã nghĩ nhiều về việc đó. Nàng tin chắc rằng Kirk Reynolds đã yêu nàng. Và ta cũng yêu anh, Catherine cũng nghĩ vậy. Nhưng yêu và được yêu là haỉ cái khác nhau, có phải không? Hay ta chỉ là một con người lãng mạn ngốc nghếch? Ta đang mong đợi điều gì? Một Larry khác chăng? Hay một ai quỳ dưới chân ta, nhưng ta lại yêu say đắm một người đàn ông khác, và cố tìm cách giết ta? Kirk Reynolds có thể là người chồng tuyệt vời. Sao ta lại do dự? Chiều tối hôm đó, Catherine và Kirk ăn ở nhà hàng Mirabelle, và khi họ đang ăn món tráng miệng, Kirk nói: - Catherine, có thể là em không biết, anh đã yêu em. Anh muốn cưới em. Nàng tự nhiên đâm ra hoảng sợ. - Kirk… Và nàng không rõ đã nói gì. Lời nói tiếp theo, Catherine nghĩ, là phải thay đổi cuộc đời mình. Nếu nói đồng ý thì giản đơn. Điều gì đã làm ta từ chối? Có phải chăng đó là sự sợ hãi quá khứ? Ta cứ phải sống suốt đời trong sợ hãi hay sao. Ta không thể để điều đó lại xảy ra. - Cathy… - Kirk… Sao chúng ta lại không đi St. Moritz cùng nhau? Khuôn mặt của Kirk sáng lên. - Như thế nghĩa là… - Chúng ta sẽ thấy. Khi mà anh thấy em trượt tuyết, chắc anh sẽ không muốn lấy em! Kirk cười. - Không có gì trên thế giới này ngăn được anh muốn cưới em. Em đã làm anh trở thành một người hạnh phúc. Chúng ta sẽ lên đến đó vào ngày mồng năm tháng mười một. Ngày kỷ niệm Guy Fawkes! - Ngày kỷ niệm Guy Fawkes là gì? - Đó là một câu chuyện hấp dẫn. Vua James thời đó có chính sách bài Gia-tô giáo rất ghê gớm, do vậy một nhóm người Lã Mã theo Gia-tô giáo đã âm mưu lật đổ chính phủ. Một người lính tên là Guy Fawkes đã được điều từ Tây Ban Nha sang để chỉ đạo thực hiện âm mưu này. Anh ta đã bố trí một tấn thuốc súng, đựng trong ba mươi sáu thùng gỗ, giấu ở dưới nền Nhà các Nghị viện. Nhưng buối sáng mà họ định cho nổ Nhà các Nghị viện, một trong các đồng bọn tố cáo họ, và tất cả bọn bị bắt. Guy Fawkes bị tra tấn dã man, nhưng anh không nói. Tất cả bị hành hình. Bây giờ, hàng năm ở Anh Quốc, vào ngày phát giác ra âm mưu đó, người ta kỷ niệm bằng pháo và các trò đốt lửa, các em bé làm các hình người tượng trưng gọi là "Guys". Catherine lắc đầu. - Đó là ngày hội bị cấm! Anh cười nàng, và nói nhỏ: - Anh hứa với em rằng ngày hội của chúng ta sẽ không bị cấm. Đêm hôm trước họ định đi, Catherine đã gội đầu, đóng bộ rồi lại cởi ra mặc vào hai lần và cảm thấy thích thú muốn phát ốm, nàng chỉ biết có hai người đàn ông có quan hệ xác thịt trong đời nàng, William Fraser và chồng nàng. Họ còn dùng từ "quan hệ xác thịt" không nhỉ? Catherine nghĩ vậy. Trời ơi, tôi hy vọng tôi nhớ mãi thế là thế nào. Họ nói rằng cứ như là đạp xe đạp, khi mà bạn đã làm như thế, bạn không bao giờ quên. Có thể anh ta chuẩn bị làm tôi thất vọng trên giường. Có thể tôi sẽ bị thất vọng với tôi trên giường. Có thể tôi sẽ không suy nghi gĩì về việc đó và đi ngủ. * * * * * - Ông Denmiris, Catherine Alexander sáng nay đã đi St. Moritz. Yên lặng. - St. Moritz? - Vâng, thưa ông! - Cô ấy đi một mình à? - Không thưa ông. Cô ấy đã đi cùng Kirk Reynolds. Lần này yên lặng lâu hơn. - Cám ơn, Evenlyn. Kirk Reynolds! Không thể thế được. Nàng mong gì ở hắn? Ta đã đợi quá lâu rồi. Ta phải hành động nhanh hơn. Ta phải làm một việc gì chứ. Ta không thể để nàng… Vừa lúc đó, người thư ký nói nhỏ qua điện thoại: - Ông Denmiris, có ông Anthoy Rozzoli đến gặp ông. Ông ta không có hẹn và… - Lúc này, sao anh cứ làm phiền tôi? - Denmiris hỏi, đập mạnh điện thoại xuống. Lại có tiếng tiếp. - Tôi xin lỗi làm phiền ông. Ông Rozzoli nói rằng ông ta muốn chuyển lời ông Lambrous nhắn ông. Ông ấy nói rất quan trọng. Một lời nhắn? Lạ nhỉ. Làm sao ông anh vợ ông lại nhờ nhắn mình nhỉ? - Cho hắn vào. - Vâng, thưa ông. Tony Rozzoli đã vào phòng Constantin Denmiris. Hắn nhìn xung quanh phòng như có vẻ xem xét. Căn phòng này còn rộng hơn cả phòng làm việc của Spyros Lambrous. - Rất vui được gặp ông, ông Denmiris. - Anh có hai phút. - Spyros sai tôi. Anh ấy nghĩ ông và tôi sẽ phải nói chuyện với nhau. - Thật thế à? Và chúng ta phải nói chuyện về cái gì? - Xin phiền ông tôi ngồi xuống được chứ? - Tôi không cho rằng anh không phải ở lại đây lâu. Tony Rozzoli đặt mình ngồi trên chiếc ghế ngay trước mặt Denmiris. - Tôi có một nhà máy chế tạo, ông Denmiris ạ. Tôi phải chuyên chở nhiều thứ từ khắp nơi trên thế giới. - Tôi hiểu. Và anh muốn thuê một trong những con tàu của tôi? - Đúng thế. - Thế thì vì sao Spyros cừ anh gặp tôi? Sao anh không thuê tàu của ông ấy? Hiện nay, ông ta có hai tàu không có việc nằm chơi. Tony Rozzoli nhún vai: - Tôi cho rằng ông ta không thích những hàng tôi chở. - Tôi không hiểu. Thế ông chở gì? - Thuốc, - Tony Rozzoli nói một cách tế nhị. - Hêroin à? - Constantin Denmiris chăm chăm vào hắn, vẻ không tin. - Và anh mong tôi? Đi ra khỏi đây, trước khi tôi gọi cảnh sát! Rozzoli hơi cúi đầu nghiêng về phía điện thoại. Đi ngay đi! Hắn nhìn Denmiris với tới điện thoại. - Tôi cũng muốn nói với họ mọi chuyện về cái vụ xử Noelle Page và Larry Douglas. Constantin Denmiris tức run lên. - Anh đang nói cái gì vậy? - Tôi đang nói về hai người bị hành quyết vì giết một phụ nữ mà cô ta đang còn sống. Mặt Constantin Denmiris đã chuyển sang trắng bệch. - Ông có nghĩ rằng cảnh sát sẽ quan tâm đến vụ này không ông Denmiris? Nếu không thì có thể báo chí sẽ nói đến, hừ? Tôi có thể thấy những dòng tít ngay từ bây giờ, có phải không ông? Tôi có thể gọi ông là Costa? Spyros bảo tôi bạn bè ông gọi ông là Costa, và tôi nghĩ ông và tôi đang trở thành những người bạn tốt. Ông có biết vì sao không? Bởi vì bạn tốt không bao giờ bỏ bạn mình khi khó khăn. Chúng tôi phải giữ cái mấu chốt đó không sợ ông lộ cái bí mật ra, có phải không? Constantin Denmiris ngồi như đóng đinh vào ghế. Khi ông nói, giọng cục cằn: - Đó là điều anh muốn phải không? - Tôi nói với ông. Tôi muốn thuê một cái tàu. Ông và tôi là những người bạn tốt, tôi không nghĩ rằng ông muốn tính tiền cho tôi thuê tàu, có phải không? Nghĩa là đây là một thiện chí đổi lấy một thiện chí. Denmiris thở sâu. - Tôi không thể để anh làm thế được Nếu việc đó lộ ra tức là tôi để cho thuốc phiện được buôn lậu trên tàu của tôi, tôi sẽ mất cả đội tàu. - Nhưng việc đó không thể bị lộ ra được, có phải không? trong công việc của tôi, tôi không quảng cáo. Chúng ta đang làm việc này rất yên lặng. Lời nói của Denmirism rất cứng nhắc. - Anh đang mắc một sai lầm lớn. Anh không thể tống tiền tôi. Anh có biết tôi là ai không? - À, ông là đối tác mới của tôi. Ông và tôi đang cùng nhau làm một việc từ lâu rồi, cậu bé Costa ạ, bởi vì nếu anh nói không, lập tức tôi đến gặp ngay cảnh sát và báo chí và họ sẽ bóc trần ngay câu chuyện đó. Và rồi cả tiếng tăm của anh cũng đi tong, như nước cống mà thôi. Một không khí yên lặng đau đớn kéo dài giây lát. - Thế nào - Thế ông em rể thấy sao? - Rozzoli cười gằn. - Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tôi đã tóm được hai cái hòn của anh. Nếu tôi bóp mạnh, anh sẽ thành một thằng hoạn quan. Anh sẽ được hát giọng nữ cao suốt đời và sẽ được hát trong xà lim nhà tù. Tony Rozzoli nhìn vào đồng hồ đeo tay của hắn. - Chúa ơi mất hết hai phút rồi. - Hắn đứng thẳng lên. - Tôi cho anh sáu mươi giây để quyết định hoặc là tôi đi khỏi đây như một đối tác của anh - hoặc là tôi phải đi ra hẳn. Constantin Denmiris đột nhiên trông già đến mười tuổi. Mặt ông không còn thần sắc nữa. Ông không còn mơ hồ gì nếu câu chuyện thật về vụ án đó lộ ra thì điều gì sẽ đến. Báo chí bọn chúng nó sẽ ăn sống nuốt tươi ông. Bọn chúng sẽ tô vẽ ông như một con quái vật, một tên giết người. Bọn nó sẽ còn mở điều tra cả về cái chết của Stavron và Chotas. - Sáu mươi giây của ông đã hết. Constantin Denmiris từ từ gật đầu: - Được! - ông làu bàu - Được. Tony Rozzoli cười đắc chí xói vào ông. - Anh khôn ngoan lắm! Constantin Denmiris chậm rãi đứng lên. - Tôi sẽ để anh lần này mang cái đó đi, - ông nói. - Tôi không cần biết khi nào anh làm và làm ra sao. Tôi sẽ cho một người của anh đi trên tàu của tôi. Như thế là tôi đã hết sức rồi đấy. - Đó là một cách giải quyết. - Tony Rozzoli nói. Hắn nghĩ. Có thể mày không khôn ngoan đâu. Mày buôn lậu một chuyến heroin và mày sẽ bị mắc, cậu bé Costa à. Không có cách nào tao lờ mày đi đâu. Hắn nói to lên được rồi, đó là một cách giải quyết. Trên đường trở về khách sạn, Tony Rozzoli rất hoan hỉ vì đã thắng. Một con Tẩy. Thuốc phiện không bao giờ dám mơ được sờ tới đội tàu của Constantin Denmiris. Chúa ơi, từ nay về sau ta có thể chất lên bất cứ con tàu nào của nó ra khơi từ đây. Tiền sẽ quay vòng. Ngựa(1) và đồ cổ - xin lỗi Victor nhé, hắn cười to lên - đồ cổ. Rozzoli đi đến điện thoại công cộng trên phố Stadiou, và gọi hai cú điện thoại. Cú thứ nhất gọi đến Pete Lucca ở Palermo. - Anh có thể cho hai con khỉ đột của anh đi khỏi đây, Pete ạ, và đưa bọn nó về sở thú của chúng nó. Hàng đã sẵn sàng đi. Sẽ đi bằng tàu biển. - Anh có chắc là các kiện hàng được an toàn không? Rozzoli cười: - Còn an toàn hơn ngân hàng Anh Quốc. - Tôi sẽ nói với anh khi gặp. Và còn có nhiều tin vui. Từ nay, chúng ta sẽ có thể chở mỗi tuần một chuyến tàu. - Tuyệt quá, Tony - Tôi vẫn biết có thể trông mong ở anh! Mày, đồ quỷ dữ địa ngục, thằng con hoang. Cú điện thoại thứ hai gọi đến Spyros Lambrous. - Mọi việc tốt ông em rể anh và tôi đang cùng nhau làm ăn. - Chúc mừng, tôi rất vui nghe tin đó, ông Rozzoli à. Khi Spyros Lambrous đặt ống nghe xuống, ông ta cười. - Cả bọn ma tuý này sẽ bị nữa. Constantin Denmiris ở lại qua đêm ngay tại phòng làm việc. Ngồi cạnh bàn làm việc, xem xét những vấn đề mới. Ông đã tự trừng phạt mình về chuyện đối với Noelle Page và bây giờ nàng từ mồ trở về để săn tìm ông. Ông với tay vào ngăn kéo và lấy ra một khung ảnh Noelle. Hello, con chó cái. Trời, nàng đẹp quá! Sao em lại muốn hại anh. - Được chúng ta sẽ xem. Chúng ta sẽ xem sao. Chú thích: (1) Ngựa: (tiếng lóng) thuốc phiện Chương 15 St. Moritz là một nơi đầy quyến rũ. Có hàng dặm sườn đồi để trượt tuyết, có các con đường leo núi, có nơi đua trượt cho xe hai người và xe trượt kéo, có nơi đấu bóng nước và hàng tá trò chơi hoạt động khác. Uốn vòng quanh mặt hồ lấp lánh trong thung lũng Engadine cao hơn mặt nước biển 6000 bộ dọc phía nam sườn dãy Alpes, giữa Celerina và Piz Nair là ngôi làng nhỏ Catherine rất thích. Catherine và Kirk Reynolds vào khách sạn Palace thần tiên. Đại sảnh đầy các khách du lịch từ hàng chục nước. Kirk Reynolds nói với một nhân viên lễ tân: - Dành một buồng cho ông và bà Reynolds! Và Catherine nhìn lơ. Ta phải đeo một nhẫn cưới mới được. Nàng chắc là ai ai trong đại sảnh này cũng nhìn nàng, không hiểu nàng làm nghề gì. - Dạ, vâng, thưa ông Reynolds. Buồng đặc biệt số 215! Nhân viên lễ tân đưa chìa khoá cho một người hầu, và người hầu nói: - Thẳng đường này ạ. Họ được dẫn đến một buồng đặc biệt xinh đẹp, trang bị đồ gỗ đơn giản, qua mỗi cửa sổ có thể nhìn ra phong cảnh núi non ngoạn mục. Khi người hầu ra khỏi, Kirk Reynolds ôm Catherine: - Anh không thể không nói em làm anh hạnh phúc biết nhường nào, em yêu. - Em… đã lâu rồi, Kirk nhỉ? - Catherine trả lời. - Đừng lo. Anh không vội vã với em đâu. - Anh đáng yêu quá, Catherine nghĩ nhưng anh sẽ thấy thế nào nếu ta nói với anh về quá khứ của ta? Nàng chưa bao giờ nói với anh về Larry, hoặc vụ giết người, hay bất cứ điều gì thật kinh khủng đã xảy ra với nàng. Nàng muốn gần gũi anh, tin cậy anh, nhưng có điều gì lôi nàng lại. - Để em cởi quần áo hãy, - Catherine nói. Nàng cởi quần áo từ từ, rất chậm và đột nhiên nàng đã nhận ta rằng nàng phải lảng tránh, nàng sợ phải kết thúc cái mà nàng đang làm bởi vì nàng sợ những gì sẽ xảy ra sau đó. Từ buồng kế bên, nàng nghe Kirk gọi: - Catherine… - Ôi lạy chúa, anh ấy sắp nói cởi quần áo ra và lên giường. Catherine nuốt nước bọt và nói khẽ: - Vâng. - Sao chúng ta không đi ra ngoài và nhìn cảnh vật xung quanh? Catherine như trút được nỗi sợ hãi. - Thật là một sáng kiến tuyệt vời, - nàng nói rất tình tứ. Điều gì đã đến với ta. Ta đang ở một nơi nên thơ nhất trên trái đất, với một người đàn ông hấp dẫn yêu ta, và ta lại hoảng sợ. Reynolds đang nhìn nàng một cách lạ lùng: - Em có sao không đấy? - Không sao - Catherine tươi cười nói - Rất khỏe. - Em như lo buồn điều gì! - Không. Em… em đang nghĩ về… về trượt tuyết. Giả dụ sẽ bị nguy hiểm. Reynolds cười: - Đừng bận tâm. Chúng ta sẽ bắt đầu ở sườn dốc thoai thoải, ngày mai. Nào đi. Họ mặc quần áo ấm, quần bó và đi ra ngoài không khí trong lành và sảng khoái. Catherine hít thở thật sâu. - Ôi, tuyệt quá Kirk. Em thích nơi đây. - Em chưa thấy nơi nào như thế này ư?, - anh cười - Vào mùa hè, còn đẹp gấp hai nữa kia. Liệu anh còn muốn gặp ta vào mùa hè không? Catherine nghĩ vậy. Hay ta sẽ phải làm anh bực mình nữa? Tại sao ta phải lo lắng quá như vậy? Làng St. Moritz là một làng đầy vẻ quyến rũ, kiến trúc kiểu thời trang trung cổ, có rất nhiều cửa hàng và khách sạn kiểu cổ nhưng vô cùng hấp dẫn và có những ngôi nhà gỗ dọc theo chân dãy núi Alpes hùng vĩ. Họ đi lang thang quanh các cửa hàng, Catherine mua một số quà tặng cho Evenlyn và Wim. Họ dừng ở quán cà phê nhỏ và ăn mấy chiếc bánh. Buổi trưa, Kirk Reynolds thuê một xe kéo với một đàn chó, và họ cho xe đi dọc theo con đường phủ tuyết lên đến tận đồi, tuyết lạo xạo dưới hai thanh trượt kim loại. - Thích không em? - Reynolds hỏi. - Ô vâng Catherine nhìn anh và nghĩ. Ta sắp làm anh hạnh phúc. Tối nay. Vâng, tối nay. Ta sắp làm cho anh hạnh phúc tối nay. Chiều tối hôm đó, hai người tới tại khách sạn ở Stubi; một nhà hàng có không khí như là một quán ăn nông thôn cổ xưa. - Cái buồng này đã có từ năm 1480, - Kirk nói. - Chúng ta không nên gọi món bánh mì. - Vì sao? - À chuyện đùa một tí. Xin lỗi! Larry đã từng hiểu chuyện đùa của ta, sao ta lại nghĩ về anh ấy? Vì ta không muốn nghĩ gì tối nay. Ta cảm thấy ta như Marie Antoinette sắp bị hành hình. Ta không muốn ăn bánh để tráng miệng. Bữa ăn tuyệt ngon, nhưng Catherine quá căng thẳng nên không thích thú lắm. Khi họ ăn xong, Reynolds nói: - Ta lên buồng chứ? Anh sẽ chuẩn bị một bài giảng trước về trượt tuyết cho em vào buổi sáng ngày mai! - Chắc chắn nhé. Tốt. Chắc chắn đấy. Họ bắt đầu lên gác, Catherine thấy rằng trái tim nàng như tan nát. Anh ấy sắp nói "Chúng ta lên giường luôn đi" Và sao anh ấy lại không làm như vậy? Đó là lý do vì sao ta lại đến đây, có phải thế không? Ta có thể nói lảng tránh rằng ta đến đây để trượt tuyết. Họ đã lên tới buồng đặc biệt của họ, Reynolds đã mở cửa và bật đèn. Họ đi vào buồng ngủ và Catherine nhìn vào cái giường rộng đó. Nó như chiếm hết cả gian buồng. Kirk đang ngắm nhìn nàng. - Catherine… em lo lắng điều gì vậy? - Cái gì hở anh? - Một tiếng cười khì, vô nghĩa - À, không. E m… em vừa… - Vừa gì? Nàng tặng chàng một nụ cười vui vẻ. - Chẳng có gì cả. Em khỏe. - Tốt. Hãy cởi quần áo vào đi ngủ. - Đúng như ta đã biết anh sẽ nói gì. Nhưng đúng là anh đã nói thế không? Chúng ta trước hết phải lên giường và làm cái việc đó. Để nói bằng lời thì quá… quá… ngây ngô. - Em nói gì thế? Catherine không nhận ra rằng nàng đã nói thành tiếng to. - Không có gì đâu. - Catherine vừa tới giường. Đó là cái giường rộng nhất mà nàng chưa hề thấy. Đó là cái giường được đóng cho những đôi yêu nhau, chỉ có những người yêu nhau. Đó không phải là giường để ngủ. Đó là giường để… - Em đã thay quần áo xong chưa, em yêu quý? Ta là ai. Đã bao lâu rồi kể từ khi lần cuối cùng ta đã ngủ với một người đàn ông? Hơn một năm. À anh ấy là chúng ta. - Cathy…? - Vâng - Ta sắp thay quần áo, và ta sắp lên giường, và ta sắp làm anh khó chịu. Ta không yêu anh, Kirk ạ. Ta không thể ngủ với anh. - Kirk… Anh quay lại với nàng, chưa cởi xong quần áo ư… - Kirk, em… Hãy quên em đi. Anh sắp căm ghét em rồi đó, nhưng em… em không thể, em xin lỗi anh ngàn lần. Anh nên hiểu cho em, em là… Nàng đã nhìn thấy sự tức giận trên mặt anh. Anh gượng cười. - Catherine, anh nói với em, anh rất kiên trì. Nếu em không sẵn sàng, anh… anh hiểu. Chúng ta còn nhiều thời gian tuyệt vời ở đây. Nàng hôn lên má anh như để cám ơn anh. - Ôi, Kirk. - Cám ơn anh. Em thấy nó lố bịch lắm. em không hiểu sẽ xảy ra điều gì đối với em. - Chẳng có điều gì xảy ra với em cả, - anh bảo đảm với nàng. - Em hiểu. Nàng đẩy anh ra. - Cám ơn. Anh là một thiên thần. - Trong khi, - anh thở dài - anh sẽ ngủ trên tấm khăn phủ ở phòng khách. - Không, anh đừng làm thế - Catherine nói lớn. - Vì em là người có trách nhiệm về việc ngớ ngẩn này, điều ít nhất em có thể làm là thấy anh được dễ chịu. Em sẽ ngủ trên tấm khăn phủ. Anh ngủ trên giường. - Nhất quyết không. Catherine nằm trên giường, vẫn chưa ngủ, nghĩ về Kirk Reynolds. Ta có thể làm tình với một người đàn ông khác? Hay là Larry đã đốt cháy hết ham muốn đó của ta? Có thể, bằng cách nào, Larry định giết ta sau đó. Cuối cùng, Catherine đã thiếp đi. Kirk Reynolds thức dậy vào nửa đêm có tiếng kêu. - Anh ngồi thẳng dậy trên tấm khăn phủ, tiếng kêu vẫn còn, anh vội lao ngay vào buồng ngủ. Catherine đang vật vã trên giường mắt lờ đờ. - Không, - nàng hét lên. – Không! không! Để tôi yên! Reynolds quỳ xuống quàng tay ôm và ghì chặt nàng. - Không sao cả. Không sao đâu. - Anh nói. Thân thể Catherine như đang bị hành hạ và thổn thức, anh ôm chặt nàng đến khi cả hai như lặng đi. - Họ - cố tình dìm chết tôi! - Đó chỉ là mơ thôi, - anh nói dỗ dành nàng - Giấc mơ sợ quá phải không? - Catherine mở to mắt và ngồi dậy. Thân thể nàng run lên. - Không, không phải là mơ đâu. Thật đấy!Họ cố giết em. Kirk nhìn chằm chằm vào nàng, không hiểu gì cả: Ai cố tình giết em! - Chồng… chồng em và người tình của anh ấy! Anh lắc đầu không hiểu: - Catherine, em bị một cơn ác mộng đấy, và… - Em đang nói với anh sự thật. Họ cố tình giết chết em và họ đã bị xử tử về việc đó. Nét mặt Kirk đầy vẻ không tin: - Catherine… - Trước đây em chưa nói gì với anh, bởi vì… với em, nói về nó, em đau khổ lắm. Anh nhận ra ngay rằng nàng nói nghiêm túc. - Điều gì đã xảy ra vậy? - Tôi không muốn ly dị Larry, và anh… anh lại phải lòng một người phụ nữ khác, và họ đã quyết định giết tôi. Bây giờ thì Kirk mới lắng nghe chăm chú. - Đó là vào thời gian nào! - Một năm trước đây? - Điều gì đã xảy ra cho họ? - Họ đã bị… họ đã bị nhà nước xử tử! Anh giơ tay lên. Đợi một phút. Họ bị xử tử vì có mưu đồ giết em? - Vâng! Reynolds nghĩ: - Anh không phải là chuyên gia về luật Hy Lạp, anh muốn cược với em rằng không có tội tử hình đối với một tên mới có ý định giết người. Có thể có sai sót gì ở đây. Anh có quen một luật sư ở Anthens. Sáng nay anh sẽ gọi điện cho ông ta và hỏi cho rõ. Tên ông là là Peter Demomdes. Catherine còn đang ngủ khi Kirk Reynolds đã tỉnh dậy. Anh mặc quần áo nhẹ nhàng và đi khỏi buồng ngủ. Anh đứng đó một lúc lâu, nhìn Catherine. Ta yêu nàng quá Ta phải tìm ra sự việc, và xua tan bóng mây trong đầu óc nàng. Kirk Reynolds đi xuống đại sảnh khách sạn và đăng ký gọi về Anthens. - Tôi muốn gọi từng người một, - anh nói với điện thoại viên. - tôi muốn nói chuyện với ông Peter Demonides. Điện thoại sau nửa giờ mới nói được. - Demonides? Kirk Reynolds đây. Tôi không biết ông còn nhớ tôi không, nhưng… - Có chứ, tôi nhớ, ông làm cho Constantin Denmiris. - Vâng. - Tôi có thể giúp ông được gì nào, ông Reynolds? - Thứ lỗi cho tôi đã làm phiền ông. Tôi đang bị bối rối về một thông tin. Có liên quan về một điểm trong luật pháp Hy Lạp. - Tôi có biết một tý về luật Hy Lạp, - Demomdes nói rất vui vẻ - Tôi sẽ rất may mắn được giúp ông! - Có điều nào trong luật của các ông bắt một người nào đó bị hành quyết vì có ý định giết người? Đầu kia dây nói yên lặng một lúc lâu. - Cho tôi hỏi vì sao ông lại hỏi như vậy? - Có một phụ nữ tên là Catherine Alexander. Cô ta nghĩ rằng chồng cô và nhân tình của anh ta đã bị nhà nước xử tử vì có âm mưu giết người. Nghe ra điều đó không hợp lý lắm. Ông có hiểu ý tôi không? - Vâng. - Giọng Demonides có vẻ tư lự. - Tôi hiểu điều ông muốn nói. Ông đang ở đâu Reynolds? - Tôi đang ở khách sạn Palace ở St. Moritz! - Để tôi xem lại việc đó hãy, và tôi sẽ trả lời ông sau. - Tôi rất muốn biết việc này. Sự thật là, tôi nghĩ cô Alexander có thể tưởng tượng ra mọi việc và tôi muốn làm rõ việc đó và để cho đầu óc cô ấy khỏi buồn phiền. - Tôi hiểu. Tôi sẽ báo cho anh. Tôi hứa. Bầu không khí ở đây rất sảng khoái, và vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên đã làm nỗi sợ hãi đêm qua của Catherine tan biến đi. Cả hai người ăn sáng trong làng, khi họ đã ăn xong, Reynolds nói: - Chúng ta đi lên sườn dốc trượt tuyết và anh sẽ làm em biến thành chú sóc nhỏ nhé. Anh dẫn Catherine lên chỗ đầu dốc cho người mới tập trượt và thuê một hướng dẫn viên cho nàng. Catherine xỏ đôi ván trượt và đứng dậy. Nàng nhìn xuống chân. - Thật buồn cười. Nếu trời có ý biến chúng ta thành thế này thì cha ông chúng ta phải thành những thân cây. - Không có gì cả, Kirk ạ! Người hướng dẫn mỉm cười. - Không sao. Không cần mất thời gian nào đâu, sẽ trượt như một người chuyên nghiệp, cô Alexander ạ. Chúng ta sẽ khởi hành ở Coriglia Saso Ronsol. Đó là dốc cho những người mới tập. - Em sẽ ngạc nhiên vì em hiểu được cách trượt nhanh thế - Reynolds cam đoan với Catherine như vậy. Anh nhìn đường trượt phía trước xa xăn và quay lại nói với hướng dân viên: - Tôi nghĩ tôi thử trượt ở Fourcla Grischa hôm nay! - Thật thú vị quá. Em đã có đường trượt có lưới thép! - Catherine nói, không cười. - Đây là đường trượt em thân yêu. - anh nói. Ồ, Catherine cảm thấy khó nói cho anh hiểu đó là một câu nói đùa. Ta không được nói thếvới anh, Catherine nghĩ vậy. Hướng dẫn viên nói: - Grischa là đường trượt khá dốc. Ông phải bắt đầu ở Corviglia Standard Marguns mới hay, ông Reynolds ạ. - Sáng kiến. Tôi sẽ làm thế. Catherine, anh sẽ gặp em ở khách sạn để ăn trưa đấy? - Hay lắm! - Reynolds khoát tay và bước đi. - Thoả thích nhé, - Catherine gọi theo - Đừng quên viết đấy. - Nào - hướng dẫn viên nói. - Chúng ta vào việc. Trước sự ngạc nhiên của Catherine, bài học trượt tuyết thật là vui. Nàng rất có nghị lực ngay từ bước đầu. Nàng cảm thấy lúng túng và bước lên dốc vụng về. - Cúi xuống một tí. Giữ cho ván trượt thẳng vào. - Bảo bọn nó. Hai ván này chúng như có trí khôn! - Catherine tuyên bố. - Cô làm được đấy. Bây giờ chúng ta xuống dốc. Gập đầu gối xuống một tý. Giữ thăng bằng. Đấy lướt đi? Nàng ngã. - Nữa vào. Cô làm được đấy! Nàng lại ngã. Lại ngã nữa. Và tự nhiên, nàng thấy có cảm giác thăng bằng. Và cứ như là nàng có cánh bay. Nàng lao xuống dốc thật là thích thú. Gần như là bay. Nàng thích tiếng tuyết lạo xạo dưới đôi ván trượt và có cảm giác gió cứ như tát vào mặt nàng. - Tôi thích thế lắm! - Catherine nói. - Chẳng có người nào bị vấp tuyết cả. Bao giờ tôi có thể trượt ở dốc đứng kia? Hướng dẫn viên cười: - Hôm nay hãy dừng ở đây. Ngày mai, đi dự Olympic. Tất cả thế là xong, thật là một buổi sáng rạng rỡ. * * * * * Nàng đang đợi Kirk Reynolds ở phòng bọc lưới khi anh quay về. Đôi má anh ửng đỏ và trông lanh lợi hẳn lên. Anh đi đến bàn Catherine và ngồi xuống. - Tốt quá - anh hỏi - Trượt thế nào? - Hay lắm. Em chả đạt được cái gì quan trọng cả. Em chỉ ngã có sáu lần. Và anh có biết điều gì không? Nàng nói rất tự hào. - Gần cuối, em mới trượt kha khá. Em nghĩ, anh sắp đưa em tham gia thế vận hội Olympic! Reynolds cười: - Được - anh định bắt đầu nói về câu chuyện điện thoại anh đã nói với Peter Demonides, rồi anh đã quyết định phản đối việc đó. Anh không muốn làm Catherine mất vui. Ăn trưa xong, họ đi bộ cùng nhau rất lâu trong tuyết, thỉnh thoảng dừng lại ở các của hàng để ngắm nhìn. Catherine bắt đầu cảm thấy mệt. - Em ~ghĩ ta nên về buồng thôi, - nàng nói - Em phải ngủ trưa một chút. - ý hay. Không khí ở đây khá loãng, nếu em không quen, dễ bị mệt. - Anh sắp làm gì nữa. Kirk? - Anh nhìn lên một sườn dốc xa xa. - Anh nghĩ anh phải trượt xuống Grischa. Trước anh chưa bao giờ trượt được ở sườn dốc này. Đây là một cuộc thử thách. - Anh muốn nói - Bởi vì sườn dốc vẫn còn đó! - Sao? - Không sao cả. Trông nguy hiểm đấy! Reynolds gật đầu. - Vì thế nên đây là cuộc thử thách. Catherine cầm tay anh: - Kirk, về chuyện đêm qua. Em xin lỗi nhé. Em… Em sẽ cố gắng tốt hơn. - Đừng ngại việc đó. Về khách sạn và em ngủ đi một tí! - Em sẽ ngủ! Catherine nhìn theo anh bước đi và nghĩ, anh là một người đàn ông tuyệt vời. Ta không biết anh thấy gì ở một con nhóc như ta? Suốt chiều hôm đó, Catherine đã ngủ và không bị mơ gì cả. Khi nàng dậy, đã gần sáu giờ. Kirk cũng sắp về rồi. Catherine đi tắm và mặc quần áo, nghĩ về buổi tối tới. - Không, không phải buổi tối, nàng tự chữa với chính mình, ban đêm. Ta sẽ làm thân với anh. Nàng đi về phía cửa sổ, và nhìn ra ngoài. Nàng nhìn lên sườn dốc hùng vĩ ở xa. Đó có phải là dốc Grischa không? Ta không hiểu nếu ta có thể trượt xuống cái dốc này. Bẩy giờ tối rồi, Kirk Reynolds vẫn chưa về. Ánh hoàng hôn đã chuyển sang mầu tối đậm. Anh không thế trượt tuyết trong đêm tối. Tôi đánh cuộc rằng anh đang uống ở quán bar dưới kia. Nàng cứ nhìn ra cửa đến khi chuông reo Catherine mỉm cười. Thế chứ. Anh gọi ta và rủ ta đi xuống dưới dốc. Nàng nhấc ống nghe và nói cụt lủn: - Em đây, anh đã vượt qua đoạn Sherpas chưa? Một giọng lạ nói: - Bà Reynolds? Nàng định nói không, nhưng rồi lại nhớ là Kirk đã đăng ký với khách sạn như vậy. - Vâng tôi là Reynolds. - Tôi e ngại có tin xấu cho bà. Chồng bà đã bị tai nạn khi trượt tuyết! - Ôi không! Liệu… có nặng lắm không ông? - Tôi e rằng nặng! - Tôi sẽ đến ngay. Ở đâu…? - Tôi xin lỗi, xin thưa bà, ông nhà đã mất, ông Reynolds. Ông đang trượt dốc Lagalp và bị gãy cổ! Chương 16 Tony Rozzoli ngắm nàng đi từ trong buồng đi ra. Nàng lao lên giường cạnh hắn, vòng tay ôm hắn và thì thầm: - Em rất vui mừng vì anh đã chọn em, Poulaki. Ngay khi vừa nhìn thấy anh, em đã muốn anh rồi. - Thế à? - hắn nói - Anh cũng cảm thấy y như thế, bé ạ! Hắn đã lôi em nhỏ từ The New Yorker, một hộp đêm tồi tàn trên phố Kallari, khi con nhỏ làm ca sĩ, con nhỏ là cái loại mà người Hy Lạp gọi khinh miệt là gavyêzêklo, nghĩa là con chó đang sủa. Chẳng có đứa con gái nào làm việc ở câu lạc bộ có tài năng gì cả - chẳng phải do họng, chẳng phải gì cả - mà chỉ vì tiền, bọn chúng đáng tóm cổ về nhà cả. Con này, Helena là một đứa khá hấp dẫn, mắt đen sẫm, khuôn mặt gợi cảm, và một thân hình đầy đặn và đang chín tới. Nàng đã hai mươi tư rồi, với "khẩu vị" của Rozzoli thì hơi già một chút, nhưng hắn không có quen một mệnh phụ nào ở Anthens cả, và hắn cũng không phải là quá kén chọn. - Anh có thích em không? - Helena hỏi với vẻ thẹn thùng. - À, anh Pazzo về xem. Hắn bắt đầu sờ vú, và khi thấy hai đầu vú của cô gái đã cứng, hắn bắt đầu bóp. - Ối! - Cúi đầu xuống, bé. Cô gái lắc đầu: - Em không làm thế đâu. Rozzoli nhìn vào cô gái: - Thực thế à? Một lát sau, hắm tóm tóc cô gái và kéo. Helena kêu lên: - Parakalo? Rozzoli tát mạnh và mặt cô một cái: - Còn nói to nữa tao sẽ bẻ gẫy cổ mày. - Buông tôi ra - cô gái kêu khẽ. - Ông làm đau tôi. Rozzoli nắm chặt tóc cô gái, và cô nhìn hắn, mắt đầy căm tức. - Cho mày đi… Cái nhìn của hắn làm cô gái phải dừng lại. Có một cái gì đó rất ghê rợn ở con người này. Sao lúc đầu cô không nhận ra? - Không có lý do gì cho mình đánh hắn, cô gái nói thầm - Mày và tao… - Những ngón tay hắn thọc vào cổ cô gái - Tao không thuê mày để nói chuyện. - Cánh tay của hắn cọ vào má cô. - Ngậm miệng lại và làm đi. - Tất nhiên, anh yêu! - Helena thì thầm - tất nhiên! Rozzoli vẫn chưa thoả mãn và đến lúc hắn thoả mãn, thì Helena cũng đã mệt nhoài. Cô gái nằm nghiêng đến khi thiếp, rồi cô nhẹ nhàng tuột xuống giường và mặc quần áo. Cô bị đau. Rozzoli không trả tiền cho cô và bình thường thì Helena phải móc tiền từ ví hắn thêm một khoản thưởng nhỏ cho riêng cô. Nhưng không hiểu linh tính nào làm cô quyết định phải rời đây không lấy tiền. Một giờ sau Tony Rozzoli thức dậy bởi tiếng đấm cửa. Hắn ngồi dậy và nhìn vào cái đồng hồ đeo tay của hắn. Đã bốn giờ sáng rồi. Hắn nhìn xung quanh. Cô gái đã đi. - Ai đấy! - hắn gọi. - Hàng xóm ông đây! - tiếng nói có vẻ tức giận - Có điện thoại gọi ông. Rozzoli bóp trán: - Tôi sang đây! Hắn mặc áo choàng và bước qua buồng tới chỗ cái quần hắn vắt ở thành ghế. Hắn kiểm tra ví. Tiền vẫn còn đó. Thế đấy, con chó cái này không ngây ngô đâu. Hắn lấy ra một trăm đô la, đi ra và mở cửa. Ông hàng xóm đang đứng ở hành lang trong cái áo choàng và đi đôi dép khách sạn. - Ông có biết mấy giờ rồi không? - Hắn ta hỏi thản nhiên. - Ông nói với tôi… Rozzoli đưa cho ông ta tờ một trăm đô la. - Tôi xin lỗi ông! - hắn nói có vẻ hối lỗi lắm. - Tôi không muốn nói dài. Người đàn ông đó nuốt nước bọt, vẻ hờ hững biến mất. - Được mà. Phải là việc quan trọng nên có người mới đánh thức ông vào bốn giờ sáng. Rozzoli bước nhanh qua hành lang vào buồng bên và cầm lấy ống nghe: - Rozzoli. Một tiếng nói: - Có vấn đề, Rozzoli ạ. - Ai đấy? - Spyros Lambrous bảo tôi gọi cho anh! - Ồ - Anh ta cảm thấy đột nhiên như có điều gì báo động. - Vấn đề gì nhỉ? - Có liên quan đến Constantin Denmiris! - Hắn ra sao rồi! - Một trong những chiếc tàu của hắn, tàu Thele, đang ở Marseilles! Tàu này đang cột vào cọc bến Vịnh Grande Joliette. - Thế à? - Chúng tôi được biết ông Denmiris đã ra lệnh tàu đi về Anthens. Tàu này sẽ tới đó vào sáng chủ nhật theo dự định và lại rời cảng đêm chủ nhật. Constantin Denmiris dự định sẽ có mặt trên tàu lúc nhổ neo. - Sao? - Ông ta chuồn rồi. - Nhưng anh và tôi đang… - Ông Lambrous bảo anh rằng Denmiris dự kiến trốn ở Mỹ đến khi nào ông ta tìm cách để khử được anh. - Thằng chó đẻ ăn cắp! Tôi hiểu. Cám ơn ông Lambrous cho tôi. Nói với ông, cảm ông nhiều. - Ý ông ấy muốn vậy! Liệu mọi việc có xuôi không ông Rozzoli? - Việc gì? À, mọi việc đều to tát cả. Và thế là… Rozzoli càng nghĩ về cú điện thoại, hắn càng vui. Hắn đã làm cho Constantin Denmiris phải sợ mà chạy đi. Điều đó sẽ làm dễ cho hắn hơn nhiều. Chủ nhật. Hắn có hai ngày để lập kế hoạch. Rozzoli biết hắn phải thận trọng. Hắn bị theo dõi bất cứ nơi nào hắn đến. Mấy thằng cớm chết tiệt, Rozzoli khinh thường. Khi mọi việc xong. Ta sẽ cho bọn nó biết tay. Sáng hôm sau, Rozzoli đến phòng điện thoại công cộng ở phố Kfissas và quay số Bảo tàng quốc gia Anthens. Trong ánh phản chiếu của tấm kính, Rozzoli có thể nhận ra một người giả vờ nhìn vào cửa hiệu và bên kia đường, một người khác đang nói chuyện với người bán hoa. Cả hai trong đội theo sõi hắn. Chúc chúng mày may mắn. Rozzoli nghĩ. - Văn phòng giám sát bảo vệ. Tôi có thể giúp gì được ông? - Victor à? Tony đây. - Có điều gì xấu không? - Có vẻ sợ hãi trong giọng nói của Korontzis. - Không, - Rozzoli nói nhẹ nhàng. - Mọi việc tốt đẹp chứ. - Victor à, anh có biết cái lọ xinh xinh có cái hình đo đỏ không? - Ấm ca ấy à? - Ừ. Tôi sẽ lấy tối nay nhé. Im lặng một lúc lâu. - Tối nay? Tôi… tôi không biết. Giọng nói của Korontzis như run run: - Nếu mọi việc xấu đi… - OK, bạn thân, quên đi. Tôi cố làm cho anh. Anh phải bảo cái thằng Sal Prizzi anh không có tiền và kệ cho hắn muốn làm gì thì làm… - Không, Tony à. Tôi… tôi… Lại im lặng. - Được. - Anh chắc là được không Victor? Bởi vì nếu anh không muốn làm việc đó, cứ cho như là vậy, tôi sẽ quay về phía nhà nước, và ở đó tôi sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Tôi chẳng cần phải quan trọng hoá vấn đề gì cả, anh biết đấy. Tôi có thể… - Không không. Tôi đánh giá cao mọi việc anh đang làm cho tôi, Tony. Tôi nói thực đó, tối nay sẽ được thôi. - OK. Khi bảo tàng đóng cửa, việc anh phải làm là thay một phiên bản vào chỗ cái lọ thật thôi. - Bảo vệ họ kiểm tra mọi gói bọc qua đây! - Thế là thế nào? Bọn bảo vệ có đứa nào là chuyên gia về nghệ thuật không? - Không. Tất nhiên không, nhưng… - Được rồi, Victor, nghe tôi đây. Anh lấy hoá đơn bán một lọ phiên bản và gắn hoá đơn đó vào bản gốc trong cái túi giấy. Anh hiểu không? - Vâng. Tôi… tôi hiểu, chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu? - Chúng ta sẽ không cần gặp nhau. Hãy rời bảo tàng lúc 6 giờ. Sẽ có một chiếc taxi đứng trước cửa. Mang cái bọc theo anh, Bảo lái xe đưa anh đến khách sạn Grande Bretange. Nói nó đợi anh. Để bọc trong xe. Vào khách sạn, quán bar và uống một chút gì đó. Sau về nhà. - Nhưng còn gói đồ… - Khỏi lo. Nó sẽ được chăm sóc cẩn thận. Victor Korontzis toát cả mồ hôi. - Tôi chưa bao giờ làm như vậy, Tony à. Tôi chưa bao giờ lấy cắp cái gì. Suốt đời tôi! - Tôi biết! - Rozzoli nói nhẹ nhàng: - Tôi cũng chưa bao giờ. Hãy nhớ nhé. Victor, tôi chịu mọi rủi ro, và tôi không để một điều gì sai khác đâu nhé! Giọng Korontzis lạc cả đi. - Anh là một người bạn tốt, Tony. Người bạn tốt nhất tôi chưa bao giờ gặp. - Anh đang vặn cổ tay - Anh có biết khi nào tôi nhận được tiền của tôi? - Nhanh thôi, - Rozzoli bảo đảm với anh - Một khi mà chúng ta đẩy xong, thì anh chẳng còn gì lo lắng nữa. - Và cả tôi cũng không còn lo gì nữa. - Rozzoli nghĩ đến thắng lợi. Không bao giờ nữa. * * * * * Trưa hôm đó có hai hạm tàu đậu ở Cảng Piraeus và do vậy bảo tàng đầy khách du lịch. Thông thường Victor Korontzis thích nhìn họ, cố đoán xem họ sống ra sao. Có những người Mỹ, người Anh và khách từ hàng chục nước khác nhau. Bây giờ, Korontzis đang quá sợ hãi nên không dám nghĩ gì về họ. - Anh nhìn sang hai tủ trưng bày, ở đó người ta bán các phiên bản của các loại đồ cổ. Có một đám đông xung quanh và hai cố bán hàng rất bận rộn, cố gắng thoả mãn những đòi hỏi của họ. Có thể họ đã bán mất rồi, Korontzis nghĩ nhưng vẫn hy vọng và ta không thể làm tròn kế hoạch của Rozzoli. Nhưng anh biết anh không thực tế chút nào. Có hàng trăm cái phiên bản để ở kho hầm của bảo tàng. Cái lọ mà Tony đã bắt anh lấy cắp là một tài sản lớn của bảo tàng. Nó có từ thế kỷ mười lăm trước công nguyên, một cái lọ với những hình thần thoại vẽ trên nền đen. Lần cuối cùng Victor Korontzis sờ được vào cái lọ đã mười lăm năm nay khi anh trân trọng đặt nó vào tủ và khoá lại vĩnh viễn. Và bây giờ ta lại lấy cắp nó, Korontzis suy nghĩ đau khổ. Mong Chúa giúp ta. Đầu óc như điên dại, suốt trưa hôm đó Korontzis cứ sợ cái giây phút khi anh trở thành một tên ăn trộm. Anh quay về phòng làm việc, đóng cửa, và ngồi vào bàn trong lòng đầy tuyệt vọng. Ta không thể làm thế được, anh nghĩ. Liệu có cách nào khác chăng. Nhưng cách nào bây giờ? Anh nghĩ không ra cách nào có thể có món tiền đó. Anh như còn nghe thấy tiếng nói của Prizzi. Tối nay, mày phải đưa tao số tiền đó, hay tao sẽ đưa mày làm mồi cho cá. Mày hiểu không? Thằng cha ấy là một tên giết người. Không, anh chẳng còn có cách lựa chọn nào khác. Trước sáu giờ chiều mấy phút, Korontzis ra khỏi nơi làm việc. Hai cô bán hàng những vật làm theo nguyên bản, gọi là đồ tạo tác, đang bắt đầu khoá quầy hàng Signmi. Korontzis gọi. - Bạn anh sắp đến sinh nhật, anh nghĩ phải tặng anh ta một cái gì ở bảo tàng này. - Anh bước qua các tủ trưng bày và làm ra vẻ đang suy nghĩ về việc đó. Có những cái bình, và tượng bán thân những cốc ly, và sách, bản đồ. Anh ngắm các thứ đó như là cố quyết định chọn cái gì. Cuối cùng anh chỉ vào phiên bản cái lọ đỏ - Anh nghĩ bạn anh thích cái này. - Tôi tin là bạn anh sẽ thích lắm, - cô bán hàng nói. Cô lấy cái lọ đó ra khỏi tủ và đưa cho Korontzis. - Làm ơn cho anh một hoá đơn. - Nhất định rồi, anh Korontzis ạ. Anh có cần tôi gói như tặng phẩm cho anh không? - Không, không cần - Korontzis nói rất nhanh. - Cô cứ đút vào túi cho tôi. - Anh nhìn cô bán hàng đút cái phiên bản vào túi giấy và cả cái hoá đơn vào. - Cám ơn. - Tôi hy vọng bạn anh thích cái đó. - Tôi cũng chắc anh ta thích. Anh lấy cái túi, tay anh hơi run, anh bước vội về nơi làm việc. Anh mở cửa, rồi lấy cái lọ giả ra và đặt nó lên bàn. Vẫn chưa muộn lắm, Korontzis nghĩ. Ta chưa bao giờ phạm một tội lỗi nào. Anh đang trong cơn hấp hối của sự do dự. Bao nhiêu suy nghĩ hãi hùng hiện ra rồi lại biến đi trong đầu anh. Ta có thể chạy sang một nước nào và bỏ vợ, bỏ con. Hoặc là ta phạm tội giết người. Ta có thể ra sở cảnh sát và bảo họ là ta đang bị đe doạ. Nhưng sự việc vỡ lở ta cũng sẽ ra tro. Không, không có con đường nào thoát. Nếu anh không trả tiền nợ, anh biết rằng Prizzi sẽ giết anh. Trời, anh nghĩ, có anh bạn Tony. Không có anh, ta trở thành người chết rồi. - Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Thời gian cứ trôi đi. Korontzis đứng thẳng dậy, đôi chân anh như không vững nữa. Anh đứng đó, thở mạnh, cố trấn tĩnh bản thân mình. Bàn tay anh ướt đẫm mồ hôi. Anh lau tay vào vạt áo sơ mi. Anh đặt vật phiên bản vào túi giấy và đi ra cửa. Có một người bảo vệ đứng ngay cửa trước còn mở tới sáu giờ khi bảo tàng đã đóng cửa, và một người bảo vệ nữa đang đi vòng quanh, nhưng hắn nghĩ phải kiểm tra hàng chục buồng hiện hắn đang ở phía đầu kia của nhà bảo tàng. Korontzis ra khỏi phòng làm việc, va ngay vào thằng cha bảo vệ. Tay này nhìn anh giật mình vì có lỗi. - Xin lôi, ông Korontzis. Tôi không biết ông còn ở đây. - Ừ, tôi tôi sắp về đây! - Ông biết, - người bảo vệ nói tỏ vẻ khâm phục, - Tôi thèm muốn được như ông! Nếu mà hắn biết. - Thật thế à? Vì sao? - Ông biết nhiều về những đồ đẹp đẽ này. Tôi đi quanh đây và nhìn các vật đó, đó là các mảng của lịch sử, có phải không ông? Tôi không biết nhiều về các thứ đó. Có thể hôm nào, ông giảng cho chúng tôi nghe. Tôi thực… Cái thằng điên rồ cứ nói không chịu thôi. - Ừ, tất nhiên. Hôm nào nhớ. Tôi sẽ rất vui lòng. Ở đầu kia của căn phòng, Korontzis đã thấy tủ để cái lọ quý. Anh phải thoát được thằng cha này mới xong. - Hình như… có vấn đề về hệ thống báo động ở tầng hầm. Anh có thể kiểm tra lại xem sao? - Nhất định rồi. Tôi hiểu ở đây có một vài vật có niên đại vừa được chuyển tới… Anh nên chú ý kiểm tra ngay đi. Tôi không muốn rời đây trước khi tôi biết mọi thứ đều ổn cả. - Nhất định thế, ông Korontzis. Tôi sẽ quay lại ngay. Victor Korontzis đứng đó, nhìn người bảo vệ đi qua các phòng, rồi quay xuống tầng hầm. Lúc anh ta đã khuất không nhìn thấy, Korontzis vội đến tủ chứa cái lọ đỏ. Anh lấy chìa khoá ra, và nghĩ, ta thực sự sắp làm việc đó. Ta đang ăn trộm. Chiếc chìa khoá lướt qua những ngón tay anh, và rơi xuống sàn nhà. Mồ hôi vã ra như tắm. Anh cúi xuống nhặt chìa khoá và nhìn vào cái lọ. Nó hoàn toàn thanh tú. Cái lọ đã được tổ tiên của anh làm với sự cẩn thận đáng quý biết chừng nào từ hàng ngàn năm trước. Người bảo vệ nói phải, đó là những mảng lịch sử, có nhiều cái không bao giờ thay thế được. Korontzis nhắm mắt lại một lát và rùng mình. Anh nhìn xung quanh xem có ai đang theo dõi anh không, rồi mở khoá tủ và lấy cái lọ ra cẩn thận. Anh lấy vật phiên bản ra khỏi túi giấy và đặt vào tủ đúng chỗ cái vật chính cống kia. Korontzis đứng đó, ngắm nghía nó một tý. Đó là sản phẩm tái tạo của một chuyên gia mà đối với anh, nó như muốn kêu lên cho mọi người biết. Đồ giả. Đó là việc rõ ràng. Nhưng chỉ có ta, Korontzis nghĩ, và một vài chuyên gia khác biết. Không có ai khác có thể thấy sự khác nhau. Và sẽ không có lý do gì cho ai có thể ngắm nhìn sát tận mắt. Korontzis đóng tủ và khoá lại, đặt cái lọ chính cống vào túi giấy cùng tờ hoá đơn. Anh rút khăn mùi xoa lau mặt và tay. Thế là xong. Anh nhìn vào đồng hồ đeo tay. Sáu giờ mười. Phải nhanh lên. Anh đi ra cửa và thấy người bảo vệ, đi về phía anh. - Tôi không thấy trục trặc gì về hệ thống báo động cả, ông Korontzis và… - Tốt - Korontzis nói - Về mặt đó ông nói đúng, về thôi chứ. - Chào, ngủ ngon nhé. - Ngủ ngon. Người bảo vệ thứ hai đang ở cửa trước, sắp đi. Hắn nhận thấy có cái túi giấy và cười nhạt. - Tôi sẽ phải kiểm tra cái đó. Quy định của các ông. - Tất nhiên, - Korontzis nói rất nhanh. Anh đưa cái túi cho người bảo vệ. Người bảo vệ nhìn vào trong, lấy cái lọ ra và thấy tờ giấy biên lai. - Đây tôi mua làm tặng phẩm cho người bạn! - Korontzis giải thích. - Tay đó là một kỹ sư. Làm sao ta phải nói thế? Hắn chú ý cái gì! Ta phải hành động tự nhiên chứ. - Tốt - người bảo vệ vứt cái lọ vào trong túi, và cái giây lát khủng khiếp đó, Korontzis nghĩ khéo nó vỡ mất. Korontzis ôm cái túi vào ngực "Klispchua". Người bảo vệ mở cửa cho anh. Korontzis đi ra ngoài trời lạnh ban đêm, thở mạnh và phải gượng cho khỏi bị nôn. Anh đã có một vật giá trị hàng triệu đô la trong tay, nhưng Korontzis không nghĩ đến mặt giá trị bằng tiền của vật đó. Điều anh nghĩ là anh phản bội đất nước anh, ăn cắp một mảng của lịch sử nước Hy Lạp kính yêu và bán cho một người nước ngoài không rõ. Anh đi xuống dốc. Như Rozzoli đã hứa, có một xe taxi đang đợi ở trước bảo tàng. Korontzis lên xe. - Khách sạn Grande Bretagne, - anh nói. - Anh ngồi thụp xuống ghế. Anh cảm thấy như bị đòn và kiệt sức, như thể là anh vừa trải qua một cuộc chiến đấu khủng khiếp. Nhưng rồi anh sẽ thắng hay thua? Khi chiếc xe taxi đậu ở trước khách sạn Grande Bretagne, Korontzis nói với lái xe: - Đợi đấy nhé. Anh nhìn lần cuối cái gói vật quý giá đang ở ghế sau xe, rồi đi nhanh chóng bước vào đại sảnh của khách sạn. Từ bên trong cửa, anh ngoái cổ nhìn ra. Có một người đang vào xe taxi. Một lát sau, xe phóng vút đi. Thế là xong. Ta sẽ không bao giờ phải làm điều gì như thế nữa, Korontzis nghĩ. Chừng nào ta còn sống. Cơn ác mộng đã qua. Buổi chiều vào ba giờ, chủ nhật, Tony Rozzoli bước ra khỏi khách sạn và đi dạo phía Platia Omonia. Anh ta mặc một cái áo màu sáng nhạt vải kẻ, quần xanh lá cây và đầu đội mũ bêrê đỏ. Hai thám tử theo dõi anh. Một trong hai người nói "Hắn chắc phải đi mua những đồ này ở rạp xiếc". Từ phố Metaxa, Tony Rozzoli gọi một chiếc taxi. Thám tử nói vào bộ đàm "đối tượng đang chui vào một taxi quay về hướng tây". Tiếng trả lời "Chúng tôi đã thấy hắn, chúng tôi đang theo dõi. Quay về khách sạn". - Bên phải. Một chiếc xe màu xám không có số chạy sau xe taxi, giữ một khoảng cách thận trọng. Taxi quay về hướng nam, qua Monastiraki. Trong xe mui kín viên thám tử ngồi gần lái xe nhấc ống nói bộ đàm lên. "Trung tâm. Đây là đơn vị bốn. Đối tượng đang ở trong taxi. Xe đang lái về phố Phihellinon…" Đợi. "Nó lại quay phải tới phố Peta. Hình như hắn nhằm hướng về Plaka". "Chúng ta phải nhả hắn ra ở đó" "Các anh có một nhân viên lẻ nào để theo hắn đi bộ không?" "Đợi một phút, đơn vị bốn". Sau vài giây, máy vô tuyến loẹt xoẹt rồi lại làm việc. "Đơn vị bốn. Chúng tôi đã có hỗ trợ". Nếu hắn chạy về phía Plaka, hắn sẽ bị theo dõi tiếp. "Kala. Đối tượng mặc một cái áo kẻ đỏ, quần xanh lá cây và đội bêrê đỏ, hắn rất khó bị lẫn. Taxi dừng lại. Hắn chui ra ở Plaka". "Chúng tôi sẽ báo tin. Hắn đã bị vây. Rõ chưa. Hết". Ở Plaka, hai thám tử đang theo dõi khi người đàn ông đó ló đầu ra khỏi taxi. - Cái thằng ở địa ngục này nó mua đâu ra cái bộ đồ này? - một thám tử ngạc nhiên nói to lên. Họ nấp đằng sau và bắt đầu theo dõi hắn đi qua cái phố hỗn độn đông đúc ở khu cổ của thành phố. Sang giờ thứ hai, hắn đi bộ không có chủ đích qua các phố Anaphiotika và dừng để xem lướt qua chợ trời treo đầy gươm, giáo, súng trường cổ, nồi nấu ăn, cây nến, đèn dầu và kính hai tròng. - Cái thằng địa ngục định đi đâu thế? - Cứ trông như hắn đi dạo phố buổi chiều. Bám sát bất cứ đâu hắn đến. Họ theo hắn quay sang phố Aghiou Cteronda và nhắm hướng khách sạn Tầu. Hai thám tử đứng ngoài, cách xa, xem hắn gọi món gì ăn. Các thám tử bắt đầu thấy khó chịu. - Tôi hy vọng nó đi sớm cho. Tôi muốn về nhà. Tôi phải chợp mắt một lát. - Tỉnh đi thôi. Nếu chúng ta để mất nó thanh tra Nicolino sẽ lấy mất cái hĩm của chúng ta. - Sao ta lại để mất được? Nó lỳ như một cây gỗ. Một thám tử khác đang nhìn chằm chằm vào nó. - Cái gì? Anh nói cái gì thế? - Tôi nói… - Không sao - Trong tiếng nói của anh có cái gì có vẻ khẩn cấp. - Anh đã nhìn vào mặt hắn chưa? - Không. - Tôi cũng chưa thấy. Tiflo, tiếp tục đi! Hai thám tử vội vào khách sạn và nhảy ngay vào cái bàn của nó. Họ cùng nhìn vào mặt, một người lạ hoàn toàn. Thanh tra Nicolino rất tức giận. - Tôi có ba đội chỉ để theo dõi Rozzoli. Sao các anh để xổng nó? - Nó thay hình đổi dạng trước mặt chúng tôi, thanh tra ạ. Đội thứ nhất đã thấy nó vào taxi mà… - Và họ để xổng taxi? - Không, thưa ngài. Chúng tôi theo dõi hắn đi ra. Hoặc ít ra thì chúng tôi nghi là nó. Nó mặc bộ đồ như một thằng dở hơi. Thế là Rozzoli có một thằng khác ngồi trốn trong xe với hắn và hai đứa đổi quần áo cho nhau. Hoá ra chúng tôi theo dõi thằng khác. - Và Rozzoli chuồn mất trong taxi? - Vâng, thưa ngài. - Anh có nhớ số đăng ký xe? - Có không, thưa ngài. Hình như… số xe không quan trọng! - Thế người mà các anh bắt được thế nào? - Nó chỉ là thằng bé sai vặt trong khách sạn của Rozzoli. Rozzoli nói với nó rằng hắn ta đang chơi trò đùa với một ai đó. Hắn cho nó một trăm đô la. Đó là mọi chi tiết mà thằng bé biết được. Thanh tra Nicolino thở mạnh. - Và tôi không cho rằng có người biết ông Rozzoli ở đâu ngay lúc đó? - Không, thưa ngài. Tôi e rằng không! Hy Lạp có bảy cảng chính: Thessaloniki. Patras, Volos, Igoumenita, Kavala, Irakhon và Piraeus. Piraeus nằm cách trung tâm Anthens bẩy dặm phía Tây Nam, và Piraeus không chỉ là cảng chính của Hy Lạp mà là một trong những cảng chính của châu u. Tổng thể kiến trúc của cảng gồm có bốn bến, ba trong bốn bến cho thuyền đi du lịch và một bến cho tàu đại dương. Bến thứ tư, Herakles, giành cho tàu vận tải có thiết kế khoang tàu có thể mở đưa hàng ra ngay cầu cảng. Tàu Thele đang neo, đậu ở cảng Herakles. Đó là một tàu chở dầu rất lớn, và đang còn nằm ở cảng tối, nó giống như một con quái vật khổng lồ sẵn sàng đổ hàng. Xe Tony Rozzoli, đằng sau có bốn người, đang đi ra bến tàu. Rozzoli nhìn lên con tàu khổng lồ và nghĩ thế đấy nó đây rồi. Nào xem ông bạn Denmiris của chúng ta có trên tàu không? Hắn quay lại với người đàn ông đi cùng hắn. - Tôi muốn hai trong các anh đợi ở đây. Các người khác đi với tôi. Trông không cho ai xuống khỏi tàu. - Dạ. Rozzoli và hai người kia đi cầu thang leo lên tàu. Khi họ vừa tới đầu cầu thang, một tay đứng ở boong đã tới gần họ. - Tôi có thể giúp gì các ngài ạ? - Chúng tôi đến đây để gặp ông Denmiris. - Ông Denmiris ở trong buồng chủ tàu. Ông ấy có đợi các ông không? Thế là cú đấm được đấy. Rozzoli mỉm cười. - Có. Ông ấy đang đợi chúng tôi. Khi nào tàu nhổ neo? - Khoảng nửa đêm. Tôi xin chỉ đường cho các ông! - Cám ơn. Họ đi theo người thuỷ thủ đi dọc theo boong đến chỗ một cái thang dẫn xuống tầng dưới. Ba người cứ theo tay thuỷ thủ xuống thang và đi theo một hành lang hẹp nữa, qua hành lang từ ca-bin dọc đường đi. Khi họ tới ca-bin cuối cùng, tay thuỷ thủ bắt đầu gõ cửa. Rozzoii đẩy hắn sang một bên. - Chúng tôi sẽ báo theo cái kiểu của chúng tôi. - Hắn đẩy cửa mở và đi vào. Ca-bin này rộng hơn là Rozzoli tưởng tượng. Có một cái giường, một đi-văng, một bàn làm việc và hai ghế xếp. Sau bàn, Constantin Denmiris đang ngồi. Khi nhìn lên thấy Rozzoli, Denmiris run lên. Mặt ông ta nhợt hẳn. - Anh… anh làm gì ở đây? - Giọng ông lạc hẳn như nói thầm. - Các bạn của tôi nhất định thăm anh và chúc anh thượng lộ bình an. Costa à. - Làm sao anh biết tôi… Tôi muốn… tôi không có đợi anh ở đây. - Tôi cũng biết chắc anh không đợi - Rozzoli nói. Hắn quay ra người thuỷ thủ. - Cám ơn chàng trai. Người thuỷ thủ đi ra. Rozzoli quay lại nói với Denmiris. - Có phải anh định không chào tạm biệt các bạn hàng phải không? Denmiris nói vội: - Không. Nhất định không phải thế. Tôi vừa… tôi vừa đến đây để kiểm tra vài việc trên tàu. Tàu sẽ nhổ neo sáng mai - Các ngón tay ông ta cứ run lên. Rozzoli lại đến gần ông ta hơn. Khi hắn nói, giọng hắn lại rất nhẹ nhàng. - Cậu Costa này, cậu có khuyết điểm lớn lắm. Không thể cố chạy đi được bởi vì cậu không có chỗ nào để trốn cả. Cậu và tôi có công việc làm ăn chung, nhớ không? Cậu có biết điều gì sẽ xảy ra khi người ta tháo lui bỏ việc? Họ sẽ chết rất khổ thật rất khổ. Denmiris nuốt nước bọt. - Tôi… tôi muốn nói chuyện riêng với anh! Rozzoli quay lại nói với các bộ hạ của hắn. - Đợi bên ngoài. Khi họ đã ra, Rozzoli ngồi phịch xuống ghế. - Tôi rất bực với anh Costa ạ. - Tôi không thể theo đuổi anh mãi với việc đó. - Denmiris nói - Tôi sẽ đưa anh tiền - nhiều tiền hơn là anh mơ được. - Để trả lại cái gì? - Tôi cho con tàu này đi và để tôi yên một mình! - Trong giọng nói của Denmiris, có sự thất vọng. - Các anh không thể làm thế với tôi. Chính phủ sẽ lấy mất đội tàu của tôi. Tôi sẽ bị sụp. Xin anh. Tôi sẽ cho anh bất cứ cái gì anh muốn. Tony Rozzoli cười. - Tôi đã có mọi thứ tôi muốn. Anh có bao nhiêu tàu chở dầu? Hai mươi! Ba mươi! Chúng tôi sẽ làm cho các con tàu của anh bận rộn, anh và tôi. Mọi việc anh phải làm là thêm một cái hay hai cái cảng để gọi điện thôi. - Anh… anh không thấy anh đang làm gì tôi? - Tôi cho rằng anh sẽ hiểu điều đó trước khi anh kéo cái khung này lên - Tony Rozzoli đứng thẳng lên. - Anh sẽ nói với viên thuyền trưởng. Bảo hắn là chúng ta sẽ có thêm một nơi đỗ nữa ngoài khơi Flordia. Denmiris do dự: - Được. Sáng mai khi nào anh quay lại? Rozzoli cười: - Tôi sẽ không đi đâu cả. Cuộc chơi đã mãn rồi. Các anh định nửa đêm chuồn. Được. Tôi sẽ cùng chuồn với anh. Chúng ta sẽ mang một lô hàng heroin lên tàu, Costa ạ, và để làm cho phi vụ của chúng ta đậm đà thêm, chúng ta mang theo một trong những vật báu của Bảo tàng quốc gia. Và anh sẽ bán cái đó ở Hoa Kỳ cho tôi. Đó là sự trừng phạt anh, vì cố tình lừa dối tôi. Con mắt của Denmiris như đờ đẫn. - Tôi có gì đâu. - Ông ta như thanh minh - Cái tôi có thể tìm là… Rozzoli vỗ nhẹ vào vai. - Vui lên. Tôi hứa rằng anh sẽ vui thích làm đối tác với tôi. Rozzoli mở cửa ra. - Được rồi, đưa hàng lên boong đi! - hắn nói. - Anh muốn chúng ta chất hàng ở đâu? Có hàng trăm chỗ giấu trong bất cứ tàu nào, nhưng Rozzoli không cảm thấy cần phải khôn ngoan về việc này. Tàu của Denmiris không thuộc loại bị nghi ngờ. - Để trong đống túi khoai tây đó, - hắn nói. - Đánh dấu túi và xếp đống ở phía sau bếp. Mang cái lọ tới chỗ ông Denmiris. Ông ấy sẽ giữ lấy của riêng của ông ấy. Rozzoli quay lại Denmiris, con mắt của ông ta đầy khâm phục Rozzoli. - Anh có ý kiến gì về những việc đó không? Denmiris cố nói, nhưng không nói được lời nào. - Được, chúng mày. - Rozzoli nói. - Cho chạy thôi. - Rozzoli ngồi lại vào ghế bành. - Cái ca-bin này đẹp thật. Tôi sẽ để anh ở đây, Costa ạ. Tôi và mấy thằng lính của tôi sẽ tìm chỗ riêng. - Cám ơn! - Denmiris nói rất khổ sở - Cám ơn. Vào lúc nửa đêm, chiếc tàu chở dầu khổng lồ nhổ neo từ bến cảng với hai tàu lai dắt ra khơi. Heroin đã được giấu trên boong, và chiếc lọ quý đã giao cho Constantin Denmiris để ở ca-bin của ông ta. Tony Rozzoli gọi cho người của hắn ra ngoài: - Tôi muốn anh vô phòng vô tuyến và cắt đứt các hệ thống liên lạc. Tôi không muốn cho Denmiris gửi đi các bức điện. - Vâng lệnh, Tony. Constantin Denmiris làm một người bị cụt, nhưng Rozzoli tận dụng cơ hội. Rozzoli vẫn còn sợ mãi đến lúc tàu nhổ neo, vì có thể có điều gì hỏng ăn, hoặc có điều gì xảy ra ngoài những giấc mơ như điên như dại của hắn. Constantin Denmiris, một trong những người giàu nhất, có quyền lực nhất trên thế giới, đã là đối tác của hắn. Đối tác, cái đồ chết tiệt, Rozzoli nghĩ. Ta đã chiếm được thằng con hoang này. Toàn đội tàu trời phạt của hắn đã thuộc về ta. Ta có thể chuyên chở hàng bao nhiêu cũng được nếu bọn tay chân giao nổi cho ta. Mặc cho bọn khác làm. Và rồi các báu vật của bảo tàng. Đấy là cả một mỏ vàng thực sự nữa. Chỉ có ta là chủ các báu vật đó. Bọn nó không biết điều gì đã làm chúng chết điếng được. Tony Rozzoli ngủ thiếp đi với giấc mơ một đội tàu cung điện bằng vàng cùng các cô gái hầu đến tuổi cập kê. Khi Rozzoli thức dậy vào buổi sáng, hắn và các tay chân đi đến phòng ăn sáng. Có hàng tá các thuỷ thủ đã ở đó rồi. Một tên hầu bàn tiến lại gần. - Xin chào. - Ông Denmiris ở đâu? - Rozzoli hỏi. - Ông ấy có ăn sáng không? - Ông ấy còn ở ca-bin, ông Rozzoli ạ. Ông ấy chỉ thị cho chúng tôi là phải làm mọi yêu cầu mà ông và các bạn ông muốn. - Ông ấy tốt quá, - Rozzoli cười. - Tôi muốn có nước cam, thịt mỡ và trứng. Các cậu thế nào, các bạn trẻ? - Cái gì ngon ngon ấy! Khi họ đã gọi xong. Rozzoli nói. - Tôi muốn các cậu giữ kín đấy. Đừng để cho người ta thấy các buồng của các cậu. Phải lịch sự và tốt đấy. Hãy nhớ rằng chúng ta là khách của ông Denmiris. Hôm đó, Denmiris không thấy có mặt khi ăn trưa. Rồi tối cũng không thấy ông ăn tối. Rozzoli lên để nói chuyện với ông ta. Denmiris vẫn ở trong ca-bin, nhìn chăm chăm qua cửa lỗ của tàu. Trông ông nhợt nhạt và mỏi mệt. Rozzoli nói: - Anh cần ăn để giữ sức khoẻ tốt, ông bạn đối tác ạ. Tôi không muốn ông bị ốm. Chúng ta có nhiều việc phải làm. Tôi bảo hầu bàn mang cơm tối vào đây nhé. Denmiris thở mạnh: - Tôi không thể - thôi được. Xin ông ra cho, làm ơn. Rozzoli cười gằn. - Được. Sau khi ăn tối, ngủ đi nhé. - Anh trông ghê quá đấy. Vào buổi sáng, Rozzoli đến gặp thuyền trưởng. - Tôi là Tony Rozzoli, - hắn nói. - Tôi là khách của ông Denmiris. - À, vâng ạ. Tôi xin ông biết cho. Khi nào chúng ta sẽ đến phía ngoài bờ biển Florida. - Xấp xỉ ba tuần nữa, ông Rozzoli ạ! - Tốt, hẹn gặp anh sau. Rozzoli ra và dạo khắp tàu. Tàu của hắn. Toàn đội tàu Chúa phạt này là của hắn. Thế giới này là của hắn, Rozzoli tràn đầy hớn hở, cái cảm giác mà chưa bao giờ hắn có. Cuộc vượt đại dương trôi chảy, và thỉnh thoảng Rozzoli vẫn vào buồng của Constantin Denmiris. - Anh phải có vài con đàn bà trên tàu! - Rozzoli nói. - Nhưng tôi cho rằng người Hy Lạp các anh không cần gái, có phải không? Denmiris từ chối trả lời câu nói trêu chọc đó. Ngày ngày qua đi chậm chạp, nhưng mỗi giờ lại đưa Rozzoli lại gần với những giấc mơ của hắn. Hắn đang lên cơn sốt không kiên nhẫn. Một tuần đã qua, rồi lại tuần nữa trôi đi, và hệ thống đã tới gần lục địa Bắc Mỹ. Vào tối chủ nhật, Rozzoli đang đứng gần đường ray trên tàu nhìn ra đại dương khi thấy có một ánh sáng loé lên. Người thuỷ thủ đầu tiên đến gần hắn. - Chúng ta có thể gặp thời tiết xấu, ông Rozzoli ạ. Tôi hy vọng ông là một thuỷ thủ giỏi! Rozzoli nhún vai: - Chẳng có gì làm tôi không chịu được! Biển bắt đầu động. Con tàu bắt đầu chúi sâu xuống rồi lại ngóc đầu lên cứ như là nó cày vào sóng. Rozzoli bắt đầu thấy buồn nôn. Thế hoá ra ta không phải là thuỷ thủ giỏi, hắn nghĩ. Có cái gì khác nhau nhỉ? Hắn làm chủ cả thế giới. Hắn quay về ca-bin sớm hơn và lên giường nằm. Hắn đã mơ. Lần này thì không phải lên con tàu bằng vàng hay những cô gái đẹp trần truồng. Đó là những giấc mơ tối tăm. Chiến tranh lại nổ ra, và hắn chỉ nghe thấy tiếng thét gầm của đại bác. Một tiếng nổ đánh thức hắn dậy. Rozzoli ngồi trên giường, tỉnh táo. Ca-bin tàu tròng trành. Con tàu đang ở giữa một trận giông bão chúa phạt. Hắn còn có thể nghe được những bước chân chạy ở hành lang. Địa ngục này sẽ còn đi đến đâu? Tony Rozzoli vội nhảy khỏi giường đi ra ngoài hành lang. Tàu tự nhiên xô cả về một bên và rồi mọi vật không còn thăng bằng được nữa. - Cái gì đấy? - Hắn gọi một trong những đứa chạy ngang qua hắn. - Nổ. Tàu bị cháy. Chúng ta đang bị chìm. Các ông lên ngay boong đi. - Chìm…? Rozzoli không thể nào tin được điều đó. Mọi việc đều diễn ra êm ả. Nhưng không sao. Rozzoli nghĩ. Ta không thể để mất cái tàu này. Sẽ có nhiều cái hơn nữa. Ta phải cứu Denmiris. Hắn là chìa khoá của mọi điều. Chúng ta sẽ gọi cấp cứu. Và rồi hắn nhớ ra rằng hắn đã ra lệnh phá huỷ hệ thống liên lạc vô tuyến. Chiến đấu giữ thăng bằng, Tony Rozzoli cứ theo đường đồng bọn và leo được lên boong. Hắn rất sửng sốt, hắn thấy cơn giông đã hết. Biển rất êm. Mặt trăng tròn đầy đã mọc lên. Lại có tiếng nổ khác, và rồi lại nổ nữa và tàu đã bắt đầu nghiêng nhiều hơn. Các thuỷ thủ cố hạ các thuyền cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Nước xung quanh tàu là một khối dầu đang bốc lửa. Constantin Denmiris ở đâu? Và rồi Rozzoli nghe thấy. Đó là tiếng gió vù vù, ở tận trên cao chỗ gầm rú của vụ nổ. Hắn nhìn lên. Có một máy bay trực thăng đang treo lơ lửng khoảng mười bộ trên mặt tàu. Chúng ta được cứu thoát, Rozzoli nghĩ, rất vui mừng. Hắn vẫy chiếc trực thăng như điên rồ. Một bộ mặt xuất hiện ở cửa sổ trực thăng. Phải mất một lát sau Rozzoli mới kịp nhận ra đó là Constantin Denmiris. Ông ta tươi cười, và trong cánh tay giơ lên, ông ta cắp cái lọ vô giá đó. Rozzoli nhìn đăm đăm, đầu óc hắn đang ghép các sự kiện đã xảy ra vào với nhau. Làm thế nào mà Constantin Denmiris tìm được một chiếc trực thăng giữa đêm tối thế này… Rồi Rozzoli đã biết, lòng dạ của hắn tan ra thành nước, Constantin Denmiris không bao giờ có ý định làm ăn với hắn. Đồ chó đẻ này đã lập kế hoạch mọi việc ngay từ đầu. Cú điện thoại gọi cho hắn báo là Denmiris đã chạy đi - cú điện thoại đó không phải từ Spyros Lambrous - chính là của Denmiris, ông ta đã gài bẫy để cho hắn vào tàu, và Rozzoli đã nhảy vào bẫy. - Con tàu chở dầu bắt đầu chìm nhanh hơn và sâu hơn, Rozzoli đã thấy đại dương lạnh cóng tới ngay chân hắn, rồi đầu gối hắn. Thằng con hoang đã để cho cả bọn chết tại đây, ở giữa một nơi chẳng biết ở đâu, nơi mà sẽ chẳng còn dấu vết. Rozzoli nhìn lên chiếc trực thăng, và la hét điên rồ. - Quay lại, tao sẽ cho mày mọi thứ? - Gió thổi mạnh lời hắn bay đi. Điều cuối cùng Tony Rozzoli nhìn thấy trước khi con tàu lật xấp và đôi mắt hắn đã nhoà vì nước muối mặn xát là chiếc trực thăng bay vọt về phía mặt trăng. Chương 17 ST. MORITZ Catherine đang bị một cơn - sốc - về tinh thần. Nàng ngồi trên đi văng trong buồng ở khách sạn, đang nghe viên Trung uý Hans Bergman, trưởng đội tuần tra trượt tuyết, nói với nàng về cái chết của Kirk. m thanh của tiếng nói Bergman cứ vật vờ như sóng vỗ trong đầu Catherine, và nàng không thể nghe kỹ được từng lời một. Nàng đã tê tái vì sợ hãi. Mọi người xung quanh ta đã chết cả, nàng suy nghĩ tuyệt vọng. Cái chết của Larry, bây giờ là Kirk, và những người trước: Noelle, Napoleon Chotas, Frederick Stavros. Thật là một cơn ác mộng không kết thúc. Qua làn sương của tuyệt vọng, nàng nghe lờ mờ tiếng nói của Hans Bergman. - Thưa bà Reynolds… Bà Reynolds… - Nàng ngẩng đầu lên. - Tôi không phải là bà Reynolds, - nàng nói rã rời vì mệt mỏi. - Tôi là Catherine Alexander. Kirk và tôi là… bạn! - Tôi biết. Catherine thở mạnh. - Thế nào… sự việc xảy ra thế nào? Kirk là người trượt tuyết giỏi cơ mà. - Tôi biết. Ông ấy đã trượt tuyết nhiều lần ở đây. - Anh ta lắc đầu. - Để nói với cô sự thật, cô Alexander, tôi cũng không biết sự việc xảy ra như thế nào. Chúng tôi thấy anh nằm ở Lagalp một dốc đã bị cấm vì tuyết lở tuần trước. Biển báo hiệu đã bị đổ vì gió thổi. Tôi rất có lỗi. Lỗi. Một từ yếu làm sao, một từ ngây ngô làm sao. - Cô muốn chúng tôi giải quyết tang lễ như thế nào, cô Alexander? Vì chết không phải là hết. Không, cần phải giải quyết. Quan tài và nơi chôn cất, và hoa thông báo cho những người bà con. Catherine như muốn kêu thét lên. - Cô Alexander? Catherine nhìn lên: - Tôi sẽ thông báo cho gia đình Kirk! - Cám ơn cô. Khi Catherine trở về London, nàng quá yếu không thể đi làm được. Nàng ở trong phòng từ chối gặp hay nói chuyện với bất kỳ ai. Anna, người hầu phòng chuẩn bị cơm nước cho nàng và mang lên buồng Catherine, nhưng khay ăn đã bị trả lại, không đụng đũa đến. - Cô phải ăn gì đi chứ, cô Alexander! Nhưng cứ nghĩ đến các món ăn là Catherine lại ốm thêm. Ngày hôm sau, Catherine cảm thấy yếu hơn. Nàng thấy như ngực nàng chứa đầy sắt, không thở được. - Tôi không thể tiếp tục như thế này, - Catherine nghĩ. - Tôi phải làm cái gì đó. Nàng thảo luận điều đó với Evenlyn Kaye. - Tôi tự than trách mình về những gì đã xảy ra. - Điều đó không đúng, Catherine ạ! - Tôi biết, không phải thế, nhưng tôi không thể làm gì được hơn. Tôi thấy tôi có trách nhiệm. Tôi cần có ai đó để nói về việc đó. Có thể tôi gặp được một nhà tâm lý… - Tôi có biết một người giỏi một cách đáng khâm phục. Evenlyn nói. - Thực tế là ông ta vẫn thăm nom Wim luôn. Tên ông là Alan Hamilton. Tôi có một người bạn, cô ta định tự tử lúc đó bác sĩ Hamilton đã đến doạ cô, rồi cô lại bình thường trở lại. Cô có muốn đến gặp ông ấy không? - Nhưng nếu ông ta bảo tôi điên? Tôi phải làm thế nào? Được, - Catherine nói miễn cưỡng. - Tôi sẽ cố hẹn ông ấy cho cô. Ông ấy cũng rất bận. - Cám ơn, Evenlyn. Tôi rất muốn. Catherine đã đến văn phòng của Wim. Anh ta muốn biết về Kirk, nàng nghĩ. - Wim - anh có nhớ Kirk Reynolds không? Anh ta đã bị chết từ mấy hôm trước trong một tai nạn trượt tuyết. - À! Westminster - đặc biệt - bốn - bẩy - một. Catherine ngây người ra không hiểu. - Cái gì. - Và nàng đột nhiên đã nhận ra là Wim đọc số điện thoại của Kirk. Mọi con người chỉ có nghĩa với Wim như thế thôi ư? Một dãy số? Có phải là anh ta không có cảm xúc gì về mọi người? Có phải là anh ta thực không thể yêu, căm thù hay đam mê? Có lẽ như anh ta thì tốt hơn. Catherine suy nghĩ. Ít ra anh ta cũng có thể chia sẻ nỗi đau mà mỗi người chúng ta còn lại có thể cảm thấy chứ. * * * * * Evenlyn đã sắp xếp để Catherine gặp được bác sĩ Hamilton vào thứ sáu tới. Evenlyn nghĩ đến việc điện cho Constantin Denmiris báo ông những việc đã làm, nhưng cô thấy việc đó không quan trọng nên lại thôi. Văn phòng Alan Hamilton ở phố Wimpole. Catherine đã đến đó trong buổi hẹn đầu tiên, vừa tin vừa tức tối. Tin bởi vì nàng sợ những điều ông có thể nói với nàng, và tức tối vì mình vì đã ỷ lại vào một người xa lạ để giúp nàng những vấn đề nàng thấy có thể tự giải quyết được. Người tiếp nhận ngồi sau cửa kính nói: - Bác sĩ Hamilton sẵn sàng gặp cô. Cô Alexander. Nhưng liệu ta có sẵn sàng gặp ông không? Catherine không biết thế nào. Nàng hãi hùng đến cao độ. Tôi đang làm việc gì đây? Tôi không muốn đặt mình vào tay của một ông quan nào đó, mà chắc ông ta nghĩ rằng ông ta là thánh. Catherine nói: - Tôi đã thay đổi ý kiến. Thực ra tôi không cần bác sĩ. Tôi vẫn vui lòng trả tiền về việc hẹn này! - Ồ! Xin đợi cho một phút! Nhưng… Người tiếp nhận đã đi vào văn phòng của bác sĩ. Sau một lát, cửa văn phòng mở ra và Alan Hamilton đi ra. Ông ta trạc khoảng hơn bốn mươi, cao và tóc hung, mắt xanh sáng, phong cách có vẻ dễ dãi. Ông nhìn Catherine và cười: - Cô đã làm tôi mất một ngày, - Ông nói. Catherine nhíu đôi lông mày. - Cái gì? - Tôi không biết tôi là bác sĩ tốt hay không tốt thế nào. Cô vừa vào phòng đón tiếp của tôi, cô đã có cảm giác dễ chịu hơn. Đó phải là một thành công. Catherine nói tự bảo vệ: - Tôi xin lỗi. Tôi có khuyết điểm. Tôi không cần giúp đỡ gì cả. - Tôi rất vui thích được nghe những lời như thế, - Alan Hamilton nói. - Tôi mong cho mọi bệnh nhân của tôi được thấy như thế. Chừng nào cô còn ở đây, cô Alexander à, sao cô không đến tôi được một lát? Chúng ta uống với nhau một ly cà phê. - Cám ơn ông, không. Tôi không… - Tôi tin là cô có thể uống cà phê để thức giấc. Catherine do dự. - Thôi được, chỉ một phút thôi. Nàng theo ông vào văn phòng. Đó là một phòng rất đơn giản, được trang trí theo sở thích yên tĩnh, đồ đạc thì giống như buồng tiếp khách hơn là một văn phòng. Có những bức tranh nhẹ nhàng treo trên tường, trên bàn cà phê có một bức hình một phụ nữ xinh đẹp và một cậu con trai. Được, ông ta có một văn phòng xinh đẹp và một gia đình hấp dẫn. Điều đó nói lên điều gì? - Xin mời ngồi! - Bác sĩ Hamilton nói. - Một phút nữa sẽ có cà phê. - Tôi thực sự không muốn làm bác sĩ lãng phí thời giờ, thưa bác sĩ. Tôi là… - Không nên nghĩ như vậy. - Ông ngồi trên ghế bành, tìm hiểu về nàng. - Cô nghĩ nhiều quá, ông nói rất tình cảm. - Ông có biết điều đó không? - Catherine ngắt lời. Giọng của nàng tỏ ra giận dữ nhưng thâm tâm nàng không giận ai. - Tôi đã nói chuyện với Evenlyn. Cô ấy đã nói với tôi sự việc ở St. Moritz. Tôi xin lỗi. Lại cái từ Chúa phạt đó. - Ông là… Nếu ông là một bác sĩ tuyệt vời, có thể ông cứu được Kirk. Tất cả những nỗi buồn đau âm thầm bên trong nàng đã được dịp phát ra, tuôn ra như một dòng thác, Catherine cho rằng nàng chỉ bị quá kích động. - Hãy để tôi một mình, - nàng kêu lên. - Hãy để tôi một mình. Alan Hamilton ngồi đó, ngắm nhìn nàng không nói gì. Khi cơn thổn thức của Catherine đã dịu đi, nàng nói với vẻ mệt nhọc: - Tôi xin lỗi hãy quên tôi đi. Tôi thực sự phải đi bây giờ, - Nàng đứng dậy và bắt đầu đi ra cửa. - Cô Alexander, tôi không hiểu liệu tôi có thể giúp gì được cô nhưng tôi xin cố gắng. Tôi hứa với cô rằng dù thế nào tôi cũng không làm cô đau buồn thêm. Catherine đứng ở cửa, do dự. Nàng quay nhìn về phía ông, mắt đẫm lệ. - Tôi không biết tình trạng của tôi là thế nào. - Nàng nói nhỏ nhẹ. - Tôi cảm thấy tôi mất mát nhiều quá. Alan Hamilton đi đến phía nàng. - Rồi tôi sẽ cố tìm nguyên nhân vì sao cho cô? Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc đó nhé. Ngồi xuống đi. Tôi đi xem cà phê thế nào. - Ông đi ra độ năm phút, Catherine không hiểu ông nói thế nào mà nàng lại ngòi nán lại. Ông ta tác động trấn an mọi việc. Có cái gì ở phong cách ông ta làm cho người ta yên lòng. Có thể ông ta giúp được mình, Catherine nghĩ. Alan Hamilton trở lại, mang hai cốc cà phê. - Có đường và bơ, tuỳ cô thích. - Không, cám ơn. - Ông ngồi xuống đối diện với cô. - Tôi hiểu bạn cô chết trong một tai nạn trượt tuyết. Thật là đau đớn khi nói về việc đó. - Vâng. Anh ấy trượt ở một cái dốc mà người ta báo là đã đóng cửa. Gió thổi đổ mất biển báo. - Đây có phải là lần đầu đối với cô về cái chết của một ai đó gần với cô? Làm sao nàng có thể trả lời câu hỏi đó được? Ồ, không. Chồng tôi và cô tình nhân của anh ta đã bị xử tử vì cố tình giết tôi. Những người xung quanh tôi đều chết. Điều đó làm ông bị xúc động. Ông đang ngồi đó, đợi câu trả lời, tên chó đẻ buôn lậu. Được, nàng sẽ không thể để hắn thoả mãn. Cuộc đời nàng không phải là đê nó buôn bán. Ta thù hắn! Alan Hamilton đã nhìn thấy sự tức giận trong bộ mặt nàng. Ông từ tốn chuyển chủ đề nói chuyện. - Wim thế nào? - ông hỏi. Câu hỏi làm Catherine hoàn toàn không chút đề phòng. - Wim - anh ta khỏe. Evenlyn nói với tôi anh ta là bệnh nhân của ông. - Vâng! - Xin ông có thể giải thích vì sao anh ta lại như vậy? - Wim đến với tôi vì anh ra muốn khỏi mất việc làm, anh ta có điều rất lạ - một kẻ yếu thế kỳ lạ. Tôi không thể hiểu được vì sao, nhưng cơ bản, anh ấy ghét người khác, anh ấy không thể có liên hệ với người khác. Catherine nhớ lại lời Evenlyn. Anh ta không có cảm xúc Anh ta không bao giờ gắn bó với một ai. - Nhưng Wim lại rất kiệt xuất về toán học, - Alan Hamilton tiếp. - Anh ta hiện đang làm việc mà với việc ấy anh có thể áp dụng được kiến thức toán học! Catherine gật đầu. - Tôi cũng chưa bao giờ được biết ai giống anh ấy. Alan Hamilton nghiêng về phía trước ghế bành. - Cô Alexander, - ông nói, - Sự việc cô vừa trải qua thật là đau buồn, nhưng tôi nghĩ tôi có thể làm cho cô thấy thanh thoát hơn - Tôi sẽ cố gắng. - Tôi… tôi không biết, - Catherine nói. - Mọi việc dường như vô vọng với tôi! - Chừng nào mà cô còn cảm thấy như vậy, - Alan Hamilton cười, - Thì không có nơi đâu cô cần bằng nơi đây - Nụ cười của ông có vẻ tự phụ. - Sao ta lại không hẹn gặp một lần nữa? Nếu, cuối lần hẹn tới, cô còn ghét tôi, chúng tôi gọi đó là thua. - Tôi không ghét ông, - Catherine nói vẻ xin lỗi - Vâng, có thể có một chút. Alan Hamilton đi qua phía bên bàn làm việc và xem quyển lịch. Lịch làm việc của ông gần như kín đặc cả. - Thứ hai, thế nào có được không? - ông hỏi. - Một giờ chiều nhé? Một giờ chiều là giờ ăn trưa của ông, nhưng ông muốn quên đi. Catherine Alexander là một phụ nữ phải chịu một gánh nặng không kham nổi, và ông quyết định làm mọi việc có thể giúp cô. Catherine nhìn ông một lúc lâu. - Được ạ. - Tốt. Tôi sẽ gặp cô lúc đó nhé. - Ông trao cho cô một tấm thiếp. Trong thời gian từ nay đến đó, nếu cô cần tới, đây là số điện thoại văn phòng tôi và điện thoại nhà riêng tôi. Tôi ngủ rất tỉnh vì vậy không ngần ngại gì cả cứ đánh thức tôi dậy! - Cám ơn - Catherine nói. - Thứ hai, tôi sẽ đến đây. Bác sĩ Alan Hamilton nhìn cô đi ra cửa và ông nghĩ, cô ta dễ bị tổn thương, và rất đẹp. Ta phải cẩn thận. Ông nhìn vào bức ảnh trên bàn trà. Ta không biết Angela sẽ nghĩ gì? Điện thoại réo vào nửa đêm. Constantin Denmiris lắng nghe và khi nói giọng ông tỏ rất ngạc nhiên. - Tàu Thele đắm à? Tôi không tin điều đó được! - Đó là sự thực, ông Denmiris. Đội biên phòng phát hiện một số mảnh con tàu đó bị phá hoại. - Có ai sống sót không? - Không, thưa ngài. Tôi e rằng không. Các thuỷ thủ đều mất tích cả. - Thật là khủng khiếp. Có ai biết, sự việc ra sao không? - Tôi e rằng chúng ta chẳng biết gì nữa, thưa ngài. Mọi chứng cứ đang ở đáy biển. - Biển, - Denmiris lầu bầu, - biển quái ác. - Chúng ta trước hết làm đơn khiếu nại hãng bảo hiểm chứ? - Thật là khó mà lo mọi việc như vậy khi mọi người can đảm của chúng ta đã mất mạng rồi - nhưng được, trước hết phải làm đơn khiếu nại. Ông ta muốn giữ cái lọ làm bộ sưu tầm của mình. - Bây giờ đã đến lúc phải trừng phạt cái thằng anh vợ của mình! Chương 18 Spyros Lambrous vô cùng sốt ruột, đang đợi tin tức Constantin Denmiris bị bắt. Ông mở radio phát liên tục trong phòng làm việc, và đọc lướt tất cả các tờ báo hàng ngày tìm mọi tin tức. Ta sắp nghe được một tin gì đó ngay đây thôi, Lambrous nghĩ. Cảnh sát đã bắt Denmiris lúc này đây. Khi mà Tony Rozzoli báo Spyros rằng Denmiris lên tàu Thele và sắp nhổ neo, Lambrous đã thông báo ngay cho hải quan Mỹ - một cách nặc danh, về việc đó. Bây giờ thì họ đã bắt được nó rồi. Sao báo chí không loan ngay chuyện này nhỉ? Điện thoại riêng của ông nheo nhéo. - Ông Denmiris đang đợi ông nói chuyện ở đường dây số hai. - Có ai gọi ông Denmiris à? - Không ạ, thưa ông Lambrous. Chính ông Denmiris đang ở đầu dây. Câu nói đó như một dòng nước làm ông lạnh toát cả người. - Không thể thế được. Như bị điện giật, Lambrous nhấc ống nghe: - Costa? - Spyros - Tiếng Denmiris rất vui vẻ. - Mọi việc thế nào? - Tốt, tốt cả. Anh ở đâu đấy? - Ở Anthens. Hôm nay ăn trưa nhé? Rỗi chứ? Lambrous có cuộc hẹn trưa quan trọng. - Ừ, hay đấy. - Tốt, chúng ta sẽ gặp nhau ở câu lạc bộ. Hai giờ nhé! Lambrous đặt ống nghe xuống, tay anh đã run lên. Nhân danh thượng đế, sự việc lại có thể đổi thay thế được ư? Thôi, ông sẽ thấy đầy đủ mọi việc đã xảy ra ngay thôi. Constantin Denmiris làm cho Spyros phải đợi tới ba mươi phút, và cuối cùng khi đến, ông nói vội. - Xin lỗi, tôi bị trễ! - Không sao. Spyros dò xét Denmiris cẩn thận, cố tìm xem có dấu hiệu gì về kinh nghiệm mà ông ta vừa phải trải qua không. Không có gì khác. - Tôi đói quá. - Denmiris nói rất vui vẻ. - Anh thế nào? - Xem thực đơn hôm nay có cái gì nào. - Ông lướt nhìn một lượt tờ thực đơn. - À Stridia. Anh có muốn bắt đầu bằng món sò không, Spyros? - Không tôi không thích món đó. - Ông ta chẳng còn thấy gì là ngon miệng. Denmiris đang làm như rất vui, và Lambrous thì có linh tính rất nhạy. Khi họ đã đặt món ăn, Denmiris nói: - Tôi phải cám ơn anh, Spyros ạ! - Về cái gì? - Spyros nhìn có vẻ như muốn gây chuyện. - Về cái gì ấy hả? Vì anh đã gửi cho tôi một ông khách hàng tốt: ông Rozzoli. Lambrous lau mép. - Cậu… cậu đã gặp phải hắn? - Ồ vâng. Hắn bảo đảm với tôi rằng chúng tôi sẽ cùng làm ăn nhiều vụ trong tương lai. - Denmiris thở dài. - Tuy vậy, tôi e rằng ông Rozzoli không có nhiều vụ trong tương lai nữa! Giọng Constantin Denmiris như rắn lại: - Điều tôi muốn nói là Tony Rozzoli đã chết! - Sao? Điều gì đã xảy ra? - Hắn bị một tai nạn, Spyros à! - Ông nhìn vào mắt ông anh vợ. - Đó là con đường cho thằng nào cố tình lừa dối tôi, là bị một tai nạn. - Tôi… tôi không hiểu. Cậu… - Không hiểu? Anh đã cố tiêu diệt tôi. Anh thất bại rồi. Tôi hứa với anh, nếu anh thôi không làm thế nữa, sẽ tốt hơn cho anh! - Tôi… tôi không hiểu cậu đang nói gì cả? - Anh không hiểu à, Spyros? - Constantin Denmiris cười: - Anh sẽ hiểu ngay thôi. Nhưng trước hết, tôi sẽ tiêu diệt em gái anh. Món sò mang đến. - À, - Denmiris nói, - Trông ngon quá. Anh thích chứ? Sau đó, Constantin Denmiris rất thoả mãn về lần gặp đó, Spyros Lambrous là một con người hoàn toàn mất hết đạo lý. Denmiris biết Lambrous đã quý trọng em gái mình như thế nào và Denmiris có ý định trừng phạt cả hai. Nhưng có vài điều mà ông ta phải chú ý đến trước tiên. Catherine Alexander. Nàng đã gọi điện cho ông sau cái chết của Kirk, gần như là bị chứng hitstery. - Thật là khủng khiếp! - Tôi thực có lỗi, Catherine à. Tôi biết cô đã mến Kirk như thế nào. Thật là một mất mát lớn cho cả chúng ta. Ta phải thay đổi kế hoạch, Denmiris nghĩ. Không còn thời gian cho việc Rafina bây giờ. Sự việc tồi quá. Chỉ có Catherine là sợi dây nối còn lại giữa ta và những gì đã xảy ra cho Noelle Page và Larry Douglas. Để nàng sống lâu quá là một sai lầm. Chừng nào mà nàng còn sống thì có thể có người chứng minh được những việc Denmiris đã làm. Nhưng với cái chết của nàng, ông ta sẽ được hoàn toàn yên thân. Nhấc điện thoại ở bàn làm việc và quay số. Khi có tiếng trả lời, Denmiris nói. - Thứ hai này tôi sẽ ở Cửu Long. Đến đó nhé. - Và đặt ống nghe xuống không đợi lời đáp. * * * * * Hai người đã gặp lại nhau trong ngôi nhà hoang vắng, mà chủ nhân của nó là Denmiris ở thành phố nhiều bức tường này. - Phải như một tai nạn. Anh có thể bố trí được như thế không? - Constantin Denmiris hỏi. Đó là một điều sỉ nhục. Hắn cảm thấy tức giận sôi lên. Đó là một câu hỏi mà ông ta có thể hỏi những tên đâm thuê chém mướn bắt gặp ngoài phố. Hắn định trả lời đầy ác ý: Ồ, tôi nghĩ có thể làm được việc đó. Ông có muốn một tai nạn trong nhà? Tôi có thể bố trí cho cô ta rớt cầu thang máy gãy cổ chết. Như người vũ nữ ở Marseilles. Hay, cô ấy đã quá chán và chết đuối trong bồn tắm. Như người nữ thừa kế ở Gstuad. Cô ta có thể quá liều heroin. Hắn đưa ra ba cách đó. Hay cô ta có thể chết lịm trên giường với một điếu thuốc cháy dở. Thám tử Thuỵ Điển ở khách sạn bên bờ sông ở Paris. Hoặc, có thể ông thích một kiểu gì đó ngoài trời? Tôi có thể bố trí một tai nạn xe cộ, một vụ máy bay rơi, hay một vụ mất tích ngoài biển. Nhưng rồi hắn lại chẳng nói những điều đó, vì thật sự hắn sợ người ngồi trước mặt hắn. Hắn đã nghe nói quá nhiều chuyện lạnh cả người về con người này và hắn có nhiều lý do để tin vào những chuyện đó. Rồi hắn chỉ nói: "Vâng, thưa ông, tôi có thể bố trí một tai nạn. Không một ai biết được cả". Ngay khi hắn nói những lời đó, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu hắn: Thằng cha này hiểu rằng ta sẽ biết. Hắn đợi. Hắn còn nghe thấy những tiếng ồn ào ngoài phố qua cửa sổ, và cả những giọng the thé và khàn khàn bằng nhiều thứ tiếng của những dân cư của thành phố nhiều bức tường này. Denmiris đang dò xét hắn với con mắt lạnh lùng và trơ như những mảnh chai vỡ. Khi hắn đã nói xong, người đàn ông nói. - Rất tốt. Tôi sẽ để tuỳ anh quyết định về phương pháp. - Vâng, thưa ông. Thế đối tượng đang ở đây, ở Cửu Long này? - London. - Tên cô ấy là Catherine. Catherine Alexander. Cô ta đang làm trong văn phòng của tôi ở London. - Sẽ giúp cho tôi nhiều nếu tôi được giới thiệu về cô ấy. Bằng cách theo dõi nội bộ. Denmiris nghĩ một lúc. - Tôi đang cho một đoàn các cán bộ điều hành đến London tuần tới. Tôi sẽ bố trí cho anh có mặt trong một bữa tiệc. - Ông dướn người về phía trước và nói nhỏ, - Còn một điều nữa. - Dạ vâng, thưa ông. - Tôi không muốn một ai có thể nhận ra thân thể cô ta. Chương 19 Constantin Denmiris đang gọi điện thoại. - Xin chào, Catherine. Cô thấy hôm nay thế nào? - Tốt, cám ơn Costa? - Cô thấy có khỏe hơn không? - Vâng ạ. - Tốt. Tôi rất vui mừng được biết cô khỏe hơn, tôi đã cử một đoàn các cán bộ điều hành của công ty chúng ta sang London để nghiên cứu về các hoạt động ở đấy. Tôi rất muốn cô giúp đỡ và quan tâm tới họ. - Tôi rất sung sướng. Khi nào họ sẽ đến? - Sáng mai. - Tôi sẽ làm mọi việc hết khả năng của tôi. - Tôi biết tôi có thể nhờ cậy nơi cô. Cám ơn. Catherine! - Chúc mừng ông! - Tạm biệt, Catherine. Đường dây nói bị ngắt. Thế là xong! Denmiris ngồi dựa lưng vào ghế suy nghĩ. Với việc Catherine Alexander đi nốt không còn đầu mối nào có thể gỡ ra được nữa. Bây giờ, ông có thể tập trung chú ý đến vợ ông và ông anh của cô. - Tối nay, chúng ta sẽ có bữa tiệc. Một số cán bộ điều hành ở văn phòng. Tôi muốn em làm bà chủ của bữa tiệc. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày nàng làm bà chủ tiệc cho chồng. Melina cảm thấy phấn khởi và hăng hái. Có lẽ đây là một biến đổi. Bữa cơm tối đó chẳng có việc gì đặc biệt cả. Ba người đàn ông đến, ăn tối và về. Bữa tiệc đó chỉ là để che đậy một cái gì mờ ám. Melina chỉ được giới thiệu chiếu lệ với mấy người đàn ông và ngồi đó, trong khi chồng nàng nói chuyện và nàng còn nhớ Costa hôm đó có sức thu hút như thế nào. Anh ta kể những chuyện vui và khen ngợi họ quá đáng, họ thích thú với những lời khen đó. Họ như được hiện diện bởi một vĩ nhân, và họ tỏ ra rằng họ biết rõ điều đó. Melina chẳng có dịp nào để nói, mỗi khi nàng nói một điều gì thì Costa lại ngắt lời, sau cùng, nàng chỉ ngồi đó yên lặng. - Sao anh ấy lại muốn ta có mặt ở đó? Melina thắc mắc. Và cuối buổi, khi mọi người đã ra về, Denmiris nói: - Em sẽ phải bay đi London sáng sớm ngày mai. Anh chắc chắn là em sẽ rất chu đáo với mọi việc cần phải làm ở đó. Và họ đã đi. Đoàn cán bộ đến London sáng hôm sau. Có ba người, tất cả đều khác nhau về quốc tịch. Một người Mỹ, Jerry Haley, cao, thuộc loại người cơ bắp, có bộ mặt cởi mở, thân mật và đôi mắt xám màu đá. Anh ta có bàn tay rất to mà Catherine chưa bao giờ thấy ai thế. Đối với họ, nàng là người rất quyến rũ. Họ như có cuộc sống của riêng họ, trơ về cảm xúc, nhưng lại tỏ ra mềm mỏng và say sưa, do vậy họ rất hăm hở muốn làm một việc gì đó. Một người Pháp, Yres Renard, tương phản hoàn toàn với Haley. Anh này lùn và mập. Nét đặc biệt của anh này là keo kiệt, và anh ta có con mắt lạnh lùng, dò xét như muốn nhìn thấu tim Catherine. Anh ta tỏ ra nhũn nhặn và kín đáo. Cảnh giác là từ theo Catherine nhận xét. Nhưng cảnh giác gì? Catherine không hiểu. Người thứ ba của đoàn là Dino Mattusi. Hắn là người Ý rất cởi mở, thân mật và dễ mến, sự quyến rũ của hắn rò rỉ ra qua từng chi tiết nhỏ nhặt. - Ông Denmiris rất đề cao cô, - Mattusi nói. - Đó chỉ là một điều tâng bốc! - Ông ấy nói cô sắp quản lý chúng tôi ở London. Đây, tôi mang một quà tặng nhỏ cho cô! Hắn đưa Catherine một hộp nhỏ có nhãn Hermès trên hộp. Bên trong là một khăn quàng bằng lụa rất đẹp. - Cám ơn, - Catherine nói. - Cái này có lẽ anh phải bận tâm lắm! - Cô nhìn sang các người khác. Tôi xin đưa các anh thăm các phòng làm việc. Sau lưng họ tự nhiên có vật gì rơi vỡ. Cả bọn quay lại. Một thằng bé con đứng ngây ra đó, mất hết can đảm đang nhìn vào cái hộp mà nó vừa đánh rơi. Nó đang mang ba cái vali. Thằng bé trông khoảng độ mười lăm tuổi và bé nhỏ so với tuổi của nó. Nó có bộ tóc nâu xoắn tít và đôi mắt xanh sáng, trông cu cậu mảnh khảnh. - Lạy chúa, - Renard nói luôn. - Cẩn thận với các đồ đạc này cháu nhé? - Cháu xin lỗi, - thằng bé nói nghiêm nghị. - Tha lỗi cho cháu. Cháu để cái vali này ở đâu ạ? Renard nói vẻ sốt ruột, - Để đâu cũng được. Chúng tao lấy sau! Catherine nhìn thằng bé như muốn hỏi. Evenlyn giải thích: - Nó mới thôi việc làm ở văn phòng Anthens. Và ở đây tôi cần nó để sai vặt. - Tên em là gì? - Catherine hỏi. - Atanas Stavich, thưa madam. - Nó nói gần như khóc. - Được, Atanas. Có một buồng phía sau, cháu có thể để các vali ở đó. Cô muốn thấy các vali đó được trông nom cẩn thận! Thằng bé nói rất biết ơn: - Cám ơn, madam! Catherine quay lại phía mấy người đàn ông. - Ông Denmiris nói rằng các anh sẽ nghiên cứu hoạt động ở đây. Tôi sẽ giúp các anh bằng mọi cách tôi có thể làm được. Nếu có điều gì các anh cần, tôi sẽ cố gắng giải quyết. Bây giờ, xin quý vị đi theo tôi, tôi sẽ giới thiệu quý vị Wim và các cán bộ văn phòng. Khi họ đi xuống hành lang Catherine dừng lại để giới thiệu. Họ tới văn phòng của Wim. - Wim, đây là đoàn cán bộ ông Denmiris cử tới. Xin giới thiệu Yres Renard, Dino Mattusi và Jerry Haley. Các anh ấy vừa từ Hy Lạp sang. Wim nhìn họ: - Hy Lạp có dân số bảy triệu sáu trăm và ba mươi ngàn. - Mọi người nhìn nhau và không hiểu. Catherine cười thầm. Họ cũng có cùng phản ứng với Wim đúng như cô khi lần đầu gặp anh ta. - Tôi đã chuẩn bị văn phòng làm việc của các anh. - Catherine nói với bọn đàn ông. - Xin các anh theo tôi ạ! Khi họ ra ngoài hành lang, Jerry Haley hỏi. - Cái thằng cha này là thế nào? Có người nói hắn ở đây rất quan trọng. - Anh ta là Wim - Catherine trấn an Haley - Wim theo dõi vấn đề tài chính của các ngành quan trọng khác nhau. - Tôi muốn để hắn theo dõi con mèo của tôi, - Haley nói giọng mũi. - Có lúc nào đó, các anh sẽ hiểu anh ta hơn… - Tôi không muốn được hiểu hơn về anh ta! - người Pháp làu bàu. - Tôi đã sắp xếp các khách sạn cho các anh, - Catherine nói với cả nhóm. - Tôi hiểu mỗi anh muốn ở khách sạn khác nhau. - Đúng thế, - Mattusi trả lời. Catherine lúc đầu không định như vậy, nhưng rồi sau lại quyết định thôi. Đó không phải là công việc. Sao họ lại muốn chọn ở tại các khách sạn khác nhau. Mattusi nhìn Catherine và suy nghĩ. Cô ta đẹp hơn là tôi tưởng. Điều đó làm cho công việc thích thú hơn. Và cô đang bị đau buồn. Tôi có thể đọc được điều đó ở trong đôi mắt cô. Tôi sẽ dạy cô ta làm sao bỏ được những nỗi buồn đau. Chúng ta sẽ vui cùng nhau. Và khi tôi đã làm xong việc với cô ấy tôi sẽ đưa cô ấy đến nơi không còn có đau khổ nữa. Cô ta sẽ đến Maker hay Baker. Tôi sẽ vui với điều đó. Tôi sẽ rất vui với điều đó. Catherine chỉ cho mọi người các văn phòng làm việc khác và khi họ đã vào các phòng đó, cô quay lại bàn làm việc của mình. Từ hành lang nàng nghe được người Pháp đang la mắng thằng bé con. - Đây không phải là cái valy của tao, thằng ngốc ạ. Cái của tao mầu nâu cơ. Mầu nâu? Mày có hiểu tiếng Anh không? - Dạ, thưa ngài. Tôi xin lỗi ngài. - Giọng của nó đầy sợ hãi. Ta phải ra để giải quyết việc này, Catherine nghĩ. Evenlyn Kaye nói: - Nếu cô cần giúp gì về đoàn này, tôi sẵn sàng ở đây. - Tôi cám ơn và chú trọng điều chị nói, Evenlyn. Tôi sẽ báo chị. Mấy phút sau, Atanas Stavich đi qua phòng của Catherine. Cô gọi nó vào: - Em vào đây một lúc, vào đi. Thằng bé nhìn cô, sợ hãi biểu hiện ra mặt. - Thưa vâng, madam - Nó bước vào nhìn ngang, nhìn ngửa như thể sắp bị đánh. - Đóng cửa lại đi! - Dạ vâng, Madam! - Ngồi đi, Atanas, tên em là Atanas, phải không? - Dạ vâng, madam! Cô cố gắng làm cho nó thoải mái, nhưng không được. - Không việc gì mà em phải sợ hãi thế cả. - Không ạ, madam! Catherine ngồi đó, xem xét thằng bé, không hiểu có điều gì khủng khiếp đã làm cho nó sợ sệt như vậy. Cô quyết định tìm hiểu thêm về quá khứ của nó. - Atanas, nếu có ai ở đây làm em khó chịu, hoặc có ý nói gì em, tôi muốn em đến với tôi. Em có hiểu không? - Vâng, Madam! - Nó nuốt nước bọt. Nhưng cô không hiểu liệu nó có đủ nghị lực để đến với cô hay không. Có người nào, ở đâu đã làm hỏng tinh thần của nó. - Chúng ta sẽ nói chuyện sau nhé! - Catherine nói. Bản tóm tắt của đoàn cho thấy họ đã làm việc ở nhiều ngành trong vương quốc rải rác của Constantin Denmiris, do vậy họ có nhiều kinh nghiệm trong phạm vi tổ chức. Có một điều làm đau đầu Catherine nhất là tay người Ý rất đáng mến Dino Mattusi. Anh hay bỏ bom Catherine bằng các câu hỏi mà anh có thể biết câu trả lời là gì, và anh ta tỏ ra không cần quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu các hoạt động ở London, thực tế là anh ta chú ý đến công ty và chỉ chú ý đến đời tư của Catherine. - Cô có chồng chưa? - Mattusi hỏi. - Không! - Nhưng chắc cô cũng đã kết hôn? - Vâng! - Đã ly dị à? Cô muốn kết thúc câu chuyện. - Tôi là goá phụ! Mattusi cười cô: - Tôi cuộc với cô đã có một người bạn trai. Cô hiểu tôi muốn nói gì? - Tôi hiểu anh muốn nói gì, - Catherine nói cứng rắn. - Và đấy không phải là việc của các anh. Các anh đã lấy vợ chưa? - Si si! Tôi đã có vợ và bốn bambini xinh đẹp. Chúng ít gần vì tôi hay xa nhà. - Ông có đi nhiều nơi không, ông Mattusi? Anh ta thoáng có vẻ chạnh lòng. - Dino, Dino. Ông Mattusi là tên bố tôi. Vâng, tôi đã đi nhiều. - Anh ta cười Catherine và hạ thấp giọng. - Nhưng đôi khi đi đây đó có thể mang lại những vui thích cực kỳ. Cô biết tôi muốn nói gì? Catherine lặp lại nụ cười trước. - Không. * * * * * Trưa hôm đó vào lúc 12h15, Catherine đến theo hẹn với Bác sĩ Hamilton. Nàng rất ngạc nhiên, là rất mong được gặp Hamilton. Nàng còn nhớ lần trước nàng bực bội như thế nào khi đến gặp ông. Lần này, nàng bước vào văn phòng trong lòng tràn đầy cảm giác vui thích. Người tiếp đón đi ăn trưa và cửa phòng bác sĩ mở. Alan Hamilton đang đợi nàng. - Vào đi - ông chào đón nàng như vậy. Catherine bước vào phòng và ông chỉ một cái ghế. - Tốt. Tuần vừa qua cô tốt chứ? Có phải là một tuần lễ tốt không? Không thực là vậy. Nàng vẫn không thể quên được cái chết của Kirk Reynolds. - Tuần qua ổn cả. Tôi… tôi bận quá. - Như vậy rất có lợi. Cô đã làm cho Constantin Denmiris bao lâu nay rồi? - Bốn tháng! - Cô có thích công việc không? - Công việc làm đầu óc tôi lúc nào cũng bận rộn. Tôi ơn ông Denmiris nhiều. Tôi có thể nói với ông, ông ấy đã làm nhiều việc cho tôi. - Catherine cười vẻ luyến tiếc. - Nhưng tôi cho rằng, tôi sẽ đền đáp lại, liệu tôi có làm được không? Alan Hamilton lắc đầu. - Cô chỉ nên nói với tôi cái gì cô muốn nói. Yên lặng. Cuối cùng nàng phá tan sự yên lặng đó. - Chồng tôi đã từng làm việc cho ông Denmiris. Anh là phi công của ông ấy. Tôi… tôi đã bị một tai nạn đắm thuyền và tôi đã mất hết trí nhớ. Khi tôi lấy lại được trí nhớ, ông Denmiris đã cho tôi việc làm. Tôi đã hết đau buồn và sợ hãi. Có phải là ta ngượng nếu nói với ông ấy là chúng ta cố tình giết hại ta? Điều đó có phải là ta sợ ông ấy nghĩ rằng ta tầm thường quá! - Không dễ dàng gì cho chúng ta khi nói về quá khứ của mình. Catherine nhìn ông, yên lặng. - Cô nói cô mất trí nhớ? - Vâng. - Cô bị tai nạn đắm thuyền! - Vâng. Môi Catherine cứng lại, vì nàng quyết định nói với ông càng ít càng tốt. Nàng bị dày vò bởi những mâu thuẫn khủng khiếp. Nàng muốn nói với ông mọi điều và nhờ ông giúp. Nhưng nàng cũng chẳng muốn nói với ông điều gì, những cái đã là cõi riêng tư của mình. Alan Hamilton xem xét nàng và hỏi: - Cô đã ly dị chưa? - Vâng. Bởi cuộc xử bắn - Anh ấy đã bị… chồng tôi bị chết. - Cô Alexander… - Ông do dự. - Cô có phật ý nếu tôi gọi cô là Catherine? - Không. - Tôi là Alan. Catherine, cô sợ hãi điều gì? Nàng ngây người ra. - Ai bảo ông tôi sợ? - Có phải thế không? - Không - Lần này yên lặng kéo dài hơn. Nàng sợ cả nói lên thành lời, sợ cả đưa sự thực ra ánh sáng. - Những người xung quanh tôi… như là chết hết. Nếu ông được rút lui ý kiến, ông sẽ không nói thế. - Và cô tin rằng cô là nguyên nhân của những cái chết? - Vâng. Không. Tôi không biết. Tôi bị… lẫn lộn cả. - Chúng ta thường tự trách mình về những điều đã xảy ra với người khác. Nếu một người chồng và một người vợ ly dị nhau, các con cái nghĩ chúng có trách nhiệm. Nếu một ai hành hạ một người và người đó chết, người đó nghĩ mình là nguyên nhân cái chết đó. Cái niềm tin kiểu đó không phải là không bình thường. Có… - Còn hơn thế. - Thế ư? - ông ngắm nhìn cô, sẵn sàng lắng nghe. Những lời lẽ tuôn ra: - Chồng tôi đã bị giết, và cả người tình của anh ấy nữa. Hai luật sư bảo vệ họ cũng bị chết. Và bây giờ… - Giọng nàng đứt quãng. - Kirk. - Và cô nghĩ cô chịu trách nhiệm đối với cái chết đó. Đó là một gánh quá nặng đè lên vai cô, có phải thế không? - Tôi… tôi như có một cái gì đó không may trong tình cảm. Tôi sợ có quan hệ với người đàn ông khác nữa. Tôi không nghĩ rằng tôi có thể sống thế này mãi nếu không có một… - Catherine, cô có biết cô có trách nhiệm với cuộc sống của ai không? Cuộc sống của cô. Không vì cuộc sống của ai khác. Cô không thể quản lý cuộc sống và cái chết của bất cứ ai. Cô ngây thơ quá. Cô chẳng cần phải làm gì với bất kỳ cái chết nào của những ngưđi đó. Cô phải hiểu điều đó. Cô ngây thơ quá. Cô chẳng cần phải làm gì với bất kỳ cái chết vào của những người đó. Catherine đã ngồi đó suy nghĩ về những lời nói ấy. Nàng muốn tìm những điều ấy một cách tuyệt vọng. Những người đã chết vì hành động của họ không phải tại cô. Và đối với Kirk, đó là một tai nạn không may. Có phải thế không? Alan Hamilton ngắm nhìn nàng yên lặng. Catherine nhìn lên và nghĩ, ông ta là một người khiêm tốn. Một tư tưởng khác lại chợt nảy ra trong ý nghĩ nàng. Giá được gặp ông sớm hơn. Thật có tội, Catherine liếc nhìn khung ảnh vợ Aìan và con trên bàn cà phê. - Cám ơn, - Catherine nói. - Tôi… tôi sẽ cố tin những điều đó. Tôi đã quen với ý nghĩ cũ. Alan Hamilton cười: - Chúng ta cùng nhau quen với điều mới ấy. Cô có đến đây nữa không? - Cái gì! - Đây là một cách thủ, cô nhớ không? Cô sắp phải quyết định, liệu cô có nên tiếp tục đến đây? Catherine không do dự: - Có chứ, tôi sẽ quay lại, Alan. Khi nàng đã đi. Alan Hamilton ngồi nghĩ về nàng. Ông đã điêù trị nhiều bệnh nhân rất quyến rũ trong nhiều năm ông hành nghề, và một số họ đã thể hiện sự quan tâm đến tình dục nơi ông. Nhưng ông là một nhà tâm lý học quá tốt để không cho phép mình bị cám dỗ. Quan hệ cá nhân với bệnh nhân là một điều cấm kỵ trong nghề nghiệp của ông. Đó là một sự phản bội. Bác sĩ Alan Hamilton có một truyền thống gia đình làm thầy thuốc. Cha ông là một bác sĩ giải phẫu đã cưới một cô y tá, và ông của Alan là một nhà tim học nổi tiếng. Khi ông còn là một cậu con trai bé bỏng. Alan đã biết sau anh sẽ thành bác sĩ. Một nhà giải phẫu như cha anh. Ông đã học trường y King College, và sau khi tốt nghiệp, ông đã chuyển sang nghiên cứu giải phẫu. Ông có nhạy cảm tự nhiên về nghề nghiệp, một tay nghề không phải do ai dạy. Và rồi, ngày 1 tháng chín 1939, quân đội đế chế đệ tam hành quân qua biên giới Ba Lan, và hai ngày sau Anh và Pháp đã tuyên chiến. Đại chiến thế giới thứ hai bắt đầu. Alan Hamilton đầu đơn tham gia làm bác sĩ giải phẫu. Vào ngày 22 tháng sáu năm 1940, sau khi các lực lượng trục phát xít đã chinh phục được Ba Lan, Nauy, và Hà Lan, Pháp đầu hàng, sức mạnh của quả đấm chiến tranh lại rơi xuống các quần đảo Anh. Trước hết, một trăm máy bay trong một ngày đã bỏ bom xuống các thành phố Anh Quốc. Rồi lên đến hai trăm chiếc mỗi ngày, rồi một nghìn chiếc. Chết chóc trên sức tưởng tượng. Đâu đâu cũng có người bị thương. Các thành phố đều bị bốc lửa. Nhưng Hitler đã đánh giá nhầm nước Anh. Các cuộc tiến công đó chỉ làm tăng thêm sự quyết tâm của họ. Họ sẵn sàng chết cho nền tự do của mình. Không có ngày hay đêm nào được nghỉ ngơi, và Alan Hamilton tự thấy phải tiếp tục không được ngủ để làm việc có khi liên tục suốt sáu mươi giờ đồng hồ. Khi bệnh viện cấp cứu ông làm việc bị bỏ bom, ông chuyển những bệnh nhân sang nhà kho. Ông đã cứu không biết bao nhiêu mạng sống, đã làm việc trong những điều kiện có nhiều rủi ro nhất. Tháng Mười, khi ở đỉnh cao cuộc ném bom, những tiếng còi phòng không rú lên, và mọi người phải chui vào những hầm trú ẩn ngầm dưới đất. Alan đang còn mổ dở một ca phẫu thuật và anh từ chối bỏ bệnh nhân một mình. Bom nổ gần hơn. Một bác sĩ làm cùng Alan nói: - Hãy xa lánh ngay địa ngục. - Đợi một phút. - Ông đã mở lồng ngực bệnh nhân và lấy ra một mảnh đạn đầy máu. - Alan! Nhưng ông không thể rời được. Ông tập trung vào việc đang làm, không để ý đến tiếng bom xung quanh. Ông không nghe thấy cả tiếng bom rơi vào chính ngôi nhà. Ông bị mê man trong sáu ngày, và khi ông tỉnh, ông mới biết cùng những vết thương khác, xương của bàn tay đã bị dập nát. Các mảnh xương đã được sắp lại và trông nay bình thường nhưng ông không bao giờ còn mổ được nữa. Phải mất đến một năm để vượt qua cơn sốc về tinh thần do tương lai ông không còn gì nữa. Ông được một nhà tâm lý học chăm sóc, một bác sĩ không thuộc loại vô tâm nói: - Đã đến lúc anh không cảm thấy đau khổ về chính anh và anh có thể tiếp tục sống với cuộc sống của anh. - Làm gì? - Alan cay đắng hỏi. - Làm những gì mà anh đã làm - chỉ có theo một cách khác. - Tôi không hiểu. - Anh là một thầy thuốc, Alan. Anh đã cứu nhiều người. Tốt, nhưng nay anh không thể làm việc đó được nữa. Nhưng còn một việc rất quan trọng là cứu tâm tư con người. Anh phải làm một nhà tâm lý học tốt. Anh thông minh và hăng say. Hãy nghĩ về đó đi. Ý kiến đó đã thành một quyết định đáng quý nhất của ông và ông đã làm được. Theo một nghĩa khác, ông còn cảm thấy công việc của ông nay thoả mãn hơn, bệnh nhân đang sống trong tuyệt vọng trở về cuộc sống bình thường, còn có ý nghĩa hơn là quan tâm tới các lợi ích vật chất của họ. Sự nổi tiếng của ông vang xa rất nhanh, và ba năm qua, ông đã phải từ chối bệnh nhân mới. Ông đã đồng ý chỉ xem cho Catherine. Nhưng ở nàng có một cái gì đã tác động vào ông. Ta phải giúp cô ấy. Khi Catherine trở về phòng làm việc, sau buổi gặp Alan Hamilton, nàng đến thăm Wim. - Hôm nay tôi gặp Bác sĩ Hamilton, - Catherine nói. - Thế à? Trong việc điều chỉnh lại tâm lý xã hội, các mức thang chết vợ là 100, ly dị 73, ly thân với chồng là 65, bị bỏ tù 63, chết cùng những người thân trong gia đình 63, bị thương hay ốm 53, cưới xin 50, chết cháy khi làm việc là 4… Catherine đứng đó lắng nghe. Phải làm như thế nào, nàng tự hỏi, chỉ nghĩ về những từ toán học? Không biết người khác là một con người, không có ai thực là bạn mình. Ta cảm thấy đã tìm được một người bạn mới, Catherine nghĩ vậy. Ta không hiểu ông ta đã cưới vợ bao lâu rồi. Chương 20 "Anh đã cố tiêu diệt tôi. Anh thất bại rồi. Tôi hứa với anh nếu anh không làm thế nữa, sẽ tốt hơn cho anh. Nhưng trước hết, tôi sẽ tiêu diệt em gái anh". Nhưng lời nói của Constantin Denmiris đang còn réo lên trong tai Lambrous. Ông không nghi ngờ Denmiris sẽ cố tìm cách thực hiện lời đe doạ của hắn. Nhân danh chúa, điều gì xấu xa đã đến với Rozzoli? Mọi việc đã được chuẩn bị cẩn thận đến thế cơ mà. Nhưng không còn đủ thời gian để xác định việc xảy ra như thế nào. Bây giờ, điều quan trọng là phải báo ngay cho em ông. Người thư ký của Lambrous vào văn phòng. - Cuộc hẹn vào mười giờ đang đợi ông. Tôi có phải gửi… - Không. Huỷ tất cả các buổi hẹn. Tôi sẽ không về, sáng nay. Ông nhấc ống nghe và năm phút sau ông đã trên đường đến gặp Melina. Cô đang đợi ông trong vườn của ngôi biệt thự. - Spyros. - Anh nói trong điện thoại, em nghe thấy anh rất bực tức? Có điều gì xấu không anh? - Chúng ta phải nói chuyện. Ông dẫn cô tới một cái ghế dài ở túp lều che phủ bởi các cành nho. Ông ngồi vào đó và nhìn cô suy nghĩ cô em ông là một phụ nữ đáng yêu quá. Cô luôn mang lại hạnh phúc cho bất cứ người nào đã đi vào đời cô Cô không làm một việc gì để đòi hỏi ai. - Anh có nói cho em nghe những gì xấu không? Lambrous thở một cái thật mạnh. - Cái điều này sẽ rất là đau đớn, em ạ. - Anh lại bắt đầu báo động cho em. - Anh muốn nói là cuộc sống của em bị nguy hiểm. - Sao! Nguy hiểm do ai? Ông cân nhắc cẩn thận từng lời. - Anh nghĩ Costa có ý định giết em. Melina nhìn chằm chằm vào ông, mồm há hốc. - Anh nói đùa đấy chứ? - Không, đúng thế đấy Melina ạ. - Anh ạ. Costa có nhiều vấn đề lắm, nhưng anh ấy không phải là tên giết người. Anh ấy không thể… - Em sai rồi. Trước đó nó đã giết người. Mặt nàng chuyển sang màu nhợt nhạt. - Anh nói gì thế? - Ôi nó không làm những việc đó bằng tay không. Nó thuê người khác làm cho nó, nhưng… - Em không tin anh! - Em có nhớ Catherine Douglas không? - Người đàn bà đã bị giết chết… - Cô ta không bị chết. Cô ta còn sống. Melina lắc đầu. - Cô ấy - cô ấy không thể. Em muốn nói - người ta xử tử người giết cô ấy. Lambrous cầm hai bàn tay cô trong hai bàn tay mình. - Melina à, Larry Douglas và Noelle Page không giết Catherine. Trong suốt thời gian xử án. Denmiris đã giấu chị ta ở chỗ khác. Melina ngồi đó, người ngây ra, nói không ra lời, nhớ người đàn bà mà chị đã nhìn thoáng qua ở nhà. Người phụ nữ em thấy trong phòng lớn? "Cô ta là một người bạn cũ một hội kinh doanh. Cô ta sắp làm việc cho Costa ở London!" - Em đã nhìn thoáng qua cô ta. Cô ta làm em nhớ lại một người nào đó. Cô ấy làm em nhớ lại vợ viên phi công đã từng làm việc cho anh ấy. Nhưng không thể thế được. Họ đã giết cô ấy? - Vâng, họ đã giết cô ấy. - Em đã nhìn thấy cô ấy ở nhà, Spyros ạ. Costa nói dối em về cô ấy. Nó điên rồi. Anh muốn cô đóng đồ nhanh lên và đi khỏi nơi này. Nàng nhìn ông và nói chậm rãi: - Không đây là nhà em? - Melina, anh sẽ không chịu đựng được nếu có điều gì xảy ra cho em. - Đừng lo. - Như có sắt thép trong giọng nói của cô - Không có gì xảy ra với em đâu. Costa không điên đâu. Anh ta biết nếu làm gì hại em, ah ta sẽ phải trả giá đắt cho việc ấy! - Anh ấy là chồng em, nhưng anh không hiểu anh ấy. - Em sợ anh! - Anh có thể xử lý được với hắn, em Melina. Ông nhìn cô và biết rằng không có cách nào ông có thể thuyết phục cô thay đổi ý định. Nếu em không muốn đi, hãy cho anh một quyền hạn ưu tiên. Hãy hứa đi, em không được ở một mình cùng với nó. Cô vỗ vào má ông anh: - Em hứa. Melina không có ý định giữ lời hứa đó. Khi Constantin Denmiris về nhà tối hôm đó, Melina đang đợi ông. - Ông gật đầu và đi qua mặt nàng vào phòng ngủ. Melina theo ông. - Em nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nói chuyện với nhau. - Melina nói. Denmiris nhìn vào cái đồng hồ đeo tay: - Anh chỉ còn vài phút. Anh có một việc hẹn. - Anh có việc gì? Anh lại định giết ai tối nay? Ông quay lại phía cô: - Em đang nói nhảm nhí gì thế? - Sáng nay Spyros đến gặp em. - Anh sắp phải cảnh cáo ông anh em không được bén mảng đến nhà này nữa. - Đây cũng là nhà tôi, - Melina cự lại - Chúng tôi vừa nói một chuyện rất hay. - Có thực không? Về cái gì? - Về anh và Catherine Douglas và Noelle Page. Nàng dã làm Denmiris chú ý. - Đó là chuyện cũ rồi! - Thế à? Spyros nói anh đã làm hai người vô tội bị giết, Costa. - Spyros là một thằng điên. - Em đã nhìn thấy cô gái ấy ở đây trong nhà này! - Không ai tin em được. Em sẽ không được gặp lại cô ta nữa đâu. Tôi đã cử người tống khứ cô ấy đi. Và Melina đột nhiên nhớ tới ba người đàn ông đến ăn cơm tối. "Em phải bay đi London sáng sớm. Anh chắc chắn em sẽ rất chu đáo với mọi việc cần làm ở đó". Anh ngồi gần Melina hơn và nói nhỏ: - Em biết, anh thực sự có đủ sức với em và anh em! - Ông cầm cánh tay vợ và bóp mạnh. - Spyros cố hại anh. Có thể anh ấy sẽ giết anh. - Đừng nói nữa. Anh làm chạnh lòng em. - Người vợ yêu quý của anh, em chẳng biết đau khổ gì cả. Nhưng rồi em sẽ biết! - Ông để cô thoát khỏi hai cánh tay ông. - Anh đang phải đề nghị ly dị. Anh đang muốn một người phụ nữ khác. Nhưng anh lại không muốn xa em. Ô, không. Anh có một số dự định lớn cho em và ông anh thân yêu của em. Được, chúng ta đã nói chuyện với nhau một chút rồi. Nếu em thứ lỗi cho anh, anh đi vào thay đồ. Không lịch sự chút nào bắt người phụ nữ phải đợi. Ông quay đi vào buồng thay quần áo. Melina đứng đó, tim nàng như muốn tan vỡ ra. Ta phải sống để làm gì? Melina nghĩ mà cay đắng. Chồng cô đã lấy hết phẩm giá của cô và hạ cô xuống đến mức độ này. Cô nghĩ đến những lúc anh ta đã quá coi thường cô và lạm dụng cô trước mọi người. Cô đã biết cô chỉ là một đối tượng để cho các bạn bè thương hại. Không, cô từ lâu đã hiểu và mình. Ta sẵn sàng chết, cô nghĩ nhưng ta không thể để anh ta làm hại Spyros. Nhưng cô có thể làm gì để ngăn ông? Spyros có sức mạnh, nhưng chồng cô còn mạnh hơn. Melina biết rất chắc chắn rằng nếu cô để yên, chồng cô sẽ thực hiện lời đe doạ của ông. Bằng cách nào đây ta phải ngăn anh ta lại. Những làm thế nào? Thế nào? * * * * * Đoàn cán bộ điều hành từ Anthens đến làm Catherine rất bận rộn. Nàng phải bố trí các cuộc họp với những người điều hành các công ty khác và đưa họ đi dự các hoạt động ở London. Họ khen ngợi hiệu quả công việc của nàng. Nàng có đủ kiến thức trong từng bước của hoạt động kinh doanh, và họ đã cảm nhận được. Các ngày làm việc của Catherine bận cứng cho cả sự giải trí khiến cho đầu óc nàng đỡ phải nghĩ về những vấn đề riêng của nàng. Nàng đã biết nhiều hơn về những người đó. Jelly Haley là một tên vô lại trong gia đình mình. Cha hắn đã từng là một nhà dầu mỏ giàu có, và ông nội hắn là một luật sư được kính nể. Khi mà Jelly Haley hai mươi mốt tuổi, hắn đã phải qua ba năm ở trung tâm cải huấn thanh niên về tội ăn cắp ô tô, bẻ khoá đột vòm và hãm hiếp phụ nữ. Gia đình hắn cuối cùng phải đưa hắn sang châu u để thoát nợ. - Nhưng tôi đã thực sự thoát khỏi quá khứ. - Haley nói với Catherine một cách hãnh diện. - Hoàn toàn thay đổi như lật mặt mới của tàu lá. Yves Renard là người bị nhiều cay đắng. Catherine biết cha mẹ hắn đã từ bỏ hắn và hắn được một người bà con nuôi nấng nhưng lại lạm dụng hắn. - Họ có trang trại gần Vichy, và họ bắt tôi làm việc như một con chó từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Tôi trốn khỏi đó khi tôi được mười lăm tuổi và đi làm ở Paris. Tay người Ý vui tính, Dino Mattusi, sinh ra ở đảo Sicile, cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu. - Khi tôi mười sáu tuổi, tôi gây ra một vụ xì-căng-đan lớn, bỏ đi với một mụ đàn bà đã có chồng, già hơn tôi mười tuổi, à, mụ ta là một killisima. - Sau thế nào? - Catherine hỏi. - Họ mang tôi về nhà và rồi gửi tôi đi Rome để thoát khỏi sự nổi xung của chồng cô ta. - Hắn thở dài. Catherine cười: - Tôi hiểu. Anh đến làm cho Công ty ông Denmiris từ khi nào? Hắn nói lờ mờ: - Tôi đã làm nhiều thứ trước đó. Cô biết không - cái công việc phụ. Làm mọi việc để kiếm sống. - Và rồi anh gặp vợ anh. Hắn nhìn vào mắt Catherine và nói: - Vợ tôi không ở đây. Hắn ngắm nhìn nàng, nói chuyện với nàng, lắng nghe giọng nói của nàng, ngửi mùi nước hoa của nàng. Hắn muốn biết mọi điều về nàng. Hắn thích cả cách nàng đi đứng và hắn còn mường tượng thân hình nàng như thế nào sau những bộ đồ nàng mặc. Hắn sẽ biết ngay thôi. Rất mau thôi. Hắn phải đợi một cách rất khó nhọc. Jelly Haley vào phòng làm việc của Catherine. - Cô có thích đi xem hát không, Catherine? - Sao, vâng. Tôi… - Có một buổi ca nhạc mới. Cầu vồng Finian. Tôi rất muốn đi nghe hát tối nay. - Tôi rất vui lòng để có một vé cho anh. - Đi một mình thì dở quá, phải không? Cô có rỗi không? Catherine do dự: - Vâng. - Nàng tự thấy như nàng phải chịu đựng đôi cánh tay to lớn và không biết mỏi mệt của hắn. - Hay lắm! Đón tôi ở khách sạn vào bẩy giờ nhé. Đó là lệnh đấy. - Hắn quay và đi ra khỏi phòng làm việc. Thật là lạ, Catherine nghĩ. Hắn tỏ ra thân mật, cởi mở và… Ta đã thực sự thoát khỏi những việc cũ. Nàng không thể nào không nghĩ đến hình ảnh những cánh tay hộ pháp đó. * * * * * Jelly Haley đang đợi Catherine ở đại sảnh của khách sạn Savoy và họ đi đến rạp hát trên xe limousise của công ty. - London là một thành phố lớn, - Jelly Haley nói. - Tôi luôn luôn thích trở lại London. Cô đã ở đây lâu chưa? - Mới có vài tháng. - Thế cô gốc từ bang nào? - Vâng. Chicago. - Bây giờ, đó là một thành phố lớn. Tôi đã có nhiều thời gian đẹp ở đó. Hãm hiếp phụ nữ (cô nghĩ thầm). Họ đến rạp hát và hoà vào đám đông. Buổi biểu diễn rất ngoạn mục, các vai đóng rất tuyệt, nhưng Catherine không thể tập trung xem được. Jelly Haley nắm chặt những ngón tay vào thành ghế, vào đùi hắn và vào đầu gối hắn. Hắn không thể để yên đôi tay hộ pháp của hắn. Khi vở diễn kết thúc, Haley quay sang Catherine và nói. - Thật là một đêm đẹp. Sao ta không bỏ xe và đi bộ một chút ở công viên Hyde-Park? - Tôi phải có mặt ở văn phòng sáng sớm mai. - Catherine nói. - Có lẽ để khi khác. Haley dò xét nàng, một cái cười khó hiểu trên mặt hắn. - Chắc nhé, - hắn nói. - Còn có nhiều thời gian. Yves Renard thì quan tâm đến bảo tàng. - Tất nhiên - người Pháp này nói với Catherine. - Ở Paris chúng tôi có viện bảo tàng lớn nhất thế giới. Cô đã đến Louvre chưa? - Chưa, - Catherine nói. - Tôi chưa bao giờ sang Paris. - Thật là tội nghiệp. Cô phải đến, một ngày nào đó. Nhưng, hắn vừa nói thế, hắn lại tự nghĩ, tôi biết cô không thế đi được. - Tôi muốn xem các bảo tàng ở London. Có lẽ vào thứ bảy này, chúng ta đến thăm một vài bảo tàng chứ? Catherine đã có kế hoạch bắt một số bộ phận làm việc vào thứ bẩy. Nhưng Constantin Denmiris đã yêu cầu phải chú ý chăm nom các vị khác. - Được thôi, - nàng nói. - Thứ bảy thì hay quá. Catherine không mong mỏi gì phải mất cả một ngày với ông bạn người Pháp này. Hắn bị cay đắng lắm. Hắn làm như hắn vẫn còn bị vận dụng quá nhiều. Ngày hôm đó bắt đầu cũng vui. Trước hết họ đến Bảo tàng Anh Quốc, ở đó họ đi lang thang qua các gian trưng bày có nhiều báu vật. Họ nhìn thấy bản sao Tuyên bố Manga Carta, do Elizabeth I ký, và các hiệp ước trong các cuộc chiến tranh xảy ra hàng thế kỷ trước. * * * * * Yves Renard cũng làm phiền hà Catherine, nhưng phải mãi đến lúc này, hắn đang ở bảo tàng gần một tiếng đồng hồ rồi, nàng mới nhận ra được. Họ đang xem một cái tủ chứa một tài liệu chính do Đô đốc Nelson viết. - Tôi nghĩ đây là một trong các trưng bày hay nhất ở đây - Catherine nói, - Văn bản này được Đô đốc Nelson viết trước khi đi chiến đấu. Anh thấy, ông không chắc rằng ông nắm được chính quyền… - đột nhiên nàng hiểu ra một điều là Yves Renard không lắng nghe. Một nhận định thoáng qua đầu nàng; hắn gần như không để ý đến bất cứ cái gì trưng bày trong bảo tàng. Hắn không quan tâm đến những cái đó. Vậy tại sao hắn bảo ta muốn xem bảo tàng? - Catherine tự hỏi. Rồi họ lại sang bảo tàng Victoria và Albert bên cạnh và lại lặp lại như thế. Lần này, Catherine nhìn hắn rất kỹ. Yves Renard đi từ phòng này sang phòng kia, chỉ nói đãi bôi về những cái hắn thấy, nhưng tâm trí hắn lẽ dĩ nhiên là để ở đâu. Khi họ đã xem xong, Catherine hỏi: - Anh có thích xem tu viện Westminten không? Yves Renard gật đầu. - Có chứ, dĩ nhiên. Họ đi bộ qua Tu viện lớn, dừng lại xem ngôi mộ của những con người vĩ đại trong lịch sử đã được chôn ở đây, cả nhà văn, các chính khách và các vị vua. - Hãy nhìn, - Catherine nói - đây là nơi chôn Browning. Renard lại nhìn xuống dưới: - Browning à. - Và rồi hắn đi. Catherine đứng đó, theo dõi hắn. Hắn tìm cái gì nhỉ? Vì sao hắn để mất cả một ngày? Khi họ trên đường về khách sạn, Yves Renard nói: - Cám ơn, cô Alexander. Tôi thích thú lắm. Hắn nói dối. Nhưng vì sao? - Có một chỗ mà tôi nghe nói rất hay. Stonchenge. Tôi tin rằng, đó không phải là Đồng bằng Salis bury. - Vâng, - Catherine nói. - Sao ta không đến đó, có thể thứ bảy tới chứ? Catherine cho rằng có thể hắn muốn tìm xem ở Stonchenge có cái gì hay hơn là cái bảo tàng. - Sẽ hay đấy, - Catherine nói. * * * * * Dino Mattusi là một tên tham ăn. Hắn vào phòng Catherine tay cầm một quyển hướng dẫn. - Tôi có một danh sách các khách sạn lớn ở London đây. Hay không? - Được, tôi... - Tốt. Tối nay nhé, tôi sẽ đón cô đi ăn tối ở Connaught. Catherine do dự. - Được. Mattusi nháy mắt: - Bene. - Hắn nhoài người ra phía trước. - Không phải là dớ dẩn khi làm gì một mình, có phải không? Ý nói của hắn không phải là sai. Nhưng rõ ràng, hắn thực ra không hại ai, Catherine nghĩ vậy. Buổi tối ở Connaught rất thú vị. Họ ăn món cá hồi hun khói Sattland, thịt bò rán và bánh pút đinh miền Yorkshine. Ăn xong món rau ghém Mattusi nói: - Tôi thấy cô rất quyến rũ, Catherine ạ. Tôi yêu người phụ nữ Mỹ. - À! Vợ anh là người Mỹ à? - Catherine hỏi giả vờ như vậy. Mattusi nhún vai. - Không, cô ấy là người Ý. Nhưng cô ấy rất am hiểu. - Như vậy đối với anh tốt quá còn gì? - Catherine nói. - Rất tốt. - hắn cười. Không đợi đến khi ăn điểm tâm tráng miệng xong, Dino Mattusi đã nói: - Cô có thích miền quê không? Tôi có anh bạn, anh ấy có xe con. Tôi nghĩ chúng ta có thể lái xe đi chơi vào ngày chủ nhật. Catherine định nói không, nhưng rồi nàng lại chợt nghĩ đến Wim. Anh ấy sống quá cô đơn. Có lẽ anh ấy thích đi xe ra ngoài, ở miền đồng quê. - Việc đó cũng nhộn đấy! - Catherine nói. - Tôi đảm bảo với cô rất thích thú. - Tôi không biết tôi rủ Wim đi cùng được không? Hắn lắc đầu: - Xe nhỏ lắm. Tôi sẽ bố trí. Các vị khách từ Anthens yêu cầu nhiều và Catherine thấy nàng có rất ít thời gian dành cho riêng mình. Haley, Renard và Mattusi đã có nhiều buổi họp mặt với Wim Vandeen, và Catherine lấy làm mừng vì thái độ của họ đã thay đổi. - Anh ta làm mọi việc mà không cần máy tính? - Haley khen ngợi. - Đúng thế. - Tôi chưa bao giờ thấy ai như vậy. Catherine rất xúc động với Atanas Stavich. Thằng bé con này là công nhân khó nhọc nhất chưa bao giờ nàng thấy. Sáng nào nó cũng đã ở văn phòng khi Catherine mới đến và còn ở lại đến khi mọi người đã về. Nó luôn tươi cười và muốn làm người khác hài lòng. Nó làm Catherine nhớ tới một con búp bê run rẩy. Ở nơi đâu trong quá khứ của nó, đã có ai xử sự với nó tàn nhẫn. Catherine quyết định nói chuyện với Alan Hamilton và Atanas. Có một vài cách để làm cho nó tự tin, Catherine nghĩ vậy. Ta tin rằng Alan có thể giúp nó. Một hôm Evenlyn nói: - Cô biết, thằng bé có tình yêu với cô có phải không? - Chị nói gì vậy? - Atanas ấy. Cô có thấy cái nhìn ngưỡng mộ nơi đôi mắt nó? Nó theo cô khắp nơi như một con cừu lạc. - Chị cứ tưởng tượng ra. - Catherine cười. Trong một dịp, Catherine mời Atanas ăn trưa. - Ở nhà hàng ạ? - Ừ, tất nhiên rồi. - Catherine cười. Mặt nó ngượng ngừng: - Cháu… cháu không biết, cô Catherine. Nó nhìn xuống bộ quần áo xộc xệch của nó. - Cô sẽ bị ngượng với mọi người khi họ thấy cháu đi với cô. - Tôi không cần đánh giá con người qua quần áo của họ, - Catherine quả quyết. - Tôi sẽ đặt chỗ trước. Cô đưa Atanas đi ăn trưa tại nhà hàng Lyons Corner House. Nó ngồi đối diện với cô, các người xung quanh ngạc nhiên. - Cháu chưa bao giờ đến nổi. Đẹp quá! Catherine xúc động: - Cô muốn em gọi món gì thì gọi. Nó nghiên cứu thực đơn và lắc đầu. - Món nào cũng đắt quá! Catherine cười: - Không nên quan tâm điều đó. Em và tôi làm việc cho một người giàu có. Tôi chắc rằng ông ta muốn chúng ta ăn một bữa trưa ngon. - Cô không nói gì với nó rằng cô trả tiền. Atanas đặt một cocktail, tôm và sa-lát, một món gà quay với khoai tây rán, và kết thúc bữa trưa bằng bánh sô cô-la và kem cốc. Catherine nhìn nó ăn mà kinh ngạc. Người nó thì khẳng khiu - em ăn vậy thì để thức ăn ở đâu cho hết? Atanas nói e thẹn. - Cháu chưa bao giờ lên cân cả. - Em có thích London không, Atanas? Nó gật đầu. - Những chỗ mà cháu đã thấy cháu thích lắm. - Ở Anthens, em cũng làm việc vặt ở văn phòng? Nó gật đầu. - Cho ông Denmiris. - Có một dấu hiệu cay đắng trong giọng nói của nó. - Thế em có thích việc đó không? - Cho phép em - đây không phải chỗ để nói về việc đó, nhưng em không nghĩ rằng ông Denmiris là một người tốt. Em… em không thích ông ấy. - Thằng bé liếc nhìn xung quanh rất nhanh cứ như là nó bị nghe trộm. - Đừng quan tâm đến ông ta nữa. Catherine cho rằng, tốt hơn hết không nên khơi sâu câu chuyện đó. - Vì sao em quyết định đến London, Atanas? Atanas nói cái gì nhỏ quá khiến Catherine không nghe được. - Cô xin lỗi không nghe được. - Cháu muốn làm một bác sĩ! Nàng nhìn vào em, tò mò: - Bác sĩ? - Vâng, madam. Em biết ý đó là điên rồ. - Nó do dự rồi nói tiếp. - Gia đình cháu từ Macedonia đến và suốt đời cháu, cháu nghe được toàn chuyện người Thổ vào làng của chúng cháu, giết người, tra tấn dân làng. Không có bác sĩ để giúp những người bị thương. Bây giờ, làng bị xoá sổ và gia đình cháu bị đuổi đi nhưng còn nhiều người bị thương trên thế giới này. Cháu muốn giúp họ. - Nó nhìn xuống, bối rối. - Chắc cô nghĩ cháu mất trí. - Không, - Catherine nói êm ái. - Cô nghĩ, thế thì tuyệt vời Vậy em đến London để học nghề thầy thuốc? - Vâng, madam. Sắp tới, ban ngày cháu đi làm, ban đêm cháu đi học. Cháu sẽ trở thành bác sĩ. Trong giọng nói của nó như có tiếng chuông vang của sự quyết tâm. Catherine gật đầu. - Cô tin em sẽ làm được. Em và cô sẽ nói chuyện này nữa nhé. Cô có một người bạn có thể giúp được em. Và cô biết một nhà hàng tuyệt vời để tuần tới chúng ta lại đến cùng ăn trưa nhé. Vào nửa đêm, có tiếng bom nổ ở Villa của Spyros Lambrous. Mặt ngoài của ngôi nhà đã bị phá huỷ và hai người đày tớ đã bị chết. Buồng ngủ của Spyros Lambrous cũng bị tan tành và nguyên nhân ông vẫn sống sót là vào phút cuối cùng ông và vợ ông đã thay đổi kế hoạch và quyết định đi dự tiệc tối do Thị trưởng Anthens mời. Sáng hôm sau, một tờ giấy không biết ai gửi đến văn phòng ông, đọc được chữ "Cái chết giành cho các nhà tư bản", dưới ký "Đảng Cách mạng Hy Lạp". - Tại sao người ta lại muốn như vậy đối với anh? - Melina hoảng hồn quá đã hỏi ông. Spyros trả lời luôn: - Chính là Costa. - Anh không có chứng cứ về việc này? - Tôi không cần chứng cứ nào hết. Đến bây giờ cô vẫn chưa biết cô đã lấy phải đứa như thế nào à? - Em - em không còn biết nghĩ thế nào được. - Melina, chừng nào mà cái con người đó còn sống, cả hai chúng ta đều bị nguy hiểm. Nó chẳng chịu dừng lại ở cái gì cả. - Anh không thể đến Sở Cảnh sát à? - Em vừa tự nói đấy thôi. Anh chẳng có chứng cứ gì cả họ sẽ cười vào mặt anh. - Ông cầm tay cô trong bàn tay ông. - Anh muốn em phải ra khỏi nơi đây. Xin em đi đi. Đi càng xa chừng nào em có thể. Cô đứng đó mãi. Cuối cùng khi cô nói, như thể là cô đã đi tới một quyết định vô cùng quan trọng. - Được, Spyros ạ. Em sẽ làm những việc em phải làm. Ông đã ôm cô. - Tốt. Và đừng lo gì cả. Chúng ta sẽ tìm cách để chấm dứt nó! Melina ngồi một mình trong buồng ngủ suốt cả buổi trưa, trí óc cô lúc nào cũng cố nghĩ việc gì đã xẩy ra. Chồng cô thực đúng như đã đe doạ, cố hại cô và anh cô. Cô không thể để hắn ta cứ làm như thế được. Và nếu cuộc sống của họ bị nguy hiểm như Catherine Douglas? Cô ta đã đi làm cho Costa ở London. Ta sẽ báo cho cô ấy biết, Melina nghĩ vậy. Nhưng ta phải làm hơn thế mới được. Ta phải khử Costa. Ta phải chấm dứt Costa. Ta phải chấm dứt nó để khỏi làm hại ai khác nữa. Nhưng làm thế nào đây? Và rồi, câu trả lời đã đến với cô. Tất nhiên! Cô nghĩ. Chỉ có một cách. Sao trước đây ta không nghĩ về việc này. Chương 21 Ghi chép buổi gặp Catherine Douglas Catherine: Xin lỗi tôi đến muộn, Alan. Tôi phải họp ở văn phòng mãi đến giờ. Alan: Không sao. Đoàn cán bộ từ Anthens có còn ở London không? Catherine: Còn. Họ đang chuẩn bị đi vào cuối tuần tới. Alan: Cô sẽ thoát nợ. Họ có khó khăn gì không? Catherine: Chính xác là không khó khăn gì, tôi thì… có một cảm nhận lạ lùng về họ. Alan: Lạ lùng? Catherine: Rất khó giải thích. Tôi coi đó là việc vớ vẩn, nhưng… có cái gì khang khác về bọn họ. Alan: Họ có làm điều gì để… Catherine: Không. Họ chỉ làm tôi khó xử. Đêm qua, tôi lại bị một cơn ác mộng. Alan: Mơ có ai lại cố dìm cô chứ gì? Catherine: Đã có thời gian tôi không bị mơ như thế. Nhưng lần này lại khác. Alan: Khác thế nào? Catherine: Nó còn… thực hơn. Và lại không kết thúc, lần trước còn có kết thúc. Alan: Cô đã vượt qua cái việc là có ai đó cố dìm chết cô? Catherine: Vâng. Họ cố dìm chết tôi và rồi tự nhiên tôi lại được ở một nơi an toàn. Alan: Tu viện? Catherine: Tôi không rõ. Có thể như vậy. Đó là một cái vườn. Và có một người đàn ông đến với tôi. Tôi nghĩ là tôi đã mơ một việc gì đó như thế trước đây, nhưng lần này tôi nhìn thấy mặt họ. Alan: Cô có nhận ra ai không? Catherine: Có. Đó là Constantin Denmiris. Alan: Như vậy, trong giấc mơ của cô… Catherine: Alan, nó không như một giấc mơ. Nó như là một ký ức Tôi bất chợt nhớ ra là Constantin Denmiris đã cho tôi cái ghim bằng vàng tôi đang cài đây. Alan: Cô tin là tâm trí không hoàn chỉnh của cô gợi lại cho cô một việc thực đã xảy ra? Cô chắc rằng đó không phải là… Catherine: Tôi biết mà. Constantin Denmiris cho tôi ghim đó ở tu viện. Alan: Cô nói cô được một số bà xơ cứu thoát từ dưới mặt hồ và mang cô đến tu viện? Catherine: Đúng thế. Alan: Catherine, có ai biết cô đã ở tu viện? Catherine: Không. Tôi không nghĩ vậy. Alan: Rồi làm sao mà Constantin Denmiris có thể biết cô ở đó? Catherine: Tôi không rõ. Tôi chỉ biết việc đó đã xảy ra. Tôi sợ hãi bừng tỉnh. Giấc mơ như là một điềm báo. Tôi cảm thấy có cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Alan: Các cơn ác mộng có thể có tác dụng như các kẻ thù lâu đời nhất của con người. Từ đó có trong tiếng Anh ở thời Trung Cổ "mộng" tức là "mị" và "ác" tức là "dữ". Điều mê tín thời trước cho rằng những giấc mơ đó thường xảy ra sau 4 giờ chiều. Catherine: Tôi không cho rằng những cơn ác mộng đó có ý nghĩa thực nào đó? Alan: Đôi khi có. Coleridge có viết "Giấc mơ không có hình bóng của nó, nhưng đó lại là nội dung rất thực và là tai hoạ cho cuộc sống của chúng ta". Catherine: Có lẽ, tôi coi các giấc mơ đó quá nghiêm túc. Ngoài các giấc mơ điên loạn ấy, tôi vẫn khỏe. Bây giờ có một việc tôi muốn nói chuyện với ông, ông Alan ạ. Alan: Thế à? Catherine: Tên em ấy là Atanas Stavich. Em là em trai nhỏ đã đến London để học nghề thuốc. Em sống vất vả quá. Tôi nghĩ có lẽ một ngày nào đó, ông nên gặp em và giúp nó một số ý kiến. Alan: Tôi rất mong thế. Sao cô có vẻ buồn. Catherine: Tôi vừa chợt nhớ ra một điều. Alan: Thế ư? Catherine: Việc đó cũng ngớ ngẩn lắm. Alan: Trí óc tôi bây giờ cũng không phân định được giữa ngớ ngẩn và bình thường. Catherine: Trong giấc mơ, khi ông Denmiris đưa cho tôi cái ghim bằng vàng… Alan: Thế à? Catherine: Tôi có nghe một giọng nói. "Nó sắp giết cô". Phải giống như một tai nạn. Tôi không muốn ai có thể nhận ra thân hình nàng. Có nhiều cách để giết cô ta. Hắn bắt đầu dàn dựng. Hắn nằm trên giường, nghĩ về họ và thấy rằng hắn đang phấn khích. Cái chết là một khoái lạc tột đỉnh. Cuối cùng, hắn sắp làm việc đó như thế nào. Rất đờn giản. Sẽ không còn lại thi thể để nhận dạng. Constantin Denmiris sẽ hài lòng. Chương 22 Ngôi nhà bờ biển của Constantin Denmiris cách Pireus ba dặm về hướng Bắc, trên một khu đất rộng 1 acre sát mép nước. Denmiris đến đó vào 7 giờ sáng. Và đứng ngắm ngôi nhà bờ biển. Khi ông tới, một người ông không nhận được là ai ra mở cửa. - Xin chào, ông Denmiris. Denmiris đã trông thấy ngót chục cảnh sát ở bên trong nhà. - Cái gì ở đây thế! Denmiris hỏi. - Tôi là trung uý cảnh sát Theophilos. Tôi… Denmiris đẩy hắn sang một bên và đi vào phòng khách. Thật là một cảnh hỗn độn. Chắc chắn có một cuộc vật lộn khủng khiếp vừa xảy ra nơi đây. Ghế bàn lật nhào. Một cái áo của Melina rớt trên sàn, bị xé rách nát. Denmiris nhặt lên và xem xét. - Vợ tôi đâu? Tôi định gặp cô ấy ở đây kia mà. Viên trung uý cảnh sát nói. - Bà ta không ở đây. Chúng tôi khám xét nhà và niêm phong rồi xuống cả bờ biển hình như ngôi nhà đã bị trộm! - Được, Melina đâu? Bà ta có gọi điện cho anh không? Bà ta có ở đây không? - Vâng, chúng tôi cho rằng, bà ta đang còn ở đây, thưa ông? Hắn cầm một đồng hồ đeo tay của phụ nữ. Mặt đá đã bị vỡ và kim đồng hồ dừng ở 3 giờ. - Đây là đồng hồ đeo tay của bà nhà? - Trông cũng giống vậy. - Mặt sau có khắc chữ "Tặng Melina, tình yêu của anh. Costa" - Đúng nó rồi. Đây là quà tặng sinh nhật. Thám tử Theophilo chỉ một số vết trên tấm thảm. - Đó là những vết máu. - Anh nhặt con dao đang nằm ở sàn nhà lên, cẩn thận không sờ vào cán. Lưỡi dao còn dính đầy máu. - Ông đã nhìn thấy cái dao này lần nào chưa, thưa ông? Denmiris liếc nhìn con dao. - Không. Có phải ông nói là bà ấy chết rồi? - Chắc, có thể lắm, thưa ông. Chúng tôi thấy có những giọt máu trên cát rải ra mãi tận mép nước. - Trời ơi, - Denmiris nói. - May mắn quá cho chúng tôi, có mấy dấu tay rất rõ trên con dao. Denmiris ngồi xuống nặng nề. - Rồi các anh sẽ tìm được đứa nào làm. - Chúng tôi sẽ tra trong hồ sơ những vết vân tay. Khắp nhà đều có vân tay. Chúng ta phải chọn ra nếu ông cho phép chúng tôi lấy vân tay ông, ông Denmiris, chúng tôi có thể loại ra những cái vân tay đó rất nhanh chóng. Denmiris do dự: - Vâng, được thôi. - Viên đội đang ở ngoài kia sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Denmiris đi ngang qua một cảnh sát mặc đồng phục có một hộp lấy dấu tay. - Xin ngài lăn các ngón tay lên chỗ này, thưa ngài. - Một lát sau, khi xong. - Ngài hiểu cho đây chỉ là thủ tục. - Tôi hiểu. - Thiếu uý Theophilos đưa cho Denmiris một danh thiếp nhỏ. - Ông có biết gì về tấm danh thiếp này, ông Denmiris? Denmiris nhìn vào danh thiếp. Đề là "Cơ quan thám tử Katelanos - Điều tra tư". Ông trả lại tấm danh thiếp. - Không. Nó có nghĩa gì không? - Tôi không biết. Chúng tôi sẽ cho điều tra. - Đương nhiên, tôi muốn ông làm mọi việc ông có thể làm được để tìm ra kẻ nào có trách nhiệm. Và cho tôi biết nếu ông có tin về vợ tôi. Trung uý Theophilos nhìn ông và gật đầu. - Ông đừng lo, thưa ông. Chúng tôi sẽ cố gắng. Melina. Cô gái tóc vàng, hấp dẫn, vui tươi và sáng sủa. Lúc đầu thật tuyệt vời. Và rồi nàng đã giết con trai nàng, vì vậy điều đó không thể quên được… chỉ còn cái chết. Ngày hôm sau, khoảng trưa, có điện thoại. Constantin Denmiris đang họp khi người thư ký vào báo. - Xin lỗi, ông Denmiris… - Tôi đã nói với anh, tôi không muốn bị anh quấy rầy. - Dạ vâng, thưa ngài, nhưng đây là Thanh tra Lavanos đang ở đầu dây. Ông ấy nói rất khẩn. Ông cho phép tôi nói lại với ông ấy là… - Thôi. Để tôi nói! - Denmiris quay sang mọi người đang ngồi xung quanh bàn họp. - Xin lỗi đợi cho một lát, thưa quý vị - Ông nhấc ống nghe. - Denmiris. Một tiếng nói. - Đây là chánh thanh tra Lavanos, ông Denmiris, Trạm trung tâm đây. Chúng tôi có một số thông tin, chúng tôi cho rằng đáng chú ý. Tôi không rõ liệu ông có thể đến Trụ sở Cảnh sát ngay được không? - Ông có tin về vợ tôi? - Tốt hơn hết là không nên tham luận gì qua điện thoại, xin ông vui lòng. Denmiris do dự giây lát. - Tôi sẽ đi ngay đây. Ông đặt ống nghe xuống và quay về mọi người. - Có việc khẩn. Xin quý vị sang phòng ăn và thảo luận đề nghị của tôi và tôi sẽ về nếu kịp để cùng ăn trưa có tiếng rì rầm, nói chung là đồng ý. Năm phút sau, Denmiris đã trên đường đến trụ sở Cảnh sát. Đã có gần chục người đang đợi ông ở văn phòng uỷ viên cảnh sát. Denmiris nhận ra viên cảnh sát mà ông đã gặp ở ngôi nhà bờ biển. Delma là một người lùn, mập, lông mày rậm và thấp, mặt tròn và đầy vẻ hoài nghi trong ánh mắt. - Có việc gì thế! - Denmiris hỏi. - Các ông có tin gì về vợ tôi! Chánh thanh tra nói: - Nói hoàn toàn thẳng thắn, ông Denmiris ạ, chúng tôi đã kiểm tra một số chi tiết, sự việc chúng tôi rất khó giải quyết. Chúng tôi hy vọng ông có thể giúp chúng tôi. - Tôi e rằng rất ít khả năng tôi có thể làm được gì để giúp các ông. Toàn bộ sự việc làm tôi choáng váng… - Ông đã có hẹn gặp vợ ông ở ngôi nhà bãi biển khoảng ba giờ chiều hôm qua? - Thì sao? Không. Bà Denmiris điện thoại cho tôi và đề nghị gặp ở đó vào bảy giờ. Công tố viên Delma nói nhẹ nhàng. - Bây giờ, đó là một điểm làm chúng tôi đau đầu. Một người đầy tớ gái nhà ông nói với chúng tôi rằng ông đã gọi điện cho vợ ông vào khoảng hai giờ và đề nghị bà đến ngôi nhà bãi biển một mình và đợi ông. Denmiris cau mày. - Nó nhầm rồi. Vợ tôi gọi cho tôi và đề nghị tôi gặp bà ấy ở đó vào bảy giờ tối qua! - Tôi hiểu. Vậy thì người đầy tớ gái nói sai. - Đương nhiên. - Ông có biết lý do vì sao vợ ông đã phải đề nghị ông đến ngôi nhà bãi biển? - Tôi cho rằng bà ấy muốn nói với tôi để không ly dị bà ấy nữa. - Ông đã bảo vợ ông, ông sắp ly dị bà? - Vâng. - Người đầy tớ nói cô ta đã nghe lỏm được câu chuyện qua điện thoại là bà Denmiris nói với ông bà sắp ly dị ông. - Tôi không chê trách gì những điều người đầy tớ nói. - Xin các ông nghe lời tôi về việc này. Ông Denmiris, ông có gửi phao bơi cá nhân trong ngôi nhà bờ biển không? - Chánh Thanh tra hỏi. - Ở ngôi nhà bờ biển? Không. Tôi đã bỏ bơi ngoài biển từ nhiều năm trước. Tôi có thể bơi ở nhà trong thành phố. Chánh Thanh tra mở ngăn kéo bàn và lấy ra hai cái phao bơi cá nhân để trong túi nhựa, đưa cho Denmiris xem. - Đây có phải là cái phao của ông không, ông Denmiris? - Có thể là của tôi, tôi cho là như vậy. - Có những chữ đầu viết tắt tên ông. - Vâng, tôi nghĩ tôi nhận ra. Cái đó là của tôi. - Chúng tôi đã tìm thấy cái phao này sau cái tủ trong ngôi nhà bờ biển của ông. - Thế à? Chắc là bị quên ở đó đã lâu. Vì sao… - Cái phao đó còn ướt sũng nước biển. Chúng tôi đã phân tích và thấy rằng đó cũng là một loại nước ở trước ngôi nhà bờ biển của ông. Cái phao đó có vết máu! Trong buồng rất nóng. - Rồi có thể ai đó đã quẳng nó vào! - Denmiris nói như khẳng định. Công tố viên đặc biệt nói: - Vì sao lại có người làm như vậy? Đó là điều làm chúng tôi không hiểu được, ông Denmiris à? Chánh thanh tra mở phong bì nhỏ trên bàn và lấy một cái khuy áo ra. - Một người của chúng tôi tìm thấy cái này dưới thảm ở nhà bãi biển. Ông có nhận ra cái đó không? - Không! - Nó từ một vai áo của ông. Chúng tôi đã phải sử dụng quyền vi phạm tự do để cử một thám tử vào nhà ông sáng nay kiểm tra tủ áo của ông. Một trong cái áo của ông đã mất một cái khuy. Sợi chỉ hoàn toàn phù hợp. Và cái áo vừa lấy ở hiệu giặt là về một tuần trước đây. - Tôi không… - Ông Denmiris, ông nói với vợ rằng ông muốn ly dị và bà đã cố nói để ông thôi không ly dị nữa. - Điều đó đúng. Chánh thanh tra cầm một tấm danh thiếp mà người ta đã đưa cho Denmiris xem ở ngôi nhà bãi biển hôm trước. - Một người của chúng tôi đã đến cơ quan thám tử Katelanos hôm nay. - Tôi đã nói với ông - tôi chưa bao giờ được nghe nói về họ. - Vợ ông đã thuê họ để bảo vệ bà ta. Tin đó như một cú sốc. - Melina? Bảo vệ bà ta vì cái gì? - Vì ông. Theo người chủ của cơ quan này, vợ ông bị đe doạ. Ông đã bảo bà ta nếu không chịu ông sẽ giết bà. Ông Katelanos đã hỏi bà vì sao bà không đến cơ quan cảnh sát để được bảo vệ, bà nói việc này có tính chất riêng tư. Bà không muốn nhờ một công sở! Denmiris đứng bật dậy: - Tôi không đến đây để ngồi nghe những lời nói láo. Không có… Chánh thanh tra đến gần một ngăn kéo và lấy ra con dao có vết máu đã tìm thấy ở ngôi nhà bãi biển. - Ông nói với viên sĩ quan ở ngôi nhà bãi biển là ông chưa bao giờ trông thấy con dao này cả? - Đúng thế. - Vân tay của ông lại có trên con dao. Denmiris đang còn nhìn con dao. - Vân tay - vân tay của tôi à? Thế nào cũng có nhầm lẫn gì đây. Không thể thế được? Đầu óc ông quay cuồng. Ông điểm qua các chứng cứ rất đầy đủ chống lại ông: người đầy tớ nói rằng ông đã gọi vợ ông vào lúc hai giờ chiều và bảo bà ấy đến ngôi nhà bãi biển một mình… Hai cái phao bơi cá nhân có máu dính trên đó… Một cái khuy áo rớt ra từ cái áo vét-tông của ông… Một con dao với các vân tay… - Các ông có thấy không, các ông là đồ ngốc hay sao? Đây là một sự sắp đặt, - Ông la lên. - Có người nào đó đã mang cái phao bơi ra ngôi nhà bãi biển, quết tý máu lên cái phao, và trên cả con dao, và giật cái khuy áo vét-tông của tôi và… Vị công tố viên đặc biệt ngắt lời: - Ông Denmiris, ông có thể giải thích vì sao lại có vân tay ông trên con dao này? - Tôi không biết… Đợi một tý. Vâng. Tôi nhớ lại ngay đây. Melina bảo tôi và cắt dây mở cái hộp cho cô ấy đưa cho tôi. Đó là lý do có vân tay tôi trên con dao ấy! - Tôi thấy. Thế có cái gì trong cái hộp? - Tôi không biết! - Ông không biết trong hộp có cái gì? - Không. Tôi chỉ cắt dây buộc vòng qua cái hộp. Vợ tôi không hề mở cái hộp đó. - Thế ông có thể giải thích vết máu trên thảm, hay trên cát kéo dài xuống nước hay… - Đó là điều đương nhiên, - Denmiris tấn công lại. - Việc mà Melina đã phải làm là cô tự cắt tay rồi đi bộ về phía nước để cho các ông nghĩ là tôi giết cô. Cô ta còn cố gắng đổ vấy cho tôi vì tôi đã nói với cô ấy tôi sẽ ly dị cô. Đến bây giờ, cô ta đang còn trốn ở đâu đây, đang cười, vì cô ấy nghĩ các ông sắp bắt tôi. Melina còn sống như tôi còn sống! Công tố đặc biệt nói rất trịnh trọng. - Tôi mong rằng đó là sự thực, thưa ông. Chúng tôi kéo thi thể bà ấy từ mặt nước biển sáng nay. Bà ấy bị đâm và bị dìm xuống nước. Tôi đã đưa ông vào đối tượng bị bắt, ông Denmiris à, vì việc giết vợ! Chương 23 Lúc đầu, Melina không biết làm thế nào để nàng đạt được mục đích đó. Nàng chỉ biết rằng chồng nàng có ý định hại anh nàng và nàng. Không thể để điều đó xảy ra. Bằng cách nào để cho Costa phải dừng tay. Đời nàng chẳng thành vấn đề gì. Ngày và đêm chất đầy những khổ đau và nhục nhã. Nàng nhớ lại Spyros đã cố gắng chống lại đám cưới của nàng, đã cảnh cáo nàng. Em không thể lấy Denmiris. Nó là một con quỷ. Nó sẽ huỷ hoại em. Sao mà đúng thế. Và lúc đó nàng vì quá yêu nên không nghe. Bây giờ, chồng nàng cần phải bị trừ khử. Nhưng làm thế nào? Và nàng đã nghĩ. Buổi sáng, nàng đã đề ra các chi tiết. Sau đó, các việc còn lại thì đơn giản. Constantin Denmiris đang ở trong phòng làm việc khi Melina vào, nàng mang một cái hộp buộc bằng sợi dây rất dai. Nàng cầm một con dao thái thịt to trong tay. - Costa, anh cắt giúp em để mở cái hộp này? Em không sao làm được. Ông ngước nhìn nàng và nói tỏ vẻ sốt ruột: - Như thế thì làm sao được. Em không biết là không nên cầm con dao đằng lưỡi? - Ông giật lấy con dao từ tay nàng và bắt đầu cắt sợi dây. - Sao em không gọi một đứa nào giúp em hở? Melina không trả lời. Denmiris cắt dây xong. - Đấy! Ông đặt con dao xuống và Melina cẩn thận cầm con dao lên từ phía lưỡi. Nàng nhìn ông và nói: - Costa, chúng ta không thể cứ như thế này. Em vẫn yêu anh. Anh phải như thế nào với em chứ. Anh có nhớ những lúc tươi đẹp chúng ta cùng nhau? Anh có nhớ những đêm của tuần trăng mật khi… - Lạy chúa, - Denmiris ngắt lời - Em có hiểu không? Tất cả đã qua rồi. Anh không còn gì với em nữa. Hãy đi khỏi đây, em làm anh mệt quá rồi. Melina đứng đó nhìn ông. Cuối cùng, nàng nói lạnh lùng. - Thôi được. Anh cứ đi đường anh. - Nàng quay đi và cầm con dao ra khỏi phòng. - Em quên cái hộp này, - Denmiris kêu lên. Nàng đã đi. Melina đi vào buồng thay quần áo của chồng và mở các tủ Có hàng trăm bộ quần áo treo trong tủ, có một chỗ chỉ để treo quần áo thể thao. Nàng lấy một cái áo và dứt một cái khuy. Nàng bỏ cái khuy vào trong túi của mình. Tiếp đến nàng mở ngăn kéo và lấy ra hai cái phao bơi của chồng và có chữ cái đầu tên của ông trên phao. Ta đã sẵn sàng cả Melina nghĩ. * * * * * Cơ quan thám tử Katelanos ở góc phố Sofokleous, trong ngôi nhà gạch cũ đã bạc màu. Melina nhẩy vào văn phòng ông chủ cơ quan này, ông Katelanos, một người đàn ông bé nhỏ, hói đầu và có ria mép. - Xin chào, bà Denmiris. Tôi có thế giúp gì cho bà? - Tôi cần được bảo vệ! - Bảo vệ theo loại nào? - Vì chồng tôi. Katelanos cau mày. Ông ta thấy rắc rối. Việc ấy không nằm trong các trường hợp bảo vệ mà ông đã làm. Thật rất không dễ dàng làm gì để mà chống lại một con người có sức mạnh như Constantin Denmiris. - Bà không nghĩ đến nhờ cảnh sát ư? - ông Katelanos hỏi. - Tôi không thể. Tôi không muốn công khai như vậy. Tôi muốn coi đây là việc riêng. Tôi nói với chồng tôi, tôi sắp ly dị ông ta, và ông ta đe doạ giết tôi nếu tôi cứ định làm thế. Vì vậy tôi đến nhờ ông. - Tôi hiểu. Vậy chính xác bà yêu cầu chúng tôi làm gì? - Tôi muốn ông cử cho một số người bảo vệ tôi. Katelanos ngồi đó, đang dò ý nàng. Cô ấy là một phụ nữ xinh đẹp, ông nghĩ. Tất nhiên là loạn thần kinh. Không thể hiểu được rằng chồng cô ta lại muốn hại cô ta. Chắc lại cãi nhau lặt vặt gì đó trong gia đình mấy ngày qua. Nhưng ông có thể yêu cầu cô trả lệ phí kha khá. Tuy vậy Katelanos phải tính cả những rủi ro nữa. - Được! - ông nói. - Tôi có những nhân viên tốt có thể giúp bà. Khi nào bà muốn họ bắt đầu làm việc? - Thứ hai này. - Vậy thì được. Không có gì là khẩn cấp. Melina Denmiris đứng dậy. - Tôi sẽ gọi điện cho ông. - Ông có cái danh thiếp nào không? - Dạ, tất nhiên! Katelanos đưa cho nàng danh thiếp và dẫn nàng ra cửa. Cô ta là một khách tốt, ông nghĩ. Tên cô sẽ gây ấn tượng tốt cho các khách hàng của ta. Khi Melina về nhà, nàng đã điện cho anh nàng. - Spyros, em có một số tin này! Giọng nói của nàng đầy vẻ kích động. - Costa muốn đình chiến. - Sao? Anh không muốn tin em, Melina. Cần phải có một vài mưu mẹo. Nó… - Không. Anh ấy có ý thế. Anh ấy nhận thấy rằng thật là ngớ ngẩn cứ chống chọi với anh mãi. Anh ấy muốn hoà dịu trong gia đình. Yên lặng. - Anh không biết! - Ít ra cũng nên cho anh ấy một cơ hội. Anh ấy muốn anh đến gặp anh ấy ở ngôi nhà bãi biển của anh ở Acro - Corinth vào ba giờ chiều nay. - Đến đấy mất bốn tiếng đồng hồ lái xe. Sao lại không gặp nhau ở trong thành phố được? - Anh ấy không nói! - Melina nói với anh mình, - nhưng nếu đi là có ý hoà hoãn đấy nhé… - Được Anh sẽ làm thế. Nhưng anh làm vì em. - Vì chúng ta chứ, - Melina nói - Chào anh, Spyros. - Chào em. Melina gọi điện cho Constantin ở phòng làm việc. Tiếng ông ta bị ngắt quãng. - Cái gì thế! Anh bận lắm! - Em vừa nhận được điện thoại anh Spyros gọi. Anh ấy muốn làm lành với anh. Có tiếng cười ngắn, có vẻ chế nhạo. - Anh đánh cuộc với em, anh ấy lầm đấy. Khi anh có chuyện gì thì anh ấy, anh ấy lúc nào chả hoà bình nhưng thực ra anh ấy không muốn. - Anh ấy nói sẽ không ganh đua gì với anh nữa, Costa ạ Anh ấy còn muốn bán cho anh đội tàu của anh ấy. - Bán cho anh à… Em có chắc không? - Giọng của anh ta đột nhiên tỏ ra rất quan tâm. - Vâng. Anh ấy bảo là anh có như thế là đủ. - Được. Bảo anh ấy cử nhân viên kế toán qua văn phòng anh, và… - Không. Anh ấy muốn gặp anh chiều nay ở Acro - Corinth vào ba giờ. - Nhà anh ấy à? - Vâng. Đó là nơi kín đáo. Chỉ có hai anh thôi. Anh ấy không muốn tiếng lọt ra ngoài. - Anh cuộc anh ấy không dám thế đâu! - Denmiris nghĩ mà hài lòng. Khi mà tiếng lọt ra ngoài, anh ấy sẽ bị người ta cười thối mũi ra. - Được, em nói với anh ấy anh sẽ đến. Đường đến Acro - Corinth rất xa, qua những đường gió lộng dẫn đến vùng nông thôn xinh đẹp,, thoang thoảng mùi nho, và chanh cùng mùi cỏ, Spyros Lambrous đi qua những khu nhà bị tàn phá dọc đường. Từ xa, ông đã nhìn thấy cột Eleusis đã đổ, bàn thờ tàn lụi của các vị thánh cấp vị. Anh nghĩ đến Denmiris. Lambrous lần đầu tiên đến ngôi nhà này. Anh cho xe vào cổng và ngồi trong xe một lát, nghĩ về cuộc gặp gỡ sắp tới. Liệu Constantin có thực muốn hoà hoãn hay đó chỉ là thêm một trò lừa đảo? Nếu có gì xảy ra, ít nhất thì Melina cũng biết nó sẽ đi đến đâu. Spyros ra khỏi xe và đi vào ngôi nhà vắng tanh. Ngôi nhà này là một ngôi nhà gốc kiểu cổ rất nên thơ, nhìn xa xa dưới tầm mắt là Corinhrh. Khi còn nhỏ, Spyros Lambrous hay cùng cha nghỉ những ngày cuối tuần ở đây, hay chơi các trò trẻ con trên núi, bây giờ thì ông còn phải chơi các trò lớn hơn nhiều. Mười lăm phút sau, Constantin Denmiris đến. Ông thấy Spyros ở trong nhà, đang đợi, và điều đó làm ông thoả mãn. Thế là, sau những năm dài, con người đó cuối cùng cũng phải chấp nhận hắn bị thất bại. Ông ra khỏi xe và đi vào buồng. Hai người đứng đó, nhìn nhau. - À ông anh vợ thân mến, - Denmiris nói. - Thế là cuối cùng chúng ta cũng tới cuối đường. - Tôi muốn chấm dứt cái trò điên rồ này, Costa à. Đã đi quá xa rồi. - Tôi không thể đồng ý với anh nữa. Anh có bao nhiêu con tàu, Spyros? Lambrous nhìn ông em rất ngạc nhiên. - Sao? - Anh có bao nhiêu con tàu? Tôi sẽ mua tất. Tất nhiên, có giảm giá vì chất lượng. Lambrous không thể tin những điều nghe được. - Mua tàu của tôi? - Tôi mua tất cả. Và tôi sẽ là chủ của một đội tàu lớn nhất thế giới. - Cậu điên à? Vì sao mà cậu lại nghĩ là tôi muốn bán các con tàu của tôi? Đến lượt Denmiris phản ứng. - Vậy thì sao chúng ta lại đến gặp nhau ở đây, có phải không? - Chúng ta gặp nhau ở đây là cậu muốn hoà hoãn. Mặt Denmiris xẫm lại. - Tôi? Ai bảo anh vậy? - Melina! Sự thật lóe ra cho cả hai cùng một lúc. - Cô ấy bảo anh, tôi muốn hoà hoãn? - Cô ấy bảo anh, tôi muốn bán các con tàu của tôi? - Cái con ngây ngô! - Denmiris thốt lên. - Tôi cho rằng cô ấy nghĩ vậy để làm cho chúng ta gặp nhau, chúng ta sẽ đi tới một thoả thuận nào đó. Cô ấy còn điên hơn cả anh, Lambrous ạ. Tôi mất cả buổi chiều vì anh. Constantin Denmiris quay người và chạy vù ra cổng. Spyros Lambrous nhìn theo ông ta nghĩ không lẽ Melina lại nói dối cả hai. Cô ấy chắc biết rằng không có cách nào cho chồng cô và ta có thể đến cùng nhau. Bây giờ thì không được. Quá muộn rồi. Điều đó đã quá muộn. Vào khoảng một giờ ba mươi, trưa hôm đó. Melina đã lắc chuông gọi người đầy tớ gái: - Andrea, mang cho tôi cốc trà nhé? - Vâng ạ, thưa bà. - Người đầy tớ ra khỏi buồng và khi cô quay lại, sau mươi phút, tay bưng khay trà, chủ cô đang gọi điện thoại. Giọng chủ cô có vẻ tức giận. - Không, Costa, em vẫn minh mẫn đấy chứ. Em định ly dị anh, em đã chuẩn bị cho việc đó rồi và càng cho mọi người biết càng tốt. Lúng túng, Andrea đặt khay trà xuống và bắt đầu rút lui Melina vẫy tay bảo ở lại. Melina nói vào ống nghe đã câm lặng. - Anh cứ đe doạ em kiểu gì nếu anh muốn, em sẽ không thay đổi ý kiến… - Không bao giờ… Em không cần nghe anh nói gì… Anh không được đánh đập em, Costa… Không… vấn đề là gì? - Được. Anh sẽ gặp em ở ngôi nhà bãi biển nhưng nó không làm cho anh điều gì tốt đâu. - Vâng, em sẽ đến một mình. Trong vòng một giờ nữa thôi? Rất tốt! Melina đặt ống nghe xuống từ từ, vẻ mặt đau khổ. Nàng quay lại phía Andrea. - Tôi sắp đến ngôi nhà bãi biển để gặp chồng tôi. Nếu tôi không quay về lúc 6 giờ, tôi muốn cô gọi cảnh sát. Andrea nuốt nước bọt. - Bà có cần lái xe để đưa bà không? - Không. Ông Denmiris bảo tôi đến một mình. - Vâng, thưa bà. Còn một việc phải làm. Tính mạng Catherine Alexander đang lâm nguy. Nàng phải báo cho cô. Có một người nào đó trong đoàn đã ăn tối hôm nọ ở nhà hàng. Em không gặp cô ta được nữa đâu. Tôi đã cử một người để khử cô ta rồi. Melina gọi điện cho văn phòng của chồng nàng ở London. - Catherine Alexander có làm việc ở đó không? - Hiện giờ cô ấy chưa tới. Có thể có người khác hầu chuyện bà được không? Melina do dự. Nếu nhắn tin khẩn cấp quá và không tin ai được. Nhưng nàng không còn thì giờ để gọi lại. Nàng nhớ Costa có nói một anh Wim Vandeen nào đó, một thần đồng ở đó. - Cho tôi nói chuyện với ông Vandeen, làm ơn? - Xin đợi cho một lát. Một tiếng đàn ông ở đầu dây. - Hello. Nàng có thể hiểu ngay là anh ta. - Tôi muốn nhắn cho Catherine Alexander. Việc rất quan trọng. Ông sẽ thấy cô ấy hiểu điều đó, làm ơn nhắn giup nhé. - Catherine Alexander. - Vâng. Nói với cô ấy rằng tính mạng cô ấy đang lâm nguy. Một người nào đó đang tìm cách giết cô. Tôi cho rằng có thể là một trong các người đàn ông từ Anthens đến. - Anthens… - Vâng. - Anthens có một dân số tám trăm sáu nghìn… Melina không làm sao cho anh ta hiểu được. Nàng đặt ống nghe xuống. Nàng đã cố gắng hết sức. Wim ngồi ở bàn làm việc, đang nghiền ngẫm về câu chuyện qua điện thoại. Có ai đang cố tình giết Catherine. - Một trăm và mười bốn tên giết người bị kết án năm nay ở Anh Quốc. Catherine sẽ làm số đó là một trăm mười lăm. Một trong những người từ Anthens đến. Jelly Haley, Yves Renard, Dino Mattusi. Một người trong bọn họ sẽ giết Catherine. Trí óc như máy tính của Wim ngay lập tức nạp vào anh các số liệu về ba người. Tôi nghĩ tôi biết là ai trong họ. Khi Catherine về, Wim không nói gì với Catherine về cuộc nói chuyện điện thoại đó. - Anh ta tò mò để xem có đúng không. Catherine tối nào cũng đi với các thành viên của đoàn cán bộ, và sáng khi nàng đến cơ quan làm việc, Wim ở đó, đang đợi. Anh tỏ ra không vui vẻ khi gặp nàng. Wim tự hỏi không biết khi nào cô ấy để anh làm việc đó. Có thể anh phải nói với nàng về lời nhắn qua điện thoại. Nhưng có thể đó là sự lừa đảo. Tốt hơn hết là thay đổi nội dung đi một chút cho bớt căng thẳng. Chương 24 Lái xe đến ngôi nhà bãi biển mất một giờ về thời gian, nhưng hai mươi năm ký ức của nàng đã được nhắc lại. Có nhiều việc Melina phải nghĩ đến, có nhiều việc gợi lại. Costa, trẻ và đẹp trai, đã nói, chắc chắn em từ thiên đường xuống dạy cho chúng sinh sắc đẹp là gì. Sắc đẹp của em khiến mọi lời tán tỉnh sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi không thể nói gì ngoài việc lấy lại công lý đối với em… Cuộc dạo chơi trên biển tuyệt vời bằng chiếc thuyền của họ và những ngày nghỉ hè lý tưởng ở Psara… Những ngày ấy với các món quà đáng yêu bất ngờ và những đêm làm tình điên loạn. Rồi sẩy thai, và người tình liên miên của anh, rồi vụ Noelle Page. Lại cả việc đánh vợ và làm nhục vợ trước mọi người. Kiritsimon? Anh ấy đã từng nói, cô chẳng có mục đích gì để mà sống cả, sao cô không tự tử mà chết cho rồi? Và cuối cùng, việc đe doạ tiêu diệt Spyros. Đó là lý do, cuối cùng, Melina không thể chịu đựng nổi. Khi Melina đến ngôi nhà bãi biển, nhà vắng tanh. Bầu trời đầy mây, và gió lạnh ghê người từ ngoài biển thổi vào Anomen, nàng nghĩ. Nàng đi vào căn buồng tiện nghi, thân thiết và nhìn quanh lần cuối cùng. Rồi nàng bắt đầu lật chổng ngược đồ đạc và đập nát những cái đèn. Nàng xé toạc cả áo ngoài rồi để rớt trên sàn nhà. Nàng lấy tấm danh thiếp của cơ quan thám tử và đặt trên bàn. Nàng nhấc khẽ tấm thảm và đặt cái khuy áo vào đó Tiếp đến nàng lấy đồng hồ đeo tay bằng vàng mà Costa đã tặng nàng, đập trên bàn cho vỡ. Nàng lấy cái phao bơi của chồng và mang ra bãi biển. Nàng nhúng ướt phao xuống nước rồi lại mang vào nhà. Cuối cùng, chỉ còn có một việc để làm. Đã đến giờ, nàng nghĩ. Nàng lấy hơi sâu và từ từ cầm con dao thái thịt và cởi giấy ra, cẩn thận không làm nát tờ giấy mềm bọc lưỡi. Melina cầm dao trong tay, nhìn chằm chằm vào nó. Đây là cái việc tàn ác nhất. Nàng phải đâm vào người thật mạnh để như bị giết nhưng làm sao để còn đủ sức làm nốt các việc còn lại theo kế hoạch. Nàng nhắm mắt và ấn con dao sâu vào bên mình. Đaụ đớn hành hạ. Máu bắt đầu tuôn ra, Melina cầm cái phao ướt áp sát bên mình và khi cái phao đã phủ đầy máu, nàng đi ra kho và nhét nó vào phía sau một cái tủ. Nàng bắt đầu thấy choáng váng. Nàng nhìn quanh xem có quên điều gì không, rồi nàng vấp phải cái cửa mở ra vào dẫn ra bãi biển, máu dính lên cái thảm làm thành một vệt đỏ thẫm. Nàng lê ra biển. Máu chảy ngày càng nhiều và nàng nghĩ, ta khôug làm thế thì Costa vẫn thắng. Ta không để cho nó thắng được. Lê chân ra biển dường như là đi mãi mãi. Một bước nữa, nàng nghĩ. Một bước nữa. Nàng vẫn cố đi, chiến đấu chống lại sự choáng váng ngày càng xâm chiếm nàng. Mắt bắt đầu mờ không nhìn rõ. Nàng khuỵu xuống. Ta không được dừng ở đây. Nàng cố đứng dậy và cố đi, đến khi cảm giác thấy nước lạnh đã lên đến chân mình. Khi nước muối ngấm vào vết thương của nàng, nàng la lên vì đau không chịu nổi. Ta đang làm việc đó vì Spyros, nàng nghĩ. Anh Spyros thân yêu. Đằng xa kia, nàng còn nhìn được đám mây lơ lửng ở chân trời. Nàng bắt đầu bơi về phía đó, kéo theo một dòng máu. Và một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Đám mây sà xuống gần nàng, và nàng cảm thấy cái mềm mại màu trắng bọc lấy nàng và cuốt ve nàng. Đau đớn lại tấy lên, và nàng có một cảm giác kỳ lạ về yên bình len lỏi khắp người nàng. Ta đang về nhà, Melina nghĩ rất nghĩ may mắn. Cuối cùng ta đang về nhà. Chương 25 Chúng tôi bắt ông về việc giết vợ. Sau đó, mọi việc xảy ra như một cuốn phim quay chậm. Ông đã bị giữ và lấy vân tay lần nữa. Ông phải đi chụp hình và bị tống vào xà lim. Không thể tin được rằng họ dám làm điều đó với ông. - Gọi cho tôi Peter Demonides. Nói với ông ấy tôi muốn gặp ngay bây giờ! - Ông Demonides đã nghỉ việc. Ông ấy cũng bị điều tra. Thế đấy, không có ai có thể nhờ được. Ta phải thoát ra khỏi việc này. Ông nghĩ. Ta là Constantin Denmiris. Ông yêu cầu được gặp công tố viên. Delma đến nhà tù một giờ sau đó. - Ông yêu cầu gặp tôi? - Vâng, - Denmiris nói. - Tôi hiểu ông đã ghi thời gian cái chết của vợ tôi là ba giờ! - Đúng thế! - Vậy thì trước khi để ông và sở cảnh sát khỏi phải bối rối nữa, tôi có thể chứng minh rằng vào giờ đó hôm qua tôi ở một nơi gần ngôi nhà bãi biển. - Ông có thể chứng minh điều đó? - Dĩ nhiên. Tôi có người làm chứng! Họ đang ngồi ở văn phòng uỷ viên cảnh sát khi Spyros Lambrous đến. Mặt Denmiris sáng lên khi ông trông thấy Spyros. - Spyros, nhờ Chúa. Anh đã đến đây? Những tên ngốc này nghĩ tôi đã giết Melina. Anh biết, tôi không thể làm như thế. Anh hãy nói với họ đi. Spyros Lambrous cau mày. - Nói với họ cái gì? Melina bị giết vào ba giờ chiều hôm qua. Anh và tôi lúc ba giờ cùng ngồi ở Acro - Corinth. Tôi không thể lái xe về ngôi nhà bãi biển trước bảy giờ được. Anh hãy nói với họ về cuộc gặp gỡ của anh và tôi. Spyros Lambrous đang nhìn chăm chăm vào ông. - Cuộc gặp anh vào tối hôm qua. Từ ngôi nhà ở Acro Corth. - Cậu lầm lẫn rồi, Costa ạ. Tôi lái xe đi một mình chiều hôm qua. Tôi không nói sai cho cậu. Mặt Constantin Denmiris đầy giận dữ. - Anh không thể làm như vậy được? - Ông túm lấy ve áo của Lambrous. - Hãy nói với họ sự thật. Spyros Lambrous đẩy ông ta ra: - Sự thật là em tôi bị chết và mày đã giết nó. - Đồ nói láo! - Denmiris rú lên - Đồ nói láo! - Ông lại lao về phía Lambrous và hai nhân viên cảnh sát phải giữ ông lại. - Mày là đồ chó đẻ. Mày biết tao vô tội? - Các quan toà sẽ quyết định. Tôi nghĩ cậu cần một luật sư tốt! Và Constantin Denmiris nhận ra rằng chỉ có một người có thể cứu ông ta. Napoleon Chotas. Chương 26 HỒ SƠ MẬT Ghi chép buổi gặp Catherine Douglas. Catherine: Ông có tin vào linh tính không, Alan? Alan: Điều đó chưa được chấp nhận về mặt khoa học, nhưng thực tế, tôi tin. Cô có bao giờ có linh cảm điều gì không? Catherine: Có. Tôi có cảm giác có điều dữ sẽ xảy ra cho tôi. Alan: Đó có phải là một phần giấc mơ trước của cô không? Catherine: Không. Tôi nói với ông là ông Denmiris có cử một số người từ Anthens… Alan: Có. Catherine: Ông ấy yêu cầu tôi quan tâm tới họ, vì vậy tôi đã thấy nhiều điều về họ. Alan: Cô có thấy bị họ đe doạ không? Catherine: Không. Chính xác không. Rất khó giải thích. Họ không làm gì cả, và tôi cứ tin sẽ có điều gì đó xảy ra. Một cái gì độc ác. Điều đó có gợi ý gì cho ông không? Alan: Hãy nói cho tôi về những người đàn ông ấy. Catherine: Một người Pháp, Yves Renard. Anh này cứ đòi tôi cho đi bảo tàng, nhưng khi đến đó, tôi thấy anh không chú ý gì cả. Anh ấy đòi tôi đưa đi Stonchenge thứ bảy này. Còn Jelly Haley. Anh ta là người Mỹ. Anh ta tỏ ra khá vui vẻ, nhưng có cái gì bối rối ở anh này. Rồi đến Dino Mattusi. Anh ta được gọi là người điều hành trong công ty của ông Denmiris, nhưng anh ta hỏi một số câu mà anh ấy cũng đã biết câu trả lời rồi. Ông ấy mời tôi đi chơi bằng ô tô. Tôi muốn kéo cả Wim đi… và một điều nữa… Alan: Vâng! Catherine: Wim vẫn hành động kỳ lạ như vậy. Alan: Theo kiểu gì? Catherine: Buổi sáng tôi đến phòng làm việc, Wim luôn mong đợi tôi. Trước đây không như thế. Và khi anh ta gặp tôi, cứ như là anh ta tức giận vì tôi có mặt ở đó. Những chi tiết ấy chẳng có ý nghĩa gì, phải không? Alan: Mọi việc đều có ý nghĩa khi ta có chìa khoá mở ý nghĩa đó, Catherine ạ. Thế cô có còn mơ nữa không? Catherine: Tôi có một giấc mơ về Constantin Denmiris. Nhưng rất lờ mờ. Alan: Hãy nói cho tôi cô còn nhớ gì về giấc mơ đó không? C. Tôi hỏi ông ta vì sao? Ông ta tốt với tôi thế, vì sao ông ta cho tôi làm việc ở đây và một chỗ để sống. Và vì sao ông cho tôi cái ghim bằng vàng. Alan: Và ông ta nói gì? Catherine: Tôi không nhớ. Tôi tỉnh dậy la hét. * * * * * Bác sĩ Hamilton nghiên cứu bản ghi chép này rất cẩn thận, tìm ra các nét ngờ vực không có nguồn gốc, mong lần tìm đầu mối để giải thích điều gì làm Catherine bối rối. Ông Hamilton khẳng định có lý do rằng những hiểu biết của ông có liên quan đến việc những người lạ từ Anthens đến, và Anthens chính là sân khấu của quá khứ đầy bí ẩn của nàng. Về phần Wim thì Alan còn chưa hiểu hết. Có phải là Catherine đã tưởng tượng ra những điều đó? hay Wim đã có sẵn bản năng hiếm có ấy? Ta phải đến gặp Wim trong mấy tuần tới, Alan nghĩ. Có lẽ ta sẽ tìm cách để hẹn anh ta. Alan ngồi đó, nghĩ về Catherine. Tuy nhiên đối với ông, như là một luật lệ, không bao giờ ông dan díu tình cảm với bệnh nhân của mình. Catherine là một người đặc biệt. Nàng đẹp và đã bị tổn thương và… Ta đang làm gì? Ta không thể nghĩ kiểu đó được. Ta sẽ tập trung vào một điểm gì đó. Nhưng rồi suy nghĩ của ông cứ luẩn quẩn về nàng. Catherine không thể không nghĩ về Hamilton. Đừng như một con điên, Catherine tự bảo mình. Ông ta đã là người có vợ. Các bệnh nhân đều cảm thấy như vậy về người thầy phân tích tâm lý cho họ. Nhưng chẳng thể giúp gì được, Catherine tự nói với mình. Có thể ta sẽ gặp được một người thầy tâm lý cho việc phân tích tâm lý trong ta. Nàng lại đến gặp Alan lần nữa trong hai ngày. Có lẽ ta phải bỏ những lần hẹn gặp ông, Catherine nghĩ vậy, trước khi ta đi quá sâu. Đã muộn rồi. Buổi sáng, nàng có cuộc hẹn gặp Alan. Catherine ăn mặc rất cẩn thận và đến hiệu làm đẩu. Chừng nào mà ta không gặp ông nữa sau lần gặp hôm nay, Catherine lý giải, thì sẽ chẳng có gì là hại nếu ta trông đẹp ra hơn. Lúc nàng đi vào văn phòng ông, quyết định của nàng cứ mông lung: vì sao ông ta lại có vẻ hấp dẫn như vậy? Vì sao ta không được gặp ông trước khi chưa lấy chồng? tại sao ông ta không quen ta khi ta là người con gái bình thường và là người khỏe mạnh? Nhưng mặt khác, nếu ta khỏe mạnh, là người bình thường, thì ngay từ đầu ta cũng chẳng đến với ông làm gì, có phải không? - Tôi xin ông thứ lỗi? Catherine nhận thấy rằng nàng đã nói rất to. Bây giờ có phải lúc nói với ông rằng đây là lần gặp cuối cùng? Nàng thở một cái thật sâu. - Alan… - và rồi quyết định đó của nàng lại tan biến đi. Nàng nhìn lên bức hình trên bàn nước. - Ông đã xây dựng gia đình được bao lâu rồi? - Cưới vợ à? - ông theo dõi cái nhìn của Catherine. - Ồ! Đó là em gái tôi và thằng con trai của nó. Catherine thấy trong nàng có cái gì vui mừng thầm kín. - Ồ hay quá nhỉ! Tôi cho là, cô ấy… cô ấy trông tuyệt lắm. - Cô không sao đấy chứ, Catherine? Kirk Reynolds cũng đã hỏi nàng như vậy. Tôi không phải lúc nào cũng không sao, Catherine nghĩ, nhưng tôi bây giờ không sao cả. Tôi vẫn khỏe, - Catherine nói. - ông chưa có gia đình à? Ông có đi ăn tối với tôi không? Liệu ông có đưa tôi lên giường không? Liệu ông có lấy tôi không? Nếu nàng nói lên một trong các câu đó, chắc là ông sẽ nghĩ ta bị rồ. Có thể ta bị rồ thật. Ông đang ngắm nhìn nàng, hơi cau mày. - Catherine, tôi e rằng chúng ta sẽ không thể tiếp tục những cuộc gặp thế này mãi. Hôm nay sẽ là ngày cuối cùng. Tim của Catherine như muốn tan nát. - Vì sao? Tôi có làm điều gì… - Không, không… không phải là cô. Trong mối quan hệ chuyên môn như thế nào, không tốt cho một bác sĩ bị xâm nhập về tình cảm với bệnh nhân. Bây giờ thì nàng lại nhìn ông chăm chú, đôi mắt nàng sáng lên khác thường. - Ông đang nói rằng ông bị dan díu về tình cảm với tôi. - Vâng. Và vì vậy tôi e rằng… - Ông hoàn toàn đúng, - Catherine nói rất sung sướng. - Chúng ta hãy nói chuyện đó tối nay khi đi ăn tối. Họ ăn tối tại một nhà hàng Ý ở giữa trung tâm Soho. Các món ăn ngon hay không ngon, không có gì khác nhau cả Họ hoàn toàn bị cuốn hút lẫn nhau. - Đó là điều không hay, - Catherine nói. - Ông biết mọi chuyện về tôi. Bây giờ nói cho tôi nghe về ông đi. Ông chưa bao giờ lấy vợ à? - Không. Tôi đã lấy vợ! - Thế sau sao nữa? - Đó là trong chiến tranh. Chúng tôi sống cùng nhau trong một căn hộ nhỏ. Đó là những ngày ở Blitz. Khi đó tôi đang làm việc ở bệnh viện và khi về nhà một buổi tối… Catherine nghe thấy được sự đau khổ trong giọng nói của ông. - Ngôi nhà bay đi. Chẳng còn lại gì hết. Nàng đặt bàn tay nàng lên tay ông. - Tôi xin lỗi. - Phải mất một thời gian dài tôi mới qua được những đau khổ đó. Tôi chẳng gặp ai mà tôi muốn lấy cả. - Và đôi mắt ông như muốn nói, đến cả bây giờ. Họ ngồi đó tới bốn giờ đồng hồ, nói với nhau về mọi chuyện: rạp hát, y học, tình hình thế giới, nhưng những câu chuyện thực thì lại không nói. Như có một luồng điện trong con người họ. Cả hai đều cảm nhận thấy điều đó. Giữa họ, có một sự căng thẳng về tình dục như muốn tràn ra. Cuối cùng, Alan trở về đề tài cũ. - Catherine này, điều tôi nói sáng nay về mối quan hệ bác sĩ bệnh nhân… - Hãy nói điều đó với tôi khi nào về nhà ông. Họ cùng cởi quần áo, nhanh nhẹn và đều mong muốn, và khi Catherine đã cởi hết quần áo, nàng nghĩ lúc nàng cùng Kirk Reynolds, nàng cảm thấy thế nào và bây giờ có gì khác. Cái khác là yêu, Catherine nghĩ. Ta mê con người này. Nàng nằm trên giường đợi ông và khi ông đến với nàng và vòng tay ôm nàng, mọi sự lo lắng, mọi sự sợ hãi là không bao giờ có thể có quan hệ được với đàn ông ở nàng tan biến đi. Họ đụng chạm mạnh vào thân thể của nhau, khám phá nhau, lúc đầu còn nhẹ nhàng rồi đến thô bạo, đến khi nhu cầu của họ trở nên man rợ và không còn hy vọng gì hơn, họ dính vào nhau, và Catherine kêu lên với tất cả hạnh phúc tràn đầy. - Em khỏi hoàn toàn rồi, nàng nghĩ. Cám ơn anh! Họ nằm đó, nằm đó mãi, và Catherine ôm Alan thật chặt trong cánh tay nàng, không muốn cho ông đi. Khi họ bắt đầu nói được thành lời, nàng nói với giọng xúc động. - Anh chắc chắn biết điều trị bệnh nhân như thế nào bác sĩ ạ. Chương 27 Từ hàng tít lớn trên các trang báo, Catherine đã được biết về việc Constantin Denmiris bị bắt vì tội giết vợ. Thật là một chấn động. Khi nàng đến văn phòng, mọi việc đều như đợi chờ nghe ngóng. - Cô có nghe thấy tin gì không? - Evenlyn lo lắng. - Chúng ta sẽ làm gì? - Chúng ta sẽ thực hiện chính xác tất cả cái gì ông ấy yêu cầu Tôi chắc chắn là có nhầm lẫn rất lớn gì đó. Tôi sẽ có điện cho ông ấy. Nhưng Constantin Denmiris là người tù quan trọng nhất mà nhà tù Trung tâm Anthens chưa bao giờ tiếp nhận. Công tố uỷ viên đã ra lệnh là không được có đối xử đặc biệt nào đối với Denmiris. Denmiris đã yêu cầu một số điều: mắc điện thoại, máy telex và trao đổi văn thư. Các yêu cầu của ông bị từ chối. Denmiris sử dụng hầu hết thời gian để đi bộ, và cả khi nằm mơ để cố tìm ta ai đã giết Melina. Ban đầu, Denmiris cho rằng có một tên côn đồ, vô tình thấy Melina khi cô đang dẹp ngôi nhà bãi biển đã giết cô. Nhưng khi cảnh sát đối chiếu hắn với những chứng cớ để kết tội, thì Denmiris đã nhận ra ông nhầm. Câu hỏi là, do ai? Về lôgic thì người giết cô cũng có thể là Spyros Lambrous, nhưng điểm yếu của lý giải này là Lambrous yêu em gái mình hơn bất cứ ai trên thế gian này. Ông ta không bao giờ làm hại cô. Sự nghi ngờ của Denmiris chuyển sang bọn mà Tony Rozzoli đã nhập. Có lẽ, bọn chúng biết điều gì xảy ra đối với Rozzoli và đó là cách trả thù. Constantin Denmiris cũng đã từ bỏ cái ý kiến đó. Vì nếu Mafia muốn trả thù, thì đơn giản là họ phải vất bỏ hợp đồng với ông. Ngồi một mình trong xà lim, Denmiris đã điểm hết mọi việc, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại, cố giải quyết bài toán đó. Cuối cùng, khi ông đã tính hết các khả năng, chỉ còn mỗi một kết luận khả dĩ là; Melina đã tự tử. Cô đã tự tử và đổ cho ông về cái chết của cô. Denmiris nghĩ về những gì ông đã làm đối với Noelle Page và Larry Douglas và cái hài kịch cay đắng là bây giờ ông ở trong tình trạng đúng như họ lúc đó. Ông đang bị xét xử về một vụ giết người mà ông không có dính líu. Tên cai tù đang ở cửa xà lim. - Luật sư của ông đã đến để gặp ông. Denmiris đứng ngay dậy và theo tên cai tù đi đến một buồng hẹp nhỏ. Luật sư đang đợi ông. Tên ông là Vassiliki. Ông ta trạc ngoài năm mươi, có bộ tóc màu hung sáng và nét mặt nhìn nghiêng như tài tử điện ảnh. Ông ta đã nổi tiếng là một luật sư ở toà hình sự. Như thế có đủ trình độ không? Tên cai tù nói: - Các ông có mười lăm phút. Y để hai người ngồi đó và đi ra. - Được, - Denmiris hỏi luôn. - Khi nào ông làm cho tôi ra khỏi được đây? Tôi sẽ trả cho ông bao nhiêu? - Ông Denmiris, tôi e rằng điều đó không đơn giản. Công tố viên đặc biệt từ chối… - Công tố viên điên rồi. Họ không thể để ta như thế nào được. - Còn Bail thế nào? Ta sẽ đặt bao nhiêu tiền tuỳ hắn yêu cầu! Vassiliki liếm môi, Bail đã từ chối. Tôi đã xem qua các chứng cứ mà cảnh sát đã lập để kết tội ông, ông Denmiris ạ. Rất tai hại đấy. - Tai hại hay không - tôi không giết Melina. Tôi vô tội? Vị luật sư nuốt nước bọt. - Vâng, dĩ nhiên, dĩ nhiên. - Ông có suy nghĩ ai đã giết vợ ông? - Không có ai cả. Vợ tôi tự tử. Vị luật sư trợn mắt nhìn ông. - Xin lỗi, ông Denmiris tôi không nghĩ rằng đó là một việc bảo vệ dễ dàng. Ông phải nghĩ một cái gì hơn thế kia. Và dù trong lòng đã tan nát. Denmiris biết ông ấy nói đúng. Không có quan toà nào trên thế giới này tin điều đó. Sáng sớm hôm sau, vị luật sư lại đến thăm Denmiris. - Tôi e rằng tôi có một số tin xấu. Denmiris gần như cười to lên. Ông đang ngồi trong tù đứng trước một án tử hình, mà tên điên rồ này lại nói với ông hắn ta có tin tức xấu. Còn gì xấu hơn là tình trạng hiện nay của ông. - Vâng? - Đó là về ông anh rể ông! - Spyros? Ông ta thế nào? - Tôi có một thông tin là ông ta đã đến cảnh sát và nói với họ là một người phụ nữ tên là Catherine Douglas còn sống. Tôi thực không hiểu hết vụ Noelle Page và Larry Douglas. Nhưng… Constantin Denmiris vẫn phải lắng nghe. Ông chờ còn muốn biết điều gì đã xẩy ra cho ông, ông đã hoàn toàn quên Catherine. Nếu họ thấy lại nàng, và nàng nói, họ sẽ quy kết ông trong những cái chết của Noelle và Larry. Ông đã gửi người đi London để trông nom nàng nhưng bây giờ việc đó đột nhiên thành khẩn cấp. Ông dướn người ra phía trước và đập nhẹ tay vị luật sư. - Tôi muốn nhờ ông đánh một bức điện cho London ngay lập tức. Ông đọc bức điện hai lần và cảm thấy bắt đầu sự thèm khát tình dục khuấy động, mà việc đó thường xảy ra với ông trước khi quan tâm tới một hợp đồng. Cứ như là chơi trò chơi với ông Trời. Trời quyết định sự sống, cái chết. Trời có được quyền hành trong tay. Nhưng có một vấn đề. Nếu buộc phải làm ngay, thì sẽ không có thời gian để dự thảo lại nữa. Ông phải củng cố một vài điều. Làm như một tai nạn tối nay. Chương 28 Ghi chép buổi gặp Wim Vandeen Alan: Hôm nay anh thấy thế nào? Wim: OK. Tôi đến đây bằng xe taxi. Tên người lái xe là Ronald Cherestie. Biển số xe 30271, giấy phép lái xe lưu hành số 3070. Trên đường đến đây, chúng tôi đã gặp 37 xe hiệu Rovers, một cái hiệu Bantley, mười cái hiệu Jaguars sáu cái hiệu Austins, và một cái Rolls-Royce, hai mươi bẩy xe gắn máy và sáu xe đạp. Alan: Anh sống với mọi người ở cơ quan thế nào, Wim? Wim: Ông biết rồi. Alan: Nói cho tôi nghe đi. Wim: Tôi thù ghét những người ở đó. Alan: Còn về Catherine Alexander thì sao, Wim? Wim: Ồ, cô ta ấy à. Cô ấy chẳng còn làm ở đó nữa đâu. Alan: Ý anh nói thế là thế nào? Wim: Cô ấy sẽ bị giết chết. Alan: Sao? Sao anh lại nói vậy? Wim: Bà ấy nói cho tôi. Alan: Catherine nói với anh cô ấy sẽ bị ghết chết? Wim: Người khác cơ. Alan: Người khác là ai? Wim: Vợ ông ấy. Alan: Vợ ai, Wim? Wim: Constantin Denmiris. Alan: Ông ta nói với anh Catherine Alexander sẽ bị giết chết? Wim: Bà Denmiris. Vợ ông ta. Bà ta gọi điện cho tôi từ Hy Lạp. Alan: Ai sẽ giết Catherine? Wim: Một trong các người đàn ông. Alan: Ý anh là một trong các người đàn ông từ Anthens bay đến. Wim: Phải. Alan: Wim, chúng ta chấm dứt buổi gặp gỡ hôm nay ở đây Tôi phải đi. Wim: OK. Chương 29 Văn phòng công ty kinh doanh Hy Lạp đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Mấy phút trước 6 giờ, Evenlyn và các nhân viên khác đang chuẩn bị ra về. Evenlyn đi vào phòng làm việc của Catherine. - "Điều kỳ lạ ở phố ba mươi tư" đang diễn ở rạp Critirion. Vở này đã được khen nhiều lắm. Cô có thích đi xem tối nay không? - Tôi không đi được, - Catherine nói, - Cám ơn Evenlyn. - Tôi đã hứa với Jelly Haley, tối đi xem hát với anh ta! - Họ làm cô bận suốt thôi, có phải thế không? Thôi vậy. - Chúc đi vui nhé! Catherine nghe thấy các người khác đang rục rịch ra về Cuối cùng, yên lặng. Nàng nhìn lần cuối bàn làm việc, chắc chắn là mọi thứ ngăn nắp cả, mặc thêm áo khoác, xách cái túi của nàng và đi ra hành lang. Nàng vừa tới cửa ngoài thì điện thoại réo. Catherine lưỡng lự, đấu tranh tư tưởng không biết có nên trả lời không. Nàng nhìn đồng hồ đeo tay; nàng sắp bị muộn. Điện thoại lại réo. Nàng chạy về buồng làm việc và nhấc ống nghe: - Hello! - Catherine. - Đó là tiếng Alan Hamilton. Ông vừa nói vừa thở. - Cám ơn chúa, tôi gặp được em. - Có gì hở anh? - Em đang bị nguy hiểm lắm. Anh có tin kẻ nào đang định giết em! Nàng kêu khẽ lên. Cơn ác mộng xấu xa nhất sắp thành sự thật. Đột nhiên nàng thấy sợ hãi. - Ai? - Anh không biết. Nhưng anh muốn em đang ở đâu thì cứ ở đó. Đừng, rời văn phòng làm việc. Không được nói với ai. Anh sẽ đến với em ngay đấy! - Alan, em… - Đừng lo. Anh lên đường đây. Khoá trái cửa lại. Mọi việc sẽ ổn thôi. Đường dây nói ngắt. Catherine từ từ bỏ ống nghe xuống. - Ôi, Trời ơi! Atanas xuất hiện ở đường đi ngoài cửa. Nó nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của Catherine và chạy vội đến bên nàng. - Có điều gì xấu đấy cô? Nàng quay lại với nó. - Có một người… nào đó cố tình muốn giết cô. Nó nói lấp liếm với nàng. - Sao? Ai… ai muốn làm thế? - Cô không rõ! Họ nghe thấy tiếng gõ cửa ra vào. Atanas nhìn Catherine. - Có lẽ cháu… - Không, - nàng nói vội. - Không để ai vào cả. Bác sĩ Hamilton đang trên đường đến đây. Tiếng gõ cửa lại lặp lại, to hơn. - Cô nên trốn xuống tầng hầm, - Atanas thì thầm. - Ở đấy an toàn hơn. Cô gật đầu. - Được. Họ luồn qua phía sau hành lang, tới cửa dẫn tới tầng hầm. - Khi bác sĩ Hamilton đến, nói với ông cô ở đấy nhé. - Cô ở dưới đó không sợ đâu? Atanas bật đèn, và dẫn nàng xuống cầu thang tầng hầm. - Không ai tóm được cô ở đây, - Atanas bảo đảm với cô như vậy. - Cô có biết ai muốn giết cô không? Nàng nghĩ đến Constantin Denmiris và những giấc mơ của nàng. - Ông ấy sắp giết cô. Nhưng đó chỉ là mơ. - Cháu không chắc. - Atanas nhìn cô và thì thầm, - Cháu nghĩ cháu biết. Catherine nhìn chằm chằm vào nó. - Ai? - Cháu. Bất ngờ trong tay nó có một lưỡi dao bật ra và đang dí vào họng nàng. - Atanas, đây không phải là lúc đùa… - Cô có bao giờ đọc "Cuộc hẹn hò ở Sainara" không hở Catherine? Được, bây giờ thì quá muộn rồi, phải không? Có phải ai cũng muốn thoát được cái chết. Nó đến Samara và cái chết đang đợi nó ở đó! Đây là Samara của mi, Catherine! Thật không ngờ, những tiếng khinh khủng đó lại thoát ra từ miệng một đứa bé trông rất ngây thơ. - Atanas, cô xin. Em không thể… Nó ép cô rất mạnh vào mặt. - Ta không thể làm điều đó vì ta là một thằng trẻ con, ư? Ta làm mi ngạc nhiên sao? Ta là một diễn viên tài ba. Ta đã ba mươi tuổi rồi, Catherine ạ. Mi có biết vì sao ta trông như một thằng trẻ con? Bởi vì khi ta nhớn lên, ta chưa bao giờ đủ ăn. Ta sống ở nơi xó xỉnh, ban đêm đi ăn trộm những đồ hộp bỏ đi. Nó vẫn giữ chặt con dao ấn vào họng nàng, dựa lưng vào tường. - Khi ta là thằng trẻ con, ta đã nhìn thấy những thằng lính hiếp mẹ tao và hại cha tao, tới khi cả hai đều chết, và rồi chúng đánh đập tao và để tao phải chết. - Nó ấn lưng nàng xuống sâu vào trong hầm. - Atanas, tôi, tôi không làm điều gì hại em. Tôi… Nó cười với cái cười trẻ con. - Đây không có tý gì là riêng tư cả. Đây là công việc. Mi giá trị năm mươi nhăm ngàn đô la với tao khi phải chết. Như có một bức màn hạ xuống trong mắt nàng, và nàng chỉ thấy mọi vật là một màu đỏ lờ mờ. Một phần của con người những đã ở bên kia, đang đợi những điều sắp xảy ra. - Ta có một kế hoạch tuyệt vời cho mi. Nhưng cấp trên đang vội, ta phải làm nhanh thôi, chúng ta không muốn ư? Catherine có cảm giác mũi con dao ấn mạnh sâu vào cổ nàng. Nó ngoáy con dao và còn mở áo ngực cho nàng. - Đẹp quá, nó nói - Rất đẹp. Ta đang chuẩn bị cho ta một bữa tiệc trước đã, nhưng vì tay bác sĩ bạn mi đang đến, ta không có thời gian, ta có làm không? Đối với mi, tội quá. Ta là một người tình vĩ đại. Catherine nằm đó ngột ngạt chỉ còn cố thở gấp. Atanas tay với cái áo móc ra một cái chai đo đỏ ở túi. Đó là một chất lỏng màu đỏ hồng nhàn nhạt. - Mi có bao giờ uống rượu mạnh không. Ta sẽ uống vì tai nạn của mi, hừ? Nó vứt con dao đi và mở cái chai, một lát, Catherine định chạy trốn. - Đi đi, - Atanas nói nhẹ - Thử xem, xin mời! Catherine liếm môi. - Tôi… trả tiền cậu. Tôi sẽ… - Cố mà thở đi. - Atanas uống một ngụm lớn và đưa cái chai cho nàng. - Uống! - Không. Tôi không… - Uống! Catherine cầm cái chai và nhấp một ngụm nhỏ. Mùi cay gắt của rượu brandy làm cháy cổ nàng. Atanas lấy cái chai lại và uống một ngụm lớn nữa. - Ai lộ cho bác sĩ của mi là có người sắp giết mi? - Tôi không biết! - Dù sao cũng chẳng cần nữa. Atanas chỉ vào một cái cột bằng gỗ to đỡ trần nhà: - Ra đó đi. Mắt Catherine liếc ra cửa vào. Nàng cảm giác thấy lưỡi dao thép lại ấn vào cổ nàng. - Đừng để ta nói với mi nữa. Catherine còn đi được tới gần cái cột gỗ. - Một cô gái tốt đó, - Atanas nói. - Ngồi xuống. - Hắn quay đi một lát. Lúc đó, Catherine nghỉ được một chút. Nàng bắt đầu chạy ra cầu thang, tim như muốn vỡ. Nàng phải chạy thoát thân. Tới bậc thứ nhất rồi bậc thứ hai, và, khi nàng sắp leo lên, nàng cảm thấy chân cuộc đời bị cái gì tóm chặt và kéo xuống. Nó khỏe quá. - Đồ chó cái! Nó tóm tóc nàng và kéo mặt nàng tới gần mặt nó. - Mi lại thử nữa à, và ta sẽ bẻ nốt cả hai cẳng mi. Nàng lại cảm thấy lưỡi dao dưới hai bả vai. - Đi đi? Atanas kéo lưng nàng tới cột gỗ và đẩy nàng ngồi xuống đất. - Nằm đó! Catherine nhìn thấy Atanas đi đến đống hộp các tông buộc bằng các sợi dây rất to. Nó cắt hai sợi dây dài và mang về chỗ nàng. - Để hai tay quặt ra sau cái cột kia. - Không, Atanas. Tôi… Nó tát mạnh cả nắm tay vào một bên mặt nàng, và cái buồng tự nhiên nhoà đi trong mắt nàng. Atanas ghé lại gần và thì thào. - Đừng có bao giờ nói không với ta. Hãy làm cái gì mà ta đã bảo trước khi ta cho cổ mi đi tong đấy. Catherine để hai tay ra đàng sau cái cột và lát sau, nàng thấy cái dây nghiêng vào cổ tay vì Atanas đã buộc chặt hai tay nàng lại. Nàng cảm thấy rõ máu không lưu thông được. - Xin làm ơn - nàng nói - Chặt quá. - Tốt - nó nhe răng cười. Nó lấy sợi dây thứ hai và buộc hai chân lại với nhau ở mắt cá. Rồi nó đứng lên - Đấy thế đó! Đẹp rồi và dễ chịu nhé! - Nó uống một ngụm nữa. - Mi có muốn uống tý nữa không? Catherine lắc đầu. Nó nhún vai. - Ô kê. Nàng nhìn thấy nó đưa chai lên môi lần nữa. Có thể nó sẽ bị say và buồn ngủ, Catherine nghĩ tuyệt vọng. - Ta đã từng uống suốt cả buổi, - Atanas còn khoác lại. Nó đặt chai rỗng lên sàn xi măng. - Xong, đến giờ đi làm việc. - Sao - mày sắp làm cái gì nữa? - Ta sắp gây ra một vụ tai nạn nhỏ. Sắp đến chỗ kiệt tác. - Ta phải bắt Denmiris trả gấp đôi tiền! Denmiris? Thật không phải là mơ nữa. Ông ta đứng đằng sau việc này. Nhưng vì sao? Catherine nhìn thấy Atanas đi qua buồng tới cái nồi hơi to tướng. Nó nhấc cái mắp ngoài nhìn vào đèn báo và tám tấm dẫn nhiệt nghĩa là các tấm này đốt nóng cả cái nồi. Van an toàn gắn kín vào khung bảo vệ kim loại. Atanas nhặt một mảnh gỗ nhỏ và nhét mảnh gỗ và khung gỗ để cho van an toàn không làm việc. Đồng hồ hiện số khống chế nhiệt độ được đặt ở 150 độ. Thấy Catherine để ý nhìn, Atanas quay đồng hồ ở mức tối đa. Thoả mãn, nó đi lại chỗ Catherine. - Mi có biết chúng tao phải vất vả như thế nào với cái nồi hơi này không? - Atanas hỏi. - Được, ta sợ rằng cuối cùng người ta mở nồi ra. Nó xích lại gần Catherine hơn. Khi cái đồng hồ này báo tới bốn trăm độ, nồi hơi này sẽ nổ. Mi có biết điều gì sẽ xảy ra? Các ống dẫn khí sẽ bị vỡ toác ra và các tấm đốt sẽ đốt cháy tuốt. Cả toà nhà sẽ bị phá huỷ như bị một quả bom. - Mày điên rồi à! Còn bao nhiêu người vô tôi ở đây, họ mà… - Không có người vô tội nào cả. Người Mỹ các người tin vào sự kết liễu hạnh phúc. - Nó lại đi xuống và thở sợi dây buộc lại tay Catherine vào cái cột. Cổ tay đã rướm máu. Sợi dây đã cứa vào da thịt nàng và cái nút rất chặt. Atanas từ từ xoa tay lên bộ ngực nàng. - Tệ quá, tao không có nhiều thời gian. Mi sẽ không bao giờ biết mi bị mất tích như thế nào? - Nó lại tóm tóc nàng và hôn lên môi nàng. Hơi thở của nó sặc mùi rượu. - Chào, Catherine! - Nó đứng dậy. - Đừng bỏ ta, - Catherine khẩn nài. - Hãy nói chuyện với ta và… - Ta phải đi cho kịp tàu bay. Ta sẽ từ giã Anthens. Nàng nhìn theo nó bắt đầu đi tới cầu thang. - Ta sẽ để đèn cho mi để mi nhìn mọi việc xảy ra. Một lát sau, Catherine nghe thấy cửa hầm đóng lại và tiếng cái chốt bên ngoài, rồi yên lặng. Nàng ngước nhìn cái đồng hồ nồi hơi. Nó chạy nhanh quá. Khi nàng thấy, nó đã 160 độ và nó quay đến 170 độ, nó còn tiếp tục quay. Nàng chiến đấu một cách tuyệt vọng để cởi trói hai tay, nhưng càng cố rút, dây buộc càng chặt hơn. Nàng lại ngước nhìn lên. Đồng hồ đã chỉ tới 180 độ và đang còn leo lên nữa. Không có cách nào nữa rồi. * * * * * Alan Hamilton phóng xe xuống phố Wimpole như một thằng điên, vượt ngang và chạy qua mũi mọi xe khác, không để ý tiếng la hét và tiếng còi rú của các lái xe khác. Đường phía trước lại bị nghẽn. Ông quay xe về bên trái và lao về quảng trường Portland nhắm hướng rạp xiếc Oxford. Xe cộ đông nghịt ở đây làm chậm xe ông. Trong hầm ngôi nhà số 217 phố Bond, kim trên nồi hơi đã lên tới 200 độ. Căn phòng càng nóng hơn. Xe cộ gần như đứng một chỗ, Người thì về nhà, người thì đi ăn tối hay đi xem hát. Alan Hamilton ngồi đàng sau vô lăng xe, đầu óc rối bời. Ta có nên gọi cảnh sát? Nhưng làm thế có tốt không? Một bệnh nhân tâm thần của tôi nghĩ rằng có kẻ nào đó sắp giết cô ấy? Cảnh sát họ sẽ cười. Không, ta phải đến gặp nàng ngay. Xe bắt đầu chuyển banh được rồi. Trong căn hầm, kim đồng hồ đã chỉ tới 300. Hầm nóng không chịu nổi. Nàng lại cố cởi trói tay lần nữa và hai cố tay lại bị cọ xát mạnh nhưng dây vẫn xiết chặt mạnh. Ông quay vào phố Oxford, tăng tốc độ vượt qua đường đi bộ khi đó có hai người phụ nữ đang qua đường. Đằng sau ông, ông nghe thấy một tiếng còi cảnh sát trong giây lát ông định dừng lại và đề nghị cảnh sát giúp. Nhưng không còn thời gian để giải thích. Ông lại lao xe đi. Ở ngã tư giao nhau một xe tải lớn lao ra, chắn hết cả đường. Alan Hamilton rú còi rất sốt ruột. Ông ló đầu ra cửa sổ. - Đi đi chứ! Người lái xe nhìn ông. - Thế này là thế nào, ông bạn, ông đi chữa cháy hay sao đấy? Đường đi lại chật cứng các xe con, Alan Hamilton phóng thẳng về phố Bond. Đoạn đường thường chỉ đi trong mười phút bây giờ mất gần nửa giờ. Ở căn hầm, kim đã leo tới 400 độ. Cuối cùng, nhờ chúa phù hộ, ngôi nhà đã ở trước mặt rồi. Alan Hamilton cho xe vượt qua đường cong góc phố và phanh khi ông bắt đầu chạy lên ngôi nhà, ông dừng lại sợ hãi. Đất rung lên vì toàn bộ ngôi nhà nổ tung như một quả bom, khổng lồ, khói và các mảnh vỡ bay tung lên không. Và chết chóc. Chương 30 Atanas Stavich có cảm giác phấn khích ghê rợn. Một hợp đồng nào thực hiện cũng làm nó như vậy. Như một thông lệ nó quan hệ giới tính với các nạn nhân của nó, cho dù là đàn ông hay đàn bà, trước khi nó giết họ và nó luôn luôn cảm thấy thích thú. Bây giờ, nó vẫn bứt rứt vì nó không có đủ thời gian để hành hạ Catherine hay làm tình với nàng. Atanas nhìn vào đồng hồ trên tay. Còn sớm chán. Máy bay đến mười một giờ tối nay vẫn chưa cất cánh đâu. Nó đáp taxi đến Shephend Market. Trả tiền taxi và lang thang vào những ngõ hẻm của phố xá. Có đến nửa tá gái đang đứng ở góc phố gọi các khách đàn ông đi qua. - Hello, anh yêu, anh có thích một bài học tiếng Pháp tối nay không? - Thế nào vui tý nhé? - Anh có quan tâm đến Hy Lạp không? Chẳng có đứa nào đến gần Atanas cả. Nó đi đến gần một con bé tóc hung cao, mặc một cái váy da ngắn và một áo khoác, đi giầy cao gót kiểu bút máy. - Xin chào, - Atanas nói rất lịch sự. Cô gái điếm nhìn xuống người hắn, nói vui. - Hello, em bé. Mẹ em có biết em đi chơi không đấy? Atanas cười ngượng ngập. - Vâng, madam. Tôi nghĩ nếu bà không có việc bận… Cô gái điếm cười. - Làm bây giờ hả? Và cậu sẽ làm được gì nếu tôi không bận? Cậu đã bao giờ làm tình với con gái chưa đấy? - Có một lần, - Atanas nói nhẹ nhàng. - Tôi thích lắm đấy. - Cậu cỡ mini thôi! - cô gái cười. - Tôi thường đẩy các cậu khách bé nhỏ ra không tiếp, nhưng tối nay ế quá. Cậu có mười tờ chứ? - Vâng, madam! - Được người yêu. Đi lên cầu thang đi! Cô ta dẫn Atanas đi qua một hành lang và leo lên hai đoạn cầu thang tới một căn hộ có buồng nhỏ. Atanas đưa cô ta tiền. - Được, hãy nhìn đây xem anh có biết làm sao với nó thì làm, người yêu. Cô cởi hết tất cả quần. Mọi việc đã trôi chảy hoàn hảo. Nó sẽ lấy được năm mươi nghìn đô la và sẽ gửi vào một trong các tài khoản của nó ở ngân hàng Thuỵ Sĩ. Và rồi phải đi nghỉ một chút. Có thể là Riveva, hay Rio. Nó thích các đĩ đực ở Rio. Atanas đi vào phòng, dừng lại, nhìn mọi vật xung quanh. Mặt nó tự nhiên tái nhợt. - Mày chết rồi! Mày đã chết? "Tao đã giết mi?" - Đó là một tiếng kêu. Atanas còn kêu khi họ dẫn nó ra khỏi buồng và vào xe cảnh sát. Họ nhìn theo hắn đi, và Alan Hamiìton lúc đó đang cúi xuống Catherine. - Thế là hết rồi, em ơi. Thôi thế là hết. Chương 31 Trong tầng hầm, mấy giờ trước, Catherine đã cố gắng một cách tuyệt vọng để tự cởi trói. Nhưng nàng càng cố bao nhiêu, thì sợi dây càng xiết chặt vào bấy nhiêu. Những ngón tay nàng đã bị sưng vù lên. Nàng vẫn còn nhìn lên được cái đồng hồ gắn trên nồi hơi. Kim đã chỉ 250 độ. Khi kim chỉ đến 400 độ, nồi hơi sẽ nổ. Phải có cách thoát khỏi cảnh này, Catherine nghĩ. Phải có cách? Mắt nàng chợt nhìn thấy chai Brandy mà thằng Atanas đã vứt trên nền nhà. Nàng nhìn cái chai và tim nàng bắt đầu đập dữ dội. Có một cơ may? Chỉ có điều liệu nàng có làm được không… Catherine Alexander trượt xuống dọc theo cột và duỗi thẳng hai chân ra phía cái chai. Vẫn không tới được. Nàng lại cố trượt xuống thấp hơn, những dằm gỗ của thân cột cắm vào lưng nàng, cái chai chỉ còn cách độ một inch thôi. Đôi mắt nàng ứa đầy nước mắt. Thử cố tý nữa xem, nàng nghĩ. Một lần nữa. Nàng lại trượt xuống thấp hơn nữa, lưng nàng bị xước thêm vì những cái dằm, và nàng lại cố nhoài người nữa ra, gắng hết sức lực. Một chân đã đụng vào chai. Cẩn thận. Không được đẩy nó ra xa. Từ từ, từ từ, nàng đã vớt được cái cổ chai và phía trong cái dây buộc qua mắt cá. Cuối cùng cái chai đã ở bên người nàng. Nàng nhìn lên mặt đồng hồ. Kim đã leo lên 280 độ. Nàng đang chiến đấu với sự sợ hãi. Chầm chậm, nàng đã đưa cái chai sát gần sau nàng bằng hai chân. Các ngón tay nàng đã đụng cái chai nhưng vì sưng quá to nên không nắm được chai, và những ngón tay đã ứ máu ở cổ tay chảy ra, chỗ bị sợi dây cứa vào. Tầng hầm càng nóng hơn. Nàng lại cố. Cái chai lại trượt đi, Catherine liếc nhìn mặt đồng hồ. Bây giờ đã 300 độ, và mặt số như là chạy thi với nhiệt độ Hơi nước đã bắt đầu phụt ra khỏi nồi hơi. Nàng lại cố nắm cái chai. Đây rồi? Nàng đã nắm được cái chai trong hai bàn tay vẫn bị trói giữ chai thật chặt, nàng cố giơ tay lên và dọc theo cột, trượt xuống cho chai đạp vào nền xi măng, không có gì xảy ra cả. Nàng kêu to lên vẻ bối rối. Nàng lại cố lần nữa. Không vỡ. Mặt đồng hồ không còn được quan tâm, đã leo lên 350 độ. Catherine thở thật sâu và đập cái chai xuống hết sức lực của mình. Nàng nghe thấy tiếng chai vỡ. Lạy Chúa! - Làm càng nhanh chừng nào càng tốt chừng đó, Catherine tóm chặt cổ chai vào một bên tay và bắt đầu cứa cái dây trói bằng tay kia. Thuỷ tinh cứa cả vào cổ tay nàng nhưng nàng không thấy đau. Nàng đã làm đứt được một vòng rồi vòng dây thứ hai. Và đột nhiên một tay tự do. Nàng cố cởi sợi dây ở tay bên kia và cởi luôn cả sợi dây buộc nơi những mắt các chân. Mặt số đồng hồ đã chỉ 350. Một tia hơi rất mạnh đã xì ra khỏi lò, Catherine cố cựa đôi chân, Atanas đã chốt cửa tầng hầm. Sẽ không đủ thời gian để trốn khỏi ngôi nhà trước khi nổ. Catherine nhìn khắp xung quanh và thấy một khúc gỗ chèn vào van an toàn. Đã nhảy lên 400. Nàng chỉ còn một phân giây để quyết định. Nàng chạy ra phía cửa bên kia dẫn sang hầm tránh bom đẩy cửa ra và vội chui vào. Nàng lại đẩy cánh cửa nặng nề đó đóng lại. Nàng nằm lăn ra nền xi măng của cái lô cốt vĩ đại này, thở gấp và khoảng 5 phút sau, một tiếng nổ vang trời và toàn bộ lô cốt như vỡ tan ra. Nàng nằm trong bóng tối, gắng sức mới thở được, lắng nghe ngoài cửa ngọn lửa đang phùn phụt bốc lên. Nàng đã an toàn. Thế là xong. Không, không xong, Catherine nghĩ. Còn có nhiều việc phải làm. Khi lính cứu hoả tìm thấy nàng một giờ sau đó, và đưa nàng ra ngoài, Alan Hamilton đã ở đó. Catherine chạy sà vào vòng tay ông và ôm chặt ông. - Catherine, em yêu quý. Anh sợ quá! Sao em lại… - Để sau hãy, - Catherine nói - Chúng ta phải bắt ngay Atanas Stavich. Chương 32 Họ đã làm lễ cưới tại nhà thờ trang trại của cô em Alan ở Sussex theo nghi lễ riêng. Cô em của Alan là một người phụ nữ vui vẻ, đúng như bức ảnh mà Catherine đã nhìn thấy ở phòng làm việc của Alan. Cậu con trai của cô đi học vắng. Catherine và Alan đã sống một tuần lễ yên tĩnh ở trang trại và rồi lại bay về Vơ-ni-dơ để hưởng nốt tuần trăng mật. Vơ-ni-dơ là một trang sử oanh liệt và rực rỡ của lịch sử thời Trung Cổ, một thành phố nổi kỳ lạ, với những con sông đào và một trăm hai mươi đảo nhỏ, nối với nhau chằng chịt bởi bốn trăm cái cầu. Alan và Catherine Hamilton đã đáp xuống sân bay Vơ-ni-dơ Masco Polo, gần Mestre, đi tiếp một đoạn xe tới ga tầu điện Piazza San Marco và thuê buồng khách sạn Royal Danieli, một khách sạn kiểu cổ, rất đẹp gần Quảng trường Doges. Buồng ngủ đặc biệt của họ thật tuyệt diệu, rất nhiều đồ đạc cổ kính, đáng yêu và nhìn thẳng ra sông Đào lớn. - Em muốn làm gì trước nào? Alan hỏi. Catherine đi đến ông và vòng cánh tay của nàng ôm ông. - Anh đoán thử đi. Sau đó, họ cởi quần áo. Vơ-ni-dơ là một thang thuốc lành bệnh một thứ dầu thơm làm cho Catherine quên đi những cơn ác mộng và những khinh hoàng đã qua, Nàng và Alan đi nghiên cứu các di tích. Quảng trường St. Mark về khoảng cách chỉ cách khách sạn của họ mấy trăm yards nhưng đã tồn tại hàng trăm thế kỷ nay về thời gian. Nhà thờ St. Mark là cả một phòng trưng bày nghệ thuật và là một nhà thờ mà các bức tường và trần nhà nối với nhau bằng các bức tranh vẽ trên kính và trên tường lộng lẫy. Họ đi vào trong Cung điện Doges có nhiều buồng thời xưa giàu có, và rồi đứng trên cầu than thở, mà ở đây, hàng trăm thế kỷ trước các tù nhân đã bị buộc vào cây thánh giá treo cho đến chết. Họ đến thăm các bảo tàng, các nhà thờ và một số đảo lân cận họ dừng chân tại Murano để xem người ta thổi thuỷ tinh, và tại cả Burano xem những người đàn bà làm vòng đeo cổ. Họ đi xuồng máy tới Torcello ăn tối ở Loeanda Cipram trong vườn đầy hoa xinh đẹp. Catherine lại nhớ lại vườn ở tu viện, và nàng còn nhớ lại lúc đó nàng mất trí như thế nào. Nàng nhìn Alan ngồi bên kia bàn và nghĩ. Cám ơn người, thượng đế. Mercene là phố buôn bán chính, và họ đã thấy những cửa hàng lớn: Rubelh bán vải sợi, Casella bán giấy, và Giocondo Cassini bán đồ cổ. Họ đi ăn tối tại nhà hàng Quadri và Algvaspodeva và Harvy s Bav. Họ dạo chơi trên cả con thuyền Gondolas và những con thuyền nhỏ Sandoli. Hôm thứ sáu, gần đến ngày về, ở đây đột nhiên có một cơn giông điện rất mạnh. Catherine và Alan phải chạy vội về trú tại khách sạn. Họ nhìn qua cửa sổ trong cơn giông. - Xin lỗi bà Hamilton vì trời mưa, - Alan nói. - Đó là niềm hứa hẹn mặt trời chiếu sáng. Catherine cười. - Mưa gì cơ? Em hạnh phúc lắm, anh yêu ạ! Những vệt sáng lóe trên bầu trời và những tiếng nổ khác còn đang vang vọng trong tâm trí nàng: tiếng nổ của nồi hơi. Nàng quay sang Alan. - Hôm nay có phải là ngày mà toà án buộc tội? - Ông do dự. - Ừ. Anh không nhớ lắm ư… - Em còn nhớ. Em muốn biết. Ông nhìn vẻ mặt nàng lúc này, rồi gật đầu. - Phải! Catherine nhìn theo khi Alan đi đến máy thu thanh ở góc buồng và mở nghe. Ông điều chỉnh máy đến khi nghe được đài BBC đang truyền chương trình tin tức. "… và thủ tướng trước khi từ chức vẫn điều hành công việc hôm nay. Thủ tướng nỗ lực thành lập một chính phủ mới". Đài thu thì loẹt xoẹt và tiếng nói thì lúc to lúc nhỏ. - Có phải đó là vì cơn giông chết tiệt đó không em! - Alan nói. m lại nghe rõ được. "Ở Anthens, vụ xử Constantin Denmiris cuối cùng đã kết thúc và toà án đã phán quyết kết tội mấy phút trước đây. Trước sự sửng sốt của mọi người, tội…" Máy thu lại tịt. Catherine quay lại Alan: - Sao, anh cho rằng lời buộc tội cuối cùng là thế nào? Ông ôm nàng. - Điều đó phụ thuộc vào em có trí và sự kết thúc hạnh phúc hay không. Chương Kết Năm ngày trước khi vụ án xử Constantin Denmiris bắt đầu, viên coi tù đã mở cửa xà lim giam ông. - Ông có khách! Constantin Denmiris nhìn lên. Trừ luật sư của ông, đến nay ông không được tiếp xúc với khách. Ông từ chối sự tò mò của bất cứ ai. Người ở đây đối xử với ông chỉ như một thường phạm hình sự. Nhưng ông không muốn họ hài lòng qua bất kỳ biển hiện xúc cảm nào của ông. Họ theo đuôi viên coi tù từ đại sảnh tới phòng họp để thu tin về ông. - Trong đó đấy. Denmiris bước vào và dừng lại. Một ông già dúm dó đang ngồi trong xe lăn. Tóc ông đã bạc trắng. Mặt ông là cả một công trình nham nhở các tế bào màu đỏ và trắng. Môi ông đông cứng lại ở phía trên như luôn cười nụ cười đáng sợ. Phải một lát sau, Denmiris mới nhận ra người khách là ai. Mặt Denmiris tự nhiên xám như tro. - Trời ơi! - Tôi không phải quỷ sứ chứ?, - Napoleon Chotas nói. Tiếng nói của ông khô khan. - Vào đây, Costa. Denmiris nghe được tiếng nói của ông: - Đám cháy… - Tôi đã nhảy qua cửa sổ và bị gãy sống lưng. Người hầu phòng của tôi đã đưa tôi đi trước khi lính cứu hoả tới. - Tôi không muốn anh biết tôi còn sống. Tôi quá mệt nhọc để đấu tranh mãi với anh? - Nhưng… họ đã tìm được một cái xác cơ mà. Denmiris ngã phịch xuống ghế. - Tôi… tôi rất vui mừng ông còn sống, - Ông nói run run. - Anh phải… Tôi sẽ cứu anh sống. Denmiris dò xét ông. - Ông đang… - Vâng. Tôi sẽ là luật sư bảo vệ cho anh. Denmiris cười phá lên. - Thật ư, Leon. Sau bao nhiêu năm rồi, ông có cho tôi là điên không? Vì sao ông lại nghĩ rằng tôi sẽ giao tính mạng của tôi cho ông? - Vì tôi là người duy nhất có thể cứu anh, Costa ạ. Constantin Denmiris đứng phắt dậy. - Không, cám ơn. Ông đi ra cửa. - Tôi đã nói chuyện với Spyros Lambrous. Tôi đã thuyết phục anh ta để chứng minh rằng vào lúc em anh ta bị chết Denmiris đang ở chỗ anh ta! Denmiris dừng và quay lại. - Vì sao ông lại làm như vậy? Chotas ngồi trên ghế lăn dướn người ra phía trước. - Bởi vì tôi đã thuyết phục anh ấy lấy lại tài sản của anh để trả thù một cách nhẹ nhàng hơn là lấy mạng anh. - Tôi không hiểu. - Tôi đã bảo đảm với Lambrous rằng nếu anh ấy làm chứng cho anh, anh sẽ giao toàn bộ gia tài cho anh ấy. Các con tàu của anh, các công ty của anh mọi thứ anh có. - Ông điên à? - Tôi điên ư? Hãy nghĩ đi, Costa. Lời làm chứng của anh ấy có thể cứu mạng anh. Liệu gia tài của anh giá trị hơn hay mạng sống của anh đối với anh giá trị hơn? Im lặng hồi lâu, Denmiris lại ngồi xuống. - Lambrous đang muốn làm chứng rằng tôi đang ở chỗ anh ấy thì Melina bị giết? - Đúng thế. - Và để đáp lại anh ấy muốn. - Mọi thứ anh đương có. Denmiris lắc đầu. - Tôi phải giữ… - Mọi thứ. Mọi thứ anh ấy muốn chuyển sang đầy đủ. - Anh xem, đó là sự trả thừ. Có một việc làm Denmiris phải bối rối. - Và ông sẽ được gì trong các tài sản đó, Leon? - ông dò xét Chotas. Môi Chotas mấp máy như muốn cười. - Tôi sẽ được tất. - Tôi không hiểu nổi nữa? - Trước khi anh chuyển Tổng công ty kinh doanh Hy Lạp sang cho Lambrous, thì anh sẽ chuyển tất cả các tài sản đó về một công ty mới. Một công ty thuộc về tôi. Denmiris trố mắt nhìn ông. - Thế, Lambrous không được gì cả? Chotas nhún vai: - Có kẻ thắng, phải có người bại chứ. - Thế Lambrous có nghi ngờ điều gì không? - Không phải như vậy, tôi sẽ giải quyết việc đó. Denmiris nói: - Nếu ông lừa dối Lambrous, làm sao tôi biết được ông không lừa dối tôi? - Điều đó rất đơn giản. Costa thân mến ạ. Anh được bảo vệ. Chúng ta sẽ ký một thoả thuận là công ty mới sẽ thuộc về tôi chỉ với điều kiện là anh được vô tội. Nếu người ta còn thấy anh có tội, tôi chẳng được gì cả! Lần đầu tiên, Constantin Denmiris tự thấy mình phải chú ý đến sự việc này. Ông ngồi đó, dò xét người luật sư dúm dó. Liệu ông ta cố ý thu trong vụ án và mất hàng trăm triệu đô la chỉ để trả thù tôi? Không làm sao, không phải điên rồ như vậy. - Được - Denmiris chậm rãi nói. - Tôi đồng ý. Chotas nói: - Tốt. Anh làm như vậy đã cứu được mạng anh. Costa ạ. Tôi còn cứu được hơn thế. Denmiris nghĩ một cách đắc thắng. Ta có hàng trăm triệu đô la đã giấu đi nơi mà không một ai tìm thấy được. Cuộc gặp gỡ của Chotas và Spyros Lambrous rất khó khăn. Ông gần như không muốn tiếp Chotas, muốn tống Chotas ra khỏi cửa. - Ông muốn tôi chứng nhận để cứu mạng tên quái vật đó à? Hãy tống cái địa ngục đi ra khỏi đây. - Anh muốn trả thù, phải không? - Chotas đã hỏi. - Vâng. Và tôi đang trả thù đây! - Anh đang trả thù ư? Anh biết Costa, của cải của nó đối với nó có ý nghĩa hơn là mạng sống của nó. Nếu người ta xử tử nó, nó chỉ đau khổ vào phút đó nhưng nếu anh bẻ gẫy được nó và lấy mọi thứ của nó, bắt phải sống suốt đời không có tiền, anh sẽ trừng phạt được nó, một sự trừng phạt lớn nhất. Trong những lời nói của ông luật sư này có điều thật. Denmiris là một con người tham lam nhất mà anh biết từ trước đến nay. - Ông nói rằng nó muốn ký chuyển mọi thứ sang cho tôi? - Mọi thứ. Đội tàu, công việc kinh doanh, các công ty nó có. - Thật là một ý đồ quá lớn. Để tôi nghĩ một tý hãy. Lambrous nhìn ông luật sư tự lăn xe lăn của ông đi ra ngoài phòng. Lão già chết tiệt, ông nghĩ. Lão sống để làm gì không biết? Vào nửa đêm, Spyros Lambrous gọi điện cho Napoleon Chotas. - Tôi đã nhất quyết rồi. Chúng ta thoả thuận nhé. * * * * * Báo chí được một dịp tha hồ thu tin. Không những chỉ là việc Constantin Denmiris bị ra toà vì giết vợ, mà còn được bảo vệ bởi một người từ cõi chết trở về, một luật sư xuất sắc toà hình sự tưởng đã bị chết trong một vụ hoả hoạn ghê gớm. Phiên toà được tổ chức trong cùng phòng đã xử Noelle và Larry Douglas. Constantin Denmiris ngồi ở bàn bị cáo, vẻ mặt như là không muốn nhìn ai. Napoleon Chotas ngồi bên, trong xe lăn của ông. Đại diện nhà nước là uỷ viên công tố đặc trách Delma. Delma khai mạc phiên toà. - Constantin Denmiris là một trong những người có quyền lực lớn nhất trên thế giới. Của cải giàu sang đã tạo cho ông ta nhiều đặc quyền, nhưng có một đặc quyền, người ta không cho ông. Đó là quyền được giết người một cách thản nhiên. Không ai được quyền đó. Ông quay lại nhìn Denmiris. Nhà nước sẽ chứng minh không còn nghi ngờ gì nữa là Constantin Denmiris phạm tội đã giết người vợ hết mực yêu quý anh ta. - Khi quý vị đã nghe hết các chứng cứ, tôi chắc chắn rằng chỉ có một lời buộc tội cho anh ta. Tội giết người ở mức độ cao nhất. Ông đi về chỗ ngồi. Viên chánh án nói: - Napoleon Chotas. Luật sư bào chữa bảo vệ đã sẵn sàng để phát biểu mở đầu chưa? - Có tôi, thưa quý vị! - Chotas tự lăn xe ra trước các vị quan toà. Ông đã thấy cái nhìn thương hại trên vẻ mặt của mọi người khi họ cố tránh nhìn thẳng vào cái mặt to tướng và thân hình dúm dó của ông. - Constantin Denmiris đáng lẽ không bị đưa ra xử bởi vì ông ta giàu có và có quyền lực. Hay, có lẽ là ông ta đã bị kéo vào đây trong phòng xử án này, người yếu luôn luôn muốn kéo áo người mạnh xuống, có phải thế không? Ông Denmiris có thể có tội vì ông giàu có và có thế lực nhưng có một điểm tôi sẽ chứng tỏ với sự chắc chắn tuyệt đối: ông ta không có tội giết vợ ông. Phiên toà đã bắt đầu. Công tố uỷ viên Delma hỏi Trung uý Cảnh sát Theophilos đang đứng ở bục. - Xin ông mô tả những gì ông đã nhìn thấy khi ông vào ngôi nhà bãi biển của Denmiris, thưa thiếu uý? - Các ghế dựa và bàn đều bị lật ngược. Mọi thứ đều lộn xộn. - Trông cứ như là ở đó đã xảy ra một cuộc ẩu đả khủng khiếp? Vâng, thưa ngài. Trông như ngôi nhà đã bị cướp phá. - Ông tìm thấymột con dao đẫm máu ngay tại hiện trường của tội ác, phải không? - Dạ thưa ngài, phải. - Và còn những vết vân tay trên con dao? - Đúng thế ạ! - Vân tay đó thuộc về ai? - Constantin Denmiris. Các con mắt của quan toà đổ dồn về Denmiris. - Khi các ông lục soát ngôi nhà, các ông đã tìm thấy những cái gì? - Đàng sau nhà kho, chúng tôi đã tìm thấy một đôi phao bơi có vết máu, và có chữ viết tắt tên ông Denmiris trên phao. - Như vậy, có thể rằng ông ấy đã ở trong ngôi nhà từ lâu rồi hay không? - Không thưa ngài. Cái phao bơi đó còn ướt nước biển. - Cám ơn! Đến lượt Napoleon Chotas. - Thám tử Thesphilos, ông đã có dịp nói chuyện với bị cáo với tư cách cá nhân, có phải không? - Dạ, vâng, thưa ngài. - Ông có thể mô tả hình dáng ông ấy được không? - Được. Viên thám tử nhìn qua nơi Denmiris đang ngồi. - Tôi muốn nói ông ta là người to béo. - Trông ông ta có khỏe không? Tôi muốn nói khỏe về hình dáng bên ngoài? - Có ạ. - Không phải là loại người có thể phải chạy quanh buồng mới giết được vợ! Delma đứng dậy: - Phản đối. Ổn định lại đi. Luật sư bảo vệ không được lái ý của người làm chứng. - Tôi xin lỗi, quan toà đáng kính. - Chotas quay sang viên thám tử. - Trong câu chuyện của ông với ông Denmiris, ông có đánh giá ông ta là con người thông minh không? - Vâng, thưa ngài. Tôi nghĩ ông không thể giầu có như ông ta nếu ông không khôn ngoan. - Tôi không thể đồng ý với ông nữa đâu, ông trung uý ạ. Và điều đó đưa chúng ta đến một câu hỏi rất hay. Làm sao mà một người như Constantin Denmiris lại ngây ngô đến thế để bị kết tội giết người và lại để lại hiện trường tội ác con dao và cả dấu vân tay trên đó, phao bơi có vết máu có phải rằng như vậy không thông minh chút nào không? - Vâng, đôi khi trong cơn nóng nảy phạm tội ác, con người ta thường làm những việc khác thường. - Cảnh sát còn tìm thấy một cái cúc áo màu vàng từ vét-tông của Denmiris được giả thiết là đang mặc lúc đó. Điều đó có đúng không. - Vâng, thưa ngài. - Và đây là một phần quan trọng của các chứng cứ buộc tội ông Denmiris. Lý lẽ của cảnh sát là vợ ông ta đã làm đứt cúc trong cuộc vật lộn khi ông ta cố giết bà ta? - Đúng thế ạ! - Vậy thì, chúng ta có một người thường ăn mặc rất chỉnh tề. Một cái cúc đứt khỏi tà trước áo vét tông mà không biết. Ông ta mặc cái áo đó về nhà và vẫn không nhận ra. Rồi ông cởi áo và treo trên mắc áo trong tủ mà vẫn không hay biết gì. Như vậy thì bị cáo không phải là ngây ngô mà là mù nữa. Ông Katelanos đang ở trên bục. Chủ nhân cơ quan thám tử đang hết sức lợi dụng lúc này để ra mắt trước mặt trời. Delma đang hỏi ông ta. - Ông là chủ cơ quan thám tử tư! - Vâng, thưa ngài! - Và mấy ngày trước khi bà Denmiris bị giết, bà ấy đã đến gặp ông? - Phải thế ạ! - Thế bà ấy muốn gì? - Được bảo vệ, bà ấy nói bà ấy sắp ly dị chồng và ông ta đã doạ giết bà. Từ các khán giả có nhiều tiếng xì xào. - Vậy bà Denmiris rất tức giận chứ? - Ồ vâng, thưa ngài. Chắc chắn như vậy. - Và bà ấy đã đề nghị cơ quan ông bảo vệ, bà ta sợ bị chồng hại! - Vâng, thưa ngài. - Thôi, được rồi, cám ơn, - Delma quay sang Chotas. - Người làm chứng của ông. Chotas lại quay xe lăn ra phía bục đứng của người làm chứng. - Ông Katerlanos, ông đã hoạt động nghề thám tử này bao lâu rồi? - Gần mười lăm năm. Chotas tỏ rất hiểu. - Vậy, lâu đấy. Chắc là ông rất hiểu những gì ông làm! - Tôi cho rằng như vậy, - Katerlanos nói khiêm tốn. - Vậy ông ta đã có nhiều kinh nghiệm giải quyết khi có người nào gặp khó khăn bối rối. - Chính vì vậy bà ấy đã đến chỗ chúng tôi, - Katelanos nói ra giọng buôn bán. - Và khi bà Denmiris đến ông, bà ấy có tỏ vẻ gì bực dọc không, hay… - Ồ không ạ. Ba ta rất bực mình. Phải nói là sợ hãi! - Tôi hiểu. Bởi vì bà ta sợ chồng có thể giết bà ta. - Phải ạ. - Vậy khi bà rời văn phòng, ông đã cử bao nhiêu nhân viên ngoại tuyến của ông theo bà, một người, hai người? - Dạ, không. Tôi không cử ai theo bà ấy cả. Chotas cau mày. - Tôi không hiểu. Vì sao không? - Vâng, bà ấy nói bà ấy không muốn chúng tôi bắt đầu công việc ngay mà bắt đầu từ thứ hai. Chotas nhìn ông ta, bị chệch hướng. - Tôi e rằng ông hiểu nhầm ý tôi, ông Katerlanos. Người phụ nữ này, đã đến văn phòng ông, sợ hãi vì chồng bà sắp giết bà, rồi lại đi ra và nói là bà ấy không cần bảo vệ đến tận thứ hai? - Vâng, thế đấy ạ! Napoleon Chotas nói, chủ yếu nói cho chính ông nghe: - Điều đó làm cho ông không hiểu có thực là bà Denmiris bị đe doạ hay không, có phải thế không? Người đầy tớ gái nhà Denmiris đã đứng trên bục. - Lúc bấy giờ, cô đã nghe được câu chuyện hội thoại giữa bà Denmiris và chồng bà qua điện thoại? - Vâng, thưa ngài. - Xin cho chúng tôi biết về cuộc nói chuyện đó thế nào? - Vâng, bà Denmiris nói với chồng bà là bà muốn ly dị ông và ông nói ông không đồng ý cho bà làm như vậy! Delma liếc nhìn các vị quan toà. - Tôi hiểu. - Ông quay lại người làm chứng. - Thế cô còn nghe thấy gì nữa? - Ông ấy đề nghị bà đến ngôi nhà bãi biển để gặp ông vào ba giờ chiều, và đi một mình. - Ông ta nói rằng bà phải đến đó một mình? - Vâng, thưa ngài. Và bà nói nếu bà mà không về vào khoảng sáu giờ, tôi phải gọi điện đến cảnh sát. Có những phản ứng bằng mắt từ trên bục các quan toà. Họ quay sang nhìn Denmiris. - Không, không có câu hỏi nữa. Delma quay sang Chotas. - Người làm chứng của ông. Napoleon Chotas lăn bánh xe tới gần bục người làm chứng. - Tên cô là Andrea, phải không? - Vâng, thưa ngài. - Cô cố gắng không nhìn vào bộ mặt đầy sẹo, và méo mó của ông. - Cô Andrea, cô nói là cô đã nghe thấy bà Denmiris nói với chồng rằng bà sắp ly dị ông và cô cũng nghe thấy ông Denmiris nói rằng ông không muốn ly dị bà, và ông ấy đã bảo bà đến ngôi nhà bãi biển vào ba giờ và đi một mình. Nhưng điều đó thật không? - Vâng, thưa ngài. - Cô đã thề, cô Andrea. Đó có phải là tất cả nhưng điều cô đã nghe được. - Vâng, đúng thế, thưa ngài. - Khi có cuộc trao đổi trong buồng, cô bao nhiêu lần gọi điện thoại. - Sao ạ, chỉ có một. Napoleon Chotas lăn xe lăn lại gần hơn. - Thế, cô không nghe được cuộc đàm thoại ở máy điện thoại khác? - Không thưa ngài. Tôi không bao giờ dám làm như vậy. - Như vậy, sự thật là, cô chỉ nghe được những điều bà Denmiris nói. Vì cô không nghe được những điều chồng bà ấy nói. - Ồ! Vâng ạ, tôi cho rằng… - Nói một cách khác, cô không nghe được ông Denmiris đe doạ vợ hay yêu cầu bà đến ngôi nhà bãi biển hay, điều gì khác. Cô tưởng tượng ra những điều đó theo những điều bà Denmiris đã nói! Andrea bị bối rối: - Vâng ạ, tôi cho rằng ông cũng có thể đặt ra những điều ấy như vậy. - Tôi đang đặt ra điều như thế nào. Vì sao cô lại ở trong buồng bà Denmiris đang nói điện thoại. - Bà ấy gọi tôi mang trà lên. - Và cô đã mang trà lên? - Vâng, thưa ngài! - Cô đặt trà lên bàn à? - Vâng, thưa ngài. - Sau đó sao cô không ra khỏi buồng? - Bà Denmiris ra hiệu cho tôi ở lại! - Bà ta muốn cô được nghe cuộc đàm thoại hoặc là những điều coi là cuộc đàm thoại? - Tôi… tôi cũng cho là như vậy. Lời nói của ông Chosta như thắt nút lại. Vậy cô không biết hoặc là bà ấy đang nói chuyện với chồng qua điện thoại hay thực tế là bà ấy đang nói chuyện với một người nào đó. - Chosta lại lăn xe lăn của ông gần hơn. - Cô có thấy một điều lạ là giữa chừng câu chuyện đàm thoại cá nhân, bà Denmiris lại đề nghị cô ở lại đó và nghe? Tôi biết rằng ở nhà tôi nếu tôi đang thảo luận việc cá nhân tôi yêu cầu người nào trong nhà nghe trộm không? Tôi cuộc với cô rằng cuộc đàm thoại đó không có. Bà Denmiris không nói với ai cả. Bà ấy đã sắp đặt cho chồng bà sao cho ngày hôm nay, trong phòng xử án này, ông ta sẽ bị kết án với cả tính mạng của ông. Nhưng Constantin Denmiris không giết vợ mình. Các chứng cứ buộc tộc ông đã được dựng ra rất cẩn thận. Dàn dựng quá cẩn thận. Không có một người thông minh nào lại muốn để lại hàng loạt các dấu vết rõ rệt nhắm vào chính mình. Và dù sao đi chăng nữa thì ông ta, Constantin Denmiris cũng là một người thông minh. Phiên toà còn tiếp tục hơn mười ngày nữa với những lời buộc tội và những lời phản bác lại việc buộc tội, và những dẫn chứng của các chuyên gia bên cảnh sát và nhân viên cảnh sát tư pháp. Dư luận quần chúng đều nhất trí là chắc chắn Constantin Denmiris có tội. Napoleon Chotas tiết kiệm cú thả bom của ông ta tới phút chót. Ông ta đưa Spyros Lambrous lên bục người làm chứng. Trước khi phiên toà bắt đầu, Denmiris đã ký một hợp đồng đã được sở trước bạ thừa nhận, là giao tổng công ty kinh doanh Hy Lạp và các tài sản cho Spyros Lambrous. Một ngày trước đó, các tài sản này đã được chuyển bí mật cho Napoleon Chotas với một điều khoản là nó chỉ có giá trị nếu Constantin Denmiris được tha bổng trong vụ án của ông. - Ông Lambrous. Ông và ông em rể ông Constantin Denmiris không được hoà thuận với nhau lắm, có phải không ông? - Không, chúng tôi không thể! - Thực tế là, có thể nói thẳng ra rằng các ông ghét nhau? Lambrous nhìn qua Constantin Denmiris. "Phải có một tuyên bố ngầm ý". - Vào hôm cô em ông biến mất, Constantin Denmiris nói với cảnh sát rằng ông ta đang ở một nơi nào đó gần ngôi nhà bãi biển; và thực tế lúc ba giờ, thời gian cho rằng đó là lúc cô em ông chết, ông ta có gặp ông ở Acro Corinth. Khi cảnh sát hỏi ông về cuộc gặp gỡ đó, ông đã chối. - Vâng, tôi đã chối! - Vì sao? Lambrous ngồi yên một lúc lâu. Giọng nói của ông chứa đầy giận dữ. - Denmiris đã đối xử với em tôi rất đáng hổ thẹn. Nó còn thường xuyên lạm dụng và khinh rẻ cô ấy. Tôi muốn trừng phạt nó. Nó cần tôi vì một thủ đoạn. Tôi không muốn để nó đạt được điều nó muốn. - Và bây giờ? - Tôi không thể nói dối mãi được. Tôi thấy tôi phải nói lên sự thật. - Có phải là ông và Constantin Denmiris gặp nhau ở Acro Corinth trưa hôm đó? - Vâng, sự thật là chúng tôi đã gặp nhau như vậy. Có tiếng ồ rộ lên trong phòng xử án. Delma đứng phắt dậy, mặt ông nhợt hẳn đi: - Thưa ngài đáng kính. Tôi phản đối! - Phản đối, đã nói dối. Delma ngồi phịch xuống ghế. Constantin Denmiris nghênh người về phía trước, mắt ông sáng lên. - Hãy nói cho chúng tôi biết về cuộc gặp gỡ đó. Đó có phải là do ý anh không? - Không. Đó là ý do Melina đề nghị. Cô ấy lừa cả hai chúng tôi. - Lừa ông, lừa thế nào? - Melina gọi điện cho tôi và nói rằng chồng cô muốn gặp tôi tại ngôi nhà của tôi đã thảo luận việc kinh doanh. Rồi cô ấy gọi cho Denmiris và bảo cậu ấy rằng tôi đã đề nghị gặp tại đó. Khi chúng tôi đến, chúng tôi thấy chẳng có gì để nói với nhau cả. - Và cuộc gặp gỡ lại vào chiều theo thời gian định sẵn của cái chết của bà Denmiris? - Đúng là như vậy. - Phải mất bốn tiếng đồng hồ mới đi được bằng ô tô từ Acro Corinth đến ngôi nhà bãi biển. Tôi đã theo dõi giờ khi đến đó. Napoleon Chotas đang nhìn các quan toà. - Vậy không có cách nào khác để cho Constantin Denmiris có thể có mặt ở Acro Corinth vào ba giờ chiều lại trở về Anthens được vào bảy giờ. Chotas quay lại Spyros Lambrous. - Ông đã thề, ông Lambrous. Có phải ông đã nói sự thật đó với toà không? - Vâng. Thượng đế đã giúp tôi làm như vậy. Napoleon Chotas quay cái xe lăn của ông về phía các quan toà. - Thưa quý bà và quý ông, ông dằn từng tiếng, - chỉ có một lời buộc tội các vị có thể kết luận. Mọi người dướn người lên để nge từng lời của luật sư. - Vô tội! Nếu nhà nước cho rằng bị can đã thuê một người nào đó để giết vợ anh ta thì còn đôi chút nghi hoặc. Nhưng, ở đây trái lại, tất cả sự việc dựa trên những cái gọi là chứng cứ là bị can đã ở trong buồng đó, là anh ta giết vợ mình. Các sách về tư pháp đã dạy cho chúng ta rằng trong xử án có hai yếu tố chính cần được chứng minh: động cơ và cơ hội. Không phải là động cơ hay cơ hội, mà là động cơ và cơ hội. Trong luật, đó là hai từ sinh đôi - không tách rời được. Thưa quý bà và quý ông, nhưng những người làm chứng đã chứng minh trên cái hình bóng của sự ngờ vực rằng bị can ở đâu đó gần hiện trường tội ác khi tội ác xảy ra. * * * * * Các quan toà phải ra ngoài trong bốn giờ. Constantin Denmiris thấy họ tất cả đi vào trong phòng xử án. Ông trông xanh xao và lo lắng. Chotas thì không nhìn vào các quan toà. Ông đang nhìn vào mặt Constantin Denmiris. Cái vẻ vững chắc và ngạo nghễ của Denmiris đã không còn nữa. Ông ta là một con người đang đứng trước cái chết. Chánh án hỏi: - Các bồi thẩm đã thống nhất lời buộc tội chưa? - Chúng tôi đã, thưa ngài đáng kính. - Viên chánh bồi thẩm đưa lên một mẩu giấy. - Mõ toà đâu đưa giấy đây. Mõ toà đi vào qua đoàn bổi thẩm, cầm mẩu giấy và đưa cho quan toà. Ông mở mẩu giấy và nhìn vào. "Đoàn bổi thẩm thấy bị can không có tội!" Trong phòng xử hỗn loạn. Có người đứng dậy, có người vỗ tay hoan hô, một vài người rít lên như ngựa hí. Trên nét mặt của Denmiris biểu lộ sự thư giãn. Ông thở sâu, đứng dậy và đi đến chỗ Napoleon Chotas. - Ông đã làm được rồi, - Ông nói. - Tôi nợ ông nhiều. Chotas nhìn vào mặt Denmiris - Không cần gì nữa. Tôi hiện rất giàu có và anh bây giờ rất nghèo. Hãy tiến lên. - Chúng tôi sẽ tổ chức ăn mừng. Constantin Denmiris đẩy xe lăn của Chotas qua đám đông chen nhau như nêm, qua các phóng viên báo chí, tới chỗ để xe. Chotas chỉ vào chiếc xe sedan đậu gần lối vào. - Xe tôi kia kìa. Denmiris đẩy xe ông ra phía cửa. - Ông có tài xế riêng không? - Tôi không cần ai cả. Chiếc xe tôi được lắp ráp đặc biệt để tôi có thể lái lấy. Giúp tôi lên xe. Denmiris mở cửa và nâng Chotas vào chỗ ngồi lái xe. - Ông gập xe lăn lại và để vào ghế sau. Denmiris lên xe ngồi gần Chotas. - Ông vẫn là một luật sư vĩ đại nhất thế giới! - Constantin Denmiris cười! - Vâng, - Napoleon Chotas gài số và bắt đầu lái. - Bây giờ, anh định sẽ làm gì, Costa? Denmiris nói rất thận trọng: - À, tôi sẽ xoay sở để làm một việc gì đó! Với một trăm triệu đô la, tôi có thể xây vương quốc của tôi một lần nữa. Denmiris cười thầm. - Spyros sẽ rất bực mình khi nó nhận ra ông đã lừa nó như thế nào. - Nó không thể làm gì được. - Chotas bảo đảm với Denmiris. - Hợp đồng đã ký sẽ cho nó một công ty, chẳng có gì giá trị gì. Họ đang nhắm hướng núi, Denmiris nhìn khi Chotas kéo cần điều khiển chân ga và phanh hãm. Ông sử dụng những bộ phận này rất thành thạo. - Anh phải học làm cái gì anh phải làm, - Chotas nói. Họ đang leo lên một con đường núi hẹp. - Chúng ta đang đi đâu thế này? - Tôi có ngôi nhà nhỏ ở trên kia, chúng ta sẽ uống với nhau một cốc sâm banh và tôi sẽ có taxi đưa anh về thành phố. Anh biết đấy, Costa, tôi đã nghĩ. Mọi việc đã xảy ra… Cái chết của Noelle và cái chết của Larry Douglas và cả Stavros khốn khổ. Không có cái chết nào vì tiền cả, có phải không? - Ông quay lại nhìn vào Denmiris. - Đều do thù ghét. Hận thù và tình yêu. Anh yêu Noelle? - Vâng, - Denmiris nói - Tôi yêu Noelle. - Tôi cũng yêu cô ta - Chotas nói, - Anh không biết điều đó, phải không. Denmiris nhìn ông sửng sốt: - Không biết! - Và rồi tôi lại giúp anh giết cô ấy. Tôi không bao giờ tha thứ cho tôi về điều dó. Anh có tha thứ cho anh không. Costa? - Cô ấy đáng được những gì cô ấy đã làm. - Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta cũng đáng được những gì chúng ta đã làm. Có một sốviệc mà tôi phải nói với anh Costa ạ. Đó là đám cháy - ngay từ cái đêm cháy đó, tôi đã bị đau đớn cực độ. Các bác sĩ cố gắng làm cho tôi trở lại như cũ nhưng thực tế họ không làm nổi. Tôi bị dúm dó quá tồi tệ. - Ông đẩy cái cần tăng tốc độ xe. Họ đã bắt đầu đi nhanh vào con đường cong có những cây thông, leo cao dần lên. Biển Aegean hiện ra dưới chân họ. - Thực tế là, - Chotas nói khàn khàn, - tôi bị đau đớn quá đến nỗi đời tôi thực chẳng có giá trị gì để sống nữa. - Ông lại đẩy cái cần lên nữa và xe lại chạy nhanh hơn. - Chạy chậm lại, - Denmiris nói. - Ông sắp… - Tôi đã sống được lâu như vậy vì anh. Tôi đã quyết định là anh và tôi sẽ cùng nhau kết thúc. Denmiris quay lại nhìn ông, khiếp sợ. - Ông nói gì thế? - Đi chậm lại, ông ơi. Ông sẽ giết cả hai chúng ta mất thôi. - Phải đấy, - Chotas nói. Ông lại kéo cần số lên nữa. Xe lao về phía trước. - Ông điên sao đấy? - Denmiris nói. - Ông giàu có, ông không muốn chết. Đôi môi đầy vết sẹo của Chotas chuyển thành một dạng cười trông khiếp sợ. - Không, tôi không giàu có. Anh biết ai giàu? Bạn anh, Xơ Theresa. Tôi đã đưa tất cả tiền của anh cúng vào tu viện ở Ioamna! Họ phóng xe như chạy đua theo một đường cong rõ rệt trên sườn núi dốc. - Dừng xe lại! Denmiris hét lên. Anh cố vặn bánh lái khỏi tay Chotas nhưng không được. - Tôi sẽ cho ông tất cả cái gì ông muốn, - Denmiris mặc cả. - Dừng lại! Chotas nói: - Tôi đã có mọi thứ tôi muốn. Chỉ một giây phút sau họ đang bay qua dốc đá dựng đứng, lao xuống vực, xe quay ngược lại theo một vòng tử thần, cuối cùng đến đáy vực và tan tành trên mặt biển. Một tiếng nổ kinh hoàng và rồi sự yên lặng sâu thẳm của cõi vĩnh hằng. Dịch giả: Nguyễn Văn Dịch Hết Lộ Mặt Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 01 Mười một giờ kém mười, một buổi sáng bầu trời nở vung vãi những hoa tuyết trắng, phút chốc như che phủ thành phố. Lớp băng tuyết trên đường phố Manhattan bỗng trở thành những dòng chảy xám...Cơn gió lạnh buốt cuối năm như lùa những khách qua đường đi mua sắm các thứ đón Giáng sinh nhanh chân về mái ấm. Hoà lẫn trong dòng người, một gã đàn ông dáng cao mảnh khảnh khoác áo mưa vàng bước đi với một nhịp điệu riêng của hằn trên đại lộ Lexington. Hắn rảo bước, nhưng không cuống cuồng như những khách bộ hành đang vội trốn chạy cơn mưa rét căm căm. Đầu ngẩng cao, dường như hắn chẳng ngó ngàng gì đến khách qua đường hấp tấp đụng vào mình. Hắn được tự do sau một thời gian quản thúc và đang trên đường về nhà để báo cho Mary biết mọi sự đã qua. Quá khứ đã bị chôn vùi và phía trước là một tương lai ngời sáng. Hắn mường tượng đến nét mặt nàng rạng rỡ biết bao khi nghe hắn nói. Đến góc đường 59, đèn đỏ bật sáng, hắn dừng chân cùng với đoàn người đang nôn nóng. Gần đấy ông già NOEL của một đội cứu tế quân ngự trên một chiếc thùng dành cho những người hảo tâm, hắn bước đến moi túi bỏ vào vài đồng để cầu may. Đúng lúc ấy, hắn bị giáng thẳng vào lưng một đòn bất ngờ làm hắn lảo đảo. Một tên say nào đó mừng giáng sinh định làm quen với hắn? Hay là Bruce Boyd, cái thằng Bruce vẫn chẳng bao giờ biết mình thô bạo và vẫn chứng nào tật đấy rất trẻ con và hay nện vào người khác thật đau. Nhưng cả hơn năm nay, hắn chưa hề gặp Bruce mà! Gã quay đầu lại xem ai đánh mình, nhưng lạ quá đầu gối hắn quỵ xuống. Từ từ trong khoảng cách hắn thấy mình chạm phải lề đường. Cơn đau dữ dội ở lưng đang lan dài khắp người, và hắn thấy khó thở. Hắn vẫn còn tỉnh táo để nhận ra những gót giày tràn đầy sức sống như chủ nó đang lướt qua mặt hắn. Một bên má hắn tê cóng vì áp xuống lề đường giá lạnh. Hắn mở miệng định kêu cứu, bỗng một dòng máu nóng hổi đỏ tươi trào ra, chảy lẫn vào với tuyết tan. Hắn sững sờ, trân trối nhìn vào dòng máu chảy qua lề đường, xuống rãnh nước. Cơn đau càng lúc càng dữ dội nhưng hắn không để ý đến nữa, hắn chợt nhớ đến niềm vui của mình - tự do, vâng, hắn sẽ kể cho Mary nghe là đã qua cơn bi cực. Hắn nhắm nghiền mắt để khỏi thấy màn trắng dày đặc trên bầu trời. Mưa tuyết bắt đầu rơi, nhưng hắn chẳng còn biết gì nữa. Chương 02 Carol Roberts nghe tiếng mở và đóng cửa phòng khách , rồi tiếng chân người bước vào, trước khi ngẩng lên nàng đã đoán ra được họ là ai. Một người trạc tuổi 40, cao lớn vạm vỡ, đầu to, mắt xanh biếc sâu thẳm lạnh như thép, với cái miệng lạnh lùng pha chút mỏi mệt . Người thứ hai trẻ hơn, dáng vẻ trau chuốt, bén nhạy, đôi mắt nâu tinh anh. Cả hai trông hoàn toàn khác nhau như Carol cảm nhận, họ có thể là một cặp bài trùng . Cảnh sát ?!Nàng đoán vậy và khi họ tiến đến phía nàng, mồ hôi bắt đầu chảy giọt xuống vai nàng. Nàng cuống quýt lục nhanh trong trí nhớ nhưng việc mờ ám có thể bị truy lùng . Chick ư? Lạy Chúa , anh ta chẳng còn dính dáng đến vấn đề gì hơn sáu tháng nay, kể từ đêm ở trong căn phòng nhỏ bé của anh, anh đã cầu hôn nàng và tuyệt giao với đồng bọn. Hay Sammy? Anh nàng đã tham gia vào lực lượng ko quân ở hải ngoại, nếu như có việc xảy ra đến cho anh nàng , họ đã ko cử hai vị hộ pháp này đến báo tin. Khong, hay là ....vì nàng. Nàng có một ít á phiện trong sắc , một kẻ lẻo mép nào đây! Nhưng tại sao lại là họ ?Carol cố tự trấn an - họ không thể lamg gì được nàng .Nàng ko còn là con móc túi đen đúa ngốc nghếch năm xưa của phố Harlem tồi tàn mà họ mặc tình đưa đảy .Chẳng còn gì nữa,giờ đay chỉ có cô nhân viên của một bác sĩ chuyên khoa tâm lý nổi tiếng nhất nước . Nhưng khi hai người đều tiến về phía nàng ,Carol càng hoảng hốt. Đầu óc nàng miên man đến bao năm chen chúc, chui rúc trong nhưng căn nhá ổ chuột nhớp nhúa ,vậy mà vẫn chưa được yên thân. Luật của người da trắng đã đạp đổ và xua đuổi họ ra ngoài , những người cha người chị , em hoặc họ hàng thân thiết .Bao ý nghĩ đảo lộn, quay cuồng trong trí nàng nhưng nàng ko hề để lộ vẻ gì trên nét mặt. Thoáng nhìn, hai thám tử chỉ thấy đây là một cô gái tuổi đôi mươi ,da ngăm đen trong bộ váy may rất khéo màu be. Bằng một giọng lãnh đạm và bâng quơ ,nàng hỏi: - Thưa ,các ông cần gì ạ ? Lúc ấy ,trung uý Andrew Mc Greavy , người lớn tuổi chợt nhìn thấy dưới nách nàng , mảng mồ hôi đang lan rộng. Ông ta chộp lấy chi tiết thú vị này để lần ra manh mối. Nàng nhân viên của bác sĩ đang căng thẳng cao độ. Mc Greavy rút trong ví ra một quân hàm đã bạc màu gắn trên miếng da giả chằng chịt vết nứt. - Tôi trung uý Mc Greavy khu vực 19 và đây thám tử Angeli, chúng tôi thuộc ban điều tra những vụ giết người . Giết người ? Carol vặn vẹo cánh tay nàng một cách vô thức .Chick? Hắn đã giết người .Hắn đã bội hứa với nàng và trở lại với đòng bọn. Hắn đã cướp của giết người hay hắn đã bị giết ?Hắn chết ?Họ đến để báo tin cho nàng hay chăng? Nàng cảm thấy vệt mồ hôi cứ loang rộng mãi ,bỗng nhiên Carol trở nên quan tâm tới nó .Mc Greavy nhìn thẳng vào mắt nàng ,nhưng nàng biết ông ta cũng đang chú ý đến mảng mồ hôi quái ác ấy! Nàng và Mc Greavy cùng hiểu nhau trong một thế giới im lặng và nhận ra nhau qua một cái nhìn như đã thấu tim đen nhau hàng trăm năm trước . - Chúng tôi cần gặp bác sĩ Juđ Stevén. Nhà thám tử trẻ tuổi nhẹ nhàng lên tiếng, lịch sự như vẻ bề ngoài của anh. Từ đầu nàng đã lưu ý ngay cai gói bọc nhỏ giấy nâu có buộc dây trên tay anh ta. Lặng đi một lúc ,nàng mới để ý đến câu nói của anh ta. Vậy ko phải là Chick. Hay la Sammy, hay là á phiện. - Xin lỗi các ông ,bác sĩ Stevens đang khám bệnh. Nàng cố giấu nỗi nhẹ nhõm trong lòng. - Chỉ xin ít phút ,chúng tôi cần hỏi bác sĩ vài câu thôi- Mc Greavy ngừng trong giây lát rồi tiếp - Chúng tôi có thể làm việc ở đay hay ở phòng chỉ huy cảnh sát cũng được. Nàng bối rối nhìn hai người. Quỷ tha ma bắt ,hai thám tử này cần gì ở bác sĩ Stevens đây? Cho dù hai cảnh sát có nghĩ gì đi nữa thì bác sĩ cũng chẳng hề làm điều gì sai trái. Nàng biết bác sĩ rất rõ. Bao lâu rồi nhỉ? Bốn năm. Bắt đầu vào một phiên toà đêm ấy... Ba giờ sáng, mọi người trông xanh xao nhợt nhạt dưới ánh đèn phòng xử, một căn phòng cũ kĩ, lôi thôi và buồn tẻ. Mùi mốc thếch xông lên đến ghê sợ do tich tụ dần theo năm tháng giống như những lớp sơn chồng chất lên tường. Thật hết sức may mắn cho Carol, vẫn là quan toà Murphy trên ghế xử. Mới cách đây hai tuần, cũng trước mặt ông, nàng được tạm tha. Phạm tội lần đàu tiên nghĩa là lần đầu tiên nàng bị ô nhục .Nàng biết lần này vị quan toà sẽ ném quyển sổ vào mặt nàng. Vụ án của nàng trên đầu sổ ghi án hầu như đã qua. Người đàn ông trầm tĩnh và cao lớn đứng trước quan toà đang nói cho thân chủ của mình, một gã đàn ông mập phệ tay đang bị còng, run lập cập. Nàng đoán ra người đàn ông trầm tĩnh kia chắc hẳn là luật sư. Chỉ cần nhìn vào ông ta là thấy cả một trời tin tưởng, điều này làm cho nàng cảm thấy gã mập kia thật may mắn. Còn nàng, nàng chẳng có ai! Vị quan toà rời khỏi ghế và Carol nghe gọi đến tên mình. Nàng đứng dậy, khép sát hai đầu gối lại với nhau cho đỡ run. Một nhân viên thừa hành đẩy nhẹ nàng về phía quan toà. Người thư ký đưa bản cáo trạng cho vi thẩm phán Murphy nhìn chăm chú Carol rồi lại nhìn xuống bản cáo trạng trước mắt ông. - Carol Roberts, chài khách trên phố, sống lang thang, chứa thuốc phiện và chống cự khi bị bắt. lần cuối cùng thật bỉ ổi.Nàng bị cảnh sát xô đẩy và nàng đã đấm lại anh ta. Xét cho cùng, nàng cũng là một công dân Mỹ. - Cách đay vài tuần, cô đã ở đây rồi phải ko cô Carol? - Thưa ngài, tôi tin là có ạ.- Giọng nàng có vẻ yếu ớt. - Và tôi đã tạm tha cho cô. - Vâng, thưa ngài. - Cô bao nhiêu tuổi? Nàng đã liệu trước câu hỏi này. - Thưa ngài, hôm nay là ngày sinh nhật thứ 16 của tôi. Xin chúc mừng sinh nhật tôi. Nói xong nàng oà khóc và nấc nghẹn ngào. Người đàn ông trầm tĩnh đang đứng cạnh bàn, gom giấy tờ bỏ vào cặp da. Khi Carol đứng thổn thức, ông ta ngẩng lên nhìn cô một lát, rồi nói vài câu gì đó với quan toà Murphy. Vị quan toà báo nghị án và hai người biến vào phòng làm việc. Mười lăm phút sau, nhân viên thừa hành đưa Carol vào phong quan toà, ở đây người đàn ông trầm tĩnh lũc nãy đang nói chuyện rất nhiệt tình với quan toà. - Carol, cô rất may mắn, một cơ hội tốt sắp đén với cô. Toà sẽ giao cô cho bác sĩ Stevens quản lý. Quan toà Murphy lên tiếng với nàng. Thế ra người cao lớn kia chẳng phải là luật sư. Lão ta là một tên lang băm. nàng chẳng thèm quan tâm đến lão là ai, đối với nàng giờ đây là thoát khỏi cái phòng xử hôi hám này trước khi họ phát hiện ra hôm nay ko phải là sinh nhật của nàng! Bác sĩ đưa nàng về chỗ ở của ông. Vừa đi ông vừa hỏi nàng nhưng câu vặt vãnh bâng quơ mà chẳng cần nghe nàng trả lời, bác sĩ đã làm cho Carol hoàn hồn lại và quên hết mọi chuyện mới xảy ra. Ông dừng xe trước một biêt thự theo lối kiến trúc hiện đại trên đường 71 trông ra sông Đông. Vào nhà, người gác cửa và người điều hành thang máy, đều chào ông một cách lãnh đạm như thể ngày nào ông cũng về vào lúc ba giờ sáng với một con móc túi da đen mười sáu tuổi. Carol chưa từng thấy nhà nào giống như nhà của bác sĩ. Phòng khách trắng toát với hai chiếc tràng kỷ thấp và rất dài bọc vải tuýt. Ở giữa kê một chiếc bàn vuông lớn, trên tấm kính dày một chiếc bàn cờ rộng chạm trổ những hình ảnh thành phố Venetian(Ý), tường treo nhiều tranh hiện đại. Vô tuyến đặt trong phòng giải lao, ở đây có một lối ra hành lang. Một góc phòng khách là nơi hút thuốc uống rượu với những kệ trưng bày ly và bình cổ tròn đựng rượu. Carol nhìn qua cửa sổ, xa xa nàng trông thấy những chiếc thuyền bé xíu trôi dọc sông Đông. - Những phiên xử luôn làm tôi đói ngấu. Sao chúng ta ko ăn gì để mừng sinh nhật cô nhỉ? Bác sĩ dắt nàng vào bếp, nàng đứng im ngắm nhìn ông rất thành thạo và khéo léo những món ăn: trứng rán kiểu Mexico, khoai tây rán kiểu Pháp, bánh xếp nướng kiểu Anh, rau sống và café. Vậy ông chưa có vợ cũng chẳng có người giúp việc. Nếu nàng đi đúng nước cờ, nàng sẽ trở nên giàu có. Xong bữa ăn, ông đưa nàng đi vào phòng ngủ dành cho khách. Căn phòng màu xanh, chiếc giường đôi trải dra ca rô xanh kê ở góc phòng, cái tủ thấp đựng quần áo kiểu Tây Ban Nha bằng gỗ sậm được trang trí với những vật bằng đồng thau. - Cô có thể ngủ ở đây. Tôi sẽ tìm ngay cho cô một bộ quần áo ngủ. Carol ngắm quanh căn phòng bài trí xinh xắn, thầm nghĩ: - Bé Carol ơi, chuột sa hũ nếp rồi! Lão này đang tìm một cô bé da đen ngốc nghếch để giải trí. Mi là cô bé đó! Nàng cởi quần áo và tắm. Nửa tiếng đồng hồ sau, nàng trở lại với chiếc khăn tắm quấn quanh thân hình đầy đặn và bốc lửa. Nàng thấy một bộ đồ ngủ của bác sĩ đã để trên giường. Nnàg cười ra vẻ hiểu biết và cứ để chúng đáy. Hất chiếc khăn tắm xuống, nàng nhẹ nhàng đi ra phòng khách. Ông ta ko co đây. Nhìn qua cửa một phòng làm việc nhỏ, nàng thấy ông đang ngồi trước cái bàn rộng, phía trên treo một chiếc đèn bàn kiểu xưa. Sách vở chất đày phòng, lên đến trần nhà.Nàng từ phía sau đi tới và hôn lên cổ ông. - Nào, cưng ơi, chúng ta bắt đàu đi- nàng thì thầm vào tai ông- ông đối xử với em khô như đá em chẳng chịu đâu. Nàng càng ép sát vào người ông. - Đây là điều chúng ta chờ đợi đấy ư, cô bé? Nếu cô ko buông tôi ra ngay thì luồng tư tưởng tập trung của tôi bị cắt đứt bây giờ! Đôi mắt sáng đăm chiêu của ông nhìn nàng một giây. - Cô gặp rắc rối như vậy chưa đủ hay sao? Ông hỏi thật nhẹ nhàng.- Cô ko thể sinh ra một thàng nhóc da đen, nhưng ai đã bảo cô bỏ học giữa chừng, để trở thành một con điếm mười sáu tuổi? Nàng nhìn ông chằm chặp, bối rối, tự hỏi ko biết đã nói sai trái gì với ông. Có lẽ ông tự mình gợi thêm thèm muốn và đùa với nàng cho vui. Hay đây là một sự tự kiềm chế ở ông. Ông sẽ cầu xin cho nàng hết ngu dốt, uốn nắn nàng rồi sẽ... Nàng cố thử một lần nữa. Nàng ngã người lên đùi ông vuót ve và thì thầm . - Nào cưng ơi cho em đi. Ông nhẹ nhàng đẩy nàng ra và đặt nàng lên ghế dựa. Nàng chưa từng bối rối đến thế bao giờ. Trông ông ko phải là kẻ đồng tính luyến ái, nhưng sao lạ quá thế. - Cưng cần gì, hãy nói cho em biết, em sẵn sàng chiều ông để ông vui. - Dược rồi chúng ta cùng tán gẫu nhé. - Ông muốn nói là... nói chuyện? - Đúng vậy. Và hai người nói chuyện suốt đêm dài. Đó là một đêm lạ nhất mà Carol đã từng trải qua. Bác sĩ Stevens nói hết chuyện này đến chuyện khác, khám phá, thử thách nàng. Ông hỏi ý nàng về Việt Nam, về khu dân da đen, va tệ nạn ăn chơi phóng đãng ở các trường đại học. Mỗi lần Carol nghĩ rắng mình đã hình dung ra được con người thật của ông, ông lại chuyển sang đề tài khàc. Hai người nói chuyện với nhau về những chuyện mà nàng chưa từng được nghe, về những đề tài trong đó nàng tự xem mình là chuyên môn giỏi nhất thế giới. Những tháng ngày sau đó, nàng thường ngẫm lại, cố ôn nhớ những từ, những ý tưởng, những nhóm từ huyền bí đã làm cho con người nàng thay đổi. Nàng chưa bao giờ đủ khả năng tài ba đến thế vì cuối cùng nàng nhận ra rằng chẳng có từ ngữ nào huyền bí hết. Bác sĩ Stevens đã làm một việc thật đơn giản. Ông nói chuyện cùng nàng, nói với nàng thật thân tình. Từ trước tới nay chưa có ai nói với nàng như vậy. Ông đã đối xử với nàng bình đẳng và rất tinh người. Từng ý kiến, từng cảm xúc của nàng, nhất nhất ông đều lưu tâm đến. Đang nói chuyện, bỗng nàng giật mình, nhận ra mình trần truồng, nàng chạy vụt vào trong khoác vội bộ đồ ngủ của ông. Ông bước vào ngồi bên cạnh giường, hai người tiếp tục câu chuyện bỏ dở. Họ nói chuyện về Mao Trạch Đông, về điệu nhảy Hula của các cô gái Hawaii. Carol cũng nói cho ông nghe những điều trong đời nàng chưa hề thổ lộ cùng ai, rằng bố mẹ nàng chưa hề lấy nhau- Những điều nàng đã chôn sâu tận đáy lòng. Cuối cùng đến lúc nàng ngủ thiếp đi nàng đã rất nhẹ nhàng thanh thản. Dù sao nàng phải làm việc nhiều để rửa sạch dòng nước độc trong nàng. Sáng hôm sau điểm tâm xong, ông đưa cho nàng 100 đôla. Nàng ngập ngừng, cuối cùng thốt lên: - Em đã nói dối, hôm qua ko phải là sinh nhật của em , ông ạ! - Tôi biết- vừa nói ông vừa cười rất tươi - nhưng chúng ta sẽ ko để quan toà biết. Đoạn ông đổi giọng : - Em cầm ít tiền đi ra ngoài mua sắm các thứ cần thiết. Chẳng còn ai quấy rầy em đâu trừ khi em để cảnh sát bắt lại em lần nữa - Ông ngừng lại một chút: - Tôi cần một nhân viên. Tôi cho rằng em có thể đảm trách được công việc. Nàng nhìn ông ngần ngại như chưa dám tin vào sự thật. - Ông định chọn em đấy ư? Em ko biết tốc ký và đánh máy. - Em sẽ làm được nếu em đi học trở lại. Carol nhìn ông một lúc và nói trong thổn thức. - Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đấy. Nghe ông nói em thấy thật tuyệt vời. Nàng nôn nóng muốn ra khỏi nhà bác sĩ với 100 đô la của ông để loè đám thanh niên ơ cửa hàng Fishman s Drug- phố Harlem, nơi bọn nàng thường lang thang. Bằng số tiền này nàng có thể sống cả một tuần. Khi đến cửa hàng Fíhman s Drug, nàng ngỡ như mình chưa hề rời khỏi đây, cũng những nét mặt bi thảm ấy, những tiếng reo hò ấy, những câu chuyện phiếm luyên thuyên ấy. Nàng về nhà lại liên tưởng đến chỗ ở của bác sĩ Stevens. Chẳng phải vì đồ đạc trang trí trong nhà làm nó khác xa đây. Mà vì nó sạch sẽ quá, yên tĩnh quá. Nó như một cù lao nhỏ đâu đó yên tĩnh trong một thế giới khác. Và ông đã cho nàng tấm hộ chiếu đến đó. Có cái gì đã mất? Nàng định làm thử công việc theo ông đề nghị để cười nhạo ông, để chứng minh cho bác sĩ thấy ông đã lầm to, rằng nàng ko kham nổi việc. Rồi đến lượt chính nàng cũng hết sức ngạc nhiên vì nàng đã ghi danh lớp học đêm. Nàng rời bỏ căn phòng của nàng với bồn rửa mặt rỉ sét, nhà cầu bể nát, rèm cửa xanh rách rưới và cái giường sắt sần sùi nơi nàng nằm nghĩ ra những mưu mẹo tinh ranh. Nàng là một cô gái da đen xinh đẹp ở Paris, London hay Rome và chàng trai chiếm được tâm hồn nàng là một hoàng tử đẹp trai giàu có thiết tha được cưới nàng làm vợ. Nhưng mọi gã đàn ông khi đã đạt được khoái cảm thì lại tháo lui. Giấc mơ của nàng thế là hết và cứ thế lần nọ nối tiếp lần kia... Nàng rời bỏ căn phòng cùng với tất cả hoàng tử của mình ko chút thương tiếc và trở về với ba mẹ. Bác sĩ Stevens chu cấp cho nàng tiền ăn học. Nàng tốt nghiệp trung học với hạng cao. Trong ngày ra trường, bác sĩ cũng có mặt, đôi mắt xám ấy bừng lên một niềm kiêu hãnh. Người ta đã tin tưởng nàng. Nàng đã là một con người. Ban ngày nàng làm việc ở cửa tiệm Nedick s và theo học lớp thư ký ban đêm. Khi học xong, nàng sẽ giúp việc cho bác sĩ và tự sức trả được tiền thuê nhà. Bốn năm trôi qua, bác sĩ Stevens luôn đối xử với nàng hết sức nhã nhặn, lịch sự như đêm đầu tiên ông gặp nàng. Lúc đầu, nàng chờ đợi ông làm một điều gì đó khác với một Carol trước đây. Nhưng cuối cùng nàng nhận ra ông vẫn xem nàng trước sau như một. Ông đã làm tất cả những gì để giúp nàng tự hoàn thiện mình. Bất cứ khi nào nàng gặp phải một vấn đề gì , ông ko tiếc thời giờ để bàn bạc cùng nàng. Gần đây, nàng định nói cho ông chuyện giữa nàng và Chick, và định hỏi ông nàng nên nói thế nào với Chick, nhưng nàng vẫn giữ kín chẳng dám nói ra. Nàng muốn bác sĩ tự hào về nàng. Nàng sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho ông. Nàng sẵn sàng dâng hiến tất cả, sẵn sàng chết vì ông... Vậy mà bây giờ, hai người trong ban điều tra những vụ án giết người lại muốn gặp bác sĩ. Mc Greavy bắt đầu sốt ruột. - Thế nào, thưa cô? - Tôi được lệnh ko được quấy rầy bác sĩ khi ông đang khám bệnh. Chợt nhận thấy ánh mắt của Mc Greavy, nàng nói: - Tôi sẽ gọi điện cho bác sĩ. Nàng nhấc điện thoại lên và nhấn nút liên lạc trong phòng. Sau 30 giây im lặng, giọng bác sĩ Stevens ở đậu dây bên kia: - Tôi đây. - Thưa bác sĩ, có hai nhà thám tử từ trung tâm điều tra những vụ giết người muốn gặp bác sĩ ở đây. Nàng lắng nghe xem có sự thay đổi nào trong giọng nói của ông ...lo âu... sợ hãi. Chẳng có gì cả. - Họ vẫn phải chờ thôi. Ông nói và cúp máy. Làn sóng tự hào dâng lên trong người nàng. Họ có thể trấn áp được nàng nhưng chẳng bao giờ họ có thể làm bác sĩ của nàng mất bình tĩnh. Nàng nhìn họ thách thức: - Các ông đã nghe rồi đấy. - Bệnh nhân còn ở trong đó bao lâu nữa? - Angieli, người thám tử trẻ hỏi nàng. Nàng liếc nhìn đồng hồ trên bàn. - Hai lăm phút nữa, đây là bệnh nhân cuối cùng của ông. Hai thám tử nhìn nhau. - Chúng tôi sẽ đợi - Mc Greavy thở dài. Họ ngồi xuống ghế. Mc Greavy quan sát nàng. - Trông cô quen lắm. Quả nàng ko lầm. Ông đang thăm dò nàng. Nàng đáp lại: - Ông biết người ta nói thế nào ko" Tất cả chúng ta trông đều giống nhau". Đúng 25 phút sau, Carol nghe tiếng lách cách mở cửa phòng bác sĩ ra phía hành lang. Vài phút sau, cánh cửa mở và bác sĩ Judd Stevens bước ra thấy Mc greavy ông ngập ngừng hỏi. - Hình như trước đây chúng ta đã gặp nhau. Ông nói và ko thể nhớ ra đã gặp họ ở đâu. Mc Greavy điềm tĩnh gật đầu: - Vâng ...Tôi là trung uý Mc Greavy- và quay sang Angieli: - Và đây là thám tử Frank Angieli. Judd và Angieli bắt tay nhau. - Xin mời vào. Họ vào phòng riêng của bác sĩ và đóng cửa lại. Cảol nhìn theo, nàng cố chắp nối các sự việc lại với nhau. Người thám tử lớn tuổi dường như có vẻ đối nghịch với bác sĩ. Nhưng có thể đó là nét quyến rũ của ông ta. Carol chỉ biết chắc một điều - nàng phải đi đến tiệm giặt ủi. Văn phòng của bác sĩ được bài trí theokiểu phòng khách của thôn quê nước Pháp. Không có bàn làm việc, thay vào đó là những chiếc ghế bành tiện nghi và những đầu bàn có trang trí đèn kiểu cổ toả sáng khắp phòng. Phía cuối phòng, là cửa dẫn ra hành lang. Sàn trải tấm thảm cánh đồng thời vua Edward tyuệt đẹp. Trong góc phòng, một trường kỷ phủ vải thêu hoa. Mc Greavy để ý ko có mảnh bằng nào treo trên tường. Ông ta đã kiểm tra trước khi đến đây, và thừa hiểu rằng nếu bác sĩ muốn, ông ta sẽ treo văn bằng chứng chỉ phủ kín các vách tường. - Đây là lần đầu tiên tôi vào phòng của một bác sĩ tâm thần. - Angieli nói với giọng thán phục - Ước gì nhà tôi giống thế này. - Nó xoa dịu cho các bệnh nhân - Judd nói vẻ dễ dãi.- Tiện đây, tôi cũng xin nói tôi là bác sĩ tâm lý mà. - Xin lỗi - Angieli nói - Có điều gì khác biệt hả bác sĩ ? - Khoảng 50 đô la 1 giờ thôi. Đồng nghiệp tôi chưa biết nhiều đâu- Mc Greavy lên tiếng. " Đòng nghiệp" - và Judd chợt nhớ ra, một đồng nghiệp của Mc Greavy đã bị bắn chết, còn Mc Greavy bị thương trong vụ cướp ở một cửa hàng rượu cách đay 4 hay 5 năm. Tên lưu manh đê tiện Amos Ziffren đã bị bắt. Hắn được luật sư bào chữa là vô tội vì hắn bị mất trí. Bác sĩ Judd được mời đến để giám định lời bào chữa và khám nghiệm Ziffren. Hắn ta bị mất trí vô vọng cứu chữa lẫn bệnh liệt nhẹ. Nhờ bác sĩ Judd chứng nhận, hắn thoát án tử hình và được chyển đến một bệnh viện tâm thần. - Tôi nhớ ra anh rồi - Judd nói - Trường hợp của Ziffren, anh bị 3 viên đạn còn bạn anh đã hy sinh. - Tôi cũng nhớ ra ông - Mc Greavy nói - Ông đã giúp tên sát nhân thoát chết. - Anh cần gì ở tôi? - Chúng tôi cần một số thông tin thưa bác sĩ - Nói xong Mc Greavy khẽ gật đầu làm hiệu với Angieli. Khi anh đang mân mê sợi dây buộc cái gói trên tay. - Chúng tôi nhờ ông nhận diện một số tang vật giúp chúng tôi- Mc Greavy nói rành rọt từng tiếng một. Angieli mở gói giấy ra, cầm lên một cái áo mưa màu vàng. - Ông đã nhìn thấy cái áo mưa này bao giờ chưa? - Giống áo tôi quá - Judd kinh ngạc kêu lên. - Của ông đấy. Ít ra tên ông cũng được viết bên trong áo. - Các anh tìm thấy nó ở đâu vậy ? - Theo ông thì chúng tôi tìm thấy nó ở đâu ? Cả hai nhà thám tử đều ko giữ giọng trịnh trọng lúc ban đầu nữa, một thoáng thay đổi trên nét mặt họ. Judd quan sát Mc Greavy một lúc rồi với tay lấy cái tẩu thuốc trên bàn, nhồi thuốc vào, trầm tĩnh nói: - Tốt hơn hết, các anh nên nói cho tôi biết tất cả sự việc. - Về cái áo mưa này ư, bác sĩ - Mc Greavy tiếp tục - Nếu là của ông, chúng tôi cần biết làm thế nào nó lại lọt được ra ngoài ? - Chẳng có gì bí mật cả. Sáng nay lúc tôi đến đây, trời mưa lất phất. Áo mưa tôi đi giặt nên tôi mặc tạm cái áo vàng mà tôi thường chỉ mặc để đi câu cá này. Một trong số bệnh nhân của tôi sáng nay ko mang áo mưa, trời lại mưa tuyết dày đặc nên tôi cho anh ta mượn. Bác sĩ bỗng dừng lại, lo lắng : - Chuyện gì đã xảy ra cho anh ta ? - Xảy đến với ai ?- Mc Greavy lên giọng. - Jonh Hanson... bệnh nhân của tôi. Angieli vẫn giọng nhẹ nhàng : - Ông xem lại đi, rắc rối to đấy. Hanson ko thể đích thân mang trả áo cho ông được, đơn giản là vì ông ấy đã chết. Judd cảm thấy hơi choáng váng. - Chết rồi ư ? - Anh ta bị đâm vào lưng - Mc Greavy nói. Judd nhìn Mc Greavy nghi ngờ. Mc Greavy cầm lấy áo từ tay Angieli xoay cho Judd thấy một vết dao to quái dị trên miếng vải dầu, lưng áo bê bết những vết bẩn xám xịt. Khiến Judd cảm thấy nhờn nhợn buồn nôn. - Ai đã giết anh ta ? - Bác sĩ Stevens, chúng tôi hy vọng ông có thể cho chúng tôi biết điều ấy. Angieli tiếp : - Ai có thể biết rõ vấn đề này hơn là vị bác sĩ tâm lý của anh ta ? Judd lắc đầu tuyệt vọng. - Việc này xảy ra lúc nào ? Mc Greavy trả lời : - Mười một giờ sáng nay, trên đại lộ Lexington, cách văn phòng ông độ một dãy nhà. Nhiều người thấy anh ta ngã xuống, nhưng ai nấy đều lo về nhà chuẩn bị đón Giáng sinh, nên để mặc anh ta nằm chết trên băng tuyết vì mất máu quá nhiều. Judd bấu chặt vào cạnh bàn, các ngón tay ông trắng bệch. Angieli hỏi: - Hanson ở đây lúc mấy giờ sáng nay ? - Mười giờ. - Bác sĩ làm việc với anh ta trong bao lâu? - Năm mươi phút. - Xong việc anh ta về ngay chứ ? - Vâng, tôi còn một bệnh nhân khác đang chờ. - Lúc ra Hanson có đi qua phòng tiếp khách ko ? - Không, bệnh nhân của tôi vào bằng cửa phòng tiếp khách và ra một cửa khác bên kia. Ông chỉ cánh cửa riêng dẫn ra ngoài hành lang. - Vì thế các bệnh nhân của tôi không chạm mặt nhau. Mc Greavy gật đầu. - Vậy là Hanson bị giết vài phút sau khi rời khỏi đây. Tại sao anh ta đến đây ? Judd ngập ngừng. - Xin lỗi. Đây là việc riêng giữa bệnh nhân và bác sĩ. - Anh ta đã bị giết - Mc Greavy nói - Ông phải giúp chúng tôi tìm ra thủ phạm. Judd châm lại cái tẩu thuốc đã bị tắt ngấm từ lúc nào.Lần này đến lượt Angieli hỏi : - Anh ta đã lui tới đây với bác sĩ bao lâu rồi ? - Ba năm- Judd trả lời. - Anh ta bị sao vậy bác sĩ ? Judd lại ngập ngừng, hình ảnh của Jonh Hanson như đang hiện ra trước mắt ông : hào hứng, tươi cười, háo hức cuộc sống mới tự do. - Anh ta bị đồng tính luyến ái. Mc Greavy chua chát : - Đây sẽ là một trong những người đẹp nhỉ ! - Đồng tính luyến ái mf - Judd nói - Tôi đã chữa trị cho Hanson. Sáng nay tôi đã bảo hắn ko phải đến tôi nữa. Hắn đã sẵn sàng chuẩn bị về với gia đình. Hắn đã có vợ và có hai con. - Một kẻ đồng tính luyến ái có gia đình ư ? - Mc Greavy không dấu vẻ ngạc nhiên. - Cũng thường có những trường hợp như vậy. - Có thể một kẻ trong bọn đồng tính luyến ái ko muốn anh ta rút lui khỏi bọn.Họ đã ẩu đả, kẻ đó mất tự chủ và đã lụi dao vào lưng anh ta ? Judd trầm ngâm, giọng đăm chiêu : - Cũng có thể nhưng tôi ko tin. - Tại sao vậy bác sĩ ? - Angieli hỏi. - Hơn một năm nay, Hanson ko hề tiếp xúc với một tên đồng tính luyến ái nào. Tôi nghĩ đến trường hợp dễ xảy ra hơn là có thể hắn bị kẻ cướp tấn công, Hanson lại là một thanh niên hiếu chiến. - Một gã đồng tính luyến ái có vợ con, thật can đảm ! Mc Greavy có vẻ chì chiết. Ông ta rút một điếu thuốc và châm lửa. - Tiền của anh ta vẫn còn y nguyên, hơn 100 đôla. Thế thì ko thể chấp nhận giả thuyết bị cướp. Mc Greavy đợi phản ứng của Judd. Angieli tiếp : - Thà chúng ta tìm một gã điên còn đễ hơn. - Không đâu. Judd phản đối, ông đi về phía cửa sổ. - Hãy nhìn đám người dưới kia. Một trong số hai mươi người đó đã hoặc sẽ vào bệnh viện tâm thần. - Nhưng nếu có một gã bị điên... ? - Hắn ko nhất thiết để lộ cái điên ra - Judd giảng giải. - Trong nhiều trường hợp bệnh tâm thần, có ít nhất mười trường hợp bệnh ko có chẩn đoán. Mc Greavy thích thú nhìn Judd. - Ông biết rất nhiều về bản tính tự nhiên của con người, phải ko bác sĩ ? - Không có điều gì giống như bản tính tự nhiên của con người, - Judd nói - nó hơn hẳn bản tính loài vật. Hãy thử hình dung hòa một con thỏ và một con cọp hoặc một con sóc và một con voi xem ! - Ông đã hành nghề chữa bệnh tâm lý bao lâu rồi bác sĩ ? - Mc Greavy hỏi. - Mười hai năm. Anh hỏi với ý gì ? Mc Greavy nhún vai : - Ông khá đẹp trai. Tôi dám đánh cuộc với ông lá có rất nhiều bênh nhân yêu ông, đúng ko bác sĩ ? Judd chớp mắt lạnh lùng. - Tôi ko hiểu anh định hỏi gì ? - Ồ, bác sĩ, đúng vậy mà! Cả hai ta đều là đàn ông sống trên cõi đời. Một gã đòng tính luyến ái lui tới đây với một bác sĩ trẻ, đẹp trai để tâm sự - giọng ông ta trở nên đanh lại - Giờ thì ông muốn nói rằng trong suốt ba năm qua, trên chiếc trường kỷ này Hanson ko làm điều gì cho ông khó xử chứ ? Judd nhinf oong ta - bác sĩ chẳng lộ vẻ gì khó chịu. - Ý tưởng của anh về một con người trên đời này là như thế sao trung uý? Mc Greavy ko hề bối rối. - Điều đó có thể đã xảy ra và tôi có thể nói thêm cho ông nghe những vấn đề khác có thể xảy ra nữa kia. Ông nói rằng ông đã bảo với Hanson ông ko muốn gặp anh ta nữa. Có lẽ anh ta ko chịu, anh ta đã phụ thuộc ông trong suốt ba năm, vậy là hai người đã gây ẩu đả. Thấy Judd sa sầm mặt vì giận, Angieli tìm cách đấu dịu. - Bác sĩ, ông có thể nghĩ ra ai là người thù ghét anh ta ko ? Hoặc một người nào đó bị anh ta căm ghét ? - Nếu có thì tôi đã nói với các anh rồi. Tôi nghĩ rằng tôi biết mọi vấn đề liên quan đến Jonh Hanson. Anh ta là một người hạnh phúc. Anh ta chẳng ghét ai và tôi biết chẳng ai ghét anh ta. - Điều đó tốt thôi. Ông đúng là một vị bác sĩ tuyệt vời - Mc Greavy nói- chúng tôi sẽ mang tập hồ sơ bệnh lý của anh ta theo. - Không. - Chúng ta có thể nhận được trát đòi của toà án. - Lấy nó theo ư ? Tập hồ sơ này chẳng giúp gì được cho các anh đâu! - Còn nếu ông đưa cho chúng tôi thì có hại gì ko nào ?- Angieli hỏi. - Có thể làm tổn thương đến vợ con Hanson. Các anh bị lạc hướng rồi. Các anh sẽ thấy Hanson bị một kẻ lạ mặt giết. - Tôi ko tin - Mc Greavy búng búng ngón tay. Angieli gói áo mưa lại và buộc dây chung quanh. - Chúng tôi sẽ hoàn trả áo mưa lại cho bác sĩ sau khi làm thêm vài xét nghiệm nữa nhé. - Các anh cứ giữ - Judd nói. Mc Greavy mở cánh cửa riêng dẫn ra hành lang. - Chúng tôi sẽ gặp lại bác sĩ sau. Ông bước ra. Angieli gật đầu chào Judd và đi ra theo Mc Greavy. Judd vẫn đứng đấy, đầu óc rối bời. Khi Carol bước vào, nàng ngập ngừng hỏi : - Mọi việc ổn cả chứ bác sĩ ? - Jonh Hanson bị giết rồi. - Bị giết ư ? - Anh ta bị đâm - Judd nói. - Ôi lạy Chúa ! Nhưng tại sao ạ ? - Cảnh sát cũng chưa biết . - Khủng khiếp quá ! Nàng cảm nhận được nỗi đau đớn trong mắt bác sĩ. - Em có thể giúp gì được bác sĩ ạ ? - Cô đóng cửa văn phòng hộ tôi nhé, Carol. Tôi sẽ đến gặp bà Hanson. Tôi muốn đích thân báo tin cho bà ấy. - Xin bác sĩ đừng lo, em sẽ chu toàn mọi thứ. - Cảm ơn cô nhé. Và Judd đi khỏi. Ba mươi phút sau, Carol sắp xếp xong hồ sơ và nàng đang khoá ngăn bàn lại, lúc ấy cánh cửa bên hành lang xịch mở; Đã hơn 6 giờ chiều và toà nhà đã đóng cửa. Carol ngẩng đầu lên, một người đàn ông mỉm cười và tiến đến gần nàng. Chương 03 Mary Hanson như một con búp bê nhỏ nhắn, xinh đẹp và thanh tú. Ẩn trong dáng vẻ yểu điệu bên ngoài của người miền Nam, nàng dữ như một con sói cái. Judd đã gặp nàng sau một tuần chữa bệnh cho Hanson. Nàng điên cuồng chống lại phương thức chữa bệnh của ông và Judd phải gặp nàng để thuyết phục. - Tại sao bà lại phản đối việc phân tích để chữa bệnh cho ông nhà như vậy? - Tôi ko muốn nghe bạn bè xì xầm bàn tán rằng tôi đã lấy một gã điên. - nàng trả lời Judd.- Ông bảo hắn li dị tôi rồi muốn làm quái quỉ gì thì làm. Judd phải giải thích rằng nếu nàng ly dị chồng vào lúc này có nghĩa là hoàn toàn hủy diệt Jonh. - Chẳng có cái quái gì mà sợ huỷ diệt - Nàng thét lên - nếu tôi biết hắn ta mắc bệnh đồng tính luyến ái thì ông thử nghĩ xem tôi có đồng ý lấy hắn ta ko cơ chứ ? Hắn ta là một mụ đàn bàn - Bất cứ người đàn ông nào cũng có đôi chút chất bàn bà - Judd nói- cũng như trong mỗi người đàn bà thường phảng phất chất đàn ông vậy. Trường hợp của chồng bà, có một số vấn đề nan giải về tâm lý cần phải vượt qua. Ông ấy đang cố gắng thưa bà Hanson.Tôi nghĩ chính bà và các cháu nên giúp ông ấy. Hơn ba chục tiếng đồng hồ bác sĩ tìm mọi lý lẽ để thuyết phục nàng và cuối cùng, nàng miễn cưỡng đồng ý hoãn ly dị. Những năm tháng sau đó, nàng trở nên quan tâm đến chồng và cùng tham gia chiến đấu với bệnh của John. Judd có một cái lệ là ko bao giờ chữa trị cho những cặp vợ chồng, vậy mà Mary đã xin được cùng chữa bệnh và ông thấy điều đó có ích trong phương thức chữa trị cho John. Khi nàng tự hiểu mình và nhận ra những thiếu sót trong vai trò một người vợ thì John bỗng tiến bộ rất nhanh. Giờ đây Judd đến để báo cho nàng cái tin sét đánh ngang tai, chồng nàng bỗng dưng bị giết chết. Nàng nhìn ông trân trối, ko tin vào điều ông vừa nói, nàng đoán chắc rằng đó là một trò đùa kinh khiếp. Và khi nhận ra sự thật oan trái nàng gào lên đau đớn : - Anh ấy ko bao giờ trở về với em nữa rồi! Không về với em nữa rồi anh ới! Nàng bắt đầu xé áo quần, cuồng điên như một con thú bị thương. Hai đứa bé sinh đôi mới 6 tuổi chạy đến, từ lúc đó tiếng khóc như ri, trong nhà hỗn loạn ko thể tả. Judd cố dỗ hai đứa bé và bế chúng gửi sang hàng xóm. Ông cho Mary một liều thuốc an thần và cho gọi bác sĩ chăm sóc gia đình đến. Khi biết chắc ko còn việc gì để làm nữa, ông mới ra về. Lên xe, ông như người mất hồn, cầm tay lái ko mục đích, cũng ko suy nghĩ. Hanson đã đấu tranh cật lực, dũng cảm, đến ngày chiến thắng thì ... Thật là một cái chết lãng nhách. Lẽ nào một tên đồng tính luyến ái nào đó tấn công anh ta ? Một người yêu cũ căm hận vì bị Hanson bỏ rơi. Tất nhiên điều đó có thể xảy ra nhưng Judd vẫn ko tin. Trung uý Mc Greavy đã nói hanson bị giết cách văn phòng ông chỉ một dãy nhà. Nếu kẻ sát nhân là một tên đồng tính luyến ái đang tức giận thì hắn sẽ hẹn với Hanson ở một nơi nào đó riêng biệt để cố thuyết phục Hanson quay trở lại với hắn, hoặc chút lên đầu Hanson những câu buộc tội trước khi hắn ra tay, chứ ko thể đâm anh ta giữa phố người đông đúc rồi trốn chạy. Ở một góc đường, thấy có phòng điện thoại, bác sĩ chợt nhớ ra đã hứa đến ăn cơm tối với ông bà bác sĩ Peter Hadley và Norah, bạn rất thân với ông nhưng chẳng còn tâm trí nào gặp ai nữa ! Ngừng xe bên đường, ông bước vào phòng điện thoại và ông gọi đến cho Hadley. Norah nhấc máy. - Trễ rồi anh ơi! Anh đang ở đâu vậy? - Norah, tôi sợ rằng phải xin lỗi anh chị và ko đến được tối nay. - Ồ, không được đâu - bà rên rỉ - Này, một cô bé tóc vàng bốc lửa đang chờ gặp anh đây. - Hẹn tối khác vậy - Judd nói - Thật tình tôi ko thể đến được xin anh chị thứ lỗi cho nhé. - Bác sĩ ơi - Norah khịt khịt mũi - xin chờ một chút để tôi gọi ông bạn vàng của anh. Peter nhấc máy. - Chuyện gì vậy, Judd ? Judd do dự : - Một ngày gay go thôi Peter, mai tôi sẽ kể cho anh nghe. - Tiếc cho anh lỡ mất cơ hội với người đẹp Scandinavian, Tôi cho là đẹp tuyệt trần đấy. - Lần khác vậy nhé - Judd lại hứa. Ông nghe tiếng thì thầm vội vã rồi Norah đến cầm máy. - Nàng sẽ đến vào đêm Giáng sinh, Judd à, anh sẽ đến chứ ? Ông do dự : - Norah, chúng ta sẽ bàn nhau sau vậy nhé, xin lỗi chị vậy - Ông gác máy. Giá mà ông biết được cách từ chối khoé léo. lịch thiệp với bà mai Norah. Judd đã lấy vợ những năm cuối đại học. Elizabeth có nhiều biệt tài trong các lãnh vực khoa học xã hội, nàng nhiệt tình, rạng rỡ và tươi tắn. Cả hai đều trẻ, yêu nhau thắm thiết và phác hoạ những kế hoạch tuyệt vời cho những đứa trẻ tương lai. Vào mùa Giáng sinh đàu tiên sau khi cưới, Elizabeth và đứa bé trong bụng đã chết vì tai nạn giao thông. Judd chỉ còn biết dồn hết tâm lực vào công việc, thời gian đó ông trở thành một bác sĩ tâm lý nổi tiếng trong nước. Ông vẵn ko thể nào cùng người khác dự tiệc Giáng sinh. Dù thế nào đi nữa, dù tự nhận mình sai lầm, ông vẫn chỉ muốn dành hết cho Alizabeth và con. Từ phòng điện thoại bước ra, ông chợt lưu ý đến một cô gái đang đứng chờ. Cô nàng trẻ, đẹp, mặc áo nỉ ôm sát người và chiếc váy ngắn, khoác áo mưa màu sáng. - Xin lỗi cô nhé. Nàng đáp lại ông với nụ cười ấm áp. - Không sao đâu ạ. Dường như ông đã gặp ánh mắt thông minh này của nàng ở đâu đó rồi thì phải. Nỗi cô đơn đang tìm cách phá vỡ bức bình phong mà vô tình ông đã dựng lên. Nếu Judd biết rằng ông có ưu điểm nào đó thu hút được phái đẹp thì nó cũng đã chìm sâu trong tiềm thức của ông. Ông chưa bao giờ phân tích tại sao. Đối với ông, việc những nữ bệnh nhân say mê ông là bất lợi, đôi khi nó còn làm cho cuộc sống trở nên khó khăn, phức tạp. Ông đi qua cô gái, khẽ gật đầu thân thiện. Ông cảm thấy nàng đứng trong mưa, nhìn ông lên xe và phóng vút đi. Ông rẽ vào đường dành cho xe chạy trên sông Đông và hướng về phía đại lộ Merritt. Một tiếng rưỡi sau, ông đang trên đường phố của Connecticut. Ở New York tuyết bẩn thỉu và nhầy nhụa nhưng bão tuyết đã biến phong cảnh Connecticut đẹp như những bức ảnh trên bưu thiếp. Ông lái xe qua Westport và Danbury, cố dồn hết tâm trí vào mặt đường loang loáng dưới bánh xe và một thế giới riêng ảm đạm vây quanh. Cứ mỗi lần nhớ đến John Hanson, ông lại cố nghĩ sang chuyện khác. Xe ông đang xuyên qua bóng tối dày đặc của miền quê Conecticut. Vài giờ sau, mãi đến khi kiệt sức ông mới chịu quay xe lại và trở về nhà. Mike, người gác cửa có khuôn mặt đỏ gay thường mỉm cười chào ông mỗi ngày, hôm nay có vẻ bồn chồn và xa cách ! Chắc là gia đình gặp chuyện gì đây - bác sĩ nghĩ thầm. Mọi ngày Judd thường nói chuyện thân mật với ông già về đứa con trai mới lớn và cô con gái đã lập gia đình của ông, nhưng tối nay bác sĩ cảm thấy ko thích nói chuyện. Ông nhờ Mike đưa xe vào nhà xe. - Vâng, thưa bác sĩ - Mike dường như muốn nói thêm nữa lại thôi. Judd đi vào nhà. Ben Katz, người quản gia đang băng qua hành lang, trông thấy bác sĩ, ông vẫy tay làm hiệu với vẻ lo lắng rồi vội vàng biến vào phòng. Judd nghĩ thầm : "Tối nay mọi người sao thế nhỉ ?Hay là do trạng thái thần kinh mình ko ổn định?" Ông bước vào thang máy. Eddie, người điều khiển thang máy khẽ gật đầu. - Chào bác sĩ. - Chào Eddie. Eddie nuốt nước bọt và ngượng nghịu quay đi. - Có việc gì vậy Eddie? - Judd hỏi. Eddie lắc đầu và nhìn đi nơi khác. " Lạy Chúa" - Juđ nghĩ thầm." Lại một bệnh nhân dự bị của ta đây. Bỗng nhiên trong nhà đầy những người như thế cả !" Eddie mở cửa thang máy, Judd bước ra. Ông đi về phía phòng mình, ko nghe thấy tiếng đóng cửa thang máy, ông quay đầu nhìn lại. Eddie đang nhìn ông chòng chọc. Vừa lúc Judd mở miệng định nói, Eddie vội đóng sập cửa lại. Judd đi về phòng mình, cửa không khoá, ông bước vào. Tất cả đèn trong phòng đều bật sáng. Trung uý Mc Greavy đang mở ngăn kéo trong phòng khách còn Angieli từ trong phòng ngủ bước ra. Judd bừng bừng nổi giận. - Các anh đang làm gì trong phòng tôi vậy. - Chúng tôi đang chờ ông, bác sĩ ạ. Mc Greavy lên tiếng. - Làm thế nào các anh vào đây được?. - Chúng tôi được lệnh khám xté - Angieli đáp. Judd nhìn anh ta ngờ vực. - Khám xét à? Phòng của tôi ư? - Chúng tôi xin hỏi ông một số điều cần thiết, thưa bác sĩ - Mc Greavy nói. - Ông phải thành thật trả lời cho đúng. Angieli xen vào : - Ông nên nhớ rằng những lời khai của ông có thể là những bằng chứng phản lại ông đấy bác sĩ ạ. - Ông có cần luật sư ko bác sĩ ? - Mc Greavy hỏi. - Tôi ko cần luật sư. Tôi đã nói rằng sáng nay tôi cho Hanson mượn áo mưa và ko hề thấy nó cho đến chiều nay khi các anh đem đến văn phòng tôi. Tôi ko thể nào giết Hanson được. Tôi bận bịu với bệnh nhân suốt ngày. Cô Robert có thể làm chứng cho tôi điều đó. Mc Greavy và Angieli ngầm ra hiệu với nhau. - Chiều nay lúc rời khỏi văn phòng, ông đi đâu ? - Angieli hỏi. - Đến gặp bà Hanson. - Chúng tôi biết, rồi sau đó ...? - Mc Greavy nói. Judd ngập ngừng : - Tôi lái xe chạy vòng vòng. - Đi đâu ? - Ông ngừng lại ăn tối ở đâu? - Mc Greavy hỏi tiếp. - Tôi ko ăn tối. Tôi ko đói. - Như vậy là chẳng ai gặp ông hết ? Judd nghĩ một lúc. - Tôi cho là không. - Có lẽ ông cũng dừng lại đổ xăng ở đâu chứ ?- Angieli gợi ý. - Không - Judd nói. - Tôi đi đâu tối nay thì có sao đâu ? Hanson bị giết từ sáng cơ mà. - Sau khi rời văn phòng chiều nay, ông có quay trở lại lần nào ko? Giọng Mc Graevy rất tự nhiên. - Không. Tại sao anh hỏi vậy? - Văn phòng ông có kẻ đột nhập. - Sao ? Ai đột nhập ?... - Chúng tôi ko biết - Mc Greavy nói - Tôi muốn ông đến đó và xem xét xung quanh có mất mát gì ko? - Vâng , tất nhiên - Judd trả lời. - Ai báo cho các anh biết ? - Người gác đêm - Angieli nói. - Ông có để vật gì quí trong văn phòng ko, bác sĩ ? Tiền ? Thuốc phiện ? Hoặc thứ gì tương tự ? - Có một ít tiền lẻ - Judd nói - Cũng ko có ma tuý. Chẳng có gì ở đó để lấy trộm cả. Thật khó hiểu ? - Thôi được - Mc Greavy nói - Chúng ta đi nào. Trong thang máy, Eddie nhìn Judd như xin lỗi. Bắt gặp ánh mắt anh ta, Judd gật đầu thông cảm. Judd nghĩ rằng chắc chắn cảnh sát ko thể nghi ngờ ông đột nhập vào chính văn phòng của mình. Mc Greavy định gán ép cho ông điều gì do cái chết của người đồng ngiệp trước đây nhưng cũng đã 5 năm rồi còn gì. Không lẽ Mc Greavy ấp ủ hàng bao năm trời, để rồi đổ tội cho bác sĩ và chờ có dịp trả thù sao ? Một chiếc xe cảnh sát đậu cách lối vào vài thước. Họ lên xe và yên lặng đến văn phòng bác sĩ. Đến nơi, Judd đánh dấu vào máy ghi ở hành lang. Người gác cửa Bieglon nhìn ông khác lạ, hay là ông có cảm tưởng như thế. Họ đi thang máy đến tầng thứ 15 và tiến vào văn phong của Judd. Một cảnh sát mặc quân phục đang đứng trước cửa. Anh gật đầu chào Mc Greavy rồi bước sang một bên. Judd định lấy chìa khoá. - Cửa ko khoá - Angieli nói và anh đẩy cửa. Cả bọn cùng bước vào, Judd đi đầu. Phòng tiếp khách vô cùng hỗn độn. Tất cả các ngăn kéo bị lục tung ra khỏi bàn, giấy tờ vung vãi khắp nhà. Judd nhìn trân trân như ko tin vào mắt mình, ông cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. - Bác sĩ đoán xem họ tìm kiếm gì vậy ? - Mc Greavy hỏi. - Chịu thôi - Judd đáp - Ông đi vào cánh cửa phía trong, mở ra, Mc Greavy theo sát sau lưng ông. Trong phòng bác sĩ, 2 cái bàn bên trong cũng bị lật nhào, bóng đèn lăn trên sàn nhà, vỡ tan tành, tấm thảm ướt đẫm máu. Xa trong góc phòng. xác Carol Roberts nằm duỗi dài một cách lố bịch. Cô ta trần truồng, hai tay bị trói quặt ra sau bằng sợi dây đàn piano, acid tung toé trên mặt, ngực và giữa hai bên đùi. Bàn tay phải bị bẻ gãy hết ngón. Mặt nàng méo mó sưng phù lên, miệng bị nhét một nùi khăn tay. Hai nhà thám tử quan sát Judd khi ông nhìn chòng chọc vào cái xác Carol. - Trông bác sĩ xanh quá, - Angieli nói - ngồi xuống đây đi. Judd lắc đầu và hít thở thật sâu. Ông nói giọng run lên vì giận : - Ai? Ai có thể làm như thế này ? - Đấy là điều ông sẽ nói cho chúng tôi biết, bác sĩ Stevens - Mc Greavy nói. Judd ngước nhìn anh ta. - Không ai nỡ làm như vậy với Carol đâu. Trong đời nàng chưa hề mất long ai. - Tôi nghĩ là đã đến lúc ông hát bài khác đi là vừa - Mc Greavy nói - Không ai muốn động đến Hanson mà anh ta bị dao đâm vào lưng, ko ai nỡ làm gì Carol mà chỉ tưới acid lên khắp người nàng và tra tấn cho đến chết! - Nhà thám tử gằn giọng - Còn ông thì đứng đây bảo ko ai muốn làm gì họ. Thế ông là giống quái quỉ gì điếc, câm hay mù? Một cô gái làm việc cho ông suốt bốn năm trời. Ông là bác sĩ tâm lý, chắc ông sẽ ko cố bảo với tôi rằng ông ko quan tâm hoặc biết gì đến đời tư của cô ấy chứ ? - Tất nhiên tôi có quan tâm chứ - Judd nói một cách căng thẳng - Cô ấy có bạn trai sắp cưới. - Chick chứ gì, chúng tôi đã nói chuyện với anh ta. - Nhưng anh ta ko thể làm được việc này, anh ấy là một người đàng hoàng rất yêu Carol. - Ông nhìn thấy Carol lần cuối cùng vào lúc nào ? - Angieli hỏi. - Tôi đã nói rồi, khi tôi rời khỏi đây để đi gặp bà Hanson, tôi có nhờ Carol đóng cửa văn phòng - giọng ông bị ngắt quãng, ông nuốt nước bọt và hít thở thật sâu. - Ông có hẹn với bệnh nhân nào khác nữa hôm nay ko ? - Không. - Ông có cho rằng một gã điên khùng nào đó gây ra việc này hay ko? - Angieli hỏi - Hẳn đây là một kẻ điên nhưng ngay cả gã điên cũng phải động lực thúc đẩy? - Đó chính là điều tôi suy nghĩ - Mc Greavy nói. Judd nhìn lại chỗ xác Carol, nàng giờ đây giống như con búp bê thật bi thảm - méo mó tả tơi, vô vọng và phế thải. Judd hỏi với giọng giận dữ. - Các anh định để cô ấy như thế này bao lâu nữa đây ? - Người ta sẽ mang cô ấy đi ngay bây giờ, Agieli nói - nhân viên điều tra vừa làm việc xong. Judd quay sang Mc Greavy. - Anh giữ nguyên trạng cô ấy nằm như thế này để chờ tôi chứ gì ? - Vâng - Mc Greavy nói- Tôi muốn hỏi ông lần nữa trong văn phòng có món gì để có kẻ thèm muốn đến nỗi phải như thế này ko? - Anh ta chỉ Carol. - Không. - Còn những cuộn băng thu được từ những bệnh nhân thì sao? Judd lắc đầu : - Chẳng có gì cả. - Ông ko muốn cộng tác với chúng tôi lắm phải ko bác sĩ - Mc Greavy hỏi. - Các anh nghĩ là tôi ko muốn các anh tìm ra thủ phạm sao? - Judd gay gắt - Nếu hồ sơ tôi giúp ích gì được, tôi đã nói với các anh rồi. Tôi biết các bệnh nhân mà. Trong số họ, chẳng ai có thể giết cô gái được. Việc này là do người ngoài làm. - Ông làm thế nào biết được là ko có ai để mắt tới hồ sơ của ông? - Hồ sơ còn nguyên, ko ai đụng đến. Mc Greavy nhìn ông, chộp ngay cơ hội. - Sao ông biết? Ông chưa xem đến cơ mà. Judd đi đến bức tường xa xa. Khi thấy hai thám tử nhìn theo, ông ấn phần dưới tấm pano, bức tường bỗng xịch mở, để lộ những ngăn tủ chất đầy băng cassette. - Tôi đã thu lại tất cả các cuộc tiếp xúc với bệnh nhân - Judd nói - và cất băng ở đây. - Có thể chúng tra tấn Carol để bắt cô khai chỗ để những cuộn băng này chăng ? - Những cuộn băng này chẳng có giá trị gì với ai cả. Phải có một động cơ giết người nào khác kìa! Judd nhìn lại thể xác dễ sợ của Carol một lần nữa, lòng tràn đầy vô vọng và bất lực. - Các anh hãy tìm cho được tên sát nhân này. - Tôi cũng định thế - Mc Greavy nói và lại nhìn Judd chăm chú. Trên con đường vắng vẻ, lạnh buốt trước toà nhà của văn phòng Judd, Mc Greavy bảo Angieli đưa Judd về nhà. - Tôi có việc phải làm - Mc Greavy nói với Angieli và quay sang Judd. - Chúc bác sĩ ngủ ngon. Judd nhìn theo cái bòng to lớn, dềnh dàng bước xuống đường. - Ta đi thôi - Angieli nói - tôi lạnh cóng rồi đây. Judd ngồi vào ghế trước cạnh Angieli, chiếc xe chạy vụt khỏi lề đường. - Tôi phải báo cho gia đình Carol. - Judd nói - Chúng tôi đã đến rồi. Judd gật đầu mệt mỏi, ông vẫn muốn đích thân đến thăm họ nhưng sợ Angieli ko đợi được. Im lặng. Judd tự hỏi ko biết giờ này trung uý Mc Greavy còn có việc gì nữa. Như đọc được ý nghĩ của ông, Angieli nói: - Mc Greavy là một cảnh sát có tài. Anh ấy cho rằng Ziffren lẽ ra phải ngồi ghế điênvị đã giết bạn anh ấy. - Ziffren bị điên mà. Angieli nhún vai. - Tôi hiểu mà bác sĩ. Judd nghic Mc Greavy chẳng hiểu gì cả. Rồi ông chợt nghĩ đến Carol, nhớ đến sự sáng dạ, tính thương người cùng lòng kiêu hãnh dâng tràn trong công việc của nàng. Angieli nói chuyện với ông đôi câu và ông nhận ra đã về đến chung cư ông ở. Năm phút sau, Judd đã ở trong phòng. Ông chẳng hề buồn ngủ tí nào, tự rót một ly rượu mạnh và mang về phòng làm việc. Ông nhớ lại đêm đầu tiên Carol đi lại trong phòng này, khoả thân và tuyệt đẹp, áp sát vào người ông tấm thanấm áp mềm mại. Ông phải đối xử lạnh lùng và xa cách với nàng vì ông biết rằng đó là cơ hội duy nhất để ông giúp nàng. Nhưng nàng ko bao giwò biết được động lực nào đã ngăn ông ko đáp ứng với nàng. Hoặc cũng có thể nàng đã biết rồi. Ông nâng ly rượu lên và uống cạn. Nhà xác thành phố giống như bao nàh xác khác, lúc 3 giờ sáng đã có người đặt một vòng hoa kết bằng chùm gửi trên cánh cửa. "Ai thế nhỉ?" Mc Greavy suy nghĩ mông lung - " Hắn là một người có tâm hồn rất phong phú hoặc có tính hài hước kỳ quặc". Mc Greavy nôn nóng chờ đợi ở ngoài hành lang cho đến khi ca mổ xét nghiệm hoàn tất. Khi nhân viên điều tra vẫy tay gọi anh, anh đi thẳng vào căn phòng mổ trắng toát, bệnh hoạn. Nhân viên điều tra đang kỳ cọ, rửa tay trong một cía chậu trắng to. Anh ta người nhỏ bé choắt, giọng nói nhanh, líu ríu như chim, thao tác nhanh nhẹn lẫn tất bật. Anh ta trả lời hết các câu hỏi của Mc Greavy rất nhanh rồi biến mất. Mc Greavy đứng lại đó vài phút để ghi nhớ những gì vừa nghe. Xong anh bước nhanh dưới trời đêm lạnh giá để tìm taxi. Chẳng thấy bóng dáng một chiếc nào. Những tên tài xế chết tiệt chắc nằm nghỉ ở Burmada rồi. Mc Greavy cứ đứng đấy thẫn thờ cho đến khi lạnh cóng. Lúc ấy anh phát hiện ra một chiếc xe cảnh sát đi tuần. Anh vẫy xe dừng lại, đưa chứng minh thư cho anh chàng tân binh ngồi sau tay lái xem và ra lệnh anh ta chạy thẳng về khu vực cảnh sát 19. Làm như thế là trái với luật qui định nhưng quỉ tha ma bắt, Mc Greavy chẳng còn cách nào khác vì đêm quá dài! Khi Mc Greavy bước vào trong nhà, Angieli đang chờ anh. - Họ đã xét nghiệm tử thi Carolxong rồi - Mc Greavy nói. - Thế nào? - Cô ta có thai. Angieli trố mắt nhìn Mc Greavy kinh ngạc. - Hơi trễ để nạo thai an toàn và hơi sớm để cho người khác biết. - Anh có nghĩ đến việc này hẳn liên quan đến kẻ giết cô ta? - Một câu hỏi khá đấy - Mc Greavy nói - nếu bạn trai của Carol là tác giả thì họ sẽ lấy nhau, có sao đâu? Họ làm đám cưới và vài tháng sau chú bé ra đời, chuyện thường ngày xảy ra ở huyện. Mặt khác, nếu anh ta ko muốn cưới cô ta lúc này nữa cũng chẳng sao. Cô nàng sẽ có một đứa con ko cha. Cũng là chuyện thường ngày. - Chúng ta đã nói chuyện với Chick. Chàng ta muốn cưới cô nàng mà. - Tôi biết - Mc Greavy trả lời - Vì vậy chúng ta phải tự hỏi xem mình bị lạc hướng từ đâu? Vấn đề là một cô bé da mầu có thai, cô ta đến báo với cha đứa bé và hắn đã giết cô ta? - Hẳn là hắn ta bị mất trí. - Hoặc rất xảo quyệt. Này nhé: giả sử Carol đến gặp cha đứa bé và nói rằng ko muốn phá thai, có thể cô ta nói thế để hăm doạ hắn phải cưới cô ta. Nhưng lại giả sử, hắn ko thể cưới cô ta được vì đã có vợ con hoặc hắn là một người da trắng. Về phần vị bác sĩ nổi tiếng và đẹp trai kia, nếu có chuyện như thế này vỡ lở, nó sẽ huỷ hoại thanh danh của ông ta. Ma nào thèm đến chữa bệnh một bác sĩ làm nàng nhân viên da màu của mình có thai và buộc phải cưới nàng ta? - Stevens là một bác sĩ - Angieli nói - hắn có vô số cách có thể giết Carol mà chẳng để lại tí nghi ngờ nào. - Có thể - Mc Greavy nói - mà cũng có thể ko. Nếu có một tí dấu hiệu nào thì nó cũng có thể vạch mặt ông ta, khó mà tránh được. Hắn mua thuốc độc - có người ghi nhận ngay - Hắn mua dây thừng hay dao - bị lộ ngay. Nhưng này, hãy xem một trận chiến ăn chắc và ranh ma này. Một kẻ điên nào đó ư, chẳng có một lý do nào để giết cô ta. Hắn dàn kịch ra vẻ một ông chủ đau khổ nhờ cảnh sát tìm hộ tên sát nhân. - Nghe có vẻ như là một đầu mối mong manh đấy. - Chưa hết. Hãy xét đến trường hợp Hanson một bệnh nhân của hắn, một vụ giết người phi lý do một tên điên nào đó. Angieli, tôi sẽ nói cho anh nghe điều này. Toi ko tin vào những sự trùng khớp ngẫu nhiên, và 2 vụ án trong một ngày làm tôi căng thẳng quá. Tôi tự hỏi có sự dính líu nào giữa cái chết của John Hanson và Carol Roberts ko? Và rốt cuộc thì mọi việc chẳng ăn khớp gì với nhau cả. Giả sử Carol đi vào trong phòng báo tin hắn sắp được làm cha, hai người đã ẩu đả và cô nàng hăm doạ hắn ta phải cưới nàng, phải cho tiền hoặc cái gì đó. John Hanson đang chờ phía ngoài và lắng nghe. Có lẽ Stevens chưa chắc là anh ta đã nghelỏm được gì cho đến khi anh ta vào phòng ngồi lên tràng kỷ. Lúc ấy Hanson hăm dọa sẽ phơi bày sự thật, hoặc cố dụ hắn ngủ với anh ta. - Phỏng đoán hay và súc tích đấy. - Nhưng nghe rất hơplỵ. Khi Hanson ra về, Tên bác sĩ chuồn theo và hạ sát hắn để bịt đầu mối. Sau đó hắn về nhà thanh toán nốt Carol. Hắn dàn cảnh để đổ tội cho một kẻ điên nào đó, rồi đi thăm bà Hanson và đi Connecticut để kết thúc màn kịch. Đến giờ thì những vấn đề của hắn đang được giải quyết. Hắn cứ bình chân như vại, ngồi nhìn lũ cảnh sát ngu ngốc đổ xô nhau chạy ngược chạy xuôi tìm một đầu mối ko dây. - Tôi xin chào thua - Angieli nói- Anh đang dàn dựng lên một vụ án giết người mà chẳng trưng được một mẩu bằng chứng cụ thể nào cả? - Anh bảo thế nào là "cụ thể"? - Mc Greavy hỏi - Chúng ta đã nhận được hai xác chết, một xác đàn bà có thai làm việc cho Stevens, một là bệnh nhân của hắn bị giết chỉ cách văn phòng hắn có một dãy nhà, anh ta đến với hắn để chữa bệnh đồng tính luyến ái. Khi tôi đòi nghe những cuộn băng hồ sơ bệnh án hắn ko cho, tại sao vậy? Bác sĩ Stevens đang bảo vệ cho ai? Tôi có hỏi hắn xem ai đã đột nhập vào văn phòng để lục tìm một thứ gì đó, chính lúc ấy, chúng ta có thể dựng lên một giả thuyết tuyệt đẹp là Carol bắt gặp chúng và chúng đã tra tấn cô để cố truy cho ra cái thứ bí mật này ở đâu? Nhưng đoán xem nó là cái gì nào? Chẳng có thứ gì bí mật cả. Những cuốn băng của hắn chẳng đáng một xu đối với bất kỳ ai. Hắn ta ko thể để ma tuý trong phòng, tiền bạc cũng ko. Vậy là chúng ta đang truy lùng một gã điên khùng chết tiệt nào đấy, đúng ko? Tôi nghĩ là chúng ta nên truy nã bác sĩ Stevens trừ khi tôi chào thua những vụ án này. - Tôi nghĩ là anh sai nếu anh bắt hắn - Agieli nói một cách trầm tĩnh. Mc Greavy bừng bừng nổi giận. - Với lý do hắn có tội như quỷ sứ ấy. - Anh sẽ bắt hắn ư? - Tôi cứ để cho hắn nuôi hy vọng - Mc Greavy nói - Và khi nào hắn muốn chuồn êm, tôi sẽ moi từng mẩu đất một trong tủ hắn. Tôi mà ra tay thì hắn chỉ có vào tù. Mc Greavy quay lại và đi ra ngoài. Angieli nhìn theo đàn anh với vẻ đăm chiêu. Nếu anh bó tay ngồi nhìn, Mc Greavy sẽ có một cơ hội tốt để kết tội sai cho bác sĩ Stevens. Anh ko thể để như vậy được. Anh chuẩn bị tư tưởng để sáng mai trình với đại uý Bertelli. Chương 04 Trên trang đầu một nhật báo đăng tin về cái chết thương tâm của Carol làm chấn động dư luận. Judd phải gọi điện hạn lại các bênh nhân đến khám vào một hôm khác. Ông ko thể tiếp bệnh nhân hôm nay được mắt ông nặng trĩu và cay xè vì mất ngủ. nhưng khi xem lại danh sách bệnh nhân, ông thấy nếu hoãn khám bệnh hôm nay sẽ có hai bệnh nhân hết hy vọng cứu chữa, 3 bệnh nhân rối loạn trầm trọng hơn, số còn lại có thể cầm cự được. Thế là ông quyết định tiếp tục làm việc bình thường,phần vì thương bệnh nhân đồng thời cũng là một phương thức hay giúp ông bớt căng thẳng về những chuyện vừa xảy ra. Judd đến văn phòng rất sớm. Hành lang đông nghẹt những phóng viên báo chí, phòng viên đài truyền hình va phó nháy. Ông từ chối không cho họ vào trong và cũng ko phát biểu một câu nào, cuối cùng ông cố gắng giải tán họ. Ông run run và chầm chậm mở cánh cửa phòng làm việc. Tấm thảm đầy máu đã được mang đi và mọi thứ khác đều trở về chỗ cũ. Văn phòng trông vẫn bình thường ngoại trừ Carol ko bao giờ qua lại, tươi cười và tràn đầy sức sống nữa. Judd nghe tiếng mở cửa ngoài. Bệnh nhân đầu tiên đã đến. Harrison Burke nổi bật với mái tóc như màu bạc và có dáng dấp của một nhà kinh doanh cỡ gộc. Ông ta là Phó Chủ tịch Liên đoàn sắt thép thế giới. Khi gặp ông ta lần đầu tiên, Judd tự nhủ ko biết quyền hành đã tạo cho ông tư tưởng rập khuôn hay do tư tưởng ấy mà ông ta có được quyền hành. Một ngày nào đó bác sĩ sẽ viết một quyển sách nói về những giá trị của nét mặt, về phong cách một bác sĩ trên giường bệnh, về những phô trương của luật sư trong phòng xử, về nét mặt và vai diễn của một nghệ sĩ... Tất cả đều được chấp nhận theo một thị hiếu khá phổ biến : hình thức bên ngoài có phần được chuộng hơn những giá trị cơ bản bên trong. Burke nằm xuống trường kỷ và Judd bắt đầu làm việc. Burke được bác sĩ Peter Hadley chuyển sang cho Judd 2 tháng nay. Bác sĩ phải mất nười phút mới xác định được Harrison Burke bị bệnh tưởng, luôn luôn nghĩ mình sắp bị giết. Những dòng tin trên báo sáng nayvề vụ giết người ngay tại văn phòng bác sĩ vào đêm qua chẳng hề làm Burke quan tâm tới. Ông ta thuộc loại người như vậy. Ông ta hoàn toàn chìm đắm trong những ý tưởng của chính mình. - Từ trước tới giờ, bác sĩ ko tin tôi - Burke nói - Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho ông thấy nó đã đến sau lưng tôi rồi đấy! - Tôi nghĩ là chúng ta đã quyết định cởi mở việc này ra khỏi tư tưởng ông rồi mà Harrison - Judd thận trọng đáp lời.- Ông nhớ lại đi, hôm qua chúng ta đã đồng ý là có thể do ông tưởng tượng ra thôi mà! - Nào, sao ông ko nằm xuống và cố thư giãn đầu óc đi nào? - Judd nhẹ nhàng gợi ý. - Tất cả những gì ông muốn nói đấy sao, bác sĩ? Thậm chí ông chẳng thèm nghe đến bằng chứng của tôi - Ông ta nheo mắt lại - Biết đâu ông lại chẳng là một tên trong bọn chúng. - Ông biết tôi ko phải vậy đâu - Judd nói - Tôi là bạn ông, tôi đang cố giúp ông mà. Bác sĩ cảm thấy thất vọng đau đớn. Hơn một tháng qua cố gắng giúp bậnh nhân những mong có bước tiến triển khả quan hoá ra đã thành công dã tràng. Trước mặt ông bây giờ cũng vẫn là một kẻ mắc bệnh tưởng trầm trọng như lần đầu tiên hắn bước vào văn phòng ông cách đây 2 tháng. Burke bắt đàu làm việc ở Liên đoàn sắt thế giới với vai trò một cậu bé đưa thư. Trong 25 năm qua, nhờ phong cách khác thường cộng với tính lịch sự nhã nhặn, ông ta đã leo dần lên đến đỉnh thang danh vọng như ngày nay. Cách đây 4 năm, vợ và con ông đã bị lửa thiêu rụi trong một căn nhà nghỉ hè ở Southampton. Burke lúc đó đang ở bahamas với một cô nhân tình. Hơn ai hết, ông ta cảm nhận nỗi đau sâu sắc của tấn thảm kịch ấy. Là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo, ông luôn có cảm giác là mình có tội. Ông ta bắt đầu nghiền ngẫm càng ngày càng it gặp mặt bạn bè. Tối nào ông cũng ở nhà, tưởng tượng ra cảnh hối của vợ con trong đám cháy còn ông thì đang nằm với cô nhân tình ở một nơi khác.Cứ thế nó như một bức tranh sống động diễn đi diễn lại trong tâm trí ông ta. Ông nhìn nhận rằng mình hoàn toàn có lỗi về cái chết của gia đình mình. Nếu như ông có mặt ở đó ông đã cứu thoát được vợ con. Ý nghĩ này cứ ám ảnh ông ta là một con quỷ. Ông ta biết cả Chúa cũng biết. Chắc chắn mọi người khác có thể biết được. Người ta sẽ ghét ông như chính ông tự nguyền rủa mình. Người ta mỉm cười giả vờ thông cảm với ông nhưng thật ra họ đang chờ đợi ông tự vạch trần tội lỗi của mình và chờ gài bẫy ông. Ông thôi ko đến phòng ăn tập thể ở cơ quan và bắt đầu ăn trưa ở phòng riêng. Ông tránh mọi người càng nhiều càng tốt. Cách đây 2 năm, khi công ty cần một vị chủ tịch mới, họ hất Harrison Burke ra và thay một người mới tuyển ở ngoài vào. Một năm sau, có tin một người khác được bổ nhiệm làm phó chủ tịch, cao hơn ông. Bây giờ thì ông có đủ bằng chứng cần thiết là mọi người đang âm mưu chống lại ông. Ông bắt đàu theo dõi hành vi của mọi người chung quanh. Ban đêm ông giấu máy ghi âm trong phòng của những uỷ viên khác trong ban chấp hành. Cách đây 6 tháng, ông bị bắt quả tang, nhờ lớn tuổi và có chức vị ông ko bị sa thải. Để giúp ông và nhằm xoa dịu những áp lực đối với ông, vị Chủ tịch công ty bắt đầu giảm nhẹ công việc cho ông. Việc giúp đỡ này, hơn bao giờ hết. làm cho ông lại tin rằng mình sắp bị gạt ra khỏi ban quản trị. Họ sợ ông vì ông tài ba hơn họ. Nếu ông lên làm Chủ tịch, tất cả bọn họ sẽ bị đuổi việc vì là một lũ ngu. Càng ngày ông càng vấp phải những sai lầm. Khi người ta nhắc nhở đến những vi phạm của ông, ông phẫn uất chối bay. Có người đã cố ý sửa bản báo cáo của ông, sửa những con số thống kê để tìm cách hại ông. Chẳng bao lâu ông phát hiện được ko phải chỉ có người trong công ty theo dõi ông mà còn có những kẻ do thám ở bên ngoài. Ông bị theo dõi liên tục trên đường phố. Họ mắc rẽ đường giây điện thoại của ông, đọc trộm thư của ông. Ông sợ cả ăn vì có thể bị đầu độc. Ông bị giảm cân đến mức báo động. Vị Chủ tịch công ty lo lắng sắp xếp cho ông gặp bác sĩ Peter Hadley và nài nỉ Burke đi khám bệnh. Sau nửa giờ tiếp xúc với ông, bác sĩ Hadley gọi điện cho Judd. Sổ hẹn của Judd đã đầy ngập nhưng khi nghe Hadley nói đây là trường hợp vô cùng khẩn cấp, Judd miễn cưỡng nhận lời chữa bệnh cho ông ta. Giờ đây Burke nằm nghỉ trên tràng kỷ hai nắm tay ghì chặt hai bên hông. - Hãy nói cho tôi nghe những bằng của ông đi nào. - Tối qua chúng đột nhập vào nhà tôi định giết tôi, nhưng tôi thừa thông minh hơn chúng. Tôi ngủ trong phòng làm việc đã được thay những ổ khoá đặc biệt, nên chúng ko tài nào đến chỗ tôi được. - Ông báo cảnh sát chưa? - Judd hỏi. - Tất nhiên là ko đâu, cảnh sát cùng phe với hắn mà. Họ được lệnh bắn tôi nhưng ko dám vì sợ trúng oan những người chung quanh, thế nên tôi luôn ở giữa đám đông. - Tôi rất vui khi hay được tin này - Judd nói. - Vậy thì bác sĩ sẽ làm gì? - Burke nôn nóng hỏi. - Tôi đang nghe rất kỹ mọi điều ông nói - Judd nói đoạn chỉ vào máy thu băng. - Tôi đã cho băng vào rồi, vì vậy nếu họ giết ông chúng ta sẽ thu được âm mưu của họ. Burke tươi tỉnh hẳn lên. - Lạy Chúa! Hay quá! Băng cassette! Thật phù hợp với chúng. - Sao ông ko nằm lại nhỉ? - Judd gợi ý. Burke gật đầu và lết lên tràng kỷ nằm nhắm mắt lại. - Tôi mệt quá. Mấy tháng nay tôi ko hề chợp mắt vì ko dám nghỉ. Bác sĩ ko biết được cảm giác khi có người theo dõi mình đâu? - Tôi mà ko ấy à? - Ông nghĩ đến Mc Greavy. - Thằng bé giúp việc cho ông ko nghe thấy gì à? - Judd hỏi. - Tôi đã chẳng nói với bác sĩ rồi - Burke đáp - Tôi cho nó nghỉ việc cách đây 2 tuần rồi. Judd thoáng nhớ lại cuộc gặp gỡ với Burke mới chỉ cách đây có 3 ngày. Hôm ấy Burke diễn tả một trận ẩu đả giữa ông và thằng bé giúp việc. Vậy là nhận thức về thời gian của ông đã bị rối loạn. - Tôi ko tin là ông đã nói với tôi điều đó - Judd nói bình thường - Ông có dám chắc rằng cách đay hai tuần, ông cho thằng bé nghỉ việc ko? - Tôi nhớ ko lầm đâu - Burke búng búng ngón tay - Quỷ thần ơi, bác sĩ đừng quên nhé, tôi là phó Chủ tịch một liên đoàn lớn nhất thế giới mà ko sáng suốt à? - Tại sao ông đuổi thằng bé? - Nó định đầu độc tôi. - Bằng cách nào? - Nó tẩm đầy thuốc độc vào đĩa dăm bông trứng cho tôi ăn. - Ông có nếm thử ko? - Judd hỏi. - Tất nhiên là kô? - Burke khịt khịt mũi . - Thế sao ông biết nó tẩm thuốc độc. - Tôi ngửi được mùi thuốc độc. - Rồi ông nói sao với thằng bé? Một thoáng thỏa mãn trên mặt Burke. - Chẳng nói gì hết, tôi nện ngay cho hắn một trận lên thân. Judd thấy dâng lên một nỗi thất vọng.Bỏ bao công sức thời gian với Burke, ông vững tin chữa trị được cho Burke, nào ngờ! Đối với một bác sĩ tâm lý, luôn luôn bị đe doạ bởi nghề nghiệp rằng khi khai thông một dòng liên tưởng, lớp vỏ mong manh của xung động bản năng có thể mở rộng để thoát ra ngoài tất cả niềm say mê, xúc cảm ban đầu đã bị dồn đống hỗn độn giồng như một bầy thú hoang sợ hãi trong đêm tối. Bước đầu của việc chữa trị là cho phát biểu tự do, nhưng riêng trường hợp của Burke, nó lại phản tác dụng. Những buổi gặp gỡ thế này đã phóng thích hết bao thù nghịch ngấm ngầm chất chứa trong đầu ông ta. Dường như Burke khá hơn sau mỗi buổi gặp bác sĩ, đã đồng ý với Judd rằng chẳng có một âm mưu nào cả, rằng chẳng qua là do đuối sức vì làm việc quá nhiều. Judd tưởng rằng ông đã đưa Burke đến một điểm để từ đó cùng phân tích sâu xa và bắt đầu tấn công vào gốc rễ vấn đề. Hóa ra Burke luôn mưu mô nói dối, thử thách, gài bẫy bác sĩ để tìm xem ông có phải là người của bọn chúng hay ko. Harrison Burke là một quả bom nổ chậm có thể nổ bất cứ lúc nào. Ông ta chẳng còn ai là họ hàng thân thích. Judd có nên báo cáo cho Chủ tịch công ty biết những suy nghĩ cuamỉnh về Burke ko? Nếu làm như vậy có nghĩa là ông đã hủy diệt tương lai của Burke, ông ta sẽ bị mất việc và bị ném vào viện tâm thần. Liệu ông có chẩn đoán đúng bệnh của Burke là chứng bệnh tưởng hay ko? Ông muốn tìm một ý khác trước khi gọi cho Chủ tịch công ty nhưng Burke chẳng bao giờ bằng lòng. Judd hiểu rằng phải tự quyết định một mình. - Harrison này, tôi muốn ông hãy hứa với tôi một điều - Judd nói. - Hứa gì? - Burke ranh mãnh hỏi. - Nếu họ đang cố đánh lừa ông, họ cố đánh lừa ông, họ muốn ông làm điều hung bạo để rồi họ có lý do tóm cổ ông. nhưng ông lại thừa thông minh để đoán ra điều đó. Tôi muốn ông hãy hứa với tôi rằng, dù họ khiêu khích ông đến thế nào đi nữa, ông cũng ko làm gì họ. Chỉ có cách đó họ mới ko làm gì ông được. Burke sáng mắt lên và nói: - Lạy Chúa, bác sĩ nói đúng đấy, kế hoạch của họ là như thế, ồ, chúng ta quá sức thông minh phài ko nào ? Judd nghe tiếng mở cửa và đóng cửa từ phía ngoài phòng khách. Ông nhìn đồng hồ. Một bệnh nhân khác nữa đến. Judd lặng lẽ tắt máy ghi âm. - Tôi nghĩ hôm nay như vậy đủ rồi. - Bác sĩ đã thu hết tất cả vào băng rồi chứ? - Burke nôn nòng hỏi. - Từng chữ một đấy - Judd nói - sẽ ko có ai làm hại ông nữa đâu. - Ông ngần ngại, tiếp - theo tôi ông ko nên đi làm hôm nay. sao ông ko về nhà nghỉ ngơi một lát? - Ồ ko được đâu - Burke thì thầm với vẻ thất vọng - Nếu tôi ko đi làm, họ sẽ gạch tên tôi và thay tên người khác vào thì sao? - Ông ta nghiêng người về phía Judd. - Bác sĩ hãy cẩn thận. Nếu để họ biết ông là bạn tôi, họ sẽ giết cả ông nữa đấy. Burke đi về phía cửa ra hành lang. Ông ta mở hé cửa, thò đầu ra nhìn khắp lượt hành lang rồi mới len lén nhẹ nhàng ra ngoài. Judd nhìn theo, xót xa nghĩ thoáng qua làm Judd rùng mình. Phải chăng Harrison Burke đã từng là một kẻ sát nhân? Có thể chăng ông ta đã dính líu đến cái chết của Hanson và Carol? Cả hai Hanson và Burke đều là bệnh nhân của ông, họ có thể gặp nhau dễ dàng. Trong thời gian qua, có nhiều lần giờ hẹn khám bệnh của Burke kế tiếp sau của Hanson, và Burke cũng đã hơn một lần đến trễ, có thể ông ta đã đuổi theo Hanson ở hành lang, trông thấy Hanson nhiều lần đã khiến ông tưởng tượng ra rằng Hanson luôn theo dõi và hăm doạ ông. Còn với Carol, mỗi lần đến văn phòng ông ta đều nghĩ nàng cũng là một mối đe doạ nên phải ra tay giết nàng chăng? Vợ và 3 con ông ta đã chết vì hoả hoạn. Tai nạn ư? Bằng mọi cách bác sĩ phải tìm cho ra lẽ. Ông đi qua cửa thông với phòng khách mở ra. - Xin mới vào - Ông nói. Anne Blake mừng rỡ đứng lên, tiến về phía bác sĩ nụ cười ấm áp làm nét mặt nàng sáng lên. Cũng vẫn một cảm giác bối rối y như lần đầu ông đã gặp nàng. Sau Elizabeth, đây là lần tiên ông cảm thấy xúc động mãnh liệt. Hai người ko giống nhau chút nào. Elizabeth tóc vàng, nhỏ nhắn, mắt xanh còn Anne Blake tóc đen, đôi mắt tím thờ ơ dưới hàng mi dài cong vút. Nàng cao, một thân hình tuyệt mỹ với những đường cong đầy đặn. Người nàng toát ra một vẻ thông minh sống động. Nếu ko nhờ ánh mắt nồng nàn ấm áp thì nét đẹp quý tộc cổ điển kia sẽ khiến nàng xa cách đến nhường nào! Giọng nàng thấp và nhẹ, khàn khàn yếu ớt. Anne khoảng hăm lăm. Nàng chắc chắn là người đẹp nhất mà Judd đã từng gặp. Nhưng ngoài sắc đẹp đó còn có một cái gì đó thu hút ông. Hầu như có một sức mạnh mãnh liệt cuốn hút ông về phía nàng, một phản ứng ko thể giải thích được làm ông có cảm giác như những cảm xúc đã chết từ lâu ấy nay chợt sống dậy, ông sững sờ vì sự mãnh liệt này. Nàng hiện ra trong văn phòng của Judd cách đây 3 tuần, chẳng hẹn mà đến. Carol đã cố gắng giải thích bác sĩ ko thể nhận thêm một bệnh nhân mới nào nữa vì lịch hẹn đã đầy kín, nhưng Anne lặng lẽ xin được ngồi chờ và nàng đã ngồi hai tiếng ở phòng ngoài. Cuối cùng Carol thương hại đã đưa nàng vào gặp Judd. Ngay từ phút đầu tiên, bác sĩ cảm thấy bị quyến rũ mãnh liệt đến nỗi ông chẳng nghe thấy nàng nói gì nữa. Ông còn nhớ, sau khi mời nàng ngồi nàng cho ông biết tên nàng là Anne Blake, nội trợ. Judd đã hỏi xem nàng gặp ông có vấn đề gì, nàng do dự trả lời là nàng cũng chưa chắc là có bệnh hay ko! Một bác sĩ - bạn nàng - đã giới thiệu Judd là một trong những bác sĩ tâm lý giỏi nhất nước. Khi Judd hỏi đến tên người bác sĩ bạn nàng, Anne lại lưỡng lự ko nói. Judd đoán có lẽ nàng ko có tên của vị này trong danh bạ điện thoại. Ông cố giải thích với nàng là theo lịch làm việc, ông ko thể nhận bệnh nhân mới, nàng cũng như bất kỳ một ai. Ông giới thiệu với nàng 5, 6 bác sĩ tâm lý khá giỏi khác nhưng nàng vẫn giữ im lặng và khăng khăng đợi Judd. Cuối cùng Judd đành nhận lời. Trông nàng rất bình thường ngoại trừ là cần chữa một vấn đề căng thẳng nào đó. Bác sĩ chắn chắn vấn đề của nàng cũng chỉ đơn giản thôi và dễ chữa. Đối với nàng, ông đã phá lệ nhận bệnh nhân mà ko co giấy giới thiệu của bác sĩ khác. Ông đã bỏ bữa ăn trưa để dành thì giờ chữa bệnh cho Anne.Trong ba tuần qua, nàng đến bác sĩ mỗi tuần hai lần và Judd cũng chẳng biết thêm gì hơn so với làn đầu nàng đến, trong khi đó ông tự biết rõ ông hơn, ông đã yêu - lần đầu tiên sau Elizabeth. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Judd hỏi xem nàng có yêu chồng ko và ông đã tự nguyền rủa mình vì muốn nghe nàng trả lời là ko! Nhưng nàng đã nói: - Vâng có. Anh ấy rất tốt và khoẻ mạnh. - Cô có nghĩ rằng anh ấy xứng đáng là một người cha ko? - Judd hỏi. Đôi mắt tím đẹp lạ lùng nhìn Judd. - Không, tôi chưa tìm hình ảnh một người cha ở anh ấy. Tôi hưởng một cuộc sống hạnh phúc như một đứa bé vậy. - Cô sinh ở đâu? - Ở Revere, một tỉnh nhỏ gần Boston. - Bố mẹ cô còn đủ cả chứ? - Tôi còn bố. Mẹ tôi bị bệnh đã mất từ năm tôi 12 tuổi. - Bố mẹ cô có hoà thuận với nhau ko? - Vâng có, hai ông bà rất yêu nhau. " Điều đó biểu hiện trong em đấy" - Judd sung sướng nghĩ.Trong tất cả các trường hợp bệnh hoạn, loạn trí đau khổ ông đã từng gặp, Anne ở đây giống như một hơi thở mùa xuân tươi mát. - Cô có anh chị em chứ? - Không, tôi là con một, là một đứa bé nuông chiều lên hư hỏng. Nàng ngước nhìn, mỉm cười với bác sĩ, một nụ cười thân thiện, cưởi mở ko chút xảo trá hay bệnh tật. Nàng nói cho ông nghe nàng đã sống ở nước ngoài với bố lúc ông phục vụ trong bộ ngoại giao cho đến khi bố nàng lấy vợ khác và chuyển về California, nàng xin đi làm phiên dịch ở văn phòng Liên Hiệp Quốc, nàng thông thạo tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Nàng đã gặp gỡ người chồng tương lai ở Bahamas trong một kỳ nghỉ hè, anh ta quản lý một công ty xây dựng. Lúc đầu Anne chẳng lưu tâm đến, nhưng anh ta cứ lì lợm theo đuổi nàng cho bằng được. Sau hai tháng gặp gỡ, Anne bằng lòng lấy anh ta, đến nay đã được 6 tháng. Hai người sống với nhau ở New Jersey với một tài sản kếch sù. Tất cả đó là những khám phá của Judd về cô gái qua 6 lần gặp gỡ. Ông vẫn chưa tìm được mấu chốt nhỏ nào của vấn đề. Nàng xúc động ngăn chặn lại mỗi khi bàn đến nó.Ông nhớ đến một số vấn đề ông đã hỏi nàng trong buổi đầu tiên. - Vấn đề của cô có dính líu gì đến chồng cô ko? - Có - nàng hơi lúng túng. - Cô có nghi ngờ anh ấy ngoại tình ko? - Không - nàng có vẻ khuây khỏa. - Cô có yêu ai khác ko? - Không - tỏ vẻ giận dữ. Ông ngập ngừng, cố tìm ra một phương thức tốt nhất để phá vỡ bức tường chắn khá kiên cố. Ông quyết định dùng kỹ thuật đánh nhanh, ông sẽ tấn công vào mọt phạm trù chính yếu cho đến khi thần kinh của nàng bị kích động. - Cô có cãi nhau với anh ấy về tiền bạc ko? - Không. Anh ấy rất hào phóng. - Hai bên gia đình có vấn đề gì ko? - Anh ấy mồ côi bố mẹ còn bố tôi đang ở California. - Cô và anh ấy có bao giờ nghiện ma tuý chưa? - Chưa. - Cô có nghi chồng cô bị đồng tính luyến ái ko? Một giọng cười nhỏ ấm áp. - Không ạ. Ông tấn công tiếp vì bắt buộc phải vậy. - Cô có bao giờ quan hệ tình dục với một phụ nữ chưa? - Không ạ - giọng nàng có vẻ trách móc. Bác sĩ tiếp tục hỏi nàng về nghiện rượu, về tính lãnh cảm, về việc nàng sợ có thai... tất cả mọi vấn đề ông nghĩ ra. Mỗi lần như vậy, nàng nhìn ông bằng một đôi mắt thông minh và đăm chiêu tư tự rồi chỉ lắc đầu. Hễ khi ông cố tình gài nàng vào vấn đề, nàng lại né tránh ngay với câu: - Xin bác sĩ hãy kiên nhẫn để cho tôi tự giải quyết theo cách riêng của tôi. Nếu với ai khác, có lẽ ông đã bỏ cuộc. Nhưng với nàng, ông phải giúp đỡ nàng, vẫn phải tiếp tục gặp nàng. Bác sĩ để nàng nói về bất kỳ đề tài nào nàng thích. Nàng đã đi du lịch với bố hơn mười nước và đã gặp những con người hết sức thú vị. Nàng rất nhạy bén và hài hước. Bác sĩ nhận thấy hai người thích cùng một loại sách, cùng một loại nhạc, cùng những tác giả soạn kịch. Nồng hậu và thân thiện nhưng Judd ko thể nào phát hiện một dấu hiệu nhỏ nhặt nào dù là mong manh, rằng nàng đối xử và vẫn xem ông là một bác sĩ ko hơn ko kém. Thật là mỉa mai chua chát. Trong tiềm thức bao lâu nay, ông đã để tâm đi tìm kiếm một người như Anne, giờ đây nàng đi vào đời ông, ông lại có nhiệm vụ phải giúp nàng giải quyết một vấn đề bất kỳ nào đó rồi gửi trả nàng về với chồng nàng. Anne bước vào văn phòng. Judd kéo ghế đến gần tràng kỷ và đợi nàng nằm xuống. - Hôm nay ko phải tôi đi khám bệnh.- Nàng nói một cách bí mật - tôi chỉ đến xem giúp gì được cho bác sĩ ko. Ông nhìn nàng trân trối, lặng đi một lúc. Hai ngày qua, thần kinh ông bị căng thẳng đến tột độ, sự thông cảm bất ngờ của nàng đã xoa dịu thần kinh ông. Khi ông nhìn nàng, như có sự thôi thúc ông kể cho nàng nghe hết những chuyện đã xảy ra, về cơn ác mộng đã dìm ông xuống vực thẳm, về Mc Greavy và những nghi ngờ xuẩn ngốc của hắn. Nhưng ông biết ông ko thể làm vậy được, ông là bác sĩ còn nàng là bệnh nhân, tệ hơn nữa ông yêu nàng mà nàng đã là vợ của một người mà ông chưa hề biết đến. Nàng đứng nhìn ông. Bác sĩ gật đầu chẳng tin vào lời nói của mình. - Tôi thích Carol lắm - Anne nói - Tại sao người ta lại giết cô ấy? - Tôi chẳng biết nữa - Judd nói. - Cảnh sát cũng ko biết thủ phạm ư? "Biết ko nhỉ?" Judd chua chát nghĩ thầm - "nếu như nàng biết được ..." Anne tò mò nhìn ông. - Cảnh sát có một số giả thiết - Judd nói. - Tôi biết bác sĩ phải chịu đựng khủng khiếp như thế nào. Tôi muốn đến để chia buồn với ông vì tôi cũng ko chắc là ông làm việc ngày hôm nay. - Tôi định cũng chẳng làm việc - Judd nói - nhưng lại có mặt ở đây. Bây giờ cả hai chúng ta ở đây, sao mình ko nói về chuyện của cô một chút nhỉ? Anne ngập ngừng. - Tôi chắc chắn rằng ko còn điều gì để nói nữa. Judd nghe tim mình đập thình thịch. "Lạy Chúa, xin đừng để nàng nói rằng con sẽ ko được gặp nàng nữa". - Tôi sắp đi châu u với chồng tôi vào tuần tới. - Thật tuyệt quá - Ông cố gượng một câu. - Tôi ngại rằng tôi đã làm bác sĩ mất nhiều thời giờ, tôi xin lỗi bác sĩ. - Ồ ko đâu - Judd nói. Ông thấy giọng mình lạc đi. Nàng sẽ bỏ ông mà đi, tất nhiên nàng ko biết điều đó. Ông thật ấu trĩ về nghề nghiệp, ông tự nhủ như vậy trong khi lòng ông lại quặn thắt vì nàng sắp ra đi mãi mãi. Anne mở ví, lấy ra một ít tiền. Nàng có thói quen trả tiền mặt sau mỗi lần khám bệnh, ko giống những bệnh nhân khác thường trả ông bằng séc. - Không - Judd nói nhanh - Cô đến đây như một người bạn, tôi rất vui. Judd đã làm một điều tử trước tới giờ ông chưa từng làm với bệnh nhân nào. Ông nói với nàng: - Tôi muốn cô trở lại một lần nữa. Nàng lặng lẽ nhìn ông. - Tại sao vậy bác sĩ? " Vì tôi ko thể để em ra đi sớm như vậy"- Ông nghĩ - " Vì tôi sẽ ko bao giờ gặp lại ai được như em nữa, vì tôi ước gì được gặp em trước đây, vì tôi yêu em, em biết ko?" Ông nói to: - Tôi nghĩ là chúng ta nên gút lại vấn đề, kiểm tra lại cho chắc rằng cô thực sự đã khỏi bệnh. Nàng cười tinh nghịch. - Ý bác sĩ là muốn tôi trở lại vì đã "ghiền" chữa bệnh ở đây sao? - Đại loại như thế - Ông nói - cô sẵn sàng chứ? - Tất nhiên nếu bác sĩ muốn - cô đứng lên - tôi chưa có cơ hội nào để qua đó bác sĩ thi thố tài năng nhưng tôi biết ông là một bác sĩ tuyệt vời. Nếu khi nào tôi cần tôi sẽ đến bác sĩ. Nàng đưa tay ra, ông nắm lấy một bàn tay vững vàng, ấm áp. Ông cảm thấy một luồng điện chạy qua người và lấy làm lạ vì nàng như chẳng cảm thấy điều gì cả. - Tôi sẽ đến vào thứ 6 - nàng nói. - Vâng thứ 6. Ông nhìn cô đi ra cửa riêng đến hành lang rồi gieo mình xuống ghế. Trong đời, ông chưa bao giờ cảm thấy hoàn toàn cô độc đến thế. Nhưng ông ko thể ngồi đây mà chẳng làm gì cả. Phải có một giải đáp, nếu như Mc Greavy ko chịu đi tìm, ông phải khám phá ra nó trước khi Mc Greavy nghi ngờ ông hai vụ giết người cung một lúc mà ông ko thể chứng minh rằng mình vô can. Người ta có thể bắt ông bất cứ lúc nào, điều đó có nghĩa là cuộc đời, sự nghiệp của ông bị huỷ hoại. Ông yêu một cô gái đã có chồng và chỉ được gặp nàng một lần nữa thôi. Ông tự buộc mình phải nghĩ đến điều tươi sáng, ông không thể quanh quẩn mãi toàn truyện máu me chết chóc ấy. Chương 05 Giờ nghỉ trong ngày trôi qua ngột ngạt. Một số ít bệnh nhân có quan tâm đến cái chết của Carol còn hầu hết những kẻ quấy rầy khác thì bàng quan đến nỗi họ chỉ nghĩ đến chính bản thân họ và những vấn đề liên quan mà thôi. Judd cố gắng tập trung tư tưởng nhưng bao ý nghĩ của ông cứ trôi dạt đến tận đâu đâu, cố tìm ra giải đáp cho những xự việc đã xảy ra. Ông bước đến tủ đựng băng để lượm lặt những gì ông đã bỏ sót. Bảy giờ tối, sau khi vừa tiễn bệnh nhân cuối cùng ra, Judd đến tủ đựng rược rót một ly rượu mạnh. Bỗng thấy ruột cồn cào, ông mới sực nhớ đến từ sáng đến giờ ông chưa có gì vào bụng. Nghĩ đến thức ăn, ông thấy mình muốn bệnh. Gieo mình xuống ghế, bác sĩ lại nghĩ đến hai cái chết. Không có một lịch sử bệnh án nào để bệnh nhân bị nghi ngờ là thủ phạm. Nếu là kẻ tống tiền thì chúng chỉ bắt cóc họ làm con tin, nhưng những kẻ này thường nhát gan, thường đánh vào điểm yếu của người khác. Nếu Carol bắt gặp kẻ đột nhập vào nhà thì hắn sẽ giết nàng và hành động thật gấp rút và chớp nhoáng - một cú đánh chẳng hạn - chứ ko tra tấn nàng. Cũng cần có một vài giả thiết khác nữa. Judd ngồi đó thật lâu, tâm trí ông đang từ từ sàng lọc những biến cố trong hai ngày. Cuối cùng ông thở dài vào ko suy tưởng nữa. Nhìn đồng hồ, ông giật mình vì đã quá khuya! Lúc bác sĩ rời văn phòng đã hơn 9 giờ đêm. Khi bước qua khỏi hành lang để ra đường, một luồng gió lạnh cắt thổi táp vào mặt ông. Tuyết lại bắt đầu rơi. Những bông tuyết xoáy tròn trên ko rồi nhẹ nhàng rơi xuống phủ mọi vật khiến thành phố trông giồng như một bức hoạ chưa khô, còn những cây cọ cứ đong đưa rủ xuống những toà nhà chọc trời và đường phố những mảng xam xám và trăng trắng. Một dấu hiệu trắng - đỏ to ở cửa sổ cửa hàng phía bên kia đường Lexington báo hiệu lễ giáng sinh. Ông quyết xua tan mọi ý nghĩ và bắt đầu thả bộ. Đường phố vắng ngắt ngoại trừ một lữ hành xa xa đang hối hả về nhà với vợ hoặc người yêu. Judd tự nhủ ko biết Anne đang làm gì. Có lẽ nàng đang ở nhà với chồng bàn chuyện anh ta ở cơ quan, thích thú quan tâm săn sóc nhau. Hay là họ đã đi ngủ và ...Thôi đi! - Ông tự bảo mình, ngưng lại. Không một chiếc xe trên con đường lọng gió, vì vậy trước khi đến ngã tư, Judd băng ngang qua mũi đường tam giác hướng về ga- ra nơi Judd vẫn đậu xe suốt ngày ở đó. Khi đến giữa đường, ông nghe thấy tiếng động sau lưng và quay lại. Một chiếc xe tang lớn, ko đèn đang chạy về phía ông, bánh xe cố quét trên đường kéo theo lớp bụi tuyết nhẹ, nó còn cách ông độ vài chục thước. Một tên say ngu xuẩn, Judd nghĩ, hắn đang tuột phanh và sẽ tự sát mất. Judd quay người lại và nhẩy lên lề đường an toàn. Mũi xe bỗng quay hướng về phía Judd, chiếc xe tăng vọt tốc độ. Judd nhận ra chiếc xe tang đang cố tình tông voà ông thì đã quá muộn. Điều cuối cùng ông còn nhớ là có một cái gì cứng ngắc đập mạnh vào ngực ông và một tiếng đổ sầm nghe như tiếng sấm. Con đưòng tăm tối bỗng nhiên loé sáng lên nhờ ánh nến, dường như có kẻ khám xét đầu ông. Trong tích tắc bị nến soi đó, Judd chợt hiểu ra mọi việc. Ông đã biết tại sao John Hanson và Carol Roberts bị giết. Cảm thấy phấn khởi, hãnh diện, Judd định bụng phải nói cho Mc Greavy biết. Rồi ánh sáng lụi tắt, chỉ còn lại bóng đêm ẩm ướt tĩnh mịch. Nhìn bên ngoài, trụ sở cảnh sát số 19 trông giống như những ngôi trường bốn tầng, cổ kính và phong trần, gạch nâu, mặt tiền quét vôi, mái trắng xoá vì chồng chất những lớp phân chim từ đời này qua đời khác. Cảnh sát số 19 chịu trách nhiêmcụng Manhattan, từ đường 59 đến đường 86, từ đại lộ 5 đến sông Đông. Một cú điện thoại từ bệnh viện gọi đến tổng đài cánh sát lúc quá 10 giờ đêm, báo một tai nạn giao thông mà hung thủ đã chạy mất. Thám tử Bureau nhận tin này ban đêm, trụ sở cảnh sát rất bận rộn, vì thời tiết này, nạn hiếp dâm và cướp bóc gia tăng dữ dội. Những đường phố vắng vẻ trở thành vùng đất hoang giá lạnh nơi hoành hành của những tên cướp, miếng mồi của chúng là những ai rủi ro đi lang thang trơ trọi vào lãnh địa của chúng. Hầu hết các thám tử đều bỏ ngoài tai lời thông báo của thám tử Bureau ngoại trừ Angeli và một hạ sĩ cảnh sát, người xét hỏi một vụ tình nghi cố ý gây hoả hoạn. Chuông điện thoại reo vang, Angeli nhấc máy. Đó là cô y tá ở bệnh viện thành phố trông coi bệnh nhân bị tai nạn hôm qua. Bệnh nhân xin được gặp trung uý Mc Greavy. Mc Greavy đã đi đến phòng lưu trữ hồ sơ. Khi cô y tá cho Angeli biết tên bệnh nhân anh bảo rằng sẽ đến ngay. Angeli vừa gác máy thì Mc Greavy bước vào, Angeli nói nhanh với anh về cú điện vừa rồi. - Tốt hơn hết, chúng ta đến bệnh viện ngay - Angeli nói. - Ông ta ở đấy mà. Trước tiên để tôi hỏi đại uý xem tai nạn xảy ra ở đâu? Angieli nhìn Mc Greavy quay số điện thoại, tự hỏi ko biết đại uý Bertelli có nói lại với Mc Greavy câu chuyện giữa ông và mình ko - một mẩu điện thoại xoay quanh vấn đề. - Trung uý Mc Greavy là một tay cừ khôi đấy - Angieli nói - nhưng tôi nghĩ anh ấy vẫn còn bị tác động bởi những chuyện xảy ra cách đây 5 năm. Đại uý Beltelli nhìn anh một lúc lâu, ánh mắt lạnh lùng. - Anh muốn phê phán anh ấy mưu hại bác sĩ Stevens để trả thù cho bạn chứ gì? - Thưa đại uý, tôi ko hề có ý phê phán anh ấy điều gì cả. Tôi chỉ nghĩ là đại uý cũng nên nhận thức rõ tình huống đó. - Thôi được, tôi ghi nhận điều này. Và buổi họp chấm dứt. Cuộc điện đàm của Mc Greavy mất 3 phút trong khi Mc Greavy vừa ghi chép vừa càu nhàu thì Angieli nóng ruột cứ đi qua, đi lại. Mười phút sau, 2 thám tử nhà ta đã trên chiếc xe tuần tra đến bệnh viện. Phòng của Judd nằm ở tầng 6, cuối dãy hành lang dài ảm đạm, mùi bệnh tật xông lên khắp bệnh viện. Cô y tá gọi điện thoại lúc nãy đang đón dẫn hai người vào phòng Judd. - Ông ta thế nào rồi cô? - Mc Greavy hỏi cô y tá. - Bác sĩ sẽ nói cho các ông sau - Cô ta trả lời vắn tắt, rồi lại miễn cưỡng tiếp - thật là kỳ diệu, ông ta thoát chết nhưng bị chấn thương, xương sườn thâm tím, và bị đau cánh tay trái. - Ông ta có tỉnh ko cô? - Angeli hỏi. - Vâng có, chúng tôi phải vất vả lắm mới giữ được ông ấy trên giường - Cô quay sang nói với Mc Greavy - ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại là phải gặp ông cho kỳ được. Họ bước vào phòng, trong phòng tất cả 6 giường đều có người nằm. Cô y tá chỉ vào cái giường ở góc cuối phòng có màng ngăn, Mc Greavy và Angeli bước tới dứng phía sau bức màn. Judd chống người ngồi dậy trên giường mặt tái nhợt, một miếng thuốc dán to tướng trên trán, tay trái bị đeo băng quàng lên cổ. Mc Greavy nói: - Tôi nghe nói ông bị tai nạn. - Không phải tai nạn - Judd nói - mà có kẻ cố tình giết tôi. Giọng ông yếu và run run. - Ai vậy? - Angeli hỏi. - Tôi ko biết, nhưng tất cả đều khớp nhau - ông quay sang Mc Greavy - Ko phải tên sát nhân tìm giết Hanson hay Carol đâu, mà chính tôi đấy. Mc Greavy nhìn bác sĩ ngạc nhiên. - Điều gì đã làm ông nghĩ vậy. - Hanson bị giết vì anh ta mặc áo mưa màu vàng của tôi. Hẳn là chúng ta trông thấy tôi mặc áo mưa đó đi vào văn phòng, khi Hanson trở ra mặc áo đó, chúng lầm tưởng anh ta là tôi. - Có thể lắm - Angeli nói. - Chắc thế rồi - Mc Greavy nói, và quay sang Judd. - Khi chúng đã biết là giết lầm người, chúng mới đột nhập vào văn phòng ông, xé quần áo ông ra và phát hiện ông đúng là một cô gái da màu, chúng nổi điên lên đập ông chết chứ gì? - Carol bị giết vì chúng thấy cô có mặt ở đó lúc chúng đến tìm tôi. - Juđ nói. Mc Greavy lấy cuốn sổ từ túi áo khoác và ghi chép những điều cần thiết. - Tôi vừa nói chuyện với đại uý khu vực nơi xảy ra tai nạn. - Không phải là tai nạn đâu! - Theo báo cáo của cảnh sát thì ông đi ẩu, vi phạm luật giao thông. Judd trố mắt ra nhìn anh ta. - Đi ẩu à? - Ông lâplại một cách yếu ớt. - Ông bănh qua giữa đường mà bác sĩ? - Lúc ấy ko có một chiếc xe nên tôi... - Có một chiếc xe - Mc Greavy sửa lại chỉ ví ông ko thấy thôi. Trời đang mưa tuyết nên khó mà nhìn thấy rõ được. Bỗng ông từ đâu bước ra, tài xế đạp phanh, trượt phanh tông phải ông. Anh ta sợ quá nên bỏ chạy. - Không phải chuyện xảy ra như vậy đâu. Hắn ko bật đèn pha xe. - Vậy là ông cho rằng đấy là bằng chứng hắn đã giết Carol và Hanson à? - Có kẻ cố tình giết tôi - Judd khăng khăng lập lại. Mc Greavy lắc đầu: - Sẽ ko làm việc được đâu bác sĩ ơi! - Còn vướng điều gì mà anh ko làm việc được? - Judd hỏi. - Ông thật sự trông mong tôi bắt đầu gỡ rối từ một kẻ giết người tưởng tượng trong khi ông đang cố ém nhẹm mọi việc ư? - giọng Mc Greavy tự nhiên đanh lại - Ông có biết là cô nhân viên của ông đang có thai ko? Judd nhắm mắt buông đầu xuống gối. Vậy ra là điều Carol muốn nói với ông sao? Ông đã đoán đúng một nửa, giờ đây Mc Greavy sẽ nghĩ là ...ông mở choàng mắt ra, giọng mệt lử. - Không, tôi ko làm thế đâu! Đầu Judd lại nhức như búa bổ. Cơn đau chợt trở lại. Ông nuốt nước bọt để xua đi cảm giác buồn nôn ập đến. Ông định bấm chuông gọi y tá nhưng thật đáng nguyền rủa nếu ông làm cho Mc Greavy toại nguyện. - Tôi đã lục lại hồ sơ ở phong lưu trữ thành phố - Mc Greavy nói - Ông định nói sao với tôi nếu tôi bảo rằng cô nhân nhỏ nhắn đáng yêu đang mang thai ấy đã làm nghề móc túi trước khi đến làm việc cho ông. Judd nhức đầu dữ dội hơn. - Ông có biết điều đó ko bác sĩ Stevens. Thôi ong khỏi trả lời, tôi trả lời thay cho ông. Ông biết vì ông đã xin bảo lãnh cho cô ấy trong một phiên xử đêm cách đây 5 năm, lúc cô ta bị bắt vì đang chài khách. Đúng ko nào? Bây giờ thì điều đó chẳng còn xa lạ gì đối với một bác sĩ khả kính đã che giáu một con móc túi làm nhân viên trong văn phòng của giới thượng lưu. - Chẳng có ai sinh ra làm móc túi cả - Judd nói - tôi chỉ cố giúp cô bé mười sáu tuổi có cơ hội đổi đời thôi. - Và để có một cái đuôi bé nhỏ tự do bên cạnh chứ gì? - Đầu óc anh thật là bẩn thỉu! Mc Greavy cười gằn. - Sau đêm xử án ấy, ông đã đưa nàng ta đi đâu? - Về nhà tôi. - Và nàng ngủ ở đấy? - Vâng. Mc Greavy ngoác miệng cười đến mang tai. - Đẹp mặt ông thật đấy! Ông đưa một con bé xinh xắn tử toà án về nhà cho ngủ qua đêm. Lúc ấy ông cần gì? Nếu thật tình ông ko có gì với nàng ta, thì đó là cơ hội tốt chứng minh ông là một tên đồng tính luyến ái. Thử đoán xem nếu ông bị đồng tính luyến ái thì ai dính líu với ông về chuyện ấy? Phải rồi, John Hanson. Còn nếu ông ngủ với Carol thì ông còn vô số cơ hội tốt đẹp khác để ông tiếp tục cho đến khi nàng có thai. Vậy mà giờ đây ông nằm trơ tráo ra đấy bịa đặt ra một câu chuyện về một kẻ điên nào đó đang dạo quanh tìm giết người ta ư? Mc Greavy quay ngoắt ra khỏi phòng mặt bừng bừng nổi giận. Judd đau đầu đến cực độ. Angeli ái ngại nhìn ông. - Bác sĩ ko sao chứ? - Anh hãy cố giúp tôi - Judd nói - có kẻ muốn giết tôi - giọng ông thảm thiết như một bài điếu ca. - Ai mà có một động lực để giết ông vậy bác sĩ? - Tôi ko biết. - Ông có kẻ thù nào ko? - Không. - Ông có bao giờ ngủ với vợ hoặc người yêu của kẻ khác ko? Judd lắc đầu và lập tức hối hận vì đã cử động. - Ông có thừa hưởng tài sản của gia đình, họ hàng mà có người muốn chiếm đoạt ko? - Không. Angeli thở dài: - Thôi được rồi. Vậy là ko có một động lực nào thúc đẩy một ai đó muốn giết ông. Còn các bệnh nhân của ông thì sao? Tôi nghĩ tốt hơn là ông nên đưa cho chúng tôi danh sách bệnh nhân của ông để chúng tôi kiểm soát lại. - Tôi ko thể làm điều đó được. - Tôi chỉ cần xem tên họ thôi mà. - Tôi rất tiếc là ko được - Judd cố gắng lắm mới nói được - nếu tôi là nha sĩ hoặc bác sĩ chữa bệnh về chân tôi sẽ đưa danh sách cho anh ngay. Anh ko thấy sao? Những bệnh nhân này đều có vấn đề, hầu hết là vấn đề nghiêm trọng. Nếu các anh bắt đầu tra hỏi họ thì ko những họ bị rối loạn mà vô tình các anh huỷ diệt niềm tin của họ nơi tôi. Tôi chẳng thể nào chữa trị cho họ được nữa. Vì vậy tôi không thể đưa cho các anh được. Ông ngã người xuống gối trở lại, trông mệt lả. Angeli lặng lẽ nhìn ông rồi hỏi: - Một người lúc nào cũng nghĩ mình sắp bị giết thì bác sĩ gọi là gì? - Người bệnh hoang tưởng - Judd nói - Ông chạm phải ánh mắt của Angeli - Anh ko nghĩ là tôi bị...? - Ông hãy tự đặt mình vào vị trí của tôi xem - Angeli nói - Nếu tôi nằm trên giường nói chuyện như ông, còn ông là bác sĩ ông sẽ nghĩ như thế nào? Judd nhắm mắt lại để chống lại những cơn đau nhói trong đầu. Ông nghe giọng Angeli nói tiếp. - Mc Greavy đang chờ tôi. Judd mở choàng mắt. - Khoan đã... Hãy cho tôi một cơ hội chứng minh là tôi nói thật. - Bằng cách nào? - Nếu ai đó đang cố tình tìm cách giết tôi thì cứ để họp tiếp tục. Tôi cần có một người nữa ở cạnh tôi. Lần sau nếu họ thực hiên lại ý đồ thì người ấy sẽ bắt chúng. Angeli nhìn Judd. - Bác sĩ Stevens, nếu có người thực sự muốn giết ông thì tất cả cảnh sát trên thế giới này cũng chẳng thể nào ngăn chặn họ được đâu. Chúng sẽ giết ông ko hôm nay thì ngày mai, kô nơi này thì nơi khác bất kể ông là ma, tổng thống hay phó thường dân. Mạng sống của ông chỉ như mành chỉ treo chuông, chỉ câng một giây thôi là hết. - Chẳng còn gì ư ? Các anh có thể cố gắng một chút nào chăng? - Tôi xin khuyên bác sĩ một vài điều như thế này, nên thay những ổ khoá mới ở cửa nhà ông, rà soát lại cửa sổ để gài chốt an toàn, đừng cho bất kỳ ai lạ mặt vào nhà, đừng để cho bất cứ người giao hàng nào vào nhà ngoại trừ dochính ông dặn. Judd gật đầu, thấy cổ họng khô và đau đớn. - Chung cư nơi ông ở có một người gác cửa và một người trông coi thang máy - Angeli tiếp tục - Liệu ông tin được họ hay ko? - Người gác việc đã làm việc hơn mười năm nay, còn người trông thang máy cũng 8 năm. Tôi rất mực tin họ. Angeli gật đầu tin tưởng. - Tốt quá. Ông nhắc nhở họ cố để ý. Nếu họ cảnh giác thì khó có ai lẻn vào phòng ông được. Còn chỗ văn phòng ông thì sao? Ông sẽ tìm một nhân viên mới chứ? Judd nghĩ một người lạ sẽ ngồi vào ghế của Carol. Một cơn giận dữ tuyệt vọng làm ông đau đớn đến thắt cả người. - Chưa chắc đâu. - Bác sĩ nên tìm một nhân viên nam - Angeli nói. - Tôi sẽ tính sau. Angeli quay đi rồi dừng lại. - Tôi có một ý này - anh ngập ngừng - nhưng chỉ cầu may thôi. - Anh nói đi - Judd ko thích cách nói cà kê của Angeli. - Người đàn ông đã giết bạn của Mc Greavy... - Ziffren. - Anh ta có thật sự mất trí ko? - Vâng, người ta đã gởi anh ta đến bệnh viện bang Matteawan dành cho bệnh nhân bị thần kinh. - Có thể hắn ta đổ lỗi tại ông đẩy hắn đi xa. Tôi sẽ rà lại cho chắc chắn rằng hắn ko trốn thoát hay đã được tha. Nhớ gọi điện thoại cho tôi nhé. - Cám ơn anh - Judd nói với vẻ biết ơn. - Đấy là nhiệm vụ của tôi. Nếu quả thật ông có dính líu gì đến vụ này thì tôi sẽ giúp Mc Greavy bắt ông đấy, bác sĩ ạ! Angeli quay đi, rồi lại đứng lại lần nữa. - Bác sĩ đừng nói với Mc Greavy là tôi kiểm tra lại vụ Ziffren nhé. - Vâng tôi sẽ ko nói đâu. Hai người nhìn nhau mỉm cười. Angeli rời khỏi phòng, còn lại một mình Judd. Buổi sáng tình huống ảm đạm bây giờ còn ảm đạm hơn. Judd biết rằng ông sẽ bị bắt vì tội giết người ngoại trừ một thứ ông chưa biết - đó là con người của Mc Greavy. Mc Greavy đang muốn trả thù và ông ta thể hiện tồi tệ đến nỗi là cứ đoán chắc từng li từng tí một điều là bằng chứng hiển nhiên. Vụ tông xe vừa qua có thể là một tai nạn ko? Lúc ấy, trên đường đầy tuyết và chiếc xe tang lại có thể vô tình cán ông? Nhưng tại sao lại tắt đèn pha? Và từ đâu chiếc xe bỗng nhiên phóng ra? Giờ thì ông đã tin chắc rằng thủ phạm sẽ tiếp tục tấn công - sẽ tấn công ông lần nữa. Với lý do đó, ông thiếp đi. Sáng sớm hôm sau, Peter và Norah Hadley đến bệnh viện thăm Judd. Hai vợ chồng biết tin ông tai nạn qua các báo buổi sáng. Cùng tuổi với Judd nhưng Peter nhỏ bé và ốm yếu hơn. Hai người cùng quê, một tỉnh ở Nebraska và cúng học trường y. Norah, cô nàng người Anh, tóc vàng, mũm mĩm với bộ ngực đồ sộ quá khổ, so với chiều cao khiêm tốn 1,57m. Nàng hoạt bát, thoải mái và chỉ cần sau năm phút nói chuyện người ta cảm thấy như đã quen nàng lâu lắm rồi. - Trông anh thê thảm quá - Peter vừa nói vừ ngắm nghía phê bình bạn. - Đó là điều tôi thích đấy, bác sĩ ạ. Dễ gì được làm một người bệnh. Cơn đau đầu của Judd hầu như đã bớt hẳn, người ông cũng cảm giảm đau, chỉ còn là một nỗi đau âm ỉ. Norah trao cho ông một bó hoa cẩm chướng, nàng nói: - Chúng tôi mang đến cho anh bạn thân yêu một ít hoa đây. Tội nghiệp, ang xui thật đấy. Cô cúi xuống hôn lên má Judd. - Chuyện xảy ra thế nào? - Peter hỏi. Judd do dự. - Một tai nạn mà hung thủ chạy mất. - Thật là hoạ vô đơn chí, phải ko? Tôi đã đọc báo về Carol, thật tội nghiệp cô ấy. - Thật hãi hùng - Norah nói - Tôi rất thích cô ấy. Judd cảm thấy cổ họng mình đau xé. - Tôi cũng thế. - Có chứng cứ nào để bắt tên quỷ sứ đã gây nên tội? - Peter hỏi. - Họ đang truy lùng đấy. - Tờ báo sáng nay có nói rằng trung uý Mc Greavy đang bí mật bắt giữ ai đấy mà. Anh có biết gì về việc ấy ko? - Ít thôi! - Judd nói khô khan - Mc Greavy muốn giữ tôi đến ngày hẹn. - Anh chưa biết đâu, khi thật sự cần đến họ, cảnh sát tuyệt vời lắm đấy! - Norah nói. - Bác sĩ Harris đã cho tôi xem hình chụp X- quang của anh. Có một vài vết bầm - ko chấn thương, chỉ vài hôm nữa là anh sẽ xuất viện đấy. Nhưng Judd biết rằng mình cũng chẳng có thì giờ rảnh rỗi. Họ nói đủ thứ chuyện trong nửa tiếng đồng hồ, cố ý né tránh chuyện Carol Roberts. Cà Peter và Norah đêng ko biết John Hanson là bệnh nhân của Judd. Vì một lý do riêng nào đó, Mc Greavy giữ kín chuyện này trước báo chí. Khi hai vợ chồng Peter đứng lên từ giã, Judd xin được nói chuyện riêng với Peter về Harrison Burke. - Tôi xin lỗi anh - Peter nói - khi tôi gửi ông ấy đến anh, tôi biết là ông ấy bị khá trầm trọng nhưng tôi hy vọng vẫn còn kịp để anh chữa trị ông ấy. Tất nhiên là anh cũng phải tống khứ ông ta đi thôi. Anh định khi nào làm việc ấy? - Ngay sau khi tôi xuất viện - Judd nói. Và ông biết rằng ông ấy đang nói dối. Ông ko muốn thế, chưa muốn thế. Trước tiên ông muốn tìm xem Burke có thể dính líu gì đến hai vụ án vừa rồi ko? - Nếu anh có việc gì cần đến tôi hãy gọi điện nhé ông bạn vàng của tôi. và Peter rời khỏi phòng. Jud nằm đó, lên kế hoạch sắp tới. Nếu ko có một động cơ hợp lý nào thúc đẩy ai đó cố tình giết ông, thì chỉ có khả năng nàng là tên giết người ấy phải dính líu đến một người tâm thần ko bình thường, hoặc có ai đó bất bình với ông. Ông nghĩ chỉ có thể hai người rất phù hợp với giả thiết là Harrisong Burke và Amos Zifflen - người đã giết bạn đồng nghiệp của Mc Greavy. Nếu Burke ko có một chứng cứ nào dính líu đến buổi sáng Hanson bị giết, thì Judd sẽ nhờ thám tử Angeli kiểm tra hắn thêm nữa. Nếu Burke có bằng chứng, hẳn ông ấy chỉ tập trung đến Zifflen. Bức rèm sầu não bao phủ ông bắt đầu vén lên.Ông cảm thấy cuối cùng mình cũng làm được điều gì đó. Bỗng nhiên ông nôn nóng được xuất viện. Ông bấm chuông gọi y tá và xin gặp bác sĩ Harris. Mười phút sau, Harris bước vào phòng. Ông lùn tịt, mắt xanh sáng, chùm tóc đen nhô ra hai bên má. Judd đã biết ông lâu lắm và luôn tôn trọng ông. - Ồ, "người đẹp" thức rồi đấy à. Trông phờ phạc quá. Judd mệt cả người khi nghe thấy vậy. - Tôi thấy khoẻ rồi - Judd bèn nói dối - Tôi muốn xin bác sĩ được xuất viện. - Bao giờ? - Ngay bây giờ ạ! Bác sĩ nhìn ông trách móc. - Anh vừa mới vào đây mà. Tại sao anh ko nằm lại vài ngày nữa? Tôi sẽ cho vài y tá bị mắc chứng bệnh cuồng dâm vào đây làm bạn với anh và giữ anh lại. - Xin cảm ơn Seymour. Thật sự tôi càn phải về nhà mà bác sĩ. Bác sĩ Harris thở dài. - Thôi được anh cũng là bác sĩ mà. Riêng tôi tôi chẳng muốn tra tấn anh trong hoàn cảnh này làm gì. Ông nhìn Judd vẻ chiều chuộng. - Anh cần tôi giúp gì nữa ko nào? Judd lắc đầu. - Tôi sẽ bảo cô Bedpan soạn quần áo cho anh. Ba mươi phút sau, cô nhân viên gọi taxi cho ông. Đúng 10 giờ 15 phút ông đã có mặt ở văn phòng Chương 06 Bệnh nhân đầu tiên, Teri Washburn, đang ngồi đợi ở hành lang. Hai mươi năm trước, Teri là một trong những ngôi sao sáng chói nhất ở phim trường Hollywood. Ngôi sao này mờ nhạt nhanh và nàng lấy một người buôn gỗ ở Oregon rồi lại gãy gánh giữa đường. Từ đó đến nay đã năm hoặc sáu lần lập gia đình và hiện nàng đang sống ở New York với người chồng sau chót, một nhà nhập cảng hàng hoá. Khi Judd đến hành lang, nàng ngước lên giận dữ. - À, bác sĩ - nàng nói với giọng định trách móc nhưng khi trông thấy ông nàng im bặt. - Bác sĩ có chuyện gì vậy? - Nàng hỏi dồn dập - Trông ông cứ như vừa đấu quyền anh xong ấy. - Chỉ một tai nạn xe sơ sơ vậy thôi. Xin lỗi tôi đã đến trễ hẹn nhé. Ông mở cửa, đưa Teri vào phòng khách. Trước mặt ông. lờ mờ bàn ghế trống vắng của Carol. - Em có đọc bài báo viết về Carol - Teri nói, giọng xúc động - một vụ giết người vì tình hả bác sĩ? - Không - Judd đáp cộc lốc và mở cửa phòng khám bệnh bên trong. - Xin chờ tôi 10 phút nhé. Ông đi vào văn phòng, trả lại lịch hẹn và bắt đầu quay số điện thoại đến từng bệnh nhân thông báo ông đã làm việc lại trừ 3 người. Ngực và tay ông đau nhói mỗi lần ông cử động, đầu ông bắt đầu nhức trở lại. Ông mở ngăn keolâys hai viên Darvan uống với một ly nước. Ông bước ra phòng khách mời Teri vào. Ông cố bình thản gạt đi hết mọi chuyện để thanh thản nói chuyện với bệnh nhân. Teri nằm xuống tràng kỷ, váy vén cao và bắt đầu nói chuyện . Cách đây 20 năm, sắc đẹp của Teri Washburn đã gây sóng gió cho biết bao gã si tình, bây ggiờ nàng vẫn chưa phai nét quyến rũ. Judd chưa từng thấy ai có đôi mắt to dịu dàng và ngây thơ đến như vậy. Chung quanh đôi môi nóng bỏng ấy đã xếp hàng vài nếp nhăn nhưng vẫn còn khiêu gợi. Ngực nàng tròn lẳn và chắc nịch dưới lớp áo hoa bó sát người. Judd nghi nàng có bơm ngực nhưng ông đang chờ nàng tự khai ra. Thân hình thư giãn của nàng vẫn còn đẹp, có điều chân nàng hơi to. Lúc này hoặc lúc khác, hầu hết các nữ bệnh nhân của Judd đều nghĩ là họ yêu ông, một biết chuyển tự nhiên giữa bệnh nhân - bác sĩ thành ra bệnh nhân - người bảo hộ - tình nhân. Nhưng ở Teri thì khác hẳn ngay từ phút đầu tiên bước vào phòng bác sĩ, nàng luôn cố gợi chuyện yêu đương với Judd, bằng mọi cách nàng cố hết sức quyến rũ ông - quả thật Teri quá sức sành sỏi trong chuyện này. Cuối cùng Judd phải cảnh báo nàng nếu ko đứng đắn lại thì ông sẽ chuyển nàng đến một bác sĩ khác. Từ đó nàng đối xử với ông có đứng đắn hơn cố ngắm nghía ông, cố chờ dịp chộp được sơ hở, yếu điểm của ông. Một y sĩ người Anh nổi tiếng đã chuyển nàng đến Judd sau khi xảy ra một vụ xì- căng- đan nhơ nhuốc ở Antibes. Một phóng viên người Pháp của một tờ báo lá cải đã phỉ báng Teri đi nghỉ cuối tuần trên du thuyền của một trùm tư bản nổi tiếng người Hy Lạp. Cô ta đã ngủ cả với ba người em của ông này khi ông phải đáp máy bay sang Rome một ngày để giải quyết công việc. Câu chuyện được ém nhẹm ngay lập tức, anh chàng phóng viên ấy phải rút lại bài chỉ trích của mình đã đăng trên báo rồi sau đó bị sa thải một cách êm thấm. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên với Judd, Teri đã khoe khoang rằng chuyện ấy có thực. - Thật là ngông cuồng - cô ta nói - Lúc nào em cũng nghĩ đến tình dục và chẳng bao giờ thấy đủ cả. Nàng ta xoa tay vào hông, tốc váy lên và đưa mắt ngây thơ nhìn Judd. - Có hiểu ý em ko, cưng của em ơi? - Cô nàng õng ẹo hỏi. Từ lần đầu tiên, Judd đã biết khá nhiều về Teri. Cô ta từ một tỉnh nhỏ khai thác mỏ than ở vùng Pensyl- Vania. - Cha em là một người Polack lầm lì ít nói. Ông luôn say xỉn mỗi tối thứ bảy từ chỗ làm - nghề thợ máy xe lửa - rồi lại về leo lên người mẹ già cỗi của em. Mới 13 tuổi, Teri đã có thân hình nảy nở trên khuôn mặt thiên thần. Nàng đi theo sau thùng rác đổ than cùng với thợ mỏ để kiếm tiền. Một ngày kia khi cha nàng biết chuyện, ông đến túp lều bé nhỏ của họ gào thét văng tục rồi đuổi mẹ Teri đi. Ông đã khoá cửa lai, lôi dây thắt lưng to bản ra bắt đầu đánh đập Teri. Khi ngừng tay, ông đè ra cưỡng hiếp luôn nàng. Judd nhìn chằm chặp Teri, nghe nàng tả lại cái hình tượng ấy với nét mặt bình thản, chẳng mảy may xúc động hay giận dữ. - Đó là lần cuối cùng em gặp cha mẹ. - Cô bỏ đi nơi khác à? - Judd nói. Teri vặn người trên tràng kỷ với vẻ ngạc nhiên. - Bác sĩ hỏi gì em? - Sau khi cha cô cưỡng hiếp cô... - Chạy đi à? - Teri nói xong, ngửa đầu ra sau cười một tràng dài. - Em thích điều đó mà bà mẹ nanh ác của em lại đuổi em đi! Judd bật máy ghi âm, ông hỏi: - Cô thích nói về chuyện gì? - Trời đất ơi, tại sao chúng mình ko phân tích ông để hiểu xem tại sao ông lại quá chân thật đến thế. Bác sĩ cứ phớt lờ đi. - Tại sao cô lại cho rằng cái chết của Carol là một vụ án vì tình. - Bởi vì đối với em mọi thứ đều gợi đến tình dục thôi cưng ạ. Nàng ta uốn éo làm cái váy tốc lên cao tí nữa. - Kéo váy xuống đi Teri à. Nàng ngây thơ nhìn ông. - Em xin lỗi... bác sĩ, ông lại quên mất một bữa tiệc sinh nhật đáng kể hôm tối thứ bảy vừa rồi. - Cô hãy kể đi nào. Nàng do dự, giọng nàng có pha chút lo lắng bất thường. - Bác sĩ ko ghét em chứ? - Tôi đã nói với cô là cô ko cần sự đồng ý của tôi mà. Duy nhất chỉ cần chính cô đồng ý là được rồi. Dù phải hay quấy đi nữa thì cũng là thứ luật lệ do chúng ta tự đặt ra để chơi trò chơi với người khác. Nếu ko có thứ luật chơi ấy, ko thể có trò chơi được, nhưng cũng đừng bao giờ quên luật chơi do chính chúng ta tạo ra. Đột nhiên im lặng. Một lúc sau, nàng nói: - Bữa tiệc ấy có nhạc sống. Chồng em thuê một ban nhạc 6 người. Judd chờ nàng nói tiếp. nàng lại vặn người nhìn bác sĩ. - Có chắc rằng bác sĩ ko xem thường em ko? - Tôi muốn giúp cô. Chúng ta cũng làm nhiều việc đáng xấu hổ rồi nhưng điều đó ko có nghĩa là chúng ta cứ tiếp tục làm nữa đâu. Nàng nhìn ông chăm chú một lúc rồi lại nằm xuống tràng kỷ. - Em đã bao giờ nói cho bác sĩ biết là em nghi chồng em, Harry, bị liệt dương chưa nhỉ? - Rồi. Nàng nói liên miên. - Ông chồng em thật tình chẳng làm gì em suốt từ khi cưới nhau đến giờ. Ông ta luôn luôn bào chữa bằng những lý do chết tiệt... à.... - Môi nàng cong cớn với vẻ cay đắng. - Ừ... tối thứ bảy em đã ngủ với ban nhạc trong lúc Harry đang xem. Nàng ta bắt đầu khóc. Judd đưa cho nàng một ít khăn giấy và ngồi nhìn nàng một cách chăm chú. Teri luôn phải trả một giá rất đắt về những thứ nàng có được trên đời. Lần đầu tiên đặt chân đến phim trường Hollywood, nàng đã phải nhận công việc chạy bàn cho một quầy ăn phục vụ khách trong xe hơi, để kiếm tiền đi học một ông thầy dạy kịch loại tồi hạng bét. Trong vòng một tuần, nàng đã tấn công ông thầy tới tấp, làm tất cả việc vặt trong nhà thầy và giữ rịt thầy trong phòng ngủ. Vài tuần sau, nàng nhận ra ông thầy chẳng thể nào tạo được cho nàng một công việc hào hứng mặc dù ông rất cố sức, thế là nàng bỏ ông ta và xin làm thủ quỹ cho một cửa hàng bách hóa trong khách sạn Beverly Hills. Nhân dịp lễ giáng sinh, một vị cũng thuộc hàng chức sắc trong làng phim tình cờ đến mua vét quà cho vợ, đã đưa cho Teri tấm danh thiếp và hạn nàng gọi điện cho ông ta. Một tuần sau, Teri được gọi đến trắc nghiệm tài năng diễn xuất. Nàng rất vụng về và cũng chẳng có bài bản nhưng nàng được đến ba ưu điểm: một khuôn mặt và một thân hình quyến rũ được người quay phim yêu và giám đốc phim trường đang giữ nàng trong tay. Trong năm đầu, Teri Washburn xuất hiện trong từng đoạn phim ngắn của hàng chục bộ phim. Nàng bắt đầu nhận thư từ tới tấp. Những đoạn phim nàng đóng ngày càng dài hơn. Đến cuối năm vị ân nhân của nàng chết vì nhồi máu cơ tim, Teri lo sợ bị sa thải khỏi phim trường. Nhưng thay vào đấy, vị giám đốc mới lại gọi nàng vào phòng và báo cho nàng biết ông đã vạch cả một kế hoạch quy mô cho nàng. Nàng ký hợp đồng mới, thu nhập cao hơn, có nhà lớn và đẹp hơn với phòng ngủ gắn toàn kính. Những vai diễn của Teri từ từ lên đến đỉnh cao trong hãng phim loại B và cuối cùng khi công chúng bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng cách đem tiền đến đặt sẵn ở văn phòng để được xem phim mới do Teri Washburn diễn xuất, nàng bắt đầu trở thành minh tinh điện ảnh hạng A. Thời ấy đã xưa lắm rồi. Judd cảm thấy hối tiếc cho nàng giờ đây đang nằm trên tràng kỷ, cố nén tiếng thổn thức. - Cô uống chút nước nhé? - Ông hỏi. - Kh...Không - nàng nói - em kh...khoẻ mà bác sĩ. Nàng rút trong ví ra chiếc khăn tay hỷ mũi. - Em thành thật xin lỗi bác sĩ - nàng nói - em đã xử sự như một con ngốc chết tiệt. Nàng ngồi dậy. Judd ngồi yên, chờ nàng bình tĩnh trở lại. - Tại sao em lại lấy một người như Harry nhỉ bác sĩ? - Đó là một câu hỏi quan trọng cô có nghĩ là tại sao ko? - Em biết thế nào được cái quái quỷ ấy - Teri gào lên - Ông là bác sĩ tâm lý. Nếu em biết sự thể như vậy thì em lấy làm gì cái thứ ghê tởm ấy, bác sĩ nghĩ xem có phải ko? - Cô nghĩ điều gì? Nàng nhìn ông chòng chọc, sửng sốt. - Bác sĩ cho rằng tôi cứ lấy ư? Nàng giận dữ đứng phắt lên. - Tại sao, thật là ghê tởm! Bác sĩ nghĩ là tôi thích ăn nằm với ban nhạc sao? - Mà cô có làm ko? Điên tiết, nàng vồ lấy lọ hoa và ném vào ông, nhưng chạm phải cạnh bàn vỡ tan. - Trả lời ông rồi đấy chứ, bác sĩ? - Không, lọ hoa ấy trị giá 200 đôla. Tôi sẽ gửi vào hoá đơn của cô. Nàng tuyệt vọng nhìn Judd. - Thật tình tôi thích nó ư? - Nàng thì thào. - Cô hãy nói đi. Nàng hạ thấp giọng hơn: - Chắc em bệnh quá. Ôi, lạy Chúa. Em bị bệnh rồi, xin hãy cứu giúp em Judd ơi, hãy cứu em! Judd đi qua chỗ nàng. - Cô phải giúp tôi mới được. Nàng gật đầu ngơ ngác: - Tôi muốn cô về nhà và suy nghĩ những cảm tưởng của cô, Teri, ko phải trong lúc cô đang làm việc mà là trước khi làm. Hãy nghĩ xem tại sao cô muốn làm thế. Khi cô biết được điều đó, cô sẽ biết về chính mình rất nhiều. Nàng nhìn Judd một lúc, nét mặt dần giãn ra. Nàng lại lấy khăn tay ra hỷ mũi. - Bác sĩ thật tuyệt vời - nàng nói đồng thời cầm ví và găng tay - tuần sau gặp lại bác sĩ nhé! - Vâng, tuần sau - Ông mở cửa bên hành lang, Teri bước ra. Ông đã thấy được giải đáp cho vấn đề của Teri, nhưng nàng phải tự làm việc mới được. Nàng phải học được rằng tình yêu ko phải mua được mà nophá tự hiến dâng. Nàng ko thể chấp nhận một sự thật: tình yêu tự dâng hiến đến nàng trừ khi nàng tin tưởng rằng nàng đã xứng đáng đón nhận nó thì lúc đó Teri mới tiếp tục mua nó bằng cách sử dụng vốn quý giá duy nhất nàng có: thân thể nàng. Ông biết nỗi đau nàng đã vượt qua, nỗi thất vọng ê chề vì tự kinh tởm mình, ông thấy thương hại nàng. Nhưng chỉ còn cách duy nhất ông giúp được nàng là mang đến cho nàng một thái độ bàng quan và chẳng lệ thuộc vào ai. Ông biết đối với bệnh nhân, dường như ông xa vời và cách biệt với những vấn đề của họ, ở từ trên cao ban phát chút khôn ngoan. Nhưng đó là một phần rất cần thiết cho sinh mệnh, nếu nhìn từ lớp vỏ ngoài của phương thức chữa trị. Chứ thật ra, ông để tâm đến từng ly từng tí những vấn đề của bệnh nhân. Họ sẽ vô cùng sửng sốt nếu biết rằng trong những cơn ác mộng, Judd thường mơ thấy toàn những điều quái quỷ của họ. Trong suốt 6 tháng đầu tiên thực tập làm bác sĩ tâm thần, rồi lại chịu đựng 2 năm thực hành phân tích cần thiết để trở thành bác sĩ tâm lý, Judd đã mắc phải chứng bệnh nhức đầu ko rõ nguồn cơn. Ông mạnh dạn chấp nhận những triệu chứng của tất cả các bệnh nhân và ông phải mất cả năm trời mới có thể làm chủ được tình trạng căng thẳng, xúc động. Judd đang lấy cuộn băng ghi âm của Teri ra, tâm trí ông lại quay về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính mình. Ông đến chỗ để điện thoại quay số gọi khu vực cảnh sát số 19. Người trực tổng đài nối dây cho ông gặp thám tử Bureau. Giọng trầm trầm của Mc Greavy ở bên kia đầu dây: - Trung uý Mc Greavy nghe đây. - Xin vui lòng cho gặp thám tử Angeli. - Chờ máy nhé. Judd nghe tiếng lách cách đặt máy xuống ở đầu dây bên kia. Một lát sau, giọng Angeli vang lên: - Thám tử Angieli nghe đây. - Judd Stevens đây. Tôi ko biết là anh tìm được tin tức gì chưa. Sau một chút do dự Angeli mới cẩn thận trả lời. - Tôi đã kiểm tra cả rồi. - Tất cả tôi chỉ cần anh trả lời là "có" hay "không" thôi. Trống ngực Judd đang đập thình thịch. Phải cố gắng lắm ông mới hỏi thêm được một câu nữa. - Zifflen vẫn còn ở Matteawan chứ? Thời gian như ngừng trôi trước khi Angieli trả lời. - Vâng, hắn ta vẫn còn ở đó. Một làn sóng thất vọng dâng tràn. - Ồ, tôi biết mà! - Judd cố nén thở dài. - Tôi rất tiếc, bác sĩ ạ. - Cảm ơn nhé - Judd từ từ gác máy xuống. Vậy là còn lại Harrison Burke. Harrison Burke, một kẻ hoang tưởng tuyệt vọng lúc nào cũng tưởng mọi người tìm cách giết mình. Chắc là Burke đã quyết định tấn công trước chứ gì? John Hanson rời khỏi văn phòng Judd lúc 10 giờ 50 ngày thứ hai rồi bị giết sau đó vài phút. Judd phải tìm xem lúc đó Harrison có mặt ở văn phòng ông hay ko? Ông tìm thấy số điện thoại ở văn phòng của Burke và quay số. - Công ty Thép quốc tế đây - một giọng nói từ xa, ko phải của người máy. - Xin vui lòng cho gặp ông Harrison Burke. - Ông Harrison à... Cảm ơn ông ... Xin ông chờ một lát. Judd đoán là thư ký của Burke nhấc máy. Nếu cô ta đi ra ngoài một chút thì Burke phải tự trả lời chứ. - Văn phòng của ông Burke đây ạ - giọng một cô gái. - Tôi là bác sĩ Stevens đây! Cô vui lòng cho tôi hỏi thăm một số tin tức được ko ạ? - Ồ, vâng thưa bác sĩ! - giọng cô nhẹ nhõm pha chút sợ hãi. Hẳn cô biết Judd là bác sĩ chữa bệnh cho Burke. Cô ấy đang mong đợi ông giúp đỡ chăng? Hay Burke đã làm cô bực mình? - Tôi muốn hỏi về chương trình làm việc của ông Burke ấy mà. - Judd bắt đầu. - Chương trình của ông ấy à? - cô ta chẳng cần che giấu nỗi thất vọng. Judd nói nhanh. - Cô nhân viên của tôi ko còn làm việc nữa và tôi đang hệ thống lại sổ sách. Tôi thấy cô ta ghi buổi hẹn cho ông Burke vào lúc 9 giờ 30 ngày thứ hai tuần trước, xin cô vui lòng xem lại lịch của ông Burke vào sáng hôm ấy? - Xin ông chờ cho một lát - cô nói với giọng hơi bất bình. Judd đọc được những ý nghĩ của cô. Rằng ông chủ của cô sắp phá sản, còn vị bác sĩ của ông thì chỉ toàn quan tâm về tiền bạc. Vài phút sau, cô trỏ lại điện thoại: - Tôi sợ là nhân viên của bác sĩ có ghi nhầm chăng? - Cô nói với vẻ chanh chua - Ông Burke ko thể có mặt ở văn phòng bác sĩ sáng thứ hai được. - Có chắc vậy ko cô? - Judd khămg khăng hỏi lại - Tôi thấy trong sổ ghi từ 9 giờ 30 đến ... - Tôi chẳng cần biết sổ của ông ghi gì ở đấy, bác sĩ à - nàng đã nổi giậ, bực mình vì sự lì lợm của ông - Ông Burke bận họp ở văn phòng suốt buổi sáng thứ hai bắt đầu từ lúc 8 giờ. - Ông ấy ko thể chuồn đi độ một tiếng đồng hồ sao cô? - Ko đâu, thưa bác sĩ - cô nói - Ông Burke ko bao giờ rời văn phòng trong suốt ngày hôm đó - giọng cô pha vẻ buộc tội - bác sĩ ko thấy ông ấy đau à? Ông làm được gì để giúp ông ấy, Tôi sẽ báo với ông ấy là ông có gọi. - Cũng ko cần đâu, cô ạ - Judd nói - Xin cám ơn cô nhé! Ông định nói thêm vài câu để cô ta yên tâm và thoải mái một chút nhưng ông chẳng biết nói gì cả. Ông gác máy. Thế là hết, bao hy vọng tiêu tan. Cả Ziffren lẫn Harrison đều ko thể là thủ phạm. Vậy thì còn ai khác nữa mà có động cơ thúc đẩy họ. Ông đã bị ném trở lại lúc khởi đầu. Một tên hay một bọn giết cô nhân viên và bệnh nhân của ông. Tai nạn chớp nhoáng kia là do chúng tính toán sắp đặt hay là ngẫu nhiên, nó đã xảy ra vào thời điểm đó thì hình như đã được cân nhắc cẩn thận. Nếu khách quan mà nói, Judd phải tự thú nhận rằng mình có lỗi là do biến cố mấy ngày qua chi phối. Nhưng trong thâm tâm, ông muốn xem đó là một tai nạn rủi ro. Sự thật đơn giản là chẳng ai có thể vì một động lực nào đó để giết ông. Ông quan hệ tuyệt vời với mọi bệnh nhân, nồng hậu với bạn bè. Ông ko hề dựa vào hiểu biết của mình để hãm hại ai. Chuông điện thoại reo vang. Ông nhận ngay ra giọng nói thấp hơi khàn của Anne. - Bác sĩ có bận lắm ko? - Ồ ko đâu. Tôi sẵn sàng tiếp chuyện cô mà. Giọng cô hơi thoáng lo lắng: - Tôi đọc báo thấy tin anh bị tai nạn xe. Tôi định gọi anh sớm hơn nhưng chẳng biết gặp anh ở đâu hết! Ông cố gắng nói giọng nhẹ nhàng. - Không có gì trầm trọng cả. Nó chỉ huấn luyện cho tôi đừng nên đi ẩu nữa thôi cô ạ. - Báo nói rằng đây là một tai nạn chớp nhoáng rồi thủ phạm chạy mất hả bác sĩ? - Đúng vậy. - Họ đã tìm ra thủ phạm chưa anh? - Chưa. Chắc là có kẻ chơi khăm nào đó muốn bông đùa vậy thôi." Hừ, trong 1 chiếc xe hòm đen ko đèn" - Judd nghĩ thầm. - Anh có chắc như vậy ko? - Anne hỏi. Câu nàng hỏi làm ông ngạc nhiên. - Ý cô muốn nói sao? - Thật tình tôi cũng ko biết nữa - giọng nàng có vẻ ngờ vực - Carol vừa mới bị giết xong và bây giờ lại đến chuyện này. Thì ra nàng ghép hai chuyện này thành một vấn đề. - Nghe như thể có một gã điên lảng vảng quanh đây? - Nếu có thì cảnh sát đã tóm cổ hắn rồi - Judd trấn an nàng. - Anh có đang bị nguy hiểm gì ko vậy bác sĩ ? Lòng ông chợt ấm lại. - Tất nhiên là ko cô ạ. Tự nhiên có một sự yên lặng lúng túng. Ông muốn nói với nàng nhiều nữa nhưng ko tài nào nói được. Không được ngộ nhận cú điện thoại thăm hỏi thân mật này nhé, đó chỉ là mối quan tâm tự nhiên của một bệnh nhân dành cho bác sĩ, ko hơn ko kém. Anne thuộc tuýp người sẵn sàng thăm hỏi bất kỳ ai trong cơn hoạn nạn. Vậy là chẳng có gì hơn thế nữa? - Thứ sáu này cô vẫn đến chứ? - Judd hỏi. - Vâng - nàng bỏ lửng câu nói, liệu nàng có thay đổi ý định ko nhỉ? - Đúng hẹn cô nhé - ông vụt nói nhanh. Tất nhiên đó ko phải lời hẹn hò, mà là vì công việc. - Vâng, xin chào bác sĩ. - Xin chào bà Blake. Xin cám ơn đã gọi cho tôi, cám ơn rất nhiều - Ông gác máy, rồi miên man nghĩ về Anne. Chẳng biết chồng nàng có nghĩ rằng hắn là một người đàn ông may mắn lạ thường hay ko? Chồng nàng như thế nào nhỉ? Anne nói rất ít về anh ta, Judd hình dung ra một người đàn ông sâu sắc và lôi cuốn, anh ta là một nhà thể thao sáng giá, một nhà kinh doanh thành đạt, một mạnh thường quân hâm mộ nghệ thuật. Anh ta đúng là tuýp người Judd thích kết bạn nhưng ở một hoàn cảnh khác kia. Vấn đề của Anne là gì mà nàng lại sợ bàn với chồng nhỉ? Và với cả bác sĩ tâm lý của nàng nữa? Với một người có nhân cách như Anne thì có thể là bị cảm giác tội lỗi về một vấn đề gì đó lúc trước khi cưới hoặc sau khi đã kết hôn. Judd ko thể tưởng tượng ra được một việc làm vô ý, cẩu thả của nàng. Có lẽ nàng sẽ kể cho ông nghe vào thứ sáu, buổi cuối cùng ông gặp nàng. Giờ nghỉ trưa qua thật nhanh. Judd phải tiếp một số bệnh nhân ko thể hoãn được. Khi bệnh nhân cuối cùng ra về, ông lấy cuộn băng mới nhất của Harrison, mở máy nghe lại và thỉnh thoảng lưu ý đến những điểm cần thiết. Nghe xong, ông tắt máy. Chẳng chọn được cách nào hơn nữa. Sáng mai ông phải gọi điện cho giám đốc của Burke để thông báo về tình trạng của ông ta. Liếc nhìn qua cửa sổ, ông ngạc nhiên, đêm đã xuống tự bao giờ. Gần 8 giờ tối, chẳng còn chú tâm đến công việc nữa, ông mới chợt thấy rã rời mệt mỏi. Bên xương sườn đau nhói, còn cánh tay bắt đầu nhức nhối. Phải về nhà thôi, và cần trầm mình trong bồn nước nóng dễ chịu. Ông cất hết băng ghi âm vào một ngăn bàn có khoá, ngoại trừ cuốn băng của Burke. Ông sẽ chuyển nó đến một bác sĩ tâm thần do toà án bổ nhiệm. Ông mặc áo khoác vào đi ra đến gần của thì chuông điện thoại reo. Ông quay trở lại nhấc máy lên. - Bác sĩ Stevens đây. Đầu dây bên kia ko có tiếng trả lời. Ông chỉ nghe thấy được tiếng thở nặng nề. - Ai đấy? Vẫn ko co người đáp lại. Judd gác máy. Ông đứng lại một lúc, cau mày suy nghĩ. Chắc là ai đó gọi nhầm số. Ông tắt đèn, khoá cửa và đi về phía thang máy. Tất cả những người giúp việc đã về từ lâu. Còn những nhân viên bảo vệ ca đêm thì chưa đến vì quá sớm, duy chỉ còn Bigelow, người gác cửa còn ngồi đó. Judd bước vào thang máy và nhấn nút. Ko một dấu hiệu chuyển động. Ông nhấn nút lại lần nữa. Vẫn ko nhúc nhích. Vừa lúc đó, tất cả đèn trong hành lang vụt tắt. Chương 07 Judd đứng trước thang máy, bóng tối dày đặc vây quanh. Ông cảm thấy có lúc tim như ngừng đập rồi lại đập liên hồi. Một nỗi sợ đột ngột ập lên người ông. Ông sờ túi tìm hộp diêm. Chẳng may nó lại bị bỏ quên trong văn phòng rồi. Có lẽ đèn ở những tầng dưới vẫn sáng. Ông thận trọng dò dẫm tìm bược về phía cửa dẫn ra cầu thang. Ông đẩy cửa ra. Cầu thang cũng tối như mực. Cẩn thận nắm vào tay vịn, ông bắt đàu từ từ bước xuống cầu thang vẫn trong bóng tối dầy đặc. Tít phía dưới, ông thấy một làn ánh sáng chập chờn đang lên cầu thang. Đột nhiên nghe thấy người nhẹ nhõm hẳn đi như được giải vây. Bigelow, người gác cổng. Ông thét lên: - Bigelow, bác Bigelow, bác sĩ Stevens đây! Giọng ông dội vào vách tường đá, vang vọng khắp thang lầu. Bóng đen cầm chiếc đèn cứ lặng lẽ, tiếp tục lầm lũi leo lên. - Ai đó? - Judd hỏi lớn. Vẫn chỉ là tiếng ông vang vọng lại. Bỗng nhiên, Judd chợt nhận ra đó là ai - Kẻ định ám sát ông. Có ít nhất hai tên, một tên cúp điện trong lúc một tên khác chặn ở thang lầu ko cho ông trốn thoát. Ánh lửa chập chờn càng lúc càng gần hơn, nó chỉ còn cách ông độ hai hay ba tầng lầu nữa thôi và vẫn trèo lên mỗi lúc một nhanh hơn. Toàn thân Judd lạnh toát vì sợ, tim đập thình thịch còn chân như muốn khụy xuống đất. Ông quay người thật nhanh chạy lên tầng trên, chỗ cũ. Ông mở cửa và đứng nghe ngóng xem có ai đang chờ mình trong hành lang tối mịt? Tiếng chân bước lên cầu thang càng lúc càng rõ hơn. Miệng ông khô lại, Judd quay người chạy vào hành lang tối đen như mực. Khi đến chỗ thang máy, ông bắt đầu đếm từng cánh cửa. Đây rồi, vừa về đến văn phòng, ông nghe thấy tiếng mở cửa cầu thang. Hốt hoảng, ông đánh rơi chùm chìa khoá. Ông mò mẫm như điên cuồng dưới sàn nhà, tìm thấy rồi, ông mở cửa phòng tiếp khách, lẻn vào trong rồi khoá hai lần cửa lại. Giờ thì ko kẻ nào có thể mở được trừ khi có chìa khoá đặc biệt. Bên ngoài hành lang, ông nghe tiếng bước chân đến gần. Đi vào phòng riêng bên trong, ông bật đèn, vẫn ko sáng. Cả chung cư đều bị cúp điện. Ông khoá cửa phòng trong lại và đến chỗ điện thoại, ông mò mẫm quay số gọi tổng đài. Ba hồi chuông dài reo liên tục, có người nhấc máy. Judd đã nối liên lạc được với thế giới bên ngoài rồi. Giọng ông nhẹ nhàng. - Thưa tổng đài, một trường hợp thật khẩn cấp. Tôi là bác sĩ Judd Stevens, xin cho gặp thám tử Frank Angeli ở khu vực cảnh sát 19, xin cô nhanh giúp tôi. - Được rồi, ông cho số điện thoại đi. Judd đọc số. - Ông đợi một lát nhé. Ông nghe tiếng có người đang cố mở cửa hành lang tiến vào phòng riêng. Chúng ko thể vào đường đó được vì bên ngoài ko có quả đấm cửa. - Xin cô nhanh lên cho. - Vui lòng chờ một lát nhé! - một giọng trả lời lạnh lùng ko lấy gì làm vội vã cả. Có tiếng o o trong điện thoại và tiếng trực ở tổng đài cảnh sát. - Khu vựa cảnh sát 19 nghe đây. Tim Judd nhảy thót trong lồng ngực. - Xin gặp thám tử Angeli gấp, rất gấp ạ! - Thám tử Angeli... đợi một chút nhé. Bên ngoài hành lang, có chuyện gì đó đang xảy ra. Ông nghe tiếng như người câm nói, chắc hắn muốn liên lạc với tên đầu tiên, chúng đang bàn bạc gì đây? Một giọng nói quen thuộc vang trong điện thoại. - Thám tử Angeli ko có đây, đồng nghiệp của anh ấy, trung uý Mc Greavy đây. Tôi có thể... - Judd Stevens đây. Tôi đang ở trong văn phòng, đèn điện bị tắt ngấm hết cả và có kẻ đang cố đột nhập vào phòng để giết tôi. Một sự im lặng nặng nề ở đầu dây bên kia. - Nghe đây, bác sĩ - sao ông ko đến đây, chúng ta nói chuyện và... - Tôi ko thể xuống được - Judd gần như thét lên - có người đang tìm giết tôi. Lại một sự yên lặng ở đầu dây bên kia. Mc Greavy ko tin ông và cũng chẳng đến giúp ông. Ở phía ngoài, Judd nghe tiếng cửa mở và tiếng người nói ở phòng tiếp khách. Bọn chúng đã vào được văn phòng rồi! Làm thế nào chúng đã vào được khi ko có chìa khoá? Nhưng ông vẫn nghe chúng tiến dần về phía cửa phòng riêng. Giọng Mc Greavy đang ở đầu dây nhưng Judd chẳng thể nghe được nữa. Muộn quá rồi! Ông đặt máy xuống. Nếu Mc Greavy chịu đến thì cũng chẳng thành vấn đề nữa. Những tên ám sát đã vào đây rồi. Cuộc sống chỉ là sợi chỉ mong manh chỉ cần một giây thôi là đứt đoạn. Sợ hãi đến tột độ làm ông giận điên tiết. Ông ko thể chết tầm thường như Hanson và Carol đâu. Ông sẽ chiến đấu tới cùng, bóng tối chung quanh là thứ vũ khí lợi hại. Gạt tàn thuốc... dao mở thư... ư? Vô dụng. Bọn sát nhân có thể có súng. Đúng là một cơn ác mộng hãi hùng. Ông sắp bị những tên đao phủ chưa hề biết mặt lôi ra xử tội chẳng có nguyên do. Ông nghe chúng đang tiến gần đến cửa phòng trong và biết mình chỉ còn sống được một, hai phút nữa thôi. Ông bỗng bình tĩnh lạ thường khi chính mình trở thành bệnh nhân đang ôn lại những ý tưởng sau cùng trong đời. Nghĩ đến Anne, trong người ông lại dâng lên một nỗi đau mất mát. Ông nghĩ đến tất cả các bệnh nhân, họ cần đến ông biết bao! Harrison Burke. Ông thấy dằn vặt khi nhớ đến mình chưa kịp báo cho ban giám đốc của Burke biết là phải giam giữ ông ta. Ông sẽ để nhưng cuộn băng ghi âm ở nơi mà họ có thể... Tim ông đập loạn xạ. Có lẽ ông phải có vũ khí để chiến đấu với chúng! Ông nghe tiếng quả đấm cửa xoay. Cửa khoá mà vẫn hời hợt, chúng đột nhập vào thật đơn giản. Ông vội mò mẫm trong bóng tối đi đến bàn nơi cất giấu những cuộn băng, băng ghi âm của Burke để ngoài. Ông nghe tiếng đập cửa dồn dập ở ngoài phòng tiếp khách, rồi tiếng người sờ soạng vào ổ khoá. Sao chúng ko phà cửa nhỉ - ông nghĩ - Ở một nơi rất xa trong tiềm thức, ông thấy câu trả lời rất quan trọng nhưng ở đây ông ko có thì giờ nghĩ đến nó nữa. Ông run run mở khoá ngăn kéo đựng băng, lấy một cuộn băng ra khỏi hộp làm bằng bìa cứng, xong đi về phía máy và bắt đầu cho băng quay. Đây là cơ hội duy nhất ông có được mặc dù rất mong manh. Ông đứng đó, chú tâm cố nhớ lại thật chính xác mẩu đối thoại với Burke. Tiếng đập cửa càng dữ dội. Judd lặng lẽ cầu kinh. - Tôi rất tiếc là bị cúp điện - ông nói thật to - nhưng tôi chắc rằng độ vài phút nữa thôi Harrison ạ. Sao ông ko nằm xuống thư giãn đi? Tiếng động ở cửa bỗng nhiên im bặt. Băng quay vừa hết, ông ấn nút mở máy. Không có gì nhúc nhích. Tất nhiên rồi! Cả chung cư bị cúp điện mà. Có tiếng cạy khoá trở lại. Nỗi tuyệt vọng vây kín lấy ông. - Khá hơn rồi đấy - ông nói to - ông hãy để mình tự thoải mái đi. Ông mò mẫm tìm được hộp diêm trên bàn, rút ra một cây, quẹt lên và cầm đến soi vào gần chỗ máy. Có một nú ghi "pin", ông vặn nút và mở máy lại. Đúng lúc ấy, có một tiếng "cắc" ở ổ khoá bỗng nhiên vang lên. Chỗ phòng thủ cuối cùng của ông đã bị phá vỡ! Chợt giọng Burke sang sảng khắp phòng. - Anh nói như thế đấy hả? thậm chí anh cũng ko nghe muốn nghe thấy tiếng nói của tôi. Làm sao tôi biết được ông ko ở trong bọn chúng? Judd cứng người, ko dám động đậy, trống ngực đánh thình thịch. - Ông biết là tôi ko thuộc phe bọn chúng mà. - giọng Judd trong băng - Tôi là bạn ông, tôi đang cố giúp ông...Hãy nói cho tôi nghe chứng cớ của ông đi. - Tối hôm qua chúng đột nhập vào nhà tôi- giọng Burke - chúng đến giết tôi nhưng tôi trên tài chúng. Tôi ngủ trong phòng làm việc và có một loại khoá đặc biệt cho các cửa nên chúng ko thể đến chỗ tôi được. Tiếng động phía ngoài phòng đã ngưng bặt. Giọng Judd trở lại: - Ông có trình cảnh sát về vụ đột nhập này chưa? - Tất nhiên ko! Cảnh sát cùng phe với chúng mà. Chúng được lệnh bắn tôi nhưng ko dám vì còn nhiều người khác xung quanh. Thế nên tôi luôn ở giữa đám đông. - Tôi rất vuimừng khi nhận được tin này của ông. - Bác sĩ sẽ làm gì với tin đó? - Tôi đang thận trọng lắng nghe điều ông nói - giọng Judd - tôi đã thu nó vào - đến đây thì Judd rùng mình. Tiếp theo sau đó sẽ là từ "băng cassette" Ông mò mẫm tìm công tắc máy và nhấn nút. - Tôi thiết nghĩ chúng ta sẽ cùng nhau làm việc để nắm được cách giải quyết tốt nhất.- Ông cất tiếng nói to. Ông ko thể cho chạy băng lại vì ông ko thấy đường lấy nó ra. Hy vọng độc nhất của ông là những kẻ bên ngoài tưởng rằng Judd đang tiếp bệnh nhân trong phòng, như thế chúng có ngưng thực hiện ý đò ko nhỉ? - Những trường hợp như thế này - Judd cất cao giọng - thật sự thông thường hơn ông tưởng đấy harrison ạ. Ông kêu lên một cách nôn nóng. - Tôi mong là họ sẽ cho điện trở lại ngay. Tôi biết tài xế ông đang đợi ở phía trước.Có lẽ anh ta tưởng là có chuyện gì xảy ra trong này và chạy lên bây giờ đấy. Judd ngừng lại rồi nghe ngóng. Ông thấy có tiếng thì thào ở phía bên kia. "Chúng định giở trò gì đây?" Từ dưới đường, ông chợt nghe thấy một hồi còi xe đến gần. Tiếng thì thầm im bặt. Ông lắng nghe động tĩnh phía ngoài cửa. Chẳng có gì cả. "Chúng vẫn còn chờ ở ngoài đó chăng?". Hồi còi rú càng lúc càng to hơn và dừng lại ngay trước chung cư. Bỗng nhiên, đèn lại bật sáng. Chương 08 - Anh uống gì chứ? Mc Greavy ủ rũ lắc đầu, chăm chú nhìn Judd. Judd tự rót ly rược mạnh thứ hai trong lúc Mc Greavy nhìn ông ko chớp mắt. Tay Judd vẫn còn run rẩy cho đến khi hơi ấm của rượu chảy qua người, ông mới bắt đầu thư thái. Mc Greavy đến văn phòng hai phút sau khi có điện lại, theo sau là một hạ sĩ cảnh sát phớt lạnh đang ghi chép vào quyển sổ tốc ký của hắn. Mc Greavy nói: - Hãy xem lại vấn đề một lần nữa nào, bác sĩ. Judd hít thở sâu, cố giữ giọng thong thả và bình tĩnh. - Tôi khoá cửa phòng và đi xuống thang máy. Đèn hành lang vụt tắt. Nghĩ là tầng dưới vẫn có đèn, tôi đi xuống cầu thang. Judd ngập ngừng, nỗi sợ hãi vẫn còn phảng phất. - Tôi trông thấy có người cầm đèn đi lên cầu thang, tôi gọi vì nghĩ đó là bác gác cổng Bigelow, nhưng ko phải. - Ai vậy? - Tôi đã nói là tôi ko biết, chúng ko trả lời. - Điều gì làm ông nghĩ rằng họ đến giết ông? Cơn giận trào lên đến miệng Judd, ông cố nén. Cần phải làm cho Mc Greavy tin ông. - Chúng theo tôi trở lại văn phòng. - Ông nghĩ là có hai kẻ trong bọn chúng? - Ít nhất là hai - Judd nói - Tôi nghe chúng thì thào. - Ông nói là khi ông vào phòng khách, ông đã khoá cửa ngoài dẫn ra hành lang, đúng ko? - Vâng. - Và khi vào phòng trong, ông cũng khoá cửa dẫn vào phòng tiếp khách. - Vâng. Mc Greavy đi qua giữa cửa phòng tiếp khách và phòng tranh của Judd. - Chúng có phá cửa này ko? - Không - Judd thú nhận. Ông nhớ lại mình đã bối rối bao nhiêu lúc ấy. - Được rồi. Mc GReavy nói - Khi ông khoá cửa phòng tiếp khách trở ra hành lang thì phải có chìa khóa đặc biệt mới mở từ ngoài vào được chứ gì? Judd do dự. Ông biết Mc greavy đang hướng về điều gì. - Vâng. - Ai giữ chìa khóa đó? Judd cảm thấy mặt ông đỏ rần. - Carol và tôi. Giọng Mc Greavy dịu dàng: - Còn những người quét dọn thì sao? Họ vào bằng cánh cửa nào. - Chúng tôi sắp xếp thời khoá biểu riêng cho họ. Một tuần, Carol đến sớm ba buổi sáng để cho họ vào quét dọn, và phải xong trước khi bệnh nhân đầu tiên đến. - Nghe có vẻ tiện lắm đấy. Tại sao ko để họ dọn dẹp như những văn phòng khác quanh đây? - Bởi vì những hồ sơ tôi cất giữ ở đây phải tuyệt đối bí mật. Tôi ko thích có người lạ vào phòng khi ko có ai trông coi. Mc Greavy nhìn viên hạ sĩ để xem anh ta có ghi đầy đủ chi tiết ko? Vừa ý, ông ta quay sang Judd. - Khi chúng tôi vào phòng tiếp khách, cửa ko khóa mở chẳng khó khăn gì - chẳng có khóa. Judd ko nói gì. Mc Greavy tiếp tục: - Ông vừa nói là chỉ có ông và Carol giữ chìa khóa. CHúng tôi có chìa khoá của Carol đây. Nghĩ lại xem bác sĩ, còn một ai khác giữ chìa khoá nữa ko? - Chẳng còn ai. - Thế ông cho rằng bọn chúng vào bằng cách nào? Judd chợt hiếu. - Chúng đã in lại chìa khóa của Carol khi giữ cô ấy. - Có thể - Mc Greavy thừa nhận. Một nụ cười lạnh lẽo thoáng trên môi hắn - Nếu chúng in lại thì chúng tôi sẽ tìm thấy vết parafin trên chìa khóa của cô ấy. Tôi sẽ cho thử nghiệm kiểm tra lại. Judd gật đầu. Ông thấy như mình vừa ghi được một điểm thắng nhưng chẳng mãn nguyện được bao lâu. - Vậy theo cách nhìn của ông - Mc Greavy nói - chúng tôi giả sử ko có đàn bà dính líu đến nhé. Hai người có một chìa khoá và chúng in ra thêm vì thế chúng vào được phòng ông và giết ông, đúng ko? - Vâng, đúng - Judd nói. - Giờ ông nói rằng khi ông vào văn phòng, ông đã khoá cửa trong, thật ko? - Thật - Judd nói. Giọng Mc Greavy hết sức nhẹ nhàng. - Nhưng chúng tôi thấy cửa này cũng ko khoá nốt. - Bọn chúng có chìa khoá và đã mở cửa vào rồi. - Thế sao khi đã mở được rồi, tại sao chúng ko vào giết ông? - Tôi đã nói rồi. Chúng nghe giọng nói trong băng ghi âm và... - Có hai kẻ giết người táo bạo đã vượt qua bao nhiêu trở ngại - cúp điện, gài ông vào phòng, đột nhập được vào trong rồi vừa tan biến trong lớp ko khí loãng mà ko hề chạm đến chân tơ kẽ tóc của ông? - Giọng hắn ta có vé chế giễu. Judd giận tím người. - Anh muốn ngụ ý gì vậy? - Tôi sẽ vạch cho ông thấy, bác sĩ à. Tôi nghĩ là chẳng có ai vào đây và tôi cũng tin là chẳng có người muốn giết ông đâu. - Anh chẳng đếm xỉa gì đến lời nói của tôi sao? - Judd giận dữ - Còn điện cúp thì sao? Bác gác cổng Bigelow thì sao? - Bác ta ở hành lang. Tim Judd như ngừng đập. - Chết hả? - Khi chúng tôi đến, ko có bác ta ở đó. Trong công tơ chính bị đứt một sợi dây nào đó nên bác Bigelow phải xuống tầng hầm để nối dây lại. Khi tôi đến, bác đã nhờ nối xong. Judd điếng người nhìn anh ta, cuối cùng mới thốt lên được một tiếng "ồ". - Tôi chẳng biết là ông đang chơi trò gì đây, bác sĩ Stevens ạ. - Mc Greavy nói - nhưng từ giờ trở đi, xin lỗi đừng gọi tôi nữa nhé. - Ông ta đi ra cửa - Hãy chiếu cố dùm tôi, đừng gọi tôi lần nữa nhé. Tôi sẽ gọi lại cho ông. Viên hạ sĩ gấp sổ lại, theo Mc Greavy ra ngoài. Hơi nóng của rượu đã tan, trạng thái hưng phấn đã hết, Judd bị bỏ lại với một nỗi chán nản tột cùng. Ông chẳng biết mình phải làm gì nữa đây? Ông đang bị rối như tơ vò ko có cách gỡ. Ông cảm thấy mình như một đứa bé kêu gào " chó sói" đến, ( trừ phi bầy chó sói chết), chúng như bóng ma vô hình, mà mỗi lần Mc Greavy đến, chúng như tan biến. Ma hay... còn một khả năng nào khác nữa, nó khủng khiếp đến độ ông ko dám đặt ra trong đầu nhưng đành phải nhìn nhận nó. Ông phải đối diện với khả năng là mình bị bệnh hoang tưởng . Tâm trí quá căng thẳng có thể sinh sản ra ảo tưởng. Nói chung, dường như nó là sự thật. Ông đã làm việc quá sức tưởng tượng. Nhiều năm nay ông đã ko nghỉ hè. Có thể cái chết của Hanson và Carol là chất xúc tác làm tâm trí ông đến bờ vực thẳm hiểm nguy, cho nên mọi biến cố có khuynh hướng bị thổi phồng khủng khiếp và đứt đoạn. Những người mắc bệnh này lên sống ở vùng đất mà mỗi ngày có những chuyện hết sức bình thường thay vào chỗ những kinh hoàng ko tên. Một tai nạn xe cộ. Nếu là tổ chức cố tình giết ông, chắc chắn tài xế sẽ ngoái xem cho chắc rằng ông đã chết hay chưa. Và còn hai người đã đến đây tối nay, ông ko biết bọn chúng có súng hay ko? Một bệnh nhân hoang tưởng ko thể cho rằng chúng đến đây để giết ông sao? Chúng là những tên trộm- một điều hợp lý, dễ tin hơn. Khi nghe thấy tiếng người nói trong phòng, chúng đã chuồn êm. Còn nếu chúng là kẻ sát nhân, chắc chắn chúng sẽ mở cửa vào giết ông. Làm thế nào để tìm ra sự thật? Ông biết rằng nếu có cầu cứu cảnh sát nữa thì cũng vô ích. Ông chẳng biết phải trông mong vào ai nữa! Một ý tưởng chợt loé lên trong đầu ông, nảy sinh từ sự tuyệt vọng, nhưng càng suy ngẫm ông càng thấy hợp lý. Ông cầm quyển danh bạ điện thoại lên và lật tìm trên những trang giấy ngả màu vàng. Chương 09 Bốn giờ chiều hôm sau, Judd rời khỏi văn phòng, lái xe đến một địa chỉ trên bờ hạ lưu sông phía Tây. Đó là một căn nhà cổ kính, có nhiều phòng vách đá đã xuống cấp. Khi dừng xe trước căn nhà xập xệ ấy, Judd nghĩ mình lầm địa chỉ. Nhưng tấm bảng hiệu ở cửa sổ tầng trệt đập vào mắt ông: NORMAN Z.MOODY Thám tử tư Bảo đảm hài lòng quí khách Judd xuống xe. Một ngày gió rét căm căm bào hiệu cơn mưa tuyết vừa xảy đến. Ông rón rén băng qua lề đường lạnh ngắt, bước vào phòng trước của ngôi nhà, và ngửi thấy mùi thức ăn đang xào nấu lẫn mùi nước tiểu. Ông nhấn nút có ghi "Norman Z.Moody I" một lát sau có tiếng đáp lại. Ông bước vào tìm thấy phòng I, trên cửa có ghi: NORMAN Z.MOODY Thám tử tư Xin nhấn chuông và bước vào Ông nhấn chuông và bước vào. Rõ ràng, Moody ko phải là người xứng đáng để ông tiêu phí tiền của. Nhìn vào văn phòng, nó được bài trí rất phản mĩ thuật. Đồ đạc kê cái thò ra, cái thụt vào rất hỗn loạn. Ở một góc phòng, một bức mành Nhật Bản rách tả tơi, cạnh đấy là một cái đèn kiểu Đông Ấn, ở phía trước một cái bàn chi chít sẹo kiểu Đan Mạch, báo và những tạp chí cũ bừa bãi khắp phòng. Cửa phòng chợt mở, Norman Z.Moody xuất hiện. Ông ta cao khoảng 1,65m và phải cỡ trên 130 ký, ông ta đi như lăn, gợi cho Judd cảm giác như trông thấy một tượng phật sống. Ông ta có gương mặt tròn xoay, vui vẻ, với đôi mắt xanh thẳm to tròn toát lên vẻ trân thành. Đầu ông ta trông như quả trứng hói, khó mà đoán được tuổi ông ta. - Chào ông Stevenson - Moody mở lời chào đón. - Bác sĩ Stevens, thưa ông - Judd trả lời. - Ngồi xuống, nào ngồi xuống đây. Ông Phật với giọng Nam lè nhè. Judd nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Ông xê dịch một đống tạp chí khoả thân cũ mèn trên chiếc ghế bành bọc da đầy những vết trầy xước rồi rón rén ngồi xuống. Moody vừa đặt khối lượng khổng lồ của mình xuống một cái ghế quá khổ vừa nói: - Nào, bây giờ ông bạn cần gì ở tôi đây? Judd biết là mình đã phạm sai lầm. Qua điện thoại, ông đã cẩn thận cho Moody biết rõ tên mình một cái tên đã ở trang đầu mỗi tờ báo New York trong mấy ngày qua. Và ông đã chọn một nhà thám tử tư độc nhất ở thành phố này mà ông chưa bao giờ nghe danh. Ông bèn xoay sở tìm cách cáo từ. - Ai giới thiệu anh đến tôi vậy? - Moody gợi chuyện. Judd do dự, ko muốn làm mất lòng Moody. - Tôi tìm được tên anh trong sổ niên giám. Moody phá lên cười, rồi nói: - Tôi ko biết là tôi làm được gì nếu ko có quyển sổ niên giám đó. Một sáng kiến vĩ đại nhất. Ha ha ...ha... Judd đứng dậy. Ông gặp phải chuyện vô cùng ngốc nghếch. Ông nói: - Tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ của ông,ông Moody. Lẽ ra tôi phải suy nghĩ kĩ trước khi tôi ... - Được rồi, được rổi - Tôi biết mà - Moody nói - dú sao anh cũng sẽ phải trả thù lao cho tôi mà. - Tất nhiên - Judd nói. Ông thò vào túi lấy ra vài tờ chi phiếu. - Bao nhiêu ạ? - Năm mươi đô la. - Năm mươi đô la à? - Judd giận dữ, nuốt nước miếng, rút mấy tấm chi phiếu dúi vào tay Moody, Moody đếm cẩn thận từng tờ. - Cảm ơn nhiều - Moody nói. Judd bắt đầu đi về phái cửa thấy mình như một thằng ngốc. - Bác sĩ ... Judd quay lại. Moody nhìn ông vửa mỉm cười rộng, vừa nhét tiền vào túi áo ghi lê: - Anh đã bỏ ra 50 đô la - ông ta nói dịu dàng - tốt hơn là anh nên ngồi xuống đây nói cho tôi biết vấn đề gì đó của anh. Tôi luôn cho rằng nếu anh trút ra được tâm sự gì thì tự nhiên anh sẽ nhẹ nhõm hẳn đi đấy! Những câu triết lý ấy, thốt ra từ lão mập ngớ ngẩn này làm Judd suýt cười phá lên. Cả đời judd sinh ra chỉ để nghe thiên hạ tâm sự. Ông ngắm nghía Moody một lúc, thì ông comâts gì đâu? Biết đâu hắn giúp được mình. Ông chầm chậm trở lại ghế ngồi lúc nãy. - Trông như anh đang gánh cả trời ấy, bác sĩ ạ. Tôi luôn cho là phải 4 vai mới tốt hơn 2 vai đấy. Judd nghĩ ko biết Moody triết lý đến bao giờ thì mình có thể về được. Moody chăm chú nhìn ông. - Chuyện gì đã đưa anh đến đây? Tình hay tiền? Tôi luôn cho rằng nếu anh dẹp được hết cả tình lẫn tiền, anh sẽ giải quyết được hết phần lớn các vấn đề trên đời này ngay tức khắc. Moody nhìn ông và chờ câu trả lời. - Tôi ...Tôi nghĩ là có kẻ đang cố tình giết tôi. Đôi mắt xanh nhấp nháy. - Anh nghĩ vậy à? Judd gạt vấn đề sang một bên. - Có lẽ anh nên giới thiệu cho tôi một chuyên viên điều tra về loại này. - Tất nhiên - Moody nói - Norman Z Moody, giỏi nhất nước. Judd thở dài thất vọng. - Tại sao ko nói cho tôi nghe vậy, bác sĩ? Moody gợi ý - để xem nào, hai chúng ta có thể sắp xếp câu chuyện lại một chút. Judd đành phải mỉm cười với ông ta. Mỉa mai thay, nghe như đấy là những câu chuyện của ông thường nói với bệnh nhân - Hãy nằm xuống và nói tất cả điều gì anh nghĩ đến - Mà tại sao lại ko nhỉ? Ông hít thở sâu, thật vắn tắt ông kể cho Moody nghe biến cố mấy ngày qua. Ông nói say sưa hầu như quên cả sự ccủa Moody ở đó. Ông thật sự nói với chính mình, diễn tả những vấn đề rối rắm ra thành lời. Ông thận trọng ko nói gì cho Moody biết mình sợ hãi và mất tinh thần. Sau khi nói xong Moody nhìn ông sung sướng. - Ở đây tôi thấy vấn đề của anh ở nước đôi đấy, hoặc có ai đó muốn giết anh, hoặc là anh sợ mình bị mắc bệnh hoang tưởng đấy. Judd nhìn lên ngạc nhiên. Norman Z. Moody ghi một bàn thắng. Moody tiếp tục: - Anh nói trong trường hợp này, có hai thám tử, anh có nhớ tên họ ko? Judd ngập ngừng, ngần ngại phải đi sâu vào chi tiết với người này. Ông thật sự chỉ muốn thoát khỏi đây thôi. - Frank Angeli - ông trả lời - và trug uý Mc Greavy. Hầu như không có gì thay đổi trong cách diễn đạt của Moody. - Nguyên do nào mà kẻ đó muốn giết anh vậy bac sĩ? * * * * * - Tôi không có ý niệm gì. Bấy lâu nay, tôi không có bất kỳ kẻ thù nào. - Ồ! Nào ta tiếp tục. Mọi người đều có những kẻ thù nào đó quanh quẫn.Tôi luôn luôn cho rằng kẻ thù xát một ít muối vào miếng bánh mì trong cuộc đời ta. Judd cố che giấu nỗi sợ hãi. - Ông có vợ chưa? - Không. - Judd đáp. - Ông có đồng tính không? - Xem nào - Judd thở dài. - Tôi đã trải qua tất cả những câu hỏi như thế này với cảnh sát … - Vâng, chỉ khi ông trả tiền để tôi giúp ông - Moody thản nhiên nói - Ông có khoản nợ tiền với người nào không? - Chỉ có các hóa đơn thường lệ hàng tháng. - Còn các bệnh nhân của ông thì sao? - Họ thì có vấn đề gì? - Được. Tôi luôn nói: nếu anh muốn tìm vỏ sò, hãy đi ra bờ biển. Một số bệnh nhân của ông là người điên, đúng không? - Sai - Judd độp lại - Họ chỉ là người có vấn đề. - Những vấn đề cảm xúc mà họ không thể tự giải quyết. Có phải một trong số họ có vấn đề liên quan tới ông? Ồ không phải vì nguyên nhân cụ thể nào.Nhưng biết đâu ai đó có mối bất bình tưởng tượng chống lại ông. - Có thể. Ngoại trừ một điều. Hầu hết bệnh nhân của tôi được tôi chăm sóc hàng năm trời hay hơn nữa. Trong khoảng thời gian dài như vậy, tôi đã biết rõ họ như con người ta có thể biết nhau. - Họ chưa từng nổi điên với ông à? - Moody ngây thơ hỏi. - Đôi khi có. Nhưng chúng ta không tìm ai đó giận dữ, mà đang tìm kẻ hoang tưởng giết người, kẻ đã giết ít nhất hai người và đang cố tìm cách giết tôi mấy lần. - Judd ngần ngại, rồi cũng tiếp tục - Nếu tôi có một bệnh nhân kiểu đó mà không biết, thì ông đang tìm thấy một bác sĩ tâm lý kém cỏi nhất còn sống. Ông ta nhìn lên và thấy Moody đang dò xét mình. - Tôi luôn nói - Moody vui vẻ - Việc đầu tiên chúng ta phải làm là tìm ra có hay không ai đó cố hạ sát ông, hoặc có hay không ông bị mất trí. Phải không bác sĩ? Ông ta chấm dứt với nụ cười bao dung, gỡ bỏ sự xúc phạm trong lời nói của mình. - Là sao? - Judd hỏi. - Đơn giản lắm, vấn đề của ông là: ông đang đứng đập bóng trên sân nhà, và ông không biết có ai đó nẫng bóng đi. Trước tiên chúng đi tìm liệu sắp có một trận đấu bóng, và rồi chúng ta đi tìm ai là đấu thủ của ông. Ông có xe hơi không? - Có. Judd đã quên phắt việc bỏ đi tìm một thám tử tư khác. Ông ta ý thức rằng, đằng sau gương mặt ngây thơ, dịu dàng và thân hình thô kệch của Moody là một khả năng thông minh, trầm tĩnh. - Tôi nghĩ rằng ông đã bị một phen căng thần kinh - Moody nói - Tôi muốn ông đi nghỉ ngơi ít ngày. - Khi nào? - Sáng mai. - Không thể được - Judd phản đối - Tôi đã lên lịch hẹn với bệnh nhân… - Hủy hẹn đi. - Moody gạt ngang. - Nhưng mà thật tệ… - Bộ tôi dạy ông cách kinh doanh sao? - Moody hỏi - Khi ông ra khỏi đây, tôi muốn ông tới ngay một dịch vụ du lịch. Bảo họ giữ chỗ cho ông - ông ta nghĩ ngợi một lúc - ở Grossinger’s. Đó là một cuộc đi chơi bằng xe hơi thú vị băng qua Catskills… Có garage nào ở gần chung cư nơi ông ở không? Tốt. Bảo họ bảo dưỡng xe ông cho cuộc du hành. Ông không muốn bất kỳ trục trặc nào xảy ra trên đường. - Tôi không thể hoãn lại tuần sau à? Ngày mai lịch đã đầy … - Sau khi ông đã đi đặt chỗ, ông trở lại văn phòng và gọi cho tất cả bệnh nhân. Bảo họ ông có một ca khẩn cấp và ông sẽ trở về sau một tuần. - Thật sự tôi không thể - Judd nói - Nó ngoài sự … - Tốt hơn là ông cũng nên gọi cho Angeli, tôi không muốn cảnh sát truy lùng ông khi ông đi vắng. - Tại sao tôi phải làm vậy? - Judd hỏi. - Để bảo toàn 50 đô la của ông. Nó cũng nhắc tôi rằng: còn thêm 200 đô nữa đang chờ. Và cộng thêm 50 đô mỗi ngày để chi phí. - Moody kéo mạnh thân hình nặng nề của ông ta ra khỏi ghế xích đu - Tôi có thể đến đó trước khi trời tối. Ông có thể ra đi vào bảy giờ sáng mai không? - Tôi… tôi cứ cho là vậy. Tôi sẽ tìm thấy gì khi đến đó? - Một chút may mắn, một bảng ghi điểm thể thao. Năm phút sau, Judd đã ngồi trong xe hơi. Ông ta đã bảo Moody rằng mình không thể bỏ chạy và bỏ rơi bệnh nhân của mình với một thông báo vắn tắt như vậy. Nhưng ông ta biết rằng mình sẽ phải đi. Ông ta đúng là đã phó thác mạng sống của mình vào tay một gã thám tử tư báo mập hài hước. Khi ông ta lái xe ra đường, mắt ông ta đập vào tấm bảng của Moody trên cửa sổ: BẢO ĐẢM HÀI LÒNG KHÁCH HÀNG Mong là ông ta đúng, Judd nghĩ một cách cứng rắn. Cuộc du hành trơn tru. Judd ghé lại dịch vụ du lịch trên Đại lộ Madison. Họ đặt một phòng cho ông ta tại Grossinger’s và cho ông ta một bản đồ đường bộ với nhiều tờ bướm giới thiệu Catskills. Rồi ông ta gọi Dịch vụ trả lời điện thoại và ủy thác cho họ gọi đến bệnh nhân của ông để hủy bỏ mọi cuộc hẹn cho đến khi có thông báo mới. Ông gọi đến trạm cảnh sát khu vực 19, xin gặp thám tử Angeli. - Angeli bệnh ở nhà - một giọng vô cảm trả lời - ông muốn lấy số điện thoại nhà không? - Có. Một lát sau, ông gọi được cho Angeli. Qua giọng nói, ông thấy Angeli đang bị cảm lạnh nặng. - Tôi quyết định tôi cần đi khỏi thị trấn trong vài ngày - Judd nói - Tôi sẽ đi vào sáng mai, tôi muốn hỏi ý kiến ông. - Có một khoảng lặng khi Angeli đang suy nghĩ - Không tồi. Ông đi đâu vậy? - Tôi cho rằng tôi sẽ lái xe đến Grossinger’s. - Được, không có gì phải lo, tôi sẽ báo lại Mc Greavy - ông ta ngập ngừng - tôi nghe có chuyện xảy ra ở văn phòng ông tối qua. - Có nghĩa là ông nghe lời thuật của McGreavy. - Ông có nhìn thấy mặt kẻ muốn giết ông không? Nghĩa là, ít ra Angeli đã tin ông. - Không. - Không có gì để giúp chúng ta nhận dạng chúng à? Màu da, tuổi, chiều cao? - Tôi rất tiếc - Judd nói - Trời quá tối. - Angeli hít một hơi - Được, tôi sẽ theo dõi việc này. Không chừng tôi sẽ có tin tốt cho ông khi ông trở về. Hãy bảo trọng, bác sĩ ạ. - Vâng - Judd cảm thấy dễ chịu, gác máy. Kế đến, ông ta gọi cho sếp của Burke và giải thích vắn tắt tình hình của Burke. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải giam giữ Burke càng sớm càng tốt. Sau đó, Judd gọi Peter, giải thích rằng ông ta phải rời khỏi thị trấn trong một tuần, và nhờ Peter có những trợ giúp cần thiết cho Burke. Peter đồng ý. Công việc đã xong. Việc làm cho Judd bối rối nhất là ông ta không thể gặp Anne vào thứ Sáu. Có lẽ ông sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa. Khi lái xe về căn hộ, Judd nghĩ đến Norman Z. Moody. Ông ta có một khái niệm về những việc mà Moody sắp xếp. Bằng cách thông báo đến tất cả bệnh nhân của Judd rằng ông ta rời khỏi thị trấn, Moody đoan chắc rằng nếu kẻ giết người là một bệnh nhân của Judd - nếu có một kẻ giết người trong số họ - thì một cái bẫy dùng Judd làm con mồi sẽ dành cho hắn. Moody chỉ thị cho Judd để lại địa chỉ mà ông ta sẽ đến với số điện thoại liên lạc cho người gác cửa căn hộ. Ông ta đoan chắc rằng mọi người sẽ biết nơi mà Judd đang đi đến. Khi Judd leo lên đến trước cửa căn hộ, Mike đã ở đó đón ông ta. - Tôi sẽ lên đường vào sáng sớm - ông ta thông báo cho Mike - Anh giúp tôi mang xe đi bảo dưỡng ở garage và đổ đầy bình xăng nhé? - Mọi thứ sẽ đâu vào đấy, bác sĩ Stevens. Ông cần chiếc xe vào mấy giờ vậy? - Tôi sẽ đi lúc bảy giờ - Judd cảnh giác rằng Mike dõi theo mình khi ông ta bước vào căn hộ. Khi bước vào căn hộ, ông ta khóa tất cả cửa ra vào và kiểm tra các cửa sổ. Mọi việc dường như đúng trật tự của nó. Ông ta uống hai viên thuốc ho, thay đồ và tắm nước nóng, thận trọng nhẹ nhàng ngâm thân thể đau rêm của mình vào nước, cảm giác sức căng khi ngâm đến lưng và cổ. Ông ta nằm trong bồn tắm thoải mái, thư thái và suy nghĩ. Tại sao Moody cảnh báo ông ta không để cho xe trục trặc dọc đường. Bởi vì có khả năng ông ta sẽ bị tấn công ở đâu đó trên con đường độc đạo đến Catskills. Và Moody sẽ có thể làm gì nếu Judd bị tấn công? Moody đã từ chối kể về kế hoạch của ông ta - nếu có một kế hoạch. Judd càng nghiệm, càng thấy rằng ông ta đang đi vào một cái bẫy. Moody từng nói, ông ta lập bẫy cho kẻ theo đuổi Judd. Nhưng hễ khi nào ông ta nghĩ sâu vào việc này, câu trả lời cũng vẫn vậy: cái bẫy dường như là dành cho Judd. Tại sao vậy? Moody có lợi lộc gì khi dẫn Judd vào chỗ chết? Ôi trời! Judd nghĩ. Tôi chấm một cái tên ngẫu nhiên từ những trang vàng trong cuốn Danh bạ điện thoại Manhattan và tôi tin rằng hắn muốn giết tôi. Tôi là kẻ hoang tưởng. Ông ta cảm thấy mắt mình sụp xuống. Những viên thuốc và tắm nóng đã phát huy tác dụng. Ông ta mệt mỏi lết ra khỏi bồn tắm, cẩn thận thấm khô thân thể bầm tím của mình bằng chiếc khăn lông mượt rồi khoác lên bộ pyjama. Ông ta lên giường và đặt chiếc đồng hồ điện reo vào lúc sáu giờ. Ông ta nghĩ, Catskills, một cái tên thích hợp hoàn cảnh, và ông ta chìm vào giấc ngủ sâu đắm. Sáu giờ, Judd thức dậy ngay khi đồng hồ reo. Mặc dù không có sai sót nào cả, ông ta chợt nghĩ, Tôi không tin rằng có một loạt trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi không tin rằng một trong số bệnh nhân của tôi là kẻ giết người hàng loạt. vậy thì, tôi là kẻ hoang tưởng, hoặc tôi chính là hắn. Cái ông ta cần là nhờ một bác sĩ tư vấn tâm lý khác ngay không chậm trễ. Ông ta sẽ gọi cho bác sĩ Robbie. Ông ta biết rằng điều đó sẽ kết liễu sự nghiệp của mình. Nhưng không còn lối thoát nào khác. Nếu ông ta đang bị hoang tưởng, họ sẽ phải bắt giam ông ta. Moody có ngờ răng ông ấy đang gặp phải một ca tâm thần không nhỉ? Và tại sao ông ta đề nghị mình đi nghỉ? Không phải vì ông ta tin bất kỳ ai phía sau cuộc sống của Judd, mà bởi vì ông ta có thể nhìn thấy dấu hiệu của sự suy nhược thần kinh? Có lẽ bài học khôn ngoan nhất là nghe theo lời khuyên của Moody và đi đến Catskills vài ba ngày. Một mình, gỡ bỏ mọi áp lực, ông ta có thể bình thản cố tự đánh giá bản thân, tìm ra nguyên nhân đầu óc của mình bị chơi khăm, khi ông ta bắt đầu mất khả năng cảm nhận sự thật. Rồi khi ông ta trở về, ông ta sẽ lấy cuộc hẹn với bác sĩ Robbie và giao bản thân mình cho cho ông ấy chăm sóc. Đó là một quyết định đau đớn, nhưng cần phải làm, để cho Judd cảm thấy đỡ hơn. Ông ta thay đồ, chuẩn bị một vali nhỏ có đủ quần áo cho năm ngày và xách xuống thang máy. Eddie chưa đến ca trực và thang máy ở chế độ tự phục vụ. Judd đi xuống tầng hầm để xe, ông ta nhìn quanh tìm Wilt, người phục vụ, nhưng không có ai. Garage hoang vắng như sa mạc. Judd chưng cái xe của mình trong góc đối diện với bức tường xi măng. Ông ta đi vòng qua nó, đặt vali vào ghế sau, mở cửa trước và nhẹ nhàng ngồi sau tay lái. Khi ông ta với tay vào chìa khóa công tắc, một bóng đàn ông từ đâu xuất hiện lù lù bên cạnh. Judd giật thót tim. - Ông thật đúng giờ như kế hoạch. - Đó là Moody. - Tôi không biết ông đang giám sát tôi - Judd nói. Moody tươi cười nhìn Judd, bộ mặt hiền hậu của ông ta chảy thành nụ cười khổng lồ: - Tôi không có gì hay hơn để làm, và lại tôi không buồn ngủ. Judd chợt thấy biết ơn cho cách thức khéo léo mà Moody xử lý tình huống. Chưa nói đến sự thật là Judd sắp lái xe về miền quê để nghỉ ngơi, ít nhất ông ta có thể an tâm rằng mọi việc đang diễn ra bình thường. - Tôi chắc rằng ông đã đúng. Tôi sắp lái xe đi và hình dung rằng tôi sẽ ghi phiếu điểm cho cú bóng của mình. - Ồ! Ông không cần phải đi đâu cả. - Moody nói - Tất cả là để phòng ngừa thôi. - Tôi không hiểu. - Judd nhìn ông ta ngơ ngác. - Rất đơn giản. Tôi luôn nói, khi anh muốn khám phá dưới đáy của việc gì, anh phải đào bới nó lên. - Moody, ông … Moody cúi xuống cửa xe: - Ông có biết cái gì làm cho tôi thích thú về vấn đề nhỏ của ông không bác sĩ? Hình như là cứ mỗi năm phút là có ai đó đang muốn giết ông, có lẽ thế. Và bây giờ “có lẽ” nó lôi cuốn tôi. Không có gì mà ta phải chiến đấu cho đến khi ta tìm ra hoặc là ông đang suy sụp hay là thật sự ai đó đang cố biến ông thành xác chết. - Nhưng còn Catskills …- Judd nhìn vào ông ta và nói yếu ớt. - Ồ! Ông sẽ không bao giờ đi Catskills, bác sĩ à? - Ông ta mở cửa xe và nói - Bước ra đây nào. Judd bối rối bước ra khỏi xe. - Ông thấy đấy, mới chỉ là quảng cáo thôi. Tôi luôn nói là nếu anh muốn bắt cá mập, anh phải cho máu vào nước trước. Judd nhìn chăm vào mặt ông ta. - Tôi e rằng ông sẽ không phải đi Catskills - Moody nói nhẹ nhàng. Ông ta đi vòng qua cốp mũi xe, lần mò tay nắm, dở cốp lên. Judd đi về phía ông ta. Đính vào bộ phân phối khí là ba thanh thuốc nổ. Hai sợi dây điện mảnh đang đung đưa lòng thòng từ bộ đánh lửa. - Một cái bẫy vụng về - Moody nói. Judd nhìn ông ta, giọng lạc đi. - Nhưng làm sao mà ông …? - Moody cười nhăn cả mặt - Tôi bảo với ông rồi, tôi là kẻ khó ngủ. Tôi đến đây vào khoảng nửa đêm. Tôi đưa tiền cho người dọn rác đêm để ông ta ra ngoài vui vẻ tí chút, và tôi chỉ cần chờ trong bóng tối. Người dọn rác đêm sẽ đòi hai mươi đô la - ông ta thêm vào - Tôi không muốn ông thấy khó chịu. Judd cảm thấy một luồng ảnh hưởng bất ngờ về phía người đàn ông to béo. - Ông có thấy ai làm việc này không? - Không. Nó đã được thực hiện trước khi tôi đến đây. Lúc sáu giờ sáng nay, tôi hình dung là không có ai xuất hiện nữa, nên tôi làm một cuộc kiểm tra.- Ông ta chỉ vào hai sợi dây lủng lẳng. - Bạn bè ông thật là tinh khôn. Họ cài một cái bẫy thứ hai, nên nếu ông dở nắp cốp lên hết mức, sợi dây này sẽ kích khối thuốc nổ. Cùng kết quả sẽ xảy ra nếu ông bật công tắc đề máy nổ. Có đủ thuốc đạn để băm nát nửa cái garage. Judd bỗng cảm thấy bao tử sôi lên. Moody nhìn ông ta thông cảm. - Vui vẻ đi - ông ta nói - hãy nhìn đoạn đường ta đã trải qua. Chúng ta đã biết hai việc. Trước nhất, chúng ta biết ông không có điên. Và thứ hai, - nụ cười vụt tắt trên mặt ông ta - chúng ta biết rằng có ai đó làm Chúa Quyền năng khao khát hạ thủ ông, bác sĩ Steven à. Chương 10 Họ đang ngồi nói chuyện trong phòng khách trong căn hộ của Judd, thân hình quá khổ của Moody tràn ra khỏi cái đi văng lớn. Moody đã cẩn thận đặt các thứ lỉnh kỉnh của quả bom đã vô hiệu hoá vào trong cốp xe của mình. - Sao ông không để nguyên đó cho cảnh sát đến điều tra về chúng? - Judd hỏi. - Tôi luôn nói rằng việc nhầm lẫn nhất trên thế giới là có quá nhiều thông tin. - Nhưng nó sẽ chứng minh với Trung Uý McGreavy là tôi đã kể lại sự thật. - Có chắc không? Judd thấy tiêu điểm của mình: Khi mà McGreavy bị dính vào, Judd có thể phó thác sự việc cho ông ấy. Còn nữa, ông cảm thấy kỳ quặc khi mà một thám tử tư lại giành đi vật chứng với cảnh sát. Ông ta có cảm giác rằng Moody giống như một tảng băng trôi khổng lồ. Hầu hết bản chất người đàn ông được che đậy dưới vẻ ngoài, dưới vẻ mặt lịch thiệp, sự rụt rè tỉnh lẻ. Nhưng bây giờ, khi ông ta nghe Moody nói, ông ta được bơm đầy vẻ phấn chấn. Ông ta không bị mất trí và thế giới không phải thình lình xuất hiện đầy những sự trùng hợp ngẫu nhiên man rợ. Có một sát thủ ngoài vòng pháp luật. Một sát thủ máu lạnh. Và vì lý do nào đó, hắn chọn Judd làm nạn nhân chủ đích. Ôi trời, Judd nghĩ, những “cái tôi” bị tiêu diệt dễ dàng làm sao.Vài phút trước đây, ông ta sẵn sàng tin mình bị hoang tưởng. Ông ta nợ Moody một món nợ không trả nổi. - Ông là bác sĩ - Moody đang nói - còn tôi là thám tử già. Tôi luôn nói là khi anh muốn có mật ong, anh phải đi kiếm tổ ong. Judd bắt đầu hiểu biệt ngữ của Moody. - Ông muốn tôi cho ý kiến về loại người đàn ông, hay những người, mà chúng ta đang tìm kiếm à. - Đúng vậy. - Moody sáng mắt lên - Có phải chúng ta đang đối đầu với kẻ giết người điên dại, kẻ đào thoát từ nhà thương điên … “Viện tâm thần” - Judd chợt nghĩ một cách vô thức - … hay là chúng ta đi sâu vào sự việc ngay tại đây? - Đào sâu vào đi - Judd nói ngay tức khắc. - Sao ông lại nghĩ vậy, bác sĩ? - Đầu tiên, hai người đàn ông đột nhập vào văn phòng của tôi đêm trước, tôi có thể chấp nhận giả thuyết đó là kẻ điên, nhưng hai kẻ điên cùng làm việc với nhau là quá nhiều. Moody gật đầu đồng ý. - Được lắm, tiếp đi. - Thứ hai, một tâm thần bất ổn có thể có nỗi ám ảnh, nhưng nó dựa trên một nền tảng rõ ràng. Tôi không biết tại sao John Hanson và Carol Roberts bị giết , nhưng nếu tôi không lầm thì theo trình tự tôi là nạn nhân thứ ba và cuối cùng. - Cái gì làm ông nghĩ ông là nạn nhân cuối cùng? - Moody tò mò hỏi. - Bởi vì - Judd đáp - nếu còn có những nạn nhân khác, thì khi lần đầu giết tôi thất bại, họ sẽ phải tiếp tục giết ai khác nữa theo danh sách của họ. Nhưng ngược lại, họ đang cố sát chỉ mình tôi. - Ông biết không - Moody đồng ý - ông chính là một thám tử bẩm sinh đó. Judd nhăn mặt: - Có một vài sự việc vô lý. - Như là gì … - Đầu tiên là động cơ - Judd nói - Tôi không biết có ai … - Chúng ta sẽ lại bàn sau. Còn gì nữa? - Nếu ai đó thật sự khao khát giết tôi, khi chiếc xe tải tông ngã tôi, gã tài xế chỉ còn phải quay xe lại và cán chết tôi. Tôi đã bất tỉnh rồi. - À! Đó là nơi mà ông Benson đã đến. Judd nhìn ông ta ngơ ngác. - Ông Benson là người làm chứng cho vụ tai nạn của ông. - Moody thương hại giải thích- Tôi lấy tên ông từ báo cáo của cảnh sát và đã gặp ông ta sau khi ông ra khỏi văn phòng tôi. Vậy là mất 150 đô la tiền taxi, đồng ý nhé? Judd gật đầu không nói gì. - Ông Benson là người bán đồ da, tiện thể nói luôn, Chúng thật đẹp. nếu ông có muốn mua gì cho người phụ nữ của mình thì tôi có thể giới thiệu để ông được giảm giá. Dù sao thì, tối Thứ Ba này, hôm xảy ra tai nạn, ông ta đang đi đến toà nhà văn phòng nơi bà chị dâu của ông ta đang làm việc. Ông ta mang đến vài viên thuốc cho anh trai Mathew, người đi bán Kinh Thánh, đang bị cảm cúm. Bà chị dâu sẽ mang thuốc về nhà cho ông anh. Judd đè nén sự thiếu kiên nhẫn của mình. nếu Norman Z. Moody thích ngồi đó và đọc thuộc lòng toàn bộ Bản Tuyên Bố Nhân Quyền, ông ta cũng sẽ lắng nghe. - Ông Benson giao thuốc xong và bước ra khỏi toà nhà thì thấy chiếc Limousine đâm thẳng về phía ông. Dĩ nhiên, lúc đó ông ta không biết đó là ông. Judd gật đầu. Chiếc xe thật sự bị tạt về một bên, từ góc nhìn của Benson, nó trông giống như đang bị trượt đi. Khi ông ta thấy nó đụng vào ông, ông ta liền chạy đến để coi có giúp gì được không. Chiếc Limousine quay trở lại tính cán ông một lần nữa. Hắn thấy ông Benson và chạy thoát như con dơi băng ra từ địa ngục. - Thế nếu ông Benson không xuất hiện ở đó … - Judd há hốc. - Phải - Moody nói chậm rãi - … thì tôi và ông sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau. Những gã đó không phải đang chơi game đâu. Họ đang truy sát ông đó bác sĩ à. - Còn cuộc tấn công tại văn phòng của tôi thì sao? Sao chúng không tông cửa vào. Moody yên lặng trong một lúc và suy nghĩ. - Đó là một câu đố. Chúng đã có thể phá cửa, giết ông và bất kỳ ai đang ở cùng ông và chạy thoát mà không ai nhìn thấy. Nhưng khi chúng nghĩ rằng ông không ở đó một mình thì chúng bỏ đi. Tôi chưa ráp được chỗ này với phần còn lại của sự việc. - Ông ta ngồi đó, liếm cặp môi trễ - Ngoại trừ … - ông ta nói tiếp. - Ngoại trừ cái gì. Một cái nhìn phán đoán lướt qua mặt Moody. - Tôi ngạc nhiên … - ông ta thở dài. - Cái gì? - Dừng tại điểm này, tôi có một ý kiến, nhưng tôi không chắc cho đến khi tìm ra một động cơ. Judd nhún vai hờ hững. - Tôi không biết bất kỳ ai có động cơ để giết tôi. Moody suy nghĩ một lúc. - Này bác sĩ, ông có bí mật nào mà ông tiết lộ cho bệnh nhân của ông John Hanson và Carol Roberts không? Một điều gì đó mà chỉ có ba người các ông biết. Judd lắc đầu. - Bí mật duy nhất mà tôi có là những bí mật về bệnh nhân của tôi. Và không có một việc đơn lẻ nào trong bất kỳ quá khứ nào của họ có thể biện hộ cho kẻ giết người. Không ai trong số bệnh nhân của tôi là điệp viên hay gián điệp ngoại quốc, hay tù vượt ngục. Họ chỉ là nhưng người bình thường: nội trợ, kỹ sư, viên chức ngân hàng, những người có vấn đề mà họ không thể đối phó được. Moody nhìn ông ta một cách thô thiển. - Ông có chắc là ông không che dấu một kẻ giết người hoang tưởng trong cái thế giới nhỏ bé của ông không? Giọng của Judd cứng rắn. - Chắc chứ. Ngày hôm qua, tôi có thể còn chưa chắc. Nói thật với ông là, tôi có lúc nghĩ rằng tôi đang bị hoang tưởng và ông đang giễu cợt tôi. Moody mĩm cười với ông ta và nói: - Ý nghĩ thoáng qua đầu tôi, sau khi ông gọi điện hẹn gặp tôi, tôi đã kiểm tra về ông. Tôi đã gọi cho vài người bạn thân làm bác sĩ của tôi. Ông đúng là có danh tiếng. Thế cho nên Ngài Stevenson đã trở thành đồng hành với gã Moody nhà quê thô kệch này. - Nếu bây giờ chúng ta báo cảnh sát, - Judd nói - với những gì chúng ta biết, ít nhất ta có thể làm cho họ bắt đầu điều tra ai đứng đằng sau những việc này. Moody nhìn ông ta với vẻ kinh ngạc dịu dàng. - Ông nghĩ vậy à? Chúng ta thật sự chưa có đủ bằng chứng để tiếp tục, đúng không nào bác sĩ? - Đúng vậy. - Tôi chưa chịu thua đâu. - Moody nói - Tôi nghĩ, chúng ta đã đi đúng hướng. Chúng ta đã thu hẹp phạm vi sự việc một cách tốt đẹp. Một sự rùng mình thất vọng trong giọng nói của Judd: - Chắc là kẻ đó có thể là bất kỳ ai trên lục địa nước Mỹ. Moody ngồi yên một lúc, ngửa mặt ngắm trần nhà. Cuối cùng ông ta lắc đầu, thở dài: - Những người thân. - Những thân nhân sao? - Bác sĩ à, tôi tin ông khi ông nói ông biết rõ bên trong những bệnh nhân của ông. Nếu ông bảo tôi họ không thể làm bất cứ việc gì như thế này, thì tôi đã có 10 giờ đồng hành với ông. Đó là tổ ong của ông và ông là người bảo vệ cho những con ong. - Ông ta ngã người trên đi văng. - Nhưng hãy kể cho tôi vài điều. Khi ông chữa cho bệnh nhân, ông có hỏi về gia đình họ không? - Không. Đôi khi gia đình không hề biết rằng bệnh nhân đi khám bác sĩ tâm thần. Moody bật trở lại, thoả mãn. - Chính là ở đó. - Ông ta nói. Judd nhìn ông ta: - Ông nghĩ rằng thành viên nào đó trong già đình các bệnh nhân đang cố giết tôi? - Có thể lắm. - Họ còn có ít động cơ hơn là bệnh nhân. Ít khả năng lắm. Moody đau khổ nhìn vào chân mình: - Ông còn chưa biết sao bác sĩ? Hãy làm những gì tôi yêu cầu. Cho tôi danh sách tất cả những bệnh nhân mà ông đã gặp trong bốn hay năm tuần vừa qua. Được không? Judd ngần ngại. - Không. - Cuối cùng ông ta dứt khoát. - Đó là bí mật giữa bệnh nhân và bác sĩ phải không? Tôi nghĩ đã đến lúc phải lái nó đi một chút. Mạng sống của ông đang bị đe doạ. - Tôi nghĩ ông đi sai hướng rồi. Điều đang xảy ra không có liên quan gì đến các bệnh nhân và gia đình của họ. Nếu có gì điên rồ ở thân nhân của họ, thì họ đã phải đến bác sĩ tâm lý rồi. - Ông ta lắc đầu - Tôi rất tiếc, ông Moody, tôi phải bảo vệ bệnh nhân của mình. - Ông từng nói, trong hồ sơ bệnh nhân không có gì quan trọng. - Không quan trọng đối với chúng ta. - Ông ta nhớ đến một số chi tiết trong hồ sơ: John Hanson đón những thuỷ thủ trong quán rượu trên Đại lộ số 3. Teri Washburn làm tình với các cậu trai trong nhóm 14 tuổi Evelyn Warshak, những đứa chuyên mãi dâm ở lớp chín… - Tôi rất tiếc - ông ta lập lại. Moody nhún vai: - Thôi được rồi. bây giờ ông sẽ phải làm phụ tá cho tôi. - Ông muốn tôi làm cái gì? - Lấy ra hết những cuộn băng mà ông có trong vòng một tháng trở lại đây. Nghe thật kỹ từng cái một. Riêng lần này không nghe theo kiểu bác sĩ, mà nghe theo kiểu thám tử, tìm cho ra cái gì đó không bình thường. - Tôi sẽ làm vậy. Đó là nghề của tôi mà. - Còn nữa, hãy mở to con mắt cảnh giác. Tôi không muốn mất ông khi chúng ta chưa giải quyết xong chuyện này. - Ông ta với lấy cái áo khoác và xỏ vào, trông giống như con voi múa ba lê. Judd nghĩ, những người đàn ông mập mạp có vẻ phong lưu, ngoại trừ ông Moody này. - Ông có thấy điều khác thường nhất trong câu chuyện quái quỷ này không? - Moody hỏi thận trọng. - Cái gì vậy? - Chính ông đã phát hiện điều này trước, khi ông nói có hai gã. Có lẽ chỉ cần một gã cũng đủ hạ đo ván ông - vậy tại sao có hai? - Tôi không biết. Moody ngắm nghía ông ta chăm chú. - Lạy trời - Cuối cùng ông ta thốt lên. - Chuyện gì vậy? - Tôi mới động não. Nếu tôi không lầm, có hơn hai người đển giết ông. Judd nhìn chằm chằm vào Moody ngờ vực: - Ông muốn nói có cả một nhóm sát thủ đằng sau tôi? Vô lý quá. Có một cái nhìn kích động nổi lên trên mặt Moody. - Này bác sĩ, tôi có ý kiến ai có thể là trọng tài cho trò chơi này. - Ông ta nhìn Judd mắt sáng lên - Tôi chưa biết như thế nào hay tại sao, nhưng tôi biết đó là ai. - Ai vậy? Moody lắc đầu: - Chúa gởi tôi tới nhà máy nghiền tôi ra nếu tôi nói cho ông biết. Tôi luôn nói: nếu anh sắp ngậm miệng lại thì anh phải chắc là nó đã ngậm được cái gì. Để tôi làm một cuộc kiểm tra nhỏ, nếu tôi đi đúng hướng, tôi sẽ nói với ông. - Tôi hy vọng ở ông. - Judd nói tha thiết. Moody nhìn ông ta một lúc. - Không, bác sĩ à. Nếu ông xem rẻ mạng sống của mình là tôi sai. Rồi Moody bỏ đi. Ông ta đi taxi tới văn phòng. Giờ là trưa thứ Sáu, chỉ còn hơn ba ngày mua sắm nữa là đến Noel, đường phố đầy những người đi mua sắm quấn đầy áo ấm chống lại cơn gió lạnh quét từ sông Hudson. Cửa sổ các tiệm được trang trí đèn, quấn đầy các cây thông Noel và hình tạc Chúa hài Đồng. Hoà bình trên trái đất. Lễ Noel. Và Elizabeth cùng đứa con trong bụng. Một ngày gần đây - nếu ông ta còn sống - ông ta sẽ tự tạo hạnh phúc của mình, tự giải thoát khỏi quá khứ chết chóc và đi tới. Ông ta biết rằng, với Anne, ông có lẽ … Ông ta tự dừng lại dứt khoát. Đâu là sự si mê điên cuồng về người đàn bà có chồng, bỏ đi với chồng cô ta, cô ấy yêu ai hơn? Taxi đã đến trước cửa toà nhà văn phòng. Judd bước ra, căng mắt nhìn quanh. Ông ta tìm kiếm cái gì? Ông ta không có khái niệm gì về vũ khí giết người là cái gì, và ai sẽ sử dụng chúng. Khi đến văn phòng, ông ta khoá cửa ngoài, đi tới kệ chứa các cuộn băng và mở ra. Các cuộn băng được sắp xếp theo thứ tự thời gian với tên của từng bệnh nhân. Ông ta lựa những cuộn băng gần đây nhất và mang tới máy ghi âm. Nay thì các cuộc hẹn trong ngày đã bị huỷ, ông ta sẽ có thể tập trung vào việc cố tìm coi có dấu hiệu nào có thể liên quan đến bạn bè hoặc thân nhân của bệnh nhân của ông. Ông ta cảm thấy đề nghị của Moody là xa vời, nhưng ông có đủ kính trọng ông ấy để không làm ngơ yêu cầu đó. Khi chạm vào cuộn băng đầu tiên, ông ta nhớ lại lần cuối cùng sử dụng máy. Dường như mới tối hôm qua? Ông ta nhớ lại những pha kinh hoàng trong ác mộng. Ai đó đã chuẩn bị giết ông trong phòng này, nơi họ đã giết Carol. Ông ta thình lình nhận thức rằng, ông ta đã không nghĩ đến những bệnh nhân ở phòng khám miễn phí mà ông làm việc một buổi sáng mỗi tuần. Có khả năng những kẻ giết người đã điều nghiên văn phòng này kỹ hơn bệnh viện. Dừng một chút.., ông ta đi vòng qua cái thùng gắn nhãn “phòng khám”, nhìn qua mớ băng và cuối cùng lựa lấy nửa tá. Ông ta bỏ cuộn đầu tiên vào máy ghi âm. Rose Graham. - … một tai nạn, thưa bác sĩ.. Nancy khóc nhiều, nó luôn luôn là đứa bé nhỏng nhẻo, nên tôi đánh nó, đó là muốn dạy nó, ông biết không? - Bà có bao giờ tìm hiểu coi tại sao Nancy khóc nhiều chưa? - Giọng Judd hỏi. - Bởi vì nó hư quá. Cha nó làm hại nó rồi bỏ đi mất. Nancy luôn nghĩ nó là con gái của cha, nhưng Harry thật sự yêu con được bao nhiêu khi mà anh ấy bỏ đi như vậy. - Bà và Harry chưa cưới nhau phải không? - Vâng … theo lẽ thường, tôi đoán ông sẽ nói vậy, chúng tôi chuẩn bị kết hôn. - Các người sống chung bao lâu rồi? - Bốn năm. - Sau khi Harry bỏ đi rồi bà bẻ gãy tay Nancy đến nay là bao lâu? - Khỏang một tuần, tôi đoán vậy. Tôi không muốn làm gãy tay nó. Tôi chỉ muốn nó ngừng quấy khóc, nên cuối cùng tôi rút cây mắc màn và đánh con bé. - Bà có nghĩ Harry yêu Nancy nhiều hơn yêu bà? - Không, Harry phát điên với tôi ấy chứ. - Vậy bà nghĩ vì sao anh ta bỏ đi? - Bởi vì anh ấy là đàn ông. Và ông không biết đàn ông là gì sao? Là súc vật! Tất cả các ông. Lũ các ông đáng bị giết thịt, như heo ấy. - Tiếng khóc thổn thức. Judd tắt máy và nghĩ về Rose Graham. Bà ấy là kẻ ghét người loạn trí, bà ta hầu như đánh con gái nhỏ sáu tuổi của mình gần chết bởi hai nguyên cớ khác nhau. Nhưng kiểu mẫu của kẻ giết người không phù hợp với tâm trí của Rose Graham. Ông ta bỏ cuộn băng kế tiếp từ phòng khám vào máy. Alexander Fallon. - Cảnh sát nói ông tấn công ông Champion bằng một con dao, ông Fallon. - Tôi chỉ làm những gì người ta bảo. - Ai đó bảo ông giết ông Champion à? - Ông ta bảo tôi làm vậy. - Ông nào? - Chúa. - Tại sao Chúa bảo ông giết ông ta? - Tại vì Champion là người xấu. Ông ta là diễn viên. Tôi thấy ông ta trên sân khấu. Ông ta hôn cô này, nữ diễn viên này. Trước mặt toàn thể khán giả, ông ta hôn cô ấy và … Im lặng. - Tiếp đi. - Ông ta sờ ngực cô ấy. - Việc này làm ông căm giận à? - Dĩ nhiên! Nó làm tôi thất vọng khủng khiếp. Ông không hiểu đó có nghĩa là gì à? Ông ta đã ăn nằm với cô ấy. Khi tôi ra khỏi nhà hát., tôi cảm thấy như đang đến từ Sodom và Gomorrah, những tội đồ của Chúa. Họ phải bị trừng phạt. - Vậy là ông quyết định giết ông ta? - Tôi không quyết định. Chúa quyết định. Tôi chỉ thực hiện lệnh của Ngài. - Chúa có thường nói chuyện với ông không? - Chỉ khi có việc cần làm, Ngài chọn tôi làm công cụ của Ngài, bởi vì tôi thuần khiết. Ông biết cái gì làm cho tôi thuần khiết không? Ông có biết rằng việc thuần khiết nhất trên thế giới là gì không? - Giết những kẻ tội lỗi. Alexander Fallon. Ba mươi lăm tuổi, giúp việc bán thời gian cho tiệm bánh. Ông ta đã từng ở trong viện tâm thần trong sáu tháng, sau đó được cho ra. Có thể nào Chúa bảo ông ta tiêu diệt Hanson, kẻ đồng tính, và Carol, một kẻ mại dâm trước đây, và Judd, ân nhân của cả hai? Judd cả quyết rằng không phải như vậy. Ý nghĩ của Fallon diễn tiến với những cơn co giật ngắn và đau đớn. Còn kẻ giết người có kế hoạch và có tổ chức trình độ cao. Ông ta nghe thêm vài cuộn băng nữa từ phòng khám, nhưng không có ai trong số họ khớp với kiểu cách mà ông đang tìm kiếm. Không, không phải là bất kỳ bệnh nhân nào ở phòng khám. Ông ta lướt qua những hồ sơ ở văn phòng và một cái tên đập vào mắt ông ấy. Skeet Gibson. Ông bỏ băng vào máy. - Buổi sáng, bác sĩ à, thật là thích thú làm sao khi tôi nấu bữa ăn cho ông trong ngày đẹp trời này? - Ông đang cảm thấy ngày tốt lành. - Nếu tôi cảm thấy tốt hơn, lẽ ra họ nên cản tôi lại. Ông có thấy sô diễn của tôi tối qua không? - Không, rất tiếc, tôi đã không thể. - Tôi chỉ là một kẻ thất bại. Jack Gould gọi tôi là “diễn viên hài đáng yêu nhất trên thế giới”. Mà tôi là ai mà lại đi tranh cải với một thiên tài như Jack Gould. Ông hãy nghe tiếng khán giả! Họ đang vỗ tay cho màn diễn xuất sắc. Ông có biết đó nói lên điều gì không? - Rằng họ có thể đọc tấm thẻ “Vỗ tay”. - Ông sắc xảo, ông quái quỷ, ông… Đó là điều mà tôi thích, một bác sĩ tâm thần với tính hài hước. Điều cuối cùng tôi gặp phải là một trở ngại. Một tin đồn làm tôi khó chịu. - Tại sao? - Bởi vì đó là một quý cô. Có tiếng cười lớn. - Vào lúc đó, tôi như con gà trống già. Không đùa, một điều làm cho tôi cảm thấy phần khởi là bởi vì tôi vừa cam kết một triệu đô la.- hãy tính đi: một triệu đô - để giúp đỡ những đứa trẻ ở Biafra. - Không có gì ngac nhiên nếu ông cảm thấy tốt. - Ông đánh cuộc với con lừa của ông á. Chuyện đó đăng trên trang nhất các báo trên thế giới. - Điều đó có quan trọng không? - Ý ông là sao? Có quan trọng không à? Có bao nhiêu gã cam kết cho công tác từ thiện đó. Ông có thôi tù và của ông chưa, Peter Pan. Tôi vui sướng có đủ khả năng để đóng góp tiền. - Ông luôn nói “cam kết”, đó có nghĩa là “cho” phải không? - “Cam kết” hay “cho” có gì khác nhau? Ông cam kết một triệu, cho vài ngàn đô la, và họ hôn vào đít ông… Tôi có kể với ông hôm nay là kỷ niệm ngày cưới của tôi chưa? - Chưa. Xin chúc mừng. - Cám ơn. Mười lăm năm qua. Đó là ả điếm ngọt ngào nhất mà tôi từng dạo qua trên trái đất của Chúa. Tôi thật sự may mắn với hôn nhân của mình. Ông có biết thế nào là nỗi đau trong cái lỗ đít phối ngẫu có thể chịu đựng? Sally có hai anh trai Ben và Charley. Tôi có kể với ông về họ. Ben là người viết kịch bản cho sô của tôi trên Tivi và Charley là nhà sản xuất chương trình. Họ là những thiên tài. Tôi đã biểu diễn trên Tivi bảy năm nay. Và chúng tôi chưa bao giờ ra khỏi top ten trên bảng xếp hạng của Nielsen. Tôi rất thong minh khi kết hôn với gia đình như thế, đúng chứ hả? hầu hết phụ nữ mập lên và luộm thuộm từ khi lấy chồng. Nhưng Sally, chúa ơi, còn mảnh khảnh hơn từ sau ngày cưới. Ôi đàn bà… Ông có thuốc là không? - Đây. Tôi cho rằng ông nên bỏ thuốc. - Tôi chỉ muốn tự phô trương. Tôi đã có nghị lực, nên tôi bỏ thuốc. bây giờ tôi hút lại bởi vì tôi muốn… Tôi có hợp đồng mới với hệ thống ngày hôm qua. Tôi thật sự đã phỉnh họ. Hết giờ chưa? - Chưa. Sao ông không nghỉ ngơi, Skeet? - Để kể với ông sự thật, cưng à. Tôi đang có triển vọng vĩ đại, tôi không biết vì cái quái quỷ gì mà tôi đang kiếm tiền ở đây nữa. - Còn gì nữa không? - Tôi ấy à? Thế giới là con hàu của tôi và tôi là Diamond Jim Brady. Tôi đã giao nó cho ông. Ông đã thật sự giúp đỡ tôi. Ông là người đàn ông của tôi. Với kiểu kiếm tiền của ông, có lẽ tôi nên kinh doanh bằng cách mở phòng khám của riêng mình, được chứ hả? … Điều này nhắc tôi một chuyện lớn khi một gã đi đến phòng mạch, nhưng hắn quá căng thẳng nên hắn chỉ nằm trên đi văng mà không nói gì. Một giờ sau, bác sĩ tâm thần nói:” Hết năm mươi đô la”. Ồ, việc này kéo dài cả hai năm mà gã bần tiện không nói một lời. Cuối cùng ngày nọ thằng kia mở miệng nói:” Bác sĩ, tôi muốn hỏi một câu?”. “Được.” bác sĩ trả lời. và gã kia nói “ Ông có cần phụ tá không?”. Có tiếng cười lớn. - Ông có uống một liều aspirin hay gì đó phải không? - Dĩ nhiên. Nó dùng để trị nhức đầu mà? - Không có gì qua khỏi mắt tôi, ông bạn già … Cám ơn, đó là trò chơi khăm. - Ông nghĩ gì mà đem chứng nhức đầu ra đây? - Chỉ là sự căng thẳng khi có sô tivi bình thường… chúng tôi đã đọc kịch bản hồi chiều này. - Việc đó làm ông căng thẳng à? - Tôi à? Quỷ tha ma bắt. Không! Làm sao tôi có thể căng thẳng được? Nếu câu chuyện đùa dở tệ, tôi làm mặt khỉ, nháy mắt với khán giả, và họ thích thú ngay. Không có vấn đề sô diễn hay dở ra sao, lão già nhỏ bé Skeet vẫn sẽ thơm nức như hoa hồng. - Vậy tại sao ông nghĩ ông bị nhức đầu mỗi tuần? - Tôi mà biết chó gì? Giả sử ông là bác sĩ, ông phải nói cho tôi biết chứ. Tôi đâu có trả tiền cho cái đít mập của ông ngồi đây hàng giờ để hỏi những câu ngu xuẩn. Thề có Chúa, nếu thằng ngốc như ông không chữa được chứng nhức đầu đơn giản, thì họ không nên để cho ông chạy quanh cuộc đời của những người bị lẩn quẩn đầu óc. Ông lấy bằng y khoa ở đâu vậy? Tại một trường thú y à? Tôi không tin tưởng những con điếm của tôi với ông. Ông là tên lang băm chết tiệt. Lý do duy nhất mà tôi tới chỗ ông là bởi vì Sally bón phân vào mặt tôi, đó là cách duy nhất tôi có thể làm cho cô ấy quay trở lại. Ông có biết định nghĩa của tôi về Địa ngục không?Là kết hôn với con ngựa gầy nhom, xấu xí trong mười lăm năm. Nếu ông đang tìm vài con nai tơ để lừa gạt, thì hãy tóm lấy hai thằng anh trai của cô ấy. Ben và Charley. Ben, nhà biên kịch của tôi, hắn không biết đầu nào của cây bút chì có chì trong đó. Và anh của nó lại càng ngu hơn. Tôi ước gì cả bọn họ chết hết đi. Tôi sẽ thoát khỏi họ. Ông nghĩ là tôi thích ông à? Ông quá kinh tởm. Ông là tên bảnh chọe chết tiệt, ngồi đó mà trông xuống người khác. Ông chưa gặp vần đề gì, hả?Ông biết tại sao không? Bởi vì ông không thật lòng. Ông bàng quang. Tất cả những gì ông làm là ngồi trên cái đít mập của ông suốt ngày và chôm tiền của người bệnh. Được, tôi sẽ tóm lấy ông, đồ chó đẻ. Tôi sẽ báo cáo ông với AMA (Hội Y Dược Mỹ)… - Tôi ước gì tôi không phải đi tới cuộc điều trần chết tiệt đó. Một khoảng lặng. - Được, hãy vui vẻ đi nhé. Gặp lại ông tuần sau nhá cưng. Judd bấm nút tắt máy. Skeet Gibson, diễn viên hài Mỹ được yêu thích, lẽ ra phải được đưa vào viện mười năm trước. Tật xấu của ông ta là thích đánh đập những cô gái trẻ tóc vàng và cãi cọ trong quán bar. Skeet là người đàn ông nhỏ thó, nhưng ông ta khởi nghiệp là một võ sĩ đấu để kiếm tiền, và ông ta biết thế nào là nỗi đau. Môn thể thao yêu thích của ông ta là vào quán bar của kẻ đồng tính, thuyết phục một kẻ đồng tính ngây thơ vào phòng dành cho đàn ông và đánh hắn cho đến bất tỉnh. Skeet bị cảnh sát bắt mấy lần, nhưng sự rắc rối luôn được bưng bít. Trên hết, ông ta là Skeet, diễn viên hài Mỹ được yêu thích có đủ hoang tưởng để có ý định giết người, và ông ta có đủ khả năng giết người trong cơn thịnh nộ. Nhưng Judd không nghĩ ông ta có máu lạnh đủ để thực hiện kế hoạch tắm máu này. Trong tình hình đó, Judd cảm thấy chắc chắn, đưa đến mấu chốt cho giải pháp. Bất kỳ ai đang cố giết ông ta, và đang thực hiện điều đó không phải trong cơn giận cuồng nộ, mà là có phương pháp và có máu lạnh. Một gã điên. Ai mà không điên. Chương 11 Có tiếng chuông điện thoại. Đó là dịch vụ trả lời tự động của ông ta. Họ đã có thể liên hệ đến tất cả bệnh nhân ngoại trừ Anne Blake. Judd cám ơn điện thoại viên và gác máy. Vậy là Anne sẽ đến đây hôm nay. Ông ta bối rối về niềm hạnh phúc vô lý của mình khi nghĩ đến việc gặp bà ta. Ông ta phải nhớ rằng, bà ta chỉ đến theo lời hẹn của ông ta, vì ông ta là bác sĩ. Ông ta ngồi đó nghĩ về Anne. Ông ta biết về bà ấy nhiều , ít ra sao… Ông ta đặt cuốn băng của Anne vào máy và bắt đầu nghe. Đó là một trong những lần khám đầu tiên của bà ấy. - Cứ tự nhiên bà Blake. - Vâng, cám ơn ông. - Bà thấy thoải mái không? - Vâng. - Bà đang nắm chặt tay đấy. - Có lẽ tôi hơi căng thẳng một tí. - Về việc gì vậy? Một khoảng yên lặng kéo dài. - Hãy kể cho tôi về cuộc sống gia đình của bà. Bà kết hôn được sáu tháng à? - Vâng. - Tiếp tục đi. - Tôi kết hôn với người đàn ông tuyệt vời. Chúng tôi sống trong ngôi nhà đẹp đẽ. - Đó là loại nhà kiểu gì? - Kiểu nông thôn Pháp, nó là một nơi cũ kỷ đáng yêu. Có một con đường ô tô dài và quanh co dẫn tới đó. Cao tít trên mái có con gà trống già bằng đồng thau đã rơi mất củ tỏi. Tôi nghĩ tay thợ săn nào đó đã bắn rơi nó từ lâu. Chúng tôi có khoảng năm mẫu Anh, chủ yếu trồng gỗ rừng. Tôi đi bộ xa. Giống như là sống ở nông thôn. - Bà có thích nông thôn không? - Thích lắm chứ. - Chồng bà cũng vậy chứ? - Tôi nghĩ cũng vậy. - Một người đàn ông bình thường không mua năm mẫu đất ở nông thôn ngoại trừ anh ta thích ở đó. - Ông ấy yêu tôi. Ông ấy sẽ mua nó cho tôi. Ông ta rất phóng khoáng. - Chúng ta hãy nói về ông ấy. Yên lặng. - Ông ta có đẹp trai không? - Anthony đẹp trai lắm. Judd cảm thấy một cơn đau nhói không rõ lý do, một sự ganh tị ngoài chuyên môn. - Hai người hợp nhau chứ? Nó giống như cái lưỡi rà kiếm cái răng đang đau nhức. - Vâng. Ông ta biết những trạng thái của bà ta ở trên giường: phấn chấn, yểu điệu và hiến dâng. Chúa ơi, ông ta nghĩ, lạc đề rồi. - Bà có muốn có con không? - Ồ, có chứ. - Còn chồng bà? - Vâng, dĩ nhiên. Một khoảng yên lặng kéo dài ngoại trừ tiếng sè sè của băng. Rồi Judd nói: - Bà Blake, bà đến gặp tôi vì, như bà nói, bà gặp phải một vấn đề không giải quyết được. Nó liên quan đến chồng bà phải không? Lại yên lặng. - Thôi được, tôi giả sử là vậy. Từ những điều bà mới kể cho tôi. Ông bà yêu nhau, ông bà trung thực, ông bà muốn có con, hai người sống trong ngôi nhà đẹp, chồng bà thành công, đẹp trai và đem bổng lộc cho bà, và hai người chỉ vừa mới cưới được sáu tháng. Tôi e rằng, việc này hơi giống như một truyện tiếu lâm. - Tôi có vấn đề gì, thưa bác sĩ? Lại yên lặng, ngoại trừ tiếng xào xào vô can của cuộn băng. Cuối cùng bà ta lên tiếng: - Thật … thật khó cho tôi khi kể về điều đó. Tôi nghĩ tôi có thể bàn bạc với người ngoài, nhưng… - ông ta nhớ một cách sinh động cái cách mà bà ta vặn vẹo trên chiếc đi văng để nhìn lên ông ta với đôi mắt to đầy bí ẩn. - Thật khó quá, ông thấy đấy. - bà ta nói nhanh hơn, cố vượt qua rào cản đã làm cho bà ta phải yên lặng. - Tôi nghe trộm được điều gì đó và tôi .. tôi dễ đi đến một kết luận sai lầm. - Có việc liên quan đến đời tư của chồng bà à? Phụ nữ chăng? - Không, - Về công việc của ông ấy? - Vâng. - Bà nghĩ ông ta nói dối điều gì? Hoặc cố lấn lướt ai đó trong kinh doanh? - Đại loại như thế. Judd cảm thấy có cơ sở chắc chắn hơn. - Và nó làm bà giảm đi sự tin tưởng vào ông ta. Nó chỉ cho bà thấy một khía cạnh khác của ông ấy mà bà chưa từng thấy trước đây. - Tôi … tôi không thể bàn về việc này. Tôi thấy mình như phản bội ông ấy khi có mặt ở đây. Xin đừng hỏi tôi thêm điều gì nữa trong hôm nay, bác sĩ Stevens. Đã kết thúc buổi khám bệnh. Judd tắt máy. Vậy là chồng của Anne đã giở thủ đoạn trong kinh doanh. Ông ta có thể trốn thuế. Hoặc dồn ai đó đến chỗ phá sản. Anne, hiển nhiên sẽ thất vọng. Bà ta là người nhạy cảm. Sự trung thực làm bà ta sốc về chồng của mình. Ông ta nghĩ về chồng của Anne như một kẻ tình nghi. Hắn làm trong ngành xây dựng. Judd chưa bao giờ gặp hắn, nhưng bất kỳ vấn đề kinh doanh nào hắn ta liên quan tới, bao gồm bất kỳ sự tưởng tượng méo mó nào, cũng không thể có liên hệ đến John Hanson, Carol, hay Judd. Nhưng còn bản thân Anne thì sao? Có thể nào bà ta mắc chứng đa nhân cách? Một kẻ giết người điên loạn? Judd ngã lưng xuống ghế và cố nghĩ về bà ta một cách khách quan. Ông ta không biết biết gì hơn ngoài những điều bà ta đã kể. Câu chuyện của bà ta có thể là hư cấu. Bà ta có thể thổi phồng nó lên, nhưng làm vậy để được lợi gì? Nếu đây là trò chơi ô chữ dàn dựng công phu để che đậy vụ giết người, thì còn phải có một động cơ. Tâm trí ông ta tràn ngập sự nhớ nhung gương mặt và giọng nói của bà ấy, và ông cũng biết rằng bà ta không việc gì phải bận tâm đến mình. Ông sẽ đánh cược cuộc đời của mình vào việc này. Ông ta phá lên cười về sự suy diễn châm biếm của mình. Ông ta bước qua để lấy cuộn băng của Teri Washburn. Có thể có điều gì trong đó mà ông đã bỏ sót. Teri đã có những phiên khám bệnh ngoại lệ theo yêu cầu riêng của bà ta. Có phải bà ta đang chịu một số áp lực mới mà bà ta chưa giải bày với ông? Vì những mối ưu tư triền miên của bà ta về vấn đề tình dục, khó xác định một cách chính xác tình trạng cùa bà ấy hiện nay. Còn nữa, tại sao bà ấy yêu cầu nhiều thời gian với ông ta một cách khẩn cấp, bất ngờ như vậy? Judd bốc ngẫu nhiên một cuộn băng của bà ta và bỏ vào máy. - Chúng ta hãy nói về hôn nhân của bà, Teri. Bà đã kết hôn năm lần rồi. - Sáu, nhưng ai mà đếm chứ. - Bà có thành thật với những người chồng của bà không? Có tiếng cười rền. - Ông đi vào vấn đề rồi đấy. Không có người đàn ông nào trên thế giới có thể thỏa mãn được tôi. Nếu mà có một vấn đề cơ thể. - Ý bà muốn nói sao về “vấn đề cơ thể”? - Ý tôi đó là cái mà tôi đã được tạo ra. Tôi có một cái chỗ nóng, mà nó sẽ được làm đầy mọi lúc. - Bà tin như vậy à? - Rằng nó có được lấp đầy không à? - Rằng bà là sự khác biệt với bất kỳ phụ nữ nào khác, về mặt cơ thể. - Dĩ nhiên rồi. Tay tiến sĩ xưởng phim bảo tôi vậy. Nó là về tuyến … hay gì đó.- Ngưng một lúc - Hắn là một tay nói dối bần tiện. - Tôi đã xem mọi biểu đồ của bà. Về mặt sinh lý, cơ thể của bà là bình thường về mọi khía cạnh. - Biểu đồ chết tiệt, Charley. Sao ông không đi tìm cho chính ông đi. - Bà có bao giờ yêu ai chưa Teri? - Tôi có thể đang yêu ông. Im lặng. - Bỏ cái ánh mắt đó đi. Tôi đã bảo là tôi không thể cứu vãn. Đó là cái mà tôi đã được tạo ra. Tôi luôn luôn thèm khát. - Tôi tin bà. Nhưng không phải là cơ thể bà thèm khát, mà nó là xúc cảm của bà. - Tôi chưa bao giờ ngủ với ai vì xúc cảm của mình. Ông có muốn cho vào một cơn lốc không? - Không. - Vậy ông muốn gì? - Giúp bà thôi. - Sao ông không bước qua đây và ngồi xuống bên tôi? - Hôm nay thế là đủ. Judd tắt máy. Ông ta nhớ lại cuộc nói chuyện của họ khi Teri kể về nghề nghiệp của mình đang là ngôi sao tỏa sáng và ông ta hỏi bà tại sao rời bỏ Hollywood. - Tôi đã tát mấy cú tá hỏa vào tên say rượu tại bửa tiệc. - Bà ta kể - Và hắn ta lại trở thành Ông chủ lớn. Hắn ta quẳng tôi ra khỏi Hollywood như một con điếm Ba lan. Judd chưa thăm dò sâu hơn, vì lúc đó ông ta quan tâm đến hòan cảnh gia đình của bà ta, và vấn đề chưa bao giờ được nhắc lại. Và bây giờ ông ta cảm thấy mối nghi ngờ nho nhỏ mà lẽ ra ông ta phải khám phá sâu hơn. Ông ta chưa bao giờ quan tâm đến Hollywood ngoại trừ theo cách mà bác sĩ Louis Leakey hay Margaret Mead quan tâm đến thiên nhiên của vùng Patagonia. Có ai biết về Teri Washburn, ngôi sao quyến rủ? Norah Hadley là người nghiện xem phim. Judd đã thấy bộ sưu tập tạp chí điện ảnh ở nhà họ và đã chơi khâm Peter về chúng. Norah mất cả buổi tối để biện hộ cho Hollywood. Judd cầm ống nghe lên và quay số. Norah trả lời điện thoại. - Xin chào. - Judd nói. - Judd đấy à! - Giọng bà ấy ấm áp và thân mật. - Hãy báo cho tôi khi nào ông sẽ đi ăn tối. - Chúng ta sắp đi rồi đấy. - Nhớ đấy nhé. - Tôi đã hẹn với Ingrid rồi - Cô ấy đẹp lắm. Judd tin là cô ấy đẹp, nhưng không phải cái đẹp như của Anne. - Ông đã hủy cuộc hẹn với cô ta một lần rồi và chúng ta sẽ có chiến tranh với Thụy Điển. - Tôi không dám nữa đâu. - Ông đã thoát nạn rồi à? - Ồ, vâng. - Thật là kinh khủng làm sao. Có sự ngập ngừng trong giọng nói của Norah. - Judd … ngày lễ Noel này, Peter và tôi mong anh chung vui với chúng tôi. Tôi xin đấy. Judd cảm thấy cảm xúc gia đình ngày xưa thắt nghẹn trong ngực. Chúng xuyên qua đấy mỗi năm. Peter và Norah là bạn thân nhất của ông ta và họ ghét cách mà Judd đón Noel một mình, đi dạo và đánh mất bản thân trong những đám đông xa lạ, đi trong vô thức cho đến khi tâm tư cạn kiệt. Mặc dù ông ta đang kỷ niệm những sự kiện đen tối chết người, làm chotai họa của ông ta sở hữu và xé tan ông ta thành từng mảnh, xé nát và hạch tội ông ta trong những nghi lễ cổ xưa vượt khỏi sự kiểm soát của ông ta. Mình đang đóng kịch chắc, ông ta tự nhủ một cách mệt mỏi. - Judd. Ông ta hắng giọng. - Tôi xin lỗi, Norah. - Ông ta biết Norah lo lắng làm sao. - Có lẽ đến Giáng sinh tới. Bà ấy` cố giữ niềm thất vọng không bộc lộ qua giọng nói. - Chắc nhé, tôi sẽ báo lại Peter. - Cám ơn. - Ông ta thình lình nhớ lại lý do mà mình gọi điện thoại - Norah, bà có biết Teri Washburn là ai không? - Teri Washburn, ngôi sao điện ảnh? Tại sao ông hỏi vậy? - Tôi … tôi thấy bà ấy trên đại lộ Madison sáng nay. - Người thật à? Thật chứ? Bà ta đã từng là một đứa trẻ háo hức. Bà ta trông ra sao? Già? Trẻ? Mập? Ốm? - Bà ấy đẹp. Bà ta đã từng là một ngôi sao sáng xinh đẹp, đúng không? - Ngôi sao xinh đẹp à? Teri Washburn là ngôi sao xinh đẹp nhất - và về mọi mặt, nếu ông hiểu tôi muốn nói gì. - Điều gì đã khiến một cô gái tốt như vậy rời khỏi Hollywood? - Chính xác là không phải bà ấy từ bỏ. Mà bị tống đi. Vậy là Teri đã kể cho Judd nghe sư thật. Ông ta cảm thấy khá hơn. - Bác sĩ các ông giữ cái đầu vùi trong cát, đúng không? Teri Washburn đã liên quan tới một trong những xì căng đan nóng bỏng mà Hollywood đã từng có. - Thật vậy sao? - Judd ngạc nhiên - Chuyện gì xảy ra vậy? - Bà ấy đã giết bạn trai của mình. Chương 12 Trời lại bắt đầu có tuyết rơi. Từ phía dưới mặt đường số Mười Lăm, tiếng ồn xe cộ vọng lên văng vẳng, bị át đi bởi những làn bông tuyết trắng trong làn gió phương Bắc. Trong một văn phòng sáng đèn ở bên kia đường, ông nhìn thấy khuôn mặt mờ nhạt của một thư ký thấp thóang dưới cửa sổ. - Norah, bà có chắc không? - Khi nhắc đến Hollywood, là ông đang nói chuyện với một bộ bách khoa toàn thư biết đi đó bạn yêu quí. Teri đã sống với sếp của phim trường Continental, nhưng bà ấy còn cặp với một trợ lý đạo diễn ở bên cạnh. Đêm nọ, Bà ta phát hiện hắn lừa mình và bà đã đâm hắn tới chết. Sếp phim trường đã giật dây và đấm mõm nhiều người làm cho vụ đó chìm xuồng như một tai nạn. Phần cuối của sự giàn xếp là bà ấy bị tống cổ khỏi Hollywood và không bao giờ trở lại. Không bao giờ. Judd nhìn chằm chắm vào những phím bấm điện thoại. - Judd, ông còn đó không? - Tôi đây mà. - Ông đang đùa hả? - Bà nghe những điều đó ở đâu vậy? - Nghe gì? Nó được đăng trên tất cả báo và tạp chí hâm mộ. Mọi người đều biết mà. Mọi người, ngoại trừ mình. - Cám ơn Norah. Gửi lời chào đến Peter. - Ông ta gác máy. Vậy mà nói là “xô xát thông thường”. Teri Washburn đã giết một người đàn ông và chưa bao giờ kể với ông. Và nếu bà ấy đã giết được một người … Một cách thận trọng, ông ta lấy một miếng giấy nhỏ và viết ra “Teri Washburn”. Chuông reo, Judd giở ống nghe. - Bác sĩ Stevens… chỉ là kiểm tra để biết là ông vẫn an toàn. Đó là thám tử Angeli. Giọng ông ta vẫn còn khản đặc vì cúm. Một cảm giác biết ơn tràn ngập Judd. Có người đứng về phía ông ta. - Có tin gì mới không? Judd ngần ngại. Ông ta thấy rằng không có lý do gì để giấu chuyện về quả bom. - Họ lại cố sát lần nữa. - Judd kể cho Angeli về Moody và quả bom được gài trong xe ông ta và kết luận. - Việc này sẽ làm sáng mắt thanh tra McGreavy. - Quả bom đâu rồi? - Giọng Angeli tỏ vẻ ngạc nhiên. Judd ngập ngừng. - Nó đã được tháo gỡ. - Cái gì vậy chứ? - Angeli hỏi một cách ngờ vực - Ai đã làm việc đó? - Moody làm. Ông ta nghĩ việc đó không thành vấn đề. - Không vần đề à? Vậy ông ta nghĩ nhiệm vụ của Sở Cảnh Sát là làm cái gì? Chúng tôi lẽ ra đã có thể khám phá ai đã gài bom chỉ bằng cách nhìn vào hiện trường. Chúng tôi có hồ sơ lưu về “phương thức tội phạm”. - “Phương thức tội phạm”? - “Phương thức tội phạm” nghĩa là: con người ta rơi vào lối mòn thói quen. Khi mà họ làm việc bằng phương thức gì lần đầu, có khả năng là họ làm giống vậy lần sau. Tôi đâu có nhiệm vụ phải kể hết với ông. - Không đâu mà. - Judd thận trọng nói. Chắc chắn Moody phải biết điều này. Hẳn là ông ta có lý do để không muốn nộp quả bom cho McGreavy. - Bác sĩ Stevens. Sao ông giấu chuyện Moody? - Tôi biết ông ta qua những trang vàng. - Nghe có vẻ buồn cười khi mà ông ta nói vậy. Ông ta có thể thấy giọng bực tức của Angeli. - Ồ. Ông không biết chút gì về ông ta đâu. - Tôi biết rằng tôi tin ông ta. Thì sao? - Ngay lúc này - Angeli nói - Tôi nghĩ là ông không nên tin bất kỳ ai. - Nhưng Moody không thể có khả năng liên quan đến bất kỳ điều gì trong chuyện này. Lạy Chúa! Tôi bốc ông ta trong cuốn danh bạ, ngẫu nhiên thôi. - Tôi bất chấp ông gặp ông ta từ đâu. Có điều gì đó ám muội. Moody nói ông ta đặt bẫy để bắt ai đó rình rập ông, nhưng ông ta không đóng bẫy lại khi sự an toàn đã được thực hiện. Vậy nên chúng tôi không thể bắt giò bất kỳ ai. Rồi ông ta chỉ cho ông thấy bom ở trong ô tô mà có lẽ do ông ta tự đặt vào trong đó và đạt được sự tin cậy của ông. Đúng không nào? - Tôi cho là ông có thể nhìn nhận sự việc theo cách đó. Nhưng mà … - Có lẽ ông bạn Moody của ông chơi sòng phẳng, cũng có lẽ ông ta đang điều khiển ông. Tôi muốn ông xử lý đẹp và điềm tĩnh cho đến khi chúng tôi tìm ra sự thật. Moody chống lại mình sao? Thật khó tin. Nhưng ông ta nhớ lại mình đã từng có thoáng nghi ngờ khi ông ta nghĩ rằng Moody đưa mình vào cuộc phục kích. Judd hỏi. - Ông muốn tôi làm gì bây giờ? - Ông nghĩ sao về việc rời khỏi thị trấn? Ý tôi là thật sự đi khỏi. - Tôi không thể bỏ mặc bệnh nhân của mình. - Bác sĩ Steven … - Bên cạnh đó - Judd thêm vào - Điều đó thật sự không giải quyết được gì, đúng không? Tôi không hình dung là tôi chạy trốn cái gì. Khi tôi quay lại, nó sẽ trở lại như cũ. Có một chút yên lặng. - Ông có lý. - Angeli buông tiếng thở dài rồi chuyển sang tiếng khò khè. Giọng ông ta kinh khủng. - Chừng nào Moody lại gặp ông nữa? - Tôi không biết. Ông ta nghĩ ông ấy có vài nhận định về kẻ đứng đằng sau mọi việc. - Ông có chợt nghĩ rằng kẻ đứng đằng sau việc này có thể trả cho Moody nhiều hơn ông trả hay không? - Có sự khẩn thiết trong giọng nói của Angeli. - Nếu ông ta hẹn gặp ông, hãy báo cho tôi biết. Tôi sẽ còn nghỉ dưỡng bệnh trong một hai ngày tới. Dù làm bất cứ điều gì, cũng đừng gặp ông ta một mình nhé, bác sĩ. - Ông đang đặt một trường hợp ngoài dự tính. - Judd phản đối - Chỉ vì Moody tháo bom trong xe tôi… - Có nhiều điều đáng nói hơn - Angeli nói - Tôi có linh cảm ông tìm sai người rồi. - Tôi sẽ điện cho ông nếu ống ta gọi. - Judd hứa. Ông ta gác máy, lắc đầu. Liệu Angeli có nghi ngờ quá đáng không? Đúng là Moody có thể nói dối về quả bom để đạt được lòng tin của Judd. Rồi những bước kế tiếp sẽ thuận lợi hơn. Việc còn lại phải làm là ông ta sẽ hẹn gặp ông ở một nơi hoang vắng lấy cớ là có những bằng chứng dành cho mình. Và rồi … Judd rùng mình. Có lẽ nào ông hiểu sai về tính cách của Moody? Ông ta nhớ lại phản ứng của mình khi lần đầu tiên gặp Moody. Ông đã nghĩ rằng ông ta bất tài và không thông minh lắm. Rôi ông nhận ra rằng sự thô kệch bên ngoài của ông ta che đậy cho sự nhanh nhẹn và sắc xảo. Nhưng điều đó không có nghĩa là Moody có thể tin tưởng được. Vả lại … Ông ta nghe tiếng người bên ngoài cửa và nhìn đồng hồ. Đó là Anne! Ông ta nhanh chóng khóa tủ đựng băng, đi vòng qua cửa hành lang riêng và mở ra. Anne đang đứng trong hành lang. Bà ta mặc bộ complê màu xanh biển được may khéo léo và đội một cái mũ nhỏ vừa với khuôn mặt. Bà ta đang mơ màng trong vô thức, không nhận ra Judd đang đứng nhìn mình. Ông ta chăm chú nhìn, cảm nhận vẻ đẹp của bà, cố tìm điểm nào chưa hoàn hảo, vài lý do nào đó để tự nhủ rằng bà ta không hợp với mình, rằng một ngày nào đó ông ta sẽ tìm thấy một người khác thích hợp với mình hơn. Con cáo và những chùm nho. Freud không phải là cha đẻ của môn tâm thần học. Mà chính là Aesop cơ. - Xin chào - Ông ta lên tiếng. Bà ta nhìn lên , giật mình một cái, rồi mĩm cười. - Xin chào. - Vào đi bà Blake. Bà ấy lướt ngang qua ông ta đi vào văn phòng, cơ thể rắn chắc của bà ta cọ vào ông ấy. Bà ta ngoảnh lại nhìn ông với đôi mắt màu tím lạ thường. - Họ đã tìm ra gã tài xế đụng ông rồi bỏ chạy chưa? Có sự quan tâm trên mặt bà ta, một sự quan tâm chân thực và lo lắng. Ông ta lại cảm thấy sự thôi thúc điên cuồng để kể cho bà mọi việc. Nhưng ông ta biết rằng mình không thể. May ra thì đó chỉ là trò lừa gạt rẻ tiền để có sự thông cảm của bà ấy. Nếu tệ hơn, thì nó sẽ lôi kéo bà ấy vào những mối nguy hiểm không lường trước được. - Chưa đâu - Ông ta chỉ vào chiếc ghế. Anne quan sát gương mặt ông ta. - Ông trông mệt mỏi quá. Sao ông trở lại công việc sớm vậy? Ôi trời. Ông ta không nghĩ mình lại có bất kỳ sự đồng cảm như vậy. Lại là ngay lúc này, mà lại là của bà ấy nữa chứ. Ông ta nói: - Tôi khỏe rồi. Tôi đã hủy những cuộc hẹn ngày hôm nay. Người của tôi đã không thể liên lạc được với bà. Một thoáng băn khoăn lộ trên nét mặt bà ấy. Bà ta nghĩ rằng mình quá đường đột. - Tôi thật xin lỗi. Có lẽ tôi nên về thôi … - Xin đừng … - ông ta nói nhanh - Tôi mừng là họ không báo được cho bà … Đây sẽ là lần cuối cùng ông gặp bà ấy. - Bà cảm thấy thế nào? Bà ta ngập ngừng, muốn nói gì đó, rồi bà ta chuyển giọng. - Có một chút nhầm lẫn. Bà ấy nhìn ông một cách kỳ quặc, và có điều gì trong ánh mắt ấy chạm đến một nỗi niềm sâu kín mờ ảo mà ông ta còn nhớ được trong tiềm thức. Ông ta cảm thấy một luồng hơi ấm từ bà ta, một niềm khát khao vật chất mãnh liệt - và ông ta thình lình nhận ra mình đang làm gì. Ông ta đang dồn hết tình cảm của mình cho bà ấy. và trong một khoảnh khắc, ông ta trở thành ngốc ngếch như một gã sinh viên khoa tâm thần học trong năm thứ nhất. - Khi nào bà sẽ đi Châu u? - Ông ta hỏi. - Vào sáng ngày Chúa Giáng Sinh. - Chỉ có hai ông bà thôi à? - Ông ta cảm thấy mình giống một thằng khờ nói lắp, thốt lên lời sáo rỗng. Một gã đánh mất chính mình. - Ông bà sẽ đi những đâu? - Stockholm - Paris - London - Rome. Judd nghĩ, tôi muốn hướng dẫn bà đi chơi ở Rome. Ông ta đã trải qua một năm thực tập ở đó, trong một bệnh viện Mỹ. Có một khách sạn cổ hấp dẫn tên là Cybele ở gần khu vườn Tivoli, nằm tít trên đỉnh núi là ngôi đền thờ đa thần giáo cổ xưa, nơi mà bà có thể ngồi lúc hoàng hôn và quan sát hàng trăm con bồ câu hoang dã điểm đen trên bầu trời phía trên những vách đá lởm chởm. Và Anne đang trên đường tới Rome với chồng bà ta. - Đó sẽ là tuần trăng mật thứ hai - bà ta nói. Có một sự căng thẳng trong giọng nói của bà ta. Rất mờ nhạt để ông có thể tưởng tượng thấy. Một cái tai không thành thạo, sẽ không cảm nhận được. Judd nhìn vào bà ta kỹ hơn. Trên mặt bà ta dường như bình thường, tĩnh lặng, nhưng trong sâu thẳm ông ta cảm nhận một sự căng thẳng. Nếu đây là một bức tranh về một cô gái trẻ đang yêu, đi Châu u trong một tuần trăng mật thứ hai, thì một mảnh của bức tranh đã bị thiếu mất. Và ông ta đột nhiên nhận ra đó là gì. Anne không bị kích động. Hoặc giả nếu có, thì nó rất mờ nhạt bị che khuất bởi tình cảm mạnh mẽ. Sư đau buồn? Niềm hối tiếc? Ông ta nhận ra mình đang chú tâm vào bà ấy. - Ông bà sẽ đi trong bao … bao lâu? - Thằng ngốc nói lặp lại nổi lên. Một cái mĩm cười hé trên cặp môi của bà ta, bà ta biết rõ ông ấy đang làm gì. - Tôi không chắc. - bà ta trả lời nghiêm túc. - Kế hoạch của Anthony không cụ thể. - Tôi hiểu. - Ông ta ngó xuống tấm thảm, đau khổ. Ông ta phải đặt dấu chấm hết cho hành động này. Ông ta không thể đế Anne ra đi với cảm nghĩ ông ta giống như một tên hề. Phải tiễn bà ấy đi thôi. - Bà Blake … - Ông ta lên tiếng. - Vâng. Ông ta cố giữ giọng thanh thản. - Thật ra, tôi hẹn bà trở lại đây là hơi quá đáng. Bà không cần thiết phải trở lại tái khám. Tôi chỉ muốn nói… nói lời tạm biệt. Trong trạng thái kỳ quặc, bối rối, sự căng thẳng dường như được rủ bỏ khỏi bà ấy. - Tôi biết - Bà ta thì thào - Tôi cũng muốn nói lời tạm biệt với ông. Có gì đó trong giọng nói của bà ta cuốn lấy ông lần nữa. Bà ta nhón chân lên. - Judd … Bá ta nhìn ông. Hai đôi mắt nhìn thẳng vào nhau. Và ông ta thấy trong mắt bà, những điều mà bà ấy phải thấy được trong mắt mình. Đó là sự phản chiếu tương hợp trong khoảnh khắc, rất mạnh mẽ và bao trùm cả cơ thể. Ông ta bắt đầu tiến về phía bà ấy, rồi dừng lại. Ông ta không thể để cho bà ấy dính líu đến những nguy hiểm đang vây quanh mình. Khi ông ta bắt đầu lên tiếng, giọng ông ta đã bình thản trở lại. - Hãy gửi cho tôi một bưu ảnh từ Rome. Bà ta nhìn ông một lúc lâu. - Hãy bảo trọng, Judd. Ông ta gật đầu, không biết nói gì. Và bà ta đã đi rồi. Điện thoại reo ba hồi rồi Judd mới nghe, ông ta cầm máy. - Bác sĩ hả - Đó là Moody, giọng ông ta rền vang ra khỏi ống nghe, rổn rảng với sự kích động. - Ông đang ở một mình phải không? Có một dấu hiệu kỳ quặc trong sự kích động của Moody mà Judd không thể xác định rõ. Đề phòng? Sợ hãi? - Bác sĩ, ông có nhớ tôi kể với ông là tôi có linh cảm ai có thể đứng đằng sau vụ này? - … - Tôi đã nói đúng rồi đấy. Judd cảm thấy một luồng điện chạy qua mình. - Ông biết ai đã giết Hanson và Carol? - Vâng. Tôi biết là ai. Và tôi biết tại sao. Ông là người kế tiếp đó, bác sĩ. - Cho tôi biết … - Không phải qua điện thoại. - Moody nói - Tốt nhất là ta nên gặp nhau ở đâu đó để nói chuyện. Một mình ông thôi. Judd nhìn chằm vào ống nghe trên tay. MỘT MÌNH ÔNG THÔI! - Ông có nghe không đấy? - Giọng Moody hỏi. - Vâng - Judd nói nhanh. Angeli đã nói gì? Dù có làm gì đi nữa, thì đừng có gặp ông ta một mình. - Tại sao chúng ta không thể gặp nhau ở đây? - Ông ta hỏi sau khi ngưng một lúc. - Tôi nghĩ tôi đang bị theo dõi. Tôi phải cắt đuôi họ. Tôi gọi từ Công Ty Bao Bì Thịt Năm Sao, trên đường số Hai Mươi Ba, phía tây đại lộ Số Mười, gần bến cảng. Judd vẫn chưa tin rằng Moody đang cài bẫy ông ta. Nên ông ta quyết định kiểm tra. - Tôi sẽ dẫn theo Angeli. Giọng Moody cứng rắn. - Đừng mang ai theo, chỉ mình ông thôi. Vậy đó. Judd nghĩ về ông Phật bé bự đang ở đầu dây bên kia. Ông bạn thô kệch của ông ta tính phí năm mươi đô la một ngày và còn các chi phí khác nữa để đưa ông vào cái bẫy giết người của mình. Judd giữ giọng bình thản. - Được lắm. Tôi sẽ tới đó ngay. - Ông ta cố thử lần nữa - Ông có chắc là ông thật sự biết ai đứng đằng sau vụ này không, Moody? - Chắc như đinh đóng cột, bác sĩ à. Ông đã từng nghe nói đến Ngài Vinton chưa? - Và Moody gác máy. Judd đứng đó, cố dằn lại cơn bão cảm xúc đang đua ngang qua mình. Ông ta tìm số điện thoại nhà Angeli và gọi. Chuông reo năm lần, và lòng Judd tràn đầy nỗi hoang mang sợ hãi nếu Angeli không có ở nhà. Liệu ông ta có dám đi gặp Moody một mình không? Rồi ông ta cũng nghe giọng mũi của Angeli: - Xin chào. - Judd Stevens đây. Moody vừa mới gọi. Giọng Angeli sôi nổi hẳn lên. - Ông ta bảo sao? Judd ngập ngừng, một chút cảm giác còn lại của bản chất trung thực và - phải, sự ảnh hưởng - từ gã mập đầy tự kiêu, người đã lập mưu để giết ông ta một cách lạnh lùng. - Ông ta hẹn gặp tôi tại Công Ty Bao Bì Thịt Năm Sao, trên đường số Hai Mươi Ba gần Đại lộ số Mười. Ông ta bảo tôi tới một mình. Ông ta cười buồn. - Tôi cá là ông ta muốn vậy. Đừng đi đâu khỏi văn phòng nha bác sĩ. Tôi sẽ gọi trung úy McGreavy. Chúng tôi sẽ tới đón ông. - Được. - Ông ta từ từ gác máy. Norman Z. Moody. Ông Phật vui vẻ từ những trang vàng. Judd cảm thấy một nỗi buồn đột ngột không thể giải thích. Ông thích Moody, và tin tưởng ông ấy. Và Moody đang chờ để giết mình. Chương 13 Hai mươi phút sau, Judd mở cửa văn phòng đón Angeli và trung úy McGreavy. Đôi mắt của Angeli đỏ và chảy nước. Giọng ông ta khàn khàn. Judd có một chút ray rứt khi phải lôi ông ta ra khỏi giường bệnh. Lời chào của McGreavy là một cái gật đầu cộc lốc và không có thiện cảm. - Tôi báo cho trung úy McGreavy về cú điện thoại của Norman Moody. - Angeli nói. - Phải. Chúng ta hãy tìm ra có cái quái quỷ gì trong việc này. - McGreavy nói chua chát. Năm phút sau, họ đã ở trong một chiếc xe cảnh sát chìm lao nhanh về hướng phía tây thị trấn. Angeli ngồi sau tay lái. Tuyết lác đác ngừng rơi và những tia sáng yếu ớt của buổi chiều tà bị lấn át bởi sự bao phủ của những đám mây bão quét ngang qua bầu trời Manhattan. Một tiếng sấm nổ lớn trong không trung và tiếp sau là một tia chớp như lưỡi kiếm ngoằn ngoèo sáng lóe. Những hạt mưa bắt đầu rơi tung tóe theo làn gió cuốn. Chiếc xe lướt ngang thị trấn, những tòa nhà chọc trời cao vút lướt qua, rồi đến những căn phòng trọ nhỏ cáu bẩn hòa quyện lẫn nhau thành chỗ trú chống lại những cơn giá lạnh rét buốt. Chiếc xe rẽ vào đường số Hai Mươi Ba, đi về phía Tây con sông Hudson. Họ đi vào khu vực những bãi phế liệu, cửa hàng sửa chữa, và những quán bar xám xịt, băng qua đó tiến đến khu vực những garage, xưởng xe tải và các công ty vận tải. Khi chiếc xe đến gần Đại lộ số Mười, McGreavy bảo Angeli tấp xe vào lề. - Được rồi, chúng ta xuống đây. - Rồi quay sang Judd - Moody có nói rằng ai sẽ đi với ông ta hay không? - Không. McGreavy mở nút áo khoác và chuyển khẩu súng lục từ bao súng vào túi áo khoác. Angeli bước theo sau. - Hãy ở phía sau chúng tôi - McGreavy lệnh cho Judd. Cả ba người đàn ông bắt đầu đi bộ, gục đầu xuống tránh làn mưa quất theo gió. Trên nửa đường đi đến khối nhà, họ thấy một tòa nhà trông xác xơ với tấm bảng mờ nhạt treo trên cửa: CÔNG TY BAO BÌ THỊT NĂM SAO Không có chiếc xe hơi, xe tải hay ánh sáng gì. Không có dấu hiệu hoạt động nào. Hai thám tử bước đến cánh cửa chết chóc. Mỗi người đứng một bên. McGreavy lay cửa. Nó đã bị khóa. Ông ta nhìn quanh mà không thấy chuông cửa. Họ lắng nghe. Không có âm thanh nào ngoài tiếng mưa rơi. - Công ty trông như đóng cửa rồi. - Angeli nói. - Có lẽ vậy - McGreavy trả lời - Ngày thứ Sáu trước lễ Giáng Sinh, hầu hết công ty đóng cửa từ buổi trưa. - Phải có một lối vào chứ. Judd theo sau hai thám tử trong khi họ bước cẩn thận về phía đầu kia của tòa nhà, cố tránh những vũng nước trên lối đi. Họ đến một ngỏ hẻm dành cho dịch vụ và nhìn vào, họ có thể nhận ra bãi lên xuống hàng với những chiếc xe tải hiu quạnh đậu ở phía trước. Không có một hoạt động nào. Họ tiến lên về phía bãi lên hàng. - Được lắm. - McGreavy nói với Judd - Hãy hát lên đi. Judd ngần ngại, cảm thấy một nổi buồn vô cớ khi mình bị Moody lừa. Rồi ông ta lên giọng. - Moody. Lời đáp duy nhất là tiếng kêu ngao giận dữ của chú mèo đực bị làm phiền khi đi tìm chỗ trú ẩn khô ráo. - Ông Moody!. Có một cái cửa lùa bằng gỗ lớn ở phía trên cao của bãi lên hàng, dùng để chuyển hàng trong nhà kho về phía những xe tải đậu. Không có bậc thang nào dẫn tới bãi lên hàng. McGreavy đu mình lên, di chuyển với sự nhanh nhẹn đáng ngạc nhiên đối với một người to lớn như vậy. Angeli theo sau, rồi đến Judd. Angeli đứng đợi ở đầu kia cánh cửa lùa và đẩy nó lần nữa. Nó bật ra. Cánh cửa mở ra, với tiếng rít lớn của con lăn như tiếng thét ở âm vực cao của cuộc biểu tình. Con mèo đực đáp trả đầy hy vọng, quên đi chỗ trú của nó. - Ông có mang đèn pin không? - McGreavy hỏi Angeli. - Không. - Tệ thật!. Một cách cẩn thận, họ bước từng bước một vào bóng tối mờ mờ. Judd kêu lên lần nữa. - Ông Moody! Tôi là Judd Stevens. Không một tiếng động, ngoại trừ tiếng cọt kẹt của sàn nhà khi họ băng qua căn phòng. McGreavy lục lọi trong túi của mình và lấy ra một hộp diêm. Ông ta đốt một que và giơ lên. Que diêm kêu xèo xèo tỏa ánh sáng mờ nhạt trong cái quầng sáng màu vàng ở một nơi dường như là cái hang động trống rỗng khổng lồ. Que diêm lụi dần. - Tìm cái công tắc đèn chết tiệt đi - McGreavy nói - Đấy là que diêm cuối cùng của tôi đó. Judd có thể nghe Angeli sờ soạng dọc theo các bức tường để tìm công tắc đèn. Judd vẫn tiến về phía trước. Ông ta không thể thấy hai thám tử. Ông ta gọi: - Moody. Ông ta nghe tiếng Angeli kêu lên từ đầu kia căn phòng. - Công tắc đây rồi. Có một tiếng “tách”. Không có gì xảy ra. - Cầu dao chính bị ngắt rồi. - McGreavy nói. Judd va mạnh vào bức tường, khi ông ta đưa tay lên để chống vào đó, ngón tay ông ta sờ vào một cái chốt cửa. Ông ta đẩy chốt lên và kéo ra. Một cánh cửa nặng nề lúc lắc mở ra và một luồng gió lạnh lẽo phà vào ông ta. - Tôi tìm thấy cánh cửa này. - ông gọi vọng ra. Ông ta bước qua ngưỡng cửa và thận trọng tiến về phía trước. Ông ta nghe tiếng cánh cửa đóng sầm lại sau lưng mình và trái tim ông ta bắt đầu đập thình thịch. Điều không thể tưởng, là ở đây còn tối hơn ở phòng ngoài, dù vậy ông ta vẫn tiếp tục bước sâu vào bóng tối. - Moody. Moody … Một sự yên lặng nặng nề. Moody phải ở đâu đó quanh đây. Nếu ông ta không ở đây, Judd biết McGreavy sẽ nghĩ gì. Đó sẽ là cậu bé khóc lóc trước con sói. Judd bước thêm vài bước về phía trước và bất ngờ cảm thấy một bàn tay thịt đập vào mặt mình. Ông giật mình né tránh trong sự sợ hãi, cảm thấy những sợi tóc ở sau gáy đang dựng đứng lên. Ông ta bỗng nhận ra cái mùi nồng nặc của máu và chết chóc đang vây quanh mình. Có một kẻ ác trong bóng tối quanh đây đang chờ để kết liễu ông ta. Ông ta nổi da gà sợ hãi, tim đập mạnh dồn dập trong một cảm giác khó thở. Bằng những ngón tay run lẫy bẫy, ông ta sờ soạng trong túi áo khoác của mình tìm thấy hộp diêm, lấy ra một que và quẹt lên. Trong ánh sáng lờ mờ, ông trông thấy một con mắt chết không lồ nổi lên trước mặt, ông bỗng sốc vài giây trước khi nhận ra rằng mình đang thấy một con bò bị xẻ thịt đang đu dưa trên cái móc. Ông ta nhìn lướt qua các xác súc vật khác đang treo trên móc và định vị được một cái cửa ở góc xa trước khi que diêm tắt. Cánh cửa có lẽ dẫn tới một văn phòng. Moody có lẽ đang ở đó đợi ông ta. Judd di chuyển sâu hơn vào trong cái hang tối đen như mực về phía cánh cửa. Ông ta cảm thấy cái đuôi lạnh lẽo của súc vật chết cọ qua lần nữa. Ông ta nhanh chóng bước tránh và bước thận trọng về phía cửa văn phòng, và gọi: - Moody. Ông ta ngạc nhiên rằng cái gì đang cản trở Angeli và McGreavy, ông đi qua những súc vật bị giết mổ, cảm thấy như có ai đó với óc hài hước rùng rợn, đang bày trò đùa điên cuồng, khủng khiếp. Nhưng ai và tại sao là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của ông ta. Khi gần đến cửa ông lại đụng vào một cái xác súc vật đang treo khác. Judd dừng lại để trấn tĩnh. Ông ta đốt que diêm cuối cùng của mình. Phía trước mặt ông ta, bị đâm xiên trên cái móc thịt và mồm há ngoác một cách tục tĩu là cái xác của Norman Z. Moody. Que diêm vụt tắt. Chương 14 Các nhân viên điều tra vụ chết người đã hoàn thành công việc và ra về. Xác của Moody đã được lấy xuống, mọi người đã đi khỏi ngoại trừ Judd, McGreavy và Angeli. Họ đang ngồi trong căn phòng nhỏ của giám đốc, được trang trí với vài hình lịch khỏa thân gợi cảm, một cái bàn cũ, một cái ghế xoay, và hai tủ hồ sơ. Đèn đã bật sáng và máy sưởi đang hoạt động. Giám đốc nhà máy, ông Paul Moretti, đã được tìm kiếm và lôi ra khỏi bữa tiệc mừng trước Giáng sinh để trả lời vài câu hỏi. Ông ta giải thích rằng vì là ngày nghỉ lễ cuối tuần, ông đã cho nhân viên nghỉ từ lúc trưa. Ông đã khóa cửa lúc mười hai giờ rưỡi, và theo ông ta biết rõ thì đã không còn ai ở lại cơ sở vào lúc đó. Ông Moretti đã ngà ngà say, và khi McGreavy nhận thấy rằng không thể khai thác gì thêm, ông cho người đưa ông ta về nhà. Judd hoàn toàn ý thức được những gì xảy ra trong phòng. Ông ta suy nghĩ về Moody, ông ta niềm nở làm sao, sống tận tâm làm sao và cái chết của ông ta thật nghiệt ngã tàn bạo làm sao. Và Judd tự trách mình. Nếu ông ta không cầu cứu Moody, thì gã thám tử nhỏ bé này vẫn còn sống đến hôm nay. Đã gần đến nửa đêm, Judd chán nản kể lại câu chuyện về cú điện thoại của Moody đến lần thứ mười. McGreavy ngồi cúi gập trong chiếc áo khoác của mình, quan sát Judd, nhai nát điếu xì gà. Cuối cùng ông ta nói: - Ông có đọc những chuyện trinh thám không? - Không, sao vậy? - Juss nhìn ông ta ngạc nhiên. - Tôi sẽ bảo ông tại sao. Tôi đã nghĩ ông là kẻ quỉ quái để có thể nói ra sự thật, bác sĩ Stevens à. Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ rằng ông đã rất liều lĩnh trong việc này. Và tôi đã bảo ông thế nào? Rồi cái gì xảy ra? Thình lình ông đổi thành mục tiêu thay vì kẻ giết người. Đầu tiên, ông khiếu nại có kẻ chạy xe đụng ông và … - Một chiếc xe thật ra đã cán phải ông ta. - Angeli nhắc McGreavy. - Một tân binh cũng có thể lý giải điều đó. - McGreavy độp lại - Nó có thể được sắp xếp bởi ai đó cùng phe với bác sĩ. - Ông ta quay sang Judd. - kế đến ông gọi cho thám tử Angeli với con mắt củ khoai về việc hai gã đàn ông phá cửa văn phòng và cố giết ông. - Họ đã đột nhập vào đó chứ. - Judd đáp. - Không hề - McGreavy độp lại - Họ dùng chìa khóa đặc biệt. Giọng ông ta cứng lên. - Ông nói chỉ có hai cái chìa khóa văn phòng dành cho ông và Carol Robert. - Đúng vậy, tôi đã bảo ông rồi, họ dùng bản sao chìa của Carol. - Tôi đã nghe ông nói. Tôi đã kiểm tra chất sáp trên chìa khóa. Chìa của Carol chưa bao giờ được sao chép bác sĩ à. - Ông ta dừng lại trấn tĩnh - và khi tôi thu chìa khóa của cô ấy, chỉ còn lại cái của ông, đúng không nào? Judd nhìn vào ông ta không nói gì. - Khi tôi không tin cái lý thuyết điên cuồng lỏng lẻo, ông thuê một thám tử tư từ những trang vàng, và ông ta tiện tay tìm ra quả bom cài trên xe hơi của ông. Chỉ có điều, tôi không thể thấy nó, bởi vì quả bom chưa bao giờ xuất hiện ở đó. Rồi ông quyết định đã đến lúc quẳng cho tôi một cái xác khác. Vì thể ông đi huyên thuyên với Angeli về một cú điện thoại hẹn gặp của Moody, người biết cái nút thắt bí ẩn này về kẻ muốn giết ông. Nhưng hãy đoán xem điều gì xảy ra? Chúng tôi tới đây và tìm thấy ông ta bị treo trên cái móc thịt. Judd phang lại một cách giận dữ. - Tôi không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. McGreavy quẳng cho ông ta một cái nhìn khó chịu kéo dài. - Ông có biết lý do duy nhất mà ông chưa bị bắt không? Bởi vì tôi chưa tìm ra động cơ của trò đánh đố kiểu Trung Hoa này. Nhưng tôi sẽ biết, bác sĩ à. Tôi hứa như vậy. Ông ta đứng lên. Judd thình lình nhớ lại: - Chờ một chút - Ông nói - Ông có nghe tên Don Vinton không? - Ông ta làm sao? - Moody nói Don Vinton là kẻ đứng sau mọi việc này. - Ông có biết ai tên là Don Vinton không? - Không - Judd nói - Tôi cho là có thể cảnh sát biết ông ta. - Tôi chưa bao giờ nghe cái tên đó. McGreavy quay sang Angeli, nhưng ông ta cũng lắc đầu. - Được lắm. Hãy gửi yêu cầu thông tin về Don Vinton đến FBI, Cảnh sát quốc tế, Cảnh sát trưởng tại tất cả thành phố lớn của Mỹ. - Ông ta ngó Judd - Ông hài lòng chứ? Judd gật đầu. Bất kỳ ai đứng sau việc này phải có chút gì đó trong hồ sơ tôi phạm. Sẽ không quá khó để xác minh hắn ta. Judd lại nghĩ đến Moody, với câu cách ngôn cửa miệng và trí óc nhạy bén của ông ấy. Chắc chắn ông ta đã bị theo dõi ở đây. Không biết là ông ta có nói với ai khác về cuộc hẹn ở đây không, bởi vì ông ấy đã nhấn mạnh là phải giữ bí mật. Ít ra, bây giờ họ cũng đã biết tên của gã đàn ông mà họ đang tìm kiếm. Praemonitus, praemunitas (tiếng La tinh) Báo động, sẵn sàng chiến đấu. Vụ giết chết Norman Z. Moody đã tràn lan trên trang nhất các tờ báo vào sáng hôm sau. Judd mua một tờ trên đường đến văn phòng. Ông ta được nêu tên vắn tắt như người làm chứng đã nhìn thấy cái xác cùng với cảnh sát, nhưng McGreavy đã ngăn chận toàn bộ câu chuyện không được đăng báo. McGreavy đang chơi bài với lá bài tủ giấu kín. Judd tự hỏi về những điều Anne sẽ nghĩ đến. Đó là một ngày Thứ Bảy, khi Judd đã xong một tua buổi sáng ở Phòng khám chung. Ông ta đã bố trí bàn giao công việc cho người khác. Rồi đến văn phòng của mình. Ông ta đi một mình trong thang máy và chắc chắn rằng không có ai nấp trong hành lang. Ông tự hỏi rằng, kể cả khi ông làm vậy, bất kỳ ai đó có thể sống như vậy trong bao lâu, trong tâm trạng trông đợi một kẻ ám sát đến tấn công bất kỳ lúc nào. Hết một nửa khối thời gian trong suốt buổi sáng, ông đã định bốc điện thoại gọi thám tử Angeli để hỏi về Don Vinton, những mỗi lần như thế ông đều kiềm lại sự mất kiên nhẫn của mình. Chắc chắn, Angeli sẽ gọi ngay cho ông khi ông ấy có thông tin mới. Judd bối rối về động cơ của Don Vinton là cái gì. Hắn có thể là một bệnh nhân mà Judd đã từng điều trị nhiều năm trước, có lẽ khi ông ta còn là bác sĩ tập sự. Người nào đó cảm thấy rằng Judd đã coi thường hay xúc phạm hắn bằng cách nào đó. Nhưng ông có thể nhớ không có bệnh nhân nào tên Vinton. Vào buổi trưa, ông nghe tiếng ai đó mở cửa hành lang bên phòng tiếp tân. Đó là Angeli. Judd không thể phát hiện gì qua biểu lộ của ông ta ngoại trừ trông ông ta hốc hác, phờ phạc hơn. Mũi ông ta đỏ ửng và sục xịt. Ông ta rảo bước vào văn phòng và chán nản ngồi phịch xuống ghế. - Ông có câu trả lời nào về Don Vinton chưa? - Judd hăm hở hỏi. Angeli gật đầu. - Chúng tôi đã nhận được những bức điện từ FBI, cảnh sát trưởng các thành phố lớn của Mỹ, và Cảnh sát quốc tế.- Judd chờ đợi, thở hồi hộp.- Không ai trong số họ từng nghe về Don Vinton. Judd nhìn vào Angeli một cách hoài nghi, một cảm giác hụt hẩng đột ngột trong lòng. - Nhưng không thể nào … ý tôi là có ai đó phải biết hắn. Một gã đã làm bao nhiêu chuyện như vậy không thể đến từ hư không. - McGreavy đã nói vậy - Angeli trả lời chán nản. - Bác sĩ à, tôi và người của mình đã thức suốt đêm để kiểm tra mọi Don Vinton ở Manhattan và tất cả thành phố khác. Chúng tôi không bỏ sót New Jersey và Connecticut. Ông ta rút một cuộn giấy ra khỏi túi và đưa cho Judd. - Chúng tôi tìm thấy mười một người tên Don Vintons trong danh bạ đã đánh vần tên của họ là “ton”, bốn người phát âm “ten”, và hai người đọc “tin”. Chúng tôi cố xem như họ cùng tên. Lọc xuống còn năm người khả nghi và kiểm tra từng người một. Một người bị liệt. Một người là mục sư. Một người là phó chủ tịch thứ nhất của ngân hàng. Một là lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ khi hai trong số các vụ giết người xảy ra. Chỉ còn một người cuối cùng. Ông ta kinh doanh cửa hàng thú cưng và thật chết tiệt là ông ta gần tám mươi tuổi. Cổ họng của Judd khô khốc. Ông chợt nhận ra mình đã trông mong vào việc này đến cỡ nào. Chắc chắn Moody sẽ không cho ông cái tên chừng nào ông ta chưa khẳng định. Và ông ta không nói rằng Don Vinton là kẻ đồng lỏa; mà nói hắn là kẻ chủ mưu. Thật phi lý khi cảnh sát không có hồ sơ của một gã như thế. Moody đã bị giết vì ông ta đang trên đường tìm ra sự thật. Và bây giờ khi Moody đã ra đi, Judd hoàn toàn cô độc. Bức màn bí mật càng đóng chặt hơn. - Tôi rất tiếc - Angeli nói. Judd nhìn người thám tử và chợt nhớ rằng Angeli đã không ở nhà cả đêm. - Tôi ngưỡng mộ sự cố gắng của ông - Judd nói với lòng biết ơn. Angeli cúi về phía trước. - Ông có khẳng định rằng ông nghe từ Moody là chính xác chứ? - Vâng. Judd nhắm mắt và tập trung nhớ. Ông ta đã hỏi Moody liệu ông ta có chắc là ai đứng đằng sau vụ này. Ông ta như nghe giọng Moody vang lại. Chắc như đinh đóng cột. Ông đã từng nghe đến tên Don Vinton chưa? Don Vinton. Ông ta mở mắt. - Vâng - Ông lập lại. Angeli thở dài. - Vậy là chúng ta đi vào ngõ cụt - Ông ta cười buồn bã - Không có đầu mối nào. Ông ta lại nhảy mũi. - Tôt nhất là ông nên đi ngủ đi. - Vâng, tôi cũng nghĩ vậy. - Angeli đứng lên. Judd ngần ngại hỏi. - Ông làm việc cùng với McGreavy trong bao lâu rồi? - Đây là vụ làm chung đầu tiên. Có gì sao? - Ông có cho rằng ông ta có thể khép tôi vào tội giết người? Angeli nhảy mũi lần nữa. - Tôi nghĩ có lẽ ông nói đúng bác sĩ. Tôi phải đi nghỉ thôi. Ông ta rảo bước tới cửa. - Tôi có thể có đầu mối. - Judd nói. Angeli dừng bước và ngoảnh lại: - Nói tiếp đi. Judd kể với ông ta về Teri. Ông nói thêm mình cũng đang kiểm tra những bạn trai trước đây của John Hanson. - Không có gì nhiều - Angeli nói bộc trực - Nhưng tôi cho rằng cũng còn hơn là không có gì. - Tôi muốn bệnh và mệt mỏi khi làm mục tiêu. Tôi sẽ bắt đầu phản công. Tôi sẽ theo tới cùng. Angeli nhìn ông ta. - Chiến đấu với cái gì? Với những cái bóng à? - Khi nhân chứng mô tả một kẻ tình nghi, cảnh sát có họa sĩ vẽ ra một bức tranh ghép lại tất cả những mô tả, đúng không? Angeli gật đầu: - Một bức nhận dạng mô phỏng. Judd bắt đầu tăng tốc sự kích động không ngừng. - Tôi bắt đầu cung cấp cho ông nhân dạng mô phỏng về tính cách của gã chủ mưu những việc này. - Ông làm sao được? Ông chưa bao giờ thấy hắn. Hắn có thể là bất kỳ ai. - Không phải vậy - Judd chữa lại - chúng ta đang tìm một kẻ rất, rất đặc biệt. - Một kẻ điên cuồng. - Sự điên cuồng là từ ngữ bao quát. Nó không có ý nghĩa y học. Sự minh mẫn đơn giản là khả năng trí não để điều chỉnh thực tại. Nếu chúng ta không thể điều chỉnh, chúng ta cũng không thể che dấu thực tại. Hoặc là chúng ta đặt bản thân mình ở tầng trên cuộc sống, nơi chúng ta là siêu đẳng không cần tuân theo các qui tắc. - Cái gã của chúng ta nghĩ hắn là siêu đẳng. - Chính xác. Trong tình huống nguy hiểm, chúng ta có ba sự lựa chọn: bỏ chạy, thỏa hiệp hoặc tấn công. Gã của chúng ta là tấn công. - Vậy hắn là kẻ mất trí. - Không. Kẻ mất trí ít khi giết người. Thời gian tập trung của anh ta cực kỳ ngắn. Chúng ta đang đấu vởi kẻ phức tạp hơn nhiều. Hắn ta có thể là kẻ thô bạo, thiểu năng tâm thần, tâm thần phân lập, quẩn trí hay bất kỳ sự phối hợp của các yếu tố này. Chúng ta có thể đang đấu với kẻ bỏ nhà đi, chứng tạm thời quên dẫn tới những hành động phi lý. Nhưng điểm chính là sự xuất hiện và hành vi của hắn dường như hoàn toàn bình thường dưới mắt mọi người. - Vậy chúng ta đâu có gì để nắm bắt. - Ông sai rồi. Chúng ta có điểm hay để tiếp tục. Tôi có thể cho ông sự mô tả cơ thể của hắn ta.- Judd nói. Ông ta nhíu mắt lại tập trung. - Don Vinton cao trên trung bình, thân thể cân đối và từng có tập thể hình. Hắn gọn gàng khi xuất hiện và tỉ mỉ trong công việc. hắn không có tài nghệ sĩ. Hắn không thể vẽ tranh, viết văn hay chơi dương cầm. Angeli nhìn xoáy vào ông ta, mồm há hốc. Judd tiếp tục nói nhanh hơn, giọng ấm áp. - Hắn không tham gia bất kỳ câu lạc bộ hay tổ chức xã hội, trừ khi hắn làm chủ. Hắn là loại người lãnh đạo. Hắn tàn bạo và thiếu kiên nhẫn. Hắn nghĩ việc lớn. Ví dụ, hắn không bao giờ liên can tới những kẻ cắp vặt. Nếu hắn bị lưu hồ sơ, đó có thể là cướp ngân hàng, bắt cóc, giết người. - Sự phấn khích của Judd càng tăng lên, bức tranh trong đầu ông càng rõ nét hơn. - Khi ông bắt hắn, ông có lẽ sẽ biết rằng hắn có lẽ bị cha hay mẹ ruồng bỏ khi còn là cậu bé. - Bác sĩ. - Angeli chen ngang - Tôi không muốn chọc bể quả bóng của ông, nhưng đó có thể là kẻ điên lang thang mà … - Không. Gã mà chúng ta truy tìm không nghiện ngập - Giọng Judd khẳng định - Tôi sẽ kể thêm về hắn. Hắn chơi thể thao giao đấu trong trường như bóng đá hay khúc côn cầu. hắn không thích cờ vua, ô chữ hay ghép hình. Angeli quan sát ông ta một cách hoài nghi. - Có hơn một người như vậy - Ông ta phản đối - Ông nói chính ông đó. - Tôi đang cho ông mô tả về Don Vinton. - Judd nói - Kẻ chủ mưu trong vụ này. Tôi sẽ kể thêm nữa về hắn. Hắn thuộc kiểu La tinh. - Cái gì khiến ông nghĩ vậy. - Nhờ vào phương pháp dùng để giết người. Một con dao, axit, một quả bom. Hắn ta là người Nam Mỹ, Ý hay Tây Ban Nha. - Ông ta lấy hơi - Đó là mô phỏng nhân dạng cho ông. Đó là kẻ gây ra ba cái chết và đang cố giết tôi. Angeli nuốt nước miếng. - Địa ngục nào khiến ông biết tất cả những điều này. Judd ngồi xuống và nghiêng về phía Angeli. - Đó là chuyên môn của tôi. - Về mặt tâm thần, chắc là đúng. Nhưng làm sao ông có thể cho mô tả cơ thể của một gã mà ông chưa bao giờ gặp. - Tôi đang chơi cá cược. Một bác sĩ tên là Kreischmer tìm ra rằng tám mươi lăm phần trăm người mắc chứng hoang tưởng đều mạnh mẽ, có thể hình tốt. Gã của chúng ta hiển nhiên là hoang tưởng. Hắn có ảo tưởng quyền thế. Hắn có hoang tưởng tự đại để nghĩ hắn đứng trên luật pháp. - Vậy tại sao hắn không bị phát hiện thời gian dài trước đây. - Vì hắn mang mặt nạ. - Hắn là cái gì? - Chúng ta đều mang mặt nạ đó Angeli. Từ lúc còn thơ, chúng ta được dạy bảo phải che dấu cảm xúc thật, giấu đi lòng hận thù và sự sợ hãi. - Có uy lực trong giọng nói ông ta - Nhưng dưới cơn stress, Don Vinton làm rơi cái mặt nạ và lộ cái mặt thật của hắn. - Tôi hiểu rồi. - Cái “tôi” của hắn là điểm làm cho hắn bị tổn thương. Nếu bị đe dọa một cách thật sự, hắn sẽ điên loạn. Hắn đang ở đường biên mỏng manh. Sẽ không khó khăn để giúp hắn hoàn toàn vượt qua. - Ông ngập ngừng, rồi tiếp tục nói, như với chính mình. - Hắn là kẻ MANA. - Đó là gì? - Mana. Đó là một thời kỳ mà người tiền sử dùng sự mê tín để gây ảnh hưởng đến người khác bằng ma thuật của mình, một gã có tính cách áp đảo. - Ông nói hắn không vẽ, viết hay chơi dương cầm. Làm sao ông biết vậy? - Thế giới có đầy những nghệ sị bị tâm thần phân lập. Hầu hết họ kiểm soát được để sống cả đời mà không có vi phạm, bởi vì công việc của họ cho họ con đường để tự khẳng định mình. Gã của chúng ta không có con đường đó. Vì thế hắn giống như núi lửa. Cách duy nhất giúp hắn có thể thoát khỏi áp lực nội tại là phun trào vào Hanson - Carol - Moody. - Ý ông đây là tội ác vô thức mà hắn gây cho … - Không phải vô nghĩa đối với hắn. Mà là ngược lại… - Trong đầu ông diễn ra cuộc đua nước rút. Vài mảnh hình ghép còn lại bắt đầu rơi vào đúng chỗ, Ông tự nguyền rủa mình đã quá mù quáng hay lo sợ để nhìn nhận điều đó. - Tôi là người duy nhất mà Don Vinton nhắm đến, là mục tiêu đầu tiên. John Hanson bị giết bởi vì hắn lầm tưởng đó là tôi. Khi kẻ sát nhân biết mình bị nhầm, hắn trở lại văn phòng để làm lại. Nhưng tôi đã đi, và hắn gặp Carol ở đó. - Giọng ông ta giận dữ. - Hắn giết cô ấy để cô ấy không thể nhận dạng hắn nhỉ? - Không đâu. Gã mà chúng ta đang tìm không phải là kẻ ác dâm. Carol bị tra tấn vì hắn muốn khai thác điều gì. Có thể là một bằng chứng buộc tội. Và cô ấy sẽ không có hoặc không thể giao nó cho hắn. - Bằng chứng loại gì? - Angeli dò xét. - Tôi chưa biết. - Judd nói - Nhưng nó là chìa khóa cho cả sự kiện. Moody đã tìm ra câu trả lời và đó là lý do tại sao họ giết ông ấy. - Có một việc tôi còn chưa thông. Nếu họ giết được ông trên đường, thì họ cũng không thể lấy được bằng chứng. Nó không khớp với phần còn lại của giả thiết của ông. - Angeli vẫn cố chấp. - Có thể khớp chứ. Chúng ta giả sử bằng chứng là một cuộn băng của tôi. Tự nó hoàn toàn vô hại. Nhưng nếu tôi gắn nó với một sự thật khác, nó có thể đe dọa họ. Nên họ có hai lựa chọn. Hoặc lấy nó từ tôi, hoặc trừ khử tôi để không tiết lộ nó với bất kỳ ai. Đầu tiên, họ cố trừ khử tôi. Nhưng họ nhầm lẫn và giết Hanson. Rồi họ đi đến sự lựa chọn thứ hai. Họ cố đoạt nó từ Carol. Khi thất bại, họ quyết định tập trung vào việc giết tôi. Đó là vụ đụng xe. Có lẽ tôi bị theo dõi khi tôi thuê Moody, và đến phiên ông ấy bị theo dõi. Khi ông ta tìm ra sự thật, họ giết ông ta. Angeli nhìn Judd vẻ tư lự trên nét mặt. - Đó là lý do tại sao kẻ giết người chưa dừng lại cho đến khi tôi chết. - Judd kết luận một cách thầm lặng. - Nó đã trở thành trò chơi chết người, và gã mà tôi đã mô tả đừng hòng thắng cuộc. Angeli chăm chú nhìn Judd, cân nhắc những gì ông ta nói. - Nếu ông đúng. - Cuối cùng ông kết luận - ông cần phải được bảo vệ. Ông ta móc khẩu súng lục ra, búng hộp đạn mở để chắc rằng nó được nạp đầy. - Cám ơn Angeli. Nhưng tôi không cần khẩu súng. Tôi sẽ chiến đấu với những vũ khí của riêng tôi. Có tiếng lắc cắc của cánh cửa ngoài mở. - Ông đang đợi ai à? - Không. - Judd lắc đầu - Tôi không hẹn bệnh nhân nào chiều nay. Súng còn trong tay, Angeli di chuyển êm tới cánh cửa dẫn tới phòng tiếp tân. Ông ta bước sang một bên và giất mạnh cánh cửa ra. Peter Hadley đứng đó, biểu hiện ngơ ngác trên mặt. - Anh là ai? - Angeli độp ngay. Judd vượt qua cửa. - Không sao đâu. - Judd nói nhanh - Anh ta là bạn tôi. - Ái chà! Quái quỉ gì vậy? - Xin lỗi. - Angeli xin lỗi và cất súng. - Đây là bác sĩ Peter Hadley, còn đây là thám tử Angeli. - Đây là kiểu khám bệnh điên khùng gì mà các ông tiến hành ở đây? - Peter hỏi. - Có một chút nhầm lẫn. - Angeli giải thích. - Văn phòng bác sĩ Stevenson bị bẻ khóa và chúng tôi cho rằng kẻ đã làm việc đó có thể quay trở lại. Judd chớp lấy cơ hội. - Vâng, chúng chưa lấy được cái mà chúng đang tìm. - Có liên quan gì đến vụ giết Carol không? Angeli lên tiếng trước khi Judd có thể trả lời. - Chúng tôi khôhg chắc. Thưa bác sĩ Hadley. Trong lúc này, Sở cảnh sát yêu cầu bác sĩ Stevenson không bàn bạc việc này. - Tôi hiểu - Peter nói, ông ta nhìn Judd - Cuộc hẹn ăn trưa của chúng ta còn hiệu lực không? Judd nhận ra ông đã quên bẳn việc này. - Dĩ nhiên - Judd nói nhanh, quay sang Angeli - Tôi nghĩ chúng ta đã bàn đủ. - Vậy thì - Angeli đồng ý - Ông có chắc là ông không muốn … - Ông ta nhìn vào khẩu súng lục. - Cám ơn - Judd lắc đầu. - Được, hãy bảo trọng. - Angeli nói. - Tôi nhớ - Judd lập lại - Tôi biết mà. Judd bức rức suốt buổi ăn trưa. Peter không thúc giục ông ta. Họ nói về những người bạn, những bệnh nhân chung của hai người. Peter kể rằng ông đã nói với sếp của Harison Burke và họ đã âm thầm bố trí cho Burke một cuộc trắc nghiệm tâm thần. Ông ta đã được gởi đến một viện tâm thần tư nhân. Sau khi uống cà phê, Peter nói. - Tôi không biết ông gặp rắc rối gì, Judd à, nhưng tôi có thể giúp gì được chăng … Judd lắc đầu. - Cám ơn Peter. Đây là việc mà tôi phải tự mình làm thôi. Tôi sẽ kể hết cho anh khi mọi việc đã xong. - Hy vọng nó xong sớm. - Peter nói nhẹ nhàng, ngần ngại - Judd, anh gặp nguy hiểm phải không? - Dĩ nhiên là không rồi - Judd đáp. Nếu không kể đến kẻ giết người hoang tưởng đã gây ra ba cái chết và xác định Judd là nạn nhân thứ tư của hắn. Sau khi ăn trưa, Judd trở về văn phòng. Ông đi với vẻ cẩn thận như thường lệ, kiểm tra để chắc rằng không tự phô mình để ít bị tấn công. Việc gì cũng làm hết sức mình. Ông ta bắt đầu nghe lại các cuộn băng. Nghe coi có gì có thể lần ra đầu mối nào. Điều đó giống như mở ra cả cơn lũ của những đối thoại phức tạp. Những cái guồng âm thanh tuôn trào đầy ắp lòng căm thù … sự đồi bại … sự sợ hãi … sự tự cảm … hoang tưởng tự đại … sư cô độc … sự trống trải … sự đau khổ … Sau ba giờ, ông ta chỉ tìm thấy một cái tên duy nhất để thêm vào danh sách của mình: Bruce Boyd, cái gã mà John Hanson đã sống chung sau cùng. Ông lại bỏ cuộn băng của Hanson vào máy ghi âm. - … Tôi cho rằng tôi đã yêu Bruce ngay lần đầu tôi gặp anh ta. Anh ấy là người đàn ông đẹp trai nhất mà tôi từng gặp. - Anh ta là đối tác thụ động hay làm chủ vậy John? - Làm chủ. Đó là điều lôi cuốn tôi đến với anh ta. Anh ấy rất mạnh mẽ. Thực tế, về sau, khi chúng tôi yêu nhau, chúng tôi thường cãi cọ về việc đó. - Tại sao vậy? - Bruce không nhận ra anh ta thật sự mạnh đến thế nào. Anh ta thường đi ra sau lưng và kích tôi từ phía sau. Theo anh ấy đó là biểu lộ tình yêu. Nhưng ngày nọ, anh ta gần như làm gãy xương sống của tôi. Tôi muốn giết anh ta. Khi anh ta bắt tay, anh ta có thể nghiền nát các ngón tay. Anh ta luôn luôn giả vờ xin lỗi, nhưng Bruce thích làm đau người khác. Anh ta không cần roi. Anh ta rất mạnh. Judd dừng cuộn băng và ngồi đó suy nghĩ. Kiểu mẫu đồng tính không gắn ông ta vào nhận định về kẻ giết người, nhưng một mặt nào đó, Boyd đã dính líu đến Hanson và là kẻ bạo dâm lẫn tự tôn. Ông nhìn vào hai cái tên trong danh sách: Teri Washburn đã giết một gã ở Hollywood và chưa bao giờ kể về điều đó; còn lại là Bruce Boyd, người yêu sau cùng của John Hanson. Nếu là một trong số họ thì đó là ai? Teri Washburn sống trong một căn hộ cao cấp ở Sutton Place. Toàn bộ căn hộ được trang trí bởi một màu hồng kinh tởm: tường, bàn ghế, màn. Có nhiều món đắt giá rãi ra khắp phòng, còn tường thì phủ đầy tranh theo trường phái ấn tượng Pháp. Judd nhận ra hai của Manets, hai Degas, một Monet, và một Renoir trước khi Teri bước vào phòng. Ông đã gọi điện trước để báo là ông muốn ghé qua. Bà ta đã sẵn sàng tiếp ông. Bà ta mặc một nùi màu hồng kết lại mà không có gì bên dưới. - Ông đã đến thật rồi - Bà ta kêu lên vui sướng. - Tôi muốn nói chuyện với bà. - Chắc rồi. Uống chút gì nhé. - Không, cám ơn. - Em nghĩ rằng em làm cho mình hấp dẫn vào ngày lễ kỷ niệm. - Teri nói và đi về phía quầy bar bằng san hô ở góc căn phòng lớn. Judd nhìn bà ta một cách tư lự. Teri quay lại với đồ uống của mình và ngồi cạnh ông trên cái salon màu hồng. - Vậy là cuối cùng cái của quí của ông đã mang ông tới đây hả cưng. - Bà ta nói - Em biết ông không thể kiềm chế với Teri bé bỏng. Em thích ông, Judd à. Em sẽ làm mọi việc vì ông. Ông muốn gì cứ nói. Ông đã làm cho mọi cây gậy núng nính mà em đã biết trong đời em trông giống như đồ bỏ. Bà ta đặt đồ uống xuống và đặt tay lên quần tây của Judd. Judd cầm hai bàn tay bà ta. - Teri - Ông nói - Tôi cần sự giúp đỡ của bà. Tâm trí bà ta đang chu du theo lối mòn cũ. - Em biết, cưng à. - Bà ta rên rỉ - Em sắp làm tình với ông như là ông chưa từng làm tình trong đời. - Teri. Hãy nghe tôi. Ai đó đang cố giết tôi. Đôi mắt bà ta đọng lại sự ngạc nhiên chậm rãi. Đóng kịch hay là thật đây. Ông nhớ lại một pha diễn mà ông đã xem bà ta diễn trong những sô ngày xưa. Là thật. Bà ta tốt, nhưng không phải một nữ diễn viên tốt. - Lạy Chúa. Ai vậy? Ai muốn giết ông? - Có thể là ai đó có liên quan đến một trong những bệnh nhân của tôi. - Nhưng mà, Chúa lòng lành, tại sao vậy? - Đó là điều mà tôi đang cố tìm hiểu. Teri à, liệu có ai ở chỗ phục hồi sức khỏe của bà từng nói tới giết người hay kẻ bị giết? Có thể là trong bữa tiếc hay lúc cười đùa? - Không có. - Teri lắc đầu. - Bà có biết ai tên là Don Vinton không? - Ông ta nhìn bà ấy thật gần. - Don Vinton à? Ồ, ồ. Tôi có nên không? - Teri? Bà cảm thấy thế nào về vụ giết người? - Một cái rùng mình nhỏ chạy ngang người bà ta. Ông đang cầm cổ tay bà ấy và ông cảm thấy nhịp tim bà ta nhanh lên. - Việc giết người kích động bà à? - Tôi không biết. - Hãy nghĩ về điều đó - Judd khăng khăng - Việc nghĩ về nó có kích động bà không? Nhịp tim bà ta bắt đầu nhảy loạn xạ. - Không. Tuyệt nhiên không. - Tại sao bà không kể cho tôi nghe về vụ giết người ở Hollywood? Không cảnh báo, bà ta chồm tới và cào vào mặt ông bằng móng tay dài. Ông nắm lấy cổ tay bà. - Đồ chó đẻ bẩn thỉu. Đã hai mươi năm rồi … Đó là lý do ông tới đây hả? Hãy cút xéo đi. Bà ta đổ sụp trong cơn thổn thức cuồng loạn. Judd nhìn bà ta một lúc. Teri có khả năng liên quan đến vụ giết người giật gân. Sự thiếu tự tin lẫn thiếu tự trọng sẽ khiến bà ta dễ làm mồi ai đó muốn lạm dụng bà ta. Bà ấy giống như miếng đất sét mềm trong đống cặn bã. Người lôi bà ta lên có thể nhào nặn bà thành một bức tượng đẹp hay thành vũ khí chết người. Câu hỏi là, ai đã lôi bà ta lên sau cùng? Don Vinton? Judd đứng lên, nói. - Tôi xin lỗi. Ông ta bước ra khỏi căn hộ màu hồng. Bruce Boyd sở hữu một căn nhà trong chuồng ngựa đã chuyển đổi bên ngoài công viên của làng Greenwich. Một người quản gia mặc áo khoác trắng ra mở cửa. Judd báo tên và được mời vào phòng chờ. Người quản gia biến mất. Mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua. Judd kiểm nghiệm sự bực tức của mình. Có lẽ ông ta nên báo cho Angeli biết mình tới đây. Nếu giả thiết của Judd là đúng, sự cố gắng tiếp theo trên mạng sống của ông ta sẽ có kết quả rất sớm. Và kẻ tấn công ông ta sẽ cố bám chắc sự thành công của hắn. Người quản gia trở lại. - Ngài Boyd sẽ gặp ông bây giờ. Ông ta dẫn Judd lên lầu đến một phòng làm việc được trang trí lịch thiệp, rồi dè dặt rút lui. Boyd ngồi tại bàn làm việc, đang viết. Ông ta là mẫu người đàn ông đẹp, rắn chắc, có nét thanh tú, mũi khoằm, và cái miệng đầy đặn, khoái lạc. Ông ta có mái tóc vàng xoăn thành hình chiếc nhẫn. Ông ta đứng lên khi Judd vào. Ông ta cao khoảng một mét chín với ngực và vai của một cầu thủ. Judd nghĩ về mô phỏng nhân dạng của mình về kẻ giết người. Boyd khớp với điều này. Judd ao ước thiết tha hơn bao giờ hết về việc mình phải nhắn vài lời với Angeli. Giọng Boyd nhẹ nhàng lịch thiệp. - Xin lỗi vì tôi đã để ông chờ, bác sĩ Stevens. - Ông ta nói lịch sự - Tôi là Bruce Boyd. Ông ta chìa tay ra. Judd chồm tới để bắt và Boyd đấm ông vào mồm với cú đánh như đá tảng. Cú đòn hoàn toàn không đoán trước, và sự va chạm làm Judd ngã vào cây đèn có chân đứng, đánh bật nó ra khi ông ta ngã dài xuống sàn. - Tôi xin lỗi, bác sĩ. - Boyd nói, nhìn xuống ông ta. - Ông đã đến, Ông là gã trai lẳng lơ phải không? Đứng lên và tôi sẽ đãi ông một chầu. Judd lảo đảo lắc đầu. Ông ta bắt đầu gượng dây trên sàn. Khi ông ta đứng lên nửa chừng, Boyd đá vào háng ông ta bằng mũi giày và Judd ngã quằn quại xuống sàn trong sự đau đớn. - Tôi đang chờ điện thoại của ông. - Boyd nói. Judd nhìn lên qua những cơn đau quặn vào hình ảnh kẻ mạnh hơn hẳn ông. Ông cố nói, nhưng không thốt nên lời. - Đứng cố nói - Boyd nói vẻ thông cảm - Nó phải đau. Tôi biết tại sao ông ở đây. Ông muốn hỏi tôi về Johnny. Judd bắt đầu gật đầu và Boyd đá ông ta vào đầu. Qua màn đỏ mờ, ông ta nghe giọng của Boyd đến từ nơi xa xuyên qua một tấm vải lược, khi xa khi gần. - Chúng tôi yêu nhau cho đến khi hắn ta tới gặp ông. Ông làm cho hắn cảm thấy giống như một kẻ đồng bóng. Ông làm cho hắn cảm thấy chúng tôi yêu nhau là đồi bại. Ông có biết ai làm cho nó bẩn thỉu không, bác sĩ Stevens? Là ông đó. Judd cảm thấy vật gì cứng đâm mạnh vào xương sườn của mình, đưa một cơn đau thấm thía xuyên qua tĩnh mạch. Ông ta nhìn thấy mọi vật đang trong những màu sắc đẹp đẽ, mặc dù cái đầu được lấp đầy những sắc cầu vồng lung linh. - Ai cho ông quyền bảo người ta cách yêu như thế nào hả bác sĩ? Ông ngồi đó trong văn phòng của mình, giống như một loại Chúa trời, kết tội những kẻ không nghĩ giống như ông. - Không phải vậy. - Judd đang trả lời đâu đó trong tâm trí ông. Hanson chưa bao giờ có sự lựa chọn trước đó. Tôi cho ông ta sự lựa chọn và ông ấy đã không chọn ông. - Bây giờ Johnny đã chết. - Gã khổng lồ tóc vàng đè lên ông - Ông đã giết Johnny của tôi, và bây giờ tôi sẽ giết ông. Ông cảm thấy một cú đá nữa đàng sau mang tai, và ông bắt đầu rơi vào vô thức. Một vài bộ phận rời xa tâm trí ông nhìn xuống với sự thú vị vô tư khi phần còn lại của ông bắt đầu chết. Cái mảnh nhỏ cách ly của sự thông minh trong trí não ông ta tiếp tục hoạt động. Nó thôi thúc làm lóe lên một mẫu yếu ớt của sự suy nghĩ. Ông ta tự trách mình đã không tới gần hơn với sự thật. Ông ta mong chờ một kẻ giết người tóc sậm kiểu La tinh, và hắn ta tóc vàng. Ông ta chắc rằng kẻ giết người không phải đồng tính, và ông ta đã sai. Ông ta đã tìm ra kẻ giết người hoang tưởng, và bây giờ ông đang đi dần đến cái chết vì điều đó. Ông rơi vào vô thức. Chương 15 (Trong nguyên bản tiếng Anh không có chương 15 - Có lẽ tác giả Sidney Sheldon không thích số 15 trong lần này - Nhưng các bạn sẽ xem tiếp không bị ngắt quãng với chương 16) Chương 16 Một phần tách rời từ xa trong tâm trí ông ta đang cố gởi cho ông ta một thông điệp, cố liên lạc với điều gì thật quan trọng trong vũ trụ, nhưng mà trận đòn nặng nề táng sâu vào trong sọ ông ta quá đau đớn làm cho ông ta không thể tập trung vào bất kỳ điều gì khác. Đâu đó chung quanh, ông ta có thể nghe thấy tiếng bài hát tang cao vút, giống như con thú hoang bị thương. Thật chậm và cực kỳ đau đớn, Judd mở mắt ra. Ông ta đang nằm trên giường trong một căn phòng xa lạ. Trong một góc phòng, Bruce Boyd đang khóc tức tưởi không kiềm chế. Judd gượng ngồi dậy. Cơn đau rã rời trong cơ thể ông cuốn vào trí óc ông gợi nhớ lại những gì đã xảy ra cho mình, và ông chợt nổi lên cơn thịnh nộ man dại. Boyd quay sang khi nghe Judd cử động. Ông tiến lại bên giường. - Đó là lỗi của ông - Hắn rên rỉ thút thít. - Nếu không vì ông, Johnny sẽ vẫn an toàn với tôi. Không có chủ đích, bị thúc đẩy bởi bản năng báo thù đã chôn sâu từ lâu trong tiềm thức, Judd chộp lấy cổ họng của Boyd, những ngón tay ông siết chặt khí quản hắn, bấu chặt với tất cả sức mạnh của nó. Boyd không di chuyển để tự vệ. Hắn đứng đó, dòng lệ tuôn trên mặt. Judd nhìn vào mắt hắn, giống như là nhìn vào cái hố sâu địa ngục. Tay ông từ từ buông xuống. Lạy Chúa, ông nghĩ, mình là bác sĩ. Một gã bệnh hoạn tấn công mình, và mình muốn giết hắn. Ông nhìn Boyd, và cái ông ta đang nhìn là đứa trẻ ngơ ngác bị khuất phục. Bất thình lình, ông nhận ra cái mà tiềm thức của ông cố báo cho ông biết: Bruce Boyd không phải là Don Vinton. Nếu là hắn, Judd không thể sống sót đến bây giờ. Boyd không hợp với kẻ gieo chết chóc. Vậy là ông đã đoán đúng rằng hắn không khớp với mô phỏng nhân dạng của kẻ sát nhân. Có sự an ủi mỉa mai nào đó trong việc này. - Nếu không gặp ông, Johnny sẽ còn sống. - hắn thổn thức - Anh ấy sẽ ở đây với tôi và tôi đã có thể bảo vệ anh ta. - Tôi không bảo John bỏ rơi ông. - Judd nói chán nản - Đó là quan điểm của anh ta. - Ông là kẻ nói dối. - Mọi việc đã đổ vỡ giữa ông và John trước khi anh ta đến gặp tôi. Có khoảng yên lặng dài. Rồi Boyd gật đầu. - Vâng, chúng tôi … chúng tôi cãi nhau luôn. - Anh ta cố tìm lại chính mình, và tiềm thức của anh ta mách rằng anh ta muốn trở về với vợ, con mình. Sâu trong bản chất, John muốn làm người có tình dục khác giới. - Đúng - Boyd thì thầm - Anh ta thường nói về điều đó mọi lúc, và tôi nghĩ đó chỉ là trừng phạt tôi. - hắn nhìn lên Judd. - Nhưng ngày anh ta bỏ đi, anh ta chỉ một mực bỏ đi, anh ta không yêu tôi nữa. Có nỗi tuyệt vọng trong giọng nói của hắn. - Anh ta không phải hết yêu ông. - Judd nói - không chỉ là bạn bè. Boyd nhìn chăm vào ông ta, mắt dán chặt vào mặt Judd. - Ông giúp tôi chứ? - Cặp mắt hắn đầy nỗi tuyệt vọng. - Giúp .. tôi, ông phải giúp tôi. Đó là tiếng khóc của nỗi thống khổ. Judd nhìn hắn một lúc lâu. - Được, tôi sẽ giúp ông. - Tôi sẽ bình thường chứ? - Việc thế này không như bình thường. Mỗi người mang cái bình thường riêng đi theo bên mình, và không có hai người nào là giống nhau. - Ông có thể làm cho tôi trở thành người tình dục khác giới không? - Điều đó tùy thuộc vào ông thật sự muốn ra sao. Chúng tôi có thể làm cho ông một cuộc phân tích tâm lý. - Và nếu nó thất bại? - Nếu chúng tôi nhận thấy rằng ông thật sự là người đồng tính, ít nhất ông sẽ thấy tốt hơn là điều chỉnh theo hướng đó. - Khi nào ta bắt đầu được - Boyd hỏi. Judd giật mình trở về thực tại. Ông ta đang ngồi đây bàn về việc điều trị cho một bệnh nhân trong khi mà, theo những điều ông biết, ông sắp bị giết trong vòng hai mươi bốn giờ tới. và ông vẫn chưa chắc tìm ra ai là Don Vinton. Ông ta loại trừ Teri và Boyd, kẻ tình nghi cuối cùng trong danh sách. Ông không biết gì hơn, bây giờ ông trở lại điểm khởi đầu. Nếu những phân tích về kẻ sát nhân là đúng, ngay bây giờ ông có lẽ phải tự thân chống lại cơn thịnh nộ tàn sát. Cuộc tấn công kế tiếp sẽ đến rất, rất sớm. - Hãy gọi cho tôi vào ngày thứ Hai - Judd nói. Một chiếc taxi chở ông về căn hộ của mình. Judd cố ước lượng cơ hội sống sót của mình. Thật là ảm đạm. Những gì ông biết được là Don Vinton quá liều lĩnh. Và ai là Don Vinton? Tại sao hắn không có trong hồ sơ tội phạm của cảnh sát? Hắn có thể dùng tên khác không? Không. Moody đã nói rõ là “Don Vinton”. Thật khó để tập trung. Mỗi khi taxi dằn sốc, lại truyền đến cơn đau quằn quại trên thân thể tím bầm của ông. Judd nghĩ về những vụ giết người và vụ cố sát đã được thực hiện cho đến nay, cố tìm hiểu loại kiểu mẫu đã thực hiện. Một vụ đâm bắng dao, một vụ nhục hình, một vụ đâm xe bỏ chạy, một quả bom cài trong xe, một vụ bóp cổ. Không có kiểu mẫu nào ông có thể rút ra được. Chỉ có sự bạo lực tàn nhẫn, điên rồ. Ông không có cách nào biết được vụ kế sẽ được thực hiện như thế nào, và do ai làm. Nơi ẩn náu tốt nhất là ở văn phòng hoặc trong căn hộ của ông. Ông nhớ lời khuyên của Angeli. Ông phải có ổ khóa vững chắc gắn trên cửa căn hộ. Ông sẽ bảo Mike, người gác cửa và Eddie, người giữ thang máy, để ý canh chừng. Ông có thể tin họ. Taxi dừng lại phía trước tòa nhà căn hộ của ông. Người gác cửa ra mở cửa taxi. Hắn ta hoàn toàn xa lạ. Chương 17 Hắn là một gã to lớn da ngăm, với gương mặt sần đậu mùa và đôi mắt đen sâu hút. Một vết sẹo cũ chạy ngang qua cổ họng hắn. Hắn mặc bộ áo đồng phục của Mike và nó quá chật đối với hắn. Taxi chạy đi và Judd còn lại một mình với hắn. Ông đột ngột nổi lên cơn đau. Lạy trời không phải bây giờ. Ông nghiến răng. - Mike đâu rồi - Ông hỏi. - Đi nghỉ phép rồi, thưa bác sĩ. Bác sĩ. Vậy là gã biết rõ ông là ai. Còn Mike nghỉ phép? Vào tháng Mười Hai? Có một cái mĩm cười hài lòng trên mặt của hắn. Judd ngó qua ngó lại con đường lộng gió, nhưng nó hoàn toàn vắng lặng. Ông có thể cố bỏ chạy ra đường. Nhưng trong hoàn cảnh bây giờ, không cho ông một cơ hội nào. Cơ thể của ông bị đánh đập đau đớn, nó nhói đau mỗi lần ông hít thở. - Có vẻ như ông vừa trải qua một tai nạn - Giọng của hắn có vẻ ân cần. Judd quay đi không trả lời, rảo bước vào hành lang của tòa nhà. Ông có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Eddie. Gã đàn ông theo Judd vào hành lang. Eddie đang ở trong thang máy, lưng quay ra. Jud cất bước về phía thang máy, mỗi bước lại dấy lên một cơn đau buốt. Ông ta biết mình không được vấp ngã. Việc quan trọng là không để gã kia chặn ông một mình. Hắn sẽ sợ có người thấy. - Eddie. - Judd kêu lên. Gã đứng trong thang máy quay lại. Ông chưa từng thấy hắn trước đây. Hắn có cùng khuôn với gã gác cửa nhưng nhỏ hơn, và không có vết sẹo. Rõ ràng hai gã là anh em với nhau. Judd dừng lại, mắc kẹt giữa hai gã đàn ông. Không còn ai khác trong hành lang. - Đi lên nào - Gã đứng trong thang máy nói. Hắn cũng có cùng nụ cười hài lòng như gã anh em. Thế là cuối cùng cũng đối mặt với cái chết. Judd chắc rằng không ai trong hai gã có đầu óc thông minh sau những gì đã xảy ra. Chúng là những sát thủ chuyên nghiệp được thuê. Chúng sẽ giết ông trong hành lang? Hay chúng thích làm điều đó trong căn hộ của ông? Trong căn hộ. Có lý lắm, điều đó cho phép chúng có nhiều thời gian để tẩu thoát trước khi thi thể của ông được tìm thấy. Judd xoay bước về phía phòng quản lý. - Tôi phải gặp ông Katz về việc … Gã to hơn chặn đường ông. - Ông Katz bận rồi bác sĩ. - hắn nói nhẹ nhàng. Gã trong thang máy nói. - Tôi sẽ đưa ông lên lầu. - Không. Tôi … - Judd nói. - Hãy làm theo lời hắn. - Giọng hắn không chút thiện cảm. Có luồng gió lạnh bất ngờ khi cửa hành lang mở ra. Hai đàn ông và hai phụ nữ vội bước vào, cười nói huyên thuyên, quấn chặt trong áo choàng của họ. - Thời tiết tệ hơn ở Siberia. - Một phụ nữ nói. Người đàn ông đang khoác tay bà ta dáng mập, lùn, nói giọng miền Trung Tây. - Đêm nay không thích hợp cho người lẫn gia súc. Cả nhóm di chuyển về phía thang máy. Gã gác cửa và gã coi thang máy nhìn từng người một cách lặng lẽ. Người phụ nữ thứ hai lên tiếng, Bà ta nhỏ người, tóc vàng bạch kim, nói giọng miền Nam nặng. - Thật là một buổi tối đẹp như mơ, cám ơn các ông bà rất nhiều. - Bà ta tiễn những người đàn ông ra về. Người đàn ông thứ hai phát ra tiếng như tru, phản đối: - Các bà sẽ không để chúng tôi ra về mà không nhấp một ly tiễn biệt, đúng không? - Khuya phát sợ rồi George à. - Người phụ nữ ban đầu màu mè. - Nhưng trời lạnh dưới không độ bên ngoài. Các bà phải cho chúng tôi một ít chất chống đông chứ. - Chỉ một ly thôi rồi chúng tôi sẽ đi. - Người kia van nài. - Thôi được … Judd cố nén thở. Thật là mừng quá! Bà tóc bạch kim dịu lại. - Được, chỉ một ly thôi, các người nghe rõ rồi nhé? Cả nhóm vừa cười vừa bước vào thang máy. Judd nhanh chóng bước theo. Gã gác cửa đứng đó lúng túng nhìn người anh em. Gã trong thang máy nhún vai, đóng cửa, đưa thang máy lên. Căn hộ của Judd ở trên tầng Năm. Nếu cả nhóm đi ra trước ông, ông sẽ gặp rắc rối. Nếu họ ra sau, ông có cơ hội tọt vào căn hộ của mình, chặn cửa lại và gọi người cứu. - Tầng mấy? Bà tóc vàng nhỏ nhắn nói. - Tôi không biết ông chồng tôi sẽ nói gì nếu thấy tôi mời hai gã lạ hoắc vào nhà. - Bà quay qua gã coi thang máy - Tầng mười. Judd thở hắt ra. Ông ta nói nhanh. - Tầng năm. Gã coi thang máy ném cho ông cái nhìn nhẫn nại và ranh mãnh rồi mở cửa ở tầng năm. Judd vọt ra. Cửa thang máy đóng lại. Judd đi về phía căn hộ của mình, trượt chân vì đau. Ông ta lấy chìa khóa, mở cửa đi vào trong, tim đập thình thịch. Ông có tối đa năm phút trước khi chúng tới giết mình. Ông đóng cửa và kéo xích khóa chốt cửa. Nó rời ra trong tay ông. Ông nhìn thấy nó đã bị cắt đứt. Ông quăng nó đi và tiến về phía điện thoại. Một cơn choáng váng quét qua, ông đứng đó, nhắm mắt lại trong khi thời gian quí báu trôi qua. Với sự cố gắng, ông di chuyển chậm chạp về phía điện thoại lần nữa. Người duy nhất mà ông nghĩ có thể gọi đến là Angeli. Nhưng Angeli đang nghỉ bệnh ở nhà. Chưa hết, ông nói gì bây giờ? Chúng tôi có người gác cửa mới và người coi thang máy mới và tôi nghĩ chúng sắp giết tôi! Ông từ từ nhận ra rằng mình đang cầm ống nghe trong tay, đứng đó chết lặng, quá sửng sờ để có thể làm gì. Trong cơn chấn động, ông nghĩ. Boyd lẽ ra đã giết ông, sau hết. Họ sẽ đi vào và tìm thấy ông như thế này - vô phương cứu giúp. Ông nhớ lại ánh mắt của gã to con. Ông phải lừa chúng, giữ thế cân bằng. Nhưng lạy Trời - phải làm sao đây? Ông bật màn hình nhỏ quan sát hành lang. Hành lang vắng lặng. Cơn đau trỗi dậy, giật ngang từng cơn làm ông choáng váng. Ông cố thúc đầu óc mỏi mệt của mình tập trung vào vấn đề. Ông đang trong tình trạng nguy ngập … Phải … rất nguy cấp. Ông phải có biện pháp cấp cứu. Phải … tầm nhìn của ông lại mờ đi. Đôi mắt ông tập trung vào chỗ điện thoại. Gọi cấp cứu … ông kéo chiếc điện thoại lại gần mắt để có thể thấy rõ số. Chậm chạp một cách đau đớn, ông quay số. Một âm thanh trả lời sau hồi chuông thứ năm. Judd nói, tiếng của ông líu nhíu, rời rạc. Mắt ông bị lôi cuốn bởi sự di chuyển của cái bóng trên màn hình. Hai gã đàn ông, trong đồ mặc ngoài đường, đang băng ngang hành lang và tiến về phía thang máy. Thời gian của ông đã hết. Hai gã đàn ông di chuyển không một tiếng động về phía căn hộ của Judd và dừng lại hai bên cửa. Gã to hơn, tên Rocky, thử lúc lắc cửa nhẹ nhàng. Nó đã bị khóa. Hắn lấy ra một cái thẻ từ và cẩn thận nhét vào ổ khóa. Hắn gật đầu với đồng bọn và cả hai rút ra những khẩu súng lục có gắn ống hãm thanh. Rocky quẹt thẻ từ để mở khóa và đẩy cửa thuận theo chiều mở, từ từ. Chúng bước vào phòng khách, súng thủ trước ngực. chúng chạm trán với ba cánh cửa đóng. Không có dấu hiệu nào của Judd. Gã nhỏ con, tên Nick, chạm vào cửa thứ nhất. Nó bị khóa. Hắn mĩm cười với gã kia, đặt nòng súng vào ổ khóa và bóp cò. Cánh cửa lặng lẽ mở bung ra về phía phòng ngủ. hai gã đàn ông bước vào, súng lia khắp phòng. Không có ai ở bên trong. Nick kiểm tra tủ áo trong khi Rocky trở ra phòng khách. Chúng di chuyển từ tốn, biết rằng Judd đang trốn trong căn hộ mà không có ai cứu giúp. Có sự thận trọng tối đa khi chúng di chuyển không chút vội vả mặc dù chúng đang thưởng thức giây phút trước khi giết người. Nick thử mở cánh cửa đóng thứ hai. Nó bị khóa. Hắn bắn bể chốt cửa và tiến vào phòng. Đó là phòng làm việc nhỏ, trống rỗng. Chúng nhăn nhở cười với nhau và đi đến cánh cửa đóng cuối cùng. Khi chúng đi ngang màn hình, Rocky kéo tay người anh em của hắn lại. Trên màn hình họ có thể thấy ba người đàn ông đang vội vả đi vào hành lang, hai trong số họ mặc bộ đồng phục trắng dành cho tập sự, đang đẩy cáng cứu thương có bánh xe. Người thứ ba mang một túi cứu thương. - Chuyện quái quỉ gì đây? - Bình tĩnh đi Rocky. Có ai bệnh đấy thôi. Phải có hàng trăm căn hộ trong tòa nhà này. Chúng quan sát màn hình như bị thôi miên khi hai người tập sự đẩy cáng cứu thương vào trong thang máy. Cả nhóm biến vào trong và cửa thang máy đóng lại. - Chờ họ vài phút. - Nick lên tiếng - Có thể có tai nạn gì đó. Cũng có thể là cớm. - Đồ cái lũ chết tiệt. - Đừng lo, Steven không thể đi đâu cả. Cửa căn hộ bật mở, vị bác sĩ và hai tập sự tiến vào đẩy cáng cứu thương ở đằng trước. Hai tên sát thủ nhanh nhẹn giấu những khẩu súng vào túi áo khoác. Vị bác sĩ ngước nhìn hai anh em. - Ông ta chết rồi à? - Ai? - Nạn nhân tự sát. Ông ta còn sống hay chết? Hai tên sát thủ nhìn nhau, bối rối. - Các ông vào nhầm căn hộ rồi. Vị bác sĩ đẩy hai tên sát thủ về phía sau và cố mở cửa phòng ngủ. - Nó bị khóa rồi, giúp tôi phá khóa đi. Hai anh em đứng yên quan sát trong khi bác sĩ và hai tập sự tông cửa mở bằng vai của họ. Bác sĩ bước vào trong phòng. - Mang cáng lại đây. Ông ta tiến đến cạnh giường trong khi Judd nằm trên giường. - Ông có ổn không? Judd ngó lên, cố tập trung đôi mắt của mình. - Bệnh viện… - Judd lẩm bẩm. - Chúng tôi đưa ông đi ngay. Khi hai tên sát thủ quan sát trong nỗi thất vọng, những người tập sự đẩy cáng cứu thương lại bên giường, khéo léo sàng ông ta vào cáng và phủ lên ông tấm chăn. - Chúng ta chuồn thôi. - Rocky nói. Bác sĩ quan sát hai gã đàn ông bỏ đi. Rồi ông ta quay qua Judd, đang nằm trên cáng, mặt trắng và phờ phạc. - Anh có ổn không, Judd. - Giọng ông ta đầy vẻ lo lắng sâu sắc. Judd cố mĩm cười mà không nhếch mép được. - Hay lắm. - Ông nói mà chắc chắn không thể nghe giọng của chính mình - Cám ơn Peter. Peter nhìn xuống bạn mình, rồi gật đầu với hai tập sự. - Thôi chúng ta đi. Chương 18 Phòng trong bệnh viện khác nhau, nhưng cô y tá thì giống. Một khối hào nhoáng chỏi nhau. Ngồi bên cạnh giường, cô y tá là điều đầu tiên Judd nhìn thấy khi ông mở mắt. - Tốt quá, ông tỉnh rồi. - Cô ta nói một cách nghiêm nghị. - Bác sĩ Harris muốn gặp ông. Tôi sẽ báo với ông ấy là ông đã tỉnh. - Cô ta kiên quyết đứng chờ bên ngoài. Judd ngồi dậy, cẩn thận bước đi. Tay và chân phản xạ chậm một chút, nhưng không có tổn thương. Ông tập trung nhìn vào một cái ghế khi băng qua phòng, mỗi bước nhìn một cái. Thị lực của ông hơi bị mờ. - Có cần hội chẩn không? Ông nhìn lên. Bác sĩ Seymour Harris vừa bước vào phòng. - Tốt. - Bác sĩ Harris vui vẻ nói - Ông vừa trở thành một trong những khách hàng sộp nhất của chúng tôi. Ông có biết chỉ riêng hóa đơn tiền khâu vết thương là bao nhiêu không? Chúng tôi chắc phải cho ông mức giảm giá đặc biệt quá… Giấc ngủ của ông thế nào hả Judd? - Ông ta ngồi xuống bên cạnh giường. - Giống như một em bé. Ông cho tôi thuốc gì vậy? - Một mũi sodium luminol. - Bây giờ là mấy giờ rồi? - Giữa trưa. - Ối trời. - Judd nói - Tôi phải rời khỏi đây ngay. Bác sĩ Harris rút tờ xét nghiệm từ xấp hồ sơ ông ta mang theo. Ông thích nói về cái gì trước: chấn thương não, các vết rách, hay các chỗ bầm giập? - Tôi thấy khỏe mà. Bác sĩ đặt giấy xét nghiệm qua một bên. Giọng ông ta trở nên nghiêm trọng. - Judd, cơ thể ông đã phải chịu nhiều tổn thương hơn là ông có thể cảm nhận được. nếu ông biết khôn, thì hãy nằm đây, trên chiếc giường này trong vài ngày và nghỉ ngơi. Sau đó ông sẽ đi nghỉ dưỡng trong một tháng. - Cám ơn, Seymour. - Judd nói. - Ý ông là … Cám ơn, nhưng tôi không cần … - Có vài việc tôi cần phải giải quyết. Bác sĩ Harris thở dài. - Ông có biết ai là bệnh nhân tệ hại nhất trên thế giới không, bác sĩ? - ông ta đổi đề tài, chấp nhận chịu thua - Peter đã ở đây suốt đêm. Rồi ông ta mỗi giờ mỗi gọi điện hỏi thăm. Ông ấy lo cho ông nhiều lắm đó. Ông ta nghĩ ai đó cố giết ông tối qua. - Ông biết là bác sĩ thì giàu tưởng tượng không thể tả mà. Harris trố mắt nhìn ông một lúc, rồi nhún vai nói. - Ông là nhà tâm lý, tôi chỉ là Ben Casey. Có lẽ ông biết ông đang làm gì … nhưng tôi sẽ không đặt cược vào đó dù chỉ năm xu. Ông có chắc là ông sẽ không ở lại đây vài ba ngày chứ? - Tôi không thể. - Được. Hùng hổ lắm. Tôi sẽ cho ông xuất viện vào ngày mai. Judd định phản kháng, nhưng Harris ngắt ngang. - Không cãi. Hôm nay là Chủ Nhật. Mấy gã đập ông nhừ tử cũng cần nghỉ ngơi mà. - Seymour … - Còn nữa, tôi ghét đóng vai bà vú em nhưng, ngày nay ông đã ăn gì chưa? - Không có gì nhiều. - Judd nói. - Được. Tôi đã dặn cô Bedpan vỗ béo ông trong vòng hai mươi bốn giờ, và Judd này … - Vâng. - Hãy cẩn thận. Tôi ghét đánh mất khách hàng sộp như ông. - Rồi bác sĩ Harris bỏ đi. Judd nhắm mắt lại và nghỉ ngơi một lúc. Ông nghe tiếng chén dĩa khua rổn rảng, và khi nhìn lên ông thấy một cô y tá người Ai len đang đẩy xe trên có khay chứa bữa ăn tối vào. - Ông thức dậy rồi, bác sĩ Stevens. - Cô ta mĩm cười. - Bây giờ là mấy giờ. - Sáu giờ chiều. Ông đã ngủ cả ngày. Cô đặt đồ ăn lên khay trên giường ông và nói: - Tối nay ông được chiêu đãi món gà tây. Mai là ngày Chúa Giáng Sinh. - Tôi biết. Ông không cảm thấy thèm ăn cho đến khi cắn miếng thịt đầu tiên và bỗng khám phá rằng mình đang đói ngấu. Bác sĩ Harris đã ngăn tất cả các cuộc điện thoại. Ông được nằm trên giường, không ai làm phiền, phục hồi sức khỏe, sắp xếp nội lực. Ngày mai ông sẽ cần tất cả sức mạnh mà ông có thể tập hợp được. Vào lúc mười giờ sáng hôm sau, bác sĩ Seymour Harris vội vả bước vào phòng Judd. - Ông ra sao rồi, bệnh nhân yêu quí của tôi. - Ông ta tươi cười - Ông đã trở lại là người rồi. - Tôi cũng cảm thấy mình lại là người. - Ông sắp có khách đến thăm. Tôi mong ông đừng sợ ông ấy. Peter, và có lẽ Norah nữa. Họ gần như dành hết cả thời gian gần đây để thăm nom ông trong bệnh viện. Bác sĩ Harris đi ra. - Đó là trung úy McGreavy. Trái tim của Judd chùng xuống. - Ông ta rất nôn nóng nói chuyện với ông. Ông ta đang trên đường tới đây. Ông ta muốn biết chắc là ông đã thức dậy. Vậy là ông ta có thể bắt mình. Trong khi Angeli đang nghỉ ốm, ông ta hoàn toàn tự do để chế ra bằng chứng hòng có thể kết tội Judd. Một khi McGreavy đã nắm mình trong tay hắn thì đừng có hy vọng. Ông phải trốn đi trước khi ông ta đến. - Ông có thể nói cô y tá gọi giùm thợ cắt tóc không? - Judd nói.- Tôi muốn cạo râu. Giọng ông phải nghe rất kỳ quặc, bởi vì bác sĩ Harris nhìn ông một cách ngỡ ngàng. Hoặc bởi vì McGreavy đã kể gì đó về ông với Harris? - Dĩ nhiên rồi Judd. - Ông ta bỏ đi. Khi cửa vừa đóng, Judd ra khỏi giường và đứng lên. Hai đêm ngủ yên đã mang lại điều kỳ diệu cho ông. Ông bước hơi lảo đảo, nhưng chỉ thoáng qua. Bây giờ ông phải đi cho nhanh. Ông thay đồ mất ba phút. Ông giật cửa mở ra, ngó quanh coi có ai có thể cản trở mình không, và thẳng tiến về phía tầng dành cho nhân viên phục vụ. Khi ông bước xuống lầu, cửa thang máy mở và ông thấy McGreavy bước ra, tiến về phía căn phòng mà ông vừa rời khỏi. Ông bước nhanh, đằng sau ông là một cảnh sát mặc quân phục và hai thám tử. Judd nhanh chóng xuống tới tầng trệt và tiến về phía cửa vào dành cho xe cấp cứu. Ra khỏi bệnh viện một dãy nhà, Judd vẫy một chiếc taxi. McGreavy bước vào phòng bệnh viện, ném cặp mắt vào chiếc giường không người và nhà vệ sinh trống không. - Lục soát xung quanh. - Ông ta nói với những người kia.- Các anh vẫn còn có thể bắt hắn. Ông ta nhấc điện thoại. Cô trực tổng đài nối máy cho ông ta với sở cảnh sát. - McGreavy đây. - Ông ta nói nhanh - Tôi muốn phát một thông báo đi các nơi. Khẩn cấp… bác sĩ Judd Stevens, đàn ông, da trắng, tuổi … Taxi dừng lại phía trước tòa nhà văn phòng của Judd. Tờ giờ trở đi, không có nơi nào an toàn cho ông cả. Ông không thể trở về căn hộ của mình.Ông phải tìm một khách sạn nào đó. Trở về văn phòng là nguy hiểm nhưng có một việc cần phải làm ngay. Ông cần một số điện thoại. Ông trả tiền taxi và bước vào hành lang. Mỗi bắp thịt trong cơ thể đau đớn khi ông đi nhanh. Ông biết mình có rất ít thời gian. Không biết là họ có đợi ông trở về văn phòng của mình hay không, nhưng ông không còn cách nào khác. Có một câu hỏi là ai sẽ gặp ông trước. Cảnh sát hay sát thủ. Khi đến văn phòng, ông mở cửa và đi vào trong, khóa cửa lại. Bên trong văn phòng dường như xa lạ và thù địch. Judd biết rằng ông không thể nào điều trị cho bệnh nhân của mình ở đây nữa. Ông sẽ đặt họ vào tình thế nguy hiểm. Trong lòng ông dấy lên cơn tức giận về những thứ Don Vinton đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của ông. Ông có thể hình dung cảnh sẽ xảy ra khi hai anh em về báo cáo rằng họ chưa giết được ông. Nếu ông đoán được tính cách của Don Vinton một cách chính xác, thì hắn phải ở đỉnh cao thịnh nộ. Cuộc tấn công kế tiếp sẽ đến bất kỳ lúc nào. Judd băng ngang phòng để lấy số điện thoại của Anne. Ông nhớ đến hai việc khi ở trong bệnh viện. Một lần hẹn khám với Anne được xếp lịch ngay trước buổi khám cho John Hanson. Anne và Carol đã có vài lần tán gẫu với nhau. Có lã Carol đã ngây thơ tâm sự một vài thông tin chết người cho Anne. Nếu vậy, bà ấy có thể gặp nguy hiểm. Ông lấy cuốn sổ địa chỉ của mình ra khỏi một ngăn kéo có khóa, tìm số điện thoại của Anne và gọi. Có ba tiếng chuông và một giọng đều đều vang lên. Đó là tiếng cô điện thoại viên. - Xin vui lòng báo số cần gặp. Judd đọc số. vài giây sau, tiếng cô điện thoại viên vang lên. - Tôi xin lỗi, ông gọi nhầm số. Xin kiểm tra lại danh bạ hoặc tìm thông tin trợ giúp. - Cám ơn - Judd gác máy. Ông ngồi đó một lúc. Nhớ lại điều mà bên dịch vụ trả lời cuộc gọi đã báo với ông vài ngày trước. Họ đã tiếp cận tất cả bệnh nhân ngoại trừ Anne. Số điện thoại có thể đã bị đảo lộn khi lên danh bạ. Ông tìm trong danh bạ, nhưng không hề có tên bà hay chồng bà ta. Ông bỗng cảm thấy, việc ông báo cho Anne là rất quan trọng. Ông chép địa chỉ của bà ấy ra: 617 Woodside Avenue, Bayonne, New Jersey. Mười lăm phút sau, ông đã có mặt ở hãng Avis và thuê một chiếc xe hơi. Có một khẩu hiệu ở đằng sau quầy tiếp tân. “Chúng tôi là số hai, vì thế chúng tôi cố gắng nhiều hơn”. Judd nghĩ, vây là cùng một giuộc với mình. Vài phút sau, Judd lái xe ra khỏi garage. Ông chạy vòng quanh khối nhà, tự hài lòng rằng mình không bị theo dõi, và thẳng tiến về phía cầu George Washington đi New Jersey. Khi đến Bayonne, ông dừng lại ở một trạm xăng để hỏi đường. - Đến ngã tư kế, quẹo trái, đường thứ ba. - Cám ơn. - Judd lái đi. Trong ý nghĩ gặp lại Anne lần nữa, tim ông ta đập rộn lên. Mình sẽ phải nói gì với bà ấy mà không làm bà ấy giật mình? Liệu chồng bà có nhà không? Judd quẹo trái ở Đại lộ Woodside. Ông tìm số, ông đang ở dãy chín trăm. Nhà ở hai bên đường nhỏ hẹp, củ kỹ và hơi đổ nát. Ông lái đến dãy bảy trăm, những ngôi nhà dần dần theo chiều hướng còn nhỏ hơn và củ hơn. Anne sống trong một biệt thự đẹp đẽ có trồng cây thành rừng. Hình như không có cây ở đây. Khi Judd đến địa chỉ mà Anne đã cho, ông hầu như đoán được những gì mình sẽ thấy. 617 là một lô đất trống rỗng phủ đầy cỏ dại. Chương 19 Ông ngồi trong xe hơi chạy ngang lô đất trống, cố tìm logic của sự việc. Số điện thoại sai có thể là một nhầm lẫn. Hoặc địa chỉ sai cũng có thể do nhầm lẫn. Nhưng cả hai cùng sai. Anne đã chủ tâm nói dối ông. Và một khi bà ta nói dối mình là ai, mình sống ở đâu, thì còn điều gì bà ta nói dối nữa? Ông tự buộc mình kiểm tra một cách khách quan xem có việc gì ông thật sự biết về bà ấy. Hầu như là không có gì. Bà ta đã bước vào văn phòng của ông không báo trước và khăng khăng đòi làm một bệnh nhân. Trong bốn tuần liền bà ta đến gặp ông, bà đã thận trọng không tiết lộ vấn đề của bà là chuyện gì. Và rồi bà thình lình tuyên bố vấn đề của bà đã được giải quyết và bà ta bỏ đi. Sau mỗi lần khám, bà ta trả ông bằng tiền mặt để không có cách nào truy tìm tung tích của bà. Nhưng nguyên nhân nào bà ta phô mình ra như một bệnh nhân và rồi biến mất. Chỉ có một câu trả lời duy nhất. Mà khi nghĩ đến Judd cảm thấy như muốn bệnh. Nếu ai đó muốn sắp đặt một cuộc mưu sát ông - muốn biết qui luật hoạt động của ông tại văn phòng - muốn biết nột thất văn phòng trông ra sao - có cách nào tốt hơn là giả làm một bệnh nhân - đó là những gì bà ta đã làm ở văn phòng. Don Vinton đã cài bà ta đến. Bà ta đã thu thập những điều cần biết rồi biến mất biệt vô âm tích. Tất cả là sự lừa dối, và ông đã hớn hở lọt vào tròng. Bà ta phải cười ngất khi trở về báo cáo với Don Vinton về thằng ngốc si tình người tự coi mình là chuyên gia tâm lý và kẻ láo toét để làm một chuyên gia về nhân học. Ông đã bị chà đạp dưới gót chân trong tình yêu với một cô gái, người mà sự ưa thích duy nhất là dựng lên cái bẫy để giết ông. Làm sao mà phán xét một nhân vật? Thật là một chuyện tiếu lâm xảy ra cho Hiệp Hội Tâm thần kinh Hoa kỳ. Nhưng sẽ đi đến đâu nếu điều đó không phải là thật? Giả sử Anne tìm đến ông với một mục đích chính đáng, dùng một tên giả vì bà ấy sợ gây rắc rối cho ai đó. Cuối cùng vấn đề tự nó được giải quyết và bà quyết định không cần sự trợ giúp tâm lý nữa. Nhưng Judd biết rằng nghĩ vậy là quá dễ dãi. Có một ẩn số ‘x’ về Anne cần phải được khám phá. Ông có một linh cảm mạnh mẽ rằng trong cái điều chưa biết đó có thể chứa đựng câu trả lời cho những gì đang xảy ra. Có thể là bà ấy bị bắt buộc phải làm điều trái ngược với ý muốn của mình. Nhưng mặc dù nghĩ vậy, ông biết rằng mình thật xuẩn ngốc. Ông đang cố gán cho bà ấy vai trò một phụ nữ đang cần sự giúp đỡ của ông như một hiệp sĩ trong bộ áo giáp ngời sáng. Liệu bà ta có dựng mưu giết ông không? Bằng cách này hay cách khác, ông phải tìm ra. Có một bà già khoác cái áo choàng củ kỷ bước ra khỏi một ngôi nhà, băng qua đường và chăm chú nhìn ông. Ông quay đầu xe và hướng về phía cầu George Washington. Có một dãy dài xe ô tô đằng sau ông. Bất kỳ ai trong số họ cũng có thể theo dõi ông. Nhưng tại sao họ phải theo dõi ông? Kẻ thù của ông biết rõ ông ở đâu mà. Ông không thể ngồi một cách thụ động chờ chúng tấn công. Ông phải tấn công trước, làm cho chúng lo sợ, làm cho Don Vinton điên tiết và mắc phải sai lầm ngớ ngẩn và sẽ bị chiếu tướng. Ông phải làm điều đó trước khi McGreavy đến bắt và vô hiệu hóa ông. Judd lái xe về phía Manhattan. Cái chìa khóa hữu lý duy nhất cho tất cả mọi việc là Anne - và bà ta đã lặn mất tăm. Một vài ngày nữa bà ta sẽ xuất ngoại. Judd bỗng nhận ra rằng ông có một cơ hội để tìm thấy bà ấy. Đã vào mùa Giáng Sinh, tại văn phòng hãng hàng không Pan- Am, hành khách tập trung đông đúc, xếp hàng chờ đợi, tranh nhau lấy chỗ lên máy bay để đi khắp thế giới. Judd chen tới quầy bán vé, chen qua dãy người đang xếp hàng và xin gặp giám đốc. Cô gái mặc đồng phục ngồi sau quầy ném cho ông một nụ cười được mã hóa một cách chuyên nghiệp và yêu cầu ông chờ; giám đốc đang bận nói điện thoại. Judd đứng đó và nghe một âm thanh hỗn tạp các ngôn ngữ. - Tôi muốn đi Ấn độ trên chuyến bay thứ năm. - Paris có lạnh không? - Tôi muốn xe đón tôi ở Lisbon. Ông cảm thấy một ước muốn liều lĩnh là lên một chiếc máy bay và chạy trốn. Ông bỗng nhận thấy mình đã kiệt sức ra sao cả về thể xác lẫn tinh thần. Don Vinton dường như có cả một lực lượng mà ông ta tùy nghi sử dụng, trong khi Judd chỉ có một mình. Ông có cơ hội nào để chống lại hắn ta. - Tôi giúp gì được cho ông? Judd quay lại, một ngườiđàn ông cao, trông nhợt nhạt đứng sau quầy. - Tôi là Friendly - ông ta nói, ông ta chờ khi Judd thưởng thức câu đùa. Judd mĩm cười cho có lệ. - Charles Friendly. Tôi có thể làm gì cho ông? - Tôi là bác sĩ Stevens. Tôi đang tìm một bệnh nhân của mình. Bà ấy đặt vé đi châu u vào ngày mai. - Bà ta tên gì? - Blake. Anne Blake. - Ông ngần ngại - có thể là Ông và Bà Anthony Blake. - Bà ta bay đến thành phố nào? - Tôi … tôi không chắc. - Họ sẽ bay chuyến buổi sáng hay buổi chiều. - Tôi còn không biết là họ có đặt vé ở hãng của ông hay không nữa - Judd nói. Sự thân thiện biến mất khỏi mắt ông Friendly. - Vậy thì tôi e rằng tôi không thể giúp ông. Judd cảm thấy thấy một cảm giác hoang mang sợ hãi bất ngờ. - Đây là trường hợp thật sự khẩn cấp. Tôi phải gặp bà ta trước khi bà ấy đi. - Thưa bác sĩ, hãng Pan- American có một hoặc nhiều chuyến bay mỗi ngày đi Amsterdam, Barcelona, Berlin, Brussels, Copenhagen, Dublin, Dusseldorf, Frankfurt, Hamburg, Lisbon, London, Munich, Paris, Rome, Shannon, Stuttgart, và Vienna. Cũng giống như hầu hết các hãng hàng không quốc tế khác. Ông sẽ phải tiếp xúc với từng hãng một. Và tôi không chắc là họ có thể giúp trừ khi ông cho họ điểm đến và thời điểm khởi hành. Biểu hiện trên nét mặt ông Friendly tỏ ra thiếu kiên nhẫn. - Tôi xin lỗi … - ông ta quay bước đi. - Khoan đã. - Judd nói. Làm sao ông có thể giải thích rằng đây là cơ hội sống sót cuối cùng của mình? Đầu mối cuối cùng của mình để tìm ra ai đang cố giết ông. - Vâng. - Friendly nhìn ông chằm chằm, cố giấu nỗi bực tức. Judd gượng nở nụ cười, tự ghét mình vì điều đó, ông hỏi: - Ông có hệ thống máy chủ trung tâm mà? Nhờ đó ông có thể tra tên hành khách theo … - Chỉ nếu ông biết số chuyến bay. - Nói rồi ông friendly quay lưng bỏ đi. Judd đứng tần ngần ở quầy, cảm thấy muốn bệnh. Ông đã cùng đường, đã bị đánh bại. Không còn nơi nào khác để đi. Một nhóm mục sư người Ý lăng xăng bước vào, khoác trong những bộ áo thụng đen và đội mũ đen rộng vành, trông giống như những thứ của thời Trung cổ. Lưng họ oằn xuống với những chiếc vali bằng các tông cứng rẻ tiền, những cái hộp và giỏ quà đựng đầy trái cây. Họ nói lớn bằng tiếng Ý và rõ ràng đang chòng ghẹo thành viên trẻ nhất trong nhóm, một cậu trai trạc mười tám, mười chín tuổi đổ lại. Có lẽ họ đang trở về quê hương Rome sau một kỳ nghỉ. Judd nghĩ vậy khi ông nghe lỏm bỏm tiếng của họ. Rome … nơi Anne sẽ đi … lại là Anne. Những mục sư đi về phía quầy. (Tiếng Ý) - Thật là tốt khi trở về nhà. - Đúng vậy. - Chúa ơi, hãy nhìn xem - Mọi thứ đủ hết chưa? - Có, nhưng … - Chúa ơi, vé của tôi đâu rồi? - Cretino, vé máy bay của ông bị mất à? - A, chúng đây rồi. Các mục sư đưa hết vé máy bay của họ cho người trẻ nhất, anh ta bẽn lẽn đi về phía cô gái sau quầy. Judd nhìn về phía lối ra. Một người đàn ông to lớn khoác áo choàng xám đang thơ thẩn ở gần cửa. Viên mục sư trẻ đang nói với cô gái sau quầy. - Dieci. Dieci. (Mười. Mười) Cô gái nhìn ông ta ngây người ra. Viên mục sư tập trung hết vốn tiếng Anh và nói thật cẩn thận. - Mười. Hóa đơn. Vé. - Anh ta chìa vé về phía cô gái. Cô gái mĩm cười vui vẻ và bắt đầu xử lý thủ tục. Các mục sư reo lên thích thú vì khả năng ngôn ngữ của người bạn đồng hành và vỗ vào lưng anh ta. Không có việc gì để lưu lại đây thêm nữa. Sớm hay muộn ông cũng phải đối mặt với thứ gì đó ở bên ngoài. Judd chầm chậm quay lưng và bước ngang qua đám các mục sư. - Guarda te che ha fatto il Don Vinton (Xem mình làm Don Vinton nè). Judd dừng lại, máu chảy dồn về mặt ông. Ông quay sang vị mục sư nhỏ con béo phệ, người vừa nói câu đó, nắm lấy cánh tay ông ấy. - Xin lỗi - Ông nói, giọng khàn và run. - Ông vừa nói “Don Vinton”? Viên mục sư nhìn ông ngơ ngác, rồi vỗ nhẹ lên tay ông và bỏ đi. Judd nắm chặt tay viên mục sư, nói. - Hãy khoan. Viên mục sư nhìn ông một cách căng thẳng. Judd cố trấn tĩnh nói. - Don Vinton. Ông ta là ai? Hãy chỉ giùm tôi ông ấy đâu? Tất cả mục sư bây giờ quay sang nhìn Judd chăm chăm. Viên mục sư nhỏ con nhìn các đồng sự. - E un Americano matto. (Ông ta là một người Mỹ) Những tràng tiếng Ý rộn lên trong nhóm. Xa ngoài tầm mắt, Judd thấy ông Friendly đang quan sát ông từ sau quầy. Friendly mở cửa quầy và tiến về phía ông. Judd cố đè nén nỗi sợ hãi. Ông thả cánh tay viên mục sư ra, cúi sát về phía ông ta và nói chậm rãi, rõ ràng. - Don Vinton. Viên mục sư nhỏ nhìn vào mặt Judd một lúc, và rồi mặt ông ta giãn ra vui vẻ trở lại. - Don Vinton? Ông giám đốc tiến đến nhanh chóng, thái độ ông ta tỏ vẻ không thân thiện. Judd gật đầu cổ vũ cho viên mục sư. Viên mục sư nhỏ con chỉ vào cậu trai. - Don Vinton - Ông chủ lớn. Thật bất ngờ, miếng ráp hình đã được đặt vào đúng chỗ. Chương 20 - Từ từ, từ từ thôi - Angeli nói giọng khàn - Tôi không hiểu từ ông vừa nói. - Xin lỗi - Judd nói, ông hít một hơi thở sâu - Tôi đã có câu trả lời. Ông được an ủi rất nhiều khi nghe giọng của Angeli qua điện thoại về những điều ông đang tiết lộ. - Tôi biết ai đang cố giết tôi. Tôi biết ai là Don Vinton. Angeli nói giọng ngờ vực. - Chúng tôi không thể tìm bất kỳ Don Vinton nào. - Ông biết tai sao không? Bởi vì đó không phải là “tên hắn” - mà nó là “ai đó”. - Ông nói chậm một chút được không? Giọng của Judd rung lên vì sôi nổi. - Don Vinton không phải là tên người. Nó là một thành ngữ bằng tiếng Ý có nghĩa là “Ông chủ lớn”. Đó là điều Moody cố báo cho tôi biết. Rằng “Ông chủ lớn” đang đứng sau vụ này. - Tôi không hiểu đâu, bác sĩ. - Nó không có nghĩa gì trong tiếng Anh. - Judd nói - Nhưng khi ông phát âm bằng tiếng Ý, nó không gợi cho ông điều gì à? Một tổ chức giết người đặt dưới tay “Ông chủ lớn”. Có một phút yên lặng trong điện thoại. - La Cosa Notra? - Ai khác có thể thành lập tổ hợp sát thủ và vũ khí như vậy? Axít - bom - súng. Ông có nhớ tôi đã bảo gã mà chúng ta đang tìm là có thể ở Nam u không? Hắn là người Ý. - Tôi chưa hiểu. Tại sao La Cosa Notra lại muốn giết ông? - Tôi hoàn toàn không có khái niệm gì. Nhưng tôi đúng. Tôi biết tôi đúng. Và nó khớp với những gì Moody nói. Ông ta nói có một tập đoàn muốn giết tôi. - Đó là một giả thiết điên rồ nhất mà tôi từng nghe. - Angeli nói, dừng một chút rồi tiếp. - Nhưng tôi cho rằng điều đó có thể xảy ra, Judd rộn lên với cứu cánh bất ngờ. Nếu Angeli không muốn nghe ông, thì ông không còn ai để xoay sở nữa. - Ông có nói điều này với ai chưa? - Không - Judd nói. - Không là tốt. - Giọng Angeli khẩn trương. - Nếu ông đúng, mạng của ông tuỳ thuộc vào điều đó. Đừng lại gần văn phòng hoặc căn hộ của ông nữa. - Tôi nghe ông - Judd hứa, ông bỗng nhớ lại - Ông có biết McGreavy triển khai lệnh bắt tôi? - Có - Angeli ngần ngại - Nếu McGreavy bắt được ông, ông sẽ không bao giờ sống sót về đến đồn cảnh sát. Lạy Trời. Vậy là mình nghĩ đúng về McGreavy, Nhưng ông không thể tin McGreavy là bộ não đằng sau những việc này. Phải có ai đó giật dây ông ta… Don Vonton “Ông chủ lớn”. - Ông có nghe tôi không? - Vâng - Miệng Judd khô khốc. Một người đàn ông mặc áo choàng xám đứng phía ngoài buồng điện thoại đang nhìn Judd. Hình như ông đã gặp hắn ở đâu rồi… - Angeli … - Vâng. - Tôi không biết những người còn lại là ai. Tôi không biết họ trông như thế nào. Làm thế nào tôi có thể sống sót cho đến khi họ bị bắt? Gã đàn ông đứng phía ngoài nhìn ông ta chăm chăm. Giọng Angeli văng vẳng qua điện thoại. - Chúng ta liên hệ trực tiếp với FBI. Tôi có một người bạn quen. Anh ấy sẽ lo bảo vệ ông cho đến khi ông được an toàn. Được chứ? - Có một lời bảo đảm trong giọng của Angeli. - Được lắm - Judd nói một cách hàm ơn. Đầu gối ông cảm thấy như bị đông cứng. - Ông đang ở đâu? - Trong một buồng điện thoại trong hành lang dưới thấp của toà nhà hãng Pan-America. - Ở yên đó. Giữ sao cho có nhiều người ở quanh ông. Tôi sẽ đến ngay. - Có một tiếng cộp ở đầu dây bên kia khi Angeli cúp máy. Ông đặt điện thoại lên bàn trong phòng họp, một cảm giác nhuốm bệnh sâu thẳm trong tim. Nhiều năm qua, ông đã trở nên quen thuộc khi tiếp xúc với những kẻ giết người, những kẻ hiếp dâm, những tội phạm đủ loại, nhờ đó, vào lúc thích hợp, một cái vỏ bảo vệ được hình thành, cho phép ông tiếp tục công việc với niềm tin vào những giá trị cơ bản và có tính người của một người đàn ông. Nhưng một tên cớm đểu là một cái gì đó khác hẳn. Một tên cớm thoái hoá là một sự tiêu cực chạm đến tất cả mọi người dựa trên quyền lực, điều đó vi phạm vào những lý tưởng mà những cảnh sát tử tế đã và đang chiến đấu và chết vì nó. Trong căn phòng của đồn cảnh sát đầy nhóc những đôi chân qua lại và những tiếng nói chuyện rì rào, nhưng ông hoàn toàn không nghe thấy gì. Hai nhân viên an ninh mặc đồng phục băng ngang qua căn phòng áp tải một gã say to lớn tay bị còng. Một người trong số họ có con mắt bầm đen, và người còn lại cầm chiếc khăn tay lau lỗ mũi đang chảy máu. Ống tay áo đồng phục của ông ấy bị xé rách mất một nửa. Nhân viên an ninh phải chịu hy sinh. Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình cả ngày lẫn đêm, năm này qua năm khác. Nhưng đó không phải là sự kiện có thể giật tít trên báo. Mà tin về một cảnh sát tha hoá có thể lên trang nhất. Một cảnh sát tha hoá làm ô uế tất cả họ. Là đối tượng của chính ông. Chán nản, ông đứng dậy đi xuống một hành lang củ kỷ dẫn đến phòng dành cho Chỉ huy. Ông gõ cửa và bước vào. Đằng sau một cái bàn đã mòn vẹt, lốm đốm với vô số mẫu tàn thuốc xì gà không biết đã ở đó bao nhiêu năm, Đại Uý Bertelli đang ngồi. Hai nhân viên FBI đang ở trong phòng, mặc đồ vét. Đại Uý Bertelli nhìn lên khi cửa mở. - Mời vào. Người thám tử gật đầu: - Tôi kiểm tra rồi, người quản kho nói hắn đến và hỏi mượn chìa khóa của Carol Robert ra khỏi kho bằng chứng vào chiều Thứ Tư và trả lại vào khuya đêm Thứ Tư. Đó là lý do tại sao kiểm nghiệm chất sáp trên chìa khóa lại bị âm tính.- Hắn đã vào văn phòng của Bác sĩ Steven bằng cái chìa khóa gốc. Người quản kho không bao giờ đặt câu hỏi vì ông ta biết hắn được bố trí xử lý vụ này. - Ông biết hắn bây giờ đang ở đâu không? - Người nhân viên FBI trẻ hơn hỏi. - Không. Chúng tôi bám đuôi ông ta, nhưng bị mất dấu. Ông ta có thể ở bất kỳ nơi nào. - Ông ta sẽ săn lùng Bác sĩ Stevens. - Người FBI còn lại nói. Đại Úy Bertelli quay sang những nhân viên FBI. - Vậy còn cơ hội nào cho bác sĩ Stevens sống sót? - Nếu họ tìm thấy ông ấy trước chúng ta thì … vô phương. - Người của FBI lắc đầu. Đại Úy Bertelli gật đầu. - Vậy ta đi tìm ông ấy trước. - Giọng ông ta trở nên giận dữ - Tôi cũng muốn bắt Angeli về đây nữa. Tôi không cần biết ông làm cách nào - Ông quay sang người thám tử - Hãy bắt cho được hắn, McGreavy. Các máy bộ đàm của cảnh sát bắt đầu khụt khịt những thông điệp ngắt quãng: - Mã Mười … Mã Mười … Tất cả các xe … Đón mã Năm … Angeli tắt bộ đàm. - Có ai biết tôi đón ông không? - Ông ta hỏi. - Không có ai cả - Judd cam đoan. - Ông có bàn chuyện La Cosa Notra với ai không? - Chỉ mình ông thôi. Angeli gật đầu, hài lòng. Họ đã băng qua cầu George Washington và hướng về New Jersey. Nhưng mọi việc đã thay đổi. Trước đây, ông luôn trong tâm trạng sợ hãi. Bây giờ có Angeli bên cạnh, ông không còn cảm giác bị săn đuổi. Ông là người đi săn. Và trong cảm nghĩ ông thấy thật là hài lòng. Theo yêu cầu của Angeli, Judd bỏ lại chiếc xe ông đã thuê ở Manhattan và ông đang ngồi trên chiếc xe cảnh sát không bảng số. Angeli hướng về phía Bắc đi vào xa lộ Palisades Interstate Parkway và đi ra ở Orangeburg. Họ đang đến gần khu Old Tappan. - Bác sĩ, ông thật thông minh khi phát hiện được những gì đang xảy ra. - Angeli nói. Judd lắc đầu. - Tôi phải giải quyết vấn đề càng sớm khi tôi biết rằng có hơn một gã dính líu vào vụ này. Đó phải là một tổ chức dùng những tay sát thủ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ Moody đã nghi ngờ sự thật khi ông ấy thấy bom trong xe của tôi. Chúng phải rành tất cả các loại vũ khí. Và Anne, bà ấy là một phần của tổ chức, báy ấy đã lập bẫy để họ có thể giết ông. Ấy vậy mà - ông không thể ghét bà ấy. Dẫu cho bà ấy làm bất kỳ điều gì ông cũng không bao giờ ghét bà ấy. Angeli đã rời khỏi xa lộ chính. Ông ta khéo léo lách xe vào con đường thứ hai dẫn về phía một khu rừng. - Người của ông biết nơi ông sắp đến không? - Tôi đã gọi điện rồi, ông ta đã sẵn sàng đón ông. Bên đường xuất hiện một chỗ rẽ bất ngờ và Angeli lái xe vào đó. Ông ta lái khoảng một dặm và đạp thắng dừng lại trước một cánh cổng điện tử. Judd lưu ý một cái camera nhỏ được gắn phía trên cổng. Có một tiếng rắc và cánh cổng vụt mở ra, và đóng lại chắc nịch đằng sau lưng họ. Họ bắt đầu chạy trên con đường nội bộ dài và cong. Nhìn xuyên qua những cái cây phía trước mặt, Judd thoáng thấy một cái mái ngổn ngang của một căn nhà khổng lồ. Cao trên phía đỉnh, lấp lánh trong ánh mặt trời là con gà trống bằng đồng thau. Cái đuôi của nó đã bị mất. Chương 21 Trong phòng cách âm, tại trung tâm thông tin của Tổng Hành Dinh Cảnh sát đang nhộn nhịp, một tá những viên chức cảnh sát giản dị phụ trách giàn điều khiển khổng lồ. Sáu tổng đài viên ngồi ở hai bên bảng điều khiển. Ở giữa bảng điều khiển là một thiết bị đầu cuối kỹ thuật cao dùng khí. Khi có những cuộc gọi đến, những tổng đài viên viết một thông điệp, đặt vào một máng trượt, và bắn nó lên lầu cho người điều phối, ngay tức khắc nó được chuyển tiếp đến một trạm phụ hay xe an ninh. Những cuộc gọi không bao giờ dừng, chúng tràn ngập cả ngày lẫn đêm, giống như một giòng sông bi kịch ập đến từ những công dân của trung tâm đô thị khổng lồ. Đàn ông và đàn bà, những người bị khiếp sợ … cô đơn … tuyệt vọng … say xỉn … tổn thương … sát hại … Như một bức tranh của Hogarth, được sơn màu chói lọi, những lời đau khổ thay cho màu sắc. Hôm nay, buổi chiều ngày thứ Hai, không khí căng thẳng hơn ngày thường. Mỗi tổng đài viên xử lý công việc của mình một cách chăm chú hơn. Trong phòng còn có thêm những thám tử và nhân viên FBI đi đi lại lại, nhận thông tin và truyền mệnh lệnh, làm việc một hiệu quả và lặng lẽ vì họ đang giăng ra một mạng lưới điện tử rộng khắp để dò tìm bác sĩ Judd Stevens và thám tử Frank Angeli. Không khí khẩn trương, ngắt quảng một cách kỳ quặc, giống như là những con rối trên sân khấu được điều khiển bởi những nghệ sĩ lên cơn nóng nảy. Khi McGreavy bước vào, Đại úy Bertelli đang nói chuyện với Allen Sullivan, một thành viên của Ban Điều Tra Tội Phạm. McGreavy đã từng gặp Sullivan. Ông ta cứng rắn và trung thực. Đại úy Bertelli ngưng cuộc nói chuyện và quay sang thám tử, mặt ông ta vẻ dò hỏi. - Công việc đang tiến triển - McGreavy nói - Chúng tôi tìm thấy một nhân chứng tận mắt, một người gác đêm làm việc trong một tòa nhà đối diện trên con đường mà tòa nhà văn phòng của bác sĩ Stevens tọa lạc. Vào đêm thứ Tư, khi có ai đó phá cửa văn phòng bác sĩ Stevens, người gác đêm vừa nhận ca trực. Ông ta nhìn thấy hai người đàn ông đi vào tòa nhà. Cửa thông ra đường bị khóa và họ mở bằng chìa khóa. Ông ta nghĩ là họ làm việc trong đó. - Ông có cho nhận dạng không? - Ông ta nhận ra ảnh của Angeli. - Tối thứ Tư, Angeli được coi như nằm trên gường ở nhà vì bệnh cúm. - Đúng vậy. - Còn gã thứ hai? - Người gác đêm nhìn hắn không rõ lắm. Một tổng đài viên cắm dây vào một trong vô số các đèn đỏ nhấp nháy trên bảng điện và quay sang Đại Úy Bertelli. - Ông có điện Bertelli, An ninh Xa lộ New Jersey. Bertelli chụp lấy một máy nhánh. - Đại úy Bertelli đây …- ông ta nghe một lúc - Ông có chắc không? … Tốt lắm. Báo cho tất cả các đơn vị ở gần đó. Ngăn chặn các ngã đường. Tôi muốn khu vực đó bị bao vây như bị trùm mền. Giữ liên lạc chặt chẽ. Cám ơn. Ông ta gác máy và quay qua hai người kia. - Hình như chúng ta bắt được đầu mối. Một tân binh cảnh sát xa lộ ở New Jersey phát hiện xe của Angeli trên đường nhánh thứ hai gần Orangeburg. An ninh Xa lộ đang lùng sục khu vực đó. - Còn bác sĩ Stevens. - Ông ta ngồi trên xe với Angeli, còn sống, đừng lo, chúng ta sẽ tìm ra họ. McGreavy rút ra hai điếu xì gà. Ông ta mời Sullivan, ông này từ chối, chuyển sang Bertelli, điếu còn lại ông ta ngậm giữa hai hàm răng. - Chúng ta vừa nhận được tin mới, bác sĩ Stevens may mắn thoát chết. - Ông ta quẹt một que diêm châm cho hai điếu xì gà - Tôi vừa nói chuyện với bạn của ông ấy, bác sĩ Peter Hadley. Ông Hadley kể với tôi, ông ấy đi đến đón bác sĩ Stevens ở văn phòng ông ấy vài ngày trước và bắt gặp Angeli ở đó với súng trong tay. Angeli kể một câu chuyện tào lao về đón bắt một tên trộm bẻ khóa. Tôi đoán là cuộc viếng thăm của bác sĩ Hadley đã cứu mạng bác sĩ Stevens. - Đầu tiên làm thế nào mà ông chú ý vào Angeli? - Sullivan hỏi. - Tôi khởi đầu với vài mánh mà hắn tống tiền ở vài doanh nghiệp. - McGreavy nói - Khi tôi đi thẩm tra, họ không muốn nói. Họ bị đe dọa, nhưng tôi không tìm được lý do tại sao. Tôi không nói gì với Angeli. Tôi chỉ bắt đầu quan sát hắn kỹ hơn. Khi xảy ra vụ giết Hanson, Angeli đến và đề nghị cùng phụ trách vụ này với tôi. Hắn tặng cho tôi vài điều vớ vẩn về việc hắn ngưỡng mộ tôi làm sao và luôn khao khát làm đồng sự với tôi. Tôi biết hắn có ý đồ, nên theo sự cho phép của Đại Úy Baetelli, tôi hành động chung với hắn. Không có gì ngạc nhiên khi hắn muốn làm vụ này. Hắn có liên can từ đầu tới chân. Vào thời điểm mà tôi không chắc là bác sĩ Stevens có dính líu đến vụ giết Hanson và Carol Roberts hay không, tôi quyết định dùng ông ấy để gài bẫy Angeli. Tôi nguỵ tạo một bằng chứng chống lại Stevens và bảo Angeli rằng tôi sắp bắt bác sĩ về tôi giết người. Tôi hình dung rằng nếu Angeli nghĩ rằng hắn đã xong nhiệm vụ, hắn sẽ nghỉ thoải mái và không quan tâm nữa. - Có đúng như ông nghĩ không? - Không. Angeli ngạc nhiên trở mặt với tôi và dựng lên rào cản để giữ Stevens không bị bắt. - Tại sao vậy? - Sullivan nhìn lên, ngạc nhiên. - Bởi vì hắn muốn kết liễu ông ta và hắn không thể làm vậy nếu ông ấy bị giam giữ. - Khi McGreavy bắt đầu gia tăng áp lực - Đại úy Bertelli nói - Angeli đến gặp tôi, gạ rằng McGreavy đang cố mưu hại bác sĩ Stevens. - Chúng tôi chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng - McGreavy nói - Stevens thuê một thám tử tư tên là Norman Moody. Tôi đã thẩm tra Moody và biết rằng ông ta đã tung hỏa mù với Angeli trước đây khi một khách hàng của Moody bị Angeli bắt vì tội về ma túy. Moody nói khách hàng của mình bị gài. Theo những gì tôi biết, tôi cam đoan Moody nói đúng sự thật. - Vậy là Moody may mắn có câu trả lời ngay từ đầu. - Không hẳn là may đâu. Moody rất nhanh trí. Ông ta nghi Angeli có dính líu. Khi phát hiện bom trong xe bác sĩ Stevens, ông ta chuyển nó cho FBI và nhờ kiểm tra kỹ. - Ông ta ngờ rằng nếu Angeli giữ bom, ông ta sẽ tìm cách phi tang phải không? - Đó là suy đoán của tôi. Nhưng ai đó đã nhầm lẫn và một bản sao của báo cáo đã rơi vào tay Angeli. Hắn biết Moody đang nhắm vào hắn. Đầu mối thật sự chúng ta nhận được là khi Moody thông báo cái tên “Don Vinton”. - Cosa Notra tức là Ông chủ lớn. - Đúng vậy. Vì lý do gì đó, ai đó trong tổ chức La Cosa Nostra đã đến điều trị với bác sĩ Stevens. - Làm sao mà ông có thể buộc Angeli với La Cosa Nostra? - Tôi quay lại các doanh nghiệp đang bị Angeli tống tiền. Khi tôi nhắc đến La Cosa Nostra, họ rất sợ hãi. Angeli đang làm việc cho một trong những gia đình La Cosa Nostra, nhưng hắn rất tham lam và đang tống tiền một vài doanh nghiệp để kiếm tiền cho riêng hắn. - Tại sao La Cosa Nostra muốn giết bác sĩ Stevens? - Sullivan hỏi. - Tôi không biết. Chúng tôi đang làm việc theo nhiều hướng. - Ông ta thở dài chán nản - Chúng tôi có hai thất bại đáng xấu hổ. Angeli thoát khỏi người của tôi đang bám đuôi hắn và bác sĩ Stevens chạy khỏi bệnh viện trước khi tôi có thể cảnh báo với ông ta về Angeli và bảo vệ ông ấy. Bảng điều khiển nhấp nháy, một tổng đài viên cắm dây nhận cuộc gọi và nghe một lúc. - Của Đại úy Bertelli. Bertelli cầm lấy máy nhánh. - Đại úy Bertelli đây. Ông ta nghe, không nói gì, rồi chậm chạp đặt máy về vị trí cũ và quay sang McGreavy. - Họ đã mất dấu chúng rồi. Chương 22 Anthony DeMarco có một sức mạnh bí ẩn. Judd có thể cảm thấy một năng lượng thiêu đốt trong cá tính của ông ta xuyên qua căn phòng, đập từng đợt như những làn sóng mang sức mạnh vô hình. Khi Anne nói chồng bà ta đẹp trai, bà đã không chút phóng đại. DeMarco có khuôn mặt kiểu La Mã cổ với tiểu sử được khắc họa hoàn hảo, đôi mắt đen như than, và những vệt xám trên nền tóc đen rất hấp dẫn. Ông ta ở tuổi bốn mươi, cao và có bắp thịt rắn chắc, bước đi uyển chuyển như thú săn mồi. Giọng ông ta sâu và có sức quyến rủ. - Uống chút gì nhé, bác sĩ? Judd lắc đầu, bị thôi miên bởi nam tính của ông ta. Bất kỳ ai cũng sẽ thề rằng, DeMarco là một người đàn ông đẹp trai hoàn hảo và là một ông chủ tử tế chào đón người khách danh dự. Có năm người cùng có mặt trong thư phòng được chia từng ngăn sang trọng Judd, DeMarco, thám tử Angeli và hai gã đàn ông kẻ mưu sát Judd ở căn hộ của ông Rocky và Nick Vaccaro. Họ tạo thành một vòng vây chung quanh Judd. Ông đang nhìn vào những khuôn mặt kẻ thù, và nhìn thấy vẻ thích thú tàn nhẫn trong đó. Cuối cùng ông cũng biết được ai là người ông đang chiến đấu. Nếu “chiến đấu” là từ thích hợp. Ông đã bước vào cái bẫy của Angeli. Thật tồi tệ. Ông đã gọi điện cho Angeli và mời hắn đến để bắt mình. Angeli, kẻ phản bội Judas người đã dẫn ông tới đây để bị tàn sát. DeMarco đang soi mói ông ta với niềm thích thú sâu sắc, cặp mắt đen của hắn đang dò xét. - Tôi đã nghe một chuyện lớn về ông. - hắn nói. Judd không lên tiếng. - Hãy tha lỗi cho tôi đã mang ông tới đây trong bộ dạng như vầy, nhưng tôi cần hỏi ông một vài câu. - Hắn mĩm cười, sôi nổi biện hộ. Judd biết những gì đang xảy đến, trong đầu ông đang diễn tiến nhanh chóng. - Ông và vợ tôi đã nói với nhau những gì hả bác sĩ Stevens. - Vợ ông à? Tôi không biết vợ ông. - Giọng Judd ánh lên vẻ ngạc nhiên. DeMarco lắc đầu vẻ trách móc. - Bà ấy đã đến văn phòng của ông hai lần một tuần trong ba tuần liền. Judd nhíu mày suy nghĩ. - Tôi không có bệnh nhân nào tên là DeMarco. DeMarco gật đầu ra vẻ hiểu biết. - Có lẽ bà ấy dùng tên khác. Có lẽ là tên thời con gái. Blake - Anne Blake. Judd cẩn thận ngạc nhiên có chủ ý. - Anne Blake à? Hai tên Vaccaro tiến đến gần hơn. - Đừng. - DeMarco nói cứng rắn. Rồi quay sang Judd, thái độ lịch thiệp biến mất - Bác sĩ, nếu ông muốn đùa với tôi, tôi sẽ ban cho ông những điều mà ông không tưởng nổi. Judd nhìn vào mắt hắn và tin là hắn sẽ dám làm. Ông biết rằng mạng sống của mình như chỉ mành treo chuông. Giọng ông chứa đựng sự căm phẩn. - Ông có thể làm gì tùy thích. Cho tới lúc này, tôi chưa từng có khái niệm rằng Anne Blake là vợ ông. - Điều đó có thể đúng - Angeli nói - Ông ta … DeMarco không đếm xỉa gì tời Angeli. - Ông và vợ tôi đã nói với nhau những gì trong vòng ba tuần? Họ đã đi đến giây phút của sự thật. Vào khoảnh khắc Judd nhìn thấy con gà trống bằng đồng với cái đuôi cụt trên mái nhà, những mảnh cuối cùng của trò chơi ghép hình đã rơi vào đúng chỗ. Anne không đưa ông vào cái bẫy chết người. Bà ấy cũng là nạn nhân giống như ông. Bà đã kết hôn với Anthony DeMarco, một ông chủ thành công của một công ty xây dựng lớn, mà không hề biết rằng ông ta thật sự là ai. Rồi những việc phải xảy đến đã làm cho bà ấy nghi ngờ rằng không phải là người mà ông ta trưng ra vẻ bề ngoài, mà ông ta dính líu đến những việc đen tối và khủng khiếp. Không có ai để tâm sự, bà ấy tìm đến bác sĩ tâm lý, một người xa lạ, người mà bà có thể giải bày tâm sự. Nhưng trong văn phòng của Judd, bản chất trung thành với chồng đã ngăn bà ấy nói lên nỗi sợ hãi của mình. - Chúng tôi không nói gì nhiều. - Judd nói công bằng - Vợ ông không nói cho tôi biết vấn đề của bà ấy là gì cả. Cặp mắt đen của DeMarco chiếu vào Judd không chớp, dò xét, cân nhắc. - Ông sẽ phải nói lên cái gì đó rõ ràng hơn. Sao mà DeMarco phải lo sợ khi ông ta biết rằng vợ mình đi điều trị ở bác sĩ tâm lý - người vợ của một thủ lĩnh của La Cosa Nostra. Sẽ không ngạc nhiên rằng Demarco đã giết người và cố chiếm đoạt hồ sơ của Anne. - Tất cả những gì bà ấy nói là bà ấy không cảm thấy hạnh phúc về cái gì đó, nhưng lại không thể thổ lộ về điều đó. - Nói vậy chỉ mất mười giây - DeMarco nói - Tôi đã cho ghi lại từng phút bà ấy ở văn phòng của ông. Bà ấy đã nói gì trong thời gian còn lại của ba tuần. Bà ấy chắc hẳn đã kể cho ông rằng tôi là ai. - Bà ấy nói ông là chủ một công ty xây dựng. DeMarco soi mói ông một cách lạnh lùng. Judd có thể nhìn thấy nhựng giọt mồ hôi tụ lại trên trán của hắn. - Tôi đang đọc lên những cuộc phân tích đó bác sĩ. Bệnh nhân nói về mọi việc có trong tâm trí họ. - Đó là một phần của việc trị liệu. - Judd nói một cách hùng hồn - Đó cũng là lý do mà tôi chẳng đi tới đâu với ca của bà Blake, … à bà DeMarco. Tôi dự định không coi bà ấy là bệnh nhân nữa. - Nhưng ông đã không làm vậy. - Tôi không cần phải làm vậy. Khi bà ấy đến gặp tôi vào thứ Sáu, bà ấy bảo rằng bà sẽ đi Châu u. - Annie đã đổi ý. Bà ấy không muốn đi châu u với tôi. Ông có biết tại sao không? Judd nhìn hắn, thật lòng bối rối. - Không. - Vì ông đó, bác sĩ à. Tim của Judd đập lộn nhịp. Ông thận trọng giữ cảm xúc của mình không lộ qua giọng nói. - Tôi không hiểu. - Chắc chắn ông biết. Annie và tôi đã nói chuyện rất nhiều vào đêm qua. Bà ấy nghĩ mình đã sai lầm khi kết hôn với tôi. Bà ấy không còn hạnh phúc với tôi nữa. Vì bà ấy nghĩ bà đến đó là vì ông. Khi DeMarco nói, dường như là tiếng thì thầm của người bị thôi miên. - Tôi muốn ông kể hết cho tôi về những gì đã xảy ra khi chỉ có hai người ở trong văn phòng của ông và bà ấy nằm ở đi văng. Judd tự kiên trì chống lại những xúc cảm lẫn lộn đang chạy dồn dập trong lòng. Bà ấy thận trọng. Nhưng ông nên làm gì để đạt được kết quả tốt nhất cho họ? DeMarco đang nhìn ông chờ câu trả lời. - Không có chuyện gì cả. Nếu ông đọc kết quả phân tích, ông sẽ biết rằng mọi bệnh nhân nữ đều trải qua những biến đổi cảm xúc. Vào lúc này hay lúc khác, họ đều nghĩ họ yêu bác sĩ của mình. Đó chỉ là niềm xúc động thoáng qua. DeMarco quan sát ông một cách chăm chú, đôi mắt đen dò xét thái độ của Judd. - Làm sao ông biết bà ấy đến để gặp tôi? - Judd chỉ hỏi câu thường lệ. DeMarco nhìn Judd một lúc, rồi tiến đến cái bàn làm việc lớn và cầm lên một cái dao rọc giấy bén như dao cạo trong cái giá để dao. - Người của tôi thấy bà ấy đi vào tòa nhà của ông. Có nhiều bác sĩ nhi ở đó và họ hình dung có lẽ Annie đang dành một ngạc nhiên nhỏ cho tôi. Họ đã theo dõi bà ấy đến tận văn phòng của ông. - hắn quay sang Judd. - Ngạc nhiên làm sao, họ thấy bà ấy đang đến gặp một bác sĩ tâm thần. Vợ của Anthony DeMarco tiết lộ công việc cá nhân của tôi cho một kẻ nắn đầu người ta. - Tôi đã bảo ông là bà ấy không … Giọng của DeMarco trở nên nhẹ nhàng. - Hội đồng đã họp xong, họ đã bỏ phiếu để tôi giết bà ấy, như là chúng tôi giết một kẻ phản bội. Hắn đang lấn dần từng bước, nhắc nhở Judd về một con thú nguy hiểm bị nhốt trong lồng. - Nhưng họ không thể phát lệnh cho tôi giống như một tên lính chân đất. Tôi là Anthony DeMarco, một thủ lĩnh. Tôi hứa với họ rằng nếu bà ấy tiết lộ bất kỳ thông tin gì về công việc của chúng tôi, tôi sẽ giết gã đã nghe bà ấy đã kể chuyện, với đôi bàn tay này. - Hắn co hai tay lại thành nắm đấm, một bên nắm lưỡi dao bén nhọn. - Là ông đó bác sĩ. DeMarco vừa nói vừa bước vòng tròn chung quanh Judd. Và mỗi vòng DeMarco bước đến sau lưng Judd, ông lại tự nhiên gồng mình lên một cách vô thức. - Ông đang mắc sai lầm nếu … - Judd lên tiếng. - Không phải. Ông biết ai mắc sai lầm không? Chính là Annie. - Ông ta nhìn Judd từ đầu tới chân. Nói gằn từng tiếng một cách chân thật - Làm thế nào mà bà ấy lại có thể nghĩ rằng gã đàn ông như ông lại tốt hơn tôi chứ? Anh em Vaccaro cười khúc khích. - Ông không là gì cả. Một gã láu cá chuyên lui tới văn phòng mỗi ngày và kiếm được … bao nhiêu? Ba mươi ngàn Đô la một năm? Năm mươi ngàn? Một trăm ngàn? Tôi kiếm nhiều hơn số đó trong một tuần. Chiếc mặt nạ lịch sự của DeMarco rơi rụng dần ngày một nhanh, dần dần mất đi dưới áp lục của cảm xúc. Ông ta bắt đầu nói cộc lốc, bùng lên sự kích động, một vẻ xấu xa làm méo mó đặc trưng đẹp trai của ông ta. Anne chỉ nhìn ông ta đằng sau mã ngoài này. Judd đang nhìn vào bên trong vẻ mặt trần trụi của kẻ giết người hoang tưởng. - Mày và con điếm nhỏ đó xoắn lấy nhau. - Chúng tôi không xoắn lấy nhau. - Judd nói. DeMarco nhìn ông trừng trừng, mắt long lên. - Con đó không có ý nghĩa gì với mày à? - Tôi nói với ông rồi. Bà ấy chỉ là một bệnh nhân thôi. - Được lắm. - Cuối cùng DeMarco nói - Mày hãy nói với cô ta đi. - Nói với bà ấy cái gì? - Rằng ông không đưa ra lời kết tội bà ấy. Tôi đang cho gọi bà ấy tới đây. Tôi muốn ông nói chuyện với bà ấy một mình. Nhịp tim của Judd bắt đầu đập mạnh. Ông sẽ được cho cơ hội để tự cứu mình và Anne. DeMarco búng tay và những gã đàn ông rút lui vào hành lang. DeMarco quay sang Judd. Cặp mắt đen sâu thẳm của hắn nhíu lại. Hắn mĩm cười lịch sự, cái mặt nạ được treo lên lại. - Miễn là Annie không biết bất kỳ điều gì, bà ấy sẽ sống. Ông nên thuyết phục bà ấy chịu đi châu u với tôi. Judd bỗng cảm thấy miệng mình khô khốc. Có một vẻ chiến thắng loé lên trong mắt DeMarco. Judd biết tại sao. Hắn đã đánh giá thấp đối thủ của mình. Thật chết người. DeMarco không phải là một kỳ thủ cờ vua, và hắn cũng chưa đủ láu cá để biết rằng hắn có một con tốt đen có thể chiếu bí Judd. Là Anne. Dù cho Judd đi nước cờ nào thì bà ấy cũng gặp nguy hiểm. Nếu ông khuyên bà ấy đi châu u với DeMarco, ông chắc chắn rằng tính mạng bà ấy cũng bị lâm nguy. Ông không tin rằng DeMar co sẽ để cho bà ấy sống sót. La Cosa Nostra sẽ biết chuyện. Ở châu u, Demarco có thể bố trí một “tai nạn”. Nhưng nếu Judd bảo bà ấy đừng đi, nếu bà ấy phát hiện ra điều gì đang xảy đến với ông, bà sẽ cố can thiệp, và đó cũng có nghĩa là cái chết tức thì dành cho bà ấy. Hoàn toàn không có lối thoát, chỉ có một sự lựa chọn giữa hai cái bẫy. * * * * * Từ cửa sổ phòng ngủ của mình ở tầng hai, Anne đã nhìn thấy Angeli và Judd khi họ đến. Trong một thoáng hân hoan, Anne đã tin rằng Judd đang đến để đưa bà đi khỏi đây, cứu bà thoát khỏi tình huống hiểm nghèo này. Nhưng rồi bà thấy Angeli rút súng ra và thúc Judd đi vào ngôi nhà. Bà mới vừa biết sự thật về chồng mình trong vòng bốn mưới tám giờ qua. Trước đó nó chỉ là một nghi vấn mờ nhạt, thoắt ẩn thoắt hiện, bởi vậy thật khó tin khi bà đã cố gạt chúng sang một bên. Có một lần mấy tháng trước đây, bà buồn chán khi đi xem kịch ở Manhattan và bất ngờ trở về nhà sớm hơn dự định. Diễn viên ngôi sao thì say xỉn, và tấm phông sân khấu rớt xuống giữa màn hai. Anthony kể rằng ông ta đang có một cuộc họp bàn công việc tại nhà và nó sẽ kết thúc trước khi bà về tới. Nhưng khi bà về, cuộc họp vẫn còn đang tiếp tục, khi bà ngạc nhiên rằng sao chồng bà không đóng cửa phòng thì bà nghe ai đó la lên một cách giận dữ: “ Tôi đã bỏ phiếu cho việc đánh sập nhà máy tối nay và chăm sóc cho lũ con hoang một lần là xong hết”. Cách diễn đạt, sự nhẫn tâm của những kẻ xa lạ trong căn phòng, và sự bối rối của Anthony khi trông thấy bà đã trộn lại làm cho bà hoang mang. Bà đã để cho những lời giải thích huyên thuyên của ông ấy thuyết phục, vì bà muốn vậy một cách liều lĩnh. Trong sáu tháng sau hôn nhân, ông ấy là một ông chồng chu đáo và tế nhị. Bà cũng đôi lúc nhận ra những thoáng chốc nóng nảy cuồng nộ, nhưng ông ta luôn nhanh chóng kiềm chế lại. Một vài tuần sau vụ sự cố ở nhà hát, bà bốc lấy điện thoại và nghe lỏm được tiếng nói của Anthony ở máy phụ: “Chúng ta đang đón một chuyến hàng từ Toronto đến vào tối nay. Ông phải bố trí ai đó quản tên bảo vệ, hắn không phải người của ta”. Bà bỏ điện thoại xuống, lắc đầu “Đón một chuyến hàng…”, “ quản tên bảo vệ…” nghe như có điềm xấu, nhưng cũng có thể là những từ ngữ công việc bình thường. Bằng sự thận trọng và ra vẻ bình thường, bà cố hỏi Anthony về hoạt động buôn bán của ông ta. Nó như có một bức tường thép bao phủ. Bà như phải đương đầu với một kẻ xa lạ nóng tính, hắn bảo bà phải chăm sóc ngôi nhà của hắn và tránh xa công việc của hắn. Họ đã cãi nhau một trận quyết liệt và buổi tối hôm sau, ông ta tặng bà một xâu chuỗi ngọc đắt khủng khiếp kèm theo một lời xin lỗi dịu dàng. Một tháng sau, sự cố thứ ba xảy ra. Anne bị đánh thức lúc bốn giờ sáng bởi tiếng đóng sầm của cánh cửa. Bà khóac vội cái áo choàng mỏng và đi xuống lầu để xem xét. Bà nghe tiếng nói vọng ra từ phòng đọc sách, đó là một cuộc tranh cãi. Bà đi về phía cửa nhưng chợt dừng lại khi thấy Anthony trong phòng đang nói với năm, sáu người lạ mặt. Sợ rằng ông ấy sẽ rất giận dữ khi bà chen vào, bà lặng lẽ trở lên lầu và vào giường. Trong bữa điểm tâm sáng hôm sau, bà hỏi ông ngủ thế nào. - Rất ngon giấc. Anh chợp mắt vào lúc mười giờ và đánh một giấc tới sáng. Anne biết rằng mình đang gặp rắc rối. Bà không có ý niệm nào về việc đây là rắc rối gì và nó nghiêm trọng ra sao. Bà chỉ biết rằng chồng mình nói dối mình vì những nguyên nhân mà bà không thể hiểu được. Cái kiểu kinh doanh gì mà ông ta đang dính vào, buộc phải hội họp một cách bí mật vào lúc nửa đêm, với những gã trông như côn đồ. Bà sợ mình dây vào một vấn đề chống lại Anthony. Một nỗi sợ hãi bắt đầu dày vò bà. Không có ai để bà thổ lộ tâm sự. Vài hôm sau, trong một bữa dạ hội tại một câu lạc bộ đồng quê mà họ là hội viên, ai đó đã nhắc đếm một bác sĩ tâm lý tên là Judd Stevens, và ca ngợi ông ta thật là tài hoa.” Ông ấy là chuyên gia của những chuyên gia phân tích, bồ có hiểu ý tôi không. Ông ấy cực kỳ hấp dẫn, nhưng chưa hết đâu - ông ấy là người tận tụy nhất trong nghề nghiệp của mình”. Anne đã cẩn thận ghi lại cái tên và sang tuần sau đã đến gặp ông bác sĩ. Cuộc gặp đầu tiên với Judd đã làm đảo lộn cuộc sống của bà. Bà cảm thấy mình bị cuốn vào cơn lốc mà bà cam chịu bị nhồi lắc. Trong cơn bối rối, bà cảm thấy khó nói chuyện với ông ấy, bà có cảm giác như thời còn là một nữ sinh, bà tự hứa rằng sẽ không quay lại khám. Nhưng rồi bà đã quay lại để tự chứng minh rằng những điều xảy ra là một cú ngã trượt, một tai nạn. Phản ứng của bà ở lần thứ hai còn mạnh hơn,. Bà luôn luôn kiêu hãnh rằng mình nhạy cảm và có óc thực tế, nhưng lần này bà hành động như một cô gái trẻ ở tuổi mười bảy đang yêu lần đầu. Bà tự biết rằng mình không thể kể về chồng mình với Judd, vì vậy họ nói chuyện về những việc khác. Sau mỗi phiên khám bệnh, Anne lại tự cảm thấy mình yêu nhiều hơn cái kẻ xa lạ nhạy cảm và nồng nhiệt này. Bà biết rằng đó là tình yêu vô vọng vì bà sẽ không bao giờ ly dị Anthony. Bà cảm thấy sẽ là một vết nhơ khủng khiếp trong lòng khi bà kết hôn với một người đàn ông và sáu tháng sau phải lòng một người đàn ông khác. Bà quyết định rằng tốt nhất là không bao giờ gặp lại Judd nữa. Rồi hằng loạt những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Carol Robert bị giết, và Judd bị tông bởi một kẻ đụng xe bỏ chạy. Bà đọc báo thấy rằng Judd đã có mặt khi thi thể Moody được tìm thấy ở nhà kho Công Ty Năm Sao. Bà đã từng thấy tên Công ty này trước đó. Trên một tiêu đề của một hóa đơn trên bàn làm việc của Anthony. Một nghi vấn tệ hại bắt đầu hình thành trong đầu của bà. Dường như không thể tin được là Anthony lại có thể dính líu đến bất kỳ việc xấu xa tồi tệ nào đã xảy ra, nhưng mà … Bà cảm thấy mình bị rơi vào bẫy trong cơn ác mộng khủng khiếp và không có lối thoát. Bà không thể bàn bạc nỗi sợ hãi của mình với Judd. Và lại càng sợ phải nói về điều đó với Anthony. Bà tự nhủ rằng nghi vấn của mình là vô căn cứ. Anthony không hề biết sự tồn tại của Judd. Rồi bốn mươi tám giờ trước, Anthony đến bên giường của bà và bắt đầu hỏi bà về những cuộc viếng thăm Judd. Phản ứng đầu tiên của bà là giận dữ về việc ông ta đã dọ thám bà, nhưng rồi nó nhanh chóng tan biến thay vào đó là nỗi sợ hãi đang dày vò bà. Khi bà nhìn vào gương mặt nhăn nhó, điên tiết của chồng, bà biết rằng chồng bà có khả năng làm ra mọi việc. Kể cả giết người. Trong suốt cuộc thẩm vấn, bà đã mắc phải một sai lầm kinh khủng. Bà đã để ông ta biết bà nghĩ sao về Judd. Đôi mắt của Anthony trở nên sâu hun hút và ông ta đã lắc đầu như tránh một đòn nốc ao. Khi còn lại một mình, bà chợt nhận ra rằng Judd đang gặp nguy hiểm biết bao, và như thế bà không thể rời Judd. Bà bảoAnthony rằng, bà không thể đi châu u với ông ta. Và bây giờ Judd đang ở đây, trong ngôi nhà này, mạng sống của ông ấy đang bị đe dọa, chính là vì bà. Cửa phòng ngủ mở ra và Anthony bước vào. Ông ta đứng nhìn bà trong một lúc. - Em có khách đến thăm này. - Ông ta nói. Bà đi đến phòng đọc sách trong một chiếc vày màu vàng và xanh ngọc, mái tóc đen thả lỏng xuống đôi bờ vai. Bộ mặt của bà mệt mỏi và u ám, nhưng có một vẻ tĩnh lặng bao bọc bà ấy. Judd đang ở trong phòng một mình. - Xin chào bác sĩ, Anthony nói ông đang ở đây. Judd cảm thấy rùng mình như thể họ đang đóng kịch một cách vô nghĩa vì lợi ích của một khán giả hắc ám, vô hình. Bằng trực giác, ông biết rằng Anne đã nắm được tình hình và đang đặt bản thân bà ấy trong tay ông, chờ thực hiện theo bất kỳ điều gì mà ông khởi xướng. Và ông không thể làm gì khác hơn là cố kéo dài cuộc sống của bà ấy thêm một chút nào hay chút nấy. Nếu Anne từ chối đi châu u, dĩ nhiên DeMarco sẽ không để bà yên ổn ở đây. Ông e ngại, chọn lời nói một cách thận trọng. Mỗi từ có thể nguy hiểm như quả bom cài trong xe. - Bà DeMarco, chồng bà thất vọng vì bà đổi ý không đi châu u với ông ta. Anne chờ đợi, lắng nghe, cân nhắc. - Tôi rất tiếc. - bà nói. - Tôi cũng vậy, tôi nghĩ bà nên đi. - Judd nói, nhấn mạnh thêm. Anne quan sát mặt ông, đọc trong mắt ông. - Nếu tôi từ chối thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chỉ bước ra khỏi nhà? Judd bất ngờ báo động. - Bà không được làm vậy. Bà sẽ không bao giờ ra khỏi ngôi nhà này mà sống sót. - Bà DeMarco, - Ông nói có chủ ý - Chồng bà đang có ấn tượng sai lầm rằng bà đang yêu tôi. Bà hé môi định nói, nhưng ông còn nhanh hơn, nói tiếp. - Tôi giải thích với ông ta rằng, đó là giai đoạn bình thường của cuộc điều trị tâm lý - một sự chuyển đổi tình cảm mà tất cả bệnh nhân đều phải trải qua. Bà bắt nhịp theo sự dẫn dắt của ông. - Tôi biết mà. Tôi e rằng tôi thật là ngu ngốc khi đến gặp ông lần đầu. Lẽ ra tôi nên tự giải quyết vấn đề của mình. - Đôi mắt của bà ấy nói lên bao nhiêu điều, nói lên sự hối tiếc khi bà đặt ông vào vòng vây nguy hiểm. - Tôi đang suy nghĩ lại. Có lẽ một kỳ nghỉ ở châu u sẽ tốt cho tôi. Ông thở ra một hơi ngắn trút đi nỗi lo. Bà ấy đã hiểu. Nhưng không có cách nào ông có thể cảnh báo bà về mối nguy hiểm thật sự. Hay là bà đã biết rồi. Và kể cả khi bà ấy đã biết, bà có thể làm được gì để chống lại nó? Ông nhìn ra đằng sau Anne, về phía khung cửa sổ phòng đọc sách, những cây cao bao lấy khu rừng. bà đã từng kể rằng bà đi bộ thật lâu trong đó. Có thể có cách, bà có lẽ đã quen thuộc với những lối đi trong rừng. nếu họ có thể trốn vào trong rừng… Ông hạ thấp giọng, khẩn trương. - Anne … - Ông trò chuyện xong chưa? Judd nhũn người ra. DeMarco đã lặng lẽ bước vào phòng. Đằng sau ông ta là Angeli và anh em Vaccaro. Anne quay sang chồng mình. - Vâng, bác sĩ nghĩ rằng em nên đi châu u với anh. Em sẽ nghe theo lời khuyên của ông ấy. DeMarco mĩm cười nhìn Judd. - Tôi biết tôi có thể trông cậy ở ông đó bác sĩ. Hắn đang tỏa ra vẻ say mê, rạng lên sự hài lòng của gã đàn ông đang đạt đến thắng lợi hoàn toàn. Như là có một năng lực không thể tưởng, thổi ngang qua Demarco có thể làm thay đổi ý chí, chuyển từ một bóng ma u ám thành một kẻ nhiệt tình hấp dẫn, biết kiềm chế. Không ngạc nhiên là Anne bị phĩnh ngay. Ngay cả Judd cũng thật khó tin là hình ảnh lúc này của vị thần Adonis khả ái, tế nhị lại là một kẻ giết người hoang tưởng có máu lạnh. DeMarco quay sang Anne. - Chúng ta sẽ đi vào sáng sớm ngày mai, em yêu. Sao em không lên lầu và chuẩn bị hành lý đi? Anne ngần ngại, bà không muốn để Judd một mình với những gã này. - Em … - bà nhìn Judd một các vô vọng. Ông gật đầu nhẹ như không thể thấy được. - Được rồi. Tạm biệt bác sĩ Stevens. - Anne đưa tay ra. Judd nắm lấy tay bà. - Tạm biệt. Và đây là lúc chia tay. Judd không có cách nào nhìn theo khi bà ấy quay lại, gật đầu chào những người khác và đi ra khỏi phòng. DeMarco nhìn theo bà ấy. - Bà ấy không đẹp à? - Có một biểu lộ kỳ quặc trên mặt của hắn. Tình yêu, chiếm hữu, và còn cái gì khác nữa? Hối tiếc? Có phải về những gì hắn dự định sẽ làm với Anne? - Bà ấy không biết gì cả về những việc này. - Judd nói. - Sao ông không giữ bà ấy tránh khỏi những việc này? Để bà ấy trốn đi? Ông quan sát những biến chuyển bên trong DeMarco, và hầu như nó lộ ra ngoài. Vẻ đẹp biến mất, thay vào đó sự thù ghét tràn ngập căn phòng, dòng chảy từ DeMarco sang Judd và không liên quan đến bất kỳ ai khác. Có một vẻ ngây ngất hoan lạc trên mặt DeMarco. - Đi thôi bác sĩ. Judd nhìn quanh phòng, ước lượng khả năng trốn thoát. Chắc chắn DeMarco sẽ không thích giết ông trong nhà hắn. Vậy thì ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Anh em Vaccaro nhìn ông một cách thèm khát, hy vọng ông bỏ chạy. Angeli đứng gần cửa sổ, tay để hờ trên bao súng. - Tôi sẽ không đánh cược. - DeMarco nói nhẹ nhàng - Ông chết chắc … nhưng chúng tôi sẽ làm điều đó theo cách của tôi. Hắn đẩy Judd về phía cửa. Những tên khác cặp theo chung quanh. Chúng dẫn ông về phía tiền sảnh. Khi Anne đi lên đến hành lang trên lầu, bà nấp vào đầu cầu thang, nhìn xuống dưới sảnh. Bà hít vào một hơi dài khi thấy Judd và những người khác đi về phía cửa trước. Bà vội chạy về phòng ngủ và trông qua cửa sổ. Họ đẩy Judd vào trong xe của Angeli. Nhanh chóng, Anne bốc điện thoại và gọi tổng đài, thời gian dường như đọng lại vô tận cho đến khi có tiếng trả lời. - Tổng đài, nối máy cho tôi tới cảnh sát, nhanh lên… có trường hợp khẩn cấp. Một gã đàn ông đến phía trước bà và giằng ống nghe xuống. Anne hét lên và xoay người lại. Nick Vaccaro đứng đó, nhe răng cười. Chương 23 Angeli bật đèn pha. Mới có bốn giờ chiều, nhưng mặt trời đã khuất đâu đó trong những đám mây tầng chạy thẳng qua đầu, kéo theo những luồng gió lạnh buốt. Họ đã chạy xe đi hơn một giờ. Angeli cầm lái, Rocky Vaccaro ngồi kế, Judd ngồi ở băng sau với Anthony DeMarco. Lúc ban đầu Judd trông chờ một chiếc xe cảnh sát chạy ngang qua, hy vọng rằng biết đâu ông có thể làm một cú liều lĩnh ra dấu cho họ chú ý. Nhưng Angeli đang lái xuyên qua một con đường mòn nhỏ, nơi hầu như không có xe cộ qua lại. Họ chạy quanh rìa của Morristown, bắt vào đường 206 và thẳng tiến về phía Nam, đến những cánh đồng hoang vắng lơ thơ ở trung tâm New Jersey. Đám mây xám nổi lên và bắt đầu trút xuống: những làn bông tuyết lạnh cóng đập vào kính chắn gió giống như những cái trống nhỏ điên cuồng. - Chậm lại đi - DeMarco ra lệnh - Chúng ta không muốn có một tai nạn. Angeli tuân lệnh, giảm nhẹ chân trên cần ga. DeMarco quay sang Judd. - Đó là điểm mà hầu hết con người ta mắc sai lầm. Họ không lập kế hoach cụ thể như tôi. Judd nhìn vào DeMarco, nghiên cứu hắn như như bệnh nhân lâm sàng. Gã đàn ông đang mắc chứng hoang tưởng tự đại, trên cả mọi nguyên nhân hay luận lý. Không có cách nào để điều trị cho hắn. Có vài quan niệm đạo đức mà hắn thiếu vắng làm cho hắn giết người mà không chút hối tiếc. bây giờ Judd đã biết gần hết những câu trả lời. DeMarco đã nhận nhiệm vụ giết người bằng chính bàn tay của mình bởi yếu tố danh dự - kẻ báo thù của người Sicil, để xóa đi vết nhơ mà hắn nghĩ vợ hắn đã bôi nhọ vào hắn và gia đình Cosa Nostra của hắn. Hắn đã nhầm lẫn khi giết John Hanson. Khi Angeli báo cáo với hắn về những việc vừa xảy ra, Demarco trở lại Văn phòng và gặp Carol. Tội nghiệp Carol. Cô ấy đã không thể giao cho hắn cuộn băng của bà DeMarco, bởi vì cô ấy không biết Anne qua cái tên đó. Nếu DeMarco kiên nhẫn một chút, hắn đã có thể giúp Carol nhận ra hắn đang nói về ai. Nhưng đó chính là một biểu hiện của căn bệnh, rằng hắn không thể dung tha cho sự thất bại, và rơi vào cơn thịnh nộ điên cuồng. Carol đã chết. Thật là khủng khiếp. Đó là Demarco, người đã truy đuổi Judd đến cùng, và sau đó đã đến văn phòng cùng với Angeli để giết ông. Judd đã bị bối rối bởi sự thật là chúng không phá cửa vào và bắn ông. Nhưng bây giờ ông nhận ra rằng, từ khi McGreavy khẳng định rằng ông là kẻ phạm tội, chúng đã quyết định làm cho cái chết của ông trông giống như một vụ tự sát, kết quả của sự ăn năn. Điều này sẽ làm chấm dứt mọi điều tra sâu hơn của cảnh sát. Và Moody … Ôi, Moody tội nghiệp. Khi Judd báo cho ông ấy tên của hai người thám tử phụ trách vụ này, ông nghĩ ông đang chống lại McGreavy, trong khi đó lại là Angeli. Moody đã biết Angeli có liên quan đến Cosa Nostra, và khi ông ấy theo dõi bọn chúng … Ông nhìn sang Demarco. - Điều gì đang xảy đến với Anne? - Đừng lo, tôi sẽ chăm sóc bà ấy.- DeMarco nói. Angeli mĩm cười. - Đúng vậy. Judd cảm thấy một cơn giận dữ vô ích quét ngang mình. - Tôi đã sai lầm khi kết hôn với một người ở ngoài gia đình. - DeMarco nghiền ngẫm.- Người ngoài không bao giờ hiểu bản chất của nó được. Không bao giờ. Họ đang chạy ngang một vùng đất khô cằn nhất. Một cái nhà máy điểm trên nền tuyết mờ xa tít tận chân trời. - Chúng ta gần đến nơi rồi - Angeli thông báo. - Anh làm tốt lắm - DeMarco nói - Chúng ta sẽ giấu anh vào nơi nào đó cho đến khi tình hình lắng dịu. Anh muốn đi đâu? - Tôi thích Florida. DeMarco gật đầu chấp thuận. - Không thành vấn đề. Anh sẽ ở trong một gia đình. - Tôi biết vài con điếm bự ở đó. - Angeli mĩm cười. DeMarco mỉm cười lại với hắn trong gương. - Anh sẽ trở về như một con lừa bị lột da. - Tôi hy vọng rằng đó là tất cả gia tài khi tôi trở về. Rocky Vaccaro cười ngặt nghẽo. Từ phía xa về bên phải, Judd nhìn thấy những tòa nhà của một nhà máy vươn lên đang nhả khói vào bầu trời. Họ đến một đường mòn nhỏ dẫn vào nhà máy. Angeli rẽ vào đó và chạy đến một bức tường cao. Cổng đóng. Angeli nhấn kèn. Một gã đàn ông mặc áo mưa đội mũ xuất hiện đằng sau cánh cổng. Khi nhìn thấy DeMarco, gắn gật đầu, mở khóa và kéo cổng ra. Angeli lái xe vào trong. Cổng đóng lại sau lưng họ. Họ đã đến nơi. Ở Đồn cảnh sát số 19, Trung úy McGreavy ngồi trong văn phòng, đang xem xét một danh sách cùng ba thám tử, Đại úy Bertelli và hai nhân viên FBI. - Đây là danh sách gia đình Cosa Nostra ở phía Đông. Tất cả Phó thủ lĩnh và các thành viên lãnh đạo. Vấn đề là chúng ta không biết Angeli đang câu kết với ai? - Mất bao lâu để kiểm tra tất cả họ? - Đại úy Bertelli hỏi. Một nhân viên FBI nói. - Có hơn sáu mươi cái tên ở đây. Chúng ta sẽ mất ít nhất hai mươi bốn giờ, nhưng … - Ông ta dừng lại. McGreavy nói tiếp câu nói của ông kia. - Nhưng bác sĩ Stevens sẽ không không nổi đến hai mươi bốn giờ kể từ lúc này. Một cảnh sát trẻ mặc đồng phục vội vàng mở cửa. Ông ta ngập ngừng khi thấy cả nhóm đàn ông. - Có chuyện gì vậy?- McGreavy hỏi. - New Jersey không biết điều này có quan trọng hay không, thưa Trung úy, nhưng ông yêu cầu họ báo cáo tất cả những gì bất thường. Một tổng đài viên nhận một cuộc gọi từ một phụ nữ xin gặp Tổng hành Dinh cảnh sát. Bà nói có trường hợp khẩn cấp và rồi máy bị ngắt. Tổng đài viên chờ đợi nhưng không ai gọi lại. - Cuộc gọi xuất phát từ đâu? - Một thị trấn gọi là Old Tappan. - Họ có biết số máy gọi không? - Không, cuộc gọi kết thúc quá nhanh. - Hay lắm. - McGreavy nói một cách chua xót. - Quên chuyện đó đi. - Bertelli nói - Có lẽ bà già nào trình báo con mèo đi lạc. Điện thoại của McGreavy reo lên một hồi chuông kéo dài inh ỏi. Ông ta chộp lấy điện thoại. - Trung úy McGreavy. - Những người khác trong phòng nhìn thấy mặt ông ấy đang căng lên - Được, bảo họ ở yên đó cho đến khi tôi tới. Tôi đi ngay đây. Ông ta dập ống nghe xuống. - An ninh Xa lộ vừa phát hiện xe của Angeli đi về phía nam trên đường 206, vùng ngoại vi Millstone. - Họ đang bám đuôi chúng à? - Một nhân viên FBI hỏi. - Xe an ninh đang đi từ hướng ngược lại, khi họ quay đầu xe, chúng đã mất hút. Tôi biết vùng này. Không có gì ngoài một vài nhà máy. Ông ta quay sang nhân viên FBI. - Ông có thể dò nhanh cho tôi, tên của những nhà máy ở vùng đó và ai sở hữu chúng?. - Tôi làm ngay. - và ông ta đi đến máy điện thoại. - Tôi đi đến hiện trường ngay đây. - McGreavy nói - Gọi ngay cho tôi khi ông có kết quả. - Rồi quay sang những người kia - Chúng ta đi thôi. Ông ta bước ra khỏi cửa đầu tiên, ba thám tử và hai nhân viên FBI theo sát gót. Angeli lái xe qua chốt gác ở gần cổng và đi tiếp đến một cụm kiến trúc kỳ quặc chỉa thẳng vào bầu trời. Có những cái ống khói bằng gạch cao ngất và những cái máng khổng lồ, những cái mái hình vòm của chúng ngóc thẳng vào đám mưa phùn xám xịt, giống như những con quái vật thời tiền sử trong những bức tranh phong cảnh cổ xưa vô tận. Chiếc xe dừng lại bên cạnh một giàn ống lớn ngoằn ngoèo và những dải băng chuyền dẫn tới một điểm dừng. Angeli và Vaccaro ra khỏi xe, Vaccaro bước đến mở cửa sau phía Judd ngồi, súng trong tay. - Bước ra đi bác sĩ. Judd chậm chạp bước ra, theo sau là Demarco. Một tiếng sấm khủng khiếp và gió bao trùm lấy họ. Phía trước họ, cách khoảng tám mét, là một đường ống khổng lồ, thoát ra tiếng gầm thét, gió rít, hút vào trong tất cả mọi thứ ở gần cái miệng háu ăn đang mở của nó. - Đây là một trong những đường ống lớn nhất quốc gia. - DeMarco khoe khoang, lên giọng để chính ông ta nghe thấy - Ông muốn xem nó hoạt động ra sao không? Judd nhìn hắn một cách ngờ vực. DeMarco lại đang hành xử như một ông chủ hoàn hảo đang đón tiếp khách quí. Không - Đừng đóng kịch. Ông hiểu rằng: đó là điều đáng sợ nhất. DeMarco sắp giết ông, và đó chỉ là một công việc thường ngày, một việc mà hắn ta phải làm, như là quẳng đi một phụ tùng hư hỏng, nhưng trước hết, hắn muốn gây ấn tượng với ông. - Lại đây bác sĩ, thú vị lắm đấy. Họ di chuyển về phía đường ông. Angeli đi trước. DeMarco kẹp bên hông Judd và Rocky Vaccaro khóa đuôi. - Nhà máy này mang lại năm triệu đô la lợi nhuận một năm. - DeMarco nói một cách tự hào. - Mọi hoạt động tự động hoàn toàn. Họ tới gần đường ống hơn, tiếng gầm rú gia tăng, độ ồn hầu như không thể chịu nổi. Cách chín mươi mét từ ngõ vào buồng hút chân không, một cái băng chuyền lớn chở những khúc gỗ xẻ tới một cái máy bào dài sáu mét, cao một mét rưởi, với sáu cái đầu mang dao bào sắc bén. Những khúc gỗ bào xong được đưa tới một cái trục quay trông giống như một con nhím dữ tợn, mà lông của nó là những con dao cong. Không khí chứa đầy dăm bào trộn lẫn nước mưa bị hút vào đường ống. - Bất kể khúc gỗ lớn cỡ nào - DeMarco khoe khoang - cái máy sẽ cắt chúng xuống đúng bằng kích thước chín tấc của đường ống. DeMarco rút ra khẩu Colt 38 nòng dẹt ra khỏi cái túi lớn và gọi: - Angeli. Angeli quay lại. - Đi chơi vui vẻ ở Florida nhé. DeMarco bóp cò, một cái lỗ màu đỏ nổ ra phía trước áo sơ mi của Angeli. Angeli nhìn xoáy vào DeMarco với nụ cười méo xệch và bối rối trên mặt, chờ câu trả lời cho điều bí ẩn mà hắn vừa mới biết. DeMarco bóp cò lần nữa, Angeli ngã gục xuống đất. DeMarco gật đầu với Rocky Vaccaro, và gã to cao xốc cái xác của Angeli lên, quẳng lên ngang vai, và đi về phía đường ống. DeMarco quay sang Judd. - Angeli quá ngu xuẩn, cảnh sát cả nước đang truy nã hắn. Nếu họ bắt được hắn, họ sẽ truy ra tôi. Vụ sát hại Angeli một cách lạnh lùng đã quá sốc, nhưng cái điều tiếp theo còn tồi tệ hơn. Judd nhìn theo, kinh tởm thay, khi Vaccaro mang xác của Angeli đến cái họng của đường ống khổng lồ. Áp lục khủng khiếp đã hút lấy cái xác, và nuốt chửng vào trong. Vaccaro phải nắm chặt lấy cái tay cầm bằng kim loại lớn ở phía miệng đường ống để tự kéo mình ra khỏi cái máy hút khí chết người. Judd nhìn thoáng thấy lần cuối, cái xác của Angeli bị xoáy tít trong đường ống cùng với cơn lốc dăm bào và gỗ vụn, rồi chúng biến mất. Vaccaro bước đến cái van nắm kế miệng ống và xoay một cái. Một miếng che trượt ngang miệng đường ống, chắn ngang dòng xoáy không khí. Sự yên lặng đột ngột đến. DeMarco quay sang Judd và giơ súng lên. Có một biểu lộ bí ẩn, cung kính trên mặt của hắn. Judd nhận ra rằng kẻ giết người dường như có lòng ngưỡng mộ ông. Nó đã được luyện cho tinh khiết. Judd biết rằng khỏanh khắc tử thần của mình đã đến. Ông cảm thấy bình tĩnh, không chút lo sợ cho bản thân, nhưng ông bị nung nấu bởi cơn giận dữ rằng, gã này sẽ còn tiếp tục sống, để giết chết Anne, để tiêu diệt những người tử tế, vô tội khác. Ông nghe một tiếng lẩm bẩm, một tiếng rên phẩn nộ và tuyệt vọng, và nhận ra nó phát ra từ môi mình. Ông giống như con thú mắc bẫy, bị ám ảnh bởi tham vọng giết kẻ đi săn. DeMarco mĩm cười với ông và đọc suy nghĩ của ông. - Tôi sẽ thưởng cho sự gan dạ của ông, bác sĩ à. Ông sẽ có thêm một chút thời gian, nhưng ông sẽ sẽ lo lắng nhiều hơn về những gì đang xảy ra với Annie. Có một hy vọng, một hy vọng mong manh. - Ai đó nên tiếc về bà ấy. - Judd nói - Bà ấy chưa hề có một người đàn ông. DeMarco nhìn ông ngơ ngác. Judd la lên, đấu tranh để thu hút sự chú ý của DeMarco. - Ông có biết tình dục của ông như thế nào không? Đó là cây súng trong tay ông. Không có súng hay dao, ông chỉ là một mụ đàn bà. Ông nhìn vào mặt DeMarco đang từ từ trào lên cơn giận dữ. - Ông không có bi, DeMarco à. Không có súng, ông chỉ là trò đùa. Một tấm màn đỏ rực đang phủ lên đôi mắt của DeMarco, như đang cảnh báo một dấu hiệu của tử thần. Vaccaro tiến lên một bước. DeMarco vẫy hắn lui lại. - Tôi sẽ giết ông với đôi tay trần này. - DeMarco nói khi hắn quẳng khẩu súng xuống đất. - Chỉ với đôi tay này. - Từ từ như một con thú đầy sức mạnh, hắn nhìn chăm vào Judd. Judd bước lui ra khỏi tầm với. Ông biết mình không có cơ hội chống lại sức mạnh của DeMarco. Ông chỉ hy vọng thắng được tâm hồn bệnh hoạn của hắn, làm cho nó mất điều khiển. Ông phải tấn công vào vùng dễ bị tổn thương của DeMarco. Niềm kiêu hãnh của gã đàn ông trong hắn. - Ông là kẻ đồng tính hả DeMarco. DeMarco cười và đấm vào ông. Judd bước lui để tránh. Vaccaro nhặt khẩu súng ở dưới đất. - Sếp, để tôi kết liễu hắn cho. - Tránh ra chỗ khác. - DeMarco gầm lên. Hai người đàn ông xoay vòng, vờn nhau. Chân của Judd trượt lên một miếng dăm bào ẩm ướt, DeMarco nhào vào ông ta như một con bò điên. Cú đấm trời giáng của hắn trúng khóe miệng Judd, đẩy ông ngã về phía sau. Judd ngồi dậy và quất vào mặt DeMarco. DeMarco đá lại, đấm về đằng trước và tung một đòn vào bụng của Judd. Ba cú đòn mạnh mẽ làm Judd thở không ra hơi. Ông cố nói để chế nhạo DeMarco, nhưng ông chỉ hổn hển thì thào. DeMarco vờn ông như một con chim săn mồi. - Thấm đòn chưa bác sĩ? - hắn cười - Tôi là võ sĩ quyền anh. Tôi sẽ dạy cho ông một bài học. Tôi sẽ làm việc trên quả thận của ông trước, rồi sẽ đến đầu và đôi mắt. Tôi sẽ móc mắt ông ra đó bác sĩ. Trước khi tôi kết thúc, ông sẽ lạy tôi để cho ông một viên đạn. Judd tin hắn nói thật. Trong ánh sáng u ám lóe lên từ bầu trời đen, DeMarco trông giống như con thú điên cuồng. Hắn lại nhào vào Judd và đấm vào gò má, rạch một đường bằng chiếc nhẫn có gắn viên đá quí lớn. Judd quất trả vào DeMarco, đập vào mặt hắn bằng cả hai tay. DeMarco không chút nao núng. DeMarco bắt đầu đấm vào thận của Judd, tay hắn làm việc như những cái pít tông lên xuống. Judd lùi ra, thân thể đau nhừ. - Ông không mệt phải không bác sĩ? Hắn bắt đầu tiến lại gần. Judd biết rằng cơ thể mình không thể chịu thêm đòn trả thù. Ông phải nói liên tục. Đó là cơ hội duy nhất. - DeMarco… - Ông thở gấp. DeMarco đứng vờn và Judd vung tay vào hắn. DeMarco cúi xuống, cười và tung cú đấm vào giữa hai chân của Judd. Judd gập người xuống, toàn thân đau không thể tả và ngã vật ra đất. DeMarco ngồi lên mình Judd, tay nắm cổ họng ông. - Đôi tay của tao - DeMarco gầm lên - Tao sẽ móc đôi mắt mày ra bằng đôi tay của tao. Hắn móc hai bàn tay khổng lồ vào đôi mắt Judd. Họ đang băng nhanh qua đường Bedminster vào đầu phía Nam của đường 206, trong khi cuộc gọi đến nổi lên qua sóng vô tuyến. - Mã số Ba … Mã số Ba … Tất cả các xe ngưng chờ lệnh… New York đơn vị số Hai Mươi Bảy … New York đơn vị số Hai Mươi Bảy… McGreavy chộp lấy máy bộ đàm. - New York đơn vị số Hai Mươi Bảy đây … tiếp đi! Giọng của Đại Úy Bertelli phấn chấn qua sóng bộ đàm: - Chúng ta dò ra rồi Mac. Có một công ty đường ống ở New Jersey, cách ba cây số về phía Nam của Millstone. Đó là sở hữu của Công Ty Năm Sao, cùng công ty sở hữu nhà máy thịt hộp. Nó là một trong những bình phong của Tony DeMarco. - Tốt quá - McGreavy nói - Chúng tôi tới đó liền. - Anh cách đó bao xa? - Mười sáu cây số. - Chúc may mắn. - Vâng. McGreavy tắt bộ đàm, bấm còi hụ và tăng ga về phía những cánh đồng. Bầu trời xoay tròn những bông tuyết ẩm ướt và đôi khi quất vào mặt ông, như xé ông ra từng mảnh. Ông cố nhìn, nhưng cả hai con mắt đóng kín sưng húp. Một cú đánh làm gãy xương sườn, ông cảm thấy cơn đau như các khớp xương vỡ vụn. Ông cảm thấy hơi thở nóng của DeMarco phả trên mặt mình, nhanh gấp và kích động. Ông cố nhìn hắn nhưng trước mắt ông chỉ là màn tối đen. Ông mở miệng cố tuôn ra những tiếng nói qua cái lưỡi dầy sưng húp. - Ông … thấy … - Judd thì thào - Tôi … nói … đ.. đúng … kh.. không. Ông .. chỉ… ông… chỉ… có thể … đánh một …. gã … đàn … ông khi … hắn … ngã …xuống. Hơi thở trên mặt ông dừng lại. Ông cảm thấy hai bàn tay nắm lấy ông và kéo ông ngồi dậy. - Ông chết rồi bác sĩ, và tôi làm điều đó với đôi tay trần của mình. Giọng Judd xa xăm. - Ông là một … một con thú.- Ông nói trong hơi thở gấp gáp - Một kẻ rối loạn nhân cách… Ông phải bị … giam trong … trại an dưỡng … tâm thần. Giọng của DeMarco đầy giận dữ. - Mày là kẻ nói dối. - Đó là … sự… thật. - Judd nói, đứng dậy - Trí não của ông … bệnh hoạn, tâm thần … sắp … suy sụp, và ông sẽ … giống như … đứa bé khờ khạo. - Judd lùi lại, không thể thấy nơi ông đang đứng. Ông nghe sau lưng tiếng hú âm ỉ của đường ống đóng kín, giống như gã khổng lồ đang ngủ. DeMarco xông vào Judd, đôi tay to tướng của hắn chộp lấy cổ họng Judd. - Tao sẽ bẻ cổ mày. Những ngón tay mập mạp nắm lấy khí quản Judd siết lại. Judd cảm thấy đầu mình bắt đầu bơi. Đây là cơ hội cuối cùng của mình. Mọi bản năng trong ông gào thét phải nắm lấy tay của DeMarco và gỡ ra khỏi cổ họng để ông thở được. Nhưng ông không làm vậy, bằng nổ lục cuối cùng của ý chí, ông thò tay ra sau lưng hắn mò mẫm tìm cái van đường ống. Ông tự cảm thấy mình bắt đầu rơi vào tình trạng vô thức, ngay trong khoảnh khắc đó, tay ông chạm vào cái van. Bằng sự gắng sức liều lĩnh cuối cùng, ông xoay cần gạt và xoay người đi để cho DeMarco đứng gần miệng ống hơn. Một luồng khí khổng lồ bất thần tạt vào họ, cố kéo họ vào trong vòng xoáy của đường ống. Judd điên cuồng bám lấy cái van bằng cả hai tay, chống lại luồng khí xoáy ác liệt. Ông cảm thấy những ngón tay của DeMarco cắm sâu vào cổ họng khi hắn bị lôi về phía đường ống. DeMarco có thể tự cứu mình, nhưng trong cơn thịnh nộ điên cuồng mất kiểm soát, hắn không muốn bỏ chạy. Judd không thể nhìn thấy mặt của DeMarco, nhưng giọng nói là tiếng thét của con thú điên cuồng, từng lời lạc mất trong tiếng gầm của gió. Những ngón tay của Judd bắt đầu mở hết van. Ông sẽ bị kéo vào đường ống cùng với DeMarco. Ông lên tiếng cầu nguyện lần cuối, vào khoảnh khắc đó, ông cảm thấy bàn tay của DeMarco trượt khỏi cổ họng mình. Có một tiếng thét lớn vọng lại, và rồi chỉ còn tiếng gầm của đường ống. DeMarco đã biến mất. Judd đứng đó, xương cốt mỏi nhừ, không thể di chuyển, chờ một tiếng súng từ Vaccaro. Một lúc sau, súng vang lên. Ông đứng đó, ngạc nhiên rằng tại sao Vaccaro biến mất. Qua sự choáng váng mờ mịt đau đớn, ông nghe thêm nhiều tiếng súng, và tiếng chân chạy, và ai đó gọi tên ông. Rồi một bàn tay của ai đó choàng qua ông và giọng McGreavy vang lên. - Trời đất ơi! Nhìn mặt ông ấy kìa. Những bàn tay mạnh mẽ nắm chặt cánh tay ông và kéo ông ra khỏi những cơn giật gầm rú khủng khiếp của đường ống. Cái gì đó ẩm ướt đang chảy xuống đôi má ông, ông không biết rằng đó là máu, nước mưa, hay nước mắt, ông bất cần. Việc đã xong. Ông cố nhướng một mắt mở lên và thông qua một khe hẹp nhuộm đầy máu, ông có thể lờ mờ trông thấy McGreavy. - Anne đang ở nhà. - Judd nói - Vợ của DeMarco. Chúng ta hãy đi cứu bà ấy. McGreavy nhìn ông một cách kỳ quặc, không động đậy, và Judd nhận ra rằng ông không nói ra lời nào. Ông ghé miệng vào tai của McGreavy và nói chậm rãi, giọng khản đặc, lỏm bỏm từng tiếng. - Anne DeMarco … bà ấy đang… ở nhà .. cứu… McGreavy bước tới xe cảnh sát, cầm lấy máy bộ đàm và ra lệnh. Judd đứng đó, loạng choạng, vẫn còn đau âm ỉ từ những cú đánh của DeMarco, để cho những luồng gió lạnh buốt quét qua người. Phía trước, ông nhìn thấy một cái xác nằm dưới đất và biết rằng đó là Rocky Vaccaro. Chúng ta đã thắng. Ông nghĩ, chúng ta đã thắng. Ông nói câu đó lặp đi lặp lại trong đầu. và khi ông nói vậy, ông biết rằng chúng vô nghĩa. Đó là loại chiến thắng gì? Ông nghĩ về mình, là một thường dân tử tế - một bác sĩ, một người chữa bệnh - và ông đã biến thành một con thú hoang dại đầy tham vọng giết người. Ông đã đưa một gã đàn ông bệnh hoạn đến cái lỗ điên khùng và giết hắn. Đó là một gánh nặng mà có lẽ ông phải sống với nó mãi mãi. Bởi vì mặc dù ông có thể tự nhủ rằng đó là hành vi tự vệ - Chúa đã giúp ông - ông biết rằng ông đã thích thú làm điều đó. Cho nên ông có thể không bao giờ tự tha thứ. Ông không tốt lành gì hơn DeMarco, hay anh em Vaccaro, hay bất kỳ ai khác. Sự văn minh là vẻ ngoài thanh lịch mỏng manh dễ vỡ một cách nguy hiểm. Và khi nó bị phá hỏng, con người có thể lại trở thành một con thú hung dữ, rơi vào thứ bùn nhơ bẩn của vực sâu nguyên thuỷ mà hắn đã tự hào trèo lên thoát khỏi đó. Judd quá mệt mỏi rã rời để nghĩ thêm về điều đó. Bây giờ ông chỉ muốn biết về sự an toàn của Anne. McGreavy đang đứng đó, thái độ ông ta lịch sự một cách kỳ quặc. - Có một xe cảnh sát đang trên đường tới nhà bà ấy. Được rồi chứ bác sĩ Stevens? Judd gật đầu ra vẻ cảm ơn. McGreavy nắm lấy tay ông và dìu ông lại xe hơi. Khi ông di chuyển một cách chậm chạp và đau đớn băng qua sân, ông nhận ra trời đã tạnh mưa. Ở phía chân trời xa, những cơn sấm sét đã bị quét sạch bởi cơn gió tháng Mười Hai, và bầu trời trở lại quang đãng. Ở phía Tây, một tia sáng nhỏ xuất hiện khi mặt trời bắt đầu giành lấy chức năng của nó, ngày càng sáng hơn. Đó sẽ là một mùa Giáng sinh tươi đẹp. Dịch Thuật: Kim Loan & Phan Hoàng My Hết Nếu Còn Có Ngày Mai Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 01 NEW ORLEANS Thứ năm, 20 tháng Hai, 23 giờ. Bà cởi đồ một cách chậm rãi, mơ màng và khi đã hoàn toàn khỏa thân, bà lựa chiếc váy ngủ màu đỏ tươi mặc lên người, để sẽ khó thấy dấu máu. Doris Whitney nhìn quanh phòng ngủ lần cuối để chắc rằng căn phòng dễ chịu, thân thuộc suốt hơn 30 năm qua đã gọn gàng ngăn nắp. Bà mở ô kéo bàn đêm và thận trọng lấy khẩu súng ra, đen bóng và lạnh ngắt. Bà đặt nó cạnh máy điện thoại và quay số của con gái ở Philadelphia, lắng nghe tiếng chuông từ xa xôi vọng về. Và rồi một giọng nói mềm mại cất lên “Hello?”. “Tracy ... bỗng nhiên mẹ muốn nghe thấy tiếng nói của con, con yêu quý”. “Mẹ, thật là một bất ngờ đáng yêu”. “Hy vọng là mẹ đã không đánh thức con chứ”. “Không. Con đang học. Charles và con mới đi ăn chiều với nhau, thời tiết xấu quá. Ở đây tuyết đang rơi, dầy lắm. Ỡ Đó thế nào, mẹ?”. Lạy Chúa, chúng con đang nói chuyện với nhau về thời tiết. Doris Whitney nghĩ thầm, trong khi có bao điều con muốn nói với con bé. Và con không thể. “Mẹ? Mẹ vẫn nghe đấy chứ?”. Doris Whitney nhìn qua cửa sổ. “Trời đang mưa, con gái ạ”. Và bà nghĩ, thật mới hợp cảnh hợp người làm sao, giống như một cuộn phim Alfred Hichcok. “Tiếng gì thế mẹ?” Tracy hỏi. Tiếng sấm. Đắm chìm trong nghĩ ngợi. Dorls Whitney đã chẳng nghe thấy gì. Ở New Orleans đang có bão. Bản tin khí tượng nói, “mưa tiếp tục, sáu mươi độ ở New Orleans. Về đêm mưa sẽ to hơn. Bạn nhớ mang theo dù”. Bà sẽ không cần đến một cây dù nào nữa. “Sấm đấy, Tracy”. Bà cố lấy giọng vui vẻ. “Kể mẹ nghe có gì đang xảy ra ở Philadelphia nào”. “Con cảm giác mình cứ như một công chúa trong chuyện cổ tích ấy mẹ ạ”, Tracy nói. “Con chưa bao giờ tin rằng lại cớ thể hạnh phúc đến thế”. Nàng trầm giọng, như thể đưa ra một tuyên bố. “Tối mai con sẽ gặp cha mẹ Charles”. Nàng thì thào, “Gia đình Stanhopes, vùng Chesnut Hill. Đó là một dòng họ danh tiếng lâu đời. Con thật nhiều ảo mộng quá mẹ ạ”. “Đừng băn khoăn, họ sẽ yêu quý con, con thân yêu của mẹ”. “Charles nói cái Đó chẳng hề gì. Anh yêu con. Và con ngưỡng mộ anh. Con không thể chờ đến lúc mẹ gặp Charles. Anh ấy tuyệt diệu lắm”. “Mẹ tin như thế”. Bà sẽ không bao giờ gặp Charles. Bà sẽ không bao giờ được bế một đứa cháu trong lòng. - Không. Mình không được nghĩ về điều Đó. “Charles cớ biết mình là người may mắn vì có được con không, con bé bỏng? Tracy cười phá lên, “Con vẫn nói với anh ấy vậy! Về con thế là đủ. Cho con biết ở Đó mẹ đang cảm thấy thế nào”. Sức khỏe bà hoàn toàn tết, Đó là lời bác sĩ Rush. Bà sẽ sống tới một trăm tuổi. Một trong những cay đắng của cuộc đời Mẹ thấy tuyệt vời con ạ”. “Mẹ có bạn trai chưa?” Tracy trêu chọc bà. Từ khi cha Tracy chết cách đây năm năm, Doris Whitney thậm chí chưa bao giờ có ý với đâu với một người đàn ông khác, bất chấp sự khuyến khích của Tracy. Không con ạ”. Bà chuyển sang chuyện khác. “Công việc của con thế nào? Vẫn thích thú chứ?”. Con thích lắm. Charles sẽ không phản đối việc con tiếp tục đi làm sau khi cưới”. “Tuyệt vời. Đó có vẻ là một chàng trai thông hiểu”. “Anh ấy thế đấy. Rồi mẹ sẽ biết”. Một chuỗi sấm rền. Đa đến lúc rồi. Không còn gì phải nói trừ lời từ biệt cuối cùng. Bà cố giữ giọng bình thản, “Tạm biệt con yêu quý”. Con sẽ báo mẹ ngay khi con và Charles định xong ngày”. Ừ, sau rốt, còn lời cuối cùng muốn nói. “Mẹ yêu con nhiều, rất nhiều, Traey”. Và Doris Whitney cẩn thận gác máy. Bà nhấc súng. Chỉ một cách thôi: Đặt nòng súng lên thái dương và siết cò. Chương 02 PHILADELPHIA Thứ sáu, 21 tháng Hai, 8 giờ 00. Tracy Whitney từ hành lang khu nhà nàng ở bước ra bầu trời đầy mưa và tuyết. Mưa rơi trên những chiếc xe hơi sang trọng bóng loáng do những tài xế mặc đồng phục lái chạy đọc đường Market, và trên những túp nhà bỏ hoang làm bằng bìa cứng nằm lộn xộn trong những khu ổ chuột vùng Bắc Philadelphia. Mưa rửa sạch những chiếc xe hơi và làm ướt những đống rác chất ngập trước dãy nhà hoang. Tracy đang trên đường đi làm, nhịp chân thoăn thoăn dọc theo đường Chesnut hướng tới nhà bảng, và Đó là tất cả những gì nàng có thể làm, để khỏi hát vang lên. Nàng mặc áo mưa màu hoàng yến, đi ủng và đội mũ đi mưa màu vàng, không che kín nổi mớ tóc dày màu hạt dẻ. Tracy đang ở giữa tuổi hai mươi, với gương mặt thông minh, linh lợi, cái miệng chúm chím, gợi cảm, cặp mắt sáng - có thể chuyển từ màu xanh rêu nhạt sang màu ngọc bích sẫm trong giây lát - và một thân hình khỏe mạnh, uyển chuyển. Màu da nàng cũng sẽ thay đổi từ trắng nõn nà sang hồng sẫm, tùy theo tâm trạng bực tức, mệt mỏi, hay bị kích động. Mẹ đã cớ lần nói với nàng. “Thật sự là đôi lúc mẹ chẳng nhận ra được con. Con thay đổi cứ như một làn gió ấy”. Lúc này, khi Tracy đang đi dọc phố, người đi đường ngoái nhìn mỉm cười, ghen ty với vẻ hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt nàng, và nàng mỉm cười đáp lại. Hạnh phúc thế này thì chả ai giữ được vẻ nghiêm nghị cả, Tracy nghĩ. Mình sắp cưới người đàn ông mình yêu, và mình sẽ sinh con cho anh ấy. Còn muốn gì hơn nữa? Khi tới nhà băng, nàng liếc đồng hồ. Tám giờ hai mươi phút. Các cánh cửa của Ngân hàng Ủy thác và Bảo hiểm Philadelphia còn phải tới mười phút nữa mới mở ra Đón nhân viên, song Clarence Desmond - phó chủ tịch nhà băng phụ trách khu vực quốc tế đang tắt hệ thống báo động bên ngoài và mở cửa. Tracy thích thú được xem cái thủ tục buổi sáng này, vui vẻ đứng dưới mưa chở đợi trong khi Desmond đi vào và khóa trái cánh cửa sau lưng. Các nhà băng trên khắp thế giới đều có những quy định bảo vệ nghiêm ngặt và ở đây cũng không ngoại lệ. Thủ tục này là bất di bất dịch, trừ dấu hiệu an ninh - thay đổi từng tuần lễ. Hôm Đó, dấu hiệu này là tấm mành được buông lửng phân nửa, cho thấy việc kiểm tra đang được tiến hành để bảo đảm là không có kẻ xâm nhập nào đang lẩn khuất chờ bắt giữ các nhân v30 iên làm con tin. Clarence Desmond đang kiểm tra các buồng vệ sinh, phòng lưu trữ, két sắt. chỉ khi nào hoàn toàn yên lòng rằng đang chỉ có mình ông ta thì lúc ấy tấm mành mới được kéo lên như một dấu hiệu thông báo rằng tất cả đều tốt đẹp. Kế toán trưởng bao giờ cũng là người được vào đầu tiên, và sẽ có mặt bên hệ thống báo động khẩn cấp cho tới khi tất cả đã vào hết, ông ta sẽ tự tay khóa cửa lại. Đúng 8 giờ 30, Tracy Whitney đi vào hành lang sang trọng cùng với các đồng nghiệp. Nàng cởi áo mưa, mũ, ủng và lắng nghe những lời phàn nàn về thời tiết. “Một cơn gió tồi tệ đã cuốn bay cái dù của tôi”, thủ quỹ than vãn. Người thu tiền đùa, “Tôi thấy hai con vịt đang bơi trên đường Market”. Tin thời tiết nói rằng còn phải một tuần xấu trời nữa. Tôi chỉ mong giá mình đang ở Florida”. Tracy mỉm cười và bắt tay vào việc. Nàng phụ trách phần chuyển khoản điện tử. Chỉ gần đây thôi, việc chuyển tiền từ nhà băng này qua nhà băng khác và từ nước này qua nước khác còn là một công việc chậm chạp, mệt mỏi, đòi hỏi biết bao mẫu giấy tờ và lệ thuộc vào dịch vụ bưu điện cả trong lẫn ngoài nước. Với sự ra đời của máy tính, mọi thứ thay đổi thật nhanh chóng, và những khoản tiền khổng lồ có thể được chuyển tức thời. Công việc của Tracy là nhận và chuyển khoản bằng máy tính điện tử. Tất cả các giao dịch đều được mã hóa, thay đổi định kỳ, nhằm ngăn chặn việc sử dụng bất hợp lệ. Mỗi ngày, hàng triệu đồng đô la điện tử chuyển qua tay Tracy. Đó là một công việc lý thú, là mạch máu của công cuộc kinh doanh trên toàn thế giới, và cho tới trước khi Charles Stanhope III bước vào cuộc sống của nàng thì hoạt động ngân hàng là điều hấp dẫn nhất. Ngân hàng Ủy thác và Bảo đảm Philadelphia có những chi nhánh quốc tế đồ sộ, và vào bữa ăn trưa, Tracy cùng các đồng nghiệp thường bàn tán về các hoạt động diễn ra trong mỗi buổi sáng. Đó là một cuộc chuyện trò nặng đầu. Deborah, kế toán trưởng, loan báo, “Chúng ta vừa phong tỏa khoản tín dụng chừng một trăm triệu đô la cho Thổ Nhĩ Kỳ ...”. Mae Trenton, thư ký của phó chủ tịch nhà băng, nói với giọng bí mật, “Tại cuộc họp ban quản trị sáng nay họ đã quyết định tham gia vào việc tài trợ mới cho Peru. Khoản thù lao trông thấy là hơn năm triệu đô la ...”. Jon Craighton, một kẻ cuồng tin, chêm vào. “Tôi biết là chúng ta đang tham gia giải pháp hỗ trợ tài chính năm mươi triệu đô la cho Mehico: Bọn khố rách áo ôm không đáng hưởng một đồng xu ...”. “Thật là lạ”, Tracy trầm ngâm. “Chính các nước chỉ trích Mỹ quá đề cao đồng tiền lại là những kẻ đầu tiên yêu cầu chúng ta tài trợ”. Đó cũng chính là đề tài khiến nàng và Charles có cuộc tranh cãi đầu tiên. Tracy gặp Charles Stanhope III tại một cuộc hội thảo tài chính, nơi anh là phát ngôn viên của phía khách. Charles lãnh đạo một công ty đầu tư do cụ nội anh sáng lập, và công ty này có nhiều quan hệ với nhà băng của Tracy. Sau phát biểu của Charles, Tracy đã tỏ ra bất đồng với phân tích của anh về khả năng của các nước thế giới thứ ba trong việc trả nợ các khoản tiền khủng khiếp mà họ đã vay từ các ngân hàng thương mại trên thế giới và từ các chính phủ phương Tây. Thoạt tiên, Challes thấy buồn cười, sau thì bị hấp dẫn bởi những lập luận hăng hái của người phụ nữ trẻ đẹp. Họ tranh luận tới tận sau bữa ăn chiều ở nhà hàng Bookhirlđer. Ban đầu, Tracy không thấy có ấn tượng gì về Challes, thậm chí cả khi đã biết anh chàng được coi là người đàn ông độc thân có giá nhất Philadelphia. Charles ba nhăm tuổi, là con một gia đình giàu có và thành đạt của một trong những dòng họ lâu đời nhất tiểu bang. Cao khoảng lm70, với mớ tóc thưa, cặp mắt nâu cộng với một phong cách có vẻ nghiêm chỉnh và mô phạm, Tracy nghĩ anh ta hẳn chỉ là một cậu ấm mà thôi. Dường như đọc được ý nghĩ ấy, Charles dướn người về phía trước và nói. “Cha tôi tin rằng người ta đã trao nhầm con cho ông ở bệnh viện”. “Cái gì? “Tôi là một sự thụt lùi. Tôi đơn thuần không nghĩ rằng tiền là mục đích và là tất cả cuộc sống. Song mong cô đừng bao giờ nói lại với cha tôi điều này”. Ở Charles có sứ khiêm tốn đáng yêu đến mức Tracy bỗng thấy mình gần gũi với anh hơn. Nàng băn khoăn với ý nghĩ llệu cưới một người như anh ta thì sẽ ra sao - với một gia sản khổng lồ. Cha Tracy đã phải mất cả cuộc đời để xây dựng nên cái cơ ngơi mà gia đình Stanhope sẽ có thể cười nhạo là vô ý nghĩa. Dòng họ Stanhope và dòng họ Whitney sẽ không bao giờ kết hợp được, Tracy nghĩ. Dầu lửa. và nước lã. Và gia đình Stanhope là dầu. À, sao ngốc nghếch thế. Lảm nhảm một mình. Một người đàn ông mời mình đi ăn chiều, thế thôi, vậy mà mình lại đang quyết định có muốn cưới anh ta không. Chúng ta có thể sẽ không bao giờ gặp lại cơ mà. Tiếng Charles vang lên. “Tôi hy vọng là cô có thể rảnh vào chiều mai ...?”. Philadelphia là một thành phố đầy những choáng ngợp. Vào các tối thứ bảy, Tracy và Charles đi xem ba lê hoặc nghe dàn nhạc giao hưởng Philadelphia chơi dưới sự chỉ huy của Rlcardo Muti. Trong tuần thì họ tới khu chợ mới và những cửa hàng, cửa hiệu ở khu Society Hill. Họ ăn với thịt xay trộn với phó mát ở một bàn ăn trước tiệm Gêllo và dùng bữa ở cafê Hoàng Gla - một trong những nhà hàng quý phái nhất tiểu bang. Họ đi sắm đồ ở Head House Square và lang thang thăm bảo tàng Rodin. Tracy dừng bước trước bức tượng. Người suy tư rồi đưa mắt nhìn Charles và nói. “Đó là anh đấy”. Charles không thích tập thể dục, song Tracy lại thích: Bởi vậy các sáng chủ nhật nàng thường chạy dọc đường West River Drlve. Nàng tham dự tới thái cực quyền chiều chủ nhật, và sau giờ tập mệt nhoài song hồ hởi, nàng đến với Charles. Anh là một đầu bếp sành và thích làm các món ăn kiểu Ấn Độ kiểu Hoa Bắc ... Charles là người Đúng giờ hạng nhất mà Tracy từng biết. Một lần nàng hẹn ăn chiều với anh và đến trể 15 phút khiến sự bực dọc của anh đã làm mất vui cả buổi tối. Từ Đó nàng thề sẽ luôn Đúng hẹn với anh. Tracy không có một kinh nghiệm tình dục song với nàng dường như charles làm tình cũng giống như cách sống của anh: chu đáo và rất chính xác. Có lần, Tracy quyết định bạo dạn và bất thường trên giường ngủ khiến Charles sững sờ đến mức nàng thầm băn khoăn liệu mình có thuộc loại đàn bà cuồng dâm loan không. Việc có thai là bất ngờ và khi biết vậy. Tracy thấy bất ổn trong lòng. Charles chưa hề nói chuyện cưới xin và nàng không muốn anh cảm thấy bị bắt buộc hỏi cưới vì đứa trẻ. Tracy không chắc chắn mình có thể chịu được việc phá thai hay không và sự lựa chọn này cũng quá đau đớn. Nàng có thể nuôi dưỡng được đứa trẻ mà không cần sự giúp đỡ của nhà nó không, và thế thì có công bằng với đứa trẻ không? Cuối cùng, Tracy quyết định báo tin cho Charles. Đó là một buổi tối sau bữa ăn chiều. Nàng chuẩn bị đồ ăn ở căn hộ của mình và trong nỗi lo lắng đã làm cháy cả món ăn mà Charles rất thích. Khi mang món thịt hầm và đậu tới trước mắt anh, nàng quên khuấy những lời lẽ đã chuẩn bị chu đáo mà bỗng thất lên. “Em xin lỗi, Charles. Em có thai”. Một sự im lặng kéo dài tưởng như không thể chịu nổi và khi Tracy vừa định cất tiếng thì Charles nói. “Dĩ nhiên là chúng ta sẽ cưới nhau”. Tracy tràn ngập một cảm giác nhẹ nhõm. “Em không muốn anh nghĩ rằng em ... Anh biết đấy, anh không buộc phải cưới. Anh giơ tay ngăn lại. “Anh muốn cưới em, Tracy. Em sẽ là một người vợ tuyệt vời”. Anh chậm rãi nói thêm. Tất nhiên là cha mẹ anh sẽ hơi ngạc nhiên một chút”. Rồi anh mỉm cười hôn nàng. Tracy lặng lẽ hỏi. “Sao cha mẹ anh lại ngạc nhiên?”. Charles thở dài. “Em thân yêu, anh e rằng em chưa hoàn toàn nhận ra rằng em đang bước vào một gia đình thế nào đâu. Dòng họ Stanhope luôn luôn lấy, xin lỗi, anh dùng dấu ngoặc kép, “Người cùng giới”, tức là dòng họ chính thống Philadelphia. “Và người vợ của anh đã được chọn sẵn?” Tracy dò xét. “Điều đó chẳng có ý nghĩa mảy may gì. Chủ yếu là anh đã chọn ai? Ta sẽ ăn chiều với cha mẹ vào thứ sáu tới đã đến lúc em phải gặp họ”. Chín giờ kém 5 phút, tiếng ồn ào trong nhà băng có vẻ tăng lên. Mọi người nói nhanh hơn một chút và làm lẹ tay hơn một chút. Sau năm phút nữa, nhà băng sẽ mở cửa và tất cả đã phải sẵn sàng. Qua cửa sổ trước mặt, Tracy thấy khách hàng đang đứng chờ trên hè, dưới làn mưa lạnh. Nàng thấy người bảo vệ nhà băng vừa chia xong các mẫu phiếu gửi và rút tiền vào các khoang kim loại đặt trên sáu chiếc bàn kê thành dãy trong gian đại sảnh.Khách hàng quen được phát phiếu mẫu này với mã số từ tính trên Đó để mỗi khi họ chuyển tiền vào thì máy tính sẽ tự động chuyển tới tài khoản thích hợp. Còn khách thường thì không có sẵn loại này và sẽ phải điền vào một loại phiếu khác. Người bảo vệ nhìn lên đồng hồ treo trên tường, và Đúng 9 giờ 30, trịnh trọng mở khóa cửa. Ngày làm việc của nhà băng bắt đầu. Trong thời gian tiếp đó, Tracy quá bận rộn trước chiếc máy tính, chẳng thể nghĩ tới chuyện gì khác, Mọi vụ chuyển khoản điện tử này đều phải được kiểm tra kép để bảo đảm rằng mã số của nó là xác thực. Khi một tài khoản nào Đó phải được ghi nợ, nàng đưa vào máy số tài khoản, số tiền và tên nhà băng mà khoản tiền phải được chuyển tới. Mỗi nhà băng có một mã số riêng và những mã số này được ghi trong một danh ba mật - bao gồm mã sốc của tất cả các ngân hàng chủ yếu trên thế giới. Buổi sáng nhanh chóng trôi qua. Tracy dự định dùng thời gian nghỉ ăn trưa để đi làm đầu, và cũng đã hẹn với Larry S.Botte. Ông ta lấy đắt song đáng tiền thôi, bởi lẽ nàng muốn xuất hiện trước cha mẹ Charles trong vẻ tươm tất nhất. Mình phải làm cho ông bà ấy thích mình, Mình không cẩn biết họ đã chọn ai cho anh ấy, Tracy nghĩ. Không ai có thể làm cho Charles hạnh phúc bằng mình cả. Mười ba giờ, khi Tracy đang khoác chiếc áo mưa lên người thì Clarence Desmond gọi nàng tới văn phòng ông ta. Desmond có dáng vẻ một viên chức quan trọng. Nếu nhà băng mà sử dụng tới hệ thống thương mại truyền hình thì ông ta sẽ là người phát ngôn hoàn hảo nhất. Ăn mặc kiểu thủ cựu với vẻ quyền lực cứng rắn theo lối cổ. Desmond làm cho người ta thấy có thể tin cậy nơi ông. “Ngồi xuống. cô Tracy”. Ông ta vẫn tự hào là biết tên đầu của mọi nhân viên. “Trời đất quá phải không?”. “Thưa vâng”. “Thế nhưng mọi người vẫn tiếp tục cáe hoạt động tiền tệ” Desmond đã nói hết phần nào đâu. Ông ta dướn người lên trên mặt bàn, “Tôi hiểu rằng cô và Charles Stanhope đã hứa hôn”. Tracy ngạc nhiên “Chúng tôi chưa hề loan báo. Sao?”. Desmond mỉm cười. “Mọi động thái của gia đình Stanhope chính là tin tức. Tôi rất vui mừng. Tôi cho rằng cô sẽ trở lại làm việc với chúng tôi. Tất nhiên là sau tuần trăng mật. Chúng tôi không muốn mất cô. Cô là một trong những nhân viên quý giá nhất”. Charles và tôi đã bản chuyện nàng và nhất trí rằng tôi sẽ hạnh phúc hơn với công việc”. Desmond mỉm cười, thỏa mãn. Stanhope & Con trai là một trong số những công ty đầu tư quan trọng nhất trong cộng đồng tài chính, và thật là một trái mận ngọt nếu có thể có được một tài khoản riêng của nó trong chi nhánh này. Ông ta ngả người trên ghế. “Khi trở lại sau tuần trăng mật của mình: Tracy, cô sẽ được đề bạt cùng với một khoản tiền lương tăng đáng kể”. “Ồ cảm ơn ngài? Thật là tuyệt vời”. Tracy biết mình xứng đáng với điều Đó và cảm thấy tự hào. Nàng nóng lòng muốn báo cho Charles biết. Với Tracy, dường như các đấng thần linh đang cùng nhau làm mọi việc để mang lại hạnh phúc cho nàng. Ông bà Charles Stanhope sống trong một lâu đài cổ kính ở quảng trường Rittenhouse. Đó cũng là nơi Tracy thường đi ngang. Và bây giờ, nàng nghĩ, nó sắp sửa là một phần nào cuộc sống của mình! Nàng thấy lo lắng. Mái tóc mới được làm rất đẹp không chịu nổi sự ẩm ướt của bầu không khí. Nàng đã thay đổi trang phục tới bốn lần. Hay nên mặc giản dị? Chính thức? Nàng có một bộ rất sang đặt mua tại tiệm Wammakers. Nếu mình mặe bộ này, họ sẽ nghĩ mình hoang phí. Nhưng nếu mặc mấy thứ đồ mua từ tiệm Post Horn, họ sẽ nghĩ mình không xứng lấy con trai họ. Ồ, mặc, đằng nào thì họ cũng nghĩ như vậy. Sau cùng nàng quyết định mặc chiếc váy yếm giản dị bằng len màu xám, cái áo ngắn bằng lụa trắng và đeo sợi dây chuyền vàng mỏng manh, món qùà Giáng sinh của mẹ gửi cho. Cánh cổng tòa lâu đài được người quản gia mặc chế phục mở ra. “Xin chào cô Whitney”. Người quản gia biết tên mình. Đó là dấu hiệu, tốt hay xấu “Cho phép tôi giữ áo khoác cho cô?”. Những giọt nước rỏ xuống tấm thảm Ba Tư đắt tiền của chủ nhân. Ông ta dẫn nàng qua một gian sảnh xây bằng đá cẩm thạch rộng chừng gấp đôi nhà băng. Tracy chợt hoảng hốt. Ồ, lạy Chúa. Mình mặc tệ quá1 Lẽ ra mình nên mặc bộ Yves Salnt Laurent, và khi bước vào căn phòng dùng làm thư viện nàng đã đứng đối diện cha mẹ Charles. Charles Stanhope cha có vẻ khô khan ở giữa độ tuổi sáu mươi. Một người thành đạt, dường như là hình mẫu của con trai trong vòng 30 năm tới. Ông có cặp mắt màu nâu giống như Charles, cái cằm đầy cương nghị và màu tóc bạc. Tracy gần như lập tức có thiện cảm với ông. Đó sẽ là một ông nội tuyệt vời cho đứa con của nàng và Charles. Mẹ Charles hơi thấp và mập, tuy vậy vẫn có vẻ thanh thoát. Bà trông vừa cứng rắn vừa yếu đuối, Tracy nghĩ. Đó cũng sẽ là một bà nội tuyệt vời. Bà Stanhope đưa tay ra. “Cô gái thân mến, thật qui hóa là cô đã đến. Chúng tôi yêu cầu Charles dành cho ít phút gặp riêng cô. Cô bằng lòng chứ?”. “Dĩ nhiên là cô ấy không phản đối”. Cha Charles tuyên bố. “Mời ngồi ... Tracy, phải không nhỉ?”. “Thưa ngài, vâng”. Hai ông bà ngồi bên nhau, đối diện với nàng: Tại sao mình có cảm giác là đang sắp phải trải qua một cuộc thẩm vấn? Tracy như thể nghe thấy tiếng nói, của mẹ. “Con gái bé bỏng, Chúa sẽ không bao giờ bắt con làm một việc mà con không thể làm nổi. Có điều, hãy làm từng bước một”. Bước đầu tiên của Tracy là một nụ cười yếu ớt và ngượng nghịu vì Đúng lúc Đó nàng cảm thấy có cái gì Đó chảy dọc theo chiếc tất, chỗ đầu gối. Nàng che đậy nó bằng hai bàn tay. “Ra thế”, tiếng ông Stanhope trầm trầm, “Cô và thằng Charles muốn cưới nhau?”. Cái từ “muốn” làm nàng áy náy. Chắc chắn là Charles đã nói rằng họ sắp cưới nhau. “Vâng”. Tracy đáp lại. “Thực sự cô và Charles chưa biết nhau lâu có phải không?” Bà Stanhope hỏi. Tracly găng kìm chế sự bất bình. Mình nghĩ Đúng mà. Đây là một cuộc thẩm vấn. “Thưa bà Stanhope, cũng đủ lâu để biết rằng chúng tôi yêu nhau”. “Yêu?” Ông Stanhope nhại lại. Bà Stanhope nói. “Này cô Whitney, nói thẳng ra, cái thông báo của Charles đã làm tôi và cha nó giật mình”. Bà cười nhếch miệng. “Chắc Charles đã nói với cô về Charlotte rồi chứ?” Bà thấy nét mặt Tracy. “Tôi biết mà. Hừ, nó và Charlotte cùng lớn lên với nhau. Chúng luôn luôn thân thiết, và hừ, nói thẳng, mọi người đều chờ đợi chúng sẽ loan báo việc hứa hôn trong năm nay”. Chẳng cần phải nói với nàng về Charlotte, Tracy hoàn toàn có thể hình dung ra cô ta. Sống ở gần kề. Giàu có và cùng một nền giáo dục xã hội, như Charles. Qua các trường học tốt nhất. Yêu thích ngựa và đã giành cúp. Hãy cho chúng tôi biết về gia đình cô”. Ông Stanhope đề nghị. Lạy Chúa, đây quả là một cảnh trong bộ phim chiếu vào giờ khuya. Tracy ngủ miên man, mình là nhân vật Rita Hayworth, gặp cha mẹ của Cary Grant lần đầu tiên. Mình cần một ly nước. Trong những bộ phim cũ thì. Người quản gia luôn xuất hiện kịp thời với một khay đựng đồ uống. “Cô sinh ra ở đâu, cô gái thân mến?” Bà Stanhope hỏi. “Ở Louisiana. Cha tôi là một thợ máy”. Chả cần phải nói thêm điều Đó song Tracy không cưỡng nổi. Mặc kệ họ. Cô yêu quý và tự hào về cha mình. “Một thợ máy?”. “Vâng. Ông đã bắt đầu với một xưởng cơ khí nhỏ ở New Orleans và xây dựng nó thành một công ty tương đối lớn trong lĩnh vực Đó. Khi cha tôi mất cách đây năm năm, mẹ tôi đứng ra nắm việc kinh doanh”. “Thế cái ... công ty này sản xuất. “Ống xả và những phụ tùng ô tô Khác”. Hai ông bà Stanhope đưa mắt nhìn nhau và cùng nói, “Ra vậy”. Giọng điệu họ làm Tracy căng thẳng. Nàng tự hỏi, để yêu được họ, không biết mình sẽ phải mất bao nhiêu thời gian. Nàng nhìn vào hai gương mặt khó chịu trước mắt, và buột miệng, bất kể sợ hãi, “Ông bà sẽ thực sự thấy mến mẹ con. Bà đẹp, thông minh và hấp dẫn. Bà là người gốc miền Nam. Tất nhiên, vóc người bà rất nhỏ, cao chừng như bà, thưa bà Stanhope”. Giọng nàng yếu dần và lặng hẳn do sự im lặng đối nghịch. Nàng mỉm cười ngốc nghếch - và nụ cười tắt ngay vì cái nguýt của bà Stanhope. Đột nhiên, ông Stanhope nói với vẻ lạnh tanh. “Chạrles thông báo rằng cô đang có bầu”. Trời, giá mà anh ấy chưa nói gì hết? Thái độ quá rõ là họ không tán thành, như thể con trai họ chẳng hề liên quan gì tới việc Đó. Họ đã khiến nàng cảm thấy bị lăng nhục. Giờ thì mình biết là mình cần phải mặc như thế nào, Tracy nghĩ, với một chữ cái viết hoa. “Tôi không hiểu nổi sao mà ngày nay”, bà Stallhope bắt đầu, song không nói được hết” câu vì Đúng lúc Đó Charles bước vào phòng. Tracy chưa bao giờ thấy sung sướng đến như vậy. Nào”, Charles hồ hởi. “Mọi người trò chuyện lạ sao?”. Tracy đứng lên và lao vào vòng tay anh. “Ô, anh yêu quý” Nàng ôm chặt anh, lòng thầm nghĩ thật may Charles không giống như mẹ. Anh sẽ không thể bao giờ lại giống họ đượe. Họ có đầu óc hẹp hòi, khinh người. Có tiếng hắng giọng, và người quản gia bước vào với một khay đồ uống. Tất cả rồi sẽ tất, Tracy tự nói với mình. Cuốn phim sẽ kết thúc có hậu cho mà xem. Bữa cơm chiều thật là thượng hạng, song Tracy không bụng dạ nào mà ăn nữa. Họ bàn bạc về hoạt động ngân hàng, chính trị và tình trạng nghèo Đói trên thế giới. Không khí thân thiện và lịch thiệp. Không có ai lớn tiếng nói toạc ra rằng. “Cô đã bẫy con trai tôi vào việe cưới xin”. Nói một cách công bằng nhất, Tracy thầm nghĩ, họ có quyền quan tâm về người phụ nữ mà con trai họ sẽ kết hôn. Một ngày nào Đó, Charles sẽ làm chủ công ty và điều quan trọng là anh ấy có người vợ xứng đáng. Tracy tự hứa với mình, anh ấy sẽ có. Charles nhẹ nhàng cầm lấy bàn tay Tracy đang vò chiếc khăn ăn dưới mặt bàn, mỉm cười và hơi nháy mắt. Tim nàng rộn lên. Tracy và con muốn một lễ cưới nhỏ”. Charles nói, “và sau Đó ...”. “Vớ vẩn”, bà Stanhope cắt ngang. “Gia đình ta không có những lễ cưới nhỏ, Charles. Có nhiều bè bạn sẽ cuốn tới dự lễ cưới của con”. Bà đưa mắt nhìn Tracy, xem xét vóc dáng nàng. “Có thể là chúng ta sẽ cho gửi thiệp mời ngay”. Và như nghĩ lại, bà nói thêm, “Nghĩa là nếu các con bằng lòng?”. “Vâng, tất nhiên là thế rồi”. Quả thật sắp có một lễ cưới Tại sao mình còn ngờ vực được? Bà Stanhope nói, “Một số khách mời sẽ từ nước ngoài tới Mẹ đã sắp xếp để họ có thể ở đây, trong ngôi nhà này”. Ông Stanhope hỏi. “Cô cậu đã quyết định hưởng tuần trăng mật ở đâu chưa?”. Charles mỉm cười, “Đó là thông tin bí mật cha ạ”. Anh nắm chặt tay Tracy. - “Tuần trăng mật của các con sẽ kéo đàí bao lâu?” Bà Stanhope dò hỏi. “Khoảng năm mươi năm ạ” Charles đáp. Và Tracy sung sướng với lời đáp ấy. Sau bữa ăn, họ vào, thư viện nhấm nháp rượu mạnh, và Tracy ngắm nghía căn phòng tường ốp gỗ sồi với những giá đầy sách bọc da, hai họa phẩm của Corots, một Copley và một Reynolds. Nếu như Charles không có tiền thì điều Đó đối với nàng cũng chẳng hề gì song nàng cũng tự thú với mình rằng sống thế này thì quả là dễ chịu. Tới gần nửa đêm, Charles lái xe đưa Tracy về căn hộ nhỏ của nàng gần công viên Fairmount. Tracy, anh hy vọng rằng tối nay không phải là quá khó khăn đối với em. Mẹ và cha anh đôi lúc quá khắt khe. “Ồ, không, hai ông bà đều thật đáng yêu”. Tracy nói dối. Nàng mệt lả với không khí căng thẳng của buổi tối, song khi họ dừng bước trước cửa phòng, nàng khẽ hỏi, “Anh vào với em chứ, Charles?”. Nàng muốn được anh ấp ủ trong vòng tay, muốn nghe anh nói. “Anh yêu em, em yêu dấu. Không ai trên đời này có thể ngăn cách chúng ta”. Anh trả lời. “Đêm nay sợ không được. Sáng mai anh nhiều việc lắm”. Tracy giấu nỗi thất vọng, “Cũng được. Em hiểu, anh yêu ạ”. “Ngày mai anh sẽ nói chuyện với em! Anh hôn phớt nhẹ, và nàng đứng trông theo tới khi anh khuất nơi đầu hành lang. Căn phòng bỗng sáng bừng và tiếng chuông báo cháy phá vỡ không khí yên tĩnh. Tracy giật bắn người, ngồi nhổm dậy, mắt vẫn lờ đờ ngái ngủ, mũi hít tìm mùi khói trong căn phòng đã tối lại. Tiếng chuông vẫn tiếp tục, và nàng dần nhận ra Đó là chuông điện thoại. Chiếc đồng hồ bên tường chỉ 2 giờ 30. Ý nghĩ hất hoảng đầu tiên của nàng là đã có chuyện gì Đó xảy đến với Charles. Nàng chộp lấy ống nghe. “A lô?”. Một giọng đàn ông từ xa thẳm hỏi. “Tracy Whitney?”. Nàng lưỡng lự. Nếu đây là một cú điện thoại khiêu dâm ... “Ai Đó?”. “Trung úy Miller ở Sở cảnh sát New Orleans. Đó có phải là Tracy Whitney không?”. “Vâng”. Nàng bắt đầu hồi hộp. Tôi sợ rằng tôi có tin buồn cho cô”. Tay nàng nắm chặt ống nghe. “Tin về mẹ cô”. “Có. Có phải mẹ bị một tai nạn gì không?”. “Bà đã chết, thưa cô Whitney”. “Không?” Nàng thét lên. Đây hẳn là một cú điện thoại khiêu dâm. Một gã kỳ quặc nào Đó đang cố dọa nàng. Không có chuyện gì đối với mẹ cả. Mẹ vẫn còn sống. “Mẹ yêu con nhiều, rất nhiều, Tracy”. “Tôi rất buồn phải báo tin cho cô thế này”, giọng nói từ đầu dây kia vang lên. Đúng là thật. Nó là một, cơn ác mộng, song nó đang diễn ra. Nàng không nói nổi nữa. Trí óc và cả lưỡi nàng đã tê liệt Giọng viên trung úy vang lên. “A lô ...? Cô Tracy Alô. “Tôi sẽ bay chuyến đầu tiên”. Nàng vào trong bếp, ngồi thừ ra và nghĩ về mẹ. Thật vô lý, mẹ không thể chết được. Mẹ vốn luôn mạnh mẽ, sôi động. Hai mẹ con đã gần gũi” và thân thiết biết bao. Từ nhỏ, Tracy đã có thể đến giãi bày vôi mẹ những mắc mớ, chuyện trò về nhà trường và bọn bạn trai, và sau này, về đàn ông. Khi cha Tracy chết, biết bao kẻ lăm le mua lại cơ nghiệp của ông. Họ hứa trả Doris Whitney một khoản tiền lộn đủ để bà sống khỏe tới trọn đời, song bà kiên quyết từ chối. “Cha con tạo dựng cơ nghiệp này, mẹ không đời nào vứt bỏ bao công sức của cha con”. Và bà đã làm cho công việc tiếp tục thành đạt. Ôi mẹ, Tracy nghĩ, con yêu mẹ nhiều. Mẹ sẽ không bao giờ thấy Charles, mẹ không bao giờ thấy cháu của mẹ cả Và rồi nàng òa khóc nức nở. Nàng pha một tách cà phê và rồi để Đó lạnh ngắt, ngồi thừ trong bóng tối, Tracy cảm thấy mình muốn gọi Charles một cách tuyệt vọng để nói với anh mọi chuyện, để được có anh bên cạnh. Nàng nhìn đồng hồ ở trong bếp. Mới 3 giờ 30 và biết không thể đánh thức anh giờ này. Đành sẽ gọi cho anh khi tới New Orleans vậy. Nàng băn khoăn không biết kế hoạch cưới xin có bị ảnh hưởng không, và lập tức thấy tội lỗi với ý nghĩ Đó. Làm sao còn có thể nghĩ đến bản than mình vào lúc này nhỉ? Trung úy Mil1er đã nói. “Khi tới đây, cô kêu tắc xi đến trụ sở cảnh sát ngay”. Tại sao lại trụ sở cảnh sát? Tại sao nhỉ? Cái gì đã xảy ra? Phi trường New Orleans. Đứng đợi với va ly trong tay, vây quanh là những hành khách đang sốt ruột chen lấn, Tracy cảm thấy nghẹt thở. Cố chen gần tới đầu băng chuyền tải hành lý, song chẳng ai để nàng len qua. Ngày càng sợ hãi khi nghĩ tới điều phải chứng kiến trong ít giờ tới, nàng cố tự nhủ Đó chỉ là một sự nhầm lẫn, song trong đầu cứ vọng những lời: Tôi sợ rằng tôi có tin buồn cho cô ... Bà nhà đã chết, thưa cô Whitney. Tôi rất buồn phải báo tin cho cô thế này ... Sau cùng, khi đã nhận lại va ly, Tracy lên một chiếc tắc xi và nhắc lại địa chỉ mà viên Trung úy đã bảo: “715 đường South Broad”. Người lái xe nhìn nàng qua gương chiếu hậu. “Đồn cảnh sát à?”. Không trò chuyện. Lúc này thì không. Đầu Tracy đầy ắp những ý nghĩ lộn xộn. Chiếc xe chạy về phía Đông, hướng tới khu Hồ Pon Chartrain Causeway. Người lái xe tiếp tục huyên thuyên, “Cô tới dự cuộc lễ lớn này phải không? Nàng không hiểu anh ta nói gì, song thầm nghĩ, không, tôi đến đây vì sự chết chóc. Mang máng tiếng nói khàn khàn của người lái xe, song nàng không nghe rõ gì cả, chỉ ngồi cứng đơ trên ghế, lơ đãng với những khung cảnh quen thuộc lướt qua hai bên. Mãi khi tới khu người Pháp, Tracy mới chợt tỉnh vớl những tiếng ồn ào ngày càng rõ. Đó là tiếng ồn ào eủa một đám Đông đã trở nên điên loạn, những kẻ náo loạn đang gào thét những lời kinh cầu nguyện. “Tôi chỉ có thể chở cô tới đây thôi”. Người lái xe thông báo. Và Tracy ngẩng lên. Một cảnh tượng khó tin. Hàng trăm nghìn người đang hò hét, mang những mặt nạ vẽ rồng, cá sấu và thánh thần của những kẻ tà giáo, tràn ngập lòng đường, hè phố với những âm thanh điên loạn. Một cảnh điên khùng với những đám người nhảy múa, âm nhạc và cả những xe diễu hành. “Tất nhất là cô ra đì trước khi họ lật nhào xe tôi”, người lái xe nói “Cái lễ Mardi Grass quỉ quái này”. Đúng thôi. Bây giờ là tháng Ba, khi mà cả thành phố chào Đón ngày bắt đầu của tuần chay. Tracy chui ra khỏi xe và đứng co rúm lại, vali trong tay. Chỉ giây lát sau nàng đã bị cuốn vào cái đám Đông la hét, nhảy múa. Vali bị giật khỏi tay và biến mất. Nàng bị một lão to béo mang mặt nạ ma quỷ vồ lấy hôn hít. Một người mang mặt hươu sờ nắn hai bầu vú và một kẻ mang mặt nạ gấu vồ lấy từ đằng sau và nâng bổng nàng lên. Nàng vùng ra, cố chạy song không thể, đã bị vây chặt trong cái đám rước nhảy múa, ca hát om sòm này. Nàng dịch chuyển cùng với đám Đông, nước chảy ròng trên mặt. Sau cùng, khi nàng thoát ra được và chạy vào một đường hẹp yên tĩnh, nàng đã gần phát điên lên, phải đứng bất động một lúc lâu, tựa người vào cột đèn, thở thật sâu, dần dần mới bình tĩnh hơn. Nàng đi về hướng đồn cảnh sát. Trung úy Miller, một người đứng tuổi, vẻ ưu phiền với gương mặt dầu dãi nắng mưa, đã tỏ ra thực sự lúng túng. Xin lỗi, tôi không ra sân bay Đón cô được”, anh ta nói với Tracy. “Cả thành phố đã trở nên điên khùng. Chúng tôi đã xem xét tất cả giấy tờ của mẹ cô và cô là người duy nhất mà chúng tôi biết để báo tin”. Ông trung úy, xin ông cho biết điều ... điều gì đã xảy đến với mẹ tôi”. Bà đã tự sát”. Nàng thấy ớn lạnh. Không. Không thể thế được! Tại sao mẹ lại phải tự sát? Bà hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà”. Tiếng nới nàng rời rạc, yếu đuối. Khu nhà xác lạnh lẽo, đầy ghê rợn. Tracy được dẫn dọc theo một hành lang trắng toát tới căn phòng trống, ông rãi và được sát trùng. Rồi đột nhiên nàng nhận ra rằng căn phòng đâu có trống rỗng. Nó ngập đầy sự tang tóc Sự tang tóc của chính nàng. Một nhân viên mặc áo choàng trắng kéo ra một ô kéo lớn. “Cô có muốn nhìn lần cuối?”. Không, nàng thầm nghĩ, tôi không muốn nhìn một thân thể đã chết trong cái hộp Đó. Nàng muốn rời khỏi chỗ này, muốn thời gian lùi lại vài giờ trước Đó, khi mà tiếng chuông vang lên. Giá mà Đó là tiếng chuông báo cháy thật sự, chứ không phải chuông điện thoại báo tin mẹ nàng đã chết. Tracy bước tới chậm chạp, lòng đau thắt, đứng nhìn cái thân thể không còn sự sống, từng sinh ra, nuôi dưỡng, cười đùa, và yêu quý nàng, rồi cúi xuống và hôn lên má người đã chết. Cặp má lạnh lẽo và cứng như cao su. “Ôi, mẹ”, Tracy nghĩ thầm. “Tại sao? Tại sao mẹ lại làm thế”“ “Chúng tôi phải mổ xét nghiệm tử thi”, tiếng người nhân viên giúp việc”, Đó là luật của Tiểu bang về những vụ tự sát”. Bức thư của Doris Whitney để lại cũng không đưa ra câu trả lời nào. Tracy con, Hãy tha thứ cho mẹ con nhé. Mẹ đa thất bại, và mẹ không chịu nổi việc trở thành gánh nặng đối với con. Đây là cách tốt nhất. Mẹ yêu con nhiều. Bức thư, cũng giống như cái thi thể nằm trong ô kéo kia, không có sức sống và vô ý nghĩa. Chiều hôm Đó Tracy thu xếp việc tang lễ mẹ rồi ngồi tắc xi về ngôi nhà của gia đình. Nàng có thể nghe thấy tiếng gào thét eủa những kẻ cuồng nhiệt vớl lễ MardiGrass từ xa vọng lại, xa lạ và ghê rợn. Nơi ở của gia đình Whitney là một ngôi nhà kiểu Phục Hưng nằm trongGarden tại một khu dân cư được gọi là Khu Trên. Giống như phần lớn các ngôi nhà ở New Orleans, nó được làm bằng gỗ và không có tầng hầm bởi lẽ khu vực này thấp hơn mực nước biển. Tracy đã lớn lên trong ngôi nhà này và có đầy những kỷ niệm ấm áp, thân thương. Cả năm ngoái nàng không về nhà lần nào và trước khi tắc xi từ từ dừng lại, nàng giật mình nhìn thấy một chiếc biển lớn cắm trên cỏ: BÁN - CÔNG TY BẤT ĐỘNG SẢN NEW ORLEANS. Không thể thế được. Mẹ sẽ không bao giờ bán ngôi nhà thân yêu này, mẹ vẫn thường bảo vậy, chúng ta đã cùng sống hạnh phúc biết bao ở nơi đây. Lòng đầy nỗi lo lạ lùng và vô lý, Tracy đi qua cây mộc lan lớn về phía cửa trước. Nàng đã được cho riêng một chìa khóa nhà từ khi học lớp bảy, và vẫn luôn mang theo người như một thứ bùa phép, một thứ phước lành. Tracy mở cửa rồi đứng Đó, chết lặng. Các phòng đều trống trơn, không còn đồ đạe gì, tất eả những đồ cổ tuyệt đẹp đã biến mất. Nó giống như một nơi bỏ hoang. Tracy chạy từ phòng này sang phòng khác, sự ngờ vực mỗi lúc một tăng. Dường rthư đã có một tai họa khủng khiếp giáng xuống. Nàng chạy lên lầu và dừng lại trước căn phòng ngủ nàng từng ở Đó phần lớn cuộc đờl. Nó như đang nhìn lại nàng, ghẻ lạnh và trống rỗng. Ôi, lạy Chúa, điều gì đã xảy ra vậy? Tracy nghe tiếng chuông gọi cửa và đi xuống cầu thang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Otto Schmidt đứng trước cửa. Quản đốc của công ty phụ tùng Otto Whitney là một người đàn ông đứng tuổi với khuôn mặt răn rúm và thân hình gầy ốm trừ cái bụng phệ ra vì bia. Đầu ông nhẵn thín, chỉ còn lưa thưa ít tóc xung quanh. “Tracy” tiếng ông nặng giọng Đức, “Tôi mới nghe tin. Tôi ... tôi không biết nói với cô thế nào về nỗi buồn của mình”. Tracy nắm lấy tay ông. “Ồ, bác Otto. Thật mừng là bác tới Mời bác vào”. Nàng dẫn ông vào phòng khách. “Xin lỗi bác, chẳng còn gì để ngồi cả nàng ấp úng. Bác có bận lòng phải ngồi xuống sàn không?”. “Không, không hề gì”. Họ ngồi xuống, đối diện nhau, lặng đi vì sầu thảm. Otto Schmidt là nhân viên của công ty Whltney từ lâu lắm rồi. Tracy biết rõ cha nàng đã dựa vào bác thế nào. Khi mẹ nàng kế thừa cơ nghiệp, Sehmidt đã tiếp tục ở lại để điều hành công việc cho bà. “Bác Otto, tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra nữa. Cảnh sát nói lằng mẹ đã tự sát, song bác biết đấy không có lý do gì cho việc Đó cả”. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, “Bà không ốm chứ? Bà không gặp chuyện gì khủng khiếp ...”. Không, không phải thế không phải. Ông nhìn lảng đi lúng túng có điều gì còn chưa được nói thành lời. Tracy nói chậm rãi. “Bác biết, chuyện?”. Ông nhìn nàng với cặp mắt xanh đục. “Mẹ cô đã giấu cô chuyện xảy ra gần đây. Bà không muốn cô phải lo lắng”. Tracy cau mặt. “Sợ tôi lo lắng? Bác nói đi ... nào bác”. Bàn tay chai sạn vì lao động của ông nè ra rồi nắm lại. “Cô đã bao giờ nghe về một người có tên là Joe Romano?”. “Joe Romano? Không! Sao ạ?”. “Sáu tháng trước đây, Romano liên hệ với mẹ cô, nói muốn mua lại công ty. Bà bảo không muốn bán, song hắn đã hứa sẽ trả bà gấp mười lần trị giá của nó và bà đã không thể cứng lại. Bà quá hồi hộp. Bà định đầu tư toàn bộ số tiền vào mua trái phiếu và điều Đó sẽ mang lại một thu nhập đủ để bà và cô sống đầy đủ tới trót đời. Bà muốn làm cô ngạc nhiên. Tôi cũng mừng cho bà Tôi đã sẵn sàng nghỉ hưu trong suốt ba năm qua, cô ạ, song tôi không thể bỏ bà Doris mà đi, làm sao đi được cơ chứ? Gã Romano này ...” Otto suýt lỡ lời, “gã Romano này đặt trước một món tiền nhỏ. Khoản lớn còn lại ... khoản hứa bịp ... phải được trả hồi tháng trước”. Tracy mất hết kiên nhẫn. “Nữả đi, bác Otto. Chuyện gì đã xảy ra?”. “Khi Romano thay chân bà Doris, hắn đuổi tất cả và thay người của hắn vào nắm mọi việc. Rồi hắn bắt đầu cướp bóc công ty. Hắn bán tất cả tài sản và đặt mua nhiều thiết bị mà không trả tiền, rồi bán lại kiếm lời. Các nhà cung cấp không lo ngại về sự chậm trễ thanh toán vì nghĩ rằng họ vẫn đang giao dịch với mẹ cô. Sau cùng, khi họ đòi tiền từ mẹ cô, bà tới gặp Romano và muốn biết chuyện gì đang diễn ra. Hắn bảo không thực hiện giao kèo mua bán nữa và trả lại công ty cho bà. Khi Đó công ty chẳng còn gì đáng giá mà mẹ cô thì nợ nửa triệu đôla, khoản tiền mà không có khả năng trả. Cô Tracy, tôi và bà nhà tôi rầu rĩ tưởng chết đi được khi thấy mẹ cô vật lộn để cứu cái công ty Đó. Không còn lối thoát nào. Họ đã dồn bà tới chỗ phá sản. Họ cưỡng đoạt mọi thứ ... mọi tài sản, ngôi nhà này, thậm chí cả chiếc xe hơi của bà”. “Ôr, lạy Chúa”. “Còn nữa. Viên công tố quận đưa thông báo tới bà rằng ông ta sẽ yêu cầu truy tố bà về tội lừa đảo, rằng bà sẽ phải chịu một án tù. Tôi nghĩ bà thật ra đã chết từ hôm Đó”. Tracy như sôi lên với một cơn giận dữ đầy vô vọng. “Song tất cả những gì mẹ phải làm chỉ là nói lên sự thật, giải thích những gì gã kia đã làm đối với bà”. Người quản đốe già lắc đầu. “Joe Romano làm việc cho một người tên là Anthony Orsatti, kẻ nắm cả cái New Orleans này. Tôi phát hiện quá muộn rằng Romano đã từng làm như thế với một số công ty khác. Ngay cả nếu như mẹ cô đưa được hắn ra tòa, thì cũng phải mất nhiều năm mọi thứ mới rõ ràng, và bà không thể đủ tiền mà theo kiện”. “Tại sao mẹ không nói với tôi, hả bác?” Tracy kêu lên đau đớn, tiếng kêu thét vì sự thống khổ mà mẹ nàng phải chịu. “Mẹ cô là một người đàn bà kiêu hãnh. Mà cô có thế làm gì được? Không ai có thể làm gì được”. Bác sai rồi, Tracy quả quyết thầm nghĩ. “Tôi muốn gặp gã Romano. Tôi có thể kĩếm hắn ở đâu, bác?”. Schmidt chán nản. “Quên hắn đi. Cô không biết hắn nhiều thế lực đến mức nào đâu”. “Hắn sống ở đâu, bác Otto?”. “Hắn có một dinh thự kế bên quảng trường Jacksón, song tới Đó cũng chẳng ích gì đâu, cô Tracy, hãy tin tôi”. Tracy không trả lời. Trong nàng tràn đầy một thứ tình cảm xa lạ: Lòng hận thù, Joe Romano sẽ phải trả món nợ giết mẹ mình, Tracy tự thề. Chương 03 Nàng cần có thời gian. Thời gian để suy nghĩ để tính toán việc phải làm. Không thể chịu nổi việc trở lại sống ngôi nhà đã bị cướp nhẵn, do vậy, nàng vào một khách sạn nhỏ trên đường Magazỉna, xa khu người Pháp, nơi những cuộc diễu hành đlên loạn vẫn đang tiếp diễn. Nàng không có hành lý gì cả, và người nhân viên đa nghi ngồi sau bàn đã nói. “Cô sẽ phải trả tiền trước. Bốn mươi đô la một đêm”. Từ phòng riêng, nàng gọi điện thoại cho Clarence Dosmond để nói với ông ta rằng mình không thể tới làm việc trong một vài ngày. Ông ta giấu nỗi bực dọc vì bị phiền toái. “Đừng bận lòng vì chuyện Đó. Tôi sẽ kiếm ra người thay thế cho tới khi cô trở lại”. Ông ta hy vọng là nàng sẽ kể lạl với Charles Stanhope rằng ông ta đã tỏ ra thông cảm thế nào. Cú điện thoại tiếp theo của Tracy là cho Charles. “Charles, anh yêu ...”. “Em ở chỗ quỷ quái nào thế, Tracy? Mẹ đã tìm kiếm em suốt cả buổi sáng. Bà muốn ăn trưa với em hôm nay, cả hai còn nhiều việc lắm”. “Em xin lỗi, anh yêu dấu. Em đang ở New Orleans”. “Em ở đâu? Em đang làm cái gì ở New Orleans vậy?”. “Mẹ em ... chết”. Nàng nghẹn lời. Hả”. Giọng anh thay đổi ngay tức khắc. “Anh xin lỗi, Tracy: Chuyện đột ngột quá. Bà vẫn còn trẻ trung, có phải không?”. Bà còn rất trẻ, Tracy nghĩ cay đắng. “Vâng, Đúng là bà còn trẻ”. “Chuyện gì đã xảy ra? Em không sao chứ?”. Không biết tại sao Tracy không thể nói thật với Charles rằng Đó là một vụ tự sát. Nàng mong muốn đến khủng khiếp được kể ra tất cả câu chuyện kinh hoàng này, song đã tự ngăn mình lại. Đó là việc của mình, nàng không thể buộc Charies mang gánh nặng Đó được. “Đừng lo lắng gì, em không sao, anh yêu ạ”. “Em có muốn anh tới Đó không, Tracy?”. “Không. Cám ơn anh. Em có thể lo liệu được. Em sẽ trở lại Phlladelphia vào thứ hai”. Gác máy, nàng nằm xuống giường với những ý nghĩ miên man. Nàng đếm những ô vuông lát trên trần nhà. Một ... Hai ... Romano ... Bốn ... Năm ... Romano ... Sáu ... Bảy ... hắn sẽ phải đền tội. Nàng chưa có một kế hoạch cụ thể, chỉ biết rằng sẽ không để Romano thoát khỏi, rằng nàng sẽ tìm cách báo thù cho mẹ. Tracy rời khách sạn vào lúc cuối chiều và đi bộ dọc đườngCanal cho tới khi gặp một tiệm cầm đồ. Một người đàn ông vẻ mặt tái tál mang kính che mắt màu lục kiểu cổ ngồi trong cái lồng sắt sau quầy hàng. “Muốn gì?”. “Tôi ... muốn mua một khẩu súng”. “Loại súng gì?”. “Ông biết đấy ... một ... súng lục”. “Cô muốn cỡ 32, cỡ 4d, hay ...”. Tracy chưa từng sờ đến súng. “Một ... một khẩu cỡ 32 là được”. “Ở đây tôi có khẩu Smithanđ Wesson cỡ 32 rất hay với giá hai trăm hai mươi chín đô la và một khẩu Charter Arma cỡ 32 vớl giá một trăm năm mươi chín ...”. Nàng không mang theo người nhiều tiền mặt. “Ông có thứ gì rẻ hơn không?”. Ông ta nhún vai, “Rẻ hơn thì chỉ là ... súng cao su thưa tiểu thư. Nói với cô sao nhỉ. Tôi sẽ để cho cô một khẩu cỡ 32 với giá một trăm năm mươl đôla, và tôi sẽ thêm cho một hộp đạn”. “Được”, Tracy nhìn theo ông ta bước tới giá vũ khí đặt trên cái bàn phía sau, lựa ra một khẩu súng ngắn. Ông ta cầm nó tới quầy hàng. “Cô biết sử dụng chứ?”. “Thì ... thì kéo cò chứ gì?”. Ông ta làu bàu. “Cô có muốn tôi lắp đạn vào để cô coi thử không?”. Nàng định nói không, rằng sẽ không dùng đến nó, rằng chỉ muốn đe đọa ai Đó, nhưng chợt nhận ra như vậy thật ngốc nghếch. “Vâng, xin ông”. Tracy chăm chú nhìn ông ta nạp đạn vào trong ổ, “Cảm ơn”, và đếm tiền trả. “Tôi cần tên và địa chỉ của cô cho hồ sơ cảnh sát”. Tracy chưa nghĩ tới điều đó. Đe dọa Joe Romanc với một khẩu súng là một hành vi phạm tội. Nhưng hắn là một tội phạm chứ không phải mình nàng nghĩ “Tên?”. “Smith. Joan Smlth”. Ông ta ghi lên một tấm. phiếu. “Địa chỉ?”. “Đường Downlan. 3020 đường Dowman”. Không ngẩng đầu lên, ông ta nói, “Không có số 3020 Dowman. Như vậy sẽ ở giữa sông. Chúng ta hãy cho là 5020 đi”, ông ta đẩy tờ biên nhận tới trước nàng. Nàng ký Joan Smith. “Thế được chưa?”. “Đúng thế”. Ông ta cẩn thận đẩy khẩu súng ra bên ngoài. Tracy nhìn nó chằm chằm, rồi cầm lên đút vào trong bóp, quay người và bước nhanh ra khỏi cửa hiểu. “Này, cô kia”, ông ta kêu theo, Chớ quên khẩu súng Đó đã nạp đạn”. Quảng trường Jackson nằm giữa khu người Pháp, với ngôi nhà thờ Thánh Louis vút cao như một lời cầu nguyện. Những ngôi nhà cổ đáng yêu và những dinh thự trong khu quảng trường được ngăn cách khỏi dòng xe cộ tấp nập bởi bức tường cao và những cây mộc lan duyên dáng. Joe Romano sống ở trong một trong những ngôi nhà Đó: Tracy đợi đến khi trời tối mới bắt đầu khởi sự. Những đám diễu hành đã đi tới đường Chatres và từ xa Tracy vẫn nghe thấy vọng lại sự hỗn loạn mà trước Đó nàng đã bị cuốn vào. Nàng đứng trong bóng tối xem xét ngôi nhà, và thấy rõ sức nặng của khẩu súng trong bóp. Kế hoạch rất đơn giản. Nàng sẽ tranh luận với Joe Romano, yêu cầu hắn làm trong sạch tên tuổi Doris Whltney. Nếu như hắn từ chối, nàng sẽ đe dọa hắn bằng khẩu súng và bắt hắn phải viết lời thú tội. Rồi nàng sẽ mang nó tới trung úy Mllier, và anh ta sẽ bắt giữ hắn, thanh danh của mẹ sẽ được bảo vệ. Nàng khát khao có Charles ở bên, song tốt nhất là làm một mình. Nàng sẽ kể lại cho anh sau khi tất cả đã qua đi và Joe Romano đã ở trong tù. Đó là chỗ của hắn. Một khách bộ hành đang lại gần. Tracy chờ cho người đó đi qua và đường phố hoàn toàn vắng lặng. Tracy bước tới ngôi nhà và nhấn chuông. Không có tiếng trả lời. Có thể hắn đang có mặt tại một bữa tiệc nào Đó nhân dịp lễ Mard Grass. Song mình có thể đợi, Tracy nghĩ, mình có thể đợi cho đến lúc hắn về nhà. Đột nhiên, ngọn đèn ở cổng bật sáng, cánh cổng mở ra và một người đàn ông đứng trước cửa. Diện mạo người này làm Tracy ngạc nhiên. Nàng đã hình dung một khuôn mặt kẻ cướp độc ác, với những nét tàn nhẫn, nham hiểm, quỷ quyệt. Thay vì Đó, lại thấy mình đang đứng trước một người đàn ông có vẻ mặt đẹp đẽ, hấp dẫn mà người ta có thể dễ dàng nhầm là một vị giáo sư đại học. Giọng nói của hắn trầm trầm và tử tế “Xin chào. Tôi giúp gì được chăng.”. “Ông có phải Joseph Rómano?” Tiếng nàng hơi run. “Đúng vậy. Tôi có thể làm gì cho cô?” Hắn có một phong cách thoải mái. không nghi ngờ gì nữa, mẹ mình đã bị gã đàn ông này lừa gạt. Traey nghĩ “Tôi ... Tôi muốn nói chuyện với ông, ông Joe Romano”. Hắn chăm chú nhìn vóc dáng nàng. “Dĩ nhiên. Mời cô vào”. Tracy bước vào phòng khách đầy những đồ cổ đẹp đẽ. Joseph Romano sống khá giả. Bằng đồng tiền của mẹ mình, Traey nghĩ cay đắng. “Tôi vừa định pha cho mình một ly rượu. Cô thích thứ gì?”. “Không gì cả”. Hắn nhìn nàng với vẻ tò mò. “Cô muốn gặp tôi về chuyện gì vậy, cô?”. “Tracy Whitney. Tôi là con gái của Doris WhitPey”. Hắn nhìn nàng đăm đắm và rồl đã nhận ra. “Ồ, vâng. Tôi có nghe về mẹ cô. Tệ quá”. Tệ quá? Hắn đã gây ra cái chết của mẹ, và lời bình luận duy nhất của hắn là ... “Tệ quá”. “Ông Romano, ngài công tố quận tin rằng mẹ tôi phạm tội lừa gạt. Ông biết điều đó không Đúng. Tôi muốn ông giúp tôi làm trong sạch tên tuổi của bà”. Hán nhún vai. “Tôi không làm việc trong dịp lễ Mard Grass. Điều đó trái với tín ngưỡng của tôi”. Romano đi lại chổ quầy rượu và bắt đầu pha hai ly. “Tôi nghĩ rằng cô sẽ dễ chịu hơn sau khi uống một chút”. Hắn đang đẩy nàng tới chỗ không còn lựa chọn nào khác. Tracy mở bóp và lôi khẩu súng ra, chĩa vào hắn. “Tôi sẽ nói cho ông biết cái gì sẽ làm tôi dễ chịu hơn, ông Romano. Buộc ông phải thú nhận chính xác những gì ông đã làm đối với mẹ tôi”. Joseph Romano quay lại và thấy khẩu súng. “Cô nên bỏ khẩu súng đi, cô Whitney. Nó có thể nổ đấy”. A! Nó sẽ nổ nếu ông không làm đúng lời tôi bảo. Ông phải biết rõ ông đã cướp đoạt công ty như thế nào, đẩy nó tới phá sản và dồn mẹ tôi tới chỗ tự sát”. Lúc này hắn nhìn nàng một cách thận trọng, cặp mắt sẫm màu của hắn toát vẻ cảnh giác. “Tôi biết. Nếu tôi từ chối thì sao?”. “Thì tôi sẽ giết ông”. Nàng có thể cảm thấy khẩu súng run run trong tay. “Cô không giống một kẻ giết người, cô Whitney”, giờ đây hắn tiến về phía nàng, trong tay cầm ly rượu. Giọng nói của hắn mềm mại và có vẻ chân tình. “Tôi không liên quan gì đến cái chết của mẹ cô, và hãy tin tôi ... Tôi ...” Hắn hắt ly rượu vào mặt nàng.. – Tracy thấy cay buốt hai mắt và một tích tắc sau khẩu súng đã bị đánh bật khỏi tay. “Con mẹ mày vẫn chưa nói hết. Jomano nói. “Mụ ta đã không bảo tao rằng mụ có-một đứa con gái thật khêu gợi”. Hắn ôm nàng, ghìm chặt hai tay nàng, còn Tracy thì sợ hãi, mắt nhắm nghiền vì cay xè. Nàng cố sức vùng ra, song hắn đẩy nàng vào sát tường, ép chặt vào người nàng. “Cô bé kể cũng liều lĩnh. Tao thích thế. Nó làm tao thấy khoái”. Giọng hắn khản đặc. Tracy cảm thấy thân thể cứng đờ của hắn ép sát vào, và nàng cố vùng ra song bất lực trong vòng tay của hắn. “Cô bé tới đây tìm kiếm một chút hứng thú phải không? Ồ, Joe sẽ cho em cái đó”. Nàng muốn hét lên, song chỉ hổn hển “Buông tôi ra”. Hắn xé toạc cái áo bờ lu trên người nàng: “Kìa đôi vú kìa”, hắn thì thào. Tay hắn vân vê hai núm vú. “Cưỡng lại đi, cô bé”. Hắn vẫn thì thào. “Tao thích thế”. “Buông tôi ra”. Hắn siết chặt hơn và làm nàng đau. Nàng cảm thấy mình bị đẩy xuống sàn nhà. “Tao cược rằng mày chưa từng được làm tình với một thằng đàn ông thực sự”, hắn nói. Lúc này thân hình hắn đè nặng lên Tracy và hai tay hắn đang lần lên hai đùi nàng. Tracy vùng vẫy và đột nhiên chạm phải khẩu súng. Một tiếng nổ lớn vang lên. “Ối, lạy Chúa!” Romano hét. Vòng tay hắn bỗng nhiên nới lỏng. Tracy lờ mờ thấy hắn lăn xuống và nằm co trên sàn, tay giữ chặt một bên sườn. “Mày bắn chết tao rồi ... đồ chó đẻ. Mày bắn tao ...”. Tracy sợ chết khiếp, nàng cảm thấy mình như muốn bệnh, còn hai mắt vẫn buốt nhói. Nàng cố đứng lên và lần tới cái cửa ở phía cuối gian phòng, đẩy toang ra. Đó là một phòng tắm. Nàng loạng choạng tới bên bồn, mở nước lạnh và vã lên mắt cho tới khi bớt đau và nhìn được vào gương. Mắt nàng đỏ ngầu với vẻ hoang dại. Lạy Chúa; mình vừa mới giết người. Nàng trở lại phòng khách. Joe Romano nằm trên sàn, máu hắn rớt lên trên tấm thảm trắng. Tracy đứng bên, mặt trắng bệch. “Tôi xin lỗi, nàng nói một cách ngớ ngẩn. “Tôi không cố ý”. “Xe cấp cứu:..” hắn hổn hển. Tracy chạy vội tới điện thoại gọi tổng đài, giọng như tắc nghẽn lại. “Tổng đài, xin gửi tới xe cấp cứu ngay. Số 4201 quảng trường Jackson. Một người đàn ông bị bắn”. Nàng gác máy và nhìn xuống Romano. Ôi, lạy Chúa, đừng để ông ta chết. Chúa biết con không có ý giết ông ta. Nàng quỳ xuống bên cạnh cái thân thể đang nằm trên sàn để xem hắn còn sống không. Hai mắt hắn nhắm nghiền, song hắn vẫn đang thở. “Xe cấp cứu đang đến”. Tracy an ủi. Nàng bỏ đi. Nàng kiềm chế không chạy, sợ rằng gây chú ý, quấn chặt áo khoác để che đi áo trong bị rách toạc. Qua được bốn khu nhà, nàng Đón tắc xi. Tới sáu, bảy chiếc lướt qua, với những người khách vui vẻ ở trong xe. Từ xa, Tracy nghe tiếng còi hụ đang tới gần và giây lát sau chiếc xe cấp cứu lao vụt qua, hướng về phía ngôi nhà Romano. Mình phải rời khỏi nơi đây, Tracy nghĩ. Phía trước một chiếc tắc xi dừng lại để khách xuống. Tracy chạy tới. “Có chở khách không?”. “Còn tùy. Cô đi đâu?”. “Phi trường”. Nàng nín thở. “Vào đi”. Trên đường ra phi trường, Tracy nghĩ tới chiếc xe cấp cứu. Nếu họ quá muộn và Joe Romano đã chết thì sao? Nàng sẽ là kẻ sát nhân. Nàng đã bỏ lại khẩu súng, và dấu tay nàng ở trên đó. Nàng có thể khai với cảnh sát rằng bị Romano cưỡng dâm và khẩu súng bị cướp cò, song họ sẽ chẳng bao giờ tin. Nàng đã mua cái khẩu súng đó. Bao nhiêu thời gian đã qua? Nửa giờ? Một giờ? Phải rời khỏi New Orleans càng sớm càng tốt. Ngày hội vui chứ?” Người lái xe hỏi. Tracy nuốt nước miếng, Tôi ... Vâng”. Nàng lấy cái gương nhỏ ra và làm tất cả những gì có thể để lấy lại vẻ mặt bình thường. Nàng đã quá ngốc với việc buộc Joe thú tội Tất cả đã hỏng bét cả. Biết nói với Charles thế nào đây? Nàng biết anh sẽ giật mình, song sau khi nghe giải thích chắc anh sẽ biết phải làm gì. Khi tắc xi tới phi trường, Tracy băn khoăn tự hỏi, có phải mới chỉ sáng nay mình đã ở đây không nhỉ? Tất cả xảy ra trong một ngày thôi ư? Việc tự sát của mẹ .... nỗi sợ hãi khi bị cuốn vào đám rước ... gã đàn ông hằn học. “Mày bắn tao chết rồi ... đồ chó đẻ ...”. Bước vào phòng vé, Tracy thấy như mọi người đều, nhìn nàng với vẻ buộc tội. Đó là điều tất nhiên với một lương tâm tội lỗi, nàng nghĩ, giá có cách nào biết về tình trạng của Joe Romano, song không biết hắn được đưa tới bệnh viện nào và phải gọi ãi. Hắn sẽ qua khỏi. Charles và mình sẽ trở lại dự lễ tang mẹ và Joe Romano sẽ khỏe. Nàng cố quên đi hình ảnh người đàn ông nằm trên tấm thảm trắng, máu nhuốm đỏ. Phải nhanh chóng trở về với với Charles. Tracy tới quầy bán vé hãng hàng không Delta. “Cho tôi một vé chuyến bay gần nhất đi Philadelphia. Du lịch”. Nhân viên khách vẫn bấm máy tính. “Sẽ có chuyến bay Ba - Không - Bốn. Cô thật may. Tôi chỉ còn dư một chỗ”. “Khi nào thì chuyến báy xuất phát?”. “Hai mươi phút nữa. Cô vừa đủ thời gian ra máy bay”. Đúng lúc lấv bóp Tracy cảm thấy, chứ không phải là nhìn thấy, hai cảnh sát viên mặc đồng phục bước tới hai bên nàng. Một trong hai người nói. “Cô là Tracy Whltney?”. Tim nàng ngừng đập trong giây lát. Thật ngớ ngẩn khi chối bỏ điều này, nàng nghĩ. “Vâng”. “Cô bị bắt”. Và Tracy cảm thấy chất thép lạnh của chiếc công siết lên hai cổ tay. Nàng bị đẫn ra khỏi phi trường, tay bị khóa liền với một trong hai cảnh sát, rồi bị đẩy vào đằng sau một chiếc xe cảnh sát sơn màu đen và trắng, có tấm ngăn bằng kim loại giữa băng trước và băng sau. Chiếc xe lao vút ra khỏi đám đông với đèn hiệu màu đỏ nhấp nháy cùng tiếng còi hụ. Nàng co rúm người trong băng ghế sau, cố để khỏi bị nhìn thấy. Nàng là kẻ giết người. Joe Romano đã chết. Song đó chỉ là ngẫu nhiên. Nàng sẽ giải thích việc đã xảy ra. Họ phải tin. Đồn cảnh sát mà Tracy bị đưa tới nằm trong quận Algiers trên bờ Tây sông New Orleans, một tòa nhà đầy vẻ dọa dẫm, vô vọng. Phòng đợi đầy nghẹt những khuôn mặt rầu rĩ, gái làm tiền, bọn ma cô dẫn gái, và các nạn nhân của chúng. Tracy bị dẫn đến trước bàn trực ban. Một trong hai người đã bắt giữ nàng báo cáo. “Thưa trung sĩ, cô Whitney. Chúng tôi đã bắt cô ta tại phi trường khi cô ta đang định tẩu thoát”. “Tôi không ...”. “Mở khóa ra”. Chiếc còng tay được gỡ ra. Tracy cất lời. “Đó là việc chẳng may. Tôi không định giết ông ta. Ông ta toan hãm hiếp tôi.,.” Nàng không nén nổi sự kích động trong giọng nói. Viên trung sĩ trực ban nói cộc cằn. “Cô là Tracy Whitney?”. “Vâng, tôi ...”. “ôKhóa tay cô ta lại”. “Khoan, hãy đợi một chút”, nàng nài xin. “Tôi phải gọi điện thoại cho một người. Tôi ... tôi có quyền gọi điện thoại một lần”. Viên trung sĩ làu bàu, “Cô biết quy định này hả? Bao nhiêu lần rồi, cô em?”. Chưa lần nào. Đây là ...”. “Cô được gọi một lần. Ba phút. Gọi số máy nào?”. Nàng bối rối đến mức không thể nhớ nổi số điện thoại của Charles. Thậm chí không nhớ cả số mã của Philadelphia. Có phải Hai - năm - một không nhỉ? Không. Không phải thế. Nàng cảm thấy run rẩy. “Lẹ lên. Tôi không chờ cả đêm được đâu”. Hai - một - năm. Đúng thế? “Hai - một - năm - năm - năm - năm - chín - ba - không - một”. Viên trung sĩ quay máy và trao ống nói cho Tracy. Nàng nghe tiếng chuông reo. Tiếng chuông reo mãi. Không ai trả lời. Charles phải có nhà chứ. Viên trung sĩ nhắc, “Hết giờ”. Anh ta đưa tay cầm ống nghe lại. “Xin đợi?” Tracy kêu lên. Song nàng bỗng nhớ ra là Charles khóa chuông vào ban đêm để khỏi bị quấy rầy. Nàng lắng nghe tiếng chuông trống rỗng và nhận ra rằng không có cách nào liên lạc với anh được. Viên trung sĩ lại hỏi. “Xong chưa?”. Tracy ngước nhìn anh ta và đáp buồn bã. “Tôi xong rồi”. Một viên cảnh sát mặc sơ mi trần dẫn Tracy tới một căn phòng để ghi tên và để lấy dấu tay, rồi dẫn qua một hành lang hẹp và nhất nàng vào một buồng giam nhỏ. “Sáng mai người ta sẽ lấy cung”, viên cảnh sát bảo, rồi bỏ đi. Không có gì thật trong chuyện này cả. Tracy nghĩ, Tất cả chỉ là một giấc mơ khủng khiếp. Ôi lạy Chúa, xin đừng để chuyện này là sự thực. Đêm trôi đi chậm chạp như không bao giờ hết. Giá. mình có thể liên lạc với Charles. Nàng cần anh lúc này hơn bất cứ ai nàng đã từng cần trong đời. Mình đáng nhẽ phải nói hết mọi chuyện từ đầu với anh, và chuyện thế này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Tới sáu giờ sáng, một người gác mệt mỏi mang tới cho Tracy ly cà phê âm ấm và tô cháo bột lạnh lẽo. Nàng không dộng tới. Lòng dạ nàng rối như tơ vò. Chín giờ, một nữ giám thị đến. “Đến giờ đi rồi, cô bé”. Chị ta mở khóa buồng giam. “Tôi cần gọi điện thoại”, Tracy nói. “Tôi rất cần”. “Sau đã”, chị ta ngắt lời. “Cô không muốn ông thẩm phán phải chờ đợi chứ. Lão ta là cái đồ chó đẻ đê tiện”. Chị ta dẫn Tracy theo dọc hành lang, tới phòng xử án.Một viên thẩm phán già đã ngồi sẵn trên ghế. Đầu và tay ông ta luôn giật giật. Trước mặt ông ta là viên chưởng lý, Ed Topper, một người đàn ông dáng nhẹ nhõm ở độ tuổi ngoài bốn mươi với mái tóc muối tiêu và cặp mắt đen lạnh lùng. Tracy được dẫn tới một cái ghế và giây lát sau tiếng viên mõ tòa vang lên. “Nhân dân xét xử Traey Whitney”. Viên thẩm phán đọc lướt một tờ giấy trước mặt ông ta, đầu gật gật. Bây giờ là lúc để nàng giải thích với những người có thẩm quyền thực sự về việc đã xảy ra. Nàng nắm chặt hai tay vào nhau để chúng khỏi run. “Thưa ngài, Đó không phải là một vụ giết người cố ý. Tôi không bắn, mà chỉ muốn dọa ông ta thôi. Ông ta toan hiếp tôi và ...”. Viên chưởng lý ngắt lời. “Thưa ngài, tôi không thấy cần phải phí phạm thời gian của tòa. Người phụ nữ này đã đột nhập vào nhà ông Romano, vũ trang bằng một khẩu súng cỡ đạn 32, ăn cắp một bức họa Renoir trị giá nửa triệu đôla, và khi bị ông Romano bắt quả tang, cô ta đã bắn ông một cách dã man và bỏ mặc ông nằm chờ chết”. Mặt Tracy tái đi, “Cái gì? Ông ta đang nói về cái gì vậy?”. Lời nàng chẳng có ý nghĩa gì. Viên chưởng lý lớn tiếng, “Chúng tôi có khẩu súng đã bắn bị thương ông Romano. Trên đó có dấu tay cô ta. Bị thương! Vậy là Joseph Romano còn sống? Nàng đã không giết ai cả. “Cô ta đã tẩu thoát cùng với bức họa, thưa ngài, có thể giờ đây nó đang ở trong tay một kẻ đồng lõa nào đó bởi vậy tiểu bang này yêu cầu rằng Tracy Whitney phải bị giam giữ vì tội mưu sát và cướp có vũ trang, với khoản tiền thế chân được đặt ra là nửa triệu đô la”. Viên thẩm phán nhìn sang Tracy, đang ngây ra vì choáng váng. “Cô có luật sư đại diện cho không?”. Thậm chí nàng không nghe thấy lời ông ta. Ông ta cao giọng, “Cô có luật sư riêng không?”. Tracy lắc đầu. “Không. Tôi ... cái ... cái mà người này nói là không đúng. Tôi chưa bao giờ ...”. “Cô có tiền thuê luật sư không?”. Có tiền lương của nàng ở nhà băng. Có Charles. “Tôi ... không, thưa ngài, song tôi không hiểu ...”. “ôTòa sẽ chỉ định một luật sư cho cô. Cô bị buộc tạm giam, trừ phi có năm trăm ngàn thế chân. Vụ tiếp theo”. “Khoan? Đây hoàn toàn là một sự nhầm lẫn! Tôi không ...”. Tracy không nhớ nổi mình bị đưa ra khỏi phòng xử án như thế nào. Tên của viên luật sư mà tòa chỉ định là Perry Pope. Ông ta gần bốn mươi tuổi, gương mặt thông minh song dữ dội và cặp mắt xanh vẻ thông cảm. Tracy lập tức thấy thích ông ta. Pope bước vào buồng giam, ngồi xuống giường và nói. “Rồi. Cô mới tới thành phố này 24 giờ và đã tạo ra một sự sửng sốt,” Ông ta nối tiếp, “song may là cô bắn rất tồi. Đó chỉ là một vết thương ở phần mềm. Romano sẽ sống”. Ông ta lấy ra cái tẩu. “Không phản đối chứ?” - “Không sao”. Ông ta nhồi thuốc, châm tẩu và nhìn dò xét Tracy. “Coi bộ cô không giống những kẻ tội phạm khác, cô Whitney”. “Tôi không có tội, tôi thề là như thế. “Tôi tin”. Ông ta đáp. “Kể tôi nghe chuyện xảy ra. Từ đầu. Cứ từ từ”. Tracy kể lại với ông ta. Tất cả mọi chuyện. Perry Pope ngồi im lặng nghe cho tới khi Tracy kể xong. Rồi ông ta ngả người dựa lưng vào tường buồng giam, nét ưu tư hiện trên mặt. “Đồ khốn nạn”. Pope nói trầm trầm. “Tôi không hiểu họ nói gì”. Cặp mắt Tracy đầy vẻ rối bời. “Tôi có biết gì về bức họa nào đâu”. Rất đơn gịản Joe Romano đã dùng cô như một vật hy sinh, cũng giống như đã dùng mẹ cô. Cô đã bước thẳng vào một cái bẫy”. “Tôi vẫn không hiểu”. “Vậy để tôi nói rõ cho cô nghe. Romano sẽ đưa một yêu sách bảo hiểm nửa triệu đôla cho bức họa Renoir mà hắn đang cất giấu đâu đó, và hắn sẽ nhận được khoản tiền này. Công ty bảo hiểm sẻ rình rập cô chứ không phải hắn. Khi mọi chuyện đã êm, hắn sẽ bán bức họa và kiếm thêm nửa triệu nữa nhờ vào hành động dại dột của cô. Cô đã nhận ra rằng đòi hỏi sự thú tội với một họng súng là vô nghĩa chưa?”. “Tôi cũng đã thấy vậy. Tôi chỉ nghĩ nếu buộc được ông ta phải nói lên sự thật, thì người ta sẽ mở một cuộc điều tra”. Cái tẩu thuốc của Pope tắt ngấm. Ông ta châm lại nó. “Cô đã vào nhà hắn như thế nào?”. “Tôi bấm chuông và Romano để tôi vào”. “Hắn ta không nói vậy. Có một cái cửa sổ bị đập vỡ kính ở phía sau ngôi nhà, và hắn nói rằng cô đã đột nhập vào lối đó Hắn khai với cảnh sát là thấy cô đang chạy ra với bức họa Renoir trên tay và khi hắn cố chặn lại, cô đã bắn hắn và bỏ chạy”. “Dối trá. Tôi ...”. “Nhưng đó là lời của hắn khai, nhà của hắn ta, và khẩu súng thì của cô. Có biết là cô đang đương đầu với ai không. Tracy lắc đầu. “Vậy để tôi cho biết nhé, cô Whitney. Thành phố này hoàn toàn nằm trong tay gia đình Orsatti. Không có việc gì diễn ra ở đây mà không có sự cho phép của Anthony Orsatti. Nếu cố muốn được phép xây cao ốc, mở một xa lộ, chứa gái, mở sòng bạc hoặc tiệm hút, cô hãy gặp Orsatti. Joe Romano đầu tiên làm kẻ giết thuê cho ông ta. Giờ đây, hắn là một người có thế lực loại nhất trong băng của Orsatti”. Ông ta nhìn nàng một cách băn khoăn. “Thế mà cô đã bước vào nhà Romano và chỉa súng vào hắn”. Tracy ngồi đó, chết lặng và kiệt sức. Sau cùng nàng hỏi, “Ông có tin vào câu chuyện của tôi không?”. Ông ta mỉm cười. “Cô hoàn toàn đúng. Thật đáng buồn đó lại là sự thật”. “Ông có thể giúp tôi không?”. Ông ta đáp chậm rãi “Tôi sẽ cố. Tôi sẽ làm tất cả để buộc chúng phải ngồi tù. Chúng nắm cả thành phố này và hầu hết các thẩm phán. Nếu có ra tòa, chúng sẽ chôn vùi cô tới mức chẳng bao giờ cô còn nhìn thấy ánh sáng. Tracy nhìn ông ta, hoảng hất. “Nếu tôi ra tòa ư?”. Pope đứng dậy và đi đi lại lại trong căn buồng giam chật hẹp. “Tôi không muốn cô phải đối mặt với bồi thẩm đoàn, vì lẽ, hãy tin tôi, đó sẽ là người của hắn. Chỉ có duy nhất một thẩm phán mà Orssatti chưa bao giờ mua được, đó là ông Henry Lawrence. Nếu như tôi có thể thu xếp để ông ta xử vụ này, tin rằng tôi sẽ giúp được cô nhiều. Kể ra là trái quy định, song tôi có thể nói chuyện riêng với Lawrence. Ông ấy cũng căm ghét Orsatti và Romano giống như tôi. Lúc này tất cả những gì chúng ta phải làm là liên hệ được với thẩm phán Lawrence”. Perry Pope đã dàn xếp để Tracy có thể gọi điện cho Charles. Nàng nghe giọng nói quen thuộc của thư ký riêng của Charles. “Văn phòng ngài Stanhope đây”. “Harriet? Tracy Whitney đây. Có ...?”. “Ôi! Ông ấy đã tìm cách gặp cô mãi, thưa cô Whitney, song chúng tôi không có số điện thoại của cô. Bà Stanhope cứ sốt ruột muốn bàn chuyện cưới xin với cô đấy Khi nào có thể, cô gọi điện cho bà ngay đi”. “Harriet, hãy cho tôi nói chuyện với ông Stanhope?”. “Rất tiếc, cô Whitney. Ông ấy đang trên đường đi Honston dự một hội nghị. Nếu được biết số máy của cô, tôi tin ông ta sẽ gọi cho cô ngay khi nào có thể”. “Tôi ...” Làm sao nàng có thể để anh gọi nàng trong tù được. Không thể được, chừng nào nàng chưa giải thích với anh mọi nhẽ. “Tôi ... tôi sẽ gọi lại cho ông Stanhope”. Nàng từ từ gác máy. Ngày mai, Tracy nghĩ. Mình sẽ giải thích tất cả cho Charles vào ngày mai. Chiều hôm đó Tracy được chuyển tới phòng giam lớn hơn. Một bữa chiều nóng sốt và thơm ngon được đưa tới, và sau đó là bó hoa tươi và một tấm thiếp cài trên đó. Tracy mở phong bì, lấy ra tấm thiếp. YÊN TM, CHÚNG TA SẼ THẮNG LŨ KHÔN NẠN. PERRY POPE. Sáng hôm sau, ông ta tới thăm Tracy. Ngay khi nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt Pope, nàng biết ngay là có tin tốt lành. “Chúng ta thật may, ông ta kêu lên. “Tôi vừa gặp thẩm phán Lawrence và ông Topper cồng tố viên. Topper gầm lên như một con quỷ. Song chúng ta đã có được một giải pháp”. “Một giải pháp?”. “Tôi kể với thẩm phán Lawrence toàn bộ câu chuyện của cô. Và ông ta chấp thuận một lời thú tội”. Tracy giật bắn mình. “Một lời thú tội ư? Song tôi không ...”. Ông ta giơ tay lên. “Nghe đã. Bằng việc nhận tội, cô sẽ giúp nhà nước tiết kiệm khoản án phí. Tôi đã thuyết phục được ông thẩm phán rằng cô không lấy cắp bức họa. Ông ấy biết Romano và ông ấy tin tôi”. “Nhưng ... Nếu tôi nhận tội”, Tracy hỏi từ tốn, “Họ sẽ xử tôi thế nào?”. “Thẩm phán Lawrence sẽ phạt cô ba tháng ngồi trong tù vởi”. “Trong tù?”. “Đợi một chút. Ông ta sẽ xử án treo, và cô có thể được chính quyền tiểu bang tạm tha có thử thách”. “Nhưng khi đó tôi sẽ ... tôi sẽ có một tiền án à?”. Perry Pope thở dài. “Nếu họ đưa cô ra tòa về tội cướp có vũ trang và mưu sát, cô có thể bị xử tù tới mười năm”. Mười năm trong tù. Perry Pope quan sát nàng một cách kiên nhẫn. “Quyết định là của cô”, ông ta nói? Tôi chỉ biết cho cô lời khuyên tốt nhất có thể. Tôi dứt ra được vụ này thì tuyệt. Họ muốn có câu trả lời bây giờ. Cô không bắt buộc phải chấp nhận cách giải quyết đó. Cô có thể kiếm một luật sư khác và ...”. “Không”. Tracy biết rằng người đàn ông này là ngay thẳng. Trong hoàn cảnh này, với hành động điên rồ của nàng, ông ta đã làm mọi thứ có thể làm được vì nàng. Giá mà có thể nói chuyện với Charles. Song họ cẩn có câu trả lời bây giờ. May ra nàng có thể qua khỏi với một bản án ba tháng tù treo. “Tôi sẽ ... tôi sẽ làm theo thế”. Tracy nghiến răng nói. Ông ta gật đầu. “Tốt lắm, cô bé”. Cho tới khi bị đưa tới một phòng xử án, Tracy đã không được gọi cú điện thoại nào cả. Ed Topper đứng ở một bên nàng và phía bên kia là Perly Pope, Ngồi trên ghế quan tòa là một người đàn ông vẻ oai vệ ở độ tuổi năm mươi, với khuôn mặt nhẵn nhụi và mớ tóc dày kiểu cách. Chánh án Henry Lawrence nói với Tracy. “Tôi được thông báo rằng bị cáo từ chỗ kêu oan nay đã nhận tội. Điều đó có đúng không?”. “Vâng, thưa ngài”. “Tất cả các bên tán thành chứ?”. Perry Pope gật đầu. “Vâng thưa ngài”. “Tiểu bang đồng ý, thưa ngài”, viên công tố nói. Chánh án Lawrence ngồi im lặng một lúc lâu. Sau đó, dướn người về phía trước và nhìn thẳng vào mắt Tracy. “Một trong những lý do mà đất nước vĩ đại của chúng ta ở trong tình hình đáng buồn như hiện nay là việc đường phố đầy những kẻ vô lại, chúng nghĩ rằng muốn làm gì cũng được. Người ta đã nhạo báng pháp luật. Một số tòa án trong nước đã nương nhẹ bọn tội phạm, song ở Louisiana này chúng ta không tin có điều đó. Chúng ta tin rằng kẻ đó phải bị trừng phạt thích đáng”. Tracy bắt đầu cảm thấy nỗi lo ngại. Nàng quay nhìn Perry Pope. Ông ta thì đang nhìn vào quan tòa. “Bị cáo đã thú nhận mưu toan giết hại một công dân đáng kính trong cộng đồng của chúng ta - một người nổi tiếng vì lòng từ thiện và vì công việc. Bị cáo đã bắn ông ta trong lúc đang ăn cắp một tác phầm nghệ thuật trị giá nủa triệu dô la. Thế nhưng, phiên tòa này sẽ không để ngươi hưởng số tiền đó - trong mười lăm năm tới bởi vì trong thời gian đó ngươi sẽ bị giam trong nhà tù nữ Nam Louisiana”. Tracy cảm thấy quay cuồng. Một trò đùa quá quắt, độc ác đang diễn ra. Quan tòa là một diễn viên đọc trệch vai diễn của mình. Ông ta đúng ra không được nói một lời nào trong số đó. Nàng quay sang phân trần với Perry Pope, song cặp mắt ông ta lảng tránh nàng. Ông ta đang múa may với mấy tờ giấy để trong cặp, và lần đầu tiên Tracy nhận rõ bộ mặt thật của ông ta. Chánh án Lawrence đứng dậy thu dọn giấy tờ. Tracy chết lặng, và không thể hiểu nổi điều đang xảy ra với mình. Một nhân viên tòa án tới bên nàng. “Đi nào”. Anh ta nói. “Không”. Tracy kêu lên. “Xin đợi!” Nàng nhìn lên quan tòa “Có một sự nhầm lẫn khủng khiếp thưa ngài. Tôi ...”. Và khi cảm thấy cánh tay bị siết chặt, Tracy nhận ra là không có sự nhầm lẫn nào hết. Nàng đã bị lừa. Cũng như chúng đã lừa mẹ nàng. Chương 04 Tin tức về vụ Tracy Whitney xuất hiện trên trang đầu tờ New Orleans, cùng với tấm hình nàng do cảnh sát cung cấp và khi Tracy bị dẫn ra khỏi phòng xử án nàng đã chạm trán với một đám phóng viên truyền hình. Nàng muốn giấu mặt vì nhục nhã song không thể tránh khỏi các ống kính. Bản thân Romano đã là tin tức, và việc ông ta bị mưu sát bởi một cô gái trộm cắp xinh đẹp thì lại còn là tin hấp dẫn hơn nữa. Với Tracy, dường như nàng đã bị vây bọc bởi toàn kẻ thù. Charles sẽ giải thoát cho mình. Nàng cứ tự nhủ vậy. Ôi lạy Chúa, hãy để Charles giải thoát cho con. Con không thể sinh con trong nơi tù ngục. Cho mãi tới sáng hôm sau, viên trung sĩ trực ban mới cho phép Tracy dùng điện thoại. Hamet trả lời. “Văn phòng ngài Stanhope đây”. “Harriet, Tracy Whitney đây. Tôi muốn nói chuyện với ông Stanhope”. “Đợi một chút, cô Whitney”. Nàng nghe thấy giọng lưỡng lự của người thư ký. “Tôi sẽ ... tôi sẽ coi xem ngài Stanhope có đây không”. Sau một lúc chờ đợi đầy lo lắng? cuối cùng Tracy nghe thấy tiếng anh, nàng đã có thể òa khóc lên vì mừng rỡ. “Charles”. “Trảcy hả? Phải em không, Tracy?”. “Vâng, anh yêu quí. Ôi, Charles, em đã cố liên lạc với anh”. Anh đang phát đlên lên đây, Tracy! Báo chí đầy những câu chuyện điên rồ về em. Anh không thể tin được. “Không hề có chuyện đó, anh. Không hề. Em ...”. “Sao em không gọi anh?”. “Em đã cố gọi anh mà không được. Em ...”. “Giờ em ở đâu?”. “Em ... em đang trong nhà giam ở New Orleans. Charles, họ sắp đưa em vào tù vì một việc em không hề làm”. Nàng nức nở. “Bình tĩnh. Nghe anh nào. Báo chí đưa tin em đã bắn một gã nào đó. Không phải vậy chứ?”. “Em có bắn hắn, song ...”. “Vậy ra là đúng?”. “Chuyện vậy mà không phải vậy, anh ạ. Không phải thế chút nào. Em có thể giải thích cho anh. Em ...”. “Tracy, có phải em đã nhận tội mưu sát và đánh cắp bức họa phải không”. “Vâng, Charles song chỉ vì ...”. “Lạy Chúa, nếu cần tiền đến thế thì em phải nói với tôi chứ ... Lại toan giết một ai đó ... Tôi không thể tin được chuyện này. Cha mẹ tôi cũng vậy. Tln về cô được đưa lên hàng đầu của tờ Philađelphia (News) sáng nay là lần đầu tiên có một vụ bê bối dính dáng tới gia đình Stanhope”. Chính sự kiềm chế ghê gớm trong giọng nói của Charles đã làm Tracy nhận thấy sự lo ngại sâu sắc của anh. Nàng đã trông chờ vào anh một cách tuyệt vọng, và anh lại ở về phía với bọn họ. Nàng cố để không kêu lên. “Anh yêu, em cần có anh. Tới đây với em đi. Anh có thể làm sáng tỏ mọi chuyện”. Một phút im lặng kéo dài. “Có vẻ như chẳng còn gì để làm sáng tỏ nữa. Đúng vậy, vì cô đã thú nhận mọi việc. Gia đình tới không thể chấp nhận dính líu tới chuyện này. Chắc cô cũng thấy đấy. Đây là một sự bất ngờ khủng khiếp. Rõ ràng là chưa bao giờ tôi biết cô cả”. Mỗi lời như một nhát búa giáng xuống. Cả thế giới sụp đổ trước mắt nàng. Chưa bao giờ nàng lại cảm thấy cô độc đến thế. Chẳng còn ai. “Còn ... còn về đứa con thì sao?”. “Cô sẽ phải làm điều gì mà cô cho là tốt nhất đối với đứa con của cô”. Charles đáp. “Tôi xin lỗi, Tracy”. Và điện thoại bị ngắt. Nàng đứng đó, tay vẫn nắm chặt chiếc ống nghe câm lặng. Một tù nhân đứng sau cất tiếng, “Nếu xong rồi, cô bạn, để tôi gọi luật sư của tôi”. Khi Tracy được đưa lại phòng giam, người nữ giám thị nhắc. “Sáng mai, người ta sẽ đưa cô đi vào lúc năm giờ”. Nàng có một người tới thăm. Otto Schmidt dường như già sọp đi đến mấy tuổi trong ít giờ đồng hồ kể từ khi Tracy gặp lần cuối. Trông bác ta có vẻ bệnh. “Tôi tới chỉ để nói với cô rằng vợ chồng tôi rất buồn lòng. Chúng tôi biết, dù gì chăng nữa thì cũng không phải là lỗi của cô”. Giá mà Charles đã nói thế? “Vợ chồng tôi sẽ có mặt trong buổi tang lễ bà Dons ngày mai”. “Cảm ơn bác, bác Otto”. Họ sẽ chôn cả hai mẹ con nàng vào ngày mai, Tracy thầm nghĩ, cay đắng. Nàng thức suốt đêm, nằm trên chiếc giường hẹp, mắt nhìn trân trối lên trần nhà. Trong óc nàng câu chuyện với Charles cứ lặp đi lặp lại mãi. Anh đã không cho nàng kịp mở miệng phân trần. Nàng phải nghĩ tới đứa con. Nàng đã được đọc về những phụ nữ sinh con nơi tù ngục, nhưng đó là những chuyện xa xôi với cuộc sống của nàng, tới mức dường như nàng đã đọc về những người ở một hành tinh khác. Giờ đây chuyện đang xảy ra với chính nàng, và nàng sẽ phải làm điều mà nàng cho là tất nhất đối với đứa con của mình. Charles đã nói thế. Thế nhưng, nàng nghĩ, họ sẽ không để mình có nó. Họ sẽ cướp nó khỏi tay mình bởi lẽ mình sẻ ở trong tù mười lăm năm tới. Tất nhất là để nó không bao giờ biết mẹ nó cả. Nàng nức nở. Lúc năm giờ sáng, một người gác, cùng đi có một nữ giám thị, bước vào phòng giam. “Tracy Whitney?”. “Dạ”. Nàng ngạc nhiên với giọng nói của chính mình. “Theo lệnh của tòa hình sự tiểu bang Louisiana khu vực Orleans, cô sẽ được đưa tới nhà tù nữ Nam Louisialla. Hãy động tay động chân đi, cô bạn”. Nàng được dẫn dọc theo hành lang, ngang qua những phòng giam chật ních tù nhân. Hàng chuỗi tiếng la ó. “Đi bình yên, cô bé ...”. “Nói coi giấu bức tranh ở đâu, Tracy bé bỏng, tôi sẽ chia khoản tiền này với cô ...”. “Nếu tới Ngôi nhà lớn, hãy tìm Ernestine Littlechap. Chị ta sẽ trông nom săn sóc cô ...”. Tracy đi ngang chiếc máy điện thoại mà nàng đã dung để gọi Charles. Tạm biệt, Charles. Nàng đứng trong cái sân rộng. Một chiếc xe nhà tù màu vàng với những ô cửa có song sắt đã đậu ở đó, máy vẫn nổ đều đều. Một nửa tá phụ nữ đang ngồi trong xe, có hai lính gác cầm súng đứng canh. Tracy nhìn từng khuôn mặt những người bạn đồng hành. Có khuôn mặt đầy vẻ thách thức, một khuôn mặt khác mệt mỏi, còn thì đầy thất vọng. Họ sẽ là những người bị giam hãm, như những con vật. Tracy băn khoăn không biết họ đã phạm những tội gì và liệu có ai trong họ cũng vô tội như nàng không, và tự hỏi không biết bọ sẽ thấy gì từ vẻ mặt nàng. Chuyến đi trên chiếc xe chở tù tưởng như dài vô tận, nóng nực và hôi hám, song Tracy không có ý thức gì về chuyện đó. Nàng thu mình lại, không còn biết gì về những người khác hay về cảnh quan tưới xanh hai bên đường. Nàng đang ở một nơi khác, một thời điểm khác. Nàng là một cô bé nhỏ xíu trên bãi biển cùng cha mẹ, và cha đang mang nàng trên vai, đi thẳng ra biển, khi nàng kêu lên thì cha nói, đừng làm một cô bé nữa, Tracy, rồi ông thả nàng xuống làn nước lạnh. Khi nước trùm qua đầu nàng hoảng sợ và bị sặc, thì cha lại nâng lên rồi lại làm lại như thế, và từ đó Tracy sợ nước khủng khiếp. Giảng đường trường đại học đầy chật, sinh viên cùng cha mẹ hay bà con của họ. Nàng là đại biểu sinh viên, và đã nới trong mười lăm phút. Bài diễn văn của nàng chan chứa những ý tưởng cao đẹp, những cách đề cập thông minh tới quá khứ và những ước mơ ngời sáng về tương lai. Vị trưởng khoa đã trao tặng nàng chiếc chìa khóa Kapa. Con muốn mẹ giữ nó cơ, Tracy nói với mẹ, và nét tự hào trên gương mặt nàng thật là đẹp ... Mẹ, con sẽ đi Philadelphia. Co có chỗ làm ở trong một nhà băng ở đó. Nàng đã nói thế. Annie Mahler, cô bạn thân nhất đã gọi dây nói cho nàng. Bạn sẽ yêu Philađelphia cho mà coi, Tracy. Đời sống văn hóa của nó tuyệt lắm. Phong cảnh đẹp, và nơi đây thiếu phụ nữ lắm. Ý tôi muốn nói, đàn ông ở đây thật sự đói khát phụ nữ. Tôi có thể kiếm cho bạn một chỗ làm ở trong nhà băng nơi tôi đang làm việc ...”. Charles đang làm tình với nàng. Nàng nhìn bóng anh trên tường và nghĩ, biết bao cô gái muốn được ở vị trí của mình nhỉ? Charles là một món bỏ. Và ngay tức khắc nàng thấy xấu hổ với ý nghĩ đó. Nàng yêu anh. Và lại cảm thấy tội lỗi. “Này? Tôi đang nói với cô đấy. Điếc à? Đi”. Tracy ngước nhìn. Nàng đang ở trong chiếc xe chở tù màu vàng. Nó đã dừng trước một khu vực được bao bọc bởi những bức tường xám xịt, ảm đạm. Một dãy tường rào cỏ lưới thép gai ở bên trên vây quanh lấy khoảng năm trăm mẫu Anh đồng cỏ và rừng - đó là toàn bộ khu nhà tù nữ Nam Louisiana. “Ra ngay”, một cảnh sát quát. “Tới nơi rồi”. Nơi đây là địa ngục. Chương 05 Một nữ giám thị to khỏe, vẻ mặt sắt đá với bộ tóc nâu đen đang nói với những tù nhân mới đến. “Một số trong các người sẽ ở lại đây trong một thời gian dài, rất dài. Chỉ có một cách sống ở đây thôi, đó là quên đi thế giới bên ngoài. Các người có thể sống thoải mái hoặc nặng nề. Chúng ta có những quy định ở đây, và các người phải tuân thủ nó. Chúng ta sẽ bảo cho các người biết lúc nào phải dậy, lúc nào làm việc, lúc nào thì ăn, và lúc nào thì vào to let. Nếu vi phạm bất kỳ một quy định nào, thì lúc đó các người sẽ mong thà chết đi được còn hơn. Chúng ta muốn giữ mọi thứ bình yên và biết cách đối xử vôi những kẻ gây rối như thế nào”. Mắt bà ta hướng tới Tracy. “Bây giờ các người sẽ được kiểm tra sức khỏe. Rồi sẽ đi tắm và sẽ được đưa tới các” buồng giam. Vào buổi sáng các người sẽ nhận các công việc phải lao động trong ngày. Xong”. Bà ta quay ra. Một cô gái trẻ xanh nhợt đứng bên Tracy dụt dè. “Xin lỗi, có thể”. Bà giám thị quay lại vẻ mặt hầm hầm. “Câm mẹ cái mồm lại. Ngươi chỉ nói khi người ta hỏi thôi, hiểu chưa? Điều đó là tất cho ngươi đấy, đồ cứt”. Giọng lưỡi cũng như từ ngữ làm cho Tracy giật mình. Mụ giám thị vẫy người gác ở cuối phòng. “Đưa những con chó láo xược này ra khỏi đây đi”. Tất cả bị lùa ra ngoài, theo dọc một hành lang hẹp rồi tới một căn phòng lớn trắng toát, nơi một người đàn ông to béo vận chiếc áo bờ lu bẩn thỉu đang chờ săn bên cái bàn dài. Một nữ giám thị hô, “Xếp hàng” và xua những người phụ nữ đứng thành một hàng dài. Người đàn ông mặc áo bờ lu nói, “Tôi là bác sĩ Glosco, thưa các quý cô. Lột ra!”. Đám tù nữ nhìn nhau ngơ ngác. Một trong số họ cất lời “Cởi đến thế nào?”. “Các người không hiểu thế nào là lột hả? Cởi quần áo ra ... cởi tất”. Họ chậm chạp làm theo. Một số ngượng ngùng, một số thấy nhục nhã, một số khác thản nhiên. Phía bên trái Tracy là người đàn bà trạc bốn mươi, run rẩy, và phía bên phải là một cô gái ốm nhom, đến thảm hại, coi bộ chừng mới mười bẩy, mười tám. Da cô ta đầy những nốt mụn nhỏ. Gã bác sĩ ngoắc ngoắc người phụ nữ đứng đầu hàng. “Nằm lên trên và dạng chân ra”. Người phụ nữ ngập ngừng. “Nhanh lên. Bao nhiêu người phải chờ cô đấy”. Cô ta đành làm theo. Gã bác sĩ đút chiếc ống soi vào trong âm đạo của cô. Vừa xem hắn vừa nói. “Có bệnh hoa liễu gì không”. “Không”. “Ta sẽ thấy điều đó ngay thôi”. Sau cô, một người phụ nữ khác nằm lên trên bàn. Khi gã bác sĩ bắt đầu đút cái ống soi vào đó, Tracy kêu lên, “Hãy khoan”. Gã ta dừng lại và ngẩng lên nhìn một cách ngạc nhiên, “Cái gì?”. Mọi người đều nhìn Tracy. Nàng nói. “Tôi ... Ông chưa khử trùng cái dụng cụ đó”. Bác sĩ Galosco mỉm cười chậm rãi và lạnh lùng. “Ồ, ở đây chúng ta lại có một bác sĩ phụ khoa nữa cơ đấy. Cô lo ngại vi trùng lây lan phải không. Đi xuống đứng cuối hàng”. “Sao cơ?”. “Không hiểu tiếng Anh chăng? Đi xuống”. Tracy vẫn không hiểu ra sao, lặng lẽ xuống đứng ở cuối cùng. “Bây giờ nếu cô không phản đối”, gã bác sĩ nói, “chúng ta sẽ tiếp tục”. Gã đút cái ống soi vào cơ thể người đàn bà, và Tracy chợt hiểu tại sao nàng phải là người đứng cuối. Gã sẽ kiểm tra tất cả mọi người với cùng cái dụng cụ không được khử trùng đó, và nàng sẽ là người cuối cùng. Và gã vẫn sẽ dùng nó để kiểm tra nàng. Tracy giận sôi lên. Gã có thể kiểm tra riêng từng người thay vì cố tình chà đạp lên lòng tự trọng của họ. Thế mà họ cứ im. Nếu tất cả cùng phản đối. Đã đến lượt nàng. “Lên bàn, bà bác sĩ”. Tracy lưỡng lự song còn có sự lựa chọn nào đâu, nàng trèo lên bàn, nhắm mắt lại, cảm thấy hắn kéo chân nàng dạng ra và sau đó cái ống soi lạnh ngắt đã ở trong nàng, thăm dò, tới lui và làm nàng đau đớn. Hắn đã cố tình. Nàng nghiến chặt hai hàm răng. “Có bệnh giang mai hoặc lậu không?” Gã bác sĩ hỏi. “Không”. Nàng sẽ không nói với hắn về cái thai. Không thể nói với đồ quái vật này. Nàng sẽ nói với ông tổng giám thị. Nàng cảm thấy cái ống soi bị rút ra một cách thô bạo và gã Gloseo mang vào tay đôi găng cao su. “Xong rồi”, gã nói. “Đứng thành hàng và cúi người xuống. Chúng ta sẽ xem xét những cặp mông xinh xắn của các người”. Tracy không kìm được. “Tại sao lại phải làm -thế! Gã lừ mắt. “Tôi sẽ nói cho cô tại sao, thưa bác sĩ. Bởi lẽ hậu môn là nơi cất giấu tốt đấy. Tôi đã tìm thấy nhiều ma túy từ những tiểu thư như cô. Nào cúi xuống”. Và gã đi dọc theo hàng chọc tay vào hậu môn từng người một. Tracy cảm thấy ghê tởm, giận lên tận cổ và bắt đầu ọe. “Mày mà ói ra đây thì tao sẽ ấn mặt mày vào đó”. Gã quay sang nói với đám lính gác. “Dẫn chúng đi tắm. Hôi thối lắm”. Cầm theo quần áo, đám tù nữ trần truồng đi dọc theo hành lang tới một căn phòng bê tông lớn với một tá buồng tắm toang hoang. Để quần áo vào trong góc”. Một nữ giám thị ra lệnh. “Dùng xà bông tẩy uế để sẵn đó. Hãy cọ rửa sạch sẽ mọi chỗ, và gội đầu nữa”. Tracy bước trên sàn bê tông ram ráp vào dưới vòi hoa sen. Những tia nước thật” lạnh. Nàng kỳ cọ thật mạnh, lòng thầm nghĩ, mình sẽ chẳng bao giờ sạch nữa. Đây là loại người gì không biết? Sao chúng có thể đối xử với những người khác như theo” Mình không thể chịu nổi mười lăm năm sống thế này. Một người gọi nàng, “Này cô kia! Hết giờ”. Tracy bước ra và một nữ tù khác bước vào thay chỗ. Nàng được trao một chiếc khăn mỏng cũ kỹ chỉ đủ lau khô nửa người. Khi người tù cuối cùng tắm xong, họ được dẫn tới phòng cấp phát, nơi có những giá đựng quần áo do một người tù tự giác trông coi, người này ước chừng vóc dáng từng tù nhân để phát cho những bộ đồng phục màu xám: Hai bộ đồng phục, một cặp quần lót, hai xu chiêng, hai đôi giày, hai váy ngủ, một dây mang băng vệ sinh, một bàn chải đánh răng, và một túi đựng đồ giặt. Những nữ giám thị đứng coi trong khi đám nữ tù mặc váy áo. Khi đã xong, họ được lùa tới một phòng khác ở đó có một tù tự giác khác đang điều chỉnh chiếc máy ảnh gá trên giá đỡ. “Đứng sát vào tường bên kia”. Tracy tiến tới sát tường. “Nhìn thẳng”. Tạch. “Quay đầu sang phải”. Tạch. “Sang trái”. Tạch. “Đi lại bàn”. Trên bàn có thiết bị lấy dấu vân tay. Những ngón tay của Tracy được lăn trên một tấm da tẩm mực, rồi được in lên một tấm bìa trắng. “Tay trái. Tay phải. Lau tay vào kia. Xong”. Chị ta nói đúng. Tracy cay đắng nghĩ. Thế là xong. Mình chỉ còn là một con số. Không tên, không cả diện mạo. Một người gác chỉ Tracy. “Cô Whitney phải không”. Ông tổng giám thị muốn gặp cô, theo tôi”. Tim Tracy rộn lên. Sau cùng thì Charles đã làm gì đó. Tất nhiên là anh đã không bỏ nàng, cũng như nàng vậy thôi. Giờ đầy anh đã có thời gian để nghĩ lại và nhận ra rằng anh vẫn yêu nàng. Anh hẳn đã nói chuyện với ông tổng giám thị và giải thích về sự nhầm lẫn tồi tệ đã xảy ra. Nàng sắp được trả lại tự do. Nàng được dẫn theo một hàng lang khác, qua hai cánh cửa sắt nặng nề có người gác. Khi đi qua cánh cửa thứ hai, nàng suýt bị ngã vì một tù nhân khác. Chị ta cao lớn, một người đàn bà bự con nhất mà Tracy từng thấy. Cao hơn mét tám và nặng phải chừng tạ rưỡi, có bộ mặt rỗ nhằng nhịt, với cặp mắt màu vàng hung dữ. Tóm lấy tay Tracy để đỡ nàng đứng vững, mụ ta ép cánh tay mình lên cặp vú nàng. “Này?” Mụ nói với người gác, “Chúng ta có một con cá tươi rói. Cho cô ta vào chỗ tôi được không?”. “Rất tiếc. Cô ta đã được chia buồng rồi, Berthal”. Người đàn bà dữ tướng ấy đập tay vào mặt Tracy. Nàng né tránh và bà ta cười to. “Được thôi, quả bóng nhỏ bé. Bertha Lớn sẽ gặp cô sau. Ta còn nhiều thời gian. Cô sẽ chẳng đi đâu được cả”. Tới phòng tổng giám thị. Tracy như xỉu đi vì hồi hộp. Charles có ở đó không? Hay anh cử luật sư riêng tôi? Viên thư ký của tổng giám thị gật đầu với người gác. “Ông ấy đang chờ cô ta. Đợi một chút”. Tổng giám thị George Brannigan ngồi sau chiếc bàn tồi tàn đang xem xét giấy tờ. Ông ta trạc tứ tuần, vẻ gầy gò, khuôn mặt nhạy cảm, cả nghĩ và cặp mắt sâu màu nâu. Ông đã phụ trách nhà tù nữ Nam Louisiana được năm năm. Vốn là một nhà tội phạm học hiện đại và với nhiệt tình ông đến đây quyết tâm thực hiện những cải cách nhanh chóng cho tù nhân. Song ông đã thất bại, cũng giống như những người tiền nhiệm khác. Khu trại này ban đầu được xây để giam hai tù nhân một phòng thế mà giờ đây mỗi phòng phải chứa tới bốn hoặc sáu. Ông cũng biết rằng ở nơi khác đều như vậy cả. Các nhà tù trong nước đã quá chật chội và quá thiếu nhân viên. Hàng nghìn tội phạm bị giam cầm ngày đêm nuôi dưỡng sự căm giận và âm mưu báo thù. Đó là một hệ thống ngu ngốc và dã man, song nó vẫn tồn tại. Ông bấm máy nói với thư ký: “Được. Đưa cô ta vào”. Người gác mở cánh cửa dẫn vào phòng trong và Tracy bước vào. Tổng giám thị Brannigan ngước nhìn người phụ nữ đứng trước mặt. Trong bộ quần áo tù xám xịt và khuôn mặt tái xanh vì mệt mỏi, Tracy trông vẫn đẹp với gương mặt đáng yêu và ngay thẳng, và Brannigan băn khoăn liệu cô ta sẽ giữ như vậy được bao lâu. Ông đã đặc biệt quan tâm tới nữ tù nhân này vì ông đã đọc về cô ta trên báo chí và đã nghiên cứu hồ sơ. Cô ta phạm tội lần đầu, chưa tiền án tiền sự, vả mười lăm năm tù là một bản án khắc nghiệt quá mức bình thường. Cộng thêm việc Joc Romano là người cáo buộc đã làm cho bản án thêm phần ngờ vực. Song ông chỉ đơn giản là người coi ngục. Ông không thể tác động gì vào bộ máy này. Chính ông là một phần của nó. “Xin mời ngồi”, ông nói. Tracy sung sướng được ngồi xuống. Hai đầu gối nàng mỏi nhừ. Ông ấy sắp nói với nàng về Charles và khi nào thì nàng được tha ra. “Tôi đã xem hồ sơ của cô”. Ông tổng giám thị bắt đầu. Charles đã yêu cầu ông ta làm thế, nàng nghĩ. “Tôi cho rằng cô sẽ ở đây với chúng tôi một thời gian dài. Án của cô là mười lăm năm”. Những lời đó làm Tracy choáng váng. Có gì. đó nhầm lẫn chết người. “Ông ... ông chưa nói chuyện với ... với Charles ư?” Nàng lắp bắp vì sợ hãi. Ông nhìn thẳng vào nàng, ngạc nhiên. “Charles? “ Và nàng hiểu. Lòng dạ nàng nôn nao. “Xin ông”. Nàng nói, “Xin ông hãy nghe tôi. Tôi không có tội. Tôi không phải ở đây”. Ông đáp. “Ở Tòa án đã kết tội cô. Điều tốt nhất mà tôi có thể khuyên cô là hãy cố gắng gìn giữ. Một khi cô biết chấp nhận thời hạn của án tù, cô sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Không có đồng hồ ở đây, trong nhà tù, mà chỉ có những cuốn lịch”. Mình không thể bị giam ở đây mười lăm năm, Tracy nghĩ trong tuyệt vọng. Mình muốn chết đi. Lạy Chúa, xin cho con được chết. Song mình không được chết, phải không nào? Mình sẽ giết cả đứa con mình mất. Nó cũng là con của anh nữa, Charles. Sao anh không có ở đây để giúp đỡ em? Đó là lúc nàng bắt đầu căm thù anh ta? ... “Nếu có chuyện gì đặc biệt:”, tổng giám thị Brannigan nói, “ý tôi muốn nói, nếu như tôi có thể giúp gì cho cô, tôi mong cô tới gặp tôi”. Thậm chí ngay khi vừa nói, ông biết ngay sự vô nghĩa trong những lời của mình. Cô ta còn trẻ trung xinh đẹp và tươi tắn. Những con mụ điếm đàng trong tù sẽ vồ ngay lấy cô ta như những con thú. Ngay cả một buồng giam riêng cũng không có để ông có thể dành cho cô ta. Gần như tất cả các buồng giam đều có rà những con sói cái kiểm soát. Tổng giám thị Brannigan đã nghe nhiều lời đồn đại về những vụ hãm hiếp trong buồng tắm, trong nhà xí, và ban đêm thì ở các lối đi. Song đó chỉ là những lời xì xào vì nạn nhân của những vụ này sau đó hoặc lả luôn luôn câm lặng hoặc là chết. Ông nói ôn tồn. “Với những cư xử tất, cô có thể được phóng thích sau mười hai hay ...”. “Không!” Đó là tiếng thét của sự tuyệt vọng. Tracy cảm thấy những bức tường của căn phòng đổ sập xuống nàng. Nàng đứng chồm dậy, gào thét. Người gác vội lao tới chộp lấy Tracy. “Nhẹ thôi”, Brannigan ra lệnh cho anh ta. Ông ngồi đó, bất lực trông theo cô gái bị dẫn đi. Nàng được dẫn theo mấy dãy hành lang, ngang qua những buồng giam đầy những tội phạm, mỗi người một vẻ Da đen có, trắng có, nâu có, và cả vàng. Họ nhìn chằm” chặp vào Tracy khi nàng đi ngang và kêu lên với nàng bằng cả chục giọng nói khác nhau. Những tiếng la hét của họ chẳng còn gây cảm giác gì cho nàng. “Con cá đêm ...”. “Cô bạn Pháp ...”. “Cô bé tươi tắn ...”. “Súc thịt tươi ...”. Chỉ tới khi về tới buồng giam của mình Tracy mới hiểu ý nghĩa những người đàn bà muốn ám chỉ gì khi họ gọi nàng là “Súc thịt tươi ...”. Chương 06 Khu C có sáu mươi nữ tù, bốn người một phòng giam. Những khuôn mặt áp sát vào các song sắt để nhìn ra khi Tracy bị dẫn qua, mỗi mặt một vẻ, từ hờ hững đến thèm muốn, và cả căm ghét. Nàng đi bước thấp bước cao, như đang trên một mảnh đất lạ, trong một giấc mơ chập chờn. Cổ họng nàng khô đắng, một tiếng thét âm ỉ trong con người bị giam cầm của nàng. Giờ đây chẳng còn gì cả. Chẳng còn gì cả, từ mỗi cái khả năng cay đắng là nàng sẽ bị lưu đày ở nơi này mười lăm năm trời. Người nữ giám thị mở cửa một phòng giam. “Vào đi?”. Tracy chớp mắt nhìn quanh. Trong phòng có ba nữ tù đang lặng lẽ nhìn nàng. “Đi vào”, người giám thị quát. Tiếng cửa đóng sầm sau lưng. Nàng đã về nhà. Căn phòng trơ trỏng bốn giường, một bàn nhỏ trên đó có cái gương đã rạn vỡ, bốn cái tủ nhỏ và một hố xí ở tít trong góc. Mấy người đàn bà cùng phòng nhìn nàng chằm chặp. Người Puectô Ricô phá vỡ sự im lặng. “Chúng ta có một cô” bạn mới đây”. Giọng cô ta trầm và khản đặc. Có thể cô ta sẽ rất đẹp nếu như không có một vết sẹo xám ngoét chạy dài từ thái dương xuống tới tận cổ họng, và có vẻ như chưa đến mười bốn tuổi nếu như không nhìn vào cặp mắt cô ta. Người Mehico béo lùn, trạc trung niên thì nói. “Thật hay là đã gặp nhau. Vì sao mà bị tống vào đây, cô bé?”. Tracy đờ đẫn không đáp nổi. Người thứ ba da đen. Chị ta cao phải tới mét tám, với cặp mắt mở hẹp đầy vẻ thận trọng và một khuôn mặt lạnh lùng. Đầu chị ta cạo trọc lốc, và trong ánh sáng yếu ớt của căn phòng, chỉ thấy nó xanh xanh. “Giường cô ở góc kia”. Tracy đi tới bên giường. Chỉ có Chúa mới biết là trước đó đã có bao nhiêu người nằm trên tấm nệm dơ dáy và nhớp nhúa này. Nàng không dám đụng tới nó và dè dặt bày tỏ sự bất mãn của mình. “Tôi ... Tôi không thể nằm trên chiếc đệm này”. Người Mêhico làu bàu. “Chẳng ai bắt, cô em ạ. Em có thể ngủ trên giường tôi”. Đột nhiên, Tracy như cảm thấy trong phòng có những cơn sóng ngầm và nàng thấy sợ hãi. Ba người đàn bà Vẫn nhìn chằm chặp làm nàng có cảm giác bị lột trần ra. Súc thịt tươi Nàng chợt nhớ và càng sợ. Không phải thế, Tracy nghĩ, ôi, mong rằng không phải thế. Nàng chợt nghe thấy tiếng mình nói.“Tôi ... Tôi có thề gặp ai để xin một chiếc đệm sạch sẽ?”. “Chúa ơi”, người da đen thốt lên. “Hắn đâu có ở quanh đây”. Tracy nhìn xuống tấm đệm. Mấy con gián lớn đang bò ngang trên đó. Mình không thể ở lại đây” được. Tracy nghĩ mình sẽ phát điên lên mất. Như đọc được trong ý nghĩ eủa nàng, người da đen nói, “Phải chấp nhận thôi, cô bé?”. Tracy như nghe thấy tiếng nói của viên tổng giám thị: lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể nói với cô là hãy cô gắng giữ gìn ... Người da đen tiếp tục, “Tôi là Ernestine Littlechap”. Chị ta hất hàm về phí người có cái sẹo dài. “Đó là Lola. Cô ta từ Puectô Ricô tới và ả béo kia là Paulita, từ Mêhico. Còn cô là ai?”. “Tôi là ... Tracy Whitney”. Chút nữa thì nàng đã nói, “Tôi nguyên là Tracy Whitney”. Có cảm giác như trong một cơn ác mộng rằng cái bản ngã của nàng đang bị mất đi. Đột nhiên thấy muốn ói, nàng vội túm chặt lấy thành giường. “Tôi xin lỗi. Tôi cảm thấy không muốn nói chuyện”, Tracy dường như đứng không vững. Nàng gượng ngồi xuống mép giường, và đưa tay kéo gấu váy lau những giọt mồ hôi lạnh ngắt trên mặt. Đứa con mình, nàng nghĩ. Lẽ ra mình phải nói với ông tổng giám thị là mình đang mang thai. Ông ấy sẽ chuyển mình tới một phòng giam sạch sẽ. Có khi họ còn để mình có riêng một phòng ... Nàng nghe bước chân dọc hành lang. Một nữ giám thị đi ngang qua, Tracy vội chạy ra cửa. “Xin lỗi bà”, nàng nói. “Tôi phải gặp ông tổng giám thị để ...”. “Tôi sẽ phái ông ta xuống”, người đó ngoái lại nói. “Bà không hiểu rồi. Tôi ...”. Người đó đã đi khuất. Tracy đưa vội mấy ngón tay lên miệng cắn chặt để khỏi kêu lên. “Cô ốm hay sao, cô bé?” Lola hỏi. Tracy chỉ lắc đầu. Nàng bước trở lại giường, ngó nhìn giây lát rồi từ từ nằm xuống. Đó là hành động tuyệt vọng, một sự đầu hàng. Nàng nhắm nghiền hai mắt. Ngày sinh nhật lần thứ mười là một ngày vui sướng nhất trong tuổi thơ của nàng. Chiều nay cả nhà sẽ tới nhà hàng Antoine! Mc đã mặc cho nàng chiếc váy mới màu xanh tuyệt đẹp. Trông hai mẹ con kìa”, cha cười rạng rỡ. “Tôi đang đi cùng hai người phụ nữ đẹp nhất New Orleans. Ai cũng sẽ phải ghen ty với tôi cho mà xem”. Nhà hàng Antoine là tất cả những gì mà Tracy đã từng tưởng tượng, và còn hơn thế nữa. Hơn nhiều, Đó là nơi biên giới, tao nhã và được trang trí tuyệt hảo, với khăn trải bàn trắng toát và những bộ đồ ăn sáng bóng. Đây hẳn là một cung điện, Tracy nghĩ thầm. Mình chắc hẳn các nhà vua và các hoàng hậu cũng tới đây. Cô bé hân hoan tới độ quên cả ăn, chỉ mải ngắm nghía những người đàn ông, đàn bà ăn mặc tuyệt đẹp. Khi nào lớn lên, Tracy tự nhủ, tối nào mình cũng sẽ tới nhà hàng Antoine này, và mình sẽ đưa cả cha vả mẹ cùng đi. “Con không ăn à, Tracy?” mẹ nhắc. Và để làm hài lòng mẹ, Tracy phải cố nuốt vài miếng. Có một cái bánh dành cho nàng, trên đó có vài ngọn nến, và khi những người phục vụ hát bài Chúc mừng sinh nhật, những người khách khác quay cả lại và vỗ tay thì Tracy cảm thấy mình như một công chúa. Nàng nghe thấy cả tiếng chuông xe điện từ ngoài phố vọng vào. Tiếng chuông réo lên giục giã. “Giờ ăn”, Ernestine Littlechap kêu lên. Tracy mở choàng mắt ra. Tiếng cửa đóng mỏ rầm rầm cả khu phòng giam. Tracy nằm nguyên trên giường, cố níu kéo lấy các hình ảnh trong quá khứ. “Này! đến giờ ăn rồi”, Lola nói. Chỉ nghĩ tới thức ăn nàng đã thấy lợm giọng. “Tôi không đói”. Paulita béo mập thất lên, “Này cô em. Thật đơn giản. Họ không quan tâm tới việc cô có đới hay không đâu. Tất cả phải tới phòng ăn”. Các tù nhân đứng xếp thành hang ngoài hành lang. “Tốt nhất là đứng dậy đi, nếu không họ sẽ quất vào mông ấy:”. Ernestine khuyến cáo. Mình không đi nổi, Tracy nghĩ, mình sẽ ở lại đây. Các bạn tù của nàng đã rời khỏi buồng giam và đứng xếp vào hai hàng dọc. Một nữ giám thị mập, thấp với mái tóc nhuộm vàng hoe trông thấy Tracy vẫn còn đang ở trên giường. “Cô kia”, bà ta hét.” “Không nghe thấy chuông à? Ra ngay”. Tracy đáp lai. “Tôi không thấy đói, cảm ơn bà. Cho tôi xin phép”. Bà giám thị trố mắt ngạc nhiên, đùng đùng bước tới chỗ Tracy. “Mày nghĩ mày là cái thá gì ở đây hả? Đợi được phục vụ tại phòng chăng? Lê đít đứng vào hàng. Tao có thể, ghi sổ mày về việc này đấy. Nếu còn lặp lại thì mày sẽ phải vào xà lim. Hiểu chưa hả?”. Nàng không hiểu. Nàng thực không hiểu cái gì đang diễn ra nữa, gượng nhổm lên khỏi giường và bước ra đứng vào hàng với đám phụ nữ. Cạnh nàng là người da đen cùng phòng. “Tại sao tôi ...?”. “Câm đi!” Ernestine Littlechap rít qua khóe miệng. “Không nói chuyện trong hàng”. Họ được dẫn dọc một hành lang hẹp, ảm đạm, ngang qua hai cửa kiểm soát, tới phòng ăn lớn kê đầy những bàn ghế gỗ rồi xếp hàng tới bên một chiếc bàn dài ướt át, nơi đồ ăn đượe đưa ra. Các món ăn trong ngày thường là canh cá ngừ lõng bõng, món đậu quả sào mềm nhũn, món sữa trắng nhạt phèo và một trong hai thứ đồ ương là cà phê nhạt hoặc nước trái cây tổng hợp. Từng muỗng thức ăn được trút vào các da nhôm của tù nhân khi họ lần lượt đi ngang qua và những tù tự giác đứng phục vụ đằng sau cái bàn này thì luôn miệng kêu. “Nhanh lên nào. Tiếp theo ... Nhanh lên nào. Tiếp theo”. Sau khi lấy thức ăn, Tracy đứng ngỡ ngàng, không biết là phảĩ đi đâu. Nàng nhìn quanh tìm Ernestine Littlechap, nhưng người đàn bà da đen đã như biến mất. Tracy bước tới bên chiếc bàn mà Lola và Paulita đang ngồi ăn. Còn tới hai mươi người khác nữa cũng đang ngấu nghiến phần ăn của mình. Tracy nhìn ra thức ăn và đẩy nó ra, nàng lại lợm giọng thấy muốn ói. Paulita với tay cầm lấy đa thức ăn của Tracy. “Nếu cô không ăn thì để cho tôi”. Lola thì khuyên. “Này, phải ăn đi, không thì không sống nổi ở đây đâu”. Mình không còn muốn sống, Tracy thầm tuyệt vọng. Mình chỉ muốn chết đi. Sao những người đàn bà này lại có thể chấp nhận một cuộc sống như vậy được? Họ ở đây đã bao lâu không biết? Vài tháng rồi. Hay vài năm? Nàng nghĩ tới cái phòng giam hôi thối và cái đệm giường đầy những rận, và nàng muốn hét lên đến mức phải nghiến chặt răng để nó khỏi bật thành tiếng. Paulita đang nói. “Nếu họ bắt gặp cô không ăn, cô sẽ phải vào xà lim”. Chị ta nhận thấy vẻ không hiểu của Tracy. “Hầm giam riêng ấy mà. Cô sẽ không thích nó đâu” Chị ta dướn người lên phía trước. Lần đầu tiên vào đây phải không? Được, tôi sẽ mách nước cho cô, cô bé. Ernestine Littlechap cầm đầu ở đây. Hãy xử đẹp với chị ta và cô sẽ có lợi đấy”. Ba mươi phút sau kể từ lúc vào phòng ăn, một hồi chuông reo vang và họ đứng dậy cả. Paulita cố chộp lấy một trái đậu sót lại ở da bên cạnh. Tracy đứng vào hang sau chị ta và họ được dẫn trở lại các phòng giam. Bữa ăn thế là xong. Mới bốn giờ chiều - còn những năm giờ đồng hồ dài dằng dặc trước khi phải đi ngủ. Khi Tracy về tới phòng, Ernestine Littlechap đã ở đó. Tracy nhìn cái toa lét ở góc phòng. Nàng đã muốn dung nó quá rồi, sống chẳng thể nào làm chuyện đó trước mấy người bạn tù. Nàng sẽ đợi cho đến khi tắt đèn đã. Ernestme Littlechap nói. “Tôi biết rằng cô đã không ăn tí gì. Thật là ngu ngốc”. Sao chị ta lại biết nhỉ” Và sao chị ta lại quan tâm tới mình? “Làm sao để có thể gặp ông tổng giám thị?” Tracy hỏi. “Cô viết giấy yêu cầu Bọn gác sẽ dùng nó làm giấy chùi đít. Bọn nó coi bất kỳ con mẹ nào muốn gặp” tổng giám thị đều là những kẻ gây rối”. Chị ta bước tới bên Tracy. “Ở dây có rất nhiều thứ có thể đẩy cô vào chỗ rắc rối. Cái mà cô cần là một người bạn và người đó có thể giúp cô tránh dính vào những rắc rối đó”. Chị ta mỉm cười “để lộ một chiếc răng cửa bịt vàng. Giọng chị ta mềm mại, “có người biết lối phải đi quanh một chuồng thú”. Tracy ngước nhìn khuôn mặt nhăn nhở của người đàn bà da đen. Nó như bập bềnh đâu đó sát tận trần nhà. Nó là một thứ gì đó cao nhất mà Tracy từng nhìn thấy. Đó là một con hươu cao cổ, cha nàng nói. Họ đang thăm vườn thú trong công viên Audubon. Tracy rất thích công viên nảy. Vào các chủ nhật, họ thường tới đó nghe các bạn nhạc biểu diễn và sau đó cha mẹ đưa nàng tới xem khu nuôi cá cảnh hoặc khu chuồng thú. Cả nhà đi chậm rãi, ngắm nhìn các con thú trong chuồng. Chúng nó không ghét việc bị nhồi vậy à, bố?”. Cha nàng cười vang.” “Không, Tracy à. Chúng có một cuộc sống tuyệt vời. Chúng được chăm sóc và cho ăn uống, và kẻ thù của chúng thì không thể tới gần”? Song với Tracy, trông chúng có vẻ buồn bã. Nàng chỉ muốn mở toang các cửa chuồng để chúng ra. Mình thì chẳng bao giờ muốn bị nhốt giống thế kia, Tracy thầm nghĩ. Tám giờ 45, tiếng chuông báo reo vang cả nhà tù. Ba người cùng phòng bắt đầu cởi quần áo. Tracy vẫn ngồi yên. Lola nói với nàng, “Chỉ có mười lăm phút cho việc chuẩn bị đi ngủ thôi đấy”. Những người đàn bà cởi tuột váy áo và khoác váy ngủ lên người. Bà giám thị có mái tóc nhuộm vàng hoe đi ngang phòng giam và dừng lại khi trông thấy Tracy nằm trên giường. “Thay đờ ra”. Bà ta ra lệnh và quay sang Ernestine hỏi. “Chị không bảo cho cô ta biết à?”. “Có chứ. Chúng tôi đã nói”. Bà giám thị quay lại Tracy. “Chúng tôi có cách cư xử với những kẻ gây rối đấy”. Bà ta, cảnh cáo, “Cô làm theo lời người ta bảo, nếu không tôi sẽ quất vào mông cho xem”. Nói rồi bà ta bỏ đi. Paulita thì thào. “Tốt nhất là nghe lời bà ta, cô bé ạ. Mụ Váy Sắt ấy là một con chó đê tiện. Tracy chậm chạp nhỏm dậy và bắt đầu ca. Đồ, quay lưng về phía mấy người đàn bà kia! Nàng cởi tất cả váy áo” chỉ trừ cái xilip và choàng vội cái váy ngủ thô ráp qua đầu” cảm thấy những cặp mắt đang dán lên thân thể mình. “Cô có tấm thân thật đẹp”, Paulita nhận xét. “Ừ, đẹp thật”. Lola lặp lại. Tracy cảm thấy rùng mình. Ernestine đi tới bên và nhìn Tracy. “Chúng ta là bạn của nhau. Chúng ta sẽ chăm lo em chu đáo”. Giọng chị ta khản đặc vì bị kích động. Tracy quay mình đi. “Hãy để tôi yên? Tất cả các chị. Tôi ... tôi không phải kiểu đó”. Người đàn bà da đen cười khoái trá. “Em sẽ làm theo kiểu bọn ta thích, cô bé ạ”. “Còn thời gian. Còn rất nhiều thời gian”. Lola nói. Ánh đèn vụt tắt. Bóng tối là kẻ thù của Tracy. Nàng ngồi trên mép giường, toàn thân căng thẳng, cảm giác rằng mấy kẻ kìa đang chờ để nhảy xổ vào nàng. Hay chỉ vì sợ quá mà nàng tưởng tượng ra như thế. Nàng thấy mệt mỏi rã rời vì dường như mọi thứ quanh nàng đều có thể là một sự đe dọa. Họ có thể đe dọa nàng không? Chưa hẳn. Có thể là hộ chỉ muốn tỏ ra thân mật còn nàng thì đã gán cho những cử chỉ ấy những ý nghĩ xấu xa. Nàng đã được đọc về những hành động đồng tính luyến ái trong nhà tù, song cái đó chắc chỉ là hãn hữu chứ không phải phổ biến. Hành động như thế ở trong nhà tù là không được phép. Tuy vậy, nàng vẫn bị nỗi nghi ngờ ám ảnh và quyết định sẽ thức suốt đêm. Nếu một trong số họ có hành động gì thì nàng sẽ kêu cứu ngay và trách nhiệm của những người gác là không được để xảy ra chuyện xấu. Nàng thầm tự nhủ là chẳng có chuyện gì phải lo ngại cả nếu như tỉnh ngủ một chút. Tracy ngồi trên giường, trong bóng tối, lắng nghe mọi tiếng động. Nàng thấy ba người đàn bà lần lượt đi ra hố xí trong góc phòng rồi trở về giường của họ. Khi không thể chịu hơn nữa, Tracy gượng dậy, và lần tới đó. Rồi nàng định giật nước, song không được. Mùi hôi thối hầu như không chịu đựng nổi. Nàng vội vã trở lại giường và ngồi xuống. Trời sắp sáng thôi mà, nàng thầm nghĩ. Sáng mai mình sẽ yêu cầu gặp ông tổng giám thị. Mình sẽ nói với ông ta về đứa con trong bụng. Ông ta sẽ cho mình được chuyển tới một phòng khác. Tracy thấy quá căng thẳng và mệt mỏi. Nàng ngả lưng xuống giường và chỉ vài giây sau đã cảm thấy có con gì bò qua cổ. Nàng cố gắng để khỏi hét lên vì sợ hãi. Mình phải chịu đựng tới sáng. Sáng ra mọi thứ sẽ ổn thỏa, Tracy thầm nghĩ. Cố một chút. Ba giờ sáng, nàng không thể nào gượng lại cơn buồn ngủ, và thiếp đi. Tracy chợt tỉnh giấc khi một bàn tay ai đó bít ngay miệng nàng, và hai bàn tay khác sờ nắn hai bầu vú. Nàng kêu lên mà không nổi, cảm thấy cái váy ngủ và đồ lót bị lột ra khỏi thân thể. Những bàn tay luồn vào giữa cặp đùi nàng, kéo hai chân nàng dang ra. Tracy điên cuồng đấm đạp và cố nhỏm dậy. “Nào, hãy nhẹ nhàng”, một giọng nói thì thào, “Em sẽ không đau đớn gì”. Tracy co chân đạp vào nơi có tiếng nói ấy. Chân nàng đụng vào ai đó ...! “Con c ...! Quẳng nó cho chó”, giọng nói đó hổn hển. “Kéo nó xuống sàn”. Một quả đấm giáng vào mặt Tracy, một quả nữa vào bụng nàng. Ai đó cưỡi lên trên người nàng ghìm chặt nàng xuống sàn nhà trong lúc những bàn tay dâm đãng sục sạo trên thân thể nàng. Tracy vùng ra được trong khoảnh khắc, nhưng một kẻ trong bọn kia đã túm được nàng và đập đầu nàng vào những song sắt. Nàng thấy máu ộc ra từ mũi mình. Rồi nàng lại bị ấn nằm xuống sàn bê tông, tay và chân bị giữ chặt. Tracy chống trả điên cuồng, song không thể lại với ba mụ đàn bà kia. Những bàn tay lạnh toát và những cái lưỡi nóng hổi vuốt ve trên khắp thân thể nàng. Hai chân nàng bị dang “rộng ra và một vật gì đó cứng và lạnh ngắt nhét vào trong nàng. Nàng quằn quại một cách bất lực và cố la lên. Một cánh tay đang trườn qua miệng nàng và nàng cắn ngập răng vào đó bằng tất cả sức lực còn lại. Một tiếng thét lên. “Đồ con đĩ”. Những cú đấm giáng xuống mặt ... Nàng đau đớn quằn quại và sau cùng thì không còn cảm giác gì nữa. Tiếng chuông reo lên đã làm nàng tỉnh lại. Nàng đang nằm trên sàn bê tông lạnh ngắt trong phòng giam, thân thể trần truồng. Ba người kia đang ở trên giường của họ. Ngoài hành lang, mụ váy sắt đang hò hét, “Dậy nào” Khi đi ngang qua, mụ ta nhìn thấy Tracy đang nằm trên sàn trong một vũng máu nhỏ, gương mặt trắng bệch xây xát và một mắt sưng húp. “Quỷ quái gì thế này?” Mụ mở cửa phòng giam và bước vào. “Chắc cô ta ngã từ trên giường xuống”. Ernestine Littlechap đon đả. Mụ giám thị bước tới bên Tracy và đá vào chân cô. “Cô này, dậy”. Tracy thoáng nghe. Phải, nàng nghĩ, mình phải dậy, mình phải ra khỏi chốn này. Nhưng nàng không nhúc nhích nổi. Toàn thân đau đớn. Mụ giám thị tóm lấy khuỷu tay Tracy và kéo ngồi dậy, nàng suýt ngất đi vì đau. “Chuyện gì xảy ra hả?”. Bằng một con mắt lành, Tracy thấy ba cái bóng lờ mờ đang lặng lẽ chờ câu trả lời của nàng. “Tôi ... tôi”. Tracy cố nói không thành tiếng. Nàng gắng sức và một bản năng nào đó đã làm cô buột miệng. “Tôi ngã từ trên giường xuống”. Mụ giám thị cáu kỉnh. “Tao ghét cái thứ õng ẹo này. Tao sẽ cho mày vào xà lim để học lấy ít lễ độ”. Mọi thứ như bị lãng quên, Tracy trở lại trong bụng mẹ. Một mình nàng trong bóng tối dày đặc, không có một thứ đồ đạc gì trong căn hầm tù túng này trừ một tấm đệm cũ nát trên sàn xi măng lạnh lẽo. Nơi đi cầu là một lỗ trống hôi thối ngay trên sàn nhà. Tracy nằm đó, trong bóng tối đen đặc lẩm nhẩm những bài dân ca mà cha và mẹ đã dạy từ thuở xa xưa. Nàng không hề biết rằng mình đang kề sát tình trạng mất trí. Nàng cũng không biết rằng mình đang ở đâu, điều đó chẳng hề gì, chỉ thấy toàn thân đau nhức. Chắc là mình ngã đau, nhưng đã có mẹ chăm sóc. Nàng chợt hét lên giọng lạc đi, “Mẹ ơi ...” và khi không có ai trả lời nàng lại ngủ thiếp đi. Nàng ngủ liền 48 giờ đồng hồ và những vết đau chỉ thấy còn nhức nhối khi tĩnh lại. Nàng mở to hai mắt. Xung quanh chẳng có gì cả. Tối đến mức thậm chí không thể nhìn thấy hình dáng căn hầm. Trí nhớ chợt ùa trở lại. Họ khiêng nàng tới chỗ lão bác sĩ. Nàng còn nghe được tiếng hắn ta: “ ... một xương sườn và xương cổ tay gãy. Chúng tôi sẽ bó nó lại ... những vết thương và những vết bầm thật khủng khiếp song rồi nó cũng sẽ lành thôi. Cô ta đã sẩy thai ...”. “Ôi, con tôi”. Tracy thì thầm. “Chúng đã giết con tôi rồi”. Và nàng nức nở. Nàng khóc vì mất con. Nàng khóc cho bản thân nàng. Nàng khóc cho cả cái thế giới khủng khiếp này. Nằm trên tấm đệm mỏng, trong màn đêm giá lạnh lòng nàng chồng chất căm hờn, toàn thân cô run lên. Những ý nghĩ trong nàng bừng lên, cháy bỏng và rồi dần dần mất hết đi, chỉ còn lại mong muốn duy nhất: Báo thù? Song không phải báo thù mấy mụ đàn bà cùng phòng giam. Họ cũng như nàng, chỉ là nạn nhân mà thôi. Không, sẽ báo thù những thằng đàn ông đã đẩy nàng tới chốn này, những kẻ đã phá hoại đời nàng. Joe Romano: “Con mẹ già mày vẫn chưa nói hết. Mụ ta đã không bao giờ bảo tao rằng mụ có một đứa con gái coi bộ thật khêu gợi ... “Joe Romano làm công cho một người tên là Anthony Orsatti. Lão Orsatti nắm cả cái New Orleans này ... Perry Pope: “Bằng việc nhận tội, cô sẽ giúp nhà nước tiết kiệm khoản án phí”. Thẩm phán Henry Lawrence: “Bởi vì trong mười lăm năm tới ngươi sẽ bị giam trong nhà tù nữNam Loisiana ... Đó là những, kẻ thù của nàng. Và còn Charles, người thậm chí không,thèm nghe nàng nói nữa: “Ồ Nếu em cần tiền đến thê, em phải thảo luận với tôi chứ. .. Rõ ràng là tôi chưa bao giờ biết em cả ... Cô sẽ phải làm điều gì mà cô cho là tốt nhất đối với đứa con của cô ...”. Nàng sẽ bắt chúng đền tội. Tất cả bọn chúng. Nàng không biết phải làm thế nào. Song nàng biết chắc là nàng sẽ trả thù được. Ngày mai, nàng thầm nghĩ, nếu còn có ngày mai. Chương 07 Thời gian đã mất hết ý nghĩa của nó. Không hề có tí ánh sáng trong gian hầm, bởi vậy cũng chẳng có ngày và đêm, và Tracy không hề biết mình đã bị giam riêng thế này bao lâu rồi. Từng bữa, đồ ăn nguội lạnh được đấy vào qua một cái khe dưới cánh cửa. Tracy chán không thiết ăn nhưng tự buộc mình phảl ăn hết nhẵn khẩu phần. “Cô phải ăn, nếu không thì không sống nổi ở đây đâu”. Giờ đây nàng đã hiểu điều đó, đã biết rõ rằng để làm được những gì dự tính thì sức khỏe là rất cần thiết. Nàng đang ở trong một hoàn cảnh mà ai cũng sẽ phải coi là vô vọng. Bị giam cầm trong mười lăm năm, không tiền bạc, không bạn bè, không gì hết. Thế nhưng có một nguồn sức mạnh tiềm tàng trong nàng. Mình sẽ sống sót, Tracy nghĩ. Tay không đối mặt với kẻ thù, vũ khí của mình chỉ là long dũng cảm. Nàng sẽ tồn tại như tổ tiên nàng từng tồn tại. Dòng máu trong nàng là “sự pha tạp giữa dòng máu Anh, dòng máu Ireland và dòng máu Ecosse, và nàng đã thừa hưởng những gì tinh túy nhất của cha ông, trí thông minh, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường. Tổ tiên mình đã sống sót qua những nạn đói và dịch bệnh, lũ lụt, và nàng cũng sẻ sống sót mà ra khỏi chốn tù đầy này. Tố tiên nàng, những người chăn cừu và những người thợ săn, những nông dân và những chủ hiệu, những bác sĩ và những giáo sư giờ đây như cùng sống với nàng trong căn hầm tăm tối này. Tất cả hình bóng quá khứ như đều có phần nào đó trong người nàng. Con sẽ không để ông cha phải thất vọng, Tracy thầm thì trong bóng tối. Nàng bắt đầu có ý đồ vượt ngục. Tracy biết rằng điều cần làm trước tiên là phải khôi phục sức khỏe. Với các bài tập khác thì căn hầm này quá tù túng, song nó đủ rộng cho môn Thái eựe quyền, môn võ thuật có lịch sử nhiều thế kỷ. Các bài tập của nó không đòi hỏi một không gian lớn và tất cả các cơ bắp trong thân thể đều phải được dùng tới. Tracy đứng dậy và bắt đầu những động tác đầu tiên. Mỗi động tác đều có tên gọi riêng và có một ý nghĩa của nó. Nàng bắt đầu với thế Trừ yêu, rồi chuyển sang thế Tụ quan. Các động tác đều mềm mại, than.h thoát và được thực hiện rất chậm rãi. Mỗi động tác đều xuất phát từ sự tĩnh tâm, sự cân bằng tâm lý, và tất cả là một vòng khép kín. Nàng như nghe thấy lời ông thầy dạy võ: Đề khí, tập trung năng lượng. Hãy khởi đầu động tác sao cho nặng như núi và rồi trở nên nhẹ như lông hồng. Tracy cảm thấy dòng khí lực tràn tới từng đầu ngón tay và nàng tập trung đến độ toàn bộ cơ thể như nhẹ lâng lâng, siêu thoát. Phải mất một tiếng để thực hiện hết toàn bộ bài tập, và khi kết thúc thì Tracy cũng thở dốc, kiệt sức. Ngày hai lần, sáng và chiều Tracy tập luyện đều đặn và dần dần cơ thể trở nên linh hoạt và mạnh mẽ. Khi không tập luyện thể lực, Tracy rèn luyện trí não. Nằm yên lặng trong bóng tối, nàng nhẩm làm những phép tính phức tạp, hình dung việc điều khiển chiếc máy tính tại nhà băng, ngâm lại những đoạn thơ và hồi tưởng những vai kịch đã diễn hồi ở trường đại học. Hồi ấy, khi nhận đóng một vai kịch sẽ phải nói bằng nhiều âm giọng khác nhau, nàng đã tập dượt về ngữ âm, trọng âm hang tuần lễ liền. Rồi có một đạo diễn tài năng đã tìm tới nàng và đề nghị đến Holywood đóng phim thử. Nhưng nàng đã từ chối. “Không đâu, xin cảm ơn. Tôi không thích ánh sáng đèn pha. Đó không phải chỗ dành cho tôi”. Đột nhiên nàng lại như nghe thấy tiếng của Charles Tin về em được đăng bằng tít lớn trên tờ báo sáng nay. Tracy cố xua đuổi hình ảnh Charles. Giờ đây, trong đầu óc nàng có những cánh cửa phải được đóng chặt. Nàng chỉ tập trung vào việc nghĩ xem làm thế nào để có thể thanh toán lần lượt từng kẻ thù. Nàng nhớ tới một trò chơi thời trẻ con - giơ một bàn tay lên và có thể che khuất được cả mặt trời. Đó là điều họ đã làm đối với nàng. Chúng giơ một bàn tay lên và làm hại cả cuộc đời nàng. Tới ngày thứ bẩy, cửa căn hầm giam bật mở và ánh sáng đột ngột tràn vào làm Tracy tối sầm mắt mũi. Một người gác ở bên ngoài kêu, “Đứng dậy, cô được trở lại phòng”. Anh ta với xuống đưa tay đỡ Tracy và đã phải ngạc nhiên - nàng đứng dậy dễ dàng và bước lên khỏi hầm giam một cách bình thường. Những người tù khác mà anh ta từng đưa ra khỏi xà lim này thì hoặc là sụp đổ hoàn toàn hoặc là câng câng thách thức, thế nhưng người tù này không thế ở nàng toát ra lòng tự trọng và vẻ tự tin - một điều xa lạ đối với nơi đây. Tracy đứng yên một lát để cho mắt quen dần với ánh sáng. Con bé trông ngon lành quá, người gác thầm nghĩ. Cho cô ta tắm rửa sạch sẽ rồi thì có thể mang đi bất kỳ đâu. Mình đánh cược rằng, cô ta sẽ làm bất kỳ điều gì để đổi lấy một chút xíu ân huệ. Anh ta nói lớn. “Một cô gái xinh đẹp như em không ráng phải chịu cảnh thế này. Nếu ta làm bạn của nhau, tòi sẽ lo để chuyện này không bao giờ xảy đến với em nữa”. Tracy quay lại đối mặt với anh ta và khi nhìn ánh mắt nàng, anh ta vội vã từ bỏ ý định gạ gẫm. Người gác dẫn nàng lên tầng trên và giao lại cho một nữ giám thị. Mụ nữ giám thị hít hít rồi kêu lên, “Lạy Chúa, cô hôi hám quá. Vào tắm đi. Bọn ta sẽ đốt bỏ những quần áo đó”. Dòng nước lạnh thật tuyệt vời. Tracy gội đầu và kỳ cọ với một miếng xà bông giặt. Khi nàng lau khô người và mặc bộ đồ khác, người giám thị đã chờ sẵn. “Ông tổng giám thị muốn gặp cô”. Lần trước khi nghe câu này, nàng đã tin răng nó mang đến cho mình tự do. Chẳng bao giờ nàng lại còn ngây thơ như thế nữa. Tổng giám thị Brannigan đang đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài thì Tracy bước vào: Ông ta quay lại và nói. “Xin mời cô ngồi”. Tracy ngồi xuống một chiếc ghế tựa. “Mới rồi tôi đi Washington dự một hội nghị. Tôi vừa về ság nay và đã xem báo cáo về chuyện xảy ra. Lẽ ra không được glam cô vào xà lim”. Ông ta nói. Nàng nhìn ông ta, gương mặt thản nhiên. Tổng giám thị nhìn xuống một tờ giấy để trên bàn. “Theo bản báo cáo này thì cô đã bị mấy tù nhân cùng buồng cưỡng dâm”. “Thưa ngài, không”. Ông ta gật gật đầu thông cảm. “Tôi hiểu nỗi lo sợ của cô, nhưng tôi không cho phép tù nhân điều hành nhà tù này. Tôi muốn trừng phạt những kẻ đã làm chuyện này đối với cô song tôi cần lời chứng của cô, Tôi sẽ lo liệu để cô được bảo vệ. Bây giờ, tôi muốn cô kể lại thật đúng sự việc xảy ra và ai là kẻ phải chịu trách nhiệm”. Tracy nhìn thẳng vào mắt ông ta. Tôi ngã từ trên giường xuống”. Ông tổng giám thị chăm chú nhìn Tracy hồi lâu và nàng có thể thấy rõ vẻ thất vọng trên gương mặt ông. “Cô hoàn toàn chắc vậy chứ?”. “Thưa ngài, vâng”. “Cô không thay đổi ý kiến chứ?”. “Không, thưa ngài”. Tổng giám thị Brannigan thở dài. “Được thôi. Đó là quyền của cô. Tôi sẽ chuyển cô tới một phòng giam khác, nơi ...”. “Tôi không muốn chuyển đi”. Ông ta ngạc nhiên. “Có nghĩa là cô muốn trở lại cái buồng giam đó?”. “Ô Thưa ngài vung túng. Có thể ông ta đã nghĩ nhầm về cô gái này chăng, có thể chính cô ta đã gây nên chuyện. Có trời mà biết những nữ tù nhân quỷ quái này nghĩ hay làm gì. Ông thám mong được chuyến tới một nhà giam nam không có những kẻ tâm thần, song vợ ông và Amy, đứa con gái bé bỏng của ông, lại thích ở đây. Họ sống trong một ngôi nhà đáng yêu và lại còn có những: vườn cây xinh đẹp quanh khu đất trồng trọt của nhà tù nữ. Đối với hai mẹ con, thì họ cứ như được sống ở nơi thôn dã ấy, nhưng còn ông thì phải đương đầu với đám đàn bà điến rồ này 24 giờ đồng hồ mỗi ngày. Ống nhìn người đàn bà trẻ ngồi trước mặt và vụng về nói, “Rất tốt. Trong tương lai thì hãy tránh dính vào những vụ rắc rối”. “Thưa ngài, vâng!”. Trở về buồng giam quả là một việc khó khăn nhất đối với Tracy. Vừa mới bước chân vào, nàng lập tức sợ hãi nghĩ tới chuyện đã xảy ra nơi đây. Mấy người kia đang đi làm việc. Tracy nằm xuống giường, nhìn đăm đăm lên trần và toan tính. Sau cùng, nàng với xuống gầm giường và nạy ra một thanh sắt, giấu nó xuống dưới đệm giường mình 11 giờ, chuông báo giờ ăn trưa và Tracy là người đầu tiên đứng vào hàng. Trong phòng ăn, Paulita và Lola ngồi ở cái bàn kề bên lối ra vào. Không hề thấy bóng Ernestine Littlechap. Tracy chọn một bàn ăn toàn những người lạ, ngồi vào và ăn hết sạch bữa cơm vô vị. Cả buổi chiều nàng ở trong phòng giam một mình. 2 giờ 45, ba người kia mới bước vào. Paulita ríu rít với vẻ ngạc nhiên khi trông thấy Tracy. “Cô trở lại với bọn ta à, con mèo xinh đẹp. Cô thích cái mà bọn ta làm với cô chứ?”. “Tốt. Bọn ta sẽ lại cho em nữa”. Lola nới. Tracy làm như không nghe thấy những lời lẽ bẩn thỉu đó Nàng chú ý tới người đàn bà da đen. Chính là vì Ernestine Littlechap mà Tracy đã trở lại buồng giam này. Tracy không tin gì chị ta. Không một phút giây nào. Nhưng nàng cần đến chị ta. Tôi sẽ mách nước cho cô, cô bé. Ernestine Littlechap cầm đầu ở đây ...”. Đêm tới, khi hồi chuông réo vang báo hiệu còn mười lăm phút là tới giờ tắt đèn đi ngủ, Tracy nhổm dậy và bắt đầu cởi váy áo Lần này thì không việc gì phải dè dặt vô ích nữa. Nàng trút bỏ đồ và người đàn bà Mêhico như rên lên khi được ngắm cặp Vú tròn Căng, chắc nịch, đôi chân thon dài và bộ đùi nuột nà của Tracy. Lola thì thở gấp gáp Bình thản, Tracy mặc lên người chiếc váy ngủ và ngả lưng xuống giường. Ánh điện vụt tắt. Phòng giam chìm trong bóng tối. Ba mươi phút đã trôi qua. Tracy nằm yên lặng,” lắng nghe hơi thở của ba người kia. Tiếng Paulita thì thào vẳng sang: “Đêm nay, ta sẽ cho em biết thế nào là tình yêu thực sự. Cởi váy ra, cô bé”. “Bọn ta sẽ dạy cách liếm láp con mèo nhỏ chỗ đó, và em sẽ làm cho đến khi biết cách chơi”. Lola vừa nói vừa cười khúc khích. Người đàn bà da đen vẫn chẳng hé một lời nào. Tracy đoán biết ngay khi Lola và Paulita mò mẫm tới, và nàng đã sẵn sàng. Nàng nâng thanh sắt đã giấu bên và dồn hết sức phang đúng mặt một trong hai người đàn bà. Một tiếng kêu thét đau đớn, cùng lúc, Tracy co chân đá mạnh vào bóng người kia và trông thấy ả ngã lăn xuống sàn. “Còn lại gần tôi nữa thì chết đấy”, Tracy nói sõng. “Đồ chó”. Tracy lại nghe thấy tiếng bước chân họ lại gần, và nàng giơ cao thanh sắt. Tiếng Ernestine bỗng vang lên trong bóng tối. “Thế là đủ rồi. Để con bé yên”. “Ernie, tôi đầm đìa máu đây này. Tôi sẽ cho nó ...”. “Làm theo lời tao”. Im lặng. Tracy nghe thì hai người đàn bà trở lại giường họ, nằm thở phì phò. Tracy vẫn nằm yên, căng thẳng và sẵn sàng đương đầu một lần nữa. Ernestine lên tiếng. “Khá đấy, cô bé”. Tracy yên lặng. “Cô đã không ton hót với lão tổng giám thị”. Ernestine cười nhẹ trong bóng tối. “Nếu làm như vậy thì giờ đây cô chỉ còn là một xác chết”: Tracy tin điều chị ta nói. “Sao cô không để lão chuyển qua buồng khác?”. Thế ra chị ta đã biết cả điều đó. “Tôi muốn trở lại đây”. “Thật hả? Để làm gì?”, giọng Emestine có vẻ ngạc nhiên. Và đây là thời điểm mà Tracy hằng chờ đợi. “Chị có thể giúp tôi vượt ngục”. Chương 08 Một nữ giám thị tôi gặp Tracy. “Whitney, có có khách tới thăm”. Tracy ngạc nhiên. Có thể là ai được nhỉ? Và đột nhiên nàng biết. Charles. Sau cùng thì anh ta đã đến. Song quá muộn rồi. Trong lúc nàng cần đến khủng khiếp thì anh ta đã không tới. Hừ, mình không bao giờ cần tới anh ta nữa. Hay bất kỳ ai khác - Tracy thầm nhủ. Nàng theo người nữ giám thị tới phòng khách. Và bước vào. Một người xa lạ đang ngồi đợi trước chiếc bàn gỗ nhỏ. Và đó là người đàn ông kém hấp dẫn nhất mà Tracy từng thấy từ trước đến nay, khổ người thấp, múp míp, vẻ ái nam ái nữ, cái mũi dài và khoằm vào, và cải miệng nhỏ cay nghiệt. Trán ông ta cao và dô, còn cặp mắt nâu sẫm thì như to ra sự cặp kính dày. Ông ta không cả”đứng dậy. “Tôi tên là Daniel Cooper. Ông tổng giám thị đã cho phép tôi được nới chuyện với cô”. “Về việc gì?” Tracy ngờ vực hỏi. “Tôi là nhân viên điều tra của IIPA - Hiệp hội bảo hiểm Quốc tế. Một trong số khách hàng của chúng tôi đã bảo hiểm cho bức tranh Renoir bị mất cắp tại nhà ông Joshep Romano. Tracy thở mạnh. “Tôi không thể giúp gì ông. Tôi không đánh cắp bức họa”. Và nàng bước ra phía cửa. Câu nói tiếp theo của Cooper đã làm nàng dừng lại. “Tôi biết thế”. Tracy nhìn ông ta, thận trọng và cảnh giác. “Không có ai đánh cắp nó cả. “ Cô đã bị lừa, cô Whitney”. Tracy chậm chạp ngồi lại xuống ghế. Sự tham gia của Daniel Coope vào vụ này bắt đầu từ ba tuần” lễ trước đó, khi ông ta được triệu tập tới văn phòng của sếp, Ông J.J Reynolds, tại trụ sở IIPA ở Manhattan. “Tôi có việc cho anh đây, Dan”. Reynolds nói. Daniel Cooper không ưa người khác gọi mình là Dan. “Tôi sẽ nói vắn tắt thôi”. Reynolds chủ bụng nói ngắn là vì rất e ngại Cooper. Thực ra thì Cooper làm cho mọị người trong cơ quan phải e ngại mình. Rất nhiều người dùng từ số mệnh để mô tả ông ta - một con người kỳ lạ. Daniel Cooper luôn luôn thu kín mình. Không ai biết ông ta sống ở đâu? Có vợ con chưa. Ông ta không hề giao tiếp với ai và không bao giờ dự các cuộc liên hoan hay họp hành ở cơ quan. Ông ta là một kẻ cô độc, và lý do duy nhất làm Reynolds dung thứ cho ông ta chỉ bởi đây là một tài năng kỳ quái. Một con cho săn dẻo dai với bộ não điện tử Một Daniel Cooper đã thu hồi số lượng tài sản mất cắp và phát hiện những vụ bịp bợm trong lĩnh vực bảo hiểm nhiều hơn của tất cả các điều tra viên khác trong cơ quan gộp lại. Reynolds chỉ còn biết thầm mong tìm ra những bí ẩn quái dị của Cooper mà thôi. Chỉ ngồi trước mặt con người này, với cặp mắt cuồng tín kia đang chăm chú nhìn mình, Reynolds đã thấy không yên lòng. Ông ta nói. “Một trong số những công ty khách hàng của chúng ta đã bảo hiểm cho một bức họa với nửa triệu đô la và ...”. “Bức Ronoir, New Orleans, Joe Romano. Một phụ nữ có tên Tracy Whitney bị buộc tội và đã bị kết án mười lăm năm tù. Bức họa chưa được thu hồi”. Đồ chó đẻ? Reynolds thầm hằn học. Nếu đây là người khác thì mình đã nghĩ rằng hắn phô trương quá. “Đúng vậy” Reynolds thừa nhận vẻ, miễn cưỡng. “Ả Whitney đó đã cất giấu bức họa và chúng ta phải thu hồi nó. Hãy bắt tay vào việc đĩ”. Cooper rời căn phòng không nói thêm lời nào. Nhìn theo ông ta, J.J. Reynolds nghĩ thầm “và không phải đây là lần đầu tiên - có ngày mình sẽ tìm ra cách buộc hắn phải bộc lộ chân tướng. Cooper đi ngang qua các phòng, tới năm chục nhân viên đang lập chương trình cho máy tính, đánh máy các báo cáo, trả lời điện thoại ... Một sự ồn ào rối loạn. Khi Cooper đi ngang qua một bàn làm việc, ai đó cất tiếng. “Tôi nghe ông ngậm vụ Romano phải không” Thật may nhé. New Orleans thì ... Cooper bước qua không hề đáp lại Sao bọn họ không để cho mình được yên nghỉ? Đó là tất cả những gì Cooper đòi hỏi ở người khác, thế nhưng họ cứ luôn quấy rầy ông ta bằng những cử chỉ ồn ào của họ. Cooper thậm chí đã trở thành đề tài của các câu chuyện phiếm. Họ quyết tâm khám phá những gì có đằng sau thái độ lạnh lùng đó và tìm xem con người thật của ông ta ra sao. “Có rảnh rang để đi ăn chiều thứ sáu này không, Dan ...?”. “Nếu anh chưa vợ, tôi xin giới thiệu một cô gái tuyệt diệu, Dan ạ ....”. Chẳng nhẽ bọn họ không hiểu là Cooper không cần bất kỳ ai trong số họ, không thiết một ai? “Nào đi, uống một chút thôi mà ...”. Nhưng Daniel Cooper biết điều đó có thể dẫn tới những gì. Một ly rượu vô tình hoàn toàn có thể dẫn tới một bữa ăn chiều, và một bữa ăn chiều có thể dẫn tới một quan hệ nào đó, thế rồi mới quan hệ đó có thể dẫn tới lòng tin. Quá nguy hiểm. Daniel Cooper sống trong nỗi lo sợ ghê gớm rằng một ngày nào đó, một ai đó sẽ biết về quá khứ ông ta. Hãy đào sâu chôn chặt quá khứ - đó chỉ là một lời dối trá. Quá khứ chẳng bao giờ chịu bị chôn vùi. Cứ vài ba năm, một thứ tài liệu nào đó lại chui ra một vụ bê bối cũ và thế là Daniel Cooper lại sẽ biến đâu mất dăm ba ngày. Chỉ có những lúc như thế, ông ta mới uống tới say, một mình. Nếu như Daniel Cooper bộc lộ các tình cảm của mình thì có thể làm cho một bác sĩ tâm lý phát điên lên, thế nhưng không bao giờ ông ta cho phép mình nói về quá khứ với bất kỳ ai. Bằng chứng duy nhất mà ông ta còn giữ từ cái ngày kinh khủng xa xưa đó là một bài báo cắt rời đã ngả màu vàng ố - được cất kín trong phòng, mà không ai có thể tìm thấy được. Từng thời gian, Cooper lại nhìn vào nó, xem đó như một sự tự trừng phạt, chứ còn từng dấu chấm, dấu phẩy trong bài báo này thì luôn luôn hiện rõ nét trong đầu óc ông ta. Ông ta tắm bằng vòi hoa sen hoặc trong bồn ít nhất là ba lần một ngày, vậy mà không bao giờ có được cảm giác sạeh sẽ. Ông ta tin chắc rằng sự cứu rỗi duy nhất trên đời này là ăn năn chuộc tội. Ông ta đã tìm cách xin vào làm việc trong lực lượng cảnh sát New York và khi bị từ chối vì thiếu mất mười phân chiều cao, ông ta đã trở thành thám tử tư Ông ta tự coi mình là người đi săn, săn đuổi những kẻ vi phạm luật pháp. Ông ta là sự phẫn nộ của Chúa giáng xương đầu chúng. Và đó là cách duy nhất để ông ta chuộc lỗi cho quá khứ và dọn mình cho sự vĩnh hằng. Ông ta đắn đo không biết liệu còn có đủ thì giờ tắm một chút trước khi ra phi trường hay không. Nơi dừng chân đầu tiên của Daniel Cooper là New Orleans. Ông ta ở lại thành phố năm ngày và trước khi hết năm ngày đó, ông ta đã biết tất cả những điều cần thiết về Joe Romano, Anthony Orsatti, Perry Pope và thẩm phán Hẹnry Lawrence. Cooper đã đọc kỹ tài liệu về phiên tòa xử vụ Tracy Whitney. Ông ta cũng đã phỏng vấn trung úy Miller và biết về vụ tự sát của bà Doris Whitney. Ông ta cũng đã trò chuyện với Otto Schmidt và biết công ty Whitney đã bị phá sản như thế nào. Trong tất cả những cuộc gặp đó, Daniel Cooper không hề ghi chép gì thế nhưng vẫn có thể trích lại nguyên văn từng câu nói. Ông ta chắc tới phần trăm rằng Tracy Whitney vô tội, song đối với ông ta thì đó là những chuyện kỳ quặc không thể tưởng tượng được. Ông ta bay đi Philadelphia để gặp Claremce Desmond, phó chủ tịch nhà băng nơi Tracy đã làm việc. Còn Charles Stanhope III thì đã khước từ việc gặp ông ta. Giờ đây, khi nhìn người đàn bà ngồi trước mặt, Cooper tin tưởng trăm phần trăm rằng cô ta không hề liên quan gì tới vụ mất cắp bức họa cả. Ông ta đã có thể viết báo cáo được rồi. “.Romano đã lừa cô, cô Whitney. Sớm hay muộn, hắn ta cũng đòi khoản tiền bảo hiểm cho việc mất cắp bức họa. Cô đã vô tình xuất hiện đúng thời điểm làm cho điều đó trở nên dễ dàng với hắn ta hơn”. Tracy thấy tim mình đập dồn. Người này biết rằng nàng vô tội. Có thể ông ấy đủ bằng chứng để chống lại Joe Romano và bênh vực cho nàng. Ông ấy sẽ nói với ông tổng giám thị hoặc với ngài thống đốc, và đưa nàng ra khỏi cơn ác mộng này. Đột nhiên nàng thấy như nghẹt thở “Vậy ông giúp tôi chứ?”. Daniel Cooper ngạc nhiên. “Giúp cô?”. “Vâng. Yêu cầu một sự ân xá haỵ ....”. Lời ông ta như một cú đánh giáng xuống Tracy. “Không”. “Nhưng vì sao? Nếu như ông biết tôi vô tội”. Sao người ta lại ngu ngốc đến thế nhỉ? “Công việc của tôi đã kết thúc”. Khi trở lại căn phòng khách sạn của mình, việc đầu tiên mà Cooper làm là cởi đồ và bước vào buồng tắm. Ông ta kỳ cọ từ đầu đến chân, và để những tia nước nóng xối xuống người suốt gần nửa giờ đồng hồ. Sau khi lau khô người và mặc quần áo, ông ta ngồi xuống và viết báo cáo. Gứi: JReynolds Hồ sơ số Y-72-7830-412 Người gửi: Daniel Cooper. Trích yếu: Hai người đàn bà trong tiệm cà phê Hoa Hồng. Renoir - Dầu trên vải. Kết luận của tôi là Tracy Whitney không hề liên quan tới vụ mất cắp bức họa nói trên, Tôi tin rằng Joe Romano đã lợi dụng chính sách bảo hiểm để bán lại bức họa cho một tư nhân, và vào thời điểm này thì bức họa có thể đã bị đưa ra nước ngoài. Vì rằng bức họa quá nổi tiếng, tôi cho rằng nó sẽ xuất hiện ở Thụy sĩ, quốc gia có đạo luật bảo hộ và cho phép sự mua bán trao tay. Nếu một người mua trổ tay một tác phẩm nghệ thuật, chính phủ Thụy Sĩ cho phép anh ta được giữ nó, cho dù nó có là của ăn cắp. Đề xuất: Vì rằng không có bằng chứng cụ thể về tội lỗi của Romano, khách hàng của ta sẽ phải trả tiền cho ông ta theo đúng chính sách. Hơn nữa, trông vào Tracy để thu hồí bức họa hoặc bù đắp các thiệt hại là điều vô ích, bởi lẽ cô ta không biết gì vè bức họa và không hề có tài sản gì cả. Ngoài ra, cô ta sẽ bị giam giữ tại nhà tù nữ Nam Louisiana trong mười lăm năm tới. Daniel Cooper dừng lại một chút để nghĩ về Tracy Whitney. Ông ta cho rằng những người đàn ông khác sẽ đánh giá cô ta là rất đẹp. Ông ta băn khoăn, mặc dù không mấy quan tâm, liệu mười lăm năm tù sẽ làm cô thay đổi đến thế nào. Điều đó chẳng hề liên quan gì đến ông ta cả. Daniel Conper ký tên dưới bản báo cáo và lại đắn đo không biết có còn đủ thời gian để tắm một lần nữa hay không. Chương 09 Mụ Váy Sắt đã phân Tracy tới lao động ở phòng giặt. Một trong số ba mươi lăm công việc tồi tệ nhất. Gian phòng lớn, nóng ngột ngạt chứa đầy những máy giặt và những bàn để là quần áo, và những đống quần áo, vải vóc phải giặt thì dường như vô tận. Việc cho đồ phải giặt vào máy, lấy đồ đã giặt ra, khiêng những sọt đồ vừa giặt xong tới khu sấy ủi là một công việc tẻ ngắt và đau gãy cả lưng. Họ phải làm việc bắt đầu từ sáu giờ sáng và cứ hai giờ tù nhân mới được nghỉ mười phút. Tới cuối chín giờ làm việc trong ngày, hầu hết các tù nhân muốn sụm xuống vì kiệt sức. Tracy bắt tay vào việc như một cái máy, không hề nói chuyện với ai, đắm chìm trong suy tư. Khi Ernestine Littlechap nghe về việc phân công của Tracy, chị ta nhận xét. “Mụ Váy Sắt quất vào mông cô đấy”. Tracy đáp. :”Chẳng hề gì”. Ernestine Littlechap đã phải ngạc nhiên. Đây là người đàn bà khác hẳn với cô gái trẻ đầy sợ hãi mà người ta tống vào đây ba tuần lễ trước. Có điều gì đó làm cô ta thay đổi và Ernestlne Littlechap tò mò muốn biết. Vào ngày làm việc thứ tám của Tracy ở khu giặt, một người gác tới gặp nàng lúc đầu giờ chiều và nói, “Tôi được lệnh chuyển chỗ làm việc cho cô. Cô được điều tới làm ở nhà bếp”. Trong nhà tù này thì đây là chỗ làm việc đáng thèm muốn nhất. Có hai chế độ ăn trong nhà tù này: Tù nhân thì ăn món thịt băm tồi tệ, hoặc một thứ thịt hầm không nuốt nổi, trong khi bữa ăn của những cai ngục và đám viên chức khác thì do các đầu bếp chuyên nghiệp nấu nướng. Bữa ăn của họ thường có cá tươi, sườn,” gà, rau tươi và trái cây, cùng những món ăn tráng miệng ngon lành khác nữa. Những tù nhân làm việc trong bếp thì có thể tới gần những thứ đồ ăn đó và họ không để lỡ cơ hội nào. Khi Tracy tới trình diện tại nhà bếp, chừng mực nào đó nàng đã không ngạc nhiên khi thấy Ernestine Littlechap ở đó. Tracy lại gần chị ta. “Cảm ơn chị”. Nàng cố lấy giọng thân thiện. Ernestine lẩm bẩm nhưng không nói gì. “Làm thế nào chị giúp tôi qua mặt Mụ Váy Sắt thế”. “Mụ ta không còn ở với chúng ta nữa”. “Cái gì đã xảy ra với mụ ta?”. “Chúng ta có một bộ máy nhỏ. Nếu một người nào cứng quá và bắt đầu hành hạ chúng ta quá, ta sẽ đốt bỏ họ”. “Nghĩa là ông tổng giám thị nghe theo”. “Xì Tổng giám thị thì liên quan gì?”. “Vậy làm sao chị có thể?”. “Dễ thôi. Khi đến phiên trực của người gác mà ta muốn tống khứ, mọi chuyện sẽ bắt đầu. Những lời phàn nàn xuất hiện - một tờ trình của tù nhân nào đó báo cáo rằng Mụ Váy Sắt đã sờ con mèo nhỏ của cô ta. Ngày tiếp theo một người khác cáo giác mụ ta man rợ. Rồi ai đó phàn nàn rằng mụ ta lấy gì đó - chẳng hạn như một cái máy thu thanh - khỏi phòng cô ta, và tất nhiên là nó sẽ xuất hiện trong phòng Mụ Váy Sắt. Thế là mụ ta ra đi, không phải do đám gác tù điều hành ở đây mà là do chúng ta. “Vì sao mà chị bị bắt vào đây?” Tracy hỏi. Nàng không quan tâm tới câu trả lời. Điều quan trọng là tạo lập một quan hệ tốt với người đàn bà này. “Cô có thể tin rằng Ernestine Littlechap này không phạm lỗl lầm gì. Tôi có một đám các cô gái làm việc cho mình”. Tracy nhìn chị ta. “Nghĩa là ...”, nàng dè dặt. “Gái làm tiền?” Chị ta cười lớn. “Không. Chúng nó làm việc như những cô hầu gái trong các nhà giàu. Tôi đứng ra” ở một hãng kiếm việc. Tôi có ít nhất hai mươi cô. Bọn nhà giàu thì rất vất vả trong việc tìm thuê các cô gái hầu. Tôi đăng quảng cáo trên những tờ báo ăn khách nhất và khi họ liên lạc với tôi thì tôi gài các cô gái của mình vào. Họ sẽ tìm hiểu ngôi nhà, và khi những người chủ của họ đang đi làm hoặc đi vắng khỏi thành phố, bọn chúng sẽ vơ tất cả đồ đạc”. nữ trang, áo lông và mọi thứ gì có giá rồi chuồn”. Ernestine thở dài. “Cô sẽ không thể nào tin là bọn ta kiếm một khoản tiền” khổng lồ đến thế nào lại khỏi thuế má gì”. “Làm sao chị bị bắt?”. “Đó là bàn tay của số mệnh cô bé ạ. Một trong số những cô hầu gái của tôi phục vụ một bữa tiệc tại nhà viên thị trưởng, và trong đám thực khách có một bà lớn mà cô hầu này đã từng chơi cho một vố. Khi bị cảnh sát nện cho một trận, cô ả bắt đầu phun ra toàn bộ hoạt động và Ernestine tội nghiệp đã ở đây”. Chỉ có riêng họ đang đứng với nhau bên chiếc bếp lò. Tracy thì thầm. “Tôi không thể ở được. Tôi có chút việc ở bên ngoài. Chị sẽ giúp tôi vượt ngục chứ? Tôị.:”. “Thái dành đi. Chúng ta sẽ ăn món thịt hầm Ireland tối nay”. Và chị ta bỏ đi. Hệ thống thông tin của đám nữ tù này thật phi thường. “Tù nhân biết trước rất lâu những gì sắp xảy ra. Những tù nhân, được gọi là chuột cống, nhặt những báo cáo vứt bỏ trong đám giấy lộn, nghe trộm điện thoại, đọc thư từ của tổng giám thị, và tất cả các tin tức được cân nhắc kỹ càng và chuyển tới những tù nhân được “coi là quan trọng. Đứng đầu số này là Ernestine Littlechap. Tracy biết rõ chị ta có ảnh hưởng thế nào tới đám coi tù và khi những tù nhân khác cho rằng Ernestine đã trở thành người bảo hộ cho Tracy thì nàng hoàn toàn được yên ổn. Tracy ngong ngóng đợi Ernestine có những biểu hiện gần gũi với nàng, thế nhưng người đàn bà da đen cao lớn ấy lại giữ một khoảng cách. Vì sao? Tracy băn khoăn. Điều khoản số 7 trong nội quy chính thức của nhà tù phổ biến cho tù nhân quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi tinh đục. Một buồng giam sẽ chứa không quá bốn tù nhân. Vào một thời điểm bất kỳ, không được phép có hơn một tù nhân nằm trên một chiếc giường. Thực tế trái ngược lại một “cách khủng khiếp đến nỗi những người tù gọi bản nội quy đó là cuốn Truyện cười. Từng tuần lễ trôi qua, ngày ngày Tracy lại thấy những tù nhân mới - đám tù nhân ở đây gọi là cá - được đưa tới, và khung cảnh mọi thứ không có gì thay đổi. Những người phạm tội lần đầu và bình thường về tình dục thì thật đáng buồn. Họ đến, đều nhút nhát và sợ hãi, và những eon sói cái đã đợi sẵn. Tấn kịch diễn ra theo nhiều bước đã định. Trong một môi trường thù ầịch đầy đe dọa, con sói cái tỏ ra thân thiện và thông cảm. Ả sẽ rủ nạn nhân của ả đi tới phòng giải trí, nơi họ cùng ngồi coi ti vi, và khi con sói cái cầm tay cô ta thì cô ta sẽ để yên vì sợ làm mích lòng người bạn duy nhất. Cô tù nhân mới nhanh chóng thấy là các tù nhân khác bỏ cô ta một mình, và với sự lệ thuộc vào con sói cái tăng lên, những ve vuốt cũng tăng lên, cho tới khi cô ta sẵn lòng làm bất cứ điều gì cất để bám giữ người bạn duy nhất của mình. Những ai không chịu khuất phục thì sẽ bị cưỡng dâm. Chín mươi phần trăm nữ tù đã bị xô đẩy vào những hành vi đồng tính luyến ái - tự nguyện hoặc miễn cưỡng – trong vòng ba mươi ngày đầu tiên. Thật khủng khiếp. “Sao nhà chức trách lại để xảy ra chuyện như vậy được?” Nàng hỏi Ernestine. “Chính do cái cơ chế này, và ở nhà tù nào cũng vậy, cô bé ạ”, Ernestine giải thích. “Không thể nào chia cắt một nghìn hai trăm người phụ nữ khỏi những người đàn ông của họ mà lại trông chờ rằng họ không cưỡng dâm ai đó. Bọn ta không chỉ cưỡng hiếp vì tình dục. Bọn ta cưỡng hiếp còn vì quyền lực. Để cho chúng nó biết ai là bề trên. Một con cá mới lạc vào đây là mục tiêu cho mọi kẻ muốn cưỡng hiếp tập thể. Sự bảo hộ duy nhất có thể là phải trở thành vợ của một con sói cái. Như vậy thì sẽ không ai quấy rầy gì nữa”. Tracy có lý do để tin rằng nàng đang nghe một chuyên gia về lĩnh vực này. “Và không chỉ có tù nhân”. Ernestine tiếp tục. “Bọn cai tù cũng quá thể nữa. Nếu có một súc thịt tươi nào dẫn xác vào đây mà lại nghiền ma túy, dĩ nhiên là cô ta thấy căng thẳng và thật sự thèm khát. Cô ta sẽ vật vã và rời” rã. Được thôi, một nữ giám thị có thể tuồn hêrôin vào cho cô ta, song phải được đổi lại một chút ân ái, hiểu chưa” Dĩ nhiên là con cá kia phải chịu. Đám cai ngục đàn ông thì còn tệ hại hơn. Chúng có chìa khóa các buồng giam và tất cả những gì mà chúng phải lâm chỉ là mò vào lúc ban đêm và thỏa mãn nhục dục với những con mèo xinh đẹp mà không phải mất gì. Chúng có thể làm ta có thai, song chúng lại có thể mang tới nhiều món lợi. Cô muốn một thanh kẹo hoặc muốn bạn trai mình được phép đến thăm, chiều lòng bọn nó một chút, vậy thôi. Đó là một sự đổi chác và nó diễn ra ở tất cả các nhà tù trong nước”. “Thật kinh khủng”. “Đó là sự sống còn”. Ánh đèn từ trần buồng giam tỏa sáng trên cái đầu trọc của Ernestine. “Cô có biết vì sao họ không cho phép nhai kẹo cao su ở đây không?”. “Không”. “Bởi vì ta sẽ dùng nó nhét vào lỗ khóa trên các cánh cửa do vậy nó không bị khóa chặt, và vào ban đêm ta chuồn ra thăm viếng nhau. Bọn ta tuân thủ những quy định mà bọn ta muốn, chỉ có thế thô!”. Sau những bức tường nhà giam, các trò tình ái vẫn diễn ra ở mọi nơi, và sự thỏa thuận giữa những người tình thì thậm chí còn có hiệu lực hơn cả ở ngoài đời. Trong một thế giới phi tự nhiên, các nữ tù nhân tự quy định và thực hiện các vai trò giả định cho những người làm chồng, những người làm vợ. Những kẻ làm chồng nhận lãnh vai trò của người đàn ông trong một thế giới không có đàn ông. Họ thay đổi tên gọi. Ernestine được gọi là Ernie, Tessie là Tex, Barbara trở thành Bob Katherine là Kell. Những kẻ làm chồng cắt tóc ngắn đi hoặc cạo trọc, và không làm những việc lặt vặt. Tiểu thư Mary người làm vợ, thì làm những việc quét dọn, khâu vá và là ủi cho người làm chồng cô ta. Lola và Pàul1ta thường tranh giành quyết liệt sự chú ý của Ernestine, người này muốn loại bỏ người kia. Sự ghen tuông rất ghê gớm và đôi khi dẫn đến ẩu đả. Nếu người làm vợ bị bắt gặp nhìn ngắm một kẻ làm chồng khác hoặc nói chuyện với kẻ đó ở ngoài sân chơi, thì nỗi bực dọc sẽ bùng lêạ. Những lá thư tình được trao quanh nhà tù thông qua đám tù tự giác - được gọi là chuột cống. Những lá thư này thường gấp lại thành một hình tam giác nhỏ, gọi là những cánh diều, để dễ dàng giấu vào trong nịt vú hoặc trong giầy. Tracy đã thấy cánh diều được chuyền nhau giữa những người đàn bà khi họ đi sát bên nhau vào phòng ăn hay trên đường đường đi làm. Lâu lâu, Tracy lại thấy những nữ tù nhân phải lòng cai ngục. Đó là thứ tình yêu sinh ra từ sự tuyệt vọng, bất lực và khuất phục. Những nữ tù nhân lệ thuộc tất cả vào đám gác ngục: đồ ăn uống, các quyền lợi và đôi khi cả mạng sống của họ. Tracy không cho phép mình được có cảm tình với bất kỳ ai trong tù. Chuyện tình dục diễn ra cả ngày lẫn đêm trong phòng tắm, trong các toa let, trong các buồng giam và về đêm thì còn có cả các động tác làm tình bằng miệng qua các song sắt nữa. Các tiểu thư Mary của những người gác ngục thì được cho ra khỏi các buồng giam vào ban đêm để tới khu ở của họ. Sau khi đèn tắt, Tracy thường nằm trên giường và dùng tay bịt hai tai lại để khỏi nghe thấy những tiếng rên rỉ, gào thét dâm đãng. Một đêm Ernestine lôi từ gầm giường”ra một hộp gạo sấy và tung gạo ra lối đi bên ngoài phòng giam. Tracy nghe thấy các tù nhân khác cũng làm như vậy. “Chuyện gì thế” Tracy hỏi. Ernestine quay lại và đáp cộc cằn. “Không việc gì đến mày. Cứ nằm yên mẹ nó đi”. Ít phút sau, một tiếng la khủng khiếp vang lên từ - buồng giam gần đó, nơi có một nữ tù nhân mới. “Ôi lạy Chúa, không. Đừng! Xin để tôi yên!”. Tracy hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra và cảm thấy ghê tởm. Tiếng kêu la cứ dai dẳng, mãi cho tới khi nó chỉ còn là những tiếng thổn thức bất lực, đứt quãng. Sao những phụ nữ này lại có thể làm như thế đối với nhau nhỉ? Nàng những tưởng rằng nhà tù đã làm mình trở nên chai sạn, thế mà sáng dậy, khuôn mặt nàng vẫn đầy những vệt nước mắt đã khô. Nàng quyết không để lộ tình cảm của mình trước Ernestine, bình thản hỏi, “Cái thứ gạo sấy đó là thế nào?”. “Đó là hệ thống báo động của bọn ta. Ta có thể nghe thấy nếu như bọn cai ngục muốn lẻn đến chộp quả tang”. Tracy nhanh chóng hiểu ra vì sao bọn tội phạm gọi một hạn tù là “đi học đại học”. Chế độ nhà tù là một sự giáo dục, song cái mà tù nhân học thì toàn là những thứ tồi tệ. Nhà tù đầy ắp các chuyên gia của mọi lãnh vực tội lỗi. Họ trao đổi các phương cách trộm cắp khác nhau, trò mồi chài quyến rũ, tm tức về đám trộm cắp vặt và các cảnh sát chìm. Một buổi sáng, trong sân chơi, Tracy đã nghe: một nữ tù lớn tuổi giảng giải trò móc túi cho đám trẻ hơn. “Bọn chuyên nghiệp vốn từ Colombia tới. ở Bogota chúng mở một trường dạy nghề, gọi là trường: mười quả chuông. Phải trả hai trăm năm mươi đô la để trở thành một kẻ móc túi chuyên nghiệp. Chúng treo một hình nằm trên trần nhà, khoác lên đó một bộ đồ có mười cái túi đầy ắp tiền và đồ kim hoàn”. “Vậy là thế nào?”. “Điều cốt lõi là trong mỗi túi đều có một quả chuông. Sẽ không được ra trường cho” đến chừng nào bọn này có thể vết nhẵn cả mười cái túi quỷ quái đó mà không làm chuông kêu”. Lola tiếc rẻ, “Tao đã từng cặp với một thằng đi qua cả đám đông, mình khoác áo choàng với cả hai tay để khơi khơi ra thế mà vẫn móc được túi của tất cả mọi người!”. “Hắn làm thế quái nào vậy?”. “Cái tay bên phải chỉ là tay giả. Hắn ta luồn tay thật qua một cái khe trên áo rồi hành sự”. Sự giảng dạy này tiếp tục trong phòng giải trí. “Tao thích trò chơi chìa khóa rởm” một kẻ lọc lõi nói. “Đi vòng vòng trong gạ xe lửa cho tới khi một bà già nhỏ bé đang cố nâng va li, hay một bọc gì lớn để cho vào ngăn đựng đồ công cộng. Mày giúp bà ta một tay rồi cầm chìa khóa đưa cho bà ta. Chỉ có điều cái chìa khóa đó là của một ngăn rỗng không nào đó. Khi bà ta đi khỏi, vét sạch và chuồn”. Một bữa khác, ở ngoài sân, hai tù nhân bị kết tội đĩ điếm và tàng trữ ma túy đang nói chuyện với tù nhân mới, một cô gái xinh xắn không quá mười bảy tuổi. “Mày bị tóm là đảng rồi, cô em”. Một tù cũ nói. “Trước khi ngã giá với một thằng cha nào đó mày phải rờ xem nó có mang súng không, và đừng bao giờ nói là mày sẽ cho nó những gì. Hãy để tự nó nói muốn gì. Rồi nếu hóa ra nó là cớm, thì đó là việc mày bị bẫy thôi, hiểu chưa?”. Kẻ kia thêm vào, “Đúng. Và luôn phải nhìn tay bọn nó, một thằng bịp nào đó nhận nó là công nhân, xem xem tay nó có thô ráp không. Đó là một mẹo đấy. Khối thằng cớm chìm mặc đồ bảo hộ lao động, song tay bọn nó thì lại mềm mại thư sinh”. Thời gian lặng lẽ trôi, không nhanh mà cũng chẳng chậm. Nó thật là đơn điệu. Tracy chợt nghĩ tới lời thánh Augustine: “Thời gian là gì? Nếu có ai hỏi ta, ta biết. Nhưng nếu phải giải thích, ta không biết!.”. Thời gian biểu trong tù không bao giờ thay đổi: giờ 30: Chuông báo thức. giờ 45: Dậy, mặc quần áo. giờ 00: Ăn điểm tâm. giờ 30: Trở lại buồng giam. giờ 55: Chuông báo. giờ 00: Xếp hàng đi làm giờ 00: Tập trung ngoài sân tập. giờ 30: Ăn trưa. giờ 00: Xếp hàng đi làm. giờ 30: Ăn chiều. giờ 00: Trở lại buồng giam. giờ 00: Tới phòng giải trí. giờ 00: Trở lại phòng giam. giờ 45: Chuông báo. l giờ 00: Đèn tắt. Các quy định là bất di bất dịch. Tất cả tù nhân phải tới nhà ăn và không được phép nói chuyện trong hàng. Trong phòng giam không được có quá năm thứ mỹ phẩm. Giường đệm phải được dọn gọn ghẽ trước giờ ăn sáng, và phải được giữ ngay ngắn suốt cả ngày. Nhà tù này có một thứ âm nhạc của riêng nó, tiếng chuông réo, tiếng chân nện trên nền xi măng, tiếng cửa sắt đóng mở rầm rầm, tiếng thì thầm ban ngày và tiếng la thét ban đêm ... tiếng xè xè của máy bộ đàm cá nhân của đám cai ngục, tiếng va chạm của những khay đồ ăn, lại còn luôn luôn có những dây thép gai, những bức tường cao, sự trống trải, cô độc và lòng hận thù cháy bỏng. Tracy đã trở thành một tù nhân kiểu mẫu. Cơ thể nàng thích ứng một cách tự động với các tín hiệu thường lệ của nhà tù: Giờ điểm danh, giờ ngủ dậy, giờ đi làm và chuông báo hết giờ lao động. Thể xác Tracy ở trong tù, còn đầu óc nàng thì tự do mưu tính việc chạy trốn. Tù nhân không được phép gọi điện thoại, chỉ được phép nhận từ ngoài vào, hai lần một tháng, mỗi lần năm phút. Có một lần, Otto-Schmidt gọi cho Tracy. “Tôi nghĩ là cô muốn được biết”, bác ta ấp úng. “Đó là một đám tang thực trọng thể. Tôi đã thanh toán mọi phí tổn, thưa cô Tracy”. “Cảm ơn bác, bác Otto. Tôi ... cảm ơn bác”. Chẳng ai còn biết nói gì thêm. Không còn ai gọi điện cho nàng nữa, kể từ đó. “Cô em, tốt nhất là hãy quên thế giới bên ngoài đi”. Ernestine nhắc nhở nàng. “Ngoài đó không có ai cho cơ đâu”. Chị nhầm rồi, Tracy thầm nghĩ. “Joe Romano.”. “Perry Pope.”. Thẩm phán Henry Lawrence. Anthony Orsatti. Charles Stanhope III. Tracy đã chạm trán với Bertha Lớn trong sân tập thể dục. Đó là một cái sân lớn hình chữ nhật, một bên là bức tường ngoài của nhà tù và bên này là bức tường trong. Mỗi sáng, tù nhân được phép ra sân tập trong vòng ba mươi phút. Đây là một trong những nơi được phép chuyện trò, và từng đám tù nhân tụ tập trao đổi những tin tức mới nhất và những lời đồn đại trước khi đi ăn trưa. Lần đầu tiên khi ra sân này Tracy đột nhiên có cảm giác tự do, và nhận ra rằng đó là vì mình đang được ở ngoài trời. Nàng có thể nhìn thấy mặt trời, tít trên cao, những đám mây bồng bềnh, và xa xôi đâu đó trên bầu trời xanh ngắt vẳng, nghe tiếng động cơ máy bay, rộn lên những mơ ước. “Á, tìm cô em mãi”, một giọng nói vang lên. Tracy quay lại và thấy người đàn bà Thụy Điển to lớn đã đâm sầm vào nàng ngày đầu tới đây. “Nghe nói cô em đã kiếm cho mình con sói cái nhọ”. Tracy nhón chân định bỏ đi. Bertha Lớn tóm lấy. “Không kẻ nào dám ngoảnh mặt với ta”, mụ thốt lên. “Hãy ngoan ngoãn, quả bóng nhỏ”. Mụ đẩy Tracy vào sát tường, ép chặt tấm thân hộ pháp lên nàng. “Buông tôi ra”. “Cái mà cô em cần là một chút liếm láp ra trò. Hiểu không? Tôi sẽ cho em cái đó. Em sẽ là của tôi, cô bé ạ”. Một giọng nói quen thuộc từ phía sau Tracy gay gắt cất lên, “Buông mẹ tay ra khỏi nó, đồ cứt”. Ernestine Littlechap đã đứng đó, tay nắm chặt, mắt long sòng sọc, cái đầu cạo trọc bóng lên dưới ánh nắng. “Mày không đủ đàn ông cho nó, Ernie”. “Tao đủ đàn ông cả đối với mày”. Người đàn bà da đen quát lên. “Mày còn động tới nó thì tao sẽ rán miếng mông mày để ăn sáng cho xem”. Không khí lắng xuống, căng thẳng. Hai người đàn bà tướng đàn ông gườm gườm nhau. Họ sẽ giết nhau vì mình mất, Tracy nghĩ. Vậ chợt thấy chuyện đó chẳng liên quan gì mấy tới nàng. Ernestine chả đã nói. “ở nơi này phải đấu đá, cưỡng hiếp hoặc đánh lộn. Một là sống, hai là chết”. Bertha Lớn phải chịu lép. Mụ nhìn Ernestine đầy khinh bỉ. “Tao chẳng vội gì”. Rồi liếc nhìn Tracy, “Cô em còn ở đây lâu, cô bé. Tao cũng vậy, sẽ tìm cô em sau”. Mụ bỏ đi. Ernestine nhìn theo. “Con mẹ đốn mạt. Cô nhớ mụ y tá ở Chicago, giết tất cả các bệnh nhân không” Tiêm Xiamit cho họ rồi chờ xem họ chết? Hừ, con mẹ đức hạnh ấy đang nóng lên vì cô đấy, Whitney. Xì! Cô cần có người bảo vệ. Nó chưa chịu buông tha cô đâu”. “Chị sẽ giúp tôi vượt ngược chứ?”. Có tiếng chuông reo. “Đến giờ ăn rồi”. Ernestine Littlechap nói. Đêm đó, nằm trên giường, Tracy nghĩ mãi về Emestme. Dù rằng chị ta chẳng còn ý sờ mó nữa, nàng vẫn không tin đượe. Nàng không thể quên việc mà Ernestine và hai người đàn bà kia đã làm đối với mình. Nhưng nàng cần người đàn bà da đen này. Mỗi buổi chiều, sau bữa ăn, tù nhân dược phép có một giờ ở phòng giải trí, họ có thể coi ti vi, trò chuyện hoặc xem các báo và tạp chí mới nhất. Tracy đang lướt xem tờ tạp chí thì bắt gặp một bức hình. Đó là hình chụp lễ cưới của Charles Stanliope III. Hai người, tay cầm tay tươi cười, đang từ một. nhà thờ nhỏ bước ra. Nó như một cú đánh giáng xuống Tracy. Xem tấm hình anh ta với nụ cười hạnh phúc, lòng nàng tràn đầy nỗi đau. Nàng đã từng dự kiến chia sẻ cuộc sống với người đàn ông này, và anh ta đã quay lưng lại nàng, để mặc bọn chúng hãm hại nàng, để mặc đứa con của họ phải chết. Song chuyện đó đã qua, ở một nơi khác, một thế giới khác. Đó là ảo ảnh. Đây là thực tế. Tracy gập nhanh tờ tạp chí. Vào những ngày cho phép thăm nom, thật dễ biết tù nhân nào đã được bạn bè hoặc bà con tới thăm. Họ thường tắm rửa sạch sẽ và thêm chút phấn son trang điểm. Ernestine thường từ nhà khách trở về với vẻ mặt tươi cười. “Ai của tôi, anh ấy luôn tới với tôi”, chị ta kể với Tracy “Anh ấy sẽ đợi tôi ra khỏi nơi đây. Cô có biết vì sao không? Vì tôi cho anh ấy cái mà không người đàn bà nào khác có thể cho được”. Tracy không giấu nổi sự ngượng ngùng. “Chị muốn nói ... về tình dục ư?”. Cô có thể mang bộ mông của cô ra mà cược đấy. Những gì diễn ra ở đây không hề liên quan gì tới bên ngoài hết ở chốn này, đôi lúc mình cần có một tắm than ấm nóng nào đó để ôm ấp - cần có một ai đó vuốt ve mình và nói rằng họ yêu thương mình. Cũng chẳng hề gì, dù đó không phải là sự thật và không lâu bền gì. Đó là tất cả những gì mà ta có thể có được. Nhưng mà khi tôi trở ra bên ngoài”, Ernestine bốn nói lớn hơn, “thì tôi trở thành một người đàn bà cuồng dâm thực sự, nghe chưa?”. Có điều gì đó vẫn ám ảnh Tracy. Nàng quyết định gợi lại vào lúc này. “Ernie, chị đã bảo vệ tôi. Vì sao?”. Ernestine nhún vai. “Tôi thực lòng muốn biết”. Tracy lựa lời một cách thận trọng. Tất cả những ai là ... là bạn của chị đều thuộc về chị. Họ làm theo bất kỳ điều gì họ muốn”. “Nếu chúng không muốn đi quanh đây với một nửa cái mông, phải”. “Song tôi lại khác. Tại sáo?”. “Than vãn à?”. Không. Tò mò thôi”. Ernestine nghĩ ngợi một lát. “Được. Cô có cái mà tôi muốn”. Chị ta thấy vẻ mặt Tracy. “Không. Không phải cái đó Cái đó tôi có dư rồi, ý tôi là cô có học, có học tử tế ấy. Giống như các tiểu thư khuê các mà người ta thấy tả các tạp chí Vogue và Town and Country vậy, ăn mặc đàng hoàng và dùng trà rót từ các bình bằng bạc. Đó là thế giới của cô. Còn đây thì không. Tôi không hiểu vì đâu mà ở ngoài kia cô lại dính tới cái bọn khốn nạn đó, song tôi đoán rằng cô đã bị lường gạt”. Chị ta nhìn Tracy và nói, gần như ngớ ngẩn. “Trong đời, tôi không gặp nhiều thứ đẹp đẽ, cô là một trong số đó”. Chị ta quay đi nên những lời tiếp theo gần như không nghe được. “Và tôi lấy làm tiếc về đứa con của cô. Tôi thật lòng ...”. Đêm đó, sau khi tắt đèn, Tracy thì thầm trong bóng tối. “Erme, tôi phải trốn. Xln chị hãy giúp tôi”. “Lạy Chúa, tao đang muốn ngủ! Im ngay đi, nghe chưa? Ernestine đã giúp Tracy hiểu thứ ngôn ngữ nhà nghề trong nơi ngục tù này. Một đám đàn bà đang nói chuyện ngoài sân. “Con sói cái này đã đánh tuột dây lưng yà từ bây giờ phải cho nó ăn bằng cái thìa có cán dài ...”. “Ả thấp lùn, song họ bắt được ả trong một cơn bão tuyết và một cớm sắt đã giao ả ta cho tay đồ tể. Điều đó chấm dứt việc thức dậy của ả. Tạm biệt ... Tracy không hiểu gì hết. “Họ nói chuyện gì vậy?”. Ernestine cười phá lên và giải thích “Không biết tiếng Anh à, cô bé? Khi một người đàn bà đồng tính luyến ái đánh tuột đây lưng nghĩa là cô ta chuyển từ làm đàn ông sang kiểu làm tiểu thư Mary. Không thể tin cậy cô ta được nữa, nghĩa là phải lánh xa nó ra. Cô ta thấp lùn nghĩa là sắp mãn hạn tù, thế nhưng lại bị bắt vì dùng ma túy rồi bị giao cho đồ tể, bác sĩ của nhà tù?. “Thế một Rubydo và việc thức dậy là cái gì? “Không học được gì à? Một Rubyđo là một thời gian thử thách. Còn thức dậy là ngày được thả ra”. Cuộc đánh lộn giữa Ernestine Littlechap và Bertha Lớn đã nổ ra ở ngoài sân ngay hôm sau đó. Đám tù nhân đang chơi bóng chày dưới sự giám sát của những người coi ngục. Bertha Lớn đang lên bóng và bị hai đối thủ cản lại chuyền mạnh bóng cho một người khác và lao về phía vạch cuối sần nơi có Tracy trấn giữ. Bertha Lớn đâm sầm vào Tracy, làm nâng ngã xuống, rồi cười lên, hai tay mụ luồn vào giữa hai đùi nàng và thầm thì. “Không ai từ chối ta cả, con ạ. Đêm nay ta sẽ đến với em, quả bóng nhỏ, và ta sẽ chơi đến mệt nhoài”. Tracy điên cuồng vùng vẫy. Đột nhiên, nàng thấy Berth Lớn bị nhấc bổng lên. Té ra Ernestine đã tóm lấy mụ và đang bóp cổ mụ ta. “Đồ chó ghẻ! Ernesine quát lên. “Tao đã cảnh cáo mày rồi cơ mà!”. Chị ta cào vào mặt Bertha Lớn và móc mắt mụ ta. “Mù mắt tao rồi!” Bertha Lớn hét lên. “Mù mắt tao rồi!” Mụ ta chộp lấy hai vú Emestine, kéo mạnh. Hai người đàn bà đấm đạp, cào xé nhau, và bốn người coi ngục vội chạy tới. Phải mất tới năm phút mới giằng họ ra được và cả hai đều phải đưa đi bệnh xá. Mãi khuya hôm đó Ernestine mới trở về buồng giam. Lola và Paulita vội vã tới an ủi. “Chị có sao không?” Tracy thì thầm. “Mẹ, ổn cả”. Ernestine đáp, giọng như nghẹt lại, và Tracy lo lắng không biết chị ta đau đớn đến thế nào. “Ngày mai tôi bắt đầu thời gian thử thách. Tôi sắp ra khỏi nơi đây. Cô sẽ rất rối đấy. Con mẹ đó sẽ không để cô yên đâu. Không còn cách nào. Và khi đã thỏa lòng dâm dục với cô, nó sẽ giết cô”. Họ nằm yên trong bóng tối. Sau cùng, Ernestine lại cất tiếng. “Có thể đã đến lúc cô và tôi phải nói về việc để cô trốn mẹ nó ra khỏi đây”. Chương 10 “Ngày mai, em mất cô bảo mẫu rồi”. Tổng giám thị Brannigan thông báo cho vợ. Sue Ellen Brannigan ngước nhìn chồng, ngạc nhiên. “Sao? Judy rất tốt với Amy”. “Anh biết, song mai Judy sẽ được trả tự do”. Họ đang ăn sáng trong ngôi nhà tiện nghi. Một trong số những đặc lợi của nghề nghiệp Brannigan. Những quyền lợi khác gồm có một đầu bếp, một cô hầu phòng, một tài xế riêng, và một bảo mẫu cho con gái họ, Amy, gần năm tuổi. Năm năm trước, khi mới đến đây, Sue Ellen Brannigan rất lo sợ về việc phải sống trong khu vực nhà tù và còn sợ hãi hơn nữa khi trong nhà đầy những người phục vụ vốn đều là các tội phạm đang bị giam cầm. “Làm sao anh có thể dám chắc rằng nửa đêm chúng không cướp bóc hoặc cắt cổ chúng ta?” Bà căn vặn chồng. “Nếu làm như vậy họ sẽ chết với tôi”, tổng giám thị Brannigan hứa hẹn. Ông làm bà hết sợ nhưng không làm bà tin được, tuy vậy những lo ngại của Sue Ellen đã tỏ ra không có cơ sở. Những người tù tự giác mong muốn tạo được ấn tượng tốt hòng rút ngắn thời hạn giam giữ của họ càng nhiều càng hay nên đã hết sức lương thiện. “Em vừa mới yên tâm khi giao Amy cho Judy chăm sóc”, bà vợ phàn nàn. Bà mong muốn những điều tốt đẹp cho Judy song lại không muốn cô ta ra đi. Ai mà biết kẻ trông nom Amy sắp tới là loại người gì? Có quá nhiều câu chuyện khủng khiếp về những chuyện bẩn thỉu mà những người lạ đã làm đối với trẻ con. “Anh đã nghĩ tới ai thay cho Judy chưa?”. Ông tổng giám thị đã cân nhắc kỹ điều này. Có cả chục tù tự giác thích hợp với việc trông nom Amy, song ông không thể dứt bỏ Tracy khỏi đầu óc mình. Có cái gì đó trong vụ án của cô ta làm ông thấy áy náy. Là một nhà tội phạm từ mười lăm năm nay, ông tự hào về một trong những điểm mạnh của mình là khả năng đánh giá tù nhân. Một số do ông cai quản là những tội phạm chuyên nghiệp, một số khác phải vào tù vì đã phạm tội do quá kích động hay không cưỡng lại dược một ham muốn nhất thời nào đó, song ông thấy Tracy có vẻ không thuộc vào những loại đó. Lời kêu oan của cô ta không ảnh hưởng gì mấy đến suy nghĩ của ông vì rằng đó là những lời cửa miệng của mọi tù nhân. Điều làm ông áy náy chính là những kẻ đã hùa nhau đẩy Tracy Whitney vào tù. Ông vốn được bổ nhiệm bởi một hội đồng dân cử do thống đốc bang đứng đầu, và mặc dầu kiên quyết từ chối dính líu tới các vấn đề chính trị, ông vẫn biết rõ nhiều nhân vật. Joe Romano là Mafta, tay chân Anthony Orsatti, Perry Pope, luật sư bào chữa cho Tracy Whitney, được bọn chứng trả tiền và thẩm phán Henry Lawrence cũng vậy. Bản án Tracy Whitney lại càng thêm biểu hiện đáng nghi vấn. Lúc này, Tổng giám thị Brannigan đã quyết. Ông nói với vợ “Rồi. Tôi đã nghĩ đến một người”. Trong khu bếp của nhà tù có một phòng hẹp với một bàn ăn nhỏ, và bốn cái ghế tựa, nơi duy nhất có thể có một chút riêng biệt. Ernestlne Littlechap và Tracy đang ngồi trong đó uống cà phê nhân mười phút nghỉ giải lao. “Tôi nghĩ đã đến lúc cô nói với tôi vì sao vội vã muốn ra khỏi đây thế”. Ernestine bảo. Tracy lưỡng lự. Nàng có thể tin Ernestine chăng? Cũng chẳng có lựa chọn nào khác. “Có ... có mấy người đã làm hại gia đình tôi và tôi. Tôi phải ra để bắt chúng đền tội”. À? Chúng đã làm gì? Tracy nới chậm rãi từng lời, mỗi lời mỗi đau đớn. “Chúng giết mẹ tôi”. “Chúng là ai?”. “Tôi không cho những cái tên đó có ý nghĩa gì với chị cả. Joe Romano, Pepy Pope, một thẩm phán tên Henry Lawrence, Anthony Orsatti”. Miệng há ra, Ernestine nhìn nàng chằm chằm. “Lạy Chúa! Cô làm tôi sửng sốt, cô bé ạ”. Tracy ngạc nhiên. “Chị có nghe về chúng nó à?”. “Tôi nghe? Ai chẳng nghe về chúng nó? Chả cớ gì diễn ra ở cái xứ New Orleans bỏ mẹ này mà không có sự dính líu của Orsatti hay Romano. Cô không thể đụng tới bọn đó Chúng nó sẽ thổi bay cô đi”. Giọng Tracy trầm xuống. “Thì chúng nó đã làm vậy rồi thôi”. Ernestine nhìn quanh để cầm chắc không có ai nghe trộm. “Hoặc là cô điên rồ hoặc cô là con đàn bà ghê gớm nhất mà tôi từng biết. Dám nói tới những kẻ không thể đụng tới đó!” Chị ta lắc đầu. “Quên nhanh chúng đi”. “Không. Tôi không thể. Tôi phải trốn khỏi đây. Liệu có được không?”. Ernestine im lặng hồi lâu. Sau cùng, chị ta bảo. “Ta sẽ nói chuyện ở ngoài sân”. Chị ta dẫn nàng tới một chỗ vắng vẻ. “Đã có mười hai vụ vượt ngục a nhà tù này”, Ernestine nồi. “Hai trong số đó bị bắn chết. Mười người khác bị bắt và bị đưa trở lại”. Tracy không bình luận gì. “Trên tháp canh có lính gác suốt hai mươi bốn giờ, với súng máy, và đó là lũ chó đẻ đê hèn. Nếu ai đó trốn thoát, chúng sẽ mất việc, bởi vậy chúng sẵn sàng bắn chết người tù chạy trốn. Dây thép gai được chằng quanh nhả tù và nếu như cô có qua được cái đó cùng những khẩu súng máy, bọn nó còn dùng tới chó săn, cái loại có thể tìm thấy hơi của một con muỗi. Cách đây vài dặm còn có một đồn binh cửa Cảnh vệ Quốc gia, và khi có tù vượt ngục chúng sẽ phái tới một máy bay lên thẳng vũ trang có đèn rọi. Không ai thèm để ý gì nếu như bọn chúng mang cô về sống hay chết. Bọn nó muốn cô chết hơn. Vì nó làm gương cho những mưu tính khác. Người vượt ngục đều cớ sự giúp đỡ từ bên ngoài - bạn bè tuồn cho súng, tiền hạc và áo quần. Họ có những chiếc xe chờ sẵn để trốn”. Chị ta dừng lại để gây ấn tượng. “Thế mà họ vẫn bị bắt lại”. “Họ sẽ không bắt được tôi”, Tracy quả quyết. Một nữ giám thị đến gần. Bà ta nói to với Tracy, Tổng giám thị Brannigan nalốn gặp cô”. “Chúng tôi cần có ai đó chăm sóc đứa con gái nhỏ của mình”. Tổng giám thị Brannigan nói: “Đó là một công việc tự nguyện. Cô không phải nhận làm nếu như cô không muốn”. Ai đó chăm sóc đứa con gái nhỏ của mình. Tracy tính toán mau lẹ. Việc này có thể giúp nàng dễ bề vượt ngục hơn là ở đây, làm việc ở nhà của tổng giám thì, nàng có thể dễ dàng biết nhiều hơn nữa về bộ máy nhà tù”. “Vâng?” Tracy nói. “Tôi đồng ý nhận việc này”. George Brannigan thấy hài lòng. Ông cứ có một cảm giác bứt rứt rằng mình nợ người phụ nữ này điều gì đó. “Tốt. Một giờ được trả sáu mươi xu. Khoản tiền này vào cuối mỗi tháng sẽ được đưa vào tài khoản của cô”. Tù nhân không được phép có tiền mặt, tất cả các món tiền tích lũy sẽ được trả vào ngày ra tù. Mình sẽ chẳng ở đây đến cuối tháng này. Tracy nghĩ, song nàng vẫn nói thành tiếng. “Thế là tốt rồi”. “Cô có thể bắt đầu làm việc từ sáng mai. Bà giám thị trưởng sẽ cho cô biết chi tiết”. “Cám ơn ông tổng giám thị”. Ông nhìn nàng và thấy muốn nói thêm gì nữa, song cũng không chắc là muốn nói gì. Bởi thế ông nói. “Vậy thôi”. Khi Tracy báo tin này cho Ernestine, người đàn bà da đen nói với vẻ đầy cân nhắc, “Có nghĩa là họ sẽ để cô trở thành một tù tự giác. Cô sẽ biết rõ các hoạt động của nhà tù. Điều đó có thể làm cho việc vượt ngục dễ dàng hơn. “Tôi phải làm thế nào?” Tracy hỏi. - “Cô có ba sự lựa chọn, nhưng đều mạo hiểm cả. Cách thứ nhất là chuồn ra. Dùng kẹo cao su làm tắc các ổ khóa cửa buồng giam và các lối đi. Chuồn ra sân, ném một tấm đệm lên trên các sợi dây thép gai, leo ra và chạy”. Với chó và máy bay lên thẳng truy đuổi? Tracy đã có thể cảm thấy những loạt đạn của bọn lính gác đang găm vào người. Nàng rùng mình. “Các cách kia thì thế nào?”. “Cách thứ hai là khống chế. Dùng súng bắt theo một con tin. Nếu mà họ tóm lại được thì cô sẽ bị phiền phức đấy”. Chị ta thấy nét hoảng sợ trên mặt Tracy. “Nghĩa là thêm hai đến năm năm tù nữa”. “Còn cách thứ ba?”. “Bỏ đi. Đây là đối với các tù tự giác có việc đi ra ngoài. Một khi đã ở bên ngoài rồi thì cô cứ việc tiếp tục đi”. Tracy nghĩ về việc đó. Nàng sẽ chẳng có cơ hội nào cả vì lẽ không có tiền, không có một chiếc xe, không có nơi ẩn náu. “Họ sẽ phát hiện thiếu tôi vào giờ điểm danh và bắt đầu lùng kiếm”. Ernestine thở dài, “Không có một kế hoạch nào hoàn hảo cả, cô bé. Vì thế mà chưa ai trốn khỏi đây được”. Mình sẽ làm được, Tracy thầm nguyện. Buổi sáng Tracy đến làm việc tại nhà tổng giám thị Brannigan đánh dấu tháng ở tù thứ năm của nàng. Tracy hồi hộp chờ gặp bà vợ ơng tổng giám thị và đứa trẻ, vì rất mong được làm công việc này. Nó là cái chìa khóa dẫn tới tự do. Tracy bước vào gian bếp lớn, gọn gàng và ngồi xuống, cảm thấy từng giọt mồ hôi lăn dọc cánh tay mình. Một người đàn bà, trong chiếc áo khoác mặc nhà màu hồng, xuất hiện ở ngưỡng cửa. Bà ta nói. “Xin chào cô”. “Dạ, chào bà”. Người đàn bà toan ngồi xuống rồi lại thôi. Sue Ellen Brannigan có mái tóc vàng hoe, khuôn mặt tươi tắn, chừng giữa tuổi ba mươi. Dáng người thanh mảnh, tao nhã, bà không bao giờ biết chắc là phải cư xử với tù nhân này thế nào. Có nên cảm ơn vì những việc họ làm không, hay chỉ ra lệnh cho họ thôi? Nên thân thiện, hay là đối xử với họ như là những tù nhân? Sue Ellen vẫn chưa làm quen được với cái ý nghĩ về vlệc sống giữa những kẻ nghiện ma túy, trộm cắp và giết người. “Tôi là phu nhân Brannigan”, bà nói nhanh. “Amy đã gần năm tuổi, và cô biết là vào tuổi đó chúng hiếu động thế nào rồi. Tôi sợ rằng phải để mắt tới nó suốt ngày”. Bà liếc nhìn bàn tay trái của Tracy. Không có nhẫn cưới, song dĩ nhiên, thời này điều đó chẳng có nghĩa gì. Đặc biệt là với những tầng lớp dưới, Sue Ellen nghĩ. Bà dừng lời và tế nhị hỏi “Cô có con chưa?”. Tracy nghĩ đến đứa con không được sinh ra của mình. “Chưa”. “Tôi hiểu”. Sue Ellen cảm thấy bối rối trước người phụ nữ trẻ này. Ở cô ta có cái gì đó gần như là kiêu hãnh. “Tôi sẽ mang Amy vào”. Bà đi nhanh ra khỏi phòng. Tracy nhìn quanh. Đó là một ngôi nhà khá lớn, gọn gàng, đồ đạc hấp dẫn. Với Tracy, dường như đã nhiều năm trôi qua nàng mới lại bước vào nhà của một ai đó. Nó thuộc về thế giới khác, thế giới bên ngoài. Sue Ellen đã trở lại, dắt một bé gái. “Amy, đây là ...” Nên gọi một tù nhân bằng tên riêng hay tên họ nhỉ? Bà dung hòa lại “Đây là Tracy Whitney”. “Chào cô”, Amy nói. Con bé giống mẹ ở vẻ thanh tao và cặp mắt sâu màu nâu nhạt, đầy thông minh. Con bé không thật xinh, song vẻ thân thiện cởi mở rất dễ thương. Mình sẽ không thể nó đụng tới mình, Tracy nghĩ. “Cô sẽ là cô bảo mẫu mới của cháu phải không”. “Ồ,cô sẽ giúp mẹ trông nom cháu”. “Cô Judy đã qua việc thử thách đấy, cô có biết không? Cô cũng đang được thử thách à?”. Không, Tracy nghĩ. Nàng nói. “Cô sẽ ở đây lâu, Amy”. “Thế thì tốt”; Sue Ellen nói vẻ hân hoan. Bà đỏ mặt vì ngượng nghịu và cắn chặt môi. “Ý tôi là ...” Bà nhìn quanh và chuyển sang nói về công việc của Tracy. “Cô sẽ cùng ăn với Amy. Cô có thể chuẩn bị bữa sáng cho nó và chơi buổi sáng. Người đầu bếp sẽ làm bữa trưa ở đây. Sau bữa trưa, Amy phải đi ngủ, về buổi chiều, nó thích đi vòng vòng quanh khu trồng trọt. Tôi nghĩ là để trẻ nó được thấy mấy cái cây lớn lên từng ngày thì thật tốt. Phải không cô?”. “Vâng”. Khu trồng trọt ở phía bên kia khu trại chính của nhà tù rộng hai mươi mẫu Anh được trồng rau và cây ăn quả do những tù tự giác chăm sóc. Họ đã đào một cái hồ lớn để lấy nước tưới bao quanh là một bức tường đá thấp. Năm ngày kéo theo đó lần như một cuộc sống mới đối với Tracy. Nàng thích được rời xa những bức tường nhà tù xám ngoét, thong thả đi dạo quanh khu trồng trọt và hít thở không khí trong lành, song đầu nàng luôn luôn nghĩ tới việc vượt ngục. Khi không có việc với Amy nàng phải trở lại nhà giam. Đêm đêm nàng vẫn ngủ trong đó thế nhưng ban ngày nàng cảm thấy không khí tự do. Sau bữa ăn sang trong bếp nhà tù, nàng đi tới khu nhà của ông tổng giám thị và chuẩn bị bữa sang cho Amy. Tracy đã học được từ Charles cách nấu ăn và nàng thích được làm các loại đồ ăn có rất nhiều ở đấy, nhưng Amy chỉ thích một bữa sang đơn giản gồm một chút súp yến mạch hay ngũ cốc với một vài miếng trái cây. Sau đó Tracy sẽ chơi các trò chơi với con bé hoặc kể chuyện cho nó nghe. Rất vô tình, Tracy bắt đầu dạy Amy những trò chơi mà mẹ nàng đã từng chơi với nàng. Amy rất thích búp bê. Tracy bắt chước làm một con cừu kiểu Shati Lewis bằng mấy tiếng vải cũ, song trong nó lại hóa ra nửa cáo nửa vịt. “Cháu nghĩ là đẹp đấy”, Amy nói một cách thành thật. Tracy giả bộ giọng nói của con búp bê với nhiều ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Ý, Đức, và thứ Amy ngưỡng mộ nhất là những bài dân ca Mehico của Paulita. Tracy ngắm vẻ sung sướng trên gương mặt con bé và nghĩ mình sẽ không để tình cảm đi quá xa. Con bé chỉ là phương tiện để mình ra khỏi chốn này. Sau giấc ngủ trưa của Amy, cả hai cùng đi dạo xa xa, và Tracy đã tính toán để nàng và con bé đi qua những nơi trong phạm vi nhà tù mà trước đây nàng chưa biết. Nàng cẩn thận để ý các cửa ra vào, việc canh gác trên tháp canh và việc đổi gác ra sao. Nàng nhận thấy rõ là các kế hoạch mà nàng và Ernestine đã bàn tính đã không sao thực hiện được. “Đã có ai trốn bằng cách ẩn mình trong các xe chở đồ tiếp tế đến nhà tù chưa? Tôi đã thấy những xe chở sữa và thực phẩm khác”. “Quên cách đó đi”. Ernestine nói bình thản. “Mọi xe cộ ra vào đều bị lục soát”. Một buổi sáng, trong khi ăn điểm tâm, Amy nói, “Cháu yêu cô, cô Tracy. Cô sẽ là mẹ cháu nhé?”. Lòng con bé như xé lòng tracy. “Một mẹ là đủ rồi. Cháu không cần có hai mẹ”. “Ứ, cháu cần. bố Sally Ann, bạn cháu, mới cưới vợ và Sally Ann có hai vợ đấy thôi”. “Cháu không phải là Sally Ann”. Tracy nói cộc lốc. “Ăn xong đi”. Amy nhìn nàng bằng cặp mắt tủi thân. “Cháu không đói nữa”. “Được. Vậy bây giờ cô sẽ đọc truyện cho cháu nghe”. Và khi bắt đầu đọc Tracy cảm thấy bàn tay bé bỏng của Amy đặt nhẹ lên tay nàng. “Cháu ngồi vào lòng được không?”. “không, hãy nhận từ gia đình cháu ấy. Tracy nghĩ. Cháu không thuộc về cô. Không có gì thuộc về cô cả. Sự thoải mái ban ngày ngoài nhà tù đã làm cho các buổi đêm trở nên khó chịu hơn. Tracy căm ghét việc phải trở lại buồng giam. Căm ghét việc bị nhất như một con thú, và không thể nào quen được với những tiếng thét vọng đến từ các buồng giam gần đấy trong bóng tối hờ hững. Nàng thường nghiến răng đến mức phát đau lên. Một đêm thôi mà, nàng tự hứa với mình. Ta có thể chịu được một đêm. Tracy ngủ ít, đầu óc rối bời tính toán. Bước đầu tiên là vượt ngục. Bước thứ hai là đương đầu với Joe Romano, Perry Pope, thẩm phán Lawrence và Anthony Orsatti. Bước ba sẽ là Charles. Song chỉ nghĩ tới điều đó thôi cũng thật đau đớn. Mình sẽ giải quyết chuyện đó khi thời cơ tới, nàng tự nhủ. Việc né tránh Bertha Lớn đã trở nên không thể được. Tracy tin chắc rằng ả Thủy Điển ấy đã sai người theo dõi nàng. Nếu Tracy tới phòng giải trí, thì sau đó ít phút Bertha Lớn sẽ xuất hiện và khi Tracy ra ngoài sân thì cũng chỉ tí tẹo sau lại đã thấy mụ ta. Một hôm, Bertha Lớn lại gần Tracy và nói, “Hôm nay trông cô em thật xinh đẹp, quả bóng nhỏ. Ta không thể đợi được nữa rồi”. “Tránh xa tôi ra”, Tracy cảnh cáo. Ả đàn bà cao to nhếch mép. “Nếu không thì sao? Con chó đen của mày sắp ra khỏi đây rồi. Tao sẽ dàn xếp để chuyển mày tới buồng tao!. Tracy nhìn mụ. Bertha Lớn gật đầu. “Ta có thể làm điều đó, cô em ạ. Hãy cứ tin là thế”. Lúc này Tracy hiểu rằng nàng đang còn rất ít thời gian. Phải vượt ngục trước ngày Ernestine được tha. Amy rất thích được đi ngang cánh đồng cỏ ngập đầy những đóa hoa đồng nội rực rỡ. Cái hồ lớn ở gần đó, vây quanh là một bức tường thấp mà ngay chân tường là sâu thẳm những nước. “Ta bơi đi”, Amy hài nỉ. “Nào, cô Tracy?”. “Hồ này không có bể bơi”, Tracy nói. “Họ dùng nước để tưới cơ mà”. Mặt nước lạnh lẽo làm nàng thấy rùng mình. Tracy nhớ lại, cha mang nàng trên vai đi thẳng ra biển, và khi nàng kêu lên, cha nói. “Đừng là một đứa trẻ nữa, Tracy”, và thả nàng xuống làn nước lạnh, và khi nước tràn qua đầu, nàng bị sặc ... Thật choáng váng khi biết cái tin đó, dù rằng Tracy đã chờ đợi nó. “Một tuần nữa kể từ thứ bẩy, tôi sẽ ra khỏi nơi đây”. Ernestine nói. Tracy đã không nói với chị ta về câu chuyện với Bertha Lớn. Ernestine sẽ không ở đây để giúp nàng nữa. Còn Bertha Lớn thì có đủ ảnh hưởng để chuyển Tracy tới buồng giam của mụ. Cách duy nhất để tránh điều đó là nàng phải nói với ông tổng giám thị, nhưng lại biết rằng làm như vậy là cầm chắc cái chết. Mọi tù nhân sẽ chống lại nàng. “Cô phải đấu đá, cưỡng hiếp hoặc đánh lộn. Được, nàng sẽ đánh lộn. Ernestine xem xét lại các khả năng vượt ngục. Không cái nào đáng hài lòng cả. Cô không có xe và chẳng có ai chờ sẵn ở ngoài để giúp đỡ Cô sẽ bị tóm lại, mẹ kiếp, và sẽ thật tồi tệ cho cô. Tốt hơn là đành yên một thời gian và chờ xem đã”. Tracy biết là không yên được. Không thể,được khi mà Bertha Lớn còn đeo đẳng. Ý nghĩ về cái thứ mà con sói lực lưỡng ấy đang thèm khát đã đủ làm cho nàng thấy ói mửa. Hôm đó là sáng thứ bảy, bảy ngày trước khi Ernestine được trả tự do, Sue Ellen Brannigan đã mang Amy đi nghỉ cuối tuần ở New Orleans, và rracy thì làm việc trong khu bếp nhà tù. “Việc trông trẻ thế nào?” Ernestine hỏi. “Tốt thôi ạ”. “Tôi đã thấy con bé đó. Nó có vẻ thật dễ mến”. “Nó cũng được” Giọng nàng bình thản. Dĩ nhiên là tôi sung sướng được ra khỏi đây. Tôi nói với cô là tôi sẽ không bao giờ trở lại nơi này. Nếu ở bên ngoài kia tôi và ai có thể giúp cô được thì ...”. “Tránh nào”, một giọng đàn ông kêu lên. Tracy quay lại. Một thợ giặt đang đẩy chiếc xe lớn chất ngập quần áo vải vóc ra phía cổng. Tracy nhìn theo băn khoăn. “Tôi đang nói là nếu Al và tôi có thể làm gì cho cô – cô biết đấy - gửi đồ cho cô hoặc.:.”. “Ernie, cái xe chở đồ giặt kia là thế nào? Nhà tù có xe chuyên dụng cơ mà”. “Ô, cái đó dành cho cai ngục”. Ernestine cười. “Vốn là họ đưa đồ của họ cho phòng giặt nhà tù. song tất cả các khuy bị dứt đứt, tay áo bị xé, những thứ dấu hiệu khiêu dâm được khâu vào bên trong, sơ mi thì nhăn nhúm, vải thì cứ bị mủn ra. Thật đáng xấu hổ phải không, tiểu thư Scarlette? Giờ thì đám cai ngục gửi đồ giặt ra ngoài”. Tracy không còn nghe chị ta nói gì nữa. Nàng đã biết mình sẽ vượt ngục như thế nào. Chương 11 “Anh George, em nghĩ là chúng ta không nên giữ Tracy ở đây nữa”. Tổng giám thị Brannigan rời mắt khỏi tờ báo. “Cái gì? Có gì rắc rối hả?”. “Em không biết chắc. Song có cảm giác rằng Tracy không thích Amy. Có thể là cô ta không thích trẻ con”. “Cô ta không khắc nghiệt với Amy chứ? Có đánh, mắng gì con bé không?”. “Không ...”. “Vậy, chuyện gì?”. “Ngày hôm qua, Amy chạy tới ôm lấy Tracy và cô ta đã đẩy nó ra. Em thấy bực mình vì Amy cứ quấn lấy cô ấy. Nói thật với anh, có thể là em chen một chút. Có như vậy không?”. Tổng giám thị Brannigan cười. “Cái đó lý giải được nhiều, Sue Ellen. Anh nghĩ là Tracy Whitney thật thích hợp với công việc. Nào, nếu như cô ta gây phiền toái thực sự gì cho em, thì nói anh biết, anh sẽ làm điều gì cần thiết. “Được, anh yêu quí”. Sue Ellen vẫn chưa hài lòng. Bà nhặt kim chỉ lên và chăm chú vào đó. Chuyện mắc mớ chưa phải đã hết. “Sao lại không được?”. “Tôi sẽ cho cô biết, cô bé. Lính gác sẽ lục soát tất cả các xe đi qua cổng”. “Song với cái xe chở một thùng đựng đồ giặt, họ sẽ không trút cả ra để kiểm soát”. “Họ cần gì phải làm thế. Khi cái thùng được mang vào phòng chứa đồ giặt thì ở đó đã có một người đứng gác rồi”. Tracy ngẫm nghĩ. “Ernie ... ai đó có thể thu hút sự chú ý của người gác trong vòng năm phút thôi không?”. “Cái đó để làm gì?” Bỗng mặt chị ta sáng lên. “Trong khi người đó làm hắn lóa mắt, cô sẽ chui xuống đáy thùng và được phủ kín nhờ đồ giặt”. Chị ta gật đầu. “Được đấy, tôi nghĩ rằng trò quỉ quái đấy có thể được việc”. “ấy chị sẽ giúp tôi chứ?”. Ernestine ngẫm nghĩ một lát rồi từ tốn nói. “Được. Tôi sẽ giúp cô, đây cũng là cơ hội cuối cùng mà tôi có thể đá vào mông con Bertha Lớn”. Mạng lưới thông tin bí mật trong nhà tù lập tức truyền đi mưu toan vượt ngục của Tracy Whitney. Việc này ảnh hưởng tới mọi tù nhân khiến họ cũng lo lắng trong suốt thời gian này và ao ước có đủ sự liều lĩnh để làm như vậy. Thế nhưng họ đã thấy còn có lính gác, chó săn, máy bay lên thẳng và sau rốt là các xác chết được chở về. Với sự giúp đỡ của Ernestine, kế hoạch đã được triển khai. Ernestine đo các kích thước thân thể Tracy, Lola thì kiếm vải, còn Paulita thì giao cho một cô thợ ở một buồng giam khác may váy áo cho Tracy. Một đôi giày tù nhân được đánh cắp khỏi nhà kho và được nhuộm đi cho hợp với bộ váy đó. Và cứ như có phép lạ, một cái mũ, một đôi găng tay và một cái bóp lần lượt hiện ra. !Giờ thì bọn ta phải kiếm cho cô một cái căn cước”. Ernestine nói với Tracy. “Cô cũng cần vài ba thẻ mua hàng và một giấy phép lái xe nữa”. “Làm sao mà tôi ...?”. Ernestine lầu bầu. “Hãy cứ để mặc con gái già Enie Littlechap này”. Chiều tối hôm sau, Ernestine đưa cho Tracy ba thẻ mua hàng với cái tên Jane Smith. Tiếp theo là một giấy phép lái xe”. Sau lúc nửa đêm một chút, Tracy nghe thấy tiếng cửa buồng giam mở ra rồi có ai đó lẻn vào. Nàng lập tức ngồi dậy với ý cảnh giác. Một giọng thì hầm. “Whitney phải không? Đi nào”. Tracy nhận ra giọng nói của Lillin, một tù tự giác. “Chị muốn gì ở tôi? “ Tracy hỏi. Tiếng Ernestine rít khẽ trong bóng tối. “Mẹ cô đã nuôi lớn một đa con gái ngớ ngẩn. Im mồm đi”. Lilin nói nhẹ nhàng, “Phải làm việc này thật nhanh. Lỡ bị tóm thì bọn chúng sẽ hành tôi. Nào”. Theo sau Liliian dọc lối đi tối mịt dẫn tới một đầu cầu thang, Tracy hỏi. “Chúng ta đi đâu thế”. Không có tiếng trả lời. Họ lên tầng trên và khi cầm chắc không có người gác nào quanh đấy, họ chạy dọc hành lang đến căn phòng nơi Traey đã bị lấy dấu tay và chụp hình hôm đầu. Lillian đẩy cửa ra. Vào đây” cô ta thì thầm. Tracy theo vào. Một người tù khác chờ sẵn trong đó. “Đứng sát vào tường”. Giọng cô ta hồi hộp. Tracy làm theo, lòng bồn chồn lo lắng. “Nhìn thẳng vào ống kính. Cố gắng giữ bình thường. Thật buồn cười, Tracy nghĩ. Nàng chưa bao giờ hồi hộp thế này trong đời. Tiếng bấm máy. “Sáng ra hình sẽ được trao lại”. Ngườì kia nói. “Cái này là để cho vào giấy phép lái xe của cô, Giờ thì đi, nhanh lên”. Tracy và Lillian trở lại theo lối cũ. Đang đi, Lillian bỗng nói. “Tôi nghe cô sắp chuyển buồng đấy”. Tracy tái người. “Cái gì?”. “Cô không biết à? Cô sắp chuyển sang với Bertha Lớn”. Khi nàng trở lại thì Ernestine, Lola và Paulita đang chờ. “Thế nàọ.”. “Tốt”. Cô không à? Cô sắp chuyển sang với Bertha Lớn. Tracy ớn lạnh. “Váy áo sẽ xong vào thứ bảy”. Paulita nói. Đó là ngày tự do cho Ernestine - hạn chót của mình, Tracy thầm nghĩ. Ernestine thì thầm. “Tất cả đều êm. Đồ giặt sẽ được lấy đi lúc 2 giờ chiều thứ bảy. Cô phải đến phòng chứa đồ lúc 13 giờ 30. Không phải lo ngại gì về người gác ở đây. Lola sẽ làm cho hắn ta bận bịu ở phòng bên. Paulita chờ sẵn trong phòng chứa đồ sẽ mang tới quần áo cho cô. Căn cước của cô sẽ ở sẵn trong bóp. Lúc giờ 15, cô sẽ được chở ra khỏi cổng nhà tù”, Tracy cảm thấy nghẹn thở. Mới chỉ nói về việc vượt ngục đã làm nàng run cả người. Không ai thèm để ý gì nếu họ được mang về sống hay chết ... họ cho rằng chết còn tốt hơn. Nàng nhớ lại. Vài ngày nữa nàng sẽ tìm lại tự do: Đó là ảo tưởng? Chỉ một chuyện vặt cũng dẫn tới đổ vở. Rồi họ sẽ tìm thấy và đưa nàng trở lại. Song lòng nàng đã quyết. Tù nhân đều biết chuyện xung đột giữa Ernestine và Bertha Lớn vì Tracy. Giờ đây con tin Tracy sắp bị chuyển tới buồng của mụ ta, không phải ngẫu nhiên mà không có ai nói với Bertha Lớn về mưu toan vượt ngục của nàng. Bertha Lớn không thích nghe những tin xấu và thường không phân biệt giữa tin xấu với người dưa tin nên thường hành hạ người đó. Cho tới tận buổi sáng đó Bertha Lớn mới biết chuyện, nhờ người tù tự giác đã chụp hình cho Tracy. Mụ nghe tin đó với sự im lặng đáng sợ. Trong lúc lắng nghe người mụ như căng ra. Lúc nào?” Mụ ta chỉ hỏi có vậy. “Chiều nay, lúc hai giờ, Bert. Họ sẽ giấu cô ta dưới đáy cái thùng đựng đồ giặt”. Bertha Lớn nghĩ ngợi một lúc lâu. Rồi mụ lừng lững lại gần một nữ giá thì và nói. “Tôi cần gặp ngay ông tổng giám thị”. Suốt đêm Tracy không ngủ bởi mệt mỏi, căng thẳng. Những ngày tù tội sao mà dài đằng đặc. Bao hình ảnh của quá khứ thoáng hiện lại trong nàng. Con thấy mình cứ như một công chúa trong chuyện cổ tích ấy, mẹ ạ. Con không nghĩ rằng lại có thể có hạnh phúc đến thế. Ra vậy! Con và Charles muốn cưới nhau? Tuần trăng mật định kéo dài bao lâu? Mày bắn chết tao rồi đồ chó ... Tôi thật sự chưa bao giờ biết cô ... Tấm hình cưới ...Charles đang cười với vợ .... Chuyện từ thời nào ấy? Chuyện ở đâu ấy? Chuông báo thức reo đến giật bắn mình. Tracy ngồi dậy trên giường, hoàn toàn tỉnh táo. Ernestine đang chăm chú nhìn nàng. “Cảm giác thế nào, cô bé? “Bình thường”, Tracy nói dối. Miệng nàng khô đắng, nhịp tim thì dồn dập. “Ồ, cả hai chúng ta cũng rồi đây hôm nay”. Tracy nuốt nước miếng một cách khó khăn. “À, vâng”. “Cô chắc chắn có thể rời nhà tổng giám thị lúc 13 giờ 30 chứ?”. Paulita nói. “Đừng về muộn, sẽ hỏng việc đấy”. “Tôi nhất định đúng giờ”. Ernestine với xuống dưới tấm đệm và lấy ra một xấp giấy bạc. “Cô sẽ cần một ít tiền đi đường. Chỉ có hai trăm thôi, song nó cũng sẽ đỡ cho cô”. “Ernie, tôi không biết phải nói thế nào ...”. “Ồ, cứ im đi, cô bé, và cầm lấy”. Tracy bắt mình cố ăn xong bữa sáng. Đầu óc nàng căng ra và toàn thân bứt rứt. Mình không chịu nổi, nàng nghĩ. Không, mình phải chịu đựng nốt hôm nay. Trong bếp có vẻ im lặng lạ thường và Tracy chợt nhận ra mình là nguyên nhân của sự im lặng đó, là đối tượng của những ánh mắt và những lời thì thầm hồi hộp. Sắp xảy ra một cuộc vượt ngục và nàng là nhân vật chính của vở kịch. Trong ít giờ nữa nàng sẽ được tự do. Hoặc là chết. Nàng đứng dậy, bỏ dở bữa ăn và đi về phía khu nhà tổng giám thị Brannigan. Trong khi chờ đợi người gác mở cổng đầu hành lang, nàng chạm trán Bertha Lớn. Mụ Thụy Điển hằn học nhìn nàng. Mụ sẽ phải sửng sốt cho mà xem. Tracy nghĩ. Giờ đây nó sẽ hoàn toàn là của mình, Bertha Lớn nghĩ. Buổi sáng chậm chạp trôi đi đến mức Tracy muốn phát điên. Từng phút, từng phút lê thê như vô tận. Nàng đọc cho Amy nghe mà không hiểu mình đang đọc cái gì song vẫn nhận thấy mẹ Amy đang từ cửa sổ nhìn vào. “Cô Tracy, ta chơi trốn tìm nào”. Tracy còn lòng dạ nào mà chơi, song không dám mạo hiểm gợi lên sự nghi ngờ ở mẹ Amy nên cớ gượng cười. “Được thôi. Sao cháu không trốn trước đi, Amy?”. Hai cô cháu đang ở ngoài sân trước, nơi có thể nhìn thấy tòa nhà trong đó có gian phòng chứa đồ giặt ở đằng xa. Nàng phải có mặt ở đó đúng 13 giờ 30, sẽ thay đồ mặc đi phố mà các bạn tù đã làm cho, vào lúc 13 giờ 45 sẽ vào nằm dưới đáy thùng, phủ lên trên là quần áo, vải vóc. Lúc 14 giờ, người thợ giặt sẽ tới lấy đồ và chất cái thùng lên xe của anh ta. Lúc 14 giờ 15 cái xe sẽ chạy ra cổng để tới một thị trấn kề đó, nơi có một xưởng giặt đồ. Từ ghế trước người lái xe không thể nhìn lại đằng sau được. Khi xe vào thị trấn và dừng trước một đèn đỏ nào đó, cứ mở cửa ra bước xuống, thật thản nhiên, và đón một chiếc xe buýt, đi đâu thì đi ... nàng nhớ lại những lời chỉ dẫn. “Cô có thấy cháu không” Amy la lớn. Con bé thập thò sau một gốc cây mộc lan, một tay bịt miệng để khỏi vang lên tiếng cười khoái chí. Mình sẽ nhớ con bé, Tracy nghĩ. Khi rời khỏi chốn này, mình sẽ nhớ hai.người - người đàn bà da đen tốt bụng và con bé này đây. Nàng băn khoăn, liệu Charles Stanhope III sẽ nghĩ thế nào về chuyện đó. “Cô tìm cháu đây”. Tracy nói to. Sue Ellen, từ trong nhà, đang xem hai cô cháu chơi, cảm thấy có gì lạ ở Tracy hôm nay. Suốt buổi sáng, cô ấy cứ nhìn đồng hồ, như đang đợi ai đó, và đầu óc rõ là không chú ý gì đến Amy. Lúc George về ăn trưa mình phải nói với anh ấy việc này, Sue Ellen nghĩ bụng. Mình sẽ kiên quyết đòi phải thay cô ta. Ở ngoài sân, Tracy và Amy chơi ô lò cò một lát, rồi chơi bài, rồi Tracy đọc truyện cho con bé, sáu cùng điều mong đợi cũng đến - đã 12 giờ 30, giờ cho Amy ăn trưa. Thời điểm mà Tracy phải khỏi sự. Nàng dẫn cô bé vào nhà. “Tôi đi đây, thưa bà Brannigan”. Gì vậy? Ôi. Không có ai nói gì với cô à, Tracy? Hôm nay chúng tôi có một đoàn khách quan trọng. Họ dùng bữa trưa ở đây, do vậy Amy sẽ không được ngủ trưa. Cô có thể mang nó đi chơi đâu đấy”. Tracy đứng chết lặng, cố ghìm để khỏi kêu lên “Tôi ... Tôi không thể, thưa bà”. Sue Ellen Brannigan đanh giọng. “Cô nói không thể nghĩa là thế nào?”. Tracy thấy vẻ giận dữ trên mặt Sue Ellen và nghĩ mình không được phép trả lời vậy. Bà ta có thể gọi ông tổng giám thị và mình sẽ bị đưa lại buồng giam. Nàng gượng cười. “Ý tôi là ... Amy chưa ăn trưa. Con bé sẽ đói”. “Tôi đã bảo đầu bếp chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ cho cả hai. Cô có thể dẫn nó đi dạo ở ngoài đồng cỏ và ăn ngoài đó, Amy thích dạo chơi lắm phải không, con gái yêu?”. “Con thích lắm”. Con bé nhìn Tracy, về cầu khẩn. “Ta đi chứ, cô Tracy? Ta đi chứ, cô?”. Không? Được. Thận trọng. Vẫn có thể được. Tracy nghĩ. Miễn là có mặt lúc 13 giờ 30. Tracy nhìn bà Brannigan. “Mấy giờ bà muốn tôi đưa cháu trở về?”. “Ồ, khoảng 15 giờ. Khi đó thì khách đã đi rồi”. Và cả cái xe nữa, nàng nghĩ. Và cả thế giới như sụp đổ trước mặt nàng. “Tôi ...”. “Cô có khỏe không? Trông cô có vẻ xanh”. Đúng thế. Sẽ nói là nàng ốm. Sẽ đi bệnh xá. Nhưng rồi họ sẽ khám và giữ lại đó. Nàng sẽ không thể nào ra đúng giờ. Phải có cách nào khác mới được. Sue Ellen đang chăm chú nhìn. “Tôi vẫn khỏe”. Cô ta có chuyện gì đó, Sue Ellen quả quyết. Dứt khoát mình sẽ đòi George kiếm người khác. Cặp mắt Amy sáng lên hoan hỉ. “Cháu sẽ dành cho cô cái bánh kẹp to nhất, cô Tracy. Cô cháu mình sẽ tha hồ vui, phải không cô?”. Tracy không trả lời. Đoàn khách viếng thăm hoàn toàn bất ngờ. Chính thống đốc bang William Haber tháp tùng đoàn Ủy ban cải cách chế độ nhà tù. Đây là chuyện mà mỗi năm, tổng giám thị Brannigan phải gặp một lần. “Trong phạm vi nhà tù, George”, ông thống đã căn dặn, “quét dọn sạch sẽ, bảo các tiểu thư ấy hãy tươi cười, và chúng ta sẽ có thêm kinh phí”. Sáng đó, người phụ trách bảo vệ đã nói: “Dẹp tất cả những ma túy, dao rựa, và những dụng cụ thủ dâm”. Thống đốc Haber và đoàn khách tới vào lúc 10 giờ sáng. Họ sẽ thanh tra bên trong khu nhà giam trước, rồi thăm khu trồng trọt, sau đó sẽ dùng bữa trưa với tổng giám thị tại nhà riêng của ông. Bertha Lớn thấy sốt ruột. Khi yêu cầu gặp tổng giám thị người ta trả lời rằng. “Sáng nay ông ấy rất bận. Ngày mai gặp ông ấy dễ hơn. Đéo cần ngày mai”. Bertha Lớn nổi giận. “Tôi muốn gặp ngay bây giờ. Việc quan trọng”, Một nữ tù khác mà nói năng như vậy thì khó lòng tránh khỏi sự trừng phạt, song với Bertha Lớn thì khác. Những người phụ trách nhà tù này quá biết về thế lực của mụ. Họ đã chứng kiến mụ khởi đầu những vụ nổi loạn, và họ cũng lại chứng kiến mụ dập tắt những vụ nổi loạn đó. Trên thế gian này, không nhà tù nào có thể được quản lý tử tế một chút mà không có sự hợp tác của mấy kẻ cầm đầu đám tù nhân, mà Bertha Lớn thì là một trong những kẻ đó. Mụ được người ta để ngồi chờ trong phòng tiếp khách của ông tổng giám thị tới gần một giờ đồng hồ, tấm thân lừng lững như che khuất cả cái ghế mụ đang ngồi. Cô ta là một con vật ghê tởm, thư ký của ông tổng giám thị nghĩ. Cô ta sẽ mang cả rận rệp vào đây mất. “Bao lâu nữa.” Bertha Lớn hỏi. “Chắc là không quá lâu đâu. Đang phải tiếp một nhóm khách. Sáng nay ông tổng giám thị rất bận”. Bertha Lớn nới. “Ông ta sẽ bận hơn cho mà xem”. Mụ nhìn đồng hồ đeo trên tay. 12 giờ 45. Còn nhiều thời gian. Một ngày thật đẹp trời, trong veo, ấm áp, và từng làn gió nhẹ mang theo mùi hương phảng phất thổi ngang cánh đồng xanh ngát. Tracy trải tấm vải trên đám cỏ ngay bên hồ nước, và Amy thích thú nhai cái bánh kẹp phết trứng. Tracy liếc nhìn đồng hồ. Đã gần 13 giờ. Nàng không tin vào mắt mình nữa. Sao mà buổi sáng trôi qua quá chậm chạp thế, còn buổi chiều thì cứ lướt đi vèo vèo. Nàng phải nghĩ cho được một cách gì đó, hoặc là thời gian sẽ cướp đi cơ hội cuối cùng của nàng. giờ 10. Trong phòng khách của tổng giám thị Braunigan cô thư ký đặt ống nghe xuống.và nói với Bertha Lớn. “Rất tiếc. Ông tổng giám thị nới là không thể tiếp cô hôm nay được. Ta hãy thỏa thuận một cái hẹn vào ...”. Bertha Lờn chồm dậy. “Ông ấy phải gặp tôi. Đó là ...”. “Chúng tôi sẽ bố trí vào ngày mai”. Bertha Lớn đã toan nói, “Ngày mai thì quá muộn”, song kịp ghìm lại. Không ai khác ngoài ông tổng giám thị được biết điều mụ đang làm, chứ đám lau nhau dễ gây chuyện rắc rối lắm. Nhưng mụ không có định chịu thua. Không đời nào mụ chịu để Tracy thoát khỏi. Mụ bước vào thư viện nhà tù và ngồi xuống bên cái bàn rồi viết vào một mẩu giấy, và nghi người giám thị bước tới bên một người tù khác, Bertha Lớn thả mẩu giấy lên mặt bàn của bà ta và bỏ đi. Người giám thị quay lại bàn và thấy mẩu giấy bèn mở ra xem. Bà ta đọc tới hai lần dòng chữ viết hoa: HỔM NAY PHẢI KIỂM TRA CHIÊC XE CHỠ ĐỒ GIẶT. Không thấy chữ ký. Một trò đùa? Cẩn thận vẫn hơn. Bà ta nhấc điện thoại. “Cho tôi gặp phụ trách đội bảo vệ ....”. giờ 15. “Cô không ăn à?” Amy nói. “Cô có muốn ăn mấy cái bánh kẹp của cháu không?”. “Không? Để yên cho tôi nhờ”. Quả thật nàng không định tâm nói gay gắt như thế. Amy ngừng ăn. “Cô giận cháu à, cô Tracy? Đừng, cháu yêu cô lắm mà. Cháu không bao giờ giận cô cả”. Đôi mắt trong trẻo của con bé rưng rưng. “Cô không giận”. “Cháu cũng không đói nếu cô không muốn ăn. Ta chơi bóng đi cô, cô Tracy”. Và Amy lôi quả bóng cao su từ trong túi ra. giờ 16 phút. Lẽ ra nàng đã phải đi rồi. Để tới căn phòng chứa đồ mất ít nhất là mười lăm phút. Nhanh lên một chút thì còn kịp. Nhưng không thể bỏ Amy lại một mình. Tracy nhìn quanh và trông thấy một nhóm tù tự giác đang hái đậu ở đằng xa. Ngay tức khắc, Tracy biết mình phải làm gì. “Cô không muốn chơi bóng à, cô Tracy?”. Tracy đứng lên. “Được. Bây giờ ta chơi một trò mới. Hãy thi xem ai có thể ném trái bóng đi xa nhất nào. Cô sẽ ném trước rồi thì tới lượt cháu. Tracy nhặt quả bóng lên và dùng hết sức ném mạnh về phía những người tù kia. “Ôi, xa quá”. Amy nói đầy khâm phục “Xa thật đấy”. “Cô sẽ chạy đi nhặt bóng”, Tracy nói, “còn cháu thì chờ ở đây”. Và nàng chạy, chân như bay trên thảm cỏ. Lúc này là 18 giờ 18 phút. Nếu muộn, họ có đợi không? Nàng chạy nhanh hơn nữa. Từ phía sau, có tiếng gọi của Amy, song nàng không để ý đến nữa. Những người tù kia đang chuyển qua hướng khác. Tracy la lên và họ dừng lại. Khi tới chỗ họ, nàng gần như không thở được nữa. “Có gì vậy?” Một người trong số họ hỏi. “Không có gì”. Nàng thở dốc. “Con bé đằng kia, chị nào trông nó hộ chút nhé. Tôi có chút việc gấp phải làm. Tôi ...”. Tracy nghe tiếng gọi tên mình từ đằng xa bèn quay lại Amy đang đứng trên bờ tường bê tông ở sát bến hồ nước. Con bé vẫy vẫy. “Nhìn cháu này, cô Tracy”. “Không. Xuống ngay!” Tracy hét lên. Và trong khi Tracy đứng nhìn chết trân, hoảng hốt thì Amymất thăng bằng và ngã xuống hồ. “Ôi, lạy Chúa?” Tracy mặt cắt không còn hột máu. Nàng không còn biết phải làm thế nào, không còn cách lựa chọn nào cả. Mình không thể giúp con bé được. Bây giờ thì không được rồi. Ai đó sẽ cứu nó. Mình còn phải cứu mình. Mình phải thoát khỏi chốn này, không thì mình sẽ chết - Lúc này là 13 giờ 20. Tracy lao mình chạy, chưa bao giờ trong đời nàng lại chạy nhanh như thế. Những người khác gọi theo, song nàng không nghe thấy gì hết. Nàng chạy như bay, không cả biết rằng đôi giày đã tuột khỏi chân, bất chấp những đất đá lổn nhổn. Tim đập thình thịch, ngực đau tức và nàng vẫn cố chạy nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Nàng đã tới sát bức tường và bám tay nhảy lên. Tít bên dưới, trong làn nước sâu, nàng thấy Amy đang vùng vẫy, cố ngoi lên. Không một giây lưỡng lự, Tracy lao mình xuống. Và khi vừa chạm mặt nước, Tracy mới chợt nghĩ - Ôi, lạy Chúa! Mình không biết bơi. Chương 12 NEW ORLEANS. Thứ Sáu, 25 tháng Tám - 10 giờ Lester Torrance, thủ quỹ ngân hàng First Merchants New Orleans, thường tự mãn ở hai điểm năng lực tình dục và đánh giá khách hàng. Lester đã ngót năm mươi, là một người đàn ông có bộ mặt xương xương, tái nhợt với tóc mai để dài, và bộ ria mép kiểu Jon Selleck. Ông ta đã hai lần không được nâng lương, và để trả đũa, Lester dùng nhà băng làm phương tiện cho việc hẹn hò trai gái. Từ xa cả dặm, ông ta đã có thể phát hiện ra các cô gái làng chơi, và thích thú với việc thuyết phục các cô cho hưởng lạc mà không phải trả tiền gì hết. Các bà góa là những miếng mồi đặc biệt ngon ăn. Họ đến đây với nhiều dáng vẻ, tuổi tác, tâm trạng, và sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện trước ô cửa của Lester. Nếu như họ tạm thời lạm chi thì ông ta sẽ thông cảm lắng nghe và trì hoãn việc trả về những tấm séc đã hết tiền trong tài khoản. Để đáp lại, có thể là một bữa cơm chiều ở đâu đó. Nhiều nữ khách hàng phải tìm đến sự giúp đỡ của ông ta và thú nhận những bí mật tế nhị giấu chồng vay một khoản tiền ... cần giữ kín một vài tấm séc bí mật mà nàng đã viết ... đang dự tính ly hôn và Lester có thể giải quyết cái tài khoản chung của hai vợ chồng ngay được không? ... Dĩ nhiên là Lester sốt sắng làm họ hài lòng. Và ông ta cũng được toại nguyện. Vào cái buổi sáng thứ sáu đặc biệt này, Lester đã biết mình gặp may khi thấy cô gái bước vào nhà băng. Đẹp đến sững sờ: mớ tóe đen óng ả phủ xuống vai, váy ngắn bó khít lấy người và cái áo mỏng làm thấy rõ một thận hình mà một vũ nữ Las Vegas cũng phải ghen tị. Nhà băng có bốn thủ quỹ và cặp mắt của cô gái lướt từ ô cửa này sang ô cửa khác, vẻ như tìm kiếm một sự giúp đỡ. Khi cô ta đưa mắt tới Léster, ông ta vội vã gật đầu và mỉm cười mời mọc. Cô ta bèn đi lại, quả như Lester dự đoán. “Xin chào”, Lester nồng nhiệt. “Tôi có thể giúp gì cô được?” Ông ta có thể thấy hai núm vú cô gái hằn rõ trên làn lụa mỏng dính của chiếc áo và thầm kêu lên - cô bé, giá mà ta được dày vò em! “Tôi e là mình đang gặp khó khăn”, cô gái than thở bằng cái giọng miền Nam dễ chịu nhất mà Lester từng được nghe. “Thì tôi ở đây là vì thế”, ông ta hồ hởi nói, “để giải quyết những mắc mớ”. “Ôi, được thế thì tất quá. Tôi sợ rằng tôi đã làm một điều khủng khiếp”. Lester mỉm cười thân tình, vẻ như thầm nói với cô gái là hãy tin cậy ở ông ta. “Tôi khó mà tin một cô gái dễ thương thế này lại có thể làm một điều gì khủng khiếp”. Ôi, thật vậy đấy”. Cặp mắt màu nâu nhạt của cô gái mở to, đầy vẻ lo lắng. “Tôi là thư ký của Joseph Romano, ông chủ bảo tôi đặt những tấm séc mới cho ông ta từ cách đây một tuần, thế mà tôi quên khuấy đi mất, và bây giờ chỗ chúng tôi sắp hết cả séc rồi. Nếu biết chuyện này thì thật không hiểu ông ta sẽ làm gì với tôi nữa”. Những lời thốt ra sao mà mềm mại, mượt mà. Lester đã quá quen với cái tên Joseph Romano. Đó là khách sộp của nhà băng này, mặc dù chỉ có một khoản tiền nhỏ trong tài khoản. Ai cũng biết là những khoản tiền lớn của ông ta đang nằm đâu đó. Lão ta biết chọn thư ký lắm, Lester nghĩ bụng. Ông ta mỉm cười. Được, có gì nghiêm trọng lắm đâu, thưa bà?”. “Cô Hartford. Lureen Hartford”. Cô Thật là một ngày may mắn. Lester có cảm giác mọi chuyện sẽ diễn ra hết sức thú vị. “Ngay bây giờ, tôi sẽ đặt những tấm séc mới cho cô và cô sẽ nhận được trong hai tuần nữa, và ...”. Cô gái khẽ kêu lên. “Ôi, vậy thì quá muộn, và ông Romano sẽ nổi giận với tôi mất. Ông biết đấy, tôi không còn đầu óc nào mà làm việc nữa”. Cô hơi tỳ người về trước, hai bầu vú chạm khẽ vào thành ô cửa. Cô nói trong hơi thở hồi hộp, “Nếu ông có thể xuất ngay những tấm séc đó, tôi sẽ vui lòng trả một món tiền”. Lester nói vẻ khổ sở. “Thật rất tiếc, cô Lureen, không thể nào ... Ông ta thấy cô đã gần phát khóc. “Nói thật với ông, chuyện này có thể làm cho tôi mất việc đấy Xin ông ... Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ...”. Lester như nghe thấy những nốt nhạc thánh thót. “Tôi sẽ nói với cô việc tôi phải làm nhé”, Lester tuyên bố. “Tôi sẽ yêu cầu làm gấp, và cô sẽ nhận những tấm séc đó vào thứ hai. Vậy được chứ?”. “Ôi, ông thật tuyết vời!” Giọng cô gái đầy vẻ biết ơn. “Tôi sẽ gửi về địa chỉ nào?”. “Tôi đến nhận thì tốt hơn, bởi không muốn để ông Romano thấy tôi đã ngu ngốc đến thế nào?”. Lester mỉm cười lả lơi. “Không phải là ngu ngốc, Lureen. Đôi lúc ai mà chất lơ đễnh”. Cô gái nói khẽ. “Tôi sẽ không dám quên ông. Hẹn gặp ông vào thứ hai”. “Tôi sẽ có mặt ở đây”. Có trời mà khiến ông ta đi đâu vào hôm đó. Cô gái mỉm cười làm ông ta sững sờ vừa chậm rãi đi ra, dáng đi thật mê hồn. Lester vừa tủm tỉm cười một mình vừa đi lại tủ hồ sơ, y ra số tài khoản của Josepha Romano và gọi điện yêu cầu một số séc mới cho tài khoản đó. Cái khách sạn trên đường Carmen y hệt cả trăm khách sạn khác ở New Orleans, chính vì vậy mà Tracy đã chọn nó. Nàng thuê một phòng nhỏ, bày biện sơ sài, tuy vậy so với cái phòng giam kia thì đây vẫn là một cung điện. Sau cuộc gặp Lester trở về Tracy tháo bộ tóc giả màu đen, vuốt lại mái tóc óng ả của nàng, tháo đôi mắt kính mềm đeo sát tròng mắt, rồi rửa sạch lớp son phấn trên mặt, ngồi xuống chiếc ghế tựa duy nhất trong phòng và thở phào nhẹ nhõm. Mọi việc đang trôi chảy. Tìm ra tài khoản của Joe Romano nằm trong nhà băng nào không có gì khó khăn. Nó có trong đóng giấy tờ mẹ nàng để lại những tấm séc đã bị hủy do Romano viết. “Romano Cô không thể động tới hắn được”, đó là lời Ernestine. Ernestine đã nhầm và Joe Romano mới chỉ là kẻ đầu tiên. Còn nữa. Từng kẻ một. Tracy nhắm mắt và nhớ lại điều kỳ diệu đã đưa nàng đến đây ... Lại là cảm giác làn nước tối sẫm, lạnh giá tràn qua đầu nàng đang chìm xuống và thấy sợ hãi. Nàng quờ quạng và nắm được vào con bé, đẩy nó lên mặt nước. Amy vùng vẫy lung tung, lại kéo cả hai chìm xuống, tay và chân con bé quẫy đạp điên cuồng. Lồng ngực Tracy đau tức khi cố ngoi lên khỏi mặt nước, tay vẫn túm chặt con bé, và cảm thấy đuối sức. Không được nữa rồi, nàng nghĩ. Cả hai cùng chết mất. Có những tiếng nói ồn ào và nàng cảm thấy Amy bị gỡ tuột khỏi tay mình, nàng thét lên. “Ôi., Chúa ơi, không?” Những bàn tay nào đó giữ chặt ngay lấy nàng và một giọng nói cất lên. “Giờ thì ổn rồi, bình tĩnh lại. Mọi chuyện đều đã qua”. Tracy mở mắt nhìn quanh và thấy con bé đang trong tay một người đàn ông. Ít giây sau nàng đã thiếp đi. Tai nạn này bình thường ra thì cũng chẳng có gì hơn ngoài một mẩu tin ở trang trong của các tờ báo buổi sáng, song ở đây lại là việc một tù nhân không biết bơi đã liều mạng để cứu lấy đứa con nhỏ của viên tổng giám thị. Do vậy, chỉ qua một đêm, báo chí và các hình luận viên truyền hình đã biến Tracy thành một nữ anh hùng. Đích thân thống đốc Haber đã cùng với tổng giám thị Brannigan tới bệnh xá nhà tù thăm Tracy. “Cô đã có một hành động dũng cảm”, tổng giám thị nói. “Sue Ellen và tôi muốn được bầy tỏ lòng biết ơn với cô”. Giọng ông nghẹn ngào xúc động. Tracy vẫn chưa phục hồi hẳn. “Amy thế nào rồi?”. “Con bé sẽ khỏe thôi”. Tracy nhắm mắt lại. Mình không thể chịu nổi nếu có chuyện gì xảy ra cho con bé. Tracy thầm nghĩ. Nàng nhớ lại sự lạnh lùng của mình khi mà tình thương yêu là tất cả những gì mà con bé muốn có, và nàng thấy xấu hổ. Sự kiện xảy ra đã cướp đi cơ hội vượt ngục, song nàng biết rằng nếu như được làm lại thì nàng vẫn sẽ như thế. Cũng có một cuộc tra xét ngắn ngủi về chuyện xảy ra. “Con có lỗi”, Amy nói với bố. “Con và cô đang chơi bóng, cô Tracy chạy đi nhặt bóng và bảo con chờ, nhưng con lại trèo lên tường để có thể nhìn theo cô rõ hơn và ngã nhào xuống nước. Cô Tracy đã cứu con bố ạ”. Họ giữ Tracy tại bệnh xá đêm đó để theo dõi và sang hôm sau nàng được đưa tới phòng làm việc của tổng giám thị Brannigan. Giới thông tấn đang chờ. Họ không bỏ lỡ bao giờ những câu chuyện hấp dẫn, và thế là các phóng viên của UPI và AP đã có mặt, còn đài truyền hình địa phương thì cử tới hẳn một nhóm phóng viên. Đêm hôm đó tin và bài về hành động anh hùng của Tracy được tung ra, các tình tiết được đưa lên màn ảnh truyền hình quốc gia, và câu chuyện lan nhanh. Các tờ Times, Newsweek, People và hàng trăm tờ khác đã đăng tải câu chuyện. Trong khi giới báo chí rầm rộ như thế, thì nhiều thư và điện đổ tới nhà tù đòi ân xá cho Tracy. Thống đốc Haber thảo luận vấn đề với tổng giám thị Brannlgan. “Tracy Whitney bị đưa đến đây vì một tội nặng”, tổng giám thị báo cáo. Vị thống đốc trầm ngâm. “Thế nhưng cô ta không có tiền án gì, đúng không, George?”. “Đúng vậy, thưa ngài?”. “Tôi cũng chả ngại nói để cậu biết là tôi đang phải chịu một sức ép ghê gớm về cô ấy”. “Tôi cũng vậy thưa thống đốc”. “Dĩ nhiên là không thể để công luận dạy bảo chúng ta phải điều hành nhà tù của ta thế nào, có phải không?”. “Chắc chắn là không rồi”. “Mặt khác vị thống đốc thận trọng, “cô Whitney này rõ ràng đã chứng tỏ lòng can đảm của mình, hoàn toàn xứng đáng là một nữ anh hùng”. “Cái đó thì rõ rồi”. Tổng giám thị đồng tình. Vị thống đốc châm một điếu xì gà. “Ý kiến cậu thế nào, George. George Brannigan thận trọng lựa lời. “Tất nhiên là ngài biết đấy, thưa thống đốc, tôi có một sự quan tâm hết sức cá nhân trong chuyện này. Đứa bé được cứu sống là con gái tôi. Thế nhưng, gác chuyện đó qua một bên thì tôi vẫn không nghĩ rằng Tracy Whitney là một tội phạm thực sự, và tôi không tin cô ấy, nếu ở bên ngoài, lại là một đe dọa đối với xã hội chúng ta, Tôi xin đề xuất rằng hãy ân xá cho cô ta”. Vị thống đốc, người cũng đang sắp loan báo ý định ứng cử một nhiệm kỳ mới, đã nhận ra ý hay trong lời đề xuất đó “Chúng ta hãy làm như đang chơi cờ vậy”. “Ông đáp”.Trong chính trị, thời điểm là tất cả”. Sau khi bàn bạc với chồng, Sue Ellen bảo Tracy. “Ông tổng giám thị và tôi rất muốn cô chuyển đến ở đây, chúng tôi còn dư một phòng ngủ ở phía sau. Cô có thể trông nom Amy suốt ngày được”. “Cảm ơn bà”, Tracy đáp với vẻ biết ơn. “Thế thì tốt quá”. Thật là tuyệt diệu. Chẳng những đến đêm không còn bị nhất vào phòng giam, mà quan hệ giữa nàng với Amy cũng hoàn toàn thay đổi. Amy yêu quý Tracy và cũng được đáp lại. Nàng thích được có con bé xinh xắn, dễ thương này luôn ở bên mình. Hai cô cháu chơi những trò chơi cũ, xem những cuốn phim của Disney trên ti vi và cùng đọc sách với nhau. Không khí phần nào có vẻ như trong gia đình vậy. Song bất kỳ khi nào có việc gì đấy mà Tracy phải đi tới khu nhà giam thì thế nào nàng cũng lại chạm trán với Bertha Lớn. “Đồ chó may mắn” Bertha Lớn hằm hè. “Song rồi mày cũng sẽ bị đưa trở lại đây như mọi kẻ khác. Tao sẽ làm việc đó, cô bé ạ”. Khoảng ba tuần sau vụ tai nạn đó, một hôm Tracy và Amy đang chơi trò đuổi bắt ngoài sân thì Sue Ellen Brannigan từ trong nhà chạy ra. Bà đứng nhìn hai cô cháu một thoáng rồi nói. “Tracy, ông tổng giám thị vừa gọi điện về. Ông muốn cô tới phòng làm việc của ông ngay”. Tracy chợt thấy sợ hãi. Liệu điều này có nghĩa là nàng sắp bị đưa trở về nhà giam? Bertha Lớn đã sắp đặt bằng ảnh hưởng của mụ? Hay là bà Brannigan cho là nàng và Amy đang trở nên quá thân thiết? “Thưa bà, vâng”. Khi Tracy được đưa tới thì ông tổng giám thị đang đứng ngang ngưỡng cửa. “Cô ngồi xuống”, ông nói. Tracy cố tìm câu trả lời cho số phận của mình qua giọng nói của ông. “Tôi có một tin cho cô”. Ông ngừng lời với vẻ xúc động mà Tracy không hiểu nổi. “Tôi vừa mới nhận được lệnh của thống đốc bang Louisiana, dành cho cô một sự ân xá hoàn toàn, hiệu lực tức thời”. Lạy Chúa, có phải ông ấy vừa nói cái điều mà con nghe thấy không? Nàng sợ hãi, không dám hỏi lại. “Tôi muốn cô hiểu rằng”, ông tổng giám thị nói tiếp. “Điều này không phải vì cô đã cứu sống con gái tôi. Cô đã hành động như bất kỳ công dân đáng kính nào khác sẽ làm, nếu ở vị trí cô lúc ấy. Dù thế nào chăng nữa, tôi thực sự không tin rằng cô có thể là một đe dọa đối với xã hội”. Ông cười và nói thêm “Amy sẽ nhớ cô. Chúng tôi cũng vậy”. Tracy không còn biết nói gì. Giá mà ông tổng giám thị biết được sự thật rằng nếu cái tai nạn đó không xảy ra chăng nữa, thì nhân viên của ông cũng sẽ phải mở cuộc truy lùng cô - một kẻ chạy trốn. “Ngày kia, cô sẽ được trả lại tự do”. Ngày “thức dậy” của nàng. Và Tracy vẫn Chưa hết ngỡ ngàng. “Tôi ... tôi. không biết phải nói gì”. “Cô không phải nói gì hết. Mọi người ở đây đều tự hào về cô Bà Brannigan nhà tôi và cá nhân tôi mong chờ cô làm được những việc tất đẹp ở bên ngoài”. Vậy đúng là sự thực? Nàng được tự do Tracy bủn rủn đến nỗi phải tỳ vào thành ghế để ngồi được vững. Và sau cùng, khi cất tiếng, giọng nàng cứng rắn. “Thưa ông tổng giám thị, có nhiều việc tôi muốn làm”. Hôm cuối cùng, một tù nhân ở cùng khu với Tracy bước lại gần, hỏi. “Vậy là cô sắp ra khỏi đây?”. “Đúng vậy?”. Người đàn bà kia, Betty Franciscus, chừng ngoài bốn mươi, vẻ người hấp dẫn. “Ở ngoài đó, nếu cần giúp đỡ gì, cô nên tới gặp một người tên là Connađ Morgan ở New York”. Chị ta chìa cho Tracy một mẩu giấy. “Ông ta thường mươn giúp đỡ những người mới ra tù”. “Cám ơn, nhưng tôi không nghĩ là mình sẽ cần”. “Biết thế nào được. Cứ cầm lấy địa chỉ của ông ta”. Hai giờ sau, Tracy đi ra khỏi cổng nhà tù, ngay trước những ống kính truyền hình. Nảng không nói gì với các phóng viên, nhưng khi Amy vùng khỏi tay mẹ và nhào vào vòng tay của Tracy thì các máy quay đều chớp lấy. Và hình ảnh này đã được đưa ngay lên bản tin truyền hình tối hôm đó. Tự do! Với Tracy, giờ đây nó không chỉ là một từ trừu tượng mà là một cái gì đó rất cụ thể, cảm nhận được hẳn hoi, một điều kiện sống mà người ta yêu quý và thưởng thức nó. Tự do - có nghĩa là được hít thở không khí trong lành, sự riêng tư, đi ăn không phải xếp hàng và không phải nghe những tiếng chuông đầy khó chịu. Nó có nghĩa là được tắm nước nóng với xà phòng thơm, có nghĩa là những đồ lót mềm mại, những váy áo đẹp và những đôi giày cao gót. Nó có nghĩa là được mang một tên gọi chứ không phải một con số. Tự do - có nghĩa là thoát khỏi Bertha Lớn, thoát khỏi nỗi lo sợ bị cưỡng dâm tập thể, và thoát khỏi sự buồn tẻ khủng khiếp hàng ngày trong nhà tù. Song Tracy cũng phải mất ít thời gian để làm quen với sự tự do mới mẻ của mình. Đi ngoài phố, nàng phải chú ý để khỏi xô phải người khác. ở trong tù, việc đụng chạm ấy có thể dẫn tới một cuộc đánh lộn giữa các tù nhân. Chính việc không có những sự đe dọa thường xuyên là điều mà Tracy khó làm quen nhất. Giờ đây không có ai đe dọa nàng cả. Và nàng được tự do thực hiện kế hoạch trả thù của mình. Ở Philadelphia, Charles Stanhope III thấy Tracy trên màn ảnh ti vi, đang rời nhà tù. Nàng vẫn đẹp, anh ta nghĩ. Nhìn nàng người ta không thể tin rằng đã từng phạm tội. Anh ta nhìn sang cô vợ mũm mĩm của mình đang ngồi bình thản kia, khâu vá gì đó. Mình e rằng mình đã phạm sai lầm. Charles nghĩ thầm. Daniel Cooper thấy Tracy trên bản tin truyền hình buổi tối trong căn phòng của ông ta ở New York, và hoàn toàn thờ ơ với việc cô ta được ra tù. Ông ta tắt ti vi và tiếp tục với cái hồ sơ mà đang xem xét. Joe Romano xem ti vi và hắn cười lớn. Whitney quả là một con chó may mắn. Chắc hẳn nhà tù đã dạy cho nó nhiều. Giờ nó mới thực sự ngon lành đây. Có ngày ta sẽ gặp nhau. Romano tự thấy, hài lòng với mình. Hắn đã chuyển bức tranh của Renoir cho đồng bọn, và nó đã được bán lại cho một người sưu tầm ở Zurich. Năm trăm nghìn lấy từ công ty bảo hiểm, và hai trăm nghìn nữa từ đồng bọn. Dĩ nhiên là hắn đã chia chác với Anthony Orsatti. Romano rất thận trọng việc này bởi hắn từng thấy những gì xảy ra đối với những ai xử sự không biết điều trong các giao dịch với Orsatti. Buổi trưa ngày thứ hai đã hẹn, Tracy trong hình dáng của Lureen Hartford quay lại ngân hàng First Merchants New Orleans. Vào giờ đó, khách hàng đông nghẹt, có tới dăm bảy người đang đứng trước ô cửa của Lester. Tracy đứng vào hàng, và khi thấy nàng, Lester tươi cười gật đầu Nàng thậm chí còn đẹp hơn nhiều so với hình ảnh mà Lester ghi nhớ. Lát sau, khi Tracy đã tới trước ô cửa, Lester vồ vập. “Thật chẳng dễ dàng gì, song tôi đã 1àm được cho cô đấy, Lureen”. Một nụ cười ấm áp, biết ơn sáng lên trên gương mặt Tracy. “Ông thật quá tuyệt vời”. “Thưa vâng, có đấy”. Lester mở một ngăn kéo lấy ra hộp séc đã cất cẩn thận và đưa ra. “Đây. Bốn trăm tấm séc trắng, đủ chứ?”. “Ồ, quá đủ rồi, trừ phi ông Romano chỉ có ngồi miệt mài viết séc thôi”. Lester cảm thấy rạo rực. “Tôi tin rằng con người phải xử đẹp với nhau, cô có tin vậy không, Lureen?”. “Ồng hoàn toàn đúng, ông Lester”. “Cô biết đấy, cô nên mở một tài khoản riêng ở đây. Tôi sẽ quan tâm thật chu đáo cho cô. Thật chu đáo”. “Tôi tin là ông sẽ làm thế”, giọng Tracy mềm mại. “Tại sao ta lại không bàn chuyện này trong một bữa ăn chiều yên ả ở đâu đó được nhỉ?”. “Chắc là tôi sẽ thích thế”. “Tôi có thể gọi điện cho cô chứ, Lureen?”. “Ồ, tôi sẽ gọi cho ông, ông Lester,” và nàng bước đi. “Đợi một phút ...”. Người khách tiếp theo bước tới và chìa cho Lester đang thất vọng một túi đầy tiền xu. Ngay giữa gian phòng lớn của nhà băng có bốn chiếc bàn, trên đó là các hộp chứa các phiếu gửi và rút tiền, và các bàn này bao giờ cũng đầy người bận rộn ghi vào các phiếu đó. Tracy đi vòng tránh khỏi tầm nhìn của Lester. Và khi một người khách vừa rời khỏi bàn thì Tracy liền ngồi ngay xuống. Cái hộp mà Lester trao cho nàng chứa tám tập séc trắng. Thế nhưng không phải là Tracy quan tâm tới những tấm séc mà là những phiếu gửi tiền ở phía dưới những tập séc đó. Nàng cẩn thận lựa chọn những tấm phiếu gửi tiền ra khỏi các tập séc và chưa đầy ba phút sau, đã có trong tay tám mươi tấm. Khi cầm chắc là không có ai để ý, nàng đặt hai mươi tấm này vào chiếc hộp trên bàn. Nàng chuyển sang bàn bên và đặt vào đó hai mươi tấm phiếu nữa, Sau ít phút, số phiếu còn lại được đặt nốt lên hai chiếc bàn kia. Các tấm phiếu gửi tiền đều mới nguyên, chưa ghi gì cả, song mỗi tấm phiếu, ở phía dưới đều mang một mã số từ tính mà máy tính dùng để chuyển vào các tài khoản thích hợp. Ai gửi tiền thì không quan trọng bởi vì do mã số từ tính này, máy tính sẽ tự động chuyển các khoản tiền gửi vào tài khoản của Romano. Từ kinh nghiệm làm việc ở nhà băng, Tracy biết rằng chỉ trong hai ngày thì số phiếu gửi tiền của Romano mà nàng đặt ở đó sẽ được dùng hết và phải ít nhất là năm ngày thì sự nhầm lẫn này mới có thể bị phát hiện. Vậy lả quá đủ thời gian cho nàng thực hiện kế hoạch. Trên đường về khách sạn, Tracy ném số séc trắng vào thùng rác. Ông Joe Romano sẽ không cần tới chúng nữa. Điểm dừng tiếp theo của Tracy là hãng vận chuyển du lịch New Orleans. Người phụ nữ trẻ ngồi sau bàn hỏi. “Tôi có thể giúp gì cô?”. “Tôi là thư ký của ông Joseph Romano, và ông muốn đi Rio de Janeiro vào thứ sáu này”. “Một vé?”. “Vâng Hạng nhất. Một ghế đặc biệt được hút thuốc lá?”. “Khứ hồi?”. “Một chiều”. Cô nhân viên quay sang chiếc máy tính đặt trên bàn. Ít phút sau cô ta nói “Chúng ta đã được việc. Một chỗ hạng nhất trên chuyến bay 728 của Pan American, khởi hành lúc 6 giờ 35 chiều thứ sáu, có dừng ở Miami”. “Ông ấy sẽ rất hài lông”, Tracy nói. “Tất cả là một nghìn chín trăm hai mươi chín đô la. Trả bằng tiền mặt hay làm hóa đơn?”. Ông Romano luôn trả bằng tiền mặt lúc nhận hàng. Chị có thể cho chuyển chiếc vé tới văn phòng ông ấy vào thứ năm này không”. “Nếu cô muốn vậy”. “Thứ năm, lúc 11 giờ, được không?”. “Vâng! Địa chỉ?”. “Ông J. Romano, 217 phốPoydras, phòng 408”. Cô nhân viên ghi lại. “Rất tốt. Tôi sẽ cho chuyển tới vào trưa thứ năm này”. Đúng 11 giờ”. Tracy thêm. “Xin cảm ơn chị”. Cách đó nửa dãy nhà là một cửa hàng hành lý thượng hạng. Tracy xem xét số hàng trưng bày trong tủ kính trước khi bước vào bên trong. Một nhân viên lại gần. “Xin chào. Liệu tôi có thể giúp gì cô?”. “Tôi muốn mua một vài thứ hành lý cho chồng tôi”. “Bà đến đúng chỗ rồi. Chúng tôi biết phục vụ ở đây hiện có một số hàng đẹp, và không đắt”. “Không”. Tracy nói. “Tôi không muốn thứ rẻ tiền”. Nàng bước tới chổ bày những chiếc vali Vuitton kê sát tường. “Còn hơn cả thứ tôi muốn tìm. Chúng tôi có một chuyến đi xa”. “Ồ, tôi tin là ông ấy sẽ rất hài lòng với một trong số những chiếc vali này, Chúng tôi có ba cỡ khác nhau. Cỡ nào sẽ là ...”. “Tôi lấy mỗi loại một chiếc”. “Ồ, tuyệt Thanh toán bằng hóa đơn hay trả ngay?” “COD” Tên Joseph Rmano. Ông có thể chuyển chúng tới văn phòng của chồng tôi vào sáng thứ năm này không “Sao cơ, chắc chắn là thế rồi, thưa bà Romano”. “Đúng 11 giờ nhé?”. “Tôi sẽ lo việc đó”. Và như cân nhắc, Tracy nói thêm. “Ôi ... ông có thể in các chữ cái đầu tên ông ấy lên đó không, mạ vàng ấy? Chữ J.R ... “Tất nhiên. Chúng tôi rất vui lòng, thưa bà Romano”. Tracy mỉm cười và đưa cho ông ta địa chỉ cần thiết. Tới một bưu điện gần đấy, Tracy gửi một bức điện trả tiền ngay đến khách sạn Rio Othon Place ở Copacabana, Rio de Janeiro. Bức điện viết: YÊU CẦU MỘT PHÒNG HẠNG NHẤT, BẮT ĐẦU TỪ THỨ SÁU NÀY, TRONG HAI THÁNG, ĐỀ NGHỊ BÁO LẠI BẰNG ĐIỆN TÍN. JOSEPH ROMANO, 217 PHỐ POYDRAS, PHÒNG 408, NEW ORLEANS, LOUISIANA, USA. Ba ngày sau Tracy gọi điện thoại tới nhà băng xin nói chuyện với Lester Torrance. Khi nghe thấy giọng ông ta, nàng dịu dàng, “Có thể là ông đã quên tôi rồi, ông Lester, đây là Lureen Harford, thư ký của ông Romano và ...”. Không nhớ cô ta? Giọng ông ta sốt sắng. “Chắc chắn là tôi nhớ cô Lureen. Tôi ...”. “Thật à? Tôi thật lấy làm hãnh diện. Ông phải gặp bao nhiêu người hàng ngày?”. “Song không ai giống cô cả”, Lester cam đoan. “Cô chưa quên việc chúng ta hẹn ăn cơm chiều với nhau chứ?”. “Ông thật không biết tôi mong chờ dịp đó thế nào. Thứ ba này liệu có tiện cho ông không, ông Lester?”. “Tuyệt”. “Vậy là hẹn nhé. Ôi, tôi thật ngớ ngẩn quá. Nói chuyện với ông thật là hồi hộp nên suýt quên mất việc phải hỏi. Ông Rơmano bảo tôi kiểm tra lại cán cân thu chi trong tài khoản của ông ấy. Ông có thể cho tôi biết con số đó không “Được chứ. Không có gì phiền phức cả”. Bình thường thì Lester Torrance đã phải hỏi về ngày sinh hoặc một thông tin nào đó để xác định người gọi, song trong trường hợp này thì điều đó chẳng cần thiết. “Cầm máy, Lureen” ông ta nói. Ông ta bước lại chỗ hồ sơ, rút tấm phiếu của J.Romano, và ngạc nhiên. Có một số tiền gửi khác thường vào tài khoản của Romano trong vài ngày qua. Từ trước tới giờ chưa khi nào Romano để nhiều tiền trong tài khoản đến thế. Lester Torrance băn khoăn, không biết chuyện gì mà lạ vậy. Rỡ ràng chuyện lớn đây. Khi nào ăn chiều với Lereen Harford, ông phải mời cô về chuyện này. Một chút thông tin từ nội bộ chẳng bao giờ là thừa cả. Ông ta quay lại bên máy điện thoại. “Ông chủ cơ đã làm chúng tôi bận bịu đấy”, ông ta bảo Tracy “Có trên ba trăm nghìn trong tài khoản tiết kiệm”. “Ô, tốt. Đó cũng là con số mà chúng tôi có”. “Liệu ông ấy có muốn chuyển sang tài khoản kinh doanh không? Tiền nằm đây thì cũng chẳng mang lại lời lãi gì và tôi có thể ...”. “Không. Ông ấy muốn giữ nguyên ở đó”. Tracy nói. “Tốt thôi”. “Cảm ơn ông nhiều, ông Lester. Ông thật là một người dễ thương”. “Đợi một phút. Tôi sẽ gọi cô tại văn phòng để hẹn cụ thể cho chiều thứ ba chứ?”. “Tôi sẽ gọi ông, bạn thân mến”. Tracy đáp. Và nàng gác máy. Tòa nhà cao tầng hiện đại mà Anthony Orsatti sở hữu đứng sừng sững trên phố Poydras ở khoảng giữa bờ sông và công trình khổng lồ mái vòm Louislana. Văn phòng của công ty xuất nhập khẩu Thái Bình Dương chiếm toàn bộ tầng thứ tư của tòa nhà. Đầu đằng này là khu phòng làm việc của Orsatti và đầu kia là các phòng của Joe Romano. Khoảng giữa là của bốn cô tiếp tân trẻ trung những cô gái luôn có mặt vào các buổi tối để mua vui cho bạn bè và các mối làm ăn của Orsatti. Trước phòng của lão có hai gã đàn ông lực lượng ngồi canh, và mạng sống của hai gã này có thể được hy sinh để bảo vệ ông chủ chúng. Hài gã cũng kiêm luôn cả tài xế, người đấm bóp và chạy việc vặt. Vào sáng thứ năm đó, Orsatti ngồi trong phòng làm việc của lão, đang kiểm tra lại các khoản thu hôm trước từ trò sổ số điện tử, cá cược đua ngựa, mãi dâm, và một tá các hoạt động sinh lợi khác mà công ty xuất nhập khẩu Thái Bình Dương này kiểm soát. Anthony Orsatti độ chừng cuối tuổi sáu mươi, có dáng người quái lạ với tấm thân to và nặng nề còn đôi chân thì ngắn và gầy nhẳng, như được tạo ra cho một người nhỏ hơn. Khi đứng dậy, lão trông như một con ếch đang ngồi. Bộ mặt lão chằng chịt vết sẹo, giống như cái mạng do một con nhện say rượu chẳng nên, với cái miệng rộng ngoác và cặp mắt đen hơi lồi. Lão hói đầu từ tuổi mười lăm, sau một lần bị rụng hết tóc, và dùng tóc giả từ đó. Bộ tóc giả này thật chẳng hợp với lão chút nào, song ngần ấy năm tháng qua không ai dám nói tới điều đó trước mặt lão. Mắt lão lạnh lùng, là cặp mắt của kẻ cờ bạc, chẳng bao giờ bỏ lọt cái gì, và bộ mặt lão, trừ khi ở bên năm đứa con gái mà lão yêu quý, lúc nào cũng lạnh tanh. Dấu hiệu duy nhất gắn liền với cảm xúc của Orsatti là giọng nói. Lão có giọng khản đặc, lại the thé, hậu quả của một sợi dây siết chặt cổ họng vào ngày sinh nhật lần thứ hai mươi mét của lão - và rồi lão đã bị bỏ mặc chờ chết. Hai gã giết thuê đã phạm sai lầm này được khiêng vào nhà xác ngay tuần lễ sau đó. Một khi Orsatti thực sự giận dữ, giọng nói của lão trầm xuống như một tiếng thì thầm bị bóp nghẹt, khó mà có thể nghe thấy được. Anthony Orsatti là một ông vua trị vì vương quốc của mình bằng hối lộ, súng đạn và tống tiền. Lão cai quản cả New Orleans và sự giàu có của lão thì không kể xiết. Các ông trùm của gia đình Mafia khác trên khắp Hoa Kỳ kính nể lão và thường xuyên tìm kiếm lời khuyên bảo của lão. Vào lúc này, Anthony Orsatti đang trong tâm trạng vui vẻ Lão mới ăn sáng với tình nhân, ả đàn bà mà lão giữ trong căn hộ của một tòa nhà mà lão là chủ ở bên hồ Vista. Lão tới với ả ba lần một tuần, và sáng nay thì đặc biệt hài lòng. Ả làm với lão trên giường những trò mà mọi người đàn bà khác khó lòng hình dung ra được, và Orsatti thực bụng tin rằng đó là vì ả yêu lão ghê gớm. Tổ chức của lão hoạt động trôi chảy, bởi lẽ Anthony Orsatti biết cách giải quyết những khó khăn trước khi chúng biến thành những rắc rối. Lão đã có lần giải thích cái triết lý của mình cho Romano. “Đừng bao giờ để một khó khăn nhỏ trở thành một cái rắc rối lớn, Joe, nếu không thì nó sẽ phình ra như quả cầu ấy. Anh có một thủ hạ nào đó bắt đầu nghĩ rằng nó phải được chia phần lớn hơn, anh cho nó lặn luôn, hiểu không. “Sẽ chẳng còn quả cầu tuyết nào nữa. Hay anh gặp một thằng ngu nào đó ở Chicago. Đòi được mở một hoạt động nhỏ nào đó ở đây, tại New Orleans này. Anh phải hiểu ngay rằng các hoạt động nhỏ kia sẽ trở thành một hoạt động lớn và làm hụt lợi nhuận của anh. Vậy anh nói đồng ý và khi hắn đến đây, anh cho tiêu luôn cái thằng chó đẻ ấy đi. Không còn quả cầu tuyết nào nữa. Hình dung ra bức tranh chưa hả?”. Joe Romano đã hình dung được. Anthony Orsatti yêu quý Romano. Với lão, hắn như một đứa con trai vậy, Orsatti đã nhặt hắn từ khi hắn còn là thằng nhãi con bụi đời và đã rèn cặp để giờ đây thì hắn đã khá cứng cáp. Hắn tinh ranh, và Lại thành thật. Trong mười năm Bomano đã leo lên địa vị phó, giám sát toàn bộ các hoạt động của gia đình và chỉ phải báo cáo cho Orllatti. Lucy, thư ký riêng của Orsatti, gõ cửa rồi bước vào. Cô ta hai mươi bốn tuổi, tết nghiệp đại học, với gương mặt và thân hình đã từng giành chiến thắng trong vài cuộc thi hoa hậu vùng. Orsatti vốn thích có những cô gái trẻ đẹp vây quanh mình. Lão nhìn đồng hồ trên bản, 10 giờ 45. Đã bảo Lucy là không muốn bị quấy rầy cho tới trưa kia mà, lão cáu kỉnh. “Cái gì?”. “Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy, ngài Orsatti. Có một cô Gìgi Dupres nào đó gọi tới. Cô ta có vẻ bị kích động, nhưng nhất định không chịu nói với tơi là muốn gì. Cô ta khăng khăng đời nói trực tiếp với ngài. Tôi nghĩ rằng có chuyện gì dó quan trọng”. Orsatti ngồi yên, những cái tên vùn vụt trôi qua óc lão Gigi Dupres? Một trong những cô ả mà lão đã đưa vào phòng lần tới Las Vegas mới rồi chăng? Gigi Dupres? Lão không nhớ nổi cái tên đó, vậy mà lão vẫn tự hào là cái dầu của lão không bao giờ quên cái gì. Vì tò mò, Orsatti nhấc máy lên và vẫy tay cho Lucy ra ngoài. “Hả, ai đấy?”. “Đó có phải ngài Anthony Orsatti không?”. Cô ta nói giọng Pháp. “Có chuyện gì?”. “Ôi, ơn Chúa là tôi đã gặp được ngài, ngài Orsatti!”. Lucy nói đúng. Con mẹ quả đang bị kích động. Anthony Orsatti không muốn quan tâm. Lão định gác máy thì cô ta tiếp tục. “Xin ngài chặn ngay ông ta lại”. “Cô gái, tôi không hiểu cô đang nới về ai, và tôi rất bận ...”. “Về Joe của tôi, Joe Romano. Ông ấy hứa sẽ mang tôi đi cùng, ngài có hiểu không?”. “Này, có chuyện gì với Joe thì hãy nói với anh ta. Tôi không phải bảo mẫu của hắn”. “Ông ấy nói dối tôi? Tôi mới phát hiện rằng ông ấy sẽ đi Brazil mà không cho tôi đi cùng. Một nửa số ba trăm ngàn đô la đó là của tôi”. Tới lúc này thì Anthony Orsatti đã quan tâm tới câu chuyện. “Cô nói ba trăm ngàn nào vậy?”. “Số tiền mà Joe cất giữ trong tài khoản của ông ấy chứ còn gì nữa. Khoản tiền mà ông ấy nói thế thế nào nhỉ? À, chớp được”. Anthony Orsatti trở nên rất quan tâm. “Xin ngài bảo Joe phải cho tôi cùng đi Brazil với ông ấy. Xin ngài! Ngài sẽ làm thế chứ?”. “Được” Anthony Orsatti hứa. “Tôi sẽ lưu ý việc này”!. Phòng làm việc của Joe Romano rất hiện đại, toàn màu trắng, do một trong những nhà trang trí nội thất nổi tiếng nhất New Orleans trình bày. Những mảnh màu duy nhất là ba bức họa của trường phái ấn tượng Pháp treo trên tường. Romano rất tự hào về óc thẩm mỹ của mình. Hắn đã phải lăn lộn suốt, bắt đầu từ các khu nhà ổ chuột của New Orleans, và trên con đường đó hắn đã học được nhiều. Hắn biết thưởng thức đôi chút đối với cả hội họa lẫn âm nhạc. Và hắn cũng rất rành về các loại rượu trên đời này. Nếu sự thực là Anthony Orsatti sở hữu vùng New Orleans này thì sự thực cũng lại là Joe Romano điều hành nó cho lão già. Thư ký của hắn bước vào. “Thưa ông Romano, có người chuyển tới một chiếc vé đi Rio de Janeiro. Tôi sẽ viết séc chứ ạ? COD mà”. “Rio de Janeiro?” Romano lắc đầu. “Bảo anh ta biết là có sự nhầm lẫn gì đó”. Người giao hàng đứng lấp ló ở ngưỡng cửa. “Tôi được Bai mang tới cho ông Joseph Romano ở địa chỉ này mà”. “Ô, người ta đã bảo anh sai. Cái gì vậy, một trò quảng cáo mới của ngành hàng không chăng?”. “Không thưa ngài. Tôi ...”. “Đưa xem nào”. Romano cầm tấm vé từ tay người giao hàng. “Thứ sáu. Tại sao tôi lại phải đi Rio vào thứ sáu nhỉ!”. Đó là một câu hỏi hay đấy”. Anthony Orsatti nói. Lão đã đứng ngay sau người giao hàng. “Tại sao lại phải đi thế, Joe?”. “Một nhầm lẫn ngớ ngẩn nào đó, Thony”. Romano đưa trả chiếc vé cho người giao hàng. “Mang nó về nơi cũ của nó và ...”. “Đừng nhanh quá thế”. Anthony Orsatti cầm lấy chiếc vé, xem xét. “Một chiếc vé hạng nhất, ghế đặc biệt, được hút thuốc, đi Rio de Janeiro vào thứ sáu. Một chiều?”. Joe Romano cười lớn. Ai đó đã nhầm lẫn”. Hắn quay sang cô thư ký. “Madge, gọi cho đại lý vận chuyển và bảo rằng họ là một lũ ngốc. Một gã ngớ ngẩn tội nghiệp nào đó sắp mất toi chiếc vé rồi”. Joleen, thư ký phụ bước vào. “Xin lỗi, thưa ông Romano. Hành lý đã tới. Ông có cho phép tôi ký nhận không ạ?”. Joe Romano lừ mắt nhìn cô ta. “Hành lý nào? Tôi không đặt mua bất kỳ thứ gì cả”. “Bảo họ mang vào đây”, Anthony Orsatti ra lệnh. “Lạy Chúa”. Joe Romano nói. “Mọi người đã hóa điên cả rồi hay sao không biết”. Một người giao hàng bước vào mang theo ba chiếc va li Vuitton. “Thế này là thế nào? Tôi chưa bao giờ đặt mua những thứ đó cơ mà”. Người kia kiểm tra lại phiếu giao hàng. “Phiếu viết là ông Joseph Romano, phố Poydas, phòng 408, phải không ạ?”. Joe Romano mất bình tĩnh. “Tao không quan tâm nó viết cái mẹ gì. Tao không đặt mua. Mang đi ngay”. Orsatti xem xét mấy chiếc va li. “Họ in cả chữ cái đầu tên của anh lên đây mà, Joe”. “Cái gì? Ồ đợi một phút? Có khi là một thứ quà tặng gì đó. “Hôm nay sinh nhật anh à?”. “Không. Song ông biết bọn đàn bà đấy, Tony. Họ luôn luôn tặng quà cho cánh đàn ông”. “Anh có chuyện gì ở Brazil thế”. “Anthony Orsatti căn vặn. Brazil?” Joe Romano cười lớn. “Đây có thể là sự đùa bỡn của một kẻ nào đó. Tony”. Orsatti mỉm cười lịch thiệp, rồi quay sang mấy cô thư ký và hai người giao hàng, nói nhẹ. “Ra ngoài”. Khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng họ, Anthony Orsatti lên tiếng. “Joe, anh có bao nhiêu tiền gửi trong tài khoản nhà băng Joe Romano nhìn lão ngạc nhiên. “Tôi không rõ. Một nghìn năm trăm, tôi đoán chừng vậy, có thể là một hai nghìn gì đó, sao cơ? “Không có gì, sao anh không gọi tới nhà băng kiểm tra lại xem?”. “Để làm gì? Tôi ...”. “Kiểm tra xem sao, Joe”. “Được thôi. Nếu điều đó làm ông vui lòng”. Hắn bấm chuông gọi thư ký. “Cho tôi nói chuyện với kế toán trưởng của ngân hàng First Merchant”. Một phút sau chị ta đã chờ ở đầu dây kia. “Chào người đẹp. Joseph Romano đây. Cho tôi biết cán cân tiền mặt hiện nay trong tài khoản của tôi nào. Ngày sinh của tôi là 14 tháng Mười”. Anthony Orsatti cầm ống nghe của chiếc máy phụ. Một lát sau, người kế toán trưởng đã trở lại trên máy. “Xin lỗi đã để ông phải chờ, ông Romano. Cho tới sáng nay, trong tài khoản của ông có ba trăm mười ngàn chín trăm lẻ năm đô la và ba mươi lăm xu”. Romano tái mặt. “Bao nhiêu?”. “Ba trăm mười ngàn chín trăm lẻ năm ...”. “Đồ ngu như lợn?” Hắn quát lên. “Tao không cần ngần ấy tiền trong tài khoản của mình. Mày nhầm rồi. Cho tao nói chuyện với ...”. Hắn thấy cái ống nghe bị nhấc khỏi tay, và Anthony Orsatti đã gác nó xuống máy. “Tiền đó ở đâu ra thế, Joe?”. Mặt Joe Romano xanh nhợt. “Thề có Chúa, Tony, tôi không hề biết tý gì về số tiền đó”. “Không à?”. “Trời, ông phải tin tôi? Ông có biết chuyện gì đang xảy ra? Kẻ nào đó đang chơi tôi”. “Phải là một người rất thích anh. Hắn tặng anh một, món quà tống tiễn tới ba trăm ngàn đô la”. Orsatti nặng nề ngồi xuống chiếc ghế bành kiểu scalamander bọc lụa và nhìn Joe Romano hồi lâu, rồi nói rất bình thản. “Tất cả đã được thu xếp, hả? Chiếc vé một chiều đi Rio, hành lý mới ... Có vẻ như anh đang chuẩn bị cho một cuộc sống mới ấy nhỉ”. “Không!” Vẻ hết hoảng lộ rõ trong giọng nói của Joe Romano. “Lạy Chúa, ông biết tôi rõ hơn thế nhiều, Tony. Tôi đã luôn luôn đúng mực với ông. Với tôi, ông như một người cha”. Hắn toát mồ hôi. Có tiếng gõ cửa, và Madge ló đầu vào, chìa ra một chiếc phong bì. “Tôi xin lỗi vì đã đường đột, ông Romano. Có một bức điện gửi cho ông, nhưng mà ông phải tự ký nhận nó”. Với bản năng của một con thú bị sa bẫy, Joe Romano đáp, Lúc khác. Tôi đang bận”. “Tôi sẽ nhận cho”, Anthony Orsatti nói và lão đã rời chiếc ghế trước khi cô thư ký kịp khép cửa. Lão đọc bức điện kỹ càng, rồi nhìn Joe Romano chằm chằm. Bằng giọng trầm đục mà Romano khó có thể nghe được Anthony Orsatti nói “Tôi sẽ đọc cho anh nghe, Joe”. VUI LÒNG GHI NHẬN VIỆC NGÀI ĐẶT THUÊ CĂN HỘ CÔNG CHÚA CỦA CHÚNG TÔI TRONG HAI THÁNG BẮT ĐẦU TỪ THỨ SÁU, NGÀY MỒNG MỘT THÁNG CHÍN. Dưới ký. MONTALBAND, GIÁM ĐỐC, RIO OTHON PLACE, RIO DE JANEIRO. Đó là căn buồng anh đặt mà, Joe. Anh sẽ không cần tới nó nữa, có phải không?” Chương 13 Andre Gillan đang ở trong bếp bận bịu với món salát kiểu Ý thì chợt nghe những tiếng động chối tai đầy quái gở và chỉ một tích tắc sau tiếng êm dịu của máy điều hòa không khí lạch xạch rồi tắt ngấm. Andre giậm chân kêu lên. “Cứt thật! Lại vào đúng tối nay cơ chứ”. Anh ta chạy ra cái buồng xép nơi để bảng điện và đóng mở từng cầu dao. Chẳng có gì tốt hơn. Ôi, ông Pope sẽ nổi giận mất. Chắc chắn là thế. Andre biết rõ là ông chủ của mình ngóng đợi cuộc bài poker tối thứ sáu hàng tuần nảy như thế nào. Đó là một thói quen từ nhiều năm nay, với cùng một nhóm người chơi ổn định. Không có điều hòa không khí, ngôi nhà trở nên không thể chịu nổi. Thực sự là không thể chịu nổi. New Orleans vào tháng Chín này chỉ hợp với đám người nhếch nhác mà thôi. Ngay cả khi mặt trời đã lặn thời tiết vẫn cứ nóng và ấm. Andre quay vào bếp và nhìn đồng hồ. Bốn giờ chiều rồi. Khách khứa sẽ đến vào lúc tám giờ đúng. Andre đã nghĩ tới việc gọi điện cho ông chủ để báo về sự rắc rối này, nhưng rồi lạl nhớ ông luật sư đã nói là sẽ bận rộn cả ngày ở tòa án. Ông chủ đáng kính thật quá bận - Andre nghĩ, ông ấy cần được nghỉ ngơi. Và giờ thì thế này ... Andre rút ngăn kéo, lấy ra chiếc điện thoại màu đen và quay số. Sau ba hồi chuông, một giọng đều đều cất lên. “Bạn đang làm việc với hãng thch vụ điều hòa không khí Eskimo. Lúc này chúng tôi không có sẵn các kỹ thuật viên. Nếu bạn để lại tên, địa chỉ và một lời chỉ dẫn ngắn, chúng tôi sẽ tìm tới bạn ngay khi có thể. Xin hãy đợi tín hiệu”. Đến chịu thật? Andre rất bực bội khi phải nghe lời một cái máy. Một tiếng “Bip” khó chịu réo vào tai. Ạndre nói. “Đây là nhà riêng của ngài Perry Pope, 42 Phố Charles. Hệ thống điều hòa không khí của chúng tôi đã ngừng hoạt động. Đề nghị phái người tới đây càng sớm càng tốt”. Anh ta đặt sầm ống nghe xuống. Tất nhiên là không sẵn thợ rồi. Có thể là điều hòa không khí của cái thành phố chết tiệt này đều đang hỏng cả. Có ai đến ngay được thì tốt quá. Andre lẩm bẩm. Ông Pope hay cáu kỉnh lắm. Đã ba năm nay, Andre làm đầu bếp cho ông luật sư, và đã biết chủ của mình đầy thế lực ra sao. Thật ghê gớm. Chỉ cần búng ngón tay là khối kẻ phải nhảy dựng Andre Gillan thấy ngôi nhà dường như bắt đầu bực bội. Nếu không làm được một cái gì đó để cứu vãn tình thế này thì mọi chuyện sẽ thật tệ hại. Ba mươi phút sau đó, khi tiếng chuông cửa reo vang thì quần áo Andre đã ướt đẫm mồ hôi, và căn bếp thì như một cái lò. Gillan vội chạy ra mở cánh cửa hậu. Hai anh thợ trong bộ đồng phục đứng ngay trước cửa, vai đeo những hòm đồ nghề. Một da đen cao lớn và một da trắng, thấp hơn, với bộ mặt buồn ngủ, đầy mệt mỏi. Ở lối đi ra phía sau có chiếc xe chuyên dùng của họ. “Máy điều hòa trục trặc phải không?”. Người da đen hỏi. Đúng. ơn Chúa các anh đã đến. Hãy cho nó làm việc trở lại, và nhanh lên. Khách khứa tới bây giờ rồi. Người đàn ông da đen bước lại bên lò nướng hít hít và nói. “Thơm đấy”. “Nào!” Gillian giục. “Làm gì đi chứ”. “Hãy cho bọn này ngó cái nơi đặt máy đã”. Người da trắng nói. “Nó ở đâu?”. Andre vội đưa họ tới phòng kho, nơi đặt hệ thống điều hòa không khí. “Cái máy này tốt lắm, Ralph”. Người da đen nói với bạn đồng nghiệp. “Ừ Ai. Họ đâu có làm những cái như thế này nữa”. “Thế thì chuyện quỷ quái gì mà nó không chạy được?”. Gillian kêu lên. Họ quay lại nhìn anh ta. “Thì đã có chúng tôi”, Ralph nói vẻ chắc nịch. Anh ta quỳ xuống, mở một cái nắp nhỏ ở phía dưới chiếc máy, lấy ra cái đèn bấm, rồi nằm rạp xuống để ngó vào bên trong. Sau một lát, anh ta lồm cồm đứng lên. “Chỗ hỏng không phải ở đây”. “Vậy thì ở đâu?” Andre hỏi. “Có thể là có chỗ chập mạch ở mạng ngoài và làm chập cả hệ thống. Có bao nhiêu máy điều hòa lẻ trong nhà?”. “Mỗi phòng có một chiếc. Để xem nào. Vậy ít nhất là chín”. “Đó có thể là vấn đề đấy. Quá tải. Hãy cho chúng tôi kiểm tra xem”. Cả ba kéo nhau trở ra. Khi họ đi ngang phòng khách. Ai nói. “Ông Pope có căn phòng quả là đẹp”. Căn phòng khách được bày biện tinh tế, đầy những đồ cổ, đáng giá cả một gia tài lớn. Những tấm thảm Ba Tư màu sắc rực rỡ được trải kín sàn. Bên trái phòng khách là phòng ăn lớn, và phía bên phải là một phòng kín đáo, trong kê một cái bàn để chơi bài, phủ nỉ xanh ở góc trong là cái bàn tròn sẵn sàng cho bữa ăn tối. Hai anh thợ bước vào căn phòng này, rọi đèn bấm vào chiếc máy điều hòa không khí gắn cao trên tường. Hừ?” Anh ta lẩm bẩm và nhìn lên khoảng trần phía trên cái bàn chơi bài. “Bên trên phòng này là cái gì?”. “Căn buồng áp mái đấy mà”. “Cho chúng tôi xem nào”. Hai anh thợ theo Andre lên căn buồng áp mái, một cái buồng dài, trần thấp, bụi bặm và đầy mạng nhện. Al bước tới một cái bảng điện gắn trên tường. Anh ta kiểm tra cái búi dây điện. “Ha?”. “Anh thấy rồi à?” Anđre sốt sắng hỏi. “Cái bình ngưng hỏng rồi. Do độ ẩm cao. Chúng tôi gặp hàng trăm trường hợp như thế này trong tuần. Nó bị chập Ta sẽ phải thay bình mới”. “Ôi lạy Chúa! Có lâu không?”. “Không. Chúng tôi có bình mới ở ngoài xe”. “Xin nhanh lên cho”. Anđre cẩn thận. “Ông Pope sắp về đến nơi rồi”. “Anh cứ để đấy cho bọn này”, Al đáp. Andre thú thật. “Tôi phải làm cho xong món trộn xa-lát. Các anh có thể tự tìm lối trở lại căn buồng mãi không? Al giơ một tay lên. “Có gì đâu. Anh cứ làm việc của anh đi, bọn tôi sẽ làm việc của mình”. “Ồ, cám ơn. Xin cám ơn anh”. Andre trông theo hai anh thợ đi ra ngoài xe và trở lại với hai túi đựng dụng cụ kềnh càng. “Nếu cần gì”, anh ta bảo hai người “thì cứ gọi tôi nhé”. Hai anh thợ đi lên trên gác, còn Andre thì trở vào bếp. Khi Ralph và Al tới căn buồng áp mái, họ mở túi đồ nghề và lấy ra một ghế gấp nhỏ, một cái khoan với một mũi khoan thép, một khay bánh kẹp, hai lon bia và một cặp ống nhòm cỡ 12 - 40 dùng quan sát các mục tiêu ở xa trong ánh sáng yếu, và hai con chuột bạch đã được tiêm ba phần tư ống axêtin promadun. Hai người bắt tay vào việc. “Mụ Ernestine yêu quý sẽ phải tự hào về tôi”. Al cười giòn tan. Lúc đầu, Al đã khăng khăng phản đối. “Chắc chắn là em loạn óc rồi. Anh sẽ không dính dáng gì với Perry Pope đâu. Thằng cha đàng điếm sẽ quật anh đến nát mông ra mất”. Nhưng rồi anh không bao giờ còn phải e ngại về hắn nữa. Bời hắn sẽ chẳng còn có thể làm phiền ai”. Họ đang nằm trần truồng trên cái giường đệm nước trong căn phòng của Ernestine. “Thối được, vậy em được gì trong vụ này, em yêu?” Al căn vặn. “Hắn là đồ đểu cáng”. “Này, cô bé, thế giới này đầy rẫy những đồ đểu cáng, em đâu có dành cả đời vào việc bóp chết chúng nó được”. “Cứng phải. Song em làm điều này vì một người bạn”. “Tracy phải không?”. “Đúng vậy”. Al rất mến Tracy. Họ đã cùng ăn chiều với nhau ngày nàng mới ra tù. “Cô ấy là một tiểu thư có học”. Al thừa nhận. “Nhưng tại sao ta lại phải chìa cổ ra vì cô ấy? “Bởi vì nếu không, cô ấy sẽ phải kiếm một người khác - người mà chẳng thế nào tốt bằng nửa anh thôi, và nếu bị tóm, chúng sẽ ném cô ấy trở lại nhà tù mất”. Al ngồi dậy trên giường và nhìn Ernestine đầy tò mò. “Điều này có nhiều ý nghĩa với em hả, cô bé?”. “Vâng, anh yêu”. Không bao giờ cô có thể làm cho anh ta hiểu điều ấy, song sự thật thì đơn giản là Emestine không chịu nổi ý nghĩ việc Tracy bị ném trở lại nhà tù với Bertha Lớn. Không hẳn là Ernestine chỉ quan tâm tới Tracy, mà còn chính là bản thân mình nữa. Cô đã tự đặt mình làm người bảo hộ cho Tracy và nếu Bertha Lớn có thể động hay vào Tracy thì điều đó có nghĩa là Ernestine thất bại. Vậy mà giờ đây cô chỉ nói. “Vâng, nó có nhiều ý nghĩa đối với em lắm, anh yêu quý. Anh sẽ làm chứ?”. Al càu nhàu. “Quỷ quái, nhưng chắc chắn một mình anh không thể làm nổi”. Và Ernestine biết là chị đã đặt ý định. Chị hôn dọc tấm thân dài và khơẻ mạnh của anh, thì thào. “Thế chẳng phải là Ralph yêu quý của chúng ta đã được thả ra cách đây ít hôm rồi à? ...”. Tới 18 giờ 30, hai anh thợ mới trở xuống bếp, khắp người đẫm mồ hôi và bụi. “Lắp xong chưa?” Andre sốt ruột hỏi. “Thật khốn nạn” Al đáp lại “Anh biết đấy, cái của anh là bình kiểu AOIDC”. “Đừng dài dòng”, Andre sốt ruột cắt ngang. “Anh đã lắp vào chưa?”. “Rồi. Xong cả rồi. trong năm phút nữa chúng tôi sẽ làm cho nó hoạt động trở lại, tốt như môi tinh”. “Tuyệt diệu! Nếu các anh để lại hóa đơn ...”. Ralph lắc đầu “Đừng bận tâm chuyện đó, Công ty sẽ thanh toán sau”. “Chúc các anh may mắn. Tạm biệt”. Andre trông theo hai người thợ đi ra qua cửa sau, mang theo các túi đồ nghề lỉnh kỉnh. Khi đã khuất tầm mắt anh ta, họ đi vòng ra sân trước và mở cái tủ đựng bình ngưng phía ngoài của hệ thống điều hòa không khí cả ngôi nhà. Ralph soi đèn bấm cho AI nói ô lại những nơi đây mà chính anh ta đã gỡ ra một vài giờ trước đó. Ngay lập tức, hệ thống hoạt động trở lại. AI ghi lại số điện thoại trên tấm phiếu dịch vụ gắn trên bình thường. Một lát sau khi gọi đến số máy ấy và nghe giọng nói ghi âm của Hãng dịch vụ điều hòa không khí Eskimo, AI nói. “Đây là nhà riêng của ông Perry Pope, 42 phố Charles. Hệ thống điều hòa không khí của chúng tôi hiện đã hoạt động tốt. Xin đừng phái người tới nữa. Chúc một ngày đẹp đẽ”. Cuộc chơi bài Poker tối thứ sáu hàng tuần ở nhà Perry Pope luôn được những người tham gia hào hứng trông đợi. Đó là một nhóm cố định và được lựa chọn cẩn thận, gồm có: Anthony Orsatti, Joe Romano, thẩm phán Henry Lawrence, một ủy viên hội đồng thành phố, một thượng nghị sĩ, và dĩ nhiên là chủ nhà nữa. Tiền đặt bài cao, đồ ăn hảo hạng, và người chơi thì đầy quyền lực hắc ám. Ở trong phòng ngủ, Perry Pope đang mặc chiếc quần trắng tinh và chiếc áo sơ mi kiểu thể thao. Hắn lẩm nhẩm khoái chí, mơ tưởng tới cuộc bài buổi tối. Dạo này hắn đang gặp vận đỏ. Thực tế thì cả cuộc đời mình đúng là một chuổi dài may mắn, hắn nghĩ. Bất kỳ ai ở New Orieans muốn được một sự thuận lợi pháp lý nào đó, thì Perry Pope chính là vị luật sư cần tìm tới Quyền lực của hắn có được từ các mối liên hệ với gia đình Orsatti. Người ta gọi hắn là người dàn xếp, và thực tế hắn có thể thu xếp mọi chuyện từ một cái vé tâu xe tới một lời tố cáo dính tới ma túy, hay một lời buộc tội giết người. Cuộc sống, với hắn, thật dễ chịu. Khi Anthony Orsatti đến, lão mang theo một người khách. “Joe Romano sẽ không chơi nữa”, Orsatti loan báo. “Các anh chắc đều chưa biết thanh tra Newhouse”. Mấy người đàn ông bắt tay làm quen với nhau. “Thưa các vị, đồ uống ở bàn bên”, Perry Pope nồi, “chúng ta sẽ ăn tối Bau. Tại sao không bắt đầu đi nhỉ?”. Họ ngồi xuống những cái ghế quen thuộc của mình quanh chiếc bàn phủ nỉ xanh trong căn phòng nhỏ riêng biệt kề phòng khách. Orsatti chỉ vào cái ghế trống vốn là chỗ của Joe Romano và nói với thanh tra Newhouse, “Từ giờ trở đi đó sẽ là chỗ của anh, Mel”. Trong khi những người kia mở mấy bộ bài mới, Pope bắt đầu chia các phần. Hắn giải thích với thanh tra Newhouse. “Những phần đen là năm đô la, phần đỏ là mười đô la, xanh năm mươi đô la, trắng một trăm. Trước tiên mỗi người mua lấy một số phần trị giá năm trăm đô la, chúng ta chơi theo lối đặt cửa, ha người xướng bài, nhà cái chọn. “Hợp với tôi đấy”. Gã thanh tra đáp. Anthony, Orsatti đang ở trong một tâm trạng khó chịu. “Nào, bắt đầu đi”, giọng lão như tiếng thì thầm nghẹn lời. Một dấu hiệu chẳng hay ho gì. Perry Pope sẵn lòng bỏ ra một đống tiền để biết được chuyện gì xảy ra với Romano, song gã biết rõ là không nên nêu ra. Khi nào có thể thì lão sẽ bản luận với gã. Những ý nghĩ của Orsatti thật đen tối: Mình đã như bố nó, thằng Joe Romano. Mình tin cậy nó, cho nó làm phó. Và thằng chó đẻ ấy đã đâm vào lưng mình. Nếu con đàn bà người Pháp kia không cuống cuồng gọi tới thì nó chuồn mất rồi. Hừ, nó sẽ chẳng bao giờ mang được cái gì mà chuồn nữa. Khi mà nó đang ở đó. Nếu nó thông minh đến thế thì cứ ở đó mà chơi với đám cá. “Tony, ông thế nào?”. Anthony Orsatti chú ý trở lại vào ván bài. Trên cái bàn này, những món tiền lớn đã mất và được. Anthony Orsatti luôn bực bội khi thua, và không phải vì chuyện tiền bạc. Lão không thể chịu nổi tư thế thua trong bất kỳ chuyện gì. Lão nghĩ về mình như một kẻ sinh ra là để chiến thắng. Trong cuộc sống, chỉ những kẻ chiến thắng mới có được vị trí như lão. Đã sáu tuần lễ qua, Perry Pope gặp vận đỏ một cách khủng khiếp và tối nay Anthony Orsatti quyết không để thế nữa. Thế nhưng tối nay, dù chơi thế nào chăng nữa Anthony Orsatti vẫn thấy là lão đang thua. Lãơ bắt đầu tăng tiền đặt, chơi một cách táo bạo hòng gỡ lại. Tới nửa đêm, khi họ ngừng lại để ăn bữa tối mà Andre dọn lên, thì Orsatti đã thua tới mấy nghìn đô la và Perry Pope là kẻ thắng lớn. Các món ăn thật quyến rũ. Thường thường thì Orsatti rất khoái bữa ăn này, song đêm nay lão chị ngong ngóng trở lại canh bạc. Ông không dùng à, Tony”. Perly Pope hỏi. “Ta không đói”. Orsatti với chiếc bình cà phê bằng bạc ở bên cạnh, rót vào cái ly sứ Herend và ngơi xuống bàn poker. Lão nhìn mấy kẻ đang ăn và chỉ muốn họ ăn mau lên. Lão sốt ruột gỡ lại tiền. Khi bắt đầu uống cà phê, thì một vật nhỏ xíu rơi vào trong ly của lão. Nhăn mặt, lão dùng thìa vớt cái vật đó lên xem, thì ra lạ một mẩu vữa trát tường. Lão ngước nhìn lên trần, và một cái gì đó rơi đúng trán lão. Lão đột nhiên nghe thấy cả những tiếng động phía trên đầu. “Quỷ quái gì trên gác thế” Orsattl hỏi. Perry Pope đang kể giữa chừng giai thoại gì đó cho thanh tra Newhouse. “Xin lỗi, ông nói gì cơ ạ, Tony?”. Lúc này những tiếng động càng trở nên rõ hơn. Những mẩu vữa liên tiếp rơi xuống mặt bàn. “Tôi cảm tưởng như là có chuột ở trên đó”. Viên thượng nghị sĩ nói. “Trong nhà này thì không thể có chuột”, Perry Pope bực mình. “Hừ, chắc chắn là anh phải có một thứ quái quỉ gì trên đó”, Orsatti cáu kỉnh. Một mẩu vữa lớn lại rơi xuống mặt bàn. “Tôi sẽ sai Andre coi việc này”. Pope nói. “Nếu ta đã ăn xong, sao không trở lại bàn chơi đi nhỉ”. Anthony Orsatti chăm chú nhìn một lỗ nhỏ trên trần nhà ngay phía trên đầu lão. “Khoan đã. Ta hãy lên đó ngó xem chuyện gì”. “Để làm gì, Tony? Andre có thể ...”. Orsatti đã nhỏm dậy và đi về hướng cầu thang. Những người kia nhìn nhau rồi vội vã đi theo lão. “Có thể là một con sóc đã lọt vào căn buồng áp má!”, Perry Pope đoán. “Vào thời gian này trong năm, đám sóc có ở mọi nơi. Có thể là chúng muốn giữ gìn cái của nợ kia cho mùa đông tới”. Hắn cười lớn với câu đùa của mình. Khi bọn họ tới căn buồng áp mái, Orsatti đẩy cánh cửa ra và Perry Pope bật đèn lên. Họ thoáng thấy ngay hai con chuột bạch đang điên cuồng chạy quanh căn buồng”. “Chúa ơi,” Perry Pope kêu lên. “Có chuột thật”. Anthony Orsatti không để ý Pope nói gì, lão đang chăm chú quan sát. Ỡ ngay giữa buồng là một cái ghế kiểu dùng khi đi cắm trại, trên có một gói bánh kẹp và hai lon bia đã mở. Cạnh cái ghế, ngay trên sàn, là một ống nhòm. Orsatti bước lại, lật từng thứ lên xem xét. Rồi lão quỳ xuống trên mặt sàn bụi bặm. Và gạt cái ống nhỏ chặn trên cái lỗ được khoan xuyên xuống qua trần nhà, Orsatti ghé mắt nhìn qua lỗ đó. Ngay bên dưới lão là cái bàn chơi - nhìn thấy khá rõ ràng. Perry Pope đang đứng như trời trồng giữa buồng. “Ma quỷ nào mang những thứ linh tinh để đây không biết? Tôi sẽ cho thằng Andre một trận về vụ này”. Orsatti chậm rãi đứng lên và phủi bụi trên quần. Perly Pope đưa mắt nhìn xuống sàn. “Trông kìa!” Hắn kêu lên. “Chúng để lại cái lỗ ma quỷ kia trên trần. Đám công nhân ngày nay chẳng đáng một cục cứt”. Hắn cúi xuống và nhìn qua cái lỗ, mặt đột nhiên tái đi Hắn đứng dậy hoảng hốt nhìn quanh, và thấy cả mấy người kia đang đứng nhìn hắn chằm chằm. “Trời!” Perly Pope nói. “Các vị không nghĩ là tôi ...? Nào các vị, tôi đây. Ôi, không biết tý gì về chuyện này cả. Tôi không lừa các vị đâu. Lạy Chúa chúng ta là chỗ bạn bè”. Tay hắn vụt đưa lên miệng, và hắn bắt đầu giận dữ gặm gặm vào đó. Orsatti vỗ vỗ lên cánh tay hắn. “Đừng bận tâm về việc đó”. Giọng lão gần như không nghe được nữa. Perry Pope vẫn tuyệt vọng cắn chặt ngón tay cái của mình. Chương 14 “Thế là xong hai kẻ, Tracy”. Ernestine Littlechap cười giòn tan. “Ngoài phố người ta xì xào rằng ông bạn luật sư Perry Pope của cô không còn hành nghề luật nữa rồi. Ông ta đã gặp một tai nạn vô cùng đáng tiếc”. Họ đang nhấm nháp bánh với cà phê sữa trong một tiệm cà phê nhỏ trên phố Royal. Ernestine cười khúc khích nói. “Cô thật có cái đầu, cô bé ạ. Thế cô không làm ăn cùng với tôi à?”. “Cảm ơn, chị Erllestine. Tôi còn có những kế hoạch khác”. Ernestine sốt sắng hỏi. “Tiếp theo là kẻ nào vậy?”. “Lawrence. Thẩm phán Henry Lawrence”. Henry Lawrence bắt đầu sự nghiệp của ông ta từ chỗ là một viên luật sư tỉnh lẻ ở Leesvilla, Louisiana. Ông ta có rất ít năng khiếu về luật. Thế nhưng lại có hai thứ quan trọng: Diện mạo gây ấn tượng, và rất uyển chuyển về mặt đạo lý. Tnết lý của ông ta là coi luật pháp như một cái cần câu mảnh mai để cớ thể uốn cong sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Tâm niệm điều đó, trong đầu, thì việc ông ta hành nghề phát đạt với một nhóm khách hàng đặc biệt chỉ sau khi chuyển đến New Orleans ít lâu, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ông ta từ chỗ nhận những vụ vi phạm nhỏ nhặt, tai nạn giao thông đến chỗ nhận giải quyết những vụ vi phạm lớn và những trọng án, trọng tội và cho tới lúc ông ta đã là một chuyên gia trong việc mua chuộc bồi thẩm đoàn, làm mất uy tín các nhân chứng, và hối lộ ai là người có thể giúp mình trong kiện tụng. Nói tóm lại ông ta là một kiểu người ưa thích của Anthony Órsatti, và hai kẻ này gặp nhau là điều không tránh khỏi. Đó là một cuộc hôn nhân trên thiên đường của Mafia. Lawrence trở thành người phát ngôn của gia đình Orsatti, và khi thời cơ đến, Orsatti đã đưa ông ta vào cái ghế thẩm phán tòa án. “Tôi không biết là cô sẽ làm cách nào để trừ khử lão thẩm phán này”. Ernestine nói. “Lão ta giàu có, nhiều thế lực và không thể nào đụng tới được”. Lão ta giàu có và nhiều thế lực”, Tracy đáp. “Thế nhưng không phải là không thể nào đụng tới được”. Tracy tính toán kế hoạch của mình, song khí gọi điện tới phòng làm việc của thẩm phán Lawrence thì thấy ngay là phải thay đổi nó. “Xin cho tôi nói chuyện với thẩm phán Lawrence”. Một cô thư ký trả lời. “Rất tiếc, thẩm phán Lawrence không có ở đây”. “Liệu khi nào ông ấy trở về?”. “Thực sự là tôi không thể nói trước”. “Có việc rất quan trọng. Sớm mai ông ấy có ở đấy không “Không. Thẩm phán Lawrence hiện không có trong thành phố”. “Ôi, Liệu tôi có thể tìm được ông ấy ở đâu?”. “Tôi sợ rằng điều đó là không thể được. Ngài đang ở nước ngoài”. Tracy phải cố giấu vẻ thất vọng trong giọng nói. “À! ra vậy. Cho phép tôi hỏi ở đâu được không?”. “Ngài đang ở châu u, tham dự một hội nghị luật gia quốc tế”. “Thật đáng tiếc”. Tracy nói. “Xin cho biết ai gọi vậy?”. Đầu óc Tracy tính toán rất nhanh. “Tôi là Elizabeth Rowane Dastin, chủ tịch phân hội miền Nam của Hội luật gia Mỹ. Chúng tôi sẽ tổ chức buổi lễ trao giải thưởng hàng năm tại New Orleans vào ngày hai mươi tháng này, và đã chọn thẩm phán Henry Lawrence là nhân vật nổi tiếng nhất trong năm của chúng tôi”. “Thật là tuyệt”. Cô thư ký nói. “Song tôi sợ rằng lúc đó ngài vẫn chưa trở về được”. “Thật đáng buồn. Chúng tôi đều trông chờ được nghe một bài diễn văn của ông ấy. Ủy ban lựa chọn của chúng tôi đã nhất trí chọn thẩm phán Henry Lawrence đấy”. “Ngài sẽ thật thất vọng nếu lỡ dịp này”. “Vâng. Tôi chắc cô cũng biết đây là một vinh dự lớn. Một số thẩm phán lừng danh nhất của chúng ta đã được trao giải thưởng trong quá khứ. Đợi một chút. Tôi có ý kiến thế này. Cô éo nghĩ rằng ông thẩm phán sẽ có thể ghì băng một bài đáp từ cho chúng tôi không - một vài lời cảm ơn chẳng hạn”. “Ồ tội tôi thật không thể nói. Ngài có một chương trình rất bận”. “Sẽ có rất nhiều tin tức trên báo chí và truyền hình quốc gia đấy”. Có một chút im lặng. Thư ký của thẩm phán Lawrence biết rõ là ông ta thích được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự thực thì theo chỗ cô biết, chuyến đi hiện nay của ông ta dường như chủ yếu nhằm vào mục đích đó. Cô ta nói, “Có thể ngài sẽ dành ra được thời gian để ghi lại ít lời cho chị. Tôi có thể hỏi ngài về việc này”. “Ổi, thế thì thật tuyệt vời”. Tracy khuyến khích. “Tất cả buổi tối của chúng tôi là ở việc đó”. “Chị có muốn ngài phát biểu ý kiến về một điều gì cụ thể không?”. “Ồ, dứt khoát là thế rồi. Chúng tôi mong ông ấy nói về” Giọng nàng tỏ ra lưỡng lự. “Tôi sợ rằng sẽ hơi phức tạp một chút. Nếu tôi có thể trực tiếp giải thích với ông ấy thì tốt quá”. Một chút im lặng nữa. Cô thư ký gặp một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cô đã được lệnh không được để lộ hành trình của sếp. Mặt khác, rất có thể ông thẩm phán sẽ mắng cô nếu vì cô mà ông ta lỡ mất dịp nhận một giải thưởng quan trọng như thế này. Cô ta nói. “Thực ra tôi không được phép đưa ra bất kỳ một thông tin nào song tôi tin rằng ngài sẽ bằng lòng cho phép có một ngoại lệ vì một vấn đề mang tính uy tín như thế này. Chị có thể liên lạc được với ngài ở Matxcơva, tại khách sạn Rossia. Ngài sẽ ở đó trong suốt năm ngày tới và sau đó thì ...”. “Tuyệt diệu. Tôi sẽ liên lạc với ông ấy ngay. Cảm ơn cô nhiều. “Cảm ơn chị, chị Dastin”. Các bức điện đã được gửi tới cho thẩm phán Henry Lawrence ở khách sạn Rossia, Matxcơva. Bức điện thứ nhất viết: CUỘC HỌP HỘI ĐỒNG THẨM VẤN LẦN TỚI GIỜ ĐY Đà ĐƯỢC DÀN XẾP. XÁC ĐỊNH NGÀY THUẬN TIỆN THỂ THEO YÊU CẦU XẾP CHỖ. BORIS. Bức điện thứ hai tới ngày hôm sau, viết: THÔNG BÁO VỀ TRỤC TRẶC CỦA SƠ ĐỒ HÀNH TRÌNH CHUYẾN BAY CỦA EM GÁI BẠN VỀ MUỘN, SONG HẠ CÁNH AN TOÀN. MẤT HỘ CHIẾU VÀ TIỀN. CÔ ẤY SẼ ĐƯỢC ĐƯA VÀO KHÁCH SẠN THỤY SĨ HẠNG NHẤT, SẼ THU XẾP TÀI KHOẢN SAU. BORIS. Bức điện sau cùng viết: EM GÁI BẠN SẼ CỐ GẮNG LIÊN HỆ VỚI SỨ QUÁN MỸ ĐỂ LẤY HỘ CHIẾU TẠM THỜI. CHƯA CÓ THÔNG TIN GÌ VỀ THỊ THỰC MỚI. NGƯỜI THỤY SĨ LÀM CHO NGƯỜI NGA CÓ VẺ THÁNH THẦN LẮM. SẼ ĐƯA EM GÁI BẠN BẰNG TÀU BIỂN TRỞ VỀ VỚI BẠN NHANH NHẤT. BORIS. Cơ quan an ninh của Liên Xô đã đợi xem còn bức điện nào nữa không, và khi thấy đã hết họ bèn bắt giữ thẩm phán Lawrence. Cuộc thẩm vấn kéo dài mười ngày đêm. “Ông gửi thông tin cho ai?”. “Thông tin nào? Tôi không hiểu các ông nói gì?”. “Chúng ta đang nói về các đồ án. Ai giao cho ông các đồ án đó?”. “Đồ án nào?”. “Đồ án về các tàu ngầm nguyên tử Xô-viết”. “Các ông điên rồi. Tôi biết gì về các tàu ngầm Xô viết “Đó là cái mà chúng tôi sẽ tìm ra. Ông có những cuộc họp mặt bí mật với ai?”. “Cuộc họp bí mật nào? Tôi không có gì bí mật cả”. “Được Vậy nói xem ai là Boris?”. “Boris, ai cơ?”. “Người chuyển tiền vào tài khoản ở Thụy Sĩ của ông ấy mà”. “Tài khoản Thụy Sĩ nào?”. Họ bực bội. Họ nói vào mặt ông ta rằng. “Ông là một thằng ngốc bướng bỉnh. Chúng tôi sẽ công bố rõ về ông, và tất cả những người Mỹ làm gián điệp khác mưu toan phá hoại Tổ quốc chúng tôi”. Cho tới khi đại sứ Mỹ được phép tới thăm thì thẩm phán Henry Lawrence đã sút tới tám cân, không còn nhớ nổi lần cuối cùng được ngủ là khi nào, và ông ta chỉ còn là một cơ thể tàn tạ, run rẩy. “Tại sao họ lại xử sự thế này với tôi hả?” Ông ta rên rỉ. “Tôi là một công dân Mỹ. Tôi là một thẩm phán. Vì Chúa, hãy đưa tôi ra khỏi đây”. “Tôi đang làm mọi thứ có thể”. Viên đại sứ bảo đảm. Ông bị sốc với dáng vẻ của Lawrence. Chính ông đã đón thẩm phán Lawrence và các thành viên cùng đi khi họ tới đây, hai tuần lễ trước. Người đàn ông mà đại sứ gặp khi đó không hề giống cái con người quy luy, rúm ró đang phủ phục trước mặt ông này. Lần này người Nga họ mưu tính cái quỷ quái gì thế không biết” Ông đại sứ băn khoăn. Ông thẩm phán cũng như mình, không phải là một điệp viên. Rời ông gượng gạo nghĩ, cho rằng mình đã có thể có một chứng cứ rõ ràng hơn. Ổng đại sứ đòi gặp người đứng đầu Bộ Chính trị Liên Xô và khi yêu cầu này bị khước từ, ông đành nhận lời gặp một trong số các bộ trưởng. “Tôi buộc phải đưa ra lời phản kháng chính thức”, ông đại sứ giận dữ tuyên bố. “Sự đối xử của đất nước ông với thẩm phán Henry Lawrence là không thể chấp nhận được. “Gọi một người như ông ta là gián điệp thì thật là lố bịch”. “Nếu như ông đã nói xong rồi”, vị bộ trưởng lạnh lùng đáp “Xin mời ông xem những thứ này”. Ông ta đưa những bản sao các bức điện cho ông đại sứ. Ông đại sứ đọc rồi nhìn lên, lúng túng. “Có gì sai trái đâu? Chúng hoàn toàn vô tội”. “Thực vậy sao? Có thể ông nên đọc lại một lần nữa. Đã giải mã”. Ông ta trao cho ông đại sứ một bản sao khác của những bức điện. Các từ khóa đều được gạch dưới. CUỘC HỌP CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN LẦN TỚI Đà ĐƯỢC DÀN XẾP. XÁC ĐỊNH NGÀY THUẬN TIỆN THỂ THEO YÊU CẦU XÊP CHỖ BORIS. THÔNG BÁO VỀ TRỤC TRẶC CỦA SƠ ĐỒ HÀNH TRÌNH, CHUYẾN BAY CỦA EM GÁI BẠN VỀ MUỘN, SONG HẠ CÁNH AN TOÀN MẤT HỘ CHIẾU VÀ TIỀN. CÔ ẤY SẼ ĐƯỢC ĐƯA VÀO KHÁCH SẠN THỤY SĨ HẠNG NHẤT. SẼ THU XẾP TÀI KHOẢN SAU. BORIS. EM GÁI BẠN SẼ CỐ GẮNG LIÊN HỆ VỚI SỨ QUÁN MỸ ĐỂ LẤY HỘ CHIẾU TẠM THỜI. CHƯA CÓ THÔNG TIN GÌ VỀ THI THỰC MỚI. NGƯỜI THỤY SĨ LÀM CHO NGƯỜI NGA CÓ VẺ THẦN THÁNH LẮM. SẼ ĐƯA EM GÁI BẠN BẰNG TÀU BIỂN TRỞ VỀ VỚI BẠN NHANH NHẤT. BORIS. Mình thật xấu hổ, ông đại sứ nghĩ thầm. Báo chí và công chúng bị ngăn không được tham dự phiên tòa. Bị cáo vẫn tiếp tục bướng bỉnh, tiếp tục phủ nhận việc ông ta đang hoạt động gián điệp ở Liên Xô. Pbía tòa đã hứa khoan hồng nếu ông ta tiết lộ các cấp chỉ huy của mình và thẩm phán Lawrence sẵn sàng đổi tất cả để có thể làm được điều đó, song đáng tiếc, ông ta không thể. Ngày hôm sau báo Pravđa đăng một mẩu tin ngắn về phiên tòa, thông báo rằng thẩm phán Henry Lawrence, một điệp viên Mỹ tai tiếng, đã bị buộc tội làm gián điệp và bị kết án 14 năm lao động khổ sai ở Sibêri. Cộng đồng tình báo Mỹ rối trí lên vì vụ Lawrence. Những lời xì xầm lan đi trong nội bộ CIA, FBI, cơ quan mật vụ và Bộ Tài chính. CIA nói. “Ông ta không phải là người của chúng tôi. Có thể là người của Bộ Tài chính”. Bộ Tài chính công bố không hề biết gì về vụ này. “Không, thưa các ngài, Lawrence không phải là người của chúng tôi. Có thể bọn FBI khốn kiếp lại xía vào lãnh vực này một lần nữa”. “Chưa bao giờ nghe nói về ông ta”. FBI tuyên bố. “Có thể là Bộ Ngoại giao, hoặc DIA sử dụng ông ta”. Cục tình báo Quốc phòng DIA cũng mò mẫm như mấy cơ quan kia, thận trọng ra thông cáo “Miễn bình luận”. Mỗi cơ quan trong cộng đồng tình báo Mỹ đều tin rằng một trong số các cơ quan kia đã phái thẩm phán Henry Lawrencera nước ngoài. “Quả thật tôi khâm phục lòng dũng cảm của ông ta”, ông giám đốc CIA nói. “Ông ta thật cứng cựa, không hề thú nhận và không hề chỉ ra một cái tên nào khác. Nói thực là tôi mong muốn có nhiều người như thế nữa”. Mọi chuyện đang diễn biến rất xấu đối với Orsatti, và lão trùm đã không thể hiểu nổi vì sao. Lần đầu tiên trong đời vận may rời bỏ lão. Đầu tiên là sự đào tẩu của Joe Romano, rồi đến Perry Pope và giờ đây lại mất nốt tay thẩm phán. Họ chính là nhóm nòng cất trong bố máy của Orsatti, những người mà lão phải dựa vào. Joe Romano là một trụ cột trong tổ chức của lão, và lão đã không tìm được ai để thay thế hắn. Việc điều hành công việc trở nên luộm thuộm và xuất hiện những lời phàn nàn từ những kẻ trước đây chưa bao giờ dám phàn nàn. Đã có dư luận rằng Tony Orsatti đang trở nên già cả, lú lẫn, rằng lão không còn có thể duy trì trật tự trong đám tay chân, rằng tổ chức của lão đang tan rã. Cọng rơm cuối cùng là một cú điện thoại gọi đến từ New Jersey. “Chúng tôi nghe nói ông bạn đang có chút rắc rối ở đó, Tony. Chúng tôi muốn giúp đỡ ông”. “Tôi không gặp rắc rối gì hết”, Orsatti nổi giận. “Quả là có một vài vấn đề gần đây, song chúng đã được giải quyết”. “Đó không phải là điều chúng tôi được nghe, Tony. Có tin rằng, khu vực của ông đang trở nên lung tung, không có ai kiểm soát cả”. “Tôi kiểm soát”. “Có thể là quá nặng đối với ông. Có thể là ông đã làm việc quá mệt mỏi. Có lẽ ông nên nghỉ ngơi một chút”. “Đây là khu vực của tôi. Không ai có thể giật nó khỏi tay tôi cả”. “Này Tony, ai nói tới chuyện giật nó khỏi tay ông nhỉ? Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ. Các gia đình ở miền Đông này đã nhóm họp và quyết định gửi dăm người của chúng tôi xuống đó để chìa ra cho ông một bàn tay bé nhỏ. Như vậy chẳng có gì là sai quấy giữa những bạn bè cũ, phải không nào?”. Ernestine đã chuẩn bị món tôm cho bữa ăn chiều và nó đang âm lên trên bếp trong khi cô ta và Tracy đang chờ Al trở về. Cái nóng ngột ngạt của tháng Chín đã làm cho thần kinh của mọi người trở nên bức bối, bởi vậy khi mà Al bước vào căn phòng hẹp thì Ernestine gào lên. “Quỷ tha ma bắt, anh đi đâu đấy? Đồ ăn trên bếp đang cháy rồi kia kìa, cả tôi cũng vậy nữa”. Thế nhưng Al không để ý vì tâm trạng đang quá phấn chấn. “Tôi quả có bận một chút và hãy đợi nghe tôi nói đây này”. Anh ta quay sang Tracy. “Bọn Maphia miền Đông đã động đến Anthony Orsatti rồi”. Khuôn mặt anh ta rạng lên. “Cô đã quật ngã cái đồ chó đẻ đó”. Anh ta nhìn vào mắt Tracy và nụ cười bỗng tắt ngấm. “Cô không thấy hạnh phúc à, Tracy?”. Một từ lạ lẫm, Tracy thầm nghĩ. Hạnh phúc, nàng đã quên mất nghĩa thực của từ đó và băn khoăn liệu mình có còn bao giờ thấy hạnh phúc nữa không, liệu nàng có còn bao giờ có được cảm xúc bình thường nữa không. Đã từ lâu lắm rồi, mọi ý nghĩ của nàng đều tập trung vào việc báo thù những kẻ đã hãm hại mẹ con nàng. Và lúc này thì mọi việc đã gần xong, trong nàng chỉ còn lại một nỗi trống trải. Sáng hôm sau, Tracy dừng chân trước một quầy bán hoa. “Tôl muốn gửi một ít hoa tới viếng Anthony Orsatti. Một vòng hoa tang gồm hoa cẩm chướng trắng với một dải băng lớn. Tôi muốn trên dải băng có dòng chữ “HÃY AN NGHỈ”. Nàng viết một tấm thiếp CON GÁI CỦA DORIS WHITNEY GỬI VIẾNG. Chương 15 PHILADELPHIA. Thứ ba, 7 tháng Mười - 16 giờ. Bây giờ là lúc tính đến Charles Stanhope III. Những kẻ kia đều xa lạ. Charlés từng là người tình của nàng, là cha của đứa con không được sinh ra của nàng, và anh ta đã quay lưng lại với cả hai mẹ con nàng Ernestine và Al cùng có mặt tại sân bay New Orleans để tiễn Tracy. “Tôi sẽ nhớ cô lắm”. Ernestine. “Hiển nhiên là cô đã làm cho cả cái thành phố này thức tỉnh. Họ phải bầu cô làm thị trưởng mới phải”. “Cô sẽ làm gì ở Powilly?” AI hỏi. Nàng đã nói với họ một nửa sự thật. “Trở lại với công việc cũ ở nhà băng”. Ernestine và Al đưa mắt nhìn nhau. “Họ .... ờ ... có biết cô đang trở lại không?”. “Không. Nhưng ông phó chủ tịch nhà băng quý tới. Sẽ không có gì vướng mắc đâu. Bây giờ rất khó kiếm chuyên viên máy tính giỏi”. “Ồ, chúc may mắn. Giữ liên lạc, nghe chưa? Và tránh xa các rắc rối ra, cô bé”. Ba mươi phút sau, Tracy đã ở trên bầu trời. Máy bay đang hướng về Philadelphia. Nàng thuê buồng ở khách sàn Hilton và việc đầu tiên phải làm là lấy ra bộ váy áo tươm tất duy nhất, hơ nó trên bồn tắm đầy nước nóng để làm cho nó phẳng phiu trở lại. Hôm sau, lúc 11 giờ, nàng tới nhà băng và gặp thư ký của Claremce Desmond. “Xin chào, Mae”. Cô gái kia nhìn Tracy chằm chằm như thể là đang nhìn thấy một bóng ma. “Tracy!” Cô ta muốn tránh ánh mắt nàng. “Chị có ... khỏe không?”. “Tết thôi, có ngài Desmond ở đây không?”. “Tôi ... tôi không biết. Để xem đã. Xin lỗi”. Cô ta đứng dậy, lúng túng, rồi vội vã đi vào phòng làm việc của viên phó chủ tịch nhà băng. Mấy giây sau, cô ta trở ra. “Chị có thể vào”. Cô ta lách người ra khi Tracy bước qua. Claremce Desmond đang đứng bên bàn làm việc của ông ta. “Xin chào ngài Desmond. Thế là tôi đã trở về”. Tracy cởi mở. “Để làm gì?” Giọng ông ta đầy vẻ thiếu thiện cảm. Tracy sững người ngạc nhiên, và hơi dằn giọng. “Ờ, ngài chả từng nói tôi là một chuyên viên máy tính tốt nhất mà ngài từng thấy, và tôi nghĩ ...”. “Cô nghĩ là tôi nhận cô về với công việc cũ của cô ư?”. “Thưa ngài, vâng. Tôi đã không hề quên cái kỹ năng nghề nghiệp của mình. Tôi có thể vẫn ...”. “Cô Whitney”. Ông ta không còn gọi là Tracy nữa. “Tôi rất lấy làm tiếc song không thể bàn tới cái mà cô yêu cầu. Tôi chắc cô hiểu rằng khách hàng của chúng tôi không mong muốn phải tiếp xúc với một người từng phải ngồi tù vì tội cướp có vũ trang và mưu sát. Điều đó khó mà phù hợp được với hình ảnh tất đẹp cửa nhà băng này. Tôi nghĩ rằng, với tiểu sử của cô, khó có một nhà băng nào còn muốn nhận cô vào làm việc. Tôi cho rằng cô nên cố gắng tìm kiếm một chỗ khác phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tôi hy vọng cô hiểu rằng không có vấn đề cá nhân gì ở đây cả”. Tracy nghe từng lời của ông ta, đầu tiên là với sự choáng váng và sau là nỗi căm giận ngày càng tăng. Ông ta coi nàng như một kẻ bị xua đuổi, một con hủi. Chúng tôi không muốn mất cô. Cô là một trong những nhân viên quý giá nhất của chúng tôi - Ông ta đã từng nói những lời như thế. “Còn gì nữa không, cô Whitney?” Một lời đuổi khéo. Có hàng trăm điều Tracy muốn nói, nhưng nàng biết cũng chẳng có ích gì. “Không, tôi nghĩ là ngài đã nói cả rồi”. Tracy quay đi và bước ra khỏi phòng, mặt nóng bừng. Dường như tất vả các nhân viên nhà băng đều tò mò nhìn nàng. Mae đã đưa chuyện: Kẻ tội phạm trở về. Tracy đi ra, cổng, đầu ngẩng cao mà lòng đầy cay đắng. Mình không thể để họ đối xử thế này với mình. Lòng tự trọng là tất cả những gì mà mình có, không kẻ nào có thể tước đoạt cái đó được. Tracy ở lỳ trong phòng suốt ngày, đau khổ tràn đầy. Sao mà nàng cớ thể ngây thơ tin rằng họ sẽ dang tay đón cơ chứ? Giờ đây nàng là một người đầy tai tiếng. TIN VỀ EM ĐƯỢC ĐƯA BẰNG TÍT LỚN TRÊN TỜ TIN TỨC HÀNG NGÀY PHILADELPHIA NEWS. ôi, quỷ tha ma bắt Philadelphia đi cho rảnh, Tracy nghĩ, nàng còn chút việc dở dang ở đó, nhưng khi nào xong nàng sẽ ra đi. Nàng sẽ đi New York, nơi sẽ không ai biết đến nàng. Và Tracy thấy dễ chịu hơn khi quyết định như vậy. Chiều tối hôm đó, Tracy đến ăn tại nhà hàng cà phê Hoàng Gia. Sau buổi gặp đầy khó chịu với Claremce Desmond vào buổi sáng, nàng thấy cần có bầu không khí thoải mái của ánh sáng dịu, khung cảnh tươi vui, và âm nhạc êm ả. Tracy gọi một ly rượu mạnh và khi người bồi bàn mang tới, ngước mắt lên, nàng đột nhiên thắt lại. Phía bên kia căn phòng, Charles và vợ anh ta đang ngồi trong một cái ghế đôi kín đáo. Họ chưa nhìn thấy nàng. Cảm giác thôi thúc đầu tiên của nàng là đứng dậy bỏ đi vì chưa sẵn sàng đối mặt với Charles. “Cô muốn gọi đồ ăn bây giờ chưa?” Người phục vụ hỏi. “Tôi còn ... Tôi còn đợi, cảm ơn”. Nàng phải quyết định xem có nên ngồi lại không. Nàng nhìn lại Charles lần nữa, và cảm thấy ngạc nhiên, dường như đang nhìn vào một người lạ vậy. Đó là người đàn ông hói đầu, tuổi trung niên, khuôn mặt dài thượt vàng vọt với cặp vai so lại và vẻ chán chường không tả nổi lộ rõ trên nét mặt. Thật không thể nào tin nổi rằng nàng đã từng nghĩ là nàng yêu người đàn ông này, rằng nàng đã ngủ với anh ta, dự định cùng chung sống với anh ta suốt đời. Tracy liếc nhìn vợ anh ta. Cô ta cũng mang vẻ chán chường giống như Charles. Họ tạo ra ấn tượng của hai con người bị trói buộc vào với nhau và với thời gian đã trở nên khô cứng. Họ chỉ ngồi yên đó mà không nói với nhau một lời nào. Tracy có thể hình dung thấy những năm dài tẻ nhạt còn chờ đợi họ trước mặt. Không tình yêu. Không niềm vui. Đó là sự trừng phạt đối với Charles, Tracy thầm nghĩ và nàng đột nhiên cảm thấy thư thái, một cảm giác được giải thoát khỏi chuỗi tình cảm đen tối, sâu thẳm đã từng trói buộc lấy nàng. Tracy ra dấu gọi người phục vụ lại và nói. “Tôi muốn gọi đồ ăn bây giờ”. Tất cả đã qua đi. Quá khứ, sau cùng, đã được chôn vùi. Cho mãi tới khi đã trở về khách sạn, tối hôm đó, Tracy mới nhớ ra rằng nàng còn một khoản tiền lương ở quỹ lương của nhà băng. Nàng ngồi xuống và tính toán số tiền đó là 1375 đô la và 65 xu. Nàng thảo một bức thư gửi cho Claremce Desmond và hai ngày sau nhận được thư trả lời của Mae. Cô Whitney thân mến. Đáp lại yêu cầu của cô, ngài Desmond đã đề nghị tôi thông báo cho cô rằng, thể theo chính sách truyền thống của nhà băng trong chương trình tài chính đối với nhân viên, phần tiền của cô đã được chuyển sang quỹ chung. Ngài muốn bảo đảm với cô rằng ngài không có ác ý gì với cô. Mae Trenton. Thư ký của phó chủ tịch Tracy không thể nào tin được. Họ đã ăn cắp tiền của nàng, và nấp dưới cái cớ bảo vệ các nguyên tắc truyền thống của nhà băng. Không kẻ nào còn có thể lừa gạt nàng nữa. Tracy đứng bên ngoài chiếc cổng quen thuộc của nhà băng. Nàng mang một bộ tóc giả đen và dài, mặt đánh phấn dày, sẫm mầu, với một cái sẹo đỏ sần sùi trên cằm. Nếu có gì xấu xảy ra, họ sẽ nhớ tới cái sẹo đó. Vậy mà Tracy vẫn cảm thấy trần trụi vì rằng nàng đã làm việc trong nhà băng này tới năm năm trời và nơi đây đầy những người biết nàng quá rõ, sẽ phải hết sức thận trọng để khỏi lộ diện. Nàng lấy từ trong bóp ra chiếc nút chai và đặt nó vào trong giầy, rồi khập khiễng đi vào nhà băng, tới trước một trong những chiếc bàn tiếp khách, và người đàn ông ngồi sau bàn, vừa nói chuyện điện thoại xong, ngước lên hỏi. “Có gì vậy?”. Đó là Jon Creighton, gã cuồng tín trong nhà băng. Anh ta căm ghét người Do Thái, người da đen và người Pucetô Rico, song không hẳn là theo thứ tự như vậy. Anh ta là nỗi khó chịu của Tracy trong suốt mấy năm làm việc ở đây Lúc này thì trên vẻ mặt anh ta không có dấu hiệu gì tỏ vẻ là nhận ra Tracy. “Chào ông”, Traey chào bằng giọng Tây Ban Nha. “Tôi muốn mở một tài khoản tiết kiệm. Nàng nói bằng giọng Mehico, cái giọng mà cô đã nghe người bạn tù Paulita nói suốt mấy tháng trời.”. Trên mặt Creighton lộ rõ vẻ khinh miệt. “Tên?”. “Pita Gonzales”. “Thế cô muốn gửi vào tài khoản đó bao nhiêu?”. “Mười đô la”. Giọng anh ta mỉa mai “Séc hay tiền mặt?”. “Tôi nghĩ là tiền mặt”. Nàng cẩn thận lấy từ ví ra một tờ đô la rách nát, cuộn tròn và đưa nó cho anh ta và nhận lại một tờ khai mẫu. “Điền vào đây”. Tracy không hề có ý định để lại chữ viết của mình. Cô nhăn mặt. “Thưa ông tôi xin lỗi. Tôi đau tay vì một tai nạn. Ông làm ơn viết hộ tôi được không ạ? Creighton xì mũi. Cái bọn lưng trần vô học này. “Cô nói tên là Rita Gonzales phải không?”. “Vâng”. “Địa chỉ?”. Nàng nói địa chỉ và số điện thoại của khách sạn cô ở. “Tên họ mẹ cô là gì?”. “Gonzales. Mẹ tôi, bà ấy lấy một người chú”. “Còn ngày sinh của cô?”. “20 tháng Mười Hai năm 1958”. “Nơi sinh?”. Thành phố Mehico!. “Mehico City. Ký vào đây”. “Tôi sẽ phải dùng tay trái đấy”. Tracy nói. Nàng cẩm cái bút lên và nghuệch ngoạc một chữ ký không thể đọc nổi. Jon Creighton viết một cái phiếu gửi tiền. “Tôi sẽ cho cô một cuốn séc tạm thời. Những tấm séc in sẽ được gửi bưu điện tới cho cô trong vòng ba hoặc bốn tuần”. “Xong rồi”. Anh ta nhìn cô đi ra khỏi nhà băng, mồm lẩm bẩm “Nói đéo gì mà khó nghe thế cơ chứ”. Có rất nhiều cách thức bất hợp pháp để có thể tiếp xúc với một máy tính, và Tracy là một chuyên gia. Nàng đã tham gia vào việc thiết lập hệ thống báo động ở cái nhà băng này, và giờ đây phải chống lại nó. Bước đầu tiên là tìm tới một cửa hiệu bán máy tính, nơi nàng có thể sử dụng như một điểm trung chuyển để sờ tới cái máy tính của nhà băng. Một người bán hàng sốt sắng tiến lại phía Tracy. “Xin phép được giúp cô”. “Xin ông đừng bận tâm. Tôi chỉ xem thôi”. Chợt ông ta thấy một thiếu niên đang chơi một trò chơi điện tử, bèn vội vã bước tới chỗ đó. Tracy dừng lại ở chiếc máy tính kiểu để bàn ngang trước mặt, nó được nối với một điện thoại. Xâm nhập vào hệ thống máy tính thì dễ dàng thôi, song không có mã số sử dụng thích hợp thì thật khó được việc gì, thế mà cái mã số đó lại được thay đổi hàng ngày. May mà Tracy đã có mặt ở cuộc họp quyết định chọn cái mã số chính thức nguyên thủy. “Chúng ta phải thay đổi nó thường xuyên”, Claremce Desmond nói, “để không kẻ nào có thể xâm nhập được, tuy vậy lại phải giữ sao cho nó đơn giản thôi để tiện cho những người có thẩm quyền sử dụng nó”. Cái mã khóa mà sau cùng họ lựa chọn là sử dụng tên gọi của bốn mùa trong năm và kết hợp với con số chỉ ngày. Tracy bật máy và bấm gọi số mã của Ngân hàng Tín nhiệm và Bảo hiểm Philadelphia - Cái nhà băng vốn quen thuộc với nàng, và nghe thấy một tín hiệu âm thanh lãnh lót với màn ảnh nhỏ trên máy bừng sang: XIN Mà SỐ CÓ THẨM QUYỀN. Hôm nay là ngày mồng mười Tracy bấm phím, MÙA THU 10. Trên màn ảnh hiện lên dòng chữ: Mà SỐ KHÔNG THÍCH HỢP. Sau đó màn ảnh trở nên trắng xóa. Họ đã thay đổi mã rồi Chăng? Qua khóe mắt, Tracy thấy người bán hàng đang đi tới. Nàng bước tới bên một máy tính khác bình thản nhìn ngó rồi tiếp tục lững thững theo dọc lối đi. Người bán. hàng dừng bước. Một người xem hàng thôi, ông ta nghĩ rồi vội vã ra đón hai người khách có vẻ muốn mua hàng hơn đang đi vào. Tracy quay lại với chiếc máy tính kiểu để bàn. Nàng đặt mình vào trong suy nghĩ của Claremce DesmOnd. Ông ta là một người của thói quen, và Tracy tin chắc rằng ông ta sẽ không thay đổi quá nhiều. Có thể là vẫn giữ nguyên mẫu ban đầu về mùa và các con số, thế nhưng đã sửa đi như thế nào? Nếu đảo những con số thì sẽ quá phức tạp, vậy thì có thể ông ta đã hoán vị tên gọi của các mùa mà thôi. Tracy thử lại. XIN Mà SỐ CÓ THẨM QUYỀN? MÙA ĐÔNG 10. Mà SỐ KHÔNG THÍCH HỢP. Màn ảnh lại trắng xóa. XIN Mà SỐ CÓ THẨM QUYỀN? MÙA XUN 10. Màn ảnh trắng đi trong giây lát, rồi một dòng chữ hiện lên: XIN MỜI SỬ DỤNG. Vậy là ông ta đã chuyển các mùa. Nàng nhanh chóng gõ trên các phím chữ: GIAO DỊCH TIỀN TỆ NỘI BỘ. Ngay tức khắc, thực đơn của nhà băng - danh mục các giao dịch có thể tiến hành bừng sáng trên màn ảnh: BẠN MUÔN A - GỦI TIỀN B - RÚT TIỀN TIẾT KIỆM D - CHUYỂN NGANG E - RÚT TIỀN TỪ TÀI KHOẢN SÉC XIN MỜI ĐƯA LỰA CHỌN CỦA BẠN VÀO MÁY. Tracy cho “B”. Màn ảnh trắng đi giây lát và một biểu mục khác xuất hiện. SỐ LƯỢNG TIẾN CHUYỂN GIAO? CHUYỀN TỚI ĐU? CHUYỂN TỪ ĐU? Tracy bấm lên các phím chữ: TỪ QUỸ DỰ TRỮ CHUNG TỚI RITA GONZALES. Khi phải đưa yêu cầu số lượng tiền vào, nàng lưỡng lự một chút. Cám dỗ quá, Tracy nghĩ bụng. Bởi vì đến lúc này không cô hạn chế nào cho số lượng tiền mà cái máy tính ngoan ngoãn này sẽ chuyển đi. Nàng có thể lấy hàng triệu. Nhưng nàng đâu có phải kẻ ăn cắp. Tất cả những gì Tracy muốn chỉ là khoản tiền thực sự là của nàng mà thôi. Nàng đưa con số 1.375 Đô la và 65 xu vào tài khoản của Rita Gonzales. Trên màn ảnh hiên lên: GIAO DỊCH Đà HOÀN THÀNH, BẠN CÓ MUỐN THỰC HIỆN GIAO DỊCH NÀO NỮA KHÔNG? KHÔNG. BUỔI LÀM VIỆC Đà XONG. XIN CẢM ƠN BẠN. Khoản tiền đó sẽ được CLIPS - hệ thống thanh toán liên ngân hàng, tự động chuyển giao. Hệ thống này mỗi ngày kiểm soát việc chuyển một khoản tiền lên tới 220 tỷ đô la từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Người bán hàng đang đi tới, cau có. Tracy vội vã ấn một cái nút và màn ảnh tắt ngấm. “Cô muốn mua cái máy này ư?”. “Không cám ơn”, Tracy nói vẻ xin lỗi. Tôi không hiểu gì về những chiếc máy tính này”. Từ một cửa hiệu thuốc gần đó nàng gọi điện thoại tới nhà băng và yêu cầu được nói chuyện với người thủ quỹ tiền mặt. “Xin chào. Tôi là Rita Gonzales. Tôi muốn chuyển tài khoản séc của tôi tới chi nhánh của ngân hàng Hanover I ở thành phố New York”. “Số tài khoản, thưa cô Gonzales?”. Tracy trả lời cô ta. Một giờ sau, Tracy trả phòng ở khách sạn Hilton và lên đường đi New York. Khi Ngân hàng Hanover I New York mở cửa lúc 10 giờ sáng hôm sau, Rita Gonzales đã có mặt để rút hết tiền khỏi tài khoản của mình. “Còn bao nhiêu trong đó?” Nàng hỏi. Người thủ quỹ kiểm tra rồi đáp, “Một nghìn ba trăm tám mươi lăm đô la, sáu mươi lăm xu”. “Vâng, đúng thế”. “Cô muốn một tấm séc bảo đảm ư, cô Gonzales?”. “Không, cám ơn”. Tracy nói. “Tôi không tin các nhà băng. Tôi sẽ lấy tiền mặt”. Ngày ra tù, Tracy đã được cấp hai trăm đô la theo chế độ, cộng với một khoản tiền nhỏ trả cho việc trông nom Amy, thế nhưng cộng cả số tiền rút ra được khỏi nhà băng nữa, nàng cũng không được bảo đảm chắc chắn gì về mặt tài chính. Việc phải nhanh chóng tìm chỗ làm là rất khẩn cấp. Nàng thuê buồng ở một khách sạn rẻ tiền trên đường Lexington và bắt đầu gửi đơn xin việc đến các nhà băng ở New York. Giờ đây thì Tracy thấy rằng cái máy tính đột nhiên trở thành kẻ thù của mlnh. Cươc đời nàng không còn là một cái gì riêng tư nữa. Các bộ nhớ của máy tính đã lưu giữ câu chuyện về nàng và sẵn sàng kể lại cho bất kỳ ai ấn đúng nút cần thiết. Ngay khi cái tiền án của nàng được đưa ra thì lập tức đơn xin việc của nàng bị bác bỏ. Tôi nghĩ rằng, với số tiền sử của cô, khó có thể có nhà băng nào còn muốn nhận cô vào làm việc”. Claremce Desmond đã nói đúng. Tracy tiếp tục gửi đơn xin việc tới các công ty bảo hiểm và một loạt các ngành nghề có sử dụng tới máy tính. Câu trả lời luôn luôn là: Không. Được lắm, Tracy nghĩ, mình còn có thể có một cách nữa. Nàng mua tờ The New York Tines và xem kỹ những quảng cáo tìm người làm việc. Có một công việc được ghi là làm thư ký trong một công ty xuất khẩu. Nhưng ngay khi Tracy bước vào cửa, viên phụ trách nhân sự đã kêu lên. “Này, tôi thấy cô trên ti vi. Cô cứu sống một đứa trẻ trong nhà tù, có phải không nào? Tracy bỏ đi ngay. Ngày tiếp theo, nàng được thuê vào làm chân bán hàng ở một cửa hàng cho trẻ em ở đường Saks. Tiền công thấp hơn nhiều so với tiền lương của nàng trước đây, nhưng ít nhất thì cũng là đủ sống. Vào ngày làm việc thứ hai thì một khách hàng quá khích động đã nhận ra nàng và thông báo cho người quản lý biết là bà ta không muốn được phục vụ bởi một kẻ giết người đã từng dìm chết đuối một đứa trẻ. Người ta không để cho Tracy có cơ hội giải thích. Nàng bị sa thải ngay. Với Tracy, lúc này dường như những kẻ mà nàng đã báo thù, sau cùng 1ại vẫn là kẻ chiến thắng. Chúng đã biến nàng thành một kẻ tội phạm trước công luận, một kẻ bị xua đuổi. Sự bất công của những gì đang xảy ra với nàng làm nàng mệt mỏi, chán chường. Nàng không biết là sẽ làm sao để sống, và lần đầu tiên nàng bắt đầu có một cảm giác tuyệt vọng. Tối hôm đó nàng kiểm lại tiền xem còn bao nhiêu, và tận trong một góc của chiếc ví nàng thấy mẩu giấy mà Bety Franciscus đã đưa cho ở trong tù. CONRAD MORGAN, CHỦ TIỆM KIM HOÀN, 640 ĐẠI LỘ 5, THÀNH PHỐ NEW YORK. Ông ta tham gia vào việc cải tạo tội phạm. Ông thường muốn giúp những người mới ra tù - chị ta bảo nàng thế. Conrad Morgan và Công ty là cơ sở kinh doanh bề thế, với một người gác cửa mặc đồng phục phía ngoài và một người bảo vệ có vũ trang phía trong. Bản thân cửa hiệu này thì cũng không có vẻ gì thật ghê gớm nhưng đồ kim hoàn của nó thì toàn là loại tinh xảo và đắt tiền. Tracy nói với người tiếp tân. “Xin cho gặp ngài Conrad Morgan”. “Cô có hẹn không?”. “Không. Một ... một người bạn đã khuyên tôi gặp ông ấy”. “Tên cô?”. “Tracy Whitney”. “Xin đợi một chút”. Cô ta nhấc điện thoại và thì thầm gì đó mà Tracy không thể nghe được, rồi gác máy và bảo. “Ngài Morgan hiện đang bận. Ông ấy mời cô trở lại lúc 6 giờ”. “Vâng, cảm ơn cô”. Tracy đáp. Nàng ra khỏi cửa hiệu và đứng bên lề đường. Không biết phải làm gì. Việc đến New York đã là một sai lầm. Có thể là Conrad Morgan không làm gì được để giúp nàng cả. Và tại sao lại phải giúp? Nàng hoàn toàn xa lạ đối với ông ta. Tracy thầm nghĩ: Ông ta sẽ thuyết giảng và cho một ít tiền. Hừ mình chẳng cần gì đến hai thứ đó từ ông ta hay bất kỳ ai. Mình đã sống sót. Và bằng cách nào đó mình sẽ vẫn sống được. Thây kệ Conrad Morgan. Mình sẽ không trở lại gặp ông ta làm gì. Tracy lang thang trên đường phố với bước chân vô định, ngang qua những căn phòng lộng lẫy trên đại lộ số 5, những tòa nhà có người bảo vệ trên đại 1ộ Công Viên, các cửa hiệu tấp nập trên đại lộ Lexlngton và đại lộ số 3 ... Nàng đi trên các đường phố New York, đầu óc trống rỗng, mắt nhìn lơ đãng, lòng tràn ngập nỗi tuyệt vọng, đắng cay. Vào lúc 6 giờ, Tracy tự thấy mình đứng trước ngôi nhà của Conrad Morgan và công ty trên đại lộ số 5. Người gác không còn ở đó và trên cánh cửa được khóa chặt. Tracy đấm mạnh lên cánh cửa trong một cử chỉ đầy thách thức? Và rồi quay đi, nhưng ngạc nhiên vì cánh cửa đột ngột mở ra. Một người đàn ông vẻ kể cả đang đứng đó ngó nàng. Ông ta hói, lơ thơ vài nhúm tóc bạc phía trên hai tai khuôn mặt đỏ rựng như một chú lùn giữ cửa. “Chắc cô là Tracy Whitney?”. “Vâng ...”. “Tôi là Conrad Morgan. Xin mời cô vào?”. Tracy bước vào cái cửa hiệu vắng ngắt. “Tôi đang chờ cô”, Conrađ Morgan nói. “Hãy vào nói chuyện trong phòng làm việc của tôi”. Ông ta dẫn nàng đi ngang qua những tủ kính tới trước một cánh cửa khép kín, và lấy chìa khóa mở cửa. Phòng làm việc của ông ta bày biện tinh tế và có vẻ giống phòng ở hơn nơi làm việc, chỉ có mấy cái đi văng, mấy cái ghế tựa, và mấy cái bạn nhỏ được xếp đặt khéo léo. Trên tường đầy những bức họa cổ. “Cô có muốn uống một chút không?” Conrad Morgan mời. “Bia, nước quả, hoặc có thể là rượu anh đào?”. “Không, không gì hết, cảm ơn ông”. Tracy đột nhiên cảm thấy hồi hộp. Nàng đã dẹp bỏ ý nghĩ là người đàn ông này sẽ làm gì để giúp nàng, ấy vậy mà đồng thời nàng thấy mình mong muốn đến tuyệt vọng rằng ông ta có thể ... “Betty Franciscus khuyên tôi nên tìm đến ông, ông Morgan. Cô ấy nói ông có thể giúp những người mới ... gặp khó khăn”. Nàng không thể nói “ở tù ra”. Conrad Morgan đan hai tay vào nhau, và Tracy để ý thấy hai bàn tay ấy được chăm chút đẹp đẽ. “Tội nghiệp Betty. Một phụ nữ đáng yêu như vậy, cô biết đấy, cô ta rủi ro quá”. “Rủi ro?”. “Đúng. Cô ta bị tóm”. “Tôi ... tôi không hiểu”. “Thật đơn giản, Betty vốn làm việc cho tôi, được bảo vệ chu đáo. Thế rồi cô gái hội nghiệp đó phải lòng anh tài xế ở New Orleans và bỏ đi làm ăn riêng và, hừ ... họ tóm cô ta”. Tracy bối rối. “Cô ta làm nghề bán hàng ở đây ư?”. Conrad Morgan ngả người ra cười đến chảy cả nước mắt. “Không, cô bạn thân mến ạ. Rõ ràng là Betty đã không nói gì với cô cả”. Ông ta nhổm người trên ghế và chìa mấy ngón tay giơ lên. “Tôi có một chút việc ngoại lệ mang lại lợi nhuận rất lớn, và tôi vui lòng chia sẻ những lợi nhuận đó với các bạn đồng nghiệp của mình. Tôi thấy tốt nhất là tìm được những người như cô, xin cô thứ lỗi, những người từng có thời gian ở tù”. Tracy nhìn vào mắt ông ta và càng bối rối hơn. “Cô biết đấy, tôi ê một vị trí hết sức độc đáo. Tôi có đám khách hàng đặc biệt giàu có. Những người khách hàng trở thành bạn của tôi. Họ tin cậy tôi”. Ông ta đập đập tay vào nhau một cách tế nhị”. Tôi biết rõ khi nào thì khách hàng của tôi có những chuyến đi xa. Rất ít người mang đồ kim hoàn đi đường trong thời buổi đầy rẫy những nguy hiểm này, do vậy vàng bạc, kim cương của họ thường được cất kỹ trong nhà. Tôi đề xuất cho họ mấy biện pháp an ninh mà họ cần làm để bảo vệ cho số châu báu đó. Tôi biết chính xác về số châu báu mà họ có, bởi lẽ họ đã mua chúng ở đây mà. Họ ....” Tracy đứng dậy. “Xin cảm ơn ông đã dành thì giờ cho tôi, ông Morgan”. “Chắc là cô chưa đi ngay chứ?”. “Nếu như tôi nghĩ đúng về điều ông đang nói”. “Đúng thôi. Thực sự là tôi nói thế đấy”. Nàng cảm thấy hai má nóng bừng. “Tôi không phải là một tội phạm. Tôi đến đây là để tìm một việc làm”. “Và tôi đang dành cho cô một việc, cô bạn thân mến”. Cô sẽ chỉ mất một hay hai giờ đồng hồ, và tôi hứa trả cô 25 ngàn đô-la”. Ông ta mỉm cười đắc ý. “Miễn thuế, lẽ dĩ nhiên”. Khó khăn lắm Tracy mới kiềm được cơn giận. “Tôi không thích. Xin ông để tôi ra chứ?”. “Chắc chắn rồi, nếu đó là điều cô muốn”. Ông ta đưa nàng ra cửa. “Cô Whitney, cô phải hiểu rằng nếu có nguy cơ, dù là nhỏ nhất thì tôi đã chẳng dính vào chuyện này. Tôi cũng cần bảo vệ tiếng tăm của tôi chứ”. “Tôi hứa với ông là sẽ không hé răng về chuyện này với ai”, Tracy lạnh lùng nói. Ông ta gằn giọng. “Thực ra thì cũng không có gì để cô phải hé răng, cô bạn thân mến, phải thế không nào? Ý tôi muốn nói, ai sẽ tin cơ cơ chứ? Còn tôi là Conrad Morgan - luôn luôn là thế”. Khi họ ra tới bên ngoài, Morgan nói. “Nếu cô có đổi ý thì hãy cho tôi biết nhé, được không? Tất nhất là gọi cho tôi sau 6 giờ chiều. Tôi chờ điện thoại của cô đấy”. “Khỏi”, Tracy đáp cộc lốc, và bước vào màn đêm đang tràn tới. Khi trở về phòng, nàng vẫn còn run rẩy và nàng sai thằng bé giúp việc duy nhất của khách sạn ra mua một cái bánh kẹp cùng ít cà phê, cảm thấy không muốn gặp mặt ai hết. Cuộc nói chuyện với Conrađ Morgan làm nàng thấy bứt rứt, khó chịu. Ông ta đã gộp nàng vào những tội phạm, và đáng buồn là nàng đã từng chung sống với họ, dù không phải là người như bọn họ. Nàng là Tracy Whitney, một chuyên viên máy tính, một công dân lương thiện, biết tôn trọng pháp luật. Người mà chẳng ai muốn nhận vào làm việc. Tracy suốt đêm trằn trọc về tương lai. Nàng không có việc làm và chỉ còn lại một chút tiền. Nàng quyết định hai việc: sáng ra sẽ chuyển tới một nơi rẻ tiền hơn và sẽ đi tìm việc làm. Bất kỳ việc gì. Cái nơi rẻ tiền hơn ấy là căn hộ một phòng ảm đạm trên tầng bốn không có thang máy, nằm ở khu Lower East Side. Từ phòng mình, qua những tấm vách mỏng bằng giấy, Tracy có thể nghe thấy những người hàng xóm mắng chửi nhau bằng những thứ tiếng nước ngoài. Các cửa sổ và các cửa ra vào của các cửa hiệu nhỏ dọc trên các hè phố đều được bịt bằng các song sắt mà Tracy không thể hiểu nổi vì sao. Cả khu vực dường như toàn gồm những kẻ say rượu, đĩ điếm ... Trên đường đi mua đồ ăn, Tracy đã ba lần bị quấy rầy, hai lần bởi.hai người đàn ông và một lần là đàn bà. Mình có thể chịu đựng được. Mình sẽ không ở đây lâu mà, Tracy tự an ủi mình. Nàng đến một hãng tìm việc làm nhỏ, cách nơi ở vài dãy phố. Cơ sở này do một bà tên là Murphy, một phụ nữ nặng nề, vẻ khắc nghiệt, điều hành. Bà ta ghi tóm tắt về Tracy rồi tò mò nhìn nàng, nói. “Tôi không hiểu sao cô lại cần tới tôi. Có tới cả tá công ty xin đổi tất cả để có một người như cô ấy chứ”. Tracy thở dài. “Tôi có một chút rắc rối”. Nàng giải thích và bà Murphy lắng nghe và sau đó nói một cách thẳng thắn. “Cô có thể quên chuyện tìm một công việc về máy tính đi”. “Nhưng bà chả vừa nói ...”. “Các công ty đang cuống cuồng vì các vụ phạm pháp bằng máy tính kia kìa. Họ sẽ không thuê bất kỳ ai có một tiền án, tiền sự gì đó”. “Nhưng tôi cần việc làm. Tôi ...”. “Có những loại công việc khác. Cô nghĩ sao về một người bán hàng?”. Tracy nhớ việc xảy ra ở cái cửa hàng cho trẻ em nọ nàng không chịu nổi một lần thứ hai như thế. “Còn gì nữa không ạ?”. Người đàn bà lưỡng lự. Tracy Whitney thì rõ là quá uổng đối với công việc mà bà Murphy nghĩ tới. “Xem nào”, bà ta nói. “Tôi biết ìa việc này thì chẳng phải để cho cô, nhưng đấy, có một công việc làm hầu bàn ở tiệm Jackson Hole. Đó là một tiệm bán humberger ở khu phố Upper East Side. “Nghề hầu bàn à?”. “Phải. Nếu cô nhận, tôi sẽ không đòi cô phải trả gì hết. Tôi ngẫu nhiên biết chỗ đó thôi mà”. Tracy cấn nhắc. Nàng đã từng làm hầu bàn ở trường đại học. Hồi đó, làm vậy cho vui. Còn bây giờ là vấn đề sinh sống. “Tôi sẽ cố gắng xem”. Jackson Hole là một tiệm ăn hỗn loạn, đầy những thực khách ồn ào và sốt ruột, với những đầu bếp cáu kỉnh, bẳn tính. Đồ ăn thì khá ngon và giá cả phải chăng nên lúc nào tiệm ăn này cũng đông nghẹt khách. Các cô hầu bàn phải làm việc luôn chân luôn tay không có lấy một giây thư thả và đến cuối ngày làm việc đầu tiên thì Tracy thấy như kiệt sức. Thế nhưng tiền kiếm được thì cũng khá. Vào buổi trưa ngày hôm sau, khi Tracy đang phục vụ một bàn ăn cho gã bán hàng thì một trong số họ đưa tay luồn vào trong váy, thế là nàng đánh rơi chiếc chén đựng hạt tiêu xay lên đầu anh ta. Vậy mà cũng bị đuổi việc. Nàng trở lại chỗ bà Murphy và kể lại chuyện xảy ra. “Có lẽ tôi có tin tất lành cho cô đây”, bà Murphy nói. “Đằng chỗ Wellington Arms cần sự giúp việc cho người quản lý. Tôi sẽ gửi cô tới đó”. Wellington Arms là một khách sạn nhỏ, xinh xắn trên đại lộ Công Viên chuyên phục vụ những người giàu có và nổi tiếng. Người quản lý đã phỏng vấn Tracy và quyết định nhận nàng. Công việc không khó khăn gì, những người cùng làm đều khá dễ chịu, và thời gian làm việc cũng không nhiều lắm. Sau một tuần lễ, Tracy được gọi tới văn phòng của người quản lý. Viên trợ lý giám đốc cũng có mặt. “Hôm nay, cô đã kiểm tra phòng 827 chưa?” Người quản lý hỏi Tracy. Căn phòng này là của Jennifer Maloewe, một nữ diễn viên Hollywood. Một phần công việc của Tracy là kiểm tra các buồng xem những người hầu đã làm bổn phận của họ một cách thích đáng chưa. “Rồi, sao cơ ạ?”. “Lúc mấy giờ?”. “Lúc 14 giờ. Có gì không ạ?”. Viên trợ lý giám đốc lên tiếng. “Lúc 15 giờ, cô Malowe trở về và phát hiện rằng mất một chiếc nhẫn kim cương đắt tiền”. Tracy thấy toàn thân căng lên. “Cô cố vào phòng ngủ không, Tracy?”. “Có Tôi kiểm tra tất cả các phòng”. “Khi ở trong phòng ngủ, cô có thấy thứ nữ trang nào ở đâu đồ không?”. “Sao ... không. Tôi không nghĩ vậy”. Viên trợ lý giám đốc chộp ngay. “Cô không nghĩ vậy? Cô không chắc chứ gì? “ “Tôi không tìm đồ nữ trang làm gì”, Tracy nói. “Tôi chỉ kiểm tra giường đệm và khăn mặt”. “Malowe quả quyết rằng khi cô ấy đi thì cái nhẫn kim cương để trên mặt bàn phấn”. “Tôi không biết gì về chuyện đó”. “Không còn ai khác được đến phòng đó. Những người hầu khác thì đã ở đây với chúng tôi nhiều năm rồi”. “Tôi không lấy”. Viên trợ lý giám đốc thở dài. “Chúng tôi sẽ phải gọi cảnh sát tới điều tra vậy”. “Phải là một kẻ nào đó”, Tracy kêu lên. “Hoặc không phải cô Malowe để ở đó”. “Với tiểu sử của cô ...” viên trợ lý giám đốc nói. Vậy đó, người ta đã nói trắng ra. “Với tiểu sử của cô ...”. “Tôi sẽ phải yêu cầu cô đợi trong phòng bảo vệ cho tới lúc cảnh sát tới”. Tracy thấy mặt mình đỏ bừng. “Vâng, thưa ngài”. Nàng được dẫn tới phòng bảo vệ bởi một người gác, và thấy dường như lại đang ở trong tù. Nàng đã từng nghe những người tù bị săn đuổi vì tiền án của họ, song chưa bao giờ tin cái loại chuyện đó lại có thể xảy ra với mình. Họ đã gắn một cái nhãn hiệu độc ác lên nàng, và tin nàng sẽ sống mãi với cái đó. Hoặc là khuất phục với cái đó, Tracy cay đắng nghĩ. Ba mươi phút sau, viên trợ lý giám đốc bước vào, mỉm cười “Cô Malowe đã tìm thấy cái nhẫn. Hóa ra là đã để nó lẫn vào đâu đó. Một sự nhầm lẫn nhỏ”. “Tuyệt vời”. Tracy thốt lên. Nàng bỏ đi, và hướng về phía ngôi nhà của Conrad Morgan và Công ty. “Thật hết sức đơn giản”, Conrad Morgan nói. “Một khách hàng của tôi, Lois Bel1amy, đã đi châu u. Nhà bà ta ở khu Sea Cliff, trên Đảo Dài. Vào cuối hàng tuần, tất cả các người hầu đều không đến làm việc, do vậy ở đó không có ai. Cứ 4 tiếng đồng hồ thì có một nhóm bảo vệ tư nhân tới kiểm tra qua loa. Cô có thể vào rồi ra khỏi ngôi nhà trong ít phút đồng hồ”. Họ ngồi trong phòng làm việc của Conrad Morgan. “Tôi biết hệ thống báo động và tôi biết các khóa mở két. Tất cả những gì cô phải làm, cô bạn thân mến, là bước vào, nhặt lấy chỗ kim cương, rồi đi ra. Cô mang chỗ kim cương đến cho tôi, tôi sửa lại đôi chút rồi mang bán lại”. “Nếu đơn giản vậy, sao ông không tự làm lấy?”. Tracy hỏi thẳng. Cặp mắt ông ta đầy ranh mãnh. “Vì lẽ tôi sắp đi khỏi thành phố vì công việc. Bất kỳ khi nào một “vụ” nho nhỏ kiểu đó xảy ra, tôi đều đang đi vắng vì công việc gì đó”. “Tôi hiểu”. Nếu như cô áy náy gì về việc mất mát này làm cho bà Beliamy đau khổ, thì dẹp đi. Đó thực sự là một người đàn bà ghê gớm, có nhà cửa trên khắp thế giới với đầy đồ đạc quý giá. Ngoài ra, bà ta còn được bảo hiểm số kim cương đó tới gấp hai lần trị giá thực của chúng. Tất nhiên, tôi là người đánh giá chúng”. Tracy nhìn Conrad Morgan, nghĩ ngợi. Mình điên à. Mình ngồi đây bình thản bàn đến việc cướp đoạt kim cương của người ta, với gã đàn ông này. “Tôi không muốn trở lại nhà tù, ông Morgan ạ”. “Không hề có nguy cơ đó. Chưa bao giờ người của tôi bị tóm cả. Không, chừng nào họ đang làm việc cho tôi. Ồ ... ý cô thế nào?”. Điều đó là quá rõ. Nàng sẽ nói không. Toàn bộ ý đồ này là điên rồ. “Ông nói 25 ngàn đô la phải không?”. “Trả tiền mặt lúc giao hàng”. Đó là cả một gia tài. Nàng nghĩ tới căn phòng chật hẹp, ảm đạm đang ở, với những tiếng la hét của những người thuê nhà khác, và tiếng hét của khách hàng. “Tôi không muốn một kẻ sát nhân phục vụ tôi” và cả lời viên trợ lý giám đốc kia, “Chúng tôi sẽ phải gọi cảnh sát tới điều tra vậy”.. Nhưng vẫn không thể nào nói là đồng ý. “Tôi đề nghị vào đêm thứ bảy này”. Conrad Morgan nói. Đám phục vụ đều ra về từ buổi trưa các ngày thứ bảy. Tôi sẽ lo liệu cho cô một bằng lái xe và một thẻ mua hàng với cái tên giả. Cô sẽ thuê một chiếc ô tô ở Manhattan này và lái tới Đảo Dài, đến đó vào lúc 23 giờ. Cô sẽ nhặt số kim cương, lái xe quay lại New York và trả lại chiếc xe ... Cô biết lái xe chứ?”. “Biết”. “Tuyệt vời. Có một chuyến xe lửa đi St.Louis lúc 7 giờ 45 sáng. Tôi sẽ đặt một khoang cho cô rời sẽ đón cô tại nhà ga St. Louis, cô trao cho tôi chỗ kim cương và tôi sẽ trao 25 ngàn đô la cho cô”! Ông ta làm mọi chuyện có vẻ đơn giản. Đây là lúc phải nói “Không”, rồi đứng dậy và ra đi. Nhưng mà đi đâu cơ chứ? Khi Tracy đã đi, Conrad Morgan ngồi yên trong bóng tối của căn phòng làm việc ngẫm nghĩ về nàng. Một cồ gái đẹp Thật sự là rất đẹp. Thật xấu hổ. Lẽ ra, phải nói cho nàng biết rằng ông ta thực sự không hiểu rõ hệ thống báo động chống ăn cắp rất đặc biệt đó. Chương 16 Với một ngàn đô la mà Conrad Morgan ứng trước, Tracy mua hai bộ tóc giả - một vàng hoe và một đen, do rất nhiều bím tóc nhỏ xíu kết thành. Nàng mua một bộ đồng phục màu xanh sẫm, một bộ áo liền quần màu đen, và một vali Gucci giả của người bán đồ trên đường Lexington. Cho tới lúc này mọi chuyện đều êm xuôi. Như Morgan đã hứa, Tracy nhận được một phong bì trong đó có bằng lái xe mang tên Eiien Branch, một chỉ dẫn về hệ thống bảo vệ của ngôi nhà bà Bel1amy, mã số mở cái két sắt trong phòng ngủ, và chiếc vé xe lửa đi St. Lolns, một khoang riêng. Mình sẽ không bao giờ ở một nơi như thế này nữa, nàng tự hứa với mình. Nàng thuê ôtô và lái về hướng Đảo Dài. Thế là nàng đã trên đường thực hiện một vụ trộm. Chuyện mà nàng đang làm có cái ảo tưởng của một giấc mộng, và nàng thấy sợ hãi. Nếu bị bắt thì sao? Sự mạo hiểm này có đáng không? Thật hết sức đơn giản, Conrad Mọrgan đã nói. Ông ấy sẽ không dính vào một chuyện như thế này nếu không thấy chắc ăn. Ông ta cần giữ tiếng tăm. Mình cũng phải giữ cho mình chứ, Tracy cay đắng thầm nghĩ, và tất cả thật là tồi tệ. Bất kỳ khi nào có một viên kim cương bị mất, mình sẽ cảm thấy tội lỗi cho đến khi chứng tỏ được là vô tội Tracy biết là nàng đang lâm gì? Nàng đang tạo cho mình một sự căm giận, chuẩn bị tâm lý để thực hiện một hành vi phạm tội. Điều đó không thành. Cho tới lúc tới khu Sea Cliff, nàng vẫn run rẩy vì sợ hãi, hai lần suýt lái xe lao khỏi mặt đường. Có thể là cảnh sát sẽ giữ mình lại vì tội lái xe cẩu thả, nàng thầm hy vọng, và mình có thể nói với Morgan rằng gặp chuyện trục trặc. Song không hề thấy bóng dáng một chiếc xe cảnh sát nào cả. Hẳn là thế, Tracy nghĩ bụng, họ chẳng bao giờ có mặt khi người ta cần tới. Nàng tiếp tục chạy xe theo như lời chỉ dẫn của Conrad Morgan. “Ngôi nhà kề sát biển, Morgan mô tả. “Nó là một biệt thự kiểu Phục Hưng. Cô không thể nào không nhận ra nó”. Giá mình đừng nhận ra nó. Tracy thầm cầu khẩn. Thế nhưng nó lại hiện ra sừng sững trong bóng tối, giống như tòa lâu đài có ma trong một cơn ác mộng, có vẻ như bị bỏ hoang. Sao những người hầu lại dám nghỉ hết vào cuối tuần nhỉ, Tracy bực bội nghĩ. Họ đáng bị đuổi việc. Tracy lái xe vào sau một hàng cây lớn, nơi nó được che khuất và tắt máy, ngồi lắng nghe tiếng côn trùng rả rích trong đêm. Ngoài ra chỉ còn sự yên tĩnh, vắng lặng. Ngôi nhà cách xa đường trục chính và giờ này trong đêm thì cũng chẳng còn xe cộ đi lại gì nữa. “Đám cây cối che khuất tất cả, cô bạn thân mến, và kẻ hàng xóm gần nhất cũng cách đó cả dặm, do vậy cô đừng lo bị nhìn thấy. Đội tuần tra sẽ đến vào lúc 22 giờ và trở lại vào lúc 2 giờ sáng thì cô đã đi lâu rồi còn gì”. Tracy nhìn đồng hồ. Đã 23 giờ.. Lần kiểm tra thứ nhất đã qua. Nàng còn ba giờ trước khi đội tuần tra sẽ đến kiểm tra lần thứ hai. Hoặc là chỉ ba giây đồng hồ để quay xe chạy về New York và quên hẳn cái chuyện điên rồ này đi. Nhưng trở về đâu được? Những hình ảnh cứ lóe lên trong đầu nàng. Viên phó quản lý ở cửa hàng đồ dùng trẻ em: “Tôi rất lấy làm tiếc, cô Whitney, nhưng mà khách hàng của chúng tôi phải được hài lòng ...”. Bà Murphy: “Có thể quên chuyện tìm_một công việc về máy tính đi. Họ sẽ không thuê bất kỳ ai có tiền án, tiền sự gì đó. Morgan. “25 ngàn đô la, miễn thuế, trong một hai giờ đồng hồ. Nếu cô áy náy ... bà ta thực sự là một người đàn bà ghê gớm. Mình đang làm gì thế này? Tracy nghĩ. Mình không phải là kẻ cắp. Không phải kẻ cắp thực thụ. Mình chỉ là một tay nghiệp dư ngờ nghệch sắp suy sụp rã rời vì căng thẳng. Chỉ cần biết nghĩ một chút thôi, mình sẽ đi khỏi đây, khi hãy còn kịp, trước khi đội tuần tiễu tới, một phát súng nổ và họ mang mình ném vào nhà xác. Mình có thể còn hình dung ra một cái tít trên báo: TỘI PHẠM NGUY HIỂM CHÊT TRONG MỘT VỤ TRỘM BỊ NGĂN CHẶN. Sẽ có ai đến khóc trong đám tang mình? Ernestine và Amy. Tracy nhìn đồng hồ. Ôi, lạy Chúa, nàng đã ngồi đó mà mơ màng mất đến hai mươi phút. Nếu làm, tốt nhất là bắt đầu đi thôi. Tracy không nhúc nhích được, cứng hết cả người vì sợ hãi. Mình không thể nào cứ ngồi mãi ở đây, nàng tự nhủ. Sao mình không đi ra để ngó ngôi nhà một chút nhỉ? Xem qua thôi mà. Tracy hít thật mạnh và ra khỏi xe. Nàng đang mặc bận áo liền quần màu đen, hai đầu gối run lẩy bẩy, chậm rãi tiến đến gần ngôi nhà, và thấy nó tối thui. Nhớ mang gang tay - nàng nhớ lời Conrad Morgan và lấy ra, xỏ vào. Ôi, Chúa ơi, mình đang làm gì đó. Thực sự là mình đang bắt đầu rồi. Tim đập thình thịch đến nỗi nàng không còn nghe thấy tiếng gì khác nữa. “Chuông báo động ở bên trái cửa ra vào phía trước. Có năm nút bấm. Đèn đỏ sáng - nghĩa là hệ thống báo động sẵn sàng làm việc. Để tắt nó đi, thì cần bấm -2-4-1-1. Khi vào rồi thì nhớ khép cửa lại, đùng cái đèn bấm này, đừng bật đèn trong nhà, ngừa trường hợp có ai đó ngẫu nhiên chạy xe qua. Phòng ngủ chính ở trên lầu, phía tay trái, trông ra cửa vịnh. Cô sẽ tìm thấy cái két sau một bức chân dung của Louis Bel1amy. Đó là một cái két rất đơn giản. Cô chỉ cần quay theo mã số này”. Conrad Morgan đã dặn dò nàng kỹ lưỡng. Tracy đứng như trời trồng, run rẩy, sẵn sàng chạy trốn nếu có một tiếng động nhỏ nhất. Đêm yên tĩnh. Chậm rãi, nàng với tay ấn vào hàng nút bấm của hệ thống báo động, lòng thầm mong không đạt hiệu quả gì. Ngọn đèn đỏ phụt tắt. Bước tiếp theo sẽ trói buộc nàng, và nàng nhớ cách nói của những phi công về hoàn cảnh này: Điểm không quay lại được. Tracy cho chìa vào ổ khóa, cánh cửa bật mở. Nàng đứng đợi cả nguyên phút đồng hồ trước khi bước vào bên trong. Mọi dây thần kinh trong nàng đều căng thẳng tới tột độ trong khi nàng đứng lặng, nghe ngóng, không dám nhúc nhích. Toàn bộ ngôi nhà chìm trong yên tĩnh. Nàng lấy đèn bấm ra, bật sáng và nhìn thấy cầu thang bèn tiến lại và leo lên. Giờ đây tất cả những gì nàng muốn là làm cho xong càng sớm càng tất và rồi chạy khỏi đây ngay. Cái hành lang trên lầu trông thật bí hiểm trong luồng sáng của chiếc đèn bấm, và nó còn làm cho các bức tường như lay động. Tracy ngó vào từng phòng đi qua. Tất cả đều trống trơn, không hề có ai. Căn phòng ngủ chính ở cuối hàng láng, trông ra vịnh, đúng như Morgan mô tả. Nó thật đẹp, toàn một màu hồng sẫm, với chiếc giường có màn che và chiếc tủ commốt được trang trí với những bông hồng đỏ thắm. Có hai ghế dài kê đối diện nhau, một lò sưởi và một cái bàn nhỏ kê ngay trước đó chắc để làm bàn ăn sáng. Tracy nghĩ, lẽ ra thì mình đã sống trong một căn nhà giống như thế này cùng Charles và đứa con của mình với anh ta. Nàng bước tới bên cửa sổ và ngắm nhìn các con tàu bỏ neo xa xa ngoài vịnh. Cho con biết, lạy Chúa, cái gì đã làm cho Chúa định rằng Lois Beliamy sống trong ngôi nhà đẹp đẽ này và con thì đang, ở đây để ăn trộm? Nào. Cô bé. Tracy tự nhủ, đừng có băn khoăn gì nữa. Đây là chuyện chỉ xảy ra một lần. Nó sẽ qua đi trong vài phút, song nếu cứ đứng đây thì chẳng bao giờ làm được gì hết. Nàng rời cửa sổ và bước tới bức chân dung mà Morgan đã mô tả. Lois Bel1amy đầy vẻ cứng rắn và tự phụ. Đúng thật. Có vẻ là một người đàn bà ghê gớm - nàng nghĩ bụng. Bức tranh mở ra và sau đó là một cái két nhỏ. Tracy nhớ lại mã số. Ba vòng bên phải, dừng lại ở 42. Hai vòng về bên trái, dừng ở 10. Một vòng về bên phải, đừng ở 30. Hai tay run rẩy đến nỗi nàng phải làm lại lần thứ hai, và nghe tiếng “cạch”, cửa cái két mở ra. Trơng két đầy những phong bì và giấy tờ. Nhưng Tracy bỏ qua chúng. Ở phía trong, trên mặt cái giá nhỏ là chiếc túi da sơn dương. Tracy với tay nhấc nó ra. Đúng lúc đó, tiếng chuông báo động vang lên, và đó là thứ âm thanh to nhất mà Tracy từng nghe thấy. Nó như dồn dập vang lên từ mọi góc phòng đến xé cả tai. Nàng đứng chết lặng, đứng người. Có sai sót gì vậy? Conrad Morgan đã không biết gì về bộ phận báo động đặt trong két - tín hiệu báo động sẽ phát ra khi túi kim cương bị nhấc khỏi giá đỡ chăng? Phải rời đây thật nhanh, nàng ấn cái túi da vào trong áo rời chạy ra hướng đầu thang gác. Và lúc này, ngoài các tín hiệu báo động đang dồn dập nàng còn nghe thấy một âm thanh khác nữa, âm thanh của tiếng còi xe cảnh sát đang lao đến gần. Tracy đứng dừng lại ở đầu cầu thang, hoảng sợ, tim đập cuồng lên, miệng khô đắng. Nàng chạy lại bên một cửa sổ, vén rèm lên và ghé ra ngoài. Một chiếc xe tuần tiễu sơn hai màu trắng đen đang dừng lại trước ngôi nhà, và một cảnh sát chạy ra phía sau, trong khi viên cảnh sát thứ hai tiến tới cửa trước. Không còn lối thoát nào cả. Tiếng chuông báo động vẫn vang vang và bỗng nhiên nàng thấy nó thật giống tiếng chuông khủng khiếp trong các hành lang của nhà tù Nam Louisiana. Trung úy Melvin Durkin đã phục vụ trong lực lượng cảnh sát ở Sea Cliff tới 10 năm. Đây là một khu vực yên tĩnh và hoạt động chính của cảnh sát là đối phó với những kẻ phá phách gàn dở, một vài vụ trộm xe hơi, rồi thỉnh thoảng là dăm ba vụ gây lộn giữa những sâu rượu. Tiếng chuông báo động ở ngôi nhà của Bellamy là một loại hoàn toàn khác. Chính vì loại tội phạm này mà trung úy Durkin gia nhập lực lượng cảnh sát. Anh biết bà Lois Bellamy và cũng biết về bộ sưu tập tranh và số nữ trang quý giá của bà: Từ hôm bà ta đi vắng, anh đã xếp ngôi nhà này thành một điểm kiểm tra thường xuyên, vì nó là mục tiêu thèm khát của những kẻ đào tường khoét vách. Và giờ đây, trung úy Durkin nghĩ bụng, có vẻ là mình đã tóm được một tên. Anh chỉ cách đây hai khu phố khi có thông báo bằng rađio từ công ty bảo vệ. Vụ này sẽ được ghi nhận vào hồ sơ của mình đây. Thật tuyệt - anh thầm nghĩ. Trung úy Durkin ấn chuông cửa. Anh muốn có thể đàng hoàng ghi trong báo cáo rằng đã nhấn chuông ba lần trước khi đột nhập bằng vũ lực. Người đồng nghiệp của anh đã bao phía sau, vậy chẳng còn cơ hội nào cho tên trộm tẩu thoát. Anh hoàn toàn có thể ẩn mình đợi bên ngoài, thế nhưng cũng lại muốn bất ngờ xuất hiện ngay trong nhà. Không tên trộm nào có thể trốn thoát khỏi tay Melvin Durkin. Khi viên trung úy với tay định bấm chuông lần nữa thì cửa trước đột ngột mở ra. Anh đứng ngây người nhìn. Trong ngưỡng cửa là một phụ nữ trong chiếc áo ngoài mỏng tang đến mức chẳng cần phải tưởng tượng thêm gì mấy. Mặt cô ta trát một lớp kem phấn gì đó và đầu thì đội chiếc mũ để giữ tóc. Cô ta cật vấn. “Chuyện quỷ quái gì vậy, hả?”. Trung úy Durkin nuốt nước bọt. “Tôi ... cô là ai?”. “Tôi là Ellen Branch. Tôi là khách ngủ lại của nhà bà Lois Bellamy. Bà ấy đang đi châu u”. “Tôi biết rồi”. Viên trung úy lúng túng. “Bà ấy không nói với chúng tôi rằng cô một người khách ở nhà”. Người phụ nữ gật đầu, đầy vẻ hiểu biết. “Bà Lois chẳng vẫn vậy đó thôi? Xin lỗi. Tôi không thể chịu nổi cái âm thanh này”. Nói đoạn người khách của Lois Bellamy với tay lên bấm mấy cái nút của hệ thống báo động và tiếng chuông ngừng bặt. “Vậy dễ chịu hơn”, cô ta nói nhẹ. “Tôi không thể nói hết sự sung sướng được thấy ông”. Rồi dịu dàng. “Tôi đang chuẩn bị lên giường ngủ thì chuông báo động kêu vang lên. Tôi tin rằng có bọn trộm trong nhà, tôi ở đây chỉ có một mình. Những người giúp việc thì đã về từ trưa rồi”. “Cô có bằng lòng để chúng tôi được ngó quanh một chút không?”. “Xin mời, chính tôi muốn thế đấy”. Chỉ mất ít phút là viên trung úy và đồng nghiệp của anh ta có thể tin chắc rằng không có kẻ nào đang lẩn trốn quanh quẩn đâu đây. “Không có gì cả”, trung úy Durkin nói. “Báo động nhầm. Có cái gì đó trục trặc thôi. Không thể lúc nào cũng tin vào ba cái đồ điện tử này được. Cô nên báo cho công ty bảo vệ và yêu cầu họ kiểm tra lại hệ thống báo động”. “Nhất định tôi sẽ làm thế”. “Thôi, có lẽ chúng tôi sẽ lại lên đường”. Viên trung úy nói. “Xin cảm ơn về việc các ông đã đến đây. Bây giờ, tôi cảm thấy an toàn hơn”. Cô ta có tấm thân tuyệt vời, trung úy Durkin nghĩ bụng. Anh băn khoăn không biết vẻ mặt cô ta trông thế nào nếu như không có lớp kem phấn và những cái lô cuốn tóc kia. “Cô sẽ ở đây lâu chứ, cô Branch?”. “Một hoặc hai tuần nữa, tới lúc bà Lois trở về”. “Nếu tôi có thể làm gì giúp cô, xin cho biết nhé”. “Cám ơn ông, tôi sẽ chờ ông”. Tracy đứng nhìn theo chiếc xe cảnh sát lao vào màn đêm. Nàng nhẹ bẫng người đi. Khi chiếc xe đã khuất, nàng chạy vội lên gác, rửa sạch lớp kem phấn, gỡ mấy cuộn lộ của Lois Bellamy ra khỏi đầu và trút bỏ cái váy ngủ, mặc trở lại bộ đồ màu đen và rời khỏi nhà bằng cửa trước, thận trọng đặt lại chuông báo động. Cho mãi tới lúc chạy nửa quãng đường về Manhattan, sự liều lĩnh kia mới tác động đến cân não và nàng bỗng cười khúc khích, rồi cười to đến mức không kìm được, phải dừng xe lại bên đường. Nàng cười mãi cho tới lúc nước mắt giàn giụa. Đó là lần đầu tiên nàng cười trong suốt một năm trời. Cảm giác đó thật tuyệt, tuyệt. Chương 17 Khi đoàn tàu rời khỏi ga Pennsylvania, Tracy mới thấy bớt lo ngại. Từng giây đồng hồ, nàng đã đợi một bàn tay nặng nề chộp lấy vai, một giọng nói cất lên “Cô đã bị bắt”. Nàng cẩn thận để ý các hành khách khi họ lên tàu, và không thấy có biểu hiện gì lo ngại. Tuy vậy, đôi vai nàng vẫn run run vì căng thẳng, cố tự nhủ rằng khó ai có thể phát hiện ra vụ trộm vào lúc này, và ngay cả trong trường hợp như vậy, cũng không có chứng cớ gì liên hệ tới nàng được. Conrad Morgan sẽ chờ nàng ở St. Louis với 25 ngàn đô la. Hai mươi lăm ngàn mà nàng có thể tự tiêu pha! Nàng phải làm việc ở nhà băng cả năm trời mới có thể kiếm được số tiền đó. Mình sẽ đi châu u, Tracy nghĩ. Paris. Không, không phải là Paris. Charles và mình định đi tuần trăng mật ở đó. Mình sẽ đi London. Ở đó mình sẽ không còn là một con chim trong lồng nữa. Cứ như nàng vừa được tái sinh vậy. Khóa cánh cửa ngăn riêng của mình lại, nàng lấy cái túi da và mở xem. Một dãy những viên đá lấp lánh tràn xuống tay. Có ba cái nhẫn kim cương lớn, một cái nạm ngọc, một cái vòng đeo bằng Saphia, ba đôi khuyên tai, và hai dây chuyền, một bằng ngọc Rubi, một bằng ngọc trai. Chỗ nữ trang này trị giá tới hơn một triệu đô la. Tracy sững sờ cả người. Và trong lúc con tàu đang băng băng lướt qua vùng Đồng quê, nàng ngả người trong ghế và đầu óc thoáng hiện lại những diễn biến của buổi tối. Thuê xe ... chạy tới Sea Cliff ... sự yên lặng của màn đêm ... ngắt hệ thống báo động và xâm nhập vào ngôi nhà ... mở két ... choáng váng vì tiếng chuông báo động ... sự xuất hiện nhanh chóng của cảnh sát. Họ không thể nào hình dung được rằng người phụ nữ mặt đầy kem phấn, tóc quấn lô lại chính là tên trộm mà họ đang tìm kiếm. Giờ đây, ngồi thanh thản trong ngăn riêng trên chuyến tàu đi St. Louis, Tracy cho phép mình mỉm một nụ cười hài lòng. Việc qua mặt cảnh sát làm nàng thấy thích thú. Có cái gì đó thật hấp dẫn khi kề sát một nguy hiểm nào đó rồi lại vượt qua được. Nàng cảm nhận thấy sự táo bạo, thông minh, và sự chiến thắng trong chuyện đó, có cảm giác thật khoan khoái. Có tiếng gõ vào ngăn của nàng. Tracy vội vã cho đồ nữ trang vào túi da và đặt cái tín vào trong vali, lấy chiếc vé tàu ra, và mở cửa. Một người chừng ngoài ba mươi, còn người kia thì già hơn khoảng chục tuổi. Người trẻ tuổi hơn vẻ khôi ngô, ria mép nhỏ gọn, mang một cặp kính gọng sừng và đằng sau đó là đôi mắt ra vẻ thông minh. Người lớn tuổi hơn dáng dấp nặng nề, tóc dầy đen, mắt nâu, lạnh như tiền: “Tôi có thể giúp gì các ông?” Tracy hỏi. “Vâng, thưa tiểu thư”. Người lớn tuổi đáp. Ông ta móc ví và giơ ra một tấm căn cước ... CỤC ĐIỀU TRA LIÊN BANG BỘ TƯ PHÁP - HOA KỲ. “Tôi là nhân viên đặc biệt Dennis Trevor. Đây là nhân viên đặc biệt Thomas Bowers”. Miệng Tracy chợt khô đắng, nàng cố gượng cười. “Ôi ... e rằng tôi chẳng hiểu gì cả. Có chuyện gì chăng?”. “Tôi e là như thế đấy, thưa cô”, người nhân viên trẻ lên tiếng. Anh ta nói giọng miền Nam mềm mại. “Cách đây vài phút, đoàn tàu này đã vào địa phận New Jersey. Việc chuyên chở đồ ăn cắp từ bang này sang bang khác là một hành vi vi phạm pháp luật Liên bang”. Tracy muốn ngất xỉu. Như có một tấm phim mờ chắn trước mắt vậy, tất cả đều nhòa đi. Người đàn ông đứng tuổi, Dennis Trevor nói. “Mời cô mở hành lý ra nào?”. Đó không phải một đề nghị, mà là mệnh lệnh. Hy vọng duy nhất của nàng là chỉ còn cách giả vờ như không biết gì. “Dĩ nhiên là tôi sẽ không mở! Tại sao các ông lại dám xông vào buồng tôi như thế này!” Giọng nàng đầy vẻ phẫn nộ. “Có phải tất cả công việc của các ông là đi vòng vòng quấy nhiễu các công dân vô tội không? Tôi sẽ gọi người phụ trách toa xe”. “Chúng tôi đã nói với người phụ trách toa xe này rồi” Trevor nói. Sự giả vờ của nàng thật không đạt kết quả gì. Nàng lắp bắp. “Các ông ... có giấy phép khám xét không?”. Người đàn ông trẻ nói nhẹ nhàng. “Chúng tôi không cần phải có giấy phép đó, thưa cô Whitney. Chúng tôi đã biết từ khi hành động phạm tội của cô đang diễn ra cơ”. Vậy là họ thậm chí biết cả tên. Nàng đã bị sập bẫy. Không còn lối thoát nào. Hết cả rồi. Trevor bước đến mở va li. Việc ngăn lại chẳng còn ích gì Tracy đứng nhìn trong lúc người đàn ông trẻ lục lọi và lôi cái túi da ra, mở xem nó và nhìn đồng nghiệp rồi gật đầu. Tracy không còn đứng nói. Nàng ngồi sụp xuống ghế. Trevor móc trong túi quần ra một danh mục, làm vẻ kiểm tra mấy thứ đồ trong cái túi da theo danh mục đó và nhét cái túi vào người. “Đủ cả đấy, Tom”. “Làm sao ... Làm sao mà các ông phát hiện ra?” Tracy đau đớn hỏi. “Chúng tôi không được phép đưa ra một thông tin gì”, Trevor đáp. “Cô đã bị bắt. Cô có quyền im lặng và có quyển thuê một luật sư đại diện cho cô trước khi cô nói bất cứ điều gì. Mọi điều cô nói lúc này có thể được dùng làm bằng chứng chống lại chính cô. Cô hiểu chưa?”. Nàng lí nhí đáp, “Vâng”. Thomas Bowers nói. “Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện này. Ý tôi muốn nói, tôi biết lai lịch cô, vả tôi thực sự lấy làm tiếc”. “Lạy Chúa”, người đàn ông lớn tuổi kêu lên. “Đây đâu phải là một cuộc thăm viếng xã giao”. “Tôi_biết, nhưng tuy vậy ...”. Người đàn ông lớn tuổi chìa ra trước Tracy chiếc còng tay. “Yêc cầu đưa tay đây”. Tracy thấy tim thắt lại vì đau khổ, bỗng nhớ cảnh ở sân bay New Orleans khi mà họ khóa tay nàng, những ánh mắt dòm ngó. “Xin ông. Các ông ... các ông có buộc phải làm thế không?”. “Vâng, thưa cô”. Người trẻ tuổi nói khẽ. “Tôi có thể nói riêng với anh một chút không, Dennis?”. Dennis Trevor nhún vai. “Được”. Hai người bước ra ngoài hành lang. Tlacy thờ thẫn và tuyệt vọng, lõm bõm nghe tiếng hai người kia. “Lạy Chúa, Dennis, không nhất thiết phải còng cô ta làm gì. Cô ta sẽ chẳng trốn đi đâu:..”. “Đến khi nào thì mới thôi cái kiểu đa cảm này đi, hả” Khi mà anh cũng đã phục vụ ở cơ quan này lâu như tôi tồi ...”. “Nào. Nương tay cho cô ta một chút. Cô ta đã đủ hoảng hốt lắm rồi và ...”, Không cần biết chuyện cô ta sẽ làm gì ...”. Nàng không nghe được phần cuối, và cũng không muốn nghe gì nữa hết. Họ trở vào. Người đàn ông lớn tuổi có vẻ bực dọc. “Thôi được” ông ta nới. “Chúng tôi sẽ không còng tay cô nữa. Tới ga sau chúng tôi sẽ đưa cô xuống. Chúng tôi sẽ báo trước cho xe của Cục ra chờ. Cô không được rời khỏi đây rõ chưa?”. Không còn có thể làm gì được nữa. Bây giờ thì không được rồi đã quá muộn. Nàng đã bị bắt quả tang. Bằng cách nào đó, cảnh sát đã theo dõi được nàng và thông báo cho FBI biết. Hai người nhân viên đang ở ngoài hành lang nói chuyện gì đó với người phụ trách toa xe. Bower chỉ Tracy và nói gì mà nàng không nghe được. Người phụ trách toa xe gật đầu. Bowes đóng cánh cửa lại, và với Tracy, nó như cánh cửa phòng giam vừa sập vào. Cảnh đồng quê lướt nhanh, những bức tranh thoáng hiện qua khung cửa sổ, thế nhưng Tracy không hề thấy gì hết. Nàng ngồi đó, chết lặng vì sợ hãi, lo âu. Tai nàng ù lên, dù không phải do tiếng động của con tàu. Nàng sẽ không có thể còn một cơ hội thứ hai nữa. Nàng là một tội phạm nguy hiểm. Họ sẽ dành cho nàng bản án nặng nhất, và lần này thì sẽ không còn có dứa con nhỏ của ông tổng giám thị để mà cứu nữa, sẽ không còn gì cả ngoài những năm tù khủng khiếp gần như kéo dài vô tận. Và Bertha Lớn nữa. Làm sao mà họ biết được nhỉ? Tracy tự hỏi. Người duy nhất biết về vụ này là Conrad Morgan, và ông ta không có lý do gì để trao nàng và túi kim cương cho FBI cả. Có thể là một nhân viên nào đó trong cửa hiệu của ông ta đã biết chuyện và báo trước cho cảnh sát. Nhưng dù chuyện thế nào thì với nàng cũng chẳng có gì khác cả. Nàng đã bị bắt. Tại ga tới nàng sẽ lại bị đưa trở lại nhà tù. Sẽ có một cuộc hỏi cung sơ bộ, rồi phiên tòa, và rồi ... Tracy nhắm nghiền mắt lại, không muốn nghĩ thêm gì nữa, cảm thấy những giọt những mắt nóng hổi lăn xuống hai bên má. Đoàn tàu bắt đầu chạy chậm lại. Tracy thở mạnh, như thấy ngạt hơi vậy. Hai nhân viên FBI kia sẽ quay lại bây giờ thôi Một nhà ga hiện ra và ít giây sau đoàn tàu dừng hẳn lại. Đã đến lúc phải đi. Tracy đóng va li lại, mặc áo khoác và lại ngồi xuống, nhìn chằm chằm vào cánh cửa, chờ đợi nó bật mở. Mấy phút trôi qua. Không thấy hai người đàn ông kia xuất hiện. Họ đang 1àm gì nhỉ? Nàng nhớ lời họ nói. “Chúng tôi sẽ đưa cô xuống ở ga sau. Chúng tôi sẽ báo trước cho xe của Cục ra chờ. Cô được được rời khỏi đây”. Nàng nghe tiếng người phụ trách toa xe. “Tất cả đã lên ...” Tracy bắt đầu lo. Có thể ý họ là sẽ chờ nàng ở dưới sân ga. Chắc là vậy. Nếu nàng cứ ngồi lại trên tàu, họ sẽ buộc nàng thêm tội định chạy trốn, và điều đó sẽ làm cho tình hình xấu hơn nữa. Tracy chộp lấy cái va li và vội vã bước ra hành lang. Người phụ trách toa xe chạy lại. “Cô xuống đây à, thưa cô?” Ông ta hỏi. “Cô nên nhanh lên đi. Để tôi giúp nào. Một người phụ nữ trong tình trạng sức khỏe như cô thì không nên mang vác gì”. Tracy nhìn ông ta. “Tình trạng sức khỏe của tôi sao cơ? “Cô chẳng việc gì phải ngượng ngùng. Hai người anh cô đã bảo tôi là cô đang có thai và đề nghị tôi lưu ý tới cô một chút”. “Các anh tôi ...”. “Những chàng trai rất tốt. Họ thực sự lo lắng cho cô đấy”. Tracy thấy tất cả đều quay cuồng, chao đảo. Người phụ trách toa xe giúp Tracy bước xuống. Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh. “Ông có biết các anh tôi đi đâu không?” Tracy gọi với lên. “Thưa cô, không. Khi tàu mới dừng bánh thì họ đã nhảy vào một chiếc tắc xi”. Với túi kim cương bị lấy cắp trị giá cả triệu đô la, Tracy hậm học nghĩ. Tracy quyết định ra sân bay. Đó là nơi duy nhất mà nàng có thể nghĩ tới. Nếu bọn chúng lên tắc xi có nghĩa là bọn chúng không có phương tiện riêng, và chắc chắn là chúng muốn chuồn khỏi thị trấn này càng sớm càng tốt. Nàng ngả người trên ghế tắc xi, giận dữ vì điều chúng đã làm đối với nàng và xấu hổ vì đã để chúng lừa gạt quá dễ dàng. Ồ, nhưng chúng quả là giỏi, cả hai gã thực sự giỏi, đã tạo ra vẻ hết sức thuyết phục. Nàng thấy đỏ mặt vì đã bị bẫy bằng những cái trò cảnh sát thật - cảnh sát giả quá cũ kỹ. Lạy Chúa, Dennis, không cần thiết phải còng tay cô ta làm gì. Cô ta sẽ chẳng trốn đi đâu ... “ôĐến khi nào thì mới thôi cái kiểu đa cảm này đi, hả. Khi mà anh cũng phục vụ ở cơ quan này lâu như tôi rồi ... Cơ quan này? Có thể cả hai gã cũng đang là những kẻ bị truy nã. Được, nàng sẽ giành lại số kim cương đó cho bằng được. Nàng đã trải qua quá nhiều gian nguy và không đời nào chịu để hai kẻ lừa đảo này qua mặt. Miễn rằng phải đến được sân bay kịp thời. Nàng dướn lên nói với người lái xe. “Xin chạy nhanh hơn nữa được không?”. Họ đang đứng trong hàng người chờ lên máy bay ở cổng đi và thoạt đầu nàng đã không nhận ra họ ngay được. Gã trẻ hơn, kẻ tự xưng là Thomas Bowers đã bỏ kính, bỏ ria mép, và màu mắt đã chuyển từ xanh sang xám. Người kia, Deunis Trevor, giờ đây hói đầu chứ không phải là có mớ tóc dày và đen nữa. Tuy nhiên, không thể nhầm họ được. Họ đã không đủ thời gian để thay quần áo. Khi Tracy đến thì hai gã đã gần sát tới cổng vào. “Các ông quên một thứ”. Tracy nói. Họ cùng quay lại và giật mình. Gã trẻ hơn cau mặt. “Cô làm gì ở đây hả? Người ta đã phái một chiếc xe ra đón cô cơ mà”. Giọng nói miền Nam của gã đã biến đâu mất. “Vậy tại sao ta không cùng quay lại kiếm chiếc xe?”. Tracy đề nghị. “Không thể. Chúng tôi đang theo một vụ khác. Trevor giải thích. “Chúng tôi phải kịp chuyến bay này”. “Trước hết, hãy trả lại tôi túi kim cương”, Tracy đòi. “Sợ rằng chúng tôi không thể làm thế được”, Thomas Bower nói. “Đó là tang vật. Chúng tôi sẽ gửi cho cô một giấy biên nhận”. “Không. Tôi không cần giấy biên nhận. Tôi muốn trả lại túi kim cương kia”. “Rất tiếc”, Trevor đã giơ giấy lên máy bay cho nhân viên kiểm soát. Tracy nhìn quanh, tuyệt vọng, và thấy một viên cảnh sát sân bay đứng gần đó, nàng kêu lên, “Ống sĩ quan! Ông sĩ quan!”. Hai gã đàn ông kia nhìn nhau, hất hoảng. “Cô làm cái quỷ quái gì thế, hả? “ Trevor khẽ rít lên. “Cô muốn cả bọn đều bị tóm hả?”. Viên cảnh sát đã đến bên họ. “Gì vậy, cô gái? Có việc rắc rối gì không?”. “Ôi, không có rắc rối gì đâu”, Tracy vui vẻ nói. “Hai quý ông tuyệt diệu này đã tìm thấy chỗ nữ trang mà tôi đánh mất, và họ mang trả lại cho tôi. Tời đã sợ rằng phải đến FBI vì việc này rồi đó”. Hai gã kia cuống cuồng nhìn nhau. “Họ cho rằng có thể ông sẽ vui lòng đưa tôi ra tắc xi”. “Chắc chắn là thế, rất vui lòng”. Tracy quay sang hai gã kia. “Bây giờ thì an toàn rồi, các ông trao chỗ kim cương lại cho tôi. Ông sĩ quan đáng mến này sẽ giúp tôi”. “Không nên như thế”. Tom Bowers phản đối. “Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng tôi ...”. “Ồ không, tôi muốn vậy”. Tracy giục. “Tôi biết việc đi kịp chuyến bay này là rất quan trọng đối với các ông. Hai gã nhìn viên cảnh sát, rồi nhìn nhau, bất lực. Họ không còn có thể làm gì được. Rất miễn cưỡng, Tom Bowers móc túi ra lấy ra cái túi da. “Nó đây rồi!” Tracy kêu lên, đỡ cái túi từ tay gã, mở ra xem, “ơn Chúa, đủ cả”. Tom Bowers cố vớt vát. “Tại sao không để chúng tôi giữ hộ cho đến lúc cô”. “Chẳng cần phải thế”. Tracy vui vẻ đáp rồi mở ví cất chỗ kim cương vào và lấy ra hai tờ 5 đô la, đưa cho mỗi gã một tờ. “Đây là một chút tượng trưng cho sự đánh giá cao của tôi đối với việc mà hai ông đã làm”. Tất cả hành khách đã vào hết. Nhân viên hàng không nói. “Đây là lời nhắc cuối cùng. Tất cả quý khách phải lên máy bay ngay”. “Cảm ơn các ông một lần nữa”. Tracy mỉm cười bước đi với viên cảnh sát. “Thời buổi bây giờ thật khó tìm được người lương thiện”. Chương 18 Thomas Bowers - tức Jeff Stevens - ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trong lúc chiếc máy bay cất cánh. Anh đưa khăn mùi xoa lên mắt và hai vai rung rung lên xuống. Dennis Trevor - tức Brandon Higgins - ngồi kế bên, ngạc nhiên. “Này”, ông ta nói. “Chỉ là chuyện tiền bạc, có gì mà phải khóc”. Jeff Stevens quay sang, nước mắt giàn giụa, và Higgins ngơ ngác nhận ra rằng Jeff đang cười rũ rượi. “Có chuyện quỷ quái gì với cậu thế Higgins hỏi. “Cũng có gì đáng cười đâu”. Với Jeff thì lại khác. Cái cách mà Tracy Whitney đã qua mặt họ ở sân bay là một trò bịp tuyệt vời nhất mà anh được chứng kiến. Thật quả là kẻ cắp gặp bà già. Conrad Morgan đã bảo rằng người phụ nữ này chỉ là một kẻ nghiệp dư. Lạy Chúa, Jeff nghĩ, cô ta sẽ đến thế nào nếu là chuyên nghiệp nhỉ? Tracy Whitney chắc chắn là người đàn bà đẹp nhất mà Jeff Stevens từng thấy. Và thông minh nữa. Jeff vốn tự hào là người giỏi nhất trong nghề lừa bịp này, thế mà cô ta đã vượt qua anh. Chú Willie cũng sẽ phải mến cô ta, Jeff nghĩ bụng. Chú Willie là người dạy dỗ Jeff. Mẹ Jeff, người được thừa kế một tài sản lớn, đã cưới một người đàn ông đầy ảo tưởng với những giấc mộng làm giàu mau chóng, chỉ có điều những giấc mộng đó chẳng bao giờ thành hiện thực cả Cha Jeff là một người đàn ông đầy sức hấp dẫn, cực kỳ đẹp trai và mồm miệng thì không ai sánh kịp. Chỉ năm năm sau ngày cưới, ông đã phá tan cả cái cơ nghiệp được thừa kế của vợ. Những hồi ức sớm nhất của Jeff khi còn rất nhỏ là việc cha mẹ cãi lộn về tiền bạc và những cuộc ngoại tình của cha. Đó là một cuộc hôn nhân khủng khiếp và cậu bé quyết tâm: Mình sẽ không bao giờ lấy vợ cả: Không bao giờ. Người em của cha cậu, chú Willie, làm chủ một gánh tạp kỹ nhỏ lang thang đây đó, và bất kỳ khi nào đi ngang vùng Marion, Ohio, nơi mà gia đình Stevens sống, chú cũng đến thăm. Chú là một người đàn ông vui vẻ nhất mà Jeff từng biết, đầy nhưng lời hứa hẹn về một ngày mai tươi đẹp Chú luôn luôn mang tới những thứ quà hấp dẫn, và dạy Jeff những trò ảo thuật tuyệt diệu. Chú Willie đầu tiên làm nghề ảo thuật trong một gánh xiếc và khi nó sắp tan vỡ thì chú bèn nắm lấy nó. Khi Jeff mười bốn tuổi, mẹ cậu chết trong một tai nạn xe hơi. Hai tháng sau, cha Jeff cưới một cô hầu bàn mười chín tuổi. “Một người đàn ông sống độc thân là hoàn toàn phi tự nhiên”. Cha giải thích như thế. Song cậu thì hết sức bất bình, cảm thấy sự phản bội ở vẻ vô tình của cha. Cha Jeff làm nghề giao hàng và phải vắng nhà ba ngày trong tuần. Một đêm, khi Jeff ở nhà một mình với người mẹ kế, cánh cửa buồng ngủ của cậu bị mở ra đã làm cậu thức giấc. Tí tẹo sau cậu cảm thấy một tấm thân trần truồng, mềm mại áp sát vào mình. Jeff hoảng hất nhổm dậy. “Ôm chị đi, Jeff bé bỏng”, người mẹ kế trẻ tuổi thầm thì. “Chị sợ sấm lắm”. “Làm ... làm gì có sấm”. Jeff lắp bắp. “Nhưng mà có thể có. Báo nói là trời mưa mà”. Cô ta áp chặt tấm thân trần truồng lên người cậu bé. “Làm tình với chị đi”. Jeff hoảng sợ. “Được. Ta chơi trong giường của bố nhé”. “Được chứ?” Cô ta cười khoái chí. “Cho thêm lạ, phải không?”. “Tôi sẽ sang đó ngay”. Jeff hứa. Cô ta trườn ra khỏi giường đi sang phòng ngủ kia. Jeff chưa bao giờ mặc quần áo nhanh đến thế. Cậu nhảy qua cửa sổ đi về phía Cimarron, bang Kansas, nơi gánh tạp kỹ của chú Willie đang biểu diễn, không hề ngoái cổ lại. Khi chú Willie hỏi vì sao bỏ nhà ra đi, cậu chỉ nói: “Cháu không hợp với mẹ kế”. Chú Willie gọi điện cho cha Jeff, và sau một hồi nói chuyện dài đã đi đến quyết định là cậu bé sẽ ở lại gánh tạp kỹ. “Nó sẽ học ở đây được nhiều hơn ở bất cứ một trường học nào”, chú Willie hứa hẹn. Bản thân gánh tạp kỹ là cả một thế giới. “Không phải chúng ta diễn một thứ trò vặt ngày chủ nhật ở trường học”, chú Willie giải thích cho Jeff. “Chúng ta là những nghệ sĩ lừa gạt. Thế nhưng, con ạ, phải nhớ rằng, không thể bịp người ta trừ phi họ bắt đầu nổi lòng tham”. Những thành viên trong gánh đều trở thành bạn của Jeff. Gánh cũng có một nhóm các cô gái trẻ, và họ bị cậu bé trẻ trung hấp dẫn. Jeff thừa hưởng tính nhạy cảm của mẹ và vẻ đẹp của người cha, và các cô gái đã tranh giành nhau xem ai là người “được” làm mất đi sự trinh tiết của Jeff. Bài học vỡ lòng về tình dục của Jeff diễn ra với một cô gái xinh đẹp phụ trách tiết mục uốn dẻo và trong vài năm liền cô ta đã là cái mẫu để những người đàn bà khác noi theo. Chú Willie đã thu xếp để Jeff có cơ hội được làm tất cả các ngón nghề khác nhau của gánh tạp kỹ. “Một ngày nào đó, tất cả những thứ này sẽ là của cháu”, chú Willie bảo, “và cách duy nhất để có thể nắm giữ nó là phải rành về nó hơn bất kỳ kẻ nào khác”. Jeff bắt đầu với trò “ném mèo”, một trò mà người chơi phải trả tiền để có bóng ném vào sáu con mèo làm bằng giấy bồi với đế gỗ sao cho chúng rơi vào một cái lưới. Người diễn trò sẽ chứng minh rằng ném ngã chúng thật là dễ dàng, nhưng khi người chơi bắt đầu ném, một “xạ thủ nấp sau tấm vải phông sẽ nâng một cái cần để giữ vững đế gỗ của các con mèo giấy. Có trời mà đánh ngã được chúng. “Trời, ném hơi quá thấp đấy”, người diễn trò sẽ la lên. “Chỉ có một việc là ném cho thật ngon lành”. Từ “ngon lành” là một ám hiệu, ngay khi người diễn trò nói vậy, kẻ giấu mặt kia sẽ hạ cái cần xuống và người diễn trò sẽ ném ngã con mèo. Khi đó anh ta sẽ nói. “Thấy chưa?” và đó là ám hiệu để kẻ giấu mặt lại nhấc cái cần giữ lên. Và dĩ nhiên, luôn luôn có một anh chàng công tử nào đó muốn khoe với cô bạn gái đang khúc khích cười cánh tay tuyệt vời của mình. Jeff cũng diễn trò số đếm. Một trò mà khách bỏ tiền để được ném vòng cao su lên những cái ghim cài vải có đánh số. Họ được hứa rằng nếu tổng các con số ném được bằng đúng 20 thì sẽ được thưởng một thứ đồ chơi đắt tiền. Nhưng điều mà khách chơi không biết là người diễn trò có thể đánh tráo các con số để bảo đảm con số 20 không bao giờ đạt được. Một hôm, chú Willie nói với Jeff. “Làm tất đấy, bé con, chú tự hào về cháu, cháu sẽ được chuyển sang diễn trò Skilô”. Đám người diễn trò Skilô này là những thành phần tinh túy nhất, và các thành viên khác đều nhìn họ ghen ty. Họ kiếm được nhiều tiền hơn người khác, ngủ khách sạn hạng nhất và lái những chiếc xe bóng lộn. Trò này ồm một hình tròn phẳng được chía các ô có gài một con số đánh dấu với một mũi tên thăng bằng ở giữa. Người chơi sẽ quay một cái vòng và khi nó dừng, mũi tên chỉ con số nào thì con số đó được nhấc ra. Người diễn trò giải thích rằng khi nào tất cả các con số đều bị nhấc ra hết thì người chơi sẽ được thưởng một khoản tiền lớn. Khi người chơi đã gần tới đích, người diễn trò bèn khuyến khích đặt thêm tiền cược. Anh ta sẽ nhìn quanh với vẻ hồi hộp và thì thào. “Tôi muốn anh thắng, bởi có thể anh sẽ thưởng cho tôi một ít mà”. Người diễn trò còn có thể dúi cho người chơi 5 hoặc 10 đô la và nói. “Đặt thêm cho tôi được không? Anh không thể thua được”. Và kẻ máu mê kia bỗng cảm thấy mình có một đồng minh, hắn sẽ dốc túi ra. Jeff trở thành sành nghề trong việc moi túi người chơi. Khi khả năng tới đích đã rất lớn, sự kích động cũng tăng lên. Jeff sẽ kêu lên. “Giờ thì anh không thể trượt nữa rồi”, Kẻ kia sẽ đặt thêm tiền và có khi còn chạy về nhà lấy nữa, dĩ nhiên là hắn ta chẳng bao giờ được cả. Keren, một vũ nữ xinh đẹp còn rủ rê Jeff chơi trò “Chìa khóa”. “Sau khi đã xong việc mồm mép cám dỗ mọi người”, vào tối thứ bảy, Karen nói với Jeff. “Gọi vài ông khách ra, từng người một, và bán cho họ một chiếc chìa khóa của cái buồng ngủ lưu động của tôi nhé”. Mỗi chiếc chìa này giá 5 đô la. Tới nửa đêm, cả tá đàn ông, có khi nhiều hơn nữa, đợi chờ tới nhoài người ra quanh chỗ xe ngủ của Keren. Trong khi đó, ở một khách sạn trong thành phố, Karen đang trần truồng ôm Jeff. Hôm sau, khi đám đàn ông này kéo tới để trả thù thì gánh tạp kỹ đã lên đường lâu rồi. Trong bốn năm từ khi bỏ nhà ra đi, Jeff đã hiểu được nhiều về bản chất con người. Cậu phát hiện ra rằng để gợi lên lòng tham của ai đó thật là dễ dàng. Họ tin vào những điều không thể tin được chỉ vì lòng tham đã buộc họ phải tin vào đó. Vào tuổi 18, Jeff đẹp trai đến mức làm các cơ gái phải choáng váng. Ngay một phụ nữ hờ hững nhất cũng lập tức để ý và mến mộ cặp mắt tơ màu xám, dáng người cao và mớ tóe đen quăn của cậu. Những người đàn ông thì khoái vẻ hài hước, thoải mái, thông minh mà Jeff có. Thậm chí đám trẻ con, dường như thấy mình cũng đang nới chuyện với một đứa trẻ trong con người Jeff và bao giờ cũng đặt ngay lòng tin vào cậu. Đám khách nữ luôn phỉnh phờ tán tỉnh Jeff nhưng chú Willie cảnh cáo cậu. “Tránh xa bộn con gái thành phố ra, cậu bé của ta. Cha chúng nó thường là cảnh sát trưởng cả đấy?”. Việc Jeff phải từ giã gánh tạp kỹ ra đi là do vợ của người ném dao. Đoàn tới biểu diễn ở Milledgeville, bang Goergia, và những ngôi lều được dựng lên. Một tiết mục mới đã được ký hợp đồng với nghệ sĩ ném dao người Sicin được mệnh danh là Zobini vĩ đại và cô vợ tóc vàng hấp dẫn của ông ta. Trong khi Zorbini vĩ đại đang cùng đoàn dàn dựng các đồ nghề thì vợ ông ta mời Jeff tới phòng riêng của vợ chồng họ trong khách sạn ở thành phố. “Zorbini sẽ bận bịu suốt ngày”. Chị ta nói với Jeff. “Chúng ta hãy vui với nhau một chút nhé”. Nghe được quá. “Hãy đi đâu một giờ rồi trở lại đây “. Chị ta nói. “Sao lại phải đi đâu một giờ vậy?” Jeff hỏi. Chị ta nhoẻn cười. “Phải chừng ấy thì tôi mới chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng được”. Sự tò mò của Jeff tăng lên, và sau cùng, khi quay lại, chị ta đón cậu ở cửa vào, trần truồng. Jeff choàng tay ôm, nhưng chị ta ngăn lại và nói. “Vào đây đã”. Cậu ta theo vào phòng tắm và trố mắt ngạc nhiên. Chị ta đã bơm đầy nước ấm vào bồn và hòa vào đó sáu thứ nước trái cây có ga. “Cái gì thế này?” Jeff hỏi. “Món khai vị đó. Cởi quần áo ra, chàng trai”. Jeff làm theo. “Nào, vào đây”. Jeff bước vào bồn tắm và ngồi xuống, cảm giác thật là đặc biệt. Thứ nước thơm tho, trơn trơn này như thấm vào từng thớ thịt, xoa bóp khắp cơ thể. Người phụ nữ tóc vàng cũng ngồi vào theo. Giữa lúc đó, cửa phòng tắm bật mở và Zorbini vĩ đại xông vào. Người đàn ông Sicin thoáng nhìn cảnh tượng ấy và gầm lên. Jeff không kịp nghe ông ta quát gì nữa, nhưng cái cơn giận đó thì cậu biết, và khi Zorbini vĩ đại lao ra ngoài để lấy dao thì Jeff vụt nhảy ra khỏi bồn tắm, người bóng nhầy lớp nước quả và vớ vội quần áo, nhẩy qua cửa sổ, vẫn trần truồng, lao người chạy dọc xuống sườn đồi. Cậu nghe thấy một tiếng thét phía sau và cảm thấy tiếng rít của lưỡi dao vụt qua đầu cậu. Vèo, một lưỡi dao nữa, và lúc này cậu đã ở ngoài tầm ném. Cậu vội vã mặc quần áo và đi ra bến xe, nhảy lên một chiếc xe buýt và rời khỏi thành phố. Sáu tháng sau, Jeff đã ở Việt Nam. Mỗi người lính nghĩ về cuộc chiến tranh mỗi khác và Jeff rời Việt Nam với sự bất mãn nặng nề đối với giới cầm quyền và sự khinh ghét bộ máy quan liêu. Anh đã tham gia hai năm vào một cuộc chiến tranh không thể chiến thắng và sững sờ bởi sự phung phí tiền của và sinh mạng con người, ghê tởm với sự phản bội và lừa gạt của các tướng lĩnh và các chính sách - những kẻ miệng lưỡi dối trá. Ta đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh không ai mong muốn, Jeff nghĩ.vậy. Một trò bịp. Trò bịp lớn nhất thế giới này. Một tuần sau khi giải ngũ, Jeff nhận được tin về cái chết của chú Willie. Gánh tạp kỹ đóng cửa. Quá khứ đã kết thúc. Bây giờ đã đến lúc Jeff phải sống với tương lai. Tiếp theo là một loạt những cuộc phiêu lưu. Đối với Jeff, cả thế giới này lả một màn tạp kỹ và mọi người đều là đối tượng để anh lừa gạt. Jeff đã đăng quảng cáo trên báo bán mỗi tấm hình màu của tổng thống với giá một đô la đặt mua rồi gửi cho nạn nhân một con tem bưu điện có hình tổng thống trên đó. Jeff cho loan báo trên các tạp chí nhắc nhở công chúng chỉ còn sáu mươi ngày để gửi vào 5 đô la, rằng sau hạn đó là thôi không nhận nữa. Lời quảng cáo không nói cụ thể 5 đô la sẽ mua được cái gì, thế mà tiền vẫn cứ đổ vào. Jeff yêu thích các loại tàu thuyền và có hôm, một người bạn mách rằng có chỗ làm việc trên một chiếc tàu đi Tahiti, Jeff đã ký hợp đồng làm thủy thủ trên tàu đó. Con tàu thật là đẹp, dài khoảng sáu mươi mét, nổi bật lên dưới ánh nắng. Tất cả các cánh buồm đều rộng mở. Mặt boong đóng bằng gỗ tếch, thân tàu đóng bằng gỗ lim sam Ogeron. Trên tàu có một phòng ăn lớn cho mười hai người, một phòng bếp ở phía mũi trước. Ngoài thuyền trưởng, một người phục vụ và một đầu bếp, nhóm thủy thủ gồm có năm người. Công việc của Jeff là rút kéo buồm lên, lau bóng những khu cửa sổ bằng đồng, và leo trèo trên các xà ngang để rút gấp buồm lại. Chuyến đi này con tàu chở một nhóm hành khách gồm tám người. “Chủ của nó là Hollander”. Người bạn của Jeff nói vậy. Trên thực tế, chủ con tàu là cô Louise Hollander xinh đẹp, tuổi hai mươi lăm, có mái tóc vàng óng ả. Cha cô là chủ của cả nửa vùng Trung Mỹ. Các hành khách khác đều là bạn bè cô chủ mà đám đồng nghiệp của Jeff giờ là những kẻ trên tiền. Ngày đầu tiên ra khơi, trong lúc Jeff đang làm việc dưới ánh nắng gay gắt, đánh bóng những tay vịn bọc đồng trên boong thì Louise Hollanđer dừng lại bên. “Cậu mới lên tàu này?”. “Jeff nhìn lên. “Vâng”. “Cậu có một cái tên chứ?”. “Jeff Stevens”. “Đó là một cái tên đẹp”. Jeff im lặng. “Cậu biết tôi là ai không?”. “Không”. “Tôi là Louis Hollander, chủ con tàu này”. “Tôi hiểu. Vậy là tôi làm việc cho cô”. Cô ta nở một nụ cười hờ hững. “Đúng vậy”. “Vậy thì nếu muốn đồng tiền của cô là có ích, hãy nên để tôi tiếp tục công việc của mình”. Jeff bước tới cái trụ tiếp theo. Ở các phòng nghỉ của họ, vào ban đêm, đám thủy thủ thường kể những câu chuyện giễu cợt về đám hành khách. Thế nhưng Jeff phải tự thú nhận với mình rằng cậu rất ghen tỵ với họ - về tiểu sử, học vấn, và phong cách thoải mái vân vân ... Họ xuất thân từ các gia đình giàu có và được học hành ở các trường hạng nhất. Còn trường học của cậu chỉ là chú Willie và gánh tạp kỹ khốn khổ kia. Một trong những thành viên của gánh đã từng là giáo sư khảo cổ học trước khi bị ném ra khỏi trường vì tội đánh cắp và bán các di vật quý báu. Ông ta và Jeff thường có những cuộc trò chuyện dài và vị giáo sư đã khơi dậy ở Jeff long nhiệt tình với khảo cổ học. “Con có thể nhìn vào quá khứ để thấy cả tương lai nhân loại”. Vị giáo sư nói. “Nghĩ về nó một chút, con trai ạ. Hàng nghìn năm trước đây đã có những người như ta và con, mơ ước những giấc mơ, sáng tác những câu chuyện dân gian ... sống hết đời họ, và sinh ra các tổ tiên của chúng ta”. Cặp mắt ông nhìn về xa xăm. “Carthage - đó là nơi ta muốn tiến hành một cuộc khai quật. Ngay từ rất lâu trước khi Jesus ra đời, nó đã là một thành phố lớn, một Paris của châu Phí cổ đại. Dân chúng đã có những môn thể thao, các cuộc đua xe và có nhà tắm công cộng lớn. Sân vận động Maximuc ở đó lớn bằng năm cái sân bóng đá bây giờ vậy” Ông ta nhìn thấy vẻ thích thú trong cặp mắt của cậu bé. “Con có biết Cato lớn đã thường kết thúc các bài nói của ông ấy trước thượng viện La Mã thế nào không? Ồng ấy bảo, Catharge phải bị phá hủy. Mong mỏi của ông ấy sau cùng đã trở thành hiện thực. Người La Mã đã biến nơi đó thành một đống gạch vụn và hai mươi lăm năm sau đã quay lại xây dựng trên đống tro tàn này một thành phố lớn. Ta mong rằng một ngày nào đó có thể đưa con tới nơi ấy làm một cuộc khai quật, cậu bé của ta ạ”. Một năm sau, vị giáo sư đã chết vì say rượu, còn Jeff thì tự hứa với mình rằng sẽ có ngày tiến hành một cuộc khai quật ở Carthege để tưởng nhớ vị giáo sư. Đêm cuối cùng trước khi con tàu cặp bến Tahiti, Jeff được gọi đến phòng riêng của Louise Hollander. Cô ta khoác trên người cái áo choàng bằng lụa mỏng. “Cô muốn gặp tôi ư, cô chủ?”. “Anh có phải là kẻ đồng tính luyến ái không, Jeff?”. “Tôi không tin rằng đó là việc liên quan tới cô, thưa cô Hollander, thế nhưng câu trả lời của tôi là không. Tôi là một kẻ khó chiều”. Louise Hollander mỉm môi lại. “Anh thích loại đàn bà nào? Gái làm tiền chăng?”. “Thỉnh thoảng. Còn gì không, cô chủ?”. “Có Tôi sẽ mở một bữa tiệc vào tối mai. Anh có muốn dự không?”. Jeff nhìn người phụ nữ hồi lâu trước khi trả lời. “Sao lại không”. Chuyện bắt đầu theo cách đó. Louise Hollander đã có hai đời chồng trước khi đến tuổi hai mươi mốt, khi gặp Jeff thì luật sư của cô ta cũng chỉ mới vừa hoàn thành một giải pháp đối với ông chồng thứ ba. Đêm thứ hai kể từ khi họ buông neo trong cảng Papecte, và vào lúc khách khứa cùng đám thủy thủ đã lên bờ cả, Jeff nhận được lệnh đến khu ca bin của Louise Hollander. Khi Jeff tới nơi, cô ta xuất hiện trong tấm váy áo bằng lụa sặc sỡ, xẻ hai bên tới tận đùi. “Tôi đang cố cởi cái thứ này ra”, cô ta nói. “Vậy mà cái khóa kéo bị hỏng”. Jeff bước lại xem xét. “Nó làm gì có khóa kéo”. Cô ta nhìn vào mắt Jeff và mỉm cười. “Tôi biết chứ. Cái đó chính là chỗ rắc rối đấy”. Họ làm tình với nhau ngay trên mặt boong, nơi những làn gió nhiệt đới nhẹ nhàng vuốt ve thân thể họ như một sự âu yếm. Sau đó, họ nằm nghiêng người, quay mặt vào nhau. Jeff chống khuỷu tay lên và nhìn xuống Louise. “Cha cô không phải là cảnh sát trưởng chứ?” Jeff hỏi. Cô ngồi dậy, ngạc nhiên. “Cái gì?”. “Cô là người thành phố đầu tiên mà tôi đã ăn nằm cùng. Chú Willie đã cảnh cáo tôi rằng cha của các cô gái thành phố thường là cảnh sát trưởng cả”. Từ đó, đêm nào họ cũng làm tình. Lúc đầu bạn bè của Louise thấy buồn cười. Họ đã nghĩ Jeff lại là thứ đồ chơi mới của Louise. Thế nhưng khi cô ta thông báo ý định sẽ cưới Jeff thì họ sững người vì ngạc nhiên. “Hãy vì Chúa, Louise, cậu ta chả là cái gì cả. Cậu ta xuất thân từ một gánh tạp kỹ thôi mà. Lạy Chúa, có thể là cậu đang định cưới một gã lực điền. Cậu ta đẹp trai ... đành rằng thế. Và cậu ta có thể làm tình tuyệt vời. Nhưng ngoài chuyện tình dục, hai người dứt khoát là không có gì chung cả, bạn thân mến”. “Louise, Jeff chỉ là thứ lót dạ chứ đâu phải bữa tiệc chiều”. “Cô còn phải tính đến địa vị xã hội nữa chứ”. “Nói thẳng ra thì cậu ta sẽ không thể nào phù hợp được, phải vậy không, thiên thần của tôi?”. Nhưng không gì có thể lay chuyển Louise. Jeff là người đàn ông tuyệt diệu nhất mà cô ta từng biết. Cô đã phát hiện ra rằng những người đàn ông quá đẹp trai đều hoặc là ngu xuẩn hoặc là chậm chạp tới mức không chịu được còn Jeff thì vừa thông minh, vừa hóm hỉnh, và sự kết hợp của hai thứ đó là một sự quyến rũ khó mà cưỡng lại. Khi Louise đề cập tới chuyện cưới xin, Jeff cũng kinh ngạc y hệt như bạn bè của cô ta. “Tại sao lại thế. Cô đã có thể xác tôi rồi còn gì. Tôi không thể hiến cho cô cái mà tôi không có”. “Thật đơn giản thôi, Jeff. Em yêu anh. Em muốn chia sẻ cuộc sống của em với anh cho tới cuối đời”. Chuyện cưới xin vốn là một ý nghĩ xa lạ, và đột nhiên vấn đề trở thành ngược lại. Dưới vẻ bề ngoài tinh tế và quảng giao của Louise Hollander, thực ra là một cô gái yếu đuối, đáng thương. Cô ấy cần có mình, Jeff nghĩ. Ý nghĩ về một cuộc sống gia đình ổn định, và con cái, bỗng trở nên hấp dẫn mạnh mẽ. Đối với Jeff thì có vẻ như là anh đã liên tục chạy một quãng đường quá dài ... dài đến không còn tới được nữa. Đã đến lúc phải dừng lại. Ba ngày sau, họ kết hơn tại tòa thị chính Tahiti. Khi họ quay trở về New York, Jeff được triệu đến văn phòng của Forgarty, luật sư riêng của Louise, một người đàn ông bé nhỏ, lạnh lùng, miệng luôn mím chặt. “Tôi có một văn bản để anh ký đây”, viên luật sư tuyên bố. “Loại văn bản gì vậy?”. “Một cam kết. Nó chỉ xác nhận rằng trong trường hợp cuộc hôn nhân của anh với Louise Hollander ...”. “Louise Stenvens chứ?”. “Với Louise Stenvens tan vỡ, anh sẽ không đòi chia sẻ về tài chính đối với ...”. Jeff nghiến răng. “Ký vào đâu?”. “Anh không muốn ngồi đọc xong à?”. “Không. Tôi không cho rằng ông hiểu vấn đề. Tôi không cưới cô ta vì cái chuyện tiền bạc chết tiệt ấy”. “Đúng vậy, ông Stenvens? Tôi chỉ ...”. “Ông muốn tôi ký vào đó hay không?”. Viên luật sư đặt tờ giấy ra trước Jeff. Anh nghuệch ngoạc ký vào rồi hầm hầm bỏ ra ngoài. Chiếc xe hơi sang trọng của Louise và người tài xế đã đợi sẵn. Khi chui vào xe, Jeff bật cười. Có trời mà biết tại sao mình lại nổi đóa lên như thế” Cuộc đời mình là cuộc đời của một kẻ lường gạt, và lần đầu tiên khi mình định ngay thẳng thì người ta lại sợ bị lừa - Jeff thấy mình xử sự thật kỳ cục. Louise đưa Jeff tới một hiệu may hạng nhất ở Manhattan “Trông anh sẽ thật tuyệt vời trong bộ đồ buổi tối đấy” cô ta dỗ dành. Và quả là thế thật. Chị chưa đầy hai tháng sau ngày cưới, cô bạn thân nhất của Louise đã cố quyến rũ chàng thanh niên tuấn tú mới xuất hiện này, thế nhưng Jeff lờ hết. Anh quyết tâm làm cho cuộc hôn nhân trở thành tốt đẹp. Budge Hollander, anh trai của Louise, tiến cử Jeff làm một chân hội viên trong câu lạc bộ dành riêng Pilgrim New York, và được chấp thuận. Budge 1à một người đàn ông to béo, tuổi trung niên, chủ một công ty tàu biển, một đồn điền trồng chuối, nhiều đồng cỏ chăn nuôi, một công ty đóng thịt hộp, và nhiều thứ khác nữa mà Jeff không đếm xuể. Budge Hollander đã chẳng cần giấu giếm sự khinh thị của ông ta với Jeff. “Thật ra thì cậu không thuộc tầng lớp chúng tôi, phải vậy không? Nhưng chừng nào cậu làm hài lòng Louise trên giường, thì chừng đó mọi chuyện sẽ tết cả. Tôi rất yêu quý em gái tôi”. Jeff đã phải dùng hết sức mạnh ý chí để tự kiềm chế. Mình không cưới cái lão khốn kiếp này. Mình cưới Louise - anh tự nhủ. Những hội viên khác của câu lạc bộ Pilgrin thì cũng tệ hại như vậy. Họ thấy Jeff thật đáng tức cười, các buổi trưa bọn họ đều ăn tại câu lạc bộ, và đề nghị Jeff kể cho nghe chuyện về quá khứ của mình. Và Jeff đã cố tình làm cho những câu chuyện càng thêm vẻ tàn nhẫn. Jeff và Louise sống trong một biệt thự 25 phòng, với đầy kẻ hầu người hạ, ở khu Đông Manhattan. Louise có các dinh cơ ở Long Island và Bahamans, có biệt thự ở Sardinia, và căn hộ lớn trên đại lộ Foch ở Paris. Ngoài chiếc du thuyền, Louise còn có một.chiếc Maserati, một chiếc Rolls Corniche, một chiếc Lamborghini và chiếc Damler - những chiếc xe hơi hảo hạng. Một buổi sáng Jeff tỉnh dậy trên chiếc giường kiểu thế kỷ Mười tám, mặc lên người áo ngủ Sulka, và đi tìm Louise. Anh thấy vợ trong phòng ăn sáng. Anh phải kiếm một việc làm, Jeff nói với vợ. “Để làm gì chứ, anh yêu? Chúng ta không cần tiền mà”. “Không phải là chuyện tiền nong. Em đừng nghĩ rằng tôi có thể hài lòng ngồi không và được bưng đồ ăn tới tận miệng. Anh phải làm việc “. Louise nghĩ ngợi một lát. “Cũng được, thiên thần của em. Em sẽ nói với Budge. Anh ấy có một hãng cổ phiếu. Anh có muốn trở thành một người mua bán cổ phiếu không, anh yêu?”. “Gì cũng được, miễn là có việc làm”. Jeff càu nhàu. Thế Jeff đi làm công cho Budge. Trước đây, anh chưa bao giờ có việc làm mà giờ giấc ổn định cả. Mình sẽ yêu thích công việc, Jeff hy vọng. “Khi nào thì em và anh sẽ có một đứa con? “Jeff hỏi Louise, sau bữa ăn sáng hôm chủ nhật. “Ngay thôi mà, anh yêu. Em đang cố đấy”. “Lên giường nào. Chúng ta lại thử một lần nữa xem sao”. Jeff được xếp ngồi cùng bàn ăn dành riêng cho ông anh vợ và dăm ông chủ khác trong câu lạc bộ Pilgrin. Budge loan báo. “Các bạn thân mến, chúng tôi mới công bố báo cáo hàng năm của công ty thịt hộp. Lợi nhuận lên tới 40 phần trăm”. “Thì làm sao không lời thế được chứ?” Một người trong bọn cười lớn. “Anh đã hối lộ cái bọn thanh tra chết tiệt ấy” Ông ta quay sang nói với mấy người kia. “Ông bạn Budge khôn ngoan của chúng ta đây mua thịt phế phẩm, cho đóng mác thượng hạng vào rồi bán mà”. Jeff giật mình. “Mọi người ăn thứ thịt đó, lạy Chúa. Họ cho cả trẻ con ăn nữa. Ông ta đùa vậy thôi, phải không anh Budge?”. Budge cười phá lên. “Trông anh chàng đạo đức kìa!”. Trong ba tháng tiếp theo đó Jeff đã biết rõ về những người ngồi ăn cùng bàn với mình. Edxeller đã bỏ ra cả triệu bạc hối lộ để có thể xây dựng một nhà máy ở Libi. Mike Quincef, đứng đầu một tổ hợp công nghiệp, là một tên kẻ cướp chuyên mua lại các công ty chứng khoán và mách nước bất hợp pháp cho đồng bòn khi nào nên bán hoặc nên mua các cổ phiếu. Alan Thompson, người giàu nhất a bàn ăn này đã khoe khoang chính sách của công ty hắn, “Trước khi người ta thay đổi các điều luật đó, chúng tôi thường sa thải những người già một năm trước khi họ đến tuổi về hưu. Tiết kiệm được cả một gia tài đấy”. Tất cả bọn họ đều trốn thuế, gian dối trong lĩnh vực bảo hiểm, đưa ra những báo cáo chi phí láo toét, và đưa tình nhân của mình vào danh sách trả lương dưới danh nghĩa thư ký hoặc trợ lý gì đó. Lạy Chúa, Jeff nghĩ. Bọn họ cũng chỉ là những kẻ lường gạt ăn mặc sang trọng mà thôi. Những bà vợ thì cũng chẳng khá hơn. Họ vơ vét tất cả những gì mà bàn tay tham lam của họ có thể với tới và lừa dối những ông chồng của mình. Bọn họ đều chơi trò “Chìa khóa”, Jeff nghĩ mà thấy kinh tởm. Khi Jeff cố gắng kể lại cảm nghĩ của mình với Louise, cô ta cười phá lên. “Đừng có ngây thơ, Jeff. Anh đang sung sướng với cuộc sống này, phải không nào?”. Sự thật thì không phải là anh sung sướng gì. Jeff cưới Louise bởi vì tin rằng cô ta cần đến mình, và cho rằng con cái sẽ biến chuyển mọi thứ. “Chúng ta hãy có một đứa con đi. Đến lúc rồi. Chúng ta đã cưới nhau đã một năm còn gì”. “Thiên thần của em, hãy kiên nhẫn. Em đã tới bác sĩ, và ông ta bảo em không có vấn đề gì. Có thể là anh nên đi kiểm tra xem có bình thường không”. Jeff “không có trục trặc gì trong việc sản sinh ra những đứa con khỏe mạnh”, ông bác sĩ bảo đảm như vậy. Vậy mà vẫn không có gì xảy ra. Vào cái ngày thứ hai đen tối đó, thế giới của Jeff tan vở. Nó bắt đầu vào buổi sáng khi anh vào tủ thuốc của Louise để kiếm một viên Apspirin, và thấy cả một giá đầy những thuốc tránh thai. Trong số đó có một hộp đã được dùng gần hết. Nằm ngay bên cạnh nó là một cái lọ đựng thứ bột trắng tinh và cái muỗng nhỏ mạ vàng. Và tất cả chỉ mới chỉ là bắt đầu của ngày hôm đó. Buổi trưa, trong lúc Jeff đang ngồi trong một chiếc ghế bành lớn, sâu lút ở câu lạc bộ Pilgrin để chờ Budge thì nghe tiếng hai người đàn ông nói chuyện phía sau. “Cô ả thề sống thề chết rằng cái thằng cha ca sĩ người Ý đó làm tình khỏe lắm”. “Ồ, ả Louise thì luôn thích cái của đó”. Họ đang nói về một Louise nào khác, Jeff tự nhủ. “Có thể đó là lý do mà ả cưới vội cái thằng tạp kỹ kia. Thế mà ả đã tự kể những mẩu chuyện khôi hài về thằng nhóc đó. Anh sẽ không thể tin nổi những điều hắn đã từng làm hồi trước ...”. Jeff đứng phắt dậy và loạng choạng bỏ ra khỏi câu lạc bộ, giận dữ khủng khiếp, một cảm giác chưa bao giờ có. Jeff muốn giết chóc, muốn giết cái anh chàng người Ý nào đó, muốn giết Louise. Trong một năm qua, không biết cô ta đã ăn nằm với bao nhiêu người đàn ông khác nữa? Bọn họ đã cười vào mũi anh trong suốt thời gian vừa rồi. Budge, Ed Zeller, Mike, Quincy, Alan Thompson và mấy mụ vợ đã và đang giễu cợt, nhạo báng anh. Và cả Louise nữa, cái người phụ nữ mà Jeff muốn che chở. Phản ứng đầu tiên của Jeff là muốn thu xếp hành trang và xéo đi ngay. Nhưng thế thì không hay ho gì, bọn khốn nạn kia sẽ là người có tiếng cười sau cùng. Chiều hôm đó, khi Jeff về nhà anh thì Louise vẫn chưa về. “Bà đi từ sáng”, Pickens, người quản gia nói. “Tôi nghĩ là bà mắc hẹn gì đó”. Thì chắc vậy, Jeff nghĩ, với thằng cha ca sĩ người Ý đó chứ còn gì nữa. Lạy Chúa. Cho tới lúc Lomse trở về thì Jeff đã hoàn toàn bình tĩnh. “Một ngày tốt lành cả chứ, em?” Jeff hỏi. “Ôi, vẫn những chuyện tẻ nhạt hàng ngày ấy mà, anh yêu đi sửa sang đầu tóc, mặt mũi một chút này, đi mua sắm này ... Còn anh thế nào, thiên thần của em?”. “Rất thú vị”, Jeff nói đúng sự thực. “Anh đã hiểu biết thêm nhiều điều”. “Anh Budge nói với em là anh làm việc rất tốt”. “Đúng vậy”. Và anh sẽ làm tốt hơn nữa”. Louise vuốt ve tay Jeff. “Đức ông chồng tuyệt vời của em. Lên giường với em sớm đi nào”. “Tối nay thì không”, Jeff. “Anh nhức đầu lắm”. Suốt cả tuần tiếp theo, Jeff tính toán các kế hoạch của mình. Một bữa trưa tại câu lạc bộ, anh bắt đầu. “Có ai trong số các ông biết tí gì về những vụ lừa gạt bằng máy tính điện tử không?”. “Sao vậy?” Ed Zeller muốn biết. “Cậu định làm một vụ à?”. Tất cả cười ồ lên. “Không, tôi nói chuyện nghiêm túc đấy”, Jeff nói chắc nịch. “Đó là một vấn đề lớn. Người ta đang lợi dụng các máy tính điện tử để cướp đoạt các nhà băng, công ty bảo hiểm và các ngành khác nữa hàng tỷ đô la. Và tình hình ngày càng tệ hại thêm”. “Có vẻ đúng lĩnh vực của cậu.đấy”. Budge làu bàu. “Tôi đã gặp một người có cái máy tính mà ông ta cam đoan rằng không thể nào lợi dụng nó được”. “Và cậu muốn quật ngã hắn à?” Mike Quincy đùa. “Trên thực tế, tôi quan tâm tới việc hùn tiền để tài trợ cho ông ta. Tôi chỉ băn khoăn không biết có ai trong các ông biết đôi chút về máy tính không”. “Không”. Budge cười lớn. “Nhưng bọn ta biết mọi thứ về việc tài trợ cho một nhà sáng chế, có phải thế không, anh bạn?”. Cả bọn lại cười phá lên. Hai ngày sau, Jeff bỏ qua cái bàn thường lệ vẫn ngồi và giải thích với Budge. “Tôi xin lỗi, tôi không ngồi cùng các ông hôm nay được. Tôi có mời một người khách ăn trưa ở đây”. Khi Jeff đã bỏ sang bàn khác, Alan Thompson cười cợt. “Có lẽ là chú nhóc sẽ ăn trưa với cô ả có râu ở rạp xiếc đấy”. Một người đàn ông tóc bạc dáng gù gù bước vào phòng ăn và được đưa tới bàn Jeff. “Lạy Chúa!” Mike Quincy kêu lên. “Đó có phải là giáo sư Ackerman không?”. “Giáo sư Arkerman là ai vậy?”. “Anh không bao giờ đọc gì khác ngoài các báo cáo tài chính ư, Budge? Vernon Ackerman được in hình trên trang bìa của tờ Time hồi tháng trước đấy. Ông ta là Chủ tịch Ủy ban khoa học quốc gia của Tổng thống. Hiện đang là nhà khoa học danh tiếng nhất đất nước”. “Ông ta có chuyện quỷ quái gì với cậu em rể yêu quý của tôi thế nhỉ?”. Jeff và vị giáo sư mải mê trao đổi một câu chuyện gì đó suốt cả bữa trưa, còn Budge và bạn hữu của ông ta thì càng trở nên tò mò hơn. Khi vị giáo sư về, Budge vẫy Jeff lại bàn mình. “Này, Jeff. Ai đó?”. Vẻ mặt Jeff đầy ngượng nghịu “ờ ... ý anh muốn hỏi Vernon ấy à?”. “Phải. Hai người nói chuyện về vấn đề gì vậy?”. “Chúng tôi ... Ờ ...” Những người kia nhìn vẻ mặt cũng thừa biết Jeff muốn lẩn tránh câu hỏi này. “Tôi ... ờ ... Định viết một cuốn sách về ông ta. Ông ta là một nhân vật rất thú vị”. “Tôi đã không biết rằng cậu còn là một nhà văn đấy”. “Ồ, tôi nghĩ là chuyện gì mà chẳng cần phải có sự khởi đầu”. Ba ngày sau, Jeff có một vị thực khách khác. Lần này thì Budge là người nhận ra ông ta. “Kìa! Đó là Seymonr Jarett, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty máy tính quốc tế Jarett đấy. Lão ta có chuyện trời đánh gì với Jeff không biết?”. Và Jeff cùng với vị khách của anh lại trao đổi một câu chuyện dài đầy sôi nổi. Khi bữa trưa đã qua, Budge tìm bằng được Jeff. “Jeff thân mến, cậu có chuyện gì với Seymonr Jarett vậy?”. “Có gì đâu”, Jeff đáp nhanh, “chỉ một chút chuyện phiếm ấy mà”. Anh định bỏ đi. Budge chặn lại. “Đừng vội thế, cậu bé thân mến. Seymonr Jarett bận trăm công ngàn việc. Không đời nào ông ta ngồi lê nói chuyện suông đâu”. Jeff nghiêm chỉnh trở lại. “Thôi được. Sự thực là Seymonr sưu tầm tem, Budge ạ, và tôi nói với ông ta về một con tem tôi có thể kiếm được cho ông ta thôi mà”. Sự thực cái đít tao đây này, Budge nghĩ. Tuần lễ sau đó, Jeff ăn trưa tại câu lạc bộ với Charlie Bartlett, chủ tịch. của hãng Bartlett Bartlett, một trong số những hãng đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới. Budge, Ed Zeller, Alan Thompson và Mike Quincy kinh ngạc nhìn hai người trò chuyện, đầu ghé sát vào nhau. “Cậu em rể của anh đạo này chắc hẳn có những người bạn đường tầm cỡ”, Zeller bình luận. “Không biết nó đang toan tính gì thế nhỉ, Budge?”. Budge bực bội đáp. “Tôi đâu có biết, quỷ tha ma bắt đi nếu như tôi không mò ra điều đó. Nếu mà Jarett và Bartlett đã quan tâm đến, thì dứt khoát chuyện phải liên quan tôi một hũ tiền”. Họ thấy Bartlett đứng lên sốt sắng bắt tay Jeff và ra về Khi Jeff đi ngang qua bàn họ, Budge túm lấy cánh tay anh. “Ngồi xuống, Jeff. Chúng tôi có câu chuyện nhỏ muốn nói với cậu”. Tôi phải trở lại văn phòng”, Jeff khước từ: “Tôị.”. “Cậu làm việc cho tôi, cậu nhớ chứ? Ngồi xuống”. Jeff miễn cưỡng ngồi. Budge tiếp tục. “Cậu ăn trưa với ai thế”. Jeff ngập ngừng. “Không có gì đặc biệt đâu. Một người bạn cũ ấy mà”. “Charlie Bartlettt mà là một người bạn cũ?”. “Đại loại thế”. “Vậy cậu và ông bạn cũ Charlie quý hóa đó bàn chuyện gì vậy, Jeff “Trời ... chủ yếu là về ô tô. Ông bạn Charlie rất khoái những chiếc ô tô cổ kính, và tôi có nghe về một chiếc Packard 37, bốn cửa, có thể tháo rời ...”. “Dẹp mẹ chuyện đó đi?” Budge quát lên. “Cậu không sưu tầm tem hay bán chác xe cộ, hay viết sách siếc mẹ gì hết. Cậu thực sự đang bận tâm về việc gì hả?”. “Không có gì cả. Tôi ...”. “Cậu đang kiếm tiền cho một vụ gì đó phải không, Jeff “ EdZel1er hỏi thẳng. “Không mà”. Anh đáp hơi quá nhanh một chút. Budge choàng cánh tay lực lưỡng ôm ngang người Jeff. “Này, anh bạn, đây là anh rể cậu. Chúng ta là người nhà, cậu nhớ chứ? “ Ông ta ôm chặt lấy Jeff. “Đó là chuyện liên quan tới cái Máy tính loại an toàn mà cậu đã nhắc tới hồi tuần trước phải không?”. Nàng vẻ mặt Jeff họ có thể thấy rằng đã bắt nọn được anh. “Thì đúng vậy đấy”. “Tại sao cậu đã không nói với chúng tôi về sự tham gia của giáo sư Ackerman?”. “Tôi không nghĩ rằng các ông sẽ quan tâm”. “Cậu đã nhầm. Khi cần vốn, cậu phải tới gặp bạn bè”. “Ngài giáo sư và tôi đâu có cần vốn”, Jeff nói. “Jarett và Bartlett ...”. – Jarett và Bartlett là những con cá mập khốn khiếp! Bọn họ sẽ nuốt sống cậu”. Alan Thompson kêu lên. Ed Zeller chộp lấy cái ý đó. “Jeff, khi cậu làm ăn với bạn bè, cậu sẽ không bị thua thiệt”. “Mọi việc đã được thỏa thuận rồi”, Jeff bảo bọ. “Cậu đã ký một thứ gì chưa?”. “Chưa, nhưng tôi đã hứa”. “Vậy thì chưa có gì được thỏa thuận cả. Trời đất, Jeff, trong chuyện kinh doanh người ta thay đổi ý kiến từng giờ”. “Tôi thực là không nên thảo luận chuyện này với các ông”, Jeff lớn tiếng. “Không được nhắc đến tên của giáo sư Ackerman. Ông ấy đang làm việc theo hợp đồng cho một cơ quan của chính phủ”. “Chứng tôi biết thế”, Thompson nới vẻ thông cảm. “Ngài giáo sư có cho là cái máy đó chắc chắn bảo đảm không?”. “Ồ, ông ấy biết chắc điều đó”. “Nếu đối với Ackerman mà nó là tốt, thì với chúng tôi nó cũng tất, phải vậy không các bạn?”. Tất cả đều tỏ ý tán thành. “Nhưng này, tôi không phải là một nhà khoa học”. Jeff nói. “Tôi không thể bảo đảm bất kỳ điều gì. Theo chỗ tôi hiểu, các thứ này có thể là chẳng có giá trị gì cả”. “Được rồi. Chúng tôi hiểu. Nhưng vẫn bảo rằng nó có giá trị của nó, Jeff ạ. Cái máy này có thể to bằng chừng nào”. “Anh Budge, thị trường cho cái máy này sẽ rộng khắp thế giới. Thậm chí tôi không biết nói thế nào cả. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng nó”. “Khoán tài trợ ban đầu mà cậu đang tìm kiếm là bao nhiêu?”. “Hai triệu đô la, nhưng hiện tất cả chúng tôi chỉ còn là hai trăm năm mươi nghìn đôla, Bartlett đã hứa ...”. “Quên Bartlett đi. Ngần đó là gì đâu, anh bạn thân mến. Chúng ta sẽ tự thu xếp lấy, giữ nó trong phạm vi gia đình. Phải không”. “Phải quá đi chứ”. Budge ngẩng lên và búng ngón tay, một người bồi bàn vội chạy đến. “Dominick này, mang cho ông Stevens vài tờ giấy và một cây bút”. Giấy bút được cung cấp gần như tức khắc. “Chúng ta có thể gói ghém câu chuyện này vào đây”. Budge nói với Jeff. “Cậu làm ngay văn bản, dành mọi quyền cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ ký vào đó, sáng mai cậu sẽ nhận một tấm séc bảo đảm, trị giá hai trăm năm mươi ngàn đô la. Cậu thấy thế được không nào?”. Jeff cắn môi. “Anh Budge, tôi đã hứa với ông Bartlett ...”. “Kệ mẹ lão Bartlett”, Budge gầm lên. “Cậu đã lấy em gái lão hay em gái tôi? Nào, viết đi”. “Chúng tôi chưa có bằng phát minh của cái máy này, và ...”. “Viết đi, quỷ tha ma bắt?” Budge ấn cái bút vào tay Jeff. Vẻ đầy miễn cưỡng, Jeff viết: “Văn bản này sẽ trao toàn bộ quyền bản hiệu, và lợi nhuận của tôi đối với chiếc máy điện toán mang tên SUCABA cho những người mua lại bản quyền là Donald Budge Hollanđer, Eđ Zekker, Alan Thompson và Mike Quincy với giá hai triệu đô la, trả ngay hai trăm năm mươi ngàn đô la khi ký văn bản này. SUCABA cần được thử nghiệm rộng rãi, giá rẻ, vận hành bảo đảm không có trục trặc, và sử dụng ít năng lượng hơn so với bất kỳ một máy điện toán nào khác hiện đang lưu hành trên thị trường. SUCABA không có yêu cầu bảo dưỡng hoặc thay thế linh kiện trong một giai đoạn ít nhất là mười năm? Tất cả bọn họ đều đứng ngay sau nhìn Jeff viết. “Lạy Chúa!” Ed Zel1er nói. “Mười năm? Không ai dám tuyên bố báo đảm như vậy cho bất kỳ một chiếc máy nào khác trên thị trường”. Jeff tiếp tục. “Những người mua hiểu rằng cả giáo sư Vernon Ackermman lẫn tôi đều chưa cầm bằng phát minh của chiếc SUCABA ...”. “Chúng tôi sẽ lo chuyện đó”, Alan Thompson sốt ruột cắt ngang. “Dĩ nhiên là tôi có một luật sư chuyên về bằng phát minh”. Jeff vẫn đang viết tiếp. “Tôi đã nói rõ với những người mua rằng SUCABA có thể không hề có giá trị gì, và rằng cả giáo của Ackkekrman và tôi đều không làm bất kỳ một sự giới thiệu hay bảo đảm gì về SUCABA trừ những điều nói trên. Anh ký xuống dưới và giơ tờ giấy lên. “Các ông có hài lòng không?”. “Cậu chắc về chuyện mười năm chứ”“ Budge hỏi. Bảo đảm. Tôi sẽ làm một bản sao nữa”. Jeff nói. Họ theo dõi anh thận trọng chép lại những gì đã viết. Budge chộp lấy mấy tờ giấy từ tay Jeff và ký tên lên đó Zeller, Quincy, và Thompson làm theo. Budge cười hể hả. “Một bản cho chúng tôi, một bản cho cậu. Vậy là các ông bạn Seymour Jarett và Charlie Bartltt sẽ bị ném trứng thối vào mặt, ha, phải không các bạn? Tôi nóng lòng chờ đợi lúc họ biết rằng họ đã bị loại khỏi vụ này”. Sáng hôm sau, Budge đưa cho Jeff một tấm séc bảo đảm trị giá hai trăm năm mươi ngàn đô la. “Cái máy tính đâu?” Budge hỏi. “Tôi đã thu xếp để nó được chuyển lên đây, tại câu lạc bộ này, vào lúc buổi trưa. Tôi nghĩ rằng như thế là phù hợp nhất vì rằng chúng ta sẽ đều có mặt khi anh nhận nó”. Budge vỗ vỗ vào vai Jeff. “Cậu biết đấy, Jeff, cậu là một tay khá. Hẹn gặp lại vào buổi trưa”. Khi trưa đến, một người giao hàng mang một cái hộp xuất hiện trước cửa phòng ăn của câu lạc bộ Pilgrin và được đưa tới bàn của Budge, nơi ông ta cùng ngồi với Zeller, Thompsom và Quincy. “Đây rồi?” Budge kêu lên. “Lạy Chúa! Cái máy lại còn xách tay được cơ chứ”. “Chúng ta có nên đợi Jeff không”“ Thompson hỏi. “Kệ mẹ nó. Cái này giờ đây là của bọn ta”. Budge xé bỏ lớp giấy bọc ngoài của cái hộp. Trong đó là một ổ rơm. Ông ta thận trọng tới mức gần như kính cẩn nhắc cái vật nằm trong đó ra. Cả bọn ngồi lặng nhìn chằm chằm vào đó. Nó là một cái khung hình chữ nhật nhỏ nhắn, có một loạt cái que ngang, trên đó có sâu những viên gỗ nhẵn bóng, tròn tròn. Tất cả im lặng hồi lâu. “Cái gì vậy?” Sau cùng thì Quincy cất tiếng. Alan Thompson nói. “Nó là một cái bàn tính. Một trong những thứ mà người phương Đông dùng để đếm ...”. Mặt ông ta chợt tái ngắt. “Lạy Chúa SUCABA là cách viết đảo ngược của chữ ABACUS - nghĩa là bàn tính”. Ông ta quay sang Budge. “Một kiểu đùa giỡn gì chăng”. Zelle dằn từng tiếng. “Vận hành bảo đảm không trục trặc kỹ thuật, tiêu hao ít năng lượng hơn so với bất kỳ một máy tính điện toán nào hiện có trên thị trường ... chặn ngay cái séc ngớ ngẩn kia lại”. Cả bọn lao tới bên máy điện thoại. “Séc bảo đảm của ngài ư? “ Người kế toán trưởng đáp, “Không có gì phải lo ngại cả. Sáng nay ông Stevens đã rút tiền mặt rồi ạ”. Pickens, người quản gia hết sức bối rối. “Nhưng quả thực là ông Jeff Stevens đã sắp xếp hành lý và đã ra đi. Ông ấy nói gì đó về một chuyến đi xa”. Chiều hôm đó, Budge cuống cuồng tìm cách liên lạc với giáo sư Vernon Ackerman. “Đúng vậy. Jeff Stevens. Một chàng trai hấp dẫn. Ông nói là em rể ông à?”. “Thưa giáo sư, ngài và Jeff đã thảo luận về chuyện gì thế?”. “Tôi cho rằng chả có gì phải bí mật cả. Jeff sốt sắng muốn viết một cuốn sách về tôi. Cậu ta đã thuyết phục tôi rằng thế giới muốn biết về con người thật của một nhà khoa học”. Seymonr Jarett rất kín miệng. “Tại sao ông lại muốn biết ông Jeff Stevens và tôi đã bàn bạc gì? Ông là một người sưu tầm tem cạnh tranh với Jeff à?”. “Không tôi ...”. “Ồ, ông sẽ không lợi lộc gì trong việc xía ngang thế này đâu. Hiện chỉ còn duy nhất có một con tem như vậy thôi, và ông Stevens đã đồng ý bán cho tôi khi ông ta kiếm được”. Budge đã biết Charlie Bartlett sắp nói gì trước cả khi ông ta mở miệng. “Jeff Stevens? Ồ, phải, tôi sưu tầm xe hơi cổ. Cậu Jeff biết nơi có chiếc Packard 37 bốn cửa có thể tháo rời, vẫn còn mới nguyên” ... “Đừng lo”, Budge nói với đồng bọn. “Chúng ta sẽ thu hồi tiền của ta lại và ném thằng chó đẻ ấy vào tù cho tới mãn đời nó. Kiệm một cái lệnh bắt”. “Ông có cái hợp đồng đó ở đây không, Budge?”. “Có ngay đây”. Ông ta đưa cho Fogarty văn bản mà Jeff đã thảo ra và ông ta đã ký vào. Viên luật Sư nhìn lướt qua một lượt rồi chậm rãi đọc lại. “Hắn có cưỡng ép các ông ký tên vào đây không?”. “Sao, không!” Mike Quincy nói. “Chúng tôi đòi ký”. “Các ông có đọc trước không?”. Ed Zeller bực bội đáp. “Dĩ nhiên là chúng tôi đã đọc. Ông nghĩ rằng chúng tôi ngu ngốc cả à?”. “Cái đó xin để các ông tự đánh giá. Các ông đã ký một hợp đồng xác nhận là các ông đã được cho biết rằng cái mà các ông mua với số tiền hai trăm năm mươi ngàn đô la là một đồ vật chưa được cấp bằng phát minh và có thể hoàn toàn chẳng đáng giá gì. Theo cách nói của một giáo sư già cả như tôi thì, các ông đã bị chơi một vố thật đau một cách hết sức trịnh trọng”. Ở Reno, Jeff đã xin ly dị. Và chính trong thời gian ổn định nơi ăn chốn ở tại đó anh đã gặp Conrađ Morgan, người đã có một thời gian làm việc cho chú Willie. “Cậu có thể sẵn lòng giúp tôi một việc nhỏ không, Jeff Conrad Morgan nêu vấn đề, “Có một phụ nữ trẻ đi trên xe lửa từ New York tới St. Louis mang theo một ít kim cương ...”. Jeff lơ đãng nhìn qua cửa sổ máy bay và nghĩ về Tracy. Trên mặt anh thoáng một nụ cười. Khi Tracy trở lại New York, nơi dừng đầu tiên của nàng là trụ sở Conrad Morgan và công ty. Morgan đưa Tracy vào phòng làm việc của ông ta, đóng cửa lại, xoa xoa tay và nói. “Cô bạn thân mến, tôi đang rất lo lắng. “Tôi đã đợi cô ở St. Louis và ...”. “Ông đã không đến St. Louis”. “Cái gì? Ý cô định nói gì vậy?” “Cặp mắt xanh của ông ta nhướn cao, sáng lên tinh quái”. “Tôi muốn nói là ông đã không đi St. Louis. Ông chưa bao giờ có ý định đón tôi ở đó cả”. “Chắc chắn là không phải thế đâu. Cô có chỗ kim cương và tôi ...”. “Ông đã cử hai gã đàn ông đi cướp nó khỏi tay tôi”. Vẻ lúng túng hiện rõ trên khuôn mặt Morgan. “Tôi không hiểu gì cả”. “Lúc đầu tôi nghĩ là có sự rò rỉ trong tổ chức của ông, nhưng hóa ra không phải vậy, đúng không nào? Chính là ông. Ông bảo với tôi rằng ông đích thân lo vé tàu cho tôi, bởi vậy ông là kẻ duy nhất biết số ngăn tôi ngồi. Tôi dung một cái tên khác và đã hóa trang, nhưng người của ông đã biết chính xác nơi phải tìm tôi”. Khuôn mặt tròn ngộ nghĩnh của ông ta đẩy vẻ ngạc nhiên. “Cô đang định nói với tôi rằng có mấy kẻ nào đó đã cướp đoạt số kim cương của cô ư?”. Tracy mỉm cười “Tôi đang định nói với ông rằng họ đã không làm được điều đó”. Lần này thì vẻ ngạc nhiên trên mặt Morgan hoàn toàn thành thực. “Cô có trong tay chỗ kim cương”. “Đúng. Đám tay chân của ông vì quá vội ra sân bay nên đã bỏ chúng lại”. Morgan nhìn Morgan soi mói giây lát. “Xin lỗi”. Ông ta đi qua một cái cửa riêng sang phòng bên, còn Tracy thả mình ngồi xuống đi văng một cách thoải mái. Conrad Morgan mất dạng tới gần mười lăm phút, khi trở lại, khuôn mặt ông ta vẫn còn đọng vẻ hết hoảng. “Tôi sợ rằng đã có một sai lầm. “Một sai lầm lớn. Cô là một phụ nữ thông minh, cô Whitney. Cô đã kiếm được 25 ngàn đô la của cô”. Ông ta mỉm cười thán phục. “Trao cho tôi kim cương và ...”. “Năm mươi ngàn”. “Xin cô nói lại?”. “Tôi đã đánh cắp chúng hai lần. Vậy là phải năm mươi ngàn đô la, thưa ông Morgan”. “Không được”, ông ta nói dứt khoát. Cặp mắt tôi lại. “Tôi e rằng tôi không thể nào đưa cho cô tới ngần ấy được”. Tracy đứng dậy. “Hoàn toàn được thôi. Tôi sẽ thử tìm ai đó ở Las Vegas mà người đó cho rằng vậy là phải giá”. Nàng bước ra cửa. “Năm mươi ngàn đô la cơ à?” Conrad Morgan hỏi lại. Tracy gật đầu. “Chỗ kim cương đó ở đâu?”. “Trong một hộp thư lưu ở ga Penn, ngay khi nào ông trao tiền - tiền mặt - và đưa tôi ngồi vào một chiếc tắc xi, tôi sẽ trao ông chìa khóa”. Conrad Morgan thở dài cam chịu thất bại. “Cô đã ngã giá xong”. “Cảm ơn ông”, Tracy đáp vui vẻ. “Làm ăn với ông thật là dễ chịu”. Chương 19 Daniel Cooper đã biết về nội dung cuộc họp sáng hôm đó tại văn phòng của J.J.Reynolds, bởi vì, ngày hôm trước, tất cả các điều tra viên của công ty đã được nhận một tường trình về vụ trộm diễn ra cách đó một tuần ở ngôi nhà của LoisA Bellamy. Daniel Cooper rất ghét chuyện học hành. Ông ta luôn sốt ruột khi phải ngồi nghe những bài nói dài dòng và ngu ngốc. Cooper đến văn phòng của J.J.Reynolds muộn tới bốn mươi lăm phút, giữa lúc Reynolds đang phát biểu. “Thật hân hạnh là anh đã ghé đến”. J.J.Reynolds nói cạnh khóe. Không có phản ứng gì đáp lại. Chỉ tổ phí lời, Reynolds nghĩ bụng. Cooper không hiểu những lời nói mỉa mai - hay bất kỳ thứ gì khác, theo chỗ mà Reynolds hiểu mỗi việc làm cách nào để tóm được bọn tội phạm mà thôi. Và ở điểm này thì ông ta buộc phải thừa nhận thằng cha kia là một tài năng thật sự. Ngồi trong phòng của Reynolds là ba điều tra viên cự phách nhất của cộng ty: Davit Swift, Robert Schiffer và Jerry Davis. Tất cả các ông đều đã đọc báo cáo về vụ trộm ở nhà bà Bellamy”, Reynolđs nói: “Nhưng có điều mới cần nói thêm: Lois Bellamy chính là em họ của ông giám đốc cảnh sát. Ông ta đang làm ầm lên”. Thế cảnh sát hiện đang làm gì?” Davis hỏi. “Lẩn tránh báo chí. Không thể trách họ được. Đám cảnh sát điều tra như một lũ ngốc. Họ đã chuyện trò thực sự với tên trộm mà họ bắt gặp trong ngôi nhà, và rồi để ả chuồn mất”. “Vậy thì họ phải nhớ đúng nhận dạng của ả”, Swift nói. “Họ chỉ nhớ rõ về cái váy ngủ của ả thôi”, Reynolds đáp nhanh, vẻ khinh thị. “Tấm thân của ả đã gây ấn tượng mạnh đến nỗi đầu óc họ biến đâu mất cả. Thậm chí họ không biết cả màu tóc nữa. Ả ta đã đội một thứ mũ giữ tóc gì đó, và mặt thì trét kín kem. Họ mô tả đó là một phụ nữ chừng giữa tuổi hai mươi với bộ mông và cặp vú kỳ diệu. Không có được một dấu vết gì hết. Chúng ta không có thông tin gì để làm cơ sở. Không gì cả”. Lúc này, Daniel Cooper mới lên tiếng “Có, chúng ta có”. Tất cả quay sang nhìn ông ta, với nhiều mức độ khó chịu khác nhau: “Anh đang nói về cái gì vậy?” Reynolds hỏi. “Tôi biết cô ta là ai”. Từ hôm trước, khi đọc bản tường trình, Cooper quyết định phải xem xét ngôi nhà của bà Bellamy, vì đó là bước đi lôgic đầu tiên. Đối với Daniel, logic là sự trật tự mà. Chúa đã sắp đặt, là giải pháp cơ sở của mọi vấn đề và để đạt tới sự lôgic, người ta luôn phải bắt đầu từ đâu. Cooper đã lái xe chạy tới khu dinh thự của Benamy trên Đảo Dài, nhìn ngó một chút, vẫn không ra khỏi xe, quay đầu, và chạy tới Manhattan. Ông ta đã biết được tất cả những gì muốn biết. Ngôi nhà hoàn toàn biệt lập, và không có thứ phương tiện giao thông công cộng nào ở gần đó, điều đó có nghĩa là tên trộm chỉ có thể tới ngôi nhà bằng xe hơi riêng. Ông ta đang giải thích cho mấy người có mặt trong văn phòng của Reynolds. “Bởi vì không muốn sử dụng chiếc xe của mình vì sợ bị phát hiện, phương tiện mà cô ta dùng trên thực tế hoặc là đồ bị đánh cắp hoặc là đồ đi thuê. Trước tiên tôi quyết định tìm hiểu ở các hãng cho thuê xe đã. Tôi giả định rằng cô ta đã thuê xe ở Manhattan, nơi dễ che giấu vết tích nhất”. Jerry Davis không đồng tình. “Anh lại đùa rồi Cooper. Mỗi ngày ở Manhattan phải có tới hàng ngàn chiếc xe được cho thuê”. Cooper phớt lờ lời cắt ngang đó. “Tất cả các giao dịch thuê mướn xe đều được đưa vào máy tính. Người phụ nữ mà chúng ta đang đề cập đã tới hàng Budget ở số 61 trên đường 23 Tây lúc 20 giờ hôm xảy ra vụ trộm thuê một chiếc Chevy Caprlce và trả lại vào lúc 2 giờ sáng”. “Làm sao anh biết đó chính là chiếc xe mà ả đã sử dụng vào vụ trộm?”. Reynolds hỏi một cách hoài nghi. Cooper bắt đầu bực mình với các câu hỏi ngu ngốc này. “Tôi kiểm tra công tơ mét. Từ Manhattan tới dinh thự của Lois Bellamy là 32 dặm và 32 dặm trở về. Con số này hoàn toàn khớp với chỉ số trên đồng hồ đo của chiếc Caprice. Chiếc xe được thuê với cái tên Ellen Branch”. “Một cái tên giả”. David Swift đoán. “Đúng vậy. Tên thật cô ta là Tracy Wihitney”. Cả mấy người nhìn chằm chằm vào ông ta. “Làm thế quái nào mà anh biết điều đó?” Schiffer căn vặn. “Cô ta đã đưa tên và địa chỉ giả, nhưng còn phải ký giao kèo thuê xe. Tơi mang văn bản này qua bên kỹ thuật của cảnh sát để họ kiểm tra dấu tay. Những dấu tay trên đó là của Tracy Wihitney. Cô ta đã có thời gian nằm trong nhà tù dành cho phụ nữ Nam Louisiana. Nếu các ông còn nhớ thì biết rằng tôi đã nói chuyện với cô ta cách đây một năm về vụ mất cắp bức Renoir”. “Tôi nhớ”, Reynolds gật gù. “Khi đó anh đã nói rằng cô ta vô tội”. “Khi đó thì đúng vậy. Nhưng bây giờ thì không còn vô tội nữa. Cô ta đã làm vụ trộm ở nhà Bellamy”. Thằng cha khốn kiếp lại đã mò ra, và hắn ta đã làm cho nó trở nên đơn giản. Reynolds phải cố để khỏi tỏ ra ghen tị. “Thật là ... thật là một công việc hữu hiệu, Cooper. Thực sự hữu hiệu. Chúng ta sẽ ghim ả lại. Chúng ta sẽ báo cho cảnh sát tóm lấy ả và ...”. “Trên tội chứng gì? “ Coơper bình thản hỏi. “Tội thuê xe à? Cảnh sát không nhận diện được cô ta, và cũng không có một tý tẹo chứng cớ gì để chống lại cô ta cả”. “Vậy chúng ta sẽ phải làm gì?” Schiffer hỏi. “Để ả bỏ đi thản nhiên vậy sao?”. “Lần này thì đúng thế, Cooper trả lời. “Nhưng giờ thì tôi biết rõ rồi. Cô ta sẽ còn dính vào một vụ khác. Và khi đó tôi sẽ tóm cô ta”. Sau cùng thì cuộc họp đã kết thúc. Cooper muốn tắm lắm rồi. Ông ta lấy ra một cuốn sổ nhỏ màu đen và ghi rất cẩn thận:TRACY WIHITNEY. Chương 20 Đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống mới, Tracy quyết định. Nhưng sống thế nào đây? Mình đã từ một nạn nhân thành một ... gì nhỉ? Một kẻ trộm cắp - đúng vậy. Nàng nghĩ về Joe Romano, Anthony Orsatti, Perry Pope, và thẩm phán Lawrence. Không, mình chỉ là một kẻ báo thù. Vậy thôi. Hoặc giả lìa một kẻ phiêu lưu. Nàng đã vượt mặt cảnh sát, hai kẻ lừa gạt chuyên nghiệp, và một lão chủ kim hoàn lá mặt lá trái. Nàng nghĩ về Emestine với Amy, và cảm thấy ray rứt. Rồi vì một sự thôi thức từ đáy lòng, Tracy đi tới cửa hàng Schwarz và mua một bộ đồ chơi gồm nguyên một nhà hát kịch bằng búp bê, với khoảng nửa ta nhân vật, gửi cho Amy bằng đường bưu điện. Tấm thiếp đính kèm ghi dòng chữ MỘT VÀI NGƯỜI BẠN MỚI CHO CHÁU, NHỚ CHÁU NHIỀU. THN ÁI, TRACY. Tiếp đó nàng tới một cửa hàng bán đồ da, lông thú ở đại lộ Madison và mua một cái khăn quàng bằng lông cáo xanh cho Ernestine và gửi bưu điện cùng với một ngân phiếu hai trăm đô la. Tấm bưu thiếp đính kèm ghi một dòng đơn giản: CÁM ƠN, ERNESTINE. TRACY. Nợ nần giờ trả xong. Tracy nghĩ. Và đó là một cảm giác thanh thản. Tữ nay nàng hoàn toàn tự do, đi đâu, làm gì tùy thích. Nàng đã chào mừng sự độc lập của mình bằng việc thuê một căn hộ hạng nhất, trong khách sạn Helmsley Palace. Từ phòng khách của căn hộ trên tầng thứ 47 này, nàng có thể nhìn xuống nhà thờ lớn mang tên thánh Patrich và thấy cả cây cầu mang tên George Washington ở đằng xa. Chỉ cách đó vài dặm, theo một hướng khác, là cái nơi khủng khiếp mà nàng đã ở thời gian qua. Không bao giờ nữa, Tracy nhủ thầm. Nàng mở chai sâm banh mà bộ phận quản lý gửi tặng rồi ngồi nhấm nháp từng ngụm nhỏ, ngắm mặt trời lặn trên những tòa nhà chọc trời của Manhattan. Cho tới lúc trăng lên thì Tracy cũng đã có quyết định trong đầu: Sẽ đi London. Nàng đã sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp mà cuộc sống có thể mang lại. Mình đã hoàn thành nghĩa vụ. Tracy nghĩ. Mình xứng đáng được hưởng một chút hạnh phúc nào đó. Tracy nằm dài trên giường và bật ti vi xem bản tin muộn trong ngày. Hai người đàn ông đang được phỏng vấn. Boris Melinikov có vóc dáng thấp, đậm, mặc bộ complê màu nâu chẳng vừa vặn chút nào, và Pietr Negulesco ngồi đối diện thì cao, gầy, vẻ hào hoa. Tracy không thể hình dung hai người đàn ông này có thể có điểm gì tương đồng được. “Trận đấu cờ này sẽ được tổ chức ở đâu vậy?” Người phóng viên truyền hình hỏi. “Ở Sochi, bên bờ biển Đen tuyệt vời”, Mel1nikov đáp. “Cả hai anh đều là đại kiện tướng quốc tế, và trận đấu này đã thu hút sự chú ý rất lớn. Trong các trận đấu trước, các anh đã người này giành lại dành lại vô địch từ người kia, và trận cuối cùng mới đây thì ... hòa. Thưa anh Neguleso, hiện nay anh Melinikov đang giữ danh hiệu vô địch. Anh có nghĩ rằng sẽ có thể đoạt lại nó htừ tãy anh ấy không?”. “Chắc chắn là thế” Negulesco trả lời. “Anh ta sẽ chẳng có cơ hội đó”. Mel1nikov phản ứng. Tracy không hề biết gì về môn cờ vua, thế nhưng ở cả hai người đàn ông kia có một vẻ tự phụ mà nàng cảm thấy khó chịu. Nàng bấm điều khiển từ xa để tắt ti vi, rồi ngủ. Sáng hôm sau, Tracy dừng lại trước quầy vé và đặt một phòng hạng nhất trên con tàu Elizabeth II. Hồi hộp như một đứa trẻ trước chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên, nàng dùng cả ba ngày tiếp theo vào việc mua sắm quần áo, hành lý. Buổi sáng hôm ra khơi, Tracy thuê một chiếc xe hơi sang trọng đưa nàng ra cảng. Khi tới bến số 3, nơi giao nhau của đại lộ 55 Tây và đại lộ 12, bến đỗ mà tàu Nữ hoàng Elizabeth II đang buông neo, cả khu vực này đông nghẹt các phóng viên, và trong giây lát, Tracy co rúm người vì sợ hãi. Rồi nàng nhận ra là họ đang phỏng vấn hai người đàn ông đứng ngay dưới chân cầu tàu - Melinikov và Negulesco, hai đại kiện tướng cờ vua. Tracy đi ngang qua chỗ họ, chìa vé và hộ chiếu cho một sĩ quan đứng ở chân cầu tàu, rồi đi theo cẩu thang dẫn lên tàu. Một người phục vụ xem vé của Tracy và hướng dẫn cô tới phòng của nàng. Đó là một nơi tuyệt vời. Giá vé để có nó đắt kinh khủng, thế nhưng Tracy nghĩ rằng nó sẽ đáng với đồng tiền. Nàng sắp xếp hành lý đâu vào đấy rồi lang thang ra bên ngoài. Gần như ở mọi chỗ trên tàu đều có những cuộc chia tay, với những tiếng cười, những câu chuyện và với sâm banh. Không có ai ra tiễn nàng cả, không có ai để nàng quan tâm tới và cũng không có ai quan tâm tới nàng. Không hẳn thế, Tracy tự nhủ. Bertha Lớn thèm muốn minh đấy thôi. Và nàng cười chua chát. Tracy lững thững lên boong trên và không hề nhận thấy những cái nhìn ngưỡng mộ của đám đàn ông và những cái lườm nguýt ghen tị của đám đàn bà đang theo sát từng bước chân nàng. Tracy nghe thấy tiếng còi trầm trầm cất lên và những lời yêu cầu vang vang. “Tất cả người đi tiễn xin mời lên bờ” và đột nhiên thấy hết sức hồi hộp. Nàng đang khởi hành tới một tương lai hoàn toàn chưa biết ra sao. Con tàu khổng lồ rùng mình, những chiếc tàu kéo bắt đầu lôi nó ra khỏi cảng, và cùng với những hành khách khác, Tracy đứng nhìn bức tượng Thần Tự Do đang xa dần. Sau đó nàng đi vớ vẩn ngó nghiêng con tàu. Nữ hoàng El1zabeth II là cả một thành phố nổi, dài hơn ba trăm mét và cao mười hai tầng. Nó có bốn phòng ăn lớn, sáu tiệm rượu, hai phòng khiêu vũ và hai hộp đêm. Trên tàu còn có cả tá cửa hiệu nhỏ, bốn bể bơi, một phòng tập thể dục, một sân chơi gôn và một đường chạy. Tracy thấy choáng ngợp, nàng nghĩ - cứ ở mãi trên tàu này cũng được. Nàng đã đặt sẵn một bàn trong phòng ăn Công Chúa ở tầng trên, hẹp hơn nhưng trang nhã hơn so với phòng ăn chính: Nàng vừa ngơi xuống bàn thì một giọng nói quen thuộc cất lên. “Ồ, xin chào!”. Tracy giật mình nhìn lên và thấy Tom Bower.- kẻ mạo nhận FBI hôm nào, đang đứng đó. Ôi, không thể. Sao lại thế này cơ chứ, nàng thầm than vãn. “Thật là một sự bất ngờ dễ chịu. Cô có bằng lòng cho tôi ngồi cùng không”. “Rất sẵn sàng”. Anh ta nhẹ nhàng ngồi xuống ghế đối diện và mỉm cười thân mật. “Chúng ta cớ thể là bạn nhau được đấy. Ít nhất thì cũng đều có mặt ở đây vì cùng một lý do, phải không nào?”. Tracy không hiểu anh ta đang nói về cái gì. “Này ông Bower”. “Stevens”, giọng anh ta thật thoải mái. “Jeff Stevens”. “Gì thì cũng vậy thôi”. Tracy nhỏm dậy. “Đợi đã nào. Tôi muốn phân trần về dịp gặp lần trước giữa chúng ta”. “Không có gì phải giải thích cả”, Tracy quả quyết. “Một đứa trẻ ngớ ngẩn cũng đã có thể đoán ra và đã đoán ra”. “Tôi nợ Conrad Morgan một chút ân huệ”, anh ta mỉm cười ngượng nghịu. “Tôi sợ rằng ông ta đã không hài lòng gì với tôi”. Cũng vẫn cái phong cách thơải mái và vẻ quyến rũ ngây thơ đã từng lừa gạt nàng. Lạy Chúa, Dennis, chẳng cần phải khóa tay cô ta làm gì. Cô ta sẽ không chạy trốn đi đâu Anh ta từng đóng kịch. Nàng hằn học đáp. “Tôi cũng chẳng hài lòng gì với ông. Ông định sẽ làm gì trên con tàu này vậy? Chẳng lẽ ông lại không nên có mặt trên một con tàu chạy đường sông thì hơn à?”. Anh ta cười lớn. “Với Maximilian Pierpont trên tàu, đây chính là cơn tàu chạy đường sông đấy”. “Ai cơ?”. Anh ta ngạc nhiên. “Nào, thôi đi. Quả thực cô không biết à?”. “Biết cái gì?”. “Max Pierpont là một trong những người giàu nhất thế giới. Thói quen của ông ta là buộc các công ty cạnh tranh phải phá sản. Ông ta yêu những con ngựa chậm chạp và những phụ nữ nhanh nhẹn, và cả hai thứ đó ông ta đều có rất nhiều. Đó là kẻ tiêu xài lớn cuối cùng đấy”. “Và ông định giúp Pierpont tiêu thụ bớt chỗ của cải dư thừa của ông ta chăng?”. “Quả là đúng thế đấy”. Anh ta nhìn nàng vẻ dò xét. “Cô có biết tôi và cô cần phải làm gì không?”. “Chắc chắn là tôi biết, thưa ông Stenens. Chúng ta nên nói lời tạm biệt”. Và anh ngồi đó nhìn khi Tracy đứng dậy đi ra khỏi phòng ăn. Nàng ăn chiều ngay trong phòng riêng. Và băn khoăn không hiểu số mệnh run rủi thế nào mà lại đặt Jeff chắn trên đường đi của nàng nữa thế. Nàng chỉ muốn quên đi nỗi sợ hãi đã cảm thấy trên chuyến tàu ấy. Hừ mình sẽ không để cho hắn làm hỏng chuyến đi này. Đơn giản là sẽ phớt lờ hắn đi. Sau bữa ăn chiều, Tracy đi lên trên boong. Một bầu trời đêm huyền dịu với những vì tinh tú được gắn trên nền trời mượt như nhung vậy. Nàng đứng đó trong ánh trắng, ngắm nhìn những làn sóng biển lấp lánh và lặng nghe từng làn gió ào ào. Trong lúc đó, anh đã đến bên nàng. “Cô không biết là đứng đây trông cô đẹp đến thế nào đâu. Cô có tin vào những chuyện tình trên boong tàu không”. “Chính ông là người mà tôi không tin. Vậy đấy”. Nói rồi nàng định bỏ đi. “ôĐợi dã. Tôi có tin tức cho cô đây. Tôi mới phát hiện ra rằng Max Pierpont không có trên tàu, thế đấy Tới phút cuối cùng thì ông ta hủy bỏ chuyến đi”. “Ồ, thật là xấu hổ. Vậy là ông chịu uổng cái vé”. “Không hẳn”, anh nhìn nàng dò xét. “Cô có muốn kiếm một tài sản nho nhỏ nhân chuyến đi này không”. Gã đàn ông này là không thể tin được, nàng nghĩ. “Trừ khi ông có một chiếc tàu ngầm hoặc một máy bay lên thẳng bỏ túi, còn thì tôi cho rằng ông sẽ không thể trốn đi đâu được với những thứ ông cướp của bất kỳ ai đó trên con tàu này”. “Có ai nói về chuyện cướp bóc đâu nào: Cô có bao giờ nghe về Boris Meinikov hay Pietr Negulesco chưa?”. “Có thì sao?”. “Cả hai đang trên đường đi Nga để thi đấu trận vô địch cờ vua. Nếu như tôi dàn xếp để cô có thể chơi với hai người bọn họ”, Jeff nói hào hứng, “thì chúng ta sẽ kiếm được cả đống tiền. Một cái bẫy hoàn hảo đấy”. Tracy nhìn anh ta đầy nghi ngờ. “Nếu như ông dàn xếp để tôi có thể chơi với hai người bọn họ? Đó là một cái bẫy hoàn hảo của ông à?”. “Chứ sao. Cô thấy thế nào?”. “Tôi thấy thích: Chỉ có chút vướng mắc nhỏ thôi”. “Cái gì vậy?”. “Tôi không biết chơi món này”. Anh ta mỉm cười, vẻ hiền lành. “Không sao. Tôi sẽ dạy cô”. “Ông điên rồi. Nếu cần một lời khuyên thì tôi xin nói là ông nên tìm cho mình một bác sĩ tâm thần. Chúc ngủ ngon”. Sáng hôm sau, trời đất run rủi thế nào mà Tracy thực sự đã va chạm với Milnikov. Anh ta đang chạy buổi sáng trên boong tàu, và khi Tracy đi tới chỗ góc sân thì bị anh ta đâm sầm vào, nàng ngã xuống. “Không có mắt à”, anh ta quát lên. Và rồi tiếp tục chạy như thường. Tracy ngồi trên sàn boong tàu, nhìn theo. “Thật là thô bỉ?” Nàng đứng dậy và phủi bụi trên người. Một nhân viên phục vụ lại gần. “Cô có bị đau không”. Tôi thấy anh ta ...”. “Không, tôi không sao, cảm ơn anh”. Không kẻ nào có thể làm hỏng chuyến đi này, nàng nghĩ. Khi trở lại ca bin, có sáu lời nhắn là hãy gọi cho ông Jeff Stevens. Nàng lờ chúng đi. Buổi chiều, nàng đi bơi, rồi đọc sách, và cho tới tối khi nàng đi tới một quầy nhỏ để làm một ly trước bữa ăn tối, hoàn toàn thấy khoan khoái, dễ chịu. Song sự hưng phấn chẳng được mấy chốc. Pietr Nugulesco đang ngồi uống trong quán. Nhìn thấy Tracy, anh ta đứng dậy. “Cho phép tôi được mời cô một ly, tiểu thư xinh đẹp?”. Tracy lưỡng lự, rồi mỉm cười. “Ồ, vâng, cảm ơn ông”. “Cô uống gì?”. “Xin ông một ly vodka”. Nugulesco gọi người phục vụ rồi quay sang Tracy. “Tôi là Pietr Nugulesco”. “Tôi biết”. “Lẽ tất nhiên. Mọi người đều biết tôi. Bởi tôi là người chơi cờ vĩ đại nhất thế giới. Còn ở tổ quốc, tôi là một anh hùng dân tộc”. Anh ta ghé sát bên Tracy, đặt một tay lên đầu gối nàng. “Tôi cũng còn là người chơi rất tuyệt trên giường nữa”. Tracy nghĩ là đã nghe nhầm. “Cái gì cơ?”. “Tôi là người chơi rất tuyệt trên giường”. Nàng muốn hắt ly rượu vào mặt anh ta, nhưng đã kịp kìm chế. Và xử sự nhẹ nhàng hơn. “Xin phép”, nàng nói, “Tôi cần gặp một người bạn”. Nàng đi tìm Jeff Stevens, và thấy anh trong phòng ăn Công Chúa, thế nhưng khi vừa định tiến lại, nàng nhận ra anh ta đang ngồi ăn với một phụ nữ có mái tóc vàng mặt non dễ thương. Nàng quay người lập tức đi ra hành lang. Một giây sau, Jeffđã ở bên cạnh. Tracy ... Cô muốn gặp tới à?”. “Tôi không muốn kéo ông khỏi ... bữa ăn”. “Đó chỉ là thứ tráng miệng, Jeff nói nhẹ nhàng. “Tôi có thể giúp gì cô?”. “Về chuyện Mel1nikov và Nugulesco, ông nghiêm túc đấy chứ?”. “Dứt khoát là thế. Sao nào?”. “Tôi nghĩ rằng cả hai người bọn họ đều cần một bài học về lễ độ”. “Tôi cũng vậy. Và chúng ta kiếm ra tiền trong khi dạy bảo họ đấy”. “Tốt. Kế hoạch của ông thế nào?”. “Cô sẽ đánh bại họ trên bàn cờ ạ”. “Tôi không đùa với ông đâu”. “Tôi cũng vậy”. “Tôi đã nói với ông là tôi không biết chơi cờ. Tôi không biết đâu là quân tốt và đâu là quân vua. Tôi ...”. “Đừng lo, Jeff quả quyết. Tôi dạy cô đôi chút và cô sẽ giết chết cả hai gã”. “Cả hai?”. “Ồ, tôi chưa nói với cô à? Cô sẽ chơi đồng thời cả hai gã”. Jeff đang ngồi bên Boris Melinikov trong quán Plano trên boong tàu: “Người phụ nữ này là một tay chơi cờ kỳ lạ”, Jeff rỉ tai Melinikov, “đang trên một chuyến vi hành”. Boris làu bàu. “Phụ nữ thì biết gì về cờ. Họ không suy nghĩ được”. Cô này thì khác đấy. Cô ta nói rằng có thể thắng ông dễ dàng. Boris Melinikov cười vang lên. “Không ai có thể thắng tôi, dù là dễ dàng hay không”. “Cô ta sẵn sàng cá mười ngàn đô la, rằng cô ta có thể chơi cùng lúc với cả ông và Pietr Nugulesco và hỏa với ít nhất là một trong hai người”. Boris Melinikov suýt nữa thì bị sặc. “Trời! Thật là ... thật là nực cười. Cùng lúc đấu với cả hai chúng tôi? Cái ... cái cô gái nghiệp dư này á?”. “Đúng thế. Cá mười ngàn đô la với mỗi người”. “Tôi sẽ chỉ chơi để dạy cho kẻ ngu ngốc đó một bài học thôi”. “Nếu ông thắng, khoản tiền đó sẽ được gửi ở bất kỳ ngân hàng nào mà ông chọn”. Vẻ thèm khát thoáng hiện trên khuôn mặt Boris. “Tôi chưa bao giờ nghe tên người này. Và đấu với cả hai chúng tôi? Trời, cô ta chắc là điên”. “Cô ta có hai mươi ngàn đô la tiền mặt đấy”. “Quốc tịch gì?”. Mỹ”. “A, đó là lời giải thích. Tất cả những người Mỹ giàu có đều điên khùng, đặc biệt là đám phụ nữ”. Jeff nhổm dậy. “Tôi cho rằng vậy là cô ta chỉ phải đấu với một mình Nugulescoi. “Nugulesco sẽ đấu với cô ta à?”. “Vâng, tôi chưa nói với ông sao? Cô ấy muốn đấu với cả hai nhưng nếu ông sợ ....”. “Sợ? Boris Melinikov mà sợ” Anh ta gầm lên. “Tôi sẽ giết cô ta như giết con rệp. Khi nào thì trận đánh nực cười này diễn ra vậy?”. “Cô ấy định vào tối thứ sáu. Tối cuối cùng trên biển khơi”. Boris Melinikov ngẫm nghĩ. “Tốt nhất là chơi ba ván, ai thắng hai là thần”. “Không. Một trận thôi”. “Và được mười ngàn đô la”. “Đúng thế”. Boris thở dài. “Tôi không có sẵn ngần ấy tiền mặt”. “Không sao”, Jeff cam đoan với anh ta. “Tất cả điều mà cô Wihitney muốn là niềm vinh hạnh được đấu với Boris Melinikov lừng danh. Nếu thua, ông tặng cô ấy tấm chân dung của mình. Nếu thắng, ông được mười ngàn đô la”. “Ai giữ tiền đặt?”: Vẻ nghi ngờ hiện rõ trên giọng nói anh ta. “Thủ quỹ con tàu này”. “Rất tốt”, Melinikov quyết tâm. “Tối thứ sáu. Chính xác là ta sẽ bắt đầu lúc giờ”. “Cô ấy sẽ hài lòng về điều đó”, Jeff khẳng định. Sáng hôm sau, Jeff nói chuyện với Nugulesco trong phòng tập thể dục. “Cô ta là người Mỹ à?” Pietr Nugulesco nói. “Tôi phải biết mới phải. Tất cả người Mỹ đều là những con chim cu cả”. “Cô ta là một người chơi cờ giỏi”. Pietr Nugulesco khoát tay ra vẻ khinh thị. “Giỏi thì chưa đủ giải nhất mới đáng nói. Và tôi là người giỏi nhất”. “Chính vì vậy nên cô ta mới háo hức muốn được đấu với ông. Nếu thua, ông tặng cô ấy một tấm chân dung của mình. Nếu thắng, ông được mười ngàn đô la tiền mặt ...”. “Nugulesco không đấu với những kẻ nghiệp dư”. “Gửi vào bất kỳ ngân hàng nào mà ông thích”. “Tôi không bàn chuyện đó nữa”. “Ồ, vậy thì tôi chắc là cô ta sẽ phải đấu với mình Boris Melinikov thôi”. “Gì cơ” Ông nói Melinikov đã đồng ý dấu với người phụ nữ này?”. “Tất nhiên. Nhưng cô ta hy vọng là được dấu cùng lúc với hai ông”. “Tôi chưa bao giờ nghe một chuyện mà ... mà ...”. Nugulesco lắp bắp, lúng túng tìm từ. “Ngạo mạn! Cô ta là ai mà dám nghĩ rằng có thể đánh bại hai đại kiện tướng cờ vua mạnh nhất thế giới hả? Cô ta mới trên trời rơi xuống chăng?”. “Tâm tính cô ta kể cũng hơi thất thường”, Jeff thừa nhận, “nhưng tiền của cô ta thì quá được. Toàn tiền mặt”. Ông nói là đánh bại cô ta thì được mười ngàn đô la?”. “Đúng vậy”. “Và Boris Melinikov cũng được ngần ấy?”. “Nếu như ông ta thắng cô ta?”. Pietr Nugulesco cười. “Ồ, anh ta sẽ thắng, và tôi cũng vậy”. “Giữa chúng ta thì nói thật, tôi chẳng hề ngạc nhiên về điều đó cả”. “Ai sẽ giữ tiền đặt?”. “Thủ quỹ của con tàu này”. Tại sao lại để Melinikov là người duy nhất mới được tiền ở người phụ nữ này nhỉ? Pietr Nugulesco nghĩ. “Ông bạn của tôi này, ông và tôi thế là đã thỏa thuận, vậy ở đâu và khi nào?”. “Tối thứ sáu. 22 giờ. Phòng Nữ hoàng”. Pietr Nugulesco nở một nụ cười đầy tham lam. “Tôi sẽ có mặt ở đó”. “Anh nói là họ đã đồng ý phải không”“ Tracy kêu lên. “Đúng thế”. “Tôi thấy chóng mặt quá”. “Tôi sẽ kiếm cái khăn ướt cho cô ngay”. Jeff lao vào buồng tắm của Tracy, đưa một cái khăn mặt xuống vòi nước ạnh, rồi mang trở lại. Nàng đang nằm duỗi dài trên đi văng. Anh ấp chiếc khăn lên trán nàng. “Cô có thấy dễ chịu hơn không?”. “Thật khủng khiếp tôi cho rằng tôi mắc chứng đau nửa đầu”. “Cô đã bị thế này bao giờ chưa?”. “Chưa”. “Vậy thì không phải đâu. Tracy, hãy nghe tôi, trước một việc như thế này thì cảm giác lo lắng là hoàn toàn tự nhiên thôi”. Nàng chồm dậy và quăng cái khăn mặt ướt đi. “Một việc như thế này? Khơng bao giờ có một việc như thế này cả. Tôi phải đấu với hai đại kiện tướng cờ vua quốc tế mà chỉ với một bài học về cờ do anh dạy và ...”. “Hai chứ”, Jeff chữa lại. “Cô có một tài năng trời phú về môn cờ đấy”. “Lạy Chúa, sao tôi để anh lôi vào chuyện này nhỉ?”. “Bởi vì chúng ta sắp kiếm một đống tiền”. “Tôi không muốn kiếm tiền nhiều như thế làm gì”, Tracy thét lên. “Tôi muốn con tàu này chìm đi cho rảnh nợ”. “Nào, hãy bình tĩnh”, Jeffnói giọng vỗ về. “Chuyện sẽ ...”. “Chuyện sẽ trở thành một thảm họa. Mọi người trên tàu đều sẽ theo dõi tấn kịch này cho mà xem”. “Đó mới là vấn đề đấy, phải không nào?” Jeff cười. Jeff đã thu xếp mọi chuyện cần thiết với người thủ quỹ trên tàu. Anh giao cho ông ta giữ số tiền đặt cọc - 20 ngàn đô la và yêu cầu chuẩn bị cho hai bàn cờ vào tối thứ sáu. Chuyện lan đi khắp tàu, và đám hành khách hên tục tìm tới Jeff để hỏi xem có thực là hai trận đấu sẽ cùng xảy ra không. “Chắc chắn thế”, Jeff cam đoan với họ. “Thật không thể tin được. Tội nghiệp cô Wihitney, cô ta tin là mình có thể thắng. Cô ta lại còn cá cược nữa chứ”. “Tôi muốn biết”, một hành khách hỏi, “liệu tôi có thể đặt một chút tiền cá không. “Chắn chắn dược. Bao nhiêu tiền tùy thích. Cô Wihitney sẵn sàng cá mười ăn một đấy”. Nếu mà là một triệu ăn một thì phải biết lúc khoản tiền cược đầu tiên được đặt, tất cả tàu trở nên báo động. Dường như tất cả ai nấy, từ đôi thợ máy đến các sĩ quan hàng hải đều muốn tham dự. Người ta đặt từ 5 đô la đến 5 ngàn đô la và tất cả đều ném vào cửa Boris và Pietr. Người thủ quỹ đa nghi đã đến gặp thuyền trưởng, “Thưa ngài, tôi chưa bao giờ thấy có chuyện như thế này. Một sự hoảng loạn. Gần như tất cả hành khách đều đặt tiền cá độ. Tôi đàng giữ phải tới hai trăm ngàn đô la dấy”. Viên thuyền trưởng ngẫm nghĩ, “Anh nói là cô Wihitney sẽ đồng thời đấu cả với Melinikov và Nugulesco à”. “Thưa thuyền trưởng, vâng”. “Anh đã kiểm tra xem hai người đàn ông đó có đúng là Pietr Nugulesco và Boris Melinikov không?”. “Ồ, chắc chắn là đúng, thưa ngài”. “Không có khả năng là họ cố tình để thua trận này chứ?”. “Không có chuyện đó. Tôi nghĩ là họ thà chết còn hơn. Và nếu họ thua người phụ nữ này thì quả là họ có thể chết khi về đến nước họ”. Viên thuyền trưởng dùng mấy ngón tay vuốt vuốt tóc, vẻ mặt thoáng lúng túng. “Anh có biết gì về cô Wihitney hoặc ông Stevens này không?”. “Thưa ngài, không. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng họ là hai người khách đi riêng rẽ”. Viên thuyền trưởng quyết định. “ở đây sặc mùi lừa gạt đấy, và bình thường ra tôi sẽ ngăn chặn nó. Tuy nhiên, tôi biết đôi chút về môn cờ này, và nếu có thứ gì mà tôi có thể mang mạng sống của tôi ra mà đánh cược thì chính là việc không thể lừa gạt trên bàn cờ. Hãy cứ để trận đấu diễn ra”. Ông ta đi lại bên bàn làm việc của mình, lấy ra một cái ví màu đen, “Đặt cho tôi năm mươi bảng. Về cửa mấy tay đại kiện tướng kia”. Vào lúc 21 giờ tối thứ Sáu phòng Nữ hoàng đã đông nghẹt hành khách đi vé hạng nhất và cả các hành khách đi vé hạng hai, hạng ba, cùng các sĩ quan và thủy thủ đang không phải làm nhiệm vụ. Thể theo yêu cầu của Jeff, hai căn phòng đã được chuẩn bị cho cuộc đấu này. Một bàn chính giữa căn phòng Nữ hoàng, còn bàn kia thì được đặt ở phòng tiếp tân kế bên. Giữa hai phòng có rèm che để tạo nên sự ngăn cách. “Làm vậy để các đối thủ khỏi bị phân tán suy nghĩ Jeff giải thích. “Và chúng tôi muốn rằng người xem không đi lại từ phòng này sang phòng kia trong khi trận đấu đang diễn ra”. Những sợi dây thừng bện bằng nhung đã được chăng chung quanh hai chiếc bàn để ngăn người xem lại quá gần. Với hành khách trên tàu, họ cảm thấy đang được chứng kiến một sự kiện không bao giờ còn có thể thấy lại một lần nữa. Họ không biết gì về cô gái Mỹ xinh đẹp kia, trừ điều duy nhất là cô ta không thể - mà bất kỳ ai khác cũng vậy - đấu cùng lúc với cả Nugulesco và Melinikov lừng lẫy và ít nhất cũng hòa một trận. Jeff giới thiệu Tracy với hai tay đại kiện tướng chỉ ít phút trước khi trận đấu bắt đầu. Trông nàng cứ như trong một bức họa Grecian. Chiếc váy dài bằng lụa mỏng dính màu xanh, để lộ một bên vai. Cặp mắt dường như to ra trên gương mặt trắng xanh. Pietr Nugulesco nhìn Tracy chăm chú. Cô đã giành thắng lợi trong tất cả các giải quốc gia từng tham dự ư? Anh ta hỏi vậy. “Vâng”. Tracy đáp, vẻ thành thật. Anh ta nhún vai, “Tôi chưa bao giờ nghe nói về cô cả”. Boris Melinikov cũng thô thiển chẳng kém gì. “Người Mỹ các cô không còn biết dùng tiền vào việc gì”, anh ta nói, “tôi muốn được cảm ơn cô trước. Thắng lợi này sẽ làm gia đình tôi hài lòng”. Cặp mắt Tracy chuyển sang màu xanh sẫm, “Ông chưa thắng mà, ông Melinikov”. Melinikov cười vang cả phòng, “Cô tiểu thư quý mến, tôi không biết cô là ai, nhưng tôi biết tôi chứ. Tôi là Boris Melinikov lừng danh tên tuổi. Vào lúc 22 giờ, Jeff nhìn quanh và thấy cả hai phòng đã đông chật người xem. Anh nói lớn, “Đã đến lúc trận đấu bắt đầu”. Tracy ngồi xuống bàn, trước mặt là Melinikov và một lần nữa - lần thứ một trăm - nàng dằn vặt mình vì đã để bị lôi cuốn vào chuyện này. “Chẳng có gì đáng kể hết trong chuyện này”, Jeff đã cam đoan. “Hãy tin ở tôi”. Và nàng đã tin anh ta như một con mụ ngu ngốc. Mình điên thật rồi, Tracy nghĩ. Nàng sắp đấu với hai kiện tướng cờ vua mà nàng thì không hề biết gì về môn cờ này, trừ có bốn giờ học với Jeff. Và việc phải đến đã bắt đầu đến ... Melinikov thì quay sang dám đông đang hồi hộp, mỉm cười với họ. Anh ta huýt gió gọi người phục vụ. “Cho một ly Napoleon”. Để công bằng với tất cả, Jeff đã nói trước với Melinikov, “Tôi đề nghị ông chơi quân trắng và đi trước còn trong trận gặp ông Nugulesco, cô Wihitney sẽ chơi quân trắng và sẽ đi trước”. Cả hai đại kiện tướng đều đồng ý. Lúc này, khi đám khán giả đứng im phăng phắc theo dõi cuộc đấu, Boris Melinikov đi nước mở đầu, đưa quân tốt trước mặt quân hậu tiến lên hai ô. Mình không chỉ đơn giản đánh bại người phụ nữ này, mà là sẽ nghiền nát cô ta. Anh ta ngước nhìn Tracy. Nàng nhìn bàn cờ, gật đầu, và đứng dậy, chưa động đến một quân nào. Một người phục vụ rẽ đám đông để Tracy đi sang phòng bên, nơi Pietr Nugulesco đang ngồi chờ. Trong gian phòng này ít nhất cũng phải có tới trăm người xem. Tracy ngồi xuống ghế đối diện với Nugulesco. “A, con bồ câu nhỏ của tôi. Cô đã đánh bại Boris chưa?” Anh ta cười ồ lên với lời đùa đó. “Tôi đang làm thế đấy, ông Nugulesco”, Tracy thản nhiên đáp. Nàng với tay và tiến quân tốt trước mặt quân hậu trắng lên hai ô, Nugulesco nhìn và cười nhạo. Anh ta đã hẹn tới phòng xoa bóp trong vòng một giờ tới, nhưng lúc này anh ta còn muốn kết thúc cuộc cờ sớm hơn nữa, bên đi quân tốt trước quân hậu đen của mình lên hai ô. Tracy nhìn bàn cờ trong giây lát và đứng dậy. Người phục vụ hộ tống nàng trở lại bàn của Bons Melinikov. Tracy ngồi xuống và đi quân tốt trước quân hậu đen của mình lên hai ô, và thoáng thấy cái gật đầu tán thưởng của Jeff. Không một giây lưỡng lự, Boris Melinikov tiến quân tốt đứng trước quân tượng hậu lên hai ô. Hai phút sau đó, tại bàn của Nugulesco, Tracy tiến quân tốt đứng trước quân tượng hậu lên hai ô. Nugulesco đi quân tốt đứng trước quân vua. Tracy đứng dậy đi sang phòng bên, nơi Boris Melinikov đang chờ, lặp lại nước đi của Nugulesco. Ra thế! Cô ta không hoàn toàn là một kẻ nghiệp dư đâu, Melinikov thầm nghĩ, để xem cô ta xử nước này thế nào. Anh ta đi quân mã hậu tới chỗ quân tượng 3. Tracy nhìn nước đi của anh ta, gật đầu, và trở lại trước Nugulesco, nàng cóp lại nước cờ của Melinikov. Nugulesco dịch quân tốt trước quân tượng hậu lên hai ô, và Tracy sang phòng Melinikov, lặp lại nước cờ đó của Nugulesco. Với sự ngạc nhiên mỗi lúc một tăng, hai nhà đại kiện tướng đi tới chỗ nhận ra rằng họ đang đứng trước một đối thủ tài năng. Dù những nước cờ của họ thông minh đến thế nào đi chăng nữa, kẻ nghiệp dư này vẫn có thể chống đỡ được. Bởi vì mỗi người mỗi nơi nên Boris Melinikov và Pietr Nugulesco không hề hay biết rằng, trên thực tế, họ đang đấu với nhau. Tracy lại Nugulesco từng nước cờ của Melinikov. Và khi Nugulesco phản công thì Tracy lại dùng nước đi đó để chống lại Melinikov. Tới chừng giữa cuộc cờ thì cả hai nhà đại kiện tướng không còn dám tự phụ gì nữa. Thựe sự là họ đang phải đánh vật để giữ lấy tiếng tăm của mình. Họ đi đi lại lại trong lúc cân nhắc tính toán các nước cờ và hút thuốc rất nhiều. Tracy tỏ ra là người duy nhất giữ được vẻ bình thản. Lúc đầu, để kết thúc trận đấu nhanh chóng. Melinikov đã thí một quân mã mở đường cho quân tượng trắng của anh ta uy hiếp quân vua đen. Tracy đã mang nước cờ này sang chơi ở bàn của Nugulesco và đã khiến anh ta phải xem xét nó một cách thận trọng, rồi đập lại bằng cách che sườn bị hở, và khi Nugulesco bỏ tượng để đưa quân xe lên hàng thứ bảy phía bên trắng. Melinikov đã chống đỡ trước khi quân xe đen cớ thể làm rối loạn hàng tất phòng ngự. Tracy đi lại giữa hai gian phòng. Trận đấu đã diễn ra suốt bốn giờ đồng hồ, và không một ai trong đám khán giả nhúc nhích gì hết. Mỗi đại kiện tướng đều mang trong đầu hàng trăm trận đấu với các đại kiện tướng khác. Bởi vậy, khi trận đấu đặc biệt này đang đi vào giai đoạn cuối, thì cả Melinikov và Nugulesco đều nhận ra dấu ấn của nhau. Đồ lợn, Meiinikov thầm nghĩ. Cô ta đã học với Nugulesco. Hắn truyền nghề cho cô ta. Còn Nugulesco thì nghĩ cô ta là kẻ được Melinikov bảo trợ. Thằng cha khốn kiếp đã dạy cô ta hết cả. Càng cố đấu với Tracy bao nhiêu, họ càng đi tới chỗ nhận ra rằng quả là không có cách nào đánh bại nàng được. Trận đấu đang đi đến chỗ phải hòa. Đến giờ thứ sáu của trận đấu, 4 giờ sáng, khi các đấu thủ đã đi vào thế cờ tàn, mỗi bên chỉ còn lại ba quân tốt, một quân xe và một quân vua. Không còn khả năng giành phần thắng cho bất kỳ bên nào nữa. Melinikov xem xét bàn cờ hồi lâu, rồi thở dài nghẹn ngào và nói, “Tôi đề nghị hòa”. Giữa những tiếng ồn ào nổi lên, Tracy đáp. “Tôi chấp thuận”. Đám đông trở nên náo nhiệt. Tracy đứng dậy, len qua đám đông sang phòng bên. Khi cô vừa định ngồi xuống ghế, Nugưlesco, bằng giọng nói nghẹn lại, lên tiếng, “Tôi đề nghị hòa”. Đám đông lại ồn cả lên. Họ không thể nào tin được cái điều họ vừa chứng kiến. Một phụ nữ không tên tuổi gì mà lại đồng thời thủ hòa dược với cả hai đại kiện tướng lừng danh thế giới. Jeff xuất hiện bền cạnh Tracy. “Nào”, anh mỉm cười, “cả hai chúng ta đều cần uống một chút”. Khi họ đi rồi, Boris Melinlkov và Pietr Nugulesco vẫn ngồi chết lặng trên ghế, đờ đẫn nhìn lên bàn cờ trước mặt. Tracy và Jeff ngồi trong một tiệm rượu ở boong trên. “Cô thật tuyệt vời”, Jeff cười lớn. “Cô không để ý vẻ mặt của Melinikov à? Tôi đã nghĩ rằng hắn ta sắp bị một cơn đau tim đấy”. “Tôi sắp bị một cơn đau tim thì đúng hơn”, Tracy nói, “chúng ta được bao nhiêu?”. “Khoảng hai trăm ngàn đô la. Chúng ta sẽ nhận ở tay thủ quỹ vào sáng mai, khi tàu cập bến Southamton. Tôi sẽ đợi cô ở phòng ăn vào giờ sáng”. “Tốt”. “Tôi nghĩ là tôi phải đi ngủ đây. Cho phép tôi được đưa cô trở về phòng”. “Tôi chưa thể ngủ được, anh Jeff ạ. Tôi vẫn còn hồi hộp quá. Anh cứ về ngủ trước đi thôi”. “Cô đã là một nhà vô địch”. Jeff nói và cúi người hôn nhẹ lên má nàng “Chúc cô ngủ ngon, Tracy”. “Chúc ngủ ngon, Jeff.”. Nàng nhìn theo anh ta. Đi ngủ ư? Chẳng nên tí nào! Đây là một trong những đêm kỳ diệu nhất trong đời nàng. Hai gã kia đã quá tự phụ và ngạo mạn. Jeff thì nói “Hãy tin ở tôi” và nàng đã nghe theo. Nàng không hề có ảo tưởng gì về Jeff. Anh ta là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Anh ta có vẻ khôi ngô, hóm hỉnh, thông minh và phong cách thoải mái. Song dĩ nhiên, Tracy sẽ không thực sự để tâm đến anh ta làm gì. Jeff đang về phòng thì gặp một sĩ quan của tàu. “Ông Stevens này, trận đấu thật tuyệt diệu. Tin tức về nó đã bay theo sóng vô tuyến rồi đấy. Tôi đang hình dung ra cảnh giới báo chí sẽ đón chào hai vị ở Southamton. Ông là bầu của cô Wihitney à?”. “Không, chúng tôi vừa mới quen nhau trên tàu thôi”. Jeff trả lời nhẹ nhàng song đầu thì căng lên. Nếu như người ta liên hệ anh ta với Tracy lại, chuyện sẽ mang vẻ một vụ lừa đảo. Thậm chí sẽ có thể có cả một cuộc điều tra. Anh quyết định phải thu tiền trước khi bất kỳ một sự nghi ngờ nào nảy sinh. Jeff viết cho Tracy một mẩu giấy. Đà LẤY TIỀN, VÀ SẼ GẶP CÔ TRONG BỮA ĂN SÁNG MỪNG THẮNG LỢI TẠI KHÁCH SẠN SAVOY. CÔ THẬT LÀ TUYỆT VỜI. JEFF. Anh cho mẩu giấy vào phong bì dán lại và đưa cho người phục vụ. “Làm ơn chuyển giúp tôi cho cô Wihitney ngay khi vừa sáng”. “Thưa ngài, vâng”. Jeff rảo bước về phòng làm việc của người thủ quỹ. “Xin lỗi vì làm phiền ông, nhưng mà chỉ còn vài giờ nữa là chúng ta cập bến và tôi biết là lúc đó ông sẽ rất bận, bởi vậy tôi muốn biết liệu ông có thể trao lại tiền cho tôi ngay bây giờ không?”. “Không có gì khó khăn cả”. Người thủ quỹ nở một nụ cười. Cô tiểu thư của ông quả là một phù thủy đấy, phải không nào?”. “Quả có thế”. “Xin phép cho tôi hỏi, ông Stevens, cô ta học chơi cờ ở đâu vậy?”. Jeff ghé lại, nói nhỏ. “Tôi nghe nói cô ta học với Bobby Fischer” Người thủ quỹ lấy ra khỏi két sắt hai phong bì khổ lớn. “Mang ngần này tiền mặt thì quá nhiều đấy. Ông có muốn tôi đổi sang cho ông thành một ngân phiếu không?”. “Thôi, khỏi phiền ông. Tiền mặt cũng tết rồi”, Jeff quả quyết “Tôi đang băn khoăn không biết liệu ông có thể làm ơn giúp tôi một chút việc được không? Chiếc tàu chở thư và bưu phẩm sẽ ra cặp mạn tàu này trước khi ta cập bến, phải không ạ?”. “Thưa ông, đúng thế. Hai tàu sẽ cặp mạn lúc 6 giờ”. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông có thể thu xếp để tôi vào bờ trên chiếc tàu bưu điện đó. Bà mẹ tôi đang ốm rất nặng, và tôi muốn được gặp bà trước khi ...”. giọng anh trầm xuống ... “trước khi quá muộn”. “Ô, ông Stevens, tôi xin chia buồn. Tất nhiên là tôi có thể giải quyết chuyện đó cho ông. Tôi sẽ dàn xếp trước với bên hải quan”. Vào lúc 6 giờ 15, với hai chiếc phong bì lớn nhét cẩn thận dưới đáy va li, Jeff Stevens trèo dọc theo chiếc thang xuống con tàu chở thư tín bưu phẩm. Anh ngoảnh lại nhìn lần cuối con tàu lớn - với những hành khách còn đang ngủ say. Jeff sẽ vào bờ trước tàu Nữ hoàng Elilabeth rất nhiều, “Một chuyến đi thứ vị”. Jeff nới với một thủy thử của chiếc tàu thư. “Quả là thế đấy!” Một giọng nói cất lên đồng tính Jeff quay lại. Tracy đang ngồi trên đống dây chào, những sợi tóe lòa xòa trên mặt. “Tracy. Cô làm gì ở đây thế?”. “Anh nghĩ là tôi đang làm gì nào?”. Anh thấy rõ vẻ mặt nàng. “Đợi một phút? Cô không nghĩ là tôi đang lẩn đi chứ?”. “Tại sao tôi lại phải nghĩ thế nhỉ.” Giọng nàng cay nghiệt. “Tracy, tôi có viết giấy nhắn lại cho cô. Tôi dự định gặp cô ở khách sạn Savoy và ...”. “Tời biết rồi”, nàng cắt ngang. “Ông sẽ không bao giờ từ bỏ cái kiểu đó, phải không”. Anh nhìn nàng, không còn gì để nói nữa. Trong phòng của Tracy ở khách sạn Savoy, nàng chăm chú nhìn Jeff đếm tiền. “Phần của cô là một trăm lẻ một ngàn đô la”. “Cám ơn ông.” Giọng nàng lạnh băng. Jeff nôi. “Cô phải biết là cô đã nghĩ sai về tôi đấy Tracy. Tôi mong rằng cô cho tôi cơ hội để phân trần. Cô có bằng lòng ăn cơm tối cùng tôi hôm nay không?”. Tracy lưỡng lự rồi gật đầu. “Được thôi”. “Tốt. Tôi sẽ đón cô lúc 20 giờ nhé”. Tối, hôm đó, khi Jeff đến và xin gặp Tracy, người nhân viên khách sạn đáp. “Rất tiếc, thưa ngài. Cô Wihitney đã trả buồng hồi chiều. Cô ấy không để lại địa chỉ sẽ tới”. Chương 21 Mãi về sau này, Tracy mới quả quyết rằng chính cái lời mời viết tay đó đã thay đổi cuộc sống của nàng. Sau khí lấy ở Jeff phần tiền của mình, Tracy trả buồng, rời khỏi khách sạn Savoy và chuyển tới số 47 đường Công Viên - một khách sạn yên tĩnh với các phòng rộng rãi, dễ chịu và sự phục vụ thượng hạng. Vào ngày thứ hai ở London, tấm thiếp mời được người hầu phòng chuyển tới nàng. Những dòng chữ rất đẹp và, ngay ngần: Một người bạn chung có cho ý rằng chúng ta mà làm quen được với nhau thì thật có lợi. Cô sẽ tới uống trà cùng tôi ở khách sạn Ritz chiều nay vào lúc 16 giờ chứ? Mong cô thứ lỗi vì sự đường đột, tôi sẽ cài một bống cẩm chướng đỏ trên ve áo”. Tấm thiệp được ký tên. “Gunther Hartog..”. Tracy chưa từng nghe cái tên này. Ý định đầu tiên của nàng là lờ lời mời này đi, thế nhưng tính tò mò đã thắng, và vào lúc 16 giờ 15, nàng xuất hiện trước cửa căn phòng sang trọng của khách sạn Ritz, và nhận ra ông ta ngay. Tracy đoán ông ta chừng độ 60 vẻ dễ ưa, khuôn mặt nghị lực, có học và nước đa mịn màng, khỏe mạnh. Ông ta mặc một bộ đồ màu xám cật rất khéo và trên ve áo có bông cẩm chướng. Khi Tracy đi lại, ông ta đứng dậy và nghiêng đầu chào. “Cám ơn cô đã nhận lời mời của tôi”. Hartog mời Tracy ngồi với vẻ lịch sự cổ điển mà nàng thấy dễ chịu. Ông ta có vẻ như thuộc về một thế giới khác. Tracy không hình dung nổi ông ta muốn gì ở nàng. Tôi tới đây vi tính tò mò”, Tracy thú nhận. “Nhưng ông có chắc rằng ã không nhầm tôi với một Tracy Wihitney nào khác không?”. Gunther Hartog mỉm cười. “Theo chỗ tôi được biết thì chỉ có duy nhất Tracy Wihitney thôi”. “Nói cho chính xác thì ông đã nghe những gì nào?”. “Có lẽ là ta nên nói chuyện đó khi uống trà thì hơn”. Người ta dọn ra những chiếc bánh mỳ nhỏ nhồi trứng, món cá hồi, dưa chuột, rau cải xoong và gà quay cùng với cả những chiếc bánh nương nóng hổi phết lẫn kem và mứt, những chiếc bánh ngọt và thứ trà Twinings. “Ổng có nhắc tới một người bạn chung”. Tracy mở đầu. “Conrad Morgan. Tôi vẫn làm ăn với ông ta mà”. Tôi cũng đã làm với ông ta một lần, Tracy nghĩ, và ông ta đã lừa gạt tôi. “Conrad rất ngưỡng mộ cô”. Gunther Hartog nói. Tracy nhìn ông ta kỹ hơn. Hartog có dáng dấp của một nhà quý tộc giàu có. Vậy thì ông ta muốn gì ở mình? Tracy lại băn khoăn, quyết định cứ để Hartog theo đuổi câu chuyện của ông ta, thế nhưng không hề có sự đề cập nào nữa tới Morgan hay cái gì có thể là chuyện lợi cho cả hai người. Tracy cảm thấy hứng thú với cuộc nói chuyện này. Gunther đã kể lại với nàng tiểu sử ông ta. “Tôi sinh ra ở Munich. Cha tôi là một chủ nhà băng. Ông giàu có, nhưng tôi e rằng mình đã lớn lên trong sự chán chường, được vây quanh bởi những bức họa tuyệt đẹp và những đồ cổ đắt tiền. Mẹ tôi là người Do Thái, và khi Hítle lên nắm quyền, cha tôi đã không chịu từ bỏ mẹ tôi, bởi vậy ông bị lột sạch hết. Cả hai đều chết trong một trận ném bom. Bạn bè đưa tôi thoát khỏi nước Đức, trốn sang Thụy Sĩ và khi chiến tranh qua đi, tôi đã quyết định chuyển tới London và mở một cửa hiệu đồ cổ nhỏ ở phố Mount. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó cô sẽ tới thăm cửa hiệu của tôi”. Hóa ra tất cả là vậy, Tracy ngạc nhiên nghĩ, chắc ông ta muốn bán cho mình một thứ gì đó? Nhưng rồi nàng thấy mình đã nhầm. Khi trả tiền, Gunther Hartog bình thản nới. “Tôi có một trang viên nhỏ ở Hampshire. Cuối tuần có vài người bạn đến chơi, tôi sẽ rất sung sướng nếu được cô có mặt ở đó”. Tracy lưỡng lự, người đàn ông này hoàn toàn xa lạ, và vẫn chưa hề biết là ông ta muốn gì ở nàng. Song nàng nghĩ mình cũng chẳng còn gì để mất cả. Chuyến đi chơi cuối tuần này hóa ra thật tuyệt diệu. “Cái trang viên nhỏ” của Hartog là một biệt thự cổ thời thế kỷ Mười bảy nằm trong khu đất rộng chừng ba mươi mẫu Anh. Gunther Hartog góa vợ, và nếu không tính những người hầu, thì có thể nói là hoàn toàn độc thân. Ông ta đưa Tracy đi xem cơ ngơi của mình, kể cả một chuồng ngựa sáu, bảy con và sân nuôi gà, lợn. “Nhờ vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ đới”, ông ta nói vẻ âu sầu “Còn bây giờ xin để tôi giới thiệu với cô sở thích thực sự của tôi”. Ông ta dẫn Tracy tới một chuồng lớn đấy chim bồ câu. “Chúng là những con bồ câu đưa thư đấy”, giọng Gunther đầy vẻ tự hào. “Cô nhìn những con chim tuyệt diệu này xem. Có thấy con màu xám biếc xanh kia không. Đó là Margo”. Ông ta tóm con chim lên, giữ trong tay. “Mi thực sự là một con bé đanh đá, mi có biết vậy không nào? Nó ăn hiếp những con khác nhưng là một con tuyệt vời nhất đấy”. Ông ta dịu dàng vuốt ve đám lông cổ chim và rồi cẩn thận đặt nó xuống. Màu sắc của đàn chim quả là đa dạng, xanh đen xanh xám, với các viền khác nhau, và xám bạc. “Không có những con màu trắng sao?” Tracy hỏi. “Không bao giờ người ta dùng bồ câu trắng đưa thư cả, Gunther giải thích. “Bởi lẽ những lông vũ trắng rất dễ rụng, thế mà trên đường .về, bồ câu bay với tốc độ bình quân bốn mươi dặm một giờ”. Tracy đứng xem Gunther cho đàn chim ăn với khẩu phần đặc biệt cộng thêm các vitamin khác nữa. “Chúng là những con vật kỳ diệu”, Gunther nói. “Cô có biết là chúng có thể tìm đường trở về từ khoảng cách hơn năm trăm dặm không?”. “Thật tuyệt”. Và những người khách của Gunther cũng tuyệt vời”. Có một vị bộ trưởng trong nội các đến cùng với vợ, một bá tước, một vị tướng cùng bạn gái của ông ta, và quận chúa xứ Morvi, một phụ nữ trẻ trung, hấp dẫn. “Xin gọi tôi là VJ”, chị ta nói bằng cái giọng không ngữ điệu, mặc chiếc xa ri màu hồng sẫm điểm những đường thêu màu vàng, và mang trên mình những đồ nữ trang bằng kim cương đẹp nhất mà Tracy từng thấy. “Tôi giữ phần lớn đồ nữ trang của tôi, trong két sắt VJ”, phân bua. Dạo này nhiều trộm cướp lắm”. Chiều chủ nhật trước hôm Tracy phải trở về London Gunther mời nàng vào phòng làm việc của ông ta. Họ ngồi đối diện nhau, giữa là một khay trà. Vừa rót trà vào những ly Beueek mỏng tang, Tracy vừa nói, “Ông Gunther, tôi không hiểu vì sao ông lại mời tôi tới đây, nhưng dù sao chăng nữa thì tôi cũng vẫn thấy thật dễ chịu”. “Tôi rất hài lông, cơ Tracy”. Thế rồi ngừng một lát ông ta nối tiếp. “Tôi đã để ý quan sát cô”. “Tôi biết thế”. “Cô có dự định gì cho tương lai không?”. Cô ngập ngừng. “Không. Hiện thời, tôi chưa quyết định sẽ phải làm gì”. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm việc với nhau”. “Ý ông nói là với tiệm đồ cổ của ông ư?”. Ông ta cười lớn. “Không, cô bé thân mến. Sẽ thật là xấu hổ nếu phung phí tài năng của mình. Cô thấy đấy, tôi biết về hành động táo bạo của cô trước Morgan.. Cô đã ứng xử tuyệt vời”. “Ông Gunther ... tôi đã bỏ tất cả những thứ đó lại phía sau rồi”. “Nhưng phía trước cô là gì nào? Cô vừa nói là không có dự định gì. Cô phải nghĩ về tương lai của mình chứ. Dù cô có một đống tiền đi chăng nữa thì rồi một ngày nào đó cũng sẻ hết. Tôi đề nghị với cô một sự hợp tác. Tôi giao thiệp với các giới có thế lực ở phạm vi quốc tế. Tôi tham gia các hội từ thiện, các hội săn bắn và các hội đua thuyền. Tôi biết việc đi về của những kẻ giàu có”. “Tôi không thấy điều đó có liên quan gì tới mình”. “Tôi có thể đưa cô gia nhập giới thượng lưu đó. Tôi có thể cung cấp cho cô thông tin về những món nữ trang, những bức họa cực kỳ đắt giá và những chỉ dẫn giúp cô đoạt được chúng một cách an toàn. Đó chỉ là việc tước đoạt lại của những kẻ làm giàu trên sự thiệt hại của người khác mà thôi. Mọi thứ đều sẽ được chia một cách công bằng giữa chúng ta. Cô trả lời thế nào?”. “Tôi trả lời là không”. Ông ta nhìn cô, nghĩ ngợi. “Tôi hiểu. Cô sẽ gọi cho tôi một khi cô thay đổi ý kiến chứ?”. “Tôi sẽ không đổi ý đâu, ông Gunther”. Tracy yêu thích London. Nàng ăn ở các nhà hàng Le Gavroche, Bill Bentley, Coin du Feu và những khi rời khỏi nhà hát sau các buổi diễn nàng tới tiệm Drones để thưởng thức món humberger Mỹ chính cống. Nàng tới thăm nhà hát Quốc gia, nhà hát Ôpêra Hoàng gia và tham dự các cuộc bán đấu giá các tác phẩm của Christie và Sotheby. Nàng đi mua sắm ở các cửa hàng sang trọng như Harrods, Fortnum và Mason, thuê một chiếc xe và một người lái, và đã có một kỳ nghỉ cuối tuần đáng ghi nhớ ở khách sạn Checoton Glen, New Hampshire. Nhưng tất cả đều rất đắt tiền. Dù có một đống tiền đi chăng nữa thì một ngày nào đó nàng cũng tiêu hết. Gunther Hartog nói đúng. Số tiền nàng éo chẳng thể đủ để chỉ dùng mãi được, và Tracy nhận thấy nàng phải có dự tính cho tương lai. Nàng còn được mời tới nghỉ cuối tuần vài lần nữa ở trang viên của Gunther, và ngày càng thấy dễ chịu hơn khi tiếp xúc với ông ta. Một tối chủ nhật, trong bữa ăn, một nghị sĩ quốc hội quay sang hỏi Tracy. “Cô Wihitney, tôi chưa bao giờ gặp một người Texas chính cống cả. Họ thế nào nhỉ?”. Tracy liền làm các điệu bộ bắt chước một quả phụ Texas mới phất lên và đã làm cho tất cả cười thích thú. Sau đó, khi chỉ có riêng Tracy và Gunther, ông ta hỏi. “Cô có muốn giả bộ như thế để kiếm được một khoản nhỏ không?”. “Ông Gunther, tôi đâu có phải diễn viên”. “Cô tự đánh giá mình quá thấp đấy. Có một hãng kim hoàn ở London, Paker and Paker, vốn quen với cái việc, như người Mỹ các cô vẫn nói, tước đoạt ngay khách hàng của mình. Cô vừa làm tôi nảy ra một cách thức hay trong việc bắt họ phải trả giá cho sự bất lương đó”. Rồi Gunther nói ra kế hoạch của mình”. “Không”, Tracy đáp. Nhưng càng nghĩ về câu chuyện của Gunther, nàng càng thấy bị hấp dẫn. Nàng nhớ lại cái cảm giác đầy kích động khi lừa được mấy viên cảnh sát ở Long Island, rồi đến Jeff Stevens và Boris Melinikov, Pietr Nugulesco. Đó là những cảm giác không thể nào quên nổi. Tuy nhiên tất cả đã thuộc về quá khứ. “Không, thưa ông Gunther”. Tracy nói lại. Nhưng lần này giọng nàng đã bớt đi vẻ chắc chắn. Trời tháng Mười mà London ấm lạ thường và người Anh cũng như khách du lịch đã tận dụng ánh nắng mặt trời rực rỡ. Dòng xe cộ buổi trưa tấp nập đã gây những ùn tắc ở khu Trafalgar Square, Charing Cross và Piccadil1y Cirens. Một chiếc xe Daimler màu trắng rẽ khỏi phố Oxford chạy vào phố New Bond, len lỏi giữa dòng xe cộ và dừng lại trước một cửa hiệu kim hoàn lớn. Một tấm biển trang trọng, bóng lộn gắn bên cửa ra vào: PR AND PARKER. Người tài xế mặc đồng phục mở cửa sau ra. Một phụ nữ trẻ, tóc vàng, mặt trát son phấn, trong một chiếc váy bó sát người kiểu Ý và chiếc áo khoác ngoài bằng lông chồn - hoàn toàn không hợp với thời tiết nhảy ra khỏi xe. “Đi lối nào vậy, anh bạn trẻ?” Giọng cô ta oang oang, nặng thổ âm Texas. Người tài xế chỉ về phía cửa tòa nhà. “Kia, thưa bà”. “Tốt. Đợi quanh đâu đấy, không lâu đâu”. “Tôi có thể sẽ phải chạy vòng vòng khu phố này, thưa bà ở đây không được phép đỗ xe”. Cô ta vỗ vỗ lên lưng anh ta và nói: “Cứ làm việc mình phải làm, công tử bột ạ”. Công tử bột? Người tài xế bực bội. Phải lái loại xe cho thuê này thật là một sự trừng phạt. Anh ta không ưa dân Mỹ, nhất là người Texas. Họ là những kẻ thô bạo, ỷ vào đồng tiền. Anh ta hẳn sẽ phải kinh ngạc nếu biết rằng người khách này chưa bao giờ đặt chân tới vùng đất đó. Tracy kiểm tra lại diện mạo qua cửa kính của gian trưng bày, nở một nụ cười thoải mái và đền đàng bước lại cửa ra vào mà một người gác mặc đồng phục đã mở sẵn cho nàng. “Xin chào bà”. “Chào cậu. Các người có bán gì nữa không ngoài ba thứ đồ nữ trang giả hả? “ Rồi nàng cười khoái trá với câu đùa ấy. Người gác cổng sa sầm mặt. Còn Tracy phớt lờ bước vào cửa hiệu, mang theo một mùi thơm quá mức của nước hoa Chloe. Arthur Chilton, người bán hàng, bước về phía khách. “Cho phép tôi được phục vụ bà”. “Có thể được đấy, mà cũng có thể không. P.J thân yêu của tôi bảo tôi hãy tự mua cho mình một món quà sinh nhật, vì vậy tôi đang ở đây. Các anh có gì nào?”. “Bà có ý muốn đặc biệt về một thứ gì không?”. “Này, anh bạn, người Anh các anh là những người làm việc nhanh nhẹn, có phải không?” Nàng cười khàn khàn trong cổ họng và vỗ vai anh ta. “Có thể là một vài viên ngọc chẳng hạn. P.J yêu quý của tôi muốn mua cho tôi thứ đó đấy”. “Xin mời bà đi lối này ...”. Chilton đưa nàng lại bên một tủ kính, nơi trưng bày vài chiếc khay đựng những viên ngọc. Nàng ném một cái nhìn khinh khỉnh. “Đây là loại nhóc con: Cỡ bố mẹ chúng đâu hả?”. Chilton cứng cỏi đáp. “Những viên ngọc này giá cũng tới ba mươi nghìn đô la đấy ạ”. “Quỷ quái thật, chừng đó chỉ đáng tiền tôi trả người làm đầu cho tôi mà thôi”. Người đàn bà cười hô hố P.J yêu quý của tôi sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu như tôi mang về mấy cái hòn sỏi tý tẹo này”. Chilton cố thử hình dung ra cái ông P.J yêu quý kia. Hẳn là to béo và cũng ồn ào, đáng ghét như người đàn bà này. Họ xứng với nhau lắm.. Tại sao tiền bạc lại cứ chảy vào những kẻ không đáng được hưởng thế nhỉ? Anh ta bực dọc nghĩ. “Bà quan tâm đến loại có giá trị tiền bao nhiêu ạ?”. “Tại sao không bắt đầu từ thứ gì đó có giá khoảng một trăm tờ lớn nhỉ”. Anh ta ngây người ra. “Môt trăm tờ lớn ạ?”. “Quỷ quái thật, tôi cứ nghĩ rằng các người phải nói thứ tiếng Anh của nhà vua cơ đấy. Một trăm tờ lớn. Một trăm ngàn”. Anh ta nuốt nước bọt. “Ô, Nếu vậy thì có lẽ bà nên nói chuyện với ông quản lý của chúng tôi”. Viên quản lý Gregory Halston, nhất quyết đòi đích thân làm các vụ giao dịch lớn, và đối với những người làm công thì điều đó chẳng hề gì vì lẽ nhân viên của hãng Parker and Parker này không được nhận chút xíu hoa hồng nào hết. Và với một khách hàng như thế này thì Chilton chỉ cảm thấy dễ chịu khi có thể giao lại cho Halston mà thôi. Chilton bấm một nút điện dưới quầy hàng, và giây lát sau một người đàn ông với khuôn mặt tai tái, vẻ tham lam ló ra từ một cánh cửa phía sau. Anh ta thoáng nhìn người phụ nữ tóc vàng ăn mặc kỳ cục kia và thầm mọng sao đừng có khách hàng quen nào xuất hiện cho tới khi người phụ nữ này đi khỏi. Chilton nói, “Ông Halston, đây là bà ... ờ ...? “ Anh ta quay sang phía người phụ nữ. “Benecke, anh bạn, Mary Lou Benecke. Vợ của P.J. Benecke Chắc rằng các anh đều đã nghe tiếng ông chồng cao quý của tôi, P.J. Benecke?”. “Thì dĩ nhiên rồi”. Gregory Holston hơi nhếch môi. “Bà Benecke muốn mua viên ngọc, thưa ông Halston”. Gregnry Halston chỉ các khay ngọc. “Chúng tôi có những viên ngọc xinh xắn ở kia ...”. “Bà ấy muốn thứ có giá khoảng một.trăm ngàn đô la”. Lần này nụ cười trên gương mặt Gregory Halston là hoàn toàn thành thực. Một ngày được mở đầu thế này thì thật tuyệt. Anh biết đấy, nhân ngày sinh nhật tôi, P.J. yêu quý muốn tôi tự mua cho mình một thứ gì đó thật đẹp”. “Phải vậy, Halston nói. “Xin mời bà theo tôi”. “Anh chàng bịp bợm này, liệu có gì để giới thiệu với tôi không hả?” Người đàn bà tóc vàng cười khúc khích. Halston và Chilton giận tái mặt, đưa mắt nhìn nhau. Bọn người Mỹ khốn kiếp. Halston đưa người đàn bà tới trước một cánh cửa và dùng chìa khóa mở nó ra. Họ bước vào căn phòng nhỏ, sáng trưng, và Halston thận trọng khóa cánh cửa sau lưng lại. Đây là nơi chúng tới dành riêng cho các khách quý”, anh ta nói. Ở giữa phòng là một cái tủ chứa đầy những viên kim cương ru bi, ngọc bích sáng lấp lánh. “Ô, cái này khá hơn đây. P.J. yêu quý của tôi chắc sẽ rất thích”. Bà có thấy ưng ý với viên ngọc, hay kim cương nào chưa ạ?”. “Ồ; để xem đã”. Nàng bước tới bên ngăn tủ chứa những viên ngọc bích. “Cho tôi thử xem cái đám kia nào”. Halston lấy ra khỏi túi mình một chìa khóa nhỏ khác, mở ngăn tủ, nhấc một khay ngọc bích ra và đặt lên trên mặt bàn. Có mười viên ngọc lớn dựng trong một cái hộp lót nhung. Halston thấy người đàn bà nhặt lên viên lớn nhất, một viên ngọc bích nằm trên một cái cặp tóc bằng bạch kim. “Như cách nói của P.J. yêu quý thì thứ này có ghi tên tôi ở trên đó”. “Bà có con mắt tuyệt vời. Đây là một viên ngọc Colombia, 10 ca ra màu xanh cỏ. Nó không hề có vết và ...”. “Ngọc nào mà chẳng có vết”. Halston đắn đo một tích tắc và nhượng bộ ngay. “Tất nhiên, bà nói rất phải. Ý tôi muốn nói là ... Bây giờ anh ta mới để ý thấy rằng cặp mắt người đàn bà xanh thẳm như màu của viên ngọc mà bà ta đang mân mê trong tay, xoay đi xoay lại, xem xét các mặt của nó. “Chúng tôi còn có một bộ lớn hơn nếu ...”. “Thôi khỏi, anh bạn yêu quý. Tôi sẽ lấy viên này”. Việc mua bán diễn ra chưa đầy ba phút đồng hồ. “Quý hóa quá”, Halston nói. Rồi anh ta tế nhị thêm vào, “Tính ra đô la là một trăm ngàn. Bà sẽ thanh toán thế nào ạ?”. “Halston, đừng có bận tâm chuyện đó, cậu công tử bột ạ. Ngay tại London này, tôi có một tài khoản bằng đô la. Tôi sẽ viết một tấm séc nhỏ. Rồi P.J. sẽ trả tôi sau”. “Tuyệt diệu. Tôi sẽ cho lau chùi viên ngọc cho bà và rồi cho chuyển tới tận khách sạn nơi bà ở”. Thực ra thì chẳng cần phải lau chùi viên ngọc, nhưng Halston không hề có ý định rời nó ra cho tới khi tấm séc của bà ta được chuyển khoản xong, vì lẽ anh ta biết quá nhiều nhà kim hoàn đã bị mất tiền bởi những kẻ lừa đảo thông minh. Halston vẫn lấy làm hãnh diện về việc chưa bao giờ để ai bịp, dù chỉ là một đồng bảng. “Tôi sẽ cho chuyển viên ngọc tới đâu ạ?”. “Chúng tôi ở khách sạn Dorch”. Halston ghi lại: Khách sạn Dorchester”. “Một khách sạn lộn xộn”, nàng cười mỉa. “Bây giờ người ta không thích khách sạn này nữa vì nó đầy người Ả Rập, thế nhưng P.J. của tôi lại có rất nhiều công chuyện làm ăn với bọn họ. Ông ấy luôn mồm nói, Dầu lửa, bản thân nó là cả một vương qươc. P:J. Benecke là một người đàn ông tuyệt vời. “Tôi tin là như vậy”. Halston đáp theo bổn phận. Anh tá đứng nhìn người đàn bà xé ra một tờ séc và bắt đầu viết, rồi nhận ra rằng đó là mẫu séc của ngân hàng Barclays. Tất. Anh ta có bạn ở đó và người bạn này có thể xác minh cái tài khoản của gia đình Benecker. Anh ta nhận tấm séc. “Tôi sẽ chuyển viên ngọc tới tận tay bà vào sáng mai”. “P.J yêu quý sẽ thích nó lắm đấy”, nàng cười rạng rỡ. “Tôi chắc là ông nhà sẽ thích nó”, Halston lịch sự đáp. Anh ta tiễn nàng ra cửa trước. “Halson ...” . Anh ta đã toan nói “Halston”, song lại thôi. Việc quái gì? Lạy Chúa, anh ta sẽ chẳng bao giờ để mắt tới bà ta nữa cơ mà. “Dạ, bà muốn gì ạ?”. “Một chiều nào đó, anh phải tới uống trà với chúng tôi nhé. Anh sẽ rất khoái ông P.J của tôi cho mà xem”. Tôi thật tình muốn được vinh hạnh đó. Nhưng đáng tiếc, tôi đều phải làm việc các buổi chiều”. “Thật chán chết”. Anh ta nhìn theo bà khách đang bước ra hè đường. Một chiếc Daimler màu trắng trườn tới và người tài xế bước ra mở cửa xe. Bà ta quay lại giơ ngón tay trái làm hiệu chao alston khi chiếc xe lăn bánh. Halston trở lại phòng làm việc của mình, tức khắc nhấc điện thoại gọi tới người bạn ở nhà băng Barcelays. “Peter thân mến, tớ có trong tay tờ séc một trăm ngàn đô la tính vào tài khoản của một_bà Mary Lou Beneckẹ nào đó Cậu xem hộ có vấn đề gì không?”. “Cầm máy, anh bạn”. Halston đợi. Gần đấy, hàng họ ế ẩm nên anh ta càng mong là tấm séc ấy không có vấn đề gì. Anh em nhà Parker, chủ cửa hàng này, đã khô ng ngớt trách cứ anh ta, cứ như chính anh ta chứ không phải sự suy thoái kinh tế là nguyên nhân của sự ế ẩm đó vậy. Tất nhiên, phần lợi nhuận thì vẫn không đến nỗi quá tệ, bởi vì hãng Parker and Parker này có một xưởng chuyên gia công đồ kim hoàn, và thường thường những thứ đồ kim hoàn này khi được giao lại cho khách hàng thì chất lượng không còn bằng so với lúc nhập vào ban đầu nữa. Có nhiều lời phàn nàn, song chẳng có chứng cớ cụ thể gì cả. Peter đã trở lại máy. “Không có vấn đề gì, Gregory, tài khoản đó có dư tiền để thanh toán cho tấm séc”. Halston thở phào nhẹ nhõm. “Peter, cảm ơn cậu”. “Có gì đâu”. “Tuần sau đi ăn trưa nhé, tớ trả tiền”. Sáng hôm sau, tấm séc được thanh toán và chiếc cặp gắn viên ngọc Colombia được một người giao hàng chuyển lại cho bà P.J Benecke tại khách sạn Dorchester. Buổi chiều, khi gần tới giờ đóng cửa, thư ký của Gregory Halston bước vào nói. “Có một bà Benecker đến gặp ông, thưa ông Halston”. Anh ta lặng người đi. Hẳn là mụ ta đến để trả cái cặp, và anh ta khó có thể từ chối nhận lại. Quỷ tha ma bắt cái đám đàn bà, cái bọn người Mỹ, và tất cả cái bọn người Texas ấy đi cho rảnh? Halston cố lấy vẻ tươi cười bước ra chào. “Xin chào bà, bà Benecke. Tôi cho là ông nhà đã không thích món quà ...”. Bà ta mỉm cười. “Anh nhầm rồi, anh chàng kỳ cục này. P.J của tôi thích nó đến phát điên lên ấy chứ?”. Tim Halston rộn cả lên. “Thật vậy à?”. “Đúng ra thì ông ấy thích nó tới mức muốn mua một cái nữa để rồi sửa thành một cặp khuyên tai. Cho tôi lấy thêm một cái cùng cặp với cái này đi”. Gregory thoáng nhăn mặt. “Sợ rằng chúng ta đã gặp khó khăn một chút đây, bà Benecker”. “Khó khăn gì vậy, anh bạn thân mến?”. “Viên ngọc của bà là viên duy nhất. Không còn một viên nào khác giống nó cả. Bây giờ, xin giới thiệu với bà một viên rất đẹp, khác kiểu, mà tôi có thể ...”. “Tôi không muốn kiểu khác. Tôi muốn một viên giống như viên này thôi”. “Thưa bà Benecker, hoàn toàn ngay thẳng mà nói thì không có nhiều viên ngọc Colombia không hề có vết”, anh ta nhìn vẻ mặt hà khách. “Gẩn như không hề có vết đâu ạ”. Nào, anh chàng công tử bột này. Phải có một viên ở đâu đó chứ”. Thành thực mà nói, tôi thấy rất ít những viên ngọc cỡ đó và tìm kiếm một viên ngọc khác cùng cỡ, cùng màu hệt như thế này thì gần như là không thể được”. “Người Texas chúng tôi có câu nói rằng cái điều gọi là không thể được là điều làm ta mất thêm một chút thì giờ mà thôi. Thứ bảy này là sinh nhật. P. J. muốn tôi có cặp khuyên tai đó và P.J. muốn là phải được”. “Tôi thực sự không nghĩ rằng tôi có thể ...”. “Tôi đã trả cho cái cặp vừa rồi bao nhiêu nhỉ? Một trăm tờ lớn phải không? Tôi tin rằng P.J của tôi sẽ có thể chấp nhận giá hai hoặc ba trăm ngàn để có một viên như thế nữa đấy”. Gregory Halston vội vã nhẩm tính. Phải có một phiên bản nữa của viên ngọc ở đâu đó, và nếu P.J Benecke chịu trả tới 200.000 đô la thì quả là một món lời lớn. Mà thật ra, Halston nghĩ, mình có thể biến nó thành khoản lời cho riêng mình. Anh ta đáp. “Thưa bà Benecke, tôi sẽ cố gắng tìm. Tôi quả quyết với bà là không éo một cửa hiệu kim hoàn nào ở London có một viên ngọc bích giống hệt như thế được, nhưng thường vẫn có thể có từ các vụ bán đấu giá. Tôi sẽ đăng quảng cáo xem có kết quả gì không. “Anh có thời gian từ giờ tới cuối tuần”, bà khách tóc vàng nói. “Và giữa anh, tôi và cái cột đèn thì có thể nói thật là P.J yêu quý của tôi chịu trả tới giá ba trăm năm mươi ngàn đấy”. Rồi bà Benecke bước ra phía cửa, cái áo lông chồn xù xù sau lưng. Gregơry Halston vào ngồi trong phòng làm việc mơ màng. Định mệnh đã đẩy vào tay anh ta một ả đàn bà tóc vàng đỏng đảnh đến nỗi sẵn sàng trả 350 ngàn đô la để mua cho được một viên ngọc giá 100 ngàn. Một khoản lãi ròng .000 đô la, Gergory Halston thấy rằng không cần phải làm bận lòng anh em nhà Parker với các chi tiết của vụ mua bán này. Chỉ việc đơn thuần ghi lại vụ bán viên ngọc thứ hai với giá 100000 đô la và bỏ túi phần còn lại. Khoản .000 đô la kia sẽ đủ để anh ta gây dựng cuộc sống mới. Tất cả việc mà anh ta phải làm bây giờ là kiếm một viên ngọc y hệt viên đã bán cho bà P.J Benecke. Hóa ra việc này khó khăn hơn nhiều so với dự tính của Halston. Không một chủ hiệu kim hoàn nào, qua liên hệ bằng điện thoại, có được thứ anh ta yêu cầu. Anh ta đăng lời rao tìm trên các tờ báo của London và liên hệ với các hãng Christie và Sotheby và hàng tá văn phòng đại lý khác nữa. Trong mấy ngày sau đó Halston chết ngập trong một thác những ngọc là ngọc, tốt có, xấu có, có cả những viên cỡ hạng nhất, thế nhưng không có viên nào trong số đó gần giống với thứ mà anh ta đang tìm kiếm. Vào thứ tư, bà Benecke gọi điện đến. “P.J yêu quý của tôi bắt đầu thấy sốt ruột rồi đấy. Anh đã tìm được chưa?”. “Chưa, thưa bà Benecke”, Halston cam đoan. “Nhưng bà đừng lo, chúng tôi sẽ tìm được”. Vào ngày thứ sáu, Tracy lại gọi điện tới nhắc. Ngày mai là sinh nhật tôi”. “Tôi biết, thưa bà Benecke. Nếu mà có thêm một vài ngày nữa thì tôi chắc là có thể ...”. “Ồ thôi, đừng bận tâm làm gì, anh chàng công tử bột ạ Nếu sáng mai mà anh không kiếm được viên ngọc đó, tôi sẽ trả lại viên mà tôi đã mua ở chỗ anh. P.J của tôi, cầu Chúa phù hộ cho trái tim của ông ấy, định sẽ mua chó tôi một dinh thự ở nông thôn thay vào đó. Anh đã bao giờ nghe nói về khu Sussex chưa? Halston toát mồ hôi. “Bà Benecke”, anh ta khẩn khoản. “Bà sẽ thấy rất khó sống ở Sussex: Bà sẽ thấy chán ngắt khi phải sống trong một biệt thự ở nông thôn. Đa phần những ngôi nhà này đang ở trong tình trạng tồi tàn. Chúng không có hệ thống lò sưởi và ...”. “Giữa riêng anh và tôi”, nàng ngắt lời. “Nói thật là tôi thích cặp khuyên tai hơn. P.J của tôi thậm chí còn tỏ ý chịu trả bốn trăm ngàn đô la để mua một viên ngọc như thế nữa. Anh không thể biết P.J yêu quý của tôi là người bướng bỉnh đến thế nào đâu”. Bốn trăm ngàn Halston như cảm thấy những đồng tiền đang lọt qua giữa các ngón tay mình. “Bà cứ tin ở tôi, tội đang làm tất cả những gì có thể”, anh ta nài nỉ. “Tôi cần thêm chút ít thời gian nữa”. “Việc đó đâu phụ thuộc vào tôi, anh bạn thân mến. Tùy vào P.J thôi”. Rồi máy im bặt. Halston ngồi lặng, nguyền rủa số mệnh. Anh ta có thể tìm viên ngọc 10 ca ra như thế ở đâu ra cơ chứ? Quá mải mê với những ý nghĩ dằn vặt trong đầu, anh ta không nghe thấy tín hiệu gọi của máy đàm thoại nội bộ. Mãi tới hồi thứ ba, anh ta mới giật mình bấm nút và gắt lên. “Cái gì thế?”. “Có một bà Marissa gọi điện tới, thưa ông Halston. Bà ấy đề cập tới lời rao của ta tìm mua viên ngọc ạ”. Một viên ngọc nữa? Đã có ít nhất chục cú điện thoại gọi tới trong buổi sáng, và chẳng được việc gì cả. Anh ta nhấc máy lên và nói, giọng khiếm nhã. “Nghe đây”. Một giọng phụ nữ mềm mại mang âm hưởng của Ý cất lên, “Xin chào ngài. Tới đọc thấy trên báo rằng ngài muốn mua một viên ngọc bích phải không ạ?”. “Nếu như nó phù hợp với các yêu cầu chất lượng của tôi thì đúng vậy”. Anh ta không giấu nổi vẻ sốt ruột trong giọng nới của mình. “Tôi có một viên ngọc vốn là kỷ vật của gia đình trong nhiều năm qua. Nó đúng là một kỷ vật, thật đáng buồn, nhưng hoàn cảnh giờ đây buộc tôi phải bán nó”. Anh ta đã từng nghe những chuyện kiểu đó. Mình phải liên hệ lại với hãng Christie, Halston nghĩ. Hoặc với hãng Sothaby. Có khi tới phút cuối cùng lại được việc cũng nên, hoặc giả ... “Thưa, ngài đang tìm mua một viên ngọc bích mười ca ra phải không ạ? “Đúng thế”. “Tôi có một viên mười ca ra - màu xanh - Colombia”. Halston cảm thấy cổ họng như nghẹn lại khi toan cất tiếng. “Xin ... xin bà nói lại xem nào?”. “Vâng. Tôi có một viên ngọc Colombia mười ca ra, màu xanh cỏ. Ông có muốn mua không?”. Anh ta thận trọng đáp. “Không biết bà cô thể ghé qua và cho tôi xem được không?”. “Không, thật dáng tiếc, tôi sợ rằng tôi đang bận. Chúng tôi đang chuẩn bị cho nhà tôi một bữa tiệc tại đại sứ quán mà. Có thể là tuần tới tôi mới. ..”. Không! Tuần tới thì quá muộn. “Tôi có thể đến gặp bà được không ạ?” Anh ta cố giấu vẻ sốt sắng. “Tôi có thể tới ngay bây giờ”. “Ôi, không. Tôi đang bận mà. Tôi đang định đi mua bán ...”. “Bà đang ở đâu, thưa bà?”. “Khách sạn Savoy”. “Tôi sẽ có mặt sau mười lăm phút, mười phút thôi”. Giọng anh ta hăng hái. “Cũng được. Và tên ngài là ...”. “Halston. Gregory Halston”. “Xin mời tới phòng hai mươi sáu”. Tắc xi chạy sao chậm thế? Tâm trạng Halston thoắt sung sướng thoắt lo âu, rồi lại sung sướng đến nghẹt thở. Nếu viên ngọc này mà giống với viên ngọc kia, anh ta sẽ trở nên giàu có tới mức cả trong giấc mơ cũng không dám. Ông P.J. kia sẽ trả 400 ngàn đô la. Một khoản lãi ròng 300 ngàn. Ta sẽ mua một cơ ngơi bên sông Riviere, và một chiếc thuyền cao tốc nữa chứ. Với một biệt thự riêng, một chiếc thuyền riêng, ta sẽ tha hồ cám dỗ những cậu trai trẻ trung, xinh xắn mà ta thích ... Gregory Halston là một kẻ theo thuyết vô thần, ấy vậy mà khi bước vào hành lang của khách sạn Savoy, trên đường tới căn phòng số 26, anh ta thấy mình đang thầm cầu nguyện: xin để cho viên ngọc này vừa lòng ông P.J Benecke. Anh ta đứng trước cửa phòng 26, cố thở sâu và chậm để lấy lại vẻ bình tĩnh rồi gõ cửa, và không nghe rõ tiếng trả lời. Ôi, lạy Chúa, Halston nghĩ. Bà ta đã đi rồi. Bà ta đã không đợi mình. Bà ta đi mua sắm và ... Cánh cửa mở ra, và Halston thấy mình đúng trước một người đàn bà trạc 50 vẻ trang nhã, với cặp mắt sẫm màu, gương mặt đầy nếp nhăn và mái tóc đã điểm bạc. Khi nói, giọng bà ta mềm mại với cái âm hưởng của tiếng Ý mà Halston đã biết. “Cái gì vậy, thưa ông”. “Tôi là G ... Gregory Halston. Bà đã gờ ... gọi điện cho tôi” Anh ta lắp bắp vì quá hồi hộp. “À, vâng? Tôi là Marissa đây. Xin mời ngài vào”. “Cám ơn bà”. Anh ta bước vào phòng, cố khép hai đầu gối lại nhau cho đỡ run. Suýt nữa anh ta đã buột miệng, “Viên ngọc đâu? “Nhưng biết là phải kìm chế. Không được tỏ ra quá sốt sắng. Nếu viên ngọc là đáng hài lòng, anh ta sẽ có lợi thế trong việc mặc cả. Dù sao thì mình cũng là chuyên gia còn bà ấy chỉ là một kẻ nghiệp dư. “Xin mời ngồi”, bà ta nói. Anh ta ngồi xuống cái ghế tựa. “Xin lỗi. Tôi nói tiếng Anh kém quá”. “Không, không? Tiếng Anh của bà rất tuyệt”. “Cám ơn. Ngài có muốn dùng một chút cà phê? Hay trà?”. “Không, xin cám ơn bà”. Anh ta thấy nôn nao trong bụng. Hỏi đến viên ngọc ngay thì có vội quá không? Nhưng cũng không thể đợi thêm, dù chỉ một giây. “Cái viên ngọc ...”. Bà ta đáp ngay, “A, vâng. Bà nội trao viên ngọc này cho tôi và tôi muốn được chuyển lại cho con gái khi nó 25 tuổi, nhưng nhà tôi đang mở một cuộc kinh doanh mới ở Milano, và tôi ...”. Halston có nghe thấy gì đâu. Anh ta không quan tâm đến chuyện đời sống tẻ nhạt của người đàn bà xa lạ này, mà chỉ nóng lòng muốn được thấy viên ngọc. Anh ta không thể chịu đựng nổi sự trì hoãn dài dòng và vô ích này. “Điều quan trọng là giúp chồng tôi có thể bắt tay vào việc” Bà ta gượng cười phiền muộn. “Có thể là tôi đang phạm sai lầm trong việc này”. “Không, không”. Halston vội nói. “Chẳng sai gì cả, thưa bà. Giúp chồng là bổn phận của người vợ. Viên ngọc giờ ở đâu ạ?”. “Tôi có ở ngay đây”, bà ta đáp rồi thò tay vào túi lấy ra viên ngọc được gói kỹ đưa cho Halston. Anh ta nhìn nó và thấy bừng bừng cả người. Đó là một viên ngọc Colombia 10 ca ra óng ả, màu xanh cỏ. Nó giống viên ngọc mà anh ta đã bán cho bà Benecke về kích cỡ, màu sắc đến mức gần như không thể phát hiện sự khác nhau giữa chúng. Thật giống hệt, Halston tự nhủ, và chỉ chuyên gia mới cớ thể thấy sự khác biệt được. Hai bàn tay Halston run run, cố buộc mình phải trấn tĩnh lại. Anh ta xoay xoay viên ngọc, ngắm nghía các mặt lung linh tuyệt đẹp của nó, và rồi bình thản nói. “Một viên ngọc khá xinh xắn”. “Vâng, thật là đẹp. Trong bao nhiêu năm qua tôi thật yêu thích nó, và chả muốn phải rời nó ra”. “Bà đang làm một việc đúng đắn”, Halston vỗ về. “Một khi mà việc làm ăn của ông nhà thành đạt thì bà sẽ có thể mua bao nhiêu viên ngọc này chẳng được”. Chính đó là điều tôi nghĩ đấy. Ngài thật biết thông cảm”. “Việc này là tôi giúp cho một người bạn, thưa bà. Cửa hiệu chúng tôi có những viên ngọc đẹp hơn thế này nhiều, nhưng bạn tôi muốn có một viên hợp với viên mà vợ anh ta đã mua. Tôi nghĩ rằng anh ta sẽ chịu trả tới sáu mươi ngàn đô la để có được viên ngọc này đấy”. Halston mím chặt môi. Mình có thể chấp nhận giá cao hơn cơ mà? Anh ta mỉm cười. “Biết nói thế nào nhỉ ... Tôi nghĩ rằng tôi có thể thuyết phục bạn tôi mua với giá một trăm ngàn. Kể thì đó là một đống tiền, nhưng anh ta nóng lòng muốn có viên ngọc này”. “Nghe cũng được”, người đàn bà nói. Và tim Gregory Halston như căng phồng lên trong lồng ngực. “Tốt! Tôi có mang theo cuốn séc của mình, tôi sẽ viết một tấm séc cho bà ...”. “Ô, không ... Tôi sợ rằng chừng ấy chẳng đủ để giải quyết khó khăn của tối được”, Giọng đầy buồn rầu. Halston nhìn bà ta chằm chằm. “Khó khăn của bà ư?”. “Vâng. Như tôi đã giải thích đấy, chồng tôi đang đi vào một công cuộc làm ăn mới, và ông ấy cần ba trăm năm mươi ngàn đô la. Tôi có một trăm ngàn, tiền riêng, để đưa ông ấy, và tôi còn cần hai trăm năm mươi ngàn nữa. Tôi cứ ngỡ là bán viên ngọc này sẽ được ngần ấy”. Anh ta lắc đầu. “Thưa bà, toàn thế giới này không có viên ngọc bích nào đáng giá ngần ấy tiền cả. Xin bà tin tôi, một trăm ngàn đô là cái giá hơi cao rồi đấy. “Ông Halston, tôi tin là vậy, “ bà ta nói. “Nhưng cũng chẳng giúp gì được ông nhà tôi, có phải không nào?” Bà ta đứng lên. “Tôi sẽ giữ lại cho con gái tôi vậy”. Bà ta chìa bàn tay thanh tú của mình ra. “Xin cám ơn ngài. Cám ơn ngài đã đến đây”. Halston chết lặng. “Xn đợi một chút”, anh ta nói. Lòng tham đang vượt lên tên mọi cảm giác thông thường và anh ta quyết không để tuột mất viên ngọc khỏi tay mình. “Xin mời bà ngồi lại. Tôi chắc là chúng ta có thể đi tới một sự dàn xếp có tình có lý Nếu tôi có thể thuyết phục khách hàng của tôi trả một trăm năm mươi ngàn đô la.”. “Hai trăm năm mươi ngan đô la”. “Nào thôi, hại trăm ngàn vậy?”. “Hai trăm năm mươi ngàn đô la”. Bà ta không hề lay chuyển. Halston tính toán phần mình. Món lời 150.000 đô lá rõ ràng còn hơn là không có gì Có nhà là một biệt thự và một con thuyền nhỏ hơn, nhưng vẫn là cả một gia sản. “Và cũng đáng để đổi với những cư xử bủn xỉn của anh em nhà Parker. Halston sẽ đợi một hai ngày rồi thông báo cho họ quyết định của mình. Tuần sau thì mình sẽ ở Cote d Azur của nước Pháp rồi. “Xin theo ý bà”, anh ta nói. “Tuyệt. Tôi rất hài lòng”. Thì dĩ nhiên là mụ mãn nguyện còn gì, đồ chó, Halston thầm nghĩ. Thế nhưng phần anh ta cũng không có gì phải phàn nàn. Anh ta có thể gây dựng cả một cuộc sống. Halston nhìn viễn ngọc một lần nữa rồi bỏ nó vào túi “Tôi sẽ trao cho bà tấm séc tính vào tài khoản của cửa hiệu”. “Tốt. Cám ơn ngài”. Halston viết séc rồi trao nó cho bà ta. Mình sẽ yêu cầu bà P.J Benecke viết tờ séc 400.000, Peter sẽ giúp rút ra tiền mặt, và mình sẽ bỏ túi khoản chênh lệch. Mình cũng sẽ thu xếp với Peter để sao cho tấm séc 250.000 đô la này không xuất hiện trong báo cáo tài chính hàng tháng của anh em nhà Parker. Một trăm năm mươi ngàn đô la. Halston như đã cảm thấy nắng ấm của bờ biển miền Nam nước Pháp mơn man trên mặt ... Chuyến tắc xi trở về cửa hiệu dường như chỉ mất ít giây đồng hồ. Halston hình dung ra vẻ sung sướng của bà Benecke khi nghe anh ta báo tin. Không những đã kiếm được viên ngọc bà ta yêu thích, mà còn giúp bà ta khỏi phải sống trong một ngôi nhà nông thôn tàn tạ nữa. Khi Halston bước thấp bước cao đi vào cửa hiệu, Chilton nói. “Thưa ngài, có một khách hàng ở đây đang muốn ...”. Halston vui vẻ gạt anh ta sang bên. “Đợi đã”. Anh ta không có thì giờ cho các thứ khách hàng. Lúc này, và không bao giờ nữa. Từ giờ trở đi, người ta sẽ phải phục vụ Halston. Anh ta sẽ có thể đi mua hàng ở các cửa hiệu Hermes, Gucci, Lanvin, và ... Halston khấp khởi bước vào phòng làm việc, đóng cửa lại, đặt viên ngọc lên bàn, và quay số điện thoại. Giọng người nhân viên tổng đài vang lên “Khách sạn Dorchester đây”. “Xin phòng Oliver Messel”. “Ông muốn nói chuyện với ai ạ?”. “Bà P.J. Benecke”. “Xin đợi một chút”. Halston huýt sáo miệng khe khẽ. Tiếng người nhân viên tổng đài lại vang lên. “Xin lỗi ông, bà Benecke đã trả buồng rồi ạ”. “Vậy bà ta đã chuyển sang buồng nào thì hãy cứ gọi buồng ấy”. “Bà Benecke đã thôi không còn ở khách sạn này ạ”. “Thật vô lý. Bà ấy ...”. “Tôi sẽ để ông nói chuyện với bộ phận tiếp tân”. Một giọng đàn ông cất lên. “Bộ phận tiếp tân đây. Xin phép được giúp đỡ ông ...?”. “Vâng. Bà Benecke đang ở buồng nào vậy?”. Bà Benecke đã rời khỏi khách sạn sáng nay”. Phải có một lý do. Một sự việc khẩn cấp nào đấy. “Xin cho địa chỉ tiếp theo của bà ấy vậy. Đây là ...”. “Xin lỗi, bà ấy không để địa chỉ lại”. “Dứt khoát bà ấy có để địa chỉ lại”. “Tôi đích thân làm thủ tục thanh toán, trả buồng với bả Benecke mà. Bà ấy không để lại cái gì cả”. Thật như một nhát dao đâm thẳng vào bụng. Halston chậm chạp buông máy và ngồi lặng người, hoang mang. Phải tìm cách liên hệ để báo cho bà. ấy biết rằng sau cùng thì anh ta đã tìm được viên ngọc. Trong khi chờ đợi, phải lấy lại tờ séc 250.000 đô la ở chỗ bà Marissa. Anh ta hấp tấp quay số gọi khách sạn Savoy. “Xin buồng hai mươi sáu”. “Xin cho biết ông gọi ai ạ?”. “Bà Marissa”. “Xin đợi”. Nhưng thậm chí khi người nhân viên tổng đài chưa trở lại, một inh cảm khủng khiếp đã báo trước cho Halston cái thảm họa mà anh ta sẽ phải chịu. “Xin lỗi. Bà Marissa đã trả buồng. Anh ta gác máy. Những ngón tay run bần bật đến mức phải khó khăn lắm mới quay nổi số máy của nhà băng. “Cho tôi nói với kế toán trưởng ... nhanh lên Tôi muốn chặn một tấm séc”. Dĩ nhiên là đã quá muộn. Halstơn đã bán một viên ngọc bích với giá một trăm ngàn đô la và rồi mua lại chính viên ngọc đó với giá hai trăm năm chục ngàn. Gregory Halston rũ người trên ghế, dằn vặt nghĩ cách giải thích với anh em nhà Parker. Chương 22 Một cuộc sống mới bắt đầu đối với Tracy. Nàng mua ngôi nhà cổ rất đẹp a 45 Quảng trường Eaton - thật hoàn hảo cho việc tiếp bạn bè, khách khứa. Ngôi nhà có “Nữ hoàng Anne” cách người Anh dùng để chỉ một khu vườn phía trước nhà, và “Mary Anne”, một khu vườn phía sau, và vào mùa họa thì cả hai đều thật hấp dẫn. Gunther đã giúp Tracy trong việc sắm sửa đồ đạc, và ngay khi công việc chưa hoàn thành thì ngôi nhà đã là một trong những nơi kỳ thú của London. Gunther đã giới thiệu Tracy là một quả phụ trẻ tuổi, giàu có nhờ tài sản của chồng - một nhà kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - để lại. Nàng mau chóng nổi danh, đẹp lộng lẫy, thông minh và quyến rũ, nhanh chóng bị ngập bởi những lời mời mọc. Rảnh rỗi, Tracy làm những chuyến đi ngắn sang Pháp, Thụy Sĩ, BI và Ý, và mỗi lần như vậy nàng cùng Gunther Hartog đều kiếm được tiền. Dưới sự hỗ trợ của Gunther, Tracy Tracy đã nghiên cứu các cuốn Niên giám Gotha và Các tước vị quý tộc của Debrett - những cuốn sách chính thống cung cấp tốt cả các thông tin về giới hoàng tộc ở châu u. Tracy đã biến thành con kỳ nhông đổi màu, một chuyên gia trong lĩnh vực hóa trang và thay đổi giọng nói, âm điệu. Nàng đã có trong tay tới nửa tá hộ chiếu khác nhau ở nhiều nước, khi thì nàng là nữ hầu tước Anh, khi thì là một chiêu đãi viên hàng không Pháp, và khi lại là một quả phụ Nam Mỹ. Trong một năm nàng đã tích lũy được món tiền quá mức cần thiết. Nàng lập ra một quỹ riêng và lấy ở đó để đóng góp những khoản tiền lớn, nặc danh, cho các tổ chức giúp đỡ những phụ nữ mới ra tù, và nàng thu xếp để hàng tháng, một khoản tiền lớn được chuyển đến cho Otto Schmidt. Thậm chí, giờ đây nàng không hề còn ý nghĩ từ bỏ những hành động tội lỗi này nữa. Nàng thích thú tính thách đố của việc lừa gạt những người thông minh và thành đạt trong cuộc sống. Chỉ có một nguyên tắc sống mà nàng tôn trọng: Tránh gây đau khổ cho những người lương thiện. Những kẻ phải nhảy dựng lên trước mánh khóe của nàng đều là những kẻ hoặc tham lam hoặc vô đạo đức, hoặc cả hai. Tracy tự hứa với mình không ai phải tự tử vì những gì mình làm với họ. Báo chí bắt đầu đăng tải tin tức về những hành vi lừa gạt táo tợn đang xảy ra khắp chậu u, và bởi vì Tracy luôn luôn cải trang dưới những diện mạo khác nhau, nên cảnh sát đã tin rằng có một băng phụ nữ đang tiến hành một loạt các vụ đó. Tổ chức cảnh sát Quốc tế cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Tại trụ sở ở Manhattan của Hiệp hội Bảo hiểm quốc tế, J.J Reynolds triệu tập Daniel Cooper đến. “Chúng ta đang gặp khó khăn”, Reynolds nói. “Nhiều khách hàng châu u của chúng ta đang bị tiến công mà rõ ràng là do một băng nhóm phụ nữ. Tốt cả đang ầm ĩ cả lên. Họ đòi phải bắt giữ chúng lại. Tổ chức Cảnh sát Quốc tế đã nhận hợp tác với chúng ta. Đó là công việc của cậu, Dan ạ, cậu phải đi Paris”. Tracy đang ăn chiều với Gunther Hartog tại tiệm Seott trên phố Mount. “Tracy này, cô đã bao giờ nghe nói về Maximilian Pierpont chưa?”, Cái tên có vẻ quen quen. Nàng đã nghe ở đâu rồi nhỉ? Và chợt nhớ ra. Jeff Stevens đã nói tới khi họ ở trên boong tàu Nữ hoàng El1zabeth? “Chúng ta có mặt ở đây vì cùngmột lý do. Maximilian Pierpont? “Ông ta rất giàu chứ gì?”. “Và bỉ ổi. Chuyên mua các Công ty rồi cướp phá chúng”. Tracy nhớ lại lời Otto Schmldt. “Khi Joe Romano nắm lấy toàn hộ công việc, hắn đuổi tốt cả mọi người và đưa người của hắn vào thay thế. Rồi hắn bắt đầu cướp phá công ty Họ đã lấy mọi thử công việc kinh doanh ngôi nhà, chiếc xe của mẹ cô ... Gunther ngạc nhiên nhìn nàng. “Tracy, cô có khỏe không?”. “Tôi khỏe”. Đôi khi cuộc sống thật là bất công, nàng nghĩ, và chính chúng ta phải là người làm cho mọi chuyện công bằng trở lại. “Hãy cho tôi biết thêm về Maximil1an Pierpont đi”, nàng nói với Gunther. . “Cô vợ thứ ba mới ly dị, và giờ đây ông ta sống một mình. Tôi nghĩ có thể Anh kiếm được tiền nếu như cô làm quen với quý ông này. Ông ta đã đặt mua vé trên chuyến tàu tốc hành phương Đông vào ngày thứ sáu, từ London đi Ixtambun. Tracy mỉm cười. “Tôi chưa bao giờ được đi trên tàu tốc hành Phương Đông. Tôi cho rằng sẽ thấy thích thú”. Gunther mỉm cười. “Tốt. Maximil1an Pierpont có trong tay bộ sưu tập trứng chim Faberge đáng kể nhất nằm ngoài ảo tàng Hermitage ở Leningrađ. Nó vẫn được ước đoán là có giá tới hai mươi triệu đô la”. Tracy hỏi. “Nếu mà tôi lấy được mấy quả trứng đó cho ông thì ông sẽ làm gì với chúng, Gunther? Chúng nổi tiếng thế thì làm sao mà bán được?”. “Tracy thân mến, còn có những nhà sưu tầm tư nhân chứng. Hãy đem những quả trứng bé nhỏ đó về, và tôi sẽ tìm được ổ cho chúng. “Để tôi xem liệu có thể làm gì được”. “Cũng không dễ tiếp cận Maximilian Pierpont đâu. Tuy vậy, có hai con bồ câu khác cũng đặt vé trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông vào ngày thứ sáu - đi dự Liên hoan phim ở Venice. Tôi nghĩ rằng chúng cũng đủ béo để có thể được vặt lông rồi. Cô đã nghe nói về Silvana Luadi chưa?”. “Minh tinh màn bạc người Ý?”. “Cô ta kết hôn với Aiberto Fornati, người sản xuất những bộ phim anh hùng ca khủng khiếp. Fornati thì đầy tai tiếng về chuyện thuê mướn diễn viên và đạo diễn với một khoản tiền mặt nhỏ nhoi, hứa với họ về một khoản chia phần trăm khá lớn trong số lợi nhuận về sau, rồi thì chẳng cho họ tý gì nữa. Hắn ta đủ sức để mua cho vợ những món nữ trang khá đắt tiền. Hắn càng không chung thủy với vợ bao nhiêu thì càng cho vợ nhiều đồ nữ trang bấy nhiêu. Bây giờ thì Silvana phải dư sức mở cửa hiệu kim hoàn của riêng ả ta ấy chứ. Tôi nghĩ rằng cô sẽ thấy họ là những người bạn đồng hành thú vị”. “Tôi thấy thích đấy”. Tracy đáp. Đoàn tàu tốc hành Phương Đông khởi hành từ ga Victoria ở London vào, các thứ sáu hàng tuần lúc 11 giờ 44 phút, chạy đi Ixtambun, với các điểm tạm dừng ở Boulogue, Paris, Lausanne, Milan và Venice. Ba mươi phút trước giờ khởi hành, một bàn kiểm soát được đặt ngay lối cửa ra vào để lên tàu, và hai nhân viên lực lưỡng mặc đồng phục trải một tấm thảm đỏ trước chiếc bàn rồi đứng sang hai bên đón khách. Những ông chủ mới của đoàn tàu tốc hành Phương Đông đã hy vọng làm sống lại dĩ vãng vẻ vang của những đoàn xe lửa chở khách thời cuối thế kỷ 19, và đoàn tàu mới này được đóng giống hệt như đoàn tàu ngày trước với một toa kiểu Ănglê dùng làm nơi ngồi chơi, giải trí, vài toa dùng làm phòng ăn, một toa dùng làm tiệm giải khát, và các toa dùng làm phòng ngủ. Một nhân viên trong bộ đồng phục xanh nước biển thời năm 1920 với những chiếc tua vàng mang hai chiếc va li và chiếc xắc nhỏ của Tracy tới tận ca bin của nàng, một chổ hơi nhỏ. Có một chiếc ghế duy nhất phủ thảm len, nền thêu hoa. Thảm trải sàn, cũng như cái thang để leo lên giường, đều một màu xanh. Ca bin cứ giống như một hộp kẹo. Tracy đọc tấm thiếp gắn trên chai sâm banh nhỏ để sẵn trên bàn: OLIVER AUBERT, TRƯỞNG TÀU. Mình sẽ chờ khi có cái gì đó đáng chúc mừng, Tracy nghĩ. Maximilian Pierpont. Jeff Stevens đã bị lỡ. Được hớt tay trên ông Stevens thì cũng thú vị đấy. Tracy mỉm cười với ý nghĩ đó. Nàng loay hoay sắp xếp hành lý và treo sẵn ra ngoài mấy bộ quần áo cần dùng tới. Nàng thích đi trên chiếc máy bay phản lực của hãng Pan American hơn là trên một xe lửa, nhưng chuyến đi này thì đầy hứa hẹn là hứng thú. Đúng giờ, đoàn tàu tốc hành Phương Đông rời khỏi ga. Tracy ngồi tựa mình trên ghế ngắm nhìn vùng ngoại ô phía Nam London lướt qua khung cửa sổ. giờ 15 hôm đó, đoàn tàu tới cảng Folkestone nơi hành khách xuống phà để vượt eo biển sang Boulogne thuộc Pháp, và từ đây, họ lên một đoàn tàu tốc hành Phương Đông khác chạy tiếp về phía Nam. Tracy gặp một nhân viên trên tàu, hỏi anh ta. “Tôi nghĩ rằng ông Maximilan Pierpont đang cùng đi với chúng ta. Anh có thể chỉ ông ta cho tôi không A. Anh nhân viên lắc đầu. “Rất tiếc, thưa cô. Ông ta đặt buồng, trả tiền, nhưng không thấy mặt dâu cả. Tôi nghe nói ông ấy là người tính nết rất thất thường. Ở Boulogne, hành khách được đưa lên đoàn tàu tốc hành Phương Đông chạy trên phần lục địa châu u. Không may là cabin của Tracy cũng giống hệt như trên đoàn tàu trước, và cái giường chẳng êm ái gì cả làm nàng khó chịu, nằm lỳ trong cabin suốt cả ngày dế tính toán kế hoạch, và tới tôi mới bắt đầu mặc áo xống. Tàu tốc hành Phương Đông quy định ăn mặc trang trọng vào buổi tối, và Tracy lựa một chiếc váy dài màu trắng sữa lộng lẫy may bằng hàng tơ mỏng dính, tốt chân và đôi giày màu xám. Trước khi ra khỏi cabin, nàng đứng trước gương ngắm lại thật kỹ. Cặp mắt màu xanh lục đầy vẻ ngây thơ, gương mặt toát lên vẻ vụng về, yếu đuối. Cái gương mặt thật dối trá. Tracy thầm nghĩ. Mình đấu còn là một phụ nữ như vậy nữa. Mình đang sống một cuộc sống giả tạo, Nhưng thú vị. Vừa ra khỏi cabin, cái ví trên tay nàng tuột rơi xuống sàn và khi cúi xuống nhặt, nàng nhanh nhẹn xem xét các ổ khóa. Mỗi cánh cửa cabin trên tàu có hai ổ khóa. Một Yale, và một kiểu Universal. Không có vấn đề gì đáng kể Tracy tiếp tục đi về phía toa xe, nơi đặt phòng ăn. Đoàn tàu có ba toa xe dùng làm nơi ăn uống. Các ghế ngồi đều phủ thảm len, các bức vách được ốp gỗ, và những ngọn đèn gắn trên trần tỏa ra một thứ ánh sáng dịu dàng. Tracy bước vào phòng ăn thứ nhất và thấy có dăm ba bàn còn trống. Một nữ tiếp viên đón nàng. “Tiểu thư dùng bàn cho một người ạ?”. Tracy đưa mắt nhìn quanh. “Tôi đang tìm bạn: Cảm ơn”. Nàng đi tiếp sang toa ăn sau. Phòng này Đông hơn, nhưng cũng vẫn còn vài bàn trống chỗ. “Chúc một buổi tối tốt lành cô tiếp viên chào. “Tiểu thư ăn một mình sao?”. “Không, tôi ăn với bạn. Cám ơn”. Nàng đi sang toa ăn thứ ba. Tốt cả các bàn đều đã có người. Cô tiếp viên đón ngay ở cửa. “Thưa, tôi e rằng bà phải đợi Tuy nhiên, ở hai toa kia vẫn còn bàn đấy ạ”. Tracy nhìn quanh và đã thấy mục tiêu của mình tại một bàn trong tít tận góc phòng. “Không sao”, Tracy nói, “Tôi có bạn mà”. Nàng bước lại cái bàn ở góc xa đó. “Xin lỗi”, nàng nói dè dặt. “Dường như tốt cả các bàn đều chật rồi. Các vị có cho phép tôi ngồi cùng không ạ?”. Người đàn ông nhanh nhẹn đứng dậy, nhìn nàng chằm chằm và thốt lên “Tốt thôi. Xin mời ngồi. Tôi là Alberto Fornati và đấy là vợ tôi, Silvana Luadi”. “Tôi là Tracy Wihitney”: Chuyến đi này nàng dùng hộ chiếu thật. “A, một phụ nữ Mỹ. Tôi nói tiếng Anh thì tuyệt vời”. Alberto Fornati người thấp, béo và hói đầu. Ô Rome, người ta bàn tán rất nhiều trong suốt mười hai năm qua kể từ khi họ chung sống với nhau, về nguyên nhân gì đã làm cho Silvana Luadi chịu cưới Fomati. Silvana Luadi là một người phụ nữ in vẻ đẹp quý tộc, với thân hình gợi cảm và tài năng bẩm sinh. Cô ta đã giành một Oscar, một Cành cọ bạc và luôn luôn được mời đóng phim. Tracy nhận thấy cô ta mặc chiếc váy dài buổi tối biểu Valentino - giá năm ngàn đô la, và đồ nữ trang mà cô tạ mạng trên người phải trị giá tới gần một triệu. Nàng nhớ lại lời Gunther: Hắn càng không chung thủy với vợ bao nhiêu thì càng cho vợ nhiều đồ nữ trang bấy nhiêu. Bây giờ thì Silvana phải được sức mở hiệu kim hoàn riêng của cô ta ấy chứ. “Đây là lần đầu tiên cô đi tàu tốc hành Phương Đông phải không, tiểu thư”. Sau khi nàng ngồi xuống, Fornati mở đầu câu chuyện. “Thưa vâng”. “A, đoàn tàu này đẩy những câu chuyện lãng mạn cặp mắt ông ta ướt rượt. “Có nhiều mẩu chuyện lý thú. Ví dụ, ngài Basil Zaharoff, trùm lái súng, vẫn thường đi trên đoàn tàu này ngày trước - luôn luôn ở cabin số 7. Một đêm ông ta nghe có tiếng kêu và cửa cabin ông ta bi xô bật. Một người phụ nữ Tây Ban Nha trẻ trung, xinh đẹp ngã nhào vào ông ta”. Fornati dừng lời, phết bơ lên miếng bánh và đưa vào miệng. “Cô ta đang bị chồng dọa giết. Các bên cha mẹ đã thu xếp cho cuộc hôn nhân, và cô gái tội nghiệp đến lúc đó mới biết người chồng bị bệnh tâm thần. Zaharoff đã ngăn cản người chồng và an ủi cô gái trẻ trung đang khiếp sợ và rồi từ đó bắt đầu một cuộc tình đầy lãng mạn kéo dài suốt bốn mươi năm”. “Thật thú vị”. Tracy đáp, cặp mắt mở to thích thú. “Đúng thế đấy. Sau đó, họ lại gặp nhau trên tàu tốc hành Phương Đông, ông ta ở cabin số 7 và cô ấy ở số 8. Khi người chồng kia chết, cô tiểu thư này và Zaharoff đã kết hôn, và để làm một biểu tượng cho tình yêu của mình, ông ta đã tặng cô ấy cả một sòng bạc ở Monta Carlo, như một món quà cưới”. “Một câu chuyện thật hay, thưa ông Fornati Silvana ngồi câm lặng như một tảng đá. “Ăn đi”, Fornati giục Tracy. “Ăn đi”. Bữa ăn gồm có sáu món, và Tracy để ý thấy Alberto Fornati ăn hết từng món một và ăn nốt luôn cả phần dư lại trên đĩa của vợ. Giữa những miếng ăn, ông ta liên tục tán nhăng nhít. “Cô là một diễn viên hẳn?” ông ta hỏi Tracy. Nàng cười lớn. “Ồ, không. Tôi chỉ là một khách du lịch bình thường”. Ông ta mỉm cười. “Cô làm diễn viên dược đấy, vì cô đẹp lắm”. “Cô ấy đã nới không phải là diễn viên”. Giọng Slivana gay gắt. Alberto Fornati vẫn phớt lờ. “Tôi sản xuất phim”, ông ta kể với Tracy. “Cô chắc đã nghe về những bộ phim đó? Những kẻ man rợ, Người Titan chống lại người đàn bà siêu phàm ...”. “Tôi không được xem nhiều phim”. Tracy đáp, vẻ có lỗi, cảm thấy cái chân to béo của ông ta áp vào chân mình dưới gầm bàn. “Có thể tôi sẽ thu xếp để cô xem một vài phim của tôi”. Mặt Silvana trắng bệch ra vì giận dữ. “Cô đã bao giờ tới Rọme chưa, cô bạn thân mến? Chân ông ta bắt đầu cọ vào chân Tracy. “Thực sự là tôi đang định đi Rome sau khi đến Venice”. “Tuyệt diệu! Rất hay! Chúng ta sẽ ăn một bữa với nhau. Có phải không, em yêu”“ Ông ta hét nhanh sang Silvana trước khi nối tiếp. “Chúng tôi có một biệt thự tuyệt đẹp kế bên con đường Appian. Mười mẫu ...” Ông ta dang tay ra để mô tả và gạt rơi bát xúp xuống lòng cô vợ. Tracy không thể biết đó là một cử chỉ vô tình hay hữu ý nữa. Silvana đứng phắt dậy nhìn những vết loang lổ trên váy “Thật thô bỉ!” Cô ta kêu lên rồi đùng dùng bỏ ra khỏi phòng ăn, tốt cả các cặp mắt đều đổ dồn theo. “Thật đáng tiếc”. Tracy lẩm nhẩm. “Một bộ váy áo đẹp đến thế, Nàng chỉ muốn tát vào mặt gã đàn ông vì đã hạ nhục người vợ. Cũng là đáng với số nữ trang mà cô ta nhận được, Tracy nghĩ. Ông ta thở dài. “Fornati này sẽ mua cho cô ta một bộ đồ khác. Đừng để ý tới. Cô ta rất ghen”. “Tôi tin rằng cô ấy có lý do để ghen như vậy”. Tracy cố che giấu sự mỉa mai bằng một nụ cười. Ông ta vênh váo. “Cũng có thể. Mọi phụ nữ đều thấy Fornati này rất hấp dẫn”. Tracy cố lắm mới khỏi cười phá lên. “Tôi hiểu điều đó”. Ông ta với qua bàn và cầm lấy tay Tracy. “Fomati thích cô, Fomati rất thích cô. Cô làm gì để sống nhỉ?”. “Tôi là một thư ký thôi. Tôi đã phải dành dụm tiền để có chuyến đi này đấy”. “Tôi hy vọng là cô có được một chỗ làm việc thú vị ở châu u”. Cặp mắt lồi của ông ta đảo khắp thân hình nàng. “Cô sẽ không gặp khó khăn gì, Fornati này hứa như vậy. Fornati xử đẹp với những ai chơi đẹp với Fornati”. “Ông thật là tuyệt vời”, Tracy nói vẻ ngượng nghịu. Ông ta hạ giọng thì thào. Có thể chúng ta nên thảo luận chuyện này ở cabin của cô vào cuối buổi tối này được không?”. “Thế thì ngượng chết”. “Tại sao?”. “Ông nổi tiếng như vậy. Có thể là mọi người trên tàu đều biết ông”. “Hiển nhiên là thế”. “Nếu họ thấy ông tới cabin của tôi ... ờ, ông biết đấy, có thể có người hiểu lầm. Tất nhiên, nếu như cabin của ông ở gần chỗ tôi thì ... Ông ở cabin số mấy”. “Số 70”. Ông ta nhìn nàng, đầy hy vọng. Tracy thở dài. “Tôi lại ở toa xe khác. Sao chúng ta sẽ không gặp nhau ở Venice nhỉ?”. Ông ta mỉm cười. “Được. Vợ tôi, cô ấy ở lỳ trong phòng suốt. Không chịu được nắng trên mặt. Cô đã đến Venice bao giờ chưa?”. “Chưa”. “A! Cô và tôi sẽ đi Torcello, một hòn đảo tuyệt đẹp với tiệm ăn thượng hạng, tiệm Locanda Gipriani. Nó cũng là một khách sạn nhỏ nữa”. Cặp mắt ông ta sáng lên. “Hết sức kín đáo”. Tracy nhoẻn nụ cười, vẻ hiểu ý. “Nghe hấp dẫn nhỉ”. Nàng hạ hàng mi xuống, vẻ như không nói nên lời. Fornati xiết chặt tay nàng và thì thào tình tứ. “Em chưa biết thế nào là sự hấp dẫn đâu, em yêu ạ”. Nửa giờ sau, Tracy đã trở về cabin của mình. Đoàn tàu tốc hành Phương Đông lao nhanh trong màn đêm tẻ nhạt, ngang qua Paris, Diìon và .Vallarbe, trong khi hành khách đều ngủ yên giấc. Họ đã nộp hộ chiếu từ tối hôm trước và các thủ tục qua biên giới là do các nhân viên trên tàu giải quyết. Vào lúc 3 giờ 30 sáng, Tracy lặng lẽ rời khỏi cabin của mình. Thời điểm là vấn đề có tính quyết định. Đoàn tàu sẽ băng qua biên giới Thụy Sĩ và tới Lausane lúc 5 giờ 21 phút và phải tới Milan, Ý, lúc 9 giờ 15. Phong phanh trong bộ đồ lót và chiếc rốp mỏng, với một túi giấy, Tracy đi dọc theo hành lang, tốt cả các giác quan đều căng thẳng, sự kích động quen thuộc lâm tim nàng đập mạnh. Trong cabin không có toa lét riêng, nhưng ở đầu mỗi toa tàu. Nếu bị hỏi, nàng đã sẵn sàng để trả lời rằng đang đi tìm phòng vệ sinh dành cho nữ, nhưng chưa thấy. Song nhân viên toa xe đang tranh thủ mấy giờ đồng hồ về sáng để ngon giấc. Tracy đến được cabin E70 không gặp trở ngại gì. Nàng nhẹ nhàng xoay tay nắm. Cửa khóa. Tracy mở túi giấy, lấy ra một dụng cụ bằng kim loại, một chai nhỏ, và một xilanh, rồi bắt tay vào việc. Mười phút sau nàng đã trở lại cabin của mình và ba mươi phút sau đó, đã ngủ say với nụ cười còn đọng lại trên khuôn mặt mới được rửa ráy sạch sẽ, thơm tho. Vào lúc 7 giờ sáng, khoảng hai giờ đồng hồ trước lúc đoàn tàu đến Milan, có những tiếng kêu rầm rĩ vọng ra từ cabin E70 đã làm hành khách thức giấc. Một nhân viên của đoàn tàu chạy vội vào cabin E70. Silvana Luadi đang kêu thét điên loạn. “Trời ơi! Giúp tôi với, cô ta gào lên. “Bao nhiêu đồ nữ trang của tôi mất sạch rồi. Đoàn tàu khốn kiếp này đầy những kẻ cắp”. “Xin bà bình tĩnh nào”, người phụ trách toa xe nài nỉ, Những người khách ...”. “Bình tĩnh?” Cô ta rít lên. “Làm sao mà anh còn dám bảo tôi bình tĩnh hả, đồ ngốc? Có kẻ nào đó đã ăn cắp chỗ nữ trang trị giả tới hơn một triệu đôla của tôi”. “Làm sao mà chuyện này có thể xảy ra nhỉ?” Alberto Fornati kêu lên. “Cửa vẫn khóạ., và Fornati này rất thính ngủ cơ mà. Nếu có kẻ lẻn vào thì tôi sẽ bĩết ngay”. Phụ trách toa xe thở dài. Ông ta quá biết chuyện xảy ra như thế nào, bởi vì trước đây đã từng như thế. Trong đêm, ai đó lần mò dọe theo hành lang và xịt nguyên một xi lanh đầy ê te qua lỗ khóa. Các ổ khóa chỉ là đồ chơi với những kẻ biết rõ chúng đang làm gì. Sau khi đã lấy được thứ mình muốn, hắn sẽ lặng lẽ trở ra trong khi các nạn nhân vẫn còn đang mê mệt. Nhưng có một điểm khác. Trước đây thì các vụ trộm đều chỉ được phát giác sau khi tàu đã đến ga cuối cùng, do vậy bọn trộm đã có cơ hội tẩu thoát. Còn vụ này lại khác. Chưa một ai xuống tàu kể từ khi xảy ra, vậy thì chỗ đồ nữ trang đó vẫn còn trên tàu. “Xin đừng lo”, người phụ trách toa xe hứa hẹn với vợ chồng Fornati. “Các vị sẽ lấy lại được số châu báu đó. Tên trộm vẫn eòn ở trên tàu mà”. Nói rồi, ông ta chạy đi gọi điện cho cảnh sát. Khi đoàn tàu tốc hành Phương Đông từ từ dừng bánh tại ga Milan, hai mươi cảnh sát mặc sắc phục đã giăng hàng chờ sẵn với mệnh lệnh không để bất kỳ một hành khách hoặc một thứ hành lý nào rời con tàu. Luigi Ricci, viên thanh tra phụ trách nhóm công tác này, được đưa thẳng tới cabin Fornati. Chẳng có gì khác ngoài việc Silvana Luadi càng trở nên điên cuồng, tuyệt vọng hơn. “Tốt cả số nữ trang mà tôi có đều nằm trong cái hộp đó”, cô ta gào thét. “Và lại không được bảo hiểm gì cơ chứ?”. Viên thanh tra xem xét cái hộp đựng đồ nữ trang đã trống rỗng. “Cô có chắc đêm qua đã cho tốt cả nữ trang c vào đây không, tiểu thư?”. “Tốt nhiên chứ còn gì. Đêm nào tôi cũng bỏ vào đây cả Cặp mắt long lanh eủa cô ta - từng làm run rẩy hang triệu người hâm mộ - nhòa lệ, và thanh tra Ricci cảm thấy sẵn lòng lao vào lửa. Ông ta bước ra cửa cabin và ghé mũi ngửi ngửi lỗ khóa. Có thể thấy phảng phất mùi ê te còn vương lại. Chắc chắn là đã có chuyện trộm cắp và ông ta quyết định bắt cho được cái bọn vô đạo ấy. Thanh tra Ricci đứng thẳng người lên và nói. “Xin đừng lo quá, tiểu thư. Không cách nào chuyển được chỗ nữ trang đó khỏi đoàn tàu này. Nó sẽ trở lại với cô”. Thanh tra Ricci có đầy đủ lý do để tin tưởng vậy. Sợi dây thòng lọng đang được thắt lại và không hề có khả năng nào cho tên trộm tẩu thoát. Từng hành khách được các nhân viên điều tra đưa vào một phòng đợi của nhà ga đã được canh chừng cẩn thận, và người ta đã khám xét họ kỹ càng. Hành khách nói chung, mà phần nhiều trong số họ là những người có tên tuổi, đã hết sức bất bình vì sự xúc phạm này. “Tôi xin lỗi”, thanh tra Ricci giải thích với từng người một. “Nhưng một vụ trộm eả triệu đôla là một việc hết sức nghiêm trọng”. Trong lúc đó, các nhân viên khác đang lật ngược cabin của họ lên, kiểm tra từng phân vuông, kỹ lưỡng. Một cơ hội quý giá cho thanh tra Ricci và ông ta quyết tận dụng nó. Khi thu hồi lại được số nữ trang, ông ta cẩm chắc là được đề bạt và tăng lương. Tiếng tăm của ông ta sẽ nổi lên như cồn. Silvana Luadi sẽ biết ơn vả có thể sẽ mời ... Ông ta đưa ra những mệnh lệnh kiên quyết hơn. Có tiếng gõ trên cửa cabin Tracy và một nhân viên điều tra bước vào. “Xin lỗi tiểu thư. Đã có một vụ trộm. Chúng tôi cần khám xét tốt cả các hành lý. Xin mời đi theo tôi”. “Một vụ trộm à?” Giọng nàng đầy hoảng hốt. “Trên chuyến tàu này ư?”. “Tôi e là như vậy, thưa tiểu thư”. Khi Tracy bước ra khỏi cabin của mình họ ập vào mở các vali và khám xét kỹ lưỡng từng thứ đồ bên trong. Sau bốn giờ đồng hồ, kết quả của cuộc khám xét là dăm gói thuốc phiện, vài gam cocain, một con dao và một khẩu súng bất hợp pháp. Không hề thấy dấu vết chỗ châu báu kia. Thanh tra Ricci không thể nào tin vào kết quả đó. “Các anh đã lục lọi toàn bộ đoàn tàu chưa?” Ông ta chất vấn. “Thưa ông thanh tra, chúng tôi đã kiểm tra từng xăng ti mét một, đầu máy, các phòng ăn, tiệm giải khát, các toa lét, tốt cả các cabin. Chúng tơi đã khám hành lý cả các nhân viên trên tàu. Tôi có thể thề với ông rằng đám nữ trang đó không có trên đoàn tàu này. Có thể là cô ta đã tưởng tượng ra vụ trộm”. Nhưng thanh tra Ricci thì biết rõ hơn. Ông ta đã nói chuyện với những người bồi bàn và họ xác nhận Silvana Luadi quả thực có mang những thứ nữ trang đẹp mê hồn vào bữa ăn chiều hôm trước. Một đại diện của hãng tốc hành Phương Đông đã đáp máy bay tới Milan. “Các ông không được giữ đoàn tàu lâu hơn nữa”, ông ta kiên quyết. “Tàu chúng tôi đã chậm nhiều so với lịch trình rồi”. Thanh tra Ricci đành chịu thua. Không có lý do gì để giữ đoàn tàu lại. Không còn làm gì được nữa. Cách giải thích duy nhất mà ông nghĩ tới là có thể trong đêm, tên trộm đã quẳng chỗ nữ trang xuống cho đồng bọn chờ sẵn bên đường tàu. Nhưng liệu có thể xảy ra theo cách đó không nhỉ? Việc tính toán cho khớp thời gian là không thể được. Tên trộm không thể biết trước khi nào thì hành lang trên tàu yên ắng, rồi khi nào thì đoàn tàu chạy qua điểm hẹn trước, tại một nơi hoang vắng? Đây thực sự là một việc bí ẩn mà ông ta không đủ sức lý giải. “Cho đoàn tàu tiếp tục chạy”. Ricci ra lệnh rồi bất lực nhìn theo nó từ từ rời khỏi sân ga. Vậy là hết việc đề bạt, lên lương, hay một cơ hội sung sướng với c nàng Silvana Luadi xinh xắn nữa. Chủ đề bàn tán duy nhất trong phòng ăn sáng hôm đó là vụ trộm này. “Hàng mấy năm nay tôi mới lại được thấy một sự việc kích động thế này”, một bà giáo vẻ mô phạm thú nhận. Bà ta nhón tay cầm vào sợi dây chuyền vàng mỏng manh có gắn viên kim cương bé xíu và nói thêm, “Thật may là chúng đã không lấy mất của tôi”. “May thật đấy”, Tracy nghiêm trang tán thành. Khi Alberto Fornati bước vào phòng ăn, ông ta thoáng thấy Tracy và vội vã đi tới, “Dĩ nhiên là cô đã biết chuyện xảy ra. Nhưng cô có biết người bị cướp đoạt lại chính là vợ của Fornati này không?”. “Không!”. “Đúng thế đấy! Cuộc sống của tôi đầy rẫy những đe dọa. Một băng cướp đã lẻn vào cabin của tôi và dùng thuốc mê làm tôi ngủ vui. Fornati này đã có thể chết luôn rồi còn gì”. “Thật khủng khiếp quá”. “Thật tai hại cho tôi. Bây giờ tôi sẽ lại phải mua bù cho Sllvana toàn bộ số bị mất đó. Cả một gia tài ấy chứ”. Cảnh sát không tìm lại được à?”. “Không, nhưng Fornati thì biết chúng đã tẩu tán số nữ trang đó thế nào?”. “Thật à! Sao nào?”. Ông ta nhìn quanh và hạ giọng. “Một tên đồng bọn đã chờ sẵn tại một trong các ga mà chúng ta đã chạy qua trong đêm. Tên trộm chỉ việc ném chỗ nữ trang xuống khỏi đoàn tàu, và thế là xong”. Tracy thán phục. “Ông phải thật là thông minh mới đoán ra điều đó được”. “Ờ, ông ta nhướng cặp lông mày lên một cách đầy ý nghĩa. “Cô sẽ không quên cuộc hẹn hò nho nhỏ ở Venice chứ;”. Tracy mỉm cười. “Sao tôi có thể quên được?”. Ông ta siết chặt cánh tay nàng. “Fornati này mong ngóng cuộc hẹn hò đó. Bây giờ tôi phải quay lại để an ủi Silvana. Cô ta đang phát cuồng lên kia”. Khi đoàn tâu tốc hành Phương Đông dừng bánh tại nhà ga Senta Lucia ở Venice, Tracy ở trong số những người khách đầu tiên xuống tàu. Nàng mang hành lý ra thẳng sân bay và lên chuyến bay đầu tiên đi London. Cùng với hành lý của nàng là toàn bộ nữ trang của Silvana Luadi. Gunther Hartog sắp được sung sướng. Chương 23 Tòa nhà trụ sở cao bảy tầng của INTERPOL, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế, nằm ở số 26 phố Armengaud, trong khu đồi mang tên thánh Clond, cách Paris khoảng sáu dặm về phía Tây, hoàn toàn khuất sau một hảng rào cây xanh và những bức tường xây bằng đá trắng. Cổng vào lối mặt phố luôn được khóa kín 24 giở trong ngày, khách khứa chỉ bước vào sau khi đã được kiểm tra kỹ bằng một hệ thống truyền hình mạch kín. Bên trong tòa nhà, ở mỗi đầu cầu thang của mỗi tầng là những cánh cửa sắt màu trắng được khóa vào ban đêm, và mỗi tầng đều có trang bị một hệ thống báo động riêng và hệ thống theo dõi bằng truyền hình mạch kín. Chế độ bảo vệ đặc biệt là một yêu cầu nghiêm ngặt, bởi lẽ tòa nhà này chứa các tài liệu và hồ sơ chi tiết nhất và hai triệu rưỡi tội phạm. INTERPOL là một ngân hàng thông tin cho 126 lực lượng cảnh sát thuộc 78 quốc gia, và phối hợp các hoạt động của lực lượng cảnh sát trên khắp thế giới, trong việc đối phó vớinhững kẻ lừạ đảo, làm bạc giả, buôn lậu ma túy và trộm cướp, giết người. Nhờ các thiết bị radio, truyền ảnh và vệ tinh thông tin, nó phân tích, xử lý các thông tin mới nhất và đăng lên một tạp chí nội bộ. Các nhân viên ở trụ sở này đều là cựu thám tử của Bộ Nội vụ hoặc Sở Cảnh sát Paris. Buổi sáng đầu tháng Năm, một cuộc họp đã diễn ra trong phòng làm việc của thanh tra Andre Trignant người chịu trách nhiệm về các hoạt động tại trụ sở INTERPOL. Căn phòng rất tiện nghi nhưng đơn giản và phong cảnh bên ngoài thì thật tuyệt vời. Thanh tra Andre Trignant chừng giữa tuổi bốn mươi, một người đàn ông hấp dẫn, đầy vẻ uy quyền với khuôn mặt thông minh, mái tóc đen và cặp mắt nâu chính trực ẩn sau cặp kính gọng sừng. Ngồi cùng với ông trong căn phòng lúc này là các thám tử tập hợp đến từ Anh, Bỉ, và Ý. “Thưa quý vị”, thanh tra Trignant bắt đầu. “Tôi đã nhận được yêu eầu khẩn cấp từ mỗi quốc gia của các vị, kể cả của nước Pháp chúng tôi, về việc một loạt vụ án xảy ra gần đây trên khắp châu u. Tại đó đã xảy ra một nạn dịch trộm cắp, lừa đảo và có những nét giống nhau ở các vụ này. Nạn nhân đều là những người từng có tai tiếng xấu và không hề có bạo lực, còn thủ phạm luôn luôn là một phụ nữ. Có thể đi tới kết luận rằng chúng ta đang phải đối phó với một băng tội phạm mang tính chất quốc tế gồm toàn phụ nữ. Chúng ta có những chân dung dựng lại trên cơ sở mô tả của các nạn nhân và các nhân chứng. Như quý vị sẽ thấy, không bức chân dung nào của các phụ nữ này cớ những nét giống nhau cả. Kẻ thì tóc vàng, kẻ lại tóc hung. Và người ta nói lại họ gồm cả người Anh, người Pháp, người Tây Ban Nha, người Ý, người Mỹ hay Đúng hơn, người Texas”. Thanh tra Trignant bấm nút, một loạt bức hình hiện lên trên màn ảnh gắn trên tường. “Đây là chân dung dựng lại về một phụ nữ tóc hung, cắt ngắn”. Ông ta lại nhấn nút. “Đây là tóc vàng, để bù xù ... Một người tóc vàng khác, nhưng được uốn ... Một người phụ nữ tóc hung cùng với người phục vụ .... Một phụ nữ đã luống tuổi với một mớ tóc giả kiểu Pháp ...” Ông tắt máy chiếu. “Chúng ta chưa hề biết kẻ cầm đầu là ai hoặc hang ổ của chúng ở đâu chúng chưa bao giờ để lại dấu vết, và chung biến mất như làn khói. Sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ tóm được một tên và khi đósẽ có thể tóm tốt cả. Còn bây giờ, thưa quý vị, chừng nào quý vị chưa cung cấp thêm một vài thông tin cụ thể, tôi e rằng chúng ta đang hoàn toàn bế tắc ...!. Khi máy bay của Daniel Cooper hạ xuống Paris, ông ta được đón bởi một số những phụ tá của thanh tra Trigllant và được đưa về khách sạn Hoàng đế George để Ngũ nổi tiếng. “Chúng tôi đã thu xếp để ông gặp thanh tra Trignant vào sáng mai”, viên phụ tá nói với Cooper. “Tôi sẽ đón ông lúc 8 giờ 15”. Daniel Cooper vốn không sốt sắng gì với chuyến đi này. Ông ta dự định sẽ kết thúc công việc càng sớm cảng tốt để về ngay, bởi biết rõ những cám dỗ của Paris và không hề có ý định để mình bị lôi cuốn vào đấy. Cooper làm thủ tục rồi lên phòng, đithẳng vào buồng tắm. Cái bồn tắm thật đáng hài lòng, làm ông ta phải ngạc nhiên, tự thú nhận rằng nó lớn hơn nhiều so với ở nhà. Ông ta xả nước đầy bồn rồi đi vào phòng ngủ lấy đồ. Dưới đáy va li là một cái hộp nhỏ, khóa kỹ, nằm kẹp giữa bộ complê dự trữ và đám đồ lót. Ông ta cầm nó lên, nhìn chằm chằm và dường như thấy cái hộp có cuộc sống riêng của nó. Với chiếc chìa nhỏ xíu trong chùm chìa khóa mang theo, Cooper mở cái hộp ra và những hàng chữ từ một mẫu báo đã ố vàng đập vào mắt ông ta. CẬU BÉ LÀM CHỨNG TRONG PHIÊN TÒA ĐẠI HÌNH Hôm nay Daniel Cooper, 12 tuổi, đã làm chứng trước phiên tòa xử Fređ Zimmer, kẻ bị buộc tội cưỡng dâm rồi giết hại mẹ cậu bé. Theo lời khai trước tòa, cậu bé từ trường trở về và thấy Zimmer, một người hàng xóm, từ trong nhà cậu đi ra, mặt và tay đầy máu. Khi vào nhà, cậu bé thấy xác mẹ trong bồn tắm. Bà đã bị đâm chết, một cách đã mán, Zimmêr thú nhận là tình nhân của bà Cooper, nhưng phủ nhận việc giết hại bà. Cậu bé đã được một người dì nhận chăm sóc. Hai bàn tay run rẩy của Daniel Cooper buông rơi mảnh báo vào chiếc hộp, rồi khóa nó lại. Ông ta nhìn quanh điên dại. Các bức tường và trần của căn phòng tắm loang lổ vết máu, và thân thể lõa lỗ của mẹ bập bềnh trong bồn nước màu đỏ. Cooper thấy mệt mỏi. Những tiếng thét bên trong đã trở thành những tiếng rền rĩ, và ông ta vội vã lột bỏ quần áo, trầm mình vào bồn nước ấm. “Ông Cooper, tôi phải báo để ông rõ”, thanh tra Trignant nói, “rằng tư cách của ông hết sức bất thường. Ông không phải là thành viên của bất kỳ một lực lượng cảnh sát nào, và sự có mặt của ông ở đây là không chính thức Tuy nhiên cảnh sát của một số nước châu u đã yêu cầu chúng tôi mở rộng sự hợp tác”. Daniel Cooper lặng thinh. “Theo chỗ tôi hiểu, ông là một nhân viên điều tra của Hiệp hội bảo hiểm quốc tế. một côngxoocxiom của các công ty bảo hiểm”. “Một số khách hàng châu u của chúng tôi mới đây phải chịu những thiệt hại nặng nề. Tôi nghe nói là không hề có dấu vết gì”. Cooper thong thả nói, Thanh tra, Trigllant thở dài. “Tôi e rằng Đúng như vậy Chúng tôi biết mình đang phải đối phó với một băng gồm những phụ nữ rất thông minh, nhưng hơn thế nữa ...”. “Không có tin tức gì từ mạng lưới thông tin viên à?”. “Không. Không có tin tức gì cả”. “Điều đó không làm ông thấy lạ à?”. “Ý ông là gì vậy?”. Với Cooper thì mọi chuyện đã rõ ràng đến mức không còn buồn giấu vẻ khó chịu trong giọng nói của ông ta. “Khi đã là một băng thì luôn luôn có một kẻ nào đó nói quá nhiều, uống quá nhiều, tiêu xài quá nhiều: Môt nhóm Đông người thì không thể nào giữ bí mật được. Ông cho phép tôi xem hồ sơ của ông về băng này chứ?”. Viên thanh tra đã -toan từ chối. Ông nghĩ Daniel Cooper là một trong những người đàn ông xấu xí nhất mà ông từng thấy. Song lại là kẻ tự phụ nhất. Ông nghĩ rằng Cooper sẽ là một cái gai, “một cái nhọt ở mông”, thế nhưng người ta đã yêu cầu ông phải hợp tác đầy đủ. Vẻ miễn cưỡng, ông nói, “ôTối sẽ cho sao các tài liệu gửi ông”. Ông bấm má đàm thoại nồi bộ và ra những lệnh cần thiết. Rồi nói. “Một báo cáo thú vị vừa được dưa tới. Cả triệu đôla nữ trang đã bị đánh cắp trên đoàn tàu tốc hành Phương Đông trong lúc nó ...”. “Tôi mới đọc tin này. Tên trộm đã biến cảnh sát Ý thành một lũ ngốc”. “Không ai phán đoán nổi vụ trộm đó đã diễn ra thế nào cả?”. “Nó rất rõ ràng”. Daniel Cooper sẵng giọng. “Một logic đơn giản”. Thanh tra Trignant nhìn ông ta qua phía trên cặp mắt kính. Lạy Chúa; hắn ta có lối xử sự của lớp hạ đẳng. Ông lạnh lùng,nói. “Trong trường hợp này, lôgic không giúp ích. Đoàn tàu được kiểm tra từng ly từng tý, và tất cả nhân viên, hành khách, hành lý đều bị khám xét”. Daniel Cooper lắc lắc đầu. Thằng cha này điên rồi, thanh tra Trignant kiên quyết “Tôi đã xem báo cáo của cảnh sát”. “Người phụ nữ bị mất cũng là Silvana Luadi phải không”. “Sao?”. “Cô ta đã để toàn bộ nữ trang vào một chiếc hộp và rồi bị mất, có phải không?”. “Đúng thế”. “Cảnh sát có khám xét hành lý của cô Luadi không?”. “Chỉ xem cái hộp thôi. Cô ta là nạn nhân. Tại sao lại phải khám hành lý của cơ ta?”. “Bởi lẽ về mặt lôgic thì đó là nơi duy nhất tên trộm có thể cất giấu đồ ăn cắp, ở đáy một chiếc vali nào đó của cô ta. Có thể hắn có một chiếc khác giống hệt, và khi hành lý được chất đống xuống ga Venice, tốt cả việc mà hắn phải làm là đánh tráo chiếc vali đó rồi chuồn”. Daniel Cooper đứng dậy. “Nếu những bản báo cáo kia có rồi, tôi xin đi đây”. Ba mươi phút sau, thanh tra Trignant đã đang nói chuyện qua điện thoại với Alberto Fornati ở Venice. “Thưa ông”, viên thanh tra nói. “Tôi gọi để hỏi xem có rắc rối gì xảy ra với hành lý của vợ ông khi ông bà tới Venice không?”. “Có, có Fornati phàn nàn. “Thằng cha bốc vác ngu xuẩn đã lầm lẫn chiếe vali của cô ấy với vali của ai đó. Khi vợ tôi mở đồ ra ở khách sạn, trong cái ví kia chẳng có gì ngoài một đống tạp chí cũ. Tôi đã báo cho văn phòng của hãng tốc hành Phương Đông. Họ đã tìm ra chiếc va li của vợ tôi rồi à?” Ông ta hỏi, giọng hy vọng. Thưa ông, chưa”. Viên thanh tra đáp. Và ông lẩm nhẩm trong đầu, nếu là ông, tôi sẽ không trong chờ gì việc đó. Sau khi gác máy, ông ngồi xuống và ngẫm nghĩ thằng cha Daniel Cooper này thật kinh khủng. Chương 24 Ngôi nhà Tracy ở quảng trường Eaton là một thiên đường. Nó nằm trong khu vực đẹp vào loại nhất của London, gồm toàn những ngôi nhà cổ kính với những khu vườn đầy cây xanh. Những chị bảo mẫu trong những bộ đồ phục hồ bột thẳng nếp đầy những chiếc xe nôi trên các lối đi rải sỏi, bọn trẻ lớn hơn thì chơi đùa vui vẻ. Mình nhớ Amy quá - Tracy chạnh lòng. Nàng bước dọc theo những phố cổ đã đi vào truyền thuyết, ghé qua cửa hàng rau quả và một hiệu thuốc trên phố Elizabeth, lặng ngắm những bông hoa rực rỡ màu được bày bán nay bên ngoài các cửa hiệu nhỏ nằm hai bên đường phố. Gunther Hartog đã lưu ý để sao cho Tracy đóng góp Đúng cho những tổ chức từ thiện chân chính và gặp gỡ những người đáng gặp. Nàng đã hẹn hò với những công tước giàu có và cả các bá tước khánh kiệt, và nhiều người đã ngỏ lờỉ xin được kết hôn với nàng. “Mỗi người đều nghĩ cô là mục tiêu lý tưởng”. Gunther Hartog cười lớn. “Cô đã thực sự làm được cho mình những điều tuyệt diệu, Tracy ạ. Giở đây cô hoàn toàn vững vàng trong cuộc sống. Tốt, cả những gì cô cần nay đều đã có rồi”. Đúng như vậy. Tracy có tiền gửi ở khắp châu u, có nhà ở London và một nhà nghỉ ở St. Moritz. Có tất cả những gì mà nàng cần. Trừ một người để chia sẻ những thứ đó. Tracy nghĩ tới cuộc sống mà lẽ ra mình đã có, với một người chồng và một đứa trẻ. Liệu còn có thể có được nữa không? Không bao giờ nàng có thể tiết lộ với một người đàn ông nào đó rằng nàng thực sự là ai, lại cũng không thể sống dối trá với việc giấu kín quá khứ của mình, nhưng lại biết rõ rằng sẽ không bao giờ có thể quay lại cuộc sống mà nàng đã từng sống. Cũng được thôi, Tracy kiêu hãnh nghĩ. Rất nhiều người cô độc. Gunther nói Đúng. Mình đã có tốt cả mà. Chiều tối hôm sau, nàng mở tiệc, bữa tiệc đầu tiên kể từ khi từ Venice trở về. “Tôi trông chờ việc này” Gunther nói. “Các bữa tiệc của cô đắt giá nhất London đấy”. Tracy dịu dàng đáp. “Hãy xem người đỡ đầu của tôi là ai nào”. “Những ai sẽ đến dự?”. “Tốt cả mọi người”. Chiều tối, hóa ra còn một khách nữa không nằm trong cái số “Tất cả mọi người” mà Tracy dự kiến. Nàng đã mời nữ nam tước Howarth, một người thừa kế trẻ đẹp, hấp dẫn, và khi thấy nữ nam tước đến, Tracy đã ra đón. Nụ cười vụt tắt trên môi Tracy. Đi cùng với nữ nam tước là JeffStevens. “Tracy thân mến, tôi chắc chị chưa biết anh Stevens, còn Jeff, đây là Tracy Wihitney, nữ chủ nhân”. Tracy nói vẻ cứng nhắc, “Rất hân hạnh, anh Stevens”. Jeff đỡ lấy tay Tracy và giữ nó hơi lâu quá mức cần thiết. “Chị Tracy Wihitney ư?” Anh ta nói. “Dĩ nhiên rồi. Tôi là một người bạn của chồng chị. Chúng tôi cùng ở Ấn Độ với nhau mà”. “Thật thú vị làm sao!” Nữ nam tước Howarth kêu lên. “Lạnh, anh ấy chưa bao giờ nói về anh cả”. Tracy lạnh lùng. “Thật thế à? Tôi ngạc nhiên đấy. Anh bạn cũ đáng yêu của tôi. Thật buồn vi việc xảy ra cho anh ấy”. “Ôi; chuyện gì đã xảy ra vậy?” Nữ nam tước hỏi. Tracy nhìn chằm chằm vào Jeff. “Thực ra cũng chẳng có gì đấu”. “Chẳng có gì!” Jeff nói với vẻ trách cứ. “Nếu tôi nhớ chính xác thì anh ấy đã bị treo cổ ở Ấn Độ”. “Ở Pakistan”, Tracy nói chắc nịch. “Và tôi đã nhớ là chồng ti có nói về anh thật. Vợ anh thế nào?”. Nữ nam tước Howarth nhìn Jeff. “Anh chưa bao giờ nói là anh có vợ cả, Jeff. “Cecily và tôi đã ly dị”. Tracy mỉm cười ngọt ngào. “Ý tôi muốn nói tới Rose”. “Ồ, cô vợ đó”. Nữ nam tước Howarth sững người. “Anh đã hai lần cưới vợ? “Một lần thôi”, Jeff dễ dàng đáp. “Rose và tôi đã bỏ nhau lâu rồi. Khi đó chúng tôi đều còn quá trẻ mà”. Anh dậm chân toan bước đi. Tracy hỏi thêm. “Còn hái đứa trẻ sinh đôi thì sao?”. Nũ nam tước Howarth kêu lên. “Sinh đôi à?”. “Hai lúa sống chung với mẹ”. Jeff nói với Howarth, rồi nhìn Tracy, “Tôi không thể nói hết sự thú vị khi được trò chuyện cùng chị, chị Wihitney ạ. Nhưng chúng tôi không được phép độc giữ chủ nhân”. Nói rồi anh nắm tay nữ nam tước, bước đi. Sáng hôm sau, Tracy chạm trán với Jeff trong buồng thang máy của cửa hiệu Harlods, lúc đó đang Đông khách. Tracy bước ra khi thang máy dừng lại ở tầng ba, và nàng quay lại nói với Jeff, giọng to và rõ ràng. “Nhân đây, xin hỏi, làm cách nào anh thoát ra khỏi những lời cáo buộc hôm trước thế” “Cửa thang máy khép lại để mặc Jeff trong buồng thang máy đầy những người lạ soi mói nhìn. Đêm đó, Tracy nằm nghĩ tới Jeff, và bật cười. Anh ta thật có sức quyến rũ, một gã khốn kiếp nhưng đầy hấp dẫn. Khi nghĩ tới mối quan hệ của Jeff với nữ nam tước Howarth, nàng biết đó là mối quan hệ kiểu gì. Jeff và mình đều cùng một giuộc mà, Tracy nghĩ: Cả hai sẽ không bao giờ ngừng lại trên bước đường đời. Cuộc sống của cả hai đầy những kích động, hồi hộp và những phần thưởng. Nàng hướng ý nghĩ của mình sang công việc sắp tới. Vụ này sẽ diễn ra ở miền Nam nước Pháp, và nó là cả một thách thức. Gunther cho biết cảnh sát đang lùng kiếm một băng các phụ nữ bất lương, Nàng ngủ thiếp đi với nụ cười đọng trên môi. Trong căn phòng khách sạn của mình ở Paris, Daniel Cooper đang xem xét các báo cáo mà thanh tra Trignant gửi tới. Một số vụ ông ta đã biết còn các vụ khác thì chưa. Đúng như thanh tra Trignant nói, tốt cả nạn nhân đều là những kẻ có nhiều tai tiếng xấu. Cooper ngẫm nghĩ rõ ràng các thành viên của băng này tự coi họ là những Robin Hoods. Chỉ còn ba bản báo cáo nữa. Bản trên cùng có tiêu đề BRUCXEN. Một số đồ kim hoàn trị giá hai triệu đôla đã bị đánh cắp khỏi cái két gắn a trong tường của ông Van Ruysen nào đó, một nhà kinh doanh cổ phiếu người Bỉ, người có dính dáng tới một số vụ mờ ám về tài chính. Các chủ nhân đang đi nghỉ ở xa, ngôi nhà hoàn toàn vắng người và ... Cooper để mắt tới một chi tiết, tim ông ta dập dồn lên, quay lại từ dòng đầu tiên và đọc lại bản báo cáo, chú ý tới từng từ. Vụ này khác các vụ trước ở một chi tiết đầy ý nghĩa: Tên trộm đã đụng phải hệ thống báo động, và khi cảnh sát ập tới, họ được một phụ nữ, trên mình chỉ mặc chiếc váy ngủ hở hang, trong suốt, đón tận cửa. Tóc cô ta được nhét gọn trong một cái mũ chụp và mặt thì đang đầy kem. Cô ta nhận là khách của gia đình Van Ruysen. Cảnh sát đã tin như vậy, và đến khi họ liên lạc được với các chủ nhân thì người phụ nữ kia và chỗ kim hoàn đã biến mất. Cooper đặt tập báo xuống bàn. Lôgic, lôgic! Thanh tra Trignant nóng nảy. “Ông nhầm rồi. Tôi nói với ông là một phụ nữ thì không thể gây ra tốt cả các vụ phạm tội này được”. “Có một cách để kiểm tra điều đó”, Daniel Cooper nói. “Cách gì?”. “Tôi muốn có các số liệu từ một máy tính về thời gian và địa điểm xảy ra các vụ trộm cắp và lừa đảo trong thời gian gần đây nhất”. “Điều đó quá đơn giản nhưng ...”. Sau đó, tôi muốn có một báo cáo về việc nhập cảnh của tốt cả các nữ du khách người Mỹ có mặt ở các thành phố trên vào thời điểm xảy ra các vụ phạm tội đó. Có thể là cô ta đã sử đụng hộ chiếu giả phần lớn thời gian, nhưng cũng có khả năng cô ta sử dụng cả hộ chiếu thật”. Thanh tra Trignant ngẫm nghĩ. “Tôi thấy cách lập luận của ông có lý, ông Cooper”. Ông chăm chú nhìn người đàn ông nhỏ thó trước mặt và có phần nào mong rằng Cooper đã nhầm lẫn. Ông ta quá tự tin. “Được thôi. Tôi sẽ cho bộ máy của chúng tôi hoạt động”. Vụ trộm đầu tiên trong loạt này xảy ra ở Stôckhôn, Thụy Điển. Báo cáo của chi nhánh INTERPOL tại đây đã liệt kê danh sách các du khách Mỹ tới đây trong tuần lễ đó, và tên của các phụ nữ được đưa vào máy tính. Thành phố tiếp theo được kiểm tra là Milan. Khi tên của các nữ du khách Mỹ tại Milan trong thời gian xảy ra vụ trộm được mang tới đối chiếu với vụ Stơckhôn kia thì có 55 tên trùng lặp Danh sách này được đối chiếu một lần nữa với tên của các phụ nữ Mỹ có mặt ở Irelan trong thời gian xảy ra một vụ lường gạt, số trùng lặp giảm xuống còn 15. Thanh tra Trignant đưa bản danh sách này cho Daniel Cooper. “Tôi sẽ so danh sách này với vụ ở Berlin nữa”, thanh tra Trignant nói. “Và.”. Daniel Cóoper ngước mắt lên. “Thôi không cần”. Cái tên đầu tiên trong danh sách này là TRACY WIHITNEY. Sau cùng thì đã có một dấu vết cụ thể, bộ máy của INTERPOL bắt đầu làm việc. Các thông báo đỏ mức ưu tiên tối cao - được gửi đi các nước thành viên, nhắc cảnh sát hãy theo dõi Tracy Wihitney. “Chúng tôi cũng đã gửi đi các thông báo Xanh”, thanh tra Trignant cho biết. “Thông báo Xanh là thế nào?” Cooper hỏi. “Chúng tôi sử dụng một hệ thống mã bằng màu sắc. Một thông báo Đỏ là ưu tiên hàng đầu, Xanh da trời là yêu cầu thông tin về một kẻ bị tình nghi. Xanh lục thông báo cho các cơ quan cảnh sát biết một cá nhân nào đó đang bị nghi vấn và cần theo dõi. Đen là yêu cầu tin tức về những xác chết không nhận dạng được. Các chữ X – D lưu ý tính thượng khẩn của một bức điện, còn chữ D là khẩn. Bây giờ thì bất luận cô Wihitney này đi đến đâu, từ lúc bắt đầu làm thủ tục hải quan, là cô ta sẽ bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ”. Ngày hôm sau những tấm hình của Tracy Wihitney do nhà tù nữ ở Nam Louisiana gửi đi đã nằm trong tay INTERPOL. Daniel Cooper gọi điện thoại đường dài tới nhà riêng của J.J. Reynolds Sau cả chục hồi chuông mới có người nghe máy. “Hello?”. “Tôi cần một vài thông tin”. “Cậu đấy à, Cooper? Lạy Chúa, ở đây đang là 4 giờ sáng. Tời đang ngủ ngon”. “Tôi muốn ông gửi cho tôi tốt cả những gì ông có được về Tracy Wihitney. Các bài báo, băng videọ ....tất cả. “Chuyện gì đang ...?”. Cooper gác máy. Sẽ có ngày ta giết thằng chó đẻ này, Reynolds thề với mình. Trước đây, Daniel Cooper không mấy quan tâm tới Tracy Wihitne Còn bây giờ, đó là nhiệm vụ. Ông ta dán các tấm hình nàng lên tường căn phòng khách sạn và đọc tất cả các bài báo viết về nàng. Ông ta thuê về một bộ video và chiếu đi chiếu lại các đoạn phim truyền hình về Tracy Wthitney sau khí nàng bị kết án và sau khi được phóng thích khỏi nhà tù. Cooper đã ngồi trong căn phòng tối om giờ này sang giờ khác xem các đoạn phim, và chút ngờ vực lúc đầu đã biến thành điều khẳng định, “Chính cô là cả băng phụ nữ này, cô Wihitney”. Daniel Cooper nói to một mình. Rồi ông ta bấm nút tua lại để xem một lần nữa. Chương 25 Hàng năm, vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng Sáu, nam tước De Matiglly đều tổ chức một bữa tiệc để quyên tiền cho bệnh viện nhi đồng ở Paris. Giá vé để đến dự cuộc gặp gỡ long trọng này là một ngàn đô la, và giới thượng lưu từ khắp thế giới đều kéo tới. Lâu đài Matigny ở vùng Cap d Antibes là một trong những ký quan của nước Pháp, tồn tại từ thế kỷ 15. Buổi chiều hôm đó, cả phòng khách lớn và phòng khách nhỏ đều chật những vị khách sang trọng, đẹp đẽ và những người hầu mặc phẩm phục chỉnh tề không ngớt mời mọc những ly sâm banh lớn. Những chiếc bàn ăn lớn được kê sát quanh tường, trên bàn đầy ắp những món khai vị đựng trong cáe da cổ bằng bạc. Tracy, rạng rỡ trong bộ váy áo trắng, tóc bới cao và cài một chiếc trâm nam kim cương, đang khiêu vũ với chủ nhân bữa tiệc, nam tước De Matiglly, một người đàn ông góa vợ trạc tuổi sáu mươi, dáng nhỏ nhắn, khỏe mạnh và thanh thoát. Bữa tiệc mà.nam tước tổ chức hàng năm để lạc quyên cho bệnh viện Nhi đồng chỉ là một cách moi tiền - Gunther Hartog đã nói vậy với nàng. Mười phần trăm số tiền quyên góp được chuyển cho bọn trẻ, chín mươi phần trăm rơi vào túi lão ta. “Cô nhảy thật tuyệt, nữ công tước ạ”, lão nam tước nói. Tracy mỉm cười. “Đó là nhờ người bạn nhảy của tôi thôi”. “Tại sao trước đây chúng ta lại không biết nhau nhỉ?”. “Tôi đã và đang sống ở Nam Mỹ, Tracy giải thích. “Mà tôi e lại là trong rừng rậm nữa”. “Sao vậy?”. “Chồng tôi có một vài khu mỏ ở Brazin”. “À! Và tối nay chồng cô cũng có mặt ở đây chứ?”. “Không! Và thật đáng tiếc”. “Không nay cho ông ta, may mắn cho tôi”. Vòng tay của lão xiết chặt thêm quanh eo nàng. “Tôi mong rằng chúng ta sẽ đời bạn tốt”. “Tôi cũng vậy”. Tracy khẽ đáp. Đột nhiên, qua vai lão nam tước, Tracy trông thấy Jeff Stevens, da rám nắng và điệu bộ thoải mái. Anh đang nhảy với một phụ nữ tóc hung xinh đẹp, mềm mại, mặc bộ váy áo bằng lụa màu đỏ sẫm - cô ta áp chặt lấy anh một cách sở hữu. Jeff đồng thời cũng trông thấy Tracy và mỉm cười. Hắn ta cười nhạo mình là Đúng lắm, Tracy thầm nghĩ chua chát. Trong hai tuần qua Tracy đã dày công mưu tính hai vụ trộm. Nàng xâm nhập ngôi nhà thứ nhất, mở két sắt chỉ dễ thấy nó hoàn toàn trống rỗng. Jeff Stevens đến đó trước rồi. Lần thứ hai, trong lúc Tracy đang lần tới ngôi nhà mục tiêu thì nàng nghe thấy tiếng xe rú ga đột ngột và chỉ kịp thoáng thấy bóng Jeff khi xe lướt qua. Anh ta đã lại chơi nàng một vố nữa. Anh ta thật đáng ghét. Và giờ đây - Tracy nghĩ, anh ta lại có mặt ở ngôi nhà mình đang định làm một vụ .... Jeff và cô bạn nhảy dịch lại gần. Anh cười và lên tiếng “Xin chào nam tước”. Nam tước cười. “A, Jeff. Xin chào. Tôi rất vui lòng thấy anh đã đến được đây”. “Làm sao tôi có thể bỏ lỡ dịp này được”. Jeff ra đấu chỉ người phụ nữ đầy vẻ khêu gợi trong vòng tay anh ta. “Đây là cô Wallace. Còn đây, nam tước De Matigny”. “Rất hân hạnh? Lão nhìn Tracy. “Nữ công tước, cho phép tôi giới thiệu cô Wallace và ông Jeff Stevens chứ? Còn đây, nữ công tước De Larosa. Cặp lông mày của Jeff nhướng lên. “Xin lỗi. Tôi chưa nghe được”. “De Larosa”, Tracy bình thản đáp. “De Larosa ... De Larosa”. Jeff nhìn Tracy đẩy vẻ dò xét. Cái tên thật quen. Đúng rồi! Tôi biết chồng cô mà. Ông bạn thân thiết của tôi có đây với cô không”. “Ông ấy ở Brazin”. Tracy chợt thấy mình đang nghiến chặt răng lại. Jeff mỉm cườị. “À, thật tệ. Chúng tôi vốn vẫn cùng đi săn với nhau. Tất nhiên là trước khi ông ấy gặp tai nạn”. “Tai nạn ư? Lão nam tước hỏi. “Vâng”, giọng Jeffvẻ buồn bã. “Khẩu súng của ông ấy bị cướp cò và viên đạn bắn trứng vào một khu vực rất nhạy cảm. Một điều thật ngu xuẩn”. Anh quay sang Tracy. “Liệu có hy vọng gì về ông ấy sẽ trở lại bình thường không Tracy đáp lạnh lùng, “Tôi tin rằng một ngày nào đó ông ấy cũng sẽ bình thường như anh vậy, Stevens ạ”. “Ồ, tốt Cô sẽ chuyển tới ông ta lời thăm hỏi ân cần nhất của tôi chứ, nữ công tước?”. m nhạc ngừng. Nam tước De Matiglly nói “Xin lỗi nhé, cô bạn thân mến, tôi phải đi làm một vài nghĩa vụ của chủ nhân”. Lãe xiết chặt tay nàng. “Đừng quên rằng chỗ của cơ là ở bàn tôi nhé”. Khi lão ta vừa đi, Jeff nói với cô bạn nhảy. “Thiên thần của anh, em có thể đi lấy cho anh mấy viên thuốc đau đầu không? Anh đang đau lắm”. “Ôi, tội nghiệp anh yêu”. Trong cặp mắt cô ta lộ rõ vẻ ngưỡng mộ. “Em sẽ quay lại ngay thôi, anh yêu của em”. Cô ta đi ra. Tracy nói với Jeff. “Anh không sợ cô ta sẽ làm anh mắc bệnh đái đường à?”. “Cô ta ngọt ngào dấy chứ? Còn cô dạo này thế nào, nữ công tước?”. Tracy mỉm cười để che mắt những người xung quanh. “Đó thực sự không phải là điều anh quan tâm, phải không nào?”. “A, trái lại đấy. Thục ra, sự quan tâm của tôi đủ để khuyên cô một lời khuyên bạn bè. Đừng mất công cướp bóc gì ở tòa nhà này”. “Sao. Anh định sẽ làm trước chăng”. Jeff khoác tay Tracy đưa nàng lại một góc bàn cạnh chiếc piano, nơi có một anh chàng trẻ tuổi, mắt đen đang thả hồn theo một khúc nhạc Mỹ. Chỉ một mình Tracy mới có thể nghe được tiếng Jeff lẫn trong tiếng nhạc. “Thực tế thì tôi cũng dự tính một chút việc nhỏ mọn, nhưng nó quá nguy hiểm”. “Thật vậy à?” Tracy bắt đầu thấy thích thú. Với nàng đây là điều dễ chịu, khỏi phải đóng kịch gì nữa. Người Hy Lạp có một từ rất chính xác cho cái này, Tracy nghĩ. Từ kẻ đạo đức giả bắt nguồn từ kẻ đóng kịch - một từ Hy Lạp. “Hãy nghe tôi, Tracy”. Giọng Jeff nghiêm chỉnh. “Đừng cố làm điều đó. Trước hết là không thể nào vượt qua khu vườn mà còn sống sót cả. Một con chó săn khủng khiếp được thả hàng đêm”. Bỗng nhiên, Tracy nghe một cách chăm chú. Jeff đã âm mưu trộm cướp ngôi nhà này. “Tất cả các cửa sổ và các cửa ra vào đều có điện. Hệ thống báo động được nối trực tiếp với đồn cảnh sát. Thậm chí ngay cả khi đã lọt vào trong thì cũng chẳng ích gì vì toàn bộ ngôi nhà đều chằng chéo những tia hồng ngoại vô hình”. “Tôi biết tốt cả những điều đó”. Tracy đành lòng giả bộ. “Vậy thì cô chắc cũng biết rằng những tia hồng ngoại không gây báo động khi cô chạm vào nó. à nó gây. Báo động khi cô bước ra. Nó cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ. “Không cách nào có thể vượt qua nó một cách im lặng”. Nàng không hề biết điều đó. Làm sao Jeff lại biết được nhỉ? “Tại sao anh lại nói với tôi những điều này?”. Anh mỉm cười, và nàng thấy anh chưa bao giờ lại hấp dẫn. như vậy! Thực sự là tôi không muốn cô bị bắt, thưa nữ công tước. Tôi muốn có cô ở bên. Cô biết đấy, Tracy, cô và tôi có thể làm bạn nhau được mà”. “Anh nhầm rồi”, Tracy nói chắc nịch khi thấy cô bạn của Jeff đang vội vã chạy lại. “Cô ấy tới kìa. Chúc vui vẻ”: Khi bước đi, nàng còn nghe thấy cơ bạn của Jeff nói. “Em mang cả sâm banh để anh uống thuốc đấy, tội nghiệp anh yêu”. Bữa tiệc quả là hảo hạng. Mỗi món ăn đều được dọn ra cùng với một thứ rượu thích hợp, và những người hầu mang găng trắng phục vụ thật không chê vào đâu được. Sau cùng là cà phê và rượú Brandy, Khách nam giới được mời xì gà, còn nữ giới thì được tặng những lọ nước hoa Joy. Sau bữa ăn, nam tước De Matiglly quay sang Tracy. “Cô nói là muốn được đi xem mấy bức tranh của tôi. Bây giờ có muốn đi xem chúng không?”. “Tôi rất thích được như vậy”. Phòng tranh là cả một bảo tàng riêng, đầy các họa phẩm của các danh họa Ý, các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng Pháp, và Picassọ. Cả bức tường dài như sống động với các mảng màu tuyệt diệu trong tranh của các danh họa mà tên tuổi sẽ sống mãi cùng lịch sử. Đó là các tranh của Monets và Renous, Canalettas, Guardis và Tintoretto, còn tranh của Cesanues thì gần như kín cả một bức tường. Không thể tính hết giá trị của bộ sưu tập này. Tracy lặng ngắm các bức tranh, đắm chìm trong vẻ huyền diệu của chúng. “Tôi hy vọng chúng được bảo vệ cẩn thận?”. Lão nam tước mỉm cười. “Đã ba lần bọn trộm cắp định động tới kho báu của tôi. Một tên thì bị chó cắn chết, tên thứ hai bị trọng thương, và tên thứ ba thì đang nằm trong tù với cái án chung thân. Lâu đài này là một pháo đài bất khả xâm phạm, thưa nữ công tước”. “Nghe vậy tôi thật yên tâm, nam tước ạ”. Một chớp sáng bừng lên ở phía bên ngoài. “Người ta bắt đầu bắn pháo hoa đấy”, lão nam tước nói. “Tôi nghĩ cô sẽ hài lòng”. Lão cầm lấy bàn tay mềm mại của Tracy trong bàn tay khô cứng của mình và đưa nàng ra khỏi phòng tranh. “Sáng mai tôi đi Deauville, ở đó tôi có một biệt thự bên bờ biển. Tôi đã mời một vài người bạn tới nghỉ cuối tuần. Mong rằng cô có thể cảm thấy thích”. “Chắc chắn là thế”, Tracy nói vẻ nuối tiếc. “Nhưng tôi sợ chồng tôi sẽ thấy bực bội. Ông ấy cứ khăng khăng đòi tôi trở về”. Pháo hoa kéo dài gần một giờ đồng hồ, và Tracy đã lợi dụng dịp này để thám thính ngôi nhà. Những gì Jeff nói là hoàn toàn Đúng. Các trở ngại là khủng khiếp, nhưng chính vì điều đó Tracy thấy sự thách thức này sao mà cám dỗ. Nàng biết chắc trong buồng ngủ của lão nam tước có số đồ kim hoàn trị giá tới hai triệu đôla và dăm kiệt tác, trong đó có cả một bức của Leona De Vinci. Tòa lâu đài này là cả một kho báu, Gunther Hartog đã nói, và nó được bảo vệ cẩn mật. Đừng hành động gì nếu chưa có một kế hoạch hoàn hảo. Hừ, mình đã có một kế hoạch, Tracy nghĩ. Còn chuyện nó có hoàn hảo hay không thì mai sẽ biết. Đêm hôm sau là một đêm giá lạnh, trời đầy mây, còn những bức tường bao quanh lâu đài đầy vẻ uy nghi và cấm đoán trước mắt Tracy. Nàng ẩn mình trong bóng tối, mình mặc bộ áo len quần màu đen, chân đi giày đế crếp, tay mang găng mềm và vai khoác một cái túi. Trong một giây lơ đãng, Tracy chợt nhớ lại các bức. tường của nhà tù và rùng mình. Nàng lái chiếc xe tải nhỏ áp sát dọc theo bức tường đá phía sau của tòa lâu đài. Từ phía trong tường vọng ra tiếng gầm gừ dữ tợn và rồi là tiếng chó sủa điên cuồng. Tracy hình dung ra thân hình nặng nề, lực lưỡng của con chó giống Doberman và hàm răng ghê sợ của nó. Nàng nhẹ nhàng nói với ai đó trong xe, “Nào”. Một người đàn ông trạc trung niên, vẻ nhẹ nhõm, cũng mặc đồ đen, với một túi đeo lưng chui ra khỏi xe, bế theo con chó Doberman cái. Con chó đang kỳ động dục, và tiếng sủa bên trong tường đột nhiên chuyển thành tiếng gầm gừ đầy vẻ kích động. Tracy đưa con chó lên nóc chiếc xe - cao ngang với bức tường đá. “Một, hai, ba”. Nàng thì thầm. Và rồi họ cùng tùng con chó vào bên trong. Hai tiếng sủa ngắn vang lên, tiếp theo là tiếng thở hồng hộc, rồi tiếng động của các con chó chạy đuổi nhau. Sau đó tất cả trở nên yên lặng. Tracy quay sang gã đồng bọn nói. “Ta đi nào”. Người kia, Jean Louis, gật đầu. Nàng tìm được gã ở khu Antibes, một kẻ trộm cắp đã từng ở tù nhiều năm. Gã không thông minh sáng láng gì, nhưng là một chuyên gia về các ổ khóa, các hệ thống báo động, hoàn toàn thích hợp với vụ này. Tracy bước từ nóc xe sang bức tường, thả xuống cái thang dây và móc nó vào bờ tường. Hai người theo thang tụt xuống bãi cỏ dưới chân tường. So với tối hôm trước, khi đông khách khứa cười đùa và đèn hoa sáng ngời, lúc này tòa lâu đài trông khác hẳn, tối tăm và ảm đạm. Jean Louis bám theo sau Tracy, luôn trông chừng cặp chó Doberman một cách sợ hãi. Những thân dây leo lâu đời phủ lấy tòa lâu đài từ chân tường lên tận trên mái. Tối hôm trước, Tracy đã thận trọng thử kéo các thân leo này. Và bây giờ, khi đu người lên một đây nhỏ thì thấy nó cũng đủ cứng cáp. Nàng bắt đầu leo lên, mắt vẫn trông chừng phía dưới đất. Không thấy bóng các con chó. Hy vọng là chúng sẽ bận bịu với nhau thật lâu. Khi đã lên tới mái, nàng ra hiệu gọi Jean Louis và đợi cho gã leo lên tới bên. Nhờ 1uồng ánh sáng của ngọn đèn bấm, họ thấy một cửa sổ trổ ra trên mái nhà, khung lắp kính. Tracy đứng canh chừng còn Jean Louis thì thọc tay vào cál túi sau lưng lôi ra một con dao cắt kính nhỏ xíu. Gã tháo kính ra trong vòng chưa đầy một phút. Tracy xem xét và thấy một mạng dây, như mạng nhện, của hệ thống báo động chắn lối đi của họ. “Anh có thể xử lý cái này không, Jean?”. “Không đáng gì”. Gã lôi ra một thứ dụng cụ gì đó và lúi húi lần tìm điểm đầu của mạng dây báo động. Rồi gã lấy kìm ra và thận trọng cắt từng đầu dây. Tracy căng thẳng, chỉ chờ tiếng chuông báo động, nhưng tất cả đều yên tĩnh. Jean Louis nhìn lên và hơi cười cười. “Xong”. Chưa đâu, Tracy nghĩ bụng, Mới chỉ là bắt đầu. Họ dùng chiếc thang dây thứ hai để leo vào nhà qua cái cửa sổ mở ra mái này và lọt vào căn nhà áp mái một cách an toàn. Nhưng vừa mới nghĩ những gì còn ở trước mặt, tim Tracy bỗng đập mạnh. Nàng lấy ra hai cặp kính có thể nhìn thấy được các bức xạ hồng ngoại và trao một cặp cho Jean Louis. “Đeo vào”. Nàng đã tìm ra cách gạt bỏ con Doberman, nhưng hệ thống báo động bằng tía hồng ngoại này thì là một vấn đề hoàn toàn khác. Jeff đã nói chính xác: Những tia hồng ngoại mà mắt thường không thấy được giăng chằng chéo khắp ngôi nhà. Tracy hít mạnh vài hơi dài và sâu, tập trung năng lượng, đề khí, thả lỏng cơ bắp ... Nàng nhớ lại bài tập Thái cực quyền, cố buộc đầu óc mình phải thật thanh thản, tỉnh táo. Khi một người bước vào luồng tia hồng ngoại, không có chuyện gì cả, nhưng ngay khi bước ra, các tế bào quang điện cảm nhận sự thay đổi nhiệt độ tức khắc phát ra tín hiệu báo động, không để cho tên trộm kịp làm gì trước khi cảnh sát ập tới. Và chính chỗ này, Tracy quả quyết, là điểm yếu của hệ thống. Nàng cần phải nghĩ ra cách giữ cho hệ thống báo động không làm việc cho đến sau lúc két sắt đã bị mở. Vào lúc 6 giờ 30 sáng, Tracy đã tìm ra giải pháp, linh cảm thấy cái cảm giác hồi hộp quen thuộc bắt đầu tăng lên trong mình. Lúc này, nàng đeo cặp kính giúp nhìn thấy các bức xạ hồng ngoại và ngay lập tức, tất cả cảnh vật trong phòng đều mang một màu đỏ kỳ quái. Trước cửa căn phòng áp mái này, Tracy đã thấy một luồng tia hồng ngoại. “Luồn xuống dưới”, nàng nhắc Jean Louis. “Cẩn thận đấy”. Họ bò bên dưới luồng tia và lọt vào một hành lang tối om dẫn tới phòng ngủ của lão De Matigny. Tracy bật sáng ngọn đèn bấm và đi trước dẫn đường. Nhờ cặp kính, Tracy thấy một luồng tia khác thấp, quét ngang ngưỡng cửa phòng nghỉ. Nàng nhảy qua nó một cách thận trọng. Jean Lotlis theo sát sau. Tracy rọi đèn quanh bốn bức tường treo kín tranh. “Hãy cố mang về cho tôi bức của Vinci”. Gunther đã căn dặn, và “tất nhiên là cả chỗ châu báu kia”. Tracy gỡ bức tranh, đặt sấp nó xuống sàn, thận trọng lấy nó ra khỏi khung gỗ, cuộn lại và cho vào cái túi khoác trên vai. Bây giờ, tốt cả việc còn lại là với cái két sắt trong góc tường thụt sâu vào cuối căn phòng. Tracy kéo tấm rèm che két sắt. Bốn luồng tia hồng ngoại căng ngang khoảng không hẹp, cao thấp khác nhau, và chồng chéo qua nhau. Không thể nào đến được cái két sắt mà không chạm phải một trong số các luồng tia. Jean Louis đứng nhìn hoảng hất. “Mẹ kiếp?” Chó mà luồn qua đám này được, nó quá thấp, mà cũng không thể nhảy qua, vì nó quá cao.”. “Tôi chỉ muốn anh làm theo Đúng lời tôi”? Tracy nói. Nàng bước sát tới sau lưng gã. Hai tay choàng quanh eo gã. “Bây giờ ta cùng bước. Chân trái trước”. Họ bước thẳng vào trung tâm các luồng tia - nơi chúng giao nhau, và Tracy dừng lại. “Bây giờ nghe này”, nàng nói. “Tôi muốn anh đi tới cái két kia”. “Còn các luồng tiạ.”. “Đừng ngại. Sẽ ổn cả”. Nàng mong mình đã tính Đúng. Vẫn còn ngần ngại, Jean Louis bước ra khỏi các luồng tia. Tất cả vẫn yên tĩnh. Gã ngoái nhìn Tracy với cặp mắt trố ra vì sợ hãi. Nàng đang đứng giữa các tia hồng ngoại, hơi nóng của thân thể nàng giữ cho các tế bào quang điện khỏi phát lệnh báo động. Jean Louis lao tới bên két sắt. Còn Tracy cứ đứng im phắc, biết chắc rằng hễ nhúc nhích là chuông báo động sẽ vang lên. Không dám quay đầu, Tracy đưa mắt liếc Jean Louis và thấy gã lấy vài thứ đồ nghề ra khỏi túi, bắt đầu hý hoáy với các khóa số trên két. Tracy đứng bất động, thở chậm và sâu. Thời gian như dừng lại. Công việc của Jean Louis dường như không bao giờ kết thúc thì phải. Bắp chân Tracy bắt đầu thấy đau, rồi như bị co cơ vậy. Nàng nghiến chặt răng, không dám động đậy. “Bao lâu nữa?” Nàng thì thào. “Mười, mười lăm phút nữa”. Với Tracy thì mười lăm phút ấy dài bằng cả đời người. Các bắp cơ chân đang bắt đầu co rút nhưng nàng vẫn đứng như trời trồng giữa các luồng tia hồng ngoại. Rồi có một tiếng cạch. Két đã mở. “Trời! Cả một nhà băng này! Cô muốn lấy tốt à?” Jean Louis hỏi. “Giấy thì không. Chỉ lấy đồ kim hoàn. Bao nhiêu tiền mặt ở đó đều phần anh tốt”. “Cám ơn”. “Kinh khủng thật!” Gã nói. “Nhưng làm sao ra khỏi đây mà không làm đứt đoạn các luồng tia?”. “Điều đó thì không được rồi”, Tracy khẳng định. Gã trố mắt. “Cái gì?” . “Đứng vào trước mặt tôi”. “Nhưng ...”. “Làm theo lời tôi”. Dù sợ hãi, Jean Louis vẫn bước vào luồng tia. Tracy nín thở. Không có chuyện gì. “Được rồi. Bây giờ, chúng ta đi lùi ra, thật chậm”. “Rồi sao nữa?” Cặp mắt Jean Louis mở thao láo sau cặp kính. “Rồi thì, anh bạn thân mến, ta sẽ chạy thục mạng”. Từng xăng ti mét, họ nhích giữa những luồng tia hướng ra phía cửa, Tracy hít một hơi sâu và nói. “Rồi. Khi tôi nói Nào, ta cùng chạy ra theo lối cũ nhé”. Jean Louis nuốt nước bọt đánh ực và gật đầu. Tracy thấy cái thân hình nhỏ bé của anh ta run run. “Nào!”. Ngay khi họ vừa rời khỏi luồng tia, chuông báo động lập tức réo vang. Tơ khủng khiếp. Tracy lao vụt vào căn phòng áp mái, túm lấy thang dây và leo lên, Jean Louis theo sau. Họ chạy trên mái nhà một đoạn rồi tụt xuống nhờ dạm dây leo, lao nhanh về phía chân tường nơi chiếc thang dây nữa đã đợi sẵn. Vài giây sau họ đã chuyền sang nóc chiếc xe tải nhỏ và tụt xuống. Tracy nhảy vào ghế lái, Jean Louis ngồi cạnh. Trong khi chiếc xe tải lao xuống con đường nhánh, Tracy thấy một chiếc xe khác đậu dưới hàng cây. Trong giây lát, đèn pha của chiếc xe tải chiếu sáng vào chiếc xe kia. Sau tay lái là Jeff Stevens đang ngồi, bên cạnh là con chó Doberman. Tracy cườl phá lên và tặng cho Jeff một cái hôn gió trong lúc chiếc xe tải lao vút đi. Từ xa vọng lại tiếng còi hụ của xe cảnh sát đang đến gần. Chương 26 Biarritz, thành phố nhỏ trên bờ biển miền Tây Nam nước Pháp đã mất đi nhiều vẻ quyến rũ của nó so với hồi đầu thế kỷ. Sòng bạc BeUevue một thời lừng danh nay đã đóng cửa vì phải tu sửa quá nhiều, còn sòng bạc Municipal trên phố Mazagran giờ đây là một tòa nhà tàn tạ với mấy cửa hiệu nhỏ và một trường dạy khiêu vũ. Các biệt thự cổ trên những sườn đồi cũng đã mang vẻ sa sút lắm rồi. Tuy vậy, vào mùa đi nghỉ, khoảng từ tháng Bảy đến tháng Chín, những người giàu có, vương giả của châu u vẫn kéo tới đây để chơi bạc, tắm nắng và ôn lại dĩ vãng. Những người không có dinh thự riêng ở đây thì thường ngụ tại khách sạn Palais ở số 1 đại lộ Hoàng Đế. Vốn là một biệt điện mùa hè eủa Napoléon đệ Tam, khách sạn này nằm trên một mũi đất nhô ra Đại Tây Dương, trong một cảnh trí thiên nhiên tuyệt diệu: một bên là ngọn đèn biển với những tảng đá tai mèo khổng lồ nhô lên sừng sững từ mặt biển xám xịt giống như những con quái vật thời tiền sử, và bên kia là con đường men sát theo bờ biển. Một buổi chiều cuối tháng Tám, nữ bá tước người Pháp Marguerite de Chantilly bước vào gian tiền sảnh của khách sạn Palais. Đó là một phụ nữ trẻ, tao nhã với mái tóc vàng mềm mại. Nàng mặc chiếc váy dài Giveney bằng lụa màu xanh lục đốm trắng, tôn thêm vẻ đẹp của thân hình đến mức phụ nữ phải ngoái theo ghen ty còn đàn,ông thì há mồm thèm muốn. Nữ bá tước lại bên người gác cửa. “Cho tôi xin chìa khóa buồng”, nàng nói bằng thứ tiếng Pháp rất quyến rũ. “Có ngay, thưa nữ bá tước”. Anh ta đưa Tracy chiếc chìa khóa và mảnh giấy ghi lời nhắn lại qua điện thoại. Trong lúc Tracy bước về phía thang máy, một người đàn ông đeo kính, ăn mặc xộc xệch đột ngột quay người khỏi chỗ trưng bày khăn quàng Hermes đụng vào nàng, làm chiếc ví nàng cầm trên tay rơi xuống sàn. “Ồ, cô bạn”, ông ta nói. “Tôi hết sứe xin lỗi”, rồi nhặt lên và trao lại cho nàng. “Xin thứ lỗi cho tôi”. Người đàn ông nói giọng Trung u. Nữ bá tước Marguerite de Chantilly khẽ gật đầu vẻ kiêu kỳ, bước đi. Người phục vụ giúp nàng vào thang máy và đế nàng bước ra ở tầng ba. Tracy đã chọn thuê phòng 312 vì biết rằng lựa chọn này cũng quan trọng như việc chọn khách sạn ở Capri, thì phải là phòng 522 khách sạn Quisisana. Ở Majorac phải là phòng Hoàng Gia của khách sạn Son Vida, trông ra các sườn núi và cửa biển đằng xa. Ở New York, phải là phòng Tower 4717 của khách sạn Helmslay Palace, còn ở Asterdam thì lại phải là phòng 325 của khách sạn Amstel, nơi mà du khách được ru ngủ nhờ tiếng sóng êm ái của dòng nước trong con kênh đào lớn. Từ căn phòng 312 của khách sạn Palais nhìn ra có thế thấy một phong cảnh trải rộng của cả đại dương và thành phố. Từ các cửa sổ, Tracy đều có thể ngắm những con sóng ào ạt đập vào những tảng đá lớn nhô lên khỏi mặt biển. Ngay phía dưới cửa sổ là một bể bơi lớn hình bầu dục mà màu nướcs xanh trong của nó thật tương phản với màu xám của biển khơi, và cạnh nó là một bãĩ rộng nhấp nhô ô dù che nắng. Các bức tường trong phòng đều được phủ lụa màu xanh trắng, chân tường ốp đá hoa cương, thảm rèm đều một màu hồng nhạt. Các cánh cửa gỗ đều bóng lộn lên cùng với thời gian. Khi đã khóa cửa lại, Tracy gỡ bỏ tóc giả và xoa xoa mặt. Nữ bá tước là vai trò nàng đóng khéo nhất. Có hàng trăm tước hiệu để chọn trong cuốn Hoàng tộc và tước vị của Debrett cũng như trong cuốn Niên giám Gotha. Các cuốn sách này hết sức quý giá đối với Tracy, bởi lẽ chúng cho biết lịch sử các dòng họ từ hàng thế kỷ, với tên tuổi cha mẹ, con cái, trường học, nhà cửa và nơi cư trú của họ. Chỉ cần đơn giản chọn một gia đình danh tiếng và trở thành một người họ xa, đặc biệt là một người họ hàng xa giàu có Con người ta dễ bị ấn tượng với những danh vọng và tiền của. Tracy nghĩ về người đàn ông lạ mặt đâm choàng vào nàng dưới tiền sảnh và mỉm cười. Bắt đầu rời đây. Tối đó, nữ bá tước Marguerite de Chantiliy đang ngồi trong tiệm rượu của khách sạn thì người đàn ông hồi chiều tiến lại bàn nàng. “Xin lỗi”, ông ta dè dặt nói, “Tôi thấy cần phải một lần nữa xin cô thứ lỗi cho sự vụng về quá đáng của tôi lúc chiều”. Tracy nở một nụ cười đầy vẻ khoan dung. “Có gì đâu. “Đó là chuyện chẳng may mà”. “Cô thật rộng lượng quá; Ông ta ngập ngừng. “Tôi sẽ thấy dễ chịu hơn nếu được phép mời cô một ly rượu”. “Vâng nếu ông muốn vậy”. Ông ta nhẹ nhàng ngồi xuống ghế đối diện. “Xin cho phép được tự giới thiệu. Tôi là giáo sư AdolfZuckerman”. “Còn tôi là Marguerite de Chantilly”. Zuckeman vẫy người bồi bàn. “Cô uống gì nhỉ?”. “Sâm banh. Nhưng có lẽ ...”. Ông ta giơ tay ra ý có tiền. “Tôi mời được mà. Thực ra thì tôi đang ở sát ngưỡng cửa khả năng mua được bất kỳ thứ gì trên thế giới này”. “Thế ạ?” Tracy nhoẻn cười. “Ông thật nhiều diễm phúc”. “Vâng”. Zuckeman kêu một chai Bolliger, rồi quay sang Tracy, “Điều kỳ lạ nhất đã xảy đến với tôi. Thực ra thì chẳng nên nói chuyện này với một người lạ, nhưng tôi hồi hộp quá”. Ông ta dướn người gần lại và hạ giọng. “Nói thật với cô tôi chỉ là một giáo viên bình thường - hay nói Đúng ra là cho tới gần đây. Tôi dạy môn lịch sử. Cũng dễ chịu thôi nhưng cô biết đấy, không có gì hồi hộp cả”. Nàng nghe với vẻ quan tâm đủ mức lịch sự. “Nghĩa là không có gì hứng thú cho tới cách đây vài tháng”. “Giáo sư Zuckeman, cho phép tôi hỏi, cách đây vài tháng có gì xảy ra vậy?”. “Khi đớ tôi đang nghiên cứu về hạm đội Tây Ban Nha mà vua Philip phái đi đánh nước Anh hồi năm 1588 ấy, nhằm tìm kiếm các hiện vật sót lại để lôi cuốn đám sinh viên, và ngay trong kho lưu trữ của bảo tàng địa phương, tôi đã gặp một tài liệu quý báu mà không biết tại sao lại lẫn lộn vào những tài liệu khác. Nó cung cấp tốt cả các chi tiết bí mật về cuộc viễn chinh này. Một chiếc tàu chở đầy vàng nén bị cho là đã chìm trong một cơn bão mà không hề để lại dấu vết gì”. Tracy ngước nhìn, vẻ cân nhắc. “Cho là bị chìm?”. “Đúng như thế. Nhưng theo các tài liệu mà tôi tìm thấy thì viên thuyền trưởng và đội thủy thủ đã cố ý đánh chìm con tàu trong một cái vịnh nhỏ hoang vắng với ý định sau này sẽ quay lại để vớt kho báu này lên. Thế nhưng họ đã bị bọn cướp biển sát hại trước khi có thể quay lại cái vịnh đó. Cái tài liệu này còn sót lại chỉ vì không một tên cướp biển nào biết viết hay biết đọc gì hết. Chúng không hề biết giá trị của cái mà chúng có trong tay”. Giọng ông ta run run vì kích động. “Tôi có tài liệu đó, với các hướng dẫn chi tiết để có thể lấy lại chỗ vàng kia”. “Ông giáo sư, thật là một phát hiện may mắn cho ông quá”. Giọng nàng đầy vẻ thán phục. “Chỗ vàng nén đó hiện có thể trị giá tới 50 triệu đôla”. Zưckeman nói. “Tất cả việc mà tôi phải làm là chỉ vớt nó lên”. “Vậy cái gì đang ngăn cản ông?”. Ông ta nhún vai lúng túng. “Tiền. Tôi phải thuê một chiếc tàu để trục vớt kho báu đó”. “Tôi hiểu. Chuyện đó sẽ tốn bao nhiêu?”. “Một trăm ngàn đôla. Phải thú nhận là tôi đã làm một điều cực kỳ ngu ngốc. Tôi đã lấy hai mươi ngàn đôla, khoản tiền dành dụm của cả đời tôi, để đi tới đây, Biarrita, và vào một sòng bạc, hy vọng sẽ kiếm được đủ ...”. Tiếng ông ta nghẹn lại. “Và ông đã thua tốt”. Ông ta gật đầu. Tracy thấy mấy giọt nước mắt ứa ra sau cặp kính. Người phục vụ đưa sâm banh đến, bật nút chai và rót thứ chất lỏng ngọc ngà ấy vào hai chiếc ly. “Chúc may mắn” ...Tracy nâng cốc. “Cám ơn cô”. Họ nhấm nháp từng ngụm nhỏ trong sự im lặng trầm ngâm. “Xin lỗi vì đã bắt cô phải nghe những chuyện này”. Zuckeman nói. “Tôi đáng ra chẳng nên kêu ca vì những khó khăn của mình với một phụ nữ xinh đẹp như cô”. “Nhưng tôi thấy câu chuyện của ông thật hấp dẫn”, Tracy đáp. “Ông chắc là chỗ vàng còn ở đó chứ?”. “Không nghi ngờ gì cả. Tôi có trong tay các vận đơn nguyên bản và một bản đồ do chính tay viên thuyền trưởng vẽ. Tôi biết chính xác địa điểm của kho báu ấy”. Tracy nhìn ông ta với vẻ mặt nghĩ ngợi, băn khoăn. “Nhưng ông cần phải có một trăm ngàn đôla?”. Zuckeman chép miệng buồn bã. “Vâng. Để có được cái kho báu trị giá năm mươi triệu”. “Có thể là ...” Nàng ngừng bặt. “Gì hả cô?”. “Ông có nghĩ tới chuyện hùn vốn với ai khác không?”. Ông ta ngạc nhiên. “Hùn ... chung vốn ư? Không. Tôi tính làm một mình. Nhưng tốt nhiên, giờ tôi đã mất sạch cả tiền ...”. Giọng ông ta lại nghẹn ngào. “Giáo sư Zuckeman, nếu như tôi sẽ đưa ông một trăm ngàn đôla?”. Ông ta lắc đầu. “Dứt khoát là không, nữ bá tước ạ. Tôi không cho phép mình nhận tiền như vậy. Cô có thể mất tiền mà không được gì cả”. “Nhưng nếu ông chắc chắn là kho báu nằm ở đó ...?”. “Ồ về điều đó thì tôi chắc. Nhưng hàng trăm chuyện có thể xảy ra. Chẳng có gì bảo đảm cả”. “Trong cuộc sống, ít có những bảo đảm. Câu chuyện của ông rất hấp dẫn. Có thể là, nếu tôi giúp được ông, thì cả hai chúng ta đều may mắn”. “Không, tôi không bao giờ tha thứ cho mình được nếu vì chuyện không may nào đó mà cô mất không số tiền của mình”. “Tôi có thể chấp nhận điều đó”, nàng quả quyết. “Và tôi sẵn sàng làm một hợp đồng về khoản đầu tứ của tôi mà, được chứ?”. “Dĩ nhiên, chuyện đó là cần thiết”, Zuckeman thừa nhận. Ông ta ngồi im, ân nhắc vấn đề, giằng xé với những điều ái ngại. Sau cùng, ông ta nói, “Nếu đó là điều cô tự nguyện thì cô sẽ là bên chung vốn năm mươi phần trăm”. Nàng mỉm cười hài lòng. “Được. Tôi chấp nhận”. Ông giáo sư nói thêm ngay. “Tốt nhiên là sau khi trừ các khoản chi phí”. “Lẽ tất nhiên. Chúng ta có thể sớm khởi sự chứ?”. “Ngay lập tức”. Ông giáo sư đột nhiên trở nên hăng hái. “Tôi đã kiếm được chiếc tàu mà tôi muốn sử dụng. Nó có thiết bị nạo vét hiện đại và một đội thủy thủ bốn người. Tất nhiên, chúng ta sẽ phải cho bọn họ một vài phần trăm nào đó của những gì mà chúng ta vớt lên được”. “Chắc chắn là thế rồi”. “Chúng ta nên bắt đầu càng sớm càng tốt, nếu không sẽ có thể chẳng thuê được chiếc tàu đó”. “Trong năm ngày tôi sẽ giao tiền cho ông”. “Tuyệt diệu!” Zuckeman kêu lên. “Vậy là tôi sẽ đủ thời gian để chuẩn bị. À, mà đây chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai chúng ta, có đúng thế không nhỉ?”. “Thì còn nghi ngờ gì nữa?”. “Chúc cho công cuộc của chúng ta “. Ông giáo sư nâng ly lên. Tracy nâng theo và nói, “Chúc nó mang lại lợi nhuận đúng như tôi đã cảm thấy”. Họ chạm ly. Tracy nhìn ngang căn phòng và lạnh người. Ở một bàn tít trong góc là Jeff Stevens đang nhìn nàng với nụ cười dễ chịu trên khuôn mặt. Cùng với anh ta là một phụ nữ rực rỡ trong những đồ nữ trang quý giá. Jeff gật đầu với Tracy, và nàng mỉm cười nhớ lại cái đêm thấy anh ta bên ngoài dinh thự của De Matigny, với con chó bên cạnh. Mình đã thắng một điểm nàng sung sướng nghĩ. “Vậy nếu cô cho phép”, Zuckeman nó “Tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi sẽ liên lạc với cô sau”. Tracy lịch thiệp chìa tay ra, ông ta hôn lên tay nàng và bước đi. “Tôi thấy vị khách của cô, và tôi không thể tưởng tượng vì sao. Trông cô trong bộ tóc vàng này thật là tuyệt vời”. Tracy ngước lên. Jeff đã đang đứng bên. Anh ngồi xuống chiếc ghế mà ít phút trước đó AdolfZuckeman đã ngơi. “Xin chúc mừng”, Jeff nói. “Vụ De Matiglly thật là tuyệt vời. Rất gọn gang”?. “Anh mà nói vậy thì quả là một sự đánh giá cao, Jeffạ”. “Tracy, cô làm tôi mất món tiền lớn đấy”. “Rồi anh sẽ quen với điều đó thôi”. Anh xoay xoay chiếc ly đặt trước mặt. “Giáo sư Zuckeman muốn gì vậy?”. “Ôi, anh biết ông ấy à?”. “Cứ cho là như vậy đi”. “Ông ấy ... ô ... muốn cùng uống một ly rượu thôi mà”. “Và kể cho cô nghe về cái kho báu dưới đáy biển của ông ta chứ gì?”. Tracy chợt cảm thấy lo ngại. “Làm sao anh biết chuyện đó?”. Jeff nhìn cô đầy ngạc nhiên. Từng nói với tôi rằng cô đã chấp nhận chuyện đó. Một trò bịp cũ rích”. “Nhưng lần này thì không đâu”. “Ý cô nói là cô tin lão?”. Tracy bướng bỉnh đáp, “Tôi không muốn thảo luận chuyện này, nhưng đúng là tình cờ mà ông giáo sư có được một số thông tin gốc”. Jeff lắc đầu tỏ ý không tin. “Tracy, lão ta định bịp cô đấy. “Lão đã đề nghị cô đầu tư bao nhiêu”. “Xin đừng bận tâm”, Tracy nói, vẻ khó chịu. “Chuyện đó chỉ liên quan đến tiền của tôi và nó là việc riêng của tôi mà”. Jeff nhún vai. “Đúng thế. Chỉ mong cô đừng nói rằng thằng Jeff này đã không cố khuyên ngăn cô thôi”. “Thế không phải là anh cũng quan tâm tới số vàng đó ư?”. Anh giơ hai tay lên, vẻ thất vọng. “Sao cô luôn luôn ngờ vực tôi như vậy nhỉ?”. “Thật đơn giản”, Tracy đáp. “Tôi không tin anh. Người phụ nữ đi cùng anh là ai vậy?” Nàng lập tức hối tiếc và chỉ ước giá mà rút lại được câu hỏi đó. “ZSuzanne! Một người bạn thôi”, “Tất nhiên là giàu có”. Jeff cười gượng gạo. “Quả thật là như vậy, tôi nghĩ rằng cô ta cũng có chút tiền của. Ngày mai mời cô đến ăn trưa với chúng tôi”. “Cám ơn, tôi không hề nghĩ tới chuyện quấy quả bữa trưa của anh. Anh đổi lại cho cô ta cái gì vậy?”. “Đó là chuyện cá nhân”. “Tôi chắc là như vậy”. Giọng nàng chợt gay gắt tới không ngờ. Qua vành ly, nàng trộm ngắm anh. Thật sự là hấp dẫn ghê gớm. Vóc dáng chắc nịch, gọn gàng, cặp mắt màu trò tuyệt đẹp với hai hàng lông mi dài, và trái tim của một con rắn. Một con rắn thông minh. “Đã bao giờ anh nghĩ tới việc chuyển sang làm ăn hợp pháp chưa?” Tracy hỏi. “Có thể anh sẽ rất phát đạt đấy”. Jeff giật nảy người. “Cái gì hả? Từ bỏ tốt cả cuộc sống này à? Cô đùa chắc”. “Thế mãi mãi anh là một kẻ lừa đảo à?”. “Lừa đảo chuyên nghiệp ư? Không, tôi là một nhà kinh doanh”, anh đáp quả quyết. “Ành mà là một ... một ... nhà kinh doanh?”. “Tôi chạy trốn khỏi gia đình từ năm 14 tuổi và gia nhập một gánh tạp kỹ”. “Mới 14 tuổi ư?” Đó là chi bết đầu tiên mà Tracy biết đằng sau cái con người hào hoa, quyến rũ và phức tạp này. “Điều đó là tốt cho tôi. Tôi học được cách phải sống. Khi cuộc chiến tranh lạ lùng xảy ra tại Việt Nam, tôi đã đầu quân vào lực lượng Mũ nồi xanh và được học hành tử tế Tôi cho rằng điều chủ yếu mà tôi đã học được chính là việc thấy rõ cuộc chiến tranh đó là một trò bịp lớn nhất. So với chuyện đó thì cô và tôi chỉ là những kẻ nghiệp dư mà thôi”. Anh đột ngột chuyển đề tài. “Cô có thích đi xem một trận Pơlôtta không?”. “Nếu đó là một thứ đổi chác của anh thì xin cám ơn. Không dám”. “Đó là một trò chơi. Tôi có hai vé xem tối nay, và Suzanne không thể đi được. Cô có muốn đi không?”. Ngoài ý định của mình, Tracy đã buột miệng nhận lời. Họ cùng ăn với nhau ở một quán nhỏ bên quảng trường. Bữa ăn của họ có thứ rượu nho địa phương và món thịt vịt béo ngậy cùng với khoai tây chiên và bánh tây Tất cả đều thơm phức. Vừa ăn họ vừa nói chuyện chính trị, văn chương và Tracy nhận thấy rằng Jeff có nhiều kiến thức đáng ngạc nhiên. “Khi mà cô phải sống tự lập từ tuổi 14”, Jeff nói, “cô sẽ học được mọi thứ rất nhanh. Trước tiên cô sẽ biết về các động cơ hành động của mình, rồi biết về các động cơ của kẻ khác. Một trò lừa bịp cũng na ná như môn võ nhu đạo. Trong môn nhu đạo, người ta giành thắng lợi bằng chính sức mạnh của đối thủ. Còn trong một trò bịp, người ta dùng tới lòng tham lam của con mồi. Hãy làm cử chỉ đầu tiên thôi, việc còn lại kẻ kia sẽ làm nốt cho mình”, Tracy mỉm cười, băn khoăn rằng liệu Jeff có biết họ giống nhau đến thế nào không. Nàng thấy thích thú được ở bên anh, nhưng tin chắc rằng hễ có cơ hội thì anh cũng chẳng ngần ngại chơi cho nàng một vố. Cần phải dè chừng anh ta và Tracy luôn luôn nhắc mình điều đó. Trận Pơlôtta diễn ra trên một sân ngoài trời lớn bằng một sân bóng đá, nằm giữa khu đồi của vùng Biarritz. Hai đầu sân là hai bức tường bê tông màu xanh, khá lớn, ở khoảnh giữa là sân bóng, hai bên là những hàng ghế đá dành cho người xem. Trời chập choạng tối; các ngọn đèn pha được bật sáng. Lúc Tracy và Jeff đến, các khán đài đã Đông chật người hâm mộ, và hai đội bắt đầu thi đấu. Cầu thủ của mỗi đội lần lượt ném mạnh trái bóng vào bức tường bê tông và rồi hứng nó bật ra bằng một cái rổ dài và hẹp buộc ngang trên tay họ. Pơlôtta là một môn chơi đầy tốc độ và nguy hiểm. Mỗi khi một cầu thủ hứng bóng trượt, đám đông lại gào lên. “Họ thật là đam mê”. Tracy nhận xét. “Cả đống tiền được mang cá cược vào các trận đấu này. Dân Basque là rất máu mê cờ bạc”. Vì người xem vẫn tiếp tục kéo đến nên các hàng ghế trở nên chật chội và Tracy thấy mình bị ép sát vào Jeff. Không biết anh có cảm thấy thân thể mình áp vào mình không, nhưng dù có, chắc cũng làm bộ không để ý. Nhịp độ và sự quyết liệt của trận đấu mỗi lúc mỗi tăng và những tiếng la hét của đám đông vang lên ngày càng lớn. “Nó có nguy hiểm thật không nhỉ?” Tracy hỏi. “Thưa nữ bá tước, trái bóng kia bay trong không khí với tốc độ gần một trăm dặm một giờ. Nếu nó trứng đầu, cô sẽ chết ngay. Nhưng ít khi các cầu thủ để lỡ bóng lắm”. Anh vừa nói vừa vỗ lên tay cô một cách lơ đãng, mắt vẫn dán vào trận đấu. Các cầu thủ đều rất có kỹ thuật, di chuyển hợp lý và hoàn toàn khống chế bóng. Nhưng vào quãng giữa hiệp, hoàn toàn bất ngờ, một cầu thủ ném rất mạnh trái bong nhưng lại chệch hướng và bóng không lao vào bức tường bê tông mà lại la thẳng về phía chiếc ghế băng mà Tracy và Jeff đang ngồi. Người xem rạp người xuống tránh, còn Jeff túm lấy Tracy, đẩy xuống đất và nằm đè lên nàng. Họ nghe tiếng rít của trái bóng ngay phía trên đầu và đập vào bức tường chắn phía sau. Tracy, ngay lúc này, vẫn kịp cảm thấy tấm thân rắn chắc của Jeff. Mặt anh kề sát mặt nàng. Anh giữ yên nàng trong giây lát, rồi nhổm người lên, kéo nàng đứng dậy. Đột nhiên cả hai cùng cảm thấy ngượng ngập. “Tôi ... tôi cho rằng sự hồi hộp, kích động trong một buổi tối thế là đủ rồi”, Tracy nói. “Tôi muốn quay về khách sạn”. Họ tạm biệt nhau trong hành lang. “Tôi rất thích thú buổi tối này”, Tracy nói với Jeff một cách thật tình. “Tracy, cô sẽ không tiếp tục với cái kế hoạch mò kiếm kho báu điên khùng kia của Zuckeman chứ?”. “Tôi sẽ tiếp tục”. Anh nhìn nàng hồi lâu. “Cô vẫn nghĩ là tôi săn đuổi chỗ vàng ấy à?”. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh ta. “Thế không phải sao?”. Mặt anh ta đanh lại. “Chúc may mắn”. “Chúc ngủ ngon, Jeff”. Tracy trông theo anh quay người bước ra khỏi khách sạn. Nàng nghĩ anh sẽ đến Suzanne. Tội nghiệp cô ta ... Người gác cửa nói lớn. “A, chào nữ bá tước. Có một bức điện cho bà”. Đó là điện của giáo sư Zuckeman. Adolf Zuckeman đã gặp rắc rối. Một rắc rối to. Ông ta đang ngồi trong phòng của Armand Grangier và sợ đến mức đái cả ra quần. Grangier là chủ của sòng bạc bất hợp pháp trong một dinh thự riêng sang trọng ở số 132 phố Frias. Với Grangier thì việc sòng Municipal mở hay đóng cửa cũng chẳng có gì phải bận tâm, bởi lẽ cái Câu lạc hộ ở phố Frias này của lão luôn đông đúc các vị khách giàu có. Khác với các sòng bạc do chính phủ kiểm soát, tiền đặt ở đây không hạn chế và khách có thể chơi các kiểu bài khác nhau tùy theo sở thích. Khách hàng của Grangier gồm có các Hoàng tử ArẬp, các nhà quý tộc Anh, các thương gia phương Đông và các vị quốc trưởng Phi châu. Những cô gái mơn mởn trong các bộ đồ hở hang lượn lờ trong phòng sẵn sàng mang tới phục vụ những ly sâm banh hay uytxky biếu không, bởi lẽ từ lâu Armand Grangier đã biết rõ ràng, hơn bất kỳ ai khác, chính những kẻ giàu cc lại rất muốn kiếm được cái gì đó mà không phải bỏ tiền ra. Grangier sẵn lòng chấp nhận việc mời không những ly rượu. Các ván bài sẽ bù lại cho hắn. Cái câu lạc bộ này luôn đầy ắp phụ nữ trẻ đẹp sánh vai với những quý ông lớn tuổi, và sớm muộn gì họ cũng bị lôi cuốn về phía Grangier. Hắn là một ông chủ nhỏ bé, nhưng có nét hoàn hảo, cặp mắt nâu tinh nhanh và cái miệng mềm mại đầy khêu gợi. Hắn cao có một mét sáu, vậy mà sự kết hợp giữa vẻ mặt và dáng nhỏ nhắn của hắn lại cuốn hút cáe phụ nữ như một thanh nam châm. Grangier cư xử với mỗi phụ nữ mỗi khác. “Em thật tuyệt diệu, em yêu ạ, nhưng không may cho cả hai ta, tôi lại đang yêu một người khác đến phát điên lên được”. Mà Đúng thế thật. Mỗi tuần hắn lại thay một người đàn bà, bởi lẽ ở Biarritz này không bao giờ hết những phụ nữ trẻ đẹp cả, và Grangier chỉ dành cho mỗi người một chút thời gian nồng nhiệt ngắn ngủi. Cái mối liên hệ của Grangier với thế giới ngầm và cảnh sát đủ mạnh để giúp hắn duy trì sòng bạc của mình. Hắn đã trở thành chủ sòng từ chỗ là một thằng bé sai vặt cho đám buôn ma túy, những ai chống lại hắn đều chỉ phát hiện ra rằng gã đàn ông bé nhỏ này quả là nguy hiểm khi đã quá muộn. Lúc này Armand Grangier đang tra hỏi AdolfZukeman. “Hãy nói rõ hơn về cơn mụ bá tướe mà anh đã gạ gẫm vào vụ kho báu kia đi”. Từ cái giồng giận dữ của hắn, Zuckeman hiểu rằng đã xảy ra chuyện gì tồi tệ, rất tồi tệ. Ông ta nuốt nước bọt và nói. “Ờ, cô ta là một quả phụ có rất nhiều tiền do người chồng để lại, và cô ta nới là sẽ chịu một trăm ngàn đô la”. Ông ta tự tin hơn khi nghe tiếng của chính mình. Một khi đã nhận được số tiền đó, ta sẽ nói với cô ta là con tàu khốn kiếp kia đã gặp nạn và chúng ta cần thêm năm mươi ngàn. Rồi lại một trăm ngàn khác nữa, và ông biết đấy cứ như thế”. Ông ta nhận thấy Armand Grangier lộ rõ vẻ khinh miệt. “Có ... có vấn đề gì? “ Giọng Grangier lạnh như tiền. “Vấn đề là ở chỗ tôi mời nhận được một cú phôn từ người của tôi ở Paris gọi tới Hắn đã làm giả một hộ chiếu cho con mụ bá tước của anh. Tên ả là Tracy Whitney và ả là người Mỹ”. Miệng Zuckeman chợt khô đắng. Ông ta liền nói. “Cô ta ... cô ta có vẻ thật lòng quan tâm mà”. “Đồ ngu, ả là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Còn anh thì định lừa đảo một kẻ lừa đảo”. “Vậy sao cô ta lại đồng ý? Tại sao cô ta lại không từ chối phắt đi?”. Giọng Grangier lạnh tanh. “Tôi không biết. Thưa ông giáo sư Nhưng tôi quyết phải tìm ra điều đó. Và khi ấy, tôi sẽ cho ả ta đi tắm ngoài vịnh. Không kẻ nào có thể biến Armand Grangier này thành một thằng ngốc được. Còn bây giờ thì cầm máy lên. Bảo cô ả rằng một người bạn của ông đã hứa góp một nửa số tiền, và rằng tôi sẽ đến gặp ả ngay. Ông có làm được việc đó hay không”. Zuckeman vội vã. “Được. Xin đừng lo”. “Tôi lo dấy”, Armand Grangier chậm rãi nói, “Tôi lo nhiều về ông, ông giáo sư ạ”. Armand Grangier vốn không ưa những điều bí ẩn. Cái trò một kho báu dưới đáy biển người ta đã diễn hàng thế kỷ nay nhưng nạn nhân phải là những tay khờ khạo cơ. Không đời nào một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp lại mắc vào trò này cả. Chính điều bí ẩn đó đã làm Grangier bứt rứt không yên và định làm cho ra nhẽ. Và khi hắn đã có câu trả lời thì người phụ nữ kia sẽ được giao cho Brune Vicente. Brunne rất khoái trò vờn giỡn với nạn nhân của mình trước khi thủ tiêu họ. Armanđ Grangier bước ra khi chiếc xe sang trọng dừng lại trước khách sạn Palais. Hắn tiến lại chỗ Jules Bergerac, một người Basque tóc bạc trắng đã làm việc tại khách sạn này từ khi mới mười ba tuổi. “Số phòng của nữ bá tước Marguerite de Chantilly”. Có một quy định nghiêm ngặt cấm các nhân viên tiết lộ số phòng của khách, nhưng mọi quy định không được áp dụng với Armand Grangier. “Buồng số 312, thưa ông Grangier”. “Cám ơn”. “Và cả phòng 311 nữa”. “Grangier dừng phắt lại. Hả?”. “Nữ bá tước thuê cả hai căn_phòng liền luôn với khu phòng của bà ấy”. “Ô? Thế ai ở đó?”. “Không có ai”. “Không có ai? Anh chắc chứ?”. “Vâng, thưa ông. Bà ta luôn khóa kín. Hầu phòng cũng không được vào mà”. Vẻ cau có lộ rõ trên mặt Grangier. “Anh có chìa vạn năng chứ?”. “Tất nhiên”. Không một giây lưỡng lự, ông ta trao nó cho Armand Grangier. Jules Bergerac trông theo trong lúc Grangier bước về phía thang máy. Không ai dám cãi lại hắn cả. Tới trước căn phòng của nữ bá tước, Armand Grangier thấy cửa để ngỏ. Hắn đẩy toang hai cánh ra và bước vào. Phòng khách trống không. “Hello? Có ai ở đây không?”. Một giọng phụ nữ vọng ra từ một phòng khác. “Tôi đang tắm. Tôi ra ngay đây. Xin cứ tự nhiên cho”. Grangier đi lại ngó nghiêng, mọi thứ đều là quen thuộc bởi lẽ trong nhiều năm qua hắn đã dàn xếp cho nhiều bạn bè tới ở khách sạn này. Hắn sộc vào phòng ngủ. Những đồ nữ trang đắt tiền để bừa bãi trên mặt bàn phấn. “Tôi sẽ ra ngay đây”, vẫn giọng nói ấy từ phòng tắm vọng ra. “Đừng vội vàng, nữ bá tước”. “Bá tước cái cục cứt” Hắn cáu kỉnh chửi thầm. “Được, dù ngươi có giở trò gì ra đi nữa thì ngươi cũng sẽ bị quật lại, cô em yêu quý ạ. Hắn bước tới cái cửa thông sang phòng 311 kế bên. Cửa khóa, Grangier dùng chiếc chìa vạn năng để mở. Không khí trong phòng ngột ngạt. Jules nói là không có ai ở đây cả. Vậy tại sao ả lại cần? Grangier chợt thấy lạ mắt. Một sợi dây dẫn điện màu đen, to tướng cắm vào một ổ điện trên tường, bò dọc trên sàn và biến mất vào phỏng vệ sinh. Cánh cửa nhỏ này chỉ hé mở đủ để sợi dây luồn qua được. Grangier không nén nổi tò mò, bước lại mở cánh cửa ra. Một dãy những đồng một trăm đôla được cặp trên một sợi dây căng ngang để hong khô. Trên chiếc bàn nhỏ đặt chiếc máỷ chữ có một vật gì đó được đậy bằng một tấm vải Grangier giật tấm vải ra và thấy một chiếc máy in nhỏ mà trong đó vẫn còn tờ một trăm đôla còn đang ướt. Cạnh chiếc máy in là một xấp giấy trắng cỡ bằng đồng tiền Mỹ và một bộ dao xén giấy. Vài tờ giấy bị cắt lẹm nằm vương vãi dưới sàn nhà. Một giọng giận dữ sau lưng Grangịer. “Ông vào dây làm gì hả?”. Grangier quay phắt lại. Tracy Whitney đứng sững sau lưng hắn, tóc ướt sũng, mình chỉ quấn có chiếc khăn tắm. Armand Grangier nói nhẹ. “Tiền giả? Cô định giao cho chúng tôi tiền giả”. Hắn quan sát vẻ thay đổi trên khuôn mặt nàng. Bác bỏ giận dữ và rồi là vẻ thách thức. “Đúng vậy”. Tracy thừa nhận. “Nhưng cũng chẳng hề gì. Không thể nào phải biệt chúng với đồng tiên thật cơ mà.”. “Bịp”. “Những đồng tiền này cũng có giá như vàng vậy”. “Thế cơ à?” Giọng Grangier đầy vẻ khinh bỉ. Hắn gỡ mấy tờ giấy bạc còn ướt từ trên dây xuống yà chăm chú nhìn hết mặt này, rồi mặt kia, và rồi xem xét kỹ lưỡng hơn. Chúng thật hoàn hảo. “Ai làm cái mẫu in này?”. “Việc đó thì liên quan gì nào? Xem đây, tôi sẽ làm xong một trăm ngàn đô la vào thứ sáu này”. Grangier sững người. Và khi nhận ra điều mà nàng đang nghĩ, hắn cười phá lên. “Lạy Chúa”, hắn nói.”Cô thật ngu ngốc. Không hề có kho báu nào hết”. Tracy lúng túng. “Ý ông nói gì, không có kho báu nào à? Giáo sư Zuckeman đã nói với tôi ...”. “Và cô tin ông ta à? Thật nực cười, thưa nữ bá tước”. Hắn xem lại đồng bạc trong tay một lần nữa. “Tôi sẽ giữ tờ 100 này”. Tracy nhún vai. “Ông thích bao nhiêu thì cứ lấy. Nó chỉ là thứ giấy lộn”. Grangier vơ một nắm những tờ đô la một trăm còn ướt ..Sao cô lại tin rằng đám hầu phòng sẽ không vào đây hả?” Hắn hỏi. Tôi đã dúi tiền cho chúng rồi. Và khi đi vắng, tôi luôn khóa cửa này”. Ả cũng khá đấy. Armand Grangier nghĩ - nhưng cũng chẳng đủ để cứu sống ả. “Không được rời khách sạn”, hắn hạ lệnh. “Tôi muốn cô gặp một người bạn của tôi”. Armand Grangier đã định giao người đàn bà này cho Brune Vieente ngay, nhưng một linh tính nào đó đã giữ hắn lại. Hắn kiểm tra lần nữa một trong số những tờ bạc. Cả đống bạc giả từng qua tay hắn, nhưng không có tờ nào có thể sánh với tờ này. Thằng cha nào đúc cái bản in quả là tài năng. Tờ bạc có cảm giác như thật, các đường nét đều gọn gàng, tinh tươm. Màu sắc rõ nét và chính xác, thậm chí dù là còn ướt mà chân dung Benjimin Franklin trên đó vẫn hoàn hảo. Con mụ khốn kiếp kia nói cũng đúng. Khó mà phân biệt được tờ bạc hắn cầm trong tay với đồng tiền thật. Grangier áy náy không biết liệu có thể mang dùng nó như tờ bạc thật hay không. Đó là một ý nghĩ đầy cám dỗ. Hắn quyết định chưa cho Brưne Vicete biết vội gọi Zucke- man tới và đưa cho ông ta một trong số mấy tờ một trăm đô la giả. “Mang đến nhà băng và đổi sang đồng Phrăng”. Grangier nhìn theo trong lúc ông ta vội vã bước ra khỏi phòng. Đó là sự trừng phạt đối với những ngu xuẩn của Zuckeman. Nếu bị bắt, ông ta cũng sẽ không há miệng nói đã nhận tờ bạc giả từ ai, nếu như ông ta muốn sống. Nhưng nếu ông ta có thể tiêu được tờ bạc trót lọt ... Để xem đã, Grangier nghĩ. Mười lăm phút sau Zuckeman quay lại, đếm đủ số Phrăng vừa đổi được bằng tờ một trăm đô la. “Còn gì không sếp?”. Grangier nhìn những đồng Phrăng. “Anh có gặp khó khăn gì không?”. “Khó khăn? Không! Nhưng sao ạ?”. “Tôi muốn anh quay lại, vẫn nhà băng đó”, Grangier hạ lệnh tiếp. “Tôi muốn anh nói rõ thế này ...”. Adolf Zuckeman bước vào gian tiền sảnh của Ngân hàng Pháp và đến trước chiếc bàn mà viên quản lý đang ngồi. Lần này thì Zuckeman ý thức được mối nguy hiểm, nhưng thà ông ta chấp nhận điều đó còn hơn là cơn giận của Grangier. “Tôi có thể giúp gì ông được?” Viên quản lý hỏi. “Vâng”, ông ta cố giấu nỗi sợ hãi, “Đêm qua tôi có chơi bài với mấy người Mỹ mà tôi gặp trong quán rượu”. Ông ta ngừng bặt. Viên quản lý gật đầu ranh mãnh. “Và ông thua sạch cả tiền nên muốn vay một khoản chứ gì?”. “Không”, Zuckeman nói, “Thật ... là tôi được. Chỉ có điều là tôi thấy mấy người kia không có vẻ thật thà gì”. Ông ta rút ra hai tờ 100 đô la “Họ trả tôi số tiền này và tôi sợ, rằng đó ... có thể lả bạc giả”. Zuckeman nín thở khi người quản lý nhà băng vươn người ra và đỡ lấy mấy tờ bạc từ bàn tay béo múp của ông ta. Viên quản lý xem xét hai tờ bạc một cách thận trọng, mặt bên này rồi mặt bên kia rồi giơ chúng lên trước ánh sáng. Ông ta nhìn Zuckeman và mỉm cười. “Ông đã gặp may, thưa ông. Đây là những đồng tiền thật”. Zuckeman thở phào nhẹ nhõm. ơn Chúa? Mọi thứ đều ổn ca. “Thưa sếp, không có gì rắc rối. Hắn ta nói chúng là tiền thật”. Thật là quá mức tưởng tượng. Armand Grangier ngồi lặng suy tính, một kế hoạch đã hình thành trong óc hắn. “Kiếm mụ bá tước lại đây”. Tracy được để ngồi trong phòng của Armand Grangier, đối diện với hắn qua chiếc bàn trang trọng. “Cô và tôi sẽ là bạn chung doanh”, Grangier thông báo. Tracy nhổm dậy. “Tôi không cần một bạn hàng và ... “Ngồi xuống”. Nàng nhìn vào mắt Grangier và ngồi xuống. “Biarritz này là của tôi. Cô thử cứ tiêu, dù chỉ một tờ trong số bạc đó, cô sẽ bị bắt nhanh đến nỗi không biết vì sao nữa. Hiểu chưa? Nhiều điều tồi tệ thường xảy ra với các cô gái xinh đẹp trong nhà tù của chúng tôi. Ở đây không có tôi, cơ không thể động chân động tay gì được”. “Vậy là tôi mua sự bảo hộ từ ông à?”. Cô nhầm. “Cái cô đang mua từ tôi là sự sống của chính cô đấy”. Tracy tin vào điều đó. “Bây giờ, cho tôi biết cô đã kiếm được cái máy in kia từ đâu vậy?”. Tracy lưỡng lự và sự giằng xé đó làm cho Grangier khoái chí. Hắn theo dõi vẻ đầu hàng của nàng. “Tôi mua được nó từ một người Mỹ sống ở Thụy Sĩ. Ông ta là chuyên gia khắc bản in của trung tâm in tiền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong hai mươi lăm năm, và khi họ cho ông ta nghỉ hưu thì có một trục trặc gì đó về lương hưu và do vậy, ông ta chưa hề nhận được một xu nào. Ông ta thấy mình bị lừa dí và quyết định tự giành lại sự công bằng, vì thế ông ta đánh cắp các bản in đồng một trăm đô la mà lẽ ra đã bị hủy bỏ và sử dụng các mối quen biết để kiếm loại giấy mà Bộ Tài chính dùng để in tiền”. Ra vậy, Grangier hân hoan nghĩ, vì thế mà trông tờ bạc cứ như thật. Sự hồi hộp của hắn tăng lên. “Mỗi ngày cái máy đó có thể in ra bao nhiêu tiền?”. “Mỗi giờ chỉ được một tờ. vì mỗi mặt giấy phải được xử lý và ...”. Hắn cắt ngang. “Có một máy in cỡ lớn hơn không?”. “Có, ông ta có một cái máy cứ tám giờ thì cho ra được 50 tờ - năm ngàn đô la một ngày - nhưng ông ta đòi giá nửa triệu đô la”. “Mua đi”, Grangier nói. “Tôi đào đâu ra nửa triệu đô la?”. “Tôi có. Bao giờ thì cô có thể kiếm được cái máy đó?”. Nàng miễn cưỡng. “Lúc này, tội cho rằng, nhưng tôi không ...”. Grangier nhấc điện thoại lên và nói vào máy. “Louis, tôi cẩn một số tiền trị giá năm trăm ngàn đô la Mỹ. Lấy tốt số ta có sẵn trong két và kiếm số còn lại từ các nhà băng; mang tới chỗ tôi, nhanh lên”. Tracy sợ hãi đứng dậy. “Tốt nhất là tôi đi khỏi đây và ...”. “Cô không đi đâu hết”. “Tôi thật sự phải ...”. “Hãy ngồi xuống và im đi tôi đang cần suy nghĩ”. Hắn có những người bạn liên doanh đáng phải được tham gia vào vụ làm ăn này, nhưng họ đâu có thấy đau với điều mà họ không hề biết cơ chứ. Grangier quyết định sẽ mua cái máy lớn cho chính hắn và trả lại vào tài khoản của sòng bạc số tiền mà hắn đã mượn tạm bằng những đồng tiền mà hắn sẽ mang ra. Sau đó, hắn sẽ bảo Brune Vicente xử lý người đàn bà này. Cô ta không thích có bạn hàng. Ở, Armand Grangier này cũng không thích. Hai giờ sau, một túi tiền lớn được chuyển tới. Grangier nói với Tracy. “Cô sẽ trả buồng ở khách sạn Palais. Tơi có một ngôi nhà ở khu đồi ven ngoại, rất riêng biệt. Cô sẽ ở đó cho đến lúc mọị thứ đi vào hoạt động”. Hắn đẩy chiếc điện thoại về phía nàng. “Bây giờ thì gọi người quen của cô ở Thụy S và báo ông ta rằng cô mua chiếc máy đó”. “Tôi để số máy của ông ta ở khách sạn. Tôi sẽ gọi từ đó vậy. Cho tôi biết địa chỉ ngôi nhà của ông, và tôi sẽ báo ông ta chuyển cái máy tới đó và ...”. “Không” Grangier quát lên. “Tôi không muốn để lại dấu vết gì. Tôi sẽ nhận nó tại sân bay. Ta sẽ bàn chuyện đó tối nay, trong bữa ăn. Tôi sẽ đến gặp cô lúc giờ tối”. Tracy đứng dậy. Grangier hất hàm về phía túi tiền. “Cẩn thận với chỗ tiền. Tôi không muốn có chuyện gì xảy đến với nó ... hoặc với cô cả”. “Sẽ không có gì đâu”, Tracy bảo đảm với hắn. Hắn cười uể oải. “Tôi biết. Giáo sư Zuckeman sẽ đưa cô về khách sạn”. Hai người lặng im ngồi trong xe, túi tiền để giữa, mỗi người đều mải mê với những suy nghĩ riêng của mình. Zuckeman thì không biết chắc chuyện gì đang diễn ra, khi cảm giác rằng mọi chuyện sẽ tốt đối với ông ta. Người đàn bà này là clliếc chìa khóa, và Grangier đã lệnh cho ông ta phải canh chừng cẩn thận. Zuckeman sẽ cố làm đúng lời hắn. Tối hôm đó, Armand Grangier ở trong một tâm trạng hết sức phấn chấn. Vào giờ này, chuyện mua chiếc máy in lớn kia hẳn đã được dàn xếp xong. Cô ả Whitney nói rằng nó có thể in ra 5000 đô la mỗi ngày, nhưng Grangier muốn làm hơn thế. Hắn định bụng cho chiếc máy hoạt động 24 giờ liên tục. Điều đó sẽ mang lại mỗi ngày 15.000 đô la, hơn 100.000 đô la mỗi tuần, và cứ mười tuần thì được một triệu. Và đó mới chỉ là bắt đầu. Tối nay hắn sẽ biết thằng cha khắc bản in kia là ai vả sẽ hợp đồng đặt làm thêm nhiều chiếc máy nữa. Sẽ không có giới hạn nào đối với số tiền mà hắn muốn có cả. Đúng 20 giờ, chiếc xe sang trọng của Grangier trườn vào con đường cong lên cửa khách sạn Palais, và Grangier bước ra khỏi xe. Trong lúc đi vào tiền sảnh khách sạn, hắn hài lòng nhận thấy Zuckeman ngồi gần đó, chăm chú để mắt tới cửa ra vào. Grangier bước lại bàn tiếp tân. “Jules, nói với nữ bá tước De Chantilly là tôi đã đến. Bảo bà ta xuống đây đi”. Ông già ngẩng đầu lên “Thưa ông Grangier, bà bá tước đã trả phòng và đi rồi”. “Anh nhầm đấy. Gọi bà ta đi”. Jules Bergerac cảm thấy lo ngại. Tranh cãi với Armand Grangier thì chẳng lợi lộc gì. “Chính tôi đã làm thủ tục thanh toán cho bà ta mà”. “Vô lý! Khi nào?”. “Ngay sau khi trở về khách sạn. Bà ta yêu cầu tôi mang hóa đơn lên phòng để có thể trả thẳng bằng tiền mặt ...”. Armand Grangier đlên đầu lên. “Tiền mặt? Đồng Phrăng Pháp à?”. “Đúng như vậy, thưa ông”. Grangier cuống cuồng. “Mụ ta có mang gì đi không” Vali hay hòm xiểng gì đó?”. “Không. Bà ta nói là sẽ yêu cầu gửi hành lý sau”. Vậy là ả đã lấy tiền của mình và đi Thụy Sĩ để mua cho chính ả cái máy kia rồi ... Grangier nghĩ. “Đưa tôi lên phòng cô ta. Mau lên”. “Vâng, thưa ông Grangier”. Jules Bergerac vớ vội chiếc chìa khóa treo trên móc và cùng Grangier lao vào thang máy. Ngang qua chỗ Zuckeman đang ngồi, Grangier rít lên. “Ngồi đây làm gì hả đồ ngu? Ả chuồn mất rồi”. Zuckeman ngước nhìn ngơ ngác. “Cô ta chưa thể đi được Cô ta chưa hề xuống tới tiền sảnh này. Tôi đã luôn để mắt mà”. “Để mắt tới cô ta?” Grangier quát “Anh có để mắt tới một cô y tá ... một bà già tóc hoa râm ... một cô hầu phòng đi ra đằng cổng phụ không”? Zuckeman lúng túng, “Sao lại phải thế ạ?”. “Về sòng bạc ngay”, Grangier quát lên, “Tôi sẽ giải quyết với anh sau”. Căn phòng vẫn y nguyên như Grangier đã thấy lần trước. Cánh cửa thông sang phòng bên mở toang. Grangier bước vào yà Chạy vội về phía phòng vệ sinh, đẩy tung cánh cửa ơn Chúa, cái máy in vẫn còn đó. Cô ả Whitney đã quá vội chuồn mà không kịp mang theo nó. Và đó không phải là sai lầm duy nhất của ả. Grangier nghĩ. Ả đã lừa của hắn 500.000 đô la và hắn sẽ báo thù. Hắn sẽ báo cảnh sát giúp tìm ra và tống cổ ả vào tù, nơi mà tay chân của hắn có thể sờ tới được. Chúng sẽ buộc ả phải nói ra kẻ khắc bản in là ai và rồi bắt ả im miệng hẳn. Armand Grangier quay số máy của sở cảnh sát và yêu cầu được nới chuyện với thanh tra Dumont. Hắn vội vã nói vào máy vài ba phút liền rồi bảo. “Tôi sẽ chờ ở đây”. Mười lăm phút sau, bạn của hắn thanh tra Dumont đã đến, cùng đi có một người đàn ông với dáng người và vẻ mặt xấu xí nhất mà Grangier từng thấy. Trán ông ta như sắp bung ra khỏi khuôn mặt, đôi mắt nâu như bị che khuất sau cặp kính dày và cái nhìn của một kẻ cuồng tín. “Đây là ông Daniel Cooper”, thanh tra Dumont nới. “Ông Cooper cũng rất quan tâm đến người đàn bà mà anh đã gọi điện báo”. Cooper lên tiếng. “Ông đã báo với thanh tra Dumont rằng cô ta dính líu tới một hoạt động làm bạc giải. “Đúng vậy. Ả ta đang trên đường đi Thụy Sĩ vào lúc này. Các ông có thể tóm cô ta ở biên giới. Tôi có các bằng chứng mà các ông cần ở ngay đây”. Hắn dẫn họ tới phòng vệ sinh, Damel Cooper và thanh tra Dumont nhìn vào trong. “Có cái máy in mà cô ả dùng để in tiền giả”. Daniel Cooper bước tới bên chiếc máy và cẩn thận xem xét nó. “Cô ta đã in tiền bằng cái máy này à?”. “Thì tôi đã nói với ông vậy mà”, Grangier gắt lên. Hắn rút từ trong túi ra một tờ bạc. “Các ông trong đây. Đây là một trong số những tờ bạc giả mà ả đưa cho tôi”. Cooper bước tới bên cửa sổ và giơ tờ bạc lên trước ánh sáng. “Đây là một tờ bạc thật”. “Trông nó giống vậy thôi. Bởi lẽ ả sử dụng các bản in đánh cắp mà ả mua lại của một chuyên gia khắc bản in từng làm việc tại trung tâm in tiền ở Philadelphia. Ả đã in những tờ bạc đó trên cái máy này”. Cooper thô bạo nói, “Ông thật ngu xuẩn. Đây chỉ là một cái máy in bình thường. Thứ duy nhất mà ông có thể in bằng chiếc máy này là phần đầu một bức thư tên người, địa chỉ ...”. “Phần đầu thư?”. Cả căn phòng bắt đầu quay cuồng. “Ông thật sự tin câu chuyện hoang đường về một cái máy có thể biến giấy lợn thành những tờ bạc một trăm đô la thật à?”. “Tôi đảm bảo với các ông là tôi đã nhìn thấy tận mắt ...” Grangier ngừng bặt. Hắn đã nhìn thấy gì? Vài tờ một trăm đô la ướt được phơi trên dây, vài xấp giấy trắng và bộ dao xén. Sự thật tàn nhẫn của một vụ lừa đảo bắt đầu hiện ra trong óc hắn. Không có vụ làm bạc giả nào hết, cũng không mang thằng cha khắc bản in nào đang chờ ở Thụy Sĩ cả Tracy Whitney đã không hề bị mắc bẫy với câu chuyện về cái kho báu bị chìm kia. Con mẹ khốn kiếp đó đã dùng chính cái âm mưu của hắn làm miếng mồi nhử để lừa hắn nửa triệu đô la. Nếu chuyện này mà lan ra ... Hai người kia đứng nhìn hắn. “Ông có muốn tố cáo cô ta về tội gì khác nữa không, Armand? “ Thanh tra Dumont hỏi. Làm sao được cơ chứ. Hắn biết nới gì được? Rằng hắn đã bị lừa trong khi toan tính tài trợ cho một vụ làm bạc giả ư? Và đồng bọn của hắn sẽ xử với hắn thế nào khi biết hắn đã lấy nửa triệu đô la của họ và quăng qua cửa sổ Hắn đột nhiên thấy ớn lạnh khắp người. “Không. Tôi ... tôi không muốn tố cáo gì nữa”. Giọng hắn đầy vẻ hoảng hết. Châu Phi, Armand Grangier nghĩ. Họ sẽ không bao giờ tình ra mình ở châu Phi cả. Daniel Cooper ngẫm nghĩ - lần sau. Lần sau mình sẽ tóm cô ta. Chương 27 Chính Tracy đã đề nghị với Gưnther Hartog rằng họ sẽ gặp nhau ở Majorca. Tracy rất yêu hòn đảo nay. Nó là một trong những thắng cảnh đẹp nhất thế giới. bên cạnh đó”, nàng nói với Gunther. “Nó đã từng là nơi trú ngụ của bọn cướp biển. ở đó chúng ta hẳn sẽ thoải mái như ở nhà vậy”. “Có lẽ tốt nhất là đừng để người ta thấy chúng ta ở cạnh nhau”, ông ta đề nghị. “Tôi sẽ lo liệu việc đó”. Chuyện đã bắt đầu với cú điện thoại của Gunther từ London gọi đến. “Tôi có một việc hoàn toàn bất thường dành cho cô, Tracy ạ. Tôi nghĩ, cô sẽ thấy nó thật sự là một thách thức. Sáng hôm sau, Tracy bay tới Pạlma, thủ phủ của đảo Maiorca. Do bức thông điệp đỏ của Interpol về Tracy, nên việc nàng rời Biamtz đến Maiorca đã được thông báo cho giới chức địa phương. Ngay sau khi Tracy thuê căn hộ Hoàng gia tại khách sạn Son Vida, một đội ngoại tuyến đã được phái tới để theo dõi nàng trên 24 giờ. Arnesto Marze, cảnh sát trưởng của Palma, đã có cuộc nói chuyện với thanh tra Trigllant của Interpol. “Tôi tin”, thanh tra Trignant nói, “rằng Tracy Whitney chính là người phụ nữ duy nhất gây ra đợt song tội phạm hiện nay”. “Thật đáng buồn cho cô ta. Nếu gây ra một tội ác nào ở Majorca này thì cô ta sẽ thấy sự trừng phạt của công lý nhanh chóng và chính xác đến mức nào”. Thanh tra Trignant nói, “Thưa ngài, tôi còn muốn nói thêm một điều nữa”. “Vâng?”. “Ngài sẽ có một người khách Mỹ. Tên ông ta là Daniel Cooper”. Các thám tử theo dõi Tracy dường như thấy nàng chỉ bận tâm với mỗi việc ngắm cảnh. Họ đã theo sát khi nàng đi vòng vòng quanh đảo, thăm tu viện thánh Francisco, Lâu đài Bellver tráng lệ và bãi biển Illetas. Nàng đã vào xem một trận đấu bò tót và thường đến ăn ở tiệm Plaza de la Reine, và luôn luôn chỉ có một mình”. Nàng đã thực hiện các chuyến đi tới Formentor, Valdemosa, La Granji và thăm các xưởng chế biến ngọc trai ở Manacor. Các thám tử đã báo cáo với Arnesto Marze. “Cô ta đến đây là để du lịch, thưa ông cảnh sát trưởng”. Cô thư ký của viên cảnh sát trưởng bước vào báo. “Có một người Mỹ, ngài Daniel Cooper, đến xin gặp ngài”. Cảnh sát trưởng Marze có nhiều bạn bè Mỹ Ông ta thích người Mỹ, và có cảm giác rằng bất chấp những điều thanh tra Trignant đã nói, ông ta cũng sẽ thích Daniel Cooper này như thường. Ông ta đã nhầm. “Tất cả các ông là những kẻ khờ”, Daniel Cooper quát lên. “Chắc chắn là cô ta không đến đây chỉ để vãn cảnh. Cô ta phải đang săn đuổi một thứ gì đó”. Khó khăn lắm, cảnh sát trưởng Marze mới kiềm chế nổi. “Thưa ông, chính ông đã nói rằng các mục tiêu của cô Whitney luôn là những gì đặc biệt, rằng cô ta thích làm những thứ dường như là không thể làm được. Ông Cooper, tôi đã kiểm tra kỹ lưỡng rồi. Ở Majorca không có gì hấp dẫn đối với tài năng của Whitney cả”. “Cô ta có gặp ai ... nói chuyện với ai không?”. Giọng hắn thật là xấc xược, Marze nghĩ bụng. “Không. Không ai hết”. “Vậy cô ta sẽ phải gặp ai đó”. Daniel Cooper nói chắc nịch. Cảnh sát trưởng Marze tự nhủ, sau cùng thì mình đã biết vì sao họ lại gọi hắn là gã người Mỹ xấu xa. Có hai trăm hang động mà người ta đã biết đến trên đảo Majorca, nhưng kỳ thú nhất là Cuevas del Drach “Hang con Rồng”, ở gần Porto Cristo, cách Palma chừng một giờ xe chạy. Những nhánh hang từ ngàn đời ăn sâu vào lòng đất, những vòm động mênh mông nhấp nhô đầy những thạch nhũ, bầu không khí hoàn toàn tĩnh mịch trừ tiếng róc rách của những suối ngầm mà màu nước khi thì xanh lục, xanh da trời, hoặc trắng trong tùy” theo các độ sâu khác nhau. Những hang động ở đây là cả một công trình kiến trúc ngà ngọc nơi tiên giới, một chốn mê cung hư ảo, với ánh sáng mờ mờ của những ngọn đuốc vĩnh hằng đâu đó. Không ai được phép vào hang mà không có người hướng dẫn, vậy mà ngay từ sáng, tưởng chừng như các vòm động trong hang đều đã chật kín cả rồi. Tracy chọn ngày thứ bảy để tới thăm hang, ngày đông nhất, với hàng trăm khách du lịch đổ đến từ những nước trên thế giới. Nàng mua vé trước một ghi sê nhỏ và lẫn vào trong đám đông. Danlel Cooper cùng hai nhân viên của cảnh sát trưởng Marze theo sát bên nàng. Một người hướng dẫn đưa các du khách lần theo một lối đi hẹp và trơn vì những giọt nước nhỏ xuống từ các nhũ đá. Có những vòm đá lớn mà du khách có thể tạt vào để chiêm ngưỡng những khối đá có hình thù giống như những cơn chim, con thú hoặc như những loài cây. Dọc lối đi hẹp với ánh sáng yếu ớt đó có những khoảng tối đen và ở một đoạn như thế Tracy đã biến mất. Daniel chạy vội lên phía trước, nhưng không hề thấy bóng nàng. Đám đông chuyển dịch liên tục đã khiến cho việc phát hiện ra nàng là không thể được. Ông ta không thể biết nàng đang ở phía trước hay phía sau mình nữa. Cô ta đang toan tính một âm mưu gì? Cooper tự nhủ. Bằng cách nào? ô đâu? Và định cuỗm cái gì mới được chứ? Trong một cái động ở khu vực thấp nhất của hang Rồng này, bên hồ nước, là một nhà hát kiểu La Mã. Các hàng ghế đá được sắp đặt dành cho khán giả và khách vãn cảnh có chỗ ngồi trong bóng tối, chờ đợi buổi diễn bắt đầu. Tracy vừa đi vừa đếm, tới hàng ghế thứ hai mươi thì len lỏi vào chiếc ghế thứ hai mươi. Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế thứ hai mươi mốt quay sang. “Có rắc rối gì không?”. “Ồ không, Gunther”. Nàng hôn lên má ông ta. Gunther nói gì đó, và vì những tiếng ồn xung quanh, nàng phải ghé tai để nghe cho rõ. “Tôi nghĩ rằng, tất nhất là đừng để họ thấy chúng ta ngồi cạnh nhau, ngừa trường hợp cơ đang bị theo dõi”. Tracy nhìn quanh cái động rộng lớn, tối mịt “Ở ờây thì an toàn thôi”. Nàng tò mò. “Chuyện chắc là quan trọng”. “Đúng vậy”. Ông ta ghé sát lại. “Một khách hàng giàu có nóng lòng muốn kiếm được một bức tranh. Đó là bức của Goya có tên là Puerto. Ông ta sẽ trả một khoản tiền mặt nửa triệu đô la. Điều đó vượt quá khả năng của tôi:”. Tracy trầm ngâm, “Còn ai khác muốn làm vụ này không?”. “Nói thẳng là có đi. Nhưng theo tôi, khả năng thành công rất hạn chế”. “Bức tranh hiện ở đâu?”. “Bảo tàng Prado ở Madrid”. “Prado”. Ngay lập tức, ý nghĩ đầu tiên của Tracy là không thể được. “Việc này đòi hỏi một tài năng lớn lao. Bởi vậy, tôi nghĩ đến cô đấy, Tracy thân mến”. “Tôi sẵn lòng”, Tracy đáp. “Nửa triệu đô la à.”. “Sòng phẳng”. Buổi biểu diễn bắt đầu và tất cả đột nhiên trở nên im lặng. Các bóng đèn ở đâu đó lần lượt bật sáng và cả khoảng không gian rộn rã tiếng nhạc. Trung tâm của cuộc diễn là hồ nước lớn phía trước mặt khán giả, và trên mặt hồ, từ sau một nhũ đá, một chiếc thuyền độc mộc hiện ra, được chiếu sáng nhờ những ngọn đèn pha giấu kín đâu đó. Trên thuyền, một nghệ sĩ đang chơi Organ, bản Senẹnaà” vọng qua mặt hồ, và ánh đèn màu tỏa sáng như một chiếc cầu vồng trong bóng tối. Con thuyền từ từ trôi ngang mặt hồ rồi sau cùng biến mất trong tiếng nhạc tắt dần. “Tuyệt diệu:”, Gunther nói. “Chỉ màn trình diễn này thôi cũng đáng công tới đây”. “Tôi rất thích du lịch”, Tracy nói. “Và ông có biết thành phố nào tôi vẫn luôn mong được tới thăm không, ông Gunther Adrid đấy”. Đứng ở cổng ra vào hang, Daniel Cooper thấy Tracy Whitney bước ra. Nàng chỉ có một mình. Chương 28 Khách sạn Ritz ở Madrid được coi là số một ở Tây Ban Nha, và suốt hơn một thế kỷ qua, các vị nguyên thủ quốc gia của nhiều nước châu u đều đã ăn, ngủ tại đấy. Tracy đã nghe về nó quá nhiều vậy mà trên thực tế thì thật đáng thất vọng. Gian tiền sảnh khách sạn trông thật tàn tạ, bẩn thỉu. Viên phó quản lý đã đưa nàng tới lô phòng số411-412, ở tòa nhà cánh Nam của khách sạn quay mặt ra phố Felipe đệ Ngũ. “Tôl tin là cô sẽ hài lòng, thưa cô Whitney”. Tracy bước tới bên cửa sổ và nhìn ra. Ngay phía dưới, bên kia đường, là bảo tàng Prado. “Cảm ơn ông”. Căn phòng đầy những tiếng ồn ào vọng lên từ dòng xe cộ dưới đường phố, nhưng nó có cái mà nàng muốn: Vị trí quan sát Bảo tàng Prado. Tracy đặt mang lên phòng một bữa chiều đơn giản, và sau khi ăn, nàng ngủ sớm. Khi lên giường, nàng có cảm nghĩ phải nằm ngủ trên chiếc giương này quả là một dạng của lối tra tấn thời Trung cổ. Lúc nửa đêm, một thám tử chết giữ dưới tiền sảnh khách sạn bàn giao lại cho một đồng nghiệp tới thay phiên; “Cô”ta chưa rời.khỏi phòng. Tôi nghĩ đêm nay cô ta sẽ ngủ yên thôi”. Tại Madrid, Tổng nha cảnh sát nằm ở đại lộ số một và chiếm cả một dãy phố. Đó là một binding xám xịt xây bằng gạch đỏ, trên nóc có một cái đồng hồ lớn. Phía trên cổng chính treo lá quốc kỳ Tây Ban Nha sọc đỏ và vàng. Trước cổng luôn có một cảnh sát mặc đồng phục và đội mũ bê rê màu nâu sẫm đứng gác, được trang bị một sung tiểu liên, một dùi cui, một súng ngắn, và một khóa tay. Việc liên lạc với Interpol được duy trì từ trụ sở này. Ngày hôm trước, một bức điện khẩn mang lý hiệu X - D đã được gửi tới Santiago Ramiro, cảnh sát trưởng Madrid, thông báo cho ông ta về chuyến đi của Tracy Whitney. Viên cảnh sát trưởng đã đọc dòng cuối cùng của bức điện hai lần rồi gọi điện thoại cho thanh tra Trigmant ở trụ sở Interpol tại Paris. “Tôi không hiểu ý ông”, Ramiro nói. “Ông yểu dịu dàng sự hợp tác đầy đủ của cơ quan li cho một người Mỹ nào đó, thậm chí không phải là một cảnh sát”. “Vì lý do gì vậy?”. “Ông cảnh sát trưởng, tôi nghĩ rằng ông sẽ thấy sự có mặt của ông Cooper là hữu ích. Ông ta hiểu rõ cô Whitney”. “Có gì mà phải hiểu? Cô ta là một tội phạm. Cứ cho là có tài đi, nhưng trong các nhà tù Tây Ban Nha thiếu gì những tội phạm tài ba. Người này cũng sẽ không lọt qua lưới của chúng tôi được”. “Tốt. Và ông sẽ phối hợp với ông Cooper chứ”. Viên cảnh sát trưởng miễn cưỡng đáp. “Nếu ông cho rằng ông ta có thể là hữu ích, tới không phản đối”. “Cám ơn ông”. “Có gì đâu thưa ông”. Cảnh sát trưởng Ramiro, cũng như người đồng nghiệp của mình ở Pans, không thích gì người Mỹ. Ông ta thấy họ thô bạo, thực dụng và ngây thơ. Người này - ông nghĩ bụng - có thể khác những người kia, và mình có thể sẽ ưa ông ta. Mới nhìn Daniel Cooper, ông ta đã thấy ghét rồi. Vừa bước vào phòng làm việe của viên cảnh sát trưởng Damel Cooper đã oang oang. “Cô ta đã qua mặt tới một nửa lực lượng cảnh sát châu u và có thể với cả các ông nữa”. Viên cảnh sát trưởng cố kim chế. “Thưa ông, chúng tôi không cần ai phải bảo ban trong công việc của mình. Ngay sáng nay, khi đặt chân xuống sân bay Barajas, cô Whitney đã bị đặt dưới sự giảm sát chặt chẽ. Tôi bảo đảm rằng nếu có ai đánh rơi một cái cặp trên đường phố và cô Whitney của ông nhặt nó lên, cô ta sẽ bị tống giam ngay. Trước đây, cô ta chưa hề đụng phải cảnh sát Tây Ban Nha”. “Nhưng cô ta không tới đây để nhặt một cái gì trên đường phố”. “Vậy ông cho rằng đến làm gì?”. “Tôi chỉ có thể nới với ông rằng có lẽ là vụ to đấy”. Cảnh sát trưởng Ramiro tự phụ đáp. “Càng to càng tốt”. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi hành vi của cô ta”. Tracy thức dậy, người mỏi nhừ sau một đêm ngủ mà như bị tra tấn trên chiếc giường kiểu Tomás de Terquenmada, nàng gọi bữa ăn sáng nhẹ cùng với cà phê nóng và bước tới bên cửa sổ nhìn xuống bảo tàng Prado. Đó là một pháo đài cổ, xây bằng đá và gạch đỏ, bao quanh là cây cỏ um tùm. Phía trước là hai cây cột lớn kiểu Dorie và hai bên là hai cầu thang dẫn lên cửa chính. Thấp hơn một chút, ngang với mặt đường là hai cửa phụ. Học sinh và khách du lịch từ hàng chục nước đã xếp hàng trước cổng bảo tàng và đúng mười giờ, những người gác mở cửa và khách khứa đi VFO qua cửa quay ở giữa và hai cửa phụ hai bên. Chuông điện thoại réo vang làm Tracy giật nảy người. Trừ Gunther ra, không ai biết nàng đang ở Madrid. Nàng nhấc ống nghe lên. “Hello?”. ”Xin chào tiểu thư”. Một giọng quen quen. “Tôi gọi tới phòng thương mại Madrid và họ đã chỉ thị cho tôi phải làm tất cả những gì có thể được để bảo đảm rằng cô có một thời gian thú vị ở thành phố chúng tôi”. “Làm sao anh biết tôi ở Madrid, Jeff”. “Thưa cô, Phòng thương mại biết tất cả mọi chuyện”. “Đây là lần đầu tiên cô ở đây ư?”. “Đúng vậy”. “Tốt. Vậy tôi có thể hướng dẫn cô đi “tham quan một vài nơi. Cô định ở đây bao lâu, Tracy?”. Đó là câu hỏi chủ yếu. “Tôi không chắc”. Nàng”nhẹ đáp “Chắc là đủ để mua sắm và tham quan đôi chút thôi. Anh làm gì ở Madrid này thế”. Cũng vậy thôi”. Giọng anh ta giống hệt nàng. “Mua sắm và ngắm cảnh mà”. Tracy không tin vào chuyện trùng lặp. Cũng vì lý do như nàng mà Jeff Stevens đã ở đây: Đánh cắp bức Puerto. Jeff hỏi. “Cô có rảnh để cùng ăn chiều không?”. Đó là một lời thách đố. “Được thôi”. “Tốt quá. Tôi sẽ đặt bàn ở tiệm Jockey nhé”. Dĩ nhiên là Tracy không hề có ảo tưởng gì về Jeff, vậy mà khi bước ra khỏi thang máy và thấy anh đang đứng chờ, nàng có cảm giác dễ chịu không thể lý giải nổi. Jeff cầm tay nàng. “Rất vui mừng. Cô thật đáng yêu”. Nàng đã ăn mặc chu đáo - một bộ đồ Valentme màu xanh nước biển, một chiếc khăn lông chồn Nga, đôi giày Frizen và trên tay là chiếc xắc mang hiệu Hermes Howarth. Daniel Cooper, tại chiếc bàn nhỏ trong góc tiền sảnh, với ly Perrier trước mặt, đã theo dõi tất cả, và ông ta cảm thấy một sức mạnh to lớn: Công lý là ta. Chúa đã nói vậy, và mình là lưỡi gươm của Người. Cuộc đời ta là một sự hành xác và ngươi sẽ giúp ta trả nợ. Ta sẽ trừng phạt ngươi. Cooper tin rằng không một lực lượng cảnh sát nào trên thế giới đủ khôn ngoan để tóm được Tracy Whitney. Nhưng mình sẽ làm được - Cooper nghĩ thầm - cô ta thuộc về phần mình. Đối với ông ta, Tracy đã trở nên ngoài phần công việc. Đó là một sự khiêu khích. Ông ta mang theo hồ sơ và các bức ảnh nàng đi khắp nơi, và đêm đến - trước khi ngủ, lại giở ra xem. Ông ta đã đến Biarrit quá muộn, và Tracy đã chuồn trước mũi ông ta ở Majorca, nhưng giở Interpol lại đã lần ra dấu vết và Coơper quyết không để lỡ dịp này. Ông ta đã từng mơ thấy Tracy. Nàng ở trong cái lồng lớn, trần truồng van vỉ ông ta thả ra. Tôi yêu em - ông ta trả lời - nhưng không bao giờ tôi thả em ra cả”. Jorkey là một tiệm ăn nhỏ, lịch sự nằm trên phố Rios. Đồ ăn ở đây là thượng hạng”. Jeff nói. Trông anh thật hết sức đẹp trai. Tracy nghĩ. Cũng như Tracy, từ anh toát ra một vẻ kích động nào đấy, và nàng biết lý do: Họ đang cùng nhau trong một cuộc đấu trí mà phần thưởng rất lớn. Chắc chắn mình sẽ thắng, Tracy nghĩ “Có một tin đồn lạ”. Jeff nói. Nàng chú ý ngay. “Tin gì?”. Cô đã bao giờ nghe nói về Daniel Cooper chưa? Đó là một thám tử của bên bảo hiểm, rất giỏi”. “Không. Có chuyện gì về ông ta thế”. “Hãy cẩn thận. Ông ta nguy hiểm đấy. Tôi không muốn thấy có điều gì xấu đến với cô cả”. “Đừng lo”. “Vậy mà tôi đã lo lắng, Tracy”. Nàng nhoẻn cười. “Về tôi ư” Tại sao?”. Anh đặt tay lên trên tay nàng, khẽ nói. “Em là một cơ gái đặc biệt. Cuộc sống sẽ thú vị hơn nhiều nếu có em ở bên, Tracy yêu dấu”. Jeff có sức truyền cảm khủng khiếp, Tracy nghĩ. Nếu đã không biết quá rõ về anh ta, chắc mình tin ngay mất. “Hãy gọi đồ ăn đi”, Tracy nói. :”Tôi đói ngấu rồi”. Trong mấy ngày tiếp theo, Jeffvà Tracy đi thăm khắp Madrid. Không bao giờ họ đi một mình. Hai nhân viên của cảnh sát trưởng Ramiro theo sát họ khắp nơi, và cùng với họ là người Mỹ lạ lùng kia. Việc Ramừo cho phép Cooper tham gia cuộc theo dõi chỉ đơn giản thì nhằm để ông ta khỏi quanh quẩn vướng mắc. Thằng cha người Mỹ này thật láo xược dám cho rằng người phụ nữ có tên Tracy Whitney này sẽ có thể đánh cắp một tài sản quý giá nào đấy ngay dưới mũi cảnh sát Tây Ban Nha. Thật nực cười. Tracy và Jeff cùng đi ăn ở những cửa hàng tên tuổi của Madrid như Horcher, Hoàng tử Viana và Casa Botin ... nhưng Jeff cũng còn biết cả những nơi mà khách du lịch chưa từng biết: Cusa; Paco La Chuletta và El Lacon,.. có những món ăn địa phương tuyệt vời. Dù họ đi bất kỳ đâu, Daniel Cooper và hai thám tử khác cũng không bao giờ tụt lại sau quá xa. Tữ một khoảng cách đầy thận trọng, Daniel Cooper suy nghĩ về vai trò của Jeff trong màn kịch đang diễn ra. Anh ta là ai? Một nạn nhân sắp tới của Tracy? Hay là đồng bọn?”. Cooper hỏi cảnh sát trưởng Ramiro. “Ông có thông tin gì về Jeff không?”. “Không. Anh ta không có tiền án và đăng ký nhập cảnh để du lịch. Tôi cho anh ta chỉ là người bạn đường tình cờ thôi”. Linh cảm đã mách Cooper theo một hướng khác. Nhưng ông ta không định săn đuổi Jeff Stevens. Tracy - ông ta nghĩ - ta muốn tóm ngươi cơ. Khi Tracy và Jeff quay lại khách sạn Ritz thì đêm đã về khuya, Jeff đưa nàng đến tận cửa phòng. “Tôi có thể vào uống chút gì không nhỉ?”. Chỉ chút nữa thì Tracy đã gật. Nàng vươn người hôn nhẹ lên má anh. “Hãy coi tôi như em gái của anh, Jeff”. “Quan điểm của em về vấn đề loạn luân là thế nào nhỉ?”. Nàng đã khép cửa lại. Ít phút sau, tới phòng mình, anh gọi điện cho Tracy. “Em có muốn mai đi cùng tôi tới Segevia không” Đó là một thành phố cổ tuyệt diệu, cách Madrid vài giờ xe chạy”. “Nghe quyến rũ quá. Cảm ơn về một bưởi tối thú vị”. Tracy nói, “Chúc ngủ ngon, Jeff”. Nàng thao thức rất lâu, đầu óc đầy những ý nghĩ mới lạ đã từ lâu lắm rồi nàng mới lại vướng vào chuyện tình cảm với một người đàn ông. Charles đã làm nàng đau đớn khủng khiếp, và nàng.không muốn lại bị đau như thế nữa. Jeff Stevens là một bạn đồng hành hú vị,” nhưng nàng biết không bao giờ được để anh ta trở thành một gì hơn thế. Rất dễ phải lòng một người như anh ta. Và đó là điều ngốc nghếch. Tan nát. Hân hoan. Tracy thấy khó ngủ quá chừng. Chuyến đi Segevia thật tuyệt. Jeff đã thuê chiếc xe hơi nhỏ và họ rời khỏi thành phố, chạy vào giữa cánh đồng nho tuyệt đẹp của Tây Ban Nha. Một chiếc xe nhãn hiệu Seat bám theo họ suốt cả ngày và nó không phải là một chiếc xe thông thường. Seat là loại xe duy nhất được sản xuất trong nội tha Tấy Ban Nha, và là một phương tiện được chính thức trang bị cho lực lượng cảnh sát. Các xe kiểu thông thường thì động cơ chỉ 100 mã lực, nhưng các xe được làm cho cảnh sát và cảnh vệ Quốc gia động cơ lại tới 150 mã lực, do vậy mà không có khả năng cho Jeff và Tracy cớ thể thoát khỏi tầm kiểm soát của Damel Cooper và hai thám tử cùng đi. Tracy và Jeff đến Segevia vào tầm trưa và họ ăn trong một tiệm đầy vẻ quyến rũ tại quảng trường trung tâm, dưới bóng của một đường máng dẫn nước cao ngất mà người La Mã xây nên từ cách đây 2000 năm. Sau bữa ăn, họ lang thang khắp khu thành cổ, ghé thăm nhà thờ Đức bà Maria cổ kính và tòa”thị chính với kiến trúc Phục Hưng, rồi tiếp tục lên xe chạy tới Aleazar, một pháo đài La Mã cổ nằm trên một mỏm núi đá nhô ra phía trên thành phố. Cảnh quan thật kỳ thú. “Tôi cược rằng nếu chúng ta chịu đợi ở đây, ta sẽ thấy Đôngkisốt” và Xăngxo cưỡi ngựa băng trên những cánh đồng phía dưới kia cho mà xem”. Jeff nói. “Anh thích đánh trận mồm với cối xay gió chứ?”. “Còn tùy vào hình dáng của cái cối xay đó”, anh nhẹ nhàng đáp và sát vào nàng hơn. Tracy rời khỏi rìa mỏm đá. “Kể cho tôi nghe về Segevia đi”. Ý muốn của nàng quả nhiên được đáp ứng. Jeff là một người hướng dẫn tận tình, đầy kiến thức về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, và Tracy đã phải tự nhắc mình rằng anh ta cũng còn là một kẻ 1ừa đảo chuyên nghiệp nữa. Với Tracy thì hôm đó là một ngày thú vị. Một trong hai thám tử người Tây Ban Nha, José Pereira, càu nhàu với Cooper. “Thứ duy nhất mà họ đang ăn cắp là thời gian của chúng ta. Ông không tháy họ chỉ là một cặp uyên ương thôi sao? Ông có chắc rằng cô ta đang mưu tính gì không?”. “Tôi đoán chắc”. Cooper gắt lên, và phát ngượng với chính phản ứng của mình. Tất cả điều ông ta muốn là bắt được Tracy Whitney để trừng phạt cô ta, vì cô ta đáng phải chịu điều đó. Cô ta cũng như mọi tội phạm khác, đó là chuyện công việc. Thế nhưng, mỗi lần người bạn đồng hành của Tracy nắm lấy tay nàng thì Coopelt lại thấy giận sôi lên. Khi Tracy và Jeff về Wi Madrid, Jeff nói. “Nếu em chưa quá mệt mỏi, tôi xin giới thiệu một chỗ ăn chiều rất đặc biệt”. “Vậy thì tuyệt”. Tracy không muốn ngày vui chấm dứt sớm. Mình sẽ dành trọn cho hôm nay, một ngày hôm nay, giống như những người đàn bà khác, nàng tự nhủ. Người dân Madrid ăn chiều rất muộn, ít có nhà hàng lào mở cửa phục vụ trước 21 giờ. Jeff đã đặt bàn vào lúc 22 giờ tại tiệm Zalacain, một nhà hàng sang trọng mà đồ ăn ngon lành và sự phục vụ cho tốt. Tracy không gọi đồ tráng miệng, thế nhưng người bồi bàn vẫn mang tới một chiếc bánh nướng mà Tracy chưa bao giờ thấy ngon miệng đến vậy. Nàng ngả người trên ghế, tươi tắn và mãn nguyện. “Một bữa chiều tuyệt vời. Cám ơn anh”. “Tôi rất vui thấy em ăn ngon. Đây là nơi có thể gây ấn tượng với ai đó mà mình muốn”. Nàng nhìn anh giây lát. “Thế anh có đang toan gây ấn tượng với tôi không, Jeff Anh mỉm cười. “Em có thể đánh cược là tôi đang làm như thế đấy. Nhưng em hãy đợi đến nơi tiếp theo đã”. Nơi tiếp theo mà Jeff đưa nàng tới là một tiệm cà phê mờ ảo khói thuốc, đầy hấp dẫn. Bên trong đông kín những công nhân Tây Ban Nha mặc áo khoác da đang ngồi hoặc đứng uống ngay ở quầy. Ở phía cuối phòng là một sân khấu, nơi có hai người đàn ông đang chơi ghi ta. Tracy và Jeff được dẫn tới một bàn nhỏ kề bên sân khấu. “Em có biết gì về điệu nhảy Flamence không”ạ Jeff hỏi. Anh phải cao giọng để át những tiếng ồn ào. “Chỉ biết đó là một điệu nhảy Tây Ban Nha thôi”. Digan, ban đầu là vậy. Em có thể đến các hộp đêm cao cấp ở Madrid và xem người ta biểu diễn Flamence, nhưng đêm nay em sẽ thật sự được xem điệu nhảy này”. Tracy phải mỉm cười vì vẻ hăng hái trong giọng nói của Jeff. Em sắp thấy một màn vũ Flamence cổ điển. Gồm một nhóm ca sĩ, vũ công, vũ nữ và nhạc công. Đầu tiên là họ cùng biểu diễn một lượt sau là từng người một”. Dõi theo Tracy và Jeff từ một chiếc bàn ở lối vào bếp, Daniel Cooper băn khoăn không biết họ bàn luận gì mà say sưa đến thế. “Điệu nhảy này hết sức tinh tế, bởi vì mọl thứ đều phải hài hòa với nhau - các chuyển động, âm nhạc, trang phục, nhịp điệu tăng nhanh dần ... “Sao anh biết nhiều về điệu nhảy này thế” “Tracy hỏi. “Anh từng quen một vũ nữ Flamence”. Quả nhiên mà - Tracy nghĩ. Ánh sáng trong tiệm mờ đi và cái sân khấu nhỏ được chiếu sáng rồi màn ma thuật bắt đầu. Nó khởi đầu rất chậm rãi. Một nhóm nghệ sĩ ùa ra sân khấu. Các nữ nghệ sĩ mặc những váy ngắn, áo ngắn sặc sỡ, tóc bới cao với những bông hồng cài bằng những chiếc trâm xinh xắn. Các vũ công nam thì mặc quần bó truyền thống, áo vét và ủng da ngắn bóng loáng. Các nhạc công ghi ta tấu lên một giai điệu dìu dặt, trong khi một phụ nữ ngồi ở rìa sân khấu hát bài dân ca Tây Ban Nha. “Anh có hiểu lời bài ca mà cô ấy đang hát không?”. Tracy thì thầm. “Có? Tôi đã muốn rời bỏ người bạn tình của mình, nhưng trước khi làm được điều đó, anh ta đã rời bỏ tôi và làm trái tim tôi tan nát!”. Một vũ nữ tiến ra giữa sân khấu, bắt đầu với điệu Zapateade đơn giản, nhưng nhanh dẫn lên do tiếng ghi ta đầy kích động. Và điệu nhảy trở thành một màn kích động đầy dục tính, ở các mức độ khác nhau. Các điệu nhảy đều được sáng tạo ra trong những hang động của người Digan từ hàng trăm năm trước. Sự kích động của tiếng nhạc mỗi lúc một tăng, các bước nhảy càng điên cuồng và lại còn có cả những tiếng gào thét cổ vũ của các nghệ sĩ ở bên ngoài sân khấu nữa. Sau cùng, khi âm nhạc và màn nhảy chấm dứt đột ngột, cả tiệm lặng giây lát và rồi tiếng vỗ tay ào cả lên. “Cô ta thật tuyệt diệu?” Tracy nói. “Đợi đã Jeff bảo. Vũ nữ thứ hai tiến ra sân khấu. Cô ta có một vẻ đẹp cổ điển, nước da màu sẫm và dường như xuất thần, hoàn toàn không để ý gì đến khán giả. Các nhạc công ghi ta bắt đầu chơi một điệu Bolero gam trầm mang dáng dấp những nét nhạc phương Đông. Một vũ công ra nhảy cùng cô ta và các âm thanh của bộ gõ bắt đầu vang lên thúc giục. Tiếng vỗ tay dồn dập hòa vào với vũ điệu Flamence, cùng với tiếng nhạc kích động làm chó không khí trong tiệm trở nên sống động tới mức tất cả khán giả đều lắc lư nhịp theo điệu Zapateade và say sưa trong những cảm giác đầy hứng khởi. Thân thể của cô gái và chàng trai đang trình diễn Flamence trên sân khấu lúc tách xa nhau ra, khi thì sáp lại gần làm cho khán giả thấy họ như đang trong cơn thèm muốn điên cuồng, mỗi lúc một tăng, cho đến khi họ như đang làm tình với nhau một cách điên dại, thú vật và đầy bạo lực, đạt tới sự thỏa mãn cao độ đến mức khán giả cũng phải quằn quại. Đèn tắt rồi bừng sáng, đám đông như gào lên và Tracy cũng thấy mình cùng la hét với mọi người. Nàng bỗng ngượng ngùng vì cảm thấy thèm muốn làm tình. Nàng không dám nhìn Jeff nữa. Không khí giữa họ bỗng như căng thẳng Tracy nhìn xuống mặt bàn, xuống hai bàn tay khỏe mạnh và rám nắng của anh và có thể cảm giác thấy hai bàn tay đó đang vuốt ve trên thân thể nàng, chậm rãi, rồi nhanh hơn, rồi đòi hỏi và nàng vội giấu hai bàn tay vào lòng để che đi sự run rẩy không kìm lại được. Trên đường trở về, họ nói với nhau rất ít. Tại cửa phòng mình, Tracy quay lại nói. “Thật là cả một ...”. Môi của Jeff đã đặt lên môi nàng, hai bàn tay nàng quàng quanh anh, ôm chặt. “Tracy ...?”. Chữ “Vâng” đã ở trên môi và nàng phải dùng hết sức mạnh ý chí để nói. “Thật là một ngàyđài, Jeff. Tôi buồn ngủ lắm rồi”. “Ô”. “Tôi nghĩ rằng mai tôi sẽ phải ở trong phòng suốt ngày để nghỉ ngơi”. Giọng anh đã trở lại bình thường khi đáp. “Ý kiến hay đấy có thể là tôi cũng sẽ làm như thế”. Người nọ không hề tin lời người kia. Chương 29 Sáng hôm sau, lúc 10 giờ, Tracy đã đang đứng trong hàng người trước cửa ra vào bảo tàng Prado. Nàng mua một vé vào cửa ra vào cùng với dòng người đi vào một phòng lớn thênh thang có mái vòm. Daniel Cooper và thám tử Pereira theo sát đằng sau và Cooper bắt đầu thấy sự hồi hộp tăng lên.” Ông ta tin chắc rằng, ở đây, Tracy không chỉ là một khách tham quan. Dù mưu toan của cô ta là gì đi nữa thì nó cũng đã đang bắt đầu. Tracy dạo từ phòng này sang phòng khác, chậm rãi đi ngang các gian trưng bày tranh của Rubons, Titians, Tintorettos, Bosches và Donenikos Theotokoponlos - người đã trở nên- nổi tiếng dưới cái tên El Greco. Các bức tranh của Goya được trưng bày trong một phòng đặc biệt ở phía dưới, tại tầng trệt. Tracy để ý thấy tại cửa ra vào mỗi phòng tranh đều có một người mặc đồng phục canh giữ, và ngay cạnh tay anh ta là cái nút báo động màu đỏ. Nàng biết rằng khi tiếng chuông báo động cất lên là tất cả các cửa ra vào bảo tàng sẽ bị đóng lại, và sẽ không có cơ hội để thoát ra được. Nàng ngồi trên chiếc ghế băng ở giữa một phòng tranh trưng bày các tác phẩm của các danh họa Flenmitsơ hồi thế kỷ Mười tám và quan sát căn phòng. Nàng có thể thấy rõ đôi mắt thần nhỏ xíu ở hai bên cửa ra vào. Đó là điểm xuất phát của những tia hồng ngoại sẽ được bật lên vào ban đêm. Ở những bảo tàng khác mà Tracy từng đến thăm, những người gác thường buồn ngủ, mệt mỏi và ít để ý tới dòng khách tham quan, nhưng ở đây thì họ rất tỉnh táo. Trong các bảo tàng trên thế giới, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị những kẻ cuồng tín phá hoại, và bảo tàng Prado quyết không để nó cớ cơ hội ở đây. Ở nhiều phòng tranh, các họa sĩ dựng lên giá vẽ của họ và miệt mài vẽ lại tranh của các danh họa. Bảo tàng cho phép làm điều đó, nhưng Tracy thấy rằng những người gác cũng để mắt cẩn thận tới cả những người này. Khì Tracy đã xem hết các phòng ở tầng lầu chính, nàng đi theo cầu thang xuống tầng trệt - khu trưng bày tranh của Francisco de Goya. Thám tử Fereira nói với Cooper. “Thấy chưa, cô ta chỉ xem tranh thôi chứ có làm gì được đâu. Cô ta ...”. “Anh nhầm rồi”, Cooper vội vã chạy theo. Tracy thấy phòng tranh Goya còn được bảo vệ nghiêm ngặt hơn so với các phòng khác, và là xứng đáng. Phía trên, hết bức tường này đến bức tường khác người ta trưng bày những vẻ đẹp bất diệt và Tracy ngắm hết bức này đến bức khác, sững sờ trước tài năng của nhà danh họa. Bức Chân dung tự họa của Goya thật tuyệt vời, trong đó trông ông như một thần Păng đứng tuổi ... rồi bức chân dung đầy màu sắc Gia đình Charles đệ tứ ... bức Maja mặc quần áo và bức Maja khỏa thân lừng danh. Và đây, cạnh bức Ngày nghỉ của các mụ phù thủy là bức Puerto. Tracy dừng chân ngắm nghía, tim đập mạnh. Ỏ nền trước của bức tranh là chừng hơn một chục đàn ông đàn bà quần áo đẹp đẽ đứng quanh một bức tượng đá, còn ở nền sau, hiện ra một làn sương mỏng mờ sáng, là những con thuyền đánh cá đỗ trong bến và một cây đèn biển xa xa. ở góc trái bên dưới, là chữ ký của Goya. Đây là mục tiêu. Nửa triệu đô la. Tracy liếc quanh. Một người đứng gác ở cửa. Suốt dọc hành lang phía sau anh ta nàng còn thấy nhiều người gác nữa. Nàng đứng đó hồi lâu, lặng ngắm bức Puerto. Đến khi vừa rút thì một nhóm du khách đi xuống cầu thang. Lẫn trong họ là Jeff Stevens. Tracy vội ngoảnh mặt và đi vội ra ngoài qua lối cửa bên trước khi anh kịp trông thấy nàng. Sẽ là một cuộc đua đấy, ông Stevens và tôi sẽ thắng. “Cô ta đang mưu đồ ăn cắp một bức tranh ở bảo tàng Prado”. Cảnh sát trưởng Ramiro nhìn Daniel Cooper vẻ không tin. “Vô lý? Không kẻ nào có thể ăn cắp tranh ở bảo tàng Prado được”. Cooper bướng bỉnh “Cô ta đã ở đó suốt cả buổi sáng”. “Chưa bao giờ xảy ra một vụ trộm ở bảo tàng Prado, và sẽ không bao giờ có chuyện đó. Ông biết vì sao không? “Vì đó là điều không thể”. “Cô ta sẽ không mưu tính theo cách thông thường đâu. Ông phải cho bảo vệ hệ thống thông gió của bảo tàng để ngăn ngừa một vụ tiến công bằng hơi ngạt. Nếu những người gác được phép dùng cà phê trong phiên trực, thì cần phải biết rõ họ lấy cả phê từ đâu và liệu trong đó có độc tố gì không. Kiểm tra nước uống ...”. Sức chịu đựng của cảnh sát trưởng Ramiro có hạn. Suốt tuần qua, phải làm việc với gã người Mỹ thô bạo, xấu xí này đã là quá đủ và lại đã phải phung phí nhân lực quý giá để theo sát Tracy Whitney 24 trên 24 giờ trong khi lực lượng cảnh sát quốc gia của ông ta thì vốn đã phải làm việc dưới một ngân quỹ eo hẹp, bởi vậy lúc này, khi nghe thằng cha xấu xí kia” chỉ bảo cách điều khiển cơ quan cảnh sát của mình thì ông ta không còn chịu đựng được nữa. “Theo ý kiến tôi, người phụ nữ này ở Madrid chỉ để nghỉ ngơi, du lịch. Tôi sẽ cho ngừng việc theo dõi”. Cooper sửng sốt. “Không? Ông không được làm như vậy Tracy Whitney là ...”. Cảnh sát trưởng Ramiro đứng thẳng người lên. “Thưa ông Cooper, mong ông làm ơn đừng bảo tôi phải làm gì hoặc không được làm gì. Còn bây giờ,”tôi rất bận, nếu như ông không còn gì để nói”. Cooper đứng lặng, đầy thất vọng. “Vậy thì tôi sẽ đơn phương tiếp tục công việc”. Cảnh sát trưởng cười. “Để giữ an toàn cho bảo tàng Prado tránh khỏi sự đe dọa khủng khiếp từ người phụ nữ kia ư. Tất nhiên là tùy ông, thưa ông Cooper. Giờ thì tôi có thể ngủ vài đêm liền”. Chương 30 Cơ hội thành công là rất hạn chế. Gunther Hartog đã nói với Tracy - nó đòi hỏi một tài năng lớn lao. Đó là một khẳng định sai lầm, nàng nghĩ. Tracy đang đứng bên cửa sổ càn phòng khách sạn nhìn xuống mái bảo tàng Prado, nhớ lại những gì nàng đã biết. Nó được mở cửa cho khách từ 10 giờ đến giờ, trong thời gian đó, hệ thống báo động ngừng hoạt động, nhưng mỗi cửa phòng tranh đều có người gác. Ngay cả khi gỡ được bức tranh xuống khỏi tường Tracy nghĩ - càng không có cách nào mang thoát ra. Tất cả đồ xách tay đều bị khám xét ở các cửa ra vào. Nàng quan sát mái nhà và cân nhắc về một vụ đột nhập ban đêm. Có vài trở ngại: thứ nhất là khả năng bị lộ rất cao. Tracy đã thấy các ngọn đèn chiếu bật sáng về ban đêm; các mái nhà rực sáng đến mức có thể nhìn thấy nó từ xa hàng mấy dặm. Cho dù có thể lọt vào nhà êm thấm, thì lại còn vấp phải hệ thống báo động hồng ngoại và những người gác đêm. Bảo tàng Prado dường như là bất khả xâm phạm. Jeff đang tính toán gì đây? Tracy tin rằng anh ta cũng muốn đoạt bức họa của Goya kia. Giá mà biết được cái đầu xảo quyệt của anh ta đang mưu tính chi thì mất gì mình cũng chịu, Tracy nghĩ. Nàng chỉ biết quyết tâm: không để anh ta đạt tới cái đích đó trước nàng. Nàng phải tìm ra một giải pháp. Sáng hôm sau, Tracy trở lại bảo tàng Prado. Không có gì thay đổi, trừ những khuôn mặt của du khách. Tracy cẩn thận để ý tìm Jeff nhưng không thấy. Tracy nghĩ, hẳn là anh ta đã nghĩ ra cách đánh cắp bức tranh.” Đồ khốn kiếp. Tất cả sự quyến rũ mà anh ta thể hiện chỉ cất làm cho mình bị phân tán, và ngăn không để mình lấy trước được bức tranh mà thôi. Tracy tiến lại bức Puerto một lần nữa, và đảo mắt nhìn các bức tranh khác gần đấy. Những người gác vẫn đầy vẻ cảnh giác các họa sĩ nghiệp dư ngồi trên các ghế đẩu trước giá vé của họ, đậm đông đi vào rồi đi ra liên tục, và đột nhiên tim nàng bắt đầu đập nhanh hơn lên. Mình biết cách phải làm rồi nàng thầm reo trong lòng. Nàng gọi Gunther gọi từ một buồng điện thoại công cộng trên phố Gran Via và Daniel Cooper - đang dời nhìn từ cửa ra vào của một tiệm cà phê gần đấy - xem chừng sẵn sàng trả cả một năm tiền lương để biết được Tracy đang gọi cho ai, và nói gì, nhưng tin chắc đó là một cú điện thoại gọi ra nước ngoài và cũng chẳng ai thêm ghi âm lại câu chuyện đó. Ông ta thấy nàng lần đầu tiên mặc chiếc váy màu xanh nhạt, lô ra cặp chân trần. Để bọn đàn ông có thể nhìn ngắm mà. Ống ta nghĩ. Đồ đĩ thõa. Và giận sôi lên. Trong khi đó Tracy đang kết thúc câu chuyện trên điện thoại. “Phải bảo đảm đó là một người nhanh nhẹn nhé, Gunther. Anh ta chỉ có tất cả là hai phút. Thành công hay không phụ thuộc vào hai phút ấy thôi”. Gửi:J.J Reynolds Hồ sơ số Y - 72 - 830 - 412. Người gửi: D. Cooper. Mật. trích yếu: Tracy Whitney. TÔI CHO RẰNG ĐỐI TƯỢNG ĐANG Ở MADRID ĐỂ MƯU TÍNH THỰC HIỆN MỘT VỤ TỘI PHẠM LỚN. MỤC TIÊU CÓ THỂ LÀ BẢO TÀNG PRADO. CẢNH SÁT TY BAN NHA CÓ THÁI ĐỘ BẤT HỢP TÁC NHƯNG TÔI SẼ ĐÍCH THN THEO DÕI ĐỐI TƯỢNG VÀ SẼ BẮT GIỮ CÔ TA VÀO THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP. Hai ngày sau, vào lúc 9 giờ sáng, Tracy ngồi trên chiếc ghế băng trong vườn Retiro một công viên xinh đẹp nằm giữa thủ đô Madrid - và đang cho những con chim bồ câu ăn. Công viên này cuốn hút người dân Madrid với hồ nước đầy, trong veo, cây cỏ sum suê được chăm sóc chu đáo và những sân khấu nhỏ để biểu diễn cho trẻ em. Cesar Porretta, một ông già tóc đã điểm bạc, lưng hơi gù, bước dọc theo lối mòn trong vườn, và khi đến bên chiếc ghế, ông ta ngồi xuống cạnh Tracy, mở chiếc túi giấy và lấy ra những mẩu bánh mì vụn ném cho đàn chim. “Xin chào tiểu thư”. “Xin chào. Ông có thấy khó khăn gì không?”. Không cô ạ. Thời gian và thời điểm là tất cả những gì tôi cần”. “Hiện thì chưa có”, Tracy nói. “Nhưng sẽ có ngay thôi”. Ông ta cười một nụ cười móm mém. “Cảnh sát chắc sẽ phát điên. Chưa ai làm thế này bao giờ”. “Do vậy mà sẽ thành công đấy”. Tracy đáp. “Tôi sẽ thông báo với ông sau”. Nàng tung mẩu vụn cuối cùng cho đàn bồ câu và đứng dậy, bước đi, làn váy lụa đong đưa trên hai đầu gối sao mà khêu gợi. Trong lúc đó, Daniel Cooper đang lục soát căn phòng khách sạn của nàng. Ông ta đã thấy Tracy rời khách sạn đi về phía công viên và vì nàng không” yêu cầu mang đồ ăn lên phòng nên Cooper cho rằng nàng đi ăn sáng đâu đó. Ông ta tự cho phép mình có ba mươi phút. Việc đột nhập phòng Tracy chỉ đơn giản là tránh né các cô hầu và sử dụng một chiế móc đặc biệt để mở khóa. Ông ta biết mình đang phải tìm kiếm cái gì: Một bản sao của một bức họa. Không thể đoán biết Tracy định đánh tráo nó bằng cách nào, nhưng ông ta tin chắc mưu đồ của nàng phải là như vậy. Ông ta lục soát một cách thành thạo, nhanh chóng và hoàn toàn trong im lặng, không để lọt qua mắt một thứ gì Sau cùng lả phòng ngủ. Ông ta ngó vào tủ áo, xem xét từng chiếc váy, áo và rồi quay sang chiếc tủ com mốt, rút ra từng ngăn kéo một. Tất cả đầy những quần lót, xu chiêng và tốt chân. Ông ta nhặt một chiếc quần lót màu hồng lên và áp nó vào má, mơ màng từ mùi thơm quyến rũ của da thịt nàng. Và đột nhiên ở khắp nơi đều có mùi thơm ấy cả. Ông ta đặt chiếc quần lót lại chỗ cũ và nhanh chóng ngó qua các ngăn kéo khác. Không thấy bức tranh nào hết. Ít phút sau ông ta bỏ ra ngoài, cũng nhanh như khi đến, và cắm đầu cắm cổ đi tới một ngôi nhà thờ gần đấy. Sáng hôm sau Tracy rời khách sạn Ritz, Daniel Cooper bám theo. Giờ đây, Cooper thấy giữa họ có một sự gần gũi chưa từng tồn tại trước đó. Ông ta đã biết mùi da thịt nàng, đã thấy nàng tắm, đã được ngắm thân thể trần truồng của nàng ngập trong làn nước ấm. Nàng như đã hoàn toàn thuộc về ông ta, để ông ta mặc sức hủy hoại. Cooper đã quan sát nàng đi bộ dọc theo phố Gren Via, xem hàng hóa bày trong các cửa hiệu, và theo nàng vào một cửa hiệu bách hóa lớn, thận trọng dừng ở ngoài tầm mắt nàng. Ông ta thấy nàng nói gì đó với một nhân viên rồi đi về phía phòng vệ sinh nữ. Conper đứng gần đó, thất vọng. Đó là nơi mà ông ta không hề theo vào. Giá mà Cooper lọt được vào trong thì ông ta đã có thể thấy Tracy đang nói chuyện với một người đàn bà to béo trạc tuổi trung niên. “Bà luu ý nhé”, đững trước gướng, Tracy vừa nói vừa bôi thêm son lên môi, “Sáng mai, 11 giờ”. Người đàn bà lắc đầu. “Không nên, thưa cô. Ông ta sẽ không thích như vậy đâu. Không còn ngày nào tồi tệ hơn ngày đó cả. Ngày mai, Thái tử Lucxembourg sẽ đến đây trong một chuyến thăm cấp nhà nước, và báo chí đưa tin rằng ông ta sẽ được đưa tới thăm bảo tàng Prado. Vậy là sẽ có thêm cảnh vệ và cảnh sát canh gác trong khắp bảo tàng”. “Càng đông càng tốt. Ngày mai”. Tracy bước ra khỏi cửa, và người đàn bà nhìn theo, lẩm bẩm, “Thật kỳ quái ...”. Phái đoàn Hoảng gia Lucxembourg được dự kiến sẽ đến bảo tàng Prado vào đúng lúc 11 giờ, và các đường phố quanh đó đều bị cảnh vệ Quốc gia chặn lại. Do sự chậm trễ của buổi lễ tại dinh Tổng thống, mãi đến gần giữa trưa phái đoàn mới đến. Các xe mô tô cảnh sát xuất hiện cùng với tiếng còi hú rầm rĩ, hộ tống đoàn xe gồm năm, sáu chiếc chạy tới trước cửa thềm bảo tàng Prado. Tại cổng vào, giám đốc Christian Machada nóng lòng chờ đợi khách quý. Trong buổi sáng, Machada đã kiểm tra cấn thận để bảo đảm rằng mọi thứ đều chu đáo, còn những người gác đều đã được nhắc nhở phải đặc biệt cảnh giác. Viên giám đốc vốn rất tự hào về bảo tàng-tranh của mình, và ông ta muốn gây một ấn tượng tốt đẹp với Thái tử. Có bạn bè ở những vị trí cao thì bao giờ mà chẳng có lợi, Machada nghĩ, và có khi tối nay mình còn được mời tới cùng ăn với Thái tử tại dinh tổng thống cũng nên. Điều hối tiếc duy nhất của Machada là việc không có cách nào chặn cái đám khách du lịch đang lang thang khắp chỗ trong bảo tàng. Tuy vậy, các cảnh vệ tùy thân và nhân viên an ninh của bảo tàng sẽ đảm bảo việc giữ gìn an toàn cho Thái tử. Tất cả đều đã sẵn sàng. Phái đoàn Hoàng gia bắt đầu thăm tầng lầu chính. Viên giám đốc đón vị thượng khách rất nồng nhiệt và tháp tùng ông ta, theo sau là các cảnh vệ vũ trang, đi qua căn phòng có mái vòm lớn vào các căn phòng trưng bày tranh của các họa sĩ Tây Ban Nha hồi thế kỷ 16: Juan de Juanes, Pedro Machuaca, Fornande Yanos. Vị Thái tử bước chậm rãi, thưởng thức những gì đang trưng bày trước mặt. Ông là người bảo trợ cho, nghệ thuật và thực sự yêu quý các họa sĩ - những người có thể làm cho quá khứ sống động và trở nên vĩnh hằng. Thậm chí, vì bản thân không có năng khiếu hội họa, ông còn thấy ghen tỵ khi thấy các họa sĩ nghiệp dư đứng trước các giá vẽ đang cố chộp lấy những nét thiên tài của các danh họa. Khi phái đoàn đã thăm hết lầu trên, Machada tự hào nói. “Và bây giờ, nếu ngài cho phép, tôi xin đưa ngài xuống tầng dưới thăm Goya”. Tracy đã trải qua một buổi sáng hết sức căng thẳng. Khi vị Thái tử không đến được bảo tàng Prado vào lúc 11 giờ như dự định, nàng đã bắt đầu lo lắng. Tất cả các sắp đặt của nàng đã được tính được từng giây, và cẩn có sự có mặt của Thái tử để giú vào kế hoạch này. Tracy đi từ phòng này sang phòng khác, lẫn vào đám khách tham quan và cố tránh không gây bất kỳ sự chú ý nào. Ông ta không đến mất, Tracy nghĩ, mình sẽ phải hoãn lại thôi. Nhưng đúng lúc đó nàng nghe tiếng còi xe cảnh sát vọng lại từ ngoài đường. Đang theo dõi Tracy từ một vị trí thuận lợi ở phòng kề bên, Daniel Cooper cũng đã nghe thấy tiếng còi. Về lý thì ông ta tin rằng không ai có thể đánh cắp một bức tranh ở bảo tàng này, nhưng linh tính thì mách bảo với ông rằng Tracy đang âm mưự làm việc đó, và Cooper tin vào lính tính của mình. Ông ta tiến lại gần nàng hơn, cố lẩn sau đám đông, quyết không rời mắt một lây nào hết. Tracy đang ở cạnh phòng bày bức Puerto. Qua khuôn cửa để ngỏ, nàng có thể nghe thấy tiếng ông già gù lưng, Cesar Porretta, ngồi trước một giá vẽ đang sao lại bức tranh Maja mặc quần áo của Goya, treo cạnh bức Puerto. Một người gác đứng cách đó có ba bước chân. Trong căn phòng có Tracy, một nữ họa sĩ đứng trước giá vẽ đang mê mải sao lại bức tranh Người phụ nữ vắt sữa bò cố gắng bắt chước các nét vẽ kỳ diệu của Goya. Một nhóm du khách Nhật Bản đổ vào phòng, ồn ào như một bầy chim lạ. Nào? Tracy tự nhắc mình. Đầy chính là thời điểm mà nàng chờ đợi, và tim nàng dập mạnh tới mức nàng sợ người gác kia cũng có thể nghe thấy. Nàng nhường lối cho nhóm khách Nhật Bản đang tiến tới, lưng quay về phía người họa sĩ. Đúng lúc một người Nhật Bản bước qua chạm lướt vào phía trước, Tracy ngả người ra sau, dường như là bị đẩy vậy, đè vào người nữ họa sĩ kia, xô chị ta cùng giá vẽ, bức tranh và màu vẽ xuống sàn. “Ôi, tôi xin lỗi?” Traey kêu lên. “Xin để tôi giúp”. Và khi hối hả giúp người nữ họa sĩ đang thẩn thờ, gót giày của Tracy giẫm lên những chỗ màu vẽ vương vãi dưới sàn và bôi lung tung khắp nơi. Daniel Cooper, người đã trông thấy tất cả vội lại gần, mọi giác quan đều căng lên vì tập trung chú ý. Ông ta tin chắc Tracy đã thực hiện hành động đầu tiên. Người gác phòng tranh lao đến, la lên, “Cái gì thế này, hả?”. Sự cố đã thu hút chú ý của đám du khách và họ đứng quây quanh người nữ họa sĩ bị xô ngã, giầy dép họ làm dây thêm màu vẽ ra khắp sàn gỗ căn phòng. Thật là một sự bừa bãi kinh khủng, và vị Thái tử lại sắp xuất hiện tới nơi rồi. Người gác hất hoảng kêu. “Giải tán ngay, nhanh lên”. Tracy đã thấy người gác từ phòng bên chạy sang để giúp giữ trật tự. Trong phòng chỉ còn lại có một mình Cesar Porretta với bức Puerto. Tracy vẫn đứng giữa đám đông lộn xộn, ồn ào. Hai người gác đang ra sức đẩy những du khách ra khỏi khu vực sàn nhà bị dây bẩn. “Kêu ông giám đốc”. Người gác kia vội chạy ra phía cầu thang. Hai phút sau, Christian Machada đã có mặt tại hiện trường. Ông ta sửng sốt nhìn “và hét lớn. “Đưa mấy cô phục vụ lại đây” Bàn chải, giẻ lau và cánh kiến. Mau lên”. Một người phụ tá vội vã lao đi thực hiện mệnh lệnh. Machada quay sang một người gác, quát. “Về vị trí của anh ngay”, “Thưa ông, vâng”. Tracy thấy người ấy lách qua đám đông trở về căn phòng mà Cesar Porretta đang làm việc. Cooper không một giây rời mắt khỏi Tracy. Ông ta chờ đợi hành động tiếp theo. Nhưng điều đó không xảy ra. Cô ta đã không lại gần bất kỳ một bức tranh nào, cũng không hề tiếp xúc với bất kỳ một ai. Tất cả những gì cô ta làm chỉ là gây đổ cái giá vẽ và đánh dây một ít màu vẽ trên sàn nhà mà thôi, song ông ta tin chắc rằng, đó là những hành động cố ý. Nhưng để làm gì? Tuy nhiên, Cooper cảm thấy điều mà cô ta tính toán đã xảy ra rồi. Ông ta nhìn quanh bức tường. Không thiếu một bức nào. Cooper chạy sang phòng bên. Không có ai cả trừ người gác và một ông già còng lưng ngồi trước giá vẽ, đang sao lại bức Maja mặc quần áo. Tất cả các bức tranh đều còn nguyên. Nhưng chắc là đã có chuyện rồi. Cooper tin vậy. Ông ta bước vội tới trước viên giám đốc - mà trước đó ông ta đã gặp để trao đổi công việc. “Tôi có lý do tin rằng”, Cooper thốt lên, “một bức tranh nào đó đã bị đánh cắp trong vòng vài phút vừa qua”. Christian Machada nhìn người Mỹ có cặp mắt dữ dằn kia. “Ông đang nói gì vậy? Nếu có chuyện đó thì những người gác đã báo động rồi”. “Tôi cho rằng, bằng cách nào đó, một bức tranh giả đã được tráo vào một bức thật”. Viên giám đốc nở một nụ cười độ lượng. “Giả thuyết của ông có chỗ sai, thưa ông. Tuy rằng công chúng thì không được biết, nhưng sau mỗi bức tranh đều có bộ cảm nhận điện tử. Nếu có ai đó toan gỡ một bức tranh ra khỏi tường, điều chắc chắn sẽ phải làm, nếu muốn thay vào đó một bức khác, chuông báo động sẽ vang lên ngay tức khắc”. Daniel Cooper vẫn chưa thấy hài lòng. “Hệ thống báo động của ông có thể bị ngắt điện không?”. “Không. Nếu ai đó cắt đường dây dẫn điện, việc đó cũng gây báo động ngay. Thưa ông, không, ai có thể đánh cắp một bức tranh ra khỏi bảo tàng này. Hệ thống bảo vệ của chúng tôi là cái mà ông có thể gọi là hệ thống ngăn chặn mọi xâm phạm”. Cooper run lên vì tuyệt vọng. Tất cả những gì mà viên giám đốc nói ra đều có sức thuyết phục. Chuyện đó dường như là không thể xảy ra. Vậy thì tại sao Tracy Whitney lại cố tình làm dây màu vẽ ra sàn? Cooper vẫn chưa chịu. “Xin ông chiều ý tôi. Đề nghị ông cho nhân viên kiểm tra lạ tất cả để đảm bảo rằng không có gì bị mất. Tôi sẽ chờ ở khách sạn”. Daniel Cooper không còn làm gì hơn được nữa. Tối hôm đó, Christian Machada gọi điện lại cho Cooper. “Thưa ông, tôi đã đích thân kiểm tra lại toàn bộ. Tất cả các bức tranh đều nguyên vẹn. Bảo tàng không mất gì cả”. Vậy đó, dường như đó là một sự ngẫu nhiên. Nhưng Danlel Cooper, với linh cảm của một người thợ săn, cảm thấy rằng con mồi đã chạy thoát. Jeff đã mời Tracy ăn tối tại phòng ăn chính của khách sạn Rizt. “Tối nay trông em đặc biệt rạng rỡ”. Jeff nhận xét. “Cảm ơn anh: Tôi cảm thấy thật dễ chịu”. “Đó là nhờ có bạn bè ở bên, tuần sau hãy cùng tôi đi Barcelone, em sẽ thích”. “Xin lỗi, Jeff. Tôi không thể. Tôi sắp rời Tây Ban Nha rồi”. “Thật ư?” Giọng Jeff đầy vẻ nuối tiếc. “Khi nào vậy?”. “Một vài ngày nữa”. “Ồ, tôi thất vọng đấy”. Anh sẽ còn thất vọng hơn nữa. Tracy nghĩ, khi anh biết rằng tôi đã đánh cắp bức tranh Puerto. Nàng băn khoăn không biết anh ta đã định đánh cắp nó như thế nào. Giờ đây điều đó không còn quan trọng nữa. Vậy là mình đã vượt mặt anh chàng Jeff Stevens thông minh. Nàng đắc thắng nghĩ vậy. Vậy mà, không hiểu vì sao, Tracy bỗng thấy có chút ân hận. Ngồi trong phòng làm việc, Christian Machada đang nhấm nháp ly cà phê buổi sáng và tự chúc mình về thành công tốt đẹp của chuyến viếng thăm bảo tàng của Thái tử Trừ sự cố đáng tiếc của việc màu vẽ dây ra sàn phòng tranh, tất cả đều tốt đẹp. Ông ta mừng là Thái tử và đoàn tùy tùng đã được dẫn quanh đi nơi khác cho đến lúc tất cả được lau chùi sạch sẽ. Viên giám đốc mỉm cười nhớ tới tay thám tử ngớ ngẩn người Mỹ đã cố thuyết phục ông rằng ai đó đã đánh cắp một bức tranh khỏi bảo tàng Prado. Ngày hôm nữa không, ngày hôm nay không và ngày mai cũng không thể có chuyện đó - ông ta hài lòng nghĩ. Cô thư ký của ông bước vào. “Xin lỗi? Có một quí ông muốn gặp. Ông ta yêu cầu tôi chuyển lại cho ông cái này”. Cô ta đưa cho viên giám đốc một bức thư. Ngoài phong bì đề tên Bảo tàng Kunsthau - Zurich. Đồng nghiệp kính mến của tôi, Bức thư này xin giới thiệu ông Henri Renđll, chuyên viên nghệ thuật cao cấp của chúng tôi. Ông Renđell đang trên đường đi thăm các bảo tàng trên thê”giới và rất sốt sắng muốn được thấy bộ sưu tập không gì so sánh nơi của ông. Tôi mong ông tạo mọi điều kiện giúp đỡ ông ấy. Bức thư đo ông giám đốc bào tàng kia ký. Sớm hay muộn, v iên giám đốc sung sướng nghĩ, mọi người đều sẽ đến với ta. “Đưa ông ta vào đây”. Henri Rendell là một người cao lớn, hói đầu, vẻ mặt dễ gây ấn tượng và giọng nói Thụy Sĩ. Khi bắt tay nhau. Machada nhận thấy bàn tay phải của người khách thiếu mất một ngón trỏ. Henri Rendell nói. “Tôi rất vui mừng. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội đến thăm Machada, và tôi mong mỏi được thấy các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của ông”. Christian Machada nhã nhặn nói. “Tôi không nghĩ là ông sẽ phải thất vọng, thưa ông Rendell, Xin mời đi cùng tôi Tôi sẽ tự đưa ông thăm các phòng tranh”. Họ chậm rãi đi qua các phòng lớn có mái vòm trưng bày tranh của các danh họa Flemmitsơ, của Ruben và các họa sĩ cùng trường phái, và rồi thăm khu triển lãm chính với tranh của các danh họa Tây Ban Nha. Hean Rendell xem xét thận trọng từng bức một. Hai người đã trò chuyện với nhau như hai chuyên gia bậc thầy, đánh giá phong cách, nét phối cảnh và cảm nhận màu sắc của các họa sĩ. “Bây giờ”, viên giám đốc tuyên bố, “Xin vì niềm tự hào của đất nước Tây Ban Nha”. Ông ta dẫn khách xuống tầng dưới, đi vào khu triển lãm tranh Goya. ““Thật là sướng mắt?”. Rendell kêu lên, ngỡ ngàng. “Xin được cho tôi đứng mà ngắm thôi”. Christian Machada vui lòng chờ đợi, thích thú trước sự thán phục của khách. “Chưa bao giờ tôi được thấy thứ gì huy hoàng thế này”. Rendell thừa nhận. Ông ta chậm rãi ngắm nghía từng bức tranh. Ngày nghỉ của các mụ phù thủy. Rendell lẩm bẩm, “Một bức tranh tuyệt đẹp”. Họ bước tiếp. “Chân dung tự họa, thật kỳ lạ”. Christian Machada mỉm cười. Rendell dừng lại trước bức Puerto. “Một bức tranh giả thật khéo”. Ông ta toan bước đi. Viên giám đốc chộp lấy cánh tay ông ta. “Cái gì? Ông vừa nói gì vậy?”. “Tôi nói rằng đó là một bức tranh vẽ lại thật khéo”. “Ông thật đã rất nhầm”, viên giám đốc cảm thấy bị xúc phạm. “Tôi không cho là mình nhầm đâu”. Chắc chắn là ông nhầm”, Machada quả quyết. “Tôi bảo đảm với ông đó là tranh thật. Tôi biết nguồn gốc của nó mà”. Henri Rendell bước lại gần bức tranh và xem xét cẩn thận hơn. “Vậy thì nguồn gốc của nó cũng đã là giả mạo. Đó là bức vẽ của đồ đệ Goya, Eugenie Lucas Padilla. Tất nhiên ông phải biết là Lucas đã vẽ hàng trăm tranh giả của Goya”. “Chắc chắn là tôi biết vậy”, Machada gắt. “Nhưng đây không phải là một trong số các bức đó”. Rendell nhún vai. “Tôi đành thua sự phán xét của ông”. Ông ta dậm chân định bước đi. “Tôi đã đích thân mua bức tranh này. Nó đã được phân tích quang phổ và hóa nghiệm”. Ông giám đốc nói thêm. “Tôi không nghi ngờ gì chuyện đó. Lueas vẽ ngay cùng thời với Goya và cùng dùng một thứ nguyên liệu, Henri Rendell cúi xuống xem xét chữ ký ở góc dưới bức tranh. “Ông có thể tái bảo đảm một cách rất đơn giản, nếu ông muốn. Đưa bức tranh trở lại phòng phục chế và kiểm tra lại chữ ký này”. Ông ta bật cười. “Cái tôi của Lucas đã xui ông ta ký tên mình dưới bức tranh, nhưng túi tiền buộc ông ta phải ký mạo tên Goya” lên trên chữ ký của mình, cốt để tăng giá bức tranh mà”. Rendell nhìn đồng hồ. “Xin ông thứ lỗi. Tôi sợ rằng tôi sẽ trễ hẹn mất. Cảm ơn ông đã chia sẻ kho tàng của mình”. “Có gì dâu”, viên giám đốc lạnh nhạt. Thằng cha này rõ ràng là ngu xuẩn, ông ta nghĩ. “Tôi đang ở biệt thự Magna, nếu ông thấy cẩn xin cứ gọi. Cảm ơn ông một lần nữa”. Henri Rendell ra về. Christian Machada trông theo. Thế nào mà gã Thụy Sĩ ngớ ngẩn này lại dám cho rằng bức tranh quý giá đó là của dổm nhỉ? Ông ta quay lại nhìn bức tranh một lần nữa. Một kiệt tác. Ông ta cúi nhìn chữ ký của Goya. Hoàn toàn bình thường. Nhưng mà, liệu có thể là thế không nhỉ? Nỗi nghi ngờ cỏn con không chịu mất đi. Mọi người đều biết, họa sĩ đương thời với Goya, Eugenie Lucas Padilla, đã vẽ hàng trăm tranh Goya giả, và trở nên nổi tiếng cũng nhờ thế. Machada đã trả ba triệu rưỡi đô la để mua bức tranh Puerto này. Nếu như ông ta bị lừa thì đó là một vết nhơ ghê gớm, điều mà chỉ nghĩ tới cũng đã không thể chịu được. Henri Rendell đã nói một điều có ý nghĩa: thực sự có một cách đơn”giản để tái khẳng định tính xác thực của nó. Ông ta sẽ kiểm tra lại chữ ký rồi gọi điện cho Rendell và nhận xét một cách lịch thiệp nhất rằng có thể Rendell nên tìm một nghề chuyên môn khác thích hợp với khả năng của ông ta. Viên giám đốc gọi người phụ tá và hạ lệnh “được tranh Puerto xuống để xét nghiệm lại. Xét nghiệm một tác phẩm hội họa là công việc hết sức tinh tế, bởi lẽ chỉ thiếu thận trọng một chút là đã có thể phá hủy mất một tác phẩm vố giá, và không thể có lại được. Cánh phục chế của bảo tàng Prado đều là các chuyên viên, phần đông là đám họa bĩ, không thành đạt và xin vào làm việc ở đây để được gần gũi với môn nghệ thuật mà họ yêu thích. Họ bắt đầu với tư cách là thợ học nghề, dưới sự chỉ bảo của các chuyên viên, và phải làm việc nhiều năm trước khi trở thành thợ phụ, rồi mới được phép động tới các kiệt tác và luôn luôn dưới sự trông nom của các bậc thầy. Juan Delgado, người phụ trách việc phục chế của bảo tàng Prado đặt bức Puerto lên một cái giá gỗ đặc biệt trước sự giám sát của Machada. Tôi muốn ông kiểm tra chữ ký xem”, viên giám đốc nói. Delgado không dám bộc lộ sự ngạc nhiên của mình. “Vâng, thưa ông giám đốc”. Ông ta rót chút rượu izôprôpin vào miếng bông nhỏ rồi đặt nó lên chiếc bàn bên cạnh bức tranh. Miếng bong thự hai đựợc nhỏ lên đó vài giọt một thứ hóa chất có tác dụng trung hòa. “Thưa ông, tôi đã sẵn sàng”. “Vậy thì bắt đầu đi. Vẫn phải cẩn thận đấy”. Đột nhiên Machada như cảm thấy khó thở. Ông ta theo dõi Delgado nhẹ nhàng chấm miếng bông thứ nhất lên chữ G trong chữ ký của Goya. Ngay tức khắc Dalgado dùng miếng bông thứ hai thấm lên đó để trung hòa cho rượu khỏi thấm sâu hơn xuống dưới. Hai người” cùng xem xét chất vải, nơi thấm hóa chất. Delgado cau mày. “Xin lỗi nhưng tôi chưa thể nói gì được, ông ta nói. “Tôi sẽ phải dùng một hóa chất hòa tan mạnh hơn”. “Làm đi”. Viên giám đốc hạ lệnh. Delgado mở nắp một bình hóa chất khác: ông ta thận trọng nhỏ chất đimantinpêtôn lên một miếng bông sạch rồi dùng nó thấm lại lên chữ cái đầu của chũ ký trên bức tranh. Căn phòng lập tức sặc mùi cay nồng của các hóa chất. Christian Machada đứng chết lặng, không thể tin “vào cái mà ông ta đang nhìn thấy nữa. Chữ G trong”tên của Goya mờ dần đi và ở vị trí của nó là một chữ L rõ ràng. Delgado quay sang, mặt tái nhợt- “Tôi ... tôi có tiếp tục không”. “Tiếp tục đi Machada nói, giọng khản đặc. Từng chữ một, chữ ký của Goya mê đi dưới tác dụng của chất hòa tan và chữ ký của Lucas hiện” ra. Mỗi chữ như một cú đấm thẳng vào bụng Machada. Ông ta, người đứng đầu một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, đã bị lừa. Ban giám đốc sẽ biết, nhà vua Tây Ban Nha sẽ biết, cả thế giới sẽ biết điều đó. Thật nhục nhã. Ông ta lê gọi cho Henri Rendell. Hai người ngồi trong phòng làm việc của Machada. “Ông đã đúng”, giọng viên giám đốc nặng nhọc. “Đó là một bức tranh của Lucas. Khi chuyện này lan ra, người ta sẽ cười vào mũi tôi”. “Lucas đã đánh lừa nhiều chuyên gia”, Renđell an ủi. “Sự giả mạo của ông ta lại là sở thích của tôi đấy”. “Tôi đã trả ba triệu rưỡi đô la để mua bức tranh đó”. Rendell nhún vai. “Ông có thể đòi tiền lại được không?”. Viên giám đốc lắc đầu thất vọng. “Tôi mua nó của một góa phụ - người đã quả quyết rằng đó là tài sản của gia đình chồng bà ta trong nhiều đời. Nếu tôi phát đơn kiện, vụ kiện sẽ giằng co hết phiên tòa này đến phiên tòa khác và dư luận sẽ là rất xấu. Mọi thứ trong bảo tàng này sẽ bị nghi ngờ hết”. Henri Rendell trầm ngâm hồi lâu. “Đúng lả không nên để lộ ra công luận. Sao ông không giải thích mọi chuyện với cấp trên, và lặng lẽ ném bức Lucas đi nhỉ. Ông có thể gửi nó cho hãng Sotheby hay Christian để họ đưa ra bán đấu giá”. Machada lắc đầu, “Không được, vậy thì cả thế giới sẽ Gương mặt Rendel1 chợt sáng lên. “Ông còn gặp may cũng nên. Tôi có một khách hàng sẵn lòng mua bức này. Ông ta sưu tầm tranh Lucas mà. Và là một người hành động tùy hứng”. “Dứt bỏ được nó thì thật sung sướng. Tôi không muốn nhìn thấy nó nữa. Một thứ của rởm giữa kho báu của tôi. Tôi thà cho không nó đi”. Ông ta cay đắng nói thêm. “Chẳng cần phải thế. Người khách của tôi có thể sẵn sàng trả ông, chẳng hạn, 50 ngàn đô la để mua nó. Tôi sẽ báo cho ông ta chứ?”. “Ông thật tốt bụng, ông Rendell”. Tại một cuộc họp được triệu tập vội vã, ban giám đốc đang bối rối đã cho rằng việc để lộ ra một trong những bức tranh có giá trị cửa bảo tàng Prado là một thứ giả mạo cần phải tránh bằng bất cứ giá nào. Cuộc họp quyết định rằng, tốt nhất là dứt bỏ bức tranh, càng lặng lẽ, càng nhanh càng tết. Các thành viên dự họp, trong các bộ . Complê sẫm màu, im lìm bước ra khỏi phòng. Không ai nói một lời với Machada đang đứng lặng vì đau khổ. Chiều hôm đó, vụ mua bán đã được thực hiện. Henri Renđell đến Ngân hàng Tây Ban Nha và trở lại với một tấm séc bảo đảm trị giá 50 ngàn đô la và bức Lucas đã được trao lài cho ông ta buộc trong một tấm vải mộc rẻ tiền. “Ban giám đốc chúng tôi sẽ rất phiền lòng nếu sự cố này được công luận biết đến”, Machada tế nhị nói. “Nhưng tôi đã bảo đảm với các vị kia rằng khách hàng của ông là một người biết giữ miệng”. “Ông có thể tin vào điều đó”. Rendell hứa. Sau khi ra khỏi bảo tàng, Henri Rendeii đi một chuyến tắc xi tới khu dân cư ở rìa phía Bắc của Madriđ, mang bức tranh lên một căn phòng ở tầng ba và gõ cửa. Tracy là người mở. Phía sau cô là Cesar Porretta. Tracy đưa mắt nhìn Rendell và ông ta mỉm cười. Họ đã nóng lòng muốn ném nó đi dấy”. Henri Rendell đắc chí. Tracy ôm lấy ông ta. “Xin mời vào đi”. “Còn bây giờ”, người lưng gù nói. “Các vị sẽ thấy phép màu. Một Goya sống lại. Ông ta lấy ra một lọ hóa chất và mở nắp. Mùi cay nồng lập tức tỏa ra tràn ngập căn phòng. Trước mặt Tracy và Rendell, Porretta để thứ rượu đó lên một miếng bông và lướt rất nhẹ lên chữ ký của Lucas, từng chữ cái một. Dần dần, nó biến mất. Dưới đó là chữ ký của Goya. Renđell nhìn, đầy thán phục. “Tuyệt vời?”. “Đó là ý của cô Whitney”, người lưng gừ thừa nhận. “Cô ấy đã đặt vấn đề liệu có”thế phủ lên chữ ký ban đầu của họa sĩ một chữ ký rởm rồi lại phủ lên chữ ký rởm này một chữ ký nữa của họa sĩ?”. “Ông ấy đã tính toán sẽ phải làm như thế nào”. Tracy mỉm cười. Porretta khiêm nhường nói, “Thật quá sức đơn giản. Mất chưa đầy hai phút mà. Cái mẹo là ở chỗ các thứ thuốc vẽ mà tôi đã dùng. Đầu tiên tôi phủ lên chữ ký của Goya một lớp keo thượng hạng, trong suốt để bảo vệ nó. Rồi trên đó, tôi viết tên Lucas bằng một thứ màu vẽ khô nhanh điều chế từ axêrylle. Bên trên nữa, tôi lại viết tên Goya bằng một thứ dầu màu pha keo. Khi chữ ký trên cùng này bị phá hủy thì tên Lucas hiện ra. Nếu mà họ tiếp tục thì họ đã có thể phát hiện ra tên GĐ và ở dưới cùng. Nhưng dĩ nhiên là họ không làm thế”. Tracy trao cho họ mỗi người một phong bì dày cộp và nói. “Tôi muốn cảm ơn cả hai ông”. “Bất kỳ khi nào cô cần một chuyên gia hội họa, xin cứ gọi”. Henri Rendell nháy mắt. Porretta hỏi. “Cô định làm thế nào để chuyển bức tranh qua biên giới”. “Tôi có một người giao hàng sẽ nhận nó ngay ở đây. Hãy đợi ông ta nhé”. Nàng bắt tay cả hai người rồi bước ra. Trên đường trở về khách sạn, Tracy tràn ngập niềm phấn chấn. Tất cả đều là ở vấn đề tâm lý con người, nàng nghĩ. Ngay từ đầu, nàng đã thấy là không thể đánh cắp bức tranh được, bởi vậy nên phải lừa họ, đưa họ vào cái tâm trạng muốn dứt bỏ bức tranh Tracy hình dung, hộ mặt Jeff khi biết rằng mình đã bị qua mặt như thế nào, nàng cười vang. Tại phòng khách sạn, Tracy chờ đợi người giao hàng kia, và khi ông ta đến, nàng gọi điện cho Cesar Porretta. “Hiện “người giao hàng đã ở đây”, Tracy nói “Tôi sẽ phái ông ta đến nhận bức tranh. Hãy lưu ý để ông ta ...”. “Cái gì? Cô đang nói cái gì hả?” Porreta hét lên. “Người của cô đã nhận nó cách đây cả nửa giờ đồng hồ rồi mà”. Chương 31 PARIS. Thứ tư, ngày 9 tháng Bảy - Buổi trưa. Trong một văn phòng riêng kề trên phố Matignon, Gunther Hartog đang nới với Tracy, “Tôi rất hiểu cảm giác của cô về chuyện đã xảy ra ở Madrid, nhưng đúng là Jeff Stevens đã đến đích trước”. “Không phải”, Tracy chua chát. “Tôi đã đến trước, còn anh ta là kẻ đến sau”. “Nhưng chính Jeff là người trao bức tranh. Bức Puerto đã đang trên đường tới tay khách hàng của tôi”. Bất chấp mọi kế hoạch, tính toán của nàng, Jeff Stevens đã hớt tay trên. Anh ta đã ngồi đợi, “mặc nàng làm tất cả mọi việc, đương đầu với những mạo hiểm, và vào thời điểm cuối cùng, anh ta thản nhiên bước vào và lĩnh phần thưởng. Anh ta đã cười nhạo nàng đến nhường nào! Em là một cô gái rất đặc biệt, Tracy – Anh ta đã nói vậy. Nàng không thể chịu nổi cảm giác nhục nhã tràn đầy khi nghe tới cái đêm đi xem nhảy Flamence. Lạy Chúa, suýt nữa mình đã tự biến mình thành một con ngốc - nàng cay đắng nghĩ thầm. “Tôi chưa bao giờ nghĩ là tôi có thể giết người”, Tracy nói với Gunther, “mà được giết Jeff Stevens lúc này thì tôi thật hả dạ”. Gunther ôn tồn. “Ồ, cô bạn thân mến. Tôi mong rằng không phải là ngay trong văn phòng này. Anh ta đang trên đường đến đây mà”. “Anh ta đến đây à?” Tracy nhảy dựng lên. “Tôi đã nói là tôi còn một đề nghị nữa với cô mà. Việc đó đòi hỏi phải có một người bạn chung lưng đấu cật. Và theo ý kiến tôi, anh ta là người duy nhất”. “Tôi ... thà chết đói còn hơn”, Tracy quát lên. “Jeff Stevens là kẻ đê tiện nhất ...”. A, tôi nghe thấy người ta nhắc đến tên tôi, có phải không nhỉ? “Anh đứng ngay ở ngưỡng cửa, tươi cười. “Tracy, em yêu, trông em quyến rũ lạ thường. Chào ông bạn thân mến Gunther, có khỏe không?”. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Tracy đứng đó, giận tái người. Jeff nhìn nàng và thở dài. “Có thể em thấy phiền lòng với tôi”. “Phiền lòng ! Tôi ...” Tracy không còn biết nói thế nào. Tracy, cho phép tôi nới rằng kế hoạch của em thật tuyệt vời. Tôi nói thành thực đấy. Thật sự tuyệt vời. Em đã chỉ phạm một sai lầm nhỏ. Đừng bao giờ tin một người Thụy Sĩ mà bàn tay thiếu mất ngón trỏ cả”. Nàng hít thở thật mạnh, cố kiềm chế cơn giận, quay sang Gunther. “Tôi sẽ nói chuyện với ông sau, ông Gunther”. “Tracy ...”. “Không. Dù thế nào chăng nữa, tôi cũng không muốn tham gia. Nếu như công việc đó dính đến anh ta”. Gunther năn nỉ. “Thì ít nhất cũng mong cô nghe đã nào”. “Chẳng có gì phải nghe nữa cả. Tôi ...”. “Trong vòng ba ngày nữa hãng De Beers sẽ chuyển một kiện kim cương trị giá bốn triệu đô la từ Paris đến Amstecđam trên một chuyến bay chở hàng của Hàng không pháp. Tôi có một khách hàng muốn giành được số kim cương đó”. “Sao ông không tính cướp số kim cương đó trên đường ra sân bay” Người bạn của ông là một kẻ cướp lão luyện đấy”. Nàng không giấu nổi vẻ cay đắng trong giọng nói của mình. Nhờ Chúa, cô ấy càng kiều diễm hơn trong lúc giận dữ, Jeff nghĩ thầm. Gunther nới. “Chỗ kim cương được bảo vệ nghiêm ngặt. Chúng ta sẽ cướp nó trên máy bay”. Tracy nhìn ông ta ngạc nhiên. “Trên máy bay? Trong một chuyến bay chở hàng”. “Chúng ta cần một người nhỏ nhắn đủ để trốn trong một chiếc côngtenơ nào đó. Khi máy bay đang ở trên không, người đó chỉ còn phải chui ra, mở cái côngtenơ kia của hãng De Beers, lấy kiện kim cương, tráo vào đó một kiện giả giống hệt đã chuẩn bị sẵn, và rồi lại trốn vào nơi cũ”. “Và tới thì đủ nhỏ bé để chui vào cái thùng hàng đó?”. Gunther đáp. “Không phải chỉ có thế, Tracy. Chúng ta cần một người thông minh và dũng cảm mà”. Tracy đứng yên, ngẫm nghĩ. “Gunther, tôi ưng cái kế hoạch đó. Điều tôi không thích là làm việc với Jeff. Anh ta là một kẻ đểu cáng”. Jeff mỉm cười, “Chúng ta cùng thế cả mà, trái tim yêu quý của tôi. Gunther hứa trả chúng ta một triệu đô la nếu làm được vụ này đấy”. Tracy đưa mắt nhìn Gunther. “Một triệu à?”. Ông ta gật đầu. “Nửa triệu cho mỗi người”. “Cơ sở để tính toán kế hoạch này”, Jeff giải thích, “là tôi có mối quan hệ với chỗ xếp hàng ở sân bay. Anh ta sẽ giúp chúng ta làm vụ này. Có thể tin cậy anh ta được”. “Chứ không giống anh phải không?” Tracy chì chiết. “Tạm biệt ông Gunther”. Nàng đi nhanh ra khỏi phòng. Gunther nhìn theo. “Cô ấy thực sự giận dữ về vụ Madrid, Jeff. Tôi cho rằng cô ấy sẽ bỏ vụ này mất”. “Ông nhầm rồi”. Jeff Stevens vui vẻ nói. “Tôi biết Tracy lắm. Cô ấy không cưỡng lại được sức hấp dẫn của sự mạo hiểm đâu”. “Các thùng hàng đều được niêm phong trước khi đưa lên máy bay”. Ramon Vauban giải thích. Đó là một người Pháp còn trẻ nhưng có vẻ mặt già nua không ăn nhập gì với tuổi tác, và cặp mắt đen láy, lạnh tanh. Anh ta là một nhân viên hành lý làm việc trong bộ phận vận tải hàng hóa của Hàng không Pháp, và là chìa khóa cho sự thành công của âm mưu đoạt chỗ kim cương kia. Vauban, Tracy, Jeff và Gunther đang cùng ngồi quanh chiếc bàn trên du thuyền Con Muôi, chạy dọc sông Shel, con sông nổi tiếng của Paris “Nếu các thùng hàng mà bị niêm phong”, Tracy hỏi, “làm sao tôi chui vào được?”. “Với những chuyến hàng đến ở phút cuối cùng”, Vauban đáp, “Công ty chúng tôi sử dụng thứ mà chúng tôi gọi là thùng mềm, nghĩa là những thùng gỗ lớn một mặt bịt vải bạt, chỉ được chằng bằng những dây thừng thôi. Vì những lý do an ninh, các hàng hóa quý, như kim cương chẳng hạn, thường thường được chuyển đến vào phút sau cùng để thời gian nằm lại là ngắn nhất”. Tracy hỏi. “Vậy là chỗ kim cương kia sẽ ở trong thùng mềm à?”. “Thưa cô đúng thế. Và cả cô nữa. Tôi sẽ thu xếp để chiếc côngtenơ có cô ở trong được đặt cạnh thùng hàng chứa kiện kim cương kia. Khi máy bay đang ở trên không thì tất cả việc mà cô phải làm chỉ là cắt mấy sợi dây thừng mở thùng hàng đựng kim cương, đánh tráo cái hộp quý giá kia, chui trở vào cái côngtenơ của cô và đóng kín lại. Gưnther nói thêm. “Khi máy bay hạ cánh xuống Amstecđam, đám bảo vệ sẽ bốc cái hộp bị đánh tráo và giao cho bên gia công. Cho đến khi mà họ phát hiện ra việc đánh tráo thì chúng tôi đã thu xếp để cô đang ở trên một chuyến bay ra nước ngoài rồi. Hãy tin tôi, không thể trục trặc gì được”. “Tôi sẽ không chết cóng ở trên ấy chứ?”. Vauban mỉm cười. “Thưa cô, ngày nay thì trong các máy bay chở hàng cũng có hệ thống sưởi ấm vì chúng thường chở hàng tươi sống mà. Không sao cả đâu, cô sẽ hoàn toàn cảm thấy dễ chịu. Dĩ nhiên là hơi lạnh một chút, nhưng nói chung là chịu được thôi”. Sau cùng thì Tracy đã bằng lòng ngồi nghe họ trình bày. Một vài giờ hơi khó chịu để đổi lấy nửa triệu đô la? Nàng xem xét kỹ góc độ cái kế hoạch được vạch ra. Nó có nhiều khả năng thành công, Tracy nghĩ. Giá mà nó đừng dính đến Jeff Stevensl Các cảm giác về anh ta là một thứ tình cảm lẫn lộn làm nàng luôn bối rối và cáu kỉnh”với chính mình. Anh ta đã làm cái việc ở Madrid chỉ cất để giỡn mặt nàng, đã phản bội, lừa gạt nàng và giờ đây, anh ta chắc đang cười thầm. Ba người đàn ông nhìn nàng? chờ đợi câu trả lời. Con thuyền đang đi qua chiếc tàu Pent Nenf, cây cầu cổ nhất Paris mà đám người Pháp trái thói cứ khăng khăng gọi là. Cầu Mới. Ngang phía bên kia, trên bờ sông, một đôi tình nhân đang ôm ấp nhau, và Tracy có thể thấy rõ vẻ mãn nguyện trên gương mặt cô gái. Cô ta thật ngốc nghếch, Tracy nghĩ. Nàng đã có quyết định của mình, vừa nhìn thẳng vào mắt Jeff vừa nói “Được. Tôi nhận lời tham gia”, và cảm thấy không khí căng thẳng dịu hẳn đi. “Chúng ta không có nhiều thời gian đâu”. Vauban tiếp tục”, anh ta đưa cặp mắt đục ngầu nhìn Tracy. “Ông anh tôi làm việc cho một đại lý vận tải, sẽ để chúng ta chất hàng vào thùng hàng có cô trong đó ở khu nhà kho của ông ấy. Tôi hy vọng là cô sẽ không thấy có gì trở ngại”. Đừng lo về tôi ... Chuyến bay sẽ kéo dài bao lâu?”. “Cô sẽ phải chờ đợi vài phút ở khu bốc dỡ hàng và sau đó là một giờ bay tới Amstecđam”. “Côngtenơ rộng bằng ngần nào”. “Đủ để cô có thể ngồi đàng hoàng. Sẽ còn vài thứ hàng hóa khác nhằm che giấu cô - ngừa bất trắc ...”. Không thể có trực trặc gì được - họ đã cam đoan với nàng. Vậy mà ... ngừa bất trắc ... “Tôi lập một danh mục những thứ mà cô sẽ cần đến”, Jeff nói, “Tôi đã lo liệu chu đáo cả rồi”. Đồ khốn kiếp láu lỉnh. Anh ta đã tin chắc nàng nhập cuộc. “Anh Vauban đây sẽ lo liệu để hộ chiếu của cô được thị thực xuất nhập cảnh thích hợp, do vậy cô có thể rời khỏi Hà Lan một cách dễ dàng”. Con thuyền bắt đầu cập bến. “Sớm mai tôi sẽ cân nhắc lại toàn bộ kế hoạch này một lần nữa!”. Ramon Vauban nói. “Bây giờ tôi phải trở lại nơi làm việc ... Tạm biệt”. Anh ta bỏ đi. Jeff hỏi “Sao chúng ta không cùng ăn tôi để chúc mừng nhau nhỉ?”. “Rất tiếc”, Gunther xin lỗi, tôi mắc hẹn mất rồi”. Jeff quay sang Tracy. “Cô sẽ ...”. “Không, cám ơn. Tôi mệt”, nàng nói nhanh. Đó là lý do để tránh phải cùng ngồi với Jeff, nhưng quả thật là Tracy cũng cảm thấy kiệt sức. Có thể là vì suốt thời gian qua, nàng đã luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng, kích động. Hơi chóng mặt. Xong vụ này, nàng tự hứa với mình, phải trở lại London nghỉ một thời gian dài mới được. Nàng bắt đầu cảm thấy đầu nằng nặng. Đúng là mình phải nghỉ ngơi thật rồi - nàng nghĩ. “Tôi có mang cho cô một chút quà”, Jeff nói. Anh đưa cô một chiếc hộp được gói cẩn thận. Trong đó là một chiếc khăn lụa tinh tế, nó có đính hai chữ cái TW. “Cảm ơn anh”. Anh ta có thể mua nó quá đi chứ, Tracy bực bội nghĩ, bởi đã mua bằng số tiền nửa triệu đô la của mình mà. “Chắc là cô không đổi ý kiến về việc cùng đi ăn chiều chứ”. “Đúng vậy”. Tại Paris, Tracy đặt buồng tại khách sạn Plaza Athenee, một căn phòng đáng yêu nhìn xuống khu vườn khách sạn ở đây có một phòng ăn sang trọng nhưng tối nay Tracy quá mệt mỏi, chẳng muốn thay một bộ váy chỉnh tề hơn làm gì. Nàng đi vào Ralais, một quầy cà phê của khách sạn, và gọi bát xúp. Nàng ăn được nửa chừng rồi bỏ về phòng. Daniel Cooper, ngồi ở đầu kia của gian phòng, đã lưu ý cử chỉ này của nàng. Daniel Cooper có chút rắc rối. Khi quay lại Paris, ông ta yêu cầu gặp thanh tra Trignant. Người đứng đầu Interpol đã tỏ ra kém thiện cảm. Ông đã vừa mất cả tiếng đồng hồ nghe cảnh sát trưởng Ramore, qua điện thoại, phàn nàn về người Mỹ này. “Ông ta thật điên rồ?” Ông cảnh sát trưởng không nén được giận dữ. “Tôi đã phung phí người, tiền và thời gian để theo sát “cô Tracy Whitney này, người mà ông ta quả quyết là sẽ cướp bảo tàng Prado và sau cùng té ra chỉ là một khách du lịch vô hại - đúng như tôi đã nói”. Cuộc trò chuyện đã dẫn thanh tra Trignant tới chỗ tin rằng Daniel Cooper có thể đã nhầm lẫn về Tracy ngay từ đầu Không một mảy may bằng chứng gì chống lại người phụ nữ này. Việc cô ta có mặt tại thành phố vào thời gian xảy ra các vụ tội phạm không thể được coi là bằng chứng. Và do vậy, khi Daniel Cooper tới gặp viên thanh tra và đề nghị, “Tracy Whitney hiện đang ở Paris. Tôi mong muốn cô ta bị đặt dưới sự giám sát 24 trên giờ”, thì viên thanh tra đáp “Trừ khi có thể cho tôi thấy bằng chứng nào đó rằng người phụ nữ này đang mưu toan thực hiện một hành vi tội phạm, tôi không thể làm gì hơn được”. Cooper đã nhìn ông ta chằm chằm bằng cặp mắt nâu giận dữ và nói. “Ông là một thằng ngốc”, và hậu quả là bị tống ra khỏi phòng. Vậylà từ lúc đó Cooper bắt đầu một mình theo dõi đối tượng. Ông ta lần theo Tracy đi mọi nơi: các cửa hiệu, nhà hàng, dọc theo các đường phố của Paris, Ông ta gần như không ngủ và có lúc không cả ăn. Daniel Cooper không thể để Tracy Whitney vượt mặt mình Nhiệm vụ của ông ta chưa thể hoàn thành nếu chưa đưa được nàng vào tù. Đêm đó, nằm trên giường, Tracy cân nhắc lại kế hoạch. Nàng mong cái đầu mình nhẹ nhõm hơn một chút. Người nàng đẫm mồ hôi và căn phòng dường như nóng đến mức không thể chịu được. Ngày mai là xong – nàng nghĩ - Thụy Sĩ. Mình sẽ đi đến đó. Tới những vùng núi mát lạnh của Thụy Sĩ, trong một biệt thự nào đó. Nàng đặt chuông báo thức vào lúc 5 giờ. Chuông reo, nàng thấy mình đang trong một phòng giam quen thuộc nghe Mụ Váy sắt đang hò hét, “Mặc xống áo vào. Mau lên” và khắp dẫy hành lang vang vang tiếng chuông réo. Tracy choàng tỉnh, thấy tức ngực, và ánh sáng làm nàng chói mắt. Nàng gắng gượng đi vào phòng tắm. Trong gương, mặt nàng đỏ rực và mụ mị. Mình không thể ốm vào lúc này được, Tracy nghĩ, hôm nay thì không thể được. Còn quá nhiều việc phải làm. Chậm chạp mặc quần áo, Tracy cố quên đi cái cảm giác nặng trịch trong đầu. Nàng mặc bộ áo liền quần màu đen có túi sâu, đi giày đế cao su, và một cái bê rê Basque. Tim nàng đang đập loạn xạ, và không thể biết đó là vì hồi hộp hay do cơn sốt nữa. Nàng thấy run run, mệt mỏi. Cổ họng khô đắng. Nhìn thấy trên bàn chiếc khăn quàng mà Jeff Stevens tặng, nàng cầm lên và cuốn nó vào quanh cổ. Cửa chính vào khách sạn Plaza Athenee mở ra trên đại lộ Mentaighe, nhưng cửa phụ cho nhân viên thì mở trên phố Beeador. Từ một vị trí quan sát gần cổng chính, Daniel Cooper không nhìn thấy Tracy đi ra qua cổng phụ, nhưng không hiểu sao, ngay khi nàng vừa đi khỏi thì ông ta cảm giác thấy điều đó, vội vã chạy ra lề đường nhìn ngược nhìn xuôi, song không hề thấy bóng dáng Tracy đâu. Chiếc xe Reláult màu xám đón Tracy ở ngay cổng phụ của khách sạn và chạy về khu Etoile. Vào giờ này đường phố vắng vẻ, và lái xe, một người trẻ tuổi mặt đầy tàn nhang, cho xe chạy như bay vào một trong số mười hai đại lộ tạo thành khu Etoile. Mình ước gì anh ta chạy chậm lại, Tracy suy nghĩ, Tốc độ nhanh quá làm nàng có cảm giác say xe. Ba “mươi phút sau chiếc xe quành gấp trước một khu nhà kho. Tấm biển ở cửa đề BRUCERE ET CIE. Tracy nhớ rằng đây là nơi làm việc của người anh Vauban. Anh chàng lái xe mở cửa xe và giục. “Mau lên”. Một người đàn ông tuổi trung niên với tác phong nhanh nhẹn, kín đáo xuất hiện khi Tracy vừa bước ra khỏi xe. “Theo tôi”, ông ta nói. “Nhanh lên”. Tracy hấp tấp bước theo ra phía sau khu nhà kho, nơi có dăm bảy chiếc côngtenơ, phần lớn đã đầy hàng và “đã niêm phong, sẵn sàng để chuyển ra sân bay. Lẫn vào đó có một côngtenơ mềm, một mặt bịt vải bạt, trong đã có một ít hàng hóa. “Vào đi Nhanh lên”. Chúng ta không có nhiều thời gian đâu”. Tracy cảm thấy choáng váng. Nàng nhìn cái thùng hang và nghĩ - mình không thể cho vào đó được, sẽ chết mất. Người đàn ông thấy lạ, nhìn nàng hỏi, “Cô có chuyện gì thế Bây giờ là lúc còn có thể rút lui, còn có thể ngừng mọi chuyện. “Tôi không sao”, nàng lẩm bẩm. Sẽ qua ngay thôi mà. Chỉ sau vài giờ nữa là nàng đã lên đường đi Thụy Sĩ. Tốt! Cầm lấy cái này”. Ông ta đưa cho nàng một con dao hai lưỡi một cuộn dây thừng nặng trịch, một đèn pin, và một cái hộp nhỏ màu xanh da trời, ngoài buộc sợi dây lụa đỏ. “Đây là phiên bản của chiếc hộp kim cương mà cô sẽ đánh tráo”. Tracy hít một hơi thật sâu, bước vào, và ngồi xuống. Vài giây sau một tấm bạt lớn được trùm lên. Nàng có thể nghe tiếng những sợi thừng đang được chằng ngang trên mặt tấm bạt. Loáng thoáng nàng nghe tiếng ông ta. “Từ lúc này trở đi, không nói chuyện, không cử động, không hút thuốc”. “Tôi không hút thuốc” Tracy định đáp, nhưng không còn hơi sức nào nữa. “Chúc may mắn. Tôi đã đục mấy lỗ ở bên thành để cô dễ thở. Đừng có quên thở đấy nhé”. Ông ta cười và bỏ đi. Trong bóng tối, chỉ còn lại mình nàng. Côngtenơ vốn chật hẹp, và bộ bàn ghế dùng trong phòng ăn lại đã chiếm mất phần lớn không gian. Tracy thấy cứ như đang bị lửa dốt vậy. Người nàng nóng bừng, và rất khó thở. Chắc lả mình bị một thứ vi rút nào đó tấn công, nàng nghĩ, nhưng chúng phải chờ đã. Mình còn có việc phải làm. Hãy nghĩ tới chuyện gì khác thì hơn. Giọng nói của Gunther như vang lên: “Không có gì để cô lo ngại cả, Tracy ạ. Khi họ đưa hàng tới một gara tư nhân kề sân bay, Jeff sẽ đón cô ở đó. Giao chỗ kim cương cho anh ta và quay lại sân bay. Có một vé máy bay đi Giơnevơ đã được đặt sẵn cho cô ở phòng bán vé của Hàng không Thụy Sĩ. Rời khỏi Amstecđam càng nhanh càng tốt. Ngay khi cảnh sát biết vụ trộm, họ sẽ đóng cửa thành phố đấy. Sẽ không có trục trặc gì cả, nhưng để dự phòng, đây là địa chỉ và chìa khóa của một ngôi nhà an toàn ở Amstecđam. Hiện không có ai ở đó”. Chắc là nàng đã thiếp đi vì bỗng choàng tỉnh khi côngtenơ bị nhấc lên. Tracy thấy mình bị lắc lư và vội đưa tay bám chặt vào một bên thành. Chiếc côngtenơ được đặt mạnh xuống. Tiếng cửa xe đóng đánh rầm, tiếng động cơ nổ và giây lát sau, xe tải bắt đầu chuyển bánh. Họ đang trên đường ra sân bay. Toàn bộ kế hoạch đã được tính toán đến từng giây từng phút. Chiếc côngtenơ chứa Tracy sẽ phải được chở đến khu xếp hàng hóa gần như cùng lúc với thùng hàng của hãng De Beers. Người lái xe chở Tracy đã nhận được chỉ thị: Giữ vững tốc độ 51 dặm một giờ. Sáng hôm đó mật độ giao thông trên con đường dẫn tới sân bay có vẻ cao hơn thông thường nhưng người lái xe không hề lo ngại. Thùng hàng sẽ đến kịp thời và anh ta sẽ được 50 ngàn phrăng tiền thưởng, đủ để đưa vợ con đi nghỉ một chuyến. Chúng ta sẽ đi Mỹ - thế giới của Disney. Anh ta nhìn đồng hồ trên xe và mỉm cười một mình. Không có vấn đề gì. Sân bay chỉ còn cách ba dặm và anh ta thì còn những hai mươi phút nữa. Đúng lịch trình, anh ta tới chỗ rẽ vào khu vực của bộ phận vận tải hàng hóa, cho xe tiếp tục chạy ngang qua khu nhà ga thấp, qua cổng hành khách và hướng tới phlaá khu vực hàng hóa. Đúng lúc chiếc xe tới sát bức tường vây quanh khu hàng hóa rộng lớn ngổn ngang những thùng hàng thì anh ta nghe thấy một tiếng nở và chiếc xe tải từ từ dừng lại. Cứt thật! Anh ta nghĩ. Một cú nổ lớn tai hại. Chiếc 747 khổng lồ chở hàng của hàng không Pháp, đang được xếp hàng lên. Phần mũi chiếc máy bay được nâng lên, để lộ các đường ray chạy suốt vào trong thân máy bay. Việc xếp hàng đã gần hoàn thành. Ramon Vauban nhìn đồng hồ trên tay và cau có. Chiêc xe tải đã trễ hẹn. Hàng của hãng De Beers đã được xếp vào thùng và các tấm bạt đã được chằng cẩn thận bằng thừa. Vauban đã bôi sơn đỏ lên mặt ngoài chiếc thùng để giúp người phụ nữ kia dễ nhận ra nó. Lúc này, anh ta đứng trông theo chiếc thùng đang được đẩy vào trong khoang máy bay và sẽ được cố định bằng các chất hãm. Khoảng trống bên cạnh nó dành cho một thùng hàng nữa, trước khi máy bay cất cánh. Trong khi đó trong bãi hàng còn ba côngtenơ chở đến lượt. Lạy Chúa, người phụ nữ kia ở đâu cơ chứ? Người phụ trách việc xếp hàng đang ở trong máy ba kêu lớn, “Nào, Ramón. Cái gì làm ùn lại thế “Đợi một phút”, Vauban trả lời. Anh ta chạy ra phía cổng ngóng ra. Không thấy bóng dáng chiếc xe tải đâu hết. “Vauban? Có trục trặc gì thế” “Anh ta ngoái lại. Một giám sát viên cấp cao đang tiến đến. “Kết thúc việc chất hàng lên và cho bay thôi”. “Thưa ngài, vâng. Tôi đang đợi ...”. Đúng lúc đó chiếc xe tải của hãng Brucere et Cie lao vào khu kho và dừng gấp ngay trước mặt Vauban. “Đây là kiện hàng cuối cùng”, Vauban lớn tiếng nói. “Tốt, cho lên đi”, người giám sát nói nhanh. Vauban trông coi việc bốc hàng ra khỏi xe tải, đưa nó lên chiếc cầu trượt vào trong máy bay. Anh ta vẫy tay ra hiệu với người phụ trách việc xếp hàng “Đủ cả rồi đấy”. Giây phút sau, khi kiện hàng cuối được xếp xong và đầu mũi máy bay được hạ xuống, Vauban dứng nhìn các động cơ phản lực phụt lửa ra đằng sau, chiếc máy bay khổng lồ bắt đầu lăn bánh chạy ra phía đường băng, nghĩ bụng, giờ thì chỉ còn phụ thuộc vào người phụ nữ kia. Có một cơn bão dữ dội. Một đợt sóng lớn ập vào và con tàu bắt đầu chìm xuống. Mình sắp chết đuối rồi, Tracy nghĩ. Mình phải thoát ra khỏi đây mới được. Nàng vung hai tay ra và đập phải một thứ gì đó. Đó là thành chiếc phao cấp cứu, bập bềnh và chao đảo. Gắng gượng nhỏm dậy, nàng đập đầu phải chân chiếc bàn. Trong một giây tĩnh trí nàng đã nhớ ra mình đang ở đâu. Mồ hôi ướt đầm mái tóc và gương mặt, nàng thấy chóng mặt, quay cuồng, người nóng rực. Mình đang ở trong một cơn ác mộng. Mình đang ngủ trên chiếc giường ở London. Mình phải gọi bác sĩ mất. Không thể hít thở được, nàng cố với chiếc điện thoại, rồi lại tức khắc sụp xuống ... Chiếc máy bay qua một vùng khí loãng và Tracy bị xô bật vào góc, đầu mung lung, mơ hồ, cố gắng lấy lại sự tỉnh táo một cách tuyệt vọng. Mình có bao nhiêu thời gian nhỉ? Nàng lẫn lộn giữa một giấc mơ quỷ quái và một thực trạng khủng khiếp. Phải làm thế nào đoạt được chỗ kim cương kia. Nhưng trước hết ... trước hết, phải cắt dây để chui ra khỏi cái thùng này đã. Nàng sờ tay vào túi quần lấy con dao và thấy cầm nó lên cũng là một việc nặng nhọc. Thiếu không khí, Tracy nghĩ. Mình phải có không khí để thở. Nàng vòng tay lần qua mép tấm bạt tìm kiếm một trong số những sợi thừng chằng bên ngoài và cắt đứt nó. Dường như phải mất một thời gian rất lâu cho cái việc đơn giản đó. Tấm bạt đã hé ra rộng hơn. Nàng cắt một sợi dây khác nữa và vậy là đủ rộng để chui ra ngoài. Không khí bên ngoài lạnh ngắt. Nàng bắt đầu run rẩy và độ rung của máy bay làm tăng cảm giác buồn nôn. Mình phải vững vàng lên mới được, Tracy nghĩ, mình phải tỉnh táo trở lại Mình đang làm gì ở đây nhỉ? Có việc quan trọng. Đúng. Những viên kim cương. Mọi thứ trước mắt nàng như nhòa đi, chao đảo. Mình sẽ không làm được chuyện đó, nàng nghĩ. Chiếc máy bay đột ngột hẫng xuống và Tracy ngã ra. Nàng bám chặt tay vào mấy đường ray trong khi chiếc máy bay lắc lư và khi nó đã thăng bằng trở lại, nàng bắt mình phải đứng dậy. Tiếng gầm rú củạ các động cơ phản lực hòa lẫn với những tiếng ong ong trong đầu. Những viên kim cương. Mình phải tìm ra những viên kim cương, nàng thầm nhắc mình. Loạng choạng lần tìm nàng nheo nheo mắt dõi nhìn từng côngtenơ để tìm vệt sơn đỏ. Ơn Chúa! Nó kia rồi. Nàng đứng lặng, cố nhớ xem phải làm gì tiếp theo. Giá có thể nằm xuống và ngủ lấy vài phút, mình sẽ tỉnh táo ra nàng nghĩ. Mình chỉ cần được ngủ vài phút thôi mà. Nhưng không còn thời gian. Bất kỳ giây phút nào máy bay cũng có thể hạ cánh. Tracy lấy dao ra cứa những sợi thừng. Họ đã nói với nàng. Chỉ cần một nhát cắt thật khéo là đủ. Nàng không còn đủ sức để nắm chặt con dao nữa. Mình không thể bỏ cuộc lúc này, Tracy nghĩ. Lại bắt đầu run rẩy, run không kìm được, đến mức để rơi cả dao. Không được rồi. Họ sẽ bắt được mình, và đưa mình trê lại nhà tù. Nàng dường như không biết làm gì, hai tay cứ bám lấy sợi thừng, chỉ muốn bò trở lại cái thùng của mình để ngủ một giấc ở nơi ấn náu đó, cho đến khi mọi chuyện qua đi. Điều đó thật dễ dàng mà. Nhưng rồi, một cách chậm chạp và thận trọng để khỏi làm tăng thêm cơn đau đầu khủng khiếp, Tracy với con dao và cầm nó lên, bắt đầu cắt sợi dây thừng nặng nề kia. Sau cùng, sợi dây thừng cũng đã đứt, Tracy kéo tấm bạt ra và ngó vào phía trong. Không thể nhìn thấy gì vì tối om. Nàng lấy đèn pin ra và đúng lúc đó, cảm thấy sự thay đổi đột ngột áp suốt không khí, hai tai nàng hơi bị ù đi. Máy bay bắt đầu hạ thấp độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Tracy nghĩ, phải nhanh lên mới được. Nhưng các cơ bắp như không thể điều khiển được nữa. Động tay động chân đi chứ, nàng tự giục mình, rồi rọi đèn vào bên trong côngtenơ. Ngổn ngang những kiện hàng, các vali nhỏ, và trên một cái thùng các tông là hại cái hộp nhỏ màu xanh da trời buộc bằng những dây lụađỏ. Hai hộp à! Người ta bảo là ... nàng dụi mắt, và hai hộp nhập lại thành một. Trong mắt Tracy, mọi vật đều như có vầng sáng bao quanh vậy. Nàng lấy cái hộp giống hệt như vậy ra khỏi túi mình. Vừa cầm hai chiếc hộp lên tay thì cơn buồn nôn quặn dậy. Rồi khi vừa định thay thế cái hộp kim cương giả vào chỗ cũ, thì nàng nhận ra mình không còn biết chắc cái nào là cái hộp thật nữa. Hai cái giống hệt nhau. Nó là cái trên tay trái, hay tay phải nhỉ? Máy bay hạ xuống thấp hơn. Nó sẽ hạ cánh ngay bây giở buộc phải có quyết định, nàng đành đặt một hộp trở lại chỗ cũ, thầm mong rằng đó là hộp giả, lần tìm trong túi lấy ra một sợi dây thừng lành lặn. Hình như phải buộc lại sợi dây thừng, nàng tự nhắc mình. Đầu ong ong nhức nhối làm nàng không còn nghĩ được gì nữa. “Sáu khi cắt sợi thừng, cô đút nó vào trong túi và thay vào đó sợi khác. “Đừng vương lại cái gì để gây nên sự nghi ngờ cả nhé”? Khi đó ngồi sưởi nắng trên chiếc du thuyền Con Muỗi nghe sao mà dễ dàng thế. Giờ đây thật như không thể làm nổi cái “việc đơn giản đó. Nàng như không còn chút hơi sức nào cả. Các nhân viên bảo vệ sẽ phát hiện ra sợi dây thừng bị cắt, khoang máy bay sẽ bị khám xét, và nàng sẽ bị bắt giữ. Từ sâu trong con người nàng vang lên tiếng hét. Không! Không không? Bằng một cố gắng phi thường, Tracy bắt đầu chằng sợi dây thừng lành lặn quanh chiếc côngtenơ, cảm thấy một cú xóc bật lên dưới chân mình khi chiếc máy bay tiếp đất và bị đẩy ngã ra phía sau vì máy bay hãm tốc độ lại. Đầu nàng đập xuống sàn, choáng váng. Chiếc 747 bắt đầu chạy dọc theo đường băng, Tracy nằm rứm ró, tóc lòa xòa trên gương mặt trắng bệch. Sự im tiếng của các động cơ làm nàng tỉnh lại. Máy bay đã dùng bánh. Nàng đứng dậy, run run, bám lấy đâu đó để khỏi ngã. Sợi thừng mới đã được buộc đúng chỗ. Nàng ôm chiếc hộp kim cương vào ngực và lảo đảo lần về thùng hàng của mình, chui vào qua kẽ bạt và sụm xuống, thở dốc, mồ hôi túa ra khắp người. Mình đã làm xong việc, nhưng hình như còn phải làm một việc gì đó nữa. Một việc gì đó quan trọng. Việc gì nhỉ? Dán nối sợi thừng trên chiếc côngtenơ của chính nàng. Nàng với tay vào trong túi lần cuộn băng keo. Không thấy đâu cả. Thở hổn hển, nặng nhọc, và nàng thấy tiếng động, những tiếng nôi, bèn nín thở để nghe ngóng. Đúng rồi. Họ đã đến. Tiếng cười của ai đó. Cửa khoang hàng sắp bật mở ngay thôi và họ sẽ bắt đầu dỡ hàng. Họ sẽ thấy sợi thừng bị cắt, sẽ ngó vào bên trong và sẽ phát hiện ra. Phải tìm cách nối nó lại. Nàng quỳ lên, và quỳ phải cuộn băng keo cưng cứng đã rơi khỏi túi từ lúc nào đó. Nàng thò tay ra tìm hai sợi thừng, giữ chúng kề sát vào nhau và vụng về quấn sợi băng keo xung quanh. Nàng không nhìn được gì. Mồ hôi ròng ròng trên mặt làm hai mắt cay xè. Nàng kéo chiếc khăn quàng khỏi cổ và dùng nó lau mặt. Đỡ hơn một chút. Hoàn thành việc dán chặt hai đầu sợi thừng, nàng kéo tấm bạt kín lại như cũ, giờ thì chỉ còn chờ đợi, không còn gì phải làm nữa. Nàng sờ tay lên trán lần nữa, nó nóng rực. Mình phải vào bóng râm thôi, Tracy mơ màng. Ánh nắng vùng nhiệt đới có thể là rất nguy hiểm. Nàng đang đi nghỉ đâu đó ở vùng Caribê. Jeff đã đến, mang tới mấy viên kim cương, nhưng anh đã nhảy xuống biển và biến mất. Nàng với theo để nhưng anh ta đã tuột khỏi tay nàng. Nước trùm qua đầu, ngạt thở và chìm xuống ... Nàng nghe thấy tiếng những người công nhân đang trèo vào khoang máy bay. “Cứu!” Nàng hét lên. “Xin hãy cứ tôi”. Nhưng tiếng hét của nàng chỉ là một tiếng thì thào yếu ớt và đã không ai nghe thấy cả. Những chiếc côngtenơ đã bắt đầu được đẩy ra khỏi máy bay. Tracy đã hoàn toàn bất tỉnh khi họ bốc chiếc côngtenơ có chứa nàng xuống một chiếc xe tải của hãng Brucere et Cle. Bị bỏ lại đằng sau, trên sàn máy bay, là chiếc khăn quàng mà Jeff đã tặng nàng. Ai đó nâng tấm bạt lên. Ánh sáng ùa vào làm Tracy tỉnh giấc. Nàng mở mắt ra một cách chậm chạp. Chiếc xe tải đã ở trong một nhà kho. Jeff đang đứng đó, mỉm cười với nàng. “Em đã hoàn thành công việc!” Anh nói. “Em thật tuyệt vời. Hãy đưa tôi cái hộp nào”. Nàng mơ màng nhìn trộm khi anh cúi xuống bên nhấc cái hộp lên. “Hẹn gặp em ở Lisbon nhé”. Anh ta quay đi rồi chợt dừng lại nhìn nàng. “Tracy trông em khủng khiếp quá. Em có khỏe không?”. Nàng không nói nổi nữa. “Jeff, tôi ...”. Thế nhưng anh đã đi mất. Tracy chỉ loáng thoáng biết những gì diễn ra sau đó. Người ta thay quần áo cho nàng ở phía sau gian kho, và một người đàn bà nói. “Cô có vẻ ốm lắm, thưa cô. Cô có muốn tôi gọi một bác sĩ tới không”. “Đừng, đừng gọi bác sĩ”, Tracy thều thào. Lời Gunther loáng thoáng vọng về - Có một chiếc vé đi Giơnevơ đã được đặt sẵn cho cô tại phòng bán vé của Hàng không Thụy Sĩ. Rời khỏi Amstecđam càng sớm càng tốt Ngay khi cảnh sát biết vụ trộm, họ sẽ đóng cửa thành phố”. đấy. Sẽ không có gì trục trặc đâu, nhưng dự phòng, đây là địa chỉ và chìa khóa của một ngôi nhà an toàn ở Amstecđam. Hiện không có ai ở đó cả”? Sân bay. Phải ra sân bay ngay thôi. “Tắc xi”. Nàng lẩm bẩm. “Tắc xi”. Người đàn bà lưỡng lự trong giây lát rồi nhún vai. “Được thôi: Tôi sẽ gọi xe. Đợi đấy”. Người nàng như dâng lên cao, cao mãi, như gần sát tới mặt trời vậy. “Tắc xi của cô đã đến”, giọng một người đàn ông nào đó. Nàng chỉ muốn mọi người đừng quấy rối mình. Giờ đây nàng chỉ muốn ngủ yên thôi. Người tài xế hỏi “Cô muốn đi đâu vậy, thưa cô?”. Chiếc vé mấy bay đã đặt sẵn ... Nàng yếu quá, không thể lên máy bay được. Họ sẽ ngăn lại, gọi bác sĩ. Nàng sẽ bị tra hỏi. Lúc này nàng chỉ cần được nghỉ ít phút, rồi thì sẽ khỏe. Giọng người tài xế bắt đầu sốt ruột. “Đi đâu, thưa cô?”. Không có nơi nào để đến cả, nàng nới địa chỉ ngôi nhà an toàn. Cảnh sát đang tra xét nàng về những viên kim cương và khi bị khước từ trả lời, họ đã trở nên giận dữ, ném nàng vào một căn phòng rồi mở hơi nóng vào cho tới khi tất cả nóng rực lên. Khi nàng không thể chịu nổi nữa, họ bèn hạ nhiệt độ trong xuống cho đến những hạt nước đá li ti ngưng tụ trên mặt các bức tường. Tracy thấy lạnh quá, nàng mở mắt. Hóa ra nàng đang nằm trên một chiếc giường, người run lên bần bật. Phía dưới người cô là một tấm chăn mền, nhưng nàng không còn đủ sức để kéo nó phủ lên người nữa. Váy nàng ướt sũng, mồ hôi đầm đìa trên mặt và cổ.”. Mình sắp chết mất. Đây là đâu nhỉ? Ngôi nhà an toàn. Mình đang ở trong ngôi nhà an toàn. Ý nghĩ đó làm nàng bật cười, và tiếng cười chuyển thành chuỗi tiếng ho dữ dội. Thế là hỏng hết cả rời. Bây giờ thì hẳn cảnh sát đang sục sạo khắp Amstecđam để tìm nàng. Cô Whitney đã đặt vé đi Thụy Sĩ mà không dùng tới nó ư? Vậy thì cô ta vẫn còn ở Amstecđam. Không biết là nàng đã nằm trên chiếc giường này bao lâu rồi, nàng nâng cổ tay lên để nhìn đồng hồ. Những con số cứ nhòe đi, mọi thứ nàng nhìn đều biến thành hai, thành bốn cả. Cơn run ngừng dần và toàn thân lại bắt đầu nóng rực lên. Nàng muốn mở một cánh cửa sổ quá, nhưng không nhúc nhích nổi chân tay, Căn phòng lại bắt đầu lạnh giá. “Em đã hoàn thành công việc. Em thật tuyệt vời Hãy đưa cho tôi cái hộp nào”. Jeff nói. Jeff đã mang những viên kim cương đi, và có thể anh ta đang trên đường đi Brazln cùng với cả phần tiền của nàng nữa. Anh ta sẽ vui thú với những phụ nữ của anh ta, và cười nhạo nàng. Một lần nữa anh ta lại cho nàng một vố. Nàng thấy căm ghét anh ta. Không? Còn khinh bỉ anh ta nữa. Hết cơn mê sảng này lại cơn mê sảng khác. Trái bóng Pơlôtta đang vun vút lao vé phía nàng. Jeff ôm choàng lấy và đẩy nàng xoài xuống đất, môi anh kề sát môi nàng và rồi họ đang ăn chiều tại tiệm Zalacain. Em có biết em là một cô gái đặc biệt không, Tracy? Jeff nói. “Tôi đề nghị hòa”, giọng Boris Melnikov. Toàn thân nàng lại run lên, không kìm được, và nàng thấy mình đang ở trong một chuyến tàu nhanh vùn vụt lao qua một đường hầm tối om. Tất cả các hành khách đều đã xuống tàu chỉ trừ có Alberto Pornati. Ông ta đang giận dữ la hét nàng và tóm lấy nàng lắc lấy lắc để. “Hãy vì Chúa”, ông ta hét. “Mở mắt ra nào! Nhìn tôi đây này!”. Bằng một cố gắng phi thường, Tracy mới mở mắt ra được, và Jeff đang cúi xuống nhìn nàng. Khuôn mặt anh trắng bệch và có vẻ cáu kỉnh gì đó trong giọng nói của anh ta. Hẳn cũng lạl là một phần eơn mê của nàng đây. “Em đã thế này bao lâu rồi?”. “Anh đang ở Braxin”, Tracy lẩm bẩm. Sau đớ, nàng lại thiếp đi, không hay biết gì nữa. Khi thanh tra Trigmant nhận được chiếc khăn quàng có hai chữ TW mà người ta nhặt được trên sàn máy bay chở hàng hóa của Hàng không Pháp, ông ta lặng nhìn nó hồi lâu. Rồi ông ra lệnh, “Kiếm Daniel Cooper cho tôi”. Chương 32 Làng Alkmaar đẹp như tranh, nằm trên bờ biển Tây Bắc Hà Lan trông ra biển Bắc, là một nơi du lịch hấp dẫn nổi tiếng, thế nhưng lại có một khu vực nhỏ ở phía Đông của nó rất ít khách lui tới, Jeff Stevens đã vài lần đến nghỉ ở đó cùng với một chiêu đãi viên của hãng Hàng không KLM, người đã dạy anh chút ít ngôn ngữ của xứ sở này. Ánh nhớ rất rõ cư dân ở đó chỉ bận tâm với công việc của bản thân họ và không quá tò mò để ý tới du khách. Đó là một nơi ẩn náu hoàn hảo nhất. Ý định lúc đầu của Jeff là đưa ngay Tracy tới bệnh viện, nhưng như thế thì quá nguy hiểm. Việc nàng chỉ ở lại Amstesđam thêm một phút nào nữa thôi cũng là cả một sự phiêu lưu. Anh đã cuốn nàng trong một tấm mền, ẵm ra ô tô, và suốt quãng đường tới Alkmaar nàng vẫn không hề một lần tỉnh lại. Mạch đập rối loạn và hơi thở nặng nhọc. Ở Alkmaar, Jeff thuê một quán trọ nhỏ. Ông chủ quán tò mò nhìn Jeffbế Tracy lên trên phòng. “Chúng tôi đang đi chơi tuần trăng mật”, Jeff phân trần. “Vợ tôi bị ốm, và cần được nghỉ ngơi”. “Anh muốn gọi bác sĩ không?”. Chính Jeff cũng không biết trả lời thế nào nữa nên đành nói. “Tôi sẽ báo với ông sau nhé”. Việc đầu tiên phải làm là cố gắng hạ cơn sốt cho Tracy. Jeff đỡ nàng nằm xuống chiếc giường đôi và bắt đầu cởi bộ đồ ướt đầm mồ hôi của nàng ra. Anh nâng nàng ngồi dậy và kéo váy qua đầu nàng. Tiếp theo là giày, rồi đến đời tất dài. Người nàng nóng rực. Jeff dung khăn tắm thám nước lạnh và nhẹ nhàng lau rửa toàn thân nàng, đắp lên người nàng một tấm mền và rồi ngồi bên mép giường lắng nghe nhịp thở ngắt quãng của nàng. Nếu sáng mai mà cô ấy không đỡ, Jeff quyết định, mình sẽ đành lòng kêu bác sĩ tới. Sáng ra, khăn trả giường lại đã đẫm mồ hôi. Tracy vẫn không tỉnh, nhưng Jeff thấy nhịp thở đã đều hơn. Anh ngại không muốn để hầu phòng trông thấy Tracy điều đó dần đến quá nhiều câu hỏi khác nhau, do vậy, anh gặp chủ quán hỏi lấy mấy tấm vải trải giường và ôm vào phòng, lại lau khắp thân thể Tracy bằng khăn ướt, thay vải trải giường theo cách mà các cô hộ lý vẫn làm trong các bệnh viện, không phiền gì đến bệnh nhân và rồi đắp lên nàng một tấm mền khác. Jeff treo tấm bảng KHÔNG LÀM PHIỀN lên cánh cửa rồi đi ra ngoài tìm tới một hiệu thuốc gần nhất, mua thuốc giảm sốt, mua cặp nhiệt độ, một miếng bọt biển và một ít cồn. Khi quay trở lại, Tracy vẫn chưa tỉnh. Jeff đo nhiệt độ và thấy nàng vẫn đang sốt cao. Anh dừng miếng bọt biển thấm cồn xoa khắp”người nàng và cơn sốt hạ xuống. Một giở sau thân nhiệt nàng lại tăng lên. Anh đã định gọi bác sĩ. Chắc rắc rồl là bác sĩ. Chỗ rắc rối là bác sĩ nhất định sẽ đòi đưa Tracy đến bệnh viện. Các câu hỏi sẽ được đặt ra. Jeff không biết liệu cảnh sát có đang truy lùng họ hay không, và nếu vậy thì chắc chắn cả bọn sẽ bị bắt giữ. Anh nghiền bốn viên thuốc giảm sốt, cho vào giữa hai môi Tracy rồi dùng thìa nhỏ nước vào miệng, và sau cùng đã cho nàng uống thuốc được. Anh xem mạch, nó có vẻ ổn định hơn. Anh áp tai vào ngực nàng, lắng nghe. Phải chăng hơi thở của nàng đã nhẹ nhàng hơn? Anh không dám chắc, chỉ tin có một điều duy nhất, và anh thầm nhắc đi nhắc lại cho đến khi nó trở thảnh lời khấn nguyện? “Em sắp khỏe lại cho mà xem”. Anh dịu dàng hôn lên trán nàng. Jeff đã không ngủ trong suốt hơn bốn mươi tám đồng hồ liền, và lúc này thì kiệt sức, hai mắt trũng sâu. Mình sẽ ngủ sau, anh tự hứa. Mình sẽ nhắm mắt lại một chút thôi – anh lẩm bẩm và rồi ngủ thiếp đi. Khi mở mắt ra, phải mất một lúc: Tracy mới nhìn rõ trần nhà và không biết là mình đang ở đâu nữa. Dần dần nâng tỉnh hẳn. Toàn thân mỏi nhừ và nhức nhối, cảm giấc như vừa qua một chuyến đi dài đầy mỏi mệt. Nàng chậm chạp đưa mắt nhìn quanh căn phòng xa lạ và chợt giật thót người. Jeff đang ngủ, người co trong chiếc ghế bành kề bên cửa sổ. Lần gần đây nàng thấy Jeff là khi anh ta đến lấy chỗ kim cương và mang đi. Anh ta làm gì ở đây nhỉ? Và với một cảm giác đột nhiên nhói lên, Tracy biết ngay câu trả lời: nàng đã đưa cho anh ta cái hộp kia - cái hộp đựng kim cương giả - và Jeff đã nghĩ rằng anh ta bị nàng lừa. Chắe anh ta đã lôi nàng ra hỏi căn nhà an toàn và mang đến nơi đây. Khi nàng ngồi dậy, Jeff cựa mình và mở mắt. Thấy Tracy đang nhìn, một nụ cười chậm rãi nhưng rạng rỡ trên khuôn mặt anh. “Xin chúc mừng”. Giọng anh như tiếng thở phào nhẹ nhõm, đến mức làm Tracy hiểu lầm. “Tôi xin lỗi”, Tracy nói. Giọng nàng là một lời thì thầm khản đặc. “Tôi đã lấy nhầm cái hộp”. “Cái gì?”. “Tôi đã bị lẫn hai cái hộp với nhau”. Jeff bước lại bên nàng và dịu dàng. “Không đâu, Tracy. Em đã trao cho tôi những viên kim cương thật sự. Chúng đã đến với Gunther rồi”. Nàng nhìn anh, bối rối. “Vậy thì ... tại sao ... tại sao anh lại ở đây?”. Anh ghé ngồi xuống mép giường. “Khi em đưa cho tôi chỗ im cương, trông em thất sắc quá..Tôi quyết định tốt hơn là phải chờ ở sân bay để có thể tin chắc rằng em đến kịp chuyến bay của mình. Em đã không ra sân bay và tôi biết ngay rằng em đang gặp khó khăn. Tôi đến căn nhà an toàn và thấy em ở đó” giọng anh nhẹ nhàng. “Đó sẽ là một dấu vết của cảnh sát”. Nàng lúng túng nhìn anh. “Vậy anh cho tôi biết lý do đích thực của việc anh quay lại tìm tôi đi”. “Đã đến giờ cặp sốt cho em rồi”. Anh nói nhanh. “Đỡ rồi”, anh nói sau ít phút. “Chỉ còn hơi nóng một chút thôi. Em là một người bệnh tuyệt vời đấy”. “Jeff ...”. “Cứ tin tôi đi. Em đói không?”. Đột nhiên Tracy cảm thấy đói ghê gớm. “Đói đến sắp chết mất”, nàng đáp. “Tốt. Tôi sẽ mang cho em chút đồ ăn nhé”. Anh từ cửa hàng tra về với một túi lớn đầy nước cam, sữa và trái cây tươi cùng với một con gà quay lớn và ít pho mát thịt cá. “Đây có lẽ là món xúp gà kiểu Hà Lan, ăn tốt đấy. “Nào, ăn chậm thôi nhé”. Anh giúp nàng ngồi dậy, cho nàng ăn, thận trọng và dịu dàng, và Tracy e ngại nghĩ anh ta hẳn có ý gì đây. Trong lúc cho Tracy ăn, Jeff nói. “Tôi vừa gọi điện cho Gunther. Ông ấy đã nhận được kim cương, và đã gửi phần tiền của cô vào tài khoản nhà băng của cô ở Thụy Sĩ. Nảng đã không thể kìm được câu hỏi, “Sao anh không gửi cả cho mình?”. Jeff trả lời, giọng đầy vẻ nghiêm nghị. “Bởi vì đã đến lúc mình nên thôi việc ganh đua với nhau, Tracy. Được không nào?”. Hẳn là một ngón chơi khác của anh ta thôi, dĩ nhiên là thế, nhưng nàng chẳng còn hơi sứe nào mà lo chuyện ấy nữa. “Được”. “Nếu cho tôi biết các số đo của em”, anh nói. “Tôi sẽ mua về cho em một ít đồ để mặc. Người Hà Lan cũng khoáng đạt thôi, nhưng tôi nghĩ nếu em cứ như thế này mà đi ra ngoài thì họ sẽ bị sốc đấy”. Tracy chợt nhận ra sự trần truồng của mình vội kéo mền choàng kín người. Nàng chỉ có ấn tượng rất mơ hồ về việc Jeff cởi váy áo và tắm táp cho. Anh đánh đổi sự an toàn của mình để chăm sóc nàng? Vì sao? Nàng đã nghĩ mình hiểu anh. Không một chút gì cả. Nàng lại ngủ thiếp đi. Buổi chiều, Jeff mang về hai vali đầy chặt váy ngắn, váy ngủ, đồ lót, váy liền áo, giày.dép và một hộp son phấn cùng với lược, bàn chải và kem đánh răng. Anh cũng mua cho mình một vài bộ đồ để thay đổi và cả một tờ Diễn đàn thông tin Quốc tế” mà ở trang đầu là tin về vụ cướp đoạt kim cương trên máy bay, cảnh sát đã phán đoán được cách thức tiến hành vụ trộm, nhưng theo bài báo, bọn trộm đã không để lại dấu vết gì. Jeff nói vui vẻ. “Chúng ta được tự do về nhà rồi” Giờ đây chỉ còn một việc là làm cho em mau khỏe lại”. Chính Daniel Cooper là người đã đề nghị không để báo chỉ biết về cái khăn quàng trên có hai chữ TW. Ông ta nói với thanh tra Trignant. “Chúng ta biết nó là của ai, nhưng nó không đủ là một bằng chứng kết tội. Các luật sư của cô ta sẽ nêu ra hàng vạn các phụ nữ châu u có tên viết tắt 1à TW, và sẽ biến các ông thành trò cười”. Theo Cooper thì cảnh sát đã tự biến mình thành những thằng ngốc. Chúa sẽ trao cô ta cho mình - ông ta nghĩ. Ông ta ngồi trong bóng tối của một ngôi nhà thờ nhỏ, trên một chiếc ghế băng bằng gỗ cứng, và cầu nguyện: Ôi, lạy đức Chúa Cha, hãy để cô ta là của con. Xin giao cho con trừng phạt cô ta để con có thể rửa sạch tội lỗi của mình. Con quỷ trong linh hồn cô ta bị xua đuổi, và thân thể trần truồng của cô ta sẽ bị nọc ra đánh đòn ... Rồi ông ta mường tượng tới tấm thân lõa lồ của Tracy và đột nhiên thèm muốn. Cooper vội vã rời khỏi nhà thờ vì sợ Chúa sẽ biết sự ham muốn đó và sẽ trừng phạt thêm ông ta. Khi Tracy tỉnh giấc thì trời đã tối. Nàng ngồi dậy và bật sáng ngọn đèn trên chiếc bàn nhỏ kê cạnh đầu giường. Có mình nàng trong phòng. Jeff đã đi. Cảm giác cô đơn bao trùm lấy Tracy. Nàng đã để mình dựa dẫm dần vào Jeff và đó là sự ngu ngốc. Đáng đời mình lắm, Tracy chua chát nghĩ. “Cứ tin tôi”, Jeff nói thế và nàng đã tin. Anh đã chăm sóc nàng chỉ để bảo vệ cho chính anh, không vì lý do nào khác. Nàng đã đi đến chỗ tin rằng anh ta có ít nhiều tình cảm với mình. Nàng đã muốn tin anh muốn cảm thấy rằng nàng có ít nhiều ý nghĩa với anh Tracy nằm ngả người xuống gối, nhắm liền hai mắt và tư lự mình sẽ nhớ anh. Xin Chúa giúp con, con sẽ nhớ anh thực lòng. Chúa đã thử lòng nàng băng một trò đùa dai dẳng. Mà tại sao lại là anh cơ chứ? Nàng băn khoăn tự hỏi, nhưng dù sao thì cũng vậy thôi mà. Nàng sẽ phải rời khỏi nơi này càng sớm càng tốt, và kiếm một nơi an toàn để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Ôi mi thật là ngốc quá, Tracy nghĩ. Mi ... Có tiếng mở cửa và giọng Jeff vang lên: “Tracy, em đã dậy chưa? Tôi mang về cho em vài cuốn sách và cả đống tạp chí đây. Tôi nghĩ là em có thể Anh ngưng bặt khi thấy vẻ mặt nàng. “Này? Có chuyện gì thế”. “Bây giờ thì không”, Tracy thì thào. “Bây giờ thì không” Sáng hôm sau cơn sốt của Tracy dứt hẳn. “Tôi muốn ra ngoài quá, Jeff, anh nghĩ rằng ta có thể đi dạo một chút không?”. Ngoài hành lang, họ là cả một sự tò mò. Vợ chồng ông chủ quán trọ rất vui trước sự phục hồi eủa Tracy. “Chồng cô thật tuyệt diệu. Anh ấy khăng khăng đòi làm tất cả mọi việc cho cô. Anh ấy rất lo lắng, Một phụ nữ thật may mắn, có được một người đàn ông yêu mình đến thế”. Tracy đưa mắt nhìn Jeff, và có thể thề rằng anh đỏ bừng cả mặt. Ra ngoài, Tracy nói. “Họ thật ngọt ngào quá”. “Những người đa cảm”, Jeff đáp nhanh Jeff đã thu xếp thêm một chiếc giường ngủ nhỏ, kê cạnh giường Tracy. Đêm đó, nằm trên giường, nàng nhớ lại việc Jeff chăm sóc, phục dịch, cho ăn và còn lau rửa, tắm táp thân thể trần trụi của nàng nữa. Tracy ý thức mạnh mẽ về sự hiển hiện kề bên của anh. Điều đó làm nàng thấy được che chở. Và cũng làm nàng thấy bồn chồn. Dần dần, khi Tracy mỗi ngày một khỏe hơn, nàng và Jeff càng dành thêm nhiều thời gian đi thăm thú” cái thị trấn cổ này. Họ đã đi bộ dọc trên các đường phố quanh co, lát đá cuội của Alkmaar được làm từ mãi tận thời Trung Cổ, và dành nhiều giờ đồng hồ trên những đồng hoa tuy lip ở ngoại ô thành phố. Họ đi thăm chợ búa, cửa hiệu và nhà bảo tàng của thị trấn. Tracy rất đỗi ngạc nhiên khi thấy Jeff nói với dân chúng địa phương bằng tiếng Hà Lan. “Anh học ở đâu thế Tracy hỏi. “Tôi từng quen biết một cô gái Hà Lan mà”. Và nàng hối tiếc vì đã hỏi. Vài ngày nũa trôi qua, thân thể trẻ trung và khỏe mạnh của Tracy dần dần hồi phục. Khi Jeff thấy Tracy đã đủ sức, anh thuê về hai cái xe đạp, và họ cùng đạp xe tới các cối xay gió nằm rải rác trên các cánh đồng vùng thôn quê. Mỗi ngày đều là một ngày nghỉ thật dễ chịu, và Tracy chỉ mong nó đừng bao giờ kết thúc. Jeff đã thật sự là một nỗi ngạc nhiên thường xuyên. Anh cư xử với Tracy bằng một sự quan tâm và âu yếm đến mức làm tan biến mọi cảnh giác của nàng, nhưng anh không đi xa hơn. Tracy thấy anh thật kỳ lạ. Nàng nghĩ về những phụ nữ xinh đẹp mà nàng thấy cặp kè với anh, và tin chắc rằng anh có thể có bất kỳ cô nào. Vậy tại sao anh lại chịu bên cạnh nàng ở cái xó hẻo lánh thế này của thế giới? Tracy thấy mình nói với Jeff những chuyện mà nàng từng nghĩ là sẽ không bao giờ trao đổi với bất kỳ ai về Joe Romano và Tony Orsatti, về Ernestine Littlechap, về Rretha Lớn và về bé Amy Brannigan. Và đến lượt Jeff giận dữ, đau khổ, cảm thông. Jeff kể cho nàng nghe về người mẹ kế, về chú Willie, về những ngày ở gánh tạp kỹ và về cuộc hôn nhân của anh với Louice. Tracy đã chưa bao giờ cảm thấy gần gũi như thế với bất kỳ ai. Bỗng nhiên cũng đến lúc phải ra đi. Một buổi sáng Jeff nói. “Cảnh sát không truy lùng chúng ta đâu, Tracy. Tôi nghĩ ta nên đi thôi”. Tracy chợt tuyệt vọng như bị một nhát dao “Được thôi. Khi nào?”. “Ngày mai”. “Tôi sẽ thu xếp hành lý vào sáng mai”. Đêm đó Tracy trằn trọc không ngủ được. Sự có mặt Jeff dường như tràn ngập khắp gian phòng. Những ngày này thật là một quãng đời không thể nào quên, và nó sắp chấm dứt. Nàng nhìn sang chiếc giường đơn, nơi Jeff đang nằm. “Anh ngủ rồi à?” Tracy thì thào. “Chưa ...”. “Anh đang nghĩ gì thế”. “Ngày mai rời khỏi nơi này. Tôi sẽ quyến luyến với nó”. “Em sẽ nhớ anh đấy, Jeff”. Câu nói buột ra trước lúc nàng có thể kìm lại. Jeff từ từ ngồi dậy và nhìn nàng. “Nhiều không em?”. Anh dịu dàng hỏi. “Nhiều lắm”. Một giây sau anh đã ngồi bên giường nàng, “Tracy ...”. “Nào. Đừng nói gì cả. Hãy ôm em”. Nàng ôm anh thật chặt, cảm thấy tim anh đang đập ngay trên khuôn ngực mình. Nàng áp chặt vào anh, nhưng vẫn thấy chưa đủ, bèn trườn xuống cuối giường và đặt lên thân thể anh những nụ hôn âu yếm, dịu dàng. Suốt đêm họ trò chuyện bâng quơ về mọi thứ, cứ như có một cánh cửa chắn nước từ lâu bị khóa trái nay mở ào ra vậy Rạng sáng, khi một ngày mới đã bắt đầu lấp lánh trên mặt nước của những con kênh, Jeff nói. “Hãy cưới anh nhé, Tracy”. Tracy đã nghĩ mình hiểu nhầm ý anh, nhưng những lời đó được lặp lại Tracy thì thầm đáp, “Vâng. Ôi, vâng!”. Nàng òa khóc, vẫn nằm trong vòng tay che chở của Jeff. Mình sẽ không bao giờ cô đơn nữa, Tracy nghĩ. Chúng ta thuộc về nhau. Jeff là một phần trong tất cả những ngày mai của mình. Ngày mai đã đến. Một hồi lâu sau, Tracy cất tiếng hỏi. “Anh biết từ khi nào hả, Jeff “Từ lúc anh thấy em trong ngôi nhà đó và anh đã nghĩ là em sắp chết. Đầu óc anh rối bời cả lên”. “Em thì lại nghĩ rằng anh đã bỏ đi cùng với chỗ kim cương”. Tracy thú nhận. Anh lại ôm lấy nàng, “Tracy, việc anh làm ở Madrid không phải là vì tiền. Nó chỉ vì cuộc chơi - vì sự thách thức. Chính vì điều đó mà cả hai chúng ta đang trong cái nghề này, phải vậy không nào? Em được trao một việc khó đến mức không thể có khả năng giải quyết được, và rồi em bắt đầu băn khoăn liệu có đúng là không có cách nào, phải không”. Tracy gật đầu, “Em biết. Lúc đầu là em cần tiền. Và rồi thì không phải thế nữa, em đã cho đi có ít tiền đâu. Em thích giỡn mặt với những kẻ thành đạt và nhẫn tâm. Em thích sống trong những hoàn cảnh nguy hiểm, gay go nhất”. Im lặng hồi lâu, Jeff nói, “Tracy ... em nghĩ sao về việc chúng ta thôi cái nghề này đi?”. “Thôi ư? Vì sao cơ?”. “Trước đây thì mỗi chúng ta đều tự lập. Nhưng giờ thì tất cả đã thay đổi. Anh không thể nào chịu được nếu có chuyện gì xảy ra. Việc gì phải mạo hiểm thêm nữa nhỉ. Chúng ta có dư tiền cho sau này rồi mà. Tại sao ta lại không tự cho phép mình nghỉ ngơi?”. “Chúng ta sẽ làm gì, Jeff Anh nhoẻn cười. “Chúng ta sẽ tính một việc gì đó”. “Em nói nghiêm chỉnh đấy, anh yêu ạ, chúng ta sẽ tiếp tục sống thế nào?”. “Làm những gì mà chúng ta thích, em yêu Chúng ta sẽ đi du lịch, chiều theo những sở thích của nhau. Anh đã luôn bị quyến rũ bởi môn khảo cổ học. Anh muốn tiến hành một vụ khai quật ở Tunisia. Anh đã có lời hứa với một người bạn cũ. Chúng ta sẽ cùng nhau đi khắp thế giới”. “Nghe hấp dẫn quá”. “Vậy ý em thế nào?”. Nàng nhìn anh một lúc lâu. “Nếu đó là điều anh muốn”, Tracy khẽ đáp. Ành ôm choàng lấy nàng và cười lớn. “Anh phân vân liệu ta có nên gửi một loan báo chính thức cho cảnh sát không nhỉ?”. Tracy cũng bật cười theo. Cooper chưa bao giờ thấy những ngôi nhà cổ kính hơn thế. Đôi khi ông ta không chắc là mình đang cầu nguyện trước quỷ dữ hay trước Chúa nữa. Ông ta vào nhiều nhà thờ khác nhau và lần nào lời cầu khẩn của ông ta cũng vậy: Hãy cho con bắt cô ta phải đau đớn giống con vậy. Ngay hôm sau Gunther gọi điện thoại đến trong lúc Jeff ra ngoài. “Cô thấy thế nào?” Gunther hỏi. “Tôi thấy tuyệt vời”, Tracy thành thực đáp. Từ sau ngày biết chuyện xảy ra với Tracy, hôm nào Gunther cũng gọi điện tới. Tracy quyết định chưa nói với ông ta tin mới về Jeff và nàng, chưa vội. Nàng muốn ôm ấp nó một thời gian cho riêng mình, sống thử với nó, kiểm tra và nuôi dưỡng nó. “Cô và Jeff có hòa hợp không?”. Cô mỉm cười “Chúng tôi rất hợp nhau”. “Cô có nghĩ việc lại cùng làm việc với nhau nữa không”. Giờ thì nàng phải nói cho ông ta biết rồi. “Ông Gunther, ... chúng tôị., thôi không làm nữa đâu”. Có một giây lát im lặng. “Tôi không hiểu”. “Jeff và tôi, như người ta vẫn nói trong các bộ phim của James Cagney, từ giờ trở đi sẽ sống ngay thẳng”. “Cái gì? Nhưng ... vì sao?”. “Đó là ý kiến của Jeff và tôi cũng tán đồng. Chấm dứt các trò mạo hiểm”. “Hãy giả thiết tôi nói với cô rằng cái việc mà tôi đang dự tính đáng giá hai triệu đô la cho cáe bạn và không có gì mạo hiểm hết thì sao nào?”. “Tôi thấy thật tức cười, ông Gunther”. “Tôi nói nghiêm chỉnh đấv, cô bạn thân mến. Các bạn sẽ đi Amstesđam, cách nơi các bạn đang ở có một giờ đồng hồ, và ...”. “Ông sẽ phải tìm người khác thôi”. Ông ta thở dài. “Tôi sợ rằng không ai khác có thể làm được vụ này cả. Ít nhất cũng mong cô hãy bàn khả năng này với Jeff chứ?”. “Được thôi, nhưng chẳng có ích gì đâu”. “Chiều tôi sẽ gọi lại”. Khi Jeff trở về, Tracy đã nói chuyện lại. “Thế em không nói với ông ấy là chúng ta đã trở thành những công dân tôn trọng pháp luật à?”. “Dĩ nhiên, anh yêu, em đã bảo ông ta kiếm người khác”. “Nhưng ông ta không muốn thế”, Jeff đoán. “Ông ta cứ khăng khăng cẩn đến chúng ta. Nới là không hề mạo hiểm và chúng ta sẽ kiếm được hai triệu đô la”. “Dù cái thứ mà ông ta đang mang trong đầu là cái gì đi chăng nữa thì nó cũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt”. “Như ở bảo tàng Prado ấy”, Tracy nói thêm. Jeff cười. “Vụ đó thật tuyệt vời, trái tim ngọt ngào của anh ạ. Em biết không, anh nghĩ đó là lúc anh phải lòng em đấy”. “Em thì nghĩ rằng khi anh ăn cắp bức Goya của em là em bắt đầu ghét anh”. “.Hãy công bằng nào”, Jeff nhắc nhở. “Em đã bắt đầu ghét anh từ trước đó rồi”. “Đúng thôi. Vậy ta sẽ nói gì với Gunther?”. “Em đã nói rồi thôi. Chúng ta không còn trong đường dây đó nữa”. “Chẳng nhẽ mình không cần biết ông ấy dự tính gì à? “Ít ra là thế”. “Tracy, chúng ta đã thỏa thuận ...”. “Đằng nào mình cũng đi Amstesđam, đúng vậy không?”. “Đúng, nhưng ...”. “Vậy thì trọng khi ở đó, anh yêu quí, tại sao ta lại không nghe xem ông tả nói gì?”. Jeff nhìn nàng nghi hoặc. “Em muốn làm phải không”. “Tất nhiên là không”. Nhưng chỉ nghe thôi thì có sao đâu?”. Họ dùng ô tô đi Amstesđam vào ngày hôm sau và thuê phòng ở khách sạn Amstel. Gunther Hartog đã từ Lonđon bay tới. Họ ngồi với nhau như những du khách bình thường, trên một chiếc thuyền máy chạy dọc sông Amstel. “Tôi rất vui mừng trước đám cưới của các bạn. Gunther nói. “Xin có lời chúc mừng nồng nhiệt nhất”. “Cảm ơn ông: ông Gunther”. Tracy hiểu ông ta hoàn toàn chân thành. “Tôi tôn trọng mong muốn nghỉ ngơi của các bạn, nhưng tôi gặp “một vụ phức tạp đến mức thấy phải có được các bạn giúp đỡ. Phần đền đáp lại sẽ là một bài ca chim thiên nga đấy”. “Chúng tôi đang nghe đây”. Tracy nói. Gunther dướn người về phía trước và nói với giọng vừa đủ nghe. Kết thúc câu chuyện, ông ta nói. “Hai triệu đô la, nếu các bạn làm được”. “Không thể được”, Jeff thẳng thừng tuyên bố. “Tracy ...”. Thế nhưng Tracy không nghe tiếng. Nàng đang mải tính toán sẽ phải làm như thế nào. Bộ chỉ huy cảnh sát Amstesđam nằm ở góc cắt của hai phố Marnix và Eland Sgracht, là một tòa nhà cổ trang nhã cao năm tầng xây bằng gạch đỏ với một hành lang trắng toát đắp phù điêu ở tầng trệt và một cầu thang bằng đá hoa cương dẫn lên cáe tầng trên Trong một phòng họp ở trên gác đang có cuộc hội ý quan trọng với sự có mặt của sáu thám tử Hà Lan. Người nước ngoài duy nhất ở đây là Daniel Cooper. Thanh tra cảnh sát Joop van Duren là một người đàn ông cao lớn khác thường với một khuôn mặt rắn rỏi, bộ ria mép gọn ghẽ và giọng nói ồm ồm. Ông ta đang báo cáo với Toon Willems, Ủy viên thưởng cảnh sát, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thành phố. “Tracy Whitney đã đến Amstesđam sáng nay, thưa ông ủy viên trưởng. Interpol tin chắc rằng chính cô ta phải chịu trách nhiệm về vụ cướp kim cương của hãng De Beers. Ông Cooper đây cảm thấy rằng cô ta quay lại đây để mưu đồ một vụ khác”. Ủy viên trưởng cảnh sát Willems quay sang Cooper. “Ông có bằng chứng gì không, ông Cooper?”. Daniel Cooper không cần bằng chứng gì hết, Ông ta biết rõ Tracy Whitney, cả thể xác lẫn tinh thần, Lẽ tất nhiên là cô ta đến đây để thực hiện một vụ gì đó vượt quá khả năng tưởng tượng nhỏ bé của họ. Ông ta buộc mình phải giữ bình tĩnh. “Không có chứng cứ. Bởi vậy phải bắt quả tang cô ta”. “Vậy ông cho rằng chúng ta phải làm gì để đạt được điều đó?”. “Chỉ có cách không rời mắt khỏi người phụ nữ này thì mới hy vọng tóm được cô ta”. Ủy viên trưởng cảnh sát thấy khó chịu. Ông đã nói chuyện với thanh tra Trignant ở Paris về Cooper. “Ông ta rất thô cục, nhưng là người biết việc lắm, Nếu chúng ta chịu nghe ông ta, chúng ta sẽ bắt quả tang người phụ nữ có tên Whitney này”. Trignant nói vậy. Joon Willems đã có quyết định của mình, phần nào dựa trên cơ sở của thất bại tai tiếng của cảnh sát Pháp trong vụ kim cương của hãng De Beers. Ở chỗ mà cảnh sát Pháp thất bại thì cảnh sát Hà Lan sẽ thành công. “Rất tốt”, ông Ủy viên trưởng cảnh sát nói. “Nếu cô tiểu thư này tới Hà Lan để thử thách tính hiệu quả của cảnh sát chúng tôi, xin được tiếp đón cô ta”. Ông ta quay sang thanh tra Duren, “Hãy sử dụng mọi biện pháp mà ông Cooper cho là cần thiết”. Thành phố Amstesđam được chia thành sáu khu vực cảnh sát, mỗi khu chịu trách nhiệm trên địa bàn của mình Theo lệnh của thanh tra Joop Duren, các ranh giới khu vực bị bỏ qua và thám tử của các khu vực khác nhau được bố trí vào cá đội theo dõi. “Tôi muốn rằng cô ta bị nằm trong tầm quan sát 24 giờ mỗi ngày. Đừng để cô ta rời khỏi một giây nào cả”. Thanh tra Duren nói với Cooper. “Thế nào, ông Cooper, ông hài “lòng chứ?”. “Không, cho tới lúc tóm được cô ta”. “Chúng ta sẽ tóm”, viên thanh tra cam đoan. “Ông thấy đấy, ông Cooper, chúng tôi tự hào có một lực lượng cảnh sát tất nhất thế giới”. Amstesđam là thiên đường của khách du lịch, một thành phố của những cối xay gió, những đập chắn nước và những dãy nhà xinh đẹp kề nhau trên những bờ kênh cây lá sum suê, với những nhà thuyền trang điểm bằng những chậu cây, hoa cảnh và với cả những đồ giặt đang phơi, đung đưa trong gió. Dân Hà Lan là những con người hiếu khách nhất mà Tracy từng gặp. “Họ đều có vẻ hạnh phúc”, Tracy nói. “Em nhớ rằng họ vốn là người của hoa mà. Hoa tuy lip”. Tracy cười vang và khoác tay Jeff ở bên anh nàng cảm thấy sung sướng. Anh thật là tuyệt diệu. Jeff thì nhìn nàng và tự nhủ mình là người đàn ông may mắn nhất thế giới. Tracy và Jeff cớ những cuộc dạo chơi, thăm thú bình thường như bao du khách khác, Họ dạo dọc theo phố Albert Cuyp, một chợ trời kéo dài qua mấy khu phố đầy những sạp hàng bán đồ cổ, rau, hoa quả và vải vóc; họ lang thang qua quảng trường Dam nơi đông đảo thanh thiếu niên tụ lại xem các ban nhạc trình diễn; họ tới thăm Volendam, các làng chài xinh đẹp ở khu Zuider Zee và thắm thị trấn Madurodam - một Hà Lan thu nhỏ. Khi họ đi xe ngang phi trường Schiphol tấp nập, Jeff nói, “Cách đây không lâu, vùng đất sân bay này còn là một phần của Biển Bắc đấy. Schiphol nghĩa là Bãi tha ma của các con tù, em ạ”. Tracy nép vào anh. “Thế hả anh Thật thích thú khi được yêu một người nhiều hiểu biết”. “Em chẳng nghe gì bao giờ à. Hai mươi lăm phần trăm lãnh thổ Hà Lan là đất lấn ra biển. Và, xứ sở này thấp hơn mực nước tới gần năm mét đấy”. “Nghe sợ quá nhỉ”. “Đưng lo. Đã có những con đê biển kia rồi mà”. Tracy và Jeff đi tới bất kỳ đâu cũng bị cảnh sát bám theo và tối tối, Danlel Cooper lại xem xét tỷ mỉ các bản báo cáo được đệ trình cho thanh tra Duren. Không có gì bất thường cả, nhưng những nghi ngờ của Cooper không hề giảm xuống. Cô ta đang theo đuổi một vụ gì đây, ông ta tự nhủ, một vụ lớn. Không biết cô ta có phát hiện ra sự theo dõi không? Không biết cô ta có biết rằng mình sẽ tiêu diệt cô ta không? Theo chỗ cáe thám tử thì Tracy Whltney và Jeff Stevens chỉ đơn thuần là những khách du lịch. Thanh tra Duren đã nói với Cooper. “Có lẽ là ông nhầm chăng? Có thể họ đến Hà Lan chỉ để chơi bời, nghỉ ngơi thôi”. “Không”. Cooper bướng bỉnh đáp. “Tôi không nhầm đâu Hãy bám sát lấy”. Ông ta có cảm giác rằng thời gian đang sắp hết, rằng nếu Tracy Whitney không sớm có một động thái gì thì sự theo dõi của cảnh sát sẽ lại bị hủy bỏ. Không thể để điều đó xảy ra được. Daniel Cooper đích thân tham gia việc theo dõi Tracy. Tracy và Jeff đặt hai phòng thông nhau ở khách sạn Amstel. “Vì chuyện tập quán xã hội thôi”, Jeff nói với Tracy, “Còn anh sẽ không để em rời xa anh đâu”. “Hứa đấy nhé”. “ Đêm đêm Jeff ở với nàng cho tới lúc mờ sáng và bao giờ họ cũng làm tình cho mãl đến khuya. Anh là một người tình tuyệt vời, khi thì dịu dàng âu yếm, khi thì cuồng nhiệt hoang dại. “Đây là lần đầu tiên”, Tracy thì thầm, “Em mới thật sự biết thân thể mình dùng để làm gì. Cảm ơn anh, tình yêu của em”. “Em đã cho anh mọi khoái lạc, em yêu”. “Một nửa thôi chứ”. Họ đã cùng lang thang khắp cả thành phố, vẻ như không có mục đích gì. Ăn trưa” ở khách sạn châu u, ăn chiều tại nhà hàng Bowedery và đã ăn tất cả hai mươi tư món được phục vụ ở nhà hàng Bal1-Indonesia. Họ thưởng thức món xúp đậu nổi tiếng của Hà Lan cùng với khoai tây, cà rất và hành; và một món ăn khác chế biến từ mười ba loại rau cùng với xúc xích hong khói. Rồi họ đi qua khu vực “đèn đỏ” của Amstesđam, nơi những cô gái làm tiền phong phanh trong những bộ áo kimônô ngồi trên các cửa sổ trông ra phố, khoe những tấm thân ngồn ngộn. Và mỗi tối, trong các báo cáo đệ trình lên cho thanh tra Duren, phần kết thúc đều có chung một nhận xét Không có gì nghi vấn. Kiên nhẫn, Daniel Cooper tự nhủ. Hãy kiên nhẫn, Thể theo sự hối thúc của Cooper, thanh tra Duren đã tới gặp Ủy viên trưởng cảnh sát Willems để xin phép đặt máy nghe trộm vào các buồng khách sạn của hai đối tượng tình nghi. Yêu cầu này bị bác bỏ. “Khi nào các ông có cơ sở thực tế cho sự nghi vấn của mình”, ông Ủy viên trưởng cảnh sát nói, “thì hãy quay lại đây còn bây giờ tôi không thể cho phép các ông nghe trộm những người mà cho đến nay chỉ phạm cái tội là vào Hà Lan du lịch”. Cuộc nói chuyện diễn ra vào ngày thứ sáu. Sáng thứ hai. Tracy và Jeff đi đến phố Paulus Potter ở khu Coster, trung tâm của ngành công nghiệp kim cương Hà Lan Daniel Cooper là một thành viên trong dội theo dõi bám sát hai người. Có rất đông khách du lịch tới thăm Một hướng dẫn viên nói tiếng Anh dẫn họ đi quanh nhà máy giải thích từng công đoạn của quá trình cắt gọt kim cương và sau cùng đưa tất cả vào thăm một phòng trưng bày lớn nơi mà dọc theo các bức tường là những tủ trưng bày, đầy ngập kim cương mà du khách có thể mua. Dĩ nhiên đây là lý do chủ yếu của việc khách được dẫn đi thăm nhà máy. Ở gian giữa phòng trên một trụ cao màu đen, có bày một tủ kính trong đặt viên kim cương tuyệt hảo nhất mà Tracy chưa từng được thấy. Người hướng dẫn viên hãnh diện tuyên bố. “Và đây, thưa quý bà, quý ông, là viên kim cương Lucullan nổi tiếng. Nó đã từng được một diễn viến sân khấu mua tặng vợ, một diễn viên điện ảnh và hiện nó được đặt giá mười triệu đô la. Nó là một trong những viên kim cương đẹp nhất thế giới”. Thật đáng là mục tiêu chó những tay trộm cắp”. Jeff nói hơi to. Daniel Cooper dịch sát lên để có thể nghe rõ hơn. Người hướng dẫn viên mỉm cười thỏa mãn. “Không đâu” thưa ông”. Anh ta khẽ hất hàm về phía người bảo vệ có vũ trang đứng gần đấy. “Viên kim cương này còn được bảo vệ cẩn mật hơn cả những viên kim cương ở tòa thị chính London. Khơng hề có nguy cơ nào cả. Bất kỳ ai động vào hòm kính đó, lập tức gây tín hiệu báo động và tất cả các cửa sổ và cửa ra vào của căn phòng này sẽ được đóng lại ngay tức khắc. Về đêm sẽ có cáe luồng tia hồng ngoại, và nếu có ai đó vào phòng thì tín hiệu báo động sẽ phát ra ở trụ sở cảnh sát”. Jeff nhìn Tracy và nói. “Anh đoán chắc là không ai dám đánh cắp viên kim cương kia cả”. Cooper đưa mắt cho một trong số các thám tử. Chiều hôm đó những lời nói trên đã có trong bản báo cáo trình cho thanh tra Duren. Ngày hôm sau, Tracy và Jeff đi thăm bảo tàng Rijks. Ở cổng vào, Jeff đã múa một bản sơ đồ hướng dẫn rồi cùng Tracy đi qua hành lang lớn vào phòng khánh tiết trưng bày tranh của Angelleo, Murillo, Rubensơ, Van Dyck và Tiepolo. Họ đi chậm rãi, dừng ngắm từng bức tranh và rồi bước vào phòng treo bức tranh nổi tiếng nhất của Rembrandt “Phiên gác đêm”. Họ lưu lại đó. Và nữ thám tử hạng nhất Fien Haner, người đang theo dõi họ thầm kêu lên. “Ôi, lạy Chúa tôi ...”. Tên chính thức của bức tranh là Đội quân của Đại úy Frans Banning Cooper”. Nó miêu tả, với vẻ trong sáng và hài hòa, một nhóm binh lính đang chuẩn bị đi gác đêm, đưới sự chỉ huy của viên đại úy trong bộ quân phục diêm dúa. Khu vực xung quanh bức tranh được chằng một sợi dây thừng bện nhung, và gần đó là một người bảo vệ. “Thật khó tin”. Jeff nói với Tracy, “nhưng đúng là Rembrandt đã gặp rắc rối to với bức tranh này đấy”. Nhưng vì sao? Bức tranh thật kỳ diệu mà”. “Vị Mạnh thường quân của ông ta - viên đại úy trong bức tranh - đã không thích sự chú ý mà Rembrandt dành cho mấy nhân vật kia”. Jeff quay sang nói với người bảo vệ “Tôi hy vọng là bức tranh được bảo vệ cẩn thận”. “Vâng, thưa ông. Bất kỳ kẻ nào toan ăn cắp bất kỳ thứ gì trong bảo tàng này sẽ vấp phải các luồng tia hồng ngoại, các camêra bảo vệ, và về đêm thì còn có hai người gác kèm theo chó tuần tiễu”. Jeff nhoẻn cười. “Tôi cho là bức tranh này sẽ ở đây mãi mãi”. Chiều tối hôm đó, những lời trao đổi trên đã được báo cáo với ngài Duren. “Phiên gác đêm!” Ông ta kêu lên. “Thật không thể được”. Daniel Cooper chỉ nhìn trừng trừng vào ông ta bằng cặp mắt cận của mình: Tại trung tâm hội nghị Amstesđam. có cuộc họp mặt giữa các nhà sưu tẩm tem, và Tracy cùng với Jeff nằm trong số những người đến đầu tiên. Khu hội trường được canh gác nghiêm ngặt bởi lẽ ở đây có nhiều con tem vô giá Cooper và một thám tử Hà Lan theo dõi hai người đang dạo quanh những bộ sưu tập tem quý hiếm. Họ dừng chân trước con tem Guiana thuộc Anh, một con tem hình sáu cạnh màu sắc kém hấp dẫn. “Thật xấu xí”, Tracy nhận xét. “Đừng có xem thường nó, em yêu. Nó là con tem duy nhất thuộc loại này tồn tại đến bây giờ đấy”. “Nó đáng giá bao nhiêu?”. “Một triệu đô la”. Một nhân viên của triển lãm gật đầu. “Đúng vậy đấy, thưa ông. Người ta phần lớn chỉ nhìn mà không biết gì về nó. Nhưng tôi thấy ông cũng yêu quý những con tem này giống như tôi. Lịch sử cả thế giới in hình trong chúng đấy”. Tracy và Jeff đi sang tủ trưng bày tiếp theo và ngắm một con tem khác in hình một chiếc máy bay đang bay lật sấp. “Trông thật thú vị”. Tracy nói. Người nhân viên bảo vệ tủ tem nói, “Nó trị giá ...”. “Bảy mươi lăm ngàn đô la”, Jeff phỏng đoán. “Vâng, thưa ông. Chính xác đấy”. Rồi họ tiếp tục đi xem những con tem nổi tiếng khác và Jeff luôn tỏ ra am hiểu chúng. “Trông chúng nhỏ bé và yếu đuối quá”, Tracy nói, “và người ta dễ lấy trộm chúng lắm”. Người bảo vệ đứng bên mỉm cười. “Thưa cô, một tên trộm khó lòng làm được điều đó. Các tủ kính đều được bảo vệ bằng các thiết bị điện tử và lính gác tuần tiễu khu trung tâm hội. nghị suốt ngày đêm”. “Thế thì thật là yên tâm, Jeff sốt sắng. “Thời buổi này thì chẳng có sự cẩn thận nào là thừa cả, có phải không ạ”. Chiều hôm đó Daniel Cooper và thanh tra Joop van Duren cùng đến gặp Ủy viên trưởng cảnh sát Willems. Ông Duren đặt các báo cáo theo dõi lên bàn làm việc của ông Ủy viên rồi đứng đợi. “Không hề có gì chắc chắn ở đây cả”, sau cùng ông Ủy viên nói, “nhưng tôi thừa nhận rằng đối tượng tình nghi của các ông quanh quẩn bên các mục tiêu quý giá. Được, ông thanh tra. Tiến hành đi. Ông chính thức được đặt thiết bị nghe trộm vào các phòng khách sạn của họ”. Daniel Cooper đầy phấn chấn. Tracy Whitney sẽ không còn có gì riêng tư nữa. Từ lúc này trở đi ông ta sẽ biết tất cả những gì cô ta đang nghĩ, đang nói và đang làm.. Ông ta nghĩ đến hình ảnh Tracy và Jeff đang nằm trên giường với nhau, và nhớ lại cảm giác của cái quần lót của “Tracy áp lên má mình. Thật mềm mại, thật thơm tho, quyến rũ”. Chiều hôm đó, ông ta đi nhà thờ. Buổi tối, sau khi Jeffvà Tracy rời khỏi khách sạn, một nhóm kỹ thuật viên cảnh sát đã bắt tay vào việc ấy những thiết bị thu phát vô tuyến điện nhỏ xíu vào các phòng của Tracy và Jeff, giấu các thiết bị này sau các bức tranh, trong các đèn bàn, và dưới mấy cái bàn đêm. Thanh tra Joop van Duren đã trưng dụng căn hộ ở ngay tầng trên và kỹ thuật viên đã lắp một bộ máy thu kèm theo ăngten và một máy ghi âm. Thiết bị hoạt động dưới tác dụng của sóng âm thanh” tay kỹ thuật viên giải thích. “Không cần có mặt ở đây để điều khiển máy. Khi một ai đó cất tiếng nói, máy sẽ tự động làm việc”. Nhưng Daniel Cooper muốn có mặt. Ông ta phải có mặt ở đây. Đó là ý Chúa. Chương 33 Sáng sớm hôm sau, Daniel Cooper, thanh tra Joop van Duren và người trợ lý trẻ tuổi của ông ta, thám tử Witkamp, đã ở trong căn hộ phía trên lắng nghe câu chuyện ở phòng dưới. “Cà phê nữa không em?” Tiếng Jeff. Thôi, cảm ơn anh yêu”. Giọng Tracy. “Anh ăn thử miếng pho mát người ta đưa lên này. Nó thật sự hảo hạng đấy. Một lát im lặng. “Hừm, ngon tuyệt. Tracy, hôm nay em muốn làm gì nào? Chúng ta có thể dùng tắc xi đi Rotterđam đấy”. “Sao mình không ở nhà mà nghỉ ngơi nhỉ?”. “Nghe được đấy”. Daniel Cooper biết ý nghĩa của từ “nghỉ ngơi” lắm, và miệng ông ta mím lại. “Nữ hoàng đã tặng một ngôi nhà mới cho trẻ mồ côi đó em”. “Tất quá. Em nghĩ rằng người Hà Lan mến khách và hào phóng nhất thế giới này. Họ yêu tự do, họ ghét các luật lệ, các quy định này nọ”. Có tiếng cười. “Tất nhiên. Vì vậy cả hai chúng ta đều mến họ đến thế”. Một cuộc trò chuyện buổi sáng bình thường giữa hai người đang yêu. Họ thật sự thoải mái và dễ chịu với nhau, Daniel Cooper nghĩ. Nhưng cô ta sẽ phải trả giá. “Nhân nói tới chuyện hào phóng tiếng Jeff. “Em biết ai nữa đang ở khách sạn này không?” Ông bạn lánh mặt Maximllian Pierpont đấy. Anh đã lỡ dịp gặp ông ta trên tàu Nữ hoàng Elizabeth II. “Còn em thì lỡ dịp gặp ông ta trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông”. “Có thể là ông ta tới đây để cướp đoạt một công ty nào đó Giờ đây đã gặp lại ông ta, có lẽ chúng ta nên làm một vụ gì đó em nhỉ. Ý anh muốn nói là chừng nào ông ta còn đang làm hàng xóm của mình ấỵ .... Tiếng cười của Tracy. “Em còn muốn gì hơn thế nữa, anh yêu dấu”. “Anh biết chắc rằng ông bạn của chúng ta có thói quen mang theo bên mình những cổ vật vô giá, Anh có ý định rằng ...”. Một giọng nói khác, như giọng phụ nữ, vang lên. “Chào ông, chào bà. Ông bà có muốn phòng được dọn bây giờ không ạ”. Ông Duren quay sang thám tử Witkamp. “Tôi muốn có một độl bám sát Pierpont. Bất cứ lúc nào Whitney hoặc Stevens có bất kỳ một kiểu tiếp xúc gì với ông ta, tôi muốn được biết ngay”. Thanh tra Duren đang báo cáo vớl Ủy viên trưởng cảnh sát Tom Wil1ems. “Thưa ông, họ có thể bám theo bất kỳ một mục tiêu nào. Họ tỏ ra quan tâm nhiều tới một người Mỹ ở đây, người có tên là Maximllian Pierpont họ tham dự cuộc họp của những người chơi tem, họ tới xem viên kim cương Iuculian ở nhà máy gia công kim cương, và đã đành hai giờ đồng hồ với bức Phiên gác đêm. “Đánh cắp bứcPhiêng ác đêm” tôi Không. Không thể được”. Ông Ủy viên ngả người trên ghế, băn khoăn không biết có phải là đang phung phí. một cách ngớ ngẩn thời gian và nhân lực quý giá của mình không. Quá nhiều dự đoán và đều không đủ cơ sở thực tế. “Vậy là tới lúc này, ông vẫn không biết mục tiêu của họ là gì?”. “Đúng vậy, thưa ông Ủy viên trưởng. Tôi không đám chắc là bản thân họ đã quyết định gì chưa. Nhưng khi nào họ quyết định điều đó, họ sẽ báo cho chúng tôi ngay”. Willems cau mặt. “Báo cho các ông ư?”. “Dạ, những cái máy nghe trộm”, Duren giải thích “Họ không hề biết là đang bị nghe trộm mà”. Điểm đột phá đầu tiên của cảnh sát xảy tới vào lúc 9 giờ sáng hôm sau. Tracy và Jeff đang ăn sắp xong bữa sáng của họ. Tại vị trí nghe trộm ở tầng trên có mặt Daniel Cooper, thanh tra Joop van Duren và thám tử Witkamp. Họ nghe thấy cả tiếng cà phê đang được rót vào ly ở phòng dưới. “Tracy này, có một món hấp dẫn đây. Ông bạn của chúng ta đúng đấy. Em nghe nhé: Nhà băng Amro sắp chuyển 5 triệu đô la vàng khối cho công ty Đông Ản Hà Lan”. Ở căn phòng trên tầng trên, thám tử Witkamp thốt lên. “Không thể có cách nào ...”. “Suỵt”. Họ lắng nghe. “Em không biết 5 triệu đô la vàng khối thì nặng chừng bao nhiều nhỉ?”. Tiếng Tracy. “Anh có thể nói với em chính xác, em yêu ạ. Sáu trăm mười tám kilôgam, khoảng sáu mươi bảy thỏi vàng. Điều thú vị là ở chỗ vàng thì hoàn toàn vô hình. Em nấu chảy nó ra, vậy là nó có thể thuộc về ai cũng được. Tất nhiên là mang được những thỏi vàng đó ra khỏi đất Hà Lan cũng chẳng dễ dàng gì”. “Ngay cả nếu mình có thể làm được điều đó thì vấn đề là ở chỗ làm sao mà chiếm được chúng đã chứ? Khơi khơi đi vào nhà băng mà nhặt lấy à?”. “Đại khái là thế đấy”. Anh cứ đùa”. “Anh không bao giờ đùa giỡn với thứ tiền bạc loại đó cả. Sao chúng ta lại không tới nhà băng Amro mà nhìn ngó một chút nhỉ, Tracy? “Anh đã có ý đồ gì chưa”. “Trên đường đi anh sẽ nói”. Có tiếng đóng cửa. Thanh tra Duren vê vê những sợi ra mép. “Không. Họ không có cách nào động tới những thỏi vàng đó được. Chính tôi đã phê duyệt các biện pháp đảm bảo an ninh mà”. Cooper nói thẳng tuột. “Nếu có một khuyết tật nào đó trong hệ thống an ninh của nhà băng thì thể nào Tracy Whitney cũng sẽ phát hiện ra”. Thanh tra Duren cố kìm cơn giận. Thằng cha người Mỹ xấu xí này thật đáng ghét, ngay từ khi đặt chân tới đấy Thật khó lòng tha thứ cho thái độ trịch thượng của hắn. Thế nhưng thanh tra Duren là một cảnh sát mẫu mực, vả lại ông ta đã đượe lệnh là phải hợp tác với cái gã đàn ông nhỏ thó và kỳ quái này. Viên thanh tra quay sang Witkamp. “Tôi muốn anh tăng cường đội theo dõi. Ngay lập tức. Tôi muốn bất kỳ ai quan hệ với họ đều bị chụp hình và tra xét. Rõ chưa?”. “Vâng, thưa ông thanh tra”. “Và phải rất thận trọng đấy, tôi nhắc trước. Không được để họ biết là đang bị theo dõi”. “Vâng, thưa ông thanh tra”. Ông Duren nhìn Cooper. “Đó, ông cảm thấy yên tâm hơn chưa?”. Cooper không thêm trả lời. Trong năm ngày tiếp theo đó, Tracy và Jeff đã làm cho thanh tra Duren bận bịu suốt, còn Daniel Cooper thì thận trọng xem xét tất cả các báo cáo hàng ngày. Về đêm, khi các thám tử khác đã rời vị trí nghe trộm thì bao giờ Cooper cũng nán ở lại. Ông ta lắng im nghe cặp uyên ương làm tình với nhau ở căn phòng bên dưới. Khó mà nghe thấy gì, nhưng trong đầu ông ta như đang nghe tiếng Tracy rên rỉ đầy cảm khoái. Ôi, nữa anh yêu, nữa nữa. Ôi, Chúa ơi, em không thể chịu ... Nào, nào anh ...”. Tiếp theo là những tiếng thở gấp gáp và một sự im lặng êm dịu, mượt mà. Mi sẽ sớm thuộc về ta thôi, Cọoper nghĩ. Không kẻ nào còn có mi được nữa. Ban ngày, Tracy và Jeff đi riêng rẽ, và dù đi bất kỳ đâu họ đều bị cảnh sát bám theo. Jeffghé vào một hiệu in nhỏ và hai thám tử từ bên kia đường thấy anh ta có một câu chuyện đầy vẻ hào hứng với ông chủ hiệu. Khi Jeff tới, một trong hai thám tử bám theo, còn người kia vào hiệu in chìa thẻ cảnh sát có ba vạch chéo đỏ,. trắng và xanh da trời ra. “Người đàn ông vừa ra khỏi đây. Anh ta muốn gì?”. “Anh ta dùng sắp hết danh thiếp, muốn tôi in thêm cho anh ta”. “Đưa tôi xem mẫu nào”. Người chủ hiệu in đưa ra một mẩu giấy viết tay: CƠ QUAN AN NINH AMSTESĐAM CORNELIUS PHỤ TRÁCH ĐIỀU TRA. Hôm sau nữ thám tử Fien Hauer đã đứng đợi bên ngoài một cửa hiệu bán chim cá cảnh trên phố Leideeplein trong lúc Tracy đi vào trong. Mười lăm phút sau nàng trở ra và Fien Hauer vào hiệu chìa thẻ cảnh sát ra. “Người phụ nữ vừa rời khỏi đây, cô ta muốn gì?”. “Cô ta mua một bình cá vàng, hai con vẹt nhỏ, một con hoàng yến và một con chim câu”. Một việc thật lạ. “Ông muốn nói đó là một con chim câu bình thường, có phải không?”. “Vâng, nhưng không có cửa hiệu nào nuôi sẵn cả. Tôi bảo sẽ tìm cho cô ta sau”. “Ông sẽ gửi mấy con chim, con cá này tới đâu?”. “Tới khách sạn Amstel, nơi cô ta ở”. Ở phía bên kia thành phố, Jeff gặp viên phó chủ tịch của nhà băng Amro và đã nói chuyện riêng với ông ta chừng ba mươi phút. Khi Jeff rời khỏi nhà băng, một thám tử bèn đi vào văn phòng giám đốc. “Về người mới ra khỏi. Xin .cho biết vì sao anh ta tới”. Ông Wilson ấy à? Ông ấy là điều tra viên của công ty bảo vệ nhà băng, nơi chúng tôi đặt quan hệ. Họ đang chỉnh lại hệ thống an ninh của nhà băng mà”. “Ông ta có yêu cầu gì ông về các biện pháp an ninh hiện nay không?”. “Vâng, dĩ nhiên là có”. “Và ông đã nói hết với ông ta chứ?”. “Tất nhiên, nhưng trước tiện tôi đã cẩn thận gọi điện hởi trước về sự ủy thác cho ông ta rồi”. “Ông gọi cho ai?”. “Cho cơ quan an ninh, số máy được in trên chứng minh thư của anh ta”, Ba giờ chiều hôm đó, một chiếc xe tải bọc thép dừng bánh trước cửa nhà băng Amro. Từ bên kia đường, Jeff bấm máy chụp hình chiếc xe, trong khi từ một cái cổng gần đó, một thám tử khác đang chụp hình Jeff. Tại bộ chỉ huy cảnh sát ở Elandsgracht, thanh tra Duren đàng bày những bằng chứng tới tấp thu thập được lên trên mặt bàn làm việc của Ủy viên trưởng cảnh sát Toon Willems. A “Tất cả những thứ này có ý nghĩa gì vậy?” Ông Ủy viên hỏi với cái giọng khô và the thé. Cooper lên tiếng. “Tôi sẽ nói để các ông biết cô ta đang mưu tính gì”. Giọng ông ta đầy vẻ hằn học. “Cô ta đang mưu toan cướp xe vàng kia”. Họ nhìn ông ta chằm chằm. Ủy viên trưởng cảnh sát Willems nới. “Và tôi cho rằng ông cũng biết cô ta toan làm việc đó bằng cách nào chứ?”. “Đúng vậy”. Ông ta biết cái mà bọn họ không biết. Ông ta biết Tracy tới tận con tim và khối óc. Ông ta đã đặt mình vào trong Tracy để có thể suy nghĩ, tính toán rồl dự đoán mọi hành động của nàng. “Cô ta định dung một xe tải cải trang và ập đến nhà băng trước cál xe thật rồi cuỗm chỗ vàng mang đi”. “Nghe có vẻ thiếu tự nhiên lắm, ông Cooper ạ Thanh tra Duren xen vào. “Tôl không biết kế hoạch, của họ là gì, nhưng tôi quả quyết họ đang có một âm mưu gì đó, thưa ông Ủy viên trưởng. Chúng tôi có băng ghi âm các cuộc nói chuyện của họ mà”. Daniel Cooper chợt nhớ đến các âm thanh khác mà ông ta mường tượng thấy: những tiếng thì thầm ban đêm, những hiếng kêu khe khẽ và những tiếng rên rỉ đầy hoan lạc Cô ả giống như con chó cái đang động cỡn vậy. Hừ, ông ta sẽ tống cô ta vào một nơi mà không thằng đàn ông nào có thể sờ tới được nữa. Viên thanh tra tiếp tục nói. “Họ đã biết về các quy định của nhà băng. Họ biết thời điểm mà chiếc xe bọc thép kia tới nhận hàng và..”. Ủy viên trưởng cảnh sát xem kỹ lại bản báo cáo trước mặt. “Hai con vẹt, một con chim câu, cá vàng, một con hoàng yến - ông có nghĩ ba cái thứ này có mối quan hệ quái quỷ với vạ cướp kia không?”. “Không”, Duren đáp. “Có”, Cooper lên tiếng. Nữ thám tử hạng nhất Fien Hauer, trong bộ đồ xuềnh xoàng màu xanh nước biển bám theo Tracy Whitney dọc phố Prinsengracht và ngang qua cầu Magere. Khi Tracy sang tới bờ kênh bên kia thì Fien Hauer nhìn theo tuyệt vọng vì nàng bướe vào một buồng điện thoại công cộng và đứng nói chuyện tới năm phút đồng hồ. Gunther Hartog, từ đầu dây bên kia ở London đang nói. “Chúng ta éo thể tin cậy ở Margo, nhưng có lẽ nó cần có thời gian - ít nhất lả hai tuần lễ nữa”. Ông ta ngừng lời lắng nghe giây lát rồi tiếp. “Tôi hiểu. Khi tất cả đã sẵn sàng, tôi sẽ liên lạc với cô. Thận trọng nhé. Và cho tôi gửi lời thăm Jeff”. Tracy gác ống nghe và bước ra, gật đầu ra ý chào người phụ nữ trong bộ đồ màu xanh nước biển đang đứng chờ đến lượt ở ngoài. Trưa hôm sau, một thám tử báo với thanh tra Duren. Tôi đang có mặt ở hãng cho thuê xe vận tải Wolter. Jeff Stevens vừa thuê một xe tải ở đây”. “Loại xe gì?”. “Xe chuyên dụng, thưa ông thanh tra”. “Kiếm số liệu về kích thước xe ngay. Tôi sẽ chờ trên máy”. Ít phút sau, thám tử kia trở lại. “Tôi đã có chúng đây. Chiểc xe tải đó ...”. Thanh tra Duren cắt ngang. “Là một xe tải hạng vừa, dài sáu mét, rộng hai mét mốt, cao một mét tám, hai cầu”. “Vâng, thưa ông thanh tra. Làm sao ông biết ạ?”. “Không hỏi. Màu gì?”. “Xanh da trời”. “Ai đang theo Stevens hả?”. “Jacobs ạ”. “Tốt. Còn anh quày về đây ngay”. Joop van Duren gác máy, ngước nhìn Daniel Cooper. “Ông đúng đấy, trừ việc chiếc xe có màu xanh da trời”. “Hắn sẽ mang nó tới hiệu sơn xe mà”. Hiệu sơn xe thuộc một xưởng sửa chữa ô tô nằm trên đường Damrak. Hai người thợ đang xì một lớp sơn màu xám bạc lên chiếc xe tải, còn Jeff thì đứng gần đó. Từ một chổ khuất trên xưởng máy, một thám tử chụp những tấm hình nhờ ánh sáng tự nhiên. Một giờ sau các tấm hình đã nằm trên bàn thanh tra Duren. Ông ta đẩy chúng tôi tới trước mặt Daniel Cooper. “Nó đang được sơn màu giống hệt màu của chiếc xe thật. Ông biết đấy, giờ thì ta có thể tóm cổ chúng rồi”. “Vì tội gì mới được chứ? Vì đã đặt in mấy cái danh thiếp giả và sơn cái xe tải kia à? Cách duy nhất để có lời buộc tội chắc chắn là tóm cổ chúng vào đúng lúc chúng cuỗm chỗ vàng kia”. Thằng cha khốn kiếp cứ làm như hắn là người chỉ huy cơ quan cảnh sát này vậy. Duren tức tối. “Ông nghĩ bước tiếp theo của hắn là gì?”. Cooper thận trọng xem xét các bức ảnh. “Chiếc xe này không chịu nổi trọng lượng của ngần ấy vàng. Chúng sẽ phải làm lại thùng xe”. Đó là một cái xưởng sửa xe nhỏ cách xa mặt đường ở trên phố Muider. “Chúc ông một buổi sáng tốt lành. Tôi phục vụ gì cho ông được a?”, “Tôi sắp phải chở một ít sắt vụn bằng cái xe này”, Jeff giải thích. “Và tôi không dám chắc là sàn xe có thể chịu nổi. Tôi muốn gá thêm vào một ít thanh thép ngang. Ông làm được không?”. Ông thợ bước tới xem xét. “Được. Không khó khăn gì”. “Tôi có thể hoàn thành vào thứ sáu”. “Tôi đang hy vọng sẽ dùng nó vào ngày mai cơ đấy”. “Buổi sáng ư? Không thể. Tôi ...”. “Tôi sẽ trả gấp đôi”. “Thứ năm nhé”. “Ngày mai. Tôi sẽ trả gấp ba”. Ông thợ đưa tay xoa xoa cằm có vẻ nghĩ ngợi. “Mấy giờ ngày mai nào?”. “Buổi trưa”. “Được”. Ít giây sau khi Jeff rời khỏi xưởng, một thám tử tra hỏi ông thợ kia. Cũng trong sáng hôm đó, đội theo dõi Tracy đã bám theo nàng tới bến cảng trên kênh Schans, nơi nàng nói chuyện tới nửa giờ đồng hồ với chủ một con tàu hãng nhỏ. Khi Tracy bỏ đi, một trong số các thám tử bước lên tàu. Anh ta tự giới thiệu với ông chủ tàu, người đang nhấm nháp một ly rượu Gin lớn. “Người phụ nữ trẻ đó muốn gì?”. “Cô ấy và chồng định đi chơi trên các dòng kênh. Và đã thuê tàu của tôi một tuần lễ đấy”. “Bắt đầu từ bao giờ”. Thứ sáu. Đó là dịp nghỉ ngơi tuyệt vời. Nếu ông và vợ ông muốn ...”. Anh chàng thám tử đã quay đi. Con chim bồ câu mà Tracy đặt mua từ cửa hiệu chim và cá cảnh đã được chuyển tới khách sạn cho nàng trong một chiếc lồng xinh xắn. Daniel Cooper đến cửa hiệu đó và chất vấn người chủ hiệu. “Ông đã gửi cho cô ta con chim câu loại gì vậy?”. “Ồ, ông biết à, một con bồ câu bình thường thôi”. “Ông bảo đảm rằng nó không phải là một con chim đưa thư chứ?”. “Chắc chắn”. Ngứời đàn ông cười khùng khục trong cổ. “Lý do để tôi nói không phải là chim đưa thư là việc tôi tóm nó được đêm qua ở công viên Vondel mà”. Sáu trăm kilô vàng và một con chim cậu thường? Tại sao? Daniel Cooper băn khoăn. Năm ngày trước khi bắt đầu chuyển vàng từ nhà băng Amro, một đống hình đã được chất trên mặt bàn làm việc của thanh tra Duren. Mỗi tấm hình là một mắt xích đưa tới việc bắt giữ cô ta, Daniel Cooper nghĩ. Cảnh sát Amstesđam không có óc tưởng tượng, thế nhưng Conper phải cho họ thấy cái lợi của sự cẩn thận. Mọi hành động dẫn tới vụ phạm tội sắp xảy ra đểu được chụp hình và lên hồ sơ. Không có lối nào cho Tracy Whitney thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Sự trừng phạt đối với cô ta sẽ là sự cứu rỗi của mình. Cooper nghĩ. Hôm lấy chiếc xe tải mới sơn lại, Jeff lái nó đến một ga ra nhỏ mà anh đã thuê sẵn, kề khu Oude Zijds Kolk, một khu phố cổ kính nhất của Amstesđam. Người ta cũng chuyển tới ga ra này sáu thùng gỗ rỗng ngoài có in chữ THIẾT BỊ MÁY. Một tấm hình chụp các thùng gỗ này nằm trên mặt bàn thanh tra Duren trong lúc ông ta đang nghe lại cuốn băng ghi âm mới nhất. Tiếng Jeff.” Khi em lái từ nhà băng ra bến tàu, nhớ giữ trong tốc độ giới hạn. Anh muốn biết thời gian cần cho đoạn đường này là bao nhiêu. “Anh không đi cùng em à, anh yêu?”. “Không. Ánh sẽ bận lắm”. “Còn Monty thì sao?”. “Anh ta sẽ đến vào đêm thứ năm”. Thanh tra Duren hỏi. “Tay Monty này là ai vậy?”. “Anh ta có thể là người đóng vai người bảo vệ an ninh thứ hai”, Cooper đáp. “Chúng sẽ cần tới quân phục đấy”. Cửa hàng quần áo nằm ở phố Pieter Cornelisz Hooft, trong một khu trung tâm dịch vụ. Tôi cần hai bộ quân phục cho một buổi dạ hội hóa trang”, Jeff nói với người bán hàng. “Giống như bộ mà ông bày trong tủ kính cửa sổ kia kìa”. Một giờ sau thanh tra Duren đã đang xem tấm ảnh chụp bộ quân phục. Anh ta đặt mua hai bộ này. Anh ta nói với người bán hàng là sẽ đến lấy vào thứ năm”. Kích thước bộ quân phục thứ hai cho thấy rõ là dành cho một người to béo hơn Jeff Stevens rất nhiều. Viên thanh tra nới, “Ông bạn Monty của ta sẽ phải cao tới 1m90 và nặng chừng một tạ. Chúng ta sẽ yêu cầu Interpol đưa các số liệu này vào máy tính của họ”, ông ta nói với Daniel Cooper, “và chúng ta sẽ có nhận dạng của ông ta”? Trong cái ga ra riêng để thuê, Jeff đang vắt vẻo trên nắp xe, còn Tracy thì đang ngồi trên ghế lái. “Em sẵn sàng chưa?” Jeff gọi. “Nào”. Tracy nhấn một cái nút bấm trong bảng đồng hồ của buồng lái. Hai tấm bạt lớn được buông xuống hai bên thành xe, trên đó là dòng chữ BIA HEINEKEN HÀ LAN. “Được đấy, Jeff vui vẻ. BIA HEINEKEN HÀ LAN? Thanh tra Duren đưa mắt nhìn các thám tử tập hợp trong buồng làm việc của ông ta. Một loạt hồ sơ và hình ảnh được ghim lên khắp các bức tường. Daniel Cooper ngồi mãi tận cuối phòng, im lặng. Trong chừng mực quan tâm của Cooper thì cuộc họp này là một sự phung phí thời giờ. Ông ta đã dự đoán trước mọi hành động mà Tracy và nhân tình của cô ta sẽ thực hiện. Họ đã bước vào cái bẫy và cái bẫy đó đang khép kín lại Nhưng trong khi các thám tử đang có cảm giác hồi hộp mỗi lúc mỗi tăng thì Cooper lại thấy mơ hồ khó chịu. “Tất cả các chi tiết đều khớp đâu vào đấy”, thanh tra Duren tiếp tục nói. “Những kẻ tình nghi biết trước thời gian mà chiếc xe tải bọc thép kia phải tới nhà băng: Họ dự định đến sớm trước nửa giờ, đóng giả làm các nhân viên an ninh. Khi mà cái xe thật kia đến thì họ đã kịp chuồn?” Ông Duren chỉ vào bức hình chụp chiếc xe tải bọc thép. “Họ sẽ rời khỏi nhà băng trong một chiếc xe giống như thế này, nhưng sau một đoạn phố, trên một đường nhánh nào đó”, ông ta chỉ sang tấm hình chụp chiếc xe tải có dòng chữ BIA HEINEKEN. “Chiếc xe tải đột nhiên mang vẻ như thế này”. Một thám tử ngồi phía sau lên tiếng. “Họ sẽ mang vàng ra khỏi lãnh thổ chúng ta bằng cách nào, thưa ông thanh tra?”. Ông Duren chỉ vào tấm hình Tracy đang bước lên chiếc tàu hàng nhỏ. “Đầu tiên bằng con tàu này. Đất Hà Lan chằng chịt những kênh rạch đến mức họ có thể lạc lối ấy chứ”. Ông ta chỉ bức ảnh chụp từ trên không chiếc xe tải đang chạy dọc bờ kênh. “Họ đã chạy thử để xem từ nhà băng ra đến bến tàu mất bao nhiêu thời gian. Có thừa thời gian để đỡ vàng xuống tàu và rời bến trước khi ai đó nghi ngờ gì”. Ông Duren bước lại tấm hình cuối cùng chụp một chiếc tàu hàng. “Hai ngày trước đây, Jeff Stevens đã đặt thuê chỗ chở hàng trên chiếc Oresta, rơi bến Rotterdam vào tuần sau. Hàng của anh ta được lên danh mục là thiết bị máy, cảng đến là Hồng Kông”. Ông ta hướng mặt lại những người ngồi trong phòng. “Ồ thưa quý vị, chúng ta sẽ thay đổi một ít trong kế hoạch của họ. Chúng ta sẽ để ho chuyển vàng ra khỏi nhà băng trên chiếc xe tải của họ. Ông ta nhìn Daniel Cooper và mỉm cười. “Bắt quả tang. Chúng ta sẽ bắt giữ hai kẻ láu lỉnh này tại hiện trường”. Một thám tử đã bám theo Tracy đến chi nhánh điện tín Mỹ, nơi nàng nhận một gói hàng có kích thước trung bình rồi lập tức trở về khách sạn. “Không có cách nào để biết trong gói hàng đó có cái gì”, thanh tra Duren nói với Cooper. “Chúng tôi đã lục soát cả hai phòng của họ khi họ rời khỏi khách sạn, và không thấy gì mới trong đó cả”. Cái máy tính của Interpol đã không thể cung cấp thông tin gì về gã Monty nặng một tạ kia. Tại khách sạn Amstel, chiều tối thứ năm. Daniel Cooper, thanh tra Duren và thám tử Witkamp cùng có mặt lắng nghe các tiếng nới từ phòng bên dưới. Tiếng Jeff. “Nếu mà ta đến nhà băng đúng ba mươi phút trước chiếc xe kia thì điều đó sẽ cho chúng ta nhiều thời gian để xếp hàng lên rồi chuồn đi. Khi mà chiếc xe thật đến thì chúng ta đang chuyển vàng xuống tàu rồi”. Tiếng Tracy: “Em đã cho thợ máy kiểm tra lái chiếc xe tải và đổ đầy xăng. Sẵn sàng cả rồi”. Thám tử Witkamp lên tiếng, “Kể cũng đáng ngưỡng mộ. Họ không để mảy may cho cơ hội xấu nào xảy ra”. Sớm muộn gì họ cũng sẽ mắc sai lầm”, thanh tra Duren nói cộc lốc. Daniel Cooper im lặng, lắng nghe, Tracy, khi vụ này qua đi, em nghĩ thế nào về việc khai quật mà mình đã nói chuyện hả?”. “Vụ Tunisia ư” Nghe thú vị lắm, anh yêu ạ”. “Tốt. Anh sẽ thu xếp. Từ giờ trở đi ta không làm gì cả ngoài việc nghỉ ngơi và thưởng thức cuộc sống này”. Thanh tra Duren lầm bầm, “Tôi thì cho rằng trong hai mươi năm tới họ sẽ được chăm sóc chu đáo”. Ông ta đứng lên và vươn vai. “Ồ, tôi cho là chúng ta có thể ngủ được rồi. Mọi thứ sẽ được định đoạt vào sáng mai, và rồi tất cả chúng ta sẽ lại được ngủ ngon”. Daniel Cooper không thể nào ngủ được. Ông ta hình dung ra cảnh Tracy bị cảnh sát bắt giữ và như thể trông thấy nỗi khiếp sợ trên mặt nàng. Điều đó kích động ông ta. Cooper đi sang buồng tắm, mở nước nóng và thả người nằm vào bồn nước đang bốc hơi mù mịt. Chuyện đã sắp xong, và cơ ta sẽ phải trả giá, cũng như ông đã buộc các ả đàn bà khốn kiếp khác phải trả giá. Giờ này ngày mai, ông ta sẽ đang trên đường trở về nhà. Không, không phải là nhà Daniel tự chữa lại - trở lại căn hộ của mình. Còn nhà ư? Đó là cái nơi bình an, ấm cúng mà mẹ ông ta từng yêu dấu ông ta hơn bất kỳ ai khác trên thế gian này. “Con là người đàn ông nhỏ của mẹ”, bà nói: “Mẹ không biết sẽ ra sao nếu không có con”. Ông bố đã biến mất khi Daniel lên bốn và lúc đầu cậu ta luôn tự trách mắng mình, nhưng mẹ cậu đã giải thích rằng đó là vì một phụ nữ khác. Cậu đã thù ghét người phụ nữ khác kia vì cô ta đã làm mẹ cậu khóc. Cậu chưa bao giờ nhìn thấy cô ta nhưng cậu biết rằng cô ta là đồ đĩ thỏa bởi lẽ cậu nghe thấy mẹ gọi cô ta như vậy. Về sau này, cậu sung sướng vì người phụ nữ đó đã mang cha cậu đi, và cậu được có mẹ chỉ cho riêng mình. Những mùa đông ở Minesota đều lạnh giá và mẹ Danlelcho phép cậu được nằm cùng giường với những chăn nệm ấm sực. “Một ngày nào đó con sẽ cưới mẹ”. Daniel hứa hẹn và mẹ cậu cười vang, vuốt ve mái tóc cậu. Ở trường, Daniel luôn luôn đứng đầu lớp. Cậu muốn mẹ có thể tự hào về cậu. “Chị Conper, chị có cậu con trai thật sáng láng”. “Cảm ơn. Chẳng có ai thông minh như người đàn ông bé nhỏ này của tôi cả”. Khi Daniel lên bảy tuổi, mẹ cậu bắt đầu thường mời một người đàn ông hàng xóm, cao to, lông lá, sang nhà ăn cơm tối và Daniel bị ốm. Cậu nằm liệt giường với trận sốt dữ dội, và mẹ cậu đã hứa không bao giờ làm thế nữa. “Mẹ chẳng cần ai trên thế gian này ngoài con ra, Daniel ạ”, mẹ cậu nói. Không ai có thể sung sướng như Daniel. Mẹ cậu là người phụ nữ đẹp nhất thế giới này. Khi mẹ vắng nhà, Daniel thường lẻn vào phòng ngủ của mẹ và mở các ngăn tủ đựng quần áo. Cậu thường lấy mấy đồ lót của mẹ ra vả xoa xoa thứ tơ lụa óng ả đó lên má mình. Chúng có mùi thơm thật tuyệt diệu. Cooper đang nằm trong bồn nước ấm tại khách sạn Amstel, mắt nhắm nghiền, nhớ lại cái ngày khủng khiếp mà mẹ ông ta bị giết. Hôm đó là sinh nhật thứ mười hai của Daniel. Cậu được nhà trường cho về sớm vì bị đau tai. Cậu giả bộ như đau nhiều hơn, bởi lẽ muốn lúc về đến nhà, mẹ sẽ vuốt ve cậu và bế cậu lên giường, rồi cuống quít lên bên cậu. Daniel bước vào nhà, đi đến phòng ngủ của mẹ và thấy mẹ đang nằm trần truồng trên chiếc giường mà hai mẹ con vẫn thường nằm, nhưng không phải chỉ có một mình. Mẹ đang làm những điều mà cậu không thể nói ra được, với người đàn ông hàng xóm. Daniel đứng nhìn trong khi mẹ cậu mải hôn lên bộ ngực lông lá và cái bụng phệ kia, và rên rỉ, “Ôi, em yêu anh”. Và đó là điều khó nói ra nhất. Daniel chạy về phòng tắm của mình, nôn ọe lung tung ra khắp người. Cậu cẩn thận cởi quần áo và lau rửa sạch sẽ. Cái tai cậu giờ đây thật sự đau đớn. Cậu nghe thấy có tiếng nói ngoài hành lang và lắng nghe. Mẹ cậu đang nói. “Anh nên về đi, anh yêu. Em còn phải tắm táp và mặc quần áo. Daniel sắp từ trường về rồi. Em cần làm tiệc sinh nhật nó. Em sẽ gặp anh vào ngày mai, anh yêu ạ”. Có tiếng cửa trước đóng lại và tiếng nước chảy trong phòng tắm của mẹ cậu. Có điều người đó không còn là mẹ cậu nữa. Đó là một người đàn bà đĩ thỏa làm những điều dơ bẩn trên giường với bọn đàn ông. Cậu bước vào phòng tắm của mẹ và mẹ cậu đang ở trong bồn tắm, bộ mặt với vẻ đĩ thỏa tươi cười. “Daniel yêu quí! Kìa con”. Cậu cầm trong tay một cái kéo cắt vải to tướng. “Daniel ...” Miệng mẹ cậu há to, nhưng không hề có âm thanh nào cho đến lúc cậu đâm nhát lầu tiên vào ngực con người xa lạ đang trong bồn tắm kia. Cùng với tiếng kêu của mẹ là tiếng hét của cậu. “Đĩ thỏa! Đĩ thõa! Đĩ thỏa!”. Những tiếng hét hòa lẫn vào nhau cho đến sau cùng chỉ còn tiếng hét của cậu. “Đĩ thõa ... Đĩ thõa ...”. Máu tươi đầm khắp người. Cậu bước vào dưới vòi sen và tắm anh kỳ cọ cho đến khi thấy rát cả người. Người đàn ông kia đã giết mẹ câu, và người đó phải trả giá. Sau đó mọi việc diễn ra một cách thật chậm chạp và rõ ràng đến kỳ lạ. Daniel dùng một cái khăn lau sạch dấu tay trên chiếc kéo và ném nó vào trong bồn tắm. Cậu mặc quần áo và điện thoại cho cảnh sát. Hai xe đến ngay, với còi rú ầm ĩ, và rồi một xe nữa chở các nhân viên điều tra, họ hỏi Daniel, và cậu đã kể rằng cậu được nhà trường cho về sớm, rằng cậu nhìn thấy người hàng xóm Fred Zimmer, đi ra bằng cửa phụ. Khi họ tra hỏi người đàn ông kia, ông ta thú nhận là từ nhận của mẹ cậu, nhưng phủ nhận việc giết bà. Chính lời làm chứng trước tòa đã kết tội Zimmer “Khi từ trường trở về, cháu thấy người hàng xóm, Fred Zimmer, chạy ra cửa phụ à?”. “Thưa ông, vâng”. “Cháu nhìn có rõ không?”. “Thưa ông, rõ. Có máu đầy trên tay ông ta mà”. “Khi đó cháu làm gì, Daniel?”. “Cháu ... cháu sợ quá. Cháu biết rằng có chuyện gì đó khủng khiếp xảy ra với mẹ cháu rồi”. “Rồi cháu đi vào nhà chứ?”. “Thưa ông, vâng”. “Vậy rồi sao?”. “Cháu gọi to; mẹ ơi. Và không thấy tiếng trả lời, nên cháu đi vào phòng tắm của mẹ, và ...”. Tới lúc này, cậu bé nức nở và được dẫn ra ngoài. Fred Zimemer bị hành quyết vào mười ba tháng sau. Trong thời gian đó, cậu bé Daniel được gửi tới sống với một người bà con xa ở Texas, dì Mattie, mà tới lúc đó cậu mới được biết mặt. Dì là một người đàn bà khắc nghiệt, đầy tín ngưỡng mạnh mẽ và tin rằng ngọn lửa địa ngục luôn chờ thiêu đốt những kẻ có tội. Đó là một ngôi nhà không có tình yêu thương, niềm vui hay phiền muộn gì cả, và Daniel đã lớn lên trong bầu không khí ấy, khiếp sợ với tội lỗi bí mật của cậu và sự trừng phạt đang chờ đợi. Ngay sau cái chết của mẹ, mắt Daniel bắt đầu bị lệch. Các bác sĩ kết luận đó là một căn bệnh do thần kinh bị tác động quá mạnh. Các mắt kính cậu phải mang ngày càng dày hơn. Tới tuổi mười bảy, Daniel chạy trốn khỏi dì Mattie. Cậu đi nhờ xe tới New York, nơi cậu được nhận vào làm một chân chạy giấy của Hiệp hội bảo hiểm quốc tế. Chỉ trong vòng ba năm, cậu được đề bạt lên thành một điều tra viên, rồi trở thành thám tử giỏi nhất của hãng. Cậu không hề đòi tăng lương hoặc cải thiện điều kiện làm việc gì cả Cậu không nghĩ tới những thứ đó. Cậu là cánh tay phải của Chúa trời, là lưỡi gươm trừng phạt của người. Daniel Cooper ra khỏi bồn tắm và sửa soạn đi ngủ. Ngày mai, ông ta nghĩ. Mai sẽ là ngày con đĩ kia bị trừng phạt thích đáng. Ông ta lấy làm tiếc rằng mẹ mình không còn sống để thấy sự trừng phạt đó. Chương 34 AMSTRECDAM. Thứ sáu, 22 tháng Tám - 8 giờ. Daniel Cooper và hai thám tử túc trực tại vị trí nghe trộm đã nghe cuộc trò chuyện của Tracy và Jefftrongbữa sáng. “Uống cà phê không, Jeff?”. “Không, cảm ơn”. Daniel Cooper thầm nghĩ, đó sẽ là lần cuối cùng họ có thể ăn sáng với nhau. “Anh có hồi hộp về chuyện gì không”. Chuyến đi tàu trên kênh đấy”. “Hôm nay là một ngày trọng đại, thế mà em thì hồi hộp vì chuyến đi trên kênh ư”. Tại sao vậy?”. “Bởi vì chỉ có hai chúng ta. Anh có nghĩ là em bị điên không”. “Chắc chắn rồi. Còn chính em cũng là sự điên rồ của anh đấy”. “Hôn nhé”. Và tiếng họ hôn nhau. Cô ta sẽ phải sợ hãi chứ không phải là hồi hộp, Cooper nghĩ bụng. Mình sẽ buộc cô ta phải sợ hãi. “Dù sao thì em cũng thấy buồn khi phải dời khỏi đây Jeff ạ”. “Chúng ta đâu có còn là những kẻ non nớt gì trên cuộc đời này”. Tiếng cười của Tracy. “Anh nói ...”. Lúc 9 giờ sáng, câu chuyện của hai người vẫn tiếp tục và Cooper nghĩ họ sẽ cần phải sẵn sàng hành động. Họ sẽ phải xem xét lại kế hoạch một lần nữa ở phút chót. Còn thằng cha Monty kia thì sao nhỉ? Họ sẽ đón hắn ở đâu được? Tiếng Jeff. “Em yêu này, em sẽ cảm ơn người gác cửa một câu trước khi trả phòng chứ? Anh sẽ bận lắm đấy”. Tất nhiên rồi. Ông ta thật tuyệt vời. Tại sao không có những người gác cửa như thế ở Mỹ nhỉ?”. “Anh cho rằng đó chỉ là một tập quán ở u châu thời. Em có biết nó bắt đầu từ bao giờ không?”. “Không anh ạ”. “Ở nước Pháp, hồi năm 1927 vua Hugh cho xây một nhà ngục ở Paris và giao cho một nhà quý tộc trông nom. Nhà vua đặt tước hiệu cho ông ta là conte đes cierge hay concierge, có nghĩa là “bá tước của các ngọn nến”. Tiền lương của ông ta là hai đồng vàng và đám tro trong lò sưởi của nhà vua. Sau này, bất kỳ ai trong nom một nhà tù hay một pháo đài đều được gọi là concierge, và sau cùng, từ này chỉ cả những người trông nom trong các khách sạn”. Họ đang nói chuyện quái gì thế nhỉ? Cooper băn khoăn. Đã 9 giờ 30. Đã đến lúc họ phải đi rồi mà. Tiếng Tracy. “Đừng có kể cho em là anh biết chuyện đó từ đâu nhé - chắc anh từng cặp với một cô gác cửa xinh đẹp nào rồi”. Một gọng phụ nữ lạ. “Xin chào cô, chào ông”. Giọng Jeff. “Không cớ cơ gác cửa xinh đẹp đâu”. Giọng phụ nữ, hốt hoảng: “Tôi không hiểu chuyện gì cả”. Giọng Tracỵ: “Em cược rằng nếu có, chắc anh đã phát hiện ra họ ngay”. “Cái quỷ quái gì đang diễn ra ở dưới đó thể hả?”. Cooper hỏi. Một thám tử đáp, vẻ ngỡ ngàng. “Tôi không biết. Cô hầu phòng đang gọi điện báo cho người phụ trách phòng. Cô ta vào để quét dọn, nhưng nói là cô ta không hiểu chuyện gì cô ta nghe tiếng người nới, nhưng không thấy ai cả”. “Cái gì hả?” Cooper lao ra cửa và chạy như bay xuống cầu thang. Vài giây sau hai thám tử kia xông vào phòng của Tracy: Căn phòng trống rỗng trừ cô hầu phòng đáng bối rối. Trên bàn dùng để uống cà phê, một cái máy ghi âm đang chạy. Tiếng Jeff. “Anh nghĩ là anh sẽ uống lại cà phê. Có nóng không em?”. Tiếng Tracy: “A, ha ...”. Cooper và hai thám tử đứng nhìn chết trận, không tin vào mắt mình nữa. “Tôi ... tôi không hiểu”, một trong hai thám tử lắp bắp. Cooper quát lên, “Số máy gọi cảnh sát khẩn cấp là bao nhiêu?”. “22 - 22 - 22”. Cooper vội đến bên máy điện thoại và quay số. Tữ băng ghi âm tiếng Jeff vẫn vang lên, “Em thấy đấy, anh thực sự nghĩ rằng cà phê của bọn họ ngon hơn cà phê của ta. Không biết họ pha thế nào?”. Cooper thét vào máy. “Đấy là Daniel Cooper. Tìm ngay thanh tra Duren. Nói với ông ta rằng Whitney và Stevens đã biến mất. Yêu cầu ông ta cho kiểm tra ở ga ra kia xem cái xe tải của họ đã đi chưa. Tôi đang trên đường tới nhà băng”. Ông ta gác máy đánh rầm. Tiếng Tracy. “Anh đã bao giờ uống cà phê có đánh lẫn vỏ trứng ở trong đó chưa? Thật hoàn hảo”. Cooper đã ra khuất. Thanh tra Duren nói. “Ổn cả thôi. Chiếc xe tải đã rời ga ra của bọn chúng, đang trên đường tới đây”. Duren, Cooper và hai thám tử nữa đang ở vị trí chỉ huy của cảnh sát đặt trên nóc một tòa nhà cao tầng nhìn trực diện xuống nhà băng Ámro ... Viên thanh tra nói. “Có thể chúng đã đẩy sớm kế hoạch lên khi biết là chúng bị nghe trộm, nhưng cứ yên trí, ông bạn của tôi. Nhìn kìa? Ông ta đẩy Cooper tới bên chiếc ống kính nhìn xa đặt ở đó. Trận đường phố phía bên dưới, một người đàn ông trong bộ quần áo của người gác cổng đang chăm chú đánh bóng cái biển đồng mang tên nhà băng ... một người quét đường đang quét dọn ... một người bán báo đang đứng ở góc phố ... Tất cả đều được trang bị máy bộ đàm mini. Duren nói vào máy bộ đàm của ông ta. “Chốt A?”. Người gác cổng đáp, “Tôi nghe rõ, thưa ông thanh tra”. “Chốt B?”. “Tôi nghe ngài đây”.Câu trả lời phát ra từ người quét đường. “Chốt C?”. Người bán báo ngẩng đầu nhìn lên và gật đầu. “Chốt D?”. Ba công nhân kia ngừng tay, và một trong số họ nói vào máy. “Ở đây tất cả đều sẵn sàng, thưa ngài”. Viên thanh tra quay sang Cooper. “Đừng lo ngại gì hết. Vàng vẫn nằm yên trong nhà băng. Chỉ đến đây thì chúng mới có thể mó tới vàng. Ngay khi chúng vào nhà băng, cả hai đầu phố sẽ bị bịt lại, không có lối thoát nào cho chúng cả. Ông ta nhìn đồng hồ. “Chiếc xe tải sắp xuất hiện bây giờ lấy”. Bên trong nhà băng, không khí căng thẳng mỗi lúc một tăng. Các nhân viên đều đã được phổ biến, và những người bảo vệ được lệnh phải giúp đỡ vào việc chất hàng lên xe tải khi nó đến. Tất cả đều phải hợp tác thuận lợi. Các thám tử cải trang phía bên ngoài nhà băng vẫn tiếp tục làm việc, luôn quan sát đường phố để sớm phát hiện chiếc xe tải. Trên nóc nhà cao tầng. Thanh tra Duren đã hỏi đến lần thứ mười, “Thấy bóng dáng chiếc xe chết tiệt kia chưa?”. Thám tử Witkamp nhìn đồng hồ. “Chúng đã chậm tới mười ba phút rồi. Nếu chúng ...”. Chiếc máy bộ đàm lại hoạt động. “Ông thanh tra! Chiếc xe tải vừa xuất hiện? Nó đang chạy ngang đường Rozengracht, hướng về phía nhà băng. Trong vòng một phút nữa thì từ trên nóc nhà ông có thể trông thấy nó đấy”. Bầu không khí đột nhiên như bị tích điện. Thanh tra Duren nói nhanh vào bộ đàm. “Các đơn vị chú ý. Cá đang vào lưới. Hãy để chúng lọt vào hẳn đã”. Một chiếc xe tải bọc thép màu xám tiến tới cổng nhà băng và dừng lại. Trong lúc Coơper và Duren quan sát, hai người đàn ông mặc quân phục an ninh nhảy ra khỏi xe và đi vào nhà băng. “Cô ta đâu? Tracy Whitney đâu?”. Daniel Cooper kêu lên. “Không sao cả”, thanh tra Duren nói. “Cô ta sẽ không ở xa chỗ vàng đâu”. Và ngay cả như thế đi nữa, Daniel Coơper nghĩ, cũng không có gì quan trọng các băng ghi âm sẽ kết tội cô ta. Các nhân viên nhà băng, đầy hồi hộp, giúp hai người mặc quân phục kia chất các thanh vàng từ trong két sắt lên các xe đẩy và đẩy ra chỗ chiếc xe tải. Từ trên nóc nhà cao, Cooper và Duren chăm chú theo dõi mọi di động. Việc xếp hàng mất tám phút, Khi hai cửa sau của chiếc xe tải đã được khóa lại và hai người đàn ông kia chuẩn bị trèo vào buồng lái. Thanh tra hét vào máy bộ đàm. “Các đơn vị ập vào? Ập vào”. Sự hỗn loạn bùng lên. Người gác cổng, người bán báo, mấy người công nhân và một nhóm đông các thám tử khác lao tới chỗ chiếe xe tải bọc thép, vây lấy nó, sung lăm lăm trong tay. Tất cả các tuyến giao thông hướng tới đoạn phố này đều bị chặn lại. Thanh tra Duren quay sang Cooper và mỉm cười. “Với ông thế là đã quả tang chưa? Ta hãy kết thúc vụ này nhé”. Cuối cùng, vậy là xong! Cooper nghĩ. Họ vội vã xuống phố. Hai người đàn ông kia đang đứng úp mặt vào tường, tay giơ lên, bao quanh là các thám tử tay cầm súng. Daniel Cooper và Duren rẽ lối bước vào. Duren nói, “Giờ thì các anh có thể quay mặt lại được, Các anh đã bị bắt”. Hai người đàn ông quay lại, mặt tái xanh. Cooper và Duren giật mình nhìn họ. Hoàn toàn lạ mặt. “Các các anh là ai?” Thanh tra Duren hỏi. “Chúng tôi là nhân viên bảo vệ của cơ quan an ninh”, một trong hai người lắp bắp. “Đừng bắn. Xin đừng bắn”. Thanh tra Duren quay sang Cooper. “Kế hoạch của chúng có trục trặc”. Giọng ông ta giận dữ. “Chúng đã hủy bỏ rồi”. Có một cái gì đó tắc nghẹn trong cổ họng Daniel Cooper, và khi cất lời lên được, giọng ông ta tắc nghẹn. “Không. Không có gì trục trặc hết”. “Ông nói sao?”. “Chúng chưa bao giờ theo đuổi chỗ vàng này. Toàn bộ những bày đặt này chỉ là một cái bẫy để nhử chúng ta thôi”. “Không thể thế được! Tôi muốn nói đến chiếc xe tải, chiếc tàu chạy trên kênh, các bộ quân phục ... và chúng ta có những tấm hình ...”. “Ông không hiểu à? Chúng biết từ đầu là ta theo dõi chúng suốt thời gian qua mà”. Mặt thanh tra Duren trắng bệch ra. “Ôi, lạy Chúa tôi? Chúng ở đâu lúc này?”. Trên phố Potter ở khu Coster, Tracy và Jeff đang đi tôi nhà máy gia công kim cương Hà Lan. Jeff mang râu, ria mép giả và đã hóa trang khuôn mặt. Anh mặc bộ đồ thể thao, tay xách cái túi lớn. Tracy mang bộ tóc giả màu đen, dưới làn váy là cái bụng bầu tròn căng, mặt trát son phấn, mang kính đen, xách một cái valy cỡ lớn và một gói tròn tròn bọc trong giấy nâu. Hai người đi vào phòng tiếp khách và hòa vào đám đông các du khách đang lắng nghe người hướng dẫn viên nói. “Và bây giở, mời các quý bà, quý ông đi theo tôi. Các vị sẽ thấy các thợ cắt gọt kim cương của chúng tôi đang làm việc và sẽ có dịp mua được vài viên kim cương tuyệt đẹp”. Với người hướng dẫn đi trước, đám đông đi qua các cửa dẫn vào phía trong nhà máy. Tracy hòa vào họ, trong lúc Jeff tụt lại đằng sau. Khi đám khách khuất qua cửa, Jeff quay người đi nhanh xuống một đoạn cầu thang dẫn tới tầng hầm. Anh mở túi lấy ra bộ đồ bảo hộ lao động lem nhem, bước tới bên hộp cầu dao điện và đưa tay nhìn đồng hồ. Ở trên gác, Tracy cùng đám đông đi từ phòng này sang phòng khác trong lúc người hướng dẫn viên giới thiệu các công đoạn gia công khác nhau để có được các viên kim cương đẹp đẽ từ các viên kim cương thô nguyên thủy. Thỉnh thoảng Tracy lại liếc nhìn đồng hồ. Chương trình tham quan đã bị chậm năm phút so với kế hoạch và nàng chỉ ước ao người hướng dẫn viên hay đi nhanh hơn một chút. Sau cùng, vòng tham quan cũng kết thúc, họ đã tới phòng triển lãm. Người hướng dẫn viên bước tới bên cái bệ mà quanh nó chăng sợi dây thừng óng ả bằng nhung. “Trong hộp kính này”, anh ta tự hào cất tiếng, “là viên kim cương Lucullan, một trong số những viên kim cương quý nhất thế giới. Nó đã từng được một diễn viên sân khấu nổi tiếng mua tặng người vợ, một minh tinh màn bạc. Nó được định giá mười triệu đô la và được bảo vệ chu đáo bằng các thiết ...”. Ánh sáng vụt tắt. Ngay lập tức, chuông báo động réo vang và các tấm mành sắt đóng rầm rầm lại ở các cửa sổ và cửa ra vào, bịt chặt tất cả các lối ra. Một vài du khách sợ hãi hét lên. “Xin bình tĩnh?” Anh ta hét lên át tiếng ồn ào. “Không có gì đáng lo ngại hết. Đó chỉ là một sự cơ về điện. Trong giây lát máy phát điện dự phòng sẽ ...”. Ánh điện lại bật sáng. “Quý vị thấy chưa”. Anh ta trấn an họ. “Không có gì phải lo lắng cả”. Một khách du lịch người Đức chỉ những tấm mành sắt hỏi. “Kia là những cái gì?”. “Một đảm bảo an toàn”, người hướng dẫn viên giải thích, anh ta lấy trong túi ra một chiếc chìa khóa hình thù kỳ cục và cắm nó vào một cái khe nhỏ trên tường, xoay chìa. Các tấm mành sắt đang bịt kín cửa sổ và cửa ra vào được kéo lên. Máy điện thoại trên chiếc bàn kề đó đổ chuông và người hướng dẫn viên nhấc ống nghe. “Hendrik đây. Cảm ơn ông đội trưởng. Không, mọi thứ đều tốt đẹp. Một cú báo động nhầm thôi. Có thể là do chập điện. Tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay. Vâng, thưa ông”. Anh ta gác máy và quay lại nhóm khách. “Xin lỗi quý bà, quý ông. Không có cẩn thận nào là thừa với một viên kim cương quý giá như thế này. Bây giờ là dành cho những ai trong quý vị muốn mua một vài viên kim cương tuyệt đẹp của chúng tôi ...”. Ánh sáng lại phụt tắt. Chương báo động réo vang và một lần nữa các tấm mành sắt lại sập xuống. Một phụ nữ trong đám đông la lên. “Harry, chúng ta rời khỏi đây thôi anh ạ”. “Em có im miệng đi không, Olane?” Chồng cô ta càu nhàu. Ở tầng hầm bên dưới, Jeff đứng trước hộp cầu dao điện lắng nghe tiếng náo loạn của đám du khách phía trên. Anh đợi giây lát rồi lại đóng cầu dao. ở tầng trên, ánh điện lại bật sáng. “Thưa quý bà, quý ông”, người hướng dẫn viên gào lên, cố át tiếng ồn ào. “Đó chỉ là một trục trặc kỹ thuật”. Anh ta lại lấy chiếc chìa khóa ra, cắm vào cái khe nhỏ trên tường. Các tấm mành sắt lại được kéo lên. Chuông điện thoại reo vang. Người hướng dẫn viên vội chạy lại cầm ống nghe. “Hendrik đây. Không, thưa ông đội trưởng. Vâng. Chúng tôi sẽ sửa lại trong thời gian nhanh nhất có thể. Cảm ơn ông”. Một cánh cửa bật mở, Jeff bước vào, mang theo họp đồ nghề, cái mũ công nhân của anh hất ngược ra sau gáy. Anh đưa mắt kiếm người hướng dẫn viên. “Có gì vậy? Ai đó báo có sự cố trong mạch điện”. “Đèn lúc sáng lúc tắt”, người hướng dẫn viên giải thích. “Xem anh có thể sửa lại nhanh được không nào?” Anh ta quay sang phía các du khách và cố nở nụ eười trên mời. “Tại sao chúng ta không lại gần đây để quý vị có thể chọn lấy vài viên kim cương xinh đẹp với giá phải chăng nhỉ?”. Nhóm du khách bắt đầu đi vào phía các tủ kính trưng bày kim cương, Jeff tranh thủ lúc không ai để ý, lấy trong túi quần ra một vật nhỏ và quẳng nó vào sau trụ đô cái hòm kính đựng viện kim cương Lucullan. Một đám khói dày đặc bốc lên kèm theo những tia lửa. Jeff gọi người hướng dẫn viên. “Này! Có chỗ trục trặc kia kìa. Chạm mạch ở mạng điện dưới sàn”. Một nữ du khách kêu toáng lên. “Cháy!”. “Mọi người hãy bình tĩnh” Người hướng dẫn viên nói lớn. “Không việc gì phải hoảng hốt. Hãy cứ yên tâm”. Anh ta quay sang Jeff, giục giã. “Sửa ngay đi! Mau lên?”. “Không khó khăn gì” Jeff nói bình tĩnh. Anh bước lại gần sợi thừng nhung chăng quanh cái bệ trên đặt hòm kính. “Không được?” Người bảo vệ nói lớn. “Anh không thể đến gần nó được”. Jeff nhún vai. “Với tôi thì được thôi. Ông đi sửa vậy”. Anh quay người bước đi. Khói tràn ra ngày một dày đặc và mọi người lại bắt đầu hoảng hốt. “Gượm đã?” Người hướng dẫn viên năn nỉ. “Đợi một chút nào” Anh ta chạy lại bên điện thoại và quay máy. “Ông đội trưởng đấy à? Hendrik đây. Tôi buộc phải đề nghị ông tạm ngưng toàn bộ hệ thống báo động. Chúng tôi đang gặp phải một rắc rối nhỏ. Vâng, thưa ông”. Anh ta đưa mắt nhìn Jeff. Anh cần ngưng bao lâu hả? “Năm phút”. Jeff đáp. “Năm phút”, người hướng dẫn viên lặp lại vào máy. Anh ta gác máy. “Hệ thống báo động sẽ được ngắt sau đây mười giây. Hãy vì Chúa, mau lên nhé. Chúng ta chưa bao giờ ngắt hệ thống báo động cả”. Tôi chỉ có hai bàn tay thôi, ông bạn ạ”. Jeff đợi mười giây rồi bước vào bên trong những sợi dây thừng và tới gần cái bệ. Hendrik ra hiệu cho người bảo vệ có vũ trang kia, người ấy gật đầu và dán mắt vào Jeff. Jeff tỉnh bơ lúi húi làm việc ngay sau cái bệ. Người hướng dẫn viên bất hạnh quay sang nhóm khách. “Bây giờ, thưa các quý bà, quý ông, như tôi vừa nói, ở đây chúng ta có cả một bộ sưu tập những viên kim cương bán theo giá thỏa thuận. Chúng tôi chấp nhận thẻ mua hàng, séc du lịch. Anh ta cười cười, “và cả tiền mặt”. Tracy đang đứng trước dãy tủ kính. Nàng cất tiếng hỏi lớn. “Các ông có mua kim cương không?”. Người hướng dẫn viên nhìn nàng. “Cái gì ạ?”. “Chồng tôi là người đi tìm vàng. Anh ấy mới từ Nam Phí trở về và muốn bán những viên kim cương này đây”. Vừa nói, nàng vừa lật nắp chiếc vali hộp vẫn xách trên tay, nhưng vì có lẽ đang cầm úp sấp nên một số những viên kim cương lấp lánh chảy ào xuống rơi tung tóe khắp sàn. “Kim cương của tôi”. Tracy gào lên. “Giúp tới với”. Tất cả chìm trong giây lát im lặng rồi một sự náo loạn bùng lên. Đám đông lịch sự kia bỗng chốc hóa thành một lũ điên. Họ bò toài người ra sàn để nhặt kim cương, xô đẩy lẫn nhau. “Tôi vớ được vài ...”. “Vơ lấy một nắm đi, John”. “Buông ra, nó là của tôi ...”. Người hướng dẫn viên và người bảo vệ đứng chết lặng, không nói nên lời. Họ bị cái đám người tham lam kia đẩy bật ra một bên khi họ cuống cuồng vơ nhét những viên kim cương vào đầy túi quần túi áo. Người bảo vệ quát lên “Lùi lại! Ngừng ngay? Và chưa dứt lời đã bị xô ngã xuống sàn. Một nhóm du lịch người Ý bước vào, và khi hiểu ra chuyện, họ lao ngay vào cươc. Người bảo vệ cố nhỏm dậy để có thể phát tín hiệu báo động nhưng không thể được vì hên tục bị chen lấn, xô đẩy. Họ dày xéo lên eả người anh ta. Tất cả đột nhiên cứ như đến ngày tận thế vậy. Sau cùng, khi người gác loạng choạng đứng dậy được, anh ta vội vã lách qua đám đông hỗn loạn đến bên cái hòm kính đặt trên bệ, đứng nhìn nó trân trối, không tin vào mắt mình nữa. Viên kim cương Lueullan đã biến mất. Người phụ nữ có bầu và anh chàng thợ điện kia cũng không thấy đâu. Tracy trút bỏ hóa trang của nàng trong một phòng vệ sinh công cộng ở công viên Oster, cách nhà máy vài dãy phố. Mang theo cái bọc gói trong tờ giấy màu nâu, nàng bước lại cái ghế băng đặt trong công viên. Mọi việc đã diễn ra hoàn hảo. Nàng nghĩ tới đám đông chen lấn nhau để giành giật những hạt ziricon vô giá trị kia và bật cười. Jeff đang đi về phía nàng, trong một bộ complê màu xám sẫm; bộ râu và ria mép đã biến mất. Tracy vụt đứng dậy, Jeff bước lại bên nàng và mỉm cười. “Anh yêu em nhiều”, anh nói và đưa tay lấy viên kim cương Lucullan ra khỏi túi áo gilê, đưa cho Tracy. “Chuyển nó cho bạn của em đi, em yêu. Hẹn gặp lại em sau nhé”. Tracy trông theo, trong lúc Jeff thong thả bước đi, mắt nàng ngời sáng. Họ đã là của nhau. Họ sẽ đi trên hai chuyến máy bay khác nhau và gặp nhau ở Braxin, và sau đó họ sẽ ở bên nhau suốt cả quãng đời còn lại. Tracy ngó quanh để yên tâm rằng không có ai nhìn mình, rồi mở cái túi đang cầm trên tay. Trong đó là một cái lồng nhỏ nhất một con chim câu màu xám biếc. Ba ngày trước đây, khi nhận con này về khách sạn từ hang điện tín Mỹ, Tracy đã thả con chim câu kia khỏi cửa sổ vả nhìn nó vụng về bay đi. Giờ đây, Tracy lấy ra cái túi da nhỏ xíu và cẩn thận cho viên kim cương vào đó. Nàng tóm con chim ra khỏi lồng và thận trọng buộc cái túi vào chân con chim. Mảrgo, cô bé thông minh. Hãy mang nó về nhà nhé”. Không biết từ đâu, một cảnh sát mặc đồng phục chỉnh tề xuất hiện. “Ngồi yên? Cô cho rằng mình đang làm gì vậy hả?”. Tim Tracy thót lại. “Có ... gì rắc rối vậy, thưa ngài?”. Mắt ông ta nhìn chằm chằm vào cái lồng và ông ta bực tức nói. “Cô biết rắc rối gì rồi đó. Cho những con chim này ăn là một chuyện, nhưng bẫy chúng để nhất vào lồng là một hành động vi phạm pháp luật. Bây giờ cô hãy thả ngay nó ra trước khi tôi phải tuyên bố bắt giữ cô”. Tracy thở phào. “Tôi xin nghe lời ông, thưa ông sĩ quan”. Nàng tung con chim lên không. Một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt nàng trong lúc nhìn theo con chim câu đang bay vút lên cao, cao mãi. Nó lượn một vòng tròn rồi nhằm bay về London, 230 dặm về hướng Tây. Gunther đã bảo cô một con chim câu đưa thư trên đường về bay trung bình tới bốn mươi dặm một giờ; vậy là Marge, trong vòng sáu giờ nữa sẽ về đến chỗ ông ấy. “Đừng có bao giờ làm thế nữa”, viên cảnh sát cảnh cáo Tracy. “Tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa, thưa ông”, Tracy thành thật hứa. Cuối chiều hôm đó, Tracy có mặt ở sân bay Schiphol đang vào cổng để lên chuyến bay đi Braxin. Daniel Cooper đứng ở một góc xa chăm chăm nhìn nàng, ánh mắt đầy vẻ tức tối. Tracy đã đánh cắp viên kim cương Lucullan. Cooper biết vậy ngay từ lúc nghe tin này. Đó là phong cách của cô ta, táo bạo và giàu trí tưởng tượng. Thế nhưng không làm gì được cả. Thanh tra Duren đã cho người gác phòng triển lãm xem các tấm hình chụp Tracy và Jeff. “Không phải. Tôi chưa bao giờ thấy hai người này. Tên tội phạm kia có râu và ria mép còn má và mũi có vẻ béo hơn cô. Người phụ nữ mang những viên kim cương thì có bầu và mái tóc màu sẫm”. Cảnh sát cũng đã không hề thấy tung tích gì của viên kim cương. Thân thể và hành lý của Jeff và Tracy đều đã được khám xét kỹ lưỡng. “Viên kim cương nhất định còn ở Amstecđam”. Thanh tra Duren quả quyết với Cooper. “Chúng ta sẽ tìm thấy nó”. Không đâu, ông không thể - Cooper bực dọc nghĩ, Cô ta hẳn đã thay đổi những con chim câu. Viên kim cương đã bị mang ra khỏi lãnh thổ Hà Lan bằng một con chim đưa thư rồi. Cooper nhìn theo bất lực trong lúc Tracy đi ngang qua phòng đợi lớn. Nàng là kẻ tội phạm đầu tiên đã đánh bại ông ta. Vì nàng mà ông ta phải sa xuống địa ngục mất. Khi bước tới cổng vào để lên máy bay, Tracy ngập ngừng một khoảnh khắc, rồi quay lại nhìn thẳng vào mắt Cooper. Nàng biết rằng ông ta rình rập từng bước chân nàng trên khắp châu u, như một thứ hung thần báo oán vậy. Ở ông ta có cái gì đó kỳ dị, vừa khủng khiếp đe dọa, vừa thật thương tâm. Đột nhiên, không hiểu thế nào, Tracy cảm thấy buồn cho ông ta. Nàng khẽ vẫy tay từ biệt trước khi quay người bước đi. Daniel Cooper bất giác sờ tay vào lá đơn xin thôi việc bỏ trong túi áo ngực mình. Đó là chiếc 747 sang trọng của hãng Pan American, và Tracy ngồi trong số ghế 4B bên lối đi ở khoang hạng nhất. Nàng thấy hồi hộp lạ thường. Chỉ ít giờ nữa nàng sẽ được bên Jeff. Họ sẽ làm đám cưới ở Braxin. Thôi những trò mạo hiểm - Tracy nghĩ thế nhưng mình sẽ nhớ những chuyện đó biết bao. Nhưng cũng chẳng sao mình biết chắc thế. Chỉ trở thành bà Jeff Stevens là cuộc sống của mình đã đủ sung sướng làm rồi. “Xin thứ lỗi”. Tracy ngước nhìn lên một người đàn ông béo mập, trạc tuổi trung niên, đầy vẻ phóng đãng đang đứng bên nàng. Ông ta chỉ cái ghế bên cửa sổ. “Đó là chỗ của tôi cô bé”. Tracy quay nghiêng người để ông ta có thể đi qua chỗ nàng. Và vì chiếc váy ngàn nàng đang mặc hơi bị co lên, ông ta đưa mắt nhìn cặp chân nàng vẻ thích thú. “Hôm nay đẹp trời quá nhỉ?” Giọng ông ta đầy vẻ khêu gợi. Tracy quay đi. Nàng không hề có hứng thú bắt chuyện với một khách đồng hành nào cả. Nàng còn bao nhiêu điều muốn nghĩ tới - cả một cuộc sống mới mà. Họ sẽ ổn định cuộc sống ở đâu đó và sẽ trở thành các công dân kiểu mẫu, thành ông bà Jeff Stevens đáng kính trọng. Ông khách ngồi bên dùng cùi tay huých nhẹ vào nàng. “Vì rằng chúng ta sẽ ngồi bên nhau suốt cả chuyến đi này, cô bé ơi, tại sao cô và tôi lại không làm quen nhau nhỉ? Xin tự giới thiệu, tôi là Maximilian Pierpont”. Dịch Thuật: Nguyễn Bá Long Hết Người Lạ Trong Gương Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Mở Đầu Tháng Mười Một, 1969. Buổi sáng hôm thứ bảy cuối tháng Mười một năm cuối cùng của thập niên sáu mươi thế kỷ XX ấy, có nhiều việc lạ lùng xẩy ra trên chiếc tàu khách sang trọng chạy đường biển khi nó chuẩn bị rời New York để bắt đầu cuộc hải hành xuyên Đại Tây Dương tới Le Havre, châu u. Đó là tàu S.S Bretagne của Pháp, trọng tải ngót sáu chục ngàn tấn. Trưởng ban điều hành Claude Dessard đã gắn bó với Bretagne ngót hai mươi năm nay và chưa từng bó tay trước một tình huống nào xẩy ra trên tàu, dù bất ngờ hoặc nghiêm trọng tới đâu, thì lần này, chẳng những tay chịu bó mà cả đầu óc ông cũng dường như tê liệt, mụ mị, chẳng phán đoán mà cũng chẳng giải thích được gì. Niềm an ủi duy nhất của ông là sau đó, ngay cả cảnh sát Pháp, Mỹ, rồi cả Interpol, dư thừa điều kiện và thời gian điều tra mà cuối cùng cũng đành gác vụ việc lại. Báo chí cả thế giới được phen ầm ĩ, vì những người gây ra những chuyện lạ lùng kia đều không những nổi tiếng về nhiều mặt mà lại nổi tiếng đã từ rất lâu, và dư luận luôn khát khao biết về họ nhiều hơn. Song ầm ĩ thì cứ ầm ĩ vậy thôi, tấm màn bí mật vẫn hoàn toàn che phủ. Rồi Claude Dessard bỏ tàu Bretagne, bỏ chức quản lý, bỏ luôn cả nghề đi biển, mở một quán rượu nhỏ ở tại Nice, một thành phố nghỉ mát nổi danh ở miền Nam nước Pháp. Khách hàng của ông ngày càng đông, song không phải vì rượu hay đồ ăn ngon, mà vì muốn được nghe tận tai do một người được chứng kiến tận mắt kể về những sự kiện lạ lùng xẩy ra trên con tàu Bretagne vào cái ngày cuối tháng Mười Một của năm 1969 ấy. Sự việc, theo Dessard, bắt đầu từ khi lẵng hoa của Tổng thống Mỹ được chuyển lên tàu, một giờ trước khi nhổ neo. Lẵng hồng trắng được một người bận comple đen bước ra từ chiếc Limousine đen trao tới tay sĩ quan trực ban tàu Bretagne, Alain Safford, rồi qua tay sĩ quan Janin trước khi tới đúng địa chỉ. Sau đó, Janin báo cáo với Dessard: “Tôi nghĩ ngài cần phải biết. Hoa của Tổng thống Mỹ gửi tặng quý bà Temple.” Jill Temple! Dessard đã quá quen với các tên, và cả gương mặt bà ta, bởi suốt năm qua, tên bà, hình bà đã liên tục xuất hiện trên trang nhất các nhật báo hoặc trang bìa các tạp chí xuất bản tại các thủ đô lớn trên khắp thế giới. Và trong một cuộc thăm dò gần đây bà đã đứng đầu danh sách những phụ nữ được thế giới ngưỡng mộ. Rất nhiều cháu gái chào đời được mang tên thánh Jill. Nghị lực, lòng quả cảm và cuộc chiến đấu vĩ đại mà bà, thoạt tiên chiến thắng nhưng cuối cùng vẫn thất bại, đã khiến loài người nín thở theo dõi. Đó quả là thiên chuyện tình có một không hai. Vốn không ưa người Mỹ lắm nhưng với bà Jill Temple, Dessard tự cho phép mình xoá bỏ mối ác cảm kia, và thầm hứa sẽ cố gắng ở mức cao nhất để bà phải nhớ mãi những ngày vượt Đại Tây Dương trên con tàu Bretagne do ông điều hành này. Gạt hình ảnh bà khách đặc biệt sang bên, Dessard cẩn thận xem xét thêm lần nữa danh sách hành khách. Liên tục, ông bắt gặp những cái tên đặc Mỹ, mà kèm theo đó là cái ghi chú viết bằng chữ Hoa - VIP, một cách gọi tắt mà Dessard chẳng mấy ưa, bởi nó ám chỉ không mấy tế nhị rằng ta đây là nhân vật quan trọng. Người Mỹ dường như ham thích cái sự khoe khoang đó. Dessard dừng mắt ở cái tên bà vợ một nhà công nghiệp giàu có, chị đi du lịch một mình; rồi ông sục tìm một cái tên khác và gật đầu với vẻ hài lòng xen lẫn am hiểu khi thấy nó: Matt Ellis, ngôi sao bóng bầu dục, người da đen. Ông còn bắt gặp cái tên của một thượng nghị sĩ Mỹ khá tiếng tăm và tên một vũ nữ thoát y thường được báo chí nhắc kèm với nhau, nay thuê hai buồng cạnh nhau trên tàu. Rồi Đavi Kenyon, rám nắng, đẹp trai, tiền như núi, ít nói và oai vệ, khách cũ của Bretagne. Dessard đánh một ký hiệu nhỏ sau cái tên kenyon để nhớ xếp ông ta ngồi ở bàn ăn cùng thuyền trưởng. Còn nữa, đây là Clifton Lawrence, đặt vé vào phút cuối cùng. Xưa thì chả nói, ngay lập tức Dessard sẽ xếp ông ta vào bàn thuyền trưởng, và cả bàn ăn sẽ liên tục vang lên những trận cười bởi cái kho truyện vui của ông ta. Clifton gắn đời mình vào sân khấu và từng có thời cùng lúc là đại lý của vô số các ngôi sao. Tiếc thay, ánh hào quang đã tắt và nay, thay vì thuê cả lô phòng dành cho bậc vua chúa như xưa kia, ông ta chỉ thuê một phòng đơn, khoang dưới, tuy vẫn hạng nhất. Cư xử thế nào với ông ta là cả vấn đề đây. Thôi, cứ đặt tạm sang bên đã. Còn ai VIP không nào? Cũng còn đấy. Vài người dòng dõi hoàng tộc, một ca sĩ opera tiếng tăm, một nhà văn từ chối nhận giải thưởng Nobel... Có tiếng gõ cửa gấp gáp. Rồi lao động Antoine bước vào, vẻ e dè hiện lên cả trên gương mặt lẫn trong giọng nói: “Thưa, ngài ra lệnh khoá cửa phòng chiếu phim?”. Dessard hơi nhíu mày không hiểu: “Tôi lại ra cái lệnh lạ thế ư?”. Antoine ngơ ngác: “Còn ai dám nữa? Mấy phút trước, tôi đi xem xét lại mọi việc lần cuối cùng thì thấy các cửa ra vào phòng chiếu đều khoá, song lại nghe như có tiếng máy chiếu phim đang chạy trong đó”. Dessard lắc mạnh đầu: “Không ai chiếu phim khi tàu đang neo ở cảng. Và cũng không ai cho phép khoá các cửa ra vào đó cả. Tôi sẽ lưu ý việc này”. Giá đang rảnh rỗi, hẳn Dessard sẽ tới đó ngay nhưng ông hiện đang ngập đầu vào công việc, mà việc nào, theo ông, cũng quan trọng hơn nhiều lần cái phòng chiếu đó, nhất là khi chỉ còn một giờ nữa là Bretagne khởi hành. Nào là phải đếm số đôla Mỹ mà ông trực tiếp nhận, nào là căn phòng sang trọng nhất trên tàu bị đặt trùng chỗ tới hai lần, nào quà cưới mà thuyền trưởng Montaigne đặt làm quà tặng lại bị chuyển nhầm địa chỉ... Không, chưa phải lúc này, cái phòng chiếu đó. Nhưng nào người ta có để ông yên. Người gõ cửa và bước vào lần này là Léon, nhân viên phục vụ trên boong. Thấy vẻ sốt ruột của Dessard, anh ta nói ngay:”Thưa, có chuyện liên quan đến bà Temple”. Vẻ phòng bị lập tức xuất hiện trên gương mặt Dessard khi ông ngẩng phắt lên: ”Chuyện gì?”. “Tôi đi ngang cửa phòng bà ấy, thấy vang ra mấy giọng đối đáp và cả tiếng la thét. Nghe như có câu Ông giết tôi. Ông giết tôi rồi...Tôi không dám vào, nên phải chạy đến báo ngài biết”. “Giá như ai cũng biết hành xử như anh. Tôi sẽ tìm hiểu ngay để biết không có sự việc gì đáng tiếc đã xẩy ra. Về làm việc tiếp đi. Cảm ơn anh”. Cái này thì không thế nấn ná. Ông đội mũ, liếc nhanh qua tấm gương và vừa dợm chân bước ra thì tiếng chuông điện thoại bỗng đổ dồn, thúc bách. Ông nhấc máy: “Dessard xin nghe”. “Claude,” ông nhận ra giọng viên thuyền phó thứ ba. “Hãy cho người tới phòng chiếu phim, thật nhanh. Máu lênh lắng khắp”. Cảm giác như bị ai đám mạnh vào bụng, giọng ông nghẹn lại. “Tôi làm ngay đây”. Cắt cử người xong, ông quay số máy hỏi viên bác sĩ trên tàu, cố giữ giọng bình thường. “André phải không? Claude đây. Này, sức khoẻ hành khách nói chung có gì đặc biệt không? À, tôi đang lo có một người...Không, không phải chuyện say sóng. Người này có thể bị thương, và có thể nặng đấy. Được, tôi tin ở anh. Cảm ơn anh...”. Ông đặt máy, bồn chồn đi tới lô phòng của bà Temple. Nhưng lại có một chuyện xảy ra khiến ông phải dừng lại. Đặt chân lên boong, ông bỗng cảm thấy mình như hơi mất đà. Quả nhiên, con tàu Bretagne, khi đang được dắt lùi để tới ngọn hải đăng Ambrose sẽ tháo dây khỏi tàu kéo để quay hướng ra biển khơi và bắt đầu cuộc hành trình, thì nay bỗng dừng lại. Dường như chưa bao giờ có hiện tượng này. Dessard vội bước tới sát lan can cúi đầu nhìn xuống, thì thấy chiếc tàu dắt đang áp mạn vào cửa hầm khoang chứa hàng của tàu Bretagne và có mấy thuỷ thủ đang chuyển hành lý sang đó. Cùng lúc, ông thấy một hành khách cũng bước theo sang. Vừa nhìn từ trên cao, vừa chỉ thấy đằng lưng nên ông chỉ có thể đoán là ai, song ông cho là mình đoán nhầm. Nếu đó đúng là một khách đi tàu thì việc rời tàu theo cung cách này quả là đặc biệt, và báo hiệu tin xấu hơn là tin tốt. Ông xoay người và đi như chạy về lô phòng của bà Temple. Ông gõ cửa, mạnh và dồn dập, nhưng không có tiếng thưa. Ông xưng danh, xưng cả chức trách, vẫn không có lời đáp. Và thế là linh tính lập tức mách bảo ông đã có chuyện không hay xảy ra với người đàn bà nổi tiếng này. Bị giết? Bị khống chế? Bị bắt cóc? Và có thể, biết đâu, bị cưỡng hiếp, cộng thêm nhục hình? Trong cái thế giới đảo điên này điều gì mà không thể xảy ra? Ông xoay nắm đấm, mừng vì thấy cửa không khoá, song vẫn dè dặt khi mở ra và sững sờ khi thấy bà Temple đứng bất động trong góc phòng, như bức tượng, hoặc như xác chết được dựng dậy. Bà không nghe thấy ông gõ cửa, ông gọi, và cũng không hề biết ông đã mở cửa, đã bước vào? Dessard đang lúng túng xem nên cất tiếng hỏi hay nên lùi ra thì bỗng giật bắn mình vì một tiếng kêu đau đớn, như tiếng con thú bị thương, ré lên. Hoảng sợ vì tiếng kêu ấy, và cả vì sự bất lực của chính mình, ông nhón chân lui ra, khẽ khàng khép cửa lại. Đầu óc trống rỗng, Dessard lê chân đến phòng chiếu phim và thấy người lao công đang lau những vết máu trước cửa phòng. Lạy Chúa, còn chuyện gì nữa đây? Ông tự hỏi, mở bung cánh cửa ra, bước vào căn phòng rộng rãi có sức chứa trên sáu trăm người. Không có ai. Ông đi lên phòng máy. Cửa khoá. Chỉ hai người có chìa khoá phòng này là ông và người thợ máy chiếu. Ông mở khoá và đẩy cửa ra rồi lập tức đi tới hai chiếc máy, đặt tay lên chúng. Một chiếc vẫn còn ấm. Ông đi tìm người thợ máy chiếu và đầu óc càng rối bời khi nghe anh ta nói như thề rằng không hề biết có chuyện gì đã xảy ra ở phòng chiếu phim. Khi quay về phòng mình, ngang qua khu bếp, Dessard bị người đầu bếp ngăn lại, nói với ông bằng một giọng cáu kỉnh. “Ai đã gây ra chuyện này, ông biết không? Nếu không biết thì phải tìm cho ra chứ”. Nhìn theo tay anh ta, Dessard thấy trên chiếc bàn kê ở chính giữa phòng ăn là một chiếc bánh cưới nhiều tầng lộng lẫy. Tầng trên cùng là hình cô dâu chú rể nặn rất đạp bằng kẹo màu hồng. Nhưng bàn tay thô bạo nào đó đã vò nát đầu cô dâu. “Và tôi hiểu rằng,”, Dessard gật gù kết luận với đám khách trong quán rượu của ông đang há hốc mồm nghe, “một chuyện chết người sắp xảy ra”. Chương 01 Năm 1919, chiến tranh thế giới lần thứ Nhất vừa kết thúc được hai năm. Detroit thuộc bang Michigan được coi là một trong những thành phố công nghiệp phát triển nhất nhì toàn cầu. Không còn lo cung cấp xe tăng, máy bay cho các đồng minh tận châu u xa xôi, nay các hãng xe hơi của Detroit chỉ còn tập trung sản xuất, nâng cao, hoàn thiện sản phẩm chính của mình để nhanh chóng sau đó, mỗi ngày, hàng ngàn chiếc xe được xuất xưởng, chở tới khắp thế giới, nơi người tiêu dùng khao khát nó. Ngược lại, hàng vạn lao động từ khắp nước Mỹ, khắp cả châu u, đổ xô đến Detroit. Ai cũng hy vọng tràn trề song không phải ai cũng toại nguyện. Paul Templarhaus và vợ là Frieda, dân Đức, cũng nằm trong số hy vọng đó. Đang học nghề tại một lò mổ ở Muchen, anh lấy vợ, lấy luôn hồi môn của vợ để di cư sang New York, để mở hàng bán thịt và để...lỗ vốn. Rời New York nhưng không rời nghề bán thịt, anh dắt vợ đến St.Louis, đến Boston và rồi đến Detroit, song ở đâu cửa hàng anh cũng lỗ hơn là lãi. Điều đó thật khó hiểu, vì ở vào thời kỳ kinh tế phát triển, nhu cầu ăn ngon, nhất là cứ bốc hơi đi? Anh khó hiểu chứ Frieda, vợ anh, thì biết thừa. Thực ra, chồng chị chỉ lo làm thơ chứ đâu chịu lo làm ăn. Ngồi trước bàn thịt mà đầu óc anh chỉ quẩn quanh với câu với chữ, với ý với tứ chứ nào đâu với miếng thăn miếng đùi và nhất là với chuyện mời chào khách bỏ tiền ra mua. Không một tờ báo hay nhà xuất bản nào chịu mua thơ của anh, ngược lại, những người máu thịt của anh thì đông vô kể nhưng không ai chịu trả tiền, vì anh luôn sẵn sàng cho họ chịu. Đến nỗi người ta đồn thổi khắp mấy con phố, lan ra cả ngoại ô, rằng, muốn không mất tiền song lại muốn có thịt ăn thì cứ việc đến cửa hiệu Paul Templarhaus. Frieda chưa từng biết tới đàn ông trước khi Paul cầu hôn cô. Mà nói là anh cầu hôn với cha cô mới đúng, và lập tức được cả cha lẫn con đồng ý, nhất là ông già lại đang lo rằng cô con gái sẽ sống bám lấy mình suốt đời, thậm chí ông còn tặng thêm hồi môn, ngoài số đã định trước đó, để hai vợ chồng sớm xa chạy cao bay, nghĩa là di dân, mà với ông, càng xa càng cao thì càng tốt. Còn Frieda? Paul đâu biết vừa thấy anh cô đã yêu liền. Đã bao giờ cô được gặp nhà thơ, thậm chí một người thích làm thơ? Ngoại hình anh thì cô mê tít, bởi nó vô cùng phù hợp với người tình trong mộng mà đêm vẫn luẩn quẩn bên cô. Anh hơi gầy, mắt cận thị màu xanh nhạt, tóc thưa, nói năng e dè... nghĩa là theo cô, rất trí thức, rất nhà thơ. Vợ chồng dắt nhau sang New York cô mới dám tin thiên-tài-đẹp-trai này thực sự là của mình. Cô biết mình, nếu không bị nhìn là xấu xí thì cũng chẳng ai coi là đẹp đẽ gì, ngoài đôi mắt xanh biếc lanh lợi như vay mượn của ai đó, còn lại cô thừa hưởng toàn bộ cái xấu xí của họ hàng hang hốc nội ngoại nhà cô. Nào mũi to, trán dô, cằm bạnh...nào thân hình ục ịch...nào dáng đi lật bật...Con tim, Paul cũng như bất kể ai không mù, đều dễ dàng nhận ra những cái xấu đó, vậy sao anh vẫn cầu hôn cô? Có phải vì là nhà thơ nên anh tinh tường hơn người đời, nhìn ra được bao vẻ đẹp của cô ẩn náu bên trong cái vẻ ngoài xấu xí đó? Cô đâu biết, tuy không phải dân đào mỏ, cũng chẳng là kẻ thực dụng, song với Paul, điều hấp dẫn lớn nhất ở cô vợ có vẻ ngoài xấu xí đó chính là đống của hồi môn kia. Anh hy vọng, thậm chí tin tưởng, nhờ nó mà bằng cách này hay cách khác, anh sẽ thoát khỏi đám lòng, tiết, gân, xương nơi lò mổ, có cửa hàng riêng, có đủ tiền sinh sống và toàn tâm toàn ý với Nàng Thơ của mình. Frieda, kể từ hôm nhận được lời cầu hôn của Paul, đã tưởng tượng, đã thêu dệt ra bao mộng vàng của đêm tân hôn. Nơi họ đến nghỉ tuần trăng mật thì tuyệt rồi: ngôi nhà nhỏ ven hồ năm trong một khu thành cổ, lại ở giữa rừng, giữa đồng cỏ mênh mông. Thế rồi, cô hình dung, Paul sẽ ôm cô, miệng thì thầm lời yêu, tay lần cởi váy áo. Rồi anh sẽ hôn cô, thoạt tiên ở môi, ở cổ, rồi có thể cả ở tai, cô hy vọng thế. Sau đó, môi anh sẽ lướt dần xuống vai xuống ngực cô, ngậm thật lâu vào vú cô, rồi lướt khắp thân thể trần truồng của cô, nhẹ nhàng, mơn man, y hệt trong những cuốn sách mà cô đã vụng trộm đọc. Thế rồi anh khẩn khoản, như âu yếm, nhờ cô cởi bỏ giúp quần áo của anh. Tất nhiên cô cứ để anh nài nỉ, mãi sau mới chịu nghe. Cô đã bào giừo giúp ai việc đó mà bảo làm ngay được? Rồi cô sẽ thấy cái gì? Chả gì cả ngoài cái con vật của anh thẳng đơ và vênh vang như cán cờ Đức quốc xã. Nghe nới là đau lắm thì phải. “Nó” như thế kia cơ mà? Và anh sẽ nói gì với cô trước khi làm đau cô nhỉ? Anh khen người cô đẹp, hay giảm đơn như cánh lò mổ, “người cô nhiều thịt”? Chắc anh không đơn giản vậy đâu. Anh là nhà thơ kia mà. Chả có gì giống như cô tưởng tượng hoặc thêu dệt hoặc hình dung cả. Tối đến, ăn no xong, hai người vào phòng ngủ - cô phải tự đi vào vì không thấy anh tỏ ý muốn bế, như sách tả- và trong khi cô đang hồi hộp chờ đợi những gì tiếp theo thì anh đã lăn luôn ra chiếc giường tân hôn sau khi vội vội vàng vàng cởi bỏ quần áo. Anh nằm đó, dang chân dang tay, phô ra thân hình gày gò, bộ ngực lép kẹp và...cái của nợ kia nhỏ tí, ẽo uột ẩn sau đám lông lá, như xấu hổ. Chỉ thấy anh nhìn mình như chờ đợi, Frieda hiểu rằng mình sẽ phải tự cởi bỏ váy áo, tự leo lên giường chứ chẳng có ai sẽ hay dẫn. Cô thở dài, vừa thả váy xuống vừa tự nhủ, to nhỏ đâu quan trọng gì, với lại mình cần tình yêu của anh chứ đâu cần cái đó nhỏ hay to...Hãy chờ những gì anh sắp nói với mình đây. Anh sẽ thủ thỉ...sẽ bày tỏ. Nhưng anh chẳng hé một lời,dù to hay nhỏ. Cô vừa hồi hộp đặt mình xuống giường, còn chưa kịp nhích sát lại gần anh thì đã bị anh đẩy vai cho nằm ngửa ra để anh ngã sấp lên bụng cô, nhét cái đó vào, rồi sau vài lần nhấp nhô cô thấy anh rên khẽ, rùng mình khẽ và lăn xuống bên cô. Tất cả là vậy ư? Chả lẽ nó đã kết thúc khi cô còn tưởng nó chưa bắt đầu? Thực ra, chuyện đó với Paul chỉ là vấn đề giải quyết nhu cầu của phần “con” chứ không phải phần “người”, và xưa nay anh cũng chỉ làm việc đó với đám gái điếm nhung nhúc ở Muchen. Theo thói quen, anh nhổm dậy móc ví định trả tiền thì chợt nhớ từ nay mình làm chuyện này sẽ không phải tốn một xu nào cả. Trong khi Frieda còn chưa hết ngơ ngác thì Paul đã ngáy nhè nhẹ. Anh ngủ, mặt vô tư như đứa trẻ. Cô quyết không khóc, tự nhủ, mấy ai vừa ý ở ngay lần đầu. Rồi anh sẽ khác. Rồi anh sẽ là người chồng tuyệt vời về mọi mặt chứ không riêng tình dục. Vả lại, tình dục đâu phải là quan trọng nhất với mình... Song càng ngày Frieda càng thất vọng hơn về Paul. Là vợ thì phải nghe lời chồng, cô chấp nhận, nhưng cô đâu có ngu ngốc để không thấy, dù muộn, những bài thơ của anh dở toẹt mặc anh mỗi ngày thêm lao tâm khổ tứ vì nó, và cũng vì nó mà anh sống như kẻ mộng du, đôi khi cứ như thằng ngớ ngẩn. Và quan trọng hơn nữa là vì cái ả thơ ấy mà đống hồi môn của cô cứ ngày một vơi dần. Khi hai vợ chồng chuyển tới Detroit thì Frieda không chịu đựng thêm được nữa. Sắp trắng tay rồi. Hôm đó, sau khi rà soát số hồi môn ít ỏi còn lại, cô lẳng lặng bước vào cửa hàng thịt của Paul, lẳng lặng chiếm giữ quầy thu tiền, để rồi từ đó không rời nó ra nữa. Không bán chịu, đó là biện pháp đầu tiên của cô. Paul hoảng hồn, nhưng đau chỉ có thế. Frieda tìm mọi cách quảng cáo chất lượng thịt tuyệt hảo của cửa hàng và kèm theo đó là tăng giá ở những món buộc phải tăng, và ngược lại. Bây giờ thì đã nhìn thấy đồng tiền đi vào chứ không chỉ nom thấy miếng thịt đi ra, như trước. Lãi nhỏ kéo theo lãi lớn. Việc buôn bán cứ khấm khá dần lên. Từ lúc nào chẳng biết, Frieda trở thành người ra lệnh còn Paul cứ răm rắp làm theo. Quen đi, ngày một ngày hai đã biến cô trở thành độc đoán, chuyên quyền, không chỉ ở cửa hàng thịt mà còn ở việc đầu tư tiền nong vào đâu, nên sống ở vùng nào và mùa hè này nghỉ tại đâu thì tốt nhất. Rồi cả việc chăn gối nữa. Giờ thì Paul đừng mong chỉ thoả mãn phần “con” của mình còn vợ ra sao thì mặc. Bây giờ chính Frieda là người quyết định làm chuyện đó, mặc Paul khoẻ hay yếu, có hứng hay không. Cái việc này bỗng trở nên khủng khiếp với Paul khi Frieda quyết định sẽ có con chỉ trong vòng một năm, không thể muộn hơn. Cô buộc chồng phải thực hiện bằng được việc làm tình trong những ngày có nhiều khả năng thụ thai, mặc Paul có hôm mệt đến phát ốm, mà là ốm thật chứ không phải vờ để trốn tránh. “Cho vào!”, cô ra lệnh. Paul quấn cái đó của anh quanh ngón tay. “Mềm như sợi dây thế này thì cho vào đâu?”. Frieda vẫn tảng lờ như điếc. Mấy tháng sau anh được tạm nghỉ vì đã hoàn thành sứ mệnh. Anh thích có con gái nhưng vợ anh thì ngược lại. Vì vậy, chẳng mấy ai quen biết họ tỏ ra ngạc nhiên khi thấy Frieda sinh con trai. Ngày lâm bồn, Frieda chịu tốn tiền để mời bằng được bà đỡ đến nhà vì không muốn sinh con tại bệnh viện. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc, ao nấy xúm quanh đều trợn mắt ngạc nhiên khi nhìn nó. Chẳng phải nó dị dạng hay thừa gì, thiếu gì. Song, giữa hai đùi nó, cái ở đứa trẻ khác người ta gọi là chim thì ở đây, nếu tạm so sánh, phải gọi là đại bàng. Bởi nó to quá khổ. Bố nó nằm mơ cũng chẳng được như thế. Không hiểu sao Frieda lại kiêu hãnh nghĩ vậy. Tên nó là Tobias. Do Frieda đặt, tất nhiên. Paul đòi dạy bảo thằng bé. Chuyện học hành, chữ nghĩa anh giỏi hơn cô. Vả lại, dạy dỗ con trai là việc của ông bố mà. Không phản đối, song Frieda không mấy khi để hai bố con ngồi riêng với nhau. Chính là cô, vừa nuôi vừa dạy nó, bằng những món ăn vừa ngon vừa bổ, và bằng những mệnh lệnh rắn như sắt thép. Lên năm tuổi, Toby cao nhưng gầy đến thảm hại, đôi mắt xanh biếc như của mẹ, luôn có vẻ đăm chiêu. Nó vừa yêu vừa sợ mẹ, mong ngóng được mẹ ôm ấp để có thể dụi sâu đầu vào ngực mẹ. Nhưng Frieda quá ít thời gian cho việc nựng nịu con, bởi còn lo kiếm tiền nuôi cả nhà. Phần khác, cô yêu con, tất nhiên, nhưng quyết không để nó lớn lên uỷ mị, yếu đuối như bố. Vì vậy, tình mẫu tử của Frieda được thể hiẹn bằng những mệnh lệnh cứng rắn, những đòi hỏi khe khắt về kết quả của mỗi công việc mà Toby thực hiện, dù là việc học hành ở trường hay việc mẹ giao ở nhà. Cô ít khi khen con, ngược lại, phạt nhiều hơn, nhưng có lẽ thế lại tốt cho Toby, cô nghĩ. Có một linh tính nào đó mách bảo, ngay giây phút đầu tiên ôm con vào lòng, khiến cô tin chắc sau này nó sẽ nổi danh thiên hạ. Cụ thể ra sao thì cô không biết nhưng cô chắc chắn nó phải như thế, và cô còn luôn nói với con, nhắc nhở con, khiến Toby dường như lớn lên cùng với niềm tin của mẹ. Và Toby biết, một khi mẹ đã muốn là phải được. Năm Toby sắp mười hai tuổi, một hôm, có bà hàng xóm nổi tiếng là ngồi lê đôi mách ghé nhà chơi, mồm nói không ngớt, mắt thì cứ đảo qua liếc lại. Bà ta vừa ra khỏi nhà, Toby bèn lập tức bắt chước từ giọng nói đến điệu bộ khiến Frieda cười muốn chết bởi sao giống ơi là giống. Đó là lần đầu tiên Toby thấy mẹ vui như vậy. Kể từ đó, cậu luôn tìm cách để được thấy mẹ cười. Mà theo đầu óc non nớt của cậu thì không gì bằng cách bắt chước các hành động tức cười của người khác, từ khách mua thịt, đám bạn bè cùng lớp đến cả các thày cô giáo ở trường. Thế là Toby đã tìm ra cách để mẹ có thể cười chảy nước mắt rồi. Cậu vui lắm. Toby tham gia vào ban kịch của trường và được thủ vai chính trong một vở diễn. Đêm đầu tiên Toby ra sân khấu, mẹ cậu ngồi ở hàng ghế đầu. Chính là lúc đó, Frieda biết Toby sẽ trở thành người nổi tiếng bằng con đường nào cũng như biết mình phải giúp đỡ đứa con ra sao. Cuộc Đại suy thoái của đầu những năm ba mươi (1930) lan cả sang ngành giải trí khiến các rạp vắng tanh vắng ngắt. Các ông chủ bóp óc tìm cách lôi kéo người xem vào rạp. Nào tặng quà, nào quay số, đủ cả. Lại còn nghĩ ra việc tổ chức các cuộc thi cho các nghệ sĩ nghiệp dư nữa. Tất nhiên, có giải hẳn hoi. Và Frieda thường theo dõi sát sao địa điểm tổ chức các cuộc thi đó để dẫn Toby tới dự trong khi cô ngồi lẫn vào khán giả, vừa nghe ngóng vừa tạo ra dư luận bằng cách hò hét cổ vũ mỗi khi con trai xuất hiện. Thường là Toby đoạt giải nhất trong các cuộc thi đó. Toby càng lớn lên càng cao song vẫn gày gò, vẫn không mất đi vẻ đăm chiêu trên gương mặt và cả trong ánh mắt xanh biếc. Một vẻ ngây thơ thiên phú trong ánh mắt ấy khiến Toby luôn nhận được sự đùm bọc chở che của những người quen biết, và của cả những người ngồi xem cậu diễn trên sân khấu. Toby ngày càng tin tưởng hơn vào niềm tin của mẹ: cậu sẽ nổi tiếng!. Mười lăm tuổi Toby đã thèm chuyện trai gái. Được mấy đứa bạn cùng trường chỉ bảo, cậu thường thủ dâm trong phòng tắm, song vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó. Và cậu hiểu mình cần được làm tình thực sự, nghĩa là cần có đàn bà. Thế rồi đến cái đêm ấy, cái đêm Clara, chị gái đứa bạn học, đưa Toby về nhà, hình như do mẹ cậu nhờ thì phải. Clara đã có chồng, dễ coi, đặc biệt là vú rất to, to hơn cả vú mẹ Toby. Chỉ cần thấy đôi vú Clara rung rung là cái của Toby đã ngỏng dậy. Không kìm được, khi Clara đang bận lái xe, Toby cứ nhích dần từng ngón tay lên đùi, rồi luồn vào trong váy chị ta, ve vuốt, và sẽ rút ra ngay nếu bị mắng chửi. Clara giận thì ít mà tức cười và cả thinh thích thì nhiều, song đến lúc Toby lôi cái của mình ra khỏi quần cho dễ nghịch thì Clara chợt la hoảng lên khi nhìn thấy nó, và lập tức ngậm ngùi khi nghĩ ngay đến cái của chồng mình thật khiêm nhường, đến mức xấu hổ. Và hôm nay anh ta lại vắng nhà. Thế là chị ta quành xe lại. Vì đang mải mê sờ soạng nên Toby cũng không buồn hỏi chị ta quành lại làm gì, để rồi nửa tiếng sau, trong tiếng rên rỉ sung sướng của Clara cậu cũng được hưởng những cảm giác thần tiên chưa từng được biết tới, hơn gấp nhiều lần cái cảm giác mà cậu có trong nhà tắm, một mình. Nếu như trước đó Toby đã từng có lúc xấu hổ khi bị đám bạn trai cùng lớp trêu chọc vì sự quá khổ của cái đó thì nay nó lại là báu vật không những của riêng cậu mà còn của đám đàn bà có chồng, bạn bè thân và cả không thân lắm của Clara. Chị ta “khoe” Toby với họ như khoe một tài cán gì đó của chính mình vậy. Và họ cũng chẳng dại gì mà bỏ phí cái của trời cho này. Toby thì chẳng mong gì hơn. Từ nay, hễ cần là có. Mà cậu thì luôn luôn cần. Một hai năm sau, Toby gần như phá trinh hầu hết đám nữ sinh cùng lớp, và cả vài cô lớp dưới hoặc trên. Nhưng có sung sướng nào mà không phải trả giá. Năm mười tám tuổi, khi đang học năm cuối chương trình phổ thông, một hôm Toby bị hiệu trưởng gọi lên. Vừa bước vào, cậu gặp ngay gương mặt khó chịu của mẹ, cạnh bà là một trung sĩ cảnh sát mặt mũi đỏ ngầu, tay đặt lên vai một cô gái đang thút thít khóc. Toby là gì con nhỏ Eilleen Henegan mười sáu tuổi học dưới cậu hai lớp này. Có chuyện rồi... Ông hiệu trưởng hỏi bằng giọng quan toà chứ không bằng giọng nhà giáo. “Toby, Eileen có bầu, và bảo rằng do cậu. Có phải cậu đã ngủ với cô ta?”. Toby không đáp ngay được. Ơ kìa, thì Eileen đã tìm đến cậu, đã gào toáng lên vì sung sướng và bao giờ cũng đòi cậu thêm lần nữa, rồi lại lần nữa. Giờ thì cô ta... “Thằng khốn, mày có nhận là đã chơi bậy con gái tao không?” Viên trung sĩ gào lên. Toby chẳng sợ ông trung sĩ đang gào thét đó. Cậu chỉ sợ mẹ. Sự nổi tiếng mà bà hy vọng ở cậu là thế này ư? Chưa kể nỗi nhục mà bà đang phải chịu. Tất cả chỉ vì cái của nợ khốn kiếp đó. Thoát được vụ này, lạy Chúa, cậu sẽ cắt phăng nó đi, cho nó, cho cả cậu nữa, biết tay. “Con có ngủ với cô bé này không?” Toby rúm người lại trước cái giọng nhẹ nhàng, nhưng cậu biết, đầy nguy hiểm của mẹ. Trống ngực thình thịch, cậu nói không thành tiếng. “Có ạ!”. “Thế thì con phải lấy nó”. Không còn gì để tranh cãi trong giọng nói uy nghiêm ấy. Rồi bà quay sang cô gái vẫn đang sụt sịt. “Cô có muốn làm vợ Toby không?”. “V...âng...ạ...cháu rất yêu Toby!”. Cô ngước nhìn cậu. “Em không muốn đâu, nhưng họ cứ bắt em phải khai thật ra...” Ông bố dõng dạc như đang nói trước toà. “Eileen mới mười sáu. Theo luật pháp thì đây là hành động cưỡng hiếp trẻ vị thành niên. Thằng kia phải ngồi tù mới đáng tội của nó. Nhưng nếu nó chịu cưới Eileen thì...” Ông ta ngừng lời, vẻ như chờ đợi sự biểu hiện của Toby. Mọi cặp mắt đều hướng vào cậu. “Vâng...chấu xin ông tha thứ...cháu sẽ làm theo lời mẹ”. Ngồi trên xe cạnh mẹ trên đường về nhà, Toby vừa sợ hãi vừa buồn bã. Sợ vì không biết mẹ sẽ trị tội thế nào. Chắc là không nhẹ, cậu nghĩ. Một điểm kém ở lớp mẹ còn không tha nữa là. Còn buồn ư? Cậu sẽ làm gì để lấy tiền nuôi vợ, lại cả con nữa? Đứng bán thịt cho mẹ ư? Thế còn nghề diễn viên mà cậu mơ ước và mẹ hy vọng? Giá có thể cắt phăng cái của nợ ấy ngay lúc này và mọi chuyện chỉ là cơn mộng dữ. Về đến nhà, mẹ lẳng lặng lôi cậu lên gác và trong khi Toby run rẩy chờ ít nhất là trận đòn phủ đầu thì lại thấy bà lôi valy ra và nhét quần áo của nó vào đấy. Nó bị đuổi khỏi nhà ư? Mẹ giận đến thế ư? Toby oà khóc. “Đừng, mẹ ơi, mẹ đừng đuổi con đi. Con hứa...”. Bà không ngừng tay, “Tao không đuổi, mà là mày phải đi, con ạ. Chả lẽ mày tin tao chịu để cả cuộc đời mày vô dụng bởi cái con ranh dâm đãng ấy à? Nó ngu thì bố mẹ nó phải chịu, can cớ gì lại lôi cả mày vào? Cưới với chả hỏi. Không có chuyện đó với Toby vĩ đại của mẹ đâu. Chúng ta không được làm trái ý muốn của Chúa là con phải thành người vĩ đại. Hãy đến New York. Và chỉ khi đã nổi tiếng hãy đón mẹ về sống cùng con”. Vẫn giàn giụa nước mắt, Toby lao vào lòng mẹ, dụi mặt sâu vào bộ ngực đồ sộ của bà. Cái gì chờ đợi phía trước cậu không cần biết, không cần lo, bởi cậu tin chắc vào điều mẹ nói: cậu sẽ trở nên nổi tiếng. Mẹ đã bao giờ nói sai? Chương 02 Vào năm 1939, New York là miền đất hứa của nghệ thuật sân khấu. Đại suy thoái đã hết và Tổng thống Roosevelt đã tuyên bố nước Mỹ từ nay vĩnh viễn bước ra ngoài mọi âu lo để trở thành cường quốc lớn mạnh nhất thế giới. Tiền bạc rủng rỉnh, hàng hoá thừa mứa, kể cả nghệ thuật nói chung và sân khấu trình diễn nói riêng. Chưa bao giờ người ta đếm được tới ba chục vở kịch cùng lúc công diễn ở New York và cả ba chục đều ăn khách. Đến New York ngoài chiếc valy chất đầy quần áo, Toby có một trăm đôla mẹ cho cùng niềm tin mình sẽ nổi tiếng, sẽ được đón mẹ về ở cùng để bà ngày ngày nấu nướng cho anh ăn và tối tối đến nhà hát vỗ tay khi xem anh biểu diễn. Song bây giờ thì phải lo có chỗ để ngủ, có cái để ăn, trong khi sự nổi tiếng kia còn bận la cà đâu đó trước khi đến với anh. Có sao đâu, anh đợi được mà. Tin ở mình, anh không xin những việc làm chân tay mà gõ cửa luôn các rạp hát ở Broadway, hào hứng kể ra giải thưởng tại các cuộc thi nghiệp dư và anh có tài bắt chước thế nào, rồi sững sờ khi thấy nghe chưa hết họ đã đuổi anh ra. Anh xông vào nhà hát, lần mò tới các hộp đêm chăm chú xem các nghệ sĩ biểu diễn, tỏ ra vô cùng thích thú với các danh hài song không mấy cảm phục. Anh biết anh hơn họ/. Một trăm đôla mẹ cho vơi dần, Toby phải đi rửa bát thuê kiếm sống. Chủ nhật, giá điện thoại đường dài rẻ, sáng ra anh gọi về thăm mẹ. Bà kể rằng cả nhà trường, cả gã trung sĩ, cả cô vợ hụt của Toby đều làm ầm ĩ lên về việc anh trốn đi. “Đặc biệt gã trung sĩ” mẹ kể, “đêm nào cũng ngồi trong xe tuần tra rình mò, lại cứ hỏi con hiện đang ở đâu. Có là điên mới cho gã biết”. “Thế mẹ trả lời sao?” “Còn sao nữa? Con vơ quần áo rồi lẻn đi như thằng ăn trộm thế nào, mẹ cứ sự thật mà kể. Quan trọng nhất là con đi đâu thì mẹ lại không biết”. Hai mẹ con cùng cười ầm. Loanh quanh thế nào Toby trở thành người giúp việc cho một gã ảo thuật mắt thô lố, bất tài, chuyên diễn trò tại các khách sạn làng nhàng ở ngoại vi New York. Công việc chủ yếu của Toby là bốc dỡ các thứ dụng cụ đồ nghề và chăm sóc mấy con vật như thỏ, chim yến, chuột đồng. Theo đòi hỏi của chủ, anh không những lo cho chúng ăn uống mà còn phải sống cùng chúng trong những căn phòng bé tí tẹo. Người anh lúc nào cũng hôi rình và đầu óc dường như mụ mẫm đi vì mệt mỏi, buồn chán, cô đơn và thất vọng. Anh thường đứng trước gương tập bắt chước người này, làm sao cho giống người kia và khán giả không vỗ tay mà chỉ choe choé. Vì đó là những con vật sống cùng anh mà thôi. Rồi một chủ nhật, khi gọi về nhà như thường lệ, người trả lời lại là bố anh. “Con đây ạ. Bố vẫn khoẻ chứ?” Anh hỏi. Chỉ có im lặng đáp lại. Anh hỏi thêm lần nữa. Giọng thều thào trả lời khiến anh lạnh người, câu nói tự nhiên thốt ra. “Mẹ làm sao hả bố?” Đáp: “Cấp cứu. Bác sĩ bảo nhồi máu cơ tim”. Toby không tin cái chết dám đến với mẹ. “Mẹ đỡ nhiều rồi chứ? Nhất định mẹ sẽ khỏi, đúng không bố?” Anh quát tướng lên trong máy. Đáp lại anh là tiếng khóc, và những tiếng nghẹn ngào, rời rạc. “Mẹ...con...vừa mất...vài giờ...trước”. Bố nói dối. Hay chỉ đùa? Mẹ không đợi được đến khi anh nổi tiếng ư? Rồi còn bao dự định anh dành cho mẹ? Ngôi nhà, xe hơi đắt tiền, kim cương, kẻ hầu người hạ...? Anh nghe tiếng bố gọi tên mình như từ địa ngục vẳng lại. “Toby, con có sao không?”. “Con sẽ về dự tang lễ mẹ. Bao giờ hả bố?” “Hai ngày nữa. Nhưng con đừng về. Người ta đang rình bắt con đấy. Cô gái kia sắp sinh con rồi. Và họ sẽ bỏ tù con ngay lập tức”. Mấy ngày anh không ra khỏi nhà, bỏ mặc cả đám súc vật. Tại sao anh không được vĩnh biệt người mẹ mà anh yêu thương và kính trọng nhất trên đời này? Anh nhớ những lúc mẹ cười nghiêng ngả khi anh bắt chước điệu bộ người khác, nhớ lúc mẹ nhét quần áo vào valy anh trốn đi. Hôm nay, 14 tháng Tám năm 1939, sẽ là ngày quan trọng nhất của con. Sẽ không bao giờ con quên ngày này, thề với mẹ. Ngày quan trọng nhất của Toby? Đúng vậy. Song không phải vì cái chết của mẹ anh, mà là vì sự ra đời của một bé gái, cách cái căn buồng hôi rình của anh cả ngàn rưỡi cây số: thị trấn Odessa, bang Texas. Đó là một toà nhà bốn tầng, gọi là bệnh viện nhưng nom có vẻ như một nhà thương làm phúc bởi những thứ xoàng xĩnh nó chứa trong đó, từ con người đến đồ đạc. Nhưng nó vẫn làm được cái việc trị bệnh cứu người, tất nhiên, với bệnh nào còn trị được và người nào còn cứu được. Trời đang về sáng. Tại khoa sản, một nhóm đỡ đẻ đang gặp khó khăn. Sản phụ Czinski, dân lao động, to lớn, mạnh khỏe, hông rộng và vững chãi, trong ngoài không có gì đáng lo ngại cả, và mọi việc đang diễn ra bình thường đúng như dự tính thì bỗng Wilson, bác sĩ phụ sản kêu lên:”Đẻ ngược!”. Thoạt đầu, tiếng kêu của ông không khiến ai lo lắng. Mặc dù đây là tình huống hiếm khi xẩy ra nhưng nói chung họ đều dễ dàng xử lý, dù ở dạng khó nhất là phải mổ sản phụ để lấy đứa con ra. Trường hợp này quá dễ, chỉ cần một trợ giúp nhỏ là xong. Bác sĩ Wilson thở phào khi thấy đôi bàn chân rồi đôi cẳng chân đứa trẻ nhô dần ra. Bà Czinski móm môi rặn, và đây, đã thấy đôi đùi...Bác sĩ động viên người mẹ. “Sắp được bế con rồi. Hãy rặn thêm lần nữa. Và mạnh lên”. Không thấy gì hơn. Bác sĩ Wilson rón rén kéo đôi chân đứa trẻ. Thấy nó không nhúc nhích, ông luồn tay qua mình nó, thăm dò tử cung sản phụ. Cô y tá đứng bên lấyk hăn lau mồ hôi bỗng lấm tấm xuất hiện trên vầng trán rộng rãi của ông. “Chắc chắn có chuyện rồi”. Ông lẩm bẩm, nhưng không lọt qua đôi tai sản phụ. “Chuyện gì với cháu, thưa ông?”. Bà hỏi, chợt giật nhẹ người. “Không đâu. Tôi tưởng vậy”. Ông nói dối, rồi đưa tay vào sâu hơn, ép nhẹ cái thai xuống. Vẫn không động tĩnh gì hết. Tay ông lần theo cuống nhau, thấy nó kẹt giữa cái thai với khung xương chậu, chẹn vào ống dẫn khí khiến đứa trẻ không thở được. “Máy nghe tim thai”. Ông lệnh. Chiếc máy được áp sát vào bụng người mẹ. “Ba mươi”. Cô y tá hô, rồi nói thêm, “và có triệu chứng loạn nhịp”. Mồ hôi túa ra khắp mặt, khắp cả người bác sĩ Wilson. Ông đưa tay vào sâu hơn, những ngón tay tìm kiếm kỹ càng hơn. Giọng cô y tá trở nên hãi sợ. “Tim thai đập rất yếu...tim thai ngừng đập rồi...” Nghĩa là cái thai đã chết trong bụng mẹ. Chỉ còn cơ may duy nhất là đưa được nó ra ngoài, trong bốn phút, để thông phổi và làm tim đập trở lại. Quá một phút, não bộ đứa trẻ sẽ bị huỷ diệt hoàn toàn. “Bấm giờ!” Bác sĩ Wilson hô to. Ai nấy trong phòng bỗng cùng nhìn lên chiếc đồng hồ to tướng treo trên tường, ba chiếc kim đều được đưa về con số 12 và kim giây bắt đầu tích tắc. Ngoài hành lang phòng sản, Karl Czinski bồn chồn đi lại, chiếc mũ như bị vò nát trong đôi bàn tay to bè. Anh là thợ mộc, sống với những quan niệm đơn giản nhất: phải làm việc, phải lấy vợ, phải có con, thậm chí nhiều con. Đây là đứa con đầu lòng hỏi làm sao anh không hồi hộp, sung sướng? Trong phòng sản, một cô sinh viên lần đầu thực tập đỡ đẻ, bống oẹ lên một tiếng rồi ôm miệng chạy ra ngoài, xô cả vào Karl. “Xong chưa? Trai hay gái hả cô?” Karl hỏi. Cô sinh viên đầu óc vẫn đang hỗn loạn về chuyện tim thai nhi ngừng đập, về đôi cẳng chân thò ra ngoài cửa mình người mẹ, tái tím và bất động, la toáng lên. “Chết rồi! Chết mất rồi!”. Mặt Karl nhợt ra, hơi thở đứt quãng, hai tay ốm lấy ngực, chỗ trái tim, rồi từ từ đổ gục xuống. Người ta đưa anh vào phòng cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Trong phòng sản, bà Czinski đang lâm vào trạng thái hôn mê, không phản ứng gì trước những lời động viên giục giã của bác sĩ. “Rặn nữa đi, mạnh lên nào”. Bác sĩ Wilson nhìn đồng hồ. Một nửa thời gian quý báu đã trôi qua - hai phút. Song sẽ ra sao, cho dù ông cứu được đứa bé, sau bốn phút? Nó sẽ sống với một cái đầu ngớ ngẩn ư? Hay nhân đạo hơn, cứ để nó chết? Không, lương tâm nghề nghiệp bắt ông phải tát đến giọt nước cuối cùng. Ông liều lĩnh sử dụng các phương pháp chỉ được áp dụng trong những trường hợp một mất một còn, bao gồm hàng loạt các động tác phức tạp để đưa bằng được đứa trẻ ra. Và cuối cùng nó đã chịu nghe ông, một đứa bé gái, mặt mũi tím tái, câm lạng hoàn toàn. Nhưng dù sao nó cũng đã lọt lòng. Chỉ còn hơn một phút nữa. Đờm rãi trong họng đứa bé đã được móc ra, ống thông khí quản đã được đặt vào. Tiếng máy thông khí ro ro chạy... Chỉ còn hai mươi giấy. Chưa thấy tiếng tim đứa bé đập. Dường như không còn gì có thể ngăn được sự tổn thương của bộ não. Bác sĩ Wilson đã làm việc, hoặc tham quan, ở nhiều bệnh viện vùng đã thấy không ít những người - sinh vật, những đàn ông đàn bà với bộ não trẻ em, thậm chí còn tồi tệ hơn thế nữa. Nhưng vẫn còn một hai giọt nước cuối cùng, và ông còn phải tát. Mười giây nữa trôi qua. Nghĩa là ông chỉ còn mười giây cuối cùng. Tim đứa trẻ vẫn không chịu đập. Vẫn không có gì để ông có thể hy vọng. Năm giây! Ông sờ tay vào phích cắm điện của máy thở. Chúa sẽ tha thứ cho ông. Vì Chúa thấu hiểu tất cả. Rồi ông bỗng rụt tay về, đặt lên da thịt đứa bé. Nó lạnh ngắt, và nhớp nháp. Một giây! Ông cúi sát đứa trẻ, và chỉ muốn khóc. Không ai có thể tiên đoán cuộc đời sau này của nó sẽ ra sao, nếu lúc này đây, nhờ phép màu, nó sống lại được. Hết thời gian! Đúng lúc ông cả quyết đặt tay lên phích điện thì tim đứa trẻ bắt đầu đập, từng tiếng một, rồi đều đặn, và liên tục. Cả phòng nhẩy lên, ôm nhau, reo hò và tất cả xúm lại chúc mừng ông. Ông thì cứ dán mắt vào chiếc đồng hồ trên tường. Đứa trẻ mang tên Josephine, theo tên bà ngoại hiện sống ở Krakow, và không có tên đệm gì hết, bởi mẹ nó chỉ là bà thợ may người gốc Ba Lan sống ở Odessa, Texas. Không nói lý do nhưng bác sĩ Wilson bắt buộc bà Czinski cứ cách hơn tháng lại phải mang Josephine đến bệnh viện cho ông kiểm tra, để rồi lần nào cũng vậy, bà lại mang nó về mà không có thuốc men hay lời dặn dò kèm theo nào của bác sĩ. Nó là đứa trẻ bình thường mà, bà thắc mắc nhưng không dám hỏi. Chỉ có Chúa mới biết con gái bà có bình thường hay không. Chương 03 Mùa hè kết thúc thì nhà ảo thuật cũng hết việc, kéo theo Toby thất nghiệp, tất nhiên. Anh lại tự do, theo đúng nghĩa của nó. Đi đâu và làm gì bây giờ, khi anh không nhà cửa, không xu dính túi? Rồi anh gặp may khi có một bà chịu trả 20 đôla nếu anh lái xe đưa ba mẹ con bà ta tới Chicago. Anh bỏ đi, không một lời tạm biệt nhà ảo thuật cùng đám thú hôi hám. Thời gian này, Chicago cũng tương tự như Detroit, vô vàn công ăn việc làm chờ đợi những ai muốn làm việc. Nơi đây, cái gì cũng bán được và mua được, từ xe hơi, nhà cửa, thuốc độc bảng A, đàn bà con gái tới các thượng hạ nghị sĩ. Hộp đêm nhiều hơn nhà ở và mọi nhu cầu của khách đều được thoả mãn. Toby không bỏ sót hộp đêm nào, từ lớn đến nhỏ, từ sang đến hèn. Song ở đâu cũng chỉ một câu trả lời như nhau: Không biết sử dụng ra sao với một người chưa hề có danh tiếng mà lại chỉ biết diễn hài. Làm gì để không phụ lòng tin của mẹ đây? Anh lớn rồi, đã sắp bước sang tuổi mười chín. Knee Hit là nơi Toby năng qua lại nhất. Việc mua vui cho khách ở đây cũng y hệt các hộp đêm khác, song “đội hình” thật thảm hại. Mấy gã chơi đàn thì luôn miệng ngáp, tay diễn viên hài thì như đang cai nghiện, còn cặp múa thoát y, Meri và Jeri, vẫn được gọi chung là chị em nhà Perry, mà cũng có thể là chị em thật, thì tuy đều mới xấp xỉ hai mươi, và cũng khá hấp dẫn, nhưng nom đều rẻ tiền và rạc rài như đã quá bốn mươi. Một đêm, ngồi cạnh Jeri ở quầy bar, Toby thăm dò “Tôi khoái màn trình diễn của chị lắm”. Jeri đánh mắt sang, chỉ thấy một gương mặt non choẹt, dáng vẻ ngơ ngác, ăn mặc tồi tàn, không có gì đáng để cô ta “khai thác”, vừa định quay đi thì thấy cậu ta đứng dậy, và như cố tình phô ra cái vật to sù nổi cộm trong đáy quần mình cho cô nhìn thấy, thì cô sững sờ thốt hỏi: “Của thật ư?” “Chỉ mỗi một cách trả lời câu chị hỏi”, Toby đáp, mặt hơi vênh lên. Quá nửa đêm, trong căn phòng của hai chị em nhà Perry, Toby nằm giữa, không biết hai chị em, cô nào bên nào, nhưng chắc chắn mỗi cô một bên. Có ăn có trả, Toby “phục vụ” hai chị em nhà Perry một thời gian, cũng được họ tận tình đáp lại, sau khi biết ước muốn của anh. Vả lại, họ cũng sợ anh sẽ bỏ đi nếu kiếm được việc làm ở nơi khác. Và cả ba đã tính toán kỹ lưỡng để đêm đó, một tiếng trước giờ ra sân khấu, Jeri dẫn tay diễn viên hài của tiệm, một đệ tử ruột của thần đổ bác tới một sòng bài xoàng xĩnh với những cửa đặt cò con hợp với túi tiền còm của gã. “Chúng mình không ở đây lâu được. Sắp đến giờ diễn của tôi rồi”. Gã thở dài tiếc rẻ. Một lúc sau, Jeri lẻn đi, trong khi gã hài nọ đang trong cơn say máu nhất. Còn ở Knee High, Toby đã sẵn sàng. Tất nhiên, gã hài nọ không thể có mặt đúng giờ diễn. Lão chủ tiệm lồng lộn. “Cái thằng con hoang bất tài ấy kể như xong rồi. Lạy trời đừng để nó vác mặt tới đây nữa”. “Thật rủi cho gã đó, nhưng lại thật may cho ông, và cho Knee High. Tình cờ có một cây hài đang ngồi trong quán chúng ta. Anh ta mới từ New York đến”. Meri làm như vô tình nói. “Cái gì? Đâu?” Lão nhìn theo cái hất hàm của Meri, rồi bĩu môi. “Thằng nhóc đó? Thế vú nuôi của nó đâu”, lão giễu cợt, “để tôi còn bàn chuyện giá cả?”. Tất nhiên Meri hiểu, nhưng cô vẫn thật lòng bênh vực Toby. “Nhiều trò lắm đấy. Ông cứ thử xem, có mất gì đâu.” “Mất khách chưa đủ sao hay còn phải mất thêm gì nữa?” Lão lẩm bẩm rồi tới bên Toby. “Nghe nói cậu từng diễn hài?” “Tôi vừa qua đợt diễn ở New York. Đang trên đường đi nghỉ”. Toby nhún vai nhưng tinh mắt lắm mới thấy. “Bao nhiêu tuổi?” Toby lại kín đáo nhún vai. “Hai hai”. Suýt nữa lão chủ văng tục, nhưng rồi lão chỉ nói như doạ. “Hai hai cái cục cứt. Thôi, lên đi. Nếu làm trò không ra gì thì đừng mong mà sống tới hai hai năm với tao”. Cơ hội đây rồi. Giấc mơ có thành sự thật hay không cũng là từ đây thôi. Toby tự động viên mình rồi quả quyết bước ra sân khấu sáng trắng ánh đèn. Khi chờ ban nhạc chơi khúc dạo đầu cho tiết mục của mình, anh nhìn xuống đám khán giả cả đàn ông lẫn đàn bà, hoặc đang say sưa hoặc đang mải hôn hít sờ mó nhau. Họ sẽ ngưỡng mộ hay sẽ la ó xua đuổi anh? Sao lúc này mẹ lại không bên anh, hoặc ngồi lẫn vào họ nhỉ? Nhạc ngừng lại. Anh hiểu, thời khắc của anh bắt đầu. “Chào các quý ông quý bà, thật hạnh phúc khi được là các vị. Nhưng tôi chỉ là Toby, TobyTemple. Tôi cam đoan rằng quý ông quý bà đều biết tên của mình”. Chả ai cười, hoặc nói gì. “Có ai nghe tin gì về ông trùm mới của Chicago không? Một kẻ quái dị đấy. Từ khi ông ta lên ngôi, danh sách nụ hôn tử thần có thêm cả bữa tối và vũ hội”. Đám khán giả lặng lẽ nhìn anh, dửng dưng và xa lánh. Mồ hôi bỗng vã khắp người, trong khi nỗi hoảng sợ chẹn ngang họng Toby. Anh gặp phải đám khán giả không biết cười, thậm chí không biết nghe rồi. Nhưng anh không thể ngưng lại được. “Tôi mới diễn tại một nhà hát nằm sâu mãi trong rừng ở Maine, và chủ rạp là một con gấu”. Chẳng có gì thay đổi. Anh là kẻ thù của đám đông này ư? “Chẳng ai báo trước cho tôi đây là hội thảo của những người câm điếc. Tôi bỗng thấy đau xót khi không được cùng mắc căn bệnh với quý ông quý bà. Bởi thế tôi sẽ chỉ nói được bằng tay, và chắc chắn chúng ta đã ôm nhau rồi”. Họ bèn la hét ầm lên. Lão chủ tiệm cuống quýt ra hiệu cho ban nhạc chơi to hết cỡ, cốt sao át được tiếng Toby. Anh đứng đó, ngây ngô, nụ cười vẫn nở toác trong khi nước mắt giàn giụa. Hết cả rồi ư? Czinski chợt tỉnh giấc, không biết vì sao. Mãi rồi bà mới nghe tiếng Josephine đang khóc. Vội vã đến bên cũi nằm của con gái, bà thấy nó đang giẫy giụa, mặt tím ngắt vì ngạt thở. Bà gọi cho bác sĩ Wilson và được lệnh mang Josephine tới bệnh viện ngay. Nó được tiêm thuốc an thần vào mạch và lại ngủ ngon lập tức. Bác sĩ Wilson khám cho Josephine rất kỹ , song không tìm ra được dấu hiệu bệnh tật gì. Ông không yên tâm được. Mãi mãi, kim giây của chiếc đồng hồ treo tường trong phòng sản bệnh viện ám ảnh ông. Chương 04 Sân khấu hài kịch từng đã rất phát triển ở Mỹ, đến vài chục năm trời, trước khi rạpPalace đóng cửa vào năm 1932. Đây là nơi vào nghề, cũng là nơi tập dượt, thử thách của các diễn viên hài trẻ tuổi mong muốn nhanh chóng khẳng định mình trước đám khán giả thưởng thức thì ít mà chọc phá thì nhiều. Không ít diễn viên đã đạt được mục đích từ “lò” đào tạo ấy, trở nên nổi tiếng cả về tài lẫn về tiền, thí dụ như Eddie Cantor, Jolson, Benny, Abbott, Burns và anh em nhà Marx, cùng nhiều người khác nữa. Họ biểu diễn trên sân khấu trong các chương trình riêng, biểu diễn cả trong các câu lạc bộ hoặc khách sạn, hộp đêm mà tên tuổi của nó cũng nổi không kém họ. Toby chưa được cái vinh quang đó. Anh cũng diễn hài trong các câu lạc bộ, các hộp đêm nhưng nếu gọi cho sát hơn cái thực tế của nó thì phải gọi là hệ thống nhà vệ sinh, tức là các quán rượu nhỏ và tồi tàn, bẩn thỉu mọc nhan nhản khắp nước Mỹ. Khách khứa vào đây toàn dân lao động chân tay, ăn cho kỳ no, uống cho tới say, nôn oẹ thì cũng cho bằng hết. Ngoài ra, họ vào quán để ngắm các cô gái múa thoát y, và để được cười. Gái xấu, hoặc chuyện hài mà không cười nổi, là họ chửi rủa, la hét, và ném vỏ chai vào diễn viên. Nơi đây, chỗ hoá trang thường là một góc, xó nào đó, nếu không sặc mùi thức ăn thiu thối thì cũng nồng mùi nước tiểu trộn nước hoa rẻ tiền pha lẫn mùi mồ hôi chua loét. Nhà vệ sinh thì bẩn tới mức chỉ kẻ say mới dám bước vào, còn các diễn viên thì cứ thản nhiên đái vào chậu rửa mặt. Thù lao ư? Vô giá. Tức giá nào cũng là có thể. Một bữa ăn, thậm chí một chiếc bánh mì. Song cũng có khi lại là năm, bảy, thậm chí mười lăm đôla. Nó tuỳ thuộc hoàn toàn vào thái độ của người xem. Cái hệ thống nhà vệ sinh đó chính là trường học của TobyTemple. Khổ sở và cả gai góc đấy nhưng nó dạy cho anh bao nhiêu là mưu mẹo, mánh khoé dể sống, để thực hiện giấc mơ. Toby biết cách phân biệt sự la hét vô thức của đám say với cái chọc phá cố tình của lũ mất dạy. Không bao giờ anh lầm lẫn hai loại này với nhau, và nó rất quan trọng để giúp anh tìm ra cách xử lý với mỗi loại. Anh tự lên chương trình biểu diễn, gồm những bài hát dân gian đã bị xuyên tạc lời; bắt chước điệu bộ và giọng nói của các ngôi sao ca nhạc, sân khấu, điện ảnh; các trò học lỏm được từ các danh hài, là những người có khả năng thuê người khác viết kịch bản cho riêng mình. Anh không sợ mang tiếng, vì hầu hết đám diễn viên có cảnh ngộ tương tự anh đều làm vậy, và họ đâu có thèm giấu giếm gì. “Tôi sẽ sắm vai Jerry Lester”. Người nào nói vậy là ngầm khoe mình đã “thuổng” vở của Lester đấy. Rồi lại còn tuyên bố “Và tôi diễn còn hơn chính cả Lester. Hãy đến xem”. Hoặc anh khác thì “Giá mọi người được xem tôi sắm vai Red Skelton”. Toby diễn đủ trò, chẳng chừa gì, chẳng kiêng gì cả. Giương đôi mắt xanh biếc và ngây thơ lên, anh nhìn vào đám đông, ngơ ngác hỏi “Các vị đã thấy người Eskimo đái chưa?”. Anh đặt tay vào cửa quần, và người ta thấy từng cục băng nhỏ rơi xuống. Tuy nhiên, anh cũng luôn sắn trò thay thế khi cảm thấy vỏ chai chuẩn bị bay tới chỗ mình. Và luôn luôn Toby nghe thấy tiếng xả nước ở nhà vệ sinh khi đang biểu diễn. Toby di chuyển chủ yếu bằng xe buýt, từ hộp đêm này đến quán rượu kia, và thuê những nhà trọ rẻ tiền nhất để ở, ăn uống thì kham khổ, vừa nhai vừa thèm thuồng nhìn những món ăn ngon trên bàn kế bên. Anh đệm bìa vào giầy che lỗ thủng, lấy phấn xoa trắng cổ áo để đỡ tốn tiền giặt. Khổ cực anh chịu nổi nhưng sự cô đơn đã huỷ hoại anh biết bao. Dường như trên cả trái đất mênh mông với hàng tỷ con người sinh sống này, không một ai quan tâm đến anh, thậm chí nghĩ tới anh, còn sống hay đã chết? Lâu lâu anh cũng gọi về cho cha, nhưng chủ yếu vì nghĩa vụ con cái chứ không vì thương yêu. Mỗi ngày anh mỗi bị dày vò hơn bởi thiếu người thổ lộ nỗi lòng và chia sẻ ước mơ. Anh nhìn một cách thèm thuồng và ghen ghét với những kẻ làm cùng công việc như anh nhưng nổi danh và giàu có hơn anh gấp vạn lần. Sau mỗi buổi diễn, họ ra về trên những chiếc xe hơi đắt tiền, khoác vai những co gái lộng lẫy hẳn cũng đắt tiền chẳng kém chiếc xe. Bao giờ anh sẽ như họ? Bây giờ, anh còn đang phải chống chọi với nỗi khiếp sợ mỗi khi thất bại, bị người xem la ó hoặc ném vỏ chai, hoặc bị đuổi xuống trước khi bắt đầu. Thất bại trong biểu diễn, với anh, là rơi xuống đáy, là không còn gì tồi tệ hơn, là tận cùng của sự thảm hại. Lúc đó, anh chỉ muốn giết hết đám đông ngu muội và tàn nhẫn kia, rồi sau đó giết chính mình. Lúc đó anh chỉ mong sao mình căm thù được sân khấu, ghét bỏ được ước mơ, để mãi mãi không phải đứng trên đó mua vui cho thiên hạ. Thà anh làm thợ mộc, phu khuân vác, hoặc chọc tiết bò, pha thịt lợn như bố mẹ còn hơn. Anh thực lòng mong vậy đó, để rồi ngay tối hôm sau lại đứng dưới ánh đèn sân khấu, lại nhăn nhó hay cười cợt để rồi có thể lại nhận những lời la ó kèm hay không kèm vỏ chai. Có một chuyện anh hay mang ra kể, với vẻ mặt ngây thơ và cái nhìn trong trẻo. “Có anh nọ phải lòng con vịt mà mình nuôi, đi xem phim cũng mang theo và nhét nó vào trong quần để đưa được nó vào rạp. Phim chiếu được một lúc, chú vịt ngọ nguậy, anh nọ bèn cởi cúc quần cho nó thò đầu ra. Ngồi cạnh anh nọ là một cặp vợ chồng trẻ, chị vợ bảo anh chồng “Chim cái anh ngồi cạnh em thò cả ra ngoài”. Anh chồng mắt không rời màn ảnh, hỏi: “Nó có làm phiền em không?” Chị vợ lắc đầu. Anh chồng bảo: “Vậy kệ nó. Mình mất tiền để vào đây xem phim chứ có vào xem chim ông khách ngồi bên đâu”. Một lúc sau chị vợ lại huých chồng. “Này, chim anh ta...”. Anh chông sẵng giọng “Anh đã bảo kệ nó...”. Chị vợ nũng nịu “Không kệ được, chim anh ta đang nhai ngô của em”. Dần dần, do chịu khó học hỏi, công việc của Toby cũng ngày một khấm khá hơn. Anh bắt đầu biểu diễn được ở những nơi, tuy chưa gọi là danh tiếng, nhưng ít nhiều cũng có tiếng, như Twenty-One ở San Francisco, Rudy’s Rail ở New York hay một vài nơi khác nữa. Anh còn biểu diễn trong đại hội những người thợ làm ống nước, trong cuộc vui gặp gỡ của dân Do Thái, trong đêm chiêu đãi một đội vô địch bóng chày. Anh vẫn không ngừng học hỏi. Rồi một bất ngờ xảy ra. Tháng Mười hai năm 1941. Buổi chiều chủ nhật lạnh lẽo ấy. Toby đang trình diễn tại một rạp trên đường Mười Bốn, New York. Đây là buổi thứ năm trong ngày, mỗi buổi có tám tiết mục và một phần công việc của anh còn là giới thiệu các tiết mục đó. Buổi diễn đầu bình thường. Đến buổi thứ hai, khi Toby giới thiệu tốp diễn viên nhào lộn người Nhật, khán giả bỗng vung tay la hét ầm lên. Anh lui vào, ngơ ngác. “Chuyện chó chết gì ấy nhỉ?”. Nghe anh hỏi, người chủ rạp bực dọc. “Không biết gì à? Mấy giờ trước bọn Nhật đã tấn công Trân Châu cảng”. Toby càng ngơ ngác hơn. Chiến tranh là việc của hai quốc gia, của nước người cầm đầu. Còn đây là các nghệ sĩ, những tay nhào lộn nổi tiếng thế giới cơ mà. Buổi diễn tiếp theo, khi đến tiết mục của nhóm người Nhật này, anh giới thiệu họ là người Phi, buổi sau nữa, họ là người nước Hawaii hạnh phúc, rồi người Trung Hoa may mắn... Nhưng anh không cứu được, họ vẫn cứ bị xua đuổi như thường. Rồi anh không cứu được cả anh nữa. Có một phong thư đang chờ anh, mở đầu bằng câu Chúc mừng anh và kết thúc là chữ ký của Tống thống Mỹ. Hơn tháng sau, Toby nhập ngũ. Những cơn đau đầu vẫn tiếp tục xuất hiện và khi đó, Josephine cảm thấy thái dương nó như bị ép trong chiếc kẹp sắt to tướng. Nó không dám khóc, vì sợ mẹ cáu. Độ này mẹ nó rất năng đi lễ nhà thờ, vì thấy không nhiều thì ít hai mẹ con cũng gián tiếp gây ra cái chết của chồng bà. Đó là kết quả của một lần bà tình cờ nghe mục sư hùng hồn rao giảng. “Các ngươi đầy tội lỗi. Chúa ghê tởm và sẽ trừng phạt các ngươi, nếu các ngươi không chịu hối cải...”. Bà bỗng thấy nhẹ nhõm như đang được nghe tận tai những lời Chúa nói với riêng bà. “Mẹ con mình bị Chúa trừng phạt vì đã giết chết ba con”. Bà hay nói vậy với con gái, và đầu óc non dại của Josephine hiểu rằng mình đã làm một cái gì đó không nên làm. Nó rất mong được biết đó là cái gì để có thể xin mẹ tha thứ. Chương 05 Thoạt tiên, chiến tranh thực sự là niềm kinh hoàng với TobyTemple. Anh được huấn luyện ở trại lính thuộc vùng Georgia rồi ngồi tàu thuỷ qua nước Anh và cuối cùng đóng quân ở Sussex. Anh xin được gặp vị tướng chỉ huy nhưng người mang cấp bậc to nhất chịu gặp anh chỉ là đại uý. “Thế là có phúc lắm rồi”. Đồng đội Toby bàn tán vậy. Đại uý Winters trạc ngoài ba mươi, da rám nắng, mặt mũi nom vẻ thông minh và dễ gần. “BinhnhìTemple, có chuyện gì cần nói?” Sam hỏi. “Tôi là diễn viên sân khấu”, Toby không vòng vo. “Đó là công việc của tôi trước khi đăng lính”. “Nói chính xác thì anh làm gì?”. Sam hỏi lại, mỉm cười trước vẻ ngây thơ của Toby. “Nhiều lắm, kể không hết, biểu diễn mọi trò cho người xem cười. Nào bắt chước ai đó, nào xuyên tạc lời bài hát, nào bịa chuyện vui... Đại khái vậy”. “Anh biểu diễn ở nhà hát nào?” Toby ngập ngừng. Đại uý chắc chỉ quan tâm đến những sân khấu lớn, còn hệ thống nhà vệ sinh ư?. “Những nơi mà ngài chưa bao giờ được nghe nói đến”. Cuối cùng anh chán nản đáp, biết là mình chỉ phí công thôi. Nhưng đại uý không mắng, cũng không xua anh đi, chỉ nói với vẻ nghiêm túc, anh hy vọng là vậy. “Tôi không có quyền quyết định nhưng tôi sẽ nhớ và sẽ cố gắng xem có thể làm gì cho anh”. “Cảm ơn đại uý”. Anh đứng nghiêm chào rồi quay người bước đi. Toby không ngờ đã để lại ấn tượng trong Sam Winters, khiến anh bần thần nghĩ ngợi rất lâu. Sam nhập ngũ vì thấy mình cần phải như thế, phải góp phần làm cho cuộc chiến này sớm chấm dứt, và hơn nữa, ngăn chặn các cuộc chiến tiếp theo, để ít nhất, những chàng trai như binh nhìTemple đây được đứng trên sân khấu như anh ta mơ ước. Sam thông cảm ngay được với tâm hồn nghệ sĩ của Toby vì trước khi đăng lính anh là một chủ nhiệm phim ở hướng Hollywood, còn có kiểu nghệ sĩ nào mà anh chưa gặp gỡ, chưa tiếp xúc, thậm chí đã chứng kiến không ít những chàng trai say nghề như Temple đến rồi đi, song không chịu nản lòng, vẫn muốn thử vận may lần nữa, rồi lại thêm lần nữa... Anh nói lại với đại tá Beech về Toby, giọng hào hứng, yêu cầu ông xem có cách nào tạo cho Toby một cơ hội. Đại tá nghe, gật gù, hứa xem xét nhưng trong đầu đã lập tức gạt phăng. Với ông, lính, trước tiên phải là lính đã. Đồng đội nhớ bố mẹ, nhớ vợ, nhớ người yêu...riêng Toby nhớ khán giả, nhớ đến quay quắt, tưởng đến không chịu nổi. Anh diễn trò ở mọi nơi mọi lúc, dù người xem chỉ là hai tay binh nhì cùng ca gác nơi xó rừng hoặc gã trông nom kho thực phẩm. Không sao hết, anh vẫn diễn hăng say như trước ngàn khán giả. Có lần, đại uý Winters đứng lẫn trong đám người xem, sau đó bảo riêng với Toby. “Tiếc là không giúp được anh, Temple. Tôi nghĩ anh có tài đấy. Chiến tranh kết thúc, nếu có dịp ghé ngang Hollywood, hãy nhớ đến tìm tôi”. Rồi như nhớ ra, anh cười, nói thêm “Tất nhiên, tôi phải còn sống và còn làm việc ở đó”. Mấy hôm sau, đơn vị Toby được điều ra mặt trận. Chiến tranh kết thúc, đọng lại trong ký ức Toby không phải là cảnh đổ nát hay chết chóc, cũng không phải những thành phố bị chiếm đóng hay giải phóng, mà đơn giản anh nhớ nhất chỉ là anh ở đâu, với ai và đã diễn trò gì. Anh nhớ ở Saint-Lo mình đã thành công rực rỡ thế nào trước đám đông tụ tập ở quảng trường khi bắt chước điệu bộ Bing Grossby. Tại Aachen, anh kể chuyện vui, làm nhiều điệu bộ lố bịch hàng mấy tiếng liền trước các thương bệnh binh, có người cười đến nỗi vết khâu bật cả chỉ ra. Còn tại Metz, người ta lao xuống hầm trú ẩn khi máy bay Đức ập đến, nhưng bắt cả Toby theo, và anh phải diễn dưới ánh đèn leo lét trong hầm. Còn ở Cherbourg trên đất Pháp mới hay; Toby cùng đám bạn đi chơi điếm, và trong khi bạn anh đã lên gác hành sự thì anh vẫn loay hoay diễn trò cho ba mẹ con bà chủ xem. Họ cười lăn lộn và kết quả anh được dành cho cô điếm đẹp nhất, khoé cả tay lẫn miệng nhất, mà lại không phải trả đồng nào. Thế chiến thứ Hai với Toby là vậy đó. Anh ra khỏi nó khi vừa bước vào tuổi hai nhăm, nhưng vẻ ngoài chẳng thay đổi là bao, khuôn mặt vẫn nguyên vẻ ngây thơ dễ thương còn đôi mắt vẫn ánh màu xanh biếc ấy. Ai nấy đều hồi hương với bao hy vọng tràn trề, bao đợi chờ khắc khoải. Anh thì chẳng gì hết ngoài Tiếng Tăm. Toby không ngần ngại chọn Hollywood. Đến bao giờ Chúa mới thực hiện lời hứa với anh? Mẹ đã chắc chắn rồi mà. “Chúa khinh ghét những kẻ gây tội lỗi mà không biết sám hối. Chúa đã giận thì hệt như cây cung đã giương và mũi tên lửa nằm trên đó đang hướng vào con tim đen tối của các ngươi và đang sẵn sàng lao tới theo ý Chúa. Hãy ngước cầu xin Ngài trước khi quá muộn”. Lời mục sư như những nhát búa nện thẳng vào đầu đứa bé sáu tuổi Josephine. Nó ngước lên, hoảng sợ như nhìn thấy mũi tên lửa đang vùn vụt lao tới, và bám chặt lấy tay mẹ. Không hề để ý tới con, bà Czinski đang phấn khích gào lên theo đám đông, “Lạy Chúa lòng lành!”. Mặt mũi bà đỏ bừng, mắt sáng quắc, long lanh. Căn lều lớn ở bên ngoài Odessa là nơi thường diễn ra những buổi rao giảng của các mục sư thuộc đủ các loại đạo giáo, từ chính thống tới Do thái, Tân giáo, Tin lành...nhưng thảy đều giống nhau về ngày Phục sinh của Chúa và về kiếp đọa đầy nơi địa ngục với những kẻ tội lỗi mà không chịu sám hối, không chịu theo chính bỏ tà. Mẹ con nhà Czinski dự không sót buổi nào. “Những kẻ tội đồ đáng thương kia, hãy quỳ và sợ hãi trước đấng Jehovah chí tôn chí thánh. Trái tim Người vỡ nát vì tội lỗi của các ngươi. Chỉ cần nhìn ánh mắt lũ trẻ trong căn lều này đã thấy biết bao là dục vọng tội lỗi”. Josephine cúi đầu nhắm nghiền mắt lại, tưởng như mọi ánh mắt đều đang hướng về mình. Bây giờ thì nó biết, khi đau đầu chính là nó đang bị Chúa trừng phạt. Nó chăm chỉ cầu nguyện, để đầu không đau nữa, và nhất là để biết đã được Chúa tha thứ. Nó cũng cầu mong Chúa hãy cho biết nó đã phạm phải điều tồi tệ gì để đầu nó đau ghê gớm như vậy. “Rượu và máu, thuốc thú là hơi thở và gian dâm là khoái lạc...cả ba thứ trên đều là sự hưởng thụ của loài quỷ dữ. Dính líu tới những thứ đó chính là các ngươi đã giao du với sa tăng, để rồi sẽ bị đày đoạ muôn đời nơi địa ngục”. Josephine nép sát hơn vào mẹ, ghì chặt mình hơn xuống ghế. Cô bé sợ quỷ dữ bắt đi, sợ bị thả vào vạc dầu. Đám đông ngân nga.”Con muốn được tới Thiên đàng, nơi yên nghỉ con hằng mong ước”. Vậy mà Josephine đầu óc thế nào lại hát nhầm thành “Con muốn đến Thiên đàng trong chiếc váy đẹp của con”. Một năm sau khi Thế chiến thứ Hai chấm dứt, thị trấn không mấy tên tuổi Odessa bang Texas bỗng sực lên mùi vị mới. Thay cho mùi gió cát sa mạc ngự trị trước cả khi Odessa ra đời, nay là mùi dầu. Cái mùi cả loài người thèm khát. Cái mùi này rất nhanh chia xã hội con người ra thành các giai tầng khác nhau. Odessa cũng không ngoại lệ, song ở đây đơn giản chỉ là hai loại: những người có dầu và những người còn lại. Mới nghe đã thấy sự xa cách lớn dường nào rồi. Những người còn lại thua kém những người có dầu về mọi mặt, từ tiền bạc, của cải, sự học hành đến địa vị xã hội...bù lại, họ nhận được vô vàn lòng thương hại ở lớp người mà họ thua kém. Josephine Czinski còn quá nhỏ để không biết là mình thuộc về nhóm những người còn lại. Cô bé sung sướng vì luôn nhận được lời khen của người lớn khi họ nhìn vao gương mặt trái xoan xinh xắn, đôi mắt nâu thăm thẳm và mái tóc đen của cô. Czinski rất khéo tay, giỏi nghề là khác. Và rất nhiều các bà các cô của tầng lớp những người có dầu vẫn thích váy áo của họ do bà may cắt chứ không phải do những tiệm may sang trọng, đắt tiền. Có thể đó là tín nhiệm song cũng có thể do thói quen từ những ngày họ chưa có dầu lửa. Khi đem trả váy áo, Czinski thường mang con gái theo và cô bé rất được ác bà vợ, cô con ông chủ tán thưởng bởi vì cô thật dễ coi và cũng thật dễ thương, và cũng bởi vì các bà vợ cũng như cô con ông chủ đều thích thiên hạ nghĩ về mình như một gương mặt dân chủ, bác ái, độ lượng. Họ cho phép Josephine, một cô gái gốc lai, nhà lại nghèo, được phép nô nghịch, được phép chơi chung đồ chơi, sử dụng chung đồ tập luyện với con cái họ. Vậy là bỗng dưng Josephine sống cuộc sống hai mặt, một là nghèo khổ và đơn điệu, một là xa hoa và phong phú. Nếu được phép ở qua đêm tại nhà Cissy Topping hay Lundy Ferguson, cô sẽ có riêng một phòng ngủ thênh thang, mùa hè mát rượi và mùa đông, tất nhiên, ấm áp. Bữa sáng của cô sẽ do người hầu mang tới tận giường. Nhưng ở những nơi đó, thường cô không ngủ được trọn giấc, bởi cô thích thức dậy lúc nửa đêm, khi tất cả đã say ngủ, và được một mình thơ thẩn xuống nhà, say sưa ngắm các đồ vật lộng lẫy bày biện ở đó, những bức tranh quý treo trên tường. Cô chạm tay vào chúng, vuốt ve chúng, thậm chí ôm vào lòng, tự nhủ rồi sẽ có ngày ngôi nhà và các đồ vật tương tự thế này sẽ thuộc về cô. Nhưng với cả hai cuộc sống ấy, Josephine vẫn thấy cô đơn. Cô bé không dám tỏ bày với ai về những cơn đau đầu của mình. Mẹ thì đã sùng đạo tới mức cuồng tín, sẵn sàng và thậm chí vui mừng nhận sự trừng phạt của Chúa. Còn với bạn bè, kể cả giàu lẫn nghèo, cô đều sợ chúng chế giễu hoặc lảng tránh. Vì vậy cô càng thêm đau đầu, càng thêm khiếp sợ Chúa. Năm Josephine bảy tuổi, một cửa hàng lớn của thị trấn bỗng tổ chức ra cuộc thi Bé gái xinh nhất Odesa, em nào tham dự thì được chụp ảnh tại cửa hàng, còn giải thưởng sẽ là chiếc cúp vàng có khắc tên thí sinh đoạt giải nhất. Hàng ngày Josephine đều lượn qua cửa hàng để ngắm nghía chiếc cúp bày trong tủ kính một cách thèm thuồng. Bà Czinski không cho con gái tham gia với lý do đó là trò chơi của quỷ dữ. Nhưng một bà chủ không có con gái lâu nay vẫn yêu quý Josephine đã đứng ra bảo trợ cho cô, và sau khi chụp ảnh, không hiểu sao cô cứ đinh ninh mình sẽ đoạt giải, tức là chiếc cúp đẹp đẽ kia sẽ thuộc về mình. Nhưng rồi cúp vàng lại rơi vào tay Tina. Nó làm sao xinh xắn bằng Josephine, mọi người đều biết thế, và chính Josephine cũng biết thế; nhưng bố Tina là ông chủ dầu và cái nhất, ông lại nằm trong Ban giám đốc của chính cái cửa hàng tổ chức ra cuộc thi. Chưa bao giờ Josephine lại đau đầu đến vậy. Vài ngày sau, Tina mời Josephine đến nhà chơi cuối tuần. Cô bé ngồi lỳ trong phòng Tina ngắm nghía rất lâu chiếc cúp, và khi ra về, giấu béng nó trong túi quần áo mang theo. Bị bà Czinski cho một trận đòn nhớ đời song Josephine không hề giận mẹ. Cô đã đạt nguyện vọng sở hữư chiếc cúp, dù chỉ trong vài ba chục phút. Chương 06 Vào năm 1946, kinh kỳ điện ảnh thế giới có tên là HOLLYWOOD thuộc bang California, nước Mỹ. Nó không chỉ làm ra nhiều phim nhất, có nhiều bộ phim hay nhất mà còn như cái rốn của vũ trụ, hút vào mình đủ các loại người; có tài và không có tài, tham lam và độ lượng, cầu may và buông xuôi, những cô gái đẹp và không đẹp, lành mạnh và bệnh hoạn, tình dục khác giới và đồng giới...Nó là mảnh đất của sự đâm chồi nẩy lộc, song cũng thui chột không biết bao mầm xanh. Nó vừa là đất thánh vừa là nơi quỷ dữ hoành hành. Temple hăm hở Hollywood như đến với mảnh đất Chúa dành sẵn cho mình, trong túi vỏn vẹn ba trăm đôla và biết, nếu không tận dụng mọi cơ hội có thể thì sẽ nhanh chóng trắng tay là cái chắc. Anh biết đây là nơi mà vẻ ngoài đôi khi dẫn người ta tới thành công nhanh hơn là thực lực nên nghiến răng mua vài bộ đồ nom cũng ra mẽ, mặc vào, rồi nhẩn nha tới một nhà hàng mà anh biết các diễn viên điện ảnh thường tụ tập dùng bữa tối ở đó. Qua cách bài trí, qua một vài gương mặt và không khí nơi đây, anh mường tượng ra khá nhiều điều thú vị. Một cô hầu bàn bước tới, nom thật khêu gợi với bộ ngực không áo lót đung đưa. “Tôi có thể mang tới cho anh thứ gì?” Cô ta hỏi. Anh không đáp mà đưa cả hai bàn tay ôm lấy đôi vú cô ta. Không la hét nhưng ánh mắt cô gái lộ vẻ bất bình. Toby nhìn cô ta bằng đôi mắt đờ đẫn, không hồn, nói bằng giọng ân hận. “Tôi mong cô tha thứ cho con người bất hạnh về thị giác”. “Ô, tôi hiểu, không có gì. Anh không có lỗi gì đâu”. Cô dẫn Toby tới bàn, đỡ anh ngồi xuống ghế. Lúc mang đồ ăn tới cho anh, cô trợn mắt khi thấy anh đang ngắm các bức tranh treo trên tường. Anh tươi cười nhìn cô. “Ơn Chúa, mắt tôi tinh tường trở lại rồi”. Anh nói với vẻ thực thà đến ngây ngô khiến cô không thể không cười. Cô còn được cười, cười mãi, khi nằm bên anh, suốt đêm, cười cả khi anh đưa cô lên đỉnh cao khoái lạc. Toby tận dụng mọi cơ hội để được tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn, vì vậy, anh nhận làm mọi việc, không nề hà gì, miễn sao vừa có tiền sinh nhai lại vừa được gặp gỡ với các ngôi sao sân khấu, điện ảnh...Mỗi khi có dịp phục vụ họ, anh thường không quên tự thể hiện mình bằng những mẩu chuyện hài hước, những câu đùa hóm hỉnh và bằng cả vè mặt làm ra ngây ngô của mình. Vô ích. Họ nhoẻn cười đấy, nhưng chả ai thèm hỏi một câu rằng tại sao, rằng nhờ cái gì mà anh tài đến như vậy, cứ như là không hề biết anh đang phục vụ họ. Anh nhìn những người phụ nữ quyến rũ trong những bộ đồ khêu gợi đi lướt qua mà không thèm ngoái nhìn anh mà tự nhủ, sẽ có ngày họ quỳ dưới chân ta cầu xin ta ban cho họ tiếng cười, và cả lạc thú. Toby cũng không quên tìm tới các đại lý diễn viên, dù đó là hãng hay chỉ là một cá nhân, để rồi biết chỉ công toi. Không ai nhận ra anh có tài năng tiềm ẩn, không ai thèm tiếp chuyện một kẻ vô danh tiểu tốt. Họ chỉ săn tìm những tên tuổi, những ngôi sao sẽ mang lại cho họ những con số phần trăm lợi nhuận béo bở. Qua những cuộc tiếp xúc, cái tên Toby được nghe nhiều nhất là Clifton Lawrence, một đại lý sáng chói, một con mắt phát hiện tinh tường, một kẻ luôn gặt hái được những hợp đồng béo bở...Được, rồi sẽ đến ngày Clifton Lawrence là đại lý của ta...Anh cay cú nghĩ. Anh đặt mua các tạp chí Daily Variety và Hollywood Reporter mà các diễn viên đều gối đầu giường. Mỗi khi đọc chúng, anh có cảm giác mình là người trong cuộc. Kịch bản Màu hổ phách còn mãi đã được hãng phim Century-Fox mua trong khi hãng Warner Brother giành được kịch bản Sống cùng cha. Ngôi sao Ava Gardner vừa ký hợp đồng đóng vai chính trong phim Ga váng...Những tin tức làm Toby bồn chồn, song một dòng tít thì đã khiến anh bật dậy. Chủ nhiệm phim Sam Winter đã nhận cương vị Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất của Hãng phim Pan -Pacific. Chương 07 Dứt chiến, từ châu u trở về, Sam Winters thấy mọi việc ở hãng Pan-Pacific như không có gì thay đổi. Anh vẫn ngồi ở vị trí cũ, vẫn làm những công việc cũ. Song chỉ sáu tháng sau, một cuộc cải tổ lớn đã diễn ra. Và Sam đã trở thành một nhân vật quan trọng của Hãng, như báo chí đã đưa tin, dù anh không mưu mẹo và cũng chẳng mưu toan gì. Người ta thấy anh ham làm việc, và được việc, vậy thôi. Nếu ví von một cách bóng bẩy, Hollywood khi thì từa tựa khoa tâm thần trong nhà thương điên, đầy những kẻ mắc chứng hoang tưởng tự huyễn hoặc mình, khi lại giống trại giáo dưỡng nhân phẩm nhốt giữ nước kẻ ăn cháo đá bát hoặc ăn tàn phá hại. Sam chấp nhận hết, miễn là họ có tài. Chỉ tốt không thôi, anh chẳng biết dùng họ làm gì cả. Có tiếng gõ khẽ, rồi Lucille Elkins, thư ký của Sam mang vào một xấp giấy tờ, thư từ, và thông báo. “Clifton Lawrence muốn gặp ông, đang chờ ngoài kia!”. Lucille là một thư ký đầy năng lực và có lẽ ngoài thư ký không thể làm được nghề gì khác. Sam vốn thích Lawrence, gạt hết giấy tờ sang bên, đứng dậy. “Mời ông ta vào, Lucille!”. Ở Hollywood, Lawrence là một huyền thoại sống, vừa do tài năng vừa bởi tấm lòng. Tài năng của ông nằm ở sự phát hiện, đào tạo và phương pháp tạo ra danh tiếng còn tấm lòng thì biểu hiện lớn nhất là ở sự chân thành. Khách hàng của Lawrence đều là những tài năng lớn của nghệ thuật biểu diễn, hoặc chắc chắn sẽ trở thành như thế. Nhân viên văn phòng của ông ít đến mức không thể ít hơn, lại phải luôn sẵn sàng khăn gói lên đường phục vụ khách hàng biểu diễn; gần thì New York, Boston, xa thì London, Rome, Paris và nhiều thủ đô khác nữa. Lawrence giao du thân mật với hầu hết các bậc tai mắt của Hollywood, đặc biệt với những người phụ trách sản xuất của các Hãng phim lớn. Năm nào ông cũng thuê hẳn một con tàu biển và “tuyển” vài cô người mẫu - hoặc mơ làm người mẫu - rồi mời mấy vị đứng đầu các Hãng phim đó đi “câu cá” vài ngày. Ông còn có một nhà nghỉ sang trọng trên bãi biển Malibu luôn sẵn sàng cho bạn bè sử dụng. Ông và Hollywood, hai bên đều có lợi khi quan hệ tốt với nhau. Lawrence bước vào, bộ đồ lớn sang trọng và vừa khít, bàn tay với những chiếc móng tỉa tót chìa ra, thân mật. “Tôi chỉ định ghé qua chào anh. Mọi việc vẫn ổn chứ?”. “Đoạn đầu dài quá, đoạn kết vội vã quá”, Lawrence ý tứ, là “theo tôi, nếu bớt đầu và làm lại đuôi thì sẽ có một phim đáng xem”. Sam hớn hở. “Thì chúng tôi đang làm vậy. Hôm nay ông mang tặng tôi ngôi sao nào vậy?” “Rất tiếc, họ đều đang bận”. Sam biết Lawrence không “làm giá”. Khách hàng của ông chẳng bao giờ phải ngồi không. Lawrence nói tiếp. “Sam này, thứ sáu gặp nhé. Chào!”. Tiếng Lucille vẳng ra từ đường liên lạc nội bộ, “Dallas Burke đang chờ”. “Xin mời!”. “Và Mel Foss cũng muốn gặp ngay, bảo là có chuyện cần gấp.” Đó là Giám đốc phim truyền hình của Hãng Pan -Pacific. Sam liếc nhanh lịch công việc đặt trên bàn. “Nói Mel sáng mai, tám giờ, tại Plo Luonge”. Chuông reo ở phòng thư ký, Lucille nhấc ống nghe. “Văn phòng Sam Winters”. Một giọng lạ lẫm vang lên. “Xin chào. Con người khổng lồ ấy đang ở văn phòng chứ?” “Xin lỗi, ai đầu dây?” “Bảo Sam rằng có TobyTemple gọi. Chúng tôi là bạn từ thời lính tráng và Sam bảo nếu tới Hollywood hãy gọi máy cho Sam”. “ThưaôngTemple, ông Winters đang tiếp khách. Tôi có thể bảo ông ấy gọi lại cho ông được không ạ?”. “Tất nhiên!”. Toby đọc lên số máy và Lucille không thèm ghi lại. Cô lạ gì cái trò núp dưới danh nghĩa bạn bè thời lính tráng này. Dallas Burke thuộc lớp đạo diễn tiền bối của điện ảnh Hollywood. Phim của ông hầu hết được chiếu ở các trường điện ảnh, được soạn thành giáo trình. Đó là những phim được công chúng và các nhà phê bình đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ và sự sáng tạo, trong đó, có tới gần chục bộ được xếp vào hàng kinh điển. Burke đã ngót tám mươi, thân hình vốn to béo nay như xọp đi mỗi ngày, gày gò, nhăn nheo. “Vui mừng được gặp ông, Burke. Ông vẫn khoẻ?” Sam vồn vã. “Rất vui được gặp anh bạn trẻ”. Burke nắm lấy bàn tay Sam chìa ra rồi hất hàm về người đi cùng ông. “Anh biết người đại lý của tôi chứ?” “Tôi biết. Khoẻ không, Peter?” Vừa ngồi xuống, Sam hỏi ngay ông già. “Nghe nói ông có kịch bản dành cho Hãng?” “Câu chuyện này thì khỏi còn chỗ chê”, ông già khẳng định. “Tôi rất muốn được nghe. Ông kể ngay đi”. Sam giục. Burke nhô người về trước, giọng đầy phấn khích. “Tình yêu là một mặt của đời sống được con người quan tâm hơn cả. Bộ phim này nói về thứ tình cảm cao quý nhất: tình mẹ con. Bối cảnh mở đầu là Long Island, một cô gái mười chín tuổi giúp việc cho một gia đình khá giả. Ông chủ đã có vợ, cũng môn đăng hộ đối, nhưng chưa con cái gì, mà lỗi lại do vợ, anh hiểu không? Ông ta ưa cô giúp việc và cô ta cũng thích ông, dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều...” Hờ hững nghe, Sam băn khoăn thầm hỏi sao mà cứ thấy nó nhang nhác Phố vắng hay Theo dòng đời đến vậy? Giống hay khác, thực ra, đâu quan trọng gì, bởi đằng nào Sam chả phải mua cái kịch bản này. Tất nhiên, mua để đấy chứ đâu để dựng phim. Hàng chục năm nay, còn Hãng nào dám để Dallas Burke đạo diễn nữa. Mà chẳng thể trách họ. Bởi chính anh cũng không dám nữa là, dù rất quý, rất thông cảm với ông giá. Mấy phim cuối cùng của Burke quá cổ, quá tốn kém và thua lỗ nặng. Sự nghiệp điện ảnh của ông giá kể như chấm dứt chục năm nay rồi. Nhưng ông đâu đã chết, về mặt con người, nên Hollywood nói chung, các Hãng từng quan hệ với ông cùng bạn bè thân hữu nói riêng, vẫn phải chăm sóc ông, bởi ông chẳng dành dụm được chút tiền nong của nả nào cho mình. Nhưng Burke từ chối tất cả những gì cho không, thậm chí dành tặng. “Tôi thèm vào cái của bố thí nhục nhã ấy”, ông nổi khùng lên, “tôi đã từng là đạo diễn của Fairbanks, Barrymore, Sill, rồi Bill Farnum, các ngươi dám coi người khổng lồ này là kẻ ăn mày ư?” “...Và đứa trẻ lớn lên, học hành, yêu đương mà không hề biết mặt mẹ mình”, ông già vẫn mải mê kể, “còn người mẹ thì không bỏ sót biến động nào trong đời con gái mình. Rồi cô con gái lấy chồng, một bác sĩ giàu có, và tất nhiên, sẽ là một đám cưới linh đình, anh hiểu chứ? Còn cái kết ư? Tuyệt, Sam! Người ta cấm bà mẹ vào dự đám cưới con gái khiến bà phải lẻn cửa sau như ăn trộm, chỉ để nhìn trộm cô dâu. Người xem sẽ không thể cầm nổi nước mắt, Sam. Anh tin vậy chứ?” Thì ra nó không như Phố vắng hoặc Theo dòng đời mà anh tưởng, nhưng nó lại giống cái gì thì anh cũng đã biết. Peter ngồi bên ông già, bối rối lảng tránh cái nhìn của Sam. “Mới nghe đã muốn khóc rồi”, Sam nói, “đúng là loại phim mà Hãng đang muốn thực hiện. “Peter, anh hãy gọi cho Phòng sản xuất và thoả thuận ký hợp đồng luôn”. Peter gật vội đầu. Dallas Burke nói thêm. “Bảo họ là phải trả cho xứng đáng, nếu không tôi sẽ bán cho Warner Brothers”. Ông quay sang Sam. “Tôi kể anh nghe đầu tiên vì quý mến anh nhất, anh hiểu không?” “Tôi hiểu, và rất trân trọng”. Anh mở cửa, tiễn họ ra, và bỗng buồn. Thực tế là anh không được tuỳ tiện dùng tiền của Hãng để làm từ thiện như vậy. Nhưng biết làm sao được. Không có Dallas Burke và những người như ông thì đã không có Hollywood, và có thể, không có cả điện ảnh nữa. Sáng hôm sau, dừng xe trước Beverly Hills, đúng tám giờ, Sam bước vào Polo Lounge như đã hẹn với Mel Foss. Anh ta đã giữ được chiếc bàn ở góc cuối, cạnh chỗ cửa sổ mà họ quen ngồi. Đi ngang qua phòng, Sam liên tục phải chào hỏi, bắt tay bạn bè, người quen biết, và cả các đối thủ cạnh tranh của các Hãng khác. Một thông tin không chính thức nhưng khá chính xác nói rằng số hợp đồng được ký trong phòng ăn này vào cả ba bữa sáng, trưa, và tối còn nhiều hơn ở văn phòng cả ba hãng cộng lại. Mel Foss đứng dậy khi Sam bước tới. “Vui vì được gặp anh, Sam”. Họ bắt tay rồi cùng ngồi xuống, đối diện nhau. Gần một năm trước, Sam nhận Mel về trông nom Xưởng phim truyền hình của Hãng Pa-Pacific. Đó là một đứa bé mới sinh ra trong ngành thông tin giải trí, song nó lớn đến chóng mặt, khiến những Hãng phim thoạt đầu coi thường nhưng đã sớm nhận ra sai lầm của mình và lập tức xông vào. “Cho nghe những điều tốt đẹp, Mel?” Sam nói ngay. “Sợ không như anh hy vọng, Sam. Chúng ta có rắc rối đấy.” Mel cũng chẳng cần vòng vo. “Họ không chịu phát sóng Những kẻ trấn lột”. “Họ không biết đó là phim đang ăn khách ư? Dễ gì mà có được nó. Để tôi bảo họ”. Sam không ngạc nhiên như Mel tưởng. “Vấn đề là ở Jack Nolan chứ không ở phim!”. Mel giải thích. Nolan là vai nam chính của phim và ngay từ ngày đầu công chiếu đã được người xem cùng giới phê bình khen ngợi. “Anh ta đã làm chuyện gì?” Sam nôn nóng. Cái bọn nghệ sĩ, hễ có tiếng là có chuyện ngay”. “Anh đọc tờ Peek tuần này chưa?” “Tôi chẳng đọc tuần nào cả, toàn những chuyện ngồi lê đôi mách. Sao, nó cho Nolan lên thớt à?” “Thằng lại cái đã đánh cả bộ váy đăng tên đi dự tiệc, và bị chụp ảnh, rồi bị đưa lên Peek”. “Dư luận phản ứng sao?” Sam hỏi như thói quen chứ anh lạ gì cái phản ứng này. “Hết nổi. Chẳng ai còn muốn dính tới cái thằng đồng tính không khảo mà xưng ấy, kể cả những phim có mặt hắn, dù là tuyệt tác đi nữa”. Lại cái, đồng cô đúng hơn là đồng tính. Sam nhận định, chứ không phải bênh gì Nolan. Những kẻ trấn lột bị tẩy chay thực sự là một đòn chí tử đối với anh. Nếu như anh cứu được nó? Lucille đón anh ở cửa văn phòng, tay chìa ra tờ điện tín, lại còn nói thêm. “Nhiều người đợi ông. Nhiều việc gấp”. Sam xua tay. “Để lại hết. Cho tôi gặp William Bill Hunt đã”. Giây lát sau Sam đã trò chuyện với giám đốc Hãng truyền hình IBC. Họ quen nhau từ vài năm trước, hoàn toàn tình cờ, và cứ cho bởi cảm tính, Sam thấy quý ngay người bạn tình cờ ấy. Hunt xuất thân là một luật sư cố vấn để bây giờ là người nắm quyền cao nhất Hãng truyền hình IBC. Họ ít liên hệ chuyện làm ăn vì Sam không dính dáng nhiều đến truyền hình, để lúc này anh mới thấy tiếc. Biết là Sam gọi, Hunt không giấu vẻ mừng rỡ. “Lâu rồi nhỉ, Sam. Anh gọi thật hay quá”. “Lâu thật rồi, Bill. Ta rủi ro lao vào cái nghiệp này, chẳng mấy khi được rảnh rỗi chuyện trò với người mình ưa thích”. “Biết vậy, nhưng đã là nghiệp rồi, bỏ sao nổi”. Hunt thực lòng. Sam làm như tình cờ. “Này, ngó qua bài báo đơm đặt trên tờ Peek chưa?” Sam nhẹ nhàng. “Chẳng cần trả lời anh cũng biết là tôi đã đọc nên mới ngưng vụ Những kẻ trấn lột lại. Bỏ nó đi”. Hunt nói bằng giọng không thể bàn cãi. “Bill, anh nghĩ sao nếu tôi khẳng định Nolan bị gài bẫy?” “Tôi sẽ nghĩ anh đang nhân vụ đó viết một kịch bản phim. Tôi xin mua liền”. Hunt cười to. “Tôi biết chắc”, Sam vẫn giữ vẻ nghiêm nghị, “bởi tôi hiểu Nolan. Không bệnh hoạn gì đâu, bình thường như tôi và anh vậy. Đó là bức ảnh chụp tại vũ hội hoá trang. Nolan mặc váy nhân ngày sinh nhật cô bồ để cô ta cười vui”. Vừa nói dối Sam vừa tự mắng mình. “Tôi tin Nolan, và vẫn quyết định dành vai chính trong phim cao bồi Laredo cho anh ấy”. Nghe rõ tiếng thở mạnh bên kia đầu dây. “Không đùa chứ? Anh biết là giữa chúng ta chưa bao giờ phải thủ đoạn với nhau, Sam”. “Tôi dám đùa với một bộ phim tiêu tốn vào triệu đôla ư? Nếu thực sự Nolan đồng tính luyến ái anh ta có còn dám nhận, tôi có còn dám mời, và bộ phim có còn khán giả nào xem không?” Hunt lộ rõ vẻ lưỡng lự. “Vậy thì...” “Bill này, chúng ta sẽ không để một tờ chuyên đăng chuyện bậy bạ như Peek làm tan vỡ sự nghiệp của một diễn viên tài năng chứ. Riêng anh có thích Những kẻ trấn lột không?” “Phim hay. Tôi rất thích. Nhưng còn các nhà tài trợ...” “IBC là của anh cơ mà, và tôi đoán số lượng nhà tài trợ cho nó còn nhiều hơn cả số giờ phát sóng của nó nữa. Chúng tôi đã giới thiệu với anh một series phim ăn khách, đừng dại dột bỏ qua cơ hội này. Mà Mel Foss đã khoe anh về kế hoạch làm tiếp phần hai phim Những kẻ trấn lột của Hãng chưa nhỉ?” “Chưa. Mà vẫn với Nolan vai chính hả?” “Tất nhiên. Còn Mel chưa nói, theo tôi, là muốn dành cho anh một bất ngờ. Bởi vẫn nói Nolan, song còn thêm nhiều cái tuyệt vời nữa, so với phần một. Nếu Những kẻ trấn lột không đứng vị trí số một của năm nay thì có lẽ tôi đã làm sai nghề”. Im lặng giây lâu, ròi Hunt nói. “Bảo Mel gọi cho tôi. Có lẽ cũng cần xem xét lại tờ Peek”. “Chắc chắn Mel sẽ gọi cho anh”. Sam khẳng định, rồi thêm. “Tuần tới hai ta ăn trưa nhé?” “Rất vui. Đầu tuần tôi sẽ gọi lại cho anh. Chào!”. “Chào!”. Họ cùng gác máy. Sam buông mình xuống ghế, rã rời. Gã Nolan chết tiệt lắm trò ma mãnh quá. Vậy mà cái bọn dở điên dở khùng đó lại hầu như nắm giữ tương lai, sự nghiệp của anh. Thì ai bảo anh đã chọn cái nghề quản lý đám điên khùng đó. Mà giờ có cho tiền anh cũng dám chắc sẽ bỏ nó không. đã gọi là nghiệp rồi mà...Anh uể oải nhấc máy gọi cho Mel. “Những kẻ trấn lột vẫn được phát sóng”, rồi bỏ mặc tiếng kêu kinh ngạc của Mel mà không giải thích, nói tiếp. “Hãy gọi ngay cho Nolan, bảo hắn nếu còn tái diễn những trò tương tự , tôi sẽ đích thân lôi hắn ra khỏi Hollywood, áp tải đến tận Fire Island quê hắn. Bảo hắn rằng, chính tôi nói, nếu thèm mút miếc cái gì đó thì hãy kiếm lấy quả chuối, càng xanh càng tốt”. Đặt máy xuống anh mới nhớ là chưa nói Mel biết câu chuyện anh bịa ra với Bill Hunt về bộ phim mang cái tựa là Larendo. Vừa định nhấc máy gọi lại Mel thì cánh cửa bật mở, gương mặt thất sắc của Lucille thò vào, giọng hốt hoảng. “Ông hãy đến trường quay số 10. Ai đó đã đốt cháy nó”. Chương 08 TobyTemple gọi cho Sam Winters vài bận nữa song không lần nào vượt qua được cô thư ký cáo già Lucille nên đành chịu thua. Anh còn tự tiếp thị ở vài câu lạc bộ, ở cả hãng phim song đều thất bại. Và anh phải làm đủ việc, chỉ để kiếm miếng ăn, trả tiền chỗ ngủ. Đủ việc, đúng, nhưng không việc nào dính dáng đến việc làm phim. “Anh đang tiến hành việc đó theo chiều ngược”, một hôm có người bạn bảo, “hãy tìm cách bắt họ phải tìm đến anh”. “Song bằng cách nào?” Toby ngán ngẩm hỏi lại. “Tự vác mặt đi còn chẳng ăn thua nữa là...” “ Đã thử với Actors West chưa?” “Trường đào tạo diễn viên sân khấu?” “ Hơn thế. Họ còn diễn kịch, và luôn được các Hãng phim quan tâm đến”. Vừa đặt chân vào Actors West anh đã cảm nhận ngay được mùi vị sân khấu của nó. Bốn bức tường treo đầy ảnh những người đã tốt nghiệp ở đây, và Toby nhận ra rất nhiều người trong số họ đã và đang là những ngôi sao của nghệ thuật biểu diễn. Cô tiếp tân với cái nhìn xét nét, hất đầu. “Tôi giúp gì được anh không?” “Chắc là được. Tôi là TobyTemple, muốn ghi tên nhập học”. “Anh đã hoạt động sân khấu ở đâu, và bao năm rồi?” “Chưa...nhưng tôi...” Toby giận mình bỗng thực thà vào đúng lúc cần giảo hoạt nhất. Cô tiếp tân lắc đầu. “Tôi rất hiểu, song bà Tanner không nhận kèm cặp từ đầu, mà chỉ nhận...” Toby bỗng trợn mắt ngắt lời. “Cô đừng đùa nữa. Thời gian của tôi rất ít”. Cô gái lúng túng. “Tôi đâu dám đùa chuyện này. Bà ấy chỉ nhận những ai đã qua nghề diễn”. “Không, ý tôi là cô thực sự không nhận ra tôi ư?” Toby vuốt đám tóc loà xoà xuống mặt. Cô gái nhìn anh rồi quầy quậy lắc. “Tôi nói thực là không nhận ra”. Toby làm bộ ngán ngẩm. “thì ra họ nói đúng. Anh có diễn ở sân khấu, dù nổi tiếng nhất thế giới đi nữa, nhưng ở ngoài nước Mỹ, thì Hollywood vẫn thậm chí không thèm biết anh là ai. Tôi xin lỗi, lúc nãy chỉ muốn đùa vui tý chút vì cứ nghĩ là cô đã biết tôi”. Cô gái giấu vẻ bối rối. “Nghĩa là anh có nghề diễn?” “ Tất nhiên, thưa cô”. Tờ khai nhập học xuất hiện trên tay cô gái như có phép lạ. “Đó là những vai gì, và ở đâu?” “ Hai năm rồi tôi chỉ biểu diễn ở Nhà hát kịch bên nước Anh”. “ Tôi hiểu. Anh chờ tôi vào gặp bà Tanner”. Rồi cô khuất vào cánh cửa phía sau lưng. Khi quay ra, cô nói. “Mời anh vào. Chúc anh thành công”. Alice Tanner nom đã vào khoảng giữa của tuổi bốn mươi song vẫn đầy hấp dẫn, từ gương mặt đến bộ ngực, vòng eo, lại còn dáng dấp quý phái nữa. Toby bỗng thấy hào hứng hẳn lên. Anh cười giả lả, tự giới thiệu. “Tôi là TobyTemple. Và tôi muốn...” “...xin vào trường này?”. Bà Tanner nói chen vào rồi rời bàn làm việc, đi về phía anh. Toby may mà không tỏ vẻ sửng sốt khi thấy bà bước đi tập tễnh, tuy thuần thục, bởi một chân bị bó trong nẹp sắt. Bại liệt đã lâu. Anh thoáng nghĩ. “Tại sao anh lại chọn trường này?” Bà hỏi tiếp. Toby làm ra vẻ thật thà. “Bởi tôi được nghe quá nhiều người nổi tiếng nói về nơi đây, thưa bà Tanner. Dám cá là bà không biết tiếng tăm của nó lớn tới mức nào đâu”. Anh chịu đựng cái nhìn xét nét của bà trước khi nghe bà nói. “Chính vì biết nên tôi phải cẩn trọng để khỏi bị bọn dẻo mỏ lừa bịp”. Toby không ngờ bị phang thẳng cánh như vậy song vẫn cố giữ vẻ mặt không đổi, nói với giọng thông cảm. “Vâng, cẩn thận vẫn là hơn. Chắc là cái bọn dẻo mỏ đó tìm mọi cách để lọt vào học ở đây?” “ Tất nhiên!” Bà thản nhiên đáp, rồi hỏi. “Anh vừa tự giới thiệu là TobyTemple?” Anh vội vã. “Chắc chắn bà chưa nghe tên tôi, bởi...” Bà ngắt lời ngay. “...mấy năm rồi anh biểu diễn ở nhà hát kich của Anh?” Bà ung dung chờ cái gật đầu của anh, rồi nói. “ThưaôngTemple, người Mỹ không được tuyển vào Nhà hát kịch Anh. Nghiệp đoàn diễn viên Anh không chấp nhận việc đó”. Ngực Toby thắt lại, nhất là khi nghe bà nói thêm. “Nếu ông hiểu biết thêm chút nữa, chúng ta đã không tốn thì giờ, ở đây chúng tôi có thể nhận những người đã có nghề diễn, và có tài diễn”. Nói xong, bà quay lại bàn làm việc, một lời chào cũng không. “Dừng lại!” Toby rít giọng. Bà quay đầu lại, vẻ kinh ngạc. Toby cũng không biết mình đã, đang và sắp làm gì nữa, nhưng anh biết chắc, lúc này hoặc không còn lúc nào khác, là cơ hội duy nhất, để thực hiện giấc mơ của mẹ, của anh. Người đàn bà này không thể là vật ngáng đường anh được. “Chỉ bọn kém cỏi mới dựa vào các nội quy để bảo rằng mình có tài. Đúng là tôi chưa qua nghề diễn, nhưng cũng chỉ vì những quy định và những con người như bà đã không cho tôi cơ hội nào, nhỏ nhất cũng không. Bà hiểu chứ?” Đó là giọng nói và cách biểu cảm của ngôi sao đang ăn khách Baker. Tanner, theo thói quen, lại định ngắt lời, song Toby đã không cho bà cơ hội. Anh biến thành mọi ngôi sao sân khấu, và cả điện ảnh, liên tục và gần như bất tận. Đây là Jimmy Cagney mong bà thấu hiểu mơ ước của Toby để cho anh ta một hy vọng; đây là Clark Gable hùng hồn bảo đang rất sốt ruột chờ đóng cặp với anh chàng này; rồi James Steward cũng bảo vậy; rồi Cary Grant khằng định chàng ta có tài...Trong cơn tuyệt vọng, mọi lời lẽ của các ngôi sao ào ạt tuôn ra từ miệng Toby, mỗi lúc ngộ nghĩnh tức cười hơn, song mỗi lúc càng hay hơn, cuốn hút hơn, tất nhiên. Anh lồng lộn quanh phòng, người đầm mồ hôi, không bỏ sót bất cứ giọng nói, điệu bộ nào của các diễn viên đã khiến họ trở thành những ngôi sao. “Đủ rồi! Toby, tôi bảo đủ rồi. Thôi đi!” Chỉ đến khi nghe Tanner hét lên Toby mới nghe thấy và dừng lại. Bà đang hổn hển, giàn giụa nước mắt vì cười. “Anh ...anh điên thật rồi”. Toby tỉnh dần lại, cảm giác lâng lâng xâm chiếm anh. Niềm hy vọng như nâng anh lên, bay lượn. “Tôi mong bà hài lòng?” Tanner lau nước mắt, vẫn chưa hết cười, lắc lắc đầu. “Không thấy thích lắm”. Toby nổi giận. Thì ra bà ta cười mình làm trò vô duyên chứ đâu phải cười vui vì cái trò của mình. “Vậy sao bà có thể cười được như thế?” Bà vẫn cười, nhưng là nụ cười gần gũi và hiểu biết. “Đây là buổi diễn độc đáo nhất mà tôi được xem. Và tôi cảm được cái tài của anh. Anh không cần phải bắt chước ai cả. Anh có cái hài hước trời cho. Hãy cứ là anh thôi. Và sẽ nhiều người phải bắt chước anh đấy”. Toby kính cẩn nghe bà nói tiếp. “Tôi tin một ngày nào đó anh sẽ ngang hàng với những ngôi sao mà hôm nay anh phải làm giống họ, nhưng phải biết nghe, biết học. Anh đồng ý không?” “Vâng, tôi muốn được nghe ngay, học ngay bây giờ”. Toby nói. Bà Czinski nhìn theo Josephine ngồi lẫn với đám con gái các ông chủ trong chiếc ôtô sang trọng lướt xa dần. Không nên để nó chơi bời với đám ấy, bà nghĩ, bởi chúng là sự dụ dỗ của quỷ dữ. Chương 09 Actors West đào tạo theo hình thức chia làm hai lớp: Diễn và Tập. Lớp Diễn gồm các diễn viên đã ít nhiều có tên tuổi và kinh nghiệm, và chính họ trình diễn các vở kịch để những người tuyển chọn của các nhà hát hoặc các hãng phim tới đánh giá tài năng. Toby được xếp vào lớp Tập và bà Tanner đã nói như đinh đóng cột rằng anh phải cần ít nhất là sáu tháng, nhiều là một năm để được xếp vào lớp Diễn. Anh không tin là lâu đến vậy, kể cả ở cái mức ít nhất, tức là sáu tháng. Các buổi học đối với Toby đều rất bổ ích, song vẫn thiếu sức hấp dẫn, bởi không có khán giả. Mà không khán giả nghĩa là không có tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng, không có cả ánh mắt ngưỡng mộ. Với Toby, nghĩa là anh khó mà tồn tại nổi, vì với anh, khán giả chính là không khí để anh thở, là bánh mỳ để anh ăn, là nước uống... Mấy tuần đầu, Toby ít được gặp người phụ trách trường, Alice Tanner. Thỉnh thoảng bà mới ghé qua lớp Tập đứng xem họ vài phút, nói vài lời động viên rồi đi. Toby nuôi hy vọng được thân mật, được gần gũi hơn với bà. Để làm gì, thực ra anh cũng không biết nữa, thậm chí chưa từng đặt ra câu hỏi đó cho mình. Nhưng anh hãy nghĩ đến bà, nghĩ đến sự thông minh, tính thẳng thắn, và đôi khi rất kỳ lạ, nghĩ đến cả chiếc chân bó trong nẹp sắt của bà nữa. Từ chiếc nẹp sắt, ánh mắt anh hay lần ngược lên, và xao xuyến trước vẻ hấp dẫn của vòng eo và nhất là, của bộ ngực bà. Bộ ngực tròn, đầy, và hẳn là nặng trĩu, kiểu ngực phụ nữ mà anh rất thích và thường khiến anh chỉ muốn vục cả tay cả miệng vào đó. Thành ra, nói cái chân tật nguyền của bà lại như một thứ thuốc kích dục với anh cũng chẳng sai. Toby đã một hai lần xin chuyển sang lớp Diễn nhưng lần nào cũng được nghe câu trả lời nhanh và nghiêm túc của bà Tanner. “Chưa được. Cậu còn phải cố gắng nhiều nữa”. Anh ngầm oán hận bà. Rồi từ đó, anh bỗng biết mình phải làm gì để rút ngắn thời gian lại. Buổi tối hôm ấy, lớp Diễn trình làng một vở kịch mới. Toby chọn ngồi hàng ghế giữa, cạnh một cô gái vào học trước anh vài tháng song vẫn cùng lớp tập với anh. Cô ta núng nính mỡ, mồm thì hôi và chẳng mấy khi bận đồ lót, rất hay kiếm chuyện lại gần để va quệt đôi vú nhão vào cánh tay anh, và anh cứ phải coi đó là sự vô ý, vô tình. Lạy trời, đừng bắt anh phải trèo lên thùng mỡ đó. Trong lúc chờ mở màn, Karen, tên thùng mỡ, khoe sự hiểu biết của mình với Toby bằng cách háo hức chỉ cho anh các nhà phê bình nghệ thuật của các tờ báo Los Angeles Times, Harald-Express rồi đến các nhà phát hiện tài năng của các Hãng phim Century Fox, MGM và Warner Brother. Toby phát điên lên. Họ đi săn tìm các tài năng gì khi anh đang ngồi cách họ chỉ một tầm tay với. Anh những muốn lao vọt lên sân khấu để họ biết thế nào mới thực sự là một tài năng. Được, bà chân-nẹp-sắt kia. Bà sẽ biết trước tiên. Sáng hôm sau, Toby gõ cửa văn phòng bà Tanner. Vừa thấy anh vào, bà hỏi ngay. “Vở kịch tối qua thế nào?” Toby nức nở. “Tuyệt! Rất tuyệt! Được xem họ diễn tôi mới thấm thía lời bà nói, rằng tôi còn phải cố gắng nhiều”. Bà Tanner nói như an ủi. “Họ chỉ có nhiều kinh nghiệm hơn anh thôi nhưng anh hơn hẳn họ về vẻ sáng tạo và nhất là sự độc đáo. Tương lai anh sẽ hơn họ nhiều”. Toby làm bộ thua cuộc. “Bà đừng khích lệ tôi nữa. Có lẽ tốt hơn là tôi nên kiếm chân chào hàng hoặc bán bảo hiểm gì đó thì hơn”. “Ấy chớ”, bà can ngăn thực tình, “phí quá”. Toby thở dài, vẻ chán nản. “không xem thì thôi chứ đã xem cánh chuyên nghiệp biểu diễn tôi thực sự không còn tin gì vào mình nữa”. “Anh chưa tin là mình thực sự có tài đấy thôi. Nhưng tôi sẽ khiến anh phải tin”. Bà quả quyết, và trong giọng nói ấy có cái thông điệp mà Toby chờ đợi. Linh tính mách bảo anh thế. Kinh nghiệm tình trưởng chỉ cho anh thấy thế. Nó chắc chắn không phải lời của thầy trò mà là của đàn-bà nói với đàn-ông, người mà mình thực sự quan tâm và có thể, hơn thế nữa. Người anh nóng lên. Anh diễn thử lần nữa. “Tôi quá bơ vơ giữa thành phố đầy những con người tài ba này, không một ai để chuyện trò, chia sễ”. “Sao anh không đến tìm tôi, bất cứ lúc nào? Tôi muốn được anh chia sẻ”. Anh cảm nhận được sự thèm muốn trong cái giọng chợt khàn đi của bà, và bước lùi về phía cánh cửa, quờ tay ra sau, khoá lại. Rồi anh tới bên, quỳ xuống, đầu gục vào lòng bà, tay vén váy bà lên trong khi những ngón tay bà lùa sâu vào mái tóc anh. Rồi anh tháo bỏ từng chiếc nẹp ra, dịu dàng hôn và liếm nhẹ lên từng vết nẹp sắt ác độc hằn đỏ trên đùi bà. Rồi cứ lẩm nhẩm, lầm nhầm anh nói yêu bà, thương bà trong khi những ngón tay khéo léo và từ tốn tháo từng chiếc cặp nịt tất, từng chiếc tất khỏi chân bà. Rồi chiếc áo bà được kéo qua đầu, lộ ra đôi bầu vú tròn, đầy, nặng trĩu mà anh đã hình dung. Đôi môi anh chiếm lĩnh luôn tạo vật quý báu đó, rồi nhẹ nhàng trườn xuống, trườn mãi xuống, tới cái bờ cỏ đã ướt đẫm đi vì khao khát...Không chịu đựng hơn được nữa, bà dẫn anh đi thẳng vào trong bà...Ngay buổi tối, Toby xách túi hành lý về nhà Alice Tanner. Đêm ấy, nằm bên Tanner, Toby mới hiểu bà còn cô đơn hơn cả anh, luôn khao khát có người ở bên, càng khao khát hơn những chuyện trò âu yếm. Còn khi trên giường thì đến lúc này, Toby chưa gặp ai được như bà. Chiều chuộng hết mình và cũng tận hưởng hết mình. Tanner dân Boston, miền Đông nước Mỹ, con một ông chủ công nghiệp cỡ lớn. Song, sau khi trao cho bà một khoản tiền không nhỏ, ông không còn nhìn ngó gì tới con gái nữa. Tanner mê thích sân khấu, đã tốt nghiệp một khoá diễn viên nhưng chứng bạo liệt bất ngờ cướp đi mọi ước mơ của bà. Tất cả: sự nghiệp lẫn tình yêu. Bà bỏ nhà đi, rồi lấy một bác sĩ tâm thần nhưng nửa năm sau ông ta bỗng tự tử. Từ đó, bà gắn đời mình với Actors West này. Kể được hết cho Toby nghe, bà như vứt đi được tảng đá hàng bao năm nay đè nặng lên mình, ôm ghì lấy anh như chỉ sợ anh biến mất. Toby làm tình với Alice Tanner cho đến khi bà tưởng như lả đi trong cuồng say, miệng lặp đi lặp lại câu nói ngắt quãng. “Ôi, em yêu anh biết bao...Ôi, em sung sướng đến chết mất...Ôi, anh...” Nhưng, tất cả những mê say đó đều dừng lại trên giường, còn ở trường, không cách gì anh khiến bà thay đổi được những gì bà đã định, nhất là với việc học tập của anh. Dù anh muốn chuyển qua lớp Diễn hay anh muốn được lên sân khấu, thậm chí một lời giới thiệu anh với các đạo diễn hay những người tìm kiếm tài năng của các hãng phim bà cũng chỉ một tiếng KHÔNG! Và đi theo là lời giải thích mà anh phát chán. “Anh sẽ làm hỏng nếu cứ muốn đi quá nhanh. Cái ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng rất quan trọng với người tuyển lựa. Lần đầu họ đã chê anh thì họ sẽ không để mắt tới anh lần thứ hai đâu. Anh cần kiên nhẫn, anh yêu”. Yêu đương cái gì. Khi nói những câu đó, bà là kẻ thù của anh, bà tàn phá cuộc đời anh, giết chết mơ ước của anh. Cố nén giận, anh gượng gạo cười. “Anh sốt ruột quá. Mà em không hiểu nếu anh vội vã thì cũng một phần là vì em ư?” Bà trở lại ngây ngô như kẻ si tình. “Ôi, em yêu anh quá!” Lúc ấy anh ghét bà, và chỉ nghĩ cách trừng trị bà. Đêm đến, anh là vua, muốn gì cũng được, bảo gì bà cũng phải nghe. Anh đòi bà làm tình bằng cả những bộ phận cơ thể mà bà chưa từng làm như tay, miệng, lưỡi và cả đôi bầu vú. Và khi bà chiều theo, anh cười ha hả khen bà như kiểu người ta khen một con thú làm xiếc giỏi, còn bà thì lại thấy kiêu hãnh vì được anh khen và sung sướng vì làm anh bằng lòng. Có điều, càng hành hạ bà thì chính anh lại càng thấy mình đểu giả, thấy mình nhơ nhuốc mỗi khi bất chợt nhìn thấy bên chân tật nguyền của bà. Chính là anh đang tự hành hạ mình đấy thôi. Và anh vẫn không quên tính toán, rình chọn thời cơ. Một hôm, bất ngờ nó đến, nhanh hơn anh tưởng. Bà Tanner báo tin vui rằng lớp Tập được tổ chức riêng một đêm diễn cho cả trường và một số khách mời xem. Cả lớp Tập, ai nấy đều được tự chọn tiết mục cho mình. Cơ hội đã tới, Toby tập đi tập lại tiết mục độc thoại của anh. Đúng hôm biểu diễn, buổi sáng, Toby tìm gặp Karen, cô gái núng nính cùng lớp cứ tìm cách quệt vú vào anh, hỏi: “Có thể giúp tôi chút xíu được không?” “Tất nhiên Toby!”. Giọng cô ta háo hức, chắc hy vọng sẽ được Toby mời lên giường. Anh hơi nhích ra tránh mùi hôi từ miệng cô ta. “Hãy phone cho thư ký của Clifton Lawrence, tự giới thiệu cô là thư ký của Sam Goldwyn và nói ông chủ cô muốn ông Sam Lawrence tối nay đến Actors West để xem một diễn viên tài ba sẽ xuất hiện. Vé đã đặt sẵn”. Karen như muốn lồi mắt ra. “Không được đâu, bà Tanner róc xương tôi ra ngay. Chưa bao giờ bà cho người ngoài dự xem buổi biểu diễn của lớp Tập”. “Tôi sẽ xin với bà ấy. Không sao đâu”. Anh vuốt dọc cánh tay mũm mĩm của cô ta. “Chiều nay cô có kẹt việc gì không?” Karen liếm môi, đứng sát hơn vào anh. “Em không kẹt gì cả. Nếu anh muốn...” “Anh muốn có cái gì đó thật đáng nhớ với em”. Mới có vậy Karen đã chạy biến ra quầy điện thoại. Người xem chật kín các hàng ghế nhưng Toby chỉ duy nhất lưu ý đến người đàn ông ngồi ở dãy ghế thứ ba gần cánh gà. Anh đã nghĩ cái trò láu cá của mình sẽ thất bại thảm hại bởi một người như Clifton đâu dễ bị ai qua mặt. Nhưng ông ta đã đến, và đúng giờ nữa. Mấy màn diễn đầu dở ẹc. Toby chỉ sợ Clifton phát chán sẽ bỏ về. Song ông vẫn ngồi yên. Đến lượt Toby. Sắp ra sân khấu, anh bỗng nghe Tanner thì thầm bên tai “Anh yêu, thành công nhé”. Bà đâu biết cái sự thành công hay không của anh tối nay phụ thuộc hoàn toàn vào một khán giả mà bà không mời dự. “Cảm ơn em”. Toby đáp khẽ, sau đó thầm cầu nguyện rồi lấy hết vẻ đàng hoàng bước ra sân khấu. Nhìn xuống người xem, anh ngây ngô cười. “Xin được phép chào. Tôi là TobyTemple. Đã bao giờ tất cả các bạn, hoặc chỉ một ai trong số ngồi đây, nghĩ về cái tên của mình và tự hỏi bằng cách nào cha mẹ mình lại đặt cho mình cái tên ấy? Tôi thì đã tự hỏi mẹ và bà đáp rằng chỉ cần nhìn mồm tôi là bà có ngay cái tên Toby”. Vẻ mặt, điệu bộ, chứ không phải câu chuyện của anh làm khán giả cười ồ thích thú. Nom anh ngây thơ và dại khờ đến mức họ chỉ có thể yêu quý anh, muốn che chở cho anh, bảo vệ anh, và khi anh đang trên sân khấu thì cách duy nhất thể hiện tình cảm đó ra chỉ là hoan nghênh anh, cười theo anh, tán thưởng anh... Phấn khích, anh làm một lèo các vai, nào Ed Robinson đối thoại với Cagney, nào Bogart...Vai nào cũng được người xem tán thưởng. Rồi anh làm Peter Lorre. “Tôi bị kích thích mạnh bởi thấy cô ta đứng trong góc phòng đang mân mê nó, và tôi không thể đừng được. Tôi bò vào phòng, kéo sợi dây chặt dần, chặt dần lại, và tôi đánh vỡ con quay của cô ta”. Lại cười ầm ĩ. Anh càng phấn khích. Vừa chuyển qua một trò khác thì anh thấy ở dãy ghế gần cánh gà có người đứng dậy bỏ ra ngoài. Anh chớp chớp mắt. Đó là Clifton Lawrence. Với anh, buổi tối mà anh chờ đợi thế là chấm dứt, kể cả khi Tanner âu yếm ghé sát tai anh. “Anh yêu, thật tuyệt! Em...” “Xin lỗi em, anh cần đi dạo một chút”. Anh tàn nhẫn ngắt lời bà rồi bỏ đi luôn. Anh lang thang chẳng cần biết sẽ đến đâu, về đâu, rồi thấy mình bỗng thả bước qua cả các Hãng phim Columbia, Paramoun, MGM...và đâu đã khuya mà mọi cánh cổng ra vào của các Hãng đều đóng chặt. Anh ngước nhìn hàng chữ HOLLYWOOD khổng lồ và rực sáng gắn trên sườn núi như một sự thách thức và trêu cợt. Nó ở đâu ra và đến bao giớ sẽ là một giấc mơ có thật của anh? Hay mãi vẫn chỉ là cạm bẫy cho những kẻ viển vông bất tài muốn tự huỷ diệt mình? Lang thang suốt đêm Toby vẫn không trả lời được câu hỏi tự đặt ra cho mình: Giờ đây anh sẽ làm gì cho cuộc đời anh, với cuộc đời anh? Và phải biết dựa vào cái gì, tin vào cái gì? Đời anh chưa hề nghĩ tới một cái gì khác ngoài lấy gương mặt mình, điệu bộ mình, giọng kể của mình ra làm công cụ mua vui cho thiên hạ. Đó vừa là nghề, vừa là toàn bộ cuộc sống của anh. Ngoài nó ra, anh không muốn và cũng không thể làm được một việc gì khác, dù là để mưu sinh. Ơ kìa, anh chả đã từng làm những việc linh tinh để sống trong mấy năm qua đấy ư? Vâng, nhưng chỉ là để nuôi hy vọng sẽ được đứng trên sân khấu chứ không phải để tồn tại như một sinh vật. Bây giờ, cái hy vọng đó đã chết. Anh bật khóc. Nó có kéo theo cái chết của con người TobyTemple? Trời đã sáng khi Toby về đến nhà, nơi anh sống cùng Alice Tanner. Anh đến bên giường, lặng nhìn bà đang say ngủ. Vậy mà anh đã từng mơ tưởng xiết bao khi tin rằng chính bà sẽ đưa anh tới với những giấc mơ. Anh phải bỏ đi thôi. Đi đâu thì cần gì phải biết trước. Nhưng là phải đi. Anh đã hai mươi bảy năm sống trên cõi đời này mà vẫn không biết sẽ đi đâu hoặc sẽ làm gì ư? Anh thả mình xuống chiếc ghế dài nơi phòng khách, rồi thiếp dần đi. Trong giấc ngủ mệt mỏi anh thấy mẹ xuất hiện. Bà đang trong bếp, loay hoay với món ăn sắp dọn ra cho anh, và bà bảo Chúa muốn con trở nên nổi tiếng...Rồi anh thấy mình đang trên sân khấu sáng loá, trước một biển người chìm trong bóng tối, hò hét đòi anh cái gì đó mà anh không sao mở miệng nổi. Họ cứ gào mãi tên anh “Toby! Toby!” Anh vùng dậy, đầm đìa mồ hôi. “Anh yêu, ngủ say thế. Có điện thoại kìa, Clifton gọi anh đấy”. Không phải trong mơ mà là Alice Tanner đang âu yếm thì thầm bên tai. Văn phòng Clifton Lawrence nằm trong toà nhà đẹp đẽ trên đường Beverly Drive. Tranh ấn tượng Pháp, bàn ghế cái độc đáo, cái cầu kỳ, nói chung đều rất lạ lẫm với Toby. Cô thư ký vóc dáng mảnh mai nhưng gợi cảm, mái tóc hoe đỏ rót trà cho anh. “Ông có dùng đường không, thưa ôngTemple?” ThưaôngTemple? “Tôi xin một viên đường. Cảm ơn cô” “Mời ông”. Cô gái mỉm cười duyên dáng rồi bước ra. Toby nhấp trà, thấy ngon vô cùng, chưa bao giờ anh được uống trà ngon đến vậy. Anh chỉ không biết nó là loại đặc biệt được trồng ở những địa phương nằm sâu tít trong vùng đồi núi Baleek xứ Ireland xa xôi. Nhưng cũng chả cần đến trà ngon, chỉ cần được ngồi đây, trước người đàn ông nhỏ nhắn và sang trọng này là cả ước mơ rồi. Clifton đang quan sát anh, và anh chịu đựng một cách hồi hộp chứ không khó chịu cái nhìn đó. Anh nói “Xin lỗi đã đánh lừa ông. Vậy mà ông vẫn tiếp tôi. Tôi không biết phải bày tỏ lòng biết ơn thế nào...” Clifon bật cười. “Lừa ư? Trưa qua tôi ngồi ăn với Goldwyn. Nhưng tôi vẫn tới xem anh biểu diễn vì muốn biết tài năng có tương xứng với sự liều lĩnh của anh không? Cũng ngang ngửa đấy”. “Vậy mà ông đã bỏ về giữa lúc tôi đang...” Toby không dám nói hết câu. “Kìa, người ta đâu cần phải chén cho bằng hết mới biết mình được ăn món ngon. Chỉ sau vài mươi giây là tôi biết anh có cái gì rồi”. Toby ngây ngất. Chả lẽ đây là sự đền bù của Chúa sau một đêm hành hạ anh bằng nỗi chán chường, sự tuyệt vọng ư? Clifton nói tiếp. “Tôi có linh cảm về triển vọng của anh, Temple, và quyết định là đại lý của anh. Tạo dựng từ đầu cho sự nghiệp một con người cũng là điều hứng thú”. Toby chỉ những muốn nhoài qua bàn ôm chặt lấy cứu tinh của đời mình. Trời đất, không thể tin nổi, Clifton Lawrence mà lại chịu làm đại lý cho anh? “Tôi nhận anh là khách hàng với điều kiện”, giọng ông ta bỗng nghiêm lại, “là anh phải thực hiện đúng những gì toi yêu cầu, và tôi không chấp nhận cái mà đám nghệ sỹ vẫn gọi là tuỳ hứng gì đó. Nó chỉ là sự nhố nhăng mà thôi. Chỉ cần anh giở trò đó một lần, một lần thôi, kể như hợp đồng của chúng ta chấm hết. Anh chịu chứ? Toby dám nói không ư? Clifton nhìn Toby thong thả cười. “Điều trước tiên anh cần biết là diễn xuất của anh kém, quá kém là khác”. Với Toby, không gì có thể lăng nhục anh hơn lời nhận xét đó. Chẳng lẽ ông ta gọi anh đến rồi vờ vĩnh nhận anh là khách hàng chỉ cốt để nói với anh câu này, trả thù cú lừa của anh hôm qua? Về đi là hơn. Và anh đã toan đứng dậy nếu người đàn ông nhỏ nhắn kia không nói tiếp. “Cũng đúng thôi. Tối qua là cuộc diễn của dân nghiệp dư, và anh chính là như vậy. Không, trong cái nghề này, chỉ trở nên chuyên nghiệp mới tồn tại nổi”. Ông đứng dậy, đi lại quanh văn phòng. “Anh phải biết anh đang có cái gì và cần thêm cái gì để thành một ngôi sao. Anh hiểu tôi nói không?” Toby lặng lẽ gật đầu. “Hãy nói những cái anh thiếu trước. Anh không có chất liệu, không có phong cách riêng, không biết di chuyển trên sân khấu...” Toby phát hoảng. Sao cái người đàn ông vẻ ngoài nom sang trọng, lịch sự này lại biết cách hành hạ người ta thế nhỉ. Vậy tại sao ông ta còn mời anh...Như đoán được ý nghĩ của anh, Clifton nói như tâm sự. “Đã kém đến vậy, tại sao anh lại vẫn có mặt ở đây, phải anh đang nghĩ thế không?” Toby gật đầu một cách máy móc. “Chỉ vì anh có một thứ trời cho mà tiền bạc không thể mua và ngay cả tài năng cũng khó mà làm nổi. Anh vừa bước ra sân khấu, người xem đã như muốn ôm chầm lấy. Anh thì chỉ muốn làm vừa lòng họ, họ thì lại muốn bao bọc, che chở cho anh. Cái đó là vô giá, như tôi đã nói. Nếu anh có thêm kịch bản hay, biết thêm cách diễn xuất hợp lý, chắc chắn anh sẽ ở tốp dẫn đầu”. Toby nghe mà ấm lòng, bỗng lại nhớ tới mẹ. Chính là bà đã cho anh cái mà Clifton gọi là vô giá đó. Và bây giờ đã gần đúng như bà hứa với anh. Clifton vẫn đang nói. “Cốt cách của diễn viên là cùng với anh chứ không thể mua hoặc tập tành mà có đươc. Đi vào việc nhé. Chiều nay tôi sẽ để anh gặp O’Hanlon và Rainger. Đó là hai tay viết kịch sừng sỏ và họ chỉ phục vụ các cây hài sáng giá” Toby không giấu được nỗi lo. “Tôi e mình không đủ tiền...” “Tôi biết. Cứ coi là vay đi. Sau này anh sẽ trả tôi chứ?” Họ cùng cười. Tiễn Toby về, Clifton còn ngồi lại văn phòng khá lâu mà chẳng giải quyết thêm được việc gì bởi vẫn bị gương mặt ngây thơ, đôi mắt xanh biếc của anh ta ám ảnh. Ông đã bao giờ làm đại lý cho một diễn viên danh tiếng chưa nhỉ? Nếu có, hẳn đã lâu lắm rồi, không thể nhớ nổi nữa. Lâu nay, khách hàng của ông đều là những ngôi sao mà ngoài việc giao dịch biểu diễn cho họ ông còn tốn không ít công sức giữ họ để không bị các đối thủ cạnh tranh lôi kéo mất. Còn với chàng trai này? Sẽ là một thử thách đây. Nhưng ông chấp nhận. Từ một mảnh quặng còn vương đầy đất đá mà tự tay ông gọt rũa thành viên ngọc đắt giá, cũng vui lắm chứ. Thật sự là ông rất thích chàng ta. Toby đến gặp O’Hanlon và Rainger tại văn phòng của họ đặt trong hãng phim Century-Fox ở phía Tây Los Angeles. Cứ tưởng nó cũng đẹp đẽ như văn phòng của Clifton, ai ngờ nó nhếch nhác, thậm chí bẩn thỉu, từa tựa chỗ trọ của anh ngày nào. Bà thư ký đứng tuổi, tóc tai bù xù dẫn anh vào phòng trong. Các bức tường nom đều nhem nhuốc với vật trang trí độc nhất là tấm bảng chơi phi tiêu và tấm biển mang dòng chữ nguệch ngoạc. Phía trước là chỗ làm việc mà không hiểu vì sao ba chữ cuối lại đính vào nhau. Đó là nơi hai chiếc bàn cũ rích kê sát nhau, bừa bộn giấy tờ và những chiếc cốc giấy thảy đều đựng nước uống dở. “Xin chào Toby. Hôm nay cô phục vụ nghỉ nên phòng hơi bừa bộn. Tôi là O’Hanlon. Còn đây là...” Anh ta liếc sang người ngồi bên. “Rainger!”. Người kia lầu bầu. O’Hanlon làm bộ sực nhớ. “Chả nói sớm. Đúng rồi, đây là Rainger. Hì hì...”. O’Hanlon béo ịch, đeo kính. Rainger gầy nhom, nom đều trạc tuổi ngoài ba mươi, đã làm việc chung và gặt hái thắng lợi chung từ chục năm nay. Ngay từ đầu Toby đã gọi bằng cái tên chung là Hai tay ấy và mãi về sau vẫn cứ gọi vậy khi nói về họ. Toby lễ phép chào hỏi , bắt tay từng người rồi nói. “Tôi được biết rằng hai anh sẽ là người viết chuyện cười cho tôi?” Hai tay ấy nhìn nhau. Rồi Rainger nói. “Ông Lawrence cho rằng cậu sẽ là biểu tượng tình dục mới của nước Mỹ. Hãy cho xem cậu có thể làm được trò gì. Đã từng diễn xuất rồi chứ?” “Vâng”. Đáp xong anh bỗng nhớ tới những lời Clifton nhận xét về diễn xuất của anh và thấy hoảng sợ. Hai tay ấy ngồi xuống, cùng làm vẻ chờ đợi. “Hãy diễn cho chúng tôi xem”. Rainger nói. “Luôn bây giờ á?”. Toby trợn tròn mắt. “Anh định đòi hỏi điều kiện gì nữa?” O’Hanlon nhếch mép. “Giao hưởng mở màn ư? Tung hứng khai vị ư?”. Rồi quay sang bảo Rainger. “Hãy gọi Ban m nhạc và Ban Xiếc!” Đồ mất dạy, rồi bọn mày sẽ biết tay tao. Toby rủa thầm. Định làm ông thối chí rồi sẽ mách lại Clifton ư? Đừng hòng. Anh nở nụ cười của một ngôi sao nào đó, bắt chước điệu bộ một ngôi sao khác và nói bằng giọng của một ngôi sao khác nữa. “Anh không thấy nhục vì đang trở thành kẻ ăn bám ư, Lou? Sao không kiếm việc làm đi?” “Tôi đang làm việc đấy chứ?” “Việc gì, Lou?” “Đi xin việc làm”. “Anh coi đó là đang làm việc ư?” “Còn gì nữa. Có lúc nào được ngồi không đâu. Sáng nào tôi cũng rời khỏi nhà đúng giờ và chiều nào cũng về nhà vừa vặn giờ cơm tối”. Hai tay ấy không rời mắt khỏi Toby và nói với nhau về anh cứ như anh không hề đứng ngay trước họ. “Hình như không biết đến cả cách đứng”. “Còn vung tay lại giống hệt bổ củi. Hay là viết mẹ nó về bổ củi cho dễ”. “Điệu bộ xem ra gượng gạo lắm”. “Thì bài vở lôm côm vậy còn làm gì hơn được”. Mỗi lúc Toby thêm bực bội. Hai cái thằng cha vơ chú váo này là bố anh, mẹ anh ư mà dám mắng nhiếc anh vậy. Anh bỏ diễn, giận run lên. “Mẹ kiếp cái đồ con hoang các anh. Về mà chửi con cái mình ấy. Tôi thì kiếu”. Anh quay về phía cửa. Rainger ngạc nhiên. “Có chuyện gì vậy?” “Vậy theo anh thì có chuyện gì nào. Các anh là cái đếch gì mà mắng chửi tôi..” Toby uất ức tuyệt vọng đến phát khóc được. Hai tay ấy ngơ ngác nhìn nhau. Rainger nói “Chắc mình đã đả thương tình cảm của cậu ta”. “Lạy Chúa, đâu dữ đến vậy”. Toby cố không nổi nóng. “Hai anh không ưa tôi cũng không sao nhưng đừng...” “Chúng tôi yêu quý anh”. Rainger ngắt lời, kêu to. “Anh thật đáng yêu, theo chúng tôi nghĩ”. O’Hanlon hoà theo. Toby ngơ ngác nhìn hết người nọ sang người kia. “Tôi tin các anh. Nhưng đó là cách các anh thể hiện sự yêu quý của mình ư? Tôi thực không hiểu”. “Bình tĩnh nào,” Rainger nói. “Anh biết mình có chuyện gì không? Luôn luôn cảm thấy bấtan. Anh phải học hỏi nhiều, tất nhiên thôi, bởi nếu đã là Bob Hope (danh hài vĩ đại của nước Mỹ, mới mất năm 2003) thì anh đã khỏi cần đến chỗ này”. O’Hanlon chen vào, mặt lạnh tanh. “Và còn lý do nữa để Bob Hope không đến đêy là vì ông ta hiện đang ở Carmel”. “Đang chơi golf” Rainger phụ hoạ. “Anh biết chơi golf chứ?” “Không!” Tay nọ trố mắt nhìn tay kia, rồi cùng reo lên. “Cứt! Chơi golf, cũng nhiều chuyện cười lắm đấy nhé. Nào, ta viết về chơi golf”. O’Hanlon lập tức nhấc máy gọi cà phê rồi nhìn Toby, hỏi.” Thế giới này có bao nhiêu người có thể trở thành diễn viên hài, anh biết không?” “Có cách gì để biết được?” Toby né tránh trả lời bằng cách hỏi lại. “Có chứ, và tôi sẽ cho anh con số chính xác. Tính đến 0 giờ sáng nay là ba tỷ bảy trăm hai chín triệu, còn từ đó đến giờ chắc cũng phải thêm hàng ngàn nữa. Nghĩa là toàn bộ loài người. Nhưng các danh hài thực thụ thì đếm chưa hết ngón tay. Diễn hài là công việc khó khăn và cực kỳ nghiêm túc. Hề cũng vậy thôi”. “Hề và hài có gì khác nhau?” Toby hỏi. “Khác xe, khác nhiều. Diễn viên hài mở cửa dẫn người xem vào các chuyện cười còn anh hề thì mở cửa một cách buồn cười”. Rainger hỏi. “Cái gì làm nên thành công hoặc thất bại của diễn viên hài, anh biết không?” “Kịch bản”. Toby đáp ngay. “Cứt!” Rainger văng luôn ra. “Các chuyện cười đều có nét cơ bản giống nhau. George Burns dư sức kể lại mọi chuyện cười mà người diễn trước ông vừa kể, mà khán giả vẫn cười nhiều hơn nghe người kể trước đó. Tại sao, anh biết không? Chính là cái phong cách riêng của người diễn”. Đó cũng là điều Clifton vừa nói với anh sáng nay. Rainger tiếp tục. “Không có phong cách riêng anh sẽ chẳng có gì cả, chẳng là gì cả. Hãy phải bắt đầu bằng phong cách riêng rồi mới xây dựng cho mình một nhân vật riêng. Bob Hope là một thí dụ. Nếu ông ta diễn bài độc thoại kiểu Jack Benny thì sẽ thất bại ngay, vì ông đã có nhân vật riêng của mình rồi, và đó là cái người xem trông đợi ở ông; một gã dở tỉnh dở quê đáng yêu, một kẻ thị thành đần độn đáng mến...Còn Jack Benny thì lại có thể đứng bất động trên sân khấu vài phút mà khán giả vẫn muốn ông đứng lâu hơn, không cần điệu bộ, nói năng gì cả. Anh em nhà Mark không bao giờ xài chung một nhân vật, riêng rẽ khoẻ ăn. Bây giờ nói về anh. Vấn đề của anh là gì, anh biết không? Chắc là chưa ai chỉ ra thì chưa thể biết được. Anh thuộc, rồi anh học mót của các ngôi sao, mỗi người một chút. Không ai chê trách anh cả nhưng anh suốt đời vẫn chỉ đứng ở cuối bảng, suốt đời là giống bò nhai lại. Nhưng khi đã có cho mình một phong cách riêng, anh sẽ lập tức nổi đình nổi đám. Chẳng cần ở trên sân khấu mà bất cứ ở đâu người ta cũng có thể gọi đúng tên anh: TOBYTEMPLE. Anh hiểu chưa?” “Đã!” O’Hanlon thủng thẳng. “Anh biết mình có khuôn mặt đáng yêu không, Toby? Nếu chưa đính hôn với Clark Gable, chắc tôi phải lòng anh rồi. Nó toát ra vẻ ngay thơ dễ thương. Nếu biết sử dụng cho khéo, nó là kho báu đấy”. Rainger nói thêm. “Cái khuôn mặt ấy sẽ giúp anh làm được những việc mà người khác, tài giỏi gấp mấy anh, cũng chịu thua. Tựa như cậu bé trong đội hát thánh ca bỗng văng tục song người nghe không khó chịu vì nghĩ cậu bé không hiểu mình vừa nói gì. Lúc nãy anh hỏi có phải chúng tôi sẽ viết hài kịch cho anh diễn? Không. Đây không phải tiệm tạp hoá. Song chúng tôi sẽ chỉ cho anh thấy mình có cái gì và phải sử dụng nó thế nào. Và nữa, chúng tôi sẽ làm ra một nhân vật cho riêng anh, của riêng anh thôi. Được không?” Toby nhìn cả Hai tay ấy, cười toét miệng. “Còn đợi gì nữa mà chưa vào việc ấy?” Sau hôm đó, trưa nào Toby cũng ngồi ăn cùng Hai tay ấy. Phòng ăn của Hãng phim Century-Fox rộng thênh thang và bữa trưa nào cũng chật ních dân điện ảnh, kể cả các ngôi sao. Bây giờ thì Toby thoả sức chiêm ngưỡng Tyron Power, Loretta Young, Betty Grable, rồi Don Ameche, Alice Faye, rồi anh em nhà Ritz...nhiều lắm, kể không xủê, và anh luôn nghĩ một ngày nào đó mình cũng sẽ như họ mà thôi. Chúa đã muốn vậy, và mẹ cũng đã bảo vậy mà. Alice Tanner hân hoan ra mặt. “Em biết anh sẽ trở thành một diễn viên thực thụ mà. Và anh sẽ nổi tiếng. Anh yêu, em rất tự hào về anh”. Toby chỉ nhìn bà và cười, không nói gì. Hai tay ấy bàn soạn rất lâu, rất kỹ về nhân vật dành riêng cho Toby. “Anh ta nghĩ mình là kẻ khôn ngoan không ai bằng”, O’Hanlon nói, “nhưng đụng vào việc gì là hỏng việc đó”. “Việc của anh ta là gì mà luôn thất bại?” Rainger đặt câu hỏi. “Anh ta sống với mẹ, và đính hôn với cô gái mà anh ta yêu đã năm năm. Anh ta không dám cưới vợ chỉ vì sợ phải xa nhà”. “Đính hôn đã mười năm nghe tức cười hơn”. “Thì mười năm. Mẹ anh ta luôn đau ốm. Mỗi khi nghe con định cưới vợ bà ta lại có một căn bệnh mới. New York Times vài ba hôm lại gọi cho bà ta hỏi thăm ngành dược có loại thuốc nào mới sản xuất không”. Toby mê mải nghe, thích thú ra mặt, phần vì chưa bao giờ anh được làm việc với các tay chuyên môn thực thụ, phần vì họ đang làm việc vì anh, cho anh. Miệt mài như vậy mà gần tháng sau họ mới hoàn thành kịch bản. Khi được đọc, anh sướng run người, thấy hợp với mình quá, vài đề nghị thêm bớt của anh coi như không đáng kể và được họ chấp nhận ngay. Vậy là Toby đã sẵn sàng xuất hiện trước công chúng. Clifton bảo anh, “Chuẩn bị để tối thứ bảy biểu diễn tại Bowling Ball”. “Cái gì? Bowling Ball là cái gì vậy?”. Anh hỏi, hy vọng ông nói nhầm. Anh nghĩ ít ra cũng được xuất hiện tại một khách sạn hay nhà hàng có đôi chút tiếng tăm nào đó. “Một câu lạc bộ nhỏ ở phố Western”. Ông đáp gọn lỏn. “Tôi chưa nghe thấy tên nó bao giờ”. Toby rầu rĩ nói. “Thì nó cũng đã bao giờ nghe thấy tên anh? Cái hay là ở chỗ đó. Rủi mà anh có thất bại ở đó thì cũng chẳng ai biết được”. Trừ CliftonLawrence. Không có cách ví von nào chính xác hơn khi gọi Bowling Ball là một nơi rác rưởi. Thực ra, nó cũng chỉ như một trong hàng ngàn quán rượu nhớp nhúa rải rác khắp nước Mỹ mà Toby đã từng hàng ngàn lần diễn trò tại đó. Khách hàng đa phần là dân thợ, đủ mọi nghề, đứng tuổi, vừa uống vừa chọc ghẹo mấy cô bưng bê váy chật căng, cổ áo rộng hoác vừa kháo nhau những mẩu chuyện tục tĩu mà hầu hết là chuyện đàn ông đàn bà. Nơi diễn trò thường ở cuối phòng, nhỏ tí và không bục bệ, với mấy nhạc công vừa chơi vừa ngủ gật. Khoảng tám giờ tối, chương trình được bắt đầu bằng một tay ca sĩ có dáng dấp đồng dâm với chiếc răng bịt bạc lộ liễu, tiếp theo là một gã nhào lộn đỏng đảnh, tiếp nữa là ả vũ nữ thoát y mân mê con rắn cỏ vẻ đã bị đánh thuốc mê. Cả bốn người, Clifton, O’Hanlon, Rainger và Toby chiếm một chiếc bàn gần nơi diễn trò vừa uống vừa xem vừa nghe ngóng trạng thái tâm lý khán giả. “Rặt đồ sâu rượu”. Toby nhếch môi nói. Định mắng cho mấy câu song Clifton nhịn được khi thấy vẻ mặt Toby. Cậu ta đang hoảng, ông nghĩ. Ông biết Toby quá quen với khung cảnh và đám khán giả này nhưng hôm nay vẫn hoảng. Bởi hôm nay mang tính sát hạch với anh ta. Ông nói nhẹ nhàng. “Nếu anh bỏ túi được đám này thì mọi đối tượng khác đều không còn đáng ngại lắm. Đây là dân lao động chân tay, suốt ngày cực nhọc, họ mà đã chịu cười thì tôi nghĩ chẳng mấy ai nhịn được”. Đúng lúc đó, người dẫn chương trình đọc to tên anh. O’Hanlon cười “Hãy cho họ biết thế nào là Toby”. Anh bước lên sàn diễn, bỗng hoảng sợ. Khán giả là một cái tên khác của con thú trăm đầu, mỗi đầu có mỗi cách phản ứng khác nhau. Anh phải khiến sao cho cả trăm cái đầu ấy đều cười. Hít một hơi thật sâu, anh thầm cầu Chúa, rồi bắt đầu nói. Chả thấy ai cười, thậm chí chả thấy ai buồn nghe. Mồ hôi lấm tấm trên trán, anh như dán nụ cười vào môi, vẫn diễn, trong tiếng trò chuyện ồn ào đinh tai. Họ đâu thèm chú ý đến anh. Đã không ít tối thứ bảy họ phát ốm vì những tay hài vô duyên, bất tài. Giờ với họ, mấy cô gái trần truồng nhảy múa là đủ. Nhưng còn cách nào khác là anh vẫn phải nói. Liếc nhanh, anh thấy Clifton và Hai tay ấy cũng không giấu được vẻ lo lắng. Toby vẫn diễn, dù không có khán giả. Quán chật ních đấy nhưng chỉ có bợm nhậu và đám người đang mong mỏi xả ra những mệt nhọc của một ngày, một tuần lao động, chẳng ai buồn nhướng mắt nhỏng tai về anh. Anh nói khó khăn hơn khi liếc thấy chủ quán đang bước về phía ban nhạc. Hẳn ông ta sẽ cắt màn diễn của anh bằng cách cho nổi nhạc lên. Không hiểu mồ hôi hay nước đái đang lăn dọc ống chân anh. Đời anh sắp xong. Anh sắp chết rồi. Bỗng một bà to béo ngồi ngay trước Toby cất tiếng cười vì để lọt vào tai một câu chuyện của anh, mấy người cùng bàn bèn ngừng nói để nghe. Toby đâu biết, vẫn diễn trong cơn hoảng loạn. Mấy người ở bàn bà to béo cùng cười. Rồi tiếng cười lây sang bàn bên. Rồi bàn nữa...bàn nữa. Tiếng ồn ào lắng dần, nhường chỗ cho giọng nói của anh. Họ bắt đầu nghe anh đấy. Rồi một trận cười nổ ra, lan truyền, rộng khắp. Đám nhậu đã trở thành khán giả, mẹ kiếp, anh lại có khán giả rồi. Anh diễn ở đâu, cho ai, không còn quan trọng nữa rồi. Quan trọng là anh đã khiến người ta nghe, người ta cười, tức là người ta yêu quí anh. Rồi họ đứng cả dậy vỗ tay, tung mũ, chìa cốc bia về anh, nhào tới gần anh làm đổ cả bàn ghế. Họ đâu biết mình là những người đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của một ngôi sao. Nhưng Clifton và Hai tay ấy thì biết. Và tất nhiên, Toby càng biết. Chúa đã giữ lời hứa của mình. Mẹ đã đúng. Dứ dứ ngọn đuốc bùng cháy vào mặt Josephine, đức cha Damian lầm rầm. “Lạy Chúa toàn năng. Cầu xin Người hãy đốt loài quỷ dữ ẩn náu nơi linh hồn bé nhỏ của đứa trẻ tội lỗi này”. Đám con chiên chắp tay đồng thanh “Amen!”. Ngọn lửa vờn quanh mặt cô trong khi đức cha vẫn không ngừng la hét. “Xin Người hãy diệt trừ quỷ dữ, thiêu chết nó, dìm chết nó!”. Rồi là những bàn tay túm lấy Josephine, dìm cô vào thùng nước lạnh, giữ chặt, và khi được nhấc ra cô đã gần như mê man. Đức cha dõng dạc. “Đội ơn Chúa lòng lành. Đứa trẻ đã được cứu vớt”. Đám đông phấn khích hét lên còn Josephine thấy đầu mỗi lúc một đau hơn. Chương 10 Clifton Lawrence thông báo với Toby. “Tôi đã hoàn tất hợp đồng biểu diễn của anh tại Las Vegas và đã thuyết phục được Dick Landry chịu giúp anh nâng cao màn diễn. Đó là tay cự phách về trình diễn ở câu lạc bộ”. “Thật tuyệt. Khách sạn nào ạ, Flamingo hay Thunderbird?”. Toby háo hức. “Sai toét. Oasis!” Toby liếc Clifton xem có phải ông đùa. “Tôi chưa bao giờ...” “Tôi biết chưa bao giờ anh nghe cái tên ấy”, Clifton ngắt lời, lặp lại ý hôm nào, “và họ cũng chưa từng nghe tên anh. Thực ra là họ tin tôi, khi nghe tôi nói rằng anh diễn tốt”. Toby cảm động. “Tôi không biến ông thành kẻ nói láo đâu”. Chỉ trước lúc đi Toby mới cho Alice Tanner biết là anh sẽ diễn ở Las Vegas. Bà hân hoan. “Em biết anh sẽ thành công mà”. Bà ôm choàng lấy anh. “Khi nào khởi hành, anh yêu? Anh muốn em ăn mặc ra sao trong đêm ra mắt?” Toby có vẻ âu sầu. “Anh muốn lắm mà không mang được em đi theo. Anh phải làm việc kín thời gian em ạ, cả ngày lẫn đêm. Vừa biểu diễn vừa tập luyện các trò mới”. Tanner giấu sự thất vọng trong cái ôm anh chặt hơn. “Em hiểu. Thế anh đi lâu không?” “Anh chưa biết. Lịch biểu diễn vẫn bỏ ngỏ mà em”. Trái tim Tanner dự báo một điềm chẳng lành nhưng bà chỉ im lặng chìa má đón nụ hôn tạm biệt của Toby. Chỉ khi anh đã đi khuất bà mới oà lên nức nở. Thành phố cờ bạc Las Vegas thuộc bang Nevada mọc lên từ sa mạc dường như thể chờ đón Toby tới. Từ trên cao anh đã có cảm giác nó dành riêng cho mình. Toby bay cùng Hai tay ấy và một chiếc Limousine đen bóng đã chờ sẵn khi họ bước xuống thang máy bay. Lần đầu tiên Toby được nếm mùi vị sang trọng mà anh hằng mơ ước và cũng hằng tin tưởng một ngày không xa nữa nó sẽ thuộc về mình. “Chuyến bay dễ chịu, thưa ôngTemple?”. Người lái xe hỏi. “Thì vẫn chán chết như mọi lần”. Toby hờ hững đáp, ngả người ra đệm xe êm ái. Anh bắt gặp Hai tay ấy nhìn nhau cười sau câu nói của anh, và cười với họ. Anh và họ cùng một giuộc rồi. Oasis nằm bên lề khu trung tâm Las Vegas, cách xa những khách sạn nổi tiếng của cái thành phố cờ bạc này. Nhưng với Toby, nơi đây có một thứ khiến anh sướng mê người mà chưa nơi nổi tiếng hoặc sang trọng nào có được. Đó là tấm biển quảng cáo khổng lồ với những con chữ to tướng mà cách hàng trăm mét cũng thấy. Chương trình biểu diễn ngày 4 tháng Chín LILI WALLACE TOBYTEMPLE Không còn gì đẹp hơn thế nữa, với Toby! “hãy nhìn xem”. Anh bảo Hai tay ấy. O’Hanlon chỉ đá mắt qua, cười cợt. “Hay nhỉ! Anh nghĩ sao? Đừng có lo. Lili Wallace đứng trên anh ở quảng cáo nhưng sẽ nằm dưới anh ở giường, sau khi đêm diễn kết thúc”. Parker, quản lý khách sạn Oasis trạc tuổi bốn mươi, nước da xanh tái, vồn vã chào Toby và đích thân đưa anh về tận phòng, xăm xắm. “ThưaôngTemple, thật vinh hạnh khi ông đến với khách sạn chúng tôi. Ông muốn gì, bất cứ điều gì, xin cứ gọi đích danh tôi”. Bây giờ thì Toby đã nhận thức được mọi sự tiếo đón này là dành cho Clifton chứ không phải cho anh, là vì lần đầu tiên Oasis được người đại lý huyền thoại kia cho khách hàng của mình đến biểu diễn. Sau cái gã Toby vô danh này, hẳn tay quản lý hy vọng, các lần sau, Clifton sẽ cử đến các ngôi sao thực thụ. Sẽ tới ngày mọi sự đảo ngược, Toby cay cú nghĩ. Toby theo viên quản lý vào lô phòng dành cho anh, gồm ba buồng ngủ, một phòng khách, bếp, và ban công ngoài trời. Tủ rượu đầy ắp, rất nhiều hoa và trái cây, sách báo ê hề. “ThưaôngTemple, còn điều gì khiến ông chưa thật hài lòng không ạ?”. Parker hỏi. Toby nghĩ ngay tới những căn phòng vừa ăn vừa ngủ chung với gián với chuột mà anh từng thuê, gật gù. “Tất nhiên, còn. Nhưng tôi vốn dễ tính nên thế này cũng tạm ổn rồi”. Parker nói: “Ông Landry đã tới trước ông khoảng một giờ. Tôi cũng đã cho dọn sạch một phòng để ông tập dượt vào lúc ba giờ”. “Cảm ơn”. Parker lui ra. Toby lững thững từ buồng nọ sang buồng kia, tin rằng từ nay mình sẽ chỉ sống ở những nơi tương tự và có tất cả những gì anh ước muốn; tất cả, từ danh vọng, tiền nong đến gái đẹp, và sẽ không thể thiếu tiếng cười chen lẫn tiếng vỗ tay của khán giả. Có nó, tức là anh không còn thiếu thốn gì nữa. Dick Landry chỉ hơn Toby hai, ba tuổi nhưng nom già khú với cái đầu rụng gần hết tóc, mặt mũi nhăn nheo. Bắt đầu sự nghiệp từ sân khấu Broadway, anh từng hát trong dàn hợp xướng, rồi múa, rồi biên đạo múa, và giờ là đạo diễn. Trong phạm vi công việc và khả năng của mình, anh luôn biết phân biệt cái có thể và không thể. Thí dụ anh không thể biến một cuộc trình diễn tồi thành hay nhưng có thể làm cho nó mang vẻ hay ho, còn nếu đã có màn diễn hay thì anh có thể nâng nó thành tuyệt phẩm. Anh mới nghe đến cái tên Toby Temple vài ngày nay, do Clifton nói ra, và cũng chính vì con người nói ra cái tên đó mà anh phải gác bỏ mọi bận rộn để đến đây “nâng cấp” cho Toby, Dick Landry mãi mãi biết ơn Clifton đã góp phần không nhỏ tạo dựng ra mình. Chỉ gặp Toby mười phút, Landry đã biết đó là một tài năng. Anh còn cười phá lên khi nghe Toby độc thoại. Đã bao giờ anh được cười như vậy chưa nhỉ? Hiếm lắm. Đâu phải vì những mẩu chuyện Toby kể ra hay vì cái cách anh kể, mà chính là cái vẻ thực thà đến ngây ngô của anh đã hoàn toàn chinh phục được Landry. Xem xong, anh cố gắng để không vỗ tay mà chỉ nói. “Khá lắm!” Toby sung sướng. “Cảm ơn anh. Clifton cam đoan rằng anh sẽ dạy tôi diễn thế nào để trở nên nổi tiếng”. “Clifton chỉ nhờ tôi mỗi việc ấy”, Landry nói. “Cả hai ta sẽ cùng phải cố gắng. Thí dụ anh hãy cố gắng để tài năng của mình được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú khác nữa, như hát chẳng hạn. Anh hát thử xem nào?” Toby cất giọng. Qua vài ba câu, Landry gật gù. “Giọng thì xoàng thôi nhưng đôi tai thẩm âm tốt đấy. Tuỳ theo bài hát, nếu hợp, anh có thể khiến người nghe nghĩ rằng mình đang được thưởng thức Frank Sinatra không chừng. Sẽ phải có nhạc sĩ viết riêng ca khúc cho anh. Chả nên hát mãi bài mọi người vẫn hát. Di chuyển, thử di chuyển tôi xem”. Toby làm vài vòng, Landry thở dài. “Tàm tạm. Tôi chỉ có thể làm anh giống như diễn viên múa mà thôi”. “Có cần thiết không?” “Anh nghĩ tôi có thì giờ và sức lực để làm những việc không cần thiết ư? “Vậy thì hãy làm ngay. Còn chờ gì nữa?” Hai tay ấy ngày nào cũng có mặt theo dõi Landry nâng cấp Toby, rồi O’Hanlon thêm chỗ này, Rainger bớt chỗ kia, rồi tranh luận, cũng vui nhưng mệt bã người. Chưa bao giờ Toby tập luyện căng thẳng khiến cơ bắp đau nhức thế này. Anh tập hát đến mức đang ngủ cũng hát. Lại có lúc đang ngủ cũng bật cười sằng sặc. Hôm nào cũng thấy một, có hôm hai mẩu giấy nhét qua cửa phòng, nhắn rằng Alice Tanner gọi đến muốn gặp anh. Nó chỉ khiến anh nhớ lại bà đã ngáng trở anh thế nào, lúc nào cũng chê anh chưa đủ độ chín. Thực tế thì sao? Vậy bà ta còn gọi đến cho cái kẻ vẫn “xanh lè” này làm gì? Anh ném những mẩu giấy nhắn vào sọt rác. Rồi chúng cũng không xuất hiện nữa. Còn các buổi tập vẫn ngày một nặng nề hơn. Bỗng một hôm Landry tuyên bố khiến Toby giật mình. “Tập dượt tạm ổn rồi. Anh đã sẵn sàng để đêm nay trình diễn chưa?” Chả sẵn sàng cũng chả được. Quảng cáo cả tháng nay rồi. Cổ họng Toby bỗng đắng nghét. Không cần phải đến khi đã xuất hiện những người trong nghề công diễn mới ồ à về một tài năng mới. Bằng linh tính, bằng thần giao cách cảm, từ thời điểm nào đó mà không một ai biết chính xác, nó cứ lặng lẽ lan truyền qua các sàn diễn, các rạp hát, dù là ở New York, London, Paris hay Rome, thậm chí Sydney...Người ta cứ thì thầm bàn tán, hỏi han, nghi hoặc. Ngoài ra, chẳng ai biết gì hơn nhưng họ vẫn nghi hoặc, bàn tán, hỏi han... Song chỉ cần vài phút sau khi Toby xuất hiện trên sân khấu, khách sạn Oasis, mọi nghi hoặc bàn tán đều chấm dứt. Người ta báo tin cho nhau về sự xuất hiện của một ngôi sao. Toby cảm động khi thấy Clifton đáp máy bay tới dự đêm diễn của anh, và còn ngồi lại với anh rất lâu sau đó. Ông đã bỏ buổi diễn của các khách hàng vốn đã nổi tiếng để đến với mình. Anh nghĩ. Họ đang ngồi ở quầy cà phê của khách sạn. Toby hào hứng. “Rất nhiều người nổi tiếng đến xem. Và khi họ kéo nhau vào phòng thay đồ chúc mừng, tôi sung sướng phát khóc”. Clifton hài lòng trước sự hồn nhiên của Toby, thật dễ chịu so với đám khách hàng khác của ông. Họ đã quá quen thuộc với sự nổi tiếng, thậm chí coi đó là sự tất nhiên, không thèm nhớ ai đã góp công làm nên cái tất nhiên đó. “Những người đó, nhìn ai có tài là họ biết ngay”, ông thản nhiên. “Khách sạn Oasis cũng vậy. Họ muốn lập hợp đồng với anh, muốn trả anh 1000 đôla mỗi tuần thay vì 650 đôla như hợp đồng cũ”. Toby suýt làm đổ ly cà phê. “Một ngàn mỗi tuần? Tuyệt vậy ư, ông Clifton?” “Tôi lại mới có sự đánh tiếng của hai khách sạn Thunderbird và El Rancho”. Toby chưa kịp nhảy cẫng lên ông đã nói tiếp. “Chẳng cần vãi đái ra đâu. Mới là diễn ở phòng khách thôi”. Ông nói như an ủi. “Chuyện muôn thuở ấy mà, Toby. Với tôi và với chính anh, anh đều là ngôi sao sáng, nhưng còn với những ngôi sao khác, anh có sáng hơn không?” Ông đứng dậy. “Tôi phải ra sân bay đây”. Ông thở dài. “Về New York được vài tiếng rồi lại qua London luôn”. Ông đặt tay lên vai Toby. “Vẫn nên coi nơi đây là trường học. Tôi muốn, ngay cả khi đứng trên sân khấu anh vẫn không thôi nghĩ làm cách nào để trình diễn tốt hơn. O’Hanlon và Rainger đã đồng ý ở lại với anh. Hãy hợp tác tốt với họ. Cuối tuần Landry sẽ ghé qua xem tình hình thế nào”. “Tôi xin nghe lời ông. Cảm ơn ông Clifton”. Đã bước đi Clifton chợt dừng lại, cho tay vào túi. “Xin lỗi, suýt tôi quên. Có cái này cho anh”. Ông đưa chiếc hộp xinh xinh cho Toby. Anh mở ra. Một đôi khuy tay áo mặt kim cương có hình ngôi sao. Clifton đi rồi, Toby làm đúng theo những gì ông dặn, cùng Hai tay ấy quần quật tu chỉnh vở cũ, tập luyện vở mới. Rảnh rỗi, anh thường ra ngồi chơi bên hồ bơi của khách sạn. Gần ba chục cô gái cùng tham gia chương trình với anh và khoảng chục cô trong dàn đồng ca, lại thêm vài ba cô hâm mộ thường mặc đồ tắm cũng hay ra ngồi đó phơi nắng. Cô nào nom cũng đầy khêu gợi, cô sau Toby đều thấy khêu gợi hơn cô trước. Xưa nay, chưa bao giờ anh khó khăn khi phải “hạ nhiệt” cho cái của nợ đó, nhưng bây giờ nó còn mang một ý nghĩa khác. Trước kia các cô chỉ, hoặc nhận tiền của anh, hoặc biết anh có cái của quý làm họ sướng điên lên. Bây giờ, tên anh đã sừng sững trên tấm biển quảng cáo khổng lồ, tối tối anh đã có hàng trăm người hâm mộ, làm tình với anh bây giờ là làm tình với một ngôi sao. Và các cô tranh giành nhau mỗi đêm để được ngôi sao đi vào trong họ. Mọi sự vẫn vô cùng tuyệt vời ở các ngày sau đó. Hôm nào cũng mãi gần trưa anh mới ngủ dậy, rồi xuống ăn sáng tại phòng chung. Anh thích thế, dù có thể đòi ăn tại phòng riêng, thậm chí ngay trên giường ngủ, còn tại đây, anh vừa ăn vừa “phải” ký tên cho đám người hâm mộ. Anh thích cái “phải” đó. Sau đó anh lao vào tập luyện. Chiều đến, anh ra bể bơi một lát, ngắm nghía, rồi chọn lấy một hoặc hai cô dẫn về phòng để đùa nghịch với nhau cho đến hết buổi chiều. Và anh biết thêm một chuyện, biết đâu rồi chẳng đưa được vào màn diễn của mình. Các cô gái thường ăn mặc hở hang, vì vậy phải tìm mọi cách để che kín được lô. Một trong những cách họ thường làm là dùng nến phủ đi, chỉ chừa lại một hàng nhỏ nằm giữa. Việc làm tình cũng nhờ vậy mà thuận tiện hơn. Một cô nào đó chẳng giấu giếm gì hết, hỏn hển khoe với Toby. “Như xài đồ kích thích vậy. Bận chiếc quần chật vào, vài tiếng sau là bọn em lên cơn như kẻ cuồng dâm”. Cô nào nói thì Toby đâu nhớ nổi. Đến tên nhiều cô anh còn chả buồn hỏi nữa là. Có thể anh nhớ bộ ngực này, cặp đùi kia, cái eo nọ...hoặc những biểu hiện tức cười khác nhau (anh nhớ nhất cái này) khi họ đạt tới cực khoái, nhưng tên tuổi họ thì chịu. Thôi thì cứ đánh đồng em cưng, bé yêu...Mà họ cũng tự ái gì đâu, có ép anh phải nhớ gì khác đâu, miễn là anh dẫn họ lên giường. Rồi cũng chỉ còn tuần nữa là đến ngày chia tay Oasis. Sẽ là nơi nào tiếp theo, sao chưa thấy Clifton thông báo? Còn đang loay hoay với câu hỏi đó thì một hôm, vừa xong màn diễn, Toby nghe tiếng viên quản lý Parker thì thào bên tai. “Ông Al Caruso mời ông dùng chung bữa tối với ông ấy”. Toby biết Al Caruso là người có tiếng tăm ở Las Vegas. Ông ta làm chủ một khách sạn và nghe nói là cổ đông của hai đến ba khách sạn khác. Anh còn nghe đồn rằng ông ta là Maphia, hoặc ít nhất, có đi lại với tổ chức ấy. Thì ông ta chứ đâu phải anh, hề hấn gì. Còn nếu ông ta thực sự thích anh thì nghĩa là anh có thể được trình diễn ở cái thành phố cờ bạc này bao lâu tuỳ thích. Anh thay nhanh quần áo, đi còn nhanh hơn, đến phòng anh ta. Al Caruso ngoài năm mươi, thấp và phệ bụng song lại có cái nhìn thật dịu dàng khiến Toby nghĩ tới hình ảnh ông già Noel. Thấy anh đến, ông đứng dậy, vừa mỉm cười vừa chìa tay ra tự giới thiệu mình, rồi tiếp. “Tôi chỉ muốn trực tiếp nói đôi ba câu cảm tưởng của tôi về anh, Toby. Mời anh ngồi”. Trong phòng còn có hai người đàn ông nữa, đều cao lớn, đều mặc quần áo sẫm màu, đều uống Cocacola và đều chẳng hé môi. Al Caruso cũng chẳng giới thiệu gì về họ. Ông ta nói tiếp. “Tôi có nhiều thiện cảm với anh, Toby ạ. Nhiều lắm”. Rồi ông hướng về anh một khuôn mặt tươi cười với cặp mắt nâu tinh quái. Toby cũng cười tươi đáp lại. “Cảm ơn ông Al Caruso. Tôi thật hân hạnh được nghe một người như ông nói vậy. Với tôi, nhiều ý nghĩa lắm”. “Hãy gọi tôi là Al. Chỉ cần Al là đủ”. “Vâng, tôi hiểu thưa ông...Al” “Tương lai là của anh đấy, Toby. Chừng này tuổi tại Las Vegas này, tôi đã thấy vô số người đến và vô số kẻ đi. Nhưng anh sẽ trụ lại lâu lắm. Bởi vì anh có tài”. Thật khéo nói, nghe mà mát lòng mát dạ. Trong cảm giác dễ chịu tràn ngập, Toby bỗng tự hỏi liệu có nên bảo Al Caruso hãy gặp Clifton mà bàn về chuyện công việc không. Rồi anh gạt ngay ý nghĩ đó đi, thấy mình tự bàn soạn hợp đồng biểu diễn của mình có lẽ cũng nhiều cái hay, cái tiện, bởi Al thích mình đến vậy cơ mà. Anh lại nghĩ, mình có thể ký với một cái giá mà ngay đến Clifton cũng không dám mơ, hãy cứ để Al nói trước, rồi mình sẽ liệu đòi thêm sau. Al Caruso vẫn đang nói. “Tôi cười chảy nước mắt nước mũi, cả nước đái nữa. Chưa ai khiến tôi cười được như vậy”. “Tôi cũng chưa bao giờ được ai khen kiểu như vậy, ngoài ông”. Toby thành thật đáp. Al Caruso quay về phía hai người to con kia. “Có đúng ta từng bảo nom anh ấy đã muốn cười rồi không?”. Cả hai nhất loạt gật đầu, tăm tắp. Al Caruso bỗng lấy vẻ nghiêm chỉnh “Bây giờ tôi sẽ nói lý do mời anh tới gặp tôi”. Giây phút kỳ diệu đã đến. Clifton thật ngốc nghếch khi đang bận rộn tận châu u với một khách hàng nào đó. Lẽ ra ông phải ở đây mà tự tay ký cái hợp đồng này. Trở về, chắc ông sẽ ngạc nhiên lắm đây. Nào, bao nhiêu, hãy đặt giá đi, Al Caruso. Anh hơi nhoài người tới ông ta, nói: “Vâng, tôi xin nghe, Al”. “Millie yêu anh” Al Caruso buông ra gọn lỏn vậy. Toby há hốc mồm, chưng hửng. Mình nghe sai, Al nói sai, hay mình nghe sót, Al nói sót? “Tôi...xin lỗi...” Anh lúng túng. “Tôi nghe...không hiểu lắm...” Al Caruso nói với vẻ thông cảm. “Millie yêu anh. Cô ấy đã tâm sự với tôi”. Millie là ai? Chồng con gì chưa? Vợ hay con gái ông ta ư? Al Caruso cắt ngay ý nghĩ hỗn loạn trong đầu Toby. “Tôi bao cô ấy mấy năm nay. Anh biết, Millie phải tuyệt thế nào mới giữ được tôi lâu như vậy”. Ông ta quay sang hai gã vẫn câm tịt từ đầu đến giờ. “Bốn năm nhỉ?” Hai gã tăm tắp gật đầu. “Tôi yêu Millie, yêu phát điên phát cuồng”, Al Caruso nói như thổ lộ. Toby đã thấy sợ, mặt tái ngắt. “Thưa ông...” Al Caruso như đang trôi theo dòng hồi ức. “Chúng tôi, Millie và tôi, đã cùng hứa rằng sẽ thành thật với nhau, rằng tôi sẽ không ngủ với người đàn bà nào khác nữa, trừ với vợ, còn Millie thì cũng sẽ không đi lại với người đàn ông nào khác mà không nói với tôi”. Al Caruso vẫn mỉm cười nhưng ẩn sau đó là cái gì không rõ mà khiến Toby khiếp đảm. “Thưa ông...” Caruso vẫn không cho anh nói hết câu. “Toby, anh có biết vì anh mà Millie lần đầu tiên đã lừa dối tôi? Đúng không?” Ông ta quay sang nhân chứng. Hai gã tăm tắp gật đầu. “Tôi xin ...thề có Chúa...!” giọng Toby run rẩy, “không hề biết cô ấy là ...của ông. Nếu biết...thì dù...trong mơ tôi cũng không dám ...thưa ông Caruso”. “Al, gọi tôi là Al”. Ông ta vẫn cười, như đang nghe anh kể chuyện vui trên sân khấu. Mồ hôi bò dọc sống lưng, bò dọc tay và cả chân Toby. “Al, tôi hứa sẽ không gặp Millie nữa, không bao giờ. Al, hãy tin tôi”. “Kìa, anh không chịu nghe tôi nói ư, anh Toby?” “Có chứ ạ, tôi nghe không sót một từ. Ông hãy tin là tôi sẽ giữ lời, không đến gần Millie dưới một dặm. Tôi...” “Tôi nói cô gái ấy yêu anh, anh hiểu chưa? Yêu! Và nếu Millie muốn có anh trong đời, tôi cũng muốn như thế. Tôi muốn Millie hạnh phúc. Anh hiểu chưa, Toby?” Đầu óc Toby đảo ngang lộn dọc. Đang sợ ông ta trả thù thì nay lại được ông trao tặng người tình cho. Có điều kiện gì không? Mặc, hãy cứ thoát cú này cái đã. Anh làm bộ đùa cợt. “Lạy Chúa, tôi đã hiểu, Al. Nếu ông muốn...” Anh bị ngắt lời luôn. “Phải nói là nếu Millie muốn”. “Vâng, tôi hiểu, nếu Millie muốn” “Tôi đã nói anh là người đàng hoàng”. Ông ta quay sang hai gã kia. “Có phải trước đó ta đã nói thế không?”. Hai gã tăm tắp gật đầu. Al Caruso đứng dậy, hai gã kia lập tức bước tới, mỗi gã một bên. “Tất nhiên”, Caruso nói, “tôi sẽ lo lắng toàn bộ, sao cho đám cưới của anh với Millie xứng đáng với tên tuổi anh và với tình yêu Millie dành cho anh. Hôn lễ sẽ diễn ra tại khách sạn Morocco, khó có nơi nào thích hợp hơn”. Mỗi lúc Toby càng thấy mình mù tịt trước những điều Al Caruso nói ra. Anh chẳng hiểu gì hết, phản đối theo bản năng. “Không, tôi không thể...Sao lại có chuyện cưới xin ở đây?” Al Caruso lừ mắt, mặt sầm lại. “Đời anh khó mà còn dịp nào may mắn như dịp này. Thực sự, nếu tôi không tin anh và Millie yêu nhau, như Millie đã tin, nếu tôi biết chắc là anh chỉ chơi Millie như chơi một con điếm vài ba đôla mỗi dù, thì đã chẳng có kết cục tốt đẹp này. Tôi tin anh đã hiểu”. Chợt liếc mắt, Toby thấy hai gã kia tăm tắp gật đầu. “Anh sẽ chia tay Oasis vào dêm thứ bảy”, Al Caruso vẫn nói bằng cái giọng như mọi sự đã thoả thuận xong, “và lễ cưới sẽ được tiến hành ngày hôm sau, chủ nhật”. Toby muốn té xỉu. “Al, tôi sợ còn có những cuộc biểu diễn khác vào đúng hôm chủ nhật đó. Hãy cho tôi một thời gian...”. Al Caruso thản nhiên. “Khán giả luôn biết mình phải chờ đợi các ngôi sao, à này”, ông ta cười khoe, “chính tay tôi chọn áo cưới cho Millie đấy. Thôi, hãy ngủ ngon đi, Toby”. Qua một đêm, bao sợ hãi trong Toby dường như cũng đã theo bóng đêm mà biến sạch. Chiều qua, mọi sự bất ngờ quá khiến anh đã thực sự hoảng hốt. Bây giờ, bình tĩnh lại, anh bật cười. Al Caruso cứ ngỡ mình là Al Capone muốn gì được nấy của cái thuở xa xưa đó ư? Ông ta là chủ một khách sạn lớn chứ đâu phải hạng lưu manh côn đồ đầu đường xó chợ. Càng suy luận Toby càng thấy tức cười. Phải biến nó thành chuyện vui và phải đưa nó vào màn diễn, anh quyết định. Tất nhiên, phải khác đi đôi chút. Không phải anh thực sự sợ hãi mà chỉ làm ra vẻ sợ hãi. Tôi đến, và thấy Caruso đang ngồi cùng hai gã mới nom bộ dạng đã chết khiếp chứ đừng bảo nom đến cái thứ phồng lên trong quần chúng. Có lẽ là súng, tôi tự trấn an... ồ, hãy cứ bắt đầu thế, có thể gây cười được rồi. Tuần cuối cùng ở khách sạn Oasis anh tránh xa bể bơi, tránh xa hơn đàn bà, chẳng phải cái chuyện sợ hay không sợ, anh chỉ muốn tránh tai bay vạ gió mà thôi. Vả lại, gì chứ đàn bà thì... Anh định sẽ rời Las Vegas bằng máy bay, vào trưa chủ nhật. Rồi nghĩ sao chẳng biết, từ thứ bảy anh đã thuê chiếc ôtô, để sẵn ở bãi xe đằng sau khách sạn. Trước buổi diễn cuối cùng anh đã thu xếp xong hành lý, rời sân khấu là anh sẽ lên xe vù khỏi Las Vegas luôn. Rồi anh sẽ tạm lánh xa cái thành phố cờ bạc này. Còn nếu Al Caruso vẫn quyết ép anh cưới Millie - mà khổ, tận lúc này anh đã nhớ nổi cô ta là ai đâu- hoặc tìm cách trả thù, chắc Clifton Lawrence sẽ thu xếp được. Đêm diễn cuối cùng thành công ngoài sự mong đợi của Toby và của cả khán giả. Họ đứng cả dậy tung hô anh, ném hoa lên sân khấu. Những tràng pháo tay kéo dài tưởng không bao giờ hết. Anh rơm rớm nước mắt, tặng lại khán giả một màn diễn tạm biệt rồi vội vã về phòng. Cuộc đời anh không biết sẽ còn có bao lần được lặp lại mấy tuần lễ lý thú như ở khách sạn Oasis này. Chỉ chưa đầy một tháng đã từ kẻ vô danh biến thành ngôi sao; từ gã đàn ông chỉ có thể làm tình với gái điếm, tiếp viên hoặc đàn bà què nay được bao cô gái xinh đẹp tranh giành và còn được cả tình nhân Al Caruso yêu quý đến mức đòi lấy làm chồng. Chồng ư? Thôi nhé. Anh mở khoá phòng, và ngay khi cánh cửa mở ra anh nghe vang lên giọng nói thân tình vừa hôm nào làm anh chết khiếp. “Mời vào, Toby thân mến của tôi”. Al Caruso cùng hai gã im lặng tăm tắp gật đầu đang làm chủ căn phòng của anh. Chân tay Toby run bắn lên. Nhưng ông ta lại vỗ tay và nói. “Đêm nay anh xuất sắc quá, Toby”. Nhẹ người, anh nhũn nhặn. “Khán giả có phần ưu ái đấy thôi, thưa ông Al Caruso”. “Hãy gọi tôi là Al. Anh bận rộn quá, làm việc căng thẳng quá”. Ông quay sang hai gã kia. “Có phải ta đã từng bảo Toby làm việc căng thẳng quá?” Hai gã tăm tắp gật đầu. Caruso nhìn Toby. “Millie buồn vì chẳng thấy anh nhắn gọi gì. Tôi phải giải thích vì anh bận biểu diễn quá”. “Đúng vậy, tôi mừng là ông hiểu cho, Al, cảm ơn ông”. Toby đáp qua quýt, chỉ mong ông ta dẫn hai gã kia đi nhanh cho. Al Caruso vẫn mỉm cười hiền hâu. “Nhưng có một điều tôi không thể hiểu nổi, Toby. Anh giải thích giùm? Đó là anh không cả gọi điện để biết giờ cử hành hôn lễ, vào ngày mai?” “Tôi bận quá, như chính ông vừa nói đấy”. Toby phân trần. “Định là sáng mai sẽ hỏi, vẫn kịp mà, thưa ông”. “Đến Los Angeles rồi mới hỏi mà vẫn kịp ư?” Phải chú ý lắm mới nhận ra vẻ trách móc trong nhẹ nhàng trong giọng nói. Toby hiểu ra ngay, sợ run lên, song vẫn cố vớt vát. Los Angeles là nơi chúng tôi, tôi và Millie, hưởng tuần trăng mật”. “Và anh phải đóng gói hành lý từ bây giờ?”. Toby cứng họng. Ông ta bẹo má anh, nói cái chuyện chết người mà vẫn như đùa. “Tôi đã hứa với anh là sẽ đập chết tên khốn nào làm khổ Millie mà, anh nhớ không?” Cuống lên, Toby lắp bắp. “Đừng...Thề có Chúa...tôi chỉ...” “Chả lẽ các ngôi sao đều ngốc nghếch vậy hả, Toby. Anh thì tốt, nhưng ngốc quá”. Toby không dám ho he gì. Ông ta cười nhạt. “Ngốc nhất là không chịu tin tôi. Để từ đó không chịu nghe tôi. Anh không tin rằng tôi thực sự chỉ mong anh gặp điều lành để cùng Millie chung hưởng hạnh phúc. Lại cũng không tin tôi sẽ trừng phạt bất kỳ ai dám gây đau khổ cho Millie. Kẻ ngốc đến vậy thì phải nhận sự dậy dỗ thế nào, anh biết không, Toby?” Lại không biết mồ hôi hay nước đái chảy dọc ống chân Toby, như lần trước gặp Caruso. Anh vẫn không dám hé môi. Al Caruso thân mật như hỏi thăm bạn bè. “À này, anh thuận tay nào nhỉ?” “Phải...tay phải...thưa ông!” Al Caruso hớn hở như tìm ra bí mật kho bán, quay sang hai gã kia, lệnh. “Đánh gãy tay ấy”. Hai gã tăm tắp bước tới, tăm tắp mỗi gã một bên kẹp lấy Toby, và trong tay một gã bỗng xuất hiện cây gậy sắt bọc cao su. Cũng còn may, cả hai gã lại tăm tắp hai cây gậy thì anh đến gẫy cả đôi tay mất. Đến lúc này, không hiểu sao ý nghĩ đó lại bỗng loé lên trong đầu Toby, nhưng anh không cười được. Anh sợ rồi, thực sự sợ lắm rồi, cứ ú ớ những lời van xin vô nghĩa. Gã không cầm gậy bỗng đấm anh một cú rất mạnh. Rồi anh thét lên vì đau, nhưng không phải do quả đấm ấy, mà do cây gậy sắt kia nện vào cánh tay, nghe thấy cả tiếng xương gẫy. Anh ngã lăn ra, quằn quại, và nhoè trong nước mắt đau đớn anh thấy Al Caruso ngồi bên, ghé sát anh. “Anh sẽ không ngốc nữa, hoặc ít ra, cũng thông minh lên nhiều”. Ông ta vừa nói vừa cười. Toby chỉ còn đủ sức gật gật đầu. “Thế thì tốt”. Rồi ông ta nói mà không nhìn ai cả. “Vạch chim nó ra”. Một gã tăm tắp cởi khuy quần Toby, dùng cây gậy sắt bọc cao su khều dương vật anh ra. Al Caruso ngây người khi nhìn thấy nó, lẩm bẩm. “Của anh lực lưỡng thật, Toby. Bỏ đi thì phí quá, còn khiến Millie đau lòng. Đành thôi vậy...” Quên cả đau, hồn vía Toby như hiện ra cả lời van nài. “Xin ông, đừng làm vậy...Vâng, Millie sẽ đau khổ lắm, xin ông...” Al Caruso dùng mũi giày dứ dứ vào cửa quần Toby, nói. “Tôi sẽ không đụng đến nó chừng nào anh còn khiến cho Millie hạnh phúc. Nhưng nếu ngược lại thì...không cần nói anh cũng biết cái gì sẽ đến với anh...”. Ông ta hơn lui mũi giày lại, đặt lên cánh tay gãy của Toby và day day khiến anh đau đớn thét lên. “Mười ba giờ, ngày mai. Anh nhớ rồi chứ. Còn nơi hưởng tuần trăng mật thì tuỳ anh và Millie, tôi không cần biết”. Toby rên rỉ, nói cốt để cho mình khỏi ngất đi. “Trưa mai...cánh tay tôi...”. Caruso hất hàm ra phía cửa. “Bác sĩ sẽ lo chuyện đó, vài phút nữa là ông ta có mặt, và anh sẽ không còn thấy đau nữa. Khổ, mai cưới vợ mà hôm nay còn ngã gãy tay”. Nói xong ông ta lại dứ mũi giày về cái tay gãy. Toby ngất đi. Chương 11 Lễ cưới đông như ngày hội khiến phòng khiêu vũ mênh mông của khách sạn Morocco trở nên chật hẹp như phòng ngủ. Không thiếu một gương mặt nổi tiếng nào của Las Vegas, từ nghệ sĩ, chính khách đến các doanh nhân. Song nổi bật hơn cả vẫn là chủ hôn, Al Caruso, cùng đám thân hữu của ông ta, những người trong bộ trang phục cổ điển, không cười - dù là đến dự cưới, hầu như không nói và rất ít đụng đến rượu. Hoa nhiều, đồ uống phong phú, sâm banh chảy từ vòi như thác, nhạc rộn ràng, tiếng cười rộ lên liên tục...Al Caruso quả là nhà tổ chức tài năng. Khách đến dự, mười người như một, kể cả chủ hôn Al Caruso cùng hai gã tăm tắp, sau lời chúc mừng cô dâu chú rể đều không quên chia buồn về cái sự sơ-ý-ngã-cầu-thang-gãy-tay của chú rể Toby. “Đẹp đôi, đẹp đôi lắm!”. Họ nói thêm trước khi rời đi. Đẹp đôi!? Đầu óc Toby từ đầu lễ cưới vẫn lâng lâng bởi thứ thuốc giảm đau đặc biệt mà viên bác sĩ của Caruso tiêm cho nên hầu như chẳng biết gì về đám cưới đông hay vắng, vui hay không; anh cứ đi lại, bắt tay, ngơ ngẩn cười một cách máy móc. Rồi khi thuốc không còn tác dụng, cùng lúc với chỗ tay gãy đau đớn trở lại là sự căm giận trỗi dậy trong anh. Giận mình, giận Caruso, giận hai gã tăm tắp, giận cả đám khách khứa cười nói vô duyên... Đẹp đôi!? Toby nhìn sang cô dâu. Giờ thì anh đã nhớ ra. Đó là cô gái có gương mặt xinh xắn, dáng thon thon, mái tóc nâu dài, hơn hai mươi tuổi. Cô ta cười to, cười giòn hơn hẳn đám bạn mỗi khi nghe anh kể chuyện vui, và đôi khi, cả chuyện không vui lắm. Anh còn nhờ thêm rằng đó là một trong rất ít các cô gái từ chối lên giường với anh, dù cứ lẽo đẽo theo anh suốt. Cô ta thực thà từ chối, mà không nói ra lý do. Nhưng có nói hay không thì cái sự từ chối ấy chỉ càng khiến anh thèm muốn cô hơn, càng đòi làm tình với cô bằng được. Có phải đây là cái giá mà anh phải trả cho sự hợm mình? Anh nhớ hôm ấy đã làm vẻ mặt sầu khổ, giọng nói rầu rĩ thế nào. “Em làm anh phát điên phát cuồng mất thôi. Anh đáng ghét đến vậy ư?” “Đáng yêu là khác. Nhưng em đang có người yêu mất rồi”. Thành thực đến vậy mà anh vẫn không chịu buông tha, vẫn mời bằng được cô gái về phòng và phô ra mọi chuyện vui cùng mọi sự duyên dáng của mình. Tất nhiên, cô ta thích mê đi, vừa nắc nẻ cười vừa cho anh hôn, cho anh bóp vú, cho anh cởi váy áo nhưng đến khi anh bế lên giường thì cô ngăn anh lại, giọng đầy lo lắng. “Đến đây thôi. Quá nữa là người yêu em không bằng lòng đâu, và em không biết sẽ xảy ra chuyện gì đâu. Thôi đi anh”. Cũng lại là một khuyên can đúng mức, và thành thực nữa. Anh vẫn không chịu nghe, còn vênh váo. “Sau đây anh sẽ hỏi tội nó, nhớ nhắc anh, em yêu”. Họ quấn lấy nhau cả đêm, rồi ngủ thiếp đi, vẫn không rời nhau ra. Đúng hơn, cô ta không chịu rời Toby ra. Để rồi sáng dậy, anh thấy cô đang dấm dứt khóc. Anh hôn vào ngực cô, bàn tay vuốt dài trên lưng cô. “Em ân hận ư? Anh lại cứ nghĩ em còn thích hơn cả anh”. “Vâng, em thích lắm. Nhưng em...sợ...” Đang lúc dễ tính và cũng muốn dỗ dành cho xong để còn xuống ăn sáng, Toby âu yếm. “Sợ anh chơi xong sẽ bỏ em ư? Không đâu, anh yêu em”. Câu này dường như ngủ xong với cô nào, anh chả nói, như thói quen vậy. Song không cô nào nghe xong lại như cô này, nhỏm phắt dậy, nhìn đăm đắm vào mắt anh, hồi hộp. “Anh nói thật chứ, Toby, thật chứ?” Anh thản nhiên. “Hãy tìm lý do để anh nói dối em. Nếu không có, tức là anh nói thật”. Cô ôm ghì anh, lại toan dẫn anh đi vào cô lần nữa, nói trong hơi thở gấp gáp. “Còn em, em yêu anh ngay từ cái giây đầu tiên nhìn thấy anh”. Anh gạt vội cô sang bên, vùng dậy. “Quần quật cả đêm, anh đói lắm rồi. Mình xuống ăn sáng, em yêu”. Mọi sự đến đó là hết. Một đêm duy nhất. Và chỉ mới cách đám cưới này có mươi hôm. Vậy mà cái đêm độc nhất đó đã khiến cuộc đời anh hoá ra ngớ ngẩn thế này. Hỏi phải căm giận ai, căm giận cái gì cho đúng: anh, Millie, Al Caruso hay là cái của nợ của anh. Trong chiếc limousine đen bóng đang bon bon, người đàn ông ngồi cạnh tài xế tặc luỡi kính nể. “Ông chủ thật cao tay, thế là ổn cả mọi bề. Thằng nhãi ranh ấy không thể biết mình bị gãy tay hay là phải rước con nhỏ ấy làm vợ, cú nào đau hơn”. Al Caruso không đáp, nhắm mắt lại và ngả người ra lưng ghế. Ngủ ngon được rồi. Từ ngày bà vợ như hổ dữ của ông phát hiện ra chồng đang chăm bẵm Millie, ông hiểu là bằng mọi giá phải tống khứ bằng được cô gái nhảy đó mà không để cho cô ta vòi vĩnh, quậy phá. May sao, ông chẳng tốn kém mấy, trừ chút đỉnh tiền mừng cưới, và Millie còn phải biết ơn ông nưũa vì đã lấy được đúng người mà cô ta yêu. Mắt vẫn nhắm chặt, Al Caruso lẩm bẩm. “Nhớ theo dõi và báo ta biết nó có đối xử tử tế với Millie không?” Rồi ông ngáy nhẹ. Hai vợ chồng thuê được ngôi nhà nhỏ ở khu BenedicsCanyon. Đầu tiên Toby còn vạch ra trăm mưu ngàn kế để thoát khỏi Millie, nào hành hạ đoạ đày để cô phải đòi bỏ anh, hoặc lừa cô ngủ với gã nào khác để anh có cớ xin ly hôn, hoặc...hoặc... Nhưng mọi cái hoặc đều bị loại bỏ sau một bữa trưa với Dick Landry. “Anh biết nhiều về Al Caruso không?” Toby nhìn Dick bằng ánh mắt ngạc nhiên như muốn biết tại sao anh ta lại hỏi vậy. Hiểu ý Toby nên không cần anh đáp, Dick nói chậm rãi. “Chớ đánh đu với hắn. Tôi kể anh nghe chuyện này. Em trai hắn lấy về làm vợ một cô gái mười chín tuổi vừa ra khỏi nhà tu kín, rồi một năm sau bắt quả tang cô ta ngoại tình. Hắn kể cho anh trai nghe. Bọn tay chân Al Caruso bèn xẻo luôn chim gã kia rồi tẩm xăng đốt và bắt gã chủ của con chim đó ngồi nhìn. Cuối cùng chúng kệ cho gã chảy máu đến chết”. Toby chỉ muốn nôn ra hết thức ăn vừa nuốt vào. Và anh vã mồ hôi khi nhớ tới cây gậy sắt bọc cao su khều dương vật anh ra khỏi cửa quần. Thật kinh khủng. Anh hết đường thoát rồi. Mười tuổi Josephine nhìn thấy cánh cửa đưa cô vào một thế giới thần tiên mà ở đó cô không những hết đau đầu, tránh được đòn roi trừng phạt của mẹ mà còn quên đi những đe doạ của đức cha về chốn địa ngục lưu đày. Cô thường ngồi hàng giờ - và chắc chắn hàng đêm, nếu được phép - trong rạp chiếu phim, nhìn như dán mắt lên màn ảnh, nhất là khi xuất hiện những con người ăn vận đẹp đẽ sống trong những căn nhà sang trọng và yêu nhau tình tứ. Bao giờ cô cũng nghĩ: Rồi sẽ đến lượt ta. Rồi ta sẽ đi Hollywood để có được cuộc sống ấy. Chắc mẹ sẽ vui lắm. Bà Czinski thì vẫn nghe, và dạy lại con gái, rằng phim ảnh chỉ là mưu mô của quỷ dữ nhằm dụ dỗ con người sa vào tội ác, nên Josephine không bao giờ dám xin tiền mẹ đi xem phim và tất nhiên, dù đi xem bằng tiền cô có do trông trẻ giúp hàng xóm, thì cũng phải giấu mẹ. Tối nay, sau khi nhìn trước ngó sau không thấy khuôn mặt nào quen thuộc, cô mua vé rồi lẻn vào rạp đúng lúc giờ chiếu bắt đầu. Tối nay họ sẽ chiếu bộ phim kể về cuộc tình của một đôi trai gái, chắc là hấp dẫn lắm, hướng dẫn nhoài cả người về phía trước, hồi hộp. Ở mục giới thiệu các thành phần làm phim, cô thấy cái tên giám đốc sản xuất to tướng SAM WINTERS. Chương 12 Không ít hôm Sam cảm tưởng mình đang trông nom trại điên hơn là phụ trách một Hãng sản xuất phim và luôn phải đề phòng nếu không muốn bị các con bệnh xâu xé. Trại điên của anh chưa hôm nào hỗn loạn như hôm nay. Đủ các thứ chuyện, chuyện nào cũng khiến anh muốn bệnh khi nghĩ tới việc xắn tay vào giải quyết. Lần thứ tư Hãng xảy ra hoả hoạn, vào tối qua. Diễn viên chính của phim Chàng trai có tên Thứ Sáu chửi rủa người tài trợ khiến ông ta muốn rút về, cũng có nghĩa phim sẽ bị ngưng lại. Đạo diễn thần đồng Bert Firestone, đình ngang xương bộ phim cỡ năm triệu đôla, và diễn viên có hạng Tessie Brand bỗng tuyên bố sẽ không nhận cái vai đã nhận trong bộ phim chỉ vài ngày nữa là bấm máy. Chưa hết... Sam hỏi người chỉ huy chữa cháy, và cả viên kế toán đang có mặt trong văn phòng anh. “Vụ cháy tối qua gây thiệt hại bao nhiêu?” “Thiêu rụi, thưa ông Winters! Trường quay số 15 phải dựng lại toàn bộ, số 16 thì đỡ hơn song cũng phải mất đến ba tháng để sửa chữa”. Viên kế toán đáp. “Ba tháng? Rồi đóng cửa Hãng luôn à? Hãy thuê trường quay của Goldwyn. Và nói tất cả nhanh tay lên một chút”. Reilly, chỉ huy chữa cháy, chẳng úp mở gì. “Chắc chắn có bàn tay thủ phạm, ông Winters. Không hề do bất cẩn hoặc sự cố kỹ thuật nào hết. Ông cần xem xét kỹ đám lêu têu kia”. Lêu têu là cách gọi chung đám hoặc chây lười, hoặc mới bị sa thải, hoặc đang không hài lòng với ông chủ. “Chúng tôi đã hơn một lần làm việc đó”, Sam nói, “như chưa kết quả”. “Có thể là một nhân viên kỹ thuật nào đó, bởi nếu biết cách gây ra một vụ cháy không để lại dấu vết, bằng dụng cụ hẹn giờ gắn với chất gây cháy. Hắn hiểu việc hắn làm, thưa ông Winters”. “Cảm ơn Reilly. Tôi sẽ thông báo để ai cũng được biết điều đó”. Đầu dây bên kia là Roger Tapp, chủ nhiệm phim Chàng trai có tên Thứ Sáu, bộ phim tivi nhiều tập đang quay ở Tahiti, có Toby Fletcher thủ vai chính. “Chuyện xấu ư, Tapp”. Linh tính mách bảo Sam vậy. Tapp cáu loạn lên. “Mẹ cái thằng Toby, thật quá thể. Anh biết không, Sam? Chiều qua, Philip Heller, Chủ tịch ban điều hành của cái công ty tài trợ cho phim đang cùng gia đình ở thăm Tahiti có ghé đến trường quay đúng lúc Toby Fletcher vào vai. Và hắn đã vô cớ nổi khùng lên, chửi rủa họ”. “Chửi thế nào?” “Bào cả nhà họ hãy cút khỏi đảo, muốn đi đâu thì đi”. “Thế này thì phải kêu bác sĩ tâm thần đến. Toby điên thật rồi”. “Heller muốn ngưng phim lại, không quay kiếc gì nữa đâu”. “Hãy đến xin Heller tha lỗi. Buông điện thoại xuống là đi ngay cho tôi. Giải thích rằng Toby làm việc căng thẳng quá nên hoá khùng. Nhớ gửi hoa cho bà Heller, mời cả gia đình một bữa tối thật sang trọng. Còn Toby để tôi nói chuyện với hắn”. Dứt chuyện với Tapp, anh gọi ngay cho Toby Fletcher. Bên kia vừa bắt máy, anh nổ ngay, “Này, cái đồ chó đẻ...” và trước khi hạ máy, anh nhẹ nhàng “...tôi cũng thương nhỏ đó lắm, có dịp là tôi bay đến với nhỏ ngay. Suýt quên, Toby, mông vú bà Heller không phải của cậu đâu nhé, đừng có nhầm, lại tội nghiệp ông tài trợ...” Dứt điểm vài ba vụ việc linh tinh nữa, Sam Winters thở phào nhắm mắt giây lát như lấy sức để bước vào vụ Bert Firestone. Đó là một đạo diễn thần đồng, thuộc hạng con cưng của Pan-Pacific, song lại đang dở trò với Hãng. Vẫn có ngày mai là bộ phim do Bert đạo diễn đã bấm máy hơn ba tháng và đã chi phí vượt quá dự toán hơn triệu đôla, thì bỗng Bert tuyên bố thích ngồi chơi hơn là làm đạo diễn. Nó cũng có nghĩa là gần hai trăm con người trong đoàn làm phim cũng được-hay bị?-ngồi chơi theo Bert. Xấp xỉ tuổi ba mươi, Bert Firestone, tài năng phát tiết sớm, sau khi đạo diễn một số phim truyền hình đoạt giải của Hãng truyền hình Chicago, đã chuyển tới Hollywood làm đạo diễn điện ảnh. Mấy phim đầu của Bert xem được và doanh thu cũng tạm được song đến phim thứ tư thì đã mang về khoản lãi kếch xù và tức khắc biến Bert thành món hàng quý giá được mọi Hãng phim chào mời. Tuy vậy, trong Sam vẫn lưu lại những ấn tượng của lần đầu gặp Bert. Quên làm sao được bộ dạng anh ta lúc đó, nom hệt như vị thành niên, lông tơ như vẫn lún phún bên mép, gày gò và xanh xao, cận thị nặng và đầy ngượng ngập, nhút nhát và xa lạ giữa Hollywood. Ái ngại quá, Sam kêu Bert đi ăn tối cùng, rồi chuyện trò thấy cũng hợp bèn cố móc nối để Bert được có mặt ở những hội nọ tiệc kia. Thế rồi, nhân ý tưởng của một nhà văn, Sam bàn với Bert về bộ phim dựa theo ý tưởng đó, phim Vẫn có ngày mai. Lúc đầu bàn bạc, không thể tìm ở đâu ra sự tôn trọng nào hơn của Bert dành cho Sam. Nào nghe như nuốt mỗi lời Sam nói, nào ghi chép cẩn trọng, nào hứa nếu được giao đạo diễn phim này sẽ bàn bạc với Sam từng chi tiết, sẽ học hỏi Sam ở mỗi lời thoại, mỗi cảnh quay... Đến khi kịch bản phim Vẫn có ngày mai hoàn thành và Bert đã chính thức ký hợp đồng làm đạo diễn phim thì bao nhiêu nước đã chảy qua cầu và Bert trở nên đắt giá qua bộ phim ăn khách kia. Gã trai vị thành niên bẽn lẽn hôm nào thoắt cái đã biến thành tên sát thủ. Chẳng những đã lờ đi mọi gợi ý của Sam về địa điểm quay, về dựng cảnh, anh ta còn đòi viết lại kịch bản đã được Sam và cả ban giám đốc Hãng chấp nhận, đòi thay đổi hầu hết những thoả thuận quan trọng trước đó. Bực mình, Sam từ bỏ ý định mời Bert làm đao diễn Vẫn có ngày mai nhưng ban giám đốc, người thì khuyên anh hãy kiên nhẫn, người vẫn chưa hết loá mắt trước món lãi khổng lồ Bert làm ở bộ phim trước, thế là Sam đành chịu. Nhưng Bert vẫn không dừng lại, ngày một ngạo ngược hơn, ngày thêm đòi hỏi những điều vô lý hơn. Mỗi ngày, Sam mỗi nghiến chặt răng hơn, chịu đựng. Từ đâu và từ lúc nào không rõ, không ai gọi anh ta là Bert, là Firestone hay là Bert Firestone nữa. Tên mới của anh ta, thoạt đầu là Hoàng Đế rồi sau là Thằng xỏ lá từ Chicago tới. Còn nhận xét về anh ta ư? Là thế này, Nó thuộc loại lưỡng tính, có thể tự thụ tinh và sinh ra quái vật nhiều đầu... Giờ anh ta lại bỏ ngang xương bộ phim đang quay dở. Sam đẩy cửa phòng hoạ sĩ Kelly, trưởng ban Thiết kế mỹ thuật. “Kể rõ tôi nghe đã xảy ra chuyện gì?” Anh nói như ra lệnh. “Chuyện gì nữa “Thằng xỏ lá từ...” “Thôi đi, hãy gọi là ông Firestone”. “Thì ông Firestone! Ông ta muốn tôi dựng một cái thành do chính ông ta vẽ kiểu, và chính ông cũng đã đồng ý”. “Thế thì sao? Nói nhanh đi”. “Chúng tôi thực hiện đúng như ông ta muốn. Nhưng khi bàn giao ông ta lại không thèm nhận. Vậy là toi nửa triệu đôla”. “Để tôi xem!” Sam nói rồi đi ra. Thằng xỏ lá từ Chicago tới đã biến trường quay số 23 thành sân bóng rổ và đang quần thảo với mấy tay quay phim. Họ đã vẽ tạm các đường biên và dựng tạm hai rổ để chơi. Sam đứng ngó nghiêng vài ba phút, trò chơi này làm Hãng mất 2000 đôla mỗi giờ. Rồi anh gọi Bert. Thấy Sam, anh ta vẫy tay ra ý chào, còn cướp bóng ném thêm quả nữa vào rổ rồi mới lững thững đi tới. “Công việc vẫn tốt, Sam?” Bert hỏi, như chẳng có gì liên quan đến mình. Nhìn vẻ mặt anh ta vẫn tươi hơn hớn Sam chợt nghĩ chả lẽ hắn bị bệnh thần kinh? Ừ thì hắn có tài nhưng biết đâu hắn cũng có cả giấy chứng nhận của bênh viện thần kinh? Một gã tâm thần đang nắm trong tay hơn năm triệu đôla của Hãng? Anh nói nhẹ nhàng. “Có phải cảnh quay mới có vấn đề? Cùng bàn bạc giải quyết được không?” Bert nhún vai khinh thị. “Giải quyết cái gì. Bỏ đi!”. Cơn giận tích tụ trong Sam bùng ra. “Chúng tôi đã làm đúng như anh đòi hỏi. Kiểu cách thì chính tay anh vẽ. Vậy tại sao phải bỏ?” Bert nhìn anh với ánh mắt ngây thơ. “Tại tôi thay đổi ý định nên thấy cái đó thành không cần thiết nữa chứ có ai bảo sai trái gì đâu. Anh hiểu ý tôi chứ? Đó là cảnh Mike và Ellen chia tay, song tôi đã quyết định thay bằng cảnh Ellen tới thăm Mike trên tàu khi Mike sắp ra khơi”. Mắt Sam như muốn lồi ra. “Bert, lấy đâu ra tàu? Hãng không có sẵn”. Bert ngây thơ kêu lên. “Sao không đóng cho tôi một chiếc, Sam?” Rudolph Hergshorn, Tổng giám đốc Pan-Pacific từ New York nói chuyện qua điện thoại với Sam. “Tất nhiên, tôi cũng ngán hắn lắm rồi”, ông bảo, “nhưng giờ thay hắn sao được, Sam? Đã đi quá xa rồi. Vả lại, ta không có ngôi sao nào trong Vẫn có ngày mai, và Bert Firestone chính là ngôi sao độc nhất của phim đó”. “Ông có biết anh ta đã chi vượt dự toán bao nhiêu không?” “Biết chứ, tôi vốn quý trọng đồng tiền mà. Song, như Goldwyn từng nói. “Tôi sẽ không thèm gọi thằng chó đẻ ấy nữa, cho đến khi tôi cần tới hắn. Và chúng ta đang rất cần Bert để cho ra mắt bộ phim Vẫn có ngày mai”. Ông cười rộn ràng trong ống nghe. Sam chưa chịu. “Ta sai thì ta sửa. Không chỉ có mình Bert biết làm phim có lãi”. “Nhưng anh thích những bộ phim Bert đã làm chứ, Sam?” Sam Winters nghiến răng lại. “Phải nói là tuyệt”. “Vậy hãy đóng cho hắn chiếc tàu đúng như hắn đòi”. Mười ngày sau Bert tiếp tục quay Vẫn có ngày mai. Và Sam đã đỏ mặt khi nghe con số tiền lãi mà bộ phim mang về cho Hãng. Nhưng anh vẫn quả quyết là Bert Firestone có giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần. Còn vụ Tessie Brand? Đó là ca sĩ rất được giới biểu diễn ưa chuộng. Sự kiện, phải nói là sự kiện, Tessie ký hợp đồng đóng ba phim cho Hãng Pan-Pacific là một cú sốc với dân trong nghề, và người ta biết ngay là ngoài Sam không còn ai làm nổi việc đó. Có gì đâu. Trong khi các hãng cứ mải mê thương lượng với người đại lý của Tessie thì Sam âm thầm bay đến New York mua vé xem Tessie biểu diễn rồi, lịch sự một cách kiên nhẫn và đáng yêu mời cô đi ăn tối. Bữa ăn kéo dài suốt đêm và hợp đồng đã được ký trên sàn phòng ngủ khách sạn. Sam chưa từng quen biết cô gái nào xấu xí như Tessie Brand, song cũng chưa cô gái nào tài năng được như cô. Chính là tài năng đã khiến người ta quên đi cái vả ngoài xấu xí kia. Sinh ra trong một gia đình thợ may ở Brooklyn, từ nhỏ tới lớn Tessie chưa từng đọc lên một nốt nhạc. Nhưng khi Tessie bước ra sân khấu và cất lên cái giọng trời cho thì khán giả như hoá rồ cả lượt. Trước đó, cô là vai diễn dự bị trong một vở ca kịch ế khách diễn ở Broadway. Một đêm, diễn viên đóng chính bị ốm phải nghỉ diễn, và Tessie Brand được vào thay. Vì là đêm diễn cuối cùng nên có một số khách mời là những người sành sỏi, và họ đã lập tức nhận ra giọng ca tuyệt vời của cô. Paul Varrick, chủ nhiệm sân khấu Broadway lập tức mời Tessie thủ vai chính trong vở nhạc kịch của ông, ra mắt vào tuần sau đó. Tessie đã biến vở diễn từ loại trung bình thành ăn khách đặc biệt. Các cây bút phê bình của các tờ báo và tạp chí nghệ thuật đã không tìm ra được hình dung từ để so sánh giữa vẻ ngoài xấu xí và giọng hát tuyệt diệu của Tessie. Đĩa hát của cô, dù loại một bài hay nhiều bài vẫn luôn đứng đầu. Có đĩa, ngay ở tháng phát hành thứ nhất đã đạt con số hai triệu. Có đĩa, ngay tuần đầu đã được đặt in thêm. Các nhà hát kịch Broadway và các hãng băng đĩa nhờ Tessie mà hái ra tiền nên Hollywood cũng muốn dính phần. Tuy thấy mặt Tessie hãng phim nào cũng muốn bỏ chạy song nghĩ tới khoản lãi khổng lồ mà Tessie mang lại khiến họ bỗng nhìn cô bằng con mắt khác, thấy chẳng mỹ nhân hoặc hoa hậu nào có thể sánh nổi với cô. Chỉ trong thời gian chưa ăn xong món khai vị Sam đã biết phải làm thế nào để giành được Tessie khi nghe cô tâm sự. “Không biết trên màn ảnh rộng trông tôi sẽ ra sao? Ngoài đời tôi rất xấu, tôi biết, song các hãng đều nói họ sẽ làm tôi trở nên xinh đẹp trên màn ảnh. Có lẽ họ nói láo”. “Tất nhiên láo toét rồi”. Sam bình thản đáp, lờ đi vẻ ngạc nhiên của Tessie. “Đừng cho bất kỳ hãng nào thay đổi mặt mũi của cô. Họ sẽ làm hỏng nó thôi”. “Anh nghĩ là mặt mũi còn có thể hỏng hơn được nữa ư?” Chú ý lắm mới thấy vẻ cay đắng trong giọng nói của cô ta. Sam làm như không hay biết điều đó, và kể một câu chuyện. “Khi hãng MGM ký hợp đồng với ngôi sao Danny Thomas, họ muốn anh ta đi sửa mũi, bảo rằng sẽ đẹp hơn. Danny thôi không ký nữa, bởi biết cái mà mình phải bán chính là tài năng của mình chứ đâu phải mắt, mũi hay tai. Và đó cũng chính là cái mà cô phải bán, một Tessie Brand thực sự, nguyên vẹn chứ không phải một ai đó lạ hoắc mà cứ nhận là cô”. “Tôi chưa được nghe ai nói chuyện thẳng thắn như vậy. Thật đúng là một người đàn ông. Anh có vợ chưa?” Sam lắc đầu. Cô ta hỏi tiếp. “Còn chuyện yêu đương?” Sam cười thoải mái. “Với ca sĩ thì chưa. Tôi không sành nhạc. Tai kém lắm”. Tessie cười chân thực. “Khỏi cần sành cái thứ đó. Tôi thấy thích anh”. “Có đến mức cùng làm vài phim với tôi không?” Sam nửa đùa nửa thật. Tessie nhìn thẳng vào mắt anh, gật đầu. “Có!” “Tuyệt! Tôi sẽ làm hợp đồng với người đại lý của cô”. Tessie như không nghe anh nói gì, im lặng vuốt ve bàn tay anh rồi hỏi. “Có thực là anh đang không có người yêu không?” Hai phim đầu có Tessie thủ vai chính, cửa bán vé luôn chật cứng người mua. Xếp hàng cả trăm mét. Cô có tên trong danh sách xét thưởng giảiAcademy cho vai diễn ở phim đầu và đoạt Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất ở phim sau. Cô diễn đã giỏi, hát lại hay, tính tình luôn vui vẻ, thoải mái. Tessie Brand trở thành biểu tượng cho các cô gái trên toàn thế giới không được trời phú cho cái dung mạo ưa nhìn, không được yêu thương và không mấy ai thèm muốn. Cô cưới chàng diễn viên thủ vai nam chính trong bộ phim đầu cô đóng, li dị ngay sau mấy cảnh quay tiếp theo, rồi lại cưới chàng trai đóng vai nam chính ở bộ phim thứ hai. Nghe đâu cũng lại đang có chuyện trục trặc, song anh lạ gì thói đơm đặt của Hollywood nên chẳng quan tâm nữa. Vả lại, đó cũng đâu là chuyện của anh. Hình như Sam nhầm rồi. “Chuyện gì thế, Barry Herman?” Sam hỏi người quản lý của Tessie. “Còn chuyện gì ngoài nỗi bực bõ về bộ phim sắp bấm máy mà cô ấy thủ vai chính?”. Barry Herman ỡm ờ trả lời. Sam gắt. “Có lên cơn đồng bóng gì thì nói thẳng ra đi, cô ta chẳng đã chấp nhận kịch bản, đạo diễn và chủ nhiệm phim rồi ư? Không thể thay đổi gì vào lúc tiền triệu đã ném ra và ngày bấm máy đã cận kề.” “Tessie chỉ muốn thay chủ nhiệm phim”, Herman ném ra quả bom. Với Sam thì đúng thế. Mà đâu vừa, phải cỡ bom tấn trở lên. Anh gào vào máy. “Ralph Dastin là chủ nhiệm phim số một của Hollywood. Không kiếm ra ai hơn được đâu.” “Nhưng Dastin không hiểu Tessie, được là không chịu hiểu gì đó”. Barry thủng thẳng. “Nếu không thay anh ta Tessie sẽ không chịu vào vai đâu”. “Dù là đã ký hợp đồng?” “Hãy nghe, và hãy tin tôi, Sam! Tessie rất tôn trọng chữ ký của mình, nhất là những khi cô ta tỉnh táo. Song khi buồn bực hoặc mất bình tĩnh thì chẳng còn nhớ nổi điều gì”. Sam dằn máy xuống. Kiếm lý do gì để gạt Dastin ra đây. Chẳng lẽ do anh ta không chịu ngủ với Tessie, hoặc một lý do ngớ ngẩn khác tương tự? Anh bảo cô thư ký Lucille gọi Ralph Dastin tới. Đó là người đàn ông đã ngoài năm mươi, dễ gây thiện cảm. Gặp Sam, Dastin không để anh phải lúng túng tìm câu mở chuyện, ông nói luôn. “Tôi cũng đang tìm gặp anh để thông báo là tôi bỏ cuộc đây”. “Nhưng lý do gì?” Sam hỏi như quát. Dastin bình thản. “Diễn viên hốt bạc của chúng ta đang muốn có người gãi ngứa”. “Nghĩa là cô ta đã có sẵn người thay thế anh?” Sam há hốc mồm. “Chết mẹ! Anh không hề ngó tới mục Linh tinh trên các báo ư?” “Linh tinh thì ngó làm gì. Cô ấy kiếm được gã nào vây?” “Làm gì có gã nào. Một ả. Một con mái trăm phần trăm”. Sam lùi lại, giọng yếu hẳn đi. “Nói hết ra đi”. “Barbara Carter, ả thiết kế phục trang cho Tessie. Tại cả miền Tây nước Mỹ này, còn duy nhất anh là người không biết chuyện đó.” Sam thở dài, thật dài. “Về chuyện đó, tôi xưa nay lại vẫn tin Tessie là đàng hoàng cơ chứ”. “Đàng hoàng? Cũng có thể, trừ khi cô ta đang đói”. “Tôi đâu có thể cho một ả chỉ biết vẽ mẫu quần áo, lại còn mắc chứng đồng dâm, làm chủ nhiệm một bộ phim chi phí tới bốn triệu đôla”. “Đó là quyết định của anh, song hãy nhận ở tôi một lời khuyên không phải trả tiền: đó là người duy nhất làm cho bộ phim này có thể bấm máy”. Sam gọi lại cho Bary Herman, đại lý của Tessie. “Ralph Dastin sẽ không làm chủ nhiệm phim nữa”. “Vâng!” Anh ta chẳng có vẻ gì ngạc nhiên hoặc vui mừng. “Tessie hẳng sẽ bằng lòng lắm”. “Cô ta đã có ý mời ai thay chưa?” Sam như phải lấy tay đè cơn giận lại. “Nói thực thì là đã có! Một cô gái mà theo Tessie, và theo cả tôi, rất tài năng, và đủ sức đảm nhận vai trò này. Tất nhiên, phải dưới sự chỉ bảo tận tình của anh...” “Dẹp kiểu đãi bôi ấy đi, Bary. Dứt khoát phải là cô đó sao?” Sam bẳn gắt. “Tôi rất tiếc. Nhưng chắc là vậy”. “Tôi muốn gặp cô ta”. Sam nói trước khi buông máy. Barbara Carter đẹp một cách gợi cảm và theo Sam, từ dáng vẻ, cử chỉ đến nói năng đều tỏ ra bình thường như mọi phụ nữ khác. Anh để ý cả cái cách cô ta ngồi vào ghế, đôi chân thon và dài vắt chéo nhau một cách ý tứ. Còn cái nhìn thì thẳng thắn song hiền hậu, giọng tuy hơi khàn nhưng nói năng rất nhẹ nhàng. “Tôi ở vào một tình thế khó xử, thưa ông Winters. Bản thân tôi không hề có ý định này, nhất lại là phải cướp đoạt công việc của người khác. Song...” Barbara lắc đầu với vẻ bất lực, “cô Brand đã thề sẽ không đóng phim nếu không phải tôi là chủ nhiệm. Theo ông, tôi cần làm gì cho phải lẽ?” Câu hỏi đó giúp anh có thể nói toạc ra điều mình nghĩ nhưng anh lại trả lời bằng cách hỏi lại Barbara. “Ngoài thiết kế trang phục cô còn có kinh nghiệm gì khác về sản xuất phim không?” Barbara thản nhiên. “Tôi xem rất nhiều phim và đã từng dẫn khách tới đúng chỗ ngồi ghi trong vé của họ tại rạp chiếu”. Còn đòi gì nữa? Anh tự nhủ, rồi hỏi tiếp. “Vậy do đâu mà Tessie Brand tin rằng cô sẽ làm tốt công việc của một chủ nhiệm phim?” Tựa như khơi đúng mạch nước, câu hỏi của Sam khiến Barbara ào ạt tuôn ra những thầm kín vẫn phải nén chặt lâu nay. “Tôi và Tessie đã bao ngày, và cả bao đêm nói với nhau về bộ phim này. Thoạt tiên là tôi, tự tôi thấy có nhiều chỗ trong kịch bản không hợp lý, và khi chỉ cho Tessie thì cô ấy rất đồng ý với tôi”. Sam chẳng khó gì để nhận ra cô ta đã không còn gọi cô Brand một cách tôn trọng mà thay vào đó chỉ là Tessie với vẻ âu yếm. Anh không giấu được sự mỉa mai kín đáo trong câu hỏi. “Cô nghĩ mình giỏi hơn một tác giả đã từng đoạt giải cdemy dành cho kịch bản xuất sắc và đã viết không ít kịch bản ăn khách cho cả điện ảnh lẫn sân khấu Broadway chăng?” Barbara khônglành như Sam tưởng. Cặp mắt nâu thoáng long lên và giọng nói đã tỏ ra sẵn sàng tranh luận. “Đến vậy thì không dám nghĩ, song tôi cứ nghĩ mình hiểu về phụ nữ hơn cái nhà ông biên kịch đó. Nhất là ở cái nhân vật mà Tessie thủ vai. Đây, thí dụ như ở cảnh này...” Sam chẳng buồn nghe nữa. Anh biết là mình sẽ phải, dù muốn hay không, để cô ta làm chủ nhiệm phim này, và anh chán ghét chính mình khi phải chấp nhận như vậy. Nhưng anh đang phải quản lý cả một hãng phim, chứ không phải chỉ quản lý có mình anh, và công việc hàng đầu của anh là phải sản xuất ra phim, nhất là những phim đã có ngôi sao nhận lời tham gia và đã đưa vào kế hoạch. Nếu Tessie mà muốn con sóc cảnh của cô ta làm chủ nhiệm phim này, chắc anh cũng phải mua hạt dẻ cho nó. Bởi phim có cô ta đóng vai chính ít nhất cũng mang về khoản lãi tới hàng chục triệu đôla. Tất nhiên, anh sẽ phải trông chừng nhiều hơn, để dù kém cỏi, Barbara Carter cũng khó có thể làm hỏng bộ phim được. “Vâng!” Cuối cùng Sam nói. “Cô đã được làm chủ nhiệm phim đó. Chúc mừng cô”. Ngay hôm sau, trên trang nhất hai tờ Hollywood Reporter và Variety đã đăng tin Barbara Carter đảm nhận vai trò chủ nhiệm bộ phim mới của Tessie. Khi gấp tờ báo lại để quẳng đi, vô tình Sam thấy dòng quảng cáo đậm nét TobyTemple sẽ biểu diễn tại phòng khách của khách sạn Ritz. A, cái anh lính thích diễn trò. Sam nhớ ra ngay và bỗng mỉm cười, tự nhủ sẽ mua vé xem khi nào anh ta đến diễn ở Los Angeles. Rồi Sam bỗng ngạc nhiên tự hỏi tại sao TobyTemple không hề liên lạc với anh? Chương 13 Sự đời cũng thật trớ trêu. Chính Millie đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của Toby, nâng anh lên đỉnh cao danh vọng. Cưới Millie, ngoài những chuyện vui sẵn có, anh được thêm bao chất liệu cho những câu chuyện mới. Đó là sự ghét bỏ, lòng khinh khi. Anh bị cưỡng bức lấy làm vợ một cô gái mà anh không yêu, thậm chí coi thường, và nỗi oán hận tràn đầy đến mức nếu biết chắc không ảnh hưởng gì đến mình, hoặc nói đúng ra, nếu không quá sợ Al Caruso, anh đã bóp cổ vợ. Thực tế, chỉ vì ép buộc phải cưới nên sinh ra ghét bỏ rồi dẫn đến căm hận nên Toby không thấy Millie là một người vợ tuyệt vời. Cô ngưỡng mộ đến mức tôn thờ anh, hết lòng tận tuỵ với anh, lúc nào cũng chỉ sợ anh không hài lòng vì cô, và cả vì không của cô chăng nữa. Nhưng không còn gì có thể xoay chuyển được. Thù hận đã vón cục lại, nặng trĩu trong Toby, ngày đêm gặm nhấm anh, biến mọi chiều chuộng của Millie thành sự nhạo báng mỗi khi anh nhớ tới nỗi đau của cánh tay bị gãy lúc chiếc gậy sắt bọc cao su đập vào và vẻ mặt hăm doạ của Al Caruso lúc hắn nói Nếu anh mà khiến Millie không hài lòng... Căm giận, nhưng không thể, hoặc không dám, hành hạ vợ, Toby tìm mọi cách trút lên người xem. Anh đang trên sân khấu mà khán giả nào vô phúc gây ra những tiếng động đáng ngờ, thậm chí chỉ là sỉ mũi hắt hơi, hoặc bỏ ra ngoài vì nhu cầu sinh hoạt bắt buộc là anh lập tức chĩa mũi dùi nhạo báng vào kẻ đó. Lời lẽ độc địa, tất nhiên, nhưng nó lại xuất phát từ một gương mặt ngây thơ với cặp mắt mở to ngơ ngác khiến người xem không thể nín cười, ngay cả với kẻ bị anh chọn làm đối tượng, và không ít người còn lấy đó làm điều tự hào vì nhờ nó mà họ trở nên được nhiều người biết tới. Chẳng một ai trong số nạn nhân đó biết rằng Toby đã thực sự nói ra điều mà anh đang nghĩ trong đầu. Từ một diễn viên hài nhiều triển vọng, nay tên tuổi anh nỗi ngày lan rộng hơn trong giới biểu diễn. Chẳng lẽ Millie đã vô tình góp phần vào sự nổi tiếng đó sao? Trở về sau chuyến đi châu u, Clifton Lawrence ngớ người khi thấy Toby đã là chồng của một cô gái nhảy. Đáp lại thái độ ấy là vẻ bình thản ở cả nét mặt lẫn câu trả lời của anh. “Có gì lạ đâu, ông Lawrence. Tôi gặp Millie, rồi yêu, rồi cưới cô ấy”. Không lạ Toby nên anh càng bình thản ông Clifton càng không yên lòng. Ở một góc sâu nào đó trong tim, ông đã coi Toby như con. Sự bất an trong ông càng tăng khi một hôm ông bảo Toby. “Anh bắt đầu ăn khách đấy. Chuẩn bị diễn một tháng liền ở khách sạn Thunderbird nhé. Hai ngàn đôla mỗi tuần!”. Ông biết, nơi biểu diễn và món tiền đó, mới hồi nào còn là giấc mơ của Toby. Song anh không nhảy cẫng lên vì vui sướng như ông tưởng mà lại hỏi. “Còn hợp đồng đi biểu diễn xa mà ông đã nói thì sao?” “Hãy quên đi. So với Las Vegas thế nào được. Vừa nhiều tiền hơn lại vừa nhanh nổi tiếng hơn. Tôi có thể đăng ký cho anh diễn tại Las Vegas trọn năm nay”. Vẫn không thấy nụ cười ông chờ đợi, mà thay vào đó là vẻ cau có. “Hãy cho tôi đi diễn ở xa. Càng xa càng tốt. Và từ giờ đến hết năm, ông đừng ký hợp đồng nào cho tôi với Las Vegas nữa”. Thái độ ấy, nếu là của sự ngạo mạn hoặc giận dỗi thì Clifton còn có thể hiểu. Song ông không hề thấy cả hai cái đó. Ông chỉ thấy một sự thù hận đang phải kìm nén lại. Cố kìm nén lại... Kể từ hôm ấy, Toby rong ruổi không ngưng nghỉ. Dường như đó là cách duy nhất để anh thoát khỏi chiếc giường, phòng ngủ, ngôi nhà...là những chỗ thường xuyên có sự hiện diện của Millie, mà anh coi là địa ngục. Anh biểu diễn ở mọi nơi, mọi chỗ, dù có hoặc không có sân khấu; dù là rạp hát, câu lạc bộ, giảng đường, và cả ...thánh đường; bất cứ đâu, miễn là nơi ấy có người xem và không có...Millie. Ngày càng nhiều hơn những cô gái đẹp chẳng những thầm mong mà còn nói toạc ra là muốn lên giường với anh. Anh cũng thèm họ lắm, tất cả, cô nào anh cũng thèm, cả cô thầm mong lẫn cô nói toạc. Mỗi lần phải trốnc hạy cả bầy tiên nữ xúm xít trước cửa phòng hoá trang sau mỗi buổi diễn, mỗi lần im thin thít giả bộ như đi vắng khi biết chắc bên ngoài là một vú nở chân dài nào đó, anh nghiến răng chỉ muốn tự mình cắt bỏ cái của nó ấy đi. Nhưng chẳng phải anh đang sợ chính cái sự cắt bỏ đấy, như Dick Landry kể về một gã trai lơ nào đó bị Al Caruso trừng trị? Phải, anh sợ chính cái đó. Bởi hễ cứ nhìn một cô gái nào không phải Millie mà thấy của nợ ấy cựa quậy là lập tức trong anh vang lên câu nói của Al Caruso khi hắn nhìn vào khúc thịt nằm còng queo ngoài cửa quần anh: Cái của anh lực lưỡng thật...Tôi sẽ không đụng đến nó chừng nào anh còn khiến cho Millie hạnh phúc. Thế là cả anh lẫn nó cùng còng queo luôn. “Tôi yêu vợ lắm”. Anh làm vẻ ngượng ngùng mà nói vậy. Các cô vú nở chân dài tin anh ngay và một đồn mười, mười đồn trăm, anh được tiếng là gã đàn ông đứng đắn, chí thú làm ăn, vun vén gia đình. Nhưng tin thì tin, đồn thì đồn, các cô đâu dễ bỏ cuộc. Toby càng lẩn tránh họ lại càng khao khát anh hơn. Còn anh, vốn từ nhỏ đã ham muốn chuyện đó nên vài ngày thiếu đàn bà đã là cả một cực hình, đôi khi không còn làm nổi việc gì nữa. Để thoát khỏi tình trạng ấy, anh lại phải nhờ đến chính bàn tay mình, như anh đã làm từ hồi nhỏ và đã tưởng sẽ không bao giờ phải lặp lại nữa. Mỗi lần thủ dâm như vậy anh lại nghĩ đến các cô gái trẻ đẹp đang ngong ngóng được nằm trong vòng tay anh và nguyền rủa cái số kiếp chó má của mình. Khao khát là vậy nhưng thỉnh thoảng về nhà thấy Millie, cũng xinh xắn, cũng tươi trẻ, cũng rất yêu anh và cũng háo hức lên giường...thì bỗng mọi ham muốn trong anh biến hết. Khi ấy, nỗi căm hận và lòng khinh bỉ đã lẫn át mọi dục vọng. Song không muốn để Al Caruso nghe được những than thở của Millie, anh vẫn buộc mình phải làm tình với cô ta, và anh trả thù bằng cách tỏ ra bạo dâm đến mức Millie đau đớn kêu khóc ầm lên. Anh giả vờ coi đó là những tiếng lạ của khoái cảm và càng làm dữ hơn nữa, cho đến khi xua được dòng chất độc thù oán vào lòng cô ta. Anh đâu làm tình, mà là đang rút bỏ căm hờn. Năm 1950, tháng Sáu, quân đội Bắc Triều Tiên tràn qua vĩ tuyến 17 tiến đánh Nam Triều Tiên. Tổng thống Truman tuyên bố nước Mỹ nằm trong tình trạng chiến tranh và đưa quân Mỹ sang tham chiến. Toby không quan tâm đến việc ai phản đối ai ủng hộ cuộc chiến này, chỉ biết nó là một dịp tốt đặc biệt cho anh. Tháng Mười hai, tờ Daily Variety đưa tin vua hài Bob Hope sez sang Nam Triều Tiên biểu diễn phục vụ lính Mỹ nhân lễ Giáng sinh. Chưa đọc hết mẩu tin Toby đã gọi Clifton Lawrence đòi ông thương lượng để anh được có mặt trong chuyến công du đó. Qua điện thoại, giọng Clifton không giấu nổi sự ngạc nhiên. “Với mục tiêu gì, anh bạn nhỏ của tôi? Vất vả lắm, và chẳng hữu ích lắm đâu. Hãy nghe tôi...” Toby phũ phàng ngắt lời. “Những người lính ở đó còn vất vả hơn ngàn lần chúng ta có nghĩ đến hữu ích gì cho bản thân họ không? Tôi muốn mang niềm vui tới cho họ, muốn được chính tai nghe tiếng họ cười...” Clifton cảm động vì phát hiện ra một con người mới ở Toby. Một giờ dau ông gọi lại cho anh, giọng phấn chấn. “Bob Hope vui mừng vì anh đã tự nguyện tham gia. Tuần sau lên đường rồi. Nếu anh thay đổi ý định thì...” “Không bao giờ”. Toby đáp gọn rồi gác máy, quên cả cảm ơn Clifton. Ông không thấy giận, bởi đang vui mừng vì thái độ rất đáng trân trọng của Toby đối với những người lính đang đổ máu ở một vùng đất cách xa nước Mỹ cả vạn dặm. Ông tự hào, và cả sung sướng, được có anh là khách hàng, được là đại lý của anh, được giúp anh tạo dựng danh tiếng. Khi cùng Bob Hope, khi chỉ có một mình, nội vài ngày quanh lễ Giáng sinh, Toby biểu diễn ngót nghét hai chục buổi, lại còn di chuyển hết nơi này đến nơi khác, luôn tâm niệm đâu có lính Mỹ là phải có tiếng cười. Và anh, chính anh cũng tìm được niềm an ủi trong sự bận rộn ấy. Hầu như chẳng còn giây phút nào để Millie xuất hiện trong anh. Giáng sinh qua đi. Nam Triều Tiên cũng qua đi. Lẽ ra về Mỹ, hoặc đúng hơn, về Las Vegas, hoặc đúng nữa, về nhà, thì Toby lại ghé tới hòn đảo Guam. Tin tức truyền tụng đã đến trước khiến anh được lính Mỹ ở đây nồng nhiệt chào đón. Rồi khi biết các lính Mỹ bị thương tại mặt trận Triều Tiên đều được chữa trị tại một quân y viện ở Tokyo, thủ đô nước Nhật, anh bèn đến đó phục vụ. Cũng chẳng trốn mãi được, cuối cùng anh vẫn phải về nhà, về nơi có Millie. Lòng vòng thế nào mà cuối tháng Tư anh mới hạ cánh xuống sân bay Las Vegas. Millie đón anh với câu chào. “Anh yêu, em đã đến bệnh viện và đã chắc chắn có thai”. Anh ngây ra, không biết nói năng gì, và Millie lại nghĩ do anh mừng quá. “Thật tuyệt vời anh nhỉ? Em sẽ có niềm vui bù đắp mỗi khi anh đi xa biểu diễn. Em mong sẽ là con trai để nối nghiệp anh, để được như anh, và...” Những tiếng líu ríu mơ hồ lọt vào tai anh như từ cõi xa xăm nào vọng tới. Lâu nay, đâu phải anh đã hoàn toàn tuyệt vọng. Đâu đó, anh vẫn trông vào Chúa, vào mẹ, hy vọng tới một ngày nào đấy, một phép màu nào đấy, sẽ giúp anh thoát khỏi người vợ mà anh căm hận này. Hai năm làm chồng Millie là hai năm anh sống trong địa ngục. Bây giờ lại thêm con cái, liệu anh còn có thể, dù chỉ là hy vọng, thoát được nữa không? Ai cũng trả lời được câu hỏi này. Lại một mùa Giáng sinh sắp đến. Millie sẽ sinh con vào dịp này. Toby đã thu xếp được một cuộc biểu diễn phục vụ lính Mỹ đóng quân ở nước ngoài song vẫn ngại Al Caruso sẽ dở trò khi thấy anh bỏ đi vào dịp Millie sinh con, anh bèn gọi điện cho hắn. Nhận ra người gọi, Al Caruso nói như reo. “Chào ngôi sao trẻ, rất vui được nghe giọng nói của anh”. “Tôi còn vui hơn, Al”. “Có phải vì anh sắp được làm cha một ngôi sao tương lai?” “Ông đoán giỏi quá”. Rồi anh tạo cho giọng nói một sự phân vân. “Đó cũng là lý do tôi phải gọi điện hỏi ông. Al này, Millie sắp bể bầu rồi. Tôi thì muốn cùng vợ đón đứa trẻ chào đời nhưng người ta lại đnag rất muốn tôi trở lại Triều Tiên và Guam phục vụ cho binh sĩ của chúng ta ở những nơi đó. Tính cách nào bây giờ hả Al? Giúp tôi với!” Cũng khó thật đấy! Al Caruso lẩm bẩm sau hồi lâu im lặng. Toby thận trọng. “Thú thực, tôi không muốn Millie buồn song cũng lại không nỡ phụ lòng những người lính của chúng ta đang phải xa nhà”. Im lặng lâu hơn. Rồi Al Caruso nói sau một tiếng thở dài. “Anh bạn trẻ, đây là ý nghĩ của tôi. Hai ta đều là công dân Mỹ yêu nước, phải vậy chứ? Và những người lính xa nhà kia cũng một phần nhỏ là vì hai ta, đúng chứ?” “Tất nhiên rồi”, Toby nhẹ nhõm hẳn, “nhưng tôi lại cũng không muốn một mình Millie...” “Cô ấy sẽ hiểu, Toby”. Al Caruso ngắt lời anh. “Và đứa nhỏ, lớn lên, sẽ có thêm niềm tự hào về người cha của nó. Hãy yên lòng mà lên đường, anh bạn trẻ của tôi”. Mầy tuần sau, đúng vào hôm trước ngày lễ Giáng sinh, khi Toby rời sân khấu trong những tràng vỗ tay và tiếng hò reo như sấm của những người lính trên đảo Guam thì có người nhét vào tay anh bức điện khẩn báo tin vợ anh chết trong khi cố sinh ra một đứa trẻ đã chết từ trong bụng mẹ. Chương 14 Tháng Tám, ngày 14, năm 1952 là sinh nhật thứ 14 của Josephine Czinski. Do trùng ngày sinh tháng đẻ nên Mary Lou Kenyon mời Josephine tới dự cuộc vui chung ở nhà cô ta. “Họ ác độc lắm”, mẹ cô không cho đi, nói vậy, “con ở nhà đọc Kinh Thánh tốt hơn”. Josephine không nghĩ như mẹ, và trong bụng đã quyết phải đi. Bọn bạn cô chẳng đứa nào độc ác cả, chúng vẫn cười đùa với cô, cho cô chơi chung đồ chơi, ngồi chung ôtô của chúng, và còn nhiều cái chung khác nữa, mẹ cũng biết vậy song mẹ không chịu hiểu mà thôi. Mẹ vừa ra khỏi nhà, Josephine liền ra phố mua ngay chiếc áo bơi màu trắng bằng mấy đôla có được do trông con giúp nhà hàng xóm rồi đi nhanh tới nhà Mary Lou Kenyon với cảm giác hôm nay sẽ là một ngày tuyệt diệu của mình. Biệt thự nhà Mary Lou được coi là lớn nhất, đẹp nhất, sang trọng nhất so với các chủ dầu lửa trong vùng. Vô vàn đồ cổ, thảm, tranh quý. Rất nhiều những căn nhà xinh xắn, đầy đủ tiện nghi dành cho khách. Rồi là sân chơi quần vợt, bãi đáp máy bay riêng, chuồng ngựa và những hai cái bể bơi: cái lớn dành cho gia đình và khách của họ; cái nhỏ hơn ở phía sau thì dành cho gia nhân vầ đầy tớ. David Kenyon là anh trai Mary Lou mà Josephine đã biết, và theo cô, không ai có thể đẹp trai hơn. Anh cao lớn, nom phải xấp xỉ hai mét, vai rộng, đôi mắt nâu thông minh và tinh quái. David là thành viên đội tuyển bóng bầu dục quốc gia và đang hưởng học bổng Rhodes. Đến chơi nhà Mary Lou bao giờ Josephine cũng thầm mong được thấy David. Chỉ cần thấy thôi. Trước kia, đã hơn một lần anh đến trò chuyện với cô nhưng tuy lòng rộn ràng vui sướng mà lần nào cô cũng đỏ mặt ngây ngô chẳng nói được lời nào. Mary Lou còn một chị gái tên là Beth, nhưng đã chết từ khi Josephine còn bé tí, chưa biết gì. Tối nay, Josephine nhìn quanh quẩn mãi vẫn không thấy David đâu cả. Song cũng không vì thế mà cô thấy kém vui. Mary Lou tổ chức sinh nhật thật tuyệt, không chê vào đâu được. Chủ-khách, gái -trai, tổng cộng mười bốn (con số trùng với ngày sinh nhật) cô cậu cùng trang lứa. Bữa trưa linh đình gồm toàn những món ít khi Josephine được đụng tới ở nhà, do các gia nhân mặc đồng phục long trọng mang ra. Ăn xong, Mary Lou và Josephine mở xem các quà tặng còn đám bạn thì đứng quanh ngắm nghía, bình luận. Rồi Mary Lou nói. “Nào, như chương trình, giờ ta xuống bơi”. Cả đám tản mát vào phòng thay quần áo kề bên bể bơi. Lúc mặc vào bộ đồ tắm màu trắng mới mua, Josephine mỉm cười thầm mong cuộc đời mình hôm nào cũng sẽ tuyệt vời như hôm nay; một ngày tuyệt diệu, như cô đã có cảm giác từ trước đó. Đấy, mẹ chứ sợ hãi đâu đâu. Đám bạn cô có gì xấu xa nào? Từ phòng thay đồ, trong bộ đồ tắm màu trắng, Josephine bước xuống bể bơi trong xanh. Mọi ánh mắt của đám bạn hướng hết về cô, cả gian xảo lẫn ghen ghét. Chỉ trong vài tháng dậy thì, mặt mũi lẫn thân hình Josephine biến đổi theo hướng đẹp lên đến bạn bè, những ai quen biết, và chính bản thân cô cũng phải ngỡ ngàng. Ngực cô nở nang hẳn, đôi vú tròn to và căng cứng dưới lần vải tắm, đôi mông chắc nịch, đôi chân thon dài...Nhìn cô, chỉ có một tiếng có thể thốt ra, “Đẹp quá!” Josephine lao mình xuống làn nước xanh. Ai đó kêu to, “Chơi trò Marco Polo nào”. Đây là trò chơi Josephine rất thích. Cô hào hứng lượn vòng bể nước ấm, mắt nhắm lại, mơ màng gọi Marco và hồi hộp chờ nghe đáp lại Polo để lao tới chỗ tiếng đáp phát ra trước khi người đó di chuyển sang chỗ khác. Còn nếu cô túm kịp được thì nạn nhân chính là nó. Lúc này, nó là Cissy Topping đang lao theo Bol Jackson, gã trai mà nó thích, nhưng vồ hụt, nó bèn túm luôn lấy Josephine. Marco Josephine lại mơ màng kêu lên. Polo, mọi người đồng thanh đáp. Cô quờ tay vơ đại. Chẳng túm được ai cả. Thì cũng quan trọng gì đâu. Ai là tay hay ai là nó, với cô, như nhau hết. Miễn là trò chơi này kéo dài, cũng như ngày hôm nay sẽ kéo dài, mãi mãi. Josephine bỗng nghĩ ra một mẹo bèn nhắm mắt đứng thật im lắng nghe tiếng rẽ nước, tiếng đám bạn rúc rích cười hoặc thầm thì nói, rồi nhích gần tới bậc lên xuống, trèo lên thật khẽ để không gây tiếng động trong nước rồi bất thần gào lên Marco! Không một tiếng đáp. Cô vẫn bất động, gào to lần nữa, Marco! Chỉ có im lặng trả lời cô. Các bạn đâu cả rồi, hình như chỉ còn độc nhất mình cô trong cái thế giới nước xanh ngắt này. Phải chăng họ cũng mưu mẹo nghĩ ra trò chơi mới, đánh lừa cô, dặn nhau không đáp lại cô? Cô bật cười, mở bừa mắt ra. Làn nước tĩnh lặng, đám bạn đã lên hết, đang túm tụm bên kia bể bơi, mọi ánh mắt đều hướng về Josephine, đúng hơn, về phía dưới thân hình cô, Josephine cúi xuống. Đây, bộ đồ tắm màu trắng của cô giờ đã loang đỏ và còn có một vệt nhỏ, hình như là máu, chảy giữa hai đùi. Cô kinh hoàng nhìn sang đám bạn rồi lao xuống nước trốn nỗi nhục nhã không do cô cố tình gây ra. “Không ai làm vậy trong bể bơi” Mary Lou nói. Đứa nào đó dè bỉu, “trừ bọn Ba Lan!” Hai ba giọng khác cùng cất lên. Nào “Ta phải tắm gội lại thôi”, rồi “Đúng đấy, tớ thấy nhớp quá”, đến “cho tiền cũng chả dám bơi ở đây nữa”. Chốc lát, cả đám kéo nhau vào khu nhà tắm, để lại mình Josephine trơ trẽn và hoảng loạn giữa bể bơi. Cô ép chặt hai đùi, ngỡ làm vậy máu sẽ thôi rỉ ra. Cô đã bao giờ thấy kinh nguyệt để biết chu kỳ mà phòng bị. Nó còn bất ngờ với cô hơn cả đám bạn cô. Có lẽ rồi họ sẽ quay lại ngay thôi, sẽ bảo rằng họ chỉ trêu cô, làm cô sợ chút xíu, bây giờ lại tiếp tục chơi trò Marco Polo, cô chịu không? Chịu chứ, cô chịu ngay, và lập tức nhắm mắt lại mơ màng gọi Marco! Tiếng cô rơi tõm vào đâu chẳng biết mà mất tăm mất tích. Cô cứ ngâm mình trong nước đợi hồi âm Polo...Polo... Không ai làm vậy trong bể bơi... ... trừ bọn Ba Lan Đầu cô bỗng đau dữ dội, còn bụng thì quặn thắt lại, cũng vì đâu. Nhưng cô không thể làm gì khác ngoài ngâm mình trong làn nước này, mắt nhắm lại, và chờ đợi. Polo sắp quay lại rồi. Rất nhiều Polo. Josephine nghe có tiếng chân bước nhẹ đến. Đã bảo mà, ngày vui nào có thể qua mau vậy chứ. Bạn bè cô đang quay lại đây. Không kìm được, cô cười tươi và mở mắt ra. Chỉ có David, anh trai Mary Lou, người cô vẫn mong nhưng lại sợ gặp nhất vào lúc này, đứng trên thành bể bơi, chiếc khăn tắm vắt qua cánh tay. “Tôi xin thay họ mong được cô tha lỗi, cô Josephine”. Anh chìa ra chiếc khăn tắm. “Cô hãy lên đi, kẻo lạnh. Chúng nó đi chơi hết rồi”. Giá mà chết ngay được trong làn nước xanh vẩn chút hồng này? Chương 15 Cuộc đời Sam Winters ít hôm nghe được nhiều sự tốt lành như hôm nay. Toàn những tin đáng để ăn mừng. Nào các chương trình truyền hình của Pan-Pacific đang ngày một ăn khách mà Chàng trai có tên Thứ Sáu là phim đứng đầu, nào cánh truyền hình đang muốn ký một hợp đồng năm năm cho loạt phim này. Tin sau còn vui hơn. Bộ phim do Tessie thủ vai chính và do Barbara Carter làm chủ nhiệm đang được quay với tốc độ chóng mặt mà vẫn rất ổn ở cả hai khâu nghệ thuật và kỹ thuật. Cũng có lý do là Tessie phải gắng sức để chứng minh việc cô ta đề cử Barbara là đúng. Nhưng dù Tessie có chẳng chứng minh gì đi nữa thì Barbara vẫn sẽ là một trong những chủ nhiệm phim hàng đầu của năm nay và đây sẽ còn là năm đánh dấu một bước ngoặt đối với các nhà thiết kế trang phục. Sam vừa gấp giấy tờ lại để đi ăn trưa thì cô thư ký Lucille ùa vào, hổn hển. “Họ vừa bắt được người đốt kho đạo cụ, đang dẫn tới đây”. Sam ngớ ra khi thấy người đàn ông già nua bị dẫn giải vào, đôi mắt ông ta đầy thù hận. Đó là đạo diễn lừng lẫy một thời, Dallas Burke. “Tại sao? Ông nói đi, vì Chúa!” Anh gào lên. “Bởi không muốn cứ phải nhận mãi đồ bố thí, anh hiểu chưa?” Burke lồng lộn. “Tôi hận anh, hận cái trò điện ảnh này, cái Hollywood khốn kiếp này, đồ chó đẻ cả lũ. Tôi đã làm giàu cho quá nửa số Hãng phim ở đây, cũng như cho các ông chủ Hãng đó. Tất cả đều làm giàu trên lưng tôi. Tại sao anh cứ làm vẻ hài lòng rồi bỏ tiền ra mua các câu chuyện tôi cóp nhặt lăng nhăng để rồi bỏ xó chúng mà không giao tôi đạo diễn một bộ phim bất kỳ nào đó?” Ông gào lên. “Tại sao? Nếu tôi chìa ra cuốn danh bạ điện thoại chắc anh cũng sẽ mua đấy nhỉ. Tôi cần tiền để sống mà làm việc chứ đâu cần sống chỉ để có mặt trên đời này. Anh săn sóc, anh ưu ái tôi nhưng chính là đang để tôi chết dần chết mòn trong thất bại và tủi nhục, và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh chuyện này đâu”. Dallas Burke đã được đưa đi song Sam Winters, quên cả ăn uống, vẫn ngồi ngẫm nghĩ mãi về ông, về những bộ phim đặc sắc do ông đạo diễn, về thái độ của ông vừa rồi... Vậy mà anh cứ tưởng sẽ không có gì làm hỏng nổi cái ngày tuyệt vời này. Chương 16 Từ khi vợ chết, danh tiếng Toby mỗi ngày một lan rộng, các màn hài hước mỗi ngày mỗi khiến khán giả cười nhiều hơn. Anh được mời diễn tại các câu lạc bộ hạng nhất, như Chez Parey ở Chicago, Latin Casino ở Philadelphia, Rouyal ở New York và nhiều nhiều nữa. Anh diễn cho mọi đối tượng khán giả, từ những con người sang trọng ở các câu lạc bộ kể trên đến các cháu nhỏ đau ốm trong bệnh viện trẻ em, đến cả các Hội từ thiện, Hội tương tế...Có thể nói một cách khái quát là anh có thể biểu diễn cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào. Anh không thể sống, dù no hay đói, dù giàu hay nghèo, dù có đàn bà hay không...mà lại không được biểu diễn, không có người xem và nhất là không có tiếng cười, tiếng vỗ tay của họ. Ngay cả các sự kiện lớn xảy ra trên khắp thế giới tác động đến nhân loại thế nào chả biết, nhưng với anh, chúng chỉ là chất liệu cho các màn trình diễn mà thôi. Thí dụ năm 1951, khi tướng Arthur bị thất sủng đã nói. “Những người lính già không thể chết, họ chỉ mai một đi thôi”, thì Toby bảo, “Lạy Chúa, hẳn là chúng ta giặt quần áo chung một hiệu”. Khi Nixon cao giọng phê phán về vấn đề ngân sách, Toby nói. “Tôi sẽ bỏ phiếu tức thì, nhưng không cho Nixon mà là cho ngân khố”. Năm 1954, Stalin chết, Ike lên làm Tổng thống Mỹ, giới trẻ khoái kiểu mũ Crockett, dân chúng tẩy chay xe buýt ở Montgomery... Những cái đó, và vô số cái khác nữa, đều trở thành chất liệu gây cười cho Toby. Nghe giọng nói, nhìn gương mặt với những biểu cảm dữ dội của anh trong khi đôi mắt anh tròn xoe ngây thơ, ngơ ngác, không ai nín cười được. Họ bò ra, ngả ngốn ra, chảy nước mắt ra mà cười. Họ yêu mến anh, và anh tồn tại một cách hữu ích trên đời. Anh đền đáp mẹ, chính là nhờ vào sự yêu mến đó. Nhưng tận nơi sâu kín trong anh luôn nơm nớp một cái gì đó, như một sự lo âu thường trực mà không vinh quang nào đủ sức tiêu diệt nó, thậm chí chỉ khiến nó tạm thời lánh đi. Anh áy náy từ việc bỏ lỡ một tiệc vui được mời; và cả cái băn khoăn vô lý vì cùng lúc không thể trình diễn ở hai nơi, không hiểu sao vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Cả cái việc lỡ dịp lên giường với một cô gái nào đó cũng khiến anh thắc thỏm mới lạ, bởi với anh, từ khi trở lại là người đàn ông độc thân, anh thay đàn bà như thay hộp quẹt, dù thích đến mấy, cũng không cho phép mình dính líu quá sâu hoặc quá lâu với bất kỳ cô nào. Nhớ cái thuở cơ hàn biểu diễn ở các quán rượu, nhà trọ tồi tàn gọi chung là hệ thống nhà vệ sinh, anh đã chả thèm muốn đến phát khóc khi nhìn các ngôi sao sân khấu ngồi trong những chiếc limousine bóng lộn cùng các cô gái xinh đẹp ăn bận lộng lẫy. Bây giờ thì anh đã dư sức có được những gì ngày ấy anh mơ tưởng nhưng nỗi cô đơn vẫn ngày đêm đeo bám lấy anh. Anh khâm phục cái người nào đó đã có câu nói, như nói về chính anh vậy: Khi ta tới được nơi đó, thì lại không thấy có nơi đó... Anh thấy nhớ mẹ. Bà chắc chắn vui khi anh đã nổi tiếng đúng như bà tiên đoán, như bà sẽ có cảm giác gì khi biết anh vẫn phấp phỏng âu lo, vẫn cô đơn sầu muôn? Còn cha anh nữa? Ông bị xuất huyết não đã mấy năm nay, đầu óc đã như ngớ ngẩn chẳng nhớ được gì khác ngoài những lần con trai viếng thăm. Toby gửi ông vào nhà an dưỡng ở Detroit, một công trình xấu xí xây bằng gạch từ thế kỷ trước, toát ra vẻ già lão, bệnh hoạn và chết chóc. Toby bước vào căn phòng rộng rãi trải tấm thảm xanh bẩn thỉu, nơi bố anh sống cùng hơn chục ông già bà cả khác. Họ vây quanh anh, cả các y tá, hộ lý nữa, thảy đều hướng về anh bằng những cái nhìn phải nói là sùng bái. “Kìa, tối qua tôi vừa được xem anh trên tivi. Nhất anh đấy. Tôi cười đến nỗi ngã lăn từ trên giường xuống đất”. “Toby ơi, làm sao anh nghĩ ra được những chuyện tức cười đến thế?” “Trong lúc chờ gặp cha, anh kể chuyện gì cho chúng tôi cười đi”. Vừa may, một hộ lý đang đẩy tới chiếc xe có bố anh ngồi trên đó. Ông mới được cắt tóc, cạo râu và còn chịu mặc comple để đón con trai tới thăm. “Ai thế kia, cha tôi đấy, ư, sao nom giống Jack Barrymore vậy?”. Toby kêu lên và ai nấy đều nhìn ông Temple, thầm ao ước giá mình cũng có đứa con tuyệt vời như vậy đến thăm. Anh cúi xuống ôm lấy vai ông. “Đừng trêu chọc người ta thế nữa”, rồi chỉ tay vào cô hộ lý, “mình là đàn ông, phải đẩy xe cho cô ta mới đúng chứ?” Tất cả cười rũ ra. Sẽ có nhiều người học thuộc câu đùa này, nhớ đúng ngày tháng này để sau đó kể lại với gia đình, bè bạn rằng. Hôm ấy, lúc ấy, tôi đứng ngay bên Toby, sát bên, như thế này này, và anh ấy bảo với ông bố là... Anh đứng lại thêm lát nữa, pha trò cười, trêu chọc đám người đủ chuyện, từ sức khoẻ, con cái tới chuyện gối chăn...Họ cười về chính những chuyện của họ mỗi lúc một to hơn, sảng khoái hơn và Toby biết họ mong anh cứ trêu chọc họ nữa, trêu chọc họ mãi... Rồi anh làm bộ buồn rầu. “Tôi căm ghét giờ khắc phải chia tay này. Các vị là những khán giả đáng yêu nhất mà tôi được biểu diễn cho, nhưng công việc là trọng. Đã đến giờ tôi phải gặp riêng bố tôi, để nghe ông truyền thụ lại ít chuyện cười. Tôi sắp hết vốn rồi. Xin phép các vị”. Anh gập mình chào trước tiếng vỗ tay và reo hò như của cả trăm người. Giờ chỉ còn hai bố con trong phòng khách. Là nơi tiếp khách song nó cũng sặc mùi chết chóc. Nhưng suy cho cùng, cả cái nhà này cũng chẳng để dành cho cái kết cục đó hay sao? Toby nghĩ. Chết ư? Có khác gì nhau cái chết chầm chậm ở nhà, ở bệnh viện, hoặc chết tươi bởi tai nạn trên đường? Ở chỗ an dưỡng này, dù sao, ít hay nhiều, nhanh hay chậm, bố anh cũng còn được sống với những người, dù không là bạn thì cũng có thể là bè, và dù có không là gì thì theo anh, họ cũng rất đáng yêu, thể hiện qua thái độ của họ với anh vừa rồi. Và Toby tin rằng họ không thể làm gì để bố anh phải buồn. “Bố sung sướng vì con vẫn nhớ đến thăm bố”. Ông Temple chậm chạp nói. “Bố rất muốn gặp con để báo cho con một tin vui, là ông già Art Riley ở phòng bên cạnh vừa chết đêm qua”. “Con khó mà đưa cái chuyện ấy vào màn diễn, nghe chẳng vui lắm”. Toby cười cười. “Vui chứ con. Vui lắm. Bởi bố có thể dọn vào phòng đó. Nó chỉ có một giường”. Tuổi già còn là thế đó, Toby nghĩ, vẫn ham sống, vẫn mong tận hưởng những gì sung sướng vớt vát được. Chắc là vẫn dễ chịu hơn cái chết. Cái chết của họ có thể là sự giải thoát cho vợ con hoặc họ hàng thân thích của họ, nhưng với họ, còn sống vẫn là tốt đẹp hơn nhiều, nên họ vẫn mong bám được vào nó. “Chúc mừng sinh nhật, ông Dorset. Ông thấy sao, ở ngày bắt đầu cái tuổi chín tư này?” - “Tuyệt vời, anh bạn trẻ ạ. Thêm ba năm, năm năm nữa, vẫn cứ là tuyệt vời khi mình còn đang sống”. Đến lúc Toby phải đi rồi. “Có dịp là con sẽ vào thăm bố ngay”. Anh tặng bố một ít tiền, tặng các y tá, hộ lý nhiều hơn. “Mong các vị chăm sóc bố tôi chu đáo. Ông đã kể tôi nghe rất nhiều chuyện vui để đưa vào màn diễn. Cảm ơn các vị”. Chưa ra khỏi cổng nhà an dưỡng anh đã quên hết mọi chuyện liên quan đến ông bố tội nghiệp, chỉ nghĩ về buổi diễn tối nay. Song các y tá, hộ lý và đám bệnh nhân gặp anh hôm đó, rất lâu sau sẽ còn nói với nhau, và với ai quen biết họ, về ngày thăm viếng này của anh. Chương 17 Năm mười bảy tuổi, Josephine đã trở thành cô thiếu nữ đẹp nhất Odessa với thân hình nở nang cân đối, đôi vú tròn đầy, đôi chân dài thon, da rám nắng, mái tóc đen và dài vùng đôi mắt nâu sâu thẳm phơn phớt ánh vàng... Sau hôm sinh nhật “tuyệt vời” ấy, Josephine không gặp gỡ nhóm bạn con nhà những người có dầu nữa mà biết rằng chỉ nên là bạn của con cái thuộc nhóm những người còn lại. Học xong chương trình phổ thông, nàng được nhận vào phục vụ ở Golden Derick, một điểm chiếu phim ngoài trời, rất được dân tình ưa chuộng. Ngay cả Mary Lou, Cissy Topping và mấy đứa bạn cũ thuộc nhóm những người có dầu cũng thường kéo nhau tới đó. Nàng vẫn chào họ một cách lịch sự, vẫn trao đổi với nhau vài ba câu vu vơ, nhưng nàng hiểu không còn gì có thể kéo nàng, kéo cả họ, trở lại với nhau, như trước hôm sinh nhật đó nữa. Luôn luôn, nàng thấy lòng mình không yên ổn, nhưng không giải thích được tại sao, cũng như không thể biết trước mắt nàng khao khát cái gì, chờ đợi cái gì. Nàng thấy Odessa xấu xí, tù túng nhưng lại không biết nếu bỏ nó mình sẽ đi đâu và sẽ làm gì. Cứ nghĩ tới chuyện đó là nàng lại thấy đau đầu dữ dội. Nàng đi chơi nhiều với đám con trai, và cả đàn ông nữa. Mẹ nàng ưa nhất Warren Hoffman, một thợ chữa ống nước. Bà hay nói, “Warren chắc chắn là chồng tốt đấy. Chăm đi lễ nhà thờ, kiếm tiền cũng khá, và lại rất yêu con. Chẳng ai hơn nổi đâu, con ạ”. Nàng trề môi. “Vâng, sẽ chẳng tìm đâu ra ai hơn con gần chục tuổi mà lại còn béo ị nữa”. Bà ném cho nàng cái nguýt chết người. “Các tiểu thư nhà nghèo Ba Lan không kiếm chồng trong những bộ giáp sắt mạ vàng đâu con ạ. Đừng viển vông nữa”. Tuần một lần, và chỉ đúng một lần, Josephine cho Warren đưa nàng đi xem phim, và chỉ có xem phim. Anh ta thường đặt bàn tay to bè, thô nháp và nhớp mồ hôi của mình rồi siết lại, suốt lúc ngồi xem. Nàng chẳng phản ứng gì, vì toàn bộ tâm trí đều đã bị màn ảnh hút lấy. Không chỉ vì chuyện phim hấp dẫn, diễn viên đẹp, đóng hay mà còn vì đâu đó trong nàng bỗng mơ hồ cảm thấy Hollywood sẽ là mảnh đất đơm hoa nảy trái cho những khát vọng vẫn lẩn khuất đâu đó trong nàng. Nếu nàng không tự mang lại cho mình những hoa trái đó thì chồng nàng sẽ phải mang lại. Nghĩa là nàng phải lấy chồng giàu. Không thì hết cách. Kiếm ra ai bây giờ? Các chàng trai con nhà giàu đều đã bị các cô gái hoặc con nhà giàu hoặc cực kỳ xinh đẹp cưới hết rồi. Hình như còn một người: David Kenyon! Nàng vẫn thường nghĩ đến anh. Lâu lắm rồi, trước cả cái hôm sinh nhật đó, nàng đã lấy trộm trong phòng Mary Lou tấm ảnh David mang về giấu thật kỹ và mỗi khi buồn bã lại đem ra ngắm nghía. Trăm lần như một, cứ nhìn hình anh là nàng lại nhớ gương mặt anh hướng tới nàng chiếc khăn tắm và bảo, “Tôi xin thay họ mong được cô tha lỗi...” Thế là sự buồn bã lập tức lui đi, nhường chỗ cho cảm giác ấm áp ngọt ngào. Từ sau hôm ấy, nàng chỉ được thấy anh đúng có một lần, khi anh ngồi trong ôtô cùng gia đình. Lâu lâu sau Josephine mới được biết hôm ấy cả nhà tiễn anh ra ga tàu hỏa để từ đó anh đi du học tại trường Oxford nước Anh. Màu hè và lễ Giáng sinh nào anh cũng về thăm nhà, đã ba năm rồi, song đường đi của anh và nàng như không thể gặp được nhau. Tuy nhiên, chuyện về anh thì vẫn được cô này cô khác nhắc tới. Ngoài tài sản thừa hưởng từ cha, anh còn được bà nội di chúc tặng cho năm triệu đôla. Người như thế có chỗ nào dành cho con gái một bà thợ may nhập cư gốc Ba Lan không nhỉ? Hoá ra nàng không biết David đã về nhà cả tuần nay. Vào một tối thứ bảy của tháng Bảy, khi đang làm việc tại Golden, Derrick, nàng có cảm giác dân chúng của cả thị trấn Odessa đổ dồn về cái bãi chiếu bóng ngoài trời này với hy vọng những cây kem, những ly nước đá sẽ giúp họ xua đi cái oi ả đêm hè. Josephine chẳng lúc nào ngơi tay mà vẫn không đáp ứng kịp. Lại thêm một chiếc xe thể thao màu đỏ vừa dừng lại. Josephine, một tay bưng khay bánh mì kẹp thịt, tay kia chìa ra tấm bìa cho người lái, vui vẻ. “Chào ông, xin mời đọc thực đơn, hoặc cứ gọi ngay món ông đã quen gọi”. “Xin được chào người quen cũ”. Josephine khẽ rùng mình. Giọng David không thể lẫn với ai khác được. Anh vẫn như nàng hình dung, có lẽ đẹp trai hơn cả trước, còn già dặn, tự tin thì khỏi phải nói rồi. Ngồi ở ghế bên là Cissy Topping, thật lạnh lùng và cũng thật xinh đẹp trong bộ áo váy lộng lẫy. “Chào Josie, nóng nực thế này mà còn phải làm việc thì mệt lắm nhỉ?” Cô ta nói hay nhỉ! Cứ như nàng thích bưng khay bánh mì chạy đi chạy lại hơn là ngồi xem phim hoặc đi chơi bằng xe hơi thể thao với David không bằng. Nàng đáp bằng giọng nhũn nhặn, “Nếu không, mình sẽ phải lang thang ngoài đường mất”. Và nàng thấy David cười nhẹ, chắc anh hiểu. Họ đi rồi, Josephine vẫn đứng ngẩn ra ngẫm nghĩ. Nàng nhớ lại từng ý từng lời David để suy xét, tìm tòi ẩn ý bên trong. “Được chào người quen cũ...Tôi muốn bành mỳ xúc xích và bia, xin lỗi, tôi muốn nói cà phê chứ không phải bia...Cô làm ở đây được không?...Cho tôi trả tiền, vâng xin cứ giữ lại tiền thừa...Rất mong sẽ gặp nữa, Josephine...” Tất nhiên anh khó mà nói gì khác hơn khi có Cissy ngồi bên, nhưng thực ra giữa anh và nàng đã có cái gì để nói nào. Anh vẫn nhớ mặt nhớ tên nàng đã là tốt lắm rồi. “Xảy ra chuyện gì vậy, Josita? Trông cô như bị ai bắt mất hồn vậy”. Paco, chàng đầu bếp người Mehico đến bên lúc nào chẳng biết, đang vừa hỏi vừa nghiêng đầu nhìn nàng. Nàng mến anh chàng này. Paco đã ngót ba mươi, tóc và mắt đen nhánh, miệng lúc nào cũng như đang cười, lại luôn đùa vui khi công việc căng thẳng,bận rộn. “Chàng nào vậy?” Paco hỏi tiếp. “Khách hàng thôi, Paco”. Nàng bình thản đáp. “Vậy thì còn gần chục người cũng là khách hàng đang đợi ta đấy, nhanh chân lẹ tay lên”. Ngay hôm sau, chuông điện thoại reo từ sáng sớm, và linh tính đã mách Josephine biết là ai trước khi nàng nhấc máy lên. Suốt đêm nàng nghĩ đến anh và sự kiện này tựa như giấc mơ về anh vẫn còn tiếp diễn. Anh chẳng chào hỏi gì, nói ngay. “Cô như chẳng thay đổi gì, chỉ có cái khác duy nhất là xinh đẹp hẳn lên”. Nàng chỉ muốn oà khóc vì sung sướng, và sau vài câu thăm hỏi nữa, nàng nhận lời mời ăn tối cùng anh. Chưa bao giờ, với nàng, ngày dài như hôm ấy, tưởng rằng chiều tối sẽ không bao giờ đến nữa. Nhưng rồi nó cũng đến, và đến cùng lúc với chiếc xe thể thao màu đỏ của David đậu lại trước cửa nhà nàng. Đã tưởng anh sẽ đưa nàng tới một nhà hàng khuất nẻo nào đó để tránh gặp người quen, bạn bè nên nàng vừa hạnh phúc vừa hãnh diện khi thấy anh mời nàng tới thẳng câu lạc bộ của những người có dầu, chọn chiếc bàn ở vị trí trung tâm nhất, nơi mọi thực khách đều dễ dàng thấy họ và phần lớn dừng lại chào khi đi ngang qua. Nàng không hề đọc thấy một nét gì gượng gạo ở anh khi đưa nàng tới đó, trái lại, anh rất vui và có vẻ hãnh diện vì nàng, như nàng đã hãnh diện khi được cùng anh tới đây. Thề có Chúa, sao nàng lại được quen biết người đàn ông tuyệt vời đến vậy, mà anh cũng có vẻ quý mến nàng, còn nàng, chắc chắn nàng đã yêu anh. Họ gặp nhau mỗi ngày, sau lúc Josephine xong việc. Từ vài năm trước, mới mười bốn tuổi, Josephine đã phải tập chống trả với những biểu hiện thèm muốn của giới đàn ông, bởi ở nàng, từ gương mặt, giọng nói cho đến thân hình đều tóat ra vẻ khêu gợi dục tình, như một thách đố vậy. Họ vuốt ve, rồi bóp nắn mọi chỗ trên người nàng, cố tình đụng chạm vào vú nàng, luồn tay vào váy nàng, nghĩ rằng hẳn nàng sẽ rất thích thú. Ai ngờ chỉ làm nàng ghê tởm họ thêm. Với David Kenyon thì ngược lại. Vô tình, nàng biết chắc là vô tình, anh chỉ mới khóac vai hoặc đụng chạm vào đâu đó trên mình mà nàng đã rạo rực khắp người. Đã bao giờ nàng có cái cảm giác quái quỷ này đâu, dù với bất kỳ người khác giới nào. Nàng thật hết sức khó khăn khi phải sống những ngày không được gặp anh. Rồi mỗi tuần họ có nhiều ngày gặo nhau hơn và mỗi ngày họ lại ở bên nhau lâu hơn. Cuối cùng, ơn Chúa, phép màu đã xuất hiện. David ngỏ lời yêu nàng. Anh thẳng thắn đưa các vấn đề của hai người ra để cùng nàng bàn tính, cũng như không giấu nàng những mâu thuẫn của anh với gia đình, nhất là với mẹ. “Bà muốn anh giúp bố lo chuyện làm ăn của gia đình, nhưng anh không chắc sẽ gắn bó cả đời mình với nó hay không”. Anh thổ lộ. “Chuyện làm ăn” của gia đình Kenyon bao gồm các giếng dầu, các nhà máy lọc dầu, một trang trại gia súc hàng đầu ở vùng Tây Nam, hệ thống khách sạn, vài nhà băng và một công ty bảo hiểm lớn. Josephine ngập ngừng. “Sao anh không nói với mẹ là anh không thể?” Anh thở dài: “Khi bà đã định cái gì thì chẳng ai nói khác được. Em không hiểu mẹ anh đâu”. Josephine đã gặp, cả đã chuyện trò với mẹ David. Bà bé tí xíu, và gày đét. Không hiểu tại sao lại sinh ra được đứa con to lớn như anh. Bà thường rất ốm yếu trước và sau khi sinh, rồi mắc chứng đau tim sau lần sinh thứ ba, chính là Mary Lou đấy. Bọn trẻ lớn lên, hàng tháng hàng năm nghe mẹ kể về những khổ sở của bà khi mang thai và khi sinh nở, làm chúng tin rằng bà đã đánh đổi cả sinh mạng mình để có được chúng, và trong mắt chúng, bà trở nên một thứ quyền uy bất khả kháng mà bà thường xuyên sử dụng một cách hợp lệ và không khoan nhượng. “Anh muốn được sống theo ý mình,” David rầu rĩ, “nhưng thật khó mà trái ý mẹ...Nói riêng với em, bác sĩ về bệnh tim đã có lần bảo mẹ anh chắc cũng không sống được bao lâu nữa.” Rồi một tối, nàng kể anh nghe về mơ ước được tới Hollywood và trở thành ngôi sao điện ảnh. Anh nhìn nàng rất lâu, lắc đầu. “Anh không để em đi đâu cả.” Nàng nghe mà tim đập mạnh, vì hạnh phúc. Thêm một lần gặp là anh và nàng đều cùng thấy khó có thể rời xa nhau. David chẳng hề nghĩ gì đến gốc gác của Josephine, đến cuộc sống túng bấn của hai mẹ con nàng, cũng chẳng hề tỏ ra ban ơn hoặc thương xót gì hết. Anh tôn trọng nàng, cư xử bình đẳng và ngay thẳng với nàng. Vì thế, cái chuyện xảy ra đêm ấy ở bãi chiếu phim lại càng khiến Josephine khiếp sợ hơn. Lúc ấy, đã sắp đến giờ nghỉ, David đang ngồi trong xe chờ nàng, còn nàng thì đang trong bếp với Paco, làm những việc dọn dẹp cuối cùng. Vừa lau sạch bóng dao dĩa, Paco vừa nhìn Josephine một cách ý nhị, bảo. “Đôi uyên ương khiến ai trông cũng phát thèm.” Josephine đỏ mặt sung sướng, nói như cãi. “Có ai làm gì khoe khoang đâu mà anh bảo vậy?” “Thì trông cô lúc nào cũng vui, gương mặt xinh xắn lúc nào cũng rạng rỡ lên, ai chả biết. Cô hãy nói giùm tôi rằng anh ta là người đàn ông hạnh phúc nhất đấy.” “Lát nữa gặp, em sẽ nói ngay.” Vừa đáp, Josephine, trong lúc vui vẻ, kiễng chân hôn lên má Paco. Ngay sau đó, nàng nghe tiếng máy xe David gầm lên, rồi tiếng lốp xe nghiến mặt đường ken két rợn người. Nàng chạy ra, vừa kịp thấy xe anh chồm lên, đâm vào sau một xe khác, ngoặt gấp, rồi lao vút đi. Nàng đứng như chôn chân tại chỗ, sững sờ. Chuyện gì vậy nhỉ? Quá nửa đêm, khi còn đang trằn trọc bởi không sao ngủ nổi, Josephine nghe có tiếng xe quen quen đỗ lại ngay trước nhà. Nàng mở cửa sổ nhìn xuống, thấy David ngồi gục đầu vào tay lái, người đổ nghiêng vào cửa xe. Nàng khóac vội áo ngoài, chạy ra. Nghe tiếng chân, anh ngẩng lên và mở cửa xe, nắm tay nàng, kéo lên ngồi cùng. Trong xe nồng nặc mùi rượu. Sau một hồi lâu im lặng đầy chết chóc, David cất tiếng, giọng líu ríu vì giận chứ không phải vì say, và mỗi lời anh như trút ra nỗi đau khổ vô cùng tận. “Dù đã là chồng em anh cũng không có quyền ngăn cấm em biểu lộ tình cảm chân thật của mình với người đồng giới, thậm chí khác giới. Nghĩa là bao giờ em cũng được tùy thích làm những gì em muốn. Anh chỉ xin em một điều, là xin chứ không phải cấm, khi nào còn là bạn anh, đừng có hôn hít cái bọn đàn ông Mehico khốn kiếp. Anh chỉ xin điều đó thôi, Josephine”. Nàng không thể ngờ nguyên do đó. “Em hôn paco bởi anh ấy đã nói một câu về tình yêu của chúng mình làm em rất vui. Đó hoàn toàn là một nụ hôn cảm ơn, anh yêu”. David như không nghe thấy gì, vẫn đang tiếp tục dòng hồ ức của mình. “Em sẽ được nghe câu chuyện mà anh chưa hé răng với bất cứ ai. Anh rất yêu chị ruột của anh, mà chắc em từng đã nghe tên chị ấy, Beth.” Josephine nhớ ngay đến hình ảnh người con gái có nước da trắng nõn, mái tóc hung, gương mặt xinh xắn mà nàng đã gặp mỗi khi đến chơi với Mary Lou. Năm nàng tám tuổi thì nghe tin Beth chết. Khi đó David khoảng 15, có lẽ vậy. Nàng nói: “Khi chị Beth mất, em có biết.” “Em biết nhầm đấy, Josephine. Chị Beth vẫn sống.” Chẳng khác bất ngờ bị nện mạnh vào đầu, Josephine nói bừa. “Anh nhầm thì có. Chị Beth mất, chẳng những em mà còn...” rồi nàng bỗng thấy mình vô lý, ngưng bặt lại. David nhìn sâu vào mắt Josephine, giọng run rảy. “Beth hiện đang ở bệnh viện tâm thần. Chị ấy bị một thằng làm vườn người Mehico cưỡng hiếp. Phòng Beth ở đối diện phòng anh. Nghe tiếng la thét của chị, anh vội chạy qua và thấy thằng kia đã lột truồng chị ra và đang cưỡi lên bụng chị. Anh xông vào vật lộn với hắn cho đến khi...đến khi mẹ anh gọi được cảnh sát đến. Hắn bị giam lại và ngay tối hôm đó đã tự treo cổ trong nhà tạm giam. Còn Beth thì sau đó bị tâm thần, và sẽ không bao giờ ra khỏi bệnh viện ấy được. Anh không biết nói sao để em hiểu anh thương chị ấy thế nào, và cũng từ cái đêm hôm ấy, anh...anh đã không thể nào chịu nổi cảnh bọn Mehico...” Giọng anh nghẹn lại. Nàng kéo đầu anh tựa sát ngực mình, thì thầm. “Em xin lỗi, David. Em biết ơn vì anh đã kể em nghe chuyện ấy. Em yêu anh!” Sự kiện đó càng đẩy họ lại gần nhau hơn và họ đã nói, đã bàn với nhau những chuyện mà trước đó chưa bao giờ nghĩ là sẽ bàn, sẽ nói. Nghe người yêu kể về lòng mộ đạo đến mức cuồng tín của mẹ nàng, anh gật gật đầu, vẻ hiểu biết. “Anh cũng có một ông cậu như vậy, sang tận Tây Tạng học đạo”. Một hôm David nói. “Tháng sau anh tròn hai tư tuổi. Đó là tuổi lập gia đình của đàn ông nhà Kenyon, như một truyền thống, hoặc một tục lệ, không thể muộn hơn.” Nghe xong, mất mấy đêm nàng không ngủ nổi. Tối hôm sau, anh rủ nàng xem phim. Nhưng khi đã ngồi lên xe, anh lại bảo. “Nghe nói phim này dở lắm, chúng mình ngồi chơi đâu bàn chuyện mai sau đi, em yêu”. Nàng không đáp, chỉ nép thật sát vào anh. “Mình đến hồ Dewey, anh yêu”. Nàng thầm thì, lòng những muốn được anh ngỏ lời cầu hôn trong khung cảnh thơ mộng ấy, và sung sướng khi thấy anh cho xe quay đầu chạy theo hướng đó. Hồ Dewey cách Odessa ngót năm mươi dặm, về phía Bắc. Đêm rất đẹp. Mặt nước lấp lánh ánh sao, chan hòa ánh trăng. Và gió nhẹ như ve vuốt. Hai người ngồi im trong xe tận hưởng vẻ đẹp và lắng nghe những âm thanh bí ẩn của trời đêm. Bỗng nhiên Josephine muốn dâng tặng David một món quà gì đó để anh hiểu nàng yêu anh biết bao nhiêu, để anh hiểu không còn gì là quan trọng với nàng hơn anh. Nàng biết món quà đó là gì rồi. “Xuống tắm đi, anh yêu.” Nàng nói. “Mình đâu mang theo đồ bơi, em yêu”. “Mình vẫn coi như có nó, được không anh?” Nàng hỏi chỉ để mà hỏi, bởi trong khi anh còn chưa biết trả lời sao thì nàng đã chạy ra sát mép nước, vừa chạy vừa vứt bỏ dần váy áo trên người. Trần truồng, nàng lao xuống làn nước ấm. Rồi nàng thấy David rẽ nước ở bên. “Josephine em...” Anh như nói không nên lời, nghẹn ở đâu đó, lẫn ở đâu đó... Nàng nhào vào anh, thấy anh cũng đã trần trụi như nàng. Họ ghì chặt lấy nhau, biết mình và cả biết nhau đều thèm khát dữ dội, thèm khát đến cả đau đớn. Một cái gì đó của cơ thể anh cứng rắn và ấm nóng ép sát vào nàng, và anh thều thào. “Không, em yêu, mình không thể...” Nàng đưa tay xuống cầm lấy cái đó của anh, nắm thật chặt, thấy nóng rực khắp cả thân hình đang ngâm trong làn nước đêm lành lạnh, nói. “Được mà, anh yêu. Em muốn tình yêu của chúng ta không có chữ KHÔNG!” Anh bế nàng lên bờ, đặt nàng ngay bên mép nước và nằm lên trên nàng. Họ đi vào trong nhau, hòa với nhau, với đất trời, với trăng sao, với màn đêm, làm một, rồi cùng lúc, thốt lên những tiếng kêu vô nghĩa của mãn nguyện, đủ đầy. Rồi họ cứ nằm lặng đi bên nhau, chỉ ôm nhau, không nói. Mãi nửa đêm anh mới đưa nàng về nhà. Và chỉ đên khi vùi đầu vào gối nàng mới nhớ ra anh vẫn chưa cầu hôn nàng. Nhưng cần chi nữa, dù sao nó vẫn chỉ mang tính thủ tục, lễ nghi. Những gì họ đã có với nhau mới thực sự là lớn lao, thực sự là của tình yêu, tình vợ chồng. Ngày mai...Hãy ngủ đi, chỉ còn mấy tiếng nữa là đến ngày mai rồi...Nàng tự ru mình, rồi ngủ thiếp đi. Chắc chắn chưa bao giờ Josephine ngủ ngon đến vậy. Mãi quá trưa nàng mới thức dậy cùng nụ cười trên môi. Nàng còn cười tươi hơn khi thấy mẹ chạy vào, trên tay là chiếc áo cưới rất đẹp, tuy đã là áo cũ. Nàng chỉ thôi cười khi nghe mẹ nói. “Đến cửa hàng Brubaker mua cho mẹ chục mét đăng ten. Đây là chiếc áo bà Topping vừa đưa mẹ làm mẫu để may áo cưới cho Cissy. Thứ bảy này nó sẽ làm đám cưới với David Kenyon”. Chia tay Josephine, anh về ngay nhà rồi vào gặp ngay mẹ. Bà đang nằm trên giường, như ngủ, nhưng mở mắt ngay ra khi nghe thấy tiếng chân và mỉm cười khi biết đó là David. “Chào con. Đi chơi đâu mà về muộn thế?” “Chào mẹ, Con đi chơi với Josephine mẹ ạ”. David không thấy mẹ nói gì mà chỉ nhìn anh bằng cặp mắt nâu sáng và linh lợi, bèn tiếp. “Con sẽ cưới Josephine!” Bà nhắm mắt lại, lắc lắc đầu. “Con nghĩ mẹ sẽ cứ mặc con làm cái việc sai lầm đó ư?” “Con xin mẹ hãy hiểu Josephine hơn. Và hãy tin vào con trai mẹ.” “Tất nhiên là mẹ tin con. Và mẹ cũng biết Josephine là một cô gái đẹp, đáng yêu. Nhưng chưa đủ để làm dâu nhà Kenyon. Người con sẽ lấy làm vợ phải là Cissy Topping. Chỉ nó mới mang hạnh phúc đến cho con, và nếu con lấy nó, mẹ sẽ rất sung sướng.” Anh nắm bàn tay gầy và nhăn của mẹ, nói:”Mẹ biết là con rất yêu mẹ, rất muốn mẹ được sung sướng vì con, nhưng trong chuyện này, con tự quyết định được mẹ ạ”. Bà hỏi nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng. “Mọi quyết định của con đều đúng cả sao, David?” Anh nhìn bà một cách chăm chú. Không hề bối rối hoặc động lòng, bà nói tiếp, giọng vẫn nhẹ nhàng. “Mẹ có thể tin được là bao giờ con cũng hành động đúng không? Con sẽ không bao giờ làm những điều ngốc nghếch, những điều kinh khủng chứ?” Anh nhấc vội tay ra. “Con luôn hiểu rõ những việc mình làm chứ?” Giọng bà mỗi lúc nhẹ thêm đi nhưng hàm ý lại càng thêm lộ rõ. David luống cuống. “Vì Chúa, con xin mẹ, đừng nhắc đến chuyện đó nữa”. “Con tàn phá cái nhà này đủ rồi đấy, David. Con bảo yêu mẹ mà nỡ để mẹ chết vì sự ngốc nghếch của con sao. Con nghĩ mẹ chịu đựng hết chuyện này tới chuyện khác của con được ư?” Anh ấp úng những lời phân bua. Bà thở dài, chép miệng. “Giờ con lớn rồi, mẹ không thể đưa con đi được nữa. Mẹ chỉ muốn con xử sự như một người lớn, con hiểu mẹ nói gì không?” “Con yêu Josephine, yêu lắm...mẹ ạ. Con chỉ...” Cơn ho của mẹ cắt ngang lời David. Anh vội gọi bác sĩ tới, sau đó ngồi nói chuyện với ông ta. Bác sĩ vỗ vai anh. “Tôi e bà chẳng còn sống lâu được, anh hãy can đảm lên.” Còn có thể cầu xin hoặc tranh cãi gì nữa? Tưởng đã thất vọng hoàn toàn nhưng rồi chợt nảy ra một ý, hôm sau David tìm đến nhà Cissy Topping. “Mẹ tôi cứ cho rằng tôi và cô nên là vợ chồng nhau...” Cissy không để anh nói hết. “Em cũng cho là nên như thế, David ạ”. “Nhưng tôi đã yêu người khác,” anh nóng nảy, “và tôi biết nói thế này thì thật không phải, nhưng chúng ta có thể chỉ là vợ chồng từ nay cho đến khi mẹ tôi mất, rồi cô sẽ cho tôi ly dị, cô nghe có được không?” Cisy đăm đắm nhìn anh như thể đoán xem anh nói thật hay đùa, rồi với sự dịu dàng nhất mà cô có thể, gật đầu. “Vâng, nếu anh thực sự muốn vậy.” David đứng dậy, cúi mình. “Tôi không biết nói sao để bày tỏ lòng biết ơn của mính, của cả Josephine nữa.” Anh nói thành thực. “Mình là bạn bè thì phải giúp nhau chứ.” Cisy đáp, có vẻ thành thực không kém. Tiễn David ra khỏi, cô ta nhấc điện thoại gọi cho bà Kenyon. “Mọi việc đã đúng ý mẹ”. Rồi gác máy liền. David không ngờ Josephine đã biết về đám cưới của anh với Cissy trước cả khi anh gặp được nàng để giải thích mọi chuyện. Khi đến nhà nàng, anh thấy bà Czinski ngay ngoài cửa. Anh lễ phép chào rồi hỏi. “Josephine có nhà không ạ, cháu muốn nói chuyện với cô ấy.” Đáp lại, bà trừng trừng nhìn anh với vẻ đắc thắng độc địa, lầm rầm. “Chạy cách nào cho thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa, hỡi bầy quỉ dữ. Địa ngục đang chờ đón các ngươi.” David nhắc lại. “Cháu muốn gặp Josephine, thưa bác.” “Nó đi rồi, ha ha...ha ha...nó đã đi rồi...” Chương 18 Chiếc xe khách đầy bụi bậm rong ruổi trên tuyến đường Odessa-El Paso-San Bernardio-Los Angeles đổ khách xuống bến xe Holly-wood trên đường Vine vào lúc bảy giờ sáng. Trên chặng đường dài dặc gần hai ngàn cây số đó, trong hai ngày trên đường đó, vầ ở một chỗ nào đó không nhớ nổi, Josephine Czinski đã kịp trở thành Jill Castle. Vẻ ngoài nàng vẫn đẹp cái vẻ đẹp khêu gợi đến mức khiêu khích như xưa song bên trong thì đã hoàn toàn là một con người khác. Một cái gì đó, một vẻ gì đó của Josephine đã chết, đã vĩnh viễn mất đi. Ngay khi mẹ vừa dứt lời về đám cưới của David với Cissy, nàng đã biết mình phải ra đi, và quyết định phải đi ngay lập tức. Nàng thu vén mấy vật dụng cần thiết, những gì có thể nhét vào valy được, mà chủ yếu là quần áo, đầu óc chỉ loay hoay mang cái này bỏ cái kia mà không hề nghĩ đến chuyện quan trọng nhất: nàng sẽ đi đâu và sẽ làm gì để sống ở đó? Thực sự nàng chỉ nghĩ là phải đi, càng nhanh càng tót, khỏi cái mảnh đất mang tên Odessa này. Đúng vào lúc xách valy lên, nhìn quanh gian phòng lần cuối cùng như sợ bỏ quên vật gì quan trọng, Josephine bắt gặp những bức hình diễn viên nàng dán khắp tường và chợt nhớ tới ước mơ Hollywood thuở nào, nhớ tới cả buổi tối nàng kể cho David nghe về mơ ước đó, nhớ cả câu anh nói khi nghe xong, Anh sẽ không để em đi đâu cả … Nàng sập mạnh cửa phòng, không thèm khoá nữa. Chẳng lâu sau; Odessa, mẹ, Mary Lou, Cissy, Paco, và cả David nữa, tất nhiên, đã lui lại sau, đã mờ khuất dần trong tâm trí nàng, theo vòng quay của những chiếc bánh xe. Và cũng chính những bánh xe đó đang đưa nàng tới một cuộc đời mới, với những cơ hội mới. Sướng hay khổ, vui hay buồn, may mắn hay rủi ro đang chờ nàng ở phía trước, nàng đâu biết nổi, nàng chỉ cần biết rời xa được thị trấn Odessa ấy, rời xa được những con người ấy đã là cái may mắn đầu tiên trong cuộc đời mới của nàng rồi. Đầu nàng bỗng lại đau dữ dội. Lẽ ra nàng đã phải đi khám, dù chỉ để biết nguyên do của nó, còn việc chữa trị sẽ tính sau. Song bây giờ thì cũng chẳng quan trọng gì nữa. Những cơn đau đầu cũng là một mảnh của quá khứ và chẳng có lý do gì để nó lẽo đẽo theo sang cuộc đời mới của nàng. Cuộc đời ấy làm gì có chỗ cho nó, nàng tin tưởng vậy. Vĩnh biệt Josephine Czinski! Muôn năm Jill Castle! Chương 19 Nghe thì vô lý và buồn cười hơn cả chuyện hài hước mà Toby vẫn kể trên sân khấu nhưng anh, Toby Temple, đã thực sự trở thành một siêu sao là do cuộc "gặp gỡ" hoàn toàn tình cờ giữa một vụ kiện, một ca mổ ruột thừa và Tổng thống Mỹ. Xuất phát điểm là bữa tiệc thường niên của câu lạc bộ báo chí Washington mà bao giờ Tổng thống Mỹ cũng là khách mời danh dự. Chỉ riêng vị khách này thôi, bữa tiệc đã trở thành một dự kiện trọng đại, chưa kể còn có sự hiện diện của phó Tổng thống, các nghị sỹ, các thành viên nội các, rồi quan toà, rồi chính khách, rồi đám văn nghệ sĩ tiếng tăm… và tất cả những ai có thể xin, mua, mượn hoặc ăn cắp được vé vào cửa. Không chỉ trong nước mà gióỉ truyền thông. quốc tế cũng rất chú ý đến bữa tiệc này và thường đưa tin về nó một cách cặn kẽ đến từng chi tiết nên người dẫn chương trình vừa có vinh dự lớn lại vừa có trách nhiệm không nhỏ. Năm nay người ta đã mời một danh hài nổi tiếng làm việc đó và ông ta đã nhận lời. Một tuần sau đó, danh hài ra hầu toà bởi một cô gái mười sáu tuổi kiện ông ta là cha của đứa bé mà cô mới sinh ra. Nghe lời khuyên của luật sư riêng, ông ta bèn đi nghỉ ở một nơi nào đó mà không một ai biết nổi. Người được chọn để thay thế danh hài kia là môt nam tài tử điện ảnh cũng nổi tiêng không kém. Ông ta có mặt ở Washington rất đúng hẹn, một ngày trước bữa tiệc, để rồi chiều hôm sau, chỉ vài giờ nữa là khai mạc, người đại lý gọi điện tới báo rằng ông ta vừa phải nhập viện vì vỡ ruột thừa. Các nhà tổ chức như ngồi trên lửa, cuống cuồng rà soát danh sách, mong tìm được người có thế thay thế cho người vừa lãnh nhiệm vụ thay thế. Năm giờ đồng hồ nữa là bữa tiệc bắt đầu rồi. Những nhân vật khả dĩ đều, hoặc không thể bỏ dở công việc đang làm, hoặc ở xa không thể về kịp bữa tiệc Họ cứ nhăn nhó loại dần, loại dần, và về cuối danh sách, họ băt gặp cái tên Toby Temple. Một vị lắc đầu ngay. "Anh ta chỉ diễn ở các câu lạc bộ buối tối và mồm miệng độc địa lắm, ai mà dám cho dẫn chương trình ở bữa tiệc có Tổng thống và nhiều khách mời quan trọng tham dự?" Một vị khác tặc lưỡi. "Cũng có thể, nếu ta dặn anh ta bớn bớt đi một chút". Vị đứng đầu các nhà tổ chức hắng giọng. "Chọn Toby, đầu tiên nó hay ở chỗ anh ta hiện đang ở New York và chỉ một giờ bay là đã có thể ngồi ngay bên cạnh chúng ta. Ai có thể đưa ra nhân vật nào khả thi hơn, nếu không, tôi quyết định sẽ là Toby". Sự thể như vậy đấy. Nhìn khắp bữa tiệc chỉ thấy VIP là VIP, Toby bỗng tự đặt câu hỏi, nếu một trái bom nổ tung ở đây, liệu nước Mỹ có còn ai chỉ huy? Tổng thống ngồi trên bục danh dự, phía sau là vài nhân viên an ninh. Do bận bịu với các lễ nghỉ nên không ai trong các nhà tổ chức nhớ ra là phải giới thiệu Toby với Tổng thống song anh cũng chẳng vì thế mà phật ý, tự nhủ, rồi chính Tổng thống sẽ phải nhớ đến ta. Vài phút trước, Downey, vị đứng đầu các nhà tổ chức, và cũng chính là người đã quyết định mời Toby, thân mật nói với anh. "Chúng tôi đều thích cái hài hước của anh, nhất là khi anh chĩa nó vào khán giả. Tuy nhiên, khách mời của chúng tôi tối nay, cứ coi họ cũng là khán giả đi, đều là những người rất nhạy cảm. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không hề có ý nói rằng họ không thích hoặc không biết đùa cợt. Vấn đề là tất cả những gì diễn ra ở đây tối nay đều được truyền đi khắp thế giới và tất nhiên chúng ta, cả anh và tôi, đều chẳng ai muốn làm hoặc nói gì để Tổng thống, và cả các quan khách dự tiệc, phải bẽ mặt. Tóm lại là chúng tôi muốn anh cứ hài hước thoả thích nhưng đừng khiến ai phải tức giận, thậm chí chạnh lòng". Toby cúi đầu. "Tôi xin nghe ông, và mong ông hãy tin ở tôi". Bữa ăn đã xong, mặt bàn đã được dọn sạch sẽ, Downey bước tới bục diễn giả, long trọng. "Thưa Tổng thống! Thưa các vị khảch quý. Tôi hân hạnh được giới thiệu với các quý vị người dẫn chương trình tối nay của chúng ta, ông Toby Temple, một trong những danh hài trẻ tuổi nhất và xuất sắc nhất. Xin mời ông Toby Temple!" Tiếng vỗ tay nổi lên, nhưng eó lẽ theo phép lịch sự nhiều hơn là hâm mộ khi Toby đứng dậy và tiến đến trước micro. Anh đưa mắt nhìn lướt qua các gương mặt rồi dừng lại ở Tổng thống Mỹ. Ngài là người bình dị, dễ gần gũi, không hề tin vào cái mà các chính khách thường gọi là ngoại giao cấp thượng đỉnh. "Con người với nhau, đó là cái chúng ta cần". Ông tuyên bố vậy, trong một bài nói được truyền đi khắp nước. "Hãy bỏ cái lối suy nghĩ phụ thuộc quá nhiều vào máy móc cơ khí hoặc điện tử. Hãy trở về với bản năng của mình. Khi ngồi với các nguyên thủ quốc gia khác, tôi thích thương lượng bằng cái đít quần của tôi hơn". Thiên hạ ai cũng biết, cũng nhớ, và rất hay nhắc lại câu nói này của ông. Giờ đây, Toby nhìn thẳng vào vị Tổng thống của nước Mỹ, hãnh diện chen lẫn xúc động khiến giọng anh run run. "Thưa Tổng thống. Tôi bẩm sinh ngu dốt nên không biết lấy gì để bày tỏ niềm xúc động được có mặt tại đây, vào tối nay, cùng với con người mà toàn thế giới đều phải đưa tin về cái đít quần của Ngài". Im lặng sửng sốt cho đến khi Tổng thống phá lên cười ha hả, và lập tức, tất nhiên, toàn thể quan khách cười phá lên theo, trong tiếng hoan hô rầm rộ. Được đà, từ lúc đó cho tới khi mãn tiệc, Toby mặc sức tung hoành. Anh nhại giọng nói hay điệu bộ, hoặc giễu cợt, hoặc thậm chí công kích các VIP trong bữa tiệc, từ chính khách đến quan toà, lan sang cả giới nghệ thuật, báo chí... Ai nấy đều thích thú nghe, đều biểu lộ sự tán thưởng, đều gập mình lại mà cười, bởi họ nghĩ anh chỉ muốn họ vui, Tổng thống vui, bữa tiệc vui chứ anh có là gì để dám tỏ ra ác ý với họ: Và họ còn cười, còn thích thú bởi gương mặt ngây thơ, ngơ ngác của anh khí thể hiện những tình cảm đó. Cũng tại bữa tiệc còn có khách mời là tùy viên, tham tán của một vài sứ quán nước ngoài. Toby bắt chước ngôn ngữ của những nước đó tuyệt đến mức họ liên tục gật đầu khen ngợi. Trong vai nhà thông thái ngốc nghếch, Toby tựa như cây gậy của gã mù, chỗ nào cũng chọc vào, nơi nào cũng dò dẫm. Anh nói đử thứ chuyện, bàn tới mọi vấn đề, vừa ngợi ca vừa nhiếc móc người nghe còn họ thì cứ… cười. Cả bữa tiệc, không sót một ai đứng dậy vỗ tay hoan hô anh. Tổng thống bước tới thân mật vỗ vai anh, nói. "Thật là tuyệt. Đầu tuần này chúng tôi có bữa tiệc nhỏ tại Nhà Trắng, và tôi sẽ rất vui nếu được anh có mặt, Toby". Ngay đêm ấy, nhiều làn sóng radio đã nhắc tới Toby. Hôm sau toàn bộ các tờ báo đều nói về thành công của anh. Rất nhiều lời anh nói được đưa ra trích dẫn. Rồi đêm diễn tạỉ Nhà Trắng còn thành công hơn nữa, mang đến cho anh những lời mời quan trọng từ khắp thế giới. Anh sang London biểu diễn riêng cho Nữ hoàng, rồi diễn tại vũ trường nổi tiếng Palladium. Anh được mời tới Italia...rồi tiện đường, được mời qua Berlin... rồi Paris chèo kéo anh đến bằng được. Trở về Mỹ, anh thường được Tổng thống mời chơi golf, rồi được mời dự bữa tối ở Nhà Trắng. Tại những nơi đó, anh hay được gặp các chính khách lớn, các Thống đốc bang, các trùm tài phiệt và anh chẳng tha thứ gì họ. Nhưng càng bị anh rủa xả bao nhiêu họ lại càng cười, càng ưa thích anh bấy nhiêu. Trong các bữa tiệc do họ làm chủ, không bao giờ họ quên mời anh tới và reo hò khích lệ khi anh tuôn những lời lẽ hài hước cay độc lên đám khách khứa của mình. Một trong những mốt của giới thượng lưu khi ấy là đánh bạn với Toby Temple. * * * * * Lời mời biểu diễn ngày một nhiều thêm, đến mức Clifton phải mướn thêm người giúp việc chuyên trách hợp đồng biểu diễn của Toby. Ông vui chẳng kém người khách hàng của mình, song nó khác xa cái vui của chính Toby, bởi nó chẳng liên quan gì đến danh vọng hay tiền bạc. Anh là một khách hàng độc đáo nhất, một học trò tuyệt diệu nhất mà cuộc đời làm nghề đại lý của ông chưa từng gặp và cũng khó có thể gặp được người thứ hai. Từ khi Toby còn chưa mấy danh tiếng ông đã thầm coi anh như con, đã bỏ không ít thời gian cũng như công sức gây dựng cho anh. Và cũng thật đáng đồng tiền bát gạo. Toby đã học, đã luyện tập cật lực đã làm việc cặt lực để có được hôm nay. Và anh luôn rộng rãi với ông, bởi rất biết tấm lòng cũng như công sức của ông, với anh, một điều không dễ gặp trong cái nghề này. "Các khách sạn hạng nhất của Las Vegas đều muốn được anh biểu diễn," Clifton nói, "tôi biết, tiền bạc không thành chuyện, họ chỉ muốn có anh, vậy thôi. Còn nữa, tôi hiện có trong tay kịch bản của các Hãng phim Fox, Umversal, Pan-Pacific... toàn những vai chính dành cho anh. Trước mắt, anh toàn quyền lưạ chọn và tôỉ có thể sắp xếp lịch trình sao cho thoả mãn cao nhất sự chọn lựa đó". Ông ngưng lại giây lát, mỉm cười. "Anh có thể sang châu u biểu diễn, có thể nhận lời mời của bất kỳ Quốc vương, Tổng thống nào, hoặc có thể làm riêng một chương trình của bất cứ Hãng truyền hình nào mà vẫn không phải từ bỏ Las Vegas và vẫn có mặt trong những bộ phim điện ảnh mà anh muốn thủ vai chính". "Ta sẽ được bao nhiêu nếu ta làm riêng một chương trình truyền hình?", Clifton rất vui khi nghe Toby dùng chữ ta chứ không phải tôi. Ông cười đắc ý "Tôi nghĩ có thể đòi họ trả tới mười ngàn đôla mỗi tuần cho mỗi chương trình dài khoảng sáu mươi phút, và phải ký hợp đồng trong vòng hai đến ba năm. Tôi dám chắc họ sẽ rất vui khi ký với chúng ta, bởi họ đã có được anh". Và ngay khi hết hợp đồng ta đã có hơn triệu đôla, chưa kể thêm số thu lượm ở những nơi khác nữa, mà tất cả là bắt đầu từ cái đít quần của Tổng thống. Toby ngả người ra lưng ghế, hả hê nghĩ. Ta phải nhớ ơn cái đít quần ấy, anh nhìn sang vẻ mặt hả hê không kém của Clifton, cũng như không quên công lao của ông già bé nhỏ này. Hẳn ông đã biết ta sẽ chấp nhận cái hợp đồng mười ngàn mỗi tuần kia nên mới hả hê vậy. Bởi ông sẽ có cả trăm ngàn đôla trong đó mà. Ông có công có sức với ta thật, nhưng có đáng hưởng tới mức ấy không? Ông ta đâu phải lăn lóc trong hệ thống nhà vệ sinh để nhận những lon rỗng ly cạn ném vào mặt, đâu phải tìm tới các lang băm chữa bệnh lậu do các cô gái điếm đổ cho vì chỉ đủ tiền ngủ với họ, đâu phải ngủ trên những tấm gỗ đầy rệp, đâu phải ăn những món mà đến chuột cũng chỉ ngửi qua rồi bỏ đi, đâu phải liên tục di chuyển từ hang hùm này tới ổ rắn khác… ông ta đã trải qua những gì để bây giờ đòi lại từ anh cả trăm ngàn đôla ở cái hợp đồng ấy. Anh đã từng cười phá lên khi nghe một tay phê bình của New York Times bảo anh là kẻ thành đạt sau một đêm ngon giấc. Anh nhắm mắt lại, như muốn ngủ, và bảo Clifton. "Hãy đòi chương trình truyền hình riêng của tôi với giá cao nhất". Một tháng sau, Clifton đã ký với Hãng truyền hình Consolidated Broadcasting vẫn được gọi tắt là CB. Trong lúc Toby lật lật bản hợp đồng chưa ráo mực, Clifton nói. "Họ muốn có Hãng phim nào đó đỡ cho phần thiếu hụt. Tôi cũng muốn vậy, vì có thể moi ra những hợp đồng làm phim". "Đã định cụ thể Hãng nào chưa?" Toby thờ ơ hỏi. "Pan-Pacific". Toby ngẩng đầu lên. "Với Sam Winters?" "Tôi không mảy may nghi ngờ khi nói Sam Winters hiện là giám đốc sản xuất phỉm số một của Hollywood. Thêm nữa, Sam lại đang có kịch bản phim Chàng trai tìm về miền Tây mà tôi muốn vai chính của nó phải thuộc về anh. Không phản đối chứ, Toby?". "Tôi từng là lính của Sam, hồi bên châu u. Và anh ta vẫn chưa trả tôi một món nợ. Được đấy. Ta cho gã con hoang ấy một trận". * * * * * Họ đang ngồi với nhau trong phòng tắm hơi thuộc khu thể thao của Pan-Pacific nồng mùi hương bạch đàn. Clifton vươn tay, ngả người ra sau, lẩm bẩm: "Giá cứ luôn luôn được thoải mái thế này thì còn cần tiền làm gì nữa". "Sao những lúc thoả thuận hợp đồng ông không nói vậy?" Sam trêu. "Nghe tin ông đã ký cho Toby Temple với CB hả?" "Không sai. Và đó là hợp đồng lớn nhất của CB từ khi thành lập". Giọng Clifton không giấu nổi vẻ thoả mãn. "Thế còn chỗ tiền thiếu hụt của chương trình thì ông kiếm đâu ra mà bù vào?" Sam hỏi. "Anh biết để làm gì, Sam?" Clifton vờ ngạc nhiên. "Có thể chúng tôi cũng quan tâm đến nó, nếu được phép. Hơn nữa, tôi còn có thể ký với Toby hẳn một hợp đồng làm phim, tất nhiên phim nhựa chứ không phải truyền hình. Kịch bản đã có. Chàng trai tìm về miền Tây.Tôi nghĩ Toby hợp với vai chàng trai, chẳng biết nghĩ có đúng không?" Clifton làm bộ ngán ngẩm. "Sao không nói sớm, Sam? Tôi thoả thuận với MGM mất rồi!". "Còn hợp đồng, ký chưa?" Sam hỏi, chẳng có vẻ gì hốt hoảng. Clifton hơi hẫng trước vẻ bình thản ấy. "Mới thoả thuận miệng, văn bản thì chưa. Nhưng… " Không lâu sau, Clifton đã hoàn tất một hợp đồng ngon lành cho Toby, và tất nhiên, cho cả ông nữa. Pan-Pacific cam kết tài trợ cho Chương trình của riêng Toby trên truyền hình và dành cho anh vai chính trong phim Chàng trai tìm về miền Tây. Còn một vài điều khoản của hợp đồng cần phải bàn bạc kỹ song cả hai đành phải lao bổ ra khỏi phòng xông hơi vì nó đã nóng quá mức "hưởng thụ". Hợp đồng ghi rõ Toby không phải có mặt trong những buổi tập. Việc đó là của người thay thế anh đảm nhận. Anh sẽ chỉ phải có mặt trong lần ghi hình cuối cùng. Anh rất thích điều khoản này, vừa không mất thì giờ vừa giữ bí mật màn diễn đến phút chót, và còn được tha hồ ứng tác. Một buổi chiều tháng Chín năm 1956, Toby bước vào rạp hát Opera để ghi hình chương trình truyền hình riêng của mình. Mọi việc chuẩn bị đã xong, Toby bước vào chỗ mà người thay thế anh vẫn giữ trong các buổi tập. Một cái gì đó thiêng liêng, khác thường bỗng ngự trị bỗng bao trùm lên nhà hát. Bầu không khí đặc biệt đó kéo dài suốt buổi chiều hôm đó, cho đến buổi tối khi chương trình được ghi hình và được phát sóng trực tiếp cho cùng lúc, bốn mươi triệu khán giả thưởng thức. Mỗi lúc máy quay kéo anh vào cận cảnh là mỗi lúc cả bốn mươi triệu khán giả suýt xoa vì vẻ đáng yêu trên khuôn mặt anh và muốn ngay lập tức có anh trong phòng khách nhà mình. Chương trình truyền hình của riêng Toby ăn khách tức thì và chiếm ngay vị trí số một trong các chương trình giải trí trên toàn quốc. Nó đứng rất lâu ở vị trí đó, lâu lắm... và Toby không đơn giản là ngôi sao nữa. Anh đã là siêu sao. Chương 20 Jill Castle không thể ngờ Hollywood lại khác xa so với nàng hình dung đến vậy, và lại hấp dẫn đến vậy. Biết thế này, nàng đã đến với nó từ lâu rồi. Quá nhiều đường phố đẹp, quá nhiều ngôi nhà đẹp và nhất là quá nhiều những gương mặt đẹp - cả đàn ông lẫn đàn bà, cả cô gái lẫn chàng trai. Nàng đi tham quan thành phố bằng xe buýt, một lần, rồi hai ba lần, vẫn chưa thấy chán. Khi xe chạy qua những ngôi nhà đẹp đẽ và được biết đó là nhà riêng của các ngôi sao điện ảnh, nàng biết rằng, đến một lúc nào đó mình sẽ là chủ một biệt thự đẹp như vậy ở khu Bel Air hoặc Beverìy Hills, là những khu được giới tài tử điện ảnh ưa thích. Hiện tại, nàng đang ở tại căn phòng bé tẹo nằm trong một quán trọ gồm mười hai phòng thảy đều "xinh xắn" như phòng nàng. Được cái nó rẻ và với hai trăm đôla dành dụm mang theo, trước mắt nàng khỏi lo đêm nay không biết sẽ ngủ đâu. Quán trọ lại nằm ngay ở khu Bronson, chỉ cách đường Vine, trung tâm thành phố, vài phút xe, chưa kể còn rất thuận tiện khi phải đi tới các Hãng phim lớn của Hollywood. Quán trọ còn một điểm khá hấp dẫn với Jill, đó là đám khách thuê ở đó. Có hơn chục người thì cả hơn chục đều đã, hoặc đang liên quan tới điện ảnh, hoặc sẽ, như nàng. Nhưng dù đã hay đang, nom họ sao đều thấy nản quá chừng. Tàn tạ, bệ rạc hơn là già nua, túng thiếu. Tối tối, họ tụ tập trong căn phòng chung của quán trọ, đứng ngồỉ quanh bộ bàn ghế cóc cáy với những mái tóc xơ xác quấn trong lô, những chiếc áo khoác phô ra lần vái lót, những đôi giầy lỗ chỗ hàng năm không đánh xi. Nhưng những chuyện họ nói lại khác hẳn với vẻ ngoài của họ. Toàn những ước mơ bay bổng, những dự định to tát, những kế hoạch động trời và ai nấy đều sẵn những lời khuyên dành cho Jill. Một chị mặt nhăn mày nhó vừa bị cắt vai phụ trong một phim truyền hình thỏ thẻ "Trước tiên phải có một Pê Đê thích em thì mới hy vọng được đóng phim". "Pê Đê nghiã là.…" Jill hiểu theo ý tình dục, ấp úng mãi mà không hỏi được cho rõ nghĩa. "Là gọi tắt của Phó Đạo diễn", chị ta đắc ý, "thế cũng không biết mà dám đòi đóng phim". Một bà răng lợi đã vào hạng móm triệt để, bĩu môi phều phào. "Đằng nào cũng một công sao không chơi luôn với đạo diễn mà còn phải qua thằng phó? Có được đạo diễn là có tất cả". "Đúng vậy, tôi tiếc là có ít phụ nữ làm đạo diễn quá" Một chàng đầu hói, mặt sần sùi một năm vớ được không quá hai vai phụ nói với giọng tiếc rẻ. Bà móm lại bĩu môi. "Có thì cũng chẳng đến lượt anh. Việc cần thiết nhất của anh bây giờ là lo sao tóc mọc nhiều lên và mặt mũi đỡ gồ ghề đi". Jill ấp úng mãi mới dám hỏi. "Nếu chỉ xin đóng vai phụ thì có cần phải quen với Pê Đê hay là ai khác không?" "Vai gì thì cũng cần tới một người có vai vế gì đó giới thiệu mới hòng. Tốt nhất là phải có được người chịu làm đại lý cho mình". Một ông xương nhiều hơn thịt mỗi ngày khoe hoàn thành một kịch bản phim song chưa thấy khoe bán được cái nào, ân cần khuyên nàng. "Đại lý là gì ạ?" Họ cười ầm lên khiến nàng đỏ bừng mặt mũi. Rồi "Ông kịch bản" giải thích, vẫn với giọng ân cần. "Là người thay mặt cô đi giao dịch với các nơi để cô được nhận một vai gì đấy và sẽ đòi chia một phần trong số tiền thù lao mà cô nhận được qua vai diễn đó". Jill gật đầu ra ý hiểu. "Nhưng làm sao tìm được người ấy?" Nàng hỏi tiếp. Và không ai cười cả. Có lẽ đó cũng là câu hỏi chung cho hơn chục người ngồi quanh nàng. Có khác nhau chút đỉnh. Không phải họ không biết tìm ở đâu mà là không biết tìm ra ai chịu làm đại lý cho họ. Anh chàng đầu hói mặt gồ ghề hất hàm lên gác. "Có tên trong tạp chí Screen Actor cả đấy!". Thấy vẻ ngơ ngác của Jill, chàng ta tiếp. "Đó là tiếng nói của Hội Diễn viên Điện ảnh. Có một cuốn trên phòng, để tôi lấy xuống cho cô xem". Thế là có việc cho bầu không khí đỡ tẻ nhạt. Họ, và cả Jill, tất nhiên, bận rộn xem xét, tranh cãi về các hãng đại lý và cuối cùng lựa ra được khoảng chục hãng mà họ cho là phù hợp với người chưa có tên tuổi gì như Jill Castle. Nàng không vui lắm nhưng đành chịu vậy bởi ai nấy đều cả quyết rằng mới mẻ như nàng thì khó mà hy vọng gì ở các hãng đại lý lớn. * * * * * Lấy quán trọ làm trung tâm, Jill bắt đầu từ gần tới xa, gõ cửa các đại lý trong danh sách đã lựa. Năm hãng đầu không buồn tiếp nàng, hãng thứ sáu chưa nghe hết câu nàng nói đã bảo đi chỗ khác chơi. Ơ, sao họ lại cho rằng nàng tìm đến đấy để chơi nhỉ? Jill đến chỗ thứ bảy thì gặp một người đàn ông đang nhét giấy tờ vào cặp để ra về. Nghe Jill nói đang muốn tìm một đại lý, ông ta ngắm nghía từ đầu đến chân nàng rồi chìa tay ra. "Hồ sơ của cô đâu?" Jill ngớ ra. "Hồ sơ là cái gì ạ? Nó gồm những gì?" Ông ta gạt Jill sang bên, bước ra, khoá cửa lại. "Gồm những tấm ảnh khoe mặt, khoe người ở đủ mọi tư thế. Vú, mông, đùi, co quắp… thứ nào đẹp, tư thế nào đẹp, khoe ra bằng hết cho tôi. Cô sẽ chẳng làm được gì ở cái thành phố này đâu nếu không có bộ hồ sơ đó. Làm ngay đi, rồi hãy nghĩ đến chuyện kiếm tìm đại lý". Với bốn mươi đôla và sau khoảng mươi ngày Jill đã có một "hồ sơ" mà nàng rất vừa ý, không hiểu các đại lý có bằng lòng như nàng khi xem các bức ảnh mô tả nàng lúc tư lự, khi giận hờn rồi còn nào nhí nhảnh, nào đắm đuối, nào khêu gợi... chẳng thiếu biểu hiện trạng thái tâm lý, tình cảm gì Người thợ ảnh lùa các bức hình vào giữa các lớp giấy kính, đóng lại thành quyển và dặn nàng. "Ngay trang đầu, cô hãy viết rõ các vai mình đã đóng, các phim mình đã tham gia". Jill để trắng trang đầu. Hồ sơ trong tay, nàng bắt đầu lại từ đầu. Vẫn chăng thấy ai niềm nở hơn như nàng chắc mẩm. Cũng được vài ông quan tâm lật lật quyển hồ sơ nhưng chỉ chăm chú nhìn vào những tấm ảnh chụp những chỗ lồi, lõm hoặc dài trên cơ thể nàng chứ không thèm dừng lại ở chỗ nàng tư lự hay nhí nhảnh. Có người lại nói. "Cô vừa ghé đây hôm qua hôm kia gì đó, và tôi đã bảo không mà". Nàng vội cãi. "Ông nhầm đấy ạ, không phải tôi đâu". "Nom y chang", ông ta chỉ vào mấy tấm ảnh, "cũng đùi cũng vú hệt này. Mà cũng còn gì để khác nữa? Cô nào nom chả giống Lana Turnèr, Elizabeth Taylor hoặc Eva Gardner. Nếu không phải Hollywood, nếu là một nghề khác, người ta sẽ tranh nhau mà nhận cô. Gương mặt này, thân hình này, ai nỡ để uổng phí. Nhưng riêng tại cái thành phố điện ảnh này thì nhan sắc lại là thứ rẻ nhất, bởi dễ kiếm nhất. Đâu chỉ riêng nước Mỹ, người đẹp cả thế giới đổ xô về đây. Và họ đều đã lên sân khấu hồi trung học, thậm chí tiểu học. Hoặc họ là hoa hậu, á hậu ở cuộc thi sắc đẹp cấp quận cấp phường nào đó. Hoặc bố mẹ, chú bác cô dì hay bạn trai họ bảo rằng họ sẽ trở thành ngôi sao điện ảnh. Hoặc chính họ cũng nghĩ và tin như vậy. Thế là cứ ùn ùn tới đây, cô nào cũng xinh đẹp, cũng khêu gợi hệt cô nào. Thế đấy. Cô đến đây đã được một tuần chưa?" Jill tìm đến những đại lý nhỏ nữa. Văn phòng của họ hầu hết đặt trên các tầng lầu của những ngôi nhà nằm trong các khu phố rẻ tiền. Vẫn chẳng có gì khả quan hơn. Một ông cứ đi lòng vòng quanh Jill, ngắm xuôi rồi lại nhìn ngược, gật gù. "Cô thực sự đẹp. Ý tôi là cô đẹp chẳng thua ngôi sao điện ảnh nào. Nhưng chưa đủ, phải thêm kinh nghiệm diễn xuất nữa. Hãy tìm cách xuất hiện trong vài phim rồi quay lại đây tìm tôi". "Tôi làm cách nào để có vai diễn khi không ai chịu giao nó cho tôi?" Jill cáu. "Cô nói cũng phải. Chào cô!" Jill tìm đến văn phòng đại lý ở xa quán trọ nhất, mãi cuối đường La Cienega. Nàng gọi điện trước và một giọng phụ nữ hẹn tiếp nàng lúc mười tám giờ. Đó là văn phòng Dunning, nằm ở tầng trên một cửa hàng kẹo bánh. Cái chỗ trước kia để tiếp khách nay dùng làm văn phòng, chỉ kê nổi chiếc bàn khập khiễng trên bề bộn giấy tờ cùng chiếc đi văng cũ kỹ và vài chiếc ghế mây chỏng chơ. Người đàn bà ục ịch, mặt rỗ, nheo mắt hỏi Jill. "Xin chào! Tôi giúp gì được cô không?" "Tôi là Jill Castle. Ông Dunning có hẹn gặp tôi". "Ông? Hãy gọi tôi là cô Dunning. Chính tôi hẹn cô đây " "Xin tha lỗi. Tôi chưa từng gặp một nữ đại lý nào hết, nên cứ tưởng… " Cô Dunning cười độ lượng, nghe thật dễ mến. "Cô không phải người đầu tiên nhầm đâu". Jill bỗng thấy phấn chấn. Sao nàng không chịu nghĩ ra sớm nhỉ. Một đại lý là phụ nữ. Sẽ hiểu nàng bao nhiêu và sẽ thông cảm với nàng bao nhiêu. "Trên tay cô là hồ sơ?" Cô Dunning nhìn vào quyển ảnh nàng cầm theo, nói. "Xin phép cho tôi ngó qua nó?" Bằng cả hai tay, Jill trang trọng đưa tới. Cô ta xem từng tấm một, gật gật đầu. "Cô rất ăn ảnh. Điều này quan trọng lắm đấy". Jill chỉ biết nói lời cám ơn. Cô Dunning ngắm thật lâu tấm hình Jill mặc đồ tắm hai mảnh. "Thân hình cô thật đẹp. Quan trọng lắm đấy. Cô đến từ đâu?". "Thị trấn Odessa, Texas?" "Đến bao lâu rồi? Và đã qua bao nhiêu đại lý?" "Tôi đến Hollywood hai tháng nay rồi.…". Câu sau, Jill đã định nói dối nhưng thấy đôi mắt người phụ nữ nhìn mình đầy thương cảm bèn thật thà. "Cũng khoảng ba chục nơi, chị ạ". Cô ta cười âu yếm. "Cuối cùng mới chịu đến Dunning này? Không sao cả. Tôi có thể không được danh tiếng như ai nhưng đã nhận ai nghĩa là tôi sẽ có việc làm cho người đó". "Tôi chẳng có kinh nghiệm diễn xuất gì.…" Dù cô Dunning không hỏi nhưng Jill nghĩ, với cô ta, tốt nhất là nên nói thật ra. Cô Dunning nói ra cái điều khiến Jill nhẹ cả người. "Nếu có, cô đâu cần nhọc công đển đây, bởi đã có tên trong danh sách khách hàng cửa các hãng lớn rồi. Chỗ tôi như trạm trung chuyển vậy. Tôi nhìn thấy người có tài, bèn gây dựng cho họ, sau đó các hãng lớn nẫng họ đi từ tay tôi". Sau cả tháng trời phấp phỏng, lần đầu tiên Jill thấy hy vọng loé lên. Nàng hồi hộp nghe cô Dunmng nói tiếp. "Tôi nghĩ có thể nhận cô là khách hàng, và có nghĩa là sẽ kiếm được việc cho cô, để từ đó cô sẽ có ít nhiều kinh nghiệm diễn xuất" Tỏ ra không để ý đến cái nhìn biết ơn của Jill, cô ta cao giọng. "Cái thành phố chết giẫm này ít khi cho những người xa lạ một cơ hội, nếu họ chưa có danh tiếng gì. Các Hãng phim đều gào lên rằng cần những gương mặt mới, những tài năng mới nhưng đều đứng sau bức tường cao ngất mà gào, và khó có cái mới nào có thể vượt qua được bức tường đó. Phải tìm cách lừa họ thôi. Theo tôi, có ba loại vai sau là phù hợp với cô hơn cả. Một là vai các cô gái xinh xắn nhưng dại dột trong các phim truyền hình chỉ chiếu vào ban ngày, hai là vai phụ trợ trong các chương trình truyền hình riêng của Toby Temple và ba là vai phụ trong một phim nào đó của Tessie Brand.…". Jill nghĩ mình ngất đến nơi. "Đó là theo chị. Còn theo họ…". Cô ta cười nhẹ. "Tôi dám nói vậy bởi các Hãng phim đã biết tôi không bao giờ giới thiệu cho họ những người kém cỏi. Cô cũng cần phai hiểu đó không phải là những vai ghê gớm gì, còn rất phụ là khác, song thiếu nó, cô sẽ không có bước khởi đầu". Jill cảm động. "Tôi hiểu ạ. Và xin chị nhận cho lòng biết ơn của tôi". "Tôi hiện có trong tay kịch bản của một phim truyền hình. Xin mời cô theo tôi!", Jill theo cô Dunning sang phòng bên, mà nàng nghĩ là phòng ngủ, bởi thấv có chiếc giường đôi kê gần cửa sổ. Phải cái chăn gối trên giường bừa bộn quá. Cô Dunning nhặt từ đầu giường lên một tập giấy bọc bìa cứng, nói. "Kịch bản dây. Đạo diễn phim này là bạn cùng cánh làm ăn với tôi. Nếu làm tốt vai này cô sẽ không thiếu việc đê làm với ông ta đâu!". "Chắc chắn tôi sẽ làm tốt, Jill thực tâm mong và tin như vậy. Cô Dunning cười một cách khó hiểu. "Cô có thể phật ý nhưng tôi chưa thực sự yên tâm nếu chưa được nghe cô đọc thử vài đoạn". Jill đã được mách bảo về khâu kiểm tra này nên chẳng phật lòng gì hết, chỉ muốn thử ngay. Cô Dunning ngồi xuống giường, mở tập kịch bản ra và chỉ vào một chỗ. "Tôi muốn nghe cô dọc đoạn này". Jill ngồi sát bên, mắt nhìn vào kịch bản tai nghe như nuốt từng lời cô ta nói. "Hãy diễn tả nhân vật Nathalie, cô con gái nhà giàu lấy phải người chồng đau ốm và bất lực. Cô gái đòi ly hôn nhưng anh chồng không chịu. Đây, cô hãy đọc từ đây…". Jill tiếc vì không được đọc trước từ hôm qua, thậm chí trước một tiếng đồng hồ, vì nàng thực sự mong tạo ra ấn tượng tốt ở lần thử sức đầu tiên này. Còn bây giờ, nàng chỉ có thể liếc vội qua... "Bắt đầu được chưa?" Giọng cô Dunning hơi gấp gáp "Tôi... bắt đầu đây…". Jill đáp, mắt nhắm lại, hình dung ra cô gái nhà giàu ấy. Bao nhiêu tuổi nhỉ. Như bọn Mary Lou, Cissy Topping hay như mẹ chúng nó? Chắc cũng thế cả. Đều thuộc loại muốn gì được nấy. Nàng mở mắt, và đọc. "Peter, chúng mình phải nói chuyện vớỉ nhau". Cô Dunning sắm vai Peter. "Lúc khác đi. Anh chưa sẵn sàng". "Em chờ đợi lâu hơn em nghĩ rồi. Vài giờ nữa em sẽ bay đi Reno". "Vài hôm rồi em về. Khi đó mình sẽ nói chuyện". "Không! Em chờ chuyến bay này năm năm rồi. Em sẽ không chờ thêm một ngày nào nữa". Jill thấy tay cô Dunning đặt lên đùi nàng. "Quá được". Không rút tay về, cô ta giục. "Đọc tiếp, đọc tiếp đi " Bàn tay cô ta nhúc nhích trên đùi Jill. Nàng đọc tiếp. "Bao giờ nói, thực ra không quan trọng. Tệ hại nhất là cách xử sự của anh. Không ra người đàn ông có vợ chút nào. Còn nếu nói thẳng ra thì quá là trẻ con. Anh không nói chuyện cũng được bởi dù nói hay không, từ nay anh cũng hãy tự chơi cái trò trẻ con đó một mình". Bàn tay cô Dunning nhích tới chỗ đùi để trần của Jill, bóp mạnh lấy, khiến nàng luống cuống. "Rất khá. Đọc tiếp đi". Cô ta lắp bắp: "Anh đừng tìm cách liên hệ với em nữa. Em thực sự không muốn, anh hiểu chưa". Bàn tay trên đùi Jill cứ vừa xoa vừa bóp mỗi lúc một nhanh hơn, mạnh hơn, rồi luồn hẳn vào trong váy, nhích dần lên, dần lên, ngập ngừng chỗ đùi non của nàng một lát rồi lại lên nữa, lên nữa. Jill gấp kịch bản lại, nhìn sang. Cô Dunning như đang lên cơn sốt, mặt mũi đỏ bừng, ánh mắt ngây dại, miệng vẫn lắp bắp. "Đọc đi, đọc tiếp đi... đi". "Tôi không thể đọc nếu chị cứ... thế này.". Những ngón tay cô ta đã luồn vào bên trong quần lót Jill, đặt lên vùng đồi được che phủ bởi đám cỏ tơ non êm ái, giọng cô ta khàn đi. "Nó là một cảnh khêu gợi của phim nên anh làm vậy để em hứng thú hơn, để xem cái trong em rạo rực thế nào…" Vừa nói cô ta vừa đưa những ngón tay vào sâu trong nàng, ở chỗ mà đến hôm nay mới chỉ có David biết đến. "Không. Không thể?" Jill vùng dậy. Nước bọt ứa ra hai bên mép cô Dunning. "Chúng ta chiều theo ý muốn của nhau, em chịu không. Tôi hứa, em sẽ là một ngôi sao, chịu không? Lại đây với anh, em yêu?" Cô ta đứng lên, như muốn ôm lấy Jill. Nàng bỏ chạy. Và dừng lại nôn thốc nôn tháo bên hè đường. Rồi cơn đau đầu ập đến. Lạy Chúa? Đau đầu là của Josephine Czinski chứ đâu phải của Jill Castle? * * * * * Một năm trôi qua. Hơn một năm mới đúng. Jill Castle đã trở nên chững chạc trong Đội tạp chủng, một tập hợp của nhóm người lêu têu bên rìa điện ảnh hàng chục năm qua, và có thể là suốt cả cuộc đời làm đủ mọi nghề, ăn đủ mọi thứ, miễn sao khỏi chết đói, để còn có cơ lọt được vào đội ngũ chính thức của phim trường. Đám người này tài lắm. Chỉ lêu têu bên rìa, có nghĩa là những người ngoài cuộc, nhưng với cách thức bí hiểm nào đấy, họ luôn tỏ tường đến từng hơi thở của thời cuộc điện ảnh. Họ biết đêm qua đạo diễn nào bế cô tài tử nào lên giường và sau đó tại sao không cho cô ta ngủ lại, biết chiều nay diễn viên nào sẽ được gọi vào bộ phim sắp quay nào để thay thế cho diễn viên nào sẽ bị thải ra, thậm chí họ còn biết tuần sau, tháng tới ai sẽ được phong chức giám đốc Hãng phim nào và ai sẽ có "vinh hạnh" nhập vào Đội tạp chủng cùng họ... Sau khi đã trao đổi, bàn bạc những diễn tiến mới nhất của thời cuộc điện ảnh, họ tản mát ra bốn phương tám hướng, kẻ vào siêu thị bốc dỡ hàng hoá, người ra bến đỗ chùi rửa ô tô. Bất kỳ nơi nào kiếm ra miếng ăn là nơi ấy có họ; trạm bán xăng, tiệm làm đầu, gara sửa xe, lau chùi cửa kính... Họ ăn cùng bàn, ngủ cùng giường chán chê mới chịu lấy nhau rồi lại lập tức bỏ nhau để đi ăn đi ngủ với người khác. Họ cứ mãi hồn nhiên như kẻ điên, trong túi không có tiền để chẳng ai nhận ra đang bị thời gian phản bội bằng nếp nhăn trên mặt, điểm sương trên tóc. Họ giống hệt hàng tồn đọng chưa hề qua sử dụng song đã bị gián chuột gặm nhấm. Giống như thế hỏi họ còn làm được gì? Song Đội tạp chủng vẫn rừng rực ước mơ. Cả Jill Castle nữa. Nàng không chịu bắt chước các cô gái trẻ trung như nàng, nhan sắc kém xa nàng, sinh sống và nuôi nấng mơ ước của mình bằng cái họ gọi là vốn tự có. Họ bảo nàng. "Xấu xí hay đui què gì đâu mà phải quần quật cả ngày chỉ để kiếm cái nhét vào miệng. Tiền công cởi đồ cao hơn nhiều, lại chỉ vài mươi phút là xong. Còn nếu mình cũng lại máu chuyện đó thì thật là một công đôi việc". "Cho đến bao giờ?" Jill hỏi. Họ thản nhiên. "Đến bao giờ đại lý gọi thì lại tính tiếp". Jill lắc đầu. Thà về lại Odessa phụ mẹ khâu vá còn hơn. Cuộc sống ấy đâu có giúp một cô gái Ba Lan nghèo khó cưới được một chàng trai Kenyon nào đấy. Bây giờ thì nàng tỉnh ra rồi. Nhưng nếu là một Jill Castle - ngôi sao điện ảnh thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Ngôi sao ấy muốn gì cũng được, kể cả một mỏ dầu, và lấy ai cũng được, kể cả ông chủ hoặc đứa con trai ông ta. Nàng không muốn và không thể trở lại là Josephine Czinshi nữa. Jill Castle có được vai diễn đầụ tiên là nhờ Harriet, một cô gái trong Đội tạp chủng, chính là cái cô đã rủ Jill kiếm sống chờ thời bằng nghề cởi đồ. Người chồng cũ của bà chị họ bên đằng ngoại cô ta hiện là thư ký trường quay tại hãng Universal, đang thực hiện một bộ phim truyền hình nhiều tập nói về y bác sĩ gì đó. Vốn mê cô em gái người vợ cũ, thỉnh thoảng anh ta lại cho Harriet một cơ hội, nhưng vì cũng rất hãn hữu nên cô ta dần quen với việc cởi đồ hơn là đóng phim. Lần này, vớ được một ông chủ chịu bao chuyến du hý châu u, Harriet bèn giới thiệu Jill thay mình, và bởi đẹp hơn cô ta nhiều nên Jill nhanh chóng được chàng trợ lý kia chấp nhận. Vai diễn chỉ dài khoảng nửa phút và nói đúng một câu. Đấy là cảnh bệnh viện, nàng đang ngồi bên giường bệnh nhân đo huyết áp cho người bệnh thì bác sỹ đi vào. Bác sỹ hỏi. "Ông ta ra sao, cô y tá!" Nàng sẽ đáp. "Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ". Vẻn vẹn có vậy. Rồi nàng sẽ được nhận bảy nhăm đôla nhưng không được bỏ túi hết số đó vì còn phải trừ đi khoản bảo hiểm xã hội, lại trừ tiếp thuế thu nhập rồi còn trừ khoản đóng góp cho nhà dưỡng lão của ngành y tế. Có trừ hết nàng cũng vui vẻ vì chủ yếu là nàng đã có cơ hội tích luỹ kinh nghiệm diễn xuất. Chiều hôm trước, người ta đưa cho Jill một trang xé ra từ tập kịch bản và dặn nàng đúng sáu giờ sáng hôm sau phải có mặt ở phòng hoá trang. Nàng suy đi nghĩ lại về cảnh đó và ước rằng nếu được đọc toàn bộ kịch bản thì tốt hơn bao nhiêu. Chỉ vài mươi dòng thế này, làm sao nàng hình dung ra nổi cô y tá kia chứ? Cô ta có chồng có con chưa? Đã từng phải trông nom người ruột thịt nào đau ốm nằm viện chưa? Quan hệ của cô ta với viên bác sỹ thế nào? Có mối liên hệ tình cảm gì với người bệnh mà cô ta đang trông nom không. Bình thường, thương cảm, hay là ghét bỏ? "Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ". Nàng nói câu thoại ấy tới lần thứ một trăm rồi, và chẳng lần nào giống lần nào cả. Một lần nữa, nàng tự nhủ. "Thưa bác sỹ, có lẽ không được tốt lắm". Lần này nữa thôi, nàng tự động viên mình. "Tôi chắc là không tốt, bác sỹ!" Cứ thế, loay hoay tới gần sáng nàng mới chợp mắt được. Nhưng chưa bao giờ nàng khoẻ và vui như hôm ấy, trên đường tới Hãng phim. Trời chưa sáng hẳn khi nàng tới cổng Hãng bằng chiếc xe đi mượn của một người trong Đội tạp chủng. Nàng xưng tên với người gác cổng. Anh ta dò dò trong cuốn sổ rồi bấm nút điện cho cổng mở ra để nàng lái xe vào. "Trường quay số bảy", anh ta nói, "đi theo biển chỉ dẫn". Thế là tên Jill đã có trong sổ của một Hãng phim rồi đó. Universal đang chờ nàng và đã sẵn sàng đón nàng. Còn hơn cả giấc mơ. Và Jill quyết định sẽ trao đổi với đạo diễn một chút về nhân vật y tá trước khi bấm máy, để ông ta biết rằng nàng đã hình dung tới rất nhiều cách thể hiện, để ông ta dễ dàng chọn lựa cách tốt nhất. Trường quay, dưới mắt Jill lần đầu tiên được thấy, ngổn ngang như đang xây dựng, và ồn ào như sân bóng. Một cách ví von, nhưng thực tế cũng gần đúng vậy. Thì người ta đang xây dựng một bộ phim và với mấy chục con người đang bận rộn với những công việc đòi hỏi sự gào to nói lớn thì không chửi mắng nhau đã là trật tự lắm rồi. "Mang đèn lại đây phản quang đâu … sẵn ngựa chưa, ngựa cái, còn ngựa đực à, mang về cho con nhỏ Lara vừa bị chồng bỏ ấy… vứt mẹ cái nệm này đi, đã bảo nệm lò so để tăng độ nẩy chứ nệm rơm để hút chặt mông nó vào à…". Toàn thứ ngôn ngữ Jill chẳng thể hình dung lại có trong điện ảnh, ở cái nơi làm ra những bộ phim xem mà phát khóc này, nhưng nàng vẫn đứng nhìn và nghe một cách say sưa, thầm nhủ không những phải quen mà còn phải học nữa, bởi từ hôm nay, đây sẽ là thế giới của nàng, là tương lai của nàng, là mơ ước của nàng đã thành hiện thực. Bắt đầu, nàng sẽ cho đạo diễn thấy, tuy lần đầu tiên đóng phim, nhưng nàng là một diễn viên ông ta chưa được gặp bao giờ, dù vẫn hằng tìm kiếm. Nàng sẽ nói với ông ta rằng… rằng… Cùng hơn chục người nữa, Jill đi tới phòng hoá trang. Người ta trao cho nàng bộ đồ y tá rồi bảo nàng trở lại trường quay để ngồi vào một góc khuất cùng bôi son trát phấn với các diễn viên phụ khác. Vừa xong thì nghe tiếng gọi tên mình, nàng vội chạy tới chỗ có tấm biển nhỏ nguệch ngoạc dòng chữ "Cảnh giường bệnh". Bên chiếc máy quay, Jill thấy đạo diễn đang đứng nói chuyện với Rod Hanson, diễn viên nam chính trong vai người bác sĩ vui tính và đa tình. Nhích tới gần hơn, Jill nghe Hanson càu nhàu. "Tôi ngày càng chán những lời lẽ rẻ tiền được gọi là thoại này lắm rồi. Nghe con chó của tôi đánh rắm còn hay hơn. Lạy Chúa, tôi còn phải nhai nhải nó tới tận bao giờ?" Đạo diễn ôn tồn, "Phim phát sóng cả năm nay rồi, và nó vẫn được người xem tán thưởng, vậy sao lại phải thay đổi, dù chỉ là lời thoại? Khán giả thích anh vẫn cứ là anh, như họ đã quen". "Tất cả đã chuẩn bị xong, xin mời đạo diễn?" Tiếng ai đó vang lên. Người đạo diễn nói với Rod Hanson. "Vào vai nhé, chuyện kia ta sẽ bàn tiếp sau". "Tôi mong sớm đến ngày được giã biệt bộ phim và cả cái Hãng phim này". Rod bỏ đi. Jill tranh thủ đến bên đạo diễn, cười rất tươi, nghiêng mình tự giới thiệu. "Tôi là Jill Castle, đóng vai nữ y tá. Và tôi thấy nhân vật này cần…". Đạo diễn lơ đễnh hất hàm, bảo. "Đến bên giường người bệnh đi". Rồi ông bước đến nói gì đó với người quay phim. Jill đứng ngây người nhìn theo ông ta. Chàng trợ lý trường quay vội chạy tới. "Mơ mộng gì đấy, không nghe ông ta nói ư. Đến giường đi". "Tôi muốn bàn với ông y về…" "Cô thì biết gì mà bàn". anh ta cáu, "ra chỗ diễn đi, nhanh!" Jill lặng lẽ đến bên giường bệnh trong khi tiếng trợ lý vang vang. "Trật tự, tất cả im lặng". Anh ta nhìn đạo diễn. "Ông có cần xem diễn thử không?" Đạo diễn nhún vai. "Cảnh này á? Quay luôn?" "Diễn viên vào vị trí, đèn, máy sẵn sàng". Jill mỗi lúc thêm ngơ ngác. Chẳng ai thèm nói nàng phải thể hiện nhân vật ra sao và cũng chẳng ai thèm nghe nàng nói về nhân vật mà nàng thể hiện phải nên thế nào để có sức truyền cảm hơn, hấp dẫn người xem hơn. "Máy! Bắt đầu" Tiếng hô như lệnh Chúa truyền, lập tức mọi con mắt đổ dồn vào Jill trong vai cô y tá. Liệu nàng có dám xin họ dừng máy, dù chỉ một vài giây, để nàng được nói đôi lời về cảnh quay này? Tiếng đạo diễn hét lên. "Y tá, sao không đo huyết áp cho bệnh nhân trước khi ông ta chết vì chờ đợi?" Ngay cả cái vầng sáng trắng loá dọi vào cảnh quay như cũng nhấp nháy thúc giục Jill hít một hơi rõ dài, cầm tay người bệnh lên. Họ không thèm chỉ bảo nàng, không thèm nghe nàng nói, thì đành tự làm theo ý nàng vậy. Hãy cứ coi ông lão bệnh tật này là bố chàng bác sĩ kia, và họ đang xung khắc lớn. cãi vã mấy lần rồi. Bây giờ, người bố gặp tai nạn, và anh con trai vừa hay tin. "Ông ta thế nào, cô y tá!", Rod Hanson trong vai bác sỹ, hỏi. Jill ngước lên, nhìn sâu vào mắt anh ta, đọc được vẻ lo lắng trong đó, và rất muốn chia buồn rằng cha anh ta sắp chết rồi, rằng đã quá muộn để họ có thể hàn gắn lại, rằng... Tiếng thét của đạo diễn khiến Jill giật bắn mình. "Cắt! Cắt ngay! Ai, ai đưa con bò cái này đến hả? Có mỗi một câu mà không sủa ra nổi". Jill nhìn về phía tiếng nói, mắt nheo lại vì ánh đèn, vừa ngượng vừa tức, giọng run lên. "Tôi nói được, nhưng tôi muốn thể hiện…" Không ai cho nàng nói hết câu. "Hãy nói nhanh ra cái câu trả lời mà cô bảo là nói được. Còn không thì cắp đít đi chỗ khác chơi cho". "Tôi đang tự hỏi cô y tá có nên…" "Nên hay không nên cái gì là việc của cô y tá chứ không phải của cô. Nào, máy, chuẩn bị". "Máy! Bắt đầu!". Nỗi giận bất ngờ ập đến khiến Jill run bắn cả người. Ngoài nàng ra, chả ai thèm quan tâm đến cảnh này, dù nó xấu hoặc đẹp, hay hoặc dở, hợp lý hoặc không. Chậm một vài phút thì đã sao nếu người ta chịu nghe nàng nói, để cảnh bên giường bệnh trở nên cảm động hơn, hấp dẫn hơn. Mồ hôi vã ra khắp người và hình như cơn đau đầu lại đến … "Y tá! Diễn!" Jill lại cầm lấy tay người bệnh. Universal sẽ không bao giờ gọi đến con bò cái nữa nếu nó tiếp tục làm hỏng lần quay thứ hai này. Trong một tích tắc, nàng nghĩ tới Harriet, tới Đội tạp chủng, tới mơ ước của mình. Rod Hanson bước vào vùng sáng, hỏi. "Ông ta ra sao, cô y tá!" Nàng đã quyết định nhập cuộc, theo cách họ muốn. Nếu không, nàng sẽ chẳng bao giờ là người trong số họ, chẳng bao giờ được đặt chân vào ngôi đền điện ảnh nữa, mà ngược lại, còn tệ hại hơn cả bây giờ, tệ hại hơn cả Đội tạp chủng, sẽ thành trò cười cho cả Hollywood. Nàng chưa muốn tất cả chấm dứt ở đây. "Tôi cho là không được tốt, thưa bác sỹ" "Tôi muốn cô chuyển ông ta vào phòng chăm sóc đặc biệt". "Tốt?" Đạo diễn hô. "Cắt, đưa in luôn". Tất cả thế thôi ư, cảnh quay đầu tiên trong đời nàng? Bước chân đầu tiên nàng đặt vào điện ảnh? Jill hầu như không biết quanh nàng người ta lại ồn ào như sân bóng, lại chạy tới chạy lui… Còn nàng, lại chẳng ai nhắc đến nữa, lại là người đứng ngoài. Nàng có nên nhắc khéo lại bằng cách đến cám ơn đạo diễn không nhỉ. Biết đâu ông ta lại mời nàng một vai gì đó, tiếp theo, vì đã cảm nhận được một cái gì đó đặc biệt ở nàng qua vai cô y tá. Vừa lúc đó, chàng thư ký trường quay bước đến gật đầu với nàng. "Cũng được đấy, cô em. Nhưng lần sau nhớ học thuộc lời thoại vào". Anh ta còn phải dặn ư? Cái "lần sau" ấy đến với Jill cách lần đầu… mười ba tháng, và ở Hãng MGM, chỉ giống lần đầu ở chỗ vẫn là vai phụ, và thời gian diễn vẫn không đầy một phút. Khoảng thời gian giữa lần đầu và lần sau ấy, nàng cũng như Đội tạp chủng, kiếm sống bằng đủ nghề khác nhau, chỉ thiếu nghề cởi đồ như Harriet, song bây giờ chính cô ta cũng đã kiếm được nghề người mẫu, thỉnh thoảng túng đói lắm mới "nhảy dù". Vì tiền nong hạn chế nên Jill và Harriet thuê chung một căn hộ có hai buồng ngủ. Trong khi Jill chẳng có ai đến chơi thì buồng Harriet khách khứa suốt ngày, đôi khi cả suốt đêm. Harriet mắt đen, tóc đen, mặt không đẹp lắm nhưng thân hình nom thật gợi cảm, và đầu óc thì toàn chuyện vui cười. "Tớ là dân Hoboken, sự vui cười nuôi sống tớ". Cô ta hay nói vậy. Thoạt tiên, Jill thèm được như Harriet, có thể yêu ngay từ câu tỏ tình bông đùa của bạn trai. Rồi sau nàng thấy sợ. Nó dẫn tới cái gì? Ở chung được một ngày, Harriet giới thiệu Ralph với nàng và bảo hai người sắp làm đám cưới. Mấy hôm sau Ralph biến mất cùng chiếc xe hơi của cô ta. Một tuần sau đó, Harriet gặp Tony, nghe nói làm kinh doanh hoa quả gì đó, và lập tức yêu mê yêu mệt. "Nhân vật quan trọng đấy", Harriet nói vậy, nhưng không lâu sau báo đăng ảnh xác Tony dạt vào bờ biển với một quả táo nhét trong mồm. Rồi đến Alex. "Cậu chả thấy ai đẹp trai như anh ấy đâu!". Đúng vậy. Có điều anh ta bỏ Harriet còn nhanh hơn cả khi yêu vì thấy người yêu không cung phụng nổi cho thói ăn no uống say của mình. Rồi tới cả chục chàng trai khác nữa, đến rồi đi, đến rồi đi…"Thấy ai yêu mình mà mình không yêu lại cứ như mình đánh mất một thứ gì đó. Mà mình lại không muốn để mất bất cứ thứ gì?" Harriet tâm sự. "Thế cái ô tô và vô số tiền bạc mất cho họ thì sao?" Jill định hỏi vậy nhưng nhìn vẻ mặt tội nghịêp của bạn lại thôi. Rồi Harriet báo tin có bầu. "Có lẽ là của Leonard", rồi đùa luôn, "tớ bảo có lẽ, vì ban đêm mọi anh chàng có râu đều giống hệt nhau, mà tớ thì chỉ yêu được những chàng có râu thôi". "Nói với Leonard chưa? Anh ta hiện ở đâu?" "Omaha hay Okinawa gì đó. Tớ dốt địa lý lắm". "Vậy sẽ ra sao?" "Tớ nuôi chứ còn sao nữa". Cái thai lớn dần, Harriet mất nghề người mẫu, tiền ăn, tiền nhà của cả hai, nay mình Jill gánh và nàng không phàn nàn gì, chỉ thêm thương bạn. Một buổi chiều, mở cửa căn hộ, nàng thấy im ắng lạ thường. Dưới khe cửa là mảnh giấy Harriet để lại "Tớ chỉ muốn con mình được sinh ra ở Hoboken. Và tớ tin ở đó đang có một chàng trai tuyệt vời dành cho tớ. Cám ơn những ngày sống bên cậu. Tớ yêu cậu, mãi mãi - Harriet, nữ tu sỹ". Ngay giữa mùa đông căn phòng cũng không lạnh đến thế. Chương 21 Bây giờ Toby Temple không chỉ bận rộn bởi chương trình biểu diễn luôn chật kín thời gian mà còn bởi phải tán gẫu với Tổng thống nước này, chơi golf với Quốc vương nước khác, ăn trưa với Nữ hoàng nước nọ, vân vân... nhưng chả ai trong số hàng triệu khán giả ruột của anh chạnh lòng cả, bởi họ biết, mãi mãi anh là người của họ, đứng bên phía họ chế giễu đám tai to mặt bự và các thể chế do đám người đó sinh ra để bảo vệ đế chế của mình. Trong một vài chương trình riêng, và trong toàn bộ các cuộc trả lời phỏng vấn, anh thường nhắc đến mẹ mình, và mỗi ngày bà càng giống một Nữ Thánh hơn. Còn cách nào khác để hai mẹ con được chia sẻ với nhau cái vinh quang hôm nay của anh? Toby chuyển đến sống tại khu Bel Air nổi tiếng, trong một cơ ngơi gồm hàng chục phòng ngủ, có phòng chiếu phim, bể bơi, hầm rượu, nhà riêng cho quản gia, cho khách, và lan can cầu thang bằng gỗ chạm trổ nhập từ Anh... Anh còn mua một ngôi nhà không kém phần sang trọng ở bãi biển Palm Springs, mua một đàn ngựa đua và thuê, cũng chẳng khác gì mua, cùng lúc ba người hầu, rồi gọi cả ba bằng một cái tên chung: Mac. Cả ba Mac đều tôn thờ anh như con chiên thờ Chúa. Họ làm mọi việc, không phân biệt lớn nhỏ, chẳng nề hà bẩn sạch, từ cọ rửa nhà, lái xe đến tắm rửa, xoa bóp và kiếm gái cho anh bất kể ở đâu và bất kể thời gian nào. Người ta bảo họ là ba anh hề của Vua Hài, nghe thì bóng bảy nhưng chưa chính xác lắm. Gọi là Thiên lôi chắc đúng hơn. Anh còn có bốn thư ký mà hai chuyên lo việc đọc và trả lời thư của hàng triệu người hâm mộ anh trên toàn thế giới. Còn thư ký của riêng Toby là một cô gái có tên Sherry, hai mốt tuổi, tóc tai vàng óng, vú vê nảy nở, đít đoi cong veo, hẳn là tác phẩm của một cặp ăn để sông, sông để làm tình tạo ra. Anh lệnh cho Sherry chỉ được mang váy ngắn và không được mang đồ lót, để tiết kiệm thời gian cho cả hai người. Đêm chiếu ra mắt bộ phim đầu tay của Toby thành công ngoài mong đợi. Vé mời không đáp ứng được đòi hỏi. Có mặt cả Sam Winters lẫn Clifton Lawrence. Xem xong, họ kéo nhau tới một nhà hàng làm vài ly ăn lnừng và tán gẫu. Toby chỉ gặp Sam Winters sau khi hợp đồng làm phim Chàng trai tìm về miền Tây giữa anh và Pan-Paciflc đã được ký kết. "Anh sẽ khỏi tốn đến chừng này tiền nếu chịu trả lời "những cú điện thoại của tôi". Toby nói rồi vui vẻ kể Sam nghe về việc anh đã cố gắng tìm Sam thế nào. "Thật đen đủi cho tôi". Sam rầu rĩ nói. Còn bây giờ, sau thành công của Chàng trai tìm về miền Tây, Sam nói với Clifton. "Nếu không buộc phải đổi một bộ phận cơ thể nào, tôi xin ký một hợp đồng liền ba phim với Toby". "Ngoài cơ thể thì được chứ? Sáng mai tôi sẽ gọi anh". Clifton bảo Sam rồi nhìn nhanh đồng hồ và nói với Toby. "Ngồi chơi tiếp nhé, tôi đi đây". "Bận gì mà ông chia tay sớm vậy?" "Một khách hàng đang chờ. Tôi còn nhiều khách hàng lắm, anh bạn ạ". "Tất nhiên, tôi biết". Toby đáp và nhìn Clifton rất lạ. Sáng hôm sau, mục bình phim của các báo lớn nhỏ tràn ngập những lời khen Toby, nhiều hơn khen chính bộ phim nữa. Và những người viết quả quyết anh sẽ là một ngôi sao điện ảnh, như đã từng là ngôi sao sân khấu và truyền hình. Toby bảo cô thư ký váy ngắn - không đồ lót đọc cho nghe hết các bài báo rồi gọi cho Clifton Lawrence. Ông ta nói. "Xin chúc mừng, anh bạn nhỏ. Đã đọc Reporter và Variety chưa? Cái khó nhất của họ là tìm không ra lời khen cho xứng với ngôi sao mới của Hollywood. Anh còn nhớ tôi đã tiên đoán là sẽ tới ngày anh có cả thế giới trong tay. Ngày ấy đến rồi đó, Toby!" Giọng Clifton không giấu nổi vẻ tự đắc. Toby không tỏ ra vui mừng đến mức như Clifton nghĩ. Anh nói điềm đạm. "Có việc cần bàn, ông tới đây được không?" "Tất nhiên. Vài tiếng nữa, khi nào xong việc tôi sẽ…" "Ý tôi là ngay. Ngay bây giờ!" Có vẻ ngập ngừng ở đầu dây bên kia, Toby nói luôn. "Nếu ông bận thì coi như tôi chưa nói gì hết". Anh dập máy. Chưa đến phút sau, chuông reo, cô thư ký của Clifton nói. "Thưa ông Temple, ông Lawrence đang trên đường tới gặp ông". * * * * * "Lạy Chúa, anh biết là không bao giờ tôi bận đến mức để hỏng việc của anh mà", Clifton nói với giọng năn nỉ, hầu như chưa từng thấy ở ông, "trái lại chẳng những việc, mà bất cứ gì liên quan đến anh tôi đều đặt ở vị trí số một. Vừa tối qua mình ngồi với nhau, cả Sam nữa, có thấy anh nói gì chuyện hôm nay gặp nhau đâu, nên tôi mới hẹn người khác…" Toby cứ mặc cho Clifton phân trần, chỉ đến khi ông nói, "Toby, anh phải tin rằng anh là khách hàng được tôi cưng chíều nhất chứ" thì anh mới lạnh lùng buông ra một câu khiến ông ta sững người ra. "Vậy ư, ông Clifton? Thế mà tôi lại bắt đầu thấy bất an trong lòng". "Tôi... tôi không hiểu". "Có được cưng chiều đến mức ông bỏ mọi khách hàng khác chỉ để lo cho mình tôi không?" "Anh đùa, hay thực sự nghĩ vậy?", ông ta cười cười. "Ông nghĩ có thể đùa với đề nghị đó ư?" Anh hỏi lại và thấy nụ cười biến khỏi gương mặt Clifton. "Tôi cho là tôi đã có quyền có một đại lý riêng cho mình, và chỉ cho mình mà thôi, và người đại lý ấy sẽ không bao gỉờ phải nói đang bận khi tôi cần đến. So sánh thế nào nhỉ. Cứ tạm hiểu là tôi mới cái đó của tôi khi đã cứng ngắc lên là phải chơi ngay chứ không cần chờ tới lượt mới được như kiểu chơi hội đồng". Clifton lặng lẽ quan sát Toby. Ông hiểu gốc gác của sự đòi hỏi này. Đâu phải Toby ích kỷ hay lên mặt, nhất là với ông. Nó chỉ xác định lại những gì ông đã quan sát, đặt giả thiết, và giờ ông khẳng định nó gắn với nỗi cô đơn của Toby, cũng như khẳng định Toby là người đàn ông cô đơn nhất mà ông biết tới. Ông từng thấy Toby "mua" cả tá đàn bà, cũng như bạn bè, bằng những tập đôla dày cộm hoặc những món quà đắt giá. Có mặt Toby thì ở bất kỳ bữa ăn hay cuộc vui nào cũng không ai được phép trả tiền. Clifton đá tận tai nghe một nam ca sĩ bảo Toby, "Anh không cần phải mua sự yêu mến. Tất cả đã đang và sẽ mãi yêu mến anh mà". Rồi ông thấy Toby cười láu lỉnh với anh ta, "Cho nó chắc ăn hơn". Không bao gìờ người ca sĩ đó có mặt trong chương trình của Toby nữa. Clifton còn biết Toby cùng lúc ngủ với cả hai, ba, thậm chí năm, sáu cô gái, tưởng như anh đã tìm ra cách giải toả nỗi thèm muốn đàn bà trong mình. Nhưng đâu phải. Cái anh cần là sự chia sẻ, và chỉ một cô là đủ, nếu thực sự anh tìm được sự chia sẻ ở cô gái đó. Vì không thấy, anh bèn nghĩ ra cách lấy lượng bù chất. Nhưng ăn thua gì đâu. Họ vừa rời khỏi, cô đơn lại ập đến với anh. Anh cần bạn bè, những người quen biết vây quanh, - như cần khán giả. Nghĩa là không thể không có, ở bất kỳ lúc nào. Và bây giờ anh cần đến ông, Clifton Lawrence, đại lý của anh, từ ngày anh chập chững vào nghề, không tiền, không tên tuổi. Anh cần ông luôn có mặt bên anh, sống và làm việc vì anh, chỉ vì riêng mình anh thôi. Clifton là đại lý của hơn chục diễn viên cả sân khấu lẫn điện ảnh nhưng tổng số tiền ông được hưởng từ họ cũng chỉ ngang ngửa với thu nhập của ông từ một mình Toby. Nhưng ông chỉ ngầm so sánh vậy chứ không để tiền bạc tham gia vào quyết định của mình. Nếu như chấp nhận đòi hỏi của Toby thì hoàn toàn là bởi Clifton yêu mến anh và biết anh thực sự rất cần đến ông, ngay cả khi đang ở đỉnh vinh quang này. Và chính ông cũng cần đến Toby nữa. Anh đã làm cuộc đời ông phong phú biết bao, ý nghĩa biết bao và còn bao kỷ niệm họ đã có, đã chia sẻ với nhau. Khi Toby rót đầy ra hai ly rượu, Clifton nâng một ly lên ngang mặt, chúc. "Cạn chén, cho riêng Clifton và Toby!" * * * * * Một năm hoàn hảo đối với Toby. Có thể nói như vậy vì anh không chỉ thành công trong các chương trình biểu diễn trên sân khấu, truyền hình và điện ảnh mà còn là người khách luôn được mong chờ ở mọi cuộc vui, dù chủ nhân là nguyên thủ quốc gia hay chỉ là dân thường. Tại bữa tiệc sinh nhật của nhân vật đã có công sáng lập ra một Hãng phim, ai đó đứng bên bỗng hỏi Toby. "Có thật hôm nay là ngày sinh lần thứ chín mươi nhăm của ông ấy?". "Tôi không nghi ngờ gì hết", Toby đáp, "vì đã nhận được thiệp mời, năm năm nữa, vào tuổi một trăm, đến dự lễ ông ta cưa đôi mình thành hai phần bằng nhau". Có một bác sĩ nổi tiếng cả về chuyên môn lẫn về từng chữa bệnh cho nhiều tài tử nổi tiếng, trong một bữa ăn cứ thao thao những chuyện tiếu lâm trước một nhóm diễn viên hài. Toby làm như quỳ xuống trước mặt ông ta, năn nỉ. "Thưa bác sỹ, hãy cứu lấy chúng tôi bằng cách đừng mua vui cho chúng tôi nữa…" Còn những trò đùa nghịch của Toby thì lan truyền khắp cả nước Mỹ. Có hôm, ngay cả Chủ tịch Thượng viện cũng muốn nghe cho xong câu chuyện về Toby rồi mới tuyên bố khai mạc cuộc họp do ông chủ trì. Đó là chuyện một anh bạn Thiên Chúa giáo của Toby phải vào bệnh viện làm tiểu phẫu. Bệnh tật khiến anh ta bi quan, suốt ngày thở ngắn than dài. Một hôm, khi đang còn phải nằm ở phòng hậu phẫu, một xơ lạ mặt rất trẻ và rất đẹp bỗng dừng lại bên giường bệnh cầm tay anh ta như xem mạch rồi sờ lên trán anh ta. "Sắp xuất viện được rồi. Ơ này, da anh mịn quá nhỉ". "Cám ơn xơ". Xơ nhoài qua giường, làm như phải kéo lại chăn, vuốt lại gối, và đôi vú nở nang không mang đồ lót của xơ áp lên mặt người bệnh, rồi còn dịch chuyển trên đó nữa. Ốm yếu và bi quan là vậy mà anh ta vẫn cứ thượng cứng lên. Do phải sửa lại chăn nệm, tay xơ vụng về thế nào đụng luôn vào cái của nợ đó. Anh ta xấu hổ chỉ muốn kéo chăn trùm kín đầu. "Chúa ơi", xơ kêu lên, "anh giấu cái gì trong chăn vậy?" Rồi xơ kéo tuột chăn ra. Anh ta hổn hển những lời xin lỗi khi mà cái đó cứ giần giật. "Anh có lỗi gì đâu. Mà nom nó hùng dũng thật đấy ". Xơ thản nhiên nói rồi ấp mặt vào cái chỗ mà anh ta cứ chực che đi. Tới nửa năm sau, khi đã trở lại khoẻ mạnh và vui tươi hoàn toàn, anh ta mới biết chính là Toby đã thuê một gái điếm đóng giả xơ đó. Lại một hôm, khi đã bước ra khỏi thang máy, Toby chợt quay lại nói với một VIP điệu bộ đầy vẻ quan cách của một Hãng phim còn phải đi tiếp lên tầng trên. "Tôi quên hỏi thăm, Will, cách nào mà ông thoát khỏi vụ án với cô bé mang bầu ấy thế, mách anh em với chứ?" Cửa thang máy khép lại trước gần chục ánh mắt dè bỉu hướng vào VIP đang ngớ người ra. Toby chi tiêu rộng rãi, rất hay tặng quà nhân viên, bạn bè mà chẳng cần nhân dịp gì hết, từ bật lửa, đồng hồ mạ vàng đến trọn tủ quần áo, đến cả chuyến du hý châu u. Anh có thói quen mang theo người rất nhiều tiền mặt, luôn đòi thanh toán mọi thứ bằng nó, kể cả khi mua cùng lúc hai chiếc xe hơi sang trọng bậc nhất: Rolls Royce. Giầu sang vậy song Toby không quên cái thuở hàn vi ngày nào và luôn chạnh lòng trước đám nghệ sỹ chưa được hưởng cái may mắn như anh hôm nay. Mỗi thứ sáu hàng tuần lại có cả chục con người trong ngành điện ảnh đang sống vất vưởng vì thiếu việc làm đến gặp Toby để nhận từ anh một giúp đỡ nào đó. Song để lợi dụng anh thì lại là điều anh không cho phép. Có lần Toby đã nói thẳng với một diễn viên mà anh thấy thứ sáu nào cũng có mặt. "Kìa, làm gì ở đây vậy? Tôi thấy tờ Variety loan tin là anh mới nhận vai mà?" Có điều hay là anh chàng kia chẳng cáu kỉnh hay giận dỗi gì mà chỉ lầu bầu. "Đểu thế, muốn cắt suất thì cũng nên báo trước hai kỳ cho tôi chuẩn bị chứ" Giai thoại về Toby thì vô kể, mà phần lớn lại là chuyện thực. Có lần, một người trong nhóm soạn thảo tiết mục đi làm muộn, điều Toby ít khi tha thứ. "Tôi xin lỗi, sáng nay thằng con tôi bị xe chẹt phải". Anh ta nói. Toby lạnh lùng hỏi. "Anh có mang theo chuyện cười không?" Ai nấy đều sửng sốt. Khi Toby đi rồi, một người lẩm bẩm. "Nhìn hắn trên sân khấu, không ai dám nghĩ lòng dạ hắn băng giá đến vậy". Nhưng chính Toby đã mua vé máy bay mời một bác sỹ chuyên khoa não giỏi nhất đến mổ cho đứa bé bị thương và trả toàn bộ viện phí cho nó. Anh cảnh cáo bố nó. "Hé răng chuyện này với bất kỳ ai thì đừng vác mặt đến gặp tôi nữa". Chỉ công việc mới mang niềm vui lại cho Toby, giúp anh thoát khỏi nỗi cô đơn. Anh thực sự hạnh phúc và khiến mọi người quanh anh cũng hạnh phúc nếu buổi diễn thành công. Còn nếu nó có gì trục trặc thì tất cả sẽ biến thành địa ngục. Toby cũng là kẻ mang đầu óc tư hữu. Anh từng chụp lấy đầu Rainger, một trong "Hai tay ấy" ngày nào, và nói với cả phòng. "Cái đầu này của tôi đấy, của riêng tôi thôi". Song không phải là anh yêu quý những soạn giả hài kịch của mình lắm đâu. Đôi khi còn căm ghét họ là khác. Bởi anh không thể không cần đến họ, mà thâm tâm thì anh lại chẳng muốn mình phải thực sự cần đến một ai. Vì vậy, hễ có dịp là anh không thèm giấu thái độ coi thường của mình. Vào ngày lương, Toby viết séc cho từng người rồi gấp lại thành máy bay giấy và phi cho chúng bay lượn khắp phòng. Anh thẳng tay đuổi họ vì những lý do đâu đâu. Thí dụ như nước da rám nắng của một người chẳng hạn. Khi O Hanlon ngạc nhiên hỏi lý do đuổi anh ta, vì đó là một trong những cây bút khá nhất của nhóm soạn giả thì Toby thản nhiên đáp. "Thời gian đâu để da rám nắng nếu hắn chịu khó ngồi làm việc cho tôi?" Một người viết khác được Clifton tiến cử đã bị đuổi ngay ở buổi làm việc đầu tiên vì mang theo chuyện khôi hài về các bà mẹ. Còn nếu vị khách nào tham gia chương trình của Toby mà được khán giả tán thưởng, anh thường vỗ tay to nhất và nói. "Tôi rất vinh hạnh được biếu diễn cùng anh". Nói xong anh nhìn chủ nhiệm chương trình. "Tuần sau nhớ mời anh ấy nhé!" ông chủ nhiệm hiểu rằng người đó sẽ không bao giờ được có mặt trong chương trình của Toby nữa. Con người anh chồng chất mâu thuẫn. Có chuyện như trên, nhưng cũng lại có chuyện như sau: Vinnie Turkel từng là một danh hài song tuối già đã kéo ông xuống dốc. Rồi ông được thuê, lần đầu tiên, đóng vai trong một vở kịch sẽ được truyền hình trực tiếp. Và ông hy vọng đây sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ mình còn khả năng xuất hiện đều đặn trở lại. Hôm ấy, tình cờ đi qua phòng hoá trang, Toby thấy Vinnie say mềm trong đó. Anh hỏi, thì được nghe người đạo diễn chương trình đó tặc lưỡi: "Đành chịu thôi, kể như sự nghiệp ông ấy tiêu rồi". "Đã xảy ra chuyện gì?" "Người ta đã quen nhìn Vinme với vẻ hài hước nên bây giờ, khi ông ta cố làm ra nghiêm chỉnh, mọi người lại càng cười nhiều hơn. Và làm ông ta không diễn được nữa. Còn giọng ông ta vẫn tuyệt lắm, tiếc quá". "Nghe nói Vinnie hy vọng rất nhiều vào vai diễn này?" "Thì cũng như mọi diễn viên thôi, ai chẳng đặt hy vọng vào vai diễn của mình". Toby cho đưa Vinnie về nhà, chăm nom, săn sóc như với một người bệnh, rồi ân cần hỏi. "Đây là vai diễn rất quan trọng với ông, định để nó tuột khỏi tay ư?" Vinnie chán nản. "Tuột mất rồi Toby ạ, vĩnh viễn mất rồi". "Tại sao?" "Họ cứ cười tôi. Và tôi nghĩ mình không diễn nổi". "Họ cười là đúng chứ, vì cả đời ông sống chỉ để làm cho người khác phải cười. Họ vẫn nghĩ ông là danh hài mà. Cười, đâu chỉ có nghĩa là giễu cợt. Giờ đã đến lúc họ phải thấy ông ở một tài năng khác nữa, và họ sẽ còn yêu ông hơn. Hãy bắt đầu đi Vinnie". Nửa đêm, Toby gọi cho đạo diễn vở kịch, nói rằng không phải lo lắng gì cho Vinnie nữa, mọi sự ổn cả rồi. Anh ta nói luôn. "Còn lo lắng gì nữa, tôi đã kiếm được diễn viên thay cho ông ta ". "Bỏ đi!", Toby nói như ra lệnh. "Phải dành cho Vinnie cơ hội này". "Để ông ta lại say xỉn vì rượu và vở kịch của tôi đi đời ư?" Đạo diễn không dễ nhân nhượng. Toby nói như mặc cả. "Thế này nhé, hãy để ông ta tập, và khi diễn thử, nếu anh vẫn không chấp nhận Vinnie, tôi sẽ thay vào vai đó và sẽ không lấy thù lao của anh!". "Anh kể chuyện hài vào lúc nửa đêm này ư?" "Dám mang cái quần của anh ra cá cược không?". Toby nói giọng nghiêm chỉnh. "Bảo ông già chín giờ sáng mai đến tập nhé!" Vở kịch được phát trực tiếp trên sóng truyền hình và đặc biệt ăn khách. Báo chí hết lời ca ngợi Vinnie Turkel. Ông già ẵm vô số giải của truyền hình và trở thành diễn viên kịch, một nghề hoàn toàn mới mẻ với ông. Khi Vinnie gửi tặng Toby một món quà rất có giá trị, anh đã gửi trả, kèm theo mảnh giấy ghi hàng chữ "Tôi đâu làm nổi việc đó. Chính là ông!". Cũng có một Toby như thế. Nhưng, chữ "nhưng" ở Toby chẳng bao giờ hết cả. Khi được mời diễn trong chương trình của Toby, ông già Vinnie đã vô tình dẫm chân vào một trong những lĩnh vực hài hước của anh và tức khắc, ông ta đã phải nhận đòn trừng phạt cho đến hết đời, thậm chí còn bị Toby làm nhục trước hàng triệu khán giả truyền hình. Lại có một Toby như thế nữa. Còn thực sự Toby là người thế nào? O Hanlon nói. "Có bộ phim kể về cuộc gặp giữa vua hề Charlie Chaplin và một triệu phú. Mỗi khi say rượu, nhà triệu phú coi Charlie là bạn, còn khi tỉnh, ông ta tống cổ Charlie ra đường. Temple cũng như nhà triệu phú ấy, chỉ khác là không có rượu". Có lần, khi gặp các VIP của một Hãng truyền hình, thấy có người im lặng suốt cả cuộc gặp, Toby liền bảo Clifton. "Có lẽ ông ta không ưa tôi." "Người nào?" "Cái tay uỷ-viên-không-hé-răng ấy". "Chẳng ai có thể không ưa anh cả. Tưởng tượng ra điều đó làm gì". "Ông ta không thèm nói với tôi một tiếng. Đúng là ông ta không ưa tôi". Toby dai dẳng. Tìm kiếm mãi, cuối cùng Clifton cũng biết ông không-hé-răng đó là ai. Nửa đêm, Clifton gọi điện tới nhà riêng, dựng ông ta dậy hỏi xem có ác cảm gì vớì Toby Temple. Ngạc nhiên, ông ta đáp. "Ác cảm gì? Tôi coi anh ấy là người hài hước nhất đời". "Vậy hãy làm ơn giúp tôi một việc: gọi điện tới và nói với Toby điều anh vừa bảo với tôi". "Được để mai. Gọi anh ta lúc nào cho tiện nhỉ?" "Tiện nhất là ngay bây giờ". "Bây giờ? Ông biết đang là mấy giờ không? Ba-giờ-sáng? Để mai Toby đưa tôi ra làm trò cười trên truyền hình à?" "Không có chuyện đó đâu. Toby đang chờ câu nói của ông. Hăy giúp tôi, làm ơn!" Không thể đừng, ông ta đành làm theo. Chuông vừa reo, bên kia đã có người nhấc máy, và giọng Toby cất lên. "Xin chào!" Ông ta cố lấy giọng tự nhiên. "Tôi đây, tôi chỉ muốn nói với anh, rằng anh thật… thật tuyệt vời. Tôi rất thích anh". Toby đáp. "Cám ơn ông bạn". Sau đó là tiếng dập máy. "Băng nhóm" của Toby mỗi ngày mỗi đông hơn: Không ít lần anh chợt nửa đêm gọi điện kêu người này người kia tới uống rượu hoặc dựng dậy O Hanlon và Rainger, tức Hai tay ấy, bàn bạc về các vở diễn. Anh còn rất hay xem phim tại nhà, suốt đêm với Clifton Lawrence, ba chàng Mac, vàỉ ba diễn viên cùng đám ăn nhờ uống vả nọ. Càng nhiều người xung quanh Toby càng thấy cô đơn. Chương 22 Năm 1963. Đã sang tháng Mười một. Cái se lạnh của mùa thu bỏ đi nhường chỗ cho cái băng giá ập đến. Mặt trời xuyên qua lớp mây mù toả xuống thứ ánh sáng nhợt nhạt, không sinh khí. Những cơn mưa đầu đông lác đác xuất hiện. Mỗi sáng, Jill Castle vẫn thường ghé vào quán cà phê quen thuộc của Đội tạp chủng và thấy tất cả; chủ lẫn khách, đồ ăn thức uống lẫn câu chuyện đều vẫn vậy, vẫn chẳng thay đổi chút xíu gì so với ngày đầu tiên nàng đặt chân tới. Điều khiến nàng chán nản nhất là những người sống bên rìa điện ảnh này dường như luôn cùng tâm trạng với nàng, như đều rình chộp lấy một cơ hội trời cho nào đó để vụt biến thành ngôi sao, và họ thực tâm tin vào điều đó, như nàng hằng tin vậy. Năm tháng trôi qua, cái cô Jill ngơ ngác ngày nào nay đã thành chị cả của Đội tạp chủng. Nàng lắng nghe những thở than về nỗi lòng, những giãi bày về tâm sự, những vướng mắc về mọi vấn đề cơm áo gạo tiền của họ và giúp họ trong khả năng nàng có thể, từ dăm lời khuyên nhủ đến một vài đôla hoặc bữa ăn, giấc ngủ khi họ-cơ nhỡ. Nàng không giao du thân mật, cũng chẳng hò hẹn với người khác giới nào, một phần vì nàng chỉ quan tâm tới sự nghiệp, phần nữa vì cũng chẳng thấy ai thực sự cuốn hút. Thừa ra được chút tiền nào, Jill Castle lại gừi về cho mẹ, cùng những lá thư kể về những việc nàng đang làm tại Hollywood, nghe thật sướng tai. Thời gian đầu mẹ còn khuyên nàng sa vào tội lỗi thế là đủ rồi, hãy nên quay lại đường sáng bằng cách về nhà làm nàng dâu của Chúa nhưng rồi thấy nàng gửi tiền về ngày một nhiều hơn, lại toàn là tiền do đóng phim mà có nên bà Czinski, dù vẫn miễn cưỡng, song cũng không khỏi có chút tự hào về con gái, chỉ còn căn dặn nàng hãy cố chọn vai những cô gái tốt, sẵn sàng tử vì đạo trơng các phim về tôn giáo mà đóng. Odessa vẫn chỉ được coi là một thị trấn nhỏ và Jill biết mẹ nàng vẫn may quần áo thuê cho các bà các cô trong nhóm Những người có dầu và còn biết chắc chắn bà sẽ kể cho họ nghe về con gái mình, và thế nào, không sớm thì muộn, những tin tức về những thành công của nàng cũng đến tai David Kenyon. Trong các lá thư viết cho mẹ, nàng thường khéo léo khoe đã đóng cặp cùng diễn viên nổi tiếng này, đã từ chối lời mời của ngôi sao kia, và cẩn thận chỉ gọi bằng tên riêng của họ mà thôi. Nàng còn học được cái khoé của Đội tạp chủng là thuê một thợ ảnh phục sẵn chỉ để chụp nàng khi, bằng cách này cách khác, đứng gần các ngôi sao điện ảnh. Những bức ảnh đó đều được in thành hai bản, một nàng giữ và một gửi về cho mẹ. Cứ theo thư và ảnh, Jill Castle, hoặc Josephine Czinski của Odessa, đã là diễn viên điện ảnh thật sự nổi tiếng rồi. * * * * * Vùng đất phía Nam California không phải quanh năm chan hoà ánh nắng nhưng cũng không bao giờ có tuyết rơi. Nơi đây có tập tục là ba tuần trước ngày Giáng sinh người ta lại tổ chức cuộc diễu hành của ông già Noel dọc đại lộ Hollywood, rồi đêm nào cũng vậy, cho tới đêm trước của ngày lễ đoàn xe cứ làm náo nhiệt khắp các nẻo đường. Dù thiếu tuyết nhưng người dân Hollywood đón mừng ngày sinh của Chúa cũng đâu kém cạnh gì mảnh đất hàng xóm Bắc California, kém cạnh gì bất cứ vùng đất nào trên toàn nước Mỹ và cả trên toàn thế giới. Đúng là người dân ở đây chỉ thiếu tuyết mà thôi. Họ trang hoàng trong nhà và ngoài đường phố bằng đủ các loại đèn với đủ các màu sắc, họ làm cây thông Noel bằng nhựa, họ cắt hình ông già tuyết và cỗ xe trượt cùng đàn hươu bằng bìa, họ tặng nhau những món quà có đắt có rẻ nhưng đều mang ý nghĩa của món quà Noel. Không thiếu ngôi sao nghệ thuật nào trong buổi diễu hành ấy, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Cũng chẳng thiếu ai trong đám sống bên rìa Hollywood, và đầy đủ các thành viên Đội tạp chủng, dĩ nhiên. Họ tham gia diễu hành không phải để làm vui cho ngàn vạn con người đứng hai bên lề đường vẫy chào mà vì chính họ, hy vọng được xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, bởi cuộc diễu hành được truyền hình trực tiếp và phát sóng từ bờ Đông qua bờ Tây Thái Bình dương. Jill Castle lặng lẽ thu mình vào góc tường có mái hiên che, ngắm đoàn diễu hành dằng dặc như không bao giờ hết. Các ngôi sao điện ảnh trên những chiếc xe lộng lẫy sắc màu, ở những vị trí dễ thấy nhất, miệng cười tay vẫy đám người hâm mộ chật kín hai bên đường. Năm nay, ông Hoàng của cuộc diễu hành là Toby Temple. Đám đông như hoá dại khi chiếc xe có anh từ từ trôi đến. Jill đứng hơi lui về sau nhưng cũng thấy được nụ cười tươi tắn trên gương mặt ngây thơ của anh. Những chiếc xe trang hoàng rực rỡ cứ trôi đến, rời trôi qua Jill, liên tục. Các đội nhạc; nào của học sinh, nào của sinh viên, nào của Hải quân, nào của cả đội quân cứu thế và Hội Tam Điểm, không kể xiết. Rồi cờ, hoa, biểu ngữ của cảnh sát, lính cứu hoả... Rồi đám hề, đám thất nghiệp cũng leo hết lên xe, cũng hò reo, ca hát... Tuy không thật đúng với tinh thần Giáng sinh nhưng nó lại rất được tán thưởng bởi có vậy nó mới là Hollywood. Một diễn viên chuyên sắm vai phụ bỗng nhoài người qua thành xe vẫy tay rối rít về phía nàng. "Jill! Chào! Vẫn khoẻ chứ?" Vài cái nhìn ghen tỵ hướng về Jill và nàng ngầm tự hào vì đã thêm nhiều người biết nàng ở trong giới điện ảnh. Chợt nàng nghe một giọng nam trung ấm áp bên tai. "Xin được hỏi cô là diễn viên điện ảnh?". Jill nhìn sang. Người vừa hỏi vẫn đang hướng khuôn mặt đẹp trai về nàng, ánh mắt nâu sáng chờ đợi. Anh ta cao to, trạc hai nhăm tuổi, mặc bộ đồ bò, hai miếng da mềm bọc hai khuỷu tay áo. Jill đáp khẽ, rất khẽ. "Vâng!" Anh ta có vẻ thông cảm. "Hẳn cũng như tôi. Vẫn có vai nhưng vẫn phải vật lộn ghê gớm". Jill bỗng thấy nhẹ nhõm. "Thế thì cùng cảnh ngộ rồi". "Xin được mời cô ly cà phê Giáng sinh". Anh ta nói rồi nghiêng người đưa tay như mời khiêu vũ. Jill bật cười đi theo anh ta. Alan Preston, dân thị trấn Salt Lake, ông bố là bõ già nhà thờ Mormon. Anh ta nói như tâm tình vôi Jill. "Tôi lớn lên trong bầu không khí đặc sệt tôn giáo nên rất ít thời gian và cơ hội dành chỏ những sở thích riêng". Sao giống mình thế, Jill thầm nghĩ. Alan buồn bã nói tiếp. "Tôi diễn xuất không tồi, nhưng quả là khó vươn lên ở Hollywood này. Ở đây, hình như có cái mốt là muốn vươn lên thì phải đạp người khác xuống. Tôi không theo được mốt đó. Tôi thích quê mình hơn, ai nấy đều sẵn sàng giúp đỡ nhau". Tới giờ quán cà phê đóng cửa thì Jill và Alan đã nói nhau nghe và nghe nhau nói khá nhiều, cả những điều mà họ, nhất là Jill, không hề nghĩ sẽ nói với người khác giới ở buổi gặp gỡ đầu tiên. Ra khỏi quán, Alan nhìn Jill, giọng không được tự nhiên. "Mời Jill về chỗ tôi, nếu không thấy phiền?" Jill thoáng chút ngập ngừng, song đúng là không thấy phiền gì hết, im lặng gật đầu. Alan thuê một căn buồng trong nhà trọ nằm cuối đại lộ Highland, cách sân bóng bầu dục Hollywood mấy khu nhà. "Có dịp, tôi sẽ cho cô thấy cái bọn cặn bã của điện ảnh sống ra sao trong cái ổ lợn gọi là nhà trọ này. Tất cả chui rúc ở đây để tin rằng mình sẽ làm nên một cái gì đó nhớ đời trong điện ảnh Hoa Kỳ". "Chúng ta, tôi và anh, thì cũng có khác gì họ". Jill nhủ thầm cay đắng. Đồ đạc trong phòng Alan chả có cái gì đáng tiền, lại còn xiêu vẹo, khập khiễng nữa, kể cả giường tủ, bàn ghế… Anh ta phẩy tay về phía chúng. "Tạm bợ cả thôi, cho tới khi tôi tìm thấy cung điện dành cho mình". Mình cũng vậy. Có điều, tạm bợ cho đến bao giờ. Jill lại cay đắng nhủ thầm. Bỗng Jill cứng đơ người lại và câu nói tự nhiên thốt ra "Đừng, tôi không muốn" khi Alan choàng tay qua eo nàng. Anh ta sững lại giây lát, nhìn nhanh Jill rồi nói. "Tôi xin lỗi". Jill bỗng thấy mình ngớ ngẩn. Vậy thì nàng làm gì ở phòng riêng của : người đàn ông này đây, người mà nàng đã nghe, và đã nói, cả buổi tối nay, và dường như không muốn bỏ anh ta lại để ra về một mình. Nàng cũng đã biết vì sao, cũng như đã biết mình muốn gì. Lễ Giáng sinh đến gần càng làm tăng nỗi cô đơn trong nàng, đến mức tuyệt vọng. Nàng thèm có người ở bên để trò chuyện, chia sẻ. Nàng thèm có vòng tay đàn ông quanh mình, ôm ấp nàng, xoa nhẹ bờ vai nàng, ghì chặt lấy nàng. Nàng thèm có đôi môi đàn ông lướt nhẹ trên mũi, trên mắt, trên môi nàng và rồi thì thầm vào tai nàng rằng mọi khốn khó rồi sẽ qua đi và mọi việc sẽ trở nên tuyệt vời như nàng mơ ước. Nàng nhớ tới David Kenyon. Quá xa rồi. Đã là một thế giới khác rồi. Nhưng anh vẫn rõ mồn một trong nàng, vẫn khiến nàng nhức nhối vì thèm khát. Để rồi, khi cánh tay Alan một lần nữa vòng qua vai, nàng không nói. Đừng nữa, không cứng người lại nữa, mà nhắm mắt lại để thấy đó là David đang ngấu nghiến đôi môi nàng, đôi vú nàng, đang cởi quần áo nàng và đang đi vào nàng. Nàng rên lên, quằn quại. Đêm ấy Jill ngủ lại phòng Alan để rồi vài hôm sau anh ta xách va ly đến ở hẳn với nàng. * * * * * Chỉ sau vài tuần chung sống Jill đã nhận ra Alan là người đàn ông đuểnh đoảng, được chăng hay chớ và vô tích sự nhất mà nàng biết. Về một khía cạnh nào đó thì thế cũng là tốt bởi anh ta dễ nuôi mà cũng dễ ở, ngày nào biết ngày ấy, lo gần còn chẳng chịu nói gì lo xa. Jill có ý chê trách, anh ta thản nhiên. "Cái gì phải đến, nhất định đến. Hơi đâu đi tìm số phận. Trốn đâu nó cũng tìm ra ta thôi". Jill đành đầu hàng. Suốt ngày Jill đi làm hoặc đi kiếm việc làm trong khi Alan lại cả ngày nằm dài ngủ, đọc báo hoặc tụ tập bạn bè bia rượu, đã chẳng góp được đồng nào cho Jill lại thỉnh thoảng "tiêu đỡ" chỗ tiền lẻ nàng thường bỏ lăn lóc khắp nhà. "Cậu vớ phải đồ ôn dịch rồi", cô bạn bảo Jill. "Nó ở nhà cậu, ngủ trên giường của cậu, gối đầu lên vú cậu, ăn uống bằng tiền của cậu. Ngược lại, hắn cho cậu cái gì. Đuổi hắn đi". Đứa bạn nói chẳng có gì sai, nhưng Jill không làm được việc đó. Có thể, còn không muốn làm nữa. Bây giờ nàng mới hiểu vì sao Harriet, và nhiều cô bạn nàng nữa, cứ phải bám rịt lấy những gã đàn ông mà họ chẳng hề yêu thương, thậm chí căm ghét là khác. Chỉ bởi họ sợ sự cô đơn. Jill chẳng kiếm nổi việc gì khi chỉ tuần nữa là đến ngày lễ Giáng sinh. Những đồng đôla cuối cùng đang tuột dần khỏi tay mà nàng còn phải sắm quà Noel cho mẹ, và ít nhiều, cũng phải cho Alan nữa. Thì may, chính trong những ngày khó khăn nhất đó, Alan lại kiếm được việc, và cho cả hai mới tuyệt. Một sáng, anh ta dạy sớm rồi ra khỏi nhà cũng rất sớm, không hề nói đi đâu, làm gì. Khi quay về, anh ta hớn hở reo ầm lên. "Có việc! Có việc rồi!". "Làm gì hả anh. Những ngày này người ta chỉ chơi, việc đâu mà làm?" "Đóng phim chứ còn làm gì. Chúng mình không phải là diễn viên ư? ". Mặt Alan vênh lên. Lòng Jill tràn đầy niềm vui. Lại có thể được đóng phim trong những ngày này và trong lúc khốn khó nhất này ư. Chưa bao giờ nàng cần tiền như bây giờ. Giọng nàng run run. "Anh có nói chỉ để em vui chốc lát không đấy?" Nàng sợ Alan sẽ cười phá lên rồi gật đầu. Ai ngờ mặt anh ta bỗng nghiêm lại. "Anh vừa gặp một tay bạn hiện đã là đạo diễn phim và đang lo tìm diễn viên cho bộ phim sẽ bấm máy vào sáng mai. Hắn chấp nhận cả hai đứa mình, anh và em. Và một trăm đôla, cho mỗi đứa". Jill lao tới ôm ghì lấy Alan. Một trăm đôla! Nàng sẽ có quà cho mẹ, lại vẫn đủ cho nàng một thứ gì đó xinh xinh. Chiếc túi xách nàng đã ngắm lâu rồi chẳng hạn. Alan nói thêm. "Phim ngắn thôi, lại toàn nội cảnh, trong một gara họ mượn được của ai đó". Jill không để ý. "Ngắn dài gì chả là phim. Mình có vai diễn là tốt rồi!". * * * * * "Trường quay" đúng là nằm trong một gara ở ngoại vi phía nam Los Angeles, cái khu vực vốn hoang dại song, như có phép thần, chớp mắt đã trở nên trù phú. Một người đàn ông da ngăm ngăm đón họ từ cổng, bắt tay Alan, cúi chào Jill, khen hai người đến đúng giờ rồi nhìn kỹ Jill hơn và nói với Alan. "Tuyệt, cô nàng được cả mặt mũi lẫn thân hình đúng như cậu tả. Mình đồng ý". Jill thở phào nhẹ nhõm. Alan giới thiệu hai người với nhau. "Jill, đây là Peter Terraglio, đạo diễn. Peter, đây là diễn viên Jill Castle". Đạo diễn Peter dẫn hai diễn viên Alan và Jill đi qua chiếc gara bỏ không, qua một hành lang vắng vẻ tới hai căn buồng, có lẽ là buồng ngủ. Một buồng để ngỏ cửa và Jill nghe thấy có tiếng người vẳng ra bèn nhìn vào và chết đứng luôn, chút nữa thì kêu thét lên. Căn buồng kê chiếc giường ở chính giữa và trên giường là bốn con người trần truồng, hai đàn ông -một da đen, một dân Mehico và hai đàn bà - một đen, một trắng. Còn có hai người đàn ông da trắng đang bận rộn với hai chiếc máy quay phim đặt vuông góc nhau trong khi cô gái da trắng đang khom lưng liếm láp gã người Mehico, thỉnh thoảng lại ngẩng lên như lấy hơi, giục. "Bé cưng, hùng dũng lên cho chị xong việc đi nào…". Jill chỉ muốn chạy trở ra nhưng đôi chân bỗng nặng như đeo đá, nhấc không nổi. Alan vòng cả hai tay như chực giữ lấy Jill, ân cần. "Em sao vậy. Không có gì chứ?" Cơn đau đầu ập đến đột ngột và dữ dội khiến nàng không thể nói ra cái cảm giác kinh tởm của mình với Alan. Anh ta như chợt nghĩ ra điều gì bèn chạy vụt đi, chỉ kịp dặn với lại. "Đợi anh?" Jill vẫn đang ôm đầu khi Alan quay lại, một tay là chai Vodka, tay kia là lọ thuốc với những viên màu hồng bên trong. Anh ta nhét vào tay Jill hai viên và chai Vodka. "Sẽ dễ chịu ngay, uống kèm rượu tác dụng còn nhanh nữa". Jill uống luôn. Alan lẳng lặng đẩy tiếp một viên khác vào miệng nàng, ép nàng uống thêm chút rượu rồi dẫn nàng vào căn buồng ngủ để trống, đỡ nàng nằm xuống chiếc giường cũng kê chính giữa như ở buồng bên kia và bảo. "Em cần nghỉ ngơi trước đã. Đừng để ảnh hưởng tới diễn xuất". Không hiểu vì câu đừng để ảnh huởng tới diễn xuất hay vì tác dụng của thuốc mà Jill tỉnh táo hẳn lên và đầu nàng cũng đỡ đau rõ rệt. Alan lại đưa ra một viên thuốc nữa, và nàng lại uống luôn, cùng với Vodka, chẳng cần biết đó là thuốc gì, tác dụng ra sao. Chỉ vài phút sau, ơn Chúa, cơn đau đầu biến mất như nhờ phép thần thông. Mà sao Alan cứ chạy lòng vòng quanh nàng thế nhỉ? Tay nàng quờ quờ được tay anh, bèn nắm chặt lấy, và bảo. "Anh ngồi xuống với em đi". "Anh đang ngồi bên em đây thôi". Nàng cười giòn tan, cười rũ rượi, cười chảy cả nước mắt nước mũi. "Nó là thuốc gì mà hay vậy, anh yêu?" Thuốc đau đầu, loại cao cấp đấy em. Em khoẻ hẳn chưa?" -Nàng cười thay cho câu trả lời. Nàng thấy đạo diễn Terraglio thò đầu vào hỏi "Hai người vui vẻ chứ?" và nàng cười như nắc nẻ, đáp. "Vui lắm, hai người vui vẻ lắm". "Năm phút nữa nhé!" Terraglio nói với Alan rồi bỏ đi. Lập tức, Alan lăn sát vào Jill tốc váy nàng lên, lôi đôi vú nàng ra khỏi nịt ngực rồi bập miệng vào đó, bàn tay xoa nắn đùi nàng. Jill quằn quại vì thèm khát được anh ta đi vào nàng. "Em yêu, mặc họ làm gì thì làm, chúng mình chỉ biết làm tình với nhau thôi nhé. Chỉ hai chúng mình làm tình với nhau thôi, như đang ở nhà mình ấy mà. Chỉ khác là mình sẽ được trả tiền. Hai trăm đôla đấy. Tặng em cả phần của anh đấy". Đâu đó từ trong nàng thốt ra câu trả lời. "Không, anh yêu, không được đâu…" "Tại sao hả em?" Nàng đâu nghĩ được là tại sao. Hình như câu trả lời đã nằm sẵn trong tiềm thức và tự bật ra khỏi miệng nàng. "Vì em... em là diễn viên điện ảnh… em không được đóng phim con heo". "Anh cho vào nhé. Em có muốn không?" "Em muốn lắm, David của em ạ". Alan ngẩn người ra, nhưng chỉ trong giây lát. "Nào, anh cho nó vào trong em đây. David đang đi vào em đây. Nào…" Anh ta bế Jill đi sang buồng bên kia, nơi những người "làm phim" đang sốt ruột chờ đợi. Cảm giác lâng lâng bay bổng xâm chiếm nàng. "Vào việc luôn!" Terraglio nói khi thấy Alan bế Jill vào. "Giữ nguyên vị trí máy. Bớt trắng thêm hồng vào ánh sáng. Con điếm này có nước da đẹp thật…" "Cần thay vải trải giường không, thưa đạo diễn?" Ai đó hỏi. "Anh nghĩ đây là Hãng Pan-Pacific ư? Thấy bẩn thì lật mặt trái lên là ổn rồi". Jill đeo tay lên cổ Alan, thì thầm. "David, chỗ này đông người quá. Em sợ…" "Anh sẽ đuổi họ đi bây giờ, em yên tâm. Uống thêm viên nữa nhé?" Anh ta đặt Jill xuống giường, nhét viên thuốc màu xanh vào miệng nàng rồi làm một ngụm lớn Vodka sau đó mớm rượu cho nàng để chiêu viên thuốc. Miệng nàng mở ra đón dòng rượu, hệt như một nụ hôn say đắm. Kể từ sau viên thuốc màu xanh đó, tất cả thực tại biến hết đi trong nàng, chỉ còn mình nàng với David. Chỉ có riêng David với nàng thôi. David cởi áo nàng, kéo váy nàng qua đầu, giật đứt dây nịt quần lót nàng, rồi cũng trần truồng như nàng, anh ngồi lên trên nàng, ngửa đầu nàng ra. Nàng nheo mắt lại vì ánh đèn sáng trắng pha sắc hồng. " Yêu nó đi em!" David dịu dàng bảo. "Vâng? Vâng? Em yêu nó lắm…". Nàng vừa nói vừa vuốt ve nó và nghe thấy những tiếng xì xào. David đang nói gì với ai thế nhỉ? Anh nhích sang bên và toàn bộ gương mặt nàng phơi ra dưới ánh sáng, nom dại đi nhưng vẫn không mất vẻ xinh đẹp. Rồi nàng thấy mình như bị đè lên ở một chỗ nào khác nữa, ngoài chỗ David đang chiếm giữ. Kìa, anh lại đang đi vào nàng trong khi nàng vẫn âu yếm cái của anh. Nàng yêu nó. Nàng yêu anh, nhiều lắm. Tiếng xì xào và ánh đèn làm nàng khó chịu. Thây kệ, những đợt sóng khoái cảm ào đến, lui đi rồi lại ào đến khiến nàng quên đi tất cả, chỉ còn lại duy nhất David và tình yêu của anh. David yêu nàng chứ không yêu Cissy, và anh đã bỏ cô ta để đến Hollywood làm đám cưới với nàng. Anh đã biết nàng là một diễn viên điện ảnh, và anh còn đòi được đóng phim với nàng, và họ đang làm việc đó ngay trong kỳ trăng mật của hai người… "David!" Nàng gọi tên anh và mở bừng mắt ra nhưng chỉ thấy gã người Mehico đang hôn nàng, khiến nàng không hỏi được David đi đâu mà không hề nói cho nàng hay biết. Rồi nàng thấy gã da đen vục sâu mặt xuống hai đùi nàng và nàng lại bỗng thấy một đợt sóng khoái cảm mới mẻ ào tới khiến nàng phải nhắm nghiền mắt lại. Mở mắt ra lần nữa, nàng thấy gã da đen đã biến thành cô gái da trắng. Jill không biết gì nữa. Khoảng nửa tiếng sau, hai gã đứng nhìn thân hình trần truồng và bất động của Jill Castle nằm vắt ngang giường. Alan hất hàm về phía Jill, bảo Terraglio. "Tỉnh dậy thuốc vẫn chưa hết tác dụng đâu ông muốn biết thực sứ nàng thế nào, xin cứ tự nhiên. Miễn phí". Hắn cười đểu giả. Terragho lắc đầu. "Tôi có nguyên tắc của tôi. Làm phim thì được chứ làm tình với người lạ đang phê thuốc kích thích thì không. Tôi chả khoái cái tội hiếp dâm chút nào. Nhưng cậu chắc chắn là cô ta không sao, chỉ thiếp đi chốc lát thôi chứ?" "Tôi bảo đảm. Còn vụ kia thì tùy anh có hứng hay không thôi chứ tội tình con mẹ gì. Sau đừng có tiếc nhé. Nào…". Alan chìa tay ra. Terraglio đặt vào đó hai tờ một trăm đôla. "Gửi cậu đúng như cam kết. Tới chỗ bọn tớ dùng bữa vào đêm Noel chứ? Linda nhắc cậu luôn đấy". "Cám ơn anh. Cho gửi lời chào Linda! Tôi phải đáp chuyến bay sớm nhất đi Florida để vừa tránh mặt ả", anh ta lại hất hàm về Jill vẫn đang bất động, "Vừa kịp mua quà mừng Giáng sinh cho bà vợ và lũ con chứ". Terraglio xoa xoa tay. "Ta sẽ có một phim cỡ đầu bảng đây. Đặt cái tên gì cho nó nhỉ?" Alan toe toét cười. "Sợ gì mà không dùng tên thực của ả? Josephine Czinski ở Hollywood chẳng hạn. Tên phim nghe được đấy chứ? Phim này mà chiếu ở quê hương Odessa của ả, chắc đám bạn bè sẽ ghen nổ con mắt và biết đâu ta lại mộ thêm được vô khối diễn viên". Chương 23 Họ nói đúng có một nửa. Thời gian quả có làm thành sẹo các vết thương nhưng mặt khác nó lại huỷ hoại tuổi trẻ, sức thanh xuân. Mùa lại mùa nối nhau đến rồi đi, rồi lại đi, lại đến, cũng như những cô gái mơn mởn ào ạt đến thế chỗ những người đàn bà từng có thuở mơn mởn như vậy, song bằng đủ lý do đã đi khỏi Hollywood. Những cô gái mới đến này, càng về sau, mặt mũi họ như càng xinh xắn hơn, chân dài hơn, ngực nở nang hơn… và nhất là xông xáo, táo tợn thì ngày càng hơn hẳn. Nhìn thấy một cô trẻ trung xách hành lý bước xuống từ chiếc xe buýt đường dài Jill lại biết mình già đi một tuổi. Mấy tháng trước Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Có nghĩa bây giờ đang là năm 1964. Cũng có nghĩa Jill Castle đã sang tuổi hai nhăm. Từng có người xui Jill kiếm sống bằng nghề cởi quần áo và nàng đã từ chối, nay không còn cách nào khác, nàng phải bước chân vào nghề đóng phim khiêu dâm. Nào khác gì nhau, nàng tự nguyền rủa mình. Còn tệ hơn là khác, vì phải cùng lúc với nhiều người, lại còn bao người khác nhìn ngắm, bình luận rồi cuối cùng là cả hàng triệu người xem biết đến. Nhưng nàng hết cách rồi. Tuy nhiên nàng vẫn sợ là một ngày nào đó việe này sẽ lan truyền và nàng sẽ không còn được nhận vai trong các phim đứng đắn. Rồi nàng cũng chẳng sợ gì nữa. Thay vào đó là lòng căm thù. Nàng căm thù hơn cả những kẻ đã không biết tới nàng, không biết tới khả năng cũng như nhan sắc của nàng, đã không cho nàng cơ hội trở thành diễn viên, đã chỉ hứa hẹn suông với nàng. Đã khiến nàng từ tin đến không dám tin rồi bây giờ là không thèm tin vào một lời tử tế, một người tử tế nào nữa. Chính vì vậy mà khi Fred Kapper, một gã trai mới lớn nhưng đã kịp là phụ tá cho một trợ lý đạo diễn của Hãng Fox nói sẽ giới thiệu cho Jill một vai diễn hẳn hoi nếu chịu ngủ với anh ta thì nàng hiểu mình không còn cách chọn lựa nào hơn là gật đầu. Fred hẹn nàng vào giờ ăn trưa tại Hãng phim. "Tôi chỉ có ba mươi phút, không thể hơn". Cậu ta nói. "Để xem ta làm chuyện này ở đâu cho tỉện". Rồi sau một cái nhíu mày, cậu ta tóm lấy tay Jill lôi đi, miệng lẩm bẩm. "Phòng hoà âm. Đúng! Ta lên đó". Đẩy cửa vào, nhìn qua một lượt thấy chỉ có máy móc với đồ nghề, Fred cáu. "Mẹ nó, vừa hôm nọ còn thấy cái đi văng ở đây. Chính tôi chơi con nhỏ Lara trên cái đi văng ấy mà. Thôi, làm kiểu khác vậy. Cởi quần áo ra đi. Nhân viên hoà âm ăn trưa xong sẽ trở lại làm việc luôn đấy". Jill thấy kinh tởm tất cả. Cái phòng gọi là hoà âm này, gương mặt Fred, câu chửi thề của hắn, và kinh tởm cả chính nàng nữa. Như một con điếm. Hơn một con điếm. Nhưng nàng đã thất bại khi cố vươn lên theo cách của mình. Vậy còn cách nào nếu không theo cách của họ? Nàng cởi bỏ quần áo. Cởi hết, và trần truồng đứng nhìn Fred xem hắn muốn nàng nằm xuống đâu. Sàn nhà là cái chắc rồi. Fred thì trái lại, chẳng hề cởi bỏ gì hết mà lôi phắt cái của nợ của hắn ra khỏi cửa quần rồi rồi lượn quanh Jill một vòng, gật gù. "Cặp mông ngon quá! Cúi xuống, cô em". Jill bước tới chỗ chiếc máy cười nom giống như cái mặt bàn với hàng dẫy phím điều khiển. Nàng khom người vịn tay vào thành máy. Rồi Jill thấy cái đó của Fred tì vào phía sau nàng. "Đừng, đừng như thế", nàng vội vã ngăn lại, "Tôi không muốn..." Nhưng không kịp nữa. Fred đã lao mạnh vào khiến nàng đau buốt tận xương tuỷ. Vừa liên hồi thúc hắn vừa la hét và đòi nàng cũng phải hét la theo. Jill tìm mọi cách để thoát khỏi tư thế bệnh hoạn ấy nhưng không thể vì Fred quá khoẻ để khiến nàng gần như kẹt cứng giữa hắn và chiếc máy. Quằn quại bởi đau rát và cưỡng chống, tay Jill khua đập lung tung vào các phím bấm của chiếc máy cười và phút chốc căn phòng như bị chìm nghỉm trong những âm thanh the thé, hà hà, hinh hích… Và Jill vẫn cứ thét lên vì đau. Rồi phía sau, Jill bỗng thấy Fred liên tiếp rùng mình, và nàng đỡ đau hẳn. Rồi tiếng cười lặng dần xuống. Dần trấn tĩnh, nàng đứng thẳng dậy và quay lại, thấy Fred đang xốc xốc quần áo cho gọn gàng. "Rất tuyệt, cô em. Những tiếng cười ấy càng kích thích tôi tợn. Hôm nào làm lại nhé". Một năm nữa, nghĩa là mười chín tuổi, Fred sẽ là thứ quái vật gì? Jill tự hỏi. Con quái vật ấy đang nhìn vệt máu hoen trên đùi nàng, bảo. "Lau sạch sẽ rồi đến trường quay số 12. Chiều nay vào vai của cô đấy". Mọi việc khó nhất vẫn cứ là cái lần đầu tiên ấy, như khi nàng đóng phim khiêu dâm vậy. Sau Fred, mọi việc cứ tuần tự như tiến. Jill mỗi ngày mỗi có thêm vaỉ diễn, ở hầu hết các Hãng phim, kể cả MGM, Warner, Paramount, Brothers, Universal, Columbia, Fox... Mỗi Waltz Disney là không. Lỗi là tại Hãng này không sản xuất phim khiêu dâm. Không làm điếm, song làm tình đã là nghề của Jill và nàng ngày càng có ý thức nâng cao nghiệp vụ vì nàng biết, chính nó chứ không phải thứ tài năng gì khác, sẽ đưa nàng tới được với mơ ước của mình. Bây giờ thì nàng không còn ảo tưởng gì nữa. Tất cả là ở thân xác nàng, miệng lưỡi nàng mà thôi. Nàng mua và đọc kỹ các sách dạy làm tình của dân châu Á, nhất là của người Trung Hoa và Ấn Độ. Nàng mua các chất kích thích, mua cả bùa ngải tại một Sex shop trên đường Santa Monica. Nàng có lọ thuốc nước pha chế từ một loại vỏ cây đặc biệt do một cô bạn mang từ Trung Á về tặng. Một cô khác dạy nàng cách massage của người Ả rập; chậm rãi và thấm thía, và đầy kích thích. Nàng hay nói, khẽ khàng. "Hãy nghĩ về những gì em đang làm cho da thịt anh, cho anh". Nàng xoa thuốc nước lên ngực, lên bụng, lên đùi người đàn ông bằng những vòng tròn mỗi lúc một lan rộng, nhẹ nhàng như chỉ lướt trên những sợi lông tơ mà chẳng ai không nổi gai ốc. "Nhắm mắt lại anh sẽ thấy sung sướng hơn. Nào, nghe em, nhắm mắt lại nào. Đấy, anh có thấy hơn không nào…". Rồi nàng lật sấp người đàn ông lại, và những ngón tay, những ngón tay nàng lại lướt nhẹ đâu đó trên da thịt người đàn ông. Nàng nâng niu, trân trọng cái đó khiến nó tức khắc đòi được đáp ứng. Để rồi ai nấy đều thoả mãn tột đỉnh khi mặc lại quần áo, đến mức chưa chia tay đã nghĩ tới làm cách nào để sớm gặp lại nàng, đã nghĩ sẽ giới thiệu ai với nàng. Tên tuổi Jill Castle nhanh chóng lan truyền khắp thành phố với cái biệt danh Người tình rực lửa khiến gã đàn ông ham vui nào cũng náo nức muốn có phần. Tất nhiên, Jill sẵn sàng chia cho những ai mà nàng biết mình sẽ cần đến. Gặp thêm một người, tình yêu và lòng tự trọng trong Jill lại vơi thêm một chút trong khi nỗi thù hận càng lúc càng đầy thêm. Sẽ đến ngày, nàng tin, thành phố điện ảnh này sẽ phải trả giá cho những gì nó đã gây ra với nàng. Nàng buộc nó phải trả giá. * * * * * Kể từ đấy, cái việc có vai diễn - tất nhiên, không phải trong phim khiêu dâm - chẳng còn là vấn đề với Jill nữa. Nàng đã xuất hiện trong khá nhiều phim nhựa, phim truyền hình, trong cả phim quảng cáo nữa. Song đều chỉ là những vai mà nếu nói một cách nghiêm túc thì cũng khó có thể gọi được là vai; thí dụ như hai mươi giây là cô giúp việc với câu "Vâng, bà chủ, tôi sẽ lau chùi nó sạch như bà muốn", hoặc nửa phút là cô bán hàng, nói "Xin đợi một phút, tôi sẽ đổì cho cô chiếc màu xanh", hoặc tròn một phút trong hình ảnh cô gái ngoi lên từ bể bơi phô ra đôi mông tròn căng bó trong bộ đồ tắm trắng muốt và khoe với bạn, "Chính xác, bọn tớ đều sử dụng băng vệ sinh Daintier" và… chỉ có vậy. Cũng có thể gọi đó là vai diễn và gọi nàng là diễn viên được không? Và nàng sẽ mãi mãi là gương mặt không tên của điện ảnh? Không bao giờ! Jill hai bảy tuổi khi mẹ nàng qua đời. Một mình một xe, nàng về Odessa đưa tang mẹ. Chưa đầy chục người theo sau quan tài bà Czinski, không có ai là các quý phu nhân trong nhóm những người có dầu mà bà đã may cắt thuê cho họ hàng chục năm qua. Đây chỉ là mấy bà già thường cùng mẹ nàng đi lễ nhà thờ, đi nghe giảng đạo, đọc kinh. Thế là lũ quỷ dữ không còn cơ hội để hành hạ bà Czinski nữa. Nàng thầm nghĩ. "Chào em, Josephine". Tiếng nói thân thuộc vang nhẹ sát bên. Jill quay phắt sang và bắt gặp ánh mắt anh, đồng thời cảm thấy ngay là họ vẫn đang là của nhau, vẫn chưa hề xa nhau dù giữa họ đã có tới gần chục năm chưa được thấy mặt nhau. Anh vẫn là David của Josephine, của nàng, dù nom già dặn hơn trước, tất nhiên rồi. Anh nói tiếp. "Anh buồn vì mẹ em đã mất. Anh xin chia buồn cùng em". "Cám ơn anh, David". Nàng hay ai vừa nói ra cái lời nhạt nhẽo đó nhỉ? Làm thế nào khác được khi thực tế họ đang chỉ là người quen của nhau, thậm chí xa lạ là khác. "Tối nay mình gặp nhau được không?" Giọng anh nghe tội quá. "Anh có chuyện muốn nói với em từ bao năm qua". Nàng bỗng chốc nhớ lại đến từng chi tiết nhỏ nhất của cái đêm nằm trong lòng anh, đón anh đi vào nàng dưới tăng sao ấy. Nàng gật mạnh đầu. "Tại hồ nước ấy nhé?" Anh cũng đang nhớ cái đêm tuyệt vời đó? Nàng lại gật mạnh đầu. David về tới nhà là đi thẳng đến buồng riêng của vợ và bắt gặp Cissy đang trần truồng trước gương, bận rộn với việc chọn váy áo đi dự buổi tiệc tối nay. Anh khoanh tay tựa cửa nhìn cái thân hình trắng trẻo và đầy đặn ấy, dửng dưng như nhìn vào khoảng không, vì anh chẳng hề yêu thương gì cô ta. Cissy cũng có thể gọi là đẹp, và rất có ý thức giữ gìn nét đẹp của mình bằng cách ăn kiêng và tập luyện đều đặn. Đó chính là tài sản có giá trị nhất của Cissy và do biết chồng chẳng đoái hoài gì tới, cô ta đã rất rộng rãi chia sẻ nó cho mọi đàn ông khác, từ gã đấm bóp tới các ông thầy dạy cô đánh golf, chơi tenis hoặc lái máy bay... Làm sao David trách móc hay ghen tuông được khi cả năm trời anh ngủ với vợ không quá một lần? David đã thực sự tin Cissy sẽ chịu ly dị khi mẹ anh qua đời. Nhưng càng ngày xem ra bà càng khoẻ ra; béo tốt và hồng hào lên. Phải chăng anh đã bị bà, và cả ông bác sĩ đó, đánh lừa? Thế là hôm ấy, sau bữa tiệc kỷ nịêm một năm ngày cưới, anh bảo vợ. "Theo anh, giờ ta bàn chuyện ly hôn được rồi". Cissy ngơ ngác đến tội nghiệp. "Cái gì cơ. Ai ly hôn ai hả anh yêu?". Rồi trở mặt lập tức, cô nàng cười rú lên. "Em rất thích được người ta gọi mình là bà Kenyon, anh yêu ạ. Thế anh nghĩ em lại có thể ném anh cho con đĩ Ba Lan rách rưới ấy à?" Mặt cô ả sưng mấy hôm liền vì cái tát của anh. Hôm sau, David nói ý định của mình với luật sư riêng. Ông ta trầm ngâm bảo. "Tôi nghĩ là cũng có cách. Nhưng nếu bà nhà không chịu thì sẽ tốn kém lắm đấy". "Miễn sao cô ta chịu là được. Ông có toàn quyền?" David buông thõng. Cissy đọc xong các giấy tờ đòi ly hôn bèn lẳng lặng vào phòng tắm của chồng, khoá cửa lại rồi nhét cả nắm thuốc ngủ vào miệng. Khi David phá cửa vào thì cô ta đã cận kề với cái chết. Mấy hôm sau, trong bệnh viện, Cissy bảo anh. "Mong anh tha lỗi, nếu không có anh, em cũng chẳng biết mình sống để làm gì". Ra khỏi bệnh viện, David tới gặp luật sư rút đơn về. * * * * * Chuyện đó đã xưa lắm, cũng ngót chục năm rồi. Bây giờ thì bà mẹ tinh quái của David đã chết và anh cũng đã một tay điều hành toàn bộ vương quốc Kenyon. Vừa mang hết tâm sức ra quản lý nó anh vừa tìm sự an ủi và giải thoát cho thân xác mình bằng hết cô gái mơn mởn này đến người đàn bà hấp dẫn nọ tại bất cứ nơi nào trên thế giới mà công việc đưa anh tới, nhưng không chịu cặp với bất cứ ai dù đó là goá phụ giàu có hay cô con gái nhà lành, dù họ yêu anh, chiều chuộng anh hết lòng. Chỉ bởi anh không thể quên được Josephine, càng không thể quên tình yêu duy nhất của anh đã một lần, và sẽ là mãi mãi, dành cho nàng. Anh không dám tìm gặp chỉ bởi không biết tình cảm thật sự của nàng với anh, và sợ phải nghe cái điều anh chẳng muốn nghe, vì theo lẽ thường tình, nàng phải không những căm ghét mà còn có quyền khinh bỉ anh nữa. Chẳng có lý do gì để anh phải đến dự tang lễ bà Czinski ngoài việc để được thấy, chỉ thấy thôi, Josephine. Và khi vừa thấy nàng, tình yêu bỗng ngùn ngụt thiêu đốt khiến anh hiểu ngay rằng tất cả vàn nguyên vẹn như mười năm về trước, như cái đêm đầu tiên họ trao thân cho nhau bên hồ nước ấy. Nàng im lặng trước lời hẹn của anh, nhưng cái gật đầu quả quyết của nàng đã khiến anh hiểu, cũng như anh, tình yêu vẫn nguyên vẹn trong nàng. Cissy xoay người lại khi thấy vẻ mặt dửng dưng của David hiện lên trong tấm gương cô ta đang soi. "Thay đồ đi anh, em sợ mình đến muộn mất". "Anh đi gặp Josephine đây. Và nếu được ưng thuận, anh sẽ cưới cô ấy. Em có nghĩ đã đến lúc ta chấm dứt cái trò vợ chồng chết tiệt này không?" Cissy ngây ra. Hình bóng trần truồng trong gương bất động. Rồi cô ta nói như vừa sực nhớ. "Anh ra đi, để em mặc quần áo". David ngồi chờ ở phòng khách, tin tưởng rằng mình đã thẳng thắn đến vậy thì Cissy chẳng thể còn cách chọn lựa nào khác. Vả lại, anh sẽ thoả mãn mọi đòi hỏi về vật chất của cô ta cơ mà. Và nếu cô ta, một khi đã là người đàn bà tự do, biết đâu lại chẳng tìm được cho mình người đàn ông thích hợp. Anh thành tâm mong cô ta hạnh phúc, chỉ có điều, không phải và không thể, với anh. Anh chợt dỏng tai lên. Có tiếng máy xe của Cissy khởi động, rồi tiếng bánh xe miết trên đoạn đường rải sỏi từ gara tới cổng ra vào. Anh bật dậy, bước nhanh tới cửa sổ. Chiếc Maserati do Cissy cầm lái đang lao vụt ra. Anh vội nhẩy vào chiếc Rolls Royce của mình, đuổi theo. Ra tới đường lớn, David thấy xe Cissy đang tít tắp đằng trước bèn nhấn lút chân ga. Nhưng càng đuổi anh càng thấy mất hút bởi Maserati là loại xe tuy không sang trọng như Rolls Royce nhưng tốc độ lại hơn hẳn và Cissy có lẽ cũng nhấn chân ga sâu không kém gì anh. Kim tốc độ cứ nhích dần lên, 70... 85... rồi hơn 90 dặm một giờ. Chưa ăn thua gì. Rồi hơn trăm dặm... Càng mất tăm tích. Vậy Cissy phải cho chiếc Maserati lên tới tốc độ bao nhiêu? Mãi khi lên tới đỉnh một con dốc nhỏ David mới thấy xe của Cissy, nom nhỏ như xe đồ chơi, đang vòng vèo ở đoạn đường khúc khuỷu, thân xe chỉ chực văng đi trong khi bánh xe vẫn cố bám miết mặt đường. Kinh khủng nhất là tốc độ của chiếc Maserati hình như vẫn rất lớn, và quả như David lo sợ vừa thoát khỏi đoạn vòng nó bỗng lao khỏi mặt đường để bay trong khoảng không và cuối cùng lăn tròn trên sườn con đồi nhỏ. Khi David lôi được Cissy ra khỏi xe thì bình xăng cũng vừa phát nổ. Các bác sỹ bận rộn cả đêm để sáng hôm sau bảo với David rằng, "Bà nhà sẽ qua khỏi, xin ông đừng quá đau buồn?" Ngay sau lễ hạ huyệt mẹ, Jill đến bên hồ nước chờ David. Nàng đỗ xe ở sát mép nước rồi vẫn ngồi trong xe nhìn ngắm phong cảnh, nghe tiếng gió reo. Có gì khác với lần ta đến đây cùng David, mười năm về trước? Có lẽ chỉ khác là lần ấy ta ngồi chung xe với anh và cả hai cùng lúc có mặt ở đây. Nhưng anh sẽ đến, ít phút nữa thôi. Chắc chắn anh sẽ đến. Nghĩa là sẽ lại như, không đúng, phải tuyệt vời hơn cả lần trước, vì cả anh, cả ta đều đã có mười năm chờ cuộc gặp này. Nàng chờ cả đêm trong cái lạnh run người. Sáng ra, nàng cho xe chạy thẳng về Hollywood. Chương 24 Jill đưa mặt mình vào sát tấm gương trên bàn trang điểm và thấy đúng là có một nếp nhăn mờ mờ nơi đuôi mắt trái. Nàng cau mày lại, nếp nhăn càng hiện rõ hơn lên. Chúa chẳng công bằng chút nào. Trong khi ban cho đàn ông nhiều bao nhiêu thì lại lấy đi của đàn bà tương đương bấy nhiêu. Họ, tức cái bọn đàn ông ấy, chẳng lo tóc bạc, chẳng sợ mặt nhăn, bụng to như trống chân tóp như tăm vẫn cứ như không có gì, vẫn chơi bời thoả thích cả trai lẫn gái. Còn đàn bà... chỉ một khóe mờ nơi chân tóc cũng phát ốm lên rồi. Những ý nghĩ khiến Jill vui vui khi bắt tay vào trang điểm. Một lần, nàng đã vô tình học lỏm của chuyên gia hoá trang hàng đầu Hollywood một vài thủ thuật "đánh phấn bôi vôi" khiến nàng quyến rũ hẳn lên song vẫn không xâm hại gì đến làn da thực vốn dĩ rất đẹp của nàng. Thí dụ như phải dùng kem làm nền chứ không dùng phấn, phải tô mắt nhẹ thế nào, uốn lông mi giả cong bao nhiêu để đôi mắt nom vừa nổi màu vừa to hơn, lấp lánh hơn... Nàng đứng lên ra chỗ tấm gương lớn ngắm lại mình, và tự thấy chẳng khác gì lắm cái cô Jill Castle lần đầu tiên bước ra khỏi xe buýt đặt chân xuống kinh thành điện ảnh. Rồi sẽ tới ngày nàng phải chơi cái trò băng dính nhưng ơn Chúa, chắc cũng phải dăm bảy năm nữa. Mọi phụ nữ sống bằng nghề điện ảnh đều biết, và buộc phải biết cái trò đó. Thí dụ như để kéo căng da mặt bị xệ, họ dán các dây băng dính vào chân tóc và quấn chúng vào những sợi dây nhỏ buộc quanh đầu, lẫn vào trong tóc. Hoặc để giấu bớt đôi vú bắt đầu nhẽo họ dính một đầu băng vào vú, đầu kia dính lên phía ngực trên. Nhưng đôi vú của Jill còn căng, tròn, đầy đặn thế này cơ mà. Nàng lắc đầu hất mái tóc dài óng ra sau vai và nhìn đồng hồ. Đến giờ phải đi rồi, nếu nàng không muốn bị muộn. Chưa bao giờ nàng đến trường quay muộn cả. Hôm nay nàng được gọi phỏng vấn. Nghe nói là để tham gia vào Chương trình riêng của Toby Temple phát trực tiếp trên truyền hình. Cái ông Toby này nàng chưa được chuyện trò cùng bao giờ nhưng nghe thì cũng đầy tai rồi. Nổi tiếng vậy mà mặt mũi nom cứ ngây ngô như trẻ con. Chương 25 Đạo diễn chương trình riêng của Toby là Eddie Berrigan, một người đã vợ con đề huề song không vì thế mà từ chối những thú vui trăng gió nếu nó không tổn hại gì đến cái yên bình giả tạo của gia đình. Anh ta có căn phòng mượn của người bạn thân, tuần ba buổi chiều, một buổi dành cho cô gái hiện đang là bồ đời chót, một buổi dành cho những người tình đã qua nhưng hai bên đều không thể và cũng khỏng muốn dứt bỏ hoàn toàn, còn một buổi thì dành cho những khám phá mới mẻ, đầy hứa hẹn. Jill Castle thuộc loại tài năng mới cần khám phá của Eddie Berrigan. Nghe mấy ông bạn cùng "chí hướng" nói về những thủ pháp chiều chuộng bạn tình của Jill Castle mà Eddie đứng ngồi không yên, và khi nàng đồng ý phỏng vấn, anh ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức huỷ cả hai cuộc hẹn, với cô bồ đời chót cũng như với tình cũ nghĩa xưa. Eddie cũng không hoàn toàn bịa đặt về cuộc gặp ra mắt này. Trong kịch bản đúng là có vai cô gái tuy chẳng nói câu nào nhưng nom phải khêu gợi đến mức thấy cô ta là cánh đàn ông chỉ nghĩ đến chuyện bế lên giường. Họ găp nhau ở Hãng phim. Jill không đến nỗi chỉ là cái nệm thịt như thoạt đầu Eddie lầm tưởng. Nàng đối đáp trôi chảy và có diễn cảm khi đọc thử vài đoạn trong kịch bản. Tất nhiên cô ta chẳng là Kate Hepburn hay Liz nhưng được thế này là vai diễn ổn rồi. "Cô đã có vai đó". Eddie nói. "Cám ơn anh, Eddie". "Kịch bản của cô đây. Sang mai tập. Mười giờ. Hãy ngó qua kịch bản và không đến muộn". Nàng gật gật đầu rồi ngước đôi mắt tròn, to, lấp lánh về phía anh ta, chờ đợi. Nó là một thứ thủ tục không những cần thiết mà bắt buộc phải có. Nàng biết, mà anh ta cũng biết vậy. "Tôi muốn mời cô ly cà phê mừng buổi đầu gặp gỡ". "Vâng". "Tôi có một chỗ khá ấm cúng tại đường Argyle…" "Em biết con đường ấy. Hãy nói cụ thể hơn về cái chỗ ấm cúng của anh đi. Bỗng dưng em thấy lạnh quá…" Chẳng có gì để phải phàn nàn về các buổi tập. Từ đạo diễn, quay phim đến các diễn viên đều hy vọng đây sẽ là một chương trình hấp dẫn, bởi ngoài Toby vốn đã là sự trông đợi của người xem, chương trình còn có sự tham gia của đội múa Argentina nổi tiếng, của một nhóm rock n roll nổi tiếng không kém, của một nhà ảo thuật có thể làm bạn biến đi ngay trước mặt bạn và của một ca sĩ hiện ít ca sĩ nào nổi tiếng bằng. Tất cả đều đã xuất hiện và ít nhiều Jill đều đã trò chuyện với họ. Duy nhất nàng chưa thấy Toby, dù chỉ là lai vãng đến. "Anh ấy ốm đau, hay còn bận biểu diễn chỗ khác, hay ở xa chưa về kịp?" Jill tự đặt ra một lô giả thiết, hỏi Eddie. "Chả bởi lý do nào hết". Eddie nói toẹt ra. "Chúng ta cứ nai lưng mà tập còn thằng cha ấy chỉ có mặt đúng lúc bắt buộc phải có, tức là lúc ghi hình. Xong hắn lại biến luôn". * * * * * Toby xuất hiện vào buổi sáng hôm đó, khệnh khạng đến đáng ghét, theo sau là ba hầu cận; Clifton Lawrence cùng hai diễn viên hài già. Cảnh tượng ấy khiến Jill buồn nôn, và làm nàng chán ghét Toby hơn cả khi nghe những chuyện lăng nhăng về anh trước đó. Anh ta khoe đã ngủ với tất cả các nữ diễn viên ở Hollywod, bất cứ ai, miễn anh thích là được. Và cũng chưa có phụ nữ nào từ chối anh. Thế là Jill đã biết khá chính xác về Toby vĩ đại. Harry Durkin, Giám đốc sản xuất của Hãng truyền hình khép nép giới thiệu Toby với các diễn viên tham gia chương trình của anh. Thực ra, anh đã gần như làm việc hết với họ và đã nhớ mặt họ. Còn lại mỗi cô gái với vẻ khêu gợi đặc biệt này, mà vừa nhìn thấy anh đã chỉ nghĩ đến chuyện lên giường cùng cô ta. Anh hỏi như một thói quen, như chỉ để cho có hỏi. "Tiết mục nào vậy, em cưng?" "Tôi được góp mặt trong tiết mục Du hành vũ trụ, thưa ông Temple!". Jill cố tình lấy vẻ khiêm nhường. Nghe nói mồm miệng anh ta ác độc lắm. Toby cười hiền lành không ngờ. "Toby? Hãy gọi là Toby như bạn bè tôi vẫn gọi". Buổi tổng diễn tập suôn sẻ đến mức đáng kinh ngạc. Không có tiếng quát tháo, câu chửi thề, thậm chí một lời phàn nàn của Toby, của đạo diễn hay của bất kỳ ai khác. Ai còn lạ chứ Harry Durkin thì biết ngay Toby đang "diễn" với Jill Castle. Chẳng cô gái nào trong chương trình này chưa lên giường với Toby, còn Jill thì đang trăm phần trăm là món lạ của anh. Du hành vũ trụ là tiết mục đóng đinh của chương trình, một bất ngờ với tất cả, từ những người làm ra nó đến những người thưởng thức nó. Đặc biệt, Toby đã cố tình kéo dài tình huống để Jill có cơ hội "cương" vài câu ý nhị ngoài kịch bản. Không ai mếch lòng vì cái tự do tùy tiện ấy, vì tác giả của nó lại là Toby. Và Jill còn được khen là đã có công "chữa cháy". Chính Toby cũng không ngờ đến khả năng ứng tác ấy của Jill. Tổng duyệt xong, Toby nói với Jill. "Về phòng hoá trang của tôi uống chút gì chứ, cô em?" "Cám ơn ông Temple, tôi không uống được bất cứ loại rượu gì?" Nàng mỉm cười rồi hơi nghiêng mình, bước đi. Nàng đã có hẹn với đạo diễn chương trình Eddie Berrigan, và anh ta tuy không nổi tiếng như Toby nhưng với nàng, lại quan trọng hơn Toby nhiều. Bởi từ nay Eddie có thể gọi nàng vào bất cứ chương trình nào do anh ta đạo diễn. Buổi tối, sau khi phát sóng, Hãng truyền hình đã nhận được hàng ngàn cú điện thoại từ khắp nước Mỹ gọi về yêu cầu phát lại vào một ngày gần nhất. Sự thành công vượt ngoài mong muốn của tất cả, và được coi đây là chương trình xuất sắc nhất của Toby từ trước tới giờ. "Đặc sắc nhất là tiết mục Du hành vũ trụ". Clifton nói. "Cô gái tham gia tiết mục đó xinh xắn ra phết. Và thân hình thì khỏi chê". Toby cười. "Ừ tôi thích cô gái đó. Cô ta có cái gì thông minh, và là lạ…". Thì tuần nào chả có một cô là lạ, hay hay hoặc thông minh, hoặc gan dạ, vân vân. Clifton nghĩ. Rồi cô nào cũng vào giường với hắn, và không quá vài ba đêm, cô nào rồi cũng thành chuyện hôm qua, tuần trước... Toby nói tiếp. "Clif, hãy bảo cô ta ăn tối với tôi!" Đó là lệnh, chứ đừng mơ tưởng văn hoa rằng Toby yêu cầu hay đề nghị gì đó. Trước kia, hẳn Clifton hoặc sẽ không, hoặc sẽ sai chuyền người khác làm, còn bây giờ, ông cum cúp đi ngay. Đây là vương quốc của Toby và chính Toby là Quốc vương ở đây Anh cứ chống lại, được thôi, nào ai cấm cản. Rồi anh hãy tìm xứ mịt mù nào đó mà tự lưu đày. Clifton đi tới phòng hoá trang nằm tít cuối hành lang, nơi các diễn viên nữ thay đổi trang phục. Vừa gõ ông vừa đẩy cửa ra luôn. Có hơn chục cô đang cởi áo kéo quần trong đó. Cô nói, cô cười chào ông, không cô nào hét lên hoặc cuống quýt trốn né, dù đang trần truồng. Jill xong hết rồi, đang khoác vào người chiếc áo dạo phố. Clifton đến gần Jill. "Cô diễn rất khá". Ông nói. Jill vẫn nhìn vào gương, và nét mặt dửng dưng của nàng kề bên nét thản nhiên của Clifton trong đó "Cám ơn!". Nàng chỉ nói vậy. Sao ông ta không nói với nàng câu ấy sớm hơn, một vài năm trước chẳng hạn. Hẳn nàng đã nhảy qua cửa sổ khi được nghe chính từ miệng Clifton Lawrence nói ra câu đó. Ngày ấy, có cánh cửa nào của Hollywood mà Clifton không mở nổi. Còn bây giờ, ông chỉ là tay sai của Toby Temple, ai cũng biết vậy. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết Clifton còn sắm vai ma cô dắt gái cho Toby nữa. Một cái gì giống như sự ban ơn xuất hiện trên gương mặt Clifton khi ông nói. "Có tin vui cho cô đây ông Temple mời cô dùng chung bữa tối". Jill mỉm cười với vẻ độ lượng của người sẵn lòng tha thứ cho một sự làm phiền ngoài ý muốn nào đó. "Nhờ ông nói giùm với ông Temple rằng tôi mệt, tôi cần nghỉ ngơi!" Rồi nàng xách túi bỏ đi trước vẻ ngơ ngác của Clifton và đám các cô đang vẫn thay đồ. * * * * * Toby đang ngồi ở chiếc bàn đẹp nhất của nhà hàng La Rue cùng Clifton và giám đốc sản xuất Hãng truyền hình, Harry Durkin. Không khí nặng nề kéo dài. Durkin dụt dè hỏi. "Toby, hay ta thay con ngu ấy bằng mấy em sẽ xuất hiện trong chương trình tuần sau mà anh chưa từng gặp mặt? Ngon hết chê luôn". Toby không đáp, chỉ lừ mắt nhìn sang. Durkin im luôn. Anh bồi đứng chờ đã lâu cúi đầu hỏi. "Thưa ông Temple, và thưa hai ông, đã cần mang món ăn lên chưa?" Toby hất hàm về phía Clifton. "Hãy mang cho lão câm ấy món lưỡi. Và thật nhanh. Để lão còn biết mình phải nói gì". Mấy người ngồi quanh cười ồ. Clifton cũng cười theo, làm như Toby kể chuyện vui mà thôi. Toby nói mà không nhìn Clifton. "Không có việc gì dễ dàng bằng việc mời một nữ dìễn viên đến dự bữa tối với tôi. Ông đã nói gì để cô ta hoảng sợ mà không dám đến nữa? Clifton chỉ còn mỗi cách là nói ra sự thực là Jill mệt. Và chỉ có thế. Toby mà lại chịu tin vào cái sự thực đó. Anh cười nhạt. "Chẳng cô gái nào, nhất lại là một nữ diễn viên ở Hollywood này, mệt đến nỗi không thể ăn tối với tôi, khi tôi đã mời. Chắc chắn ông đã mô tả tôi như một thứ quỷ sứ gì đó khiến cô ta vãi đái ra vì sợ". Những người ngồi bàn bên quay hết sang. Toby hướng về họ cái vẻ mặt ngây thơ trời phú của mình, rồi chỉ vào Clifton, nói như giải thích. "Các vị có biết chúng tôi đang trong bữa ăn vĩnh biệt không. Ông này đã tình nguyện hiến bộ óc mình cho sở thú". Họ lại cười. Đôi tay Clifton siết chặt dưới gầm bàn. Toby vẫn nhơn nhơn mà ngây thơ. "Có một bí mật về sự ngu ngốc của ông ta, các vị muốn biết không?" Toby hạ giọng hỏi những người bàn bên. "Đó là… tận Bắc cực người Eskimo còn truyền tai nhau về nó". Họ phun cả rượu ra vì cười. Clifton chỉ chực bỏ đi, song lại không dám. Durkin thì gượng gạo, dù là cười hay không. Cả phòng ăn dồn mắt về bàn họ. Toby vẫn không từ bỏ vẻ ngây thơ dễ thương của mình, hơi cao giọng. "Cái ông Clifton này thừa hưởng sự thông minh của bố mẹ. Ngày Clifton chào đời song thân của ông ta đã choảng nhau một trận và người mẹ tội nghiệp của Clifton đã buộc phải nói thẳng ra ông ta không phải con của mình". Có tiếng cười ré lên, sằng sặc, tiếng thìa dĩa rơi xuống, tiếng xin lỗi vì phun thức ăn đang nhai vào nhau… Lạy Chúa, mọi hỗn loạn rồi cũng trôi qua và bữa ăn cũng phải đến hồi kết thúc. Nhưng ngày mai… ngày mai Hollywood sẽ truyền tai nhau những gì về Clifton Lawrence? Chẳng cách gì để Clifton ngủ nổi. Ông không tự giải thích được tại sao mình lại chịu để Toby hạ nhục đến mức ấy, cái thằng mà năm xưa cứ run bần bật mỗi khi được gọi tới gặp ông. Vì sao? Ông lặp lại câu hỏi đến lần thứ một trăm, dù câu trả lời đã xuất hiện đâu đó, chỉ bởi ông không muốn chấp nhận. Nó thật rõ ràng, đơn giản và chỉ nằm trong một chữ: Tiền! Là đại lý của Toby Temple, mỗi năm Clinfon được hưởng ngót phần tư triệu đôla song do bản tính phóng khoáng lại ham xài sang nên chẳng còn được xu nào dành dụm. Từ khi chỉ nhận riêng Toby, ông bị đám khách hàng cũ từ bỏ hết và bây giờ, Toby là duy nhất còn lại của ông, là cuộc sống sung túc của ông, là sự cần có của ông. Câu trả lời là ở đó. Có thể Toby cũng biết vậy nên đã mặc nhiên coi Clifton chỉ là một dạng công cụ của mình. Clifton ngày càng nhận thức ra điều đó và tự nhủ sẽ phải thoát ra bằng được trước khi quá muộn. Nhưng ông cũng tự biết thực ra là đã muộn bởi với ông, ngoài chuyện tiền nong, tình cảm cũng là một lý do quan trọng để ông gắn mình với Toby. Đến bây giờ ông vẫn yêu quý anh, như con, yêu quý thực lòng. Ông đã, tuy không tham gia, nhưng hầu như đều tận mắt chứng kiến Toby tiêu diệt những kẻ mà anh không ưa, nhiều lắm, từ những phụ nữ yêu anh, những danh hài vô tình cạnh tranh - hoặc không cả có ý cạnh tranh - với anh, những nhà phê bình không hiểu hoặc hiểu quá rõ về anh... Nhưng họ đều là ai đó chứ không phải ông. Clifton chưa bao giờ nghĩ Toby có thể táng tận đến mức ấy. Ông đã làm cho anh quá nhiều, đã gắn bó với ông quá sâu, và dù nói theo nghĩa gì thì Toby cũng được sinh ra từ ông, do ông chăm nom, dạy dỗ. Không có ông, làm sao có được Toby? Song ông vẫn không khỏi lo lắng khi nghĩ về tương lai. Vốn không quen, thậm chí không hề nghĩ mình sẽ bị từ chối khi muốn bất kỳ điều gì nên bỗng Jill lại trở thành một ấn tượng trong đầu Toby, và thực sự đã kích thích anh. Lần thứ hai Jill từ chối lời mời ăn tối, thoạt đầu Toby còn cho đấy là trò đỏng đảnh hoặc làm cao cũ kỹ của đàn bà, song nghĩ lại, anh thấy không phải. Nếu Jill chơi cái trò đó thì không thể qua mắt được Toby vì thứ nhất là anh đã quá quen và thứ hai là anh quá rành đàn bà. Không, ở đây có một cái gì đó chọc vào tính tự ái của anh. Là diễn viên nhưng Jill thực sự không ham hố cả anh lẫn cái tên tuổi lừng lẫy của anh, nghĩa là thực sự nàng không cần đến anh. Vậy nàng đã có người đàn ông nào khác? Và người đó chắc phải hơn anh? Hoặc nàng chỉ có mỗi sự tự tin xuẩn ngốc của mình? Và anh không thể gạt nàng ra khỏi cái đầu tự cao tự đại của mình được. * * * * * Thế rồi một hôm Toby bảo đạo diễn chương trình Eddie Berrigan gọi Jill tham gia trở lại Chương trình riêng của Toby Temple. Eddie mừng rỡ nhấc máy gọi luôn. Khi Eddie báo lại với Toby rằng Jill từ chối vì đang bận với vai phụ trong một bộ phim cao bồi nào đó, con người vĩ đại đùng đùng nổi giận. "Bảo nó quẳng ngay đi, dù là vai gì chăng nữa. Chúng ta sẽ trả thù lao ở cái mức cô ta mơ cũng không dám. Cô ta ngu đến độ nào mà không bìết đây là chương trình truyền hình hàng đầu của nước Mỹ?" Eddie gọi lại cho Jill, nói rõ ý kiến của Toby, tất nhiên cũng biết tránh những từ như nó quẳng ngay đi, ngu đến độ nào... rồi còn nói thêm. "Ông ấy thực tâm muốn cô tham gia lại chương trình. Cô thu xếp được không, Jill?" Jill cũng lấy giọng thực thà. "Tiếc quá nhỉ. Nhưng làm sao tôi dám bỏ cái vai đang đảm nhận ở Universal? Xin lỗi anh và nhờ anh cám ơn ông Temple giùm tôi". Nàng đâu có dại sau từng ấy tháng năm cay đắng ở cái kinh đô điện ảnh này. Không một diễn viên nào cất mặt lên nổi nếu đã một lần tự ý rời bỏ Hãng phim mình đang cộng tác. Toby Temple thực sự ghê gớm ở đâu đó nhưng với Jill thì quá lắm cũng chỉ cấp cho nàng một hai vai, mời nàng ăn một hai bữa, tặng nàng một hai món quà... rồi cuối cùng chắc chắn sẽ cho nàng vào "bộ sưu tập" của ông ta mà thôi. Buổi tối, đích thân Vua Hài gọi điện cho nàng, giọng thân mật đến lạ. "Jill đấy à? Toby cùng Du hành vũ trụ với em đây. Em khoẻ chứ?" "Chào ông Temple. Cám ơn ông, tôi khoẻ". "Thôi đi em, sao cứ ông mãi vậy?" Đầu dây bên Jill im lặng. Và có vẻ không muốn lên tiếng nữa. Toby hắng giọng rồi nói. "Em có thích môn bóng chày không? Tôi được tặng đôi vé…". "Không, tôi không thích, thưa ông!" chưa có ai dám ngắt lời mời của Vua Hài bằng tiếng không dứt khoát và sỗ sàng đến vậy. Toby chữa ngượng bằng cách cười ầm lên. "Tôi cũng không thích. Đùa chơi em chút thôi. Nhưng lời mời tiếp sau đây thì mong em nhận cho. Thứ bảy này mình ăn tối cùng nhau nhé? Tôi mới ăn trộm được một đầu bếp của nhà hàng Maxim ở Paris. Và ông ta…". Vẫn ngắt lời, và vẫn không kém sỗ sàng. "Rất tiếc là tôi đã có hẹn đúng hôm đó, thưa ông Temple". Ống nghe bỗng bị ghì chặt và áp sát vào tai Toby. Giọng anh hơi khàn đi. "Vậy trong ngày, em rảnh vào lúc nào hoặc trong tuần em rảnh vào hôm nào?" "Tôi bận lắm. Toàn những việc vớ vẩn, nói ra chỉ khiến ông cười. Thực sự là tôi không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chơi bời. Nhưng thành thật cám ơn lời mời của ông". Liền đó, tiếng tút, tút, vang lên. Con ranh đã dám dập máy vào mặt anh, Toby Temple, Vua Hài? Cái con diễn viên giẻ rách đó đã làm vậy trong khi không thiếu những nữ minh tinh dám đổi một năm sống của mình chỉ để được qua một đêm với anh? Giận điên lên, Toby cho gọi đạo diễn chương trình Eddie Berrigan tới và không úp mở, hỏi anh ta biết gì về Jill Castle mà lần trước dám mời vào chương trình của anh. "Do một diễn viên khác giới thiệu và sau khi phỏng vấn tôi thấy ổn cả nên nhận thôi. Ngoài ra tôi không biết gì hơn về cô ta". Eddie đáp ngay. Dại gì mà khoe rằng anh đã tường tận đến từng phân vuông da thịt Jill. Anh lạ gì cái chuyên Toby không mời được Jill đi ăn tối, và anh không hề muốn mình trở thành nạn nhân của Toby. "Jill có chơi bời bậy bạ gì không? Hoặc có đang cặp với ai không?". Toby hỏi dồn. "Đang cặp với ai hay không thì tôi không rõ", Eddie vẫn bình tĩnh đáp, "còn chuyện chơi bời bậy bạ thì chắc chắn là không rồi". "Tôi muốn biết rõ mọi chuyện về cô ta. Có người yêu chưa. Nếu có thì là ai? Thường đi đâu? Nguồn thu nhập chính? Anh hiểu ý tôi chứ?" "Tôi hiểu!" Eddie mau mắn nhận lệnh. Rồi cách một hôm, lúc ba, bốn giờ sáng gì đó, Eddie bị dựng dậy bởi tiếng chuông điện thoại đặt ở đầu giường. Giọng ai đó tỉnh queo hỏi. "Anh đã biết những gì?" Eddie dụi mắt, làu bàu. "Thằng chó đẻ nào... Thôi chết, xin lỗi ông Temple, tôi đã sơ bộ điều tra. Cô ta hoàn toàn khoẻ mạnh, không bệnh truyền nhiễm hoặc mãn tính gì". "Vứt mẹ nó cái sổ y bạ của cô ta đi. Lúc này cô ta có đang lên giường với ai không? Hoặc mọi ngày cô ta vẫn lên giường với ai?" "Thưa ông, không có chuyện ấy đâu ạ. Tôi đã hỏi chuyện đám bạn bè đạo diễn, những người đã từng mời Jill đóng phim. Họ mời chỉ vì cô ta diễn xuất tốt và rất tôn trọng kỷ luật trường quay". Eddie tỉnh ngủ hẳn. Lơ mơ là mất việc như chơi. Eddie đã bàn kỹ với đám đạo diễn, những người đã giới thiệu Jill cho anh, nghĩa là cũng đã biết về Jill như anh từng biết và họ đều không muốn chuyện đó tới tai Toby vì ai nấy đều khiếp hãi ông Vua Hài ấy. Chẳng những sẽ bị Toby bêu giếu trước bàn dân thiên hạ mà còn không bao giờ có thể kiếm nổi việc ở cái thành phố này nếu như Toby biết Jill đã cự tuyệt anh ta song lại chấp nhận ngủ với đám đạo diễn truyền hình quèn này. "Thế còn bạn trai của Jill?" Giọng Toby nôn nóng. "Jill cũng đang không yêu đương gì hết, thưa ông Temple". Eddie không còn kịp suy tính thiệt hơn gì. Một liều ba bảy cũng liều. Hãy để ông ta vui lòng lúc này đã. Mọi sự khác tính sau. Quả nhiên, giọng Toby nhẹ nhõm hẳn. "Tôi cũng nghĩ vậy. Cô ả hẳn điên điên phải không?" "Cũng nhiều người bảo tính nết cô ta không được bình thường đấy ạ". Eddie thở phào. "Quên mất, xin lỗi anh, tôi có làm anh mất ngủ không, Eddie?" "Tôi vinh hạnh được phục vụ ông, thưa ông Temple". Và Eddie đã không ngủ tiếp được nữa. Nếu Toby tìm ra sự thật thì sẽ sao đây? Bởi Hollywood là thành phố của Toby Temple. * * * * * "Clifton, tôi muốn nghe lời khuyên của ông". Toby nói khi cả hai vừa ngồi vào bàn ăn. Ông đại lý già ngạc nhiên. Lâu lắm rồi Toby có chịu nghe ai khuyên bảo. Nghe ông thì càng không nữa. Ông lấp lửng. "Chuyện gì, anh bạn trẻ? Để xem tôi có hiểu biết gì về nó mà khuyên nổi anh không". "Chuyện Jill Castle". Clifton thở dài. Hơn nửa Hollywood đã biết và coi đây là câu chuyện hài hước hay nhất, hay hơn cả những chuyện mà chính Vua Hài Toby đã làm cả nước Mỹ, cả thế giới cười bò ra. Một nhà báo còn đặt cho nó cái tên là Tình yêu mù quáng. Toby gọi nhà báo đó là Thằng mất dạy song không biết chính xác đó là ai nên không làm gì được để rửa hận. "Vua Hài thật xứng đáng là một Người tình vĩ đại bởi đã dốc trọn trái tim mình cho một Nàng tiên lang chạ song đã bị nàng cự tuyệt thẳng thừng!" Toby cay nhất câu trên. Phải sớm giải quyết chuyện này thôi. "Jill Castle", Toby nhắc lại khi thấy Clifton không nói gì, "Ông nhớ ra chưa. Cái cô gái biểu diễn tiết mục Du hành vũ trụ cùng tôi ấy". Tỏ ra không hề biết gì thực là khó nhưng Clifton không dám để Toby nghĩ mình đang thương hại anh ta. "Thế thì nhớ rồi: Một cô gái đẹp. Có chuyện liên quan đến cô ấy ư?" Toby thú nhận, một việc hiếm có. "Tôi mà biết được đó là chuyện gì? Chẳng lẽ lại là cô ta không ưa cái bản mặt hay cái tính nết tôi, hay không ưa các chuyện cười của tôi, sự nổi tiếng của tôi mà lần nào hẹn gặp cô ta cũng từ chối. Chối phắt chứ không thèm vòng vo, úp mở gì. Nó khiến tôi thấy mình chẳng khác gì cái gã nhà quê gắp cứt từ Iowa lên Hollywood vậy". "Quên mẹ nó cô ta đi không được ư?" Clifton nín thở thăm dò. "Vấn đề chính là ở chỗ đó, bạn ơi. Muốn mà cũng không quên được. Giữa ông, tôi và cái của nợ ấy của tôi đang hiện diện tại đây, nói cho nhanh và cho thậ, là tối chưa bao giờ lại muốn có một phụ nữ ở bên như bây giờ. Chỉ một thôi, nhưng phải là cô ấy, Jill Castle. Tôi chẳng nghĩ được chuyện gì khác nữa, ngoài chuyện ấy. Thật điên cái đầu. Chắc ông cũng đã từng.. nếm trải cái điên này. Tôi phải làm gì đây?" Bố bảo Clifton cũng chẳng dám nói toẹt ra với Toby rằng cái cô ả mà anh "thầm yêu trộm nhớ" ấy, cái cô luôn chối phắt mọi lời mời của anh ấy, đã ngủ và vẫn luôn sẵn sàng ngủ với bất kỳ gã trợ lý đạo diễn hoặc thư ký trường quay hạng bét nào miễn gã đó thu xếp cho cô ta một vai diễn bất kỳ. Ông không thể nói ra sự thật ấy nếu còn muốn Toby là khách hàng, cái quan hệ mà ông chưa bao giờ muốn chia tay. Cái đầu công việc của ông lập tức hoạt động, vẫn nhanh, vẫn hiệu quả. "Tôi rất muốn biết cô ta có nghĩ một cách nghiêm túc về nghề nghiệp của mình không?". "Nghiêm túc chứ. Tôi bảo đảm là cô ta có tham vọng về một vai chính trong một bộ phim nào đó". "Vậy ổn rồi. Hãy gửi tới một lời mời mà cô ta không thể từ chối". "Ông nói rõ hơn đi". "Mở tiệc tại nhà riêng. Nhà anh, tất nhiên!". "Cô ta vẫn sẽ từ chối cho ông xem. Tôi dám cá mười ăn một đấy". "Đừng vội cá kẻo lại ân hận". Clifton cười độ lượng. "Hăy mời đến giám đốc các Hãng phim, các đạo diễn, chủ nhiệm phim... Đó là những người có nhiều khả năng biến mơ ước của cô ta thành hiện thực. Nếu cô ta đã có tham vọng ấy thì không thể khước từ bữa tiệc này". * * * * * "Chào Jill" Toby run run nói qua điện thoại. "Ai gọi đấy?" Nàng hỏi, giọng thản nhiên. Khắp nước Mỹ, và còn ở nhiều nơi khác trên thế giới người ta nhận ra giọng anh ngay cả khi anh hắt hơi vậy mà cô ta lại thản nhiên "Ai gọi?" "Toby. Toby Temple đây!". Cô ta ồ một tiếng không âm sắc như đánh đố Toby vậy. Anh vẫn nhẹ nhàng. "Jill thân mến, tối thứ năm này tôi có làm bữa tiệc nhỏ tại nhà riêng, và tôi..." Thần hồn nát thần tính, cứ nghĩ Jill sẽ lại chối phắt luôn, anh lập tức tuôn ra một tràng. "Tôi đã mời Sam Winters ở Hãng Pan-Paciflc, vài giám đốc Hãng khác, thêm cả vài đạo diễn, chủ nhiệm phim... và họ đều đã nhận lời. Tôi nghĩ Jill sẽ vui khi gặp họ. Tối thứ năm Jill có vướng việc gì không?" Im lặng giây lát. Rồi tiếng Jill cất lên. "Tối thứ năm ạ. Vâng, tôi sẽ đến. Cám ơn Toby." Tiếp theo là tiếng dập máy. Jill đến muộn hơn nửa tiếng, và được Toby ra tận cửa ngoài đón vào. Nàng trông đẹp mê hồn với mái tóc đen rũ xuống bờ vai và bộ đồ lụa trắng. Toby liệu có biết nàng đã gội đầu, làm tóc rất cẩn thận và ngồi trước bàn trang điểm cả mấy giờ đồng hồ. Song cũng đáng, vì Jill thấy Toby như không thể rời mắt khỏi nàng. "Tôi muốn giới thiệu với em một số người hiện đang có mặt ở đây". Toby dẫn nàng qua phòng tiệc, tới phòng khách cực kỳ sang trọng đang có khoảng hơn chục người ngồi đó. Jill dừng lại ở cửa ra vào, mắt mở to, như chiêm ngưỡng đám khách kia. Toàn những gương mặt mà nàng đã thấy trên trang bìa những tờ tạp chí lớn như Time, Life, Vogue, Paris Match, Woman s Own… và nhiều nhất là trên vô tuyến truyền hình. Đây mới thực sự là điện ảnh, thực sự là các nhà sản xuất phim. Đã bao ngày Jill mường tượng tới khung cảnh này, đã bao đêm Jill mơ thấy hình ảnh này: được ở gần họ, ngay cạnh họ, cùng trong một căn phòng, và trò chuyện với họ. Mơ tưởng nhiều đến thế nên lúc này nàng chưa dám tin là thực: cứ ngỡ mình vẫn đang mơ. Toby đưa nàng ly sâm banh rồi cầm tay dẫn nàng tới gặp một người đàn ông đang vui vẻ trò chuyện với ông Clifton mà nàng đã gặp hôm nào. "Sam? Tôi muốn anh làm quen vơỉ Jill Castle, diễn viên". Toby vỗ nhẹ vào vai Sam. "Chào cô Jill Castle". Sam xoay người lại, hồ hởi chào. "Jill, đây là Sam Winters, thủ lĩnh của Hãng Pan-Pacific". "Tôi đã nghe nhiều về ông Winters" - Jill hơi nghiêng mình. "Sam này, Jill rất có ý thức về công việc của mình, và diễn xuất cực kỳ thông minh. Hãy nhớ đến Jill khi có vai thích hợp nhé!" "Chắc chắn rồi. Tôi không quên đâu". Sam đáp không chút do dự. Toby ghé tai Jill. "Mình đi tiếp. Tôi muốn tất cả những người ở đây được làm quen với em". Và đúng là Jill đã gặp tất cả. Ba chủ tịch Hãng phim, năm sáu đạo diễn và chủ nhiệm phim, vài nhà biên kịch, ba bốn nhà phê bình phim cùng khoảng ngót chục diễn viên, tất cả đều rất nổi tiếng. Vào bàn tiệc, Jill ngồi kề bên Toby, ai hỏi gì mới nói nhưng nghe thì không sót lời nào, khoan khoái tận hưởng cái cảm giác là người trong cuộc chứ không chỉ bên rìa điện ảnh như bao năm qua. "Làm phim anh hùng ca có cái khó là chỉ cần một phim thất bại Hãng cũng có thể sạt nghiệp như không. Fox đang không dám cả chớp mắt theo dõi Cleopatra đấy…" "Đó là Robert Stack. Xem cái phim mới ra lò của hắn chưa? Được lắm". "Tôi sẽ xem ngay. Nhưng với tôi, thật khó tin còn có vai gì xuất sắc hơn vai hắn đã đóng trong Conspirator". "Tiếc là hắn trèo lên đỉnh cao sớm quá. Tụt xuống thì không muốn mà cứ ngồi ì ra đó thì cũng thật khó coi. Hơn chục năm rồi chứ ít đâu". "Cái kịch bản đó à? Xong lâu rồi. MGM đang đọc. Sam Winters vừa lúc nãy bảo cũng muốn ngó qua". "Riêng tiền kỳ mà đã hai triệu đôla, tôi e hơi lớn. Bởi khi bước vào hậu kỳ, cộng với lạm phát, cộng thêm bọn nghiệp đoàn, sẽ lên tới bốn triệu đấy. Tính cho kỹ đi". Và... Và… Jill nghe hết, tiếc là mình chỉ có một đôi tai. Hàng triệu đôla cho một bộ phim. Chỉ mới nghe qua Jill đã không khỏi rùng mình. Những người ngồi bên nàng đây, quanh nàng đây mới thực sự là những người đã làm nên Hollywood. Nhưng cũng chính những người này đã đóng chặt cánh cửa điện ảnh lại, ngăn nàng bước vào, đã không cho nàng một cơ hội, dù là nhỏ nhoi nhất, đã bắt nàng phải trả bằng chính thân xác mình mới chịu bố thí cho nàng một mẩu chẳng giá trị gì. Họ, là tất cả hoặc là một trong bất cứ ai ngồi quanh nàng đây, đều có thể, chỉ cần vài ba phút nghĩ đến, nhớ đến cái con Jill khốn khổ này là tức khắc làm thay đổi cả cuộc đời nó. Cái tay chủ nhiệm có bộ râu quai nón kia kìa, lúc Toby giới thiệu đã cười rất tươi với nàng, đã nói mong được gặp lại nàng nhưng vừa năm ngoái đã từ chối tiếp nàng. Còn tay đạo diễn phim hài đang ngồi ở bên phải cách nàng sáu người kia đã để nàng ngồi chờ trọn một ngày trời mà không cho vào gặp. Sam Winters ư? Nàng đã nhắn qua điện thoại cho thư ký, rồi gửi cả thư cho ông ta, chỉ mong được ông ngó qua một chương trình truyền hình để xem nàng diễn thế nào, song ông ta không thèm trả lời. Và… Và… Họ, và tất cả những ai ở cái Hollywood này đã tệ bạc với nàng, đều sẽ phải trả giá cho sự xúc phạm ấy. Ngay lúc này đây thì chưa, bởi lúc này đây nàng chưa là gì cả. Nhưng rồi sẽ tới ngày… Nhất định sẽ tới ngày? Đồ ăn thức uống hẳn rất ngon nhưng vì mải mê suy nghĩ nên Jill chẳng thưởng thức được gì hết. Bữa ăn kết thúc, Toby cầm tay Jill đứng dậy nói. "Bây giờ mời các vị vào xem phim. Một phim mới nhất của Pan-Pacific. Cám ơn Sam đã có nhã ý ra mắt bộ phim tại đây". Phòng chiếu thênh thang để khoảng ngót trăm người có thể ngồi thoải mái trong các đi văng rộng và mềm. Cạnh cửa ra vào là chiếc tủ nhỏ đựng đầy bánh kẹo. Đối diện nó là chiếc máy rang bỏng ngô. Toby ngồi sát bên Jill và nàng biết là anh nhìn nàng suốt buổi chiếu chứ không hề ngó lên màn ảnh. Còn nàng thì chẳng hề liếc sang anh, dù chỉ một lần. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Hết phim, khách khứa tản ra, người xin phép về luôn, kẻ nán lại bên ly cà phê, đĩa bánh ngọt. Toby đang chào tạm biệt Sam Winters thì Jill, áo khoác đã choàng lên người, bước tới. Toby vội vã "Về sớm thế Jill? Để anh đưa em về". Jill nhẹ nhàng chưa từng thấy. "Tôi có xe, Toby. Một buổi tối thật tuyệt. Cám ơn anh" Dứt lời, nàng đi luôn. Toby cứ ngây ra nhìn theo ánh đèn hậu của chiếc xe mang Jill đi xa dần, xa dần rồi mất hút. Anh đã lên bao dự kiến hay ho cho phần còn lại của đêm nay. Nào ban nhạc riêng cho hai người, nào căn phòng ngủ lộng lẵy, nào một món quà đắt tiền, nào vân vân… Bất cứ người phụ nữ nào, kể cả các ngôi sao màn bạc, đều sẽ nhẩy phắt lên giường Toby, mang theo lòng biết ơn ẩn giấu trong thân xác ngọc ngà. Còn Jill? Cái cô diễn viên chuyên đóng vai phụ ấy bỏ về với mục đích gì. Với mục đích gì thì kể như cô ta cũng đã tự xoá mình đi trong tâm trí Toby. Bài học mà anh rút ra được là không bao giờ thèm nhắc đến Jill. Hôm sau, việc đầu tiên Toby làm khi vừa ngủ dậy là gọi cho Jill. Đáp lời anh là mẩu băng ghi âm cài sẵn trong điện thoại. "Xin chào. Đây là máy điện thoại nhà riêng Jill Castle. Xin lỗi bởi lúc này tôi không ở nhà nên không tiếp chuyện bạn được. Nếu bạn vui lòng cho biết tên và số điện thoại, khi trở về tôi sẽ gọi tới ngay. Rất cám ơn nếu bạn nói ngay sau tín hiệu píp…". Tiếng người ngưng lại nhường chỗ cho một tiếng píp khá to. Toby nổi giận dập máy, chẳng nhắn nhe gì. Mình là Vua Hài mà lại đi trò chuyện với một cái máy ư? Rồi chỉ vài phút sau anh lại gọi đến và chờ khi nó pip, anh nói. "Giọng cô phát ra từ ghi âm hay quá, nghe mà không muốn rời ra nữa. Hãy in thành đĩa mà bán. Tôi chưa bao giờ gọi cho những cô chỉ biết ăn cho no rồi tìm cách chuồn, nhưng cô luôn luôn là một ngoại lệ với tôi. Tại sao thì tôi cũng chẳng biết nữa. Tối nay ta lại cùng... " Máy ngắt. Không đủ băng để ghi vì anh nói quá dài. Điên tiết, anh quay số lần thứ ba mời Jill ăn tối và dặn nàng gọi lại. Anh chờ cả ngày hôm ấy, rồi cả đêm đến sáng luôn. Chương 26 Chưa bao giờ Jill nghĩ sẽ có ngày mình phải diễn cái vai này. Nàng không thể tự lý giải nổi tại sao Toby lại thèm thuồng nàng đến thế trong khi anh muốn là có bất kỳ người đàn bà nào ở cái kinh thành điện ảnh này. Song dù với lý do gì thì anh cũng đã tỏ ra thực sự thèm nàng. Với nàng, thế là đủ. Và nàng buộc mình phải nhập vai. Mấy hôm liền, bận việc này việc khác thì thôi chứ rảnh rỗi một chút là Jill lại nhớ đến bữa tiệc tối hôm đó, nhớ đến những người khách đầy quyền lực hoặc tài năng của điện ảnh Hoa Kỳ song đều tỏ ra rất chiều chuộng Toby, kể từ những ý thích ngớ ngẩn của anh. Dường như họ đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì anh muốn. Thế thì tại sao Jill không bắt Toby làm một cái gì đó cho nàng? Anh thèm muốn nàng đến vậy cơ mà. Song nàng biết là phải tỏ ra khôn khéo, cực kỳ khôn khéo là khác. Toby chẳng đã nổi tiếng là chóng chán những phụ nữ đã từng chung chăn gối đấy ư? Anh thích thú bám đuổi nàng vì coi đó là một thách thức. Vậy thì làm cách nào để nàng chinh phục anh hoàn toàn, để anh không thể chán nàng sau khi đã chiếm trọn ở nàng những gì anh muốn? Hôm nào Toby cũng gọi cho Jill. Nhiều hôm nàng cứ để mặc chuông reo, để mặc ghi âm trả lời khi đoán là Toby gọi. Và nàng thảy đều đoán đúng. Ú tim như vậy cả tuần liền Jill mới nhận lời ăn tối với Toby. Và anh mừng rỡ như đứa trẻ được quà. Ngồi riêng với Clifton, anh bảo. "Chỉ cần nghĩ đến Jill là cái của nợ của tôi đã cứng đơ lên rồi. Và ông biết rồi đấy, nó sẽ giống như người ta dựng tấm bảng quảng cáo chương trình biểu diễn của tôi vậy". Cuộc hẹn đầu tiên ấy, Toby đến đón Jill và bảo. "Tôi đã giữ được chiếc bàn đẹp nhất ở nhà hàng Star, hy vọng cô sẽ thích chỗ đó". Jill tỏ ra thất vọng. "Vậy sao?". Toby vội vã. "Hay em biết chỗ nào thích hơn, cứ bảo anh. Chúng ta sẽ có chỗ đó". Jill biết Toby nói thật. Nhà hàng nào chẳng coi là một vinh dự khi được Toby đặt bàn. Ngập ngừng một lúc Jill nói. "Anh đừng cười nhé. Nhà hàng Tommy". "Ông không tin nổi đâu, Clifton?" Toby hào hứng kể. "Chúng tôi phải xếp hàng tới hai mươi phút trước quầy bán bánh mỳ kẹp thịt ấy. Mà ông có biết cái tiệm Tommy quái quỷ ấy ở tít tận đâu không? Mãi ngoại ô Los Angeles nhé. Chỉ bọn cùng đinh Mehico mới chịu tới đó ăn thôi. Cái cô Jill này điên thật. Dửng dưng với bữa tiệc sâm banh Pháp cả trăm đôla để chỉ tiêu của tôi có hai đôla bốn mươi xen cho cả một buổi tối. Lại nữa, cô ta không chịu tới câu lạc bộ Pip với tôi mà cứ đòi đi dạo dọc bãi biển Santa Momca làm cát vào hết đôi giầy Gucci của tôi". Anh lắc lắc đầu. "Jill Castle, thật lạ ông có tin không?" "Không?" Clifton buông thõng, vô cảm. "Jill không chịu ghé qua tôi uống rượu nên tôi nghĩ mình sẽ ngủ với nàng, trên giường của nàng. Ông cũng nghĩ vậy chứ?" "Nghĩ vậy?" "Ông và tôi đều sai. Jill không cả cho tôi đặt chân vào phòng cô ấy, chỉ hôn khẽ lên má tôi, và tôi phải về ngủ với cái con cu cứ dựng đứng lên của mình. Với một Vua Hài như tôi sao lại lâm vào cảnh ngộ ấy với người con gái mà mình thèm muốn được nhỉ?" Sau đó, hầu như tối nào họ cũng gặp nhau. Khi hôm nào Jill bảo không thể gặp vì bận công việc hay vì một lý do nào đấy, Toby sống thật vật vờ. Và anh tìm mọi cách để gọi được cho nàng. Anh dẫn nàng tới các nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ sang trọng hoặc nổi tiếng nhất của Hollywood. Còn Jill lại hay đưa anh đi dạo trên bãi biển, trên những con đường lát gỗ trong rừng, hoặc tới những quán ăn rẻ tiền tại những nơi khuất nẻo mà một nữ diễn viên nghèo đang phải vật lộn chỉ để kiếm sống thường lui tới. Toby thì tới đâu cũng được miễn là có Jill đi cùng. Cái quan trọng hơn cả là mỗi khi bên Jill anh không thấy mình cô đơn nữa. * * * * * Mỗi ngày Toby lại càng thèm khát được lên giường với Jill hơn. Chưa bao giờ anh ham muốn làm tình với một người đàn bà nào khác, như với nàng. Một đêm, khi chia tay, khi Jill vươn người hôn nhẹ lên mà chúc ngủ ngon thì Toby luồn tay vào giữa cặp đùi nàng, ép chặt, và hổn hển. "Jill ơi, đêm nay nếu không được có em, chắc anh phát điên mất". Nói xong, anh ân hận ngay khl thấy nàng lùi qua cửa phong, lạnh lùng. "Anh biết là anh thừa sức mua cái đó vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và với bất cứ người đàn bà nào mà". Nàng dập cửa đánh sầm ngay trước mặt anh rồi dựa lưng vào cánh cửa, phát khóc lên vì sợ mình đã tỏ ra quá đáng và cả đêm mất ngủ vì lo lắng cho vai diễn của mình. Hôm sau Toby gửi đến nàng chiếc vòng ngọc có gắn kim cương và Jill thở phào biết rằng mình đã làm đúng. Nàng gửi trả lại chiếc vòng, tuy trong bụng tiếc lắm, với hàng chữ. "Dẫu gì thì em cũng cám ơn anh. Em hạnh phúc vì là bạn anh". "Ba ngàn đôla đấy. Vậy mà cô ấy không thèm nhận nó". Vừa nói Toby vừa lắc lắc đầu, nửa như thán phục Jill nửa như kiêu hãnh vì đã yêu một người như nàng. Anh hỏi Clifton. "Với một cô gái như vậy, ông nghĩ sao?". Clifton rất muốn nói thực ý nghĩ của mình ra song vừa không dám lại vừa không nỡ, nên đành chỉ buông ra câu vô thưởng vô phạt. "Một cô gái kỳ lạ, và đầy cá tính. Tôi cho là thế". "Chỉ thế thôi ư?" Toby kêu lên, ra vẻ thất vọng. Rồi cười sung sướng. "Mọi thứ đàn bà ở cái thành phố này hẳn đều không bỏ qua bất cứ vật gì nằm trong tầm tay họ. Chưa bao giờ tôi gặp một cô gái không màng tới vật chất như Jill. Ông còn lý do gì để trách tôi yêu Jill đến phát điên phát cuồng nữa không?" Miệng nói là không nhưng trong bụng Clifton đã chớm lo lắng. Với nghề đại lý, ông biết khá nhiều chuyện về Jill và tự hỏi liệu có nên tiếp tục can ngăn Toby. Nhưng ông cũng hiểu bây giờ mà nói ra điều ngược lại thì vừa muộn, vừa đẩy anh đến với Jill nhanh hơn. Toby bỗng nói bằng giọng chiếu cố. "Tôi sẽ không phản đối nếu ông nhận là đại lý của Jill. Rồi ông sẽ có thêm một khách hàng mang tầm cỡ ngôi sao. Tôi bảo đảm". Lại còn thế nữa. Thế thì Toby coi Clifton là cái hạng đại lý gì đây. Không muốn làm phật ý Toby nhưng ông vẫn phải cương quyết từ chối, tất nhiên, một cách khéo léo. "Cám ơn anh, Toby! Tôi tự thấy mình già rồi. Một ngôi sao với tôi cũng đã quá đủ rồi". ông cười lớn. Buổi tối, vô tình Toby đã kết án Clifton bằng cách kể lại cho Jill nghe. * * * * * Sau cái lần bị cánh cửa dập vào mặt ấy, Toby không nói gì đến chuyện ngủ nghê với Jill nữa, và trong tâm anh lại rất tự hào vì lối cư xử đó của nàng. Còn nhiều điều tương tự nữa, Thí dụ như khi anh làm điều gì Jill cho là sai trái, nàng nói ngay và nói thẳng ra với anh. Có lần anh vừa mắng mỏ vừa giễu cợt một người đàn ông cứ nằng nặc xin anh chữ ký, khi người đó đi khỏi, Jill bảo. "Những lời lẽ đó anh nói trên sân khấu hẳn sẽ thật hay nhưng còn ở đây thì anh đã khiến ông ta bị tổn thương lắm". Chẳng nữ diễn viên nào, dù là minh tinh, dám nói vậy với anh. Toby vội tìm người đó để xin lỗi. Jill nói bâng quơ rằng uống nhiều rượu không tốt cho sức khoẻ, Toby giảm bớt ngay. Nàng vờ vô tình chê quần áo anh chưa xứng với tầm cỡ siêu sao, anh bèn đổi sang cửa hiệu do nàng mách bảo và thấy nó đẹp, nó sang trọng lên thật. Vân vân... Nghĩa là Toby đã chấp nhận những lời lẽ trái tai, song phải do Jill nói ra. Còn nếu từ miệng kẻ khác, thì sẽ lại như xưa kia, anh không bao giờ tha thứ. Chỉ duy nhất một người nữa, ngoài Jill, là có thể sai khiến hay chỉ trích anh, nhưng người ấy đã không còn nữa. Đó là mẹ anh! * * * * * Không chỉ một lần và chỉ với chiếc vòng ngọc. Jill thường xuyên từ chối hoặc gửi trả lại những tấm séc, những món quà đắt tiền mà Toby tặng nàng. Toby thừa biết Jill đâu giầu có gì nên thái độ ấy càng khiến anh yêu và cảm phục nàng hơn. Một hôm đến đón Jill, trong lúc vơ vẩn ở phòng ngoài chờ Jill vào trong thay đồ, anh nhìn thấy một tập hoá đơn đã đến ngày thanh toán bèn lẳng lặng nhét vào túi mang về sai Clifton chi trả, và thầm coi đấy là một thắng lợi quan trọng của mình. Thực ra anh rất mong làm được cho Jill một cái gì đó phù hợp với tài năng, với mơ ước cua nàng. Và anh biết đó là cái gì rồi. "Sam này, tôi mang đến cho anh tin vui đây". Toby cười toe toét từ cửa. Vốn dạn dày kinh nghiệm, Sam Winters rất cẩn trọng với những tài tử không hẹn. mà đến tìm anh, lại mang theo quà biếu thế này. "Anh đang điên đầu vì tìm chưa được nữ diễn viên cho bộ phim của Keller, có đúng không?" Toby vẫn tươi hơn hớn. "Tôi mang đến cho anh đây. Trả công gì nào?" "Tôi có biết cô ta không?" Sam vẫn chưa thôi cảnh giác. "Anh đã gặp. Tại nhà tôi. JiIl Castle?" Toby nói nhát gừng như để tăng phần quan trọng. Sam nhớ ra ngay. Đẹp, khêu gợi, tóc đen. Hình thức khỏi chê rồi nhưng lại quá già để vào vai cô gái mới lớn trong phim của Keller. Toby muốn Sam cho Jill thử vai ư? Thì cứ thử xem sao. Từ chối ngay e cũng không phải là khôn ngoan lắm, nhất là một người như Toby đã có lời nhờ vả. "Anh bảo cô ta chiều nay đến gặp tôi ở văn phòng". Sam nói. Sam lo liệu chu đáo mọi việc cho buổi thử vai diễn của Jill: một quay phim giỏi nhất và do chính Keller đạo diễn. Hôm sau, Sam xem đoạn phim thử vai của Jill và thấy mình đã nghĩ đúng. Jill diễn được, nhưng quá già dặn trong vai cô gáỉ mới lớn. Anh gọi cho Toby và nói không úp mở. "Tôi vừa xem Jill thử vai. Cô ấy ăn ảnh lắm, diễn xuất cũng ổn nhưng không hợp được với vai chính. Jill có thể thành công và kiếm khá tiền ở các vai phụ song nếu định trở thành một minh tinh thì tôi e cô ấy đã nhầm. Cái Jill không có, nói thực với anh, chỉ người trong nghề như chúng ta mới hiểu, cái mà ta vẫn gọi là phép màu toát rá từ màn ảnh. Buổi tối vô tình Toby kết án Sam khi kể lại cho Jill, dù đã cố làm lời lẽ nhẹ đi. Jill nghe, và im lặng. Nàng đã tin mình diễn vai ấy rất đạt, tin rằng không ai thể hiện được nhân vật ấy hơn nàng, thậm chí như nàng. Song thực tế lại là vậy. Đâu đó trong ký ức chợt hiện lên chiếc cúp vàng bày trong tủ kính cửa hàng bách hoá thuở nào mà nàng tin sẽ là của mình nhưng rồi nó lại thuộc về kẻ khác, và nàng đâ đau xé ruột gan bởi cảm giác mất mát, ghen tuông. Cảm giác ấy đang trở lại với nàng. Tiếng Toby nghe văng vẳng từ nơi nào xa tít "Đừng nghĩ ngợi nữa, em yêu. Sam đâu hiểu mình nói gì". Ai chứ Sam thì hiểu, Jill chắc vậy, và còn chắc không mấy người hiểu biết như Sam Winters. Nàng không thể là ngôi sao điện ảnh. Mãi mãi nàng chỉ là một trong vô vàn diễn viên không tên trên màn ảnh, với những vai không chiếm nổi một mảy may trí nhớ người xem. Mẹ nàng nói đúng. Chúa đã trừng phạt những tội lỗi mà nàng không hề hay biết là của mình. Chìm đắm trong nỗi buồn vô hạn, nàng khóc mà không hề hay biết, cứ mặc cho những giọt nước mắt trào ra và tiếng thút thít vang lên. Toby dịu dàng ôm lấy nàng, dỗ dành nàng, và lại càng khiến nàng khóc to hơn. Rồi tự nhiên, tự nhiên thôi, có lẽ vậy, bởi Jill không hề nghĩ mình vẫn đang diễn, nàng kể hết cho anh nghe, từ chuyện đầu tiên là cái chết của cha khi nàng ra đời, tiếp theo đến chuyện cúp vàng, chuyện nàng lần đầu chảy máu trong bể bơi, chuyện những cơn đau đầu, những buổi giảng đạo và nhứng hãi hùng về sự trừng phạt của Chúa… Rồi nàng kể anh nghe về những ngày đầu đặt chân đến Hollywood, những vật lộn mưu sinh, những ê chề trên chặng đường đến với điện ảnh… Như có thần linh xui khiến, nàng không hé môi về những người đàn ông nàng đã tự nguyện hay bắt buộc hiến thân. Nghĩa là nàng không đả động gì tới David, Alan hay Eddie Berrigan, hay gì gì khác... Dù không toan tính nhưng nàng có cảm giác cất đi những chuyện đó sẽ có lợi hơn cho nàng, cho Toby và cho cả những người đàn ông kia. Dù đã rắp tâm diễn trò mèo vờn chuột với Toby, nhưng giờ đây, khi quá khứ đau thương và trần trụi trỗi dậy, nàng hiểu mình đã thực lòng muốn đến với anh và vô tình đã gọi ra đúng tên cái tình cảm vẫn ẩn kỹ trong anh mà trước nàng không một ai gọi ra được. Anh liếm khô những giọt nước mắt nàng, vỗ về nàng. "Jill, nếu em nghĩ không ai cay đắng, khổ sở như em thì hãy nghe về anh đây. Anh sinh ra trong một gia đình làm nghề mổ gia súc…". Họ cứ nói nhau nghe, cứ nghe nhau nói, qua buổi tối, rồi qua nửa đêm, rồi về sáng... Chưa bao giờ Toby trò chuyện với một phụ nữ ở tư cách con người với con người. Còn Jill ngay với David đã bao giờ nàng được nói, được nghe với trái tim thổn thức thế này. Chẳng ai biết được ai đã bắt đầu trước. Và cũng thật khó biết khi cả đêm họ đã nằm trong vòng tay nhau, đã ôm ấp vỗ về nhau, đã liếm khô những giọt nước mắt của nhau... thì tất sẽ đến lúc những biểu hiện thương yêu ấy trở thành nỗi thèm khát nhục dục. Mỗi lúc Jill cảm thấy cái chất nam tính của anh trở nên to hơn, cứng hơn, nóng hổi hơn và ép sát vào nàng hơn. Và anh, ở mỗi âu yếm vuốt ve anh lại thấy ngực nàng như rắn chắc hơn và hơi thở nàng càng lúc càng gấp gáp hơn. Rồi họ giúp nhau cùng cởi bỏ quần áo, cùng nằm ngay xuồng sàn phòng nàng và anh cuống quýt đi vào nàng, trở thành một phần của nàng, và nàng tức khắc hoà vào với anh. Cả hai đều mong sẽ xảy ra phép màu nào đó để họ không ra khỏi nhau được nữa. Nếu như trước đó Toby chỉ hoặc thèm muốn hoặc quan tâm đến Jill thì bây giờ thực sự là anh đã yêu nàng khi nhìn gương mặt dịu dàng của nàng, mớ tóc đen xoà rối, ánh mắt đắm đuối đam mê. Anh đã yêu bao giờ chưa nhỉ? "Anh muốn được cưới em làm vợ, Jill!" Câu nói đột ngột bùng ra, tựa như tất nhiên nó phải như thế. Nàng ghì xiết lấy anh. "Vâng, Toby! Vâng, anh yêu!" Rất lâu sau Jill mới lý giải nổi những gì đã đến với nàng lúc đó. Nàng muốn trả thù. Nàng phải trả thù những kẻ đã chiếm đoạt thân xác nàng, đã xúc phạm danh dự nàng, đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của nàng, đã coi thường tài năng nàng, đã rẻ rúng phẩm hạnh nàng… Và chỉ quyền lực của Toby mới cho phép nàng thực hiện sự trừng phạt đó. Nàng phải là vợ Toby. Song, nàng cũng yêu anh. Chương 27 Clifton đến nhà theo yêu cầu của Toby và như được đón tiếp bằng một trái bom khi nghe anh thông báo. "Đêm qua tôi đã cầu hôn, Clif, và đã được Jill chấp nhận. Tôi hiện đang vui như chàng trai hai mươi". Clifton Lawrence chỉ có thể tự trách mình đã để sự việc đến nông nỗi này, và cố không để lộ cảm xúc trên nét mặt. Thận trọng, phải hết sức thận trọng, ông tự nhủ: Song, dù thận trọng đến đâu, ông biết, cũng không khiến ông để Toby cưới làm vợ cái cô gái từng mang biệt hiệu "Người tình rực lửa" ấy. Ngay khi báo chí, truyền hình loan tin này ra thì hàng trăm gã đàn ông từng tham gia làm phim ở Hollywood sẽ lập tức chui ra theo và sẽ vênh váo mà khoe rằng chúng đã được cô vợ chưa cưới của Vua Hài dắt tay lên đỉnh khoái lạc thế nào. Có phải Chúa đã bịt mắt Toby để bây giờ anh vẫn không hay biết gì về những vụ lăng nhăng của Jill với một nủa đàn ông của cái thành phố điện ảnh này? Nhưng có giấu Toby mãi được không? Còn khi Toby đã rõ mọi sự thì cuộc chém giết sẽ kinh khủng tới mức nào, Clifton có thể đoán trước được. Đầu tiên là những người gần gũi nhất với anh, những người đã để anh biến thành trò cười cho cả Hollywood, và sau đó, chắc chắn, là cả nước Mỹ. Khi đó, còn ai khác nếu không phải ông, Clifton, sẽ lãnh đủ trước tiên? Không, ông không thể để đám cưới này diễn ra. Nhưng ngăn bằng cách nào? Chẳng lẽ bằng cách bảo Toby rằng anh hơn Jill đến hai mươi tuổi? Nực cười! Khối cặp vợ chồng khoảng cách còn lớn hơn thế, hơn thế nhiều, và tệ hại nữa, đó lại là lý do để họ tồn tạí ở cái Hollywood này. Nên bây giờ ông chỉ có thể nói. "Việc cả đời người, hãy thận trọng kẻo mắc sai lầm…". Nhưng Toby đã ngắt lời, oang oang. "Ông chịu phù rể cho tôi chứ, Clif ! Theo ông, nên làm đám cưới tại đâu? Ngay Hollywood hay Las Vegas, hay New York?" Clifton thở dài. Ngả này hết đường rồi. Ông đành nói chuyện phải quấy với Jill thôi. * * * * * Jill đến văn phòng Clifton Lawrence theo lời ông mời, chậm đến hơn một tiếng. Nàng để ông già bé nhỏ hôn vào má rồi ngồi xuống mép đi văng, nói ngay: "Tôi sắp đi gặp Toby nên rất ít thời gian, thưa ông Lawrence". "Jill, tôi nghĩ chúng ta sẽ không cần nhiều thời gian lắm". Ông nhìn nhanh nàng, song cũng kịp nhận ra đây là một phụ nữ hoàn toàn mới mẻ, chẳng còn chút nào của cái cô Jill ông lần đầu tiên gặp sau khi xem cô biểu diễn tiết mục Du hành vũ trụ cùng Toby. Bây giờ, vẻ tự tin toát ra ở mỗi bước đi, cách ngồi, giọng nói mà trước kia ông chưa từng thấy. Clifton mỉm cười. Ông đã từng giao dịch, và luôn giành phần thắng trước những con người còn mang vẻ tự tin gấp mấy thế này. Ông hắng giọng. "Jill, tôi nói ngay đây? Hãy rời khỏi Hollywood. Và đừng nghĩ về đám cưới nữa. Sẽ không có đâu". Ông lôi ra từ ngăn kéo chiếc phong bì lớn, đẩy về phía nàng. "Đây là năm ngàn đôla tiền mặt, chắc là đủ để cô tới bất kỳ đâu cô muốn". Jill nhìn ông già, không giấu được vẻ sửng sốt. Rồi nàng mỉm cười. Clifton lộ vẻ sốt ruột. "Tôi không nói chơi, cũng không doạ dẫm gì cô đâu. Cô cho rằng Toby vẫn sẽ làm đám cưới sau khi biết cô đã là đồ chơi cho một nửa đàn ông ở cái thành phố này?". Nàng chăm chắm nhìn Clifton, chỉ muốn nói thẳng ra rằng chính ông ta cũng phải chịu phần trách nhiệm khi để nàng trở thành thứ đồ chơi mà ông ta vừa lên án: Clifton, và những kẻ hành nghề đại lý như ông ta, và những kẻ quyền thế trong điện ảnh như ông ta, không một ai chịu cho nàng một cơ hội, để đến nỗi nàng phải đánh đổi bằng thân xác, bằng lòng tự trọng, mới có được công việc mà nàng ao ước. Nhưng ông ta sẽ không chịu hiểu đâu và sẽ từ chối cái phần trách nhiệm đó, như đã từng từ chối cơ hội dành cho nàng. Vậy còn chờ gì mà không nói hết ra với Toby? Và tại sao còn phải tốn năm ngàn đôla cho nàng? A, bởi họ biết Toby sẽ không chịu tin những gì họ nói. Bởi anh đã yêu, sau đó là, tất nhiên, đã tin nàng. Jill lặng lẽ đi ra khỏi văn phòng. Một giờ đồng hồ sau, chuông điện thoại văn phòng Clifton reo ầm ĩ. Nhấc máy lên, chưa bao giờ Clifton nghe giọng Toby vui vẻ, háo hức đến như thế. "Ông bạn già, ông đã nói gì với Jill vậy. Song dù gì thì ông cũng phải thay tôi mà giải quyết mọi việc nhé: Jill không thể đợi được nữa. Chúng tôi bay tới Las Vegas làm đám cưới đây". * * * * * Từ trên chiếc phản lực riêng hiệu Lear đang bay hai trăm rưởi dặm một giờ, David Kenyon liên lạc với đài chỉ huy sân bay Quốc Tế LAX (Los Angeles) cách khoảng ba mươi dặm để họ biết vị trí của anh. David đang bay tới gặp Josephine Czinski trong mềm vui khôn tả. Mợi chuyện buồn cũ đã chấm dứt. Giờ là những ngày vui, những năm vui của anh với nàng. Mãi mãi vui. Anh tin vậy. Sau tai nạn một thời gian, các vết thương của Cissy đều đã lành lại, song gương mặt bị biến dạng đến mức cô ta không dám nhìn vào gương, suốt ngày khóc lóc đòi chết cho xong. David đưa Cissy sang Braxin, gửi cho một bác sỹ chỉnh hình vào loại giỏi nhất thế giới. ít lâu sau, Cissy liên tục viết thư hoặc gọi điện về, hết lời ca ngợi người bác sỹ đó. Thế rồi, cách đây chưa tròn hai mươi tư giờ, Cissy gọi điện báo cho David hay rằng cô sẽ không trở về nữa. Cô đã và đang yêu. David mừng quýnh, mồm miệng bỗng lắp bắp. "Tuyệt, rất là tuyệt… tuyệt. Anh chúc em và chàng bác sỹ đó hạnh phúc... " "David, chẳng có chàng bác sĩ nào hết mà chỉ có ông chủ một đồn điền nho nhỏ thôi. Nom hình thức rất giống anh, David ạ. Cái khác duy nhất là anh ấy thực sự yêu em, thực sự cần có em. Hãy đến ngay với Josephine đi anh. Cô ấy chắc vẫn chờ anh? Em hy vọng vậy. Cũng chúc hai người hạnh phúc". David mỉm cười, cho máy bay hạ thấp độ cao, chuẩn bị hạ cánh. Tim anh bỗng đập rộn lên. Vài chục phút nữa thôi anh sẽ gặp Josephine, sẽ được nói với nàng rằng anh vẫn chỉ yêu một mình nàng và mong được cưới nàng làm vợ. Anh đi qua quầy báo trong nhà ga sân bay và đọc trên một tờ báo hàng chữ in đậm nét: Toby Temple kêt hôn cùng nừ diễn viên... Anh đọc cái tin hai lần, ngó vào bức hình cô dâu chú rể một lần rồi tìm vào quán rượu trong nhà ga sân bay. Anh say đến mấy ngày liền, rồi bay trở về Texas. Chương 28 Tuần trăng mật của họ thật đáng ghi nhớ, ngay cả với Toby, đã từng mấy năm được nếm mùi vương giả. Họ thuê máy bay riêng để tới Las Hadas, là khách của một thủ lĩnh người Mehico và nghỉ ngơi tại một vùng đất nằm giữa rừng già và bãi biển đẹp như thần thoại. Rồi họ bay tới Biarritz, ở tại khách sạn Palace đẹp như một lâu đài. Họ đi xem đấu bò, đánh bạc, và làm tình suốt đêm. Rồi họ bay lượn trên những ngọn núi cao nhất châu u, trượt tuyết, đánh goll, và suốt đêm làm tình. Chưa bao giờ Toby thấy cuộc đời hạnh phúc như bây giờ. Anh đã tìm được người phụ nữ khiến cuộc đời anh trở nên trọn vẹn tới từng phút giây. Bên nàng, anh không hề thấy cô đơn. Toby chỉ muốn tuần trăng mật không bao giờ kết thúc nhưng Jill thì đã không giấu vẻ chán chường, chỉ một hai đòi về. Nàng tỏ ra hờ hững với tất cả; cảnh vật lẫn con người, ở những nơi họ đến. Nàng không thể chịu nổi cái ý nghĩ một hoàng hậu vừa được tấn phong đã phải sống xa vương quốc, xa thần dân của mình. Nàng nóng lòng có mặt ở Hollywood, và chỉ Hollywood! Đã đến giờ trừng phạt của bà Toby Temple! Chương 29 Mọi sự thất bại đều mang theo mùi vị, và nó lưu cữu như âm khí. So sánh thì hơi kỳ quặc nhưng cũng như chó có thể đánh hơi thấy sự sự hãi ở người, hoặc như người ta có thể, bằng cảm giác, nhận ra ai đó đang xuống dốc, nhất là lại ở kinh thành điện ảnh Hollywood này. Thí dụ như với Clifton Lawrence. Những ai đã từng biết đến ông một thời lừng lẫy thế nào thì nay đều đã ngửi thấy cái mùi suy vong đang lởn vởn quanh ông, dù chính ông, có thể cũng chưa nhận ra cái mùi đó. Họ, tức vợ chồng Toby, hưởng tuần trăng mật trở về kể đã tới hơn tuần mà chẳng thấy ai gọi hỏi gì đến ông cả. Ông đã gửi đến họ, như món quà mừng cưới, một tặng phẩm đắt tiền; đã nhiều lần nhắn qua điện thoại, nhưng thảy đều không có hồi âm. Hẳn là do Jill, ông phán đoán, đã xúc xiểm để Toby nghĩ xấu về ông. Phải tìm kế hoãn binh thôi, ông nghĩ. Ông và Toby là một thể thống nhất, không thể cho người thứ ba chen vào phá đám. Vào một ngày biết chắc là Toby đang bận ở Hãng phim, Clifton đánh xe đến nhà anh. Chính Jill ra mở cửa đón ông và tiếp đãi ông vô cùng thân mật, gần gũi. Ông khen nàng đẹp ra, "đẹp mê hồn", ông nói vậy. Jill kéo ông ra ngồi ngoài hiên uống cà phê và kể ông nghe về tuần trăng mật tuyệt vời của vợ chồng họ. Nàng xin lỗi vì khi trở về đã không gọi ngay cho ông và nêu ra vài ba lý do mà ông nghe cũng thấy chấp nhận được. Nhìn Jill mỉm cười với vẻ tạ lỗi Clifton biết mình đã nghĩ sai về nàng. Không, nàng không là kẻ chọc ngoáy, nàng không là kẻ thù của ông. "Tôi muốn chúng ta hãy là bạn nhau, và bắt đầu lại từ đầu" Clifton nói. "Cám ơn ông đã nói ra. Tôi muốn vậy lắm". Jill khẽ khàng. Clifton nhẹ nhõm cả người. "Tôi muốn có bữa tiệc mừng vợ chồng cô", ông cố tình nhấn mạnh hai tiếng vợ chồng và thấy Jill lộ vẻ kiêu hãnh, "vào thứ bảy tuần sau tại nhà hàng Bistro với khoảng một trăm khách, đều là bạn bè thân thiết của hai người. Nghĩa là khá long trọng, phải không Jill? Cô thấy được chứ?". "Tuyệt! Toby hẳn sẽ rất vui. Cám ơn ông, Clifton". Chờ đến đúng buổi chiều của cái hôm Clifton mở tiệc, Jill gọi điện cho ông với giọng buồn bã. "Tiếc quá, Clif. Tôi sợ là tối nay sẽ không tới vui cùng ông được. Tôi mệt, và Toby cho rằng tôi nên ở nhà nghỉ ngơi". Clifton cố không để tiếng thở dài lọt vào máy. "Tôi còn tiếc hơn cả cô, Jill. Còn Toby thì không có chuyện gì chứ?" Nàng hình như không thèm giấu tiếng thở dài thườn thượt. "Tôi nghĩ là cũng không, Clif thân mến ạ. Đố ai kéo được Toby đi đâu nếu không có tôi đi cùng. Chúc bữa tiệc thật vui". Đừng có nghĩ đến chuyện hoãn lại vì, đã quá muộn. Ông không tiếc số tiền ba ngàn đôla phải trả cho bữa tiệc vì ông biết mình còn mất một thứ trị giá hơn nhiều lần. Người khách danh dự của bữa tiệc, cũng là khách hàng duy nhất của ông, đã quay lưng lại với ông, và tất cả một trăm khách mời của bữa tiệc, toàn những nhân vật quan trọng của Hollywood đều chứng kiến việc đó. Clifton đành chữa ngượng bằng cách nêu lý do hai ông bà Toby không được khoẻ. Thế là ông lại mang thêm cái tiếng "kẻ nói dối tệ hại" bởi ngay sáng hôm sau, trên trang nhất tờ Herald Examiner người ta thấy bức hình ông bà Temple vừa chụp tối hôm trước tại một buổi trình diễn thời trang. Đến đấy thì Clifton Lawrence biết là bi kịch đời ông đã mở màn. Nếu bị Toby gạt ra rìa, sẽ không một ai muốn, hoặc có muốn cũng không dám, thuê ông nữa. Và một khi đã không có khách hàng thì cũng không có Hãng phim hoặc sân khấu biểu diễn nào đếm xỉa đến ông. Cái ý nghĩ phải bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng khi mà tuổi già đang sồng sộc đến khiến ông hoảng sợ, và cũng biết ngay điều đó là vô kế khả thi. Phải tìm cách lấy lòng Jill thôi. Ông gọi điện, bảo là muốn đến thăm và có chuyện cần nói. Jill tỏ ra mừng rỡ, reo lên: "May quá ông lại gọi tới. Hôm qua tôi vừa phàn nàn với Toby là dạo này sao rất ít được gặp ông, thậm chí thấy ông cũng khó..". "Tôi sẽ có mặt sau nửa giờ nữa". Ông nói rồi đến tủ rượu rót một ly đúp scoth. Ông nghiện rượu rồi chăng? Trước kia, không bao giờ ông uống rượu vào cái giờ này - giờ làm việc. Nhưng bây giờ thì... Ông đang làm việc với khách hàng nào, và làm việc gì? Mỗi ngày ông đều mỗi nhận được vài ba lời đề nghị thu xếp biểu diễn cho Toby nhưng chẳng thể nào gặp và bàn bạc được với anh. Chao ôi, vậy mà họ đã từng có những ngày tuyệt vời đến thế, cùng chia sẻ những tràng vỗ tay, những bó hoa, những bữa tiệc và cả… những cô gái đẹp. Còn lúc này…? Ông lại rót một ly nữa. Hai mươi phút sau, Clifton đến nhà Toby và thấy Jill đang một mình uống cà phê ngoài hiên. Nàng mỉm cười thân thiện. "Vui mừng gặp ông, Clif. Mời ông ngồi". "Cám ơn cô, Jill". Tôi sẽ cám ơn nhiều hơn nếu cô chịu mua lại tôi, ông nghĩ. Đúng là ông đang đến bán mình cho Jill. Rẻ mấy cũng bán. "Ông dùng bữa sáng cùng tôi nhé, Clif?" "Xin để dịp khác, tôi cũng vừa ăn xong". "Hơi buồn là Toby không có nhà". "Tôi biết. Tôi có câu chuyện muốn nói riêng với cô Jill ạ". "Tôi? Vâng, ông cứ nói. Nếu giúp được ông bất kỳ điều gì tôi cũng xin hết lỏng". "Cô hãy nhận lời xin lỗi của tôi". Clifton nói, mà nghe như đang van xin. "Tôi... già rồi mà vẫn không hiểu tình yêu là gì, nên đã lầm lẫn tệ hại. Chỉ vì nôn nóng giữ cho Toby mà đâm mang tội với cô. Jill, xin hãy tha lỗi cho tôi". Jill nhìn thẳng vào Clifton. "Tôi hiểu điều ông nói, thưa ông Lawrence". "Xin hãy cứ gọi tôi là Clif". Ông hít một hơi thật sâu. "Không biết Toby đã bao giờ kể cho cô nghe rằng chính tôi là người giúp anh ấy bắt đầu sự nghiệp, bởi vừa thấy anh ấy tôi đã nhìn ra ngay đây sẽ là một ngôi sao…" "Vâng, Toby có kể với tôi là khi khởi sự anh ấy đã phải nhờ đến ông rất thiều". Giọng Jill đầy hàm ơn, như nàng đang nói thay cho Toby. "Thật vậy ư?". Clifton vội vã hỏi lại và ông ghét cái vội vã ngoài ý muốn đó. Jill cười rất tươi, mắt chớp chớp. "Toby kể cả cho tôi nghe cái lần đã liều lĩnh giả làm Sam Goldwyn lừa ông tới xem anh ấy biểu diễn. Và tôi cười suốt đêm ấy…" Clifton ngồi thẳng dậy, nhìn vào cặp mắt nâu của Jill. "Tôi không muốn quan hệ vốn rất đẹp đẽ của tôi với Toby tan vỡ. Và xin cô hãy giúp đỡ mong muốn đó bằng cách nhận lời xin lỗi của tôi và quên đi những gì không vui đã xuất hiện giữa hai chúng ta. Tôi nghĩ mình làm mọi việc chỉ với mục đích bảo vệ Toby, song tôi đã lầm lẫn khủng khiếp. Chính cô mới là người Toby cần, và chính cô sẽ che chở tốt nhất cho anh ấy". Jill thong thả. "Tôi chờ ông nói ra điều này, và tôi vui sướng được nghe nó. Tôi cũng như ông thôi. Hai chúng ta đều không ai muốn mối quan hệ của mình với Toby bị tan vỡ, đúng không, Clif" Giọng Clifton nghẹn lại. "Nếu bị Toby bỏ rơi, tôi nghĩ chắc mình sẽ khó mà sống nổi. Không chỉ là chuyện làm ăn, chuyện tiền bạc đâu. Tôi yêu Toby - yêu tính tình và tài năng của anh ấy. Xưa nay tôi thường vẫn nghĩ Toby chính là đứa con trai mà tôi mơ ước được có". Ông nguyền rủa mình vì đã nói vậy song ngay sau đó ông lại thấy mình cầu xin cái con đàn bà mà ông từng khinh bỉ - cái con điếm của Hollywood ấy. "Jill, hãy vì Chúa, Jill". Jill đăm đăm nhìn ông rồi chìa tay ra. "Clif, tôi không thích sống trong sự thù hận, bởi nó sẽ đầu độc ngay chính tôi. Tối mai ông tới dùng bữa với vợ chồng tôi nhé. Chúng tôi mong được tiếp đón ông". Clifton rạng rỡ mặt mày. "Cám ơn, cám ơn Jill. Tôi sẽ đến. Và tôi sẽ không bao giờ quên nổi cuộc trò chuyện này". Sáng hôm sau, đặt chân vào văn phòng, Clifton nhận được một lá thư gửi bảo đảm báo rằng thời hạn làm đại lý của ông cho diễn viên Toby Temple đã hết và ngài Toby không chấp nhận bất cứ ly do gì nhằm gia hạn hay ký tiếp hợp đồng. Chương 30 Từ sau sự kiện màn ảnh rộng đến nay, Jill Castle Temple được Hollywood coi là một hiện tượng kỳ thú bậc nhất. Ở cái nơi người ta không chỉ tồn tại và vươn lên bằng sự cạnh tranh đến mức dẫm đạp lên nhau thì cái vỏ bề ngoài chính là một yếu tố góp phần quan trọng vào cuộc chiến đó. Và trò chơi tâng bốc, phỉnh nịnh, khen nhau phò mã tốt áo vốn ngày càng được ưa chuộng, nay đã trở thành cái mốt trong những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, và trong cả công việc nữa, dù trong đầu người nói chỉ toàn những ý nghĩ ngược lại, thì khi ấy, Jill thường chẳng sợ hãi gì mà không nói toạc ra cái sự thật mà nàng biết hoặc những gì nàng đang nghĩ trong đầu. Nàng có Toby ở bên, và nàng không đắn đo khi sử dụng sức mạnh của anh để chế giễu bọn đạo đức giả, để trả thù bọn đã hành hạ, đã làm nhục nàng, dù đó chỉ là gã trợ lý đạo diễn hay đó là nhân vật quan trọng của một Hãng phim hoặc của cả Hoìlywood. Và tất cả cứ ngớ ra, kể từ Đội tạp chủng - những kẻ lẽo đẽo cả đời sống bên rìa ngành điện ảnh - đến những người đang làm chủ cái ngành đó. Bên tung hô thì nhiều song phía phẫn nộ còn nhiều hơn nữa, có điều, chẳng kẻ nào dám lên tiếng phản bác nàng. Phần vì những gì nàng nói ra đều là sự thật hoặc rất gần với sự thật, phần khác, quan trọng hơn, chống lại Jill tức là chống lại Toby, và việc đó thì không một ai dám nghĩ đến. Toby là tài tử mang nhiều lợi lộc nhất về cho họ, và họ luôn phải cần đến anh, luôn muốn có anh. Toby Temple mỗi ngày mỗi thêm nổi tiếng. Chương trình truyền hình hàng tuần riêng của anh vẫn luôn được xếp vào loại ăn khách số một toàn nước Mỹ, các phim có anh tham gia cửa vé vẫn luôn đông nghịt, các sòng bạc ở Las Vegas luôn có lợi nhuận gấp đôi mỗi khi anh tới thành phố biểu diễn, và anh - nay thêm Jill - vẫn luôn là khách mời của các Tổng thống, các Hoàng tộc, các Quốc vương… Anh là nguồn thu vô tận của ngành nghệ thuật công diễn. Các ông chủ tranh giành anh, ai cũng muốn anh xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi loại hình, trên mọi phương tiện quảng bá từ kinh doanh đến từ thiện. Chẳng thu được tiền về thì cũng gặt hái thêm danh tiếng, mà danh tiếng thì cũng sẽ là tiền thôi, họ thừa biết điều đó nên chấp nhận hết, miễn là họ có Toby. Và các ông chủ nhanh chóng hiểu ra một điều rằng Jill vừa lòng tức là Toby hài lòng. Vậy là họ tranh nhau lấy lòng Jill. Nàng bắt đầu, gần như là sự thay thế Clifton Lawrence, xếp đặt chương trình biểu diễn của anh, nói riêng, và cuộc sống của anh, nói chung. Hết sức chú trọng đến sự giao tiếp của Toby, nàng sắp đặt giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi của anh sao cho anh chỉ còn đủ thời gian gặp gỡ với những ai mà nàng muốn anh gặp. Khéo léo đến mức nàng dựng được lên quanh anh một rào chắn vô hình mà chỉ những ai được phép của nàng mới vượt qua nổi. Đó chỉ là ba tầng lớp: giàu có, nổi tiếng, đầy thế lực mà từ nay, thực ra, nàng cũng chỉ cần đến ba tầng lớp ấy. Cô gái Mỹ gốc Ba Lan nhập cư nghèo khó đầy ganh tỵ của thị trấn Odessa bang Texas ngày nào nay mở tiệc chiêu đãi hoặc đi dự chiêu đãi của các nhân vật cỡ đại sứ, Thống đốc bang, trùm tài phiệt, nghệ sỹ nổi tiếng thế giới, Tổng thống Mỹ, nhà vua Tây Ban Nha, vân vân… Hollywood từng đã quá tồi tệ với nàng. Nó sẽ không được phép như vậy nữa khi nàng đã có Toby. Và hơn thế, nó cần phải được biết thế nào là TRẢ GIÁ. Clifton Lawrenee mới chỉ là món khai vị mà thôi. Tiếp theo là những người mà Jill thực sự căm ghét. Mới chỉ căm ghét chứ chưa là thù hận. Họ vừa làm tình xong. Nàng rúc sâu vào anh, làm như chợt nhớ. "Gần gũi anh thế này thực không hạnh phúc nào sánh bằng, nhưng không hiểu sao đôi khi nó lại nhắc em nhớ tới một sự gần gũi mà em sẽ kinh sợ cho đến hết đời". Toby lập tức nhỏm lên, gay gắt. "Với thằng nàơ? Nó sẽ chết với anh". Nàng kéo chồng nằm lại như cũ, rúc rích. "Chẳng có thằng nào cả. Thôi chết, em chưa kể với anh ư? Đó là cái lần em tìm đến một đại lý và gặp được một phụ nữ to béo…" "Tên nó là gì?" Toby nôn nóng hỏi. "Là… là… có lẽ… không, đúng là Rose Dunning rồi. Chính xác đấy. Cô ta bảo có một vai cho em, rồi đưa em kịch bản, rồi ngồi xuống giường cùng đọc với em…". "Rồi thế nào nữa?" Bàn tay Toby đặt trên ngực Jill nắm chặt lại. "Em đọc chứ sao. Em ngây thơ đến thế, anh có tin nổi không? Rồi cô ta đặt tay lên đùi em, khi em đang đọc. Rồi cô ta đưa tay lên cao dần, khi em vẫn đang đọc. Em vứt kịch bản, bỏ chạy…" "Thôi", Toby quát, "kể gì lắm thế". Một tuần sau, Rose Dunning bị thu hồi giấy phép hành nghề. Vĩnh viễn. * * * * * Chiếc Rolls Royce dừng lại trên bến. Vợ chồng Toby bước ra, đi dọc cầu tàu một đoạn rồi Toby đỡ tay Jill cùng bước lên chiếc du thuyền sang trọng có động cơ rất mạnh mang tên Jill mà anh mới mua tặng vợ. Họ chỉ được ở trên thuyền đúng một ngày đêm, bởi mai là ngày Toby ghi hình chương trình truyền hình riêng, một công việc mà chỉ ốm đau đến mức thập tử nhất sinh mới hòng vắng mặt. "Nghĩ đến công việc mà phát ốm lên. Anh thực sự thích được nghỉ ngơi bên em". Jill nói như anh ủi. "Nhưng đó là một chương trình tuyệt vời, Toby! Em cũng rất thích được tham gia vào đó, tất nhiên là phải có anh. Và…". Giọng nàng chợt hạ xuống"… phần lớn mọi người ở chương trình đều tử tế". "Nghĩa là trong đó vẫn có kẻ đã cư xử không ra gì với em?" Toby quắc mắt. Nàng làm bộ lỡ lời. "Anh đừng nghĩ vậy. Em... em buột mồm đấy thôi". Rồi cuối cùng Jill tỏ ra miễn cưỡng chịu thua Toby và ngay hôm sau, đạo diễn chương trình Eddie Berrigan bị Hãng cho nghỉ việc. Những ngày còn lại của tuần lễ đó, hai vợ chồng lênh đênh trên chiếc du thuyền cùng sóng nước biển khơi. Anh đang nằm ngửa trên boong, mắt đeo băng cho khỏi chói nắng, tận hưởng cảm giác đê mê từ hai bàn tay xoa bóp khéo léo của Jill. "Về Clifton, thực là em đã khiến anh sáng mắt ra". Toby thở dài. "Đúng là ngoài anh, không ai còn muốn thuê ông ta nữa. Và ngoài anh, còn ai chịu để ông ta bòn rút đến vậy? Bây giờ không có anh, ông ta muốn ngồi tù cũng chẳng ai cho". "Dù sao em cũng vẫn cứ ái ngại cho ông ta". Jill nói nho nhỏ. Toby nói với giọng dạy dỗ. "Bởi vì em xét đoán mọi việc bằng con tim chứ không phải bằng cái đầu. Cũng tốt. Nhưng phải biết tuỳ người em ạ". Jill đưa hai tay dần xuống phía dưới. "Em nghĩ thế nào thì nói vậy thôi, chứ biết gì là tim hay óc". Nàng nhích tay xuống dưới chút nữa. Anh oằn người, rên rỉ. Nàng đặt tay vào giữa hai đùi anh và mỉm cười khi thấy anh cứng đơ ra. "Nào em, nào em…". Anh hổn hển giục. Thời gian tiếp theo, đều như rất tình cờ, Jill kể cho Toby nghe chuyện này chuyện nọ về những đạo diễn, về cả những trợ lý, mà nàng đã lên sẵn danh sách, để rồi đám người ấy lần lượt biến ra khỏi cái nghề mà họ đang làm. Những kẻ đã làm nhục nàng, đã lợi dụng thân xác nàng, cuối cùng đều phải trả giá. Tựa như cuộc giao phối của ong chúa. Sau lạc thú, kẻ thụ hưởng phải chết. Rồi đến Sam Winters, kẻ dám nói với Toby rằng nàng không mang lại phép màu cho màn ảnh. Với Sam, nàng dùng chiến thuật khác: không bao giờ chê trách mà ngược lại, còn luôn ca ngợi trước mặt Toby. Rồi sau đó, nàng lại ca ngợi giám đốc các Hãng phim khác nhiều hơn, và ở các Hãng đó, theo nàng, có nhiều điều kiện tốt hơn để anh gặt hái tiếng tăm cũng như tiền bạc, và, nàng chép miệng, "hay là Sam đánh giá không hết tài năng cũng như công sức của anh, Toby?" Nàng hỏi, biết là anh không thể trả lời ngay nhưng dần dà rồi anh cũng sẽ nghĩ như vậy. Và nàng đã đúng. Thực chất là sau khi đuổi Clifton, anh cũng chẳng biết bàn bạc công việc với ai nữa, ngoài vợ. Cũng ngoài vợ, anh chẳng còn có thể tin cậy được vào ai. Khi quyết định bỏ Pan-Pacific để đến với các Hãng phim khác, anh cho rằng chính anh, tự anh muốn thế. Bề ngoài Jill cũng làm ra vẻ đúng vậy nhưng thâm tâm nàng hiểu Sam Winters thừa biết rõ nguyên nhân. Phải chăng đó là sự báo oán? Những người lâu nay vốn gần gũi với Toby thì cho rằng chẳng chóng thì chầy Jill cũng sẽ đi khỏi, nàng tồn tại bên Toby cũng chỉ lâu hơn những phụ nữ khác một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Chắc mẩm vậy nên họ hoặc bỏ qua những hành xử độc đoán của Jill hoặc tuân theo một cách miễn cưỡng không thèm che giấu sự bất bình của mình. Họ thật ngây thơ. Jill lần lượt loại bỏ hết, từ luật sư đến ba chàng Mac và cả Hai tay ấy... để thay vào đó bằng những người do đích thân nàng tìm kiếm, chọn lựa. Tất nhiên, cái cô thư ký váy ngắn - không đồ lót bị nàng cho nghỉ việc từ ngày đầu tiên nàng lên chức bà Temple. Nàng không cho phép một ai, ngoài chính nàng, được đóng một vai trò quan trọng nào đó trong cuộc sống của Toby hoặc cản trở mục đích của nàng. Kẻ hầu người hạ nàng cũng thay tuốt. Ngôi nhà giờ đây đã hoàn toàn thuộc về nàng, và nàng làm chủ nó. Người ta chờ đợi và săn đuổi những tấm thiệp mời dự tiệc do bà Jill Castle Temple tổ chức tại nhà riêng. Chẳng ai muốn bị quên, muốn vắng mặt trong cuộc vui đó. Đủ mọi nhân vật quan trọng của các ngành nghề khác nhau. Đội quân báo chí thì thừa mứa. Đám thợ săn này biết rằng tiệc mà đã mở tại nhà Toby cũng có nghĩa là tin tức thả giàn và vui chơi thả cửa. Hết mở tiệc mời người vợ chồng Toby lại được người người mời tiệc. Giấy mời dường như xuất hiện mỗi ngày, dự không xuể. Rồi họ còn được mời làm khách danh dự cho các đêm biểu diễn ra mắt, các hội hè gây quỹ từ thiện, các cuộc khánh thành công trình yà cả lễ hạ thuỷ những con tàu… Thâm tâm, Toby đã ngán mọi thứ tiệc tùng hội hè đó. Anh chỉ thích ở nhà, và tất nhiên, ở bên Jill. Nhưng nàng lại rất muốn đi dự, tất cả, gần như là một thèm khát. Có tối, nàng lôi anh chạy từ cuộc nọ đến cuộc kia. Phải bỏ cuộc nào là nàng áy náy đến mấy ngày. Anh đùa với nàng. "Nước Mỹ mà thành lập nội các mới, anh nhất định tiến cử em vào chức giám đốc phụ trách nghi lễ, tiệc tùng". Jill có vẻ không đùa, bảo. "Mọi việc em làm đều vì anh đấy, anh yêu. Thế anh nghĩ chỉ mình anh là thích những giây phút riêng tư thôi à? Anh vứt những mẩu giấy đó đi rồi à?" Không, anh cất chúng rất kỹ là khác, vì coi đấy là những biểu hiện tinh tế của tình yêu sâu đậm nàng trao cho anh. Một lần, nàng thích chỉ có hai vợ chồng dạo chơi đâu đó, bèn để một mẩu giấy nhỏ ngay bên gối để anh ngủ dậy là đọc được. Nàng viết. "Em mơ thấy nai vàng. Hoàng tử có vào rừng cùng em không?" Họ đã lang thang quanh những thân cây, dưới những vòm cây, cả chiều hôm ấy. Và anh thật sự không quên nổi cái cảm giác viên mãn khi làm tình cùng nàng trong rừng, trên thảm lá dầy, mà tiếng vỡ vụn của nó cứ làm mềm phấn khích của anh tăng lên, tăng lên mãi. Có điều chẳng thấy chú nai vàng nào hết. Một lần khác, khi anh đang bận rộn ở phim trường trong vai một thuyết khách có sứ mệnh giảng hoà cho một cuộc chiến tranh sắc tộc thì bỗng người hầu gái của Jill tìm đến, lặng lẽ trao cho anh mẩu giấy nhỏ rồi bỏ đi luôn khiến anh hoảng sợ tưởng đã xảy ra chuyện gì không hay cho Jill ở nhà. Nhưng khi mở giấy ra và đọc xong, anh đã lặng người đi vì xúc động và cồn cào vì thèm khát. Rồi anh lẳng lặng vào phòng hoá trang lau rửa mặt mũi, thay áo quần, sau đó ra bảo đạo diễn thu xếp quay cảnh khác, anh phải về vì ở nhà có việc cần đến anh. Mọi người tin ngay, còn xúm xít hỏi han xem có thể giúp được gì không. Anh làm bộ mặt bí hiểm, bỏ di. Ngồi trên ô tô, anh đọc lại những dòng chữ của Jill, thấy yêu và ham muốn nàng hơn bao giờ hết. Nàng viết. "Kẻ kiên tạo hoà bình ơi, em vừa tắm xong còn chưa mặc quần áo, bây giờ phải làm gì hả anh?" Kiến tạo hoà bình là sứ mệnh của nhân vật anh đang đóng trong bộ phim mà anh vừa quẳng đấy để về dạy Jill phải làm gì sau khi vừa tắm xong còn chưa mặc quần áo. Toby đang ở vào thời kỳ bận rộn nhất. Jill nhận hơi nhiều việc cho anh, lại toàn những vai chính khiến anh tốn không ít thời gian và sức lực. Một tối vừa từ Hãng phim về, người mệt rũ, anh bỗng muốn bệnh luôn khi thấy bộ đồ lớn của mình đã được lôi ra khỏi tủ quần áo. "Lại phải đi dự tiệc hả em? Cả năm nay liệu mình có ở nhà được vài tối không? Anh chỉ muốn nằm nghỉ em ạ". Jill nhẹ nhàng nói. "Hôm nay là ngày đầy năm đứa con đầu lòng nhà Jack. Họ mở tiệc mừng. Mình không đến, chắc đứa trẻ sẽ tội nghiệp lắm. "Trên đường, anh chỉ mong mau chóng về đến nhà để được ngâm mình trong nước nóng sau đó nằm im nghe nhạc, chỉ hai đưa mình với nhau" Jill chỉ im lặng. Và Toby hiểu anh sẽ có mặt ở bữa tiệc của đứa trẻ một tuổi ấy, và bởi vì là cái đinh của bữa tiệc nên mệt đến mấy anh vẫn phải tươi tắn, vẫn phải pha trò, sao cho mọi người rũ ra mà cười, mà hoan hô, mà bảo với nhau rằng anh thật là có khướu hài hước. Đêm về, cái mệt khiến anh không ngủ nổi, cứ nằm mà nhớ lại những gương mặt hân hoan của đám khách khi thấy anh và Jill đến, những tiếng cười phá ra khi nghe anh pha trò... và anh thấy mình thực là hạnh phúc. Nhờ Jill đấy. Mẹ anh hẳn cũng quý Jill lắm, nếu bà còn được thấy Jill chăm lo cho anh thế này. Toby - và cả Jill, tất nhiên, nhận được giấy mời đi dự Liên hoan phim Cannes, một sinh hoạt điện ảnh tầm cỡ nhất nhì thế giới. Anh nói ngay. "Sang tận Pháp? Không có chuyện hài hước vậy đâu. Cái Cannes độc nhất mà anh muốn thì nó nằm ngay trong phòng tắm nhà mình rồi. Anh chẳng muốn đi đâu cả. Ngay đi làm anh còn ngại nữa là!". Jill nghe cũng thấy thương, nhưng cái hình ảnh mà Jerry Guttman, phụ trách quan hệ xã hội của Toby vẽ ra, lại hấp dẫn nàng quá thể. Anh ta bảo rằng rất nhiều khả năng phim của Toby sẽ đoạt Cành cọ vàng, giải thưởng cao nhất, và cá nhân anh cũng có khả năng đoạt giải diễn viên chính xuất sắc nhất. Với hai lý do ấy Toby có nên vắng mặt không? Dạo này Toby thường hay kêu mệt mỏi, khó ngủ, hay quên, nghĩ này nói khác... Toàn thứ vặt vãnh nếu so vớí những cơn đau đầu của mình, Jill nghĩ. Nàng cho anh dùng thuốc ngủ mỗi tối và anh thường lơ mơ cả ngày hôm sau. Thế là sáng ra nàng lại cho anh uống một loại thuốc để anh tỉnh táo trở lại và đủ sức làm việc trong ngày. Và cái chu kỳ mơ rồi tỉnh, tỉnh rồi mơ ấy đã khiến anh càng mỏi mệt thêm. Jill nói. "Em đã nhận lời, nhưng mình báo lại cũng được anh ạ". "Mình leo lên du thuyền lênh đênh nằm dài thổi xà phòng là hay nhất em ạ". "Anh nói gì? Thổi cái gì ạ?" Nàng ngớ ra. Anh ngẩn người, nom đến tội. "Ý anh là nằm dài phơi nắng sao lại nói thành thổi xà phòng được nhỉ?" Nàng phì cười, tát yêu vào má anh. "Tại vì anh đã quen pha trò với mọi chuyện, hiểu không, cưng của em? Đồng ý du thuyền. Em cũng rất muốn chỉ hai đứa mình với nhau cho bõ những ngày bận rộn vừa qua". Toby lắc đầu chán nản. "Anh sợ rồi phải đến bệnh viện nữa đấy. Chẳng lẽ anh già rồi ư mà cứ vật vờ mãi thế này?" "Anh thì chẳng thể già nổi. Anh còn khỏe hơn em cơ mà?" "Anh nằm một lát nhé. Tối nay chắc mình không phải đi đâu chứ em?" "Cứ mặc em. Em sẽ cho đám hầu nghỉ và sẽ tự tay lo cơm nước cho cả anh lẫn em". "Tuyệt quá. Rất tuyệt Jill ạ". Anh nhìn theo nàng đi ra khỏi phòng, bụng nghĩ, mình đúng là kẻ hạnh phúc nhất đời. Khuya hôm ấy, Jill bắt Toby ngâm mình nước nóng rồi xoa bóp cho anh. "Thế này mới là sống. Tại sao khi chưa gặp em mà anh vẫn sống được nhỉ?" "Anh hỏi em, em biết hỏi ai đây?" Jill cười đáp rồi cởi bỏ hết quần áo, nép sát vào anh. "Liên hoan phim Cannes nó như thế nào, anh yêu? Kể em nghe với. Mà nói gì đến can với ba-toong cho nó sang, em chưa từng biết tới một cái Liên hoan phim chó chết nào cả". "A… Liên hoan phim ư? Nó là một cái chợ mà đám lêu têu từ khắp thế giới kéo đến để khoe và để bán cái thứ hàng ế ẩm mà họ gọi chúng là phim". Jill úp mặt vào giữa hai đùi Toby, tiếng nói như nghẹn lại ở đâu đó. "Vui đến như vậy hả anh. Thôi, đành chờ đến sang năm vậy. Sang năm liệu có vui được như năm nay không, theo anh?" "Anh nghĩ... Ôi, làm thế nữa đi, em yêu. Em... em thực sự muốn tham dự cái trò ngu ngốc ấy lắm sao, em yêu?" Nàng ngửng đầu dậy, lắc lắc. "Không, anh bảo mình sẽ đi chơi du thuyền mà". "Du thuyền là của mình mà, đi lúc nào chẳng được " "Vấn đề không ở em, mà là anh. Anh nói thích lên đó nằm chơi xà phòng", nàng cười túc rích, "em quên, nằm phơi nắng mà?" Anh cười mơ màng. "Nếu là một phụ nữ nào khác hẳn đã làm mình làm mẩy, đã hành hạ anh bằng đến khi anh chịu đưa cô ta đi mới thôi. Em thì muốn dự Liên hoan phim Cannes chết đi được nhưng lại đòi đi chơi du thuyền vì biết anh muốn vậy. Anh yêu em phát rồ lên chính bởi điểm đó. Em đã báo với họ là mình không đi được chưa?" "Chưa, anh yêu. Em định sáng mai!" "Đừng báo gì nữa. Anh sẽ đưa anh đi Tây Tạng", mặt Toby bỗng ngây ra, "anh vừa nói anh sẽ đưa anh đi Tây Tạng à? Không phải đâu em ạ. Ý anh muốn nói rằng anh sẽ đưa em đi Cannes". * * * * * Một bức điện đã chờ sẵn khi Toby đặt chân xuống sân bay Orly nước Pháp, báo rằng cha anh mới qua đời tại nhà dưỡng lão. Đã quá chậm để anh có thể làm được cái gì hơn việc thu xếp xây cất thêm một khu tại nhà dưỡng lão đó, và khu đó sẽ mang tên bố mẹ anh. Jill Castle Temple choáng ngợp bởi cái cảm giác tất cả những gì là tinh tuý, sang trọng, đẹp đẽ nhất của thế giới đều đang tụ hội ở Cannes mà trong đó, Hollywood chỉ là một mà thôi. Còn có Paris, tất nhiên, còn có London, Rome, Madrit, Bonn, và có cả Moskva, cả Tokyo nữa. Dường như tất cả những người làm điện ảnh ở mọi xó xỉnh của cái quả đất này đều tụ hội lại nơi đây, vởi hành lý đáng kể nhất là những bộ phim, thứ hàng hoá mà họ đặt vào nó toàn bộ tình yêu, hy vọng của cuộc đời mình. Mọi khách sạn tại cái thành phố nghỉ mát nổi tiếng thế giới của miền Nam nước Pháp này đều hết phòng và các phòng đều chen chúc những người mà ở đây họ gọi nhau bằng cái tên chung: dân điện ảnh. Đủ các thành phần và ngôi bậc của cái giới đó. Từ dân chuyên nghiệp đến kẻ tay mơ, từ bậc lão làng đến lũ chập chững. Và điểm chung nhất của họ, ngoài điện ảnh, là túi chật căng tiền. Cannes không phải là chỗ chơi của người nghèo. Dù không đặt trước nhưng Toby cũng chẳng khó khăn gì để kiếm được lô phòng - chứ không chỉ một phòng - tại khách sạn danh tiếng Rex. Tới đâu anh và Jill cũng được chào đón nồng nhiệt. Phóng viên cả tin lẫn ảnh, cả báo chữ, báo hình lẫn báo nói bám họ một bước không rời. Chưa bao giờ Jill được hưởng cái cảm giác ngất ngây của sự nổi tiếng đến vậy. Hơn cả những bữa tiệc chiêu đãi của Tổng thống, Nữ hoàng… Bởi ở đó chỉ là sự sang trọng, sự quyền quý và nếu có ai đó đưa tin thì cũng không khỏi có nhiều giới hạn. Còn ở đây, ở Liên hoan phim Cannes này thì không những chẳng có gì hạn chế mà còn là cả thế giới. Cả thế giới thấy nàng cười, nàng khoác tay Toby, nàng hờ hững gật đầu với sự săn đón của một đạo diễn danh tiếng. Vân vân... Mỗi sáng nàng đều dành ít thời gian đọc báo, xem truyền hình và còn gì sung sướng hơn với cô gái Ba Lan nhập cư nghèo khó bằng việc tận mắt tận tai chứng kiến những gì thế giới chiêm ngưỡng và ngợi ca mình. Họ bảo nàng và Toby là cặp vợ chồng đẹp đôi nhất Hollywood xưa nay, là Vua và Hoàng hậu của cái thành phố thần tiên đó. Họ hỏi nàng, xin được biết ý nghĩ của nàng về mọi vấn đề, mọi chuyện, từ bánh mỳ Pháp có ngon hơn bánh mỳ Mỹ, nàng thích vang trắng hay vang đỏ đến tình lnh chiến sự ở Việt Nam, vân vân... Còn có ai nhận ra đây chính là con nhỏ Josephine Czinski của thị trấn Odessa, Texas? Bộ phim có Toby đóng vai chính không được giải song Jill chưa kịp buồn thì đã lại vui đến quá mức khi biết tin anh sẽ được trao giải đặc biệt của Ban giám khảo bởi những đóng góp cho hai loại hình của nghệ thuật biểu diễn là sân khấu và điện ảnh. Buổi lễ được tổ chức ngay tại phòng tiệc lớn của khách sạn Rex. Và không đủ ghế cho khách, bởi đám người lẻn vào đã lên tới con số ngoài dự kiến. Jill ngồi cạnh Toby trên bục danh dự và trong suốt bữa tiệc nàng không thấy anh đụng tới món nào, dù đều rất ngon, mà anh thì vốn thích ăn ngon, lại ăn khoẻ nữa. "Vui đến no cả bụng hay có chuyện gì thế anh?" Nàng ân cần hỏi. "Anh không thấy đói, và cũng không muốn ăn gì. Chỉ thấy đầu nhức quá, em ạ". "Mai em sẽ từ chối hết, để mình được riêng cả ngày với nhau". Làm sao riêng nổi với nhau khi nàng đã sắp xếp để Toby buổi sáng trả lời phỏng vấn các báo Paris Match và London Times, buổi trưa ăn nhẹ với đám truyền hình, rồi chiều cắt băng khánh thành, rồi tối… Khi dao dĩa đã được dọn hết đi, ông Thị trưởng thành phố Cannes bước lên bục danh dự nhìn về phía Toby và Jill rồi nói với quan khách. "Thưa các quý ông, các quý bà, thưa các vị khách quý. Tôi hân hạnh được thay mặt rất nhiều con người đáng kính trọng trong Ban tổ chức, Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes để giới thiệu với quý vị một người mà tài năng và sự nghịêp đã khiến cho cả hành tinh chúng ta sống động lên bởi những tiếng cười do người ấy mang tới. Hôm nay, để bày tỏ tình yêu và lòng cảm tạ của chúng ta, tôi sung sướng được nhận vinh dự trao tấm huy chương đặc biệt này cho…" Ông ngừng lời, một tay giơ cao tấm huy chương, tay kia chỉ vào Toby, hơi cúi mình, giữa tiếng hoan hô của quan khách. "Toby Temple!" Ông xướng to cái tên. Cả phòng tiệc ồn ào đứng dậy. Riêng Toby vẫn ngồi im. "Đứng lên, anh!" Jin hơi sẵng, nhưng chỉ đủ cho Toby nghe thấy. Anh nặng nhọc đứng lên, mặt tái mét, run rẩy bước từng bước tới micro, bỗng cười ngơ ngác rồi ngã sụm xuống, ngất luôn. Chiếc máy bay của không quân Pháp chở ngay Toby về Paris và người ta đưa ngay anh vào phòng cấp cứu đặc biệt của một bệnh viện Mỹ. Các bác sĩ hàng đầu của Pháp được mời ngay đến. Còn Jill thì vào nghỉ ở phòng riêng của y tá trưởng và trong suốt thời gian chờ đợi, nàng không ăn, chỉ thiếp đi chứ không là ngủ, và không trả lời bất cứ cú điện nào từ bất cứ đâu gọi tới. Toby phải qua khỏi, anh phải qua khỏi. Đây chỉ là một tai nạn nhỏ thôi. Toby sẽ qua khỏi! Chỉ duy nhất ý nghĩ ấy hiện hữu trong nàng. Rồi cũng đến lúc bác sỹ giám đốc bệnh viện gặp Jill. "Thưa bà Temple, bà là người gần gũi nhất nên theo tôi, cần biết chính xác nhất về tình trạng của ông nhà. Ông bị xuất huyết não, và rất nặng. Dù xác suất có là bao nhiêu phần trăm thì ông nhà cũng sẽ không bao giờ còn nói năng hoặc đi lại được". Chương 31 Được phép vào phòng bệnh thăm chồng, Jill oà khóc khi thấy vẻ suy sụp đến thảm hại của anh. Chỉ cách một đêm mà nàng tưởng đã không nhận nổi ra Toby nữa. Anh nhăn nheo và héo úa, tưạ như đã trút hết sức sống khỏi mình. Còn thì, nàng nhớ lời viên bác sĩ giám đốc nói, khủng khiếp quá, chân tay anh hầu như đã liệt và miệng chỉ ú ớ hoặc gầm gào song không thể thốt thành lời. Hơn tháng sau Jill mới đón được Toby ra viện để đưa anh về Mỹ. Khi hạ cánh xuống sân bay California, họ lại thấy nườm nượp những gương mặt cùng dăm ba thứ đồ nghề quen thuộc của đội quân báo chí chờ sẵn. Vừa ngày nào đây còn là mơ ước là niềm kiêu hãnh của Jill thì nay nàng chỉ muốn họ, hoặc nàng, biến đi để khỏi phải thấy nhau nữa. Nhưng tránh sao nổi. Tin tức về Toby đã làm cả nước Mỹ rung động như xảy cơn địa chấn. Với đám báo chí, truyền hình, miếng mồi Toby bây giờ ngon không kém cái hồi anh làm thiên hạ nghiêng ngả vì cười. Họ tìm mọi cách lọt vào nhà để hỏi han về anh, và nhất là để chụp được ảnh, ghi được hình anh. Tiền cả đấy! Mà nhiều là khác. Bạn bè, dân cùng cánh làm ăn, Thống đốc nhiều bang và cả Tổng thống Mỹ đều gọi đến hoặc gửi điện thăm hỏi, ngày nào Jill cũng nhận được hàng xấp bưu ảnh của hàng vạn khán giả gửi tới, cầu mong Toby mau khoẻ để trở lại với sân khấu, với điện ảnh, với truyền hình… Nghĩa là về với những khán giả vẫn ngưỡng mộ anh, vẫn muốn anh làm họ cười và khóc ra nước mắt. Jill trào lệ khi đọc tất cả những bưu ảnh, điện tín ấy. Chỉ riêng những tấm giấy mời ngày trước nhan nhản thì bây giờ tịnh không xuất hiện, dù chỉ một chiếc. Và cũng không hề có một lời hay một hàng chữ nhắc đến nàng. Không một ai thăm hỏi nàng trông nom Toby có mệt không, có cần giúp đỡ gì không? Không một câu hỏi nàng có muốn ra ngoài dùng một bũa tối, uống một ly cà phê hay xem một bộ phim? Với Hollywood, nàng chết thật rồi. Còn Toby mới là đang ốm đau thôi. Anh sẽ khoẻ lại. Nàng cười nhạt. Họ nghĩ nửa đúng nửa sai. Toby sẽ khỏi và nàng sẽ không chết. Nàng mời bác sỹ riêng của Toby đến nhà. Eli Kaplan tới ngay, kéo theo hai bác sỹ đứng đầu nước Mỹ về não. Kết luận họ đưa ra không khác gì phán quyết của người bác sỹ giám đốc tại Paris. "Cái quan trọng chúng ta cần hiểu", Kaplan nói, "là bộ não Toby vẫn nguyên vẹn, không một chút tổn thương nào. Nghĩa là vẫn có thể nghe và hiểu những gì người khác nói, song cơ quan phát âm thì đã bị tổn hại nên Toby không nói được thành lời". "Như thế đến bao giờ? Cách chữa chạy hiệu quả nhất?" Kaplan không trả lời ngay được, nhưng cũng không thể lờ đi trước cái nhìn thúc bách của Jill. "Tôi không dám nói ra cái gì chắc chắn bây giờ, nhưng theo chúng tôi, hệ thống thần kinh của Toby đã bị huỷ hoại đến mức khó có thể cứu chữa được". "Riêng điều này thì ông lại chắc chắn?" "Cũng không thể gọi là chắc chắn. Đấy chỉ là về lý thuyết!" Nghĩa là vẫn còn chỗ cho phép màu. Jill mời một bác sỹ vật lý trị liệu đến nhà với hy vọng phục hồi cơ bắp cho Toby. Bước đầu là thế đã còn chuyện nói năng sẽ tính sau. Sáng sáng, ông ta đưa Toby xuống bể bơi, nắn bóp và cố gắng làm dãn ra các gân, cơ trong khi anh cứ rũ rượi như cái xác trong làn nước ấm áp. Chuyện gân cốt chưa thấy tiến triển gì thì Jill đã sốt ruột mời tiếp "bác sỹ nói năng" tới và chiều nào nàng cũng phụ giúp ông ta chạy chữa cho Toby phát âm ra nổi một từ. Mấy tháng sau, cả mồm miệng lẫn chân tay Toby đều chẳng thấy nhúc nhích gì hết, nàng mờỉ bác sỹ Kaplan đến. "Ông là bác sỹ riêng của Toby đã bao năm nay, chả lẽ cứ để anh ấy thế này sao. Ông phải làm gì đi chứ?" Bác sỹ Kaplan hướng về Jill cái nhìn tuyệt vọng. "Tôi rất tiếc, và tôi cũng đã nói với bà rằng chúng ta khó mà hy vọng được gì!" Vừa tiễn Kaplan ra khỏi cửa, Jill bỗng lên cơn đau đầu dữ dội. Sao nó lại cứ xuất hiện vào những lúc mà không cần có nó nàng cũng đủ khốn khổ lắm rồi. Nàng lại đang có một dự định. Và cuộc đời nàng tồn tại hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự thành công hay thất bại của dự định này. Nàng vào với Toby. Anh đang trên giường, nằm ngửa, phần thân trên được kê khá cao, mắt mở trừng trừng nhưng không nhìn vào đâu cả. Thấy nàng, đôi mắt anh sáng lên một niềm vui khôn tả, dõi theo từng cử động khi nàng đi tới bên giường anh. Môi anh mấp máy rồi miệng anh eố gắng đến mức méo mó mà không thốt ra nổi một từ cho rõ nghĩa. Jill nghiến răng lại như để tự tăng thêm nghị lực cho mình khi nhớ lại lời bác sỹ Kaplan "bộ não Toby vẫn nguyên vẹn... " Jill ngồi xuống, cầm tay Toby áp lên mặt mình. "Anh yêu, nghe và nhớ những gì em sắp nói đây. Hãy tin rằng chiếc giường này không phải là nơi trú ngụ vĩnh viễn của anh. Anh sẽ rời khỏi nó, sẽ đi lại bước lên sân khấu và sẽ nói cười, cũng như sẽ nghe mọi người cười vì những gì anh nói". Nàng ngừng lời, lau khô những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt tuy vẫn xinh đẹp nhưng đã không khỏi trở nên gầy guộc, rồi nhìn thẳng vào mắt Toby, vừa như cầu xin, vừa như ra lệnh. "Anh phải làm được như thế. Vì em, nhất định sẽ làm được như thế nhé, anh yêu". Ngay hôm sau, Jill cho thôi việc tất cả: ba hộ lý vẫn thay nhau ngày đêm chăm sóc Toby, cả bác sỹ cơ bắp lẫn bác sỹ nói năng. Và cũng sẽ không bao giờ hỏi han gì bác sỹ Kaplan nữa. Nhưng vừa nghe tin nàng giải tán "đội ngũ y tế" đã được chính tay ông tuyển chọn, bác sỹ Kaplan vội chạy đến can. "Về hai bác sỹ thì tôi đồng ý nhưng hãy giữ lại ba hộ lý, Jill. Anh ấy cần được chăm sóc hai tư giờ mỗi ngày, và…". Jill không để ông ta nói hết. "Tôi sẽ làm công việc của cả ba người đó!" Bác sỹ Kaplan vừa định tỏ thái độ phản đối thì Jill đã đứng dậy ra ý không muốn nghe nữa. "Tôi sẽ cho gọi ông khi tôi thấy cần, ông Kaplan". * * * * * Số phận bắt đầu thách thức Jill. Liệu nàng có khả năng biến được cái không thể mà các bác sĩ tầm cỡ hàng đầu của hai cường quốc Mỹ và Pháp đã tuyên bố để trở thành cái có thể cho Toby? Nhấc anh khỏi giường để dặt vào xe đẩy, Jill suýt mất đà vì không thể ngờ anh nhẹ đến thế. Nàng đưa anh ra bể bơi, thả anh xuống nước và bắt đầu tập cho anh như bác sỹ vật lý trị liệu đã làm, nhưng khác hẳn về cường độ. Bác sỹ nhẹ nhàng trong từng động tác, từng lời động viên bao nhiêu thì Jill mạnh mẽ, cứng rắn và khe khắt bấy nhiêu. Nhiều lần Toby phải cố diễn đạt để nàng hiểu là anh đã quá mệt, muốn nghỉ ngơi đôi chút thì nàng vẫn bắt anh tập thêm, tập cố. Và đã không ít lần anh phát khóc trong câm nín: Buổi chiều là giờ tập nói. "A… a… a…" "E... e... e…" "Đâu phải, a chứ đâu phai e. Miệng há ra, Toby. A… aaa" "E… e… eeet "Ngu ạ, nói lại đi. A... aaa. Bao giờ đúng thì mới được nghỉ". Tới bữa, nàng xúc từng thìa cho anh ăn. Buổi tối nàng tắm rửa sạch sẽ rồi trần truồng lên giường nằm cạnh anh, cầm bàn tay đã trở nên vô dụng của anh đặt lên vú nàng rồi lướt dần xuống và để yên nó thật lâu giữa hai đùi nàng. "Tất cả là của anh đấy, Toby. Em thèm anh quá chừng. Anh hãy khoẻ nhanh lên để hưởng thụ những gì của anh trên thân xác em, để đi vào trong em, để thấy em rên rỉ vì hạnh phúc…" Cứ thế, mỗi ngày mỗi giờ là mỗi cực hình với Jill. Nàng dậy rất sớm. Đời nàng, trừ việc tới phim trường, chưa có việc gì bắt nàng ngày ngày dậy sớm thế này. Mắt nhắm mắt mở, nàng cho nước chảy đầy bồn tắm và bắt tay vào việc đầu tiên là lau rửa người cho Toby. Mặc dù Jill đã cẩn thận bọc lót cho anh như với một đứa trẻ, nhưng vì không thể tự chủ nổi nên thỉnh thoảng người anh và cả chăn mền, quần áo vẫn bị dây bẩn. Khi Toby đã sạch sẽ, nàng cạo mặt, chải đầu cho anh rồi nghiêng nghiêng đầu làm bộ ngắm nghía. Đẹp rồi, lên sàn diễn được rồi. Giá mà cái đám vẫn gửi thư từ điện tín thăm hỏi được thấy anh lúc này? Nhưng cũng không lâu nữa đâu, anh yêu nhỉ? Họ sẽ xô lấn, giẫm đạp nhau để được xem anh, thậm chí thấy anh. Các nguyên thủ, chính khách lại có vinh hạnh được tiếp đón anh. Muốn thế, chúng mình phải cố lên, anh yêu ạ". Xong màn trang điểm là màn ăn sáng. Jill rất chú trọng lựa chọn món ăn cho Toby, sao cho vừa ngon miệng lại vừa giúp anh nâng cao thể trạng. Nàng bón cho anh từng thìa nhỏ, dịu dàng nhưng kiên quyết bắt anh ăn hết những món nàng đã dọn ra, cũng như sau đó nàng sẽ bắt anh tập cho đủ những bài nàng đã định sẵn. "Anh đừng bao giờ quên mình đã và vẫn đang là Toby Temple", nàng ngân nga. "Và hàng triệu khán giả đã và vẫn ngưỡng mộ anh, đang mong anh xuất hiện trở lại. Anh không còn muốn nghe những tràng vỗ tay họ dành cho anh nữa sao. Vì em và vì họ, anh phải cố lên!". Rồi đến màn bể bơi… Rồi đến màn phát âm… Rồi đêm xuống, chấm dứt cho một ngày khổ sai để bắt đầu ngày khổ sai mới. Ngày vẫn nối ngày, và mỗi ngày Jill lại bắt Toby tập luyện nhiều hơn lên, căng nặng hơn lên, song Toby có khá hơn lên hay không thì chưa biết, chỉ biết chính nàng mỗi lúc càng tỏ ra nóng nảy, thiếu tự chủ hơn. Không ít lần, khi cảm thấy Toby chán nản, nàng đã tát vào mặt anh và hung dữ hét lên. "Làm đi anh sẽ làm được, anh nhất định sẽ khỏi?" Sức nàng đang cạn kiệt dần, nàng biết. Ngày thì tất bật cả mồm miệng lẫn chân tay, đêm thì không ngủ nổi bởi mùi hôi thối toát ra từ Toby, và cũng bởi những hình ảnh đẹp đẽ của những ngày hạnh phúc bên anh, như một cuốn phim, cứ liên tục hiện lên trong nàng. Nào tấm hình chụp chung với Nữ hoàng Anh, nào Tổng thống Mỹ nâng ly chúc sức khoẻ, nào một rừng micro chĩa vào nàng tại Liên hoan phim Cannes, rồi hơn một rừng cánh tay chìa ra những tờ giấy xin chữ ký… Và nào… nào Toby gục ngã, nào aaa... eee... aaa... eee. Lại còn cơn đau đầu nữa. Nó xuất hiện nhiều hơn, bất thường hơn, cả khi nàng đang ngủ, và tất nhiên, ngày càng khó chịu hơn. Nhưng đó là việc của cá nhân nàng nên cứ để lại đã, dính dáng gì đâu đến Toby mà phải vội vàng. Có lá thư của bác sỹ Kaplan nhét qua khe cửa bảo nàng cần gì cứ gọi cho ông. Nàng chỉ cần Toby thì ông đã bó tay rồi. Ngày qua tuần, tuần qua tháng, vẫn chỉ có nàng với Toby trong một thế giới chỉ có những vật lộn đớn đau, kiếm hoài không ra một nụ cười, niềm an ủi duy nhất chỉ là chút hy vọng mong manh và xa lắc. Tệ hại hơn nữa là cứ ăn uống xong xuôi mà thấy Jill bước tới với vẻ nghiêm khắc là Toby lại giàn giụa nước mắt vì biết đã đến giờ khổ luyện. Mỗi ngày, sự âu yếm, nương nhẹ của Jill càng ít dần đi để thay vào đó là sự ép buộc đến mức tàn nhẫn. Nàng ép đôi chân bất lực của anh phải cử động, ép cái cơ quan phát âm vô dụng của anh phải thốt ra những âm thanh rõ nghĩa, dựng đứng anh dậy rồi vừa giữ cho anh khỏi ngã vừa kéo chân nọ nhích tiếp chân kia như đứa trẻ tập đi trong khi anh chỉ muốn lăn quay ra đất cho rồi. Nàng chẳng còn nghĩ gì đến mình nữa. Đôi mắt trố ra trên gương mặt hốc hác, tóc taì bù rối, váy áo nhàu nhĩ và bẩn thỉu. Kệ hết, nàng chỉ nghĩ đến Toby. Ngày rồi đêm, tuần rồi tháng, nàng chỉ nghĩ cho Toby, làm cho Toby. Hôm sau là bản sao của hôm trước, ngày tới chẳng khác gì ngày qua. Cứ thế. Và nàng chấp nhận cứ thế. Nàng mua cho Toby chiếc xe tập đi, buộc như trói hai tay anh vào đó, giữ cho anh khỏi ngã rồi từ từ cho xe di chuyển, mặc kệ anh bước hay lết chân theo. Trông nàng và anh như hai kẻ say sưa vô độ đang trong một vũ điệu ma quái. Cái nàng buộc phải giữ cho mình là miếng ăn và giấc ngủ, bởi nếu không nàng cũng không còn hơi sức đâu mà nghĩ mà lo cho Toby nữa. Vì vậy, nàng phải buộc phải ngủ riêng phòng để đêm đêm khỏi thức dậy bởi những tiếng động và mùi hôi do cơ quan bài tiết của Toby gây ra. Rồi một đêm, nàng trằn trọc tới gần sáng mớì thiếp ngủ để rồi choàng tỉnh khi đã quá trưa. Toby, Toby của nàng vậy là từ sáng tới giờ chưa được lau rửa, ăn uống… chắc vẫn nằm bệt tại chỗ và đang hốt hoảng. Nàng vùng dậy nhưng bỗng giật mình vì không sao nhấc người lên nổi và cùng lúc như đã rình nấp chờ đợi từ đâu đó, sự nhức mỏi, rã rời, kiệt quệ cùng lúc ập đến ghìm chặt nàng xuống giường. Nhưng trên hết là cảm giác tuyệt vọng bao trùm. Nàng nằm đó, biết là mình thua rồi, phải đầu hàng rồi, mọi khổ ải nàng chịu và bắt Toby phải chịu đã uổng phí hết rồi: Thế là hết. Không chỉ cơ thể Toby đã phản bội anh mà nàng cũng đã bị chính cơ thể mình phản bội. Chợt nàng nghe có tiếng động ở cửa phòng. Nghiêng đầu nhìn ra, nàng trợn tròn mắt khi thấy Toby đang bám vào chiếc xe tập đi nhích từng bước về phía nàng, miệng méo xệch như đang cố phát ra tiếng gọi "Jill… Jill…" Nàng oà khóc. Từ hôm ấy, không gì trì hoãn nổi những buổi tập của họ nữa. Cũng không sự ép buộc nào của Jill khiến Toby hoặc ứa nước mắt, hoặc kêu đau, hoặc thậm chí nhăn mặt nữa. Anh chấp nhận chẳng những tự nguyện mà còn vui vẻ. Nàng là vị nữ thánh mà anh đã yêu và đang tôn thờ. Bây giờ thì Toby tin chắc là mình sẽ qua khỏi. Jill, tất nhiên, còn tin hơn. Bây giờ họ là một linh hồn, một mục đích trong hai cơ thể. Họ đã cùng nhau trải qua tất cả; vinh quang lẫn khổ nhục, và đã không rời xa nhau. Họ còn thể sống vì cái gì khác hơn là sống cho nhau! * * * * * Nhìn bữa ăn Jill dọn ra cho Toby tưởng như anh đã được nàng chuyển sang chế độ an dưỡng. Thực ra là nàng chỉ chú trọng hơn vào phần này chứ không hề giảm bớt cường độ tập luyện. Và Toby cứ răm rắp tuân theo, ăn hết những gì Jill bảo phải ăn, tập trọn những gì Jill bảo phải tập Anh đã tự xoa bóp được cho mình, ở những chỗ ngón tay có thể với tới. Còn lại là của Jill. Anh tắm nắng, đi bộ ngoài sân, trong nhà, lên xuống cầu thang... Thoạt tiên anh còn dùng xe tập, sau đó dùng gậy và cuối cùng Jill mua cho anh cả chục chiếc gậy đặt rải rác khắp nhà để anh có thể được trợ giúp bất kỳ lúc nào, khi anh không thể chỉ đi bằng hai chân được nữa. Hôm đầu tiên Toby ném chiếc gậy để tự đi khoảng chục bước, họ đă chúc mừng nhau bằng bữa tiệc dưới ánh nến trong phòng ngủ. Còn cái ngày họ phập phồng chờ đợi cũng đã đến: Sự xuất hiện trở lại của Toby. Jill gọi điện cho bác sỹ Kaplan. Ông ta reo lên. "Tôi hoảng quá. Sao gọi điện mà chẳng thấy cô nhấc máy, gửi thư thì không thấy hồi âm, anh ấy…" Jill ngắt cái câu mà nàng biết là khó hỏi ấy. "Ông đến mà tận mắt chứng kiến, Eli". Tất nhiên là bác sỹ Kaplan không thể tin vào mắt mình ở cái nhìn đầu tiên, miệng ông cứ há ra, lắp bắp. "Không tin nổi, không thể tin nổi. Thực sự Chúa đã ban phép màu". "Đúng vậy". Jill đồng ý ngay. Nàng chỉ không nói thêm rằng phép màu thì có đấy nhưng khi Chúa còn bận ở một nơi khác thì tốt nhất là ta nên tự tạo ra nó. "Nhiều người vẫn gọi cho tôi hỏi thăm Toby. Rõ ràng là họ cũng giống tôi, không được cô nhấc máy trả lời. Clifton Lawrence này, Sam Winters này. Riêng Sam hầu như tuần nào cũng hỏi". Jill vứt ngay Clifton ra khỏi đầu. Còn Sam Winters? Tại sao nàng không nghĩ ra mà mời Sam hôm nay cùng đến với Kaplan nhỉ. Phải, chỉ có Sam mới cho thế giới biết, một cách nhanh chóng, Toby vẫn là siêu sao điện ảnh cũng như Toby với nàng vẫn là Vua và Hoàng hậu của Hollywood. Ngay hôm sau Jill gọi cho Sam Winters, hỏi anh có thể ghé qua thăm Toby? Sam nhận lời, và thấy Jill ra đón, anh đã cố lắm mới không để lộ ra vẻ kinh ngạc khi nom nàng già đi tới cả chục tuổi với thân hình gầy guộc, mặt mũi nhăn nheo và đôi mắt sâu hoắm. "Cám ơn anh tới thăm, Sam. Toby hẳn sẽ rất vui được gặp anh". Nàng nói. Sam còn phải sửng sốt lần nữa khi anh cứ nghĩ sẽ gặp con bệnh Toby nhăn nhúm chờ chết trên giường chứ không phải là người đàn ông rám nắng, tươi tỉnh đang nằm bên bể bơi nhấm nháp ly nước bưởi. Thấy Sam bước tới, Toby đứng dậy, chậm nhưng vững chãi, đưa tay ra. Trông Toby tựa như… tựa như… khoẻ mạnh và tươi tỉnh như chưa bao giờ Sam được thấy, tựa như.. có một sự trao đổi qua lại, bao sức sống từ Jill đã chạy sang Toby để đổi lấy bệnh tật của Toby về mình. "Kìa Sam, lâu lắm chúng mình mới gặp nhau. Tôi nghĩ là anh khoẻ?" Toby nói chậm nhưng rõ ràng và giọng vẫn khoẻ, vẫn vang. Không hề thấy một biểu hiện nào của chứng thương tổn thần kinh mà cánh báo chí đã công bố khắp cả thế giới. Vẫn nguyên gương mặt ngây thơ và đôi mắt xanh ngơ ngác ấy. Sam ôm chầm lấy Toby, mừng rỡ. "Ơn Chúa, anh làm chúng tôi hoảng quá". Lại là Toby ngày nào rồi, khi anh cười nhăn nhở và nói. "Có hai ta với nhau, anh đừng kêu tôi là Chúa". Sam nghiêng ngó Toby thêm lát nữa, chép miệng. "Mẹ kiếp, lại còn trẻ ra mới lạ chứ. Thế mà Hollywood đang định lo tang ma lo anh đấy. Thật kỳ diệu cho nền y học ngày nay…" Toby cướp lời. "Chẳng có y học, y tế hay y bác sĩ nào ở đây cả". Anh quay nhìn Jill với vẻ thành kính. "Chỉ có Jill thôi. Một mình Jill với trái tim và đôi tay nàng. Nghĩa đen đấy, Sam ạ. Jill đã đuổi hết mọi người đi để tự tay làm mọi việc cho tôi và khiến tôi được như anh đang thấy đây". Sam không để lộ vẻ bối rối. Anh chưa bao giờ nghĩ rằng Jill thuộc típ phụ nữ quên mình vì người khác, dù người đó là Vua Hài Toby. Có lẽ anh đã sai. "Anh có dự định gì chưa. Chắc phải nghỉ ngơi ít lâu nữa?" Anh hỏi cho có chuyện. Jill chen vào. "Toby đang thèm được làm việc. Tài giỏi như anh ấy mà không được làm gì thì chịu sao nổi". "Jill nói đúng đấy, Sam. Tôi sốt ruột lắm rồi". "Pan-Pacific hẳn đâu thiếu việc cho một người như Toby?" Jill đánh tiếng. Rồi cả vợ lẫn chồng đều nhìn vào Sam, chờ đợi. Anh thực không muốn làm họ phật ý nhưng cũng không hề muốn mình ôm ấp một ảo vọng. Ai dám làm phim với một diễn viên không có bảo hiểm, mà với Toby, hỏi công ty nào dám nhận bảo đảm cho anh. "Ngay bây giờ Hãng chưa vào phim nào, nhưng tôi sẽ nhớ đến anh, khi có phim". "Anh sợ, đúng không?" Jill như đọc được ý nghĩ của Sam. "Tất nhiên cô đã nói sai". Sam đáp, nhưng anh biết họ không tin vào cái điều họ vừa nghe. Chẳng cứ gì Sam, chả Hãng phim nào của Hollywood dám đụng đến Toby lúc này. * * * * * Trong phòng ngủ, Toby và Jill đang theo dõi một tay hài trẻ biểu diễn trên truyền hình. Toby nhăn mặt. "Thế này mà gọi là hài ư? Mẹ kiếp, giá như lại có được chương trình truyền hình của riêng mình. Có lẽ phải kiếm một đại lý em ạ". "Không, em không cho kẻ nào được phép bóc lột anh nữa. Anh là Toby Temple chứ đâu phải là kẻ đi xin việc. Họ sẽ phải tìm đến anh". Toby cười buồn. "Ngoài anh và em tìm đến nhau, còn ai dám tìm đến chúng ta nữa?" "Họ sẽ tìm, khi họ đã được thấy anh bây giờ còn tươi tắn, mạnh khoẻ hơn cả trước. Ta phải làm một cái gì cho họ thấy". "Anh chụp ảnh khoả thân rồi gửi tới các tạp chí chăng?" Jill đang nghĩ gì đó nên không hưởng ứng câu đùa của anh. Rồi nàng kêu lên. "Đây rồi. Độc diễn, anh yêu. Ta hãy làm một chương trình độc diễn. Bảo đảm với anh là cả Hollywood sẽ có mặt. Rồi họ sẽ tới tấp gõ cửa nhà mình". Jill nói đúng. Đúng hết. Cả Hollywood kéo đến không phải để xem Toby biểu diễn mà để thấy Toby còn sống "nom như thế nào". Vé bán hết từ mấy hôm trước mà số người cần mua cứ ngày một tăng lên. Jill thầm tiếc. Lẽ ra phải tìm một rạp có số ghế nhiều gấp đôi cái rạp mà nàng đã chọn. Cũng là Jill chăm lo cho chương trình biểu diễn. Nàng tới gặp O Hanlon cùng Rainger và Hai tay ấy đã viết một màn độc thoại về việc Hollywood đang lo đám tang cho Toby thì anh lại chăm chăm lo việc bán sao cho hết vé đêm biểu diễn của mình, khiến cho bao người không biết nên đi xem Toby ở đâu Jill còn đến gặp nhóm nhạc đã từng ba lần đoạt giải Academy chưa hề sáng tác cho riêng ai nhưng rồi cũng nhận lời khi nghe Jill kể. "Toby cứ khăng khăng bảo chỉ các anh mới là những nhạc sĩ thể hiện được…" Còn Dick Landryn thì bay từ London qua để đạo diễn chương trình. Chuẩn bị kỹ càng như thế nhưng Jill biết, đêm diễn thành công hay thất bại là phụ thuộc hoàn toàn vào một Toby, vì chỉ có mình anh đứng trên sân khấu, mình anh đối mặt với rừng khán giả. Chương trình độc diễn mà. Cuối cùng, đèn trong rạp cũng tắt đi, đèn sân khấu cũng bật sáng, màn cũng đã kéo lên và Toby cũng đã bước ra. Nhìn dáng đi mạnh mẽ và nụ cười tinh quái trên gương mặt ngây thơ quen thuộc của Toby, toàn bộ người xem im ắng trong chốc lát rồi bỗng vụt đứng dậy reo hò khiến cả rạp rung chuyển. Toby cúi mình chào, đợi đến mấy phút cho yên tĩnh trở lại mới làm vẻ ngây ngô hỏi. "Như thế mà kêu bằng nồng nhiệt chào đón ư?" Tất cả cười ầm. Anh lại nghe thấy tiếng cười của khán giả rồi. Hôm sau, tờ Variete viết rằng. "Hàng trăm người kéo nhau đên để chôn cất Toby rồi ngồi lại tung hô anh bởi đã bị anh chinh phục hoàn toàn. Chưa nghệ sỹ nào có được sức hút lớn như con người có một không hai này. Một buổi tối chỉ có tiêng cười và tiêng vỗ tay. Những ai may mắn được tận mắt chứng kiến sẽ không thể quên nổi…". Còn tờ Hollywood Reporte thì thật là ý nhị. "Khán giả tới rạp để thấy ngôi sao lớn của họ trở lại nhưng Toby Temple đã cho thấy rằng anh chưa hề đi đâu". Còn nhiều lời ca ngợi trên nhiều tờ báo nữa. Và điện thoại nhà Toby lại liên tục đổ chuông, hòm thư lại đầy ắp những giấy mời, thư yêu cầu ký kết hợp đồng biểu diễn… Họ tới tấp gõ cửa nhà anh. Jill đã đúng như mẹ anh từng đúng vậy. Toby lại có mặt trên sân khấu lớn của các thành phố lớn trên toàn nước Mỹ. Nào Chicago, Washington, New York, nào Texas, Boston... và tới đâu anh cũng được hoan nghênh hơn, được khán giả trông ngóng hơn, bởi ngoài sự ngưỡng mộ họ còn thêm cái sự tò mò về hình ảnh mới của Vua Hài. Theo đà ăn khách, những bộ phim cũ do anh đóng vai chính được mang ra trình chiếu bằng hết. Ngay các đài truyền hình cũng nghĩ ra trò phát lại các chương trình tạp kỹ của anh. Rồi còn búp bê, trò chơi, sách tiếu lâm đến cả áo phông, quần đùi… miễn mang nhãn hiệu Toby Temple là lập tức bán chạy. Rồi các quảng cáo cho xà phòng, cà phê, rượu, thuốc lá và thuốc đánh răng... kể cả cây gậy tập đi, hoặc còn gọi là can, là ba-toong gì đó, cho người già… Rồi anh xuất hiện trong một phim ca nhạc của Hãng MGM. Rồi anh ký hợp đồng với các chương trình tạp kỹ lớn. Rồi xuất hiện trong chương trình Làm quen với Toby hàng tuần trên truyền hình. Rồi vân vân và vân vân… Rồi lại tiệc tùng chiêu đãi, cắt băng khánh thành, khai trương nhà hàng… Nghĩa là tất cả lại lặp lại y hệt như trước cái ngày đen tối ở Cannes ấy. Như cái ngày đen tối ấy chỉ là một trong vô vàn chuyện vui của Toby vẫn kể ra cho khán giả cười. Có khác một chút. Đó là sự ngưỡng mộ không chỉ còn dành riêng cho một Toby nữa. Bây giờ luôn có Jill kèm theo. Ai nhớ thì thôi, ai quên, Toby sẽ khéo léo nhắc bằng cách chỉ vào Jill mà nói rằng nếu không có nàng thì sẽ không thể có cuộc gặp gỡ này. Còn bất kỳ khi nào có dịp, dù Jill ở hay không ở bên, anh đều kể lại cuộc chiến đấu của nàng với căn bệnh mà các chuyên gia y tế hàng đầu đã tuyên bố bó tay. Báo chí xưng tụng đó là chuyện tình thế kỷ. Tạp chí Time in ảnh họ lên trang bìa cùng với bài viết ở trang trong đại ý rằng không ngôn từ nào đủ để ngợi ca Jill. * * * * * Ký xong cái hợp đồng năm triệu đôla với Hãng truyền hình, Jill bảo Toby. "Đang là giữa tháng Sáu mà tháng Chín chương trình này mới bắt đầu, mình đi đâu nghỉ ngơi mấy tháng cho anh khoẻ lên mà vào công việc mới nhé. Em bắt đầu sợ cái sự bận rộn của anh rồi". Anh ôm vợ vào lòng, hôn nhẹ lên trán, thầm thì. "Mình bị nhốt trong nhà quá lâu, anh thèm được hoạt động quá. Anh chẳng biết nói năng cái gì cho ra hồn trừ ba cái chuyện hài hước, châm chọc. Nhưng anh thực sự muốn em biết rằng cuộc đời anh chỉ đáng sống từ ngày gặp em". Rồi anh vùi mặt vào tóc nàng để giấu đi những giọt nước mắt. Cuối cùng Toby cũng thu xếp thành công chuyến lưu diễn châu u chỉ với chương trình độc diễn của anh. London, Paris, Rome và kết thúc bằng cái hợp đồng gây ấn tượng nhất: Moskva. Hôm ấy trời rất đẹp. Toby mời khoảng chục vị khách trong đó có Sam Winters và Hai tay ấy lên chiếc du thuyền mang tên Jill chạy theo hướng Cataha. Từ sau đêm độc diễn ra mắt, O Hanlon và Rainger, tức Hai tay ấy, lại được Jill trọng dụng và nàng mời họ viết tiết mục chính cho chương trình truyền hình mới của Toby. Khách khứa đang ngồi ở sa lông tán gẫu. Không thấy Toby trong đó, Jill bước lên boong và bắt gặp anh đang tựa vào lan can, mắt nhìn ra xa. "Anh vẫn ổn chứ?" Nàng hỏi. "Anh nhìn biển, em yêu". "Và thấy đẹp?" Anh gật đầu. "Rất đẹp" Rồi bỗng rùng mình. "Song lúc gặp cá mập? Anh sợ nước lắm. Anh không muốn chết. Anh sợ tất cả những gì mênh mông. Giữa những con người, anh là người nổi tiếng nhưng còn ở cái chỗ mênh mông ấy… làm gì có khán giả, làm gì có tiếng cười". Câu lạc bộ Friars mở tiệc mà khách mời danh dự là Toby Temple và Jill Castle. Hai người được mời ngồi trên bục cao cùng Sam Winters và chủ tịch Hãng truyền hình đã ký cái hợp đồng năm triệu đôla với Toby, còn có thêm vài danh hài cũng được mời ngồi trên đó nữa. Người dẫn chương trình của bữa tiệc mời Jill đứng lên chào quan khách. Và toàn thể quan khách đứng dậy hoan hô nàng. Jill như nở từng khúc ruột. Người ta đang hoan hô nàng, chính nàng, chứ không phải hoan hô Toby và người vợ của Toby. Dẫn chương trình là người phụ trách mục Đối thoại với khán giả truyền hình phát sóng mỗi ngày. Ông ta nói. "Tôi không thể nói hết được sự vui mừng của mình khi tóm được Toby ở đây, bởi nếu không, chúng ta sẽ phải mở tiệc ở Forest Lawn". Có tiếng cười khúc khích. "Hăy tin tôi, lạy Chúa, đồ ăn ở đấy phát khiếp lên được. Các vị đã thưởng thức chưa? Thực đơn của họ là các món ăn thừa của bữa tối hôm trước". Quan khách cười ầm. Ông ta hướng về phía Toby. "Chúng tôi, và hàng triệu người nữa, thực sự yêu mến anh và tự hào về anh. Chúng tôi cũng đã biết ngành khoa học đã xin anh hiến một phần cơ thể cho họ và họ sẽ trưng bày nó trong một bình thuỷ tinh tại Y khoa Harvard. Anh chấp nhận ngay" chúng tôi cũng đã biết. Vấn đề là ngành khoa học đã không kiếm đâu ra chiếc bình đủ lớn để chứa nó". Quan khách cười ngặt nghẽo. Trên chiếc bàn kê ở góc xa nhất, gần nhà bếp, ngồi lẫn với mấy người xem ra không vai vế gì và không ai quen biết ai, là Clifton Lawrence. Phải nài ép đám bạn bè cũ Clifton mới có được cái chỗ ngồi khốn khổ này. Từ ngày bị Toby từ chối cộng tác, Clifton không thể kiếm nổi một việc gì cho ra việc. Sau những thất bại liên tiếp với các hãng đại lý cả lớn lẫn nhỏ, cuối cùng ông phải nhận công việc thư ký lĩnh lương hàng tuần cho một đại lý mới khai trương. Bây giờ thì tiền lương một tuần của ông cũng không bằng món tiền ông đã từng xài một tối ở nhà hàng Bistro ngày nào. Clifton khó mà quên được ngày đầu nhận việc ở cái chỗ mới khai trương đó. Sếp của ông là ba gã trẻ ranh, chưa gã nào sống đến ba chục năm trên cái cõi đời này. Vậy mà có hai gã cũng đã râu ria xồm xoàm, và cả ba đều quần bò, áo phông với giầy thể thao không tất. Tuy đều là các ông chủ trả lương cho Clifton nhưng họ đều gọi lúc thì ông bô, lúc lại ông khốt khiến Clifton không khỏi chạnh lòng mà nhớ lại cái Hollywood này đã từng tôn vinh ông thế nào, đã lễ phép với ông ra sao… Người đại lý lừng lẫy về cả tài lẫn tiền trước kia nay là ông già sống trong đau buồn, vì cuộc sống thực sự của ông đã đi theo Toby Temple, và vì ông không nguôi nghĩ về những ngày tươi vui đã qua ấy. Tất nhiên, nghĩ nhiều nhất là về Jill Castle. Ông buộc tội nàng, chỉ mình nàng thôi, về những đau buồn ông phải gánh chịu hôm nay, chẳng mảy may trách cứ Toby. Ông biết Toby không phải con người vong ơn bội nghĩa, chỉ vì quá yêu nên anh đã nghe theo lời xúc xlểm của con điếm ấy. Ông sẽ phải trả mối thù này. Đúng lúc Toby được hoan hô rầm rộ, Clifton nghe một gã ngồi cùng bàn ông nói. "Thằng con hoang số đỏ thật. Giá mà tôi cũng được nhét con cu của mình vào mồm vợ nó. Cô ả có rất nhiều trò mê ly trên giường". "Sao mày biết?". Gã ngồi bên hỏi với vẻ khích bác. "Tao vừa xem hôm trước ở rạp Heo Nái. Cô ả chơi vai chính mới chúa. Mẹ kiếp, tao tưởng ả mút cả lòng ruột gã Mehico ra". Cố gắng lắm Clifton mới nói ra được thành lời. Nước bọt biến đi đâu hết cả. "Anh có chắc… có chắc là Jill Castle không?" "Chắc như tôi đang là tôi đây này. Chỉ cái tên là không phải. Josephine gì gì đó…" Rồi gã bỗng chăm chú nhìn ông, giật giọng hỏi. "Thế ông có phải là Clifton Lawrence không?" Hollywood nói riêng và Los Angeles nói chung không phải chỗ nào cũng đẹp như trên phim. Nó cũng lắm hang ổ tối tăm, nhiều hắc điếm và cả không ít những rạp chiếu phim mà chỉ những kẻ bệnh hoạn tình dục mới năng lui tới. Heo Nái là một trong số đó. Phòng chiếu rộng và tối. Khi đã quen mắt, Clifton thấy iác đác có vài chục người xem, cả đàn ông lẫn đàn bà, và nếu là một cặp thì thường là người đàn bà ngồi lên lòng, úp mặt vào người đàn ông, lưng quay về màn ảnh, cứ nhấp nhổm, nhấp nhổm. Bây giờ, mọi tâm trí Clifton đều hướng lên màn ảnh, xét nét từng khuôn mặt của các nữ diễn viên. Bộ phim kể chuyện một giáo sư đại học còn trẻ hằng đêm lén đưa các nữ sinh viên vào buồng mình để thực hiện chương trình dạy thêm-học thêm mà nhà trường không đặt ra. Các nữ sinh đều rất trẻ, đẹp, nở nang và đều tỏ ra thông thạo bài vở. Kết thúc giờ học, bao giờ cả thày lẫn trò cũng đều thoả mãn ra mặt. Phim hết. Chưa thấy Jill đâu cả. Nhưng rạp vẫn tối om. Chắc chưa hết chương trình. Đúng vậy. Màn ảnh lại sáng lên. Bộ phim tiếp theo bắt đầu. Và Clifton rùng mình khi thấy Jill Castle trần truồng xuất hiện với vẻ đẹp rực rỡ, phô trương chứ không đằm thắm như bây giờ. Chính xác là Jill rồi! Dù căm giận nhưng Clifton cũng không khỏi thèm thuồng trước những biểu hiện của Jill trong phim. Người ông lâng lâng trong cảm giác đắc thắng. "Con điếm, mày chết rồi!". Ông lẩm bẩm khi thấy cái tên Josephine Czinski hiện ra trên màn ảnh. Clifton đi vào phỏng máy: Người thợ chiếu phim hé cửa khi nghe thấy tiếng gõ và nói ngay. "Khu vực cấm, ông bạn. Gõ nhầm cửa rồi". "Tôi muốn mua bản sao của cuốn phim vừa chiếu", Clifton không úp mở gì. "Đây đâu phải cửa hàng, ông bạn. Đã bảo gõ nhầm rồi mà". "Một trăm đôla một bản sao. Và chỉ tôi với anh biết". Anh ta định sập cửa lại. "Hai trăm". Anh ta nhìn vào mắt Clifton. Một cái nhìn chờ đợi "Ba trăm". "Tiền mặt?" "Chính xác!" Mấy hôm sau, Clifton mang cuốn phim đến nhà Toby. Phim đâu, ông khấp khởi nghĩ, một trái bom thì đúng hơn. Chắc chắn diễn viên Jill Castle, hay con điếm Josephine Czinski, hay bà Temple sẽ tan như xác pháo. Một người đàn ông ra mở cửa. "Vào thưa ông Temple là có ông Clifton muốn gặp. Chuyện về bà Jill Castle". Ông nói như ra lệnh. "Thưa ngài, ông Temple hiện không có ở đây". "Đưa tôi vào phòng khách. Tôi sẽ chờ". "Tôi e là không được, thưa ngài. Sáng nay ông bà Temple đã lên đường sang châu u". Chương 32 Thật khó mà tin một người vừa qua được cái chết lại có thể thành công đến như vậy trên những sân khấu lớn của châu u. Vậy mà đó vẫn là sự thật đối với Toby. Hai tiếng đồng hồ trước giờ sân khấu Palladium mở màn, mấy con phố quanh đó đều tắc nghẽn bởi dòng người xô đẩy, chen lấn, chờ đợi để được thấy mặt cặp vợ chồng nổi tiếng Toby và Jill, khiến cảnh sát đành phải ra tay dàn xếp để lấy lối cho các thành viên của Hoàng gia Anh tới dự. Đúng tám giờ, Toby tươi cười bước ra sân khấu. Anh đã không phụ lòng chờ đợi của mọi người. Vẫn bằng vẻ ngây thơ đến mức tội nghiệp, anh ngơ ngác hỏi tại sao một cường quốc như Anh lại được điều hành bởi một chính phủ mang nặng thói bảo thủ và những thói quen đài các rởm đến thế. Và tại sao cái chính phủ đó còn nhận điều hành thêm một quốc gia nữa ở châu Phi? Những công dân Anh quốc ngồi xem, cả các thành viên Hoàng gia nữa, đều cười thoải mái, bởi ai cũng biết Toby Temple không ác ý hoặc ám chỉ gì ngoài mục đích hài hước của mình. Toby luôn yêu mến khán giả. Cũng như khán giả luôn yêu quý anh. Đến Paris, họ được ngụ tại dinh thự của Tổng thống, đi lại có xe cảnh sát hụ còí dẫn đường. Báo chí, truyền hình liên tục in ảnh, đăng bài, phát sóng về họ và khi họ xuất hiện cảnh sát lại phải huy động thêm lực lượng để kiềm chế đám đông tràn tới nhìn ngắm, xin chữ ký, chạm tay vào họ và hạnh phúc thay cho kẻ nào giật được một thứ gì đó trên người họ, dù là vài ba sợi tóc của Jill hay chiếc khuy áo vét của Toby. Và ở đâu cũng vậy, đều không ngớt vang lên câu nói như một khẩu hiệu. "Toby… chúng tôi yêu anh?" "Toby… chúng tôi muốn anh?" Dù được cảnh sát gắng sức che chắn nhưng đã hơn một lần Toby và Jill suýt bị đám đông chen bẹp hoặc tách đôi họ ra. Toby vẫn chỉ cười còn Jill lại càng không sợ, bởi nàng coi đó là sự thể hiện ở mức độ cao lòng yêu quý và ngưỡng mộ của dân chúng với Toby, và với nàng. Chính nàng chứ không phải ai khác, đã trả Toby về cho họ và nàng xứng đáng nhận sự ngưỡng mộ cùng lòng kính trọng của họ dành cho. Thủ đô cuối cùng trong chuyến lưu diễn châu u của họ là Moskva. Tháng Sáu, thủ đô Liên bang Xô-viết thật đẹp, như trong một câu chuyện thần tiên. Đường phố tràn ngập dân sở tại và khách du lịch đi dạo tận hưởng cái không khí tuyệt vời của khoảnh khắc ấm áp nơi xứ lạnh này. Du lịch đang vào mùa. Khách nước ngoài đến Liên Xô đều do một công ty của Nhà nước đứng ra lo liệu, từ việc thuê khách sạn, việc đi lại đến việc tham quan… Riêng Toby và Jill được coi là khách đặc biệt nên cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt ở đẳng cấp chính phủ trong mọi tiếp đon, sinh hoạt. Yuri Romanovitch, một sĩ quan cấp tướng có chức vụ cao trong Đảng cầm quyền đến tận khách sạn chào mừng họ. "Liên Xô không nhập nhiều phim Mỹ để chiếu nhưng riêng những phim có ông đóng vai chính thì vẫn thường được chiếu tại đây. Người nước chúng tôi cho rằng siêu sao là sản phẩm chung của nhân loại. Riêng nó khóng có biên giới". Toby được sắp xếp biểu diễn ba đêm tại Bolshoi, nhà hát danh tiếng nhất Moskva. Đêm khai diễn, Jill như bị vùi trong những bó hoa tặng, bị vùi sâu hơn trong những tiếng vỗ tay và tiếng hô "Jill... Jill" tưởng không bao giờ dứt. Xen giữa những đêm diễn là những cuộc tham quan do đích thân tướng Romanovitch tổ chức và hướng dẫn. Họ được đưa tới những nơi nổi tiếng cuả Moskva như công viên Gorky, nhà thờ Thánh Rasil, rạp xiếc Trung ương, được mời ăn món trứng cá vàng gọi tên là Zakushki, ngon nhất trong các loại trứng cá và loại patê Pashteet có vỏ cứng bọc ngoài, ngon chưa từng thấy. Rồi lại tham quan bảo tàng nghệ thuật Pushkin, lăng Lênin và cửa hàng dành cho trẻ em Detski Mir. Họ được đưa tới những nơi mà phần lớn vẫn là bí mật đối với người dân Liên Xô bình thường. Phố Granovsko dường như chỉ có ô tô Volga và Chaika với lái xe riêng. Căn nhà với hàng chữ Xuất trình giấy phép đặc biệt mà bên trong là những đồ ăn nhập từ mọi quốc gia trên thế giới. Phòng chiếu phim chỉ với vài hàng ghế dành riêng… Thật nhiều khám phá thú vị khi được có những hiểu biết về một nhà nước của nhân dân. Đã đến ngày Toby diễn buổi cuối cùng. Buổi chiều, hai vợ chồng tính đi mua sắm chút quà lưu niệm. Toby bỗng bảo. "Em đi một mình được không? Anh chỉ muốn nằm nghỉ". Nàng sờ tay lên má chồng. "Anh không sao chứ?" "Ngoài chút mệt mỏi, anh khoẻ hơn bao giờ hết. Em cứ đi mà nhét cả Moskva vào cái túi mua sắm của mình". Anh cười trấn an, đẩy nàng về phía cửa ra vào. Jill thoáng chút đắn đo. Toby có vẻ mệt mỏi thật, da hơi xanh. Về nước, nàng sẽ bắt anh nghỉ ngơi nhiều hơn, đầy đủ hơn. * * * * * "Josephine!" Dù có đang ngủ nàng cũng biết ai gọi mình. Thì ra, suốt đời, nàng vẫn chờ nghe tiếng gọi ấy. David Kenyon đang đi tới bên nàng, mỉm cười. "Anh rất mừng được gặp em". Jill thấy nghẹn thở và tim như ngừng đập. David là người duy nhất khiến nàng có cảm giác ấy. Họ ở cùng khách sạn, thì ra thế. David chỉ về phía quầy bar. "Mình uống với nhau ly gặp gỡ, được không em?" "Vâng! Vâng! David".. Mất vài phút họ mới chọn được chiếc bàn nằm ở một gớc yên tĩnh. Jill hỏi. "Anh đang làm gì ở đây vậy?" "Chúng ta đang cần ký hợp đồng dầu lửa với họ, và anh được cử sang đây để làm việc đó". Người phục vụ dáng buồn ngủ mang đồ uống đến rồi bước vội đi như sợ bị kêu tiếp. "Cissy khoẻ không?" Jill hỏi. "Bọn anh ly dị đã vài năm". David đáp rồi cố tình lái câu chuyện đi. "Anh không bỏ sót tin tức nào về em. Vì em, tất nhiên, và cũng vì từ nhỏ anh đã mê Toby. Anh mừng vì ông ấy qua khỏi. Thật may cho Toby đã gặp một phụ nữ như em". Anh nói bằng cái giọng, cộng thêm ánh mắt, khiến Jill không thể không hiểu David vẫn rất muốn có nàng. "Toby đã biểu diễn thật tuyệt ở London và Paris". Anh nói. Jill sửng sốt. "Anh đã có mặt ở cả hai nơi ấy?". David gật đầu, rồi nói thêm như giải thích. "Do công việc, Josephine ạ". "Sao không tìm em hoặc báo cho em?" "Em và Toby đã như vậy, anh không muốn khuấy động gì nữa. Và cũng không biết em còn muốn gặp hoặc thậm chí muốn nghe gì đến anh". "Bao giờ anh cũng ở khách sạn Metropole này à?" "Thỉnh thoảng. Nhưng đúng vào kỳ du lịch này, thú thực là vất vả lắm anh mới có được phòng, bởi anh biết có em ở đây. Theo dự định thì anh phải về Mỹ từ hôm kia, nhưng cứ nán lại vì hy vọng sẽ gặp được em". "Có chuyện gì, David?" "Mọi chuyện đều đã qua, và đều đã muộn, nhưng anh vẫn muốn nói với em bởi anh nghĩ em có quyền được biết". Rồi bằng giọng buồn bã, anh kể cho nàng nghe tất cả từ chuyện Cissy và mẹ anh đã lừa anh thế nào để có được cái đám cưới David-Cissy, đến chuyện Cissy tự tử và cuối cùng là chuyện cái đêm anh hẹn nàng đến bên hồ nước. Jill nghe mà người cứ run lên từng cơn. "Từng ấy năm tháng trôi qua, ngày tháng năm nào anh cũng yêu em. Tình yêu của anh duy nhất chỉ dành cho em!". Anh nói như trong cơn mê và nàng nghe mà như lên cơn sốt. Không gì hạnh phúc cho người đàn bà bằng nghe được câu nói ấy. Nhưng còn Toby? Toby đã là một phần cơ thể, một phần xương thịt của nàng rồi… Có tiếng chân nhà binh bước tới và liền đó tướng Romanovitch xuất hiện. "Bà Temple, chúng tôi tìm bà mãi". Jill nhìn David. "Gọi cho em nhé, bất cứ lúc nào". * * * * * Đêm diễn chia tay Moskva của Toby sẽ đi vào lịch sử nhà hát Bolshoi. Khán giả vỗ tay, giậm chân không chịu về. Toby phải ra cúi chào tới lần thứ ba, mỗi lần lại "biếu không" một chuyện cười khiến họ càng thích thú. Một tiệc lớn được dọn ra ngay sau buổi diễn nhưng Toby xin lỗi không thể tham dự vì thấy không được khoẻ. Anh nói nhỏ với Jill. "Em chịu khó thay anh nhé, hãy là bà chúa dạ tiệc này. Thật vui vào, anh về nằm nghỉ đây". Jill một mình đi dự tiệc song không hiểu sao nàng bỗng có cảm giác lúc nào cũng có David ở bên. Nàng nâng ly chúc tụng, nhận hoa tặng, ký tên, khiêu vũ… nhưng trong đầu thì cứ ong ong bởi những gì David Kenyon nói ra bằng giọng buồn buồn. "Cissy và mẹ anh đã lừa anh… Bọn anh ly dị đã vài năm… ngày tháng năm nào anh cũng yêu em. Tình yêu của anh duy nhất chỉ dành cho em…". Quá nửa đêm Jill mới về đến khách sạn. Nàng đẩy cửa phòng và thấy Toby nằm bất tỉnh trên sàn, tay vươn về máy điện thoại. Jill làm việc đó thay anh, gọi cấp cứu. * * * * * Ba chuyên gia đầu ngành thần kinh của Liên Xô tới bệnh viện gần như cùng lúc với chiếc xe cấp cứu chở Toby đến. Ai cũng ngỏ lời chia sẻ với Jill trước khi bắt tay vào việc. Giám đốc bệnh viện đưa nàng vào phòng riêng của bà y tá trưởng ngồi chờ kết quả. Y như xem lại một bộ phim vậy. Paris hồi đó cũng khác gì đâu. Vài giờ sau, mà Jill ngỡ dài như vài năm, cửa phòng bật mở, một người Nga mặc bộ đồ bệnh viện bước vào, chiếc khẩu trang lủng lẳng một bên tai. "Tôi là giáo sư bác sỹ Durov", ông ta tự giới thiệu, "tôi phụ trách ca chữa trị cho chồng bà". "Tôi muốn được biết hiện anh ấy ra sao, và tới đây sẽ thế nào?". "Bà Temple, xin bà cứ việc ngồi". Jill không rõ mình đứng đậy từ lúc nào nữa. "Xin ông hãy nói hết ra. Tôi chịu đựng được". "Chồng bà bị xuất huyết não. Còn hai cách gọi nữa: chảy máu não hay đứt mạch máu não. Rất nguy hiểm, thưa bà, và rất khó chưa. Nếu sống được điều này nói ra kể cũng hơi sớm, thì ông nhà cũng sẽ không thể đi lại hay nói năng được nữa, dù đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo". David gọi đến vào hôm trước ngày Jill chia tay với Moskva. "Anh biết nói thế nào để em hiểu là anh rất lấy làm tiếc? Chỉ mong em tin là anh vẫn luôn bên em và chỉ cần một tiếng gọi từ em là anh sẽ lập tức có mặt. Hãy tin vậy Jill nhé". Đó là chiếc phao duy nhất nâng Jill lên, giữ cho nàng thăng bằng trước khi bước vào cơn ác mộng mới, dự báo sẽ khủng khiếp hơn nhiều lần cơn ác mộng đã từng đến với nàng. Vẫn như một bộ phim xem lại; xe cứu thương từ khách sạn ra sân bay, cáng thương trên máy bay, rồi lại xe cứu thương từ sân bay về nhà và kết thúc là phòng người bệnh. Vẫn căn phòng ấy. Cũng có điểm khác. Đó là nơi khởi đầu bi kịch. Trước thì Paris, giờ là Moskva, song điểm đến thì vẫn chỉ một: Los Angeìes. Có lẽ từ nay sẽ chẳng còn điểm đến nào khác nữa, với Toby. Còn với nàng? Một điểm khác nữa mà Jill không dám nghĩ đến, bởi khủng khiếp quá. Nàng biết điều đó từ Moskva, ngay khi được phép vào thăm Toby. Tim anh vẫn đập đều, mắt anh vẫn nhìn rõ, tai anh vẫn nghe tốt và các cơ quan chủ yếu như tiêu hoá, bài tiết… vẫn hoạt động không trở ngại gì. Trên những khía cạnh chủ yếu anh vẫn là cơ thể sống, song hoá ra lại là không. Anh vẫn chỉ là một cái xác biết thở và còn thở mà thôi. Anh nằm đó, bất động với các loại kim, các loại dây truyền các các chất cần thiết vào cơ thể để chứng tỏ anh còn sống. Mặt anh méo, miệng anh mở hoác nom lúc nào cũng như đang cười, môi anh vếch lên trơ ra cả răng cùng lợi. "Tôi e sẽ không tìm ra nổi điều gì để nói cho bà hy vọng". Ông bác sỹ Liên Xô chẳng bảo vậy rồi sao? Bây giờ họ đang ở nhà mình. Jill đã gọi cho bác sỹ Kaplan. Ông ta gọi cho vài chuyên gia, họ lại gọi đến vài chuyên gia khác nữa, song tất cả đều chung một câu kết luận: xuất huyết não ở mức nghiêm trọng dẫn tới phá huỷ các trung khu thần kinh và hầu như không hồi phục được. Lại có ba hộ lý trực cả ngày lẫn đêm, lại có bác sĩ vật lý trị liệu… song chỉ để người bệnh có cảm giác mình không bị bỏ rơi mà thôi. Còn rất nhiều thứ để không như một bộ phim xem lại nữa. Lần này, cơ thể Toby xuất hiện rất nhiều chuyện lạ. Da dẻ mỗi ngày một vàng đi, xỉn lại. Đôi chân như không còn máu, không còn thịt, héo quắt và teo tóp. Gương mặt luôn thường trực nụ cười gớm ghiếc không cách gì làm tắt nổi. Tóc rụng từng túm làm lộ ra những mảng đầu trơ trụi. Nhưng đôi mắt thì vẫn tinh anh, còn lanh lợi hơn cả lúc khoẻ mạnh là khác. Nó cứ bừng bừng thể hiện sức mạnh và nỗi tuyệt vọng của sức sống tinh thần mạnh mẽ đang bị cái xác vô dụng cầm tù Mỗi khi Jill bước vào, ánh mắt ấy lại hau háu, lại cuống quýt dõi theo với vẻ cầu xin lộ liễu. Anh cầu xin gì đây? Làm tình với nàng hay muốn nàng lại giúp anh đi lại, nói cười như lần trước? Nàng thường lặng lẽ đứng nhìn anh với bao ngổn ngang ý nghĩ. Một phần cơ thể, một phần xương thịt của nàng đây, đang chịu đựng nỗi thống khổ của sự đau đớn và giam hãm. Họ đã từng là một tâm hồn trong hai cơ thể, nàng sẽ không tiếc gì nếu cứu được anh, và cũng là tự cứu mình. Nhưng lần này thì nàng thua rồi. Thực sự thua rồi. Chuông điện thoại lại leo không ngớt, hòm thư lại đầy ắp Vẫn chỉ là những lời nói, những dòng chữ thăm hỏi, cầu chúc. Nhưng cũng có một giọng nói khiến nàng rùng mình. "David của em đây. Anh chỉ muốn nhắc lại rằng anh vẫn bên em và sẵn sàng làm tất cả những gì em muốn". Hiện ngay lên trong nàng hình ảnh David đẹp trai, cao lớn, hết lòng yêu nàng bên cạnh người đàn ông tàn tạ, bất lực đang nằm kia. Và người ấy cũng yêu nàng không kém gì người khoẻ mạnh nọ. Nàng trả lời. "Cám ơn anh, David. Em vẫn tự nhắc mình là khi cần cứ gọi đến anh mà không phải ngại ngùng gì". "Anh có một vài bác sĩ giỏi ở Houston. Toàn cỡ nhất nhì thế giới. Anh lo được cho họ bay tới chỗ em". Jill nghẹn lời. Nàng chỉ muốn hét lên rằng chẳng cần ai hết, chỉ cần anh hãy đến với em, hãy đưa em đi khỏi nơi này.. nhưng Jill cũng biết, dù anh có đề nghị vậy nàng cũng không thể gật đầu. Bởi nàng đâu bỏ mặc Toby được. Nàng sẽ mãi mãi bị ràng buộc với anh. Chừng nào anh còn sống. Bác sỹ Kaplan đã hoàn thành cuộc tổng kiểm tra cho Toby. Khi ông bước ra ngoài hiên, nơi Jill đang uống cà phê, nàng ngước nhìn ông với vẻ chờ đợi mà không biết mình đang chờ đợi cái gì. Ông vụng về với vẻ pha trò cố ý. "Tôi có tin vui và tin không vui cho cô đây, Jill". "Hãy nói tin buồn trước". "Có thể thông báo chính thức với cô, hệ thống thần kinh của Toby hỏng hẳn rồi, không còn cách nào cứu chữa nổi nữa. Vĩnh viễn Toby không thể đi đứng, nói cười". Nàng đăm đăm nhìn ông bác sỹ. "Còn tin ông cho là vui?". Kaplan cười. Bây giờ thì dễ nói rồi. "Nếu được hưởng một sự chăm sóc chu đáo, Toby có thể sống tới hai chục năm nữa là ít. Tim còn khoẻ lắm". Jill mong là mình nghe lầm mặc dù nàng biết bác sỹ Kaplan nói chính xác như vậy. Hai mươi năm? Tin mừng? Nàng bỗng hình dung mình ngồi ăn bên cạnh cái xác biết thở, mình ngủ bên cạnh cái túi da người mà bên trong lủng củng những xương xẩu cùng tim gan phèo phổi. Hơn cả ác mộng, bởi nàng không có cơ hội tỉnh dậy để cơn ác mộng biến đi. Nàng không thể ly dị Toby, bởi nàng đã từng là nữ anh hùng khi cứu sống anh và đám đông từng ngưỡng mộ nàng sẽ thấy mình bị nàng phản bội. Họ không thể chấp nhận điều đó. Bây giờ ngày nào David cũng gọi cho nàng, hết lời ca ngợi lòng chung thuỷ, lòng dũng cảm, sự xả thân vì người khác của nàng. Bây giờ họ đều đã biết họ vẫn yêu nhau, vẫn muốn sống cùng nhau, như cái lần đầu tiên họ ở tròng nhau, bên hồ nước ấy. Chỉ còn một điều chưa ai nói ra: Khi Toby chết.. Chương 33 Ba hộ lý thay phiên nhau không rời Toby cả ngày lẫn đêm. Họ là dân chuyên nghiệp, làm việc nhanh nhẹn và có hiệu quả, lại ít chuyện trò. Jill vô cùng biết ơn họ vì bây giờ quả thật nàng rất sợ khi phải đến gần Toby. Nàng không thể nhắm mắt lại hoặc cứ nhìn mãi đi chỗ khác, nhưng hễ thấy cái sọ người nhe răng ra mà cười ấy là nàng chỉ chực rú lên bỏ chạy. Nhưng mỗi ngày nàng vẫn phải vào với anh, ít nhất là một lần. Và lần nào cũng vậy, nàng, và cả các hộ lý, đều thấy ánh mắt Toby vụt biến đổi. Đầu tiên là sức sống xuất hiện, rồi những ý nghĩ mà anh không thể thốt thành lời. Jill đọc được cái ý nghĩ đó, rõ như đang nghe anh bảo Jill, giúp anh... hãy giúp anh. Anh không muốn chết. Rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao Jill lại cứ nghĩ Toby đang nói với nàng Em không làm gì được đâu. Anh yêu em nên không muốn em khổ sở vì anh nữa. Anh không muốn kéo dài cuộc sống này. Anh chỉ muốn chết thôi, Jill. * * * * * Ý tưởng sát nhân đã hình thành trong Jill như vậy đấy. Nhan nhản trên báo chuyện về những ông chồng bệnh tật dở sống dở chết được các bà vợ giúp đỡ cho thoát khỏi sự đau đớn. Một vài bác sỹ cũng thổ lộ họ đã cố tình để bệnh nhân nào đó được hưởng cái chết khỏi đau đớn xuất phát từ lòng thương cảm trước những khốn khổ mà con bệnh phải vật vã chịu đựng mà y học thì đã bó tay. Riêng với trường hợp Toby thì khác. Mặc dù bệnh tật anh nặng hơn hẳn những ông chồng ốm liệt giường kia và không còn gì có thể gọi là anh đang sống, nhưng nàng vẫn có thể mang tội sát nhân chỉ vì cái đôi mắt xanh quái ác ấy vẫn cứ quấn quýt lấy nàng. Jill không ra khỏi nhà nữa. Nàng thường xuyên khoá cửa phòng ngủ và nằm lỳ trong đó đánh bạn với cơn đau đầu không cách nào đuổi đi được. Báo chí và truyền hình vẫn nhắc đến nàng. Họ phán đoán, rồi họ phỏng vấn người nọ người kia về việc liệu nàng có một lần nữa trả Toby vể cho hàng triệu khán già vẫn chờ đón anh? Nàng biết chắc chắn là phép màu đã hết. Toby mãi mãi chỉ còn là quá khứ. Hai mươi năm. Những hai mươi năm? Và David thì đang chờ đợi. Anh có chờ nàng được hai mươi năm không? Và nếu được, liệu nàng lúc đó sẽ... Nàng không tưởng tượng nữa. Nàng chỉ được phép nghĩ đến chuyện bằng cách nào để thoát khỏi cái nhà tù này.. Sự việc tình cờ bắt đầu vào một ngày mưa tầm tã. Mưa suốt ngày, rào rào trên mái, táp mạnh vào kính cửa sổ khiến nàng chỉ muốn điên lên. Vẫn như mọi ngày, nàng lại cuộn mình trên giường ngủ. Bỗng có tiéng gõ cửa rồi một cô hộ lý bước vào. Đó là Ingrid Johnson hai hai tuổi, người Scandinave, ngực mông ngồn ngộn. Cô ta nói. "Bếp trên gác không hoạt động nên phải xuống bếp dưới nhà lo bữa tối cho ông Temple. Bà có thể giúp tôi trông ông nhà một lát không?" Vợ mà không chịu đến bên giường bệnh của chồng thì cũng thật kỳ cục, nàng nghĩ nhanh rồi gật đầu nhận lời. Mới đến cửa phòng, mùi bệnh tật xông ra khiến nàng thoáng chút sững lại. Vụt hiện trong nàng những tháng ngày khủng khiếp đã qua khi nàng cố cứu sống Toby. Liệu nó có còn quay lại? Thấy Jill bước vào, đôi mắt Toby vụt sáng tên và nhấp nháy như muốn thốt ra những lời thăm hỏi âu yếm. Em bận gì mà mãi mới đến với anh?Hãy giúp anh đi. Anh cần em… Jill nén mọi ghê tởm đe khỏi thốt ra lời nguyền rủa khi nhìn xuống cái mặt nạ đang nhe ra bộ răng gớm guốc với nàng. Đồ chết tiệt, ngươi cũng biết là sẽ không bao giờ lành lặn lại được vậy sao còn cử đeo đẳng hành hạ ta. Chết đi, ta muốn ngươi chết, Toby! Jill bỗng lùng mình. Không phải vì những ý nghĩ độc ác trong đầu mà vì ánh mắt Toby đột nhiên thay đổi. Dường như anh đọc được những ý nghĩ ấy của nàng. Đó là vẻ bàng hoàng, sự nghi hoặc rồi chuyển thành nỗi oán hận khôn cùng, đến mức nếu giết được nàng thì ánh mắt đó sẽ không ngại ngần gì để biến thành lưỡi dao. Jill lui lại, lui lại đến khi lùng đụng cánh cừa nàng mới hiểu rằng mình đã thốt thành lời những nghĩ đó. Nàng ôm mặt bỏ chạy. Mưa quá nửa đêm mới dứt. Sáng ra, trời trong trẻo hẳn, không khi mát lành: Jill cho mang từ hầm chứa đồ lên chiếc xe đẩy ngày trước bảo cô hộ lý trực ngày Frances Gorden đặt Toby ngồi vào rồi đưa anh ra sân hóng nắng. Từ buồng ngủ. Jill nghe tiếng bánh xe lách tách lăn qua cửa, xuôi theo hành lang tới thang máy để xuống tầng dưới. Vài phút sau, Jill cũng xuống nhà. Đi ngang phòng đọc sách nằm kề cửa thang máy, nàng nghe tiếng điện thoại reo bèn vào nhấc ống nghe lên. "Hôm nay em thế nào?" Giọng David đầy chăm sóc từ Washington ấm áp vẳng đến. Nàng cảm động. "Em vẫn như hôm qua anh hỏi thăm. Cám ơn anh, David". "Giá mà được bên em lúc này, em yêu của anh". "Em cũng không mong gì hơn lúc này được ở bên anh. Em yêu anh, em cần anh, em muốn anh, David. Em muốn được nằm trong anh như ngày nào. Anh…" Linh tính xui khiến Jill quay ra cửa. Toby đang nhìn vào. Cô hộ lý đã dừng xe đẩy đúng cái chỗ định mệnh này để chạy đi đâu đó. Đôi mắt xanh của Toby long lên như chĩa, chứ không phải nhìn, vào nàng, tựa một ngọn giáo, tựa tiếng hô xung trận Giết… gi… ết khiến nàng hoảng sợ buông rơi cả điện thoại. Nàng lao lên gác, chui tọt vào phòng ngủ, vẫn thấy như ánh mắt Toby đang bám đuổi theo: Nàng nằm lỳ trong đó, không chịu ăn gì. Toby đã nghe, và đã biết. Nàng còn dám làm như không có chuyện gì để vào thăm hỏi hoặc chỉ im lặng, ngồi với anh không? Rồi đêm cũng xuống. Nàng bỗng thấy lạ vì sự thanh thản bất ngờ ập đến. Và nàng ngủ ngon. * * * * * Cô hộ lý Gallagher nhẹ bước đến bên giường bệnh, khẽ khàng đắp tấm chăn mỏng lên người Toby. Cô thương Toby lắm, vì những giây phút vui vẻ duy nhất cô có được trong cuộc sống vất vả của mình là khi ngồi trước truyền hình xem chương trình của anh. Giá mà biết anh đang nghĩ gì và ta biết có thể giúp gì anh được? Cô luôn luôn nghĩ vậy "Ngủ ngon Toby nhé". Cô nói thành tiếng. "Rồi tôi sẽ trở lại". Toby không một phản ứng. Có lẽ anh ngủ thật rồi. Gallagher quanh quẩn thêm lát nữa rồi về căn buồng nhỏ dành cho các hộ lý bật tivi lên xem. Cô buồn vì dạo này người ta ít phát lại các chương trình của Toby. Và đành bằng lòng với một phim hoạt hình. Gần sáng, cô Gallagher ngủ say như chết. Phòng bệnh im ắng. Phòng Jill chỉ có tiếng động duy nhất phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường. Nàng trần truồng nằm, hơi nghiêng sang bên, một chân gác lên chiếc gối cao, một tay ôm chiếc gối dài, mê mệt ngủ, thân hình nổi bật trên nền vải trải giường trắng tinh. Bỗng nàng trở mình rồi duỗi chân, vươn tay, rồi úp sấp, rồi lại lật ngửa ra. Jill mơ. Nàng thấy mình đang cùng David hưởng tuần trăng mật tận Bắc cực, giữa miền băng giá mênh mông. Bão tuyết bất ngờ ập tới, những cơn gió lạnh ngắt phũ phàng quất vào mặt khiến họ ngạt thở. Mở được mắt ra, nàng không thấy David ở bên. Nàng gào to tên anh. Không một tiếng đáp. Chỉ có tiếng khò khè tắc nghẹn của ai đó quanh quẩn bên nàng… Jill mở bừng mắt. Cái tiếng khò khè đó lại chính từ nàng phát ra. Nàng vẫn khó thở. Một bóng đen nào đó, lạnh buốt, trùm kín lên nàng, vòng quấn tấm thân trần truồng của nàng, ve vuốt đôi bầu vú nàng, cái bóng đen ú ớ, èo uột và hôi hám. Nàng giẫy giụa tìm cách thoát ra mà không nổi. Chân tay cố quẫy đạp mà như không nhấc được lên. Một giấc mơ? Nàng biết nó là một giấc mơ và mong đó chỉ là giấc mơ, nhưng sao nàng lại khó thở đến vậy. Và cái gì lạnh buốt đang vầy vò mình nàng, đang luồn vào giữa hai đùi nàng rồi chui hẳn vào trong nàng. David ư? Nàng đâu có sợ David. Nàng đang mong anh cơ mà. Toby? Chỉ có thể là Toby. Nỗi kinh hoàng khiến Jill lăn xuống khỏi giường, vùng đứng dậy, mở tung cửa và lao ra hành lang, vẫn trần truồng, hít như ăn như nuốt không khí cho căng phổi, căng đầu óc, căng dạ dày. Mãi sau nàng mới nín thở quay đầu nhìn vào phòng mình. Chỉ thấy gối chăn bừa bãi trên giường chứ nào có ai. Nàng vừa qua cơn ác mộng? Nàng trở lại giường, choàng lên mình bộ đồ ngủ. Mộng mị thôi. Như cơn đau đầu vậy. Chẳng ưa gì nó nhưng cũng chẳng việc gì phải sợ nó. Còn Toby thì không thể làm gì hạ~ được nàng. Cô hộ lý Gallagher ngủ những giấc ngắn nhưng sâu. Có lẽ nó là thói quen của những người làm nghề hộ lý, có thể ngủ và dậy theo linh tính nghề nghiệp. Cô đi sang ngó vào phòng bệnh nhân. Toby vẫn nằm đúng như lúc cô rời khỏi anh. Hình như anh đã dậy, mắt anh mở to, nhìn như xoáy vào cái gì không biết. * * * * * Ba giờ sáng. Jill đã ngủ quên khi đang đọc dở trang sách. Rồi nàng tỉnh dậy trong căn phòng tối om và lập tức nhận ra có cái gì đó khác lạ. Một lúc sau thì nàng đã biết đó là cái gì. Khi nàng ngủ đèn vẫn sáng. Không lẽ Toby làm việc đó? Nhưng bình tĩnh mà xét thì có gì mà hốt hoảng nhỉ? Không cô hộ lý trực đêm Gallagher tắt đèn giúp nàng hỏi còn ai vào đây nữa? Rồi Jill nghe tiếng lách tách của chiếc xe đẩy lăn dọc hành lang về phía buồng nàng và tóc tai nàng bỗng dựng ngược lên. Làm gì có chuyện đó. Toby không thể tự điều khiển xe còn Gallagher dẫu có muốn nửa đêm chở Toby đi dạo thì dù anh có yêu cầu cô ta vẫn cứ phải xin phép nàng. Nhưng kìa, nó như đang dừng ở cửa phòng nàng đấy thôi. Lại còn tiếng vật gì rơi vỡ nữa… Jill thức luôn cho đến sáng, phập phồng sợ hãi. Khi đẩy cửa phòng ngủ để đi ra hành lang nàng thấy chiếc bình hoa lớn thường đặt trên kệ cao ngoài đó vỡ tan trên sàn. Jill thăm dò bác sỹ Kaplan xem ý chí con người có thể điều khiển hoạt động cơ thể được không, ông đòi nói rõ hơn, nàng hỏi thẳng. "Giả sử Toby rất muốn tự vào… phòng vệ sinh chẳng hạn, thì có vào được không?" "Một mình ư? Vào thời điểm này ư? Chắc chắn không thể". Kaplan đáp ngay. Jill gặng thêm. "Nếu Toby nhất định muốn vậy, bắt buộc phải vậy, thì sao?" "Bộ óc chúng ta chỉ huy cơ thể song nó chỉ vận hành được khi thần kinh truyền đạt tín hiệu không có gì trục trặc và các cơ bắp hoạt động bình thường". Đã hỏi thì hỏi cho hết, Jill quyết định. "Trí lực người ta có thể di chuyển đồ vật được không, bác sỹ Kaplan?" "Hiện tượng ngoại cảm chứ gì? Người ta làm nhiều thí nghiệm về nó rồi nhưng chưa kết luận nào thuyết phục được tôi". Giải thích sao về chiếc bình hoa nửa đêm vỡ tan trươc cửa phòng tôi, bác sỹ Kaplan? Jill muốn kể cho ông nghe mọi chuyện, nói với ông mọi nghi ngờ, phỏng đoán nhưng nàng sợ ông ta sẽ nghĩ sự đau buồn và mệt mỏi đã khiến đầu óc nàng cũng đã trở nên không bình thường. Một dạng hoang tưởng chẳng hạn. Sau khi tiễn bác sỹ Kaplan về, nàng vào phòng ngủ cởi bỏ hết váy áo soi mình trước gương và bàng hoàng về vẻ tàn tạ của mình Từ mặt mũi đến thân hình, chỗ nào cũng gày guộc, vêu vao, xơ xác. Mình sẽ gặp David trong bộ dạng này ư? Nàng tự hỏi. Không, Toby sớm muộn rồi cũng chết, mình phải chăm lo cho mình từ đây là vừa. David, em yêu anh. Em muốn em đẹp vì anh. Hôm sau, Jill đến tiệm làm đầu, và nàng đã thiếp đi lúc chờ tóc khô, trong tlếng ro ro đều đều của chiếc máy sấy chụp lên mái tóc. Cơn ác mộng lại xuất hiện. Nàng đang ngủ. Tiếng lách tách của chiếc xe đẩy tới gần… Toby nhăn nhó lết khỏi xe, hàm răng khoe ra hết mọi sự trắng nhởn. Bàn tay vươn về phía nàng, như muốn bóp cổ. Nàng thét lên và bỏ chạy trước sự sợ hãi của cả tiệm. Jill không dám ra khỏi nhà nữa! Nhưng ở nhà nàng còn sợ hơn. Tự Jill cũng thấy đầu óc mình có dấu hiệu trục trặc. Ngoài những cơn đau mỗi ngày lặp lạí nhiều hơn, dữ dội hơn, nàng thường nghĩ một đằng làm một nẻo, thường phải tự hỏi tại sao mình làm cái này, không làm cái kia... Cô hộ lý Gordon đi qua cửa phòng ngủ, nàng gọi giật vào, hỏi cô ta là ai và bằng cách nào mà lọt được vào nhà nàng. Gordon còn đang ngơ ngác thì nàng đã chợt nhớ ra đây chính là cô hộ lý nàng mời đến để chăm sóc Toby. Rồi nàng thấy mình đang trần truồng trong phòng hoà âm, người khom xuống, la thét giẫy giụa để thoát khỏi sự thúc ép từ phía sau của thằng trợ lý trẻ ranh Fred Kapper, giữa hàng trăm tiếng cười điên loạn vây quanh... Jill mở bừng mắt. Cô hộ lý đang ôm lấy đôi vai nàng, lắc lắc. "Bà Temple, bà sao vậy?" Và nàng chợt hiểu mình không thể sống mãi trong tình trạng này. Nó tệ hại hơn cả cái chết. Và với Toby cũng vậy thôi. Một đời sống thực vật hỏi có ích gì cho anh, ích gì cho những người anh hằng yêu quý - như khán giả, như nàng? Cũng ích gì cho hàng triệu người đã và vẫn yêu quý anh? Jill thong thả bước tới cửa buồng Toby, hít một hơi thật sâu như để tự trấn tĩnh, rồi bước vào. Cô hộ lý Gordon đang dùng miếng bọt biển lau người cho Toby reo lên khi thấy Jill bước vào. "Bà đây rồi, ông Temple! Thật vui khi mình mát mẻ, sạch sẽ, lại có người vợ yêu quý ngồi bên ông Temple nhỉ?" Jill nhìn xuống giường, đúng hơn, nhìn xuống cái túi da đựng lủng củng những xương, một nhúm thịt và một đống ruột gan gì đó nữa. Giữa hai đùi Toby là cái giới vật đã mềm oặt vô dụng lại còn xấu xí nom như con rắn chết lấm lem bụi đất bẩn thỉu. Chỉ duy nhất đôi mắt vẫn sáng, vẫn tinh quái lạ lùng. Nó xoay ngang chiếu dọc khắp người Jill, sục sạo vào nơi sâu kín trong Jill như muốn tìm ra chỗ xung yếu nhất của nàng để công phá. Nó ánh lên sự thù ghét không giấu giếm, và cả những toan tính, những mưu mô cũng tự do hiển hiện, như đó là tâm trạng anh cần có, anh phải có lúc này. Jill đọc ngay ra tâm trạng đó qua ánh mắt Toby. Nàng không được phép quên bộ não anh vẫn nguyên vẹn, không một chút tổn thương, nghĩa là anh vẫn biết nghĩ ngợi, yêu ghét, hận thù. Và bây giờ cái bộ não đó không còn gì khác để làm ngoài việc tìm ra cách trả thù nàng có hiệu quả nhất. Từ không thể-thiếu-nhau giờ họ chỉ muốn-giết-nhau. Jill cúi xuống nhìn sâu vào đôi mắt đầy sự khinh bỉ và bừng bừng thù hận ấy, như đang nghe Toby nói, "Con điếm, mày phải chết, bởi chính tay tao". Đồng thời Jill nhớ tới cái bóng đen lạnh lẽo với đôi bàn tay xương xẩu sục sạo khắp người nàng, nhớ tới bình hoa vỡ, và chợt hiểu nguyên do những ác mộng. Nàng không hề tưởng tượng. Rõ ràng là Toby đang và sẽ tìm ra cách nào đó để giết nàng. Chương 34 Xem xét kỹ lưỡng cho Toby xong, bác sỹ Kaplan ra ngoài hiên, nơi Jill đang uống cà phê, bảo nàng. "Theo tôi, ta nên chấm dứt việc chữa chạy cho Toby dưới nước. Vô ích thôi. Để tôi nói chuyện với bác sỹ vật lý trị liệu, nếu cô đồng ý!". Jill cuống cuồng thét lên. "Không, không được?" Bác sỹ Kaplan sửng sốt trước phản ứng của Jill, nhẹ nhàng nói. "Tôi biết cô đã từng cứu được Toby bằng cách đó. Nhưng chỉ một lần thôi. Lần này tôi sợ…" Jill không để bác sỹ nói hết. "Chúng ta không được phép tuyệt vọng, Kaplan! Bỏ cuộc lúc này là giết luôn Toby. Anh ấy đang hy vọng biết bao". Nhưng giọng nàng lại đầy vẻ tuyệt vọng. Bác sỹ Kaplan định nói nữa song ông chỉ nhún vai. "Vâng, nếu cô vẫn muốn vậy, nhưng…". "Tôi vẫn muốn vậy, và chỉ muốn vậy…" Nhưng giọng nàng nghe không quả quyết lắm. Tuy nhiên, nàng đã biết mình phải làm gì. Một cách chắc chắn. * * * * * David gọi cho Jill báo tin anh có việc phải đến Madrit nên mấy ngày cuối tuần có thể không gọi được cho nàng. "Một ngày không gọi em đã muốn chết vì nhớ anh nữa là mấy ngày". Jill nũng nịu. "Anh cũng hơn gì em đâu, cũng nhớ em ghê gớm lắm. Em vẫn khoẻ chứ? Có gì kể được cho anh David của em nghe không, em yêu?" Jill không nhớ được mình ăn bữa cuối cùng, ngủ giấc cuối cùng là vào lúc nào. Có cảm giác nàng yếu đến mức đi không vững nữa. "Em vẫn khoẻ, và tất cả vẫn bình thường, anh yêu". "Cần nhất là em phải khoẻ, nhớ nhé. Anh yêu em". "Em sẽ khoẻ, anh đừng lo gì về chuyện đó. Em yêu anh, mãi mãi. Hãy tin vậy cho em, anh yêu". Dù có xảy ra chuyện gì. Nàng không nói thêm được câu này. Jill chào anh rồi buông máy để xuống nhà khi nghe tiếng xe hơi của bác sỹ trị liệu. Đầu nàng đau, chân tay nàng run rảy, chỉ bước đi mà cứ như chực ngã. Nàng mở cửa khi ông ta vừa định nhấn chuông. "Chào bà Temple". Ông ta nói rồi định lách qua để vào nhà và ngạc nhiên thấy nàng không chịu nhường lối. "Bác sỹ Kaplan đã quyết định ngừng chữa cho Toby theo phương pháp trị liệu". Jill nói. Ông bác sỹ có vẻ phật ý. Tại sao người ta không chịu mất một phút điện thoại báo trước để ông khỏi tốn thời gian, và cả xăng xe, để tới đây? Nếu không phải là bà Temple nức tiếng anh hùng và lại đang là người đàn bà đau khổ nhất đời thì ông đã không dễ dàng cho qua chuyện này. Ông chỉ có thể nghiêng mình mỉm cười. "Vâng, tôi hiểu, thưa bà Temple" Jill đóng cửa lại, đi lên gác. Mới vài bậc, nàng bỗng thấy chóng mặt và phải bám vào lan can cho khỏi ngã. Hãy đi tiếp. Nàng tự nhủ. Dừng lại, nghĩa là chết. Nàng vào phòng Toby. Anh đang nghe cô Gallagher đọc báo. Để làm gì không biết, nàng tự hỏi, biết thêm chỉ khổ thêm, ích gì. "Ông Temple, bà lại đến thăm chúng ta, hẳn ông vui lắm". Cô Gallagher buông tờ báo xuống, reo lên. Cái nhìn của Toby xoáy vào Jill với hàm ý không thèm che đậy. "Con điếm đừng giả nhân giả nghĩa nữa. Mày sắp chết rồi. Bởi chính tay tao". Jill không nhìn trả, đến bên cô Gallagher nói như nhận lỗi. "Tôi thấy mình dành hơi ít thời gian cho chồng". "Vâng, chúng tôi cũng đã nghĩ thế, mong bà tha lỗi". Cô Gallagher thành thật. "Nhưng chúng tôi hiểu, với nỗi đau buồn về ông nhà và bà lại đang rất không khoẻ nên... " Jill không để cô ta nói hết. "Mấy hôm nay tôi thấy khá lên rồi. Bây giờ tôi muốn được ngồi một mình với Toby". Cô Gallagher đứng dậy. "Vâng, chắc ông Temple sẽ vui lắm. Tôi xuống bếp đọc báo đây". Jill lắc đầu. "Cô sắp hết phiên trực, có thể về được rồi. Tôi sẽ ngồi bên Toby cho đến khi cô Gordon tới!" "Hay là tôi đi mua ít đồ ăn dự trữ…". "Được, thế cũng tốt. Cô hãy đi đi". Cô Gordon ra khỏi. Toby giương mắt nhìn Jill. Nàng nhìn chiếc xe đẩy nằm trong góc buồng, bước tới, kéo nó lại sát bên giường rồi nín thở kéo tấm mền ra và cố không nhìn vào nhúm thịt nhăn nheo, teo tóp của Con Người Vĩ Đại ngày nào. Thu gom hết can đảm, nàng xốc Toby dậy. Người anh nhẹ bỗng nhưng cái khí lạnh từ anh toát ra vây bọc lấy nàng thì thật nặng nề khiến chân tay nàng bủn rủn, đầu đau như muốn vỡ đôi ra và mọi cảnh vật quay cuồng nhảy nhót. Nhắm nghiền mắt lại, nàng đặt Toby vào xe, gài kỹ các dây chằng để ghì chặt anh lại. Nàng chỉ còn rất ít thời gian. Hoặc là Gallagher mua thức ăn xong đang trên đường về. Hoặc là Gordon sắp đến thay ca trực. Jill về phòng thay đồ tắm rồi quay lại đẩy chiếc xe chở Toby ra hành lang, vào thang máy, ý thức rất rõ ánh mắt anh không giây phút nào rời khỏi mình nên thang máy tuy quá hẹp nhưng nàng vẫn ép mình đứng sau anh để lẩn tránh nó. Song cái khí lạnh thì nàng không cách nào trốn chạy nổi và trong thang máy, nó càng hoành hành dữ tợn hơn, khiến nàng ngột ngạt, buồn nôn và suýt ngất xỉu nếu cánh cửa không bật mở kịp thời. Nàng hít cho căng lồng ngực rồi đẩy xe về phía bể bơi. Tiết trời hôm nay may mà khá đẹp, nắng vàng nhảy nhót trên mặt nước khiến ai cũng muốn lao mình xuống vùng vẫy cho thoả thích. Jill đẩy xe tới sát bên bể bơi, một thoáng chần chừ, rồi vụt hiện lên trong đầu nàng cấi ý nghĩ thường xuất hiện mỗi khi bắt gặp ánh mắt anh, Toby sống thì mình chết, hoặc ngược lại. Ý nghĩ ấy là giọt nước làm tràn bát nước đã đầy sẵn. Hết rồi, hết tất cả rồi. Cả Toby lẫn Jill Castle. Chỉ còn cái cô Josephine Czinski đang ngồi chờ David Kenyon bên hồ nước mà thôi. Nàng đẩy mạnh chiếc xe về phía trước. Gờ xi măng của thành bể bơi chặn nó lại. Nàng đẩy mạnh hơn. Nó vẫn không nhúc nhích. Cuống cuồng, nàng tưởng như Toby đã dùng ý chí chặn xe lại, thấy những dây da chằng buộc như sắp đứt tung khỏi người và anh đang quay mình lại chĩa ra những ngón tay xương xẩu về phía cổ họng nàng. Ta không muốn chết, ta không thể chết. Chính con điếm, kẻ phải chết là mày, Jill Castle. Ai đang thét lên như thế! Nỗi sợ hãi tăng sức mạnh cho nàng, có lẽ vậy bởi nàng bỗng thấy chiếc xe vọt lên không, vẫn mang theo Toby rồi như một tảng đá rơi ầm xuống làm nước bể bắn lên tung toé! Rồi nó lại bềnh lên, xoay xoay, và Jill bắt gặp ánh mắt Toby. Đó là một lời nguyền rủa độc địa nhất, nặng nề nhất mà nàng gánh chịu trong đời. Nhưng đó cũng là những gì cuối cùng nàng nhận ở anh. Chiếc xe chìm sâu xuống đáy nước, mang theo Con Người Vĩ Đại Toby. Nàng tỉnh táo dần lại để kịp nhớ ra mình còn phải làm ướt bộ đồ tắm, làm ướt cả đầu tóc nữa. Rồi còn phải gọi cho cảnh sát và cho bác sỹ Kaplan. Chương 35 Cả thế giới đưa tin về cái chết của Vua hài Toby Temple. Người ta cũng nhắc nhiều không kém đến bà quả phụ Jill Castle Temple. Ảnh họ liên tục xuất hiện trên trang nhất các báo, trang bìa các tạp chí. Câu chuyện về tình yêu lớn của họ, về sự hy sinh vì nhau, cho nhau của họ được kể đi nhắc lại khiến cái kết thúc càng trở nên lâm ly, bi thiết. Thư từ, bưu ảnh, điện tín chia buồn của từ bà nội trợ đến vị nguyên thủ quốc gia chất cao như núi trong phòng khách và phần lớn không được Jill ngó đến. Một tổn thất lớn của nhân loại. Nhiều tờ báo chạy hàng tít ấy khi nói về Toby. Radio và truyền hình cũng nhắc lại y vậy. Vô số phim anh và các chương trình của Toby được mang ra chiếu để tưởng niệm anh. Không bao giờ có được một Toby nữa. Người ta viết trên báo, nói trên đài như vậy. Không thể không mở cuộc xét hỏi về cái chết vẫn được coi là bất thường của Toby. Nó được tổ chức tại trụ sở toà án hình sự ở trung tâm Los Angeles. Phòng xử án khá rộng nhưng vẫn không đủ ghế ngồi. Các phóng viên xúm xít quanh Jill khi nàng xuất hiện trong bộ đồ đen giản dị không trang điểm song dường như chưa bao giờ nàng đẹp như lúc ấy. Chỉ mấy ngày sau khi Toby chết, ơn Chúa, nàng ăn và ngủ đều rất ngon, cơn đau đầu và cả những ác mộng đều rủ nhau biến mất cả. Yên bình đã đến với nàng. Thêm nữa, ngày nào nàng cũng được chuyện trò thoải mái với David, được nghe đi nghe lại những lời âu yếm về tình yêu nồng nàn và mãnh liệt anh dành cho nàng, mà nàng tin là nó có thật trên đời, và nó chỉ tồn tại trong anh. David đòi đến dự cuộc xét hỏi nhưng nàng nhất quyết không cho. Sắp tới, họ nào thiếu thời gian bên nhau, trong vòng tay nhau. "Đến hết những tháng năm còn lại", anh nói. Sáu nhân chứng được mời đến toà. Các hộ lý kể ra những công việc chăm sóc Toby của họ và tình hình sức khỏe của anh mà họ được tận mắt chứng kiến. Đến lượt cô hộ lý Gallagher, viên công tố hỏi. "Vào buổi sáng của ngày ông Toby chết, bà trực đến mấy giờ?" "Mười một giờ!" "Bà có ở bên người bệnh đến hết giờ không?" Gallagher thoáng do dự. "Tôi chl làm đến mười giờ rưỡi". "Bà vẫn thường nghỉ sớm nửa tiếng như vậy ư? Được phép hay tự ý bà?". "Đây là lần đầu tiên, thưa ngài". "Bà có thể nói ra lý do của sự việc bất thường này không?". "Do bà Temple gợi ý, nói rằng bà ấy muốn ở một mình với chồng". "Tôi không còn gì để hỏi bà nữa. Cám ơn bà". Gallagher trở về chỗ. Hẳn hoi là ông Toby chết vì tai nạn. Cái việc hỏi han này thật chẳng ra gì đối với bà Temple. Cô liếc nhanh bà với cảm giác xót xa và nhớ lại cái đêm đi qua phòng ngủ của bà Temple, thấy bà đang thiếp đi trên ghế, quyển sách rơi dưới chân, cô đã phải vào tắt đèn hộ bà và khi ra hành lang cô đã vô tình làm vỡ chiếc bình hoa. Cô đã định nhận lỗi với bà Temple nhưng thấy chiếc bình có vẻ đắt tiền và thấy bà cũng có vẻ không để ý đến nó nên cô cũng cho qua luôn. Đến lượt bác sỹ vật lý trị hệu đứng ở bục nhân chứng. "Ngày nào ông cũng tới chữa chạy cho ông Temple?" "Ngày nào tôi cũng đến, thưa ngài". "Và được thực hiện dưới bể bơi tại nhà riêng ông Temple?" "Vâng, trong làn nước được đun nóng". "Vào buổi sáng hôm ông Temple chết, ông có làm công việc thường ngày đó không?" "Không, thưa ngài". "Ông có thể nói lý do không?" "Tôi có đến, song bà Temple lại bảo tôi về". "Với lý do gì? Bà Temple có nói ông nghe không?" "Bà Temple bảo rằng bác sỹ Kaplan không muốn chữa cho ông Temple bằng phương pháp trị liệu nữa". "Và ông về ngay mà không gặp ông Temple?" "Vâng, thưa ngài". Đến lượt bác sỹ Kaplan. "Bà Temple nói đã gọi cho ông ngay sau khi tai nạn xảy ra. Ông có khám kỹ tử thi không? "Tôi đến nơi thì cảnh sát vừa vớt xác ông Temple lên, vẫn buộc chặt trong xe đẩy. Tôi và viên trung sỹ pháp y bên cảnh sát đã khám nghiệm ngay tử thi và cùng kết luận rằng mọi phương pháp cứu chữa đều vô hiệu vì đã quá muộn. Hai lá phổi cùng đã tràn ứ nước. Ngoài ra chúng tôi không thấy dấu vết tử vong nào nữa". "Trước đó ông có nói với bà Temple là ngừng chữa trị bằng vật lý trị liệu không?" "Có Tôi có bảo bà Temple rằng chỉ phí công sức tiền của và thời gian vô ích". "Bà Temple nói sao về ý kiến đó của ông?" "Bà ấy phản đối, gần như thét lên đòi phải tiếp tục" - Ông liếc nhanh về phía Jill rồi nhìn thẳng vào bồi thẩm đoàn, tiếp tục. "Vì đã thề khai đúng sự thực, tôi thấy mình cầnl nói rõ hơn điểm này, và tôi muốn nó được ghi vào hồ sơ. Bà Temple là người phụ nữ can đảm, dám hy sinh mình cho người khác nhất mà tôi vinh hạnh được biết…". Nhiều tiếng vỗ tay nổi lên, toàn bộ những ánh mắt, kể cả của chánh án, công tố viên và bồi thẩm đoàn đều hướng cả về Jill, đâu đó vọng tới tiếng thút thít. Bác sỹ Kaplan nói tiếp. "Lần trước ông Temple lâm trọng bệnh, không một bác sỹ nào trên thế giới, trong đó có cả tôi, dám nói ông ấy sẽ qua khỏi. Vậy mà chỉ một mình bà Temple, xin các vị nhớ cho, tôi nhấn mạnh, MỘT MÌNH bà đã chữa chạy, chăm sóc và đưa ông Temple trở lại với sân khấu, với những khán giả vốn yêu quý, ngưỡng mộ ông, trên toàn thế giới. Và bà Temple chính là tấm gương cho tất cả chúng ta". Cả phòng xử án đứng dậy vỗ tay. Công tố viên chờ cho tất cả lặng đi mới nói. "Cám ơn bác sỹ Kaplan: Xin mời bà Jill Castle Temple". Mọi con mắt dõi theo Jill đứng dậy, chậm chạp đi tới bục nhân chứng, đặt tay lên cuốn Kinh Thánh thề tôn trọng sự thật. Công tố viên hắng giọng. "Tôi biết việc đứng lên đây thật nặng nề với bà nên sẽ cố gắng làm thật nhanh, mong được bà giúp đỡ". "Xin cảm ơn ngài!". Nàng thì thầm đáp. "Tại sao bà phản đối đề nghị ngừng việc chữa chạy bằng vật lý trị hệu của bác sỹ Kaplan?" Nàng nhìn lên và tất cả dường như đều thấy nỗi đau đớn hiện rõ trong mắt nàng. "Bởi tôi không muốn tin chồng tôi vĩnh viễn tàn phế. Tôi muốn chồng tôi khỏi bệnh. Tôi…" Nàng nói trong nước mắt. "Tôi muốn tự tay cứu chữa chồng tôi, như trước đó". "Vậy tại sao bà lại không để bác sỹ vật lý trị liệu làm việc đó?" "Có lẽ tôi đã sai khi nghĩ rằng tình yêu của tôi và Toby là phép màu duy nhất giúp anh khỏi bệnh. Vì lần trước nó đã giúp…" Nàng nức nở. "Tôi phải để Toby biết tôi yêu anh thế nào, muốn anh khỏi bệnh ra sao". Cử toạ nhoài hết về trước, nghe như nuốt từng lời của Jill. "Xin bà hãy kể những gì đã xảy ra vào sáng hôm đó". Im phăng phắc. Dường như nghe thấy cả ai đó nuốt nước bọt vì hồi hộp. "Khoảng gần mười rưỡi tôi vào phòng Toby thấy cô Gallagher đang đọc báo cho anh nghe. Toby tỏ ra mừng rỡ khi thấy tôi. Rồi tôi cho cô Gallagher nghỉ sớm. Rồi tôi về buồng riêng mặc đồ tắm vào và sang bảo với chồng tôi rằng hôm nay sẽ đưa anh xuống bể bơi để tự tôi chữa cho anh. Anh chớp chớp mắt ra hiệu đồng ý. Khi nhấc anh khỏi giường để đặt vào xe đẩy, tôi bủn rủn cả chân tay, không ngờ mình yếu đến vậy. Lẽ ra tôi phải biết một mình tôi thì không thể làm nổi việc này. Nhưng ý muốn được tự tay cứu giúp anh đã khiến tôi không thể dừng được nữa. Tôi đưa anh vào thang máy, đưa ra mép bể bơi rồi tháo dây chằng cho anh. Và lúc đó tôi lại thấy mình như muốn ngất đi. Đầu tôi quay quay, mắt tôi hoa lên. Tôi vẫn cố đánh lộn với mấy sợi dây. Rồi.. có lẽ tôi đã gạt nhầm vào phanh hãm và chiếc xe lao xuống bể mang theo Toby vẫn bị ghì chặt trên đó. Tôi... tôi lao theo, cố tháo dây cho anh nhưng nó quá chặt, cố nâng xe lên nhưng nó quá nặng… Tôi cố giúp Toby nhưng tôi đã giết anh. Tôi là người phụ nữ giết chồng…". Nàng oà khóc dữ dội. Cả phòng xử án ngập tràn nước mắt. Mấy phút sau, bồi thẩm doàn trình lên chánh án phán quyết: Toby Temple chết do tai nạn. Clifton Lawrence ngồi sau cùng phòng xử án, biết một cách chắc chắn là Jill đã giết Toby nhưng không thể chứng minh nổi. Jill đã thoát được một vụ án sát nhân. Còn những gì đang chờ cô ta ở phía trước? Clifton Lawrence chưa thể trả lời lúc này. Chương 36 Cả Hollywood đưa tiễn Toby. Và còn hàng ngàn người từ nhiều miền của nước Mỹ kéo đến. Tang lễ được cử hành tại Forest Lawn trong một sáng tháng Chín đầy nắng gió, vào đúng cái ngày, nếu không chết, Toby sẽ bắt tay vào chương trình truyền hình mới của cái hợp đồng năm triệu đô la mà anh đã ký. Hàng hàng lớp lớp người chen chân trên vùng đất nhấp nhô, giẫm đạp lên những vuông cỏ xanh đẹp đẽ để vừa vĩnh biệt người quá cố vừa xem mặt những con người nổi tiếng đến chia tay một người nổi tiếng hơn cả đã ra đi trước mình. Các máy quay phim, máy quay truyền hình hết quay toàn cảnh tang lễ lại quay cận cảnh những người làm phim lần lượt đến bên huyệt mộ đặt hoa, làm dấu, thì thầm gì đó với người đã khuất. Tổng thống Mỹ cử đại diện đến dự. Rất nhiều Thống đốc bang, các chính khách của Thượng, Hạ nghị viện, các ông chủ ngân hàng lớn, các Vua thép, Vua dầu, Vua đồ chơi, Vua vân vân… có mặt, cho đến đội danh dự của cảnh sát, đội cứu hoả… Cũng có mặt cả những người không mấy tên tuổi của Hollywood, mặc dù không có họ thì cũng không thể có được những bộ phim. Đó là những diễn viên đóng thế, những cô gái làm phục trang, hoá trang, các thứ trợ lý, người làm hoà âm, tiếng động, người điều khiển ánh sáng, và có mặt cả những người sống bên rìa điện ảnh, hình ảnh của Jill Castle năm nào. Tất cả đến đây với sự kính cẩn trước một người Mỹ Vĩ Đại. Hai tay ấy, O Hanlon và Rainger, đứng thật sát nhau, cùng nhớ lại cái ngày khởi nghiệp của con người vĩ đại ấy, khi anh ta bước vào căn phòng bề bộn của họ. Tôi được biết hai anh sẽ viết chuyện cười cho tôi… ông Clifton cho rằng cậu là biểu tượng tình dục mới của nước Mỹ. Vung tay giống hệt bổ củi. Hay là viết mẹ nó về bổ củi cho dễ. Điệu bộ xem ra gượng gạo lắm... Kìa, chúng tôi yêu quý anh lắm, Toby... Và Toby đã học, đã tập luyện, đã trở thành siêu sao, Nhưng với Hai tay ấy, anh mãi mãi là chú em ngây ngô của họ. Người đại lý già lừng lẫy một thời nay thất thế cũng có mặt, đứng riêng ra một chỗ. Hôm nay Clifton Lawrence mày râu gọn gàng, móng tay cắt tỉa, quần áo phẳng phiu… nom bề ngoài không khác mấy so với người đại lý của Vua Hài Temple ngày nào. Tại đám tang này, có lẽ Clifton là người ôm trong lòng nhiều ký ức nhất về người đã chết, nhiều hơn cả cô vợ Vĩ Đại của Toby Vĩ Đại nữa. Bởi còn ai khác ngoài ông phát hiện, dạy dỗ, chăm bẵm để biến một kẻ vô danh thành một nghệ sỹ được cả hành tinh này ngưỡng mộ? Clifton nhớ đến cú điện thoại đầu tiên ấy. Xin lỗi đã đánh lừa ông… Lừa ư? Trưa qua tôi ngồi ăn với Goldwyn... Kìa, người ta đâu cần phải chén cho bằng hết mới biết mình được ăn món ngon. Chỉ sau vài mươi giây là tôi biết anh có cái gì rồi… Điều trước tiên anh cần biết là diễn xuất của anh kém, quá kém là khác... Tôi nhận anh là khách hàng với điều kiện... Đêm qua tôi đã cầu hôn, Clif, và đã đuợc Jill chấp nhận. Tôi hiện đang vui như chàng trai hai mươi, ông đồng ý là phù rể cho tôi chứ, Clif. Theo ông, nên làm đám cưới tại Hollywood hay Las Vegas, hay New York. Đúng, Clifton Lawrence có vô vàn điều không thể quên. Alice Tanner cũng đang nhớ về Toby, cả đầu óc lẫn da thịt đều nhớ. Bà từng đã là người chỉ bảo cho anh, lại hơn anh nhiều tuổi nhưng đã thực lòng yêu anh, chiều anh như chưa từng một lần được yêu chiều ai trong đời. Tuy cuối cùng cũng bị anh bỏ lại nhưng bà vẫn thực lòng biết ơn những ngày tháng được có anh. Thưa ông Temple, người Mỹ không được tuyển vào Nhà hát kịch Anh. Nếu ông hiểu biết thêm chút nữa, chúng ta đã không mất thì giờ... Ở đây chúng tôi chỉ nhận những người đã có nghề diễn, và có tài diễn. Tôi mong bà hài lòng... Sao anh không tìm đến tôi, bất cứ lúc nào? Tôi muốn được anh chia sẻ. Ôi, em yêu anh biết bao, Toby! Em sung sướng đến chết mất... Ahce Tanner mặc cho những dòng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Có mặt cả Al Caruso trong dòng người vĩnh biệt Toby. Tôi cười chảy nuớc mắt nước mũi, cả nước đái nữa. Chưa ai khiến tôi cười đuợc như vậy, Toby!… Hãy gọi tôi là Al, chỉ Al thôi là đủ… À này, anh thuận tay nào nhỉ. Vạch chim nó ra... Của anh lực lưỡng thật, bỏ nó đi thì phí quá... Xin ông đừng làm vậy. Vâng, Millie sẽ đau khổ lắm... Quả thật, Toby đã thật tốt với Millie. Giờ họ lại được gặp nhau rồi. Ông mong họ sẽ vẫn yêu nhau, vẫn tốt với nhau. Sam Winters tất nhiên không thể vắng mặt nhưng anh cố tránh né sự soi tìm của những chiếc máy quay phim bằng cách đứng lẫn vào đám đông những người ít tên tuổi. Anh ngẫm nghĩ và thầm so sánh giữa niềm vui mà Toby mang lại cho hàng triệu con người với nỗl đau mà anh gây ra cho một số ít người khác. Đúng lúc đó, tay áo Sam bị kéo nhẹ. Quay sang, anh thấy một cô gái mắt và tóe đều đen, mặt mũi và thần hình đều đẹp và gợi cảm, tuổi chỉ ngót nghét đôi mươi, dáng e lệ. "Có lẽ ông chưa biết tôi, thưa ông Winters", cô gái cười, khoe ra đôi lúm đồng tiền xinh xẻo, "nhưng tôi biết ông đang cần tìm một thiếu nữ trạc tuổi tôi cho cuốn phim sắp quay của William Forbes. Tôi mới từ Ohio tới đây và hy vọng…" Sam chẳng thể trốn đâu được chừng nào anh còn dính dáng đến điện ảnh. David Kenyon không rời mắt khỏi Jill dù anh đứng khá xa nàng. Thoạt đầu Jill không muốn anh tới nhưng sau nàng cho rằng bây giờ mọi việc đã xong xuôi, nàng đã thể hiện xong vai diễn của mình thì việc anh dần dần xuất hiện cũng là hợp lý vấn đề là ở cấp độ nào mà thôi. Kết thúc tang lễ, ai đó khoác tay Jill và nàng làm bộ vẫn chưa nguôi đau khổ, cúi đầu để mặc người đó đưa ra xe. Khi cửa xe mở ra, nàng ngửng lên để nói lời cám ơn thì thấy David cũng vừa bước tới. Anh nhìn nàng với tình yêu và lòng ngưỡng mộ hiện rõ trên nét mặt. Jill mỉm cười với anh, mắt long lanh hạnh phúc. David nắm tay nàng và họ thì thầm với nhau điều gì đó. Hình ảnh đẹp đẽ ấy được thu vào ống kính. Họ quyết định chờ nửa năm sau sẽ làm đám cưới. Đó là một thời gian thoả đáng về nhiều mặt, cho nhiều người, nhất là với công chúng từng yêu quý Toby. Trong sáu tháng đó, David liên tục bận rộn ở nước ngoài, nhưng hàng ngày vẫn trò chuyện cùng Jill qua điện thoại. Rồi hết tháng thứ tư sau tang lễ Toby, anh gọi cho Jill, giọng khẩn thiết. "Kệ xác mọi thứ nghi lễ đi em, anh không thể chờ lâu hơn nữa. Anh phải có em, anh cần có em, sớm nhất nếu có thể. Tuần sau anh sang châu u dự hội nghị. Ta hãy cùng lên tàu Bretagne qua Pháp và thuyền trưởng sẽ chủ trì lễ cưới cho chúng ta. Mình sẽ hưởng tuần trăng mật ngay trên tàu, rồi tiếp đó là Paris, rồi sẽ tới bất cứ nơi nào em muốn. Em thấy sao?" "Em thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất trái đất này, anh yêu". Nàng bước ra sân rồi quay đầu nhìn ngôi nhà, nơi nàng đã từng hạnh phúc và từng đau khổ, với Toby. Cả hai đều ở đỉnh điểm của nó. Tận cùng hạnh phúc và tột cùng đau khổ. Biết bao kỷ niệm trong bốn bức tường này, trên mảnh sân này, dưới làn nước xanh trong ở bể bơi kia... Nàng hân hoan chia tay với nó. Chương 37 Nàng bay trên phản lực riêng của David tới New York, ngồi trên chiếc limudin của David chờ sẵn tại sân bay đưa về nghỉ tại khách sạn sang trọng bậc nhất Regency trên đại lộ Park. Và đích thân giám đốc dẫn nàng tới lô phòng đẹp nhất khách sạn. "Thưa bà Temple, bà đang là chủ lô phòng này, và là bà chủ của chúng tôi". Ông giám đốc nói. "Hãy cho chúng tôi cái vinh hạnh được làm bà vui lòng!". Jill chưa kịp đáp thì David gọi tới. "Ổn cả không em, Josephine?". Nàng cười phá lên. "Không ổn lắm, anh yêu. Những năm phòng ngủ. Mà chỉ có mình em?" "Có anh ở đấy thì sẽ ổn ngay nhỉ.?" "Đừng làm em thèm". Nàng nuốt nước bọt. "Khi nào em mới được gặp anh?" "Bretagne sẽ nhổ neo vào trưa mai và mình sẽ gặp nhau trên tàu. Anh đã đặt phòng tân hôn, em thích chứ, Josephine yêu quý của anh?" "Chưa bao giờ em được thích như lúc này?" Jill nói thành thật. Và đúng là như thế. Mọi ác mộng đã qua. Cả những cơn đau đầu cũng không thấy xuất hiện nữa. Bởi David vẫn yêu nàng. "Anh còn vài việc phải làm nốt nên mai không thể đến đón em, đừng giận anh, em yêu!" Ngày mai! * * * * * Tin tức về đám cưới của David và Jill có thể xuất phát từ tấm ảnh hai người thầm thì gì đó với nhau hôm tang lễ Toby, sau đó được báo chí đăng tải. Hoặc cũng có thể từ một nhân viên khách sạn Regency hay một thuỷ thủ tàu Bretagne, nhưng dù chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả thì cũng không có cách gì giữ nổi bí mật về đám cưới của một người đàn bà nổi tiếng như Jill Castle Temple. Nó được đăng trên nhiều tờ báo ở khắp châu u, càng được đăng nhiều hơn ở Mỹ, và tất nhiên được đăng nhiều nhất là ở kinh đô điện ảnh, đặc biệt trên các tạp chí Hollywood Reporter và Daily Variety. Đúng mười giờ rưỡi, chiếc limudin của David đưa Jill tới chân cầu tàu Bretagne. Một nhân viên của tàu mang đồng phục sĩ quan đang đợi nàng ở cầu thang. "Thưa bà Temple, hân hạnh đón bà lên tàu. Tất cả đã gẵn sàng chờ bà sử dụng. Xin mời bà theo tôi". Jill theo anh ta lên boong rồi đi tới một lô phòng rộng rãi. Hoa tươi tràn ngập. "Thuyền trưởng muốn tôi chuyển lởi thăm hỏi của ông tới bà, hẹn sẽ gặp bà vào bữa tối và nói rằng rất nóng ruột đợi giây phút chủ trì lễ cưới của bà!". "Cám ơn anh và nhờ anh chuyển lời cám ơn của tôi tới thuyền trưởng. Ông Kenyon lên tàu chưa nhỉ, anh biết không?" "Ông vừa gọi điện báo rằng đang trên đường tới, còn hành lý của ông thì đã đưa lên tàu. Cần gì, xin bà cứ gọi tôi". Jill mơ màng lắc đầu. "Chưa cần!" Đúng vậy. Hiện nàng đã có tất cả những gì nàng muốn. Một người phục vụ mang lẵng hoa vào. Nhìn danh thiếp, Jill cười tự mãn khi thấy đó là hoa Tổng thống Mỹ chúc mừng ngày vui của nàng. Ông ta tựa người vào lan can bình thản dõi theo những hành khách lên tàu. Hành khách đi ngang, người gật đầu chào, người đưa tay vẫy nhưng ông ta chẳng có vẻ gì đáp lại, mắt không rời cầu thang dẫn lên boong. Khi thời gian Bretagne nhổ neo chỉ còn được tính bằng phút thì người ông ta mong ngóng xuất hiện, tươi cười bước ra từ chiếc xe hơi đắt tiền, vui vẻ bắt tay tạm biệt tài xế rồi theo một nhân viên đón tiếp mặc đồng phục sĩ quan dẫn lên boong. Chính nhân viên này, ông ta thấy, đã đón Jill khoảng chục phút trước đó. Còn bây giờ là David Kenyon! David đã được báo Josephine đang chờ anh trong lô phòng cô dâu và anh hình dung chỉ vài bước chân nữa sẽ… thì một tiếng gọi cắt ngang óc tưởng tượng của anh. "Ông Kenyon?" Người đàn ông rời khỏi lan can tàu bước về phía anh, vẻ mặt thân thiện. Một người lạ mặt. David lập tức phản xạ theo kinh nghiệm làm ăn là luôn phải cảnh giác với những kẻ lạ mặt mang vẻ thân thiện, thận trọng nắm lấy bàn tay ông ta chìa ra. "Vâng. Xin lỗi, tôi đã được biết ông chưa?" "Toi là Clifton Lawrence, bạn cũ của Jill Castle Temple hoặc Josephine Czinski, chắc cũng vậy, thưa ông". David thở phào song không vì thế mà muốn trò chuyện tiếp. "Vâng, xin chào ông Lawrence" Rồi anh dợm bước đi. "Jill muốn tôi gặp ông. Vì muốn dành tặng ông chút xíu bất ngờ. Ý Jill là vậy". David lại cảnh giác. "Bất ngờ? Là ông ư?" Clifton nhũn nhặn. "Mời ông theo tôi để biết. Một bất ngờ thực sự. Jill tin vậy". Cái tên Jill cứ được nhắc đến khiến David không thể thoái thác. "Khoảng bao lâu?" Clifton cười hiền lành. "Chỉ khoảng mươi phút. Tôi nghĩ vậy". Ông ta dẫn David xuống khoang dưới, tới một gian phòng có hai lớp cửa, mở ra, rồi đưa anh vào. David nhìn quanh và thấy mình đang trong một phòng chiếu phim, ngơ ngác hỏi. "Đây ư?" "Vâng, chính là tại đây. Mời ông ngồi. Tôi xin phép ngồi cạnh ông". Nói đoạn Clifton đưa tay làm hiệu cho gã phụ trách chiếu phim đang chờ sẵn trong buồng máy. Phải tốn hai trăm đôla gã mới chịu giúp. "Họ mà biết, tôi mất việc liền". Gã còn muốn đòi thêm. Các hình ảnh bắt đầu xuất hiện. Clifton không xem phim mà chỉ chăm chú quan sát nét mặt người ngồi bên. * * * * * David thấy đầu mình như bị những nhát búa giáng xuống liên tiếp. Nó không chịu tiếp nhận những gì mà đôi mắt ông chủ nó đang thu vào. Josephine đẹp đẽ, trẻ trung mà anh hết lòng thương yêu đang trần truồng liếm láp một gã cũng đang không mảnh vải trên người. Rồi một cô gái nữa xuất hiện và Josephine chung gã kia với cô ta. Bụng David quặn lại, cơn buồn nôn kéo đến. Rồi một gã người Mehico từ đâu không biết nhẩy lên người Josephine và tống cái của hắn vào nàng... Tất cả nhoà đi. Trước mắt David chỉ còn lại tấm rèm cửa loang lổ máu. Hồi đó anh mười lăm tuổi và cô gái trên màn ảnh kia chính là Beth, người chị gái gần gũi nhất với anh trong nhà. Đấy, chị Beth đang cưỡi lên mình gã làm vườn người Mehico, vừa nhấp nhổm vừa la hét như điên dại. "Juan, em yêu anh, em sướng quá, sướ… ng…" David chẳng nghĩ ngợi gì, lao vào gạt chị Beth ngã sang bên rồi dùng con dao dọc giấy vẫn cầm trong tay phầm phập đâm xuống ngực gã làm vườn, không nghe thấy cả tiếng hét thất thanh của Beth. "Đừng! Đừng, David, chị yêu anh ấy, chị sắp lấy anh ấy…". Máu tung toé khắp nơi. Mẹ David chạy tới và ngay đêm ấy bà cho mang đứa con trai đi thật xa. Còn xác Juan thì được đưa vào nhà giam để sáng hôm sau họ thông báo về là gã đã tự tử trong tù. Mấy tuần sau, Beth được gửi vào bệnh viện chữa trị tâm thần. Tất cả lại nhoà đi. Trước mắt David lại rõ mồn một cảnh Josephine, người đàn bà duy nhất anh yêu đang trần truồng cưỡi lên một gã Mehico nào khác, miệng cười sằng sặc… Anh túm lấy cổ áo người đàn ông ngồi bên đang chăm chú nhìn anh, giáng vào cái bộ mặt đáng ghét ấy những nắm đấm nhanh và mạnh, liên tục, cho đến khi ông ta gục xuống. Máu nhoè ra nắm tay anh. Kệ, anh vẫn đấm, như để trút đi nỗi nhục nhã của Beth, của Josephine, và của chính anh. Rồi anh đứng rũ người. Sau đó lặng lẽ mở cửa bước ra. Im lặng ập đến. Căn phòng chỉ còn vang lên những tiếng rên rỉ khoái lạc của Josephine trên màn ảnh và tiếng rên rỉ đau đớn của Clifton. Ông ta tạm cầm máu bằng chiếc khăn bịt lên miệng, lảo đảo đi tới phòng Jill. Qua phòng ăn, thấy cửa không khoá, ông ta bước vào với ý định kiếm chiếc khăn ăn sẫm màu thay cho chiếc khăn bịt miệng đã đỏ lòm máu. Dừng lại bên chiếc máy xay đá, ông ta nhặt mấy viên chườm lên chỗ sưng rồi thấy kề bên là chiếc bánh cưới khổng lồ trên có gắn hình cô dâu chú rể, ông ta bèn vặt luôn đầu cô dâu rồi vò nát nó. Bây giờ Clifton đến gặp Jill. * * * * * Nhìn qua cưả sổ, Jill thấy Bretagne đang từ từ rời khỏi cầu tàu và băn khoăn tự hỏi tại sao giờ này David vẫn chưa tới với nàng. Có tiếng gõ cửa. Nàng lao ra mở, tay dang rộng, miệng reo. "David". Và nàng chưng hửng. Chỉ có Clifton Lawrence đứng đó, bàn tay cầm khăn che miệng nhưng che không nổi những vết máu ở cả mặt, cả tay. "Ông… sao thế? Tìm tôi có… việc gì?" Lưỡi nàng líu lại, một linh cảm không lành ập đến. "Ghé ngang chỉ để chào cô thôi, Jill". Thấy Jill vẫn chưa hết ngơ ngác, Clifton tiếp "Nhân đó chuyển tới cô mấy lời của David". Jill càng ngơ ngác hơn. "Của David?" Clifton im lanh lách qua Jill đi vào phòng. Nàng bước theo, giật giọng. "David đang ở đâu? Ông đã làm gì anh ấy?" Clifton xoay người lại, bỏ tay xuống và nhìn thẳng vào Jill, đôi môi sưng khiến nụ cười đắc thắng trở nên méo mó. "David bỏ đi rồi. Và đi mãi, cô Jill Castle Temple hay Josephine Czinski gốc Ba Lan nhập cư ạ. Cô sẽ không bao giờ trở thành bà Josephine Kenyon đâu". "Tôi không hiểu ông nói gì có cần gọi người chở ông vào bệnh viện thần kinh không? Tôi gọi nhé?". Đúng lúc đó, cả hai đều hơi chúi người về trước do con tàu dừng lại. Clifton bước ra ngoài, áp bụng vào lan can, nhìn xuống. "Cô đến cạnh tôi mà xem!" Lòng đầy lo lắng, Jill bước tới, và hướng theo cái nhìn của Clifton, nàng thấy David từ tàu Bretagne bước sang tàu dắt đang quay mũi hướng vào bờ. Nàng đã khuỵu xuống nếu không kịp bám lấy lan can. "Chuyện gì đã xảy ra?" Nàng phều phào. Clifton thản nhiên. "David vừa xem xong bộ phim do cô thủ vai chính. Còn vai nam chính là một gã người Mehico". Nàng hiểu ngay mọi sự. "Ông giết tôi rồi". "Như cô đã từng giết tôi". Nàng chồm lên Clifton, những ngón tay như những móng vuốt cào cấu mặt ông ta. Máu lại đổ. Clifton xoay mình đấm mạnh vào mặt Jill. Duy nhất một quả. Nàng gục xuống và cứ giữ nguyên tư thế như sẽ không bao giờ dậy nổi nữa. Có lẽ không do cú đấm gây ra. Clifton nhìn xuống người đàn bà nằm sóng soài dưới chân mình. Đây là hình ảnh ông ta hằng mơ đến với niềm vui khôn tả. "Tạm biệt Josephine Castle". Ông ta bước lên boong, chiếc khăn ăn sẫm màu che kín nửa dưới khuôn mặt. Ông ta bước chậm rãi, thảnh thơi ngắm những gương mặt lọt vào tầm mắt, thấy mình đã sẵn sàng với sự bận rộn của một đại lý diễn viên. Biết đâu, không trên con tàu này thì ở một nơi nào đó, ông lại may mắn phát hiện ra một Toby nào khác. Clifton Lawrence vừa đi khỏi thì Claude Dessard, Trưởng ban điều hành tàu Bretagne gõ cửa phòng Jill. Không có tiếng đáp song ông vẫn nghe có những tiếng động gì đó bên trong, bèn nói to. "Bà Temple, tôi là Trưởng ban điều hành tàu Bretagne. Tôi mong có thể giúp gì được cho bà". Vẫn là sự im lặng đáp lại. Linh tính mách bảo đã có chuyện ghê gớm xảy ra trong đó bèn nhẹ nhàng xoay nắm cửa và từ từ mở ra. Jill Temple đang đứng bất động bên ô cửa sổ nhìn ta biển, lưng quay về phiá ông. Cái thân hình bất động ấy khiến ông không thể nói gì đành bước giật lùi mà ra và khép cửa lại như cũ. Jill ngồi co ro trên ghế, một mình trong căn phòng sang trọng tối om, mắt mở trừng trừng. Nàng đang khóc không thành tiếng, không cả nước mắt. Nàng không khóc cho Toby hay cho David, cũng không phải khóc cho chính nàng, Jill Castle, mà là cho cô bé Josephine Czinski, mãi mãi khốn khổ, mãi mãi tan mộng vỡ mơ mặc dù nàng đã cố gắng bao nhiêu, chịu đựng bao nhiêu vì cô bé ấy. Bây giờ Jill biết không gì có thể làm lại nữa, thậm chí vun vén lại nữa, dù chỉ mấy phút trước đó nàng đã có cả thế giới trong tay. Hết nhẵn rồi. Mãi mãi hết. Nàng biết vậy. Và cơn đau đầu lại đến. Từ hôm Toby chết đến bây giờ nó mới xuất hiện, và đau kinh khủng. Nàng ước mình chẻ được đầu để lấy nó ra. Jill rời khỏi ghế, tay vẫn ôm đầu lết vào giường, co quắp đổ mình xuống. Và luồng khí lạnh lại xuất hiện, lại quấn chặt lấy nàng, lại sục sạo khắp nơi kín chỗ hở trên mình nàng. Rồi nàng nghe tiếng anh gọi. Vâng, em đến với anh đây. Nàng nghe thấy mình đáp. Rồi nàng đi lên boong. Đã quá nửa đêm, boong tàu vắng ngắt. Đầu Jill mỗi lúc một đau thêm nhưng ai đó đang bảo rằng chỉ chút nữa thôi nàng sẽ không còn đau đớn gì nữa, rằng mọi việc rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Xuống đây em hãy xuống đây với anh. Nàng nghe giọng ấy nói vậy. Nhìn xuống mặt biển, nàng thấy nhấp nhô trong sóng nước là gương mặt Toby với nụ cười và ánh mắt đều đang hướng về nàng, vẫy gọi. Toby, em không thể làm khác. Nàng nói không thành tiếng. Em chỉ có thể làm như vậy. Anh đã hiểu, đúng không anh Nàng thấy cái đầu gật gật, không hiểu để trả lời câu nàng hỏi hay vẫn là mời nàng xuống với anh. Cái đầu bồng bềnh lướt theo con tàu. Gió thổi mạnh, ràn rạt. Cái đầu như biết nàng lạnh. Nước ấm lắm, em yêu. Xuống đây với anh. Chúng mình sẽ bên nhau, mãi mãi… mãi mãi… Jill cúi mình xuống như muốn để anh nghe rõ hơn những gì nàng sắp nói với anh, rằng nàng vẫn muốn ở trên này dù nơi đây chẳng còn gì dành cho nàng, chẳng còn ai chờ đợi nàng... Làn khí lạnh ào đến quấn lấy Jill, ve vuốt nàng rồi nhấc đôi chân nàng rời khỏi mặt boong và nàng thấy mình bỗng chới với quay lộn trước khi được đôi cánh tay lạnh lẽo và mềm nhũn của ai đó đón lấy. Em của anh đây rồi, chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau, em nhé. Nàng thấy mình nép vào anh. Con tàu Bretagne vẫn lướt đi giữa sóng nước, giữa màn đêm mượt êm như lụa, và giữa muốn ngàn ánh sao nhấp nháy. Dịch Thuật: Hồ Trung Nguyên Hết Phía Bên Kia Nửa Đêm Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Lời Cảm Tạ Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Lời Cảm Tạ Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến các quý vị đã có hảo tâm cung cấp cho tôi kiến thức, kinh nghiệm và những hồi ức để cho cuốn sách này thêm phong phú đa dạng. Trong vài ba trường hợp thấy phải tăng tính hấp dẫn của chuyện kể, tôi đã sử dụng hư cấu văn học, song những sai lầm về sự kiện chỉ thuộc về trách nhiệm cá nhân tôi mà thôi. - Tôi xin cảm tạ các quý vị sau đây: Ở London: Bà V. Shrubsall, Vụ lịch sử Hàng không Bộ Quốc phòng Anh đã cung cấp cho tôi những thông tin vô giá về phi đoàn Phượng Hoàng, nhóm phi công Hoa Kỳ đã cộng tác với Không lực Hoàng gia Anh trước khi Hoa Kỳ tham chiến vào thế chiến thứ hai. Bá tước Boebert đã cung cấp những tư liệu bổ sung về Phi đoàn Phượng Hoàng. Ở Paris: Ông André Weil - Curich, nguyên Phó thị trưởng Paris đã cung cấp cho những gợi ý và hồi ức quý báu về Paris dưới thời Đức chiếm đóng. Bà Chevanlet, Phụ trách lưu trữ Comédie Francaise, đã cho tôi được phép tiếp cận với các hồ sơ lưu trữ về lịch sử sân khấu Pháp. Ông Claude Baigneres, nhà báo Le Figaro, đã giúp tôi tìm đến những tư liệu gốc về thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng. Ở Athens: Bà Aspa Lambrou, người đã mở ra một cách thần kỳ mọi cánh cửa và đã hết lòng giúp đỡ vô tư. Ông Jean Pierre de Vitry D Avaucourt, phi công tư làm việc cho ông Aristotle Onassis, đã cung cấp những ý kiến tư vấn kỹ thuật và gợi cho tôi. Ông Costas Efstathiades, cố vấn pháp luật nổi tiếng đã giúp tôi hiểu các thủ tục tố tụng hình sự của Hy Lạp. Ở Los Angeles: Ông Raoul Aglion, cố vấn kinh tế của Banque Nationale de Paris về việc ông đã cho tôi hiểu biết về lịch sử và phong tục của Pháp. Trừ những đoạn đề cập đến các lãnh tụ thế giới trong lịch sử, tất cả những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đều là hư cấu. Dịch từ nguyên bản tiếng Anh "THE OTHER SIDE OF MIDNIGHT", bản in lần thứ hai mươi hai của Nhà xuất bản DELL PUBLISHING CO. INC. NEW YORK. Dịch giả: Bá Kim Nguồn: Nhà xuất bản LAO ĐỘNG, 2000 Chương 01 Qua tấm kính chắn gió ô tô lấm bụi, cảnh sát trưởng Georgios Skouri ngắm nhìn những dinh thự công sở và các khách sạn nằm giữa khu trung tâm Athens đổ nát với nhịp độ tan rã chậm chạp, lần lượt cái nọ tiếp cái kia giống một hàng đinh khổng lồ trên một đại lộ kỳ quặc nào đó trong vũ trụ. - Hai mươi phút nữa - Người cảnh sát ngồi sau tay lái hứa hẹn như vậy - Không thể đi được. Skouri gật đầu lơ đãng và vẫn đăm đăm nhìn những cao ốc. Ảo ảnh đó vẫn không lôi cuốn ông say mê. Hơi nóng lung linh của mặt trời tháng tám tàn nhẫn bao trùm các cao ốc, dường như biến thép và thủy tinh của chúng thành một thác nước duyên dáng trút đổ xuống những phố xá. Lúc đó là mười giờ mười phút trưa, phố xá hầu như trống trơn. Thậm chí vài ba du khách ngoại quốc cũng chỉ uể oải liếc nhanh, tò mò nhìn theo ba chiếc xe cảnh sát đang lao vút về hướng đông tới phi trường Ienikon, nằm cách trung tâm Athens hai mươi dặm. Xe cảnh sát trưởng Skouri đi đầu. Trong những trường hợp b ông thường ngồi lại ở văn phòng mát mẻ, đầy tiện nghi để cho bọn cấp dưới của ông đi làm phận sự giữa buổi trưa nóng nực, song trong những trường hợp thật sự đặc biệt như vậy Skouri có lý do gấp đôi phải đích thân hiện diện. Trước hết, chỉ trong thời gian này của ngày, các chuyến bay đến thường có những nhân vật tai to mặt lớn từ khắp các nơi trên thế giới. Ông cần phải kiểm tra xem họ có được đón rước chu đáo không, qua Hải quan có mau lẹ, ít phiền toái không. Và điều thứ hai, quan trọng hơn, phi trường hôm nay sẽ đông nghịt phóng viên báo chí nước ngoài và các nhà quay phim thời sự. Cảnh sát trưởng Skouri cũng là người khôn ngoan. Sáng nay lúc đang cạo râu, ông đã nghĩ đến việc nếu như ông có xuất hiện trên các đoạn phim thời sự trong lúc ông đang đón những vị khách lừng danh thì việc đó cũng chẳng có hại gì. Định mệnh đã trao cho ông một ân huệ đặc biệt khi quyết định một sự kiện chấn động thế giới như vậy lại xảy ra ở địa giới của ông, nếu ông không biết tận dụng thì quả là ngu. Ông đã thảo luận rất cặn kẽ chuyện này với hai người mà ông coi là thân cận nhất trên đời: đó là vợ ông và cô bồ của ông. Anna, người phụ nữ trung niên, xấu xí, chua ngoa, xuất thân từ nông dân đã ra lệnh cho ông là phải tránh xa phi trường và chỉ nên lùi về hậu trường để nếu có gì trục trặc thì chẳng ai trách cứ được ông. Còn Melina, thiên thần trẻ trung, tươi xinh của ông, thì lại khuyên ông nên ra đón chào các vị tai to, mặt lớn. Nàng đồng ý với ông rằng một sự kiện như vậy có thể đẩy ông tới đài vinh quang trong chớp mắt. Nếu như Skouri biết khéo léo vận dụng cơ hội, ít ra ông cũng sẽ được nâng lương, và nếu như Chúa rủ, lòng thương - Có thể còn được làm đến Thanh tra cảnh sát một khi ông thanh tra đương nhiệm hồi hưu. Đã có đến hàng trăm lần Skouri nghĩ đến một câu chuyện trớ trêu là Melina là vợ, còn Anna chỉ là tình nhân, rồi ông lại tự hỏi không biết ông đã sai lầm ở chỗ nào. Skouri lại quay về với những chuyện trước mắt. Ông cần phải kiểm tra xem mọi việc ở sân bay có được hoàn hảo không. Ông mang theo một chục nhân viên đắc lực nhất. Ông biết rằng vấn đề chủ yếu của ông là phải kiểm soát giới báo chí. Vừa rồi ông rất đỗi ngạc nhiên trước việc một số lượng lớn ký giả của các nhật báo và tạp chí quan trọng từ khắp nơi trên thế giới đổ về Athens. Bản thân Skouri cũng đã được phỏng vấn sáu lần bằng sáu ngôn ngữ khác nhau. Các câu trả lời của ông được dịch sang tiếng Đức, Anh, Pháp, Nhật, Ý và Nga. Ông bắt đầu say sưa với tiếng tăm đang nổi lên như cồn của mình thì ông thanh tra gọi điện thoại đến báo cho ông biết rằng ông ta cảm thấy việc một viên cảnh sát trưởng đứng ra công khai bình luận về một vụ án giết người chưa đem xét xử, là không khôn ngoan. Skouri tin rằng động cơ đích thực của ông thanh tra ở đây là sự ghen tị, tuy nhiên ông thận trọng quyết định là không tập trung vào vấn đề này nữa và từ chối mọi cuộc phỏng vấn sau đó. Tuy nhiên, chắc ông thanh tra cũng sẽ không phàn nàn gì nếu như ông Skouri tình cờ hiện diện giữa trung tâm các hoạt động trong lúc các công việc quay phim chụp ảnh các nhân vật "cốp" đến sân bay. Khi chiếc xe lao về cuối đại lộ Sygrou rồi ngoặt trái sang phía biển chạy về Phaleron, Skouri cảm thấy bụng đau thót. Chỉ năm phút nữa là họ tới phi trường. Ông nhẩm trong óc danh sách những nhân vật tai to mặt lớn sẽ tới Athens trước buổi tối hôm nay. Armand Gautier đang lao đao vì say máy bay. Ông vốn đã có một nỗi sợ máy bay ăn sâu trong lòng, nó xuất phát từ tình yêu cuộc sống quá nồng nàn cộng thêm với những chấn động không khí thường gặp ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp vào mùa hè, khiến cho ông càng thêm nôn nao ghê gớm. Ông có dáng người cao, gầy, khắc khổ, với những nét vẻ thư sinh, một vầng trán cao và chiếc miệng luôn luôn cười chua chát. Năm hai mươi hai tuổi Gautier đã góp phần sáng lập nên La Nouvelle Vague(1) trong kỹ nghệ điện ảnh đấu tranh của Pháp và trong nhiều năm tiếp thco ông đã đạt được những thắng lợi còn hơn nữa trên lĩnh vực sân khấu. Hiện nay Gautier được thừa nhận là một trong những đạo diễn cỡ lớn trên thế giới, ông sống cuộc đời xả láng. Trừ hai mươi phút cuối cùng ra, chuyến bay này thật hết sức thú vị. Các nữ chiêu đãi viên nhận ra ông và đã phục vụ ông hết lòng, họ còn cho biết họ sẵn sàng làm cả những hoạt động khác. Có vài hành khách trên chuyến bay đã tiến lại phía ông để bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với những bộ phim và vở kịch của ông, song ông chỉ chú ý quan tâm nhiều nhất đến cô sinh viên người Anh đang theo học tại trường đại học St. Anne ở Oxford. Cô đang viết một luận văn lấy bằng về sân khấu và đã chọn Armand Gautier làm chủ đề của cô. Cuộc chuyện trò của họ rất sôi nổi cho đến khi cô sinh viên nhắc đến tên của Noelle Page. - Ông đã từng là đạo diễn của cô ta, có phải không ạ? - Cô hỏi - Hy vọng cháu cũng sẽ đến dự vụ xử cô ta. Chắc sẽ như một hý trường. Gautier cảm thấy hai thành ghế siết chặt lấy ông, ông ngạc nhiên không hiểu sao phản ứng của ông lại mạnh đến vậy. Thậm chí sau bấy nhiêu năm trời hồi ức về Noelle vẫn khơi dậy ở ông một nỗi đau day dứt. Không một ai trước đây cũng như sau này có thể khuấy động được ông như cô ta. Từ sau khi Gautier đọc được tin Noelle bị bắt cách đây ba tháng cho đến nay, ông không thể nghĩ gì khác ngoài nàng. Ông đã gửi điện và viết thư cho nàng, để nàng biết rằng ông có thể làm bất cứ việc gì để giúp đỡ nàng, thế nhưng ông vẫn không hề được một hồi âm nào. Ông không có ý định tới dự phiên toà xét xử nàng, song ông biết là ông không thể không đến. Ông tự nhủ lý do duy nhất thúc đẩy là ông muốn được nhìn xem nàng đã thay đổi những gì từ sau khi họ chia tay nhau. Tuy nhiên ông cũng tự thú nhận ra còn một lý do nữa. Cái thói quen nghề nghiệp kịch trường của ông buộc ông phải có mặt để chứng kiến vở diễn, để ngắm nhìn bộ mặt của Noelle khi quan toà phán xét là nàng sẽ được sống hay phải chết. Giọng kim của viên phi công vang lên trong máy truyền thanh, thông báo rằng chỉ ba phút nữa họ sẽ hạ cánh ở Athens. Niềm hứng khởi vì ý nghĩ sẽ được gặp lại Noelle khiến cho ông Gautier quên cả tình trạng nôn nao say máy bay. Bác sĩ Israel Katz trên đường bay từ Capetown đến đến Athens. Ở Capetown, ông là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nội trú và là giám đốc một bệnh viện lớn vừa mới được xây cất Groote Schuur. Israel Katz được mọi người thừa nhận là một trong những chuyện gia giải phẫu thần kinh hàng đầu trên thế giới. Các tạp chí y học đầy những công trình phát minh của ông. Trong số những bệnh nhân của ông đã có một thủ tướng, một Tổng thống và một quốc vương. Ông ngả người trên chiếc ghế trong máy bay của hãng BOAC. Ông là một người tầm thước trung bình, bộ mặt thông minh, rắn rỏi, đôi mắt nâu và sâu, hai bàn tay dài, mảnh dẻ, luôn luôn cử động. Bác sĩ Katz thấy mệt mỏi và do mệt nên ông lại bắt đầu có cái cảm giác đau quen thuộc ở bên chân phải, lúc này cẳng chân đó không còn nữa vì ông đã bị một tên khổng lồ dùng rìu chặt đứt cách đây sáu năm. Ngày hôm đó dài đằng đẵng. Trước lúc rạng đông, ông đã tiến hành một ca phẫu thuật, thăm nửa tá bệnh nhân, rồi sau khi hội ý với ban giám đốc bệnh viện xong, ông mới đi ra máy bay để đi Athens cho kịp phiên toà. Mặc dù bà Erther, vợ ông, đã can ông đừng đi. "Anh Israel ạ, lúc này anh không thể làm gì giúp được cô ấy đâu". Có lẽ bà ấy nói đúng, song Noelle Page đã có lần liều mình để cứu ông, vậy là ông vẫn còn mắc nợ cô ấy. Bây giờ nghĩ đến Noelle ông lại thấy có một tình cảm khó tả vẫn thường đến với ông, mỗi khi ông ở bên cô ấy. Dường như chỉ riêng việc nhớ lại kỷ niệm với cô là đủ đẩy lùi những năm tháng đã tách lìa họ. Tất nhiên đó là sự tưởng tượng lãng mạn, bởi không gì có thể lôi những năm tháng đó trở lại được Bác sĩ Katz cảm thấy máy bay rùng rùng khi những bánh xe hạ xuống, và máy bay bắt đầu hạ độ cao. Ông nhìn ra ngoài cửa sổ. Cairo đang nằm trải ra bên dưới, tại đây ông sẽ chuyển sang một máy bay của hãng TAE để tới Athens, đến với Noelle. Liệu cô ấy có thể phạm tội giết người được không? Khi chiếc máy bay lao trên đường băng, ông nghĩ đến một án mạng kinh khủng khác mà cô đã can dự hồi còn ở Paris. Philippe Sorel đứng bên lan can chiếc tàu du lịch của ông ngắm nhìn cảng Piraeus tiến lại gần. Ông đã tận hưởng chuyến đi biển này ở đây là một trong những cơ hội hiếm hoi ông được chạy trốn khỏi những kẻ hâm mộ ông. Sorel quả là một trong số vài ba diễn viên ít ỏi có sức lôi cuốn khán giả khắp thế giới, vậy mà những điều cản trở không cho ông nổi lên địa vị minh tinh thật vô cùng to lớn. Ông không là một người bảnh trai, mà trái ngược lại. Ông có bộ mặt của một võ sĩ quyền Anh đã thua liên tục hàng chục trận đấu gần đây. Mũi của ông đã bị gẫy nhiều lần, mái tóc mỏng dính và dáng đi hơi có vẻ tập tễnh. Song những điều đó không là gì cả đối với Philippe Sorel, bởi ông có sức quyến rũ đàn bà. Ông là một người có học vấn, ăn nói nhẹ nhàng, kết hợp nhuần nhuyễn tính dịu dàng thiên bẩm với bộ mặt và thân hình của một gã lái xe tải khiến cho phụ nữ phải phát điên phát cuồng, còn nam giới phải tôn sùng ông như một anh hùng. Lúc này khi chiếc tàu đang tiến gần đến cảng, Sorel lại nghĩ đến những việc ông sẽ phải làm ở đây. Ông đã phải hoãn một bộ phim ông dự định làm để tới đây dự phiên toà xử Noelle. Ông biết rất rõ rằng ông sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu cho giới báo chí một khi ông ló mặt ra ở phòng xử án mấy ngày liền mà không có các cố vấn báo chí v quản lý khác trợ giúp. Các ký giả chắc chắn hiểu lầm việc ông tham dự phiên toà và cho rằng đây là hành động nhằm thu hút sự chú ý của công chúng qua vụ xử cô nhân tình cũ của ông. Theo ông đây sẽ là kinh nghiệm đau khổ song dù sao Sorel cũng phải thấy lại Noelle một lần nữa, ông phải cố gắng tìm kiếm xem có cách nào giúp được cô hay không. Con tầu bắt đầu lướt nhanh về phía để chắn sóng của cảng làm bằng đá trắng, ông nhớ lại con người Noelle ông đã quen biết, đã chung đụng và yêu đương rồi ông đi đến một kết luận: Noelle hoàn toàn có khả năng giết người! Trong lúc con tàu chở Philippe Sorel đang tiến gần bờ biển Hy Lạp, thì trợ lý đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ đang ngồi trên máy bay nhỏ của hãng Pan American, cách phi trường Hellenikon một trăm dặm đường hàng không về phía tây bắc, William Fraser, một người đàn ông bảnh trai, tóc muối tiêu, ở vào tuổi ngũ tuần, với bộ mặt gồ gồ và một phong thái oai vệ. Ông đang chằm chằm nhìn vào bảo tưởng trình cầm trong tay, song đến hơn một tiếng đồng hồ ông không hề lật giở được trang nào. Ông đã phải xin nghỉ phép để thực hiện chuyến đi này, mặc dù đang là thời điểm bất lợi nhất, giữa một cuộc khủng hoảng quốc hội sâu sắc. Ông biết rằng một vài tuần lễ sau đây sẽ là thời kỳ đau khổ đối với ông, tất nhiên ông cảm thấy ông không còn cách lựa chọn nào khác. Đây là một chuyến đi rửa hận, và Fraser lấy làm mãn nguyện một cách lạ lùng. Fraser cố xua đi những ý nghĩ luẩn quẩn về phiên toà sẽ bắt đầu ngày mai, ông quay nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay. Xa tít phía dưới, ông nhìn thấy một chiếc du thuyền đang dập dềnh tiến về phía bờ biển Hy Lạp hiện lên mờ mờ ở phía xa. Auguste Lanchon bị say nóng và sợ hãi ba ngày nay. Ông bị say sóng bởi chiếc tầu du lịch mà ông đã đáp ở cảng Marseille bị ảnh hưởng của đợt gió bấc cuối kỳ, còn ông sợ hãi là vì ông lo bị bà vợ ông phát hiện ra việc ông đang làm. Auguste Lanchon, một người đàn ông phì nộn, hói đầu, tuổi lục tuần, đôi chân ngắn lũn cũn, bộ mặt rỗ chằng chịt với đôi mắt ti hí và cặp môi mỏng thường xuyên ngậm một điếu xì gà rẻ tiền, Lanchon là một chủ tiệm quần áo nữ ở Marseille, ông không đủ khả năng tài chính - hoặc nói đúng hơn là ông thường bảo với bà vợ như vậy - để có thể đi nghỉ như những người có tiền có của. Tất nhiên, ông tự nhủ rằng thật ra đây không phải là chuyến đi nghỉ. Ông cần được nhìn lại cô bồ Noelle một lần nữa. Trong suốt ngần ấy năm kể từ khi nàng rời xa ông, Lachon vẫn háo hức theo dõi sự nghiệp của nàng trên những mục chuyện phiếm trong các báo chí. Khi nàng xuất hiện với vai chính trong vở kịch đầu tiên của nàng, ông đã đáp xe lửa vượt qua cả một chặng đường dài để lên Paris tìm gặp nàng, thế nhưng cô thư ký ngu xuẩn của Noelle đã không cho họ gặp nhau. Sau đó ông còn được xem những bộ phim của Noelle, ông đã xem đi xem lại nhiều lần và nhớ lại có một lần nàng đã làm tình với ông ra sao. Phải, chuyến đi này sẽ tốn kém, song Auguste Lanchon biết rằng dù có tốn kém thì cũng đáng đồng tiền. Cô nàng Noelle quý giá của ông sẽ nhớ lại những kỷ niệm êm đẹp giữa hai người, rồi nàng sẽ tìm đến sự bảo hộ của ông. Ông sẽ mua một hoặc một số quan chức nào khác - nếu như việc này không quá tốn kém - rồi Noelle sẽ được tự do, ông sẽ thu xếp cho cô về một căn hộ nhỏ ở Marseille, ở đó nàng sẽ luôn luôn rảnh rang mỗi khi ông cần đến nàng. Miễn sao bà vợ ông không phát hiện ra việc ông đang làm. Trong thành phố Athens, Ferderick Stawros đang làm việc tại văn phòng luật nhỏ bé của anh ở tầng ba một toà nhà cũ kỹ, ọp ẹp ở như Monastikaki nghèo nàn của thành phố. Stawros là một chàng trai nhiệt tình và đầy tham vọng, quyết tâm kiếm sống bằng nghề anh đã chọn. Vì anh không có đủ tiền thuê người phụ tá, cho nên anh buộc phải làm toàn bộ các công trình nghiên cứu pháp luật buồn tẻ. Bình thường, anh rất ghét công việc này, song lần này anh không quan tâm lắm bởi vì anh biết rằng nếu anh thắng trong vụ án này thì mọi hoạt động dịch vụ của anh sau này sẽ được người ta tìm đến, rồi anh sẽ không phải lo lắng cho phần còn lại của cuộc đời. Anh và Elena có thể tổ chức đám cưới và bắt đầu cuộc sống gia đình. Anh sẽ chuyển đến một nơi có nhiều văn phòng làm việc sang trọng, thuê các thư ký cố vấn pháp luật và gia nhập một câu lạc bộ loại thời thượng như Athens Lesky, ở đây anh sẽ gặp những khách hàng xộp. Thực tế tình hình cũng đã có nhiều thay đổi. Mỗi lần Ferderick Stawros bước ra ở phố Athens lại có người nhận ra và chặn đường anh bởi vì họ đã nhìn thấy hình của anh đăng trên báo. Chỉ trong vài tuần lễ ngắn ngủi anh đã từ một kẻ vô danh trở thành - luật sư biện hộ cho Larry Douglas. Nếu cần thành thực và lương tâm, Stawros phải thú nhận rằng anh đã có một khách hàng không thích đáng. Lẽ ra anh phải biện hộ cho cô Noelle Page đầy quyến rũ, chứ không phải là một gã Larry Douglas vô danh tiểu tốt, song chính anh cũng là một kẻ vô danh tiểu tốt kia mà. Một người như anh, Ferderick Stawros mà cũng được tham gia vai chủ chốt trong vụ án hình sự chấn động loại nhất thế kỷ thế này cũng là đủ lắm rồi. Nếu như bị can được tha bổng thì sẽ đem lại biết bao vinh quang cho mọi người. Stawros chỉ thấy lấn cấn có một điều làm anh không bao giờ dứt được. Cả hai bị cáo đều bị khép chung một tội thế mà lại có một luật sư khác đứng ra biện hộ cho Noelle Page. Nếu như Noelle Page được coi là vô tội, còn Larry Douglas lại bị kết án… Ferderick Stawros rùng mình và cố lảng tránh ý nghĩ đó. Các phóng viên cứ xoắn lại hỏi anh xem anh có cho rằng bị can là vô tôi hay không. Anh mỉm cười trước sự ngây thơ của họ. Họ có tội, hay không, liệu có khác gì. Họ đã được ký thác cho những luật sư cừ khôi nhất mà đồng tiền có thể thuê được. Trong trường hợp của anh, phải thừa nhận rằng danh hiệu này có phần hơi quá một chút. Nhưng đối với luật sư biện hộ cho Noelle Page thì… chà, đó lại là chuyện khác. Napoleon Chotas đã nhận cãi cho cô, mà không có một luật sư nào trên thế giới này xuất sắc hơn ông ta. Chotas đã chưa chịu thua một vụ án quan trọng nào. Nghĩ tới đây Ferderick Stawros tự mỉm cười. Anh không thú nhận với ai điều này song anh đang có dự án giành chiến thắng nhờ vào tài năng của Napoleon Chotas. Trong lúc Ferderick Stawros đang lao tâm khổ trí trong cái văn phòng luật sư xám xịt của anh thì Napoleon Chotas đang dự một bữa tiệc tối tại một ngôi nhà khu Kolonaki xa hoa của Athens. Chotas là một người gầy gò, hốc hác, đôi mắt to lộ vẻ buồn rầu của một con chó săn trên một bộ mặt nhăm nhúm. Ông che giấu một trí tuệ thông thái sắc bén đằng sau phong thái ôn tồn, hơi có vẻ chán chường. Chotas đang ngồi mân mê món tráng miệng trong tay, còn đầu óc thì đang bận rộn suy nghĩ về phiên toà sẽ mở vào ngày mai. Phần lớn câu chuyện tối hôm nay là tập trung vào phiên toà sắp tới. Cuộc trao đổi chỉ mang tính chung chung bởi các vị khách cũng tế nhị lắm. Họ không muốn hỏi ông những câu trực tiếp. Nhưng đến lúc gần tàn buổi tối, khi lượng rượu ozon và Brandy đã tuôn ra thoải mái thì bà chủ nhà cất tiếng hỏi: - Theo ông, họ có tội hay không? Chotas đáp một cách thật thà: - Làm sao lại có tội được, khi một trong hai người là khách hàng của tôi? - Rồi ông cười ngất, vẻ mãn ý. - Thực chất Noelle Page là người như thế nào? Chotas ngập ngừng, rồi đáp dè dặt: - Cô ấy là một phụ nữ rất khác thường. Đẹp và có tài… Chính ông cũng cảm thấy ngạc nhiên khi ông miễn cưỡng phải nhận định về cô. Hơn nữa, không có lời nào tả nổi Noelle. Mới cách đây vài tháng ông được biết cô có một thân hình đầy quyến rũ, đôi lúc cô xuất hiện trên những mục phiếm đàn ông trên bìa các tạp chí điện ảnh. Ông không hề để mắt đến cô bao giờ, và nếu có nghĩ thì đó là thứ tình cảm dửng dưng mà ông thường có đối với mọi cô đào hát. Có hình thức mà chẳng có nội dung. Thế nhưng, lạy Chúa, ông đã lầm to? Ngay từ lần đầu gặp Noelle, ông đã vứt bỏ đi một nguyên tắc cốt lõi, đó là không bao giờ được dính líu tình cảm với khách hàng của mình. Chotas vẫn giữ trong lòng một kỷ niệm đẹp về buổi chiều khi ông được người ta đặt vấn đề cãi hộ cho cô. Lúc đó ông đang thu xếp hành lý cho chuyến đi nghỉ ba tuần của ông cùng với cô nhân tình ở Paris và London. Ông tin rằng không gì có thể cản trở ông tiến hành chuyến đi này. Thế mà, chỉ vì cái tên đó thôi, ông vẫn thấy rõ cảnh người đầy tớ bước vào phòng ngủ, trao cho ông ống điện thoại và nói: - Ông Constantin Demiris. Hòn đảo này không dễ gì tới được trừ phi dùng máy bay trực thăng và thuyền buồm, nhưng cả sân bay lẫn bến cảng tư nhân này đều có những tốp bảo vệ có vũ trang cùng những con chó săn cừu nòi Đức đã huấn luyện kỹ, tuần phòng hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng. Hòn đảo này là lãnh địa riêng của Demiris, và những kẻ không được mời không thể nào lọt vào được. Nhiều năm vừa qua khách tới thăm đảo gồm có các quốc vương, hoàng hậu, những vị Tổng thống cựu Tổng thống, minh tinh màn bạc, các ca sĩ opera, cùng những văn sĩ, hoạ sĩ tiếng tăm, tất cả mọi người ra về đều lấy làm kinh hoàng vì Constantin là nhân vật giàu thứ ba và là một trong những kẻ có quyền lực nhất trên thế giới. Ông có sở thích và kiểu sống riêng, đồng thời cũng biết cách tiêu tiền để tạo ra cái đẹp. Lúc này Demiris đang ngồi trong thư viện chia thành rất nhiều ngăn, ông đang thư giãn trong một chiếc ghế bành sâu hút, hút một điếu thuốc lá Ai Cập hình bẹt mà người ta đã pha trộn sợi thuốc phục vụ riêng cho ông. Ông đang nghĩ đến phiên toà sẽ khai mạc vào buổi sáng. Giới báo chí cố tìm cách tiếp xúc với ông trong nhiều tháng nay; song ông chỉ một mực làm ngơ. Người tình của ông sắp bị đem xử về tội giết người, thế là đủ lắm rồi, tên tuổi ông sẽ được nhắc tới trong vụ án dù chỉ là gián tiếp, như vậy cũng là quá đủ ông từ chối không cho ai phỏng vấn để làm cho sự kiện thêm sôi động. Ông tự hỏi không biết lúc này Noelle đang có tình cảm gì khi ngồi trong xà lim ở nhà tù trên phố Nikodemous. Nàng đang ngủ hay thức? Liệu có hoảng hốt trước nỗi thống khổ đang chờ đợi nàng trước mắt không? Ông nghĩ đến cuộc trao đổi gần đây nhất giữa ông với luật sư Chotas. Ông phó thác mọi việc cho Chotas và biết rằng dù Noelle vô tội hay có tội điều đó không can hệ gì đến ông luật sư Chotas, rồi sẽ thấy rằng mỗi đồng tiền thù lao mà Demiris trả trong vụ biện hộ cho nàng sẽ có giá trị đến nhường nào. Không, ông ta sẽ không có lý do gì sẽ băn khoăn. Vụ xét xử sẽ diễn ta trôi chảy. Vì Constantin Demiris là một người chu đáo, không quên chuyện gì bao giờ ông nhớ rằng thứ hoa mà Catherine Douglas yêu thích nhất là hoa hồng Hy Lạp, tên gọi Triantafylias, cho nên ông đã lượm cuốn sổ ghi để bàn của ông lên. Ông ghi vào đó Hoa Triantafylias, Catherine Douglas. Đây là việc làm ít ỏi nhất mà ông có thể làm cho cô ấy. Chú thích: (1) Đợt sóng mới, một trào lưu quan trọng trong lịch sử điện ảnh Pháp, thực ra xuất hiện vào những năm cuối 50 đầu 60 (tất cả các chú thích là của người dịch) Chương 02 Bất kỳ một thành phố lớn nào cũng có một hình ảnh riêng biệt, một đặc điểm riêng để tạo cho nó có một dấu ấn riêng, đặc sắc. Chicago trong những năm 1920 là một thành phố khổng lồ, năng động, không lúc nào yên, còn mang tính nguyên sơ, thiếu sự lịch thiệp, dường như một chân của nó vẫn còn ở thời kỳ dã man với những đại tướng công đã góp phần tạo dựng ra nó như William B. Ogden và John Wentworth, Cyrus mỉm cười Cormick và Philip Armours và Gustavas Swifts và Marshall Fields. Đó là lãnh địa của giới gangster chuyên nghiệp như Hymie Weiss và Scarface Al Capone. Một trong những kỷ niệm xa xưa nhất mà Catherine Alexander còn nhớ được đó là việc ba cô đã đưa cô vào quán rượu có sàn nhà phủ mạt cưa, rồi ông đặt cô lên một chiếc ghế đầu cao đến chóng mặt. Ông gọi một cốc bia cỡ bự cho ông và một ly nước ngọt Green River cho cô. Lúc đó cô mới lên năm tuổi, cô nhớ ba cô rất lấy làm tự hào khi những người lạ mặt xúm quanh trầm trồ khen ngợi cô. Bọn họ gọi đồ uống và ba cô thanh toán cho tất cả bọn họ. Cô nhớ cô đã ép sát người cô vào cánh tay ông, chỉ sợ ba cô đi đâu mất. Ông mới trở về thành phố đêm hôm trước, và Catherine biết chắc là không bao lâu nữa ông sẽ lại đi biệt. Ông là người chào hàng nay đây mai đó, ông giải thích cho cô hiểu công việc của ông đưa ông tới những thành phố xa xôi, ông phải xa hai mẹ con cô mỗi lần mấy tháng trời thì ông mới có thể mang về những món quà đẹp. Catherine cố vật nài mặc cả với ông rằng nếu ông ở nhà với cô, cô sẽ không đòi quà nữa. Ba cô đã cười, bảo cô là cô khôn sớm, nhưng rồi ông lại đi và phải sáu tháng sau cô mới được gặp lại ông. Trong những năm đầu bấy giờ, người mẹ mà cô trông thấy hàng ngày với cô dường như một người mơ hồ, không có hình thù rõ ràng, trong khi người cha mà cô chỉ gặp đôi ba lần ngắn ngủi lại là hình ảnh sống động, rõ ràng đến lạ thường. Catherine nhớ ông là một người điển trai hay cười, luôn luôn bông đùa thoải mái, với những cử chỉ ấm áp độ lượng. Những dịp ông trở về nhà là vào những ngày hội lớn, với rất nhiều quà cáp, niềm hân hoan cùng với nỗi ngạc nhiên đầy lý thú. Khi Catherine lên bảy, ba cô bị mất việc, và cuộc đời của họ chuyển theo một hướng mới. Họ rời Chicago, dọn đến ở Gary, bang Indiana, tại đây ba cô bán hàng cho một tiệm kim hoàn. Catherine được vào trường tiểu học. Cô quan hệ thận trọng và xa cách những đứa trẻ khác và sợ các giáo viên, vì vậy họ lại tưởng sự rụt rè cô độc của cô là do cô kiêu căng. Tối tối ba cô lại về nhà cùng ăn tối, và lần đầu tiên trong đời Catherine cảm thấy họ thực sự là một gia đình giống như mọi gia đình khác. Vào ngày chủ nhật, cả ba người thường đi ra bãi biển Miller, thuê ngựa để cưỡi trong vài giờ dọc theo những cồn cát. Catherine rất thích sống ở Gary, nhưng họ chuyển đến đây mới được sáu tháng thì một lần nữa ba cô lại mất việc, họ lại chuyển về Harvey là một khu ở ngoại ô Chicago. Đang giữa năm học, Catherine là một học sinh mới, cô lại phải chia tay với những bạn mới quen ở trường cũ và trở thành một đứa trẻ cô độc ở trường mới. Bọn học sinh đã cố kết với nhau thành những nhóm riêng thường xán đến gần cô học sinh mới để trêu chọc rất tàn nhẫn. Trong mấy năm tiếp sau, Catherine giữ một thái độ thờ ơ mà cô coi là tấm mộc để giúp cô chống lại sự tiến công của các trẻ khác. Khi tấm mộc này bị chọc thủng, cô chống lại bằng một sự thông minh sắc bén, đầy châm biếm. Cô chỉ có ý muốn đẩy những kẻ quấy rầy cô ra xa để cho cô được yên thân, thế nhưng việc này lại mang đến một hiệu quả bất ngờ khác. Cô làm việc cho tờ báo nhà trường và trong bài viết đầu tiên của cô về buổi trình diễn nhạc của các bạn cùng lớp cô, cô viết: "Tommy Balden biểu diễn một bài độc tấu trômpét ở hồi hai, song anh đã làm nổi đình đám". Dòng viết này được mọi người nhắc đi nhắc lại và hết sức ngạc nhiên là Tommy Belden đã đến tìm cô ở phòng hoà nhạc ngay ngày hôm sau và bảo với cô rằng theo anh ta câu viết đó đặc sắc. Trong giờ Anh ngữ, các học sinh được giao cho đọc truyện Thuyền trưởng Horatio Hornblower. Catherine rất ghét truyện này. Trong bài viết của cô nhận xét về cuốn truyện có câu: "Chiếc hải thuyền của ông còn tệ hơn cái thòng lọng của ông" và ông giáo của cô - Một người thích đi thuyền vào những ngày cuối tuần - đã cho cô điểm ưu. Các bạn học cùng lớp bắt đầu nhắc đến những nhận xét của cô và chẳng bao lâu sau, cô nổi tiếng là một học trò thông minh của trường. Năm đó Catherine mười bốn tuổi, cơ thể cô phát triển nở nang sớm trở thành thiếu nữ. Cô thường đứng ngắm mình trong gương hàng giờ liền, suy nghĩ không biết làm cách nào chặn được nguy cơ mà cô đã nhận ra được. Cô tiềm tàng trong người vóc dáng của Myrna Loy, cô gái đã từng làm cho bao nhiêu đàn ông chết mê chết mệt, nhưng trước tấm gương cô hết sức căm ghét hình ảnh một cô gái có mái tóc đen rối bù không làm thế nào chải chuốt được một cặp mắt xám nghiêm nghị, một chiếc miệng dường như mỗi ngày một rộng hoác ra và một chiếc mũi hơi hếch một chút. Có lẽ cô cũng không đến nỗi xấu xí, cô tự nhủ vậy, song mặt khác cô biết sẽ không ai dám đánh cuộc là cô sẽ trở thành minh tinh màn bạc. Cô phùng má, liếc mắt đưa tình, cố tưởng tượng xem có thể làm người mẫu được không. Không xong. Cô xoay sang tư thế khác. Đôi mắt mở to, vẻ mặt háo hức, miệng cười thân ái. Cũng không được. Cô không thuộc loại hoa hậu toàn nước Mỹ. Cô chẳng là cái gì cả. Thân hình cô có thể coi là tạm được, cô khăng khăng nghĩ như vậy, song không có gì là đặc biệt. Tất nhiên có một điều cô cần hơn bất cứ thứ gì trên đời đó là phải khác đời, phải là nhân vật gì đó, phải được người ta nhớ đến và không bao giờ, không bao giờ, không đời nào chết được. Mùa hè cô mười lăm tuổi, Catherine vớ được cuốn Khoa học và sức khoẻ của Mary Baker Eddy. Hai tuần liền sau đó, mỗi ngày một giờ, cô đứng trước gương, thầm mong hình cô trong gương sẽ trở nên xinh đẹp hơn. Cuối thời kỳ đó cô chỉ thấy phát hiện ra một sự thay đổi duy nhất là ở cằm cô mới có một cái mụn cóc và trên trán cô thêm một cái mụn nữa. Cô bỏ cả kẹo, cả sách của Mary Baker Eddy và cả việc ngắm hình mình trong gương. Catherine cùng gia đình lại dọn về Chicago ở trong một căn hộ nhỏ, tiêu điều phía bắc thành phố ở đường Rogers Park nơi giá tiền thuê nhà thấp. Đất nước đang chìm đắm trong tình trạng suy thoái. Bố của Catherine làm việc thì ít mà uống lại nhiều, bố mẹ cô thường xuyên cãi cọ nhau khiến cô phải bỏ đi khỏi nhà. Cô thường ra bãi biển cách đấy sáu dãy nhà, cô đi dọc bờ biển và để cho ngọn gió trong lành ve vuốt thân hình gầy guộc của cô. Cô bỏ ra nhiều giờ ngắm nhìn cái hồ nước xám xao động, cô cảm thấy có một ham muốn tuyệt vọng mà cô không biết xác định đó là cái gì. Nhiều lúc cô muốn được nhấn chìm trong một cơn sóng lớn đau đớn đến phát cuồng. Catherine đã tìm ra Thomas Wolfe, và chính cuốn sách của ông giống như hình bóng trong gương của một nỗi luyến tiếc êm dịu tràn ngập lòng cô, song đó lại là nỗi buồn trước một tương lai chưa hề xảy ra, dường như một lúc nào, ở đâu đó, cô đã sống một cuộc đời tuyệt diệu và vẫn ngong ngóng được sống lại cuộc đời đó. Cô bắt đầu có kinh nguyệt, và trong lúc cô có những chuyển biến về thể chất để thành người phụ nữ, cô hiểu rằng những nhu cầu, ước muốn của cô, sự đau đớn dằn vặt không phải là thuộc về thân xác và nó không liên quan chút nào với tình dục. Đó là một ước nguyện mãnh liệt và cấp bách đòi hỏi phải được thừa nhận, phải nâng cô lên cao hơn hàng tỉ người nhung nhúc khắp thế giới này, để cho mọi người ai cũng phải biết đến cô, để mỗi khi cô đi ngang qua, người ta phải nói "Catherine Alexander vĩ đại… đấy!". Vĩ đại về nỗi gì? Đó là vấn đề. Cô không biết cô cần cái gì, cô chỉ biết rằng cô day dứt muốn đạt được nó mà thôi. Vào những buổi chiều thứ bảy, khi cô có đủ tiền, cô thường đi đến nhà hátState và Lakehoặc tới rạp mỉm cười Vickers hoặc rạp Chicago để xem phim. Cô hoàn toàn đắm chìm trong thế giới kỳ ảo, tinh quái của Gary Grant và Jean Arthur, vui cười với Wallace Beery và Mane Dressler và đau khổ trước những tai hoạ đầy lãng mạn của Bette Davis. Cô cảm thấy gần gũi với Irene Dunne còn hơn cả mẹ đẻ của cô. Catherine đang học những năm cuối cùng tại trường trung học Senn và chiếc gương - kẻ thù đáng ghét của cô - Cuối cùng lại trở thành người bạn thân thiết. Cô gái trong gương có khuôn mặt linh hoạt, đầy hấp dẫn. Mái tóc cô đen như mun(1) và làn da cô mềm mại, trắng ngà. Nét mặt cô đều đặn, thanh tú, với cái miệng có nụ cười cởi mở, nhạy cảm và cặp mắt xám đầy vẻ thông minh. Cô có một thân hình đẹp, ngực nở căng, chắc nịch, hai bên hông cong mảnh và đôi chân thanh nhỏ. Hình dáng cô có vẻ gì đó kiêu kỳ khác đời mnà chính cô cũng không cảm thấy được, dường như hình ảnh trong gương của cô có một nét độc đáo mà chính cô khong có. Cô cho rằng đó chính là một phẩn của cái phong cách tự vệ mà cô vẫn giữ được từ những ngày đầu tiên đi học. Thời kỳ suy thoái đã đẩy cả đất nước đến chỗ ngày một thêm khốn đốn. Bố của Catherine liên tục tham gia các cuộc buôn bán lớn, song dường như không bao giờ thành đạt được ông không ngừng xây hoài bão, phát minh ra những thứ đồ dùng mới, hòng mang lại hàng triệu đô-la. Ông nghĩ ra một bộ kích lắp ở phía trên các bánh xe ô tô và chỉ cần chạm vào một nút bấm trên bảng đồng hồ là có thể hạ được bộ kích xuống. Song không có một nhà sản xuất xe hơi nào quan tâm đến việc đó. Ông lại làm ra một cái bảng điện quay tròn liên tục để quảng cáo bên trong các cửa tiệm. Những cuộc gặp gỡ đầy lạc quan rộ lên một thời gian ngắn ngủi, sau đó phát minh này bị lãng quên. Ông vay tiền của người em là Ralph ở Omaha để trang bị cho một chiếc xe tải đi chữa giày dép lưu động quanh vùng. Ông đã dành nhiều giờ trao đổi dự án này với Catherine và mẹ cô. Ông giải thích: - Lần này nhất định chắc ăn. Tưởng tượng mà coi: thợ giày đến tận cửa nhà thì còn gì bằng? Chưa ai làm việc này bao giờ. Hôm nay tôi có một xe lưu động chữa giày, đúng không? Chỉ cần mỗi ngày làm được hai mươi đô-la, mỗi tuần một trăm hai mươi đô-la. Hai xe tải sẽ mang về hai trăm bốn mươi đô-la. Trong vòng một năm anh sẽ có hai chục chiếc xe nữa. Thế là hai ngàn bốn trăm đô-la một tuần. Một trăm hai mươi ngàn đô-la là một năm. Song đó mới chỉ là bước đầu… Hai tháng sau cả gã thợ giày lẫn chiếc xe tải biến mất tiêu, và thế là kết thúc một giấc mơ nữa. Catherine hy vọng sẽ được vào trường đại học tổng hợp Nothwestern. Cô đứng đầu trong số học sinh được học bổng ở lớp, thế nhưng giành được học bổng ở trường đại học còn khó hơn nhiều và ngày đó đang đến gần. Catherine biết đã đến lúc cô phải rời trường và kiếm việc làm cả hai buổi. Cô sẽ tìm công việc thư ký, song cô quyết tâm sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mơ sẽ mang lại cho cuộc đời cô một ý nghĩa phong phú, tuyệt diệu. Chỉ có điều là cô không biết giấc mơ cũng như cái ý nghĩa kia nó sẽ ra sao, điều đó khiến cô càng thêm buồn ngán đến rã rời. Cô tự nhủ có lẽ cô đang để cho tuổi xuân rực rỡ qua đi. Dù sao chăng nữa, thời kỳ này cũng thật đáng nguyền rủa. Một đứa nhãi ranh như mình, chưa đáng phải đ tuổi thanh xuân trôi qua phí hoài, cô chua chát nghĩ. Cả hai thằng con trai cho rằng chúng yêu Catherine. Đứa thứ nhất là Tony Korman, một ngày nào đó sẽ vào làm ở hãng dịch vụ luật của cha hắn, thằng này thấp hơn Catherine đến ba chục phân. Hắn có nước da tái mét, đôi mắt cận thị ươn ướt nhìn cô đầy sùng mộ. Đứa thứ hai là thằng Dean Mc Dermott, béo ị, vẻ bẽn lẽn, có nguyện vọng trở thành nha sĩ. Và tất nhiên còn phải kể cả Ron Peterson, song hắn thuộc loại riêng. Ron là một ngôi sao bóng đá của trường trung học Senn, mọi người đều bảo rằng hắn cầm chắc một học bổng giành cho vận động viên ở trường đại học rồi. Hắn cao lớn, vai vuông, có dáng vẻ của một tài tử được hâm mộ và dễ dàng trở thành một chàng trai nổi tiếng khắp trường. Có một điều duy nhất khiến cho Catherine thường xuyên xa cách Ron, đó là việc hắn tỏ ra không thèm đếm xỉa đến sự tồn tại của cô. Cứ mỗi lần cô đi ngang qua hắn ở hành lang nhà trường, tim cô lại bắt đầu đập loạn xạ. Cô cố nghĩ ra một cách gì khôn khéo và đầy thách thức để khiến hắn phải ngỏ lời hẹn với cô. Thế nhưng cứ mỗi lần đến gần hắn, lưỡi cô lại cứng đơ và cả hai đứa lại im lặng đi ngang qua nhau. Catherine so sánh một cách tuyệt vọng: cứ như con tầu tuần dương Nữ hoàng Mary đi ngang qua chiếc xà lan cũ rích vậy. Vấn đề tài chính ngày càng trở nên gây gắt. Tiền nhà ba tháng chưa trả được, song lý do duy nhất họ chưa bị đuổi là vì bà chủ nhà mê ông bố của Catherine và say những dự án cùng phát minh kỳ vĩ của ông. Nghe ông nói, Catherine cảm thấy buồn da diết. Ông vẫn giữ thái độ vui vẻ lạc quan, nhưng cô có thể thấy được mặt trái đã lung lay. Đã hết sức hấp dẫn, vô tư lự, đầy kỳ ảo ở những điều mà ông thường dùng nó để đem lại không khí vui vẻ. Ông gợi cho Catherine liên tưởng đến một người đàn ông trung niên có tâm hồn của một đứa trẻ luôn luôn mơ tưởng những chuyện cổ tích trong tương lai huy hoàng để che giấu những thất bại tơi tả của quá khứ. Đã nhiều lần cô chứng kiến việc ba cô thết tiệc cho hàng tá người tại nhà hàng Henrici, sau đó lại vui vẻ kéo từng người khách ra một chỗ để mượn tiền thanh toán hoá đơn của nhà hàng và tất nhiên cộng thêm cả tiền puốcboa rất hậu hĩnh. Luôn luôn phải hậu hĩnh, bởi vì ông còn phải giữ tiếng. Nhưng dù đứng trước những việc làm như vậy và dù cho cô biết rõ ba cô là một người cha rất hờ hững, vô tâm đối với cô, Catherine vẫn thấy mến yêu con người đó. Cô yêu mến cái lòng nhiệt tình và nghị lực lạc quan giữa một xã hội đầy những người chỉ thấy nhăn nhó, sưng sỉa. Trời đã phú cho ông đức tính như vậy và ông lúc nào cũng luôn luôn hào phóng với đức tính đó. Suy cho cùng, Catherine nghĩ, dù với những mộng tưởng hão huyền không bao giờ thực hiện được, ông vẫn còn hơn cô là người luôn sợ hãi không dám mơ ước gì. Vào tháng Tư, mẹ của Catherine đã chết vì một cơn đau tim. Đây là lần đầu tiên cô giáp mặt với cái chết. Bạn bè, láng giếng kéo đến chia buồn kín đầy căn phòng nhỏ bé, họ thì thào tỏ lời thương xót trước tấn bi kịch của gia đình này. Cái chết đã làm cho thân hình mẹ của Catherine trở thành nhỏ bé, méo mó không còn nhựa sống, hoặc cũngnh sự sống đã biến bà thành con người như vậy, Catherine nghĩ. Cô cố nhớ lại những kỷ niệm cô đã cùng san sẻ với người mẹ, những phút chung tiếng cười, những giờ chung nhịp tim héo hắt. Nhưng hình ảnh vui tươi, nhiệt tình hồ hởi của ba cô cứ luôn luôn xen vào. Dường như cuộc sống của mẹ cô chỉ như một cái bóng nhợt nhạt lùi dần trước ánh sáng rực rỡ của ký ức. Catherine ngắm nghía hình hài như bằng sáp của mẹ trong cỗ quan tài, bà mặc một chiếc áo dài đen giản dị với chiếc cổ áo trắng, cô nghĩ cuộc đời bà thật lãng phí. Bà đã sống vì cái gì? Những tình cảm nhiều năm trước đây trong Catherine lại trỗi dậy, đó là quyết tâm phải trở thành một người có tên tuổi, phải để lại một dấu vết trên cõi đời này, vì vậy cô quyết sẽ không chấm dứt cuộc sống trong một nấm mồ vô danh, khiến cho người đời không hề biết tới hoặc quan tâm đến việc đã có một cô Catherine Alexander từng sống, chết và trở về với đất. Ông chú của Catherine là Ralph, cùng với vợ là Pauline đã bay từ Omaha đến dự lễ tang. Chú Ralph nhỏ hơn ba cô đến mười tuổi và hoàn toàn khác hẳn người anh. Chú ấy làm nghề bán thuốc qua bưu điện và rất thành đạt ông là một người to bè, cái gì cũng vuông vức, vai vuông, cằm vuông và Catherine tin rằng cả đầu óc của ông cũng vuông. Bà vợ thì luôn mồm ríu rít như sáo. Họ là những người tử tế. Catherine biết chú cô đã cho ba cô vay mượn rất nhiều tiền, song cô cảm thấy cô khác với họ. Họ giống mẹ cô ở chỗ họ là những người không có hoài bão. Sau lễ tang, chú Ralph bảo chú ấy muốn bàn với cha con cô một chuyện. Họ ngồi trong phòng sinh hoạt nhỏ xíu, Pauline đi đi lại lại mang tới những chiếc khay cà phê và bánh ngọt. - Tôi biết lâu nay anh vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính - Chú Ralph nói với ba cô - Anh là người hay mơ mộng, trước đây lúc nào cũng vậy. Nhưng anh là anh của tôi. Tôi không để anh chết chìm. Hai vợ chồng tôi đã bàn tính chuyện này. Tôi muốn anh đến làm việc cho tôi. - Ở Omaha? - Anh sẽ có cuộc sống khá, ổn định, cả anh và Catherine sẽ sống với chúng tôi. Nhà chúng tôi còn rộng. Catherine thấy não nề. Omaha ư? Thế là chấm dứt mọi mộng ước của cô rồi còn gì. - Chú để tôi suy nghĩ đã - Ba cô đáp. - Chúng em sẽ về chuyến tàu lúc sáu giờ - Chú Ralph nói - Anh hãy cho chúng em hay trước khi chúng em ra về. Khi cha con Catherine còn lại một mình, ông cằn nhằn: - Omaha ư? Bố đánh cuộc là nơi đó đến một cửa hiệu hớt tóc tử tế cũng không có. Song Catherine hiểu rằng cái cảnh mà ông đang tạo ra chẳng qua là vì lợi ích của cô thôi. Có hiệu hớt tóc tử tế hay không, ông cũng không còn cách lựa chọn nào khác. Cuối cùng cuộc sống đã dồn ông vào chân tường. Không biết rồi đây khi ba cô phải an phận với một công việc cố định, đơn điệu làm theo giờ giấc, thì tinh thần của ông sẽ ra sao đây? Ông sẽ như một con chim rừng bị giam cầm, sẽ vùng vẫy đập cánh vào chiếc lồng, chết mòn mỏi trong cảnh tù túng. Còn phần cô, cô sẽ phải quên đi cái chuyện đến trường tổng hợp Northwestern. Cô đã đệ đơn xin học bổng, song vẫn chưa thấy hồi âm. Chiều hôm đó, ba cô gọi điện báo cho người em biết rằng ông chấp nhận công việc. Sáng hôm sau Catherine đến thầy hiệu trưởng để o cáo cho ông biết về việc cô xin chuyển trường về Omaha. Lúc đó ông đang đứng sau bàn làm việc và chưa kịp để cô nói, ông đã lên tiếng trước: - Thầy chúc mừng em, Catherine ạ, em đã được cấp học bổng toàn phần để vào trường đại học Northwestern. Đêm đó hai cha con Catherine bàn cãi hết lẽ và cuối cùng đi đến quyết định rằng ông vẫn sẽ chuyển về Omaha còn Catherine vào trường Northwestern và sống trong ký túc xá nhà trường. Thế là mười ngày sau, Catherine đưa tiễn ba cô ra ga Phố La Salle. Lúc ba cô ra đi, cô cảm thấy nỗi buồn cô đơn da diết, cô buồn vì phải chia tay với người mà cô yêu quý nhất đời, thế nhưng đồng thời cô lại nóng lòng muốn cho con tầu chóng lìa xa bởi cô cảm thấy hào hứng thích thú khi nghĩ rằng rồi đây cô sẽ được tự do và lần đầu tiên trong đời cô sống độc lập. Cô đứng trên sân ga, ngắm nhìn khuôn mặt ba cô ép chặt vào cửa kính tầu để cố nhìn với theo một lần cuối. Người đàn ông điển trai thiểu não này vẫn chân tình tin rằng một ngày kia ông sẽ nổi đình đám. Trên đường từ ga về Catherine nhớ ra một chuyện và cười ngất. Để đưa ba cô đến Omaha với một công việc tuyệt vọng như vậy, ba cô đã phải đặt trước cả một phòng khách. Ngày nhập trường Northwestern gây cho cô một niềm phấn chấn vô bờ bến. Đối với Catherine ngày đó mang một ý nghĩa đặc biệt mà cô không thể diễn tả bằng lời. Đó chính là chiếc chìa khoá giúp cô mở cửa đi vào tất cả những mộng ước và những tham vọng không tên đã từng cháy bỏng trong cô bấy lâu nay. Cô nhìn quanh gian phòng họp to lớn đang có hàng trăm sinh viên xếp hàng điểm danh. Cô nghĩ thầm: Rồi sẽ đến ngày các người biết ta là ai. Các người sẽ nhận ra là: "Tôi đã từng cùng học một trường với Catherine Alexander". Cô đã ghi tên tham dự số lượng lớn nhất các khoá học người ta cho phép và cũng được tiếp nhận vào một ký túc xá. Cũng sáng hôm đó cô tìm được việc làm thủ quỹ vào các buổi chiều tại một quán ăn bình dân gần khu vực nhà trường. Lương của cô là mười lăm đô-la mỗi tuần, mặc dù không đủ cho cô chi tiêu xa xỉ, nhưng cũng đỡ cho cô tiền sách vở và những thứ nhu yếu khác. Gần giữa năm thứ hai đời sinh viên, Catherine phát hiện ra rằng có lẽ cô là con gái còn trinh trắng duy nhất trong toàn trường. Trong những năm trưởng thành cô cũng đã được nghe lõm bõm đôi ba câu chuyện của người người lớn tuổi hơn cô bàn về quan hệ nam nữ. Kể ra cũng lý thú, và cô thấy hết sức lo sợ rằng cảm giác thú vị sẽ mất đi đúng vào lúc cô đủ tuổi để biết hưởng thụ nó. Dường như cô thấy cô có lý. Chí ít là đối với bản thân cô. Hình như ở trường chỗ nào người ta cũng chỉ bàn một đề tài là tình dục. Nó được thảo luận trong ký túc xá, trên lớp học, trong phòng tắm và ở cả tiệm ăn. Catherine thấy sững sỡ trước những câu chuyện hết sức bộc trực: - Jerry thật không thể ngờ được. Hắn khoẻ như một Kingkong(2). - Mày nói về dương vật hay óc não của nó? - Nó làm gì có óc não. - Mày đi với Ernie Robbins rồi sao? Hắn nhỏ con mà khoẻ ra phết. - Alex hẹn với tao tối nay đây. Dủng thuốc gì? - Thằng Alex phải thuốc thì có… - Rồi họ cười ầm lên. Catherine cho rằng những câu chuyện này là tục tĩu, đáng ghê tởm, thế nhưng cô không bỏ sót một chi tiết nào. Đây cũng là một kiểu tập luyện thói ác dâm. Trong lúc các cô gái miêu tả những hoạt động tình dục của họ, Catherine tưởng tượng ra cô đang ở trên giường với một thằng con trai và để cho hắn thoả sức làm tình với cô. Cô cảm thấy đau hai bên háng, cô lấy hai tay bóp chặt hai bắp vế cố tự gây đau để quên đi một nỗi đau khác. Cô nghĩ: "Lạy Chúa! Mình sẽ chết trong trinh trắng ở Northwestern hay trên toàn nước Mỹ này. Cô Catherine đồng trinh! Nhà thờ sẽ phong thánh cho mình và họ sẽ đốt nên cầu nguyện cho mình mỗi năm một lần. Mình làm sao thế này? Cái tên Ron Peterson thường được nhắc đến luôn trong các câu chuyện ái tình của đám con gái. Hắn được ghi tên vào Northwestern theo học bổng dành cho vận động viên ở đây, hắn cũng nổi tiếng như hồi hắn ở trường Trung học Senn. Hắn được bầu làm lớp trưởng của lớp năm thứ nhất. Catherine gặp hắn ở trong lớp tiếng Latinh vào ngày bắt đầu học kỳ. Hắn trông bảnh trai hơn hồi còn ở trung học, thân hình hắn béo mập, nét mặt hắn không đều ở độ trưởng thành bạt tử. Sau giờ học, hắn tiến về phía cô, tim cô đập mạnh: - Chào Catherine Alexander! - Chào Ron! - Cô cũng học lớp này? - Phải. - May cho tôi quá! - Tại sao? - Tại sao ư? Bởi vì tôi chẳng biết chữ Latinh nào cả mà cô thì học giỏi nổi tiếng. Chúng tôi sắp có buổi ca nhạc hay lắm. Tối nay có làm gì không? - Không có gì đặc biệt. Ron muốn chúng mình học với nhau không? - Ra bờ hồ đi, chỗ đó vắng vẻ. Chúng ta học với nhau lúc nào cũng được. Hắn nhìn cô trừng trừng. - Ồ! Thế nào? - Hắn cố nhớ tên cô. Cô nuốt nước bọt và chính cô lại phải cố nhớ mình là ai. Cô nói nhanh: - Catherine, Catherine Alexander. - Phải. Chỗ này thế nào? Thật đáng sợ, phải không? Cô cố ý cất giọng nhiệt tình để làm đẹp lòng hắn, để đồng ý với hắn, để tán tỉnh hắn. - A, phải - Cô thốt thành lời - Rất là… Hắn đang mải nhìn một cô gái tóc vàng hoe đầy hấp dẫn đang đợi hắn ở cửa. - Tạm biệt - hắn nói, rồi bỏ ra với cô gái kia. Thế là chấm dứt câu chuyện cô Lọ Lem và chàng Hoàng tử đẹp trai, cô nghĩ. Từ đó về sau họ sống hạnh phúc, chàng thì ở trong cung điện, còn cô thì trong chiếc hang lộng gió ở Tây Tạng. Thỉnh thoảng Catherine lại thấy Ron đi lại trong trường, mỗi lúc với một cô gái, đôi khi với ba ba cô. Lạy Chúa, hắn không bao giờ biết mệt ư? Cô tự hỏi. Cô vẫn có những tưởng tượng rằng đến một hôm nào đó hắn sẽ tới tìm cô giúp đỡ cho tiếng Latinh, song hắn không nói chuyện với cô thêm một lần nào nữa. Ban đêm Catherine nằm một mình trên giường, cô thường nghĩ đến chuyện mọi cô gái khác đều đã làm tình với các bạn trai của họ, và thằng con trai luôn luôn đến với cô chính là Ron Peterson. Cô tưởng tượng đến cảnh hai đứa cởi quần áo cho nhau và những cách chúng làm như trong các tiểu thuyết lãng mạn. Hắn nâng cô dậy và đưa cô ra giường. Đến lúc này óc hài hước của cô lại thắng thế? Đồ ngu xuẩn, cô tự nhủ, đến tưởng tượng mà mày cũng chẳng làm ra sao cả. Có lẽ cô sẽ vào nhà nữ tu thôi. Cô lại băn khoăn không biết các nữ tu sĩ có mơ chuyện trai gái không và thủ dâm đối với họ có phải là một tội đồ không. biết các tu sĩ có đi lại với nhau không. Cô đang ngồi trong sân rợp bóng mát ở một tu viện cũ kỹ xinh xắn ở ngoại ô Roma, lấy những ngón tay khoắng xuống làn nước ấm lên vì ánh nắng của một cái hồ cổ kính đầy cá. Cửa bỗng bật mở, một tu sĩ cao lớn bước vào trong sân. Ông ta đội một chiếc mũ rộng vành, vận áo thầy tu dài màu đen và trông giống hệt như Ron Peterson. - Ah, seusi, signori. - Ông thì thào. - Tôi không được biết là tôi có một vị khách. Catherine đứng vụt dậy. - Lẽ ra tôi không nên đứng dậy, - cô xin lỗi. - Nhưng cảnh đẹp quá, tôi phải ngồi nán lại để ngắm cảnh. - Hết sức hoan nghênh cô. - Ông tiến lại phía cô, đôi mắt đen rực sáng. - Mia cara… Tôi nói dối cô đấy. - Dối tôi ư? - Phải. - Đôi mắt ông ta nhìn như khoan vào mắt cô - - Tôi biết cô đến đây vì tôi đã đi theo cô. Một cơn ớn lạnh chạy khắp người cô. - Nhưng… nhưng ông là một tu sĩ. - Bella signoirna, trước hết tôi là người, sau đó mới là tu sĩ, tiểu thư xinh đẹp ạ. Y tiến lên ôm choàng lấy cô trong đôi cánh tay, nhưng y giẫm phải gấu áo thày tu của mình và ngã tùm xuống ao. - Cứt? Hàng ngày sau giờ học Ron Peterson thường đến quán Roost ngồi ở một ô trong góc xa. Cái ô đó nhanh chóng đông chật bạn bè của hắn và trở thành trung tâm trò chuyện om sòm. Catherine đứng sau quầy gần máy tính tiền. Khi Ron bước vào, hắn thường vui vẻ gật đầu chào cô một cách lơ đãng rồi bước liền. Hắn không bao giờ gọi cô bằng tên. Anh ta quên mất rồi. Cathorine suy ngẫm. Song cứ mỗi ngày khi hắn bước vào quán, cô đều toét miệng cười với hắn, đợi hắn cất tiếng chào, hoặc yêu cầu cô một chuyện gì cũng được, hoặc hẹn gặp, hỏi xin một cốc nước, hỏi về sự trinh bạch của cô, vân vân. Có lẽ đối với hắn, cô chẳng qua như một thứ đồ đạc. Cô ngắm nhìn những đứa con gái khác trong phòng với một thái độ hoàn toàn khách quan, cô nhận thấy cô xinh đẹp hơn tất thảy trừ con bé Jean Anne trông mê hồn, đó chính là con bé tóc vàng hoe người miền Nam thường thấy đi cùng với Ron, và rõ ràng cô là người thông minh hơn tất cả bọn chúng cộng lại. Vậy thì cô có gì là nhược điểm nào? Tại sao không có một thằng con trai nào ngỏ ý hẹn hò với cô? Đến hôm sau cô mới hiểu ra lý do tại sao. Cô đang đi nhanh về phía nam của trường, tới quán Roost thì gặp Jean Anne cùng với một con bé tóc hung mà cô không biết tên. Chúng đang đi ngang qua bãi cỏ xanh, ngược về phía cô. - Chà, tiểu thư Sáng Dạ đây - Jean Anne nói. Còn mi là tiểu thư đần độn, Catherine thầm nghĩ một cách ghen tị. Rồi cô nói to. - Một câu đố môn văn học tàn bạo có phải thế không? - Thôi đừng làm ra bộ ngây thơ nữa - Jean Anne lạnh lùng đáp - Mày thừa sức dạy cả "cua" văn học cho bọn này. Song đó không phải là điều duy nhất dạy cho bọn này đâu cô em ạ. Giọng nói của nó châm chọc khiến cho mặt Catherine bắt đầu đỏ bừng. - Tao… tao không hiểu. - Thôi, đừng động đến nó- Con bé tóc hung bảo. - Sao lại phải yên? - Jean Anne bảo - Nó tưởng nó là cái thá gì cơ chứ? - Sau đó quay lại Catherine. - Mày có muốn biết mọi người gọi mày là gì không? - Lạy Chúa, thôi đi. - Có. - Mày là con đồng tính luyến ái. Catherine nhìn nó trừng trừng, vẻ hoài nghi. - Tao là cái gì? - ồng tính luyến ái. Đừng có lấy vải thưa che mắt thánh mọi người. - Thật phi lý… - Catherine lúng búng. - Mày tưởng mày gạt được mọi người sao? - Jean Anne hỏi dồn - Mày làm được mọi việc, trừ một chuyện. - Nhưng tao… tao chưa từng… - Bọn con trai sẵn sàng mà mày không bao giờ chấp thuận. - Thật không? - Catherine đỏ mặt. - Con khỉ. Mày không như loại bọn tao. Hai đứa quay đi, để cô đứng lại sững sờ nhìn theo. Đêm hôm đó Catherine nằm trên giường không sao ngủ được. Cô bao nhiêu tuổi, cô Alexander? Mười chín. Cô đã giao hợp với đàn ông bao giờ chưa? Chưa. Cô có thích đàn ông không? Không ai ư? Cô có bao giờ muốn làm tình với đàn bà không? Catherine trăn trở nghĩ mãi. Cô đã từng mê mẩn những đứa con gái khác, mê những cô gái, song đó chẳng qua là một phần của sự trưởng thành. Lúc này cô nghĩ đến chuyện làm tình với một phụ nữ, hai thân hình họ xoắn xuýt với nhau, đôi môi cô dính chặt vào môi phụ nữ kia, thân hình cô được đôi bàn tay mềm mại kia vuốt ve. Cô rùng mình. Không, cô nói to: Tôi là một đứa bình thường. Song nếu cô là đứa bình thường thì tại sao cô lại nằm đây như thế này? Tại sao cô không đi ra ngoài đâu đó, giống như mọi đứa con gái khác trên đời? Có lẽ cô là đứa lãnh cảm. Cô cần phải được phẫu thuật. Cho đến lúc khoảng trời phía đông bên ngoài cửa sổ ký túc xá đã sáng lên, đôi mắt Catherine vẫn cứ chong chong, nhưng cô đã đi đến một quyết định. Cô sẽ chấm dứt sự trinh bạch. Và người may mắn được chung chăn gối với một cô trinh nữ chính là Ron Peterson. Chú thích: (1) Nguyên văn: đen như quạ (2) Con hắc tinh tinh khổng lồ có sức mạnh siêu phàm trong một số bộ phim Mỹ Chương 03 Nàng sinh ra là một công chúa khuê các. Những hồi ức xa xưa đối nàng là ấn tượng về một chiếc nôi trắng phủ bằng một tấm màn đăng ten có trang trí những dải duy băng hồng, quanh nôi đầy những những con thú độn bông mềm mại với những con búp bê xinh đẹp và những đồ chơi vàng chóe phát tiếng kêu leng keng. Nàng nhanh chóng nhận ra rằng mỗi khi nàng mở miệng cất tiếng kêu thì lập tức có ai đó chạy vội đến để nâng nàng lên dỗ dành. Khi nàng được sáu tháng tuổi, cha nàng thường đưa nàng ra vườn trong chiếc xe nôi để cho nàng được chạm tay vào bông hoa. Ông thường bảo: - Công chúa ơi, những đoá hoa này thật yêu kiều nhưng công chúa còn đẹp hơn nhiều. Ở nhà nàng rất thích thú khi cha nàng nhấc bổng nàng lên trong đôi cánh tay khỏi và đưa nàng ra chỗ cửa sổ, từ đây nàng có thể nhìn ra ngoài, thấy rõ những mái nhà của các toà nhà cao. Cha nàng thường bảo: - Vương quốc của con ở bên ngoài kia, công chúa ạ - rồi ông chỉ những cột buồm cao của những con tàu thả neo ở ngoài vịnh - Con có trông thấy những chiếc tàu lớn kia không? Nay mai chúng sẽ phải tuân theo mệnh lệnh của con. Khách khứa thường đến lâu đài để thăm nàng song chỉ có đôi ba vị khách đặc biệt mới được phép bế ẵm nàng. Những người khác, thường thì ngắm nhìn nàng nằm trong nôi và trầm trồ khen nét mặt thanh tú đến lạ lùng của nàng, khen mái tóc vàng hoe đáng yêu, khen nước da màu mật ong mềm mại. Bờng đắc ý mà rằng: - Người lạ đến đây nhất định phải bảo là một công chúa? - Rồi ông lại cúi xuống bên nôi, thì thào. - Một ngày nào đó sẽ có một chàng hoàng tử đẹp trai đến đây hôn đôi bàn chân con. Sau đó ông khe khẽ kéo tấm chăn hồng ấm áp đắp lên cho nàng, và nàng lại ngủ thiếp đi, đầy vẻ hài òng. Cả thế giới của nàng chỉ toàn một giấc mộng rực rỡ với những con tầu cột buồm vút cao cao và những toà lâu đài, cho đến khi lên năm tuổi nàng mới hiểu ra nàng chẳng qua chỉ là con gái một anh lái buôn cá ở cảng Marseille, còn những toà lâu đài mà nàng thường nhìn thấy từ cửa sổ căn phòng nhỏ xíu ở sát nóc nhà chẳng qua là những nhà kho bao quanh khu chợ cá tanh tưởi, nơi đó cha nàng đang làm việc, còn hạm đội của nàng chính là những chiếc tàu đánh cá cũ rích, sáng sáng trước lúc rạng đông từ cảng Marseille ra khơi, rồi trở về vào đầu buổi chiều để tuôn những đống hàng tanh lợm lên các bến đậu. Vương quốc của Noelle Page là như vậy. Bạn bè của ông bố Noelle thường nhắc nhủ ông về những việc ông đang làm. - Jacques, anh chớ nên tọng những ý nghĩ huyễn hoặc đó vào đầu óc con bé. Nó sẽ tưởng nó là đứa xuất chúng hơn mọi người. Và những lời tiên đoán của họ đúng thiệt. Bề ngoài Marseille là một thành phố của bạo lực đầy rẫy bọn thủy thủ đói khát chỉ biết tiêu tiền và bọn người ranh ma biết cách bòn rút họ. Song không giống như những người Pháp khác, dân Marseille có ý thức đoàn kết, xuất phát từ nhu cầu đấu tranh chung để sống còn, bởi vì nguồn sinh lực của thành phố này là từ biển cung cấp, và những người dân chài Marseille thuộc về đại gia đình dân chài trên toàn thế giới. Họ cùng nhau chia sẻ những cơn bão tố cũng như những ngày trời yên biển lặng, những tai hoạ bất ngờ cùng những vụ cá bội thu. Vì thế hàng xóm của Jacques Page cũng thấy mừng thay cho ông, khi ông sinh được một đứa con gái quý báu như vậy. Họ cũng nhận thấy giữa một thành phố tục tằn, nhầy nhụa bẩn thỉu thế này mà lại xuất hiện một nàng công chúa đích thực thì quả là một điều kỳ ảo. Ngay bố mẹ của Noelle cũng không hiểu nổi sao con gái họ lại có được vẻ đẹp thanh tú đến vậy. Mẹ của Noelle là người phục phịch, một phụ nữ quê mùa, dáng vẻ thô lỗ, hai vú xệ, đùi mông to bè. Còn cha của Noelle thì mập lùn, đôi vai rộng, với cặp mắt ti hí của người Breton đầy vẻ hoài nghi. Tóc của ông có sắc màu của bãi cát ướt trên bờ biển Normandie. Thoạt đầu ông có cảm giác rằng Tự nhiên sẽ mắc sai lầm, rằng con bé tóc vàng hoe thanh tú này không thể là con của vợ chồng ông được và rồi đây, khi Noelle lớn lên, nó sẽ trở thành một đứa con gái bình thường, xấu xí cũng như bao đứa con gái khác con của các ông bạn ông. Song sự kỳ ảo vẫn cứ tiếp tục nở rộ và Noelle vẫn cứ mỗi ngày một xinh đẹp thêm. Mẹ của Noelle có phần bớt ngạc nhiên hơn chồng về sự xuất hiện của nàng tiên tóc vàng trong gia đình họ. Chín tháng trước khi Noelle chào đời, mẹ cô đã gặp một chàng thủy thủ người Na Uy đầy hấp dẫn vừa ở trên một chiếc tàu chở hàng ghé lên bờ. Y có thân hình vạm vỡ của người Viking với mái tóc vàng hoe và một nụ cười ấm áp đầy quyến rũ. Trong lúc Jacques đang tíu tít việc thì chàng thủy thủ cũng đang có mười lăm phút bận rộn trên giường của chị vợ trong căn phòng nhỏ bé của họ. Mẹ của Noelle rất hoảng sợ khi bà trông thấy đứa con nhỏ có mái tóc vàng hoe và xinh đẹp. Chị đi đi lại lại quanh phòng, đợi chờ giây phút anh chồng sẽ chỉ vào mặt chị mà mạt sát và đòi chị khai ra xem ai là thằng cha đích thực của nó. Thế nhưng một điều khó tin được là, do quá tự cao, anh chồng đã nhận ngay nó là con mình mà không hề nghi ngờ chút gì. - Nó đúng là giọt máu của Scandinavia để lại trong gia đình tôi - anh thường khoe khoang với các bạn - Các cậu thấy nó có nhiều điểm giống tôi đấy chứ. Người vợ lắng nghe, gật đầu tán thành, nhưng bụng lại bảo dạ bọn đàn ông thật là lũ ngu xuẩn. Noelle rất thích bên cạnh cha. Nàng mến cái tính vui vẻ hơi vụng về của cha, cũng như những thứ mùi là lạ, hấp dẫn cứ quyện lấy ông, thế nhưng đồng thời nàng cũng rất khiếp hãi trước cái tính hung tợn của ông. Nhiều lần nàng tròn mắt chứng kiến cảnh cha quát mẹ ầm ầm và tát thẳng cánh vào mặt mẹ, lúc ông nổi cơn lôi đình, mạch máu cuộn lên cổ. Mẹ nàng chỉ biết rên la đau đớn, song có một trạng thái gì đó còn bộc lộ trong sự đau đớn đó chính là sự man dại, gợi tình trong tiếng rên la, Noelle cảm thấy sự đau đớn vì ghen tuông và nàng rất muốn ở địa vị của mẹ nàng. Song cha nàng bao giờ cũng nhẹ nhàng với nàng. Ông thích đưa nàng xuống các bến để khoe con gái với những gã đàn ông cục cằn, thô bạo cùng làm việc với ông. Khẳp các bến, ai cũng biết đến danh Công chúa của nàng, nàng cảm thấy hãnh diện về điều này, vì cha nàng cũng có mà vì cả chính bản thân nàng. Nàng muốn cho cha nàng vui lòng. Cha nàng thích ăn ngon, Noelle học nấu nướng cho cha, chuẩn bị những món ăn mà cha thích nhất, rồi dần dần thay thế mẹ trong công việc bếp núc. Đến lúc nàng mười bảy tuổi, vẻ đẹp sớm nở của nàng đã quá rực rỡ. Nàng đã thành một người phụ nữ thực thụ. Nàng có những nét thanh tú, đôi mắt xanh sẫm linh hoạt với mái tóc vàng óng mềm mại. Nước da nàng mịn màng, óng ánh như được nhúng trong mật ong. Dáng vóc nàng thật mê hồn, đôi nhũ hoa non tơ chắc nịch, căng tròn, co nhỏ, cặp mông tròn, đôi chân dài, thon thả với hai mắt cá chân nhỏ nhắn. Giọng nàng nói rõ ràng, nhẹ nhàng, nghe như rót vào tai. Ở Noelle toát ra một sự hấp dẫn mãnh liệt, thiêu đốt, song đó không phải là ma lực ở nàng. Ma lực chính là ở chỗ ẩn sâu bên dưới sự hấp dẫn nồng nàn kia là sự ngây thơ như một hòn đảo hoang sơ chưa ai chạm tới và sự kết hợp hai điều đó thật không tài nào tách được. Mỗi lần nàng đi xuống phố là một lần nàng được bọn đàn ông đi đường tán tỉnh đặt giá. Đây không phải là những sự đặt giá bình thường mà bọn gái làng chơi Marseille thường nhận được coi là thu nhập hằng ngày, bởi đến ngay những gã đàn ông trì độn nhất cũng cảm thấy ở Noelle có những đặc điểm mà họ chưa từng thấy trước đây và có lẽ cả sau này cũng vậy, vì thế gã đàn ông nào cũng sẵn sàng trả đến giá tối đa nhất có thể được để chiếm nàng làm của riêng, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Cha của Noelle cũng ý thức được sắc đẹp của nàng. Thực ra Jacques Page còn nghĩ xa hơn chút đỉnh nghĩ đến những khoái lạc mà Noelle gợi ra ở bọn đàn ông. Mặc dù cả ông lẫn vợ ông chưa bao giờ chuyện trò với Noelle về quan hệ nam nữ, ông tin chắc rằng nàng vẫn còn trinh trắng, nghĩa là giữ được chút vốn ít ỏi của đàn bà. Đầu óc tính toán nông dân của ông đã khiến ông suy nghĩ lao lung và nghiêm túc xem có cách nào lợi dụng được món của trời cho này một cách tốt nhất. Nghĩa vụ của ông là tìm cách đặt giá cho nhan sắc của Noelle sao cho thật là hời cho cả Noelle lẫn cho ông. Mà xét cho cùng, ông đã nâng niu nàng, cho nàng ăn diện, dạy dỗ cho nên người, tức là nàng đã nợ ông về mọi phương diện. Và bây giờ đến lúc ông được đền bù. Nếu như ông có thể xếp đặt cho nàng bắt nhân tình với một gã trọc phú nào đó thì việc này chỉ có lợi cho nàng và ông cũng được sống cuộc sống dễ thở mà ông đáng được hưởng. Càng ngày những người chân chất như ông càng thấy kiếm sống thật là trầy trật. Bóng đen của chiến tranh bắt đầu bao trùm lên khắp âu châu. Bọn Quốc xã chỉ sau một đòn chớp nhoáng đã tiến vào nước Áo làm cho cả châu u kinh hoàng. Vài tháng sau bọn Quốc xã đã chiếm được vùng Sudenten và sau đó tiến vào Slovakia. Dù Hitler khẳng định rằng ông ta không có ý định chinh phục thêm nước nào, một cảm giác chung bao trùm dai dẳng là sắp nổ ra một cuộc chiến lớn. Ở Pháp, người ta cũng ý thức được một cách sâu sắc ảnh hưởng của các sự kiện. Trong các cửa hàng, chợ búa, hàng hoá đã khan hiếm, chính phủ bắt đầu có những biện pháp quốc phòng to lớn. Jacques e rằng chẳng bao lâu nữa người ta sẽ ngừng cả ngành ngư nghiệp, sau đó ông không biết sống sao đây? Không, ông nhất quyết phải tìm cho cô con gái một anh nhân tình mới mong giải quyết được vấn đề. Điều băn khoăn là ông vẫn chưa biết ai là kẻ có máu mặt. Tất cả bọn bạn bè ông quen biết đều nghèo rớt như ông, mà ông đã quyết tâm không để cho thằng nào gần gụi con bé mà lại không phải trả giá gì. Chính Noelle cũng vô tình góp phần giải quyết thế bí cho Jacques Page. Mấy tháng gần đây Noelle càng trở nên bồn chồn. Nàng học ở trường không đến nỗi nào, song bọn học sinh bắt đầu quấy rầy nàng. Nàng bảo với cha nàng rằng nàng muốn tìm một công việc. Ông bố vừa lắng nghe vừa cẩn thận cân nhắc mọi khả năng. - Việc gì bây giờ? - Ông hỏi. - Con không biết - Noelle đáp - Bố ạ, hay là con đi làm người mẫu, cũng được có thế thôi mà không nghĩ ra. Một tuần sau đó, chiều nào Jacques Page đi làm về cũng tắm rửa kỳ cọ cho hết mùi tanh tưởi bám trên đôi tay và mái tóc, sau đó ăn vận chỉnh tề đi xuống phố chính Canebiere dẫn từ cảng cũ ra đến các khu vực sang trọng của thành phố này, ngắm nghía các tiệm may. Một anh chàng nông dân cục mịch đi giữa một thế giới đầy nhung lụa, mà không thèm ý thức ra điều đó cũng như nhận ra sự lạc lõng của mình. Ông chỉ có một mục tiêu và khi đến Bon Marché, ông đã tìm ra được cái mục tiêu đó. Đó chính là tiệm may đẹp nhất ở Marseille, song không phải đó là lý do ông chọn nó. Sở dĩ ông chọn tiệm may này là vì chủ nhân của nó là ông Auguste Lanchon. Lanchon đã ở vào tuổi ngũ tuần, một gã xấu trai, hói đầu chân ngắn lũn cũn, miệng thì lúc nào cũng chóp chép, hau háu. Vợ lão là một phụ nữ nhỏ bé, nghiêng như một chiếc rìu lưỡi mảnh, làm ở phòng may gườm gườm giám sát đám thợ may, Jacquen Page liếc nhìn vợ chồng ông Lanchon và phát hiện ra ngay lời giải đáp cho bài toán của ông đây rồi. Lanchon tỏ vẻ ghê tởm khi ngắm nhìn người lạ ăn mặc xuyềnh xoàng bước vào cửa tiệm của ông. Lanchon thô lỗ cất tiếng hỏi: - Hả? Anh cần gì? Jacques Page nháy mắt, cười nửa miệng, lấy ngón tay mập chỏ vào ngực Lanchon. - Tôi làm việc này là cho ông đấy. Tôi dẫn đứa con gái tôi đến làm việc cho ông đây. Auguste Lanchon nhìn trừng trừng người đàn ông thô lỗ đứng sừng sững trước mặt, vẻ hoài nghi lộ rõ trên nét mặt ông. - Ông sẽ để cho… - Chín giờ sáng mai nó sẽ tới đây. - Tôi không… Jaeques Page đã rút lui. Vài phút sau, Auguste Lanchon hầu như không còn nhớ chút gì sự kiện vừa rồi. Nhưng chín giờ sáng hôm sau, Lanchon vừa ngẩng lên lại thấy Jacques Page bước vào tiệm may. Ông vừa định gọi viên quản lý tống cổ gã đàn ông ra ngoài thì ông thấy Noelle đi sau người này. Họ tiến thẳng lại phía ông, người cha cùng với cô con gái kiều diễm đến kỳ lạ. Người cha cười nhăn nhở: - Nó đây, sẵn sàng đến làm việc cho ông. Auguste Lanchon chằm chằm nhìn cô gái, vừa liếm môi. - Chào ông - Noelle mỉm cười - Bố tôi bảo rằng ông có một công việc cho tôi. Auguste Lanchon gật đầu, không còn tin vào giọng nói của mình nữa. - Phải tôi… nghĩ chúng ta có thể thu xếp một công việc - Ông lắp bắp đáp. Ông ngắm nhìn bộ mặt và thân hình cô gái, ông không tin vào mắt mình. Ông lại còn tưởng tượng ra cái thân hình trẻ trung trần truồng kia sẽ như thế nào dưới cánh tay ông. Jacques Page nói: - Thôi, tôi để cho hai người làm quen với nhau - Ông vỗ mạnh vào vai Lanchon và nháy mắt với vô vàn ý nghĩa khác nhau, nhưng rõ ràng là ông đã đọc được những ý đồ đang nung nấu trong đầu óc Lanchon rồi. Trong vài ba tuần đầu làm việc, Noelle cảm thấy cô đã lạc sang một thế giới khác. Những người phụ nữ tới tiệm may này đều ăn mặc đẹp đẽ và có những cử chỉ yêu kiều, còn những đàn ông đi cùng với họ thì khác xa đám dân chài thô lỗ, huyênh hoang mà cô đã từng lớn lên giữa họ. Noelle có cảm giác như lần đầu tiên trong đời nàng, mùi cá tanh tưởi đã rời xa khỏi hai cánh mũi nàng. Trước đây nàng chưa bao giờ ý thức ra điều này bởi nó luôn luôn là một phần xương thịt của nàng. Nhưng bây giờ bất ngờ mọi thứ thay đổi hết thảy. Đó là nhờ cha nàng cả. Nàng lấy làm hãnh diện vì ông đã có cách làm quen với Lanchon. Hàng tuần cha nàng thường tới tiệm may hai, ba lần, cùng với ông Lanchon chuồn ra ngoài uống bia hay cognac và khi họ trở về, hai người tỏ ra rất thân thiện. Thoạt đầu, Noelle không ưa gì ông Lanchon, nhưng thái độ của ông đối với nàng luôn đúng mực. Qua một cô gái, nàng được biết đã có lần vợ Lanchon bắt gặp ông ở trong kho với một cô người mẫu, bà chộp lấy một chiếc kéo suýt nữa thì thiến luôn ông. Noelle biết rõ mỗi khi nàng đi đâu là đôi mắt Lanchon dõi theo đến đó, song lúc nào ông cũng tỏ ra hết sức tế nhị. "Có lẽ ông ta gờm bố mình". Nàng hài lòng tự nhủ như vậy. Không khí ở nhà nàng đột nhiên trở nên sáng sủa hẳn lên. Cha Noelle không đánh vợ nữa và những cuộc cãi lộn liên miên cũng đã có thịt ăn thường xuyên và sau bữa ăn cha nàng còn lấy ra một chiếc tẩu mới và nhồi vào đó loại thuốc lá thơm ngào ngạt đựng trong một chiếc túi da. Ông còn mua cho mình một bộ com lê mới tinh. Tình hình thế giới ngày một xấu hơn, Noelle thường nghe thấy bố nàng trao đổi với bạn bè ông như vậy. Mọi người ai cũng tỏ ra hốt hoảng trước nguy cơ đang đe doạ đến cuộc sống của họ, chỉ trừ Jacques Page là tỏ ra bất cần. Ngày mùng một tháng chín năm 1939, quân đội Hitler xâm lược Ba Lan, hai ngày sau Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Lệnh tổng động viên bắt đầu ban bố, chẳng mấy chốc phố xá đầy những quân nhân. Khắp nơi phổ biến một tâm trạng, lãnh đạm trước những sự kiện đang diễn ra, nó giống như thái độ déjà vu (thấy rồi - tiếng Pháp) trước một bộ phim cũ rích người ta từng xem trước đây, song cũng chẳng thấy có sự sợ hãi ở đâu cả. Các nước khác có thể có lý do để run sợ trước sức mạnh của những đạo quân Đức, nhưng nước Pháp là một nước vô địch. Người ta có phòng tuyến Magino rồi, đó là một pháo đài bất khả xâm phạm có khả năng bảo vệ cho Pháp chống lại cuộc xâm lược trong vòng một vài năm. Rồi lệnh giới nghiêm ban bố, chế độ khẩu phần bắt đầu được thực thi, song những chuyện này không hề khiến cho Jacques Page phải bận tâm. Tuồng như ông cũng đã chuyển biến sang hướng bình thản hơn. Chỉ có một lần duy nhất Noelle thấy ông điên tiết lên, đó là vào một đêm nàng đang chúi vào trong bếp tối tăm hôn hít một gã con trai mà thỉnh thoảng nàng có hẹn hò. Đèn bỗng vụt sáng, Jacques Page đang đứng ở cửa run lên vì giận dữ. - Xéo ngay - Ông hét vào gã con trai đang hết cả hồn vía Tao cấm mày không được đụng đến con gái tao, đồ lợn bẩn thỉu kia? Gã kia hốt hoảng, chuồn ngay. Noelle cố giải thích để cha nàng hay rằng hai đứa chưa hề làm chuyện gì xằng bậy, song cha nàng đang giận uất người, nhất định không chịu nghe nàng nói. - Tao không muốn mày bán rẻ thân mày như vậy - ông gầm lên - Nó là thằng vô danh tiểu tốt, không xứng với đứa con Công chúa của tao. Đêm đó Noelle nằm thao thức nghĩ về chuyện cha nàng chằm bặp nàng đến nhường nào và nàng thầm nhủ là sẽ không bao giờ làm gì khiến ông phải phiền não một lần nữa. Một buổi tối ngay trước lúc đóng cửa tiệm có một khách hàng bước vào, ông Lanchon gọi Noelle ra mặc làm mẫu một số bộ váy. Noelle làm xong phận sự, mọi người ra về chỉ còn Lanchon và vợ ông ta đang bận rộn kiểm tra lại sổ sách trong văn phòng. Noelle bước vào phòng trang điểm để thay quần áo. Nàng đang vận xu chiêng và quần lót thì Lanchon bước vào phòng. Ông ta chòng chọc nhìn nàng, môi bắt đầu chép chép. Noelle chạy lại chộp vội lấy xống váy, nhưng chưa kịp thì Lanchon đã nhanh như chớp xấn đến gần, giơ tay xoa vào bụng dưới của nàng. Noelle giật thót người, sởn cả gai ốc. Nàng cố tìm cách vùng thoát, song vòng tay của Lanchon rất rắn chắn, lão ghì nàng đau điếng. - Em đẹp lắm - Lão thì thầm - Đẹp lắm. Tôi sẽ tạo cho em một cơ hội thoải mái. Đúng lúc đó vợ Lanchon cất tiếng gọi, lão miễn cưỡng buông Noelle, rồi bước vội ra khỏi phòng. Trên đường về nhà, Noelle phân vân không biết có nên cho cha nàng hay những chuyện xảy ra vừa rồi không. Có lẽ ông giết chết Lanchon cũng nên. Nàng rất căm ghét lão, song nàng lại cần đến công việc này. Hơn nữa nếu như nàng bỏ việc, cha nàng có thể sẽ thất vọng. Nàng quyết định tạm thời nàng sẽ không nói gì cả và sẽ tìm cách tự mình thu xếp chuyện này. Ngày hôm sau thứ sáu bà Lanchon nhận được một cú điện thoại báo tin mẹ bà bị ốm ở Vichy. Lanchon lái xe đưa vợ ra ga xe lửa, sau đó phóng trở lại tiệm may. Lão gọi Noelle lên văn phòng, báo cho nàng biết rằng lão dự định đưa nàng đi nghỉ cuồi tuần. Noelle nhìn lão trừng trừng, thoạt đầu tưởng rằng lão nói giỡn. - Chúng ta sẽ đi Vienne - Lão nói nhỏ nhẹ - Bên đó có nhà hàng La Puramide là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất thế giới. Đắt lắm, song không thành vấn đề gì, tôi sẽ rất hào phóng đối với những ai tử tế với tôi. Bao lâu nữa em sẽ chuẩn bị xong? Nàng nhìn lão trừng trừng và đáp gọn lỏn: - Không. Không đời nào - Sau đó nàng bỏ chạy ra cửa trước. Lanchon nhìn theo trong giây lát, mặt đỏ bừng vì giận dữ, sau đó lão chộp lấy điện thoại đặt trên bàn. Một giờ sau cha của Noelle bước vào tiệm may. Ông bước thẳng đến chỗ Noelle. Nàng thở phào, nét mặt nhẹ nhõm. Ông biết ngay là có chuyện gì không ổn và đến ngay để cứu nàng. Lanchon đang đứng ở cửa văn phòng. Cha nàng nắm lấy cánh tay nàng và đưa vội nàng vào văn phòng của Lanchon. Ông nhìn thẳng vào nàng. - Bố đến, con mừng quá, bố ạ - Noelle nói - Con vừa… - Ông Lanchon có cho ta biết ông ấy đã đề nghị cho mày một cơ hội tuyệt diệu, thế mà mày lại chối từ ông. Nàng nhìn cha lúng túng. - Đề nghị? Ông ấy bảo con đi nghỉ với ông vào cuối tuần. - Mày từ chối chứ gì? Noelle chưa kịp đáp, người cha đã giật tay lại, tát vào má nàng rất mạnh. Nàng đứng sững sờ không tin đó là sự thật, tai nàng ong ong, và qua màn sương mù mỏng nàng nghe thấy ông nói: - Đồ ngu! Đồ ngu! Đồ lợn ích kỷ? Đến lúc này mày phải biết nghĩ tới tất cả những người khác, chứ đâu chỉ bản thân mày?. Rồi ông lại đánh nàng. Ba mươi phút sau, cha nàng đứng ở bên lề đường ngắm nhìn hai người phóng xe đi, Noelle và Lanchon cùng đi Vienne. Căn phòng của khách sạn gồm có một chiếc giường đôi rộng, đồ đạc rẻ tiền, một chậu rửa mặt đứng và một bồn tắm ở góc phòng. Ông Lanchon không thuộc loại người quăng tiền qua cửa sổ. Ông cho gã hầu phòng một món puốcboa rất ít ỏi và khi gã rút lui, Lanchon quay ngay lại phía Noelle và bắt đầu lột hết váy, áo của nàng. Lão xòe đôi bàn tay nóng hổi, ẩm ướt ra chụp lấy đôi vú của nàng mà xoa bóp rất mạnh. - Lạy Chúa, em đẹp tuyệt trần - Lão hổn hển, lão lột váy lót, quần lót rồi đẩy nàng ra giường. Noelle nằm đó không nhúc nhích không phản ứng gì, tuồng như nàng đang chịu đựng một cơn choáng nào đó. Từ lúc lên xe hơi nàng không thốt ra một lời nào nữa. Lanchon tin rằng nàng không hề ốm đau gì. Lão sẽ không bao giờ giải thích điều này với cảnh sát hoặc vợ lão, tất nhiên rồi. Lão vội vàng cởi quần áo ra, ném xuống sàn, sau đó tiến lại giường, bên cạnh Noelle. Thân hình nàng còn tuyệt diệu hơn là lão tưởng. - Cha em bảo với anh rằng em vẫn còn nguyên vẹn - lão cười nhăn nhở - Được, anh sẽ cho em thấy đàn ông là như thế nào - Lão lăn cái bụng mập lên người nà. Noelle chẳng có cảm giác gì. Trong óc nàng chỉ nghe văng vẳng có tiếng cha nàng rên rỉ. Mày phải tỏ ra biết lễ nghĩa khi gặp được một người tử tế như ông Lanchon, quan tâm chăm sóc đến mày; mày có nhiệm vụ duy nhất là phải tỏ ra dễ thương với lão. Mày làm việc đó không phải là vì tao. Mà là chính vì mày đó! Toàn bộ cảnh tượng diễn ra như trong một cơn ác mộng. Nàng tin rằng cha nàng đã có phần nào hiểu nhưng nàng bắt đầu cất tiếng thanh minh thì ông lại đánh nàng túi bụi và ré lên: "Mày phải làm như tao dặn. Những đứa con gái khác đều tỏ ra biết điều khi được cơ hội như mày". Cơ hội của nàng ư? Nàng ngẩng lên nhìn Lanchon, con người có thân hình xấu xí lùn tịt, bộ mặt như một con thú với đôi mắt ti hí, mồm thở hồng hộc. Gã Hoàng tử mà cha nàng bán nàng cho hẳn là thế này đây, người cha mà nàng kính yêu đã từng chằm bặp nàng không muốn cho bất kỳ một gã đàn ông kém giá trị nào được đụng đến nàng. Rồi nàng nhớ đến những miếng thịt đột nhiên xuất hiện trên bàn ăn, những tẩu thuốc mới tinh của người cha, cả bộ com lê mới nữa. Nàng thấy buồn nôn. Đối với Noelle mấy ngày sau đó dường như nàng đã chết đi rồi lại được tái sinh. Nàng công chúa đã chết rồi, và nàng đầu thai trở lại thanh gái giang hồ. Dần dần nàng ý thức được khung cảnh xung quanh nàng và điều gì sẽ xẩy ra với nàng tưởng là không thể có trên đời này. Nàng sẽ không bao giờ tha thứ cho người cha về sự phản bội này. Điều kỳ lạ là nàng không hề thù oán gì Lanchon, bởi vì nàng hiểu lão. Lão là người có một nhược điểm giống như mọi đàn ông. Từ nay trở đi, Noelle quyết tâm biến nhược điểm của lão thành sức mạnh của mình. Nàng sẽ tìm cách lợi dụng nó. Dù sao cha nàng cũng có lý. Nàng là một Công chúa và cả thế giới này sẽ thuộc về nàng. Bây giờ thì nàng biết cách đoạt được nó. Cách đó rất đơn giản. Đàn ông thống trị thế giới bởi họ có sức mạnh, có tiền và quyền lực, vậy thì cần phải thống trị giới đàn ông, hay chút ít cũng là một người. Song muốn làm được như vậy càng cần phải chuẩn bị. Nàng cần phải biết nhiều thứ. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Nàng quay sang chú ý đến chỗ lão Lanchon. Lão không để ý rằng Noelle đang nằm đó, song lão không hề quan tâm. Nhìn thấy nàng là lão sướng rơn lên rồi, cái cảm giác này lão không có được trong nhiều năm trời. Lão đã quen với cái thân hình của mụ vợ tuổi trung niên, người mỏng dẹt cũng như đám gái làng chơi ở Marseille uể oải mệt mỏi, còn cô gái này thì trẻ trung tươi mát, chẳng khác gì một kỳ công tạo hóa rơi vào cuộc đời lão… Song cái kỳ công này cũng mới chỉ bắt đầu đối với Lanchon. Họ sống ở đó ba ngày và không một lần nào đến nhà hàng La Pyramide. Khi họ quay về Marseille, Lanchon trở thành người hạnh phúc nhất nước Pháp. Trước đây lão cũng có những phút chốc vụng trộm với các cô gái bán hàng trong một cabinet particulier(1), đó là một nhà hàng có phòng ăn riêng với một đi văng, cũng có lúc lão đã phải mặc cả với một lũ đĩ điếm, bủn xỉn từng chút quà với các bồ bịch và kiệt xỉ với vợ con lão. Lúc này lão lại hào phóng bảo rằng: - Anh sẽ thu xếp cho em một căn phòng riêng, Noelle ạ. Em biết nấu nướng chứ? - Vâng. - Tốt. Hàng ngày anh sẽ tới đó ăn trưa và chúng ta sẽ làm tình. Mỗi tuần anh sẽ ghé qua chỗ em hai, ba lần để ăn tối - Lão đặt tay lên đầu gối nàng vỗ về - Em thấy thế nào? - Tuyệt lắm - Noelle bảo. - Thậm chí anh sẽ còn trợ cấp cho em nữa. Tuy cũng không nhiều nhặn gì - Lão vội nói thêm - nhưng cũng giúp em thỉnh thoảng đi chơi mua sắm chút đỉnh. Anh chỉ yêu cầu em một điều là em chỉ tiếp đón một mình anh thôi. Bây giờ em là của anh rồi. - Tùy anh, Auguste à - Nàng đáp. Lanchon thở phào khoan khoái, và khi lão nói tiếp, giọng lại dịu dàng: - Trước đây anh chưa bao giờ có được cảm giác như vậy với ai cả. Em có biết tại sao không? - Không. - Bởi vì em đã tạo ra cho anh một cảm giác tươi trẻ. Hai đứa chúng mình sẽ có một cuộc sống tuyệt diệu cùng nhau. Họ về tới Marseille lúc đêm đã khuya, họ ngồi trong xe, im lặng. Lanchon và Noelle mỗi người theo đuổi một dự định của riêng mình. - Sáng mai chín giờ anh sẽ gặp lại em ở tiệm - Lanchon dặn, rồi sau đó nghĩ lại - Nếu em thấy sáng mai vẫn còn mệt thì có thể ngủ thêm chút nữa. Chín giờ rưỡi cũng được. - Cảm ơn anh Auguste. Lão rút lấy một nắm tiền franc giơ ra cho nàng. - Đây chiều mai em hãy đi tìm thuê một căn phòng đi. Đây là tiền đặt cọc để anh có thể đến xem nó ra sao. Nàng chăm chú nhìn nắm giấy bạc trong tay lão. - Sao vậy?- Lanchcon hỏi. - Em muốn chúng ta phải có một chỗ ở thật đẹp - Noelle bảo - Cho xứng đáng với nơi chúng ta sống bên nhau. - Anh không phải là trọc phú - Lão phản đối. Noelle mỉm cười, tỏ vẻ thông cảm, rồi đặt tay lên đùi lão Lanchon ngắm nhìn nàng một hồi lâu, sau đó gật đầu. - Em nói có lý - Lão bảo, rồi lần tay vào ví rút ra những tờ giấy bạc, vừa đếm vừa theo dõi nét mặt nàng. Khi nàng tỏ ra thoả mãn, lão ngừng lại, mặt bừng lên vì cảm thấy mình đã quá hào phóng. Hơn nữa như vậy có sao đâu? Lanchon vốn là một nhà buôn thận trọng, lão biết có như vậy lão mới đảm bảo Noelle sẽ không bao giờ bỏ rơi lão. Noelle nhìn theo khi lão phóng xe ra về một cách sung sướng, sau đó nàng đi lên gác, thu xếp hành trang, lấy hết những món tiền dành dụm được ở chỗ nàng vẫn giấu kín. Mười giờ đêm đó, nàng đã ngồi trên một con tàu chạy lên Paris. Khi đầu tàu tiến vào Paris sáng sớm hôm sau nhà ga đông nghịt những hành khách đang nôn nóng tới đây cũng như những hành khách khác đang háo hức bỏ chạy khỏi thành phố. Ga ồn ào náo nhiệt vì tiếng chúc tụng ầm ĩ hoặc chào tạm biệt nghẹn ngào, họ còn xô đẩy chen lấn rất thô bạo, nhưng Noelle không thèm để ý gì cả. Ngay giây phút đầu tiên nàng bước ra khỏi tàu, dù nàng chưa có được một cơ hội nào ngắm nhìn cái thành phố này, nàng vẫn thấy nàng như đang ở nhà mình. Chính Marseille mới là thành phố xa lạ, chứ Paris lại đúng là thành phố mà nàng đã thuộc về nó từ lâu. Có một cảm giác thật là lạ lùng, choáng váng, khiến cho Noelle thấy say mê, nàng như muốn tận hưởng những tiếng ồn ào, cảnh đông đúc và không khí náo nức. Tất cả những cái đó thuộc về nàng, nàng chỉ có một việc công khai thừa nhận nó mà thôi. Nàng nhấc chiếc va ly lên và đi ra phía cửa. Bên ngoài, đường phố đang nắng chói chang, xe cộ tấp nập chạy như điên. Noelle lưỡng lự, đột nhiên nàng nhận ra rằng nàng không biết đi đâu bây giờ. Một nửa tá xe taxi đang xếp hàng trước nhà ga. Nàng lên chiếc xe đầu tiên. - Cô đi đâu ạ? Nàng lưỡng lự: - Bác có biết một khách sạn nào tốt mà lại rẻ tiền không? Người tài xế xoay người nhìn nàng, xét đoán: - Cô mới lên tỉnh? - Vâng. Y gật đầu: - Cô cần tìm việc ư? - Vâng. - Cô hên rồi - Y nói - Cô đã từng là người mẫu bao giờ chưa? Noelle mừng quýnh: - Thì đúng là việc tôi đã từng làm. - Cô em tôi đang làm cho một tiệm mode quần áo nổi tiếng - Gã tài xế giãi bày tâm sự - Mới sáng nay cô ấy có nhắc đến việc có một cô người mẫu bỏ việc. Cô thử đến xem chỗ đó có còn trống không? - Tuyệt quá - Noelle thốt lên. - Tôi đưa cô đến đó, cô trả cho tôi mười franc nhé. Nàng nheo mày. - Cũng đáng thôi mà - Y hứa hẹn. - Thôi được - Nàng dựa lưng vào ghế. Người lái xe gài số và đưa xe nhập vào dòng xe cộ tấp nập đang lao nhanh vào trung tâm thành phố. Gã tài xế chuyện trò trong lúc xe chạy, song Noelle không để ý đến một lời gã nói. Nàng còn đang say sưa ngắm nhìn quang cảnh thành phố của nàng. Nàng cho rằng có lệnh giới nghiêm nên Paris kém phần lộng lẫy hơn bình thường, song đối với Noelle, Paris vẫn là một thành phố rất diệu kỳ. Nó có phong cách, có nét duyên dáng riêng, thậm chí có cả mùi thơm ngát riêng của nó. Họ đi ngang qua nhà thờ Đức Bà qua Cầu Mới, tới Ngân hàng Hữu Ngạn, đến Đại lộ thống chế Foch. Từ xa, Noelle thấy tháp Eiffel vươn cao trên thành phố. Qua tấm gương chiếu hậu, gã tài xế nhận thấy những biểu hiện trên nét mặt nàng. - Đẹp không? - Đẹp - Noelle đáp khe khẽ. Nàng vẫn không tin rằng nàng đang ở đây. Thật đúng là một vương quốc dành cho cô công chúa, cho nàng. Chiếc xe dừng lại trước một toà nhà bằng đá xám, tối tăm trên phố Provence. - Đến rồi - Người lái xe tuyên bố - Máy đếm chỉ hai franc và mười franc cho tôi. - Làm sao bác biết là còn một chỗ trống? - Noelle hỏi. Người tài xế nhún vai: - Tôi đã kể với cô rằng sáng nay mới có một cô bỏ việc. Nếu cô không muốn vào thì tôi đưa cô trở lại ga vậy. - Không - Noelle nói nhanh. Nàng mở ví rút ra mười hai franc, trao cho gã lái xe. y nhìn món tiền, rồi lại quay nhìn nàng. Nàng lúng túng sờ tay vào ví rồi đưa thêm cho y một franc nữa. Y gật đầu, nghiêm sắc mặt, nhìn nàng nhấc valy ra khỏi taxi. Khi y sắp sửa đánh xe đi, Noelle hỏi với theo: - Cô em bác tên gì? - Jeanette. Noelle đứng trên lề đường nhìn chiếc taxi đã mất hút, sau đó quay lại toà nhà. Đằng trước nhà không thấy có biển báo gì cả, song nàng cho rằng những tiệm may quần áo mode không cần đến biển hàng vì ai cũng biết cả. Nàng nhấc valy lên tiến về phía cửa, nhấn nút chuông. Vài phút sau, một chị hầu gái vận tạp dề đen ra mở cửa. Chị ta nhìn Noelle vẻ lúng túng: - Có chuyện gì ạ? - Xin lỗi - Noelle nói - Tôi được biết ở đây đang cần tìm một người mẫu. Người đàn bà nhìn nàng chòng chọc, rồi chớp mắt. - Ai bảo cô tới? - Ông anh cô Jeanette. - Xin mời vào - Chị ta mở rộng cửa. Noelle bước vào một phòng đón tiếp khách trang trí theo kiểu đầu thế kỷ mười chín. Có một chùm đèn lớn treo rủ từ trần xuống, rải rác quanh phòng, còn có nhiều chùm đèn khác. Qua một cửa ra vào để ngỏ Noelle trông thấy phòng khách với nhiều loại đồ đạc cổ, có một cầu thang dẫn lên lầu. Trên một chiếc bàn trạm trổ đẹp có mấy số báo le Figaro và l Echo de Paris. - Cô đợi đấy! Để tôi đi tìm xem bà Delys có thời giờ để tiếp cô lúc này không. - Cảm ơn bác - Noelle nói. Nàng đặt valy xuống rồi tới một tấm gương lớn treo trên tường. Quần áo của nàng nhầu nát sau chuyến đi tầu vừa rồi đột nhiên nàng lấy làm tiếc về hành động nàng bồng bột đã tới ngay đây mà không chịu tắm rửa sạch sẽ. Việc gây ấn tượng ban đầu là rất quan trọng. Tuy vậy, khi nàng tự ngắm mình, nàng vẫn thấy là nàng đẹp. Nàng cũng ý thức được điều này không một chút tự phụ, nàng thừa nhận nhan sắc nàng là một nguồn tài sản và cũng sẽ được sử dụng như mọi thứ tài sản khác. Noelle quay lại khi nàng trông thấy qua gương một cô gái từ trên lầu đi xuống. Cô gái có một thân hình và khuôn mặt đẹp, vận một chiếc váy dài màu nâu và chiếc áo sơ mi cao cổ. Rõ ràng những cô người mẫu ở đây phải đạt yêu cầu cao. Cô ta thoáng mỉm cười với Noelle, rồi đi vào phòng khách. Một lát sau bà Delys bước vào phòng. Bà ở tuổi tứ tuần, người lùn mập, đôi mắt lạnh lùng đầy vẻ tính toán. Bà vận một chiếc áo mà Noelle ước đoán ít nhất cũng phải giá hai ngàn franc. - Regina báo cho tôi biết cô đang tìm kiếm một công việc - Bà nói. - Vâng, thưa bà - Noelle đáp. - Cô quê ở đâu? - Marseille. Bà Delys phì một tiếng: - Cái xứ rặt một lũ thủy thủ say rượu(3). Noelle sa sầm mặt. Bà Delys vỗ vào vai nàng. - Không hề có gì, cô em ạ. Cô bao nhiêu tuổi? - Mười tám ạ. Delys gật đầu. - Tốt lắm. Tôi nghĩ các khách hàng của tôi sẽ mến cô lắm. Cô có gia đình ở Paris không? - Không. - Hay lắm. Cô có sẵn sàng bắt tay vào việc ngay bây giờ không? - Dạ vâng ạ - Noelle mau mắn đáp lại ngay. Từ trên lầu có tiếng cười vọng xuống, một lát sau một cô gái tóc đỏ xuống dưới nhà, khoác tay một người đàn ông trung niên, mập ú. Cô gái chỉ mặc một chiếc yếm mỏng tang. - Xong chưa? - Bà Delys hỏi. - Tôi đã "quần" cho Angela mê tơi - gã đàn ông nham nhở. Y trông thấy Noelle - Cô bé nào mà xinh thế này? - Đây là Yvette, người mới của chúng tôi đấy. - Bà Delys bảo, sau đó không ngần ngại, bà nói thêm - Cô ấy người vùng Antibes, con gái của một ông hoàng. - Tôi chưa sài loại quận chúa bao giờ cả? - Gã đàn ông thốt lên - Giá bao nhiêu? - Năm mươi fanc. - Mụ nói giỡn. Ba mươi thôi. - Bốn mươi. Tôi đảm bảo là ông sẽ thấy nó đáng. - Thì xong ngay. Họ quay lại Noelle. Nàng đã biến mất. Noelle dạo gót trên các đường phố Paris đã nhiều giờ. Nàng đi dọc Champs - Élyees, xuôi xuống cuối theo một phía, rồi ngược lên phía bên kia, lang thang qua cổng Lido, dừng lại ở một cửa tiệm, ngắm nhìn biết cơ man nào là những đồ nữ trang, áo quần, giầy, dép, đồ da, và son phấn, nàng tự hỏi không biết nếu Paris không thiếu thốn thì sẽ còn như thế nào. Các loại hàng bày trong cửa hàng sáng loáng, và trong lúc nàng cảm thấy mình còn quê mùa, ngớ ngẩn thì mặt khác nàng lại nhận thấy rằng đến một ngày nào đó toàn bộ những thứ này sẽ là của nàng. Nàng đi qua công viên Bois, xuôi theo phố Faubourg - Saint Honoré rồi dọc đại lộ Victor Hugo cho đến lúc nàng cảm thấy ệt và đói lả Nàng đã để lại chiếc ví da và va ly ở nhà Delys, song nàng cũng không có ý quay lại đó nữa. Nàng sẽ tìm cách lấy lại những thứ đó sau này. Noelle không còn cảm thấy choáng váng cũng chẳng hề thất vọng trước những chuyện xảy ra vừa rồi. Chỉ có điều là nàng hiểu ra sự khác nhau giữa loại đĩ quý phái và gái nhà thổ thế nào. Gái nhà thổ không gây tác động gì đến quá khứ lịch sử, nhưng đĩ quý phái thì khác. Lúc này nàng không còn một xu dính túi. Nàng tìm cách để sống cho đến khi tìm được một việc gì đó vào ngày hôm sau. Trời đã bắt đầu sâm sẩm tối, các chủ hiệu và người hầu khách sạn đang bận kéo những tấm màn che bớt ánh sáng đề phòng những cuộc oanh kích của không quân có thể diễn ra. Để giải quyết những nhu cầu trước mắt. Noelle phải tìm một người nào đó mua cho nàng một suất ăn tối nóng sốt. Nàng hỏi đường qua viên cảnh sát sau đó đi vào khách sạn Crillon. Phía ngoài có cửa kéo bằng sắt phủ trên các cửa sổ, còn bên trong khu sảnh là cả một công trình với nhiều nét thanh lịch khiêm tốn, mềm mại, giản dị, Noelle bước vào, đầy tự tin, như thể nàng đã quen với nó. Nàng ngồi xuống chiếc ghế tựa, đặt đối diện với chiếc thang máy. Nàng chưa từng làm việc này bao giờ nên cũng hơi chút hồi hộp. Song nàng nhớ đến việc nàng đã điều khiển Auguste Lanchon dễ biết nhường nào. Thực ra đàn ông chẳng phức tạp chút nào. Chỉ có một điều con gái cần phải ghi nhớ: Khi nào đàn ông cứng rắn thì lúc ấy lại là mềm yếu, và khi nào họ mềm yếu thì họ lại cứng rắn. Vì vậy cần phải duy trì cho họ cứng rắn thì họ sẽ cho nàng những thứ nàng cần. Đảo mắt quanh tiền sảnh một lượt, Noelle nhận thấy cũng không khó khăn gì nếu muốn làm một thằng cha nào đó phải để mắt đến nàng trên đường y đang đi ăn tối một mình. - Xin lỗi tiểu thư. Noelle quay lại, ngước lên, bắt gặp một gã to lớn vận com lê thẫm màu. Trong đời, nàng chưa từng gặp một nhân viên an ninh bao giờ vì vậy rõ ràng là nàng không có ý niệm gì về loại người này. - Tiểu thư đang ngồi chờ ai vậy? - Phải, - Noelle đáp, cố giữ giọng bình tĩnh - Tôi đang ngồi đợi một người bạn. Đột nhiên nàng nhận thấy rõ ràng bộ xống váy của nàng nhàu nát quá, và nàng lại không có chiếc ví xách tay theo. - Bạn của tiểu thư cũng là khách của khách sạn này? Nàng cảm thấy một cảm giác sợ hãi trỗi dậy. - Anh ấy… à… không hẳn như vậy. Người nọ xét đoán Noelle hồi lâu, sau đó hỏi bằng một giọng đanh rắn. - Phiền cô cho xem thẻ căn cước. - Tôi… không còn - Nàng ấp úng - Tôi đánh mất rồi. Người thám tử bảo: - Có lẽ mời cô đi theo tôi - Y đặt một bàn tay rắn chắc lên cánh tay nàng, nàng đứng dậy. Đúng lúc đó có một người nắm bên cánh tay kia của nàng. - Xin lỗi cưng, anh đến trễ, nhưng em cũng biết những bữa tiệc đứng là thế nào rồi đấy. Luôn luôn cản trở kế hoạch của người ta. Em đã đợi lâu chưa? Nàng ngạc nhiên quay nhìn người đang nói. Y có dáng người cao, hơi gầy và trông vẻ khắc khổ, y mặc bộ quân phục lạ, không phải của Pháp. Tóc y đen thẫm với những sợi trùm trước trán, đôi mắt y mầu nước biển sẫm trong ngày bão tố, lông mày dài và dày. Những nét của y gợi người ta nghĩ đến đồ tiền cổ Florentine. Đó là một bộ mặt không đều đặn, nửa hình bên nọ không giống nửa hình bên kia, dường như bàn tay bà mụ đã lảng đi trong giây lát. Tuy nhiên đó là một bộ mặt với những nét linh động khác thường, người ta có cảm giác nó sẵn sàng chuyển từ trạng thái vui vẻ phấn khởi sang ưu tư một cách dễ dàng. Đặc biệt là chiếc cằm đàn ông, rắn rỏi với một một vết hằn chẻ dọc càng làm cho khuôn mặt này khác xa với vẻ mặt xinh đẹp của phái nữ. Anh ta chỉ tay về phía người nhân viên an ninh: - Anh bạn này làm phiền em? - Giọng chàng trầm trầm, chàng nói tiếng Pháp bằng một giọng rất nhẹ. - Khô...ông - Noelle lúng túng đáp. - Xin lỗi ngài - Nhân viên khách sạn nói - tôi nhầm. Gần đây chúng tôi có gặp chuyện rắc rối với… - Anh ta quay sang Noelle - Xin tiểu thư xá lỗi. Chàng lạ mặt quay sang Noelle: - Ồ anh không có ý kiến gì. Còn em thấy thế nào? Noelle nuốt nước bọt rồi gật đầu vội vàng. Anh chàng quay sang người thám tử: - Tiểu thư là người rất độ lượng. Lần sau anh phải thận trọng đấy - Chàng nắm lấy tay Noelle, họ đi ra phía cửa. Khi họ ra đến ngoài phố Noelle bảo: - Em… em không biết nói thế nào để cảm ơn ngài cho đủ. - Tôi lúc nào cũng thấy ghét bọn mật thám - Chàng lạ mặt cười toe toét - Cô có muốn tôi thuê xe taxi cho cô không? Noelle ngó nhìn chàng, sự lo lắng lại trỗi dậy trong lòng khi nàng nhớ ra tình cảnh của mình lúc nãy: - Không cần. - Thôi được. Thế thì chào cô - Chàng đi về phía bãi đỗ taxi và leo lên một chiếc xe, nhưng khi quay lại nhìn, chàng vẫn thấy nàng đứng như chôn chân ở đó nhìn theo chàng. Ở cửa khách sạn người nhân viên an ninh đang theo dõi. Chàng lạ mặt lưỡng lự một lát sau đó quay lại với Noelle: - Cô nên đi khỏi đây đi, ông bạn chúng ta vẫn chú ý đến cô đó - Chàng khuyên. - Em không biết đi đâu bây giờ - Nàng đáp. Chàng gật đầu thò tay vào túi áo. - Em không cần tiền của ông cho - Nàng nói nhanh. Chàng nhìn ngạc nhiên, hỏi: - Thế cô cần gì? - Muốn đi ăn tối với ông. Chàng mỉm cười đáp: - Xin lỗi. Tôi đã có một cuộc hẹn hò, mà lại trễ mất rồi. - Vậy thì ông hãy đi đi. Kệ em, không sao cả. - Nàng đáp. Chàng nhét mấy tờ giấy bạc trở lại túi: - Tuỳ cô em. Au revoir (Tạm biệt). Chàng quay lưng, lại tiến ra phía xe taxi. Noelle nhìn theo, tự nhủ không biết mình đã có hành động gì không phải. Nàng hiểu rằng nàng đã xử sự một cách ngu ngốc, song nàng cũng nhận thấy là nàng không thể làm gì khác hơn được. Ngay từ phút đầu khi nàng trông thấy anh ta, nàng đã có một phản ứng mà nàng chưa bao giờ có được, một tình cảm mạnh mẽ trào dâng như sóng cồn mà nàng đã vươn ra để chạm tới nó. Thậm chí đến cái tên anh ta nàng cũng chưa biết và cũng có thể sẽ không bao giờ gặp lại người đó nữa: Noelle liếc nhìn lại khách sạn, thấy gã nhân viên an ninh đang cố tình tiến lại phía nàng. Đúng là lỗi tại nàng rồi. Lần này thì nàng không thể, lảng tránh được nữa. Nàng cảm thấy có một bàn tay chạm đến vai nàng, nàng quay lại xem là ai thì người đàn ông lạ mặt kia đã khoác tay kéo nàng đi về phía chiếc xe taxi, nhanh nhẹn mở cửa và và trèo lên ngồi cạnh nàng. Chàng đưa cho người tài xế một địa chỉ. Chiếc xe phóng đi, bỏ lại gã trên vỉa hè, chòng chọc nhìn theo. - Ông bảo có cuộc hẹn hò cơ mà? - Nàng hỏi. - À một bữa tiệc thôi - Chàng nhún vại - Thêm hoặc bớt một cuộc cũng chẳng thành vấn đề. Anh là Larry Douglas. Còn em tên gì? - Noelle Page. - Quê ở đâu, Noelle? Nàng quay lại nhìn thẳng vào đôi mắt đen thông minh của chàng. - Ở Antibes. Em là con gái của một hoàng thân. Chàng cười rộ, phô hai hàm răng trắng đều đặn. - Quận chúa ư? Hay thật đấy - Chàng nói. - Anh là người Anh? - Không người Mỹ. Nàng ngó lại bộ quân phục. - Nước Mỹ có tham chiến đâu? - Anh đang phục vụ trong Không lực Hoàng gia Anh - Chàng giải thích - Họ mới thành lập một phi đoàn chiến đấu Mỹ. Gọi là Phi đoàn Phượng hoàng. - Thế tại sao anh lại đi đánh nhau cho nước Anh? - Bởi nước Anh chiến đấu cho chúng tôi - Chàng đáp - Chỉ có điều chúng ta chưa hiểu ra điều đó thôi. Noelle lắc đầu: - Em không tin. Hitler chỉ là một thằng hề Boche. - Có thể. Song hắn là một thằng hề biết rõ tham vọng của người Đức, tức là họ muốn thống trị cả thế giới. Noelle vừa nghe vừa tưởng tượng, trong lúc đó Larry bàn luận về chiến lược quân sự của Hitler, việc Đức đột ngột rút khỏi Hội Quốc Liên, ký liên minh phòng thủ với Nhật Bản và Italia. Nàng chăm chú, không phải vì nội dung của điều chàng đang trình bày mà vì nàng thích ngắm nét mặt lúc chàng đang nói. Đôi mắt đen của chàng ánh lên vẻ nhiệt tình đầy sức sống không gì cản nổi. Noelle chưa từng gặp một ai như chàng. Chàng quả là một nhân vật hiếm hoi trong số những người rất ít ỏi. Chàng cởi mở thân tình, say sưa, sẵn sàng chia sẻ niềm vui sống và mong muốn mọi người xung quanh cũng say sưa với cuộc sống. Chàng như một khối nam châm hút tất cả, những ai đến gần chàng đều phải vào quỹ đạo của chàng. Họ tới dự bữa tiệc chiêu đãi tổ chức tại một căn hộ nhỏ ở phố Con đường Xanh. Trong phòng đang đông người nói cười vui vẻ, đa số là những người trẻ tuổi. Larry giới thiệu Noelle với bà chủ nhà tóc hung đỏ, vẻ hừng hực dục tình, sau đó thì chàng biến vào giữa đám đông. Trong suốt buổi tối hôm đó Noelle chỉ thỉnh thoảng nhìn thoáng thấy chàng giữa đám các cô gái nhiệt tình bu xung quanh, mỗi lần như vậy nàng cố làm cho chàng chú ý tới mình. Tuy nhiên chàng vẫn không có vẻ gì là tự cao tự đại, Noelle nghĩ. Dường như chàng hoàn toàn không hề ý thức được việc chàng đang hấp dẫn mọi người như thế nào. Ai đó đã trao cho Noelle một ly nước và một người khác mang đến cho cô một đĩa thức ăn từ quầy để thức ăn, nhưng đột nhiên nàng không cảm thấy đói nữa. Nàng muốn có chàng người Mỹ bên cạnh, muốn rằng chàng thoát khỏi đám các cô gái đang vây quanh chàng. Có những người đàn ông đã tiến lại gần phía nàng và cố bắt chuyện, nhưng tâm trí của Noelle để tận đâu đâu. Ngay từ giây phút họ bước vào đây, chàng người Mỹ hoàn toàn không đếm xỉa gì đến nàng, chàng đã làm ra vẻ như nàng không hề tồn tại ở đây. Sao thế nhỉ? Noelle băn khoăn. Tại sao chàng lại phải băn khoăn đến mình một khi chàng còn những cô gái khác cần quan tâm đến trong buổi chiêu đãi này? Có hai chàng trai cố bắt chuyện với nàng, song nàng vẫn cứ lơ đãng đâu đâu. Căn phòng trở nên oi nồng không chịu được nữa đưa mắt nhìn quanh để tìm cách tháo lui. Có tiếng nói ở bên tai nàng: "Ta đi thôi" và chỉ mấy phút sau, nàng cùng anh chàng người Mỹ đã ra đến ngoài phố giữa không khí ban đêm mát mẻ. Thành phố tối tăm, lặng lẽ như tờ để đối phó với bọn phi công Đức đang rình rập trên trời. Những chiếc xe hơi chạy êm lẹ trong phố cứ như những con cá lặng lẽ giữa làn nước đen thẫm của biển cả. Họ không tìm thấy một chiếc taxi nào vì vậy họ cuốc bộ, tới ăn tối ở một quán nhỏ trên quảng trường Thắng Lợi, lúc này Noelle mới nhận thấy mình đã đói rã rời. Nàng ngắm nghía kỹ người Mỹ ngồi đối diện với nàng trước bàn và tự hỏi không biết đã có chuyện gì xảy đến với nàng. Nàng có cảm giác như chàng đã chạm tới những sợi dây tình cảm sâu kín nhất trong tâm hồn nàng mà chính nàng cũng không biết là mình có. Nàng chưa có được phút giây nào hạnh phúc như thế này. Họ nói đủ mọi chuyện. Nàng kể về gốc gác của nàng, còn chàng cho nàng hay chàng quê ở Nam Boston và là người gốc Irish. Mẹ chàng sinh ra tại tỉnh Kelly Ireland. - Anh học tiếng Pháp ở đâu mà nói thạo vậy? - Noelle hỏi. - Hồi còn nhỏ, anh thường đi nghỉ hè ở mũi Antibes. Ông già anh là một tài phiệt thị trường chứng khoán cho đến khi bọn đầu gấu quất ông. - Bọn gấu?(4) Thế là Larry phải giải thích cho nàng về những bí mật trong thị trường chứng khoán ở Mỹ. Noelle không hề quan tâm đến những chuyện của chàng song chàng vẫn cứ kể lể hoài. - Hiện nay em ở đâu? - Chẳng ở đâu cả - Nàng thuật lại chuyện gã lái taxi, bà Delys cùng lão già béo ú tưởng nhầm nàng là Quận chúa thật, đặt giá mua nàng bốn mươi quan. Đến đây Larry cười phá lên. - Em có nhớ ngôi nhà đó ở đâu không? - Có chứ. - Vậy ta đi thôi, Công chúa. Khi họ tới ngôi nhà trên đường phố Provece, vẫn chị hầu gái mặc đồng phục trước đây ra mở cửa. Chị ta sáng mắt lên khi trông thấy anh chàng người Mỹ trẻ trung, điển trai, nhưng sau đó lại sa sầm ngay khi trông thấy cô gái đi cùng chàng. - Chúng tôi cần gặp bà Delys, - Larry nói - Chàng cùng với Noelle bước vào gian phòng đón tiếp. Phía đằng sau phòng khách đang có vài ba cô gái túc trực. Người hầu gái đi ra và chỉ vài phút sau bà Delys bước vào: - Chào quý ông - Bà ta chào Larry, đoạn quay sang Noelle - A, tôi hy vọng cô đã đổi ý kiến rồi. - Không phải như vậy - Larry nói rất thoải mái. Hiện bà còn giữ vài thứ tài sản của Công chúa đây. Bà Delys nhìn chàng dò hỏi. - Chiếc valy và cái ví của nàng. Bà Delys lưỡng lự giây lát, sau đó bỏ ra khỏi phòng, vài phút sau chị đầy tớ quay lại mang theo chiếc valy và cái ví của Noelle. - Merci - Larry nói rồi quay sang Noelle. - Ta đi thôi chứ, Công chúa? Tối hôm đó Noelle chuyển đến ở với Larry trong một khách sạn nhỏ nhưng sạch sẽ ở khu phố Lafayette. Khỏi phải bàn luận dài dòng vì điều đó là tất yếu đối với cả hai người. Noelle nằm trong cánh tay của Larry suốt đêm đó, nàng ghì chặt lấy chàng và thấy sung sướng hơn cả những giấc mơ mà nàng có thể có trước đây. Sáng hôm sau họ thức dậy, ân ái một chặp rồi ra ngoài phố xem xét thành phố Paris. Larry là một hướng dẫn viên rất tài, chàng đã khéo giới thiệu để cho Noelle được hưởng thú Paris như một món đồ chơi duyên dáng. Họ ăn trưa ở Tuileries, buổi chiều thì đến Ma Maison và đi dạo quanh hàng giờ ở quảng trường Vosges ở cuối nhà thờ Đức Bà là khu cổ nhất của Paris do Louis XIII xây dựng. Chàng đưa nàng đến những nơi mà không thấy bóng khách du lịch quấy đảo, quảng trường Maubert với phố chợ đầy màu sắc, tới khu bến tàu Mégisserie có những chuồng chim hoặc lồng chim màu sắc rực rỡ. Chàng đưa Noelle qua chợ Marché de Buci, họ lắng nghe tiếng loạt soạt của những người buôn bán đang dọn những sọt cà chua tươi đỏ, những con sò nằm ở đám rong biển, những thỏi pho mát dán nhãn chỉnh chện. Họ đi tới Du Pont, trên Montparnasse. Họ ăn bữa tối trên con tầu Bateau Mouche và kết thúc bằng món cháo hành (soupe d oignon) vào lúc bốn giờ sáng ở Les Halles cùng với những người bán thịt và tài xế xe tải đi làm sớm. Trước khi họ kết thúc cuộc dạo chơi, Larry đã tập hợp được rất nhiều bạn bè, và Noelle nhận ra rằng sở dĩ chàng làm được như vậy là vì chàng có duyên pha trò. Điều đó chẳng khác gì một ân sủng mà Chúa ban cho. Nàng rất biết ơn Larry và càng thấy yêu chàng thêm. Đến lúc họ trở về khách sạn thì trời cũng đã rạng đông. Noelle mệt lử, còn Larry vẫn sung sức như một chiếc máy hoạt động không ngừng. Noelle nằm trên giường nhìn chàng lúc này chàng đang đứng bên cửa sổ, ngắm mặt trời lên trên những mái nhà thành Paris. - Anh yêu Paris lắm - Chàng nói - Nó chẳng khác gì một ngôi đền nguy nga mà con người đã từng cất dựng lên. Đúng là một thành phố của sắc đẹp, của thực phẩm và của tình yêu - Chàng quay lại nhìn nàng và nhoẻn miệng cười - Song không nhất thiết xếp theo thứ tự vừa nói đâu. Noelle ngắm nhìn chàng cởi quần áo rồi vào giường nằm bên nàng. Nàng ghì lấy chàng và say sưa với thứ mùi trên người chàng, thứ mùi đàn ông riêng chàng có. Nàng nhớ lại ông bố nàng và việc ông phản bội nàng. Nàng đã sai lầm khi nhận định đàn ông thông qua ông ta và Auguste Lanchon. Bây giờ nàng biết rằng còn có những người đàn ông khác như Larry Douglas. Chủ nhật là một ngày uể oải, không căng thẳng. Họ ăn sáng ở một tiệm cà phê nhỏ ngoài trời tại Montmartre, sau đó trở về phòng và hầu như suốt ngày hôm đó ở trên giường. Noelle tin rằng không có ai say đắm như chàng. Nàng cũng cảm thấy mãn nguyện khi nằm nghe Larry nói chuyện và ngắm nhìn chàng đi đi lại lại không ngừng quanh phòng. Được ở bên cạnh chàng, Noelle thấy như vậy là đủ lắm rồi. Nàng nghĩ, sao sự đời lại sắp đặt kỳ lạ thế nhỉ. Nàng lớn lên được cha nàng gọi cho cái tên Công chúa, rồi bây giờ, mặc dù sự việc chỉ là đùa rỡn, Larry lại gọi nàng là Công chúa. Vậy khi nàng ở bên Larry, nàng là một nhân vật gì đó. Chàng đã khiến cho nàng lấy lại được niềm tin ở đàn ông. Chàng là thế giới của nàng, Noelle cho rằng nàng sẽ không cần gì nữa, nàng không thể tin được là nàng may mắn đến thế, rằng chàng cũng có một cảm giác tương tự như vậy đối với nàng. - Bao giờ cuộc chiến này kết thúc, anh mới kết hôn - Chàng bảo - Nhưng dẹp cái dự kiến đó đi. Có bao nhiêu kế hoạch vạch ra rồi lại phải thay đổi, đúng không, Công chúa? Nàng gật đầu, niềm hạnh phúc rưng rưng tràn đầy tưởng như sắp vỡ tung. - Nếu như em không thích lễ cưới linh đình thì chúng ta hãy nhờ một đốc lý vùng quê nào đó làm đám cưới cho chúng ta. Noelle tán thành. - Vùng quê mà lại hay đấy. Chàng gật đầu: - Thế là xong nhé. Đêm nay anh phải trở về phi đoàn. Thứ sáu anh sẽ quay lại với em. Được không nào? - Em… em không rõ có chịu đựng nổi bằng ấy thời gian xa cách anh không - Giọng Noelle run run. Larry ôm choàng lấy nàng trong đôi cánh tay, hỏi: - Có yêu anh không? - Yêu hơn chính cả cuộc đời em nữa - Nàng đáp một cách mộc mạc. Hai giờ sau đó Larry lên đường trở lại nước Anh. Chàng không cho nàng được đưa tiễn chàng ra tận phi trường. - Anh không thích tạm biệt - Chàng bảo vậy, đoạn trao cho nàng một nắm giấy bạc - Em hãy đi mua một bộ váy cưới, Công chúa ạ. Tuần sau anh muốn được thấy em trong bộ váy đó - Rồi chàng ra đi. Một tuần sau đó Noelle luôn luôn ở trong tình trạng lâng lâng, nàng đi thăm lại những nơi nàng cùng Larry đã từng sống qua và nàng bỏ ra nhiều giờ nghĩ đến cuộc sống chung của họ mai sau. Ngày giờ dường như kéo dài lê thê, nhưng không chịu chuyển động khiến cho Noelle nghĩ mình cũng đang phát cuồng. Nàng đã đi hàng chục tiệm để tìm kiếm bộ váy cưới cho mình, cuối cùng nàng đã chọn được đúng bộ váy vừa ý nàng ở tiệm của Madeleine Vionet. Đó là một chiếc váy trắng tuyệt đẹp, cao cổ, ống tay áo dài với hàng sáu chiếc khuy trai và ba chiếc quần lót bằng vải bông. Giá chiếc váy cao hơn Noelle dự kiến rất nhiều, song nàng vẫn không do dự gì. Nàng đã tiêu toàn bộ số tiền Larry đưa cho nàng và gần hết cả số tiền nàng dành dụm. Nàng tập trung tất cả cho mình Larry mà thôi. Nàng nghĩ ra đủ mọi cách để làm cho chàng đẹp lòng. Nàng ôn lại trong trí nhớ toàn bộ những chuyện gì, kể cả giai thoại khả dĩ sẽ làm chàng thích thú, vui vẻ. Nàng như một cô học trò chuẩn bị cho kỳ thi. Noelle đã chuẩn bị cho thứ sáu sắp đến trong trạng thái bồn chồn như vậy, và cuối cùng khi ngày đó tới, nàng đã dậy từ lúc tinh mơ, bỏ ra hai giờ để tắm rửa, mặc quần áo, thay đi thay lại nhiều lần cố đoán xem bộ quần áo nào sẽ làm Larry hài lòng nhất. Nàng mặc chiếc váy cưới vào rồi lại cởi vội ra ngay sợ rằng đó sẽ là điềm không may. Nàng đang trong một tâm trạng đầy phấn kích. Lúc mười giờ Noelle đứng trước tấm gương trong phòng ngủ, nàng nhận thấy mình chưa bao giờ lại xinh đẹp như lúc này. Không có gì là ích kỷ trong việc đánh giá này bởi vì nàng chỉ muốn làm cho Larry hài lòng, và nàng vui khi thấy mình mang lại cho chàng món quà như vậy. Tới tận trưa, chàng vẫn chưa xuất hiện, Noelle lấy làm tiếc là chàng đã quên không dặn nàng giờ nào thì chàng đến. Cứ mười phút một lần nàng lại gọi điện thoại xuống phòng giao dịch để hỏi thăm tin tức, và nàng cứ nhấc điện thoại lên luôn để thử lại xem điện thoại có hoạt động không. Đến sáu giờ chiều vẫn bặt tin chàng. Đến nửa đêm cũng không thấy chàng gọi đến, Noelle ngồi thù lù trên chiếc ghế tựa, mắt nhìn chòng chọc vào máy điện thoại và chỉ mong nó kêu chuông. Nàng ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, hôm đó là thứ Bảy. Nàng vẫn ngồi yên trên ghế, người cứng đờ và lạnh. Chiếc váy nàng đã chọn lựa kỹ càng giờ đây nhăn nhúm cả và một chiếc bít tất đã tụt xuống. Noelle thay quần áo và suốt ngày hôm đó ở lại trong phòng ngồi im lặng trước cửa sổ mở rộng, nàng đinh ninh rằng nếu nàng cứ ngồi đó, Larry sẽ xuất hiện, còn nếu nàng dời đi chỗ khác, thì một chuyện gì đó khủng khiếp sẽ xảy đến với nàng. Buổi sáng chủ nhật trôi qua cho đến lúc trưa, nàng bắt đầu nghĩ đến khả năng xảy ra tai nạn gì đó Máy bay của Larry đã bị đâm, chàng đang nằm trên một cánh đồng hoặc trong một bệnh viện, bị thương hoặc đã chết rồi. Tâm trí Noelle đầy những cảnh tượng hãi hùng, nàng thức trắng cả đêm thứ Bảy, vật vã đau khổ, nàng sợ rằng nếu rời căn phòng, nàng sẽ không biết làm cách nào đến được chỗ Larry. Đến trưa Chủ nhật, nàng vẫn không nhận được tin gì của chàng. Noelle không chịu đựng nổi. Nàng phải gọi điện thoại cho chàng. Nhưng bằng cách nào? Chiến tranh đang diễn ra cho nên việc gọi điện thoại đi nước ngoài rất khó khăn, hơn nữa nàng có biết chắc Larry ở đâu đâu? nàng chỉ biết một chi tiết là chàng bay trong một phi đội Mỹ bên cạnh Không lực Hoàng gia Anh. Nàng nhấc ống nói và gọi người phụ trách tổng đài điện thoại. - Không thể được - người phụ trách điện thoại dứt khoát đáp. Noelle giải thích tình cảnh của nàng. Không biết vì cách diễn đạt hay vì giọng nói hoảng hốt tuyệt vọng của nàng mà sau đó hai giờ nàng được đàm thoại với Bộ Quốc Phòng ở London. Họ không cung cấp được tin tức gì cho nàng, song đã chuyển tiếp cho Bộ Không quân ở Whitchall, rồi lại chuyển cho Bộ phận Tác chiến, nhưng nàng chưa kịp hỏi được tin tức gì thì đường giây bị cắt đứt. Phải mất thêm bốn tiếng đồng hồ nữa Noelle mới liên lạc lại được. Đến lúc nàng gần như phát điên lên rồi. Cục tác chiến không quân cũng không cung cấp được thông tin gì cho nàng mà chỉ gợi ý nàng thử hỏi lại Bộ quốc phòng xem sao. - Tôi đã nói chuyện với họ rồi - Noelle gào vào ống nói. Nàng bắt đầu nức nở khóc, giọng người đàn ông Anh ở đầu dây kia nói lúng túng. - Xin cô hãy bình tĩnh. Cô cứ giữ máy một lát nữa. Noelle cầm máy trong tay, nàng cảm thấy tuyệt vọng vì cho rằng Larry đã chết mà nàng không được biết chàng đã chết ở đâu và như thế nào. Nàng đã định gác máy thì có tiếng vui vẻ vang lên bên tai nàng: - Tin tức cô cần biết là về Phi đoàn Phượng Hoàng. Họ là các phi công Mỹ đóng căn cứ tại Yorhire. Việc này hơi bất thường song tôi sẽ liên lạc cho cô với sân bay của họ tại Church Beton. Bạn bè của họ sẽ có khả năng giúp cô đấy - Sau đó đường giây câm lặng. Mãi tới mười một giờ đêm hôm đó Noelle mới nhận lại được một cú điện thoại. Giọng nói đứt quãng từ đầu dây đằng kia: "Căn cứ không quân Church Benton đây", song đường giây tồi quá Noelle không nghe rõ anh ta nói gì. Tưởng chừng như anh ta đang từ dưới đáy biển sâu nói vọng lên. Và rõ ràng anh ta cũng không nghe rõ nàng nói gì "Xin nói to lên". Tới lúc này, Noelle không còn giữ bình tĩnh được nữa để kiềm chế giọng nói của nàng. - Tôi muốn gọi cho… Thậm chí nàng cũng không biết rõ cấp bậc của chàng là gì. Trung uý? đại uý? Hay thiếu tá? - Tôi muốn gọi cho anh Larry Douglas. Tôi là vợ chưa cưới của anh ấy đây. - Tôi không nghe rõ. Cô nói to hơn xem nào. Noelle càng hoảng sợ, nàng gào to hơn vì tin rằng người đàn ông ở đầu dây kia đang cố tình giấu việc Larry đã chết. Trong một khoảnh khắc may mắn lạ kỳ, đường dây được thông suốt, cô nghe rõ giọng nói bên kia như hắn đang ngồi ở phòng bên cạnh nói vọng sang: - Trung uý Larry Douglas à? - Phải - Nàng cố ghìm xúc động. - Cô đợi một lát nhé. Noelle đợi, thời gian dường như kéo dài vô tận, sau đó giọng nói lại vang lên trong máy. - Trung uý Douglas đang đi nghỉ cuối tuần. Nếu có chuyện gì khẩn cấp thì có thể tìm gặp anh ấy chỗ vũ hội tại khách sạn Sovoy ở London, trong tiệc chiêu đãi các tướng Davis tối nay. Sau đó đường dây câm bặt. Sáng hôm sau, khi chị hầu phòng bước vào để làm vệ sinh phòng, chị ta phát hiện ra Noelle nằm trên sàn nhà, gần như bất tỉnh. Người hầu gái nhìn chằm chằm một lát, cố tập trung vào công việc của chị ta rồi rút lui. Tại sao những chuyện như vậy lại thường xẩy ra ở phòng chị ta phụ trách? Chị tiến lại gần và sờ tay lên trán Noelle. Nóng bừng bừng. Chị hầu lầm bầm, lật đật đi xuống phòng sảnh và gọi người khuân vác đi tìm ông quản lý tới. Một giờ sau chiếc xe tải thương đỗ bên ngoài khách sạn và có hai bác sĩ nội trú trẻ tuổi mang cáng được người ta hướng dẫn lên phòng của Noelle. Lúc này Noelle đã bất tỉnh. Anh chàng bác sĩ nội trú trực nhật lật mí mắt của nàng lên, đặt ống nghe lên ngực nàng và lắng nghe tiếng rạn lúc nàng thở. - Viêm phổi - Anh ta bảo người bạn - Ta chở cô ấy đi khỏi đây thôi. Họ nhấc Noelle lên cáng. Năm phút sau, chiếc xe tải thương đã lao nhanh đến bệnh viện. Nàng được đưa nhanh vào lều oxy và phải bốn ngày sau nàng mới hoàn toàn tỉnh hẳn. Từ những ấn tượng xanh lục âm u của sự lãng quên sâu thẳm, nàng miễn cưỡng tỉnh lại, lơ mơ nhận ra rằng có một sự cố kinh khủng đã xẩy ra mà nàng cố lãng quên nó đi. Sự kiện kinh khủng đó nổi dần dần lên trên bề mặt ý thức, nàng cố xua đuổi nó đi, đột nhiên nó hiện lên rõ ràng và trọn vẹn. Đó là Larry Douglas, Noelle bật khóc nức nở cho đến lúc nàng thiếp đi trong giấc ngủ lơ mơ. Nàng cảm thấy một bàn tay nắm nhẹ lấy tay nàng, và nàng biết là Larry đã trở lại với nàng, mọi chuyện đâu vào đấy. Noelle mở mắt ra, nhìn chằm chằm vào một người lạ mặt vận trang phục trắng đang lấy mạch của nàng. - Chúc mừng cô đã hồi tỉnh lại - Anh ta vui vẻ nói. - Tôi đang ở đâu thế này? - Noelle hỏi. - Bệnh viện thành phố Hotel - Dieu. - Hiện nay tôi ra sao? - Đang bình phục. Cô đã bị viêm phổi kép. Tôi là Israel Katz - Anh ta còn trẻ, bộ mặt thông minh rắn rỏi với đôi mắt sâu hoắm. - Ông là bác sĩ của tôi? - Tôi là bác sĩ nội trú - Anh ta nói - Tôi đã đưa cô về đây. Anh mỉm cười - Tôi mừng cô đã tỉnh lại. Chúng tôi không tin sẽ được như thế này. - Tôi nằm đây đã bao lâu rồi? - Bốn ngày. - Ông giúp tôi một việc được không? - Nàng hỏi một cách yếu ớt. - Tôi sẽ cố gắng với khả năng của tôi. - Hãy gọi điện đến khách sạn Lafayette. Hỏi họ xem… - Cô lưỡng lự - Hỏi họ xem có ai nhắn tin gì cho tôi không? - Hiện tôi đang rất bận… Noelle bóp chặt tay anh ta: - Tôi xin anh đấy. Việc này rất quan trọng. Người chồng chưa cưới của tôi sẽ cố tìm cách bắt liên lạc với tôi. Anh ta cười: - Tôi không trách anh ấy đâu. Thôi được. Tôi sẽ quan tâm đến việc này - Anh hứa hẹn - Bây giờ cô ráng ngủ đi một chút. - Bao giờ anh cho tôi hay tin, tôi mới ngủ được - Nàng nói. Anh đi khỏi, Noelle vẫn nằm thao thức chờ đợi. Tất nhiên Larry đang cố tìm cách bắt liên lạc với nàng. Có thể là đã có sự hiểu lầm tai hại. Chàng sẽ giải thích tất cả cho nàng và mọi chuyện lại đâu vào đấy. Hai tiếng sau mới thấy Israel Katz quay lại. Anh ta tiến lại gần giường nàng và đặt chiếc valy xuống bên cạnh giường: - Tôi mang quần áo đến cho cô. Tôi đã tới khách sạn đó rồi - Anh nói. Nàng ngước nhìn lên, vẻ mặt căng thăng. - Đáng tiếc - Anh nói, lúng túng - Không có tin nhắn nào cả. Noelle nhìn anh hồi lâu, sau đó xoay mặt vào tường mặt ráo hoảnh. Hai ngày sau Noelle được xuất viện. Israel Katz đến để tạm biệt nàng. - Cô có chỗ nào để về không? - Anh hỏi - Hoặc có việc gì làm không? Nàng lắc đầu. - Cô làm nghề gì? - Tôi làm người mẫu. - Vậy tôi có thể giúp cô. Nàng nhớ lại gã lái xe taxi và mụ Delys, nàng đáp: - Tôi không cần giúp gì cả. Israel Katz viết lên mẩu giấy một cái tên: - Nếu cô thay đổi ý kiến thì hãy tới đây. Nơi này là một nhà trưng bày mode cỡ nhỏ. Bà cô tôi là chủ tiệm. Tôi sẽ nói chuyện với bà ấy về cô. Cô có tiền không? Nàng không đáp. - Đây - Anh rút mấy đồng tiền trong túi ra đưa cho cô - Đáng tiếc tôi không còn nhiều hơn. Bọn bác sĩ nội trú chúng tôi lương không được cao. - Cảm ơn anh - Noelle đáp. Nàng đang ngồi ở một tiệm cà phê nhỏ ngoài phố nhấm nháp một ly cà phê và suy nghĩ tìm cách làm lại cuộc đời. Nàng cho rằng nàng cần phải sống bởi vì bây giờ nàng có lý do để sống. Nàng chất chứa một lòng căm thù sâu sắc cháy bỏng, nó choán hết không còn chỗ cho bất kỳ thứ tình cảm gì khác. Nàng là một con Phượng hoàng phục thù từ giữa đống tình cảm nguội lạnh trỗi dậy, những tình cảm đó đã bị Larry Douglas vùi dập trong lòng nàng. Nàng không biết đến bao giờ và bằng cách nào nàng sẽ trả được hận, song nàng đinh ninh sẽ đến một ngày nào đó nàng nhất định thực hiện được. Bây giờ nàng cần một công việc và một chỗ trú chân. Noelle mở ví, lấy ra mẩu giấy mà người bác sĩ trẻ đã trao cho nàng. Nàng nghiền ngẫm một hồi rồi quyết định. Chiều hôm đó nàng đã đến gặp bà cô của Isreal Katz và được tiếp nhận làm người mẫu cho một tiệm may nhỏ, loại xoàng ở phố Boursault. Bà cô của Katz là một phụ nữ trung niên, tóc xám, mặt mũi xấu xí, nhưng tấm lòng thì thật tuyệt vời. Bà cư xử với các cô gái như một người mẹ và các cô cũng rất quý mến bà. Tên bà là Madame Rose. Bà tạm ứng lương cho Noelle và tìm giúp cho cô một căn phòng nhỏ gần tiệm may của bà. Việc đầu tiên khi Noelle dỡ hành lý ra là nàng treo bộ váy cưới lên. Nàng để nó ở trước tủ gương và như vậy nó là vật đầu tiên nàng trông thấy lúc sáng dậy và cũng là vật cuối cùng nàng nhìn thấy khi nàng cởi quần áo đi ngủ vào ban đêm. Noelle nhận thấy nàng đã có thai trước khi những biểu hiện thấy được ở bên ngoài, trước khi tiến hành các xét nghiệm và trước cả khi nàng ngừng kinh nguyệt. Nàng có thể cảm thấy một cuộc đời mới đã hình thành trong bụng nàng và vào lúc đêm tối khi nàng nằm trên giường, nhìn trân trân lên trần nhà và nghĩ về nó, đôi mắt nàng ực lên một niềm khoái lạc đến man dại. Vào ngày nghỉ đầu tiên, Noelle đã gọi điện thoại cho Israel Katz và hẹn anh đến ăn trưa. - Em đã có bầu - Nàng bảo với anh ta. - Sao cô biết? Cô đã thử chưa? - Em không cần phải thử. Anh lắc đầu. - Noelle ạ, có rất nhiều phụ nữ tưởng rằng họ sắp mang bầu nhưng không phải. Cô đã vắng kinh mấy kỳ rồi? Nàng không trả lời vào câu hỏi, vội vàng nói: - Em cần anh giúp đỡ. Anh nhìn thẳng vào nàng: - Phá thai? Em đã trao đổi với cha nó chưa? - Anh ta không có ở đây? - Cô biết phá thai là bất hợp pháp chứ? Tôi có thể gặp rắc rối to. Noelle nhìn anh hồi lâu: - Anh lấy bao nhiêu tiền? Mặt anh đanh lại, giận dữ: - Cô tưởng mọi cái đều được trả bằng tiền sao, Noelle? - Tất nhiên - Nàng đáp gọn lỏn - Cái gì cũng có thể đem ra mua và bán được. - Kể cả cô ư? - Vâng, nhưng giá của em rất cao. Anh giúp em chứ? Phút giây ngập ngừng kéo dài rất lâu. - Thôi được. Trước hết tôi phải làm xét nghiệm đã. - Đồng ý thôi. Tuần sau đó Israel Katz đã bố trí cho Noelle đến phòng xét nghiệm của bệnh viện. Hai ngày sau, khi các kết quả xét nghiệm được trả lại, anh đã gọi điện cho cô lúc cô đang làm việc. - Cô nói đúng. Cô đang có thai. - Em biết mà. - Tôi đã bố trí cho cô nạo thai tại bệnh viện. Tôi đã trình bày với họ rằng chồng cô chết vì tai nạn nên cô không thể có mang đứa trẻ này. Thứ bảy tuần tới chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật. - Không được - Nàng bảo. - Thứ bẩy là ngày xui đối với cô sao? - Em chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc nạo thai này, Israel ạ. Em chỉ muốn biết em có thể nhờ đến sự giúp đỡ của anh được không? Bà Rose nhận thấy sự thay đổi ở Noelle, đó không phải là sự thay đổi về thể chất, mà là một sự thay đổi sâu sắc hơn nhiều, dường như cô có một niềm phấn chấn nội tâm gì đó. Noelle đi đi lại lại với nụ cười thường xuyên trên môi, có vẻ như muốn giấu giếm một điều gì rất thú vị. - Cô đã tìm được một anh nhân tình rồi phải không? - Bà Rose hỏi - Đôi mắt cô thể hiện ra điều đó. - Vâng thưa bà. - Hẳn tốt cho cô đấy. Cố mà giữ lấy hắn. - Vâng ạ. Chừng nào cháu còn giữ được. Ba tuần sau Israel Katz gọi điện thoại cho nàng: - Lâu nay tôi không được tin gì về cô. Cô quên chuyện kia rồi sao? - Không - Noelle đáp - Lúc này em cũng nghĩ đến nó. - Cô cảm thấy trong người thế nào? - Rất khoẻ. - Tôi vẫn có ý đợi ngày. Có lẽ chúng ta phải tiến hành ngay thôi. - Em vẫn chưa sẵn sàng - Noelle đáp. Ba tuần sau Israel Katz lại gọi điện đến một lần nữa. - Mời cô đi ăn tối với tôi, được không? - Anh hỏi. - Đồng ý. Họ hẹn gặp nhau tại một quán ăn rẻ tiền trên phố Chat Qui Peche. Noelle định gợi ý một tiệm ăn khá hơn nhưng nàng nhớ ra rằng Israel có nói là bác sĩ nội trú lương không nhiều. Khi nàng tới thì anh đang đợi. Họ nói toàn những chuyện bâng quơ trong suốt bữa ăn, cho đến khi uống cà phê, Israel mới nhắc đến những điều anh đang suy nghĩ trong óc. - Cô có còn ý định phá thai không? - Anh hỏi. - Tất nhiên là còn - Noelle ngước nhìn anh, ngạc nhiên. - Vậy thì phải tiến hành ngay đi thôi. Cô đã có thai hai tháng rồi. Nàng lắc đầu: - Không, chưa đến lúc, Israel ạ. - Cô mang thai lần đầu? - Phải. - Vậy tôi phải khuyên cô một điều, Noelle ạ. Việc phá thai trong ba tháng đầu là việc dễ dàng. Cái bào thai chưa hình thành đầy đủ và cô chỉ cần một phẫu thuật đơn giản, nhưng nếu sau ba tháng… anh ngập ngừng - lúc đó lại thuộc loại phẫu thuật khác và tình hình trở nên nguy hiểm. Tôi muốn cô được phẫu thuật ngay bây giờ. Noelle vươn người ra phía trước: - Đứa nhỏ bây giờ ra sao rồi? - Bây giờ? - Anh nhún vai - Mới chỉ là những tế bào. Tất nhiên là có toàn bộ những phần cơ bản để hình thành nên một con người trọn vẹn. - Thế sau ba tháng? - Bào thai đã phát triển thành hình người. - Nó đã có cảm giác gì chưa? - Nó đã biết phản ứng với những chấn động và tiếng ồn lớn. Nàng ngồi ngây người, trân trân nhìn anh: - Nó đã biết đau đớn chưa? - Có lẽ biết rồi - Đột nhiên anh cảm thấy ớn lạnh khác thường - Song làm cho nó đau cũng tương đối khó đấy. Noelle cúi nhìn xuống, chăm chăm nhìn lên mặt bàn, im lặng suy nghĩ. Israel Katz ngắm nhìn nàng một lát, sau đó rụt rè nói. - Noelle, nếu em muốn giữ đứa bé và ngại rằng đứa trẻ không có cha… thì anh sẵn sàng cưới em làm vợ và đứa trẻ sẽ mang họ của anh. Nàng ngạc nhiên, ngẩng lên: - Em đã nói với anh rồi. Em không muốn có đứa trẻ này. Em muốn phá thai. - Nếu vậy thì, lạy chúa, em hãy làm ngay đi! - Israel kêu lên. Anh vội hạ giọng vì nhận thấy những người khách bên cạnh đang nhìn sang chỗ anh - Nếu em còn nấn ná đợi thêm nữa thì ở nước Pháp này sẽ không có một bác sĩ nào dám làm việc đó đâu. Em hiểu không? Em để lâu quá em có thể chết đấy. - Em hiểu - Noelle nhỏ nhẹ đáp - Nếu em muốn giữ đứa trẻ thì anh bảo em nên ăn uống ra sao? Anh giơ tay vuốt tóc, lúng túng: - Nhiều sữa, trái cây và thịt nạc. Đêm hôm đó trên đường về nhà, Noelle dừng lại một tiệm thực phẩm ở góc phố gần nhà nàng để mua hai lít sữa và một hộp đầy trái cây tươi. Mười ngày sau Noelle lên văn phòng của bà Rose, báo cho bà biết là nàng đang mang bầu và xin nghỉ phép. - Bao lâu? - Bà Rose vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn thân hình Noelle. - Độ sáu, bảy tuần. Bà Rose thở dài: - Cô có tin rằng việc cô sắp làm là cách giải quyết tốt nhất không? - Cháu tin như vậy - Noelle đáp. - Cô có cần tôi giúp gì không? - Không ạ. - Thôi được. Trở lại đây với tôi càng sớm càng tốt. Tôi sẽ bảo thủ quỹ ứng trước lương cho cô. - Cám ơn bà. Trong vòng bốn tuần tiếp sau Noelle không lúc nào rời khỏi phòng, trừ khi đi mua thực phẩm. Nàng cảm thấy không đói và nàng ăn rất ít, nhưng nàng uống rất nhiều sữa cho đứa nhỏ và ăn nhiều trái cây cho cơ thể nàng. Nàng không đơn độc trong căn phòng náy bởi vì nàng còn đứa nhỏ bên mình và nàng thường xuyên trò chuyện với nó. Nàng cảm giác rằng nó là con trai cũng như nàng ý thức được việc nàng có thai. Nàng đặt tên nó là Larry. "Tao muốn mày lớn lên to lớn, khoẻ mạnh. - Nàng nói vậy khi nàng uống sữa - Tao muốn rằng mày mạnh khoẻ, thật mạnh khoẻ, rắn rỏi lúc mày chết". Noelle nằm trên giường, hằng ngày, bầy cách trả thù Larry và thằng con trai của chàng. Con người nằm trong bụng nàng không phải là phần máu thịt của nàng. Nó là của y và nàng dụng tâm sẽ giết nó. Đó là phần d nhất mà y còn để lại trong nàng, nàng sẽ tiêu diệt nó cũng như y đã cố tìm cách tiêu diệt nàng. Israel Katz hiểu về nàng quá ư ít ỏi. Nàng có quan tâm gì đến cái thai nhi đã thành hình hài hay không. Nàng muốn đứa con của Larry phải có cảm giác về những gì sắp xảy đến với nó, phải chịu đau đớn như nàng đã từng chịu. Bộ váy cưới vẫn treo gần giường nàng, luôn luôn ở chỗ dễ thấy nhất, vì nó là chiếc bùa của tội ác, là vật chứng để nhắc nhở sự phản bội của con người đó. Trước hết là con trai của Larry, sau đó đến lượt Larry. Điện thoại kêu liên hồi, song Noelle vẫn nằm im trên giường mơ màng mặc cho điện thoại ngừng kêu thì thôi. Nàng tin rằng Israel Katz đang tìm cách gọi cho nàng. Một buổi tối có tiếng đập cửa ầm ầm. Noelle đang nằm trên giường, làm ngơ không đáp, nhưng cuối cùng tiếng đập cửa vẫn không ngừng, nàng phải miễn cưỡng lê gót ra mở cửa. Israel đứng bên ngoài, vẻ mặt đầy lo âu. - Lạy chúa tôi, mấy ngày liền tôi đã gọi điện thoại cho cô đấy Noelle ạ. Anh nhìn xuống chiếc bụng nàng căng tròn. - Tôi tưởng cô đã làm việc này ở đâu rồi? Nàng lắc đầu: - Không. Anh sẽ làm việc này. Israel nhìn nàng. - Cô không hiểu những điều tôi đã nói với cô sao? Muộn quá rồi? Không ai dám làm việc này nữa đâu. Anh nhìn thấy những chai sữa không và đám trái cây tươi trên bàn, sau đó quay lại nàng: - Cô muốn giữ đứa bé? Thế tại sao cô không thừa nhận điều này? - Israel, theo anh thì bây giờ nó ra sao? - Ai nào? - Đứa trẻ ấy. Nó đã có mắt, có tai chưa? Nó có ngón tay, ngón chân chưa? Nó đã biết đau đớn chưa? - Vì Chúa, tôi xin cô đấy, Noelle. Cô nói cứ như thể… như thể… - Sao? - Không sao cả - Anh lắc đầu, tuyệt vọng - Tôi không hiểu nổi cô. - Không. Anh không hiểu được đâu - Nàng nhếch mép cười. Anh đứng ngây ra một lúc, rồi quyết định: - Thôi được, tôi cũng đành liều giúp cô, nếu quả thực là cô vẫn quyết phá thai, thì chúng ta sẽ phải bàn bạc kỹ. Tôi có một người bạn bác sĩ vẫn mang ơn tôi. Anh ta có thể… - Không. Anh đăm đăm nhìn nàng. - Larry chưa sẵn sàng đâu - Nàng bảo. Ba tuần sau đó, vào lúc bốn giờ sáng Israel Katz choàng tỉnh vì tiếng đập cửa thình thình của một gã gác cổng vẻ cau có: - Có điện thoại gọi, ông Cú Vọ ơi! - Anh ta ré lên - Ông nhớ nhắn cho người ta gọi đến là còn đang giữa đêm khuya, phải để cho những người đáng kính được ngon giấc nhé. Israel lật bật ra khỏi giường, vừa ngái ngủ vừa lần mò ra cuối phòng tới chỗ để điện thoại. Anh phân vân không biết có việc gì xảy ra. Anh nhấc ống nghe lên. - Anh Israel? Anh không nhận ra tiếng ai ở đầu dây đằng kia. - Có chuyện gì vậy? - Bây giờ… - Giọng nói thì thào, hết sinh lực và khó nhận. - Ai đấy? - Bây giờ, Israel, anh tới ngay đi… Giọng nói rất lạ lùng, như từ thế giới nào vọng tới khiến cho anh ớn tận xương sống. - Noelle đấy à? - Bây giờ… - Vì chúa… Anh bật ra… - Tôi không thể làm được. Muộn quá rồi. Cô sẽ chết thôi mà tôi phải chịu trách nhiệm. Cô vào bệnh viện đi… Có tiếng "cách" vang bên tai anh, anh vẫn đứng sững sờ tay cầm ống nói. Sau khi đặt mạnh ống nói xuống, anh quay trở về phòng, đầu óc rối mù. Anh nhận thấy anh không thể giải quyết được gì lúc này, bất kỳ ai khác cũng thế thôi. Cô ta đã có bầu năm tháng rưỡi rồi. Anh đã nhắc đi nhắc lại cho cô biết chuyện này mà cô ta vẫn không chịu nghe. Vậy thì trách nhiệm là ở phía cô ta. Anh không muốn dính vào. Anh vận quần áo hết sức mau lẹ, một nỗi sợ hãi khiến anh giật thót người. Khi Israel Katz bước vào phòng nàng, Noelle đang nằm trên sàn nhà, giữa một vũng máu, nàng đang bị băng huyết. Mặt nàng trắng bệch, nhưng không lộ ra vẻ gì là đau đớn, mặc dù việc đó chắc chắn đang hành hạ nàng. Nàng đang vận một chiếc váy, có lẽ là chiếc váy cưới, Israel quỳ xuống bên nàng. - Chuyện thế nào? - Anh hỏi - Có gì xảy ra - Anh ngừng lại khi mắt anh vừa nhìn thấy một chiếc mắc áo bằng dây thép xoắn đẫm máu ở gần dưới chân nàng. - Trời đất ơi? - Anh bỗng nổi giận bừng bừng và đồng thời lại có một cảm giác tuyệt vọng đến kinh khủng. Máu vẫn tuôn xối xả, không một giây lát nào ngừng. - Tôi gọi xe cấp cứu đây - Anh đứng dậy. Noelle rướn người dậy, nắm lấy tay anh bằng cả một sức mạnh thật lạ lùng, kéo anh ngồi sụp xuống với nàng. - Con của Larry chết rồi - Nàng vừa nói, vừa nở nụ cười tươi trên môi. Một tốp sáu bác sĩ đã làm việc năm giờ liền cố gắng cứu tính mạng của Noelle. Họ chuẩn đoán là nàng bị rách tử cung, nhiễm trùng máu và bị choáng. Tất cả các bác sĩ đều nhất trí rằng khả năng qua khỏi của nàng là rất ít ỏi. - Thế nhưng đến sáu giờ chiều hôm đó Noelle đã qua cơn nguy hiểm, hai ngày sau nàng đã ngồi dậy trên giường và nói chuyện được rồi. Israel tới thăm nàng. - Tất cả các bác sĩ đều cho rằng cô sống được là chuyện thần kỳ đấy, Noelle ạ. Nàng lắc đầu. Chưa đến lúc nàng phải chết. Nàng mới trả thù lần thứ nhất đối với Larry, hơn nữa đây chỉ mới là bước khởi đầu. Sẽ còn nhiều lần khác. Còn nhiều lần nữa. Song trước hết nàng phải tìm ra hắn đã. Cần phải có thời gian. Nhưng nhất định nàng sẽ làm được. Chú thích: (1) Phòng đặc biệt (2) Nguyên văn: Cái xe nôi của thủy thủ say rượu (3) Chơi chữ. Ở đây Larry nói đến "bears" với nghĩa bọn đầu cơ, còn Noelle lại hiểu theo nghĩa "gấu" thông thường Chương 04 Những cơn gió chiến tranh mạnh dần lên, thổi qua khắp lục địa châu u, song đến khi tới đưa id="filepos162481">c bờ biển nước Mỹ thì chúng chỉ còn là những cơn gió nhẹ hiu hiu mà thôi. Ở trường đại học Northewestern lại có thêm vài nam sinh viên gia nhập ROTC(1), có những cuộc mít tinh của sinh viên kiến nghị Tổng thống Roosevelt tuyên chiến với Đức và có một số sinh viên lớp lớn ghi tên vào các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên nói chung không khí vẫn êm lặng như cũ và đợt sóng ngầm sắp lan nhanh khắp đất nước cũng bắt đầu được người ta cảm nhận. Catherine Alexander bước tới chỗ làm thủ quỹ ở quán Roost, nàng thầm hỏi không biết nếu chiến tranh tới thì sẽ mang lại những thay đổi gì trong đời nàng. Nàng hiểu rằng nàng cần phải có một thay đổi và nàng quyết tâm thực hiện càng sớm càng tốt. Nàng háo hức muốn biết cái cảm giác khi một gã đàn ông ôm nàng trong vòng tay và làm tình với nàng ra sao, nàng hiểu rằng nàng muốn biết điều đó một phần là vì những nhu cầu thể xác ở nàng, nhưng còn là vì nàng cảm thấy nàng đang mất đi một kinh nghiệm quan trọng và tuyệt diệu. Lạy Chúa, nếu nàng bị một chiếc xe hơi cán chết, sau đó người ta tiến hành mổ xác nàng và phát hiện ra nàng còn trinh nguyên thì sẽ ra sao nhỉ? Không, nàng phải làm một việc gì đó. Ngay lúc này. Catherine thận trọng đảo mắt quanh quán Roost, song nàng không thấy bộ mặt nàng cần tìm. Khi Ron Peterson bước vào cùng với Jean Anna một giờ sau đó, Catherine cảm thấy người nàng rạo rực, tim nàng đập thình thịch. Nàng quay nhìn chỗ khác khi họ đi qua chỗ nàng. Nàng không nhìn cũng biết là hai người đang đi vào chỗ góc riêng của Ron và đang ngồi xuống. Có nhiều dải băng treo quanh phòng với dòng chữ: "Hãy nếm thứ món thịt bằm viên đặc biệt"… "Hãy nếm món bia mạch nha của chúng tôi"… Catherine hít một hơi thật sâu rồi đi tới ngăn ngồi đó. Ron Peterson đang xem xét tờ thực đơn và đang quyết định. - Anh không biết nên ăn gì? - Hắn nói. - Anh có đói không? - Jean Anna hỏi. - Đói quá đi chứ. - Vậy thì thử ăn món này! Cả hai đều ngạc nhiên ngẩng lên. Catherine đang đứng đó. Nàng trao cho Ron Peterson một tờ giấy gập tư, sau đó quay trở về bàn thủ quỹ. - Ron mở tờ giấy ra, nhìn rồi phá lên cười. Jean Anna nhìn y lạnh lùng. - Chuyện riêng, hay có thể cho người khác biết được? - Chuyện riêng mà - Ron nham nhở, rồi nhét mẩu giấy vào trong túi. Ron và Jean Anna ra về ngay sau đó. Ron không nói gì khi y trả tiền hoá đơn, nhưng y đã nhìn nàng rất lâu, đầy ý nghĩa, rồi mỉm cười và khoác tay Jean Anna ra đi. Catherine nhìn theo họ, cảm thấy mình đã hành động ngu ngốc. Nàng đã không biết tìm ra cách gì để đến được với y một cách thành công. Khi hết ca làm việc, Catherine mặc áo khoác chào tạm biệt cô gái đến làm nhiệm vụ thay cho nàng và đi ra khỏi quán ăn. Đó là một buổi tối mùa thu ấm có đợt gió mát thổi từ phía hồ Michigan tới. Bầu trời đêm như tấm màn nhung tím thẫm với những vì sao mờ xa tít không còn nhận ra được. Thật là một buổi tối tuyệt duyệt để… làm gì nhỉ? Catherine nhẩm thầm trong óc. Mình có thể về nhà gội đầu. Mình có thể tới thư viện, ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Latin ngày mai. Mình có thể rúc vào một bụi cây, làm tình với gã thủy thủ đầu tiên nào đi qua chỗ đó. Mình có thể tự vẫn. Tự vẫn, nàng quyết định như vậy. Khi nàng bắt đầu đi dọc tường về phía thư viện, có một bóng người từ sau một cột đèn bước ra. - Chào Cathy, cô cắm cúi đi đâu vậy? Chính là Ron Peterson, y mỉm cười với nàng, tim Catherine đập thình thịch tưởng như bật khỏi lồng ngực. Nàng cảm nhận thấy điều đó. Nàng cũng biết rõ là Ron đang nhìn nàng chằm chằm. Liệu y có biết được rằng bao nhiêu cô gái có được sự hồi hộp như vậy không? Nàng rất muốn chải lại mớ tóc, trang điểm lại đôi chút, xem lại đường nối của tất, nàng cố giấu không để cho người khác thấy là nàng đang thảng thốt. Nguyên tắc đầu tiên là phải giữ bình tĩnh. - Đâu có -Nàng nói lúng búng. - Cô đang đi đâu vậy? Nàng có nên kể ra những dự định của nàng không? Không nên? Y sẽ tưởng là nàng loạn óc. Đây là cơ hội lớn cho nên nàng không được có hành động ngớ ngẩn để nó tuột qua. Nàng ngẩng lên nhìn y, đôi mắt nàng đầy tình cảm nồng nàn, mời mọc như mắt của Carole Lombard trong chuyện "Chẳng có gì là thiêng liêng cả". - Tôi không có dự định gì đặc biệt - Nàng nói, vẻ dụ dỗ. Ron ngắm nhìn, vẫn chưa xác định rõ tính cách nàng thế nào. Bản năng đã khiến y phải thận trọng. - Cô có thích làm việc gì đó đặc biệt không? - Y hỏi. Lời đề nghị đây rồi. Sự việc cứ thế tiếp diễn thôi. - Anh nói đi, em là của anh mà - Nàng nói xong rúm ró cả người. Nghe ra tầm thường quá. Không ai nói: "Anh nói đi, em là của anh mà", trừ những lời trong các tiểu thuyết xoàng của Fannie Hurst. Anh ta sắp quay gót, bỏ đi với vẻ khinh bỉ. Nhưng y không đi. Thật là lạ, y mỉm cười, nắm lấy tay cô, bảo: - Ta đi nào. Catherine choáng váng bước theo y. Đơn giản có vậy thôi ư? Nàng bắt đầu run bắn người. Nếu y phát hiện ra rằng nàng còn trinh, nàng sẽ coi như là hết. Khi ở trên giường với y, nàng sẽ phải nói những gì? Khi làm chuyện đó người ta có nói chuyện hay đợi đến lúc kết thúc đã? Nàng không muốn tỏ ra thô lỗ, song nàng không biết cần có những nguyên tắc gì. - Cô đã ăn tối chưa? - Ron hỏi. - Ăn tối? - Nàng nhìn y, băn khoăn tự hỏi, nàng có cần ăn tối không? Nếu nàng trả lời nàng ăn rồi, y sẽ kéo nàng lên giường và thế là xong. - Chưa - Nàng đáp nhanh - Em chưa ăn. Tại sao mình lại nói như vậy nhỉ? Mình đã làm hỏng mọi chuyện. Song Ron không tỏ ra thất vọng. - Thế hả? Cô có thích món ăn Tàu không? - Em thích lắm! - Nàng ghét những món ăn đó, song có lẽ các thiên thần cũng sẵn sàng tha thứ cho lời nói dối không quan trọng này trong một đêm hạnh phúc nhất của đời nàng. - Có một tiệm ăn Tàu rất ngon ở phố Estes. Tiệm Lung Fong. Cô có biết không? Không, nhưng cái tên đó nàng sẽ còn nhớ mãi mãi; chừng nào nàng còn sống trên đời. Trong đêm cô thất thân, cô đã làm những gì? A, trước hết tôi đến tiệm ăn Lung Fong, ăn cơm Tàu với Ron Peterson. Ngon không, Ngon chứ. Bạn thừa biết món ăn Tàu ra sao rồi. Một giờ sau tôi lại thấy rạo rực tình ái. Họ đi ra xe của y, chiếc xe mui trần Reo màu nâu đỏ. Ron mở cửa xe cho Cathenrine, và nàng ngồi vào cái chỗ mà tất cả những đứa con gái khác - nàng đã từng ghen tị - đã có lần ngồi vào đó. Ron là một lực sĩ đẹp trai, hấp dẫn và thuộc loại có hạng, đồng thời cũng là một tên háo sắc. Đặt tên cho một bộ phim nghe kêu đấy chứ. Tên háo sắc và cô gái đồng trinh. Đáng ra nàng nàng nên yêu cầu một nhà hàng sang trọng hơn như Henrici ở đường Loop, có lẽ Ron đã cho rằng đây chính là loại con gái mình muốn đưa về giới thiệu với mẹ mình. - Anh xin cược tiền để được biết em nghĩ gì? - Y bảo. Chà tuyệt thật! Cũng được, anh ta không phải là người chuyện trò thông minh nhất trên đời. Nhưng đó không phải là lý do để nàng có mặt ở đây, phải không? Nàng ngẩng lên nhìn y, dịu dàng: - Em đang nghĩ về anh - Nàng díu người vào y. Y cười rúc rích: - Em làm anh phát điên lên được, Cathy ạ. - Em ư? - Anh vẫn tưởng em là người kín đáo, tưởng em là người không biết hám đàn ông. Cái từ mà anh định tìm là "Kẻ đồng dục nữ", Catherine nghĩ thầm, sau đó nàng nói to: - Em phải chọn đúng nơi, đúng chỗ. - Anh mừng là em đã chọn anh. - vậy. Quả đúng như thế. Nàng tin rằng Ron là một người tình chung thủy. Anh ta từng có thời đi học nghề và được mọi cô nữ sinh trong vòng bán kính một trăm năm mươi dặm hâm mộ. Quan hệ trai gái đầu tiên của nàng với một kẻ cũng ngu dốt như nàng thì thật là điều đáng nhục nhã. Với Ron, nàng sẽ trở thành kẻ lọc lõi. Sau đêm nay, nàng sẽ không tự mệnh danh mình là nữ thánh Catherine nữa. Thay vì, nàng sẽ nổi tiếng là "Catherine vĩ đại". Và lần này nàng mới hiểu hết ý nghĩa của chữ "vĩ đại". Tất cả những điều nàng được biết trong những quyển sách nhỏ màu xanh mà nàng vẫn đọc lén giấu cha mẹ nàng, những chuyện đó sắp xảy ra. Cơ thể nàng sắp như chiếc đàn đầy tiếng nhạc tinh tế. - Sao thế? Nàng quay lại nhìn Ron hoảng hốt, sau đó nàng nhận ra nàng vừa kêu to, nàng chối: - Em có nói gì đâu. - Em vừa kêu tiếng gì kỳ lắm. - Thế hả? - Nàng rặn ra một tiếng cười. - Em cứ như ở tận đầu tận đâu. Nàng phân tích và nhận ra tình hình không hay rồi. Nàng phải hành động sao cho giống như Jean Anne. Catherine đặt cánh tay lên cánh tay y và áp chặt vào. - Em ở đây mà - Nàng nói. Nàng cố tạo ra giọng nói trong cổ họng giống như Jean Arthur trong phim "Jean tai hoạ". Ron cúi xuống nhìn nàng, phân vân, song y chỉ nhận thấy trên nét mặt nàng một sự nồng nàn háo hức. Tiệm Lung Fong là một tiệm ăn Trung Hoa hạng xoàng, trông ảm đạm nằm dưới cầu nâng. Trong suốt bữa ăn, họ nghe thấy những tiếng đoàn tàu chạy qua trên đầu, làm cho đĩa chén kêu lách cách. Tiệm ăn này cũng như hàng ngàn tiệm ăn Tàu trên khắp nước Mỹ, song Catherine chăm chú để ý mọi chi tiết của cái ngăn buồng họ đang ngồi, nàng cố ghi nhớ tờ giấy dán tường rẻ tiền, có viết lỗ chỗ, bộ đồ sứ uống chè sứt sẹo và những vết hoen ố nước chấm trên chiếc khăn trải bàn. Một người bồi Trung Hoa nhỏ bé tiến tới bàn để hỏi xem họ có uống gì không. Catherine đã từng nếm Whisky vài ba lần trong đời và nàng rất ghét. Đó là vào những dịp đêm giao thừa, ngày Quốc khánh mùng bốn tháng bảy, và ngày nàng trưởng thành. Đây là một dịp đáng ghi nhớ. - Em sẽ uống một ly theo cổ truyền có một trái anh đào trong đó - Phải, trái anh đào! Như vậy là đã tiết lộ ra rồi. - Scotch với soda - Ron bảo người bồi. Người bồi cúi người chào rồi đi ra. Catherine tự hỏi không biết có phải những người phụ nữ phương đông sinh ra đã vốn có dáng người nghiêng nghiêng rồi không. - Tại sao trước đây chúng ta không kết bạn với nhau nhỉ? - Ron hỏi - Ai cũng bảo cô là người thông minh nhất trong cái trường đại học khốn kiếp này. Anh thừa hiểu mọi người hay phóng đại. Mà cô cũng xinh ra phết. - Cảm ơn - Nàng cố uốn giọng mình giống giọng Catherine Hepburn trong phim "Alice Adams" và nhìn thẳng vào mắt y với đầy ý nghĩa. Nàng không còn là Catherine Alexander nữa. Nàng sắp sửa như "West, Marlene Dietrich và Cleopatra". Dưới người đàn ông, họ cùng một bầy cả! Người bồi mang đồ uống vào và nàng làm một hơi. Ron nhìn nàng, ngạc nhiên. - Chầm chậm vào - y nhắc nhở - Rượu này khá mạnh đấy. - Em biết cách uống mà - Catherine nói đầy tự tin. - Một chầu nữa - y bảo với người hầu. Ron vươn người sang phía bên kia bàn, vuốt ve tay nàng. - Kể cũng buồn cười. Mấy đứaở trường đều nhận định lầm về em. - Lầm đấy. Đã có ai ở trường đi với em đâu mà biết. Y nhìn nàng. Hãy thận trọng, đừng tỏ ra quá thông minh. Bọn đàn ông thích ngủ với loại con gái vú mông phải thật to còn đầu óc thì cực kỳ nhỏ. - Em đã dành cho anh… một thứ… bấy lâu nay - Nàng nói nhanh. - Thế mà cô vẫn giữ bí mật - Ron rút tờ giấy cô đã viết, vuốt ngay ngắn lại. "Thử món thủ quỹ đi", y đọc to rồi cười ha hả. "Đến bây giờ thì anh thấy còn thích hơn món chuối tách". Y lấy tay vuốt ve cánh tay nàng khiến cho nàng thấy buồn buồn đến tận cột sống, đúng như trong các sách viết. Có lẽ sau đêm nay nàng sẽ viết một cuốn sách hướng dẫn quan hệ tình dục cho tất cả những cô gái đồng trinh ngu dốt, đáng thương không biết giá trị của nó đối với cuộc sống. Sau một chầu uống thứ hai Catherine cảm thấy họ thật đáng thương. - Thật là đáng tiếc. - Đáng tiếc cái gì? Nàng lại nói to, vẻ bạo dạn: - Em thấy thương cho tất cả những cô gái đồng trinh trên đời này. Ron nhìn Catherine, cả cười: "Anh uống chúc mừng họ đây" Y nhấc cốc rượu lên, nàng nhìn Ron ngồi đối diện và tỏ rõ niềm vui được đi cùng với y. Nàng chẳng còn gì phải lo lắng. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Y hỏi xem nàng có uống thêm chầu nữa không, nhưng Catherine từ chối. Nàng không có ý muốn quá chén lúc nàng bị mất trinh. Thất trinh! Có phải người ta vẫn dùng những từ ngữ như vậy không? Dù sao nàng vẫn muốn nhớ kỹ từng phút giây, từng cảm giác. Lạy Chúa. Nàng chẳng có biện pháp phòng ngừa gì cả. Còn y thì sao? Chắc chắn một gã dày dạn kinh nghiệm như Ron Peterson sẽ phải có cách phòng ngừa gì đó để nàng khỏi mang thai. Nếu y lại cho rằng Catherine Alexander là một đứa con gái lọc lõi đã chuẩn bị biện pháp ngừa thai, thì sẽ ra sao đây? Liệu nàng có nên hỏi y trước không? Nàng tưởng chừng mình chết đứng ngay tại chiếc bàn ăn này rồi. Người ta khiêng xác nàng đi mai táng theo kiểu người Trung Hoa. Ron gọi một bữa ăn sáu món giá một đô-la bảy mươi xu. Catherine làm bộ có vẽ ăn uống ngon miệng song thực ra cứ như ăn giấy. Nàng bắt đầu cảm thấy căng thẳng không còn biết mùi vị gì nữa. Lưỡi nàng bỗng thấy khô, vòng miệng nàng có cảm giác tê dại lạ thường. Giả thử nàng bị trúng phong thì sao? Nếu như nàng làm tình đúng lúc bị trúng phong nàng sẽ chết cũng nên. Có lẽ nàng phải báo Ron biết trước điều này. Y sẽ bị mang tiếng nếu như người ta phát hiện ra cô gái chết ngay trên giường của y. Hoặc có thể việc đó lại càng khuyến khích cũng nên. - Sao vậy? - Ron hỏi - Cô làm sao mà tái nhợt đi vậy? - Em thấy thú quá - Catherine đáp, mạnh dạn em thấy phấn chấn khi ở bên anh. Ron nhìn nàng, hài lòng, cặp mắt nâu của y dõi theo mọi chi tiết trên bộ mặt của nàng rồi hạ dần xuống bộ ngực nàng và dừng ở đó. - Anh cũng có cảm giác như vậy - Y đáp. Người hầu đã thu dọn những chiếc đĩa ăn. Ron trả tiền. Y nhìn nàng, song Catherine vẫn không nhúc nhích. - Em còn muốn gì nữa? - Ron hỏi. Em ư? À có chứ! Em muốn ngồi trên một con tàu trôi từ từ sang Trung Quốc, em muốn ngồi trong chiếc vạc dầu của bọn ăn thịt người đang đun sôi để chuẩn bị bữa tối. Em muốn có mẹ em bên cạnh! Ron ngắm nhìn nàng. Catherine hít một hơi sâ - Em… em không nghĩ gì cả. - Tốt - Y thốt ra tiếng đó dài thượt, tuồng như đặt lên chiếc bàn giữa hai người một cái giường ngay lúc này - Ta đi thôi! Y đứng dậy và Catherine cũng đứng lên theo. Cái cảm giác lâng lâng của những ly rượu đã hoàn toàn biến mất, chân nàng bắt đầu run rẩy. Họ ở ngoài trời đêm, trong bầu không khí ấm áp, Catherine chợt thấy luyến tiếc. Anh ta sẽ không ăn nằm với mình đêm nay. Đàn ông không bao giờ làm chuyện đó ngay trong buổi đầu hẹn hò. Anh sẽ còn mời mình đi ăn tiệm lần nữa, lần này sẽ đến nhà hàng Henrici, hai đứa sẽ hiểu nhau thêm. Thật sự biết nhau hơn. Có lẽ sẽ còn yêu nhau - yêu thật cuồng nhiệt - sau đó anh sẽ đưa mình đến gặp bố mẹ anh và mọi chuyện sẽ đâu vào đó… Mình thấy như vậy là rất hợp lẽ. - Em có thích motel không? - Ron hỏi. Catherine nhìn y, không đáp. Thế là những mơ mộng về cái buổi tối ca nhạc êm đềm, ở nhà bố mẹ anh đã tan rồi. Gã đểu cáng này định đưa nàng lên giường ở một motel đây mà! Nhưng đó cũng chính là điều nàng mong muốn, có phải không? Y chẳng phải chính là người nàng đã viết mẩu giấy cuồng si đó sao? Ron đặt cánh tay lên vai Catherine, rồi vuốt xuống cánh tay nàng. Nàng cảm thấy một cảm giác rạo rực. Nàng nuốt nước bọt, bảo: - Anh mà thấy cảnh một motel thì cũng có nghĩa là anh đã biết mọi motel khác. Ron nhìn nàng lạ lùng. Y chỉ đáp: - Ừ! Thì ta đến đó đi. Họ leo lên chiếc xe của y và đi về phía tây. Cơ thể Catherine cứng đờ như một khối băng, trong lúc đó đầu óc của nàng làm việc như điên. Lần cuối cùng nàng nghỉ lại ở một motel là khi nàng lên tám tuổi, đi chơi bằng ô tô trên khắp đất nước cùng với bố mẹ nàng. Còn bây giờ thì nàng sắp đi ngủ cùng với một người hoàn toàn xa lạ. Nàng đã biết những gì về y nào? Chỉ biết y điển trai, nổi tiếng và biết cách đánh gục những cô ả nào mà y gặp. Ron nhoài người, nắm lấy tay nàng, hỏi: - Sao tay em lạnh thế? - Tay lạnh, nhưng chân nóng. Lạy Chúa. Mình lại tới đó nàng nhủ thầm. Không biết vì sao lời bài hát, "Chà, cuộc đời thật là một bí mật dễ chịu, bỗng hiện ra trong óc nàng. Thế đấy, nàng giải quyết mọi cảm giác ra sao. Những quyển sách, những loại quảng cáo, gợi tình và những lời bài hát tình tứ xa xôi bóng gió "Hãy đưa em vào cái nôi của tình yêu. Làm lại đi"… Nàng nghĩ. Được rồi. Catherine sắp làm bây giờ đây. Ron quẹo về phía nam tới phố Clark. Hai bên dãy phố ở phía mặt là những con mắt đỏ khổng lồ nhấp nháy, những đèn nê ông làm hiệu sáng đến hết đêm, quảng cáo cho những nhà trọ rẻ tiền, tạm bợ cho những cặp yêu đương trẻ trung, đang nóng vội "Motel nghỉ thoải mái", "Motel trọ qua đêm", "Mời vào trọ" (Rõ ràng là đầy tính chất Freud rồi?) "Nơi nghỉ của lữ khách". Chữ nghĩa cho thấy một sự nghèo nàn về sức tưởng tượng đến mức đáng ngạc nhiên, song mặt khác lại chứng tỏ một điều rằng chủ nhân của những nơi này có lẽ quá bận tâm đến việc lôi kéo các cặp tình nhân trẻ vào và ra khỏi giường nên không cần quan tâm gì đến chữ nghĩa làm gì. - Có lẽ cái nhà trọ này coi bộ khá hơn cả - Ron nói, chỉ vào một cái biển đằng trước. "Quán Thiên Đường - chỗ khuyết trống". Thật đúng là một cách nói tượng trưng. Thiường còn một chỗ khuyết trống và nàng, Catherine Alexander sắp vào lấp kín chỗ đó. Ron lái xe vào trong, bên cạnh là một căn phòng nhỏ sơn trắng với tấm biển "xin bấm chuông" và bước vào. Trong sân có chừng hai chục cái nhà gỗ có đánh số. - Em thấy thế nào? - Ron hỏi. Thật giống như địa ngục của Dante. Giống như pháp trường Coleseum ở La Mã khi những người Thiên Chúa giáo sắp bị ném cho sư tử ăn thịt. Giống như đền thờ Delphi một khi cô gái đồng trinh được đưa vào hiến cho các giáo sĩ. Catherien lại có cảm giác kích thích ở bên háng. - Kinh khủng - nàng bảo - Thật là kinh khủng. Ron mỉm cười, thông cảm: - Anh sẽ quay lại bây giờ - Y đặt tay lên đầu gối nàng, rồi lần lên bắp vế, hôn nàng rất nhanh sau đó ra khỏi xe và đi về phía văn phòng. Nàng ngồi lại, ngó nhìn theo y, cố gắng không nghĩ ngợi gì cả. Nàng nghe có tiếng còi rền rĩ ở xa xa. Ôi, lạy chúa - Nàng hoảng hốt nghĩ. - "Lại bắt bớ! Người ta thường hay bắt bớ ở những nơi như thế này! Cánh cửa văn phòng người quản lý mở, Ron bước ra. Y mang theo một chìa khoá và rõ ràng không hề nghe tiếng còi tiến lại mỗi lúc một gần. Y bước tới phía Catherine đang ngồi, mở cửa xe. - Xong rồi - Y nói. Tiếng còi rền rĩ như tiến lại gần họ. Phải chăng cảnh sát sẽ đến bắt họ chỉ vì lý do họ có mặt ở trong sân này? - Đi thôi - Ron bảo. - Anh không nghe thấy à? - Nghe thấy gì? Tiếng còi xe chạy qua chỗ họ rồi nhỏ dần về phía cuối phố, tắt hẳn ở phía xa. Mẹ kiếp? - Những con chim ấy mà! - Nàng nói yếu ớt. Nét mặt Ron tỏ ra sốt ruột. - À, không, không… Catherine vội cắt ngang - Em ra đây - Nàng bước ra khỏi xe. Họ tiến đến một căn nhà. - Hy vọng anh sẽ cho em một con số hên - Nàng vui vẻ bảo. - Em nói chi? Catherine nhìn y, đột nhiên không đáp được nữa. Miệng nàng gần như khô cứng. - Không có gì cả - Nàng lẩm bẩm. Họ đến cửa sổ và thấy số nhà là mười ba. Thật đáng đời cho nàng. Đó là dấu hiệu từ thiên đường báo xuống rằng nàng sẽ phải mang thai, rằng Chúa đã quyết định trừng phạt nữ thánh Catherine. Ron mở khoá, và để cửa ngỏ cho nàng bước vào. Y bật đèn và Catherine bước vào bên trong. Nàng không thể tin được rằng căn phòng dường như chỉ có một chiếc giường khổng lồ. Một thứ đồ đạc duy nhất khác là một chiếc ghế trống không chẳng thoải mái chút nào đặt ở góc phòng, một chiếc bàn gương nhỏ với một tấm gương ở phía bên trên và cạnh giường, một chiếc radio đặt thụt trong tường, mà muốn nghe thì bỏ những đồng hai mươi lăm xu vào một cái khe. Ai vào đây cũng không thể nhầm được buồng này dùng làm gì. Đây chính là chỗ trai gái đưa nhau vào ăn nằm. Không thể coi đây là một loại lều cho du khách trượt tuyết, hoặc một cái phòng cho trò chơi chiến tranh hoặc một phòng tân hôn ở khách sạn Ambassador được. Không, đây chẳng qua chỉ là một tổ ấm tình yêu rẻ mạt. Catherine quay nhìn lại thấy Ron đang chẹn then cửa. Phải. Nếu như đội cảnh sát chống tệ nạn muốn vào bắt thì trước hết họ phải phá cửa đã. Nàng hình dung ra cảnh nàng bị hai cảnh sát lôi đi trong trạng thái khoả thân, một gã phóng viên ảnh chụp vội ảnh nàng để đưa lên trang nhất tờ Chicago Daily News. Ron tiến lại gần, ôm choàng lấy Catherine tay: - Em hồi hộp? - Y hỏi. Nàng nhìn y và cố cất lên một tiếng cười lớn khiến cho đến Margaret Sullavan cũng phải tự hào: - Hồi hộp? Đừng có ngớ ngẩn, Ron. Y vẫn ngắm nhìn nàng, chưa tin. - Em đã từng làm thế này rồi, Cathy? - Em không có thói quen ghi chép lại. - Suốt tối nay anh có một cảm giác rất lạ về em. Thế là xong. Anh ta sắp tống cổ nàng về và bỏ mặc mình thui thủi trong mưa lạnh. Song nàng không thể để cho việc đó xảy ra. Tối nay chưa được. - Cảm giác ra sao? - Anh không rõ - Giọng Ron bối rối - Chỉ một phút em là loại đầy ham muốn, thế nhưng chỉ qua một phút em lại trở thành lãnh đạm như băng giá, đầu óc để tận đâu đâu. Như thể trong em có hai con người. Con người nào là đích thực Catherine Alexander vậy. Lãnh đạm như băng giá, nàng lập tức tự nhủ bản thân như vậy. Song nàng nói to lên rằng: "Em sẽ cho anh rõ". Nàng choàng cánh tay ôm y, hôn lên môi y, nàng cảm thấy còn có mùi thức ăn trên cặp môi đó. Y hôn nàng và xiết chặt nàng. Y lấy tay vuốt ve ngực nàng… Đây rồi. Nàng nghĩ. Sắp xảy ra rồi! Sắp xảy ra rồi! Nàng ghì chặt lấy y, sự rạo rực ngày một tăng lên đến không thể chịu được. - Cởi quần áo ra - Ron nói khàn khàn, y lùi lại và bắt đầu cởi áo khoác. - Đừng! - Nàng nói, - để em cởi lấy. - Giọng nàng lại tỏ ra tự tin. Nếu đây là một đêm đáng nhớ lại tất cả những gì nàng đã từng đọc hoặc từng nghe. Ron sẽ không bao giờ trở về tường thuật lại cho bọn con gái nghe chuyện y đã làm tình với một con bé đồng trinh câm lặng như thế nào. Catherine có thể không có được bộ ngực phổng phao như Jean Anne, song đầu óc của nàng sẽ tỏ ra hữu ích hơn đến hàng chục lần và nàng quyết đem ra vận dụng để cho Ron thấy được khoái lạc khiến y không thể chịu được. Nàng cởi áo cho y, rồi đặt chiếc áo lên giường, sau đó cởi đến cà vạt… - Nào. Anh muốn được thấy em cởi xống áo. Catherine nhìn y, nuốt nước bọt, từ từ lần tìm phécmơtuya sau đó cởi váy dài ra. Trên người nàng chỉ còn nịt vú, quần lót, giầy và bít tất. - Tiếp tục đi. Nàng ngập ngừng giây lát, sau đó bước ra khỏi chiếc xilip Đội Lion: 2, Chiristian: 0, nàng nghĩ. - Chà tuyệt! Tiếp tục đi. Catherine từ từ ngồi xuống giường và cẩn thận cởi tất và giày, cố gắng làm thật khiêu khích. Đột nhiên nàng cảm thấy Ron đã ở đằng sau nàng, đang cởi nịt vú cho nàng. Nàng thả nó rơi xuống giường. Y nhấc Catherine đứng dậy và bắt đầu lột quần lót của nàng xuống. Nàng hít một hơi dài và nhắm mắt lại, nàng lấy làm tiếc là không được ở một nơi khác với một người đàn ông khác, một người yêu nàng và nàng cũng yêu hắn, một người sẽ là cha của những đứa trẻ và sẽ mang họ của anh ta, một người sẵn sàng xả thân vì nàng và vì những người mà nàng tôn kính. Nàng sẵn sàng hiến thân cho người đó ở trên giường, chăm lo bếp núc thật ngon lành và là một bà chủ thật đáng yêu trong phòng khách… Một người sẵn sàng giết chết những đồ chó đẻ như Ron Peterson về tội dám đưa nàng đến cái căn phòng nhầy nhụa ô uế như thế này. Ron chằm chằm nhìn nàng, nét mặt lộ vẻ thán phục. - Chà Cathy, em đẹp quá! Đẹp quá! Y cúi xuống hôn lên ngực nàng. Nàng bất giác thoáng thấy hình mình trong chiếc gương n phấn. Thật cứ như một cái trò hề, nhớp nhúa bẩn thỉu. Trong con người nàng, tất cả mọi thứ, trừ vết đau rát bỏng ở háng ra, đều như muốn răn đe nàng rằng cái trò này thật ngán ngẩm, xấu xa, sai trái, song cũng không còn cách nào chặn đứng nó lại. Ron đang tháo cà vạt cởi áo sơ mi, mặt y đỏ bừng. Y đã cởi thắt lưng để lộ ra chiếc quần đùi của y, sau đó y ngồi trên giường bắt đầu tháo giầy và bít tất. - Anh nói thật đấy, Catherine ạ - Giọng y căng thẳng vì xúc động - Em là đứa đẹp nhất mà anh thấy từ trước đến nay. Những lời nói càng khiến Catherine thêm hoảng sợ. Ron đứng dậy, miệng cười toe toét, y thả rơi chiếc quần cộc… Khi Catherine học năm thứ hai, không khí trong trường có thay đổi. Lần đầu tiên người ta ngày một quan tâm đến những gì đang diễn ra ở châu u và cảm thấy nước Mỹ sắp sửa dính dáng vào cuộc chiến. Giấc mơ của Hitler về nền thống trị kéo dài hằng ngàn năm của nền đế chế thứ Ba đang trên bước đường trở thành hiện thực. Bọn Quốc xã đã chiếm Đan Mạch và tiến vào Na Uy. Trong sáu tháng qua đề tài trao đổi trong các trường đại học trên khắp đất nước chuyển từ chuyện trai gái và trang phục và những cuộc đi chơi sang chuyện đội sĩ quan dự bị, chuyện quan dịch. Ngày một nhiều bọn nam sinh viên xuất hiện trong những bộ quân phục của bộ binh và hải quân. Một hôm Suise Roberts, cô bạn học cùng lớp, quê ở Senn, chặn Catherine ngoài hành lang: - Tớ muốn chia tay với cậu. Cathy ạ. Tớ sắp đi đây. - Cậu đi đâu? - Tới vùng Klondike(2). - Đi Klondike? - Đặc khu Washington ấy mà. Tất cả bọn con gái đang đào vàng ở đó. Nghe đồn ở đó một đứa con gái phải có ít nhất một trăm thằng con trai. Tớ thích chỗ đông đúc đó! - Cô ả nhìn Catherine. - Tại sao cậu cứ bám lấy chỗ này làm gì? Trường là cái của nợ. Còn cả một thế giới to lớn đang đợi ta ngoài kia kìa. - Mình chưa thể đi được - Catherine bảo. Nàng không biết rõ lý do tại sao bởi vì thật ra nàng cũng không có mối quan hệ ràng buộc nào ở Chicago cả. Nàng vẫn trao đổi thư từ thường xuyên với cha nàng ở Omaha và mỗi tháng một đôi lần nói chuyện qua điện thoại, nàng có cảm giác như ông đang ngồi tù. Bây giờ Catherine hoàn toàn một thân một mình. Càng nghĩ đến Washington, nàng càng cảm thấy hào hứng. Tối hôm đó nàng gọi điện thoại cho bố và báo cho ông biết nàng muốn bỏ học để đi làm ở Washington. Bố nàng hỏi xem nàng có muốn chuyển tới Omaha không, song Catherine cảm thấy giọng nói ông đầy vẻ miễn cưỡng. Chính ông cũng không muốn nàng bị kẹt như ông đã bị kẹt. Sáng hôm sau Catherine lên chỗ bà trưởng khoa báo cho bà biết nàng xin thôi học. Catherine đánh điện cho Suise Roberts và hôm sau nàng đã trên tầu đi Washington, đặc khu Columbia. Chú thích: (1) Đơn vị sĩ quan dự bị (2) Khu vực mỏ vàng của Mỹ Chương 05 Ngày thứ Bảy, 14 tháng Sáu năm 1940, đạo quân thứ năm của Đức tiến vào thành Paris đang bàng hoàng. Phòng tuyến Maginot trở thành thảm hại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh và nước Pháp đứng trơ trọi trước một trong những bộ máy quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Cái ngày hôm đó bắt đầu với một không khí xám xịt lạ lùng bao trùm lên khắp thành phố, một đám mây kỳ quặc đầy đe doạ. Trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tiếng súng gián cách đã phá vỡ không khí im lặng thất thường đầy kinh hoàng của Paris. Tiếng gầm của đại bác còn ở ngoài thành phố, song tiếng vang đã làm xao xuyến tận trái tim Paris. Đã có nhiều tin đồn dồn dập như sóng triều trên đài phát thanh, trên các báo chí và truyền miệng. Quân đội của Boche đang chiếm đóng bờ biển nước Pháp… London đã bị hủy diệt… Hitler đã đạt được một thoả ước với chính phủ Anh… Người Đức sẽ làm cỏ Paris bằng một trái bom mới ghê rợn. Thoạt đầu mỗi tin đồn được coi như một đoạn Phúc âm, tạo ra một nỗi kinh hoàng riêng, nhưng những sự khủng hoảng thường xuyên tạo ra một hiệu quả tê liệt, như thể đầu óc và cơ thể người ta không còn có khả năng tiếp nhận được thêm sự hoảng sợ nào nữa, mà co rút lại trong một lớp bảo vệ không còn cảm giác gì… Đến lúc này cỗ máy tin đồn đã hoàn toàn ngừng trệ, báo chí đình bản, các đài phát thanh ngừng loan tin. Bản năng của con người đã thay thế cho những cỗ máy đó, và người Paris cảm thấy đây là ngày phán quyết rồi. Đám mây xám xịt kia chính là một điềm báo trước. Và giờ đây đám giặc châu chấu Đức đã kéo đến bu đầy. Đột nhiên Paris trở thành một thành phố đầy những bộ quân phục lạ và những người ngoại quốc, nói một thứ tiếng nghe kỳ cục, đầy giọng cổ họng, ngồi trên những chiếc xe Mercedes mui trần có treo cờ Quốc xã, phóng nhanh trên các đại lộ rộng rãi đầy bóng cây hai bên hoặc họ xô đẩy nhau trên những vỉa hè mà nay đã thuộc về họ. Họ quả là những uber Mensch(1), số phận đã giao cho họ nhiệm vụ đi chinh phục và thống trị thế giới. Trong vòng hai tuần lễ một sự thay đổi lạ lùng đã diễn ra tại đây. Khắp nơi thấy xuất hiện những tấm biển báo bằng tiếng Đức. Tượng của các anh được treo la liệt khắp các dinh thự nhà nước. Những cố gắng của người Đức muốn tiêu diệt mọi cái gì thuộc người Gaulois đã đi đến chỗ quá tải tới mức nực cười. Cái dấu chỉ vòi nước nóng lạnh được trường Broglie ở Strasbourg trở thành Adolf Hitler Platz. Những bức tượng Lafayettes, Ney và Kleber bị các đội quân Quốc xã đặt mìn phá hủy. Hàng chữ trên những tượng đài tưởng niệm đã khuất được thay bằng GEFALLEN FUR DEUTSCHLAND(2) Đội quân Đức chiếm đóng bắt đầu ăn chơi xả láng. Dù thức ăn của Pháp có qua phong phú và được phủ quá nhiều nước xốt, nó vẫn là một cách thay đổi khẩu vị dễ chịu so với những xuất ăn thời chiến. Binh lính không biết và cũng không thèm đếm xỉa đến một sự thật là Paris là thành phố của Baudelaire, Dumas và Molière. Đối với họ, Paris là một con điếm nồng nàn, lòe loẹt, son phấn quá nhiều, váy cuốn lên tận bẹn. Bọn họ có thể hiếp con mụ này, mỗi đứa theo một kiểu. Bọn lính xung kích lôi các cô gái trẻ Pháp vào giường ăn nằm với chúng có khi bằng cả mũi lê, trong khi đó bọn cấp trên của họ như Goering và Himler thì hiếp viện bảo tàng Louvre và những bất động sản tư nhân mà họ đã tịch thu được bằng cách gian tham, từ tay các kẻ thù mới được dựng nên của Đế chế Reich. Nếu như trong thời gian ở Pháp diễn ra cuộc khủng hoảng có những kẻ hủ hoá, cơ hội trỗi dậy thì đồng thời cũng có những người anh hùng. Một trong những vũ khí bí mật của phong trào hoạt động ngầm, chính là đội cứu hoả Pompier mà ở Pháp nó được đặt dưới sự chỉ đạo của quân đội Quân Đức đã tịch thu hàng chục dinh thự để dùng cho quân đội, cho mật thám Gestapo và các bộ phận khác nữa. Tất nhiên vị trí của những toà nhà này thì ai cũng biết. Tại một trụ sở của phong trào kháng chiến bí mật ở Saint Remmy các lãnh tụ kháng chiến đang gập người trên những tấm bản đồ ghi rõ chi tiết vị trí của từng dinh thự. Sau đó người ta phân công cho các chuyên gia nghiên cứu các mục tiêu, rồi ngày hôm sau một chiếc ô tô phóng với tốc độ cao hoặc một anh chàng có về ngây ngô cưỡi xe đạp qua một dinh thự nào đó, liệng một trái bom tự tạo qua cửa sổ. Cho đến thời điểm đó, những thiệt hại gây ra không đáng kể. Tinh chất ngây thơ của kế hoạch này được thể hiện rõ nhất trong sự kiện sau đây: Người Đức thường gọi đội Lính cứu hoả đến dập tắt các đám cháy. Ngày nay ở tất cả mọi nước người ta đều biết rằng một khi có vụ hoả hoạn nào, đội cứu hoả được toàn quyền hành động. Tình hình lúc đó ở Paris cũng vậy. Đội Pompier lao tới toà nhà đó, và trong lúc bọn Đức đứng hiền lành ở bên ngoài, giương mắt nhìn thì đội lính cứu hoả phá hủy mọi thứ trong tầm nhìn bằng vòi bơm cao áp, bằng rìu và khi có cơ hội, họ còn dùng cả bom cháy nữa. Với biện pháp này, tổ chức hoạt động bí mật đã tìm cách phá hủy nhiều hồ sơ vô giá được bảo quản kỹ trong các pháo đài của Wchracht và Gestapo. Phải gần sáu tháng sau Bộ chỉ huy tối cao Đức mới dò được thực chất của những chuyện đã xảy ra, nhưng tới lúc đó những thiệt hại gây ra không thể sửa chữa được. Gestapo không có bằng chứng gì, song mọi thành viên của đội Lính cứu hoả đã bị động viên và gửi hết sang mặt trận phía đông đánh nhau với Nga. Thiếu thốn đủ mọi thứ, từ thức ăn tới bánh xà phòng. Không xăng dầu, thịt cá, không bơ sữa. Quân Đức tịch thu hết thảy. Các tiệm bán đồ xa xỉ vẫn còn mở cửa, song khách hàng ra vào đây chỉ là bọn lính tráng thanh toán bằng những tờ giấy bạc mark ở vùng chiếm đóng, những tờ giấy bạc này cũng giống như những tờ mark khác, song thiếu một dải trắng ở bên gờ và dưới lời hứa thanh toán không thấy có chữ ký nào cả. - Ai sẽ thanh toán những tờ giấy này? - Các chủ tiệm người Pháp cằn nhằn. Bọn lính Đức nhăn nhở: - Đã có Ngân hàng Anh quốc. Song không phải tất cả những người Pháp đều chịu thiệt thòi. Đối với những người có tiền và quan hệ buôn bán, lúc nào cũng tồn tại loại chợ đen. Sự chiếm đóng ảnh hưởng rất ít đến cuộc đời Noelle Page. Nàng đang làm người mẫu cho tiệm Chanel ở phố Canbon trong một toà nhà làm bằng đá xám đã được một thế kỷ rưỡi, toà nhà này bề ngoài trông rất bình thường, song trang trí nội thất bên trong rất lịch sự. Cuộc chiến này cũng như mọi cuộc chiến khác, đã tạo nên loại triệu phú phất lên nhanh chóng và vẫn không thiếu các khách hàng. Những lời đề nghị chuyển tới cho Noelle nhiều hơn bất kỳ lúc nào, duy chỉ khác ở một điểm là đa số những thư từ này viết bằng tiếng Đức. Những lúc nàng nghàm việc, nàng thường ngồi hàng giờ ở các quán cà phê ngoài trời ở Champs - Élysées hoặc bên tả ngạn gần Cầu Mới. Có hàng trăm đàn ông Đức bận quân phục, nhiều người đẹp trai đi cặp kè với bọn con gái trẻ Pháp. Đám đàn ông dân thường người Pháp thì hoặc là già khọm hoặc là tật nguyền, Noelle cho rằng bọn trai tráng khoẻ mạnh đã gửi đi các trại tập trung hoặc bị ép đi quân dịch hết rồi. Chỉ liếc mắt là nàng có thể nhận ra ngay bọn đàn ông Đức dù họ không mặc quân phục. Sự kiêu căng lộ rõ ra trên nét mặt họ, dáng điệu mà bọn người đi chinh phục đã có từ thời Aìexander và Hadrian. Noelle không ghét họ, mà cũng chẳng ưa gì họ. Họ chưa đụng đến nàng. Nàng còn đang bận rộn với đời sống nội tâm, nàng đang chuẩn bị tỉ mỉ từng động tác một. Nàng biết chính xác cái đích mà nàng sẽ đạt tới, và nàng không biết có gì chặn được nàng lại. Một khi nàng có đủ tiền, nàng sẽ thuê một thám tử tư, người này đã tiến hành vụ ly hôn cho một cô bạn cùng làm người mẫu một nơi với nàng. Người thám tử này tên là Christian Barbet, ông ta có một căn phòng nhỏ tồi tàn ở phố St. Lazare, bên ngoài có treo tấm biến. "Dịch vụ điều tra Chuyện riêng tư và thương mại Tìm kiếm tin tức Chứng cứ Theo dõi" Tấm biển dường như còn lớn hơn cả căn phòng. Barbet là người lùn tè, hói trán, hàm răng vàng khè khấp khểnh, cặp mắt ti hí, ngón tay ám khói thuốc đen kịt. - Cô cần gì vậy? - Ông ta hỏi Noelle. - Tôi cần biết tin tức về một người hiện ở Anh. Ông nháy mắt, nghi ngờ: - Cô cần loại tin gì? - Về mọi thứ tin tức. Anh ta có vợ chưa, đã gặp ai. - Nghĩa là mọi thứ chuyện. Tôi cần lập một cuốn sổ theo dõi anh ta. Barbet lấy tay thận trọng gãi tai, nhìn nàng chằm chằm. - Anh ta là người Anh? Không, người Mỹ. Anh ta là phi công trong phi đoàn Phượng Hoàng thuộc Không lực Hoàng gia Anh. Barbet xoa đỉnh đầu, vẻ băn khoăn. - Không được. Chúng ta đang ở trong thời chiến. Nếu người ta bắt được tôi tìm cách lấy tin tức từ nước Anh về một phi công thì… Ông ta kéo dài giọng và nhún vai đầy ý nghĩa. - Người Đức sẽ bắn tôi trước, sau đó mới thẩm vấn. - Tôi không cần đến những tin tức quân sự - Noelle nói cho ông ta yên tâm. Nàng mở ví, rút ra một tập giấy bạc franc. Barbet hau háu nhìn tập bạc. - Tôi có những người thân ở Anh - Ông thận trọng bảo - song làm việc này cũng rất tốn kém. Và thế là công việc bắt đầu. Ba tháng sau ông thám tử lùn tè kia điện thoại cho Noelle. Nàng lại tới văn phòng và câu đầu tiên nàng hỏi là: "Y còn sống không?" và khi Barbet gật đầu, nàng co rúm người lại vì đau khổ, Barbet nhủ thầm "Được", một người yêu như vậy hẳn phải tuyệt vời lắm. - Anh bạn của cô đã được điều động đi nơi khác rồi - Barbet báo cho cô biết. - Đi đâu? Ông cúi xuống một tập giấy để trên bàn: - Y thuộc phi đoàn 609 Không quân Hoàng gia. Đã chuyển sang phi đoàn 121 đóng ở sân bay Martlesham Đông, tỉnh East Anglia. Y đang bay loại máy bay Cơn bã…ão. - Tôi không cần đến chi tiết đó. - Nhưng cô đã trả tiền - Ông nói - Cô sẽ thấy là tiền của cô cũng đáng giá - Ông ta lại cúi xuống nhìn tập giấy - Hiện nay y đang bay loại máy bay Cơn bão. Trước đây bay loại Trâu Mỹ. Ông lật qua trang rồi nói thêm: - Đây là những chuyện hơi riêng tư. - Ông nói tiếp đi! - Noelle giục. Barbet nhún vai: - Có một danh sách tên những cô gái mà y vẫn thường ăn nằm. Không biết cô có cần quan tâm… - Tôi đã nói là mọi chuyện cơ mà. Giọng nàng có vẻ là lạ khiến cho ông ta nản. Chuyện này có điều gì đó rất khác thường, không chân thực. Christian Barbet là loại thám tử hạng ba cũng chỉ giao dịch với loại khách hàng hạng ba mà thôi, song cũng chính vì thế mà ông phát triển một bản năng hoang dã khi tìm kiếm sự thật và rất thích đánh hơi ra những sự kiện. Cô gái xinh đẹp đang đứng trong văn phòng của ông khiến ông thấy lúng túng. Lúc đầu Barbet cho rằng cô ta định lôi cuốn ông tham gia vào một điệp vụ. Sau đó ông cho rằng nàng là một người vợ bị ruồng rẫy đang muốn tìm bằng cớ chống lại chồng nàng. Ông thừa nhận là ông đã lầm khi nhận định như vậy và đến bây giờ thì ông hoàn toàn mất phương hướng không biết cô khách hàng của ông cần gì và tại sao lại như vậy. Ông trao cho Noelle danh sách các cô bạn gái của Larry Douglas và quan sát vẻ mặt nàng khi nàng cầm nó để đọc. Có lẽ nàng cầm bảng thống kê quần áo giặt cũng như vậy thôi. Nàng đọc xong, ngẩng lên nhìn. Christian Barbet hoàn toàn bất ngờ rằng khi nghe nàng nói tiếp. - Tôi rất hài lòng. Ông ta hấp háy mắt, nhìn nàng. - Khi nào ông có tin gì mới, ông hãy gọi ngay cho tôi. Noelle Page ra về đã lâu rồi, Barbet còn ngồi lại trong văn phòng, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, băn khoăn không hiểu người khách hàng kia thực sự muốn theo đuổi việc gì. * * * * * Các nhà hát Paris bắt đầu lại nở rộ. Người Đức đi nhà hát là để kỷ niệm những chiến thắng của họ, để khoe với thiên hạ những chiến thắng của nó và để trưng với thiên hạ bọn phụ nữ Pháp xinh đẹp họ khoác tay đưa theo như những chiến lợi phẩm. Còn người Pháp đến nhà hát là để quên đi trong vài giờ cái thân phận của một dân tộc bất hạnh bị thất bại. Hồi ở Marseille, Noelle cũng có đến nhà hát vài ba lần, song nàng chỉ được xem những vở kịch nghiệp dư nhẹ nhàng do những tài tử hạng tư biểu diễn trước quần chúng khán giả thờ ơ mà thôi. Còn nhà hát ở Paris lại là chuyện khác. Nó sống động, lung linh, chứa đầy trí tuệ và duyên dáng của Molière, Racine và Colette. Nghệ sĩ vô song Sacha Guiltry đã khai trương nhà hát của ông, Noelle đã tới xem ông biểu diễn. Nàng đến xem vở "Cái chết của Danton" của Bunchner được dựng lại và một vở kịch có tiêu đề Asmodée của tác giả trẻ đầy triển vọng tên là François Mauriac. Nàng đến rạp Hí kịch Pháp để xem vở Mỗi người có một sự thật riêng của Pirandello và vở Cyrano de Begerac của Rostand. Noelle lúc nào cũng đi một mình, và nàng hoàn toàn đắm mình vào những tình tiết diễn viên trên sân khấu mà quên hết rằng có biết bao nhiêu con mắt nhìn nàng chằm chằm đầy thán phục. Đằng sau dãy đèn sân khấu hình như có một điều gì kỳ lạ đang gây cho nàng một phản ứng. Nàng đang đóng một vai giống như những diễn viên trên sân khấu, nàng đang cố trở thành một nhân vật chứ không còn là bản thân nàng nữa đằng sau một tấm mặt nạ. Đặc biệt vở kịch Huis Clos của Jean Paul Sartre đã gây cho nàng ấn tượng sâu sắc. Vở này do Philippe Sorel đóng vai chính, ông là một những thần tượng của Châu u. Sorel là một người xấu trai, lùn tịt gân guốc với một chiếc mũi gẫy và một bộ mặt của võ sĩ quyền Anh. Thế nhưng cứ mỗi khi ông cất tiếng nói thì một ma thuật lại diễn ra. Ông như đẹp ra và nhạy cảm. Cứ như tà chuyện cổ tích ông Hoàng và con Nhái vậy, Noelle nghĩ thầm mỗi khi xem ông biểu diễn. Chỉ có điều ông là cả hai hình tượng cùng một lúc. Nàng đã ngắm nhìn ông nhiều lần, nàng ngồi ở ngay hàng ghế đầu nghiên cứu cách diễn xuất của ông, cố học cho được bí quyết của cái ma lưc hấp dẫn ở ông. Một buổi tối, vào giờ giải lao, người dẫn chỗ trao cho Noelle một mảnh giấy viết rằng: "Tôi đã thấy cô trong số khán giả qua nhiều đêm diễn. Tối nay mời cô ra phía sau hậu trường cho tôi được gặp P.S". Noelle đọc đi đọc lại mẩu giấy, lấy làm thú vị, không phải vì nàng khinh miệt Philippe Sorel mà bởi vì nàng biết đây sẽ là khởi đầu của cái mà nàng đang tìm kiếm. Sau buổi diễn, nàng ra sau hậu trường. Một ông già đứng ở cửa sân khấu đưa nàng tới phòng hóa trang của Sorel. Ông ta đang ngồi trước tấm gương và đang chùi đi mớ son phấn trên gương mạt của ông, trên người chỉ còn mặc quần cộc. Ông ngắm Noelle trong gương cuối cùng mới lên tiếng: - Thật khó tin được rằng khi đến gần, cô lại còn xinh đẹp hơn. - Cảm ơn ngày Sorel. - Cô từ đâu tới? - Marseille. Sorel xoay người để nhìn nàng cho gần hơn. Đôi mắt ông dán chặt vào đôi chân nàng sau đó từ từ di chuyển ngược lên tới đỉnh đầu nàng. Noelle cứ đứng yên, không động đậy mặc cho ông chăm chú quan sát. - Cô lên đây tìm việc ư? - Ông hỏi. - Không. - Tôi chưa bao giờ trả tiền cả. Cái duy nhất cô có thể nhận được ở tôi là giấy vào xem những vở diễn của tôi không mất tiền. Còn nếu cô muốn có tiền thì hãy ngủ với chủ ngân hàng. Noelle đứng lặng yên nhìn ông ta. Cuối cùng Sorel bảo: - Thế cô đang kiếm tìm gì? - Tôi đang tìm đến ông đây. Họ ăn tối cùng nhau, sau đó quay trở về căn hộ của Sorel ở phố Maurice-Barbet xinh đẹp, nhìn ra góc phố nơi bắt đầu khu rừng Boulogne. Philippe Sorel là một người tình lão luyện, hết sức tử tế và không vị kỷ. Sorel không đòi hỏi gì ở Noelle ngoài sắc đẹp của nàng và ông rất ngạc nhiên khi nhận thấy nàng thành thạo chuyện chăn gối. - Lạy Chúa - Ông nói - Cô tài nghệ ghê. Học đâu ra những trò đó vậy? Noelle suy nghĩ một lát. Đây không phải là trò học ở đâu mà là do cảm giác tạo nên. Đối với nàng, cơ thể đàn ông là một công cụ cho nàng đùa cợt khám phá những chiều sâu bên trong, phát hiện ra những sợi dây phản ứng và dùng chính cơ thể nàng để giúp cho nàng tạo ra sự hài hoà tinh tế. - Bẩm sinh em đã như vậy - Nàng đáp. Ngón tay nàng bắt đầu lướt nhẹ quanh đôi môi ông, nhẹ và nhanh như con bướm chạm vào, sau đó chuyển dần xuống ngực và bụng ông… - Ôi, lạy Chúa! - Ông nói. Suốt đêm hôm đó họ làm tình và đến sáng thì Sorel mời Noelle dọn về ở với ông. Noelle sống với Philippe Sorel được sáu tháng. Nàng chẳng thấy hạnh phúc mà cũng không bất hạnh. Nàng biết được rằng sự có mặt của nàng ở đó đã khiến Sorel cực kỳ hạnh phúc, thế nhưng điều đó lại chẳng mảy may có ý nghĩa gì đối với Noelle. Nàng tự coi mình như một học quyết tâm mỗi ngày phải học được một điều gì mới mẻ. Ông như cái trường học cho nàng theo học, ông là một bộ phận nhỏ trong kế hoạch lớn của nàng. Đối với Noelle, trong quan hệ của họ không có chút gì thuộc của nàng. Nàng đã hai lần mắc sai lầm như thế, và nàng sẽ không bao giờ tái diễn lại một lần nữa. Trong suy nghĩ của Noelle chỉ có chỗ cho một người và người đó là Lary Douglas. Noelle thường đi ngang qua quảng trường Victoire hoặc qua một công viên hoặc một nhà hàng mà Larry đã từng đưa nàng tới đó. Nàng cảm thấy sự uất hận trào lên khiến nàng ngộp thở, nhưng xen lẫn giữa tình cảm uất hận đó còn một thứ tình cảm gì khác nữa mà nàng không thể gọi tên ra được. Hai tháng sau khi chuyển đến ở với Sorel, Noelle nhận được một cú điện thoại của Christian Barbet. - Tôi có một bản tường trình nữa cho cô đây - Ông thám tử nhỏ bé nói. - Y vẫn khỏe đấy chứ? - Noelle vội hỏi. Lại một lần nữa Barbet có cảm giác băn khoăn. - Phải - Ông đáp. Giọng Noelle tỏ ra luyến tiếc: - Tôi sẽ tới ngay bây giờ. Bản tường trình chia ra làm hai phần. Phần một đề cập đến cuộc đời binh nghiệp của Larry Douglas. Anh đã hạ được hơn năm chiến đấu cơ Đức và trở thành một trong những phi công Mỹ lỗi lạc đầu tiên trong chiến tranh. Anh đã được vinh thăng lên cấp đại uý. Phần thứ hai của bản tường trình khiến nàng quan tâm hơn nhiều. Anh đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong các sinh hoạt thời chiến ở London và đã đính hôn với con gái một đô đốc Anh. Sau đó là danh sách các cô gái mà Larry vẫn thường đi lại trong đó có từ những cô gái trình bày mode đến phu nhân của một vị thứ trưởng quốc phòng. - Cô có muốn tôi tiếp tục theo dõi không? - Barbet hỏi. - Tất nhiên - Noelle đáp. Nàng lấy từ trong ví ra một chiếc phong bì rồi trao cho Barbet - Khi nào ông có tin gì mới, ông nhớ gọi điện thoại cho tôi ngay. Rồi nàng ra về. Barbet thở phào, ngước lên nhìn trần nhà. - Folee - Ông lẩm bẩm, đầy suy tư - Folee(3). * * * * * Giá như Philippe Sorel có một chút nghi ngờ về những điều Noelle đang suy nghĩ trong óc thì ắt ông sẽ vô cùng kinh ngạc. Gần như Noelle hoàn toàn hiến dâng cho ông. Nàng làm mọi thứ cho ông, từ nấu nướng những bữa ăn ngon tuyệt, đi mua sắm đến việc kiểm tra công việc vệ sinh căn hộ của ông cho tới việc làm tình mỗi khi thấy ông hứng khởi. Và nàng chẳng đòi hỏi chút gì, Sorel lấy làm mừng thầm vì đã tìm được một cô bồ nhí hoàn hảo. Ông đưa nàng đi đây đi đó để gặp gỡ tất cả bạn bè ông. Họ bị mê mẩn trước sắc đẹp của nàng và đều cho rằng Sorel là người hết sức may mắn. Một buổi tối trong lúc hai người đang ngồi ăn sau buổi diễn, Noelle bảo với ông rằng: - Em muốn trở thành tài tử, anh Philippe ạ. Ông lắc đầu: - Em đẹp như vậy là đủ rồi, Noelle ạ, song anh thấy ớn đến tận cổ với bọn nữ diễn viên anh gặp trong đời. Em là một loại người khác, anh muốn em cứ sống như vậy. Anh không muốn chia sẻ em với bất cứ ai khác - Ông vuốt ve tay nàng - Anh chẳng đã cho em đủ mọi thứ đó sao? - Đúng thế, Philippe ạ - Noelle đáp. Đêm hôm đó, khi họ về đến nhà, Noelle muốn làm tình. Sorel mừng thầm cho rằng cái điều nàng cần duy nhất là sự dắt dẫn vững vàng của người đàn ông. Chủ nhật sau đó là ngày sinh của Noelle, Philippe Sorel đã tổ chức một bữa tiệc tối cho nàng tại nhà hàng Maxim. Ông đã thuê căn phòng ăn riêng rộng rãi ở tầng trên, trang trí bằng vải nhung đỏ mịn và những cột panel bằng gỗ thẫm màu. Noelle giúp ông lên danh sách khách mời trong đó một cái tên nàng đưa vào mà không nói cho Philippe biết. Bữa tiệc có bốn chục người dự. Họ nâng cốc chúc mừng sinh nhật của Noelle và trao cho nàng những tặng phẩm đắt tiền. Khi bữa ăn kết thúc Sorel đứng dậy. Ông đã uống khá nhiều rượu Brandy và sâm banh, bước đi hơi chập choạng, lời lẽ hơi lè nhè. - Thưa các bạn - ông nói - Tất cả chúng ta hãy nâng cốc chúc cho cô gái đẹp nhất trên đời này và chúng ta đã tặng nàng những món quà "xinh xắn kỷ niệm" sinh nhật, riêng tôi, tôi có một món quà riêng cho nàng và đó sẽ là món quà hết sức bất ngờ - Sorel cúi xuống nhìn Noelle mặt hớn hở, sau đó quay lại cử toạ - Noelle và tôi sắp thành hôn với nhau. Khắp gian phòng rộn lên tiếng hoan hô chúc tụng, các khách khứa xô đến vỗ vào vai Sorel và chúc cô dâu tương lai được nhiều may mắn. Nolle ngồi yên mỉm cười đáp lại các vị khách và chỉ khe khẽ nói lời cảm ơn. Duy chỉ có một ông khách không đứng dậy. Ông ta ngồi ở một chiếc bàn đặt ở cuối phòng, hút điếu thuốc bằng một chiếc ống điếu dài và đưa mắt nhìn cảnh tượng diễn ra với vẻ ngạo đời. Noelle biết rõ là ông ta đã ngắm nàng suốt buổi tiệc. Đó là một người cao, gầy ngẳng, bộ mặt căng thẳng, đầy suy tư. Ông ta có vẻ thú vị trước những việc đang diễn ra quanh mình, là một quan sát viên trong bữa tiệc chứ không phải là một vị khách mời. Noelle bắt gặp cái nhìn của ông, nàng mỉm cười. Armand Gautier là một trong những đạo diễn xuất sắc ở Pháp. Ông phụ trách Nhà hát kịch Pháp và các kịch phẩm của ông được hoan nghênh trên khắp thế giới. Hễ cứ Gautier hễ cứ đạo diễn một vở kịch hoặc một bộ phim nào thì hầu như đảm bảo là phim hoặc kịch đó sẽ thành công. Ông còn nổi tiếng là đối xử đặc biệt tử tế với các nữ diễn viên, ông đã tạo ra nửa tá minh tinh xuất chúng. Sorel ngồi xuống bên cạnh Noelle, nói với nàng: - Cưng có thấy ngạc nhiên không? - ông hỏi. - Có, anh Philippe ạ - Nàng đáp. - Anh muốn hai đứa mình thành hôn ngay lập tức. Chúng ta sẽ làm đám cưới tại villa của anh. Qua vai của ông, Noelle có thể thấy Armand Gautier vẫn quan sát nàng, mỉm cười đầy bí ẩn. Vài ba người bạn kéo Philippe đi chỗ khác và khi Noelle quay lại, Gautier đã đứng ngay cạnh từ lúc nào. - Xin chúc mừng - Ông nói. Giọng ông có vẻ châm chọc - Cô đã câu được một con cá lớn. - Thật không? - Philippe Sorel là một loại cá lớn đó. - Có lẽ đối với một số người thôi - Noelle lãnh đạm đáp lại. Gautier ngó nhìn nàng, ngạc nhiên: - Ý cô muốn nói là cô không quan tâm chuyện đó ư? - Tôi không muốn nói với ông gì cả. - Vậy xin chúc cô may mắn - Ông định quay đi. - Ông Gautier… Ông dừng bước. - Tối nay ông cho em gặp riêng được không? - Noelle hỏi nhỏ - Em muốn nói chuyện riêng với ông. Armand Gautier nhìn nàng giây lát rồi nhún vai. - Nếu cô muốn. - Em sẽ đến chỗ ông. Như vậy được không? - Được, tất nhiên. Địa chỉ của tôi… - Em biết rồi. Mười hai giờ nhé? - Mười hai giờ. Armand Gautier sống trong một toà nhà cổ, lịch sự trên phố Marbeuf. Người gác cửa dẫn nàng vào tiền sảnh rồi một cậu thanh niên gác thang máy đưa nàng lên tầng bốn và chỉ cho nàng căn hộ của Gautier. Noelle nhấn chuông. Vài phút sau Gautier ra mở cửa. Ông mặc một chiếc áo choàng hoa. - Mời vào - Ông nói. Noelle bước vào phòng. Khiếu thẩm mỹ của nàng chưa lọc lõi, song nàng cảm thấy căn phòng được trần thiết đẹp, các đồ mỹ nghệ đều quý giá. - Xin lỗi vì tôi ăn vận xuềnh xoàng - Gautier nói - Tôi vừa có một cú điện thoại gọi. Đôi mắt Noelle dán chặt lấy ông. - Ông khỏi cần ăn vận nghiêm chỉnh làm gì - Nàng đi tới đi văng và ngồi xuống. Gautier mỉm cười: - Đúng như cảm giác ban đầu của tôi, cô Page ạ. Song tôi vẫn thắc mắc một điều: Tại sao lại là tôi? Cô đã đính hôn với một người lừng danh giàu có. Tôi tin rằng nếu như cô định đi tìm những hoạt động ngoài chương trình thì cô phải tìm những anh chàng hấp dẫn hơn tôi, hoặc là giầu có trẻ đẹp hơn tôi chứ. Cô muốn gì ở tôi nào? - Em muốn ông dạy cho em đóng kịch - Noelle đáp. Armand Gautier nhìn cô gái một hồi, sau đó thở dài: - Cô làm tôi thất vọng. Tôi chờ đợi ở cô một cái gì độc đáo hơn kia. - Công việc của ông là làm việc với các diễn viên? - Với diễn viên, chứ không phải với tài tử nghiệp dư. - Thế cô đã đóng kịch bao giờ chưa? - Chưa. Nhưng ông sẽ dạy em được - Nàng gỡ mũ và cởi găng tay - Phòng ngủ của ông đâu? - Nàng hỏi. Gautier ngần ngừ. Cuộc đời ông đầy những phụ nữ đẹp muốn bước vào kịch trường hoặc muốn được sắm một vai quan trọng, được đóng vai chính trong một vở mới hoặc gặp được một nơi sang trọng hơn. Tất cả bọn họ đã gặp thất bại đau đớn. Ông biết rằng nếu như ông lại dính thêm với một phụ nữ nữa, ông sẽ là một thằng khùng. Tuy nhiên cũng chẳng cần phải dính líu với ả ta làm gì. Đây chẳng qua là một cô gái đẹp tự ý lao vào ông. Công việc đơn giản là lôi ả vào giường, sau đó tống khứ ả đi. - Nào, vào đây - Ông nói và chỉ vào một cánh cửa. Ông ngắm nhìn Noelle tiến về phía phòng ngủ. Không hiểu Philippe Sorel sẽ nghĩ sao đây nếu như cô dâu tương lai của anh ta lại ngủ lại đêm nay ở đây. Đàn bà? Tất cả chỉ là một lũ điếm. Gautier rót ra một ly Brandy, sau đó gọi đi một cú điện thoại. Cuối cùng khi ông quay về phòng ngủ, Noelle đã nằm trên giường đợi ông. Gautier phải thừa nhận rằng nàng là một toà thiên nhiên tuyệt tác. Khuôn mặt đã đẹp, thân hình càng hoàn hảo hơn. Da nàng có một màu mật ong vàng lựng. Kinh nghiệm của ông cho thấy rằng các cô gái đẹp hầu như người nào cũng ý thức được nhan sắc của mình, họ vênh váo tự phụ đến mức khó chịu… Chà, thôi được, ông phải dạy con bé này một bài học. - Anh không có ý muốn ca ngợi em là xinh đẹp - Ông nói - Em đã nghe lời khen đó quá nhiều rồi. - Nhan sắc mà làm gì nếu như không đem lại cho người ta niềm hoan lạc. - Noelle nhún vai. Gautier nhìn nàng, thoáng ngạc nhiên, sau đó mỉm cười. - Anh đồng ý với em. Vậy ta hãy dùng cái nhan sắc của em nhé - Ông ngồi xuống bên cạnh nàng. Cũng giống đa số những người Pháp, Armand Gautier lấy làm tự hào là một tình nhân lão luyện. Thường bao giờ có một bữa ăn ngon lành, có rượu. Ông tạo nên một khung cảnh điệu nghệ để gây nên những cảm giác êm dịu và tiếng nhạc êm êm. Trong trường hợp với Noelle ông vứt bỏ tất cả. Đối với quan hệ một đến như thế này không cần có nước hoa, tiếng nhạc hoặc những lời tán tỉnh trống rỗng. Cô nàng đến đây chỉ cần để vào giường, ả ta đúng là một đứa ngố nếu như ả ta tưởng là có thể đổi thứ mà mọi đàn bà có trên đời này để lấy cái thiên tài vĩ đại mà Armand Gautier có trong đầu. Họ làm tình với nhau suốt đêm, và mỗi lần Noelle lại giở ra một trò. Gautier chưa từng kinh qua những trò đó bao giờ. Đến sáng, Gautier bảo: - Nếu anh còn đủ sức thì anh sẽ vận quần áo vào đưa em ra phố ăn sáng. - Anh cứ nằm đó - Noelle bảo, rồi đi ra tủ quần áo chọn lấy một chiếc áo choàng của ông, mặc vào - Anh cứ nghỉ, em sẽ quay lại ngay. Ba mươi phút sau, Noelle quay lại, mang theo một khay thức ăn điểm tâm. Trên đó có nước cam mới vắt, một đĩa trứng rán với xúc xích, mấy chiếc bánh sừng bò nóng, phết bơ, lọ mứt và một bình cà phê đen. Bữa ăn thật hết sức ngon miệng. - Em không ăn gì ư? - Gautier hỏi. - Không - Noelle lắc đầu. Nàng ngồi trên chiếc ghế xích đu nhìn ông ăn. Nàng trông càng xinh đẹp hơn trong chiếc áo choàng mặc ở nhà của ông, những đường cong ở ngực nổi lên thật đẹp. Mái tóc vàng buông thả trễ tràng. Armand Gautier đánh giá lại toàn bộ những nhận định của ông về Noelle. Nàng quả là một kho báu thật sự, không phải đàn ông nào cũng dễ dàng làm nàng xiêu đổ ngay được. Tuy nhiên, ông cũng đã từng gặp nhiều kho báu trong cuộc đời kịch trường, vì vậy ông không muốn hao phí thời giờ và tài năng của một đạo diễn cho những loại tài tử nghiệp dư lại có mộng ảo thành minh tinh lao vào sự nghiệp sân khấu, dù cho nàng có đẹp đến mấy có lão luyện trong các ngón chăn gối đến mấy chăng nữa. Gautier là một con người toàn tâm toàn ý, ông rất coi trọng ngành nghệ thuật của ông. Trước đây ông đã định thoả hiệp, bây giờ ông càng không chịu đầu hàng. Tối hôm trước, ông định sẽ chỉ chung sống qua một đêm với Noelle, sau đó đến sáng thì để cho nàng khăn gói gió đưa. Nhưng bây giờ khi ông ngồi ăn sáng và quan sát nàng, ông lại cố nghĩ cách làm sao giữ nàng làm bồ bịch cho đến khi nào ông thấy ngán nàng thì mới thôi, tuy nhiên không được khuyến khích nàng mơ ước thành nữ diễn viên. Ông thấy dù sao ông vẫn phải giơ cao một cái bả gì đây. Ông cũng tỏ ra thận trọng theo cách riêng của mình: - Em sắp lấy Philippe Sorel? - Ông hỏi. - Đâu có - Noelle đáp - Đấy không phải là điều em muốn. Đến lúc cần phải rạch ròi, Gautier hỏi: - Vậy em muốn gì? Noelle đáp nhỏ nhẹ: - Em đã nói với anh rồi. Em muốn trở thành diễn viên. Gautier cắn một chiếc bánh sừng bò nữa, ngây ra một lúc: - Cũng được - Sau đó ông nói tiếp - Có rất nhiều huấn luyện viên sân khấu tốt, anh sẽ gửi em đến cho họ huấn luyện, Noelle ạ, nếu như em vẫn muốn… - Không, - Noelle đáp, ngắm ông một cách trìu mến, nồng nàn, như thể nàng sẵn sàng ưng thuận bất kỳ điều gì Ông nêu ra. Thế nhưng Gautier có cảm giác rằng bên trong nàng là cả một quyết tâm sắt thép. Nàng đã nói "không" bằng đủ mọi kiểu. Nàng chỉ nóigiọng nhẹ nhưng lúc thì tỏ ra giận dữ, lúc lại trách cứ, lúc thất vọng, lúc hờn dỗi. Và bao giờ cũng nhẹ nhàng như không. Điều này càng khiến Gautier khó xử hơn ông tưởng lúc đầu. Đã có lúc Gautier định bảo thẳng với nàng, cũng như ông đã từng nói với hàng chục cô gái hàng tuần, rằng mời nàng đi cho, rằng ông không có thì giờ để phung phí cho cô nàng. Song ông lại nghĩ đến những cảm giác thật lạ lùng mà ông có được trong đêm qua, cho nên ông thấy chỉ có hoạ là điên mới buông nàng ra đi sớm đến vậy. Quả là nàng đáng để Ông thoả hiệp một chút, chỉ một chút mà thôi. - Thôi được - Gautier bảo - Anh sẽ trao cho em một kịch bản để em nghiên cứu. Khi nào thuộc rồi, em sẽ đọc lại cho anh nghe, rồi chúng ta thử xem em có được bao nhiêu tài năng. Sau đó chúng ta có thể quyết định cần làm gì để giải quyết cho em. - Cảm ơn anh Armand! Nàng nói, giọng nói của nàng không chút nào là đắc thắng, thậm chí đến cả sự mãn nguyện Gautier cũng không tìm ra được. Chẳng qua đó chỉ là một sự thừa nhận trước một điều tất yếu mà thôi. Lần đầu tiên Gautier thoáng một chút nghi ngờ, song tất nhiên điều đó thật là lố bịch. Ông là bậc thầy trong việc điều khiển các phụ nữ cơ mà. Trong khi Noelle mặc quần áo, Armand Gautier đi vào phòng làm việc với những ngăn giá đầy sách ông liếc nhìn những tập sách quen thuộc, gáy đã sờn để trên các giá sách. Cuối cùng, với một nụ cười rúm ró ông chọn lấy cuốn Andromache của Eripide. Đây là một trong những vở kịch cổ điển rất khó diễn. Ông quay trở lại phòng ngủ và trao vở kịch đó cho Noelle. - Đây, cưng ạ - Ông nói - Khi nào em nhớ lại một đoạn, chúng ta sẽ trở lại thảo luận với nhau. - Cám ơn anh Armand. Anh sẽ không phải ân hận gì. Ông càng nghĩ lại chuyện vừa rồi, ông càng thấy hài lòng trước cái trò tinh quái của ông. Noelle phải mất một, hai tuần lễ mới nhớ được vai của nàng, nhận rằng nàng không thể học thuộc được. Ông sẽ tìm cách an ủi nàng rằng nghệ thuật diễn xuất cũng khó lắm chứ và họ sẽ giữ một quan hệ mà không bị tham vọng của nàng làm vẩn đục Gautier hẹn cùng Noelle sẽ ăn bữa tối hôm đó cùng nhau và nàng ra về. Khi Noelle trở về căn hộ nàng chung sống với Philippe Sorel nàng thấy ông ta đợi nàng. Ông ta say khướt. - Đồ khốn nạn - Ông gào lên - Cô đi đâu suốt cả đêm hôm qua. Nàng muốn nói gì cũng mặc kệ. Sorel biết rằng ông sắp được nghe những lời xin lỗi, ông sẽ quật cho nàng một trận rồi kéo nàng vào giường và tha thứ cho nàng. - Đi với một người đàn ông khác, Philippe ạ. Tôi trở lại đây để lấy những đồ đạc của tôi. Trong lúc Sorel đứng ngây ra nhìn, không tin được lời nàng nói thì Noelle đi ngay vào phòng ngủ và bắt đầu xếp dọn quần áo. - Noelle, hãy vì Chúa - Ông khẩn cầu - Em đừng làm như vậy, chúng ta yêu nhau kia mà. Chúng ta sắp thành hôn với nhau. Nửa giờ sau ông ra sức hết giảng giải, lại đe doạ rồi mơn trớn, cho đến khi Noelle đóng đồ xong và rời khỏi phòng, Sorel cũng không thể ngờ là ông đã mất nàng bởi lẽ ông cũng không biết là đã bao giờ nàng thuộc về ông chưa. * * * * * Armand Gautier đang giữa buổi chỉ đạo một vở kịch mới công diễn trong nửa tháng. Suốt cả ngày ông ở nhà hát để tập, ông không còn nghĩ đến những chuyện gì khác cả. Một phần thiên tài của ông chính là sự tập trung đến cao độ mà ông có thể giành cho tác phẩm của mình. Đối với ông không có gì tồn tại ngoài bốn bức tường của nhà hát và các diễn viên ông đang làm việc với họ. Tuy nhiên hôm nay tình hình khác hẳn, Gautier nhận thấy tâm trí mình thường lẩn quẩn hình ảnh của Noelle và cái đêm không thể tin được mà họ đã sống với nhau. Các diễn viên qua một cảnh, họ dừng lại đợi ông cho nhận xét, song đột nhiên Gautier nhận ra mình chẳng chú ý gì từ nãy đến giờ. Ông thấy bực với bản thân, cố tập trung chú ý vào công việc ông đang làm, nhưng hình ảnh tấm thân trần truồng của Noelle cùng với những cảm giác lạ lùng đã đến với ông cứ trở đi trở lại trong óc ông. Gautier vốn có một đầu óc giàu tính phân tích cho nên ông cố tìm cách lý giải tại sao cô gái này lại gây cho ông ấn tượng như vậy. Noelle xinh đẹp đã đành, nhưng ông đã từng ngủ với một số phụ nữ rất đẹp trên đời. Nàng khéo léo trong chuyện ái ân thì cũng có nhiều phụ nữ khác có kém gì đâu. Nàng dường như thông minh, song cũng không đến nỗi xuất chúng, nhân cách nàng dễ thương song cũng không phức tạp. Vẫn còn một lý do khác nữa, một điều gì đó mà nhà đạo diễn chưa thể chạm ngón tay tới được. Sau đó ông nhớ đến tiếng "không" nhẹ nhàng của nàng và ông cảm thấy đó chính là đầu mối rồi. Trong tiếng nói của nàng có cái sức mạnh không thể cưỡng nổi, nó có thể giành được mọi thứ nàng muốn. Ở nàng, có một chỗ sâu kín không ai đụng tới được. Và cũng như mọi người đàn ông khác trước Gautier, ông có cảm giác rằng mặc dù Noelle đã gây ảnh hưởng đối với ông còn sâu sắc hơn so với việc ông quan tâm để tự thú nhận với bản thân, ông vẫn chưa hề đụng tới được nơi sâu kín nhất của nàng, và đây là một sự thách đố mà bản thân người đàn ông ở ông không chịu lùi bước. Ngày hôm đó Gautier ở trong một tâm trạng bối rối. Ông mong muốn đến chiều để xem dự đoán của ông ra sao, không phải vì ông muốn ân ái với Noelle mà bởi vì ông muốn tự chứng thực một điều là ông đã xây dựng một lâu đài trên cát. Ông muốn Noelle sẽ khiến ông thất vọng để ông có thể sớm loại cô ra khỏi cuộc đời ông. Đêm đó trong lúc họ làm tình, Armand Gautier cố tìm cách phát hiện những ngón xảo thuật, mà Noelle giở ra sử dụng để ông nhận thấy trước sau nàng chỉ hành động như một người máy, không có cảm xúc gì cả. Thế nhưng ông đã lầm. Nàng đã hiến dâng cho ông hoàn toàn, triệt để, chỉ mong sao đem lại cho ông niềm hoan lạc mà trước đây ông chưa bao giờ được hưởng và nàng muốn được phát hiện ra sự sung sướng trong ông. Đến sáng thì Gautier hoàn toàn bị nàng thu hút hết tâm trí. Noelle lại một lần nữa chuẩn bị bữa điểm tâm cho ông, lần này là những chiếc bánh kẹp thịt xông khói và mứt quả, với cà phê nóng. Bữa ăn cũng rất tuyệt vời. "Thôi cũng được" - Gautier tự nhủ - Thế là mình đã tìm được một con bé vừa trẻ vừa xinh, vừa biết làm tình lại vừa biết làm bếp. Hay lắm! Song đối với con người thơng minh như mình như thế đã đủ chưa nhỉ? Sau khi làm tình và ăn uống xong phải chuyện trò tâm sự chứ. Vậy cô ả sẽ nói được những loại chuyện gì với nhau?". Ông tự an ủi rằng không sao cả. Không trông thấy cô nhắc gì đến vở kịch. Gautier hy vọng rằng Noelle hoặc đã quên rồi, hoặc không thể nhớ nổi lời thoại trong kịch. Sáng hôm sau nàng ra về, nàng hứa tối hôm đó sẽ đến ăn với ông. - Cô cũng dứt khỏi Philippe được sao? - Gautier hỏi. - Em đã bỏ ông ta rồi - Noelle đáp gọn lỏn, rồi nàng đưa cho Gautier địa chỉ mới của nàng. Ông nhìn nàng trân trân trong giây lát: - Anh hiểu rồi. Thật ra ông chẳng hiểu gì cả. Chẳng hiểu một chút nào. Tối hôm đó họ lại ngủ với nhau. Đúng hơn là chỉ có Gautier nói. Hình như Noelle rất quan tâm đến ông cho nên ông lôi cả những chuyện ông không hề nhắc tới trong nhiều năm qua ra để tâm sự với nàng, cả những chuyện đời tư mà ông chưa hề thổ lộ cùng ai bao giờ. Nàng không nhắc đến vở kịch mà ông đã trao cho nàng. Gautier tự mừng thầm là mình đã tìm ra một cách giải quyết vấn đề đắc sách nhất. Tối hôm sau, sau khi họ ăn tối xong và chuẩn bị đi ngủ, Gautier đã định quay về phòng ngủ. - Chưa được - Noelle bảo. Ông ngạc nhiên quay lại: - Anh bảo anh sẽ nghe em đọc lời thoại kịch. - À tất nhiên rồi - Gautier lắp bắp - Khi nào em chuẩn bị xong. - Em xong rồi. - Anh không muốn em chỉ đơn thuần đọc vở kịch cherie(4) ạ - ông bảo - Anh chỉ muốn nghe em đọc thuộc lòng cơ, có như thế anh mới đánh giá được khả năng làm diễn viên của em được. - Em đã thuộc rồi - Noelle đáp. Ông nhìn nàng, không tin. Không thể chỉ trong ba ngày mà nàng có thể thuộc lòng toàn bộ vai của mình được. - Anh sẵn sàng nghe em chưa nào? - Nàng hỏi. Armand Gautier không còn cách nào khác đành chấp thuận. - Tất nhiên rồi - Ông chỉ vào giữa phòng - Đây sẽ là sân khấu của em. Khán giả sẽ ngồi ở đây. Ông ngồi xuống một chiếc tràng kỷ lớn, êm ái. Noelle bắt đầu vai kịch. Gautier cảm thấy sởn cả gai ốc một nét đặc điểm riêng của ông mỗi khi ông gặp một tài năng đích thực. Noelle chưa phải là loại điêu luyện. Còn lâu mới được như vậy. Các động tác và nét mặt của nàng vẫn còn bộc lộ sự non nớt. Song nàng có được một phẩm chất còn hơn cả những kỹ năng đơn thuần: tức là nàng có được sự chân thực hiếm có, một tài năng tự nhiên khiến cho mỗi một dòng chữ nàng phô diễn mang một ý nghĩa và màu sắc tươi mát. Khi Noelle kết thúc cuộc độc thoại, Gautier vồn vã: - Theo anh, sẽ đến một ngày nào đó em trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh nói thực đấy. Anh sẽ gửi em tới chỗ Georges Faber, ông ta là một chuyên gia đào đạo diễn viên xuất sắc nhất của toàn nước Pháp. Làm việc với ông ta, em sẽ… - Không. Ông ngạc nhiên, nhìn nàng. Vẫn tiếng "không" nhẹ êm đó. Dứt khoát, thẳng thừng. - Không cái gì? - Gautier lúng túng hỏi lại - Faber chỉ nhận những diễn viên xuất sắc thôi. Song ông ta sẽ nhận em vì anh sẽ có lời thỉnh cầu ông ta. - Em sẽ làm việc với anh - Noelle bảo. Gautier cảm thấy cơn giận bừng lên: - Anh không đào luyện ai bao giờ - Ông giật giọng - Anh không phải là giáo viên. Anh chỉ làm đạo diễn cho các diễn viên chuyên nghiệp - ông có ghìm cơn giận để không lộ ra giọng nói - em hiểu không? - Vâng, em hiểu anh Armand ạ, - Noelle gật đầu. - Thôi cũng được. Ông xiêu lòng, ôm choàng lấy Noelle trong đôi cánh tay và nhận được nàng một cái hôn đằm thắm. Ông nhận thấy những băn khoăn của ông trước đây là không cần thiết. Cũng như mọi phụ nữ khác, nàng cần phải có được một người chế ngự. Ông sẽ không gây khó dễ với nàng nữa. Đêm đó họ thắm thiết hơn bất kỳ một lần nào trước đây, có lẽ - Gautier nghĩ, một phần là vì cuộc xô xát nhỏ giữa hai người vừa rồi đã gây thêm hứng khởi. Đang đêm ông bảo với nàng: - Em nhất định sẽ trở thành một diễn viên xuất chúng, Noelle ạ. Anh sẽ vô cùng tự hào vì em đấy. - Cảm ơn anh Armand - Nàng thì thào. Noelle lại chuẩn bị bữa điểm tâm sáng cho Gautier, và ông lại ra nhà hát. Trong ngày hôm đó ông phôn cho Noele, nhưng nàng không trả lời và đêm đó lúc ông về đến nhà thì không thấy nàng đâu. Gautier đợi nàng quay về, nàng cũng chẳng xuất hiện khiến ông phải nằm thức trắng suốt đêm lo lắng không biết nàng có gặp nạn gì không. Ông cố tìm cách gọi điện thoại cho Noelle về căn hộ của nàng, song vẫn không thấy hồi âm. Ông đã gửi một bức điện đến cho nàng, song không thấy ai nhận và khi ông đi theo dõi diễn tập về ghé qua chỗ ở của nàng, ông nhấn chuông, song không thấy ai ra mở cửa. Suốt một tuần tiếp sau đó, Gautier tưởng phát điên lên được. Các buổi diễn tập trở nên hỗn loạn. Ông quát mắng tất cả các diễn viên khiến họ nản quá. Người quản lý sân khấu của ông đã phải nêu đề nghị cho họ ngừng tập một ngày và Gautier đồng ý ngay lập tức. Sau khi các diễn viên ra về, ông ngồi lại một mình trên sân khấu, cố lý giải xem chuyện gì đã xảy ra với ông. Ông tự nhủ rằng Noelle chẳng qua chỉ là một người đàn bà, một cô gái tóc vàng rẻ tiền, đầy tham vọng, tâm hồn chỉ là tâm hồn của một cô gái bán hàng, thế mà cứ đòi làm thượng thặng. Ông tìm hết cách hạ thấp nàng, thế nhưng cuối cùng ông thấy việc làm ấy thật vô tích sự. Ông cần phải có nàng. Đêm hôm đó ông đã đi lang thang trên đường phố Paris, ông đã uống say khướt tại những quán nhỏ nơi người ta không biết ông là ai. Ông cố tìm hết cách để tiếp xúc với Noelle, nhưng đều vô ích. Ông không tìm được một ai để hỏi han về nàng, trừ Philippe Sorel ra, song tất nhiên, không thể nhắc đến chuyện đó được. Một tuần, sau khi Noelle đã biến mất tăm, lúc bốn giờ sáng Armand Gautier say khướt, mở cửa, bước vào phòng khách. Các ngọn đèn đều sáng trưng. Noelle đang ngồi thù lù trên một chiếc ghế bành, nàng mặc một chiếc áo choàng của ông và đang chăm chú đọc sách. Khi ông bước vào, nàng mỉm cười, ngước lên. - Chào anh Armand! Gautier nhình nàng chằm chằm, tim ông đập dồn, một cảm xúc thoải mái và vui sướng không cùng tràn ngập trong lòng. Ông nói ngay. - Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu làm việc cùng nhau. Chú thích: (1) siêu nhân (tiếng Đức) (2) Hy sinh vì nước Đức. (3) Điên rồ (tiếng Pháp). (4) Cưng (tiếng Pháp) Chương 06 Washington, đặc khu Columbia, là thành phố hấp dẫn nhất từ xưa đối với Catherine Alexander. Trước đây nàng thường cho rằng Chicago là mảnh đất lý tưởng thì đến Washington nàng mới tỉnh ngộ. Đây mới thực sự là hạt nhân của nước Mỹ, là trung tâm điều hành quyền lực. Thoạt đầu Catherine thấy lúng túng trước v vàn các sắc phục khác nhau tràn ngập đường phố nào là bộ binh, hải quân, nao không quân, thủy quân lục chiến vân vân. Và cũng lần đầu tiên Catherine mới cảm thấy khả năng u ám của cuộc chiến là điều có thật. Ở Washington, chỗ nào cũng thấy có sự có mặt của chiến cuộc thể hiện ra trên thực tế. Đây là thành phố mà nếu xảy ra chiến tranh thì chiến tranh sẽ bắt đầu từ đây. Và nàng, - Catherine Alexander - sẽ là một bộ phận trong cuộc chiến tranh đó. Nàng đã chuyển đến ở cùng với Susie Roberts, cô ta đang sống trong một căn hộ sáng sủa, vui mắt ở tầng bốn một chung cư không có thang máy. Căn hộ gồm một phòng khách cỡ trung bình, hai phòng ngủ nhỏ thông nhau, một phòng tắm và một bếp con xây dựng cho người chim chích. Susie tỏ ra rất mừng khi gặp lại nàng. Câu đầu tiên của cô bé là: - Nhanh lên, thay đồ ra, lấy bộ váy sang nhất đem ra mà là. Tối nay mày có cuộc hẹn hò ăn tối đấy. Catherine nháy mắt. - Vậy lý do gì mà mày độc thân lâu thế? - Cathy ạ, ở Washington, con gái đứa nào cũng có một cuốn sổ đen nhỏ. Thành phố này đầy những thằng đàn ông cô độc, thật là đáng tiếc. Tối đầu tiên họ ăn tối tại khách sạn Willard. Người hẹn hò với Susie Roberts là một nghị sĩ Indiana, còn người hẹn với Catherine là một nhân vật chuyên vận động ngoài hành lang nghị trường thuộc bang Orgen, cả hai ông đang sống ở thành phố, không có vợ đi cùng. Ăn tối xong, họ đi nhảy ở Câu lạc bộ Washington Country. Catherine hy vọng nhà vận động hành lang có thể giao cho nàng một việc làm nào đó. Song nàng được ông ta hứa cấp cho một chiếc ô tô và một căn hộ riêng. Nàng đã ngỏ lời cảm ơn và từ chối không nhận. Susie đưa ông nghị sĩ trở về nhà, còn Catherine đi ngủ ngay. Chỉ một lát sau nàng nghe tiếng họ đùa giỡn ở phòng ngủ của Susie, lò xo giường rung lên bần bật. Catherine lấy một chiếc gối bịt tai để khỏi nghe thấy những âm thanh đó, song vẫn không tài nào tránh được. Đến sáng khi Catherine thức dậy ăn sáng đã thấy Susie dậy rồi. Cô ta có vẻ vui mừng, hào hứng chuẩn bị đi làm. Catherine cố tìm trên mặt Susie những vết nhăn ưu tư hoặc dấu hiệu gì đó của một kẻ phóng đãng, song nàng không hề tìm thấy. Ngược lại, cô ta có vẻ tươi tắn nước da rất mịn màng. Catherine nghĩ: "Lạy chúa, nó là một Dorian Gray nữa rồi. Đến một ngày nào đó nó sẽ rực rỡ còn mình thì già khú đế, tới một trăm mười tuổi". Vài ngày sau, đang ăn sáng, Susie bảo: - Này, tao nghe có một việc may ra hợp với mày. Đêm qua trong bữa tiệc có một đứa con gái bảo rằng nó sắp trở về Texas. Chưa biết được tại sao một đứa đã bỏ Texas đi, nay lại muốn quay trở lại là nghĩa thế nào. Tao nhớ cách đây vài năm hồi tao ở Amarillo… - Thế nó làm việc ở đâu? - Catherine ngắt lời. - Ai? - Đứa con gái ấy - Catherine tỏ ra kiên nhẫn. Nó đang làm cho William Fraser. Ông ta phụ trách các quan hệ với dân chúng thuộc Bộ Ngoại giao. Tháng trước tạp chí Newsweek đã dành cả một câu chuyện về ông. Có lẽ công việc đó cũng thích hợp với mày. Tao mới nghe lỏm tối hôm qua, nếu mày đến ngay, mày có thể ăn đứt được tất cả những đứa con gái khác. - Cảm ơn - Catherine nói - Được, tao sẽ đến chỗ William Fraser. Hai mươi phút sau Catherine đang trên đường tới bộgiao. Khi nàng tới nơi, người gác chỉ cho nàng tới văn phòng của Fraser và nàng đáp thang máy lên lầu. Quan hệ với công chúng. Xem ra đây đúng là công việc nàng đang tìm. Catherine dừng lại ở ngoài hành lang, bên ngoài văn phòng, rút ra chiếc gương tay để kiểm tra lại việc trang điểm của nàng. Nàng thường làm như vậy. Chưa đến chín rưỡi, vì thế nàng còn đủ thì giờ cho việc này. Nàng mở cửa, bước vào bên trong. Văn phòng bên ngoài đầy những cô gái, người đứng, kẻ ngồi, kẻ đang dựa vào tường và tất cả hầu như đang cùng chuyện trò huyên náo. Chị nhân viện đón tiếp như phát cuồng đằng sau chiếc bàn đang bị vây kín. Chị ta cố gắng một cách tuyệt vọng giữ trật tự. - Lúc này ông Fraser đang bận - Chị nhắc đi nhắc lại - - Tôi không biết bao giờ ông ấy tiếp được các chị. - Thế ông ấy có định phỏng vấn tìm thư ký không đấy? - Một cô gái hỏi. - Có chứ, nhưng? - Chị nhìn quanh, bất lực - Lạy Chúa tôi! Thật là nực cười? Cửa hành lang bật mở, có thêm ba cô gái nữa xô vào, gạt Catherine sang một bên. - Công việc đó đã có ai nhận chưa? - Một người trong số họ hỏi. - Có lẽ ông muốn cả một khuê phòng - Một cô gái nói - Vậy thì tất cả bọn mình cứ ở lại đây! Cửa văn phòng bên trong bật mở, một người đàn ông bước ra. Ông ta cao đến sáu bộ, thân hình mảnh mai của một vận động viên nghiệp dư, sinh hoạt ở câu lạc bộ điền kinh mỗi tuần ba buổi sáng để giữ cho vóc dáng thon thả. Ông có mái tóc vàng xoăn tít, hai bên thái dương đã điểm bạc, đôi mắt xanh sáng và chiếc cằm với vẻ rắn rỏi, cương nghị. - Chuyện quái quỷ gì ở đây thế, Sally? - Giọng ông trầm và oai vệ. - Các cô gái này nghe tin có một chỗ khuyết, ông Fraser ạ. - Lạy Chúa? Tôi cũng mới chỉ biết tin đó cách đây một giờ - Đôi mắt ông lướt qua một lượt khắp phòng - Cứ như chợ vỡ - Khi ông đưa mắt về phía Catherine, nàng đứng thẳng người, mỉm cười rất đằm thắm với một ẩn ý rằng "Em sẽ là một thư ký xuất sắc đây", nhưng đôi mắt ông cũng chỉ lướt qua chỗ nàng. Ông quay lại chị nhân viên giao dịch. - Tôi cần một tạp chí Life. Số cách đây độ ba, bốn tuần gì đó. Có ảnh Stalin ở ngoài bìa. - Tôi sẽ cho đặt mua, ông Fraser ạ - người nhân viên đáp. - Tôi cần ngay bây giờ - Ông quay trở vào văn phòng của mình. - Tôi sẽ gọi sang cho Văn phòng tạp chí Time Life để hỏi xem họ có thể tìm cho một bản được không? Fraser dừng lại ở cửa: - Sally, tôi đang nói chuyện với Thượng nghị sĩ Borah trên điện thoại. Tôi muốn đọc cho ông ta nghe một đoạn trích trong số báo đó. Chị chỉ có vài phút tìm số báo cho tôi thôi đấy - Rồi ông đi vào văn phòng và khép cửa lại. Các cô gái đang đứng trong phòng nhìn nhau, nhún vai. Catherine đứng lặng, suy nghĩ lao lung. Nàng quay lại và lách ra khỏi phòng. - Tốt. Một đứa bỏ cuộc rồi - Một cô gái bảo. Chị nhân viên giao dịch nhấc máy điện thoại, quay số để hỏi thăm tin tức. - Số điện thoại của Bộ biên tập tạp chí Time Life. - Chị ta hỏi. Các cô gái trong phòng im lặng, quay nhìn chị ta - Cảm ơn - Chị ta đặt máy xuống rồi lại nhấc lên và lại quay số. - Alô. Văn phòng của ông William Fraser, Bộ ngoại giao. Ông Fraser cần ngay một số Life. Số đó có ảnh Stalin ở ngoài bìa… Các ông không giữ lại một số cũ nào cả? Vậy tôi có thể nói chuyện với ai được?… Vâng. Cảm ơn - rồi chị ta gác máy. - Gay go rồi, cưng ơi - Một cô gái bảo. Cô gái khác thêm: - Người ta chỉ mê gái đẹp thôi. Nếu ông ấy đến chỗ tớ tối nay, tớ sẽ đọc đoạn đó cho ông ấy nghe. Rồi họ cười ầm lên. Máy đàm thoại nội bộ kêu ro ro. Chị nhân viên nhấn phím bấm. Tiếng Fraser vang lên. - Hai phút của chị hết rồi đấy. Chị nhân viên hít một hơi thật sâu: - Tôi vừa gọi đến toà soạn Time Life, song họ bảo không thể… Cửa phòng bật mở, Catherine bước vào. Nàng cầm trong tay số tạp chí Life có hình Stalin ở ngoài bìa. Nàng lách người đi tới bàn làm việc và đặt cờ tạp chí vào tay chị nhân viên giao dịch. Chị ta nhìn tờ tạp chí, kinh ngạc. - Tôi…tôi có tờ tạp chí ấy đây rồi, ông Fraser ạ. Tôi sẽ mang vào ngay - Chị ta đứng dậy, mỉm cười với Catherine đầy vẻ biết ơn rồi vội vã bước vào căn phòng bên trong. Các cô gái kia quay lại nhin Catherine, mắt bỗng long lên hằn học. Năm phút sau cửa văn phòng Fraser mở ra, Fraser cùng chị nhân viên xuất hiện. Chị ta chỉ vào Catherine: - Cô gái đó đây ạ. William Farser quay sang nhìn Catherine, dò xét: - Mời cô vào trong này. - Dạ, vâng - Catherine bước theo Fraser vào văn phòng, nàng cảm thấy những cặp mắt của các cô gái kia nhìn đâm vào sau lưng nàng. Fraser khép cửa lại. Văn phòng của ông có thể coi là một phòng làm việc bàn giấy điển hình ở Washington, song ông vẫn cho trang trí kiểu cách và chọn những đồ đạc, tranh nghệ thuật theo sở thích riêng của ông. - Mời ngồi, cô… - Alexander, Catherine Alexander. - Sally có cho tôi biết rằng cô đã mang tờ tạp chí Life đến. - Dạ vâng. - Tôi chắc không phải tình cờ mà cô có được tờ tạp chí cũ cách đây ba tuần trong ví của cô. - Vâng, đúng thế? - Thế làm sao cô lại kiếm được nó nhanh thế? - Dạ, tôi chạy xuống hiệu cắt tóc. Hiệu cắt tóc và chữa răng bao giờ cũng giữ nhiều tạp chí cũ. - Ra thế - Fraser mỉm cười, bộ mặt gồ ghề của ông càng trở nên dễ sợ - Thế mà tôi không nghĩ ra đấy. Chuyện gì cô cũng ứng trí nhanh như thế chứ? Catherine bỗng nhớ lại Ron Peterson, rồi đáp: - Không phải thế đâu, thưa ngài. - Cô đang tìm việc làm thư ký? - Cũng không hẳn như vậy - Catherine nhận thấy ông ta có vẻ ngạc nhiên, nên cô nói thêm luôn - Nhưng tôi sẵn sàng nhận, thật ra tôi muốn làm trợ lý cho ông. - Thì cứ cho là cô có đủ khả năng làm thư ký hôm nay rồi xem sao - Fraser nói, vẻ mặt rúm ró - Ngày mai cô có thể làm trợ lý cho tôi. Nàng nhìn ông chan chứa hy vọng: - Nghĩa là tôi được tiếp nhận? - Còn thử thách đã - Ông bấm phím máy đàm thoại nội bộ và ghé vào chiếc hộp đó nói: - Sally, chị hãy cảm ơn các cô gái trẻ đó giùm hộ tôi và nhắn với họ rằng chức vụ đó đã có người đảm nhiệm rồi. - Dạ vâng, thưa ông Fraser. Ông bấm cho phím bật lên: - Ba mươi đô-la một tuần, cô đồng ý chứ? - Dạ vâng. Xin cảm ơn ông Farser. Cô có thể bắt đầu ngay sáng ngày mai, lúc chín giờ, Sally sẽ đưa cô một chiếc phiếu cá nhân để cô "điền" vào. Sau khi Catherine rời văn phòng, cô đi tới toà soạn báo Washington Post. Người cảnh sát ngồi ở bàn gác ngoài sảnh đã chặn nàng lại. - Tôi là thư ký riêng của ông William Far Cô nói, vẻ kênh kiệu - Công tác bên Bộ ngoại giao. Tôi cần một số thông tin trong kho của các ông. - Loại tin gì? - Tin về William Fraser. - Suốt cả tuần nay lần đầu tiên tôi thấy một yêu cầu kỳ cục như vậy đó. Ông chủ của cô làm cô bực mình hay vì ìý do gì? - Không phải - Cô giãy bày - Tôi định viết một bài trần tình về ông ấy. Năm phút sau, một nhân viên đưa cô vào kho lưu trữ. Anh ta rút hồ sơ về William Fraser ra, Catherine bắt đầu ngồi đọc. Chỉ một giờ sau Catherine trở thành một trong những người nắm lý lịch Fraser vững nhất trên đời. Năm nay ông bốn mươi tuổi, tốt nghiệp hạng ưu trường đại học Princeton, khởi nghiệp một công ty quảng cáo mang tên Fraser Associater và đã trở thành một trong những công ty thành đạt nhất trong ngành dịch vụ này. Cách đây một năm theo yêu cầu của Tổng thống, ông đã gác công việc đó lại để chuyển sang làm việc cho Chính phủ. Ông đã thành hôn với Lydia Campion, một phụ nữ giầu có thích hoạt động xã hội. Họ đã ly dị bốn năm nay và không có con với nhau. Fraser là một nhà triệu phú, có nhà riêng ở Georgetown và một nhà nghỉ hè ở Bar Harbor, bang Maine. Sở thích của ông là tennits, bơi thuyền và pôlô. Nhiều bài tường thuật trên báo gọi ông là "một trong những chàng độc thân dễ ưa nhất nước Mỹ". Catherine về đến nhà báo cho Susie biết tin vui trên. Susie nhất định bảo hai người phải đi dự cuộc vui. Hiện có hai chàng học viên trường võ bị giàu sụ người ở Annapolis đang sống ở thành phố này. Anh chàng cặp bồ với Catherine tỏ ra là một tay dễ thương song suốt cả buổi tối đó nàng luôn chỉ thầm so sánh anh ta với William Fraser. So với Fraser anh ta có vẻ ngây ngô, khờ khạo. Phải chăng nàng đã đem lòng yêu ông chủ mới của nàng rổi? Khi nàng ở gần ông nàng không hề có một cảm xúc rạo rực, mà có một loại tình cảm khác, đó là sự mến mộ đối với một người có tư cách. Nàng cho rằng thứ tình cảm rạo rực kia có lẽ chỉ tồn tại trong các tiểu thuyết tình dục của Pháp mà thôi. Hai chàng học viên võ bị đưa các cô tới một nhà hàng Italia nhỏ ở ngoại ô Washington, họ đã ăn một bữa tuyệt vời sau đó họ đi xem một bộ phim mà Catherine rất thích. Tối vui kết thúc, hai chàng trai đưa hai cô về nhà, Susie mời họ vào làm một chầu rượu tối. Đến khi Catherine cảm thấy họ sắp ghé lại cả đêm nàng vội cáo lui, nói rằng muốn đi ngủ ngay. Anh bạn trai của nàng phản đối: - Chúng ta chưa làm gì với nhau cả. Cô hãy coi xem họ làm gì kia. Susie và anh bạn cô ta đang ngồi trong tràng kỷ ôm hôn nhau thắm thiết. Vệ sĩ của Catherine chụp lấy tay nàng, da diết: - Sắp chiến tranh đến nơi rồi - Catherine chưa kịp ngăn y lại thì y đã cầm lấy tay nàng, đặt vào đùi y - Em đừng để một chiến binh ra trận trong tình trạng như vậy, phải không em. Catherine rụt ngay tay lại, cố nén giận, nàng đáp đều đều: - Tôi đã nghĩ nhiều đến chuyện đó rồi và tôi quyết định sẽ chỉ ngủ với chàng thương binh nào còn đi lại được - nàng quay gót, đi vào và khoá ngay cửa lại. Nàng thấy rất khó ngủ. Nàng trằn trọc nghĩ đến William Fraser, đến công việc mới và lại nghe thấy tiếng chiếc giường lò xo của Susie run lên bần bật. Từ đó nàng không thể ngủ được nữa. Tám giờ rưỡi sáng hôm sau Catherine đến nơi làm việc mới của nàng. Cửa phòng đã mở khoá, đèn ở phòng giao dịch đã bật. Nghe có tiếng đàn ông ở văn phòng bên trong, nàng liền bước vào. William Fraser đang ngồi bên bàn, đọc vào một chiếc máy ghi. Ông ngẩng lên thấy Catherine bước vào ông liền tắt máy. - Cô đến sớm thế? - Ông hỏi. - Tôi muốn tham quan một lượt trước khi bắt tay vào làm việc. - Mời cô ngồi - Giọng ông là lạ, khiến cô lúng túng. Ông có vẻ cáu bẳn. Catherine ngồi xuống ghế. - Tôi không thích nhưng kẻ rình mò đâu, cô Alexander ạ. Catherine đỏ bừng mặt: - Tôi… tôi không hiểu. - Washington chỉ là một tỉnh nhỏ. Thậm chí không phải là một tỉnh mà chỉ là một làng quê. Không một chuyện gì xảy ra ở đây mà sau năm mười phút mọi người không ai là không biết. - Tôi vẫn không… - Hai phút sau khi cô tới đó, chủ báo Post đã phôn đến tôi hỏi tại sao cô thư ký của tôi lại nghiên cứu về tôi để làm gì. Catherine ngồi ngây người, kinh ngạc, không biết đáp sao. - Cô có tìm được những tin tào lao mà cô muốn biết không? Sự lúng túng của nàng nhanh chóng chuyển sang giận dữ, nàng nói: - Tôi không dò la - Nàng đứng dậy - Lý do duy nhất tôi cần những tin tức về ông chính là vì muốn biết rõ tôi sắp làm việc với người như thế nào - Giọng nàng run run, đầy phẫn nộ - Theo tôi, một thư ký cần phải hợp với ông chủ và tôi cần biết tôi phải làm gì. Fraser ngồi yên, vẻ mặt hầm hầm. Catherine nhìn ông, căm ghét ông đến mức sắp bật khóc. - Ông khỏi phải lo về chuyện đó nữa, ông Fraser ạ. - Tôi xin rút lui - Cô xoay người định bước ra cửa. - Ngồi xuống - Fraser ra lệnh, giọng như roi quất, Catherine quay lại sững sờ - Tôi không chịu được những người nhõng nhẽo như cô. Nàng nhìn ông: - Tôi không phải là người… - Thôi được. Vậy tôi xin lỗi. Mời cô ngồi xuống. - Thế nào? - Ông rút một chiếc tẩu từ trong ngăn bàn ra và châm lửa hút. Catherine đứng ngây ra không biết làm gì bây giờ, nàng cảm thấy nhục nhã: - Tôi thấy công việc bắt đầu không thluận - Nàng nói - Tôi… Fraser lại rút tẩu ra và bật diêm. - Tất nhiên rồi đâu sẽ vào đấy, Catherine ạ - Ông phân bua - Cô không bỏ đi được. Mới xích mích có thế thôi mà tôi phải sa thải một cô thư ký mới ư? Catherine nhìn ông và nhận thấy trong đôi mắt xanh sáng của ông ánh lên những tia vui đùa. Ông đang tủm tỉm cười, và miễn cưỡng nàng cũng nhếch miệng cười. Nàng ngồi sụp xuống ghế tựa. - Như thế tốt hơn. Đã có ai nhận xét rằng cô là người quá nhạy cảm chưa nhỉ? - Có lẽ có rồi. Fraser ngả lưng vào ghế của mình. - Mà có thể tôi là người quá nhạy cảm cũng nên. Nhức cái lỗ đít lắm vì bị người ta gán cho cái tên "một trong những chàng trai độc thân dễ ưa nhất nước Mỹ". Đáng tiếc là ông dùng những từ ngữ thô như vậy. Song cái gì làm nàng băn khoăn nhất. Nàng tự hỏi? Lỗ đít hay gã độc thân? Có lẽ Fraser nói đúng. Có lẽ sự quan tâm của nàng đối với ông không thông phàm như nàng tưởng. - Một đối tượng của mọi phụ nữ ngu xuẩn nhất không chồng trên thế giới này - ông nói tiếp - Có lẽ nếu như tôi bảo cô rằng phụ nữ là rất hay gây gổ thì chưa chắc cô đã tin tôi đâu. Nàng ư? Cử thử coi thủ quỹ xem sao? Catherine đỏ bừng mặt khi nhớ lại chuyện c. - Biến một người thành ông bụt còn dễ hơn - Fraser thở dài - Có lẽ cũng đúng như tờ Tuần nghiên cứu quốc gia ấy, cô hãy cho tôi biết về cô đi. Có bạn trai chưa? - Chưa ạ. - Nàng đáp - Đúng ra là không có bạn trai nào đặc biệt cả - Nàng vội nói thêm. Ông nhìn nàng, dò xét: - Hiện nay cô sống ở đâu? - Tôi đang ở chung một căn hộ với cô bạn học hồi học ở đại học. - Trường Northwestern? Nàng ngạc nhiên nhìn ông, sau đó chợt hiểu rằng chắc chắn ông đã đọc tờ khai lý lịch của nàng. - Dạ, vâng. - Tôi sẽ cho cô biết thêm một điều về tôi mà cô đã không tìm thấy trong kho lưu trữ của toà báo. Tôi là một gã rất khó cộng tác. Cô sẽ thấy là tôi biết điều, song đồng thời tôi cũng rất kỹ tính. Chúng ta sẽ khó sống với nhau đấy. Cô có tìm được cách nào thích nghi với tôi được không? - Tôi sẽ cố gắng - Catherine đáp. - Tốt. Sally sẽ giúp cô làm quen với guồng máy ở đây. Điều quan trọng nhất là cô cần phải nhớ rằng tôi là một người uống cà phê liên tục. Tôi thích cà phê đen, nóng rãy. - Tôi sẽ nhớ kỹ - Nàng đứng dậy, đi ra cửa. - Kìa, Catherine? - Còn chuyện gì, thưa ông Fraser? - Tối nay có về nhà, cô hãy đứng trước gương tập nói một ít lời tục tĩu đi. Cứ mỗi lần tôi nói từ gì bậy mà cô lại nháy mắt như vậy, tôi không thể chịu được. Ông lại giở giọng lên lớp cô như với con nít. Nàng lạnh lùng đáp: - Dạ, vâng - Rồi cô đóng cửa mạnh đến "sầm" một tiếng khi đi ra. Cuộc gặp mặt không diễn ra như Catherine mong muốn. Nàng không còn thấy mến ông Fraser nữa. Nàng cho rằng ông là một người cục cằn thô lỗ, đầy kiêu căng, tự mãn. Vợ ông ta bỏ ông ta cũng đáng. Thôi đành vậy, nàng đã đến đây thì cứ phải bắt tay vào công việc, song nàng xác định rằng nàng sẽ đi tìm một việc làm khác, việc gì đó với một con người chứ không phải với một hôn quân bạo chúa. Sau khi Catherine bước ra khỏi phòng, Fraser ngả lưng vào ghế tựa, nụ cười thoáng hiện trên môi. Liệu những cô gái trẻ trung, năng nổ và tận tâm như cô này có nhiều không? Trong lúc giận dữ, đôi mắt nàng sáng lên, đôi môi run run, Catherine dường như không có gì che chở khiến cho Fraser muốn giơ tay ra ôm lấy nàng mà bảo vệ cho nàng. Và chống lại chính ông, ông chợt đau khổ nhận ra điều này. Ở nàng có một phẩm cách rực rỡ theo kiểu cổ điển mà ông hầu như quên mất là các cô gái thường có. Nàng thật đáng yêu, thông minh, đồng thời lại có bản lĩnh riêng. Nàng sẽ trở thành thư ký loại cừ mà ông có được từ trước tới nay. Và trong thâm tâm, Fraser có cảm giác rằng nàng còn hơn thế nữa. Đến mức độ nào thì ông không khẳng định được. Tình cảm của ông đã từng nhiều lần sôi sùng sục khiến cho hệ thống báo động tự động ở ông làm việc ngay khi những tình cảm của ông bị một người phụ nữ nào đó chạm tới. Những giây phút như thế rất ít xảy ra. Chiếc tẩu thuốc của ông đã tắt. Ông châm lại và nụ cười vẫn chưa biến đi trên môi. Một lát sau Fraser gọi nàng vào để đọc cho nàng chép. Catherine tỏ ra lich thiệp nhưng lạnh lùng. Nàng đợi Fraser nói một điều gì đó có tính chất riêng tư để nàng có dịp bộc lộ rằng nàng giữ thái độ xa lánh, song chính ông vẫn giữ thái độ lạnh lùng, nghiêm túc, Catherine ông tỏ ra là quyết gạt bỏ sự kiện buổi sáng ra khỏi đầu óc. Con người này lại ít tình cảm đến vậy ư? Tuy nhiên Catherine thấy công việc mới đầy cuốn hút. Điện thoại réo liên tục, họ tên những người gọi đến khiến nàng thấy rất hào hứng. Trong một tuần đầu tiên, phó Tổng thống Mỹ đã gọi điện đến hai lần, nửa tá thượng nghị sĩ bộ trưởng ngoại giao và một nữ diễn viên nổi tiếng đang có mặt ở thành phố gọi đến, giới thiệu bộ phim cô ta mới đóng. Cú điện thoại quan trọng nhất trong tuần là của Tổng thống Roosevelt. Catherine thấy hồi hộp quá, nàng đã để rơi ống điện thoại và đứt liên lạc với viên thư ký của Tổng thống. Ngoài những cú phôn gọi tới, Fraser còn hàng chục cuộc hẹn làm việc tại văn phòng, tại câu lạc bộ ở vùng quê và ở một trong những nhà hàng nổi tiếng. Sau vài tuần Fraser cho phép Catherine được bố trí lịch các cuộc hẹn và đặt trước các loại dịch vụ cho ông. Nàng biết được Fraser thích gặp những ai và tránh gặp những ai. Công việc đã cuốn hút nàng đến mức khi hết tháng đó, nàng hoàn toàn quên hẳn việc đi tìm công việc khác. Quan hệ giữa Catherine và Fraser vẫn ở mức độ hết sức lạnh nhạt, song nàng hiểu rõ ông, từ đó nhận thấy rằng thái độ lạnh lùng ở ông không phải là vì ông thiếu thân thiện, mà chính sự nghiêm nghị giữ ý đã trở thành bức tường ngăn ông với thế giới bên ngoài. Catherine có cảm giác rằng Fraser thật ra là một người hết sức cô độc. Công việc đòi hỏi ông phải có thái độ cộng đồng, song về bản chất ông là một người cô đơn. Cô còn cảm thấy một điều nữa, đó là việc William Fraser không thuộc loại người mà nàng mơ tưởng. Nàng cho rằng về chuyện đó thì đa số đàn ông nước Mỹ đều như vậy thôi. Thỉnh thoảng, nàng lại cùng Susie lại hẹn hò đi chơi với hai gã đàn ông, song đa số các vệ sĩ của nàng là những người đã có vợ, đòi hỏi tình dục mạnh mẽ, cho nên nàng thường thích đi xem phim hoặc xem kịch một mình. Nàng đã xem Gertrude Lawrence và một diễn viên hài mới nổi là Dannye Kaye trong phim "Bà phu nhân trong bóng tối", "Sống với người bố" và "Alice cầm vũ khí" với một diễn viên mới tên gọi là Kitr Douglas. Nàng thích phim Kitty Foyle với diễn viên Ginger Rogers bởi phim này gợi nàng nhớ đến cuộc đời nàng. Một buổi tối trong buổi diễn Hamlet nàng trông thấy Fraser ngồi trong ngăn riêng với một cô gái kiều diễm vận một chiếc áo dài đắt tiền đúng như Catherine đã thấy trong tạp trí Vogue. Nàng không biết cô gái đó là ai. Fraser tự bố trí những cuộc hẹn hò cá nhân của ông cho nên nàng không biết ông đi đâu và đi với ai. Ông nhìn lướt qua phòng khán giả và trông thấy nàng. Sáng hôm sau ông không hề nhắc chút gì về chuyện đó cho mãi đến khi ông đọc cho nàng ghi hết các thư từ giao dịch buổi sáng. - Cô có thích Hamlet không? - Ông hỏi. - Vở kịch cũng thành công đấy, song tôi không quan tâm lắm đến phần diễn xuất. - Tôi rất thích các diễn viên - Ông nói - Theo tôi, cô gái đóng vai Ơphelia rất tốt. Catherine gật đầu, định bước ra. - Cô có thích vai Ơphelia không? - Fraser hỏi với theo. - Nếu ông muốn tôi nói thực ý nghĩ của tôi - Catherine thận trọng đáp - Theo tôi, cô ta không có khả năng ngoi đầu lên khỏi mặt nước được - Nàng quay gót, tháo l. Tối hôm đó khi Catherine về đến nhà, Susie đang đợi nàng bảo rằng: - Hôm nay mày có khách. - Ai vậy? - Một nhân viên FBI. Người ra điều tra về mày. - Lạy Chúa, Catherine nghĩ. Người ta đã phát hiện ra mình là gái đồng trinh, có lẽ Washington có một loại luật gì đó phạt vạ chuyện này chăng. Rồi nàng nói to: - Tại sao nhân viên FBI lại điều tra về tao? - Bởi vì bây giờ mày làm cho cơ quan nhà nước. - À ra vậy. - Ông Fraser của mày thế nào? - Ông Fraser rất tốt - Catherine đáp. - Theo mày thì ông ấy có thích loại người như tao không? Catherine nhìn lại cô bạn cao ngẳng, da ngăm nâu, mềm oặt, đáp: - Để điểm tâm thì được. Trong tuần tiếp theo, Catherine dần dần làm quen với đám các cô thư ký khác làm việc ở các phòng bên cạnh. Vài ba cô cũng có quan hệ bồ bịch với ông chủ của họ, song hình như họ coi việc đàn ông có vợ hay độc thân không là vấn đề gì cả. Họ ghen tị với Catherine về việc nàng được làm việc cho William Fraser. - Chàng trai vàng đó ra sao? - Một buổi đang lúc ăn trưa một cô đã hỏi nàng - Ông đã qua tay cậu chưa? - Chà, chuyện đó ông ấy không quan tâm - Catherine chân thực đáp. - Nghiêm túc nhé, cậu thấy ông ta thế nào? - Có thể chịu được! Catherine nói xạo như vậy. Từ lần đầu tiên họ va chạm với nhau, tình cảm của nàng với Fraser đã thay đổi đáng kể, khi ông bảo ông là người kỹ tính, ông đã cho nàng biết rõ một sự thật. Mỗi khi nàng mắc khuyết điểm, nàng đều bị quở trách ra trò, song nàng thấy rằng ông công bằng và biết điều. Nàng để ý thấy ông gác cả công việc riêng của mình, dành thì giờ giúp đỡ người khác, tuy những người này không đem lại lợi lộc gì cho ông và cũng thường thụ xếp sao cho người ta khỏi phải chịu ơn. Có một buổi họ mắc nhiều việc bận giải quyết cho kịp Fraser đã mời Catherine đến ăn tối ở nhà mình để họ có thể làm việc khuya cùng nhau. Talmadge, anh tài xế của Fraser, ngồi đợi trong xe đỗ ngay trước toà nhà công sở. Nhiều cô thư ký lúc bước ra khỏi cửa được chứng kiến, với cái nhìn thông tỏ, cảnh Fraser đưa Catherine vào ngồi ghế phía sau, rồi lách mình vào ngồi cạnh nàng. Chiếc xe hơi lướt nhẹ, bay hoà nhập vào dòng xe cộ lúc cuối chiều. - Tôi sắp làm cho tiếng tăm của ông bị xói mòn - Catherine bảo. Fraser cả cười: - Tôi sẽ cho cô một lời khuyên. Một khi cô muốn bồ bịch với một nhân vật quảng giao nào đó thì cô cứ tiến hành công khai ngoài trời. - Thế nếu cảm hàn thì sao? Ông cười hề hề. - Tức là cô cứ đưa nhân tình của cô - nếu như ngày nay người ta vẫn còn dùng cái từ đó - đến những nơi công cộng, các nhà hàng, rạp hát nổi tiếng. - Những vở kịch kiểu Shakespeare? - Catherine ngây thơ hỏi. Fraser cứ lờ như không, nói tiếp: - Người đời luôn luôn tìm kiếm những động cơ bất chính. Họ sẽ nhủ thầm rằng "Hừ, đấy, gã ấy đưa con nọ con kia đến nơi công cộng. Không biết hắn đi ngầm với đứa nào vậy". Người đời thường không bao giờ tin những điều hiển nhiên. - Lý thuyết của ông thật là thú vị. - Arthur, Conan Doyle có viết một truyện dựa trên việc lừa dối người khác bằng một sự kiện hiển nhiên. - Đó là truyện "Bức thư bị đánh cắp" của Edgar Allen Poe - Catherine bật nói ra, nhưng ngay lúc đó nàng l thấy ân hận. Đàn ông không thích loại con gái trí lự. Nhưng liệu ở đấy có vấn đề gì không? Nàng đâu có phải là bồ của ông, nàng là thư ký cơ mà. Họ im lặng trong toàn bộ đoạn đường còn lại. Ngôi nhà của Fraser ở Georgetown đẹp như trong tranh. Đó là là một ngôi nhà Georgian bốn tầng, chắc tuổi thọ cũng đã phải trên hai trăm năm. Có một gia nhân mặc áo khoác trắng ra mở cửa. Fraser bảo với anh ta: - Frank, đây là cô Alexander. - Chào anh Frank. Chúng ta đã có dịp nói chuyện với nhau qua điện thoại - Catherine nói. - Vâng ạ. Thật vinh hạnh được gặp cô tại đây, thưa cô Alexander. Catherine đưa mắt ngắm gian phòng tiếp tân. Có một cầu thang cổ, đẹp, dẫn lên tầng hai, tay vịn bằng gỗ sồi lên nước bóng lộn. Sàn nhà lát bằng đá cẩm thạch, trên trần có đèn chùm lóng lánh. Fraser quan sát nét mặt nàng, hỏi: - Cô có thích không? - Dạ thích lắm. Ông mỉm cười, Catherine suy nghĩ: Không biết nàng có tỏ ra quá vồ vập như một thiếu nữ bị giàu sang hấp dẫn, hay là giống như trong số những người đàn bà hung hăng đã từng săn đuổi ông… Nàng tiếp lời, không ăn nhập. - Thật… thật là thú vị. Fraser nhìn nàng giễu cợt. Catherine thấy choáng váng khi cho rằng ông đã đọc những những ý nghĩa của nàng. - Mời cô vào phòng đọc sách của tôi. Catherine bước theo ông vào một căn phòng rộng đầy những giá sách làm bằng các khung màu sẫm. Nó mang phong cách của một lứa tuổi khác, một lối sống thoải mái, thân ái, hấp dẫn hơn. Fraser vẫn đang theo dõi nàng, ông nghiêm nghị hỏi: - Thế nào? Catherine lại một lần nữa ứng phó ngay: - Nhỏ hơn thư viện Quốc hội - Nàng đáp, đã có chuẩn bị trước. Ông cười ha hả. - Cô nói đúng. Frank bước vào phòng, mang theo một chiếc xô bằng bạc đựng nước đá. Anh ta đặt chiếc xô lên mặt quầy ở góc phòng. - Thưa ông Fraser, mấy giờ thì ông dùng cơm tối? - Bảy giờ rưỡi. - Tôi sẽ báo lại cho anh bếp biết - Frank rời khỏi phòng. - Tôi lấy gì cho cô uống đấy? - Thôi ạ, xin cảm ơn. Ông nhìn nàng: Cô không uống rượu sao, Catherine? - Tôi không muốn uống rượu trong lúc làm việc - Nàng đáp. - Tôi sẽ lẫn lộn P với O. - Cô bảo chữ P với chữ Q à? - P với O ạ. Hai chữ đó đứng cạnh nhau trên máy đánh chữ. - Thế mà tôi không biết. - Ông không hề quan tâm. Bởi vậy ông mới trả cho tôi một món hậu hàng tuần. - Tôi trả cho cô bao nhiêu nhỉ? - Fraser hỏi. - Ba mươi đô-la với một bữa ăn tối trong một ngôi nhà đẹp nhất Washington. - Cô vẫn giữ ý định không uống rượu? - Đúng thế, xin đa tạ ông - Catherine đáp. Fraser pha một ly Martini cho bản thân ông, trong lúc đó Catherine đi quanh phòng ngắm nhìn những quyển sách. Ở đây có toàn bộ những tên sách cổ điển truyền thống, ngoài ra còn có cả những bộ sách bằng tiếng Italia và một bộ nữa bằng tiếng Ả Rập. Fraser tiến đến bên cạnh cô. Catherine hỏi: - Ông nói được tiếng Ý và tiếng Ả Rập? - Phải. Tôi đã ở Trung Đông một vài năm và đã học nói tiếng Ả Rập. - Thế còn tiếng Ý? - Tôi có đi lại với một cô nữ diễn viên người Ý một thời gian. Nàng bừng đỏ mặt: - Xin lỗi. Tôi không có ý tọc mạch. Fraser nhìn nàng, lấy làm thú vị vì nàng có vẻ như một cô trò nhỏ. Nàng không xác định được nàng yêu hay ghét ông Fraser. Nàng chỉ biết một điều rằng ông là một người dễ thương nhất mà nàng từng gặp từ trước đến nay. Bữa ăn thật thịnh soạn. Tất cả các món ăn đều theo kiểu Pháp với những loại nước sốt tuyệt vời. Món tráng miệng là mứt anh đào. Thảo nào mỗi tuần ba buổi ông Fraser lại đi sinh hoạt câu lạc bộ thể thao. - Thế nào, cô? - Fraser hỏi nàng. - Không giống thức ăn ở trại lính - Nàng tủm tỉm cười đáp Fraser cả cười. - Một ngày nào đó tôi sẽ phải ăn ở nhà ăn của lính. - Tôi mà là ông thì không đời nào phải như vậy. Ông nhìn nàng: - Ăn uống tồi thế sao? - Không phải chuyện ăn uống. Vì chuyện con gái cơ. Người ta sẽ động viên ông đấy. - Vì sao cô lại nghĩ như vậy? - Người ta bàn về ông luôn. - Nghĩa là họ căn dặn cô về tôi chứ gì? - Rồi ông sẽ rõ - Nàng cười hinh hích. - Tôi tin rằng một khi họ chuyện trò với cô, họ ắt cảm thấy thất vọng vì thiếu thông tin. Nàng lắc đầu: - Ông nhầm. Tôi đã dựng nên đủ mọi thứ chuyện về ông. Fraser ngả lưng vào ghế tựa, thoải mái bên ly rượu Brandy. - Những loại chuyện gì vậy? - Ông có thực sự muốn nghe không? - Thực chứ sao. - Tôi kể với họ rằng ông là một bà la sát, hét la tôi suốt ngày. Ông cười hề hề: - Đâu có suốt ngày. - Tôi kể với họ rằng ông là một lão khùng luôn luôn xách theo súng đã lên đạn để đi săn lùng quanh phòng trong lúc ông đọc cho tôi chép và tôi luôn luôn hoảng sợ vì súng cướp cò thì đời tôi tiêu. - Chuyện đó chắc hấp dẫn họ lắm! - Họ có dịp thoả sức hình dung xem con người đích thực của ông thế nào. - Thế cô đã hình dung ra con người đích thực của tôi chưa - Giọng của Fraser trở nên nghiêm túc. Nàng nhìn thẳng vào đôi mắt xanh sáng của ông một lúc, sau đó quay đi và đáp: - Tôi đã làm rồi. - Vậy thế tôi như thế nào? Catherine bỗng cảm thấy căng thẳng đầu óc. Đã hết lúc đùa cợt và bây giờ câu chuyện giữa họ chuyển sang một phong thái mới. Một phong thái khiến nàng bị kích động, lúng túng. Nàng im lặng. Fraser nhìn nàng một lát, rồi mỉm cười: - Đề tài về tôi thật nhạt nhẽo. Cô dùng thêm chút tráng miệng? - Dạ xin đủ, cám ơn ông. Tôi sẽ còn no cả tuần này. - Nào bây giờ ta vào việc. Họ làm việc đến tận nửa đêm. Fraser tiễn nàng ra tận cửa, anh tài xế Talmadge đang đợi bên ngoài để đưa nàng trở về nhà. Suốt trên đường đi nàng cứ nghĩ hoài về Fraser. Nào là sức mạnh, tính hài hước đến lòng trắc ẩn của ông. Ai đó có lần nói người ta cần phải hết sức cứng rắn trước khi tự cho phép mình trở thành hiền lành. William Fraser rất cứng rắn. Tối nay là một tối tốt đẹp nhất trong đời Catherine và có điều khiến nàng băn khoăn day dứt rằng nàng có thể sẽ trở thành một trong những cô thư ký thích đố kỵ ngồi trong văn phòng, suốt ngày chỉ thù oán các thiếu nữ gọi điện thoại đến cho ông chủ nhà mình. Không, nàng nhất định sẽ không cho phép tình trạng đó xảy ra. Bất kỳ phụ nữ nào ở Washington có tư cách đều để lại ấn tượng trong tâm trí Fraser. Nàng không muốn nhập bọn với họ. Catherine về đến nhà, Susie vẫn thức đợi nàng. Cô nhào tới, ngay lúc Catherine bước vào phòng, hỏi ngay: - Thế nào? Có xảy ra chuyện gì không? - Không có gì cả - Catherine đáp - Chúng tôi đã ăn tối với nhau. Susie nhìn nàng không tin. - Hắn thậm chí không đụng đến mày ư? - Tất nhiên là không. Susie thở dài: Thật tình tao không hiểu nổi. Chắc hắn sợ? - Mày nói thế nghĩa là thế nào? - Con khờ này, tao nói nghĩa là mày cứ đeo cái mác Đức mẹ Đồng trinh chứ sao. Có lẽ hắn sợ rằng nếu hắn đụng đến mày, mày lại kêu rầm lên là hắn hiếp mày, rồi ngất xỉu thì nguy. Catherine cảm thấy hai má nàng đỏ bừng. - Tao không quan tâm đến ông ta theo kiểu đó - Nàng đáp, vẻ cứng rắn - Mà tao chẳng đeo cái mác Đức mẹ Đồng trinh. Mình đeo cái mác Catherine Đồng trinh. Ôi nữ thánh Catherine Đồng trinh đáng thương. Nàng mới làm được có mỗi một việc duy nhất là chuyển thánh địa của nàng về Washington, mọi việc như trong một ngôi nhà thờ cũ vậy. Trong sáu tháng sau đó Fraser liên tiếp đi vắng. Lúc thì đi Chicago, lúc đi Francisco, có khi sang châu u, Catherine vẫn có nhiều việc làm đến bù đầu, tuy nhiên văn phòng thiếu Fraser có vẻ trống trải, cô đơn rất nhiều. Những vị khách hấp dẫn thường xuyên đổ về như suối không ngừng chảy, đa số họ là nam giới, song Catherine luôn từ chối những lời mời mọc. Người ta tạo cho nàng những cơ hội như đi ăn trưa, ăn tối, du lịch sang châu u và vào phòng ngủ. Nàng không hề chấp nhận một lời mời nào cả, một phần là bởi lẽ nàng không gặp một người đàn ông nào hấp dẫn, song chủ yếu vẫn là việc nàng cảm thấy ông Fraser không tán thành để cho nàng lẫn lộn giữa công việc với những lạc thú riêng. Nếu ông Fraser biết là nàng đã liên tiếp từ chối các cơ hội người ta nêu ra với nàng, ông sẽ không có ý kiến gì. Ngay hôm sau nàng ăn tối với ông tại nhà riêng của ông, ông đã nâng lương cho nàng mỗi tuần thêm mười đô-la. Catherine cảm thấy nhịp độ thành phố đã có thay đổi. Người ta đi lại nhanh hơn, trạng thái trở nên căng thẳng hơn. Báo chí đăng to những tiêu đề lớn về hàng loạt vụ xâm lăng và khủng hoảng đang xảy ra bên châu u. Sự sụp đổ của Pháp đã gây ra chấn động mạnh đối với người Mỹ hơn bất kỳ một sự kiện nào khác diễn ra chớp nhoáng ở châu u bởi họ cảm thấy họ bị xúc phạm đến cá nhân, bị mất tự do trên một đất nước vốn coi là một cái nôi của Tự do. Na Uy đã sụp đổ. Nước Anh đang chiến đấu để bảo vệ sống còn ở chiến trường ngay trên đất nước của họ và một minh ước đã được ký kết giữa ba nước Đưc, Ý, Nhật. Mọi người dần dần cảm thấy rõ ràng trước sau nước Mỹ cũng sẽ nhập cuộc. Một hôm Catherine có hỏi Fraser về chuyện này. - Theo tôi, vấn đề chúng ta tham chiến chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi - Ông nói, vẻ trầm tư - Nếu nước Anh không ngăn chặn được Hitler thì chúng ta phải… - Nhưng ông Thượng nghị sĩ Borah có nói… - Biểu trưng của các ông Thượng nghị sĩ Mỹ cần phải là con đà điểu - Fraser cáu kỉnh nhận xét. - Ông sẽ làm gì nếu xảy ra chiến tranh? - Sẽ trở thành anh hùng - Ông đáp. Catherine thử hình dung ông oai hùng trong bộ quân phục lên đường ra trận mạc, rồi lại ngán với cái ý nghĩ đó. Nàng cảm thấy thật là ngu xuẩn, vì trong một thời đại văn minh như thế này mà người ta lại nghĩ đến chuyện giải quyết những bất đồng bằng các cuộc chém giết lẫn nhau. - Đừng lo, Catherine ạ - Fraser bảo - Hiện nay chưa xảy ra chuyện gì cả. Mà cho rằng có chuyện gì đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng ứng phó với tình hình đó cơ mà. - Thế còn nước Anh? - Nàng hỏi - Nếu Hitler quyết định xâm lược Anh, thì Anh liệu có đủ khả năng chống trả lại không? Hắn nhiều xe tăng, máy bay lắm mà người Anh lại chẳng có gì cả. - Họ sẽ có - Fraser nói để nàng yên tâm - Chẳng còn lâu nữa đâu. Ông chuyển qua chuyện khác, và họ lại quay về với công việc. Một tuần sau đó các tít báo đưa tin về quan điểm mới của Roosevelt về chuyển giao vũ khí cho đồng minh. Điều này Fraser đã biết rồi và ông giải thích cho nàng hiểu song cũng không hề tiết lộ tin tức gì thêm. Ngày tháng trôi qua mau lẹ. Thỉnh thoảng Catherine lại có một cuộc hẹn hò, nhưng mỗi lần như vậy nàng lại thầm so sánh vệ sĩ của nàng với ông Fraser, nàng cũng không rõ vì sao nàng lại dễ dãi nhận lời với người ta như vậy. Nàng nhận thấy nàng ở vào một tâm trạng bế tắc, nhưng cũng không còn biết làm cách nào thoát ra được. Nàng tự nhủ rằng nàng đã phải lòng Fraser và cần tìm cách vượt qua tình cảm đó, song đồng thời nàng vẫn không bị cuốn hút say sưa trong quan hệ với những người đàn ông khác, bởi lẽ tất cả bọn họ còn xa mới sánh kịp với ông. Một lần Catherine nán lại làm việc đến tối khuya, Fraser bất ngờ quay lại văn phòng sau khi xem một vở diễn trở về. Nàng hoảng hốt ngước lên nhìn khi ông bước vào ông lầm bẩm: - Sao ở đây lại lắm việc đến thế! Một tàu chở nô lệ chứ chẳng chơi. - Tôi muốn hoàn thành cho xong bản báo cáo này - nàng bảo - Để đến mai ông kịp mang đi San Francisco. - Cô có thể gửi qua bưu điện cho tôi cũng được cơ mà - Ông đáp, rồi ngồi xuống chiếc ghế tựa đối diện với Catherine để ngắm nàng - Cô không có việc gì làm thú vị hơn trong những buổi tối thế này để dứt ra khỏi những bản báo cáo tẻ ngắt đó sao? - Tình cờ tối nay tôi được rỗi rãi đấy thôi. Fraser dựa lưng và ghế, khoanh hai tay lại, rồi chống cằm nhìn nàng. - Cô có còn nhớ cô đã nói gì cái hôm đầu tiên cô bước vào phòng này không? - Tôi đã nói rất nhiều chuyện ngớ ngẩn. - Cô nói rằng cô không muốn làm thư ký mà muốn làm trợ lý cho tôi. Nàng mỉm cười: - Em không biết thế nào thì hơn. - Bây giờ cô biết rồi đấy. Nàng ngẩng nhìn ông. - Em vẫn không hiểu. - Rất đơn giản thôi, Catherine ạ - Ông nói nhỏ nhẹ - Trong ba tháng gần đây, cô thật sự là trợ lý của tôi rồi. Nhưng bây giờ tôi sắp chính thức tuyên bố ra điều đó. Nàng trân trân nhìn ông, hoài nghi: - Có thực là ông… - Tôi không nêu ra cho cô cái chức danh đó cũng như không tăng lương cho cô sớm hơn bởi tôi không muốn làm cô sợ hãi. Còn bây giờ thì cô biết rằng cô có thể làm được rồi. - Em không biết nói sao đây - Catherine lắp bắp - - Em… à, ông sẽ không phải ân hận về chuyện đó đâu, ông Fraser ạ. - Tôi thấy buồn đấy. Các trợ lý của tôi thường gọi tôi là Bill theo cách thân mật. - Vâng, anh Bill. Đêm đó khi Catherine đã nằm trên giường, nàng vẫn nhớ rõ cảnh tượng ông đã nhìn nàng như thế nào, nàng đã có cảm xúc ra sao, và cứ thế nàng nằm thao thức mãi khá lâu. Đã mấy bận Catherine viết thư cho bố nàng, ông có dịp tới Washington chơi với nàng. Nàng háo hức muốn có dịp đưa cha đi khắp thành phố và giới thiệu ông với bạn bè và với Bill Fraser. Hai lần thư vừa đi rồi, nàng không được đáp lại Bồn chồn quá, nàng đã gọi điện về nhà chú nàng ở Omaha. Ông chú trả lời điện thoại. - Cathy à? Chú… chú định gọi cho cháu đấy. Tim Catherine thót lại. - Bố cháu thế nào? Ngừng một giây. - Ông mới bị một cơn đau tim. Chú định gọi cho cháu sớm hơn, song bố cháu yêu cầu chú hãy chờ cho đến khi ông thấy khá hơn. Catherine nắm chặt ống nói: - Bố cháu đã khá hơn chứ ạ? - Rất tiếc là chưa, Cathy ạ. Ông ấy bị liệt rồi. - Cháu sẽ đến đó ngay - Catherine nói. Nàng đến chỗ Bill Fraser thông báo lại tin này. - Xin chia sẻ với cô - Fraser bảo - Cô có cần tôi giúp gì không? - Em không rõ. Em chỉ muốn đến ngay với bố em, anh Bill ạ. - Được thôi - Ông nhấc điện thoại và gọi đi mấy nơi. Người tài xế của ông lái xe đưa Catherine trở về nhà, nàng thu xếp ít quần áo bỏ vào vali, sau đó anh ta đưa nàng ra sân bay, tại đây Fraser đã thu xếp giữ chỗ cho nàng. Khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Omaha chú Catherine đã có mặt tại đó, đón nàng. Thoáng nhìn qua nét mặt họ, nàng biết là đã quá muộn. Họ im lặng lái xe đưa nàng đến nơi quan tài thi hài bố nàng và khi Catherine bước vào toà nhà, nàng thấy trào lên một cảm giác mất mát, đơn côi không tả xiết. Một phần con người nàng đã mất đi không bao giờ lấy lại được nữa. Nàng được đưa vào một ngôi nhà thờ nhỏ. Thi hài bố nàng vận com lê sang nhất đặt nằm trong một cỗ hòm đơn giản. Thời gian làm cho thân hình ông quắt queo, như thể cuộc sống đã bào mòn ông liên tục và biến thành một người nhỏ nhắn. Chú nàng trao lại cho nàng những tài sản cá nhân của ông, tiền bạc dành dụm và những vật dụng tích cóp cả cuộc đời, trong đó có năm chục đô-la bằng tiền mặt, vài tấm hình cũ, vài tấm hoá đơn, một chiếc đồng hồ đeo tay, một con dao gọt bút chì bằng bạc sáng bóng và một bó thư nàng gửi về cho ông được buộc ngay ngắn bằng một sợi dây, thư đã quăn góc vì được đọc đi đọc lại nhiều lần. Di sản để lại như vậy thật đáng mủi lòng, dù cho bất kỳ ai cũng thế. Tim Catherine quặn đau vì thương cha. Những hoài bão của ông to lớn thế, mà thành công thì thật quá nhỏ nhoi. Nàng nhớ lại hồi nàng còn bé, bố nàng thật linh hoạt, sống động, mỗi khi ông đi xa trở về nhà, túi quần áo rủng rỉnh đầy tiền, tay ôm đầy quà, sao mà phấn khởi, náo nức thế? Nàng nhớ lại những phát minh kỳ diệu của ông, song tiếc là không bao giờ được đưa vào sử dụng. Hồi ức không nhiều nhặn, nhưng đó là tất cả những gì ông để lại cho nàng. Bất ngờ nàng có vô vàn điều muốn tâm sự với ông, vô vàn việc nàng muốn làm cho ông. Song hỡi ơi, đã muộn quá rồi. Họ mai táng cha nàng trong một nghĩa địa nhỏ bên cạnh nhà thờ. Catherine đã dự định ở lại một đêm với cô chú, rồi đi xe lửa trở về nhà ngay hôm sau, song bất đồ nàng cảm thấy không thể chịu đựng nổi thêm một giây phút nào nữa, nàng đã gọi điện ra phi trường, đặt một vé vào chuyến bay sắp tới để trở lại Washington. Bill Fraser ra tận phi trường đón nàng. Dường như một điều hết sức tự nhiên trên đời này đối với ông là lúc này cần phải có mặt tại đó, đón đợi nàng và phải chăm sóc nàng một khi nàng cần đến. Ông đưa Catherine tới một quán trọ vùng quê, ở Virginia để ăn tối. Ông ngồi lắng nghe nàng kể về bố nàng. Lúc nàng đang kể đến giữa chừng một câu chuyện khôi hài về người bố, Catherine bật oà khóc, song thật là lạ, nàng lại chẳng cảm thấy gì là ngượng ngùng trước mặt Bill Fraser. Ông gợi ý cho Catherine nghỉ một thời gian song nàng muốn có nhiều công việc bận rộn, để đầu óc nàng luôn luôn làm việc không còn thì giờ nhớ đến cái chết của bố nàng. Nàng bắt đầu có thói quen đến ăn bữa tối với Fraser mỗi tuần một hai lần. Và Catherine cảm thấy gần gụi với ông hơn trước. Sự việc diễn ra không hề theo ý kế hoạch vào hoặc một dự định trước. Họ đã làm việc khuya tại văn phòng. Catherine đang kiểm tra lại một số giấy tờ thì có cảm giác Bill Fraser đang đứng ngay sau lưng nàng. Những ngón tay ông chạm vào cổ nàng, từ từ, mơn trớn. - Catherine… Nàng quay lại nhìn ông và chỉ một thoáng sau nàng đã trong vòng tay ông. Dường như trước đây họ đã hôn nhau đến hàng ngàn lần, dường như động tác này nàng đã từng làm và sẽ làm nữa trong tương lai giống như trước đây nàng đã làm. Catherine nghĩ: Động tác này thật là đơn giản. Nó bao giờ cũng đơn giản có vậy thôi, thế mà mình không biết. - Mặc áo khoác vào, cưng - Bill Fraser bảo - Ta về nhà thôi. Trên chiếc xe hơi chạy về Georgetown họ ngồi nép sát vào nhau. Vòng tay Fraser ôm lấy Catherine, dịu dàng chở che. Nàng chưa từng biết đến niềm hạnh phúc này bao giờ. Nàng tin rằng nàng đã yêu ông, mà nếu như ông không yêu nàng thì cũng chẳng hề gì. Ông chỉ mến nàng thôi và nàng sẽ chấp nhận như vậy. Rồi khi nàng nghĩ đến việc nàng đã từng tự giác chấp nhận trước đây với Ron Peterson, nàng ràng mình. - Sao vậy? - Fraser hỏi. Catherine nhớ lại căn phòng ở motel với tấm gương rạn nứt, bẩn thỉu. Nàng nhìn lại bộ mặt cương nghị, thông minh của người đàn ông đang ôm nàng trong cánh tay.- - Bây giờ chưa phải lúc - Nàng nói với vẻ hàm ơn. Rồi nuốt nước bọt - Em cần phải nói với anh một điều. Em là một cô gái đồng trinh. Fraser mỉm cười, lắc đầu suy nghĩ - Thật khó tin. Làm sao anh giải quyết được với cô gái đồng trinh duy nhất ở thành phốWashington này? - Em đã cố tìm cách uốn nắn chuyện đó, nhưng không kết quả - Nàng nói một cách chân thành. - Anh mừng là việc đó không kết quả - Fraser bảo. - Nghĩa là anh không băn khoăn gì? Ông lại mỉm cười châm chọc nàng. - Em có nắm được nhược điểm của em không? - Em cũng biết. - Em đã quá lo lắng về chuyện đó chứ gì? - Em biết. - Thủ pháp là phải để cho đầu óc được thoải mái. Nàng lắc đầu khe khẽ. - Không anh ạ. Phương pháp là cứ yêu thôi. Nửa giờ sau chiếc xe hơi đỗ lại trước nhà ông, Fraser đưa Catherine vào nhà, lên phòng thư viện. - Em có uống không? Nàng nhìn ông: - Ta lên gác đi. Ông ôm choàng lấy nàng và hôn mãnh liệt, nàng cũng ghì lấy ông thắm thiết và muốn kéo ông sát lại với nàng. Catherine nghĩ: Nếu đêm nay không được suôn sẻ, mình sẽ tự sát. Nhất định mình tự sát. - Ta đi nào - Ông nói, rồi nắm lấy tay nàng. Phòng ngủ của Bill Fraser rất giống dáng vạm vỡ đàn ông, với một chiếc tủ nhiều ngăn kiểu Tây Ban Nha kê sát một bức tường, ở phía xa cuối phòng có một vòm hõm với một chiếc lò sưởi và đằng trước là bàn ngồi ăn điểm tâm. Kê giáp bức tường là một chiếc giường đôi lớn. Phía bên trái có một phòng trang điểm và cạnh đó là buồng tắm. - Em nhất định không uống chút rượu - Fraser hỏi. - Em không cần uống. Ông lại ôm ghì lấy nàng và hôn. Nàng cảm thấy hơi ấm dễ chịu từ người ông toả khắp người nàng. - Anh quay lại ngay bây giờ - Ông nói. Catherine nhìn theo ông đi vào phòng thay quần áo. Đây là con người dễ thương và tuyệt vời nhất nàng biết từ trước tới nay. Nàng đứng ngây ra suy nghĩ về ông, rồi bỗng nhiên hiểu ra lý do vì sao ông bỏ ra khỏi phòng. Ông muốn để cho nàng có dịp cởi xống áo một mình, để nàng khỏi bị bối rối. Lập tức Catherine bắt đầu cởi quần áo. Nàng đứng ngẩn người trong phút chốc, trần truồng, nàng nhìn xuống cơ thể mình và nghĩ Vĩnh biệt Thánh Catherine. Nàng tiến lại giường, kéo tấm mền ra và chui vào giữa tấm mền và khăn giường. Fraser bước vào, ông mặc một chiếc áo choàng bằng lụa óng ánh, ông tiến lại phía giường, ngắm nhìn nàng. Mái tóc nàng đen nhánh ôm tròn lấy khuôn mặt đẹp của nàng, mái tóc đó xoã tơi trên nền gối trắng muốt. Điều đó làm ông thêm rạo rực bởi ông nhận thấy nó hoàn toàn không được chuẩn bị gì trước. Ông rũ khỏi chiếc áo ngủ và chui vào giường nằm bên nàng. Nàng đột nhiên nhớ ra một điều. - Em không phòng ngừa gì cả. Liệu có bị mang thai không? - Anh hy vọng như vậy. Nàng nhìn ông lúng túng, định mở miệng để hỏi xem ông nói như vậy là nghĩa thế nào thì ông đã áp đôi môi lên môi nàng và đôi tay bắt đầu nhẹ nhàng chuyển động trên thân hình nàng. Nàng quên hết thảy trừ những gì đang xảy đến với nàng. - Em chuẩn bị xong chưa? Nàng cũng không rõ là nàng cần phải chuẩn bị như thế nào, nhưng nàng vẫn cứ đáp là xong rồi. Nàng cảm thấy tràn trề sung sướng vì nàng mang lại cho ông hạnh phúc, và nàng cố quên đi một sự thất vọng trước đây. Có lẽ nó cũng giống như những trái ôliu, người ta cần phải biết mùi vị của nó. Nàng đang nằm trong cánh tay ông để mặc cho giọng nói của ông ta an ủi, vỗ về nàng. Nàng nghĩ: Hai con người yêu nhau và chia sẻ mọi thứ với nhau, hai con người đó được gần gụi nhau, đó chính là điều có ý nghĩa quan trọng. Nàng đã từng đọc rất nhiều tiểu thuyết hoa mỹ nghe quá nhiều những bản tình ca nỉ non. Nàng đã từng hy vọng quá nhiều rồi. Hoặc có lẽ nàng là người lãnh cảm, và nếu thật sự như vậy thì nàng phải gánh chịu chứ sao. Dường như đọc được ý nghĩ của nàng, Fraser kéo nàng lại sát hơn và bảo: - Em thấy thế nào? - Thật là tuyệt - Nàng đáp vội, rồi mỉm cừời - Anh là người tình tốt nhất của em. Nàng hôn ông, ghì chặt ông và cảm thấy ấm áp an toàn bên ông. Nàng thấy hài lòng. - Em uống một ly Brandy nhé? - Ông hỏi. - Thôi, xin cảm ơn. - Anh phải uống một ly đây. Có phải đêm nào người ta cũng được ngủ với một gái đồng trinh đâu. - Anh nghĩ thế ư? - Nàng hỏi. Ông nhìn lại nàng, cái nhìn lạ lùng, tỏ ra thạo đời, sau đó ông lảng qua chuyện khác, đáp: - Không. Giọng nói của ông có một sắc thái gì đó nàng không hiểu. - Em thế nào? - Nàng nuốt nước bọt - Được không? - Em rất đáng yêu. - Thật không? - Anh có biết tại sao em hầu như không muốn ăn nằm với anh không? - Nàng hỏi. - Tại sao? - Bởi vì em sợ rằng anh không còn muốn được gặp em nữa. Ông cười ha hả: - Đó là thứ chuyện về các cô gái già lại được bà mẹ nhút nhát đơm đặt thêm vì muốn giữ cho các cô con gái của mình trong sạch. Tình dục không đẩy người ta đến chỗ xa nhau đâu, Catherine ạ. Mà trái lại nó càng đưa người ta lại gần nhau. Và đúng thế. Nàng chưa từng thấy gần gũi với ai bao giờ. Bề ngoài dường như nàng vẫn thế, song Catherine biết rằng nàng đã thay đổi nhiều. Cô thiếu nữ trẻ trung tới ngôi nhà này lúc đầu hôm đã biến mất vĩnh viễn, và thế vào chỗ đó là một người đàn bà. Người đàn bà của William Fraser. Cuối cùng nàng cũng đã tìm thấy chiếc chén thánh bí hiểm bấy lâu nay nàng vẫn tìm mà chưa thấy được. Cuộc tìm kiếm đến đây chấm dứt. Lúc này thậm chí Cục Điều tra Liên bang cũng thấy thoả mãn yên tâm. Chương 07 Đối với một số người, Paris của năm 1941 là một kho của cải và cơ hội may mắn, còn với một số khác thì lại là một địa ngục trần gian. Gestapo trở thành một từ gieo rắc nỗi khủng khiếp và những chuyện về các hoạt động của họ trở thành đề tài chính cho những cuộc mạn đàm nho nhỏ. Lúc đầu những cuộc tiến công nhằm vào người Pháp gốc Do Thái chỉ đơn thuần là việc phá phách một số tủ kính bày hàng của họ, sau đó được Gestapo tổ chức thành một hệ thống các hoạt động tịch thu, bài xích và cuối cùng là tiêu diệt họ. Ngày 29 tháng Năm người ta ban bố một lệnh: "… Một ngôi sao hình sáu cánh với kích thước bằng bàn tay có một gờ màu đen. Hình đó phải làm bằng vải mang dòng chữ đen JUDEN(1). Mọi người từ sáu tuổi trở lên phải mang hình đó trên phía ngực trái, khâu chắc chắn và rõ ràng vào vải áo…" Không phải mọi người Pháp đều dễ dàng chấp nhận đất nước họ bị gót giầy quân Đức chà đạp. Những người Maquis trong Phong trào kháng chiến bí mật Pháp đã chiến đấu ngoan cường khôn khéo và mỗi khi bị bắt, họ bị người ta giết bằng nhiều cách rất tinh vi. Một bà Bá tước trẻ, dòng họ bà có một lâu đài ở ngoại ô Chartres, đã bị người ta ép phải cho các sĩ quan của Bộ chỉ huy Đức địa phương lập trụ sở ở mấy phòng tầng trệt trong nửa năm trời, trong khi đó bà lại giấu năm thành viên của Maquis đang bị truy nã ngay ở tầng trên của lâu đài. Hai nhóm người này không bao giờ chạm trán nhau, song chỉ trong có ba tháng mà mái tóc bà Bá tước bạc trắng hoàn toàn. Bọn Đức sống đúng phong cách của kẻ đi chinh phục, trong khi đó người dân Pháp bình thường thì thiếu đủ mọi thứ, trừ sự đói rét, bần cùng. Hơi đốt phải mua theo định suất vì vậy không có đủ nhiệt sưởi ấm. Người dân Paris sống qua các mùa đông lạnh lẽo bằng cách mua mùn cửa theo tấn, chưa đầy một nửa căn hộ của họ và họ dùng những bếp đun mùn cưa đặc biệt để giữ cho nửa nhà còn lại được ấm áp. Mọi thứ đề là ersatz(2) từ thuốc lá, cà phê cho tới đồ da. Người Pháp nói đùa rằng ăn uống cũng chẳng thành vấn đề gì, v giác đối với thứ nào mà chẳng thế. Phụ nữ Pháp, theo truyền thống vốn là những người ăn mặc đỏm dáng nhất thế giới, vậy mà nay phải vận áo làm bằng đa cừu rách sờn thay cho len, họ đi những đôi guốc gỗ cho nên bước chân phụ nữ vang trên đường phố Paris nghe lóc cóc như tiếng vó ngựa nện xuống mặt đường. Thậm chí đến những lễ rửa tội cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu kẹo hạnh nhân bọc đường là thứ kẹo truyền thống dùng trong lễ rửa tội. Các hiệu bánh kẹo quảng cáo mời khách vào mua nhưng cũng chỉ đăng ký tên cho khách kẹo hạnh nhân mà thôi. Trên đường phố chỉ có đôi ba chiếc taxi chạy, hình thức phổ biến nhất bây giờ là loại xe có hai chỗ ngồi được kéo bằng xe đạp ở đằng trước. Cũng như trong mọi thời gian có những cuộc khủng hoảng kéo dài, hoạt động nhà hát càng trở nên phát đạt. Người ta tìm cách chạy trốn khỏi thực tại đau buồn nhức nhối của cuộc đời hàng ngày trong các rạp chiếu bóng và nhà hát. Chẳng mấy chốc Noelle Page đã trở thành một ngôi sao rực rỡ, những người diễn viên đầy đố kỵ trong ngành kịch nghệ cho rằng sở dĩ nàng nhanh chóng được như vậy chẳng qua là nhờ sức mạnh và tài năng của Armand Gautier, song một mặt, quả thực cũng phải kể đến sự nâng dắt của Gautier cho nàng khi mới bước vào nghề, song một mặt khác, một điều hiển nhiên mà bất cứ ai trong ngành sân khấu cũng đều biết chỉ có công chúng mới xác định được diễn viên nào là minh tinh đích thực, mà khán giả thì muôn hình muôn vẻ, quan điểm bất thường, hay thay đổi, khi thẩm định số phận của một diễn viên. Vậy mà công chúng hâm mộ Noelle. Còn về phần Armand Gautier, ông lấy làm tiếc là đã góp phần đưa Noelle vào sự nghiệp. Bây giờ nàng không còn yêu cầu gì ở ông nữa, mối quan hệ gắn nàng lại với ông chỉ có tính chất tùy hứng. Ông sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ đến một ngày nào đó nàng sẽ bỏ rơi ông. Gautier đã từng làm việc ở nhà hát gần suốt cuộc đời, thế nhưng ông chưa từng gặp một người nào như Noelle cả. Nàng như một chiếc bọt biển hút nước không biết dừng, nàng học hết mọi thứ ông dạy cho nàng mà vẫn cứ đòi hỏi nhiều thêm. Thật hết sức lý thú khi ông được theo dõi sự hoá thân của nàng từ lúc ban đầu còn ngỡ nàng chỉ nắm được những biểu hiện bề ngoài của vai kịch cho đến khi nàng nắm chắc nhân vật một cách đầy tự tin. Ngay từ đầu ông Gautier đã nhận ngay ra rằng Noelle sẽ trở thành một ngôi sao (Điều này không còn gì là nghi ngờ nữa). Song ông càng hiểu nàng hơn, ông càng thấy ngạc nhiên rằng mục tiêu của nàng lại không phải trở thành minh tinh. Thực ra Noelle cũng không quan tâm đến kịch nghệ chút nào. Lúc đầu Gautier thấy không thể tin được chuyện đó. Việc trở thành ngôi sao chính là bậc thang danh vọng cao nhất, là sine qua non(3). Thế mà đối với Noelle kịch nghệ cũng chỉ là một hòn đá để đặt bước mà thôi. Gautier không có một chút cơ sở nào để tìm ra mục tiêu cuối cùng của nàng là gì. Nàng đúng là một câu đố hóc hiểm, và Gautier càng tìm hiểu sâu, ông càng thấy câu đố thêm phức tạp, chẳng khác gì một chiếc hộp của Trung Quốc lại phát hiện ra bên trong còn vô số những chiếc hộp khác. Gautier tự phụ rằng ông nắm rất nhanh tâm l đặc biệt là phụ nữ, thế mà ông hoàn toàn không biết gì về người đàn bà mà ông chung sống và yêu tha thiết, điều đó khiến ông phát điên lên. ông ngỏ ý cưới Noelle thì nàng đáp: "Đồng ý anh Armand ạ". Song ông biết là nàng không chú ý gì trong đó cả, cũng giống như trường hợp nàng hứa hôn với Philippe Sorel trước đây, hoặc Chúa biết có bao nhiêu người đàn ông đã qua trong đời nàng. Ông biết rằng cuộc hôn nhân của ông sẽ không bao giờ xảy ra. Khi Noelle đã đủ lông đủ cánh, nàng sẽ bay vù đi tiếp. Gautier tin rằng gã đàn ông nào từng gặp nàng cũng cố tìm cách gạ gẫm nàng ngủ với hắn. Qua những người bạn đầy đố kỵ, ông được biết rằng chưa một ai thành công. Một người bạn ông thuật rằng: - Anh thật là một thằng khốn nạn đầy may mắn. Anh đáng bị treo lên như un taureau(4)Tôi đã gợi ý tặng nàng một chiếc thuyền buồm, một tòa nhà lâu đài và cả một đội đầy tớ ở Cap d Antibes, thế mà nàng chỉ cười và chế nhạo tôi. Một người bạn khác là chủ nhà băng có kể cho ông nghe. - Cuối cùng tôi đã phát hiện ra có một thứ tiền bạc không thể mua được. - Noelle? Chủ nhà băng gật đầu. - Chính thế. Tôi bảo nàng cứ đặt giá đi, thế mà nàng vẫn phớt đều. Vậy anh sẽ tặng cho nàng cái gì, anh bạn? Chính Armand Gautier cũng không biết đó là cái gì? Gautier nhớ mãi lần đầu tiên ông tìm cho nàng một vở diễn đọc chưa hết mười trang kịch bản, ông nhận ra ngay đây đúng là vở kịch ông đang định tìm cho nàng. Vở kịch gây ấn tượng mạnh, kể lại người đàn bà có chồng đi chiến trận. Một hôm có một người lính xuất hiện ở nhà chị ta, cho biết y là một chiến hữu của chồng chị, y đã phục vụ mặt trận ở bên Nga. Chuyện kịch mở rộng dần, người đàn bà đâm ra yêu gã lính kia và không biết y là một tên tâm thần, thích chém giết người và tính mạng chị bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là một vai diễn lớn cho ai đóng người vợ kia. Gautier nhận làm đạo diễn vở kịch này ngay lập tức với điều kiện là Noelle Page sẽ sắm vai chính. Các ông bầu không muốn đưa một diễn viên vô danh tiểu tốt vào vai chính, song cũng đồng ý để nàng đóng thử cho họ xem. Gautier vội về báo ngay Noelle biết tin đó Noelle chỉ ngẩng lên nhìn ông nói: - Tuyệt quá, cảm ơn anh Armand Gautier - Vẫn bằng cái giọng mà nàng thường ngỏ lời cảm ơn ông khi ông cho nàng biết chính xác là mấy giờ hoặc khi ông châm thuốc lá cho nàng. Gautier ngắm nhìn nàng hồi lâu, ông có một cảm giác kỳ lạ là Noelle không được bình thường, rằng những cảm xúc trong nàng hoặc đã chết dần hoặc không ai làm chủ được nàng. Ông cảm thấy như vậy, tuy nhiên ông cũng không thực tin, bởi vì đứng trước ông là một thiếu nữ kiều diễm, khả ái, sẵn sàng chiều theo mọi tình cảm thất thường của ông và không hề đòi hỏi được đền bù cái gì. Bởi yêu nàng quá nên Gautier đã dẹp mọi hoài nghi sang một bên và họ bắt tay vào tập vở kịch. Noelle rất xuất sắc trong buổi biểu diễn thử và được nhận vai không còn ai gây khó dễ gì nữa, đúng như Gautier đã đoán. Hai tháng sau vở kịch được công diễn tại Paris, chẳng mấy chốc Noelle trở thành minh tinh vô cùng rực rỡ ở nước Pháp. Các nhà phê bình đã lập trận tuyến để công kích vở kịch và Noelle, bởi họ biết đã đưa cô nhân tình của mình, một diễn viên còn non nớt vào vai chính. Họ chắc mẩm rằng họ dễ dàng nắm được cơ hội rồi. Thế nhưng chính nàng lại hoàn toàn thu hết hồn vía của họ. Họ phải cất công tìm những mỹ từ mới mẻ thật kêu để miêu tả tài nghệ và sắc đẹp của nàng. Nhà hát bán hết sạch vé. Tối nào, sau buổi diễn buồng hoá trang của Noelle cũng chật ních khách đến chào mừng. Nàng gặp đủ mọi loại người, từ chủ tiệm giày dép cho đến các binh lính, nhà triệu phú, cô bán hàng. Với ai nàng cũng giữ một thái độ kiên nhẫn, lịch thiệp. Gautier thường quan sát và lấy làm lạ. Nàng thật chẳng khác gì một Công chúa đón tiếp các thần dân vậy, ông nghĩ. Trong thời gian một năm Noelle nhận được ba lá thư từ Marseille gửi tới. Nàng cứ để nguyên không mở mà xé tan những lá thư đó đi, cuối cùng không thấy thư nào gửi đến nữa. Đến mùa xuân Noelle đóng vai chính trong một bộ phim do Armand Gautier đạo diễn. Khi phim được đưa ra chiếu, tiếng tăm của nàng càng nổi như cồn. Gautier rất lạ vì Noelle giữ kiên nhẫn trong khi trả lời phỏng vấn và để cho người ta chụp hình. Đa số các ngôi sao thích làm việc này, mà có làm thì chẳng qua cũng chỉ muốn tạo cơ hội tăng thêm số khán giả hoặc vì lý do muốn quảng cáo cho cá nhân họ. Trong trường hợp của Noelle nàng tỏ ra thờ ơ với cả hai động cơ trên. Nàng lảng tránh câu chuyện khi Gautier gặng hỏi nàng về việc tại sao nàng lại sẵn sàng bỏ qua một cơ hội đi nghỉ ở vùng miền nam nước Pháp, ở lại Paris trong những ngày lạnh lẽo mưa gió để cho các báo Le Matin, La Petite Parisienne hoặc tờ L Illustration săn chụp những tư thế hết sức chán ngán. Động cơ của việc làm Noelle hết sức giản đơn, mà nếu Gautier biết chắc ông sẽ vô cùng sửng sốt. Tất cả những việc nàng làm đều vì Larry Douglas. Khi Noelle làm điệu bộ trước ống kính để chụp ảnh, nàng tưởng tượng ra người tình cũ cầm lên một tạp chí và nhận ra hình của nàng. Mỗi khi nàng đóng một trong cảnh phim, nàng lại như thấy Larry Douglas một đêm nào đó sẽ ngồi trong một phòng khán giả ở một nước nào đó rất xa xôi và ngắm nàng. Công trình của nàng là nhắc lại cho chàng nhớ, là một thông điệp từ quá khứ, một tín hiệu để đến một ngày nào đó sẽ mang chàng trở về với Noelle. Nàng chỉ muốn đạt được điều đó thôi, chàng sẽ quay lại với nàng để rồi nàng sẽ tiêu diệt chàng. Nhờ có Christian Barbet, Noelle ngày một thu thập được nhiều tin tức về Larry. Ông thám tử bé nhỏ đã chuyển những văn phòng tồi tàn, sang một nơi rộng rãi, sang trọng ở phố Richer, gần Folies - Bergère. Lần đầu tiên Noelle gặp ông trong dãy văn phòng mới, Barbet toét miệng cười khi thấy nàng ngạc nhiên lộ rõ trên nét mặt: - Tôi mua được chỗ này rất rẻ. Trước đây dãy phòng này là của một gã Do Thái. - Ông nói ông đã kiếm được thêm tin tức cho tôi - Noelle hỏi thẳng thừng. Vẻ vui mừng vụt biến mất trên nét mặt Barbet. - À, phải rồi. Quả là ông ta có tin mới. Việc tìm kiếm tin tức từ nước Anh là một việc làm không dễ dàng gì ngay trước mũi bọn Nazi, song Barbet đã tìm được trăm phương ngàn kế. Ông đã mua chuộc được những thủy thủ trên các con tàu của những nước trung lập lén chuyển các thư từ của một công ty thu thập ở London. Song đó cũng chỉ là một nguồn tin của ông. Ông còn kêu gọi lòng yêu nước của các tổ chức hoạt động ngầm người Pháp, kêu gọi lòng nhân đạo của Hội chữ thập Đỏ quốc tế và sự hám lợi của bọn buôn bán chợ đen có quan hệ với nước ngoài. Đối với từng loại người khác nhau ông kể ra một chuyện khác và dòng thông tin về Larry liên tiếp chảy về. Ông cầm ở bàn lên một bản tường trình: - Người bạn của cô đã bị bắn rơi trên biển Manche - Ông nói không một lời mào đầu. Ông vẫn ngầm quan sát nét mặt của Noelle, trông chờ cái phút giây và thái độ hững hờ của nàng phải tan biến và ông sẽ khoái trá trước nổi đau khổ ỏng đã gây ra cho nàng. Song vẻ mặt của Noelle không mảy may thay đổi. Nàng nhìn thẳng vào ông và nói đầy tự tin: - Người ta đã cứu thoát hắn? Barbet chăm chú nhìn lại, nuốt nước bọt và miễn cưỡng đáp: - Đúng thế. Anh ta đã được một tàu cứu sinh của Anh vớt lên - Rồi ông lại thắc mắc không hiểu là thế quái nào mà cô ả lại biết được điều đó. Người đàn bà này đã làm ông nản lòng về mọi phương diện, dù là khách hàng của ông chăng nữa ông cũng căm ghét. Ông đã định bỏ rơi cô ả, song Barbet lại nhận thấy nếu ông làm như vậy thì ông thật ngu xuẩn. Đã có lần ông định gạ gẫm nàng bằng cách gợi ý là ông sẽ giảm bớt tiền thù lao dịch vụ cho nàng song Noelle đã cự tuyệt thẳng thừng khiến cho ông cảm thấy mình trở thành vụng về và ông sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng về chuyện này. Barbet đã rủa thầm rằng cô ả khó chơi này sẽ có ngày phải trả giá. Lúc này Noelle đang đứng trong văn phòng của ông, khuôn mặt đẹp của nàng lộ ra vẻ ghê tởm, Barbet đọc tiếp bản báo cáo với ý đồ mau tống khứ nàng đi. - Phi đoàn của y đã chuyển về Kirton ở Lincolnshire. Họ đang bay loại phi cơ Hurricane… Noelle quan tâm đến một chuyện khác kia, nàng hỏi: - Việc anh ta đính hôn với con gái của viên Đô đốc đã hoãn rồi phải không? Barbet ngạc nhiên nhìn nàng, ấp úng. - Phải. Cô ta đã phát hiện ra hắn còn dan díu với nhiều phụ nữ khác. Hình như Noelle đã đọc bản tường trình kia. Tất nhiên, nàng chưa đọc song điều đó cũng không thành vấn đề. Mối uất hận đã gắn Noelle với Larry Douglas mãnh liệt đến mức dường như không một sự việc quan trọng nào xảy ra với chàng mà nàng không hay biết. Noelle cầm lấy bản báo cáo rồi ra về. Về đến nhà, nàng đọc lại chậm rãi, sau đó cẩn thận xếp vào trong đám những bản báo cáo khác và cất kỹ một nơi không ai tìm ra được. Một buổi tối thứ Sáu, sau buổi diễn, Noelle đang ngồi trong phòng hoá trang nhà hát để tẩy trang, có một tiếng gõ cửa. Bác già Marius gác cửa sân khấu tập tễnh bước vào. - Xin lỗi tiểu thư Page, có một ông yêu cầu tôi mang đến cho cô cái này. Noelle liếc nhìn vào gương, thấy bác ta đang ôm một bó hoa hồng đỏ rực đặt trong một chiếc lọ rất đẹp. - Cứ đặt ở đó, bác Marius ạ - Nàng bảo bác ta, rồi nhìn bác thận trọng đặt lọ hồng trên bàn. Lúc này vào cuối tháng mười một, đã hơn ba tháng nay chẳng ai còn thấy một bông hồng nào ở Paris cả. Bó hoa này phải có đến bốn chục bông, cuống rất dài, màu đỏ thắm, ướt đẫm sương. Noelle thấy lạ, tiến lại gần, cầm tấm thiếp lên đọc. "Thân tFraulein(5) Page khả ái. Mời tiểu thư đến dự bữa ăn đêm với tôi. Tướng Hans Scheider". Chiếc lọ cắm hoa kia là loại sứ Hà Lan, hoa văn tinh xảo và rất đắt tiền. Tướng Scheider đã tốn nhiều công sức mới sưu tầm được. - Ông ta muốn cô cho biết ý kiến - Bác gác của hỏi. - Bác bảo cho ông ta biết rằng tôi không bao giờ ăn bữa đêm và ông ấy mang đám hoa này về mà tặng vợ ông ta. Bác gác cửa trợn tròn mắt nhìn nàng: - Nhưng tướng… - Có vậy thôi nhé! Marius gật đầu, cầm lọ hoa lên và bước vội ra khỏi phòng. Noelle biết thế nào bác ta cũng sẽ lao đi khắp đó đây tung cái tin nàng đã khinh miệt một ông tướng Đức cho mọi người biết. Trước đây sự việc tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra với nhiều sĩ quan Đức khác. Người Pháp coi nàng cũng là một dạng nữ anh hùng có kém gì đâu. Kể cũng nực cười. Thực ra Noelle không có gì để chống lại những người Nazi, chỉ có điều là nàng thờ ơ đối với họ, thế thôi. Họ không tham gia vào phần cuộc đời cũng như những kế hoạch của nàng. Nàng dung thứ cho họ và chỉ ngong ngóng đến ngày nào đó họ sẽ rút hết về nước. Nàng hiểu rằng nếu nàng dính líu với bất kỳ người Đức nào nàng chỉ chuốc vạ vào thân. Có lẽ bây giờ thì chưa, không phải con người Noelle hiện tại dính líu vào mà chính là trong tương lai kia. Nàng cho rằng cái quan điểm Đệ tam Reich sẽ thống trị lâu dài đến hàng ngàn năm là cái thứ merde(6) Bất kỳ một học sinh học lịch sử đều biết rõ là cuối cùng những kẻ đi chinh phục sẽ bị chinh phục. Trong lúc nàng sẽ không có một hành động nào khả dĩ để cho các đồng bào Pháp của nàng sẽ đập lại nàng một khi cuối cùng quân Đức đã bị quân đội Nazi chiếm đóng đụng tới và mỗi khi vấn đề ách chiếm đóng đặt ra mà thường xuyên là như vậy - Noelle tìm mọi cách lảng tránh việc thảo luận chuyện đó. Armand Gautier rất thích thú với thái độ của nàng, ông cố tìm cách lôi kéo nàng vào vấn đề. - Thế em không quan tâm đến việc những người Quốc xã đã chinh phục nước Pháp? - Ông thường hỏi. - Thế em không quan tâm thì đã sao nào? - Vấn đề không phải như vậy. Nếu ai cũng có cảm giác như em thì chúng ta là một lũ khốn nạn. - Dù sao chúng ta cũng là lũ khốn nạn. - Không đâu, nếu như chúng ta tin ở ý chí tự do. Em có cho rằng cuộc đời chúng ta đã phải tuân theo số mệnh ngay từ lúc chúng ta chào đời không? - Chừng mực nào đó thôi. Chúng ta được trao cho một thân xác, một nơi sinh, một bến đỗ trong cuộc đời, song như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đổi thay. - Chúng ta có thể trở thành bất kỳ loại người nào như chúng ta muốn. - Quan điểm của anh đúng là như vậy. Chính vì thế chúng ta phải chống lại bọn Quốc xã. Nàng nhìn thẳng vào ông. - Bởi lẽ chúa ủng hộ chúng ta? - Phải - Ông đáp. - Nếu như có một Đức Chúa - Noelle lý sự - thì Người cũng tạo ra họ cơ mà, vậy thì Người cũng sẽ ủng hộ họ chứ sao. Vào tháng mười, kỷ niệm một năm Noelle ra trình làng vở kịch đầu tiên, các nhà bảo trợ đã tổ chức một bữa tiệc tại Tour d Argen!… Hôm đó có cả các diễn viên, các chủ ngân hàng và những nhà doanh nghiệp thần thế tới dự. Khách đa phần là người Pháp, nhưng cũng có độ một tá người Đức, vài người vquân phục và chỉ trừ một người, còn tất cả đều đi kèm mỗi người một cô gái Pháp. Trường hợp ngoại lệ làm một sĩ quan Đức ở tuổi ngoại tứ tuần, có bộ mặt gầy gò, dài nhưng thông minh, cặp mắt xanh sâu và một thân hình lực sỹ gọn ghẽ. Một vết sẹo hẹp chạy dài từ gò má xuống cằm. Noell biết rằng y đã ngắm nhìn nàng suốt cả buổi tối mặc dù y không hề tiến lại gần nàng. - Người kia là ai vậy? - Nàng hờ hững hỏi một vị chủ tiệc. Ông ta đưa mắt liếc về phía viên sĩ quan đang ngồi một mình một bàn, nhấm nháp ly sâm banh, sau đó ngạc nhiên quay lại phía Noelle: - Cô hỏi gì mà lạ vậy. Tôi tưởng ông ấy là một người bạn của cô chứ. Tướng Hans Scheider đấy. Ông ta ở trong Bộ Tổng tham mưu. Noelle nhớ ra lọ hoa hồng và tấm thiếp: - Làm sao ông ta lại có thể cho rằng ông ta là bạn của tôi? - Nàng hỏi. Người bảo trợ đỏ mặt: - Một cách tự nhiên tôi cho rằng… ý tôi muốn nói là mọi vở kịch hoặc bộ phim được dựng ở nước Pháp lúc này đều phải được Người Đức tán thành. Một khi ban kiểm duyệt cố tìm cách ngăn trở không cho cô dựng một bộ phim mới thì bản thân ông tướng kia sẽ đứng ra can thiệp, đưa ra lời tán thành của ông ta. Đúng lúc này Armand Gautier đưa một người tới gặp Noelle. Câu chuyện chuyển qua hướng khác. Noelle cũng không còn chú ý đến tướng Hans Scheider nữa. Tối hôm sau, khi về đến phòng hoá trang, nàng thấy có một bông hồng nhỏ trong chiếc lọ kèm một tấm thiệp nhỏ: "Có lẽ chúng ta bắt đầu từ những cái nhỏ hơn. Cô cho tôi gặp được không? Hans Scheider". Noelle xé tan mẩu giấy và quẳng bông hoa vào sọt rác. Sau buổi tối đó Noelle được biết là hầu như trong mọi buổi tiệc mà nàng và Armand Gautier tới dự, tướng Scheider cũng đều có mặt. Ông ta luôn luôn đứng ở phía đằng sau quan sát nàng. Sự việc xảy ra quá thường xuyên, không còn là một sự trùng hợp nữa. Noelle nhận thấy chắc chắn ông ta phải khá trầy trật mới theo dõi được các hoạt động của nàng và tìm mọi cách được mời đến những nơi mà nàng sẽ hiện diện. Nàng tự hỏi không hiểu tại sao ông ta lại quá quan tâm đến nàng như vậy, tuy nhiên thắc mắc đó cũng là thừa và thực sự không làm nàng băn khoăn nhiều lắm. Thỉnh thoảng Noelle tự tạo cho mình một niềm thú vị bằng cách khi có ai đó mời nàng, nàng cũng nhận lời nhưng lại không tới, sau đó ngày hôm sau nàng hỏi lại bà chủ xem tướng Scheider có tới không. Câu trả lời luôn luôn khẳng định là "Có". Bất chấp sự trừng phạt mau lẹ và tàn bạo của Quốc xã đối với những ai chống lại họ, những hoạt động phá hoại xảy ra ở Paris ngày càng nhiều. Ngoài nhóm Maquis ra còn có hàng chục nhóm nhỏ những người Pháp yêu chuộng tự do dám liều mình chống lại kẻ thù với bất kể loại vũ khí gì họ có trong tay. Một khi chộp được cơ hội bọn Đức lơ là canh phòng là họ thủ tiêu lính Đức, làm nổ tan xác đoàn xe tải tiếp tế và đặt mìn phá cầu cống, xe lửa. Hoạt động của họ được đăng tải trên các báo chí hàng ngày xuất bản dưới sự kiểm soát và bị lên án là những hành động bỉ ổi song đối với những người Pháp yêu nước thì các hành động bỉ ổi đó lại chính là những chiến tích vẻ vang. Có một cái tên người luôn xuất hiện trên báo chí được gán cho cái biệt danh là Le Cafard "Con gián", bởi vì dường như anh ta chui lủi ở khắp nơi mà bọn Gestapo không tài nào lần ra được. Không ai biết rõ anh ta là ai. Có người bảo anh ta là người Anh cư trú ở Paris, một giả thuyết lại cho rằng anh ta là người của tướng De Gaulle, lãnh tụ Lực lượng nước Pháp Tự do, có người thậm chí lại còn bảo anh ta chính là người Đức chiêu hồi. Dù anh ta là ai đi chăng nữa thì vết tích của những con gián đó đã vẽ chằng chịt lên khắp thành Paris lên các toà nhà, vỉa hè, thậm chí cả bên trong sở chỉ huy của quân đội Đức. Gestapo đang tập trung mọi cố gắng để bắt cho được anh ta. Rõ ràng có một sự thật là Le Cafard đã trở thành một anh hùng dân gian trong thời kỳ này. Vào một buổi chiều mưa dầm dề tháng mười hai, Noelle đến dự khai mạc triển lãm nghệ thuật của một hoạ sĩ trẻ mà nàng và Armand cùng quen biết. Triển lãm được đặt tại gallery trên phố Fauboung - St. Honoré. Căn phòng chật kín người. Nhiều nhân vật tiếng tăm đến dự, phóng viên, nhiếp ảnh có mặt khắp nơi. Khi Noelle đang đi quanh phòng, ngắm hết bức tranh này qua bức tranh kia, nàng cảm thấy có ai đó chạm vào tay nàng. Nàng quay lại và bắt gặp bộ mặt của bà Rose. Phải mất một lúc nàng mới nhận ra bà. Vẫn khuôn mặt xấu xí, quen thuộc đó nhưng có lẽ già đi đến hai mươi tuổi, như có thể có một phép màu gì đó đã khiến bà thành một người đáng tuổi mẹ của bà. Bà đội một chiếc mũ đen rất to, và trong tiềm thức sâu thẳm của Noelle chợt nhận ra ngay là bà không mang ngôi sao với dòng chữ JUDEN. Noelle định nói chuyện, nhưng bà già đã bóp mạnh tay nàng ra hiệu im lặng. Bà nói nhỏ đủ nghe: - Cô đến gặp tôi… ở Les Deux Magots nhé? Noelle chưa kịp đáp, bà Rose đã lẩn vào trong đám đông và Noelle bị đám phóng viên nhiếp ảnh quây kính xung quanh. Trong lúc nàng mỉm cười làm điệu bộ trước ống kính của họ, Noelle vẫn luôn luôn nhớ đến bà Rose và người cháu của bà, bác sĩ Israel Katz. Họ đã từng đối xử rất tốt với nàng trong lúc nàng gặp khó khăn, Israel Katz đã hai lần cứu mạng nàng. Noelle thắc mắc không rõ bà Rose cần gì ở nàng. Có lẽ là tiền. Hai mươi phút sau Noelle lách ra ngoài và đi taxi tới quảng trường St. Germain des Prés. Suốt cả ngày hôm đó trời lúc mưa lúc tạnh, bây giờ chuyển sang mưa tuyết lạnh giá. Xe taxi đỗ lại trước, ngoài trời lạnh căm căm. Từ đâu bỗng có một người đàn ông xuất hiện ngay sát bên cạnh nàng. Anh ta khoác một chiếc ao mưa đầu đội mũ rộng vành, phải mất một lúc lâu nàng mới nhận ra anh ta. Cũng giống như bà cô anh ta, Israel Katz trông già xọm hẳn đi, sự thay đổi không chỉ dừng ở lại đó. Trong anh rắn rỏi, oai vệ hơn so với lần cuối cùng nàng gặp anh, đôi mắt trũng sâu như bị mất ngủ nhiều ngày: Noelle để ý thấy anh cũng không đeo ngôi sao Do Thái sáu cánh, màu vàng trước ngực. - Chúng ta vào trong cho khỏi bị ướt - Israel Katz bảo. Anh khoác tay Noelle đi vào. Trong tiệm cà phê lúc này có độ năm sáu khách hàng, tất cả đều là người Pháp. Israel đưa Noelle đến một chiếc bàn ở khuất vào góc phía sau. - Cô có uống gì không? - Anh hỏi. - Không, cảm ơn anh. Anh gỡ chiếc mũ ướt sũng nước mưa xuống. Noelle quan sát kỹ bộ mặt anh. Nàng hiểu ngay ra rằng anh mời nàng tới nơi này không xin tiền. Anh nhìn nàng đăm đăm. - Em vẫn đẹp, Noelle ạ - Anh nói khẽ khàng - Anh đã nhiều lần xem tất cả các bộ phim và vở kịch của em. Em quả là một diễn viên xuất sắc. - Tại sao anh không lần nào vào hậu trường tìm em? Israel ngập ngừng, sau đó cười thẹn thùng: - Anh không muốn làm cho em lúng túng. Noelle nhìn anh trân trân hồi lâu, nàng muốn nhận ra anh định nói gì. Đối với nàng, "Juden" chỉ là một từ xuất hiện trên các báo chí, sòng chẳng có nghĩa lý gì lắm đối với nàng. Nhưng đối với nhiều người, nó quan trọng lắm chứ: là Do Thái có nghĩa là sẽ bị người ta quét đi, bị người ta tiêu diệt, đặc biệt việc đó lại diễn ra ngay chính trên tổ quốc của mình. - Tôi chọn bạn là việc riêng của tôi - Noelle nói - Không ai có quyền bắt bẻ tôi được. Israel mỉm cười mếu máo, anh khuyên rằng. - Đừng nên lạm dụng sự dũng cảm. Cô nên dùng nó vào việc cần thiết. - Anh hãy kể về anh đi - Nàng bảo. Anh nhún vai: - Cuộc đời tôi không lấy gì làm hấp dẫn cho lắm. Tôi đã trởành một phẫu thuật viên. Tôi học tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Angibouste. Cô có biết ông này không? - ông. Ông ấy là một chuyên gia tim nổi tiếng đấy. Ông đã bảo lãnh cho tôi. Sau đó những người Quốc xã đã tước mất giấy phép hành nghề của tôi - Anh giơ đôi bàn tay đẹp như tạc ra ngắm nghía như thuộc về ai khác chứ không phải của anh - Và thế là tôi xoay ra làm nghề thợ mộc. Nàng nhìn anh một lúc rất lâu, nàng hỏi: - Có vậy thôi ư? Israel ngạc nhiên nhìn lại nàng: - Hết, tất nhiên. - Thế sao? Noelloe xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc. - Không có gì cả. Thế vì sao anh lại muốn gặp tôi? Anh ghé sát vào tai nàng, hạ giọng. - Tôi cần cô giúp cho một việc. Có một người bạn… Đúng lúc đó, cửa bật mở, bốn người lính Đức vận quân phục xanh xám bước vào quán rượu, đi đầu là một hạ sĩ. Viên hạ sĩ lớn tiếng ra lệnh: - Achtung(7)! yêu cầu cho xem thẻ căn cước. Mặt Israel Katz đanh lại như thể đeo lên một chiếc mặt nạ. Noelle thấy bàn tay phải của anh luồn nhanh vào túi áo khoác. Đôi mắt anh liếc về phía lối đi hẹp tới một cửa ra phía sau, song một tên lính đã tiến đến, đứng chặn ở đó rồi, Israel hạ giọng nói nhanh. - Cô tránh xa tôi ra. Cô hãy đi lại phía trước cửa. Đi ngay đi. - Tại sao? - Noelle hỏi. Bọn lính Đức đang xem xét thẻ căn cước của mấy người khách ngồi ở chiếc bàn gần cửa ra vào. - Đừng hỏi han gì nữa. Đi đi. Noelle ngập ngừng giây lát, rồi đứng lên, tiến ra phía cửa. Mấy người lính chuyển sang chiếc bàn bên cạnh. Israel đẩy chiếc ghế lùi lại để anh có khoảng trống để hành động. Động tác của anh ngay lập tức khiến cho hai người lính chú ý. Họ tiến lại phía anh. - Giấy căn cước. Đến lúc này Noelle hiểu ra rằng người mà bọn lính đang truy tìm chính là Israel, trong khi anh đang cố tìm cách lẩn trốn. Chúng sẽ giết anh. Anh không còn cơ hội nào nữa. Nàng quay lại, gọi to về phía anh: - François! Ta về nhà thôi kẻo trễ quá rồi. Anh trả tiền đi, rồi ta đi về thôi. Bọn lính ngạc nhiên nhìn nàng. Noelle quay trở lại bàn. Hạ sĩ Schultz tiến tới chỗ nàng. Y mới ngoài hai mươi, tóc vàng, má hồng hây hây như trái táo. - Fraulein đi với người đàn ông này? rồi. Các anh không còn việc gì làm ngoài chuyện gây rắc rối cho những công dân Pháp trung thực hay sao? - Noelle giận dữ hỏi. - Xin lỗi quý tiểu thư, song… - Tôi không phải là quý tiểu thư của nhà anh! - Noelle đáp lại - Tôi là Noelle Page. Tôi là diễn viên của Nhà hát tạp kỹ, còn người này là diễn viên nam cùng diễn với tôi. Tối nay, khi tôi ăn tối với ông bạn quý của tôi là tướng Hans Scheider, tôi sẽ thông báo cho ông ấy biết về hành vi của các anh chiều hôm nay, chắc chắn ông sẽ nổi đoá với các anh đấy. Noelle nhận thấy trong ánh mắt của viên hạ sĩ y tỏ ra công nhận điều đó, không biết là do nhận ra tên tuổi của nàng hay cái tên tướng Scheider. Nàng không rõ vì lý do gì. - Tôi… tôi xin lỗi, tiểu thư - Y lắp bắp - tất nhiên là tôi nhận ra tiểu thư - Rồi y quay sang Israel Katz đang ngồi im lặng, một bàn tay vẫn đặt trong túi - Tôi không biết ông này là ai. - Bọn ngoại nhân các anh biết gì nhà hát mà nói. - Noelle tỏ ý khinh miệt - Chúng tôi sẽ bắt đi hay được ra về đây? Viên hạ sĩ trẻ nhận thấy mọi người đều đổ dồn cả về nhìn y. Y phải quyết định mau chóng. - Tất nhiên tiểu thư và anh bạn đây không thể bị bắt được - Y nói - Tôi cũng xin lỗi nếu có điều gì đã gây phiền hà cho tiểu thư, tôi sẽ… Israel Katz nhìn viên hạ sĩ, điềm tĩnh nói: - Bên ngoài trời đang mưa to. Lính của ngài có ai tìm giúp chúng tôi một chiếc xe taxi được không? - Được thôi. Có ngay. Israel cùng Noelle chui vào xe taxi, trong lúc viên hạ sĩ Đức vẫn đứng ngoài trời mưa nhìn theo cho đến lúc họ đi khuất. Khi xe taxi dừng lại đợi đèn giao thông chuyển màu cách đó ba khối nhà, Israel mở cửa xe, một lần nữa nắm lấy bàn tay nàng rồi không một lời, anh biến vào trong đêm tối. Tối hôm đó, lúc bảy giờ khi Noelle bước vào phòng hoá trang đã thấy có hai người đàn ông đứng đợi nàng. Một trong hai người chính là viên hạ sĩ trẻ nàng đã gặp chiều nay tại quán rượu. Người kia mặc thường phục. Anh ta người trắng trẻo, nhẵn nhụi, đôi mắt hồng, y khiến cho Noelle nghĩ đến một đứa con nít mới chào đời. Anh ta ở vào tuổi ba mươi, khuôn mặt tròn vành vạnh, giọng cao và trong, nghe như tiếng phụ nữ cười cợt, song ở y có một phẩm cách lạ khó tả, sự độc ác ở y thật lạnh lùng. - Cô là Noelle Page? - Phải. - Tôi là đại tá Kurt Mueller, Gestapo. Chắc cô đã gặp Hạ sĩ Shcultz? Noelle quay lại viên hạ sĩ, vẻ ngạc nhiên: - Không, tôi không tin là tôi đã gặp. - Ở Kaffchause chiều nay - Viên hạ sĩ tỏ ra mau mắn bảo. Noelle quay lại Mueller: - Tôi gặp không biết bao nhiêu là người. Viên đại tá gật đầu: - Kể cũng khó mà nhớ được hết thảy mọi người, bởi cô có bao nhiêu là bạn bè, Fraulein ạ. Nàng gật đầu: - Đúng thế? - Chẳng hạn người bạn đã đi cùng với cô chiều nay ấy mà - Y ngừng lại, nhìn thẳng vào mắt Noelle - Cô nói với Hạ sĩ Shultz rằng anh ta đang diễn với cô phải không? Noelle ngạc nhiên nhìn viên sĩ quan Gestapo: - Chắc là ông hạ sĩ đã hiểu lầm tôi. - Không đâu, thưa tiểu thư - Người hạ sĩ phẫn nộ đáp - Cô nói rằng… Viên đại tá đưa mắt lạnh lùng nhìn anh ta, lập tức người hạ sĩ quan ngậm quay miệng lại, chưa kịp nói hết câu. Kurt Mueller tỏ vẻ thân mật bảo: - Có lẽ tình hình tương tự như vậy đễ dàng hay xảy ra một khi người ta cố tìm cách giao tiếp bằng một thứ tiếng nước ngoài. - Chính thế- Noelle nói nhanh. Từ trong tiềm thức nàng có thể nhận ra bộ mặt người hạ sĩ quan đang giận dữ đỏ bừng, song y vẫn lặng thinh không nói gì. - Xin lỗi tôi đã làm phiền cô vì một chuyện không đâu vào đâu - Kurt Mueller nói. Noelle cảm thấy đôi vai nàng trút được một gánh nặng, đột nhiên nàng nhận ra là tâm trạng của mình vừa rồi là quá căng thẳng. - Hoàn toàn đúng như vậy đấy - Nàng nói tiếp - Có lẽ tôi xin tặng hai ông vé vào xem buổi diễn của tôi. - Tôi đã xem rồi - Viên sĩ quan Gestapo nói tiếp - Hạ sĩ Schultz cũng đã mua vé vào xem tối nay. Dù sao cũng xin cảm ơn cô. Ông ta đi về phía cửa, rồi dừng lại. - Khi cô gọi hạ sĩ Schultz là một kẻ lỗ mãng, anh ta quyết định mua vé vào xem cô biểu diễn tối hôm nay. Khi anh ta xem hình của các nam diễn viên ở ngoài sảnh, anh ta không thấy hình ảnh của anh bạn đi với cô đến Kaffchause. Vì thế anh ta mới báo cáo cho tôi rõ. Tim Noelle bắt đầu đập dồn dập. - Xin cô cho biết đôi chút để đưa vào hồ sơ. Nếu người kia không phải là bạn diễn của cô, thì hắn là ai vậy? - Một… một người bạn. - Tên hắn? - Cái giọng thanh của y vẫn êm ái song đã trở nên dữ dằn. - Thì có gì khác? - Noelle hỏi? - Người bạn cô có những nét trùng với một tên tội phạm mà chúng tôi đang truy nã. Có tin báo là y xuất hiện ở gần quảng trường St. Germain des Prés chiều hôm nay. Noelle nhìn y chăm chú, đầu óc quay cuồng. - Tên anh bạn của cô là gì? - Giọng đại tá Mueller vẫn lì lợm. - Tôi… tôi không biết. Vậy hắn là một kẻ lạ mặt? - Phải. Y lại nhìn nàng, đôi mắt màu hồng nhạt lạnh lẽo nhìn như khoan vào mắt nàng. - Thế mà cô ngồi cùng với hắn. Cô lại ngăn cản không cho binh lính xét hỏi giấy tờ của hắn. Tại sao vậy? - Tôi cảm thấy thương hại cho người ta- Noelle đáp - Anh ta tiến lại gần tôi… - Ở đâu? Noelle nghĩ rất nhanh. Có thể ai đó đã trông thấy họ đi vào quán rượu. - Ở ngoài quán café. Anh đã cho tôi biết binh lính Đức đang truy lùng anh ta vì anh ta đã ăn cắp ở một cửa hàng thực phẩm lấy thức ăn về cho vợ con đang bị đói. Tôi cảm thấy tội lỗi đó không có gì ghê gớm cho nên… - Nàng nhìn thẳng vào Mueller vẻ thách thức… - Cho nên tôi đã giúp đỡ anh ta. Mueller quan sát nàng một lúc nữa rồi gật gù vẻ thán phục. - Giờ thì tôi mới thực hiểu tại sao cô là một minh tinh xuất sắc - Nụ cười trên môi y vụt biến mất đi và khi y nói tiếp, giọng y càng tỏ ra nhũn hơn - Để tôi khuyên cô một điều, cô Page ạ. Chúng tôi rất muốn có quan hệ tốt với những người Pháp như cô. Chúng tôi muốn các người là bạn đồng thời còn là đồng minh nữa. Thế nhưng kẻ nào tiếp tay cho kẻ thù của chúng tôi thì cũng trở thành kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi nhất định sẽ tóm được tôi sẽ thẩm vấn hắn và tôi hứa với cô rằng hắn sẽ phun ra hết sự thật. - Tôi chẳng có gì phải lo ngại - Noelle đáp. - Cô lầm - Y tuyên bố thẳng thừng - Cô sẽ phải sợ tôi đấy Nói rồi, đại tá Mueller gật đầu ra hiệu cho người hạ sĩ và đi ra phía cửa. Y quay lại một lần nữa - Nếu cô có được tin tức gì về người bạn của cô, cô hãy báo ngay cho tôi biết. Nếu cô không làm như vậy… mỉm cười với nàng. Rồi cả hai gã đàn ông bỏ đi. Noelle ngồi sụp xuống ghế tựa, mệt lả. Nàng nhận thấy những điều nàng nói ra không có sức thuyết phục, song nàng hoàn toàn không chuẩn bị. Nàng những tưởng sự kiện xảy ra đã bị người ta lãng quên rồi. Bây giờ nàng nhớ lại một số chuyện nàng được nghe nói về Gestapo và tự dưng nàng bỗng rùng mình. Giả thử họ bắt được Israel Katz và anh khai ra thì sao? Anh sẽ khai rằng họ vốn là chỗ bạn bè cũ với nhau, rằng Noelle đã nói xạo rằng nàng không biết gì về anh. Song có lẽ điều đó cũng chẳng lấy gì làm quan trọng. Trừ phi… đó chính là người có cái tên mà lúc ngồi trong tiệm rượu nàng thoáng nghĩ tới, La Cafard chăng. Nửa giờ sau Noelle bước lên sân khấu, nàng cố gạt mọi chuyện trên ra khỏi tâm trí để tập trung vào nhân vật nàng đang đóng. Khán giả là loại sành sỏi cho nên khi nàng ra chào khán giả cuối buổi diễn nàng được hoan nghênh rầm rộ. Tiếng hoan hô vẫn còn văng vẳng cho đến khi nàng đi trở về phòng hoá trang. Nàng mở cánh cửa phòng bước vào thì thấy tướng Hans Scheider đã ngồi trên ghế tựa. Ông ta đứng dậy, nói lịch thiệp: - Tôi được báo là chúng ta sẽ cùng ăn với nhau đêm nay. Họ ăn tại nhà hàng Fruit Perdu bên cạnh sông Seine cách trung tâm Paris khoảng hai mươi dặm. Người lái xe của viên tướng Đức đã lái chiếc xe ô tô đen sáng bóng đưa họ tới. Mưa đã tạnh, trời đêm mát mẻ, dễ chịu. Cho đến khi họ ăn xong, tướng Scheider không hề đả động gì đến sự việc xảy ra ban ngày. Lúc đầu Noelle không muốn đi cùng ông ta, song nàng thấy cần phải biết rõ những người Đức nắm được sự việc của nàng đến mức nào và liệu nàng sẽ bị rắc rối ra sao. Tướng Scheider nói: - Chiều nay tôi nhận được một cú phôn từ bên sở chỉ huy Gestapo báo cho tôi biết rằng cô đã thông báo cho Hạ sĩ Schultz biết tối nay cô sẽ đi ăn với tôi. Noelle nhìn ông, lặng thinh. Ông nói tiếp: - Tôi cho rằng nếu tôi bảo "không" thì chẳng thú vị gì cho cô, còn nếu tôi bảo "phải", thì sẽ thật thú vị cho tôi - Ông ta mỉm cười - Và thế là tôi đến đây. Noelle phản đối: - Thực hết sức lố bịch. Tôi chỉ có giúp đỡ cho một người mắc tội ăn cắp ở cửa hàng lương thực… - Thôi đi nào - Giọng viên tướng sắc lạnh. Noelle ngạc nhiên nhìn ông ta. - Cô chớ nên mắc sai lầm tin bậy là tất cả bọn Đức chúng tôi đều ngu xuẩn cả. Và cũng chớ đánh giá thấp Gestapo đấy. Thưa tướng quân, họ chẳng có gì liên can đến tôi - Noelle đáp. Ông ta mân mê chân đế chiếc ly rượu vang. - Đại tá Mueller nghĩ rằng cô đã giúp đỡ một tên mà ông ấy đang tầm nã ráo riết. Nếu quả đúng như vậy thì cô sẽ còn gặp rắc rối to. Đại tá Mueller luôn luôn ghi nhớ và không biết tha thứ bao giờ - Ông nhìn thẳng vào nàng, nói thận trọng. Mặt khác nếu như cô không gặp người bạn của cô nữa thì toàn bộ chuyện vừa rồi coi như là cho qua. - Cô có uống cognac không? - Vâng - Noelle đáp. Ông ta gọi hai ly rượu Napoléon. - Cô sống với Armand Gautier đến nay đã bao lâu rồi? - Tôi tin rằng ông biết rõ câu trả lời - Noelle đáp. Tướng Scheider mỉm cười. - Quả thực tôi biết rõ lắm. Đúng ra là tôi muốn biết lý do tại sao trước đây cô lại từ chối không đi ăn tối với tôi. Có phải tai Gautier ngáng chân không? Noelle lắc đầu: - Không phải. - Ra vậy - Giọng ông ta đanh lại khiến nàng đâm ngạc nhiên. - Paris thiếu gì phụ nữ. Tôi tin là ông có thể tìm được người như ý - Nàng bảo. - Cô không hiểu tôi - Viên tướng Đức nói khẽ khàng - Cho nên cô mới nói như vậy - Giọng ông ta lúng túng - Tôi đã có vợ và một con ở Berlin. Tôi yêu vợ con lắm, song tôi đã xa họ hơn một năm rồi, tôi cũng không biết đến bao giờ được gặp lại. - Ai bắt các ông đến Paris làm gì? - Noelle bốp chát vặn lại. - Tôi không tìm được sự đồng cảm. Tôi chỉ muốn tự lý giải cho bản thân tôi chút đỉnh. Tôi không phải là loại người lẫn lộn vàng thau. Lần đầu tiên trông thấy cô trên sân khấu, tôi thấy tình cảm lạ lùng nảy ra trong tôi. Tôi cảm thấy cần phải hiểu cô rất nhiều. Tôi muốn chúng ta là bạn tốt của nhau. - Cách nói của ông ta mang vẻ mặt nghiêm trang trầm tĩnh. - Tôi không thể hứa với ông điều gì - Noelle nói. - Tôi hiểu - Ông ta gật gù. Song thật ra ông ta không hiểu bởi Noelle không có ý định sẽ gặp ông ta thêm một lần nào nữa. Tướng Scheider tế nhị chuyển sang chuyện khác và họ nói về nghệ thuật diễn xuất, về nhà hát. Noelle kinh ngạc vì ông ta rất am hiểu nghệ thuật, Scheider có đầu óc cân bằng và một trí tuệ sâu sắc ông ta thường xuyên chuyển hết đề tài này sang đề tài khác, và chỉ ra những mối quan tâm chung giữa hai người. Đây là một nghệ thuật phô diễn điêu luyện khiến Noelle lấy làm thích thú. Ông đã mất rất nhiều công sức để tìm hiểu lý lịch nàng. Bề ngoài ông có đầy đủ tư thế của viên tướng Đức vận quân phục màu xanh ôliu, rắn rỏi, oai vệ, nhưng sự dịu dàng lại thể hiện một dạng người khác với một khả năng trí tuệ thuộc tầng lớp độc giả hơn là binh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một cái sẹo dài chạy ngang mặt ông khiến nàng chú ý. - Ông bị sẹo trong trường hợp nào vậy? - Noelle hỏi. Ông ta đưa tay lần theo vết hằn sâu: - Tôi dự một cuộc thách đấu cách đây nhiều năm rồi - Ông ta nhún vai - Tiếng Đức chúng tôi gọi chuyện như vậy là Wildffeisch, có nghĩa là "mảng da tự hào". Rồi họ trao đổi về triết học Đức. - Chúng tôi không phải là những con quái vật - Tướng Scheider tuyến bố - Chúng tôi cũng không có ý muốn thống trị thế giới. Song chúng tôi không có ý định ngồi yên một chỗ và bị trừng phạt vì cuộc chiến tranh chúng tôi đã thua cách đây hai chục năm. Hiệp ước Versailles là một cái ách mà nhân dân Đức chúng tôi muốn bẻ gãy. Họ nói về việc chiếm đóng Paris. - Lỗi không phải là ở chỗ những người lính Pháp đã tạo điều kiện dễ dàng cho chúng tôi. Trách nhiệm chủ yếu là ở Napoleon Đệ tam. - Ông nói đùa gì vậy? - Noelle bảo. - Tôi nói hoàn toàn nghiêm túc đấy - Ông khẳng định - Thời kỳ Napoleon trị vì, đám dân hạ lưu thường dùng những phố xá ngoằn ngèo, rối rắm của Paris làm chiến luỹ và nơi phục kích chống lại quân đội của ông ta. Để ngăn chặn bọn họ, ông đã cử Bá tước Cugene Georges Hausmann nắn thẳng lại các phố xá, xây dựng những đại lộ rộng rãi, xinh đẹp ông mỉm cười - Thế là quân đội chúng tôi cứ hành tiến dọc theo các đại lộ đó. Tôi e rằng lịch sử sẽ không tử tế gì với nhà hoạch định kế hoạch Hausmann. Sau bữa tối, trên đường trở lại aris, ông hỏi: - Cô có yêu Armand Gautier không? Giọng ông có vẻ vô tình, song Noelle nhận thấy câu trả lời của nàng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với ông. - Không - Nàng đáp chậm rãi. - Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi tin rằng tôi có thể làm cho cô rất hạnh phúc. - Cũng hạnh phúc như vợ anh chứ? Scheider cứng đờ người như thể bị sét đánh, rồi ông quay sang nhìn Noelle. - Tôi sẽ là bạn tốt của em - Ông nói nhỏ nhẹ - Mong rằng hai chúng ta sẽ không bao giờ trở thành kẻ thù của nhau. Noelle về đến nhà, lúc đó đã gần ba giờ sáng. Armand Gautier đang ngồi đợi nàng, tâm trạng xúc động. - Cô vừa mới ở chỗ quái quỷ nào về vậy? - nàng vừa bước vào phòng, ông hỏi luôn. - Em có một cuộc hẹn hò. Noelle đưa mắt nhìn quanh toàn bộ căn phòng phía sau ông. Cứ như cảnh vừa có một trận cuồng phong nổi qua. Các ngăn kéo bị mở tung, mọi thứ vứt bừa bãi trong phòng. Các tủ đựng đều bị lục soát, một chiếc đèn bị lật ngược, chiếc bàn con bị lật nghiêng, một chân bị gãy. - Chuyện gì thế này? - Noelle hỏi. - Gestapo đã tới đây? Lạy chúa, em đã gây ra chuyện gì vậy, Noelle? - Đâu có gì. - Vậy tại sao chúng lại làm như vậy? Noell đi quanh phòng, xếp dọn đồ đạc, vừa làm vừa suy nghĩ. Gautier nắm lấy đôi vai nàng và xoay người nàng lại. - Anh muốn biết chuyện gì đang xảy ra với em. Nàng hít một hơi thật sâu: - Được em sẽ kể. Nàng thuật lại nàng đã gặp Israel Katz nhưng nàng không nhắc đến tên anh và cuộc trao đổi sau này với đại tá Mueller. - Em không rõ anh bạn đó có phải là Le Cafard không, song rất có thể lắm chứ. Gautier ngồi sụp xuống ghế tựa kinh ngạc. - Lạy Chúa tôi? Anh không cần biết hắn là ai. Anh không muốn em có liên hệ gì thêm với hắn. Cả hai chúng ta sẽ bị tiêu diệt vì chuyện này. Anh cũng căm ghét bọn Đức như em… - Ông ngừng lại vì không biết chắc có thực Noelle căm ghét người Đức hay không - Chérie ạ, chừng nào người Đức còn nắm luật pháp ở đây, chúng ta phải sống dưới sự thống trị của họ, cả hai chúng ta không một người nào được gây rắc rối với Gestapo. Cái gã Do Thái đó em nói tên hắn là gì nhỉ? - Em có nói tên hắn ra đâu. Ông nhìn nàng trân trân một lát: Hắn có phải là nhân tình của em không? - Không đâu, anh Armand ạ. - Thế hắn là gì đối với em? - Chẳng là gì cả. - Vậy ư? - Gautier thở phào nhẹ nhõm- Chúng ta chẳng việc gì phải bận tâm nhiều. Họ sẽ không buộc tội gì cho em được một khi em chỉ tình cờ gặp hắn có một lần. Nếu em không gặp lại hắn lần nào nữa thì họ sẽ quên hết mọi chuyện. - Rồi họ sẽ quên thôi - Noelle bảo. Tối hôm sau trên đường Noelle tới nhà hát, nàng bị hai nhân viên Gestapo bám theo. Từ hôm đó trở đi nhất cử nhất động của Noelle đều bị theo dõi. Ngay từ đầu nàng đã có linh cảm là nàng luôn luôn bị người ta để mắt tới. Cứ mỗi khi Noelle quay lại, nhìn vào giữa đám đông, thể nào nàng cũng thấy một thanh niên trai trẻ có nét mặt Teutonic, vận thường phục vờ vẫn như không để ý gì đến nàng. Người đi theo dõi nàng luôn luôn thay đổi, song dù họ có mặc thường phục thì họ vẫn có một điều khiến cho nàng dễ nhận ra, đó là thái độ khinh miệt, ngạo mạn và tàn ác, và phong thái bề ngoài không thể nào lầm đượcể những điều này với Gautier bởi nàng thấy không cần phải báo động cho ông biết thêm điều gì. Chỉ nguyên sự kiện của Gestapo gây ra ở căn phòng ngủ đã đủ làm cô hoảng hốt lắm rồi. Ông sẽ không có được ý kiến gì hơn ngoài việc nhắc lại những việc người Đức có thể gây khó dễ cho sự nghiệp của cả ông và Noelle một khi họ đã muốn làm như vậy. Noelle cũng thấy rằng ông nói có lý. Chỉ cần liếc qua các nhật báo là nàng đủ thấy là những người Nazi đã không hề dung tha cho những ai là kẻ thù của họ. Tướng Scheider đã nhắn nàng mấy lần qua điện thoại, song Noelle vẫn cứ làm ngơ. Nếu như nàng không muốn mua thù chuốc oán gì với họ thì đồng thời nàng cũng chẳng thích kết bạn với họ. Nàng quyết định giữ một thái độ trung lập như Thuỵ Sĩ. Còn những ai có thái độ như Israel Katz trên đời này, họ phải tự lo giữ lấy mạng sống của họ. Noelle cũng đã có ý muốn biết xem anh cần nàng giúp đỡ việc gì, song nàng không có ý định dính dáng với anh. Nửa tháng sau khi Noelle gặp Israel Katz, các báo có đăng tải trên trang nhất câu chuyện Gestapo đã bắt được một nhóm người phá hoại do Le Cafard cầm đầu. Noelle đọc toàn bộ bài tường thuật rất cẩn thận, song nàng không thấy có chỗ nào nhắc tới việc Le Cafard đã bị bắt. Nàng nhớ lại nét mặt của Israel Katz khi bọn lính Đức tiến lại gần phía anh, và nàng biết chắc chắn là anh sẽ không chịu để cho chúng bắt sống. Noelle cũng tự nhủ: có lẽ mình tưởng tượng ra vậy thôi. Chứ cứ theo anh nói, có lẽ anh chỉ là một người thợ mộc bình thường hiền lành mà thôi. Thế nhưng nếu anh quả là người hiền lành, vậy cớ gì mà Gestapo quan tâm đến anh như vậy? Phải chăng anh chính là Le Cafard. Anh đã bị bắt chưa, hay trốn thoát rồi? Noelle ra đứng bên cửa sổ căn phòng, trông ra Đại lộ Martigny. Có hai bóng người mặc áo mưa đen đứng dưới ngọn đèn đường chờ đợi, Họ chờ đợi gì? Noelle bỗng cảm thấy thảng thốt cũng giống như Gautier vậy, nhưng nàng đồng thời còn thấy căm giận nữa, nhưng nàng nhớ lời đại tá Mueller: "Cô sẽ phải sợ tôi". Đúng là một lời thách thức. Noelle có linh cảm rằng nàng sẽ còn biết tin thêm về Israel Katz. Sáng hôm sau nàng nhận được một tin nhắn, lại không phải qua ai xa lạ mà chính là qua người gác cửa. Ông già này đã ngoài bảy mươi tuổi, người nhỏ quắt, mặt choắt choeo, nhăn nheo, hàm dưới móm mém cho nên khi lão nói, nàng phải lắng nghe mãi mới hiểu ra. Lúc Noelle bấm chuông gọi thang máy, ông già đã chờ sẵn trong đó rồi. Họ đi xuống thang và khi tới gần sảnh, ông lão lẩm bẩm nói: - Chiếc bánh sinh nhật mà cô đặt đã xong rồi, mời cô đến hiệu bánh ở phố Passy mà lấy. Noelle nhìn ông chòng chọc, không tin rằng ông lão vừa nói chính xác điều gì, cô hỏi lại. - Tôi không đặt bánh nào cả. - Phố Passy cô ạ - Ông ta cứ khăng khăng nói. Bỗng nhiên Noelle chợt hiểu ra. Giá như nàng không bị hai tên Gestapo đợi nàng bên kia đường, bám gót như một tên tội phạm mới khó chịu làm sao. Hai tên kia đang mải nói chuyện, chúng chưa trông thấy nàng. Noelle thấy khó chịu, nàng quay lại chỗ ông lão gác cổng, hỏi: - Cổng phụ ở chỗ nào? - Cô đi theo tôi. Noelle theo ông lão qua một hành lang phía sau xuống một cầu thang vào nhà hầm rồi lại đi ra một đường h Ba phút sau nàng đã lên một chiếc taxi tới chỗ gặp Israel Katz. Hiệu bánh đó trông ngoài rất bình thường, nằm ở khu vực của giới trung lưu đã tàn tạ. Dòng chữ trên cửa sổ "Boulangerie" cũng đã tróc sơn. Noelle mở cửa bước vào. Ra đón nàng là một phụ nữ vận một chiếc tạp dề trắng tinh, không có một vết ố. - Cô cần gì ạ. Noelle lưỡng lự. Vẫn còn dư thời gian để rút lui trở lại, đủ thời gian để không dính líu vào một công chuyện mà nàng biết là nguy hiểm và chẳng liên can gì đến nàng. Người đàn bà đứng đợi. - Bà… bà đã là xong chiếc bánh sinh nhật cho tôi chưa? - Noelle thốt lên lời, nàng cảm thấy thật là ngốc ngếch khi tham gia vào trò đùa này, nàng thấy có một sức hấp dẫn của những sự kiện đang diễn ra, bị những mưu xảo ấu trĩ làm giảm giá trị đi rất nhiều. Người đàn bà gật đầu: - Xong rồi ạ, thưa cô Page- Bà lấy tấm biển "Đóng cửa" treo lên cửa, khoá cửa kỹ càng và bảo nàng. - Mời cô theo tôi. Anh đang nằm trên một chiếc giường nhỏ đặt ở phòng nhỏ phía sau hiệu bánh, nét mặt anh tỏ ra đau đớn rõ rệt, mồ hôi vã ra đầm đìa. Tấm chăn cuốn quanh người anh đẫm máu. Ở đầu gối bên trái có một chiếc nẹp garô rất lớn. - Israel! Anh quay mặt nhìn ra phía cửa, tấm chăn rớt xuống để lộ ra một đám thịt và xương nát đỏ hoẻn ở chỗ trước đây là đầu gối. - Có chuyện gì vậy? - Nàng hỏi. Anh cố gượng cười mà không nói. Giọng anh khàn, lộ vẻ đau đớn căng thẳng. - Chúng đã tiến công Le Cafard, song dễ gì đã diệt nổi bọn anh. Điều nàng phỏng đoán là chính xác, nàng nói: - Em có đọc báo biết tin này. Anh sẽ lành chứ? Israel hít một hơi thở sâu, gật đầu. Anh vừa nói vừa thở hổn hển: Bọn Gestapo đang cày xới tung cả Paris lên để truy lùng anh. Anh phải thoát ra ngoài thành phố này mới có cơ sống nổi… Nếu anh đến được cảng Le Havre, sẽ có người bạn giúp anh lên một con tàu thoát ra một đất nước khác. - Không có ai đưa anh đi bằng xe ra khỏi Paris sao? Anh có thể trốn ở thùng sau xe tải… Israel lắc đầu yếu ớt: - Mọi ngả đường đều bị chặn rồi. Đến một con chuột cũng không lọt ra khỏi Paris được. Noell nghĩ, thậm chí đến một con gián cũng không thoát. - Anh có thể đi với cái chân đau kia không? Nàng hỏi vậy, song chủ yếu là nấn ná để tìm ra một phương án nào đó. Anh ta lại cố gượng cười, nói: - Không thể đi với cái chân như thế này được. Noelle nhìn anh, không hiểu. Đúng lúc đó cửa bật mở, một người đàn ông to lớn, để râu với đôi vai vuông vức, bước vào. Ông ta cầm ở tay mõt chiếc rìu. Ông ta tiến đến giường, kéo chăn xuống, Noelle cảm thấy mặt mình lạnh toát không còn máu chảy. Nàng nghĩ đến tướng Đức Scheider và tên bạch tạng nhẵn nhụi ở sở Gestapo và những việc họ sẽ làm một khi họ bắt được nàng. - Tôi sẽ giúp anh - nàng bảo. Chú thích: (1) Do Thái (2) Thế phẩm, nhân tạo (tiếng Đức). (3) Điều kiện tất yếu. (4) Một con bò đực (tiếng Pháp) (5) Tiếng Đức: Người đẹp. (6) cứt (tiếng Pháp). (7) chú ý (tiếng Đức). Chương 08 Catherine Alexander có cảm giác rằng cuộc đời nàng dường như đã chuyển sang đoạn mới, dường như nàng đã đạt tới một mức cảm xúc cao hơn, tới một đỉnh cao khoái hoạt đến chóng mặt. Khi Bill Fraser ở thành phố, tối nào họ cũng đi ăn với nhau, đi nghe ca nhạc, xem kịch hoặc xem opera. Ông đã kiếm cho nàng một căn nhà nhỏ nhưng dễ chịu ở gần Arlington. Ông muốn trả tiền thuê nhà, xong Catherine nhất định đòi nàng để trả. Ông mua cho nàng quần áo và đồ trang sức. Lúc đầu nàng phản đối, nàng cảm thấy đạo đức của người đạo Tin lành ăn sâu ở nàng khiến nàng lúng túng, xong Fraser rõ ràng là tỏ ra rất thích thú khi cuối cùng Catherine thôi không phản đối chuyện đó nữa. Nàng nghĩ, dù gì thích hay không thích, mi cũng là một nhân tình. Trước đây cái chữ đó với nàng thật nặng nề, nó ám chỉ những hạng đàn bà rẻ tiền, vụng trộm sống trong những căn nhà khuất nẻo, với những tình cảm chán chường thất vọng. Song bây giờ việc đó lại đang xảy ra với nàng. Catherine cảm thấy không giống như vậy chút nào. Nó chỉ có nghĩa là nàng đang ngủ với một người đàn ông nàng yêu. Không có gì là bẩn thỉu, nhơ nhớp, mà hoàn toàn tự nhiên. Nàng nghĩ: Kể cũng thật là thú vị, có những việc mà đối với người khác thì dường như đáng ghê tởm, vậy mà khi đến lượt mi thì lại không sao cả. Khi mi đọc những chuyện trai gái của người khác thì đó chính là "Những lời bộc bạch" thực sự, nhưng đến lượt mi, chẳng qua nó như Tạp chí viết chuyện gia đình dành cho phụ nữ vậy. Fraser là một người bạn sâu sắc, biết nghĩ và ông cư xử như thể họ sẽ còn chung sống với nhau mãi mãi. Catherine có thể lường trước những phản ứng của ông hầu như với mọi tình huống, và nắm được từng tâm trạng của ông. Trái với điều Fraser tuyên bố, chuyện tình dục đối với ông không phải là điều hấp dẫn gì, còn Catherine tự nhủ rằng tình dục chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ giữ hai người. Nàng không còn là cô học trò nhỏ cần phải được kích thích thường xuyên, nàng đã là một phụ nữ trưởng thành. Vì vậy nàng nghĩ chua chát: "cho" hay "nhận" cũng chỉ một chút đỉnh thôi. Trong lúc Fraser đi vắng, công ty quảng cáo của ông do Wallace Turne, một nhân viên kế toán cao cấp điều hành công việc. William Fraser hạn chế đến mức thấp nhất việc ainh vào kinh doanh, để ông có thể dành mọi tâm sức vào công việc của ông tại Washington, song mỗi khi có một vấn đề gì quan trọng phát sinh ở công ty và khi người ta cần đến ý kiến của ông, Fraser có thói quen trao đổi công chuyện với Catherine và dùng nàng như một nơi thăm dò ý kiến. Ông phát hiện ra rằng nàng có một khiếu bẩm sinh về kinh doanh. Catherine cũng thường có những ý kiến về vận động tranh cử, tỏ ra rất hữu hiệu. Trong một bữa ăn tối, Fraser nói: - Catherine ạ, tiếc rằng anh quá ích kỷ, nếu không anh đã để em vào làm công ty, cho em được thoả sức trong những công việc tính toán giấy tờ - Ông đặt bàn tay mình trên bàn tay nàng - Anh sẽ nhớ em qua đỗi. Vì vậy anh muốn em luôn luôn ở đây với anh. - Em cũng chỉ muốn ở đây thôi, anh Bill ạ. Em rất mãn nguyện với tình hình hiện nay ở đây. Và quả thực là như vậy. Nàng đã từng cho rằng nếu nàng rơi vào một tình thế như thế này, nàng sẽ có đòi hỏi bức thiết là lấy chồng, nhưng tình hình như chưa có gì là khẩn thiết cả. Xét trên mọía cạnh quan trọng họ đã là vợ chồng với nhau rồi. Một buổi chiều, khi Catherine gần xong công việc thì Fraser bước vào văn phòng của nàng. - Em có thích tối nay ta đi chơi xa ra vùng nông thôn không? - Ông hỏi. - Có chứ. Thế ta đi chơi đâu? - Đi Virgima. Chúng mình sẽ về ăn tối với bố mẹ của anh. Catherine ngạc nhiên nhìn ông: - Họ có biết quan hệ giữa chúng ta không? - Cũng không hoàn toàn - Ông cười - Họ chỉ biết là anh có một cô trợ lý trẻ rất tuyệt vời và anh sẽ đưa nàng về ăn tối nay. Cho dù nàng có vẻ thất vọng thì lúc này nàng cũng không để lộ ra trên nét mặt, nàng bảo. - Được! Em sẽ ghé về nhà, thay xiêm áo. - Bảy giờ anh sẽ tới đón em. - Thế nhé. * * * * * Ngôi nhà của ông bà Fraser nằm ở vùng đồi chập chùng Virginia, đó là kiểu nhà trại lớn với vạt cỏ xanh và đất trại rộng tới sáu chục acre bao quanh ngôi nhà. Ngôi nhà này xây dựng từ đầu thế kỷ mười tám. Catherine trầm trồ thán phục. - Em chưa từng thấy ngôi nhà nào như thế này. - Đây là một trong những trại chăn nuôi tốt nhất ở Mỹ đấy - Fraser thông báo cho nàng biết như vậy. Chiếc xe hơi chạy qua một bãi đất chăn nuôi đầy những con ngựa đẹp, qua những bãi thả gia súc, được chăm sóc cẩn thận và một ngôi nhà dành cho người trông gia súc. Catherine thốt lên: - Cứ như ở một thế giới khác vậy. Anh đã lớn lên ở đây à? Em ghen với anh đấy. - Có thực sự em thích sống ở nông trại không? - Đây không hẳn là một trang trại. Đây gần như mảnh đất riêng của anh. Họ đến trước ngôi nhà. Fraser quay sang, bảo nàng: - Bố mẹ anh hơi kiểu cách đấy, song em cũng đừng quá bận tâm. Cứ xử sự bình thường. Hồi hộp lắm phải không? - Không - Catherine đáp - Em sợ lắm. Khi nàng nói vậy, nàng tự thấy ngạc nhiên là nàng đã nói dối. Theo nếp truyền thống của mọi cô gái sắp sửa gặp bố mẹ của người mình yêu, lẽ ra nàng phải thấy hoảng sợ mới đúng. Song ở đây, nàng chỉ thấy tò mò mà thôi. Bây giờ cũng không còn thời gian để tự hỏi xem tại sao. Họ ra khỏi xe hơi, một người quản gia mặc lễ phục tiến ra mở cửa, y nở nụ cười tươi chào đón họ. Ông đại tá Fraser cùng phu nhân như đang sống trong những trang sách truyện trước thế kỷ thứ nhất. Điều đầu tiên khiến Catherine chú ý là tuổi tác và vẻ yếu ớt của họ. Trước đây đại tá Fraser đẹp trai linh hoạt vậy, thế mà nay trở thành xanh xao, ốm yếu. Ông già gợi cho Catherine rất nhớ đến một người, rồi bất ngờ nhận ra con người đó. Đây chính là hình ảnh người con trai của ông ta khi già yếu. Ông đại tá tóc bạc thưa bước đi lòng khòng, đau đớn. Đôi mắt ông xanh nhạt, hai bàn tay đã từng một thời cứng cáp nay đã nổi cục vì bệnh sưng khớp. Bà vợ ông ta có phong thái của một nhà quý tộc, những nét xuân sắc của thời con gái vẫn còn lưu lại trên nét mặt. Bà rất nồng nhiệt, vui vẻ với Catherine. Bất chấp những lời Fraser đã dặn dò nàng, Catherine vẫn có cảm giác là nàng về đây để cho ông bà lão này tìm hiểu. Ông đại tá và bà vợ thay nhau thẩm vấn nàng suốt cả buổi tối. Họ tỏ ra rất ý tứ, song cũng hết sức tỉ mỉ. Catherine kể hết cho họ nghe về gia cảnh và thời thơ ấu của nàng và khi nàng nhắc lại chuyện nàng phải chuyển hết trường này qua trường nàng cố làm cho việc đó mang tính màu sắc phiêu lưu, thú vị chứ không phải là một nỗi tra tấn dày vò nàng. Trong lúc nàng kể, nàng nhận thấy Bill Fraser mắt sáng lên, đầy tự hào nhìn nàng. Bữa ăn tối thật thịnh soạn. Họ ngồi ăn dưới ánh sáng của những ngọn nến trong một gian phòng ăn kiểu cổ, rộng rãi, với một lò sưởi bằng đá cẩm thạch thực, với những người đầy tớ vận lễ phục. Tiền bạc cũ và rượu vang cũ. Nàng nhìn Bill Fraser và nàng cảm thấy tràn trề một niềm biết ơn chồng cuồng nhiệt. Nàng có cảm giác rằng nếu nàng muốn nàng có thể được hưởng một cuộc sống như vậy. Nàng biết Fraser yêu nàng và nàng cũng yêu ông ta. Tuy nhiên vẫn thiếu một cái gì đó. Đó chính là cảm xúc hứng khởi: Nàng nghĩ: Có lẽ mình trông đợi quá nhiều. Có lẽ mình phải tìm ngay ở Gary Cooper, Humphrey Bogart và Spencer Tracy những thứ đó. Tình yêu đâu phải là một hiệp sĩ với vũ khí sáng loáng. Nhiều khi chỉ là ở một người chủ trại quý phái vận bộ com lê bằng vải tuýt màu xanh. Vứt mẹ những bộ phim và cuôn sách đó đi cho rồi! Khi nàng nhìn sang ông đại tá, nàng có thể hình dung ra con người Fraser hai chục năm sau, cũng sẽ giống hệt như cha nàng. Nửa cuối buổi tối nàng hoàn toàn im lặng. Trên đường về, Fraser hỏi: - Em có thích buổi tối hôm nay không? - Rất thích. Em thấy mến hai cụ nhà anh. - Hai cụ cũng mến em đấy. - Em mừng lắm - Nàng đã nói thật, trừ một ý băn khoăn mơ hồ ẩn rất sâu trong đầu óc vẫn nhắc rằng lẽ ra nàng cần phải lo lắng đến vậy trước khi đi gặp họ. Tối hôm sau, khi Catherine và Fraser đang ngồi ăn tối ở Câu lạc bộ Jokey, Fraser có báo cho nàng biết rằng ông sẽ phải đi London một tuần. Ông nói: - Trong lúc anh đi vắng, anh có một công việc rất lý thú cho em. Người ta yêu cầu cơ quan chúng ta giám sát việc quay một bộ phim về tuyển mộ phi đoàn không quân đang được thực hiện tại các trường quay của hãng MGM ở Hollywood. Anh muốn em phụ trách việc theo dõi làm phim này trong lúc anh đi vắng. Catherine nhìn ông, vẻ hoài nghi: - Em ư? Thậm chí đến lắp phim vào chiếc máy ảnh rẻ tiền em còn không biết, huống hồ làm sao biết được việc làm phim huấn luyện thế nào? - Thì người khác cũng thế thôi - Fraser cười rộ. - Đây là một việc khá mới mẻ, song em khỏi phải bận tâm. Họ sẽ có đạo diễn và những người trợ giúp cả rồi. Quân đội định sẽ sử dụng các diễn viên vào bộ phim này. - Tại sao? - Theo anh thì họ cảm thấy rằng lính đóng lính lại không đủ sức thuyết phục. Nghe cứ như chuyện quân sự ấy. - Chiều nay anh đã trao đổi rất lâu với tướng Mathews. Ông ấy nhắc đến "tính hấp dẫn" có lẽ hàng trăm lượt. Bởi vì họ muốn bán được phim này. Họ sắp mở một chiến dịch tuyển lính rất lớn nhằm vào đám thanh niên ưu tú ở Mỹ. Đây là một trong những đợt khai hoả. - Thế em cần phải làm những gì - Catherine hỏi. - Em chỉ cần theo dõi xem mọi việc tiến hành có suôn sẻ không, em sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng duyệt được hay không. Em đã có vé đi Los Angeles vào chuyến bay chín giờ sáng ngày mai. - Vâng - Catherine gật đầu. - Có nhớ anh không? - Nhớ lắm chứ - Nàng đáp. - Anh sẽ mang quà về cho em. - Em không cần quà gì cả. Chỉ mong anh trở về bình an vô sự - Nàng ngập ngừng - Tình hình ngày một xấu đi có phải không, anh Bill? - Phải - Ông gật đầu - Chúng ta sắp tham chiến rồi. - Kinh khủng thật? - Nếu chúng ta không tham chiến, tình hình còn kinh khủng hơn kia - Ông nói nhỏ nhẹ - Nước Anh đã thoát khỏi Dunkirk một cách lạ lùng. Nếu giờ đây Hitler quyết định vượt qua eo biển Mache, theo anh người Anh không chặn nổi Hitler. Họ im lặng uống nốt cà phê rồi ông trả tiền. - Tối nay em có muốn anh đến với em không? - Tối nay không được - Catherine bảo - Sáng mai anh phải dậy sớm, mà em cũng vậy. - Thôi được. Sau khi ông đưa nàng về nhà, nàng chuẩn bị đi ngủ ngay. Catherine tự hỏi tại sao nàng lại không về cùng Bill trước khi họ chia tay vào ngày mai. Song nàng cũng không tự giải đáp được câu hỏi đó. * * * * * Catherine đã lớn lên ở Hollywood cho dù nàng chưa từng bao giờ tới đó. Nàng đã bỏ ra hàng trăm giờ đồng hồ trong phòng chiếu bóng tối tăm, đắm mình trong những giấc mộng kỳ ảo mà các nhà tư bản làm phim của thế giới đã tạo nên, và bao giờ nàng cũng thấy thầm cảm ơn vì có được những giờ phút sung sướng như vậy. Khi chiếc máy bay chở Catherine hạ cánh xuống phi trường Burbank, nàng tràn ngập một niềm phấn khởi. Một chiếc xe hơi đã trực sẵn để đưa nàng trở về khách sạn. Họ đi theo những phố rộng rãi, tràn ngập ánh nắng. Ấn tượng đầu tiên Catherine lưu ý chính là những cây cọ. Nàng đã từng đọc về chúng và đã từng xem nhiều phim về chúng, song hình ảnh thực tế đã gây ấn tượng mạnh. Những cây cọ của chúng trơ trụi, còn phần trên thì xanh tốt tuyệt đẹp ở giữa mỗi cây có một vòm lá rũ rượi trông chẳng khác một chiếc váy rách tả tơi. Xe của họ chạy dọc một cao ốc trông giống một nhà máy. Có một tấm bảng treo trên cổng vào "WARNER BROS" và dưới đó là hàng chữ "Kết hợp phim có ehất lượng tốt với tư cách công dân tốt". Khi xe chạy qua cổng, Catherine nghĩ đến James Cagney trong bộ phim Dâu tây vàng và Bette Davis trong phim Chiến thắng bí ẩn và nàng mỉm cười sung sướng. Họ đi qua Hollywood Boul, và từ bên ngoài nhìn vào nó rất kỳ vĩ, quẹo qua đại lộ Highland và đi về hướng đông trên Đại lộ Hollywood. Họ đi qua nhà hát Ai Cập và qua hai khối nhà, về hướng tây là nhà hát Trung Quốc của Gauman. Tinh thần Catherine phấn khởi hẳn lên. Nàng như vừa gặp lại hai người bạn cũ của nàng. Người lái cho xe chạy trên Đại lộ Sunset, rồi hướng tới khách sạn Beverly Hills và nói. - Cô sẽ hài lòng với khách sạn này. Đây là một trong những khách sạn tốt nhất trên thế giới. Có điều rõ ràng đây là khách sạn đẹp nhất mà nàng từng nhìn thấy. Nó nằm ở phía bắc đại lộ Sunset, giữa một hình bán nguyệt trồng rải rác những cây cọ và bao quanh là một khu vườn rộng. Một con đường xe hơi duyên dáng uốn lượn dẫn tới cổng chính của khách sạn sơn màu hồng trang nhã. Một người giúp việc cho quản lý trưởng còn trẻ, năng nổ đưa Catherine về tận phòng nàng ở, thực ra đó lại là một ngôi nhà trệt sang trọng nằm phía sau toà nhà chính của khách sạn. Trên bàn đã thấy có một bó hoa với tấm thiếp chào mừng của ban giám đốc cùng với một bó hoa khác to hơn, đồng thời đẹp hơn với tấm thiếp: "Ước gì anh ở đó hoặc em ở đây cùng anh. Thương yêu. Bill". Người trợ lý trao cho Catherine ba tin nhắn qua. Các tin này đều của Allan Benjamin mà nàng được biết ông ta là nhà sản xuất bộ phim huấn luyện tân binh. Khi Catherine đang đọc tấm thiếp của Bill, chuông điện thoại réo vang. Nàng chạy vội tới, nhấc ống nói lên, hỏi ngay: - Anh Bill? Song té ra là Allan Benjamin. - Xin chào cô Alexander tới California! - Giọng ông ta choe chóe trong ống nói - Hạ sĩ Allan Benjamin, nhà sản xuất chiếc bánh lương khô nhỏ đây(1). Sao lại hạ sĩ? Nàng cứ tưởng người ta phải giao việc này cho một đại uý hoặc đại tá phụ trách mới đáng. - Ngày mai chúng tôi bắt đầu ngay. Có phải người ta đã cho cô biết rằng, chúng ta sẽ dùng diễn viên thay cho các binh sĩ không? - Tôi nghe nói như vậy - Catherine đáp. - Chúng tôi bắt đầu quay vào lúc chín giờ sáng. Nếu cô đến đây khoảng tám giờ, tôi muốn cô sẽ nhìn qua họ một lượt. Chắc cô hiểu Phi đoàn không quân yêu cầu gì rồi đấy. - Được - Catherine đáp nhanh. Thực ra nàng chưa có khái niệm gì về yêu cầu của Phi đoàn Không quân, song nàng cho rằng nếu như người ta có ý thức đúng đắn mà sử dụng loại diễn viên có tác phong phi công thì cũng được chứ sao. - Bảy rưỡi sáng mai tôi sẽ đưa xe đến đón cô. Cô đến cơ sở của Metro cũng chỉ mất có nửa giờ thôi. Nó nằm ở Culver City. Tôi sẽ đón cô ở Sân khấu Mười ba. Gần bốn giờ sáng Catherine mới thiếp ngủ được và dường như cô vừa chợp mắt thì chuông điện thoại lại réo vang và người trực điện thoại báo cho nàng biết đang có một chiếc xe hơi đợi nàng ở bên ngoài. Ba mươi phút sau Catherine đã trên đường tới hãng Metro Goldwyn Mayer. Đây là hãng phim lớn nhất trên thế giới. Khu đất chính của nó gồm có ba mươi hai sân khấu, toà nhà quản trị Thalberg trong đó có Louis B. Mayer, hai mươi năm uỷ viên trị sự, một số đạo diễn, nhà làm phim và nhà biên kịch nổi tiếng lừng lẫy làm việc tại đây. Khu hai gồm có những bối cầnh lớn đứng ngoài trời, thường xuyên được tân trang để phục vụ cho những bộ phim khác nhau. Chỉ trong khoảng ba mươi phút bạn có thể đi xe vượt qua rặng Alpơ của Thuỵ Sĩ, qua một thị trấn miền tây, một khu cư xá ở Manhaltan và một bờ biển trên đảo Hawaii có những cảnh trang trí căn nhà và tường dựng với giá trị nhiều triệu đô-la, dùng để quay những cảnh trong nhà. Một cô gái trẻ được chỉ định làm hướng dẫn viên đưa nàng tới sân khấu 13 đã giải thích mọi chuyện kể ở trên cho nàng nghe. - Đây chính là một thành phố - Cô ta nói đầy tự hào - - Chúng tôi tự sản xuất lấy điện, chế biến đủ thực phẩm trong kho lương thực để cung cấp cho sáu ngàn người mỗi ngày và chế tạo lấy các phong cảnh ngay ở khu đất phía sau. Chúng tôi hoàn toàn tự lực không cần đến ai khác. Trừ khán giả ra chứ? Khi họ đi bộ dọc trên phố, họ đi ngang qua một toà lâu đài chỉ có mặt tiền. Bên kia lâu đài là một hồ nước và phía cuối khối cảnh này là khu tiền sảnh của một nhà hát ở San Francisco. Chỉ có phần sảnh không có phần nhà hát. Catherine cười rũ rượi, khiến cho cô gái quay nhìn nàng. - Có chuyện gì vậy? - Cô ta hỏi. - À không có gì cả - Catherine đáp - Mọi thứ ở đây thật kỳ ảo. Hàng chục diễn viên quần chúng đang đi dạo trên phố, dân cao bồi và người da đỏ vừa đi về phía các sân khấu vừa chuyện trò thân mngười đàn ông vụt xuất hiện ở một góc quẹo và khi Catherine bước lùi lại để tránh anh ta, nàng nhận ra người đó là một hiệp sĩ đang mặc áo giáp trụ. Phía sau anh ta là một đoàn các thiếu nữ mặc áo tắm. Catherine nhận thấy nàng sắp bị nghệ thuật điện ảnh cuốn hút mất rồi. Giá như bố nàng được thấy những cảnh này, hẳn ông sẽ thích thú vô cùng. - Chúng ta đến nơi rồi - Người hướng dẫn nói. Họ đang đứng trước một toà nhà to lớn bằng đá xám. Tấm biển gắn ở một bên ghi rõ "SN KHẤU 13". - Tôi phải chia tay với cô đây. Cô đi một mình được chứ? - Được Catherine đáp - Xin cảm ơn. Cô hướng dẫn viên gật đầu chào rồi tháo lui. Catherine quay lại phía khu sân khấu, nơi có tấm biển ghi trên cửa: "Khi có đèn đỏ xin đừng vào". Không thấy đèn đỏ cho nên Catherine đẩy tay nắm để mở của, đúng ra là nàng phải rán hết sức. Cánh cửa nặng vô cùng, nàng phải lấy hết sức mới đẩy ra được. Khi đã vào bên trong, Catherine lại gặp một cửa thứ hai cũng bề thế và nặng nề như tấm cửa đầu tiên. Thật chẳng khác nào bước vào một phòng nén khí vậy. Bên trong, sân khấu như một cái động lớn hàng chục người đang chạy đi chạy lại: người nào cũng như bận bịu với một công việc bí ẩn. Một nhóm đàn ông vận quân phục phi đoàn không quân mà Catherine nhận ngay ra là họ là diễn viên sẽ xuất hiện trong bộ phim. Ở phía góc xa của sân khấu là một văn phòng có đủ bàn làm việc, ghế ngồi và một tấm bản đồ quân sự cỡ lớn treo trên tường. Các kỹ thuật viên đang chiếu sáng cảnh trí đó. - Xin lỗi, ông cho hỏi - Nàng nói với một người đang đi ngang qua - Ông Allan Benjamin có ở đây không? - Ông hạ sĩ người nhỏ thó phải không? - Anh ta chỉ - Ở đằng kia. Catherine quay lại, thấy một người vẻ yếu ớt mảnh dẻ, vận một bộ quân phục rộng thùng thình mang lon hạ sĩ ông ta đang quát mắng một người mang lon đính sao cấp tướng. - Dẹp mẹ nó cái ý kiến của gã giám đốc phân vai đó lại ông ta ré lên - Tôi cần đếch gì các ông tướng. Tôi cần đám hạ sĩ quan kia - Ông lại giơ cao tay lên vẻ tuyệt vọng - Thằng nào cũng thích làm tướng, chẳng thằng khỉ nào thích làm dân thường. - Xin lỗi ông - Catherine nói - Tôi là Catherine Alexander. - Trời đất ơi? - Con người nhỏ thốt lên. Ông quay sang mấy người kia, giọng đay nghiến. - Lũ mặt dày kia, đủ đởn thế là đủ rồi nhé. Người Washington có mặt ở đây rồi đấy? Catherine nháy mắt. Và chẳng để nàng kịp nói viên hạ sĩ nhỏ thó nói luôn: - Tôi không biết tôi đang làm gì ở đây nữa. Tôi có một công việc kiếm được ba ngàn năm trăm đô-la mỗi năm ở Derborn, làm biên tập cho một tạp chí của ngành buôn bán đồ gỗ thì tôi bị động viên vào Binh chủng thông tin rồi được phân công viết kịch bản phim huấn luyện. Tôi có biết sản xuất với đạo diễn phim là quái gì đâu. Đây đúng là một mớ hổ lốn lộn xộn nhất tôi thấy từ xưa đến giờ. Tôi đang đau dạ dày đây - Ông ta rên rỉ - Mà tôi cũng chẳng làm cái nghề điện ảnh này đâu. Xin lỗi cô nhé. Ông ta quay người, đi vội ra phía cửa, bỏ mặc Catherine đứng trơ ở đó. Nàng nhìn quanh, bất lực. Mọi cặp mắt dường như đổ dồn về phía nàng, chờ đợi nàng một hành động gì đây. Một người đàn ông gầy gò, tóc mốiu, vận một chiếc áo thun bước về phía nàng, vẻ mặt đầy đắc ý, hỏi nhỏ: - Cô cần giúp gì không? - Tôi cần một phép thuật - Catherine chân thực đáp. - Tôi được phân công phụ trách vụ này, song tôi không biết cần phải làm gì đây. Y cười toét với nàng. - Chúc mừng cô đã đến Hollywood. Tôi là Tom O Brien Trợ lý đạo diễn. Nàng nhìn y, lúng túng. - Trợ lý đạo diễn. Ông bạn của cô, viên hạ sĩ đó, được cử đạo diễn phim này, song tôi có cảm giác ông ấy không "đậu" được. Ở con người này có vẻ gì đó bình thản quả quyết mà Catherine thấy mến. - Anh làm ở Metro Goldwyn Mayer đã lâu chưa? - Hai mươi năm rồi. - Theo anh, anh có thể đạo diễn được phim này không? Nàng thấy y bặm môi. - Để tôi thử xem - Y nói nghiêm túc - Tôi đã làm sáu phim với Willie Wyler - Đôi mắt y trở lên nghiêm nghị - Tình hình không đến nỗi tồi tệ như ta tưởng đâu. Cái chính là cần tổ chức lại một chút. Kịch bản viết rồi, việc phân cảnh đã làm xong. - Đó mới chỉ là bước đầu thôi - Catherine nói - Nàng nhìn những người mặc quân phục trong khu vực sân khấu. Phần lớn họ mặc không vừa, trông lúng ta lúng túng. - Catherine bình luận. - Họ đi làm quảng cáo cho Hải quân có lẽ hợp hơn. O Brien cả cười, tâm đắc. - Những bộ quân phục này may ở đâu thế? - Ở Western Costume. Bộ phận trang phục của chúng tôi hết quần áo rồi. Chúng tôi đang quay ba bộ phim chiến tranh cùng một lúc. Catherine quan sát mấy người kia, rồi nhận định. - Có độ nửa tá anh chàng quả là dở ẹt. Ta hãy trả họ về để xem chúng ta có khá hơn không. O Brien gật đầu, tán thành: - Đúng thế? Catherine và O Brien tiến về nhóm người đóng vai quần chúng. Sân diễn to lớn đang vang lên tiếng chuyện trò ầm ầm váng cả đầu. - Giữ trật tự nào - O Brien la toáng lên - Đây là cô Alexander. Cô ấy sẽ phụ trách ở đây. Có vài tiếng huýt gió, rừ rừ đáp lại. - Xin cảm ơn - Catherine mỉm cười, nói - Đa số các bạn đều đẹp cả, nhưng một số người phải trở về Western Costume để lấy những bộ quân phục khác. Xếp hàng lại, chúng tôi sẽ điểm qua các bạn một lượt. - Tôi muốn điểm qua cô trước đã. Cô sẽ ăn gì tối nay? - Một gã vọng ra. - Tôi sẽ ăn tối với chồng tôi - Catherine đáp - Ngay sau khi anh ấy thi đấu về. O Brien tập hợp toán người lại thành một hàng rời rạc. Catherine nghe thấy tiếng cười nói vang vang ở khu bên cạnh, nàng xoay qua phía đó, tỏ ý khó chịu. Một diễn viên quần chúng đứng gần bên một phông cảnh cảnh nói chuyện với ba cô gái, ba cô nàng đang như nuốt từng lời của anh ta, chốc chốc lại cười rú lên trước những câu nói của anh ta. Catherine nhìn họ một lúc, rồi nàng tiến về phía người đàn ông mà bảo: - Xin lỗi. Mời anh đứng xuống cuối hàng. Người đàn ông từ từ quay lại, cất tiếng hỏi: - Cô nói với tôi đấy à? - Phải - Catherine đáp - Chúng ta sẽ bắt tay vào việc. Nàng bỏ đi. Y quay lại thì thào điều gì đó với mấy cô gái làm cho bọn họ cười rộ lên, sau đó mới từ từ tiến đến phía sau Catherine. Y có khổ người cao gầy, nét mặt khắc khổ, y rất đẹp trai, tóc đen nhánh, đôi mắt đen dữ dội. Mỗi khi y nói giọng y trầm có vẻ nhâng nhâng vui vẻ. Y hỏi Catherine. - Cô cần gì ạ? - Anh có muốn làm việc không? áp. - Có chứ, có chứ - Y khẳng định. Đã một lần Catherine đọc được một bài báo viết về các diễn viên đóng vai quần chúng. Họ là loại người đặc biệt, họ sống một cuộc đời ẩn danh trên các sàn diễn, tạo không khí cho những cảnh đông người, trên đó các diễn viên minh tinh xuất hiện. Họ là những người, không có bộ mặt, không có tiếng nói, một cách tự nhiên họ cũng không có tham vọng tìm kiếm một loại việc làm gì có ý nghĩa hơn. Người đàn ông đứng trước nàng thật đúng là một thí dụ điển hình. Bởi y là một kẻ đẹp trai dữ dội, có lẽ y đã nghe theo lời khuyên của ai đó ở quê hương y rằng cứ đến Hollywood khắc trở thành minh tinh màn bạc, và y biết rằng cần phải có tài năng cùng với mẽ bề ngoài, vì thế y đã chấp nhận việc bắt đầu làm diễn viên phụ vì đó là cách giải quyết dễ dàng nhất. - Chúng ta cần phải thay một số bộ quân phục - Catherine kiên nhẫn giải thích. - Quần áo của tôi đã được chưa? - Y hỏi. Catherine ngắm kỹ lại bộ quân phục của y. Nàng phải công nhận là vừa như in, làm nổi bật đôi vai rộng đến quá mức, và thót lại ở co lưng gầy của y. Nàng nhìn chiếc áo y mặc. Trên cầu vai có dải băng đại uý. Bên ngực y, gắn những cuốn huân chương nhiều màu lấp lánh. - Bà chủ thấy có oai không? - Y hỏi. - Ai bảo anh đóng vai đại uý? Y nhìn nàng, nghiêm túc: - Đấy là ý kiến của tôi. Theo cô, tôi không đóng nổi đại uý sao? Catherine lắc đầu: - Không, không được. Y bĩu môi, vẻ suy xét: - Trung uý, được không? - Không. - Vậy thì thiếu uý? - Theo tôi, anh không đáng mặt sĩ quan. Đôi mắt đen của y nhìn nàng, lúng túng: - Sao? Có gì không được nào? - Y hỏi. - Phải. - Nàng đáp - Cái đám huân chương kia. Hẳn là anh phải hết sức dũng cảm. Y cười. - Tôi muốn làm cho cái bộ phim chết dẫm này có thêm chút màu sắc. - Nhưng anh đã quên mất một điều - Catherine nói rành rọt. - Chúng ta đã đánh nhau đâu. Chắc anh vớ được những của này trong cuộc hội hè. Gã kia cười, bẽn lẽn thừa nhận: - Cô nói đúng. Tôi quên mất điều đó. Để tôi gỡ bớt đi vài chiếc. - Phải gỡ hết - Catherine bảo. Y lại nhìn nàng và từ từ nhăn nhở cười. - Xong ngay, thưa Boss. Nàng định độp ngay lại: "Không được gọi tôi bằng "boss" nữa, song lại nghĩ, thôi kệ mẹ hắn, và nàng quay gót đi ra nói chuyện với O Brien. Catherine ra lệnh cho tám người đi đổi quần áo và dành một giờ sau đó trao đổi về cảnh quay với O Brien. Viên hạ sĩ nhỏ thó đã quay lại chốc lát, sau đó biến mất, Catherine cho rằng như vậy lại càng tốt. Ông ta có mặt ở đây chỉ để kêu ca và làm mọi người thêm bực dọc. Trước bữa ăn O Brien đã quay, xong cảnh đầu tiên và Catherine cảm thấy công việc diễn biến không đến nỗi quá tồi. Chỉ có một trục trặc khiến nàng khó chịu trong buổi sáng hôm đó Catherine đã phân công cho diễn viên phụ hay gây gổ kia đọc một vài dòng, nhằm làm hạ uy tín của y. Để trả giá cho sự xấc xược của y, nàng muốn y phải được xuất hiện trong cảnh quay. Nhưng y đã đọc phần y được giao hoàn toàn trôi chảy và y xuất hiện trong cảnh quay với vẻ đầy tự tin. Sau khi y làm xong phận sự, y quay lại phía nàng, nói: - Làm như thế ổn chứ, thưa Boos? Đoàn làm phim nghỉ để ăn trưa về phía nhà ăn rất rộng ở trường quay và ngồi xuống chiếc bàn ở một góc phòng. ơ chiếc bàn bên cạnh có một tốp lính mặc quân phục. Catherine quay ra mặt ra cửa, thấy gã diễn viên phụ nọ đang bước vào, bám quanh là ba cô gái, cô nào cũng tìm cách sán đến gần gã. Catherine cảm thấy mặt nóng bừng. Nàng nghĩ đó chẳng qua chỉ là một phản ứng hoá học bình thường. Có những kẻ cứ trông thấy mặt là ta đủ ghét, mà cũng lại có những người cứ trông thấy mặt ta lại mến ưa. Trong cái thái độ xấc xược đến khó chịu của y có một nét gì khiến cho nàng phải nghĩ khác đi Hẳn y phải là một tay chơi có hạng, mà có lẽ đúng là như vậy đấy. Y ngồi xuống với mấy cô gái quanh chiếc bàn đưa mắt nhìn quanh bắt gặp Catherine, sau đó y ghé sát vào nói điều gì với mấy cô gái. Họ quay cả sang nhìn về phía nàng, đoạn cười rộ lên. Thằng khốn nạn. Nàng theo dõi y đi về phía nàng. Y nhìn xuống nàng, nụ cười thông cảm từ từ xuất hiện trên môi. - Tôi ngồi với cô một lát được không? - Y hỏi. - Tôi… Song y đã ngồi xuống, nhìn nàng chăm chú, cặp mắt bắt đầu dò xét vẻ thích thú. - Anh muốn gì? - Catherine sẵng giọng hỏi. Y lại cười nhăn nhở: - Có thực cô muốn biết không? Môi nàng mím chặt, giận dữ: - Này, nghe đây… - Tôi muốn hỏi cô - Y nói nhanh - Sáng nay tôi đóng như vậy có được không? Yvươn người ra phía trước, vẻ chân thành, hỏi - Diễn xuất của tôi có sức thuyết phục không? - Có thể là anh thuyết phục nổi họ đấy - Catherine đáp, gật đầu về phía mấy cô gái - Còn nếu như anh muốn biết ý kiến tôi ư? Anh là một cái máy nói mà thôi. - Tôi đã làm gì để cô phải phật ý. - Chuyện gì của anh cũng đều khiến tôi phật ý - Nàng nói đều đều - Tôi không không ưa kiểu người như anh. - Kiểu người như tôi thì sao? - Anh là một thứ đồ rởm. Anh thích diện bộ quận phục này để trưng với các ả chứ gì, thế đã bao giờ anh nghĩ đến việc đăng lính chưa? Y nhìn nàng, vẻ nghi ngờ, hỏi: - Cả việc bị bắn chết? Chuyện đó để dành cho bọn khờ khạo - Y nghiêng người về phía trước, cười nhăn nhở - Việc này kể cũng vui đấy chứ. Catherine bặm môi, giận dữ: - Anh không đủ điều kiện để đăng lính sao? - Về kỹ thuật, tôi đủ điều kiện, song một người bạn tôi quen một ông "cốp" ở Washington và… - Y hạ giọng - Theo tôi, họ sẽ không lấy tôi đâu. - Anh là đồ để tiện - Catherine bật ra. - Tại sao? - Nếu anh không rõ tại sao thì tôi cũng chẳng bao giờ giải thích cho anh được. - Cô cứ thử xem nào. Trong bữa ăn tối nay ở phố cô nhé. Cô có nấu nướng được không? Catherine đứng phắt dậy, hai má nàng đỏ bừng vì giận dữ. - Anh đừng trở lại trường quay làm gì nữa - Nàng nói - Tôi sẽ bảo ông O Brien gửi phiếu thanh toán tiền công sáng nay cho anh. Nàng quay đi, chợt nhớ ra điều gì, nàng hỏi: - Anh tên gì? - Douglas. Larry Douglas - Y đáp. * * * * * Đêm hôm sau, từ London, Fraser gọi điện thoại cho Catherine hỏi về tình hình vừa qua. Nàng thông báo cho ông biết mọi chuyện xảy ra ban ngày, song không hề đề cập đến sự kiện với Larry Douglas. Khi nào Fraser trở lại Washington, nàng sẽ kể lại chuyện đó cho ông sau để hai người có dịp cười hể hả với nhau. Sáng sớm hôm sau, Catherine đang mặc quần áo để ra tường quay thì chuông ở cửa réo vang. Nàng mở cửa ra đã thấy một chú bé làm việc chuyển tin đứng ngoài cửa tay ôm một bó hoa hồng lớn. - Catherine Alexander? - Nó hỏi. - Phải. - Mời chị ký vào đây. Nàng ký vào tờ giấy hắn trao cho nàng, rồi đón lấy bó hoa, nàng nói: - Đẹp quá nhỉ. - Phải mất mười lăm đô-la. - Sao? - Mười lăm đô-la ạ. Bó hoa này do người nhận trả tiền đấy ạ! - Tôi không hiểu… Môi nàng mím lại. Catherine cầm lấy tấm thiếp gắn ở bó hoa, rút khỏi chiếc phong bì đựng thiếp. Nàng đọc dòng chữ: "Lẽ ra tôi trả tiền bó hoa này, song tôi đã mất việc rồi. Chào thân ái. Larry". Nàng ngây người ra nhìn tấm thiếp, không tin được. - Chị có nhận bó hoa này không? - Cậu bé phát tặng phẩm hỏi. - Không - Nàng nói vội, đoạn dúi hoa trở lại tay đứa bé. Nó nhìn nàng, lúng túng: - Anh ấy bảo rằng thể nào chị cũng sẽ cười rộ. Đây là trò đùa riêng mà thôi. - Tôi không cười - Catherine nói rồi giận dữ đóng sầm cửa lại. Suốt ngày hôm đó, câu chuyện này cứ ám ảnh làm nàng khó chịu. Nàng đã gặp những người rất ích kỷ, song chưa từng thấy ai lại dương dương tự đắc như cái gã Larry Douglas này. Nàng tin rằng y đã từng có hàng loạt chiến công giòn giã với những cô ả tóc vàng đầu óc trống rỗng, những cô da ngăm đen ngực căng đầy sẵn sàng lăn vào giường của y. Chỉ riêng việc y xếp nàng cùng hạng với bọn con gái đó cũng đủ khiến nàng thấy bị rẻ rúng, nhục mạ rồi. Càng nghĩ đến y nàng càng thấy sởn gai ốc. Nàng quyết gạt y ra khỏi đầu. Lúc bảy giờ tối hôm đó Catherine sửa soạn rời sàn diễn ra về. Một người phụ tá tay cầm một chiếc phong bì, tiến lại chỗ nàng. - Cô Catherine, cô đã tính tiền cái này rồi ư? Đó là tấm phiếu thanh toán của bộ phận phân vai gửi đến. - Một bộ quân phục (đại uý). - Sáu dải dây băng. - Sáu huân chương (có liệt kê). Tên diễn viên: Laurence Douglas… (tính vào khoản riêng của Catherine Alexander. MGM). Catherine ngẩng lên, mặt đỏ bừng. - Không? Ông ta nhìn nàng: - Vậy tôi nói với họ sao đây? Ông báo cho họ rằng tôi sẽ trả tiền huân chương cho hắn nếu như hắn được truy tặng. Ba ngày sau bộ phim được quay xong. Ngày hôm sau nàng xem bản nháp và duyệt y. Bộ phim chắc sẽ không giật được giải thưởng nào, song rất giản dị và có hiệu quả. Tom O Brien đã hoàn thành tốt công việc. Sáng thứ bảy Catherine đáp chuyến máy bay trở về Washington. Nàng bao giờ cũng thấy lưu luyến khi phải giã từ bất kỳ một thành phố nào. Sáng thứ hai tới nàng sẽ quay lại với văn phòng của nàng và cố gắng thanh toán các công việc đang chất thành đống trong lúc nàng đi vắng. Ngay trước giờ ăn trưa, Annie cô thư ký của nàng báo qua máy đàm thoại nội bộ. - Có một ông Larry Douglas nào đó đang gọi điện từ Hollywood, California tới. Chị có trả lời cú điện thoại này không? - Không - Nàng gạt phắt đi - Bảo với ông ta rằng tôi… thôi được, tôi sẽ nói thẳng với ông ta - Nàng hít một hơi dài sau đó ấn vào núm điện thoại. - Ông Douglas đấy à? - Chào cô - Giọng của y có vẻ nôn nóng - Tôi phải vất vả lắm mới dò tìm ra được cô. Cô không thích hoa hồng ư? - Ông Douglas ạ… Giọng nàng run run vì bực bội. Nàng lại hít một hơi thật dài rồi nói tiếp - Ông Douglas ạ, tôi rất thích hoa hồng. Song tôi không ưa gì ông, tôi cũng chẳng ưa bất kỳ cái gì có liên quan đến ông. Ông rõ rồi chứ? - Cô không hiểu gì về tôi cả. - Tôi hiểu hơn những gì tôi cần hiểu. Ông là loại người hèn nhát, để tiện và tôi không muốn ông gọi điện thoại cho tôi nữa. Run rảy, nàng đặt mạnh ống nghe xuống, đôi mắt nàng ánh lên giọt nước mắt giận dữ. Hắn vẫn còn mặt dày thế ư? Khi Bill trở lại, nàng cảm thấy vui mừng. Ba ngày sau Catherine nhận được tấm chân dung của Larry Douglas cỡ 10x12 inch trong đống thư từ gởi đến. Tấm ảnh có ghi rõ dòng chữ: "Tặng bà chủ, Larry gửi lời chào thân ái". Annie chòng chọc nhìn vào tấm ảnh, vẻ kinh hãi. - Lạy Chúa? Đúng hắn đây không? - Giả mạo hết - Catherine đáp - Chỉ có mỗi tờ giấy in tấm hình này là có thực mà thôi - Nàng xé tan tấm hình ra thành nhiều mảnh. Annie nhìn nàng, hoảng hốt: - Sao lại phí thế. Em chưa từng bao giờ được gặp một người như vậy bằng xương bằng thịt. Catherine nói ngao ngán: - Ở Hollywood người ta có những cảnh trí chỉ có bề mặt mà không có nền cơ bản đằng sau. Cô vừa mới được thấy một trong cảnh đó. Trong suốt nửa tháng sau đó, Larry Douglas gọi điện thoại tới ít nhất cũng hàng chục lần. Catherine đã chỉ thị cho Annie báo cho y biết đừng gọi điện lại nữa và cô cũng khỏi cần phải cho nàng biết tình hình y gọi điện đến làm gì. Một buổi sáng trong lúc Annie đang nghe nàng đọc cho viết lại cô ta ngẩng lên hỏi một cách thẹn thùng: - Tôi biết là chị đã dặn tôi không cần phải báo cho chị biết về các cú phôn của ông Douglas, song ông ta gọi lại, giọng ông ta tỏ ra tuyệt vọng và… có vẻ ngỡ ngàng. - Y đang ngỡ ngàng - Catherine lạnh lùng đáp - Và nếu cô là người đứng đắn cô sẽ không cần phải tìm hiểu y làm gì. - Y nói năng hấp dẫn lắm. - Y đã "thuốc" cô rồi đấy. - Y có hàng loạt câu hỏi về chị - Cô ta thấy Catherine nhìn mình trừng trừng, vội chống chế ngay. - Song tất nhiên, em không kể gì về chị đâu. - Em làm như vậy là rất khôn ngoan đấy. Annie ạ. Catherine lại tiếp tục đọc cho Annie chép, song tâm trí nàng không còn tập trung vào việc này nữa. Nếu trên đời này toàn là những gã như Larry Douglas cả thì nàng thấy William Fraser là quý giá. Sáng chủ nhật sau đó Bill Fraser đã trở về. Catherine ra tận phi trường đón ông. Nàng quan sát ông làm thủ tục hải quan xong và đi về phía cửa ra, nơi nàng đang đứng chờ. Nét mặt ông rạng ngời khi trông thấy nàng. - Cathy? - Ông thốt lên - Thật là bất ngờ, anh không nghĩ đến việc em sẽ ra đón anh. - Em không chờ được nữa - Nàng mỉm cười và thân mật ôm chặt lấy ông khiến ông phải quay nhìn nàng, lúng túng. - Em nhớ anh lắm sao? - Ông hỏi. - Anh không thể tưởng tượng được. - Tình hình ở Hollywood thế nào? Ổn cả chứ? Nàng ngập ngừng: - Tốt. Mọi người đều hài lòng với bộ phim đó. - Anh cũng được biết như vậy. - Bill, lần sau anh có đi đâu, anh cho em đi theo cùng - nàng nói. Ông nhìn nàng, vừa lấy làm hài lòng lại vừa cảm động. - Đồng ý - Ông nói - Anh nhớ em quá. Anh nghĩ đến em không phút nào ngơi. - Thật không? - Em có yêu anh không? - Nhiều lắm, anh Fraser ạ. - Anh cũng yêu em. Tối nay chúng ta phải đi đâu để kỷ niệmi ngộ chứ? Nàng mỉm cười: - Tuyệt? - Chúng ta sẽ đi ăn tại nhà hàng Câu lạc bộ Jefferson. Nàng chia tay với Fraser ở nhà ông. Ông bảo: - Anh hiện có vài ngàn cú điện thoại gọi đi. Tám giờ tối em đến câu lạc bộ nhé. - Vâng - Nàng đáp. Catherine trở về nhà nàng, giặt giũ, là quần áo. Cứ mỗi lần nàng đi ngang qua máy điện thoại, nàng lại có ý chờ đợi một tiếng chuông reo, song nó vẫn cứ im ắng như không. Nàng nghĩ đến việc Larry Douglas cố tìm cách gặng hỏi Annie tin tức về nàng, và phát hiện ra nàng đang bực bội nghiến răng kèn kẹt. Có lẽ nàng sẽ nói với Fraser về việc cần đưa tên Douglas vào danh sách quân dịch. Rồi nàng tự nhủ: Thôi đi, mình đừng có bận tâm. Có thể họ sẽ gạt hắn ngay. Họ sẽ thử thách và phát hiện ra rằng hắn chỉ là kẻ phóng đãng. Nàng gội đầu, tắm táp rất lâu và cầu kỳ, đến lúc đang lau khô người thì chuông điện thoại kêu vang. Nàng ra nhấc máy lên, hỏi lạnh lùng: - Chuyện gì vậy? Tiếng Fraser vang lên: - Chào em. Sao thế? - À không có gì đâu Bill ạ - Nàng nói nhanh - Em… em vừa mới tắm xong đấy mà. - Xin lỗi em nhé - Giọng Fraser có vẻ đùa giỡn, - À, ý anh nói là anh xin lỗi về việc anh không tới đó để đón em được. - Em cũng vậy - Nàng đáp. - Anh muốn gọi để bảo với em rằng anh nhớ em lắm. - Đừng đến chậm đấy. Catherine mỉm cười: - Vâng. Nàng từ từ gác máy, vừa nghĩ đến Fraser. Lần đầu tiên nàng cảm thấy ông sẵn sàng hỏi cưới nàng làm vợ. Ông sắp sửa yêu cầu nàng trở thành bà William Fraser. Nàng nhắc to cái tên "bà Fraser". Kể nghe cũng cao sang đấy chứ. Nàng nghĩ: Lạy Chúa! Mình đang thấy ngán lắm rồi. Giá như cách đây sáu tháng thì mình đã thấy buồn nôn thế mà bây giờ mình lại thấy cái tên đó nghe cao sang cơ đấy! Nàng đã thay đổi nhiều đến thế rồi ư? Ý nghĩ đó chẳng khiến nàng dễ chịu chút nào. Nàng nhìn đồng hồ, rồi nhanh chóng mặc xiêm áo. * * * * * Câu lạc bộ Jefferson nằm ở phố "F" trong một toà nhà bằng gạch khiêm tốn, lùi xa mặt phố, có rào sắt bao quanh. Đây là một trong những câu lạc bộ rất khắt khe trong một thành phố có những câu lạc bộ khắt khe. Điều kiện dễ dàng nhất để có một người gia nhập câu lạc bộ là phải có ông bố trước cũng đã từng là hội viên rồi. Nếu ai không có điều kiện này thì cần phải có được ba hội viên đứng ra giới thiệu. Việc kết nạp hội viên mới được tổ chức mỗi năm một lần và mỗi lần bị khai trừ khỏi câu lạc bộ Jefferson là coi như bị khai trừ vĩnh viễn, bởi vì quy định chặt chẽ của câu lạc bộ là không ai được kếp nạp hai lần. Ông bà William Fraser là một sáng lập viên của câu lạc bộ này vì thế Fraser và Catherine hàng tuần có thể đến ăn tối tại đây ít nhất là một lần. Bếp trưởng đã từng phụ trách món ăn Pháp trong nhà hàng Rothschilds hai chục năm. Bếp núc của ông rất tuyệt, còn hầm rượu vang đứng vào hạng nổi tiếng thứ ba của nước Mỹ. Câu lạc bộ này được trang trí bởi một hoạ sĩ trang trí hàng đầu thế giới. Người ta đã chú ý đến màu sắc và ánh sáng đến mức phụ nữ vào đây được ánh đèn nến chiếu vào, dung nhan càng được tôn thêm lên. Vào bất kỳ tối nào, thực khách đều có thể gặp tại đây ông Phó Tổng thống, các thành viên của Nội các hoặc Toà tối cao, những thượng nghị sĩ và các nhà tư bản công nghiệp thần thế đang kiêm soát các lãnh vực công nghiệp trên khắp thế giới. Khi Catherine tới. Fraser đang đứng ngoài sảnh đợi nàng. - Em đến có muộn không đấy? - Nàng hỏi. - Dù em có đến muộn cũng không hề gì - Fraser đáp ngắm nhìn nàng với vẻ thán phục công khai - Em có biết rằng em đẹp tuyệt vời không? - Có chứ. Ai cũng biết em là Catherine Alexander xinh đẹp tuyệt vời - Nàng nói. - Anh nói thực đấy, Cathy ạ - Giọng ông tỏ ra nghiêm trang khiến cho nàng đâm lúng túng. Nàng đáp vụng về. - Cảm ơn anh Bill. Thôi anh đừng nhìn em chằm chằm như vậy nữa. - Anh không thể không ngắm em - Ông nói, đoạn khoác tay nàng. Bếp trưởng Louis đưa họ tới một góc. - Xin chúc cô Alexander và ông Fraser ăn ngon miệng. Catherine rất thích thú khi thấy ông bếp trưởng của Câu lạc bộ Jefferson cũng biết tên nàng. Nàng hiểu rằng nàng thật là ngây thơ, vớ vẩn, song dù sao điều đó cũng gây cho nàng cảm giác nàng là người có vai vế, có tông tích. Nàng ngồi xuống, thư giãn và thoả mãn quan sát toàn bộ gian phòng. - Em có uống gì không? - Fraser hỏi. - Không, cảm ơn anh - Catherine đáp. Ông lắc đầu: - Anh cần phải luyện cho em một số thói quen xấu mới được. - Thì anh đã làm rồi đó thôi - Catherine thì thào. Ông cười khích nàng và rót lấy một ly rượu Scotch pha soda. Nàng ngắm nhìn ông và cảm thấy ông là người thân thiết dịu hiền với nàng. Nàng tin rằng nàng có thể mang lại cho ông rất nhiều hạnh phúc. Và nàng sẽ hạnh phúc khi lấy ông. Rất hạnh phúc, nàng tự nhủ một cách kiên quyết như vậy. Hãy hỏi bất kỳ ai. Hãy hỏi tạp chí Time đi. Nàng bực mình vì đầu óc nàng lúc này làm sao ấy. Nàng khó chịu vì chuyện gì vậy? - Anh Bill ạ… - Nàng mào đầu… đột nhiên sững người lại. Larry Douglas đang tiến lại phía họ, môi nở một nụ cười khi trông thấy và nhận ra Catherine. Anh ta đang mặc bộ quân phục của Binh đoàn Không quân lấy ở phòng phân vai trung tâm. Nàng không thể tin được khi anh ta tiến lại phía bàn của họ, cười hớn hở, nói: - Xin chào. Song anh ta không nói với Catherine mà nói với Bill vì ông ta đang đứng dậy, bắt tay anh ta. - Tuyệt quá, lại được gặp cậu ở đây, Larry ạ. - Rất mừng được gặp cậu ở đây, Bill. Catherine nhìn hai người chòng chọc, đầu óc nàng mụ mị không còn biết phản ứng ra sao nữa. Fraser bảo: - Cathy, đây là đại uý Laurence Douglas. Và đây là cô Alexander… Catherine. Larry Douglas cúi xuống nhìn nàng, đôi mắt đen của y giễu cợt. Y trịnh trọng nói: - Thật là diễm phúc được gặp cô đấy, cô Alexander. Catherine định mở miệng nói, nhưng rối bỗng nhiên nàng nhận ra nàng chẳng biết nói gì bây giờ, Fraser nhìn nàng, đợi nàng lên tiếng. Nàng chỉ biết lặng lẽ gật đầu, vì không còn làm chủ được giọng mình nữa. - Larry, ngồi cùng bàn với bọn mình nhé - Fraser bảo. Larry nhìn Catherine rồi khiêm tốn đáp. - Nếu như anh chắc chắn rằng tôi không làm phiền. - Ồ, không hề gì. Ngồi xuống đây. Larry ngồi xuống ghế, bên cạnh Catherine. - Anh muốn uống gì? - Fraser hỏi. - Wishky soda - Larry đáp. - Em cũng thế - Catherine nói liều - Cho xuất đúp. - Không thể tin được - Fraser nhìn nàng, ngạc nhiên. - Anh chẳng nói là anh muốn dạy em một số thói quen xđấy ư - Catherine bảo - Em nghĩ em muốn bắt đầu từ bây giờ. Sau khi Fraser gọi rượu xong, ông quay sang nói với Larry: - Qua tướng Terry mình được biết một số chiến công của cậu… cả ở trên trời lẫn dưới đất. Catherine nhìn Larry chằm chằm, đầu óc nàng đang bối rối, nàng cố định thần lại hỏi: - Thế những huân chương đó… Chàng nhìn nàng, vẻ chân thật: - Sao cơ? Nàng nuốt nước bọt: - À thế ông kiếm chúng ở đâu? - Tôi giành được trong cuộc vui chơi đấy - Chàng nghiêm trang đáp. - Trong cuộc vui chơi - Fraser cười ha hả - Vừa qua Larry đã bay trong Không lực Hoàng gia Anh. Anh ấy là chỉ huy Phi đoàn Mỹ bên đó. Người ta phải thuyết phục anh trở về chỉ huy một căn cứ phi công chiến đấu ở Washington để đào luyện một số phi công chúng ta sẵn sàng chiến đấu. Catherine quay nhìn Larry chằm chằm. Chàng mỉm cười hồ hởi với nàng, đôi mắt đưa đẩy. Như trong một cảnh quay lại ở một cuốn phim cũ. Catherine lại nhớ rành rọt từng lời nàng đã nói trong lần gặp nhau đầu tiên. Nàng đã ra lệnh cho chàng phải gỡ bỏ rải băng đại uý và các huân chương của chàng đi, và chàng đã làm một cách vui vẻ. Nàng đã lên mặt hách dịch… và nàng gọi chàng là thằng hèn? Bây giờ thì nàng chỉ muốn trốn xuống dưới gầm bàn. Giá như cậu cho mình biết trước rằng cậu về thành phố này - Fraser nói tiếp - Mình sẽ đi lùng một cô bê béo cho cậu. Chúng ta sẽ làm một bữa tiệc thật to mừng cậu trở về. - Mình thích thế này hơn - Larry đáp, Chàng nhìn sang Catherine, nàng quay đi chỗ khác, không dám bắt gặp cái nhìn của chàng. Larry tiếp tục một cách thật thà: - Thực ra khi mình đang ở Hollywood nghe tin cậu sản xuất một bộ phim huấn luyện Binh đoàn Không quân mình đã đi tìm cậu. Chàng dừng lại, châm điếu thuốc, rồi thận trọng thổi tắt que diêm. - Mình đã tới chỗ làm phim nhưng không thấy cậu ở đó. - Mình phải bay đi London công tác - Fraser đáp - Catherine tới đó. Mình rất ngạc nhiên sao hai bạn lại không gặp nhau. Catherine ngẩng nhìn Larry, lúc này chàng đang chăm chú quan sát nàng, đôi mắt nàng lộ vẻ thích thú. Bây giờ là lúc nhắc lại những chuyện đã xảy ra. Nàng sẽ kể hết cho Fraser nghe, rồi cả ba cùng cười ha hả, coi như một giai thoại lý thú. Song không biết làm sao cổ họng nàng cứng lại không thốt được nên lời. Larry nấn ná đợi nàng một lát rồi mới lên tiếng: - Đoàn làm phim đông quá. Có lẽ chúng tôi không gặp được nhau. Nàng thấy ghét Larry đã tìm cho nàng một lối thoát như vậy, song cũng đồng thời lại biến họ thành đồng loã chống lại Fraser. Khi bồi mang rượu đến. Catherine uống hết ngay xuất rượu của nàng và lại gọi một xuất mới. Tối nay sẽ là tối kinh khủng nhất trong đời nàng. Nàng không tài thoát khỏi nơi đây, thoát khỏi Larry Douglas. Fraser hỏi chàng về những chuyện chiến đấu đã qua. Larry kể lại với vẻ dễ dàng, lý thú. Rõ ràng chàng chẳng coi việc gì là nghiêm túc cả. Chàng vốn là người thích thoải mái, song Catherine phải miễn cướng lắm mới chịu thừa nhận rằng một người thích thoải mái, vẫn có thể tình nguyện sung vào Không lực Hoàng gia Anh và trở thành anh hùng chiến đấu chống không quân Đức Luftwaffe. Và thật phi lý nàng càng thêm căm thù khi thấy y là một vị anh hùng. Thái độ của nàng tự ản lại nàng, nàng ngồi suy nghĩ mãi bên ly rượu Scotch thứ ba. Y là anh hùng hay tên hèn nhát, có gì là khác nhau đâu? Sau đó nàng nhận thấy nếu như y là một tên hèn nhát, y mới đúng là hình ảnh mà nàng có thể hiểu được. Nàng ngồi ngà ngà vì men rượu, lắng nghe hai người đàn ông trò chuyện. Khi Larry nói, chàng bộc lộ một nhiệt tình sôi nổi và cái nhiệt tình sôi nổi đó dường như sờ mó thấy được và nó lây lan sang cả nàng. Dường như chàng là người đàn ông sống động nhất mà nàng từng gặp từ trước tới nay. Catherine có cảm giác như nàng không hề giấu giếm một chuyện riêng gì, chàng nhiệt thành bộc lộ ra hết cả và chàng còn châm chọc những ai e ngại không dám bộc bạch tâm tư mình. Thì ai sợ ai nào? Như nàng chẳng hạn. Nàng hầu như không đụng tới các món ăn, nàng không biết nàng đang ăn gì. Nàng lại bắt gặp cái nhìn của Larry, như thể chàng đã là nhân tình của nàng từ lâu rồi, rằng họ đã từng ở bên nhau thuộc về nhau song nàng biết rõ điều đó là ngu muội. Y giống như một cơn lốc, một sức mạnh ngông cuồng của tủ nhiên và bất kỳ người đàn bà nào bị cuốn vào giữa cơn lốc người đó sẽ bị tiêu diệt. Larry mỉm cười với nàng. - Tôi e rằng chúng ta đã gạt cô Alexander ra khỏi cuộc nói chuyện này - Chàng nói một cách lịch thiệp - Tôi tin rằng nàng còn hấp dẫn hơn cả hai thằng chúng ta gộp lại. - Anh nhầm đấy - Nàng thân mật đáp - Cuộc sống của tôi rất tẻ. Tôi làm việc với Bill - nàng nói đến đây thì cảm thấy không ổn, mặt đỏ bừng - Song ý tôi nói không hoàn toàn như vậy. Tức là… - Tôi hiểu cô định nói gì rồi - Larry bảo. Nàng thấy càng căm ghét y hơn khi y quay sang Bill nói: - Anh đã kiếm được nàng ở đâu vậy? - Tôi cũng số hên đấy - Fraser nồng nhiệt bảo - Rất hên. Cậu vẫn chưa lấy vợ? Larry nhún vai. - Ai thèm lấy cái thứ tôi? Đồ xỏ lá, Catherine nghĩ thầm. Nàng nhìn, quanh căn phòng. Nửa tá phụ nữ đang chằm chằm nhìn Larry, người thì công khai, kẻ thì kín đáo. Y là một cái nam châm rất gợi dục. Catherine đánh bạo hỏi: - Các cô gái nước Anh ra sao? - Rất tuyệt - Y đáp lịch sự - Tất nhiên tôi cũng không có nhiều thời giờ cho loại gái đó. Tôi còn bận với việc bay. Mi nói xạo, Catherine nghĩ thầm. Ta có thể đánh cuộc là trong vòng một trăm dặm cách chỗ mi đứng không còn lấy một cô gái đồng trinh nào. Rồi nàng nói to: - Tôi thấy tiếc cho các cô ấy. Họ đã bỏ lỡ bao cơ hội đấy! - Giọng nàng có vẻ đây nghiến hơn so với nàng dự định lúc đầu. Fraser nhìn nàng, lúng túng trước sự sỗ sàng thô lỗ của nàng. Ông nhắc: - Kìa Cathy. - Ta làm một chầu nữa nhé - Larry vụt cắt ngang. - Có lẽ Catherine uống như vậy đủ rồi - Fraser bảo. - Không phải thế - Catherine lên tiếng, rồi nàng thấy hoảng sợ vì nhận ra rằng nàng đã nói nhịu - Có lẽ tôi phải về thôi. - Được Fraser quay sang Larry - Thường ngày Catherine không uống rượu đâu - Ông chống chế như vậy. - Theo tôi, có lẽ nàng quá phấn khởi vì lại được gặp anh đấy - Larry bảo. Catherine muốn cầm lên một chiếc ly và ném thẳng vào mặt gã. Lúc y tỏ ra hèn nhát nàng thấy ghét y. Bây giờ nàng càng ghét y hơn. Không rõ lý do vì sao như vậy. Sáng hôm sau Catherine thức dậy, đầu váng vất mà nàng tin là cần phải đến bác sĩ để khám b Nàng cảm thấy trên đôi vai nàng có ít nhất đến ba cái đầu, tất cả đang đập theo nhịp của mấy người đánh trống khác nhau. Nằm trên giường đã khó chịu, song trở dậy, đi lại, lại thấy còn khó chịu hơn. Nàng nằm trên giường cố nén cơn buồn nôn ập tới, toàn bộ sự việc diễn ra tối hôm trước hiện lên trong ký ức và cơn đau tăng lên bội phần. Một cách vô cớ nàng cho rằng sở dĩ nàng váng đầu là vì Larry Douglas, bởi lẽ nếu không có y xuất hiện ở đó thì việc gì nàng phải uống rượu. Catherine đau đớn quay đầu lại chiếc đồng hồ bên cạnh giường. Nàng đã ngủ quá giờ. Nàng phân vân không biết nên ở lại giường hay gọi xe cấp cứu Nàng thận trọng ra khỏi giường, đi vào buồng tắm. Nàng lần tới chỗ vòi sen, vặn vòi nước lạnh để cho những tia nước chảy xuống khắp người. Nàng rên lên khi dòng nước lạnh chạm vào người, và khi bước ra khỏi vòi sen nàng cảm thấy đầu óc khá hơn. Không hết hẳn, song cũng khá hơn, nàng nghĩ thầm. Bốn mươi lăm phút sau, nàng đã có mặt tại bàn làm việc. Cô Annie, thư ký của nàng bước vào với vẻ đầy phấn khích bảo: - Chị có đoán được gì không? - Sáng nay thì chịu - Catherine thì thào - Cô làm ơn nói nho nhỏ một chút xem nào. - Đây này? - Annie ấn vào tay nàng tờ báo buổi sáng - Hắn đấy! Trên trang nhất có tấm hình của Larry Douglas mặc quân phục, đang nhâng nhâng cười với nàng. Dòng chữ chú thích có ghi: "Người anh hùng Mỹ trong không lực hoàng gia Anh đã trở về Washington để lãnh đạo một đơn vị không quân chiến đấu mới". Tiếp đó là một bài tường thuật chiếm hai cột báo. - Hấp dẫn không? - Annie kêu lên. - Quá quắt - Catherine đáp, rồi nàng vứt xoạch tờ báo vào sọt giấy lộn - Thôi ta vào công việc đi. Annie ngạc nhiên nhìn thẳng nàng, nói: - Xin lỗi chị… Tôi… tôi cứ tưởng anh ta là bạn của chị nên chị quan tâm đến anh ta. Catherine uốn nắn lại: - Y không phải là bạn, là kẻ thù thì đúng hơn - Nàng thấy vẻ mặt băn khoăn của Annie - Chúng ta hãy quên cái gã Douglas đó đi. - Vâng - Annie lúng túng đáp - Tôi nói với anh ta rằng theo tôi nghĩ thì chị sẽ hài lòng về bài báo này. Catherine trừng trừng nhìn cô ta: - Bao giờ vậy? - Sáng nay, lúc anh ta gọi điện tới đây. Anh ta đã gọi ba lần rồi. - Thế sao cô không cho tôi hay? Chị chẳng đã dặn tôi là không cần phải báo chị biết khi anh ta phôn tới đây - Cô Annie nhìn nàng, vẻ mặt đầy bối rối. - Y có để lại số điện thoại không? - Không. - Thôi được - Catherine nhớ lại bộ mặt của y, đôi mắt to và đen, đầy vẻ châm chọc - Thôi được, nàng nhắc lại lần nữa, khẳng định hơn. Nàng đọc nốt vài lá thư cho Annie chép và khi Annie ra khỏi phòng, nàng đi ra chỗ sọt giấy lộn, nhặt tờ báo lên. Nàng đọc bài viết về Larry kỹ càng từng chữ một. Y là một phi công chủ bài đã có chiến tích hạ máy bay Đức. Y đã bị bắn rơi hai lần trên biển Manche. Nàng báo gọi Annie - Nếu ông Douglas có gọi đến thì cho tôi nói chuyện với ông ta. Đầu dây kia gần như đáp lại ngay: - Vâng thưa chị Alexander. Xét cho cùng, việc gì mà phải đối xử thô bạo với con người đó làm gì. Catherine chỉ việc xin lỗi về hành vi cư xử của nàng tại xưởng phim, rồi yêu cầu chàng đừng gọi điện thoại nữa, thế là xong. Nàng sắp kết hôn với William Fraser rồi kia mà. Suốt cả buổi chiếu hôm đó nàng đợi một cú phôn nữa. Song tới sáu giờ vẫn không thấy chàng gọi đến. Việc gì y phải gọi cơ chứ? Catherine tự nhủ. Y còn đi ra ngoài tiệm cùng với sáu cô gái khác chứ. May cho mi đó. Nếu mi dính với hắn mi sẽ chẳng khác nào rơi vào tay một tên đồ tể. Mi phải đi lấy số và chờ đến lượt. Trên đường ra phố, nàng dặn Annie: - Nếu ngày mai ông Douglas có gọi đến, cô nhớ bảo là tôi đi vắng nhé. Annie ngó nàng trân trân. - Vâng, thưa chị Alexander. Chào chị. Catherine đáp thang máy xuống lầu, đầu óc vẫn chìm trong suy nghĩ. Nàng tin rằng Bill Fraser muốn kết hôn với nàng. Tốt nhất là nàng nên cho ông hay rằng nàng muốn làm đám cưới ngay lập tức. Tối nay phải nói với ông chuyện này. Họ sẽ đi xa hưởng tuần trăng mật. Đến khi họ quay về. Larry Douglas có lẽ đã rời khỏi thành phố rồi, hoặc tình hình có thể khác trước. Cửa thang máy mở ra phía sảnh. Larry Douglas đang đứng đợi ở đó, lựng dựa vào tường. Chàng đã gỡ bỏ hết các huân chương và cuống đeo ở ngực, chỉ còn để lại những rải đeo của thiếu uý. Chàng mỉm cười tiến lại phía nàng. - Thế này đã khá hơn chưa? - Chàng hỏi săng sái. Catherine nhìn chàng, tim nàng đập mạnh. - Đeo sai phù hiệu có phải là trái với điều lệnh quân đội không? - Tôi không rõ - Chàng chân thành đáp - Tôi tưởng cô phụ trách cả việc đó chứ. Chàng cứ đứng trân trân nhìn nàng khiến cho nàng nói nho nhỏ. - Anh đừng làm như vậy nữa. Tôi muốn anh để cho tôi yên. Trái tim tôi đã thuộc về Bill rồi. - Thế nhẫn cưới của cô đâu? Catherine đi lướt qua chỗ chàng, hướng về phía cửa ra phố. Nàng gần tới nơi thì Larry đã đến trước mở cửa cho nàng. Ra đến ngoài, chàng nắm lấy cánh tay nàng, nàng cảm thấy toàn thân như bị điện giật. Đó là thứ điện truyền từ người chàng sang nàng, làm nàng cháy bùng. Chàng lên tiếng: - Cathy. - Vì chúa… - Nàng tuyệt vọng - Anh còn muốn gì ở tôi nữa nào? - Muốn mọi thứ - Chàng nói khẽ - Anh muốn có em. - Không thể được - Nàng rên rỉ - Anh hãy tìm đến người khác mà dày vò họ - Nàng quay gót và chàng kéo nàng lại. - Em nói thế nghĩa là thế nào? - Không biết - Catherine đáp, nước mắt lưng tròng - Em cũng không biết em đang nói gì nữa. Em… em bị váng đầu. Em muốn chết quách cho rồi. Chàng nhoẻn cười thông cảm. - Anh có một phương thuốc thần diệu để chữa bệnh váng đầu. Nói rồi chàng đưa nàng tới gara của toà nhà. - Ta đi đâu thế này? - Nàng hoảng hốt hỏi. - Đi lấy ô tô của anh. Catherine nhìn thẳng vào mặt chàng, cố tìm kiếm một vẻ vênh vang thắng lợi trên mặt chàng, song nàng chỉ nhận thấy một bột mặt điển trai, rắn rỏi đến khó tin với nhịết tình hồn hậu và lòng thương hại. Người nhân viên lấy ra chiếc xe thể thao mui trần màu nâu. Larry đỡ Catherine vào xe và chàng từ sau cánh cửa xe lách mình chui vào xe. Nàng ngồi ngây, đăm đăm nhìn về phía trước, cảm thấy nàng đã vứt cả cuộc đời nàng đi và hoàn toàn không thể chặn bản thân lại được. Tất cả những sự việc này dường như đang diễn ra với một người khác. Nàng muốn bảo với cô gái ngốc nghếch lầm lạc đang ngồi trong xe là hãy chạy trốn đi. - Đến chỗ em hay chỗ anh? - Larry nhẹ nhàng lắc đầu, tuyệt vọng: - Thế nào cũng được. - Vậy thì tới chỗ anh nhé. Nghĩa là y không phải là hoàn toàn vô tri vô giác… Vả chăng có thể y sợ phải ganh với cái bóng của William Fraser. Nàng theo dõi chàng khéo léo điều khiển chiếc xe đi giữa dòng xe đông đúc lúc đầu hôm. Không, chàng chẳng hề e ngại một điều gì. Sự hấp dẫn của chàng một phần là ở chỗ đó. Nàng cố trấn tĩnh để lên tiếng bộc lộ quyền được tự do từ chối chàng, tự do chạy trốn. Làm sao nàng yêu William Fraser mà lại còn có tình cảm như vậy với Larry được. Larry lặng lẽ bảo: - Anh cũng thấy hồi hộp chẳng kém gì em đâu. Catherine nhìn chàng đáp: - Cảm ơn. Tất nhiên y đang nói xạo. Có lẽ y nói như vậy với mọi cô ả là nạn nhân của y khi y đưa họ tới giường của y nhằm quyến rũ họ. Song chí ít y cũng không tỏ ra quá háo hức. Chỉ có điều khiến nàng băn khoăn nhất là việc nàng đang phản bội Bill Fraser. Ông là người rất thân thiết với nàng, nàng không thể làm ông đau khổ được, mà việc này chắc sẽ khiến ông đau khổ rất nhiều. Nàng nhận thức ra điều đó nàng còn hiểu rằng việc nàng sắp làm đây là một sai lầm hết sức vô nghĩa, song hình như nàng không còn ý chí nữa rồi. Họ đã đến một khu dân cư đầy thú vị với những cây cao bóng cả chạy dọc hai bên phố. Larry dừng xe lại trước một cư xá nhiều căn hộ, chàng nói nhỏ nhẹ. - Ta đến nơi rồi. Catherine cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng để nàng cự tuyệt để nàng bảo cho chàng buông tha nàng. Nàng lặng lẽ ngó nhìn Larry đi quanh xe, sang bên phía kia mở cửa xe cho nàng. Nàng bước ra và đi vào trong cư xá. Căn nhà của Larry được trang trí cho một người đàn ông, với màu sắc khoả khoắn và đồ đạc cũng giống như nam phái. Họ bước vào phòng, Larry giúp Catherine cởi áo khoác. Nàng run lên bần bật. - Em lạnh? Chàng hỏi. - Không. - Em có uống gì không? - Không. Nhẹ nhàng, chàng ôm nàng trong cánh tay và họ hôn nhau. Người nàng như bốc lửa. Không một lời, Larry đưa nàng vào phòng ngủ. Sự hối thúc ngày càng tăng khi hai người cùng lặng lẽ cởi áo quần. Nàng nằm ra giường và chàng tiến lại gần bên. - Larry… - Nhưng đôi môi chàng đã áp sát môi nàng và đôi tay chàng nhẹ nhàng lần lần trên khắp người nàng. Catherine quên hết thảy, trừ một niềm hoan lạc đang xảy ra với nàng. Tất cả những gì nàng đã từng đọc và từng nghe thấy đều không nói được những cảm xúc của nàng lúc này. Khó có thể tin được rằng thân thể một người khác lại mang lại cho nàng một niềm khoái lạc đến như vậy. Nàng nằm đó, thanh thản với tâm trạng của một người đàn bà. Và nàng cho rằng nếu như nàng không bao giờ gặp lại chàng lần nữa, nàng sẽ thấy thầm cảm ơn chàng vì toàn bộ quãng đời còn lại của nàng. - Cathy? Nàng xoay lại nhìn chàng, chậm chạp và lười nhác: - Sao cơ? Giọng nàng lúc này có vẻ trầm hơn, chín chắn hơn. - Em bỏ cái bàn tay đầy móng nhọn ra khỏi lưng anh đi. Nàng bỗng nhận ra rằng mình đang như muốn cào cấu và da thịt chàng. - Ồ, em xin lỗi. Nàng định vuốt ve tấm lưng của chàng, song chàng đã nắm lấy tay nàng và kéo nàng lại sát mình. - Không hề gì. Em có thấy sung sướng không? - Sung sướng? - Môi nàng run rảy và nàng bỗng hốt hoảng oà khóc. Tiếng khóc nức nở rền rĩ làm cho toàn thân nàng quằn quại. Chàng ôm nàng trong tay, vuốt ve, cố cho cơn xúc động chóng qua. - Em xin lỗi - Nàng bảo - Em không hiểu vì sao em lại làm như vậy. - Thất vọng ư? Catherine nhìn chàng và định tỏ ý phản đối, song lại thấy chàng đang châm chọc mình. Chàng ôm nàng và họ lại làm tình. Lần này còn mãnh liệt hơn trước nhiều. Sau đó họ nằm lại trên giường, chàng cứ kể lể và nàng chẳng chú ý nghe gì. Nàng chỉ muốn được nghe giọng nói của chàng còn không cần biết nội dung chàng nói gì. Nàng nhận thấy người đàn ông dành cho nàng đây rồi, không còn phải là ai khác. Và nàng cũng thấy rằng con người này sẽ không thuộc về bất kỳ người đàn bà nào khác. Nàng thấy có thể rồi đây nàng sẽ không còn gặp lại chàng nữa và nàng chẳng qua chỉ là một cuộc chinh phục nữa đối với chàng. Nàng nhận thấy chàng đã ngừng nói và đang nhìn mình. - Em chẳng nghe anh nói một lời nào cả. - Xin lỗi - Nàng bảo - Em còn đang thả hồn suy nghĩ. - Anh tự ái đây. Em chỉ quan tâm đến thân thể anh thôi - Chàng nói, vẻ phật ý. Nàng lấy tay vuốt ve bộ ngực và cái bụng rám nắng của chàng. - Em không có kinh nghiệm nhưng em nghĩ cơ thể của anh đẹp lắm - Nàng mỉm cười - Mà đẹp thật. Nàng định hỏi cảm tưởng của chàng đối với nàng, song lại thấy ngại ngùng. - Em xinh đấy, Cathy ạ. Nàng thấy xúc động, nhưng đồng thời lại thấy tự ái khi nghe chàng nói vậy. Bất kỳ điều gì chàng nói với nàng, chàng cũng đã từng nói hàng ngàn lần với những phụ nữ khác. Không biết lúc chia tay chàng sẽ nói sao đây. Thỉnh thoảng em ghé thăm anh nhé. Hay thỉnh thoảng anh sẽ đến chỗ em. Có lẽ thậm chí chàng sẽ còn muốn gặp nàng đôi ba lần nữa trước khi chàng bỏ đi với người đàn bà khác. Nàng biết trước hậu quả của việc nàng sắp hứng chịu. Mình đã bước vào đây, đôi mắt mở to, chân dạng rộng. Vậy dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa, mình cũng không bao giờ được đổi lỗi cho y. Chàng choàng tay ôm lấy nàng và kéo sát lại gần. - Em có biết rằng em là một cô gái rất đặc biệt không, Cathy? Em có biết rằng em là một cô gái rất đặc biệt không… Alice, Susan, Margeret, Paggy, Lena… - Ngay từ lần đầu gặp em, anh đã có cảm giác đó. Anh chưa từng có cảm giác như vậy với ai trước đây. Janet, Evelyn, Ruth Georgia vân vân và vân vân. Nàng vùi đầu vào ngực chàng, không còn dám lên tiếng nữa. Khi xiết chặt lấy chàng, nàng đã thầm nói lời tạm biệt rồi. - Anh đói rồi - Larry bảo - Em có biết anh đang cảm thấy ra sao không? Catherine mỉm cười: - Có em biết. Nàng dẫn chàng vào chỗ tắm gương sen và mở nước ra. Chàng lấy cái mũ gương sen gài lên móc treo ở trên tường xuống, đặt nó lên đầu Catherine để cho nước chảy trên khắp mái tóc của nàng. Nào, lại đây! - Chàng nói vào kéo nàng đến chỗ những tia nước đang phun ra xối xả. Sau đó họ mặc quần áo trèo lên chiếc xe của chàng và lái về Maryland. Ở đây họ tìm ra một tiệm ăn nhỏ còn mở cửa, họ ăn món tôm hùm và uống sâm banh. Đến năm giờ sáng, Catherine gọi điện thoại tới nhà riêng của William Fraser và đứng đợi, lắng nghe tiếng chuông reo từ cách xa tám mươi dặm vọng lại. Cuối cùng giọng ngái ngủ của Fraser trả lời qua máy: - Alô. - Chào anh Bill, . - Catherine? Suốt buổi tối anh đã cố tìm cách gọi cho em mà không được. Em đang ở đâu vậy? Vẫn bình thường chứ? - Em vẫn khỏe. Em đang ở Maryland với Larry Douglas. Chúng em đã lấy nhau rồi. Chú thích: (1) Ám chỉ bộ phim đang làm Chương 09 Christian Barbet là người không gặp may. Ông thám tử người bé nhỏ, trán hói đang ngồi trên bàn, một điếu thuốc lá đang cắn giữa hai hàm răng gẫy khấp khểnh và ám khói thuốc. Ông đang ngồi buồn bã nghĩ tới đống hồ sơ đặt trước mặt. Những tin tức chứa trong đó sắp làm cho ông mất đi một khách hàng. Ông đã từng "chém" Noelle Page bằng những món thù lao béo bở ghê rợn về các dịch vụ ông đã làm cho nàng. Song không phải ông buồn chỉ vì ông sắp mất một nguồn thu nhập, mà vì ông nhớ chính cô khách hàng đó. Ông căm ghét Noelle Page, song nàng lại là một người đàn bà hấp dẫn nhất mà ông từng gặp. Barbet xây bao mộng đẹp quanh Noelle mà trong đó cuối cùng bao giờ nàng cũng rơi vào quyền lực của ông. Thế mà bây giờ công việc sắp kết thúc rồi, và ông sẽ không bao giờ còn gặp lại nàng nữa. Từ nãy giờ ông đã để nàng ngồi đợi ở văn phòng đón tiếp trong lúc ông cố tìm ra một phương pháp nào đó để ông còn tiếp tục bóp nặn thêm ít tiền nữa của nàng, để kéo dài vụ này. Song ông phải miễn cưỡng kết luận rằng không còn một phương cách nào. Barbet trút một tiếng thở dài, dập tắt điếu thuốc lá, đi mở cửa. Noelle đang ngồi trên một chiếc đi văng bọc vải giả da đen. Ông ngắm nhìn nàng, tim ông se lại, ông không thốt được nên lời trong một lúc. Bất kỳ người phụ nữ nào đẹp đến vậy cũng đều là điều không hay ho gì. - Xin chào tiểu thư. Mời cô vào - Ông nói. Nàng bước vào văn phòng ông với vẻ duyên dáng của một người mẫu. Có được một khách hàng tên tuổi như Noelle Page cũng là vinh hạnh đối với Barbet, và ông thường xuyên phải nhắc đến tên nàng. Điều này sẽ hấp dẫn những người khách khác. Christian Barbet cũng không thuộc loại người quá băn khoăn về chuyện đạo đức. - Mời cô ngồi - Ông trỏ chiếc ghế - Tôi lấy cho cô một ly Brandy nhấm nháp nhé. Ông có phần tưởng tượng ra rằng sẽ làm cho Noelle say khướt để nàng phải cầu xin ông quyến rũ nàng. - Không. Tôi đến để hỏi ông về bản tường trình - Nàng nói. Đến một ly rượu cuối cùng mà con chó cái này cũng không chịu uống với ông. - Phải - Barbet đáp - Thực tế tôi đã có một số tin tức cho cô - Ông tiến đến phía bàn, giả bộ nghiên cứu tập hồ sơ mà thực ra ông đã thuộc như cháo. - Trước hết. anh bạn của cô đã được thăng cấp đại uý và thuyên chuyển về làm chỉ huy phi đoàn số 113. Căn cứ hiện nay của đơn vị là sân bây Coltisall, Duxtfol ở Cambridgeshire. Họ đã bay… - Ông nói chậm rãi và cố tình nhấn mạnh, tuy biết rõ ràng nàng không quan tâm gì đến khía cạnh kỹ thuật này… - bay loại phi cơ Hurricane và Spitfire II, sau đó thì chuyển sang Mark V. Sau đó họ bay… - Khỏi cần. - Noelle sốt ruột cắt ngang - Hiện giờ anh ta đang ở đâu? Barbet đã chờ đợi câu hỏi này từ lâu rồi: - Đang ở Mỹ. - Ông đã biết được phản ứng của nàng trước khi nàng có thể kiềm chế được và ông lấy làm thoả trước việc này - Ở Washington, đặc khu Columbia - Ông tiếp tục. - Nghỉ phép? Barbet lắc đầu: - Không, Anh ta đã ra khỏi Không lực Hoàng gia Anh. Hiện là đại uý trong Binh chủng không quân Mỹ. Ông ngắm nhìn Noelle tiếp nhận cái tin. Nét mặt không thể hiện tình cảm nàng ra sao. Song Barbet vẫn báo cho biết hết. Ông cầm lên một mẩu tin cắt ở báo ra, bằng những ngón tay chuối mắn ám đầy khói thuốc, ông trao mấy tin cho nàng, bảo: - Chắc cái này sẽ làm cô quan tâm hơn. Ông nhận thấy Noelle sững người, dường như nàng biết trước nàng sắp đọc cái gì. Đó là mẩu báo cắt ở tờ Dayly New York chú thích ghi: "Đám cưới của phi công chiến đấu cừ khôi" và bên trên là tấm hình của Larry Douglas và cô dâu mới. Noelle nhìn bức ảnh hồi lâu, sau đó nàng đưa tay ra đón nốt những tin tức còn lại trong hồ sơ. Christian Barbet nhún vai và sau khi xếp toàn bộ các giấy tờ vào một chiếc phong bì làm bằng sợi gai, ông trao tạm nó cho nàng. Ông định lên tiếng đọc bài diễn văn vĩnh biệt thì Noelle Page nói luôn: - Nếu ông không có liên lạc viên nào ở Washington thì cố kiếm lấy một người. Tôi muốn được tường trình hàng tuần. Nàng bỏ ra về để mặc Christian Barbet nhìn theo đầy vẻ lúng túng. Khi về đến nhà, Noelle đi thẳng vào phòng ngủ khoá chặt cửa và rút những bài báo cắt ở phong bì ra. Nàng đặt chúng lên giường, phía trước mặt và ngồi ngắm nghía. Ảnh chụp Larry đúng như hình ảnh nàng nhớ về chàng. Hình ảnh trong trí nhớ của nàng sinh động hơn so với thực tế. Không một ngày nào trôi qua mà Noelle không sống lại với quá khứ có chàng. Tuồng như họ đã cùng đóng với nhau trong một vở kịch cách đây lâu rồi, và nàng có thể nhắc lại từng cảnh một theo ý muốn, nàng có thể diễn lại một số đoạn vào một số ngày nhất định, và để dành những đoạn khác cho những hôm khác, khiến cho mỗi cảnh ký ức luôn luôn sống động, mới mẻ. Noelle quay sang chú ý đến người vợ của Larry. Nàng nhận thấy ở cô ta có một khuôn mặt xinh đẹp, trẻ trung, thông minh với một nụ cười trên môi. Bộ mặt đó là bộ mặt của kẻ thù. Bộ mặt đó sẽ phải tiêu diệt bởi vì Larry cũng sẽ bị tiêu diệt. Noelle đã khoá cửa ở trong phòng suốt cả buổi chiều với tấm hình đó. Mấy giờ sau Armand Gautier đến đập cửa phòng ngủ, Noelle bảo ông đi về. Ông ngồi đợi ở ngoài phòng khách, suy nghĩ về thái độ của nàng, không hiểu ra sao, cuối cùng Noelle xuất hiện, nàng có vẻ tươi tỉnh lạ thường, như nàng nhận được một tin vui gì đó. Nàng không hề giải thích gì cho Gautier và cả ông biết dù có gặng hỏi nàng cũng vô ích. Tối hôm đó sau khi đi diễn ở nhà hát về, nàng làm tình với ông bằng cả sự say mê cuồng nhiệt khiến ông nhớ lại những ngày đầu họ chung sống với nhau. Sau đó Gautier nằm trên giường cố tìm cách giải thích thái độ của cô gái đẹp nằm cạnh ông, song ông không có một cơ sở nào cả. Suốt đêm đó Noelle Page mơ tới đại tá Mueller. Gã sĩ quan Gestapo bạch tạng tóc thưa đó đang tra tấn nàng bằng một thanh sắt nung nóng đóng dấu những chữ thập ngoặc lên da thịt nàng. Y liên tục hỏi nàng những câu hỏi, song giọng của y nhỏ quá nàng không nghe rõ y muốn hỏi gì, rồi y lại lấy miếng sắt nung ấn vào người nàng, rồi bất ngờ lại chính là Larry đang nằm trên bàn, đau đớn rên rỉ. Noelle tỉnh lại, mồ hôi toát lạnh, trống ngực đập thình thịch. Nàng bật ngọn đèn bàn, tay run run châm một điếu thuốc lá hút, nàng cố tự trấn tĩnh. Nàng nghĩ đến Israel Katz. Người ta đã dùng rìu chặt đứt cẳng chân anh rồi, và mặc dù từ sau buổi chiều gặp anh ở cửa hiệu bánh nàng không còn gặp anh lần nào nữa, nàng vẫn được tin tức qua ông già gác cửa cho biết rằng anh vẫn còn sống, song rất yếu. Việc che giấu anh ngày một khó khăn hơn, đồng thời anh cũng không có cách gì tự bảo vệ được. Cuộc săn lùng anh ngày một ráo riết thêm. Nếu như muốn đưa anh ra khỏi Paris thì phải tiến hành ngay lập tức. Trên thực tế Noelle chưa có một hành động gì để Gestapo có thể bắt giam nàng được. Phải chăng giấc mơ vừa rồi là một điềm báo trước cảnh cáo nàng không được giúp đỡ Israel Katz? Nàng nằm trên giường nhớ lại việc Israel đã giúp nàng lúc nạo thai. Anh đã giúp nàng giết chết đứa con của Larry. Anh đã cung cấp tiền cho nàng và đã giúp nàng tìm được một công việc. Có hàng tá người đàn ông đã làm nhiều việc cho nàng còn quan trọng hơn những việc làm của anh ấy, song Noelle không cảm thấy phải chịu ơn họ. Mỗi người trong số họ, kể cả cha nàng, đều đòi hỏi ở nàng một cái gì đó, và nàng nhận của ai cái gì nàng đã thanh toán lại đầy đủ cái đó. Riêng với Israel Katz, anh không hề đòi hỏi ở nàng một thứ gì. Nàng có trách nhiệm phải giúp anh. Noelle không hề đánh giá thấp vấn đề chút nào vì đại tá Mueller đang nghi ngờ nàng. Nàng nhớ lại giấc mơ và thấy rùng mình. Nàng cần phải làm thế nào để cho Mueller không kiếm được một bằng chứng gì khả dĩ chống lại nàng. Cần phải lén lút đưa cho Israel Katz ra khỏi Paris, nhưng bằng cách nào? Noelle biết chắc rằng tất cả mọi cửa ngõ ra khỏi Paris đều bị canh phòng cẩn mật. Chúng sẽ tuần tra mọi con đường và dọc trên sông. Bọn Nazi là một cochon(1) song chúng là một lũ cochon làm việc hữu hiệu. Việc làm này quả là một thử thách ghê gớm, song nàng quyết tâm bắt tay vào xem sao. Vấn đề là không có ai tiếp tay cho nàng. Bọn Nazi đã biến Armand Gautier thành một kẻ bạc nhược, run như cầy sấy. Không, nàng đơn phương một mình làm việc này. Nàng nghĩ tới đại tá Mueller và tướng Scheider và đặt ra một tình huống nếu như có cuộc xung đột xảy ra thì liệu ai sẽ thắng. Sau cái đêm Noelle mơ như vậy, nàng và Armand Gautier đi dự một bữa tiệc tối. Chủ nhân là Leshe Rocas một Mạnh thường quân nghệ thuật giàu có. Khách khứa toàn loại chọn lọc, có các chủ ngân hàng, nghệ sĩ, các lãnh tụ chính trị và đông đảo những phụ nữ xinh đẹp mà Noelle có cảm giác ngay rằng chủ yếu là để làm đẹp lòng những người Đức có mặt tại đó. Gautier để ý thấy Noelle có vẻ băn khoăn lo nghĩ điều gì nhưng khi ông hỏi nàng về chuyện đó, nàng bảo rằng không có chuyện gì cả. Mười lăm phút trước khi bước vào bữa tiệc tối, có một vị khách mới tới, lạch bạch bước qua cửa và ngay khi nàng trông thấy ông ta, nàng nhận ra bài toán của nàng sắp giải được bây giờ. Nàng tiến về phía nữ chủ nhân, nói: - Bà chị ơi, bà hãy là bà tiên hiền từ xếp cho em được ngồi cạnh ông Albert Heller đi. Albert Heller là nhà viết kịch lừng danh ở Pháp. Ông là một người tuổi đã ngoài sáu mươió dáng to lớn, ục ịch như một con gấu, tóc bạc trắng bù xù, đôi vai rộng và xiên. Ông có khổ người cao khác thường so với người Pháp, song ông nổi bật giữa đám đông dù trong hoàn cảnh nào bởi ông có một bộ mặt xấu xí đặc biệt, với đôi mắt xanh lục nhìn như xuyên thấu, không bỏ qua một điều gì. Heller có một trí tưởng tượng sáng tạo rất linh hoạt, ông đã viết hàng loạt kịch bản sân khấu và điện ảnh hết sức được hâm mộ. Ông đã từng mời Noelle tham gia vào một vở kịch ông mới viết và đã gửi cho nàng một bản thảo của ông. - Em vừa đọc xong vở kịch mới của anh rồi, anh Albert ạ Em rất thích. Mặt ông hớn hở: - Cô có nhận lời đóng không nào? Noelle đặt tay nàng lên tay ông. - Em muốn lắm. Song Armand lại bắt em tham gia vào một vở diễn khác. Ông chau mày, sau đó thở dài ngao ngán: Merde(2)! Thôi được, một ngày nào đó chúng ta sẽ làm việc cùng nhau. - Em hy vọng như vậy - Noelle đáp - Em thích lối viết của anh lắm. Nó khiến cho em say mê với phong cách các nhà văn tạo nên những tình tiết éo le. Em không rõ anh làm như thế nào? Ông nhún vai: - Cũng giống như việc em sắm vai vậy. Đó là bí quyết của bọn anh kiếm cơm mà thôi. - Không - Nàng bảo - Khả năng vận dụng trí tưởng tượng của anh như vậy đối với em là một việc kỳ ảo - Nàng cười lúng túng - Em cũng đang cố viết một chuyện đây. - Thế hả? - Ông nói khiêm nhường. - Vâng, nhưng em đang bị tắc tị - Noelle hít một hơi thật sâu, đoạn nàng liếc nhìn quanh bàn tiệc. Tất cả những người khách khác đang mải vui chuyện của họ. Nàng cúi sát vào Albert Heller, hạ thấp giọng: - Em đang gặp một tình huống trong đó nhân vật nữ của em đang cố tìm cách lén lút đưa người tình của cô ta ra khỏi Paris. Quốc xã đang truy lùng anh chàng. - À! - Người đàn ông to béo ngồi ngây, lấy cái nĩa gảy gảy miếng xa-lát rồi dầm nó xuống đĩa. Sau đó ông bảo - Dễ thôi. Cho anh chàng mặc quân phục Đức rồi đi thẳng trước mũi của họ. Noelle thở dài, bảo: - Nhưng tình hình ở đây phức tạp hơn. Chàng bị thương, mất một chân, không thể đi lại bình thường. Tiếng gõ gõ bỗng ngưng bặt. Im lặng một lúc lâu, Heller mới lên tiếng: - Một chiếc thuyền trên sông Seine. - Bị theo dõi rồi. - Thế tất cả các phương tiện vận tải ra khỏi Paris đều đang bị theo dõi sao? - Phải. Vậy thì cô phải dùng ngay những người Quốc xã làm việc này cho cô. - Nhân vật nữ của cô có hấp dẫn không? - Ông nói chẳng thèm ngó nhìn Noelle. - Có. Giả sử nhân vật nữ của cô kết thân với một sĩ quan Đức Một gã cao cấp chẳng hạn. Có được không nào? Noelle nhìn ông, song ông vẫn lảng tránh đôi mắt nàng. - Được - Thế đấy. Cô hãy cho nàng hẹn hò với gã sĩ quan kia. Họ sẽ đi nghỉ cuối tuần ở đâu đó bên ngoài Paris. Bạn bè sẽ bố trí cho nhân vật nam của cô ẩn náu trong thùng chiếc xe đó. Viên sĩ quan phải là một nhân vật quan trọng đủ vai vế để sao cho xe của ông ta không bị khám xét. - Nếu thùng xe bị đóng kín, thì liệu anh ta có bị chết ngạt không? - Nàng hỏi: Albert Heller nhấp một ngụm rượu vang, lặng lẽ suy nghĩ Cuối cùng ông bảo: - Không thất thiết như vậy. Ông nói với Noelle liền trong năm phút với giọng hết sức khẽ và khi nói xong, ông còn thêm: - Chúc may mắnSong ông vẫn không hề nhìn thẳng vào mặt nàng. Sáng sớm hôm sau Noelle gọi điện cho tướng Scheider. Một nhân viên tổng đài trả lời và một lúc sau Noelle được nối dây với một sĩ quan tuỳ tùng, cuối cùng với thư ký của ông tướng. - Xin cho biết ai gọi điện cho tướng Scheider? - Noelle Page. - Nàng phải nhắc đi nhắc lại đến lần thứ hai. - Xin lỗi cô, hiện nay tướng Scheider đang bận hội nghị. Không ai được quấy rầy ông. Nàng ngập ngừng: - Vậy tôi gọi lại có được không? Ông còn bận hội nghị cả ngày hôm nay. Tôi đề nghị cô viết cho tướng quân một bức thư nêu rõ công chuyện của cô. Noelle suy nghĩ một lát về ý kiến đó, rồi nàng thoáng mỉm cười giễu cợt: - Không sao. Cứ báo cho ông ấy biết là tôi gọi đến. Một giờ sau, điện thoại của nàng réo vang. Tướng Hans Scheider gọi. Ông ta xin lỗi: - Xin lỗi cô. Mãi đến bây giờ gã ngu xuẩn kia mới cho tôi biết tin nhắn của cô. Lẽ ra tôi phải cho họ biết là nối điện thoại của cô cho tôi, song tôi chưa bao giờ nghĩ tới khả năng cô sẽ gọi điện cho tôi. - Em mới đáng là người có lỗi - Noelle bảo - Bây giờ em mới biết là ông rất bận. - Cô cần gì vậy? Xin cứ nói. Noelle ngập ngừng, chọn từng lời: - Ông có nhớ chuyện ông nói với em trong bữa tiệc không? Ngừng giây lát, ông đáp: - Có Em đã nghĩ nhiều đến anh. Hans. Em rất muốn gặp anh. - Tối nay em đi ăn với anh nhé! - Giọng y bỗng trở nên náo nức. - Ra ngoài Paris nhé - Noelle đáp - Nếu chúng ta đi cùng nhau, em muốn chúng ta đi ra khỏi nơi này. Ở đâu? - Tướng Scheider hỏi. - Em muốn nơi đó phải thật đặc biệt. Anh có biết Etratat không? - Không. - Đó là một làng nhỏ xinh xắn gần Le Havre, và cách Paris khoảng một trăm năm mươi cây số. Ở đó có một quán trọ cổ yên tĩnh. - Tuyệt đấy, Noelle ạ. Bây giờ anh chưa thể đi ngay được đâu - Y nói thêm, vẻ thanh minh - Anh còn đang dự… - Em hiểu - Noelle cắt ngang, lạnh lùng - Có lẽ để khi khác vậy. - Hượm đã? - Ngừng một lúc lâu - Bao giờ em có thể đi được - Tối thứ bảy, sau buổi trình diễn. - Anh sẽ thu xếp mọi chuyện. Chúng ta có thể bay xuống… - Thế tại sao không đi xe hơi? - Noelle hỏi - Như vậy thú vị hơn nhiều. - Thôi tuỳ em. Anh sẽ đón em tại nhà hát. Noelle nghĩ rất nhanh: - Em phải về nhà thay quần áo trước. Vậy anh đến đón em tại nhà, được không? - Tuỳ em đấy, liebchel(3) của anh. Hẹn tối thứ bảy nhé. Mười lăm phút sau Noelle trao đổi lại với ông già gác cửa. Ông ta chăm chú lắng nghe và lắc đầu phản đối mạnh mẽ. - Không, không, không được? Tiểu thư ạ, tôi sẽ nói lại chuyện này với người bạn chúng ta, song chắc chắn anh ấy sẽ không làm được. Có hoạ là điên khùng mới liều lĩnh như vậy! Khác nào cô khuyên anh ta ra đầu thú và xin việc làm cho sở Gestapo. - Nhất định được mà. - Noelle thuyết phục ông già - phương án này do một bộ óc vĩ đại nhất nước Pháp nghĩ ra đấy. Khi nàng bước ra khỏi cửa khu cư xá của nàng chiều hôm đó, nàng trông thấy một người đang đứng dựa vào tường giả đò chăm chú đọc một tờ báo. Noelle bước ra ngoài trời mùa đông lạnh khô, người đàn ông kia đứng thẳng dậy và kín đáo lẽo đẽo theo sau nàng cách một khoảng xa xa. Noelle bước chậm rãi nhàn tản, qua các phố và dừng lại tất cả các tủ kính bầy hàng. Năm phút sau khi Noelle rời khỏi toà nhà, ông già gác cửa cũng đi ra, sau khi liếc nhanh kiểm tra lại xem mình có bị ai bám đuôi không, ông già gọi một chiếc taxi và trao cho tài xế địa chỉ của một cửa hàng bán đồ thể thao Montmartre. Hai giờ sau ông già gác cửa báo lại cho Noelle rằng: - Tối thứ bảy người ta sẽ đưa anh ấy lại chỗ cô. Tối thứ bảy, sau khi nghe Noelle biểu diễn xong, đại tá Kurt Mueller của sở Gestapo đã đợi nàng ở hậu trường. Noelle bỗng linh cảm chuyện chẳng lành. Kế hoạch chạy trốn đã được vạch ra khớp đến từng phút giây, không thể để một kẽ hở trì hoãn nào được. - Tôi đã ngồi ở hàng trước xem cô biểu diễn, Fraulein Page ạ - Đại tá Mueller lên tiếng - Cứ mỗi lần cô lại diễn hay hơn một chút. Giọng nói với âm sắc cao và nhẹ của y khiến cho nàng trở lại mơ màng sống động hơn. - Cảm ơn đại tá. Xin phép đại tá cho tôi được thay đổi trang phục. Noelle đi về phía phòng trang điểm của nàng và y cũng đi theo ngay. - Tôi sẽ đi theo cô - Đại tá Mueller nói. Nàng bước vào phòng hoá trang, gã đại tá bạch tạng đi kèm sát nàng. Y ngồi thoải mái xuống một chiếc ghế bành. Noelle lưỡng lự giây lát rồi bắt đầu cởi xống váy trong lúc y vẫn cứ dửng dưng ngắm nhìn nàng. Nàng hiểu ra rằng y là một kẻ đồng tính luyến ái, như vậy sự gợi tình, cái thứ vũ khí giá trị ở nàng đến đây bị tước bỏ. - Có một con sẻ nhỏ thì thào vào tai tôi - Đại tá Mueller nói tiếp - Đêm nay hắn tìm cách chạy trốn đấy. Tim Noelle đập hẫng một nhịp, song vẻ mặt của nàng không lộ ra nét gì đặc biệt. Nàng bắt đầu tẩy trang song vẫn tìm cơ hội để hỏi. - Tối nay ai định trốn? - Israel Katz, người bạn của tiểu thư! Noelle xoay ngay người lại. Động tác nhanh mạnh đến nỗi không kịp nhận ra là nàng để rơi chiếc nịt vú… - Tôi không quen ai… Nàng bắt gặp trong đôi mắt hồng của y một tia loé nhanh, đắc thắng và nàng thấy cái bẫy giăng ra đúng lúc quá. - Khoan đã - Nàng bảo - Có phải ông đang nói về một bác sĩ nội trú trẻ không đấy? - Chà, vậy là cô đã nhớ ra hắn rồi? - Gần như thế đấy. Anh ta có chữa chứng sưng phổi cho tôi cách đây ít lâu. - Và cả vụ nạo thai tự ý nữa chứ - Đại tá Mueller nói bằng giọng thanh và nhẹ. Cơn sợ hãi lại ập đến với nàng. Hẳn bọn Gestapo phải biết chắc là nàng đang dính dáng vào vụ này chúng mới điều tra kỹ lưỡng đến vậy. Nàng thật rồ dại khi dính vào vụ này, song dù cho Noelle có nghĩ như thế chăng nữa, nàng biết rằng bây giờ có quay trở lại cũng đã muộn quá rồi. Các bánh xe đã vào guồng chuyển động và chỉ vài giờ nữa thôi Israel Katz hoặc được tự do… hoặc sẽ chết. Còn sốphận nàng thì sao? Đại tá Mueller nói tiếp: - Cô nói rằng cách đây vài tuần cô có gặp Katz lần cuối cùng ở một tiệm cà phê chứ gì? Noelle lắc đầu. - Tôi không nói như vậy, thưa Đại tá. Đại tá Mueller nhìn trừng trừng vào mắt nàng sau đó y trâng tráo nhìn xuống cặp vú hở hang, rồi xuống bụng và chiếc quần lót mỏng tang trên người nàng. Sau đó lại ngước lên nhìn vào mắt Noelle buông tiếng thở dài: - Tôi yêu những cái đẹp - Y nói nhỏ nhẹ. - Nếu để một hoa khôi như cô bị dày vò thì thật là đáng xấu hổ. Hơn nữa tất cả lại chỉ vì một gã đàn ông không có ý nghĩa gì với cô. Thế nào Fraulein(4), người bạn của cô định chạy trốn ra sao? Giọng y nói bình thản mà khiến nàng lạnh đến cả xương sống. Nàng trở thành cô Annette, nhân vật ngây thơ, trơ trọi trong vở kịch nàng đóng. - Quả tình tôi không hiểu ông định nói gì, thưa đại tá. Tôi rất muốn giúp ông, song không biết giúp ra sao. Đại tá Mueller nhìn thẳng vào Noelle hồi lâu, sau đó đứng sững dậy: - Tôi sẽ dậy cho cô biết cách như thế nào là phải, fraulein - Y nói nhỏ nhẹ - Và tôi rất thích việc làm đó. Y quay ra phía cửa như có ý chia tay với nàng: - À, mà tôi cũng đã khuyên tướng Scheider không nên đi chơi xa với cô trong dịp nghỉ cuối tuần. Noelle cảm thấy tim nàng nặng như khối chì. Muộn quá rồi, không thể báo tin cho Israel Katz được. - Các đại tá can thiệp vào đời tư của các tướng lĩnh như vậy sao? - Không đúng như vậy, trong trường hợp này - Đại tá Mueller nói vẻ ngao ngán - Tướng Scheider vẫn có ý định giữ lời hẹn của ông ta - Y quay gót, đi ra. Noelle nhìn theo, trống ngực đập dồn dập. Nàng nhìn lên chiếc đồng hồ mạ vàng đặt trên bàn hoá trang rồi nhanh chóng mặc xống áo. Lúc mười một giờ bốn mươi lăm phút ông già gác cổng gọi điện thoại báo cho Noelle biết tướng Scheider trên đường tới phòng của nàng. Giọng ông nói run run: - Tài xế của ông ta có ở trong xe không? - Noelle hỏi. - Không, thưa tiểu thư - Ông gác cổng thận trọng đáp - Y cùng lên theo ông tướng. - Cảm ơn bác. Noelle đặt máy xuống và vội đi vào phòng ngủ kiểm tra lại hành lý của nàng một lần nữa. Không được phạm một sai lầm nào. Tiếng chuông cửa trước vang lên, Noelle đi ra phòng khách, mở cửa. Tướng Scheider đứng ở ngoài hành lang, người tài xế, một đại uý trẻ đứng sau ông ta. Tướng Scheider mặc thường phục, trông rất chững chạc trong bộ com lê màu xám vừa in với chiếc sơ mi xanh lam monge và chiếc cà vạt đen. - Chào cô. Ông trịnh trọng nói, rồi bước vào trong phòng, gật đầu với người tài xế. - Mấy cái túi của tôi ở trong phòng ngủ. - Noelle bảo và chỉ về phía cửa phòng đó. - Cảm ơn, Fraulein - Viên đại uý bước vào phòng ngủ. Tướng Scheider tiến lại, cầm lấy tay Noelle hỏi: - Em có biết suốt ngày hôm nay anh nghĩ đến chuyện gì không? Anh nghĩ em có thể không còn ở đây, rằng em có thể thay đổi ý kiến. Cứ mỗi lần chuông điện thoại kêu là một lần anh thấy hoảng sợ. - Em giữ lời hứa của em chứ? - Noelle đáp. Nàng nhìn viên đại uý từ phòng ngủ của nàng đi ra mang theo chiếc vali đựng đồ trang điểm và chiếc túi ngủ. - Còn gì nữa không ạ? - Anh ta hỏi. - Không. Tất cả có vậy thôi - Nàng đáp. Viên đại uý xách hai chiếc vali khỏi phòng. - Xong chưa? - Tướng Scheider hỏi. - Chúng ta hãy uống chút gì trước khi ra đi - Noelle đáp rất nhanh. Nàng lấy ở trên tủ một chai rượu sâm banh đặt trong thùng đá. - Để anh mở cho - Y lại chỗ thùng đựng đá để khui chai sâm banh. - Chúng ta uống vì cái gì nhỉ? - Y hỏi. - Vì Etratat. Y nhìn nàng một lát rồi đáp: - Ừ, vì Etratat. Họ cụng ly và uống cạn. Khi Noelle đặt chiếc ly xuống bàn, nàng len lén nhìn đồng hồ đeo tay, Scheider đang nói với nàng song nàng như nghe tai nọ xuyên qua tai kia. Tâm trí nàng còn bận với những chuyệndiễn ra ở dưới nhà. Nàng phải hết sức cẩn trọng. Nếu nàng hành động quá nhanh hoặc quá chậm cũng đều nguy hiểm cho nàng và cho mọi người. - Em đang nghĩ gì vậy? - Scheider hỏi - Không có gì. - Em chẳng nghe anh nói gì cả. - Xin lỗi. Có lẽ vì em đang nghĩ về chúng ta mà thôi. - Nàng quay lại với y và thoáng mỉm cười. - Em làm cho anh thấy khó hiểu - Y nói. - Có phải phụ nữ nào cũng khó hiểu cả không? Họ không giống em. Anh không bao giờ lại hình dung tính em đồng bóng đến vậy (Y làm một điệu bộ). Lúc đầu em không muốn gặp anh, rồi bây giờ bỗng nhiên lại đi nghỉ cuối tuần ở vùng quê với anh. - Anh có thấy ân hận không, Hans? - Tất nhiên là không. Song anh vẫn băn khoăn tại sao lại ở tận vùng quê? À, phải rồi - Scheider đáp - Thế mới lãng mạn. Chính đó là điều càng khiến anh thấy khó hiểu thêm. Anh tin rằng em là người có đầu óc thực tế, chứ đâu phải loại lãng mạn. - Anh nói thế là nghĩa thế nào? Noelle hỏi. - Chẳng có gì cả - Scheider thoải mái đáp lại. - Anh nghĩ sao nói vậy. Anh thích giải các bài toán hóc búa, Noelle ạ. Anh đã giải bài toán của em đúng lúc. Nàng nhún vai: - Một khi anh đã giải xong bài toán này, câu chuyện có lẽ sẽ chẳng còn lý thú nữa. - Để rồi xem - Y đặt chiếc ly xuống - Thôi, ta đi chứ. Noelle cầm lấy chiếc ly không lên, nói: - Em bỏ mấy chiếc này vào chậu rửa đã. Tướng Scheider nhìn nàng đi vào bếp. Noelle là một trong số những phụ nữ xinh đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ nhất mà ông đã từng gặp, và ông lại có ý định chiếm đoạt nàng. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng ông là kẻ ngu xuẩn hoặc quá mù quáng. Nàng đang cần ở ông điều gì đó và ông định phải tìm cho ra cái đó là gì vậy. Đại tá Mueller đã báo động cho ông biết rằng nàng rất có thể đang tiếp tay cho một kẻ thù rất nguy hiểm của Reich và đại tá Mueller rất ít mắc sai lầm về chuyện gì. Nếu như ông ta đúng thì có thể Noelle Page đang tìm đến tướng Scheider nhờ ông che chở cho nàng bằng cách nào đó. Nếu quả đúng như vậy, nàng không hiểu chút nào về đầu óc của các quân nhân Đức và hiểu về ông càng ít hơn. Ông sẽ giao nàng ngay cho sở Gestapo không một chút băn khoăn, song trước hết ông phải hưởng lạc thú cái đã. Ông đang chờ đợi một ngày nghỉ cuối tuần thú vị. Noelle đã ra khỏi bếp. Nét mặt nàng có vẻ băn khoăn. - Tài xế của anh đã mang xuống mấy chiếc va ly rồi nhỉ? - Nàng hỏi. - Hai cái - Ông đáp - Một chiếc túi ngủ và một va ly đựng đồ trang điểm. Nàng nhăn mặt: - Trời ơi, tha lỗi cho em, anh Hans, ta vẫn còn quên một chiếc nữa. Anh bảo hắn giúp nữa, được không? Ông theo dõi Noelle ra chỗ máy điện thoại, nhấc ống nói và nói vào đó: - Bác làm ơn mời anh tài xế của ông tướng lên trên lầu một lần nữa. Trên này còn một chiếc túi nữa, cần phải chuyển xuống. - Nàng để máy vào chỗ cũ - Em biết là chúng ta chỉ lưu lại đó vào ngày nghỉ cuối tuần (nàng mỉm cười) song em muốn làm anh vừa ý. - Nếu em muốn làm anh vừa ý thì chẳng cần đến nhiều quần áo làm gì - Scheider nói, mắt liếc nhìn tấm hình của Armand Gautier đặt trên trên chiếc dương cầm. - Herr(5) Gautier có biết rằng em sắp đi chơi xa với anh không? - Y hỏi. - Có chứ! Nàng nói xạo như vậy. Armand lúc này đang tới Nice để một nhà sản xuất phim bàn chuyện làm một bộ phim mới, và nàng thấy không có lý do gì phải đánh động ông bằng cách kể lể cho ông biết các kế hoạch của nàng. Chuông cửa reo vang. Noelle tiến ra mở cửa. Viên đại uý đang đứng ở cửa hỏi: - Tôi được biết còn một chiếc túi nữa. - Phải - Noelle xin lỗi - Hiện đang ở trong phòng ngủ. Gã đại uý gật đầu, rồi đi vào phòng ngủ của nàng. - Bao giờ em phải trở lại Paris? - Scheider hỏi: Noelle qua lại nhìn y: - Em muốn ở lại đó càng lâu càng tốt. Cuối buổi chương trình thứ hai chúng ta hãy trở về đây. Như vậy chúng ta có được tròn hai ngày. Gã đại uý từ trong phòng ngủ bước ra, hỏi: - Xin lỗi tiểu thư. Cái vali đó như thế nào ạ? - Đó là chiếc va ly tròn màu xanh cỡ bự - Noelle đáp, rồi quay sang Scheider - Trong đó em có một chiếc áo dài mới em chưa mặc bao giờ. Em dành riêng cho anh đấy. Lúc này nàng nói líu ríu, cố che giấu sự hồi hộp. Gã đại uý lại quay vào phòng ngủ. Vài phút sau gã trở ra, bảo: - Xin lỗi cô. Tôi không tìm thấy nó đâu cả. - Thôi để tôi tìm lấy - Noelle đáp. Nàng đi vào phòng ngủ và bắt đầu lục lọi các tủ - Con mụ đầy tớ ngu xuẩn này chắc lại dấm dúi nó vào vào đâu đây mà - Nàng bảo. Cả ba người lục lọi mọi chiếc tủ trong các buồng. Cuối cùng chính ông tướng phát hiện ra chiếc va ly đó cất trong chiếc tủ ở phòng lớn. Ông nhấc nó ra, bảo: - Hình như chẳng có gì bên trong cả. Noelle mở vội chiếc va ly, nhìn vào bên trong. Quả là bên trong chẳng có gì thật. - Trời, con mụ ngớ ngẩn. Chắc là mụ lại nhét chiếc áo dài đẹp mới kia lẫn với quần áo trong chiếc va ly kia rồi. Hy vọng rằng con mụ đó không làm hỏng chiếc áo của em - Nàng thở dài ngao ngán - Anh có hay gặp những chuyện bực mình như thế này với lũ đầy tớ gái ở Đức không? - Anh cho rằng ở đâu cũng vậy thôi - Scheider đáp. Ông chăm chú theo dõi Noelle. Nàng đang có những hành động rất lạ, nói năng quá nhiều. Nàng nhận thấy cái nhìn đó của ông. - Anh nhìn em như vậy khiến em có cảm tưởng như em là một cô học trò nhỏ - Noelle nói tiếp - Em không nhớ là em thấy hồi hộp từ lúc nào. Scheider mỉm cười. À ra là như vậy. Mà có thể nàng đang giở trò gì ra với ông cũng nên? Dù nàng có đóng trò, ông sẽ phát hiện ra mà thôi. Ông liếc nhìn đồng hồ. - Nếu không đi ngay bây giờ, chúng ta đến đó trễ mất. - Em xong rồi đây - Noelle bảo. Nàng thầm mong những người khác cũng xong việc rồi. Khi họ xuống dưới sảnh, ông già gác cửa đang đứng ở đó, mặt trắng bệch như phấn. Không biết có chuyện gì trục trặc chăng, nàng phân vân. Noelle nhìn ông chờ đợi một dấu hiệu gì, song chưa kịp đợi ông phản ứng, thì viên tướng Đức đã khoác lấy tay nàng, dẫn nàng ra ngay cửa. Chiếc xe của Scheider đậu ngay trước cửa nhà. Thùng xe đã đóng kín. Phố xá vắng tanh. Gã tài xế chạy vội xuống mở cửa hậu của xe. Noelle quay lại nhìn vào sảnh thấy ông già gác cửa đứng trong đó, nhưng Scheider bước ra trước mặt, đứng chắn không cho nàng nhìn rô. Y cố tình chăng? Noelle liếc nhìn vào thùng xe đóng kín, song cũng chẳng thấy gì cả. Phải nhiều giờ nữa qua đi nàng mới biết rõ kế hoạch của nàng có thành công hay không, và sự căng thẳng còn kéo dài đến mức không thể nào chịu nổi. - Em vẫn khoẻ chứ? Tướng Scheider nhìn nàng trân trân. Nàng cảm thấy khó chịu vô cùng. Nàng phải tìm cái gì để quay trở lại sảnh, một mình gặp ông già gác cửa vào ba giây đồng hồ. Nàng cố gượng cười. Tướng Scheider nắm chặt cánh tay nàng: - Muộn quá rồi - Ông ta mỉm cười - Từ giờ phút này trở đi em chỉ được đến mình anh thôi! Rồi ông ta đưa nàng vào xe. Một lát sau họ đã đi trên đường. Sau khi chiếc xe của tướng Scheider rời khi cư xá được năm phút, một chiếc Mercedes màu đen hãm phanh kít một tiếng mạnh trước toà nhà. Đại tá Mueller và hai nhân viên Gestapo lao ra khỏi xe. Đại tá Mueller nhớn nhác nhìn hết đầu phố tới cuối phố. - Họ đi rồi - Y bảo. Mấy người lao vào sảnh của khu cư xá Noelle ở và gọi chuông báo cho ông gác cửa ra mở. Cửa mở, ông già đứng ở cửa, nét mặt hốt hoảng. - Có chuyện gì? Mueller đẩy ông vào căn phòng nhỏ của ông. - Fraulein Page? - Y quát - Cô ta đâu rồi? Người gác cửa nhìn y, sợ hãi. - Cô ấy cô ấy đi rồi - Ông nói. - Ta biết điều đó rồi, đồ con lừa. Ta muốn hỏi là cô ta đi đâu? Ông gác cửa lắc đầu, vô hiệu: - Thưa Monsieur tôi không rõ. Tôi chỉ biết một điều là cô ấy đi cùng một viên sĩ quan quân đội. - Cô ta không nói với ông có thể liên lạc với cô ta ở đâu ư? - Kh… không, thưa ngài. Tiểu thư Page không tín nhiệm tôi. Đại tá Mueller nhìn ông già một lát rồi quay gót. - Họ đi chưa xa đâu - Y bảo hai người kia - liên lạc ngay với các ổ chặn đường. Báo cáo cho họ biết nếu thấy xe của tướng Scheider tới thì tôi muốn họ chặn chiếc xe đó lại và gọi ngay cho tôi biết. Vào giờ giấc này các xe quân sự đi lại thưa thớt, nói cách khác là hầu như không có xe nào chạy trên đường. Xe của tướng Scheider quẹo về quốc lộ Tây dẫn ra khỏi Paris, ngang qua điện Verseilles. Họ đi qua Mantes, Vernon, Gaillon, và chỉ hai mươi lăm phút sai họ đã tiến đến chỗ ngã tư đường nối ra những đường lớn đi Vichy, Le Havre và Côte d Azur. Noelle có cảm giác là một chuyện thần kỳ đã xảy ra. Họ đang ra khỏi Paris mà không hề bị ai chặn lại. Lẽ ra nàng phải nhận ra một điều rằng dù bọn Đức với tất cả những biện pháp hữu hiệu của họ họ cũng không thể nào kiểm soát hết mọi con đường dẫn ra ngoài thành phố. Song dù nàng có nghĩ như vậy chăng nữa thì đằng trước mặt họ, trong bóng tối đen vẫn lù lù có một ổ chặn đường án ngữ. Chính giữa đường có ánh đèn đỏ nhấp nháy và phía sau những ngọn đèn đó là một chiếc xe tải của quân đội Đức đang chặn con đường quốc lộ. Phía bên kia đường là nửa tá lính Đức và hai chiếc xe cảnh sát Pháp. Một trung uý Đức vẫy tay ra hiệu cho chiếc xe hòm dừng lại và khi xe vừa dừng, y tiến tới chỗ người tài xế. - Ra khỏi xe, xuất trình giấy tờ! Tướng Scheider mở cửa phía sau, thò tay ra ngoài nói lè nhè: - Tướng Scheider đây. Chuyện quái gì ở đây thế này? Viên trung uý đứng nghiêm. - Xin lỗi tướng quân. Tôi không biết rằng đây là xe của ngài. Scheider nháy mắt về phía ổ chặn đường: - Chuyện gì thế? - Thưa ngài, chúng tôi được lệnh khám xét mọi xe cộ ra khỏi Paris. Mọi lối ra khỏi thành phố này đều bị khoá cả. Ông tướng quay sang Noelle: - Bọn Gestapo chết dẫm thế này. Xin lỗi, liebchen nhé. Noelle thấy tái mặt song cũng may trong xe tối om không ai nhận ra được. Khi nàng lên tiếng, giọng nàng cứng cỏi: - Không hề gì. Nàng nghĩ tới món hàng đặt ở thùng xe. Nếu như kế hoạch của nàng được tiến hành thì Israel Katz đang ngồi trong đó và chỉ khoảnh khắc nữa là anh sẽ bị bắt. Và thế là nàng cũng bị bắt theo luôn. Gã thiếu uý quay sang người tài xế. - Anh làm ơn mở khoang để hành lý ra. - Trong đó chỉ có hành lý thôi, chẳng có gì nữa đâu - Viên đại uý phản đối chính tay tôi xếp mà. - Xin lỗi đại uý. Tôi được lệnh rất rõ ràng là phải khám xét tất cả mọi loại xe cộ chạy ra khỏi Paris. Anh hãy mở ra. Người tài xế lầm bầm điều gì đó trong miệng rồi mở cửa xe, bắt đầu ra khỏi xe. Đầu óc của Noelle lúc này làm việc như điên. Nàng phải tìm cách gì đó ngăn họ lại, mà không được để cho họ nghi ngờ. Người lái xe đã ra khỏi xe. Thời gian rút ngắn lại. Noelle liếc nhanh sang nhìn và tận mặt Scheider. Đôi mắt ông ta nheo nheo, môi đang mím lại giận dữ. Nàng quay sang ông, nói với giọng thật thà: - Ta đi ra để cho họ khám chúng ta chứ, anh Hans? Nàng cảm thấy toàn bộ thân hình ông ta căng lên vì giận dữ. - Khoan! Giọng ông tướng rống như một tiếng roi quất mạnh, ông ra lệnh cho lái xe: - Lên xe đi - Rồi ông quay sang viên thiếu uý, giọng đầy giận dữ - Kẻ nào đã ra cái lệnh đó cho anh? Anh hãy báo cho hắn biết rằng lệnh đó phải chừa các ông tướng Đức ra nghe không. Ta không tuân lệnh bọn thiếu uý các anh đâu. Dẹp cái ổ chặn đường kia ra lấy lối cho ta đi. Gã thiếu uý bất hạnh kia ngó nhìn bộ mặt giận dữ của ông tướng, dập gót đứng nghiêm, nói: - Vâng, thưa tướng quân Scheider. Y ra hiệu cho người lái xe tải đang chặn đường. Chiếc xe kềnh càng né sang bên đường. - Đi thôi- Tướng Scheider ra lệnh cho tài xế. Và chiếc xe lao nhanh vào đêm tối. Noelle từ từ thả cho cơ thể nàng thư duỗi trên ghế ngồi, sự căng thẳng ở nàng cũng tan dần. Cuộc khủng hoảng đã qua rồi. Nàng cũng không biết rõ có thực là Israel Katz đang ở trong thùng xe không. Anh có còn sống không? Tướng Scheider quay sang nhìn Noelle và nàng cảm thấy ông vẫn còn đang giận dữ sôi sục, ông mệt mỏi nói: - Xin lỗi em. Đây là một cuộc chiến tranh kỳ lạ. Đôi khi cần phải nhắc cho Gestapo nhớ rằng quân đội mới là kẻ tiến hành các cuộc chiến tranh. Noelle mỉm cười, ngước nhìn ông, đoạn khoác lấy tay ông. - Mà các binh chủng quân đội lại do các tướng lãnh điều khiển? - Đúng thế đấy. Quân đội là do tướng lãnh điều khiển. Anh sẽ phải dạy cho đại tá Mueller một bài học. Mười phút sau khi chiếc xe hơi của tướng Scheider rời khỏi ổ chặn đường, có một cú điện thoại từ Sở chỉ huy Gestapo gọi đến báo cho họ là phải canh chừng theo dõi chiếc xe này. - Chiếc xe đó vừa mới đi qua đây! - Gã thiếu uý báo cáo lại như vậy, y cảm thấy có điều không hay sắp ập đến với y. Một lát sau y đã đứng nói chuyện với đại tá Mueller. - Đã lâu chưa? - Viên sĩ quan chỉ huy Gestapo nhẹ nhàng hỏi. - Được mười phút ạ. - Anh có khám xét kỹ xe ông ta không? Gã thiếu uý có cảm giác như ruột gan tan thành nước. - Thưa ngài, không ạ. Tướng quân không cho… - Scheweiss(6)? Ông ta đi hướng nào? Viên thiếu uý nuốt nước bọt. Khi hắn tiếng thì lúc này giọng hắn đã lạc hẳn đi vì hắn biết rằng tương lai của hắn thế là đi tiêu mất rồi. Hắn đáp: - Tôi không chắc chắn. Đây là một ngã tư lớn. Có thể ông ấy đi vào nội địa Rouen mà cũng có thể đi ra biển, tới Le Havre. Chín giờ sáng ngày mai anh phải tới sở chỉ huy Gestapo trình diện. Đến văn phòng của tôi. - Vâng, thưa ngài - Viên thiếu uý đáp. Đại tá Mueller hầm hầm bỏ đi. Y quay sang phía hai nhân viên đứng cạnh, ra lệnh: - Lên xe. Đi Le Havre. Chúng ta đang đi truy tìm con gián đây! Con đường đi Le Havre uốn khúc dọc theo sông Seine, qua thung lũng sông Seine xinh đẹp với những quả đồi trù phú, các nông trang màu mỡ. Đêm đó trời trong veo, đầy sao sáng. Những ngồi nhà nông trại nhìn xa xa chìm trong ánh sáng, giống như những ốc đảo nổi lên giữa tối đen. Noelle và tướng Scheider ngồi thoải mái trên ghế, chuyện trò huyên thuyên. Ông kể về vợ con ông, về chuyện hôn nhân đối với một sĩ quan quân đội khó khăn như thế nào. Noelle lắng nghe, vẻ tâm đắc và cũng kể cho ông rằng cuộc sống lãng mạn khó khăn đến mức nào đối với người nữ diễn viên. Hai người ai cũng đều nhận thấy câu chuyện của họ chỉ là một trò đùa, cả hai chỉ nói những chuyện hời hợt bề ngoài mà không hề đi sâu vào nội tâm. Noelle không một phút giây vào dám đánh giá thấp khả năng trí tuệ của người đàn ông đang ngồi cạnh mình và nàng cũng ý thức đầy đủ rằng cuộc phiêu lưu mà nàng đang dấn thân vào nguy hiểm đến mức nào. Nàng biết rằng Scheider là một gã rất khôn ranh, đến không thể tin được, nàng bỗng cảm thấy y trước sau nhất định sẽ nghi ngờ rằng nàng đang tìm kiếm cái gì ở y. Điều Noelle tính toán nhiều nhất là liệu nàng có thể đi được một nước cờ cao hơn y trong ván cờ họ đang chơi hay không. Gã tướng Đức chỉ thoáng đề cập đến cuộc chiến tranh, song y nói đến một điều mà nàng còn nhớ mãi sau này. - Người Anh thuộc vào một giống người kỳ quặc. Trong thời bình, họ không thể làm nên trò trống gì, thế nhưng khi có một cuộc khủng hoảng, họ lại tỏ ra rất xa xỉ. Thời điểm duy nhất mà mọi tên thủy thủ người Anh thấy hạnh phúc thực sự lại là lúc chiếc tầu của hắn sắp chìm xuống biển. Họ tới Le Havre lúc còn tờ mờ sáng, trên đường đi về phía làng Etratat. - Ta dừng lại để ăn chút gì chứ - Noelle yêu cẩu. Em đói muốn chết. Tướng Scheider gật đầu: - Được thôi, nếu em muốn. - Rồi ông cao giọng bảo tài xế - Để ý xem có nhà hàng nào mở suốt đêm không. - Em tin rằng ở gẩn cầu cảng thế nào cũng có - Noelle gợi ý. Gã đại uý ngoan ngoãn lái xe về phía cầu tàu. Y dừng xe sát mớn nước nơi có một vài tay chở hàng đang neo buộc vào cầu tàu. Cách đó một khối nhà có một tấm biển đề chữ "SISTRO". Gã đại uý mở cửa xe. Noelle bước ra, theo sau là tướng Scheider. - Có lẽ quán này mở suốt đêm cho phu khuân vác cảng Noelle bảo. Nàng nghe có tiếng động cơ, liền ngoảnh lại phía đó. Một chiếc xe có chĩa nâng hàng tiến lại gần và dừng lại không xa chỗ chiếc xe hơi đó. Hai người vận quần áo lao động, đội mũ chỏm dài sùm sụp trước mắt gần như che kín mặt, bước ra khỏi xe. Một trong hai người đó nhìn chằm chằm về phía Noelle, sau đó rút ra một bộ dụng cụ sửa chữa và bắt đầu siếhiếc chĩa nâng hàng. Noelle cảm thấy các cơ bắp ở bụng nàng thót lại. Nàng khoác tay Scheider đi về phía tiệm ăn. Noelle còn ngoái lại người tài xế ngồi sau tay lái. - Anh ta có muốn uống cà phê không? - Noelle hỏi. - Hắn phải ở lại ngoài xe. - Scheider đáp. Noelle chằm chằm nhìn y. Gã tài xế không thể ở lại ngoài xe được, nếu không mọi chuyện sẽ hỏng hết. Tuy nhiên Noelle không dám vật nài chuyện đó. Họ đi về phía tiệm ăn, trên đoạn đường gồ ghề đầy sỏi cuội Bất đồ Noelle vừa bước lên một bước thì bị trẹo chân, ngã nhoài ra đất, nàng rít lên một tiếng đau đớn. Scheider chồm về phía trước, song không kịp đở, nàng đã ngã lăn ra con đường sỏi cuội. - Em có sao không? - Ông hỏi. Người tài xế trông thấy cảnh vừa xảy ra, vội bỏ chỗ ngồi sau tay lái, chạy ngay ra phía hai người. Noelle bảo: - Em thật không may. Có lẽ… em bị trật mắt cá chân, đau tưởng muốn gãy đến nơi. Scheider nhẹ nhàng xoa mắt cá chân nàng: - Có thấy sưng đâu. Chắc chỉ trật chút đỉnh. Em có đứng dậy được không? - Em… em không rõ - Noelle đáp. Gã tài xế tiến đến phía bên kia và cả hai người đàn ông cũng đỡ nàng đứng lên. Noelle bước một bước nữa, song mắt cá chân cứ cứng đơ không thuần. - Xin lỗi - Nàng rên rỉ - để cho em ngồi xuống nghỉ một lát. - Anh hãy giúp tôi đưa cô ấy vào trong kia - tướng Scheider chỉ về phía tiệm ăn, bảo với người tài xế. Họ đi vào quán ăn, hai người dìu nàng hai bên. Khi đi qua cửa, Noelle liền ngoái nhanh lại phía sau chỗ xe đỗ. Hai người công nhân bốc vác đang loay hoay ở chỗ thùng xe. - Em có tin rằng chúng ta có thể đi thẳng tới Etratat bây giờ được chăng? - Scheider hỏi. - Chưa được. Song em tin rằng em sẽ lãnh ngay thôi - Noelle đáp. Chủ quán đưa họ tới một chiếc bàn trong góc và hai người đàn ông đặt Noelle nhẹ nhàng vào trong một chiếc ghế tựa. - Em có đau lắm không? - Scheider hỏi. - Một chút xíu thôi - Noelle đáp. Nàng nắm lấy tay ông - Đừng lo anh ạ. Em không để cái chân đau này làm cho anh quá phải bận tâm, anh Hans ạ. Trong lúc Noelle và tướng Hans Scheider đang ngồi trong tiệm ăn, đại tá Mueller cũng hai nhân viên của ông ta đã phóng xe lao nhanh vào giới hạn cuối cùng của thành phố cảng Le Havre đại uý cảnh sát ở địa phương đang ngủ bị dựng dậy, đang đứng đợi ở trước đồn cảnh sát để đợi các nhân viên của Gestapo tới. Y báo cáo rằng: - Một cảnh sát viên đã phát hiện ra chiếc ô tô của ông tướng đỗ ở gần cầu tàu. Nét mặt của đại tá Mueller bỗng loé lên vẻ mãn ý: - Ông hãy đưa tôi tới đó ngay. - Y ra lệnh. Năm phút sau, chiếc ô tô của cảnh sát Gestapo với đại tá Mueller, hai nhân viên cùng với đại uý cảnh sát địa phương đã tới đậu cạnh chiếc chiếc xe của tướng Scheider. Bốn người ra khỏi xe và bao quanh chiếc xe kia. Lúc đó tướng Scheider, Noelle và người tài xế bắt đầu rời khỏi nhà hàng. Gã đã tiến vội ra phía họ. - Chuyện gì thế này? - Noelle chưa dứt lời, nàng đã nhận ra hình dạng đại tá Mueller từ đằng xa. Noelle thấy lạnh toát cả người. - Anh không rõ tướng Scheider đáp. Ông sải những bước dài ra chỗ ô tô. Noelle cà nhắc theo sau. - Ông đang làm gì ở đây thế này? Tướng Scheider hỏi đại tá Mueller khi ông đến gẩn xe hơi của mình. - Xin lỗi vì tôi phá vỡ ngày nghỉ của ngài - Đại tá Mueller đáp lại, sẵng giọng - Tôi muốn kiểm tra thùng xe của ngài, thưa tướng quân. - Chỉ có hành lý trong đó thôi. Noelle tiến lại gần đám người. Nàng để ý thấy chiếc xe có chĩa nâng đã đi mất rồi. Người tướng Đức và các nhân viên Gestapo hầm hè nhìn nhau. - Thưa tướng quân, tôi tha thiết yêu cầu như vậy. Tôi cớ lý do để tin rằng một kẻ thù của Đế chế thứ ba đang bị truy nã đã trốn ở trong này và vị khách của ngài chính là kẻ tòng phạm với hắn. Tướng Scheider trừng trừng nhìn y một hồi lâu sau đó quay lại quan sát Noelle. - Tôi không hiểu ông ta đang lải nhải chuyện gì vậy? - Nàng nói đanh thép. Tướng Scheider đưa mắt nhìn xuống mắt cá chân nàng, sau đó ông quả quyết quay sang người tài xế. - Mở ra. - Vâng, thưa tướng quân. Mọi con mắt đều chăm chú nhìn vào thùng xe trong lúc người tài xế nắm lấy tay cầm, lật nó lên. Noelle cảm thấy choáng váng. Nắp thùng xe từ từ mở ra. Thùng xe trống trơn không có gì. - Đã có kẻ lấy cắp hành lý của chúng ta? - Người tài xế thốt lên. Đại tá Mueller đỏ bừng mặt, tức giận: - Hắn chuồn rồi? - Ai chuồn? - Scheider hỏi. - Le Cafard, con gián - Đại tá Mueller hầm hầm nói - Đó là một tên Do Thái có tên là Israel Katz. Hắn đã được tổ chức trốn ra khỏi Paris trong cái thùng xe này. Không thể được tướng Scheider cự lại. Cái thùng này đóng kín. Hắn có trốn được thì cũng chết ngạt trong đó. Đại tá Mueller nghiên cứu chiếc thùng xe một lúc, đoạn quay sang một tuỳ tùng: - Anh chui vào đi? - Vâng, thưa đại tá. Gã kia ngoan ngoãn bò vào nằm trong thùng xe. Đại tá Mueller đóng sập nắp lại và theo dõi đồng hồ. Liền trong bốn phút sau đó, họ đứng yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình. Thời gian như kéo dài vô tận đối với Noelle, cuối cùng đại tá Mueller lại mở nắp thùng xe. Gã đàn ông nằm trong đó đã bị bất tỉnh. Tướng Scheider quay sang đại tá Mueller, ông lộ vẻ khinh miệt ra mặt, Scheider tuyên bố. - Nếu có kẻ nào đi bằng cái thùng xe này, người ta phải lôi xác hắn ra. Thế nào ông đại tá, ông cần gì tôi nữa chăng? Người sĩ quan Gestapo lắc đầu, vẻ hầm hầm tức giận xen lẫn với thất vọng. Tướng Scheider quay sang anh tài xế. - Ta đi thôi. Ông đỡ Noelle lên xe, họ đi về phía Etratat, bỏ mặc đám người mờ dần ở phía xa. Đại tá Kurt Mueller lập tức tiến hành một cuộc ruồng bố ở cầu cảng, song phải đến tận xế chiều hôm sau người ta mới phát hiện ra một bình oxy rỗng trong một cái thùng đặt trong góc một nhà kho bỏ không. Một chiếc tầu chở hàng của một nước Phi châu đã xuất phát từ Le Havre đêm hôm trước đi về Capetown, và bây giờ đang lênh đênh giữa biển khơi. Về những hành lý thất lạc, vài ngày sau người ta phát hiện thấy ở phòng tìm tài sản thất lạc ở Ga phía Bắc Paris. Còn Noelle và tướng Scheider, họ hưởng những ngày nghỉ cuối tuần tại Etratat, đến xế chiều thứ hai, họ mới trở lại Paris để Noelle kịp buổi diễn tối hôm đó. Chú thích: (1) Con lợn. (2) cứt (tiếng rủa). (3) Người yêu thương (tiếng Đức). (4) Tiếng Đức: Người đẹp. (5) ông, ngài (tiếng Đức). (6) Đồ con lợn (tiếng Đức) Chương 10 Catherine đã bỏ công việc làm ở chỗ William Fraser ngay vào buổi sáng hôm sau, ngày nàng lấy Larry. Fraser có mời nàng cùng dùng cơm trưa với ông vào hôm cô trở lại Washington. Trông ông hốc hác, dài thượt và bỗng trở nên già sọm. Catherine cảm thấy thương cho ông, song cũng chỉ có vậy thôi. Nàng đang ngồi đối diện với một người xa lạ cao lớn, đẹp trai mà nàng cảm thấy mến, song bây giờ nàng không thể tưởng tượng đưa id="filepos511634">c, rằng đã có lúc nàng nghĩ đến chuyện xây dựng với ông. Fraser nhìn nàng, cười méo mó: - Thế là bây giờ em đã trở thành một phụ nữ có chồng - Ông nói. - Người phụ nữ có chồng nghiêm chỉnh nhất trên đời đấy! - Chuyện xảy ra đội ngột quá. Tôi… tôi ước ao có dịp được ganh đua với em đấy. - Em có được một dịp nào đâu - Catherine thật thà nói - Chuyện đó chỉ tình cờ xảy ra mà thôi. - Larry là người khá lắm. - Phải. - Catherine, em chưa thực sự hiểu nhiều về Larry, phải không? Catherine bỗng thấy lưng mình cứng đơ. - Em biết là em yêu anh ấy, Bill ạ - Nàng nói đều đều - Và em biết là anh ấy cũng yêu em. Khởi đầu như vậy là tương đối tốt đấy chứ. Ông ngồi im lặng, nhíu mày, tự vấn bản thân. - Catherine… - Có gì vậy? - Em hãy cẩn thận. - Về chuyện gì? Nàng hỏi. Fraser chậm rãi nói, cố tìm lời diễn đạt cho trôi chảy. - Larry là… một loại người khác đấy. - Khác thế nào? - Nàng hỏi lại, không muốn nghe ông nói. - Ý tôi nói là anh không giống như đa số những người đàn ông khác - Ông nhận thấy nét mặt nàng tỏ vẻ khó chịu - Ấy thôi, cô đừng chú ý đến lời tôi nói làm gì (ông gượng cười). Chắc ông có đọc truyện của Edop Con cáo và chùm nho rồi? Catherine thân mật nắm lấy tay ông. - Em sẽ không bao giờ quên được anh, Bill ạ. Hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ được tình bạn mãi mãi. - Anh cũng hy vọng như vậy Fraser bảo - Có thực là em không muốn làm việc ở văn phòng anh nữa chứ? - Larry muốn em thôi việc. Anh ấy vốn tính cổ hủ cho rằng các đức ông chồng phải có trách nhiệm nuôi vợ. - Nếu em muốn thay đổi ý kiến thì nhớ cho anh biết sớm. Câu chuyện còn lại trong bữa ăn trưa là nhắc đến chuyện ở văn phòng và họ thảo luận ai sẽ thế chân Catherine. Nàng biết rằng nàng sẽ rất nhớ Bill Fraser. Nàng cho rằng người đàn ông đầu tiên quyến rũ một cô gái bao giờ cũng chiếm một vị trí đặc biệt trong đời cô gái đó. Song Bill đối với nàng còn có ý nghĩa lớn hơn thế nhiều. Ông là một người thân cận, một người bạn tốt. Catherine thấy băn khoăn trước thái độ của ông đối với Larry. Hình như Bill đã định báo trước cho nàng một điều gì đó nhưng sau đấy lại dừng ngay lại vì sợ làm hỏng niềm hạnh phúc của nàng. Hoặc phải chăng đúng như ông nói, trường hợp của ông cũng giống như trường hợp chùm nho chua kia? Bill Fraser đâu có phải là một kẻ nhỏ nhen hoặc hay ghen tuông đố kỵ. Ông thực sự mong cho nàng được hạnh phúc. Bởi vậy Catherine tin rằng ông cố tìm cách cho nàng biết một điều gì đó. Ở đâu đó trong tiềm thức nàng đã có một dự cảm mơ hồ. Song một giờ sau, khi nàng gặp Larry, chàng mỉm cười với nàng, mọi chuyện đều tan biến khỏi đầu óc nàng trừ niềm say m vì nàng đã kết hôn với một người vui vẻ, độc đáo. Larry là người vui nhộn hơn so với bất kỳ ai nàng đã từng gặp. Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới, một ngày lễ lớn. Ngày nghỉ cuối tuần nào họ cũng lái xe về nông thôn họ lưu lại ở các quán trọ nhỏ, đi thăm hội chợ các tỉnh. Họ đi hồ Placid, chạy trên đường trượt tuyết khổng lồ bằng xe toboggan, tới Montauk bơi thuyền và câu cá. Catherine rất sợ nước vì nàng chưa từng học bơi bao giờ, song Larry đã trấn an cho nàng và quả thực bên cạnh chàng, nàng thấy rất an toàn. Larry thật dễ thương và hấp dẫn, chàng có vẻ hoàn toàn không hay biết gì rằng mình là cái nam châm lôi cuốn các phụ nữ khác. Dường như chàng chỉ cần có mỗi Catherine là đủ lắm rồi. Trong tuần trăng mật của họ, Larry đã bắt gặp một con chim nhỏ bằng bạc trong một tiệm đồ cổ. Catherine thích lắm khiến cho chàng phải tìm một con chim bằng pha lê cho nàng và đó là khởi đầu cho một bộ sưu tập của nàng. Vào một buổi tối thứ bảy họ đi xe hơi về Maryland kỷ niệm ba tháng lễ thành hôn, họ đã đến cái tiệm ăn nhỏ lần trước để ăn tối. Chủ nhật ngày 7 tháng mười hai, cảng Pearl Harbour(1) của Mỹ đã bị quân Nhật tấn công. Ngày hôm sau, lúc 1 giờ 32 phút chiều, tức là không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công của quân Nhật, nước Mỹ đã tuyên chiến với Nhật Bản, ngày thứ hai, Larry đang ở căn cứ không quân Andrews, Catherine cảm thấy không chịu được tình trạng một mình trong phòng, nàng đáp taxi tới Toà nhà Capitol để xem tình hình đang xảy ra. Nhiều tốp người đang xúm quanh hàng chục chiếc máy thu thanh xách tay rải rác giữa đám đông đứng dọc trên hai lề đường Capitol Plaza. Catherine đứng ngắm đoàn xe của Tổng thống lao nhanh trên đường giành cho xe hơi rồi dừng lại ở cổng phía nam của toà nhà Capitol. Nàng đến gần sát, nhìn rõ cửa chiếc xe mở và Tổng thống Roosevelt bước xuống có hai người hộ vệ đỡ kèm. Vài chục cảnh sát đứng án ngữ khắp các góc, đề phòng bất trắc. Theo Catherine nghĩ, thái độ của đám đông có vẻ quá khích, giống đám người hành quyết kiểu lynch(2) nhăm nhe chỉ chực hành động. Năm phút sau khi Tổng thống Roosevelt bước vào điện Capitol, giọng của ông đã truyền đi trên đài phát thanh khi ông phát biểu trong phiên họp liên tịch của Quốc hội. Giọng ông chắc nịch, rắn rỏi, đầy vẻ kiên quyết và phẫn nộ. "Nước Mỹ sẽ không quên tấm thảm kịch này… Sức mạnh chính nghĩa sẽ thắng. Cầu Chúa phù hộ cho chúng con!" Mười tám phút sau khi ông Roosevelt vào toà nhà Capitol, Nghị định số 254 của Hai viện đã được thông qua tuyên chiến với Nhật Bản. Bản nghị quyết này đã được nhất trí thông qua trừ nữ Hạ nghị sĩ bang Montana Jeannette Rankin bỏ phiếu chống việc tuyên chiến, như vậy là kết quả cuối cùng 388 phiếu thuận, 1 phiếu chống. Bài diễn văn của Tổng thống Roosevelt vừa đúng mười phút và đây cũng là một thông điệp chiến tranh ngắn nhất phát biểu trước Quốc hội Mỹ từ xưa tới nay. Đám đông đứng ngoài hoan hô, hò hét rầm rộ bày tỏ sự tán thành, nỗi uất hận và quyết tâm trả thù. Thế là cuối cùng nước Mỹ đã vào cuộc. Catherine quan sát những người đàn ông và đàn bà đứng gần nàng. Nét mặt của những người này cũng tỏ ra hoan hỉ nét mặt của Larry mà nàng đã thấy ngày hôm trước, tuồng như thể họ cùng là hội viên của một câu lạc bộ bí mật coi chiến tranh là một trò thể thao hấp dẫn. Thậm chí đến cả những người phụ nữ cũng bị lây ngay tâm trạng hào hứng bộc khởi đang lan nhanh trong đám người. Song Catherine tự nói không biết họ sẽ nghĩ gì một khi những người đàn ông phải ra đi, để lại những người phụ nữ phải mòn mỏi trông tin chồng con mình. Catherine chậm rãi quay trở về nhà. Ở góc phố nàng đã trông thấy những người lính bồng súng cắm lê sáng quắc. Nàng nghĩ: chẳng bao lâu nữa cả nước sẽ mặc quân phục. Sự việc xảy ra thậm chí còn nhanh hơn cả điều Catherine dự kiến. Gần như hôm trước hôm sau cả Washington đã trở thành thành phố của một đội quân mặc đồ kaki. Không khí sôi sục lan nhanh như điện. Dường như hoà bình là một thứ chướng khí chỉ đem lại cho con người sự buồn nản, và chỉ có chiến tranh mới kích thích con người sống hăm hở, náo động nhất. Larry dành từ mười sáu đến mười tám giờ ở Căn cứ không quân, chàng thường ở lại đó qua đêm. Chàng cho Catherine hay rằng tình hình ở Trân Châu cảng và Hickam Field còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì người ta thông báo cho dân chúng biết. Cuộc tiến công bất ngờ đã đưa đến sự tàn phá thảm hại. Xét về mặt thực dụng, người ta đã tiêu diệt được Hải quân Mỹ và một bộ phận lớn Binh chủng không quan của Mỹ. - Cứ theo như anh nói thì chúng ta có thể thua trong cuộc chiến này? - Catherine sửng sốt, hỏi. Larry trầm tư nhìn nàng: - Điều đó còn tuỳ thuộc ở việc liệu chúng ta có nhanh chóng chuẩn bị vào cuộc chiến hay không. Mọi người ai cũng tưởng rằng người Nhật là một lũ lùn, mắt cận thị, lố bịch. Thật thối! Họ là những người dẻo dai, không sợ chết. Trong lúc đó chúng ta thì mềm yếu. Trong nhiều tháng tiếp theo dường như không có gì ngăn cản nổi người Nhật. Các tít báo ra hằng ngày than thở về thắng lợi của họ: Chúng đang tấn công Wake… Đang lấn chiếm dần quần đảo Philippin… đổ bộ lên Guam… lên Bornéo… lên Hương Cảng. Tướng Mac Marthur tuyên bố bỏ ngỏ Manila, những toán quân Mỹ bị kẹt lại ở Philippin đầu hàng. Một ngày tháng Tư, Larry gọi điện từ Căn cứ không quân về cho Catherine, hẹn nàng vào trung tâm thành phố ăn ở nhà hàng khách sạn Willard để kỷ niệm. - Kỷ niệm gì vậy? - Catherine hỏi. - Tối nay anh sẽ nói cho em rõ - Larry đáp. Giọng chàng tỏ ra phấn khích mạnh. Khi Catherine gác máy, nàng có một linh tính ghê sợ. Nàng cố nghĩ tới tất cả những lý do khác có thể có được để Larry tổ chức kỷ niệm, song cuối cùng bao giờ cũng vẫn quay lại một lý do mà nàng không dám đương đầu với nó. Lúc năm giờ chiều Catherine đã ăn mặc chỉnh tề ngồi trên giường nhìn vào tấm gương trong phòng trang điểm. Nàng nghĩ. Chắc là mình đã lầm. Có thể là chàng đã thăng chức cũng nên. Vì thế hai đứa mới phải kỷ niệm. Hoặc cũng có thể chàng nhận được một tin vui gì đó về chiến cuộc. Catherine tự nhủ thầm như vậy song chính nàng cũng không tin điều đó: Nàng chăm chú ngắm mình trong gương cố giữ một thái độ khách quan. Tuy nàng không phải thao thức nhiều đêm để suy bì với Ingrid Bergman, song vô tư mà xét, nàng cũng thuộc loại hấp dẫn đấy chứ. Th nàng rất đẹp, đầy những đường cong khêu gợi. Nàng tự nhủ: Mi là đứa thông minh, vui tươi, lịch lãm, tử tế, lại hừng hực tình dục. Vậy thì gã đàn ông máu đỏ bình thường làm sao lại có thể dứt bỏ mi mà đi hứng lấy cái chết ở trận mạc được. Bảy giờ tối Catherine bước vào phòng ăn của khách sạn Willard. Larry vẫn chưa tới. Người phụ trách hướng nàng đến một chiếc bàn. Lúc đầu nàng bảo là không uống gì sau đó nàng thấy bồn chồn thay đổi ý kiến và gọi một ly Martini. Người bồi mang tới và khi Catherine nhấc ly rượu lẽn, nàng nhận ra Larry đang tiến lại phía nàng. Chàng len lỏi qua những dãy bàn, vừa đi vừa đáp lại những lời chào mừng của mọi người. Chàng mang theo một tinh thần hứng khởi lạ thường, bộc lộ rõ ra ngoài, khiến cho mọi cặp mắt phải đổ dồn về phía chàng. Catherine quan sát chàng và nhớ lại hình ảnh chàng hồi chàng tiến lại chiếc bàn nàng ngồi ở nhà ăn của hãng MGM ở Hollywood. Hồi đó nàng biết về Larry mới ít ỏi làm sao, chẳng bù với bây giờ thật là phong phú. Chàng tiến lại bàn, hôn nhanh lên má nàng và xin lỗi: - Xin lỗi Cathy nhé. Suốt ngày hôm nay căn cứ của anh như một cái nhà thương điên. Chàng ngồi xuống, đón nhận việc người ta gọi đến chức vụ đại uý của mình và gọi một ly Martini. Nếu như chàng có trông thấy Catherine uống rượu, chàng cũng không hề nói năng gì. Catherine muốn nói to ý nghĩ của mình. Anh cho em biết món quà bất ngờ của anh đi. Chúng ta đang tổ chức lễ mừng gì đây. Song nàng không nói được nên lời. Ngạn ngữ Hungary cổ có câu: "Chỉ có những kẻ điên mới lặn lội đi tìm tin tức xui mà thôi". Nàng lại nhấp một ngụm Martini nữa. Có thể đây không đúng với ngạn ngữ Hungary cổ. Có thể đây là một ngạn ngữ mới của Catherine Douglas song chỉ để nhằm vào những người cả tin mà thôi. Cũng có thể ly Martini đã làm cho nàng hơi la đà. Còn nếu như điều nàng linh tính lại là thật thì trước khi hết đêm nay, nàng sẽ uống say tuý luý. Song nhìn vẻ mặt đầy yêu thương của Larry, Catherine hiểu ngay nàng đã lầm, Larry không thể bỏ nàng mà đi cũng như nàng không thể rời chàng được. Nàng đã tưởng tượng ra một cơn ác mộng từ những suy diễn của nàng. Qua nét mặt vui sướng của chàng, Catherine hiểu rằng chàng thực sự có tin mừng muốn cho nàng hay. Larry ghé về phía nàng, mỉm cười, nụ cười trẻ thơ, nắm lấy tay nàng. - Cathy, em không thể đoán được chuyện gì đã xảy ra với anh đâu. Anh sắp ra hải ngoại. Trước mặt nàng như có một tấm màn mỏng buông xuống làm cho mọi vật trở thành mờ mờ, ảo ảo. Larry đang ngồi bên nàng, môi chàng đang mấp máy, song khuôn mặt chàng chập chờn và Catherine không nghe được một lời nào chàng nói cả. Nàng nhìn qua vai chàng. Bức tường của nhà hàng như đang chuyển dịch, lùi ra. Nàng cứ ngồi ngây người ra quan sát như vậy. - Catherine? Larry lắc tay nàng. Đôi mắt nàng từ từ tập trung nhìn vào mặt chàng. Mọi vật trở lại bình thường. - Em vẫn bình thường đấy chứ? Catherine gật đầu, nuốt nước bọt, nói run run: - Tuyệt diệu. Những tin tức tốt lành vẫn thường gây tác động như vậy cho em. - Em cũng hiểu là anh cần phải hành động như vậy chứ? - Vâng, em hiểu. Thực ra, em có sống đến triệu năm em cũng không thể hiểu được đâu, anh yêu Song nếu em nói ra điều đó, anh sẽ căm ghét em, có phải thế không? Anh thiết gì loại vợ hay sách nhiễu? Vợ của người anh hùng bao giờ cũng phải tươi cười khi tiễn chồng mình đi xa. Larry nhìn nàng đăm chiêu: - Em khóc đấy à? - Đâu có - Catherine phẫn nộ nói và nàng hốt hoảng nhận ra rằng nàng đang khóc thật - Em… em phải làm quen dần với ý nghĩ đó. - Họ sẽ trao cho anh chỉ huy một phi đoàn - Larry bảo. - Thật sao? Catherine cố tỏ vẻ tự hào trong giọng nói. Chàng chỉ huy cả một phi đoàn. Hồi chàng còn bé, có lẽ chàng có cả một bộ đồ chơi lửa. Còn bây giờ chàng là một cậu bé cao lớn và họ giao cho chàng cả một binh đoàn để chàng chơi. Mà đây lại là những món đồ chơi thật, nhất định sẽ có kẻ bị bắn rụng, bị đổ máu và chết chóc. - Em muốn uống một ly nữa - Nàng bảo. - Được thôi. - Bao giờ… bao giờ anh phải ra đi? - Chỉ trong tháng này. Chàng làm ra bộ rất nôn nóng muốn ra đi ngay. Thật đáng sợ khi nàng nghĩ đến cuộc hôn nhân của nàng sắp phải chia lìa. Trên dàn nhạc, một ca sĩ đang rên rỉ: Một chuyến đi tới mặt trăng trên những đôi cánh mỏng… Nàng nghĩ: Phải, mỏng manh. Cuộc hôn nhân của mình cũng làm bằng chất mỏng tang. Đúng như nhạc sĩ Cole Porter đã nhìn thấu mọi chuyện. - Từ nay đến ngày anh đi, chúng mình còn vô khối thời gian - Larry bảo. Vô khối thời gian để mà làm gì? Catherine chua chát nghĩ. Vô khối thời gian để xây dựng một gia đình, để các con chúng ta đi trượt tuyết ở Vermont, để cùng già bên nhau ư? - Tối nay em muốn chúng ta làm gì? Larry hỏi. - Em muốn tới bệnh viện của tỉnh để người ta cắt bỏ của anh một ngón chân đi, hoặc chọc thủng một bên màng nhĩ của anh cũng được. Song Catherine lại nói to lên rằng: - Ta về nhà, làm tình. Và đó là một đòi hỏi thôi thúc mãnh liệt và tuyệt vọng ở nàng. Bốn tuần lễ trôi qua. Đồng hồ vẫn cứ lao về phía trước trong một cơn ác mộng như Kafka miêu tả, chuyển ngày thành giờ, giờ thành phút và khó có thể tin được đây đã là ngày cuối cùng của Larry rồi. Catherine lái xe đưa chàng ra phi trường. Chàng vui mừng, sung sướng, mồm nói liên miên còn nàng thì im lặng ủ dột như trong ống kính vạn hoa… và cuối cùng một chiếc hôn tạm biệt… Larry bước vào chiếc máy bay sẽ đưa chàng đi xa khỏi nàng… Cánh tay giơ lên vẫy lần cuối cùng vĩnh biệt… Catherine đứng trên sân bay ngắm nhìn chiếc máy bay nhỏ dần như một vệt tí hon trên nền trời, rồi cuối cùng biến mất. Nàng còn đứng đó một giờ nữa, cho đến lúc trời xẩm tối nàng mới quay ra xe, lái về thành phố, trở lại với căn phòng trống trải của nàng. Trong năm đầu tiên sau cuộc tiến công cảng Pearl Harbour đã có tới mười trận không chiến và thủy chiến lớn chống lại quân Nhật Bản. Quân đội đồng mình chỉ thắng có ba trận, song hai trận có ý nghĩa quyết định là Midway và trận Guadalcanal. Catherine đọc không sót một chữ nào những bài tường thuật trên báo về từng trận đánh một, sau đó nàng còn đề nghị William Fraser cung cấp thêm cho nàng những chi tiết khác. Đều đặn hàng ngày nàng viết thư cho Larry, song phải tám tuần sau nàng mới nhận được lá thư đầu tiên của chàng. Lời lẽ đầy lạc quan, phấn khởi. Lá thư đã bị kiểm duyệt gắt gao cho nên Catherine không có một ý ni rằng chàng đã qua những nơi nào và hiện nay đang làm gì. Song dù thế nào chăng nữa, nàng vẫn có cảm giác dường như chàng tỏ ra rất thích thú với công việc. Trong những giờ phút vò võ giữa đêm trường, Catherine nằm thao thức trên giường với vô vàn thắc mắc. Nàng tự hỏi, động cơ nào đã thúc đẩy Larry đáp lại sự thách thức của chiến tranh và thần chết như vậy. Không phải là chàng có ý muốn chết, bởi Catherine chưa từng bao giờ thấy ai vui sống say sưa như chàng, song có lẽ đó chẳng qua là mặt bên kia của đồng xu, chính cái làm cho ý nghĩa cuộc sống thêm sắc bén lại thường xuyên đem nó ra cọ xát với cái chết. Nàng đã đến ăn trưa với William Fraser, Catherine được biết Fraser cũng đã cố đăng lính, song Nhà Trắng khuyên ông rằng ông cứ ở vị trí hiện nay ông có thể làm được nhiều việc có ích hơn. Ông đã bị thất vọng sâu sắc. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông đề cập việc đó với Catherine. Lúc này ông đang ngồi đối diện với Catherine tại bàn ăn trưa, Fraser hỏi nàng: - Cô có được tin gì của Larry không? - Tuần trước em vừa nhận được một lá thư. - Cậu ta nói gì? - Vâng, theo thư viết thì cuộc chiến đối với anh ấy chỉ như một trận bóng đá. Chúng ta thua trong keo đầu, song bây giờ khi ta cử đội đầu tiên vào, chúng ta đã lấy lại được tình thế? Ông gật đầu: - Đúng kiểu Larry. Catherine nói se sẽ: - Nhưng chiến tranh không phải như vậy. Đây không phải là một trận đấu bóng anh Bill ạ. Trước khi cuộc chiến tranh này kết thúc sẽ có hàng triệu người bị sát hại. - Nếu như em tham gia vào đó, theo anh, em sẽ dễ dàng coi đó là một cuộc đấu bóng. Catherine quyết định sẽ tiếp tục đi làm. Quân đội đã thành lập một đơn vị cho phụ nữ với cái tên WAC. Catherine đã nghĩ tới khả năng tham gia vào một đơn vị như vậy, rồi nàng lại nhận thấy nàng có thể có ích hơn nếu làm một việc gì khác như loại công việc lái xe hoặc trả lời những cú điện thoại. Mặc dù qua các nguồn tin nàng được biết, các đơn vị WAC cũng có khá nhiều hoạt động phong phú. Có rất nhiều phụ nữ đang mang bầu trong số người đăng ký tham gia, đến nỗi theo một tin đồn cho biết thì khi những người tình nguyện đến khám sức khoẻ, các bác sĩ phải dùng đến một cái dấu nhỏ bằng cao su ấn vào bụng họ. Các cô gái cố đọc những dòng chữ nhỏ li ti mà không thể đọc nổi. Cuối cùng có một cô nảy ra sáng kiến kiếm một chiếc kính lúp. Hoá ra dòng chữ đó như sau: "Nếu như chị đọc được dòng này bằng mắt thường thì hãy báo cho chúng tôi biết". Lúc này nàng đang ngồi ăn trưa với Bill Fraser, nàng bảo rằng: - Em muốn đi làm. Em muốn một công việc gì đó giúp đỡ anh. Ông ngắm nhìn nàng hồi lâu rồi gật đầu: - Có một việc cho em đấy! Catherine ạ. Chính phủ đang muốn bán công trái quốc phòng. Có lẽ em có thể giúp vào công việc tổ chức bán công trái cho các nhân vật tiếng tăm. Mới nghe tưởng công việc dễ như trở bàn tay, không ngờ khi thực hiện mới thấy hoàn toàn khác hẳn. Nàng nhận thấy các ngôi sao màn bạc có hành vi cư xử như con nít, họ nhiệt tình, hăm hở muốn đóng góp cho chiến tranh, song hẹn được gặp họ quả là một việc hết sức khó khăn. Lịch làm việc của họ cứ thay đổi xoành xoạch. Thông thường đó không phải là lỗi của mà bởi vì việc làm phim bị trì hoãn hoặc thời gian biểu thay đổi. Catherine cứ phải đi về như con thoi từ Washington đến Hollywood rồi New York. Nàng đã quen với nếp ra đi chỉ được báo trước có một giờ đồng hồ, và nàng phải mang theo đủ quần áo để thay đổi cho từng chuyến công du. Nàng đã gặp gỡ có đến hàng chục những ngôi sao xuất sắc. - Có thật là chị đã gặp tài tử Gary Grant rồi không? Người thư ký của nàng đã hỏi như vậy sau một chuyến nàng mới từ Hollywood trở về. - Tôi đã ăn trưa với ông ấy. - Ông ấy có hấp dẫn như người ta nói không? - Nếu như ông ta biết cách lợi dụng nó, ông ta sẽ là người giàu có nhất trên đời. Sự việc xảy ra dần dần khiến cho Catherine hầu như không nhận ra. Trước đó nửa năm Bill Fraser có cho nàng biết về một vấn đề rằng Wallance Turner dính dáng đến một tài khoản quảng cáo mà Catherine đã từng sử dụng. Catherine phát động một chiến dịch mới vận dụng một phương pháp hài hước và khách hàng tỏ ra rất hài lòng. Sau đó vài tuần Bill đã yêu cầu Catherine giúp đỡ giải quyết một món nợ, và đến khi nàng nhận thức ra được vấn đề thì nàng đã dành hơn nửa số thời gian của nàng với công ty quảng cáo này. Nàng phụ trách một nửa tá tài khoản, tất cả những tài khoản này hoạt động tốt và Fraser đã trả nàng một số lương lớn cộng với một số phần trăm lợi tức. Một buổi trưa trước lễ Giáng sinh, Fraser đã tới văn phòng của nàng. Các nhân viên khác đã về nhà, chỉ còn một mình Catherine đang hoàn thành nốt công việc cho tới phút chót. - Vui chứ? - Ông hỏi. Nàng mỉm cười, hồn hậu đáp: - Cảm ơn anh Bill. Đây cũng là công việc tạo nên nguồn sống và có lương hậu. - Đừng cảm ơn anh làm gì. Chính em mới là người kiếm ra từng xu với sức lực của mình, sau này còn khá hơn. Chính vì "cái sau này còn khá hơn" kia mà anh muốn trao đổi với em. Anh muốn em làm hội viên công ty. Nàng nhìn ông ngạc nhiên: - Hội viên công ty? - Một nửa số tài khoản mới mà chúng ta có được trong sáu tháng qualà nhờ công của em đấy. Ông ngồi trầm tư ngắm nhìn nàng và không nói gì thêm. Nàng hiểu ra những điều ông nói ra là rất quan trọng. - Anh muốn có một người như em làm hội viên ư? Vẻ mặt ông sáng lên: - Anh không thể nói hết cho em thấy là anh hài lòng về việc này đến mức nào. Ông lúng túng giơ tay ra phía nàng. Nàng lắc đầu bước tránh cánh tay đang mở rộng của ông, ghì chặt lấy ông, rồi hôn lên má. Nàng nói đùa: - Bây giờ chúng ta cùng một công ty rồi nhé, em có thể hôn anh. Nàng cảm thấy đột nhiên ông ghì chặt nàng thêm: - Cathy, anh… Catherine đặt một ngón tay lên môi ông: - Đừng nói gì nữa anh Bill. Ta hãy giữ nguyên trạng như vậy. - Em biết đấy, anh đang yêu em. - Và em vẫn yêu anh - Nàng nồng nhiệt đáp. Nàng nghĩ: Về ý nghĩa mà xét, "vẫn yêu" và "đang còn yêu" là rất khác nhau như một vực sâu không có cầu nào nối liền cả. Fraser mỉm cười: - Anh hứa anh sẽ không quấy rầy em. Anh tôn trọng những tình cảm của em đối với Larry. - Cảm ơn anh Bill - nàng ngập ngừng - Em không biết liệu nói ra như vậy có ảnh hưởng gì không, song nếu như em có nghĩ đến ai khác thì người đó không ngoài anh đâu. - Anh hiểu lắm chứ - Ông cười toe toét - Anh sẽ mất ngủ suốt đêm đấy. Chú thích: (1) Thường gọi là Trân Châu Cảng (2) Hành quyết người da đen do bọn phân biệt chủng tộc thực hiện. Chương 11 Trong suốt năm vừa rồi Armand Gautier thôi không còn đặt vấn đề cưới Noelle nữa. Thoạt đầu ông có cảm tưởng ông là người có vị trí cao hơn Noelle. Tuy nhiên bây giờ tình thế hầu như đã đảo ngược. Mỗi khi họ được giới báo chí phỏng vấn, câu hỏi bao giờ cũng nhắm vào Noelle và mỗi khi họ cùng nhau đi đâu, bao giờ Noelle cũng là trung tâm chú ý, còn ông chỉ được người ta nhớ đến sau. Noelle là một người tình tuyệt vời. Nàng tiếp tục tạo cho Gautier sự thoải mái, cư xử như nữ chủ nhân của ông, và một cách có hiệu quả đã làm cho ông có địa vị của người mà khắp nước Pháp phải ghen tỵ, thế nhưng trên thực tế ông không lúc nào được một phút thảnh thơi đầu óc, bởi ông biết ông không chiếm được Noelle, và ông cũng không thể làm được việc đó, rằng đến một ngày nào đó nàng sẽ rút ra khỏi cuộc đời ông một cách tùy hứng cũng như khi nàng đã bước vào cuộc đời ông vậy. Mỗi khi ông nhớ đến việc xảy ra với ông vào cái lần Noelle bỏ ông mà đi, Gautier cảm thấy choáng cả người. Dù với bản năng của một người đầy trí xảo, có kinh nghiệm và hiểu biết đối với đàn bà, Gautier vẫn cứ yêu Noelle như điên cuồng. Nàng là sự kiện quan trọng duy nhất của cả cuộc đời ông. Nhiều đêm ông trằn trọc nghĩ ra đủ các thứ quà tặng bất ngờ đem đến cho nàng niềm hạnh phúc, ban thưởng cho ông một nụ cười, một nụ hôn hoặc một đêm truy hoan rất tự giác. Mỗi khi nàng nhìn ngắm một người đàn ông khác, Gautier tràn ngập sự ghen tuông, song ông chỉ nuốt hận mà không hề hé răng cho Noelle hay biết. Một lần sau buổi tiệc, nàng dành hết cả tối để chuyện trò với một bác sĩ danh tiếng, Gautier đã nổi cáu với nàng. Noelle lắng nghe những lời lẽ ông thóa mạ nàng, sau đó sẽ sàng đáp: - Nếu như việc tôi nói chuyện với những người đàn ông khác mà khiến anh khó chịu đến vậy, thì Armand ạ, tôi sẽ mang đồ đạc của tôi ra đi ngay trong đêm nay. Sau đó ông không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Vào đầu tháng Hai, Noelle bắt đầu tổ chức phòng trà tiếp tân. Lúc đầu chỉ là một cuộc họp mặt vào thứ bảy với một số bạn bè thân hữu của họ ở nhà hát, nhưng khi tin đồn loan đi khắp nơi rất nhanh và cuộc tiếp tân lôi cuốn cả các chính khách, nhà khoa học, nhà văn, nghĩa là bất kỳ ai mà nhóm thân hữu nọ nhận thấy là hấp dẫn hoặc gây cho họ hứng thú. Noelle trở thành bà chủ của phòng tiếp tân và là một trong những trung tâm thu hút sự chú ý. Ai cũng chỉ mong được trò chuyện cùng nàng, bởi vì Noelle luôn đặt ra những câu hỏi sắc sảo và nàng rất nhớ các câu trả lời. Nàng biết tình hình chính trị qua các nhà hoạt động chính trị, hoặc thu được kiến thức ngân hàng qua các chủ nhà băng. Một chuyên gia nghệ thuật có đã dạy cho nàng những hiểu biết về nghệ thuật, và chẳng mấy chốc nàng đã quen biết tất cả các hoạ sĩ lớn của Pháp hiện đang còn sống trên đất Pháp lúc đó. Nàng biết được nghề làm rượu vang qua chủ hãng vang lớn là Baron Rothschild và kiến thức về kiến trúc qua Corbusier. Noelle có được những ông thầy xuất sắc trên thế giới và đến lượt họ, họ lại có được một cô học trò xinh đẹp và đầy quyến rũ. Nàng có một trí tuệ nhanh nhạy để thâm nhập vào đối tượng và là một thính giả rất thông minh. Armand Gautier có cảm giác ông đang ngắm nhìn một Công nương nghênh tiếp các bộ trưởng của nàng và chỉ khi ông nhận ra điều đó, ông mới thấy là ông hiểu được hơn tính cách của Noelle. Ngày tháng dần trôi. Gautier bắt đầu có cảm giác vững tâm hơn chút đỉnh. Ông nhận thấy Noelle đã gặp gỡ mọi loại người có thể gây tác động cho nàng, thế mà nàng vẫn không hề mảy may quan tâm chú ý đến một ai. Nàng vẫn chưa gặp Constantin Demiris đấy thôi. Constantin Demiris là chúa tể một vương quốc rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với rất nhiều nước. Ông không có chức danh hoặc một địa vị chính thức nào, song ông thường xuyên mua bán các thủ tướng, hồng y giáo chủ, đại sứ và vua chúa. Demiris là một trong số hai hoặc ba nhân vật giàu bậc nhất thế giới, có một hãng máy bay, là chủ nhiều tờ báo, ngân hàng, nhà máy cán thép, mỏ vàng. Những chiếc vòi bạch tuộc của ông vươn ra khắp mọi nơi, đan kết chằng chịt trên hoạt động kinh tế của hàng chục quốc gia khác nhau. Ông có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá nhất trên thế giới, có cả một phi đội máy bay riêng, hàng chục căn nhà và villa rải rác trên khắp hoàn cầu. Constantin Demiris có vóc người cao trên mức trung bình, bộ ngực đồ sộ, đôi vai rộng. Vẻ mặt của ông u tối, ông có chiếc mũi rộng kiểu người Hy Lạp và đôi mắt đen ánh lên vẻ thông minh. Ông không quan tâm đến chuyện ăn mặc, tuy nhiên ông vẫn luôn luôn được liệt vào danh sách những người ăn mặc sang trọng nhất. Người ta đồn rằng ông có trên năm trăm bộ com lê. Tình cờ đi đến đâu ông cũng có thể cho đặt may quần áo. Com lê của ông do các thợ may trứ danh Hawes và Curtis ở London cắt, sơ mi thì do Brioni ở Roma may, còn giày thì do Daliet Grande ở Paris đóng, cà vạt thì mua từ hàng chục nước khác nhau. Demiris có một sức hấp dẫn lạ lùng mỗi khi ông xuất hiện ở đâu đó. Một khi ông bước vào một căn phòng nào, những người chưa từng biết ông là ai cũng phải chăm cú nhìn ông. Báo chí trên khắp thế giới đã từng viết hàng loạt chuyện về Constantin Demiris và những hoạt động của ông, cả trên phương diên kinh doanh và quan hệ xã hội. Giới báo chí thường hay trích dẫn lời của ông. Khi c một ký giả hỏi ông rằng bạn bè ông có giúp ông được gì trong việc thành đạt không, ông đáp: "Muốn thành đạt cần phải có bạn bè thân hữu. Còn muốn thành đạt cao thì cần phải có kẻ thù". Khi người ta hỏi ông có bao nhiêu người làm công, Demiris đáp: "Đâu có, chỉ toàn những giáo hữu thôi. Một khi quyền lực và tiền bạc dính líu vào, công việc kinh doanh trở thành một tín ngưỡng và các văn phòng trở thành đền thờ". Ông lớn lên trong sự giáo dục của Nhà thờ Cơ đốc giáo Hy Lạp, song ông nói về tôn giáo có tổ chức chặt chẽ đó như sau: "Nhân danh tình thương yêu, người ta đã phạm những tội ác nhiều gấp hàng ngàn lần so với nhân danh sự cứu dân". Cả thế giới biết rằng ông đã thành hôn với con gái của một gia đình hoạt động lâu năm trong ngành Ngân hàng Hy Lạp, rằng mỗi khi Demiris đi chơi bằng con tàu buồm của ông hoặc ở trên hòn đảo riêng, bà vợ ông rất ít khi đi cùng. Thay vào đó, ông thường có một nữ tài tử hoặc một người phụ nữ nào đó đang được ông lưu tâm. Những cuộc đi chơi xa đầy mơ mộng cũng mang tính huyền thoại và rực rỡ chẳng khác gì các hoạt động tài chính của ông. Ông đã ăn nằm với hàng tá minh tinh màn bạc, những phu nhân của các ông bạn thân cận của ông, với một tiểu thuyết gia mới mười lăm tuổi và với những quả phụ vừa mới goá chồng. Người ta còn đồn đại rằng có một lần ông còn bị cả một tốp nữ tu sĩ gạ gẫm bởi những người này muốn có một tu viện mới. Đã có nửa tá sách viết về Demiris, song chưa một quyển nào đề cập đến bản chất của con người này hoặc cố tìm cách phát hiện ra được bí quyết thành công của công. Constantin Demiris tuy là một trong những nhân vật được cả thế giới biết tới, song ông lại là một người hết sức kín đáo, và ông đã tạo ra hình ảnh bề ngoài trước thiên hạ để che giấu con người đích thực ở bên trong ông. Ông có vài ba chục bạn bè thân tín ở khắp mọi tầng lớp xã hội song không một ai thực sự hiểu hết con người ông. Những thực tế rành rành thì ai cũng biết rõ cả. Ông ra đời ở Piraeus trong một gia đình bố làm người thầu hàng trên tàu thủy, có mười bốn anh chị em cả thảy, cho nên trên bàn ăn không lúc nào đủ thức ăn và nếu có đứa con nào muốn có thêm cái gì thì nó phải giành giật mới có được. Ở Demiris luôn luôn có nhu cầu thôi thúc đòi hỏi nhiều thêm cho nên cậu bé đã phải giành giật để đoạt lấy. Ngay từ khi còn nhỏ, một cách tự nhiên, đầu óc Demiris đã chuyển mọi thứ thành toán học. Cậu biết rõ số bậc thềm đền Parthernon, đi tới trường mất mấy phút, trong một ngày nào đó số con tầu neo ở cảng là bao nhiêu. Thời gian là một số được chia thành nhiều phần mà Demiris học sử dụng không để lãng phí. Kết quả là ở chỗ không cần phải có một sự nỗ lực thật sự nào, Demiris vẫn có thể hoàn thành một số lượng lớn công việc. Khả năng tổ chức ở ông đã trở thành bản năng, một tài nghệ hoạt động hoàn toàn có tính chất tự động dù cho ông làm việc nhỏ nhặt nhất cũng vậy. Trong bất cứ việc gì, ông cũng đem trí xảo của mình ra để ganh đua với trí xảo của những người xung quanh ông. Khi Demiris nhận ra rằng mình thông minh hơn đa số mọi người, ông không lấy thế làm tự cao tự đại. Khi có một phụ nữ xinh đẹp nào muốn chung chăn gối với ông, ông không một chút nào tự tán dương bản thân rằng đó là nhờ mẽ bề ngoài hoặc tính cách của ông, song ông cũng không bao giờ cho phép việc đó khiến ông phải bận tâm suy nghĩ. - Thế giới là một thị trường lớn, con người nếu không phải là kẻ mua thì là người bán. Ông hiểu rằng có một số phụ nữ bị tiền của ông hấp dẫn, một số khác bị quyền lực của ông hấp dẫn và chỉ có một số, song cũng rất ít là bị trí tuệ và sức tưởng tượng của ông hấp dẫn. Hầu như mọi người mà ông gặp đều muốn lấy ở ông một cái gì đó: hoặc cầu xin sự thương cảm, tài trợ cho một dự án kinh doanh hoặc muốn giành uy lực nhờ sự quen biết ông mà có được. Demiris rất thích thú với việc tự ông phát hiện ra xem người ta đang thực sự mưu cầu cái gì, bởi vì động cơ đó ít khi bộc lộ rành rành ra cho ông thấy ngay. Với một đầu óc phân tích, luôn luôn hoài nghi trước những sự thật bề ngoài, và cũng do những hậu quả đã chỉ ra cho thấy, ông không bao giờ tin một chuyện gì ông nghe được cũng như chẳng bao giờ tin một ai cả. Các ký giả đã từng lập biên niên sử cuộc đời đời ông chỉ thấy được ở ông một sự vui tính, hấp dẫn mà thôi, và một con người rất mực phong nhã lịch lãm, thạo đời. Họ không bao giờ nghi rằng ẩn dưới cái vẻ bề ngoài đó, Demiris là một kẻ sát nhân, một tên du thủ du thực mà bản năng của y là luôn tìm đến chỗ hiểm của kẻ khác. Đối với những người Hy Lạp cổ đại thuật ngữ thekaeossine, công lý thường đồng nghĩa với ekthekissis, sự trả thù và Demiris thấm nhuần cả hai khái niệm đó. Ông nhớ rất kỹ từng chi tiết những gì ông đã từng phải chịu đựng, và những kẻ nào không may phải chuốc lấy sự hằn thù của ông thì phải trả giá gấp hàng trăm lần. Họ không bao giờ nhận ra được điều đó, bởi đầu óc tính toán rạch ròi của Demiris sẽ biến cuộc trả thù thành một trò chơi, ông kiên trì vạch ra từng cạm bẫy tinh vi, tiến hành những mưu mô phức tạp rối rắm để cuối cùng chộp bắt và tiêu diệt kẻ thù của mình. Khi Demiris mười sáu tuổi, ông đã tham gia một công ty kinh doanh đầu tiên với một người lớn tuổi hơn tên là Spyros Nicholas. Demiris đã nghĩ ra việc mở một quán ăn nhỏ trên bến cảng để phục vụ thức ăn nóng cho những người bao thầu hàng làm việc ca đêm. Chàng thanh niên Demiris đã góp vào một nửa số tiền cho công ty, nhưng đến khi công việc làm ăn khá lên Nicholastìm cách hất cẳng chàng trai ra khỏi công ty và một mình nắm lấy tất cả Demiris đã chấp nhận số phận và tiếp tục gây dựng những cơ nghiệp khác. Hai mươi năm sau Spyros Nicholas đã có trong tay công nghiệp kinh doanh ngành đóng thịt hộp và trở nên giàu có, phát đạt. Ông ta đã có vợ, ba con và trở thành một trong những nhân vật tăm tiếng ở Hy Lạp. Trong suốt những năm đó, Demiris vẫn kiên trì thu mình ngồi yên, mặc cho Nicholas gây dựng nên vương quốc nhỏ bé của ông ta. Cho đến khi Demiris nhận thấy Nicholas đã thành đạt và sung sướng đủ độ rồi thì Demiris mới đụng tới. Do sự nghiệp kinh doanh đang tiến triển, Nicholas nghĩ đến việc mua các nông trại để tổ chức chăn nuôi tự cung cấp lấy thịt và mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ. Constantin Demiris có một ngân hàng mà Nicholas lại đang vay vốn. Ngân hàng này khuyến khích vay tiền để mở rộng kinh doanh với một lãi suất mà Nicholas bị hấp dẫn mạnh. Nicholas lao như điên vào và trong lúc công việc đang diễn tiến nủa chừng thì ngân hàng đó đột ngột đòi thu hổi vốn của Nicholas. Khi Nichoìas lúng túng lên tiếng phải kháng rằng ông ta không thể thanh toán được, ngân hàng lập tức bắt đầu xúc tiến các thủ tục tịch biên tài sản. Những tờ báo của Demiris mau mắn đưa câu chuyện này lên trang nhất và các chủ nợ khác cũng lục tục tuyên bố tịch biên của cải của Nicholas. Ông ta đi hết các nhà băng và các cơ quan tín dụng, song vì một lý do gì ông không rõ. Tất cả đều từ chối tài trợ cho ông ta. Ngày hôm sau lâm vào tình thế phá sản, Nicholas đã phải tự vẫn. Quan điểm của Demiris về thekaeossine là một con dao hai lưỡi. Nếu như ông không tha thứ cho một vết thương thì ông cũng không bao giờ quên một việc làm hảo tâm nào. Bà chủ nhà đã từng cưu mang chàng trai quá nghèo, túng không đủ tiền trả hồi nào, lại còn chu cấp cho cậu có đủ miếng cơm manh áo thì bỗng đột ngột một hôm trở thành là chủ nhân của cả một toà nhà gồm nhiều căn nhà, song bà cũng không hề biết được ân nhân của bà là ai. Một thiếu nữ trẻ đã từng cưu mang anh chàng Demiris không một xu dính túi hồi nào, được một người vô danh tặng cho cả một chiếc villa và một khoản lương hưu suốt đời. Những người đã từng có quan hệ với chàng trai đầy tham vọng trước đây bốn chục năm đều không hay biết rằng những quan hệ tình cờ như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời họ. Chàng Demiris trẻ trung năng động trước kia đã từng cần đến sự giúp đỡ của các chủ nhà băng, các luật sư thuyền trưởng, các hiệp hội, chính trị gia và các nhà tư bản tài chính. Có một số người đã khuyến khích giúp đỡ chàng, song cũng có nhiều kẻ khác dìm chàng, lừa lọc chàng. Trong tim óc của con người Hy Lạp đầy tự đắc đó luôn luôn ghi khắc từng vụ việc một. Bà vợ Melina của ông có một lần lên án ông về việc ông đóng vai trò của vị Chúa phán xét. - Mọi người ai cũng đều có vai Chúa hết - Demiris bảo với bà - Chỉ có điều một số người trong chúng ta chuẩn bị cho vai này tốt hơn những kẻ khác. - Song nếu như tiêu diệt sinh mạng của người khác thì điều đó không được, anh Costa ạ. - Không có gì là không được cả. Đó chính là công lý. - Là sự trả thù thì đúng hơn. - Đôi khi hai cái đó cũng chỉ là một. Đa số những kẻ xấu tìm cách rũ bỏ những cái ác mà họ đã làm. Anh chỉ muốn bắt họ phải đền bù lại những việc họ đã làm. Đó chính là công lý. Ông thích bỏ ra nhiều thì giờ để nghĩ ra những phương kế đưa các đối thủ của ông vào cạm bẫy. Ông nghiên cứu rất kỹ càng những nạn nhân của mình, phân tích cá tính của họ, đánh giá kỹ mặt mạnh mặt yếu. Hồi Demiris mới có ba chiếc tàu chở hàng cỡ nhỏ và ông cần vốn để phát triển đội tàu của mình, ông có đến gặp một chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ ở Basel. Chủ ngân hàng này không những từ chối ông mà lại còn gọi điện thoại cho các bạn bè cũng là chủ ngân hàng, khuyên họ không nên cho người thanh niên Hy Lạp này vay tiền. Cuối cùng Demiris phải xoay sang vay tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ. Demiris đã chờ đợi thời cơ khá lâu. Ông xác định rằng cái gót Asin(1) của gã chủ ngân hàng này chính là lòng tham vô đáy. Demiris đã thương lượng với Ibn Saud ở Ả Rập nhận cho đấu thầu một khu vực mới tìm thấy dầu lửa. Vụ đấu thầu này trị giá khoảng vài trăm triệu đô-la đối với công ty Demiris. Ông chỉ thị cho một nhân viên tìm cách để dò dẫm tin này cho ông chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ kia biết về vụ làm ăn sắp tới Chủ ngân hàng được mời tham gia 25 phần trăm cổ phần trong công ty mới nếu như ông bỏ ra năm chục triệu đô-la. Chủ ngân hàng nhanh chóng cho thẩm tra lại vụ làm ăn này và khẳng định sự việc có thực. Vì cá nhân ông không có sẵn số tiền này, ông đã lặng lẽ vay ở ngân hàng mà không thông báo cho ai biết cả, bởi vì ông muốn làm ăn mảnh. Tuần sau, khi công việc giao dịch xảy ra rồi, lúc đó ông có thể hoàn lại số tiền ông đã rút ra. Sau khi Demiris cầm tấm ngân phiếu của chủ nhà băng trong tay, ông tuyên bố với các báo chí là cuộc thương lượng với Ả Rập đã bị hoãn lại. Cổ phiếu bị khê đọng. Chủ ngân hàng không cách nào bù lại được những thua lỗ, và vụ biển thủ của ông ta bị phát hiện. Demiris chỉ gỡ lại ở các cổ phiếu của chủ ngân hàng mỗi đô-la có vài ba xu, nhưng sau đó vẫn cứ tiếp tục công việc khai thác dầu lửa. Cổ phiếu lại lên vùn vụt. Song chủ ngân hàng đã bị kết án hai mươi năm tù về tội biển thủ. Trong cuộc chơi của Demiris cũng có một số đối thủ mà ông chưa có dịp gặp lại được, song ông vẫn chưa vội vàng gì. Ông rất thích những dụ án, phương sách và quá trình thực thi phương sách. Cũng giống như trong môn cờ vua, Demiris là một kiện tướng về cờ. Tạm thời lúc này ông không có ai là kẻ thù bởi vì không ai dám đứng ra đương đầu với ông, vì thế sự quàn tâm của ông chỉ khoanh lại với những kẻ nào đã cản trở đường đi của ông trong quá khứ. Con người này vào một buổi chiều Chủ nhật đã xuất hiện ở phòng tiếp tân của Noelle Page. Ông dừng lại ở Paris vài giờ trên đường đi Cairo, và một nữ nghệ sĩ điêu khắc mà ông ghé thăm đã gợi ý họ nên dừng lại tại phòng tiếp tân này. Vừa mới thoạt nhìn thấy Noelle, Demiris nhận ngay ra rằng ông cần đến nàng. Ngoài cái phong thái quá vương giả mà đối với cô con gái một ông lái cá ở Marseille không được coi là gì, có lẽ Constantin Demiris còn có vẻ gì đó hấp dẫn hơn mà ngay cả một ông vua nhiều khi cũng không thể có được. Ba ngày sau khi nàng gặp ông, Noelle đã bỏ dở vở kịch của nàng mà không hề cho ai hay biết, nàng đã va ly khăn gói lên đường theo Constantin Demiris sang Hy Lạp. Do Noelle và Constantin Demiris đều là những người có những địa vị nổi tiếng cho nên một điều có tính chất tất yếu là quan hệ giữa họ trở thành một cause célèbre(2) có tính chất quốc tế. Các phóng viên nhiếp ảnh và viết bài thường xuyên tìm cách phỏng vấn bà vợ của Demiris, song cho dù tâm trí bà có bị xáo động bà vẫn cố giữ hết sức bình thản. Melina Demiris trước sau chỉ bình luận với báo chí rằng chồng bà có rất nhiều người bạn trên khắp thế giới và trong chuyện này bà không thấy có gì là lấn cấn cả. Nhưng riêng cá nhân, bà đã thuật lại cho hai ông bà cụ nhà bà, những người rất lấy làm khó chịu về chuyện bê bối này rằng Costa cũng đã từng có nhiều quan hệ trước đây, rằng sớm muộn mọi chuyện sẽ trôi qua như những vụ trước đây mà thôi. Chồng bà thường có những chuyến công du mở rộng kinh doanh và bà được thấy nhiều tấm hình đăng tải trên báo chí có ông cùng với Noelle hết ở Constantinople lại ở Tokyo hoặc Rome. Melina Demiris là một phụ nữ đầy tự đắc, song bà quyết phải ngậm bồ hòn làm ngọt bởi bà thực sự yêu chồng. Bà đành chấp nhận sự thật, mặc dù bà không bao giờ có thể tìm ra được nguyên nhân. Sự thật đó là có nhiều đàn ông cần có nhiều hơn một người đàn bà và thậm chí một người đàn ông rất yêu vợ vẫn có thể ngủ với một người đàn bà khác. Còn với bà, bà thà chết chứ không để cho một người đàn ông nào khác đụng đến bà. Bà không bao giờ trách cứ chồng, bởi bà biết rằng nếu có làm như vậy cũng chẳng đạt được mục đích gì mà chỉ đẩy ông ra xa hơn. Họ giữ thế cân bằng trong một quan hệ hôn nhân tốt đẹp. Bà biết rằng bản thân bà không phải là một người biết yêu say đắm, song bà sẵn sàng để cho chồng muốn làm gì mình trên giường mỗi khi ông muốn, và bà cũng cố gắng đáp ứng sự khoái lạc mà bà có thể làm được. Bà không biết những cách làm tình của Noelle với chồng bàchứ nếu không, bà sẽ choáng váng lên, và nếu bà biết chồng bà thích thú như thế nào, hẳn là bà sẽ đau khổ vô cùng. Sự hấp dẫn chính của Noelle đối với Demiris, một người không còn thấy ngạc nhiên trước bất kỳ phụ nữ nào, chính là ở chỗ nàng là một kho đầy ắp những điều bất ngờ. Đối với ông, một người ham chuộng những điều kỳ lạ thì nàng đúng là một câu đố hết sức khó giải. Ông chưa từng gặp một phụ nữ nào như nàng. Nàng chấp nhận những vật xinh đẹp ông đem tặng nàng, song nàng vẫn thấy sung sướng khi ông chẳng tặng nàng thứ gì cả. Ông mua cho nàng một chiếc villa sang trọng ở Portofino nơi nhìn ra bãi biển cong vành móng ngựa, nước xanh trong vắt, song ông biết rằng nếu đem đổi lấy một căn nhà nhỏ bé ở khu Plaka cổ lỗ ở Athens thì đối với nàng cũng chẳng có gì là khác nhau. Trong đời, Demiris đã từng gặp rất nhiều phụ nữ cố tình lợi dụng giới tính của mình để mè nheo ông cái nọ cái kia song Noelle chưa bao giờ vật nài ông cái gì cả. Có những phụ nữ đến với ông để được lấy cái vinh quang toả ra ở ông, song trường hợp Noelle, nàng lại chính là người hấp dẫn các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh. Đã có lúc Demiris thích thú đối với ý nghĩ cho rằng có lẽ nàng yêu ông chính là vì ông danh giá, song ông phải thành thực với mình là đừng nên giữ cái ảo tưởng đó. Lần đầu tiên trong đời, Demiris gặp được một người đàn bà còn mãnh liệt hơn cả ông, tình dục ở nàng vượt hơn ông. Bất kỳ việc gì nàng đều làm tốt hơn, thường xuyên hơn và diệu nghệ hơn ông, cho đến khi cuối cùng ông chỉ còn biết nằm thư giãn trên giường, ngắm nhìn nàng và lấy làm thích thú vì chưa một người đàn bà vào đem lại cho ông sự thích thú như vậy. Nàng là một hiện tượng luôn luôn bộc lộ những khía cạnh mới mẻ để cho ông thích thú. Noelle biết nấu nướng khéo léo chẳng kém gì những tay đầu bếp mà ông trả giá đắt như những đầu bếp của nhà vua và nàng hiểu biết nghệ thuật chẳng kém gì người quản lý sưu tầm tranh tượng cho ông. Ông thích thú lắng nghe họ thảo luận về nghệ thuật với Noelle và họ ngạc nhiên trước tầm hiểu biết sâu rộng của nàng. Demiris mới mua một bức tranh của Rembrandt và tình cờ Noelle có mặt tại hòn đảo nghỉ hè khi bức tranh được chở tới. Lúc đó có mặt cả người phụ trách bảo tàng trẻ tuổi, người đã tìm được bức tranh này cho ông. - Đây là một trong những kiệt tác của nhà danh hoạ đó - Anh quản lý trẻ vừa lật tấm vải phủ bức tranh, vừa nói vậy. Đó là bức tranh tuyệt đẹp vẽ một bà mẹ bế đứa con gái. Noelle im lặng ngồi trong một chiếc ghế, vừa nhấm nháp một ly ouzo(3) vừa ngắm - Đẹp tuyệt - Demiris tán thưởng, sau đó ông quay sang Noelle - Em thích bức tranh đó không? - Thật đáng yêu - Nàng đáp, rồi ngoảnh sang anh chàng quản lý - Ông kiếm ở đâu ra bức tranh này? - Tôi đã lùng được nó ở một nhà buôn ở Brussels. - Anh ta đáp vẻ tự hào - Và tôi phải thuyết phục mãi ông ta mới bán nó cho tôi. - Ông đã trả bao nhiêu? - Noelle hỏi. - Hai trăm năm mươi ngàn bảng Anh. - Món hời đấy chứ? Noelle cầm lên một điếu thuốc lá, chàng trai kia vội tiến đến châm thuốc cho nàng. - Cảm ơn - sau đó nàng quay sang nhìn Demiris - Anh Costa ạ, nếu đúng là anh ta mua bức tranh này từ tay chủ của nó thì mới thật gọi là hời. - Anh không hiểu - Demiris nói. Người quản lý bảo tàng nhìn nàng ngơ ngác. Noelle giải thích: - Nếu đúng rằng đây là bức tranh thật thì nó phải từ tài sản của Công tước xứ Toledo ở Tây Ban Nha - Rồi nàng quay sang người quản lý hỏi: - Có đúng như vậy không? Mặt anh ta bỗng tái nhợt, anh ta lắp bắp: - Tôi… tôi không rõ. Người bán tranh không nói gì với tôi cả. Noelle mắng át luôn: - Thôi đi. Anh định nói là anh mua bức tranh này với một số tiền lớn như vậy mà không xác định được xuất xứ sao? Điều đó thật khó tin. Tài sản định giá bức tranh này là một trăm bảy mươi lăm ngàn bảng. Thế là có người đã bị lừa mất bảy mươi lăm ngàn bảng rồi. Và điều đó đúng là thực. Viên quản lý kia cùng với gã buôn tranh đã bị khép tội đồng loã và bị đi tù. Demiris trả lại bức tranh. Sau này mỗi khi nghĩ lại câu chuyện trên, ông nhận thấy chính sự trung thực của nàng còn làm ông cảm kích hơn so với sự hiểu biết của nàng. Nếu như nàng muốn, nàng chỉ việc gọi riêng người quản lý kia ra một chỗ, đe doạ tống tiền y và đòi chia tiền là xong. Thế nhưng nàng đã công khai thách thức y trước mặt Demiris chẳng vì một động cơ vụ lợi gì. Ông đã mua tặng nàng một chiếc vòng đeo bằng ngọc bích rất đắt tiền để tỏ lòng biết ơn, song nàng đón nhận món quà đó với sự biết ơn cũng chẳng khác gì khi nàng đón nhận một chiếc bật lửa hút thuốc lá. Demiris nằn nì đòi đưa nàng đi cùng ô đến khắp mọi nơi. Ông không tin một ai trong công việc kinh doanh, vì vậy ông bắt buộc phải tự mình quyết định tất cả. Ông thấy việc thảo luận với Noelle những vụ kinh doanh lớn là rất hữu ích. Nàng có những kiến thức uyên bác kỳ lạ về nghề kinh doanh, song chỉ riêng việc thỉnh thoảng có thể trao đổi chuyện trò với ai đó cũng khiến Demiris quyết định công việc được dễ dàng hơn. Mặt khác Noelle cũng được biết thêm nhiều công việc kinh doanh của ông hơn bất kỳ ai khác, tất nhiên là trừ các luật gia và kế toán viên của ông. Trước đây Demiris bao giờ cũng cặp bồ với vài ba nhân tình cùng một lúc, song bây giờ Noelle đã cho ông đủ mọi thứ ông cần vì vậy ông dần dần bỏ rơi các nhân tình kia. Họ chấp nhận sự congé(4) mà không hề ca thán gì, bởi Demiris là người hào phóng. Ông có một chiếc tàu du lịch dài một trăm ba mươi lăm foot, chạy bằng bốn động cơ diesel của hãng General Motor. Trên tàu có chở một chiếc thủy phi cơ, một đội thủy thủ hai mươi bốn người, hai chiếc thuyền gắn máy và trên tàu còn có một bể bơi nước ngọt. Tàu có mười hai căn phòng kép dành cho khách được bố trí rất đẹp và có cả một căn nhà dành cho ông trong đó chất đầy tranh và đồ cổ. Mỗi khi Demiris hưởng lạc trên du thuyền của mình thì Noelle mới đích thực là bà chủ. Khi Demiris dùng máy bay hoặc tàu thủy riêng để tới hòn đảo của mình thì cũng chính Noelle là người được ông đem theo, trong khi đó Melina phải ở nhà. Ông rất thận trọng không bao giờ cùng mang theo vợ và Noelle đi cùng nhau, ông tất nhiên ông hiểu rằng vợ ông cũng biết quan hệ riêng của ông với nàng. Mỗi khi Noelle đi tới đâu, nàng đều được đối xử như một bậc vương giả. Song chẳng qua số phận nàng đã định như vậy. Hồi nhỏ cô bé đã từ cửa sổ của căn phòng bẩn thỉu nhà cô ngó nhìn ra đoàn thuyền của cô ở Marseille, và bây giờ lớn lên, nàng chuyển sang hạm thuyền lớn nhất thế giới cũng là điều tất yếu mà thôi. Noelle cảm phục Demiris không ở chỗ ông giàu của cải, lắm danh tiếng, mà nàng cảm phục ông bởi trí tuệ mẫn tiệp và sức mạnh ý chí. Ông có trí khôn và ý chí của một kẻ khổng lồ, ông biến những kẻ khác khi đem so với ông trở thành những kẻ bạc nhược hèn mọn. Nàng cảm thấy ở ông có một sự tàn bạo không lúc nào nguôi, song phần nào điều đó cũng khiến ông càng thêm thích thú, bởi ông cũng tìm thấy ở nàng những nét tương tự như vậy. Noelle nhận được thường xuyên những lời yêu cầu nàng sắm vai trong các vở kịch hoặc bộ phim song nàng vẫn dửng dưng như không. Nàng đang đóng một vai quan trọng trong câu chuyện của đời nàng, và câu chuyện này còn hấp dẫn hơn bất kỳ một kịch bản nào mà một nhà biên kịch có thể xây dựng được. Nàng dùng bữa tối cùng với các vua chúa, thủ tướng và các đại sứ, và tất cả mọi người đều vồ vập săn đón nàng bởi vì họ biết rằng nàng có cái tai thính của Demiris. Họ để lộ ra một cách tế nhị những nhu cầu đang cần, và họ hứa với nàng đủ mọi thứ nếu như nàng giúp đỡ họ. Song Noelle đã có đủ thứ trên đời rồi, cần gì nữa. Nàng thường nằm bên Demiris, kể cho ông nghe về từng vị đang có nhu cầu gì và qua nguồn tin này Demiris có thể ước định được các nhu cầu của họ, những chỗ họ mạnh, chỗ họ yếu ra sao. Để sau đó ông sẽ gây áp lực đúng chỗ và từ đó ông lại khơi thêm nguồn tiền của đổ vào những chiếc rương vốn đã đầy ắp. Hòn đảo riêng của Demiris là một trong những nguồn vui lớn nhất của ông. Ông đã mua hòn đảo này khi nó còn là một mảnh đất hoang cằn và đã cải biến nó thành một thiên đường. Trên đỉnh đảo có một chiếc villa kỳ thú mà ông thường đến ở, hàng tá những ngôi nhà xinh xắn, một khu dành cho săn bắn, một hồ nhân tạo chứa nước ngọt, một hải cảng cho chiếc tàu của ông neo đậu và một bãi cho chiếc máy bay của ông hạ cánh. Trên hòn đảo có tám mươi người hầu và một đội bảo vệ có vũ trang để ngăn chặn những kẻ từ bên ngoài đột nhập vào. Noelle rất thích sự cô quạnh của hòn đảo và nàng đặc biệt thích nó nhất, mỗi khi chỉ có mình nàng là khách thôi. Constantin Demiris lấy làm hài lòng và cho rằng đó là vì nàng thích cô độc với một mình ông thôi. Ông chắc sẽ ngạc nhiên biết chừng nào nếu ông phát hiện ra rằng nàng luôn luôn nhớ đến một người đàn ông mà Demiris không hề biết rằng anh ta có mặt trên đời. Larry Douglas đang ở cách xa nửa vòng trái đất, đang âm thần chiến đấu trên những quần đảo bí mật. Tuy nhiên nàng biết nhiều tin tức về chàng còn hơn cả vợ chàng là người mà chàng vẫn thư từ đều đặn. Mỗi tháng ít nhất một lần Noelle lại đi Paris và ông thám tử nhỏ bé đầu hói, mắt cận thị luôn luôn có một bản báo cáo cập nhật sẵn sàng cung cấp cho nàng. Lần đầu tiên Noelle trở lại Pháp để gặp Barbet rồi lại cố gắng rời Pháp ra đi, nàng bị người ta gây khó dễ về việc lấy thị thực xuất cảnh. Nàng phải ngồi đợi ở Sở Hải quan đến năm tiếng đồng hồ, cuối cùng người ta cho phép gọi một cú phôn cho Constantin Demiris. Mười phút sau khi nàng nói chuyện với Demiris, một sĩ quan người Đức đã đi như lao vào phòng rối rít bày tỏ lời xin lỗi của chính phủ anh ta. Noelle được người ta cấp cho một loại thị thực đặc biệt và sau đó không lần nào còn ai chặn lại nữa. Ông thám tử nhỏ thó luôn luôn mong ngóng những cuộc thăm viếng của Noelle. Ông đang moi được ở nàng một khoản tiền kếch xù, song cái mũi thính của ông đánh hơi thấy còn những món tiền lớn hơn nhiều. Ông rất hài lòng khi thấy nàng có thêm quan hệ mới với Constantin Demiris. Ông có cảm giác rằng không cách này thì cách khác mối quan hệ đó cũng sẽ mang lại cho ông một lợi ích lớn về tiền bạc. Trước hết ông phải kiểm tra kỹ đảm bảo Demiris không hay biết tí gì rằng người tình của ông quan tâm đến Larry Douglas, sau đó ông phải phát hiện xemin tức này sẽ có giá trị như thế nào đối với Demiris. Hoặc nếu ông giữ yên lặng thì Noelle sẽ trả giá cho ông như thế nào. Ông đang đến gần một vụ làm ăn lớn, song ông phải thận trọng trong canh bạc này. Những tin tức Barbet thu thập được chi tiết đến mức đáng ngạc nhiên bởi lẽ Barbet có khả năng chi cho các nguồn cung cấp tin rất hậu hĩnh. Trong lúc vợ của Larry đọc một lá thư có dấu bưu điện của một APO(5) vô danh, thì Christian Barbet thông báo cho Noelle rằng: - Hiện nay chàng đang bay tới tốp máy bay chiến đấu số 14 Phi đoàn số 48. Lá thư gửi Catherine viết rằng: "… cưng ơi, anh chỉ có thể cho em biết rằng anh đang ở một nơi giữa đại tây dương mà thôi…" Còn Christian Barbet thông báo rõ cho Noelle rằng: - Họ đang ở đảo Tarawa. Sắp tới sẽ đến Guam. "Anh nhớ em lắm, Cathy ạ. Tình hình ở đây đang sôi động. Anh không thể nói chi tiết cho em biết được, song cuối cùng bọn anh đã có được những chiếc máy bay còn tốt hơn!" - Anh bạn của cô đang bay các loại máy bay P-38, P-30 và P-51. "Anh mừng là lâu nay em có công việc bận rộn để làm ở Washington. Chung thủy với anh, cưng nhé. Ở đây mọi chuyện ổn cả. Khi nào gặp em, anh sẽ có một tin nho nhỏ báo cho em hay. - Anh bạn cô đã được tặng thưởng một DFC(6) và đã được vinh thăng trung tá. Trong lúc Catherine nghĩ đến chồng mình và cầu chúc chàng trở về bình an vô sự, thì Noelle cũng theo dõi từng bước đi của chàng và nàng cũng cầu chúc cho Larry bình an trở về nhà. Chiến tranh chẳng mấy thời gian nữa sẽ chấm dứt. Larry Douglas sẽ trở về nhà. Trở về với cả hai người. Chú thích: (1) Ý nói là điểm yếu (2) sự kiện nổi tiếng (tiếng Pháp). (3) Rượu Hy Lạp. (4) cho nghỉ. (5) Quân bưu. (6) Distinguished Flying Cross: Huân chương chữ thập về thành tích phục vụ trong không quân. Chương 12 Một buổi sáng ngày 7 tháng Năm năm 1945, tại Reims nước Pháp, Đức quốc xã đã đầu hàng vô điều kiện trước quân đội Đồng Minh. Ách thống trị kéo dài hàng ngàn năm của Đế chế thứ Ba kia đã chấm hết. Những người trong cuộc đã từng biết đến cuộc tàn phá khốc lệt của Pearl Harbour, những người đã từng chứng kiến trận Dunkirk suýt nữa lỡ cơ hội đi vào lịch sử như một trận Waterloo của nước Anh và khả năng phòng thủ lỏng lẻo của London đến mức nào nếu vấp phải một cuộc tấn công toàn diện của không quân Đức Luftwaffe. Tất cả những người như vậy đều thấy được hàng loạt kỳ tích mang lại thắng lợi cho quân đội Đồng minh, đồng thời cũng biết rõ ranh giới giữa thắng bại rất chống chênh nếu tiến hành khác đi. Những thế lực của cái ác hầu như đã nổi lên đắc thắng, và quan điểm này thật là phi lý, thật là quá mâu thuẫn với đạo đức của đạo Cơ đốc là cái Thiện phải chiến thắng, cái ác phải quy thuận, đến nỗi bọn chúng đã sợ hãi làm ngơ đi và cảm ơn Chúa đã phù hộ và che giấu những việc làm xằng bậy của bọn chúng, không để cho các thế hệ mai sau được biết, trong hàng đống những hồ sơ được ghi dấu TỐI MẬT. Thế giới tự do lúc này đã chuyển sự chú ý sang phía Viễn Đông. Những người Nhật với thân hình ngắn cũn, mắt cận thị, mặt vẻ hài hước, đang sống mái bảo vệ từng tấc đất họ chiếm giữ được, cuộc chiến có vẻ sẽ còn kéo dài và tổn phí nhiều xương máu. Thế rồi sau đó vào ngày 6 tháng Tám, một trái bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima. Sự tàn phá vượt quá sức tưởng tượng. Chỉ sau vài phút đồng hồ, phần lớn dân cư của thành phố lớn này đã nằm chết la liệt, họ là nạn nhân của một cuộc tàn sát còn lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh và dịch bệnh ở thời Trung cổ gộp lại. Ba ngày sau, ngày 9 tháng Tám, quả bom nguyên tử thứ hai lại được ném xuống đất Nhật, lần này xuống Nagasaki. Kết quả còn tồi tệ hơn nữa. Cuối cùng nền văn minh đã đạt tới thời điểm đẹp nhất. Người ta có thể đạt tới nạn diệt chủng mà tính được bằng tỷ số số nhân những triệu người trong một giây đồng hồ. Đối với người Nhật, thế là quá đủ rồi, và ngày 2 tháng Chín năm 1945, trên tàu chiến Missouri, tướng Mỹ Douglas Mac Arthur đã nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Chính phủ Nhật Bản. Cuộc thế chiến thứ hai đã chấm dứt. Khi tin tức loan đi, toàn thế giới nín thở một lúc lâu, sau đó rộ lên tiếng tung hô nhiệt thành vui mừng. Các thành phố và làng mạc trên khắp hành tinh rầm rộ những cuộc tuần hành sôi sục của dân chúng tổ chức chào mừng chiến tranh chấm dứt, chấm dứt mọi cuộc chiến, chấm dứt mọi cuộc chiến, chấm dứt mọi cuộc chiến… Ngay ngày hôm sau, thông qua một nguồn tin kỳ lạ mà Bill Fraser không bao giờ giải thích cho Catherine rõ, ông có thể làm một cú phôn tới Larry Douglas đang đóng trên một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương. Làm như vậy mới khiến cho Catherine ngạc nhiên. Fraser bảo nàng nán đợi ông tại văn phòng nàng để trưa hôm đó họ sẽ đi ăn cùng nhau. Vào lúc 2 giờ 30 chiều, nàng gọi cho Bill qua máy bộ đàm. - Anh định đưa em đi đâu ăn trưa thế? - Nàng hỏi - Sắp đến giờ ăn chiều rồi còn gì. - Cứ ngồi yên đợi - Fraser đáp - Anh sẽ đến chỗ em ngay bây giờ. Năm phút sau, ông gọi cho nàng: - Có một cú phôn cho em ở đường dây số một đấy. Catherine nhấc ống nghe lên: - Allô! Nàng nghe có tiếng xoẹt xoẹt và rào rào như tiếng sóng từ một đại dương xa xăm. Nàng nhắc lại. Một giọng nam nói: - Bà Larry Douglas đấy phải không? - Vâng - Catherine lúng túng đáp - Ai đấy? - Xin bà đợi cho một lát. Qua ống nghe, nàng nhận thấy một giọng rất cao. Lại tiếng rào rào, sau đó là tiếng nói: - Cathy đấy à? Nàng ngồi, tim đập mạnh, không thể nói nên lời: - Larry? Anh Larry? - Đúng đấy, cưng ạ. - Trời ơi, anh Larry? - Nàng bật khóc, toàn thân nàng run rẩy. - Em thế nào, hở cưng? Nàng lấy móng tay ấn và cánh tay mình cố làm cho mình đau để ngăn chặn sự mừng rỡ thái quá đang bỗng nhiên ập đến với nàng. - Em… em vẫn khỏe - Nàng đáp - Anh… anh đang ở đâu vậy? - Nếu anh nói rõ nơi anh ở, anh sẽ bị "cúp" máy ngay. Anh đang ở một nơi giữa Thái Bình Dương. - Thế cũng là gần rồi? - Nàng cố kiềm chế giọng nói - Anh vẫn khỏe đấy chứ? - Khoẻ. - Bao giờ anh về nhà? - Sắp rồi - Chàng hứa hẹn. Catherine lại nước mắt lưng tròng: - Được, được chúng ta hãy… khớp giờ đồng hồ của nhau nhé. - Em khóc đấy à? - Đúng, em khóc đấy, anh ngốc ạ! Em mừng là anh không chứng kiến mặt em nước mắt đầm đìa. Ôi, anh Larry… Larry… - Anh nhớ em lắm, cưng ạ! - Chàng bảo. Catherine nghĩ lại những đêm dài đằng đẵng, cô đơn kéo hết tuần này qua tháng nọ, năm kia mà vắng bóng chàng, không có vòng tay của chàng, không được gần kề tấm thân khoẻ mạnh, tuyệt vời cửa chàng, thiếu sự vuốt ve, mơn trớn, yêu đương của chàng. Nàng bảo: - Em nhớ anh vô cùng. Một giọng đàn ông xen vào đường dây: - Xin lỗi đại tá. Chúng tôi sắp phải cắt máy bây giờ. - Đại tá ư? - Thế mà anh không cho em biết là anh đã được vinh thăng. - Anh ngại em sẽ băn khoăn lo lắng cho anh. - Trời, anh yêu, em mà… Tiếng gào của biển cả mỗi lúc một to hơn rồi đột nhiên im lặng, đường dây đã ngưng hoạt động. Catherine ngồi ở bàn, trừng trừng ngó nhìn vào máy điện thoại. Sau đó nàng gục xuống cánh tay, bật khóc nức nở. Mười phút sau, giọng Fraser vang lên trong máy nội đàm. - Cathy, tôi đã chuẩn bị xong rồi, đang đợi cô đây - Ông nói. - Giờ thì em rất sẵn sàng - Nàng vui vẻ đáp - Cho em mười phút chuẩn bị nhé. Nàng mỉm cười nồng nhiệt khi nghĩ đến việc Fraser vừa mới thực hiện và chắc hẳn ông đã tốn rất nhiều công sức mới làm được như vậy. Ông là người thân yêu nhất trên đời mà nàng từng biết. Tất nhiên là phải xếp sau Larry rồi. Catherine thường tưởng tượng quá nhiều đến ngày về của Larry cho nên chính cái ngày về đó lại trở nên quá bình thường. Bill Fraser giải thích cho nàng hay rằng Larry có thể trở về trên một chuyến máy bay vận tải hàng không hoặc cũng có thể là một máy bay MATS mà những chuyến bay này không có giờ giấc cố định như lịch bay của hãng hàng không thương mại. Chàng có thể cứ lên phắt một chuyến máy bay nào đó, rồi bất chấp sự việc gì xảy ra, không cần biết đường bay sẽ đi tới đâu miễn là bay đúng theo hướng chính đã định. Catherine ngồi ở nhà suốt cả ngày để đợi chờ Larry. Nàng cố đọc sách song hồi hộp quá không đọc nổi. Nàng ngồi lại, nghe tin tức qua đài phát thanh và nghĩ đến việc Larry trở về, lần này chàng sẽ về vĩnh viễn. Tới nửa đêm vẫn chưa thấy tăm hơi chàng đâu. Đến hai giờ sáng, Catherine không còn căng mắt được nữa, nàng đã ngủ thiếp đi. Nàng bị một bàn tay nắm lấy cánh tay nàng, lay nàng dậy và khi nàng mở mắt ra thìứng đó. Larry của nàng đang đứng đó, cúi xuống nhìn nàng, bộ mặt đen xạm, gầy guộc nở toét một nụ cười và như một tia chớp Catherine lao ngay vào vòng tay chàng. Mọi lo âu, cô đơn, buồn phiền của bốn năm trời đã tan hết sạch trơn giữa niềm vui tràn trề như sóng lớn, dường như thấm đến từng đường gân thớ thịt trên cơ thể nàng. Nàng ghì chặt lấy chàng cho đến khi nàng có thể làm gẫy xương nàng mới thôi. Nàng muốn cứ như thế này mãi không bao giờ cho chàng ra đi lần nữa. - Nghỉ chút đã, em nhé - Cuối cùng Larry bảo. Chàng đẩy nàng ra xa nụ cười vẫn còn tươi rói trên môi. - Báo chí mà viết như thế này thì nghe ra ngộ thật đấy chứ: "Phi công chiến đấu trở về nhà an toàn, song lại bị vợ ôm ghì đến chết ngạt". Catherine bật hết đèn lên, không sót một ngọn nào, làm cho căn phòng sáng trưng để nàng có dịp nhìn ngắm chiêm ngưỡng nuốt chửng lấy chàng. Khuôn mặt chàng lại có thêm một vẻ trưởng thành mới. Quanh khóe mắt và miệng chàng đã xuất hiện những đường nhăn mà trước đây không hề có. Ấn tượng này lại khiến chàng thêm đẹp trai hơn. Catherine lắp bắp nói: - Em muốn đi đón anh quá, song không biết đón ở đâu. Em có gọi cho Phi đoàn song họ không cho em biết một tin tức gì vì vậy em phải ngồi đợi ở nhà và thế là… Larry tiến đến sát nàng và chặn lời nói giữa chừng của nàng bằng một chiếc hôn. Chiếc hôn mạnh mẽ về thể xác đối với chàng song nàng ngạc nhiên vì nhận ra việc làm này không phải như vậy. Nàng rất yêu Larry song nếu nàng chỉ ngồi đó chuyện trò với chàng nàng thấy càng hài lòng hơn chứ không phải làm chuyện ân ái như nàng đang háo hức đòi hỏi. Nàng đã chôn vùi những cảm xúc tình dục lâu quá rồi đến mức chúng bị chôn chặt quá sâu và phải mất một số thời gian mới có thể khơi dậy và lôi chúng ra được. Song Larry không cho nàng có đủ thì giờ làm việc đó. Chàng giật phăng quần áo nàng ra, mà bảo: - Cathy, lạy Chúa, em không biết là anh mong chờ giây phút này như thế nào. Anh phát điên lên được. Bây giờ gặp lại em, anh thấy em còn xinh đẹp hơn hình ảnh anh ghi nhớ rất nhiều. Nàng có cảm giác như một kẻ xa lạ đẩy nàng lăn ra giường, và thật đáng tiếc là Larry không cho nàng đủ thì giờ để làm quen với cảnh chàng có mặt trong nhà. Còn Larry không qua những động tác chuẩn bị trước, cứ xấn xổ làm tới mà nàng biết là nàng chưa chuẩn bị gì cho chàng, nàng cắn tay để khỏi bật lên tiếng khóc. - Thế là chồng nàng đã về nhà. Một tháng liền sau đó, do ân sủng của Fraser, Catherine đã được vắng sở để ở nhà. Nàng cùng Larry hầu như lúc nào cũng cặp kè bên nhau. Nàng nấu cho chàng ăn tất cả những món chàng thích, họ cùng nhau nghe đĩa hát rồi ngồi trò chuyện liên miên không dứt cố để bù đắp những khoảng trống của những năm họ đã bị mất mát. Tối tối họ đi dự tiệc tùng, đi nhà hát và khi về đến nhà, họ lại cho nhau những ân ái vợ chồng. Bây giờ thân xác nàng đã sẵn sàng dành cho chàng và nàng lại phát hiện ở chàng một người tình đầy hấp dẫn như ngày xưa. Song vẫn gần như xưa thôi. Nàng không dám thừa nhận dù chỉ là với bản thân nàng, song nàng thấy Larry đã có thay đổi thế nào đó, khó xác định nổi. Chàng chỉ đòi hỏi nhiều mà ít chiều chuộng nàng. Trước khi ân ái vẫn có những chuẩn bị, song chàng làm như một cái máy, tuồng như đó là nghĩa vụ phải làm trước khi chàng lao vào cuộc tấn công. Và đó là một cuộc tấn công man thú, một cuộc chiếm đoạt dữ dội, như cơ thể chàng tìm đến sự trả thù về một chuyện gì đó, trừng phạt việc gì đó. Cứ mỗi lần họ làm xong thì Catherine cảm thấy thâm tím, đau nhừ người như nàng vừa qua một trận đòn. Nàng biện hộ cho chàng rằng có lẽ nguyên nhân là vì đã lâu chàng không đi lại với một người đàn bà nào. Ngày trôi qua, chuyện ân ái của chàng vẫn thế và cũng chính vì vậy mà cuối cùng Catherine chỉ mong mỏi có những sự thay đổi ở Larry. Nàng cố tìm hiểu chàng một cách bình tĩnh, cố quên đi một sự kiện rằng chàng là người chồng mà nàng vẫn yêu quý. Nàng nhận thấy đây là một người đàn ông cao lớn, vững chãi, tóc đen với đôi mắt đen và sâu, một khuôn mặt đẹp đáng sợ. Song có lẽ không nên dùng chữ "đẹp" vào chỗ này. Những đường hằn quanh miệng đã làm cho vẻ mặt của chàng thêm thô ráp. Khi nhìn con người xa lạ này, Catherine thường nghĩ. Đây có thể là một con người ích kỷ, tàn nhẫn, lạnh lùng. Tuy nhiên nàng lại tự nhủ rằng nàng đang có một nhận định lố bịch. Đây là chàng Larry đáng yêu tốt bụng và sâu sắc cơ mà. Nàng rất hãnh diện khi giới thiệu chàng với tất cả các bạn bè của nàng và những người cùng làm với nàng, tuy nhiên họ có vẻ chỉ quấy rầy chàng mà thôi. Trong các buổi tiệc chàng thường lẩn tránh ra xa một góc và cả buổi tối chỉ uống rượu. Catherine có cảm giác rằng chàng không muốn cố gắng thân mật chan hoà với mọi người. Một buổi tối nàng cố tranh cãi với chàng về chuyện này thì bị chàng quật lại: - Việc gì phải như vậy. Lúc anh phải giơ "gáo" ra cho chúng phạt thì tất cả cái lũ béo ú này đang chui lẩn ở đâu vậy. Đôi ba lần Catherine có đề cập đến việc Larry dự định sẽ làm gì trong tương lai. Nàng tưởng rằng chàng muốn ở lại trong Phi đoàn Không quân, song không ngờ việc làm đầu tiên của Larry sau khi chàng trở về là chàng xin được giải ngũ. - Quân đội là nơi dành cho bọn nịnh bợ. Người ta chỉ có mỗi một lối thoát là đi xuống - Chàng nói. Hầu như vẫn cái phong cách nhạo đời như trong lần đầu tiên nàng nói chuyện với chàng tại Hollywood. Chỉ khác là lúc đó chàng nói bông đùa. Catherine phải tìm cách trao đổi việc này với ai đó, và cuối cùng nàng quyết định nói chuyện với Bill Fraser. Nàng thuật lại cho ông nghe những sự việc đang làm nàng băn khoăn, tất nhiên không đề cập đến những chuyện riêng tư kia. Fraser động viên: - Nếu như em coi đây là một điều an ủi, thì em cần nhớ rằng trên khắp thế giới này có hàng triệu phụ nữ cũng đang trải qua những điều như em trải qua lúc này. Chuyện này cũng đơn giản thôi, Catherine ạ. Em đang có một người chồng xa lạ đó thôi. Catherine nhìn ông, không nói gì cả. Fraser ngừng lại để nhồi thuốc vào tẩu rồi châm lửa hút. - Em sẽ không thể hy vọng lấy lại được những gì em đã bỏ dở khi Larry ra đi cách đây bốn năm. Cái khoảng trống đó không còn tồn tại nữa. Em đi qua rồi mà Larry cũng qua rồi. Sự thành công của một cuộc hôn nhân một phần chính là do ở chỗ người chồng và người vợ có những kinh nghiệm chung với nhau. Họ tr bên nhau và cuộc hôn nhân của họ cũng trưởng thành. Em sẽ phải tìm kiếm lại mảnh đất chung cho cuộc tái ngộ này. - Anh Bill ạ, ngay cả khi thảo luận chuyện đó em cũng cảm thấy không tự tin ở mình. Fraser mỉm cười, nhắc nàng: - Anh biết em trước nhất. Em có nhớ không nhỉ? - Em nhớ. - Anh tin rằng Larry cũng có cách riêng của anh ấy. Anh ấy đã sống chung với hàng ngàn đàn ông trong bốn năm trời và bây giờ lại phải tập làm quen với việc sống bên một người phụ nữ. Nàng mỉm cười: - Những điều anh nói ra đều đúng cả. Lẽ ra em phải được nghe người khác góp ý cho như vậy. Fraser nhận xét: - Ai cũng có những lời khuyên hữu ích để chăm sóc cho người bị thương tổn, song có những vết thương không bộc lộ ra ngoài. Đôi khi nó lắng vào trong. - Ông nhìn thẳng vào mắt Catherine, rồi nói thêm rất nhanh - Tôi không có ý ám chỉ chuyện gì nghiêm trọng đâu mà chỉ muốn nói về những nỗi kinh hoàng mà những người lính chiến đấu thường trải qua. Trừ phi con người ta hoàn toàn điên khùng không nói làm gì, còn thì nhất định sự kinh hoàng để lại một hiệu quả to lớn đối với thế giới quan của người ta. Cô có hiểu tôi định nói gì không? Catherine đáp: - Em hiểu. Song vấn đề ở đây là ảnh hưởng như thế nào? Cuối cùng Catherine trở lại sở làm việc, mọi người ở công ty gặp lại nàng đều hết sức mừng rỡ. Trong ba ngày đầu trở lại làm việc nàng hầu như chỉ rà soát lại các chương trình vận động, mở những tài khoản mới và nắm lại các tài khoản cũ. Nàng làm việc từ sáng sớm tới khuya để bù lại những thời gian đã mất, sách nhiễu những người viết quảng cáo và các hoạ sĩ phác thảo và thuyết phục các khách hàng dao động. Nàng rất có khiếu trong công tác bởi nàng cũng yêu thích công việc này. Tối tối Larry thường đợi Catherine trở về nhà. Lúc đầu nàng còn hỏi han xem lúc nàng đi vắng chàng làm những công việc gì, song dần dần câu trả lời của chàng lúc nào cũng chung chung và cuối cùng nàng cũng thôi không hỏi nữa. Chàng dựng nên một bức tường và nàng không biết làm cách nào để xuyên qua được. Chàng lấy làm phật ý hầu như với bất kỳ chuyện gì mà Catherine nói ra, thế rồi họ thường xuyên cãi vã vì những chuyện không đâu vào đâu. Thỉnh thoảng họ ăn tối với Fraser và nàng luôn luôn cố hết sức mình để làm sao những buổi tối này được thú vị và vui vẻ khiến cho Fraser khỏi nghĩ đến việc gia đình nàng đang có gì không ổn. Song Catherine phải đối diện với một sự thật là đang có chuyện gì đó rất phiền toái. Nàng cảm thấy một phần là do nàng đã thất bại. Nàng vẫn còn yêu Larry. Nàng yêu hình dáng của chàng, yêu cái cảm giác về chàng và cả những hồi ức cũ về chàng song nàng nhận thấy rằng nếu như chàng cứ tiếp tục nhù vậy tình hình sẽ đưa cả hai người đến chỗ tan vỡ. Lúc này nàng đang ngồi ăn trưa với William Fraser: - Larry thế nào? - Ông hỏi. Phản xạ không điều kiện kiểu Pavlov thúc đẩy nàng trả lời liền là "tốt", sau đó nàng ngừng lại và đáp hững hờ: - Anh ấy cần một việc làm. Fraser ngả người ra sau, gật đầu: - Anh ấy có thấy buồn bực khi không có việc gì làm không? Nàng ngập ngừng, song không muốn nói dối ông. - Anh ấy chẳng thích làm gì cả - Sau đó thận trọngần phải tìm một việc thích hợp. Fraser chăm chú quan sát nàng, cố tìm ra ý nghĩa thực sự đằng sau những lời nàng nói. - Cậu ấy có thích làm phi công không? - Anh ấy không muốn trở lại không quân nữa. - Tôi đã nghĩ đến khả năng làm cho một hãng hàng không. Tôi hiện có một người bạn đang điều hành hãng Pan American. Được một phi công giàu kinh nghiệm như cậu ấy thì họ may mắn lắm đấy. Catherine ngồi ngẩn người ra suy nghĩ về chuyện này, nàng cố đặt mình vào địa vị Larry. Chàng yêu nghề lái máy bay hơn bất cứ chuyện gì trên đời. Nàng đáp thận trọng: - Nghe ra… cũng hay đấy. Liệu anh có thể kiếm việc đó cho anh ấy không, anh Bill? - Để tôi cố thử xem. Nhưng trước hết cô hây thăm dò Larry đi để xem cậu ấy phản ứng ra sao. - Vâng, em sẽ làm - Catherine nắm lấy tay ông, tỏ vẻ biết ơn - Cảm ơn anh rất nhiều. - Về chuyện gì? - Fraser hỏi lại, hững hờ. - Về chuyện anh luôn luôn có mặt mỗi khi em cần đến anh. Ông đặt tay lên bàn tay nàng: - Trong phạm vi của anh mà thôi. Tối hôm đó, khi Catherine thuật lại cho Larry về điều Bill Fraser gợi ý, chàng bảo: - Từ hôm anh về đến giờ mới được nghe một ý kiến hay như vậy. Và hai ngày sau chàng có cuộc tiếp kiến với Carl Eastman tại trụ sở của hãng Pan American ở Manhattan. Catherine đã là lại một bộ com lê cho Larry, chọn một chiếc sơ mi, một chiếc cà vạt và đánh bóng đôi giày của chàng cho đến khi gần như soi gương được trên lớp da giày mới thôi. - Anh sẽ gọi điện thoại cho em ngay để cho em biết tình hình ra sao. Chàng hôn nàng, nở một nụ cười ngây thơ kiểu cười của chàng rồi bỏ đi. Catherine nghĩ: Larry vẫn giống như một đứa trẻ. Chàng có thể hay nóng nảy, cáu bẳn, song chàng vẫn là người đáng yêu và hào hiệp. Mình thật là hên - Catherine thở phào - Mình đáng ra phải là một người hoàn hảo nhất trên đời. Trước mắt nàng đang có một chương trình làm việc bận rộn, song nàng không hề nghĩ được gì khác ngoài Larry và cuộc gặp gỡ của chàng. Đây không chỉ đơn thuần là một công việc. Nàng có cảm giác rằng toàn bộ cuộc hôn nhân của nàng phụ thuộc vào những gì sắp xảy ra. Ngay hôm đó là một ngày dài nhất trong cuộc đời nàng. * * * * * Trụ sở của Pan American đặt trong một cao ốc hiện đại ở Đại lộ số Năm và Phố số Năm mươi ba. Văn phòng của Carl Eastman rộng rãi, với đồ đạc tiện nghi. Rõ ràng ông ta giữ một địa vị quan trọng trong hãng: Khi Larry bước vào phòng, ông ta chào hỏi: - Xin mời vào, mời ông ngồi. Eastman khoảng ba mươi lăm tuổi, đầu cắt gọn, má hõm, đôi mắt xanh xoi mói không bỏ qua chi tiết nào. Ông ta đưa Larry tới một chiếc tràng kỷ sau đó ngồi xuống chiếc ghế tựa đối diện với chàng. - Ông dùng cà phê? - Không, xin cảm ơn - Larry đáp. - Tôi biết là ông muốn làm việc cho hãng chúng tôi. - Vâng, nếu ở đây có chỗ trống. - Hiện đang có chỗ khuyết - Eastman đáp - Nhưng có đến một ngàn chàng dô kề cao ngỏng đâm đơn vào - Ông lắc đầu ảo não - Thật k. Ngành Không quân đào tạo ra hàng ngàn thanh niên thông minh để đi lái những loại máy bay hết sức phức tạp từ trước đến nay. Rồi đến khi họ làm được việc, mà làm rất tốt nữa kia thì Không quân lại sa thải họ, không tạo cho họ việc gì để làm nữa - Ông ta thở dài - Khó mà tin được những người lũ lượt kéo tới đây suốt một ngày. Không thiếu gì những phi công cự phách, loại "át chủ" như ông. Chỉ có một chỗ khuyết mà có một ngàn đơn đâm vào… và tất cả các hãng hàng không khác cũng đang diễn ra một tình trạng như vậy. Larry cảm thấy thất vọng tràn trề: - Thế tại sao ông còn hẹn gặp tôi? - Chàng hỏi xẵng. - Vì hai lý do. Một là cái ông ở trên kia bảo tôi phải làm. Larry thấy giận bừng bừng. - Tôi không cần… Eastman ngả người về phía trước: - Thứ hai là vì ông có thành tích bay rất cừ. - Cảm ơn - Larry đáp hờ hững. Eastman quan sát kỹ chàng: - Ông sẽ qua một chương trình đào tạo tại đây. Sự thể cũng giống như trở lại nhà trường ấy. Larry lưỡng lự, không biết là câu chuyện đang đi về đâu. - Xem chừng cũng được - Chàng thận trọng đáp. - Ông sẽ dự lớp huấn luyện ở New York, ngoại ô La Guardia. Larry gật đầu, chờ đợi. - Sẽ có bốn tuần học ở trường dưới đất, sau đó một tháng huấn luyện bay. - Vậy là lái loại DC-4 sao? - Larry hỏi. - Chính thế. Bao giờ xong lớp huấn luyện, chúng tôi sẽ trả cho ông ba trăm năm mươi đô-la hàng tháng. Thế là chàng đã có việc làm. Gã khốn nạn này đã đưa ra hàng ngàn phi công xếp hàng sau chàng để doạ chàng. Nhưng chàng vẫn có việc làm rồi? Chàng lo lắng về chuyện gì kia chứ? Không một phi công nào trong cái binh chủng Không quân khốn khiếp kia có được một thành tích cao hơn chàng cơ mà. Larry cười ngượng: - Ông Eastman, tôi bắt đầu bằng công việc hoa tiêu cũng không sao, song nên nhớ tôi là phi công. Thế bao giờ thì bắt đầu. Eastman thở dài: - Các hãng máy bay đang được hợp nhất. Cách duy nhất để cho người ta tiến lên là phải có nhiều thâm niên. Phía trước anh còn rất nhiều người. Anh có muốn thử không? Larry gật đầu: - Tôi có gì để mất đâu? - Đúng thế - Eastman nói - Tôi sẽ thu xếp mọi thủ tục cho anh. Tất nhiên anh sẽ phải qua kiểm tra sức khoẻ. - Còn vấn đề gì nữa không? Larry cười: - Bọn Nhật không phát hiện ra ở tôi một thiếu sót nào. - Sớm nhất thì đến bao giờ anh có thể đi làm? - Ngay chiều nay có sớm quá không? - Thôi để thứ hai nhé - Eastman viết cái tên lên một tấm thiếp rồi trao cho Larry - Đây. Họ sẽ đợi anh vào lúc chín giờ sáng thứ hai tới. Larry gọi điện cho Catherine kể lại cho nàng về cái tin vừa qua, song giọng nói của chàng quá xúc động khiến Catherine không hiểu gì một hồi lâu. Nàng nhận thấy rằng mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Chương 13 Constantin Demiris có cả một máy bay để sử dụng riêng song niềm tự hào của ông đặt vào chiếc Hawker Siddeley có thể chở được mười sáu hành khách với những tiện nghi sang trọng, bay với tốc độ ba trăm dặm một giờ và có một đội bay bốn người. Có thể gọi đó là một toà lâu đài bay cũng đúng, Ferderick Sawrin đã phụ trách việc trang trí nội thấ còn Chagall vẽ những tranh trang trí trên tường. Thay vào chỗ những chiếc ghế máy bay thông thường là những ghế bành và những divan tiện lợi đặt khắp trong ca bin. Ngăn phía sau được biến đổi thành một phòng ngủ sang trọng. Phía trước, ngay sau buồng lái là một căn bếp hiện đại. Mỗi khi Demiris hoặc Noelle đi trên máy bay đều có một đầu bếp đi theo. Demiris đã chọn tuyển những phi công riêng của ông trong đó có một người Hy Lạp tên là Paul Metaxas và một cựu phi công chiến đấu trong không quân Hoàng gia người Anh tên là Ian Whitestone. Metaxas là một người lùn mập dễ thương, trên môi luôn luôn nở một nụ cười cởi mở, dễ lây sang người khác. Anh vốn là một thợ máy rồi bằng con đường tự học đã biết lái máy bay và phục vụ trong không quân Hoàng gia Anh, chiến đấu trên đất Anh, tại đây anh đã gặp Ian Whitestone. Whitestone người cao, tóc đỏ hoe, gầy gò đến thảm hại, tính tình khó khăn như một ông hiệu trưởng bước vào ngày đầu tiên của học kỳ mà lại ở một trường học hạng hai cho những học trò con trai cứng đầu cứng cổ. Song khi lên trời, Whitestone là một người khác hẳn. Anh có một kỹ năng tự nhiên hiếm có của một người phi công bẩm sinh, một giác quan mà không bao giờ có thể ai dậy hoặc học được. Whitestone và Metaxas đã bay cùng nhau ba năm trời chiến đấu với Không quân Đức Luffwaffe và người nọ đều trân trọng đánh giá cao người kia. Noelle thường đi những chuyến đi trên chiếc phi cơ lớn này, đôi khi đi công chuyện với Demiris, cũng có khi chỉ để du hý. Nàng đã làm quen với phi công song không hề chú ý đặc biệt đến họ. Thế rồi một hôm nàng nghe lỏm được câu chuyện họ ôn lại một việc đã xảy ra hồi họ trong không quân Hoàng gia. Từ phút đó trở đi Noelle bỏ ra một phần thời gian trên một chuyến bay để vào trong buồng lái trò chuyện với hai phi công hoặc mời một trong hai người ra ngồi với nàng trong ca bin. Nàng gợi cho họ kể lại những chuyện chiến đấu cũ, và tuy không bao giờ trực tiếp đặt ra câu hỏi song dần dần nàng biết được Whitestone đã từng là sĩ quan liên lạc trong phi đội của Larry Douglas trước khi chàng từ biệt không quân Hoàng gia, còn Metaxas mãi sau này mới gia nhập phi đoàn nên không gặp Larry. Noelle bắt đầu tập trung vào viên phi công người Anh. Thấy cô bồ của ông chủ quan tâm động viên, khuyến khích và tâng bốc, Whitestone kể lể thoải mái về quãng đời trước đây và những dự kiến trong tương lai. Anh ta kể với Noelle rằng anh ta thường quan tâm đến ngành điện tử. Người anh rể của anh ta mở một hãng điện tử nhỏ ở Úc và muốn Whitestone sang tham gia, song Whitestone thiếu vốn liếng. Anh ta vừa nói vừa cười với Noelle: - Cứ như cách sống của tôi bây giờ, thì đến mạt kiếp tôi cũng không có tiền. Noelle vẫn tiếp tục viếng thăm Paris mỗi tháng một lần để gặp Christian Barbet. Barbet đã thiết lập quan hệ với những hãng thám tử tư ở Washington, cho nên những bản tường trình về Larry Douglas đổ về liên tục. Để thử Noelle, gã thám tử người nhỏ con đề nghị được gửi các bản tường trình cho nàng tại Athens, song nàng bảo là nàng thích đến tận nơi để nhận. Barbet gật đầu ranh mãnh, rồi nói bằng giọng của kẻ đồng loã. - Tôi hiểu, thưa cô Page. Vậy là nàng không muốn cho Constantin Demiris biết rằng nàng quan tâm tới gã Larry Douglas. Những khả năng tống tiền chập chờn trong đầu óc Barbet. Noelle bảo: - Ông Barbet, ông là người rất đắc lực. Và cũng rất kín đáo. Y cười toe toét: - Cảm ơn cô Page. Nghề của tôi là phải kín đáo mà. - Đúng thế - Noelle đáp - Tôi biết rằng ông rất kín đáo bởi Constantin Demiris chưa hề bao giờ nhắc đến tên ông cho tôi biết. Chừng nào ông ta nhắc tới ông thì tôi cũng sẽ lập tức yêu cầu ông ta tiêu diệt ông ngay. Giọng của nàng vẫn bình thản, dễ thương, song hiệu quả của nó mạnh như một trái bom nổ. Ông Barbet choáng váng trợn tròn mắt nhìn nàng một lúc lâu liếm đôi môi. Ông ta lo lắng lấy tay gãi bụng rồi lắp bắp: - Tôi… tôi xin đảm bảo với tiểu thư rằng tôi… tôi sẽ không… không bao giờ. - Tôi tin là ông sẽ không làm như thế - Noelle đáp xong, bỏ ra về. Trên chuyến bay thương mại đưa nàng trở lại Hy Lạp, Noelle đọc bản tường trình mật đặt trong chiếc phong bì bằng giấy gai có gắn xi: "HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI 1402 phố "D" Washington, D.C. Về việc: 2-179-210 ngày 2 tháng Hai 1946 Ông Barbet kính mến Một trong số các cộng tác viên của hãng chúng tôi đã nói chuyện với một nhân viên mới ở phòng nhân sự của hãng Pan American, được biết: Đối tượng được coi là một phi công chiến đấu tài nghệ, tuy nhiên họ đang thắc mắc liệu anh ta có đủ tính kỷ luật để làm việc tốt trong một hãng lớn có tổ chức chặt chẽ hay không. Cách sống trong đời tư của đối tượng vẫn giống như tình hình chúng tôi đã tường thuật trước đây. Chúng tôi đã theo y đến những ngôi nhà của nhiều người đàn bà khác nhau mà y cặồ. Tại đó y thường dừng lại từ một giờ đến lâu nhất là năm giờ, và chúng tôi giả định rằng y có hàng loạt quan hệ tính giao với những người phụ nữ đó (Nếu ông cần biết thì tên và địa chỉ của họ có trong hồ sơ). Về vấn đề công việc mới của đối tượng, có thể lối sống này sẽ phải thay đổi. Chúng tôi sẽ theo dõi nếu phía ông có yêu cầu. Chúng tôi xin gửi kèm theo đây giấy thanh toán. Rất trân trọng. R. Ruttengerg Giám đôc quản trị". Noelle đặt bản tường trình trở lại phong bì, rồi ngả người về phía sau ghế, nhắm mắt lại. Nàng hình dung ra Larry, một cơn người hoạt động, không lúc nào chịu ngồi yên, lấy phải một phụ nữ mà chàng không yêu và bị kẹt trong cái bẫy mà miếng mồi chính là nhược điểm của chàng. Công việc mới của chàng ở hãng máy bay kia có thể làm trì hoãn kế hoạch của nàng một chút, song nàng biết kiên nhẫn chờ đợi. Sẽ đến lúc nàng đem Larry trở lại với nàng. Trong lúc này có những bước đi mà nàng phải tiến hành dần dần. Ian Whitestone rất thích thú khi được mời ăn trưa với Noelle Page. Lúc đầu anh ta lấy làm đắc ý vì cho rằng nàng đã say anh ta, thế nhưng tất cả những cuộc gặp gỡ của họ đều diễn ra một cách dễ chịu song rất nghiêm túc khiến anh ta hiểu rằng thân phận anh chỉ là kẻ làm thuê, còn nàng là một tiểu thư khuê các không đụng tới được. Anh thường băn khoăn không rõ Noelle cần gì ở mình. Whitestone là một người thông minh cho nên anh có một cảm giác kỳ lạ rằng những cuộc chuyện trò bâng quơ giữa họ hình như có ý nghĩa nhiều đối với nàng hơn là đối với anh. Trong cái ngày đặc biệt này, Whitestone và Noelle đã đi ô tô tới một thị trấn nhỏ bên bờ biển gần Cafe Sumon. Họ ăn trưa tại đây, Noelle mặc một chiếc áo trắng mùa hè và đi dép. Mái tóc vàng hoe mềm mại của nàng bay phất phơ, nàng đẹp hơn bất kỳ lúc nào. Ian Whitestone đã đính hôn với một cô người mẫu ở London, cô khá xinh, song vẫn không thể sánh với Noelle được. Whitestone chưa từng gặp một cô gái nào xinh đẹp bằng nàng, anh thấy ghen với Constantin Demiris, song dường như Noelle chỉ gợi lên ở anh những thèm muốn ngày trước mà thôi. Khi Whitestone đi cùng với nàng, anh cảm thấy hơi ngại ngùng. Bây giờ Noelle quay lại với đề tài về những dự định tương lai của anh và đây không phải là lần đầu tiên, anh thắc mắc không biết có phải là theo lệnh của Demiris mà nàng đi sâu tìm hiểu để phát hiệu xem anh có trung thành với ông chủ của mình hay không. - Tôi yêu thích công việc của tôi lắm - Người phi công già khẳng định một cách nhiệt thành với Noelle - Tôi muốn giữ công việc này cho đến chừng nào tôi già quá không còn biết mình bay đi đâu nữa. Noelle quan sát anh một lúc và nhận ra những điều anh đang nghi hoặc. - Tôi thật thất vọng - Nàng buồn bã bảo - Tôi tưởng anh có những hoài bão lớn hơn kia. Whitestone đăm đăm nhìn nàng: - Tôi không hiểu. - Anh chẳng đã từng nói với tôi rằng một ngày nào đó anh muốn có riêng một công ty điện tử cơ mà? Anh đã tình cờ nhắc đến chuyện đó với nàng, thật không ngờ nàng vẫn nhớ mãi. - Đó cũng chỉ là một giấc mơ viển vông - Anh đáp - Phải có nhiều tiền lắm mới nổi. Noelle đáp: - Một người với khả năng như anh không nên để cho tình trạng túng quẫn chặn đứng sự nghiệp. Whitestone ngồi ngây người, băn khoăn không biết Noelle Page đang chờ đợi anh phát biểu gì đây. Anh không thích công việc của mình. Anh đang kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ lúc nào trong cuộc đời, giờ giấc làm việc thuận lợi, công việc rất thú vị. Song mặt khác, anh lại phải ngồi ở một xó nhà mà chờ đợi gã tỉ phú tính tình kỳ cục đòi tới. Gã ta lúc nào cũng bắt anh phải sẵn sàng có mặt bất kể giờ giấc nào, bất kể ban ngày hay ban đêm. Đời sống cá nhân của anh coi như địa ngục rồi còn gì. Và người vợ chưa cưới của anh chẳng thích thú gì với công việc anh làm, dù lương bổng có hậu hĩnh hay không. - Tôi đã nói chuyện với một người bạn tôi về anh. Ông ta thích đầu tư vào các công ty mới. Nàng cố kiềm chế giọng nói không tỏ ra vồ vập. Nàng quá hồi hộp trước điều nàng sắp nói ra, nhưng lại phải thận trọng để khỏi đẩy anh ra quá xa. Whitestone ngước mắt lên, bắt gặp cái nhìn của nàng. - Ông ấy rất quan tâm đến anh - Nàng nói tiếp. Whitestone nuốt nước bọt. - Tôi… tôi không biết nói sao đây, thưa cô Page. - Tôi không trông chờ anh phải nói điều gì lúc này - Noelle khẳng định với anh như vậy - Tôi chỉ mong anh suy nghĩ về việc đó. Anh ta ngồi lặng một lúc, suy tính, cuối cùng hỏi: - Thế ông Demiris có biết chuyện này không? Noelle mỉm cười đồng loã: - Tôi e rằng ông Demiris không bao giờ tán thành. Ông ấy không muốn bị mất những người làm, đặc biệt là những người làm đắc lực. Tuy nhiên… - Nàng ngừng một chút - … theo tôi thì một người như anh sẽ phải toàn tâm toàn ý cả một đời với công việc. Tất nhiên phải trừ trường hợp anh muốn tiếp tục làm việc với một ai khác trong phần còn lại của đời mình. - Tôi không thể. Whitestone nói rất nhanh rồi bất ngờ anh nhận ra rằng mình đã để lộ ý nghĩ của mình. Anh lại quan sát kỹ nét mặt Noelle để xem có biểu hiện gì tỏ ra đây là một cái bẫy hay không, song anh chỉ nhận thấy một sự hiểu biết đầy thông cảm. - Bất kỳ người nào có bản lĩnh đều muốn làm chủ công việc của mình - Anh chống chế như vậy. - Tất nhiên - Noelle tán thành - Anh cứ suy nghĩ thêm đi chúng ta sẽ trao đổi lại sau - Rồi nàng cảnh cáo thêm - Chuyện này chỉ giữa chúng ta thôi đấy. - Được thôi - Whitestone đáp - Xin cảm ơn cô. Nếu sự việc tiến triển tốt thì thật thú vị. Noelle gật đầu: - Tôi có cảm giác là mọi việc sẽ tiến triển tốt. Chương 14 Lúc chín giờ sáng thứ Hai Larry Douglas đến trình diện với phi công trưởng, đại uý Hai Sakowits tại văn phòng của hãng Pan American ở sân bay La Guardia ở New York. Khi Larry bước vào cửa, Sakowits nhặt bản sao lý lịch quân nhân của Larry mà ông ta đã nghiên cứu kỹ lâu nay, rồi ấn vội nó vào trong ngăn kéo bàn. Đại uý Sakowits là một người chắc nịch, nét vẻ gồ ghề, mặt đầy sẹo, đượm vẻ phong trần, đôi bàn tay rất to, Larry chưa từng thấy ai có bàn tay như thế bao giờ, Sakowits quả là một trong những tay lão tướng trong ngành hàng không. Ông bắt đầu vào nghề từ những ngày còn những đội phi cơ du hành, bay các máy bay đưa thư một động cơ cho chính phủ, đã từng làm phi công dân sự trong hai chục năm trời và là phi công trưởng của Pan American trong năm năm qua. - Tôi rất vui mừng được thấy anh đến cộng tác với chúng tôi, anh Douglas ạ - Ông ta nói. - Tôi cũng lấy làm mừng được có mặt tại đây - Chàng đáp. - Anh nóng lòng được lên lại máy bay chứ gì? - Ai cần máy bay nào? - Larry toét miệng cười - Cứ chỉ tôi lên trời, tôi sẽ cất cánh ngay lập tức. Sakowits chỉ một chiếc ghế tựa. - Mời ngồi. Tôi rất muốn làm quen với các bạn trẻ đến y để thế chân cho tôi. Larry cả cười: - Ông lại khéo đuổi tôi. - Ồ, tôi không trách bất kỳ ai trong số các anh. Các anh đều là những loại phi công liều mạng, các anh có thành tích chiến đấu, khi bước vào đây đều nghĩ rằng "nếu thằng già Sakowits này có thể làm phi công trưởng thì người ta phải cho mình làm chủ tịch Ban điều hành mới đáng". Không có một anh nào dự định làm hoa tiêu lâu. Đây chỉ là một bước đệm để tiến đến vị trí phi công. Cũng được. Con đường đi phải như thế! - Tôi rất mừng vì ông nói ra như vậy - Larry nói. - Song có một điều anh cần phải biết trước, Larry ạ, tất cả chúng ta đều thuộc một liên đoàn và việc đề bạt phải tuân thủ chặt chẽ theo thâm niên công tác. - Tôi hiểu. - Điều duy nhất có thể là anh không hiểu nổi đó là vì sao những công việc này rất "bẫm" và ngày một nhiều người lao vào hơn số rút ra. Vì thế khả năng được đề bạt giảm đi. - Tôi sẽ tìm kiếm cơ hội - Larry đáp. Cô thư ký của Sakowits mang cà phê và bánh ngọt vào, hai người còn ngồi chuyện trò, làm quen với nhau thêm một giờ nữa. Tác phong của Sakowits cởi mở, ôn tồn, nhiều câu hỏi của ông có vẻ vu vơ, vụn vặt, song đến khi ra về để đi dự giờ học đầu tiên, Sakowits đã biết được nhiều điều về Larry Douglas. Larry vừa đi khỏi được mấy phút, Carl Eastman bước vào văn phòng. - Công việc thế nào? - Eastman hỏi. - Tốt lắm. Eastman nhìn ông chăm chú: - Ông nghĩ thế nào, ông Sak? - Chúng tôi thử thách anh ta. - Tôi hỏi là ông nghĩ thế nào? Sakowits nhún vai: - Được thôi, tôi sẽ nói với ông. Theo tôi có lẽ y là một tay phi công cự phách. Với chiến tích như vậy thì đích thị là cự phách rồi. Nếu đưa anh ta một chiếc máy bay, hàng đàn máy bay địch lao vào anh, tôi chắc sẽ không ai hơn được anh ta đâu - Ông ta ngập ngừng. - Cứ nói tiếp đi - Eastman giục. - Vấn đề ở đây là trên vùng trời Manhattan này không có những máy bay chiến đấu của địch. Tôi quen biết nhiều gã như Douglas vì lý do gì tôi không rõ, cuộc đời của họ đã gắn với hiểm nguy. Họ làm nhiều việc điên rồ như trèo lên các đỉnh núi cao không ai leo lên được rồi nhào xuống biển, cũng có thể họ còn lao vào những nguy hiểm quái quỷ gì nữa chứ. Khi có chiến tranh nổ ra, họ nổi lên như lớp kem trong tách cà phê nóng rẫy - Ông ta xoay chiếc ghế ngồi, quay người nhìn ra ngoài cửa sổ. Eastman đứng yên lặng chờ đợi. - Anh Carl ạ, tôi có linh tính về Douglas. Rằng y có chuyện gì đó không ổn. Có lẽ nếu y là trưởng cơ của một chiếc máy bay hãng ta, y được lái, y có thể làm nên chuyện. Song tôi không tin rằng y có đủ phẩm cách tâm lý để chấp hành lệnh của một kỹ sư, một sĩ quan số một và của một phi công, đặc biệt khi y cho rằng y có thể bay giỏi hơn tất cả bọn họ. Ông xoay lại, nhìn thẳng vào mặt Eastman: - Và cái điều trớ trêu nhất lại là ở chỗ y có thể làm được. - Anh làm tôi thấy băn khoăn đấy. - Eastman nói. - Cả tôi nữa chứ - Sakowits thú thật - Tôi cho rằng y không… (ông ngừng lại, tìm một chữ cho đúng)… vững vàng. Khi nói chuyện với y, tôi có cảm giác y như một thùng thuốc nổ, sẵn sàng nổ tung lên. - Thế ông muốn giải quyết ra sao? - Chúng tôi đang làm đây. Y sẽ đến trường huấn luyện và chúng tôi sẽ theo dõi y chặt chẽ. - Có thể y sẽ nhụt nhí. - Eastman nói. - Anh chưa hiểu được loại người này. Y sẽ là gã đứng đầu lớp đấy. Điều Sakowits dự đoán thật là chính xác. Khoá huấn luyện gồm bốn tuần lễ học trên mặt đất, sau đó thêm một tháng nữa tập bay. Vì các học viên đều đã từng là những phi công giàu kinh nghiệm đã có nhiều năm bay cho nên khoá học nhằm hai mục đích: trước hết là học các môn như hàng không, thông tin liên lạc, đọc bản đồ và học các thiết bị bay để cho các phi công có dịp ôn lại kiến thức cũ và xác định những thiếu sót của họ, mục đích thứ hai là giới thiệu cho họ làm quen với những thiết bị mới mà họ sắp phải sử dụng. Môn thiết bị bay được tiến hành trên một thiết bị tập luyện. Đó là một buồng nhỏ có hình dạng buồng lái của máy bay, được đặt trên cái bệ chuyển động tạo những điều kiện cho người phi công ngồi trong khoang lái có thể điều khiển máy bay theo bất kỳ thao tác nào bao gồm động tác nhào tắt máy, nhào xoáy ốc, xoay tròn và bay vòng tròn. Người ta đặt một nắp che màu đen trên đỉnh khoang lái để phi công không nhìn thấy gì trong khi bay và chỉ sử dụng những thiết bị trước mặt người phi công. Huấn luyện viên ở bên ngoài phòng luyện tập sẽ ra mệnh lệnh cho người phi công, ra chỉ dẫn cho anh ta cất cánh hạ cánh trong tình hình tốc độ gió mạnh, có bão tố, có những rặng núi trước mặt và cứ cách một lần lại đến một lần xuất hiện một nguy hiểm tưởng tượng phải giải quyết. Đa số các phi công ít kinh nghiệm khi mới bước vào phòng luyện tập có cảm giác đầy tự tin, song ngay lập tức họ nhận ra rằng khoang luyện tập nhỏ bé khó thao tác hơn nhiều so với điều kiện người ta tưởng. Trong một buồng lái nhỏ người ta thấy xuất hiện một cảm giác cô đơn lạ lùng, họ cảm thấy bị tách rời hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Larry là một học viên có năng khiếu. Chàng rất chăm chú nghe giảng trong lớp và lĩnh hội mọi điều người ta truyền đạt. Chàng làm hết toàn bộ các bài tập ở nhà và làm hết sức đầy đủ, cẩn thận. Chàng không hề tỏ ra nóng ruột, bứt rứt hoặc chán ngán gì cả. Trái lại, chàng là một học sinh rất chăm chỉ trong khoá học và chắc chắn là học sinh xuất sắc nhất. Chỉ có một lĩnh vực mới mẻ đối với Larry đó là thiết bị phi cơ DC-4. Những loại máy bay qua tay Douglas là loại máy bay dài, bóng láng với một số thiết bị chưa từng có khi chiến tranh bắt đầu. Larry bỏ ra nhiều giờ để khảo sát các máy bay, từng inch một, nghiên cứu cách lắp ráp chúng với nhau và cách thức chúng hoạt động. Tối tối chàng cặm cụi với hàng chục cuốn sách giáo khoa về sử dụng máy bay. Một đêm khuya sau khi tất cả các học viên đã rời khỏi xưởng để máy bay, Sakowits còn bắt gặp Larry ngồi trong một chiếc DC-4, chàng đang nằm ngửa ra dưới buồng lái để xem xét hệ thống dây điện. - Thú thực với anh là thằng khốn nạn này đang tìm cách tranh việc của tôi đấy - Sáng hôm sau Sakowits bảo với Carl Eastman như vậy. Eastman cười. - Cứ như cách y đang làm thì rồi đây y có thể đạt được đấy. Kết thúc tám tuần lễ, người ta tổ chức một lễ nho nhỏ mừng tốt nghiệp. Catherine đầy tự hào đáp máy bay tới New York để chứng kiến việc người ta gắn cho Larry phù hiệu đôi cánh của người hoa tiêu lên áo của chàng. Chàng cố tỏ ra xem thường việc này. - Cathy ạ, cái mảnh vải họ treo cho anh chỉ là chuyện vớ vẩn, cần phải nhớ rằng cái chính là công việc khi bước vào khoang lái. - Ấy anh chớ nói vậy - Nàng bảo - Em đã trao đổi với đại uý Sakowits, ông ấy cho biết rằng anh là học viên xuất sắc. - Cái thằng Ba Lan ngậm hột thị đó biết gì mà nói! - Larry bảo - Thôi ta đi tổ chức ăn mừng đi. Tối hôm đó Catherine và Larry cùng với bốn học viên cùng lớp với Larry và các bà vợ của họ đi tới ăn tối tại câu lạc bộ Hai mươi mốt ở phố Năm mươi hai Đông. Căn phòng lớn đông người, chủ tiệm cho họ hay rằng nếu không có việc đặt trước thì sẽ không có bàn. - Cái tiệm khốn nạn? - Larry bảo - Thôi ta sang tiệm Toots Shor bên cạnh. - Khoan đã - Catherine nói. Nàng tiến đến người bồi trưởng, hỏi xin gặp Jerry Berns. Một lát sau, một người thấp bé, gầy gò với đôi mắt xám xoi mói, hối hả tiến ra, nói: - Tôi là Jerry Berns. Bà cần gì tôi giúp ạ? Catherine giải thích: - Vợ chồng chúng tôi cùng mấy người bạn, chúng tôi có mười người cả thẩy. Ông ta lắc đầu: - Nếu như các vị không đặt chỗ trước… - Tôi là cộng sự của ông William Fraser - Catherine nói. Jerry Berns nhìn sang nàng trách móc. - Thế mà bà không nói ngay cho tôi hay. Xin đợi cho mười lăm phút để tôi thu xếp. - Cảm ơn ông - Catherine đáp, vẻ biết ơn. Nàng quay lại chỗ cả tốp kia đang đứng đợi. - Lạ chưa? - Catherine nói - Chúng ta có bàn rồi đấy? - Em làm thế nào xoay sở được thế? - Larry hỏi. - Dễ thôi mà. Em nhắc đến tên của William Fraser. - Nàng nhìn thấy cái nhìn là lạ trong đôi mắt Larry. - Anh ấy thường tới đây. - Catherine nói tiếp rất nhanh - Và anh ấy có dặn em nếu như có đến đây, cần bàn ăn ngay thì cứ nhắc đến tên anh ấy. Larry quay lại những người kia: - Thôi, chuồn khỏi đây ngay. Chỗ này chỉ dành cho các đôi uyên ương. Tốp người tiến ra cửa. Larry quay lại Catherine: - Đi chứ? Catherine lưỡng lự nói: - Thì đi. Em chỉ muốn cho họ biết rằng chúng ta không… - Mẹ cha chúng nó? - Larry nói to - Em có đi không nào? Mọi người đổ dồn nhìn về phía họ. Catherine cảm thấy mặt đỏ bừng. - Vâng - Nàng đáp. Nàng quay lại, bước theo sau Larry ra cửa. Họ tới một tiệm ăn Italia ở Đại lộ thứ Sáu và ăn một bữa rất tồi. Bề ngoài Catherine tỏ ra như không hề có chuyện gì xảy ra, song bên trong nàng giận sôi người. Nàng giận Larry vì chàng đã cư xử như con nít và vì đã nhục mạ nàng giữa chỗ đông người. Khi họ về đến nhà, nàng đi thẳng và phòng ngủ không nói một lời, cởi xống váy, tắt đèn, đi ngủ ngay. Nàng nghe thấy Larry ở phòng khách đang pha rượu uống. Mười phút sau, chàng bước vào phòng ngủ, bật đèn lên rồi tiến tới bên giường: - Cô định tự hành hạ mình đấy à? - Chàng hỏi. Nàng ngồi dậy, nổi đoá: - Anh đừng bắt em phải tự vệ. Thái độ của anh tối hôm nay không thể tha thứ được. Cái gì len vào anh vậy? - Thì cũng cái thằng đó len vào cô đấy. Nàng trừng mắt nhìn lại: - Sao? - Tôi đang nói đến cái ông toàn thiện toàn mỹ Bill Fraser đấy. Nàng nhìn chàng, ngơ ngác không hiểu: - Bill chỉ làm những việc gì giúp đỡ cho chúng ta thôi. - Đừng có giả bộ ngớ ngẩn - Chàng nói - Cô nhờ hắn mà có việc làm. Tôi cũng nhờ hắn mới có việc làm. Bây giờ hai ta không thể vào tiệm ăn nếu không được Fraser cho phép. Đấy, tôi đã ớn với việc hắn găng họng tôi ra hằng ngày. Catherine choáng váng trước giọng nói của Larry hơn là nội dung chàng nói gì. Cái giọng đó đầy vẻ chán chường, bất lực và lần đầu tiên nàng nhận thấy chắc hẳn là chàng bị dày vò đau khổ lắm. Chứ sao nữa? Bốn năm đi chiến đấu trở về chàng lại phát hiện ra vợ chàng cùng hội cùng thuyền với người tình cũ. Tồi tệ hơn nữa, nếu không có sự can thiệp của Fraser chàng không thể tự kiếm ra được việc làm. Catherine nhìn Larry, phút giây đó nàng chợt nhận ra đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời vợ chồng của họ. Nếu như nàng còn ở lại với chàng, thì chàng phải là trước hết, trước cả công việc của nàng, trước hết thảy mọi thứ. Lần đầu tiên Catherine cảm thông thật sự với Larry. Dường như đọc được ý nghĩ của nàng. Larry nói với vẻ ăn năn: - Anh xin lỗi. Tối nay anh hành động như một thằng khùng. Nhưng khi chúng ta không kiếm được bàn ăn mà em vừa nhắc đến cái tên Fraser kỳ diệu kia thì anh… anh bất ngờ lộn ruột lên như thế đấy. - Em cũng, anh Larry ạ - Catherine nói - Em sẽ không bao giờ làm cho anh phải khó chịu nữa đâu. Khi họ ôm chặt nhau, Larry bảo: - Đừng bỏ anh, Cathy nhé. Catherine cảm thấy nàng đã đạt tới hạnh phúc, nàng ghì chặt lấy chàng: - Em sẽ không bao giờ bỏ anh đâu, cưng ạ. * * * * * Đợt đi công tác đầu tiên. Larry làm hoa tiêu trên chuyến bay 147 từ Washington đi Paris. Sau mỗi chuyến bay chàng ở lại Paris bốn mươi tám tiếng đồng hồ, sau đó trở về nhà nghỉ ba ngày rồi lại bay chuyến khác. Một buổi sáng Larry gọi đến văn phòng của Catherine giọng đầy phấn kích: - Này em, anh đã kiếm được một nhà hàng rất tuyệt dành cho chúng mình. Em có thể bỏ đó mà đi ăn trưa nay được không? Catherine nhìn đống công văn phải thảo và đem duyệt trước buổi trưa nay, rồi đánh bạo: - Được thôi. - Mười lăm phút nữa anh sẽ tới đón em. Lucia, người trợ lý của nàng than thở: - Chị không thể bỏ mặc tôi được đâu. Ông Stuyvesant sẽ làm tùm lum lên ngay nếu như chúng ta không chuẩn bị cuộc vận động này trong ngày hôm nay. - Cứ xếp đó đã Catherine bảo - Tôi phải đi ăn trưa với chồng tôi. Lucia nhún vai: - Tôi không trách chị. Bao giờ chị chán anh ta thì nhớ cho tôi hay. Catherine cười khẩy: - Chị già quá rồi, không được đâu. Larry đón Catherine lên xe ở trước sở làm việc. - Anh làm cho công việc của em ngày hôm nay thêm căng thẳng phải không? - Chàng ranh mãnh bảo. - Đâu có. Chàng cả cười: - Tất cả cái bọn hành chính đó sẽ bị một vố choáng váng. Larry lái xe về phía phi trường. - Nhà hàng có xa không? - Catherine hỏi. Chiều nay nàng có năm cuộc hẹn làm việc, bắt đầu từ lúc hai giờ. - Không xa lắm… Chiều nay em bận à - Không - Nàng chối liền - Không có gì quan trọng. - Tốt. Khi họ rời đường rẽ vào phi trường, Larry lái xe quẹo vào đó. - Nhà hàng ở trong phi trường? - Ở cuối đằng kia - Larry đáp. Chàng đỗ xe lại, nắm lấy tay Catherine và dẫn nàng vào cổng của hãng Pan American. Một cô gái đầy hấp dẫn ngồi sau bàn chào Larry bằng đích danh chàng. - Đây là vợ tôi - Larry nói đầy tự hào - Còn đây là Amy Winston. Họ chào nhau. - Nào ta đi - Larry nắm lấy cánh tay nàng và họ về phía đường dốc xuất phát. - Kìa anh Larry… Đi đâu… - Chà, em là cô gái nhiễu sự nhất mà anh đưa đi ăn trưa đấy. Họ tiến tới đến cửa 37. Hai người ngồi sau quầy bán vé cho hành khách lên phi cơ. Có một tấm bảng thông báo ghi: "Chuyến bay 147 đi Paris - Xuất phát 1 giờ chiều". Larry tiến tới chỗ một người ngồi sau bàn: - Nàng đây rồi, Tony - Chàng trao cho người kia một tấm vé máy bay - Cathy, đây là anh Tony Lombardi. Còn đây là Catherine. - Tôi đã được nghe nói chiều về chị - Gã đàn ông cười toe toét - Vé của chị đã xong rồi - Y trao cho nàng tấm vé. Catherine kinh ngạc nhìn tấm vé: - Thế này là thế nào? Larry mỉm cười: - Anh đã dối em đấy. Anh không đưa em đi ăn trưa đâu mà đi Paris đấy. Sang nhà hàng Maxim. Giọng Catherine lạc hẳn: - Ma… Maxim? Ở Paris? Bây giờ? - Đúng thế? - Em không đi được - Catherine than vãn - Không thể đi Paris bây giờ được. - Đi được mà - Chàng cười ha hả - Anh đã lấy hộ chiếu cho em rồi. - Larry! Anh điên rồi sao? Em không mang theo quần áo Có hàng tỉ cuộc hẹn làm việc. Em… - Đến Paris anh sẽ mua quần áo cho em. Miễn tất cả cuộc hẹn đó. Trong vài ba ngày tới không có em, Fraser vẫn có thể xoay sở được Catherine trừng trừng nhìn chàng, không biết nói gì nữa. Nàng nhớ lại những điều nàng đã quyết định phải làm. Larry là chồng nàng kia mà. Chàng phải được ưu tiên số một. Catherine nhận ra rằng điều quan trọng đối với Larry không phải là việc đưa nàng sang Paris. Chàng muốn trổ tài cho nàng thấy, cho nên mới chèo kéo nàng đi trên chuyến phi cơ do chàng dẫn đường. Thế mà suýt nữa nàng làm hỏng hết cả dự định này. Nàng nắm lấy tay chàng, nhìn chàng, mỉm cười: - Chúng ta còn đợi gì nữa nhỉ? Em đến chết đói bây giờ! Paris không thiếu gì trò du hý. Larry đã bố trí nghỉ phép một tuần. Catherine có cảm tưởng là bất kể ngày hoặc đêm, giờ nào nàng cũng có việc để làm. Họ lưu trú tại một khách sạn nhỏ xinh xắn ở bên bờ tả ngạn sông Senie. Ngay buổi sáng đầu tiên ở Paris, Larry đưa Catherine tới một nhà hàng ở Champs Elyséls, tại đây chàng cố tìm mua rất nhiều hàng cho nàng. Song nàng chỉ mua những thứ mà nàng cần vì những thấy choáng váng trước tình hình thứ gì ở đây cũng đắt. - Em có biết em được thoải mái chọn không? - Larry hỏi - Em quá áy náy về chuyện tiển nong đấy. Nhưng em đang đi hưởng tuần trăng mật cơ mà. - Vâng, thưa ngài. - Nàng đáp. Song nàng từ chối mua một chiếc áo dài dạ hội vì nàng thấy không cần. Khi nàng hỏi gặng xem Larry lấy đâu ra nhiều tiền như vậy thì Larry gạt đi không chịu giải thích, song cuối cùng nàng cứ một mực đòi được biết. - Anh được tạm ứng lương - Larry bảo - Cũng khá đấy chứ? Nhưng Catherine không dám bày tỏ ý kiến gì. Về vấn đề tiền nong, chàng như một đứa trẻ, rộng rãi, vô tư lự, và một phần tình hình thoải mái của chàng là ở đây. Tính cách này cũng thấy được ở cha nàng trước đây. Larry đi tham quan một vòng quanh Paris, thăm bảo tàng Louvre, Tuileries và Les Invalides, thăm mộ chí của Napoléon. Chàng đưa nàng tới một nhà hàng trang trí sặc sỡ ở gần Sorbonne. Họ đi tới Les Halles, đến chợ nhiều tầng của Paris, ngắm nhìn cảnh rau quả và thịt tươi được mang từ các nông trại khắp nước Pháp tới đây. Họ trải qua buổi chiều chủ nhật cuối cùng tại Versailler, sau đó ăn tối tại khu vườn tuyệt đẹp ở Cog Hardi ngoại ô Paris. Thật là một tuần trăng mật tuyệt đẹp lần thứ hai của họ. Hai Sakowits đang ngồi trong văn phòng, mở xem các báo cáo nhân sự hàng tuần. Trước mặt ông lúc này là báo cáo về Larry Douglas. Sakowits ngả người ra sau, nghiên cứu bản báo cáo, bặm môi suy nghĩ. Cuối cùng ông lại nhổm dậy và bấm náy nội đàm, bảo: - Cho anh ta vào. Một lát sau, Larry bước vào, trong bộ đồng phục của hãng Pan American, khoác theo một chiếc túi bay. Chàng mỉm cười với Sakowits, nói: - Xin chào sếp. - Mời ngồi. Larry nặng nhọc ngồi xuống ghế đối diện chiếc bàn rồi châm điếu thuốc, hút. Sakowits bảo: - Tôi có trong tay một báo cáo cho biết rằng thứ hai tuần trước ở Paris anh đã đăng ký để xin chuyến bay chậm hơn ấn định bốn mươi lăm phút. Nét mặt Larry bỗng biến sắc: - Tôi bị kẹt vì một cuộc diễu binh ở Champs Elysées. Song chiếc phi cơ vẫn cất cánh đúng giờ. Tôi không biết là ở đây người ta quản lý một trại con trai tồng ngồng. - Chúng tôi quản lý một hãng máy bay - Sakowits lặng lẽ nói - Và chúng tôi quản lý theo điều lệnh. - Thôi được - Larry bực dọc đáp - Từ nay tôi sẽ không đến gần Champs Elysées nữa. Còn gì nữa không? - Còn đại uý Swift cho rằng anh đã làm một hai ly trước khi cất cánh trong hai chuyến bay gần đây. - Hắn nói xạo? - Larry quát lại. - Cớ gì mà hắn phải nói xạo? - Bởi vì hắn sợ tôi sẽ tranh mất việc của hắn - giọng Larry càng thêm bực dọc - Thằng chó đẻ đó chỉ đáng là một con mụ đầy tớ già bẽn lẽn, đáng ra phải về hưu cách đây mười năm rồi. - Anh đã từng bay với bốn trưởng cơ khác nhau, Sakowits nói - Vậy anh thích bay với ai nhất? - Chẳng thằng nào hết - Larry đáp lại. Chàng nhận ra cái bẫy, song đã quá muộn. Lập tức, chàng vớt vát lại. - À, không… Họ đều tốt cả. Tôi không có gì phản đối họ. - Họ cũng chẳng thích bay với anh đâu - Sakowits nói đều đều - Anh làm cho họ luôn lo lắng. - Nói thế là quái gì? - Nghĩa là khi có tình huống khẩn cấp, anh cần phải đảm bảo cho người ngồi ở ghế bên cạnh anh. Người ta không tin anh. - Lạy Chúa? - Larry nổi khùng - Tôi đã từng sống qua bốn năm trong tình trạng khẩn cấp trên bầu trời nước Đức và vùng Nam Thái Bình Dương, hàng ngày phải giơ cái "gáo" ra hứng đạn, trong khi đó bọn chúng ru rú ngồi nhà, hưởng lương bẫm béo múp míp, thế mà bây giờ bọn chúng lại không tin tôi? Anh muốn giỡn tôi đấy hả? - Ai cũng biết là anh rất xuất sắc trên máy bay tiêm kích rồi - Sakowits đáp nhỏ nhẹ. ở đây chúng ta đang điều khiển các máy bay hành khách. Đây là một cuộc chơi bóng kiểu khác. Larry ngồi, hai tay nắm chặt, cố kiềm chế cơn giận dữ: - Thôi được - Chàng cau có nói - Tôi đã nhận được thông điệp bay. Ông đã trao đổi xong chưa để tôi còn cho chuyến bay cất cánh sau vài ba phút nữa. - Đã có người khác tiếp quản việc đó rồi - Sakowits nói - Anh đã bị sa thải. Larry nhìn ông ta, kinh ngạc: - Tôi làm sao? - Douglas ạ, xét về một phương diện nào đó thì đây chính là lỗi tại tôi. Lẽ ra ngay từ đầu tôi không được thuê mướn anh mới phải. Larry đứng vụt dậy, đôi mắt chàng bừng lên lửa giận dữ. - Thế tại sao ông lại thuê tôi? - Larry gặng hỏi. - Bởi vì vợ anh có một người bạn tên là Bill Fraser. Larry bước sang phía bên kia bàn, chàng giáng thẳng vào mặt Sakowits một trái đấm. Cú đấm đã làm Sakowits lảo đảo đập vào tường. Ông dùng sức bật trở lại đấm Larry hai cú liền, sau đó lùi lại thế thủ. Ông quát lên: - Cút ngay khỏi đây! Cút ngay! Larry nhìn ông ta trừng trừng, mặt chàng méo xệch vì căm giận, thét lên: - Đồ chó đẻ. Mày có lạy tao tao cũng không quay về lại cái hãng máy bay của mày nữa! Chàng quay người, lao nhanh ra khỏi văn phòng. Sakowits đứng nhìn theo. Cô thư ký của ông vội vào văn phòng, trông thấy chiếc chế tựa bị đổ và môi Sakowits chảy máu. - Ông có sao không? - Thật kinh khủng. Cô mời ông Eastman đến cho tôi gặp. Mười phút sau Sakowits kể cho Cart Eastman nghe về sự việc vừa rồi. - Anh thấy Douglas có gì không ổn? - Eastman hỏi. - Nói thực nhé? Tôi nghĩ hắn là một thằng bị bệnh tâm thần. Eastman nhìn ông bằng cặp mắt xanh, xoi mói: - Nhận định hơi nặng đấy, Sak ạ. Trong khi bay, hắn không say bao giờ. Mà cũng chưa có ai chứng minh được rằng khi ở dưới đất hắn cũng uống rượu. Vả lại người ta ai cũng có lúc chậm trễ- Nếu chỉ có vậy thì tôi đã không sa thải hắn Carl ạ. Douglas có điểm sôi thấp. Thú thật với anh hôm nay tôi đã cố tình chọc tức hắn, và cũng không khó gì. Giá như hắn chịu đựng được áp lực, có thể tôi đã liều một phen giữ hắn lại xem sao. Anh có biết tôi băn khoăn chuyện gì không? - Chuyện gì? Sakowits kể: - Cách đây vài hôm, tôi có gặp một thằng bạn cũ đã từng bay với Douglas hồi trong không quân Hoàng gia Anh. Y có kể cho tôi nghe một chuyện rất điên rồ. Hình như hồi Douglas ở phi đoàn Phượng hoàng, hắn có yêu một cô bé người Anh, mà cô ả lại đính hôn với một thằng cha tên là Clark ở cùng phi đoàn với Douglas. Douglas tìm hết cách để len vào, song cô ả không chịu. Trước hôm cô ả với Clark tổ chức đám cưới một tuần, phi đoàn có bay đi làm nhiệm vụ yểm trợ cho một tốp máy bay B-17 tiến hành oanh tạc vùng Dieppe. Douglas bay ở cuối Phi đoàn. Sau khi các pháo đài bay đã trút hết bom, họ quay trở về căn cứ. Khi bay qua biển Manche thì họ đụng phải lũ Messerschmidt và Clark bị bắn rơi. Nói tới đây, Sakowits dừng lại suy nghĩ. Eastman chờ đợi ông nói tiếp. Cuối cùng Sakowits nhìn thẳng vào Eastman: - Theo như thằng bạn tôi cho biết, khi Clark bị bắn rơi thì không hề có một chiếc Messerschmidt nào bay bên cạnh. Eastman nhìn ông trừng trừng không tin: - Lạy Chúa? Anh muốn nói là Larry Douglas… - Tôi không nhận định gì cả. Tôi chỉ thuật lại cho anh nghe một chuyện lý thú mà tôi nghe được. Có thế thôi. Ông ta lại lấy khăn tay chấm lên môi. Máu đã ngừng chảy Khó có thể khẳng định chuyện gì đã xảy ra trong trận không chiến đó. Có thể Clark đã bị hết nhiên liệu cũng nên. Chỉ có một điều khẳng định là hắn đã bị xui. - Chuyện gì đã xảy ra với cô ả? - Douglas đã chuyển đến sống với ả cho đến khi hắn về Mỹ thì hắn cũng cho ả rơi luôn - Ông ta nhìn Eastman vẻ đăm chiêu. - Tôi xin cam đoan với ông một điều. Tôi thấy thương hại cho cô vợ của Douglas. * * * * * Catherine đang ở trong phòng họp giữa lúc có cuộc họp toàn thể công nhân viên thì cửa phòng bật mở, Larry bước vào. Mắt chàng thâm tím, và sưng vù, một bên má bị rách toạc Nàng vội đi ra phía chàng hỏi: - Anh Larry, chuyện gì thế? - Anh bỏ việc rồi - Chàng lẩm bẩm. Catherine đang ở trong phòng, tránh những cặp mắt tò mò nhìn theo của những người khác. Nàng đắp một miếng vải mát lên mắt và má chàng. Nàng cố kiềm chế nỗi bực tức trước việc người ta gây cho chàng, rồi hỏi: - Anh hãy kể em nghe xem nào. Cathy ạ, bọn chúng theo dõi anh một thời gian rồi. Anh nghĩ chúng ghen tức với anh vì anh đã đi chiến đấu còn chúng thì không. Dù sao, hôm nay cũng là ngày cao điểm. Sakowits gọi anh tới, cho anh biết lý do duy nhất để chúng đuỏi anh trước hết chính là vì em là bồ của Bill Fraser. Catherine nhìn chàng, im lặng. - Anh đánh hắn - Larry nói - Anh không chịu được. - Thế hả? - Catherine bảo - Em rất tiếc. - Sakowits còn ân hận hơn - Larry đáp - Anh đã nện hắn rất đau. Còn việc hay mất việc, chẳng thành vấn đề. Anh không thể để cho bất kỳ đứa nào nói về em như thế? Nàng ôm chầm lấy chàng, an ủi: - Thôi anh đừng bận tâm làm gì. Anh có thể đi làm cho bất kỳ hãng hàng không nào trong toàn quốc, lo gì. Điều dự đoán của Catherine rất ít có cơ sở. Larry đã xin việc tất cả các hãng hàng không, một vài hãng cho anh được phỏng vấn, song không đưa lại kết quả gì. Bill Fraser ăn trưa cùng với Catherine và nàng đem chuyện vừa rồi ra kể cho ông nghe. Fraser không nói gì, song ông suy nghĩ rất nhiều trong suốt bữa ăn. Có đôi lần nàng cảm thấy ông muốn nói với nàng điều gì, nhưng lại thôi ngay. Cuối cùng ông mới lên tiếng: - Anh quen biết rất nhiều người, Cathy ạ. Em có đồng ý để anh giới thiệu Larry đến một nơi khác nữa không? - Cảm ơn anh - Catherine đáp - Nhưng theo em không cần thiết. Để bọn em tự quyết định lấy. Fraser nhìn nàng một lúc lâu gật đầu: - Bao giờ em thay đổi ý kiến, em hãy cho anh biết ngay. - Vâng! - Nàng tán thành - Có vẻ như cứ khi nào em có vấn đề là em lại tìm đến cầu cứu anh. * * * * * HÃNG AN NINH TUYỆT ĐốI 2402 phố "D" Washington, D. C. Về vụ việc 2-179- 210 Ngày 1 tháng Tư năm 1946 Ông Barbet kính mến, Cảm ơn ông về lá thư đề ngày 15 tháng ba năm 1946 cùng tấm hối phiếu của ông. Kể từ sau lần tôi báo cáo với ông gần đây, đối tượng đã tìm được việc làm phi công cho Công ty vận tải Flying Whees, đó là một công ty nhỏ, độc lập, hoạt động ở Long Island. Một cuộc kiểm tra qua cơ quan Dun và Bradstreet cho thấy vốn của họ là 750.000 đô-la. Trang bị của họ gồm một máy bay B-26 và một máy bay DC3 được cải tiến dùng cho dân sự. Họ có số dư nợ ngân hàng là 400.000 đô-la. Ngài Phó chủ tịch ngân hàng Paris đóng trụ sở ở New York, nơi mà họ có tài khoản chính tại đây, khẳng định với tôi rằng công ty này có tiềm năng và tương lại phát triển rất tốt. Ngân hàng đang xem xét khả năng cấp tín dụng cho họ đủ tiền mua thêm máy bay dựa trên thu nhập hiện nay của họ là 80.000 đô-la mỗi năm với mức tăng dự kiên hằng năm là 30% trong thời gian năm năm tới. Nếu ông muốn biết thêm chi tiết về triển vọng tài chính của công ty này, xin ông báo cho tôi hay. Đối tượng đã bắt đầu làm việc vào ngày 19 tháng ba năm 1946. Ông giám đốc phụ trách nhân sự (cũng là một trong số các chủ của công ty này) đã cho cộng tác viên của tôi biết ông cảm thấy rất may mắn có được một phi công như đối tượng làm việc cho ông. Tôi sẽ cung cấp thêm chi tiết sau. Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị Banque De Paris Thành phố New-York, bang New York Philipe Chardon Chủ tịch Ban quản trị Cô Noelle thân mến(1) Cô thật là ác! Tôi không biết người đó đã có hành động gì với cô, nhưng dù thế nào chăng nữa, người ta cũng đã trả tiền thuê anh ta rồi. Hãng Flying Wheels đã mở rộng cửa đón anh ta, và ông bạn tôi có cho tôi biêí rằng anh đang gặp khủng hoảng cần được giúp đỡ. - Tôi mong có dịp tới Athens và được gặp cô. Mặc dù tôi có những quan hệ bằng hữu với Costa, song tôi mong cô hãy ban cho một chút ân huệ nhỏ l hãy giữ kín chuyện bí mật giữa chúng ta. Thương yêu. Philipe * * * * * HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI 1402 Phố "D" Washington D.C Về việc 2-179-210 Ngày 22 tháng 5 năm, 1946 Ông Barbet kính mến, Đây là báo cáo tiếp theo của tôi đề ngày mùng 1 tháng năm 1946. Ngày 14 tháng Năm năm 1946, đối tượng bị sa thải khỏi công ty Vận tải Flying Wheels. Tôi đã tìm hết cách khéo léo điều tra nguyên nhân, song lần nào cũng vấp phải một bức tường đá. Không một ai muốn nhắc đến việc đó. Tôi chỉ có thể giả định rằng đối tượng đã làm việc gì đó tự bôi nhọ mình vì thế họ không muốn nhắc đến. Đối tượng đang cố tìm một công việc trong hàng không, song rõ ràng trước mặt hiện nay chưa có triển vọng gì. - Tôi sẽ cố gắng thu nhập thêm tin tức về lý do tại sao y bị sa thải. Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị * * * * * Ngày 29, tháng Năm 1946 ĐIỆN TÍN Christian Barbet Cable Christbar Paris, France Đã nhận được tin điện, Sẽ chấm dứt ngay việc điều tra lý do đối tượng bị sa thải. Sẽ tiếp tục các công việc khác như cũ. Kính R. Ruttenberg HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI 1 402 Phố "D" Washington, D. C. Về việc 2-179-210 Ngày 16 tháng Sáu, 1946 Kính gửi ông Barbet, Cảm ơn ông về lá thư của ông đề ngày 10 tháng 6 và tấm hồi phiếu của ông. Ngày 15 tháng Sáu, đối tượng đã nhận việc làm phi công bay kép của hãng Global Airways, hãng máy bay tiếp vận khu vực hoạt động giữa Washington, Boston và Philadelphia. Hãng Global Airways là một hãng mới, nhỏ với trang bị ba chiếc máy bay quân sự được cải tiến thành dân dụng và theo những tin tức tôi có thể khẳng định họ chưa đủ vốn và đang mắc nợ. Ông phó chủ tịch công ty nay cho tôi biết Ngân hàng Quốc gia số một Dallas có hứa cấp tín dụng trong vòng sáu mươi ngày nữa, với số tiền này họ có đủ vôn củng cố và phát triển sự nghiệp công ty. Đối tượng được người ta đề cao và có lẽ sẽ có tương lai tốt đẹp tại đây. Xin ông cho hay ông có cần tin tức gì thêm về Golbal Airways nữa không. Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị. * * * * * HÃNG AN NINH TUYỆT ĐỐI 1402 Phố "D" Washington, D.C. Về việc 2-197-210 Ngày 20 tháng 7, 1946 Kính gửi ông Barbet, Hãng Golbal Airways bất ngờ tuyên bố phá sản và sắp chấm dứt hoạt động. Theo tôi biết, động tác này là do tác động của việc Ngân hàng Quốc gia số một Dallas đã từ chối không cho họ vay tiền đã hứa trước. Đối tượng lại một lần nữa bị mất việc và quay về với kiểu hành vi như tôi đã nêu ra trong các báo cáo trước đây. Tôi sẽ không theo đuổi việc điều tra lý do tại sao ngân hàng lại từ chối không cho vay cũng như điều tra các khó khăn tài chính của Golbal Airways, trừ phi ông đặc biệt đề nghị tôi tiến hành việc này. Kính chào ông, R. Ruttenberg Giám đốc quản trị. * * * * * Noelle cất giữ toàn bộ các báo cáo và những ắt từ các báo trong một chiếc túi da đặc biệt và chỉ có nàng có chìa khoá duy nhất. Chiếc túi đó lại cất trong một valy khoá kỹ và đặt phía sau chiếc tủ áo trong phòng ngủ của nàng, sợ Demiris tọc mạch những tài liệu của nàng bởi vì nàng biết ông rất thích âm mưu vụng trộm. Đây là mối tử thù riêng của Noelle, nàng muốn rằng Demiris sẽ đóng một vai trong vở kịch báo thù của nàng, song ông không bao giờ biết gì cả. Noelle nhìn lại lần cuối cùng bản mục lục giấy tờ rồi khoá lại, đầy vẻ thoả mãn. Nàng đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Bắt đầu là một cú điện thoại. Catherine và Larry đang ngồi ăn tối trong một không khí im lặng bứt rứt. Gần đây Larry rất ít khi trở về nhà, và mỗi khi trở về nhà, chàng lại cau có, thô bạo. Catherine thông cảm với sự bất hạnh của chàng. - Cứ như có quỷ dữ bám sau lưng anh vậy - Chàng đã nói như thế với nàng khi hãng Golbal Airways bị phá sản. Mà đúng thế thật. Chàng đã gặp vận xui liên tục khó mà tin được. Catherine cố tìm cách động viên Larry, cố ôn lại thời kỳ chàng còn là một phi công đại tài và những ai có được chàng đến cộng tác thì thật là đại phúc. Nhưng Catherine cũng cảm thấy nàng đang sống bên một con sư tử bị trọng thương. Nàng không biết trước lúc nào thì chàng sẽ lớn tiếng chừi mắng nàng và vì nàng không muốn làm cho Larry rối chí, nàng cố tìm hiểu những cơn giận dữ điên khùng của chàng và cố gạt chúng sang bên. Lúc nàng đang dọn món tráng miệng thì có tiếng chuông điện thoại. Nàng nhắc ống nghe nói lên. - Alô. Đầu dây đằng kia là một giọng nói của người Anh: - Larry Douglas có nhà không ạ? Tôi là Ian Whitestone đây. - Ông đợi cho một lát - Nàng giơ ống nói ra cho Larry - Họ gọi anh đấy, Ian Whitestone. Chàng nhíu mày, lúng túng: - Ai nhỉ? Đột nhiên nét mặt chàng rạng ngời - Lạy Chúa tôi. Chàng tiến lên cầm ống nói từ tay Catherine - Ian đấy à? - Lạy Chúa, thế là đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ? Làm thế nào mà cậu lùng ra được tớ? Catherine quan sát thấy Larry gật đầu và mỉm cười trong lúc nghe điện thoại. Sau khoảng năm phút mới thấy chàng đáp: - Bồ ạ, nghe hay đấy. Được, mình làm được. Ở đâu thế? - Chàng lại nghe - Được. Nửa giờ nữa nhé. Mình sẽ gặp cậu sau. Chàng đặt ống nghe xuống, vẻ trầm tư suy - Bạn cũ của anh? - Catherine hỏi. Larry quay lại phía nàng: - Không, không hoàn toàn như vậy. Thế mới lạ chứ. - Hắn là một thằng cùng bay với anh hồi trong không quân Hoàng gia. Chưa bao giờ hai đứa hợp với nhau. Thế mà bây giờ hắn nói hắn có một việc làm cho anh. - Việc gì thế? - Catherine hỏi. Larry nhún vai: - Lúc anh trở về anh sẽ cho em rõ. Gần ba giờ sáng Larry trở về nhà. Catherine đang ngồi trong giường đọc sách. Larry xuất hiện ở cửa phòng ngủ. - Chào em! Có chuyện gì đó đã xảy ra làm chàng vui mừng phấn chấn khác thường, một tâm trạng đã lâu lắm Catherine không thấy được ở chàng. Chàng tiến đến bên giường. - Cuộc gặp mặt của anh ra sao? - Theo anh thì tuyệt vời - Larry nói có cân nhắc - thực tế là rất tuyệt đến mức anh không thể tin nổi. Có lẽ anh sẽ kiếm được một việc làm. - Làm cho Ian Whitestone? - Không. Ian chỉ là một phi công. Anh đã kể với em là bọn anh đã từng bay với nhau. - Vâng. - Số là sau chiến tranh, một thằng bạn người Hy Lạp của hắn đã kiếm cho hắn công việc làm phi công tư cho Demiris. - Đại tư bản ngành tàu biển? - Demiris thống trị nửa thế giới. Cả tàu biển, khai thác dầu lửa và vàng. Whitestone đã có một chỗ êm ấm ở đó. - Rồi sao? Larry nhìn nàng, cười ha hả: - Whitestone đã bỏ việc. Hắn sắp sang Australia. Một người quen sắp dựng cho hắn một doanh nghiệp riêng bên đó. - Em vẫn chưa hiểu - Catherine nói - Thế nhưng chuyện như vậy có liên quan gì đến anh? - Whitestone có nói với Demiris rằng anh sẽ thế chân hắn: Hắn bỏ đi rồi. Demiris không có cơ hội nào để tìm ra người thay thế. Whitestone cho rằng anh rất sẵn sàng nhận công việc này - Chàng ngập ngừng Cathy ạ, em không biết được công việc này sẽ có ý nghĩa với anh như thế nào đâu. Catherine nhớ lại những lnhững công việc khác và nàng nhớ lại người cha nàng, nhớ đến những giấc mơ trống rỗng của ông, nàng cố giữ một giọng bình thản không muốn làm cho Larry phải nuôi hy vọng giả tạo, tuy nhiên nàng cũng không muốn dội một gáo nước lạnh lên sự nhiệt tình của chàng. - Anh chẳng nói là anh với Whitestone trước đây không phải là bạn bè thân thiết đặc biệt sao? Chàng ngập ngừng: - Đúng thế? Một thoáng ưu tư gợn lên trên trán chàng. Quả thực chàng và Ian Whitestone chưa bao giờ mến nhau. Cú phôn tối nay khiến chàng hết sức ngạc nhiên. Trong cuộc gặp mặt này, Whitestone tỏ ra bồn chồn một cách lạ lùng. Khi anh giải thích hoàn cảnh, Larry bảo: - Mình ngạc nhiên rằng tại sao cậu lại nghĩ đến mình. Im lặng lúng túng một lát, Whitestone bảo: - Demiris cần có phi công xuất sắc và người đó phải là cậu. Dường như Whitestone ấn công việc đó cho chàng và Larry làm việc này là làm một ân huệ. Anh ta có vẻ rất thoải mái khi Larry nói rằng chàng quan tâm đến công việc và sau đó anh ta có vẻ bồn chồn ra về ngay. Tóm lại đó là một cuộc gặp mặt rất kỳ quặc. - Đây có thể là một cơ hội cho cả cuộc đời - Larry bảo - Demiris đã trả cho Whitestone mười lăm ngàn drachma(2) một tháng. Tức là năm trăm đô-la và anh ta đã sống như một ông hoàng ở bên đó. - Thế nghĩa là anh sẽ phải sống ở bên Hy Lạp? - Chúng ta sẽ sang sống bên Hy Lạp - Larry sửa lại lời Cathy - Với số tiền như vậy thì chỉ sau một năm chúng ta có thể tiết kiệm đủ sống độc lập. Anh đã nhận lời rồi đấy. Catherine ngập ngừng, thận trọng tìm lời để nói: - Larry ơi, bên đó quá xa, hơn nữa anh lại không hiểu con người Constantin Demiris ra làm sao. Ở đây cũng có công việc cho anh chứ… - Không! - Giọng chàng trở nên hung tợn. - Ở đây chẳng có đứa chó nào biết giá trị của một phi công giỏi như thế nào. Chúng chỉ chăm chăm vào việc người ta đã đóng bao nhiêu tiền vào quỹ nghiệp đoàn chết tiệt của chúng. Ở bên đó anh sẽ hoạt động độc lập Cathy ạ, anh mơ ước điều đó đã từ lâu rồi. Demiris có cả một đội phi cơ, em không thể tưởng tượng nổi, và thế là anh lại được bay, cưng ạ. Anh chỉ cần làm vừa lòng có mỗi một người, đó là Demiris, và theo như Whitestone nói thì ông ta yêu quý anh lắm. Nàng lại nhớ đến chuyện Larry đã làm cho hãng Pan American và những hy vọng chàng đã ấp ãng đó, rồi những thất bại của chàng với các hãng máy bay nhỏ. Nàng nhủ thầm: Lạy Chúa! Mình phải tham gia vào đó như thế nào? Như thế có nghĩa là nàng phải từ bỏ sự nghiệp mà nàng đã gây dựng và nếu như nàng muốn giữ vững cuộc hôn nhân này, nàng sẽ phải đến sống cùng một chỗ với chàng. Nếu công việc suôn sẻ thì thật là đẹp biết bao. Chàng sẽ trở lại là một Larry như trước đây. Một người đàn ông mà lúc cưới nàng, chàng đáng yêu, hấp dẫn, tuyệt diệu biết nhường nào. Nàng phải liều một phen xem sao. Catherine nói: - Tất nhiên em sẽ theo anh chứ. Anh bay sang gặp Demiris xem sao. Nếu công việc ổn thoả, em cũng sẽ bay sang với anh ngay. Chàng mỉm cười, nụ cười tươi tỉnh như con nít: - Anh biết là em đáng tin cậy mà, cưng - Em cởi chiếc áo ngủ ra hay để anh làm cho vậy. Trong lúc Catherine từ từ cởi áo, nàng nghĩ đến việc ngày mai nàng phải nói gì với Bill Fraser. Sáng hôm sau, Larry bay sang Athens để gặp Constantin Demiris. Suốt mấy ngày liền sau đó Catherine không hề bắt được tin tức gì của chàng. Một tuần trôi qua, nàng nghĩ rằng công việc ở bên Hy Lạp không suôn sẻ và Larry sắp quay về. Thậm chí chàng có tìm được việc làm ở chỗ Demiris chăng nữa, cũng không thể nói trước công việc kéo dài bao lâu. Chắc chắn chàng có thể tìm được một việc ở ngay trên đất Hoa Kỳ. Larry đi được sáu ngày. Catherine nhận được một cú phôn từ hải ngoại gọi về. Catherine đấy à? - Alo, chào anh. - Chuẩn bị hành lý lên đường. Em đang nói chuyện với phi công tư mới được Constantin Demiris tuyển dụng đây. Mười ngày sau Catherine lên đường sang Hy Lạp. Chú thích: (1) Đoạn thư này nguyên văn bằng tiếng Pháp (người dịch). (2) Đơn vị tiền Hy Lạp. Chương 15 Con người tạo dựng nên một số thành phố, một số thành phố tạo dựng nên con người. Athens là một chiếc xe đã chịu đựng chiếc búa thời gian nhiều thế kỷ nện xuống. Thành phố đã bị chiếm đóng và phá hoại bởi người Saracen, người Anglo, người Turk, và sau đó mỗi lần như vậy nó lại kiên nhẫn sống lại. Athens nằm ở cực nam của đồng bằng lớn Attica ở trung tâm, và dốc thoai thoải về phía vịnh Saronic ở h tây nam và nhìn sang phía đông là tỉnh Hymettus hùng vĩ. Bên dưới lớp mốc meo của thành phố người ta còn thấy một làng quê đầy những ma quỷ ngày xưa và một truyền thống phong phú với những vinh quang đời đời, tại đây các công dân của thành phố này sống trong khung cảnh quá khứ cùng hiện tại. Thật là một thành phố đầy những điều ngạc nhiên, những phát hiện và xét đến cùng là một thành phố đầy những ẩn số. Larry ra phi trường Hellenikon để đón chuyến bay của Catherine. Nàng trông thấy chàng đi vội trên đoạn đường dốc, nét mặt hăm hở phấn khởi khi chàng chạy lao về phía nàng. Chàng trông đen và gầy hơn so với lần cuối cùng nàng gặp, nhưng coi bộ chàng được cởi bỏ những ưu tư căng thẳng. - Anh nhớ em lắm, Cathy ạ. - Chàng nói vậy khi nhấc bổng nàng trên đôi cánh tay. - Em cũng nhớ anh lắm. Khi nàng nói ra điều này, nàng nhận thấy điều đó có ý nghĩa nhiều đối với nàng. Nàng đã quên mất cái ấn tượng mạnh mẽ về thân xác mà Larry gây cho nàng sau một thời gian lâu lâu họ không gặp nhau và cứ mỗi lần như vậy nó lại khiến nàng thêm đau đớn. - Bill Fraser phản ứng ra sao khi hắn nghe tin này? - Larry hỏi nàng khi chàng giúp nàng làm thủ tục hải quan. - Anh ấy rất vui vẻ trước việc này. - Hắn không có con đường nào khác - Larry nói, mỉa mai. Catherine nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa nàng và Bill Fraser. Ông nhìn thẳng vào nàng, sững sờ: - Thế là em sắp sang sống ở Hy Lạp? Những tại sao em lại phải như vậy? - Như vậy mới phù hợp với tờ hôn thú của em - Nàng nhẹ đáp. - Anh muốn hỏi rằng tại sao Larry không thể kiếm được việc làm ngay ở đây, Catherine? - Em không biết lý do tại sao, anh Bill ạ. Hầu như không có chỗ nào yên ổn cả. Nhưng nếu anh ấy sang Hy Lạp làm việc, có lẽ anh ấy cảm thấy công việc suôn sẻ ở bên đó. Sau những phản ứng ban đầu, Fraser xử sự rất đẹp. Ông tạo mọi điều kiện cho nàng và nhắc đi nhắc lại rằng nàng cần quan tâm đến hoạt động của công ty, ông nói: - Em sẽ không đi vắng mãi mãi, phải không? Catherine nhớ lại lời của Bill trong lúc nàng đứng nhìn Larry thu xếp cho một nhân viên khuân vác chuyển hành lý của nàng ra một chiếc xe du lịch. Chàng nói chuyện với người nhân viên bằng tiếng Hy Lạp. Catherine rất ngạc nhiên trước khiếu ngoại ngữ dễ dàng của Larry. - Em đợi rồi em sẽ gặp Constantin Demiris - Larry bảo nàng - Ông ta đúng là một ông vua. Hầu như tất cả các vị chúa tể ở châu u phải dành thời gian để nghĩ cách làm như thế nào để cho ông ta được vui lòng. - Em mừng là anh thấy mến ông ấy. - Và ông ấy cũng mến anh đấy. Nàng chưa từng bao giờ thấy chàng vui vẻ, phấn khởi như bây giờ. Thật là một điềm tốt. Trên đường tới khách sạn, Larry miêu tả cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của chàng với Demiris. Larry đã được một người tài xế ăn vận sắc phục riêng ra tận sân bay đón. Larry yêu cầu được đi xem một lượt đội phi cơ của Demiris và người tài xế đã lái xe đưa chàng tới một nhà khổng lồ chứa máy bay ở tận cuối phi trường. Có ba chiếc phi cơ tất cả và Larry đã khảo sát từng chiếc một với cặp mắt xét nét. Chiếc Hawker Siddeley là chiếc rất đẹp, chàng mong mỏi được ngồi sau tay lái để điều khiển nó bay lên trời. Chiếc thứ hai là chiếc Piper có sáu chỗ ngồi trong điều kiện hảo hạng. Chàng ước tính nó có thể dễ dàng bay với tốc độ ba trăm dặm một giờ. Chiếc phi cơ thứ ba là chiếc L-5 hai chỗ ngồi đã cải tiến dùng cho dân sự, lắp động cơ Lycoming, đây là loại máy bay dùng để bay những đoạn đường ngắn rất thuận lợi. Thật là một đội phi cơ tư hùng hậu. Sau khi Larry khảo sát xong, chàng quay lại với người tài xế đang đứng theo dõi chàng. Larry nói: - Được cả. Thôi ta đi. Người tài xế lái xe đưa chàng tới một biệt thự ở Varkiza, một khu ngoại ô sang trọng ở cách Athens hai mươi lăm cây số. - Em không thể nào tưởng tượng nổi chỗ của Demiris sang đến thế nào - Larry bảo Catherine. - Thế nào hả anh? - Catherine háo hức hỏi. - Không thể nào tả xiết. Nó rộng chừng mười acre với những cổng điện, người gác, chó becgiê và cái khối nhà đó. Biệt thự này bên ngoài là một cung điện còn bên trong là một bảo tàng. Nó có bể bơi trong nhà, có một sân khấu và một phòng chiếu phim. Một ngày nào đó em sẽ được thấy tất cả. - Ông ta có dễ mến không? - Catherine hỏi. - Có thể tin chắc như vậy - Larry mỉm cười - Anh đã được đối xử như một thượng khách. Có lẽ do tiếng tăm trước đây nên anh được như vậy. Thực ra Larry đã phải ngồi đợi trong phòng tiền sảnh nhỏ ba giờ đồng hồ để chờ được gặp Constantin Demiris. Trước những hoàn cảnh thông thường khác, Larry chắc đã nổi khùng trước sự khinh thị này, song chàng hiểu rằng cuộc gặp gỡ này sẽ quyết định rất quan trọng cho nên chàng thấy hồi hộp nhiều hơn là bực tức. Chàng kể cho Catherine về tầm quan trọng của công việc này đối với chàng, song chàng không hề nhắc tới việc chàng đã phải lao vào công việc này gần như tuyệt vọng. Năng lực ưu việt nhất ở chàng là ở nghề lái máy bay mà nếu thiếu nó, chàng sẽ cảm thấy trống rỗng. Dường như cuộc đời chàng chìm nghỉm trong vực sâu những cảm xúc chưa dự kiến trước được và rồi những áp lực đè lên chàng sẽ lớn vô cùng chàng không thể nào chịu được. Tất cả đều phụ thuộc vào công việc này. Ba giờ trôi qua, cuối cùng người quản gia bước vào và tuyên bố rằng ngài Demiris sẵn sàng tiếp chàng. Ông ta đưa Larry vào một phòng tiếp tân rộng cứ như trong cung điện Verseilles. Bốn bức tường lung linh ánh màu vàng, xanh lam và xanh lục với những tấm thảm Beauvais treo bằng những panel bằng gỗ hồng. Trên sàn nhà là một tấm thảm Savonnerie hình trái xoan tuyệt đẹp, bên trên cao là một chùm đèn pha lê De Roche và bằng đồng đỏ Doré. Ở lối vào phòng thư viện có một đôi cột bằng đá mã não màu xanh lục với những chữ hoa bằng đồng mạ vàng. Riêng các thư viện cũng rất trang nhã do một nghệ nhân bậc thầy trang trí, các bức tướng được trạm trổ đóng khung gỗ. Ở giữa một bức tường có một chiếc kệ bằng đá cẩm thạch trắng với những trang trí mạ vàng. Trên đó có hai bức tường nhỏ xinh đẹp bằng đồng của Philippe Caffleri. Từ đỉnh kệ cho đến tận trần nhà nhô ra một tấm gương chạm trổ với một bức tranh của Jean Honoré Fragonard. Qua một cửa sổ thấp kiểu Pháp để ngỏ, Larry trông thấy một cái sân trống rất rộng nhìn ra một khuôn viên có nhiều tượng và giếng phun nước. Ở một phía xa của thư viện có một chiếc bàn rất to kiểu Bureau Flat (bàn giấy p và đằng sau nó là một chiếc ghế có tựa lựng cao oai vệ được phủ nệm Aubusson. Đằng trước bàn là hai chiếc ghế lót nệm Gobelin. Demiris đang đứng gần bàn chăm chú nghiên cứu một tấm bản đồ lớn Mercator treo trên tường, đính trên đó là hàng chục chiếc đinh ghim màu. Ông quay lại khi nhìn thấy Larry bước vào, rồi xòe tay ra, nói bằng một giọng rất khó phân biệt: - Constantin Demiris. Larry đã từng nhìn thấy những bức hình chụp ông ta đăng trên các tạp chí lâu đời, song không một tấm hình nào cho thấy hết sức sống sôi sục của con người này. - Vâng, tôi biết - Chàng bắt tay ông ta - Tôi là Larry Douglas. Demiris nhìn thấy Larry liếc mắt lên tấm bản đồ trên tường. - Đế quốc của tôi đấy. Mời ông ngồi. Larry ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với chiếc bàn. - Tôi được biết ông và Ian Whitestone đã từng bay cùng nhau trong không lực Hoàng gia. - Vâng. Demiris dựa lựng vào ghế, chăm chú ngó nhìn Larry. - Ian đánh giá ông rất cao. Larry mỉm cười: - Tôi đánh giá anh ta cũng rất cao. Anh ta mới thật là phi công cừ khôi. - Anh ta cũng nói về ông như vậy, duy chỉ có điều là anh ta dùng chữ "đại tài". Larry lại có cảm giác ngạc nhiên như chàng đã có lúc gặp Whitestone lần đầu tiên nêu ra đề nghị về công việc. Rõ ràng là hắn ta đã tạo ra trước Demiris một hình ảnh hùng vĩ về chàng, điều này không cân xứng với quan hệ giữa chàng và Whitestone trước đây. Larry nói: - Tôi chỉ là phi công tốt. Công việc của tôi đòi hỏi phải như vậy. Demiris gật đầu: - Tôi rất thích những người làm tốt công việc của mình. Ông có thấy rằng đa số mọi người trên đời không tốt trong công việc của họ không? Larry thú thật: - Về chuyện đó, tôi không bao giờ nghĩ tới cả. - Thế mà tôi lại hay suy nghĩ - Ông cười nhạt - Đối tượng công việc của tôi là con người. Phần lớn mọi người chán ghét công việc họ đang làm, ông Douglas ạ. Đáng lẽ phải tìm nhiều cách khác nhau để đi sâu vào những gì họ thích, họ lại cứ luẩn quẩn suốt đời giống như một đám sâu bọ không có trí khôn. Tìm được một người yêu thích công việc của mình không phải là dễ. Hầu như chắc chắn rằng nếu ta phát hiện ra một người như vậy, thì người đó phải thuộc loại người thành đạt. - Tôi thiết nghĩ đúng là như vậy - Larry khiêm tốn. - Ông không phải là người thành đạt. Larry nhìn thẳng vào Demiris, bỗng trở nên thận trọng: - Ông Demiris ạ, điều đó còn tùy thuộc ở chỗ ông định nói thành đạt về phương diện nào. Demiris nói trắng ra rằng: - Tôi muốn nói rằng trong chiến tranh ông đã hành động xuất sắc, song trong hoà bình ông thực hiện công việc không được tốt lắm. Larry cảm thấy cơ bắp ở hàm dưới của chàng thắt lại. Chàng cảm thấy như đang như bị người ta châm chọc, song chàng vẫn kiềm chế cơn giận dữ. Đầu óc chàng đang căng ra cố tìm một cách nói nào đây để giành lấy cái công việc mà chàng đang rất tha thiết. Demiris chăm chú quan sát, đôi mắt đen màu ôliu lặng lẽ dõi theo, không bỏ qua một chi tiết nào trên người chàng. - Ông Douglas, công việc của ông với hãng Pan American gặp trắc trở gì vậy? Larry nhận thấy ông ta cười gằn, nụ cười mà chàng không thích chút nào: - Tôi không thích cái ý kiến cho rằng ngồi một ười lăm năm trời để đợi trở thành phi công bay kép. - Vì vậy ông đã nện người thủ trưởng của ông chứ gì. Larry tỏ ra ngạc nhiên: - Ai đã kể cho ông chuyện đó? Demiris vội nói ngay: - Thôi đi ông Douglas. Một khi ông đã đến làm việc cho tôi, mỗi lần bay cùng với ông là tôi đặt sinh mạng của tôi trong tay ông đấy. Bộ ông tưởng tôi có thể thuê ông mà không biết hết mọi điều về ông sao? Ông đã bị sa thải hai nơi nữa sau khi ông bị hãng Pan American sa thải - Demiris nói tiếp - Đó là một hồ sơ không hay ho gì. Larry lại nổi giận đùng đùng, đập lại ngay: - Chuyện đó không liên quan gì đến năng lực của tôi. Một công ty kinh doanh trì trệ, còn công ty kia thì không được ngân hàng cho vay đâm ra phá sản. Tôi vẫn là một phi công hạng cừ. Demiris ngắm nhìn chàng một lát, sau đó tủm tỉm cười nói: - Tôi biết ông rồi. Ông chấp hành kỷ luật không được tốt chứ gì? - Tôi không muốn bị những đứa ngu xuẩn, hiểu biết còn tồi tệ hơn tôi, lại ra lệnh cho tôi. - Tôi tin rằng tôi không thuộc loại người như vậy - Demiris thản nhiên nói. - Chừng nào ông không có ý bảo tôi điều khiển các máy bay của ông như thế nào, ông Demiris ạ. - Không, đó là công việc của ông. Ông còn có một nhiệm vụ nữa là đảm bảo đưa tôi đến chỗ tôi cần đến, một cách có hiệu quả, thuận tiện và an toàn. Larry gật đầu: - Tôi sẽ hết sức cố gắng, thưa ông Demiris. - Tôi tin là như vậy - Demiris nói - Ông đã đi thăm các phi cơ của tôi rồi? Larry cố không lộ rõ sự ngạc nhiên trên nét mặt: - Vâng. - Ông có thích chúng không? Larry không giấu được nhiệt tình của mình: - Đẹp tuyệt trần. Demiris cũng tỏ ý tán đồng với vẻ nhiệt tình hiện trên nét mặt chàng. - Ông đã từng bay loại Hawker Siddeley bao giờ chưa? Larry lưỡng lự một lát, định khoác lác một chút rồi lại thôi. - Chưa ạ. Demiris gật đầu: - Vậy theo ông, ông có thể học nhanh được không? Larry cười: - Nếu ông có sẵn phi công nào, chỉ cần rảnh rỗi chục phút chỉ vẽ cho tôi là xong. Demiris nghiêng người ra phía trước đan chặt những ngón tay dài, gày gò vào nhau. - Tôi có thể chọn ra một phi công từng quen thuộc với tất cả các máy bay của tôi. - Song ông không nên làm như vậy, bởi ông sẽ còn có những máy bay mới nữa, và rồi ông cần đến một người nào đó có thể thích nghi với những cái ông sẽ mua. Demiris gật đầu, nói: - Ông nói đúng. Người tôi cần tìm ở đây là một phi công… một phi công thực thụ… một con người biết lấy việc điều khiển máy bay là việc hạnh phúc nhất đời. Đến lúc này Larry tin chắc rằng công việc sẽ giao vào tay chàng. Larry không hề biết được rằng chỉ một chút xíu nữa là chàng không được người ta thuê mướn. Sự thành công rất nhiều ở Constantin Demiris lại chính nhờ vào bản năng hết sức tinh nhạy trước những rủi ro, chính cái bản năng này đã phục vụ đắc lực cho ông khiến ông ít khi dám coi thường nó. Khi Ian Whitestone đến báo cho ông hay rằng anh ta xin thôi việc thì trong đầu óc Demiris vang lên hồi chuông báo động rất bình tĩnh. Điều đó là một phần do phong thái của Whitestone. Anh ta hành động không được tự nhiên và có vẻ bồn chồn như thế nào đó. Anh ta khẳng định với Demiris rằng vấn đề ở đây không phải ở tiền bạc. Anh ta có một cơ hội để gây dựng nên một doanh nghiệp với người em rể ở Sydney và anh ta sẽ cố gắng thử sức xem sao. Sau đó anh ta giới thiệu một người phi công khác. - Ông này là một người Mỹ, song chúng tôi đã từng bay với nhau trong không lực Hoàng gia Anh, ông ta không chỉ giỏi, mà là đại tài, ông Demiris. Tôi không biết một phi công nào tài hơn ông ta. Demiris lặng lẽ ngồi nghe Ian Whitestone tiếp tục ca tụng phẩm cách của người chiến hữu cũ, ông cũng cố xét xem, có chỗ nào sai lệch không. Cuối cùng ông phát hiện ra Whitestone có phần hơi nhiều lời, song có lẽ đó là vì anh ta lúng túng trước việc từ bỏ công việc quá đột ngột. Demiris là người không bao giờ bỏ qua dù là những chi tiết nhỏ nhất khi có điều kiện đến tay, cho nên ông đã làm nhiều cú phôn tới mấy nước khác nhau sau khi Whitestone ra đi. Trước khi kết thúc buổi chiều đó, Demiris đã được khẳng định là có ai đó đã đóng góp tiền tài trợ cho Whitestone trong một công ty điện tử nhỏ ở Australia cùng với người em rể của anh ta. Ông cũng đã nói chuyện với một người bạn ở Bộ không quân Anh và hai giờ sau ông nhận được một báo miệng về Larry Douglas. Người bạn ông cho biết: "Y ở dưới đất thì hơi lập dị, song là một phi công kiệt suất". Sau đó Demiris đã gọi điện thoại sang Washington và New York và được cung cấp ngay những tin tức mới nhất về hoàn cảnh hiện nay của Larry Douglas. Mọi chuyện bề ngoài dường như diễn ra hoàn toàn đúng như chúng cần phải có. Tuy nhiên Constantin Demiris vẫn cảm thấy một điều gì đó áy náy mơ hồ, một điều không hay. Ông thảo luận với Noelle và nêu ra ý kiến có lẽ ông sẽ cung cấp thêm tiền cho Ian Whitestone để giữ anh ta ở lại. Noelle chăm chú lắng nghe, sau đó bảo: - Thôi. Cứ để cho hắn đi, anh Costa ạ. Còn nếu hắn đã giới thiệu viên phi công Mỹ này với lời lẽ hay ho như vậy thì để em thử tay nghề của y xem sao. Và thế là cuối cùng ông chấp nhận chàng. Từ lúc Noelle biết rằng Larry Douglas đang trên đường tới Athens, nàng không còn tâm trí nào để nghĩ đến những chuyện khác. Nàng nhớ lại bấy nhiên năm trời trôi qua, nghĩ đến việc lập các phương án một cách tỉ mỉ, kiên trì, tấm lưới giăng ra chậm chạp, dai dẳng, và nàng tin rằng Constantin Demiris chắc cũng phải hãnh diện về nàng nếu như ông biết chuyện. Noelle lại nghĩ thật là chớ trêu. Giá như nàng không gặp Larry có thể nàng đã được hạnh phúc bên Demiris. Họ bù đắp cho nhau rất hoàn hảo, cả hai người đều say mê quyền lực và biết cách sử dụng quyền lực. Họ là những người nổi trội hơn những người thường khác. Họ là chúa tể, sinh ra để thống trị. Xét đến cùng họ không bao giờ chịu thua, bởi vì họ có một lòng kiên trì sâu sắc và như rất bí ẩn. Họ có thể mai phục vĩnh viễn. Song bây giờ, đối với Noelle, việc mai phục đó coi như đã chấm dứt. Noelle bỏ ra cả ngày nằm trên chiếc võng trong vườn để kiểm lại cái kế hoạch của nàng, đến lúc vầng thái dương lặn ở phía trời tây, nàng cảm thấy thoả mãn: Nàng nghĩ thầm. Xét về một phía cạnh nào đấy, nàng lấy làm tiếc là trong sáu năm qua đã dành quá nhiều thời gian vào những phương án phục thù của nàng. Dường như nó trở thành động cơ cho từng phút giây nàng tỉnh táo, nó khiến cho cuộc đời nàng thêa sống, thêm hứng khởi, và bây giờ chỉ trong vài tuần ngắn ngủi nữa vấn đề sẽ đi đến chỗ kết thúc. Còn lúc này, khi nằm trong khu vườn xanh tươi, yên tĩnh lúc chiều tà, mặt trời lặn dần trên đất Hy Lạp, và những đợt gió hiu hiu bắt đầu thổi. Noelle không biết được rằng chuyện đó lại đang bắt đầu. Đêm trước hôm Larry tới, Noelle không tài nào ngủ được Nàng nằm thao thức suốt, nhớ lại Paris, nhớ lại con người đã mang lại cho nàng tiếng cười, rồi lại tước đi mất của nàng. Nàng có cảm giác như đứa con của Larry nằm trong bụng nàng, nó chiếm lĩnh cơ thể nàng cũng giống như cha nó chiếm lĩnh tâm trí nàng. Nàng nhớ lại cái buổi trưa hôm đó trong căn nhà ảm đạm ở Paris và cơn đau đớn do chiếc mắc áo nhọn bằng kim loại xoáy mỗi lúc một sâu và trong da thịt nàng cho đến khi nó chạm đến đứa bé thì cơn đau ê ẩm không thể chịu được đã khiến nàng phát cuồng lên và dòng máy tuôn ra xối xả không ngừng. Nàng nhớ lại tất cả những chuyện này và làm chúng sống trở lại. Cả sự đau đớn, sự thống khổ và niềm uất hận… Năm giờ sáng, Noelle thức dậy, vận quần áo, nàng ngồi trong phòng nhìn ra ngoài, ngắm mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ nhô lên trên biển Aegean. Nó gợi cho nàng nhớ đến một buổi sáng khác ở Paris, lần đó nàng cũng dậy rất sớm, vận quần áo và đợi Larry. Chỉ khác là lần này y sẽ tới đây. Bởi vì nàng đã dự kiến rằng y thể nào cũng sẽ phải tới. Noelle trước đây cần y đến thế nào, thì Larry bây giờ cũng cần đến nàng như vậy, cho dù y chưa nhận ra được điều này. Demiris gởi tới phòng Noelle một tin nhắn rằng ông muốn nàng đến dùng bữa điểm tâm với ông, song nàng cảm thấy phấn khích quá, nàng e rằng thái độ của nàng sẽ gây cho ông tò mò. Đã từ lâu rồi nàng nhận thấy ở Demiris có một sự tinh nhạy như một con mèo. Ông không bỏ qua một chi tiết nào. Cho nên, một lần nữa Noelle tự nhủ là nàng phải hết sức thận trọng. Nàng muốn quan tâm đến Larry theo cách riêng của nàng. Nàng đã suy tính rất lao lung về chuyện sẽ sử dụng Constantin Demiris như một công cụ mà ông không hề hay biết. Nếu như ông phát hiện ra điều này, chắc ông sẽ không thú gì. Noelle uống nửa tách cà phê Hy Lạp loại đặc và ăn nửa chiếc bánh mới làm còn nóng sốt. Nàng chẳng thấy mùi gì cả. Tâm trí nàng còn đặt cả ở cuộc gặp mặt sẽ diễn ra trong vài ba giờ nữa. Nàng đã chú ý trang điểm một cách đặc biệt và chọn kỹ chiếc váy sẽ mặc và nàng biết là hôm nay nàng rất đẹp. Quá mười một giờ một phút, Noelle nghe thấy tiếng xe hơi dừng lại ở trước nhà. Nàng hít một hơi thở sâu cố trấn tĩnh nỗi hồi hộp, sau đó từ từ đi về phía cửa sổ. Larry Douglas bước ra khỏi ra. Noelle theo dõi chàng tiến về phía cửa trước. Dường như năm tháng đã biến đâu hết cả hai người đang trở lại những tháng ngày ở Paris. Larry có phần nào chín chắn hơn trước, chiến tranh và đời sống đã làm cho chàng thêm những nếp nhăn mới trên mặt, song những nét đó chỉ làm cho chàng thêm đẹp hơn. Khi Noelle đứng ngắm chàng qua cửa sổ, cách xa gần chục mét, nàng vẫn có cảm giác một sức hút động vật, vẫn thấy sự thèm khát cũ, mỗi lúc một dâng cao, xen lẫn với lòng căm thù cho tới khi nàng cảm thấy phấn chấn thì lúc đó gần như đtới cực điểm. Nàng liếc nhanh nhìn lại mình trong gương một lần cuối, sau đó đi xuống lầu để gặp con người mà nàng sẽ tiêu diệt. Khi bước xuống thang, Noelle tự hỏi không biết phản ứng của Larry sẽ thế nào khi chàng gặp lại nàng. Liệu y có bốc phét với bạn bè của y, thậm chí có thể kể lể với vợ y rằng Noelle Page đã có một thời yêu y mê mệt không? Nàng tự hỏi như vậy cũng giống như nàng đã tự hỏi nàng trăm lần trước đây, liệu y có làm sống lại những kỷ niệm kỳ diệu của những ngày đêm họ chung sống bên nhau ở Paris không? Và liệu y có ăn năn trước những việc mà y đã gây ra cho nàng không? Làm cách nào để y dằn vặt trước một sự thật là nàng đã trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, trong lúc đó thì cuộc đời riêng của y đầy rẫy những thất bại cỏn con. Noelle muốn được thấy điều đó trong đôi mắt của Larry lần đầu tiên họ lại giáp mặt nhau sau gần bảy năm trời. Khi Noelle xuống tới phòng khách thì cửa trước cũng vừa mở và người quản gìa đưa chàng vào. Larry đang trừng trừng ngắm nhìn sảnh rộng mênh mông, vẻ kinh hoàng, chàng quay lại và trông thấy Noelle. Chàng nhìn nàng một hồi lâu, mặt tươi hẳn lên khi được chiêm ngưỡng một phụ nữ xinh đẹp. - Chào bà - Chàng nói lịch thiệp - Tôi là Larry Douglas. Tôi có một cuộc hẹn với ông Demiris. Trên mặt chàng không thấy xuất hiện một dấu hiệu gì chứng tỏ rằng chàng đã nhận ra nàng. Không một dấu hiệu nào. * * * * * Catherine ngồi trên xe hơi chạy dọc các phố xá Athens về khách sạn của họ, nàng kinh ngạc trước những đống hoang phế và tượng đài liên tục xuất hiện xung quanh họ. Nàng thấy ở đằng trước một cảnh tượng ngoạn mục, đền Parthenon bằng đá cẩm thạch trắng nổi cao trên đỉnh đồi Acpropolis. Khách sạn và các dinh thự công sở ở khắp nơi, tuy nhiên Catherine có cảm giác kỳ quặc rằng những công trình mới chỉ có tính chất tạm bợ, nhất thời, trong khi đền Karthinon sẽ vĩnh viễn bất tử giữa bầu không khí trong vắt. - Hùng vĩ đấy chứ? - Larry cười nói - Cả cái thành phố này đều như vậy. Một đống hoang tàn khổng lồ và rất đẹp. Họ đi ngang qua một công viên lớn ở trung tâm thành phố với những vòi phun nước uốn éo ở công viên. Hàng trăm chiếc bàn với những cột màu xanh và da cam xếp dọc công viên. Bầu trời giăng giăng trên đầu họ như một tấm bạt xanh lớn. Đây là quảng trường Nhấm Nháp(1) - Larry bảo. - Cái gì cơ? - Tên thực của nó là quảng trường Hiến Pháp. Song dân chúng thường ngồi ở bàn này suốt ngày uống cà phê Hy Lạp và ngắm nhìn sự đời diễn ra. Hầu như ở khối nhà nào cũng có những quán cà phê ngoài trời ở các góc phố người ta bán những bọt biển mới bắt được. Đâu đâu cũng thấy người bán hoa, các quán hoa của họ đầy những loại hoa màu sắc rực rỡ. Catherine nhận xét: - Thành phố này trắng quá cho nên thật chói chang. Căn phòng kép ở cửa khách sạn rộng và duyên dáng, trông ra quảng trường Syntagina, một quảng trường rộng ở giữa thành phố. Trong phòng có bầy nhiều hoa và một bát to đựng nhiều trái cây tươi ngon. Sau khi đi xem một lượt căn phòng, Catherine bảo: - Em thích lắm. Người trực tầng đặt những chiếc valy của nàng xuống. Larry cho hắn tiền puốc boa, thằng bé nói: - Parapob. - Parakelo - Larry đáp lại. Thằng bé đi xa, khép cửa lại đằng sau nó. Larry tiến lại, choàng tay ông lấy Catherine. - Chúc mừng em đã tới Hy Lạp. Chàng háo hức hôn nàng và áp sát toàn thân chàng vào người nàng. Nàng cảm nhận chàng đã nhớ nàng vô cùng, nàng thầm mừng như vậy. Chàng đưa nàng vào phòng ngủ. Trên chiếc bàn gương có một gói nhỏ, để lộ ra một chiếc hộp nhỏ, bên trong là một con chim bé xíu chạm bằng ngọc. Larry bận như vậy mà vẫn nhớ đến quà. Catherine rất cảm động. Dù sao con chim này cũng là một tấm bùa, một điềm lành cho thấy mọi việc tiến hành suôn sẻ rằng những chuyện quá khứ đến dây là chấm dứt. Trong lúc họ ân ái, Catherine thầm cầu nguyện, tỏ lòng biết ơn vì nàng được nằm trong vòng tay người chồng mà nàng yêu dấu vô cùng, được sống ở một trong những thành phố thú vị nhất thế giới và bắt đầu một cuộc đời mới. Chàng Larry cũ lại đây rồi, và toàn bộ vấn đề của họ chỉ là làm sao củng cố cho cuộc hôn nhân của họ thêm bền chặt. Không có gì có thể khiến họ tổn thương được. Sáng hôm sau Larry thu xếp với một công ty nhà cửa tới đưa Catherine đi xem một số căn nhà. Nhân viên đi cùng nàng là một người thấp lùn, da đen sẫm, ria mép dầy, tên là Dimitropolous. Ông ta nói liến thoáng bằng một thứ ngôn ngữ mà ông tin là tiếng Anh hoàn hảo, nhưng trong đó xen vào những từ Hy Lạp thỉnh thoảng lại kèm một cụm từ tiếng Anh mà không tài nào hiểu được nghĩa là gì. Catherine cũng đành tùy thuộc vào ông ta thôi (sau này trong nhiều tháng nàng cũng thường áp dụng cách ứng xử như vậy) nàng đề nghị ông nói thật chậm để nàng có thể chọn ra một số từ tiếng Anh và cố đoán xem ông ta định diễn đạt cái gì. Địa điểm thứ tư ông đưa nàng tới là một căn nhà gồm bốn phòng sáng sủa, chói chang ánh nắng, sau này được biết nó nằm ở khu Kolonski một khu ngoài ô sang trọng ở Athens, với những ngôi nhà cư dân đẹp đẽ và những cửa hiệu lộng lẫy. Tối hôm đó, khi Larry trở về khách sạn, Catherine kể cho chàng nghe về căn nhà đó và hai ngày sau họ dọn đến nhà mới. Larry đi vắng suốt ngày nhưng chàng cố gắng có mặt ở nhà để ăn bữa chính với Catherine. Bữa chính ở Athens là vào quãng chín đến mười hai giờ trưa. Từ hai giờ đến năm giờ mọi người nghỉ ngơi, các cửa tiệm mở đến tận khuya. Catherine cảm thấy hoàn toàn bị thành phố này cuốn hút. Đến đêm thứ ba ở Athens, Larry đưa về một người bạn mới, đó là Bá tước George Pappas, người Hy Lạp tuổi trạc bốn lăm đầy hấp dẫn, dáng người cao gầy, mái tóc đen, nhưng điểm bạc hai bên thái dương. Ở ông ta có một vẻ đạo mạo kiểu cổ, hơi kỳ dị khiến Catherine thấy thích. Ông ta đưa họ đến ăn ở một nhà hàng nhỏ ở khu phố cổ Plaka rộng vài ba acre, dốc về phía trung Athens, với những ngõ hẻm ngoằn nghèo, những bậc thang cũ kỹ, sụt lở dẫn đến những ngôi nhà nhỏ xây dựng từ thời cổ Thổ Nhĩ Kỳ thống trị Hy Lạp và thành phố Athens còn là một làng quê. Khu Palaka là khu có những kiến trúc quét vôi trắng nằm rải rác đây đó, có những quầy bán hoa quả tươi, mùi cà phê rang thơm lừng trong không khí, những con mèo gầm gừ và những cuộc ẩu đả huyên náo phố xá, ấn tượng của khu này thật là quyến rũ. Catherine nghĩ: ở những thành phố khác thì những khu như thế này đã trở thành một ổ chuột rồi. Thế mà ở đây lại là một tượng đài. Cái nhà hàng mà Bá tước Pappas đưa họ tới là nhà hàng lộ thiên nằm trên nóc một ngôi nhà nhìn ra khắp thành phố. Những người bồi phục vụ ở đây ăn mặc quần áo sặc sỡ - Bà muốn dùng gì? - Ông bá tước hỏi Catherine. Nàng xem kỹ bản thực đơn đầy lạ lùng và lúng túng: - Ông làm ơn đặt món ăn giúp tôi. Tôi e rằng tôi gọi nhầm ra tên ông chủ tiệm cũng nên. Bá tước Pappas đặt một tiệc thịnh soạn, ông ta chọn ra hàng loạt món ăn để Catherine có dịp nếm đủ mọi thứ. Họ ăn món Dolmades, thịt băm viên cuộn trong lá nho, mousaka, món thịt nhồi cá béo ngậy, stiffado, thịt thỏ rô ti với hành - (mãi đến khi nàng ăn được một nửa, nàng mới biết món này là món gì, và từ đó nàng không dám ăn nữa) và món taramosalata là món xà lách Hy Lạp trộn trứng, dầu ôliu và chanh. Ông Bá tước gọi một chai retsina. - Đây là rượu vang bản địa của chúng tôi - Ông giải thích như vậy. Ông ngồi ngắm Catherine nếm thử loại rượu này một cách thú vị. Nó có vị gắt của dứa. Catherine phải nhắm mắt nhắm mũi mới uống nổi. Nàng giật thót cả người. Ăn món gì bây giờ cũng đều mất ngon cả. Trong lúc họ ăn, có ba nhạc công chơi nhạc Bozoukia. Tiếng nhạc vui vẻ, yêu đời và dễ gây cảm hứng, ba người ngồi ngắm những người khác bắt đầu đứng dậy bước ra sàn nhẩy theo tiếng nhạc. Điều khiến Catherine kinh ngạc là tất cả những người nhảy đều là nam giới và họ nhảy tuyệt vời. Nàng ngồi xem một cách thích thú. Mãi đến hơn ba giờ sáng họ mới ra về. Ông bá tước lái xe đưa hai vợ chồng về căn nhà mới của họ. Ông hỏi: - Bà đã đi xem phong cảnh thành phố chưa? - Thực ra là chưa. - Nàng thừa nhận - Tôi còn đợi Larry có thời gian nghỉ đã. Ông bá tước quay sang Larry: - Có lẽ trong lúc ông chưa tham gia được, tôi cứ đưa bà Catherine đi xem vài ba nơi trước, được không? - Thế còn gì bằng - Larry đáp - Miễn là việc đó không quá phiền hà cho ông. - Tôi rất vui lòng được làm việc đó - Ông bá tước đáp, rồi quay sang Catherine - Bà có nhận tôi là người hướng dẫn cho bà không? Nàng nhìn ông và chợt nhớ đến Dimitropolous, người nhân viên công ty nhà cửa, vóc dáng nhỏ bé, nói tiếng Anh liến thoắng, líu ríu chẳng nghe rõ gì. - Tôi rất mong được như vậy - Nàng đáp lại một cách chân thành. Mấy tuần tiếp sau đó là những tuần tuyệt diệu. Sáng nào Catherine cũng sắp sắp xếp nhà cửa, đến chiều, nếu Larry đi vắng thì ông Bá tước lại đến đón nàng đi xem phong cảnh. Họ đã tới núi Olimpia. Ông bá tước kể: - Đây là nơi diễn ra những trò thể thao Olimpia đầu tiên. Những ngày hội đó được tổ chức hàng năm kéo dài trong một ngàn năm liền, bất chấp các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, nạn đói. Catherine ngạc nhiên đứng ngắm cảnh hoang phế của một vũ đài lớn, nàng nghĩ đến những cuộc thi đấu huy hoàng đã từng được tổ chức tại đây trong những thế kỷ, nàng nghĩ đến những thắng lợi và thất bại. - Nếu nhận xét những sân đấu ở Eton thì nơi đây thật là chỗ khởi thủy cho tinh thần thượng võ. Ông Bá tước cười lớn: - Tôi e rằng sự thực sẽ phần nào làm cho bà ngạc nhiên đấy. Catherine chăm chú nhìn ông: - T? - Cuộc thi xe chiến mã lần đầu tiên tổ chức ở đây đã có sắp đặt trước. - Sắp đặt trước? Ông Bá tước kể tiếp: - Đúng thế đấy. Có một ông hoàng giàu sụ tên là Pelops lúc đó đang ân hận với đối thủ của mình. Họ quyết định tổ chức một cuộc thi xe chiến mã để xác định xem ai thắng ai thua. Đêm trước cuộc thi Pelops đã thay bánh xe ở xe đối thủ của mình. Khi cuộc thi bắt đầu dân chúng có mặt ở đây tung hô người mình yêu mến. Ở vòng đầu chiếc xe của đối thủ đã bị văng bánh, xe lật nhào. Đối thủ đã bị mắc giữa dây cương và bị ngựa lôi đi đến chết. Pelops về đích thắng cuộc. - Thật là kinh khủng - Catherine nói - Thế họ đã làm gì với hắn ta? - Quả thực đó là đoạn ô nhục nhất trong lịch sử. Ông Bá tước đáp - Ngày nay thiên hạ ai cũng biết hành động của Pelops. Y được coi là anh hùng vĩ đại và trên một trần tường lớn trên đền thờ Zeus ở Olimpia người ta vẫn đắp hình để suy tôn y. Hiện nay vẫn còn đó - Ông mỉm cười chua chát - Có lẽ tên đểu cáng này đã giễu thêm và sống sung sướng mãi sau đó. Trên thực tế - Ông nói thêm - Cả một vùng ở phía nam Corinth được gọi theo tên của y là Peloponnesus. - Hoá ra tội ác không bị trừng phạt ư? - Catherine thắc mắc. Mỗi khi Larry có dịp rảnh, chàng cùng Catherine đi xem thành phố. Họ phát hiện ra những nhà hàng tuyệt vời mà ở đó họ có thể bỏ ra nhiều giờ để mặc cả và những nhà hàng bé nhỏ họ có thể ăn theo ý thích. Larry tỏ ra là một người vui vẻ, hấp dẫn đáng mến và Catherine thầm nghĩ rằng việc nàng bỏ công việc ở Hoa Kỳ để đi theo chồng sang Hy Lạp là hoàn toàn thoả đáng. Còn đối với Larry, chàng cũng chưa bao giờ được hạnh phúc đến như vậy. Công việc làm với Demiris thật là một giấc mơ trong cuộc đời chàng. Tiền lương rất hậu, song Larry không quan tâm đến những điều đó lắm. Điều chàng quan tâm nhiều là những chiếc phi cơ kỳ diệu mà chàng đang điều khiển. Để học lái chiếc Hawker Siddeley chàng mất đúng một tiếng đồng hồ và với năm chuyến bay nữa là chàng hoàn toàn làm chủ được nó. Phần lớn thời gian Larry bay cùng với Paul Metaxas, chàng phi công người Hy Lạp thấp bé, vô tư lự của Demiris. Metaxas rất ngạc nhiên trước việc Ian Whitestone đột ngột ra đi, rồi anh lại thấy lo lắng trước việc tìm người thay chân cho Whitestone: Anh đã từng nghe nhiều chuyện về Larry Douglas, song anh không tin Larry giống như hình ảnh qua các câu chuyện kể lại. Tuy nhiên, Douglas tỏ ra là có nhiệt tình thực sự đối với công việc mới mẻ của chàng và lần đầu tiên Metaxas bay cùng chàng, anh ta nhận thấy quả thực Larry là một phi công xuất chúng. Dần dần Metaxas bớt phần cảnh giác và hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Mỗi khi không bay, Larry lại giành thời gian để nghiên cứu từng khuyết tật riêng của mỗi chiếc máy bay. Sau khi làm xong, chàng có thể điều khiển chúng lão luyện hơn bất kỳ phi công nào đã từng bay chúng trước đây. Sự phong phú của công việc khiến cho Larry thêm say mê: chàng thường đưa các nhân viên của Demiris đi công du tới Brindisi, Corfu và Rome, hoặc đón rước khách rồi đưa họ tới hòn đảo riêng của Demiris để dự tiệc tùng hoặc đến nhà ván của ông ở Thuỵ Sĩ để truợt tuyết. Chàng đã quen với việc lái máy bay chohân vật mà chàng thường xuyên thấy chân dung của họ trên các trang nhất của các báo chí, rồi chàng thích thú kể lại những chuyện về họ cho Catherine nghe. Chàng lái máy bay chở Tổng thống của một nước vùng Balkan, chở thủ tướng Anh, một ông vua dầu lửa Ả Rập và toàn bộ các cung phi của ông ta. Chàng đã chở những danh ca opera, một đoàn múa Balê và cả một đoàn diễn viên trong một vở kịch của hãng Broadway trình diễn ở London chỉ duy nhất có một buổi mừng ngày sinh của Demiris. Chàng đã chở các chánh án toà án tối cao, một thượng nghị sĩ và cựu Tổng thống Hoa Kỳ. Trong suốt chuyến bay Larry dành phần lớn thời gian ngồi trong buồng lái, song thỉnh thoảng chàng cũng ghé qua cabin để kiểm tra lại xem các hành khách có được thoải mái dễ chịu không. Thỉnh thoảng chàng cũng nghe đôi đoạn trong những cuộc thảo luận giữa các trùm tư bản về những công ty hỗn hợp đang đe doạ vận mệnh của kẻ khác hoặc việc buôn bán chứng khoán. Lẽ ra chàng có thể lợi dụng được những tin tức mà chàng nghe lỏm được song chàng chẳng quan tâm gì. Cái mà chàng bận tâm nhiều lại là chiếc máy bay chàng đang bay, sao cho nó mạnh mẽ, sống động và nằm dưới sự kiểm soát của chàng. Phải hai tháng sau Larry mới lái máy bay cho Demiris. Họ đang ở trên chiếc Piper. Larry lái máy bay chở ông chủ của mình từ Athens tới Dubrovnik. Đó là một ngày trời đầy mây, có tin báo gió bão gìật từng cơn dọc trên đường bay. Larry đã cẩn thận vạch ra một lộ trình ít gặp gió bão nhất, song không khí vẫn đầy những vùng gió xoáy không tài nào tránh nổi. Một giờ sau khi ra khỏi Athens chàng đã bật đèn báo thắt dây lưng an toàn và nói với Metaxas: - Bình tĩnh, Paul nhé. Chuyến bay này có thể là thử thách cả sự nghiệp của chúng ta đấy. Larry lấy làm ngạc nhiên khi thấy Demiris xuất hiện trong buồng lái, nói: - Cho tôi vào chỗ các anh nhé. - Xin ông cứ tự nhiên - Larry đáp - Chuyến bay này sẽ khó khăn đây. Metaxas nhường chỗ cho Demiris để cho ông ngồi vào đó. Larry lúc này chỉ muốn có người phi công bay kép của mình ngồi cạnh để khi có sự cố gì thì còn phản ứng cho kịp, tuy nó là máy bay của Demiris. Trận bão kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Larry lái vòng quanh một núi mây khổng lồ cuồn cuộn dâng lên ở trước mặt họ một màu trắng dễ chịu song cũng đầy đe doạ. - Đẹp quá chừng - Demiris bình phẩm. - Những đám mây này chết người đấy - Larry nói - Mây tích điện đấy - Lý do mà chúng trông đẹp đẽ và bồng bềnh như vậy vì có gió ở bên trong thổi thốc lên. Máy bay mà lọt vào trong đó thì chỉ không đầy mười giây là bị xé tan tành. Người ta có thể vọt lên hoặc rơi xuống ba chục ngàn foot trong không đầy một phút và không còn điều khiển được máy bay của mình nữa. - Tôi tin rằng anh sẽ không cho việc đó xảy ra - Demiris bình tĩnh đáp. Gió quật vào máy bay, cố đẩy nó sang một phía song Larry vật lộn để nắm quyền điều khiển chiếc máy bay. Chàng quên cả Demiris đang có mặt ở đó, tập trung toàn bộ chú ý vào chiếc máy bay chàng đang lái và vận dụng mọi kỹ năng mà chàng biết từ trước tới giờ. Cuối cùng họ đã ra khỏi vùng bão tố. Larry quay lại, lau mồ hôi và nhận thấy Demiris đã rời buồng lái từ bao giờ. Metaxas đang ngồi trên ghế. - Paul ạ, chuyến bay đầu tiên với ô khốn nạn thế đấy! - Larry than thở - Mình có lẽ sẽ bị rầy rà đây. Chàng đang cho máy bay hạ cánh xuống một sân bay nhỏ nằm giữa vùng đồi núi ở Dubrorvnik thì Demiris xuất hiện ở buồng lái, ông bảo với Larry: - Ông đã nói có lý. Tôi thấy hài lòng vì ông rất tài nghệ qua những việc ông đã làm. Rồi Demiris bước ra. Một buổi sáng Larry đang chuẩn bị cho một chuyến bay sang Marốc, Bá tước Pappas gọi điện thoại tới xin đề nghị được đưa Catherine đi chơi xe hơi về vùng nông thôn. Larry nhất định bảo nàng phải đi. - Bộ anh không ghen? - Nàng hỏi. - Ghen với ông Bá tước? Larry cười rũ rượi. Và Catherine bỗng hiểu ra cả. Trong suốt thời gian nàng với ông Bá tước đi chơi với nhau, ông ta chưa có một hành vi nào không đúng với nàng, thậm chí nhìn nàng một cách gợi tình cũng không. Nàng hỏi: - Ông ấy bị bệnh đồng tính luyến ái? Larry gật đầu: - Chính vì vậy anh mới để cho em được ông ấy chăm sóc ân cần như vậy. Ông Bá tước đến đón Catherine rất sớm, rồi họ khởi hành theo hướng nam về vùng đồng bằng Thessaly rộng rãi. Những người phụ nữ nông dân ăn vận quần áo đen bước dọc trên đường, trên lưng buộc những bó củi nặng trĩu Catherine thấy vậy hỏi: - Tại sao nam giới không làm những công việc nặng nề này thay cho họ? Ông Bá tước nhìn nàng bằng một cách nhìn thích thú rồi đáp: - Phụ nữ không muốn nam giới làm những việc đó bởi vì họ muốn chồng họ khoẻ khoắn lúc ban đêm để làm những việc khác. Catherine chua chát nghĩ thầm: âu cũng là một bài học cho tất cả chúng ta. Đến lúc chiều tà họ tới vùng núi Pindus trông ghê rợn với những mỏm đá vươn lên cao tận trời. Con đường bị tắc nghẽn bởi một đàn cừu được một người thợ cừu và một con chó săn gầy ốm chăn dắt. Bá tước Pappas phải dừng, đợi cho đàn cừu tản ra khỏi đường. Catherine ngắm nhìn con chó cắn vào chân những con cừu đi lạc đường bắt chúng đi vào hàng và theo hướng mà con chó muốn dắt dẫn. Catherine tỏ ý thán phục: - Con chó cứ như người vậy Ông Bá tước nhìn nàng rất nhanh. Trong cái nhìn đó có điều gì đó khiến nàng thấy khó hiểu. Nàng hỏi: - Sao vậy? Ông Bá tước ngập ngừng: - Câu chuyện này không hay ho gì. - Yên chí, thần kinh tôi vững lắm. Ông Bá tước kể: - Đây là một vùng hoang dã. Đất đai ở đây toàn sỏi đá, cằn cỗi. Mùa màng có tốt nhất cũng chỉ được lèo tèo chút đỉnh mà thôi, mà nếu thời tiết xấu thì chẳng thu hoạch được gì, đói to ngay lập tức - Giọng ông lạc hẳn đi. Catherine vội nhắc: - Ông cứ kể tiếp đi. - Cách đây vài năm có trận bão lớn xảy ra tại đây, mùa màng hỏng hết cả. Mọi người cạn hết thức ăn. Toàn bộ lũ chó chăn cừu vùng này đã nổi loạn. Chúng bỏ các trang trại và tụ tập thành một đàn rất lớn - Ông kể tiếp, song cố giữ giọng nói không mang vẻ kinh hãi - Chúng bắt đầu tiến công các trang trại. - Và giết hết cừu? - Catherine hỏi dồn. Im lặng một lúc, ông ta đáp: - Không. Chúng cắn xé và ăn thịt các người chủ của chúng. Catherine sửng sốt nhìn ông. - Người ta phải phái quân đội liên bang từ Athens về đây lập lại sự cai trị của con người. Mất gần một tháng. - Thật là ghê rợn. - Nạn đói đã gây ra những chuyện ghê rợn như vậy - Bá tước Pappas khe khẽ nói. Đàn cừu đã qua hết con đường. Catherine ngó nhìn lại con chó chăn cừu một lần nữa và thấy rùng mình. Nhiều tuần lễ trôi qua, nhiều điều dường như lạ lùng, xa cách với Catherine giờ đây đã trở nên quen thuộc với nàng. Nàng nhận thấy mọi người đều cởi mở thân thiện. Nàng biết những chỗ để mua bán, chợ búa và cửa tiệm mua quần áo ở phố Voukourestiou. Hy Lạp là một xứ sở kỳ lạ và người ta phải thư giãn và hưởng thụ nếp sống đó. Không một ai vội vã gì, nếu bạn có hỏi đường ai đó họ có thể dẫn bạn đến tận nơi. Hoặc khi bạn hỏi đường có xa không thì anh ta sẽ nói "Dnos cigarou dromos", mà Catherine hiểu rằng "hút hết một điếu thuốc lá". Nàng đã đi khắp các phố, xem khắp thành phố và uống thứ rượu vang thẫm âm ấm giữa ngày hè ở Hy Lạp. Catherine và Larry đã đến thăm vùng Mykonos với những chiếc cối xay gió sặc sỡ màu sắc và thăm Melos, nơi người ta đã tìm ra bức tượng thần Vệ nữ ở Milo. Song nơi mà Catherine thích nhất vẫn là Paros, một hòn đảo duyên dáng, xanh tươi với một ngọn núi nhô cao, đỉnh phủ đầy hoa. Khi chiếc thuyền của họ cập đảo, một người hướng dẫn đứng sẵn ở bến. Anh ta hỏi xem họ có cần anh đưa đường lên đỉnh núi bằng la không, và thế rồi họ trèo lên hai con la gầy trơ xương. Catherine đội một chiếc mũ rơm rộng vành để tránh ánh nắng gay gắt. Họ cưỡi la trèo lên con đường dốc gần tới đỉnh núi, có những phụ nữ vận đồ đen gọi to "Kelimera" và trao cho Catherine những món quà làm bằng cỏ tươi, da cừu thuộc để gài lên vành mũ của nàng. Sau hai giờ cưỡi la, họ tới một cao nguyên, đây là một khu đồng bằng đẹp đẽ có nhiều cây to với hàng triệu bông hoa nở đầy rất ngoạn mục. Người hướng dẫn dừng la lại để họ được ngắm cảnh sắc trăm hồng ngàn tía thật kỳ lạ. - Nơi này được gọi là thung lũng Bướm - Người hướng dẫn giải thích bằng một thứ tiếng Anh nhát gừng. Catherine nhìn quanh song không thấy một con bướm nào. Nàng hỏi: - Tại sao người ta gọi như vậy? Gã hướng dẫn toe toét cười, gần như hắn đang đợi câu hỏi này của nàng. Hắn bảo. - Tôi sẽ cho bà thấy. Hắn tụt xuống khỏi con la và nhặt một cành cây gẫy. Hắn tiến đến một cái cây và dùng cành cây gẫy đập thật mạnh vào đó. Trong chớp mắt những "bông hoa" trên hàng trăm cây bỗng bay tán loạn mang theo màu sắc sặc sỡ trên trời để những cái cây trơ ra đó. Không gian bỗng tràn ngập hằng hà sa số những con bướm đủ màu sắc tươi vui chập chờn nhảy múa trong ánh nắng. Catherine và Larry kinh ngạc ngắm nhìn. Gã hướng dẫn đứng ngây người, ngắm họ, mặt hắn lộ vẻ tự hào như thể hắn cảm thấy hắn đang là người tạo nên cái phép màu huyền diệu mà họ đang được chiêm ngưỡng. Đó là một trong những ngày đẹp nhất trong đời Catherine, và nàng thầm nghĩ nếu như nàng có thể chọn lựa một ngày hoàn hảo nhất để nàng sống lại với nó, thì ngày đó chính là ngày nàng đã sống với Larry ở Paros. * * * * * - Này, sáng hôm nay chúng ta có một thượng khách đấy nhé - Paul Metaxas cười vui vẻ với Larry - Đợi đó rồi sẽ được gặp nàng. - Ai thế? - Noelle Page, cô bồ nhí của ông chủ. Anh có thể ngắm chán thì thôi, nhưng chớ có đụng vào mà chết đấy. Larry Douglas chợra phút giây thoáng qua mà chàng đã chạm mặt người đàn bà đó tại nhà Demiris ngay sáng hôm chàng tới Athens. Nàng thật là một hoa khôi trông rất quen, có lẽ đó là vì chàng đã từng thấy nàng trên màn bạc, trong một bộ phim của Pháp mà Catherine đã có lần lôi bằng được chàng đi xem. Chẳng cần phải nhờ đến người khác dậy chàng những phép tắc về sự tự vệ này. Cho dù thế giới này thiếu đi những người đàn bà nhiệt tình, chàng cũng sẽ không láng cháng lại gần cô bồ của Constantin Demiris làm gì. Larry say sưa với công việc của mình, chàng chẳng dại gì có hành động ngớ ngẩn để phá hoại công việc đó. Có lẽ chàng sẽ xin chữ ký của nàng đem về cho Catherine làm kỷ niệm là đủ. Chiếc ô tô đưa Noelle ra phi trường đã phải giảm tốc mấy lần vì những tốp công nhân đang sửa đường, song Noelle lại thấy thích những lần trì hoãn như vậy. Kể từ sau lần chạm mặt ở nhà Demiris, đây sẽ là lần đầu tiên nàng gặp lại Larry Douglas. Noelle bị chấn động mạnh trước những gì đã xảy ra. Hay nói cho chính xác hơn là trước những gì đã không xảy ra. Trong hơn sáu năm qua Noelle đã tưởng tượng ra hàng trăm cách khác nhau về cuộc tái ngộ này: Nàng đã từng diễn đi diễn lại cảnh này trong óc. Chỉ có một điều duy nhất nàng không bao giờ nghĩ tới là Larry có thể không nhớ ra nàng. Cái sự kiện quan trọng nhất trong đời nàng hoá ra chẳng có nghĩa lý gì đối với chàng so với một vụ gian díu rẻ tiền, một trong hàng trăm vụ khác. Được rồi, trước khi nàng thanh toán với hắn, hắn phải nhớ ra nàng. Larry đang đi ngang qua phi trường, tay cầm kế hoạch bay thì cũng là lúc chiếc ô tô dừng lại trước chiếc máy bay khổng lồ và Noelle Page bước ra khỏi xe. Larry tiến đến bên chiếc xe, vui vẻ nói: - Xin chào tiểu thư Page. Tôi là Larry Douglas. Tôi sẽ đưa cô cùng với những người khách của cô sang Canres. Noelle quay lại và bước ngang qua chàng như thể chàng không hề có mặt tại đó. Larry đứng ngây người, lúng túng nhìn theo. Ba mươi phút sau, những người hành khách khác, có chừng chục người, đã lên đủ trên máy bay, Larry và Paul cho máy bay cất cánh. Họ đưa nhóm người này tới Cote d Azur và ở đó họ sẽ được đón lên chiếc du thuyền của Demiris. Chuyến bay dễ dàng ngoại trừ gặp một đợt gió xoáy bình thường ở ngoài khơi bờ biển phía Nam nước Pháp vào mùa hè. Larry hạ cánh rất nhẹ nhàng và cho máy bay chạy trên đường băng tới chỗ có mấy chiếc xe hơi đang trực sẵn để đón khách. Larry rời máy bay cùng với người phụ lái nhỏ bé, bướng bỉnh. Noelle bước thẳng đến chỗ Metaxas, không thèm ngó ngàng gì tới Larry, nàng nói bằng một giọng khinh miệt: - Anh Paul ạ, cái người phi công mới ấy mà, lái máy bay tài tử quá. Anh nên cho anh ta mấy bài về cách bay nhé. Rồi Noelle bước vào xe, bỏ mặc Larry đứng ngây ra sững sờ, uất hận. Chàng tự nhủ con mụ này thật là con quỷ cái, có lẽ hôm nào đó xấu trời chàng sẽ cho con mụ một trận. Song sự việc liên tiếp xảy ra một tuần sau đó đã khẳng định cho chàng thấy là chàng đang gặp một vấn đề nghiêm trọng. Theo lệnh của Demiris, Larry đón Noelle ở Oslo lên máy bay rồi đưa nàng sang London. Lần này, Larry vạch ra một kế hoạch hết sức chu đáo. Ở phía Bắc có một vùng không khí áp suất cao, có thể có sấm chớp ở phía đông Larry theo một một lộ trình đi tắt qua những khu vực này và chuyến bay kết thúc suôn sẻ. Chàng đưa máy bay xuống đúng chỗ hạ cánh trong khu vực ba điểm, rồi cùng với Metaxas đi vào cabin. Noelle Page đang tô môi son. Larry lễ phép nói: - Tôi hy vọng chuyến bay này tiểu thư ưng ý chứ, tiểu thư Page? Noelle liếc nhìn chàng một lúc, mặt nàng không bộc lộ một tình cảm gì, sau đó nàng quay sang Paul Metaxas: - Lúc nào tôi cũng cảm thấy bồn chồn khi bay trên máy bay do người lái tồi điều khiển. Larry đỏ bừng mặt. Chàng định nói thì Noelle lại bảo với Metaxas: - Anh hãy nhắc cho anh ta nhớ rằng từ nay về sau bao giờ tôi hỏi han đến anh ta thì anh ta mới được đáp lại lời tôi. Metaxas lúng túng, muốt nước bọt. - Dạ vâng, thưa tiểu thư. Larry hằm hằm nhìn Noelle, đôi mắt chàng bốc lửa giận dữ theo nàng khi nàng đứng dậy, rời khỏi máy bay. Chàng muốn vả vào mặt nàng, song chàng biết làm như vậy thì coi như là chấm dứt một sự nghiệp. Chàng yêu thích công việc này hơn bất kỳ những công việc nào trước đây, và chàng cố kiềm chế không để một một chuyện rủi ro gì xảy ra. Chàng hiểu rằng một khi chàng bị sa thải thì cũng có nghĩa đây là lần cuối cùng chàng được lái. Không, chàng sẽ phải hết sức thận trọng. Khi Larry về đến nhà, chàng đem mọi chuyện vừa xảy ra kể lại với Catherine. - Cô ta kiếm chuyện với anh hoài - Larry bảo. - Cô ta có vẻ tai quái đấy - Catherine đáp - Larry anh có làm gì để cô ta mếch lòng không? - Anh chưa nói với cô ta trọn một chục từ. Catherine nắm lấy tay chồng, an ủi: - Anh cứ yên tâm. Chẳng mấy chốc là anh sẽ khiến cô ta phải say mê cho mà xem. Hôm sau trong một chuyến Larry chở Constantin Demiris đi công cán ngắn ngày sang Thổ Nhĩ Kỳ, Demiris lại vào buồng lái và ngồi vào chỗ của Metaxas. Ông hất tay bảo người lái phụ đi ra chỗ khác để Larry và ông còn lại một mình trong buồng lái. Họ ngồi yên lặng một hồi theo dõi những đám mây trắng nhỏ đập vào máy bay thành những hình kỷ hà học. - Tiểu thư Page không ưa gì ông đâu - Cuối cùng Demiris lên tiếng. Larry cảm thấy hai bàn tay chàng nắm chặt vào cần điều khiển, chàng phải chủ tâm nới lỏng tay ra. Chàng cố giữ giọng bình tĩnh: - Cô ấy có nói lý do tại sao không ạ? - Nàng bảo là ông đã thô lỗ với nàng. Larry định mở miệng phản đối, sau đó chàng suy tính phải tìm cách khác. - Xin lỗi. Tôi sẽ cố gắng thận trọng hơn, thưa ông Demiris - Chàng nói đều đều. Demiris đứng dậy. - Thôi được. Tôi tin rằng ông sẽ không làm cho tiểu thư Page phiền lòng nữa - Đoạn ông rời khỏi buồng lái. Không bao giờ nữa? Larry cố vắt óc nghĩ xem chàng có thể làm gì để nàng mếch lòng không. Có thể nàng không thích "típ" của chàng. Cũng có thể nàng ghen tức vì Demiris tin yêu chàng, song điều đó nghe chừng vô lý. Tất cả những lý do Larry nghĩ đến đều không thoả đáng. Song rõ ràng Noelle cố tìm cách để sa thải chàng. Larry nghĩ đến chuyện bị mất việc, lại phải ngồi khai những tờ đơn như cậu học trò khốn khổ, lại những cuộc phỏng vấn, lại chờ trực, và lại những giờ phút đằng đẵng cố giết thời gian trong những quán rượu rẻ tiền, bên lũ đĩ điếm tạm bợ. Chàng nhớ đến việc Catherine kiên nhẫn, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện thế mà sao chàng lại nàng đến vậy. Không, chàng không thể nào lặp lại những chuyện như thế một lần nữa. Chàng không thể chịu nổi một thất bại nữa. Vài ngày sau trên một trạm dừng chân ở Beirut, Larry đi ngay qua một rạp chiếu bóng và để ý thấy một bộ phim đang chiếu do Noelle Page thủ vai chính. Chàng bốc đồng vào xem phim, có ý để chuẩn bị xoi mói bộ phim và diễn viên chính trong phim, song Noelle diễn quá xuất sắc khiến chàng hoàn toàn bị nàng lôi cuốn từ đầu đến cuối. Một lần nữa chàng lại có một tình cảm kỳ lạ là thân thiện với nàng. Sáng thứ hai sau, Larry lái may bay chở Noelle Page cùng một số bạn kinh doanh của Demiris đi Zurich. Larry đợi đến khi Noelle Page còn lại một mình, chàng mới tiến lại gần. Chàng thấy ngần ngại khi bắt chuyện với nàng bởi chàng nhớ đến câu nói cảnh cáo của nàng gần đây nhất, song chàng xác định rằng cách duy nhất để xoá đi sự ác cảm của nàng là thái độ cư xử hoà nhã của chàng. Tất cả các cô đào đều có tính thích được tâng bốc, thích nghe người ta khen về diễn xuất tốt, vì vậy lúc này chàng tiến lại gần và tỏ ra hết sức lịch thiệp: - Xin lỗi tiểu thư Page, tôi xin có vài lời muốn bày tỏ rằng cách đây vài hôm tôi có được xem tiểu thư đóng trong một bộ phim. Đó là phim Khuôn mặt thứ ba. Có lẽ tiểu thư là một trong những tài tử xuất sắc nhất mà tôi từng xem từ trước tới nay. Noelle nhìn chàng một lát rồi đáp: - Tôi muốn tin rằng ông là một nhà phê bình giỏi hơn một phi công, song tôi không tin lắm là ông có được hiểu biết cũng như khiếu thẩm mĩ tốt. Đoạn nàng bỏ đi. Larry đứng như mọc rễ ở đó, chàng cảm thấy bị choáng váng bất ngờ. Đồ con đượi! Thoáng trong giây lát chàng có ý định đi theo cô ta và nói toẹt cho cô ả rõ nhưng ý nghĩ thật của mình, song chàng biết rằng nếu làm như vậy chàng sẽ rơi vào cái bẫy của cô ả. Không. Từ nay trở đi chàng chỉ biết công việc của chàng và tìm cách lánh xa cô ta, càng xa càng tốt. Trong mấy tuần sau đó Noelle thường đi trên máy bay do chàng lái. Larry không hề nói năng gì với nàng và chàng cố hết sức thu xếp sao cho nàng không thể chạm mặt chàng. Chàng không bao giờ ra buồng hành khách, để cho Metaxas làm nhiệm vụ thông báo những tin tức cần thiết cho các hành khách. Không thấy Noelle có ý kiến gì nữa Larry thấy mừng thầm là chàng đã tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề. Nhưng… Một buổi sáng, Demiris cho gọi Larry tới biệt thự của ông: - Tiểu thư Page sẽ bay sang Paris giả quyết một chuyện cơ mật giúp tôi. Tôi muốn ông đi hộ vệ cho nàng. - Vâng, thưa ông Demiris. Demiris quan sát chàng một lát, định nói thêm điều gì, sau đó ông thay đổi ý kiến, nói gọn lỏn: - Có vậy thôi. Vì Noelle là hành khách duy nhất trên chuyến bay sang Paris cho nên Larry quyết định dùng chiếc phi cơ Piper. Chàng sắp đặt để Paul Metaxas ra săn sóc xem Noelle ngồi có được thoải mái không, còn chàng ngồi lại ở buồng lái, cố tránh mặt trong suốt chuyến bay. Khi họ hạ cánh, Larry tiến lại phía ghế nàng ngồi, nói: - Thưa tiểu thư Page, ông Demiris có yêu cầu tôi đi kèm cô trong thời gian cô lưu lại Paris. Nàng ngước nhìn chàng, vẻ khinh miệt: - Được thôi. Nhưng đừng có để tôi thấy là ông quanh quất bên cạnh tôi. Chàng gật đầu, lạnh lùng. Họ đi ô tô riêng từ sân bay Orly vào thành phố. Larry ngồi ở hàng ghế trước cùng với tài xế, còn Noelle ngồi ở ghế sau. Trong suốt chuyến đi vào thành phố nàng không hề nói một câu nào. Trạm dừng chân đầu tiên của họ là Parisbas, Ngân hàng Paris và des Bas. Larry đi cùng Noelle vào khu sảnh và ngồi đợi nàng được người ta đưa vào văn phòng của chủ tịch ngân hàng sau đó lại xuống nhà hầm nơi có những két tiền được lưu giữ. Noelle đi vào trong đó chừng ba mươi phút, sau đó nàng quay trở lại, nàng đi thẳng qua chỗ Larry không nói một lời. Chàng trừng trừng nhìn theo một lúc, sau đó cũng quay ra, đi theo nàng. Trạm dừng thứ hai của họ là ở phố Faubourg - St. Honoré. Noelle cho xe về nghỉ. Larry đi theo nàng vào một tiệm bách hoá và đứng ở xa xa đợi nàng chọn hàng để mua, sau đó nàng trao cho chàng những gói đồ để chàng xách giùm. Nàng đi mua hàng ở hàng chục tiệm khác nhau: đến Hermes mua ví và dây lưng, đến Guerlain mua nước hoa, đến Celine mua giày dép, cho tới khi Larry tay xách nách mang bị lôi đi xềnh xệch khắp nơi khắp chốn. Khi họ bước ra khỏi tiệm Celine, trời bắt đầu đổ mưa. Khách bộ hành vội vã tìm chỗ trú ẩn. Noelle ra lệnh: - Ông đợi tôi ở đây. Larry đứng nhìn theo nàng biến vào trong một nhà hàng ở phía bên kia phố. Chàng đã đứng ngoài mưa tầm tã suốt hai tiếng đồng hồ, hai tay ôm đầy đồ, thầm rủa nàng và rủa bản thân mình đã hứng chịu thái độ bất nhã của nàng. Chàng đã bị mắc bẫy, không cách nào thoát ra được. Và chàng thấy trước một chuyện chẳng lành, rằng thế nào chàng cũng còn gặp những điều thậm tệ hơn. * * * * * Lần đầu tiên Catherine gặp Constantin Demiris là tại biệt thự của ông. Larry đi tới đó để trao cho ông một gói đồ chàng đã mang từ Copenhaghen về và Catherine cũng theo chàng đến đó. Nàng đứng ở ngoài phòng tiếp tân rộng bát ngát ngắm nhìn một bức tranh thì cửa bỗng xịch mở và Demiris bước ra. Ông ngắm nhìn nàng một lát rồi bảo: - Bà có thích tranh của Nomet không, bà Douglas? Catherine xoay người lại đối diện với con người huyền thoại mà nàng đã nhiều lần được nghe nói tới. Nàng có hai cảm tưởng tức thì: một là Constantin Demiris cao lớn hơn so với nàng hình dung và cái sức mạnh oai vệ toát ra ở ông thật là dữ dội. Nàng kinh ngạc khi thấy ông biết tên nàng và biết nàng là ai. Ông hỏi Catherine có thích nước Hy Lạp không, rằng căn nhà của nàng có tiện nghi không và cứ mạnh dạn cho ông biết nàng có cần ông giúp đỡ gì để cho thời gian nàng lưu lại trên đất Hy Lạp được thoải mái. Thậm chí ông còn biết cả (điều này thì Chúa biết) việc nàng thích sưu tập những mẫu chim muông nhỏ xíu. Ông bảo: - Tôi bắt gặp một mẫu. Tôi sẽ gửi đến tặng bà. Larry xuất hiện, chàng cùng với Catherine ra về. - Em có thấy mến ông Demiris không? - Larry hỏi. - Ông ấy thật hấp dẫn - Nàng đáp - Thảo nào anh thích làm việc cho ông ấy cũng phải. - Anh sẽ còn làm việc cho ông ta - Giọng của chàng có vẻ chua chát khiến Catherine khó hiểu. Ngày hôm sau một con chim bằng sứ được chuyển đến cho Catherine. Sau đó Catherine còn gặp Constantin Demiris hai lần nữa, một lần nàng đi xem đua ngựa cùng Larry và lần thứ hai vào dịp lễ Giáng sinh, ông Demiris có tổ chức một bữa tiệc tại biệt thự của mình. Mỗi lần ông lại làm cho nàng bị say mê thểu riêng. Catherine nghĩ thầm, xét cho cùng Constantin Demiris hoàn toàn là người xuất chúng. Vào tháng tám lễ hội ở Athens bắt đầu. Trong hai tháng liền người ta diễn kịch, ballet, opera, hoà nhạc tại thành phố này. Tất cả các hoạt động đó đều diễn ra ở nhà hát Herodes Atticus, một nhà hát cổ ngoài trời ở ngay dướu chân khu quần thể Acropolis. Catherine đã cùng với Larry đi xem nhiều vở kịch, và nếu chàng đi vắng thì nàng cùng Bá tước Pappas. Còn thú vị nào bằng được xem những vở kịch cổ điển diễn trong bối cảnh độc đáo do chính con cháu của tác giả đã sáng tác nên vở kịch đó. Một buổi tối sau khi Catherine và Bá tước Pappas đi xem vở Medea trở về, họ nhắc đến Larry. - Ông ấy là người hấp dẫn đấy - Bá tước bảo - Một Polymechanos! - Nghĩa là gì? - Từ này khó dịch lắm - Ông Bá tước nghĩ một lát - Nó có nghĩa là "phong phú về mưu kế". - Ông định nói là "nhiều trí xảo"? - Phải, nhưng còn ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Đó là loại người luôn luôn có sáng kiến mới, có phương án mới. - Polymechanos - Catherine bảo - Vậy là chàng trai của tôi là như vậy. Trên đầu họ là một vầng trăng tròn vành vạnh, đẹp đẽ như làm bằng sáp: không khí ban đêm ấm áp, đầy mùi nhựa thơm. Họ đi bộ ngay qua khu Poaka về phía quảng trường Onionia. Khi họ vừa định sang đường thì một chiếc ô tô phóng nhanh ở chỗ quẹo góc phố, lao thẳng vào họ. Bá tước phải kéo Catherine lại khỏi bị tai nạn. - Quân khốn khiếp! - Ông rít lên đằng sau chiếc ô tô đang biến mất. - Ở đây hình như tài xế nào cũng chạy như thế cả? - Catherine nhận xét. Bá tước Pappas cười gượng gạo: - Bà có biết lý do tại sao không? Người Hy Lạp không có giai đoạn chuyển tiếp sang dùng xe hơi. Họ cứ đinh ninh rằng họ vẫn đang cưỡi lừa. - Ông nói giỡn? - Đáng tiếc là tôi nói thật đấy Catherine ạ, nếu bà muốn hiểu nội tâm con người Hy Lạp thì đừng có đọc những sách hướng dẫn mà hãy đọc các bi kịch cổ điển Hy Lạp. Thực tế là chúng tôi vẫn mang tính chất man rợ. Chúng tôi vẫn mang nhiều tình cảm say đắm, những niềm vui to lớn và những nỗi buồn sâu xa và chúng tôi không biết cách che giấu những tình cảm đó bằng vẻ bề ngoài văn minh tinh tế. - Tôi không tin rằng đó là một điều xấu - Catherine đáp. - Có lẽ đúng vậy. Song nó làm méo mó thực tế. Mỗi khi người nước ngoài quan sát chúng ta, họ không nhìn thấy đúng thực chất cái họ nhìn thấy, giống như nhìn một ngôi sao xa vậy. Người ta không nhìn đúng ngôi sao đó mà nhìn thấy hình ảnh quá khứ của nó. Họ đã tới quảng trường. Họ đi qua một dãy cửa hiệu nhỏ có bảng treo bên ngoài cửa sổ "Đoán hậu vận". - Đây có nhiều thầy tướng số quá nhỉ? - Catherine hỏi. - Dân tộc chúng tôi rất mê tín. Catherine lắc đầu: - Tôi không tin như vậy. Họ tới một tiệm rượu nhỏ. Trên cửa sổ có mổt tấm biển viết tay: BÀ PIRIS, ĐOÁN HẬU VẬN. - Bà có tin ở phù thủy, đồng cốt không? - Bá tước Pappas hỏi. Catherine nhìn lại xem ông có giễu cợt nàng không. Vẻ mặt ông vẫn nghiêm nghị. - Chỉ ở xứ Halloween thôi. - Tôi nói phù thủy không có nghĩa là những chuyện như chổi rác, mèo đen hoặc ấm nước sôi réo đâu(2). - Thế ông nói về cái gì? Ông gật đầu về phía tấm biển: - Bà Piris là một phù ty. Bà ta đoán được mọi chuyện quá khứ và tương lai đấy. Ông nhận thấy sự hoài nghi trên nét mặt của Catherine, Bá tước Pappas nói: - Tôi sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện. Cách đây nhiều năm, ông Cảnh sát trưởng ở Athens là Sophocle Vasilly. Ông ấy là bạn tôi và tôi đã dùng ảnh hưởng của mình để giúp anh ấy vào chức vụ đó. Vasilly là một người rất trung thực. Có nhiều kẻ muốn hủ hoá ông ta, song vì ông ta là người có bản lĩnh, họ quyết định tìm cách diệt ông ta. Ông nắm tay Catherine, họ sang đường đi về phía công viên. - Một hôm Vasilly đến báo cho tôi biết ông ấy vừa bị người ta ám hại. Ông là một người dũng cảm, song vụ ám hại này khiến ông phải đề phòng bởi nó do một kẻ phóng đãng có thế lực và tàn bạo sắp đặt. Người ta đã cắt cử thám tử đi theo dõi kẻ phóng đãng kia và bảo vệ Vasilly, song ông vẫn có cảm giác bồn chồn rằng ông không còn sống được bao lâu nữa. Vì thế ông tìm đến tôi. Catherine say sưa nghe, nàng hỏi dồn: - Thế ông đã làm gì? - Tôi khuyên ông ấy đến nhờ bà Piris bói cho một quẻ. Ông nói đến dây thì im lặng, cố căng óc ra nhớ lại những ký ức xa xôi. Catherine cuối cùng phải hỏi: - Ông ấy có đến không? - Sao? À có. Bà ta cho Vasilly biết là cái chết sẽ nhanh chóng và bất ngờ đến với ông ấy, bà ấy còn nhắc ông phải cảnh giác với một con sư tử vào giữa trưa. Ở Hy Lạp làm gì có sư tử trừ mấy con già khú đế ở sở thú và những con sư tử bằng đá mà bà trông thấy ở Delos. Catherine cảm thấy giọng nói của ông mỗi lúc một thêm căng thẳng. - Vasilly đã đến tận vườn thú để kiểm tra lại xem các chuồng sư tử có an toàn không, ông ta còn hỏi cặn kẽ xem gần đây người ta có mang thêm con dã thú nào đến Athens không. Không có một con nào. Một tuần trôi qua, không thấy chuyện gì xảy ra. Vasilly cho rằng bà lão phù thủy kia đã nhầm và ông ta vì quá mê tín nên mới tin vào bà lão đó. Một buổi sáng thứ bảy tôi ghé qua đồn cảnh sát để thăm ông ta. Hôm đó là ngày sinh của đứa con trai lên bốn của ông. Chúng tôi dự định sẽ đi chơi bằng tàu thủy tới Kyron để làm lễ mừng cho đứa trẻ. Tôi đến trước trụ sở cảnh sát đúng lúc đồng hồ của Toà thị chính điểm mười hai tiếng. Tôi vừa bước vào cửa thì một tiếng nổ dữ dội từ bên trong toà nhà dội ra. Tôi vội chạy vào văn phòng của Vasilly - Giọng ông trở nên cứng đơ lúng túng - Văn phòng không còn một thứ gì nguyên vẹn - kể cả Vasilly cũng thế? - Thật là kinh khủng - Catherine lẩm bẩm. Họ bước tiếp, song im lặng một lúc lâu rồi Catherine mới hỏi: - Nhưng bà phù thủy vẫn nhầm. Ông ta có bị chết vì sư tử đâu - Không, đúng như vậy đó. Cảnh sát điều tra kỹ những việc đã xảy ra. Như tôi đã kể với bà rằng hôm đó là ngày sinh nhật của con trai ông ta. Trên bàn làm việc của Vasilly có một đống quà mà ông định sẽ mang về cho con trai. Có kẻ đã mang đến một đồ chơi làm quà cho đứa trẻ và đã đặt trên bàn làm việc của Vasilly. Catherine cảm thấy mặt cắt không còn hột máu: - Một con sư tử đồ chơi. Bá tước Pappas gật đầu. - Đúng! Hãy thận trọng với con sư tử vào buổi trưa. Catherine rùng mình: - Tôi thấy sởn gai ốc. Ông nhìn xuống nàng vẻ thông cảm: - Bà Piris không phải là loại người đán hậu cho vui đâu. Họ đi ngang qua công viên và đến phố Piraios. Có một chiếc taxi không có khách chạy ngang qua. Ông Bá tước vẫy tay và mười phút sau Catherine đã về đến nhà. Trong lúc chuẩn bị đi ngủ, nàng đã kể lại cho Larry nghe câu chuyện vừa rồi. Và khi nàng kể, nàng lại thấy sởn gai ốc. Larry ôm ghì lấy nàng, ân ái, song phải một hồi rất lâu Catherine mới ngủ thiếp được. Chú thích: (1) chơi chữ, đúng ra là Constiution (hiến pháp) và Costipation (táo bón). Chúng tôi tạm dịch như vậy (2) Những điều mê tín thông thường (Người dịch) Chương 16 Nếu không vì Noelle Page, Larry Douglas đã được những chuỗi ngày vô ưu. Nàng muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Chàng lấy làm thích thú với công việc của mình, thích những người chàng gặp gỡ và mến người chủ của mình. Những lúc chàng không bay, chàng thường giành nhiều thời gian cho Catherine. Tuy nhiên vì công việc của Larry là công việc động cho nên không phải lúc nào Catherine cũng có thể biết được chàng đang ở đâu, Larry càng có rất chiều cơ hội để đi vắng vì việc riêng của chàng. Chàng thường đi tiệc tùng với Bá tước Pappas và với Paul Metaxas, người lái phụ của chàng, và nhiều dịp như vậy đã biến thành các cuộc truy hoan lạc thú. Phụ nữ Hy Lạp cuồng nhiệt như lửa cháy. Chàng đã tìm ra được một người mới, đó là Helena, một cô chiêu đãi viên làm việc cho Demiris và mỗi khi họ phải dừng chân ở đâu đó, xa Athens cô ta cùng với Larry thường sống chung một phòng khách sạn. Helena là một cô gái đẹp, mắt đen, người thanh mảnh và không biết thế nào là thoả mãn. Phải, như là vậy xét về mọi khía cạnh, Larry Douglas nhận thấy cuộc đời chàng thật là đầy đủ. Chỉ trừ cô nhân tình tóc vàng tai quái của Demiris mà thôi. Larry không tìm ra một dấu hiệu nào để biết lý do tại sao Noelle Page lại căm giận chàng như vậy, song dù thế nào chăng nữa, việc đó cũng đe doạ đến nếp sống của chàng. Larry càng tỏ ra lịch thiệp thân mật, mà vẫn giữ gìn thận trọng, thế mà lần nào Noelle Page cũng thành công trong việc biến chàng thành một thằng đần độn. Larry biết rằng chàng có thể tìm gặp Demiris, song chàng cũng dễ dàng hình dung ra tình huống sẽ dẫn tới đâu nếu như ông ta phải chọn lựa giữa chàng và Noelle. Đã hai lần, chàng sắp xếp để Paul Metaxas phụ trách chuyến bay đưa Noelle đi, song ngay sau mỗi chuyến bay như vậy cô thư ký của Demiris muốn đích thân chàng phải lái máy bay chở nàng. Sáng sớm một ngày cuối tháng mười một, Larry nhận được một cú điện thoại báo cho chàng biết sẽ phải lái máy bay cho Noelle Page sang Amsterdam chiều hôm đó. Một trận sương mù bắt đầu cuồn cuộn nổi lên và cho đến đầu buổi chiều tầm nhìn gần như bằng không. Larry gọi điện cho thư ký của Demiris báo cho cô ta biết ngày hôm đó không thể bay sang Amsterdam được. Mười lăm phút sau đó cô ta phôn lại nói rằng tiểu thư Page sẽ có mặt tại phi trường lúc hai giờ, sẵn sàng để ra đi. Larry kiểm tra lại thông tin ở sân bay và chàng cho rằng có thể tình hình thời tiết đã khá hơn, tuy nhiên tin tức báo lại cho biết vẫn không có gì thay đổi. - Lạy chúa - Paul Metaxas thốt lên - Cô ta làm gì mà vội vã đến Amsterdam đến thế không biết? Song Larry cảm giác rằng vấn đề ở đây không phải là Amsterdam. Mà đây là sự tranh chấp về ý chí giữa hai người. Chàng bất cần nếu như Noelle Page có phải đâm vào đỉnh núi và chết mất tiêu, song thật nhục nhã nếu như chàng liều lĩnh vì con mụ ngu xuẩn này. Chàng cố gọi điện thoại cho Demiris để bàn lại với ông, nhưng ông lại đang bận họp, không tiếp xúc được. Larry đặt mạnh ống nói xuống, rên rỉ. Chàng chỉ có một nước là phải ra phi trường và cố thuyết phục cô hành khách kia hủy bỏ chuyến bay. Chàng tới phi trường lúc 1 giò 30 phút. Cho đến ba giờ vẫn chưa thấy Noelle Page xuất hiện. Metaxas bảo: - Có lẽ cô nàng đã thay đổi ý kiến. Song Larry biết rõ nàng hơn. Thời gian càng trôi qua, chàng mỗi lúc một thêm tức giận. Cô ả cố tình đẩy chàng đến chỗ hành động khinh xuất để rồi mất việc đây mà? Larry đang đứng ở nhà ga nói chuyện với giám đốc phi trường thì chiếc xe Rolls-Royce màu xám quen thuộc của Demiris đi tới và Noelle Page xuất hiện. Larry đi vội ra đón nàng. - Tiểu thư Page ạ, tôi e rằng phải hoãn chuyến bay thôi - Chàng nói, cố giữ giọng thật bình tĩnh - Sân bay Amsterdam đang bị sương mù vây kín. Noelle đưa cái nhìn lướt qua Larry như chàng không hề tồn tại ở đó, rồi bảo Paul Metaxas. - Phi cơ này có một thiết bị hạ cánh tự động mà? - Phải, có đấy ạ - Metaxas lúng túng đáp. - Tôi hết sức ngạc nhiên - Nàng nói - Khi thấy ông Demiris đi thuê một gã phi công ươn hèn. Rồi tôi sẽ báo với ông ấy về chuyện này. Noelle quay người, đi thẳng tới chỗ máy bay, Metaxas nhìn theo nàng, nói: - Lạy chúa Jesus? Tôi không hiểu cô ta trái tính trái nết từ bao giờ. Trước đây có bao giờ hành động như thế này đâu. Xin lỗi anh Larry nhé. Larry ngắm nhìn Noelle đang đi ngang sân bay trước gió. Trong đời, chàng chưa từng căm ghét một ai như cô gái này. Metaxas nhìn chàng, hỏi: - Ta bay chứ? - Thì bay! Người phi công kép buông một tiếng thở dài ngao ngán, rồi cả hai người chậm chạp đi về phía máy bay. Noelle đang ngồi trong ca bin, uể oải giở một quyển tạp chí thì hai người bước vào máy bay. Larry trừng trừng nhìn nàng một lúc lâu, đầy uất hận song chàng không dám lên tiếng. Chàng đi thẳng vào buồng lái và kiểm tra lại mọi thông số trước khi bay. Mười phút sau chàng nhận được lệnh cho phép cất cánh từ tháp đài chỉ huy, họ lên đường, bay về Amsterdam. Nửa đoạn đầu chuyến bay tình hình không có gì trắc trở. Nước Thuỵ Sĩ nằm phía dưới, giữa một vùng tuyết trắng. Khi họ tới Đức, trời đã xẩm tối, Larry liên lac vô tuyến điện với Amsterdam để kiểm tra lại tình hình thời tiết. Người ta cho biết sương mù từ biển Bắc Hải thổi về ngày một dầy thêm. Chàng tự rủa số phận rủi ro của mình. Giá như gió đổi chiều, sương mù tan đi, vấn đề của chàng sẽ được giải quyết dễ dàng, nhưng bây giờ chàng phải quyết định ngay, hoặc là cứ liều sử dụng thiết bị để hạ cánh xuống Amsterdam hoặc là bay tới một sân bay đỗ tạm ở đó. Chàng cồ ý định quay trở lại và muốn báo chuyện này với người hành khách tai quái kia, song chàng có thể tưởng tượng ra vẻ khinh miệt hiện ra trên nét mặt nàng. - Chuyên cơ một không chín, xin cho biết ngay kế hoạch bay của các ông - Tháp đài sân bay Munich hỏi. Larry phải quyết định rất nhanh. Chàng còn có thể hạ cánh ở Brusels, Cologne hoặc Luxembourg. Hoặc Amsterdam? Giọng nói lại vang lên trong loa: - Chuyên cơ một không chín, xin cho biết ngay kế hoạch bay của các ông. Larry ấn mạnh phím máy truyền tin: - Chuyên cơ một không chín gọi đài Munich. Chúng tôi đang bay về Amsterdam. Chàng tắt máy và biết rằng Metaxas đang chăm chú theo dõi chàng. - Lạy chúa, lẽ ra tôi phải đóng bảo hiểm gấp đôi cho tính mạng của tôi - Metaxas nói - Có thực anh cho rằng chúng ta tới đó được an toàn không? Larry chua chát đáp: - Bộ anh muốn biết sự thật? Tôi đếch cần. - Quái gở thật? Mình lên trời cùng với hai đứa điên khùng - Metaxas rên rỉ. Một giờ sau Larry hoàn toàn để tâm vào việc điều khiển chiếc phi cơ, chàng chăm chú lắng nghe các bản tin thời tiết đưa ra đều đặn và không có một lời bình luận gì. Chàng vẫn tin rằng gió sẽ đổi chiều song khi còn cách Amsterdam ba mươi phút bay, bản tin vẫn không có gì khác. Vẫn là sương mù dày đặc. Sân bay đã đóng cửa đối với mọi loại máy bay, chỉ trừ những trường hợp khẩn cấp. Larry đã liên lạc với đài kiểm soát của sân bay Amsterdam. - Chuyên cơ một không chín gọi đài Amsterdam. Máy bay đang cách Cologne 75 dặm về phía đông. Giờ đến ước định vào lúc 19 giờ. Gần như lập tức một giọng vang lên trong đài, đáp: - Đài Amsterdam gọi chuyên cơ một không chín. Sân bay chúng tôi hiện đóng cửa. Đề nghị các ông quay trở lại Cologne hạ cánh xuống Brussels. Larry nói vào trong máy: - Chuyên cơ một không chín gọi Đài Amsterdam. Không đồng ý. Chúng tôi gặp trường hợp khẩn cấp. Metaxas ngạc nhiên, quay lại nhìn chàng trừng trừng. Một giọng nói mới vang lên trong loa: - Chuyên cơ một không chín, tôi là trưởng Đài điều phối hoạt động tại phi trường Amsterdam. Sân bay chúng tôi hoàn toàn bị sương mù bao phủ. Tầm nhìn bằng không. Xin nhắc lại: tầm nhìn bằng không. Trường hợp khẩn cấp của ông như thế nào? - Chúng tôi sắp hết xăng rồi - Larry nói - Chỉ còn vừa đủ để tới sân bay của ông. Metaxas đưa mắt nhìn đồng hồ đo nhiên liệu thấy còn một nửa, anh ta bật nói: - Lạy Chúa, chúng ta đủ xăng bay đến Trung Quốc cũng được! - Máy vô tuyến điện đã ngừng. Đột nhiên nó lại bật nói trở lại. - Đài Amsterdam gọi chuyên cơ một không chín. Các ông được phép hạ cánh khẩn cấp. Chúng tôi sẽ hướng dẫn cho máy bay xuống. - Rõ! - Larry tắt máy liên lạc và quay sang Metaxas, ra lệnh: - Xả nhiên liệu ra. Metaxas nuốt nước bọt, nói tắc nghẹn: - Xả, xả bớt nhiên liệu - Paul, anh có nghe rõ lệnh tôi không. Chỉ giữ đủ lượng xăng để xuống tới sân bay. - Nhưng, Larry… - Con khỉ, không tranh luận nữa. Nếu chúng ta xuống đó mà còn nửa thùng xăng thì họ sẽ lột bằng lái của chúng ta. Metaxas nhăn nhó gật đầu và giơ tay với cần điều khiển xả nhiên liệu. Anh ta bắt đầu bơm tháo, mắt không rời đồng hồ đo nhiên liệu. Năm phút sau họ đã ở giữa khu vực sương mù như một lớp bông trắng bao bọc lấy họ, xoá đi mọi hình ảnh khác trừ cái buồng lái họ đang ngồi với ánh sáng lờ mờ. Họ có một cảm giác kỳ quặc không còn phân biệt được thời gian, không gian và những thứ khác còn lại trên đời. Lần cuối cùng, Larry trải qua cảm giác này là lần chàng bay trên chiếc Link Trainer. Song đó chỉ như một trò chơi chứ không hề có nguy hiểm đe doạ. Còn đây là sự liều lĩnh một sống một chết. Không biết người hành khách của chàng có ảnh hưởng gì hay không. Chàng hy vọng tình thế này phải làm cho cô ta rung tim mới đáng. - Đài chỉ huy gọi chuyên cơ một không chín. Tôi sẽ hướng dẫn cho ông hạ cánh theo hệ thống hạ cánh tự động. Ông phải tuân thủ thật chính xác các chỉ dẫn của tôi. Chúng tôi đã phát hiện được máy bay các ông trên radar. Hãy quay sang phía tây ba độ và giữ vững độ cao hiện nay cho đến khi nhận được những chỉ thị tiếp theo. Với tốc độ bay hiện nay, mười tám phút nữa ông phải hạ cánh. - Giọng nói vang lên trong radio đầy vẻ căng thẳng. Larry chua chát nghĩ: họ lo lắng cũng phải. Chỉ một sai lầm nhỏ là máy bay sẽ lao xuống biển. Larry chấn chỉnh lại đôi chỗ, sau đó chàng gác mọi chuyện lại để tập trung vào giọng nói rời rạc kia, bởi vì đó là sợi dây duy nhất của chàng nối với sự sống. Chàng điều khiển chiếc phi cơ như thể nó là một bộ phận của cơ thể chàng, chàng điều khiển nó với tất cả trái tim khối óc và tâm hồn của chàng. Chàng mơ hồ cảm thấy Paul Metaxas đang vã mồ hôi bên cạnh, chàng thúc anh ta thường xuyên kiểm tra các thiết bị bằng một giọng trầm, căng thẳng, song nếu như họ có thoát chết phen này thì công lao sẽ là do Larry Douglas hết, Larry chưa từng bao giờ gặp một trận sương mù dày đặc như thế này. Nó như một kẻ thù hiểm độc tấn công chàng từ khắp mọi phía, làm cho chàng trở nên mù loà. Chàng đang bay trên trời với tốc độ hai trăm năm mươi dặm một giờ, không nhìn thấy gì ngoài tấm kính chắn của buồng lái. Các phi công rất căm ghét sương mù: nguyên tắc đầu tiên của họ là: hoặc vọt lên cao hoặc chui xuống bên dưới, song phải tìm cách thoát ra khỏi đám sương mù ấy? Còn bây giờ không còn cách nào khác bởi vì lần này chàng phải lao vào một cái đích không thể nào tránh được. - Đài chỉ huy Amsterdam gọi chuyên cơ một không chín. Ông bắt đầu giai đoạn hạ cánh thứ nhất như sau: Hạ độ cao, bắt đầu xuống thấp. Xuống hai ngàn foot… một ngàn năm trăm foot… một ngàn foot… Vẫn chưa thấy tín hiệu gì của phi trường bên dưới, chàng có cảm giác mặt đất đang lao ra đón chiếc phi cơ. - Giảm tốc độ bay xuống một trăm hai mươi… Hạ bánh xe xuống… Máy bay đang bay cao sáu trăm foot. Tốc độ đang bay một trăm… Máy bay đang bay ở độ cao bốn trăm foot. Vẫn chưa thấy tín hiệu của cái sân khốn khiếp kia đâu! Cái màn sương mù bây giờ càng thêm dày đặc hơn. Trán Metaxas đầm đìa mồ hôi, anh ta thì thào: - Nó ở chỗ quái quỉ nào nhỉ? Larry liếc nhanh nhìn sang bộ phận đo độ cao kim nhích dần tới ba trăm foot. Mặt đất đang chạy tới đón họ với tốc độ một trăm dặm một giờ. Độ cao chỉ còn một trăm năm mươi foot. Có gì không ổn rồi. Lẽ ra lúc này chàng phải nhìn thấy đèn pha của phi trường chứ. Chàng căng mắt ra nhìn về phía trước máy bay nhưng chỉ thấy màn sương mù nham hiểm giăng ngang tấm kính chắn gió như bịt lấy mắt chàng. Larry nghe giọng nói của Metaxas lạc hẳn đi vì căng thẳng: - Chúng ta đã xuống còn sáu chục foot. Vẫn chẳng thấy gì. - Bốn chục foot. Mặt đất đang chạy ngược lại đón họ trong đêm đen. - Còn hai mươi foot. Đã xong đâu. Chỉ hai mươi giây nữa, họ sẽ vượt qua khỏi giới hạn an toàn và họ sẽ tan tành. Chàng phải có quyết định ngay lập tức. - Tôi sẽ đưa nó lên cao - Larry nói. Tay chàng nắm chặt vào bánh lái và bắt đầu kéo giật lại, và đúng lúc đó một hàng mũi tên điện sáng lên trên mặt đặt phía trước mặt họ, rọi chiếu đường băng bên dưới. Mười giây sau họ đã chạm tới đất, và chạy trên đường băng tới ga đỗ Schipol. Khi họ đã dừng hẳn, Larry tắt hết các động cơ bằng những đầu ngón tay đã tê đờ. Chàng ngồi lặng đi một lúc lâu. Cuối cùng chàng cố gượng đứng dậy, ngạc nhiên khi thấy hai đầu gối mình run bắn. Chàng chú ý thấy một thứ mùi lạ trong không khí, chàng quay sang Metaxas thấy anh ta cười bẽn lẽn: - Xin lỗi. Tôi đã "bĩnh" ra quần. Larry cúi đầu nhìn anh ta, gật đầu: - Cho cả hai xuất chúng ta. Chàng quay lại, bước vào trong cabin. Con mụ chó cái vẫn ngồi, bình tĩnh lần giở tạp chí. Larry đứng lặng, chăm chú ngắm nhìn cô ta, cảm thấy buồn nản vì phải bảo cô ta đi xuống, mà chàng vẫn chưa biết được lý do tại sao cô ta giở trò tai quái như vậy. Nhất định là Noelle Page cũng phải biết rằng mấy phút vừa qua cô ta kề với thần chết trong gang tấc, thế mà cô ta vẫn cứ ngồi trơ trơ với bộ dạng điềm tĩnh, tỉnh bơ bất cần đời. Larry tuyên bố. - Đến Amsterdam rồi. Họ đi xe vào thành phố trong một không khí im lặng nặng nề, Noelle ngồi ở ghế sau của chiếc xe Mercesdes 300, còn Larry ngồi ở ghế trước cùng tài xế. Metaxas ở lại phi trường để trông coi việc bảo dưỡng máy bay. Sương mù vẫn dày đặc, họ chạy xe rất chậm cho đến khi tới quảng trường Lindenphotz thì sương mù bắt đầu tan. Họ đi qua Quảng trường thành phố, qua cầu Eider bắc qua sông Amstel và dừng lại trước khách sạn Amstel. Khi họ bước vào sảnh, Noelle bảo với Larry: - Đúng mười giờ tối nay anh lên đánh thức tôi dậy. Sau đó nàng quay ngoắt, đi thẳng về phía thang máy. Người quản lý khách sạn cúi chào và nhìn theo bước chân của nàng. Một người trực tầng dẫn Larry vào một phòng đơn nhỏ bé, thiếu tiện nghi ở tầng một phía sau khách sạn. Căn phòng này nằm cạnh nhà bếp, bên kia bức tường Larry nghe rõ cả tiếng bát đĩa lách cách và mùi hành tỏi, thức ăn từ các chảo đang nấu nướng đưa sang thơm lừng. Larry liếc nhìn căn phòng bé tẹo quát rầm lên: - Tao gí c… vào cái chỗ này. - Xin lỗi ông - Người trực tầng rlói - Tiểu thư Page yêu cầu xếp cho ông một phòng rẻ tiền nhất. Larry nghĩ: "Cũng được. Mình phải tìm cách quật cho con này một trận. Trên đời này đâu phải chỉ có một mình Constantin Demiris cần đến phi công riêng. Ngày mai mình sẽ bắt đầu kiểm tra lại các mối. Mình đã từng gặp khối người bạn giàu sang của lão ta. Phải có đến nửa tá người ao ước thuê được phi công như mình - Sau đó chàng lại nghĩ - Nhưng nếu Demiris sa thải mình thì tình hình không ổn. Nếu như vậy thì chẳng có ma nào dám vời đến mình. Mình vẫn phải bám vào đây thôi". Buồng tắm ở cuối nhà, Larry giở đồ, lấy ra một chiếc áo choàng để mặc đi tắm. Chàng lại nghĩ: - Mà việc gì phải tắm nhỉ, tắm vì cô ả sao? Mình cứ để cái mùi chua như lợn này đến chỗ cô ả có sao đâu! Chàng đi ra quầy rượu của khách sạn và uống một chầu. Chàng đang uống đến ly Martini thứ ba thì chợt ngước lên nhìn cái đồng hồ treo bên trên quầy bar. Lúc đó là 10 giờ 15. Đúng mười giờ, nàng đã dặn như vậy, Larry bỗng cảm thấy một nỗi kinh hãi bất ngờ. Chàng vội đặt mấy tờ giấy bạc lên quầy, rồi lao về phía thang máy. Noelle ở một căn phòng cỡ đế vương ở tầng năm. Chàng chạy dọc hành lang dài xuống phía cuối, vừa chạy vừa tự rủa mình sao lại để cho cô ả "hành" mình như vậy. Chàng gõ cửa phòng trong lúc đó đầu óc chàng cố tìm ra một cái cớ gì cho việc chậm trễ này. Không thấy tiếng trả lời và khi chàng xoay tay nắm cửa, cửa không gài chốt. Chàng bước vào phòng khách rộng rãi, đồ đạc sang trọng đắt tiền. Chàng đứng một lúc, phân vân, sau đó cất tiếng gọi: - Tiểu thư Page. Không thấy tiếng đáp. Mưu mô của nàng là như vậy đó. - Anh Costa thân mến, em rất lấy làm tiếc, song em đã báo trước với anh rằng hắn là một gã không thể tin được. Em đã yêu cầu hắn phải đánh thức em lúc mười giờ, vậy mà hắn chúi xuống quầy bar rồi nốc rượu say tuý luý. Em phải bỏ hắn lại mà đi một mình. Larry nghe thấy có một tiếng động ở buồng tắm vọng ra, chàng tiến về phía đó. Cửa buồng tắm mở ngỏ. Chàng bước vào cũng đúng là lúc Noelle Page bước ra khỏi vòi tắm. Trên người nàng không có một thứ đồ gì trừ một chiếc khăn Thổ Nhĩ Kỳ quấn quanh mái tóc. Noelle quay lại thấy chàng đang đứng đó. Larry mấp máy miệng xin lỗi, cố tránh không cho nàng phải nổi đoá, song chàng không tìm được lời nào trong khi đó Noelle vẫn điềm nhiên bảo: - Đưa cho tôi cái khăn mặt kia? Cứ như chàng là một con đầy tớ. Hay một hoạn quan vậy Giá như nàng nổi đoá thì Larry có thể khắc phục được, song sự thản nhiên đến lì lợm của nàng đã khuấy dậy bên trong chàng một cái gì đó bùng nổ. Chàng tiến lại phía nàng, ôm ghì lấy nàng. Chàng biết rằng làm như vậy chàng sẽ vứt bỏ hết thảy những gì chàng mong ước chỉ nhằm để thoả mãn một sự phục thù nhỏ nhen, rẻ tiền, song chàng không còn cách nào khác để tự dừng bản thân lại. Sự uất hận bên trong chàng đã tích luỹ qua nhiều tháng nay, do bị những hành động miệt thị của nàng, do những lời thoá mạ vô căn cứ, sự nhục nhã lâu nay cùng với việc liều mạng vừa rồi. Tất cả những cái đó bừng bừng trong con người chàng khi chàng tiến đến sát cái cơ thể trần truồng của nàng. Nếu Noelle thét lên một tiếng, Larry sẽ đánh nàng bất tỉnh. Song nhận thấy vẻ mặt man dại của chàng, nàng cứ để mặc cho chàng bế thốc nàng lên, đưa vào phòng ngủ. Ở một góc độ nào đó trong đầu óc chàng có tiếng gọi chàng hãy dừng lại, xin lỗi nàng đi, và nói rằng chàng say quá sau đó rút lui trước khi mọi chuyện quá muộn, chàng không thể tự cứu được mình nữa; song chàng nhận thấy tình thế đã quá muộn rồi. Không thể rút lui được. Chàng giận dữ ném nàng lên giường rồi tiến lại phía nàng. Chàng tập trung vào cái cơ thể của nàng, và cũng không muốn nghĩ đến hình phạt sẽ phải hứng chịu cho cái hành động chàng đang làm lúc này. Chương 17 Thật khó cắt nghĩa được tại sao thời gian lại trở thành kẻ thù của Catherine. Thoạt đầu nàng không ý thức được điều đó và khi kiểm điểm lại nàng cũng không thể nói chính xác vào lúc nào thời gian bắt đầu chống lại nàng. Nàng cũng không biết từ lúc nào tình yêu Larry đối với nàng bắt đầu phai nhạt, lý do vì sao và như thế nào, song chỉ biết rằng đến một ngày nào đó nó sẽ biến mất ở đâu đó phía cuối hành lang dài dằng dặc của thời gian và tất cả chỉ còn lại một tiếng vang lạnh lẽo mơ hồ. Nàng ngồi một mình trong phòng hết ngày này qua ngày khác cố nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra, đã có gì không ổn. Catherine không thể nghĩ được một điều gì cụ thể, cũng không thể xác định ra một khoảnh khắc nào đó có tính chất quyết định để có thể nói được rằng: "Đấy, từ lúc đấy trở đi Larry không còn yêu mình nữa". Có lẽ nó bắt đầu từ dịp Larry trở về sau chuyến đi châu Phi ba tuần mà chàng đã đưa Constantin Demiris sang bên đó đi săn. Catherine nhớ Larry nhiều hơn bất cứ dịp nào trước đó, nàng nghĩ: Chàng lúc nào cũng đi vắng. Cứ như đang ở vào thời chiến, chỉ có điều lần này không có kẻ thù mà thôi. Song nàng đã lầm. Có một kẻ thù đấy. - Anh báo cho em một tin vui - Larry bảo - Anh đã được tăng lương. Bảy trăm một tháng. Em thấy thế nào? - Tuyệt quá - Nàng đáp - Như vậy chúng ta sẽ càng sớm được trở về nước - Nàng bỗng thấy nét mặt chàng nghiêm hẳn - Sao vậy, anh. - Đây là nhà rồi - Larry đáp cộc lốc. Nàng ngó nhìn chàng, phân vân khó hiểu, rồi nàng đồng ý, một cách yếu ớt. - Phải, nhưng chỉ lúc này thôi, em muốn nói anh không muốn ở lại đây mãi mãi. - Em chưa bao giờ thoải mái như bây giờ? - Larry vặn lại - Em được sống như ở một nơi nghỉ hè phải không? - Nhưng không giống như sống ở nước Mỹ. - Quẳng mẹ cái nước Mỹ đi. - Larry nói - Tôi đã liều thân vì nó bốn năm trời, rồi được hưởng cái gì nào? Một vốc mề đay đáng ba xu kẽm. Hết chiến tranh, đến một việc nhỏ người ta cũng không cho tôi… - Không đúng thế - Nàng phản đối - Anh đã… - Tôi… làm sao? Catherine không muốn gây ra một cuộc tranh cãi đặc biệt vào tối đầu tiên chàng trở về, nàng nói: - Không có gì đâu cưng. Anh mệt đấy mà. Thôi ta đi ngủ sớm đi. - Khỏi cần - Chàng đi ra chỗ quầy để rượu, rót lấy một ly cho mình - Tối nay ở câu lạc bộ Đêm Achentina có khai diễn một vở mới. Anh có bảo với Paul Metaxas là chúng ta sẽ đến dự cùng với anh ấy và mấy người bạn nữa. Catherine nhìn chàng: - Larry - Nàng cố giữ giọng bình thản - Larry, gần một tháng nay chúng ta chẳng gặp nhau. Chúng mình không có dịp nào… ngồi lại tâm sự. - Làm thế nào được, công việc đòi hỏi anh phải đi vắng luôn - Chàng đáp - Thế em tưởng anh thích xa em sao? Nàng lắc đầu: - Em không biết. Em sẽ phải xin lỗi các ông ấy… Chàng giơ tay ra ôm nàng, toe toét cười, nụ cười ngây ngô trẻ con: - Mặc thằng Metaxas với cái lũ kia. Tối nay ta ở nhà, chỉ có hai ta thôi. Ô kê? Catherine quan sát kỹ nét mặt chàng và nhận thấy là nàng đã đòi hỏi vô lý. Tất nhiên nếu như công việc buộc chàng phải xa nàng luôn thì chàng phải chịu chứ sao. Và khi chàng trở về, một điều đương nhiên là chàng muốn gặp mặt những người bạn. Nàng quyết định: - Nếu anh thích thì chúng ta cùng đi. - Ừ hữ - Chàng ghì chặt lấy nàng - Chỉ có đôi ta thôi. Suốt ngày nghỉ cuối tuần đó họ không rời nhà. Catherine nấu nướng, họ ân ái với nhau rồi ngồi trước lò sưởi, nói chuyện, chơi đùa và đọc sách, nghĩa là bất kỳ việc gì theo yêu cầu của Catherine. Tối chủ nhật, sau một bữa ăn thịnh soạn do Catherine nấu nướng, họ đi ngủ sớm. Nàng nằm trên giường, nhìn theo Larry khi chàng trần truồng đi vào buồng tắm: Nàng tự nhủ: chàng thật là một người khỏi đẹp, mình thật diễm phúc có được một người như chàng. Nụ cười còn vương trên môi nàng thì Larry từ cửa buồng tắm quay lại nói với nàng một cách vô tình: - Tuần sau, em hãy sắp đặt nhiều cuộc họp mặt để chúng ta khỏi phải xoắn xuýt với nhau như thế này mà chẳng biết làm gì. Rồi chàng đi thẳng vào buồng tắm để kệ Catherine với nụ cười chưa kịp tắt trên môi. Hay có thể rắc rối là bắt đầu từ Helena, cô chiêu đãi viên xinh đẹp người Hy Lạp? Một buổi chiều mùa hè oi bức, Catherine đi ra phố mua hàng, Larry đi vắng xa thành phố. Nàng hy vọng hôm sau chàng sẽ trở về, vì thế muốn nấu một số món chàng thích ăn để cho chàng phải ngạc nhiên. Lúc Catherine đang rời khỏi chợ, với một ôm, một mớ rau quả trên tay thì có một chiếc xe taxi chạy ngang qua. Ngồi ở ghế sau xe là Larry, tay quàng ngang lưng một cô gái mặc bộ quần áo chiêu đãi viên. Catherine nhìn thoáng thấy họ đang vui cười với nhau, sau đó chiếc xe taxi quẹo ở góc phố rồi mất hút. Catherine đứng đờ đẫn ra đó, đến lúc đó, mấy chú bé chạy lại gần, nàng mới nhận ra rằng hai chiếc túi đựng thực phẩm đã tuột khỏi những ngón tay tê dại của nàng. Chúng giúp nàng lượm các thứ lên. Nàng thất thểu bước về nhà, đầu óc trơ ra không nghĩ được gì. Nàng cố tự nhủ thầm rằng con người mà hình ảnh thấy trong chiếc taxi không phải là Larry, mà chẳng qua là một ai đó giống chàng. Song ác thay trên đời này khó có ai giống chàng. Chàng là một người độc đáo, một tạo vật vô giá, một báu vật của thượng đế. Và chàng là kho báu của nàng. Mà đâu phải của riêng nàng, còn là của cô gái da nâu ngồi trong taxi và biết bao cô gái khác nữa? Suốt buổi tối hôm đó Catherine thức chờ Larry và khi chàng không về nhà, nàng cảm thấy chàng sẽ không thể đưa ra một lý do bào chữa khả dĩ duy trì được quan hệ vợ chồng giữa hai người. Chàng là một kẻ lừa lọc, dối trá và nàng sẽ không thể là vợ chàng được nữa. Mãi đến tận chiều tối hôm sau Larry mới về nhà. - Chào em - Chàng vui vẻ nói khi bước vào phòng, đặt chiếc túi bay xuống và ngó nhìn vào mặt nàng. - Sao thế, em? - Anh về đến thành phố từ bao giờ - Catherine nghiêm nghị hỏi. Larry nhìn nàng, lúng túng: - Mới cách đây khoảng một giờ. Sao vậy? - Hôm qua em nhìn thấy anh ngồi trong taxi với một cô gái. Catherine nghĩ: Đơn giản có vậy thôi. Đấy là những lời cuối cùng chấm hết cuộc hôn nhân của mình. Chàng sắp chối và mình sẽ bỏ chàng mà đi, không bao giờ gặp lại nữa. Larry đứng ngây ra, trân trân nhìn nàng. - Anh cứ nói tiếp đi - Nàng bảo - Anh hãy nói là không phải anh đi. Larry nhìn thẳng vào nàng, gật đầu: - Chính anh đấy. Catherine bỗng thấy thót đau ở bụng, nàng muốn chàng chối việc đó thì hơn. Lạy Chúa, thế em nghĩ những gì về chuyện đó? Nàng định nói, song giọng nàng run lên vì giận. - E… em… Larry giơ một bàn tay ra: - Em chớ có nói điều gì để sẽ phải ân hận đấy nghe? Catherine nhìn chàng, khó hiểu: - Em sẽ phải ân hận vì chuyện gì. - Hôm qua anh đã bay về Athens mười lăm phút để đón cô gái tên là Helena Merelis, rồi đưa nàng tới đảo Crete cho Demiris. Helena làm chiêu đãi viên cho ông ta. Nhưng… Có thể đúng là Larry vừa nói ra sự thật, song chàng là một người nhiều mưu kế. Catherine hỏi. - Thế sao anh không gọi điện thoại cho em? - Có đấy! Larry nói gọn lỏn- Nhưng không thấy trả lời. Em đi vắng phải không? Catherine nuốt nước bọt: - Em… em đi chợ mua thức ăn chuẩn bị bữa cho anh. - Anh không thấy đói - Larry đáp lại - Cứ cãi nhau là anh ăn mất ngon. Chàng quay đi bỏ ra khỏi cửa, bỏ mặc Catherine trơ ra đó, bàn tay phải của nàng vẫn còn giơ ra như muốn vời níu chàng quay lại. Sau đó không lâu Catherine bắt đầu uống rượu. Lúc đầu chỉ là một chút đỉnh, vô hại. Nàng thường ngóng đợi Larry trở về nhà ăn tối lúc bảy giờ, song đến chín giờ không thấy chàng gọi về. Catherine thường uống một ly Brandy để giết thời gian. Đến mười giờ tối, nàng đã uống mấy ly Brandy liền, và nếu chàng có về, tới lúc đó bữa ăn cũng đã nguội lạnh và nàng đã hơi la đà rồi. Trạng thái đó giúp cho nàng đối mặt dễ dàng hơn với những sự kiện xảy ra trong cuộc đời nàng. Catherine không còn muốn tự dối mình trước sự thật là Larry đang phản bội nàng và có lẽ chàng đã phản bội nàng từ lâu, ngay từ khi họ mới thành hôn. Một hôm, khi lần giở chiếc quần đồng phục của chàng trước khi đưa cho thợ giặt, nàng thấy có một chiếc khăn mùi xoa đăng ten. Trên chiếc quần cộc của chàng có vết son môi. Nàng hình dung ra Larry trong đôi cánh tay của một người đàn bà khác. Và nàng muốn giết chết chàng. Chương 18 Nếu thời gian trở thành kẻ thù của Catherine, thì nó lại trở thành người bạn của Larry. Cái đêm ở Amsterdam không khác gì một sự huyền hoặc. Larry đã đùa giỡn với tử thần và thật khó tin được rằng nhờ làm như vậy mà chàng đã tìm được cách khai thông toàn bộ những khúc mắc của chàng. Đúng là sự may mắn kiểu Douglas chàng suy nghĩ và thấy mãn nguyện. Song chàng nhận thấy đây không đơn thuần là sự may mắn. Chính cái bản năng tối tăm, ương ngạnh trong con người chàng đã đòi hỏi cần phải chấp nhận sự thách đố của số phận, phải cọ xát với những thông số của cái chết và sự hủy diệt. Đó chính là một sự thử thách, một sự đối chọi lại với số phận trong cuộc vật lộn sống mái. Larry nhớ lại một buổi sáng trên quần đảo Truk khi một phi đội máy bay Zico từ trong một đám mây bay ra. Chàng bay ở đỉnh nhọn, máy bay địch tập trung tấn công chàng. Ba chiếc Zero nhử chàng ra khỏi đội hình và khai hoả vào chàng. Với một bản lĩnh hết sức tỉnh táo khi ở vào những phút giây hiểm nghèo, Larry biết rằng ở phía dưới có hòn đảo, hàng chục chiếc tầu chiến đang nhấp nhô trên sóng cồn, hàng đàn máy bay gầm rú lao vào nhau trên bầu trời xanh ngắt. Đó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất đời Larry được hoàn thiện sự sống và chọc tức Tử thần. Chàng đã cho máy bay xoay tròn rồi bám đuôi một chiếc Zero. Chàng đã theo dõi nó nổ tung khi chàng xả những viên đạn từ khẩu súng máy vào nó. Hai chiếc máy bay khác đang kèm sát hai bên máy bay chàng, Larry theo dõi chúng lao theo chàng, và tới giây phút cuối cùng chàng đã thả chung quanh máy bay ở thế rơi tự do và hai chiếc phi cơ của Nhật đâm sầm vào nhau trên không - Đó là hồi ức mà chàng thường ôn lại trong trí nhớ. Không rõ vì sao hồi ức của đêm ở Amsterdam đó cũng trở lại với chàng. Chàng đã làm tình với Noelle một cách dữ dội, man dại, sau đó nàng nằm yên trong cánh tay chàng, họ nhắc lại chuyện hai người đã chung sống với nhau hồi ở Paris trước khi chiến tranh nổ ra. Bỗng nhiên trong ký ức lờ mờ của chàng hiện ra hình ảnh một cô gái trẻ nhiệt tình, song lạy Chúa, từ đó về sau chàng đã gặp đến hàng trăm cô gái trẻ và nhiệt tình khác cho nên Noelle chẳng qua cũng chỉ là một hình ảnh chập chờn ẩn hiện trong ký ức của chàng mà thôi. Larry nghĩ thầm: thật may mắn hai người tình cờ lại gặp nhau sau ngần ấy năm trời. Noelle nói: - Anh là của em. Bây giờ anh thuộc về em. - Giọng nói của nàng có vẻ gì đó khiến chàng lo ngại. Chàng tự hỏi: Nếu vậy mình sẽ phải mất những gì? Chừng nào Noelle còn dưới sự khống chế của chàng, chàng sẽ còn ở lại với Demiris vĩnh viễn nếu như chàng muốn vậy. Nàng quan sát chàng, có vẻ như đọc được ý nghĩ của chàng. Đôi mắt nàng có một biểu hiện kỳ lạ khiến Larry không hiểu nổi. Đúng là như vậy đó. Trong chuyến bay từ Maroc trở về, Larry đã đưa Helena đi ăn tối và ở lại đêm hôm đó tại căn phòng của cô ta. Sáng hôm sau chàng đi ra phi trường để khai báo chiếc máy bay của mình. Chàng ăn trưa với Paul Metaxas. - Coi bộ ông phè phỡn ghê - Metaxas nói - Nhường cho mình một miếng chứ? - Này ông trẻ - Larry nhăn nhở cười. Cậu không điều khiển nổi họ đâu. Cần phải có một bậc thầy lão luyện. Họ ăn một bữa trưa thú vị, sau đó Larry trở lại thành phố để đón Helena, cô ta sẽ cùng đi trong chuyến bay của chàng. Chàng gõ cửa phòng cô. Một lúc lâu sau mới thấy Helena từ từ mở cửa. Nàng đang trần truồng. Larry nhìn mãi, không thể nhận ra được nàng. Mặt mũi thân thể nàng đầy những vết tím bầm, sưng tấy. Hai mắt nàng rách toác. Nàng đã bị một tay đao búa chuyên nghiệp tẩm quất. - Lạy Chúa - Larry kêu lên - Sao thế này? Helena há miệng, Larry nhận thấy ba chiếc răng của hàm trên đã bị gãy. Cô lắp bắp: - Có có ba người… Anh… anh vừa đi khỏi thì chúng tới1 - Thế sao em không gọi cảnh sát? - Larry kinh hãi hỏi. - Ch… chúng doạ nếu em kể lại cho ai… ai biết thì chúng thì chúng sẽ giết… giết em ngay. Chúng nói là làm đấy La… Larry ạ. - Cô đứng bàng hoàng, ngả người dựa vào cánh cửa. - Chúng có trấn lột gì của em không? - Kh... ông. Chúng phá… phá cửa vào, hiếp em, rồi chúng đánh em nhừ tử. - Mặc quần áo vào - Chàng ra lệnh - Anh đưa em tới bệnh viện. - Mặt… mặt mũi thế này em không thể ra ngoài được. - Nàng nói. Mà nàng nói cũng phải. Larry gọi điện thoại cho một bác sĩ là bạn của chàng. Larry bảo Helena: - Đáng tiếc là anh không ở lại với em được. Nửa giờ nữa anh phải bay với Demiris. Khi nào trở về, anh sẽ lại thăm em ngay. Song chàng chẳng bao giờ còn gặp lại cô ta nữa. Hai ngày sau Larry trở về, căn phòng đã trống trơn, bà chủ nhà cho biết cô gái đã chuyển đi rồi, không để lại địa chỉ gì. Cho đến lúc đó Larry vẫn chưa nghi ngờ gì về thực chất sự việc. Mãi vài tối sau, khi chàng đang ân ái với Noelle chàng lờ mờ nhận ra chuyện gì đã xảy ra. - Em là một cô gái kỳ lạ - Chàng nói - Anh chưa từng thấy một ai như em. - Em có trao cho anh mọi thứ anh cần không? - Nàng hỏi. - Có - Chàng rên rỉ - Có, lạy Chúa, có chứ. Noelle dừng một lát, sau đó nói se sẽ: - Vậy đừng có ngủ với ngýời con gái nào khác nhé. Lần sau em sẽ giết chết nó đấy. Larry nhớ lại lời nàng nói: "Anh thuộc về em!" Bỗng nhiên những lời nói đó mang một ý nghĩa mới, gớm ghiếc. Lần đầu tiên chàng có một linh cảm rằng cuộc tình này không phải như một chuyến bay đêm chàng có thể rút dù lúc nào thì rút. Chàng cảm thấy cái sâu thẳm lạnh lẽo, đáng sợ mà không có thể chạm tới Noelle Page, chàng thấy ớn lạnh và hơi khiếp sợ. Trong đêm đó có mấy lần chàng nhớ đến chuyện của Helena nhưng cứ mỗi lần như vậy, chàng lại dừng lại bởi chàng sợ không dám biết, sợ không dám nói ra lời. Chỉ mong sao không phải là Noelle làm việc đó. Trong bữa ăn điểm tâm sáng hôm sau, Larry ngồi quan sát Noelle mà nàng không biết. Chàng muốn tìm những dấu hiệu chứng tỏ sự tàn ác, bạo dâm trên con người đó, song chàng chỉ thấy một người đàn bà tuyệt đẹp, thật đáng yêu, nhí nhảnh kể cho chàng những giai thoại lý thú, đón ý và đáp ứng mọi điều chàng muốn. Chàng nghĩ: Mình đã lầm khi nhận định về nàng. Song sau đó chàng rất thận trọng không hẹn hò với các cô gái khác, và chỉ sau vài tuần ngắn ngủi chàng hầu như không còn ham muốn chạy theo các cô gái khác bởi vì Noelle đã hoàn toàn xâm chiếm chàng. Ngay từ đầu Noelle đã nhắc cho Larry biết điều quan trọng nhất là giữ kín câu chuyện của họ không được để cho Constantin Demiris biết. - Tuyệt đối không được để một tiếng xì xào về đôi ta - Noelle dặn chàng như vậy. - Anh thuê một căn phòng nhé? - Larry đề nghị - Ở đó chúng ta… Noelle lắc đầu: - Không thể ở Athens được. Có người sẽ nhận ra em. Để cho em nghĩ kỹ về chuyện này đã. Hai ngày sau Demiris cho gọi Larry đến. Thoạt đầu Larry băn khoăn không hiểu có phải là nhà đại tư bản Hy Lạp này đã biết chuyện về Noelle và chàng không, nhưng Demiris lại tươi cười chào hỏi chàng và hỏi ý kiến chàng về việc ông định mua một chiếc máy bay mới. - Đó là một chiếc phi cơ ném bom cũ Mitchill đã được chuyển sang dân dụng - Demiris kể với chàng - Tôi muốn ông ngó qua chiếc phi cơ này. Nét mặt Larry rạng ngời, chàng bảo: - Đó là loại máy bay khổng lồ, xét về trọng lượng cũng như kích thước. Rồi ông sẽ thấy loại máy bay này là đáng tiền. - Nó chở được bao nhiêu hành khách. Larry suy nghĩ một lát: - Chín người trong tình trạng đủ tiện nghi sang trọng, cộng với một phi công một hoa tiêu và một kỹ sư. Nó có tốc độ bốn trăm tám mươi dặm một giờ. - Hay đấy. Ông hãy đi kiểm tra lại giúp tôi về báo lại cho tôi rõ. - Tôi sẽ làm ngay - Larry tươi tỉnh. Demiris đứng dậy. - À còn một việc nữa, anh Douglas ạ. Tiểu thư Page định đi Berlin sáng nay. Tôi muốn anh đưa nàng sang đó. - Thưa ông, vâng - Larry đáp, sau đó làm ra bộ thực thà - Tiểu thư Page có nói với ông rằng quan hệ giữa chúng tôi cải thiện hơn trước không ạ? Demiris nhìn chàng, nói lúng túng: - Không. Thực ra sáng nay nàng còn phàn nàn với tôi về thái độ xấc xược của anh. Larry nhìn ông, ngạc nhiên, sau đó chàng bỗng nhận ra thái độ của mình và nhanh chóng tìm cách đánh trống lảng. Chàng nói chân thành: - Tôi sẽ cố gắng, thưa ông Demiris. Tôi sẽ hết sức cố gắng. Demiris gật đầu: - Cố gắng lên. Anh sẽ là phi công giỏi nhất của tôi từ trước đến nay, Douglas ạ. Thật đáng xấu hổ nếu… - Ông bỏ lửng câu nói, nhưng ý nghĩa đã quá rõ. Trên đường trở về nhà Larry tự trách mình là thằng ngốc. Chàng cần phải nhớ rằng chàng đang chơi những ván bài lớn. Noelle rất thông minh khi nàng nhận thức rằng bất kỳ một sự thay đổi đột ngột nào trong thái độ của nàng với Larry đều sẽ gây cho Demiris một nỗi hoài nghi. Quan hệ cũ giữa hai người là tấm bình phong tuyệt diệu để che đậy những việc họ đang làm. Demiris đang cố tìm cách làm lành cho hai người. Trên chuyến bay sang Berlin, Larry trao tay lái cho Paul Metaxas và bảo rằng chàng có chuyện phải nói với cho Noelle Page. - Anh không sợ bị gẫy cổ sao? - Metaxas hỏi. Larry ngập ngừng, định khoe chiến tích của mình. Song chàng vội kiềm chế cơn bốc đồng, nhún vai bảo: - Cô ả thật chẳng khác gì một con chó cái, song nếu tôi không tìm cách làm cho cô ả thuần, thì tôi phải tìm cách tháo lui cho sớm. - Chúc may mắn? Metaxas điềm tĩnh bảo. - Cảm ơn. Larry cẩn thận khép chặt cửa buồng lái và đi về phía khoang khách, nơi Noelle đang ngồi. Hai cô chiêu đãi viên đang ở phía sau máy bay. Larry ngồi xuống chỗ đối điện với Noelle. Nàng se sẽ dặn dò: - Hãy cẩn thận. Larry liếc về chỗ các cô chiêu đãi viên, rồi nghĩ đến Helena. - Em đã tìm được một chỗ cho hai ta - Noelle bảo. Giọng nàng tỏ ra xúc động, mãn ý. - Một căn nhà? - Không, một ngôi nhà. Anh có biết Rafina ở đâu không? Larry lắc đầu: - Không. - Đó là cái làng nhỏ bên bờ biển, cách Athens một trăm kilômét về phía bắc. Chúng ta có một cái villa ẩn dật ở đó. Chàng gật đầu: - Thế em thuê nó theo tên ai? - Em mua đứt - Noelle bảo - Song đứng tên của một người khác. Larry tưởng tượng đến cảnh có đủ khả năng tài chính mua một biệt thự riêng để thỉnh thoảng lại về đấy hú hí với một em út nào đó. - Hay lắm. Anh mong sớm được tới đó xem nó. Nàng chăm chú nhìn chàng hồi lâu: - Anh xa Catherine ít lâu liệu có rầy rà gì không? Larry ngạc nhiên nhìn Noelle. Lần đầu tiên nàng nhắc đến người vợ của Larry. Chàng chẳng cần phải giữ bí mật về cuộc hôn nhân của chàng, song chàng vẫn có một cảm giác là lạ khi nghe thấy Noelle gọi tên của Catherine ra. Rõ ràng là nàng đã có đường dây kiểm tra lại và nàng biết rõ cô ấy ngay từ đầu, và có lẽ còn biết tường tận nữa là đằng khác. Nàng đang chờ đợi câu đáp của chàng. - Không sao cả - Larry đáp - Anh muốn đi về thế nào là tùy anh. Noelle gật đầu, thoả mãn. - Hay lắm. Sắp tới Constantin sẽ làm một chuyến công du sang Dubrovnik bằng tàu thủy. Em đã bảo với ông ta rằng em không thể đi được. Chúng ta sẽ có mười ngày thú vị bên nhau. Anh nên đi ra đi. Larry quay trở về buồng lái. - Tình hình thế nào? - Metaxas - Bớt căng với nàng rồi chứ? - Cũng không nhiều lắm - Larry trả lời thận trọng - Sẽ còn phải mất nhiều thời gian. Larry có một chiếc ô tô riêng, loại xe Citroen mui trần, song theo yêu cầu của Noelle, chàng đã đến một hãng nhỏ cho thuê xe hơi ở Athens để thuê một chiếc xe. Noelle lái xe đến Rafina một mình, Larry sẽ đón nàng ở đó. Con đường uốn khúc ngoằn ngoèo như dải ruy băng nhô cao trên mặt biển. Ra khỏi Athens độ hai giờ rưỡi Larry tới một làng nhỏ, thú vị, nằm nép dọc bờ biển. Noelle đã chỉ dẫn cho chàng tỉ mỉ để chàng khỏi phải dừng lại hỏi đường ở ngôi làng đó. Khi chàng tới rìa làng, chàng rẽ trái rồi đi vào một con đường đất nhỏ dẫn ra tới biển. Ở đó có vài ba biệt thự, một toà nhà nằm tách riêng ở một góc sau những bức tường đá cao bao kín xung quanh. Cuối con đường xây dựng trên một nền đá chờm lên doi đất vươn ra biển là một biệt thự lớn, sang trọng luôn luôn có sóng nước vỗ vào. Larry lái xe tới cổng và nhấn chuông. Một lát sau cánh cửa điện tự động mở ra. Chàng lái xe vào bên trong, cổng khép lại phía sau chàng. Chàng đứng trong một khu sân rộng rãi, ở giữa có một giếng phun nước. Hai bên sân có rất nhiều cây hoa. Ngôi nhà có dáng dấp của biệt thự điển hình ở Địa Trung Hải, vững vàng như một pháo đài. Cửa trước mở ra, Noelle xuất hiện trong chiếc váy dài bằng vải bông trắng toát. Họ đứng ngắm nhìn nhau và mỉm cười, rồi sau đó nàng lăn vào trong vòng tay của chàng. Phía bên trong ngôi nhà rộng bát ngát như một cái động với nhiều phòng lớn, trần nhà cao mái vòm. Dưới nhà là một phòng sinh hoạt rộng rãi, một thư viện, một phòng ăn chính, một nhà bếp kiểu cổ ở giữa có một bếp lò kiểu vòng tròn. Các phòng ngủ ở tầng trên. - Thế còn đầy tớ đâu? - Larry hỏi. - Anh đang gặp đấy thôi. Larry nhìn chàng, ngạc nhiên: - Em sẽ nấu nướng giặt giũ cả sao? Nàng gật đầu. Sau khi chúng ta rời khỏi đây sẽ có hai người đến làm vệ sinh, cọ rửa, song họ sẽ không bao giờ gặp chúng ta. Em sẽ thu xếp việc này qua một hãng bao thầu. Larry cười nhạt. Giọng Noelle vang lên đầy vẻ hâm dọa: - Chớ có mắc sai lầm đánh giá thấp Constantin Demiris. Nếu lão phát hiện ra chúng ta, lão sẽ giết cả hai. Larry mỉm cười, bảo: - Em lại hơi phóng đại rồi. Lão già ấy có thể không thích, song… Đôi mắt xanh biếc của nàng nhìn thẳng vào chàng: - Lão sẽ giết cả đôi ta. Giọng nói của nàng đã truyền cảm sang chàng. - Em nói nghiêm trang đấy chứ? - Lần này em nói hết sức nghiêm trang. Lão tàn bạo vô cùng. Larry cự lại: - Nhưng khi em nói lão sẽ giết chúng ta, lão sẽ không… Noelle đáp thẳng thừng: - Lão sẽ không dùng đến súng đạn. Lão sẽ tìm ra một cách phức tạp, tinh vi để thực hiện việc đó, vào lão sẽ không bao giờ bị trừng phạt về việc đó - Rồi nàng đổi giọng trong sáng hơn - Song lão sẽ không biết được đâu, cưng ơi. Lên đây, em chỉ cho anh xem cái phòng ngủ - Noelle dắt tay chàng, họ đi lên cầu thang uốn khúc - Chúng ta có bốn phòng ngủ dành cho khách - nàng vừa mỉm cười, vừa nói thêm - Chúng ta sẽ có thể thử tất cả bốn phòng. Nàng đưa chàng vào phòng ngủ của chủ nhân, đó là một phòng kép rộng ở góc nhà, trông ra biển. Từ trên cửa sổ Larry có thể trông thấy cái thềm nhà lớn và một lối đi ngắn dẫn tới mép biển. Ở đó có một bến đò, với một chiếc thuyền buồm lớn và một xuồng gắn máy neo buộc ở đó. - Hai chiếc thuyền này của ai vậy? - Của anh đấy - Nàng đáp - Đó là món quà tặng anh nhân dịp anh về tới nhà. Chàng quay lại, nàng đã tuột chiếc áo vải bông từ lúc nào. Bây giờ nàng hoàn toàn trần truồng. Suốt cả buổi chiều hôm đó họ ở trên giường. Mười ngày trôi qua, Noelle biến đổi mau lẹ như một giọt thủy ngân, lúc nàng như một thủy thần, lúc lại như thiên nga, lúc lại là cô hầu gái sẵn sàng đáp ứng mọi sở nguyện của chàng, thậm chí trước cả lúc chàng xác định chính xác đó là cái gì. Thư viện trong ngôi biệt thự lưu giữ đủ các loại sách và đĩa hát chàng thích. Noelle nấu tất cả các món chàng thích với mức tuyệt hảo, rồi lại đi thuyền cùng chàng, bơi cùng chàng trên biển xanh rờn ấm áp, làm tình với chàng và xoa bóp cho chàng ban đêm cho đến khi chàng ngủ thiếp đi. Nói theo một nghĩa nào đấy thì họ là những tù nhân ở đây cùng với nhau, bởi vì họ sợ có người khác bắt gặp. Hàng ngày Larry lại tìm thấy những nét mới ở Noelle. Nàng kể cho chàng rất nhiều những giai thoại lý thú về các nhân vật nổi tiếng mà nàng quen biết. Nàng cố tranh luận với chàng về chính trị và kinh doanh cho đến khi nàng nhận ra rằng chàng rất hờ hững với cả hai lĩnh vực này. Họ chơi bài poke và Ginrummy. Larry thường nổi cáu vì chàng chẳng bao giờ thắng. Noelle dạy chàng chơi cờ vua và Backgammon, song về cả hai món này chàng cũng không bao giờ đánh bại được nàng. Vào ngày chủ nhật đầu tiên tới biệt thự, nàng chuẩn bị một bữa trưa picnic rất ngon miệng. Họ ngồi trên bãi biển dưới ánh nắng và thưởng thức bữa ăn đó. Trong lúc họ đang ăn, Noelle trông thấy có hai người ở phía xa xa. Hai người này đang đi dọc bãi biển, tiến về phía họ. - Ta vào nhà đi - Noelle bảo. Larry ngẩng lên và cũng thấy hai người đàn ông kia. - Lạy Chúa, đừng có hãi hùng như vậy. Họ chỉ là những dân làng này đi dạo thôi mà. - Không, vào đi - nàng ra lệnh. - Thôi được - Chàng sẵng giọng đáp, đồng thời thấy bực tức trước lối hách dịch của nàng. - Giúp em thu dọn đồ vào đi. - Thế cứ quẳng chúng lại, có được không? - Chàng hỏi. - Làm như vậy người ta sẽ nghi ngờ. Họ nhanh chóng xếp các thứ vào chiếc giỏ rồi đi về phía ngôi nhà. Cả chiều hôm đó Larry im lặng. Chàng ngồi trong thư viện, tập trung mọi suy nghĩ, trong lúc Noelle làm việc trong nhà bếp. Đến cuối chiều nàng bước vào thư viện và ngồi xuống đưới chân chàng. Như tình cờ đoán được ý nghĩ của chàng Noelle bảo: - Thôi anh đừng nghĩ đến những người đó nữa. Họ chỉ là hai người dân làng vớ vẩn. Larry quật lại: - Anh chán cái cảnh sống chui lủi như tội phạm lắm rồi - Chàng nhìn nàng, đoạn thay đổi giọng - Anh không muốn phải trốn tránh ai cả. Anh yêu em. Lần này thì Noelle biết đó là sự thật. Nàng nhớ lại những năm tháng trước đây nàng đã lập kế hoạch để giết hại Larry và nhớ đến sự khoái lạp điên cuồng mà nàng tưởng tượng ra khi tiêu diệt chàng. Nhưng đến khi gặp Larry, ngay lập tức nàng nhận thấy có một tình cảm sâu sắc hơn lòng căm thù đang trỗi dậy ở nàng. Khi nàng đẩy chàng đến bên bờ vực thẳm của cái chết, bắt chàng phải đứng trước thử thách phải cứu cả hai sinh mạng của họ trong chuyến bay khủng khiếp tới Amsterdam, hình như nàng đã đặt tình yêu của chàng trước sự thử thách khốc liệt của số phận. Nàng như có mặt cùng chàng trong căn buồng lái đó, cùng điều khiển chiếc phi cơ với chàng, cùng chịu đau khổ với chàng, và nàng hiểu rằng nếu chàng chết thì cả hai người sẽ chết cùng nhau, thế nhưng chàng đã cứu cả hai. Và khi chàng bước vào phòng của nàng ở Amsterdam, yêu nàng, thì lòng căm thù và sự yêu thương của nàng đã hoà quyện lại trong hai cơ thể của họ, và thời gian dường như căng ra rồi co lại, họ lại trở về với căn phòng nhỏ bé của họ hồi nào ở Paris khi Larry bảo nàng: "Chúng ta cưới nhau đi thôi. Chúng mình hãy tìm một ông đốc lý người nhỏ nhắn ở một vùng quê nào đó". Rồi hiện tại và quá khứ bùng nổ chói hoà quyện lại làm một. Noelle cảm thấy không còn phân biệt thời gian, mà trước đây cũng như vậy, rằng thực ra không hề có gì thay đổi nàng càng căm thù Larry bao nhiêu thì cũng từc là nàng đã hoàn toàn dâng hiến cho chàng và không có gì thay đổi được chuyện đó. Noelle cảm thấy rằng tất cả những gì nàng đã đạt được trong đời nàng đều xuất phát từ lòng căm thì. Sự phản bội của ông bố nàng đã rèn đúc nàng, tôi luyện nàng, làm cho nàng nung nấu sự khao khát phục thù và nàng chỉ thấy thoả mãn khi nàng xây dựng được một vương quốc riêng trong đó nàng là kẻ đầy quyền năng, không bao giờ bị ai làm tổn thương, và phản bội nàng một lần nữa. Cuối cùng nàng đã đạt được điều này. Và bây giờ nàng sẵn sàng quy phục trước người đàn ông này. Bởi lẽ bây giờ nàng hiểu rằng điều mà nàng vẫn ấp ủ lâu nay là làm sao Larry phải cần đến nàng, phải yêu thương nàng. Và cuối cùng chàng đã làm đúng như vậy. Vậy là cuối cùng nàng đã có được cái vương quốc đích thực của nàng. Chương 19 Với Larry và Noelle, ba tháng tiếp sau đó là một trong những thời kỳ thơ mộng hiếm hoi, mọi việc đều suôn sẻ, một thời kỳ kỳ diệu hết ngày tiếp đến ngày kia, không có một đám mây u ám nào đe doạ trên nền trời. Trong những ngày gìơ làm việc Larry lao vào những công việc bay mà chàng thích thú, và cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi chàng lại tới biệt thự ở Rafina để hưởng một ngày hoặc có khi là một ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí có khi cả một tuần lễ với Noelle. Lúc đầu Larry ngại rằng việc bố trí như vậy sẽ trở thành một thói quen cứng nhắc buộc chàng phải vào nề nếp mà chàng rất căm ghét song cứ mỗi lần chàng trông thấy Noelle, chàng lại đâm ra say mê hơn, rồi chàng lại háo hức mong chờ những phút được chung sống bên nàng. Mỗi khi nàng phải hủy bỏ một ngày nghỉ cuối tuần vì một chuyến bay bất ngờ cùng Demiris, Larry ở lại một mình tại biệt thự, chàng đâm ra ghen tửc khi nghĩ đến cảnh Noelle đang cặp kè cùng Demiris. Đến khi chàng gặp lại Noelle Page tuần sau đó, nàng thấy ngạc nhiên xen với thú vị trước sự nôn nóng của chàng. - Anh nhớ em không? - Nàng hỏi. Chàng gật đầu: - Nhớ lắm. - Tốt. - Demiris thế nào? Nàng ngập ngừng một lát: - Khoẻ ra. Larry nhận thấy nàng ngập ngừng điều gì: - Sao vậy? - Em nghĩ điều anh đã bảo với em. - Điều gì? - Anh nói anh căm ghét cái cảm giác phải chui lủi như một kẻ phản bội. Em cũng có thích gì đâu. Cứ một phút giây bên cạnh Constantin, em lại muốn là được ở bên anh. Larry ạ, một lần em có bảo anh rằng em cần ở anh mọi thứ. Em nói đúng như vậy đấy. Em không muốn anh chia sẻ với bất kỳ ai. Em muốn anh cưới em ngay. Chàng nhìn nàng, ngạc nhiên, vì hoàn toàn bị bất ngờ. Noelle vẫn chằm chằm nhìn chàng: - Anh có muốn cưới em không? - Em biết là anh muốn điều đó lắm. Nhưng làm thế nào được? Em vẫn bảo với anh rằng Demiris sẽ có hành động một khi lão phát hiện ra việc làm của chúng ta cơ mà. Nàng lắc đầu: - Lão không thể phát hiện được. Chừng nào chúng ta thông minh và có kế hoạch thật khéo léo. Lão có phải là chủ của em đâu. Larry, em sẽ từ bỏ lão. Lão sẽ không làm gì được. Lão có nhiều tự trọng lắm, không thể ngăn trở được em đâu. Một hai tháng nữa anh hãy bỏ việc đi. - Chúng ta lần lượt từng người một bỏ đi thật xa, về Mỹ chẳng hạn. Chúng ta có thể cưới nhau bên đó. Em có rất nhiều tiền đủ đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Em sẽ tìm thuê cho anh một hãng máy bay hoặc một trường hàng không hoặc một việc gì đó tùy anh thích. Chàng đứng, lắng nghe nàng trình bày và chàng cân nhắc giữa những thứ chàng sẽ phải từ bỏ với những thứ chàng sẽ có được trong tương lai. Mà chàng sẽ từ bỏ cái gì nào? Công việc làm phi công đáng ghét này ư? Nghĩ đến chuyện chàng sẽ làm chủ những chiếc máy bay riêng, lòng chàng thấy hơi rộn ràng chút đỉnh. Chàng sẽ có một chiếc Mitchell riêng. Mà có thể là một chiếc DC-6 vừa mới ra lò. Loại có bốn động cơ cải tiến, chở được tám mươi lăm hành khách. Và Noelle nữa, phải, chàng rất cần có Noelle. Lạy Chúa, vậy chàng còn ngần ngại nỗi gì? - Vợ anh thì sao đây? - Chàng hỏi. - Bảo với cô ta rằng anh muốn ly dị. - Anh không biết liệu cô ấy có chấp thuận không. - Đừng yêu cầu - Noelle đáp - Mà anh phải bắt cô ta ly dị - Những tiếng cuối cùng nàng nói với giọng đanh thép hơn. Larry gật đầu: - Được rồi. - Anh yêu của em, anh sẽ không bao giờ phải nuối tiếc đâu Em hứa là như vậy - Noelle nói. * * * * * Đối với Catherine, thời gian đã mất đi cái điệu rạch ròi, nàng rơi vào trạng thái mất cảm giác thời gian, ngày và đêm lẫn lộn như một. Hầu như Larry không bao giờ có mặt ở nhà. Đã từ lâu nàng cũng thôi không gặp gỡ những người bạn của họ, bởi vì nàng không có đủ cam đảm để đưa ra lý do giải thích hoặc giáp mặt với mọi người. Bá tước Pappas đã năm lần bảy lượt cố tìm cách gặp nàng, song cuối cùng ông cũng đành chịu. Nàng chỉ có thể quan hệ với mọi người một cách gián tiếp tức là qua điện thoại, thư từ hoặc điện tín mà thôi. Khi đối mặt, nàng sẽ câm lặng như tượng đá, các câu chuyện chỉ càng làm nàng thấy tầm phào, chán ngắt. Thời gian và con người mang đến cho nàng nỗi đau khổ, Catherine chỉ còn tìm thấy sự lãng quên kỳ diệu duy nhất trong men rượu. Rượu làm cho nàng dịu đi nỗi đau, làm cho những lời khước từ không đến nỗi quá khốc liệt và những sự thật đập vào mắt mọi người không đến nỗi tàn nhẫn. Lúc đầu khi Catherine mới đến Athens, nàng vẫn năng viết thư cho William Fraser, trao đổi tin tức cho nhau biết những hoạt động mới nhất của bạn bè và kẻ thù chung của nhau. Tuy nhiên, từ khi Catherine có chuyện với Larry, nàng không còn đủ can đảm viết cho Fraser nữa. Ba lá thư gần đây của ông không được nàng trả lời, lá thư cuối cùng thậm chí cũng không được mở ra xem. Nàng không còn đủ cam đảm đối mặt với bất kỳ chuyện gì xảy ra ngoài lòng tự trọng mà nàng đã bị mắc bẫy tại đó. Một hôm có bức điện gửi cho Catherine, rồi liền một tuần nó vẫn nằm yên vị trên bàn, không được mở ra cho đến khi cửa phòng mở và William Fraser xuất hiện. Catherine nhìn ông chằm chằm, không tin vào mắt mình nữa, nàng thốt lên: - Bill, anh Bill Fraser? Ông bắt đầu nói. Nàng nhận thấy đôi mắt ông có vẻ kích động sau đó chuyển sang một trạng thái khác, trạng thái bàng hoàng chấn động. - Anh Bill thân yêu - Nàng nói - Anh đang làm gì ở đây vậy? - Anh sang Athens có công chuyện - Fraser giải thích. - Em không nhận được điện của anh? Catherine nhìn ông, cố nhớ lại, cuối cùng nói: - Em không biết. Nàng đưa ông vào phòng khách đầy những tờ báo cũ, những gạt tàn đầy thuốc và những đĩa thức ăn ăn dở. Nàng hất tay nói: - Xin lỗi, chỗ này bừa bộn quá. Dạo này em rất bận. Fraser ngắm nhìn nàng, băn khoăn: - Em có được khoẻ không, Catherine? - Em ư? Tuyệt vời. Anh uống chút đỉnh? - Mới mười một giờ sáng thôi mà. Nàng gật đầu: - Phải. Anh nói chí phải, anh Bill. Giờ này mà uống thì còn quá sớm, song phải thú thật với anh nếu không mừng anh đến đây em sẽ không uống gì đâu. Anh là người duy nhất trên đời này có thể khiến em phải uống một ly rượu lúc mười một giờ trưa. Fraser não nề nhìn theo Catherine chệnh choạng đi lại phía tủ rượu, rót ra cho nàng một lý lớn, còn ông thì một ly nhỏ hơn. - Anh có thích rượu Brandy Hy Lạp không? - Nàng hỏi ông khi mang ly rượu đến cho ông - Lúc đầu em rất ghét, nhưng sau cũng quen dần. Fraser cầm lấy ly rượu rồi lại đặt xuống, hỏi se sẽ: - Larry đâu rồi? - Larry ư? Ôi dào, cái gã Larry đó đang bay đi đâu không rõ. Y làm việc cho một lão giàu nhất trên đời. Demiris làm chủ mọi thứ, kể cả con người Larry. Ông nhìn nàng hồi lâu: - Larry có biết em nghiện rượu không? Catherine dằn mạnh chiếc ly xuống bàn, loạng choạng đứng lên trước mặt ông, phẫn nộ hỏi. - Anh nói gì vậy? Larry có biết em nghiện rượu không? Ai bảo em nghiện rượu? Em chỉ mừng vì gặp lại người bạn cũ, thế mà lại định sinh sự với người ta? - Catherine. Anh định… - Anh tưởng anh có thể vào đây để kết tội tôi là kẻ nát rượu đấy phải không? - Anh xin lỗi, Catherine - Fraser đau khổ nói - Anh nghĩ rằng em cần đến sự giúp đỡ. Nàng đáp lại: - Anh nhầm rồi. Tôi không cần ai giúp đỡ cả. Anh có biết vì sao không? Bởi vì tôi… tôi tự… tự lực… Nàng cố tìm lời để diễn đạt, cuối cùng đành chịu: - Tôi không cần ai giúp đỡ. Fraser nhìn nàng một hồi, rồi nói: - Bây giờ anh phải đi dự một hội nghị. - Tối nay đi ăn với anh nhé. - Được thôi - Nàng gật đầu. - Thế nhé, anh sẽ đón em lúc tám giờ. Catherine nhìn theo Bill Fraser khi ông bước ra khỏi cửa. Sau đó nàng chới với trở lại phòng ngủ, rồi từ từ mở cửa phòng tắm, trừng trừng nhìn vào tấm gương treo ở đằng sau cửa. Nàng đứng sững người ra. Trong con người nàng vẫn còn có một cô gái nhỏ bé xỉnh xắn được ông bố yêu quý, vẫn còn là một cô nữ sinh đại học trẻ trung đứng trong phòng của motel với Ron Peterson và nghe hắn nói "Lạy Chúa, em là cô gái đẹp nhất anh từng gặp từ trước đến nay, Catherine ạ" rồi Bill Fraser ôm nàng trong đôi cánh tay và bảo "Em đẹp quá, Catherine ạ", rồi đến Larry nói "Em rực rỡ, Cathy ạ" và bây giờ nàng đứng ngắm thân hình mình trong tấm gương, rên rỉ: "Cô là ai vậy?" rồi người đàn bà buồn rầu, người chảy thượt trong gương bắt đầu khóc tức tưởi, vô vọng, những giọt nước mắt lạnh ngắt chảy xuống bộ mặt gớm guốc, sưng mọng. Nhiều giờ sau tiếng chuông cửa đổ dồn. Nàng nghe tiếng Bill Fraser gọi ở ngoài: "Catherine? Catherine? Em có ở nhà không?" Sau đó chuông còn reo thêm mấy lần nữa, cuối cùng giọng nói cũng chấm dứt, tiếng chuông cũng ngừng réo, và Catherine còn lại một mình với con người xa lạ trong gương kia. Chín giờ sáng hôm sau Catherine đi taxi đến phố Patission. Ông bác sĩ tên là Nikodes, một người đàn ông to con, vạm vỡ, mái tóc bạc bờm xờm, khuôn mặt thông minh với đôi mắt hiền từ, và điệu bộ cung cách thoải mái. Một cô y tá đưa Catherine vào văn phòng riêng của bác sĩ Nikode ông chỉ chiếc ghế cho nàng: - Xin mời bà ngồi, bà Douglas. Catherine ngồi xuống ghế, vẻ hồi hộp căng thẳng. - Bà làm sao vậy? Nàng bắt đầu nói, nhưng sau đó dừng ngay lại, vẻ ngơ ngác. Nàng nghĩ: Lạy Chúa, mình nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Cuối cùng nàng nói: - Tôi cần ông giúp đỡ. Giọng nàng khô khốc nghẹn tắc, nàng muốn uống một ly rượu. Ông bác sĩ ngả người ra sau ghế, ngắm nhìn nàng. - Bà bao nhiêu tuổi? - Hai mươi tám - Nàng quan sát nét mặt ông khi nàng nói ra điều đó. Ông ta cố giấu một vẻ sửng sốt song nàng đã nhận ngay ra được và thấy hài lòng vì chuyện đó. - Bà là người Mỹ? - Vâng. - Bà hiện đang sống ở Athens? Nàng gật đầu. - Bà ở đây đã được bao lâu rồi? - Có đến ngàn năm. Chúng tôi chuyển về đây từ trước cuộc chiến tranh Peloponnesi. Bác sĩ mỉm cười. - Thỉnh thoảng chính tôi cũng có cảm giác như vậy. Ông mời nàng một điếu thuốc, cố gắng giữ cho ngón tay của mình khỏi run rẩy. Bác sĩ nhận thấy điều đó. Ông châm thuốc cho nàng. - Bà cần tôi giúp như thế nào, bà Douglas? Catherine nhìn ông, không biết phản ứng ra sao. Nàng thì thào: - Tôi không biết. Tôi không biết. Hiện nay bà cảm thấy thế nào? - Tôi bị bệnh. Chắc là tôi bệnh rất nặng. Tôi đã sa sút nhiều. Nàng biết rằng nàng không khóc, thế mà nước mắt cứ giàn dụa trên đôi má. - Bà có uống rượu không, bà Douglas? - Ông bác sĩ nhẹ nhàng hỏi. Catherine hoảng hốt nhìn ông, nàng cảm thấy bị dồn đến chân tường, vội đáp: - Thỉnh thoảng thôi. - Uống bao nhiêu? Nàng hít một hơi dài: - Không nhiều. Điều đó… điều đó phụ thuộc vào… - Hôm nay bà đã uống ly nào chưa? - Ông hỏi. - Chưa. Ông ngồi, quan sát nàng, rồi nhẹ nhàng bảo: - Thực ra thì dáng vóc bà chưa đến nỗi xấu. Bà có hơi quá trọng lượng chút đỉnh, thân thể bà hơi đẫy đà, bà lâu nay không chăm sóc làn da và mái tóc. Đằng sau những cái đó bà là một người đàn bà trẻ trung vô cùng hấp dẫn. Nàng oà khóc. Ông ngồi yên lặng để mặc nàng khóc. Giữa tiếng nức nở, Catherine nghe mơ hồ có tiếng chuông trên bàn ông kêu mấy lần, song ông bác sĩ không quan tâm đến nó. Cuối cùng cơn nức nở cũng dịu xuống. Catherine rút khăn tay ra xỉ mũi: - Xin lỗi ông. Ông… ông có thể giúp tôi được không? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào bà - Bác sĩ Nikodes đáp - Chúng tôi chưa rõ vấn đề của bà là gì. - Ông cứ nhìn kỹ tôi đây này - Catherine đáp. Ông lắc đầu. - Thưa bà Douglas, đó không phải là bệnh mà là một triệu chứng. Xin lỗi vì sự lỗ mãng của tôi song nếu tôi có thể giúp được gì cho bà thì chúng ta phải hoàn toàn thành thực với nhau. Khi một người đàn bà trẻ đẹp như bà mà phải sống buông thả, ắt phải có lý do gì tác động rất mạnh. Chồng bà vẫn còn sống? - Vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ. Ông chăm chú nhìn nàng. - Bà vẫn chung sống với ông ấy chứ? - Khi nào anh ấy ở nhà. - Ông ấy làm gì? - Phi công riêng của Constantin Demiris. Nàng nhận thấy có một biểu hiện trên nét mặt của ông bác sĩ. Không rõ ông phản ứng lại khi nghe nhắc đến tên Demiris hay ông biết chuyện gì về Larry, nàng không rõ, vội hỏi: - Ông có nghe nói về chồng tôi? - Không - (Song có thể ông đã không nói thật) - Bà Douglas, bà có yêu chồng bà không? Catherine định đáp thì nàng lại ngừng ngay. Nàng hiểu điều nàng sắp nói ra đây sẽ rất quan trọng, không chỉ đối với bác sĩ, mà cả với nàng nữa. Đúng, nàng yêu chồng và cũng đúng là nàng căm ghét anh ta, và đúng là có những lúc nàng cảm thấy giận dữ sôi sục đến mức nàng có thể giết y, và cũng đúng rằng có những lúc nàng cảm thấy tràn ngập yêu thương chàng đến mức là nàng sẵn sàng vui vẻ được chết cho chàng và nói chung biết dùng từ nào để diễn đạt được hết nhỉ? Có lẽ đó chính là tình yêu. - Vâng, đúng thế - Nàng đáp. - Ông ấy có yêu bà không? Catherine nghĩ đến những người phụ nữ khác đã xuất hiện trong cuộc đời Larry, nghĩ đến sự thiếu chung thủy của chàng và nàng lại liên tưởng đến người đàn bà lạ lùng trong gương tối hôm qua, nàng không thể trách Larry về việc chàng không tha thiết đến nàng. Nhưng ai mà biết được những chuyện gì xảy ra trước? Người đàn bà trong gương dẫn tới sự phụ bạc của chàng hay sự phụ bạc của chàng đã đưa tới tình trạng người đàn bà trong gương? Hai gò má nàng lại ướt đầm nước mắt? Catherine lắc đầu tuyệt vọng: - Tôi… tôi không biết. - Bà đã bao giờ bị suy nhược thần kinh chưa? Nàng chăm chú nhìn ông, thận trọng hơn: - Chưa. Thế theo ông, tôi suy nhược thần kinh sao? Ông vẫn nghiêm sắc mặt. Ông nói chậm rãi, cần nhắc từng lời. - Bà Douglas ạ, tâm lý con người là hết sức tinh tế. Nó có thể chịu được rất nhiều đau đớn nhưng đến khi sự đau đớn đó trở thành không thể chịu được nữa, nó có thể chui vào ẩn náu sâu kín trong tâm hồn là cái mà chúng ta mới bắt đầu khám phá. Nhưng tình cảm của bà rất căng thẳng đấy - Ông nhìn nàng một lát rồi nói tiếp - bà tìm đến sự giúp đỡ của người khác như vậy là rất tốt. Catherine vội chống chế. - Tôi biết là tôi hơi bị xáo động. Vì vậy tôi mới uống rượu để vơi sầu. - Không phải - Ông ta nói thẳng ra - Bà uống là để lảng tránh sự thật - Nikodes đứng dậy đi về phía nàng - Theo tôi có rất nhiều việc chúng ta có thể làm ở đây. Tôi nói chúng ta là có ý ám chỉ cả bà và tôi. Song vấn đề sẽ không đơn giản. - Theo ông thì cần phải làm gì? Trước hết tôi sẽ gửi bà đến một phòng khám để kiểm tra toàn bộ sức khoẻ. Tôi có cảm tưởng rằng người ta sẽ không phát hiện một tổn thương nào ở bà. Sau đó bà sẽ phải cai rượu. Rồi tôi sẽ kê cho bà một chế độ ăn uống kiêng khem. Như vậy đã được chưa? Catherine ngập ngừng, rồi gật đầu. Bà sẽ ghi tên tham gia một trường thể thao, tại đó bà sẽ phải luyện tập đều đặn để giữ thân hình trở lại thon thả: Tôi có một chuyên gia lý liệu pháp rất giỏi sẽ giúp bà bằng xoa bóp. Mỗi tuần một lần bà sẽ phải đi mỹ viện. Tất cả những chuyện đó mất khối thì giờ đấy, bà Douglas. ạ. Bà lâm vào trạng thái này không phải một sớm một chiều, do đó muốn thay đổi cũng không phải một sớm một chiều. - Ông mỉm cười một cách quả quyết - Song tôi có thể hứa với bà chỉ sau vài tháng, thậm chí có thể vài tuần, bà sẽ bắt đầu nhận thấy một người phụ nữ khác hẳn trong con người bà. Khi bà ngắm mình trong gương, bà sẽ cảm thấy tự hào khi chồng bà trông thấy bà, ông sẽ nhận ra rằng bà rất hấp dẫn biết dường nào. Catherine nhìn ông, lòng nàng thấy phơi phới. Hình như một gánh nặng không thể chịu được đã được cất đi, và bỗng nhiên nàng có được một cơ may mới mẻ để sống khác đi ông bác sĩ tiếp lời: - Bà cần phải hiểu rõ rằng tôi chỉ có thể gợi ý cho bà chương trình này mà thôi. Còn bản thân bà mới là người phải thực hiện chương trình đó. Catherine sôi nổi nói: - Vâng, tôi sẽ làm. Tôi hứa là sẽ thực hiện. - Trước hết, điều quan trọng nhất là phải bỏ rượu. - Đúng là như vậy - Catherine đáp và nàng cảm thấy đúng như thế? Bác sĩ cũng có lý: Nàng đã uống rượu để quên sự đời. Bây giờ nàng đã có một cái đích và nàng biết là nàng đang đi về đâu Nàng sẽ phải tranh thủ cảm tình của Larry. Nàng đáp mạnh mẽ: - Tôi nhất định sẽ không đụng đến một giọt rượu nào nữa. Ông bác sĩ đọc được biểu hiện trên nét mặt của nàng, tỏ vẻ thoả mãn: - Tôi tin bà, bà Douglas ạ. Catherine đứng dậy. Nàng nhận thấy thật lạ lùng sao thân hình nàng lại vụng về, ù lì đến thế, song tất cả rồi sẽ thay đổi. Nàng mỉm cười: - Có lẽ tốt nhất là tôi sẽ đi về mua một số quần áo cỡ người thon thả. Bác sĩ viết mấy chữ gì đó lên một tấm thiếp: - Đây là địa chỉ của một phòng khám bệnh. Họ sẽ chờ bà tới. Bao giờ bà khám bệnh xong tôi sẽ gặp lại bà sau. Khi ra đến ngoài phố, Catherine tìm một chiếc taxi, rồi nàng chợt nghĩ: Gạt phắt chuyện đó đi. Có lẽ nên bắt tay ngay vào luyện tập từ giờ phút này. Và thế là nàng cuốc bộ. Khi đi ngang qua một tủ kính bày hàng, nàng đứng lại để ngắm hình mình trong tấm kính. Nàng đã quá vội vàng khi đổ lỗi cho Larry về chuyện chàng đã làm lơi lỏng quan hệ giữa hai vợ chồng, song nàng cũng chưa có lúc nào tự chất vấn xem phần nào thuộc về lỗi của nàng. Tại sao chàng lại phải trở về một ngôi nhà với một người thảm hại như nàng? Con người đàn bà kỳ lạ kia đã chậm chạp len lỏi dần vào trong nàng một cách tinh vi mà nàng không hề hay biết. Phải, tất cả thuộc về quá khứ. Từ nay trở đi nàng sẽ không nhìn về đằng sau nữa mà nàng chỉ hướng tới một tương lại tuyệt vời thôi. Catherine đã tới khu Salonika sang trọng. Nàng đi ngang qua một mỹ viện, và nàng bỗng hứng lên quay lại đi vào mỹ viện. Phòng tiếp khách làm bằng đá cẩm thạch tráng, lộng rãi, thanh nhã. Một cô nhân viên cao ngạo ngó nhìn Catherine, vẻ chê bai: - Dạ, thưa bà cần gì ạ? - Tôi muốn có một cuộc hẹn vào sáng mai - Catherine đáp - Tôi muốn sửa lại toàn bộ. Làm lại chu đáo - Đột nhiên nàng chợt nhớ ra tên của người chuyên gia làm tóc - - Tôi cần gặp ông Aleko. Chị nhân viên lắc đầu: - Thưa bà, tôi không thể sắp xếp cho bà được, bà có thể hẹn gặp người khác vậy. Catherine trả lời kiên quyết: - Nghe tôi nói đây. Chị báo cho ông Aleko biết như vậy nếu không tôi sẽ đi khắp Athens này để nói với mọi người rằng tôi là một khách hàng thường xuyên của ông ta, mà đầu tóc như thế này đây. Người đàn bà kia trợn tròn mắt ngạc nhiên, vội đáp: - Vâng, để tôi… tôi cố gắng thu xếp. Mời bà tới đây lúc mười giờ sáng vậy. - Cảm ơn - Catherine cười khẩy - Tôi sẽ tới - Rồi nàng bỏ về. Nàng thấy trước mặt có một tiệm nhỏ mang biển đề ngoài cửa sổ "Bà Piris - Đoán hậu vận". Nàng cảm thấy quen quen, rồi chợt nhớ ra hôm Bá tước Pappas đã kể cho nghe câu chuyện về bà Piris. Hình như chuyện về một viên cảnh sát và con sư tử, song nàng không nhớ hết mọi chi tiết. Catherine không tin vào chuyện bói toán, song bất chợt nàng nảy ra ý muốn vào bói một quẻ xem sao. Nàng muốn được vững tin, được người khác khẳng định cho nàng những tình cảm mới mẻ của nàng đứng trước tương lai, cho nàng biết rõ cuộc đời rồi sẽ tươi đẹp, lại đáng sống. Nàng mở cửa bước vào tiệm. Từ bên ngoài ánh sáng chói chang vào nhà, nàng phải mất một lúc lâu mới quen được bóng tối của căn phòng như một cái hang sâu. Nàng nhận ra có một cái quầy bar ở góc phòng với một chục chiếc bàn cùng ghế. Một người bồi vẻ mệt mỏi tiến lại phía nàng, nói bằng tiếng Hy Lạp. - Cảm ơn, tôi không uống gì đâu - Catherine bảo. Nàng thấy thú vị khi nghe chính những lời mình nói ra, nàng nhắc lại một lần nữa: - Không uống gì đâu. Tôi chỉ muốn gặp bà Piris thôi. Bà ấy có ở đây không? Người bồi chỉ vào một chiếc bàn trống ở góc phòng, Catherine tiến lại đó, ngồi xuống ghế. Vài phút sau, nàng cảm thấy có người đang đứng bên cạnh, nàng ngẩng nhìn lên. Người đàn bà đó già khụ, gầy nhom, vận toàn đồ đen. Khuôn mặt bà ta đã bị thời gian làm cho quắt queo chỉ còn là những góc cạnh lỗi lõm. - Bà muốn gặp tôi? - Bà ta dùng một thứ tiếng Anh rời rạc. - Vâng - Catherine đáp - Tôi muốn cụ bói cho một quẻ. Bà già ngồi xuống, giơ một bàn tay, người bồi bàn tiến lại phía bàn mang theo một tách cà phê đen đặc quánh đặt trên một chiếc khay. - Tôi không uống đâu - Catherine bảo - Tôi… - Hãy uống đi - Bà già Piris bảo. Catherine ngạc nhiên nhìn bà lão, sau đó nhấc ly cà phê lên và nhấm ngụm đầu tiên. Cà phê đặc và đắng. Nàng đặt chiếc ly xuống. - Uống nữa đi - Bà lão bảo. Catherine định phản đối, song lại nghĩ: - Thật quái đản. Bọn họ không kiếm được tiền bằng việc bói toán thì họ cũng gỡ lại được bằng tiền cà phê. Nàng lại nuốt một ngụm cà phê nữa. Thật là ti tiện. - Uống nữa đi - Bà Piris bảo. Catherine nhún vai, uống nốt ngụm cuối cùng. Ở đáy ly còn một chút cặn đặc quánh. Bà Piris gật đầu, nhoài người ra cầm lấy chiếc ly từ tay Catherine. Bà nhìn chòng chọc vào nó một hồi lâu, im lặng không nói gì. Catherine ngây người ngồi, cảm thấy ngớ ngẩn. Một cô gái duyên dáng, thông minh như mình lại ngồi ở một chỗ như thế này quan sát mặt mụ già khú đế người Hy Lạp chăm chăm nhìn vào ly cà phê rỗng không để làm gì nhỉ? - Bà từ một nơi rất xa - Người đàn bà kia bỗng nói. - Rõ là như vậy - Catherine trâng tráo nói. Bà Piris nhìn thẳng vào mắt nàng, cái nhìn của bà lão già khiến nàng ớn lạnh. - Bà hãy về nhà đi. Catherine nuốt nước bọt: - Tôi… tôi đang ở nhà mà. Bà hãy trở về nơi bà đã xuất phát. - Nghĩa là… về Mỹ? - Về đâu cũng được. Miễn là mau mau đi khỏi nơi này? - Tại sao vậy? - Catherine cảm thấy mỗi lúc một hoảng sợ, hỏi lại - Có chuyện gì? Bà lão chỉ lắc đầu. Giọng nói nghiệt ngã, bà ta cảm thấy khó khăn mới chọn được lời: - Tất cả đang vây quanh bà đấy. - Cái gì? - Đi ngay! Giọng bà già càng thêm hối thúc, giọng nói cao, rít lên như tiếng mãnh thú bị trọng thương. Catherine bắt đầu thấy sởn tóc gáy. - Bà đang doạ tôi ư? - Nàng rên rỉ - Xin bà hãy nói rõ cho tôi biết có chuyện gì vậy? Bà lão lắc đầu, đôi mắt long sòng sọc: - Bà phải đi ngay trước khi có chuyện đó xảy ra. Catherine cảm thấy hoảng hốt ngày một tăng. Nàng thấy khó thở. - Trước khi cái gì xảy ra? Bộ mặt bà nhăn nhó vì đau đớn, khủng khiếp: - Cái chết đang săn đuổi bà đấy. Rồi bà già đứng vụt dậy và biến vào phòng phía sau. Catherine ngồi ngây người ra đó, trống ngực đập thình thịch, hai bàn tay run rẩy, nàng phải nắm chặt hai tay lại để khỏi run. Nàng đưa mắt nhìn người bồi và chực gọi một ly rượu, song lại thôi. Nàng không muốn những lời của mụ già kia làm hỏng tương lai của nàng. Nàng ngồi nán thêm một lúc nữa, thở rất sâu cho đến khi nàng lấy lại được bình tĩnh, một lúc lâu sau nàng mới đứng lên, cầm lấy ví và đôi găng tay lên, bước ra khỏi tiệm rượu. Ra đến giữa trời nắng chói chang Catherine lại cảm thấy dễ chịu. Nàng thật ngu xuẩn để cho mụ già kia đe doạ. Cần phải chặn đứng ngay những nỗi hoảng sợ như vậy đừng để nó ảm ảnh đe doạ mình. Catherine tự nhủ: Từ nay trở đi, mình nên tìm đến với những niềm vui nho nhỏ thôi. Nàng bước vào căn phòng của nàng. Cảnh tượng thật đáng buồn. Bụi phủ khắp nơi. Quần áo vứt lung tung khắp phòng. Kể cũng lạ rằng trong lúc say rượu những điều như vậy nàng không nhận ra được. Phải rồi, việc luyện tập đầu tiên của nàng là phải dọn dẹp chỗ này cho đâu vào đó. Nàng định đi vào bếp thì có tiếng đóng ngăn kéo trong phòng ngủ. Tim nàng bỗng đập mạnh. Nàng thận trọng tiến về phía cửa phòng ngủ. Larry đang ở trong phòng ngủ. Một chiếc valy đóng kín đang đặt trên giường và chàng đang chuẩn bị đóng xong chiếc valy thứ hai. Catherine đứng yên lặng một lúc, ngắm nhìn chàng làm, nàng nói: - Nếu đó là vì sự nghiệp Chữ Thập Đỏ thì em cũng xin chào thua. Larry liếc nhanh nhìn nàng: - Tôi sắp đi đây. - Lại đi cho Demiris? - Không - Chàng nói liền không ngừng - Chuyến này là đi cho tôi. Tôi sắp đi xa khỏi đây. - Larry… - Không phải thảo luận gì nữa. Nàng bước nhanh vào phòng ngủ, cố hết sức trấn tĩnh: - Nhưng… nhưng có một chuyện này. Cần phải thảo luận kỹ với anh. Hôm nay em đã tới khám bác sĩ. Ông ấy cho biết em sẽ khoẻ mạnh bình thường. Lời nói của nàng tuôn ra trôi chảy - em sẽ cai không rượu chè gì nữa, rồi… - Catherine, hết rồi! Tôi muốn ly dị với cô! Lời nói đó như những trái đấm giáng vào bụng nàng. Nàng đứng ngây ra, cắn chặt răng, cố giữ cho nước mắt đắng khỏi tuôn trào lên họng làm cho nàng muốn nôn thốc nôn tháo ra. Nàng nói chậm rãi, cố giữ giọng không run: - Larry. Em không trách anh. Nhiều chuyện là do lỗi tại em - Có thể phần lớn là tại em. - Nhưng mọi chuyện rồi sẽ thay đổi. (Nàng giơ một bàn tay ra cầu xin). Em chỉ muốn xin anh cho em một cơ hội. Larry quay mặt lại nhìn nàng. Đôi mắt đen của chàng đầy lạnh lùng, khinh bỉ. - Tôi yêu một người khác. Tôi chỉ muốn ở cô một điều, đó là ly hôn. Catherine đứng ngây người ra một hồi lâu, sau đó nàng quay trở lại phòng khách, ngồi xuống đi văng, ngó nhìn một cuốn tạp chí mốt quần áo của Hy Lạp, trong khi Larry đóng xong đồ đạc. Nàng nghe nói tiếng chàng nói vọng sang: "Luật sư của tôi sẽ đến làm việc với cô", sau đó thì tiếng cửa đóng sầm lại, Catherine ngồi đó, lần giở những trang tạp chí, đến khi nàng giở đến trang cuối cùng nàng đặt nó ngay ngắn vào đúng giữa bàn, đi vào phòng tắm, nàng mở tủ thuốc lấy ra một lưỡi dao cạo và rạch vào cổ tay mình. Chương 20 Những bóng ma vận đồ trắng toát chập chờn xung quanh nàng, rồi biến mất vào khoảng không giữa tiếng thì thào nho nhỏ bằng một thứ ngôn ngữ mà Catherine không tài nào hiểu được, nàng chỉ biết một điều rằng đấy chính là một địa ngục, rằng nàng sẽ phải đền bù lại những lỗi lầm nàng đã phạm. Chúng đã buộc chặt nàng xuống giường và như vậy cũng là một phần của việc trừng phạt nàng rồi. Nàng thấy sung sướng vì những vòng dây trói này bởi vì nàng có thể cảm thấy trái đất đang quay xung quanh nàng giữa khoảng không vũ trụ và nàng sợ rằng nàng sẽ ngã ra khỏi hành tinh. Cái điều ghê rợn nhất mà chúng gây ra cho nàng là chúng đã kéo toàn bộ dây thần kinh ra phía bên ngoài thân thể nàng khiến cho chúng trở nên nhạy bén hơn hàng ngàn lần đến mức không thể nào chịu nổi. Cơ thể nàng vẫn sống giữa những tiếng ồn ghê rợn, xa lạ. Nàng có thể nghe cả tiếng máu chảy trong huyết quản và nó như một dòng sông đỏ thắm xối xả chảy qua người nàng. Nàng nghe rõ tiếng đập của trái tim và nó như tiếng đập của một cái trống kỳ vì do những người khổng lồ đánh. Nàng không còn mí mắt nữa, cho nên ánh sáng ùa vào tận óc nàng, khiến nàng mụ mị vì sự chói chang đó. Toàn bộ những cơ bắp của nàng vẫn sống và chuyển động thường xuyên, không ngừng giống như một ổ rắn nằm ẩn dưới da thịt, sẵn sàng ngóc đầu lên mổ cắn. Năm ngày sau khi Catherine được đưa vào bệnh viện Evangelismos, nàng mới mở được mắt và nhận ra là nàng đang nằm trong một căn phòng nhỏ, trắng toát trong bệnh viện. Một cô y tá vận đồ trắng, hồ cứng, đang vén cho giường nàng ngay ngắn và bác sĩ Nikodes đang đặt ống nghe lên ngực nàng. - Chà, lạnh quá - Nàng khe khẽ phản ứng. Ông nhìn nàng, bảo: - Tốt lắm, tỉnh lại rồi. Catherine đưa mắt từ từ nhìn quanh phòng một lượt. Nàng cảm thấy ánh sáng trở lại bình thường và cũng không còn nghe tiếng máu chảy xối xả, tiếng tim đập thình thịch và cảm giác cơ thể đang chết dần. - Tôi tưởng tôi đã ở dưới địa ngục - Giọng nàng như thì thào. - Bà đã gần chết đấy. Nàng nhìn xuống cổ tay mình. Nó đã được băng kín vì lý do gì đó. - Tôi nằm đã bao lâu rồi? - Năm ngày. Đột nhiên nàng nhớ ra lý do vì sao nàng phải băng tay. - Có lẽ tôi đã hành động dại dột? - Phải. Nàng nhắm mắt lại, và bảo: - Xin lỗi. Và khi nàng mở mắt, lúc đó đã là đêm. Bill Fraser đang ngồi trên một chiếc ghế dựa đặt cạnh giường nàng, ông chăm chú nhìn nàng. Trên chiếc bàn cạnh giường có lọ hoa và một hộp kẹo. Ông vui vẻ nói: - Chào em. Em trông đã khá hơn trước nhiều. - Khá hơn thế nào? - Nàng yếu ớt hỏi. Ông đặt bàn tay mình lên bàn tay nàng: - Catherine, em đã khiến tôi hoảng hốt thật sự. - Xin lỗi anh Bill - Giọng nàng nghẹn ngào, và nàng e rằng nàng sẽ bật khóc. - Anh mang hoa và kẹo đến cho em. Khi nào em khoẻ hơn, anh sẽ mang cho em một vài quyển sách. Nàng nhìn bộ mặt rắn rỏi, hiền hậu của ông và nghĩ: Sao mình không yêu anh ta nhỉ? Mà tại sao mình lại say đắm con người mình đang căm uất? Catherine hỏi: - Em vào đây như thế nào? - Bằng xe cứu thương. - Em muốn biết ai đã phát hiện ra em? Fraser ngập ngừng: - Chính anh. Anh cố gọi điện cho em vài ba lần đến khi không thấy em trả lời, anh rất lo lắng và đã phá cửa vào nhà. - Lẽ ra em phải cảm ơn anh - Nàng bảo - Song phải thú thật với anh là em thấy cũng không cần làm như vậy. - Em có muốn nói ra mọi chuyện không? Catherine lắc đầu và khi làm động tác này, đầu nàng lại ong ong, nàng đáp khe khẽ: - Không đâu. Fraser gật đầu: - Sáng mai anh phải bay về nước. Song anh sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với em. Nàng cảm thấy một nụ hôn nhẹ đặt trên trán nàng, nàng nhắm mắt lại để cách ly với thế giới bên ngoài. Khi nàng mở mắt ra, nàng chỉ còn lại một mình giữa đêm khuya. * * * * * Sáng sớm hôm sau, Larry tới thăm nàng. Catherine nhìn chàng bước vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế tựa đặt cạnh giường nàng. Nàng tưởng rằng chàng sẽ có bộ dạng khổ ải, chảy thượt, thế mà sự thật chàng lại hồ hởi, tuy có gầy và đen, song thoải mái. Catherine ao ước nàng có được một cơ hội chải mái tóc và tô chút son môi. - Cathy, em thấy trong người thế nào? - Chàng hỏi. - Ghê gớm quá. Lúc nào em cũng nghĩ đến tự vẫn. - Họ tưởng em sẽ không lấy lại được tinh thần. - Em ân hận là đã khiến anh thất vọng. - Chẳng nên nhắc lại chuyện đó làm gì. - Nhưng đúng như vậy, có phải thế không anh Larry? Anh bỏ em cũng là phải. - Vì Chúa, Catherine anh không muốn bỏ em trong tình trạng như thế. Anh chỉ muốn ly hôn thôi. Nàng ngó nhìn lại người đàn ông điển trai, da màu đồng hung mà nàng đã từng chung sống, bộ mặt chàng lúc này đã đôi chút đờ đẫn, khuôn miệng đôi chút thô thô, sự duyên dáng ngây thơ ở chàng đã mất đi đôi chút. Trong bảy năm trời mơ mộng đó nàng đã theo đuổi cái gì? Nàng đã dâng hiến cho con người đó tất cả tình yêu và những niềm hy vọng cao nhất, và nàng không muốn để cho những thứ tình cảm đó mất đi, và nàng cũng không thể chấp nhận rằng nàng đã phạm một sai lầm là biến cuộc đời nàng thành một khoảnh đất hoang khô cằn. Nàng nhớ đến Bill Fraser, nhớ đến những người bạn của hai người ở Washington và những niềm vui họ cùng chung hưởng. Nàng không thể nhớ được lần cuối cùng nàng lớn tiếng cười đùa, thậm chí nhếch miệng cười là vào lúc nào. Song tất cả những điều đó chẳng là cái quái gì. Suy cho cùng lý do mà nàng không muốn buông ra cho Larry đi chính là vì nàng còn yêu chàng. Chàng vẫn đứng đó, ngóng đợi câu trả lời của nàng. - Không - Catherine đáp - Tôi sẽ không bao giờ đồng ý cho anh ly dị. Đêm hôm đó, tại tu viện Kaissriami bị bỏ hoang trong vùng núi, Larry đã gặp Noelle và tin lại cho nàng hay câu chuyện trao đổi giữa chàng và Catherine. Noelle chăm chú lắng nghe rồi nói: - Thế theo anh, rồi đãy liệu cô ta có thay đổi ý kiến không? Larry lắc đầu: - Catherine có thể ương bướng đến chết không thôi. - Anh phải thuyết phục cô ta một lần nữa xem sao? Và Larry đã làm. Ba tuần liền sau đó chàng đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế tìm cách thuyết phục. Chàng van nài, tán tỉnh, nổi đoá với nàng, rồi có lúc lại đưa tiền ra mua chuộc mà vẫn không tài nào lay động được Catherine. Nàng vẫn còn yêu chàng và nàng tin rằng nếu chàng chịu nhún một lần thì chàng sẽ lại yêu nàng thôi. Nàng một mực nói rằng: - Anh là chồng em. Anh sẽ còn là chồng em cho đến khi em chết thì thôi. Chàng lại thuật lại chuyện đó cho Noelle. Noelle Page gật đầu bảo: - Đúng thế? Larry lúng túng nhìn nàng: - Đúng cái gì? Họ đang trên bãi biển trong khu vực toà biệt thự, những chiếc khăn bông trắng trải dưới đất, giữ cho thân thể của họ khỏi tiếp xúc trực tiếp với cát nóng. Bầu trời xanh sáng thăm thẳm, lốm đốm những đám mây trắng. - Anh phải "thanh toán" cô ta - Nàng đứng dậy đi về phía biệt thự. Đôi cẳng chân dài duyên dáng của nàng chuyển động uyển chuyển qua bãi cát. Larry nằm lại, lòng bối rối cho rằng chàng đã không hiểu đúng ý nàng. Chắc chắn nàng không có ý muốn rằng chàng phải giết Catherine. Thế rồi chàng lại nhớ đến chuyện Helena. Họ đang ngồi ăn tối ở ngoài thềm. Noelle nói: - Anh không nhận thấy rằng cô ả không đáng sống nữa sao? Cô ả bám lấy anh là để trả thù. Ả đang cố phá nát đời anh, phá nát đời của hai ta đấy cưng ạ. Họ nằm trên giường, hút thuốc, ánh sáng của hai đầu điếu thuốc lá cháy lập lòe phải chiếu vào những tấm gương gắn trên tường như, trong khoảng không vô tận. - Anh đã tạo cho cô ả một ân sủng. Cô ta lại tự vẫn, tức là cô ả muốn chết rồi còn gì nữa? - Noelle, anh không thể làm thế được. - Sao lại không? Nàng vuốt ve cẳng chân để trần của chàng rồi đưa ngón tay lên vùng bụng vẽ những vòng tròn nhỏ trên bụng chàng. - Em sẽ tiếp tay cho anh. Chàng định lên tiếng phản đối, nhưng hai bàn tay Noelle đã lần mò trên người chàng theo hai hướng khác nhau, một tay nhẹ nhàng, chậm chạp, còn bàn tay kia thì nhanh và mạnh. Larry rên rỉ, áp sát lại nàng và gạt hình ảnh Catherine ra khỏi đầu óc. Giữa đêm đã có lần Larry tỉnh dậy mồ hôi vã ra lạnh toát Chàng mơ thấy Noelle đã bỏ chạy để mặc chàng lại một mình. Song nàng vẫn đang nằm bên cạnh, chàng choàng tay ghì sát nàng lại. Chàng cứ nằm như vậy suốt cả đêm, miên man nghĩ đến việc chàng mất Noelle thì sự tình sẽ ra sao đây. Không biết chàng đã đi tới quyết định lúc nào, song đến sáng, trong lúc Noelle đang chuẩn bị bữa điểm tâm, Larry đột ngột hỏi: - Nếu chúng ta bị bắt thì sao? - Khôn khéo một chút, chúng ta sẽ không thể bị bắt được. Cho dù nàng có hài lòng trước sự quy thuận của chàng, Noelle cũng không lộ ra thái độ gì cả. - Noelle ạ - Chàng nói tha thiết - tất cả những kẻ thọc mạch ở Athens đều biết rằng anh với Catherine đang hục hặc với nhau. Nếu có chuyện gì xảy ra với cô ta, cảnh sát chắc chắn sẽ nghi ngờ ngay. - Tất nhiên là như vậy - Noelle bình tĩnh đáp - Vậy cho nên mọi việc mới phải sắp đặt hết sức tỉ mỉ. Nàng bày ra hai suất ăn rồi ngồi xuống, bắt đầu ăn, Larry đẩy đĩa thức ăn ra xa, chàng cảm thấy thật vô vị. - Không ngon? - Noelle băn khoăn hỏi. Chàng chăm chú nhìn nàng, không hiểu nàng thuộc loại người nào mà có thể vừa ăn ngon lành lại vừa suy tính kế hoạch để giết hại một người đàn bà khác. Lúc sau khi họ đang bơi thuyền họ lại đem chuyện đó ra bàn, họ càng bàn kỹ thì khả năng thực hiện càng hình thành rõ nét đến nỗi khi ý tưởng vụt loé ra bằng lời thì mưu mô đó cũng gần như là thực. - Phải làm sao như một tai nạn - Noelle bảo - Để cho cảnh sát khỏi phải điều tra lôi thôi. Nhưng bọn cảnh sát ở Athens cũng "cáo" lắm đấy. - Nhưng nếu chúng vẫn cứ điều tra? - Không. Tai nạn phải xảy ra ở nơi khác. - Vậy ở đâu. - Ioannina. Nàng nghiêng người về phía trước, bắt đầu nói. Chàng chăm chú lắng nghe nàng vạch ra tỉ mỉ cái phương án của nàng và giải đáp mọi tình huống chàng nêu ra, đồng thời chàng còn bổ sung thêm nhiều sáng kiến. Cuối cùng khi Noelle nói xong, Larry phải công nhận phương án thật là hoàn hảo. Họ có thể thoát khỏi sự trừng phạt. * * * * * Paul Metaxas hết sức hồi hộp. Bộ mặt của anh chàng phi công người Hy Lạp thường ngày vui vẻ là vậy, thế mà nay căng thẳng, dài thượt, anh ta cảm thấy một góc miệng của anh ta cứ rần rật. Anh có hẹn trước với Constantin Demiris, gặp được con người vĩ đại đó đâu phải dễ dàng, song Metaxas đã bảo với người quản gia đây là việc cấp bách, cho nên bây giờ Metaxas đang đứng ở lối vào thênh thang dẫn đến sảnh biệt thự của Constantin Demiris. Anh đang chằm chằm nhìn ông miệng lắp bắp: - Tôi… tôi xin ông… ông thứ lỗi cho, ông Demiris ạ, tôi sẽ làm phiền ông. Anh ta len lén chùi bàn tay đầy mồ hôi vào ống quần bộ đồng phục bay. Có chuyện trục trặc gì với chiếc máy bay? - Ồ thưa ông không. Đây… là chuyện riêng thôi ạ. Demiris nhìn anh ta, song không tỏ ra quan tâm lắm. Ông có một dụng tâm và không bao giờ dính líu vào những chuyện riêng của cấp dưới. Ông đã có những thư ký riêng chuyên phụ trách những chuyện như vậy giúp ông. Ông đợi Metaxas nói tiếp xem sao. Metaxas mỗi lúc một thêm bồn chồn. Anh ta đã qua nhiều đêm thao thức để đưa tới quyết định đưa anh tới nơi này và hôm nay. Việc anh đang làm hoàn toàn xa lạ với tính cách của anh, do đó thật đánh khinh bỉ song anh vốn là một con người rất đỗi trung thành và sự trung tín đầu tiên của anh là đối với Constantin Demiris. Cuối cùng anh mới nói được: - Chuyện này về tiểu thư Page. Im lặng một lúc lâu. - Anh vào đây! Ông đưa viên phi công vào trong thư viện và khép cửa lại. Demiris lấy ở một chiếc hộp bạch kim ra một điếu thuốc lá Ai Cập hình bẹt, châm lửa hút. Ông nhìn lại Metaxas mồ hôi đã vã ra như tắm. Ông hỏi lơ đãng: - Tiểu thư Page làm sao? Metaxas nuốt nước bọt, băn khoăn không biết anh ta có phạm phải sai lầm nào không. Nếu như anh đánh giá đúng tình hình thì tin tức của anh sẽ được người ta quý, bằng không anh mà phạm sai lầm thì… Anh tự nguyền rủa mình về việc làm khinh suất là đã vác xác tới đây song bây giờ không còn con đường nào khác là phải tiến bước. - Về… về chuyện quan hệ của tiểu thư Page với Larry Douglas. Anh ta quan sát nét mặt của Demiris, cố đọc những nét biểu hiện của ông, song không phát hiện ra được một điều gì đặc biệt. Lạy Chúa? Metaxas cố gắng khỏi lắp bắp: - Họ… họ vẫn thường sống cùng nhau trong một biệt thự bên bờ biển Rafina. Demiris vẩy tàn thuốc lá vào một cái gạt tàn màu vàng có hình vòm cuốn. Metaxas cảm thấy anh sắp bị sa thải đến nơi rồi, rằng anh đã mắc phải một sai lầm tệ hại và phải trả giá bằng việc anh sẽ mất việc làm. Anh phải chứng minh cho Demiris thấy rằng điều anh nói ra là đúng sự thật. Lời anh nói ra đã trôi chảy hơn. - Bà… bà chị tôi là chủ một ngôi biệt thự ở đó. Bà ấy nhiều lần nhìn thấy họ trên bãi biển. Bà ấy nhận ra tiểu thư Page qua những bức hình mà cô ấy chụp trên báo, bà ấy không có liên tưởng gì đặc biệt, cho mãi đến lần cách đây hai buổi tối bà ấy có tới phi trường ăn tối với tôi. Tôi giới thiệu Larry với chị tôi và thế là bà ấy kể cho tôi nghe chuyện người đàn ông này lâu nay vẫn sống cùng tiểu thư Page. Đôi mắt xanh màu ôliu của Demiris vẫn nhìn chằm chằm vào anh ta, song hoàn toàn không có biểu hiện gì. Metaxas hấp tấp kết thúc: - Tôi… tôi nghĩ ông cần biết chuyện này. Demiris cất tiếng nói, giọng ông đều đều: - Chuyện gì mà tiểu thư Page làm trong đời tư của cô ấy thì thuộc chuyện riêng của cô ấy. Tôi chắc chắn rằng cô ấy không thích người khác thóc mách vào đời riêng của cô ấy. Vầng trán Metaxas lốm đốm mồ hôi. Lạy Chúa, thế là anh xét đoán tình hình sai lầm rồi. Anh chỉ tỏ lòng trung thành với chủ thôi. - Thưa ông Demiris, tôi chỉ muốn cố gắng… - Tôi tin rằng ông làm việc này xuất phát từ ý nghĩ phục vụ cho thật tốt. Ông lầm rồi đấy. Còn chuyện gì khác nữa không? - Thưa ngài, không ạ - Metaxas quay lui. Constantin Demiris ngồi ngả người ra chỗ tựa ghế, đôi mắt của ông nhìn đăm đăm lên tường, song chẳng chủ định vào cái gì. Chín giờ sáng ngày hôm sau Paul Metaxas nhận được một cú điện thoại gọi anh sang trình diện với công ty khai mỏ của Constantin Demiris ở Congo, Metaxas sẽ dành ra mười ngày để vận chuyển các thiết bị từ Brazzaville tới mỏ. Trong chuyến bay thứ ba vào một buổi sáng thứ tư máy bay của anh đã đâm xuống một khu rừng rậm xanh um, dày đặc. Người ta không tìm thấy thi thể của Metaxas cũng như những mảnh máy bay vỡ nào cả. * * * * * Hai tuần sau Catherine được xuất viện, Larry đã tới thăm nàng. Đó là vào một tối thứ bảy. Catherine đang đứng trong bếp làm món trứng rán. Tiếng bếp khiến nàng không nghe thấy tiếng động cửa trước, và nàng không biết Larry đang có mặt trong nhà, đến khi nàng quay ra, nàng đã thấy chàng đứng ở lối cửa. Nàng giật nảy người, khiến Larry phải nói: - Anh xin lỗi đã làm em hoảng sợ. Anh chỉ ghé qua chốc lát để xem em đã được khoẻ chưa. Catherine cảm thấy con tim đập rộn ràng, nàng tự nhiếc mình rằng đã để cho chàng còn gây được những ảnh hưởng như vậy cho nàng. - Em đã khỏi - Nàng đáp. Nàng quay lại, lấy quả trứng rán ra khỏi chảo. - Thơm tuyệt - Larry bảo - Anh chưa kịp ăn tối. Nếu không phiền gì, em hãy làm cho anh một quả. Nàng nhìn chàng hồi lâu, rồi nhún vai. Nàng đã sửa soạn bữa ăn cho chàng song nàng cảm thấy bồn chồn khó chịu về sự hiện diện của chàng đến nỗi không còn nuốt nổi một miếng nào. Chàng ngồi nói chuyện kể cho nàng về một chuyến bay chàng vừa mới thực hiện và điểm thêm một giai đoạn thú vị về một ông bạn Demiris. Chàng lại trở lại là một chàng Larry ngày xưa, nồng nhiệt, duyên dáng và như thể giữa họ không hề xảy ra một chuyện va vấp nào. Bữa ăn kết thúc, Larry giúp Catherine rửa và lau khô chén đĩa. Chàng đứng sát bên nàng cạnh chậu rửa bát. Sự gần gũi với nàng lại khiến nàng trỗi dậy đau đớn thân xác. Đã bao lâu rồi nhỉ? Nàng không dám nghĩ tới nữa. - Quả thực anh rất thích bữa hôm nay - Larry vừa nói vừa nhoẻn cười, nụ cười dễ dãi, như trẻ thơ vốn có xưa nay ở chàng. - Cảm ơn Cathy! Catherine nghĩ: Thế là chấm dứt chuyện cũ. Ba ngày sau, điện thoại reo vang ở nhà. Larry gọi điện từ Madrid, báo cho nàng biết rằng chàng đang trên đường trở về và mời nàng đi ăn tối với chàng. Họ ăn tại nhà hàng Tourkolimano ở cảng Pisaeus, Catherine không hề chạm đến món ăn trước mặt làng. Ngồi bên chàng, Catherine lại nhớ đến những buổi tối đi nhà hàng trước đây cùng chàng, nàng thấy đau lòng, nàng nhớ đến những buổi tối thú vị cùng nhau trong cái thời quá khứ xa rồi, nhớ đến cuộc tình dường như sẽ tồn tại mãi mãi với cuộc đời của hai người. - Cathy, em không ăn gì ư? Hay em muốn anh gọi món khác cho em nhé - Chàng băn khoăn hỏi. - Hôm nay em ăn trưa quá muộn - Nàng nói dối như vậy Nàng nghĩ: Có lẽ đây là lần cuối cùng chàng đưa nàng đi ăn tiệm, nhưng chàng có mời mình đi nữa thì mình cũng sẽ thoái thác. Vài hôm sau Larry lại gọi điện về và họ lại đi ăn trưa tại một nhà hàng duyên dáng ở một nơi khuất, cách một quãng xa Quảng trường Syntagma. Nhà hàng có cái tên Gerofinikas (Cây cọ già), và muốn vào đó phải đi qua một lối đi dài mát mẻ có một cây cọ đứng trước cổng. Họ ăn một bữa rất ngon có kèm rượu vang Hy Lạp Hymethus. Larry tỏ ra rất vui vẻ, hào hứng. Chủ nhật sau đó chàng lại mời Catherine bay sang Vienne cùng chàng. Họ ăn tối tại khách sạn Sacher và đêm đó lại bay trở về Athens. Thật là một buổi tối tuyệt diệu có rượu ngon, nhạc hay và ánh nến, song Catherine có cảm giác là lạ rằng buổi tố hôm đó không phải là của nàng. Nó thuộc về một Catherine Douglas khác, đã chết rồi, người ta đã đào sâu chôn chặt từ lâu rồi. Khi họ về đến nhà, nàng bảo: - Cảm ơn anh Larry. Ngày hôm nay thật tuyệt vời. Chàng tiến lại phía nàng, giơ tay ôm choàng lấy nàng, định hôn. Catherine lùi xa, cơ thể nàng cứng đờ, một ý nghĩ hoảng hốt bất ngờ đến với nàng. - Đừng - Nàng nói. - Cathy em… - Đừng? Chàng gật đầu: - Thôi được. Anh hiểu rồi. - Thật không? - Nàng run rẩy hỏi lại. - Anh biết là anh đã cư xử với em rất tồi. - Larry nói nhẹ nhàng - nếu em tạo cho anh một cơ hội, anh sẽ chuộc lại điều đó với em, Cathy ạ. Lạy Chúa tôi? Nàng nghĩ thầm. Nàng bặm chặt môi chỉ sợ bật lên tiếng khóc. Đôi mắt sáng ngấn lệ, nàng lắc đầu thì thào: - Bây giờ đã quá muộn rồi. Rồi nàng đứng nhìn theo chàng bước ra khỏi cửa. Trong tuần lễ sau đó, Catherine lại nhận được tin của Larry. Chàng gửi hoa đến kèm theo một mẩu giấy nhỏ, sau đó còn gửi cho nàng những hình con chim muông nho nhỏ từ tất cả các nước mà chàng đã bay tới. Rõ ràng là chàng đã tốn rất nhiều công sức đi tìm bởi vì bộ sưu tập này đủ loại khác nhau, con thì bằng gấm, con thì bằng ngọc, con bằng gỗ tếch. Nàng lại thấy cảm động khi thấy chàng vẫn nhớ đến thú chơi của nàng. Một hôm tiếng chuông điện thoại réo vang. Catherine nghe rõ tiếng Larry lên ở đầu dây đằng kia: - Này, anh vừa biết thêm một nhà hàng Hy Lạp rất tuyệt vời, xa Bắc Kinh thế mà vẫn có những món Trung Hoa rất ngon. Nàng cười, đáp: - Thế thì em phải tới ngay. Và thế là mọi chuyện lại thật sự bắt đầu lại từ đầu. Một sự khởi đầu diễn ra chậm chạp ngập ngừng, cố ý. Larry cũng không tìm cách hôn nàng lần nữa, và nàng cũng không để cho chàng làm việc đó, bởi vì Catherine hiểu rằng nếu nàng buông thả những tình cảm của nàng, nếu nàng toàn tâm toàn ý trao hết cho người đàn ông mà nàng yêu dấu, thì chàng sẽ còn phản bội nàng lần nữa và như vậy có nghĩa là nàng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chỉ một lần cuối cùng và cũng là vĩnh viễn mà thôi. Vì vậy nàng vẫn đi ăn tối với chàng, vui cười với chàng, song luôn luôn giữ nguyên cái phần sâu kín, riêng tư nhất của nàng, không để cho ai đụng tới và cũng không thể đụng tới. Hầu như tối nào họ cũng ở bên nhau. Một vài buổi tối Catherine nấu ăn tại nhà một số buổi tối khác, Larry đưa nàng đi ăn tiệm. Có một lần nàng nhắc tới người đàn bà mà chàng đã phải lòng thì chàng đáp lại một cách đùa cợt: "Chấm dứt rồi", và Catherine cũng không đả động tới chuyện đó nữa. Nàng quan sát rất kỹ xem Larry có tỏ ra dấu hiệu gì đặc biệt khi chàng nhìn thấy những người đàn bà khác, song không thấy biểu hiện gì. Chàng hoàn toàn tập trung chú ý vào nàng, không bao giờ thúc ép, không bao giờ đòi hỏi. Coi bộ chàng đang ăn năn về chuyện quá khứ. Tuy nhiên Catherine nhận thấy không phải chỉ có vậy Dường như chàng quan tâm đến nàng với tư cách là một phụ nữ. Đêm đêm, nàng thường trần truồng đứng trước gương, ngắm nghía hình mình trong gương rồi cố tìm xem lý do tại sao nàng còn hấp dẫn. Khuôn mặt nàng đâu có xấu, đó là khuôn mặt của một cô gái đã từng một thời xuân sắc nhưng phải trải qua đau khổ. Nhưng một đôi mắt sáng nghiêm nghị vẫn đang trừng trừng nhìn lại nàng. Làn da vàng đã hơi nhẽo và chiếc cằm hơi chảy sệ nặng nề hơn trước đây. Tuy nhiên những phần khác trên cơ thể nàng không có gì là xuống nước, chỉ cần điều chỉnh khẩu phần ăn uống và xoa bóp là lại đâu vào đấy. Nàng nhớ lại lần cuối cùng nàng nghĩ đến điều này và cả chuyện nàng đã rạch cổ tay. Một cơn ớn lạnh chạy khắp người nàng. Kệ xác cái gã Larry này? Nàng khinh bỉ nghĩ như vậy. Nếu quả thật y cần đến mình thì y sẽ phải chấp nhận con người mình như tình trạng hiện nay. Họ vừa đi dự một bữa tiệc về và Larry đưa nàng về nhà lúc bốn giờ sáng. Thật là một buổi tối tuyệt diệu, Catherine mặc một chiếc váy dài mới tinh, trông khá hấp dẫn, nàng đã làm cho mọi người vui lây và Larry lấy làm tự hào về nàng. Khi họ về đến nhà, Catherine với tay vào chỗ công tắc đèn, Larry đặt tay lên tay nàng, bảo: - Khoan đã nào. Anh nói ra điều này trong bóng tối thấy dễ chịu hơn. Thân thể chàng áp sát vào người nàng, còn hơn cả sự đụng chạm, khiến cho nàng thấy những đợt sóng đam mê thân xác trỗi dậy ở nàng. - Anh yêu em, Cathy ạ, - Chàng bảo - Quả thực anh chưa bao giờ yêu một ai khác như em. Anh muốn được thử một dịp nữa. Chàng bật đèn rồi nhìn thẳng vào mắt nàng. Nàng đứng ngây đờ người, sợ hãi, suýt đến mức hoảng loạn. - Anh biết là em chưa chuẩn bị tinh thần cho việc đó, song chúng ta bắt đầu chậm chạp cũng được. Chàng lại cười, nụ cười ngây trẻ, thân ái như mọi khi. Chàng giơ tay ra nắm lấy tay nàng. Sau đó nàng kéo chàng lại và họ hôn nhau. Cặp môi chàng êm dịu, nhẹ nhàng và thận trọng, còn cặp môi nàng đòi hỏi, cuồng nhiệt với tất cả niềm mong mỏi đã cất giấu kỹ bấy nhiên tháng ngày đằng đẵng, cô đơn trong cơ thể nàng. Tình yêu say đắm vẫn như còn đó, mới mẻ, diệu kỳ, và cùng với tình yêu là những kinh nghiệm họ đã có chung với nhau. - Em muốn đi nghỉ ở đâu trong tuần trăng mật lần thứ hai này? - Larry hỏi. - Có chứ, anh yêu. Đi nhé. - Sắp tới anh nghỉ phép. Thứ bảy này ta sẽ đi chơi. Anh biết có một địa phương nhỏ bé, tuyệt diệu, ta có thể đến đó. Đó là Ioannina. Chương 21 Từ Athens đi ô tô đến Ioannina mất chín tiếng đồng hồ. Catherine có cảm giác cảnh tượng như trong chuyện thần tiên, ở một thời đại xa xôi nào khác. Họ lái xe đi dọc biển Aegean, qua những ngôi nhà nhỏ quét vôi trắng trên nóc có những cây thập tự, qua những cánh đồng mênh mông đủ mọi loại trái cây như cam chanh, táo và anh đào. Từng thước đất được vun trồng, chăm bón và mọi cửa sổ, nóc nhà đều được sơn bằng những màu xanh tươi vui như để đối chọi lại với cuộc sống khó khăn phải vật lộn, giành giật với vùng đất đã cằn cỗi. Những cây trắc bá cao to, duyên dáng mọc xum xuê bên các đường núi dốc. - Anh Larry, nhìn kìa - Catherine thốt lên. Anh xem chúng có đẹp không? - Đối với người Hy Lạp, như vậy đâu có đẹp - Larry đáp. Catherine nhìn chàng: Anh nói thế nghĩa là thế nào? - Họ coi chúng là một điềm xấu. Họ dùng trắc bá để trang trí một nghĩa địa. Họ đi qua biết bao nhiêu cánh đồng, có những hình bù nhìn làm đơn sơ bằng giẻ vụn buộc vào bên hàng rào. - Chắc vùng này phải có nhiều quạ khờ khạo lắm mới dễ bị lừa như vậy - Catherine cười ầm lên. Họ đi qua một làng nhỏ có những cái tên kêu đến nỗi không thể tin được, như: Mesologian, Agelkastron, Etolikon và Amfilhoia. Gần xế chiều họ tới làng Rion, xuôi thoai thoải ra phía sông Rio, rồi từ đây họ sẽ đi phà tới Ioannina. Năm phút sau họ tiến về phía đảo Epirus nơi có vùng Ioannina. Catherine và Larry ngồi trên một chiếc ghế dài đặt ở sân thượng của chiếc phà, từ đây họ có thể phóng tầm mắt ra xa phía trước, thấy một hòn đảo lớn đã bắt đầu lờ mờ hiện ra giữa cảnh sương chiều. Catherine cảm thấy thật là hoang dã và vương chút hung gở. Hòn đảo có về hoang sơ như tạo ra để dành cho các vị thần Hy Lạp và những người trần tục lọt vào đây không được ai nghênh đón. Con tàu tiến vào gần bờ, Catherine có thể nhận rõ mép chân hòn đảo được viền bằng đá cứng dựng đứng như muốn đổ xuống biển phía dưới. Hai mươi lăm phút sau chiếc phà cặp vào bờ cảng nhỏ Epirus, và sau đó một lát Catherine và Larry lại đi xe lên núi, hướng về Ioannina. Catherine đọc một đoạn trong cuốn sách hướng dẫn cho Larry nghe: - Nằm vắt vẻo trong rặng Pindus, lọt giữa cái cát dốc xung quanh là rặng Alp chót vót, nhìn từ xa Ioanmna có hình dạng như một con đại bàng hai đầu và ở móng con đại bàng là hồ Pamvotis sâu thăm thẳm, những chiếc thuyền chở khách tham quan qua làn nước xanh thẫm tới hòn đảo nằm ở giữa hồ rồi sau đó đi qua hồ sang phía bờ xa tít bên kia. - Nghe hay thật - Larry nói. Đến xế chiều họ tới nơi và đi thẳng về khách sạn. Đó là toà nhà cổ một tầng được tu sửa đẹp nằm trên quả đồi vươn cao trên thị trấn, với hàng loạt những nhà nhỏ cho khách xung quanh. Một ông già mặc đồng phục khách sạn tiến ra chào đón họ. Ông ta chăm chú quan sát vẻ mặt vui sướng của hai người. Ông bà đi hưởng tuần trăng mật? - Ông già hỏi. Catherine nhìn Larry rồi nói: - Làm sao ông biết? - Trông vẻ ngoài thì rõ - Ông lão đưa họ vào sảnh khách sạn đăng ký thủ tục, rồi đưa họ tới ngôi nhà nhỏ của họ. Nó có đủ phòng sinh hoạt, phòng ngủ, phòng tắm, bếp và một thềm hiên rất rộng… Qua những ngọn cây trắc bá, họ nhìn thấy một cảnh tuyệt đẹp của ngôi làng và chiếc đồng hồ bên dưới, tối thẫm choán chùm tất cả. Thật chẳng khác bào cảnh thần tiên in trên hình của tấm bưu thiếp. - Không đặc sắc lắm song tất cả là của em - Larry mỉm cười. - Em sẽ tận hưởng hết - Catherine tuyên bố. - Em vui chứ? Nàng gật đầu: - Em không nhớ em đã có lần nào sung sướng như thế này - Nàng tiến lại phía chàng, ghì chặt lấy chàng, thì thào - Đừng bao giờ bỏ em nhé. Chàng giơ đôi cánh tay mạnh mẽ ra ôm lấy nàng, kéo sát lại gần và hứa hẹn. - Không bao giờ. Trong lúc Catherine đang tháo dỡ đồ đạc, Larry quay trở ra sảnh hỏi người nhân viên xếp phòng: - Ở đây khách thường được làm những gì? - Đủ mọi thứ ạ - Người nhân viên đáp với vẻ tự hào - Ngay tại khách sạn chúng tôi có suối nước tắm chữa bệnh. Vùng dưới làng có thể đi bơi, câu cá, đi thuyền hoặc đi dạo. - Hồ này có sâu không? - Larry hỏi vô tình. Người nhân viên nhún vai: - Thưa ngài, cái đó thì không rõ. Hồ này là một miệng núi lửa, vì thế có thể coi như không có đáy. Larry gật gù, trầm tư hỏi tiếp: - Thế gần đây có hang động gì không? - À! Có hang Perma. Chỉ cách đây vài dặm đường. - Người ta đã khai thác chưa? - Một số thôi. Một số khác vẫn còn đóng kín. - Thế hả? - Larry nói. Người nhân viên nói tiếp: - Nếu ông thích trèo núi, tôi xin giới thiệu có đỉnh Tzoumerks. Chắc là bà nhà không sợ độ cao. - Vâng - Larry mỉm cười - Nhà tôi trèo núi rất giỏi. - Vậy thì bà ấy sẽ thích. May mà ông bà gặp dịp thời tiết thuận lợi. Chúng tôi cứ tưởng rằng sẽ có một đợt melteini, song không thấy tới. Có lẽ không tới. - Melteini là cái gì vậy? - Larry hỏi. À đó là đợt gió khốc liệt thổi từ phía bắc xuống. Có lẽ nó giống như loại cuồng phong. Ở Athens, thậm chí đến các tàu viễn dương cũng phải tuân lệnh cấm rời cảng. - Tôi mừng là chúng tôi đã tránh được đợt gió đó. Khi Larry trở về nhà nghỉ, chàng bảo với Catherine rằng họ sẽ đi ăn tối ở dưới làng. Họ đi theo một lối đi dốc, bằng đá cứng dẫn xuống chân đồi tới rìa ngôi làng. Ioannina chỉ có một phố chính là Đại lộ Hoàng đế George, và hai ba phố nhỏ bên đại lộ chính. Xa xa phía ngoài các phố là những con đường nhỏ lấm bụi đất, toả về các ngôi nhà cư dân. Các ngôi nhà này đều cũ rích với gió mưa. Ở giữa Đại lộ Hoàng đế George có những sợi dây thường phân chia dường làm hai luồng: ô tô đi phía bên trái, còn khách bộ hành tự do đi phía bên phải. - Có lẽ ở đại lộ Pennsylvania người ta cũng nên áp dụng kiểu này mới phải - Catherine bảo. Tại quảng trường thị trấn có một công viên nhỏ duyên dáng với một cái tháp cao to có gắn một chiếc đồng hồ lớn có đèn chiếu sáng. Một cái phố hai bên đường có những cây Platanus rất to chạy ra phía hồ. Catherine có cảm giác tất cả thành phố của thị trấn này đều chạy ra phía hồ. Nàng lại có cảm giác sờ sợ về cái hồ này. Cảm giác thật lạ lùng luôn ám ảnh nàng. Dọc quanh bờ hồ cỏ lác cao ngút, um tùm vươn những ngón tay ra như muốn chờ đợi lôi kéo người ta xuống nước. Catherine và Larry bước vào khu trung tâm buôn bán nhỏ bé đầy màu sắc sặc sỡ, hai bên đường chen chúc các cửa hàng. Có một tiệm kim hoàn, cạnh đó một tiệm rượu, một hiệu giày dép. Trẻ em đang xúm xít bên ngoài một hiệu cắt tóc, lặng lẽ xem người ta cạo mặt cho khách hàng. Catherine có cảm tưởng những đứa trẻ này là những đứa trẻ kháu khỉnh nhất mà nàng từng gặp từ trước đến nay. Trước đây, Catherine có nói với Larry về chuyện nàng muốn có một đứa nhỏ, song chàng luôn gạt ý kiến đó với lý do rằng chàng chưa chuẩn bị một chỗ định cư thật tốt. Tuy nhiên có lẽ bây giờ chàng đã thay đổi ý kiến. Catherine liếc nhìn chàng đang bước bên cạnh nàng, chàng cao lớn hơn người khác và rất giống một vị thần Hy Lạp. Nàng quả quyết rằng sẽ đem chuyện đó ra trao đổi với chàng trước khi họ rời đây ra về. Dù sao đây cũng là tuần trăng mật kia mà. Sáng hôm sau, Catherine và Larry đi xe hơi quanh vùng quê xinh đẹp, thám hiểm con đường hẹp chạy dọc quanh hồ, chạy dọc bờ đá vài ba dặm liền sau đó lại uốn éo ngược lên những ngọn đồi. Có nhiều ngôi nhà tạc vào trong vách núi đá dốc. Nhô cao lên trên bờ hồ giữa đám rừng cây đập vào mắt họ là một toà nhà đồ sộ quét sơn trắng trông giống như một toà lâu đài cổ. - Cái gì vậy? Catherine hỏi. - Anh không rõ - Larry đáp. - Ta đến tìm hiểu xem sao. - Đồng ý. Larry cho xe chạy theo lối đi bằng đất dẫn tới toà nhà, qua một đồng cỏ có những con dê đang ăn cỏ và một người chăn dê nhìn theo họ khi họ chạy xe qua. Họ đỗ xe lại ở đằng trước lối vào toà nhà bị bỏ hoang. - Chắc đây là toà lâu đài của một lão phù thủy trong chuyện cổ tích của anh em Grim đây mà Catherine bảo. - Em có muốn vào thăm không? - Larry hỏi. - Có chứ? Chúng mình phải kịp thời đến cứu một cô gái đang trong tình trạng tuyệt vọng chứ. Larry bỗng liếc nhìn Catherine rất nhanh, đầy vẻ lạnh lùng. Họ ra khỏi xe và đi về phía chiếc cửa đồ sộ làm bằng gỗ với một chiếc đập cửa bằng sắt, rất to gắn ở giữa cửa, Larry đập cửa mấy lần liền rồi họ đứng đợi. Không có fiếng động nào, trừ tiếng rì rầm của côn trùng mùa hè từ ngoài đồng cỏ vọng tới và tiếng gió thì thào qua cỏ lác. - Anh đoán có lẽ không có người bên trong - Larry bảo. - Có lẽ chúng đã thiêu hủy hết các thi thể - Catherine nói thì thào. Đột nhiên cánh cửa khổng lồ từ từ mở ra kèn kẹt, một bà sơ vận đồ đen xuất hiện trước mặt họ. Catherine bỗng cảnh giác, nói: - Tôi… tôi xin lỗi. Chúng tôi không biết đây là nơi nào. Bên ngoài không có dấu hiệu gì cả. Người nữ tu nhìn hai người hồi lâu rồi ra hiệu mời họ vào. Họ bước theo một lối đi và tới một khu sân rộng là trung tâm của ngôi nhà. Không khí ở đây yên tĩnh lạ lùng, và đột nhiên Catherine nhận ra điều thiếu hẳn ở đây: đó chính là tiếng nói con người. Nàng quay sang bà xơ bảo: - Chỗ này là gì ạ? Bà xơ im lặng lắc đầu, ra hiệu cho họ đứng đợi ở đó. Họ nhìn theo bà quay gót đi về phía toà nhà bằng đá cổ ở cuối khu đất. - Bà ta đi tìm Bà nhất Bela Lugosi đấy - Catherine thì thào. Phía bên kia toà nhà có một doi đất nhô lên trên mặt biển và họ thấy một nghĩa trang nằm gọn trong những hàng cây trắc bá cao hơn. - Nơi này khiến anh thấy rờn rợn - Larry bảo. - Giống như chúng ta vừa lạc sang một thế giới khác - Catherine đáp. Tự nhiên họ chỉ nói thì thầm với nhau, như không muốn phá vỡ cái không khí im lặng nặng nề này. Qua cửa sổ của toà nhà chính họ không thấy những bộ mặt tò mò của những người phụ nữ, tất cả đều vận đồ đen đang chằm chằm nhìn họ. - Đây là một dòng tu kín - Larry nhận định. Một người đàn bà cao gầy từ trong ngôi nhà hiện ra, đi nhanh về phía họ. Bà ta mặc quần áo nữ tu bình thường, nét mặt dịu dàng, khả ái. Bà ta nói: - Tôi là xơ Theresa. Các vị cần gì ạ? - Chúng tôi đi ngang qua đây - Catherine bảo - Chúng tôi tò mò muốn biết nơi này là gì - Nàng nhìn về phía những bộ mặt thấp thoáng qua cửa sổ. Chúng tôi không có ý làm phiền các xơ. Xơ Theresa nói: - Chúng tôi không được cái vinh hạnh là đón chào quý khách. Chúng tôi hầu như không có quan hệ với thế giới bên ngoài. Chúng tôi là những nữ tu dòng lệnh của Carmelite, đã nguyện sẽ giữ im lặng. - Trong bao nhiêu lâu? - Larry hỏi. - Giapanta - Suốt đời. Tôi là người duy nhất ở đây được phép nói chuyện và cũng chỉ nói mỗi khi cần thiết thôi. Catherine liếc nhìn quanh cái sân rộng, lặng như tờ và cố trấn tĩnh: - Có ai được rời nơi đây không? Xơ Theresa mỉm cười: - Không. Không có lý do gì để rời đây cả. Cuộc đời chúng tôi ở bên trong bức tường này. - Xin và tha lỗi cho việc chúng tôi đã quấy rầy các xơ - Catherine nói. Bà xơ gật đầu. - Không sao cả. Cầu Chúa phù hộ các người. Khi Catherine và Larry vừa bước ra khỏi cửa nhà, cánh cửa to lớn lại từ từ khép lại phía sau họ. Catherine quay nhìn lại. Nó đúng như một cái nhà tù. Thậm chí còn có phần tồi tệ hơn. Có lẽ đó là vì nó là một hình phạt tự giác một sự uổng phí. Catherine nghĩ đến những thiếu nữ mà nàng đã thấy qua cửa sổ. Họ bị giam cầm giữa bốn bức tường, bị ngăn cách với thế giới suất cả quãng đời của họ, họ phải sống trong một sự im lặng chìm sâu, vĩnh viễn của nhà mồ. Chương 22 Sáng hôm sau Catherine và Larry Douglas ngồi ăn sáng ở ngoài thềm hiên nhìn ra hồ. Thật là một ngày tuyệt vời. Mặt trời chưa lên cao, một cơn gió lười nhác từ hồ thổi tới Một chàng bồi bàn trẻ tuổi, dễ thương mang thức ăn tới. Catherine còn đang vận chiếc áo choàng ngủ. Khi người bồi bước vào, Larry quàng tay ôm Catherine và hôn lên cổ nàng. Chàng thì thào: - Đêm qua thật là thú vị! Người bồi nhoẻn cười và kín đáo rút lui. Catherine hơi cảm thấy bối rối. Việc Larry tỏ ra thân mật với nàng trước mặt người lạ là một việc làm trái tính chàng. Dường như cứ mỗi lần thấy người người đầy tớ gái hoặc trực phòng bước vào phòng, Larry lại ôm ghì lấy Catherine và bộc lộ sự quyến luyến của chàng, như thể chàng muốn cho mọi người thấy rằng chàng yêu nàng biết nhường nào, Catherine cảm thấy rất xúc động. - Sáng nay anh định một chương trình lớn - Larry nói và chỉ tay về phía đông, - Ở đó có một đỉnh núi đồ sộ vươn lên trên trời, chúng ta sẽ trèo lên đỉnh Tzôumerka. Catherine tuyên bố. - Em có một nguyên tắc là chừng nào em chưa đánh vần được tên đỉnh núi thì em sẽ chưa trèo lên đỉnh của nó đâu. - Thôi đi em. Nghe nói đứng từ trên đó nhìn xuống, quang cảnh đẹp tuyệt vời. Catherine nhận thấy Larry nói rất nghiêm trang. Nàng lại nhìn đỉnh núi đó một lần nữa. Ngọn núi trông như thẳng đứng. Nàng bảo: - Em vốn rất tồi về môn trèo núi, anh ạ. - Dễ thôi mà. Chỗ nào cũng có đường để leo tít lên cao Chàng lưỡng lự bảo - Nếu em không muốn đi cùng anh thì anh đi một mình cũng được. - Giọng chàng có vẻ thất vọng chua chát. Lẽ ra nếu từ chối để ngồi nhà hưởng một ngày đẹp trời cũng thật đơn giản, song sự cám dỗ lại lấn át nàng. - Thôi được. Để em đi kiếm một chiếc mũ trèo núi - Nàng bảo. Nét mặt Larry trở lại thoải mái khiến cho Catherine cảm thấy vui sướng là nàng đã kịp quyết định đi cùng chàng. Hơn nữa biết đâu chuyến đi này lại chẳng nhiều thú vị. Tuy nhiên trước đây nàng chưa từng leo núi bao giờ. Họ đi xe hơi tới một đồng cỏ phía ngoài thị trấn, nơi có một lối mòn dẫn lễn núi bắt đầu từ đây và họ đỗ xe ở chân núi. Dọc bên đường có một quán nhỏ bán thức ăn, Larry mua bánh mì kẹp nhân, hoa quả, kẹo và một bình lớn đựng cà phê. Chàng bảo với người chủ quán. - Nếu trên có cảnh đẹp, tôi với cô dâu mới này có thể ở lại qua đêm - Rồi chàng hích nhẹ Catherine và ông chủ quán cười nhăn nhở. Catherine và Larry bắt đầu đi bộ theo đường mòn lên đỉnh núi. Thực ra là có hai lối đi, tách ra thành hai hướng ngược hẳn nhau. - Đi lối này - Larry bảo Catherine rồi dẫn nàng rẽ sang lối phía bên trái. Khi họ sắp trèo lên cao, ông chủ hiệu người Hy Lạp đã nhìn họ đầy vẻ lo âu. Ông có nên chạy theo báo cho họ biết rằng họ đi nhầm đường rồi không? Con đường họ đi lên là con đường rất nguy hiểm, chỉ dành cho những người trèo núi lão luyện. Song đúng lúc đó lại có mấy người khách hàng mới tới quán của ông cho nên ông quên ngay đôi vợ chồng Mỹ vừa rồi. Mặt trời lên, nắng nóng rát, nhưng khi họ đã trèo lên cao, những cơn gió thổi mát rượi. Catherine cảm thấy sự kết hợp vừa nóng lại vừa mát đó thật tuyệt vời. Thật là một ngày đẹp, hơn nữa nàng lại ở bên cạnh người đàn ông mà nàng yêu. Thỉnh thoảng Catherine lại liếc nhìn xuống dưới, lấy làm ngạc nhiên vì họ đã trèo được lên cao đến thế. Dường như, không khí ngày một loãng hơn, họ đã bắt đầu thở khó nhọc. Nàng phải bước theo sau Larry, bởi lối mòn quá hẹp không cho phép hai người đi sóng đối với nhau. Không biết đến bao giờ họ có thể dừng lại ăn trưa được? Nàng tự hỏi. Larry nhận thấy Catherine đi sau rất vất vả cho nên chàng đã dừng lại đợi nàng. Catherine hổn hển nói: - Thật đáng tiếc. Em thấy leo lên như vậy là hơi quá cao rồi. - Nàng nhìn xuống phía dưới - muốn xuống được cũng mất nhiều thời gian. - Không, không nhiều đâu - Chàng quay lại rồi đi tiếp con đường hẹp. Catherine nhìn theo, thở dài, rồi lảo đảo bước theo. - Lẽ ra em phải lấy chồng là nhà thể thao môn cờ vua mới đúng - Nàng nói với theo, song Larry không đáp lại. Chàng tới một chỗ quẹo đột ngột trên con đường và phía trước mặt là một chiếc cầu nhỏ làm bằng gỗ, chỉ có một sợi dây thừng dùng làm dây vịn, chiếc cầu này bắc qua một hẻm núi sâu, nó lắc lư trước gió và có vẻ không đủ sức chịu đựng trọng lượng của một người bước qua đó. Larry đặt một chân lên tấm ván mục của chiếc cầu. Tấm ván lún xuống trước sức nặng của chàng, sau đó chàng giữ yên như vậy. Chàng đưa mắt nhìn xuống dưới. Hẻm núi sâu chừng một ngàn foot. Larry bắt đầu đi qua vừa đi vừa thận trọng dò thử từng bước một. Chàng nghe thấy tiếng Catherine gọi giật lại: - Larry? Chàng quay lại. Nàng cũng đã bước tới chân cầu. - Chúng ta có đi sang bên kia được không? - Catherine hỏi Đến con mèo đi nhẹ qua cũng không nổi. - Nếu không biết bay thì ta phải qua cầu này thôi. - Nhưng có vẻ không an toàn đâu. - Hàng ngày người ta vẫn qua lại đây kia mà. - Larry xoay lưng, tiếp tục bước, bỏ mặc Catherine đứng lại ở chân cầu bên kia. Catherine bước lên cầu, chiếc cầu bắt đầu dao động. Nàng cúi xuống cái vực sâu bên dưới, sự sợ hãi bắt đầu ùa tới. Đây không còn là sự thú vị nữa mà là nguy hiểm thực sự. Catherine nhìn lên phía trước, Larry đã gần tới bờ bên kia rồi. Nàng cắn chặt răng, nắm chặt sợi dây, bước qua cầu. Chiếc cầu chao đảo dưới mỗi bước chân của nàng. Ở phía bên kia, Larry đã quay lại theo dõi quan sát nàng. Catherine bước rất chậm, một tay vẫn bám chặt sợi dây, nàng tránh không nhìn xuống cái vực sâu bên dưới. Larry có thể nhận rõ sự sợ hãi thể hiện trên nét mặt nàng. Khi Catherine đã bước sang tới phía bờ của Larry, nàng cảm thấy ớn lạnh không hiểu đó là vì quá sợ hay vì một cơn gió lạnh bắt đầu thổi từ những đỉnh cao phủ đầy tuyết tới chỗ họ. Catherine bảo. - Có lẽ em không trở thành vận động viên trèo núi được đâu Ta quay lại đi anh? Larry ngạc nhiên nhìn nàng: - Cathy, chúng ta đã được ngắm cảnh đâu. - Những điều em thấy vừa rồi cũng đủ cho cả đoạn đời còn lại rồi. Chàng vòng tay ôm lấy nàng, mỉm cười, nói: - Phía trước mặt có một chỗ đẹp lại yên tĩnh chúng ta có thể dừng lại ăn trưa. Em thấy thế nào? Catherine miễn cưỡng gật đầu: Thôi cũng được. - Thế mới là vợ của anh chứ? Larry chợt cười, rồi quay lại đi bước tiếp lên phía trước. Catherine lại lẽo đẽo đi theo sau chàng. Catherine phải thừa nhận rằng cảnh thị trấn và thung lũng xa xa bên dưới thật là kỳ thú, giống như cảnh đồng quê yên tĩnh trong tấm bưu thiếp của Curier Ives. Nàng thấy hài lòng đã trèo lên đây. Đã lâu lắm rồi nàng mới thấy hết sức lực dồi dào của Larry. Dường như chàng phấn khởi trong suốt thời gian họ trèo lên núi. Mặt chàng đỏ bừng, chàng nói huyên thuyên chẳng đâu vào đâu, để giải toả bớt một phần năng lượng tinh thần của chàng. Mọi thứ trên đường cái gì cũng như làm chàng phấn khích, từ cuộc trèo núi đến khung cảnh và cả những đoá hoa mọc trên lối đi. Dường như thứ gì cũng mang theo một ý nghĩ quan trọng khác thường làm cho các cảm xúc của chàng bị kích thích. Chàng leo không mấy cố gắng thậm chí nhịp thở cũng không thay đổi, trong khi đó thì không khí loãng dần đang làm cho Catherine phải thở khó khăn. Đôi chân nàng bắt đầu nặng như chì. Hơi thở lúc này đã trở thành hổn hển. Nàng không biết hai người đã trèo được bao lâu rồi, song khi nhìn xuống dưới, nàng thấy khu thị trấn chỉ còn một vật nhỏ xíu xa bên dưới. Catherine có cảm giác con đường mỗi lúc một dốc hơn và cũng đẹp hơn. Nó uốn lượn theo gờ một vách núi dựng đứng và Catherine phải ép người thật sát về phía núi. Thế mà Larry bảo lối này dễ trèo. Lối đi cho núi thì phải, Catherine nghĩ thầm. Hầu như không thấy có đường mòn nào hiện diện và cũng không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ đã có ai sử dụng lối đi này. Hoa mỗi lúc một ít hơn và thứ cây cỏ dại duy nhất còn lại là rêu phong và một thứ cỏ màu nâu, trông rất lạ dường như từ trong đá mọc ra. Catherine không biết liệu nàng còn đủ sức để leo lên cao được bao nhiêu nữa. Khi họ đến một chỗ quẹo bất ngờ, con đường bỗng biến mất và một cái vực sâu rợn người xuất hiện dưới chân nàng. Nàng kêu lên: - Larry! Chàng đã đứng ngay bên cạnh. Chàng chộp lấy tay nàng, kéo nàng lại đưa lại nàng tới chỗ con đường mòn lại tiếp tục. Tim Catherine đập hoảnh loạn. Nàng nghĩ: Mình điên mất thôi. Mình không thể đi safari (săn thú) như thế này được. Độ cao và sự mệt mỏi đã làm cho đầu óc nàng quay cuồng, choáng váng. Nàng quay sang nói với Larry và phía trên đỉnh đầu chàng, chỉ qua chỗ rẽ sau, nàng thấy đỉnh núi rồi. Họ đã tới nơi. Catherine ngồi trên chỗ đất bằng phẳng, lấy lại sức lực Nàng cảm thấy gió mát thổi vờn bay mái tóc nàng. Cơn sợ hãi dịu dần. Bây giờ chẳng có gì phải sợ nữa, Larry ngồi bên cạnh nàng. Chàng bảo rằng đường xuống dễ hơn. - Em thấy dễ chịu chưa? - Chàng hỏi. Nàng gật đầu: - Rồi! Nàng bắt đầu thở lại bình thường. Nàng hít một hơi thật sâu rồi mỉm cười với chàng: - Đoạn khó khăn nhất đã qua rồi: phải không? Larry ngó nhìn nàng hồi lâu, rồi mới đáp: - Phải. Qua rồi, Cathy ạ. Catherine nằm chống một bên khủyu tay. Trên một khoảng đất bằng phẳng người ta dựng lên một cái sàn bằng gỗ để đứng quan sát. Xung quanh rìa có một lan can sắt đã cũ đứng đó người ta có thể nhìn thấy toàn cảnh ngoạn mục rộng lớn, kỳ thú bên dưới. Catherine còn nhìn thấy cách chỗ nàng đứng chừng một chục foot có một lối dẫn xuống phía núi bên kia. Catherine thốt lên: - Chà, Larry, đẹp chưa kìa. Em có cảm giác như mình là một Magellan(1). Nàng mỉm cười nhìn chàng, song Larry ngoảnh nhìn đi chỗ khác. Catherine nhận thấy chàng chẳng lắng nghe gì cả. Chàng như đang bận tâm về chuyện gì vẻ rất căng thẳng. Catherine ngước lên, bảo: - Anh trông kìa? Một đám mây trắng bồng bềnh trôi lại phía họ, do những con gió núi đẩy tới. - Họ đang bay lại đây. Em chưa bao giờ đứng giữa đám mây như vậy. Hệt như trên thiên đàng vậy. Larry nhìn theo Catherine đứng dậy đi về phía bờ vực, tới chỗ tay vịn bằng gỗ khẳng khiu. Larry chống khủyu tay nhỏm dậy, bất ngờ đầy vẻ đăm chiêu suy tính và chàng quan sát đám mây đang tiến lại phía nàng. Nó đã đến chỗ nàng, rồi che khuất cả người nàng. Nàng nói vọng lại: - Em đứng đây cho đám mây phủ kín em! Một lát sau, Catherine đã hoàn toàn biến mất giữa đám mây xám cuồn cuộn bay. Larry rón rén đứng dậy. Chàng đứng ngây ra một lúc rồi nhẹ nhàng tiến về phía nàng. Vài giây sau chàng cũng biến giữa đám sương này. Chàng dừng lại, không biết chính xác nàng đang đứng chỗ nào. Sau đó chàng nghe rõ tiếng nàng gọi phía trước mặt. - Anh Larry, ôi, tuyệt quá! Lại đây với em nào! Chàng bắt đầu từ từ tiến lại phía có tiếng nói của nàng, tiếng nói đã bị đám mây làm nghẹn lại. Nàng lại kêu to: - Cứ như mưa bụi vậy. Anh có thấy như thế không? Tiếng nói của nàng đã sát ngay bên cạnh chàng, chỉ còn cách vài ba bước. Chàng tiến thêm một bước hai tay chàng vươn ra cố nắm lấy tay nàng. - Larry! Anh ở đâu? Chàng đã nhận ra hình dáng nàng, chập chờn trong làn hơi nước, ngay phía trước chàng và ngay sát bên vực núi đó. Hai tay chàng vươn ra phía nàng và cũng đúng lúc đó đám mây bay qua chỗ họ. Nàng xoay người lại, họ đã đứng đối mặt với nhau, chỉ không đầy một mét. Nàng lùi lại một bước, ngạc nhiên, bàn chân phải của nàng đang đặt ngay bên rìa vách núi đá. Nàng la to: - Trời ơi! Anh làm em sợ hết hồn. Larry bước thêm một bước nữa về phía rừng, vừa mỉm cười an ủi, rồi chàng đưa cả hai tay ra cho nàng bíu. Đúng lúc đó có một tiếng người nói phía sau: - Lạy Chúa? Ở vùng Denver chúng ta có nhiều núi to hơn thế này nhiều! Larry hốt hoảng xoay người lại, mặt trắng bệch. Có một nhóm du khách được một người hướng đạo Hy Lạp đưa đường xuất hiện ở lối lên phía xa đi quanh phía bên kia sườn núi leo lên. Người hướng đạo ngừng lại khi trông thấy Catherine và Larry. Anh ta ngạc nhiên nói: - Chào ông bà. Chắc ông bà đã trèo ở phía sườn núi phía Đông lên đây, phải không? - Phải - Larry nói gắt. Người hướng đạo lắc đầu: - Bọn họ thật là điên. Lẽ ra phải chỉ vẽ cho anh chị lối đi đó rất nguy hiểm. Đi theo sườn bên kia còn dễ dàng hơn nhiều. - Lần sau tôi sẽ nhớ kỹ điều này - Larry đáp. Giọng chàng có vẻ gay gắt. Sự phấn khởi ở chàng lúc trước, giờ đây dường như đã biến đâu rồi. Larry bảo: - Ta rút khỏi cái chỗ chết tiệt này đi. - Nhưng… chúng ta vừa lên được tới đây. Sao vậy, anh? - Không có gì - Chàng nói xẵng - Anh ghét cảnh người chen chúc. Họ đi xuống bằng lối đi dễ hơn, và trên suốt đường quay xuống Larry không nói năng gì cả. Chàng như đang nung nấu một nỗi căm hơn lạnh băng mà Catherine không thể hiểu lý do vì sao. Nàng không hề nói ra hoặc làm một việc gì khả dĩ khiến chàng phải phật ý. Từ lúc có đám người kia xuất hiện thì thái độ của chàng đột ngột đổi hẳn. Hay là chàng muốn làm tình với nàng giữa đám mây! Có thế chàng mới tiến lại phía nàng, hai tay vươn ra như vậy. Kế hoạch của chàng bị toán du khách kia làm hỏng. Nàng suýt nữa bật cười vì sung sướng. Nàng ngắm nhìn Larry đang đi xuống theo lối mòn, phía trước nàng và nàng cảm thấy thông cảm. Nàng nhủ thầm: Khi về đến khách sạn mình phải tìm cách bù lại cho chàng. Nhưng đến khi họ về đến nhà, Catherine quàng tay ôm chàng hôn thì Larry lại bảo là chàng mệt lắm rồi. Đến lúc ba giờ sáng. Catherine vẫn nằm thao thức trên giường, sự phấn khích quá mức đã khiến nàng không tài nào ngủ được. Thật là một ngày dài đằng đẵng và đáng sợ. Nàng nhớ lại con đường leo lên núi, chiếc cầu cheo leo và cảnh trèo núi áp mặt vào vách đá. Cuối cùng nàng cũng ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau Larry lại đến hỏi chuyện một nhân viên tiếp tân: - Hôm trước anh có nhắc đến cái hang gì nhỉ? - Larry bắt chuyện. - À phải - Người nhân viên đáp - Đó là hang Perama. Rất đẹp. Rất thú vị. Ông chớ nên bỏ qua. - Vâng, có lê tôi phải tới thăm hang đó - Larry nói nhẹ nhàng - tôi không thích hang động lắm, song nhà tôi nghe nói về nó và nàng cứ thúc tôi đưa nàng tới đó. Nàng thích thăm hang động mà. - Ông Douglas ạ, tôi tin rằng cả hai ông bà đều thích hang này. Ông nên thuê một người hướng đạo cho chắc ăn. - Có cần không? - Larry hỏi lại. Người nhân viên gật đầu: - Rất nên, bởi lẽ đã từng xảy ra nhiều chuyện bị thảm, đã có người lạc trong hang rồi - Anh ta hạ giọng nói - Có một cặp vợ chồng trẻ cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Larry hỏi lại: Nếu như đúng là nguy hiểm vậy sao người ta vẫn cho phép khách vào thăm? - Chỉ có khu vực mới là nguy hiểm thôi. - Anh nhân viên giải thích tiếp - Khu vực này chưa được người ta thăm dò và không có đèn. Song nếu ông đưa theo người hướng đạo thì ông khỏi phải lo lắng gì. - Mấy giờ người ta đóng cửa hang? - Sáu giờ Larry thấy Catherine đang ở bên ngoài, nàng ngồi dưới một gốc cây Exys khổng lồ, loại sồi Hy Lạp rất đẹp, nàng đang đọc sách. - Sách đó hay không? - Chàng hỏi. - Đọc cũng được, mà quẳng đi cũng được. Chàng hích vào cạnh sườn nàng: - Gã nhân viên khách sạn có cho anh biết về mấy cái hang động gần đây. Catherine ngẩng nhìn lên, mơ hồ hiểu ra: - Hang động? Anh ta bảo đã tới đây thế nào cũng phải thăm nó. Tất cả những cặp đi hưởng tuần trăng mật đều làm như vậy. Vào trong đó người ta ước muốn gì thì sau này sẽ thành sự thật - Giọng chàng có vẻ ngây thơ, sôi nổi - Thế nào? Catherine ngập ngừng giây lát, nàng cho rằng Larry thật chẳng khác gì một cậu bé nông nổi, nàng bảo: - Nếu anh đã muốn thì được thôi. Chàng mỉm cười. - Tuyệt. Ăn trưa xong, ta sẽ lên đường. Em cứ đọc tiếp đi. Anh phải vào thị trấn, tìm mua vài thứ. - Cho em đi với? - Thôi - Chàng nhẹ nhàng từ chối. - Anh sẽ về ngay. - Em cứ ở nhà. Nàng gật đầu: - Thế cũng được. Chàng quay gót, ra đi. Vào đến thị trấn Larry tìm tới một tiệm tạp hoá nhỏ để mua một chiếc đèn pin bỏ túi, vài ba cục pin mới và một cuộn dây bện. - Ông đang trọ bên khách sạn? - Chủ tiệm hỏi chàng khi thối lại tiền cho chàng. - Không - Larry đáp - Tôi chỉ ghé qua đây trên đường về Athens. - Nếu tôi ở địa vị ông, tôi sẽ phải thận trọng - Chủ tiệm khuyên chàng. - Vì sao? - Sắp có bão đấy. Ông có nghe tiếng cừu kêu không? Larry quay về khách sạn lúc ba giờ. Đến bốn giờ thì Larry và Catherine lên đường tới khu hang động. Gió chuông đã nổi lên ở phía bắc, những đám mây giông lớn đã bắt đầu tụ lại, xua đi ánh mặt trời rực rỡ. Hang Perama nằm cách Ioannina ba mươi cây số về phía đông. Trải qua nhiều thế kỷ những dòng nham thạch nhũ khổng lồ đã tạo nên vô vàn hình thú vật, lâu đài và đồ quý báu. Khu hang động này rất hấp dẫn du khách tới thăm quan. Khi Catherine và Larry tới hang, lúc đó đã là năm giờ chiều, chỉ còn một giờ nữa là đến giờ đóng cửa, Larry mua hai tấm vé và một cuốn sách hướng dẫn. Một hướng đạo ăn vận tồi tàn sán đến gần, ngỏ ý phục vụ họ. - Chỉ có năm mươi drachma thôi. Tôi sẽ hướng dẫn ông bà một chuyến thăm quan mãn ý. - Chúng tôi không cần người hướng dẫn - Larry cộc cằn đáp. Catherine nhìn chàng lấy làm ngạc nhiên vì giọng nói xẵng của chàng. Chàng khoác tay Catherine: - Ta đi thôi. - Anh có chắc rằng chúng ta không cần đến người dẫn đường không? - Để làm gì chứ? Lại trò bịp bợm đấy. Chúng ta chỉ việc đi vào là xem được hang thôi. Cuốn sách này đủ cho chúng ta biết mọi chi tiết cần thiết ở bên trong hang rồi còn gì nữa. - Đúng thế - Catherine vui vẻ đồng ý. Lối vào hang rộng hơn nhiều so với nàng tưởng. Nó được chiếu sáng bằng những ngọn đèn rọi và mang đầy tên tuổi những du khách tới đây. Tường và trần hang đường như chứa đầy những hình ảnh tạc vào đá. Có những hình chim muông, người khổng lồ, hoa lá và vương miện. - Thật là kỳ ảo - Catherine thốt lên, rồi nàng đọc trong cuốn sách - không ai biết được chúng có từ bao giờ. Phía bên trên đầu họ có những nhũ đã rũ xuống. Một đường hầm khoét vào trong đá dẫn tới một hang nhỏ thứ hai. Ở đây những hình thù lại càng kỳ lạ hơn, đúng là một cuộc trưng bày hết sức phong phú của nghệ thuật tự nhiên. Ở đầu cuối hang có một tấm biển ghi dòng chữ: "Nguy hiểm - cần tránh xa". Phía bên kia tấm biển là lối vào một cái hang rộng hoác, đen ngòm. Vô tình Larry đi về phía đó, chàng nhìn quanh tứ phía. Catherine đang xem xét một hình trên đá tạc chỗ lối vào. Larry cầm lấy tấm biển, vứt vào một góc. Chàng tiến lại phía Catherine. Nàng bảo: - Ở đây ẩm thấp quá. Ta đi ra đi. - Không - Giọng Larry kiên quyết. Nàng nhìn chàng đầy ngạc nhiên. Larry giải thích: - Còn rất nhiều thứ đáng xem. Gã nhân viên khách sạn bảo anh rằng chỗ lý thú hấp dẫn nhất là khu hang mới. Y dặn rằng chúng mình chớ bỏ qua nơi đó. - Ở đâu vậy? - Nàng hỏi. - Đằng kia - Larry khoác tay nàng. Họ bước về phía đằng sau hang, đứng dừng trước một cái hốc đen ngòm toang hoác. Catherine bảo: - Không thể vào trong đó được. Tối quá. Larry vỗ vào tay nàng: - Đừng lo. Y dặn anh mang theo đèn pin mà - Chàng lấy đèn từ trong túi ra - Đây, em xem? Chàng bật đèn, một chùm tia sáng chiếu dọc cái hành lang dài và tối bằng đá rất cổ xưa. Catherine đứng dừng, ngắm con đường hầm. Nàng ngập ngừng: - Rộng quá. Anh có chắc là an toàn không? - Chứ sao? - Larry đáp - Người ta vẫn dẫn học sinh vào đây mà. Catherine còn ngần ngại, nàng muốn họ cùng đi với những du khách khác. Nàng cảm thấy có cái gì đó đe doạ nàng. - Thôi được - Nàng bảo. Họ bắt đầu đi vào theo lối đó. Mới đi được vài bước họ thấy cái vòng sáng toả từ hành lang chính phía sau họ đã bị bóng tối nuốt chửng. Lối đi đột ngột quẹo trái, sau đó vòng sang phải. Họ đang một mình giữa thế giới hoang sơ lạnh lẽo và không có thời gian. Nhờ chùm sáng từ chiếc đèn của Larry, Catherine chợt thấy bộ mặt của chàng trong ánh phải chiếu và nàng gặp lại vẻ linh lợi đó. Vẫn cái vẻ mà chàng đã thể hiện trên núi ngày hôm trước. Catherine nắm chặt lấy cánh tay chàng. Phía trước họ con đường ngầm chẻ làm nhiều ngả. Catherine nhìn rõ tảng đá sù sì trên cái trần thấp ở chỗ nó tách lối vào thành nhiều hướng khác nhau. Nàng liên tưởng đến Theseus và con Minoteur chực sẵn ở trong hang, không biết liệu họ có gặp chúng không? Nàng định gọi chàng quay lại, chưa kịp nói thì Larry đã bảo: - Ta đi sang trái. Nàng nhìn chàng và cố giữ giọng thản nhiên bảo rằng: - Mình ơi, ta có nên quay về không nhỉ? Trời sắp tối rồi. Hang sắp đóng cửa. - Họ mở cửa đến chín giờ kia mà - Larry đáp - Có một cái hang đặc biệt anh đang muốn tìm. Người ta mới khai quật nó. Chắc có nhiều chuyện kỳ thú lắm. Chàng bước lên phía trước. Catherine ngập ngừng cố tìm ra cớ gì đó để thoái thác là không đi thêm nữa. Nhưng xét cho cùng, tại sao họ không thể tới đó để tìm hiểu nhỉ? Larry đang thích cơ mà. Nếu việc đó khiến chàng vui sướng thì dù nàng có phải trở thành… gì nhỉ? À, nhà hang động học cỡ lớn của thế giới, nàng cũng sẽ quyết làm. Larry dừng lại, đợi nàng. Chàng hỏi với vẻ nôn nóng: - Đi chứ? Nàng cũng cố tỏ ra nhiệt tình, bảo: - Vâng, nhưng đừng để em lạc đấy. Larry không đáp. Họ đi theo nhánh rẽ sang trái và bắt đầu bước thận trọng vì những mảnh đá nhỏ lở ra dưới chân họ, Larry thò tay vào túi, một lát sau Catherine nghe có vật gì rơi xuống đất. Larry lại bước tiếp. - Anh đánh rơi cái gì thế? - Catherine hỏi - Em nghĩ là anh… - Anh đá phải một một hòn đá thôi - Chàng bảo - Ta đi tiếp đi - Rồi họ lại bước lên phía trước. Catherine không biết rằng phía sau nàng là cuộn dây đang được gỡ dần ra. Trần hang coi bộ thấp dần và tường hang càng ẩm ướt hơn, báo hiệu một điều không hay. Catherine tự cười thầm khi nghĩ tới điều này. Dường như con đường hầm bắt đầu khép lại, đầy đe doạ hiểm độc. Catherine bảo: - Có lẽ nơi này không ưa gì chúng mình. - Cathy, đừng có đùa. Đây là cái hang cơ mà. - Thế tại sao anh nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất tới đây. Larry ngập ngừng: - Không mấy người biết đến khu vực này. Họ bước tiếp cho đến lúc Catherine bắt đầu mất hết mọi cảm giác về không gian và thời gian. Đường hầm mỗi lúc một hẹp hơn, đá hai bên vách lởm chởm, bất ngờ nhô ra khía cắt thân thể họ. - Theo anh thì còn đi được bao xa nữa? - Catherine hỏi - Có lẽ ta đến gần Trung Quốc rồi cũng nên. - Chưa xa lắm đâu. Khi họ cất tiếng nói, giọng của họ nghèn nghẹt, ồm ồm, hệt như hàng loạt tiếng vọng liên tục sắp tắt dần. Không khí lúc này càng lạnh thêm, song là cái lạnh ẩm ướt, nhớp nháp. Catherine run lên bần bật. Phía trước, chùm ánh sáng đèn pin bắt gặp một chỗ rẽ đôi mới. Họ đi tới đó và dừng lại: Đường hầm đi về phía phải có vẻ nhỏ hơn đường rẽ trái. - Người ta phải đặt biển chỉ đường bằng đèn nê-ông ở đây mới đúng - Catherine bảo - Mà có lẽ chúng ta đã đi quá xa rồi. - Không Larry đáp - Anh tin chắc là con đường rẽ về phía phải. - Em lạnh cóng rồi, anh ơi - Nàng nói - Ta quay lại đi thôi. Chàng quay nhìn nàng. - Gần đến nơi rồi, Cathy ạ - Chàng nắm chặt tay nàng - Khi nào trở về nhà, anh sẽ sưởi ấm cho em. Nếu trong vòng hai phút nữa mà vẫn không tìm ra cái hang đó thì ta sẽ quay về. Được không? Catherine cảm thấy nhẹ cả người: - Được - Nàng đáp. - Ta đi nào! Họ đi xuống cuối đường hầm về phía phải, chùm sáng của chiếc đèn pin vẽ lên vách đá phía trước một hình lung linh, kỳ quặc. Catherine ngoái nhìn sang bên và phía sau nàng, nàng chỉ thấy một màu đen hoàn toàn. Đột nhiên Larry dừng lại. - Con khỉ - Chàng bực bội. - Chuyện gì vậy. - Có lẽ chúng mình đi nhầm đường lộn trở lại. Catherine gật đầu: - Cũng được. Thì ta quay trở lại. - Em cứ đứng đây để anh kiểm tra lại xem sao. Nàng ngạc nhiên nhìn chàng: Anh định đi đâu vậy? - Chỉ vài bước thôi. Quay trở lại lối vào lúc nãy - Giọng chàng có vẻ căng thẳng, không được tự nhiên. - Em đi cùng với anh. - Để một mình anh đi nhanh hơn, Catherine ạ. Anh muốn kiểm tra lại đoạn đường chúng ta quẹo lần cuối cùng xem nó như thế nào - Giọng chàng có vẻ nôn nóng - Chỉ vài giây nữa anh sẽ quay lại. - Được thôi - Nàng đáp, lòng thấy bồn chồn. Catherine đứng nhìn Larry đi xa dần chỗ nàng đứng và rồi mất hút vào chỗ bóng tối nơi họ vừa đi qua. Thân hình chàng được bao bọc trong một quầng sáng trông giống như một thiên thần đang di động trong lòng đất. Một lát sau ánh sáng biến mất, nàng chìm trong bóng tối dày đặc mà nàng chưa từng trải qua bao giờ. Nàng đứng ngây ra đó, run lên cầm cập, nhẩm đếm từng giây trôi qua trong óc. Không thấy Larry quay trở lại. Catherine vẫn đợi và nàng cảm thấy bóng đen ùa đến quanh nàng như những đợt sóng vô hình, hiểm độc. Nàng gọi to: - Larry? - Giọng nàng đã khàn và lạc hẳn đi, nàng phải đằng hắng và cố gọi lại thật to: - Larry? Nàng nghe rõ tiếng gọi đó tắt ngay chỉ cách chỗ nàng đứng vài bước. Dường như không có gì có thể sống được tại nơi này. Catherine bắt đầu cảm thấy rợn người. Nàng vẫn tự nhủ: Tất nhiên Larry sẽ quay lại. Mình có nhiệm vụ duy nhất là phải đứng yên tại chỗ và phải bình tĩnh. Những phút giây cứ từ từ trôi qua giữa bóng tối. Nàng bắt đầu nghĩ đến một khả năng rất xui xẻo có thể xảy ra. Có lẽ Larry đã gặp tai nạn, chàng bị trượt ngã vì lớp đá ở dưới đất long ra và đụng đầu phải một vách hang sắc nhọn. Có thể ngay lúc này đây chàng chỉ nằm cách chỗ này không xa, máu chảy lênh láng và sắp chết. Mà cũng có thể chàng bị lạc đường. Đèn của chàng bị hết pin, có thể ở chỗ nào đó trong hang đang bị mắc kẹt cũng như nàng ở chỗ này. Cảm giác ngạt thở bắt đầu ập đến khiến nàng khó chịu, thấy sợ vô cớ. Nàng quay lại và bước dò dẫm về hướng nàng đã đi qua. Con đường hầm hẹp cho nên nếu Larry có nằm trên mặt đất, bị thương và bất động, nàng sẽ có cơ hội tìm thấy chàng. Chẳng mấy chốc nàng sẽ trở lại chỗ đường hầm đã chia hai ngả. Nàng bước thận trọng, những hòn đá lăn trượt dưới chân nàng. Nàng cho rằng nàng nghe thấy tiếng động ở phía xa, nàng đứng lại để nghe ngóng. Larry chăng? Tiếng động lại tắt ngay, và nàng lại tiến lên, rồi lại một lần nữa nàng nghe thấy tiếng đó. Đó là thứ tiếng u… u… như có ai đó đang mở máy ghi âm. Phía đó nhất định có người! Catherine kêu gào, sau đó nàng làng nghe tiếng của mình tắt dần trong không gian yên lặng. Lại có tiếng đó? Vẫn cái tiếng u… u… Nó từ phía đó vang tới. Tiếng này mỗi lúc một to, tiến lại gần nàng như cơn gió rít. Càng ngày càng gần. Rồi bất thình lình trong bóng tối, nó nhảy lên người nàng, lớp da ẩm và lạnh của nó áp lên đôi má nàng và hôn ghì lên môi nàng. Nàng cảm thấy có cái gì đó bò lên đầu nàng và những cái móng sắc của nó bám vào tóc nàng rồi mặt nàng bị đập tới tấp bởi những đôi cánh của một vật gì đó không tên gây cho nàng một nỗi hoảng loạn vô cùng giữa bóng tối đen ngòm. Nàng ngất xỉu. Nàng đang nằm trên một tảng đá gai sắc nhọn và chính sự khó chịu đã gây cho nàng lại khiến nàng tỉnh lại. Một bên má nàng âm ấm và dinh dính, tới lúc đó nàng nhận ra đó chính là máu mình. Nàng nhớ lại những đôi cánh và cái móng vuốt đã tấn công nàng trong bóng tối, nàng bắt đầu run rẩy. Trong hang có những con dơi. Nàng cố nhớ lại những hiểu biết của nàng về loài dơi. Nàng đã đọc thấy ở đâu đó rằng chúng là những con chuột biết bay và chúng tụ tập thành từng đàn hàng ngàn con. Một điều hiểu biết nữa nàng cũng còn nhớ, đó là những loài dơi hút máu người, nàng cố gạt đi ý này. Catherine miễn cưỡng ngồi dậy, hai bàn tay nàng đau nhức vì chạm phải đá sắc. Nàng tự nhủ: Mi không thể ngồi lại đây được. Mi phải đứng dậy và hành động thế nào chứ. Nàng đau đớn đứng dậy. Nàng đã bị mất một chiếc giày, váy bị rách nát, song ngày mai Larry sẽ mua cho nàng một chiếc váy mới. Nàng nghĩ tới cảnh hai người sẽ vào một tiệm nhỏ dưới thị trấn, họ sẽ cười vui và mua một chiếc váy màu trắng mùa hè cho nàng, song chiếc áo đó trở thành hình ảnh một thứ đồ liệm và thế là nàng lại cảm thấy hoảng sợ. Nàng phải nghĩ đến ngày mai chứ để cơn ác mộng nó ám ảnh nàng lúc này. Nàng sẽ phải tiếp tục tiến bước. Nhưng theo hướng nào? Nàng đã bị đảo vòng tròn. Nếu như đi nhầm đường, nàng sẽ ngày một lấn sâu vào trong hang tối, tuy nhiên nàng biết rằng nàng không thể cứ đứng mãi ở đây. Catherine cố ước lượng xem từ lúc họ vào trong hang đến lúc đó là bao lâu rồi. Chắc là một giờ rồi, mà có thể là hai. Không có cách nào để xác định là nàng đã ngất đi được bao lâu. Có lẽ người ta đang đi tìm Larry và tìm nàng. Song nếu không ai tìm ra họ thì tình hình sẽ ra sao? Không có việc kiểm tra kẻ vào người ra khỏi các hang này. Và nàng có thể sẽ bị bỏ mặc lại đây mãi mãi. Nàng tháo nốt chiếc giây kia ra, bắt đầu bước những bước chập choạng, thận trọng, đưa hai hài bàn tay đã bị rộp ra phía trước lần mò tránh những vách đường hầm sắc ráp. Catherine tự nhủ: Cuộc hành trình dài nhất bao giờ cũng bắt đầu bằng bước thứ nhất. Người Trung Quốc đã có câu nói như vậy, và có vẻ như họ cũng thông thái đấy. Họ đã phát minh ra pháo, ra món thập cẩm và họ cũng rất khôn khéo để không bị kẹt trong hang hôc tối không ai tìm được ra họ. Nếu mình cứ đi tiếp, mình sẽ vấp phải Larry hoặc một số du khách nào đó, rồi chúng ta sẽ quay trở lại khách sạn, uống rượu và vui đùa về chuyện vừa xảy ra. Chỉ có điều là mình phải bước tiếp. Đột nhiên nàng dừng lại. Từ đằng xa nàng nghe thấy tiếng u… u…, nó hướng về phía nàng như một chuyến tàu tốc hành ma quái, cơ thể nàng lại bắt đầu run lên không thể nào chế ngự nổi, nàng kêu thét lên. Chỉ một lát sau, hàng trăm con đã bám vào người nàng, dùng nhưng đôi cánh lạnh và ướt đập và người nàng và nàng ngợp thở trước những con vật gậm nhấm đầy lông rậm, trong một cơn ác mộng hoảng loạn không thể diễn đạt bằng lời. Điều nàng nhớ đến cuối cùng trước khi bất tỉnh đó là việc gọi tên của Larry. Nàng đang nằm trên nền đất ẩm và lạnh của hang tối. Đôi mắt nàng đang nhắm nghiền, song đầu óc nàng bỗng bừng tỉnh. Nàng nghĩ: Larry muốn giết mình. Dường như từ trong tiềm thức nàng nảy ra ý nghĩ này. Qua hàng loạt những hình ảnh lướt nhanh nàng nghe thấy Larry nói: Tôi đang yêu một người khác… Tôi muốn li dị với cô… rồi lúc ở trên đỉnh núi Larry tiến lại phía nàng qua giữa đám mây, hai tay chàng giơ ra phía nàng… Nàng nhớ cả việc nàng nhìn xuống phía dưới chân núi sâu thẳm nàng bảo phải mất nhiều thời gian mới xuống được dưới kia, còn Larry thì bảo, Không, không lâu đâu… Anh cho rằng ta sẽ nhầm rồi. Em cứ đợi ở đây. Chỉ vài giây nữa là anh quay lại… Sau đó là bóng tối khủng khiếp. Larry không hề có ý định quay lại tìm nàng. Việc làm lành, tuần trăng mật… tất cả chỉ là tấn trò, là một bộ phận trong kế hoạch nhằm giết nàng. Vậy là trong suốt thời gian nàng sung sướng, cảm ơn Chúa đã tạo cho nàng một cơ hội làm lại cuộc đời mới thì Larry lại đang mưu mô tìm cách giết nàng. Và y đã thành công bởi Catherine biết rằng nàng sẽ chẳng thể nào thoát ra khỏi nơi đây, nàng sẽ bị chôn sống trong một nhà mồ tối tăm, đầy khiếp sợ này. Đàn dơi đã bay đi, song nàng cảm thấy và ngửi thấy mùi dãi rớt hôi thối chúng để lại trên khắp mặt, mũi và thân thể nàng, và nàng biết là chúng sẽ còn trở lại hút máu nàng. Nàng không biết, liệu nàng còn đủ sức tỉnh tảo sau lần chúng tấn công đợt nữa hay không. Nghĩ đến đàn dơi, nàng bắt đầu run sợ, nàng cố giữ hơi thở thật chậm và sâu. Sau đó Catherine lại nghe thấy tiếng đó lần nữa và nàng biết sức nàng không thể chịu được qua lần này. Tiếng đó bắt đầu là một tiếng u… u… nhỏ, sau đó đợt sóng âm lớn dần, chuyển động nhanh về phía nàng. Đột nhiên có một tiếng rú lên ai oán, nó vang vọng nhiều lần vào không gian tối mò và cái âm thanh kia tiếp tục to dần to dần có ánh sáng xuất hiện trong một đường hầm tối đen, sau đó nàng nghe thấy nhiều tiếng gọi và có những bàn tay quờ quạng tìm nàng, nhấc nàng dậy. Nàng muốn báo cho họ biết đàn dơi kia, song nàng chẳng nói được gì ngoài những tiếng rền rĩ. Chú thích: (1) Nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha (khoảng 1480 - 1521) Chương 23 Nàng nằm cứng đờ, yên tĩnh để cho đàn dơi không tìm thấy nàng, nàng cố lắng nghe tiếng đập cánh vù vù của chúng, đôi mắt nàng vẫn nhắm nghiền. Có một giọng đàn ông nói: - Thật là một điều kỳ lạ: chúng ta đã tìm ra được bà ấy. - Cô ấy có làm sao không? Đó là tiếng nói của Larry. Catherine bỗng lại thấy sự khủng khiếp trở lại với nàng. Nàng có cảm giác rằng cơ thể nàng đang được những dây thần kinh kêu to lên báo động cho nàng phải mau mau chạy trốn. Kẻ giết nàng đã quay lại tìm nàng. Nàng rên rỉ: Không… và nàng mở mắt ra. Nàng đang nằm trên giường của căn nhà trọ, Larry đứng trên giường, và cạnh chàng là một người lạ hoắc, nàng chưa từng gặp bao giờ. Larry tiến lại phía nàng… - Catherine… Nàng nhăn mặt khi Larry tiến lại gần: - Đừng chạm đến người tôi! Giọng nàng khàn khàn, yếu ớt. - Kìa, Catherine… Bộ mặt Larry buồn rười rượi. - Đưa hắn đi nơi khác? - Catherine van nài. - Bà ấy vẫn còn bị chấn động mạnh! - Người lạ bảo - Có lẽ tốt nhất là ông sang đợi phòng bên kia. Larry nhìn Catherine hồi lâu, nét mặt chàng không biểu lộ tình cảm gì. - Thôi được. Tôi muốn ông dành cho nàng sự điều trị tốt nhất - Nói rồi chàng quay trở ra. Người lạ mặt tiến lại gần. Đó là một người thấp lùn, béo phị, nét mặt hiền lành, nụ cười dễ mến. Ông ta nói tiếng Anh bằng một giọng rất nặng. - Tôi là bác sĩ Kazomides. Bà vừa trải qua những giây phút rất nặng nề, bà Douglas ạ, song tôi có thể khẳng định với bà rằng bà sắp bình phục rồi. Bà chỉ bị xây xát nhẹ và sốc nghiêm trọng, song chỉ qua vài ngày nữa bà sẽ trở lại bình thường như cũ - Ông ta thở dài - Họ phải đóng cửa những cái hang chết tiệt đó lại. Đây là tai nạn thứ ba trong năm nay. Catherine lắc đầu, rồi dừng lại vì thấy đầu nàng đập mạnh, nàng đay nghiến: - Đây không phải là tai nạn. Hắn tìm cách giết tôi đấy. Ông bác sĩ nhìn nàng: - Ai tìm cách giết bà? Miệng nàng khô, lưỡi nàng cứng, lại. Nàng khó khăn lắm mới nói được. - Chồng… chồng tôi. - Không - Ông ta nói. Ông không tin lời nàng. Catherine nuốt nước bọt rồi cố gắng nói lần nữa: - Hắn… hắn bỏ tôi chết trong hang. Ông bác sĩ lắc đầu: - Đây là một tai nạn. Tôi sẽ tiêm cho bà một mũi thuốc an thần, khi nào bà tỉnh dậy, bà sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nàng bỗng thấy sợ hãi: - Không? - Nàng van nài - Ông có hiểu không? Tôi sẽ không bao giờ tỉnh lại. Ông làm ơn đưa tôi đi khỏi nơi này. Vị bác sĩ mỉm cười khích lệ. - Tôi đã nói với bà rằng bà sẽ chóng bình phục mà, bà Douglas. Bà cần phải ngủ một giấc dài thật yên tĩnh. Ông với chiếc túi thuốc màu đen và lục tìm chiếc ống tiêm. Catherine cố gượng ngồi dậy, song nỗi đau ê ẩm chạy xuyên suốt đầu nàng và lập tức người nàng vã mồ hôi như tắm. Nàng ngã vật trở lại giường, đầu nàng nhức nhối không thể nào chịu nổi. - Bà đừng cử động nữa - Bác sĩ Kazomides nhắc nàng - Bà vừa trải qua một trạng thái chấn động khủng khiếp - Ông lấy ra ống thuốc, dùng kim hút một thứ thuốc màu hổ phách và quay lại phía nàng - Mời bà quay sang đây. Khi nào bà tỉnh bà sẽ cảm thấy mình đổi khác hẳn. Catherine thì thào: - Tôi sẽ không tỉnh lại được. Hắn sẽ giết tôi trong lúc tôi đang ngủ. Nét mặt ông bác sĩ có vẻ băn khoăn. Ông bước về phía nàng. - Bà Douglas, bà quay lại phía này đi. Ông nhẹ nhàng xoay người Catherine sang một bên kéo áo ngủ của nàng lên. Nàng cảm thấy mũi tiêm đau nhói ở hông. - Xong rồi. Nàng lại nằm ngửa, nước mắt đầm đìa, nàng thì thào: - Ông đã giết tôi đấy. Bác sĩ nhẹ nhàng bảo: - Bà Douglas, bà có biết chúng tôi tìm thấy bà như thế nào không? Nàng định lắc đầu, nhưng rồi nhớ đến nỗi đau liền thôi ngay. Giọng ông ta dịu dàng tiếp: - Chồng bà đã đưa chúng tôi tới chỗ bà. Nàng trừng trừng nhìn ông, không hiểu ông đang nói cái gì. Ông bác sĩ giải thích. - Ông ấy rẽ nhầm lối, bị lạc trong hang. Khi thấy không thể tìm được bà, ông ấy đâm hoảng sợ. Ông ấy tới gặp cảnh sát và chúng tôi liền tổ chức một đội đi tìm bà. Nàng vẫn nhìn ông không hiểu: - Larry?… đi gọi ứng cứu? - Ông ấy đã ở vào một tâm trạng khủng khiếp. Ông ấy tự nhận là có lỗi vì để chuyện đó xảy ra. Nàng ngây người suy nghĩ, cố nhận định lại tình hình theo như cái tin mới được biết này. Nếu quả Larry định tìm cách giết nàng thì việc gì y lại còn tổ chức một đội đi tìm nàng, việc gì y phải hoảng loạn lo cho tính mạng của nàng? Nàng hết sức bối rối, khó hiểu. Ông bác sĩ nhìn nàng, cảm thông ông bảo: - Giờ thì bà hãy ngủ đi. Sáng mai tôi sẽ trở lại. Nàng đã tin rằng con người nàng yêu dấu lại chính là kẻ giết nàng. Nàng sẽ phải thú thật điều đó với Larry và mong nàng tha lỗi cho, song lúc này đầu nàng quá nặng, đôi mắt nhắm nghiền. Nàng nghĩ: Khi nào tỉnh, mình sẽ nói lại với chàng, chàng sẽ hiểu và tha thứ cho mình. Rồi mọi chuyện lại sẽ đâu và đấy, lại tốt đẹp như tình hình… Nàng tỉnh lại vì một tiếng gẫy "cắc" rất mạnh. Nàng vụt mở mắt, nhịp tim đập mạnh. Một dòng nước mưa xối xả chảy vào cánh cửa sổ phòng ngủ và khi ánh chớp loé lên trong một thứ ánh sáng xanh nhợt nhạt toàn bộ gian phòng trông như một tấm ảnh in quá sáng. Gió đang thổi lộng vào nhà, cố tìm cách luồn lách vào trong, mưa đập chan chát trên mái nhà và cửa sổ như hàng ngàn chiếc trống nhỏ đánh cùng một lúc. Cứ cách vài giây đồng hồ lại một đợt sấm nổ rền rền ghê rợn sau ánh chớp loé bừng. Tiếng sấm sét đã đánh thức Catherine tỉnh dây. Nàng lết dần để ngồi dậy và nhìn vào chiếc đồng hồ nhỏ đặt ở bàn đầu giường. Nàng vẫn còn phiêu diêu vì thứ thuốc mà bác sĩ đã tiêm cho nàng. Nàng phải chớp mắt mãi mới đọc hàng số trên mặt đồng hồ. Đã ba giờ sáng. Nàng chỉ có một mình trong phòng. Chắc là Larry đang ở phòng bên cạnh, thức canh và lo lắng cho nàng. Nàng cần phải gặp chàng để xin lỗi. Catherine thận trọng quờ quạng chân xuống mép giường và cố tìm cách đứng dậy. Nàng thấy chóng mặt, quay cuồng, suýt ngã và nàng phải dựa vào cột chống giường đợi cho cơn chóng mặt qua đi. Nàng bước loạng choạng ra phía cửa, các cơ bắp của nàng vẫn còn cứng đờ, chưa hoạt động trở lại, đầu nàng vẫn nhói đau ghê gớm. Nàng đứng dừng một lát, tay vịn chặt nắm cửa, sau đó nàng mở cửa bước vào phòng sinh hoạt. Larry không có ở đó. Trong bếp có ánh đèn, nàng loạng choạng đi về phía đó. Larry đang đứng trong bếp, lưng chàng xoay ra phía nàng, nàng cất tiếng gọi: - Larry! Song đúng lúc đó có tiếng sấm rất to át hẳn tiếng nàng. Nàng định gọi thêm một tiếng nữa thì thấy có hình một phụ nữ xuất hiện. Larry nói: - Em đến đây liều lĩnh quá… Gió rít gào át mất tiếng chàng. - Phải đến. Em muốn kiểm tra xem anh… - Thấy chúng ta ở cạnh nhau. Không được để ai… - Em đã bảo là em bất cần… - Việc trục trặc. Không được để chuyện gì họ có thể… - Ngay bây giờ, trong lúc mụ ta đang còn ngủ… Catherine đứng đờ người ra, không cất nhắc được chân tay. Những tiếng đó nghe như qua một cái máy hoạt nghiệm tăng tốc độ. Các phần cuối của câu nói đều bị át bởi tiếng gió gào cùng với tiếng sấm rền… - Chúng ta phải đi nhanh trước khi mụ ấy… Toàn bộ những nỗi hoảng sợ cũ lại trở lại với nàng, nàng thấy rùng mình, mỗi nỗi lo âu khó xác định ám ảnh nàng rằng cơn ác mộng đó là có thực. Hắn đã tìm cách giết nàng. Nàng phải chạy xa khỏi nơi đây trước khi hai đứa tìm thấy nàng, trước khi chúng giết hại nàng. Thân hình nàng vẫn còn run bần bật, nàng từ từ lùi lại. Nàng đụng phải một cây đèn, cây đèn suýt đổ song nàng kịp thời chộp được, không để nó rơi xuống đất. Tiếng trống ngực nàng đập thình thịch đến nỗi nàng sợ bọn họ nghe rõ tiếng đó còn hơn cả tiếng sấm sét, mưa rơi. Nàng tiến ra cửa trước, mở toang cửa. Gió suýt nữa thì giật cái cửa ra khỏi tay nàng. Catherine bước ra ngoài trời đêm và nhanh chóng khép cửa lại phía sau nàng. Lập tức nàng bị nước mưa lạnh thấm ướt đẫm, và lần đầu tiên nàng nhận ra rằng nàng chỉ mặc mỗi một chiếc áo ngủ mỏng manh. Không hề gì. Vấn đề là phải làm sao mau mau trốn thoát. Qua làn mưa như trút, nàng trông thấy ánh đèn ở sảnh khách sạn phía xa xa. Nàng có thể tới đó cầu cứu. Song liệu người ta có tin nàng không? Nàng nhớ lại nét mặt của ông bác sĩ lúc nàng nói với ông rằng Larry đang cố tìm cách giết nàng. Không, người ta sẽ cho nàng là tâm thần, người ta sẽ đưa nàng trả lại cho Larry. Nàng phải mau mau thoát khỏi chỗ này. Nàng đi ra phía con đường đá dốc dẫn xuống thị trấn. Cơn mưa gió đã khiến con đường trở thành lầy lội trơn như mỡ và cứa vào bàn chân trần của nàng làm cho nàng không thể đi nhanh được. Nàng có cảm giác như nàng đang chạy trong một cơn ác mộng, cố trốn thoát mà không nổi, vì nàng chạy quá chậm mà bọn người kia đang đuổi ngay sát sau lưng rồi. Nàng cứ trượt ngã rồi đứng dậy, rồi lại trượt ngã, hai chân nàng máu chảy đầm đìa vì bị những hòn đá sắc cứa vào, song nàng cũng không hề hay biết chuyện đó. Nàng đang trong một trạng thái chấn động, đang chạy như một cái máy tự động, khi có cơn gió mạnh hất nàng ngã, nàng lại đứng dậy và tiếp tục chạy xuống thị trấn, mà không hiểu là nàng đang đi đâu. Thậm chí nàng cũng không biết là trời đang mưa gió. Con đường đột nhiên mở ra một phố tối, vắng vẻ ở phía rìa thị trấn. Nàng vẫn chạy líu ríu như một con vật bị săn đuổi, hoảng hốt trước những âm thanh ghê rợn như xé toang màn đêm và trước những ánh chớp chói ioà biến bầu trời thành địa ngục. Nàng ra tới hồ, đứng dừng lại, trân trân nhìn ra hồ. Gió thổi làm cho chiếc áo ngủ mỏng dính chặt quanh người nàng. Mặt nước phẳng lặng trước đây bây giờ đã trở thành một đại dương sôi sục trước những cơn gió cuồng nộ, tạo nên những đợt sóng lớn, hết đợt nọ chồm lên đợt kia. Catherine đứng sững ở đó, cố nhớ xem nàng đang làm gì Rồi bất ngờ nàng chợt nghĩ ra là nàng sẽ tìm gặp Bill Fraser. Ông đang đợi nàng ở toà nhà đẹp đẽ của ông, rồi hai người có thể thành hôn. Qua màn mưa như trút nước Catherine nhìn thấy một ánh đèn vàng, Bill đang chờ đón nàng ở đó. Nhưng làm thế nào mà nàng tới được chỗ ông? Nàng nhìn xuống dưới thấp và nhìn thấy chiếc thuyền đang buộc vào chỗ neo, dập dềnh xoay tròn trên sóng nước, chỉ chực đứt tung dây buộc. Nàng nhận ra việc nàng cần phải làm lúc này. Nàng lần mò, rồi nhảy lên một cái thuyền. Lập tức chiếc thuyền bật tung khỏi bến, thoát khỏi ra ngoài, tự do. Catherine ngã khuỵu. Nàng cố ngồi vào chỗ và cầm lấy mái chèo, rồi cố nhớ xem Larry đã sử dụng như thế nào. Song không phải Larry, mà là Bill. Phải rồi nàng nhớ là Bill đã chèo thuyền với nàng. Họ sẽ đến gặp bố mẹ của Bill. Bây giờ nàng cố sử dụng mái chèo, song những làn sóng lớn chồm lên thuyền hết bên này qua bên kia và đảo chiếc thuyền xoay tròn, hai mái chèo bị tuột khỏi tay nàng, rồi chìm nghỉm xuống nước. Nàng ngồi ngây ra, nhìn hai mí chèo biến nất dưới làn nước. Con thuyền lao nhanh ra giữa hồ. Catherine bị lạnh, run bắn người không còn kiềm chế nổi, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Nàng thấy có cái gì quẩn dưới chân nàng và khi nhìn xuống, nàng phát hiện ra nước đã vào đầy thuyền. Nàng bật khóc nức nở vì chiếc áo cưới của nàng sắp ướt. Nàng vận chiếc áo cưới bởi nàng và Bill sắp đến nhà thờ. Ông mục sư sẽ nhìn thẳng vào bố của Bill và hỏi Có ai phản đối cuộc hôn nhân này thìphát biểu nếu không… Lúc đó có một giọng đàn bà bảo:… bây giờ, trong lúc mụ ta đang còn ngủ… Rồi những ánh đèn vụt tắt, Catherine trở lại với cái hang đó. Larry đang đẩy nàng xuống, còn người đàn bà kia tạt nước vào nàng, cố nhấn chìm nàng. Nàng nhìn quanh để tìm ánh đèn vàng trong ngôi nhà của Bill, nhưng ánh đèn đã tắt. Chàng cũng không muốn cưới nàng làm vợ nữa, và nàng chơ vơ chẳng còn ai nương tựa. Lúc này bờ hồ đã ở cách rất xa, phía bên kia màn mưa trút xối xả. Catherine đang một thân một mình giữa mưa bão, bên tai chỉ còn tiếng gió gào rền rĩ của trận cuồng phong melteni. Con thuyền lại dập dềnh đe doạ mỗi khi những đợt sóng lớn đập mạnh tới. Nhưng Catherine không còn biết sợ là gì. Cơ thể nàng từ từ tràn ngập một sự ấm áp êm dịu, nước mưa đưa lại cho nàng một cảm giác êm như nhung trên da thịt nàng. Nàng chắp hai tay trước ngực như một đứa bé, bắt đầu những lời yêu cầu nguyện mà nàng đã học từ hồi còn nhỏ. - Bây giờ con sẽ nằm xuống ngủ… Con cầu chúa lòng lành hãy giữ cho tâm hồn con… Nếu như con có phải chết trong giấc ngủ… Con cầu chúa hãy thu giữ tâm hồn con… Nàng bỗng thấy rưng rưng một niềm hạnh phúc tuyệt vời bởi vì nàng biết rằng cuối cùng mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Nàng đang trên đường trở về nhà. Đúng lúc đó một làn sóng lớn giật gãy bánh lái thuyền, thuyền từ từ lật úp xuống mặt nước đen ngòm của cái hồ gần như không đáy. Chương 24 Năm tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu vụ án hình sự xử Noelle Page và Larry Douglas, gian phòng số 33 tại toà án, Arsakien ở Athens đã chật ních người đến dự. Toà án đặt trong một ngôi nhà to bằng đá xám, choán cả một khối vuông trên phố Trường Đại học Tổng hợp và Standa. Trong số ba chục phòng xử án ở toà nhà này chỉ có ba phòng được giành để xử các vụ án hình sự: đó là các phòng số 21, 30 và 33. Người ta chọn số 33 cho vụ án này vì đây là con số lớn nhất. Các hành lang bên ngoài phòng số 33 đã chật đầy người, cảnh sát vận sắc phục xám, sơ mi xám được bố trí ở hai cửa vào để kiểm soát đám người tới xem. Ngay trong năm phút đầu, quán bán bánh mì kẹp nhân ở ngoài hành lang đã bán sạch hàng, và trước phòng gọi điện thoại một hàng người dài đang đợi đến lượt được nói. Cảnh sát trưởng Georgios Skouri đang đích thân đi kiểm tra hai lực lượng bố trí bảo vệ an ninh. Chỗ nào cũng thấy nhan nhản phóng viên. Skouri cố làm sao cho hình ảnh ông luôn luôn được chụp ở vị trí thấy rõ nhất. Phải có diễm phúc lớn lắm mới lấy được giấy mời vào trong phòng xử án. Nhiều tuần lễ trước đây các thành viên của hội đồng thẩm phán Hy Lạp đã luôn bị bà con, bạn bè bao vây để hỏi xin giấy mời. Những người trong ban tổ chức có khả năng kiếm được giấy mời đã trao đổi những hình thức ân huệ khác hoặc bán lại chúng cho bọn bán vé chợ đen, bọn này lại nâng giá giấy mời lên đến năm trăm drachma một tấm giấy. Khung cảnh diễn ra vụ án hình sự này trên thực tế không có gì đặc biệt. Phòng xử án số 33 nằm trên tầng hai là một gian phòng cũ kỹ mốc meo, thế mà đã diễn ra hàng ngàn vụ xử qua ngần ấy năm trời. Gian phòng rộng khoảng mười hai mét, dài chín chục mét. Ghế ngồi chia thành ba dãy, cách nhau một mét tám, một dãy có chín ghế dài bằng gỗ. Phía trước phòng xử án, đằng sau một vách ngăn bằng gỗ đào hoa tâm đánh bóng lộn, cao một mét tám là một cái bệ tôn cao với những chiếc ghế bọc da có chỗ tựa rất cao dành cho ba vị quan toà chủ toạ. Ghế ở giữa là dành cho vị chánh án Toà án, trên cao có treo một tấm gương hình vuông, cáu bẩn, phản chiếu một phần phòng xử án. Phía trước cái bệ là chỗ đứng của nhân chứng. Đó là một cái thềm nhỏ nhô cao, trên đó có gắn một cái đỡ tài liệu và một cái khay gỗ để đựng giấy tờ, tài liệu. Trên chiếc giá đỡ có dạng một chiếc lá mạ vàng là một chiếc giá thấp, hình Chúa Jesus trên cây thập giá với hai môn đồ đứng bên Người. Sát với bức tường phía xa là một khu của bồi thẩm đoàn, lúc này đã có mười vị ngồi ở đó. Còn phía góc bên trái là chỗ ngồi của bị cáo. Trước mặt chỗ ngồi của bị cáo là bàn của luật sư. Bốn bức tường của gian phòng này được tô quét bằng hồ atucco, sàn nhà được trải bằng vải sơn khác hẳn so với những sàn bằng gỗ đã mòn vẹt trong các phòng xử án dưới tầng một từ trên trần nhà rũ xuống đó hàng tá bóng đèn điện tròn chụp đèn bằng những bầu thủy tinh, ở một góc xa của gian phòng có ống dẫn khí của chiếc lò sưởi kiểu cổ dẫn lên tận trần nhà. Một khu vực gian phòng được dành riêng cho giới báo chí và đại diện các hãng thông tấn như Reuters, United Press, Internetinal New Sewice, Tân Hoa Xã, Agence France Press, TASS vân vân. Nội vụ của vụ án hình sự này vốn đã rất hấp dẫn rồi, song các nhân vật có mặt tại đây nổi tiếng đến nỗi cử toạ đang bị phấn khích, không biết phóng mắt nhìn chỗ nào trước nhất. Thật chẳng khác gì một rạp xiếc có ba vòng tròn. Ở hàng ghế đầu tiên có Philippe Sorel, diễn viên minh tinh, mà theo người ta đồn đại là cố nhân của Noelle Page. Sorel đã đập vỡ một chiếc máy ảnh trên đường đi vào phòng xử án và kiên quyết từ chối không nói gì với giới báo chí. Lúc này ông đã ngồi vào chỗ, im lặng thu mình lại xung quanh là bức tường chắn vô hình. Đằng sau Sorel, cách đó một hàng là Armand Gautier. Nhà đạo diễn cao lớn, trầm mặc liên tục đưa mắt đảo khắp phòng xử án, dường như ông đang ghi nhớ lại trong óc các hình ảnh để làm bộ phim sắp tới. Gần Gautier là bác sĩ Israel Katz, nhà phẫu thuật nổi tiếng Pháp, anh hùng của Phong trào kháng chiến ở Pháp, cách chỗ ông hai ghế là William Fraser, trợ lý đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ. Cạnh Fraser còn một chỗ trống nữa, và theo lời đồn lan nhanh khắp phòng thì Constantin Demiris sẽ có mặt tại đó. Cử toạ quay về phía nào cũng bắt gặp một bộ mặt quen thuộc: Không là chính khách cũng là một ca sĩ hoặc một nhà điêu khắc trứ danh, hoặc một tác gia nổi tiếng khắp thế giới. Mặc dù cử toạ trong khu vực xử án gồm rất nhiều nhân vật tai to mặt lớn như vậy nhưng sự tập trung chú ý vẫn hướng vào vòng giữa. Ngồi ở một đầu của một khu vực bị cáo là Noelle Page, đẹp lỗng lậy với nước da mật ong hơi xanh một chút so với thường ngày, nàng ăn vận như lúc nàng bước ra khỏi nhà bà Chanil ngày nào. Vẻ đẹp rực rỡ, cộng với phong thái đài các ở nàng càng đẩy tấn bi kịch sắp xảy ra với nàng lên đến cao trào căng thẳng. Nó càng khiến cử toạ phấn khích, làm cho họ thêm cuồng nhiệt. Như một bài đăng tải trên một tờ tuần báo của Mỹ viết: Tình cảm của đám người đến chứng kiến vụ xử Noelle Page đối với nàng là một thứ tình cảm mạnh, gần như trở thành một lực lượng vật chất tồn tại ở phòng xử án. Nó không hẳn ra là một thứ tình cảm đồng tình hoặc thù địch, mà nó chỉ là một tình cảm náo nức chờ đợi. Người đàn bà sắp bị Nhà nước đem ra xử vì tội giết người vốn là một phụ nữ siêu đẳng, một nữ thần đứng trên bệ bằng vàng cao hơn hẳn họ, và họ tới đây là để được ngắm thần tượng của họ bị quật đổ xuống mức như họ và sẽ bị tiêu diệt. Thứ tình cảm trong toà án hôm nay chắc cũng giống như tình cảm đã ấp ủ trong lòng những người nông dân khi họ ngắm nhìn Marie Antoinette ngồi trên xe hai bánh đi tới chỗ hành quyết. Người ta chỉ lưu tâm đến Noelle Page. Ở một đầu bên kia của khu vực bị cáo là Larry Douglas với tâm trạng bực dọc không nguôi. Bộ mặt đẹp trai của chàng trở nên xanh xao, chàng đã sút cân nhiều, song tất cả những điều này chỉ càng làm tăng thêm những nét như tạc trên khuôn mặt chàng mà nhiều phụ nữ có mặt trong phòng xử án thầm mong được ôm chàng trong cánh tay mà an ủi chàng bằng cách này hoặc cách khác. Từ lúc Larry bị bắt, chàng nhận được hàng trăm lá thư của những phụ nữ trên khắp thế giới, hàng chục gói quà và cả những lời ngỏ ý xin lấy chàng. Nhân vật nổi tiếng thứ ba trên sân khấu là Napoleon Chotas, một người cũng đang nổi tiếng khắp Hy Lạp như Noelle Page. Napoleon Chotas được thừa nhận là một trong những luật sư xuất sắc nhất trên thế giới biện hộ các vụ án hình sự. Ông nhận cãi cho các khách hàng từ cỡ nhân vật đứng đầu chính quyền bị phát hiện là nhúng vào những vụ biển thủ công quỹ cho đến những kẻ sát nhân bị cảnh sát bắt quả tang lúc đang hành sự. Và ông chưa bị thua trong một vụ án lớn nào. Chotas vóc người ốm o, đang ngồi trong phòng xử án quan sát chủ toạ bằng đôi mắt to, buồn bã, đỏ ngầu trên một bộ mặt tàn tạ. Khi Chotas xưng danh với đoàn hội thẩm, giọng nói ông chậm chạp, ngập ngừng như khó khăn lắm mới nói được lên lời. Đôi lúc ông rơi vào tình trạng lúng túng khiến cho một viên hội thẩm phải nhắc cho những từ mà Chotas đang vấp váp muốn tìm và mỗi khi sự việc như vậy xảy ra, nét mặt ông trạng sư lộ vẻ thoải mái hàm ý biết ơn khiến cho cả hội đồng bồi thẩm phải tỏ cảm tình với người đàn ông này. Ở bên ngoài phòng xử án, Chotas là một diễn giả ăn nói dõng dạc, thông tuệ, nắm vững ngôn ngữ, ngữ pháp. Ông nói làu làu bảy thứ tiếng khác nhau và mặc dù ông đã bận kín công việc, ông vẫn đi giảng cho các luật sư khác trên khắp thế giới. Ngồi cách ghế của ông ông Chotas vài thước là Ferderick Stawros, luật sư biện hộ cho Larry Douglas. Các chuyên gia nhất trí cho rằng mặc dù Stawros có thể tỏ rõ năng lực trong những vụ án thông thường khác, nhưng trong vụ án này, khó có hy vọng anh làm được nên trò trống gì ghê gớm. Noelle Page và Larry Douglas đã được các báo chí đưa ra mổ xẻ và trong đầu óc của mọi người ai cũng đều cho rằng họ có tội. Không ai còn nghi ngờ về tội trạng của họ. Các tay cờ bạc chuyên nghiệp đánh cá một ăn ba mươi rằng các bị cáo sẽ bị xử phạt nặng. Vì vậy, vụ án này càng thêm hồi hộp chờ đợi xem nhà luật sư biện hộ tầm cỡ xuất sắc nhất châu u sẽ giở ma thuật gì để xoay chuyển lại tình hình thế ghế gớm này. Khi người ta tuyên bố rằng Chotas sẽ cãi cho Noelle Page - Người đàn bà đã phản bội Constantin Demiris và đưa ông ta ra làm trò cười trước thiên hạ - Cái tin này đã gây ra một phản ứng giận dữ. Chotas có thế lực, song Constantin Demiris còn có thế lực gấp trăm lần và không ai có thể tưởng tượng nổi điều gì đã khiến Chotas đi ngược lại với Constantin Demiris như vậy. Sự thật thậm chí còn lý thú hơn những lời đồn kỳ quặc đang lưu truyền khắp nơi. Ông luật sự nhận bào chữa cho Noelle Page là theo lời thỉnh cầu cá nhân của Constantin Demiris. Ba tháng trước khi phiên toà dự định khai mạc đích thân viên cai ngục đã tới xà lim giam Noelle ở khám đường Thánh Nikodemous để báo cho nàng biết rằng ông Constantin Demiris xin phép được vào thăm nàng. Noelle vẫn tự hỏi không biết đến lúc nào nàng mới được tin của Demiris. Từ khi nàng bị bắt, không thấy có tin gì của ông, chỉ có một sự im lặng sâu sắc đáng sợ. Noelle sống với Demiris và đã đủ hiểu tính tự ái của ông sâu sắc đến thế nào và cũng hiểu rằng dù chỉ một sự khinh khi nhỏ nhặt nhất đối với ông cũng sẽ bị ông trả thù ghê gớm đến mức nào. Noelle Page đã lăng nhục ông hơn bất kỳ ai trước đây từng lăng nhục, và ông có đủ thế lực mạnh mẽ để thực hiện một sự trừng phạt khủng khiếp. Vấn đề chỉ là: ông sẽ hành động như thế nào? Noelle Page tin rằng Demiris sẽ coi thường mọi ngón đơn giản như mua chuộc đoàn hội thẩm hoặc quan toà. Ông sẽ chỉ bằng lòng với một mưu mô hết sức quỷ quyệt phức tạp nhằm trả thù nàng thật đích đáng và Noelle Page đã nhiều đêm nằm thao thức trên chiếc giường trong cố đọc những suy nghĩ diễn ra trong óc Demiris. Nàng loại bỏ hết phương án nọ đến phương án kia mà ông có thể thực hiện, cố tìm một phương án hoàn hảo nhất. Thật chẳng khác gì một cuộc đấu cờ trí tuệ với Demiris, duy chỉ có điều là nàng và Larry đang là những con tốt đen trong tay ông và sự thắng thua ở đây là cái sống và cái chết. Có lẽ Demiris muốn tự tiêu diệt cả nàng và Larry vậy rất có thể là ông sẽ bày mưu lập kế để tiêu diệt một trong hai người thôi và để cho người kia sống trong đau đớn giày vò. Nếu Demiris thu xếp để cho cả hai người bị hành quyết, ông sẽ trả được hận, song như vậy sự diễn ra mau lẹ quá, sẽ không để lại dư vị gì cho ông được nhấm nháp. Noelle đã cân nhắc rất kỹ mọi khả năng, mọi đường đi nước bước của cuộc đời, và nàng cảm thấy Constantin Demiris có thể bố trí để giết Larry và giữ nàng sống, hoặc sẽ sống trong ngục tù hoặc sống dưới sự kiểm soát của ông ta, bởi đó là cách tốt nhất để kéo dài sự trả hận của ông đến vô cùng. Trước hết Noelle Page sẽ đau khổ vì mất người đàn ông mà nàng yêu thương, sau đó nàng sẽ phải chịu đựng mọi sự hành hạ tra tấn tinh vi mà Demiris sẽ bày đặt ra cho nàng trong tương lai. Một phần của niềm khoái lạc mà Demiris lấy được ở sự trả thù này sẽ được thể hiện trong những điều thông báo trước với Noelle Page, vì vậy nàng có thể cảm thấy đầy đủ nỗi tuyệt vọng. Vì vậy Noelle Page không hề ngạc nhiên chút nào khi viên cai ngục xuất hiện tại xà lim của nàng, thông báo cho nàng biết Constantin Demiris muốn vào thăm nàng. Noelle Page là người đến trước. Nàng được đưa vào văn phòng riêng của viên cai ngục rồi người ta ý tứ để nàng lại một mình với chiếc valy đựng đồ trang điểm mà người hầu gái đã mang đến cho nàng để nàng có dịp trang điểm lại trước khi gặp mặt Demiris. Noelle Page không thèm ngó ngàng gì tới đống son phấn, bàn chải và lược nằm ở trên chiếc bàn, nàng đi về phía cửa sổ và nhìn ra phía ngoài. Sau ba tháng trời đây là lần đầu tiên nàng được nhìn thấy cảnh thế giới bên ngoài, nó khác với lúc nàng liếc nhanh ra xung quanh khi nàng được đưa từ Khám phố Thánh Nikodemous tới toà án Arsakion, hôm người ta lấy khẩu cung nàng. Hôm đó nàng được đưa tới toà án trên một chiếc xe tù có chấn song và được áp tải vào nhà hầm ở đó có một thang máy như một chiếc chuồng hẹp đưa nàng và những người gác ngục lên hành lang tầng thứ hai. Cuộc thẩm vấn được tổ chức tại đó, nàng bị tạm giam chờ ngày xét xử và được trả về ngục cũ. Bây giờ Noelle Page đang nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm xem xe cộ đi lại ở phía dưới phố Trường Đại học Tổng hợp. Đàn ông, đàn bà và trẻ con đang khẩn trương trở về nhà để sum họp gia đình. Lần đầu tiên trong đời Noelle Page cảm thấy hoảng sợ. Nàng không hề có ảo tưởng là sẽ có cơ hội được tha bổng. Nàng đã đọc các tờ báo và biết rằng đây không phải chỉ đơn thuần là một vụ xét xử. Mà nó sẽ là một cuộc tắm máu trong đó nàng và Larry sẽ được dùng làm hai nạn nhân để thoả mãn cho lương tâm của một xã hội đang bị lăng mạ. Những người Hy Lạp căm ghét nàng đã nhạo báng tính chất thiêng liêng của hôn nhân. Họ ghen với nàng vì nàng trẻ đẹp, lại giàu sang và khinh miệt nàng vì họ cảm thấy nàng tỏ ra dửng dưng trước những tình cảm của họ. Trước đây Noelle Page không thèm đếm xỉa gì đến sự sống, buông thả cho thời gian trôi qua, song bây giờ ở nàng đã có điều gì thay đổi rồi. Cái chết sắp đến gần khiến cho Noelle Page lần đầu tiên nhận thức ra rằng nàng muốn sống biết chừng nào. Ở nàng có một niềm sợ hãi rất giống như căn bệnh ung thư phát triển dần dần, và nếu có thể, nàng sẵn sàng mặc cả để có được sự sống của nàng, cho dù nàng hiểu rằng Demiris sẽ tìm trăm phương ngàn kế để biến sự sống của nàng thành một địa ngục trên trần gian. Khi tình thế đã xảy ra như vậy, nàng phải chấp thuận, để đợi có thời cơ tìm cách nào đó hạ ông ta. Trước mắt nàng cần sự giúp đỡ của ông ta để làm sao sống được. Nàng vẫn còn có một thuận lợi. Trước đây nàng thường xem nhẹ ý nghĩ về cái chết, vì vậy Catherine không rõ sự sống đối với nàng có ý nghĩa đến mức độ nào. Nếu mà biết được, chắc chắn ông sẽ để mặc cho nàng chết. Noelle Page lại băn khoăn tự hỏi không rõ trong mấy tháng qua ông đã đan dệt tấm lưới để nàng sa vào như thế nào. Nàng đang suy nghĩ thì nghe tiếng cửa phòng xịch mở, quay người lại, nàng đã thấy Constantin Demiris đang đứng ở cạnh. Sau khi hơi sững sờ giây lát, Noelle nhận thấy nàng không còn gì nữa để mà sợ! Sau mấy tháng trời từ lần cuối cùng Noelle gặp ông, Constantin Demirs trông già đi đến mười tuổi. Mặt ông hốc hác gầy guộc, quần áo như lỏng ra trên người ông. Song đôi mắt ông vẫn khiến nàng phải chú ý nhiều. Đó là đôi mắt của một kẻ đã trải qua những ngày như sống trong địa ngục. Cái nghị lực mạnh mẽ vống là bản chất trong con người Constantin Demiris, sự năng động đầy nhựa sống vượt lên trên hết thảy ở ông bây giờ biến sạch hết rồi. Như một ngọn đèn đã tắt, tất cả chỉ còn lại một thứ ánh sáng nhợt nhạt rơi rớt của vầng hào quang một thời rực rỡ đã tàn. Ông đứng trân trân nhìn nàng, đôi mắt đầy vẻ đau đớn. Trong chớp mắt Noelle tự hỏi không biết đây có phải là một trò xảo thuật, một bộ phần trong cái mưu ma chước quỷ đó không, song không có một con người bằng xương bằng thịt nào có thể vào được vai này đâu. Chính Noelle phải phá vỡ sự im lặng kéo dài, nàng bảo: - Xin lỗi anh Costa. Demiris từ từ gật đầu, xem chừng cái động tác đó khiến ông phải cố gắng lắm mới làm nổi. - Anh muốn giết chết em - Giọng ông uể oải, thứ giọng của một ông già - Anh đã vạch sẵn một kế hoạch rồi. - Sao anh không thực hiện đi? Ông khe khẽ đáp: - Bởi vì em đã giết anh trước. Trước đây anh chưa hề gắn bó với một ai cả. Có lẽ trước đây anh cũng chưa từng biết đến đau khổ là gì. - Costa… - Đừng. Để cho anh nói hết đã. Anh không thuộc loại người biết tha thứ. Giả dụ anh có thể sống thiếu em được, anh sẽ sẵn sàng. Đằng này anh không chịu nổi. Anh không thể chịu được nữa. Noelle Page, anh muốn em quay lại với anh. Nàng định không bộc lộ tình cảm sâu kín của mình: - Thực ra điều đó không còn tùy thuộc ở em nữa phải không? - Giả sử anh có thể cứu em được, em có trở về với anh? Ở lại với anh không? Ở lại với ông ta. Hàng ngàn hình ảnh đang loang loáng hiện ra trong óc Noelle. Nàng sẽ không bao giờ còn được gặp Larry, không bao giờ được chạm đến người chàng, ôm ấp chàng. Noelle không còn cách chọn lựa nào khác, song dù nàng có phải lựa chọn thì sự sống vẫn ngọt ngào hấp dẫn hơn. Và chừng nào nàng còn sống thì luôn luôn vẫn còn có một cơ hội. Nàng ngẩng lên nhìn Demiris. - Vâng, anh Costa ạ. Demiris vẫn trân trân nhìn nàng, nét mặt ông đầy xúc động. Khi ông nói, giọng khàn khàn: - Cảm ơn em. Chúng ta hãy quên đi quá khứ. Nó sẽ đi qua và không có gì thay đổi được tương lai. - Giọng ông tươi tỉnh hẳn lên - Tương lai mới là cái anh quan tâm nhiều hơn. Anh đang thu xếp luật sư bào chữa cho em. - Ai vậy? - Napoléon Chotas! Và chính lúc đó Noelle mới thực sự hiểu rằng nàng đã thắng trong ván cờ này. Lúc này Napoleon Chotas đang ngồi bên chiếc bàn dài bằng gỗ dành cho luật sư, ông nghĩ về cuộc chiến đấu sắp diễn ra. Chotas rất muốn vụ xét xử này được tiến hành tại Ioannina chứ không phải tại Athens, song điều đó không thể được, bởi vì theo luật lệ của Hy Lạp việc xét xử không thể tiến hành tại địa phương nơi đã xảy ra tội ác. Chotas không một chút mảy may nghi ngờ về tội lỗi của Noelle Page, song đối với ông điều đó không có gì là quan trọng, bởi vì giống như mọi luật sư bào chữa hình sự, ông cảm thấy việc một khách hàng là có tội hay vô tội, không quan trọng. Mọi người phải được xét xử một cách công bằng. Tuy nhiên, vụ xét xử được tiến hành có điều gì đó khác thường. Lần đầu tiên trong cuộc đời nghề nghiệp, Napoléon Chotas tự cho phép mình có cảm tình với một khách hàng: Ông đã phải lòng Noelle Page. Theo yêu cầu của Constantin Demiris, ông đã tới gặp nàng và mặc dầu Chotas đã quá quen thuộc với hình ảnh Noelle Page xuất hiện trước công chúng, ông vẫn hoàn toàn bị bất ngờ trước thực tế. Nàng đón tiếp ông như thể ông là một vị khách tới ghé thăm chỗ nàng. Nàng không hề lộ vẻ bối rối hoặc sợ hãi gì. Lúc đầu Chotas cho rằng sở dĩ nàng phản ứng như vậy là vì nàng không hiểu hết tình trạng tuyệt vọng của nàng lúc này. Song ngay cả trong những tình hình ngược lại nàng cũng vẫn biểu hiện như vậy. Noelle Page là người hết sức thông minh và hấp dẫn, ông chưa từng gặp bao giờ, và chắc chắn là người phụ nữ rất đẹp. Chotas là người rất sành đàn bà, mặc dù vẻ bề ngoài của ông không thể hiện như vậy, và ông nhận ngay ra những phẩm chất đặc biệt mà Noelle Page có được. Chỉ riêng việc Chotas được ngồi trò chuyện với nàng đã khiến ông vui sướng lắm rồi. Họ thảo luận chuyện pháp luật, nghệ thuật, tội ác và cả lịch sử nữa, và ở lĩnh vực nào nàng cũng khiến ông kinh ngạc. Ông hoàn toàn hiểu giá trị của quan hệ giữa Noelle Page với một con người cỡ Constantin Demiris, song việc nàng dan díu với Larry Douglas thì ông không thể hiểu nổi. Ông cảm thấy nàng trên tài rất nhiều so với Douglas, tuy nhiên Chotas cho rằng có những cơ chế rất khó giải thích khiến cho người ta yêu đương kẻ rất khác mình. Chẳng hạn những nhà bác học rất thông thái lại lấy những cô nàng tóc vàng đầu rỗng tuếch, các nhà văn vĩ đại lấy các cô đào ngu ngốc, các chính trị gia thông minh lấy bọn đĩ điếm. Chotas nhớ lại cuộc gặp gỡ với Demiris. Đã nhiều năm họ quen biết nhau trên phương diện xã giao, song công ty luật của Chotas chưa từng làm dịch vụ nào cho ông ta. Demiris mời Chotas tới nhà riêng ở Varkiza. Demiris đi thẳng ngay vào chuyện không hề có lời mào đầu. - Có lẽ ông cũng rõ, tôi rất quan tâm đến phiên toà này. Tiểu thư Page là người phụ nữ duy nhất mà tôi thực sự yêu trong đời tôi. Hai người đã bỏ ra sáu tiếng đồng hồ để thảo luận kỹ từng chi tiết của vụ án, từng khả năng có thể xảy ra. Họ đã đi đến kết luận là sẽ phải cãi cho Noelle là không có tội. Khi Chotas đứng dậy ra về, họ đã ngã ngũ mặc cả xong xuôi. Để nhận cãi hộ cho Noelle, Napoleon Chotas sẽ được khoản thù lao lớn gấp đôi các vụ cãi bình thường khác, và công ty của ông sẽ trở thành một cố vấn luật pháp chính cho các hoạt động sau này của Constantin Demiris mà món nợ là đem lại sẽ là nhiều triệu đô-la. Demiris kết thúc một cách gay gắt: - Tôi không cần biết ông sẽ làm thế nào. Ông phải bảo đảm sẽ không xảy ra chuyện gì trục trặc. Chotas đã chấp nhận cuộc mặc cả. Sau đó, thật là trớ trêu, ông lại phải lòng Noelle Page. Chotas đến nay vẫn là một người đàn ông chưa vợ, mặc dù ông ta có hàng xâu nhân tình, và bây giờ ông đã tìm được người đàn bà mà ông muốn lấy làm vợ, cô ta đang ngồi ở ghế bị cáo, xinh đẹp và trinh trắng. Nàng vận một chiếc áo len đen giản dị, bên trong là một chiếc áo cánh nữ trắng, cao cổ, trông nàng như một Công chúa trong chuyện cổ tích vậy. Noelle quay lại, bắt gặp Chotas đang chăm chăm nhìn nàng, nàng mỉm cười đôn hậu. Ông cũng mỉm cười đáp lại, sau đó đầu óc ông lại quay về với nhiệm vụ khó khăn đang đặt ra trước mắt ông. Viên mõ toà nhắc cử toạ giữ trật tự. Cử toạ đứng cả dậy khi hai vị quan toà ăn vận trang phục toà án bước vào, ngồi xuống chỗ của họ. Vị quan toà thứ ba là ông chánh án vào chỗ ngồi chính giữa. Ông ta lớn tiếng nói: - Isynethriassis architai. Phiên toà bắt đầu. Peter Demonides, Công tố viên đặc biệt của Nhà nước, run run đứng dậy phát biểu lời khai mạc với đoàn hội thẩm. Demonides là một công tố viên lão luyện có năng lực, song trước đây cũng đã nhiều lần ông đứng ra đối lập với Napoleon Chotas và hầu như lần nào cũng giống như lần nào. Lão già khốn khiếp kia không bao giờ có thể đánh gục được. Hầu như tất cả các luật sư của toà án đều giở giọng đe nẹt những nhân chứng đối lập, thế nhưng Chotas lại mềm mỏng với họ. Ông tạo cho họ hy vọng, ông quý mến họ và trước khi ông đạt tới thành công, thì họ đã tự mâu thuẫn với họ ngay tại chỗ và cố tìm cách cộng tác với ông. Ông có biệt tài là biến những chứng cớ hùng hồn trở thành sự suy diễn và sự suy diễn trở thành sự tưởng tượng. Chotas có một kiến thực luật học hết sức thông thái mà Demonides chưa từng thấy ở ai khác, song đó không phải là thế mạnh ở ông. Thế mạnh ở ông là sự hiểu biết về con người. Có lần một phóng viên đã hỏi Chotas làm sao ông có thể hiểu cặn kẽ về bản chất con người vậy. Chotas trả lời: - Tôi có biết cóc khô gì về bản chất con người đâu, tôi chỉ biết về con người mà thôi. Và lời nói này của ông thường được người ta luôn nhắc tới. Bên cạnh những sự kiện như vậy, vụ xử án này mang tính cá biệt mà Chotas sẽ ứng xử trước hội đồng thẩm phán, trong đó có cả sự quyến rũ, tình cảm say đắm và việc giết người. Demonides biết chắc một điều rằng Napoleon Chotas bằng mọi giá sẽ quyết giành phần thắng trong vụ án này. Và Demonides cũng không chịu thua. Ông biết rõ ông đang có những chứng cớ hùng hồn chống lại các bị cáo, và trong lúc Chotas có thể lung lạc đoàn hội thẩm đến mức họ coi nhẹ chứng cớ, ông ta vẫn không thể lay động được ba vị quan toà ngồi trên chiếc ghế này. Cho nên một tinh thần quyết tâm cộng với việc nắm vững tình hình như vậy, viên Công tố đặc biệt của Nhà nước đã bắt đầu diễn bài văn khai mạc. Bằng những nét lớn, khéo léo, Demonides vạch ra việc Nhà nước khởi tố hai bị can. Chiếu theo luật pháp, người cầm đầu đoàn hội thẩm phải là một chưởng lý, vì vậy Demomdes đã trao quyền tài phán của ông cho người đó và trao những quyền chung khác của ông cho những người còn lại trong đoàn hội thẩm. Demonides nói: - Trước khi vụ án này kết thúc Nhà nước sẽ chứng minh rằng hai người này đã đồng mưu giết hại một cách man rợ bà Catherine Douglas bởi lý do bà đã cản trở những âm mưu của họ. Bà ta có một tội duy nhất là đã yêu thương chồng mình, và vì lý do này bà đã bị người ta giết hại. Hai bị cáo đã được đặt vào tình thế phạm tội giết người. Họ là những kẻ duy nhất có động cơ và có cơ hội tiến hành. Chúng tôi sẽ chứng minh rõ ràng rằng… Demonides nói ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, sau đó đến luật sư biện hộ phát biểu. Công chứng trong phòng xử án quay nhìn Napoleon Chotas khi ông vụng về sắp xếp lại đống giấy tờ chuẩn bị bài diễn văn khai mạc. Ông chậm rãi đi tới chỗ đoàn hội thẩm. Cử chỉ, tác phong của ông có vẻ lưỡng lự, khó khăn, như bị khung cảnh xung quanh gây khó chịu. Ngắm nhìn ông, William Fraser băn khoăn kinh ngạc về tài khéo léo của ông. Nếu như không có dịp được gặp Chotas suốt buổi tối tại một buổi chiêu đãi ở Sứ quán Anh, chắc là Fraser cũng sẽ bị nhầm trước cái phong cách vụng về của con người này. Ông nhận thấy các hội thẩm viên đang rướn cả người về phía trước nuốt lấy từng lời từ miệng Napoleon Chotas tuôn ra rất êm nhẹ. Chotas hướng về các bồi thẩm nói: - Người đàn bà đứng trước vành móng ngựa hôm nay, không phải bị xử về tội giết người. Ở đây không có chuyện giết người. Mà nếu quả là đã xảy ra một vụ giết người thì tôi tin chắc rằng ông bạn đồng nghiệp rất thông minh của tôi, người đại diện cho Nhà nước chắc là có đủ thiện chí để chỉ ra cho chúng ta thấy thi thể của nạn nhân rồi. Ông đã không làm được điều đó, như vậy chúng ta phải giả định rằng lúc này không có cái thi thể nào cả. Và do đó cũng không có vụ giết người. Ông dừng lại để gãi gãi cái chỏm đầu của ông và nhìn xuống sàn nhà, dường như ông cố nhớ xem ông đã nói tới đâu ông gật gù, sau đó nhìn vào đoàn hội thẩm. - Không, thưa các ngài, đó không phải là lý do để có phiên toà này. Người khách hàng đang bị đưa ra xét xử vì bà ta phá vỡ một luật lệ khác, một luật lệ chưa được viết ra trên giấy, rằng người ta không được thông dâm với chồng của một phụ nữ khác. Các báo chí đã phát hiện ra tội danh của bà, và công chúng đã phát hiện ra tội đó của bà vì thế hôm nay họ đang đòi hỏi phải trừng phạt bà. Chotas ngừng lại để rút ra một chiếc khăn tay trắng lớn, ông ngắm nhìn nó hồi lâu như thể tự hỏi không biết nó từ đâu ra, rồi ông hỉ mũi và lại đút nó trở lại trong túi. - Được lắm. Nếu bà ta phá vỡ luật lệ thì chúng ta hãy trừng phạt bà ta. Song không không phải vì tội giết người, xin thưa với các ngài. Cũng không phải vì một vụ giết người chưa hề phạm phải. Noelle Page chỉ có tội là nhân tình của… (ông ngừng lại một cách ý nhị)… của một nhân vật rất quan trọng. Tên ông ta, tôi giữ bí mật, còn các vị vẫn cứ muốn biết thì các vị có thể tìm thấy trên trang nhất của bất cứ một tờ báo nào. Có tiếng cười rộ tán thưởng trong đám cử toạ. Auguste Lanchon lúc lắc người trên ghế, trừng trừng nhìn đám đông công chúng, đôi mắt tí hí của ông ta ánh lên vẻ giận dữ. Bọn họ là cái thá gì mà dám cười nhạo Noelle của lão! Demiris chẳng là cái quái gì, chẳng là cái quái gì đối với nàng. Phải là người đàn ông đầu tiên mà nàng đã hiến dâng sự trinh trắng mới chính là người mà nàng luôn ấp ủ! Gã chủ tiệm người thấp lùn ở Marseille lâu nay không có được liên lạc với nàng, song lão đã phải trả bốn trăm drachma quý báu để được tấm giấy vào phòng xử án và sau này lão sẽ còn được ngắm Noelle đáng yêu của lão hàng ngày. Khi nào nàng được thả ra, Lanchon sẽ đứng ra đảm bảo nhận việc cưu mang nàng suốt đời. Lão lại quay sang chú ý ông luật sư. - Theo lời buộc tội thì hai bị cáo này, tiểu thư Page và ông Lawrence Douglas đã giết hại vợ ông Douglas nhằm mục đích để hai bị cáo được thành hôn với nhau. Xin các vị hãy nhìn kỹ hai người. Chotas quay nhìn Noelle Page và Larry Douglas, mọi cặp mắt trong phòng xử án cũng nhìn theo ông. - Có phải họ đang yêu nhau không? Có thể là như vậy. Song liệu điều đó có đưa họ tới chỗ là những kẻ mưu đồ và sát nhân hay không? Không. Nếu có một nạn nhân nào trong vụ này thì các vị phải nhìn thấy được họ lúc này đây. Bản thân tôi đã kiểm tra kỹ càng mọi chứng cớ song tôi đã phải tự thuyết phục bản thân tôi, cũng như tôi đã thuyết phục các vị rằng hai người này là vô tội. Xin hãy cho tôi giải thích để các vị trong đoàn hội thẩm rõ là tôi không hề đại diện cho Lawrence Douglas. Ông ấy có luật sư riêng của ông ấy và vị luật sư này cũng là người đầy tài năng. Thế mà Nhà nước lại khép hai người ngồi kia vào tội đồng phạm, rằng họ đã cùng mưu đồ và thực hiện vụ giết người. Vì vậy nếu có một người mà có tội thì kẻ kia cũng có tội. Chỉ có corus delii (chứng cớ phạm tội) mới khiến tôi thay đổi ý kiến. Nhưng không hề có cái chứng cớ đó. Giọng của Chotas mỗi lúc một giận dữ: - Đó là một chuyện bịa đặt. Thân chủ của tôi cũng như các vị ngồi đây không hề hay biết chút gì rằng hiện nay Catherine Douglas còn sống hay đã chết. Làm sao mà cô ta biết được? Cô chưa hề gặp người đàn bà này, nói gì đến chuyện làm hại bà ta. Xin các vị hãy tưởng tượng hộ việc kết án một người nào đó giết một kẻ khác mà họ chưa có một lần chạm mặt. Ở đây có rất nhiều giả thuyết xảy ra với bà Douglas. Có thể là bà đã bị một trong hai người này giết hại. Song chỉ là một người thôi. Giả thuyết nhiều khả năng nhất có thể là sau khi bà phát hiện ra rằng chồng bà và cô Page dan díu với nhau, cho nên vì quá đau đớn - thưa các ngài, vì đau đớn chứ không phải vì sợ hãi, bà đã bỏ trốn biệt. Đơn giản có vậy thôi và như vậy các ngài không thể xử tội một người đàn bà vô tội và một người đàn ông vô tội vì điều đó được. Ferdenck Stawro, luật sư biện hộ cho Larry Douglas, lén lút trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Anh bị một cơn ác mộng ám ảnh thường xuyên rằng Noelle sẽ được tha bổng, còn thân chủ khách hàng của anh sẽ bị khép tội. Và nếu tình hình xảy ra đúng như vậy anh sẽ trở thành một đề tài cho giới luật sư đàm tiếu. Stawros cố tìm cách len lỏi để đến áp gần với ngôi sao rực rỡ Napoleon Chotas, và bây giờ Chotas đã làm việc đó cho anh rồi. Bằng cách gắn liền hai bị cáo với nhau như việc ông vừa làm, ông biện hộ cho Noelle cũng là biện hộ cho thân chủ của anh. Thắng lợi trong vụ này sẽ thay đổi hoàn toàn tương lai của Ferderick Stawros, sẽ tạo cho anh có được mọi thứ mà anh vẫn ấp ủ. Anh cảm thấy một sự biết ơn nồng nàn đối với người thầy cũ của mình. Stawros lấy làm hài lòng khi nhận thấy đoàn hội thẩm theo dõi như nuốt từng lời Chotas. Chotas tiếp tục với vẻ khâm phục. - Người đàn bà này không thuộc loại người hám của cải vật chất. Nàng tỏ ra sẵn sàng hy sinh tất cả, không chút ngại ngần cho người đàn ông nàng yêu. Thưa quý vị, chắc chắn con người này không có tính cách của một kẻ sát nhân đầy mưu mô, đồng loã với tội ác. Khi Chotas tiếp tục nói như vậy, tình cảm của các hội thẩm chuyển biến rõ rệt. Họ quay cả sang phía Noelle với một thái độ thông cảm, hiểu biết. Từ từ và bằng một cách khéo léo, ông luật sư đã dựng lên một bức chân dung về một thiếu phụ xinh đẹp và tình nhân của một trong những nhân vật giàu sang và có thế lực nhất trên thế giới, ông đó có thể dành cho nàng mọi sự xa hoa, đặc quyền, song cuối cùng người đàn bà lại chịu dâng hiến tình yêu của mình cho một gã phi công trẻ tuổi không một xu dính túi mà nàng mới chỉ quen biết trong một thời gian ngắn ngủi. Chotas đã đụng chạm đến mọi loại tình cảm của các hội thẩm viên giống như một nhạc sĩ bậc thầy chạm tay trên phím đàn, lúc thì làm họ cười ngất, lúc lại khiến mắt họ rưng rưng lệ và luôn luôn làm họ phải tập trung chú ý. Khi lời phát biểu khai mạc của ông kết thúc, Chotas vụng về đi trở lại chiếc bàn dài và vụng về ngồi xuống, trong lúc đó công chúng chỉ có một việc vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Larry Douglas ngồi ở khu vực nhân chứng lắng nghe lời biện hộ của Chotas về chàng, chàng đâm nổi cáu. Chàng không cần bất kỳ ai cãi hộ cho chàng. Chàng không hề làm một việc gì sai trái, toàn bộ phiên toà này là một sai lầm ngu xuẩn, và nếu có lỗi gì đáng phải nói tới thì đó chính là lỗi của Noelle. Tất cả đều là do ý kiến của nàng. Larry quay nhìn nàng, lúc này nàng xinh đẹp và điềm tĩnh lạ thường. Song chàng không thấy một sự ham muốn nào trỗi dậy ở chàng, nếu có chẳng qua đó chỉ là ký ức về một tình cảm say đắm, nhưng bây giờ là một tình cảm mờ nhạt qua rồi, và chàng tự hỏi tại sao chàng lại phá nát cuộc đời chàng vì người đàn bà này. Đôi mắt Larry đảo qua khu vực của các nhà báo. Một nữ ký giả trẻ tuổi khoảng ngoài hai mươi đang nhìn nàng đăm đăm. Chàng nhếch mép cười với cô ta và thấy mặt cô ta rạng rỡ. Peter Demonides đang chăm chú quan sát một nhân chứng. - Xin ông cho toà được biết quý danh. - Tôi tên là Alexis Minos. - Ông làm nghề gì? - Tôi là luật sư. - Ông Minos, ông hãy nhìn kỹ hai người ngồi ghế bị cáo kia, rồi cho Toà biết trước đây ông đã từng gặp người nào trong số họ chưa. - Thưa ngài, có. Một trong số hai người. - Ai vậy? - Người đàn ông. - Ông Lawrence Douglas? - Chính thế? - Ông làm ơn cho Toà biết ông đã gặp ông Douglas trong hoàn cảnh nào? - Ông ấy tới văn phòng của tôi cách đây sáu tháng. - Ông ấy đến để nhờ tư vấn nghề nghiệp của ông? - Vâng. - Ông hãy nói rõ cho chúng tôi biết ông ấy muốn ông giúp đỡ việc gì? - Ông ấy yêu cầu tôi giúp ông ấy ly hôn. - Và ông ấy đã thuê ông thực hiện mục đích đó? - Không. Khi ông ấy trình bày hoàn cảnh cho tôi rõ, tôi đã nói với ông ấy rằng ông ấy không thể thực hiện được việc ly hôn tại Hy Lạp. - Hoàn cảnh như thế nào? - Trước hết ông ấy nói rằng cuộc ly hôn này không được công bố rộng rãi, thứ đến ông ấy nói rằng bà vợ ông ấy từ chối không cho ông ấy ly hôn. - Nói cách khác ông ấy yêu cầu vợ ly hôn còn bà vợ thì từ chối? - Vâng, tôi giải thích với ông ấy rằng không thể giúp gì cho ông ấy? Rằng nếu một khi bà vợ ông ấy không tán thành cho ông ấy ly hôn thì việc ly hôn sẽ khó khăn nếu không muốn nói là không thể được và rằng cuộc ly hôn phải được công bố rộng rãi? - Đúng thế? - Như vậy, do đứng trước biện pháp tuyệt vọng, kẻ bị cáo kia chỉ còn… - Tôi phản đối! - Được, cứ nói? - Tôi phản đối nhân chứng của ông? Napoleon Chotas thở dài, rồi nặng nề rời khỏi ghế ngồi, chậm chạp bước tới nhân chứng. Peter Demonides không thấy lo lắng gì bởi Minos cũng là một luật sư dày dạn kinh nghiệm, ba cái mẹo vặt của Chotas không dễ gì đánh lừa được ông ta. - Ông Minos, ông là luật sư? - Vâng. - Tôi tin rằng, ông là một luật sư trứ danh. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng hai con đường nghề nghiệp của chúng ta không gặp nhau sớm hơn. Công ty mà tôi đang làm việc có quan hệ với nhiều ngành luật khác nhau. Có lẽ ông cũng gặp một trong số các cộng sự của tôi trong một vụ kiện nào đó? - Không. Tôi không làm loại việc hợp tác như vậy. - Xin lỗi ông. Có lẽ trong một số vụ về thuế chẳng hạn. - Tôi không là loại luật sư về các chuyện thuế má. - Thế ạ - Chotas bắt đầu lộ vẻ lúng túng, băn khoăn như thể ông ta đang hỏi những điều ngây ngô. - Thế còn chuyện an ninh riêng? - Không. Minos cảm thấy thú vị trước sự mất mặt của ông luật sự lõi đời. Mặt Minos có vẻ vênh vênh và Peter Demonides đâm ra lo ngại. Đã biết bao lần ông chứng kiến vẻ mặt như vậy của những nhân chứng trước khi Napoleon Chotas chuẩn bị cho họ vào bẫy sập. Chotas gãi gãi đầu, vẻ thất vọng, ông khôn khéo hỏi: - Thôi tôi chịu rồi. Vậy chuyên ngành luật của ông là gì? - Là các vụ ly hôn - Câu trả lời đưa ra thoải mái như một lời thách đố khó giải. Bộ mặt Chotas trở nên rầu rĩ, ông lắc đầu: - Lẽ ra tôi phải biết trước rằng, ông Demonides, ông bạn quý báu của tôi có được ở đây một chuyên gia như vậy. - Xin cảm ơn ông - Alexis Minos không hề giấu giếm sự vênh váo của ông ta lúc này. Không phải nhân chứng nào cũng có dịp thắng điểm Chotas như trường hợp này và trong óc Minos đã thoáng hiện hiện ra câu chuyện mà ông ta đã thêu dệt ra để đem kể tại câu lạc bộ tối hôm đó. - Tôi chưa bao giờ có dịp xử lý một vụ ly hôn cả vì vậy tôi sẽ phải tuân theo ý kiến giám định của ông. Ông luật sư già hoàn toàn chịu thua. Câu chuyện sẽ còn thú vị hơn so với Minos dự kiến. Chotas nói: - Chắc ông bận rộn luôn luôn. - Có được vụ nào tôi cố gắng dứt điểm vụ đó. - Giải quyết dứt điểm hết? - Giọng Napoleon Chotas lộ vẻ thán phục công khai. - Có khi còn hơn. Peter Demonides nhìn xuống sàn nhà, ông không thể dự kiến được chuyện gì sắp xảy ra đây. Giọng Chotas thảng thốt: - Ông Minos ạ, tôi không muốn thọc mạch vào công chuyện riêng của ông, song do vấn đề tò mò nghề nghiệp, tôi muốn biết mỗi năm có bao nhiêu khách hàng tìm đến văn phòng ông? - À điều đó thật khó nói. - Ông Minos, xin ông cứ cho biết đi. Đứng quá khiêm tốn làm gì. Ông cho con số phỏng đoán cũng được. - Ồ, có thể tới hai trăm vụ. Nhưng đó chỉ là con số xấp xỉ thôi. - Hai trăm vụ ly hôn trong một năm? Như vậy chỉ riêng vấn đề hồ sơ cũng khiến cho người ta phải kinh ngạc. - Nhưng trên thực tế không phải là hai trăm vụ ly hôn. Chotas bối rối, xoa xoa chiếc cằm: - Sao vậy? - Không phải tất cả đều ly hôn được. Vẻ mặt Chotas lại càng tỏ ra lúng túng: - Có phải là ông nói rằng ông chỉ giải quyết dứt điểm những vụ ly hôn được? - Phải, nhưng… - Giọng Minos trở nên dao động. - Nhưng sao…? - Chotas lúng túng hỏi lại. - À tôi muốn nói là không phải tất cả số đó đều được giải quyết ly hôn. - Vậy cớ sao họ còn đến gặp ông làm gì? - Phải, thế nhưng có một số người… phải… có người lại thay đổi ý kiến vì lý do này hay lý do khác. Chotas gật đầu, vụt hiểu ra: - À ra thế? Ý ông nói là có sự nhân nhượng, hoặc hoà hoãn gì đó? - Đúng thế - Minos đáp. - Có nghĩa là theo ông nói thì… thế nào nhỉ?… mười phần trăm không tính đến chuyện ly hôn nữa? Minos đổi tư thế trên ghế ngồi, vẻ bồn chồn: - Tỷ lệ phần trăm còn cao hơn chút nữa. - Cao là bao nhiêu? Mười lăm phần trăm? Hay hai mươi phần trăm. - Gần bốn chục phần trăm. Napoleon Chotas ngạc nhiên, chăm chú nhìn ông ta: - Ông Minos, có phải ông nói với chúng tôi rằng gần một nửa số người đến tìm ông, sau đó lại quyết định không ly hôn nữa, phải không? - Phải. Vầng trán Minos đã lấm tấm mồ hôi. Ông ta quay nhìn Peter Demonides, song Demonides lại đang tập trung chú ý tới một vết nứt trên sàn nhà. Chotas nói: - Tôi tin rằng lý do đó không phải vì họ thiếu tin tưởng ở năng lực của ông? - Đúng là như thế - Minos vội chống chế - Họ thường tìm đến với tôi với một sự bột phát ngờ nghệch. Hoặc người chồng đánh vợ, hoặc vợ đánh chồng, rồi họ cảm thấy căm ghét nhau và nghĩ họ cần phải ly hôn ngay tức khắc, song đến khi phải bàn vấn đề một cách nghiêm túc, trong đa số trường hợp, họ lại thay đổi ý kiến. Ông ta đột ngột dừng lại vì ông ta nhận thấy những lời nói của ông nói ra đây có ý nghĩa thế nào. - Cảm ơn ông - Chotas nhẹ nhàng nói - Ông cung cấp nhiều ý kiến rất quý báu. Peter Demonides lại đang quan sát nhân chứng khác: - Xin cho biết quý danh? - Kasta, Irène Kasta. - Về tình trạng hôn nhân? - Tôi là một quả phụ. - Bà Kasta, bà làm nghề gì vậy? - Tôi làm quản gia. - Bà làm ở đâu? - Tôi làm cho một nhà giầu ở Rafina. - Rafina là một làng gần biển, có phải không? Cách Athens một trăm cây số về phía bắc? - Vâng. - Bà hãy nhìn hai bị cáo ngồi ở chiếc bàn kia. Trước đây bà đã từng gặp họ bao giờ chưa? - Có chứ. Rất nhiều lần. Bà hãy nói rõ trong những hoàn cảnh nào. - Họ sống trong một biệt thự bên cạnh ngôi nhà mà tôi làm việc. - Tôi nhìn thấy họ nhiều lần trên bãi biển. Họ trần truồng. Có tiếng kêu thốt kinh ngạc trong đám công chúng, sau đó là tiếng trao đổi thì thào râm ran khắp phòng. Peter Demonides liếc nhìn sang Chotas xem ông có phản ứng gì không, song người luật sư già ngồi ở bàn chỉ thoáng mỉm cười mơ hồ. Nụ cười đó khiến cho Demonides càng thêm băn khoăn. Ông quay sang nhân chứng: - Bà khẳng định rằng đây đúng là hai người mà bà đã trông thấy. Bà phải thề rằng chỉ nói đúng sự thật. - Đúng, chính là họ mà. - Khi họ ở trên bãi biển, họ có vẻ gì là thân thiện với nhau không? - À họ không hành động như anh em ruột thịt. Có tiếng cười rộ trong đám quần chúng. - Cám ơn bà Kasta. Demonides quay sang Chotas: - Ông hỏi gì nhân chứng không? Napoleon Chotas gật đầu thân thiện, đứng dậy, từ từ tiến lại chỗ người đàn bà có tướng mạo gớm ghiếc ở khu vực nhân chứng. - Bà Kasta, bà làm việc tại biệt thự đó được bao lâủ? - Bảy năm. - Bảy năm? Vậy chắc bà đã thạo việc lắm. - Tất nhiên rồi. - Có lẽ bà có thể giới thiệu cho tôi một quản gia tốt được chứ. Tôi đang tính chuyện mua một ngôi nhà ở vùng bãi biển Rafina. Yêu cầu của tôi là tôi cần một chỗ riêng để tôi có thể làm việc được. Mà theo tôi biết, tất cả các vila ở đó lại xây san sát cạnh nhàu. - Ồ không đâu, thưa ngài. Mỗi villa được tách riêng bởi một bức tường cao. - Thế thì tốt. Song chúng vẫn đứng san sát cạnh nhau. - Ồ không. Mỗi villa cách nhau ít nhất là một trăm mét. Tôi biết hiện nay có một ngôi nhà muốn bán. Ông sẽ có chỗ riêng ông cần và tôi có thể giới thiệu cô em gái tôi đến làm quản gia cho ông. Cô ấy rất tất, chu đáo, gọn gàng, lại biết nấu nướng chút đỉnh. - Vâng, cám ơn bà Kasta, kể cũng tuyệt đấy. Có lẽ chiều nay tôi có thể gọi điện cho cô ta chứ? - Cô ấy bận suốt ngày. Phải đến sáu giờ mới về đến nhà. - Bây giờ là mấy giờ rồi? - Tôi không mang đồng hồ. - À ở bức tường đằng kia có một chiếc đồng hồ lớn. Nó chỉ mấy giờ rồi nhỉ? - Chà, khó đọc quá. Phải lại gần mới đọc được. - Theo bà thì đồng hồ để cách đây bao nhiêu mét. - Mười lăm mét. - Có bảy mét thôi, thưa bà Kasta. Tôi không hỏi gì thêm. Phiên toà đã bước sang ngày thứ năm. Bác sĩ Israel Katz lại thấy đâu ở chỗ cẳng chân đã mất trong lúc ông tiến hành ca mổ, ông có thể đứng trên chiếc chân giả hàng ngày mấy giờ liền không hề gì cả. Song lúc này đang ngồi tại đây, khi ông tập trung cao độ sự chú ý của mình, thần kinh của ông luôn nhớ đến chiếc chân đã mất đi vĩnh viễn. Ông Katz cứ phải chuyển đổi tư thế luôn trên ghế của mình, cố làm dịu đi cái áp lực đang đè trĩu bên hông. Từ hôm ông tới Athens ngày nào ông cũng cố tìm mọi cách để được gặp Noelle, song ông không thành công. Ông đã nói chuyện với Napoleon Chotas và ông luật sư giải thích cho ông biết rằng Noelle đang trong tâm trạng quá phiền muộn không thể gặp các bạn bè cũ được, tốt nhất là cố nán đợi đến khi kết thúc phiên toà hẵng hay. Israel Katz có yêu cầu ông luật sư nói lại với Noelle rằng ông đang có mặt tại đây để tìm mọi cách trợ giúp cho nàng, tùy nhiên lời nhắn nhủ đó có tới được chỗ nàng không. Ông kiên trì ngồi ở toà hết ngày này qua ngày khác, hy vọng Noelle sẽ quay nhìn đến chỗ ông, song nàng không một lần quay xuống nhìn đám cử toạ. Israel Katz đã mang ơn nàng cứu mạng sống cho mình và ông cảm thấy buồn nản bởi vì ông không tìm ra được cách nào để đền đáp món nợ đó. Ông không rõ phiên toà này sẽ diễn ra tới đâu, liệu Noelle sẽ bị kết tội hay sẽ được tha bổng. Chotas thật là tài ba. Nếu có ai trên đời cứu nổi Noelle thì có lẽ người đó không ngoài Chotas. Tuy vậy Israel Katz vẫn cảm thấy điều gì đó lấn cấn không yên tâm. Phiên toà còn lâu mới kết thúc. Phía trước sẽ còn nhiều điều bất ngờ khôn lường. Một nhân chứng buộc tội đang tuyên thệ. - Ông cho biết quý danh. - Christian Barbet. - Ông Barbet, ông mang quốc tịch Pháp? - Vâng, Hiện nay địa chỉ của ông ở đâu? - Paris. - Xin ông cho toà biết nghề nghiệp của ông. - Tôi là chủ một hãng thám tử tư. - Hãng đó hiện đang đóng trụ sở ở đâu? - Văn phòng chính đặt tại Paris. - Ông thực hiện những loại dịch vụ gì? - Nhiều loại… đánh cắp các bí mật trong buôn bán, tìm tin tức của những người mất tích, giúp các ông chồng hoặc bà vợ theo dõi những đối tượng… - Ông Barbet, ông làm ơn nhìn một lượt quanh phòng xử án, rồi ông cho chúng tôi biết căn phòng này có ai từng là khách hàng của ông không? Sau một hồi lâu chậm chạp đảo mắt một lượt, ông ta đáp: - Xin ông làm ơn cho toà biết rõ về người đó. - Người đàn bà ngồi kia, tiểu thư Noelle Page. Trong đám công chúng có tiếng thì thào to nhỏ. - Có phải rằng ông định kể cho chúng tôi nghe về việc cô Page đã thuê ông tiến hành một công việc do thám gì đó giúp cô phải không? - Đúng thế, thưa ông. - Xin ông hây thuật lại công việc đó tiến hành ra sao? - Vâng, cô ấy quan tâm đến một người đàn ông tên là Larry Douglas. Cô ấy muốn tôi phát hiện mọi điều liên quan đến người này mà tôi có thể thu nhập được. - Đó cũng chính là người có cái tên Larry Douglas được đưa ra xét xử tại phòng xử án này. - Đúng thế, thưa ông. - Cô Page đã trả tiền cho ông về dịch vụ này? - Vâng. - Ông làm ơn quan sát các hiện vật tôi đang cầm trong tay đây. Đây có phải là những ghi chép về các khoản đã thanh toán cho ông không? - Đúng thế? - Ông Barbet, ông hãy kể ra cho chúng tôi biết làm thế nào ông lại có được những tin tức như vậy về ông Douglas? - Thưa ông, việc làm này rất khó khăn. Số là hồi đó tôi ở bên Pháp còn ông Douglas ở bên Anh, rồi sau này ở Mỹ, và trong khi Pháp bị người Đức chiếm đóng… - Hượm đã. Thưa ông Barbet, tôi muốn xác nhận rằng tôi hiểu thấu đáo những điều ông đang trình bày. Ông luật sư của cô Page có cho chúng tôi biết rằng cô ấy và ông Larry Douglas mới gặp nhau cách đây vài tháng và họ yêu nhau đến phát cuồng. Bây giờ ông lại trình bày trước toà rằng chuyện tình của họ bắt đầu từ lâu… Cách đây bao lâu nhỉ? - Ít nhất cũng cách đây sáu năm. Phòng xử án ồn ào hẳn lên. Demonides phóng sang Chotas một cái nhìn đắc thắng. - Ông có gì cần hỏi nhân chứng không? Napoleon Chotas dụi dụi hai mắt, rồi đứng dậy khỏi chiếc bàn dài và tiến lại chỗ nhân chứng. - Thưa ông Barbet, tôi sẽ không hỏi ông dài dòng. Tôi biết là ông đang nóng lòng muốn trở về với gia đình ở bên Pháp. - Xin ông hãy rút ngắn thời gian cho - Barbet đáp bằng giọng huênh hoang. - Cảm ơn ông. Song ông hãy bỏ qua cho tôi một nhận xét mang tính chất cá nhân rằng bộ com lê ông vận trông hết sức duyên dáng, ông Barbet ạ. - Cảm ơn ông. - May tại Paris chứ? - Tất nhiên. - Vừa vặn quá. Tôi dường như không bao giờ có được những bộ com lê vừa vặn như vây. Ông đã thử tay nghề của thợ may Anh bao giờ chưa? Chắc họ cũng khéo lắm phải không? - Chưa bao giờ, thưa ông. - Tôi chắc là ông đã sang nhiều lần rồi? - À chưa. - Chưa bao giờ ư? - Chưa bao giờ. - Vậy chắc ông cũng đã từng sang Mỹ? - Chưa. - Chưa bao giờ ư? - Chưa. - Thế ông đã tới thăm vùng Nam Thái Bình Dương rồi? - Chưa. - Vậy thì, thưa ông Barbet, ông quả thực là một thám tử dị thường. Tôi xin ngả mũ bái phục ông. Những báo cáo của ông đề cập tới những hoạt động của Larry Douglas ở Anh, rồi Mỹ và Nam Thái Bình Dương, tuy nhiên như ông đã cho chúng tôi biết, ông chưa từng đến một nơi nào cả. Vậy tôi chỉ có thể giả định rằng ông thuộc loại người duy tâm. - Ông cho phép tôi được sửa lại một đôi điều. Tôi không cần thiết phải đến những nơi đó, tôi thuê các hãng khác mà như người ta gọi là công ty quan hệ thông tấn ở Anh và ở Mỹ. - À xin lỗi tôi quá ngớ ngẩn. Tất nhiên là như vậy! Như vậy thật ra những người kia mới là người theo dõi các hoạt động của ông Douglas. - Exactement? (Chính thế) - Vậy thực ra bản thân ông không hề biết đích xác các hoạt động của ông Douglas? - À không, thưa ông. - Nghĩa là trên thực tế các thông tin của ông chỉ là nguồn gián tiếp. - Có lẽ xét trên ý nghĩa nào đó thì đúng là như vậy. Chotas quay sang nhìn các vị quan toà: - Thưa quý toà, tôi không chấp nhận lời khai của nhân chứng này với lý do rằng đó chỉ là những tin đồn. Peter Demonides vụt đứng dậy: - Thưa các ngài, tôi bác bỏ? Noelle Page đã thuê ông Barbet thu thập tin tức về Larry Douglas. Đó không thể là tin đồn… Chotas nhẹ nhàng nói: - Ông bạn đồng nghiệp uyên bác của tôi đã đệ trình những giấy ghi thừa nhận và coi đó là chứng cớ. Tôi sẵn sàng thừa nhận điều đó, một khi ông ấy muốn đưa tới đây những người trên thực tế đã tiến hành việc giám sát ông Douglas. Ngược lại, tôi cũng phải yêu cầu toà giả định rằng không có sự giám sát như vậy và yêu cầu phải coi lời khai của nhân chứng này là không thể chấp nhận được. Chánh án Toà án quay sang Demonides hỏi: - Ông có sẵn sàng để đưa những nhân chứng của ông tới đây không? Peter Demonides lắp bắp: - Không thể được. Ông Chotas thừa biết rằng phải mất nhiều tuần lễ mới xác định được họ ở đâu. Ông chánh án quay lại Chotas: - Kiến nghị của ông được chấp nhận. Peter Demonides xem xét một nhân chứng khác. - Xin ông cho biết quý danh. - George Mouson. - Ông làm nghề gì? - Tôi là nhân viên đón tiếp tại khách sạn Palace ở Ioannina. - Ông làm ơn nhìn kỹ hai bị cáo ngồi ở chiếc bàn kia. - Trước đây ông có bao giờ gặp họ không? - Tôi gặp người đàn ông. Ông ấy là khách trọ ở khách sạn chúng tôi hồi tháng Tám năm ngoái. - Đó có phải là ông Lawrence Douglas không? - Phải. - Khi ông ấy đăng ký vào khách sạn, ông ấy có một mình. - Không. - Vậy ông ấy đi cùng với ai? - Với vợ ông ấy. - Bà Catherine Douglas? - Vâng. - Họ đăng ký là ông bà Douglas. - Vâng. - Ông với ông Douglas có bao giờ trao đổi về vùng hang động Perama không? Ông nêu ra vấn đề hay ông Douglas nêu? - Theo tôi nhớ, ông ấy nêu ra trước. Ông ấy hỏi tôi về vùng hang này và bảo rằng vợ ông ấy rất muốn ông ấy đưa bà tới đó, rằng bà ấy rất thích hang động. Lúc đó tôi nghĩ điều này không bình thường. - Thế hả? Tại sao lại như vậy? - À, phụ nữ thường không quan tâm đến chuyện thám hiểm và những chuyện đại để như vậy. - Ông không có lần nào tình cờ thảo luận chuyện hang động với bà Douglas sao? - Không. Tôi nói chuyện với ông Douglas. - Thế ông đã nói gì với ông ấy? - À tôi nhớ là tôi có bảo với ông ấy rằng vùng hang động có thể nguy hiểm… - Có nhắc gì đến chuyện người dẫn đường không? Người nhân viên gật đầu: - Có tôi nhớ chắc chắn rằng tôi có gợi ý ông ấy nên thuê người dẫn đường. Với khách nào tôi cũng giới thiệu người dẫn đường. - Tôi không hỏi gì nữa. Ông Chotas, ông có cần hỏi gì nhân chứng không? - Ông Mousson, ông làm việc ở khách sạn đã bao lâu rồi? - Trên hai chục năm. - Trước đó ông là một nhà tâm thần học? - Tôi ư? Không, thưa ngài. - Có lẽ là một nhà tâm lý học. - Ồ không. - Thế ư? Vậy thì ông không thể là một chuyên gia về hành vi của phụ nữ được. - Vâng, có thể tôi không phải là nhà tâm lý học song trong nghề khách sạn người ta cũng nắm được tâm lý của nhiều phụ nữ. - Ông biết Osa Johnion là ai không? - Osa nào…? Không? - Bà này là nhà thám hiểm nổi tiếng khắp thế giới. - Thế ông có bao giờ nghe nói về Amelia Earhart không? - Không. - Thế còn Margaret Maed? - Không. - Ông Mousson, ông có gia đình không? - Hiện nay không. Song tôi đã lấy vợ ba lần, vì vậy tôi có phần nào nắm vững tâm lý phụ nữ. - Thưa ông Mousson, trái lại tôi nghĩ rằng nếu quả thực ông là người hiểu biết phụ nữ, ông đã có thể đứng vững với một cuộc hôn nhân rồi. Tôi không hỏi thêm gì nữa. * * * * * - Xin cho biết quý danh. - Christopher Cocyannis. - Ông làm nghề gì? - Tôi làm nghề hướng dẫn viên ở vùng hang động Perama. - Ông làm ở đó đã bao lâu rồi? - Mười năm. - Công việc tốt chứ? - Rất tốt. Hàng năm có hàng ngàn khách du lịch tới thăm chỗ chúng tôi. - Ông hãy nhìn kỹ người đàn ông ngồi ở chỗ kia. Trước đây ông đã bao giờ gặp ông Douglas này chưa? - Có đấy ông ấy tới vùng hang động vào tháng Tám năm ngoái. - Ông dám chắc chứ? - Vâng. - Thôi được, ông Cocyannis ạ, tôi tin rằng điều đó khiến tất cả chúng tôi phải lúng túng khó hiểu. - Trong hàng ngàn người tới vùng hang động, làm sao ông có thể nhớ được một cá nhân nào đó nhỉ? - Có lẽ tôi không thể quên được ông ấy. - Vì sao thế ông Cocyannis? - Trước hết vì ông ấy không thuê người dẫn đường. - Tất cả những khách tham quan đều thuê người dẫn đường sao? - Khách người Đức và người Pháp keo kiệt không thuê song tất cả những người Mỹ thì khác hẳn. Có tiếng cười rộ. - Ra thế. Còn lý do gì khác khiến ông nhớ kỹ ông Douglas. - Có chứ. Lẽ ra tôi cũng không chú ý gì đến ông ta nhưng vì chuyện thuê người dẫn đường này, hơn nữa người phụ nữ đi cùng ông ta coi bộ bối rối thế nào ấy khi ông ta từ chối không thuê. Sau đó khoảng một giờ, tôi thấy ông ấy vội vã đi ra khỏi cửa, lúc này ông ấy có một mình và coi bộ rất rầu rĩ, tôi nghĩ có lẽ người đàn bà gặp tai nạn gì rồi. Tôi tiến lại phía ông ta và hỏi xem bà kia có sao không, ông ta trừng trừng nhìn tôi, trông rất ngô nghê và hỏi lại "Bà nào cơ?", Tôi bảo: "Cái bà ông đưa vào hang cùng với ông ấy mà". Thế là mặt ông bỗng trắng bệch, tôi tưởng ông ta sắp sửa quật vào mặt tôi. Sau đó ông ấy bỗng thét lên: "Tôi đã để nàng lạc mất rồi. Giúp tôi với". Và ông ta cứ như một người khùng vậy. - Song trước lúc ông hỏi đến người đàn bà mất tích kia, ông ấy không nhắc gì đến việc cứu trợ chứ? - Đúng thế đấy. - Sau đó thì sao? - À tôi đã tập hợp một số các bạn hướng đạo khác lại và chúng tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm. Có đứa khốn nạn nào đã quẳng cái biển báo nguy hiểm ở khu vực mới vào xó. Khu vực này không mở cho khách đông đảo vào đây. Cuối cùng sau gần ba giờ đồng hồ chúng tôi mới tìm thấy bà ta ở đó. Bà ta đã ở trong tình trạng sống dở chết dở. - Một câu hỏi cuối cùng, đề nghị ông trả lời hết sức thận trọng. Khi ông Douglas lúc mới ra khỏi hang, ông ấy có nhìn quanh để tìm người nào giúp đỡ không, hay là ông có ấn tượng rằng ông sắp bỏ ra về? - Ông ấy sắp bỏ ra về. - Ông luật sư có hỏi gì nhân chứng? Giọng Napoleon rất nhẹ nhàng: - Ông Cocyannis, ông có phải là nhà tâm thần học không? - Không, tôi là một người dẫn đường. - Nghĩa là ông không suy diễn tâm lý? - Tất nhiên. - Tôi hỏi điều này bởi vì trong một tuần qua chúng ta đã gặp những nhân viên khách sạn có kinh nghiệm về tâm lý con người, rồi những người làm chứng rằng trông thấy sự việc nhưng bản thân lại bị cận thị, còn bây giờ ông kể với chúng tôi rằng bởi vì người đó coi bộ bị kích động và ông có thể đọc được ý nghĩ của anh ta. Làm thế nào ông biết được anh ta không cần đến sự giúp đỡ khi ông tiến đến hỏi chuyện với anh ta? - Ông ấy không tỏ ra như vậy. - Và ông vẫn còn nhớ hành động của ông ta rõ như vậy ư? - Đúng thế? - Thế thì rõ ràng ông có một trí nhớ xuất chúng đấy. - Tôi muốn ông nhìn quanh phòng xử án một lượt. Ông có gặp mặt ai trong phòng này trước đây không? - Kẻ bị cáo kia. - Phải. Ngoài ông ta ra? Ông cứ suy nghĩ kỹ đi. - Không. - Nếu ông đã từng gặp thì hẳn ông nhớ chứ? - Tất nhiên rồi. - Trước đây ông gặp tôi bao giờ chưa? - Chưa. - Ông làm ơn coi kỹ mẩu giấy này. Ông có thể cho tôi biết nó là cái gì không? - Đó là cái vé! - Vào hang Perama. - Thế còn ngày tháng? - Thứ hai. Cách đây ba tuần. - Vâng. Vé này của tôi mua và đã sử dụng, ông Cocyannis ạ. Đoàn của tôi có năm người nữa. Và ông là người dẫn đường cho chúng tôi. Tôi không hỏi gì thêm. * * * * * - Anh làm nghề gì. - Tôi là trực phòng tại khách sạn Palace ở Ioannia. - Anh hãy nhìn người nữ bị cáo ngồi ở ghế kia. Trước đây có thấy cô ta bao giờ chưa? - Thưa ngài, có ạ. Trên các bộ phim ạ. - Trước ngày hôm nay, đã bao giờ anh thấy cô ta bằng xương bằng thịt chưa? - Dạ, có ạ. Bà ấy tới khách sạn chúng tôi và hỏi tôi phòng ông Douglas trọ ở chỗ nào. Tôi bảo bà ấy là bà nên hỏi ở bàn tiếp đón, song bà ấy nói là bà không muốn làm phiền họ, vì vậy tôi đã cho số phòng của ông ấy. - Lúc đó là bao giờ? - Ngày mùng một tháng Tám. Ngày có trận gió meltemi. - Anh có chắc chắn rằng đây chính lá người đàn bà đó không? - Tôi làm sao có thể quên được? Bà ấy thưởng cho tôi những hai trăm drachma. Phiên toà đã bước sang tuần thứ tư. Mọi người đều đồng ý rằng Napoleon Chotas tiến hành cuộc biện hộ một cách xuất sắc. Song mặc dầu vậy, mạng lưới kết tội cứ được dệt mãi, một ngày chặt thêm. Peter Demonides dựng lên một bức tranh trong đó hai kẻ yêu nhau, tha thiết muốn gần gũi và lấy nhau đến mức phát cuồng, và Catherine Douglas là người duy nhất cản trở họ. Dần dần qua nhiều ngày, Demonides phân tích chi li âm mưu họ đã giết hại nàng. Ferderick Stawros, luật sư biện hộ của Larry Douglas lúc đầu lấy làm vui mừng là đã trút bỏ nhiệm vụ của mình và hoàn toàn dựa và Napoleon Chotas. Nhưng đến bây giờ Stawros, bắt đầu cảm thấy phải có một phép thần gì đó mới đạt được sự tha bổng của toà án. Stawros chăm chú nhìn chiếc ghế bỏ trống trong phòng xử án chật ních người, anh băn khoăn không biết liệu Constantin Demiris có xuất hiện ở đó không. Nếu Noelle Page bị kết án, nhà tài phiệt Hy Lạp đó chắc sẽ không tới làm gì, bởi vì có nghĩa chính là ông ta đã bị thất bại. Mặt khác, nếu như nhà tài phiệt biết là sẽ được tha bổng, chắc là ông sẽ tới. Chiếc ghế trống đó trở thành một dấu hiệu phiên toà sẽ đi theo hướng nào. Chiếc ghế vẫn bỏ trống. Cho tới chiều hôm thứ sáu, phiên toà cuối cùng bỗng nhộn nhịp hẳn lên. - Xin ông cho biết quý danh. - Bác sĩ Kazomides. John Kazomides. - Ông đã từng gặp bà Douglas? - Vâng. Tôi gặp cả hai người. - Trong trường hợp nào vậy? - Tôi nhận được một cú điện thoại từ vùng hang Perama gọi tới. Ở đó có một phụ nữ bị lạc và khi đoàn tìm kiếm cuối cùng phát hiện ra bà ta, bà ta đang trong tình trạng sốt nặng. - Bà ta có bị chấn thương thực thể không? - Có. Có rất nhiều vết dập. Hai bàn tay, hai cánh tay, và cả hai bên má bị nhiều vết xước vì va phải đá. Bà bị ngã và đập đầu xuống đất, và tôi chẩn đoán có thể đó là nguyên nhân chấn động. Tôi đã tiêm ngay cho bà ấy một mũi morphine giảm đau và ra lệnh cho họ đưa bà ấy vào bệnh viện địa phương. - Và bà ấy đã đi đến đó? - Không. - Ông hãy cho đoàn hội thẩm biết lý do tại sao lại không đi. - Theo yêu cầu tha thiết của chồng bà ấy người ta đã đưa bà ấy trở về nhà trọ ở khách sạn Palace. - Ông bác sĩ, ông có thấy việc đó là kỳ cục không? - Ông ấy bảo rằng ông ấy muốn tự mình chăm sóc vợ. - Vậy là bà Douglas được đưa về khách sạn. Ông có đi theo về đó không? - Có. Tôi tha thiết muốn được đưa bà ấy về nhà trọ. Tôi muốn có mặt bên giường bà ấy lúc bà ấy tỉnh dậy. - Ông có mặt tại đó lúc bà ấy tỉnh không? - Có - Ông hãy kể lại cho Toà hay bà ấy đã nói gì. - Bà ấy nói với tôi rằng chồng bà cố tìm cách giết bà. Phải mất tròn năm phút người ta mới lấy lại trật tự trong phòng xử án, mãi đến khi ông chánh án phiên toà doạ sẽ đưa vụ án vào xử kín thì tiếng ồn ào mới lắng đi. Napoleon Chotas đến chỗ bị cáo ngồi và hội ý chớp nhoáng với Noelle Page. Lần đầu tiên nàng tỏ ra ủ dột. Demonides vẫn tiếp tục thẩm vấn nhân chứng. - Ông bác sĩ, theo lời ông khai thì bà Douglas lúc đó bị choáng. Theo quan điểm nghề nghiệp của ông, khi bà ấy nói với ông rằng chồng bà cố tìm cách giết bà, lúc đó bà có tỉnh táo không? - Có. Lúc ở trong hang, tôi đã tiêm cho bà ấy một mũi thuốc giảm đau và bà ấy tương đối bình tĩnh. Tuy nhiên khi tôi bảo với bà ấy rằng tôi sẽ tiêm cho bà ấy một mũi giảm đau nữa, bà ấy trở nên hết sức phấn khích và yêu cầu tôi đừng tiêm nữa. Ông chánh án phiên toà nghiêng người, hỏi: - Bà ấy có giải thích tại sao không? - Thưa ngài, có ạ. Bà ấy nói rằng chồng bà sẽ giết chết bà trong lúc bà đang ngủ. Ông chánh án ngả người ra tựa ghế, trầm ngâm suy nghĩ rồi nhắc Peter Demonides: - Ông tiếp tục đi. - Bác sĩ Kazomides, trên thực tế ông có tiêm cho bà Douglas một mũi giảm đau thứ hai không? - Trong lúc bà ấy đang nằm trên giường ở nhà trọ? - Vâng. - Ông tiêm như thế nào? - Tiêm dưới da. Vào bên hông. - Khi bà ấy ngủ rồi thì ông ra về? - Vâng. - Trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau đó liệu có cơ hội nào để bà Douglas có thể thức giấc, tự ra khỏi giường, vận quần áo và đi khỏi nhà mà không cần sự giúp đỡ của ai cả? - Trong tình trạng của bà ấy như vậy? Không. Không thể nào được. Lúc đó bà ấy ngủ rất say. - Thôi hết, xin cảm ơn bác sĩ. Các hội thẩm viên quay nhìn chăm cú Noelle Page và Larry Douglas, vẻ mặt của họ trở nên lạnh lùng thiếu thiện cảm. Bất kỳ người lạ nào bước vào phòng xử án cũng có thể hiểu ra ngay rằng vụ án sẽ đi tới đâu. Đôi mắt Bill Fraser ánh lên vẻ hài lòng. Sau lời khai của bác sĩ Kazomides, không còn ai nghi ngờ gì nữa về khả năng của Catherine đã bị Larry Douglas và Noelle Page sát hại. Napoleon Chotas không còn cách nào xoá đi được trong đầu óc các vị thẩm phán hình ảnh của một phụ nữ kinh hoàng, nghiện rượu, tứ cố vô thân, van nài người ta đừng bỏ rơi nàng vào tay kẻ sát nhân. Ferderick Stawros đâm ra hốt hoảng. Trước đó anh đã để mặc cho Chotas độc diễn, và đi theo sự chỉ dẫn của ông với một niềm tin mù quáng, và anh tin rằng Chotas có khả năng giành được sự tha bổng cho thân chủ của ông, do đó cũng là tha bổng cho thân chủ của Stawros. Bây giờ anh cảm thấy đã bị phản bội. Mọi việc đã tách riêng hẳn ra. Lời khai của bác sĩ đã gây ra một tổn thất không hàn gắn được xét cả về ảnh hưởng với tư cách chứng cớ và ảnh hưởng về phương diện tình cảm. Stawros nhìn quanh phòng một lượt. Gian phòng xử án đầy kín trừ một chiếc ghế dành riêng một cách khó hiểu. Các nhà báo trên khắp thế giới đều có mặt tại đây để chờ tin đưa về những sự kiện sắp diễn ra. Stawros bất ngờ tưởng tượng ra cảnh anh vụt đứng, ra đứng đối diện với người bác sĩ kia một cách thông minh bác bỏ lại từng điểm một những lời khai của ông ta. Khách hàng của anh sẽ được tha bổng, còn anh, Ferdenck Stawros, sẽ trở thành anh hùng. Anh biết đó là cơ hội cuối cùng của anh. Kết quả của vụ án này đem lại sự khác biệt giữa tiếng tăm và sự vô danh tiểu tốt. Stawros cảm thấy chân tay ngứa ngáy muốn đứng dậy. Song anh không thể cử động nổi. Anh cứ ngồi ngây ra, đờ đẫn và bị bóng ma của sự thất bại đè trĩu. Anh nhìn Chotas. Đôi mắt sâu, buồn bã, trên bộ mặt đỏ bừng vẫn đang chăm chú theo dõi ông bác sĩ đang đứng ở vị trí của nhân chứng, dường như ông cố đi đến một quyết định nào đó. Napoleon Chotas từ từ đứng dậy. Song thay vì tiến ra chỗ nhân chứng, ông lại đến chỗ ghế dài và nhẹ nhàng nói với các vị quan toà. - Thưa ngài Chánh án, thưa các ngài. Tôi không có ý muốn kiểm tra chéo nhân chứng. Nếu được Toà cho phép tôi muốn yêu cầu tạm ngưng phiên toà để có thể họp kín với Toà và Công tố viên. Chánh án phiên toà quay sang vị Công tố viên: - Thế nào, ông Demonides? - Tôi không phải đối - Demonides đáp bằng giọng uể oải. Toà tạm nghỉ. Không một ai rời khỏi ghế của mình. Ba mươi phút sau Napoleon Chotas một mình trở lại phòng xử án. Ngay phút giây ông vừa bước vào phòng, mọi người trong phòng xử án đã cảm thấy có một sự kiện quan trọng vừa xảy ra. Vị trạng sư lộ vẻ mãn nguyện ra mặt, dáng đi của ông nhanh nhẹn và tất bật hơn, coi bộ bài toán hóc hiểm đã được giải xong không cần phải úp úp mở mở gì nữa. Chotas bước tới chỗ ngồi của bị cáo và nhìn chăm chăm và Noelle. Nàng ngước lên nhìn thẳng vào ông, đôi mắt xanh biếc lo lắng, như xoáy vào dò hỏi. Đột nhiên một thoáng mỉm cười xuất hiện trên đôi môi ông luật sư và qua ánh mắt của ông, Noelle Page hiểu rằng ông đã thu xếp xong công việc, ông đã thực hiện một sự kỳ diệu bất chấp mọi bằng chứng, bất chấp mọi điều kiện bất lợi. Công lý đã thắng, song đó là công lý của Constantin Demiris. Larry Douglas cũng đăm đăm nhìn Chotas, vừa đầy vẻ sợ hãi lại vừa chứa chan hy vọng. Bất kỳ động tác nào của Chotas tiến hành cũng đều là Noelle cả. Thế còn chàng thì sao? Chotas nói với Noelle Page bằng một giọng cố giữ thái độ trung lập: - Ông chánh án phiên toà đã cho phép tôi được nói chuyện với cô trong phòng sự vụ của ông ấy. Ông quay sang Ferderick Stawros đang ngồi với vẻ bồn chồn không biết chuyện gì đang diễn ra: - Nếu ông muốn thì ông và thân chủ của ông cũng được phép tham dự câu chuyện của chúng tôi. Stawros gật đầu: - Vâng tất nhiên. Rồi anh cuống quýt đứng dậy, suýt nữa đụng phải ghế ngồi. Hai cảnh sát viên đi theo họ vào căn phòng trống của ông chánh án. Khi cảnh sát rút ra ngoài, họ còn lại với nhau, Chotas quay sang Ferderick Stawros nói nhẹ nhàng: - Điều tôi sắp nói ra đây là nhằm đáp ứng lợi ích của thân chủ tôi. Tuy nhiên, vì họ là những kẻ đồng bị cáo cho nên tôi có thể thu xếp cho khách hàng của ông cũng được đặc quyền như khách hàng của tôi. Noelle Page giục: - Xin ông nói cho tôi biết đi. Chotas quay sang phía nàng. Ông nói chậm rãi thận trọng chọn kỹ lưỡng từng từ một: - Tôi vừa hội ý với các vị quan toà. Họ rất cân nhắc trước vụ án và lời buộc tội như đã nhằm chống lại cô. Tuy nhiên… (ông dừng lại, vẻ tế nhị). Tôi có thể thuyết phục cho họ thấy là không thể đem việc trừng phạt cô ra phục vụ cho lợi ích của công lý được. - Chuyện gì sẽ xảy ra sau đây? - Stawros sốt ruột hỏi ngay. Chotas tiếp tục với một vẻ đầy tự mãn: - Nếu như bị cáo sẵn sàng thay đổi ý kiến và nhận tội, các vị quan toà đồng ý sẽ tuyên phạt mỗi người năm năm tù giam - Ông mỉm cười, nói tiếp - Bốn năm sẽ được hưởng án treo. Trên thực tế họ sẽ còn không đầy sáu tháng nữa. Ông quay sang Larry: - Ông Douglas, vì lý do ông là người Mỹ, ông sẽ bị trục xuất. Ông sẽ không bao giờ được quay trở lại Hy Lạp nữa. Larry gật đầu, toàn thân chàng như trút được một gánh nặng. Chotas quay lại Noelle: - Việc này thực hiện cũng không phải dễ dàng gì. Tôi phải hết sức thành thực nói với cô rằng lý do chủ yếu mà toà ân xá chính là vì quyền lợi của ông… bảo trợ cho cô. Họ cảm thấy ông ấy đã phải chịu đựng quá mức trước tai tiếng này, họ chỉ mong sớm chấm dứt vụ án này. - Tôi hiểu - Noelle Page đáp. Napoleon Chotas ngập ngừng lúng ta lúng túng; - Còn một điều kiện nữa. Nàng nhìn ông chằm chằm: - Sao? - Cô sẽ bị thu hồi hộ chiếu. Cô sẽ vĩnh viễn không được phép rời khỏi Hy Lạp. Cô sẽ ở lại đây dưới sự bảo hộ của ông bạn cô. Thì ra sự việc lại như vậy. Constantin Demiris vẫn giữ giá. Noelle Page không một chút tin rằng các vị quan toà ân xá cho nàng là vì họ quan tâm đến việc thanh danh của Demiris bị tổn thương. Không, ông ta đã đặt một cái giá cho sự tự do của nàng, và Noelle Page biết rõ cái giá đó rất đắt. Song để đổi lại, Demiris sẽ giành lại nàng và sẽ bố trí để sao cho nàng sẽ không bao giờ còn gặp lại Larry nữa. Nàng quay sang Larry và nhận thấy sự thư giãn hiện trên nét mặt anh ta. Anh ta sắp được tự do rồi, và anh ta chỉ quan tâm đến mỗi việc đó thôi. Anh ta không tỏ ra một sự luyến tiếc là sẽ mất nàng, luyến tiếc những gì đã xảy ra với họ. Song Noelle hiểu ý nghĩa của việc đó bởi nàng hiểu rõ Larry, chàng là ý trung nhân của nàng, là Doppelanger của nàng, cả hai người đều có một niềm say đời giống nhau, cũng có sở thích không thể thoả mãn nổi. Họ là những linh hồn giống nhau vượt lên trên cả cái chết, trên cả những luật lệ mà họ chưa bao giờ tạo nên và sống theo những luật lệ đó. Noelle Page sẽ nhớ Larry tha thiết theo cách riêng của nàng, và khi chàng ra đi rồi, thì nàng biết rằng lúc này cuộc sống đối với nàng quý giá biết nhường nào và nếu nàng mất nó thì kinh khủng biết bao. Vì vậy nếu bắt họ lên cân, đây là một cuộc mặc cả rất đẹp và nàng chấp nhận nó một cách hàm ơn. Nàng quay sang Chotas, nói: - Điều kiện thoả đáng. Chotas nhìn nàng, đôi mắt ông đầy vẻ buồn rầu cũng như hài lòng. Noelle Page hiểu ra điều đó. Ông đã yêu nàng, đã đem hết tài năng ra để cứu nàng giúp cho một người đàn ông khác. Noelle cố hết sức đẩy Chotas đến chỗ yêu thương nàng bởi vì nàng cần đến ông, cần ông đảm bảo rằng ông sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để cứu nàng bằng được. Và mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Ferderick Stawros lắp bắp: - Tôi nghĩ như vậy là hết sức kỳ diệu. Hết sức kỳ diệu. Trên thực tế Stawros cảm thấy đúng là một điều kỳ diệu, cũng gần như một sự tha bổng, và trong khi Napoleon Chotas thu hoạch được những nguồn lợi từ đó thì nguồn lợi phụ khác cũng thật to lớn. Từ nay trở đi Stawros sẽ có những loại khách hàng đặc biệt và cứ mỗi lần anh kể lại câu chuyện về phiên toà này, vai trò của anh sẽ ngày một lớn dần lớn dần. Larry nói: - Nghe ra ngon lành đấy. Nhưng vấn đề là ở chỗ chúng tôi không có tội. Chúng tôi không hề giết Catherine. Ferderick Stawros quay lại, chàng nổi đoá: - Ai cần biết các anh các chị có tội hay không có tội? - Anh thét lên - Chúng tôi đang tặng cho các người sự sống đấy - Anh ta liếc nhanh sang phía Chotas xem ông ấy có phản ứng gì trước chữ "chúng tôi" song vị luật sư già vẫn lắng nghe. Chotas nói với Stawros: - Tôi muốn ông hiểu cho rằng tôi không chỉ khuyên có riêng thân chủ của tôi. Thân chủ của ông hoàn toàn tự do quyết định. Larry hỏi: - Nếu không có cuộc mặc cả này thì điều gì sẽ xảy đến với chúng tôi? Ferderick Stawros bảo: Đoàn hội thẩm có thể sẽ… Larry sỗ sàng cắt ngang: - Tôi muốn được ông ấy nói kia - Rồi chàng quay sang Chotas, Chotas đáp: - Trong một phiên toà, nhân tố quan trọng nhất không phải là vô tội hay có tội. Không có một chân lý tuyệt đối nào cả, mà chỉ có sự diễn đạt chân lý thôi. Trong nội vụ này, vấn đề không phải là ông bà vô tội trong vụ sát nhân này mà đoàn hội thẩm có ấn tượng đối với sự có tội. Ông sẽ bị kết án theo ấn tượng đó, và cuối cùng ông cũng sẽ bị coi như chết rồi. Larry nhìn ông hồi lâu, sau đó gật đầu, nói: - Thôi được. Cứ như thế! Mười lăm phút sau hai bị cáo đứng trước các vị quan toà. Chánh án phiên toà ngồi ghế giữa, hai bên là hai vị quan toà kia. Napoleon Chotas đứng cạnh Noelle Page, còn Ferderick Stawros đứng cạnh Larry Douglas. Cả gian phòng xử án đang căng thẳng như tích điện, bởi lời đồn đại lan rất nhanh rằng một sự kiện phát triển đầy kịch tính sắp diễn ra. Nhưng khi nó xảy đến, nó khiến mọi người hoàn toàn bất bất ngờ. Bằng một giọng nói trịnh trọng, mô phạm, dường như đã mặc cả ngầm với ba vị quan toà, Napoleon Chotas nói rằng: - Thưa ngài Chánh án, thưa các ngài, thân chủ tôi muốn chuyển ý kiến từ không nhận tội sang nhận có tội. Ông Chánh án dựa lưng vào ghế, ngạc nhiên nhìn Chotas như thể lần đầu tiên được nghe thấy thông báo này. Noelle nghĩ thầm: Hắn làm ra bộ chơi đẹp. Hắn muốn thu được tiền thù lao hoặc dù thế nào chăng nữa thì vẫn là Demiris trả cho hắn. Ông Chánh án vươn người về phía trước thì thào trao đổi ý kiến với hai vị quan toà kia. Họ gật đầu, rồi ông Chánh án cúi nhìn Noelle Page, hỏi lại: - Bà muốn thay đổi ý kiến, xin nhận là có tội? Noelle Page gật đầu, trả lời chắc nịch: - Vâng. Ferderick Stawros cũng nhanh chóng lên tiếng coi bộ anh ta sợ sẽ bị bỏ rơi: - Thưa các ngài thân chủ của tôi muốn thay đổi ý kiến từ không nhận có tội đổi thành nhận có tội. Ông chánh án quay sang nhìn Larry: - Ông muốn thay đổi ý kiến, thừa nhận là có tội? Larry liếc nhìn những rồi gật đầu: - Vâng. Chánh án chăm chú nhìn hai phạm nhân, nét mặt ông nghiêm trang. - Các vị luật sư có cho các người biết là theo luật pháp của Hy Lạp thì hình phạt đối với tội mưu sát là hình phạt tử hình không? Giọng Noelle Page mạnh và rõ: - Thưa ngài, có. Lại có cuộc thầm hội ý giữa các vị quan toà. Ông Chánh án quay sang công tố viên Demonides: - Ông Công tố viên Nhà nước có phản đối gì về việc thay đổi ý kiến này không? - Không. Noelle Page tự hỏi không biết ông ta có dây dưa gì trong vụ mặc cả này không, hay ông ta chỉ bị người ta giật dây như một con rối. Chánh án nói: - Thôi được Toà không còn cách nào hơn là chấp nhận việc thay đổi ý kiến này! Đoạn ông quay sang đoàn hội thẩm. - Thưa quý vị, dưới ánh sáng của tình hình thay đổi mới này, đến đây các vị được giải thể khỏi nhiệm vụ với tư cách là các hội thẩm viên. Trên thực tế phiên toà đã chấm dứt. Toà sẽ thông qua bản án. Xin cảm ơn các vị đã tận tình phục vụ và cộng tác với chúng tôi. Toà sẽ tạm nghỉ trong hai tiếng đồng hồ. Một lát sau các ký giả đã chen nhau ra khỏi phòng xử án, lao tới các máy điện thoại và các máy teletype để đưa tin về sự kiện mới nhất rất giật gân này tại phiên toà hình sự xử Noelle Page và Larry Douglas. Hai giờ sau, Toà tái họp nhóm, phòng xử án lại đông nghịt người. Noelle liếc quanh phòng nhìn từng bộ mặt của cử toạ. Họ đang nhìn lại nàng với vẻ háo hức đợi chờ. Noell làm như vậy và nàng cười thầm trước sự ngây thơ của họ. Họ là những người dân thường, là đám đông công chúng, họ thành thực tin rằng công lý được thực hiện đúng mực, rằng trong một chế độ dân chủ mọi người sinh ra đều được bình đẳng, rằng người nghèo cũng được hưởng những quyền lợi và đặc quyền giống như người giầu. - Yêu cầu các bị can đứng dậy, tiến ra trước cửa. Noelle duyên dáng đứng lên và tiến ra trước chỗ quan toà ngồi, Chotas đứng bên cạnh nàng. Liếc sang bên, nàng thấy Larry và Stawros cũng tiến lên phía trước. Ông Chánh án bắt đầu nói: - Đây là một phiên tờa kéo dài và đầy khó khăn. Trong những vụ trọng án khi người ta có lý do để nghi ngờ về khả năng phạm tội. Toà án luôn luôn có khuynh hướng để cho các bị can được hưởng ân huệ minh chứng sự nghi ngờ đó. Tôi phải thừa nhận rằng trong vụ ản này chúng tôi cảm thấy có tồn tại một mối nghi ngờ như vậy. Sự kiện là Nhà nước không thể đưa một corous delidi (chứng cớ phạm tội) là một điểm rất mạnh nghiêng về phía các bị cáo. - Đến đây ông quay sangnhìn Napoleon Chotas - Tôi tin rằng ông trạng sư đầy năng lực biện hộ cho bị cáo biết rõ rằng các Toà án Hy Lạp không bao giờ đưa ra hình phạt tử hình trong trường hợp chưa chứng minh thật dứt khoát rằng một vụ giết người đã được tiến hành. Noelle bỗng thoáng có một cảm giác bồn chồn tuy chưa có gì đáng ngại, song mới chỉ là một tiếng thì thào nhỏ bên tai, một chút nghi ngờ mỏng manh. Ông Chánh án tiếp tục nói: - Vì lý do đó cho nên các bạn đồng nghiệp của tôi và tôi hết sức ngạc nhiên khi đang giữa vụ án các bị cáo lại đột ngột thay đổi ý kiến, tự nhận là họ có tội. Lúc này cảm giác nôn nao trong dạ dâng cao dần lên ở Noelle, nó bắt đầu chẹn lấy cổ họng nàng khiến cho nàng đột nhiên thấy khó thở, Larry cũng đang chăm chú theo dõi ông Chánh án và chàng không thể hiểu thấu đáo mọi việc đang diễn ra. - Chúng ta đánh giá cao nỗi dày vò cắn rứt của lương tâm chắc chắn đã diễn ra trước khi các bị cáo thú nhận tội lỗi của họ trước toà án này và trước thế giới. Tuy nhiên, không thể chấp nhận sự thanh thản của lương tâm họ khi họ định chuộc lại tội ác kinh khủng bằng cách họ thừa nhận là đã phạm vào tội giết hại một cách không run tay mồt người đàn bà yếu đuối, không có gì che chở, giúp đỡ. Đến lúc này Noelle bỗng choáng váng đầu óc trước một sự thật vừa được khẳng định, nàng đã bị người ta lừa. Demiris đã đặt bẫy để lừa nàng tới một cảm giác an toàn giả tạo mà lão ta có thể tạo ra cho nàng. Đây chính là cái trò chơi của hắn, là cái bẫy hắn nhử nàng vào. Hắn thừa biết là nàng sợ chết đến kinh hoàng, vì vậy hắn đã chìa ra cho nàng niềm hy vọng sẽ được sống và nàng đã chấp nhận nó, nàng đã tin ở hắn, và thế là hắn đã cao tay hơn nàng. Demiris muốn trả thù ngay lập tức, chứ chẳng đợi đến sau này. Lẽ ta nàng có thể thoát chết. Tất nhiên Chotas thừa biết rằng chừng nào chưa đưa ra một tử thi thì nàng đâu phải chịu hình phạt tử hình. Lão ta đã không mặc cả với quan toà. Chotas đã dựng lên toàn bộ sự biện hộ như vậy để lừa Noelle tới cái chết. Nàng quay nhìn lão ta. Lão đưa mắt, bắt gặp cái nhìn đăm đăm của nàng, đôi mắt lão chứa chan một nỗi buồn rầu thực sự. Lão yêu nàng và rồi lão giết nàng, và dù cho lão có làm việc này một lần nữa, lão vẫn sẽ làm như vậy bởi vì cuối cùng lão là người của Demiris, cũng như nàng là người đàn bà của Demiris, và cả hai người không ai chống nổi quyền lực của hắn. Chánh án vẫn đang nói: - Vì vậy trong phạm vi quyền hạn mà Nhà nước giao phó cho tôi, và cũng là phù hợp với các luật pháp, tôi tuyên án tử hình hai bị cáo Noelle Page và Larry Douglas, bản án này sẽ thực hiện tại trường bắn… trong vòng chín mươi ngày kể từ ngày hôm nay. Phòng xử án náo nhiệt, ồn ào, song Noelle chẳng còn nghe hoặc trông thấy gì nữa. Bất giác nàng quay lại đám công chúng. Chiếc ghế kia không còn bỏ trống nữa, Constantin Demiris đang ngồi tại đó. Y vừa mới cạo mặt, cắt tóc bảnh bao. Y mặc một bộ com lê xanh bằng tơ sống, cắt rất khéo, một chiếc áo sơ mi xanh nhạt, cổ thắt nơ lụa đỏ. Đôi mắt đen của y sáng lên, sống động. Không còn dấu hiệu nào của một kẻ chiến bại, một người suy sụp như cái lần y tới thăm nàng ở trong ngục, bởi vì một con người như vậy chưa bao giờ tồn tại trong y. Constantin Demiris đã tới để quan sát Noelle trong giây phút nàng thất bại, muốn được chiêm ngưỡng sự kinh hoàng của nàng. Đôi mắt đen của y như dán chặt vào mắt nàng và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nàng nhận thấy trong đôi mắt đó một sự thoả mãn sâu sắc và tàn ác. Song cũng có một nét nữa. Có lẽ đó là sự nuối tiếc, song nó tắt nhanh trước khi nàng có thể nhận ra được, dù sao lúc này tất cả mọi chuyện là quá muộn rồi. Cuối cùng ván cờ cũng đã kết thúc. Larry lắng nghe những lời cuối cùng của người Chánh án, tâm trạng sững sờ, không thể tin được, sau đó một viên cảnh sát tiến lên phía trước, giữ lấy cánh tay chàng. Larry hất ra và quay lại phía các vị quan toà, chàng thét lên: - Khoan đã nào! Tôi không giết cô ấy! Người ta ép cung tôi. Một viên cảnh sát vội tiến ra và cả hai người giữ chặt lấy Larry. Một trong hai người đưa ra cái khoá tay. - Không? - Larry rú lên - Nghe tôi nói đã nào! Tôi không giết cô ấy. Chàng cố giật ra khỏi hai người cảnh sát, song chiếc còng tay đã sập vào cổ tay chàng, rồi chàng bị lôi ra khỏi phòng xử án. Noelle cảm thấy có người bóp chặt cánh tay nàng. Một nữ cảnh sát đang đứng đó để chờ áp giải nàng ra khỏi phòng xử án. - Cô Page, người ta đang đợi cô đó! Nghe cứ như tiếng gọi nàng ra sân khấu. Cô Page, người ta đang đợi cô đó! Chỉ khác một điều là lần này tấm màn hạ xuống và sẽ không bao giờ được kéo lên lần nữa. Khung cảnh nhắc cho Noelle nhớ rằng đây là lần cuối cùng trong đời, nàng xuất hiện trước công chúng, lần cuối cùng nàng đứng giữa mọi người, không bị giam cầm. Đây là lần cuối cùng nàng xuất hiện trước khi vĩnh biệt mọi người, song cái sân khấu cuối cùng của nàng lại là gian phòng xử án Hy Lạp bẩn thỉu, tiêu điều này. Nàng không thèm đếm xỉa nữa, nhủ thầm: Dù sao, chí ít mình cũng có được một gian phòng đông đúc khán giả. Nàng nhìn quanh phòng xử án chật ních người, một lần cuối cùng, nàng thấy Armand Gautier đang im lặng sững sờ, trừng trừng nhìn nàng, nàng chợt ớn cả người vì thói đạo đức giả ông ta. Philippe Sorel cũng có mặt ở đây, bộ mặt gồ ghề cố nặn ra một nụ cười động viên nhưng không làm nổi. Phía bên kia phòng là Israel Katz, đôi mắt ông nhắm lại, môi mấp máy coi bộ ông đang im lìm cầu nguyện điều gì. Noelle nhớ lại cái đêm nàng đã lén đưa ông vào thùng xe của viên tướng Đức, ngay trước mũi của gã sĩ quan Gestapo bạch tạng, nàng nhớ lại nỗi sợ của nàng lúc bấy giờ. Song không có gì giống với nỗi sợ đang ám ảnh nàng lúc này. Noelle lại tiếp tục đưa mắt nhìn sang phía bên kia và dừng lại ở bộ mặt ông chủ tiệm Auguste Lanchon. Nàng không nhớ ra được tên lão ta, song nàng nhớ bộ mặt lợn ỉn của y, cái thân hình béo ú và căn phòng khách sạn ảm đạm ở Vienn ngày nào. Khi lão nhận thấy nàng nhìn lão, lão chớp chớp mắt rồi cúi gằm nhìn xuống đất. Một người đàn ông cao lớn, tóc muối tiêu, hấp dẫn, có vẻ là người Mỹ đang đứng lại, nhìn nàng đăm đăm, như muốn nói với nàng điều gì. Nàng không biết ông ta là ai. Người cảnh sát kéo tay nàng, nói: - Đi thôi, cô Page… Ferderick Stawros trong tình trạng sững sờ. Không những anh là kẻ chứng kiến một âm mưu tàn ác, anh lại còn dự phần vào đó nữa. Anh có thể ra trước Chánh án, kể lại cho ông ta mọi chuyện đã xảy ra, nói những điều Chotas đã hứa hẹn. Song liệu người ta có tin anh không? Liệu người ta có coi trọng lời nói của anh hơn lời của Chotas không? Stawros cay đắng nghĩ quả là chẳng còn ăn nhằm gì nữa. Sau vụ này sự nghiệp của anh thế là tiêu ma. Từ nay sẽ không còn ai thuê anh tranh cãi nữa. Có tiếng người nói bên cạnh, anh quay lại, Chotas đứng đó, bảo rằng: - Nếu ngày mai rỗi rãi, anh đến ăn trưa với tôi có được không, Ferderick? Tôi muốn anh gặp gỡ với các cộng tác viên của tôi. Theo tôi anh có một tương lai đầy hứa hẹn đấy. Qua vai của Chotas, Ferderick Stawros có thể thấy ông Chánh án đang đi ra cửa về phòng làm việc của ông ta. Bây giờ có phải là lúc trao đổi giải thích cho ông ta về những sự kiện đã xảy ra được không? Stawros quay lại phía Napoleon Chotas, đầu óc anh vẫn còn đầy những nỗi sợ hãi trước việc ông ta đã làm, anh lại thấy mình nói như một cái máy. - Ngài thật quý hoá. Mấy giờ thì tiện cho ngài? * * * * * Theo luật pháp Hy Lạp quy định, các cuộc hành hình được tiến hành trên hòn đảo nhỏ Ageana cách cảng Piraeus một giờ đường. Một chuyến tàu đặc biệt của chính phủ chở các phạm nhân đã thành án tới hòn đảo đó. Qua hàng loạt những mỏm đá xám nhỏ thì tới hải cảng và trên một đỉnh đồi cao có một ngọn đèn hải đăng xây dựng trên một mỏm đá cao. Nhà tù Agena nằm ở phía Bắc hòn đảo này, khuất khỏi tầm nhìn từ hải cảng nhỏ bé kia, nơi thường có những chuyến tàu đều đặn đổ khách tham quan lên đảo, để họ có một hai giờ đi mua sắm và ngắm phong cảnh ở đây trước khi lại tiếp tục đi sang các hòn đảo khác. Nhà tù không nằm trong chương trình tham quan, cho nên không một ai được đến gần trừ có nhiệm vụ đặc biệt. Lúc đó là bốn giờ sáng một ngày thứ bảy, cuộc hành quyết Noelle sẽ diễn ra vào lúc sáu giờ. Họ mang đến cho Noelle chiếc áo dài nàng thích mặc nhất, đó là chiếc áo dài màu vàng đỏ, bằng len để hợp với đôi giày đỏ bằng da Thuỵ Điển. Nàng mặc một chiếc áo lót bằng lụa và một tấm đăng ten trắng che cổ nàng. Constantin Demiris đã cử đến người thợ sửa tóc cho Noelle đến chỗ nàng để làm lại đầu tóc cho nàng. Dường như Noelle đang chuẩn bị đi dự dạ tiệc. Trong tâm trí nàng, Noelle ý thức được rằng sẽ không có sự đặc xá ở phút cuối cùng, rằng chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nữa cơ thể nàng sẽ bị người ta chà đạp một cách tàn nhẫn, máu nàng sẽ chảy hoà trên mặt đất. Thế nhưng trong tình cảm, nàng không thể không hy vọng, Constantin Demiris sẽ tạo được một chuyện diệu kỳ, cứu được cuộc sống nàng. Việc đó cũng chẳng có gì là kỳ diệu lắm, chỉ cần một cú phôn, một lời nói, một cái vẫy của bàn tay vàng của ông ta. Nếu ông có ý định cứu nàng, nàng sẽ để tùy ông định liệu. Nàng có thể làm mọi việc. Giá như nàng gặp ông, nàng sẽ hứa với ông rằng nàng sẽ không bao giờ gặp một người đàn ông nào khác, rằng nàng sẽ mang hết sức nàng ra để làm ông hạnh phúc suốt cuộc đời. Song nàng hiểu rằng cầu xin cũng chẳng có ích lợi gì. Nếu Demiris đến với nàng thì được. Còn nếu nàng phải đến để cầu xin ông thì không bao giờ. Vẫn còn hai tiếng đồng hồ nữa. Larry Douglas đang ở một chỗ khác cũng trong nhà tù đó. Kể từ khi chàng bị kết án, số thư từ gửi đến cho chàng tăng lên hàng chục lần. Những lá thư này là của phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn về đây đến nỗi viên cai ngục tự coi mình là người rất sành sỏi mà cũng phải xúc động vì một vài lá thư trong số này. Giả sử Larry Douglas biết được chúng, có lẽ chàng sẽ lấy làm thích thú lắm. Song chàng ở trong một trạng thái mơ hồ, chập chờn nửa sáng nửa tối mà trong đó không có gì đụng được tới chàng. Trong mấy ngày đầu tiên tới đảo, chàng đã ở một tâm trạng hung hãn, gào rú suốt ngày đêm rằng chàng vô tội và đòi phải có một phiên toà xét xử mới. Cuối cùng, người bác sĩ của nhà tù đã phải ra lệnh tiêm cho chàng các loại thuốc an thần. Lúc năm giờ kém mười phút sáng hôm đó, khi viên cai ngục đi cùng bốn người gác tới xà lim của Larry Douglas, chàng ngồi trên giường im lặng, đầu óc để đâu đâu. Cai ngục phải gọi tên chàng lần thứ hai Larry mới nhận ra họ đang đến tìm chàng. Chàng đứng dậy, động tác chậm chạp uể oải như trong mơ. Viên cai ngục dẫn chàng ra hành lang, họ bước chậm chạp như một đám rước nhích dần về phía cửa đã có người gác cẩn thận ở phía cuối hành lang xa tít. Khi họ tới cửa, người gác mở cửa và bước ra khoảnh sân có tường bao bọc. Không khí lúc trời sắp rạng sáng lạnh buốt, Larry run rẩy khi bước qua cửa. Trên trời cao mặt trăng tròn vành vạnh cùng muôn vàn vì sao lấp lánh. Nó gợi cho chàng nhớ lại những buổi sáng trên những hòn đảo ở vùng Nam Thái Bình Dương khi các phi công rời khỏi chiếc giường ấm áp tập hợp dưới bầu trời lạnh giá đầy sao để nhận lệnh phút chót trước khi cất cánh. Chàng nghe rõ sóng biển từ phía xa dội lại và chàng cố nhớ xem chàng đang ở trên hòn đảo nào, nhiệm vụ chàng sắp phải thực hiện là gì. Có mấy người dẫn chàng đến một cái cọc dựng trước một bức tường, và trói chặt hai tay chàng ra sau lưng. Lúc này chàng chẳng còn giận dữ, chỉ có một trạng thái lơ mơ suy tưởng không biết người ta sắp giao cho chàng nhiệm vụ như thế nào đây. Chàng cảm thấy một nỗi ngán ngẩm vô cùng song chàng biết là không thể ngủ được bởi vì chàng còn phải thực hiện nhiệm vụ. Chàng ngẩng đầu lên, trông thấy có những người đàn ông mặc quân phục đang xếp thành hàng. Họ đang giương súng ngắm vào chàng. Những bản năng cũ đã bị chôn vùi từ lâu bỗng bừng tỉnh. Họ sẽ tấn công từ mọi phía và cố tìm cách tách chàng ra khỏi phi đội của chàng, bởi vì họ đang sợ chàng. Chàng đã nhận thấy có một dấu hiệu vào lúc ba giờ sáng và biết rằng họ sẽ tìm đến chàng. Họ hy vọng chàng sẽ bật ra khỏi đội hình, thế nhưng chàng đã kéo cần lái hết cỡ về phía trước và lao ra vòng lượn phía ngoài gần như xé đứt toang hai cánh máy bay của chàng. Chàng bổ nhào xuống gần sát đất rồi bất ngờ đảo qua bên trái. Không còn thấy bóng dáng bọn chúng đâu nữa. Chàng đã lừa được chúng rồi. Chàng bắt đầu vút lên cao, phía dưới chàng có một chiếc Zero. Chàng cả cười, kéo cần lái bên phải cho đến khi chiếc máy bay Zero kia vào đúng tâm điểm của tầm súng máy bay chàng. Sau đó chàng lao xuống như một thiên thần phục hận, với tốc độ tăng dần để rút ngắn khoảng cách. Ngón tay chàng bắt đầu siết vào cò súng, đúng lúc một vết đau bất ngờ xuyên suốt cơ thể chàng. Rồi một vết đau nữa. Một vết đau nữa. Chàng cảm thấy da thịt chàng bị xé nát, ruột gan bật ra ngoài. Chàng nghĩ: Lạy Chúa tôi, hắn ở đâu ra vậy? Vẫn còn thằng phi công cừ khôi hơn mình sao… Hắn là ai thế nhỉ? Thế rồi chàng bắt đầu xoáy tít lao vào khoảng không gian và mọi vật trở nên tối đen im lặng. * * * * * Tại xà lim của Noelle, người thợ làm tóc đang uốn lại tóc cho nàng thì nàng nghe thấy loạt đạn vang lên ở bên ngoài. Nàng hỏi: - Trời sắp mưa? Người thợ uốn tóc lạ lùng nhìn nàng giây lát và nhận ra đúng là nàng không hiểu rõ ý nghĩa của âm thanh vừa rồi. Chị ta lặng lẽ đáp: - Không. Ngày hôm nay sẽ đẹp trời. Tới lúc này Noelle hiểu ra. Sắp đến lượt nàng rồi. Vào lúc năm giờ ba mươi phút, tức là đúng ba mươi phút nữa thì có cuộc hành quyết nàng. Noelle nghe rõ có tiếng bước chân tiến lại phía xà lim nàng. Tim nàng bỗng đập rộn một cách vô ý thức. Nàng tin rằng Constantin Demiris sẽ muốn tìm gặp nàng. Nàng ý thức được rằng nàng trông đẹp rực rỡ hơn bất kỳ lúc nào, và có lẽ khi ông ta trông thấy nàng… có lẽ… Viên cai ngục xuất hiện, đi cùng với một người gác và một nữ y tá mang theo một chiếc túi thuốc màu đen. Noelle nhìn theo ra phía sau nàng xem có Demiris không. Hành lang hoàn toàn trống trải. Người gác mở cửa xà lim ra cho viên cai ngục và người nữ y tá bước vào. Noelle cảm thấy tim nàng đập thình thịch, những làn sóng sợ hãi lại ùa đến với nàng, nhấn chìm hy vọng mong manh vừa mới trỗi dậy. Noelle hỏi: - Đã đến giờ rồi ư? Viên cai ngục coi bộ lúng túng: - Chưa đâu, cô Page ạ. Người y tá vào đây để rửa ráy cho cô. Nàng nhìn y không hiểu: - Tôi cần gì phải rửa ruột. Viên cai ngục lại càng túng lúng hơn: - Nó giúp cô đỡ phải… bối rối. Đến đây Noelle đã hiểu ra. Sự sợ hãi ở nàng bây giờ đã trở thành nỗi thống khổ cay đắng giằng xé tâm can nàng. Nàng gật đầu và viên cai ngục quay lui, ra khỏi xà lim. Người gác khoá cửa và ý tứ đi khuất xuống cuối hành lang. Người y tá ầm ừ: - Không nên làm hỏng chiếc áo đẹp này. Cô nên trút bỏ nó ra rồi nằm xuống kia. Chỉ một phút là xong thôi. Người y tá bắt tay vào việc, song Noelle chẳng cảm thấy gì cả. Nàng đang đứng cùng cha nàng. Cha nàng nói: Hãy nhìn con bé này, giá có một người lạ ở đây chắc anh ta đã bảo nó thuộc dòng dõi trâm anh đấy. Rồi mọi người tranh nhau được bế bồng nàng trên tay. Lúc đó có một ông cố đạo trong phòng, nói: - Con có muốn thú tội trước Chúa không con? Song nàng vội vàng lắc đầu bởi vì cha nàng đang nói và nàng muốn nghe xem ông đang nói gì vậy. Mi sinh ra đã là một công chúa và đây chính là vương quốc của mi. Khi mi lớn lên, mi sẽ kết hôn với một chàng hoàng tử đẹp trai và sẽ sống trong cung điện nguy nga. Nàng đang bước xuống cuối hành lang dài cùng với mấy người đàn ông, ai đó đã mở cửa và nàng bước ra ngoài sân giá lạnh. Cha nàng bế nàng bên cửa sổ, nàng có thể trông thấy những cột buồm cao của những con tàu bồng bềnh trên sóng nước. Mấy người kia dẫn nàng tới một cái cọc đặc trước một bức tường, họ trói tay nàng ra sau lưng và buộc co lưng nàng thật chặt vào cọc. Cha nàng bảo: - Con có nhìn thấy những chiếc tàu kia không, công chúa! Hạm đội của con đó. Một ngày nào đấy chúng sẽ đưa con tới những nơi kỳ ảo trên thế giới này. Rồi ông ôm nàng sát vào người, nàng cảm thấy rất an toàn. Nàng không thể nhớ được lý do tại sao ông lại giận dữ với nàng như vậy, nhưng bây giờ thì mọi chuyện lại đâu vào đấy rồi, ông lại yêu mến nàng và nàng quay sang chỗ ông, song bộ mặt của ông đã mờ đi, nàng cũng không thể nhớ được hình dáng ông ra sao. Nàng không thể nhớ nổi nét mặt cha nàng như thế nào. Nàng cảm thấy một nỗi buồn tràn ngập, như thể nàng đã mất đi một cái gì rất quí giá, nàng biết rằng nàng phải nhớ bằng được hình ảnh ông ra sao nếu không nàng sẽ chết, nàng cố tập trung tâm trí song nàng chưa kịp nhìn ra thì một loạt tiếng nổ gầm lên đột ngột. Hàng ngàn mũi dao nhọn đâm lêm thịt nàng đau xé, nàng vẫn muốn thét to lên trong trí não: Chưa! Chưa được! Đợi cho tôi nhìn thấy mặt cha tôi đã nào! Song khuôn mặt đó đã tan biến vĩnh viễn vào bóng tối. Chương 25 Người đàn ông và người đàn bà bước qua nghĩa trang, khuôn mặt của họ lốm đốm những bóng cây trắc bá cao lớn, duyên dáng ở hai bên lối đi. Họ bước chậm rãi dưới ánh nắng buổi trưa làm cho không khí nóng lung linh. Xơ Theresa nói: - Tôi muốn một lần nữa được bày tỏ sự tri ân của chúng tôi đối với lòng hào hiệp của ông. Tôi không biết nếu không nhờ đến ông hỗ trợ thì liệu chúng tôi có làm nên trò trống gì không. Constantin Demiris khoát tay nói: - Thưa xơ, Arkayton không đáng gì cả. Song bà nhất Theresa biết rõ là nếu không có vị ân nhân này, tu viện đã phải đóng cửa cách đây nhiều năm rồi. Và chắc chắn đây là một điềm trời báo rằng bây giờ bà mới có khả năng đền đáp lại ông bằng một động tác nào đấy Đó chính là một thriawos, một chiến tích. Bà lại một lần nữa cám ơn thánh Dionysins về việc đã tạo cơ hội cho các xơ cứu giúp người bạn Mỹ của ông Demiris thoát khỏi làn nước hung dữ của cái hồ trong đêm bão tố ghê rợn kia. Quả thật, có chuyện gì đó đã xảy ra trong tâm trí người thiếu phụ này khiến cho nàng hành động như một đứa trẻ, song nàng sẽ được chăm sóc chu đáo. Ông Demiris đã yêu cầu xơ Theresa nuôi giữ người đàn bà này trong bốn bức tường, bảo vệ, che chở không cho thế giới bên ngoài đe doạ nàng trong những ngày còn lại của đời nàng. Ông thật là một người phúc đức, nhân hậu. Họ đã đi tới cuối nghĩa trang. Con đường uốn cong dẫn tới một mũi đất nhô ra hồ. Người đàn bà đang đứng đó, mắt đăm đăm nhìn xuống hồ yên ả, xanh màu ngọc bích phía dưới. Xơ Theresa bảo: - Cô ta kia kìa. Ông ở lại. Tôi về đây. Hayretay. Demiris nhìn theo xơ Theresa quay lại tu viện, sau đó ông tiến về cuối con đường chỗ người thiếu phụ đang đứng. - Chào cô - Ông nhẹ nhàng nói. Nàng từ từ quay lại, chăm chú nhìn ông. Đôi mắt nàng đờ đẫn, trống rỗng, không có một vẻ gì đặc biệt trên khuôn mặt nàng. Constantin Demiris bảo: - Tôi mang đến cho cô cái này. Ông rút từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ đựng đồ nữ trang và giơ ra cho nàng xem. Nàng chăm chú nhìn chiếc hộp như một đứa trẻ nhìn vật lạ. - Kìa cầm đi. Nàng từ từ chìa tay ra, cầm lấy chiếc hộp. Nàng lật nắp hộp lên, bên trong hộp, nép giữa đám bông là một con chim nhỏ làm bằng vàng rất tinh xảo với đôi mắt bằng hồng ngọc, đôi cánh chim căng ra như sắp bay đi. Demiris quan sát người đàn bà - đứa trẻ này lấy con chim từ chiếc hộp ra và giơ cao nó trước mặt. Ánh nắng chói chang làm cho chất vàng óng ánh và đôi mắt bằng hồng ngọc của nó loé lên, phải ánh màu cầu vồng bảy sắc vào không khí. Nàng xoay xoay con chim hết bên này qua bên kia và ngắm nghía những tia nắng lấp lánh nhảy múa quanh mặt nàng. Demiris nói: - Tôi sẽ không còn gặp lại cô một lần nào nữa, song cô khỏi phải lo. Bây giờ không ai còn hại cô được nữa. Những kẻ ác kia đã chết cả rồi. Nghe ông nói đến đây, nàng bất giác quay mặt về phía ông, và trong một khoảnh khắc ngưng đọng ngắn ngủi ông có cảm giác là đôi mắt nàng ánh lên vẻ thông minh và một niềm vui bừng dậy, song chỉ một lát sau nó lại biến mất và chỉ còn trơ lại một cái nhìn thờ ơ, trống rỗng, không thần sắc gì. Có lẽ đó chỉ là một ảo ảnh, một sự đùa cợt của ánh nắng mặt trời phải ánh lại tia lấp lánh của con chim bằng vàng vào đôi mắt nàng chăng? Ông còn suy nghĩ mãi về điều đó khi chậm rãi bước lên đồi và ra khỏi chiếc cổng đồ sộ bằng đá của nhà nữ tu tới chỗ chiếc ô tô đang đỗ đợi ông, để đưa ông quay trở lại về Athens. Dịch Thuật: Bá Kim Hết Sáng Trưa Đêm Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 01 Dmitri hỏi: - Ông có biết chúng ta đang bị bám đuôi không, ông Stanford? - Biết. - Ông phát hiện ra họ đã hai mươi tư giờ nay. Hai gã đàn ông và người đàn bà đó ăn bận xoàng xĩnh, cố trà trộn vào đám du khách mùa hạ đang đi vãn cảnh trên những con phố rải cuội vào lúc sáng sớm, song ở đâu chứ trong cái làng nhỏ xíu của xứ St. Paul de Vence nầy thì giữ cho mình khỏi bị tình nghi quả không phải là dễ. Lần đầu tiên Harry Stanford nhận ra họ bởi họ ăn bận xoàng xĩnh quá, cố gắng quá mới không nhìn vào ông. Bất cứ ông quay về hướng nào cũng thấy một trong ba người đó vật vờ trước mặt. Bám theo một mục tiêu như Harry Stanford thì có gì là khó. Ông cao một mét chín mươi, mái tóc bạch kim đổ xuôi xuống cổ áo và một gương mặt với những đường nét cao sang quí phái gần như là đế vương. Cùng đi với ông là một cô gái trẻ và đẹp đến choáng ngợp, một con chó chăn cừu giống Đức trắng tuyền, và Dmitri Kaminsky, gã vệ sĩ cao hơn hai mét với cái cổ bò mộng và cái trán gồ. Chúng ta thì lẫn vào đâu cho được, Stanford nghĩ bụng. Ông biết ai là kẻ đã phái họ theo dõi ông, biết cả lý do của nó nữa. Và ông cũng linh cảm được một nỗi nguy hiểm đang sắp sửa xẩy đến. Từ lâu ông đã có thói quen tin vào linh cảm của mình. Chính linh cảm và trực giác đã giúp ông trở thành một trong nhứng nhân vật giầu có nhất hành tinh. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của tập đoàn Stanford Enterprises ở mức sáu tỉ đô la, trong khi tờ Fortune 500 thì cho là bảy tỉ. Cả Wall Street Journal, Barron s lẫn Financial Times đều cố gắng lột tả Harry Stanford, cố giải thích cái bí ẩn trong ông, cái khả năng kỳ diệu về sắp xếp thời gian và cảm quan nhạy bén không tin nổi của ông để có thể gây dựng nên cái tập đoàn Stanford Enterprises khổng lồ như ngày nay. Song không một tạp chí hay tờ báo nào thực sự thành công khi khám phá về ông cả. Điều mà ai nấy đều thừa nhận là ông có một sức lực phi phàm, không biết mệt mỏi là gì. Triết lí của ông thật đơn giàn: Một ngày không giao kết được một vụ làm ăn là một ngày bỏ đi. Ông khiến cả đối thủ lẫn nhân viên của mình và bất cứ ai khác tiếp xúc với ông đều kiệt sức. Ông là một hiện tượng kỳ lạ một cái gì đó lớn hơn cả bản thân cuộc sống. Ông nghĩ về mình như một kẻ hữu thần. Ông tin vào Chúa, và vị Chúa ông tin muốn ông phải giàu có còn kẻ thù của ông thì phải chết. Harry Stanford là một hình ảnh quảng đại, và báo chí biết mọi điều về ông. Harry Stanford là một hình ảnh riêng tư, và báo chí chẳng biết gì về ông hết. Họ từng viết về sức lôi cuốn của ông, về lối sống phóng túng của ông, về chiếc máy bay chuyên cơ, cái du thuyền, cùng với những toà nhà huyền thoại của ông ở Hobe Sound, Morocco, Long Island, London, Pháp, và dĩ nhiên, về toà lâu đài Rose Hill hùngvĩ của ông ở vùng Back Bay, Boston. Thế nhưng con người thật của Harry Stanford ra sao thì vẫn là một hiện tượng bí ẩn. - Chúng ta đang đi đâu đây? - Cô gái hỏi. Ông đang mải nghĩ nên không đáp. Hai kẻ bám đuôi phía bên kia đường đang sử dụng kỹ thuật chuyển chéo, và chúng đã thế chân nhau một lần nữa. Cùng với cảm giác về mối nguy hiểm, Stanford thấy giận sôi người vì chúng đang xâm phạm tới quyền tự do cá nhân của ông. Chúng cả gan mò tới đây săn ông, tới cái nơi nghỉ ngơi bí mật không một ai biết đến nầy của ông. St. Paul de Vence là một cái làng trung cổ, phong cảnh ngoạn mục, dấu những nét cổ kính huyền thoại của mình trên dãy Alps Maritimes, giữa Cannes và Nice. Làng được bao quanh bởi một loạt những quả đồi lúp xúp và những thung lũng ngập tràn những hoa, cây ăn quả và những rừng thông. Bản thân ngôi làng là nơi hội tụ của những xưởng vẽ, phòng tranh và những hiệu đồ cổ, một cái nam châm khổng lồ thu hút du khách bốn phương. Đoàn của Harry Stanford rẽ sang đường Rue Grande. Ông hỏi Sophia, tên cô gái: - Em có thích các viện bảo tàng không? - Thưa ông, có. - Nàng đang háo hức được làm vui lòng ông. Nàng chưa gặp một ai như Harry Stanford cả. Hãy đợi cho đến khi ta kể cho các bạn gái của ta nghe về anh. Ta từng nghĩ, về tình dục ta chẳng còn gì để học hỏi thêm nữa cả, nhưng Chúa ơi, anh sáng tạo quá đi! Anh sẽ rút kiệt sức lực của ta mất. Họ leo đồi lên viện bảo tàng nghệ thuật Fondation Maeght và xem lướt những bộ sưu tập nổi tiếng của Bonnard và Chagall cùng nhiều nghệ sĩ đương thời khác. Khi Stanford giả bộ vô tình liếc quanh, ông trông thấy người đàn bà bám đuôi đang mải ngắm một bức của Miró. - Ông quay sang Sophia: - Đói chưa? - Em đói rồi, nếu như anh cũng đã đói. - Mình không được ép anh ấy. - Tốt lắm. Chúng ta sẽ ăn trưa ở La Colombe d Or. La Colombe d Or là một trong những nhà hàng khoái khẩu của Stanford, một toà nhà xây từ thế kỷ mười sáu, nằm ngay lối vào làng, gần đây nó được chuyển thành một khách sạn và nhà hàng. Stanford và Sophia ngồi trong vườn, cạnh hồ nước, còn Prince, con chó chăn cừu tuyền trắng nằm dưới chân ông với đôi mắt đầy cảnh tỉnh. Con chó là biểu tượng của Stanford. Ông đi đâu Prince theo đó. Có lời đồn rằng khi Stanford ra lệnh, con vật có thể cắn nát họng người ta. Không ai muốn thử xem lời đồn đại đó thực hư thế nào. Dmitri ngồi bên chiếc bàn kề lối vào khách sạn; quan sát cẩn thận những kẻ đang theo dõi Stanford khi họ cứ thay nhau xuất hiện rồi bỏ đi: Stanford quay sang Sophia: - Em yêu, anh gọi món cho em nhé? - Dạ. Stanford luôn tự hào về mình là kẻ sành ăn. Ông gọi một đĩa xa lát xanh và món Fricas Bee de lotte cho hai người. Khi hầu bàn bê món chính tới, Danielle Roux, người đàn bà điều hành khách sạn cùng chồng mình là François, đi đến bên ông và mỉm cười: - Mọi việc ổn cả chứ, ngài Stanford? - Tuyệt lắm, thưa bà Roux. - Và mọi chuyện sẽ tuyệt cả thôi. Chúng nó là một nhóm người lùn Pygmy đang cố tạo cho mình cảm giác của những chàng khổng lồ. Chúng tới đây để chuốc lấy một nỗi thất vọng lớn Sophia nói: - Lần đầu tiên em tới đây đấy. Cái làng mới dễ thương làm sao. Stanford quay sang nhìn nàng. Dmitri vừa "thửa" cho ông cô bé nầy hôm qua. - Ông Stanford, tôi "mua" cho ông một người đấy. - Có trục trặc gì không? - Nghe vậy, Stanford hỏi. Dmitri ngoác miệng cười. "Không". Anh ta thấy cô nàng ở sảnh khách sạn Negresco, bèn sán lại. - Xin lỗi, cô có nói được tiếng Anh không? - Có - Nàng đáp bằng một thứ tiếng Anh ngữ điệu Italia. - Bạn tôi muốn mời cô dùng bữa tối với ông ấy. Nàng nổi cáu: - Tôi không phải điếm. Tôi là một diễn viên điện ảnh. - Thực thì nàng từng kiếm được một vai phụ trong bộ phim mới nhất của Pupi Avati và một vai với hai dòng thoại trong một phim của Giuseppe Tornatore. - Làm sao tôi có thể ăn tối với một người lạ cơ chứ? Dmitri lôi ra một cục tiền một trăm đô la và dúi vào tay nàng năm tờ. - Bạn tôi hào phóng lắm. Ông ấy có một cái du thuyền, và ông ấy đang cô đơn. - Gã quan sát thái độ của Sophia đang thay đổi từ cáu giận sang tò mò, rồi ham thích. - Thực thì tôi đang trong thời gian chờ đợi cuốn phim tới. - Nàng nhoẻn cười. - Chắc ăn tối với bạn ông cũng chẳng hại gì. - Tốt lắm. Ông ấy sẽ rất vui. - Thế ông ta đang ở đâu? - Ở St. Paul de Vence. Dmitri chọn khá lắm. Gái Ý hẳn hoi. Tuổi ngoài hai nhăm. Khuôn mặt gợi tình, tựa như mặt mèo nhung vậy. Bộ ngực thật cao và đầy. Lúc nầy nhìn nàng ngồi bên kia bàn, Stanford bỗng nẩy ra một ý: - Em có thích du lịch không, Sophia? - Em thích lắm. - Tốt. Chúng ta sẽ đi chơi với nhau một chuyến ngắn. Anh xin lỗi một phút nhé. Sophia nhìn ông đi ra một máy điện thoại công cộng đặt kế buồng vệ sinh nam. Stanford tra đồng xu vào khe máy và quay số: - Cho xin tổng đài viên hàng hải. Vài giây sau có tiếng đáp: - Đây là người điều hành liên lạc vùng bờ biển… - Tôi muốn đặt một cuộc gọi cho du thuyền Blue Skies, chín tám không… Cuộc gọi kéo dài chừng năm phút và khi kết thúc, Stanford gọi tiếp cho sân bay Nice. Lần nầy thời gian đàm thoại ngắn hơn. Xong, Stanford quay sang nói gì đó với Dmitri và gã nầy nhanh chóng đi ra khỏi nhà hàng. Stanford trở lại với Sophia: - Em sẵn sàng chưa? - Dạ, rồi. - Vậy chúng ta hãy đi dạo một lát. - Ông cần thời gian để vạch ra một kế hoạch. * * * * * Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Nắng chiếu hồng những áng mây và ánh sáng bạc tràn ngập những con đường rải cuội. Họ đi dọc đường Rue Grande, ghé qua nhà thờ Eglise, một nhà thờ cổ kính xây cách đây đã hai nghìn năm. Tới trước cửa nhà thờ, họ dừng lại mua một ít bánh mì nóng. Khi quay đi thì một trong ba kẻ theo dõi đã đứng sẵn ở bên ngoài, đang vờ chăm chú ngắm mặt trước của nhà thờ. Thấy Dmitri đã đang đợi ở đó, Stanford dúi túi bánh mì cho Sophia: - Em mang lên nhà trước dùm anh. Anh sẽ lên ngay. - Vâng. Stanford nhìn Sophia đi xa dần, rồi quay sang Dmitri: - Cậu có phát hiện ra được gì không? - Con đàn bà và một gã đang ở tại khách sạn Le Hameau, trên đường La Colle. Stanford biết chỗ nầy. - Còn gã thứ ba? - Ở Le Mas d Artigny. Ngài muốn tôi làm gì với chúng đây? - Không làm gì cả. Tự tôi sẽ săn sóc chúng. Toà biệt thự của Stanford nằm trên đường Rue de Casette, trong một quần thể những ngôi nhà rất cổ và những con phố nhỏ rải cuội. Biệt thự xây bằng đá cổ trát vữa. Tầng hầm có ga ra và một cái hang giả làm hầm rượu. Một cầu thang bằng đá dẫn lên lô phòng ngủ, phòng làm việc, và một sân hiên lợp ngói. Toàn bộ toà nhà được trang trí bằng đồ cổ Pháp và đâu cũng có hoa. Lúc Stanford về đến nhà thì Sophia đang nằm đợi ông trong phòng ngủ. Nảng đã hoàn toàn sẵn sàng: - Sao đi lâu vậy anh? - Nàng hỏi thì thào. Ngoài những lúc đóng phim, Sophia Matteo phải làm thêm nghề kỹ nữ phục vụ qua điện thoại để kiếm sống, và thường khi làm tình nàng luôn giả bộ mình đạt được tột đỉnh khoái cảm để chiều lòng khách. Song với người đàn ông nầy thì nàng khỏi phải "diễn" làm gì. Ông ta tham lam vô độ và nàng thấy mình liên tục được ông đưa lên tận trời xanh. Khi cả hai đã mệt lả, Sophia ôm ngang người ông và lẩm bẩm một cách mãn nguyện, "Em có thể ở lại nơi nầy mãi mãi". - Tôi chỉ cũng mong muốn có vậy thôi, - Stanford thầm nghĩ và thấy thoáng buồn. Họ ăn tối ở nhà hàng Le Café de la Place, ngay lối vào làng. Bữa tối thật ngon miệng, và đối với Stanford, mối nguy hiểm thực sự đã thêm gia vị vào thức ăn. Trên đường về biệt thự, Stanford bước chậm rãi để đoán chắc những tên bám đuôi theo được. Lúc một giờ sáng, gã đàn ông đứng bên kia đường thấy đèn trong biệt thự đã tắt hết, bèn bỏ đi. Lúc bốn rưỡi sáng, Stanford đi sang phòng ngủ dành cho khách, nơi Sophia đang ngáy ngon lành. - Ông khẽ lay vai nàng: - Sophia… Nàng mở mắt, mỉm cười chờ đợi, song lại cau mặt ngay. Ông đă ăn mặc chỉnh tề. Nàng ngồi dậy. - Có chuyện gì vậy, anh? - Không có chuyện gì cả, em yêu ạ. Em nói em thích đi du lịch. Thì được, chúng ta sẽ đi với nhau một chuyến ngắn nhé. Nàng đã tỉnh ngủ hoàn toàn. - Đi vào lúc nầy ư? - Đúng. Chúng ta phải hết sức khẽ khàng mới được! - Nhưng mà… - Vội lên đi. Mười lăm phút sau, Stanford, Sophia, Dmitri và Prince đã thao bậc thang đá xuống tầng hầm, nơi chiếc Renault màu nâu đang đỗ. Dmitri nhẹ nhàng mở cửa ga ra và nhìn ra đường. Ngoài chiếc Corniche trắng của Stanford đang đỗ ở đó tịnh không còn một vật gì khác. - Sạch sẽ, - gã nói. Stanford quay sang Sophia: - Chúng ta sẽ chơi một trò chơi nhỏ. Anh và em sẽ nằm dán xuống sàn xe ở hàng ghế sau. Nàng mở to mắt: - Tại sao lại phải thế? - Một đối thủ làm ăn đang theo dõi anh, - ông nói không giấu giếm: - Anh sắp kết thúc một vụ lớn, còn chúng thì đang muốn khám phá xem đó là vụ gì. Nếu để chúng biết thì anh sẽ phải thua thiệt nhiều lắm. - Em hiểu, - nàng đáp, song thực thì chẳng hiểu ông đang nói gì. Năm phút sau họ đã tới cổng làng và phóng về xa lộ đi Nice. Một gã đàn ông ngồi trên ghế băng nhìn chiếc Renault tăng tốc độ lao qua cổng. Sau tay lái là Dmitri, còn cạnh gã là con Prince. Gã đàn ông vội rút điện thoại di động và bấm số. - Chúng ta có thể có rắc rối, - gã báo với người đàn bà. - Rắc rối gì vậy? Chiếc xe Renault nâu đã ra khỏi làng. Dmitri Kaminsky cầm lái. Ngoài gã ra trong xe chỉ có con chó thôi. - Không thấy Stanford à? - Không. - Tôi không tin. Gã vệ sĩ không bao giờ rời hắn một bước lúc đang đêm, còn con chó thì luôn ở bên hắn. - Chiếc Corniche còn đỗ ở trước biệt thự không? - Gã đàn ông kia hỏi. - Còn, song hắn có thể đổi xe lắm chứ! - Chúng ta trúng mẹo hắn rồi! Gọi sân bay ngay. Một phút sau họ đã liên lạc được với đài chỉ huy bay. - Máy bay của ông Stanford ấy à? Nó vừa hạ cánh cách đây một giờ và đã nạp xong nhiên liệu. Toán bám đuôi Stanford lập tức chia đôi, hai ra sân bay, người còn lại tiếp tục canh toà nhà lúc đó đang im lìm ngủ. - Xe vừa qua La Coalle-sur-Loup, Stanford ngồi hẳn lên ghế: - Ngồi dậy được rồi đấy, Sophia. - Ông quay sang Dmitri, - Phi trường Nice. Nhanh! Chương 02 Nửa giờ sau, tại phi trường Nice, chiếc Boeing 727 chậm rãi lăn bánh trên đường băng tới điểm xuất phát. Trên đài chỉ huy, nhân viên kiểm soát bay nói: - Rõ là họ đang vội lên đường. Viên phi công đã yêu cầu được cất cánh ba lần rồi. - Chiếc máy bay đó của ai? - Harry Stanford. - Chắc hắn đang đi kiếm thêm vài ba tỉ gì đó. - Viên kiểm soát bay quay nhìn chiếc Learjet cất cánh rồi nhấc microphone và nói: - Boeing tám chín năm Cha, phòng kiểm soát cất cánh sân bay Nice đây. Các anh được phép cất cánh. Còn năm phút nữa. Sau khi cất cánh, lượn phải về hướng một bốn không. Viên lái chính và lái phụ của Stanford nhìn nhau nhẹ nhõm. Lái chính ấn nút microphone: - Roger đây. Boeing tám chín năm Cha sẵn sàng cất cánh. Sẽ lượn ngay sang hướng một bốn không. Tích tắc sau, chiếc phi cơ khổng lồ gầm máy trên đường băng và lao vút vào trời đêm. Viên lái phụ lại nói vào microphone: - Cất cánh, Boeing tám chín năm Cha đang ra khỏi ba ngàn để lên mức bay bảy không. - Anh ta quay sang lái chính. - Hô, ông già Stanford chắc lo chúng ta không cất cánh nổi lắm, đúng không? Lái chính nhún vai: - Việc của chúng ta không phải là luận xem tại sao. Việc của chúng ta là hoặc làm hoặc chết. Nó ra sao ở phía sau? Viên phụ lái đứng lên bước tới ngưỡng cửa nhìn sang khoang hành khách rồi ngoảnh lại nói vào khoang lái: - Nó đang nghỉ. Từ trong xe họ gọi đài chỉ huy sân bay: - Máy bay của ông Stanford còn dưới mặt đất không? - Không, thưa ông. Nó đã cất cánh rồi. - Phi công có lưu lại kế hoạch bay không? - Dĩ nhiên là có, thưa ông. - Tới đâu? - Máy bay nhằm hướng JKF. - Cám ơn. - Gã quay sang đồng sự. - Phi trường Kennedy. Chúng ta sẽ cho người đón hắn ở đó. Lúc chiếc Renault đã vượt qua ngoại ô Monte Carlo, nhằm hướng biên giới Ý, Stanford nói: - Còn khả năng chúng vẫn bám đuôi không, Dmitri? - Không đâu, thưa ông. Chúng đã mất vết chúng ta rồi. - Tốt. - Stanford ngả người ra ghế, thư giãn. Chả còn phải lo nghĩ gì nữa. Họ sẽ bám theo chiếc máy bay. Ông điểm lại tình huống trong đầu. Vấn đề là họ đã biết gì và biết từ khi nào. Họ chỉ là những con chó rừng lẩn theo vết sư tử mà thôi, hy vọng sẽ hạ gục được ông. Stanford cười thầm. Họ đánh giá quá thấp cái người đang khiến họ bận tâm. Những kẻ từng phạm những sai lầm loại nầy đều đã phải trả giá đắt. Lần nầy rồi cũng vậy thôi. Ông là Harry Stanford, bạn bè của các vị tổng thống và các vị vua chúa, có đủ quyền lực và sức mạnh tài chính để vực dậy hay làm lụn bại nền kinh tế của cả chục quốc gia chứ đâu phâi chuyện đùa. Chiếc Boeing 727 đang bay trên bầu trời Marseilles. Lái chính nói vào microphone: - Marseilles nghe đây, Boeing tám chín năm Cha đang ở trong tầm kiểm soát của các vị. Chúng tôi đang ra khỏi tầng bay một chín không để vào tầng hai ba không. Roger. * * * * * Chiếc Renault tới San Remo ngay khi trời vừa sáng. Stanford còn nhớ rõ thành phố nầy lắm, song nó cũng thay đổi rất nhanh. Ông nhớ ngảy nó còn là một mảnh đất tao nhã với những khách sạn và nhà hàng hạng nhất, với một sòng bạc mà các con bạc khi bước vào đều phải đeo cà vạt đen và người ta có thể thắng hoặc thua cả một gia tài trong một buổi tối. Nay nó đã không chống đỡ nổi với tệ nạn du lịch, với những ông bầu lớn miệng đánh bạc trong ống tay áo. Xe của Stanford tiến dần tới vịnh, cách biên giới Pháp-Ý mười hai dặm đường. Vịnh có hai hải cảng, Marina Porto Sole ở phía đông và Porto Communale ở phía tây. - Chúng ta tới cảng nào đây? - Dmitri hỏi - Porto Communale, - Stanford đáp. Càng vắng người càng hay. Chỉ vài phút chiếc Renault đã đỗ sát bên mạn du thuyền Blue Skies, một chiếc tàu bóng mượt dài một trăm tám mươi bộ. Thuyền trưởng Vacarro và mười hai thành viên thuỷ thủ đoàn đã xếp hàng chờ sẵn trên boong. Thuyền trưởng xăng xái đi xuống đón đoàn. - Chào ngài Stanford. Để chúng tôi xách hành lí cho, và… - Không có hành lí. Nhổ neo thôi. - Rõ, thưa ngài. - Chờ một phút. - Stanford nhìn đám thuỷ thủ và cau mặt. - Người đứng cuối hàng ấy. Anh ta mới vào đúng không? - Vâng, thưa ngài. Buồng lái của chúng tôi thiếu mất một thuỷ thủ do ngã bệnh ở Capri, chúng tôi bèn tuyển anh ta vào thay chân. Anh ta… - Tống cổ nó đi, - Stanford ra lệnh. Viên thuyền trưởng bốì rối nhìn ông. - Trả tiền và hãy để nó đi khỏi con tàu nầy. Thuyền trưởng gật đầu: "Rõ, thưa ngài". Nhìn quanh, linh tính cho Stanford thấy có chuyện chẳng lành. Cảm giác đó mỗi lúc một trỗi lên, rõ ràng tới độ ông gần như có thể đưa tay ra là sờ được nó. Ông không muốn có một người lạ mặt nào ở gần mình. Thuyền trưởng Vacarro cùng thuỷ thủ đoàn đã đi với ông nhiều nằm nay. Ông có thể tin cậy ở họ. Ông quay nhìn cô gái. Dmitri đã nhặt cô ta một cách ngẫu nhiên nên có thể coi nguy hiểm sẽ không đến từ phía đó. Còn với Dmitri, gã vệ sĩ nầy đã cứu mạng ông không chỉ một lần trong đời. Stanford quay sang bảo gã: - Hãy luôn ở bên tôi. - Vâng, thưa ông. Stanford nắm tay Sophia: - Lên tầu đi, em yêu. Dmitri đứng trên boong quan sát đám thuỷ thủ chuẩn bị khởi hành. Gã nhìn bao quát hải cảng một lượt song không thấy gì khả nghi. Vào lúc sáng sớm thế nầy chưa có một hoạt động nào diễn ra cả. Động cơ kỳ vĩ của chiếc du thuyền khởi động và con tàu lừng lững lướt đi. Viên thuyền trưởng đến gần Stanford: - Ngài chưa nói chúng ta sẽ đi đâu, thưa ngài Stanford. - Chưa, tôi chưa nói, hẳn thế? - Ông suy nghĩ một giây - Đi Portofino. - Rõ, thưa ngài. - Mà nầy, tôi cấm ông không được sử dụng liên lạc bằng sóng vô tuyến. Thuyền trưởng Vacarro cau mày: - Không được sử dụng liên lạc vô tuyến ư? Rõ, thưa ngài, nhưng ngộ nhỡ… - Khỏi lo chuyện đó. Cứ làm như tôi nói đi. Và tôi không muốn một ai sử dụng điện thoại vệ tinh. - Rõ, thưa ngài. Chúng ta có nán lại Portofino không ạ? - Tôi sẽ cho ông biết có nán lại đó hay không. Stanford dẫn Sophia đi một vòng quanh tầu. Con tầu là một trong những tài sản đoạt giải của ông nên ông thích phô trương nó. Ai nhìn cũng phải choáng ngợp trước sự xa xỉ nầy. Nó có một lô phòng ở cao cấp, kèm phòng chờ và một phòng làm việc. Phòng làm việc, rộng thênh thang và tiện lợi với một chiếc đi văng, vài ghế mềm và một cái bàn giấy mà trên đó, có đủ mọi phương tiện để điều hành cả một thành phố nhỏ. Trên tường treo một tấm bản đồ điện tử lớn với một chiếc thuyền nhỏ chuyển động cho thấy vị trí thực của con tàu. Hai cửa kính trượt mở ra một hàng hiên có đặt một xích đu, một bàn với bốn chiếc ghế. Vào những ngày thanh bình Stanford thích dùng bữa sáng ngoài hàng hiên nầy. Có sáu phòng ngủ dành cho khách. Phòng nào cũng được trang trí bằng lụa có hoạ tiết thủ công, có cửa sổ và bồn tắm. Còn thư viện lớn thì được ốp gỗ kola. Phòng ăn đủ chỗ cho mười sáu thực khách. Du thuyền có một hầm rượu và một phòng chiếu phim lí tưởng. Harry Stanford là một trong những nhà sưu tầm phim khiêu dâm lớn nhất thế giới. Tất thẩy đồ đạc trang trí trong du thuyền đều là nhữag thử quí hiếm độc nhất vô nhị, còn các bức hoạ thì có thể khiến bất cứ viện bảo tàng nào cũng phải thèm thuồng. - Vậy là em đã xem gần hết du thuyền rồi đấy, - Stanford nói với Sophia. - Anh sẽ cho em xem nốt những gì còn lại vào ngày mai. Nàng cảm thấy ngượng ngùng: - Chưa bao giờ em được thấy một cái gì như thế nầy! Nó giống… nó giống như một thành phố vậy. Stanford nhoẻn cười trước sự ngưỡng mộ của nàng. - Em sẽ được chỉ cho phòng riêng và hãy nghỉ ngơi cho thoải mái nhé. Anh có ít việc phải làm cho xong đã Stanford trở lại phòng làm việc và kiểm tra vị trí của con tàu. Chiếc Blue Skies đã đến Biển Ligurian và đang đi về hướng đông bắc. Chúng sẽ không đoán nổi ta đi đâu, Stanford nghĩ bụng. Chúng sẽ chờ ta ở JKF. Khi tới Portofino ta sẽ làm rõ mọi chuyện với chúng. Ở độ cao ba mươi lăm dặm trong không trung, lái chính của chiếc Boeing 727 đang nhận chỉ thị mới. "Boeing tám chín năm Cha, anh được phép bay thẳng đến Delta India November đúng như trong hồ sơ đường bay." Anh ta nói với lái phụ, đoạn đi ra cửa vào khoang hành khách. - Vị hành khách của chúng ta ra sao rồi? - Anh lái phụ hỏi. - Nó có vẻ đói. Chương 03 Xa từ ngoài biển nhìn vào, Portofino đã gây ấn tượng với những sườn đồi xanh ngát ô liu, thông, bách và cọ: Stanford, Sophia và Dmitri đứng trên boong ngắm cảnh trong khi con tầu tiến dần vào bờ. Sophia hỏi: - Anh có đến Portofino thường xuyên không? - Mới vài lần thôi. - Thế nơi ở chính của anh ở đâu? Câu hỏi riêng tư quá. Stanford bèn đáp: - Em sẽ được thưởng ngoạn Portofino, Sophia. Nó rất đẹp. Thuyền trướng Vacarro đến gần: - Ngài có dùng bữa trưa trên tầu không, thưa ngài Stanford? - Không, chúng tôi sẽ dùng bữa ở Splendido. - Tốt lắm. Vậy tôi có phài sẵn sàng nhổ neo ngay sau bữa trưa không? - Tôi nghĩ là không. Hày thưởng thức phong cảnh của thành phố nầy cho chán đã. Viên thuyền trưởng nhìn Stanford, bối rối. Mới một nháy mắt trước ông ta còn cuống cà kê là vậy, giờ đã đổi giọng hoàn toàn, cứ như ông ta đang có cả nghìn năm để sống. Còn cái vụ cấm ngặt sử dụng liện lạc vô tuyến nữa. Chúa ơi! Khi chiếc Blue Skies đã thả neo, Stanford cùng Dmitri và Sophia đáp xuồng vào bờ. - Chúng ta sẽ ăn trưa ở khách sạn trên đỉnh đồi. Từ trên đó nhìn ra biển đẹp lắm, - Stanford nói với Sophia. - Em hãy tới chỗ kỳa bắt tắc xi, anh sẽ đến sau vài phút. - Dạ. Stanford nhìn theo Sophia cho đến khi nàng đi xa, đoạn ông quay sang Dmitri: - Tôi phải gọi một cú điện thoại. Không thể gọi từ trên tàu được. Dmitri nghĩ bụng. Hai người đi ra hai buồng điện thoại công cộng kề mép ke. Dmitri nhìn Stanford bước vào một buồng điện thoại, nhấc máy và thả đồng xu vào khe. - Điện thoại viên, tôi muốn đặt một cuộc gọi tới Nhà băng Union, Thuỵ Sĩ. Vừa lúc đó có một người đàn bà bước tới buồng điện thoại thứ hai. Dmitri đứng chắn lấy lối vào. - Xin lỗi, - bà ta nói. - Tôi… - Tôi đang đợỉ một cuộc gọi. Bà ta ngạc nhiên nhìn gã, "Ra thế", rồi quay nhìn buồng điện thoại mà Stanford đang ở trong đó. - Theo tôi thì bà không nên đợi, - Dmitri gầm gừ nói. - Ông ta sẽ còn gọi lâu đấy. Người đàn bà nhún vai rồi bỏ đi. - A lô? Dmitri nhìn Stanford nói vào máy. - Peter đấy hả? Chúng tôi đang gặp phải một trục trặc nho nhỏ. - Stanford đóng chặt cửa buồng điện thoại lại. Ông nói rất nhanh khiến Dmitri không thể thấy gì được hết. Cuộc gọi kết thúc Stanford mới mở cửa và bước ra. - Mọi chuyện ổn cả chứ, ông Stanford? - Đi ăn trưa thôi. Splendido mới là hòn ngọc của Portofino. Đấy là một khách sạn có tầm nhìn khoáng đạt xuống mặt vịnh lóng lánh như thuỷ tinh ở bên dưới. Khách sạn được xây dựng để đón những vị khách cực kỳ giàu có nên luôn rất dè chừng với uy tín của mình. Stanford, Sophia và Dmitri ăn trưa ở ngoài hiên. - Anh lại gọi món cho em nhé? - Stanford hỏi - Họ có một số món đặc biệt mà anh đoán em sẽ thích. - Vâng. Stanford gọi món trenette al pesto, một món mì địa phương, thịt bê và focalina, một thứ bánh mì trộn muối cũng của bản xứ. - Và cho chúng tôi một chai Schram tám tám. - Ông quay sang Sophia. - Loại rượu nầy đã đoạt huy chương vàng tại cuộc thi rượu vang quốc tế ở London. Chủ vườn nho là tôi đó. Nàng nhoẻn cười. - Ông thật là may mắn. May rủi chẳng liên quan gì tới đây hết. - Tôi tin là con người ta sinh ra là để tận hưởng những của ngon vật lạ trên đời. - Ông là con người khiến ai cũng phải kinh ngạc. - Cám ơn. Stanford thấy thú vị khi có một cô gái đẹp ngưỡng mộ mình. Cô bé nầy đủ trẻ để làm con gái ông và điều đó càng khiến ông khoái trá hơn. Ăn xong Stanford cười hết cỡ: - Chúng ta ra tầu thôi. - Ồ, phải rồi! Harry Stanford là một người tình không kiên định, rất đam mê và điệu nghệ. Cái tôi lớn lao khiến ông cố làm cho người tình của mình thoả mãn hơn là vì sự thoả mãn của chính mình. Ông biết cách kích thích vào những vùng nhạy cảm của đàn bà, và ông điều khiển cái dàn nhạc ân ái hài hoà tới mức có thể đưa người tình của mình lên những độ cao họ chưa bao giờ đạt tới trong đời. Hai người sài trọn cả buổi chiều trong lô phòng của Stanford, và khi cuộc làm tình kết thúc thì Sophia cũng mệt rã rời. Stanford mặc quần áo và ra ngoài tìm thuyền trưởng Vacarro. - Ngài muốn tới Sardinia phải không, ngài Stanford? - Hãy tới Elba trước. - Rõ. Còn điều gì khiến ngài không được hài lòng không? - Không đâu, anh làm việc tốt lắm. Stanford lại bỗng cảm thấy cơn hứng tình trỗi dậy, bèn lộn trở lại phòng Sophia. Họ tới Elba vào chiều hôm sau và thả neo ở cảng Portoferraio. * * * * * Khi chiếc Boeing 727 vào không phận Bắc Mỹ, lái chính liên lạc với đài điều khiển mặt đất: - Trung tâm bay New York, Boeing tám chín năm Cha đang ở trong vùng điều khiển của các vị. Chúng tôi chuẩn bị qua tầng hai sáu không để vào tầng hai bốn không. Trung tâm bay New York đáp: - Roger, anh được phép vào đến tầng một hai bảy, thẳng hướng JKF Từ phía sau vẳng tới một tiếng gầm gừ khe khẽ. - Yên nào, Prince. Để tao quàng dây an toàn quanh người mày. Có bốn người đã đợi sẵn khi chiếc 727 hạ cánh. Họ đứng ở những vị trí khác nhau để có thể quan sát trọn vẹn các hành khách ra khỏi máy bay. Họ chờ nửa tiếng đồng hồ. Vị hành khách duy nhất bước xuống là con chó chăn cừu giống Đức tuyền trắng. Portoferraio là trung tâm siêu thị của Elba. Hai bên hè phố là những cửa hiệu hào nhoáng và tối tân, còn mặt sau vịnh là những căn nhà thế kỷ mười chín ẩn trong bóng một pháo đài lừng lững do Quận công Florence xây dựng từ thế kỷ mười sáu. Stanford đã đến hòn đảo nầy nhiều lần, và lạ thay, ông thấy nơi nầy thân thuộc như ở nhà mình vậy. Napoleon Bonaparte từng bị đày ở đây. - Chúng ta sẽ tham quan nhà của Napoleon, - Ông nói với Sophia. - Anh sẽ gặp em ở đó. - Ông quay sang Dmitri. - Đưa cô ấy tới biệt thự del Mulini. - Vâng, thưa ông. Stanford nhìn theo Dmitri và Sophia, rồi liếc nhìn đồng hồ. Thời gian đang trôi. Giờ nầy hẳn chiếc máy bay của ông đã hạ cánh xuống Kennedy. Khi thấy ông không có mặt trong chuyến đó, bọn kia hẳn sẽ lại săn đuổi từ đầu. Chúng phải mất một thời gian để tìm ra dấu vết của ta, Stanford thầm nghĩ. Đến khi đó thì mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi. Ông vào một buồng điện thoại công cộng và nhấc máy: - Tôi muốn nói chuyện với London. Nhà băng Barclays. Một bảy một… Nửa giờ sau ông qua đón Sophia và đưa nàng trở lại cảng. - Em lên thuyền trước nhé. Anh phải đi gọi tiếp vài cuộc điện thoại nữa. Nàng nhìn ông đi về phía buồng điện thoại công cộng và tự hỏi không hiểu tại sao Stanford lại không sử dụng phương tiện liên lạc ở trên tầu. Trong buồng điện thoại, Stanford đang nói: "Sumitomo Bank ở Tokyo…" Mười lăm phút sau, ông trở lại tầu, sắc mặt hết sức nghiêm nghị. - Chúng ta có thả neo ở đây qua đêm không? - Thuyền trưởng Vacarro lại hỏi. - Có - Stanford đáp nhát gừng. - Không! Hãy đi Sardima. Ngay lập tức. Costa Smeralda ở Sardinia là một trong những nơi có thắng cảnh đẹp nhất của miền Địa Trung Hải. Thị trấn nhỏ Porto Cervo là nơi nghỉ ngơi của những người giầu có khi họ cần yên tĩnh. Thị trấn có một khu lớn những biệt thự do Aly Khan xây dựng. Việc đầu tiên Stanford làm khi bước chân lên bờ là tìm một buồng điện thoại. Dmitri theo sát chân ông và đứng canh ở ngoàỉ. - Tôi muốn đặt một cuộc gọi đi Rome… - cánh cửa phòng điện thoại khép lại. Cuộc đàm thoại lần nầy kéo dài ngót nghét nửa giờ. Khi bước ra, sắc mặt của Stanford trông rầu rĩ. Dmitri thầm hỏi không biết có chuyện gì đang xảy ra. Stanford và Sophia ăn trưa trên bãi biển Liscia di Vacca. Stanford gọi món cho cả hai người. - Chúng ta sẽ bắt đầu với món malloreddus, rồi đến món porceddu. Về thức uống ta sẽ dùng Vernaccia, còn thức nhắm ngọt sẽ là sebadas. Đang nói với Sophia thì ông bỗng giật mình khi thấy ngay lối vào nhà hàng có hai người đàn ông đang ngồi bên một chiếc bàn và chăm chú nhìn ông. Mặc com lê đen sang trọng giữa cái nắng mùa hạ nầy, rõ là chúng chẳng buồn đóng vai khách du lịch nữa. Chúng đang bám theo ta hay đây chỉ là những người lạ tình cờ có mặt? Không được để mất khả năng tưởng tượng. Stanford bụng bảo dạ. Sophia đang nói: - Em chưa hỏi là anh đang kinh doanh trong lĩnh vực gì? Stanford nhìn kỹ nàng. Đi cùng một người không biết gì về ông quả có làm ông hưng phấn lên thật. - Tôi đã nghỉ hưu và đang chơi quanh thế giới cho thoả chí tang bồng thôi. - Ông sống độc thân sao? - Giọng nàng dần thông cảm. - Hắn ông cảm thấy cô đơn lắm nhỉ? Suýt nữa thì Stanford phá ra cười. - Phải, tôi cô đơn lắm. Tôi rất vui vì có cô ở bên. Nàng để tay mình lên tay ông. "Em cũng vậy" Khi bữa trưa đã tàn, Stanford cùng Dmitri và Sophia trở vào thị trấn. Stanford lại xăm xăm đi tìm một buồng điện thoại. - Tôi muốn nói chuyện với Credit Lyonnais ở Paris… Nhìn ông, Sophia nói với Dmitri: - Ông ta thật là một con người tuyệt vời, đúng không? Không có ai như ông cả. - Anh theo ông ta đã lâu chưa? - Hai năm, - Dmitri đáp. - Anh may mắn thật đấy. - Tôi biết - Dmitri tới buồng điện thoại và đứng canh ở ngoài. Gã nghe Stanford nói: "René đấy à? Anh biết tại sao tôi gọi chứ? Đúng… đúng… Anh sẽ làm vậy chứ… Tuyệt lắm? - Giọng ông nhẹ nhõm hẳn đi. - Không… không phải ở đấy. Hãy gặp nhau ở Corsica thì hơn. Tốt lắm. Sau khi gặp nhau rồi chúng ta có thể chạy thẳng về nhà. Cám ơn anh nhé, René". Stanford cúp máy, đứng lặng một giây, túm tỉm cười đoạn quay một số máy ở Boston. Người thư ký thưa máy: - Văn phòng ngài Fitzgerald đây. - Tôi là Harry Stanford. Hãy cho tôi nói chuyện với ông ta. - Ồ ngài Stanford? Tôi xin lỗi, ngài Fitzgerald đang đi nghỉ. Còn ai hầu chuyện được ngài không? - Không. Tôi đang trên đường về Mỹ. Cô nói với ông ta rằng tôi muốn ông ta có mặt ở Boston, tại Rose Hill vào chín giờ thứ hai. Bảo ông ta mang theo bức di chúc của tôi và một chứng viên nhé. - Tôi sẽ cố… - Chớ có cố! Hãy làm đi, cô bé. - Ông bỏ máy xuống và đứng lặng đi. Đầu óc quay cuồng. Lúc bước ra khỏi phòng điện thoại, giọng ông trở nên trầm lắng. - Anh có chút việc phải làm, Sophia. Em hãy tới khách sạn Pitrizza và chờ anh ở đó. - Vâng, em sẽ tới đó. Anh đừng đi lâu quá nhé, - Sophia ngoan ngoãn đáp. - Anh sẽ đến với em ngay. Hai người đàn ông nhìn nàng bước đi. - Quay lại tầu thôi. - Stanford nói với Dmitri. - Chúng ta phải lên đường. Dmitri ngạc nhiên nhìn chủ: - Còn… - Nó sẽ tìm được đường về nhà. Về đến du thuyền, Stanford bảo thuyền trưởng Vacarro: - Chúng ta sẽ đi Corsica. Nhổ neo thôi. - Tôi vừa nhận được bản tin cập nhật thời tiết, thưa ngài Stanford. Tôi e là đang có một cơn bão lớn. Tốt nhất là chúng ta nên chờ ở đây cho nó tan đi rồi hãy lên đường. - Tôi muốn đi ngay, thuyền trưởng ạ. Thuyền trưởng Vacarro do dự: - Chuyến đi sẽ vất vả lắm, thưa ngài. Đây là một cơn libeccio - gió đông nam. Sẽ có những cơn lốc rất dữ dội. - Tôi chả quan tâm tới chuyện đó. Cuộc gặp gỡ ở Corsica sẽ giải quyết hết mọi vấn đề trắc trở của ông. Ông quay sang Dmitri. - Tôi muốn anh bố trí một chiếc trực thăng đón chúng ta ở Corsica đi Naples. Anh hãy dùng điện thoại công cộng trên cảng ấy. - Vâng, thưa ông. Dmitri lên cảng gọi điện thoại. Hai mươi phút sau, chiếc Blue Skies khởi hành. Chương 04 Thần tượng của gã là Dan Quayle và gã thường dùng cái tên đó như một tiêu thức. - Tôi cóc cần biết anh nói gì về Quayle, ông ta là chính trị gia duy nhất với những giá trị đích thực. Gia đình: tất cả là ở đó. Gia đình đã bại hoại thì quốc gia cũng suy vong. Hãy xem bọn trẻ đang sống chung sống chạ với nhau, ngủ với nhau tùm lum, rồi thậm chí sinh con đẻ cái mà chẳng cưới xin gì. Nghe mà hãi. Vậy thì tội phạm cả đống như vậy cũng đâu có lạ. Nếu Dan Quayle ứng cử Tổng thống thì chắc chắn ông ta sẽ được một phiếu của tôi. - Thật là một nỗi nhục, gã thầm nghĩ, khi gã không thể bỏ phiếu bởi một nền luật pháp ngu xuẩn, song dù thế nào đi nữa thì gã cũng hậu thuẫn Quayle đến cùng. Gã có bốn con: Billy lên tám và ba đứa con gái - Amy, Clarissa, và Susan, mười, mười hai và mười bốn tuổi. Chúng là những đứa trẻ tuyệt vời và niềm hạnh phúc lớn lao nhất của gã là chơi với con cái. Những phút như vậy đã được gã gọi là thời gian chất lượng. Gã dành trọn mọi kỳ nghỉ cuối tuần cho bọn trẻ. Gã nướng thịt cho chúng ăn, đùa nghịch với chúng, đưa chúng đi xem phim, xem thể thao và giúp chúng làm bài tập ở nhà. Mọi bọn trẻ trong khu đều ngưỡng mộ gã. Gã sửa xe đạp và đồ chơi cho chúng, gã dẫn chúng đi pic nic cùng với gia đình mình. Chúng tặng cho gã cái tên lóng - "Cha". Một buổi sáng thứ bảy nắng đẹp, gã ngồi trên khán đài xem một trận bóng chày. Đứa con lên tám của gã Billy, lúc đó đang chơi ở một vị trí quan trọng, trông rất có dáng nhà nghề và lớn hắn lên trong bộ đồng phục đội bóng thiếu niên. Ba cô con gái và vợ gã ngồi bên cạnh. Không thể khá hơn thế nầy được nữa, gã sung sướng nghĩ thầm. Sao tất cả những gia đình khác đều không như chúng ta? Lúc đó đã cuối lượt chơi thứ tám, tỉ số đang sát nút, với hai lần bóng ra ngoài sân và đưa vào cuộc. Billy đang ở vạch ngang, phải ứng phó với ba bóng và hai cú đánh. "Cha" cao giọng cổ xuý: "Bắt lấy chúng, Billy?" Billy đang chờ cú ném bóng. Đường bóng đi căng và thấp. Billy vung gậy quật thật lực, nhưng trượt. Trọng tài nổi còi kết thúc lượt chơi. Những tiếng than thở chán ngán xen lẫn tiếng cườỉ nói hỉ hả trỗi lên từ đám cổ động viên là các bậc cha mẹ lũ trẻ cầu thủ. Billy đứng như trời trồng nhìn hai đội đổi sân. "Cha" la lớn: - Không sao đâu, Billy. Lần tới con sẽ đánh trúng. Billy cố nhoẻn cười. John Cotton, huấn luyện viên của đội Billy đang chờ nó: - Em ra khỏi sân ngay! - Ông ta bảo. - Nhưng, thưa ông Cotton… - Không nhưng gì hết. Ra khỏi sân ngay. Cha của Billy đau đớn nhìn con thất thểu rời sân cỏ. Ông ta không thể làm như thế, gã bụng bảo dạ. Ông ta phải cho Billy thêm một cơ hội nữa chứ. Ta phải nói chuyện với ông ta mới được. Vừa lúc đó, điện thoại di động của gã đổ chuông. Gã cho nó reo bốn lần mới tiếp nhận cuộc gọi. Chỉ có một người biết được số máy cầm tay của gã thôi. Hắn biết mình muốn được yên vào những ngày cuối tuần mà, gã tức tối nghĩ. Người ở máy bên kia nói khẽ độ vài phút. "Cha" lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu. Rút cuộc gã đáp: - Vâng, tôi hiểu. Tôi sẽ lo việc đó. - Mọi chuyện ổn cả chứ, anh yêu? - Vợ gã hỏi. - Không, anh e là không. Họ muốn anh làm việc cả vào thứ bảy và chủ nhật còn anh thì đã có kế hoạch làm món thịt nướng cho cả nhà vào ngày mai. Vợ gã cầm lấy tay gã mà nói âu yếm: - Anh khỏi phải lo chuyện đó. Công việc của anh quan trọng hơn. Không có gì quan trọng hơn gia đình ta hết. Dan Quay le hẳn hiểu điều nầy. Tay gã bắt đầu ngứa ran và gã gãi. Sao nó lại ngứa ghê thế nhỉ? Ta sẽ phải đi gặp bác sĩ da liễu mình được. * * * * * John Cotton làm trợ lý giám đốc siêu thị địa phương. Ông ta là người lực lưỡng, tuổi ngoài năm mươi. Cotton nhận lời làm huấn luyện viên cho đội tuyển thiếu nhi bởi có con trai chơi trong đó. Đội ông ta thua trận hôm thứ bảy là do lỗi của Billy. Khi siêu thị đã đóng cửa và John Cotton đang đi ra xe thì một người lạ mặt tiến đến. - Xin lỗi, ông Cotton. - Vâng? - Không biết ông có cho phép tôi nói chuyện với ông một lát không? - Siêu thị đã đóng cửa. - Ồ không phải chuyện cái siêu thị. Tôi muốn nói chuyện với ông về con trai tôi kia. Billy đã rất chán nản khi ông đuổi nó ra khỏi sân và nói với nó rằng nó sẽ không được chơi nữa. - Billy là con trai ông à? Tôi lấy làm tiếc vì đã để nó chơi. Nó sẽ không bao giờ trở thành một cầu thủ bóng chày được. Cha của Billly chân thành nói: - Ông làm như vậy là không công bằng, ông Cotton. - Tôi biết Billy chứ. Nó là đứa chơi tốt. Rồi ông sẽ thấy nó chơi trong trận thứ bảy tới. - Nó sẽ không chơi vào thứ bảy tới đâu. Tôi đuổi nó rồi. - Nhưng mà… - Không nhưng gì cả. Chuyện thế đấy. Thôi nhé, nếu không còn gì khác thì xin phép ông, tôi đi đây. - Ồ, vẫn còn đấy. - Cha Billy mở cái gói trong tay ra, để lộ một cây gậy bóng chày. Gã nói với giọng nài nỉ. - Đây là cây gậy Billy vẫn dùng. Ông thấy đấy cây gậy đã vỡ đầu nên thật không công bằng khi phạt nó như vậy… - Nầy ông, tôi cóc cần biết cáì gậy đó ra sao đâu. Con ông đã bị đuổi! Cha Billy thở dài chán ngán: - Ông có tin là mình sẽ không đổi ý không? - Không có cơ hội cho tôi đổi ý đâu. Cotton vừa sờ vào tay nắm cửa xe thì cha Billy cũng vung cây gậy lên và đập vỡ tan kính hậu. Cotton bàng hoàng nhìn gã. - Ông… ông làm cái trò gì thế? Khởi động chút xíu cho ấm người ấy mà, - vừa nói gã vừa đánh mạnh vào xương bánh chè của Cotton. John Cotton thét lên và ngã xuống, quằn quại vì đau đớn. - Mày điên rồi. Cứu tôi với. Cha Billy quì xuống bên cạnh, nói khẽ: - Mày mà còn kêu thêm một tiếng là tao đập vỡ nốt cái xương bánh chè còn lại. Cotton kinh hoàng nhìn gã. Gã lạnh lùng tiếp: - Nếu con trai tao không có mặt trong đội hình vào thứ bảy tới thì tao sẽ giết mày và giết con trai mày. Tao nói vậy đã rõ chưa? Cotton cố nghiến răng kỳm cơn đau và gật đầu. - Ồ mà tao không muốn chuyện nầy lộ ra đâu nhé. - Tao có bạn bè. - Gã nhìn đồng hồ. Gã vừa đủ thời gian để đáp chuyến bay tới Boston. Tay gã lại bắt đầu ngứa. Vào lúc bảy giờ sáng ngày chủ nhật, gã vận com lê, tay xách chiếc cặp da sang trọng đi bộ qua Quảng trường Copley ra phố Stuart. Gã bước vào toà nhà hiệp hội Luật gia Boston. Với cả tá chủ nhân trong toà nhà đồ sộ đó, nhân viên bảo vệ có tài thánh cũng chẳng nhận ra gã là ai. - Chào ông, - gã lên tiếng. - Chào ngài. Tôi có thể giúp gì ngài không? Gã thở dài: - Đến Chúa cũng chẳng giúp gì được tôi. Người ta nghĩ tôi chẳng có việc gì khác ngoài bỏ ra cả ngày chủ nhật để làm cái việc mà một kẻ nào khác có thể đã làm rồi. Viên bảo vệ nói, giọng thông cảm: - Tôi hiểu cảm giác đó. - Ông ta kéo chốt cửa. - Ông làm ơn kí vào đây. Gã kí đánh xoẹt và đi ra chỗ thang máy. Văn phòng mà gã đang tìm nằm ở tầng năm, song gã theo thang máy lên tầng sáu rồi mới lội bộ xuống. Đi dọc hành lang một đoạn gã thấy có tấm biển đồng, ghi: "RENQUIST, RENQUIST & FITZGERALD, LUẬT SƯ". Gã nhìn quanh, và khi thấy hành lang trống trơn mới mở cặp, lôi ra một túi đồ nghề. Gã mở cửa phòng trong khoảng năm giây. Gian tiếp tân được bài trí theo lối cổ, thị hiếu bảo thủ, đúng kiểu một hãng luật hàng đầu Boston. Gã đứng yên một lát để định vị, đoạn đi vào gian lưu trữ hồ sơ. Trong đó có một dãy tủ sắp xếp theo thứ tự chứ cái. Gã lần đến chứ R-S. Tủ khoá. Gã bèn rút trong cặp ra một bản chìa khoá chưa khoét răng, một cái cưa nhỏ và một đôi giũa. Gã tra bản chìa khoá vào ổ, lắc nhẹ một lát. Sau vài giây gã rút nó ra và ngắm nghía những vệt đen hằn trên đó rồi hí hoáy giũa. Miệng gã nhoẻn cười khi nhận ra mình đang lẩm bẩm: "Phải đi những nơi thật xa" Một kỳ nghỉ thực thụ nhé. Ta tin lũ trẻ sẽ rất khoái Hawaii Cánh cửa tú rút cuộc cũng được mở. Chỉ nháy mắt gã đã tóm được bộ hồ sơ cần tìm. Gã rút chiếc máy ảnh Pentax nhỏ ra và bắt đầu bấm. Mười phút sau thì xong. Đoạn gã lấy vài mẩu giấy Kleenex, đi ra vòi nước nhúng cho ướt rồi thấm sạch những vụn kim loại rơi ra sàn nhà. Gã khoá tủ hồ sơ lại, bước ra hành lang, đóng nốt cửa văn phòng và chuồn khỏi toà nhà. Chương 05 Ngoài khơi tối hôm ấy, thuyền trưởng Vacarro tới phòng Stanford. - Ngài Stanford… - Có tôi. Thuyền trưởng chỉ lên tấm bản đồ điện tử trên tường và nói: - Tôi e là cơn bão đang mạnh lên. Tâm cơn Libeccio nầy nằm ở eo biển Bonifacio. Theo thiển ý của tôi, chúng ta nên tạm lánh vào vịnh chờ đến khi… Stanford vội cắt ngang: - Đây là một con tầu tốt, và ông là thuyền trưởng tốt Tôi tin ông có thể vượt qua cơn bão. Thuyền trưởng Vacarro lưỡng lự: - Tôi sẽ cố hết sức, thưa ngài. - Tôi tin như vậy, thuyền trưởng ạ. Stanford ngồi trong văn phòng và vạch chiến lược của mình. Ông sẽ gặp René ở đảo Corsica và giải quyết mọi chuyện trong buổi gặp ấy. Sau đó, trực thăng sẽ đưa ông đi Naples, rồi từ Naples ông sẽ gọi máy bay đưa ông về Boston. Mọi chuyện sẽ suôn sẻ cả ông thầm nghĩ. Ta chỉ cần có bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Chỉ bốn mươi tám tiếng thôi. Ông tỉnh giấc vào lúc hai giờ sáng bởi tiếng gió rít và con tàu tròng trành dữ dội quá. Stanford đã gặp bão biển nhiều lần, song chưa có cơn nào ghê gớm như cơn nầy. Thuyền trưởng Vacarro nói đúng. Stanford ngồi dậy, tay bám chặt thành giường cho khỏi ngã rồi lần mò đi ra chỗ tấm bản đồ. Con tầu đang ở vùng eo biển Bonifacio. Chúng ta sẽ tới Ajaccio trong vài giờ nữa. Tới được đó là an toàn Những sự kiện tiếp theo xảy ra trong đêm đó chỉ là sự phỏng đoán. Báo chí chọ rằng bâo lớn đã hất một số người xuống biển, và Stanford đã cố cứu họ, song vì con tầu tròng trành nên ông đã mất thăng bằng và ngã ra ngoài bao lơn. Dmitri Kaminsky thấy ông ngã xuống nước liền vớ lấy máy liên lạc nội bộ và kêu lên: - Có người rơi! Chương 06 Đại uý cảnh sát trưởng đảo Corsica, François Durer, đang trong tâm trạng bực bội. Hòn đảo nầy giờ nhung nhúc những khách du lịch mùa hè vụng dại đến độ ngay cả việc giữ tấm hộ chiếu, ví tiền hay thậm chí cả con cái mình cũng không xong. Những lời phàn nàn đổ như thác cả ngày về cái phòng cảnh sát bé tí hon của gã ở số 2, đường Napoleon. - Tôi bị đánh cắp mất ví tiền. - Tàu của tôi nhổ neo và bỏ rơi tôi. Vợ tôi lại ở trên tàu. - Tôi mua cái đồng hồ nầy từ một kẻ bán rong ngoài phố. Mở ra thì bên trong rỗng tuyếch. - Các hiệu thuốc ở đây chả quan tâm tôi thực sự cần cái gì. Các vụ việc cứ thế được trình báo một cách bất tận. Và giờ thì hình như có một viên thuyền trưởng đang giữ một cái xác trong tay. - Tôi không có thời gian giải quyết việc nầy ngay bây giờ đâu, - gã cáu kỷnh nói. - Nhưng người ta đang chờ ở ngoài kia, - viên phụ tá thông báo. - Tôi biết nói gì với họ đây? Đại uý Durer đang nóng lòng về với tình nhân, chỉ muốn nói, "Bảo họ mang cái xác sang đảo khác," song nghĩ cho kỹ thì gã đường đường là một sĩ quan cảnh sát trên hòn đảo nầy. - Thôi được, - gã thở dài. - Tôi sẽ tiếp họ một lát vậy Không đầy một phút sau, thuyền trưởng Vacarro và Dmitri đã hiện ra lù lù trong phòng. - Ngồi xuống, - Đại uý Durer hất hàm nói. Hai người làm theo. - Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra? Thuyền trưởng Vacarro đáp: - Tôi không biết chính xác lắm. Tôi đã không trông thấy những gi xảy ra. - Ông ta quay sang Dmitri. - Anh ấy mới là người tận mắt chứng kiến. Có lẽ nên để anh ấy trình bày thì hơn. Dmitri hít một hơi thật sâu: - Chuyện thật là kinh hoàng. Tôi làm việc… tôi từng làm việc cho ông ấy. - Ông làm cái gì? Vệ sĩ, mát xa, tài xế. Tầu chúng tôi gặp bão đêm qua. Cơn bão thật dữ dội. Ông ấy bảo tôi xoa bóp cho ông ấy đỡ mỏi. Sau đấy ông ấy bảo tôi mang cho vài viên thuốc ngủ. Thuốc ngú lúc đó đang để trong phòng tắm. Khi tôi quay lại thì ông ấy đang đứng ngoài hiên, tựa vào lan can tầu, trong tay cầm một tập giấy. Một tờ bị gió thổi bay ra, và ông ấy nhoài người cố bắt lấy nó nên mất thăng bằng và ngã lộn ra ngoài. Tôi chạy tới cứu, song không kỵp, đành bó tay. Tôi gọi cấp cứu. Thuyền trưởng Vacarro lập tức dừng con tàu lại, và nhờ những hành động dũng cảm của thuyền trưởng chúng tôi mới tìm thấy ông ta. Song quá muộn rồi. Ông ấy đã chết đuối. - Tôi rất lấy làm tiếc. - Đại uý Durer nói nhẹ tênh. Thuyền trưởng Vacarro lên tiếng: - Gió và sóng biển dưa cái xác trở lại con tầu. Thật ra thì đấy chỉ là sự may mắn thôi, nay chúng tôi muốn xin phép đưa cái xác về nhà. - Cái đó không khó. - Gã vẫn còn đủ thời gian uống với người tình một li rượu trước khi về nhà với vợ. Tôi sẽ cấp ngay cho quí vị một giấy chứng nhận tử vong và một thị thực xuất cảnh cho cái xác - Gã cầm lên một tệp giấy mầu vàng. - Tên nạn nhân là gì? - Harry Stanford Đại uý Durer bỗng ngây người ra. Gã nhìn lên: - Harry Stanford à? - Vâng. - Ông Harry Stanford đó? - Vâng. Đại uý Durer liền nẩy ra một ý. Vậy là Chúa đã thả vàng vào lòng gã rồi. Harry Stanford là một huyền thoại của cả hành tinh! Tin về cái chết của ông ta mà tung ra khắp thế giới thì xôm phải biết. Thì đại uý Durer đang kiểm soát cái đó chứ còn ai? Vấn đề bây giờ là làm sao nhào nặn nó theo hướng có lợi nhất cho gã. Durer nhìn trân trân vào khoảng không, suy nghĩ rất căng. - Sau bao lâu thì cái xác có thể được xuất cảnh? - Thuyền trưởng Vacarro hỏi. Đạỉ uý Durer ngẩng lên. - À câu hỏi hay lắm. - Sau bao lâu báo chí có thể tới đây? Có nên đề nghị viên thuyền trưởng cùng tham gia trả lời phỏng vấn không nhỉ? Không nên. Việc gì phải chia sẻ vinh quang với hắn? Ta sẽ xử lí một mình. - Phải chuẩn bị một số giấy tờ. Có thể mất một tuần hoặc hơn. Thuyền trưởng Vacarro ngạc nhiên: - Một tuần hoặc hơn ư? Nhưng ngài vừa nói… - Có một số thủ tục hành chính nhất định phải tuân thú. Những việc như thế nầy không vội được đâu - Gã lại cầm tệp giấy màu vàng lên. - Ai là thân nhân của nạn nhân? Thuyền trưởng Vacarro nhìn Dmitri cầu cứu: - Tôi nghĩ câu hỏi nầy nên dành cho các luật sư của ông ta ở Boston trả lời. - Tên vị luật sư đó là gì. - Hãng luật Renquist, Renquist & Fitzgerald. Chương 07 Tuy tấm biển trên cửa đề RENQUIST, RENQUIST & FITZGERALD hai vị Renquist đều đã quá cố từ lâu. Chỉ còn Simon Fitzgerald là vẫn sống khoẻ, và ở tuổi bảy mươi sáu ông vẫn là cái đầu tầu cung cấp năng lượng cho cả văn phòng với sáu mươi luật sư làm việc dưới trướng ông. Ông gầy, với mái đầu bạc trắng, và dáng đi thẳng như dáng đi của một nhà binh. Vào lúc nầy ông đang đi tới đi lui, đầu óc rối bời. Ông dừng lại trước mặt cô thư kí: - Lúc ông Stanford gọi điện tới, ông ta có để lộ dấu hiệu nào cho thấy muốn gặp tôi gấp như vậy về việc gì không? - Không, thưa ông. Ông ta chỉ nói muốn ông có mặt tại nhà ông ta vào lúc chín giờ sáng thứ hai, khi đi mang theo di chúc của ông ta và một công chứng viên. - Cám ơn. Cô làm ơn gọi Sloane vào cho tôi gặp. Steve Sloane là một trong những luật sư thông minh và năng động nhất trong văn phòng Fitzgerald. Steve tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm bốn mươi tuổi. Anh ta có đáng người cao, rắn chắc, mái tóc vàng, đôi mắt xanh vui nhộn. Anh ta là chuyên gia giải quyết bế tắc của hãng và được Simon Fitzgerald lựa chọn làm người kế vị của mình trong tương lai. Nếu ta có một đứa con trai thì ta muốn nó phải giống Steve. Ông nhìn Steve đi vào. - Ông có kế hoạch đi câu ở tận Newfoundland cơ mà? - Steve nói. - Có một trục trặc nhỏ khiến tôi không đi được. - Cậu ngồi xuống đây, Steve. Chúng ta đang có vấn đề phải giải quyết. Steve thở dài: - Còn gì rắc rối nữa dây? - Chuyện của Harry Stanford. Stanford là một trong những khách hàng sộp nhất của hãng. Hàng chục các hãng luật khác đang làm đại diện cho các chi nhánh khác nhau của Stanford Enterprises, song chỉ có Renquist, Renquist & Fitzgerald là hãng duy nhất được chăm lo đời sống của ông. Ngoài Fitzgerald ra chưa một ai trong hãng từng được thấy mặt Stanford, ông chỉ ở trong tâm trí các nhân viên như một huyền thoại mà thôi. - Stanford đã làm gì lần nầy? - Steve hỏi. - Ông ta đã làm cho mình hồn lìa khỏi xác. Steve trố mắt nhìn xếp: - Ông ta làm gì? - Tôi vừa nhận được fax từ phòng cánh sát đảo Corsica. Hôm qua, rõ là Stanford đã ngã lộn ra ngoài thành tàu và chết đuối. - Chúa ơi! - Tôi biết anh chưa từng gặp ông ta, nhưng tôi thì đã đại diện cho ông ta suốt ba chục năm nay. Ông ta là người rất khó chơi. - Fitzgerald ngả người ra ghế, hồi tưởng lại quá khứ. - Thực thì có hai con người Harry Stanford. Con người mà ai nấy đều biết là một Harry Stanford hái tiền như người ta hái lá trên cây, còn một Harry Stanford súc sinh kia thì lấy sự huỷ diệt con người làm nguồn vui. Ông ta có thể là con người đáng mến, song cũng có thể vờn múa với anh như một con rắn hổ mang bành. Ông ta có hai tính cách, là hai mặt của một con rắn. - Nghe đầy kích động. - Khoảng ba mươi năm trước, chính xác là ba mươi mốt năm, khi tôi vào làm cho hãng luật nầy. Thời đó ông già Renquist đang làm luật sư riêng cho Stanford. Anh có biết người ta thường nói "lớn hơn cả cuộc sống không?" Thế nầy nhé, Stanford thực là con người lớn hơn cả cuộc sống chứ không ngoa. Cứ như ông ta là do trời đất sinh ra vậy. Đó là một gã khổng lồ. Ông ta có một năng lượng và những tham vọng thật khủng khiếp, là một vận động viên điền kinh đại tài. Thời sinh viên ông ta từng là võ sĩ đấm bốc và là cầu thủ polo 10 bàn thắng. Song thậm chí khi còn rất trẻ, Stanford đã là người không ai bì kỵp. Ông ta độc ác và thích báo thù, và ông ta có một bản năng tàn nhẫn. Ông ta thích đẩy đối thủ tới phá sản. Người ta đồn rằng có không ít người phải tự tử vì ông ta. - Nghe cứ như ông ta là một con quái vật vậy. - Điều đó đúng ở một mặt. Mặt khác, ông ta nhận đỡ đầu cho một trại trẻ mồ côi ở New Guinea và một bệnh viện ở Bombay, ông ta từng tặng hàng triệu đô la tiền từ thiện. Thực không ai hiểu chuyện gì xảy ra tiếp theo. - Làm sao ông ta có thể giàu có đến thế nhỉ? - Kiến thức về thần thoại Hy Lạp của anh tới đâu? - Thứ kiến thức đó ở tôi cùn lắm. - Anh biết chuyện Ơ-đíp chứ? Steve gật đầu: - Ông ta đã giết cha mình để lấy mẹ mình. - Đúng vậy đó, chính là Harry Stanford. Chỉ có điều ông ta đã giết cha để lấy lá phiếu của mẹ mình. Steve ngây ra nhìn. - Cái gì? Fitzgerald nhổm người lên trước. - Vào đầu những năm ba mươi, bố của Harry có một cửa hiệu tạp hoá ở thành phố Boston nầy. Cửa hiệu của ông làm ăn phát đạt tới mức chẳng mấy chốc ông mở thêm cái thứ hai, thứ ba, rồi cả một hệ thống. Lúc Harry tốt nghiệp đại học bố Harry liền đưa ông ta vào làm ăn cùng và thu xếp cho ông ta một chân trong hội đồng quản trị. Như tôi đã nói, Harry là người giầu tham vọng. Thay vì mua thịt đóng hộp, ông ta muốn có cả dây chuyền sản xuất. Ông ta muốn mua đất và tự trồng lấy rau, đóng hộp lấy sản phẩm của mình. Ông bố không nhất trí, và hai cha con cãi vã thường xuyên. Rồi một hôm Harry nói với bố rằng ông muốn công ty xây dựng một hệ thống các siêu thị bán mọi thứ từ xe hơi đến vật dụng tiện nghi, bảo hiểm sinh mạng với giá hạ rồi thu của khách hàng một khoản phí hội viên. Bố Harry cho con trai đã hoá điên bèn gạt phăng ý định đó. Nhưng Harry đã quyết là làm. Việc đầu tiên là phải loại bỏ ông già đã. Ông thuyết phục bố đi nghỉ mát thật lâu, và nhân lúc ông bố đi vắng, Harry ra sức lấy lòng hội đồng quản trị. Harry Stanford là một nhà buôn thông minh và ông ta bán được món hàng với điều kiện của mình. Lại còn chèo kéo bà cô và ông cậu mình, là những thành viên của hội đồng quản trị, bỏ phiếu cho mình. Rồi ông ta mơn trớn và khen ngợi những thành viên khác. Ông ta mời họ đi ăn, đi săn với người nầy, đánh golf với người kia. Ông ngủ với bà vợ một thành viên hội đồng quản trị, người có ảnh hưởng lớn đối với quyết định của chồng mình. Song mẹ ông ta lại là người có cổ phần lớn nhất và là người ra lá phiếu quyết định. Harry bèn thuyết phục bà nhường cổ phần cho ông và bỏ phiếu chống.lại chồng mình. - Thật không thể tin nổi! Lúc bố Harry trở về ông mới nhận ra mình đã bị bỏ phiếu loại khỏi công ty. - Lạy Chúa? - Còn hơn thế nữa. Harry đâu có chịu dừng lại ở đó Khi bố Harry cố lọt vào văn phòng của con trai, ông nhận thấy mình bị chặn lại trước cửa toà nhà. Và hãy nhớ, lúc đó Harry mới ngoài ba mươi. Cả công ty gọi ông ta bằng cái tên lóng "Người băng". Nhưng ông ta biết giữ chữ tín ở những đâu cần chữ tín, Steve ạ. Một tay ông ta gây dựng Stanford Enterprises thành một trong những tập đoàn lớn nhất hành tinh. Ông ta mở rộng hoạt động công ty sang các lĩnh vực cao su, hoá chất, viễn thông, điện tử và bất động sản. - Ông ta quả là con người huyền thoại, - Steve nói. - Đúng thế. Huyền thoại với cả đàn ông lẫn đàn bà. - Ông ta có vợ không? Simon Fitzgerald trầm ngâm một lúc rồi mới nói: - Harry Stanford lấy một phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời, Emily Temple. Họ có với nhau ba đứa con, hai trai một gái. Emily xuất thân từ một gia đình danh giá ở HopeSound, Florida. Bà ta mê Harry và cố nhắm mắt làm ngơ trước cá tính hoang đàng của ông, nhưng rồi một ngày bà cảm thấy không chịu đựng nổi nữa. Bà nuôi một nữ gia sư tên là Rosemary Nelson để dạy dỗ mấy đứa con. Trẻ và hấp dẫn. Cái làm cho cô gia sư ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt Harry Stanford là việc cô kiên quyết không chịu ngủ với ông. Harry điên cuồng vì thế. Ông đâu có chịu nổi sự từ chối bao giờ? Song một khi Harry Stanford muốn tỏ ra dễ thương thì đàn bà thật khó lòng cưỡng nổi. Rút cuộc ông ta cũng kéo được Rosemary lên giường. Ông ta làm cho Rosemary có thai, và cô ta bèn tìm tới bác sĩ. Khốn thay đứa con rể ông bác sĩ là nhà báo, nhặt được mẩu tin liền cho đăng ngay. Tiếp theo đó là một vụ scandal ghê gớm. Anh còn lạ gì cái thành phố Boston nầy. Thẩy báo chí đều làm rùm beng. Tôi còn lưu giữ vài bài ở đâu đây thì phải. - Cô ta có phá thai hay không? Fitzgerald lắc đầu: - Không. Harry thì muốn, nhưng cô ta lại không, nhất định không. Ông ta bèn nói rằng yêu cô ta và muốn lấy làm vợ. Dĩ nhiên ông ta đã nói như vậy với cả chục người đàn bà. Nhưng Emily nghe được mẩu đối thoại trên và ngay đêm đó đã tự vẫn. - Khủng khiếp quá. Thế chuyện gì đã xảy ra với cô gia sư? - Rosemary Nelson biến mất. Chúng tôi biết cô ấy đã sinh hạ một đứa con gái tên là Julia ở bệnh viện Joseph, thành phố Milwaukee. Cô ta gửi thư báo cho Stanford biết song tôi tin ông ta đã chẳng thèm trả lời. Đến khi đó ông ta đã cặp kè với một người đàn bà khác ông ta chẳng còn thích thú gì Rosemary nữa. Tấn bi kỵch thực thụ sau đó mới diễn ra. Con cái đổ lỗi cho cha đã đẩy mẹ chúng tới chỗ tự tử. Lúc đó chúng mới lên mười, mười hai và mười bốn. Đủ khôn lớn để cảm nhận nỗi đau, song lại quá non nớt để chống lại cha mình. Chúng chỉ còn biết căm thù ông ta. Và nỗi sợ hãi lớn nhất của Harry là đến một ngày nào đó chúng sẽ đối xử với ông như ông đã cư xử với cha mình. Bởi thế mà ông ta làm tất cả những gì có thể để đoán chắc điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ông ta gửi chúng đi thật xa, tới các trường nội trú và trại hè khác nhau, và sắp đặt sao cho chúng gặp nhau càng ít càng tốt. Ông ta không cho chúng tiền. Chúng sống bằng số tiền lãi ít ỏi mà mẹ chúng để lại. Suốt cả quãng đời chúng, ông sử dụng chiến thuật treo củ cà rốt trước mũi con bò. Ông chia gia sản của ông ra như củ cà rốt, rồi thu nó về khi chúng làm mếch lòng ông. - Chuyện gì đã đến với lũ trẻ? - Tyler làm thẩm phán cho toà biện lý ở Chicago. Woodrow chẳng có nghề ngỗng gì. Anh ta là tay chơi. Anh ta sống ở Hobe Sound, chuyên chơi cá độ golf và polo. Vài năm trước anh ta chài một cô bồi bàn ở một bữa ăn tối, làm cô ta có thai, rồi cưới cô ta trước sự ngạc nhiên của mọi người. Kendall là một nhà thiết kế mẫu thời trang thành đạt, lấy một ông chồng người Pháp. Họ sống ở New York. - Fitzgerald đứng lên. - Anh đã bao giờ đến Corsica chưa? - Chưa. - Tôi muốn anh bay sang đó. Người ta đang giữ xác của Harry Stanford và cảnh sát không chịu nhả nó ra. Tôi muốn anh làm cho rõ chuyện. - Tốt thôi. - Liệu anh có thể thu xếp bay ngay hôm nay không? - Được - Cám ơn anh. Trên chuyến bay từ Paris tới Corsica, Steve mới bắt đầu đọc cuốn sách du lịch về hòn đảo nầy. Anh hiểu ra rằng phần lớn diện tích hòn đảo là núi, thành phố cảng chính là Ajaccio, và đây cũng là nơi Napoleon Bonaparte đã sinh ra. Quyển sách chứa đầy những con số thống kê thú vị, song vẻ đẹp của hòn đảo mới khiến Steve bất ngờ. Máy bay đáp xuống phi trường Ajaccio. Taxi đưa Steve về phố Napoleon, con phố chính chạy dài từ Place General de Gaulle lên tận ga xe lửa ở phía bắc. Anh đã thu xếp một chiếc máy bay dự phòng để chở xác Harry Stanford về Paris, nơi chiếc quan tài sẽ được chuyển tiếp về Boston. Anh chỉ cần lấy được cái xác ra là xong việc. Steve cho taxi đỗ lại trước cửa toà nhà quận trưởng trên phố Napoleon và đi thẳng vào phòng tiếp tân. Viên hạ sĩ mặc quân phục ngồi sau bàn hỏi: - Xin chào, tôi giúp được gì cho ngài? - Ai phụ trách ở đây? - Đại uý Durer. - Làm ơn cho tôi gặp ông ta. - Ông có quan hệ gì với đại uý? Steve chìa danh thiếp của mình ra. - Tôi là luật sư riêng của Harry Stanford. Tôi tới để đưa xác ông ta về Mỹ. Viên hạ sĩ cau mày. - Ông chờ cho một lát. Nói xong hắn lặn mất vào văn phòng của đại uý Durer, cẩn thận khép cửa lại. Văn phòng lúc đó đang chật ních những phóng viên truyền hinh và báo chí từ mọi ngõ ngách trên địa cầu. Tất cả nhao nhao cùng nói: - Thưa đại uý, lí do gì khiến ông ta lên tàu khi đang cơn bão? - Làm sao ông ta có thể rơi ra khỏi tầu? - Có dấu hiệu gì về một cú chơi bẩn không? - Các ông có giải phẫu tử thi không? - Còn những ai khác ở trên tàu với ông ta? - Xin quí vị trật tự. - Đại uý Durer giơ tay lên và nói. - Xin quí vị giữ trật tự. - Gã nhìn quanh gian phòng, vào đám phóng viên đang nuốt lấy từng lời gã, và gã ngây ngất sung sướng. Gã mơ một giây phút như thế nầy từ lâu lắm rồi. Nếu mình thu xếp tốt vụ nầy hẳn phải được thăng chức lớn chứ chẳng chơi. Viên hạ sĩ bỗng cắt ngang luồng suy nghĩ của gã. Hắn thì thầm vào tai Durer và chìa cho gã xem tấm danh thiếp của Steve. Đại uý Durer cau mày ngắm tấm danh thiếp một lúc rồi đáp: - Tôi không tiếp ông ta ngay bây giờ được đâu. Bảo ông ta quay lại đây vào mười giờ sáng mai. - Rõ, thưa đại uý. Đại uý Durer trầm tư nhìn theo viên hạ sĩ. Còn lâu gã mới để người ta cướp mất khoảng khắc huy hoàng nầy. Gã quay lại với đám phóng viên và mỉm cười tủm tỉm. - Nào, các vị đang hỏi gì ấy nhỉ? Ở phòng ngoài viên hạ sĩ nói với Steve. - Thành thực xin lỗi ông, đại uý Durer của chúng tôi hiện đang rất bận. Ông ta muốn ông trình diện vào mười giờ sáng mai. Steve hoảng hốt nhìn hắn: - Sáng mai ư? Như vậy thì kỳ cục quá. Tôi không muốn phải chờ lâu đến thế đâu. Viên hạ sĩ nhún vai. - Cái đó tuỳ ông. - Ông có thể chỉ dùm tôi một khách sạn không? - Tôi khuyên ông trú tại khách sạn Colomba, số tám, đại lộ Paris. Steve do dự. - Có cách gì…? - Hẹn gặp ông mười giờ sáng mai. Steve quay người bước ra khỏi toà nhà. Trong văn phòng của Durer, một phóng viên truyền hình hỏi: - Làm sao ông đoán chắc đó là một tai nạn? Durer nhìn thẳng vào camera: - Cũng may mà có một nhân chứng chứng kiến sự khủng khiếp đó. Cabin của ngài Stanford nhìn ra một cái sân hiên. Rõ là có một số giấy tờ quan trọng bỗng tuột khỏi tay ông, bị gió cuốn ra ngoài, và ông ta đã đuổi theo để bắt lấy chúng. Khi vươn người ra ông bị mất thăng bằng và ngã xuống nước. Vệ sĩ của ông thấy vậy bèn lập tức kêu cứu. Con tàu dừng lại, và họ đã vớt được cái xác lên. - Kết quả giải phẫu cho thấy điều gì? - Corsica là một hòn đảo nhỏ, thưa quí vị. Chúng tôi không được trang bị để tiến hành một cuộc giải phẫu đầy đủ và nghiêm túc. Tuy nhiên kết quả khám nghiệm sơ bộ cho thấy nguyên nhân cái chết là do nạn nhân đã uống nhiều nước. Chúng tôi phát hiện thấy nước biển trong phổi của ông. Không phát hiện thấy các vết bầm tím hay bất kỳ dấu hiệu nào của bạo lực trên thi thể nạn nhân. - Xác nạn nhân hiện đang ở đâu? - Chúng tôi đang bảo quản trong buồng lạnh và đang chờ giấy phép để có thể đưa thi thể nạn nhận đi. Một nhà nhiếp ảnh nói: - Xin đại uý cho phép chúng tôi chụp ảnh ngài. Đại uý Durer lưỡng lự một giây: - Không được. Mà thôi, xin quý vị cứ việc. Và các đèn máy ảnh bắt đầu loé chớp. Lúc đó Corsica đang vào mùa du lịch. Đường phố nhộn nhịp du khách nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Nhật và tiếng Đức. Tối ấy, Steve ăn tại một nhà hàng Italia rồi trở về khách sạn của mình. - Có ai nhắn lại gì tôi không? - Anh hỏi người trực phòng. - Không, thưa ngài. Anh nằm trên giường và bị ám ánh bởi nhưng gì Simon Fitzgerald đã kể về Harry Stanford. "Cô ta có phá thai không". "Không. Harry thì muốn, nhưng cô ta lại không nhất định không. Ông ta bèn nói rằng yêu cô ta và muốn lấy làm vợ. Dĩ nhiên ông ta đã nói như vậy với cả chục người đàn bà. Nhưng Emily nghe được mẩu đối thoại trên và ngay đêm đó đã tự vẫn". Steve thầm hỏi không biết Emily đã tự tử thế nào. Rồi anh ngủ thiếp đi. Đúng mười giờ giáng hôm sau, Steve xuất hiện trước toà nhà quận trưởng. Vẫn viên hạ sĩ hôm qua ngồi ở bàn tiếp tân. - Xin chào, - Steve nói. - Chào ông, liệu tôi có thể giúp gì ông? Steve lại đưa cho viên hạ sĩ một tấm danh thiếp. - Tôi tới để gặp đại uý Durer. - Ông chờ cho một phút. - Viên hạ sĩ nói và biến mất vào trong. Đại uý Durer mặc bộ quân phục mới toanh, đang trả lời phỏng vấn trước một phóng viên truyền hình từ Italia. Gã đang nhìn vào ống kính. - Khi tôi nhận trách nhiệm xử lí vụ nầy, việc đầu tiên tôi làm là giám định xem có sự hành hung nào liên quan tới cái chết của ngài Stanford không? - Và ông đã hài lòng vì rằng cái chết của ngài Stanford không phải do bạo lực gây ra? - Hoàn toàn hài lòng. Chắc chắn ông ta đã chết do một tai nạn. Đạo diễn nói: - Hãy chuyển ống kính ra một góc quay khác gần hơn. Viên hạ sĩ thừa cơ dúi vào tay đại uý tấm danh thiếp của Steve. "Ông ta đang chờ ngoài kia". - Anh làm sao thế? - Durer lừ mắt hỏi. - Anh không thấy tôi đang bận hay sao? Bảo ông ta ngày mai quay lại. - Gã vừa hay tin có một toán hơn chục phóng viên nữa đang tới, một số từ những vùng xa xăm như Nga hay Nam Phi. - Ngài đã sẵn sàng chưa, thưa đại uý? - Đạo diễn hỏi. Đại uý Durer mỉm cười. - Tôi đã sẵn sàng. Viên hạ sĩ trở ra phòng ngoài. - Xin ông thứ lỗi. Đại uý Durer hôm nay đi công vụ vắng. - Thì tôi cũng đang đi công vụ đây, - Steve vặc lại - Nói với ông ta rằng ông ta chỉ việc ký giấy thả xác ông Stanford ra cho tôi là tôi đi liền. Tôi đâu có yêu sách gì ghê gớm, hẳn thế. - Đấy là một yêu sách ghê gớm, thưa ông. Đại uý có nhiều trách nhiệm phải gánh vác, và… - Còn ai khác có thẩm quyền cấp giấy phép cho tôi không? - Ồ không, thưa ông. Chỉ mình đại uý có thẩm quyền thôi. Steve tức tối đến lặng cả người. - Bao giờ tôi mới có thể gặp ông ta? - Ông cứ thử một lần nữa vào sáng mai xem. Chữ "thử lại lần nữa" vang trong tai Steve như tiếng lựu đạn nổ. - Tôi sẽ làm như vậy. Mà nầy, vệ sĩ của ngài Stanford, Dmitri Kaminsky, đã tận mắt chứng kiến tai nạn xảy ra? - Đúng thế. - Tôi muốn nói chuyện với anh ta. Liệu ông có thể cho tôi biết anh ta đang ngụ ở đâu không? - Australia. - Đấy là một khách sạn à? - Không, thưa ông. - Giọng viên hạ sĩ pha chút thương hại. - Đấy là tên một nước. Steve cao giọng phẫn nộ: - Phải chăng anh đang nói với tôi rằng nhân chứng duy nhất trong cái chết của Stanford đã được cảnh sát cho phép rời khỏi đây trước khi có ai đó kỵp tiếp xúc với anh ta? - Đại uý Durer đã tiếp xúc. Steve hít một hơi thật sâu: - Cám ơn. - Không có gì, thưa ông. Trở về khách sạn, Steve liền báo cáo lại cho Simon Fitzgerald. Có vẻ như tôi còn phải ở đây thêm một đêm nữa. - Sao vậy, Steve? - Gã phụ trách đồn có vẻ rất bận rộn. Bây giờ đang mùa du lịch ở đây. Hẳn gã ta đang mải tìm mấy cái ví tiền bị đánh cắp. Tôi nhất định sẽ phải rời khỏi đây ngày mai. - Liên lạc thường xuyên với tôi nhé. * * * * * Tuy trong lòng tức tối, Steve vẫn không khỏi rung động trước vẻ đẹp của Corsica. Hòn đảo có hàng nghìn dặm bờ biển, với những ngọn núi đá Granit cao vút, đỉnh phủ tuyết trắng tới tận tháng Bảy mới tan. Người Ý từng thống trị hòn đảo cho đến khi người Pháp tiếp quản nó. Chính sự kết hợp giữa hai nền văn hoá đã mang đến cho hòn đảo một sức quyến rũ kỳ lạ. Trong bữa ăn tối tại nhà hàng Crêperie Usan Carlu, Steve nhớ lại những gì Simon Fitzgerald mô tả về Harry Stanford. Stanford là người duy nhất tôi biết không ai bì kỵp. Ông ta độc ác và thích báo thù, và ông ta có một bản năng tàn nhẫn. Thực hư thế nào chưa biết, chỉ thấy Harry Stanford đang gây ra cả đống rắc rối, thậm chí khi đã về chầu ông vải rồi, Steve nghĩ thầm. Trên đường về khách sạn, Steve dừng lại mua một tờ International Herald Tribune. Một hãng tít lớn đập vào mắt anh: CHUYỆN GÌ SẼ ĐẾN VỚI ĐẾ CHẾ STANFORD? Anh trả tiền toan quay đi thì lại thấy một loạt những hàng tít khác na ná như vậy trên những tờ báo nước ngoài. Anh cầm chúng lên, lướt nhìn mà thấy tay mình run lên vì giận dữ. Thẩy mọi tờ báo đều dành trang nhất để mô tả cái chết của Stanford, và ở đâu hình ảnh đại uý Durer cũng nổi lên như một ngôi sao. Ra gã bận vì thế nầy đây! Mình phải săn sóc thêm gã nầy mới được. Chín giờ bốn mươi nhăm phút sáng hôm sau, Steve quay lại phòng tiếp khách của đại uý Durer. Viên hạ sĩ đang không có ở đấy, còn cửa phòng đại uý Durer thì mở hé. Anh bèn bước vào trong. Viên đại uý lại thay thêm một bộ quân phục mới nữa và đang hí hoáy chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn buổi sáng của mình. Gã ngẩng nhìn Steve: - Anh làm gì ở đây? Đây là văn phòng riêng. Hãy ra ngay! - Tôi là phóng viên của tờ New York Times, - Steve tự giới thiệu. Sắc mặt Durer bỗng sáng ngời lên. - Mời vào, mời vào… Ông nói tên ông là… - John. John Jones. - Ông dùng gì? Cà phê? Cognac? - Không, cám ơn. - Mời ông ngồi xuống. Mời. - Durer rối rít nói. - Hẳn ông tới đây về tấn bi kỵch khủng khiếp đã xẩy đến với hòn đảo nhỏ nầy của chúng tôi. Ngài Stanford xấu số tội nghiệp. - Đến bao giờ các ông mới có kế hoạch thả cái xác ra?- Steve hỏi. Đại uý Durer thở dài: - À, tôi hy vọng việc đó sẽ không mất nhiều ngày cho lắm. Một trường hợp quan trọng như ngài Stanford thì sẽ có một số tờ khai phải điền vào. Có những thủ tục phải theo, ông hiểu đấy. - Tôi nghĩ là tôi hiểu, - Steve nói. - Có thể mất mười ngày, có thể hai tuần gì đó. - Lúc ấy chắc cái tin không còn giật gân với báo chí nữa. - Đây là danh thiếp của tôi. - Steve dí tấm danh thiếp vào mũi Durer. Durer nhìn kỹ rồi thốt lên: - Ra ông là luật sư chứ không phải nhà báo? - Không. Tôi là luật sư của Harry Stanford. -Steve vừa nói vừa đứng lên. - Tôi muốn có giấy phép thả xác ông ấy ra. - Ra thế. Tôi cũng muốn cấp cái giấy phép đó cho ông lắm chứ. Hiềm một nỗi tay chân tôi bị trói hết cả rồi. Tôi không thấy có cách gì… - Ngày mai. Không thể làm gì được! Không có cách gì giải quyết vào ngày mai được… - Tôi khuyên ông nên liên lạc với thượng cấp của mình ở Paris. Stanford Enterprises có một số nhà máy rất lớn ở Pháp. Nếu hội đồng quản trị của chúng tôi quyết định đóng cửa tất cả và chuyển sang xây dựng ở những nước khác thì ông hiểu điều gì sẽ xảy ra. Đại uý Durer ngây ra nhìn Steve. - Tôi… không thể kiểm soát những việc như vậy, thưa ông. - Nhưng tôi thì kiểm soát được, - Steve đoan quyết - Hoặc nội nhật ngày mai ông thả xác của Stanford ra, hoặc ông sẽ thấy mình gặp những rắc rối mà lúc nầy nếu ông có cố hình dùng cũng chẳng nổi đâu. - Hãy đợi một chút, thưa ông. Hy vọng trong vài ngày tới tôi có thể… - Ngày mai. - Và Steve biến mất. Ba giờ sau, Steve nhận được một cú điện thoại tại khách sạn: - Ông Sloane? Tôi có tin mới cho ông đây! Tôi đã thuyết phục được thượng cấp hoàn thành ngay thủ tục trả xác ngài Stanford cho ông. Tôi hi vọng ông thông cảm cho khó khăn của chúng tôi… - Cám ơn ông. Sẽ có chuyên cơ tới vào tám giờ sáng mai để đưa chúng tôi trở về. Tôi cho mọi giấy tờ sẽ được hoàn tất trước khi đó. - Vâng, dĩ nhiên rồi. Xin ông khỏi lo. Tôi sẽ thu xếp sao cho… - Tốt lắm, - Steve nói và cúp máy. Đại uý Durer ngồi lặng đi một lúc. Merde! Xúi quẩy quá! Không có cái gã chết dẫm ấy xuất hiện thì có phải mình còn vui thêm được một tuần nữa không? Khi máy bay chở xác Stanford đáp xuống sân bay quốc tế Logan ở Boston thì đã có một đám đông cùng một chiếc xe tang chờ sẵn. Tang lễ sẽ được cử hành sau đó ba ngày. Steve nói lại tình hình cho Simon Fitzgerald. - Vậy là cuối cùng ông ta cũng đã trở về nhà, - Fitzgeral nói. - Chắc chắn đây sẽ là một cuộc đoàn tụ lớn. Đoàn tụ ư? - Đúng. Một cuộc đoàn tụ thú vị. Con cái của Harry Stanford đã trở về để ăn mừng cái chết của cha chúng. Tyler, Woody và Kendall. Chương 08 Thẩm phán Tyler Stanford lần đầu tiên hay tin bố chết là qua kênh truyền hình WBBM của Chicago Y nhìn màn hình như bị thôi miên, trống ngực đập thình thình. Y thấy ảnh chiếc Blue Skies, và người bình luận viên đang nói, "… tai nạn xảy ra trong một trận bão tại vùng biển Corsica. Dmitri Kaminsky, vệ sĩ của Harry Stanford đã tận mắt chứng kiến tai nạn song không thể cứu nổi chủ mình. Harry Stanford được giới tài chính biết đến như một nhà tài phiệt lẫy lừng nhất…" Tyler ngồi đó, nhìn những hình ảnh dịch chuyển và hồi tưởng lại… Tiếng cãi vã oang oang khiến nó giật mình tỉnh giấc vào lúc nửa đêm. Năm đó nó mười bốn tuổi. Nó lắng nghe tiếng nói giận dữ một lúc rồi ra khỏi phòng, lẳng lặng đi xuống cầu thang. Trong phòng nghỉ bên dưới bố mẹ nó đang có một cuộc chiến kỵch liệt. Mẹ nó gào thét, và nó nhìn thấy bố tát vào mặt mẹ. Màn hình tivi chuyển sang một cảnh khác. Harry Stanford ở trong văn phòng hình ô-van của toà Bạch Ốc, đang bắt tay tổng thống Ronald Reagan. "Là một trong những con át chủ bài trong đội quân xung kích tài chính của Tổng thống, Harry Stanford từng là một cố vấn quan trọng của… " Chúng chơi bóng ở sân sau. Em nó, Woody, ném quả bóng về phía toà nhà. Tyler chạy đuổi theo. Vừa nhặt quả bóng lên thì nghe thấy tiếng cha mình nói ở bên kia bờ dậu. "Anh yêu em. Em biết thế mà!" Nó dừng lại, sướng điên lên vì nghĩ cha mẹ nó đã làm lành với nhau. Nhưng rồi nó nghe tiếng cô gia sư Rosemary. "Anh có vợ rồi. Em muốn anh để em yên". Lòng nó quặn lại. Nó yêu cả mẹ nó lẫn Rosemary. Chỉ có cha là người lạ mặt mang đến nỗi kinh hoàng. Tivi chuyển sang giới thiệu một loạt ảnh Harry Stanford ngồi với Margaret Thatcher… Tổng thống Mitterand… Mikhail Gorbachev… Bình luận viên nói: "Nhà tài phiệt huyền thoại nầy bình đẳng như người thân trong gia đình với cả công nhân ở nhà máy lẫn lãnh đạo quôc gia siêu cường…" Nó vừa bước qua ngưỡng cửa vào văn phòng của cha thì nghe tiếng Rosemary. "Tôi đi đây…". Rồi tiếng cha nó, "Anh sẽ không để em đi đâu. Em phải hợp lí một chút, Rosemary! Đây là cách duy nhất để anh và em có thể…" - Em không thể nghe theo anh được. Em sẽ giữ đứa bé. Rồi Rosemary biến mất. Màn hình tivi lại chuyển cảnh lần nữa. Gia quyến Stanford đứng trước cửa nhà thờ nhìn chiếc quan tài đang được đưa lên xe tang. Tường thuật viên nói, "… Harry Stanford và các con ông bên quan tài. Bà Stanford tự tử được cho là do sức khoẻ suy sụp Theo các điều tra viên, Harry Stanford…" Đang lúc nửa đêm cha nó bỗng dựng nó dậy. - Dậy đi, con trai. Bố có tin dữ muốn báo với con. Cậu bé mười tuổi bỗng run lên lẩy bẩy. - Mẹ con bị tai nạn, Tyler ạ. Đấy là một lời nói dối. Cha nó đã giết mẹ nó. Mẹ nó tự vẫn vì cha nó và cuộc tình vụng trộm của ông với Rosemary. Bào chí làm rùm beng về cái chết của mẹ nó. Đấy là một vụ scandal làm rung chuyển cả Boston, và các báo khổ nhỏ tận dụng hết ưu thế lá cải của mình. Không có cách gì bưng bít với bọn trẻ được nữa. Các bạn cùng lớp bàn tán làm chúng khổ tâm vô cùng. Trong vòng có hai mươi bốn giờ, ba đứa trẻ đã mất đi hai người mà chúng yêu mến nhất. Đó là mẹ và cô gia sư. Tất cả chỉ tại cha chúng. - Em cóc cần biết ông ta có phải là bố của chúng ta không. - Kendall nức nở. - Em căm thù ông ta. - Anh cũng thế! - Em cũng thế! Chúng tính chuyện bỏ đi, song không biết đi đâu, bèn quyết định nổi loạn. Tyler cầm đầu lũ trẻ nói chuyện với cha. - Chúng tôi muốn một ông bố khác. Chúng tôi không muốn ông. Harry Stanford nhìn nó và nói lạnh lùng: - Tao nghĩ chuyện đó có thể thu xếp được. Ba tuần sau mỗi đứa được gửi tới một trường nộỉ trú khác nhau. Năm tháng qua đi, bọn trẻ gặp cha chúng rất ít. Chúng đọc về cha chúng trên báo, xem ông trên tivi, lúc thì đi cùng người đàn bà đẹp nầy, lúc thì đàm đạo với một nguyên thủ khác. Chúng chỉ ở bên cha mình vào những dịp đặc biệt như tuần lễ Giáng sinh hoặc những ngày nghỉ, khi ông cần chứng tỏ ông là người cha hết lòng vì con cái như thế nào. Sau đấy mỗi đứa mỗi ngả về trường của mình. Tyler ngồi lặng đi. Tivi đang giới thiệu một loạt những nhà máy tại những miền khác nhau trên thế giới, cùng những bức ảnh của cha y. "… một trong nhưng tập đoàn tư nhân lớn nhất thế giới. Harry Stanford, người đã tạo ra nó, là một hưyền thoại. Các chuyên gia tài chính của Wall Street đang đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy đến với tập đoàn khi người sáng lập nó đã ra đi? Harry Stanford để lại ba đứa trẻ, song chưa rõ ai trong chúng sẽ là người thừa kế cái tài sản nhiều tỉ đô la mà Stanford đã bỏ lại đằng sau, hoặc ai sẽ là người lãnh đạo tập đoàn…" Nó lên sáu. Nó thích sục sạo vào mọi ngõ ngách của toà nhà, khám phá từng gian phòng bí ẩn một. Nơi duy nhất nó không thể tới là văn phòng của cha nó. Tyler biết rằng các cuộc họp quan trọng thường diễn ra ở trong đó. Những người đàn ông vận comple đen sang trọng thường xuyên lui tới gian phòng. Việc nó không được phép vào đã đẩy trí tò mò của nó lên tới tột cùng. Một ngày, nhân lúc cha đi vắng, Tyler quyết định đột nhập vào văn phòng xem sao. Gian phòng mênh mông được cấp điện thừa mứa, không khí tẻ nhạt. Tyler đứng nhìn chiếc bàn lớn và chiếc ghế da đồ sộ mà cha nó thường ngồi. Sẽ có ngày mình ngồi vào cái ghế đó, và mình cũng sẽ quan trọng như cha mình. Nó đi tới chiếc bàn và ngó nghiêng một lúc. Trên đó có cả chục tập giấy tờ trang trọng. Nó vòng sang bên kia bàn và chễm chệ ngồi vào chiếc ghế bành bọc da. Tuyệt quá. Giờ mình cũng đă quan trọng rồi. - Mày làm cái khỉ gì thế? Tyler giật mình ngẩng lên. Cha nó đang đứng lù lù trên ngưỡng cửa, vẻ mặt tức tối. - Ai bảo mày có thể ngồi ra sau chiếc bàn kia? Cậu bé run lẩy bẩy: Con… con chỉ muốn xem nó như thế nào thôi. Bố lập tức sừng sộ: - Để tao cho mày biết nhé, mày sẽ không bạo giờ biết được nó như thế nào đâu! Không bao giờ! Giờ mày hãy cút khỏi đây và tránh xa nó ra! Tyler khóc nức nở chạy lên phòng mình. Mẹ nó vào với nó. Bà vòng tay ôm lấy cậu con trai: - Đừng khóc, con yêu của mẹ. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi. - Không… không ổn đâu mẹ ạ, - nó nói trong tiếng nấc. - Ông ta… ông ta ghét con lắm. - Không đâu. Ông ta không ghét con đâu. - Tất cả những gì con đã làm là ngồi vào chiếc ghế của ông ta. - Đấy là chiếc ghế của ông ta, con yêu ạ. Ông ta không muốn ai ngồi lên nó cả. Nó khóc không nín được. Bà ôm chặt lấy nó mà an ủi: - Tyler, khi cha mẹ cưới nhau, cha nói là ông muốn mẹ trở thành một thành viên của công ty. Ông tặng mẹ một cổ phiếu. Việc đó trở thành chuyện tiếu lâm trong gia đình. Nay mẹ tặng lại cổ phiếu đó cho con. Mẹ dành cho con toàn bộ lãi cổ phần đấy. Như vậy là con đã trở thành một thành viên của công ty rồi. Được không? Tập đoàn Stanford có cả thảy một trăm cổ phiếu như vậy, và Tyler giờ có thể tự hào rằng nó đang nắm một phần trăm cổ phần công ty. Lúc Harry Stanford hay chuyện vợ mình làm, ông ta cáu kỷnh nói: - Em nghĩ nó có thể làm nên tích sự gì với tờ cố phiếu đó? Mua lại cả công ty chắc? Tyler tắt tivi và ngồi suy nghĩ về những dòng tin vừa nhận được. Y cảm thấy hoàn toàn thoả mãn. Thông thường, những đứa con trai luôn gắng thành đạt để làm nức lòng cha. Còn với Tyler Stanford, y chỉ muốn thành đạt để đủ sức tiêu diệt cha mình. Lúc còn thơ dại, nó ấp ủ ước vọng cha nó bị kết tội giết chết mẹ nó, còn nó là người chịu trách nhiệm thông qua bản án. Ta kết tội ngươi phải chết trên ghế điện. Đôi khi mơ ước của nó thay đổi, và nó muốn cha nó bị treo cổ, hạ độc hay bị bắn. Nay thì y gần như đã được toại nguyện rồi. Trường quân sự mà nó được gửi đến là trưỡng võ bị Mississippi, và đấy là bốn năm nó sống trong cảnh địa ngục. Tyler ngán lối sống kỷ luật cứng nhắc. Năm đầu vào trường, nó không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài tự tử. Song nó không làm chuyện đó bởi không muốn cho cha nó hưởng cái sung sướng được thấy nó tự tử. Lão đã giết chết mẹ mình. Lão sẽ không thể giết mình theo cách đó. Tyler có cảm giác các sĩ quan hết sức nghiệt ngã với nó, và tin chắc rằng cha nó phải chịu trách nhiệm về những nỗi thống khổ nầy. Tyler quyết không để trường học đánh gục mình. Tuy nó chỉ phải về nhà vào những ngày nghỉ, những cuộc gặp hiếm hoi giữa hai cha con mỗi ngày một trở nên khó chịu hơn. Hai em nó cũng về nhà vào những ngày nghỉ, song giữa chúng không có tình máu mủ thông thường. Cha chúng đã huỷ diệt thứ tình cảm đó. Chúng hoàn toàn xa lạ với nhau, chỉ mong ngày nghỉ chóng qua để lại được ra đi. Tyler biết cha nó có nhiều tỉ đô la, song nó, Woody và Kendall lại phải sống bằng sự trợ giúp của bà mẹ. Càng lớn Tyler càng băn khoăn không biết nó có được thừa hưởng tài sản của gia đình không. Nó biết chắc rằng anh em nó đang bị đánh lừa. Mình cần một luật sư. Cái đó thì đúng quá đi rồi, song ý nghĩ tiếp theo của nó là, mình sẽ trở thành một luật sư. Lúc bố Tyler biết được kế hoạch của con trai, ông nói: - Vậy là mày sẽ trở thành luật sư đấy? Mày nghĩ tao sẽ cho mày một việc làm ở Harry Stanford chứ gì? Quên đi nhé. Tao sẽ không để mày lởn vởn tới gần nó quá một dặm đâu. Lúc Tyler tốt nghỉệp trường luật, y có thể thực tập tại Boston, và với uy tín gia đình hàng chục công ty sẵn sàng mời y vào hội đồng quản trị. Song y lại muốn tránh cha mình ra thật xa. Y quyết định thực tập nghề luật sư ở Chicago. Những ngày đầu thật vất vả. Vì y không chịu tận dụng thanh danh của gia đình nên chẳng có mấy thân chủ chịu tìm đến với y. Tuy vậy, sống ở Chicago, Tyler nhanh chóng nhận ra rằng một luật gia trẻ cần phải tham gia vào Hội Luật gia quận Cook thì mới có cơ nên người. Y tìm được việc làm ở văn phớng luật sư quận. Y có trí nhớ tốt và học rất nhanh. Chẳng bao lâu y đã trở thành một tài sản vô giá của văn phòng luật. Y khởi tố mọi phạm nhân có thể buộc tội được, và bảng thành tích của y ngày một dài ra. Y được thăng tiến rất nhanh và cuối cùng được bổ nhiệm làm thẩm phán toà biện lý quận Cook. Y tin cha y sẽ tự hào về y. Song y đã nhầm. - Mày ấy à? Một thẩm phán toà biện lý ấy à? Vì Chúa, tao sẽ không để mày xử thậm chí một vụ kiện mất gà. Thẩm phán Tyler Stanford thấp, mập, có đôi mắt tinh nhanh và khoé miệng rắn rỏi. Y không thừa hưởng được một đường nét hấp dẫn nào ở người cha. Cái nổi bật nơi y là một giọng nói trầm, khoẻ, vang, như được trời phú cho để đọc các bản án Tyler Stanford là kẻ ít cởi mở, không bao giờ bộc lộ ý nghĩ của mình. Y bốn mươi tuổi, song trông già hơn nhiều. Y tự hào vì mình chẳng có lấy một chút tính hài hước nào hết. Cuộc đời quá ảm đạm để mà cười. Thú vui duy nhất của y là cờ tướng, và môi tuần một lần y chơi ở một câu lạc bộ địa phương, nơi y luôn thắng tuyệt đối. Tyler Stanford là một luật gia lỗi lạc, được các thẩm phán đồng nghiệp đánh giá rất cao, và họ thường xuyên tìm tới y để tham khảo ý kiến. Rất ít người biết rằng y chính là con trai của Harry Stanford. Y chưa bao giờ nhắc tới tên cha mình. Các đồng nghiệp của Tyler biết rất ít về cuộc đời của y. Họ chỉ nghe phong phanh rằng y có một cuộc hôn nhân cay đắng, và rằng y sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ ba buồng trên đường Kimbark, quận Hyde Park. Y không kết bạn với một láng giềng nào, và các láng giềng cũng chẳng biết gì về y. Y thuê một người tới dọn dẹp mỗi tuần ba lần, riêng việc mua sắm thì y tự làm lấy. Thỉnh thoảng, tại những buổi gặp mặt chính thức, Tyler có trò chuyện với vợ các đồng nghiệp của mình. Họ cảm thấy y là gã trai cô đơn và tìm cách giới thiệu cho y một vài bạn gái, hoặc mời y tới nhà chơi. Y luôn chối từ: "Tối nay tôi bận rồi". Dường như tất cả các buổi tối y đều bận, có điều họ không hiểu y bận cái gì. - Tyler không quan tâm tới điều gì khác ngoài luật - một thẩm phán giải thích với vợ mình. - Và anh ta chưa quan tâm tới phụ nữ đâu. Anh nghe anh ta dã từng có một cuộc hôn nhân tồi tệ. Vị thẩm phán nói không sai. Sau khi li hôn, Tyler thề sẽ không bao giờ dính líu vào chuyện tình cảm nữa. Rồi y gập Lee, và mọi chuyện bỗng đổi khác. Lee đẹp, nhạy cảm và tận tuỵ - con người mà Tyler muốn dành toàn bộ cuộc đời còn lại để chung sống. Tyler yêu Lee, nhưng sao Lee lại phải yêu y? Là một người mẫu thành đạt, Lee có cả tá người ngưỡng mộ, phần đông trong số họ đều rất giầu sang. Và Lee thì lại thích những đồ đắt tiền. Tyler cảm thấy vô vọng. Về sức quyến rũ, Tyler chẳng so bì được với ai. Tuy nhiên, chỉ trong một đêm, với cái chết của cha y, mọi chuyện có thể đổi khác. Y sẽ trở nên giầu có ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của y. Y có thể cho Lee cả thế giới. Tyler bước vào phòng làm việc của chánh án. - Keith, tôi e rằng mình phải đi Boston vài ngày. Việc gia đình. Không biết bà có thể thu xếp ai đó xử nốt những vụ án còn dang dở của tôi hay không? - Dĩ nhiên rồi. Tôi sẽ thu xếp việc đó, - vị chánh án đáp. - Cám ơn bà. Chiều hôm đó, thẩm phán Tyler Stanford lên đường về Boston. Trên máy bay, một lần nữa y nhớ lại lời cha y đã nói trong cái ngày khủng khiếp đó: "Tao biết cái bí mật nhỏ ghê tởm của mầy". Chương 09 Paris hôm đó đổ mưa, một cơn mưa tháng bảy khiến khách bộ hành nháo nhác tìm chỗ trú. Trong thính phòng của một toà nhà màu xám đồ sộ ở góc đường Faubourg St. Honoré mọi người cũng đang trong cơn hoảng loạn. Hàng chục người mẫu mình trần chạy ngược xuôi va cả vào nhau, trong khi các nhân viên chỉ chỗ ngồi đang sắp đặt ghế còn các tay thợ mộc thì hối hả đóng nốt những cái mộng cuối cùng. Ai cũng gào thét và khuơ khoắng tay chân loạn bậy, tiếng ồn đạt tới mức đủ làm thủng màng nhĩ người ta. Đứng giữa trung tâm cơn bão, cố dẹp yên cái mớ hỗn mang đó là Kendall Stanford Renauld. Bốn giờ trước khi màn trình diễn thời trang dự định bắt đầu thì mọi chuyện đổ vỡ ra từng mảng. Thảm hoạ: John Fairchild bỗng dưng tới Paris mà không còn lấy một chỗ trống nào dành cho ông ta. Bi kỵch: hệ thống loa phóng thanh không làm việc. Tai biến: một trong những người mẫu hạng nhất bị ốm. Tình trạng khẩn trương hai nhân viên hoá trang cắn xé nhau ở hậu trường nên không theo kỵp chương trình. Nói cách khác, Kendall mông lung nghĩ, mọichuyện đều bình thường. Nhìn Kendall Stanford Renauld ai cũng nghĩ nàng là người mẫu, và đã có thời nàng làm người mẫu. Mọi thứ về nàng, từ búi tóc, mầu sơn móng tay, cho đến điệu cười toát lên một vẻ hết sức quí phái. Gương mặt nàng, nếu gột bỏ lớp phấn trang điểm thì thực sự không phải là quá đẹp, song nghệ thuật trang điểm của nàng đạt tới độ không một ai nhận ra điều đó cả Cùng lúc nàng đang có mặt ở khắp nơi. - Ai chiếu sáng đường chạy đó, hả Ray Charles? - Tôi muốn một cái phông xanh… - Đường kẻ nầy lộ quá. Chấm lại đi! - Tôi không muốn các người mẫu làm tóc và trang điểm trong khu vực chờ Hãy bảo Lulu tìm cho họ một phòng thay quần áo! Viên giám đốc chương trình của Kendall vội vã đỉ tớỉ chỗ nàng: - Kendall, ba mươi phút thì dài quá! Dài quá! Buổi trình diễn chỉ dừng lại ở hai mươi lăm phút là vừa. Kendall ngưng việc mình đang làm lại. - Anh muốn đề nghị gì, Scott? - Chúng ta có thể cắt đi một vài cảnh… - Không. Tôi sẽ cho người mẫu vận động nhanh hơn. Nàng lại nghe có người gọi tên mình, bèn quay lại. - Kendall, chúng tôi không tìm thấy Pia đâu cả. Cô có muốn Tami chuyển sang bộ áo vét tím than không? - Không. Đưa bộ đó cho Dana. - Còn chiếc áo nịt len mầu tối thì sao? - Dành cho Monique. Nhớ bảo cô ta đi tất màu tối nhé. Kendall nhìn lên tấm biển lớn dán ảnh các người mẫu trong những chiếc áo choàng khác nhau. Khi tấm biển hoàn thành, các bức ảnh sẽ được đặt vào vị trí chính xác của chúng. - Hãy thay đổi bố cục tấm biển nầy. Tôi muốn chiếc áo len đan mầu be xuất hiện trước, tiếp theo là những chiếc áo xẻ, rồi đến những chiếc áo nịt bằng lụa không đai, rồi đến chiếc áo choàng mặc buổi tối bằng vải mỏng, đồ mặc buổi chiều cùng với áo vét. Hai phụ tá đi tới chỗ nàng. - Kendall, chúng tôi đang tranh luận về chỗ ngồi. Bà muốn những người bán lẻ ngồi với nhau, hay để họ ngồi lẫn với những người danh tiếng? Viên phụ tá kia nói: - Chúng ta có thể cho những nhân vật danh tiếng ngồi lẫn với giới báo chí. Kendall không còn nghe thấy gì nửa. Nàng đã thức trắng hai đêm, kiểm tra từng chi tiết để chắc chắn rằng không còn gì trục trặc xảy ra. - Các anh cứ tự thu xếp lấy! - nàng nói. Nàng quan sát tất cả những hoạt động đang diễn ra và nghĩ về buổi trình diễn sắp sửa bắt đầu cùng những tên tuổi lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng những gì nàng đã sáng tạo nên. Mình nên cám ơn cha vì tất cả. Ông đã bảo mình sẽ chẳng bao giờ thành công… Nàng luôn biết rằng mình muốn trở thành một nhà tạo mốt. Từ khi còn là một cô bé nàng đã có một cảm nhận bẩm sinh về kiểu dáng. Những con búp bê của cô bé luôn có những bộ váy hết sức vui mắt. Cô bé thường cho mẹ xem những sáng tác mới nhất của mình. Lần nào mẹ cũng ôm lấy cô và nói: "Con của mẹ thật là tài năng. Một ngày nào đó con sẽ trở thành một nhà tạo mốt lớn". Và Kendall hoàn toàn tin như vậy. Ở trường, Kendall học thiết kế đồ hoạ, vẽ kết cấu, các phương pháp bố cục không gian, và phối mầu. - Cách tốt nhất để bắt đầu, - một thầy giáo khuyên nàng, - là tự em phải làm một người mẫu. Bằng cách đó em sẽ được gặp những nhà tạo mốt hạng nhất, và nếu tinh ý, em sẽ học hỏi được rất nhiều từ họ. Khi Kendall nói cho cha biết mơ ước của mình, ông trố mắt nhìn nàng và bảo, "Mày mà cũng đòi làm người mẫu cơ đấy! Thật không biết xấu hổ!". Tốt nghiệp phổ thông trung học, Kendall trở về Rose Hill. Cha cần mình lo toan công việc ở nhà, nàng nghĩ. Trong nhà nuôi hàng chục gia nhân song không có ai đứng đầu. Harry Stanford thì đi vắng thường xuyên nên đám gia nhân mạnh ai nấy làm. Kendall gắng tổ chức lại công việc. Nàng lên kế hoạch cho từng gia nhân, tiếp khách khứa cho cha mỗi khi có tiệc tùng vả làm tất cả những gì có thể để ông cảm thấy dễ chịu. Nàng chỉ mong nhận được một lời khen của cha. Nhưng không, ông chỉ biết quở mắng mà thôi. - Ai thuê thằng tài xế chết giẫm đó? Hãy tống cổ nó đi cho tao. - Tao không thích những cái đĩa mày mới mua. Thị hiếu của mày làm sao thế hả? - Ai nói với mày rằng mày có quyền trang trí lại phòng ngủ của tao? Chớ có đụng đến nó. Dù Kendall làm gì, thì việc đó cũng chưa bao giờ đủ tốt. Chính sự nhẫn tâm của người cha rút cuộc đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Đó luôn là một ngôi nhà không có tình yêu, với ông bố chẳng bao giờ để tâm tới con cái ngoại trừ việc cố gắng kiểm soát và đưa chúng vào kỷ cương. Một đêm Kendall nghe bố nói với một người khách, "Con gái tôi có bộ mặt giống như mặt ngựa. Nó sẽ cần cả đống tiền để chài một thằng khố rách áo ôm cho mà xem". Đấy là giọt nước cuối cùng. Ngày hôm sau, Kendall bỏ Boston lên New York. Nằm một mỉnh trong phòng khách sạn, Kendall nghĩ, Cũng được. Vậy là mình đã tới New York. Mình sẽ trở thành nhà tạo mode bằng cách gì đây? Mình sẽ thâm nhập vào công nghiệp thời trang bằng con đường nào? Làm sao để người ta nhận thấy mình? Nàng nhớ lời thầy dặn. Mình sẽ làm một cái mẫu trước. Đó là cách duy nhất để khới đầu. Sáng hôm sau, Kendall lật những trang vàng tìm danh sách các đại lí thời trang và bắt đầu đi một vòng. Mình phải trung thực với họ mới được. Mình sẽ nói với họ rằng mình chí có thể làm việc đó tạm thời thôi, cho đến khi.mình tự thiết kế được Nàng bưởc vào văn phòng của đại lí đầu tiên. Một người đàn bà trung niên ngồi sau bàn hỏi: - Tôi có thể giúp gì cô? - Bà có thể giúp tôi đấy. Tôi muốn làm một người mẫu. - Tôi cũng thế, cô bé ạ. Quên chuyện đó đi. - Cái gì? - Cô cao quá. Quai hàm Kendall bạnh ra. - Tôi muốn gặp người phụ trách văn phòng nầy. - Cô đang nhìn vào bà ta đấy. Tôi là chủ của văn phòng nầy. Dăm cuộc viếng thăm tiếp theo không mang lại kết quả nào khá quan hơn. - Cô thấp quá. - Gầy quá. - Mập quá. - Trẻ quá. - Lớn tuổi quá. - Không hợp típ. Cho đến cuối tuần thì Kendall hoàn toàn thất vọng. Trên danh sách chỉ còn lại một cái tên. * * * * * Paramount Model là đại lí thời trang hàng đầu ở Manhattan. Không có ai trực tại bàn tiếp tân cả. Một giọng nói từ một văn phòng bên trong vang ra: - Bà ta sẽ có mặt ở đây từ thứ hai tuần tới. Song cô chỉ có thể gặp bà ta vào một ngày thôi. Tất cả thời gian còn lại cho ba tuần tiếp theo đã chật hết cả rồi. Kendall đi tới gian phòng đó và nhìn vào trong. Một phụ nữ mặc đồ may sẵn đang nói chuyện điện thoại. - Đúng, tôi sẽ xem tôi có thể làm gì. - Roxanne Marinack bỏ máy và ngẩng lên. - Xin lỗi, chúng tôi không tìm kiếm típ người mẫu như cô. Kendall tuyệt vọng đáp: - Tôi có thể trở thành bất cứ típ người mẫu nào bà muốn. Tôi có thể cao lên hoặc thấp đi. Tôi có thể gầy đi hoặc mập ra, già đi hoặc… Roxanne chìa tay ra cho Kendall bắt. - Tôi chỉ muốn có một cơ hội thôi. Tôi cần nó lắm. Roxanne lưỡng lự. Cô ta ham nghề quá, còn thân hình của cô ta thì khó mà chê vào đâu được. Cô ta không đẹp. Song nếu biết cách trang điểm… - Cô đã có kinh nghiệm gì trong nghề nầy chưa? - Có. Tôi đã mặc quần áo từ bé đến giờ. Roxanne cười. - Thôi được. Hãy cho tôi xem bộ ảnh của cô? Kendall ngây ra nhìn bà: - Bộ ảnh của tôi…? Roxanne thở dài: - Cô gái thân mến của tôi, không một người mẫu tự trọng nào lại đi tìm việc mà không mang theo một bộ ảnh của họ Đấy là thánh kinh của mọi người mẫu. Các thân chủ sẽ xem chúng trước. - Roxanne lại thở dài. - Tôi muốn cô chụp lấy hai kiểu ảnh đầu; một cái cười, cái kia nghiêm túc. Quay đằng sau xem. - Được - Kendall bắt đầu xoay người. - Chậm thôi - Roxanne quan sát Kendall thật kỹ. - Không tồi lắm. Tôi cần thêm một kiểu ảnh cô mặc đồ tắm hoặc đồ lót, thứ gì tôn nổi nhất thân hình của cô ấy. - Tôi sẽ chụp cả hai, - nàng hồ hởi nói. Roxanne lại mỉm cười trước sự sốt sắng của nàng. - Tốt lắm. Cô… cô khác, song cô vẫn phải có ảnh. - Cám ơn bà. - Chớ có cám ơn tôi vội. Làm người mẫu cho một tạp chí thời trang không đơn giản như người ta tưởng đâu. Đây là một nghề rất khó nhọc. - Tôi sẵn sàng chấp nhận khó nhọc mà. - Để rồi xem. Tôi sẽ phải thử thách cô đấy. Tôi sẽ cho cô đi ra mắt một vài nơi. - Dạ. - Ra mắt là việc các thân chủ làm quen với các người mẫu mới. Các đại lí khác cũng có người mẫu mới của mình. Việc nầy nó na ná như chọn giống súc vật ấy mà. - Tôi sẽ ứng phó được. Mọi việc đã khơi đầu như vậy. Kendall phải tham gia hàng chục buổi ra mắt khác nhau mới có được một nhà tạo mốt chấp nhận cho nàng mặc thử bộ quần áo do ông ta thiết kế. Căng thẳng quá, suýt nữa thì nàng làm hỏng cơ hội của mình bởi đã nói quá nhiều. - Tôi thực sự thích bộ quần áo của ông, và tôi nghĩ nó rất hợp với tôi. Tôi muốn nói nó hợp với bất cứ phụ nữ nào, dĩ nhiên là thế. Chúng thật tuyệt. Nhưng tôi nghĩ tôi mà mặc nó thì không còn gì đẹp hơn. Nhà tạo mốt gật đầu thương cảm: - Đây là việc làm đầu tiên của cô, có đứng không? - Vâng, thưa ông. Nhà tạo mốt mỉm cười. - Thôi được, tôi sẽ để cô mặc thử. Cô nói tên cô là gì nhỉ? - Kendall Stanford. - Nàng thầm hỏi không biết cái tên đó có tạo nên một mối liên quan gì giữa nàng với ông Stanford kia không, song dĩ nhiên là nhà tạo mốt không thể nhận ra mối liên hệ đó. Roxanne nói không sai. Làm nghề người mẫu thật cực. Kendall phải học cách chấp nhận sự từ chối liên tục những buổi ra mắt không dẫn tới đâu và những tuần nằm dài không có việc làm. Khi có việc, nàng phải trang điểm xong vào lúc sáu giờ sáng, thử mốt xong ở một nơi rồi đến nơi khác, và thường quá mười hai giờ đêm mới về đến nhà. Một buổi tối, sau ngày thử mốt dài lê thê với một chục cô gái mẫu khác, Kendall nhìn vào gương và bỗng rên lên: - Tớ không thể đi lâm ngày mai được. Mắt tớ sưng vù lên rồi đây nầy! Cô bạn đồũg nghiệp bèn khuyên: - Hãy đắp vài lát dưa chuột lên là khỏi thôi mà. Nếu không có dưa chuột thì thả vài túi chè vào nước nóng, để nguội rồi đắp lên mắt trong mười lăm phút. Sáng hôm sau, những vết sưng đã biến đâu mất. Kendall lấy làm ghen ty với những cô gái mẫu được mời thường xuyên. Nàng thường nghe Roxanne sắp đặt công việc: - Cho Scaasi đi thử lần hai ở Michelle. Hãy gọi điện và báo cho họ biết cô ta sẽ có mặt… Kendall nhanh chóng nhận ra một bài học: không bao giờ được phê phán những bộ quần áo mà nàng trưng diện. Dần dà nàng làm quen được với những nhà nhiếp ảnh hạng nhất và đã có được một bộ ảnh rất có sức thuyết phục. Nàng luôn mang theo mình một cái xắc tay đựng những vật dụng cần thiết - son phấn, dụng cụ sửa móng tay, nữ trang, v v… Nàng biết cách búi tóc để tạo cho nó một kiểu dáng hoặc làm những búp tóc xoăn bằng cách uốn tóc con lăn. còn bao nhiều thứ phải học hỏi. Nàng được lòng các nhà nhiếp ảnh, và một người đã kéo nàng ra một góc mà khuyên: - Kendall nầy, hãy nhớ chụp các điệu cười vào cuối buổi thử. Bằng cách đó miệng em sẽ tươi tắn hơn. Mỗi ngày qua đi Kendall lại thêm nổi tiếng. Vẻ đẹp của nàng không rỗng tuếch và vô hồn như ở phần đông các cô người mẫu khác, nàng có cái gì đó hơn thế, một phong thái thanh lịch, cao sang. - Cô ta là người mẫu có hạng, - một đại lí quảng cáo nhận xét. Nàng là cô gái cô đơn. Thỉnh thoảng nàng cũng có những buổi hẹn hò, song tất cả đều nhạt nhẽo và vô nghĩa. Nàng làm việc không ngừng nghỉ, song vẫn cảm thấy mình không gần hơn bao nhiều tới cái đích đã đặt ra khi nàng tới New York. Mình phải tìm cách tiếp cận với các nhà tạo mốt hàng đầu. - Tôi đã bố trí kế hoạch cho bốn tuần sắp tới của cô Ai cũng thích cô rồi đó, - Roxanne nói. - Roxanne… - Sao, Kendall? - Tôi không muốn làm người mẫu nữa. Roxanne nhìn Kendall như không tin vào tai mình. - Cô nói gì? - Tôi muốn mở sàn diễn thời trang kiểu đường chạy. Thời trang đường chạy là kiểu trình diễn mà phần đông các người mẫu đều mê. Đấy là lối trình diễn thời trang sôi động nhất và cũng khó khăn nhất về kỹ thuật. Roxanne tỏ vẻ hoài nghi. - Đó là lĩnh vực gần như không thể xâm nhập nổi… - Tôi sẽ xâm nhập được. Roxanne nhìn kỹ nàng: Cô nghiêm túc đấy chứ? - Vâng! Bà gật đầu: - Tốt lắm. Nếu đã quyết, việc đầu tiên cô phải làm là tập đi xà. - Cái gì ạ? Roxanne giải thích. Chiều hôm đó Kendall mua một cây xà gỗ dài hai mét, đánh giấy ráp cẩn thận rồi đặt nó lên sàn nhà. Mấy lần đầu nàng bước trên đó song đều té ra. Bài tập nầy thật không dễ. Song cứ kiên trì tập sẽ khắc thành. Mỗi sáng nàng dậy sớm và tập đi kiễng chân trên xà. Mỗi ngày thăng bằng của nàng một tốt lên. Nàng đi tiến và lùi trước một tấm gương dài, có nhạc đệm. Rồi nàng tập với cuốn sách gác trên đầu. Nàng chuyển nhanh từ giầy thể thao và quần soóc sang guốc cao gót và áo choàng mặc buổi tối. Khi thấy đã thành thạo, Kendall tìm đến Roxanne: - Tôi đã đưa cái đầu tôi ra để tiến dẫn cô đấy. - Roxanne nói với nàng. - Ungaro đang tìm một người mẫu đưởng chạy. Tôi đề xuất cô. Ông ta sẽ cho cô một cơ hội. Kendall sướng rơn. Ungaro là một trong những nhà tạo mốt sáng giá nhất trên các sàn diễn thời trang đường chạy. Tuần sau, Kendall đến sàn diễn. Nàng cố tỏ ra bình thản như các người mẫu khác. Ungaro trao cho nàng bộ đồ đầu tiên và mỉm cười: - May mắn nhé. - Cám ơn ông. Lúc bước ra đường chạy, người xem có cảm giác nàng đã làm việc đó cả đời rồi. Thậm chí các người mẫu cùng trình diễn với nàng cũng không khỏi trầm trồ thán phục. Buổi trình diễn thành công lớn, và từ đó Kendall trở thành một thành viên trong giới quí tộc. Nàng bắt đầu làm việc với các chàng khổng lồ trong công nghiệp thời trang - Yves Saint Laurent, Halston, Christian Dior, Donna Karan, Calvin Klein, Ralph Lauren, St John. Kendall được mời diễn liên tục và phải đi khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Paris, mùa diễn rộ lên vào tháng Giêng và tháng Bảy. Ở Milan, cao điểm là các tháng Ba, Tư, Năm và Sáu, trong khi ở Tokyo thì vào tháng Tư và tháng Mười. Nàng tận hưởng một cuộc sống cuồng nhiệt và bận rộn, và nàng trân trọng từng phút từng giây của cuộc sống đó. Kendall vừa làm việc vừa học tập miệt mài. Nàng mặc đồ thời trang của các nhà tạo mốt nổi tiếng và tìm cách đưa vào đấy những sáng tạo của mình. Nàng học cách chọn vải như thế nào cho phù hơp, cách đưa mảnh vải đó lên thân thể con người như thế nào cho đẹp mắt. Nàng học cách cắt, làm nếp gấp và may, và nàng cố khám phá phần nào của cơ thể người phụ nữ muốn giấu đi, phần nào họ muốn phô ra. Nàng vẽ nháp ở nhà, và ý tưởng cứ thế tuôn ra như suối. Một ngày, nàng đưa các bản thiết kế của mình tới tạp chí I Magnin s. Họ hết sức thích thú: - Ai đã thiết kế những mẫu nầy? - Tôi đó. - Đẹp lắm. Rất đẹp. Hai tuần sau, Kendan đến làm việc cho hãng Donn Karan với tư cách một trợ lí và bắt đầu học nghề kinh doanh hàng may mặc. Ở nhà, nàng văn thiết kế miệt mài. Một năm sau, nàng có buổi trình diễn thời trang đầu tiên. Nó thất bại thảm hại. Thiết kế của nàng chưa có gì đặc sắc và chẳng có ai quan tâm. Nàng thử lại lần hai, vẫn không một ai buồn ngó. Mình vào nhầm nghề mất rồi. Kendall thầm nghĩ. Một ngày nào đó con sẽ trở thành một nhà tạo mốt rất nổi tiếng. Mình sai lầm ở chỗ nào đây? Rồi một đêm mọi chuyện bỗng dưng bừng sáng. Kendall tỉnh giấc và bỗng phát hiện ra. Mình đang thiết kế cho những người mẫu chuyên nghiệp mặc. Đáng nhẽ mình phải biết thiết kế cho những phụ nữ của cuộc đời thực, với những công việc thực và gia đình thực. Đẹp, song phái tiện lợi. Sang trọng, song phải thực dụng. Phải mất một năm nữa Kendall mới có cuộc trình diễn thứ ba, và lần nầy thành công đến tức thì. * * * * * Kendall ít khi về thăm Rose Hill, và chuyến về thăm nhà nào của nàng cũng hết sức thất vọng. Cha nàng vẫn chẳng hề đổi thay. Nếu có đổi thay thì cũng theo hướng tệ đi. - Mày vẫn chưa chài nổi thằng nào à? Ngữ mày có cố cũng chỉ vô ích thôi. Chính trong một buổi vũ hội từ thiện Kendall đã gặp Marc Renauld. Anh làm việc cho một công ty môi giới quốc tế, chuyên về ngoại tệ. Trẻ hơn Kendall năm tuổi, anh là một chàng trai Pháp hấp dẫn, cao lớn, rắn chắc. Anh chan hoà và quan tâm tới mọi người. Mới gặp anh lần đầu Kendall đã mê ngay. Tối hôm sau anh mời nàng đi ăn, và đêm đó Kendall ngủ với anh. Tư đấy về sau đêm nào họ cũng có nhau. Một buổi tối, Marc nói: - Kendall, anh yêu em đến điên dại, em có biết không? Nàng nói nhẹ nhàng: - Em đã tìm kiếm anh suốt cả cuộc đời, Marc à. - Có một vấn đề nan giải. Em là một ngôi sao. Số tiền anh kiếm được so với em chẳng bõ bèn gì. Có lẽ một ngày nào đó… Kendall đặt ngón tay trỏ lên môi anh và nói: - Anh hãy im đi. Anh đã trao cho em nhiều hơn những gì em có thể trông chờ. Giáng sinh năm đó, Kendall đưa Marc về Rose Hill để ra mắt cha. - Con tính cưới hắn? - Harry Stanford bùng nổ. - Hắn là một đứa tiểu tốt vô danh! Hắn cưới con vì những đồng tiền mà hắn nghĩ con sẽ có. Nếu Kendall cần thêm một lí do nữa để cưới Marc thì cha nàng đã cho nàng lí do đó rồi. Ngày hôm sau họ làm lễ cưới ở Connecticut. Cuộc hôn phối với Marc đã mang đến cho nàng một niềm hạnh phúc nàng chưa từng biết đến trong đời. - Em không nên để cho cha áp bức như vậy, - anh nói với Kendalll - Suốt cuộc đời ông ta đã sử dụng đồng tiền như một vũ khí. Chúng ta không cần tiền của ông ta. Và Kendall yêu Marc vì lẽ đó. Marc là người chồng tuyệt vời - tốt bụng, ân cần và tận tuỵ. Mình đã có tất cả, Kendall sung sướng nghĩ. Quá khứ giờ đây đã chết. Nàng đã thành đạt mà không cần tới cha. Chỉ vài giờ nữa thôi, thế giới thời trang sẽ tập trung chú ý vào tài năng của nàng. Trời đã ngừng mưa báo hiệu một điềm lành. Buổi trình diễn thành công vang dội. Trước khi hạ màn, trong tiếng nhạc và giữa muốn vàn ánh đèn rực vỡ, Kendall bước ra đường chạy, cúi mình chào khán giả, và đón nhận tiếng hoan hô vang trời. Kendall chỉ mong có Marc ở Paris để cùng nàng chia sẻ những phút giây huy hoàng đó, song công ty môi giới của anh đã không cho phép anh rời New York lấy một ngày. Khi đám đông đã tan hết, Kendall trở về văn phòng trong một tâm trạng lâng lâng. Người phụ tá của nàng nói: - Bà có một cái thư tay. Kendall nhìn chiếc phong bi mầu nâu và bỗng rùng mình. Chưa mở ra nàng đã biết nó nói gì trong đó. "Thưa bà Renauld, - Tôi lấy làm tiếc thông báo với bà rằng hiệp hội Bảo tồn động vật doang dã lại thiếu kinh phí hoạt động, chúng tôi cần ngay 100.000 đô la để trang trải chi phí của mình. Số tiền trên phải được chuyển vào tài khoản số 804072-A tại nhà băng ở Crédit Suisse ở Thuỵ Sỹ". Bức thư không có chữ kí. Kendall ngồi chết lặng. Việc tống tiền nầy sẽ không bao giở chấm dứt. Một phụ tá khác hớt hải chạy vào văn phòng. - Kendall! Tôi thật xin lỗi. Tôi vửa mới nghe một cái tin khủng khiếp. Mình không thể chịu đựng thêm một cái tin khúng khiếp nào nữa. - Tin… tin gì vậy? - Radio Luxembourg vừa công bố thân phụ cô đã qua đời. Ông bị chết đuối. Phải mất một lúc Kendall mới lĩnh hội được cái tin ấy. Ý nghĩ đầu tiên của nàng là, không biết một trong hai điều sau, cái nào khiến ông ta tự hào hơn? Sự thành đạt của mình hay thực tế mình là kẻ giết người? Chương 10 Cô gái bồi bàn hai mươi nhăm tuổi, chẳng lấy gì làm xinh xắn, thi phổ thông trung học cũng chẳng qua nổi, và là con của một người lao công với một bà nội trợ. Người ta kinh ngạc hơn nữa bởi ai cũng nghĩ Woody phải lấy Mimi Carson, một cô gái xinh đẹp, có học thức, lại là người thừa kế một công ty cao su lớn và yêu Woody điên cuồng. Thói thường, dân Hobe Sound thích đàm tiếu về những chuyện trăng hoa của người hầu hơn là của ông chủ, song trong trường hợp của Woody, vì cuộc hôn phối của anh ta kỳ dị quá nên người ta đành chấp nhận một ngoại lệ. Tin tức lan đi nhanh chóng rằng gã đã làm cho Peggy mang bầu nên phải cưới cô ta. Người ta biết rõ giữa cưới và không cưới tội nào nặng hơn. - Vì Chúa, tôi hiểu thằng bé đã làm nó có bầu. Nhưng không ai đi cưới một gái chạy bàn cả. Đúng là truyền thống cha truyền con nối. Hai mươi bốn năm trước, Hobe Sound cũng đã từng rung chuyển vì một vụ scandal của nhà Stanford. Emily Temple, con gái một gia đình lâu đời nhất ở đây, đã tự tử vì chồng bà ta làm cô gia sư có chửa. Woody Stanford không giấu giếm chuyện gã căm thù cha đẻ mình, và cảm giác chung của mọi người là gã cưới cô bồi bàn, bấp chấp mọi chuyện, để chứng tỏ gã là người đàn ông trọng danh dự hơn cha. Vị khách duy nhất được mời dự đám cưới của Woody là Hoop, anh trai Peggy, bay đến từ New York. Hoop làm cho một lò nướng bánh ở Bronx. Gã cao và gầy hốc hác, có bộ mặt rỗ và một giọng nói đặc sệt chất Brooklyn. - Mày lấy được cô vợ hết ý đấy, - gã nói với Woody sau khi lễ cưới kết thúc. - Tôi biết, - Woody đáp - Mày phải chăm sóc em gái tao tử tế đấy, nghe chưa? - Tôi sẽ cố hết sức. - Khá lắm. Đấy là mẩu đàm thoại không ai nhớ giữa một thợ nướng bánh và con trai của một trong những người giầu có nhất hành tinh. Bốn tuần sau ngày cưới, Peggy sẩy thai. Hobe Sound là một cộng đồng hết sức cục bộ, và đảo Jupiter là phần cục bộ nhất của Hobe Sound. Phía tây đảo là eo biển Intercoastal, còn phía đông là Đại Tây Dương. Đây là nơi trú ẩn của những người giầu có và dè dặt. Hòn đảo có số cảnh sát tính trên đầu người cao nhất thế giới, và người dân ở đây tự hào vì bị đánh giá thấp theo cách đó. Họ lái những chiếc Taurus hoặc xe hòm, có những thuyền buồm nhỏ như loại Lightning mười sáu bộ hoặc Quickstep hai mươi bốn bộ. Nếu một người không phải sinh ra ở đây, anh ta phải tìm mọi cách để có được quyền làm một thành viên của cộng đồng Hobe Sound nầy. Sau cuộc hôn phối giữa Woody Stanford và "cô bồi bàn đó", câu hỏi nổi cộm là người dân ở đây có chấp nhận cô dâu vào cộng đồng của mình hay không. Bà Anthony Pelletier, "già làng" của Hobe Sound, là vị trọng tài cho mọi cuộc tranh chấp xã hội, và bà đặt ra cho mình sứ mạng bảo vệ cộng đồng của bà khỏi những người giầu có mới phất và ngông nghênh. Dân mới nhập cư không may làm mếch lòng bà thì đừng nói chuyện sống nổi ở đó. Bà có lệ gửi cho con người vô ý đó một chiếc túi du lịch da, do tài xế của bà mang đến chứ bà không bao giờ đích thân làm việc đó. Đấy là lối nói bóng gió của bà cho người ấy rằng anh ta không được hoan nghênh vào cộng đồng. Bạn bè bà rất khoái chí mỗi khi kể lại chuyện vợ chồng một thợ cơ khí mua nhà ở Hobe Sounđ. Bà Pelletier gửi cho họ chiếc túi du lịch da, song khi hiểu ra sự trầm trọng của vấn đề thì người đó chỉ cười khẩy. Chị nói: "Nầy, con mụ phù thuỷ ấy nghĩ rằng có thể đuổi được ta ra khỏi đây thì hẳn là mụ ta điên rồi!". Nhưng sau đấy thì mới sinh chuyện. Thợ sửa chữa điện, nước bỗng dưng không đến khi được gọi. Còn người bán tạp hoá thi luôn hết mặt hàng chị ta yêu cầu và dù cố đến đâu, vợ chồng họ cũng không thể làm thành viên của Câu lạc bộ đảo Jupiter được, thậm chí muốn đặt bàn tại một nhà hàng tốt trên đảo cũng không xong. Tệ hơn nữa, hễ gặp họ là người ta ngoảnh mặt đi, chẳng buồn tiếp chuyện bao giờ. Ba tháng sau khi nhận được cái túi du lịch, đôi vợ chồng buộc phải bán nhà mà ra đi… * * * * * Vậy là khi tin Wood lấy vợ được tung ra ngoài, cả cộng đồng nín thở. Rút phép thông công Peggy Malkovich cũng có ý nghĩa là rút phép thông công người chồng nổi tiếng của cô gái. Trong cộng đồng người ta lặng lẽ đặt cược với nhau. Trong mấy tuần đầu, đôi vợ chồng mới cưới không nhận được giấy mời đi ăn tối, dạ hội hay khiêu vũ nào cả. Song người dân ở đây khoái Woody và dầu sao đi nữa, ông ngoại Woody cũng là một trong những sáng lập viên của cộng đồng Hobe Sound. Dần dà, người ta bắt đầu mời gã và Peggy về nhà mình Người ra sốt ruột muốn biết cô vợ của Woody ra sao. - Đứa con gái lỡ thì đó phải có cái gì đặc biệt thì thằng Woody mới lấy nó chứ? Song khi gặp được Peggy thì cả làng thất vọng. Peggy trông trì độn và xơ cứng, hoàn toàn không có chút cá tính nào, còn cách ăn vận của cô gái mới tuỳ tiện và kém thẩm mỹ làm sao. Bạn bè của Woody thì hỏi nhau: - Nó tìm thấy cái quái gì ở con bé chứ? Nó thì lấy ai mà chả được. Một trong những lời mời đầu tiên đến từ Mimi Carson. Cô nầy cảm thấy ngày tận thế đã tới khi nghe tin Woody lấy vợ, song lại quá kiêu hãnh để nói ra điều đó. Khi bạn bè thân cận an ủi, "Hãy quên chuyện nầy đi, Mimi. Cậu sẽ vượt qua anh ta thôi mà", thì Mimi nói, "Tớ sẽ sống với nỗi bất hạnh nầy, song tớ sẽ không thế nào vượt qua anh ta được cả". Woody cố đạt lấy một thành công của cuộc hôn phối. Gã biết gã đã phạm phải một sai lầm song không muốn trừng phạt Peggy. Gã dốc hết tâm lực làm một người chồng tốt. Vấn đề là ở chỗ Peggy chẳng có gì chung với gã hay bạn bè gã. Người duy nhất Peggy cảm thấy dễ chịu khi ở gần là anh trai cô ta. Hoop và Peggy ngày nào cũng gọi điện cho nhau. - Em nhớ anh ấy, - Peggy than thở với Woody. - Em có muốn mời anh ấy xuống chơi vài ngày không? - Anh ấy không thể, - Peggy nhìn chồng và nói với giọng quan trọng. - Anh ấy có việc làm. Mỗi khi đi dự tiệc Woody thường cố đưa Peggy tham gia vào câu chuyện, song chỉ được vài câu là Peggy chẳng còn gì để nói nữa. Cô ngồi căng thẳng, lưỡi líu lại, thỉnh thoảng lại liếm môi với vẻ bứt rứt lo lắng và rõ là không lấy gì làm dễ chịu cả. Bạn bè Woody biết rằng tuy sống trong toà biệt thự Stanford nguy nga là thế, Woody chẳng nhận được xu nào từ cha mình cả, và gã phải sống bằng khoản tiền lãi hàng năm mà bà mẹ quá cố để lại. Đam mê của gã là môn polo, song tiền mua một con ngựa gã cũng chẳng bói đâu ra. Gã phải cưỡi nhờ chúng bạn. Trong thế giới polo, thứ hạng cầu thủ được đo bằng số bàn thắng, nếu ghi được mười bàn là cầu thủ siêu sao. Woody là cầu thủ chín bàn và gã đã từng chơi với Marrianno Aguerre ở Buenos Aires. Wicky Effendi từ Texas, Adres Diniz từ Brazil và hàng chục các cầu thủ số một khác. Cả thế giới chỉ có chừng mười hai cầu thủ mười bàn, vì thế Woody có tham vọng làm cầu thủ thứ mười ba. - Cậu hiểu tại sao chứ? Một người bạn của gã nhận xét - Bởi bố Woody là cầu thủ mười bàn Vì biết Woody không mua nổi ngựa polo, Mimi Carson mới tặng gã một đàn để gã chơi. Khi bạn bè hỏi tại sao thì Mimi nói: - Tớ chỉ muốn anh ấy cảm thấy hạnh phúc nên cố làm bất cứ việc gì có thể làm vì anh ấy! Khi những người mới đến hòn đảo hỏi Wood kiếm sống bằng gì thì dân bản xứ chỉ biết nhún vai. Thực tế Woody đang sống một cuộc sống vô vị. Gã đánh golf ăn tiền, chơi cá cược polo, mượn ngựa của bạn bè, cưỡi thuyền buồm, và thỉnh thoảng, vợ người. Cuộc hôn phối với Peggy nhanh chóng trờ thảnh nỗi thất vọng lớn đối với Woody, song gã không chịu nhận điều đó - Peggy, - gã thường nói, - khi dự tiệc, em phải cố chuyện trò với người ta chứ! - Tại sao lại phải thế? Hẳn bạn bẻ anh đều nghĩ họ đã tốt quá mức cần thiết với em. - Không, họ không nghĩ vậy đâu! - Woody đoan quyết Câu lạc bộ văn học Hobe Sound sinh hoạt mỗi tuần một lần để trình những cuốn sách mới nhất, sau đó là một bữa tiệc trưa… Trong cái ngày đặc biệt đó, khi những người đàn bà đang dùng bữa, thì người chạy bàn đi tới bên bà Pelletier và nói: - Cô Wood Stanford đang đứng ở bên ngoài. Cô ấy muốn được dùng bữa cùng bà đấy? Một tiếng "xuỵt" khẽ thốt lên bên bàn. - Cho cô ấy vào! - Bà Pelletier nói: Vài giây sau, Peggy đi vào phòng ăn. Cô đã gội đầu thơm tho và mặc bộ đồ đẹp nhất của mình. Peggy đứng ái ngại nhìn đám phụ nữ. - Bà Pelletier gật đầu với cô và nhẹ nhàng nói: - Cô Stanford! Peggy mỉm cười nhiệt thành: - Có, thưa bà! - Chúng tôi không cần cô phục vụ đâu. Chúng tôi đã có người hầu hàn rồi! - Bà Pelletier nói và lại cắm cúi ăn. Khi Woody nghe chuyện, giận dữ nói: - Sao mụ ta dám cả gan làm việc đó? - Gã cầm lấy tay Peggy. - Lần sau em nhớ hỏi anh trước khi định làm một việc như vậy. Phải được mời tới dự bữa trưa. - Em đâu có ngờ, - Peggy rầu rĩ nói. - Thôi, không sao đâu. Tối nay chúng ta sẽ tới dự tiệc ở nhà hàng Blakes, và anh muốn… - Em chẳng đi đâu. - Chúng ta đã nhận lời mời rồi mà. - Anh hãy đi một mình thôi. - Anh không muốn đi mà không có em. - Em chẳng đi đâu. Thì gã đi ăn tiệc một mình. Từ đấy, mỗi khi đi nhậu nhẹt ở đâu gã chẳng mang theo Peggy nữa. Gã có thể về nhà vào bất cứ giờ nào, và Peggy tin là gã đã ngủ với những người đàn bà khác. * * * * * Cú tai nạn đã khiến mọi thứ đổi thay. Woody đang chơi ở vị trí số một. Một cầu thủ đối phương cố đánh quả bóng ở một ô gần và vô tình phang vào chân ngựa Woody. Con ngựa đổ nhào xuống và lăn trọn một vòng lên người gã. Tiếp theo đó con ngựa thứ hai hoảng sợ đã đá liên tiếp vào Woody. Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán một chân gã bị gãy, ba cái xương sườn bị rạn và một lá phổi bị thủng. Trong hai tuần tiếp theo, có ba cuộc phẫu thuật liên tiếp xảy ra, và Woody đau đớn cùng cực. Các bác sĩ phải cho gã uống morphin để làm dịu cơn đau. Peggy tới thăm gã hàng ngày. Hoop từ New York bay tới để động viên em gái. Nỗi đau thể xác của Woody dường như không thể chịu nổi, và lối thoát duy nhất là xài thứ thuốc giảm đau mà các bác sĩ không ngớt kê cho gã. Trở về nhà, Woody bỗng trở chứng. Tâm trạng của gã thay đổi không biết đâu mà lưởng. Mới phút trước gã còn sôi nổi là thế, phút sau đã nổi giận đùng đùng hoặc ngược lại, trầm uất. Vào bữa tối, đang cười đùa bỗng dưng Woody sừng sộ mà mắng mỏ Peggy không tiếc lời. Nhiều khi đang nói dở câu thì gã quên mất ý định đó. Gã trở nên đãng trí. Gã hẹn người ta rồi quên; gã mời người ta tới nhà chơi rồi không có mặt khi khách tới. Ai cũng lấy làm lo ngại cho gã. Rồi gã làm nhục Peggy ngay trước mặt mọi người. Một buổi sáng, khi pha cà phê cho Woody, cô làm tràn ra vài giọt và Woody mỉa. "Một thời làm bồi bàn thì mãi vẫn là bồi bàn thôi". Rồi gã đánh đập khiến mặt mày Peggy sưng tím. Khi người ta hỏi có chuyện gì thì Peggy nói thác rằng cô va vào cửa hoặc bị ngã. Đến lượt người ta thấy thương hại cho Peggy. Song khi Woody có sinh sự với ai đó thì Peggy nhất mực đứng ra bênh cho chồng. Woody đang mắc chứng bệnh căng thẳng thần kinh trầm trọng. Anh ấy không là anh ấy nữa! Mãi sau bác sĩ Tichner mới đưa chuyện của Wool ra ánh sáng. Một ngày ông gọi Peggy tới vẫn của mình. Peggy lo lắng hỏi: - Có chuyện gì vậy, thưa bác sĩ? Ông nhìn cô một lúc. Gò má cô thâm tím, còn mắt thì sưng húp - Peggy, cô biết là Woody đã nghiện ma tuý không? Peggy quắc măt lên, nói: - Không. Tôi không tin! - Cô đứng bật dậy - Tôi sẽ không cho phép ông nói đâu! Ngồi xuống đi, Peggy! Đã đến lúc cô phải nhìn thẳng vào sự thật. Giờ ai cũng đã biết chuyện rồi. Tôi tin cô nhận ra những sự thất thường gần đây của anh ta. Anh ta có thể đang rất lạc quan về thế giới, nhìn gì cũng thấy đáng yêu, và ngay sau đó thì chán nán như người sắp tự tử vậy. Peggy nghe ông bác sĩ nói mà tái mặt: - Anh ta nghiện rồi! Peggy bậm môi: - Không, Wood không thể nghiện ma tuý được! - Đấy là sự thật. Cô phải thực tế mới được. Cô không muốn giúp anh ta sao? - Dĩ nhiên là tôi muốn rồi. Tôi sẽ làm tất cả để giúp anh ấy. Bất cứ việc gì! - Tốt lắm! Vậy chúng ta hãy bắt đầu Tôi muốn cô giúp tôi đưa Woody đến một trại cai nghiện Tôi đã yêu cầu chồng cô tới gặp tôi. Peggy nhìn ông bác sĩ một lúc lâu, rồi gật đầu: - Tôi sẽ nói chuyện với anh ấy! - cô khẽ nói. Chiều hôm đó, Woody tới văn phòng của bác sĩ Tichner lúc gã đang phê. - Ông muốn gặp tôi há, bác sĩ? Về chuyện Peggy có phải không? - Không. Về anh đấy, Woody. Woody ngạc nhiên nhìn ông: - Về tôi ấy à? Vấn để của tôi là gi vậy? - Tôi nghĩ anh hiểu mình có vấn đề gì rồi? - Ông đang nói gì tôi không hiểu. - Nếu anh cứ tiếp diễn như vậy thì anh sẽ huỷ hoại cả cuộc đời mình lẫn cuộc đời của Peggy. Anh đang xài gì đấy, Woody? - Xài ấy à? - Anh nghe tôi hỏi rồi đấy. Có một khoảng trống im lặng dài. - Tôi muốn giúp anh. Woody ngồi ngây ra nhìn sàn nhà. Khi gã lên tiếng thì giọng đã khàn cả lại. - Ông nói đúng. Tôi… tôi đã tự lừa dối mình, song không thể làm thế mãi được. - Anh đã xài đến gì rồi? - Bạch phiến. - Chúa ơi! - Hãy tin tôi, tôi đã cố bỏ, nhưng… không bỏ nổi. - Anh cần được giúp đỡ, và có những nơi anh có thể nhận được sự giúp đỡ đó. Woody yếu ớt nói: - Có Chúa chứng giám là tôi thấy anh nói đúng. - Tôi muốn anh đến trung tâm cai nghiện ở bên Jupiter. Woody do dự một thoáng. "Vâng". - Ai cung cấp bạch phiến cho anh đấy? Woody lắc đầu: - Riêng về điều nầy thì tôi không thể nói ra được. - Không sao. Tôi sẽ thu xếp thủ tục cho anh vào nơi đó. Bác sĩ Tichner gặp ngay cảnh sát trưởng vào sáng hôm sau. - Có kẻ cung cấp bạch phiến cho Woody. Song anh ta từ chối không tiết lộ tên kẻ đó. Cảnh sát trưởng Murphy nhìn bác sĩ Tichner, gật đầu Tôi bắt đầu hình dung ra kẻ đó là ai rồi. Có vài đối tượng nghi vấn. Hobe Sound bé như lòng bàn tay nên mọi người đều biết nhau và nghề nghiệp của nhau. * * * * * Một cửa hàng rượu mới mở trên Bridge Road, cung cấp rượu cho Hobe Sound hai bốn giờ trong ngày. Một bác sĩ ở một phòng khám đa khoa địa phương bị phạt vì kê quá nhiều đơn thuốc ma tuý. Có tin đồn ông huấn luyện viên một phòng tập mở năm ngoái ở phía bên kia eo biển xài ma tuý và có hàng bán cho khách quen. Song cảnh sát trưởng Murphy có một đối tượng nghi vấn khác ở trong đầu… Tony Benedotti làm thợ vườn cho nhiều gia đình ở Hobe Sound đã nhiều năm nay. Ông ta nghiên cứu làm vườn và rất ham mê với việc tạo nên những khu vườn đẹp Những vườn cây và thảm cỏ của ông ta bao giờ cũng đẹp nhất Hobe Sound. Benedotti sống lặng lẽ và kín đáo nên những người chủ vuờn biết rất ít về ông ta. Có vẻ như ông ta được giáo dục quá tốt để làm nghề thợ vườn, và người ta nghi ngờ quá khứ của con người ấy. Murphy cho mời ông ta đến. - Nếu về chuyện bằng lái của tôi thì tôi đã làm lại nó rồi! - Benedotti nói: - Ngồi xuống - Murphy ra lệnh - Có chuyện gì trục trặc về tôi hay sao? - Phải. Ông là người có học, đúng không? - Đúng… Viên cánh sát ngả người ra ghế: - Vậy 1ý do gì ông lại phải làm nghề thợ vưòn? - Đấy là do tình yên thiên nhiên của tôi thôi! - Ngoài thiên nhiên ra ông còn yêu gì nữa? - Tôi không hiểu ý ông? - Ông làm vườn đã bao nhiêu năm rồi? Benedotti nhìn cảnh sát trưởng, bối rối: - Có khách hàng phàn nàn tôi chăng? - Cứ trả lời câu hỏi đi - Gần mười lăm năm. - Ông có một căn nhà đẹp và môt cái thuyền buồm? - Vâng! - Nếu làm nghề thợ vườn thì ông lấy đâu ra tiền mua những thứ đó? - Căn nhà đó nhỏ, còn cái thuyền thì cũng chẳng lớn lắm đâu! - Biết đâu ông còn những nguồn thu nhập khác? - Ông muốn nói… - Ông đang làm vườn cho một số người ở Miami có đúng không? - Đúng. - Vùng đó nhiều dân Italia lắm. Đã bao giờ ông giúp họ làm một cái gì đó chưa? - Cụ thể là gì? - Tỉ dụ như tiêu thụ ma tuý chẳng hạn… Benedotti kinh hoàng nhìn cảnh sát. - Lạy Chúa… Không đâu! Murphy nhồm người lên trước: - Nghe đấy nhé, Benedotti. Tôi theo dõi ông đã từ lâu rồi, tôi cũng đã nói chuyện với một vài người từng thuê ông làm vườn: Họ không muốn muốn ông và những thằng bạn mafia của ông lảng vảng ở mảnh đất nầy nữa! Rõ chưa? Benedotti nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mở ra: - Rõ cả! * * * * * Woody Stanford điều trị ở trại cai nghiện được ba tuần thì trở về nhà. Người ta gặp lại một Woody của ngày trước, vui tươi, yêu đời và ham sống. Gã trở lại sân polo cưỡi những con ngựa của Mimi Carson. Chủ nhật đó người ta kỷ niệm lần thứ mười chín ngày thành lập Câu lạc bộ Polo và Đồng quê Palm Beach. Đại lộ SoundShore tấp nập người xe của ba ngàn cổ động viên đổ về sân polo. Một số cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cũng sẽ tới tham dự trận đấu. Peggy ngồi cạnh Mimi Carson như một khách mời của Mimi. - Woody bảo tớ đây là lần đầu tiên cậu xem một trận polo. Sao, từ trước tới giờ cậu không hề tới đây à? - Mimi hỏi. Peggy bậm môi: - Tớ… tớ đoán là tớ luôn căng thẳng mỗi khi xem Woody chơi. Tớ không muốn anh ấy lại bị thương lần nữa. Đây là một môn thể thao nguy hiểm, đúng không? Mimi trầm ngâm nói: - Đúng đấy. Khi có tám cầu thủ, mỗi người nặng tám chục kí, củng với tám con ngựa, mỗi con nặng bốn trăm kí phi như điên vào nhau trên cự li ba trăm mét với tốc độ tám chục cây số mỗi giờ thì đúng là tai nạn có thể xảy ra, Peggy run lẩy bẩy: - Nếu có chuyện gì xảy ra với Woody thì tôi chết mất. Tôi đang điên lên vì lo cho anh ấy. Mimi dịu dàng động viên: - Đừng lo. Anh ấy là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất. Hector Barrantas là thầy dạy của anh ấy, cậu biết rồi. Peggy ngây ra nhìn Mimi. - Ai cơ? - Ông ta là cầu thủ mười bàn. Một trong những huyền thoại của môn polo đấy. - Ra thế. Đám đông rộ lên khi đoàn kỵ sĩ phi ngựa chéo qua sân. - Người ta đang làm gì thế? - Peggy hỏi. - Họ đã khỏi động xong và sẵn sàng vào cuộc. Trên sân, hai đội đang sắp hàng dưới cái nắng Florida chói chang, chờ đón trọng tài tung bóng vào cuộc. Woody trông thật yêng hùng với nước da sạm nắng và tư thế sẵn sàng vào trận. Peggy vẫy tay với gã và gửi gã một cái hôn gió. Hai đội đã xếp hàng cạnh nhau. Các cấu thủ hạ tay vờ chờ tranh bóng. - Cuộc chơi thường có sáu hiệp! - Mimi Carson giải thích với Peggy - Mỗi hiệp dài bảy phút. Hiệp kết thúc khi có tiếng chuông rung. Sau đấy là một vài phút gỉải lao ngắn ngủi. Mỗi hiệp các cầu thủ thay ngựa một lần. Độỉ nào ghi nhiều bàn hơn thì thắng - Ra thế! Mimi thẩm hỏi không biết Peggy hiểu được bao nhiêu những điều cô vừa giải thích Trên sân, cảc cầu thủ dán mắt vào trọng tài, chờ quả bóng được tung ra Người trọng tài nhìn qua đám đông một lượt rồi bỗng tung quả bóng bằng nhựa trắng vào giữa hai hàng cầu thủ. Cuộc chơi bắt đầu. Wood cướp được bóng đầu tiên và tiu mạnh phía khung thành. Một cầu thủ đối phương phi ngựa nước đại đuổi theo quả bóng. Woody rượt theo và móc lấy vồ cầu thủ đối phương, ngăn không cho anh ta đánh bóng. - Tại sao Woody lại làm như thế - Peggy hỏi. Mimi giải thích: - Khi đối phưỏng có bóng, mình được phép móc vồ của anh ta, ngăn không cho anh ta ban bóng hoặc ghi bàn. Woody sẽ đánh bóng về phía khung thành thay vì giữ bóng. Tốc độ trận bóng nhanh chóng mặt. Có tiếng kêu, "Trung lộ…" - Biên. - Bỏ bóng lại… Các cầu thủ phi ngựa vèo vèo. Trong một trận polo, con ngựa tốt đóng góp bảy mươi phần trăm chiến thắng. Ngựa phải nhanh, có bản năng polo và hiểu được ý chủ. Woody là ngôi sao sáng trên sân trong ba hiệp đầu. Gã ghi được hai điểm mỗi hiệp và được khán giả hò reo tán thưởng. Ở đâu cũng thấy cây vồ của gã tung hoành. Lại là Woody Stanford của ngày trước, cưỡi ngựa truy phong, không biết sợ là gì. Sang cuối hiệp năm, đội của Woody đã dẫn rất xa. Các cầu thủ ra sân nghỉ giải lao ít phút. Lúc đi qua trước hàng ghế của Peggy và Mimi, Woody nhoẻn cười với họ. Peggy quay sang Mimi, sung sướng thốt lên. - Trông anh ấy mới tuyệt làm sao? Mimi nhìn Peggy. Đúng. Anh ấy trông thật tuyệt trên mọi phương diện. Đồng đội của Woody chúc mừng gã: - Cậu lấy lại được phong độ rồi. Cừ lắm. - Một trận giòn giã. - Cám ơn. - Chúng ta sẽ lại ra sân và giã thêm cho chúng một chập nữa. Chúng hoàn toàn mất hết cơ hội rồi. Woody cười hết cỡ: "Không có vấn đề gì". Gã nhìn đồng đội ra sân, và bỗng nhiên gã cảm thấy kiệt sức. Mình đã chơi hăng quá. Thực ra thì thể lực của mình chưa hồi phục hoàn toàn. Mình khó mà theo nổi đến hết trận. Nếu mình ra sân lúc nầy thì chỉ lám trò cười cho khán giả thôi. Gã hoảng sợ thật sự, ngực đập như trống chầu. Cái mình cần lúc nầy là chút xíu Pick-me-up (tên một loại thuốc kích thích) Không! Mình sẽ không làm như vậy. Mình không thể. Mình đã thề rồi. Nhưng cả đội đang chờ mình. Mình chỉ làm lần nầy nữa thôi, quyết không lặp lại nữa! Thề có Chúa, đây là lần cuối cùng. Gã ra xe và mở cốp. Lúc bước ra sân, Woody lúng búng nói một mình, còn ánh mắt thì lại quắc lên như ngây dại. Gã vẫy tay với đám đông rồi hoà vào đội hình đang chờ. Ta thậm chí không cần cả một đội làm gì. Mình ta đủ sức cho cả đám ăn đủ thì thôi. Ta là tay chơi số một thế giới. Woody khúc khích cười thầm Tai nạn xảy ra trong hiệp thứ sáu, mặc dầu sau nầy có người khăng khăng cho rằng không xảy ra một tai nạn nào hết. Đàn ngựa đang quấn lại với nhau, cùng phi về phía khung thành, và Woody đang có bóng. Qua khoé mắt gã thấy một cầu thủ đối phương đang phi đến gần. Gă khéo léo chuyển quả bóng ra phía sau ngựa. Cầu thủ khá nhất trong đội đối phương, Rick Hamilton, cướp được và phi về phía khung thành. Woody tức tốc đuổi theo. Gã cố gài vồ của Hamilton song trượt. Đàn ngựa đã tới rất gần khung thành. Woody cố gắng giành lại bóng, song không thể làm nổi. Hamilton đã gần khung thành lắm rồi, và trong cơn tuyệt vọng, Woody bèn kè ngựa của mình vào ngựa anh ta để hất bằng được quả bóng ra. Hamilton cùng ngựa ngã sóng soài ra đất. Đám đông nhất loạt đứng lên la ó. Trọng tài tức giận nổi còi và giơ tay lên. Luật polo không cho phép cắt ngang đường phi của ngựa đối thủ khi đối thủ đang có bóng và đang phi về phía khung thành. Cầu thế nào phạm lỗi nầy thường gây nguy hiểm cho đối phương. Cuộc chơi dừng lại Trọng tài tiến lại chỗ Woody, giọng phẫn nộ. - Đây là nỗi cố ý gây nguy hiểm, anh Stanford. Woody cười chống chế: - Không phải là lỗi do tôi đâu, mà do con ngựa còi của anh ta đấy chứ… - Đội phạm lỗi sẽ phải chịu phạt đền. Hiệp đấu trở thành một thảm hoạ. Trong vòng có ba phút Woody đã phạm thêm hai lỗi nguy hiểm nữa. Các cú phạt đền mang lại cho đội kia thêm hai bàn thắng. Còn ba mươi giây cuối cùng, đối phương đã ghi được bàn quyết định. Từ trên đỉnh cao của thượng phong, đội của Woody bị đánh tơi bời và chịu một thất bại quá ư cay đắng. Trên hàng ghế khán giả, Mimi ngồi chết lặng đi trước sự thay đổi đột ngột của cục diện trận đấu. Peggy rụt rè nói: - Đội Woody chơi không ổn lắm, đúng không? - Đúng đấy, Peggy. Tôi e là rất tồi đấy. Một tiếp viên tiến tới chỗ hai người: - Cô Carson, tôi muốn nói riêng với cô một chuyện không biết có được không? Mimi xin lỗi Peggy và đi ra với người tiếp viên. Peggy nhìn theo hai người. Sau khi trận đấu kết thúc, một không khí tang tóc trùm lên đội của Woody. Woody thấy nhục nhá quá, không dám nhìn đồng đội nữa. Vừa lúc đó Mimi hớt hải chạy tới: - Woody, em xin lỗi phải báo cho anh một cái tin khủng khiếp. - Cô đặt tay lên vai gã. - Bố anh mất rồi. Woody ngẩng nhìn Mimi và lắc đầu quầy quậy. Gã bắt đầu nấc lên. - Anh, anh phải chịu trách nhiệm. Tất cả… chỉ tại anh. - Không. Anh không được đổ lỗi cho mình như vậy. Việc nầy không phải lỗi của anh đâu. - Lỗi của anh, - Woody quát lên. - Nếu không vì mấy quả phạt đền do anh gây ra thì đội anh đã thắng trận nầy rồi. Chương 11 Julia Stanford chưa bao giờ gặp mặt cha. Nay thì ông đã chết, co lại thành một hàng tít đen trên tờ Kansas City Star: NHÀ TÀI PHIỆT HARRY STANFORD CHẾT ĐUỐI NGOÀI KHƠI! Nàng ngồi bất động nhìn vào trang nhất tờ báo với những dòng tình cảm lẫn lộn. Mình hận ông ấy đã đối xử tàn tệ với mẹ mình hay mình yêu ông ấy vì đấy là cha mình? Lìệu mình có lỗi vì đã không thử liên lạc với ông ấy dù chỉ một lần không, hay mình nên giận ông ấy vì đã khôngbao giờ tìm cách liên lạc với mình? Chuyện ấy giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ông ấy đã ra đi. Cha nàng đã chết trong nàng suốt những năm qua, nay ông ta lại chết thêm một lần nữa khiến cho nàng không còn gì để nói. Tuy vậy, nàng vẫn cảm thấy mất mát một cách không lí giải được. Rõ là ngớ ngẩn! Làm sao có thể thương nhớ một người mình chưa bao giờ gặp mặt được? Nàng nhìn lại bức ảnh trong tờ báo. Mình có chứa đựng cái gì của ông ấy không đấy. Julia nhìn xoáy vào gương. Đôi mắt. Mắt mình cũng nâu và xám như mắt ông… Nàng ngồi xuống mép giường và mở cái hộp của mẹ ra. Trong hai tiếng liền nàng nhìn ngắm những kỷ vật trong đó. Có vô số ảnh của mẹ trong trang phục gia sư chụp chung với Harry Stanford và Emily Stanford cùng với ba đứa con của họ. Phần lớn ảnh đều được chụp trên du thuyền, ở biệt thự Rose Hill hoặc ở biệt thự Hobe Sound. Julia cầm lên những mảnh cắt các bài báo đã úa màu thời gian về vụ scandal xảy ra từ bao nhiều năm trước ở Boston. Các hàng tít tuy đã phai màu song vẫn âm vang một cách rùng rợn: TỔ ẤM TÌNH YÊU TRUỚC CUỒNG PHONG. TỈ PHÚ HARRY STANFORD DÍNH SCANDAL. VỢ NHÀ TÀI PHIỆT TỰ TỬ VÌ CÔ GIA SƯ. ROSEMARY NELSON BIẾN MẤT. Có hàng chục những cột báo viết đầy những chuyện ngồi lê đôi mách nhảm nhí. Julia ngồi lặng yên, chìm trong suy tưởng. Nàng sinh tạỉ bệnh viện St. Joseph ở Milwaukee. Hồi ức về tuổi thơ ấu của nàng là một cuộc sống trong những căn hộ ổ chuột, chưa ấm chỗ ở thành phố nầy đã phải lên đường đến một thành phố khác. Có những lúc mẹ nàng không còn một xu dính túi và thậm chí ăn còn chẳng đủ no. Bà ốm triền miên nên không tìm nổi một việc làm ổn định. Cô con gái bé nhỏ nhanh chóng nhận thấy tình cảnh nên chẳng bao giờ dám vòi mẹ quần áo mới hoặc đồ chơi. Julia đến trường lúc lên năm. Bạn cùng lớp không ngớt chế giễu cô bé bởi ngày nào cô bé cũng chỉ mặc độc một bộ đồ tã. Khi bị bọn trẻ trêu chọc, Julia đánh lại. Cô bé có máu nổi loạn trong người nên thường xuyên bị đưa lên văn phòng hiệu trưởng để nghe khiển trách. Các thầy cô giáo không biết phải làm gì với Julia. Gần như lúc nào cô bé cũng có vấn đề. Đáng lẽ thì nhà trường đã đuổi học, song vì Julia là đứa trẻ học khá nhất lớp nên người ta còn nương tay. Mẹ Julia nói với cô bé rằng cha nó đã chết, và Julia tin như vậy. Song khi lên mười hai, cô bé đã mở quyển album của mẹ ra xem và thấy một loạt ảnh mẹ mình chụp với những người lạ. - Họ là những ai thế hả mẹ? - Julia hỏi. Rosemary thấy Julia đã khôn lớn bèn quyết định nói cho con gái biết sự thật. - Con ngồi xuống đây. - Bà nắm chặt lấy tay Julia. Không có cách gì tung cái tin ra êm thấm cả. - Họ là cha con, chị và hai anh trai cùng cha khác mẹ của con. Julia nhìn bà bối rối: - Con không hiểu. Sự thật cuối cùng đã được nói ra và làm cô bé choáng váng. Cha nó vẫn còn sống! Và nó có một người chị và hai người anh. Việc nầy vượt ra ngoài sức tưởng tượng của nó. - Sao… sao mẹ lại nói dối con? Mẹ sợ con còn nhỏ quá nên không hiểu được chuyện. Mẹ và cha con… đã có một cuộc tình. Lúc đó ông ta đã có vợ. Tình thế buộc mẹ phải ra đi để giữ lấy con. - Con căm thù ông ta! Con không nên căm thù ông ta. - Làm sao ông ta có thể làm một việc như vậy với mẹ? - Julia chất vấn. - Thực ra thì cả mẹ lẫn ông ta đều có lỗi như nhau. - Mỗi từ bà thốt lên đều đau đớn như một nhát dao. - Cha con là một người đàn ông quá hấp dẫn, còn mẹ thời đó thì còn trẻ và nhẹ dạ quá. Mẹ biết cuộc tình đó sẽ chẳng dẫn đến đâu. Ông ta nói ông ta yêu mẹ… nhưng ông ta đã có gia đình. Và… và rồi mẹ có thai. Bà cảm thấy khó mà kể tiếp câu chuyện. - Một nhà báo chộp được mẩu tin đã tung ra trên tất cả các báo. Mẹ bỏ trốn. Mẹ dự tính sẽ quay lại với ông ta khi con ra đời, nhưng rồi vợ ông ta đã tự tử, và mẹ… mẹ không còn đủ can đảm để đối mặt với bọn trẻ nữa. Con thấy đấy, là lỗi của mẹ. Bời thế mẹ không oán trách ông ta. Song còn một phần nữa của câu chuyện mà Rosemary không tiết lộ ra với con gái mình. Lúc đứa trẻ chào đời, hộ lí bệnh viện hỏi, - Chúng tôi đang làm giấy khai sinh cho đưa bé. Tên nó là Julia Nelson? Rosemary toan gật đầu thì nghĩ lại: Không! Nó là con gái của Harry Stanford. Nó phải được mang họ cha và được sự giúp đỡ của ông ta. - Tên con gái tôi là Julia Stanford. Bà gửi thư báo tin Julia ra đời cho Harry Stanford biết song đã không nhận được một lời phúc đáp nào. Julia cảm thấy phấn kích khi biết mình cũng có một gia đình, tuy chưa được gặp bất cứ ai, và việc gia đình cô nổi tiếng đến mức được báo chí viết đến. Cô tới thư viện và tìm mọi thông tin có thể có về Harry Stanford. Có cả chục bài viết về ông. Ông là một nhà tỉ phú, và ông sống trong một thế giới khác, cái thế giới mà Julia và mẹ nó không được phép bén mảng tới bao giờ. Một ngày, khi bọn trẻ trong lớp chế giễu nó nghèo, Julia đã nói: - Tao không nghèo! Cha tao là một trong những người giầu có nhất thế giới. Nhà tao có một cái du thuyền, một máy bay và hàng chục toà nhà đẹp. Cô giáo nó nghe thấy. - Julia, em đi lên đây. Julia đi đến trước bàn cô giáo. - Em không được nói dối như vậy. - Em không nói dối, - Julia cãi lại. - Cha em là một nhà tỉ phú! Ông ấy quen biết các quốc vương và tổng thống! Cô giáo nhìn Julia bé nhỏ và tiều tuỵ trong bộ quần áo bạc màu đứng trước mặt mình, nói: - Julia, điều đó không phải là sự thật. - Đó là sự thật, - Julia vẫn khăng khăng một cách bướng bỉnh. Cô bé bị gọi lên phòng hiệu trưởng. Từ đó nó không bao giờ dám nhắc tới cha mình ở trường nữa. Julia hiểu ra rằng lí do khiến mẹ nó không dám ổn định chỗ ở là vì bà sợ báo chí. Harry Stanford xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin, và cùng với ông là những lời đồn đại mà báo chí có được về vụ scandal đã qua. Các phóng viên điều tra cuối cùng sẽ tìm thấy Rosemary Nelson, bởi thế cách duy nhất là bà phải cắp theo Julia chạy trước. Julia đọc tất cả các bài báo viết về Harry Stanford, và mỗi lần như vậy cô bé lại muốn gọi điện cho ông. Cô bé muốn tin rằng trong suốt những năm qua ông đã không ngớt tìm kiếm tung tích hai mẹ con. Mình sẽ gọi điện và nói: "Con gái của cha đây. Nếu cha muốn gặp mẹ và con…" Và ông sẽ đến với cả tâm tình, rồi cưới mẹ nó, rồi mọi người lại sống với nhau hạnh phúc. Julia Stanford lớn lên thành một cô gái đẹp. Nàng có mái tóc đen bóng mượt, cái miệng phóng khoáng, tươi cười đôi mắt như có ánh lân tinh và một thân hình với những đường cong mềm mại. Nhưng khi nàng nhoẻn cười thì người ta quên hết tất cả, chỉ còn đọng lại mỗi nụ cười của nàng thôi. Vì hai mẹ con phải thay đổi chỗ ở thường xuyên nên Julia phải qua tới năm bang khác nhau mới học xong phổ thông trung học. Những dịp nghỉ hè nàng phải làm thêm tại các cửa hiệu hay ngồi bàn lễ tân ở các văn phòng. Nàng luôn là người tự lập. Khi Julia tốt nghiệp đại học với học bổng thì hai mẹ con đang sống ở Kansas City. Nàng chưa biết phải làm gì với cuộc đời ở phía trước. Bạn bè, ngưỡng mộ trước sắc đẹp của nàng, khuyên nàng nên theo nghề điện ảnh để trở thành một minh tinh. - Với nhan sắc và trí thông minh của cậu thì chỉ sau một đêm lả cậu thành ngôi sao? Julia gạt bỏ ý tưởng đó và đùa: - Có ai muốn sáng nào cũng phải dậy sớm đâu. Song lí do thực khiến nàng không mấy hứng thú với nghề đó là khát vọng có một cuộc sống riêng kín, không bị quấy nhiều của nàng. Hai mẹ con chịu cái cảnh lang thang lưu lạc vì phải trốn tránh báo chí như vậy đã quá đủ. Giấc mơ bố mẹ đoàn tụ của Julia chấm dứt khi mẹ nàng qua đời. Julia cảm thấy một nỗi mất mát không chịu đựng nổi. Cha mình phải biết chuyện nầy mới được, Julia nghĩ bụng. Mẹ là một phần của cuộc đời cha. Nàng giở danh bạ điện thoại và quay số máy văn phòng của ông ở Boston. - Xin chào, đây là trụ sở của ông Stanford Enterpises. Julia ngập ngừng. - A lô, trụ sở của Stanford Enterprises đây. Tôi có thể giúp gì quí vị? Julia chậm rãi bỏ máy xuống. Ở dưới suối vàng hẳn mẹ không muốn mình có cuộc gọi nầy. Giờ đây nàng hoàn toàn cô độc. Nàng chẳng có ai trên đời nữa cả. Julia an táng mẹ tại nghĩa địa Memonal Park ở Kansas City. Không có ai đi đưa tang ngoài nàng. Julia đứng bên mộ mẹ và thầm nói với bà: Mẹ ơi như thế nầy thật bất công cho mẹ quá. Mẹ đã chỉ phạm một sai lầm song phải trả giá cho nó suốt cả cuộc đời. Con chỉ mong gánh chịu giúp mẹ được một phần nỗi đau. Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ạ. Và con sẽ yêu mẹ suốt đời. Tất cả những gì bà mẹ quá cố đã để lại là một hộp đựng đầy những bức ảnh và những mảnh báo cắt đã phai mầu. Khi mẹ đã ra đi, ý nghĩ của Julia hướng về gia đình Stanford ngày một nhiều hơn. Họ giầu. Nàng có thể tìm đến họ để được giúp đỡ. Không bao giờ, nàng cương quyết gạt ý định đó ra. Không thể làm như vậy khi Harry Stanford đã đối xử với mẹ mình bạc bẽo thế kia. Nhưng nàng phải kiếm sống. Nàng đối mặt với sự lựa chọn con đường công danh, sự nghiệp. Hay mình làm một nhà phẫu thuật não? Một hoạ sĩ chăng? Hay một ca sĩ opera? Một nhà vật lí? Một nhà du hành vũ trụ? Nàng bèn đi học thêm khoá đào tạo thư kí ở một trường cao đẳng của Kansas City. Một ngày sau khi nhận chứng chỉ khoá học, nàng tìm đến một đại lí giới thiệu việc làm. Có hơn một chục ứng viên đang chờ. Ngồi cạnh Julia là một cô gái đẹp, trạc tuổi nàng. - Chào cậu. Tớ là Sally Connos. - Julia Stanford. - Tớ phải kiếm được việc làm trong ngày hôm nay, - Sally rên rỉ nói. - Tớ bị tống cổ khỏi căn hộ đang thuê rồi. Julia nghe tiếng người ta gọi tên mình. - May mắn nhé!- Sally nói. - Cám ơn. Nàng bước vào văn phòng bà giám đốc. - Mời cô ngồi. Cô khai trong hồ sơ xin việc rằng cô có học vấn đại học và một vài kinh nghiệm làm việc trong các dịp nghỉ hè. Và cô được trường thư kí đánh máy đánh giá rất cao. - Bà nhìn tập hồ sơ trên bàn. - Cô có thể tốc kí chín mười từ một phút và đánh máy sáu mươi từ một phút? - Vâng, thưa bà. - Tôi có thể giới thiệu việc làm ngay cho cô đấy. Có một hãng kiến trúc nhỏ đang tìm một thư kí. Nhưng lương thì không được cao lắm, tôi e là thế. - Không sao, - Julia đáp ngay. - Tốt lắm. Tôi sẽ giới thiệu cô tới đó. Họ sẽ phỏng vấn cô vào trưa mai. Julia cười sung sướng. "Rất cảm ơn bà". Nàng vừa ra thì Sally được gọi vào. - Tớ hy vọng cậu sẽ được một cái gì đó, - Julia nói. - Cảm ơn. Như một thứ bản năng, Julia quyết định nán lại chờ Sally. Chừng chục phút sau thì Sally bước ra, toét miệng cười. - Tớ đã được thẩm vấn. Bà ta đã gọi điện thoại, và tớ sẽ vào làm nhân viên tiếp tân cho Công ty Bảo hiểm đầu tư Mỹ từ ngày mai. Cậu thế nào? - Ngày mai tớ mới biết. - Tớ tin cậu sẽ được nhận. Chúng ta cùng đi ăn trưa mừng có việc làm đi. - Tuyệt lắm. Trong bữa trưa hôm đó, hai cô gái trò chuyện và tình bạn giữa họ hình thành tức thì. - Tớ tìm được một căn hộ ở Overland Park,- Sally nói. - Căn hộ có hai buồng ngủ, một phòng tắm, một bếp và một phòng khách. Nó đẹp. Song mình tớ thì khó mà đủ tiền thuê, nếu như hai chúng ta hợp lại… Julia nhoẻn cười: - Tớ khoái ý tưởng của cậu rồi đấy. - Nàng búng ngón tay đánh tróc. - Nếu tớ được nhận vào làm việc. - Cậu sẽ được nhận, - Sally đoán chắc. Trên đường tới văn phòng công ty Peters, Eastman & Tolkin, Julia nghĩ, Đây có thể là cơ hội lớn, chứ không chỉ là một việc làm đơn thuần Nó có thể dẫn mình tới bất cứ đâu. Mình sẽ được làm việc với các kiến trúc sư. Những người mơ mộng nầy đang xây dựng và hình thành những toà nhà chọc trời, tạo nên những điều kỳ diệu từ những phiến đá. Có thể mình sẽ nghiên cứu khoa học kiến trúc để có thể giúp họ và làm một bộ phận cấu thành trong những giấc mơ của họ. * * * * * Văn phòng công ty nằm trong một toà nhà cũ trên đại lộ Amour. Julia bắt thang máy lên tầng ba và dừng lại trước một cánh cửa đề PETERS, EASTMAN & TOLKIN, KIẾN TRÚC SƯ. Nàng hít một hơi sâu để giữ bình tĩnh rồi mới bước vào. Ba người đàn ông đang ngồi chờ nàng trong phòng tiếp tân, chăm chú nhìn nàng đi đến. - Cô tới để xin làm thư kí có phải không? - Vâng, thưa các ông. - Tôi là Al Peters. - ông nói. - Tôi là Bob Eastman. - ông để tóc đuôi ngựa. - Tôi là Max Tolkin. - ông bụng bự. Bọn họ đều trạc bốn mươi. - Chúng tôi hiểu đây là việc thư kí đầu tiên của cô - Al Peters nói. - Đúng thế ạ, - Julia đáp, rồi mau miệng nói thêm. - Nhưng tôi có thể học rất nhanh. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ. - Nàng quyết định chưa nói ý đồ theo học một trường kiến trúc ra vội. Nàng sẽ chờ cho đến khi họ đã biết được năng lực của nàng. - Tốt lắm. Chúng tôi sẽ thử thách cô, - Bob Eastman nói, - để xem cô làm việc thế nào. Julia cảm thấy phấn chấn. - Ô, cám ơn các ông! Tôi sẽ không… - Về lương, - Max Tolkin nói, - tôi e sẽ không thể trả cho cô được nhiều trong thời gian đầu. - Cũng được, - Julia nói, - Tôi… - Ba trăm một tuần, - Al Peters nói. Họ nói đúng. Một đồng lương như vậy là quá ít ỏi. Julia lập tức quyết định: - Tôi chấp nhận công việc. Ba người nhìn nhau và cùng mỉm cười. - Tuyệt! - Al Peters thốt lên. - Để tôi đưa cô đi tham quan một vòng. Chuyến tham quan chỉ kéo dài có vài giây. Có một phòng tiếp tân và ba phòng làm việc nhỏ bài trí như trụ sở của một đội quân cứu tế. Bồn rửa để ngoài hành lang. Cả ba đều là kiến trúc sư, song Al Peters làm kinh doanh, Bob Eastman làm bán hàng, còn Max Tolkin làm kỹ thuật công trình. - Cô sẽ làm cho cả ba chúng tôi, - Peters nói với nàng. - Vâng. - Julia hiểu nàng sẽ trở nên không thể thiếu được đối với họ. Al Peters nhìn đồng hồ. - Đã mười hai rưỡi. Chúng ta ăn trưa chứ? Julia cảm thấy lâng lâng. Nàng đã chính thức vào đội hình của họ. Họ đang mời mình ăn trưa. Anh ta quay sang Julia: - Dưới nhà có một cửa hàng bán đồ ăn. Tôi sẽ dùng Sandwich thịt bò muối, mạch đen và sa lát khoai tây. Tolkin nói: - Tôi sẽ dùng Sandwich pastarami và súp gà. Bob Eastman nói: - Tôi sẽ dùng tôm hùm nướng và nước ngọt. - Ồ nhớ là thịt bò muối phải lẳn nhé, - Al Peters bảo nàng. - Vâng, thịt bò muối lẳn. - Nhớ là súp phải nóng đấy. - Tolikin dặn. - Vâng, súp nóng. - Nước ngọt là cola ăn kiêng nhé. - Vâng, cola ăn kiêng. - Tiền đây, - Peters đưa cho nàng một tờ hai mươi đô la. Mưởi phút sau Julia đã có mặt ở cửa hàng đồ ăn, nêu thực đơn của mình cho người đàn ông đứng sau quầy: - Tôi mua một sandwich thịt bò muối và mạch đen, một sa lát khoai tây, một bánh sandwich pastarami, một súp gà thật nóng, một tôm hùm nướng và cô la ăn kiêng. Người bán hàng gật đầu: - Cô làm việc cho Peters, Eastman, & Tolkin hả? * * * * * Tuần sau Julia và Sally chuyển tới sống tại căn hộ đường Overland Park. Nhìn căn hộ tuyềnh toàng Julia thầm nghĩ: người ta sẽ không nhầm căn hộ nầy với khách sạn Ritz. - Chúng ta sẽ thay nhau nấu nướng, - Sally đề nghị. - Tốt thôi. Sally nấu bữa đầu tiên và nấu rất ngon. Tối hôm sau đến lượt Julia. Sally nếm một thìa và nói: - Julia, tớ chưa mua bảo hiểm sinh mạng đâu. Sao cậu không để tớ làm bữa còn cậu thì giặt giũ và lau nhà cửa? Hai cô gái cùng phòng sống với nhau rất hoà thuận, vào dịp nghỉ cuối tuần, họ thường đi xem phim ở GlenWood 4, mua sắm ở Bannister Mall. Họ mua quần áo ở cửa hàng bán đồ hạ giá Super Flea Discount House. Mỗi tuần một lần, họ đi ăn tối ở một nhà hàng rẻ tiền - Stephenson s Ole Apple Farm hay Cafe Max. Khi trong túi họ xông xênh, họ có thể đến Charhe Charlie nghe nhạc Jazz. Julia thích công việc ở Peters, Eastman, & Tolkin lắm. Nói họ đang làm ăn khó khăn là đánh giá ba người đàn ông hơi thấp. Họ có ít khách hàng. Julia có cảm giác nàng đã không làm được gì nhiều giúp họ xây nên những toà nhà chọc trời, nhưng nàng thích được làm việc gần gũi với ba ông chủ đó. Mỗi khi có khó khăn gì họ đều thổ lộ với nàng. Với bản tính nhanh nhẹn, chỉ mấy ngày sau khi vào làm việc nàng đã tổ chức lại văn phòng một cách gọn gàng và khoa học. Julia quyết định phải làm một việc gì đó để lôi kéo thêm khách hàng cho công ty. Nhưng bằng cách nào? Và nàng đã nhanh chóng tìm ra lời giải đáp. Báo Kansas City Star vừa đăng tin về một bữa tiệc trưa dành cho một hội các thư kí điều hành. Thư kí hội là bà Susan Bandy. Trưa hôm sau Julia nói với Peters: - Chiều nay tôi có thể về muộn một chút. - Không sao, Julia, - Al Peters nói và nghĩ họ đã may mắn khi có được nàng. Julia tới Plaza Inn và đi thẳng vào phòng tiếp tân, nơi tiệc trưa đang diễn ra. Người đàn bà ngồi kề cửa sổ nói: - Tôi có thể giúp gì cô? - Vâng. Tôi tới đây để dự bữa tiệc trưa của hội thư kí điều hành. - Tên cô là gì? - Julia Stanford. Người dàn bà nhìn danh sách trước mặt: - Tôi e là không thấy tên cô… Julia mỉm cười: - Cũng như Susan ấy mà. Tôi có chuyện muốn nói với bà ta. Tôi là thư kí điều hành của Peters, Eastman, & Tolkin. Người đàn bà do dự. - Bà đừng lo. Tôi chỉ muốn vào gặp Susan một lát, rồi đi ngay thôi mà. Trong phòng ăn là một nhóm phụ nữ ăn mặc đẹp đang trò chuyện rôm rả. Julia Stanford đi đến gần: - Xin lỗi, tôi muốn hỏi ai là Susan Bandy? - Bà ta ở đăng kia kỳa, - cô ta chỉ tay vào một người đàn bà lộng lẫy ở tuổi bốn mươi. Julia đến chỗ bà ta: - Chào. Tôi là Julia Stanford. - Chào cô. - Tôi làm cho Peters, Eastman, & Tolkin. Tôi tin là bà đã nghe tên công ty nầy. - À, tôi… - Họ là hãng kiến trúc tăng trường nhanh nhất ở Kansas City. - Tôi hiểu. - Tôi thực không có nhiều thời gian, nhưng tôi muốn đóng góp bất cứ cái gì có thể cho hiệp hội. - Vậy thì tốt lắm. À, cô tên là… - Stanford Đấy là bước khởi đầu. Hiệp hội thư kí điều hành đại diện cho các công ty hàng đầu ở Kansas City, và Julia trở thành một bộ phận của nó từ lúc nào không biết. Nàng ăn trưa với một hoặc vài thành viên chí ít mỗi tuần một lần. - Công ty tôi sắp xây dựng một trụ sở mới ở Olathe. Julia lập tức báo cáo về cho ba ông chủ của mình. - Ông Hanley muốn xây dựng một nhà nghỉ ở Tonganoxie. Và trước khi ai đó kỵp hiểu xem chuyện gì đang xảy ra thì Peters, Eastman, & Tolki đã có hợp đồng. Một hôm Bob Eastman gọi nàng vào và nói: - Cô xứng đáng được tăng lương, Julia. Cô đã làm việc tốt không thể tưởng được. Cô là một thư kí tuyệt vời. - Ông làm ơn giúp tôi một việc được không? - Dĩ nhiên rồi. - Hãy gọi tôi là thư kí điều hành. Như vậy tôi sẽ làm việc dễ dàng hơn với các công ty bạn. Thỉnh thoảng Julia lại bắt gặp một bài báo viết về cha mình, hoặc thấy ông xuất hiện trên tivi. Tuy nhiên nàng chưa bao giờ cho Sally hay ba ông chủ của mình biết nàng là con gái Harry Stanford. Ở tuổi mới lớn, một trong những mơ ước của Julia là vào một ngày nào đó nàng được một vị thần đưa ra khỏi Kansas tới một nơi huyền diệu, đầy những du thuyền, cung điện và máy bay riêng. Nhưng giờ đây khi nhận được tin về cái chết của cha, giấc mơ đó đã bị chôn vùi vĩnh viễn. Mình không còn gia đình nữa rồi. Không, mình vẫn còn một gia đình. Mình có hai anh trai và một chị gái cùng cha khác mẹ. Họ là gia đình của mình. Mình có nên tới thăm họ không nhỉ? Phải chăng đây là một ý tưởng hay? Không biết khi gặp nhau mình và họ sẽ nghĩ thế nào về nhau nhỉ? Quyết định của nàng hoá ra đã trở thành một vấn đề sống còn. Không chỉ với riêng nàng. Chương 12 Đấy là cuộc tụ họp của một nhóm những người xa lạ Bao nhiêu năm rồi họ chẳng gặp mặt nhau hay liên lạc gì với nhau. Thẩm phán Tyler Stanford về từ Boston bằng máy bay. Kendall Stanford Renauld bay tới từ Paris. Marc Renauld đáp xe lửa từ New York. Woody Stanford và Peggy đến bằng xe hơi từ Hobe Sound. Gia quyến được thông báo rằng tang lễ sẽ cử hành tại nhà thờ King. Con phố trước cửa nhà thở được chặn lại, cảnh sát được bố trí để trông coi đám đông tụ tập ở bên ngoài xem lễ tang. Phó Tổng thống Mỹ cùng các thượng nghị sĩ, đại sứ và đại diện ngoại giao từ các nước xa xôi như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả-rập Xê-út cũng có mặt. Sinh thời, Harry Stanford đã toả một cái bóng khổng lồ lên trái đất và bởi thế, bảy trăm chỗ ngồi trong nhà thờ lúc nầy đều chật khách ngồi. Tyler, Woody và Kendall, cùng với vợ, chồng họ gặp nhau trong phòng họp nhà thờ. Cuộc gặp thật miễn cưỡng và thiếu tự nhiên. Họ xa lạ nhau quá, và vật duy nhất họ có chung là cái xác của người cha đang nằm trong chiếc xe tang bên ngoài nhà thờ. - Đây là chồng tôi, anh Marc, - Kendall giới thiệu. - Đây là vợ tôi cô Peggy. Peggy à, đây là chị gái anh, Kendall, và anh trai anh, Tyler. Họ trao nhau những cái chào xã giao, rồi đứng nguyên, vụng về nhìn nhau mà chẳng nói gì cho tới khi người phụ trách tang lễ đi vào. - Xin lỗi quí vị, - Ông ta hối hả nói. - Tang lễ sắp sửa cử hành. Xin mời quí vị theo tôi. - Ông ta dẫn nhóm người tới một phòng riêng trước cửa nhà thờ. Họ ngồi xuống và đợi, mỗỉ người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tyler có một cảm giác xa lạ khi trở lại Boston. Hồi ức đẹp nhất còn lại trong y là cái thời mà cả mẹ lẫn Rosemary còn sống. Năm lên mười một, Tyler được xem bức hoạ nổi tiếng Thần Xa-tuya ăn sống con trai của Goya, và chẳng hiểu sao y luôn gán nó cho cha mình. Còn bây giờ, nhìn chiếc quan tài đang được khiêng vào nhà thờ, Tyler thầm nhủ, Xa-tuya đã đi đời nhà ma. Tao biết cái bí mật nhỏ bẩn thỉu của mày. - Ông mục sư bước lên bục giảng kinh. "Đức Chúa nói với bà, Ta là sự phục sinh và là cuộc sống, ai tin ở ta, dù đã chết cũng sẽ được phục sinh, và những ai sống và tin ở ta sẽ không bao giờ chết". Woody đang phê. Gã đã xài một liều bạch phiến trước khi đến nhà thờ, và hiệu ứng của nó vẫn chưa tan hết. Gã liếc nhìn ông anh trai và bà chị. Tyler mập lên. Anh ấy trông giống một thẩm phán. Kendall xinh ra nhiều, nhưng hình như chị ta đang rất căng thẳng. Không biết có phải vì cái chết của cha không? Không phải. Chị ta hận bố chẳng kém gì mình. Gã nhìn vợ đang ngồi bên cạnh. Mình có lỗi chưa kỵp giới thiệu Peggy với ông già Nếu mình làm việc đó sớm thì có phải lão đã ngoẻo vì đau tim rồi không? Ông mục sư vẫn nói: "Như người cha thương yêu đứa con, Chúa cũng dành một tình thương như vậy cho những ai tôn kính Ngài. Bởi Ngài biết thân xác của chúng ta; Ngài nhớ chúng ta là cát bụi". Kendall không nghe bài kinh. Nàng đang nghĩ tới bộ đồ mầu đỏ. Một buổi chiều, cha nàng gọi điện cho nàng về New York: "Vậy là mày đã thành một nhà tạo mốt lớn rồi đấy Ghê thật. Hãy để tao kiểm tra xem tay nghề mày tới đâu. Tao sẽ đưa cô bạn gái mới của tao đi dự một vũ hội từ thiện vào tối thứ bảy nầy. Số đo của cô ta như của mày đó. Tao muốn mày thiết kế cho cô ta một bộ đồ thật đẹp". - Thứ bảy nầy ư, thưa cha? Không thể kỵp được. Con không thể… - Mày sẽ làm như tao nói. Và Kendall đã thiết kế một bộ quần áo xấu xí nhất mà nàng có thể nghĩ ra. Nó có một cái nơ con bướm tổ bố cùng một đống đăng ten, râu ria ở trước ngực. Mặc nó vào người ta trông như quái vật ngay. Nàng gửi nó cho cha. Mấy tiếng sau, cha nàng gọi tới: - Tao đã nhận được bộ đồ. Nhưng thật tiếc là bạn gái tao có việc bận nên không thể đi vũ hội cùng tao vào thứ báy nầy được. Bởi thế, mày sẽ đi cùng tao tới đó và mặc bộ đồ mày đã thiết kế cho cô ấy! - Không. Rồi nàng nghe câu nói khủng khiếp đó: - Mày không muốn làm cha thất vọng, đúng không? Và nàng phải đi cùng ông tới buổi vũ hội ấy, không dám mặc cái gì khác ngoài bộ đồ ông đã chi định, và đấy là buổi tối nhục nhã nhất trong đời nàng. "Bởi chúng ta không mang đến cho thế giới nầy cái gì nên chắc chắn cũng không thể mang theo cái gì đi khỏi nó. Chúa cho chúng ta và Chúa lấy đi, sáng danh Chúa đời đời!" Peggy Stanford thấy bất tiện. Cái nhà thờ nầy tráng lệ quá, những người tham dự lễ tang trông sang trọng quá. Cô chưa tới Boston bao giờ, song trong tiềm thức thì Boston có nghĩa là thế giới của Stanford với tất cả những gì nguy nga, tráng lệ nhất. Những con người nầy trông cao quí hơn cô nhiều quá. Cô nắm lấy tay chồng. "Tất cả thịt da là cỏ dại, và tất cả nhung gì tinh tuý trong đó là hoa trái trên đồng… Cỏ sẽ tàn, hoa sẽ héo, songlời của Chúa thì vĩnh cửu". Marc đang mải nghĩ về bức thư tống tiền mà vợ chàng vừa nhận được. Lời lẽ của bức thư đã được cân nhắc rất cẩn thận và viết rất khôn ngoan. Chịu, không thể phán đoán kẻ nào đứng đằng sau bức thư đó. Chàng nhìn Kendall, xanh xao và căng thẳng. Nàng còn chịu được bao lâu nữa? Chàng thầm hỏi và xích lại gần vợ. "Chúng ta sống trong tình thương và sự che chở của Chúa. Chúa ban phước lành cho chúng ta và gìn giữ chúng ta. Đức Chúa chiếu sáng chúng ta và bao dung với chúng ta. Đức Chúa cho chúng ta hoà bình, hôm nay và muốn đời. Amen". Phần hành lễ kết thúc, và vị mục sư tuyên bố: - Lễ an táng sẽ tiến hành trong nội bộ tang gia. Tyler nhìn chiếc quan tài và nghĩ tới cái xác trong đó Đêm qua, trước khi đóng nắp quan tài, y đã tức tốc phi thẳng từ sân bay Quốc tế Boston tới nhà tang lễ Y muốn nhìn tận mắt cái chết của cha y. Woody theo dõi chiếc quan tải khi nó được khiêng ra khỏi nhà thở và diễu qua trước mặt những người đưa tang. Gã mỉm cười: Hãy trao cho người ta cái người ta muốn đi. Lễ hạ huyệt tại nghĩa địa Mount Auburn ở Cambridge diễn ra rất chóng vánh. Gia quyến nhìn xác Harry Stanford được hạ từ từ xuống nơi an nghí cuối cùng, và khi những nắm đất đầu tiên được ném xuống, ông mục sư nói: - Quí vị tang gia có thể trở về nhà nếu không muốn ở lại đây thêm nữa. Woody gật đầu "Đúng". Hơi bạch phiến đã tan hết và gã bắt đầu cảm thấy bứt rứt. - Chúng ta đi khỏi cái nơi khỉ gió nầy thôi. Marc hỏi: - Chúng ta đi đâu bây giờ? Tyler quay ra nói với cả nhóm: - Chúng ta sẽ ở tại Rose Hill. Mọi thứ đã được sắp đặt cả rồi. Chúng ta sẽ ở lại đó cho đến khi vấn đề phân chia tài sản được giải quyết xong. Vài phút sau họ đã ngồi vào chiếc xe hòm lớn, đi về toà nhà. Boston là thành phố có đẳng cấp rõ ràng. Những gia đình cực kỳ giầu có sống ở đại lộ Commomwealth, tầng lớp thượng lưu bậc trung sống ở phố Newbury. Những gia đình có vị thế kém cỏi hơn thì sông ở phố Marlborough. Back Bay là địa chỉ mới nhất và có thanh thế nhất, song Beacon Hill mới là dinh luỹ của những gia đình lâu đời nhất và giầu có nhất. Đấy là một sự pha trộn xa hoa giữa những toà nhà tháp kiểu Victoria với những nhà thờ cổ và những khu thương mại sầm uất. Rose Hill, dinh cơ của nhà Stanford, là một toà biệt thự kiểu Vitoria mới xây trên một thửa đất rộng ba acrơ trên đồi Beacon. Bọn trẻ nhà Stanford lớn lên trong toà biệt thự đầy ắp những hồi ức kinh hoàng đó. - Tôi không thể hình dùng nổi việc cha đang không có nhà chờ chúng ta, - Kendall nói. Woody cười hết cỡ: - Giờ nầy ông ta đang mải điều hành công việc ở địa ngục. Tyler hít một hơi thật sâu: - Vào thôi. Mọi người vừa đi đến cửa tiền thì cánh cửa cũng lập tức mở ra và Clark, vị quản gia đang đứng chờ sẵn ở đó. Ông đã ngoài bảy mươi và đã làm quản gia cho nhà Stanford hơn ba chục năm nay. Ông nhìn bọn trẻ lớn lên, trưởng thành và đã sống qua tất cả các vụ scandal trong nhà. Trông thấy nhóm người, mắt Clark sáng lên: - Chào các cô, các cậu chủ. Kendall ôm chầm lấy ông: - Bác Clark, thật hạnh phúc khi gặp lại bác. - Lâu quá rồi nhỉ, cô Kendall. - Cháu giờ là bà Renaud rồi đấy. Đây là chồng cháu, Marc. - Chào ngài. - Vợ tôi đã kể rất nhiều về bác. - Không có gì quá khủng khiếp chứ, tôi hy vọng? - Trái lại đấy. Về bác, cô ấy chỉ có những hồi ức rất đẹp thôi. - Cám ơn ngài. - Clark quay sang Tyler. - Chào thẩm phán Stanford. - Chào bác. - Tôi rất vui được gặp lại cậu chủ. - Cám ơn bác. Trông bác khoẻ mạnh lắm. - Cậu chủ cũng thế. Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện buồn đã xảy ra với nhà ta. - Cám ơn bác. Bác chuẩn bị như vậy để đón tất cả chúng cháu có phải không? - Ồ, phải. Tôi nghĩ chúng tôi có thể làm cho mọỉ người cảm thấy dễ chịu khi ở đây. - Cháu lại sẽ ở phòng cũ của mình chứ? Clark cười: - Đúng vậy. - Ông quay sang Woody. - Rất vui được gặp cậu chủ. Tôi muốn… Woody khoác lấy tay Peggy: - Thôi nào. Cháu đang muốn tắm gội, nghỉ ngơi cho người sảng khoái lên chút đây. Mọi người nhìn Woody bước qua trước mặt và kéo Peggy lên lầu. Những người còn lại tập trung ở thư phòng lớn. Gian phòng được án ngữ bởi hai cái bàn kiểu Louis XIV. Rải rác quanh tường là những chiếc bàn nhỏ kiểu tấm chìa, mặt lát đã cẩm thạch cùng một loạt ghế tựa, ghế băng có tay ngăn. Trên tường treo những bức hoạ thời trung cổ, màu tối. Clark nói với Tyler: - Thẩm phán Stanford, tôi có một lời nhắn cho cậu. - Ông Simon Fitzgerald muốn cậu gọi đỉện báo cho ông ta biết lúc nào ông ta có thể gặp mặt gia đình. - Simon Fitzgerald là ai vậy? - Marc hỏi. - Ông ta là luật sư của gia đình. Cha thuê ông ta đã lâu lắm rồi nhưng mọi người ở đây chưa ai gặp ông ta cả. - Tôi cho là ông ta muốn bàn chuyện chia tài sản, - Tyler nói. - Nếu các vị nhất trí, tôi sẽ mời ông ta tới đây vào sáng mai. - Tốt thôi, - Kendall nói. - Đầu bếp đang làm bữa tối. Các cô, các cậu dùng bữa vào lúc tám giờ có được không? - Vâng, - Tyler đáp. - Cám ơn bác. - Eva và Millie sẽ dẫn các cô cậu lên phòng. Tyler nói với Kendall và chồng nàng: - Chúng ta gặp lại nhau ở đây lúc tám giờ tối nhé. Lên tới phòng riêng, Peggy lo lắng hỏi Woody: - Anh có làm sao không? - Anh không sao cả, - Woody nói lúng búng. - Hãy để anh yên. Cô nhìn gã đi vào buồng tắm và đóng sầm cửa lại. Mười phút sau, Woody đi ra, miệng cười rất tươi: - Chào em yêu. - Chào anh. - Em có thích ngôi nhà cổ nầy không? - Nó… nó đồ sộ quá! - Nó là cái địa ngục. - Gã vòng tay ôm ngang người Peggy. - Đây là phòng cũ của anh. Em thấy trên tường còn treo các dụng cụ thể thao. Thời nhỏ anh muốn làm một vận động viên điền kinh. Anh có những ước mơ to lớn. Thời là học sinh ở trường nội trú anh từng làm đội trưởng đội tuyển bóng đá của trường. Anh nhận được hàng chục giấy mời của các huấn luyện viên các trường đại học khác nhau. - Anh đã nhận lời mời nào? Gã lắc đầu: - Anh chối tất. Cha anh nói họ chỉ quan tâm đến cái tên Stanford thôi, rằng họ chỉ muốn đưa anh vào để nhận tài trợ của cha anh. Ông gửi anh tới một trường đại học kỹ thuật, nơi chẳng có ai đá bóng cả. - Gã im lặng một giây, rồi lẩm bẩm. - Anh đã có thể làm một vận động viên chuyên nghiệp… Peggy nhìn Woody, bối rối: - Anh nói sao? Gã ngẩng lên: - Đã bao giờ em đọc dòng chữ "Đứng đầu ngọn sóng" chưa? - Chưa. - Đấy là câu Marlon Brando (tên một diễn viên điện ảnh Mỹ) đã nói. Nó có nghĩa anh và cha anh đã không thể chịu nổi nhau thêm nữa. - Cha anh chắc là nghiêm khắc lắm. Woody hú lên cười: - Chưa thấy ai nói về cha anh tốt như em. Anh còn nhớ thời nhỏ có một lần anh bị ngã ngựa. Song anh không sợ ngựa và muốn được cưỡi lại. Ông ta cấm anh làm việc đó. "Mày không bao giờ thành một kỵ sĩ được đâu", ông nói. "Mày quá ư vụng về" - Woody nhìn vợ. - Vì câu nói đó mà anh đã trở thành một cầu thủ polo chín bàn. Họ xuống gặp lại nhau quanh bàn ăn tối, một bữa ăn của những người lạ với nhau. Họ ngồi trong cái im lặng thiếu tự nhiên, với một mối ràng buộc duy nhất là những vết thương của tuổi thơ ấu. Mãi sau Kendall mới lên tiếng: - Anh Tyler, em đã đọc về quyết định của anh trong vụ Fiorello. Hắn ta đáng nhận cái anh đã tuyên phạt. - Làm một thẩm phán chắc phải thích lắm nhỉ, - Peggy nói. - Đôi khi cũng thú vị. - Anh xử những án gì?- Marc hỏi. - Án hình sự: hiếp dâm, ma tuý, giết người… Sắc mặt Kendall bỗng tái đi. Nàng toan nói cái gì đó song Marc đã bóp mạnh tay nàng ngăn lại. Tyler nhã nhặn nói với Kendall: - Em đã trở thành một nhà tạo mốt nổi tiếng rồi. Kendall thấy khó thở quá: - Dạ. - Cô ấy khá lắm, - Marc nói. - Còn Marc, anh làm gì? - Tôi làm môi giới tài chính. - Ồ ra anh là một trong những nhà triệu phú trẻ, năng động của Wall Street đấy. - Thưa, không hẳn vậy. Tôi chỉ mới vào nghề thôi mà. Tyler nhìn Marc thăm dò: - Tôi cho là anh may mắn khi có được một người vợ thành đạt. Kendall thầm thì vào tai Marc: - Anh chớ có chấp nê anh ta làm gì. Hãy nhớ là em yêu anh. Woody bắt đầu cảm nhận được hiệu ứng của bạch phiến. Gã nhìn vợ mà nói: - Peggy có thể mặc đẹp, song cô ấy vốn tính tuềnh toàng, không để tâm tới ngoại hình của mình. Phải vậy không, thiên thần của anh? Peggy ngồi lặng đi, lúng túng không biết nói gì. - Hay em mặc đồ bồi bàn? - Woody gợi ý. - Tôi xin lỗi, - Cô đứng dậy và chạy vội lên lầu. Cả bọn ngây ra nhìn Woody. Gã cười hề hề: - Cô ấy quá ư nhạy cảm. Thế nào, ngày mai chúng ta sẽ thảo luận về tờ di chúc có phải không? - Đúng thế, - Tyler nói. - Tôi dám cá ông già chẳng để lại cho chúng ta một xu me. Marc nói: - Tài sản của ông ta đáng giá bao nhiêu là tiền… Woody khịt mũi: - Anh không biết cha chúng tôi đấy thôi. Tôi đồ ông ấy chỉ để lại cho chúng tôi cái áo vét cũ và hộp xì gà hút dở. Lão ta khoái dùng đồng tiền để điều khiển chúng tôi. Câu nổi tiếng của lão là "Mày không muốn làm tao thất vọng" đúng không. Và tất thẩy chúng tôi đều hành xử như những đứa trẻ ngoan ngoãn, bởi như anh nói, ông có quá nhiều tiền. Dẫu sao đi nữa, tôi thề là lão già đã tìm cách mang theo toàn bộ những đồng tiển lão có. - Thôi, đằng nào ngày mai chúng ta cũng rõ mà. - Tyler nói. * * * * * Sáng hôm sau, Simon Fitzgerald và Steve Sloane xuất hiện. Clark dẫn hai người vào thư viện: - Tôi sẽ thông báo với cả nhà rằng hai vị đã tới,- lão nói. Thư viện là một phòng lớn mở ra một vườn hoa bằng hai cửa sổ cao tới trần. Tường phòng ốp gỗ sồi, kê những giá sách chất đầy những cuốn sách bọc da rất đẹp. Rải rác trong phòng có những chiếc ghế mềm tiện lợi và những đèn đọc sách kiểu ý. Góc phòng là bộ sưu tập súng của Harry Stanford, bày trong một chiếc tủ kính bằng gỗ dái ngựa. Tất cả toát lên một không khí cổ kính và nghiêm trang. - Sáng hôm nay sẽ là một buổi sáng thú vị đây, - Steve nói. - Không biết họ sẽ phản ứng thế nào nhỉ? - Chúng ta sẽ biết rất chóng thôi. Marc và Kendall xuống đầu tiên. Simon Fitzgerald nói: - Xin chào ông bà. Tôi là Simon Fitzgerald, còn đây là đồng sự của tôi, Steve Sloane. - Tôi là Kendall Renaud, còn đây là chồng tôi, Marc. Marc bắt tay hai người đàn ông. Woody và Peggy đi vào. Kendall nói: - Woody, đây là ông Fitzgerald và ông Sloane. Woody gật đầu: - Chào. Các ông có mang theo luôn tiền mặt cho chúng tôi không đấy? - À thực thì… - Tôi đùa đấy. Đây là vợ tôi, Peggy. - Woody nhìn Steve. - Lão già có để lại gì không? Tyler đến. - Chào mọi người. - Ông là thẩm phán Stanford phải không ạ? - Vâng, chính tôi. - Tôi là Simon Fitzgerald, còn đây là Steve Sloane, đồng sự của tôi. Chính Steve đã đưa thi hài thân phụ ông từ Corsica về Mỹ. Tyler quay sang Steve: - Rất cám ơn ông vì việc đó. Chúng tôi thực không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Báo chí có quá nhiều phiên bản về cái chết của cha chúng tôi. Liệu ông có thể bị sát hại không? - Không. Đấy có vẻ là một tai nạn. Tầu của thân phụ ông gặp một cơn bão lớn ở ngoài khơi Corsica. Căn cứ lời thuật lại của vệ sĩ Dmitri Kaminsky, thì thân phụ ông đứng ngoài sân hiên và gió đã thổi bay khỏi tay ông một số tờ giấy. Ông nhoài ra bắt, mất thăng bằng và ngã xuống biển. Lúc họ vớt được xác ông lên thì quá muộn rồi. - Một cái chết rùng rợn quá đi, - Kendall rụt cổ lại - Ông đã nói chuyện với gã Kaminsky đó chưa? - Tyler hỏi. - Tiếc là chưa. Khi tôi tới đảo Corsica thì anh ta đã đi khỏi đó rồi. Fitzgerald nói: - Thuyền trưởng của chiếc tầu chở thân phụ anh cho biết đã hết lời can ngăn ông chớ có lên đường ngày hôm đó, song vì lí do nào đấy mà ông đã rất vội về Mỹ. Ông đã bố trí sẵn một trực thăng để bay tiếp sau khi tầu thuỷ cặp bến. Tôi đoán là ông có một vất đề khẩn cấp phải giải quyết. - Ông có biết đó là vấn đề gì không? - Tyler hỏi. - Không. Tôi đang đi nghỉ mát thì phải quay về để gặp ông ấy ở đây. Tôi không biết rằng… Woody nói chen ngang: - Tất cả những chuyện đó nghe rất kỳ thú, song giờ chúng chỉ là lịch sử thôi. Chúng ta hãy nói về bản di chúc thì hơn. Nào, ông ta có để lại cho chúng tôi chút gì không? - Chúng ta ngồi xuống đi chứ, - Tyler mời. Fitzgerald ngồi đối diện với gia đình Stanford. - Ông mở cặp và lôi ra một tập giấy tờ. Woody có vẻ không chịu đựng được nữa: - Thế nào? Vì Chúa, ông ta có để lại gì cho chúng tôi không chứ? - Woody…- Kendall nhắc nhở em trai. - Tôi biết câu trả lời rồi,- Woody giận dữ nói. - Lão ta chẳng để lại cho chúng ta một xu sứt nào hết. Fitzgerald nhìn mặt đàn con Stanford và nói: - Thực thì mỗi quí vị sẽ được hưởng một phần tài sản bằng nhau của người cha đã quá cố. Steve có thể cảm nhận được một bầu không khí hào hứng bao trùm lên căn phòng. Woody há hốc mồm nhìn Fitzgerald. - Cái gì? Ông nói cái gì? - Gã nhảy dựng lên. - Kỳ diệu quá. Các anh chị có nghe thấy gì không? Cuối cùng thì lão già đáng nguyền rủa đó cũng làm được cái việc mà chúng ta mong mỏi. - Gã nhìn Fitzgerald. - Chúng ta đang nói đến một khoản tiền bao nhiêu đây? - Tôi không có con số chính xác. Theo số mới nhất của tạp chí Forbes thì trị giá của Stanford Enterprises được ước tính vào khoảng sáu tỉ đô la. Phần lớn tài sản nầy được đầu tư vào các công ty khác nhau, chỉ có khoảng bốn trăm triệu đô la là thành khoản ngay được. Kendall lắng nghe và run rẩy thốt.lên: - Vậy là mỗi chúng ta được hơn một trăm triệu đô la. Thật không thể tin nổi? - Mình được tự do, nàng nghĩ. Mình trả quách số tiền chúng nó đòi hỏi và thoát khỏi chúng vĩnh viễn. Nàng nhìn Marc, ánh mắt sáng ngời. - Xin chúc mừng, - Marc nói. Chàng hiểu nhiều hơn người khác ý nghĩa của đồng tiền. Simon Fitzgerald lên tiếng: - Như quí vị đã biết, chín mươi chín phần trăm cổ phần của Stanford Enterprises là do thân phụ quí vị giữ. Bởi thế, nay cổ phần nầy sẽ được chia đều cho các quí vị. Ngoài ra, thẩm phán Stanford được bảo lưu quyền của mình đối với một phần trăm cổ phần còn lại hiện đang được kí thác tại nhà băng. Dĩ nhiên, có một số thủ tục phải hoàn thành. Hơn nữa, tôi phải thông báo với quí vị rằng có khả năng còn một người thừa kế nữa can dự vào đây. - Một người thừa kế nữa ư? - Tyler hỏi. - Di chúc của thân phụ các vị qui định rằng tài sản của ông phải được chia đều cho tất cả con cái. - Nghĩa là sao? - Woody hỏi. - Ý tôi muốn nói ngoài ba vị ra có thể còn có một người thừa kế hợp pháp nữa. - Ai vậy? - Kendall hỏi. - Tôi tin các vị biết một sự thật rằng nhiều năm trước thân phụ các vị có một đứa con riêng với cô gia sư làm việc cho nhà ta. - Rosemary Nelson, -Tyler nói. - Đúng. Con gái bà sinh ở bệnh viện St. Joseph ở Milwaukee. Tên là Julia. Gian phòng bỗng chìm trong im lặng. - Nầy! - Woody thốt lên. - Việc đó cách đây hai mươi lăm năm. - Hai mươi sáu năm, nếu nói chính xác. Kendall hỏỉ: - Có ai biết hiện cô ta đang ở đâu không? Simon Fitzgerald như nghe được tiếng nói của Harry Stanford: "Cô ta viết thư báo cho tôi biết cô ta sinh con gái. Hừm, nếu cô ta nghĩ cô ta sẽ kiếm chác được ở tôi thì quên đi nhé!". Không, - Fitzgerald chậm rãi nói. - Không ai biết cô ta đang ở đâu. - Vậy thì còn bàn đến cô ta làm quái gì? - Woody lầu bầu. - Tôi chỉ muốn quý vị ý thức một điều rằng nếu cô ta xuất hiện thì cô ta sẽ được quyền thừa hưởng một phần di sản của ông Harry Stanford như mỗi quý vị ở đây. - Tôi cho rằng chúng ta chả phải lo nghĩ đến chuyện nầy làm gì. - Woody nói với vẻ tự tin. - Cô ta thậm chí còn không biết cha mình là ai đâu. Tyler quay sang Simon Fitzgerald: - Ông nói ông không biết trị giá tài sản của cha tôi. Liệu tôi có thể được biết tại sao không? - Bởi vì hãng luật của chúng tôi chỉ đại diện cho ông Stanford trong những giao dịch cá nhân thôi. Các công việc.kinh doanh của ông do hai hãng luật khác đại diện. Tôi đã liên lạc với họ và yêu cầu họ chuẩn bị các báo cáo tài chính càng nhanh càng tốt. - Chúng ta đang nói đến một thời hạn bao nhiêu đây? - Kendall sốt sắng hỏi. Chúng tôi cần 100.000 đô la ngay lập tức để trang trải chi phí. - Có lẽ hai, ba tháng gì đó. Marc đọc thấy nỗi lo lắng trên gương mặt vợ. Chàng quay sang Fitzgerald: - Có cách gì xúc tiến cho sự việc nhanh lên không? Steve Sloane đáp: - Tôi e là không. Bên di chúc phải được trình lên toà án nhận thực, còn lịch làm việc của họ thì đã chật lắm rồi. - Toà nhận thực là gì vậy? - Peggy hỏi. - Nhận thực xuất phát từ chữ chứng nhận và sự thật. Đấy là hành vi… - Cô ta không xin ông một chầu bài giảng tiếng Anh đâu, - Woody gắt lên. - Tại sao chúng ta không thể giải quyết mọi chuyện ngay bây giờ? Tyler nói với em trai: - Luật không làm việc theo lối đó. Khi có một cái chết, di chúc phải được đưa ra toà chứng thực. Phải tiến hành việc thẩm định lại toàn bộ tài sản, bất động sản các công ty đang nắm giữ, tiền mặt, đồ trang sức… rồi danh mục chi tiết các tài sản đó cùng với giá trị của chúng phải được trình trước toà. Phải thu xếp các khoản thuế và thanh toán những món nợ tồn đọng. Sau đó, phải trình toà một lá đơn xin phân chia số tài sản còn lại cho những người thừa kế. Woody nhe răng cười: - Zích zắc quá nhỉ. Tôi đã phải đợi suốt gần bốn chục năm để trở thành một nhà triệu phú. Tôi cho mình có thể đợi thêm vài tháng nữa. Simon Fitzgerald đứng lên: - Ngoài tài sản thân phụ quí vị để lại cho quí vị thừa hưởng còn một số món quà phải tặng, tuy nhiên giá trị của chúng không lớn nên không ảnh hưởng tới tổng giá trị tài sản mỗi vị được chia đều. Thôi nhé, nếu không có gì… Tyler đứng lên: - Tôi cho là chẳng còn gì nữa đâu. Cám ơn hai vị. Nếu có trục trặc, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc. Ra khỏi toà biệt thự nhà Stanford, Simon Fitzgerald hỏi Steve: - Vậy là cậu đã gặp mặt toàn bộ gia đình nhà người ta rồi đấy. Cậu nghĩ thế nào? - Họ đang ăn mừng ông bố chết thì đúng hơn là để tang ông ta. Nếu như ông bố ghét họ như họ ghét ông ta thì việc gì ông ta phải cho họ quyền thừa kế nhỉ? Simon Fitzgerald nhún vai: - Đấy là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được. Có thể đấy chính là lí do ông ta tìm gặp tôi để trao lại tài sản cho một ai đó khác. Đêm đó không ai trong số mấy anh em ngủ được, mỗi người chìm đắm trong ý nghĩ của mình. "Chuyện đó đã xảy ra, - Tyler nghĩ - Nó xảy ra thật rồi. Giờ mình đã có thể cho Lee cả thế giới. Bất cứ cái gì! Tất cả!" Kendall thì nghĩ: ngay khi nhận được tiền mình sẽ tìm cách mua đứt chúng vĩnh viễn, và chúng sẽ không bao giờ còn dám tống tiền mình nữa. Còn Woody: mình sẽ tậu một đàn ngựa polo tốt nhất thế giới. Vĩnh viễn không phải mượn ngựa của người khác nữa rồi. Mình sẽ là cầu thủ mười bàn! Gã nhìn sang Peggy đang ngủ say bên cạnh. Việc đầu tiên mình sẽ làm là rũ khỏi con điếm ngu dốt nầy. Rồi gã nghĩ lại, không, mình không thể làm như vậy Gã vùng dậy và đi vào phòng tắm. Lúc bước ra tâm trạng của gã đã lại lâng lâng. Bầu không khí bữa sáng ngày hôm sau thật là cởi mở. - Tôi cho là các anh, các chị đã lên xong kế hoạch của mình, - Woody nói. Marc nhún vai: Làm sao người ta có thể lên được một kế hoạch trong một tình huống như thế nầy? Một khối lượng tiền lớn đến mức không thể tin nổi. Tyler ngẩng lên: - Chắc chắn nó sẽ đổi đời tất cả chúng ta. Woody gật gù: Đáng lẽ lão già chết dẫm đó phải chia của cho chúng ta từ lúc lão còn sống mới phải. Nếu căm thù người chết không phải là hành động thiếu lịch sự thì tôi phải nói với các anh chị thế nầy… - Woody… - Kendall nhắc em. - Thôi đi. Chúng ta hãy chấm dứt cái trò đạo đức giả nầy đi. Thẩy chúng ta đều căm thù lão và lão đáng bị như vậy. Hãy xem lão đã làm gì? Clark bước vào phòng ăn và nói với giọng của người có lỗi: - Xin lỗi các cô, cậu chủ. Có cô Julia Stanford đang chờ ở ngoài. Chương 13 "Julia Stanford" Họ nhìn nhau, lạnh nhạt. - Quỷ tha ma bắt cô ta đi. - Woody thốt lên. Tyler nói nhanh: - Có lẽ chúng ta nên sang phòng thư viện. Rồi y quay sang bảo Clark: - Hãy đưa cô ta vào trong đó! - Vâng, thưa ngài! Nàng đứng trên ô cửa, nhìn vào từng người trong bọn họ, vẻ không thoải mái lộ rõ. - Tôi… có lẽ tôi không nên đến. - Nàng nời. - Đúng đấy. - Woody nói. - Thế cô là ai? - Tôi là Julia Stanford. - Nàng lắp bắp trong sự bối rối pha chút sợ hãi. - Không. Ý tôi muốn hỏi thật ra cô là ai? Julia định nói cái gì đó nhưng rồi lại lắc đầu. - Mẹ tôi là Rosemary Nelson. Harry Stanford là bố tôi. Đám người trong thư viện nhìn nhau. - Cô có bằng chứng gì không? - Tyler hỏi. Julia nuốt nước bọt. - Tôi không nghĩ rằng tôi có bất kỳ bằng chứng thật nào. - Tất nhiên là cô không có. - Woody bật ngón tay. - Vậy làm thế nào mà cô lại có can đảm để… Kendall ngắt lời, nói với Julia: - Đây quả là một cú sốc đối với bọn tôi, như cô thấy đấy. Nếu những gì cô nói là thật, cô chính là đứa em cùng cha khác mẹ của chúng tôi. Julia gật đầu: - Chị là Kendall. - Nàng quay nhìn vào chỗ Tyler. - Anh là Tyler, - rồi quay sang Woody. - Còn anh là Woodrow. Song người ta vẫn gọi anh là Woody. - Như tạp chí People đã nói với cô. - Woody đáp một cách hài hước. Tyler cất cao giọng: - Tôi tin chắc rằng cô hiểu được vị trí của chúng ta, thưa cô. Nếu không có chứng cớ chính đáng thì không có cách gì… - Tôi hiểu. - Nàng bối rối nhìn quanh. - Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại đến đây. - Tôi nghĩ là cô biết. - Woody nói. - Vì tiền! - Tôi không quan tâm đến tiền. - Nàng nói một cách phẫn nộ. - Sự thật là… Tôi đến đây với hy vọng được gặp gia đình của mình. Kendall hỏi tiếp: - Mẹ cô hiện đang ở đâu? - Bà ấy đã đi xa. Khi tôi biết rằng cha mình đã chết… - Cô liền quyết định tới trông nom chúng tôi. - Woody tiếp lời nhạo báng. - Cô nói rằng cô không có chứng cớ nào hợp pháp để chứng tỏ mình là ai? - Tyler hỏi. - Hợp pháp? Tôi nghĩ là không. Tôi thậm chí còn không nghĩ tới điều đó. Nhưng tôi có biết một vài điều từ mẹ tôi. - Ví dụ? - Marc thốt hỏi. Nàng dừng lại suy nghĩ. - Tôi nhớ mẹ tôi vẫn thường nói về căn nhà mầu xanh ở sân sau. Bà yêu cây cỏ, hoa lá và bà dành nhiều thời gian để ở đó. Woody nói to: - Những bức ảnh của căn nhà đó vẫn còn trong nhiều cuốn tạp chí. - Mẹ cô còn nói những gì nữa? - Tyler hỏi. - Ồ, rất nhiều thứ! Bà hay nói về tất cả những người ở đây và quãng thời gian tươi đẹp mà mọi người đã trải qua. - Nàng nghĩ một lát. - Có một ngày, khi các anh, chị còn rất bé, bà đã dẫn các anh chị đi tầu thuỷ. Và một người đã ngã ra khỏi tầu. - Tôi không nhớ là ai nữa. Woody và Kendall nhìn Tyler. - Chính là tôi! - Y nói. - Có lần bà dẫn các anh chị đi mua sắm ở cửa hàng Filence. Một người bị lạc và tất cả đều rất sợ hãi. Kendall chậm rãi: - Tôi bị lạc ngày hôm đó. - Còn gì nữa không? - Tyler hỏi. - Bà dẫn các anh, chị tới cửa hàng bán đồ biển và anh đã ăn con sò đầu tiên trong đời, sau đó anh bị bệnh. - Tôi vẫn nhớ chuyện đó. Họ nhìn nhau, im lặng. Nàng nhìn vào Woody. - Anh và mẹ tôi đã đến khu trại của hải quân để xem họ tập trận, và anh đã không chịu về. Bà đã phải lôi anh đi. - Nàng tới gần chỗ Kendall. - Và tại vườn hoa công cộng, chị đã hái trộm hoa và đã bị bắt. Kendall nuốt nước bọt. - Đúng vậy! Họ lắng nghe những điều Julia nói một cách chăm chú và đầy thú vị. - Có một ngày, mẹ tôi dẫn tất cả các anh chị tới Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên và các anh chị đã vô cùng hoảng sợ trước bộ xương rắn biển và những con voi răng mấu khổng lồ. - Tất cả chúng tôi không ai ngủ được đêm hôm đó. - Kendall nói. Julia nói tiếp với Woody: - Vào một lễ Giáng sinh, bà dẫn anh đi trượt tuyết. Anh bị ngã và bị gẫy răng. Khi anh lên 7 tuổi, anh lại bị ngã từ trên cây xuống và phải khâu ở chân. Ở đó có một vết sẹo. - Nó vẫn còn đó. - Woody nói một cách miễn cường. Nàng quay lại với những người khác. - Một người ở đây đã bị chó cắn. Tôi không nhớ là ai. Mẹ tôi đã đưa người đó vào phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa Massachusetts. Tyler gật đầu. - Tôi phải tiêm phòng dại. Những lời của Julia vẫn tiếp tục tuôn trào ra: - Woody, khi anh lên tám, anh đã đi xa. Anh đi đến tận Hollywood để trở thành diễn viên. Cha anh hết sức giận dữ vì anh, ông nhốt anh vào phòng và không cho anh ăn tối. Mẹ đã phải lén đưa thức ăn cho anh. Woody gật đầu, im lặng. - Tôi… tôi… không biết còn nói được gì cho các anh chị nghe. - Bỗng nhiên nàng nhớ ra điều gì. - Tôi có một bức ảnh trong túi. - Nàng mở túi và lấy nó ra, đưa cho Kendall. Tất cả mọi người đều đi đến xem nó. Đó là bức ảnh của ba người trong số họ, khi còn bé, đứng cạnh một phụ nữ trẻ, quyến rũ trong bộ đồ gia sư. - Mẹ đã đưa nó cho tôi. - Bà còn để lại cái gì không? - Tyler hỏi? Nàng lắc đầu: - Không, rất tiếc. Bà không muốn bất cứ vật gì xung quanh gợi cho bà nhớ đến hình ảnh của Harry Stanford. - Ngoại trừ cô phải không? - Woody nói. Nàng quay lại với gã, vẻ thách thức. - Tôi không quan tâm đến việc các người có tin tôi hay không. Anh chẳng hiểu gì cả. Tôi… tôi chỉ hy vọng… - Nàng sững lại. - Như em gái tôi nói, sự xuất hiện của cô đã gây bất ngờ cho tất cả chúng tôi. Có nghĩa là… một người tình cờ xuất hiện và tự nhận là thành viên của gia đình… Cô có thể hiểu tâm trạng của chúng tôi. Tôi nghĩ chúng ta cần có thời gian để giải quyết chuyện nầy. - Tyler nói. - Tất nhiên, tôi hiểu. - Cô đang ở đâu? - Khách sạn Tremont. - Vậy cô nên quay lại đó. Chúng tôi sẽ cho xe đưa cô đi. Và chúng ta sẽ gặp mặt sau. Julia Stanford gật đầu. - Được! - Nàng nhìn từng người một và sau đó nói khẽ. - Cho dù các người có nghĩ gì, các người vẫn là những người thân của tôi. - Tôi tiễn cô ra cửa. - Kendall nói. Julia cười: - Thế là đủ. Tôi tự về một mình. Tôi có cảm giác tôi biết đến từng phân vuông của căn nhà nầy. Họ nhìn từng bước chân "đứa em gái" ra khỏi căn phòng. - Có vẻ như chúng ta đã có một cô em rồi, - Kendall nói. - Tôi không tin! - Woody lên tiếng. Tyler giơ tay lên: - Hãy nhìn vấn đề một cách hợp lý nào. Trong ý thức, người phụ nữ nầy là người bị xét xử, còn chúng ta là những bồi thẩm. Chúng ta sẽ quyết định xem cô ta có tội hay vô tội. Trong vụ xét xử nầy, quyết định cuối cùng phải được tất cả mọi người đồng ý. - Chúng ta phải nhất trí với nhau. - Đúng! - Woody gật đầu. - Tôi bỏ lá phiếu đầu tiên. Tôi nghĩ rằng cô ta là kẻ giả mạo. - Tyler nói và bỗng giơ lên một cánh tay. - Giả mạo? Làm sao cô ta có thể như thế được? - Kendall nói. - Cô ta không thể biết một cách tường tận về những chi tiết riêng tư của chúng ta nếu cô ta là giả mạo. Tyler quay lại với Kendall: - Kendall, có bao nhiêu người làm trong nhà nầy khi chúng ta còn bé? - Tại sao? - Kendall nhìn Tyler bối rối. - Mười hai người, đúng không? Và vài người trong số họ nhất định từng biết những gì cô ta vừa nói với chúng ta. Qua nhiều năm, đã có nhiều người hầu gái, lái xe, quản gia, đầu bếp… Một người trong số họ đã cho cô ta bức ảnh đó. - Ý của anh là cô ta có thể đã liên kết với một ai đó? - Một hoặc nhiều hơn. - Tyler nói. - Đừng quên rằng vụ nầy dính dáng đến một món tiền khổng lồ. - Nhưng Julia đã nói cô ta không cần tiền. - Marc nhắc nhở mọi người. Woody gật đầu. - Đúng, đó là những gì cô ta nói. - Gã nhìn Tyler. - Nhưng bằng cách nào chúng ta mới chứng minh được cô ta là giả mạo? - Có một cách? - Tyler nói quả quyết: Tất cả nhìn sững vào y. - Như thế nào? - Marc hỏi. - Tôi sẽ trả lời vào ngày mai. * * * * * - Anh nói rằng Julia Stanford đã xuất hiện sau nhiều năm? - Simon Fitzgerald chậm rãi. - Một người phụ nứ tự nhận là Julia Stanford. - Tyler chữa lại. - Và anh không tin cô ta? - Steve hỏi. - Hoàn toàn không. Cái được gọi là bằng chứng mà cô ta đưa ra chỉ là một số chuyện lúc nhỏ của chúng tôi, những chuyện ít nhất có tới một tá người làm cũ biết được và một bức ảnh cũ mèm chẳng nói lên điều gì. Cô ta có thể đã hợp tác với một trong số những người làm cũ đó. Tôi nhất định sẽ chứng minh cô ta là đồ giả mạo. Steve cau mày. - Anh sẽ làm điều đó như thế nào? Rất đơn giản. Tôi muốn thử bằng phương pháp xác định ADN. - Có nghĩa là phải đào xác bố anh lên? - Steve Sloane ngạc nhiên. - Đúng. - Tyler quay sang hỏi Simon Fitzgerald. - Có nghiêm trọng lắm không? - Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi có thể phải chấp nhận lời đề nghị nầy. Song liệu cô ta có đồng ý thử không? - Tôi chưa hỏi. Nếu cô ta từ chối, điều đó có nghĩa cô ta là đồ giả mạo. - Y do dự. - Tôi phải thú nhận rằng tôi không muốn làm như vậy. Nhưng tôi cho rằng đây là cách duy nhất để chúng ta tìm ra sự thật. Fitzgerald suy nghĩ một lúc. - Rất tốt. - Rồi ông nhìn Steve. - Anh nhận vụ nầy chứ? - Tất nhiên! - Anh nhìn Tyler. - Có lẽ anh cũng đã biết cách thức tiến hành. Một trong số các con của người đã chết phải đệ đơn lên văn phòng điều tra về các vụ chết bất thường để xin phép khai quật tử thi. Các anh sẽ phải trình bầy lí do của việc khai quật. Nếu được tiến hành, các nhân viên ở Văn phòng điều tra sẽ liên hệ với nghĩa trang và cho phép họ tiến hành công việc. Người của Văn phòng sẽ có mặt tại buổi khai quật. - Làm những điều đó mất bao lâu? - Tyler hỏi. - Ba hoặc bốn ngày để nhận được sự đồng ý. Hôm nay là thứ tư. Chúng ta có thể khám nghiệm tứ thi vào thứ hai tới. - Tốt, - Tyler ngập ngừng. - Chúng ta cần có một chuyên gia về ADN, người mà toà án có thể tin tưởng. Tôi hy vọng là anh biết một người như thế. Steve gật đầu nói. - Tôi biết. Tên anh ta là Perry Winger. Anh ta sống ở đây tại Boston nầy. Anh ta từng được nhiều quốc gia công nhận là một chuyên gia. Tôi sẽ mời anh ta. - Tôi rất kỳ vọng vào việc nây. Nó đến càng sớm bao nhiêu chúng ta càng có lợi thế bấy nhiều. Mười giờ sáng hôm sau, Tyler đến thư viện Rose Hill, nơi mà Woody, Peggy, Kendall và Marc đang chờ. Bên cạnh Tyler là một người lạ. - Tôi muốn mọi người gặp Perry Winger. - Tyler nói. - Anh ta là ai vậy? - Chuyên gia AND của chúng ta. - Chúng ta cần một chuyên gia ADN để làm gì? - Kendall trợn mắt nhìn Tyler. - Để chứng minh người phụ nữ đột nhiên xuất hiện đó là giả mạo. Tôi không có ý thả cô ta đi một cách dễ dàng đâu. - Anh sắp quật mộ ông già lên à? - Woody hỏi. - Đúng vậy, Tôi đã được phép làm điều đó. Và cuộc thử ADN sẽ cho ta biết Julia Stanford có thật sự là cô em gái yêu quí của chúng ta hay không. - Tôi e là tôi chẳng biết một tí gì về ADN. - Marc nói. Perry Winger lấy tay xoa cổ. Chỉ đơn giản ADN là một phân tử di truyền. Nó chứa đựng những mã số di truyền riêng của từng người. Nó có thể được trích ra từ vệt máu, tinh dịch, nước bọt, chân tóc và thậm chí từ xương: Những dấu vết đó có thể tồn tại trên một hài cốt tới hơn 40 năm. - Tôi hiểu… Xem ra nó khá là đơn giản. - Marc nói. Perry Winger cau mày. - Tin tôi đi, cũng không hoàn toàn ngon xơi như thế đâu. Có hai cách thử ADN. Cách thử PCR cần ba ngày để có kết quả còn cách thử RFLP thì cần đến từ sáu tới tám tuần. Trong trường hợp của chúng ta, nên dùng cách thử đơn giản thôi. - Anh thực hiện nó như thế nào? - Kendall hỏi. - Có một vài bước. Đầu tiên các mẫu được tập hợp lại và ADN sẽ bị cắt ra thành các mảnh nhỏ. Các mảnh nhỏ ấy được phân chia theo độ dài và vị trí trên một miếng gel nhỏ và cho một dòng điện chạy qua. Những ADN nào không được lắp ghép sẽ di chuyển lại với nhau và vài giờ sau chúng sẽ tự sắp xếp theo độ dài. Dung dịch kiềm được dùng để tách từng phần ADN ra và sau đó các phần nầy sẽ được đặt lên một miếng nilon nhỏ, được ngâm trong nước và máy dò phóng xạ… Những cặp mắt của đám con Harry Stanford đờ đẫn ra, chán nản. - Độ chính xác của thử nghiệm nầy là bao nhiêu? - Woody ngắt lời. - Một trăm phần trăm nếu người đàn ông không phải là cha. Nếu cuộc thử nghiệm rõ ràng, có đến 99,9% chính xác. Woody quay sang bảo Tyler. - Tyler, anh là thẩm phán. Hãy nêu lên lý do để cô ta thật sự là con của Harry Stanford. Mẹ cô ta và bố chúng ta chưa bao giờ làm đám cưới. Tại sao cô ta có quyền làm như vậy? - Theo pháp luật. - Tyler giải thích. Nếu như tư cách làm cha của bố được xác minh, cô ta sẽ có quyền ngang với chúng ta. - Vậy thì hãy tiến hành cuộc thử ADN chết tiệt kia và hãy vạch mặt cô ta ra. * * * * * Tyler, Woody, Kendall, Marc và Julia ngồi tại phòng ăn của khách sạn Trermont. Peggy ở lại Robe Hill. - Tất cả những cuộc nói chuyện về việc khai quật người chết đều làm tôi cảm thấy ghê rợn. - Cô nói. Bây giờ thì họ đang đối mặt với người phụ nữ tự xưng là Julia Stanford. - Tôi không hiểu anh đang muốn tôi làm gì? - Rất đơn giản. - Tyler cho nàng biết. - Một bác sĩ sẽ lấy một mẩu da nhỏ của cô để so sánh với mẫu da của bố tôi. Nếu các phân tử ADN phù hợp, điều đó chứng tỏ cô quả thực là con gái của ông. Về một khía cạnh khác, nếu như cô không sẵn lòng thử nghiệm… - Tôi… tôi không thích đỉều nầy. Woody nôn nóng: - Tại sao không? - Tôi không biết. Việc khai quật tử thi bố… - Để chứng minh cô là ai. Nàng nhìn vào mặt từng người một. - Tôi mong các anh sẽ… - Gì cơ? - Không còn cách nào khác, phải không? - Đúng. Hãy nhận lời đi. Im lặng kéo dài. - Được Tôi đồng ý. Việc xin khai quật khó hơn những gì người ta dự tính trưởc. Simon Fitzgerald đã phải đích thân nói chuyện với các nhân viên điều tra. - Không, làm ơn đi, Simon? Tôi không thể đồng ý được! Anh có biết cái gì sẽ xảy ra không? Nếu nó truyền ra ngoài, sẽ to chuyện đấy. Đám báo chí lại được dịp bới lại đống phân cũ và mùi thối của nó lại làm ô uế khắp thành phố nầy, chưa kể… - Marvin, điều nầy rất quan trọng. - Simon ngắt lời Đây là chuyện liên quan đến cả tỉ đô la. Nên anh phải đảm bảo nó sẽ không lộ ra ngoài. - Không còn cách nào khác sao? - Tôi e là không. Người phụ nữ đó đáng làm cho người ta tin cậy. - Nhưng lại không ai trong gia đình tin cô ta? - Không. - Anh có nghĩ cô ta là giả mạo không? - Frankly, tôi không biết. Nhưng ý kiến của tôi không có ý nghĩa gì. Trong thực tế, không một ý kiến nào trong số chúng tôi có ý nghĩa gì. Toà án thì yêu cầu bằng chứng, và bằng chứng thì chỉ xuất hiện qua cuộc thử ADN. Người nhân viên lắc đầu. - Tôi biết ông Stanford. Ông ta nhất định sẽ ghét vụ thử nầy lắm. Tôi thấy thực sự ta không nên… - Nhưng anh nhất định phải làm cho tôi, vì tôi. Người nhân viên thở dài. - Tôi cho rằng đành phải như thế. Anh sẽ giúp đõ tôi chứ? - Tất nhiên! - Giữ kín nhé. Đừng để xảy ra vụ tranh cãi nào. - Tôi sẽ câm như hến. Bí mật tuyệt đối. Tôi sẽ đưa gia đình Stanford đến đó. - Khi nào anh định tiến hành? - Chúng tôi dự định vào thứ hai tới. Người nhân viên lại thở dài. - Được Tôi sẽ gọi điện cho nghĩa trang. Anh nợ tôi một việc, Simon. - Tôi sẽ không quên! Chín giờ sáng thứ hai, cổng vào khu vực núi AuburuCemetery, nơi có cái xác Harry Stanford được ngăn lại tạm thời với lí do sửa chữa, bảo trì. Không có người lạ nào đi theo đám con Harry Stanford. Woody, Peggy, Tyler, Kendall, Marc, Julia, Simon Fitzgerald, Steve Sloane và bác sĩ Collins - đại diện cho văn phòng điều tra đứng quanh ngôi mộ của Harry Stanford, nhìn bốn người công nhân đang nâng cỗ quan tài lên. Perry Winger khoang tay đứng đợi sẵn ở bên. Khi chiếc quan tài đã nằm trước mặt mọi người, viên đốc công hỏi: - Chúng tôi phải làm gì bây giờ? - Làm ơn mở nắp ra. - Fitzgerald nói. Rồi ông hỏi Perry Winger. - Khoáng bao lâu thì xong? - Không hơn một phút. Tôi chỉ lấy một mẩu da thôi. - Được! - Fitzgerald nói, gật đầu với người đốc công người nầy cùng mấy nhân viên bắt đầu mở nắp quan tài. - Tôi không muốn nhìn. - Kendall nói. - Chúng ta phải làm thế sao? - Ừ! - Woody trả lời. - Chúng ta bắt buộc phải làm thế. Tất cả đều nhìn, hồi hộp. Nắp quan tài được từ từ nhấc sang một bên. Họ đúng yên, chăm chú. - Ôi, Chúa ơi! - Kendall thốt lên. Cỗ quan tài rỗng không. Chương 14 Trở về Rose Hill, Tyler lao thẳng đến điện thoại: - Fitzgerald nói rằng sẽ không chuyện gì được lọt ra ngoài. Nghĩa trang đã đồng ý không để dư luận đàm tiếu về vụ nầy. Các nhân viên điều tra đã yêu cầu bác sĩ Collins giữ bí mật và Perry Winger thì hoàn toàn tin cậy được. Woody không hề quan tâm một chút nào. - Tôi không biết mụ đó làm như thế nào. - Gã nói. - Nhưng mụ ấy sẽ không rời khỏi đây được. - Gã trừng trừng nhìn mọi người, - Tôi cho rằng các vị không nghĩ rằng mụ ta đã dàn xếp vụ nầy. Tyler chậm rãi: - Tôi e rằng tôi phải đồng ý với chú, Woody. Không ai khác có thể có được lý do để làm như vậy. Cô ta rất thông minh và quỷ quyệt, và cô ta rõ ràng không hành động một mình. Tôi không biết là chúng ta đang phải đương đầu với một thế lực nào? - Thế chúng ta phải làm gì bây giờ? - Kendall hỏi. Tyler nhún vai. - Tôi không biết. Tôi cũng mong là tôi biết. Tôi cho rằng cô ta sẽ ra toà và sẽ tham dự vào tờ chúc thư. - Cô ta có cơ hội chiến thắng không? - Peggy dụt dè hỏi. - Tôi e là có. Cô ta rất có sức thuyết phục và đã chẳng làm một vài người trong chúng ta tin tưởng vào cô ta đấy thôi. - Chúng ta phải làm gì chứ. - Marc kêu lên. - Có nên gọi cảnh sát vào vụ nầy không? - Fitzgerald nói rằng cảnh sát cũng đã tiến hành điều tra vụ cái xác mất tích và họ đang đi vào ngõ cụt. Không phải chuyện đùa đâu. - Tyler nói - Hơn thế, cảnh sát cũng muốn giữ bí mật, nếu không họ sẽ phải đưa ra một tên dở hơi và đổ vấy cho hắn tội cướp xác. Chúng ta có thể yêu cầu họ điều tra sự giả mạo nầy. Tyler lắc đầu: Đây không phải chuyện của cảnh sát. Đây là chuyện riêng. - Y dừng lại một chút, sau đó nói. - Các vị có cho rằng… - Cái gì? - Chúng ta nên thuê một thám tử tư để lột mặt nạ cô ả ra. - Ý kiến không tồi đâu. Anh có biết ai không? - Không, không rõ lắm. Nhưng chúng ta có thể yêu cầu Fitzgerald tìm giúp một người. Hay là… - Y ngập ngừng. - Tôi chưa bao giờ gặp người nầy nhưng tôi nghe nói có một thám tử tư ở Chicago có những mối quan hệ rất tuyệt vời. Anh ta còn có một danh tiếng rất chắc chắn. - Tại sao không tìm hắn nếu chúng ta định thuê hắn?- Marc hỏi. Tyler nhìn quanh. - Điều đó tuỳ thuộc vào các vị. - Chúng ta có thể mất cái gì? - Kendall hỏi. - Có lẽ giá cả sẽ đắt. - Tyler cảnh cáo. Woody khịt mũi. - Đắt? Chúng ta đang nói đến cả tỉ đô la cơ mà? Tyler gật đầu. - Tất nhiên. Chú nói đúng. - Tên hắn là gì? Tyler cau mày. - Tôi không nhớ. Simpson… Simmons. Không, không phải vậy. Có thể là một cái tên gì đó tương tự như vậy. Để tôi hỏi văn phòng ở Chicago. Họ nhìn theo Tyler nhấc điện thoại lên và quay số Hai phút sau, y đã nói chuyện với người phụ trách bên đó. - Tôi là thẩm phán Tyler Stanford. Tôi biết rằng văn phòng của ông có một cộng tác viên là thám tử tư làm việc rất xuất sắc. Tên anh ta hình như là Simmons hay là… Giọng nói từ phía bên kia: - Ồ chắc là ông muốn nói đến Frank Timmons: - Timmons. Đúng là anh ta đấy. - Kendall đưa mắt nhìn mọi người và mỉm cười. - Không biết các ông có thể cho tôi số điện thoại của anh ta để tôi liên lạc trực tiếp được không? Sau khi viết số điện thoại, Tyler đặt máy xuống quay lại mọi người và nói: - Tốt, bây giờ, nếu tất cả đã đồng ý tôi sẽ gọi hắn. Không ai phản đối. * * * * * Buổi chiều hôm sau, Clark đi thẳng vào phòng khách, nơi mọi người đang chờ. - Ông Timmons đã đến! Đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi làn da nhợt nhạt và vóc dáng như một võ sĩ quyền anh. Trên khuôn mặt ông ta là một cái mũi gẫy và một cặp mắt sáng, hơi pha chút tò mò ông ta nhìn Tyler, Marc, rồi đến Woody và cất giọng hỏi: - Thẩm phán Stanford? - Tôi là Stanford. - Tyler gật đầu. - Frank Timmons. - Ông ta nói. - Mời ngồi, ông Timmons. - Cảm ơn! - Ông ta ngồi xuống. - Ông là người đã gọi điện cho tôi, đúng không? - Vâng! - Thật ra mà nói, tôi cũng chưa biết có thể làm gì cho ông. Tôi không có một văn phòng liên lạc nào ở đây. - Hoàn toàn không cần thiết. - Tyler trả lời - Chúng tôi đơn thuần chỉ muốn vạch ra bộ mặt thật của một người đàn bà. - Người mà anh đã nói với tôi qua điện thoại, rằng cô ta tự nhận là em gái cùng cha khác mẹ, và không còn cách nào để tiến hành cuộc thử ADN? - Đúng vậy, - Woody nói. Timmons nhìn mọi người: - Và các vị không tin rằng cô ta là đứa em gái cùng cha khác mẹ của mình? Một khoảnh khắc do dự. - Không! - Tyler trả lời. - Về một khía cạnh khác, có thể cô ta nói đúng. Tất cả những gì chúng tôi muốn anh làm là cung cấp những bằng chứng xác thực để chứng tỏ cô ta là em gái của chúng tôi thật hay chỉ là giả mạo. - Đủ rồi. Các anh sẽ phải trả tôi một ngàn đô la một ngày kèm một số chi tiêu khác. - Một ngàn? - Tyler hỏi, vẻ sứng sốt. - Chúng tôi sẽ trả. - Woody ngắt lời. - Bây giờ tôi cần tất cả thông tin các vị có về cô ta. - Có vẻ nhử không nhiều lắm đâu. - Kendall nói. Tyler bắt đầu: - Cô ta không có một bằng chứng nào cả. Cô ta đến cùng với nhiều chuyện về thời thơ ấu của chúng tôi và nói rằng mẹ cô ta đã kể lại, và… Timmons giơ tay lên: - Khoan đã. Mẹ cô ta là ai? - Từng là gia sư trong nhà chúng tôi, tên là Rosemary Nelson. - Chuyện gì đã xảy ra với bà ta? Họ nhìn nhau, khó chịu. Woody lên tiếng: - Bà ta có một đoạn tình với bố tôi và đã có thai. Bà ta đã bỏ đi cùng cái thai đó. - Gã nhún vai - Bà ta đã biến mất. - Tôi hiểu. Và người phụ nữ nầy tự nhận là con của bà ta. - Đúng! - Có quá ít thông tin để tiếp tục điều tra. - Timmons ngồi đó, nghĩ ngợi. Cuối cùng ông ta ngửng đầu lên: - Được! Tôi biết tôi phải làm gì. - Đó cũng là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu. - Tyler nói. * * * * * Việc đầu tiên của Timmons là đến ngay thư viện Boston và đọc tất cả những bài báo về những vụ scandal dính líu đến Harry Stanford, về cô giáo dậy trẻ, về việc tự tử của vợ Stanford. Có đầy đủ tư liệu để viết thành một cuốn tiểu thuyết. Bước tiếp theo là thăm Simon Fitzgerald. - Tên tôi là Frank Timmons. Tôi… - Tôi biết ông là ai, ông Timmons. Thẩm phán Stanford yêu cầu tôi hợp tác với ông. Tôi có thể giúp gì ông? - Tôi muốn điều tra cô con gái ngoài giá thú của Harry Stanford. Cô ta khoảng 28 tuổi, đúng không? - Đúng. Cô ta sinh ngày mồng 9 tháng 8 năm 1969 tại bệnh viện St. Joseph s ở Milwaukee, Wiscousin. Bà mẹ đặt tên cho cô ta là Julia. - Ông nhún vai. - Rồi họ đã biến mất. Tôi e đây là tất cả những gì tôi có. - Đó mới chỉ là sự bắt đầu. -Timmons nói. - Một sự bắt đầu. Bà Dougherty, người quản lí tại bệnh viện St. Joseph s ở Milwaukee, là một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc xám. - Vâng, tất nhiên tôi nhớ. - Bà ta nói. - Làm sao tôi có thể quên chuyện đó. Đó là một scandal khủng khiếp. Câu chuyện xuất hiện trên tất cả các mặt báo. Các phóng viên ở đây đã điều tra ra cô ta là ai và họ không lúc nào rời khỏi cô gái đáng thương đó. Sau khi rời khỏi đây, họ đã đi đâu? - Tôi không biết. Cô ta không có địa chỉ để lại. - Thế cô ta có trả đầy đủ viện phí trước khi đi không, thưa bà Dougherty? - Không… đúng là không. - Tại sao bà nhớ chuyện nầy vậy? - Bởi vì nó thật thương tâm. Tôi nhớ rõ cô ta ngồi đúng cái ghế mà ông đang ngồi, và nói với tôi rằng cô ta chỉ có thể trả một phần viện phí nhưng cô ta có hứa sẽ gửi tiền đến, trả nốt phần còn lại. Điều nầy vi phạm quy tắc của bệnh viện, tất nhiên, nhưng tôi cảm thấy thương cô ta quá, cô ta vẫn còn ốm lắm khi ra đi và tôi đã nói "ừ". - Thế cô ta có gửi tiền đến không? - Dĩ nhiên là có - khoảng hai tháng sau. Bấy giờ cô ta đã có việc làm tại một văn phòng nào đó. - Bà có còn nhớ nó ở đâu không? - Không, Chúa ơi. Hai mươi mấy năm rồi, ông Timmons. Bà Dougherty, bà có giữ hồ sơ bệnh nhân không? - Có - Bà nhìn thẳng vào Timmons. - Ông muốn tôi kiểm tra lại hồ sơ? - Nếu bà không phản đối. - Ông ta cười vui. - Nó sẽ giúp Rosemary chứ? - Có thể sẽ là một sự tuyệt diệu đối với cô ta. Bà Dougherty rời khỏi văn phòng. Mười lăm phút sau, bà quay lại với một tờ giấy trên tay. - Đây rồi, Rosemary Nelson. Địa chỉ để lại: Văn phòng Elite, Omaha, Nebraska. * * * * * Văn phòng Elite được điều hành bởi Otto Broderick, một người đàn ông khoảng 60 tuổi. - Chúng tôi thuê rất nhiều nhân công tạm thời. - Ông ta nhấm nhẳn - Làm sao anh có thể bắt tôi nhớ về một người đã làm cách đây lâu như vậy? - Đây là một vụ rất quan trọng. Cô ta có một mình, khoảng gần 30 tuổi, sức khoẻ tồi. Cô ta có một đứa con và… - Rosemary. - Đúng rồi. Tại sao ông lại nhớ ngay đến cô ta? - Tôi thích những điểu trùng hợp, ông Timmons. - Ông có biết thuật nhớ là cái gì không? - Tốt, đó là cái tôi đã sử dụng. Tôi kết hợp nhiều từ ngữ với nhau. Có một bộ phim được chiếu mang tên Đứa con của Rosemary. Còn Rosemary khi đến đây cũng nói cô ta có một đứa con, tôi nhập hai cái làm một và… - Rosemary ở đây bao lâu? - Ồ gần một năm, tôi đoán vậy. Sau đó báo chí điều tra ra cô ta là ai và dĩ nhiên, họ không để cô ta yên. Cô ta phải rời khỏi đây vào ban đêm để thoát khỏi họ. - Ông Broderick, ông cho rằng Rosemary Nelson sẽ đi đâu khi cô ta rời khỏi đây? - Tôi nghĩ là Florida. Cô ta thích thời tiết ấm áp. Tôi đã giới thiệu cô ta với một hãng tôi quen biết ở đó. - Tôi có thể biết tên hãng đó chứ? - Dĩ nhiên. Đó là hãng Gale. Tôi có thể nhớ tên nó vì tôi thấy nó giống tên những cơn bão ở Florida hàng năm. * * * * * Mười ngày sau cuộc gặp gỡ ở nhà Stanford, Timmons trở lại Boston. Ông ta đã gọi điện trước và khi tới, ông thấy cả nhà Stanford đang đợi mình. Họ ngồi thành một hình bán nguyệt, nhìn Timmons khi ông ta bước vào phòng khách ở Rose Hill. - Ông nói có tin mới cho chúng tôi phải không? - Tyler mở đầu. - Đúng vậy. - Ông ta mở cặp và rút ra mấy tờ giấy. - Đây đúng là một vụ rất thú vị. - Ông ta nói. - Khi tôi bắt đầu… - Làm ơn đừng dài dòng. - Woody nóng nẩy cắt ngang. - Cô ta có phải là giả mạo hay không? Ông ta nhìn mọi người: - Nếu ông không phản đối, ông Stanford, tôi sẽ trình bày theo cách của tôi. Tyler đưa mắt cho Woody. - Thế cũng được. Làm ơn bắt đầu đi. Họ nhìn ông ta xem lại tài liệu: Cô giáo dạy trẻ nhà Stanford, Rosemary Nelson, có một đứa bé gái, là con của Harry Stanford. Bà ta và đứa con đã đến Omaha, Nebraska, ở đó bà ta đã làm việc trong văn phòng Elite. Ông chủ của bà ta đã nói với tôi rằng bà ta không thích nghi được với thời tiết ở đấy. Tiếp đó, tôi theo dấu họ đến Florida, ở đây bà ta làm việc cho hãng Gale. Họ chuyển nhà xoành xoạch. Tôi lần theo dấu đến San Francisco, nơi họ đã sống cách đây hơn mười năm. Và đây cũng là dấu vết cuối cùng. Sau đó, họ biến mất. - Ông ta ngửng lên. - Thế hả, Timmons? - Woody hỏi gặng. - Anh mất dấu họ từ mười năm trước à? - Không, không phải vậy. - Ông ta lục trong cặp và lôi ra một tờ giấy khác - Cô con gái, Julia, nộp đơn xin cấp bằng lái xe khi cô 17 tuổi. - Thế thì sao? - Marc hỏi. - Ở bang California, các lái xe đều phải để lại dấu vân tay. - Ông ta chìa ta một tấm thẻ. - Đây là dấu vân tay của Julia Stanford thật. Tyler nói, vẻ kích động. - Tôi hiểu. Nếu chúng phù hợp… - Thì cô ta thật sự là em gái của chúng ta. - Woody ngắt lời. - Đúng vậy, - Timmons gật đầu. - Tôi đã mang theo cái máy lấy dấu tay đây, để phòng trường hợp các vị cần kiểm tra cô ta ngay. Cô ta có ở đây không? - Cô ta ở khách sạn. - Marc nói. - Sáng nào tôi cũng nói chuyện với cô ta, cố gắng thuyết phục cô ta ở lại đây cho tới ngày chúng ta đạt được kết quả. - Hãy đi gặp cô ta! - Woody nói - Ngay lập tức! Nửa giờ sau, cả nhóm đã tới khách sạn Tremont. Vừa bước vào, họ thấy cô ta đang xách hành lý đi ra. - Cô đi đâu vậy? - Kendall hỏi. Julia quay lại. - Về nhà! Thật là sai lầm khi tôi đã định đến đây. - Cô không thể trách chúng tôi vì… - Tyler nói. Cô nhìn y, giận dữ: - Từ lúc mới đến tôi đã bị các vị nghi ngờ. Các vị nghĩ rằng tôi đến đây vì tiền. Không, tôi không cần. Tôi đến vì tôi muốn có một gia đình. Tôi… tôi không bao giờ… - Nàng quay lại với đống đồ đạc. - Đây là Frank Timmons. Ông ta là một thám tử tư Tyler nói. Nàng ngẩng lên: - Sao? Tôi bị bắt à? - Không, thưa cô! Julia Stanford đã thi lấy bằng lái xe ở San Francisco khi mới 17 tuổi. - Đúng vậy. Điều đó trái với luật pháp à? - Không, thưa cô… Điểm chính là… - Điểm chính là, - Tyler đỡ lời, - dấu tay của Julia Stanford ở trên tấm bằng lái xe. Nàng nhìn mọi người. - Tôi không hiểu gì cả. - Chúng tôi muốn kiểm tra xem dấu tay của cô có giống thế không. Môi cô mím lại: - Không! Các vị không có quyền. - Cô nói rằng sẽ không để chúng tôi lấy dấu tay cô? - Woody gằn giọng. - Đúng vậy! - Tại sao? - Marc hỏi. - Bởi vì tất cả những gì các vị làm khiến cho tôi có cảm giác mình là một tên tội phạm. Thôi, tôi thấy đủ lắm rồi. Các vị hãy để cho tôi yên. - Đây là cơ hội tốt để chứng minh thân phận của cô. - Kendall nói nhẹ nhàng. - Chúng tôi cũng thấy bối rối như cô vậy. Chúng tôi bắt buộc phải giải quyết cho xong chuyện nầy. Nàng đứng đó, nhìn vào mặt họ, từng người một. Cuối cùng nàng nói, giọng mệt mỏi: - Được! Các vị cứ thực hiện đi. - Tốt lắm. - Ông Timmons. - Tyler nói. - Đây - Ông ta lôi ra một cái máy lấy dấu tay nhỏ và đặt nó lên bàn, sau đó ông ta mở hộp mực. - Nào, mời cô. lại đây. Tất cả im lặng dõi theo từng bước chân của Julia tiến về phía chiếc bàn. Timmons cầm tay Julia lên và lăn từng ngón tay một vào hộp mực. Sau đó ông ta ấn chúng lên một tờ giấy trắng. - Không tồi phải không? - Ông đặt tấm bằng lái xe cạnh những dấu tay còn tươi mầu mực. Cả đám người đến vây quanh chiếc bàn và nhìn vào hai mẫu vân tay. Chúng thật giống nhau. Woody thốt ra đầu tiên. - Giống hệt nhau. Kendall nhìn Julia với nhiều cảm xúc lẫn lộn. - Cô thật sự là em gái của chúng tôi, đúng không? Julia cười qua nước mắt. - Đó là tất cả những gì tôi đang muốn nói với các người. Tất cả bỗng nhiên ồ lên. - Thật không thể tin được…! - Sau bao nhiêu năm…! - Tại sao mẹ em lại không trở về? - Xin lỗi vì đã xử tệ với em. Nụ cười của Julia toả sáng cả căn phòng. - Không sao. Mọi việc giờ đã ổn cả. Woody cầm hai tấm giấy có dấu tay lên: - Lạy Chúa, mảnh giấy nầy đáng giá tỉ đô la. - Gã cho miếng giấy vào ví. - Tôi sẽ làm một miếng như vậy bằng đồng. Tyler quay lại với cả nhà: - Đây đúng là một buổi lễ thật sự. Chúng ta nên quay về Rose Hill. - Y quay lại cưởi với Julia. - Chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc để đón em. Trước hết, em hãy làm thủ tục trả buồng đi. Nàng nhìn họ, cặp mắt sáng lên: - Nó như một giấc mơ đã thành hiện thực. Rốt cuộc tôi cũng đã có một gia đình. Nửa giờ sau, tất cả đều đã ở tai Rose Hill và Julia thì đang bận bịu với căn phòng mới. Những người khác ở dưới nhà nói chuyện ầm ĩ - Nó nhất định cảm thấy như mình vừa trải qua một cuộc điều tra vậy. - Tyler trầm ngâm. - Dĩ nhiên. - Peggy phụ hoạ. - Tôi không biết cô ấy chịu đựng bằng cách nào? - Còn tôi thì muốn biết đứa em nầy sẽ hoà nhập vào cuộc sống mới ra sao đây. - Kendall nói. - Giống như chúng ta thôi. - Woody đáp một cách khô khan. - Với rất nhiều rượu champagne và trứng cá caviar. - Tôi cũng như mọi người, rất vui vì chuyện nầy đã giải quyết xong. Để tôi đi xem cô ta có cần giúp đỡ gì không? - Tyler đứng dậy. Y lên lầu và đi dọc theo hành lang, đến cửa phòng cô gái y gõ cửa và gọi to: - Julia? - Cửa không khoá. Cứ vào. Y đứng trên bậc cửa và cả hai im lặng nhìn nhau. Rồi Tyler thận trọng đóng cửa lại, cầm tay cô gái và nở một nụ cười. - Thành công rồi, Margo! Chúng ta thành công rồi. Chương 15 Y đã mưu toan vụ nầy bằng đường đi nước bước vừa cẩn trọng vừa táo bạo của một kỳ thủ cự phách, bậc thầy. Trong lịch sử, chỉ có ván cờ nầy là sinh lời nhiều nhất mà thôi, hàng bao nhiêu tỉ đô la và y đã thắng? Lòng y tràn ngập cảm giác về một sức mạnh vô địch. Có phải là cảm giác mỗi khi ông kết thúc một vụ làm ăn lớn không hả Cha? Ồ, mà chưa vụ nào cha làm lại lớn như vụ nầy đâu. Con đã sắp đặt một vụ tội phạm thế kỷ, và con đã bị nó cuốn đi. Kỳ thực là mọi việc bắt đầu từ Lee. Lee xinh đẹp, Lee tuyệt vời. Người mà y yêu nhất trên thế gian nầy. Hai người gặp nhau ở quán The Berlin, quán dành riêng cho nhưng kẻ đồng tính, trên đại lộ West Belmont. Lee cao, tóc sáng, cường tráng và là người đàn ông đẹp nhất mà Tyler từng gặp. Cuộc gặp gỡ của họ bắt đầu bằng: - Tôi có thể mời anh một ly được không? Lee nhìn Tyler khắp lượt rồi gật đầu: - Vâng, được thôi. Sau ly thứ hai, Tyler nói: - Tại sao chúng ta lại không đến uống ở chỗ tôi nhỉ? Lee đã mỉm cười: - Giá tôi đắt lắm đấy! - Đắt là bao nhiêu? - Năm trăm đô la qua đêm. Tyler không lưỡng lự: - Đi nào! Họ qua đêm đó ở nhà Tyler. Lee vừa nồng nàn, nhậy cảm vừa đầy quan tâm và Tyler nhận thấy chưa với ai khiến y có được cảm giác gần gũi đến thế. Trong y ngập tràn những tình cảm chưa bao giờ xuất hiện. Đến gần sáng thì Tyler dường như điên dại vì yêu. Trước kia, y đã từng rủ những thanh niên trẻ ở quán The Cairo, rạp The Bijou Theater rồi một số kẻ đồng tính khác đứng đường ở Chicago, nhưng giờ đây y hiểu rằng mọi việc đang đối khác. Từ giờ trở đi y chỉ muốn mình Lee mà thôi. Sáng dậy, trong khi sửa soạn bữa sáng, Tyler hỏi: - Đêm nay cưng muốn làm gì? Lee ngạc nhiên nhìn lên: - Xin lỗi. Tối nay tôi có hẹn rồi. Tyler cảm thấy như vừa bị ai thúc vào bụng. - Nhưng, Lee, tôi nghĩ rằng tôi và cưng… - Tyler, bạn thân yêu, tôi là một thương gia có đầu óc Tôi đến với ai trả giá cao nhất. Tôi thích anh, nhưng e rằng anh không đu sức giữ tôi đâu. - Tôi có thể cho cưng bất cứ thứ gì cưng muốn, - Tyler nói. Lee cười uể oải. - Thật sao? Ở, thứ mà tôi muốn lúc nầy là đi chơi một chuyến tới St. Tropez bằng thuyền buồm du lịch màu trắng thật đẹp. Anh lo được không? - Lee, tôi giàu có hơn tất cả đám bạn cưng cộng lại kia. - Ồ tôi nghĩ rằng anh đã tự giới thiệu mình là một thẩm phán kia mà? - Hừm, đúng thế thật, nhưng tôi sắp giàu có rồi. Tôi muốn nói rằng… rất giàu. Lee quàng tay ôm y: - Đừng sợ, Tyler. Tôi được rỗi từ thứ năm. Nhưng quả trứng kia trông ngon quá. Đó là sự khởi đầu. Trước đó, tiền quả cũng quan trọng đối với Tyler, nhưng giờ thì nó trở thành một nỗi ám ảnh lớn. Y cần tiền cho Lee. Y không thể dứt bỏ suy nghĩ về Lee ra khỏi tâm trí. Chỉ nghĩ đến việc anh ta làm tình với những người đàn ông khác y đã không thể chịu đựng được. Ta phải giành Lee bằng được cho riêng mình. Từ tuổi đôi mươi, Tyler đã biết mình là một homosexual. Một hôm, cha y đã bắt quả tang y đang sờ soạng và hôn một học sinh nam khác ở trường và Tyler đã hứng trọn sự tức giận của cha. - Tao không thể tin được rằng tao lại có một thằng con trai lại cái! Bây giờ, khi tao đã biết được cái bí mật bẩn thỉu của mày rồi, thì tao sẽ để mắt đến mày cẩn thận hơn đấy, bà chị ạ. Cuộc hôn nhân của Tyler như một trò đùa tếu do một vị Chúa trời có khiếu hài hước rùng rợn xe duyên cho. Một hôm, Harry Stanford nói: - Tao muốn mày gặp một người. Đó là vào dịp giáng sinh và Tyler đang nghỉ ở Rose Hill. Kendall và Woody đã ra đi và Tyler cũng đang sửa soạn thì một quả bom giáng xuống. - Mày chuẩn bị làm đám cưới. - Cưới? Không thể có chuyện đó! Con không… - Nghe đây, bà chị. Người ta đã bắt đầu đàm tiếu về mày, mà tao thì không chịu được điều đó. Nó làm ô danh tao. Nếu mày chịu lấy vợ thì việc đó sẽ làm chúng câm họng. Tyler bướng bỉnh: - Con không cần biết mọi người nói gì. Đây là cuộc đời của riêng con. - Còn cha lại muốn cho con một cuộc sống giàu sang, Tyler! Cha đang ngày một già đi. Chẳng mấy nỗi mà… - Ông nhún vai. Đúng là cây gậy và củ cà rốt. Naomi Schuyler là một phụ nữ chẳng có gì đặc sắc con một gia đình tầng lớp trung lưu, song lại ôm ấp cái khát vọng cháy bỏng là sẽ có cuộc sống xa hoa, thừa thãi. Naomi bị cái tên Harry Stanford gây ấn tượng, mạnh mẽ tới mức cô ta sẵn lòng cưới con trai của ông ta, kể cả khi anh ta làm nghề bán xăng chứ không phai thẩm phán như thế nầy. Harry Stanford đã từng đưa Naomi lên giường một lần. Khi có ai hỏi tại sao thì Stanford trả lời rằng: - Vì cô ta đã ở sẵn đấy. Cô ta nhanh chóng làm ông chán ngán, nên ông quyết định rằng cô ả nầy sẽ rất thích hợp với Tyler. Một khi Harry Stanford muốn cái gì thì đố cái đó thoát được. Lễ cưới được cử hành hai tháng sau đó. Đấy là một đám cưới nho nhỏ - một trăm năm mươi người - và cô dâu chú rể đi Jamaica để hưởng tuần trăng mật. Đó là một sự gán ghép lố bịch và nó đã thất bại hoàn toàn, đến mức thảm hại. Vào đêm tân hôn Naomi nói: - Chúa ơi, tôi cưới phải loại đàn ông gì thế nầy? Anh có cái ấy mà làm gì? Tyler cố nhẹ nhàng thuyết phục vợ: - Chúng ta không cần phải làm tình. Chúng ta có thể có cuộc sống riêng. Chúng ta vẫn cứ sống với nhau nhưng mỗi người sẽ có… bạn tình của riêng mình. - Anh nói đúng đấy, chúng ta sẽ như thế! Naomi trả thù chồng bằng cách trở thành một người mua sắm cỡ đại cao thủ. Cô ta mua mọi thứ ở những cửa hàng đắt nhất trong thành phế, rồi thực hiện những chuyến đi mua hàng tận New York. - Tôi không thế lo đủ cho những trò thái quá của cô bằng thu nhập của mình được. - Tyler phản đối. - Thế thì lo để được tăng lương đi. Tôi là vợ anh. Tôỉ có quyền được chồng trợ cấp. Tyler đến gặp cha, kể lại sự tình. Harry Stanford cười tỉnh queo: - Đàn bà được quyền tốn kém phải không? Anh gắng thu xếp thôi. - Nhưng, cha, con cần một số… - Một ngày nào đó, anh sẽ có tất cả tiền trên trái đất nầy. Tyler cố giải thích cho Naomi, nhưng cô ta không thèm để tâm đến việc đợi cho tới "cái ngày nào" đó. Cô ta cảm tưởng rằng "cái ngày đó" sẽ không bao giờ đến. Khi Naomi đã bòn rút của Tyler được những thứ cần thiết rồi thì cô ta đâm đơn ly dị, nhằm cuỗm nốt những gì còn lại trong tài khoản của y ở ngân hàng, rồi biến. Khi Harry Stanford nhận được tin, ông ta chỉ nói: - Một khi đã là thằng lại cái, thì chỉ mãi mãi là một thằng lại cái mà thôi. Và câu chuyện chấm dứt ở đó. Cha y càng tìm cách hạ nhục y mỗi khi có dịp. Một ngày kia, khi Tyler đang trên ghế thẩm phán giữa một cuộc kiện thì người nhân viên(1) đến bên thì thầm: - Xin lỗi, thưa ngài thẩm phán… Tyler quay sang, sốt ruột: - Cái gì? - Có điện thoại cho ngài. - Cái gì? Anh làm sao thế? Tôi đang bận… Nhưng đó là cha ngài gọi, thưa ngài thẩm phán. - Ông ấy nói là rất khẩn nên phải nói chuyện với ngài ngay. Tyler rất bực bội. Cha y không có quyền gián đoạn công việc của y. Đã định bỏ qua cú điện thoại, nhưng y lại sợ nếu có việc gì khẩn cấp thật… Tyler đứng lên: - Toà tạm nghỉ mười lăm phút. Tyler vội vã vào phòng của mình và nhấc máy: - Cha ạ? - Cha hy vọng không làm gián đoạn công việc của con, Tyler. - Giọng ông ta có vẻ hiểm độc. - Trên thực tế là cha đã thực sự lầm rồi. Con đang dở một vụ kiện và… - Ôi! cứ ghi đại cho nó một chiếc vé phạt giao thông rồi quên chuyện đó đi. - Cha... - Cha cần con giúp một vấn đề nghiêm trọng. - Vấn đề thuộc loại gì ạ? - Người đầu bếp ăn cắp của cha. Tyler không thể tin được những gì vửa nghe thấy. Y tức giận đến mức không nói được gì. - Cha gọi con tới chỉ để... - Con là luật pháp, đúng không? Thế mà nó lại phá luật. Cha muốn con quay về Boston ngay để kiểm tra lại toàn bộ nhân viên của cha ở đây. Bọn chúng nó ăn cướp của cha đến tối tăm cả mặt mày! Tất cả những gì Tyler làm được là cố nén để khỏi nổ bùng: "Cha..." - Người ta thật không thể tin được những cái hãng giới thiệu việc làm chết tiệt đó. - Con đang dở một vụ kiện. Bây giờ con không thể về Boston được. Một phút im lặng đầy đe doạ trôi qua. - Con nói gì vậy? - Con nói rằng... - Con không thể lại làm cha thất vọng nữa chứ, Tyler? Có thể cha sẽ nói với Fitzerald để sửa đổi đôi chút trong di chúc của cha thôi. Lại một cú cà rốt nữa. Tiền. Phải, gia sản hàng tỉ đô la đang chờ đợi y khi ông ta chết đi. Tyler dọn gọng: - Nếu cha gửi máy bay đến đón con thì… - Quỉ sứ, không! - Ông thẩm phán nầy, nếu ông chơi đúng bài thì một ngày kia chiếc máy bay đó sẽ thuộc về ông. Cứ nghĩ lại về điều nầy đi. Trong khi chờ đợi thì cứ chịu khó ngồi máy bay khách như mọi người thôi. Nhưng tao muốn cái thân lừa của mày về đây! Đường dây tắt ngấm. Tyler ngồi lặng đi, đầy nhục nhã. Cha ta sẽ tiếp tục hành hạ ta như thế nầy cả đời! Quỉ tha ma bắt ông ta đi! Ta sẽ không đi. Không đi. Tối hôm đó Tyler bay về Boston. * * * * * Harry Stanford thuê một đội ngũ gồm hai mươi hai người làm. Đó là một nhóm liên kết chặt chẽ gồm các thư kí, quân gia, báo vệ, hầu gái, đầu bếp, lái xe, người làm vườn và một vệ sĩ. - Quân trộm cướp, đứa nào cũng thế, - Harry Stanford kêu ca với Tyler. Nếu cha lo lắng thế, sao không thuê một thám tử tư hay đi báo cảnh sát? - Tại vì tao đã có mày, - Harry Stanford nói. - Mày là thấm phán, đúng không? Thế, mày xét xử chúng cho tao? Một sự độc ác cố ý của ông bố xuất phát từ lòng cám ghét đứa con trai. Tyler nhìn quanh ngôi nhà lớn với đồ đạc và những bức tranh đắt tiền, chạnh lòng nghĩ đến ngôi nhà bé nhỏ tồi tàn mình đang ở. Đây là thứ ta xứng đáng được hưởng, y nghĩ. Rồi một ngày, ta sẽ có… Tyler hỏi chuyện Clark, người quản gia, và những nhân viên có thứ bậc cao ở trong nhà. Y cật vấn những người hầu, từng người một, và kiểm tra lý lịch của họ. Phần lớn nhân viên đều mới tuyển vì Harry Stanford là một ông chủ khó chiều. Sự thay đổi nhân viên trong nhà thật bất thường. Có những người chỉ trụ được một hoặc hai ngày. Vài nhân viên mới tuyển có thủ vài ba thứ lặt vặt, một kẻ thì nghiện rượu. Còn lại, Tyler không thấy có gì nghiêm trọng cả. Trừ Dmitri Kaminsky. Dmitri Kaminsky được Harry Stanford thuê làm vệ sĩ và làm người mát xa. Ngồi ghế thẩm phán đã lâu tạo cho Tyler một sự đánh giá nhạy bén về tính cách con người, mà ở Dmitri có cái gì đó khiến Tyler liên tục thấy nghi ngờ. Gã là nhân viên mới nhất. Người vệ sĩ trước của Harry Stanford đã bỏ việc Tyler có thể hiểu vì sao - và anh ta đã tiến cử Kaminsky. Người đàn ông nầy rất bự con, có bộ ngực vạm vỡ và hai cánh tay cơ bắp nổi cuồn cuộn. Anh ta nói tiếng Anh bằng một giọng Nga nặng trịch: - Ông muốn gặp tôi? - Vâng! - Tyler chỉ vào một chiếc ghế. - Hãy ngồi xuống. - Y đã xem qua lý lịch của con người nầy, chẳng biết gì mấy, trừ một điều rằng Dmitri mới ở Nga sang. - Anh sinh ra ở Nga à? - Vâng! - Anh ta nhìn Tyler, đầy cảnh giác. - Vùng nào? - Smolensk. - Tại sao anh rời Nga để sang Mỹ? Kaminsky nhún vai: - Ở đây có nhiều cơ hội hơn. Cơ hội cho việc gì? Tyler tự hỏi. Thái độ của gã vệ sĩ nầy có vẻ gì rất khả nghi. Họ nói chuyện với nhau trong hai mươi phút, và cuối cùng Tyler hoàn toàn tin rằng Dmitri Kaminsky rõ ràng đang che đậy một điều gì đó. Tyler gọi điện cho Fred Masterson, một người quen đang làm cho FBI(2). - Fred nầy, mình muốn cậu giúp cho một việc. - Được thôi. Nếu mình đang ở Chicago thì cậu có lo được vé tầu xe cho mình không? - Mình nóì nghiêm túc đấy. - Nói đi? - Mình muốn cậu kiểm tra hộ một người Nga mới đến đây sáu tháng trước. - Gượm đã. Cậu muốn hỏi bên CIA à? - Có thể, nhưng mình không quen ai bên đó cả. - Mình cũng thế. - Fred nầy. Nếu cậu giúp mình việc nầy thì mình rất biết ơn đấy. Tyler nghe thấy một tiếng thở dài. - OK. Hắn tên gì? - Dmitri Kaminsky. - Mình sẽ kể cho cậu mình định làm gì. Mình biết một người trong Đại sứ quán Nga ở Washingtơn. Mình sẽ hỏi xem anh ta có biết tin tức gì về Kaminsky không. Nếu không, e rằng mình cũng chẳng giúp gì hơn được cho cậu đâu. - Thế là tốt lắm rồi. Tối hôm đó, hai cha con Tyler ăn bữa tối với nhau sâu trong tiềm thức, Tyler cứ hy vọng rãng ông bố già đi, dễ bị tổn thương, và sẽ suy sụp theo thời gian. Nhưng ngược lại, Harry Stanford trông lại khoẻ hơn, đầy nhuệ khí hơn, ồn ao hơn như đang trong thời gian sung sức nhất của cuộc đời vậy. Ông ta sẽ sống mãi. Tyler cay đắng nghĩ. Tất cả bọn ta sẽ chết trước cả ông ta kia. Cuộc nói chuyện bên bàn ăn chỉ từ một phía. - Tao vừa mới kết thúc một vụ, mua được cái công ty năng lượng ở Hawaii… Tuần sau họ sẽ bay sang Amsterdam để giải quyết dứt điểm vài rắc rối của GATT(3). Bộ trưởng ngoại giao mời tao cùng sang thăm Trung Quốc… Tyler hiếm khi góp một lời. Cuối bữa ăn, ông bố đứng lên: - Mày giải quyết bọn người hầu thế nào rồi? - Con vẫn đang kiểm tra chúng. - Hừm, nhưng đừng có quá lâu đấy! Cha y gầm gừ, rồi đi ra khỏi phòng. Sáng hôm sau Tyler nhận được điện thoại của Fred Masterson ở FBI gọi đến. - Tyler đấy à? - Ừ! - Cậu gặp may lớn rồi nhé. Dmitri Kaminsky là một tay giết mướn cho vụ polgorudnenskaya. - Là cái quái gì vậy? - Mình sẽ giải thích. Có tám băng tội phạm hoạt động ở Moskva. Chúng đánh lẫn nhau, nhưng phần thắng nghiêng về hai băng mạnh nhất là chechens và polgorudnenskaya. Ông bạn Kaminsky của cậu làm việc cho băng thứ hai. Ba tháng trước đây, bọn chúng thuê hắn thịt một trong những tên cầm đầu băng chechens. Thay vì thực hiện hợp đồng thì Kaminsky lại đến báo cho tên kia để có được món kiếm chác béo bở hơn. Băng polgorudnenskaya biết được bèn thuê một sát thú khác giết Kaminsky. Các băng tội phạm bên đó có luật kỳ quặc lắm. Trước tiên chúng chặt ngón tay của anh, để cho chảy máu một lúc, rồi mới bắn chết. - Trời đất! - Kaminsky phải chạy trốn khỏi nước Nga nhưng bọn kia vẫn đang truy lùng. Thậm chí còn truy lùng gắt gao hơn. - Thật không thể tin được, - Tyler nói. - Chưa hết đâu. Cảnh sát bang cũng đang muốn bắt hắn vì vài vụ giết người nửa. Nếu cậu biết hắn ở đâu thì họ sẽ rất muốn có được thông tin đó đấy. Tyler lặng nghĩ giây lát. Y không thể dính vào vụ nầy. Điều nầy đồng nghĩa với việc phải đưa lời khai rồi sẽ tốn rất nhiều thời gian. - Mình không biết gì cả. Mình chỉ muốn kiểm tra hắn hộ cho một người bạn Nga thôi. Cám ơn nhiều nhé, Fred. Tyler tìm thấy Dmitri Kaminsky đang xem một quyển tạp chí đồi truỵ ở trong phòng riêng của gã. Dmitri nhổm dậy khi Tyler bước vào. - Tôi muốn anh thu xếp đồ đạc và biến khỏi đây ngay. Dmitri chằm chằm nhìn y. - Có việc gì vậy? - Tôi cho anh hai sự lựa chọn. Một là anh biến khỏi đây ngay chiều nay, hai là tôi sẽ báo cho cảnh sát Nga anh đang ở đây. Mặt Dmitri tái nhợt đi. - Anh hiểu chứ? - Vâng. Tôi hiểu. Tyler đi tìm cha. Ông ấy sẽ hài lòng, y nghĩ. Ta đã giúp ông ấy một việc lớn. Y thấy cha đang ngồi xem xét giấy tờ gì đó. Con đã kiểm tra hết các nhân viên, - Tyler nói. - Tao rất có ấn tượng. Thế mày có tìm thấy thằng nhỏ nào để rủ lên giường không? Mặt Tyler đỏ bừng lên. - Cha… - Mày là một tên pê-đê, và mãi mãi chỉ là một thằng pê-đê mà thôi. Tao không hiểu ở đâu lại nảy ra cái giống mày từ huyết thống của tao cơ chứ. Hãy biến về Chicago với cái lũ bạn cống rãnh của mày đi. Tyler đứng đó, gắng gượng kỳm nén. - Phải, - hắn nói nhanh. Rồi hắn đi ra. - Mày có tìm thấy điều gì về bọn người làm mà tao cần phải biết không? Tyler quay lại nhìn cha thăm dò giây lát rồi chậm rãi nói: - Không. Không gì cả. Khi Tyler đến phòng Kaminsky thì thấy gã đang thu xếp hành lý. - Tôi đi đây, - Kaminsky rầu rĩ nói. - Thôi, tôi đổi ý rồi. Dmitri ngẩng lên, do dự. - Gì cơ? - Tôi không muốn anh đi khỏi đây nữa. Tôi muốn anh tiếp tục ở lại làm vệ sĩ cho cha tôi. - Thế còn… ông biết rồi đấy, cái việc kia? - Chúng ta cùng quên nó đi. Dmitri nhìn Tyler, đầy cảnh giác. - Nhưng tại sao? Ông muốn gì ở tôi? - Tôi muốn anh làm tai mắt cho tôi ở đây. Tôi cần có người để mắt đến cha tôi, và báo cho tôi biết mọi việc xảy ra. - Sao tôi phải làm như vậy? - Bởi vì nếu anh làm như tôi bảo, thì tôi sẽ không giao anh cho người Nga. Và bởi vì tôi sẽ biến anh thành một người giầu có. Dmitri Kaminsky nhìn Tyler giây lát, cân nhắc. Một nụ cười từ từ làm khuôn mặt gã sáng lên. - Tôi sẽ ở lại. Đó là nước cờ mở đầu. Một con tốt đã được di động. Đó là hai năm trước. Thỉnh thoảng Dmitri gửi tin đến cho Tyler. Đó là những tin đồn rẻ tiền về những cuộc tình mới nhất của Harry Stanford hay những vụ kinh doanh mà Dmitri nghe lỏm được. Tyler bắt đầu nghĩ rằng y đã sai lầm, lẽ ra nên giao Dmitri cho cảnh sát. Rồi một hôm, cú điện thoại định mệnh ấy đã được gọi đến từ Sardinia. - Tôi đang ở trên thuyền buồm du lịch cùng cha ông. Ông ta vừa gọi cho luật sư. Thứ hai tới ông ta sẽ gặp gỡ luật sư để sửa đổi di chúc. Tyler nghĩ đến tất cả nỗi nhục nhã mà cha y đã đổ lên đầu con cái. Y bỗng thấy giận sôi lên. Nếu lão già thay đổi di chúc thì bấy nhiều năm qua ta chịu đựng sự sỉ nhục là công cốc hay sao! Ta không thể cho lão ta đi thoát! Chỉ còn một cách để ngăn lão ta lại. - Dmitri, tôi muốn anh gọi lại cho tôi vào ngày thứ bảy. - Vâng! Tyler đặt ống nghe xuông, ngồi thừ ra suy nghĩ. Đã đến lúc đi quân mã rồi đây. Chú thích: (1) Bailiff: Nhân viên chấp hành ở toà án, đặc biệt là lo thu xếp mọi người ngồi vào chỗ của mình và loan báo việc quan toà đã đến. (2) FBI - (Federal Bureau of Investigation): Cục điều tra liên bang của Mỹ thuộc bộ Tư pháp (3) GATT (General Agreement on Tariffs Trade): Hiệp ước chung về thuế quan và Thương mại. Chương 16 Ở toà án lưu động của quận Cook, số lượng bị cáo tăng giảm liên tục và khá đều đặn. Họ bị kết vào các tội cố ý gây hoả hoạn, hiếp dâm, buôn lậu ma tuý giết người, và hàng loạt những hành động bất hợp pháp và ô nhục khác. Chỉ một tháng mà thẩm phán Tyler Stanford phải xử đến ít nhất nửa tá vụ giết người. Những bị cáo ở độ tuổi thành niên không ra trước toà vì các luật sư của họ thường xin toà thương lượng, và bởi vì lịch của toà và buồng của các nhà tù đều đã chật quá rồi nên chính phủ Bang vẫn thường đồng ý. Hai bên sẽ cùng ký một cam kết rồi đưa cho Thẩm phán Stanford duyệt. Nhưng vụ của Hal Baker là một ngoại lệ. Hal Baker là một người có nhiều dự định tốt đẹp nhưng thường không gặp may. Khi hắn mới mười lăm tuổi, hắn đã bị người anh trai rủ rê đi cướp một cửa hàng rau. Hal đã cố cản trở anh mình nhưng khi không được thì đành đi theo. Hal bị bắt, còn anh trai hắn trốn thoát. Hai năm sau, khi rời trường cải tạo, Hal Baker đã quyết tâm sẽ không làm gì để dính líu với pháp luật nữa. Một tháng sau, hắn theo một người bạn đến cửa hàng bán đồ trang sức. - Tao muốn nhón một cái nhẫn để tặng bồ tao! - Bạn Hal nói. Rồi khi đã lọt vào trong cửa hàng, bạn hắn rút ra một khẩu súng lục và hét: "Cướp đây!" Cuống quýt vì sợ hãi, một nhân viên đã bị bạn Hal bắn chết. Hal Baker bị bắt và bị kết tội cướp có vũ trang. Bạn hắn chạy thoát. Trong thời gian Baker ở trong tù, Helen Gowan, một nữ nhân viên làm công tác xã hội đã đọc hồ sơ của hắn và tỏ ra thương xót, bèn đến nhà tù thăm hắn. Đó là tình yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ, nên khi Baker được thả, hai người đã cưới nhau. Tám năm tiếp sau, họ đã có bốn đứa con thật đáng yêu. Hal Baker rất yêu gia đình mình và tự hào về nó. Do lý lịch có tiền án tiền sự, hắn rất khó tìm việc, nên để nuôi gia đình hắn đành miễn cưỡng làm việc cho anh trai, thực hiện các vụ hoả hoạn, cướp và hành hung người khác. Không may cho Hal, hắn lại bị bắt quả tang - không thể chối cãi được - khi đang ở trong nhà người khác với lí do không thể trình bày được. Hắn lại bị bắt giam vả bị đưa lên xét xử Ở toà án của thẩm phán Tyler Stanford. Đã đến giờ phán xét. Baker là bị cáo thứ hai, với một hồ sơ bí bét và đó lại là một vụ rõ ràng tới mức các luật sư trợ tá còn đánh cuộc về số năm ở tù mà thẩm phán Stanford sẽ buộc cho Baker. - Ông ấy sẽ ném sách vào đầu hắn cho mà xem? - Một trong bọn họ nói. - Tôi cuộc rằng ông ấy sẽ phán cho hắn ta hai mươi năm tù. Chẳng phải Stanford được gọi là thẩm phán đao phủ là gì. - Một người khác chêm vào. Hal Baker, người từ đáy lòng thấy mình vô tội, tự biện hộ cho chính mình. Hắn đứng trước toà, mặc bộ comple đẹp nhất và nói. - Thưa quí toà, tôi biết tôi đã phạm tội, nhưng chúng ta ai cũng là người phải không ạ? Tôi có một người vợ và bốn đứa con tuyệt vời. Giá mà ngài được gặp họ, thưa quí toà, họ tuyệt vời lắm. Tất cả những gì tôi làm, đều là làm vì họ. Tyler Stanford ngồi trên ghế thẩm phán, lắng nghe, mặt không biểu hiện gì. Y đợi cho Hal Baker nói xong để đưa ra lời phán xét của mình. Có phải cái thằng ngốc nầy thực sự nghĩ rằng hắn sẽ được rũ tội khi kê ra câu chuyện nghe động lòng nầy chăng? Hal Baker đang nói những lời cuối cùng, Hal Baker đang nói những lời cuối cùng: - Thế đó, thưa quí toà, cho dù tôi đã làm sai, nhưng tôi làm vì lí do đúng: cho gia đình. Tôi không cần nói với ngài điều nầy quan trọng như thế nào. Nếu tôi phải vào tù, thì vợ con tôi sẽ chết đói. Tôi biết rằng tôi đã phạm tội, nhưng tôi sẵn sàng chuộc tội. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì mà ngài muốn, thưa quí toà… Và chính câu nói đó đã làm Tyler Stanford chú ý. Y nhìn người bị cáo trước mặt với một sự quan tâm mới. Bất cứ điều gì mà ngài muốn. Tyler chợt có một linh cảm như đã có với Dmitri Kaminsky. Đây là người mà một ngày nào đó sẽ rất được việc cho y. Trước tiếng kêu kinh ngạc của bên nguyên, Tyler nói. - Ông Baker, có một số yếu tố có thể làm nhẹ tội cho ông. Vì chúng và vì gia đình của ông, tôi xử ông năm năm án treo, chịu sự quản thúc của nhân viên pháp lý. Tôi trông chờ ông sẽ thực hiện sáu trăm giờ làm việc cho dịch vụ công cộng. Hãy vào phòng của tôi, và chúng ta cùng thảo luận. Vào đến văn phòng riêng, Tyler nói với giọng khác hẳn: - Anh biết đấy, tôi có thể tống anh vào ngục. Rất lâu rất lâu. Hal Baker tái xám. - Nhưng thưa ngài! Ngài vừa nói rằng… Tyler ngả người về phía trước. - Anh có biết cái ấn tượng nhất ở anh là gì không? Hal Baker ngồi ngẩn ra, cố nặn óc nghĩ ra hàng tá lí do: - Không, thưa ngài. - Đó là tình cảm của anh đối với gia đình, - Tyler nói ra vẻ trân trọng - Tôi thực sự cảm phục. Hal Baker rạng rỡ mặt mày. - Cảm ơn ngài. Họ là những gì quan trọng nhất trên đời tôi. Tôi… - Nên anh không muốn mất họ phải không? Nếu tôi cho anh vào ngục thì các con anh sẽ lớn lên không cha, vợ anh có thể sẽ tìm một người đàn ông khác. - Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ? Hal Baker lúng túng, lắp bắp: - Kh… không, thưa ngài. Không hiểu chính xác là… - Tôi đã cứu gia đình anh cho anh, Baker ạ. Tôi nghĩ rằng anh sẽ rất biết ơn. Hal Baker nóng vội đáp. - Ôi vâng, thưa ngài! Tôi không thể diễn đạt nổi tôi biết ơn ngài đến thế nào. - Có thể anh sẽ chứng tỏ điều đó với tôi trong tương lai. Một ngày nào đó tôi sẽ nhờ anh làm một vài việc vặt cho tôi chẳng hạn. - Làm gì cũng được ạ! - Tốt. Tôi sẽ cho anh về nhà chịu sự quản thúc. Và nếu tôi nhận thấy thái độ anh có gì khiến tôi không hài lòng thì… - Ngài chỉ việc nói ngài muốn gì là được! - Tôi sẽ cho anh biết khi nào cần thiết. Còn từ nay đến lúc đó, điều nầy phải tuyệt đối bí mật, chỉ giữa hai chúng ta biết mà thôi. Hal Baker đặt tay lên ngực thề. - Tôi sẽ chết trước khi nói cho ai biết. - Anh nói đúng đấy. - Tyler làm hắn ta yên lòng. Không bao lâu sau Tyler nhận được điện thoại của Dmitri Kaminsky gọi đến. - Cha ông đã gọi luật sư. Họ sẽ gặp nhau ở Boston vào thứ hai để sửa bản di chúc. Tyler biết rằng cần phải xem bản di chúc cũ như thế nào. Đã đến lúc gọi Hal Baker. - Tên công ty là Renquist, Renquist &Fitzgerald. - Hãy chụp bản di chúc và đem nó về đây cho tôi. - Không vấn đề gì. Tôi sẽ lo vụ nầy, thưa ngài. Mười hai tiếng sau, Tyler đã có trong tay bản sao tờ chúc. Y đọc và cảm thấy một niềm sung sướng tràn đầy. Y, Woody và Kendall là những người thừa kế duy nhất. Thế mà thứ hai tới lão ta định sửa di chúc. Thằng con hoang đó sắp cướp trắng của chúng ta! Tyler cay đắng nghĩ. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã vượt qua…, hàng tỉ đô la đó thuộc về chúng ta. Ông ấy đã cho phép chúng ta có chúng kia mà? Chỉ còn một việc duy nhất có thể ngăn ông ta lại. Khi cú điện thoại thứ hai của Dmitri gọi đến thì Tyler nói. - Tôi muốn anh giết ông ấy. Ngay đêm nay. Im lặng một lúc lâu, rồi: - Thế nếu tôi bị bắt gặp? - Đúng để bị bắt quả tang. Anh đang ở ngoài khơi. - Nhiều điều có thể xảy ra ở đó lắm chứ? Được thôi. Khi xong rồi? - Đã có tiền và vé máy bay đi Australia sẵn cho anh. Và rồi sau đó là cú điện thoại tuyệt vời y chờ đợi hơn mọi thứ trên đời. - Tôi đã lảm xong rồi. Nhẹ nhàng thôi. - Không! Không! Không? Tôi muốn biết chi tiết. - Hãy kể hết đi. Đừng bỏ sót bất cứ việc gì. Trong khi lắng nghe, Tyler có thể hình dung ra từng cảnh rõ ràng trước mắt. Chúng tôi gặp một trận bão xấu trên đường đến Corsica. Ông ấy gọi tôi lên ca bin để mát-xa cho ông… Tyler nhận ra mình đang bấu chặt lấy ống nghe. - Ừ! Kể tiếp đi… Dmitri cố giữ thăng bằng chống chọi lại sự chao đảo điên cuồng của con tàu trong khi tới cabin của Harry Stanford. Gã gõ cửa và ngay sau đó nghe thấy giọng Stanford. - Vào đi - Stanford gào lên. Ông ta đã nằm dài trên bàn mát-xa. - Đấm vào chỗ thấp dưới lưng ấy nhé. - Tôi sẽ làm, ông chỉ việc thư giãn thôi, ông Stanford. Dmitri đến bên bàn và xoa dần lên lưng Stanford. Những ngón tay khoẻ khoắn của gã bắt đầu làm việc một cách thành thạo, xoa bóp những phần cơ mệt mỏi. Gã cảm thấy Stanford bắt đầu thư giãn. - Thế, tốt đấy! - Stanford thở dài. - Cám ơn ông! Cuộc mát-xa kéo dài một giờ, và khi Dmitri làm xong thì Stanford gần như ngủ thiếp đi. - Tôi đi lo nước tắm cho ông nhé? - Dmitri hỏi. Rồi hắn đi vào buồng tắm, người nghiêng ngả vì chuyển động của con tàu. Hắn mở vòi nước biển ấm áp cho chảy vào bồn tắm bằng mã não màu đen rồi quay lại phòng ngủ. Stanford vẫn đang nằm trên bàn, mắt nhắm nghiền. - Ông Stanford… Stanford mở mắt ra. - Bồn tắm đã sẵn sàng ạ. - Tao thấy không cần… - Tắm vào sẽ làm ông ngủ rất tốt đêm nay. - Gã giúp Stanford xuống bàn và dìu ông ta vào buồng tắm. Dmitri nhìn Harry Stanford đầm mình xuống bồn. Stanford ngước lên bắt gặp cặp mắt lạnh lùng của Dmitri, và ở chính khoảnh khắc đó, linh tính mách bảo ông điều gì sẽ xảy ra. - Không! - ông ta kêu lên và cố gắng đứng dậy. Dmitri ấn hai bàn tay hộ pháp lên đầu Harry Stanford, nhấn xuống. Stanford quẫy đạp điên cuồng, cố gắng trồi lên khỏi mặt nước, nhưng ông ta làm sao đọ sức nổi với gã khổng lồ. Nước biển tràn vào phổỉ Stanford, rồi ông ta hoàn toàn bất động. Gã buông tay thở hổn hển, rồi loạng choạng bỏ đi. Dmitri lên boong, cố gắng chống chọi lại với sự chòng chành của con tàu, nhặt mấy tờ báo rồi kéo mở cửa kính và ra hành lang để cơn gió đang gào rú ùa vào. Gã rắc một vài tờ lên hành lang, ném vài tờ khác lên boong. Hài lòng rồi, gã quay lại buồng tắm và kéo xác Stanford ra khỏi bồn. Hắn mặc bộ đồ pyjama, áo bông khoác ngoài và đi dép vào cho Stanford rồi bế xác ông ta ra hàng hiên. Dmitri đứng bên song sắt thành tàu giây lát, rồi ném cái xác qua boong tàu. Hắn đếm đến năm, rồi nhấc điện thoại và gào lên. Có người ngã từ trên boong xuống biển. Lắng nghe Dmitri kể lại câu chuyện giết người, Tyler cảm thấy tình dục bị kích thích. Y cảm nhận được vị mặn của nước biển tràn ngập phổi ông bố mình và cả những cái thở ngợp nước, cảm nhận thấy sự tàn bạo, và rồi không còn biết gì nữa. Thế là xong, Tyler nghĩ. Rồi lại tự sửa - Không. Ván bài mới chỉ bắt đầu. Đã đến lúc đi con hậu. Chương 17 Quân cờ cuối cùng vô tình đã được di động. Tyler nghĩ mãi về bản di chúc của ông bố, và cảm thấy tức tối bởi Woody và Kendall cũng được nhận phần tài sản bằng mình. Họ không xứng được nhiều như vậy. Nếu không nhờ mình thì cá hai cững đã bị gạch tên khói tờ di chúc rồi. Và tất nhiên chúng sẽ cũng chẳng được gì cả. Thật không công bằng, nhưng ta có thể làm gì được? Y được mẹ cho một cổ phiếu từ lâu rồi, và y vẫn còn nhớ như in những lời ông bố nói với mẹ y: "Em nghĩ là nó sẽ làm được gì với cái cổ phiếu đó? Giành quyền kiểm soát công ty chăng?" Woody và Kendall hợp lại, Tyler nghĩ, thì có đến hai phần ba cổ phiếu của công ty Stanford Enterprises. Chỉ thêm có một cổ phiếu nữa thì làm sao mà ta giành quyền kiểm soát công ty được? Rồi bỗng một câu trả lời chợt đến, đơn giản tới mức làm y sứng sốt. "Tôi thấy cần báo với ông rằng có khả năng có thêm một người thừa kế nữa… Di chúc của cha ông cho thấy cụ thể rằng tài sản sẽ được chia đều cho các con ông. Cha ông còn có một con gái với cô gia sư hồi cô ta làm việc ở gia đình ta. Nếu Julia có mặt, thì sẽ có bốn người, Tyler nghĩ. Và nếu ta khống chế được cố phần của cô ta, thì ta sẽ có năm mươi phần trăm cổ phần của cha ta cộng thêm một phần trăm được thêm của mẹ nữa. Ta sẽ giành được quyền kiểm soát công ty Stanford Enterprises. Ta có thể ngồi được vào cái ghế của ông ấy. Nhưng ý nghĩ tiếp theo của y là Rosemary đã chết, và có lẽ bà ta chưa bao giờ nói cho con gái của mình cha nó là ai. - Tại sao lại cứ phải có một cô Julia Stanford thật nhỉ? Câu trả lời là Margo Posner. Y gặp cô ta lần đầu tiên, vào hai tháng trước, tại một phiên toà. Người trợ lý hướng về phía những người đến dự trong phòng xử án thông báo. - Thưa quí vị, toà án lưu động quận Cook mở phiên xét xử do Thẩm phán khả kính Tyler Stanford chủ trì. Đề nghị tất cả đứng dậy. Tyler bước vào, ngồi xuống ghế quan toà của mình. Y nhìn vào thẻ. Trường hợp đầu tiên là của Margo Posner bang Illinois. Cô ta mắc vào vụ hành hung và cố ý giết người. Người luật sư của bên nguyên đứng lên. - Thưa toà, bị cáo là một người rất nguy hiểm, đáng bị giam giữ không cho đi lại trên đường phố Chicago. Chính phủ bang sẽ dễ dàng chứng minh được bị cáo có một lý lịch phạm tội liên tục. Cô ta bị kết vào các tội: lấy trộm đồ trong các cửa hàng, ăn cắp của người khác, và sau hết, còn là một trong những gái điếm làm việc cho một tay chủ chứa tai tiếng tên là Rafael. Tháng Giêng năm nay, họ đã cãi nhau rất to và bị cáo đã lạnh lùng bắn Rafael và đồng bọn của hắn, một cách cố tình. - Có ai bị chết không? - Tyler hỏi. - Không, thưa toà. Khi họ được đưa vào bệnh viện thì đều bị thương rất nặng. Khẩu súng ngắn mà Margo Posner sử dụng là vũ khí bất hợp pháp. Tyler quay sang nhìn bị cáo, và y ngạc nhiên. Trông cô ta không giống chút nào với những gì mà y vừa được nghe kể. Đó là một phụ nữ hấp dẫn, ăn mặc đẹp ở vào độ tuổi sấp sỉ ba mươi. Ở cô ta toát ra một vẻ lịch thiệp lặng lẽ, tới mức tự nó dường như đã phủ nhận những lời buộc tội kia. Điều đó có chứng tỏ hay không? Tyler nghĩ với sự chế giễu, ai mà biết được. Y lắng nghe lời trình bày của cả hai phía, nhưng mắt vẫn bị hút về phía bị cáo. Có cái gì ở cô ta gợi y nhớ đến em gái mình. Khi những lời kết luận đã đọc xong, vụ án đưa trình lên bồi thẩm đoàn, và trong vòng chưa đầy bốn tiếng sau, quyết định cuối cùng là cô ta phạm đủ các tội trên. Tyler nhìn xuống phía bị cáo và nói: - Toà không tìm được chứng cớ nào giảm nhẹ tội trong vụ nầy. Toà tuyên phạt cô năm năm tù giam tại trại Dwight Correctional. Vụ tiếp theo. Không cần đợi đến khi Margo Posner bỉ dẫn đi, Tyler đã nhận ra cái ở cô ta khiến y nghĩ đến Kendall. Cô ta cũng có cặp mắt xám sẫm. Cặp mắt của nhà Stanford. Tyler không nghĩ gì đến Margo Posner cho tới khi nhận được cú điện thoại của Dmitri. Ván cờ đầu tiên đã hoàn toàn thắng lợi. Tyler đã sắp đặt mọi nước đi đâu vào đấy trong đầu. Y đã dùng đến nước cờ cổ điển của con hậu: mở đầu thí tốt cho con hậu đi hai nước. Đã đến lúc dấn sâu vào giữa cuộc chơi. Tyler tới nhà tù nữ thăm Margo Posner - Cô còn nhớ tôi không? - Tyler hỏi. Cô ta nhìn y chằm chằm. - Làm sao tôi quên ông được? Ông là người đã tống tôi vào cái nơi nầy. - Cô ở đây thế nào? - Tyler hỏi. Cô ta nhăn nhó. - Ông đùa đấy à? Nơi đây khác gì địa ngục. - Cô có muốn ra khỏi đây không? - Có muốn? Nghiêm túc đấy chứ? - Tôi nói rất nghiêm túc đấy. Tôi có thể thu xếp được việc nầy. - Ồ thế… thế thì tuyệt quá! Cám ơn ông. Nhưng đổi lại tôi phải làm gì? - Ồ có một việc tôi muốn cô làm cho tôi. Cô ta nhìn y, khêu gợi. - Được thôi. Có gì đâu. - Đó không phải là điều tôi nghĩ đến. Cô ta nói, cảnh giác. - Vậy ông thực sự nghĩ đến cái gì? - Tôi muốn cô tham gia vào một trò đùa cho tôi. - Trò đùa kiểu gì? - Tôi muốn cô đóng giả một người. - Đóng giả một người? Tôi không biết đóng kỵch… - Có hai mươi nhăm ngàn đô la cho cô trong vụ nầy. Cô ta liền đổi giọng. - Được thôi, - cô ta nói nhanh - Tôi làm được. Ông cần tôi đóng giả người nào? Tyler ngả người về phía trước và bắt đầu kể. Tyler nhận quản thúc Margo Posner Y giải thích cho Keith Percy, người nữ chánh án. - Tôi nhận thấy cô ta là một nghệ sĩ tài năng. Cô ta rất khao khát được có một cuộc sống bình thường và theo tôi, cô ta đáng được làm lại cuộc đời. Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng là chúng ta nên phục hồi nhân phẩm cho những người thuộc loại nầy bất cứ khi nào chúng ta có thể làm được, phải không? Keith rất ngạc nhiên và thực sự bị gây ân tượng. - Chắc chắn rồi, Tyler. Cái việc anh đang làm thật là tuyệt vời. Tyler đưa Margo về nhà và bỏ ra năm ngày để tóm tắt cho cô ta về gia đình Stanford. Sau đó y kiểm tra lại: - Tên các anh trai cô là gì? Tyler và Woodruff. - Woodrow chứ. - Đúng rồi. Woodrow. - Chúng ta gọi anh ấy là gì? - Woody. - Cô có chị em gái không? - Có. Kendall. Chị ấy là một nhà thiết kế mẫu thời trang. - Chị ấy có gia đình chưa? Chị ấy lấy một người Pháp. Tên anh ấy là… Marc Renoir. - Renauld chứ. - Vâng, Renauld. - Tên mẹ cô là gì? - Rosemary Nelson. Bà là gia sư, dạy các con nhà Stanford. - Tại sao bà ấy bỏ đi? - Bà bị phễnh bụng… - Margo! - Tyler mắng. - Tôi muốn nói là bà bị Harry Stanford làm cho có bầu. - Điều gì xảy ra với bà Stanford? - Bà ấy tự tử. Mẹ cô kể cho cô nghe những gì về bọn trẻ nhà Stanford? Margo dừng lại nghĩ một lúc. - Thế nào? - Có lần anh bị ngã khỏi thuyền vịt. - Tôi không ngã! - Tyler nói. - Tôi chỉ suýt ngã thôi. - Đúng rồi. Woody thì suýt bị bắt vì tội hái trộm hoa ở công viên Public Garden. - Đó là Kendall… Y rất sốt ruột, thậm chí thô bạo. Ngày nào họ cũng diễn đi diễn lại màn nầy cho đến khuya, Margo mệt rũ ra. Kendall bị chó cắn. - Tôi mới là đứa bị chó cắn. Cô ta dụi mắt. - Tôi không còn đủ tỉnh táo nữa rồi. Tôi mệt quá. - Tôi muốn ngủ một chút. - Cô sẽ ngủ sau. - Thế còn thế nầy đến bao giờ? - Cô ta hỏi, vẻ bướng bỉnh. Cho đến khi nào tôi thấy cô sẵn sàng. Thôi, ôn lại từ đầu. Lại tiếp tục diễn đi diễn lại cho đến khi Margo thuộc lòng từng chữ. Khi đến ngày Margo trả lời được mọi câu Tyler hỏi thì y hài lòng. - Cô sẵn sàng rồi đấy, - y nói rồi đưa cho cô ta vài tài liệu có tính pháp lý. - Gì thế nầy? - Chỉ là vấn đề chuyên môn thôi mà, - Tyler nói qua quít. Thứ mà y đưa cho cô ta ký là một văn bản cam kết trao cổ phần của cô ta cho một công ty thuộc quyền kiểm soát của một công ty khác và cái công ty khác nầy lại thuộc sự kiểm soát của một công ty chi nhánh ở hải ngoại mà Tyler Stanford là ông chủ duy nhất. Có thánh tìm nổi đường để mà lần mò ngược lại được tới y. Tyler trao cho Margo năm nghìn đô la tiền mặt. Cô sẽ nhận được phần còn lại khi mọi việc thành công. - Y nói. - Chỉ cần cô thuyết phục được họ rằng cô là Julia Stanford. Kể từ khi Margo xuất hiện ở Rose Hill, Tyler đã sắm vai một người công kích(1). Đó là một nước cờ đánh lạc hướng cổ điển. Đầy rẫy những câu như sau: - Tôi tin chắc rằng cô hiều được vị trí của chúng ta, thưa cô… Nếu không có chứng cớ chính đáng, thì không có cách gì… - Tôi nghĩ rằng cô ta là một kẻ giả mạo. - Có bao nhiêu người hầu làm việc ở nhà ta khi chúng ta còn nhô? Cả tá, đúng không? Mà vài người trong số đó cũng có thể biết những điều như người phụ nữ nầy nói… Bất cứ ai trong số họ cũng có thể đưa cho cô ta bức ảnh lắm chứ… Chúng ta đừng quên rằng việc nầy liên quan đến rất nhiều tiền. Quân vua được sử dụng khi y yêu cầu phải kiểm tra ADN. Y đã gọi điện cho Hal Baker và đưa chỉ thị mới - "Đào xác Harry Stanford lên và vứt đi!" Rồi y chợt nảy ra sáng kiến gọi điện cho một thám tử tư. Trước sự có mặt của cả gia đình, y đã gọi cho một văn phòng luật sư của quận ở Chicago. - Tôi là Thẩm phán Tyler Stanford. Tôi được biết là văn phòng của ông có một cộng tác viên là thám tử tư rất xuất sắc. Tên của anh ta là gì đó, như Simmons hay… - Ồ, ông định nói đến Frank Timmons phải không? - Timmons! Vâng, chính anh ta đấy, không biết các ông có thể cho tôi số điện thoại cưa anh ta để tôi liên lạc trực tiếp được không? Thế vào đó, y đưa Hal Baker đến và giới thiệu là Frank Timmons. Đầu tiên Tyler chỉ định cho Baker giả vờ tiến hành các bước kiểm tra Julia Stanford, nhưng rồi y quyết định rằng báo cáo sẽ gây ấn tượng hơn nếu Baker thực sự thực hiện các bước đó. Gia đình đã chấp nhận những kết luận của Baker mà không nghi ngờ gì. Kế hoạch của Tyler qua từng bước không hề bị vướng mắc gì. Margo Posner đã vào vai hoàn hảo, và xét nghiệm dấu vân tay đã là nước đi cuối cùng của con vua. Mọi người đều tin rằng cô ta là Julia Stanford thực sự. - Tôi cũng như mọi người, rất vui mừng vì chuyện nầy đã giải quyết xong. Để tôi lên xem cô ấy có cần giúp đỡ gì không? Y lên lầu và đi dọc theo hành lang tới phòng cô gái. Y gõ cửa và gọi to. - Julia? - Cửa không khoá. Cứ vào! Y đứng trên bậc cửa và cả hai im lặng nhìn nhau. Rồi y cẩn thận đóng cửa lại, cầm tay cô gái và nở nụ cười: - Thành công rồi, Margo! Chúng ta thành công rồi. Chú thích: (1) The Devil s advocate - người mà trong các cuộc tranh luận hay ủng hộ những ý kiến phản đối để làm cho tranh cái sôi nổi chứ không phải thực sự theo phe đó. Chương 18 Trong văn phòng của công ty Renquist, Renquist & Fitzgerald, Steve Sloane và Simon Fitzgerald đang ngồi uống cà phê. - Đúng như một đại thi hào đã từng nói: Có cái gì đó mục ruỗng trong Vương quốc Đan Mạch - Cái gì làm anh buồn vậy? - Fitzgerald hỏi. Steve thở dài. - Tôi cũng không biết nữa. Đó là về gia đình Stanford. Họ làm tôi ngạc nhiên. Simon Fitzgerald khịt mũi. - Tham gia câu lạc bộ đi, cho vui. - Tôi cứ nghĩ mãi chuyện nầy, Simon ạ, mà không sao hiểu được. - Vấn đề gì vậy? - Gia đình nầy sồn sồn lên đòi khai quật xác Harry Stanford để kiểm chứng gien của ông ta với người phụ nữ kia. Vì thế tôi buộc phải nghĩ rằng động cơ duy nhất của việc làm cái xác biến mất chỉ có thể là để không so sánh được. Người duy nhất có thể thu lựi trong việc nầy là bản thân người phụ nữ đó, nếu cô ta không phải là Julia dởm. - Ừ! - Thế nhưng người thám tử tư Frank Timmons nầy, theo như tôi kiểm tra lại ở văn phòng luật sư quận tại Chicago, thì rất có danh tiếng, lại kiếm được dấu vân tay chứng tỏ cô ta chính thức là Julia Stanford. Vậy vấn đề tôi thắc mắc ở đây chính là người đào trộm xác Harry Stanford là ai, và làm thế nhằm mục đích gì? - Đó là một vấn đề bạc tỉ. Nếu… Chuông liên lạc reo. Giọng cô thư ký vang lên. - Thưa ông Sloane, có điện thoại cho ông trên đường dây số hai. Steve Sloane nhắc ống nghe đặt ngay trên bàn. - A lô! Giọng ở đầu kia nói. - Ông Sloane phải không, đây là thẩm phán Stanford. Tôi sẽ vô cùng biết ơn ông nếu sáng nay ông có thể đến Rose Hill được. Steve Sloane liếc Fitzgerald. - Một tiếng nữa được không? - Thế thì tốt quá. Cám ơn ông. Đặt ống nghe xuống, Steve nói. - Người ta yêu cầu tôi có mặt ở nhà Stanford. - Không hiểu họ muốn gì nhỉ? - Mười ăn một rằng họ muốn thúc đẩy thực hiện di chúc để còn được sớm chạm tay vào số tiền đẹp đẽ đó chứ. * * * * * - Lee đấy à? Tyler đây. Khoẻ không cưng? - Cám ơn, khoẻ! - Anh rất nhớ Lee. Im lặng giây lát. - Tôi cũng nhớ anh, Tyler. Những lời đó làm rung động lòng y - Lee à, tôi có vài tin hay lắm. Tôi không thể nói qua điện thoại được, nhưng đó có thể là điều làm cưng vui. Khi chúng mình… - Tyler nầy, tôi phải đi rồi. Có người đang đợi tội. - Nhưng… Điện thoại điếc đặc. Tyler ngồi thừ ra. Và y nghĩ - Lẽ ra cưng không nên nói rằng nhớ anh, nếu thực sự là không nhớ. Cả gia đình tập hợp trong phòng khách ở Rose Hill, chỉ thiếu có Woody và Peggy. Steve quan sát từng bộ mặt. Thẩm phán Stanford tỏ ra rất thư giãn. Steve liếc nhìn sang Kendall. Nàng dường như bị căng thẳng một cách bất thường. Chồng nàng đã từ New York trở về trước cuộc họp một hôm. Steve nhìn sang Marc. Anh chàng người Pháp nầy trông khá điển trai, và có vẻ trẻ hơn vợ đến vài tuổi. Và có cả Julia. Cô ta dường như chấp nhận việc được đón nhận vào gia đình nầy một cách bình thản. Mình cho rằng một người được thừa hưởng hàng triệu đô la hay đại loại như thế thì phải bị kích động hơn một chút cơ, Steve nghĩ. Anh liếc nhìn lại từng khuôn mặt, tự hỏi nếu có ai trong số họ dínhvào vụ đánh cắp xác của Harry Stanford, và nếu đúng thế, thì là khuôn mặt nào? Và tại sao? Tyler đang nói: - Thưa ông Sloane, tôi rất quen thuộc với các đạo luật liên quan đến vấn đề di chúc ở bang Illinois, nhưng tôi không biết nhiều về sự khác nhau của chúng so với các đạo luật tương tự ở Massachusetts. Chúng tôi không hiểu có cách nào đó để thúc đẩy các thủ tục không? Steve cười thầm: Giá mà mình đánh cuộc với Simon về chuyện nầy nhỉ. Anh quay sang Tyler: - Chúng tôi cũng đã thảo luận với nhau về việc nầy rồi, thưa thẩm phán Tyler. Tyler nói thẳng. - Tên của gia đình Stanford có thể có ích trong việc đẩy nhanh các thủ tục. Điều nầy anh ta nói đúng, Steve nghĩ. Anh gật đầu: - Tôi sẽ làm mọi việc có thể. Nếu rút cục mà được thì… Có tiếng quát tháo trên cầu thang vọng xuống. - Câm mồm lại, con chó cái ngu đần. Tao không muốn nghe một lời nào nữa. Hiểu không? Woody và Peggy đi xuống cầu thang, vào phòng họp. Khuôn mặt Peggy sưng húp và một mắt thâm tím. Woody đang ngoác mồm cười, mắt sáng rạng rỡ. - Xin chào tất cả mọi người. Hy vọng là cuộc họp chưa kết thúc đấy chứ? Mọi người sững sờ nhìn Peggy. Kendall nhổm lên. - Em làm sao vậy? - Không sao đâu. Tôi… tôi bị va vào cửa thôi mà. Woody ngồi xuống. Peggy ngồi bên cạnh, Woody vỗ về tay vợ và âu yếm hỏi. - Em đỡ rồi chứ? Peggy gật đầu, không đủ cam đảm để thốt ra lời. - Tốt rồi! - Woody quay ra nhìn mọi người. - Nào, mọi người đã bàn được gì rồi? Tyler nhìn gã đầy trách móc. - Anh chỉ vừa hỏi ông Sloane xem có thể đẩy nhanh các thủ tục thực hiện di chúc được không? Woody lại cười. - Hay đấy. - Rồi quay sang vợ. - Em muốn thay bộ đồ mới phải không, em yêu? - Không, em không cần thay đồ gì cả. - Peggy nói chắc chắn. - Ừ phải rồi. Em cũng không đi đâu, đúng không?- Rồi gã quay ra mọi người phân trần. - Peggy hay xấu hổ lắm. Cô ấy không biết nói gì đâu phải không em yêu! Peggy đứng phắt dậy và chạy ra khỏi phòng. - Tôi lên xem cô ấy thế nào đây, - Kendall nói và đứng dậy chạy theo ra. Chúa ơi! Steve nghĩ. Trước mặt mọi người mà Woody còn xử sự như vậy, không hiểu khi chỉ có hai vợ chồng thì thế nào? Woody quay sang Steve: - Anh vào làm hãng luật của ông Fitzgerald đã được bao lâu rồi? - Năm năm. - Tôi cũng đến chịu, chả hiểu sao ho lại làm việc được với ông già tôi nữa? Steve thận trọng đáp. - Tôi hiểu ông già anh… cũng khó đấy. Woody khịt mũi. - Khó thôi à? Ông ấy là một con quỉ hai chân thì đúng hơn. Anh có biết là chúng tôi đứa nào cũng bị ông ấy đặt cho một tên tục không? Tôi thì là Charlie. Ông ấy đặt tên tôi theo tên Charlie Mc Carthy, một tình nhân của Edgar Bergen, người nói tiếng bụng(1) nổi tiếng. Ông ấy gọi Kendall là Ngựa non vì cho rằng chị ấy có bộ mặt giống mặt ngựa. Còn Tyler thì bị gọi là… Steve nói, không giữ nổi bình tĩnh: - Tôi thực sự nghĩ rằng anh không nên… Woody cười ngoác miệng. - Được thôi! Một tỉ đô la thì có thể chữa được mọi vết thương. Steve đứng lên. - Ồ, nếu không còn gì nữa, tôi nghĩ rằng mình nên về thôi. Anh cảm thấy ngột ngạt, phải đi thật nhanh ra ngoài để hít thở không khí trong lành. Kendall bắt gặp Peggy đang trong buồng tắm, đắp một miếng vải ướt lên vết sưng trên má. - Peggy? Em không sao chứ? Peggy quay lại. - Không sao. Cám ơn chị. Em… em xin lỗi về những gì xảy ra lúc nãy. - Em phải xin lỗi sao? Đáng lẽ em phải tức giận thì đúng hơn. Cậu ấy đánh em như thế nầy từ bao giờ? - Anh ấy không đánh em đâu, - Peggy vẫn cố cãi. -Em va phải cửa ra vào thôi. Kendall tiến lại gần. - Peggy, sao em phải chịu đựng như vậy? Em không cần làm như thế, em hiểu không? Im lặng. - Em phải chịu, đúng đấy! Kendall ngó Peggy, bối rối. - Tại sao chứ? Cô ta quay đi. - Bởi vì em yêu anh ấy. Rồi cứ thế những lời nói tiếp tục tuôn trào. - Anh ấy cũng yêu em. Hãy tin lời em đi, không phải anh ấy thường xuyên như thế nầy đâu. Vấn đề là, anh ấy đôi khi không còn là chính mình nữa. - Em muốn nói rằng đó là khi cậu ấy lên cơn nghiện phải không? - Không phải! - Không! - Peggy… Peggy lưỡng lự: - Đúng thế… - Chuyện đó bắt đầu từ bao giờ? - Ngay… ngay sau khi chúng em cưới nhau. - Giọng Peggy khàn đi. -. Mọi chuyện bắt đầu từ trận đấu polo đó. Woody bị ngã ngựa và bị đau nặng. Thời gian nằm viện, người ta cho anh ấy dùng thuốc phiện để dứt cơn đau. Chính họ đã làm cho anh ấy nghiện. Cô nhìn Kendall, ánh mắt van nài. - Thế nên chị biết đấy, đó không phải là lỗi của anh ấy, đúng không? Sau khi Woody ra viện, anh ấy tiếp tục phải dùng thuốc phiện. Cứ khi nào em cố gắng làm anh bỏ thuốc thì anh ấy… lại đánh em. - Peggy! Vì Chúa, cậu ấy cần được giúp đỡ! Em có thấy không? Em không thể một mình làm nổi điều đó. Cậu ấy là một con nghiện rồi. Cậu ấy dùng loại gì? Cocaine à? - Không? - Im lặng một lát - Heroin! - Chúa ơi? Em không thể giúp gì được cho cậu ấy. - Em đã cố gắng. - Giọng cô trở nên thì thầm. - Chị không biết được em đã cố gắng như thế nào đâu. Woody đã nằm tới ba bệnh viện cai nghiện rồi đó. - Cô lắc đầu - Anh ấy chỉ đỡ được một thờỉ gian, rồi đâu lại vào đó. Anh ấy không chịu đựng nổi. Kendall vòng tay ôm Peggy. - Chị xin lỗi. Peggy cố nở một nụ cười. - Em chắc rằng Woody sẽ ổn thôi. Anh ấy cũng rất cố gắng. Thực sự cố gắng. - Khuôn mặt cô tươi lên. Hồi mới cưới, anh ấy vui vẻ làm sao. Bọn em hầu hư lúc nào cũng cười được. Anh ấy hay mua tặng em những món quà nho nhỏ và… - Mắt cô nhoà lệ. - Em yêu anh ấy làm sao? - Nếu chị có thể giúp gì được… - Cám ơn chị. - Peggy thì thầm - Em rất cám ơn. Kendall xiết chặt bàn tay Peggy: - Chúng mình sẽ bàn lại chuyện nầy sau nhé. Kendall đi xuống lầu để tiếp tụccuộc họp. Vừa đi vừa suy nghĩ. Khi chúng ta còn bé, trước khi Mẹ qua đời, chúng ta đã xây những kế hoạch thật tuyệt vời. Chị sẽ trở thành một nhà tạo mẫu thời trang nổi tiếng, Kendall ạ, còn em sẽ là một vận động viên điền kinh lớn nhất thế giới! - Kendall nghĩ - à cái vế thử hai đáng buồn là lẽ ra Woody đã trở thành một vận động viên tên tuổi. Vậy mà giờ đây… Kendall không hiểu là mình thấy thương cho Woody hay cho Peggy nữa. Khi xuống đến chân cầu thang nàng gặp Clark vừa đi tới, bưng chiếc khay đựng một lá thư. - Xin lỗi cô Kendall. Một người vừa gửi lá thư nầy cho cô. - Ông già trao cho nàng chiếc phong bì. Kendall ngạc nhiên nhìn. - Ai nhỉ? - Nàng gật đầu. - Cám ơn ông Clark. Kendall mở phong bì, và ngay khi bắt đầu đọc, mặt nàng biến sắc. "Không!" Nàng nói, hụt cả hơi, tim đập loạn xạ và loạng choạng vì mất thăng bằng. Nàng đứng tựa vào chiếc bàn, cố lấy lại hơi thở bình thường. Một lát sau, nàng quay ra, đi vào phòng khách, mặt tái nhợt. Cuộc họp đã tan. - Marc… - Kendall cố tỏ vẻ bình tĩnh. - Em gặp anh một lát được không? Anh nhìn nàng quan tâm. - Được chứ. Tyler hỏi Kendall. - Em không sao đấy chứ? Nàng cố nở một nụ cười. - Cám ơn anh, em khoẻ. Nàng nắm tay Marc và dắt anh lên tầng. Khi vào đến buồng ngủ, Kendall đóng cửa lại. Marc hỏi. - Chuyện gì vậy? Kendall đưa thư cho chồng. Lá thư viết. Bà Renauld kính mến. - Xin chúc mừng bà! Hiệp hội Bảo vệ thú hoang dã của chúng tôi rất lấy làm sung sướng khi nghe tin bà được thừa hưởng một số tiền lớn đến như vậy. Chúng tôi biết bà rất quan tâm đến công việc của chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào sự trợ giúp hơn nữa của bà. Vì thế nên chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu bà có thể gửi một triệu đô la vào tài khoản của chúng tôi ớ Zurich trong vòng mười ngày nữa. Chúng tôi trông đợi ở bà…" Cũng giống như ở những lá thư trước, tất cả những chứ E đều bị thiếu nét. - Đồ con hoang? - Marc tức quá kêu lên. - Làm sao mà chúng biết em ở đây chứ? - Kendall hỏi. Marc cay đắng nói: - Tất cả những gì chúng phải làm chỉ là nhặt một tờ báo lên đọc. - Anh đọc lại lá thư rồi lắc đầu - Bọn chúng sẽ không bao giở ngừng lại cả. Chúng ta phải đến báo cảnh sát thôi. - Không! - Kendall kêu lên. - Chúng ta không thể? Quá muộn rồi? Anh không thấy sao? Làm thế là hết. Là hết tất cả! Marc ôm lấy vợ thật chặt. - Được rồi, chúng mình sẽ tìm một cách khác. Nhưng Kendall biết rằng không còn cái khác nào. * * * * * Chuyện xảy ra từ mấy tháng trước, vào một ngày mùa xuân rực rỡ. Kendall tới dự bữa tiệc sinh nhật của người bạn ở Ridgefield, Connecticut. Đó là một bữa tiệc tuyệt vời và Keldall được tán gẫu rất vui vẻ với các bạn cũ. Nàng có làm một ly sâm banh. Đang nói chuyện dở nàng bất chợt liếc đồng hồ. - Thôi chết! Mình không báo rằng sẽ về muộn? Marc đang đợi ở nhà rồi. Tạm biệt các bạn, Kendall vội vã ra xe. Trên đường về nhà ở New York, nàng quyết định đi theo con đường tắt - gần nhưng ngoằn ngoèo qua đồng quê. Đang khi lái với tốc độ ngót năm mươi dặm một giờ thì nàng phải vào cua gấp và chợt nhìn thấy một chiếc xe đỗ ở phía bên phải con đường. Theo phản xạ, nàng đánh tay lái sang trái. Đúng lúc đó một phụ nữ ôm một bó hoa tươi mới cắt chợt đi qua con đường hẹp đó. Kendall hốt hoảng cố tránh nhưng không kỵp. Mọi việc dường như chỉ xảy ra trong tích tắc Nàng nghe thấy một tiếng huỵch khi đầu xe bên trái đâm vào người phụ nữ. Kendall phanh gấp xe lại, toàn thân run bắn lên. Nàng chạy lại chỗ nạn nhân đang nằm trên đường, bê bết máu. Kendall đứng đó, bất động. Cuối cùng nàng cũng cúi được xuống và lật người phụ nữ lên, nhìn vào cặp mắt vô hồn của cô ta."Ối trời ơi!" Kendall thì thào, cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên tới cổ. Nàng vùng quay đi, kinh hoàng. Quanh đó không có chiếc xe nào. Cô ta chết rồi, Kendall nghĩ. - Mình không thể giúp gì cho cô ta được nữa. Đó không phải là lỗi ở mình nhưng họ sẽ kết tội mình lái xe ẩu do uống rượu. Máu mình mà xét nghiệm sẽ chứng tỏ có cồn. Mình sẽ phải vào tù! Nàng liếc nhìn xác người đàn bà xấu số một lần nữa rồi vội vã quay về xe. Má trái của xe đã bị móp, và có vết máu trên đó. Mình phải đưa xe đi sửa lại - Kendall nghĩ - chứ không cảnh sát thế nào cũng truy tìm nó. Nàng lên xe và lái đi. Suốt quãng đường từ đó về New York, nàng liên tục liếc nhìn kính chiếu hậu, cứ ngỡ sẽ thấy ánh đèn nhấp nháy và tiếng rú còi của xe cảnh sát truy đuổi đằng sau: Nàng lái xe vào đường số Chín sáu, nơi nàng vẫn thường gửi xe. Sam, người chủ xưởng sửa chữa xe đang nói chuyện với Red, thợ máy của anh ta. Kendall ra khỏi xe. - Chào bà Renauld, - Sam nói. - Xin… xin chào. - Nàng phải cố gắng lắm để răng khỏi va vào nhau lập cập. - Bà gửi xe qua đêm à? - Vâng… vâng, anh làm ơn… Red nhìn má trái xe. - Chỗ nầy xe của bà bị móp nặng quá. Trông như có cả vết máu nữa. Hai người đàn ông quay nhìn vào nàng Kendall hít mạnh. - Vâng… tôi… tôi va phải một con hươu chạy qua đường cao tốc. - May mà bà không bị nặng hơn đấy. - Sam nói. - Một người bạn tôi cũng húc phải hươu và hỏng luôn cả xe cơ. - Ông ta cười. - Nhưng cũng không làm con hươu bị thương nặng lắm. - Chỉ cần bỏ qua chuyện đó là được. - Kendall nói gằn trong cổ. - Vâng! Kendall đi ra cửa, rồi nhìn lại. Hai người đàn ông đang chăm chú quan sát vết móp. Khi Kendall về tới nhà và kể cho Marc nghe sự việc thì anh nắm lấy hai tay cô và nói. - Ôi Chúa ơi! Em yêu, làm sao có thể… Kendall thổn thức. - Em… em không thể kỵp làm gì. Cô ta qua đường ngay trước mắt em. Cô ta bất ngờ chạy ngang qua… - Xuỵt! Anh tin rằng đó không phải lỗi của em. Đó là một tai nạn ngẫu nhiên. Chúng ta phải báo ngay cho cảnh sát thôi. - Em biết là anh nói đúng. Đáng lý ra em phải ở đó và đợi cảnh sát đến. Nhưng em sợ quá, Marc ạ. Bây giờ thì đã thành một vụ gây tai nạn rồi bỏ chạy mất rồi. Nhưng lúc ấy có đứng đó thì em cũng không làm gì được nửa. Cô ấy đã chết rồi. Anh phải trông thấy mặt cô ta cơ. Kinh khủng lắm! Anh ôm nàng một lúc lâu cho tới khi nàng dịu xuống. Bình tĩnh lại, Kendall ướm lờỉ: - Marc, chúng mình có nhất thiết phải báo cảnh sát không? - Anh nhíu mày. - Em nói thế nghĩa là gì? Nàng cố gắng để khỏi phát cuồng lên. - Thế mọi thứ đã qua rồi, đúng không? Không gì có thể làm cho cô ta sống lại nữa. Họ có phạt em thì cũng được ích gì. Em không cố tình gây ra vụ nầy. Sao mình không vờ như chẳng có gì xảy ra cả? - Kendall, nhưng nếu họ truy tìm… - Sao truy được? Lúc đó không có ai ở quanh cả. - Còn xe của em thì sao? Nó có bị hỏng không? - Có bị móp một chỗ. Em bảo thợ sửa xe là đâm vào một con hươu. - Nàng cố gắng giữ bình tĩnh. - Marc, không có ai chứng kiến tai nạn cả. Anh có biết điều gì sẽ xảy ra nếu em bị bắt và bị tù không? - Em có thể bị mất nghề, mất tất cả những gì mà em đã gây dựng bấy nhiều năm, mà vì cái gì cơ chứ? Vì một sự đã rồi ư? Nó đã qua rồi! - Nàng lại nức nở. Anh ôm nàng thật chặt. - Thôi nào? Mình sẽ liệu, mình sẽ liệu… Các tờ báo buổi sáng đã thổi phồng câu chuyện. Điều làm cho nó đầy kỵch tính là sự kiện người phụ nữ bị tai nạn kia đang trên đường đến Manhattan để làm lễ cưới. Tờ New York Times thì đăng nó như sự thực. Nhưng tờ Daily News và tờ Newday thì biến nó thành một vở bi kỵch khuấy động tâm can mọi người. Kendall mua mỗi báo một tờ, và càng đọc càng thấy những gì mình gây ra thật kinh khủng. Đầu óc nàng ngập tràn những mệnh đề "giá như" khủng khiếp. Giá như mình không đi Connecticut để dự sinh nhật… Giá như hôm đó mình ở nhà… Giá như mình đừng uống gì… Giá như người phụ nữ đó cúi xuống nhặt hoa chỉ sớm hơn vài giây hoặc chậm hơn vài giây. Mình phải chịu trách nhiệm việc giết một mạng người rồi! Kendall nghĩ đến sự đau khổ mình đã gây ra cho gia đình và cho người chồng sắp cưới của người phụ nữ kia và lại thấy thắt ruột. Theo báo chí đưa tin, cảnh sát đang dò tìm thông tin từ bất cứ ai có thể biết được một đầu mối của vụ đâm người rồi bỏ chạy nầy. Họ không thể lần ra mình được, Kendall nghĩ. - Tất cả mọi hành động của mình bây giờ là phải tỏ ra như không có chuyện gì xảy ra Sáng hôm sau khi Kendall đến xưởng lấy ô tô thì Red đã có mặt ở đó. - Tôi đã lau sạch vết máu ở xe, - anh ta nói. - Bà có cần tôi sửa vết lõm không? - Tất nhiên rồi! Đáng lẽ ta phải nghĩ đến việc nầy sớm hơn - Có, anh làm ơn sửa dùm. Red ngó nàng đầy vẻ lạ lùng. Hay đó chỉ là do nàng tưởng tượng. - Tôi và Sam tối qua có nói chuyện với nhau. - Anh ta nói. - Buồn cười thật đấy, bà có thấy thế không. Một con hươu thì phải gây nhiều thiệt hại cho cái xe hơn kia. Ngực Kendall bắt đầu đập thình thịch. Miệng khô lại khiến nàng không thốt được lời nào. - Đó là một con hươu non. Red gật đầu đáp gọn lỏn. - Chắc phải rất nhỏ. Kendall cảm thấy ánh mắt của anh ta nhìn theo khi nàng ra khỏi xưởng. Khi bước vào văn phòng của mình, Kendall thấy cô thư ký Nadine nhìn nàng chăm chú. - Có chuyện gì xảy ra với bà vậy? Kendall thấy điếng người. - Cô cô nói thế là… là sao? - Trông bà rất run rẩy. Để tôi đi lấy cho bà ly cà phê! - Cám ơn cô. Kendall bước đến trước tấm gương. Khuôn mặt cô tái nhợt, ỉu xìu. Cứ thế nầy thì chí nhìn mình họ cũng đoán ra chuyện mất! Nadine bước vào phòng mang theo ly cà phê nóng hổi. - Đây ạ! Nó sẽ làm cho bà thấy khoẻ hơn. - Cô ta tò mò nhìn Kendall. - Mọi việc đã ổn chưa ạ? - Hôm qua tôi… tôi gặp một tai nạn nhỏ. - Kendall nói. - Ôi? Có ai bị sao không? Trong tâm trí Kendall lại hiện lên khuôn mặt của người phụ nữ bị chết. - Không. Tôi đâm phải một con hươu. - Còn xe thế nào? Đang cho đi sửa rồi. - Tôi sẽ gọi cho công ty bảo hiểm nhé. - Ôi thôi, Nadine, xin đừng! Kendall nhận thấy ánh mắt ngạc nhiên của Nadine nhìn mình. Sau đó hai ngày, lá thư thứ nhất tới. "Thưa bà Renauld. - Tôi là chủ tịch Hiệp hội bảo tồn thú dại. Hiệp hội của chúng tôi hiện đang rất cần sự giúp đỡ. Tôi tin chắc rằng bà sẽ giúp chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi đang cần tiền để bảo tồn thú vật. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến loài hươu. Bà có thể gửi năm mươi nghìn đô la vào tài khoản số 804072-A tại nhà băng Crédit Suisse ở Thuỵ Sĩ. Tôi muốn nhấn mạnh gợi ý rằng bà sẽ gửi tiền trong vòng năm ngày tới". Lá thư không có chữ ký. Tất cả những chữ cái E trong lá thư đều bị mẻ. Gửi kèm trong phong bì là mẩu báo nói về tai nạn kia. Kendall đọc lá thư hai lần. Sự sợ hãi hiện lên thật rõ ràng. Marc nói đúng, nàng nghĩ - Đáng lẽ mình nên báo cho cảnh sát. Nhưng bây giờ mọi thứ đã trở nên ngày càng tồi tệ Nàng là một kẻ đang lẩn trốn. Nếu bây giờ họ tìm được nàng, điều đó cũng có nghĩa là nhà tù và sự khinh bỉ, cũng có nghĩa là chia tay với nghề nghiệp luôn. Đến giờ ăn trưa, nàng tới nhà băng của mình. - Tôi muốn gửi năm mươi ngàn đô la sang Thuỵ Sĩ Tối đó khi Kendall về nhà, nàng đưa thư cho Marc xem. - Anh bàng hoàng. - Chúa ơi! - Anh nói. - Ai có thể gửi lá thư nầy nhỉ? - Không ai… không ai biết mà. - Nàng run rẩy. - Kendall, có người biết. Toàn thân nàng co rúm lại. - Không có ai gần đó cả, anh ạ! Em… - Hượm đã. Cố nghĩ lại đi. Chính xác những gì đã xảy ra khi em quay trở về thành phố. - Không có gì. Em… em đưa xe vào xưởng, và… - Nàng ngừng bặt - "Xe bà bị móp ở chỗ nầy, thưa bà Renauld. Trông như có vết máu trên đó". Marc nhận thấy vẻ mặt khác thường của vợ. - Gì thế? Nàng nói chầm chậm. - Người chủ xưởng và thợ cơ khí của ông ta có mặt ở đó. Họ đều nhìn thấy vết máu trên má xe. Em bảo với họ là em húc phải một con hươu, và họ nói rằng như thế lẽ ra phải có nhiều tổn thất hơn - Nàng lại nhớ thêm điều gì đó - Anh Marc… - Anh đây. Nadine, thư ký của em. Em cũng kể cho cô ta nghe tương tự. Em cảm thấy cô ấy cũng không tin em. Thế thì chỉ một trong ba người nầy thôi. - Không! - Marc chậm rãi nói. Nàng chằm chằm nhìn anh. - Anh nói thế là thế nào? - Ngồi xuống, Kendall, và nghe anh nầy. Nếu ai trong ba người đó nghi ngờ em, thì hẳn họ đã kề cho hàng tá người khác rồi. Báo chí lại đưa tin vụ nầy ầm ầm. Ai đó đã kết hợp điều nầy điều kia với nhau. - Anh nghĩ rằng lá thư chỉ là một đòn thử gân em thôi. Em đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi gửi tiền đi như vậy. - Nhưng tại sao? - Bởi vì giờ thì họ biết chính xác rằng em đã phạm tội em không hiểu sao? Em đã cho họ bằng chứng mà họ cần rồi. - Ôi Chúa ơi? Em phải làm gì đây? - Kendall hỏi. Marc trầm ngâm một lúc. - Anh có ý kiến nầy có thể tìm ra tên chó đẻ nào. * * * * * Mười giờ sáng hôm sau, Kendall và Marc đến văn phòng của Russell Gibbons, phó giám đốc Ngân hàng Manhattan First Security. - Tôi có thể giúp gì cho ông bà? - Ông Gibbons hỏi. Marc nói: - Chúng tôi muốn kiểm tra một tài khoản số ở Zurich. - Sao ạ? - Chúng tôi muốn biết đó là tài khoản của ai? Gibbons xoa cằm. - Có rắc rối gì xảy ra à? Marc nói nhanh. - Không! Sao ngài hỏi vậy? - Vì trừ phi có tội phạm gì liên quan như rửa tiền, hoặc vi phạm pháp luật của Thuỵ Sĩ hay của Mỹ, còn thì phía Thuỵ Sĩ không bao giờ tiết lộ bí mật của những tài khoản đánh số của khách hàng. Danh tiếng của họ được xây dựng nên từ lòng tin của khách hàng mà. - Vâng, vậy liệu có cách nào? - Tôi xin lỗi. Tôi không có cách nảo cả. Marc và Kendall nhìn nhau. Khuôn mặt Kendall nhuốm đầy sự thất vọng. Marc đứng dậy. - Cám ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi. - Tôi xin lỗi vì không thể giúp gì cho ông bà được. Ông ta tiễn hai người ra cửa. Tốỉ đó, khi Kendall đến xưởng ô tô thì cả Sam và Red đều không có ở đó. Kendall đỗ xe, và khi đi ngang văn phòng, qua cửa sổ, nàng thấy có chiếc máy chữ đặt trên một chiếc bàn nhỏ chân cao. Nàng dừng lại, chằm chằm nhìn, tự hỏi không biết nó có chữ cái E bị mẻ không. Ta phải tìm hiểu xem, nàng nghĩ. Nàng đi về phía cửa văn phòng, lưỡng lự giây lát rồi đẩy cửa bước vào. Khi đang đến gần chiếc máy chữ, thì bỗng Sam không biết từ đâu hiện ra. - Chào bà Renauld, - hắn ta nói - Tôi có thể giúp gì cho bà được? Nàng giật mình quay phắt lại. - Không, tôi vừa đưa xe vào chỗ đỗ thôi. Chào anh. - Rồi nàng hối hả đi ra. - Chào bà, bà Renauld. Sáng hôm sau khi Kendall đi qua văn phòng của xưởng, chiếc máy chữ đã biến mất. Thay vào đó là một chiếc máy vi tính cá nhân. Sam thấy nàng nhìn nó bèn nói. - Đẹp chứ hả? Tôi đã quyết định đưa nơi nầy về đúng thế kỷ hai mươi. Bây giờ hắn ta đã sắm được chăng? Khi Kendall kể cho Marc nghe và tối hôm đó, anh nói trầm ngâm. - Đó là một khả năng, nhưng chúng ta cần có bằng chứng. Sáng thứ hai, khi Kendall đến văn phòng, Nadine đã chờ sẵn. - Bà thấy khoẻ hơn không, bà Renauld? - Vâng, cám ơn cô. - Hôm qua là sinh nhật tôi. Bà nhìn xem chồng tôi tặng tôi cái gì nầy! - Cô ta lại chiếc tủ và lôi ra một chiếc áo choàng lông thú đắt tiền. - Có đẹp không. Chú thích: (1) Ventriloquist - Người có tài nói không mấp máy môi khiến cho những âm thanh phát ra như do người khác nói hoặc từ nơi khác vọng đến. Chương 19 Julia Stanford sống rất vui vẻ với cô bạn cùng phòng là Sally, cô gái luôn tươi tắn, và đầy hài hước. Sally từng có một cuộc hôn nhân đáng buồn và đã thề rằng sẽ không bao giờ dính líu tới đàn ông nữa. Julia không hiểu lắm về cái khái niệm "không bao giờ" của cô bạn, bởi vì mỗi tuần lại thấy Sally đi chơi với một người đàn ông khác nhau. - Những ông nào có vợ rồi là tốt nhất, - Sally ra giọng triết lý. - Họ cảm thấy có lỗi, nên thường tặng quà cho ta. Còn với những chàng độc thân thì ta lại phải tự hỏi tại sao chàng ta vẫn còn một mình? Sally hay hỏi Julia: - Cậu không hẹn hò ai cả à? - Không - Julia nghĩ đến những chàng trai muốn mời nàng đi chơi. - Mình không thích đi chơi chỉ vì muốn được đi chơi, Sally ạ. Mình chỉ thích đi với người nào mà mình thực sự quan tâm thôi. - À mình có một chàng cho cậu đây! - Sally nói, - Cậu sẽ mê anh ấy cho mà xem! Anh chàng tên là Tony Vinetti. Mình đã kể cho anh ấy nghe hết về cậu và anh ấy điên lên vì muốn gặp cậu. - Mình thực sự không nghĩ… - Tối mai, tám giờ, anh ấy sẽ đến đón cậu đấy. Tony Vinetti cao, rất cao, nên đi đứng cứ vụng về lóng ngóng một cách dễ thương. Mái tóc sẫm màu, rất dày và nụ cười của anh khi nhìn thấy Julia thì thật dễ gần. - Sally không nói quá. Em làm anh sững sờ! - Cám ơn anh - Julia nói. Nàng cảm thấy hơi run lên vì sung sướng. - Đã bao giờ em đến nhà hàng Houston chưa? Đó là một trong những nhà hàng sang trọng nhất ở thành phố Kansas nầy. - Chưa! - Thực sự là nàng không đủ tiền để vào những nơi như vậy. Kể cả khi nàng đã được lên lương. - Ồ, đó chính là nơi người ta đã dành chỗ cho chúng ta. Tối nay. Trong bữa ăn, Tony chỉ toàn nói về mình, nhưng Julia chẳng để tâm. Anh ta hấp dẫn đấy nhưng chỉ để tiêu khiển thôi. Sally từng nói "Anh ấy đáng yêu ra phết" - Và đúng thế. Bữa ăn thật ngon. Để tráng miệng, Julia gọi kem caramen sô-cô-la, còn Tony - món kem. Trong khi cả hai nhâm nhi bên ly cà phê, Julia nghĩ: Liệu anh ta có mời mình về nhà không, và nếu mời, mình có đi không nhỉ? Không. Mình không thể. Không thể ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Anh ta sẽ nghĩ rằng mình dễ quá. Lần đi chơi sau… Khi hoá đơn thanh toán được đưa đến, Tony liếc qua và nói. - Chính xác đấy. - Anh ta đánh dấu vào các món ăn. - Em ăn món pa-tê và tôm hùm… - Vâng. Và thịt rán của Pháp với Sa-lat, rồi món caramen, đúng không? Nàng nhìn anh, bối rối. - Đúng rồi… - OK. - Anh ta làm phép cộng rất nhanh. Phần của em là năm mươi đô la năm mươi xu. Julia sững người vì sốc. - Anh nói gì cơ? Tony cười nhoẻn: - Anh biết phụ nữ bây giờ rất độc lập. Họ không chịu để các chàng trai định đoạt cho họ, đúng không? Tuy nhiên, - anh ta nói đầy vẻ hào phóng - anh sẽ chịu toàn bộ phần tiền puốc boa. * * * * * - Mình xin lỗi vì việc không thành. - Sally băn khoăn. - Anh chàng thực sự đáng yêu đấy chứ. Cậu có định gặp lại nữa không? - Mình không đủ kinh phí để chơi với anh ta. - Julia cay đắng nói. - Ồ mình có người khác cho cậu đây. Cậu sẽ yêu… - Không. Sally, mình thực sự không muốn… - Tin mình đi. Ted Riddle là một người đàn ông sắp được tứ tuần. Và Julia phải công nhận rằng anh ta rất hấp dẫn. - Anh đưa nàng tới nhà hàng Jennie trên Đồi Dâu lịch sử, một nơi nổi tiếng về các món ăn đặc sản Croatia. - Sally thật tốt với anh quá. - Reddle nói. - Em rất dễ thương. - Cám ơn anh. - Sally có kể cho em nghe rằng anh có một hãng quảng cáo không? - Không. Cô ấy không nói gì cả. - Ôi có đấy Đó là một trong những hãng lớn nhất ở thành phố Kansas nầy. Mọi người ai cũng biết anh. - Tuyệt quá. Em… - Bọn anh có những khách hàng vào loại lớn nhất nước nữa đấy. - Thế à? Em không… - Ừ bọn anh có các khách hàng là những ngôi sao nổi tiếng, các nhà băng, các hãnglớn, rồi những cửa hàng mắt xích… - Ừm, em… - Cả siêu thị. Em cứ thử nói tên một hãng lớn nào, bọn anh cũng đại diện hết. - Thế… - Để anh kể cho em nghe anh đã bắt đầu sự nghiệp như thế nào nhé… Trong suốt bữa ăn anh ta không lúc nào ngơi mồm, và chủ đề duy nhất chỉ là nói về Ted Riddle. - Có thể anh ấy quá căng thẳng. - Sally lại xin lỗi. - Ôi mình có thể nói với cậu rằng chính anh ấy mới làm cho mình quá căng thẳng. Nếu cậu muốn biết bất cứ điều gì về cuộc đời của Ted Riddle, từ khi anh ta ra đời, chỉ việc hỏi mình! - Jerry Mc Kinley. - Cái gì? - Jerry Mc Kinley. Mình chợt nhớ ra. Anh ấy cũng từng hẹn hò với một đứa bạn mình. Và con bé đã mê anh ta như điếu đổ. - Cám ơn Sally, nhưng không. - Mình gọi cho anh ấy đây. Tối hôm sau, Jerry Mc Kinley xuất hiện. Anh ta trông dễ mến, bộc lộ một vẻ dịu dàng và quan tâm. Khi vừa bước vào và nhìn thấy Julia, anh ta đã nói. - Anh biết những cuộc hẹn hô mù mờ như thế nầy thường rất khó xử. Anh, tự bản thân rất hay ngượng, nên anh cũng biết em sẽ cảm thấy thế nào Julia ạ. Nàng mến anh ngay lập tức. Họ đến nhà hàng Trung Quốc Evergreen trên đại lộ State để ăn tối. - Em làm việc cho một hãng kiến trúc. Điều đó thật là hay. Anh không nghĩ rằng ai cũng hiểu được nghề kiến trúc sư quan trọng như thế nào. - Anh ấy thật tế nhị, Julia sung sướng nghĩ. Cô mỉm cười. - Em không thể đồng ý hơn. Buổi tối trôi qua thật vui vẻ, và càng nói chuyện Julia càng thấy mến anh. Nàng quyết định bạo dạn. - Anh có muốn về phòng em uống gì không? - Nàng hỏi. - Không. Chúng mình quay về chỗ của anh đi. - Chỗ anh à? - Anh ngả người về phía trước và xiết chặt tay cô: - Đó là nơi anh cất khoá, xích, roi, băng mắt…(1) * * * * * Henry Wesson là chủ một hãng kế toán đặt văn phòng ở toà nhà có trụ sở chính của công ty Peters, Eastman và Tolkin. Mỗi tuần hai ba lần, vào buổi sáng, Julia lại gặp anh ta trong thang máy. Anh tỏ ra là một người vui vẻ vừa phải. Anh độ hơn ba mươi tuổi, trông thông minh một cách kín đáo, tóc vàng và đeo kính gọng đen. Hai người làm quen nhau bằng những cái gật đầu chào lịch sự như - "Chúc buổi sáng tốt lành", rồi "Trông cô hôm nay khoẻ khoắn quá", rồi mấy tháng sau thì - "Tôi muốn mời cô đi ăn tối với tôi, có được không?" - Anh nhìn cô đầy nhiệt thành, chờ đợi câu trả lời. Julia mỉm cười: - Vâng, được thôi. Về phía Henry, đó là tình yêu ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên. Anh đưa cô đến EBT, một trong những nhà hàng thượng hạng ở Kansas City. Rõ ràng là anh rất rung động khi được đi chơi với cô. Anh chỉ kể đôi lời về bản thân: - Anh được sinh ra ở chính thành phố Kansas City nầy. Cha anh cũng sinh ra ở đây. Lá rụng gần cội mà. Em hiểu anh định nói gì chứ? Julia hiểu. - Anh lúc nào cũng muốn trở thành một kế toán viên. Khi tốt nghiệp phổ thông, anh đi làm cho công ty tài chính Bigelon và Beuson Financial. Bây giờ anh đã có hãng của riêng mình. - Hay quá, - Julia nói. - Đó là tất cả những gì có thể kể về anh. Hãy kể về em đi. Julia im lặng giây lát: - Em là đứa con gái bất hợp pháp của một trong những người giàu có nhất thế giới. Có thể anh cũng nghe nói đến ông ấy rồi. Ông ấy mới bị chết đuối. Em là một trong những người được thừa hưởng tài sản của ông. Nàng nhìn quanh phòng: - Em có thể mua được cả nhà hàng nầy, nếu em muốn. Em có thể mua được của thành phố, nếu em muốn. Henry chằm chằm nhìn nàng: - Julia? - Ôi! Em… xin lỗi. Em sinh ra ở Milwaukee. Cha… cha em đã mất từ khi em còn nhỏ. Em và mẹ đã đi rất nhiều nơi khắp đất nước. Khi mẹ em qua đời, em đã quyết định ở lại đây và tìm một việc làm. Hy vọng rằng mũi mình đừng có nở ra Henry Wesson đặt tay lên tay Julia: - Thế là em chưa từng có người đàn ông nào chăm sóc phải không? - Anh đổ dồn về phía trước và nồng nhiệt - Anh muốn được chăm sóc em từ giờ đến cuối đời? Julia ngạc nhiên nhìn anh. - Em không định nói như Doris Day (Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ), nhưng chúng ta biết về nhau quá ít? - Anh muốn thay đổi đi. Khi Julia về, Sally đang đợi sẵn: - Sao? - Cô hỏi. - Đi chơi thế nào? Julia nói, trầm tư. - Anh ấy rất dịu dàng, và… - Và anh ấy điên lên vì cậu? Julia mỉm cười: - Mình nghĩ là anh ấy đã cầu hôn mình. Sally trợn tròn mắt: - Cậu nghĩ là anh ấy cầu hôn à? Chúa ơi? Chẳng lẽ cậu không biết thế nào là cầu hôn hay không cầu hôn sao? - Có, anh ấy nói rằng muốn chăm sóc mình từ giờ đến cuối đời. - Đúng là cầu hôn rồi! - Sally kêu lên. - Đúng là cầu hôn rồì? Cưới anh ấy đi! Nhanh lên! Cưới ngay đi trước khi anh ấy kỵp thay đổi ý kỷến! Julia cười phá lên. - Vội thế làm gì? - Nghe mình nói nầy. Mời anh ấy đến ăn tối đi. Mình sẽ lo toàn bộ việc bếp núc nhưng sẽ bảo rằng đó là tài nội trợ của cậu. Julia lại cười. - Cám ơn cậu. Nhưng không. Khi nào tìm được người mà mình muốn cưới thì chúng mình sẽ gọi cơm hộp Tàu, nhưng tin mình đi, bàn ăn sẽ bày toàn hoa đẹp, và nến cưới. Vào lần đi chơi tiếp theo, Henry nói: - Em biết không, Kansas City là một nơi rất tốt để nuôi dạy con cái khôn lớn. - Vâng, đúng thế. - Vấn đề duy nhất mà Julia bận tâm là nàng cũng không biết mình có thích nuôi dạy những đứa con với anh ấy không" Anh là người đáng tin cậy, không nghiện rượu, hoàn hảo, nhưng… Nàng trò chuyện với Sally: - Anh ấy lại ngỏ lời xin cưới mình. - Anh ấy thế nào? Nàng im lặng giây lát, cố gắng nghĩ ra những điều lãng mạn nhất, hấp dẫn nhất về anh. - Anh ấy đáng tin cậy, không nghiện ngập, hoàn hảo… Sally nhìn Julia hồi lâu: - Nói cách khác, anh ấy là một người tẻ nhạt chứ gì? Julia chống chế: - Không hoàn toàn là tẻ nhạt đâu. Sally gật gật: - Anh ấy tẻ nhạt. Hãy cưới anh ấy đi. - Cái gì? - Hãy cưới đi. Những người chồng tốt bụng và tẻ nhạt, không phải dễ mà kiếm được đâu. Từ ngày lĩnh lương lần nầy đến ngày lĩnh lương lần sau quả là một sự chờ đợi lâu dài. Nào là phải nộp thuế, nào là tiền thuê nhà, các chi phí cho ô tô, rồi rau quả thực phẩm, và quần áo phải mua. Julia có một chiếc xe Toyota Tercel và dường như nàng phải chi cho nó nhiều hơn cả cho chính mình: Nàng thường xuyên phải vay tiền của Sally. Một tối, khi Julia thay đồ đi chơi thì Sally hỏi: - Lại hẹn với Henry à? Đêm nay anh ấy đưa cậu đi đâu? - Bọn mình đến nhà hát thành phố nghe hoà nhạc. Hôm nay Cleo Laine biểu diễn. - Henry có cầu hôn nữa không? Julia bối rối. Thực tế là lần nào hai người đi chơi, Henry cũng cầu hôn. Nàng cảm thấy rất nặng nề vì bị thúc ép mạnh quá, nhưng dù cố gắng, nàng vẫn không thể buộc mình trả lời. "Vâng!" được. - Đừng để mất anh ấy. - Sally cảnh báo. Sally có thể đúng, Julia nghĩ. Henery Wesson có thể là một người chồng tốt - Anh ấy… Nàng bối rối. - Anh ấy không nghiện ngập, đáng tin cậy, hoàn hảo quá. Liệu thế đã đủ chưa? Khi Julia ra đến cửa thì Sally gọi lại: - Mình mượn cậu đôi giầy đen được không? - Được! Rồi Julia đi. Sally vào phòng ngủ của Julia và mở tủ. Đôi giầy cô cần nằm ở ngăn trên cùng. Khi cô với tay lấy thì đụng phải một hộp bìa nằm mấp mé trên ngăn. Nhiều giấy tờ từ trong đó văng ra. - Mẹ kiếp! - Sally cúi xuống để thu dọn thì thấy có gồm rất nhiều mẩu báo, ảnh các bài báo và tất cả đều nói về gỉa đình Harry Stanford. Phải đến hàng trăm thứ như thế. Bất ngờ, Julia đi vội trở lại phòng. - Mình quên… - Nàng sững người khi trông thấy đống giấy tờ trên sàn. - Cậu làm gì vậy? - Mình xin lỗi - Sally vội nói. - Cái hộp bị rơi xuống. Đỏ bừng mặt, Julia cúi nhặt giấy tờ vào hộp. - Thế mà mình không biết rằng cậu đã rất quan tâm đến những người giàu và nổi tiếng đấy. - Sally nói nhẹ nhàng. Lặng im, Julia gạt nhanh những thứ còn lại vào hộp. Khi nhặt lên một tập dầy ảnh, cô bắt gặp một chiếc lắc nhỏ hình quả tim mà mẹ cô trao cho trước khi bà qua đời. Julia gạt nó sang bên. Sally, nãy giờ vẫn theo dõi bạn, thấy bối rối quá. - Julia! - Cái gì? - Tại sao cậu quan tâm nhiều thế đến Harry Stanford? - Mình thì không. Mình… Đó là của mẹ mình. Sally nhún vai: - Thế à? - Cô nhặt một tờ lên xem. Đó là bài báo về một vụ tai tiếng, đầu đề của nó đập vào mắt cô: ÔNG CHỦ TỶ PHÚ ĐÃ LÀM GIA SƯ CỦA CON MÌNH MANG BẦU. - ĐỨA TRẺ SINH RA NGOÀI GIÁ THÚ - BÀ MẸ VÁ ĐỨA BÉ BIẾN MẤT! Sally trợn tròn mắt nhìn Julia, há hốc mồm: - Chúa ơi! Cậu là con gái Harry Stanford! Julia mím chặt môi. Nàng lắc đầu và tiếp tục cất giấy tờ. - Đúng không? Julia dừng lại: - Xin cậu, mình không muốn nói về chuyện nầy, có được không? Sally nhảy chồm lên. - Cậu không muốn nói về chuyện nầy? Cậu là con gái của một trong những người giàu nhất hành tinh, thế mà cậu lại không muốn nói đến vấn đề nầy? Cậu có điên không đấy? - Sally… - Cậu có biết ông ấy giầu thế nào không há? Tỉ phủ đấy. - Điều đó có gì liên quan đến mình đâu. - Nếu cậu là con gái ông ta, thì nó hoàn toàn liên quan đến cậu. Cậu là một trong những người được thừa kế. Tất cả những gì cậu phải làm là báo cho gia đình đó về cậu, và… - Không. - Không… Không cái gì? - Cậu không hiểu đâu. - Julia đứng lên rồi lại ngồi phịch xuống giường. - Harry Stanford là một người tồi tệ ông ấy đã bỏ rơi mẹ mình. Bà ghét ông ta và mình cũng ghét ông ta. - Cậu không thể ghét người nào giàu như thế. Cậu cần hiểu họ. Julia lắc đầu: - Mình không muốn là một phần của họ. - Julia, những người được thừa kế không bao giờ sống trong những căn phòng tồi tàn, mua quần áo ở chỗ đồ cũ và vay tiền để trả tiền thuê phòng. Có khi gia đình cậu còn khó chịu nếu biết cậu sống như thế nầy ấy chứ. Họ sẽ thấy xấu hổ. - Thậm chí họ chả cần biết liệu mình có còn sống. - Thế nên cậu phải báo cho họ biết. - Sally - Cái gì? - Bỏ qua chuyện nầy đi. Sally nhìn Julia một lúc. - Được thôi! Nhân tiện hỏi luôn, cậu không thể cho mình vay một hai triệu gì đó cho đến kỳ lương mới, đúng không? Chú thích: (1) Những "dụng cụ" của kẻ thích trò bạo dâm Chương 20 Tyler thấy bồn chồn đến phát điên lên. Suốt hai mươi bốn giờ qua y gọi điện cho Lee mà không có tiếng trả lời. Nó đang ở với ai? Tyler đau đớn. Nó đang làm gì? Y lại nhấc máy lên, gọi một lần nữa. Chuông đổ mãi, và ngay khi Tyler định cúp máy thì giọng Lee vang lên: - Alô. - Lee, Lee khoẻ không? - Ai thế? - Tyler đây. - Tyler à? - Im lặng một lát - À, vâng! Tyler cảm thấy nhói lên một sự thất vọng. - Cưng khoẻ không? - Khoẻ! - Lee đáp. - Tôi đã nói với cưng rằng tôi có một điều ngạc nhiên tuyệt diệu dành cho cưng. - Vâng, thế nào? - Giọng Lee nghe chán ngắt. - Cưng có còn nhớ những gì đã nói với tôi về chuyến du lịch bằng thuyền buồm tới St. Tropez không? - Thế thì sao? - Tháng sau chúng ta đi nhé? - Anh nói nghiêm túc đấy chứ? - Thề đấy. - Ồ tôi cũng chưa biết. Anh có một người bạn có thuyền à? - Anh chuẩn bị mua một chiếc? - Anh không đùa đấy chứ, thẩm phán? - Ôi? Không, không! Anh mới có tiền. Rất nhiều. - St. Tropez á? Hừm, hay đấy. Được, tôi rất thích đi với anh. Tyler tự thấy mình vừa thở phào: - Tuyệt! Trong khi chờ đợi, đừng… - Y cũng không dám nghĩ đến điều đó nữa. - Anh sẽ gọi cho cưng, Lee. - Tyler dập máy, rồi ngồi xuống mép giường. Lee rất thích đi cùng anh. Y có thể hình dùng ra cảnh hai người trên con tàu du lịch, cùng nhau đi vòng quanh thế giới. Cùng nhau. Tyler nhấc cuốn danh bạ điện thoại lên rồi giở đến những trang vàng. * * * * * Văn phòng của hãng tàu du lịch John Alden đặt ngay Cầu cảng Boston, Khi Tyler bước vào, người phụ trách bán hàng ra đón. - Tôi có thể giúp gì cho ngài? Tyler nhìn ông ta rồi nói luôn: - Tôi muốn mua một chiếc tàu du lịch. Lời lẽ cứ tự nhiên ào ra khỏi miệng. Tàu của cha y cũng là một phần trong số tài sản được thừa kế, nhưng Tyler không có ý định chia chác gì về nó với các anh em trong nhà. - Ngài muốn loại gắn máy hay tự chèo? - Tôi… Hừm… tôi cũng chưa biết. Tôi muốn sao để đi được quanh thế giới. - Thế thì là loại gắn máy rồi. - Phải là màu trắng nhé. Người phụ trách nhìn y một cách lạ lùng: - Vâng, tất nhiên rồi. Ngài muốn to bằng nào? Con tàu Blue Skies là một trăm tám mươi bộ. - Loại hai trăm bộ nhé. Người phụ trách chớp chớp mắt: - À tôi biết rồi. Tất nhiên, một tàu như thế sẽ rất đắt thưa ngài… - Thẩm phán Stanford. Cha tôi là Harry Stanford. Mặt ông ta sáng bừng lên. - Không phải ngại gì về tiền nong cả. - Tyler nói tiếp. - Vâng, tất nhiên rồi! Ồ, thưa thẩm phán Stanford. Chúng tôi sẽ chọn cho ngài một chiếc tàu mà ai cũng phải phát ghen lên. Tất nhiên phải là màu trắng rồi. Trong khi chờ đợi, xin gửi ngài một danh mục các con tàu du lịch hiện chúng tôi đang có sẵn. Nếu ngài ưng cái nào xin hãy gọi cho tôi. Woody Stanford đang mơ đến những chú ngựa chuyên để chơi polo. Suốt đời gã toàn phải cưỡi ngựa nhờ của các bạn, nhưng giờ thì gã đã đủ tiền để mua cả bầy ngựa tuyệt nhất thế giới rồi. Gã gọi điện cho Mimi Carson: - Anh muốn mua những con ngựa của em. - Woody nói, giọng đầy phấn kích. Dừng lại nghe một lát rồi gã nói tiếp. - Đúng đấy, cả chuồng. Anh nói nghiêm túc. Đúng thế. Cuộc nói chuyện kéo dài nửa giờ, và khi dập máy xuống, Woody cười rạng rỡ. Gã đi tìm Peggy. Cô đang ngồi một mình ở hậu sảnh. Woody vẫn nhận ra vết bầm tím trên mặt cô do chính gã đánh. - Peggy… Cô nhìn lên, đầy cảnh giác. - Có gì ạ? - Anh phải nói chuyện với em. Anh… Anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Cô vẫn ngồi đó, chờ đợi. Gã hít thật sâu. - Anh biết rằng mình là một người chồng sa đoạ. Có một số việc anh làm không thể tha thứ được. Nhưng, em yêu, bây giờ mọi thứ sẽ thay đổi. Em không thấy sao? Chúng mình bỗng trở nên rất giàu. Thực sự giàu có. Anh muốn làm mọi điều để bù đắp cho em. - Gã nắm tay vợ. - Lần nầy anh nhất định sẽ bỏ hẳn thuốc Anh nói thực lòng đấy. Chúng mình sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác. Cô nhìn vào cặp mắt của chồng, nói bằng một giọng vô cảm: - Thật không, Woody? - Thật. Anh xin hứa. Anh biết rằng trước kia anh đã từng nói thế, nhưng lần nầy nhất định anh sẽ làm được. Anh vừa quyết định rằng anh sẽ tới một dưỡng đường nào đó có thể cứu giúp anh. Anh muốn được thoát khỏi địa ngục mà bấy lâu vẫn chôn vùi mình. Peggy… - Giọng gã đầy thống khổ. - Nhưng anh không thể làm được việc đó nếu thiếu em. Em cũng biết điều nầy mà. Cô nhìn anh một lúc lâu, rồi ôm ghì anh vào lòng. - Anh bé bỏng tội nghiệp của em, em biết. - Cô thì thầm. - Em biết, em sẽ giúp anh… * * * * * Đã đến giờ Margo Posner phải đi. Tyler đến gặp Margo. Y đóng cửa rồi mới nói: - Tôi muốn được cảm ơn cô lần nữa, Margo Posner. Cô ta mỉm cười. - Mọi chuyện thật thú vị. Tôi thực sự có một thời gian rất vui. - Cô ta liếc Tyler. - Biết đâu từ nay tôi nên theo nghề diễn viên. Y mỉm cười: - Cô đã diễn rất thành công. Thực sự cô đã qua mặt được tất cả đám khán giả nầy. - Đúng thế, phải không? - Đây là phần tiền còn lại của cô. - Y rút trong túi áo ra một phong bì. - Và vé máy bay về Chicago. - Cám ơn ông. Y nhìn đồng hồ. - Cô nên đi thôi. - Phải. Tôi chỉ muốn nói rằng xin cám ơn ông về tất cả mọi điều. Ý tôi là về việc ông đã đưa tôi ra khỏi nhà tù, và vì tất cả mọi việc khác nữa. Y cười: - Không sao. Chúc cô đi may mắn. - Cám ơn. Y nhìn theo cô ta đi lên phòng để đóng gói đồ đạc. Ván bài đã kết thúc. Khi Margo Posner đang thu dọn đồ đạc thì Kendall bước vào. - Chào Julia, chị muốn… - Nàng dừng ngay lại. - Em đang làm gì vậy? - Em về nhà. Kendall nhìn "Julia" đầy ngạc nhiên. - Nhanh thế à? Sao vậy? Thế mà chị đang hy vọng chúng mình sẽ có dịp bên nhau và làm quen với nhau. Chúng ta có bao nhiêu năm tháng trước mắt để bù đắp. - Vâng. Nhưng để khi khác nhé. Kendall ngồi xuống mép giường. - Đó quả thực như một phép thần kỳ, phải không? Tìm lại được nhau sau ngần đấy năm trời. Margo vẫn tiếp tục thu xếp: - Ừ, đó là một phép thần kỳ, phải đấy. - Người ta hẳn phải cảm thấy như Cinderella. Chị muốn nói rằng, vừa phút trước đây ta còn sống một cuộc đời tầm thường, thế mà, phút sau có người đã trao vào tay ta một tỉ đô la. Margo: - Cái gì? - Chị nói… - Một tỉ đô la à? - Ừ Theo di chúc của cha thì đó chính là phần mà mỗi chúng ta đều được hưởng. Margo nhìn Kendall, sửng sốt. - Mỗi chúng ta được một tỉ đô la sao? - Không ai nói cho em à? - Không! - Margo trầm ngâm. - Họ không nói gì. - Gương mặt cô ta ánh lên vẻ ưu tư. - Chị biết không, Kendall, chị nói đúng đấy. Có lẽ chúng mình nên tạo điều kiện để làm quen với nhau. * * * * * Tyler đang ở phòng tắm nắng nhân tạo, ngắm các bức ảnh tàu du lịch thì Clark bước đến. - Xin lỗi, thẩm phán Stanford. Ngài có điện thoại ạ. - Tôi sẽ nghe ở đây. Đó là điện thoại của Keith Percy từ Chicago. - Tyler đó à? - Vâng. - Tôi có tin mừng cho anh đây. - Ồ? - Bây giờ tôi chuẩn bị về hưu, anh nghĩ gì nếu được bổ nhiệm làm chánh án? Tyler cố nén để khỏi cười lên sung sướng. - Tuyệt quá, Keith - Thế thì, chức đó là của anh rồi đấy. - Tôi… tôi chẳng biết nói gì! Ta nên nói gì đây, chẳng lẽ: Các tỉ phú thì không bao giờ chịu ngồi ở vị trí xấu như thế trong toà án chỉ để giải quyết kết tội những kẻ chập mạch, đúng không? Hay là, tôi còn bận đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu của mình? - Bao giờ thì anh quay về Chicago? Cũng phải một thời gian nữa- Tyler nói. - Tôi có nhiều việc phải giải quyết ở đây quá. - Ồ chúng tôi sẽ đợi anh. - Đừng có ngợp thở nhé. - Tạm biệt. Y dập máy rồi liếc đồng hồ. Đã đến giờ Margo phâi ra sân bay rồi. Tyler lên lầu xem cô ta đã sẵn sàng chưa. Khi y vào phòng Margo thì thấy cô ta đang dỡ đồ ra khỏi va li. Tyler nhìn cô ta kinh ngạc. - Cô chưa xong à? Cô ta nhìn y và mỉm cười. - Không. Tôi đang tháo đồ ra đây. Tôi nghĩ lại rồi. - Tôi thích nơi nầy. Có thể tôi sẽ ở lại đây một thời gian. Y nhíu mày. - Cô đang nói về cái gì thế? Cô sắp phải lên máy bay đi Chicago cơ mà? - Rồi sẽ còn chiếc máy bay khác, thưa thẩm phán. - Cô ta cười khẩy. - Có thể tôi còn mua cho mình một máy bay riêng cơ đấy. - Cô đang nói gì vậy? - Ông nói với tôi rằng ông muốn tôi giúp ông để gạt ai đó. - Thì sao? - Thế mà dường như nó lại gạt chính tôi. Hoá ra tôi đáng giá một tỉ đô la. Giọng Tyler đanh lại. - Tôi muốn cô biến ngay khỏi đây. Ngay bây giờ. - Thế à? Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi khi nào tôi sẵn sàng. - Margo nói. - Bây giờ thì chưa. Tyler đứng đó, dò xét: - Cô… Cô muốn cái gì. Cô ta gật đầu. - Thế có phải tốt hơn không. Số bạc tỉ mà tôi có thể được nhận thì ông lại hòng chiếm làm của riêng ông ư? Tôi cứ tưởng ông lừa gạt để lấy một ít thôi, nay những một tỉ đô la! Đó lại là một việc khác. Tôi cho rằng mình có quyền được dự phần xương xẩu chứ? Có tiếng gõ cửa. - Xin lỗi. - Clark nói. - Tiệc trưa đã sẵn sàng ạ. Margo quay sang Tyler. - Anh ra trước đi. Em không đi cùng đâu. Em phải lo vài việc đã. Chiều muộn hôm đó, nhiều gói đồ liên tiếp gửi về Rose Hill. Đó là những hộp quần áo, váy, khăn… của cửa hàng Armani, quần áo thể thao của cửa hàng Scaasi Boutique, đồ lót và đồ ngủ của cửa hàng Jordan Marsh, áo choàng lông thú đắt tiền từ cửa hàng Neiman Marcus, và cả chiếc vòng kim cương từ Cartier(1). Tất cả các gói đồ đều gởi cho cô Julia Stanford. Khi Margo trở về vào lúc bốn giờ chiểu, Tyler đã đợi sẵn, đầy tức giận. - Cô có biết mình đang làm gì không? - Y cật vấn. Cô ta chỉ mỉm cười. - Tôi cần vài thứ. Cuối cùng thì, em gái của anh cần phải ăn bận sang trọng, đúng không? Khi người ta trở thành một người mang họ Stanford, người ta bỗng được hưởng một kho tàng kinh ngạc đến nhường nào. Anh sẽ trả hoá đơn chứ? - Julia! - Margo chứ. - Cô ta nhắc hắn. - Nhân tiện em trông thấy trên bàn có những ảnh tàu thuyền du lịch. Anh đang định mua một chiếc à? - Đó không phải việc của cô. - Anh đừng nói chắc chắn như vậy. Biết đâu hai ta lại cùng nhau đi du thuyền. Chúng ta sẽ đặt tên con thuyền là Marboro. Hay là Julia? Chúng ta sẽ đi chơi vòng quanh thế giới với nhau. Em không thích cô đơn một mình. Tyler hít mạnh. - Có vẻ như tôi đã đánh giá thấp cô. Cô quả là một người đàn bà khôn ngoan. - Đó là lời của anh, nên chúng thực sự là lời khen đáng kể. - Tôi hy vọng rằng cô cũng là một người đàn bà biết điều. - Cái đó còn tuỳ. Anh gọi cái biết điều đó là gì? - Một triệu đô la. Tiền mặt. Tim cô ta bắt đầu đập nhanh hơn. Và tôi được giữ toàn bộ số đồ tôi mua hôm nay chứ? - Tất cả. Cô ta hít mạnh. - Ta thoả thuận thế nhé! - Tốt. Tôi sẽ trao tiền cho cô nhanh nhất, khi có thể được. Mấy hôm nữa tôi sẽ quay về Chicago. - Y rút từ trong túi áo ra một chiếc chìa khoá và đưa cho cô ta. - Đây là chìa khoá nhà tôi. Tôi muốn cô đến đó đợi tôi. Và nhớ không được nói với ai. - Được - Cô ta cố nén nỗi sung sướng của mình. Lẽ ra ta có thể đòi được nhiều hơn. - Cô ta nghĩ. - Tôi sẽ đặt vé cho cô chuyến tới để cô rời khỏi đây. - Thế còn số đồ tôi mua? - Tôi sẽ gửi cho cô. - Tốt! Thế là cả hai ta đều thoát khỏi của nợ nầy, phải không? Y gật đầu. - Đúng, đúng thế. Của nợ… Tyler đưa Margo ra sân bay quốc tế Logan. Tại sân bay, cô ta hỏi. - Anh sẽ bảo với mọi người thế nào? Về việc ra đi của tôi ấy mà? - Tôi sẽ bảo với họ rằng cô phải đi thăm một người bạn thân bị ốm ở Nam Mỹ. Cô ta nhìn hắn, vẻ cáo già. - Anh có muốn biết một điều nầy không, thẩm phán? Cuộc đi du lịch bằng thuyền sẽ hay lắm đấy. Tiếng loa báo chuyến bay của cô ta. - Người ta gọi tôi đấy. - Chúc cô đi may mắn. - Cám ơn. Sẽ gặp lại anh ở Chicago. Tyler nhìn theo cô ta đi khuất qua cánh cửa phòng chờ, và y cứ đứng đó cho tới khi máy bay cất cánh. Xong rồi, y đi ra xe và bảo tài xế: - Về Rose Hill. Khi Tyler về đến nhà, y đi thẳng vào phòng riêng gọi điện cho Chánh án Keith Percy. - Chúng tôi đang đang đợi anh về đấy, Tyler. Khi nào thì trở lại đây? Chúng tôi đã sắp sẵn một lễ chúc mừng anh rồi. - Sẽ chóng về thôi, Keith! - Tyler nói. - Trong khi chờ đợi tôi muốn nhờ mọi người giúp tôi giải quyết một vấn đề rắc rối mà tôi đang kẹt. - Tất nhiên rồi. Tôi có thể làm gì giúp anh? - Việc con bé tội phạm mà tôi cố giúp đấy. Margo Posner. Chắc là tôi đã kể cho bà nghe về nó rồi. - Tôi nhớ rồi. Vậy có việc gì? - Con bé tội nghiệp nầy lại tự huyễn hoặc mình rằng nó là em gái tôi. Cô ta theo tôi tới Boston và tìm cách giết tôi. - Lạy chúa! Kinh khủng quá? Bây giờ cô ta đang trên đường trở về Chicago. Cô ta lấy trộm chìa khoá vào nhà tôi, và tôi không biết cô ta còn định làm gì nữa. Người phụ nữ nầy quả là một con ngốc nguy hiểm. Cô ta doạ giết cả nhà tôi. Tôi muốn giam cô ta vào bệnh viện tâm thần Reed Mental Health Facility. Nhờ bà gửi cho tôi các giấy tờ thủ tục, tôi sẽ kí. Tôi sẽ thu xếp để cô ta khám bệnh tâm thần sau. - Được! Tôi sẽ giải quyết ngay. - Rất cám ơn bà. Cô ta bay chuyến United Airlines Flight 307. Tối nay sẽ đến Chicago vào lúc tám giờ mười lăm phút. Có lẽ nhờ bà bố trí người đón sẵn ở sân bay để giữ lấy cô ta. Bà nhớ bảo họ cẩn thận. Cần phải canh chừng cô ta ở mức cao nhất tại bệnh viện Reed, và không cho phép ai vào thăm. - Tôi sẽ lưu ý. Tôi rất tiếc khi thấy anh phải trải qua vụ nầy đấy, Tyler. Giọng Tyler thoáng vẻ thờ ơ. - Bà biết đấy, Keith, người đời vẫn thường nói rằng: Chẳng có lòng tốt nào, dù nhỏ đến đâu, mà lại không chịu thiệt thòi. * * * * * Bữa tối hôm đó, Kendall hỏi. - Julia không ăn cùng chúng ta à? Tyler xin lỗi hộ. - Không. Cô ấy nhờ tôi chào mọi người vì phải đến chăm sóc một người bạn thân bị đột quị, sống ở Nam Mỹ. Gấp và bất ngờ quá mà. - Nhưng di chúc còn chưa… - Julia uỷ quyền cho tôi làm luật sư và thu xếp cho phần tài sản của cô ấy. Một người hầu đến đặt một tô cháo trai Boston trước mặt Tyler… - A! - Y nói. - Trông ngon quá! Tối nay sao tôi đói thế. Chiếc máy bay United Airhnes 307 hạ cánh xuống sân bay quốc tế O Hare đúng kế hoạch. Một giọng lảnh lót truyền qua loa. - Thưa các quí ông, quí bà, xin mời thắt dây an toàn. Margo Posner rất khoẻ khoắn khi đi chuyến bay nầy. Suốt thời gian bay cô ta chỉ mơ tưởng đến chuyện sẽ làm gì với một triệu đô la và tất cả những thứ quần áo, đồ trang sức mới mua. Tất cả chỉ nhờ ta đã bị bắt! Chẳng phải đó chính là bàn đạp là cơ hội trời cho sao! Khi máy bay dừng lại, Margo thu thập hành lý và đi ra cửa khoang. Một cô tiếp viên đi kèm sát đằng sau. Đỗ gần máy bay có một chiếc xe cấp cứu. Đứng bên xe là một bác sĩ và hai nhân viên hỗ trợ trong áo blu trắng. Người tiếp viên trông thấy họ liền chỉ vào Margo Posner. Khi Margo bước hết bậc thang, chân vừa chạm đất, một trong mấy người đàn ông đó liền tiến lại và nói: - Xin lỗi cô. Margo ngước lên. - Có việc gì không? - Có phải cô là Margo Posner? - Vâng, tại sao? Có việc gì? - Tôi là bác sĩ Zimmerman. - ông ta tóm lấy tay cô ta. - Chúng tôi muốn cô đi cùng, nào. - Rồi ông dắt cô ta đi tới chiếc xe cấp cứu. Margo cố gắng giật ra. - Hượm đã! Các ông làm gì vậy? - Cô ta hỏi. Hai người kia áp vào hai bên sườn và kẹp lấy hai cánh tay cô. - Cô chỉ cần đi một cách lặng lẽ thôi, thưa cô Posner. - Bác sĩ nói. - Cứu tôi với! - Margo gào lên - Cứu tôi! Đám hành khách chung quanh dồn mắt tới, há hốc miệng kinh ngạc. - Các người làm sao thế? - Margo hét - Mù hết cả rồi sao? Tôi đang bị bắt cóc. Tôi là Julia Stanford. - Tôi là con gái Harry Stanford. - Vâng, tất nhiên rồi. - Bác sĩ Zimmerman nói tỉnh queo. - Chỉ có điều hãy bình tĩnh lại thôi. Không ai có hành động gì giúp đỡ Margo. Họ tò mò nhìn cô bị đưa lên cửa sau chiếc xe cứu thường, mồm hét, chân đạp. Lên xe, người bác sĩ lấy đồ nghề ra và ấn kim tiêm vào tay Margo. - Hãy thư giãn đi, - Ông ta nói, - Mọỉ chuyện sẽ ổn thôi. - Các ông điên rồi, các ông điên rồi… - Margo nói. Nhưng mí mắt đã sụp xuống. Cửa xe đóng sập, và chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Khi Tyler nhận được báo cáo, y cười phá lên. Y hình dung ra cảnh con chó cái tham lam đó bị bắt đi như thế nào. Y sẽ thu xếp để giam giữ ả ta trong bệnh viện đó cho đến hết đời. Thế là ván cờ đã thực sự kết thúc - y nghĩ. - Ta sẽ thành công! Lão già mà biết sẽ phải lật sấp trong mồ - nếu còn xác, và nếu lão biết rằng ta đã kiểm soát được toàn bộ Hãng Stanford? Ta sẽ đem lại cho Lee bất cứ thứ gì Lee muốn. Hoàn hảo, mọi chuyện đều hoàn hảo. Mọi việc xảy ra trong ngày đã khiến cho Tyler tràn đầy cảm hứng. Ta cần được thư giãn. Y mở va li và lấy ra một bản hướng dẫn của quán Damron, trong đó có địa chỉ một vài quán ở Boston dành cho người đồng tính. Y chọn quán The Quest trên phố Boylston. Ta sẽ không ăn tối ở nhà, mà đi thẳng đến quán - Và y nghĩ -Thật là một liều oxymoron! * * * * * Julia và Sally đang thay quần áo để đi làm, Sally hỏi. - Hôm qua đi chơi với Henry thế nào? - Vẫn thế! - Vẫn chán thế hả? Thông báo đã dán chưa?(2) - Chúa trời không xe duyên rồi? - Julia nói. - Henry thì dịu dàng đấy, nhưng… - nàng thở dài. - Anh ấy không phải dành cho mình. - Anh ta thì không, - Sally nói, - nhưng những cái nầy thì dành cho cậu đây. - Nói rồi cô đưa cho Julia năm chiếc phong bì. Tất cả đều là hoá đơn gọi thanh toán tiền. Julia mở ra. Ba hoá đơn có in chữ "Quá hạn" và một chiếc ghi "Tầm quan trọng thứ ba". Julia xem một lúc. - Sally ơi, cậu có thể cho mình vay? Sally nhìn Julia kinh ngạc. Mình không hiểu cậu. - Cậu nói thế là thế nào? - Cậu làm việc như một con nô lệ, nhưng vẫn không trả được hết hoá đơn, thế mà tất cả việc cần làm chỉ là phẩy một ngón tay, tức khắc sẽ có hàng triệu đô la, và sẽ được đổi đời. - Đó không phải là tiền của mình. - Không, đó là tiền của cậu? - Sally sổ ra một tràng. - Harry Stanford chẳng phải là cha cậu đấy ư? Nên nghiễm nhiên, cậu có quyền được thừa kế một phần tài sản của ông ta. Mà mình không mấy khi dùng từ nghiễm nhiên đâu đấy nhé. - Quên chuyện đó đi. Mình đã kể cho cậu nghe ông ấy đối xử thế nào với mẹ mình rồi. Chắc chắn ông ấy sẽ không để lại cho mình một xu. Sally thở dài. - Chết tiệt thật! Thế mà mình đang mong được sống với một bà bạn triệu phú đấy. Hai người đi xuống bãi để xe. Chỗ đậu xe của Julia trống rỗng. Nàng kinh hoàng nhìn chằm chằm vào chỗ đó. - Mất rồi? Sally hỏi. - Cậu có chắc là đã đỗ xe ở đó vào tối hôm qua không? - Chắc. - Có kẻ lấy trộm rồi! Julia lắc đầu: - Không, - nàng nói chậm chạp. - Cậu nói thế là thế nào? Nàng quay sang Sally. - Chắc là họ tịch thu lại xe. Vì mình đã chậm quá ba đợt đóng tiền rồi.(3) - Tuyệt quá. - Sally nói nhạt nhẽo - Thế thì tuyệt quá còn gì. Sally không thế nào dứt được suy nghĩ về tình cảnh của cô bạn mình ra khỏi tâm trí. Đúng như một chuyện cổ tích vậy - Sally nghĩ - Một nàng công chúa không biết mình là công chúa. Chỉ có trường hợp duy nhất nầy khiến nàng còn được nhắc nhở mình là công chúa, nhưng vì quá kiêu hãnh nên nàng đã không làm gì để chứng tỏ điều đó. Thật không công bằng. Gia đình đó có mọi thứ trên đời còn cô ấy lại chẳng có gì cả. Được, nếu Julia không làm gì, thì mẹ kiếp, ta sẽ làm. Julia sẽ phải cám ơn mình. Tối hôm đó, khi Julia đã đi chơi, Sally lấy hộp bìa đựng các thứ giấy tờ ra xem lại. Cô rút ra một bài báo gần đây nhất nói về việc các thành viên nhà Stanford đến Rose Hill để dự lễ tang. Nếu nàng công chúa khôngchịu đến với họ, - Sally nghĩ - Thì họ sẽ đến với nàng. Cô ngồi xuống và viết một lá thư, gửi tới thẩm phán Tyler Stanford. Chú thích: (1) Tên những hãng, cửa hàng nổi tiếng thế giới (2) Baunz: Thông báo về lễ cưới của người nào đó sắp được tổ chức, dán ở nhà thờ (3) Mua trả góp Chương 21 Tyler Stanford vừa ký xong các giấy tờ để hoàn tất thủ tục giam Margo Posner vào bệnh viện tâm thần Reed. Theo quy định, phải có chữ ký của ba chuyên gia tâm thần học nữa, nhưng Tyler biết rằng nếu như y đứng ra lo mọi thủ tục thì sẽ dễ dàng cả thôi. Y ôn lại toàn bộ sự việc đã thực hiện từ phút đầu và kết luận rằng không có sai sót nào trong kế hoạch của mình. Dmitri đã biến sang Úc và Margo Posner cũng đã ở đúng vị trí của ả. Chỉ còn lại Hal Baker, nhưng về con bài nầy thì không phải lo gì. Mỗi người đều có cái gót chân Asin, mà gót chân Asin của Baker chính là gia đình hắn. Không, Baker sẽ không bao giờ kể ra bởi vì bắn sẽ không thể chịu được ý nghĩ phải sống cả đời trong tù, cách xa những người thân yêu trong gia đình. Mọi thứ đều hoàn hảo. Ngay khi di chúc được thi hành, ta sẽ quay về Chicago và đón Lee. Có thể, hai ta sẽ mua nhà ở St. Tropez. Y bắt đầu hứng lên với những suy nghĩ của mình. Chúng ta sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới, trên con tàu của ta. Từ lâu ta vẫn ước ao được tới thăm Venice… rồi Positano… rồi Capri… Chúng ta sẽ đi săn ở Kenya, rồi cùng ngắm cung điện Taj Mahal dưới ánh trăng. Nhờ ơn ai ta có tất cả những thứ đó? Nhờ cha. Cha già thân yêu. Mày là một thằng lại cái, Tyler, và mãi mãi cũng chỉ là một thằng như thế mà thôi. Tao không thể hiểu được sao lại nảy nòi ra một thứ như mày từ huyết thống của tao". Ồ thưa cha, vậy ai là người cười sau cùng đây? Tyler xuống nhà ăn trưa với các anh chị em. Y lại thấy đói. Thật đáng tiếc là Julia phải đi sớm quá - Kendall nói - Em rất muốn được trò chuyện với cô ấy nhiều hơn. - Chắc là xong việc cô ấy sẽ về ngay thôi, - Marc trả lời phỏng chừng. - Ừ đúng đấy, - Tyler nghĩ. Y thừa hiểu cô ta sẽ không bao giở quay lại nữa. Câu chuyện hướng về tương lai. Peggy nói, ngượng ngùng: - Woody sắp mua một đàn ngựa chơi polo đấy. - Không phải là một đàn! - Woody cướp lời. - Mà là một đội ngựa polo - Em xin lỗi, anh yêu. Em chỉ… - Thôi - quên đi! Tyler hỏi Kendall - Còn kế hoạch của em là gì? "Chúng tôi tin tưởng vào sự đóng góp hơn nữa của bà… Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu quí bà gửi một triệu đô la… trong vòng mười ngày tới" - Kendall? - Ôi, em sẽ… em sẽ mở rộng qui mô kinh doanh của mình. Em sẽ mở thêm các cửa hàng ở London, ở Paris. - Nghe hay quá. - Peggy nói. - Hai tuần nữa em sẽ có buổi trình diễn mốt ở New York. Em phải xuống đó để chuẩn bị. Kendall nhìn sang Tyler. - Thế còn kế hoạch của anh là gì? Tyler lên giọng đạo đức giả. - Từ thiện thôi, chủ yếu dành cho việc đó. Hiện nay còn quá nhiều tồ chức từ thiện cần được giúp nhất là về tài chính. Y chỉ để ý nửa vời đến cuộc trò chuyện bên bàn ăn. Y nhìn quanh đám anh chị em. Nếu không có ta, thì các người cũng sẽ chẳng có gì. Chẳng có gì hết! Y quay sang nhìn Woody. Em trai y đã trở thành một kẻ nghiện ma tuý, huỷ hoại cả cuộc đời mình. Tiền bạc cũng sẽ chẳng giúp gì được cho nó. - Tyler nghĩ. - Sẽ chỉ khiến nó mua ma tuý nhiều hơn mà thôi. Y tự hỏi không biết Woody sa vào nghiện ngập từ đâu Tyler quay sang em gái. Kendall trông sáng sủa và thành công, nó đã phấn đấu hết khả năng. Marc ngồi bên em gái y, đang kể một giai thoại vui về ai đó cho Peggy nghe. Tay nầy thật hấp dẫn, quyến rũ. Nhưng tiếc rằng đã có vợ. Và rồi đến Peggy. Y nghĩ đến cô em dâu với cái tên Peggy đáng thương. Sao cô ấy có thể chịu đựng được Woody thì đến y cũng không thể hiểu nổi. Chắc hẳn cô ấy phải yêu Woody lắm. Thực sự là cô ấy chẳng thu được lợi lộc gì từ cuộc hôn nhân nầy. Y tự hỏi không biết những khuôn mặt kia sẽ ra sao nếu bây giờ y đứng lên tuyên bố rằng: Tôi là người kiểm soát hãng Stanford. Tôi đã giết cha, đã đào xác ông lên, và tôi đã thuê người đóng giả cô em gái cùng cha khác mẹ của chúng ta. Y mỉm cười với ý nghĩ đó. Thật khó mà giữ được một bí mật ngọt ngào như cái bí mật mà y đang cất giữ. Sau bữa trưa, Tyler đi về phòng và gọi điện lần nửa cho Lee. Không có tiếng trả lời. - Nó lại đi với ai rồi. - Tyler nghĩ, lòng đầy thất vọng - Nó không tin câu chuyện về cái du thuyền của ta. Được, ta sẽ chứng minh cho nó thấy. Khi nào thì cái di chúc chết tiệt đó được thi hành nhỉ? Ta phải gọi điện hỏi Fitzgerald, hoặc hỏi cái tay luật sư trẻ Steve Sloane ấy xem sao. Có tiếng gõ cửa. Đó là Clark: - Xin lỗi, thưa thẩm phán Stanford. Ngài có thư. Chắc là của Keith Perey chúc mừng mình đây. - Cám ơn, Clark! Y nhận chiếc phong bì. Nó đề nơi gửi là thành phố Kansas. Y nhìn bì thư một lúc, hơi bối rối, rồi mở ra đọc. "Thưa thẩm phán Stanford, Tôi nghĩ là ông cần biết rằng ông còn có một người em gái cùng cha khác mẹ. Cô ấy là con của Rosemary Nelson với cha ông. Cô ấy sống ớ đây, thành phố Kansas nầy. Địa chỉ của cô ấy là 1425 Đại lộ Melcalf phòng 3B, thành phố Kansas, bang Kansas. Tôi chắc là Julia sẽ rất vui nếu nhận được tin tức của ông Rất chân thành Một người bạn" Tyler nhìn chằm chằm vào lá thư, không tin nổi mắt mình, và cảm thấy ớn lạnh. - Không! - Y hét to - Không! Tôi không có! Không phải là lúc nầy. Có thể cô ta là kẻ giả mạo. Nhưng y lại có một cảm giác tệ hại rằng Julia nầy mới chính là thứ thiệt. Và giờ đây con chó đẻ bắt đầu đến đòi phần thừa kế của nó! Không, của mình. Tyler tự sửa. Phần tài sản đó không thuộc về nó. Ta không thể để nó tới đây. Nó sẽ phá hóng mọi việc. Ta sẽ phải giải thích thế nào về Julia kia… Y quyết tâm. - Không! Ta phải cho người "chăm sóc" nó mới được. Phải lẹ lên! Y với tay lấy điện thoại và quay số của Hal Baker. Chương 22 Bác sĩ da liễu lắc đầu. - Tôi đã từng gặp nhiều ca gần giống như của anh, nhưng nghiêm trọng đến mức nầy thì chưa bao giở. Hal Baker gãi tay rồi gật gật. - Ông Baker nầy, chúng tôi phán đoán có ba khả năng. Chỗ ngứa của ông có thể do một loạt nấm gây rà, cũng có thể do dị ứng, và cũng có thể do viêm dây thần kinh. Quan sát phần tế bào cạo ra ở tay ông, dưới kính hiền vi, cho thấy đó không phải do nấm. Mà ông đã nói rằng công việc của ông không phải tiếp xúc với hoá chất… - Đúng thế. - Vì thế, chúng tôi khu trú nguồn gốc căn bệnh lại thì thấy đó là bệnh viêm dây thần kinh khu vực… - Nghe ghê quá. Các bác sĩ có thể giúp gì cho tôi được không ạ? - Rất may là có thể. Bác sĩ lấy ra một tuýp thuốc trong chiếc tủ thuốc đặt ở góc phòng khám, và mở ra. - Tay anh còn ngứa không? Hal Baker lại gãi. - Thưa còn ạ. Có cảm giác râm ran như đặt tay trên đống lửa ạ. - Anh thử xoa kem nầy lên chỗ ngứa xem sao. Hal Baker bóp ra một ít kem và xoa lên bàn tay. - Nó như thần dược vậy. Hết ngứa ngay! - Baker thốt lên. - Tốt. Anh hãy đem về dùng đi, sẽ thấy đỡ thôi. - Cám ơn bác sĩ! Tôi không biết phải nói gì hơn, nó sẽ làm cho tôi đỡ phiền toái đi rất nhiều đấy ạ. - Tôi sẽ kê đơn thuốc cho anh. Anh có thể giữ luôn ống thuốc nầy. - Cám ơn bác sĩ. Trên đường lái xe về nhà, Hal Baker miệng hát nghêu ngao. Đây là lần đầu tiên kể từ lần gặp thẩm phán Tyler Stanford, tay hắn mới hết ngứa. Cảm giác sung sướng như vừa được trả tự do vậy. Vừa huýt sáo, hắn vừa cho xe vào ga-ra, rồi đi vào bếp. Helen đang chờ hắn. - Anh có điện thoại đấy. - Cô nói. - Một ông Jones nào đó. Ông ấy bảo là có việc gấp. Tay hắn lại bắt đầu ngứa râm ran. Hắn đã từng làm đau lòng một số người, nhưng hắn buộc phải làm thế chỉ vì tình yêu của hắn đối với các con. Hắn đã phạm một số tội nhưng cũng chỉ vì gia đình. Hal Baker không cho rằng mình thực sự có tội. Nhưng lần nầy thì khác. Lần nầy là một vụ giết người. Khi gọi lại cho người kia. Hắn đã thử phản đối: - Tôi không thể làm được việc đó, thưa ngài thẩm phán. Ngài phải tìm người khác thôi. Im lặng một lát rồi tiếp đến là câu: - Gia đình anh lúc nầy thế nào? * * * * * Chuyến bay tới thành phố Kansas thật không thanh thản. Thẩm phán Stanford đã ra chỉ thị chi tiết cho hắn. "Tên cô ấy là Julia Stanford. Anh đã có địa chỉ của cô ta rồi. Cô ấy không hề biết là anh sẽ xuất hiện. Tất cả những gì anh cần phải làm là tìm gặp và xử lý cô ta thôi". Hắn đáp taxi xuống khu vực trung tâm của thành phố Kansas. - Hôm nay trời đẹp quá!. - Anh tài xế nói. - Vâng! - Anh từ đâu đến? - Từ New York. Tôi sống ở đó. - Sống ở New York thì nhất rồi. - Vâng. Tôi phải sửa nhà. Anh lảm ơn cho tôi ghé đến một cửa hàng bán dụng cụ sửa chữa nhé. - Vâng. Năm phút sau, Hal Baker đã ở trong cửa hâng và nói với người bán hàng. - Tôi cần một con dao săn. - Chúng tôỉ có ngay. Mời ông đi theo lối nầy. Con dao rất đẹp, dài sáu inch, có đầu nhọn và hai cạnh răng cưa. - Con nầy được chưa? - Chắc được rồi. - Hal Baker trả lời. - Ông sẽ trả bằng tiền mặt hay séc. - Tiền mặt. Tiếp đó, hắn đến cửa hàng văn phòng phẩm. Hal Baker quan sát toà nhà số 1425 Đại lộ Metcalf trong năm phút, xem xét lối ra, lối vào. Sau đó hắn bỏ đi rồi quay lại vào lúc tám giờ tối. Hắn muốn ăn chắc, dù Julia có đi làm thì giờ nầy hẳn đã ở nhà rồi. Hắn biết rằng khu nhà nầy không có người gác cổng. Có thang máy, nhưng hắn đi cầu thang. Vì sẽ là không khôn ngoan nếu nhốt mình trong cái hộp sắt chật hẹp đó. Những nơi như thế giống như nhữug cái bẫy. Hắn lên đến tầng ba. Phòng 3B ở cuối hành lang về bên tay trái. Con dao giắt trong túi áo bên trong của chiếc áo khác ngoải. Hắn ấn chuông. Một lát sau, cửa mở, và hắn thấy mình đối diện với một phụ nữ trông khá hấp dẫn. - Chào anh! - Cô ta mỉm cười rất dễ thương. - Tôi có thể giúp gì? Cô ta trẻ hơn hắn tưởng tượng, và thoáng qua trong đầu hắn sự phân vân, không hiểu sao ngài thẩm phán Stanford lại muốn giết cô ta. Ô, nhưng đó không phải việc của mình. Hắn lấy ra tấm danh thiếp và đưa cho cô gái. - Tôi làm việc cho công ty A.C. Nielsen, - hắn nói trôi chảy. Chúng tôi đang tìm người cho công ty. Không biết ở đây có ai quan tâm không? Cô gái lắc đầu: - Không, cám ơn. - Cô đã chuẩn bị đóng cửa. - Chúng tôi trả một trăm đô la một tuần. Cánh cửa nửa khép nửa mở. - Một trăm đô la một tuần? - Vâng, thưa cô. Cửa mở hẳn ra. - Tất cả những gì cần làm chỉ là ghi lại toàn bộ các chương trình truyền hình mà cô theo dõi. Chúng tôi có hợp đồng một năm cho công việc nầy. Năm nghìn đô la! - Mời anh vào nhà. - Cô nói. Hắn đi vào. - Mời ngồi. - Tôi là Allen. Jim Allen. - Tại sao anh lại chọn tôi? - Công ty chúng tôi chọn người thường không theo dự định trước. Chúng tôi muốn chọn người chưa bao giờ làm gì liên quan đến truyền hình, để đảm bảo độ khách quan cho những điều tra của chúng tôi. Cô cũng chưa bao giờ có liên quan gì đến các chương trình hay kênh truyền hình nào chứ? Cô ta cười phá lên: - Chưa, chưa. Thế chính xác thì tôi phải làm gì? - Rất đơn giản thôi. Chúng tôi sẽ đưa cho cô một biểu ghi các chương trình truyền hình, và cô chỉ việc đánh dấu vào mỗi khi cô xem một chương trình. Nhờ thế, máy tính của chúng tôi sẽ thống kê được có bao nhiêu người xem mỗi chương trình đó. Người của công ty Nielsen rải khắp nước Mỹ nên chúng tôi sẽ có được một bức tranh rõ ràng về chương trình nào có nhiều khán giả nhất ở vùng nào và với đối tượng nào. Cô có tham gia được không? - Ồ được thôi. Hal Baker rút ra vài tờ biểu in sẵn và một chiếc bút. - Mỗi ngày cô xem vô tuyến mấy tiếng? - Không nhiều lắm. Tôi phải đi làm suốt ngày. - Nhưng cô vẫn xem chứ? - Vâng, tất nhiên. Tôi xem chương trình thời sự vào các tối đôi khi xem một bộ phim cũ. Tôi thích diễn viên Larry King. Hắn ghi chú vảo tờ biểu. - Cô có xem chương trình giáo dục nhiều không? - Tôi xem kênh PHS vào các chủ nhật. - Nhân tiện xin hỏi, cô sống một mình à? - Tôi sống cùng một người bạn nữa. Nhưng cô ấy đi vắng. - Ra cô ta không ở đây một mình. Tay hắn hắn lại bắt đầu ngứa. Đang định thọc tay vào túi áo lấy dao thì nghe thấy tiếng chân người đi ngoài hành lang, hắn dừng lại. - Có phải anh bảo tôi sẽ được trả năm nghìn đô la một năm chỉ để làm mỗi việc đó? - Đúng. Ôi, tôi quên chưa nói, chúng tôi còn biếu cô một chiếc vô tuyến màu nữa kia. - Tuyệt quá! Tiếng chân đã đi xa. Hắn lại cho tay vào túi áo, đã sờ thấy cán dao. - Cô làm ơn cho xin cốc nước, tôi đi cả ngày mệt quá. - Vâng. Hắn nhìn theo cô đứng dậy đi đến chiếc bàn nhỏ ở góc phòng, rút dao ra và đi theo tới sau cô ta. Cô vẫn tiếp tục nói: - Cô bạn tôi xem chương trình PHS nhiều hơn tôi. Hắn giơ dao lên, chuẩn bị đâm. - Nhưng Julia thông minh hơn tôi nhiều. Tay Baker cứng lại giữa chừng. - Julia? - Cô bạn cùng phòng của tôi ấy mà. Đúng ra là trước đây thì cùng ở với tôi. Còn bây giờ cô ấy đã bỏ đi. Lúc tôi về nhà thì thấy Julia để lại một tờ giấy báo là đã ra đi và chẳng nói khi nào sẽ… Cô quay lại, tay cầm cốc nước, và trông thấy con dao đang giơ lên trong tay hắn: - Cái gì? Cô hét lên. Hal Baker quay đi và chuồn thẳng. Hal Baker gọi điện cho Tyler Stanford - Tôi đã đến thành phố Kansas, nhưng cô ta đã đi rồi. - Anh nói gì, đi rồi à? Cô bạn cùng phòng với cô ta nói thế. Tyler im lặng giây lát rồi nói. - Tôi có cảm giác rằng cô ấy đang đến Boston. Tôi muốn anh quay về đây ngay. - Vâng, thưa ngài. Tyler Stanford đập mạnh điện thoại, đi đi lại lại bồn chồn. Mọi việc dường như đã rất hoàn hào rồi, thế mà… Phải tìm bằng được con nhỏ và thủ tiêu ngay. Nó như một quả bom nổ chậm. Cho dù y có chiếm được hết số tài sản đó, thì Tyler biết rằng y vẫn không thể sống yên được chừng nào cô ta còn sống. Ta phải tìm được nó, Tyler nghĩ. Ta phải tìm bằng được, nhưng biết ở đâu đây! Clark đi vào thưa. - Xin lỗi, thưa ngài Stanford. Có cô Julia Stanford đến gặp ngài. Chương 23 Chính vì Kendall mà Julia quyết định đến Boston. Một hôm, trên đường đi ăn trưa về, Julia tạt qua một cửa hàng thời trang đắt tiền và thấy trên cửa kính có bày một bộ váy áo do chính Kendall thiết kế. Julia ngắm chiếc váy một lúc lâu và nghĩ. Đó là chị gái mình. Mình không thể trách chị ấy về nhưng gì đã xảy ra cho mẹ mình. Và mình cũng không thể trách các anh của mình. Và bỗng dưng nàng thấy tràn ngập một khao khát được gặp họ, được nhìn thấy họ, được nói chuyện với họ, được có một gia đình. Khi Julia về văn phòng, nàng bảo với Max Tolkin rằng mình muốn đi nghỉ vài ngày. Nàng dụt dè đề nghị. - Tôi muốn lĩnh lương trước có được không? Tolkin mỉm cười. - Được chứ. Cô sắp đi nghỉ. Đây tiền của cô. Chúc cô vui vẻ! Không biết mình có được vui vẻ không? - Julia phân vân - Hay là mình đang phạm phải một sai lầm lớn? Julia về nhà, Sally vẫn chưa thấy đâu. Mình không thể đợi cô ấy về - Julia quyết định. Nếu không đi ngay, thì mình sẽ không bao giờ đi được nữa. Nàng đóng gói đồ rồi viết mấy chữ để lại cho Sally. Trên đường ra xe buýt, Julia lại nghĩ: Mình đang làm gì thế nầy? Tại sao mình lại quyết định ngay như vậy? Nhưng rồi nàng lại quyết tâm - Vội vàng ư? Không, phải mất mười bốn năm rồi mình mới có ngày hôm nay. Thế là lòng nàng lại tràn ngập sự phấn khích. Không biết gia đình nàng thế nào? Nàng biết một trong hai anh của mình là thẩm phán, người anh kia là một cầu thủ polo có tiếng, còn chị gái nàng cũng nổi tiếng là một nhà tạo mốt độc đáo. Đó là một gia đình thành đạt, Julia nghĩ, còn ta là ai? Hy vọng rằng mọi người sẽ không khinh rẻ mình. Chỉ nghĩ đến những gì đang đợi mình ở phía trước cũng khiến cho tim Julia đập gấp. Nàng đáp chuyến xe buýt Greyhound và thế là đã ở trên đường đi Boston rồi. Khi xe đến bến xe phía Nam ở Boston, Julia gọi taxi. - Đi đâu thưa cô? - Tài xế hỏi. Và Julia bỗng mất hết tinh thần. Nàng định nói là về Rose Hill, thì nói: - Tôi không biết. Người lái xe quay lại nhìn nàng: - Xì tôi cũng không biết. - Anh có thể cho tôi đi vòng vòng được không? Tôi chưa bao giờ đến Boston cả. Anh ta gật đầu. - Được thôi Họ đi về phía tây, dọc phố Mùa Hạ cho tới khi đến công viên Common Boston. Người lái xe nói. - Đây là công viên cổ nhất nước Mỹ đấy. Xưa lia người ta hường dùng nơi nầy làm pháp trường treo cổ phạm nhân. Và Julia tưởng như đang nghe thấy tiếng mẹ vọng về Mẹ thường dẫn các con ra công viên Common vào mùa đông để trượt tuyết. Woody là một vận động viên bẩm sinh đấy. Julia, mẹ ước gì con gặp anh ấy. Anh ấy là một cậu bé rất đẹp trai. Mẹ vẫn thường nghĩ rằng anh ấy sẽ là người thành đạt nhất trong gia đình. Dường như mẹ đang ở bên cô, chia sẻ phút giây khó khăn nầy. Họ đi đến phố Charles, tới cánh cồng đi vào Công viên Public. Người lái xe nói. - Hãy nhìn những chú vịt con bằng đồng kỳa! Tin hay không cũng được, chúng đều có tên riêng đấy. Mẹ thường đưa bọn trẻ đi picnic ở công viên Public. Ở cổng vào có tượng những con vịt con bằng đồng rất ngộ nghĩnh. Chúng có tên là Jack, Kack, Lack, Mack, Nack, Ouack, Pack và Quack. Julia vẫn từng rất thích những cái tên nầy nên thường bắt mẹ kề đi kể lại không biết bao nhiêu lần. Nàng nhìn vảo đồng hồ đo đường. Đi thế nầy tốn kém quá. - Anh có thể chỉ cho tôi một khách sạn nào rẻ tiền không? - Được ngay. Đến khách sạn Copley Square nhé? - Vâng, hãy đưa tôi đến đó đi. - Vâng. Năm phút sau, họ đã ở trước cửa khách sạn. - Chúc cô vui vẻ ở Boston nhé. - Cám ơn anh. Liệu mình có được thưởng thức Boston không, hay sẽ là một tai hoạ đây? - Julia trả tiền taxi rồi đi vào khách sạn. Nàng tiến đến hỏi người nhân viên đứng sau quầy tiếp đón. - Xin chào, - anh ta nói. - Chị cần gì - Tôi muốn thuê một phòng. - Phòng đơn ạ? - Vâng. - Chị sẽ ở đây bao lâu? Cô lưỡng lự. Một giờ? Hay mười năm? - Tôi chưa biết. - Được ạ Anh ta kiểm tra nơi đề chìa khoá. - Tôi có một phòng đơn xinh xắn cho chị ở tầng bốn. - Cám ơn! Nàng ký vào tờ đăng ký tên: Julia Stanford. Người nhân viên đưa cnìa khoá cho nàng: - Chìa khoá của chị đây. Chúc chị nghỉ ngơi vui vẻ. Căn phòng nhỏ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Ngay khi Julia dỡ đồ xong, nàng gọi cho Sally. - Julia đấy à? Chúa ơi! Cậu đang ở đâu vậy? - Mình đang ở Boston. - Cậu ổn không? - Sally hét lên do không kỳm được. - Ổn. Sao cơ? - Có người đến đây tìm cậu, và mình nghĩ rằng hắn ta muốn giết cậu. - Cậu nói gì thế? - Hắn cầm dao và… cậu phải thấy mặt hắn lúc đó cơ? - Sally dừng lại để thở. - Khi hắn biết mình không phải là cậu, liền chuồn ngay. - Mình không tin được! Hắn ta nói là người của công ty A.C Nielsen, nhưng khi mình gọi điện hỏi thì họ nói rằng chưa bao giờ họ nghe cái tên ấy! Cậu có biết ai định hại mình không? - Tất nhiên là không mà, Sally! Đừng có ngớ ngẩn! Thế cậu có báo cảnh sát không? - Mình báo rồi. Nhưng họ chẳng làm được gì nhiều ngoài việc dặn mình cẩn thận hơn. - Ừ mình vẫn khoẻ, đừng lo cho mình. Cô nghe thấy Sally thở phào. - Được! Chừng nào cậu còn được yên ổn. Julia ơi? - Gì thế? - Cậu phải thận trọng nhé. - Tất nhiên rồi. Sally lại tưởng tượng rồi! Ai thèm giết mình chứ. - Cậu định bao giờ thì trở về? Vẫn câu hỏi giống người nhân viên đã hỏi: - Chưa biết. - Cậu đến đó để gặp gia đình phải không? - Ừ! - Chúc may mắn nhé. - Cám ơn, Sally. Chúng mình sẽ gọi điện cho nhau nhé. Julia dập máy. Nàng đứng đó, phân vân không biết nên làm gì tiếp theo. Nếu tỉnh táo, thì nên đáp xe trở về nhà. Mình đã đợi bao lâu nay. Chẳng lẽ đến Boston chỉ để ngắm cảnh. Không. Mình đến đây để gặp gia đình. Mình có nên đi gặp họ không? Không. Có… Nàng ngồi ở mép giường, đầu óc rối mù. Thế nếu họ ghét mình thì sao? Mình không được nghĩ đến điều đó. Họ sẽ yêu thương mình và mình cũng sẽ yêu thương họ. Nàng nhìn vào máy điện thoại và nghĩ… Có lẽ mình nên gọi điện thoại cho họ. Không. Làm thế biết đâu họ lại sẽ không muốn gặp mình nữa. Nàng đi đến bên tủ quần áo và chọn một bộ đẹp nhất. - Nếu bây giờ không làm thì sẽ không bao giờ làm được nữa - Julia quyết định. Ba mươi phút sau, nàng đã ngồi trên taxi tới Rose Hill để gặp gia đình. Chương 24 Tyler chằm chằm nhìn Clark với vẻ sửng sốt: Julia Stanford… đến à? - Vâng, thưa ngài. Giọng người quản gia hơi bối rối. - Nhưng không phải cô Stanford hôm trước. Tyler cố nở một nụ cười. - Tất nhiên không phải rồi. Tôi e rằng đó là một kẻ mạo danh. - Kẻ mạo danh ạ? - Ừ! Thiếu gì những kẻ như vậy, hả Clark. Tất cả đều đòi quyền được chia thừa kế. - Thật kinh khủng, thưa ngài. Tôi gọi cảnh sát nhé? - Thôi! - Tyler nói ngay. Đó là điều cuối cùng mà y muốn. - Tôi sẽ giải quyết. Hãy đưa cô ta vào thư viện. - Vâng, thưa ngài. Đầu óc Tyler hoạt động rất nhanh. Thế là Julia Stanford thật cuối cùng cũng lộ ra. May sao lúc nầy không có ai ở nhà. Y phải thủ tiêu cô ta ngay tửc thì. Tyler đi vào thư viện. Julia đang đứng ở giữa phòng, ngắm bức chân đung Harry Stanford. Tyler đứng lại quan sát kỹ người phụ nữ. Cô ấy rất đẹp. Thật đáng tiếc phải… Julia quay lại và trông thấy y: - Chào anh! - Xin chào! - Anh là Tyler? - Đúng. Còn cô là ai? Nụ cười của nâng tắt ngấm. Chẳng lẽ… - Tôi là Julia Stanford. - Thật sao? Xin lỗi cho tôi hỏi, nhưng cô có bằng chứng gì chứng tỏ cô là Julia Stanford không? - Bằng chứng… ồ, có… tôi… đó là… không có bằng chứng nào hết. Tôi chỉ cho rằng… Y tiến đến gần cô hơn. - Làm sao bỗng dưng cô lại đến đây? - Tôi quyết định rằng đã đến lúc gặp gia đình của mình. - Sau hai mươi sáu năm? - Vâng. Nhìn, nghe cô gái nói, Tyler không nghi ngờ gì. Cô ta chân thực, nguy hiểm, và cần phải loại bỏ ngay. Tyler cố mỉm cười. Được cô có thể tưởng tượng được cú sốc nầy đối với tôi không? Tôi muốn nói về sự xuất hiện đột ngột của cô và… - Tôi biết. Tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi phải gọi điện trước. Tyler hỏi vội: - Cô đến Boston một mình à? - Vâng! Đầu óc Tyler hoạt động cật lực: - Có ai biết cô ở đây không? - Không. À, có, có cô bạn củng phòng của tôi tên là Sally ở Kansas City. - Cô nghỉ ở đâu? - Khách sạn Copley Square. - Đó là một khách sạn xinh xắn. Cô ở phòng nào? - Phòng 419. Được rồi. Bây giờ cô quay về khách sạn đi và đợi ở đó nhé. Tôi muốn báo trước cho Woody và Kendall. Họ cũng sẽ rất ngạc nhiên như tôi vậy. - Tôi xin lỗi. Đáng ra… - Không sao. Bây giờ chúng ta đã gặp nhau rồi, mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi. - Cám ơn anh, Tyler! - Đón mừng em. - Suýt nữa thì y nghẹn lời. - Julia, Để anh gọi taxi cho. Năm phút sau, nàng đi khỏi Rose Hill. * * * * * Hal Baker vừa về đến khách sạn của hắn ở khu trung tâm Boston thì có điện thoại gọi. Hắn nhấc lên nghe. - Hal đấy hả? - Tôi xin lỗi. Tôi chưa thu được tin gì mới cả, thưa ngài thẩm phán. Tôi đã lùng sục tất cả thành phố rồi. Tôi cũng đã ra sân bay và… - Cô ta ở đây rồi, thằng ngu ạ! - Cái gì? - Cô ta đã đến Boston rồi. Hiện đang ở khách sạn Copley Square, phòng 419. Tôi muốn thanh toán ngay đêm nay. Và tôi muốn không một, sai lầm nào nữa, hiểu không? - Những gì đã xảy ra không phải lỗi… - Hiểu không? - Có thưa ngài. - Thế thì làm đi! Tyler dập máy không thương tiếc. Rồi y đi tìm Clark. - Clark nầy, về chuyện cô gái mạo nhận làm em tôi ấy mà? - Vâng, thưa ngài, sao ạ? - Tôi sẽ không kể cho mọi người trong nhà đâu. Nó chỉ làm họ buồn thôi. - Tôi hiểu, thưa ngài. Ngài thật chu đáo. Julia đi bộ đến khách sạn Ritz - Carton để ăn tối. Khách sạn nầy thật sạch, đẹp, đúng như mẹ nàng thường kể. Mỗi chủ nhật, mẹ thường dẫn bọn trẻ đến đó để ăn bữa tối. Julia ngồi ở bàn ăn, hình dung ra mẹ đang ngồi bên, cùng với Tyler, Woody và Kendall hồi còn nhỏ. Giá mà mình được lớn lên cùng các anh chị. - Julia nghĩ. Nhưng dù sao thì bây giờ mình cũng đã gặp lại họ rồi. Nàng không biết mẹ có đồng tình với những gì nàng đang làm không. Julia lại trở về với ý nghĩ về sự tiếp đón của Tyler. Anh ấy có vẻ… lạnh nhạt. Nhưng điều đó cũng tự nhiên thôi - Julia nghĩ - Một kẻ lạ mặt đột nhiên xuất hiện và nói "Tôi là em gái anh" như thế. Tất nhiên anh ấy phải nghi ngờ. Nhưng mình tin rằng mình có thể thuyết phục được họ. Khi hoá đơn đưa đến, Julia giật mình. Mình phải thận trọng. - nàng nghĩ, - nếu không sẽ chẳng còn tiền mà quay về Kansas nữa. Khi ra khỏi khách sạn Ritz - Carlton, một chiếc xe du lịch trong thành phố đỗ ngay trước cổng khách sạn đang chuẩn bị chuyển bánh. Ngay lập tức nàng quyết định lên xe. Nàng muốn đi thăm nơi mẹ đã từng sống, càng nhiều càng tốt. Hal Baker đi dọc hành lang khách sạn Copley Square, như một người khách, và leo cầu thang lên tầng bốn. Lần nầy không thể sai sót được. Phòng 419 ở giữa hành lang. Hal Baker đảo mắt khắp chung quanh để xem chắc chắn không có ai thì mới hành động. Hắn gõ cửa, không có tiếng trả lời. Hắn gõ tiếp: - Cô Stanford? - Vẫn không có tiếng trả lời. Hắn lấy từ trong túi ra một hộp đồ nghề nhỏ và chọn một chiếc kẹp. Chỉ vài giây là hắn đã mở được cửa. Hal Baker bước vào phòng đóng cửa lại. Căn phòng không có ai. - Cô Stanford? Hắn đi vào nhà tắm. Không có ai. Hắn quay lại phòng ngủ. Hắn rút ra một con dao, kéo ghế lại sau cửa và ngồi đợi trong bóng tối. Một tiếng sau hắn nghe thấy tiếng chân người đang đi về. Hal Baker đứng phắt dậy, nấp sau cửa, dao cầm sẵn trong tay. Hắn nghe thấy tiếng chìa khoá xoay trong ổ, và cánh cửa mở ra. Hắn giơ cao dao lén khỏi đầu sẵn sàng đâm. Julia Stanford bước vào, bật đèn. Hắn nghe thấy cô nói. - Thôi được. Mời vào. Một đám đông phóng viên ùa vào phòng. Chương 25 Chính Gordon Wellman, người quản lý ca đêm của khách sạn Copley Square, đã vô tình cửu sống Julia. Tối hôm đó, ông ta đến nhận ca làm việc lúc sáu giờ tối và như thường lệ ông kiểm tra sổ sách đăng ký khách sạn. Khi thấy tên Julia Stanford, ông nhìn chằm chằm, đầy kinh ngạc. Từ khi Harry Stanford chết, báo chí đẩy ắp những câu chuyện về gia đình Stanford. Họ bới cả vụ tai tiếng từ xa xưa của ông chủ Stanford với cô gia sư của bọn trẻ trong nhà, rồi vụ tự tử của vợ Stanford. Harry Stanford có một đứa con ngoài gia thú tên là Julia. Có tin đồn rằng cô ta đã bí mật đến Boston. Thế mà báo chí từng đưa tin, sau khi mua một loạt đồ sang trọng, cô ta đã bay sang Nam Mỹ rồi. Giờ đây có vẻ là cô ta đã trở về. Và lại đang ở ngay trong khách sạn của mình! Gordon Wellman nghĩ lòng đầy phấn chấn. Ông ta quay sang người nhân viên tiếp đón. - Cậu có biết vụ nầy sẽ làm cho khách sạn của chúng ta nổi tiếng thế nào không? Một phút sau Gordon Wellman đã đang nói chuyện điện thoại với báo chí. Khi Julia đi chơi về thì hành lang đã đầy các phóng viên đang nóng lòng chờ đợi nàng. Vừa bước vào hành lang, nàng đã bị họ vây kín. - Thưa cô Stanford! Tôi từ báo Boston Globe. - Chúng tôi đang chờ cô, nhưng nghe nói cô đã rời khỏi thành phố. Cô có thể kể cho chúng tôi? Một ống kính truyền hình chĩa thẳng vào nàng. - Thưa cô Stanford? Tôi ở hãng truyền hình WCVB-TV. Chúng tôi muốn cô nói đôi lời… - Thưa cô Stanford! Tôi từ báo Boston Phoenix. - Chúng tôi muốn biết phản ửng của cô đối với… - Hãy nhìn vào đây, cô Stanford? Cười lên nào! - Cám ơn. Đèn chớp lia lịa. Julia đứng đó, quá bối rối. - Ôi lạy Chúa, - nàng nghĩ - có khi mọi người trong gia đình lại cho rằng mình là đứa thích nổi danh. Cô quay sang các phóng viên. - Xin lỗi! Tôi không có gì để nói cả. Cô trốn vào thang máy. Họ ùa vào theo Tạp chí People muốn làm một phóng sự về cuộc đời cô và cảm nghĩ của cô về việc là một người lạ, xa cách gia đình trong hai mươi nhăm năm như thế nào. - Chúng tôi nghe nói cô đã đi Nam Mỹ - Cô có định ở lại, sống tại Boston không? - Tại sao cô không ở Rose Hill? Nàng ra khỏi thang máy khi lên đến tầng tư và vội vã đi dọc hành lang. Họ theo bén gót chân nàng. Không có cách nào đề thoát được họ. Julia lấy chìa khoá phòng và mở cửa. Nàng bước vào phòng và bật đèn. - Thôi được. Mời vào. Nấp sau cánh cửa, Hal Baker quá kinh ngạc, tay vẫn cầm dao, đang giơ lên. Khi các phóng viên xô phải hắn thì hắn nhanh tay dấu ngay dao đi và lẩn vào đám đông. Julia quay ra các phóng viên: - Được rồi. Nhưng tôi chỉ trả lời từng câu một thôi Tức tối, Baker đi lùi ra cửa rồi biến mất. Thẩm phán Stanford sẽ tiếp tục không hài lòng. Trong ba mươi phút, Julia cố gắng lần lượt trả lời từng câu hỏi. Cuối cùng mọi người cũng về hết. Julia khoá cửa và đi ngủ. Sáng hôm sau, các hãng truyền hình và báo chí đã đưa tin ầm ầm về Julia Stanford. Tyler đọc báo và nổi giận. Woody và Kendall cũng vậy. - Những điều ngớ ngẩn về người phụ nữ tự nhận là Julia Stanford nầy là thế nào nhỉ? - Woody hỏi. - Cô ta mạo nhận đấy mà, - Tyler lấp liếm. - Hôm qua cô ta đến đây, đòi tiền và anh đã bảo khéo cô ta đi. Không ngờ cô ta lại làm ầm ĩ một cách rẻ tiền đến như thế. Đừng lo. Anh sẽ giải quyết. Y gọi điện cho Simon Fitzgerald. - Ông có xem báo sáng nay không? - Có. - Con lừa đảo nầy sẽ đi khắp thành phố rêu rao rằng nó là em chúng tôi. Fitzgerald nói. - Anh có muốn tôi báo họ bắt cô ta không? - Không! Chỉ càng làm nổi đình đám thêm thôi. - Tôi chỉ muốn anh đưa cô ta đi khỏi thành phố nầy. - Được rồi. Tôi sẽ lo. - Cám ơn anh. Simon Fitzgerald gọi Steve Sloane đến. - Có một vấn đề, - Ông ta nói. Steve gật đầu. - Tôi biết rồi. Sáng nay tôi đã đọc các báo và nghe tin tức rồi. Cô ta là ai nhỉ? - Rõ ràng có người nghĩ rằng cô ta cố tình muốn nhòm ngó tài sản của gia đình nầy. Thẩm phán Stanford muốn chúng ta đưa cô ta ra khỏi thành phố. Anh có muốn giải quyết không? - Sẵn sàng thôi. - Steve nói, buồn bã. Một giờ sau, Steve gõ cửa phông Julia. Khi nàng mở cửa, nhìn thấy Steve, liền nói ngay: - Tôi xin lỗi. Tôi sẽ không tiếp bất cứ phóng viên nào nữa đâu. Tôi… - Tôi không phải là phóng viên. Tôi vào được không? - Anh là ai? - Tên tôi là Steve Sloane. Tôi làm việc ở hăng luật, đại diện quản lý tài sản nhà Harry Stanford. - Ồ thế à. Vâng. Mời anh vào. Steve vào phòng. - Có phải cô bảo với các phóng viên mình là Julia Stanford không? - Tôi phải nói rằng tôi đã bị họ tấn công. Tôi không hề trông chờ họ, thế mà, anh thấy đấy… - Nhưng cô đã thực sự nói rằng cô là con gái của Harry Stanford phải không? - Vâng. Tôi là con gái ông ta. Anh nhìn nàng và hỏi, đầy nghi ngờ. - Tất nhiên là cô cỏ bằng chứng chứ. - Ồ không! - Julia nói chậm chạp - Tôi không có. - Nào! - Steve kiên nhẫn - Cô hẳn phải có bằng chứng gì chứ. - Anh định lật tẩy trò nói dối của nàng. - Tôi không có gì cả. - Nàng vẫn không nói gì hơn. Anh quan sát nàng kỹ hơn và thấy ngạc nhiên. Nàng không giống như anh hình dung trên đường tới đây. Nàng toát ra vẻ chân thực, không giả tạo. Cô ta dường như rất thông minh. Làm gì có chuyện cô ta ngôc nghếch đến nỗi tới đây nhận là con gái Harry Stanford mà không có bằng chứng gì? - Thế thì quá bất lợi - Steve nói. - Thẩm phán Tyler Stanford muốn cô đi khỏi thành phố nầy. Julia tròn mắt: - Cái gì? - Đúng thế. - Nhưng… tôi không hiểu. Tôi còn chưa được gặp hai anh chị kia. Thế là cô ta vẫn cố mù quáng mà đeo đuổi chuyện nầy. - Steve nghĩ. - Nghe nầy, tôi không biết cô là ai, hay cô đang chơi trò gì, nhưng cô có thể bị bỏ tù vì điều nầy đấy. Chúng tôi cho cô một cơ hội. Những gì cô đang làm là trái với pháp luật. Cô được lựa chọn. Hoặc là cô đi khỏi thành phố và chấm dứt không quấy rối gia đình nầy nữa, hoặc là chúng tôi sẽ phải bắt cô. Julia sửng sốt. - Bắt? Tôi… tôi không biết nói thế nào. - Đó là tuỳ cô quyết định. - Thậm chí họ không thèm gặp tôi nữa? - Julia hỏi, lòng tê tái. - Hãy đừng nghĩ ngợi gì quá nhiều. Cô thở nặng nhọc: - Được. Nếu họ đã muốn vậy thì tôi sẽ quay về Kansas. Tôi hứa với anh, họ sẽ không bao giờ nghe thấy điều gì về tôi nữa. Kansas? Cô đi cả quãng đường dài như vậy để làm cái trò vớ vẩn nầy ư. - Thế là rất thông minh. - Anh đứng đó một lát, nhìn cô, bối rối: - Thôi, tạm biệt cô! Cô không đáp lại. Steve về văn phòng gặp Simon Fitzgerald. - Anh đã gặp cô ta chưa, Steve? Rồi! Cô ấy sẽ bỏ đi. - Anh dường như lơ đãng. - Tốt. Tôi sẽ báo lại cho thẩm phán Stanford. Anh ta sẽ hài lòng. - Ông có biết cái gì làm tôi thấy lấn cấn trong lòng không, Simon? - Cái gì? - Con chó vẫn chưa sủa. - Làm ơn nhắc lại! - Trong chuyện về Sherlock Holmes ấy mà. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cái chưa xảy ra. - Steve, thế thì có liên quan gì với… - Cô ấy đến đây không mang theo bằng chứng gì. Fitzgerald nhìn Steve bối rối. - Tôi không hiểu. Điều đó nói lên cái gì, theo anh? - Tại sao cô ấy đến đây, xa xôi như vậy, từ tận Kansas, để nhận là con gái Harry Stanford, thế mà không có một thứ gì để làm bằng chứng cả? - Thiếu gì kẻ ngu ngốc như thế hả Steve. Cô ấy không ngu ngốc đâu. Ông phải gặp cô ấy cơ Và còn vài điều nữa làm tôi áy náy, Simon ạ. - Cái gì? Xác Harry Stanford bị mất tích. Khi tôi tìm gặp Dmitri Kaminsky, nhân chứng duy nhất về tai nạn của ông ta, thì anh ta cũng biến mất… Và dường như không ai biết cô Julia Stanford thứ nhất hiện nay ở đâu. Simon Fitzgerald nhíu mày: - Anh đang nói gì vậy? Steve nói chậm rãi. - Có điều gì đó đang diễn ra cần phải lý giải. Tôi sẽ đến gặp cô ta một lần nữa. Steve Sloane đến khách sạn Copley Square và hỏi nhân viên trực. - Anh làm ơn gọi cho cô Stanford được không? Người nhân viên nhìn lên. - Ồ tôi xin lỗi. Cô Stanford đã đi khỏi đây rồi. Cô ấy có để lại địa chỉ không? - Không, thưa ngài. Steve đứng đó, bực bội. Anh không làm gì hơn được nữa. - Ồ có thể mình sai thì sao, - anh nghĩ một cách tỉnh táo. - Biết đâu cô ta cũng chỉ là một kẻ giả mạo thì sao. Giờ thì chúng ta không thể biết gì hơn nữa. Anh quay đi. Người gác cửa đang đưa một đôi ra taxi. - Xin lỗi, cho hỏi. - Steve nói. Người gác cửa quay ra. - Ngài cần taxi à? - Không, tôi muốn hỏi anh một câu. Sáng nay anh có thấy cô Stanford đi ra khỏi khách sạn không? - Có chứ. Ai chả nhìn theo cô ấy. Đó quả là một người nổi tiếng. Tôi còn gọi taxi cho cô áy nữa. - Anh không biết cô ấy đi đâu, đúng không? - Anh nhận thấy mình đang nín thở. Biết chứ. Tôi còn bảo tài xế đưa cô ấy tới đâu mà. - Đó là đâu vậy? Steve hỏi liền. Tới bến xe buýt Greyhound ở ga phía Nam. Tôi thấy cũng lạ khi một người giàu như thế mà lại… - Tôi cũng cần một taxi ngay bây giờ. Steve đi giữa đám đông hành khách ở bến xe buýt Greyhound, mắt đảo lia lịa, tìm kiếm. Không thấy Julia đâu cả. Cô ấy đi rồi, Steve buồn rầu nghĩ. Tiếng loa phát thanh bỗng vang lên, báo về các xe buýt chuẩn bị rời bến. Anh nghe thấy "… và Kansas City," thế là lao vội đến cửa lấy khách. Julia đang chuẩn bị bước lên xe. - Dừng lại? - Anh gọi. Nàng giật mình, quay lại Steve chạy đến bên. - Tôi muốn nói chuyện với cô. Nàng nhìn anh, giận dữ. - Tôi không cờn gì để nói với anh nữa. Và nàng quay ngoắt đi. Anh vồ lấy tay nàng: - Hượm đã! Chúng ta thực sự cần phải nói chuyện với nhau. - Xe tôi sắp chạy rồi. - Sẽ còn xe khác. Nhưng hành lí của tôi để trên xe. Steve quay sang nhân viên khuân vác. - Người phụ nữ nầy sắp sinh con. Hãy lấy ngay hành lý của cô ấy ra khỏi đây. Nhanh lên. Người phụ khuân vác nhìn Julia ngạc nhiên. - Vâng! - Rồi anh ta hối hả mở khoang để hành lý -Cái nào của bà? Julia quay sang Steve, bối rối. - Anh cô biết anh đang làm gì không? - Không! - Steve trả lời. Nàng nhìn anh giây lát, rồi quyết định chỉ vào hành lí: - Cái nầy. Người khuân vác lôi vali ra. - Cô có cần tôi gọi xe cấp cửu hay sự giúp đỡ nào không? - Không, cám ơn anh. Tôi sẽ ổn thôi. Steve nhấc va li lên rồi họ cùng nhau đi ra. - Cô ản sáng chưa? - Tôi không đói. - Nàng đáp lạnh lùng. - Cô nên ăn gì đó. Bây giờ cô phải ăn cho hai người rồi. Anh cười. Nụ cười đầu tiên trong hai ngày qua. Họ ăn sáng ở khác sạn Julien. Julia ngồi đối diện Steve, toàn thân nàng cứng lại vì giận dữ. Sau khi gọi món, Steve nói. - Tôi muốn biết vài điều. Cái gì làm cho cô nghĩ rằng có thể nhận được một phần tài sản của nhà Stanford khi không có bằng chứng gì xác minh về thân thế. Nàng nhìn anh đầy khó chịu. - Tôi không đến đó để đòi tài sản. Cha tôi chắc sẽ chả đề lại gì cho tôi cả. Tôi chỉ muốn gặp gia đình. Nhưng rõ ràng là họ không muốn gặp tôi. - Cô có tài liệu nào… hay bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ cô là ai không? Cô nhớ đến hộp tư liệu ở nhà, và lắc đầu. - Không. Không cỏ gì. - Tôi muốn cô nói chuyện với một người. Đây là Simon Fitzgerald. - Steve lương lự - Ừ… Julia Stanford. - Anh ngập ngừng giới thiệu. Fitzgerald nói một cách nghi ngại. - Mời cô ngồi. Julia ngồi mớm xuống ghế, chỉ chực đứng dậy để đi. Fitzgerald nhìn cô gái chăm chú. Cô ta có đôi mắt xám của nhà Stanford, nhưng nhiều người khác cũng có như thế. - Cô nhận là con gái của Rosemary Nelson? - Tôi không nhận gì cả. Tôi là con gái của Rosemary Nelson! - Thế mẹ cô đâu? Mẹ tôi mất cách đây mấy năm rồi. - Ôi tôi xin lỗi. Cô có thể kể với chúng tôi về mẹ cô được không? Không! - Julia nói. - Tôi không nên nói thì hơn. Nàng đứng lên. - Tôi muốn đi khỏi đây. Nghe nầy, chúng tôi muốn giúp đỡ cô mà. - Steve nói. Nàng quay sang anh. - Thế à? Gia đình tôi không muốn nhìn thấy tôi. Còn anh muốn giao tôi cho cảnh sát. Tôi không cần loại giúp đỡ đó. Nàng bắt đầu đi ra cửa. Steve nói: - Đợi đã! Nếu cô đúng là người như cô nói, thì cô hẳn phải có cái gì đó có thể chứng minh chứ?. - Tôi đã nói rồi, tôi không có gì cả. - Julia nói. - Mẹ tôi đã hoàn toàn tuyệt giao với Harry Stanford. - Trông mẹ cô như thế nào? - Simon Fitzgerald hỏi. - Bà rất đẹp. - Julia nói. - Giọng bà ấm áp. Bà là người đáng yêu nhất… - Nàng bỗng nhớ ra điều gì. - Tôi có một bửc ảnh của bà. - Nàng lấy ở cồ ra một chiếc lắc vàng hình quả tim và đưa cho Fitzgerald. Ông nhìn cô giây lát, rồi mở ra. Một bên có bức ảnh chân dung Harry Stanford và bên kia là Rosemary Nelson. Có dòng chữ khắc TẶNG R. BẰNG CẢ TÌNH YÊU H.S. 1969 Simon Fitzgerald chăm chú nhìn chiếc lắc một lúc lâu. Khi ngẩng lên, giọng ông khàn đi. - Chúng tôi nợ cô một lời xin lỗi, cô gái thân yêu. Rồi ông quay sang Steve. - Đây chính là Julia Stanford. Chương 26 Kendall không thể quên được câu chuyện với cô em dâu Peggy dường như không thể chịu đựng được tình trạng đó một mình - Woody đã rất cố gắng… - Ôi! Tôi yêu anh ấy nhiều lắm. Cậu ấy cần giúp đỡ nhiều - Kendall nghĩ - Mình phải làm gì đó. Cậu ấy là em trai mình. Mình phải nói chuyện với cậu ấy. Kendall đi tìm Clark. - Ông Woodrow có nhà không? - Có, thưa bà. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang ở phòng riêng. - Cám ơn. Nàng nghĩ đến cảnh diễn ra bên bàn ăn và khuôn mặt bầm tím của Peggy. Chuyện gì vậy? Tôi va phải cửa ra vào. Lần nầy cô ấy sẽ chịu đựng mọi chuyện như thế nào đây? Kendall lên gác, gõ cửa phòng Woody. Không có tiếng trả lời. - Woody? Nàng mở cửa, bước vào. Mùi hạnh nhân đắng tràn ngập phòng. Kendall đứng đó một lát rồi đi về phía buồng tắm. Nàng nhìn thấy Woody qua cánh cửa khép hờ. Cậu ta đang đun heroin trên một miếng nhôm. Khi nó đã nóng chảy ra, nàng thấy Woody hít hơi khói xông lên bằng một chiếc ống ngậm ở miệng. Kendall bước vào. - Woody? Gã quay ra cười ngoác miệng: - Chào, bà chị thân yêu! Rồi lại cúi đầu hít tiếp. - Vì Chúa! Em dừng lại đi. Hey, hãy thư giãn đi. Chị có biết cái nầy gọi là gì không - Đuôi rồng. Chị có nhìn thấy con rồng khói đang bay lên nầy không? - Gã mỉm cười sung sướng. - Woody, để chị nói đã. - Tất nhiên rồi, bà chị. Em có thể giúp gì cho chị được? Em biết vấn đề không phải là tiền. Chúng mình đều là các tỉ phú mà! Sao hôm nay trông chị ủ dột vậy? Mặt trời đã lên và sẽ là một ngảy đẹp trời? - Mắt gã sáng lên. Kendall đứng đó, nhìn em trai, lòng đầy xót xa. - Woody, chị đã nói chuyện với Peggy. Cô ấy đã kể cho chị nghe em bị nhiễm thuốc ở bệnh viện như thế nào. Gã gật đầu: - Ừ! Đó là điều tuyệt diệu nhất đã xảy ra với em. - Không. Đó là điều tệ hại nhất thì đúng hơn. Em có biết mình đang làm gì với cuộc sống của mình không? - Biết chứ. Cái đó gọi là sống lên tiên đấy mà, bà chị. Nàng nắm tay gã nói nhiệt thành. - Em cần được giúp đỡ. - Em ấy à? Em không cần giúp gì cả. Em vẫn khoẻ. - Không, em không khoẻ. Hãy nghe nầy, Woody. Đây mới là cuộc sống của em, và không chỉ là của riêng em đâu. Hãy nghĩ đến Peggy. Bao năm nay em đã đẩy cô ấy xuống địa ngục, và cô ấy chịu được cũng chỉ do đã yêu em rất nhiều. Không phải là em chỉ đang phá hoại cuộc sống của chính em mà cả cuộc sống của cô ấy nữa. Bây giờ em phải làm gì đi, trước khi quá muộn. Việc em lần đầu bị nghiện như thế nào thì không quan trọng. Quan trọng là em từ bỏ nó ra sao? Nụ cười của Woody tắt dần. Gã nhìn vào mắt Kendall và chực nói, nhưng rồi lại thôi. - Kendall… - Sao? Gã liếm môi. - Em… em biết chị nói đúng. Em muốn dừng. Em đã cố… Chỉ có Chúa mới biết em đã cố như thế nào. Nhưng em không thể. - Tất nhiên là em sẽ làm được, nàng nói quyết liệt. Em có thể làm được. Chúng ta sẽ cùng làm. Peggy và chị sẽ hỗ trợ phía sau. Woody, ai cung cấp cho em heroin? Woody đứng đó, nhìn nàng đầy kinh ngạc. - Chúa ơi? Chị không biết sao? Kendall lắc đầu: - Không! - Peggy đấy. Chương 27 Simon Fitzgerald ngắm nghĩa chiếc mặt dây chuyền vàng một lúc lâu. - Tôi đã từng biết mẹ của cô, Julia ạ, và tôi yêu quí bà ấy. Đối với bọn trẻ Stanford, bà ấy là một người tuyệt vời và bọn chúng rất yêu quí bà. - Bà cũng rất yêu quí họ. - Julia nói - Bà thường xuyên kể cho tôi nghe về các anh chị tôi. Chuyện xảy ra với mẹ cô thật khủng khiếp. Cô không thể tưởng tượng là nó đã gây ra một vụ scandal lớn tới mức nào. Boston chỉ là một thành phố nhỏ. Harry Stanford đã cư xử rất không đẹp. Mẹ của cô buộc phải ra đi, mà chẳng có sự lựa chọn nào. - ông lắc đầu. - Cuộc sống của hai mẹ con cô hẳn đã rất cực nhọc? - Mẹ tôi đã phải vượt qua một thời gian rất khó khăn. Điều khủng khiếp là, theo tôi, mẹ vẫn còn yêu Harry Stanford, bất chấp tất cả. - Nàng đưa mắt nhìn Steve. - Tôi không hiểu cái gì đang xảy ra. Tại sao gia đình tôi lại không muốn nhìn nhận tôi? Hai người đàn ông đưa mắt nhìn nhau. - Hãy để tôi giải thích. - Steve nói - Anh ngập ngừng, có gắng lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận. - Cách đây không lâu, một phụ nữ đã xuất hiện, tự xưng là Julia Stanford. - Không thể thế được. Tôi là… Steve giơ một tay lên ra dấu: - Tôi biết. Gia đình đã thuê một thám tử tư điều tra để đảm bảo cô ta đúng là Julia. - Và họ đã thấy cô ta không phải là Julia? - Không. Họ đã thấy cô ta chính là Julia. Julia nhìn anh vẻ lúng túng. - Cái gì? Viên thám tử nầy nói rằng ông ta đã tìm thấy các dấu vân tay của Julia khi cô ta lấy bằng lái xe ở San Francisco, năm mười bảy tuổi, và chúng khớp với dấu vân tay của người phụ nữ tự xưng là Julia Stanford. Julia trở nên lúng túng hơn bao giờ hết. - Nhưng tôi tôi chưa bao giờ đến Indiana. Fitzgerald nói: - Julia, có thể có một âm mưu nào đó đang được thực hiện nhằm chiếm đoạt một phần tài sản của gia đình Stanford. Tôi sợ rằng cô đã rơi vào âm mưu đó - Tôi không tin! - Bất cứ ai đứng đằng sau âm mưu nầy cũng đều không muốn có hai Julia cùng một lúc. Steve nói thêm. - Cách duy nhất để kế hoạch có thể thành công là loại trừ cô. Khi anh nói "loại trừ…" - Nàng dừng lại, cố nhớ một cái gì đó. - Ôi, không? - Cái gì vậy? - Fitzgerald nói. - Cách đây hai hôm tôi có nói chuyện điện thoại với cô bạn cùng phòng, và cô ta đã sợ hãi tới mức cuồng loạn. Cô ta nói rằng, một người đàn ông đã đến căn hộ của chúng tôi với một con dao và cố tình tấn công cô ấy. Hắn ta tưởng cô ấy là tôi! - Phải khó khăn lắm Julia mới nói được thành lời. - Ai… ai đang làm việc nầy? Nếu tôi buộc phải đoán, tôi sẽ nói đó là một thành viên trong gia đình. - Steve nói với nàng. - Nhưng… tại sao…? - Một gia tài kếch sù đang bị đe doạ, và bản di chúc sẽ được công bố trong vài ngày tới. - Điều ấy thì ảnh hưởng gì tới tôi? Cha tôi chưa bao giờ công nhận tôi. Ông ta sẽ chẳng để lại cho tôi một chút gì. Fitzgerald nói: - Thực ra, nếu chứng minh được nguồn gốc của cô thì phần thừa kế dành cho cô so với tổng giá trị tài sản sẽ là trên một tỉ đô la. Nàng ngồi đó, thẫn thờ. Mãi sau mới thốt lên. - Một tỉ đô la à? - Đúng thế. Nhưng có một ai đó đang theo đuổi số tiền nầy. Chính vì vậy mà cô gặp nguy hiểm. - Tôi hiểu, - Nàng lặng lẽ nhìn họ, cảm thấy một nỗi hoảng sợ đang dâng lên. - Tôi sẽ làm gì bây giờ? - Tôi sẽ bảo cô những việc cô sẽ không làm - Steve nói với nàng. - Cô sẽ không tới khách sạn. Tôi muốn cô ở khuất một nơi nào đó cho đến khi chúng tôi phát hiện được cái gì đang diễn ra. - Tôi có thể quay trở lại Kạnsas cho tới khi… Fitzgerald nói: - Tôi nghĩ, tốt hơn hết, cô nên ở lại đây, Julia. Chúng tôi sẽ tìm một nơi nào đó đế che giấu cô, bảo vệ cô. - Cô có thể ở nhà tôi. - Steve gợi ý. - Sẽ không có ai nghĩ tới việc tìm kiếm cô ta ở đó. Hai người đàn ông quay nhìn Julia. Nàng lưỡng lự. - Ồ, vâng. Thế cũng được. Nếu… không phiền ông… - Tốt! Julia nói một cách chậm chạp. - Sẽ chẳng có những chuyện nầy xảy ra, nếu cha tôi không bị ngã thuyền. - Ồ tôi không nghĩ là ông ấy ngã. - Steve nói với nàng. - Tôi cho rằng ông ấy bị đẩy. Họ đi thang máy xuống nhà để xe rồi lên xe của Steve. - Tôi không muốn bất cứ một ai nhìn thấy cô. - Steve nói. - Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ phải giữ không cho ai gặp cô, thậm chí chỉ nhìn thấy cô. Anh lái xe xuôi về phố State. - Có lẽ chúng ta sẽ ăn trưa? Julia ngước nhìn anh và mỉm cưởi. - Có vẻ như anh đang vỗ béo tôi. - Tôi biết một nhà hàng cách xa đường chính. Đó là một ngôi nhà cổ nằm trên phố Gloucester. Tôi không nghĩ là một ai đó sẽ gặp cô ở đấy. L Espalier là một toà nhà trang nhã được xây theo kiến trúc thế kỷ mười chín, là một trong những nơi có tầm nhìn đẹp nhất Boston. Vừa bước vào, Steve và Julia đã được người quản lý nhà hàng đón tiếp. - Xin chào ông. - Ông ta nói. - Mời quí vị đi đường nầy! Tôi dành riêng cho hai người một cái bàn rất đẹp cạnh cửa sổ. - Nếu ông không thấy phiền. - Steve nói, - chúng tôi muốn được ngồi cạnh tường. Người quản lý nháy mắt. - Cạnh tường? - Vâng! Chúng tôi muốn được riêng tư. Tất nhiên! - Ông ta dẫn họ tới một cái bàn trong góc. - Tôi sẽ cử phục vụ đến ngay. - Ông ta nhìn chằm chằm vào Julia, và đột nhiên gương mặt ông bừng sáng. - A? Cô Stanford! Rất hân hạnh được cô đến đây. Tôi thấy ảnh cô trên báo. Julia nhìn Steve, không biết phải nói gì. Steve kêu lên: - Chúa ơi! Chúng tôi để lũ trẻ trong xe. Hãy đi đón chúng đi? - Và quay sang nói với ông ta. - Chúng tôi muốn hai ly Martini không pha. Hãy giữ những quả ôliu nầy cho tôi nhé. Chúng tôi quay lại ngay. - Vâng, thưa ngài. Ông ta nhìn theo hai người hối hả đi ra khỏi khách sạn. - Chúng ta đang làm gì thế nầy? - Julia hỏi. - Ra khỏi đây. Những gì ông ta sẽ làm chỉ là gọi báo chí đến. Chúng ta sang quán khác đi. Họ tìm được một nhà hàng nhỏ ở phố Dalton và gọi bữa trưa. Steve ngồi đó, quan sát Julia. - Làm người nổi tiếng có cảm giác như thế nào? - Anh hỏi. - Xin đừng đùa cợt chuyện đó. Tôi cảm thấy kinh khủng. - Tôi biết. - Anh nói ân hận. - Tôi xin lỗi. - Anh nhận thấy nói chuyện với Julia thật dễ chịu. - Anh nhớ lần đầu tiên gặp nhau anh đã tỏ ra thô lỗ như thế nào. - Anh… ông có thực sự nghĩ rằng tôi đang bị nguy hiểm không, thưa ông Sloane? - Hãy gọi tôi là Steve thôi. Có. Tôi e rằng mình nghĩ như thế thật. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn thôi. Khi di chúc được xử lí xong, chúng tôi sẽ biết ai đứng sau vụ nầy. Trong khi chờ đợi, tôi muốn thấy cô được an toàn. - Cám ơn anh. Tôi… tôi rất biết ơn. Hai người chăm chú nhìn nhau, nên khi người bồi bàn mang thức ăn lại, thấy thế bèn quyết định không cắt ngang. Trên xe, Steve hỏi: - Đây là lần đầu cô tới Boston à? - Vâng. - Đó là một thành phố rất dễ thương. Họ đi qua toà nhà John Hancock cổ kính. Steve chỉ vào chiếc tháp và hỏi: - Cô có thấy chiếc đèn kia không? - Có Nó thông báo thời tiết đấy. - Một chiếc đèn thì làm sao? - Tôi rất vui vì cô hỏi. Khi đèn màu xanh bình thường, nó có nghĩa là thời tiết trong trẻo. Nếu nó xanh nhấp nháy có nghĩa là có thể có mây. Màu đỏ thường có nghĩa là sắp có mưa, và đỏ nhấp nháy là sẽ có tuyết! Julia cười phá lên. Họ đến cầu Harvard. Steve đi chậm lại. - Đây là cây cầu nối Boston với Cambridge. Chính xác nó dài ba trăm, sáu mươi tư phẩy Smoots và… Julia quay sang nhìn anh chằm chằm: - Cái gì cơ? Steve cười. - Thật đấy. - Smoot là gì? - Một Smoot là một thước đo dựa trên chiều dài của Oliver Reed Smoot, người chỉ cao có năm bộ bẩy (1m82). Lúc đầu chỉ để cười đùa, nhưng khi thành phố xây dựng lại cầu thì họ giữ nguyên. Thế là Smoot trở thành đơn vị đo chiều dài vào năm 1958. Nàng cười phá lên. - Thật không thể tin được. Khi họ đi ngang qua tượng đài Bunker Hill, Julia thốt lên: - Ôi? Đó là nơi diễn ra trận đồi Bunker, phải không? - Không! - Steve nói. - Anh nói gì? - Trận đánh đồi Buker diễn ra trên đồi Breed s cơ. * * * * * Ngôi nhà nhỏ của Steve nằm trong khu phố Newbury của Boston. Đó là một toà nhà hai tầng với nhiều đồ đạc tiện nghi, và tranh ảnh màu mè treo khắp các bức tường. - Anh sống ở đây một mình à? - Julia hỏi. - Ừ! - Tôi có một quản gia. Bà ấy vẫn đến đây hai tuần một lần. Tôi sẽ bảo bà ấy nghỉ đợt nầy. Tôi không muốn bất cứ một ai biết là cô đang ở đây. Julia nhìn Steve và nói một cách ấm áp. - Tôi muốn anh biết rằng tôi thực sự biết ơn những gì anh đang làm cho tôi. - Đó là niềm vui của tôi. Thôi nào, tôi sẽ chỉ phòng riêng cho cô. Anh dẫn nàng lên gác tới phòng dành cho khách. - Hy vọng là cô sẽ thoải mái ở đây, trong căn phòng nầy. - Ồ, tất nhiên rồi. Nó dễ thương quá. - Julia nói. - Tôi sẽ mua một ít đồ ăn khô. Tôi thường ăn ở hiệu. - Tôi có thể… - nàng dừng lại. - Mà tôi nghĩ lại rồi, tôi không nên nấu ăn. Cô bạn cùng phòng nói rằng tài nấu ăn của tôi có thể làm chết người. - Tôi nghĩ là tôi nấu ăn cũng tạm. - Steve nói. - Tôi sẽ nấu nướng chút gì đó cho cả hai chúng ta. - Anh nhìn nàng và nói một cách chậm rãi. - Đã lâu rồi tôi chưa có ai để nấu ăn cho. Sai lầm, anh tự nhủ. Mày sai lầm rồi. Mày không thể cứ bao bọc cô ấy mãi. - Tôi muốn cô cứ tự nhiên như ở nhà. Ở đây, cô sẽ cực kỳ an toàn. Nàng nhìn anh một lúc lâu rồi mỉm cười. - Cám ơn! Họ xuống thang. Steve chỉ tay vào các vật dụng giải trí Tivi, đầu video, đài, đĩa CD… cô sẽ thấy rất tiện nghi. - Thật tuyệt vời. - Nàng còn muốn nói. - như cảm giác có anh ở bên - Vâng, nếu không còn gì nữa, - anh nói một cách vụng về. Julia tặng anh một nụ cười ấm áp. - Tôi không thể nghĩ ra cái gì khác nữa. - Vậy thì tôi phải trở lại văn phòng. Tôi còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nàng nhìn anh đi về phía eửa ra vào. - Steve? - Anh quay lại: Chuyện gì vậy? - Tôi có thể gọi điện cho cô bạn cùng phòng không? Cô ấy sẽ rất lo lắng về tôi. Anh lắc đầu. - Chắc chắn là không. Tôi không muốn cô gọi điện cho bất cứ một ai hoặc bước ra khỏi ngôi nhà nầy với bất cứ lý do gì. Cuộc sống của cô phụ thuộc vào điều đó. Chương 28 - Tôi là bác sĩ Westin. Cô có hiểu là cuộc nói chuyện nầy sẽ bị ghi âm không? - Có thưa bác sĩ. - Bây giờ cô đã thấy bình tĩnh hơn chưa? - Tôi bình tĩnh, nhưng tôi giận dữ. - Cô giận dữ về cái gì? - Không thể nhốt tôi ở đây. Tôi không điên. Tôi đã bị ghép tội một cách oan uổng. - Ồ? Ai ghép tội cô? - Tyler Stanford. - Thẩm phán Tyler Stanford? - Đúng vậy! - Tại sao ông ta lại muốn làm như vậy? - Vì tiền. - Cô có tiền à? Không. Tôi muốn nói là, vâng… thế nầy… lẽ ra tôi đã có tiền. Ông ta hứa sẽ cho tôi một tỉ đô la, một áo khoác lông chồn và nhiều đồ trang sức. - Tại sao thẩm phán Stanford lại hứa với cô như vậy? - Hãy để tôi giải thích từ đầu. Tôi không phải là Julia Stanford. Tên tôi là Margo Posner. - Khi mới đến đây, cô khăng khăng nhận rằng cô là Julia Stanford. - Hãy quên điều đó đi. Thực tế, tôi không phải. - Vâng… chuyện thế nầy. Thẩm phán Tyler thuê tôi giả làm em gái của ông ấy. - Tại sao ông ta làm như vậy? - Để tôi có thể nhận một phần gia tài của nhà Stanford rồi chuyển giao lại cho ông ta. - Và để làm việc nầy, ông ta đã hứa cho cô một tỉ đô la, một áo lông chồn và ít đồ nữ trang? - Ông không tin tôi, phải không? Vâng, tôi có thể chứng minh. Ông ta đưa tôi đến đồi Rose. Đó là nơi ở của gia đình Stanford tại Boston. Tôi có thể miêu tả ngôi nhà nầy cho ông và có thể kể cho ông nghe về toàn thể gia đình. - Cô có biết rằng cô đang đưa ra những lời buộc tội rất nghiêm trọng không? - Tôi cuộc là tôi biết. Nhưng tôi cho rằng ông sẽ chẳng làm gì đâu vì Tyler là thẩm phán mà. - Cô nhầm to rồi. Tôi đảm bảo với cô rằng tất cả mọi lời buộc tội của cô sẽ được điều tra đầy đủ. - Tốt! Tôi muốn được thằng con hoang đó cũng sẽ bị nhốt giống như cách hắn đã nhốt tôi. Tôi muốn được ra khỏi đây? - Cô hiểu là ngoài tôi ra, hai đồng nghiệp của tôi sẽ kiểm tra đánh giá tình trạng thẩn kinh của cô chứ? - Cứ để họ làm. Tôi cũng binh thường như các ông thôi. - Chiều nay bác sĩ Gifford sẽ tới đây, và chúng tôi sẽ quyết định nên tiến hành kiểm tra như thế nào. - Càng sớm càng tốt. Tôi không thể chịu đựng cái chỗ chết tiệt nầy nữa. Khi mang bữa trưa vào chỏ Margo, nữ y tá trưởng nói: - Tôi vừa nói chuyện với bác sĩ Gifford. Một tiếng nữa, ông ta sẽ có mặt. - Cám ơn. - Margo đã sẵn sàng đón ông ta. Cô sẵn sàng đón tất cả bọn họ. Cô sẽ kể cho họ nghe mọi chuyện mà cô biết từ chi tiết đầu tiên. Và khi mình kể xong, Margo nghĩ, họ sẽ nhốt hắn ta và thả mình ra. Cô hả hê với ý nghĩ nầy. Mình sẽ tự do! Rồi Margo lại nghĩ, tự do để làm gì. Mình sẽ lại lang thang trên phố. Có lẽ họ sẽ thu bồi bản cam kết của mình và lại tống mình vào nhà tù thôi. Cô ta ném khay thức ăn vào tường. Quân khốn nạn! Chúng không thể đối xử với ta như vậy! Ngày hôm qua ta còn đáng giá tỉ đô la, vậy mà hôm nay… Hãy đợi đấy! Đợi đấy! Một ý nghĩa vụt loé lên trong óc Margo, kích động tới mức khiến cô ả ớn lạnh. Chúa ơi! Mình đang làm gì thế nầy? Mình đã được chứng minh rằng mình chính là Julia Stanford. Mình có nhân chứng. Cả gia đình đã nghe Frank Timmons tuyên bố rằng các vân tay đã chứng tỏ mình là Julia Stanford. Cái quái quỉ gì đã khiến mình muốn trở thành Margo Posner trong khi mình có thể là Julia Stanford? Chẳng có gì ngạc nhiên khi họ nhốt mình ở đây. Mình loạn trí rồi! Cô ả ấn chuông gọi y tá trưởng. Khi người cô muốn gọi tới, Margo nói đầy vẻ kích động: - Tôi muốn gặp bác sĩ ngay lập tức! - Tôi biết. Cô sẽ gặp ông ấy vào… - Bây giờ. Ngay bây giờ! Nữ y tá trưởng ngắm nhìn vẻ mặt của Margo và nói. - Bình tĩnh nào. Tôi sẽ gọi ông ấy. Mười phút sau, bác sĩ Franz Gifford bước vào phòng của Margo. - Cô yêu cầu được gặp tôi? - Vâng. - cô ả mỉm cười, vẻ hối lỗi. - Tôi e rằng tôi đang đùa cợt đôi chút, thưa bác sĩ. - Thế à? - Vâng. Thật xấu hồ. Ông biết đấy, sự thật là tôi rất buồn bực về ông anh trai Tyler và tôi muốn trừng phạt anh ấy. Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng như vậy là sai trái. Tôi không còn buồn bực nữa, và tôi muốn trở về nhà ở đồi Rose. - Tôi đã đọc biên bản phỏng vấn sáng nay. Cô nói rằng tên của cô là Margo Posner và rằng cô bị ghép tội oan. Margo cười phá lên. - Đó chỉ là trò đùa tinh quái của tôi thôi. Tôi nói như vậy chỉ để gây phiền hà cho Tyler. Không. Tôi là Julia Stanford. Bác sĩ chăm chú nhìn cô ả. - Cô có thể chứng minh điều đó không? - Đây chính là giây phút mà Margo đang chờ đón. - Ồ, có chứ? - Cô ả nói với vẻ chiến thắng. - Tyler đã tự mình chứng minh điều đó. Anh ấy thuê một thảm tử tư tên là Frank Timmons, người đã so sánh các vân tay của tôi với các dấu vân tay khi tôi làm bằng lái xe lúc còn trẻ. Chúng giống nhau. Chẳng còn gì nghi ngờ nữa. - Cô nói thám tử Frank Timmons? - Đúng thế. Ông ta làm việc cho văn phòng công tố ở Chicago. Bác sĩ quan sát cô ả một lát. - Nào, cô có chắc về điều nầy không? Cô không phải là Margo Posner - cô nhận là Julia Stanford? - Chính thế. Và viên thám tử tư nầy, Frank Timmons, có thể chứng nhận điều nầy chứ? Cô ả mỉm cười: - Ông ta đã làm việc nầy. Tất cả những việc mà ông phải làm là gọi điện cho văn phòng công tố Chicago và liên lạc với ông ta. Bác sĩ Gifford gật đầu. - Thôi được. Tôi sẽ làm. Mười giờ sáng hôm sau, bác sĩ Gifford, theo sau là nữ y tá trưởng, quay trở lại phòng của Margo. - Chào buổi sáng. - Xin chào bác sĩ. - Cô ả nhìn ông với vẻ hào hứng. - Ông đã nói chuyện với Frank Timmons chưa? - Rồi. Tôi muốn xác nhận là tôi đã hiểu đúng điều nầy. Câu chuyện của cô về việc thẩm phán Stanford lôi kéo cô vào một âm mưu nào đó là hoàn toàn không đúng sự thật, phải không? - Đúng rồi! Tôi nói như vậy là bởi vì tôi muốn trừng phạt anh trai của tôi. Nhưng bây giờ, mọi việc đã ổn thoả. Tôi đã sẵn sàng trở về nhà. - Phải chăng Frank Timmons có thể chứng minh cô là Julia Stanford? - Đúng. Bác sĩ Gifford quay về phía y tá trưởng và gật đầu. Cô ta ra hiệu cho một ai đó. Một người đàn ông cao, rắn chắc, da đen bước vào phòng. Ông ta nhìn Margo và nói: - Tôi là Frank Timmons. Tôi có thể giúp gì cho cô? Đó là một người xa lạ hoàn toàn. Chương 29 Buổi trình diễn mốt đang diễn ra tốt đẹp. Các cô người mẫu đi lại một cách duyên dáng dọc theo sàn diễn và mỗi mẫu mới đều nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt. Hội trường chật cứng. Tất cả các ghế đều có người ngồi, và số người phải đứng cũng nhiều không kém. Có một sự lộn xộn ở hậu trường, Kendall quay lại để xem điều gì xảy ra. Hai cảnh sát mặc đồng phục đang đi về phía cô. Tim Kendall bắt đầu đập rộn lên. Một trong hai người cảnh sát nói. - Cô là Kendall Stanford Renauld? - Vâng. - Tôi được lệnh bắt cô vì tội mưu sát Martha Ruan - Không! - Cô thét lên. - Tôi không cố tình! Đó là một tai nạn? Xin hãy! Xin hãy! Xin hãy… Nàng tỉnh dậy trong một cơn hoảng loạn, người run bần bật. Cơn ác mộng nầy đã xuất hiện nhiều lần. Mình không thể cứ tiếp tục thế nầy. Kendall nghĩ. Mình không thể. Mình phải làm một cái gì đó, Nàng mong muốn đến tuyệt vọng được nói chuyện với Marc. Dù không muốn, anh cũng đã trở về New York - Anh còn có công việc, em yêu. Họ không cho phép anh nghỉ thêm một giờ phút nào nữa. - Em hiểu, Marc. Vài ngày nữa, em cũng sẽ trở về đó Em phải chuẩn bị cho một buổi trình diễn. Sáng đó, Kendall chuẩn bị trởvề New York, nhưng trước khi đi nàng cảm thấy cần phải làm một việc gì đó Cuộc nói chuyện với Woody khiến nàng ưu phiền. Nó đổ lỗi cho Peggy về mọi chuyện phiền toái. Kendall tìm thấy Peggy ở hành lang. - Chào buổi sáng! - Kendall nói. - Chào buổi sáng, - Peggy đáp lại. Kendall ngồi xuống ghế đối diện cô em dâu. Tôi có chuyện muốn nói với cô. - Em nghe đây. Thật lúng túng. - Tôi đã nói chuyện với Woody. Cậu ấy rất yếu. Cậu ấy cậu ấy cho rằng chính cô lâ người đã cung cấp heroin cho… - Anh ấy nói với chị thế à? - Nói thế đấy? Im lặng một lúc lâu. - Vâng, đó là sự thật. Kendall nhìn Peggy chằm chằm với vẻ nghi ngờ. - Cái gì? Tôi… tôi không hiểu. Cô đã bảo với tôi là cô đang cố gắng cai ma tuý cho cậu ấy. Tại sao cô lại muốn cậu ấy nghiện? - Chị thật sự không hiểu, phải không? - Giọng nói của cô em dâu trở nên cay đắng. - Chị sống trong cái thế giới chết tiệt của riêng chị. Thôi, hãy để tôi kể cho chị nghe một cái gì đó, thưa nữ thiết kế thời trang nổi tiếng. Khi Woody làm tôi mang bầu thì tôi chỉ là một cô hầu bàn. Tôi không bao giờ hy vọng Woody Stanford sẽ cưới tôi. Và chị có biết tại sao anh ấy lại làm như vậy không? Để có thể cảm thấy là mình tốt hơn cha mình. Ừ, Woody cưới tôi, được thôi. Và tất cả mọi người coi tôi như đồ bỏ đi. Khi anh trai tôi, Hoop, đến dự đám cưới, họ đối xử như thể anh ấy là đồ rác rưởi. - Peggy… - Nói thật với chị, tôi đã choáng váng người khi em trai chị ngỏ ý muốn cưới tôi. Tôi thậm chí còn không biết liệu đó có phải là kết quả của anh ta hay không. Lẽ ra, tôi đã có thể làm một người vợ tốt nhưng đã không ai cho tôi có cơ hội đó. Đối với họ, tôi vẫn chỉ là một con hầu bàn. Tôi đã đánh mất đứa trẻ, tôi nạo thai. Tôi đã nghĩ có thể Woody sẽ li dị tôi, nhưng anh đã không làm thế. Tôi là ví dụ để chứng minh anh là một người dân chủ. Nầy, quí cô hãy để tôi nói với quí cô điều nầy. Tôi không cần cái đó. Tôi cũng tốt đẹp như cô hoặc như bất cứ một ai khác. Mỗi lời nói là một đòn điếng người. - Đã bao giờ cô yêu Woody chưa? - Nàng hỏi. Peggy nhún vai. - Anh đẹp trai, vui tính, nhưng rồi anh bị ngã một cú tai hại trong khi chơi polo, và mọi sự thay đổi. Bệnh viện đã cho anh dùng ma tuý và khi anh ra viện họ hy vọng anh sẽ từ bỏ nó. Một đêm anh lên cơn đau, và tôi nói, - "em có một liều thuốc nhỏ cho anh". Rồi sau đó, cứ mỗi khi anh lên cơn đau, tôi lại cho anh một liều. Chẳng bao lâu sau, anh cần nó, dù đau hay không. Anh trai tôi là tác nhân kích thích, và tôi có thể kiếm được heroin tuỳ thích. Tôi buộc Woody cầu xin tôi vì nó. Và đôi khi tôi nói với anh ấy là đã hết để xem anh rên rỉ, kêu gào. Ôi ngài Woodrow Stanford cần tôi biết bao! Những lúc như vậy anh ấy không còn cao quí và quyền năng nữa. - Tôi trêu chọc để anh đánh tôi rồi anh cảm thấy dằn vặt về những việc đã làm, và anh lại bò đến tôi với những món quà. Chị thấy đấy, khi Woody không nghiện, tôi chẳng là cái gì cả. Khi anh nghiện, tôi là người quyền năng. Có thể anh là một Stanford và tôi chỉ là một con hầu bàn, nhưng tôi có những lúc lại điều khiển được thành viên của Stanford. Kendall nhìn Peggy với vẻ hoảng sợ. - Em trai chị đang cố gắng cai nghiện, được thôi. Khi tồi tệ quá, các bạn anh ấy sẽ đưa anh đến trung tâm cai nghiện, tôi sẽ đến thăm, và ngắm nhìn một Stanford vĩ đại chịu đựng những nỗi đau đớn của địa ngục. Và cứ mỗi lần ra khỏi trại, tôi lại đón chờ anh với những liều thuốc nho nhỏ. Và mọi việc lại lặp lại Kendall thấy khó thở: - Cô là một con ác quỉ. - Nàng nói một cách chậm chạp - Tôi muốn cô rời khỏi đây. - Yên chí! Tôi không mong gì hơn. - Cô ả cười toe toét - Tất nhiên tôi sẽ không ra đi tay không. Sau vụ nầy, tôi sẽ kiếm được bao nhiêu? - Thật quá quắt. - Kendall nói. - Nào, hãy cút đi. - Thôi được. - Sau đó, cô ta nói thêm với một giọng kiểu cách. - Luật sư của tôi sẽ liên lạc với luật sư của chị. - Cô ta bỏ em thật sao? - Ừ! - Có nghĩa là… - Chị biết điều đó có ý nghĩa như thế nào, Woody. Em có thể xoay xoả được chứ? Gã nhìn chị gái và mỉm cười. - Em nghĩ vậy. Vâng. Em nghĩ là em có thể. - Chị tin chắc như vậy. Gã hít một hơi dài. - Cám ơn, Kendall. Tự em thì sẽ không bao giờ có đủ can đảm rũ bỏ cô ta. Nàng mỉm cười. - Thế có chị gái đề làm gì? Buổi chiều hôm đó, Kendall đi New York. Còn một tuần nữa nàng sẽ có buổi trình diễn mốt. Thời trang là ngành kinh doanh lớn vào loại nhất ở New York. Một nhà thiết kế thời trang thânh công có thể tác động tới nền kinh tế của toàn thế giới. Một ý thích nhất thời của một nhà thiết kế mẫu sẽ gây ra những ảnh hưởng rất rộng, rất xa tới khắp hành tinh, từ những người hái bông ở Ấn Độ đến các thợ dệt ở Scotland, và những người nuôi tằm ở Trung Quốc, Nhật Bản. Nó gây ảnh hưởng tới công nghiệp dệt len và công nghiệp tơ tằm. Donna Karans, Calvin Kleins và Ralph Laurens đều là những người có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Kendall trong tương lai cũng sẽ thuộc vào số ít ỏi nầy. Người ta đồn rằng nàng sẽ được Hiệp hội những nhà thiết kế mẫu của Mỹ tặng danh hiệu "Nhà thiết kế y phục nữ trong năm" phần thưởng danh giá nhất mà một nhà thiết kế có thể nhận được. Cuộc sống của Kendall Stanford lúc nào cũng bận rộn. Trong tháng Chín, nàng phải xem xét nhiều loại vải khác nhau, và trong tháng Mười, chọn những loại vải cần thiết cho các thiết kế mới. Tháng Mười hai và tháng Giêng được dành trọn vẹn cho việc thiết kế mẫu mới và tháng Hai được dành cho việc hoàn thiện các mẫu. Tháng Tư nàng sẵn sàng cho ra đời bộ sưu tập mùa thu. Kendall Stanford Designs nằm trên Đại lộ 550, cùng toà nhà với Bill Blass và Oscar de la Renta. Buổi trình diễn tới của nàng diễn ra tại lều Bryant Park, có sức chứa một nghìn người. Khi Kendan tới văn phòng, Nadive thông báo. - Tôi có tin tốt đẹp đây. Vé cho buổi trình diễn tới đã được bán hết. - Cám ơn? - Kendall nói một cách lơ đãng. Nàng còn đang bận tâm về những chuyện khác. - Tiện thể, trên bàn có một lá thư đánh dấu khẩn gửi cho chị. Người đưa thư vừa mang đến. Câu nói khiến Kendall giật nảy người. Nàng đi nhanh về phía bàn làm việc và nhìn chiếc phong bì. Địa chỉ hồi âm là Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã, đại lộ Công Viên 3000 New York. Nàng nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu. Không có đại lộ Công Viên 3000. Với những ngón tay run rẩy, Kendall mở lá thư. "Kính gửi bà Renauld Chủ ngân hàng Thuỵ Sĩ cửa tôi thông báo rằng ông ta vẫn chưa nhận được số đô la mà tổ chức của tôi yêu cầu Vì sự chểnh mảng của bà, tôi buộc phải thông báo rằng nhu cầu của chúng tôi đã tăng lên 5 triệu đô la. Tôi hứa là sẽ không làm phiền bà nữa. Bà có mười lăm ngày để gửi số tiền trên vào tài khoản của tôi. Nếu bà không làm như vậy, tôi lấy làm tiếc rằng chúng tôi sẽ phải thông báo với các nhà chức trách". Thư nặc danh. Kendall đứng lặng, hoang mang đọc đi đọc lại lá thư Năm triệu đô la! Không thể được, nàng nghĩ. Mình không thể gom góp một số tiền lớn nhanh như vậy được. Mình quả là một con ngốc. Tối hôm đó, khi Marc về nhà, Kendall cho anh xem lá thư. - Năm triệu đô la! - Anh thốt lên. - Vô lý? Chúng nghĩ em là ai cơ chứ? - Họ biết em là ai. - Kendall nói - Đó chính là mấu chốt của vấn đề: Em buộc phải có ngay một số tiền. Nhưng bằng cách nào? - Anh không biết… Anh nghĩ là ngân hàng sẽ cho em vay dựa trên tài sản thừa kế của em, nhưng anh không thích ý tưởng về… - Marc, em đang nói về cuộc sống của em. Cuộc sống của chúng ta. Em sẽ tìm hiều về việc vay mượn nầy. George Meriwether là phó giám đốc phụ trách ngân hàng New York Union. Ông đang ở độ tuổi bốn mươi và đã đi lên từ vị trí một anh đưa tin. Ông là một người đầy tham vọng. Một ngày nào đó mình sẽ ngồi trong ban giám đốc, ông ta nghĩ, và sau đó… ai mà biết được? Luồng suy nghĩ của ông bị đứt đoạn bởi cô thư ký. - Cô Kendall Stanford đang có mặt chờ gặp ông. Ông thấy hơi rùng mình vì vui sướng. Với cương vị một nhà thiết kế mốt thành đạt, cô ta sẽ là một khách hàng béo bở, nhưng bây giờ, cô ta còn sắp là một trong những phụ nữ giàu có nhất thế giới. Đã nhiều năm liền, ông cố gắng giành về cho mình tài khoản của Harry Stanford, nhưng đều thất bại. Còn bây giờ… - Đưa cô ta vào! - Meriwether ra lệnh. Khi Kendall xuất hiện, Meriwither đứng dậy đón với nụ cười và cái bắt tay ấm áp. - Rất hân hạnh được gặp cô, - ông ta nói, - xin mời ngồi. Cô uống cà phê nhé, hay một cái gì đó? - Không, cám ơn. - Kendall nói. - Tôi xin chia buồn về cái chết của cha cô. - Giọng nói ông thật thích hợp với khung cánh của một nghĩa địa. - Cám ơn! - Tôi có thể làm gì cho cô? - ông biết Kendall sẽ nói cái gì. Cô ta sắp sửa giao bạc tỷ của mình vào tay ông để đầu tư… - Tôi muốn vay một ít tiền. Ông chớp mắt. - Xin lỗi, tôi nghe không rõ. - Tôi cẩn năm triệu đô la. Ông tính toán rất nhanh. Theo tin trên các báo, phần thừa kế của cô ta trị giá hơn một tỉ đô la. Thậm chí kể cả thuế… ông mỉm cười. - Vâng, tôi không nghĩ là sẽ có trở ngại gì. Cô vẫn luôn luôn là một trong những khách hàng được ưa chuộng của chúng tôi. Cô định thế chấp bằng cái gì? Trong di chúc của cha tôi, tôi là một người thừa kế. Ông ta gật đầu. - Vâng, tôi có đọc thấy. - Tôi muốn mượn tiền bằng cách thế chấp phần tài sản thừa kế! - Tôi hiểu. Di chúc của cha cô đã được chứng thực chưa? - Chưa, nhưng sắp. - Tốt lắm! - Ông ta ngả người về phía trước. - Tất nhiên chúng tôi muốn được xem một bản sao di chúc. - Vâng! - Kendall nói với vẻ hào hứng. - Tôi có thể thu xếp việc nầy. - Và chúng tôi cần phải có con số chính xác về phần gia sản thừa kế của cô. - Tôi không biết đích xác. - Kendall nói. - Ồ, cô biết đấy, luật ngân hàng rất nghiêm ngặt. Di chúc sắp được chứng thực rồi. Tại sao cô không đợi đến lúc nó được chứng thực và quay lại đây, tôi sẽ rất hài lòng… - Tôi cần tiền ngay bây giờ. - Kendall nói một cách tuyệt vọng, nàng muốn gào lên. - Ôi, Chúa ơi. Tất nhiên, chúng tôi muốn làm mọi cái để giúp đỡ cô. - Ông ta giơ tay lên trong một cử chỉ vô vọng. - Nhưng thật đáng tiếc, hai tay tôi bị buộc chặt cho đến khi… Kendall đứng dậy - Cám ơn. - Ngay sau khi… Nàng đã bỏ đi. Khi Kendall trở lại văn phòng, Nadine nói một cách hào hứng. Tôi có chuyện muốn nói với cô: Nàng không còn tâm trí nào để nghe những. vấn đề của Nadine. - Cái gì thế? - Kendall hỏi. - Vài phút trước đây, chồng tôi gọi điện. Công ty của anh ấy sẽ cử anh ấy đến Paris. Vì vậy, tôi sẽ đi khỏi đây! - Cô sẽ đi Paris à? Nadine tươi cười. - Vâng! Thật tuyệt vời phải không? Tôi sẽ thấy tiếc vì phải xa cô. Nhưng đừng buồn, tôi sẽ giữ liên lạc. Vậy là Nadine. Nhưng chẳng có cách nào để chứng minh. Đầu tiên là áo khoác lông chồn, và bây giờ là Paris. Với năm triệu đô la, cô ta cô thể sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mình phải làm gì bây giờ? Nếu bảo mình đã biết mọi chuyện, cô ta sẽ phủ nhận có thể cô ta sẽ còn đòi hỏi nhiều hơn. Marc sẽ biết phải làm gì. Nadine… Một trong số các trợ lý của Kendall bước vào: - Kendall! Tôi cần phải nói chuyện với cô về bộ sưu tập trang phục cô dâu. Tôi không nghĩ là chúng ta có đủ mẫu cho… Kendall không thể chịu đựng hơn nữa. - Xin lỗi. Tôi cảm thấy không được khoẻ. Tôi phải về nhà. Tay trợ lý nhìn cô với vẻ kinh ngạc. - Nhưng chúng ta đang… - Tôi xin lỗi. Và Kendall bỏ đi. Khi Kendall bước chân vào căn hộ của nàng, nó trống không. Marc phải làm việc muộn. Kendall ngắm nhìn một vòng mọi đồ vật xinh đẹp trong phòng, và nghĩ, - Chúng sẽ không bao giờ dừng lại cho đến khi chúng đã lấy đi hết mọi thứ. Chúng sẽ hút máu mình cho đến khô kiệt. Marc đã đúng. Lẽ ra tối đó mình nên đến gặp cảnh sát. Bây giờ mình là một kẻ tội phạm. Mình phải thú tội. Ngay bây giờ khi mình đang có can đảm. Nàng ngồi đó, nghĩ về những gì sẽ đến với mình, với Marc, và với gia đình nàng. Sẽ có những hàng tít lớn giật gân, một vụ xử án, và có thể là tù đày. Có thể sự nghiệp của nàng sẽ chấm hết. Nhưng mình không thể cứ sống mãi như thế nầy, - Kendall nghĩ, mình sẽ phát điên lên mất. Hầu như trong trạng thái bối rối, nàng đứng dậy, đi vào phòng làm việc của Marc. Nàng nhớ là anh vẫn cất máy đánh chữ trên một chiếc giá trong tủ. Nàng lấy nó xuống, đặt lên bàn. Nàng cuộn giấy vào máy và bắt đầu gõ. Gửi tới người có liên quan: Tên tôi là Kendall, Nàng dừng lại. Chữ cái E bị gẫy nét. Chương 30 - Tại sao, Marc? Lạy Chúa, tại sao? - Giọng Kendall đầy khổ đau. - Đó là lỗi của cô. - Không! Em đã nói với anh rồi. Đấy là một tai nạn! Em… - Tôi không nói về tai nạn. Tôi nói về cô! Một bà vợ thành đạt không có thời gian cho chồng. Cô cảm thấy như vừa bị anh giáng một cái tát vào mặt. - Không đúng. Em… - Kendall, cô chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thôi. Ở tất cả những nơi cô đến, cô đều là ngôi sao. Cô để tôi lẽo đẽo theo sau như một con chó lông xù. - Như thế là không công bằng? - Nàng đáp. - Thế à? Cô xuất hiện trên sân khấu thế giới với các buổi trình diễn thời trang, vì vậy hình ảnh của cô xuất hiện khắp mặt báo chí, còn tôi chỉ ngồi đây một mình, chờ đợi cô trở về. Cô tưởng tôi thích làm ngài Kendall hay sao? Tôi cần một người vợ. Đừng lo Kendall. Trong khi cô đi vắng, tôi tự giải sầu với những người phụ nữ khác. Gương mặt nàng trở nên nhợt nhạt. - Họ là những người phụ nữ bằng xương bằng thịt, họ có thời gian cho tôi. Chứ không phải là một cái vỏ sò rỗng tuếch. - Thôi đi! - Kendall gào lên. - Khi cô kể cho tôi nghe về cái tai nạn đó, tôi đã nghĩ ngay đến một cách giải thoát khỏi cô. Cô có muốn biết một cái gì đó không, cưng? Tôi thích được nhìn em quằn quại khi đọc các lá thư đó. Nó trả giá đôi chút cho mọi sự bẽ bàng mà tôi phải chịu đựng. - Đủ rồi! Hãy đóng gói và cuốn xéo khỏi đây. Tôi không bao giờ muốn gặp lại anh nữa… Marc cười toe toét. - Ít có cơ hội gặp lắm. Tiện thể cô vẫn định đến gặp cảnh sát đấy chứ? - Cút! - Kendall nói - Ngay lập tức! - Tôi sẽ đi. Tôi cho là tôi sẽ đi Paris. À nầy, em yêu nếu em không đến gặp cảnh sát thì tôi cũng không nói gì đâu. Em an toàn. Một tiếng sau, anh ta bỏ đi. Chín giờ sáng, Kendall gọi điện cho Steve Sloane. - Xin chào, bà Renauld. Tôi có thể làm gì cho bà? Chiều nay, tôi sẽ trở về Boston. Kendall nói. - Tôi cần thú tội. Nàng ngồi trước mặt Steve, trông có vẻ xanh xao và yếu đuối. Nàng ngồi im, không thể bắt đầu. Steve gợi ý. - Cô nói là cô cần được thú tội. - Vâng. Tôi… Tôi đã giết người. - Cô bắt đầu khóc. - Đó là một tai nạn, nhưng… tôi đã bỏ chạy. - Gương mặt nàng đầy vẻ khổ đau. - Tôi đã bỏ chạy… và để mặc cô ta ở đó. - Bình tĩnh nào, - Steve nói. - Hãy kể lại từ đầu… Nàng bắt đầu kể. Ba mươi phút sau, Steve nhìn ra ngoài cửa sổ, và nghĩ về những điều anh vừa được nghe. - Và cô muốn đến gặp cảnh sát? - Vâng. Đó là việc lẽ ra tôi phải làm ngay từ đầu. Tôi… tôi không cần biết họ sẽ làm gì tôi nữa: Steve nói với vẻ ưu tư. - Bởi vì cô tự thú, và vì đó chỉ là một tai nạn, tôi nghĩ là toà án sẽ khoan dung. Nàng cố gắng trấn tĩnh. - Tôi muốn nó kết thúc. - Thế chồng cô thì sao? Nàng ngẩng lên. - Anh ta làm sao? - Tống tiền là phạm pháp. Cô có số tài khoản ở Thuỵ Sĩ, nơi cô gửi số tiền hắn đánh cắp của cô chứ? - Mọi việc cô phải làm bây giờ là buộc tội và… - Không! Giọng nàng dữ dằn. - Tôi không muốn làm bất cứ một cái gì liên can đến hắn. Hãy để mặc hắn ta tiếp tục cuộc đởi của hắn. Tôi có cuộc sống của riêng tôi. Steve gật đầu. - Tuỳ cô. Tôi sẽ đưa cô đến tổng hành dinh cảnh sát. Có thể cô sẽ phải ở tù một đêm, nhưng tôi sẽ nhanh chóng làm thủ tục để cô được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Kendall mỉm cười một cách mệt mỏi. - Giờ thì tôi có thể làm một việc mà tôi chưa bao giờ có cơ hội để làm. - Việc gì vậy? - Thiết kế một chiếc váy kẻ. Tối đó, khi về đến nhà, Steve kể cho Julia nghe về những chuyện đã xảy ra. Julia kinh hoàng: - Chính ông chồng đã tống tiền chị ấy? Thật khủng khiếp. - Nàng quan sát anh một lúc. - Tôi nghĩ thật tuyệt vời là anh đã dành cuộc đời mình để giúp đỡ những người gặp rắc rối. Steve nhìn nàng và nghĩ. - Tôi cũng là một người đang gặp rắc rối. Steve Sloane bị đánh thức bởi hương vị cà phê mới pha và mùi thịt muối xông khói. Anh ngồi dậy, giật mình. Hôm nay người quản gia lại đến à? Anh đã bảo bả ta nghỉ cơ mà. Steve khoác lên người chiếc áo choàng và xỏ chân vào dép, rồi vội vă lao vào bếp. Julia đang ở đó, chuẩn bị bữa sáng. Khi Steve bước vào, nàng ngước lên. - Xin chào. - Nàng vui vẻ nói. - Anh thích ăn món trứng gì đây? - À, đánh. - Được. Trứng đánh và thịt muối xông khói là món đặc sản của tôi. Thực ra, đó là món duy nhất tôi có thể làm được. Tôi đã báo trước anh rồi, tôi là một đầu bếp tồi. Steve mỉm cười. - Cô không phải biết làm món gì cả. Nếu muốn, cô có thể thuê vài trăm đầu bếp. - Tôi sẽ thực sự có được nhiều tiền như thế sao, Steve? - Đúng vậy! Phần tài sản của cô sẽ trị giá hơn một tỉ đô la. Nàng thấy ngắc ngứ ở cổ. - Một tỷ? Tôi không tin. - Thật đấy. - Không thể có một số tiền lớn như vậy trên thế giới, Steve? - Ừ, nhưng cha cô nắm trong tay hầu hết tất cả những gì có trên thế giới! Tôi… tôi không biết phải nói gì. - Vâng, thì tôi có thể nói chứ? - Tất nhiên rồi. - Trứng cháy kỳa… - Ôi! Xin lôi. Nàng vội vàng lấy trứng ra khỏi lò. - Tôi sẽ làm mẻ khác. - Đừng lo. Thịt muối cháy nữa là đủ. Nàng cười phá lên: - Tôi xin lỗi! Steve tới chạn đựng đồ ăn lấy ra một hộp ngũ cốc. - Cô nghĩ thế nào về một bữa điểm tâm nguội ngon lành? - Tuyệt! - Julia nói. - Anh đổ ngũ cốc vào bát cho mỗi người, lấy sữa từ tủ lạnh, rồi ngồi vào bàn. - Không có ai nấu cho anh à? - Julia hỏi. - Cô muốn nói, tôi có sống với ai không ấy à? Cô đỏ mặt. - Đại loại thế! - Không. Tôi đã quen một cô trong hai năm, nhưng chẳng đi đến đâu. - Tôi xin lỗi. - Thế còn cô? - Steve hỏi. Cô nhở đến Herry Wesson. - Tôi không nghĩ như vậy. Anh nhìn cô, tò mò - Cô không chắc? - Rất khó giải thích. Một trong hai chúng tôi muốn cưới. - Nàng nói một cách tế nhị, - còn người kia lại không. - Tôi hiểu. Khi chuyện nầy kết thúc, cô sẽ trở lại Kansas chứ? - Thực ra tôi không biết. Ở đây có vẻ lạ lẫm quá. Mẹ tôi thường hay kể về Boston. Bà đã sinh ra ở đây, và yêu mến nó. Về một mặt nào đó, tôi có cảm tưởng như trở về nhà. Tôi ước giá như tôi biết cha của mình. Không, không phải, Steve nghĩ. - Anh có biết ông ấy không? - Không. Ông ấy chỉ làm việc với Simon Fitzgerald thôi. Họ cứ ngồi đó, bên bàn ăn, trò chuyện suốt hơn một tiếng đồng hồ, và giữa họ nẩy sinh một mối đồng cảm. Steve kể cho Julia nghe về những chuyện đã xảy ra trước kia; sự xuất hiện của một người lạ mặt tự xưng là Julia Stanford, về nấm mồ trống rỗng, và sự biến mất của Dmitri Kaminsky. - Không thể tin được! - Julia nói. - Kẻ nào đứng sau chuyện nầy? - Tôi không biết, nhưng tôi đang cố gắng làm sáng tỏ - Steve động viên nàng. - Trong khi đó, cô vẫn sẽ an toàn ở đây. Cực kỳ an toàn. Nàng mỉm cười và nói: - Ở đây tôi cảm thấy an toàn. Cám ơn anh. Anh định nói một cái gì đó, nhưng lại thôi. Anh nhìn vào đồng hồ. - Tôi phải thay đồ và đến văn phòng thôi. Tôi có nhiều việc phải làm. Steve gặp Fitzgerald - Có gì mới không? - Fitzgerald hỏi. Steve lắc đầu: - Mù mịt như khói. Kẻ nào dựng nên kế hoạch nầy quả là đại tài. Tôi đang cố lần theo dấu vết của Dmitri Kaminsky. Hắn đã bay khỏi Corsica tới Paris, rồi tới Australia. Tôi đã nói chuyện với cảnh sát Sydney. Họ rất kinh ngạc khi biết Kaminsky đang có mặt trên đất nước mình. Interpol đã cứ một nhóm điều tra và họ đang tìm kiếm hắn. Tôi nghi là Harry Stanford đã tự ký vào bản án tử hình của ông ta khi gọi điện tới đây và thông báo rằng minh sẽ thay đổi di chúc. Ai đó muốn ngăn chặn ông ta. Nhân chứng duy nhất trên thuyền buồm đêm đó là Dmitri Kaminsky. Chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều khi tìm thấy hắn. - Tôi không biết liệu chúng ta có nên lôi cảnh sát vào vụ nầy không? - Fitzgerald gợi ý. Steve lắc đầu. - Cái mà chúng ta biết mới chỉ là giả thiết, Simon. Tội phạm duy nhất mà chúng ta có thể chứng minh là có kẻ đã đào trộm cái xác, và chúng ta thậm chí còn không biết ai đã làm việc nầy. - Thế còn tay thám tử họ thuê, cái người đã thẩm tra các dấu vân tay của người phụ nữ ấy, thì sao? - Frank Timmons. Tôi đã điện nhắn anh ta ba lần. Nếu cho đến sáu giờ tối nay mà vẫn không nhận được tin tức gì từ anh ta, tôi sẽ bay đi Chicago. Tôi tin chắc là anh ta cũng đã dấn sâu vào vụ nầy. - Anh muốn nói tới phần tài sản thừa kế mà kẻ mạo danh sẽ nhận được à? - Tôi có linh cảm kẻ vạch ra mưu đồ nầy đã thoả thuận với cô ta rằng, sẽ chia phần với chúng. Người nầy có thể đã sử dụng một số kẻ cả tin ngu ngốc. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ phải tìm ra một ai đó trong gia đình Stanford. Theo tôi, chúng ta có thể loại Kendall ra khỏi diện nghi vấn. - Anh kể cho Fitzgerald nghe về cuộc nói chuyện giữa anh và Kendall. - Nếu cô ta đứng đằng sau vụ nầy, cô ta sẽ không đến thú tội như vậy, ít nhất thì cũng không phải vào thời điểm nầy. Cô ta có thể đợi tới lúc tài sản đã được phân chia và cô ta có tiền. Và bởi vì chồng cô ta cũng liên quan, nên tôi nghĩ chúng ta có thể loại trừ Marc. Hắn là một kẻ tống tiền. Hắn không đủ khả năng vạch ra bất cử một mưu đồ nào đại loại như thế nầy. - Thế còn những người khác? - Thẩm phán Stanford. Tôi đã nói chuyện với một người bạn trong hiệp hội luật sư Chicago. Anh ta cho biết tất cả mọi người đều đánh giá cao Stanford. Thực tế, ông ta mới được chỉ định làm chánh án. Ông ta còn có một lợi thế khác nữa: Thẩm phán Stanford chính là người nói rằng Julia thứ nhất là kẻ giả mạo, và ông ta là người yêu cầu kiểm tra ADN. Tôi không tin là ông ta lại tiến hành vụ nầy. Người tôi quan tâm lâ Woody. Tôi biết rất chắc chắn là anh ta nghiện ma tuý, và đó là một thói quen xa hoa. Tôi đã gặp vợ anh ta, Peggy. Cô ta không thông minh tới mức có thể vạch ra kế hoạch nầy. Nhưng có tin đồn rằng cô ta có một người anh hay em trai gì đó làm ăn không minh bạch. Tôi sẽ kiểm tra lại. Steve liên lạc với thư ký riêng trên hệ thống thông tin nội bộ: - Làm ơn cho tôi nói chuyện với trung uý Michael Kennedy thuộc cảnh sát Boston. Vài phút sau, cô ta điện cho Steve. - Trung uý Kennedy ở đầu dây. Steve nhắc máy điện thoại. - Chào trung uý. Cám ơn anh đã gọi điện. Tôi là Steve Sloane làm việc tại Renquist, Renquist và Fitzgerald. Chúng tôi đang cố gắng tìm một người có liên quan đến tài sản của Harry Stanford. - Thưa ngài Sloane, rất vui lòng được giúp ngài, nếu tôi có thể. - Anh có thể liên lạc với cảnh sát New York City để biết liệu họ có hồ sơ nào về anh trai của bà Woodrow. Tên của anh ta là Hoop Malkivich. Anh ta làm việc tại một lò nướng bánh ở Bronx. - Vâng. Tôi sẽ gọi lại cho ngài. - Cám ơn. Sau bữa trưa, Simon Fitzgerald dừng lại ở văn phòng của Steve. - Cuộc điều tra thế nào rồi? - Ông hỏi. - Quá chậm chạp, kẻ nào vạch ra kế hoạch nầy đã xoá đi dấu vết một cách hoàn hảo. - Thế còn Julia? Steve mỉm cười: - Cô ta rất tuyệt. Trong giọng nói của anh có một cái gì đó khiến Simon Fitzgerald phải nhìn anh gần hơn. - Cô ta là một phụ nữ trẻ rất hấp dẫn. - Tôi biết. - Steve nói một cách chắc chắn. - Tôi biết Một tiếng sau, có điện thoại từ Australia. - Ngài Sloane đó phải không? - Vâng. - Tôi là thanh tra Mc Phearson gọi đi từ Sydney. - Vâng, thưa ngài thanh tra. - Chúng tôi đã tìm thấy người của ông. Steve cảm thấy như tim anh nhảy lên: - Tuyệt quá! Tôi muốn dẫn độ hắn tới đây ngay… - Ồ tôi không nghĩ là phải gấp gáp. Dmitri Kaminsky đã chết. Steve cảm giác như chính mình chết đuối. Cái gì? Cách đây không lâu, chúng tôi tìm thấy xác của hắn. Các ngón tay của hắn đều bị chặt, và hắn đã bị bắn nhiều lần. "Các băng tội phạm bên đó có luật kỳ quặc lắm. Trước tiên chúng chặt ngón tay của anh, để cho chảy máu một lúc, rồi mới bắn chết" - Tôi hiểu. Xin cám ơn ngài thanh tra. Một cái chết. Steve ngồi đó, nhìn chằm chằm vào bức tường. Mọi đầu mối của anh đều biến mất. Anh nhận thấy là anh đã tin tưởng như thế nào vào lời khai của Dmitri Kaminsky. Cô thư ký riêng làm gián đoạn luồng suy nghĩ của Steve: - Có một ông Timmons đang chở ông bên đầu dây. Steve nhìn đồng hồ đeo tay. Lúc đó là 5 giờ 55 chiều. Anh nhắc điện thoại. - Ngài Timmons ạ? - Vâng… xin lỗi vì tôi không thể trả lời anh sớm hơn. Hai ngày qua, tôi không có mặt trong thành phố. Tôi có thể giúp gì cho ngài đây? Rất nhiều, Steve nghĩ: - Ông có thể cho tôi biết là ông đã giả mạo các dấu vân tay đó như thế nào. Steve lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận. - Tôi gọi cho ngài để hỏi về Julia Stanford. Gần đây trong khi có mặt ở Boston, ngài đã kiểm tra các dấu vân tay của cô ta và… - Ngài Sloane… - Sao? - Tôi chưa bao giờ đến Boston. Steve hít một hơi dài. - Ngài Timmons, theo sổ đăng ký tại khách sạn Holiday, ngài đã ở đây vào… - Ai đó đã sử dụng tên của tôi. Steve lắng nghe, và kinh ngạc. Đó là dấu vết cuối cùng. - Tôi không nghĩ là ngài biết kẻ đó, phải không? - Vâng, rất kỳ lạ thưa ngài Sloane. Một phụ nữ khẳng định rằng tôi đã có mặt ở Boston và rằng tôi có thể xác nhận cô ta là Julia Stanford. Cả đởi tôi chưa bao giờ gặp cô ta. Steve dấy lên một tia hy vọng. - Ngài có biết cô ta là ai không? - Có tên cô ta là Posner. Margo Posner. Steve nhặt một chiếc bút. - Tôi có thể gặp cô ta ở đâu. - Cô ta hiện đang bị giữ ở trại tâm thần Reed, tận Chicago. - Cám ơn nhiều. Tôi thực sự biết ơn về điều nầy. - Chúng ta sẽ giữ liên lạc. Bản thân tôi cũng muốn biết cái gì đang diễn ra. Tôi không muốn người ta mạo danh tôi. - Vâng. - Steve đặt máy. - Margo Posner. Khi Steve trở về nhà tối hôm đó, Julia đang chờ đón anh. - Tôi chuẩn bị bữa tối rồi. - Nàng bảo anh. - À, không hẳn là tôi chuẩn bị. Anh có thích đồ ăn Trung Quốc không? Anh mỉm cười. - Mê ấy chứ! - Tốt. Chúng ta có hẳn tám hộp. Khi Steve bước vào phòng ăn, bàn đá được trang trí bằng hoa và nến. - Có tin gì không? - Julia hỏi. Steve nói một cách thận trọng: - Có lẽ chúng ta đã có được mắt xích đầu tiên. Tôi biết tên một phụ nữ có vẻ như đã dính líu tới vụ nầy. Sáng mai, tôi sẽ bay đi Chicago để nói chuyện với cô ta. Tôi có cảm giác ngày mai chúng ta sẽ có mọi câu trả lời. - Tuyệt quá! - Julia nói với vẻ kích động. - Tôi sẽ rất sung sướng khi chuyện nầy kết thúc. - Tôi cũng vậy - Steve bảo nàng, không hiểu mình có vui không? Cô ta sẽ là một thành viên thực sự của gia đình Stanford, và mình không thể với tới. Bữa tối kéo dài hai tiếng, và họ thậm chí không biết là họ đang ăn gì. Họ nói về mọi chuyện, và họ chẳng nói về chuyện gì, và có vẻ như là họ đã quen biết nhau từ rất lâu. Họ bàn luận về quá khứ và hiện tại, và rất thận trọng, họ tránh không nói về tương lai. Đối với chúng ta, không có tương lai, Steve nghĩ một cách cay đắng. Cuối cùng, Steve nói một cách miễn cưỡng. - Có lẽ chúng ta phải đi ngủ thôi. Nàng dướn lông mày lên nhìn anh, và họ cùng phá lên cười. - Tôi muốn nói là… - Tôi biết anh muốn nói gì. Chúc ngủ ngon, Steve. - Chúc ngủ ngon, Julia. Chương 31 Sáng sớm hôm sau, Steve đáp chuyến bay tới Chicago. Ra khỏi sân bay O Hare, anh vẫy một chiếc taxi. - Đi đâu vậy? - Người tài xế hỏi. - Bệnh viện tâm thần Reed. Người tài xế quay hẳn lại và nhìn Steve: - Đúng không? - Đúng. Làm sao cơ? - Không. Tôi chỉ hỏi thôi! Tại cổng bệnh viện, Steve tiến đến người nhân viên an ninh đang đứng trong trạm kiểm soát. Anh ta nhìn lên: - Anh cần gì? - Tôi muốn gặp Margo Posner. - Cô ta có phải là nhân viên ở đây không? - Tôi không rõ lắm. - Điều nầy Steve không nghĩ tới. - Anh không rõ à? - Người nhân viên ném cho Steve một cái nhìn nghi ngờ. - Tôi chỉ biết chắc là cô ta có ở đây. Người nhân viên thò tay vào ngăn kéo và lôi ra một bản danh sách dài. Sau một hồi rà soát, anh ta nói. Cô ta không phải là nhân viên ở đây. Có thể cô ta là bệnh nhân. - Tôi… tôi không biết. Hy vọng là vậy. Người nhân viên ném cho Steve một cái nhìn nghi ngờ nữa và lôi ra một cái máy tính cá nhân. Anh ta loay hoay một lúc rồi ngẩng đầu lên. - Đây rồi. Posner. Margo. - Đúng vậy. - Steve ngạc nhiên. - Cô ta đúng là bệnh nhân à? - Ừ ừ. Anh có quan hệ gì với cô ta? - Không… - Vậy thì anh không thể gặp cô ta. - Tôi phải được gặp cô ta - Steve nói. Chuyện rất quan trọng đấy. - Xin lỗi. Tôi chấp hành đúng phận sự. Nếu không được hẹn trước, anh không thể thăm bất cứ bệnh nhân nào. - Ai là người chịu trách nhiệm ở đây? - Steve hỏi. - Tôi. - Ý của tôi là trách nhiệm về lĩnh vực y học. - Bác sĩ Kingley. - Tôi muốn gặp ông ta. - Được! - Người nhân viên nhấc điện thoại lên và quay số. - Bác sĩ Kingley, tôi là Joe ở trạm gác đây. Có một quý ông muốn được gặp ông - Anh ta quay sang Steve. - Tên của anh? Steve Sloane. Tôi là luật sư. Steve Sloane. Ngài ấy là luật sư… được. - Anh ta dập điện thoại và nói với Steve - Sẽ có người dẫn anh đến gặp ông ta. Năm phút sau, Steve đã được đưa vào phòng bác sĩ Gary Kingley. Đó là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, trông có vẻ già cỗi, và lúc nào cũng tràn đầy lo âu: - Tôi có thể giúp gì ông, ông Sloane? - Tôi muốn gặp một bệnh nhân ở đây. Margo Posner. - À tôi biết. Trường hợp nghiêm trọng đấy. Ông có quan hệ gì với cô ta? - Không. Nhưng tôi đang điều tra một vụ giết người và cô ta là một nhân tố rất quan trọng. Có thể cô ta chính là đầu mối của vụ nầy. - Xin lỗi tôi không giúp gì được ông. - Ông phải giúp. - Steve nói. - Đây là… - Ông Sloane. Dù muốn tôi cũng không giúp ông được. - Tại sao? - Bởi vì Margo Posner đã bị đưa đi biệt giam. Cô ta tấn công tất cả những ai lại gần mình. Sáng hôm nay, cô ta suýt nữa đã giết một bà quản đốc và hai bác sĩ. - Cái gì? - Cô ta vẫn tiếp tục nhận mình là Julia Stanford và suốt ngày kêu gào đòi gặp anh trai mình, Tyler, và thuỷ thủ đoàn trên chiếc du thuyền của cô ta. Cách duy nhất để cô ta yên lặng là đưa vâo phòng biệt giam. - Ôi Chúa ơi! - Steve nói. - Ông nghĩ rằng cô ta có thể thoát khỏi tình trạng đó không? - Cô ta đang bị chúng tôi theo dõi rất kỹ lưỡng. Có thể một lúc nào đọ cô ta sẽ tĩnh lại và chúng tôi có thể xem xét lại điều kiện của cô ta.Nhưng tới lúc đó thì… Chương 32 Vào 6 giờ sáng, một chiếc tàu chở hàng đang lướt trên dòng sông Charles, chợt một người đàn ông trên tầu phát hiện ra một vật lạ đang lừ lứ trôi về phía con tàu. - Đánh tay lái sang phải đi? - Anh ta gọi, - Có vẻ như là một khúc gỗ lớn đấy. Hãy vởt nó lên trước khi nó va vào một cái gì khác. Khúc gỗ đó là lớp vỏ bọc một cái xác và sửng sốt hơn nữa, cái xác đó đã được ướp lạnh một cách kỹ càng. Người đàn ông nhìn sững một lúc rồi nói: - Làm sao mà một cái xác ướp có thể trôi trên sông Charles nhỉ? Trung uý Michel Kennedy nói với người nhân viên: - Anh chắc chứ? - Hoàn toàn chắc chắn. Đúng là Harry Stanford. Chính tay tôi đã ướp xác ông ta. Sau đó, chúng tôi lại được yêu cầu khai quật tử thi, và khi đưa chiếc quan tài lên… Đấy, anh biết đấy, chúng tôi đã báo cảnh sát. - Ai đã xin khai quật tử thi? - Người nhà ông ta. - Họ xin giấy phép thông qua luật sư của họ, Simon Fitzgerald - Vậy thì tôi phải nói chuyện với ông Fitzgerald. Steve đến thẳng văn phòng của Fitzgerald ngay sau khi từ Chicago về Boston. - Trông anh có vẻ mệt mỏi quá. - Fitzgerald nói. - Tôi quị đến nơi đây nầy. Tất cả mọi thứ như rời ra từng phần vậy. Chúng ta có ba đầu mối chính: Dmitri Kaminsky, Frank Timmons và Margo Posner. Kaminsky thì chết rồi, Timmons thì không tìm thấy, Margo Posner thì bị nhốt trong khu biệt giam của nhà thương điên. Chúng ta chẳng còn gì để… Giọng cô thư ký của Fitzgerald vang lên qua hệ thống liên lạc: - Thưa ông Fitzgerald, có trung uý Kennedy muốn gặp ông. - Mời ông ta vào. Kennedy là một người đàn ông khắc khổ với cặp mắt soi mói. - Ông Fitzgerald? - Tôi đây. Đây là đồng sự của tôi, Steve Sloane. - Mời ngồi. Tôi có thể giúp gì cho ông. - Chúng tôi vừa tìm thấy xác của Harry Stanford. - Cái gì? Ở đâu? - Trôi trên sông Charles. Ông đã yêu cầu khai quật tử thi Harry Stanford, đúng không? - Đúng, Tôi có thể biết lý do không? Và Fitzgerald kể lại cho ông ta nghe. - Ông có biết ai là người giả đóng nhân viên điều tra Timmons không? - Không, tôi đã kể cho Timmons. Anh ta cũng không biết. - Chuyện càng ngày càng kỳ lạ hơn. - Kennedy thở dài. - Thế bây giờ xác ông Harry Stanford ở đâu? - Steve hỏi. - Đã ở một nơi rất an toàn. Tôi hi vọng nó sẽ không biến mất thêm một lần nữa. - Tôi cũng vậy. - Steve nói - Chúng tôi sẽ bảo Perry Winger tiến hành cuộc thủ ADN với Julia. * * * * * Nhận tin của Steve qua điện thoại rằng cái xác Harry Stanford đã được tìm thấy, Tyler choáng váng thực sự. - Thật tồi tệ. - Y nói. - Kẻ nào đã nhẫn tâm làm ra việc đó nhỉ? - Đây cũng là một việc mà chúng tôi đang điều tra. - Steve trả lời. Tyler hết sức giận dữ: Thằng Baker bất tài quá. Nó sẽ phải trả giá cho vụ nầy. Ta phải giải quyết trước khi nó vuột khỏi tay. - Ông Steve, như ông thấy đấy, tôi đã được bổ nhiệm làm chánh thẩm phán của quận Cook. Tôi có rất nhiều vụ nghiêm trọng và những người ở đấy đang gây áp lực để buộc tôi trở về: Tôi không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông giúp chúng tôi giải quyết vụ di chúc sớm hơn. - Tôi sẽ gọi cho ông vào sáng mai. - Steve bảo y. - Nó có thể kết thúc trong ba ngày tới. - Vậy thì tốt quá. Nhớ thông tin cho tôi. - Nhất định, thưa ngài thẩm phán. Steve ngồi trong văn phòng điềm lại những sự kiện quan trọng của vàỉ tuần trước. Anh nhớ tới cuộc nói chuyện với chánh thanh tra Mc Phearson. "Chúng tôi tìm thấy xác hắn mấy hôm trước. Ngón tay hắn bị chặt và hắn đã lãnh vài viên đạn" "Xem nào, - Steve nói - Nhất định ông ta còn giấu mình điều gì. Anh nhấc điện thoại lên và gọi sang Australia. Một giọng nói vang lên từ phía bên kia: - Chánh thanh tra Mc Phearson đây. - Thưa ngài chánh thanh tra, tôi là Steve Sloane. Tôi quên chưa hỏi ngài một câu hỏi. Khi tìm thấy xác của Dmitri Kaminsky, ngài có thấy mảnh giấy nào trên người hắn không?… Tôi hiểu… thế là được rồi. Cảm ơn ngài rất nhiều. Steve vừa đặt máy xuống thì giọng cô thư ký vang lên qua bộ phận liên lạc: - Ông Kennedy đang ở đường dây số hai. Steve lại nhấc máy lên: - Ngài trung uý, phiền ngài phải đợi lâu. Tôi muốn có một cuộc nói chuyện đường dài. - NYPD đã cho chúng tôi một số tin quan trọng về Hoop Malkovich. Đây là một nhân vật hết sức đặc biệt. Steve cầm bút lên: - Làm ơn tiếp tục đi. Cảnh sát tin rằng cửa hàng thịt, nơi hắn đang làm việc, chỉ là bức bình phong của một tổ chức buôn lậu. - Ông trung uý dừng lại một lúc rồi tiếp tục - Malkovich có thể là người điều khiền tổ chức đó. Cánh sát thật khó mà đụng vào hắn bởi hắn rất ranh ma, quỷ quyệt. - Còn gì nữa không? - Steve hỏi. - Cảnh sát đoán rằng tổ chức nầy có dính dáng chặt chẽ đến mafia Pháp qua đường Marseilles. Nếu biết thêm điều gì, tôỉ sẽ gọi cho anh. - Cám ơn ngài trung uý. Những tin tức nầy thật hữu dụng. Steve đặt ống nghe xuống và bước về phía cửa văn phòng. Dường như linh tính báo trước, vừa về đến nhà, Steve gọi ngay: - Julia! Không có tiếng trả lời. - Julia? - Anh bắt đầu thấy lo. Nàng có thể bị bắt cóc hoặc bị giết, anh nghĩ, và anh cảm thấy nỗi sợ hãỉ mỗi lúc gia tăng. - Steve? - Julia bất ngờ xuất hiện trên cầu thang. - Anh nghĩ… - Anh hít một hơi thật sâu. Mặt anh tái nhợt. - Anh có sao không? - Không. Nàng đi xuống thang. - Ở Chicago, mọi việc tốt đẹp chứ? - Anh e là không! - Anh lắc đầu. Và anh kể cho nàng những gì đã xảy ra. - Chúng ta sẽ đọc di chúc vào thứ tư, em ạ. Chỉ còn ba ngày nữa thôi. Có một kẻ nào đó đang muốn tống khứ em đi bởi vì sự hiện diện của em sẽ phá hỏng kế hoạch của hắn. - Em hiểu - Nàng nuốt nước bọt. - Anh có biết hắn là ai không? Thực tế là… - Chuông điện thoại reo vang. - Chờ anh một lát nhé. - Steve chạy đến nhấc máy lên. - Alô. - Tôi là bác sĩ Tichner ở Florida. Xin lỗi vì đã gọi cho anh vào giờ nầy, nhưng tôi mới đi xa về. - Bác sĩ Tichner, cám ơn ông đã gọi lại cho tôi. Công ty của chúng tôi được uỷ quyền về tài sản của nhà Stanford. - Vậy tôi giúp gì được anh? - Tôi muốn hỏi về Woodrow Stanford. Anh ta có phải là bệnh nhân của ông? - Phải. - Có phải anh ta đã từng xài ma tuý? - Ông Sloane, tôi không được phép tiết lộ bất cứ thông tin gì về bệnh nhân. - Tôi hiểu. Không phải tôi tò mò đâu. Điều nầy rất quan trọng… - Tôi e là tôi không thể… - Ông đã giúp anh ta được nhận vào tập đoàn Habor Clinic ở Jupiter, đúng không? - Đúng. - Bác sĩ Tichner trả lời sau hồi lâu do dự. - Vấn đề nầy đã thuộc phạm vi không cho phép rồi đó. - Xin cảm ơn bác sĩ. Tôi chỉ muốn biết bấy nhiều thôi. Steve đặt máy xuống và đứng sững một lúc lâu. - Không thể tin nổi. - Cái gì cơ? - Julia hỏi. - Em ngồi xuống đi. Ba mươi phút sau, Steve đã phóng xe như bay tới Rose Hill. Tất cả các mảnh vụn, cuối cùng đã được ghép lại. Hắn thật tài giỏi. Kế hoạch vẫn được thực hiện. Nó vẫn được thực hiện nếu Julia gặp chuyện chẳng lành. Steve nghĩ. Tại Rose Hill, Clark ra mở cổng. - Xin chào ông Sloane. - Xin chào, Clark, Thẩm phán Stanford có nhà không? - Ông ấy ở trong thư viện. Tôi sẽ báo là có ông đến. - Cám ơn. - Anh nhìn theo bước chân Clark quay vào. Một phút sau, người quản gia quay lại: - Ông Tyler sẽ gặp ông ngay bây giờ. - Cám ơn! Steve đi vào văn phòng. Tyler đang ngồi trước bàn cờ, vẻ tập trung. Y ngẩng lên vừa lúc Steve bước vào. - Anh muốn gặp tôi à? - Vâng. Tôi tin chắc rằng người phụ nữ đến gặp anh mấy hôm trước thật sự là Julia. Còn cô kia chỉ là Julia giả mạo. - Điều nầy không thể có được. Nhưng đó là sự thật, và tôi đã tìm ra ai đứng đằng sau tất cả các vụ việc vừa rồi. Im lặng kéo dài, và sau đó Tyler lên tiếng: - Anh biết là ai à? - Đúng. Và nó có thể làm ông thấy ngạc nhiên đấy. - Đó là em trai ông, Woody. Tyler nhìn chằm chằm vào Steve với vẻ kinh ngạc: - Anh nói rằng Woody là người bầy ra cái trò đó? - Không sai. - Tôi… tôi không thể tin được. - Tôi cũng vậy, nhưng tôi đã kiểm tra tất cả rồi. - Tôi đã nói chuyện với bác sĩ của hắn ở Hobe Sound. - Ông có biết em trai ông nghiện ma tuý không? - Tôi cũng có nghi ngờ. - Ma tuý thì rất đắt. Woody thì vô công rồi nghề. Hắn cần tiền và hắn chắc chắn đang trông chờ một khoản chia lớn hơn từ cái gia tài đồ sộ cha ông để lại. Hắn là người thuê Julia giả, nhưng khi ông đến chỗ chúng tôi yêu cầu thử ADN, hắn lại lo sợ và bèn đánh cắp xác bố mình bởi hắn thực sự không muốn tiến hành cuộc thử. Và tôi cũng nghi ngờ rằng hắn đã cho người đến Kansas để giết Julia thật. Ông có biết rằng Peggy còn một người anh có quan hệ chặt chẽ với giới xã hội đen? Nếu Julia thật còn sống, kế hoạch của hắn sẽ không thực hiện được vì sẽ có đến hai Julia. - Anh có chắc những điều mình vửa nói không? - Hoàn toàn chắc chắn. Còn một điều nữa, thẩm phán Stanford ạ. - Cái gì vậy? - Tôi không tin cha ông bị ngã từ trên thuyền xuống đâu. Tôi đoán rằng Woody đã thuê người ám sát cha ông. Rất có thể anh trai của Peggy cũng có liên quan. Người ta cho tôi biết rằng hắn ta có quan hệ ỵới cả mafia Pháp. Họ có thể trả tiền cho thuỷ thủ đoàn trên tầu của cha ông. Tối nay tôi sẽ bay đến Italia để gặp thuyền trưởng con tàu đó. Tyler nghe một cách chăm chú. Và y nói một cách tán thành. - Ý kiến hay đấy - Đồng thời y nghĩ thuyền trưởng Vacarro chẳng biết gì đâu. - Tôi sẽ trở về vào thứ tư tới để tham gia buổi mở di chúc. - Thế còn Julia thật? - Tyler hỏi. - Anh chắc rằng cô ta sẽ an toàn chứ? Tất nhiên - Steve nói - Nàng ở một nơi mà không ai có thể tìm ra. Đó là nhà tôi. Chương 33 Trời giúp ta rồi. Y không thể tin mọi việc lại tốt đẹp như vậy. Một sự may mắn lạ thường. Đêm qua, Sloane đã trao tận tay Julia cho y. Hal Baler là tên bất tài, Tyler nghĩ. Lần nầy tự ta sẽ săn sóc cho Julia. Tyler ngẩng đầu lên nhìn Clark đi vào. - Thưa ngài thẩm phán, có một cú điện thoại cho ngài. - Tyler? - Đó là Keith Percy. - Tôi đây, Keith - Tôi gọi đến để báo cho anh một vài tin tửc về Margo Posner. - Gì cơ? Bác sĩ Gifford vừa gọi điện cho tôi. Người phụ nữ đó điên rồi. Bệnh của cô ta càng ngày càng nặng và họ đã phải dùng đến bạo lực để kiểm soát cô ta. - Tôi rất tiếc khi phải nghe chuyện nầy. - Dù sao, tôi cũng muốn anh được thanh thản đầu óc. Cô ta cũng chẳng còn nguy hại gì cho anh hay cho gia đình anh nữa đâu. - Tôi rất cảm kích đấy - Tyler nói. Tyler trở về phòng riêng và gọi điện cho Lee. Chuông reo rất lâu trước khi Lee nhấc máy. - A lô? - Tyler nghe thấy những tiếng nói khác. - Ai vậy? - Tyler đây. - Ồ anh, Tyler. - Cưng mở tiệc à? - Tyler nghe thấy tiếng chạm cốc - Ừm… Hừm. - Anh có muốn tham gia không? - Anh cũng mong là anh có thể đến được. Tyler rất muốn biết những ai có mặt tại bữa tiệc nầy. - Anh gọi điện để báo em chuẩn bị cho chuyến du lịch mà ta đã bàn tính. - Ý của anh là đi trên con du thuyền lớn, mầu trắng tới St. Tropez? - Lee cười to. - Đúng vậy! - Tyler khẳng định, thầm đắc ý. - Vậy được! Lúc nào tôi cũng sẵn sàng. - Lee nó, vẻ nhạo báng. - Lee, anh nói nghiêm túc mà. Thôi, dẹp nó đi, Tyler. Thẩm phán thì làm gì có du thuyền. Tôi phải đi đây. Khách của tôi đang gọi. - Đợi một chút nào. - Tyler nói tuyệt vọng. - Cưng có biết anh là ai không? - Tất nhiên, anh là… - Anh là Tyler Stanford. Cha anh là Harry Stanford. - Anh có đùa không đấy. - Giọng nói vang lên sau hội lâu im lặng. - Không: Anh đang ở Boston và đang chuẩn bị chia gia tài. - Chúa ơi. Anh đúng là Stanford. Em không biết. - Em xin lỗi. Em có biết chuyện đó qua tivi nhưng em chẳng hề quan tâm: Em không bao giờ hình dung được lại là anh… - Không sao đâu! - Có đúng là anh sẽ đưa em đến St. Tropez không? - Tất nhiên là đúng. Chúng ta sẽ cùng nhau làm nhiều việc khác nữa. - Tyler nói. Tất cả những gì em muốn làm. - Chắc chắn rồi. - Giọng Lee bỗng nhiên tràn đầy cảm xúc. - Tyler ơi, đây đúng là một tin tuyệt vời. Khi bỏ ống nghe xuống, Tyler mỉm cười. Lee đã lại như xưa. Bây giờ, y nghĩ, đã đến lúc phải "săn sóc" cho cô em rồi. Tyler đi sang thư viện, nơi để bộ sưu tập súng của Harry Stanford, mở hòm và nhấc ra một hộp gỗ mầu dái ngựa. Y lấy thêm vài băng đạn từ cái ngăn kéo bên dưới, cho vào túi áo và mang chiếc hộp gỗ về phòng ngủ của mình, khoá cửa cẩn thận và mở chiếc hộp ra. Bên trong là hai khẩu súng ngắn kiểu Ruger mà Harry Stanford rất thích. Tyler lấy ra một khẩu, lắp đạn vào, sau đó cất những băng đạn còn lại cùng khẩu súng kia vào ngăn kéo bàn làm việc của y. Một viên là đủ, y nghĩ. Người ta đã dậy y sử dụng súng thành thạo từ khi còn ở trường võ bị, nơi mà cha y đã tống y vào. Cảm ơn Cha! Tiếp theo, Tyler với tay lấy cuốn danh bạ điện thoại và dò tìm số địa chỉ nhà Steve Sloane. 280 đường Newbury, Boston. Tyler lặng lẽ đi xuống nhà xe, nơi chứa nửa tá ô tô. Y chọn chiếc Mercedes mầu đen đề khó bị phát hiện. Y mở cửa gara và rất thận trọng đưa xe ra. Xung quanh là màn đêm yên lặng. * * * * * Trên đường đến nhà Steve, Tyler nghĩ miên man về điều y sắp làm. Y chưa bao giờ phải chuẩn bị tâm lý để giết người Nhưng lần nầy y đã hết đưởng chọn lựa. Julia Stanford là vật cản cuối cùng giữa y và giấc mộng đẹp đang sắp thành hiện thực. Nếu nàng chết, mọi chuyện sẽ trở nên êm xuôi. Mãi mãi, Tyler nghĩ. Y lái xe chậm, cẩn thận để không quệt phải bất cứ cái gì. Khi đến đường Newbury, Tyler cho xe trôi qua nhà Steve. Có vài chiếc xe đỗ sát lề đường nhưng không có người đi bộ nào… Y đỗ xe ở góc xa và đi bộ đến trước căn nhà. Y nhấn chủông cửa rồi đứng đợi. Giọng nói của Julia vọng qua cánh cửa. - Ai đó? - Thẩm phán Stanford đây. Nghe vậy, Julia liền mở cửa ra. Nàng nhìn Tyler với cặp mắt ngạc nhiên: - Ông làm gì ở đây vào lúc nầy? Có chuyện gì xảy ra thế? - Không, không gì cả. Steve Sloane yêu cầu tôi đến nói chuyện với cô. Anh ấy bảo rằng cô ở đây. Tôi vào được chứ? - Vâng, mời ông. Tyler bước vào bên trong và nhìn Julia đóng cửa lại Nàng đưa y vào phòng khách. - Steve không có nhà. - Nàng nói. - Anh ấy đã đi San Remo rồi. - Tôi biết. - Y nhìn quanh. - Cô ở một mình à? Có người làm hay ai đó ở cùng không? - Không. Ở đây rất an toàn. Ông uống chút gì nhé? - Không, cảm ơn. - Ông muốn nói chuyện gì với tôi vậy? - Tôi muốn cho cô biết tôi rất thất vọng về cô. - Thất vọng? - Lẽ ra cô không nên đến đây. Cô có nghĩ rằng cô đang cố chiếm lấy một phần tài sản mà chẳng hề thuộc về mình không? Nàng ngơ ngác nhìn y: - Nhưng tôi có quyền… - Cô chẳng có quyền gì cả. - Tyler bật ngón tay. - Cô đã ở đâu khi chúng tôi phải chịu những sự sỉ nhục và roi vọt của lão già? Lão ta đã tìm mọi cách để hành hạ chúng tôi. Chúng tôi như sống trong địa ngục vậy. Cô đâu có phải trải qua những cảnh đó Còn chúng tôi, chúng tôi đã phải khổ cực nhiều và giờ đây, chúng tôi đáng được hưởng đống của cải của lão ta. Nhưng cô thì không. - Tôi… thế ông muốn tôi làm gì? - Tôi muốn cô làm gì à? - Tyler cười gằn. - Chẳng gì cả. Cô đã làm xong hết rồi. Cô sắp tước đoạt mọi thứ của tôi, cô có biết không? - Tôi chẳng hiểu gì cả. - Điều nầy đơn giản thôi. - Y rút khẩu súng lục ra. - Cô sẽ biến mất ngay thôi mà. Nàng lùi lại một bước. - Nhưng, tôi… - Đừng nói gì nữa. Đừng phí thời gian vô ích. Cả tôi và cô chúng ta đều đã mắc phải một sai lầm nho nhỏ. - Nếu tôi không đi thì sao? - Nàng cứng người lại. - Dĩ nhiên cô sẽ đi. Sống hoặc chết, tuỳ cô chọn lựa. Ngay khoảnh khắc đó, Tyler chợt thấy giọng nói của mình vang lên từ căn phòng kế bên: "Dĩ nhiên cô sẽ đi… Sống hoặc chết, tuỳ cô chọn lựa". Y quay lại đằng sau: - Cái gì? Steve Sloane, Simon Fitzgerald, trung uý Kennedy và hai cảnh sát mặc sắc phục đang từng bước một tiến vào phòng. Steve cầm trên tay một cái máy ghi âm. - Trao súng cho tôi, ngài thẩm phán. - Trung uý Kennedy nói. Tyler thấy lạnh khắp người. Nhưng sau đó y nặn ra một nụ cười. - Dĩ nhiên. Tôi chỉ muốn làm cho người phụ nữ nầy đi khỏi đây thôi. Cô ta là giả mạo, các anh biết đấy! - Y đặt khẩu súng vào tay viên cảnh sát. - Cô ta muốn chiếm một phần gia tài của nhà Stanford. Mà tôi thì không thể để cô ta làm thế được. Nên tôi mới… - Dừng được rồi đấy, ngài thẩm phán ạ. - Steve nói. - Anh nói gì cơ? Anh nói Woody mới là hung thủ… - Woody không đủ khả năng đề dàn dựng một kỵch bản khéo như vậy, còn Kendall thì vẫn luôn luôn thành công trong sự nghiệp. Vì vậy tôi đã quay sang kiểm tra về ông. Dmitri Kaminsky bị giết ở Austrlia và cảnh sát Austrlia lại tìm thấy số điện thoại của ông trong ví hắn ta. Ông đã sử dụng hắn để giết hại cha ông. Ông cũng là người đã đưa Margo Posner vào cuộc và sau đó lại khăng khăng cô ta là giả mạo dể tránh bị nghi ngờ. Ông cũng là người đề ra vụ thứ ADN và tạo điều kiện cho cái xác bị cướp đi. Và ông cũng là người đã gọi điện cho Timmons. Ông thuê Margo Posner thủ vai Julia và sau đó ông đã đẩy cô ta vào nhà thương điên. Tyler nhìn quanh căn phòng và giọng nói của y trở nên bình tĩnh một cách đáng sợ: - Một số điện thoại trên mình người chết mà các anh gọi là bằng chứng à? Tôi không tin. Các anh dựa vào đó mà dám gài bẫy tôi à? Các anh chẳng có tí ti bằng chứng nào cả. Dmitri có số điện thoại của tôi là vì tôi nghĩ rằng cha tôi đang bị nguy hiểm. Tôi bảo Dimitri phải trông chừng ông cẩn thận. Và dĩ nhiên hắn đã không làm được. Người giết Dmitri cũng có thể là người đã giết cha tôi. - Đó là người mà cảnh sát đang tìm. Tôi gọi điện cho Timmons và tôi muốn biết sự thật. Có ai đó đã đóng giả ông ta ư? - Tôi nào biết đó là ai. Tôi nghi ngờ mãi rồi mới buộc phải tin Margo Posner thật sự là em tôi. Khi cô ta bỗng nhiên bị điên, đe doạ giết hết chúng tôi thì tôi đã thuyết phục cô ta đi Chicago. Sau đó tôi lại sắp xếp để cô ta được vào điều trị và chăm sóc ở đó. Tôi muốn mọi chuyện đều được êm thấm và tránh cho gia đình tôi khỏi gặp rắc rối. Julia nói: - Nhưng ông đến đây để giết tôi. - Tôi không có ý định giết cô. - Tyler lắc đầu - Cô là giả mạo tôi chỉ muổn đuổi cô đi thôi. - Hắn nói dối. Tyler quay lại nhìn mấy người đàn ông. - Có một vài điều các vị nên cân nhắc. Có thể chẳng ai trong gia đình tôi dính dáng vào vụ nầy. Mà cũng có thể một người bên trong gia đình tôi đã dàn dựng tất cả người đã đưa đến một kẻ giả mạo và đặt kế hoạch thuyết phục mọi người trong gia đinh tin rằng cô ta là con của bố tôi, sau đó thì cùng cô ta chia chác số tài sản họ đoạt được. Đã bao giờ bản thân các anh gặp tình cảnh nầy chưa? Y nói tiếp với Simon Fitzgerald. - Tôi sẽ kiện anh về tộì vu khống và tôi sẽ làm cho anh mất tất cả. Họ sẽ là nhân chứng của tôi. Trước khi anh mất hết, hãy đừng làm phiền tôi nữa. Tôi sắp có cả tỉ đô la, tôi sẽ dùng tiền đó đề tiêu diệt anh. - Y quay sang Steve. - Tôi chắc rằng lần đóng vai luật sư cuối cùng của anh là ngày đọc chúc thư của Stanford. Nào, nếu các vị không bắt tôi về tội sử dụng súng bất hợp pháp thì tôi đi đây. Mấy người nhìn nhau, vẻ thất vọng. - Không hả? Vậy thì xin chào nhé. Họ dõi theo từng bước của Tyler ra khỏi căn phòng. Trung uý Kennedy là người đầu tiên phá vỡ bầu không khí yên lặng. - Chúa ơi! - ông nói. - Các anh có tin không? - Hắn bịp bợm đấy. - Steve nói chậm rãi. - Nhưng chúng ta không thể chứng minh được. Chúng ta cần một vật chứng cụ thế. Tôi đánh giá hắn thấp thôi, dù hắn thực sự là tay khá đấy. - Có vẻ như chúng ta bị gậy ông đập lưng ông rồi. Simon Fitzgerald nói. - Thiếu Dmitri Kaminsky và sự chứng nhận của Margo Posner chúng ta chẳng có lí do gì để nghi ngờ hắn cả. - Thế còn việc hắn doạ giết tôi thì sao? - Julia hỏi. - Em nghe rồi đấy. Hắn nói hắn chỉ muốn đuổi em đi bởi hắn nghĩ em là giả mạo. - Steve nói. - Hắn chẳng phải muốn đuổi em đi đâu. - Julia phản đối. - Hắn muốn giết em thì có. - Anh biết. Những chúng ta bây giờ chẳng làm gì được. Dickens đã nói: "Pháp luật là con lừa…" - Chúng ta lạì phải quay về điểm khởi đầu. - Còn tồi tệ hơn thế cơ, Steve ạ - Simon Fitzgerald cau mày. - Tyler nói hắn sẽ kiện chúng ta. Nếu không kiếm được bằng chứng, chúng ta sẽ gặp rắc rối to đấy. Khi những người khác đã ra về, Julia nói với Steve: - Em thấy lo quá. Em cũng nên chịu một phần trách nhiệm. Lẽ ra em không nên đến… - Đừng dại dột như thế. - Steve nói. - Nhưng hắn nói hắn sẽ không để các anh yên cơ mà. Hắn có làm điều đó không? - Ý của em là gì? - Anh nhìn nàng, bối rối. - Em sắp có nhiều tiền. Em sẽ đưa cho anh, đủ để… Anh đặt tay lên vai nàng: - Cảm ơn Julia. Anh không lấy tiền của em đâu. Anh sẽ ổn thôi. - Nhưng… - Đừng lo quá mà, Julia. - Nhưng Tyler là con quỷ đó. - Em cũng đã quá can đảm để làm những việc như em đã làm. - Anh nói là không có cách để bắt hắn, nhưng em nghĩ nếu anh dụ hắn tới đây, đó cũng là một cách để bắt hắn. - Nhưng có vẻ như chúng ta đã bị rơi vào bẫy, phải không? Đêm đó, Julia nằm trên giường nghĩ tới Steve và nghĩ xem mình có thể giúp đỡ anh như thế nào. Lẽ ra mình không nên đến, nàng nghĩ, nhưng nếu mình không đến, mình lại không gặp anh ấy. Ở phòng bên, Steve cũng đang nghĩ đến Julia. Thật là thất vọng vì nàng nằm ở bên kia bức tường. Tôi phải nói gì đây? Bức tường đó là cả tỉ đô la dầy cộp. Tyler đang trong tâm trạng hưng phấn. Trên đường về nhà, y nghĩ đến những gì đã xảy ra và việc y đã tỏ ra khôn khéo hơn đám người kia ra làm sao. Chúng là những tên vô dụng đang cố đẩy ngã một người khổng lồ. Y không biết rằng đó cũng từng là ý nghĩ của cha y. Khi trở về Rose Hill, y thấy Clark đang đứng đón mình. - Xin chào ngài thẩm phán. Buổi tối tốt đẹp chứ? - Rất tuyệt, Clark ạ, rất tuyệt. - Ngài uống gì không? - Có. Cho tôi một ly champague. - Vâng, thưa ngài. Y chúc mừng cho chiến thắng của y. Ngày mai, ta sẽ có hai tỉ đô la. Y nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc đáng yêu đó. Hai tỉ đô la. - Y quyết định gọi cho Lee lần nầy, Lee nhận ngay ra giọng y. - Tyler! Anh có khoẻ không? - Giọng Lee ấm áp. - Khoẻ Lee ạ. - Em đang chở điện thoại của anh đây. Tyler thấy có chút hồi hộp. - Thật không? Em có muốn đến Boston ngày mai không? - Có. Nhưng để làm gì? Để dự buổi mở di chúc. Anh sắp nhận thừa kế hai tỉ đô la. Hai tỉ… thật tuyệt diệu. Anh muốn có em bên cạnh. Chúng ta sẽ cùng nhau vui vẻ trên du thuyền. - Ồ Tyler! Thật tuyệt vời làm sao. - Vậy em đến chứ? - Dĩ nhiên. Khi Lee dập máy, Tyler ngồi xuống và lại lặp đi lặp lại: Hai tỉ đô la… hai tỉ đô la. Chương 34 Một ngày trước khi mở di chúc, Kendall và Woody được mời đến văn phòng của Steve. - Có việc gì mà lại mời chúng tôi sớm vậy. Bản di chúc ngày mai mới được mở cơ mà? - Woody nói. - Tôi muốn các vị gặp một người. - Steve nói. - Ai vậy? - Em gái của các vị. - Hai người ngạc nhiên nhìn nhau. - Chúng tôi đã gặp nó rồi mà? - Kendall nói. Steve nhấn nút trên máy liên lạc. Làm ơn dẫn cô ấy vào đây. Kendall và Woody nhìn nhau bối rối. Cánh cửa mở ra và Julia Stanford dụt dè đi vào văn phòng. Steve đứng lên: - Đây là em gái các vị, Julia. - Anh đang nói cái quái gì vậy? - Woody giận dữ. - Anh muốn gì ở chúng tôi? - Để tôi giải thích đã. - Steve nhẹ nhàng. Sau đó, anh kể lại toàn hộ câu chuyện và kết thúc. - Perry Winer đã xác nhận dấu tay của cô đây phù hợp với dấu tay của thân phụ các vị. Khi Steve nói xong, Woody lên tiếng: - Tyler ư? Tôi không tin được. - Nhưng sự thật là như vậy - Tôi chẳng hiểu gì cả. Dấu tay của người phụ nữ kia cũng chứng tỏ cô ta là Julia. - Woody nói. - Tôi còn có dấu tay của cô ta nữa mà. Steve thấy tim đập mạnh hơn: - Anh có à? - Ừ. Tôi giữ chúng như một kỷ vật vậy. - Vậy hãy giúp tôi một việc nhé. - Steve yêu cầu. 10 giở sáng hôm sau, tất cả mọi người đều có mặt tại phòng họp của công ty Renquist, Renquist Fitzgerald. Simon Fitzgerald ngồi ở ghế chủ toạ. Trong phòng, ngoài Kendall, Tyler, Woody, Steve, Julia còn có thêm vài người lạ mặt. Fitzgerald giởi thiệu hai người trong số họ: - Đây là William Parker và Patrich Evans. Họ là người của hãng luật đại diện cho công ty Stanford Enterprises. Họ có bản báo cáo về tài chính của công ty Chúng ta sẽ thảo luận về bản di chúc trước, sau đó sẽ là phần việc của hai vị đây. - Hãy bắt đầu đi! - Tyler nóng vội. Y đang ngồi cách xa mọi người. Ta không chỉ lấy tiền mà ta còn tiêu diệt bọn khốn nầy. - Được! Simon Fitzgerald gật đầu. Trước mặt Fitzgerald là một tập hồ sơ có ghi HARRY STANFORD - DI CHÚC. Fitzgerald hắng giọng rồi nói. - Tôi sẽ đưa cho mỗi người một bản copy của di chúc, vì thế chúng ta sẽ khỏi mất thời gian quan tâm đến các chi tiết vặt vãnh. Tôi đã nói với các vị rồi, các con của Harry Stanford có quyền thừa kế tài sản ngang nhau. Julia khẽ liếc sang Steve, vẻ sửng sốt hiện rõ trên khuôn mặt. Mừng cho nàng, Steve nghĩ. Cho dù điều nầy có làm ta không bao giờ với đến nàng nữa. Tyler nghĩ thầm: Lee sẽ đến đây vào chiều nay. Ta thật muốn đến sân bay đế đón em. Simon Fitzgerald tiếp tục: - Như tôi đã nói với các vị, công ty Stanford Enterprises trị giá khoảng sáu tỉ đô la. - Fitzgerald gật đầu với William Parker. - Ông Parker sẽ tiếp phần việc của tôi. William Parker mở cặp hồ sơ và lôi ra một tập giấy, đặt lên bàn: - Như ông Fitzgerald đã nói, tài sản của công ty đáng giá sáu tỉ. Tuy nhiên… - Ông ta nhìn quanh căn phòng. - Công ty Stanford Enterprises có một món nợ chưa thanh toán là hơn mười lăm tỉ đô la. Woody đứng bật dậy: - Ông đang nói cái quái gì vậy? - Có phải đây là một kiểu đùa mới không? - Mặt Tyler tái mét. - Có thể lắm. - Giọng Kendall khản hẳn đi. William Parker chỉ một người đàn ông khác trong phòng. - Ông Leonard Redding ở uỷ ban Môi giới chứng khoán và ngoại hối. Ông ta sẽ giải thích cho các quí vị nghe. Leonard Redding thong thả: - Hai năm trước, Harry Stanford bị người ta thuyết phục là lãi suất cổ phiếu sẽ tụt xuống. Trong quá khứ, ông ta đã kiếm được nhiều tiền nhờ đầu tư vào nó. Khi lãi suất cổ phiếu bắt đầu tăng lên ông ta vẫn tin rằng nó sẽ tụt xuống và ông ta tiếp tục duy trì sự đầu tư của mình. Ông ta vay một món tiền khổng lồ để mua trái phiếu dài hạn nhưng lãi suất cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng và lãi suất vay mượn của ông ta cũng nhẩy vọt lên, trong khi giá trị của trái phiếu lại tụt xuống thảm hại. Nhà băng sẵn sàng làm việc với Stanford vì danh tiếng và tài sản của ông ta nhưng khi ông ta định làm giảm bớt thiệt hại bằng cách đầu tư vào thị trường chứng khoán thì họ bắt đầu thấy lo ngại. Hàng loạt vụ đầu tư của ông ta đã thất bại thảm hại. Tiền đi mượn của ông ta bị tiêu tán bởi số chứng khoán mà ông ta mua cộng với đó là tiền của chính bản thân ông ta. - Về mặt khác, - Patrick Evans chen vào, - chính ông ta đã từ các món nợ lớn cho mình, dẫn đến các hành động phạm pháp. Dĩ nhiên. Thật không may cho Stanford, lãi suất cổ phiếu lên đến mức cao nhất trong lịch sử tài chính. Ông ta phải tiếp tục mượn tiền để bù vào số tiền đã mượn trước đó. Đây là một vòng tròn luẩn quẩn, không có lối thoát. Họ ngồi đó, nuốt lấy từng lời của Redding. - Ông ta đã dùng tiền bảo hiểm cá nhân và tiền trợ cấp lương hưu của công ty đề mua thêm vốn cố phần một cách bất hợp pháp. Khi nhà băng bắt đầu đặt câu hỏi Stanford đang làm gì, ông ta đã giăng ra một cái bẫy, là các công ty của mình và các phần tài liệu giả nhằm chứng tỏ ông ta có thể trả được nợ nần. Ngoài ra còn hồ sơ giả về giá trị tài sản của ông ta để nâng cao độ chính xác của phần tài liệu giả kia. Stanford đã phạm tội giả mạo giấy tờ. Cuối cùng ông ta phải cầu cứu lòng thương hại của các nhà băng nhằm cứu ông ta ra khỏi rắc rối. Nhưng họ đã từ chối. Khi họ thông báo với Uỷ ban môi giới chứng khoán và ngoại hối tất cả mọi chuyện trên thì Interpol bắt đầu nhẩy vào cuộc. Redding giởi thiệu người đàn ông đang ngồi cạnh mình. - Đây là thanh tra Patou ở cơ quan an ninh Pháp. - Ngài thanh tra, ông có thể giải thích nốt phần cuối cho các vị đây không? Thanh tra Patou nói tiếng Anh có pha một chút giọng Pháp: - Theo đề nghị của Interpol, chúng tôi đã theo dõi Harry Stanford tới St.. Paul de Vence, và tôi cũng đã cử ba thám tử ở đó để bám sát ông ta. Ông ta đã cố tình đánh lạc hướng họ. Interpol đã phát lệnh xanh cho cảnh sát các nơi rằng Harry Stanford đang bị nghi ngờ và cần được theo dõi. Chỉ cần họ nắm đầy đủ các chứng cớ phạm tội của Stanford, họ sẽ phát ra lệnh đỏ và chúng tôi sẽ bắt ngay ông ta. Woody vẫn trong trạng thái bị sốc. - Đó là lý do cha tôi đã để lại tài sản cho chúng tôi. Bởi vì tài sản đó chẳng còn gì. - Anh nói đúng dó. - William Parker nói. - Tất cả các vị đều được hưởng phần thừa kế bởi vì nhà băng từ chối giúp ông ta, và trong thực tế ông ta chẳng để lại cái gì cho các vị. Nhưng ông ta có nói chuyện với Renê Gautier tại Crédit Lyonnais, người đã hứa sẽ giúp ông ta. Lúc Harry Stanford nghĩ rằng ông ta có thể trả được nợ, ông ta định thay đổi di chúc và gạt tên các vị ra khỏi bản di chúc mới. - Thế còn đất đai, công xưởng, nhà cửa thì sao? - Kendall hỏi. - Tôi rất tiếc. - Parker nói. - Tất cả đều phải bán đi dể trang trải bớt một phần nợ. Tyler ngồi đó, điếng người đi. Đó quả là cơn ác mộng ngoài sức tưởng tượng. Y chẳng còn là nhà tỉ phú Tyler Stanford nữa. Y vẫn chỉ đơn giản là một thẩm phán mà thôi. Y đứng lên, ấp úng: - Tôi… tôi không biết phải nói gì đây. Nếu không còn gì… - Y phải ra sân bay ngay để đón Lee và giải thích tất cả mọi chuyện. - Còn một vài điều nữa đấy, - Steve nói. - Gì cơ? - Y quay lại. Steve gật đầu với người đàn ông đứng ở cửa. Cánh cửa mở ra và Hal Baker bước vào. - Xin chào ngài thẩm phán. Mọi việc bắt đầu trở nên rõ ràng khi Woody bảo Steve rằng gã có miếng giấy có dấu vân tay. - Cho tôi xem nó một chút. - Steve nói với gã. Woody cảm thấy rất bối rối. - Tại sao? Trên đó chỉ có hai dấu tay của người phụ nữ đó và chúng giống hệt nhau. Tất cả chúng tôi đã kiểm tra. - Nhưng người đàn ông tên là Timmons đã cầm máy in, đúng không? - Đúng. - Sau đó, nếu hắn ta cầm vào miếng giấy, dấu tay của hắn cũng sẽ có trên đó. * * * * * Linh cảm của Steve đã thành sự thật. Dấu tay của Hal Baker có trên miếng giấy và họ mất không quá ba mươi phút để tìm ra lý lịch của hắn. Steve lập tức gọi đến văn phòng điều tra ở Chicago. Lệnh được phát ra và hai nhân viên đã có mặt tại nhà Hal Baker. Hắn đang chơi bóng cùng Billy ngoài sân. - Ông Baker? - Vâng! Người nhân viên chìa phù hiệu cho hắn xem: - Ngài chánh văn phòng muốn nói chuyện với anh. - Không, tôi không đi được. - Hắn nói với vẻ phẫn nộ. - Tại sao vậy? - Các anh có thể thấy mà. Tôi đang chơi bóng với con tôi. Ông chánh văn phòng đã đọc xong bản sao biên bản vụ xử án Hal Baker. Ông ta nhìn người đàn ông ngồi trước mặt mình và nói. - Tôi biết anh là người rất yêu gia đình của mình. - Đúng vậy, - Hal Baker tự hào. - Nếu như mọi gia đình đều như gia đình tôi… - Ông Baker. - Ông chánh văn phòng nghiêng người, ông đã từng làm việc với thẩm phán Stanford? - Tôi không biết thẩm phán Stanford nào cả. - Để tôi nhắc lại cho anh nhớ. Thẩm phán Stanford đã từng hứa tha cho anh. Ông ta đã sử dụng anh để giả mạo một thám tử tư tên là Frank Timmons, và chúng tôi cũng có đủ lý do đề tin rằng ông ta cũng yêu cầu anh giết Julia Stanford. - Tôi chả hiểu ông đang nói gì đây. - Những gì tôi đang nói là về bản án mười đến hai mươi năm. Có thể tôi phải đẩy lên hai mươi đấy. - Ông không thể làm vậy. Tại sao? Vợ và con tôi sẽ… - Mặt Hal Baker nhợt nhạt. - Rõ ràng như vậy. Về một khía cạnh khác, - Ông chánh văn phòng nói, - nếu anh đồng ý hợp tác với chúng tôi, tôi bảo đảm sẽ sắp xếp cho gia đình anh ra đi một cách an toàn. Lúc nầy Hal Baker đã bình tĩnh hơn. - Vậy vâng tôi phải làm gì bây giờ? - Kể lại cho tôi nghe. Tất cả. Và bây giờ, trong phòng họp của công ty Renquist, Renquist Fitzgerald, Hal Baker nhìn thẳng vào Tyler và nói: - Ngài vẫn khoẻ chứ, ngài thẩm phán. Woody nhìn lên và bật thành tiếng: - Nầy, đây là Frank Timmons mà. - Ông đã ra lệnh cho người nầy lục lọi văn phòng chúng tôi đề tìm bản sao của phần di chúc cho ông rồi ông lại ra lệnh cho hắn đánh cắp xác cha ông và cuối cùng là đi giết Julia Stanford. - Steve nói với Tyler. Tyler cất tiếng, giọng lạc hẳn đi: - Các người điên rồi. Hắn là một tên tội phạm đã bị kết án. Lời nói của hắn sẽ không có giá trị gì hết. - Sẽ chẳng ai sử dụng lời nói của hắn đâu. - Steve nói - Ông đã gặp người đàn ông nầy chưa? - Đã. Hắn bị kết án trong nhiều phiên toà của tôi. - Tên hắn là gì? - Là… - Tyler nhận ra cái bẫy. - Hắn có thể có nhiều tên giả. - Nhưng khi ông xử hắn, tên hắn là Hal Baker. - Đúng… đúng vậy. Nhưng khi hắn đến Boston, ông lại giởi thiệu hắn là Frank Timmons. - Đúng… tôi… tôi… - Tyler bắt đầu ấp úng. - Ông đã thả hắn ra và ông đã sử dụng hắn để chứng minh Margo Posner là Julia thật. - Không. Tôi không làm điều đó. Tôi chưa bao giờ gặp cô ta cho đến khi cô ta xuất hiện tại đây. - Chúng tôi cũng đã kiểm tra Margo Posner. Cô ta cũng bị xử án ở phiên toà của ông và cũng được ông thả ra. Văn phòng điều tra ở Chicago đã được phép kiểm tra chỗ làm việc của ông sáng nay. Họ vừa mới gọi cho tôi và thông báo rằng họ đã tìm thấy văn kiện của Julia Stanford nhường quyền sở hữu cho ông. Tập văn kiện được ký năm ngày trước khi Julia Stanford đến Boston. Tyler thở mạnh, cố gắng trấn tĩnh lại. - Tôi… tôi… Đây là một sự lố bịch. - Chúng tôi buộc lòng phải bắt ông, thẩm phán Stanford, về tội âm mưu giết người. Chúng tôi sẽ chuẩn bị các hồ sơ có liên quan. Còn ông, ông sẽ bị dẫn độ về Chicago. - Trung uý Kennedy nói. Tyler lặng người đi, cả thế giới như sụp đổ xung quanh y. - Ông có quyền giữ yên lặng còn những gì ông nói đều sẽ là bằng chứng trước toà. Ông được phép có luật sư biện hộ và luật sư của ông được phép có mặt trong các buổi thẩm vấn. Nếu ông không thuê luật sư ông có quyền chọn bất cứ một ai để hiện diện cùng ông trong các buổi thẩm vấn. Ông có hiểu không? - Trung uý Kennedy hỏi. - Có! Và một nụ cười đắc thắng trên khuôn mặt y. Ta biết phải chơi chúng bằng cách nào rồi. Y nghĩ một cách vui sướng. - Ông đã sẵn sàng chưa ông thẩm phán? - Rồi. Tôi muốn về Rose Hill để lấy vài thứ cần thiết. - Y nói với vẻ bình tĩnh lạ thường. - Được! Hai người chúng tôi sẽ đi cùng ông. Tyler quay lại nhìn Julia, ánh mắt đầy vẻ căm thù khiến nàng rùng mình. Ba mươi phút sau, Tyler và hai người cảnh sát đã có mặt tại Rose Hill. Họ đi thẳng vào phòng khách. - Làm ơn đợi tôi một lát. - Tyler nói. Họ nhìn Tyler đi lên cầu thang về phòng của y. Y mở cửa phòng, tiến thẳng đến bàn làm việc, lấy khẩu súng ra, lên đạn, kê vào thái dương và nhắm mắt lại. Tiếng súng vang lên, dội đi dội lại trong toà nhà như không dứt. Chương 35 Woody, Kendall ngồi trong phòng khách tại Rose Hill. Nửa tá người làm trong bộ đồ trắng đang hạ các bửc tranh trên tường xuống và bắt đầu dỡ bỏ các đồ đạc khác. - Kết thúc một thời đại. - Kendall thở dài. - Đây mới là mở đầu thôi. - Woody nói. Gã cười. - Tôi ước gì có thế thấy khuôn mặt của Peggy khi cô ta nhận ra mình là nửa phần tài sản của tôi. - Gã cầm lấy tay chị mình. - Chị có sao không? Ý của tôi muốn hỏi thăm về Marc? - Đã xong hết rồi. - Nàng gật đầu. - Sắp tới đây có lẽ tôi rất bận. Hai tuần tới tôi sẽ có một buổi kiểm tra thính giác sơ bộ. Sau đó, tôi sẽ xem nên làm cái gì. - Chắc mọi việc sẽ ổn cả thôi. - Woody đứng lên. - Tôi có một cú điện thoại rất quan trọng. - Woody nói với nàng. Gã phải thông báo nhiều tin tức cho Mimi Carson. - Mimi. - Woody biện bạch. - Anh sợ rằng anh phải quay lại với công việc của minh. Mọi thử không được suôn sẻ như anh tưởng. - Anh có sao không, Woody? - Không. Nhiều việc đến lúc phải giải quyết. Anh và Peggy đã chia tay nhau. - Thế à? Anh có quay lại Hobe Sound không? Thật lòng anh không biết phải làm gì bây giờ. - Woody? - Sao cơ? - Hãy về với em. - Giọng Mimi dịu dàng. Julia và Steve đang ở ngoài sân. - Anh xin lỗi về những điều xảy ra. Ý của anh là việc em đã không lấy được tiền. Julia cười với anh. - Em thật sự không cần đến một trăm người đầu bếp. - Em không thấy thất vọng khi đến đây một cách vô ích hay sao? - Vô ích là thế nào, Steve? - Nàng ngước nhìn anh. Họ không biết ai đã cử động, nhưng nàng đã ở trong vòng tay anh và anh ôm chặt lấy nàng, họ hôn nhau. - Anh muốn làm điều nầy ngay từ lần đầu tiên gặp em. Julia lắc đầu: - Lần đầu tiên gặp em, anh đã bảo em phải rời khỏi thành phố. - Anh có nói thế không nhỉ? - Anh cười. - Anh đâu có muốn em đi khỏi anh. Và nàng nghĩ đến lời hỏi của Sally: Mày có chắc hắn ta sẽ cầu hôn? Đó có phải là lời cầu hôn không nhỉ? Julia tự hỏi. Anh ôm nàng chặt hơn. - Em lấy anh chứ? - Dĩ nhiên là vậy. Kendall đi ra ngoài sân. Trên tay nàng là một mảnh giấy. - Tôi… tôi vừa nhận nó xong. Steve nhìn nàng, lo lắng. Kendall cười: - Không! Tôi vừa được phong "Nhà thiết kế thời trang phụ nữ" của năm nay. Woody, Kendall, Steve và Julia ngồi tại phòng ăn. Xung quanh họ là các lao công đang khuân giường, tủ bàn ghế ra ngoài. - Anh định làm gì bây giờ? - Steve hỏi Woody. - Tôi trở về Hobe Sound. Đầu tiên tôi sẽ đến kiểm tra tại nhà bác sĩ Tichner. Sau đó tôi sẽ tham gia vào buổi picnic dài ngày của các bạn tôi. Kendall nhìn Julia. - Thế em có về Kansas không? Khi tôi còn bé, Julia nghĩ, tôi đã từng mơ ước có một người nào đó sẽ dẫn tôi đi khỏi Kansas và đưa tôi đến xớ sở thần tiên, nơi tôi sẽ tìm thấy một hoàng tử cho mình. Nàng nắm tay Steve: - Không. - Nàng nói. - Em không về Kansas. Họ nhìn hai người lao công đang hạ bức ảnh chân dung Harry Stanford xuống. - Tôi sẽ không bao giờ mong như bức ảnh nầy. - Woody nói. Dịch Thuật: Trần Hoàng Cương Hết Sao Chiếu Mệnh Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 01 Chiếc phản lực 727 lọt vào giữa những đám mây đang cuồn cuộn hung dữ lao tới. Tiếng người phi công lo lắng vang lên trong loa: - Bà thắt dây cẩn thận rồi chứ, thưa bà Cameron? Không có tiếng trả lời. - Bà Cameron... Bà Cameron... Nàng choàng thức giấc sau cơn mơ màng. - Vâng. Trí óc nàng đang hồi tưởng lại những ngày tháng hạnh phúc, những nơi chốn hạnh phúc đã qua. - Bà vẫn yên ổn chứ? Chỉ lát nữa, chúng ta sẽ ra khỏi trận bão này. - Tôi vẫn bình thường, anh Roger. Rất có thể mình gặp may nếu chiếc máy bay này rơi xuống và mình sẽ chết, Lara Cameron thầm nghĩ. Đó là một cái chết đúng lúc. Mọi thứ đều sụp đổ cả rồi. Đấy là số mệnh. Nàng thầm nghĩ. Mi không thể cưỡng lại được số mệnh. Trong một năm qua cuộc đời nàng đã bị cuốn vào một cơn lốc, dữ dội đến mức nàng không sao điều khiển được nữa. Nàng đã rơi vào tình trạng có nguy cơ mất hết. Ít nhất thì mình cũng chẳng còn gì nữa để mà lo gìn giữ, nàng chua chát thầm nghĩ. Chẳng còn gì nữa. Mình sẽ không kịp về dự bữa tiệc sinh nhật của mình mất, Lara thầm nghĩ. Mọi khách khứa lúc này đang chuẩn bị để đến dự tiệc. Hai trăm khách, trong đó có cả Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Thông đốc bang New York, Thị trưởng, các nghệ sĩ lừng danh của Hollywood, các vận động viên thể thao, các nhà tài phiệt nôỉ tiêng của mười hai quốc gia. Đích thân nàng đã duyệt lại bản danh sách khách mời. * * * * * Bữa tiệc sẽ hết sức linh đình và náo nhiệt. Nàng sẽ ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào tất cả khách khứa, như thể không có chuyện gì xảy ra hết. Nàng là Lara Cameron kia mà! Khi chiếc máy bay riêng của Lara Cameron, cuối cùng hạ cánh an toàn xuống phi trường La Guardia nhưng chậm nhất một tiếng rưỡi. Nàng quay sang nói với viên phi công: - Ta sẽ quay lại Reno ngay đêm nay, Roger. - Tôi xin sẵn sàng, thưa bà chủ. Xe hơi Limousine cùng tài xế đã chờ nàng ngoài cửa nhà ga sân bay. Tài xế nói: - Tôi đang rất lo cho bà, thưa bà Cameron. - Máy bay bị lọt vào giữa một đám mây bão. Hãy chạy sao cho chúng ta về kịp buổi tiệc. - Vâng, thưa bà chủ. Lara với tay nhấc máy điện thoại trong xe, quay số điện của Jerry Townsend. Vậy là anh ta đã chuẩn bị xong mọi thứ cho bữa tiệc. Lara hỏi thêm xem khách đã đến đông đủ chưa? Không thấy câu trả lời. Chắc anh ta chạy sang phòng vũ hội rồi, Lara thầm nghĩ. - Nhanh nữa lên, Max. - Nàng bảo tài xế. - Vâng, thưa bà Cameron. Hình dáng toà nhà CameronPlaza không bao giờ làm Lara Cameron nhìn thấy mà trong lòng không trào lên một cảm giác hài lòng vì đó là tác phẩm của nàng, là sáng tạo của nàng. Nhưng tối nay, nàng sốt ruột đến mức không cảm thấy gì hết. Bao nhiêu người đang nóng lòng chờ nàng tại đó. Lara đẩy cánh cửa quay tròn, đi nhanh qua gian tiền sảnh rộng lớn và sang trọng. Carlos, giám đốc điều hành toà nhà nhìn thấy nàng vội chạy ra đón. - Chào bà Cameron. Thưa bà... - Khoan mọi chuyện đã, - Lara đáp, chân nàng vẫn bước thoăn thoắt. Nàng đã đến bên cánh cửa khép lại của phòng vũ hội lớn và đứng lại hít một hơi rất sâ sẵn sàng đón nhận mọi thứ tồi tệ nhất, nàng thầm nghĩ. Nàng đẩy mạnh cánh cửa, tươi cười bước vào đột nhiên đứng sững lại, choáng váng. Phòng vũ hội rộng lớn vẫn tối tăm. Chỉ có những ngọn đèn thường trực bố trí dưới chân tường hắt lên làn ánh sáng yếu ớt. Không có một ai. Không một người nào ở trong đó. Lara đứng lặng đi, kinh hoàng. Vậy hai trăm khách quý đâu? Họ làm sao? Trong thiếp mời của nàng ghi là tám giờ, vậy mà bây giờ đã mười giờ. Tất cả ngần ấy con người biến đâu mất sạch? Không khác gì trong giấc mơ. Nàng đứng nhìn gian phòng thênh thang trống rỗng và tăm tối mà toàn thân run lên. Bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật nàng năm ngoái, cũng ở gian phòng rộng lớn này chật ních bè bạn của nàng, vang động tiếng nhạc và tiếng cười vui vẻ. Nàng còn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó... Chương 02 Một năm trước đó, Lara Cameron đã ghi chương trình làm việc trong ngày theo đúng như lệ thường: 10, tháng Chín, 1991 5.00 Tập thể dục với huấn luyện viên. 7.00 Xuất hiện trong chương trình Tivi "Chào buổi sáng nước Mỹ". 7.45 Gặp các chủ ngân hàng Nhật Bản. 9.30 Jerry Townsend. 10 30 Họp Uỷ ban kế hoạch. 11.00 Đánh fax, gọi điện ra nước ngoài. Thư tín. 11 30 Họp Uỷ ban xây dựng. 12.30 Gặp S-L 13.00 Ăn trưa. Tạp chí Fortune phỏng vấn - Hugh Thompson. 14.00 Gặp các chủ nhà băng của Metropolitan Union. 16.00 Uỷ ban quận. 17.00 Gặp Thị trưởng - Nhà từ thiện. 18.15 Gặp các kiến trúc sư 18.30 Uỷ ban quản lý nhà đất 19.30 Tiệc nhẹ với Tập đoàn Đầu tư Dallas 20.00 Tiệc kỷ niệm sinh nhật ở phòng vũ hội lớn, Toà nhà Cameron. Lara đã mặc xong quần áo tập, đang sốt ruột chờ đợi thì Ken, huấn luyện viên thể dục của nàng đến. - Anh đến trễ, Ken. - Bà tha lỗi, thưa bà Cameron. Đồng hồ báo thức của tôi hỏng và... - Tôi rất bận. Ta bắt đầu! - Đúng thế, thưa bà. Cùng huấn luyện viên, nàng tập thể dục nửa giờ rồi mở băng hình thể dục thẩm mỹ, băng có hình mẫu những động tác mạnh mẽ. Bà ta giữ được thân hình như cô gái tuổi hai mốt, Ken thầm nghĩ. Mình rất thèm được làm tình với người có tấm thân như thế này. Anh rất thích thú mỗi sáng lại được nhìn thấy Lara Cameron, được bên cạnh nàng. Người ta thường hỏi anh, bà Lara Cameron thân hình ra sao và anh luôn trả lời họ rằng, trông như cô gái mười tám. Hôm nay Lara tập như cái máy, đầu óc nàng đang ở tận đâu đâu. Buổi tập kết thúc, Ken nói: - Tôi sẽ mở ti vi xem bà trong chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ". - Anh nói gì? - Đầu óc Lara đột nhiên quên bẵng việc ấy. Nàng đang nghĩ đến cuộc gặp sắp tới với các chủ nhà băng Nhật Bản. - Hẹn gặp bà ngày mai, thưa bà Cameron. - Và anh đừng đến trễ như hôm nay đấy, Ken. Lara vào tắm vòi hoa sen rồi thay y phục, ngồi ăn điểm tâm một mình trên sân trời, bữa ăn chỉ có nho tươi, ngũ cốc và trà xanh. Xong bữa, nàng vào phòng giấy. Nàng nói với cô thư ký: - Tôi cần nói chuyện điện thoại với nước ngoài tại phòng giấy. Bây giờ tôi phải có mặt ở Đài truyền hình ABC. Cô bảo Max đem xe đón tôi ngoài cổng. Buổi phát hình "Chào buổi sáng nước Mỹ" tiến hành tốt đẹp. Joan Lunden tiến hành cuộc phỏng vấn và cô vẫn duyên dáng giống như mọi khi. - Lần trước, cũng trong chương trình phát hình này, - Joan Lunden nói, - bà mới khởi công xây toà nhà chọc trời cao nhất thế giới. Đó là cách đây bốn năm. Lara gật đầu: - Đúng thế. Toà tháp Cameron sẽ được khánh thành vào năm tới. - Ở địa vị hiện nay bà cảm thấy thế nào, thưa bà Cameron? Bà đã hoàn thành được những công trình kiến trúc vĩ đại đến mức khó có thể tin nổi, trong khi bà vẫn trẻ và đẹp như thế này? Bà đang được rất nhiều phụ nữ coi là tấm gương để họ noi theo. - Cô quá khen đấy thôi, - Lara cười vang. - Tôi không có thời giờ để nghĩ đến chuyện lại có những ai muốn noi theo tôi. Tôi quá bận rộn. - Bà là một trong những nhà tư bản xây dựng thành đạt nhất trong một lĩnh vực kinh doanh mà xưa nay thường được quan niệm là lĩnh vực của nam giới. Bà đã làm cách nào vậy? Chẳng hạn, thoạt đầu bà đã suy nghĩ thế nào mà lại quyết định chọn lĩnh vực xây dựng. Rồi cách bà chọn địa điểm nữa? - Tôi không chọn, - Lara nói, - mà địa điểm chọn tôi. Tôi cứ ngồi trong xe, lái đi khắp mọi chỗ, và thế rồi tôi đi ngang qua một khoảng đất. Đột nhiên tôi không nhìn thấy đó là đất trống mà lại hình dung thấy ở đó một toà nhà lớn lộng lẫy hoặc dùng làm văn phòng cho những tổ chức kinh doanh hoặc làm cư xá đầy ắp những gia đình đáng được sống trong điều kiện tiện nghi và khung cảnh dễ chịu. Tôi mơ màng ra như thế. - Và thế là bà biến những hình ảnh trong mơ thành hiện thực. Xin cảm ơn bà. Tốp chủ ngân hàng Nhật Bản phải đến đây lúc 7 giờ 45. Họ vừa mới bay từ Tokyo tới vào tối hôm qua, vậy mà Lara đã bố trí cuộc gặp vào thời gian sớm sủa này khiến họ chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức sau chuyến bay vất vả, kéo dài mười hai tiếng mười phút. Khi thấy họ phản đối, Lara nói: - Tôi rất tiếc, thưa các ngài. Nhưng tôi chỉ có thể bố trí được thời gian đó. Sau khi gặp các ngài tôi còn phải đi ngay Nam Mỹ. Mấy chủ ngân hàng Nhật đành phải chịu. Họ có bốn người, đều nhỏ thó, lịch sự và đầu óc sắc như lưỡi kiếm Võ Sĩ Đạo. Vào thập kỷ trước, giới tài chính thế giới chưa đánh giá đúng khả năng của các nhà tài chính Nhật Bản. Bây giờ thì sai lầm đó đã được chỉnh đốn. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Trung tâm Cameron trên Đại lộ số Sáu. Các vị khách Nhật Bản định đầu tư một trăm triệu đô la vào một khách sạn lớn do Lara sắp khởi công xây cất. Họ được dẫn vào phòng họp. Mỗi người đem đến một món quà tặng. Lara cảm ơn họ và để đáp lại cũng tặng họ mỗi người một món quà. Nàng đã dặn cô thư ký bọc các món quà vào giấy bao bì màu nâu hoặc màu ghi. Người Nhật coi mầu trắng là mầu tang và quà bọc trong giấy trắng là điều họ không thể chấp nhận. Trợ lý của Lara tên gọi Tricia, bưng vào khay trà pha theo kiểu Nhật Bản và cà phê cho bà chủ. Thật ra mấy vị khách Nhật cũng muốn uống cà phê nhưng vì lịch sự, họ không nói ra. Họ uống cạn tách trà, Lara bảo trợ lý rót thêm vào. Howard Keller, người hùn vốn với Lara, bước vào phòng họp. Ông đã ở tuổi ngoài năm mươi, gầy và xanh xao, tóc hoa râm, mặc bộ âu phục nhẩu nát, trông như mới vừa ngủ dậy, Lara giới thiệu. Howard Keller đưa mỗi người một bản in tờ thiệp mời đầu tư. - Như các vị thấy đấy, - Lara nói, - chúng tôi đã có sẵn một khoản thế chấp ban đầu. Toà nhà khách sạn liên hoàn này bao gồm bẩy trăm hai mươi đơn vị diện tích khép kín dành cho khách thuê, khoảng ba mươi ngàn bộ (1 bộ = 0,3 mét) vuông dùng cho các phòng sử dụng chung và một nhà để xe chứa được một ngàn chiếc... Giọng nàng đầy sôi nổi và dứt khoát. Các chủ ngân hàng Nhật cố giữ tỉnh táo để nghiên cứu bản mời đầu tư, bởi họ vẫn chưa hết buồn ngủ sau chuyến bay quá tốn sức tối qua. Cuộc gặp gỡ diễn ra chưa đầy hai tiếng đồng hồ nhưng kết thúc với thành công mỹ mãn. Lara đã hiểu được rằng huy động một trăm triệu đô la bằng cách mời đầu tư dễ dàng hơn nhiều so với vay năm chục ngàn đô la. Đám khách Nhật Bản vừa ra khỏi, Lara họp ngay với Jerry Townsend. Ông này đã từng là chuyên gia quảng cáo của Hollywood, vóc người cao lớn, hiện phụ trách về quan hệ đối ngoại của Hãng xây dựng Cameron. Ông nói: Cuộc phỏng vấn bà sáng nay trong chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ" trên tivi quả là một sự kiện lớn. Cho đến giờ này tôi đã nhận được khá nhiều cú điện thoại khen ngợi cuộc phỏng vấn đó. - Tờ Forbes sao rồi? - Đã lên khuôn. Tuần báo People sẽ đưa ảnh bà lên bìa số tới. Bà đã đọc bài báo nói về bà trên tờ New Yorker chưa? Bà thấy bài báo vĩ đại đấy chứ? Lara bước đến sau bàn giấy: - Cũng tạm được. Cuộc phỏng vấn của tờ Fortune ấn định vào chiều nay. - Tôi đã báo thay đổi rồi. Townsend sửng sốt: - Tại sao vậy? - Tôi sẽ tiếp phóng viên của họ vào bữa ăn trưa nay. - Bà định tạo không khí thoải mái chăng? Lara ấn nút máy truyền âm. - Kathy, cô sang đây gặp tôi. Một giọng nhẹ nhõm vang lên: - Vâng, thưa bà Cameron. Lara Cameron ngẩng đầu lên. Việc của ông thế là xong, ông Townsend. Tôi yêu cầu ông và người của ông tập trung vào Toà tháp Cameron. Chúng tôi đã đang tiến hành... - Phải làm nhiều hơn nữa. Tôi muốn thấy các báo và tạp chí đều có bài về toà cao ốc này. Dù sao nó cũng là toà nhà cao nhất thế giới. Nhất thế giới ông nghe rõ rồi chứ. Trong tuần lễ khai trương, tôi muốn mời tất cả mọi người vào thăm quan các phòng và các cửa hiệu trong đó. Jerry Townsend đứng lên: - Đúng vậy. Kathy, trợ lý điều hành của Lara bước vào. Trông cô duyên dáng trong bộ đồ đen lịch sự, tuổi trên ba mươi. - Cô đã điều tra xem ông nhà báo khẩu vị ra sao chưa? - Ông ta là loại sành ăn. Thích thức ăn nấu theo kiểu Pháp. Tôi đã gọi điện cho nhà hàng Le Cirque và yêu cầu ông Sirio mang thức ăn đủ cho hai người ăn trưa đến đây. - Tốt. Chúng tôi sẽ ngồi ăn trong phòng ăn riêng của tôi. - Cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài bao lâu, thưa bà? Bởi bà còn phải vào khu Trung tâm gặp các chủ ngân hàng của Thủ đô. - Cô báo họ là tôi sẽ tiếp họ lúc ba giờ và tại đây. Kathy ghi vào sổ: - Bà có muốn biết thư từ gửi cho bà ngay bây giờ không? - Cô đọc đi - Quỹ Thiếu nhi hân hạnh mời bà ngày hai mươi tám... - Không được rồi. Cô gửi lời tôi cảm ơn họ và tặng họ một ngân phiếu. - Cuộc gặp của bà đã ấn định tại Tulsa, ngày thứ ba vào... - Hủy cuộc gặp ấy đi. - Bà được mời đến dự bữa tiệc ban ngày vào thứ sáu tới của Hội phụ nữ Manhattan. - Tôi không đi được. Nếu họ cần tiền, biếu họ một tấm ngân phiếu. - Liên hiệp Văn học mời bà đến nói chuyện trong một bữa tiệc nhẹ chiều ngày bốn... - Hiện chưa biết có nhận lời họ được hay không. - Có cả giấy mời của Quỹ từ thiện những người tàn tật, nhưng thời gian lại không thích hợp. Thời gian đó bà đang còn ở San Francisco. - Gừi biếu họ một tấm ngân phiếu. Hai ông bà Deborah Srb mời bà đến dự tiệc vào tối thứ bảy này. - Tôi sẽ cố đến dự, - Lara nói. Hai vợ chồng Kristian và Deborah rất đáng mến, nếu đến đó nàng sẽ gặp nhiều bè bạn và được hưởng một tối nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ. - Kathy, có bao nhiêu cái tôi? - Bà nói gì, tôi chưa hiểu? - Tôi có bao nhiêu thân xác. Kathy nhìn nàng. - Bà chỉ có một, thưa bà Cameron. - Đúng thế. Tôi chỉ có một thân xác. Cô làm cách nào để tôi tiếp các chủ ngân hàng Thủ đô vào hai giờ rưỡi hôm nay, rồi tiếp Uỷ ban quận vào bốn giờ, gặp Thị trưởng vào năm giờ, tiếp các kiến trúc sư lúc sáu giờ rưỡi, dự tiệc nhẹ bảy giờ rưỡi và kỷ niệm sinh nhật tôi vào tám giờ? Lần sau bố trí lịch cho tôi, cô phải tính toán cho khéo. - Tôi rất tiếc. Bà yêu cầu tôi... - Tôi yêu cầu cô động não. Tôi không cần đến những người lười suy nghĩ. Cô sắp xếp lại lịch đi, nhất là bố trí lại cuộc gặp với các kiến trúc sư và với Uỷ ban Quận. - Đúng thế, - Kathy lạnh nhạt nói. - Cháu bé thế nào rồi? Câu hỏi làm cô thư ký ngơ ngác. - Cháu David ấy ạ? Cháu... yên ổn. - Bây giờ chắc thằng bé lớn lắm rồi nhỉ? - Cháu đã tròn hai tuổi. - Cô đã nghĩ cho cháu học trường nào chưa? - Thưa bà, chưa. Cháu còn nhỏ quá... - Cô lầm rồi, Kathy. Nếu cô định cho con cô một trường loại tốt ở New York này thì cô phải lo chạy ngay từ khi nó chưa ra đời kia. Lara ghi gì đó vào cuốn sổ trên bàn giấy. - Tôi quen hiệu trưởng trường Dalton. Tôi sẽ liên lạc để cháu nhà cô được vào học ở đấy. - Xin cảm ơn bà... Lara không buồn ngẩng đầu lên. - Thế là xong. - Vâng, thưa bà, - Kathy bước ra khỏi phòng giấy trong lòng băn khoăn, không biết bà chủ là người đáng yêu hay đáng ghét. Hồi cô mới vào làm ở Hãng Cameron, cô đã được người ta doạ về tính tình của bà chủ "Bà ta là thứ người đúc bằng sắt, chạy bằng dây cót, giống như chiếc đồng hồ bấm giây. Cô không sống nổi với bà ta đâu!". Kathy nhớ lại lần đầu tiên gặp bà chủ, trong cuộc tuyển chọn. Cô đã thấy ảnh Lara Cameron in trên hàng chục tờ báo và tạp chí nhưng không tấm ảnh nào phản ánh đúng con người bà. Lúc gặp, cô mới thấy Lara Cameron đẹp khủng khiếp. Câu đầu tiên bà nói là "Cô ngồi xuống, Kathy!" Bà đã đọc bản khai lý lịch, trình độ của Kathy và bây giờ giọng bà sao lạnh lùng và quan cách đến thế. Kathy thấy rõ ngay đây là một phụ nữ đầy nghị lực và có ý chí phi thường. - Đây là bản khai đầy đủ? - Cảm ơn bà. - Trong này bao nhiêu phần trăm là sự thật? - Xin lỗi, tôi chưa hiểu. - Hầu hết trong giấy tờ được đặt lên cái bàn này đều là trò bịa đặt! Cô có thật sự thích làm công việc ở đây không?. - Tôi rất thích, thưa bà Cameron. - Hai thư ký của tôi vừa mới thôi việc. Công việc cô phải đảm nhiệm sẽ rất nặng đấy. Liệu cô có chịu được cách thức ở đây không? - Tôi nghĩ là chịu được. - Tôi sẽ ra lệnh và cô phải thi hành mọi mệnh lệnh đó. - Vâng, - Kathy đã cảm thấy có điều gì đó đáng ngại. - Tốt. Thời gian thử thách là một tuần. Cô sẽ phải ký vào bản cam đoan là không bao giờ đem chuyện của tôi hoặc của hãng ra kể với bất cứ ai. Có nghĩa là cô không được trả lời báo chí phỏng vấn, không được cung cấp tư liệu cho ai viết sách. Mọi chuyện xảy ra ở đây đều tuyệt đối bí mật, chỉ tôi và cô được biết mà thôi. - Tôi hiểu. - Tốt lắm? Từ đó đến nay đã năm năm. Suốt năm năm đó Kathy đã trải qua đủ thứ tâm trạng: yêu, ghét, thán phục và khinh bỉ bà chủ. Hồi đầu, chồng cô hỏi: - Người ta đồn có đúng không?. Câu hỏi đó thật khó trả lời. - Bà ấy lớn lao hơn cuộc đời, - Kathy trả lời chồng. - Bà ấy đẹp khủng khiếp. Làm việc nhiều hơn bất cứ ai khác mà em biết. Có trời mới biết bà ấy ngủ vào lúc nào. Cầu toàn, đến mức mọi người xung quanh đều khốn khổ vì những đòi hỏi. Về mặt nào đấy, đó là một thiên tài. Đôi khi bà ấy cũng nhỏ nhen, để bụng, đôi khi lại vô cùng hào hiệp... Chồng Kathy đã phải bật cười: - Nói cách khác, bà Cameron vẫn là một phụ nữ. Hôm ấy Kathy nhìn chồng và không cười, cô đã nói tiếp: - Em cũng không biết nhận định về bà chủ ra sao nữa. Đôi lúc em thấy sờ sợ bà ta. - Không sao đâu, em yêu. Em quá lo đấy thôi. - Không phải đâu. Mà em có cảm giác nếu ai cản chân Lara Cameron, bà ấy dám giết người đó lắm. Khi Lara xong việc đánh fax và gọi điện thoại ra nước ngoài, nàng cho đòi Charlie Hunter, một chàng trai đầy tham vọng, phụ trách kế toán. - Charlie, anh vào đây? - Vâng, thưa bà Cameron. Một phút sau, Hunter đã có mặt trong phòng giấy bà chủ. - Có tôi thưa bà Cameron! - Tôi đã đọc những câu trả lời phỏng vấn của anh trên số báo New York Times sáng nay, - Lara nói. Mặt chàng trai rạng rỡ hẳn lên. - Ôi vậy mà tôi chưa được đọc. Bà thấy sao ạ? - Anh kể với họ về hãng Cameron và về những khó khăn chúng ta phải đương đầu. Hunter cau mày: - Thưa bà, nếu thế tức là ông nhà báo đã hiểu sai những câu tôi trả lời ông ta... - Anh đã bị thải hồi? - Sao ạ? Tôi sao ạ? Tôi... - Lúc tôi tuyển anh vào đây, anh đã ký bản cam đoan không trả lời bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Sáng nay tôi thấy anh đã vi phạm lời cam đoan đó. - Tôi... Bà không thể làm như thế được, thưa bà Cameron. Chưa có ai thế chân tôi. - Tôi đã lo chuyện đó rồi, - Lara nói. * * * * * Bữa ăn trưa đã gần kết thúc. Phóng viên của tờ Fortune là Hugh Thompson, một người đàn ông vẻ mặt rất trí thức, có cặp mắt màu nâu sắc sảo đằng sau cặp kính râm gọng sừng. - Bữa ăn ngon quá, thưa bà Cameron, - ông ta nói. - Toàn món ăn tôi thích cả. Cảm ơn bà. - Tôi vui mừng thấy ông hài lòng. - Lẽ ra bà không nên quan tâm đến tôi quá nhiều như vậy. - Ông đừng ngại, - Lara mỉm cười. - Cha tôi ngày xưa thường nói rằng con đường đi đến trái tim người đàn ông là thông qua dạ dày họ. - Và bà muốn chinh phục trái tim tôi trước khi bước vào cuộc phỏng vấn hay sao, thưa bà Cameron? - Đúng thế, - Lara mỉm cười đáp. - Hãng của bà đang gặp nhiều khó khăn lắm phải không? - Xin lỗi, tôi chưa hiểu câu hỏiụ cười trên môi Lara vụt tắt. - Chuyện đó bà không thể giấu được. Người ta đồn một số tài sản của bà đang có nguy cơ bị tan biến do kinh phí của chúng đều từ những trái phiếu ít giá trị. Và nếu thị trường chứng khoán tụt giá là Hãng Cameron lập tức sụp đổ. Lara bật cười: - Đấy là ông căn cứ vào những miệng lưỡi ác độc. Nhưng xin ông hãy tin lời tôi nói, ông Thompson. Tôi sẽ đưa ông xem thứ này. Bản sao danh sách các nhà tài phiệt tham gia đầu tư trực tiếp vào những công trình xây dựng của tôi. Được chưa nào? - Tốt lắm. Nhân đây xin hỏi bà một câu, tại sao tôi không thấy chồng bà có mặt trong buổi khai trương khách sạn mới của bà hôm trước? Lara thở dài: - Phillip chồng tôi rất muốn có mặt nhưng ông ấy đang ở xa trong chuyến đi biểu diễn nước ngoài. - Trước đây ba năm tôi có xem một buổi biểu diễn của ông nhà. Đúng là tuyệt vời. Hình như ông bà đã cưới nhau được một năm rồi phải không nhỉ? - Vâng. Một năm qua là năm hạnh phúc nhất của đời tôi. Tôi quả là người phụ nữ diễm phúc. Tuy vậy tôi luôn luôn phải trên đường, chồng tôi cũng vậy Nhưng mỗi khi xa nhau, tôi có thể nghe băng những buổi biểu diễn của Phillip, bất kể ở đâu. Thompson mỉm cười: - Và ông nhà cũng có thể nhìn thấy những toà nhà bà xây dựng, bất kể ở đâu. Lara bật cười: - Ông quá khen. - Đúng quá rồi còn gì? Bà đã xây dựng trên khắp nước Mỹ, bà sở hữu bao nhiêu cư xá, nhà cho các văn phòng doanh nghiệp thuê, và cả một mạng lưới các khách sạn... Bà làm cách nào mà thành công như thế, thưa bà Cameron? Nàng mỉm cười. - Bằng cách lòe thiên hạ. - Bà là con người bí hiểm. - Thật ư? Tại sao ông nói thế? - Lúc này đây, rõ ràng bà là nhà kinh doanh xây dựng thành đạt nhất ở New York. Điều đó không ai có thể chối cãi. Tên bà được đắp nổi trên một nửa số bất động sản trong thành phố này. Bà lại đang xây toà cao ốc cao nhất thế giới. Các địch thủ của bà gọi bà là "Người sắt". Bà đã tỏ ra xuất sắc trong một lĩnh vực xưa nay vẫn được quan niệm là của nam giới. - Điều đó làm ông bất bình ư, ông Thompson? - Không. Tuy nhiên điều làm tôi băn khoăn là cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu nổi bà thuộc loại người nào. Hễ tôi hỏi hai người xem họ nghĩ gì về bà thì đều nhận được ba nhận định khác nhau. Mọi người đều thừa nhận bà là nhà doanh nghiệp lớn, một nhà doanh nghiệp tài tình. Ý tôi muốn nói... Bà không phải người nhà trời, vậy mà bà thành đạt nhanh đến mức khủng khiếp. Tôi biết đám chủ, thợ trong các đội xây dựng của bà. Họ đều là những người đàn ông dữ dằn. Vậy bà làm cách nào điều khiển được họ? Lara cười: - Đúng là không có người phụ nữ nào giống tôi. Nói vậy thôi, thật ra bí quyết của tôi rất đơn giản, tôi thuê những người giỏi nhất và trả công họ ở mức cao nhất có thể. Quá đơn giản hoá vấn đề! Thompson thầm nghĩ. Quá đơn giản hoá. Thật ra bà ta chưa chịu lộ sự thật ra với mình. Ông định chuyển hướng cuộc phỏng vấn. - Mọi báo chí đều viết về những thành công trong kinh doanh của bà. Riêng tôi muốn đi một chút vào đời tư. Chưa ai viết gì về lai lịch của bà, thưa bà Cameron. - Tôi rất tự hào về lai lịch của tôi. - Tốt lắm. Vậy xin bà kể chonghe đôi chút. Do đâu mà bà đi vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản? Lara mỉm cười và người phóng viên thấy nụ cười của nàng lành hiền như của một cô bé con. - Do túng bấn. - Bà túng bấn? - Cha tôi, - nàng chỉ lên tấm chân dung treo trên bức tường sau lưng. Đó là hình một người đàn ông dáng quý tộc, đầu to và tóc bạc. - Đó là cha tôi, ông James Hugh Cameron, - giọng nàng trở nên trìu mến. - Chính cha tôi là nguyên nhân những thành đạt của tôi hôm nay. Cha tôi chỉ có mình tôi. Mẹ tôi qua đời từ khi tôi còn nhỏ xíu, cha tôi đã nuôi dạy tôi khôn lớn. Cha mẹ tôi gốc ở Scotland bên Anh, di cư sang vùng Nova Scotia bên Mỹ này từ rất lâu rồi và sống tại thị trấn Glace Bay. - Glace Bay? - Một thị trấn chài lưới ở đông bắc Mũi Breton, trên bờ Đại Tây Dương. Những người thám hiểm Pháp đầu tiên đặt chân lên đã đặt cái tên đó, có nghĩa là "vũng băng". Ông dùng thêm cà phê nữa? - Không, cảm ơn bà. - Ông nội tôi có một trang ấp rất lớn ở Scotland. Cha tôi sau đấy còn tậu được thêm nhiều đất đai nữa. Người rất giàu. Hiện nay chúng tôi vẫn còn toà lâu đài riêng của gia đình gần thị trấn Loch Morlich. Năm tôi lên tám, tôi đã có ngựa riêng để cưỡi. Áo quần của tôi đều được mua tại London. Cha mẹ tôi sống trong ngôi nhà nguy nga và có rất nhiều người hầu hạ. Đúng như câu chuyện cổ tích cho đám trẻ nhỏ. - Giọng nàng trầm xuống do hồi tưởng lại quá khứ xa xăm. "Mùa đông chúng tôi trượt băng và đi xem đấu hockey trên băng. Mùa hè chúng tôi bơi trên hồ Glace Bay. Luôn có vũ hội trong các phiên chợ và trong những khu vườn kiểu Venise... Người phóng viên mải miết ghi vào sổ tay. "Cha tôi từng xây những toà nhà ở Edmonton, Calgary, ở Ontario. Cha tôi say mê việc xây dựng. Khi còn rất nhỏ tôi đã được người dạy dỗ và tôi cũng rất mê cái nghề này... Giọng nàng trở nên trìu mến, say sưa: - Ông phải hiểu cho một điều, ông Thomspon. Trong việc xây cất nhà cửa, điều quan trọng không phải là tiền bạc, sắp thép, gạch đá mà là con người. Con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Tôi muốn tạo cho mọi người nơi ở dễ chịu, tiện nghi để họ tận hưởng đời sống tự do riêng tư. Cha tôi coi đấy là điều quan trọng hơn cả và tôi cũng tiếp nhận được quan niệm đó của cha tôi... Hugh Thompson ngẩng đầu lên: - Bà còn nhớ ngôi nhà đầu tiên bà tiến hành xây dựng không? Lara dướn người lên: - Tất nhiên tôi nhớ. Hôm tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười tám, cha tôi hỏi tôi muốn được tặng món quà gì. Bấy giờ rất nhiều người kéo đến thị trấn Glace Bay và thị trấn trở thành đông đúc. Tôi cảm thấy rất thiếu diện tích nhà ở cho họ. Tôi bèn trả lời muốn xây dựng một cư xá nhỏ. Cha tôi bèn tặng tôi một khoản tiền, coi là quà sinh nhật. Nhưng chỉ hai năm sau tôi đã thu lại đủ khoản đó, hoàn lại cho cha tôi. Sau đấy tôi vay tiền của một nhà băng và bắt đầu xây toà nhà thứ hai. Đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã là bà chủ ba toà nhà và đều đo tay mình xây lên. - Chắc cụ thân sinh ra bà phải rất tự hào về con gái? Một nụ cười trìu mến lại hiện lên cặp môi nàng. - Đúng thế. Cha tôi đặt tên tôi là Lara, có nghĩa là "nổi tiếng", "lừng lẫy". Ngay từ khi tôi còn rất nhỏ, ông đã luôn nói rằng sau này tôi s người lừng lẫy. Nụ cười trên môi nàng biến mất. - Cha tôi qua đời do một cơn đau tim nặng, lúc đó ông chưa già - Lara ngừng lại một chút. - Hàng năm tôi đều về Scotland thăm mộ cha. Tôi... tôi rất đau khổ nên không thể ở lại Glace Bay nữa. Tôi quyết định chuyển đến sống ở Chicago. Đến đó tôi nảy ý định xây dựng một khách sạn nhỏ, có kèm dịch vụ thương mại và tôi đã thuyết phục được một chủ nhà băng cấp vốn. Toà nhà khách sạn đó đã thành công. Nàng nhún vai: - Và sau đấy, con đường cứ mở ra dần. Tôi thoáng có ý nghĩ là có thể một nhà tâm lý học nào đó sẽ nói rằng toàn bộ vương quốc bất động sản này không phải tôi tạo ra cho bản thân tôi mà chính là để hiến dâng hương hồn cha tôi. Cha tôi, James Cameron, là con người kỳ diệu nhất trong tất cả những người tôi biết. - Chắc chắn bà phải yêu quý cụ lắm. - Đúng thế. Và cha tôi cũng rất yêu tôi, - nàng thoáng nở khẽ một nụ cười. - Tôi nghe nói hôm tôi ra đời, cha tôi mời tất cả dân cư ở Glace Bay, mỗi người một ly rượu. - Ra vậy đấy, - Thompson nói. - Vậy là mọi thứ bắt đầu tại Glace Bay. - Đúng thế, - Lara dịu dàng nói. - Mọi thứ khởi đầu từ thị trấn Glace Bay. Cách đây đã bốn chục năm... Chương 03 Glace Bay, Nova Scotia 10 tháng Chín, 1952 James Cameron đang nằm trong một nhà thổ, say khướt, vào đúng cái đêm vợ ông sinh đôi, một trai một gái. Ông nằm trên giường, kẹp giữa hai ả gáỉ điếm cũng sinh đôi thì Kirstie, mụ chủ nhà chứa đập cửa thình lình. - James! - Mụ hét lên, đẩy mạnh cửa, bước vào. - Bà làm cái trò gì thế, - James giận dữ quát. - Tôi đã chui vào tận trong này mà vẫn không được yên ổn sao? - Xin lỗi đã gián đoạn thú vui của ông, James. Nhưng bà vợ ông... - Mặc xác mụ ta, - James Cameron gầm lên. Vợ ông đang đẻ... - Vậy hả? Thì cho mụ đẻ. Đấy là chuyện đàn bà các người. - Nhưng bác sĩ gọi điện đến. Ông ta tìm hỏi mãi mới biết ông ở đây. Vợ ông đang nguy kịch lắm. Ông nên đến với bà ấy xem sao. James lồm cồm ngồi dậy, trườn ra khỏi giường, mắt đờ đẫn, cố tỉnh lại. - Mụ khốn khiếp. Không để cho người ta được yên nữa - ông ngước nhìn mụ chủ chứa. - Thôi được rồi. Tôi đi. - Rồi đưa mắt nhìn hai ả gái điếm loã lồ trên giường. - Nhưng tôi không trả tiền hai cô này đâu. Tôi chưa làm được gì. Được! ông hãy mau về nhà trọ đi đã, - mụ chủ quay sang hai ả điếm: - Còn hai đứa, đi theo tao. James Cameron là một gã đàn ông mặt mũi trông như đã có thời là người dòng dõi cao quý, nhưng bây giờ thì sa đoạ đến mức không còn gì là tư cách nữa. Ông đã ngoài năm chục tuổi và làm quản lý một trong những nhà trọ của lão chủ ngân hàng Sean McAllister. Trong năm năm qua, James Cameron cùng với vợ là Peggy chia nhau số công việc nặng nhọc tại đấy. Bà thì lau dọn nhà và nấu ăn cho hai tá khách trọ. James thì lo thức uống cho họ. Thứ Sáu nào ông cũng làm nhiệm vụ đi thu tiền thuê trọ của khách ở cả bốn nhà trọ khác nữa trong thị trấn Glace Bay về nộp cho chủ là lão McAllister. Ngoài ra còn một việc nữa là khi nào thấy cần giải sầu, ông lại uống rượu say khướt. James Cameron hận đời. Dường như ông đã nếm đủ mọi nỗi uất hận của kẻ thất thế và không còn thấy cuộc đời có gì thú vị nữa. Năm ông mới một tuổi, gia đình ông bỏ quê hương ở Scotlanđ bên Anh, di cư sang đây với hai bàn tay trắng và cha mẹ ông phải vật lộn vất vả với cuộc sống. Cha ông bắt con vào làm thợ trong mỏ than từ lúc James mới mười bốn tuổi. Năm mười sáu tuổi, ông bị tàn tật vì một tai nạn nhỏ và thôi việc. Năm sau, cha mẹ ông qua đời trong một tai nạn đường sắt. Vì vậy James thấy nỗi khổ cực của ông đâu phải do ông. Ông đổ cho số phận ông hẩm hiu. Nhưng ông có hai ưu thế lớn. Hình dáng ông đẹp trai và khi cần ông có thể làm người xung quanh mến mộ. Trong một lần nghỉ cuối tuần ở Sydney, một thị trấn gần Glace Bay, ông gặp một cô gái Mỹ trẻ tuổi, dễ thương, tên là Peggy Maxwell. Cô đến đó nghỉ hè cùng với gia đình. Peggy không xinh đẹp gì lắm nhưng cha mẹ cô rất giầu, trong khi James đang nghèo xác, James bèn chài cô gái. Và bất chấp cha mẹ phản đối, Peggy đã lấy James. - Tôi sẽ cho con Peggy một khoản hồi môn là năm ngàn đô la, - bố Peggy nói với chàng rể. Anh hãy dùng khoản tiền đó để làm vốn làm ăn. Anh có thể đầu tư vào bất động sản và chỉ sau năm năm số tiền sẽ tăng gấp đôi. Tôi sẽ giúp anh. Nhưng James không đợi được đến 5 năm. Không hỏi ý kiến ai hết, ông bỏ số tiền bố vợ cho, chung vốn với một người bạn kinh doanh dầu lửa bất hợp pháp. Sau mười ngày, công việc tan tành, mất sạch cả vốn lẫn lãi. Bố vợ ông nổi cáu, kiên quyết không chịu giúp con rể lần nữa. - Anh là thằng ngu, James. Tôi không bỏ tiền ra cho thứ ngu như anh nữa? James lấy vợ định để đào mỏ ai ngờ lại đâm thành cực nhọc thêm. Bởi từ nay ông có thêm một cái miệng nữa phải nuôi mà ông lại đang thất nghiệp. Chính lão Sean McAlhster đã cứu ông. Lão chủ nhà băng này tuổi đã gần sáu mươi, dáng thấp tè và béo múp míp, có một đồng hồ quả quít vàng đeo trên sợi dây cũng bằng vàng. Lão đến sống ở thị trấn Glace Bay này cách đây hai chục năm và lập tức thấy ngay những thuận lợi ở vùng này. Thợ mỏ và dân nghèo từ khắp các nơi ùn ùn kéo đến thị trấn và không tìm ra nhà để ở. McAllister có thể cho họ vay tiền để xây nhà nhưng lão không làm thế. Lão thấy cách rẻ tiền hơn là xây những nhà trọ cho họ ở thuê. Hai năm sau lão đã có trong tay một khách sạn cùng năm nhà trọ, và tất cả đều chật ních. Rất khó tìm người quản lý các nhà trọ đó, bởi công việc của quản lý hết sức vất vả. Phải trông nom ngần ấy căn phòng, nấu ăn cho khách trọ và làm sao thu được đủ tiền của khách. Trong khi đó lão không muốn trả công cao. Vừa mới có một người quản lý đòi thôi việc, lão McAllister bèn phát hiện ra James Cameron có thể làm thay. Ông thường vẫn đến nhà băng của lão vay tiền và luôn trả chậm. Lão bèn sai người đến gọi James. - Tôi có việc làm cho anh đây, - McAllister nói. - Ông nói thật đấy chứ? - Anh gặp may. Tôi đang có một công việc tuyệt vời, mở ra nhiều triển vọng. - Làm ở nhà băng phải không? - James Cameron hỏi, trong lòng khấp khởi mừng. Nhà băng là nơi lắm tiền, làm ở đó thế nào chẳng kiếm được chút gì rơi vãi. - Không - McAlhster nói. - Anh là người có cái mã đẹp lại biết cách ăn nói. Anh nên làm công việc tiếp xúc với nhiều loại người. Tôi muốn thuê làm quản lý cho nhà trọ của tôi ở phố Cablehead. - Ông bảo làm quản lý nhà trọ ư? - James khó chịu hỏi. - Chứ sao nữa, - lão chủ nhà băng nói. - Anh chị đang chưa có chỗ ở tử tế. Bây giờ trông nom nhà trọ cho tôi, trước hết anh chị có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, lại thêm một khoản tiền lương nhỏ nữa. - Nhỏ là bao nhiêu? - Tôi rộng tay với anh, James. Tôi trả anh hai mươi nhăm đô la một tuần. - Hai mươi nhăm thôi à? - Tuỳ anh thôi. Nhận hay không tuỳ anh. Còn khối người muốn làm chân này. Cuối cùng James không còn sự lựa chọn nào khác. - Thôi, cũng được. - Tốt. Nhân tiện anh thu cho tiền thuê trọ của bốn nhà trọ khác của tôi và cứ sáng thứ bảy anh nộp cho tôi. Khi James kể lại với vợ, Peggy không bằng lòng: - Mình có biết công việc quản lý nhà trọ ra sao đâu James? - Thì ta học. Hai vợ chồng sẽ cùng làm. Peggy tin lời chồng. - Cũng được, - bà nói. Và họ quản lý nhà trọ đó theo cách của họ. Những năm sau, nhiều dịp cho James kiếm việc làm tốt hơn, khiến ông có thể sống danh giá và nhiều tiền hơn, nhưng ông đã quá tin vào số mệnh và đâm nghi ngờ mọi thứ. Ông thường nói: - Xoay xở làm gì cho mệt. Số phận mình đã hẩm hiu, mình có làm gì thì cũng chẳng thể khá được. * * * * * Vào đêm tháng Chín đó, ông thầm nghĩ. Vậy là con mụ vợ khốn kiếp? Mình đã vào nhà chứa mà rồi nó cũng không thể để mình giải khuây cho yên ốn. Ở nhà mụ chủ Kirstie ra, gió lạnh tháng Chín tạt vào mặt ông. Lạnh quá, mình ghé vào làm chút men cho ấm đã, James nghĩ và ghé vào quán rượu Ancient Mariner. Một giờ sau ông loạng choạng đi về nhà trọ của mình trong khu New Aberdeen, khu phố nghèo khổ nhất của thị trấn Glace Bay. Lúc đến nơi, chừng gần một chục khách trọ đã đang lo lắng chờ ông. - Bác sĩ đang ở trong đó với bà nhà đấy - một người khách nói, - ông vào nhanh lên. James chệnh choạng bước vào gian phòng nhỏ của hai vợ chồng ở phía sau nhà. Ông nghe thấy ở gian bên cạnh tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Peggy, vợ ông, nằm bất động trên giường. Bác sĩ đang cúi xuống theo dõi bà. Thấy James bước vào, bác sĩ quay đầu ra. - Thế nào rồi? - James hỏi. Bác sĩ đứng thẳng lên, nhìn James vẻ căm giận. - Lẽ ra anh phải đưa chị ấy đến cho tôi khám từ trước chứ? - Để tốn tiền vô ích à? Chúng tôi đâu có giầu gì! - Chị ấy đã tắt thở rồi. Tôi đã làm mọi cách nhưng không cứu được. Chị ấy đẻ sinh đôi. Nhưng chỉ đứa bé gái còn sống. - Lạy Chúa? - James nức nở khóc: - Lại số mệnh rồi. - Anh nói cái gì? - Số mệnh! Số tôi bao giờ cũng đen đủi. Bây giờ nó lại chơi tôi một vố nữa. Nữ hộ sinh bước vào, bế đứa trẻ quấn kín mít trong chiếc khăn trải giường trắng. - Con anh đây, anh Cameron. Con gái anh đây. - Con gái à? Con gái thì sau này làm được cái gì? - Giọng James líu lại. - Tôi thấy anh thật đáng tởm, - bác sĩ Duncan nói. Chị hộ sinh quay sang James. - Tôi sẽ ở lại đây cho đến ngày mai, hướng dẫn anh cách trông nom đứa bé. James Cameron nhìn đứa trẻ đỏ hỏn, bé xíu, bọc gần như kín mít trong tấm vải trắng, thầm nghĩ: - Khéo rồi nó cũng chết thôi. Trong ba tuần lễ đầu tiên, không ai dám nghĩ rằng đứa bé sống nổi. Một người vú đến cho đứa trẻ bú. Và cuối cùng, một hôm, ông ác sĩ đã có thể nói: - Vậy là con gái anh sống được rồi. Xong, ông ta nhìn James Cameron rồi nói tiếp, rất khẽ: - Chúa Trời đã động lòng thương con bé. Chị vú nói: - Ông Cameron, ông phải đặt tên cho cháu chứ? - Tôi chẳng biết đặt tên gì cho nó hết. Chị đặt đi. - Đặt là Lara được không? Cái tên ấy nghe đẹp lắm... - Tuỳ chị. Thế là đứa trẻ có cái tên là Lara. * * * * * Trong cuộc đời Lara, không có ai săn sóc hoặc chiều chuộc cô bé. Nhà trọ đầy chật những người khách đàn ông và họ đều bận tối mắt tối mũi vào việc kiếm sống. Người duy nhất chăm lo cho Lara là Bertha, một phụ nữ gốc Thuỵ Điển to lớn, được lão McAllister thuê để làm công việc lau dọn các phòng và cơm nước cho khách, thay thế Peggy. James ôm chặt ý nghĩ rằng đứa trẻ chẳng quan hệ gì đến ông hết. Số phận đen đủi đã giáng xuống đầu ông thêm một đòn ác hiểm nữa, là đã không cho con bé chết đi. Buổi tối, ông ngồi trong phòng khách, bên chai rượu Whiskey, than vãn: - Số phận cướp đi của ta cô vợ và thằng con trai! - Anh đừng nói thế, James Chứ còn gì nữa? Nếu thằng con trai tôi còn, lớn lên nó sẽ là đứa giỏi giang. Nó sẽ giầu có và nuôi bố nó lúc tuổi già. Khách trọ bèn bỏ mặc ông lầu bầu, than thở. James nhièu lần tìm cách liên hệ với bố vợ, hy vọng ông già Maxwell sẽ thương đứa cháu ngoại mà đem nó về nuôi. Nhưng ông già không đáp lời gì hết. Và James thầm nghĩ, giá đứa con gái chết đi được thì may cho mình quá. Glace Bay là một thị trấn nghỉ chân và khách trọ liên tiếp đến rồi lại đi. Họ từ Pháp, Trung Hoa, Ucren... Họ là người Italia, người Ailen, người Hy Lạp... là thợ mộc, thợ may, thợ hàn, thợ giầy. Họ chen chúc đến nghỉ tại các phố Chính, phố Chuông, phố Bắc, phố Biển, ngay gần bờ biển. Họ đến đây để vào làm trong hầm mỏ, cưa xẻ gỗ và đánh cá. Glace Bay là thị trấn biên phòng, hẻo lánh và tồi tàn. Khí hậu ở đây thật khủng khiếp. Mùa đông, tuyết rơi liên miên và phủ kín cho đến tận tháng Tư. Do băng ngoài biển mãi không tan cho nên đến tháng Năm trời vẫn lạnh và nhiều gió. Sang tháng Bảy trời lại bắt đầu mưa không ngớt, cho đến tháng Mười. Thị trấn có mười tám nhà trọ, một số chứa được tới bảy mươi hai khách. Nhà trọ James Cameron làm quản lý chứa được hai mươi tư khách, đại đa số là dân gốc Scotland. Bé Lara đói tình cảm. Em không có đồ chơi, không có búp bê để ôm ấp và cũng không có bạn. Em chỉ có mỗi một người bên cạnh là bố. Em tự tạo ra những món quà nhỏ tặng bố bởi em rất muốn được chiều bố, nhưng James không thèm biết đến, thậm chí còn chế nhạo con gái. Năm Lara lên năm, em nghe lỏm thấy bố nói với đám khách trọ: - Đứa đáng sống thì lại chết. Đứa đáng chết thì lại sống? Giá như thằng con trai tôi sống thì hay biết mấy. Tối hôm đó Lara khóc mãi cho đến lúc mệt quá ngủ thiếp đi. Em yêu bố bao nhiêu. Nhưng em cũng căm ghét bố không kém. Năm Lara lên sáu tuổi, em giống như trong tác phẩm của danh hoạ Keane, mắt rất to và da mặt xanh xao, gầy. Năm đó có một khách trọ đến, tên là Mungo McSween. Vóc người ông ta to lớn như con gấu. Ông ta lập tức mến đứa trẻ. - Tên bé là gì? - Lara. - Bé có cái tên đẹp lắm. Thế bé đi học chưa? - Đi? Chưa. - Sao lại chưa? - Cháu không biết. - Vậy hả? Thế thì ta sẽ hỏi xem. Ông già đến gặp James Cameron. - Tôi hỏi cháu, thấy nó không đi học. - Sao nó lại phải đi học? Nó chỉ là con gái. Không cần phải đi học. - Ông nghĩ thế là sai rồi. Phải cho nó đi học. Sau này còn có cơ hội trong đời. - Quên chuyện ấy đi? - James nói. - Phí công. Nhưng McSween không chịu quên và cuối cùng ông làm cho James phải đồng ý. Thôi cũng được, càng đỡ phải thấy mặt con bé mỗi ngày được vài tiếng đồng hồ. * * * * * Nghe nói phải đi học, Lara hốt hoảng. Từ khi ra đời em chỉ sống với toàn người lớn, chưa hề tiếp xúc với một đứa trẻ nào. Thứ hai sau, cô Bertha to lớn đưa bé Lara đến Trường sơ đẳng Saint Anne và dẫn vào văn phòng bà hiệu trưởng. - Đây là cháu Lara Cameron. Bà hiệu trưởng tên là Cummings, trung niên, tóc hoa râm, goá chồng và nuôi ba đứa con. Bà chăm chú ngắm đứa trẻ ăn mặc luộm thuộm đứng trước mặt bà. - Lara à? Cái tên đẹp đấy, - bà mỉm cười nói. - Em lên mấy rồi? - Sáu ạ bé đang cố ghìm để nước mắt khỏi trào ra. Nó đang sợ, bà Cummings thầm nghĩ: - Thôi được. Cô rất mừng thấy em đến đây, Lara. Ở đây em sẽ vui và biết thêm được nhiều thứ. - Cháu không ở lại đây đâu! - Lara oà khóc. - Tại sao? - Bố cháu sẽ nhớ cháu lắm, - bé đã kiên quyết nín khóc. - Thôi được. Cô chỉ giữ em ở đây mỗi ngày vài tiếng đồng hồ thôi. Lara theo bà hiệu trưởng vào một lớp học đông chật trẻ con và được bà xếp ngồi tít tận cuối lớp. Cô giáo Terkel đang mải viết chữ lên bảng đen. - A là cái áo, - cô giảng. - B là con bò, em nào biết C là cái gì không? Một cánh tay xinh xắn giơ lên: - Quả cam ạ. - Tốt lắm. Còn chữ D - Con dê ạ. - Chữ E? - Em bé. - Giỏi lắm. Có em nào biết chữ nào bắt đầu bằng chữ Đ không? Lara giơ tay: - Đéo! Lara ít tuổi nhất trong lớp nhưng cô giáo Terkel cảm thấy về nhiều phương diện em già dặn nhất. Một sự già dặn đáng lo ngại. - Nó là người lớn trong cái vóc nhỏ. Nó đang chờ để có cao lên thôi, - bà hiệu trưởng Cummings nói với cô giáo. Buổi học đầu tiên, đến giờ nghỉ giải lao để ăn trưa, các trẻ khác đều lấy trong xắc ra những gói giấy đủ loại mầu sắc, lôi ra nào táo, bánh quy, bánh mì kẹp thức ăn bọc trong giấy bóng. Không ai nghĩ đến chuyện chuẩn bị thức ăn cho bé Lara ăn trưa. - Thức ăn của em đâu, Lara? - Cô giáo Terkel hỏi. - Em không đói, - Lara bướng bỉnh đáp. - Sáng nay em ăn nhiều rồi. Hầu hết trẻ gái trong trường đều mặc đẹp, váy áo sạch sẽ. Váy áo Lara thì vừa xấu vừa bẩn. Em đến gặp bố. - Con cần quần áo để đi học, bố ạ, - Lara nói. - Vậy hả? Tao không có tiền. Mày đến Đoàn Cứu trợ mà xin. - Đấy là nơi từ thiện, bố ạ. Thế là bé bị bố giáng một cái tát tai giữa mặt. * * * * * Trẻ học trong trường chơi các trò chơi mà Lara chưa bao giờ được thấy. Chúng đều có búp bê, có đồ chơi và nhiều đứa cho Lara cùng chơi nhưng em đau lòng thấy không có thứ gì là của em cả. Không phải chỉ có vậy. Trong vài năm tiếp đó, Lara phát hiện ra một thế giới khác, thế giới của những đưa trẻ có cha có mẹ và được cha mẹ tặng quà cho chúng vào những bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật. Những cha mẹ đó yê chúng, luôn nhấc bổng chúng lên, và hôn chúng. Và lần đầu tiên Lara hiểu ra rằng cuộc đời của em thiếu rất nhiều thứ. Điều đó khiến em càng cảm thấy mình cô đơn. Nhà trọ cũng là một kiểu trường học. Đây là một thứ thế giới thu nhỏ lại. Lara biết căn cứ vào tên người để biết được họ thuộc dân tộc nào trên thế giới. Tên là Mac thì tức là gốc Scotland... Tên là Hodder và Pyke tức là dân vùng đảo của Canada... tên là Chiasson và Aucoin tức là gốc Pháp... Dudash và Kosick là gốc Ba Lan.. Khách đến trọ là dân vô nghề nghiệp, hoặc là đánh cá, thợ mỏ, lái buôn. Sáng sáng họ tụ tập trong phòng ăn để ăn điểm tâm và tối tối để ăn bữa tối. Lara rất say sưa nghe họ bàn luận với nhau về đủ mọi thứ. Mỗi nhóm đều có một kiểu ngôn ngữ bí hiểm riêng của họ. Trong vùng Nova Scotia có hàng ngàn dân vô nghề nghiệp rải rác khắp bán đảo. Họ đều ăn mặc luộm thuộm và mốc meo. Họ nói rất nhiều thứ Lara không hiểu gì hết. Một lần một người thợ mộc tuyên bố trong phòng ăn: - Năm nay bọn tôi phải làm được đến hai trăm triệu thanh? - Thanh là gì hả bác? - Lara hỏi. Mọi người cười vang. - Thanh là thanh gỗ ấy. Sau này cháu lấy chồng muốn làm ngôi nhà năm phòng thì cháu phải cần đến những thanh gỗ ấy! - Một bác thợ nói. - Cháu sẽ không lấy chồng đâu, - Lara thề. Đám dân đánh cá lại có kiểu nói khác. Mỗi lần đi biển về họ lại sôi nổi bàn tán về biển khơi. Người này tìm ra được một phương pháp nuôi sò huyết trên hồ Bras d Or, người kia có kinh nghiệm tìm nơi nào sẵn cá hồi hoặc cá trích để đánh bắt. Nhưng đám khách trọ thu hút chú ý của Lara nhiều hơn cả là thợ mỏ. Trong Mũi Breton có tới 3.500 người làm trong các mỏ than Lingan, Prince và Phalen. Lara thích những cái tên mỏ. Có nhiều cái tên nghe rất hay: Ngày Vui, Cơ Hội Cuối Cùng, Kim Cương Đen, Phu Nhân, Hạnh Ngộ... Em cũng say mê lắng nghe họ trao đổi về công việc. - Mình nghe đồn về thằng cha Mike rồi. Có đúng thế không? - Đúng đấy. Toa xo goòng đổ và đè vào chân nó, thế là bị nhiễm trùng nặng và phải cưa... Bao nhiêu điều em chỉ hiểu được lờ mờ và nhiều khi mãi sau mới hiểu ra. * * * * * Năm Lara đủ mười lăm tuổi, em vào học trường Trung học St. Michael. Trông Lara ngộc nghệch, hai chân dài ngoẵng, mái tóc đen để xoã, cặp mắt mầu tro thông minh, quá to so với khuôn mặt gầy choắt. Khó ai có thể đoán cuộc đời cô bé sau này sẽ ra sao. Cô đang ở tuổi dậy thì. Lúc này cơ thể đang chuyển biến mạnh, cô bé có thể đẹp mà cũng có thể xấu. Trong con mắt của James thì con gái ông hết sức xấu. - Hễ có đứa ngu xuẩn nào muốn lấy mày thì vội mà nhận ngay đi kẻo rồi thành gái già đấy. Trông mày như thế kia thì có đứa nào con nhà hẳn hoi nó thèm lấy? Nghe bố đay, Lara chỉ đứng im, không nói năng gì hết. - Và hãy bảo nó biết là đừng hòng tao cho vợ chồng mày được một xu. Ông Mungo McSween vừa vào phòng. Ông đã nghe thấy điều James vừa nói, ông rất cáu. - Thôi, tao nói thế đủ rồi, - James Cameron quát. - Cút xuống bếp? Lara chạy biến đi. - Sao anh lại nói với con gái anh câu ấy, James? - Mc Sween hỏi. James ngẩng đầu lên, cặp mắt lờ đờ: - Không phải việc của ông! - Anh lại say rồi đấy, James? - Đúng thế. Ở đây còn có gì tơn là nốc rượu? Không có gái không có rượu thì còn sống làm cái gì McSween xuống bếp, thấy Lara đang rửa bát đĩa. Mắt em đỏ ngầu vì khóc. - Cháu đừng buồn. Bố cháu say thôi, có biết nói gì đâu. - Bố cháu ghét cháu. - Không phải thế đâu. - Chưa bao giờ bố cháu nói một câu ngọt ngào với cháu. Chưa bao giờ. McSween không còn biết đáp sao nữa. Mùa hè, khách du lịch từ khắp nơi kéo đến Glace Bay. Họ đến trong những chiếc xe hơi đắt tiền, mặc những bộ áo quần đẹp, đi dạo mua bán dọc phố Castle và ăn trong các nhà hàng Cedar, Jasper, tham quan bãi biển Ingonish, Mũi Smoky, Đảo Chìm. Họ như là ông thần bà thánh từ một thế giới hoàn toàn khác. Lara nhìn họ mà thèm và khi hết mùa hè, họ ra đi, cô bé chỉ muốn trốn theo họ. Nhưng không biết thực hiện bằng cách nào. Lara đã được nghe những câu chuyện về ông ngoại Maxwell. Cha cô luôn phàn nàn với bất kỳ người khách trọ nào muốn nghe ông kể lể: - Lão già bố vợ tôi đúng là táng tận lương tâm. Lão giầu nứt đố đổ vách vậy mà không chịu thí cho con gái lão một xu. Lão tưởng làm như thế Peggy sẽ bỏ tôi ngay, nhưng ngược lại tôi hết lòng chăm lo cho cô ây Thế là Lara mơ mộng tới một ngày kia ông ngoại sẽ đến tìm cháu và dẫn Lara đến những thành phố lộng lẫy mà cô đã nghe nói đến: London, Rome và Paris. Mình sẽ có quần áo đẹp. Hàng trăm bộ và rất nhiều giầy dép. Chương 04 Nhưng đã bao nhiêu năm tháng trôi qua, Lara vẫn không thấy gì hết. Cuối cùng cô bé hiểu ra rằng mình sẽ không bao giờ được thấy mặt ông ngoại. Rằng mình đành phải chịu chìm đắm cuộc đời trong cái thị trấn nghèo nàn và hẻo lánh Glace Bay này thôi. Thị trấn Glace Bay có vô vàn hoạt động cho những đứa trẻ sống và lớn lên tại đây. Các sân bóng đá và hockey, bãi trượt băng và bóng ném, mùa hè thì bơi lội và câu cá. Hiệu "Carl s Drug" là nơi có nhiều thứ giải trí ngoài giờ học cho đám trai trẻ. Tại đây có hai rạp chiếu bóng, một sàn nhẩy và nhiều vườn hoa. Lara không có điều kiện hưởng tất cả những thứ giải trí ấy. Sáng nàng dậy từ năm giờ giúp cô Bertha nấu bữa điểm tâm cho khách trọ, dọn giường chiếu cho họ, sau đấy mới được đi học. Buổi trưa, nàng vội vã chạy về chuẩn bị cho bữa chiều. Nàng giúp cô Bertha dọn bàn cho khách và sau đấy rửa bát đĩa, lau khô tất cả, cất vào trạn. Nhà trọ này có nhiều món ăn ngon lành cho khách. Lara rất thích ngồi nghe khách vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt là những khách trọ từ Scotland đến. Qua câu chuyện giữa họ, Lara ngày càng hình dung được rõ nét về quê gốc của nàng: cao nguyên Scotland. Khách kể với nhau về những rặng núi, những hồ và những hòn đảo ngoài biển ở Scotland. Trong phòng khách có cây đàn pianô và nhiều khi, sau bữa ăn tối, khoảng nửa tá khách Scotland ngồi tụ tập tại đó, hát những bài dân ca quê hương họ mà cũng là quê hương của nàng. Mỗi năm có một ngày hội lớn trong thị trấn và tất cả những người gốc Scotland sinh sống ở đây hãnh diện đánh chiếc váy dân tộc vào, nắm tay thành hàng trên đường phố, vừa đi vừa hát và nhẩy múa. - Tại sao đàn ông mà lại mặc váy? - Có lần Lara hỏi ông Mungo McSween. Ông già nhăn mặt: - Thứ đó không phải váy mà tiếng dân tộ gọi là "kilt". Tổ tiên Scotland chúng ta đã may thứ đó để mặc từ thuở xa xưa. Quê hương chúng ta là cao nguyên có nhiều đồi núi, rừng rậm, dốc cao. Khí hậu lại lạnh giá và ẩm thấp cho nên mặc váy dầy bằng vải lên thô như thế vừa ấm hai chân, vừa dễ chạy nhẩy, tha hồ lên dốc xuống đèo. Nhất là khi phải chạy trốn quân giặc. Ban đêm, tấm "kilt" ấy có thể dùng làm chăn đắp, thậm chí làm mái lều che sương. Lara thấy tên các địa điểm ở Scotland rất thơ mộng. Nàng nhận thấy dân Scotland ham thích tranh luận. Tối tối họ ngồi chơi rất khuya trong phòng khách, trò chuyện và tranh cãi nhau đủ thứ, có vẻ họ rất tự hào về tổ tiên của họ là những người dân can trường luôn phải đối phó với giặc cướp cũng như thú dữ. Và hình như con cháu họ bây giờ vẫn giữ được tính kiêu hãnh và lòng tự trọng nhiều khi quá mức. Dân Scotland có vẻ rất ghét dân vùng England, tức là đồng bằng phía Nam nước Anh, bị họ gọi là Anh hèn nhát. Lara thuộc lòng bài thơ của Walter Scott kể về chàng hiệp sĩ Lachinwar dũng cảm. Câu thơ mới đẹp làm sao. Hiệp sĩ Lachinwar đã liều mình cứu nàng thiếu nữ chàng yêu đang bị gia đình ép buộc lấy một người đàn ông khác. Nàng thầm nghĩ. Một ngày nào đó, một chàng Lachinwar kiêu hùng sẽ đến đây và cứu ta ra khỏi cuộc sống lầm than này. Một hôm đang làm việc dưới bếp thì Lara đọc thấy một quảng cáo đăng trên báo và cổ họng nàng nghẹn lại. Bức ảnh chụp một chàng trai cao, tóc vàng, nét mặt cao quý, mặc áo đuôi tôm sang trọng và đeo nơ trắng. Chàng có cặp mắt xanh biết, nụ cười hiền hậu và trông như một hoàng tử. Chàng Lachinwar của mình trông cũng giống như người này đây, Lara thầm nghĩ. Chàng sẽ tới đây tìm ta, cứu ta ra khỏi nơi này. Chàng sẽ đến giữa lúc ta đang rửa bát đĩa. Chàng cúi xuống sau lưng ta, quàng hai tay ôm cổ ta, thì thầm: "Nàng có cần ta giúp gì không?" Ta sẽ quay đầu lại nhìn thẳng vào mắt chàng và nói: "Chàng lau khô những bát đĩa này cho em!". - Cháu muốn bảo cô làm gì? - Tiếng cô Bertha vang lên. Thì ra vừa rồi, mãi mê, Lara đã nói to lên những ý nghĩ sôi nổi của nàng. Lara đứng phắt dậy, quay tròn một vòng. Bertha đứng đằng sau ngạc nhiên nhìn nàng. - Không đâu, cô ạ, - Lara đáp và má nàng đỏ ửng. Tha thiết tìm hiểu quê hương Scotland, nàng thường năn nỉ ông McSween kể cho nàng. Ông già chiều cô thiếu nữ thơ ngây và kể cho Lara nghe rất nhiều chuyện cổ xứ Scotland. Lara ao ước lớn lên nàng sẽ về đó, và biết đâu nàng sẽ giầu có để tậu được một trang ấp lớn và một toà lâu đài cổ kính, toà lâu đài mà ngày xưa một dòng họ vương tôn quý tộc nào đó đã từng sống. Một buổi tối đầu tháng Bảy, James Cameron đang nằm trên giường với một trong số những ả gái điếm của mụ chủ nhà chứa Kirstie thì bị một cơn nhồi máu cơ tim. Lúc đó ông đang say mềm và khi ông nằm vật ra, ả gái điếm lại tưởng ông ngủ. - Đừng ngủ, James? Anh thức dậy đi và làm cho nhanh kẻo em còn có khách khác đang chờ. Dậy, James! Dậy mau lên! James thở phì phò, hai tay ôm ngực. - Lạy Chúa? - ông thì thào mệt nhọc. - Gọi bác sĩ cho tôi. Xe cấp cứu chở James đến một bệnh viện nhỏ trên phố Quarry. Bác sĩ cho người gọi Lara đến. Lúc bước vào bệnh viện, tim nàng đập thình thình. Ông bác sĩ đã đó đợi nàng. - Có chuyện gì thế, thưa bác sĩ? - Nàng vội vã hỏi. Cha cháu chết rồi phải không ạ? - Chưa đâu, cô Lara. Nhưng tôi lo cha cô bị nặng đấy! Nàng đứng sững lại, kinh hoàng: - Liệu... liệu cha cháu có sống được không? - Hiện chưa biết. Chúng tôi đang làm mọi cách để cứu chữa. - Cháu vào thăm cha cháu được không ạ? - Tốt nhất là cô hãy về đã. Sáng mai vào thăm. Lara quay về nhà trọ, đầu óc đờ đẫn. Lạy Chúa, xin Ngưởi đừng bắt cha con phải chết. Con chỉ có mỗi một mình cha trên đời! Lúc Lara về đến nhà trọ, Bertha đứng ngoài cửa chờ nàng. - Chuyện gì vậy, Lara? Nàng kể cho cô Bertha nghe. - Lạy Chúa? - Bertha nói. - Mà hôm nay lại là thứ Sáu. - Thì sao ạ? - Là ngày cha cháu phải đi thu tiền ở mấy nhà trọ kia. Theo cô biết thì lão chủ McAllister là thằng cha tàn bạo. Lão sẽ không ngần ngại gì mà sẽ quẳng tất cả chúng ta ra ngoài vỉa hè. Đã dăm bảy lần trước đây, mỗi khi James Cameron say quá, ông vẫn sai con gái đi làm giúp mình việc này. Những lần đó Lara đều thu được đầy đủ về đưa cha và ông đem nộp cho McAllister. - Bây giờ biết làm thế nào đây? - Bertha than thở. Và đột nhiên Lara hiểu ngay nàng phải làm gì. - Cô đừng lo, - nàng nói. - Cháu sẽ làm công việc đó Ngay tối hôm đó, trong lúc mọi người ngồi ăn tối, Lara nói: - Thưa các vị, nghe cháu nói được không? - Mọi người đang trò chuyện bèn ngừng bặt chăm chú nhìn cô gái trẻ. - Cha cháu bị... bị mệt, đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ phải giữ cha cháu lại để kiểm tra thêm. Trong khi cha cháu chưa về, cháu làm thay việc của cha cháu là thu tiền trọ của các vị. Ăn xong, cháu sẽ chờ các vị ngoài phòng khách. - Liệu ông ấy có nguy kịch lắm không? - Một khách trọ hỏi. - Ồ, không đâu. - Lara đáp và cố gượng cười. - Không có gì nặng đâu. Sau bữa ăn tối mọi người đều vào phòng khách, nộp cho Lara tiền trọ tuần. - Tôi mong ông James chóng bình phục, Lara? - Nếu cô cần gì, cứ bảo nhé, Lara! - Ôi, ông James ốm thì cô vất vả đấy, cô Lara thân mến. - Thế còn bốn nhà trọ nữa cũng của lão chủ ngân hàng Allister thì sao? - Bertha lo lắng hỏi Lara. - Cha cháu còn có nhiệm vụ ấy nữa. - Cháu biết. - Lara đáp. - Cô rửa bát đĩa hộ cháu, để cháu đi thu mấy nhà đó. Bertha hoài nghi nhìn cô gái: - Cô chúc cháu thành công. Lara không ngờ công việc lại dễ dàng đến thế. Hầu hết khách trọ đều tốt bụng và rất mến cô gái đáng thương này. Sáng sớm hôm sau, Lara cầm phong bì đựng tiền đến nhà lão Allister. Lúc nàng bước vào phòng giấy của lão, lão đang ngồi sau bàn. - Cô thư ký của tôi bảo cô cần gặp tôi? - Vâng, thưa Ngài. Sean McAllister ngắm cô gái gầy gò, ăn mặc xoàng xĩnh đang đứng trước mặt lão. - Cô là con gái James Cameron phải không nhỉ? - Vâng, thưa Ngài. - Tên cô ra Sarah phải không nhỉ? - Lara. - Tôi rất thông cảm nghe tin cha cô bị bệnh - Allister nói. Nhưng không có chút nào "thông cảm" trong giọng của lão hết. - Nhưng tôi đành phải sắp xếp lại thôi. Cha cô bị ốm nặng như vậy tất không thể tiếp tục làm công việc được. Tôi... - Ồ, không đâu, thưa ngài McAllister. - Lara vội vã nói - Cha cháu sai cháu đem tiền đến nộp cho Ngài đây. - Sai cô à? - Vâng, đúng thế, thưa Ngài. - Nhưng có đầy đủ không đấy? Lara không đáp, đặt phong bì bên bàn giấy, rồi mới nói. - Trong này đầy đủ tiền thuê trọ của khách. Lão già ngạc nhiên nhìn nàng: - Không thiếu một người nào? Lara gật đầu. - Cô đi thu à? - Vâng, thưa Ngài. Và cháu sẽ thu hàng tuần cho đến khi cha cháu khỏi bệnh. - Tôi hiểu. Lão chủ nhà băng mở các phong bì nhỏ bên trong phong bì lớn và cẩn thận đếm từng tờ giấy bạc. Lara thấy lão cho tất cả vào một phong bì lớn mầu xanh lá cây. Gần đây, lão McAllister đã tính sẽ tìm người khác thay James Cameron bởi ông suốt ngày say rượu và sống quá trác táng. Hôm nay thấy James ốm, lão nghĩ sẽ là dịp thuận tiện để tống cổ ông. Lão nghĩ cô gái nhỏ gầy gò đứng trước mặt lão đây sao mà làm tròn được công việc nặng nhọc là quản lý một nhà trọ và thu tiền của nhiều nhà trọ khác nhưng đồng thời lão cũng ngại tống cổ gia đình James Cameron ra vỉa hè lúc này, vì làm thế lão sẽ mang tiếng với dân trong thị trấn. Lão thấy phải quyết định một giải pháp. - Ta sẽ thử xem cô làm ăn ra sao trong một tháng, lão nói. - Sau một tháng ta sẽ quyết định. - Cảm ơn Ngài, thưa ngài McAllister. Cháu rất cảm ơn Ngài. Khoan đã, - lão chìa ra cho Lara hai mươi nhăm đô la. - Đây là tiền công của cô. Lara cầm số tiền và thấy vui sướng. Đây là lần đầu tiên cô được trả công lao động của mình. Ở nhà băng ra, Lara tới thẳng bệnh viện. Bác sĩ Duncan cũng vừa trong phòng James Cameron đi ra. Lara đột nhiên hốt hoảng: - Cha cháu đã... - Chưa... Chưa... Ông James đã yên ổn, Lara, - bác sĩ ngập ngừng. - Tôi nói "yên ổn" có nghĩa là cha cô chưa chết... Chưa đâu, cô hiểu chứ? ông ấy sẽ phải nằm vài tuần nữa. Và cần có người chăm sóc ông ấy. - Cháu sẽ chăm sóc, - Lara nói. Bác sĩ nhìn cô gái rồi dịu dàng nói: - Cha cô không biết là ông thực diễm phúc khi có một cô con gái đáng quý như cô. Lara thân mến. - Bây giờ cháu vào thăm bố cháu được không ạ? - Được! Lara vào phòng bệnh và đứng đó nhìn cha. James Cameron nằm trên giường, xanh lướt và tội nghiệp làm sao. Nàng đột nhiên thấy cha rất già. Nàng trào lên một niềm thương cảm. Bây giờ thì nàng đã có dìp giúp đỡ cha và nàng tin rằng cha sẽ thấy tình cảm của con gái và sẽ yêu nàng. Lara bước đến bên giường. - Cha... James mở mắt nhìn con gái, lầm bầm: - Mày đến đây làm cái mẹ gì, con khốn kiếp? Bao nhiêu công việc ở nhà bỏ bê đấy hả? Lara lạnh người: - Ôi, con biết chứ. Con đến đây chỉ để báo cha biết là con đã đến gặp ngài McAllister. Con bảo Ngài ấy rằng con sẽ thay cha thu tiền của khách trong lúc cha nằm viện... - Mày thu tiền ư? Thật là buồn cười - Người ông rung lên vì khi nói tiếp, giọng ông chỉ còn thều thào. - Số mệnh đấy mà, - ông rên rỉ - Tao cam đoan là lão McAllister sẽ tống cổ tao với mày ra vỉa hè. James Cameron không thể hiểu được con gái ông có khả năng làm những gì. Lara đứng lặng đi một lúc nhìn cha rồi nàng quay gót bước ra. * * * * * Ba ngày sau xe chở ông James về nhà và người ta đặt ông lên giường. - Trong vòng hai tuần ông không được ra khỏi giường, - bác sĩ Duncan căn dặn. - Sau đây vài ngày tôi sẽ đến khám lại cho ông. - Tôi không thể nằm mãi như thế được, - James Cameron phản đối. - Tôi phải làm việc. Có bao nhiêu việc tôi. Bác sĩ bình thản nhìn ông, nói: - Ông không có sự lựa chọn nào khác. Muốn khỏi, ông phải nằm nghỉ hoàn toàn. Ông mà đứng dậy là chết liền đấy. Thời gian đầu, khách trọ thích thú nhìn thấy cô gái thơ ngây đi thu tiền, nhưng chỉ ít lâu sau, thích thú ban đầu biến mất và họ bắt đầu viện đủ lý do để trì hoãn nộp tiền cho Lara. - Tuần này tôi bị ốm và bao nhiêu tiền mua thuốc hết cả... - Xưa nay con trai tôi vẫn gửi tiền đều đặn, nhưng sao tuần này chưa thấy nó gửi đến. Có thể bưu điện chậm trễ sao đó... - Tôi đang còn thiếu tiền để trả hiệu bán dụng cụ. - Bảo đảm với cô là đầu tuần sau tôi sẽ nộp đầy đủ Nhưng Lara đâu có chịu. Đấy là công việc kiếm sống của nàng và nếu không làm tròn nàng sẽ bị tống cổ ra vỉa hè. Nàng lắng nghe rất lịch sự rồi nói: - Tôi rất tiếc, nhưng Ngài McAllister bảo các vị phải nộp hôm nay và nếu không nộp thì đành phải mời các vị rời khỏi nhà trọ này vậy. Cuối cùng thì ra ai cũng có tiền để nộp. - Cha cô dễ tính hơn, - một khách trọ phàn nàn. - Ông ấy luôn cho chúng tôi chậm vài ngày. Nhưng cuối cùng họ đều thán phục cô gái trẻ tuổi này. Nếu như Lara nghĩ rằng cha nàng ốm và thấy con gái tận tình chăm sóc thì sẽ yêu là nàng lầm to. Lara càng tận tình với cha bao nhiêu ông càng ghét nàng bấy nhiêu. Hàng ngày nàng đều đem hoa vào phòng cho ông, kèm chút quà nhỏ. - Đồ hoang phí? Hoa làm gì? Mà mày không có việc gì để làm hay sao, con khốn kiếp! - ông thét lên giận dữ. - Con nghĩ là cha thích... - Cút! - Và James Cameron quay mặt vào tường không muốn nhìn thấy mặt "con khốn kiếp"! Mình căm thù ông ấy, Lara thầm nghĩ. Mình căm thù ông ấy! Chương 05 Năm mười bảy tuổi, cô thiếu nữ gầy còm ấy đã biến đổi như thành một người khác hẳn. Gương mặt Lara đã mang đầy đủ nét của tổ tiên Scotland nàng. Làn da mịn màng, lông mày cong và nhỏ, cặp mắt to sáng, làn tóc đen nhánh chảy dài. Thêm vào tất cả những nét đó là một vẻ buồn man mác lúc nào cũng phủ lên khuôn mặt xinh đẹp kia, như thể những tấn bi kịch của dân tộc Scotland đã in dấu ấn lên đó. Lara Cameron có một sắc đẹp quyến rũ, khiến ai thấy cô cũng không thể không nán lại nhìn. Khách trọ hầu hết là nam giới. Họ thiếu thốn phụ nữ và một số đành kiếm cách giải toả bằng các ả gái điếm ở nhà chứa của mụ Kirstie hoặc vài nhà chứa khác. Vì vậy một cô gái đẹp ắt phải là mục tiêu của họ. Một khách thấy nàng một mình dưới bếp bèn mò vào định dở trò. Một khách khác thấy nàng đang lau sàn cũng định tán tỉnh... - Sao cô không chiều tôi một chút? Tôi sẽ đền đáp cô rất hậu... Hãy để tôi cho cô thấy đàn ông là thế nào... - Sao cô không có bồ, Lara xinh đẹp? Bắt bồ với tôi đi! - Cô muốn ra thành phố Kansas không? Tuần tới tôi không ở đây nữa, cô đi với tôi nhé? Cứ mỗi lần khách trọ nào tán tỉnh, năn nỉ cô làm tình với họ, Lara đều từ chối thẳng thừng. Sau đó cô vào gian phòng nhỏ nơi ông James nằm và nói: - Cha lầm rồi. Tất cả mọi người đều thích con? Nói xong, cô đi ra, để mặc cha nhìn theo giận dữ. * * * * * James Cameron qua đời trong buổi sáng sớm mùa xuân. Lara mai táng cha trong nghĩa trang Greenwood ở qun Passiondale. Đưa ông ra đó, ngoài Lara chỉ có Bertha. Và đó là một đam tang không có nước mắt. Người khách trọ mới đến là người Mỹ tên gọi Bill Rogers. Đó là một ông già đã ngoài bảy mươi tuổi, đầu hói và to béo, tính nết dễ dãi, thích nói chuyện. Sau bữa ăn tối, ông thường ngồi trò chuyện với Lara. - Cháu xinh đẹp thế này mà chôn vùi cuộc sống ở nơi hẻo lánh như nơi đây thật phí, - ông khuyên nàng. - Cháu nên ra Chicago hoặc New York. - Vâng, một ngày nào đó cháu sẽ đi, - Lara đáp. - Cháu còn trẻ, còn cả cuộc đời trước mặt. Cháu có mơ ước cuộc đời mình sẽ ra sao không? - Cháu muốn có các thứ. - Áo quần đẹp và... - Không. Cháu muốn có đất. Cháu muốn sở hữu đất đai. Cha cháu lúc sống chẳng có thứ gì hết. Suốt đời cha cháu chỉ sống dựa dẫm vào người khác. Mắt ông già sáng lên. - Bất động sản chính là lĩnh vực kinh doanh của ta hồi trẻ. - Thật ạ? - Ta đã xây không biết bao nhiêu toà nhà suốt cả miền Trung Tây nước Mỹ. Thậm chí có thời kỳ ta sở hữu cả một mạng lưới khách sạn, - giọng ông già như thể nuối tiếc. - Rồi sau đấy chuyện gì đã xảy ra ạ, thưa ông? Bill Rogers nhún vai: - Ta đã tham quá, cuối cùng đâm mất sạch... Thế là suốt tối hôm đó ông già và Lara trò chuyện về bất động sản, về kinh doanh xây dựng. Cả những buổi tối sau nữa. - Quy tắc đầu tiên của nghề xây dựng, - Bill Rogers nói. - Là TNT. Cháu hãy nhớ kỹ là như thế. - TNT là gì ạ? - Lara ngạc nhiên hỏi. - Là tiền người khác! Lĩnh vực xây cất nhà cửa phát triển rất nhanh chính vì nhà nước cho vay với lãi suất thấp và thậm chí trong quá trình xây dựng còn cho thêm những ưu đãi khác. Ba thứ quan trọng nhất trong nghề kinh doanh xây cất bất động sản là địa điểm, địa điểm và địa điểm. Một toà nhà lộng lẫy nhưng xây trên núi thì chỉ là trò tốn công vô ích. Nhưng một ngôi nhà xấu xí giữa phố xá đông đúc, ở trung tâm thành phố thì đem lại cho ta vô số tiền. Bill Rogers dạy cho Lara Cameron hiểu về thế chấp, về tạo vốn, về sử dụng các khoản vay ngân hàng. Lara lắng nghe và ghi nhớ. Nàng giống như miếng bọt biển hút rất nhanh mọi thông tin đến với nàng. Điều quan trọng nhất ông già Bill Rogers nói với nàng là: - Cháu biết không? Thị trấn Glace Bay này là nơi đang rất thiếu nhà ở. Ai biết khai thác tình trạng thiếu thốn này thì giàu to. Giá như ta trẻ lại được hai chục tuổi... Từ hôm đó Lara nhìn thị trấn Glace Bay bằng cặp mắt khác. Nàng ngắm những chỗ đất trống và hình dung ra ở đó những toà nhà dành cho dân chúng đến ở và cho các công sở dùng làm văn phòng. Nàng mơ ước xây lên những toà nhà đó, nhưng nàng đành chỉ mơ ước bởi không có vốn để thực hiện. Hôm ông già Bill Rogers rời đi, ông nói với Lara Cháu ghi nhớ cho kỹ: tiền người khác? Chúc cháu gặp nhiều may mắn! * * * * * Một tuần sau, Charles Cohn vào trọ ở đây. Đó là một ông già ngoài sáu mươi tuổi, nhỏ thó, ăn mặc đẹp sạch sẽ, lịch sự. Ông cũng ngồi ăn với các khách trọ khác nhưng rất ít nói. Dường như ông nấp kín trong ổ kén của thế giới riêng mình. Ông hay ngắm cô gái Lara làm lụng trong nhà trọ và nhận thấy lúc nào nàng cũng tươi cười, không hề phàn nàn than vãn gì. Ông còn ở đây với chúng cháu lâu không? - Một hô. - Tôi chưa biết. Có thể một tuần mà cũng có thể vài tháng... Charles Cohn là người bí hiểm đối với Lara. Ông không chan hoà với các khách trọ khác. Nàng cố dò đoán xem ông là loại người như thế nào. Chắc chắn ông không phải thợ mỏ hoặc dân chài, nhưng ông cũng không có vẻ là nhà buôn. Rõ ràng ông cao hơn các khách trọ khác, có học thức hơn họ nhiều. Ông kể với Lara rằng ông định thuê phòng ở khách sạn, nhưng không nơi nào còn chỗ. Lara còn nhận thấy trong bữa ăn, hầu như ông không ăn gì. - Nếu như cô có ít hoa quả, - có lần ông rụt rè nói, - hoặc rau... - Ông ăn chay sao ạ? - Lara hỏi. - Không hẳn như thế. Nhưng tôi quen ăn thức ăn kosher và tôi e ở thị trấn Glace Bay này không có. Tối hôm sau, lúc Charles Cohn ngồi vào bàn ăn tối, trông thấy một đĩa thịt cừu trước mặt. Ông ngẩng lên, ngạc nhiên nhìn Lara: - Rất tiếc tôi không ăn được thứ này, - ông nói. - Tôi tưởng tôi đã nói với cô... Lara mỉm cười: - Vâng, ông đã kể cháu nghe. Thì đây là món ăn kosher, - theo nàng kiểu kosher nghĩa là Do Thái. - Sao lại thế? Cô nói gì vậy, cô Lara? - Cháu đã cất công ra thành phố Sydney, tìm đến chợ Do Thái và mua thịt cừu ở đó. Xin ông cứ thoải mái ăn. Tiền trọ là tính cả tiền hai bữa ăn trong đó rồi. Ngày mai cháu sẽ nấu món kosher khác cho ông. Từ hôm đó, mỗi khi Lara rảnh rỗi, ông già Charles Cohn lại mời cô đến trò chuyện. Ông rất quý tính đôn hậu, tốt bụng và thông minh của cô gái trẻ này, cả cách suy nghĩ tự lập của Lara nữa. Một hôm Charles Cohn thú thật với Lara mục đích ông đến thị trấn Glace Bay này. - Tôi là uỷ viên ban điều hành của Công ty Cung ứng Lục địa, đó là một Tập đoàn công ty nổi tiếng. Tôi đang tìm địa điểm để mở một cửa hiệu chi nhánh tại đây. - Hay quá nhỉ? - Lara nói. Vậy là mình đã biết ông này đến đây có mục đích quan trọng. - Ông định xây một ngôi nhà dùng làm cửa hiệu ạ? - Không. Tôi tính xem có ai đứng ra xây, rồi chúng tôi thuê lại. Ba giờ sáng hôm đó Lara choàng thức giấc, ngồi phắt dậy. Phải chăng đấy là một giấc mơ? Nhưng không phải. Đầu óc nàng đang hoạt động rất mạnh, đến mức nàng không sao ngủ tiếp được nữa. Sáng ra, lúc Charles Cohn ra khỏi phòng để ăn điểm tâm, ông đã thấy cô gái đứng cửa chờ. - Thưa ông Cohn... Cháu biết một địa điểm rất đẹp - Nàng bật ra.. Ông khách nhìn nàng ngạc nhiên: - Cô nói gì? - Một địa điểm rất đẹp để ông dùng làm cửa hiệu... - Vậy à? Chỗ nào? Lara không trả lời ngay vào câu hỏi vội. - Nhưng cháu cần hỏi ông cho rõ thêm vài điều. Nếu như cháu có được miếng đất, địa điểm đúng như ông mong muốn, và cháu xây một ngôi nhà tại đây, liệu ông có đồng ý thuê nó trong năm năm để mở cửa hiệu không? Charles Cohn lắc đầu: - Điều cô hỏi chỉ là "giả sử" thôi chứ gì? - Nhưng nếu là sự thật thì ông có thuê không? - Lara vẫn không buông. - Lara, cô đã biết những gì về chuyện xây cất nhà nào? - Cháu sẽ xây được, - nàng nói. - Cháu sẽ thuê kiến trúc sư và một hãng xây dựng có uy tín để làm việc đó Charles Cohn đang ngắm nghía cô gái. - Tôi hiểu. Nhưng địa điểm cô nói là chỗ nào? - Cháu sẽ dẫn ông đến đó, - Lara nói. - Cháu tin là ông sẽ ưng. Địa điểm rất đẹp. Sau bữa điểm tâm, Lara dẫn Charles Cohn vào trung tâm thị trấn. Góc Phố Chính và các phố buôn bán giữa thị trấn GlaeeBay có một khoảnh đất trống vuông vắn. Đúng là khoảnh đất Charles Cohn đã để ý đến cách đây hai ngày rồi. - Đấy địa điểm cháu định đưa ông đến xem, - Lara nói. Ông Cohn đứng ngắm một lúc rồi nói: - Quả là cô có con mắt tinh tường. Đây là địa điểm rất đẹp. Ông đã bí mật điều tra về khoảnh đất này và biết nó là của McAllister, chủ nhà băng ở đây. Nhiệm vụ của công ty giao cho Charles Cohn là kiếm địa điểm rồi tìm người bỏ tiền xây cất, sau đấy công ty sẽ thuê lại. Ai xây đối với công ty không quan trọng. Vấn đề chỉ là địa điểm và kiến trúc toà nhà thích hợp với một cửa hiệu bán những mặt hàng của công ty. Charles Cohn ngắm nghía cô gái, cô ta quá trẻ, ông nghĩ. Đúng là một ý nghĩ táo tợn, liều lĩnh. Nhưng cô gái tốt bụng làm sao: "Cháu đã cất công ra tận thành phố Sydney, tìm đến chợ Do Thái...". Lara vẫn đang sôi nổi nói: - Nếu cháu tậu được khoảnh đất này và xây lên một toà nhà đúng như yêu cầu của ông thì ông sẽ đồng ý thuê nó trong năm năm chứ? Charles Cohn ngừng lại, chậm rãi đáp: - Không đâu? Không phải năm năm mà là mười năm! Chiều hôm đó Lara đến gặp lão chủ nhà băng Sean McAllister. Thấy nàng bước vào văn phòng lão sửng sốt. - Cô đến sớm như vậy? Hôm nay thứ tư. Còn vài ngày nữa mới đến hạn kia mà? - Cháu biết. Cháu đến vì việc khác. Cháu muốn nhờ Ngài một chuyện, thưa Ngài McAllister. Lão già ngồi đó ngắm nghía cô gái. Cô ta lớn lên đâm xinh đẹp và hấp dẫn gớm. Không còn là trẻ con nữa mà đã là một thiếu nữ thật sự rồi. Lão nhìn thấy cặp vú nàng nhô lên sau mảnh vải bông. - Cô ngồi xuống đi. Cô cần gì nào? Lara đang xáo động trong lòng, không muốn ngồi. - Ngài cho cháu vay một khoản tiền. - Cô nói gì? - Lão sửng sốt. - Cháu đề nghị Ngài cho cháu vay tiền. Lão chủ nhà băng mỉm cười độ lượng. - Tôi nghĩ là được. Nếu như cô cần tiền để may một bộ áo quần hoặc để mua sắm thứ gì đó thì tôi xin vui lòng tạm ứng cho cô trước... - Cháu cần vay hai trăm ngàn đôla. Nụ cười trên môi lão già vụt tắt. - Cô định nói đùa? - Không đâu, thưa Ngài, - Lara bước đến gần bàn giấy, sôi nổi nói. - Ở đây có một mảnh đất cháu muốn tậu để xây nhà. Cháu có sẵn một người muốn thuê ngôi nhà đó trong mười năm. Số tiền đó đủ để mua đất và xây dựng. Lão McAllister ngắm cô gái, cau mày. - Cô đã thoả thuận kỹ với người sở hữu khoảnh đất ấy rồi chứ? - Cháu sắp đưa vấn đề ấy ra bàn với Ngài đây. - Lara nói. Khoan cho tôi một phút, - lão chậm rãi nói. - Vậy khoảnh đất ấy là của tôi? - Đúng thế. Đấy là khoảnh nằm ở góc Phố Chính với mấy phố buôn bán. - Và cô đến đây hỏi vay tiền tôi để mua miếng đất của tôi? - Miếng đất ấy trị giá không quá hai mươi ngàn đôla. Cháu đã đi khảo giá rồi. Cháu xin trả Ngài ba mươi ngàn. Ngài sẽ được lợi mười ngàn đôla nhờ bán cao hơn giá bình thường cộng với lãi suất của số tiền hai trăm ngàn đôla cho cháu vay nữa. McAllister lắc đầu: - Cô hỏi vay tôi hai trăm ngàn đôla nhưng không có thứ gì bảo đảm hết. Không được. Lara dướn người về phía trước: - Bảo đảm là thế này. Cháu sẽ dùng miếng đất ấy và ngôi nhà làm vật thế chấp. Nếu cháu không trả được nợ, Ngài sẽ sử dụng ngôi nhà đó. Ngài không sợ bị thiệt đâu. Lão chủ nhà băng ngắm cô gái, ngẫm nghĩ. Lão cười: - Chà, cô bạo gan đấy. Nhưng tôi e Ban giám đốc điều hành nhà băng sẽ không đồng ý. - Làm gì có ban giám đốc nào. Ngài là chủ duy nhất. - Lara nói ngay. Nàng tiến đến sát bàn và lão nhìn thấy cặp vú của nàng áp vào thành bàn trước mặt lão. - Nếu Ngài đồng ý cháu cam đoan Ngài sẽ không phải ân hận đâu... Lão không rời được mắt khỏi cặp vú Lara. - Cô không giống ông thân sinh ra cô chút nào, đúng thế không nhỉ? - Đúng vậy - Lara kiêu hãnh nói. - Kể ra nghe cô nói cũng có lý đấy, - lão chủ nhà báng thận trọng nói. - Ai là người sẽ thuê ngôi nhà đó? - Tên ông ta là Charles Cohn, uỷ viên ban điều hành của Công ty Cung ứng Lục địa. - Tức là Công ty có cả mạng lưới cửa hiệu khắp nước Mỹ? - Đúng thế. Lập tức lão McAllister quan tâm đến vấn đề này. - Họ muốn mở một cửa hiệu để bán hàng cho đám thợ mỏ và dân lao động trong vùng này, - Lara nói tiếp. Lão chủ nhà băng đánh hơi thấy ngay đây là một áp phe lớn và ăn chắc. - Cô gặp ông ta ở đâu? - Lão thận trọng hỏi. - Ông ấy nghỉ trong nhà trọ. - Tôi hiểu. Vậy cô để tôi suy nghĩ đã, Lara. Mai tôi sẽ trả lời. Lara run lên vì mừng rỡ. - Cảm ơn Ngài, Ngài McAllister. Ngài sẽ không phải ân hận đâu. - Tôi cũng nghĩ thế. - lão già mỉm cười nói. * * * * * Chiều hôm đó Sean McAllister đến nhà trọ gặp Charles Cohn. - Tôi ghé qua đây mời ông ra thị trấn Glace Bay, - lão nói. - Tôi là Sean McAllister, chủ nhà băng ở đây. Tôi nghe tin ông đến đây, nhưng lẽ ra ông không nên nghỉ ở nhà trọ này, mà nên đến khách sạn của tôi ở đó có đầy đủ tiện nghi hơn. - Khách sạn đã hết chỗ, - ông Cohn phân trần. - Bởi chúng tôi không biết ông là ai. - Vậy tôi là ai? - ông Cohn hỏi vui. Sean McAllister cười: - Ông không việc gì phải giấu, thưa ông Cohn. Nhiều người đã biết và họ đã kháo nhau rồi. Tôi còn được biết là ông đang muốn thuê một ngôi nhà làm cửa hiệu cho mạng lưới bán lẻ của công ty. Nó sẽ được xây trên khoảnh đất do tôi sở hữu. - Khoảnh đất nào vậy? - Ở góc Phố Chính và mấy phố buôn bán. Đấy là địa điểm rất đẹp, ông công nhận không? Tôi nghĩ chúng ta có thể bàn chuyện đó. - Tôi đã bàn chuyện đó với người khác rồi. Lão chủ nhà băng bật cười: - Cô bé Lara chứ gì? Cô ấy đúng là xinh đẹp, ông công nhận không? Nhưng tại sao ông không ghé vào nhà băng của tôi và ký hợp đồng với nhau? - Vậy ra ông vẫn chưa hiểu hay sao? Tôi đã nhận lời với người ta rồi. - Tôi lại cho rằng người không hiểu chính là ông, thưa ông Cohn. Lara không phải là chủ khoảnh đất ấy Tôi mới là chủ. - Nhưng cô ấy xin mua khoảnh đất ấy của ông không? - Đúng vậy, nhưng tôi sẽ không bán cho cô ấy. - Nếu vậy tôi cũng sẽ không thuê nơi đó. Tôi đã thấy có ba khoảnh đất nữa cũng đẹp không kém. Cảm ơn ông đã ghé đến đây. Lão chủ nhà băng ngó Charles Cohn một lúc lâu. - Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ? - Rất nghiêm chỉnh. Tôi không bao giờ làm sai lời tôi đã hứa với người khác. Nhưng Lara không biết gì về xây dựng hết. Cô ấy… - Cô ấy đã tính toán kỹ. Tất nhiên chúng tôi là người thông qua cuối cùng. Lão chủ nhà băng lộ vẻ băn khoăn. - Có đúng là công ty Cung ứng Lục địa bằng lòng ký hợp đồng thuê trong mười năm không? - Đúng. - Tôi hiểu. Thôi được. Nếu vậy tôi... tôi sẽ suy nghĩ thêm. Khi Lara về đến nhà trọ, Charles Cohn thuật lại câu chuyện giữa ông và Lão McAllister. Lara choáng váng: - Vậy là lão ta đã phỗng tay trên của cháu? - Cô đừng lo, - Charles Cohn trấn an nàng. - Lão sẽ phải nhượng cho cô mảnh đất ấy. - Có chắc như vậy không ạ? - Lão là chủ nhà băng. Việc chính của lão là cho vay lấy lãi. - Còn ông, thưa ông Cohn? ông sẽ làm việc này vì cháu chứ? - Tất nhiên rồi. - Tại sao ông lại làm việc này giúp cháu, ông Cohn? Charles Cohn đã tự đặt ra câu hỏi như thế và đã trả lời rồi. - Tại cô quá trẻ. Tại cô không thuộc về thị trấn này. Tại tôi thèm có một đứa con gái như cô. Nhưng ông không nói ra điều đó. - Tôi không mất thứ gì cả, Lara. Tôi đã tìm được vài khoảnh đất khác, địa điểm cũng rất đẹp. Nếu như cô mua được khoảnh đất sáng nay, tôi sẵn lòng giúp cô. Công ty không quan tâm tới việc tôi thoả thuận với ai. Nếu cô vay được tiền và tôi chấp nhận công ty xây dựng cô thuê, hai chúng ta sẽ làm chung công việc kinh doanh này. Lara cảm động quá gần như nghẹn lại. - Cháu không biết làm cách nào để đền đáp ơn ông, thưa ông Cohn. Cháu sẽ đến gặp lão McAllister và sẽ… - Nếu ở vào địa vị cô, tôi không đến lão, - Charles Cohn khuyên, - mà hãy để lão đến đây tìm cô. - Nhưng nếu lão không đến? - Lara lo lắng hỏi. Charles Cohn mỉm cười: - Lão sẽ đến, - rồi ông đưa Lara bản hợp đồng thuê nhà đã đánh máy sẵn. - Đây là bản hợp đồng thời hạn mười năm mà tôi và cô đã thoả thuận. Từ hợp đồng này cô sẽ sử dụng làm văn bản trong công việc của cô sắp tới. - Ông lại đưa Lara bản vẽ toà nhà trên giấy can. - Còn đây là kiến trúc toà nhà. Suốt đêm hôm ấy Lara ngồi nghiên cứu bản vẽ và những ghi chú trên đó. Sáng hôm sau lão chủ nhà bằng McAllister gọi điện cho Lara. - Mời cô đến tôi bây giờ, được không? Tim nàng đập thình thình. - Sau đây mười lăm phút tôi sẽ có mặt ở chỗ ngài. Lão đã chờ nàng. - Tôi đã suy nghĩ về câu chuyện ta trao đổi hôm qua rồi, - lão nói. - Tôi cần có bản hợp đồng thuê thời hạn mười năm của ông Cohn. - Tôi có đem theo đây, - Lara nói. Nàng mở xắc và lấy bản hợp đồng ra. Lão chủ nhà băng xem xét rất kỹ. - Đầy đủ rồi. - Vậy là ngài bằng lòng cho tôi vay chứ? - Lara hỏi và nàng nín thở hồi hợp đợi câu trả lời. Lão McAllister lắc đầu: - Không. - Nhưng tôi tưởng... Lão gõ ngón tay xuống mặt bàn. - Thú thật với cô. Tôi không vội vã gì phải bán khoảnh đất ấy. Càng để lâu, đất càng lên giá. Lara ngơ ngác nhìn lão: - Nhưng ngài... - Việc cô định làm rất trái khoáy. Cô chưa có chút kinh nghiệm nào trong nghề xây cất: Chưa đủ để tôi tin cậy và cho cô vay tiền. - Tôi chưa hiểu... Vậy ngài còn cần có thứ gì nữa mới đủ tin cậy? - Tôi cần... một khoản thưởng nhỏ. Lara, cô đã ngủ với người đàn ông nào chưa? Câu hỏi hoàn toàn bất ngờ đối với nàng. - Tôi... chưa, - nàng cảm thấy chuyện "làm ăn" như đã tuột khỏi tay. - Tôi thấy chuyện đó có quan trọng gì đâu kia chứ? Lão chủ nhà băng dướn người lên: - Tôi xin được thật lòng với cô, cô Lara. Tôi thấy cô rất đẹp, rất hấp dẫn. Tôi muốn ngủ với cô. Sau đó ta coi như không có chuyện gì hết... Mặt Lara đột nhiên đanh lại. - Cô nên nghĩ như thế này. Nếu cô chịu ngủ với tôi, cô sẽ có cơ hội để đạt được một thành công, có cơ hội thành nhà kinh doanh, có cơ hội để chứng minh rằng cô không giống cha của cô. Đầu óc Lara quay cuồng. - Cô khó lòng tìm cơ hội nào như thế này nữa đâu, Lara. Có lẽ cô cần cân nhắc một chút. Nếu vậy cô hãy nghĩ và... - Không cần, - giọng nàng như vang lên trong hai lỗ tai của chính nàng. Đầu nàng ù lên. - Tôi có thể trả lời ngay bây giờ. - Lara kẹp hai cánh tay chặt vào sườn, cố không để toàn thân run lên. Bởi phút này đây quyết định toàn bộ tương lai cuộc đời nàng. Nhưng lời nàng sắp thốt lên quyết định mọi thứ. - Tôi chịu để ngài ngủ với tôi. Lão chủ nhà băng nhe răng cười, đứng dậy và dang rộng hai cánh tay. - Nhưng không phải lúc này, - Lara nói. - Sau khi tôi nhìn thấy bản hợp đồng ngài ký. Ngày hôm sau, lão Sean McAllister đưa Lara bản hợp đồng của nhà băng đồng ý cho nàng vay tiền. - Đây bản hợp đồng rất đơn giản, cô em. Thời hạn mười năm, hai trăm ngàn đôla, lãi suất tám phần trăm một năm. - lão đưa nàng cây bút. - Cô ký vào trang cuối cùng ấy. - Nếu ngài không phiền, cho tôi xem kỹ đã, - Lara nói. Nàng liếc nhìn đồng hồ. - Nhưng bây giờ tôi đang có việc gấp. Ngài cho phép tôi mang về nhà. Mai tôi sẽ đem lại đây. Lão Sean McAllister nhún vai: - Được thôi, - lão hạ giọng. - Còn về vụ riêng hai chúng ta, thứ bảy tới tôi phải đến Halifax. Tôi mời cô đi cùng. Lara nhìn nụ cười đểu giả của lão mà thấy ruột gan quặn đau. - Vâng, được, - nàng nói không ra hơi. - Tốt lắm. Cô ký xuống dưới rồi đem bản hợp đồng đưa lại cho tôi. Thế là chúng ta đã là bạn hàng của nhau, - lão nghĩ một lát rồi nói tiếp. - Cô cần một hãng xây dựng tốt. Cô có biết công ty xây dựng Nova Scotia không? Lara mừng rỡ: - Có. Tôi quen ông giám đốc, Buzz Steele. Ông này đã xây một loạt những công trình vào loại lớn nhất ở thị trấn Glace Bay này. - Tốt lắm. Đấy là công ty có uy tín. Tôi muốn giới thiệu với cô. - Mai tôi sẽ gặp ông Buzz Steele. Tối hôm đó Lara đưa Charles Cohn xem bản hợp đồng vay tiền. Nàng không dám kể cho ông biết về "thoả thuận riêng" với lão chủ nhà băng. Nàng quá xấu hổ. Charles Cohn đọc rất kỹ bản hợp đồng. Đọc xong ông trao lại cho Lara. - Tôi thấy cô không nên ký bản hợp đồng này. - Tại sao ạ? - Nàng. Trong này có một điều khoản là công trình phải xây dựng xong trước ngày 31 tháng 12, nếu không, toàn bộ số tiền cho vay sẽ phải hoàn lại đầy đủ cho nhà băng, nói cách khác, toàn bộ ngôi nhà đó sẽ vào tay lão McAllister và công ty của tôi sẽ trở thành người thuê nhà của lão. Cô sẽ mất hết mà vẫn phải trả lãi suất cho lão. Cô bảo lão sửa lại điều khoản ấy đi. Câu lão McAllister vẫn còn văng vẳng bên tai nàng. Tôi không vội gì phải bán khoảnh đất ấy. Đất để càng lâu càng cao giá. Nàng lắc đầu: - Lão không chịu đâu. Nếu vậy thì cô bước vào một canh bạc nguy hiểm đấy, Lara. Cô rất có thể mất sạch mà vẫn nợ hai trăm ngàn đôla kèm theo tiền lãi. Nhưng nếu cháu xây xong trước thời hạn đó... - Chữ "nếu" ở đây phải gạch đít ba lần. Khi cô xây cất, cô sẽ phụ thuộc vào rất nhiều người. Và chỉ cần họ sai sót gì đó là cô gay go ngay.. - Đây là một công ty xây dựng có uy tín ở vùng này. Họ đã xây cất bao nhiêu toà nhà lớn ở đây. Cháu lại quen ông giám đốc. Cháu sẽ thoả thuận với họ. Nếu như họ không bảo đảm đúng thời hạn hoàn thành công trình, cháu sẽ đi tìm công ty khác. Giọng Lara quả quyết quá làm Charles Cohn đâm thôi không nghi ngại nữa. - Thôi được, - ông nói. - Cô hãy bàn với ông ta. * * * * * Lara thấy Buzz Steele đang đi trên dàn giáo của một toà nhà đang xây ở thành phố Sydney. Ông ta ngoài bốn mươi tuổi, tóc hoa râm và gương mặt sương gió. Ông niềm nở chào Lara. - Chà, đúng là một sự bất ngờ thú vị, - ông nói. - Sao người ta lại cho một cô gái xinh đẹp như thế này ra khỏi Glace Bay nhỉ? - Cháu lẩn đi đấy, - nàng nói. - Cháu có một đơn đặt hàng cho chú đây, chú Buzz. - Thật không? - ông mỉm cười. - Xây nhà gì? Nhà búp bê chăng? - Không đâu, - nàng đưa ông xem bản vẽ của Charles Cohn đưa nàng. - Ngôi nhà đây. Buzz Steele xem xét một lúc lâu. - Nhà đẹp đấy. Vậy thế nào? Cô liên quan thế nào đến toà nhà này? - Nhà của cháu. Cháu thuê công ty chú xây cất, - Lara đáp kiêu hãnh. - Nếu vậy thì tuyệt rồi. - Nhưng có hai yêu cầu quan trọng. - Là gì? - Là phải hoàn thành toàn bộ công trình trước ngày 31 tháng 12, nếu không thì toà nhà sẽ thuộc về nhà băng và yêu cầu thứ hai là tính trọn gói không được quá 170 ngàn đôla. - Từ nay đến đó còn mười tháng. - Vâng. Chú làm xong được không? Buzz Steele lại nhìn vào bản vẽ. Lara chăm chú theo dõi ông ta nhẩm tính. Cuối cùng ông nói: - Sẽ xong trước 31 tháng 12 nếu như cô bật đèn xanh cho chúng tôi ngay từ bây giờ. - Vậy là chú nhận lời? Nàng muốn thét lên sung sướng. Vậy là xong! Hai người bắt tay nhau. - Cô là khách hàng xinh đẹp nhất của tôi từ xưa đến nay đấy. - Cảm ơn chú. Vậy hôm nào chú muốn khởi công. - Thế này nhé. Mai tôi đến Glace Bay nhìn qua khoảnh đất. Tôi sẽ xây một toà nhà khiến cô phải hãnh diện vì nó. Trên đường về Glace Bay, nàng cảm thấy như được chắp thêm đôi cánh. Lara về Glace Bay, kể mọi chuyện cho Charles Cohn biết. - Cô có tin tưởng công ty xây dựng đó làm ăn đứng đắn không? - Cháu biết là họ làm ăn tốt. - Lara trấn an ông. - Họ đã xây cất rất nhiều toà nhà lớn ở Sydney và ở đây rồi ở Halifax, ở... Niềm lạc quan của nàng dễ lây, Cohn mỉm cười: - Vậy thì được. Nghĩa là cô với tôi đã trở thành bạn làm ăn rồi đấy. - Thật không, thưa ông Cohn? - Mặt nàng rạng rỡ. Nhưng chợt nghĩ đến "thoả thuận riêng" với lão chủ nhà băng Sean McAllister nụ cười trên môi nàng biến mất ngay. Thứ Bẩy tới tôi phải đi Halifax. Tôi mời cô đi cùng. Chỉ còn hai ngày nữa đã là thứ Bẩy. Lara ký dưới các hợp đồng vào sáng hôm sau. Nhìn nàng bước ra khỏi văn phòng nhà băng, lão Sean McAllister vô cùng thích thú. Lão tính, nhất quyết không để cô gái kia sở hữu toà nhà sẽ xây. Và lão cười ré lên tháy cô gái quá ngây thơ. Lão cho nàng vay khoản tiền đó nhưng thật ra là lão tự cho lão vay. Nghĩ đến lúc làm tình với tấm thân non trẻ tuyệt đẹp kia, lão thấy tuổi trẻ như đang trở lại. Lara mới đến Halifax có hai lần. So với Glace Bay, đây là một thành phố đông đúc, phố xá chật ních người đi bộ và xe hơi. Các cửa hiệu đều chất đầy hàng hoá. Lão Sean McAllister chở Lara đến một khách sạn ngoại ô thành phố. Lúc lái xe vào bãi đậu, lão vỗ tay lên đùi nàng. - Cô ngồi đợi để tôi vào đăng ký thuê phòng nhé, cô em? Lara ngồi lại trong xe chờ, lòng hết sức hoang mang. Mình tự đem bán thân mình, nàng thầm nghĩ. Như gái điếm. Nhưng mình còn thứ gì khác nũả để đem bán. Ít nhất thì lão cũng coi mình trị giá hai trăm ngàn đô la. Cha mình lúc sinh thời đã bao giờ nhìn thấy hai trăm ngàn đôla đâu? Cha mình lúc nào cũng quá... Cửa xe mở ra và lão chủ nhà băng đứng bên ngoài cười: - Xong rồi. Ta vào đi. Đột nhiên Lara thấy cổ họng tắc lại và nàng như không thở nổi. Tim nàng đập mạnh đến nổi nàng cảm giác nó sắp bung ra khỏi lồng ngực. Mình sẽ bị cơn đau đứng tim mất, nàng thầm nghĩ. - Lara... - Lão nhìn nàng lo lắng. - Cô không làm sao đấy chứ? - Không... - Ta đang chết đây. Lát nữa người ta sẽ chở ta đến bệnh viện và ta sẽ chết ở đó, chết khi vẫn còn là cô gái trinh tiết. Nàng chậm rãi bước ra khỏi xe và đi theo lão McAllister vào một căn phòng có một giường lớn, hai ghế bành, một bàn trang điểm và một buồng tắm nhỏ xíu. Nàng cảm thấy đang sống trong cơn ác mộng. - Vậy đây là lần đầu tiên của cô phải không? - McAllister nói. Lara nghĩ đến những đứa con trai ở trường đã sờ soạng nàng, hôn lên vú nàng rồi cố thọc tay vào chỗ kín của nàng. - Vâng, - nàng nói. - Tốt lắm. Cô em đừng sợ nhé. Làm tình là trò bình thường nhất trên đời. Lara nhìn lão McAllister cởi quần áo. Thân hình lão thật tởm. - Cô em cởi ra, - lão ra lệnh. Lara chậm chạp cởi áo, váy và giầy. Trên người nàng chỉ còn xu chiêng và xi líp. Lão chủ nhà băng Sean McAllister ngắm thân hình nàng rồi sán đến. - Cô em đẹp lắm! Lão hôn lên môi nàng và nàng cảm thấy ghê tởm. - Cô em cởi nốt ra đi, - lão sốột thúc, - rồi lão cởi nốt quần lót, bước lên giường. Cái đàn ông của lão đỏ hỏn và cứng ngắc. - Thế kia thì làm sao mình chịu nổi, nàng thầm nghĩ. Mình sẽ chết mất. - Nhanh lên! Lara chậm chạp cởi xu chiêng và xilíp. - Lạy Chúa! - Lão nói. - Cô em đẹp tuyệt trần. Lên đây. Lara leo lên giường và ngồi xuống. Lão bóp mạnh vú nàng và Lara đau quá thét lên. - Cô thấy sướng chứ? Cô đã đến tuổi phải nếm mùi đàn ông rồi. - lão đẩy nàng nằm ngửa và kéo hai chân nàng giạng ra. Đột nhiên Lara hốt hoảng. - Tôi không có gì tránh thai hết, - nàng nói. - Tôi sợ có thai. - Đừng lo, - lão McAllister hứa. - Tôi sẽ không để cô mang bầu mà sinh rắc rối cho cả tôi đâu. Lát sau, Lara để cho lão đưa cái của lão vào. - Khoan đã! - Nàng thét lên. - Tôi... Lão McAllister đã không thể chờ thêm được nữa. Lão đi vào trong nàng và nàng đau khủng khiếp. Lara vội đưa tay bịt miệng để khỏi hét lên. Cố chịu đựng một phút nữa thôi, nàng thầm nghĩ, và sau đấy mình sẽ làm chủ cả một toà nhà lớn. Mình sẽ còn xây một toà nhà nữa... Bây giờ thì cảm giác đau đã tăng lên mức không chịu đựng nổi. - Rướn mông lên, - lão già gắt. - Sao cứ nằm ườn ra thế. Rướn người lên chứ? Nàng cố dướn lên nhưng không nổi. Nàng quá đau. Đột nhiên lão McAllister rên rỉ, thở hồng hộc và Lara thấy chất lỏng trào vào bên trong nàng. Lão thở phào khoan khoái và lịm đi trên người nàng. Nàng hoảng hốt: - Ngài bảo Ngài sẽ không... - Cô em đẹp quá, ta không nhịn nổi. Nhưng cô em đừng lo. Nếu cô em có thai, ta biết một bác sĩ giỏi chuyên làm chuyện ấy. Lara quay mặt đi để lão khỏi nhìn thấy vẻ ghê tởm của nàng. Nàng vội vã bước nhanh xuống đất, chạy vào buồng tắm, mở vòi hoa sen để làn nước ấm cuốn đi khỏi trên cơ thể nàng những thứ nhơ bẩn. Nàng thầm nghĩ: Thế là xong. Mình đã làm xong. Bây giờ mình là chủ khoảnh đất. Mình sẽ giầu có. Giờ chỉ còn việc mặc quần áo, trở về Glace Bay và tiến hành khởi công xây cất toà nhà. Nàng ra khỏi buồng tắm. Lão chủ nhà băng Sean McAllister nói: - Hôm nay cô em làm ta sướng quá. Ta sẽ lại tiếp tục nhé! Chú thích: (1) Tiếng Do Thái có nghĩa là thịt súc vật không bằng cách cắt tiết. Còn nghĩa khác là thức ăn riêng của người Do Thái (N.D) Chương 06 Charles Cohn đi xem thử năm toà nhà do Công ty Nova Scotia đã xây cất. - Đúng là một công ty làm ăn nghiêm túc, - ông nói với Lara. - Cô sẽ không phải lo lắng gì về họ đâu. Bây giờ Lara, Charles Cohn và Buzz Steele đến khảo sát khoảnh đất mới. - Tuyệt vời, Buzz Steele nói. - Diện tích toàn bộ là 43,560 bộ vuông(1) vậy là cô sẽ có hai mươi ngàn bộ vuông diện tích xây dựng. Charles Cohn nói: - Ông bảo đảm toà nhà xây cất xong trước ngày 31 tháng 12 chứ? - Cohn vẫn còn lo cho Lara. - Trước nhiều - Buzz Steele nói. - Tôi hứa sẽ hoàn thành công trình trước ngày Nôen, hai mươi nhăm. Lara mừng rỡ: - Bao giờ chú bắt đầu khởi công, chú Buzz? - Tôi cho đội làm móng đến đây vào giữa tuần sau. Cô ứng trước một khoản chứ, Lara? Cohn nhìn Lara gật đầu. - Vâng. Cháu sẽ đưa chú một khoản trước, - Lara * * * * * Ngắm toà nhà cao lên dần là việc Lara thích thú nhất, điều chưa bao giờ nàng được hưởng. Ngày nào nàng cũng ra đó ngắm. - Cháu cần phải học, - nàng bảo Charles Cohn. Đây là bước khởi đầu. Cháu phải biết cách thức để sau này còn phải xây cất một trăm toà nhà nữa. Cohn băn khoăn, không biết Lara đã hiểu như thế nghĩa là thế nào chưa? Tốp đầu tiên đặt chân lên khoảnh đất là đội khảo sát. Họ cắm các cột mốc ở các góc toà nhà tương lai. Họ quét thứ sơn lân tinh lên các cột mốc ấy để dễ nhận. Tốp khảo sát làm việc trong hai ngày. Sáng sớm ngày thứ ba, xe ủi nhãn Carterpillar đến làm. Lara đã có mặt ở đó, đang chờ. - Bây giờ đến công việc gì? - Nàng hỏi Buzz Steele. - San nền và đào móng. Họ đào các hố móng, các đường ngầm để lắp ống nước. Tốp thứ ba đến lắp ống dẫn nước và thoát nước. Bây giờ khách trọ đều đã nghe được câu chuyện và trong bữa điểm tâm cũng như bữa ăn tối, đề tài chính họ trò chuyện, trao đổi xung quanh chuyện xây dựng toà nhà trên phố Chính. Họ rất mừng cho Lara. - Tình hình đã ra sao rồi? - Họ luôn hỏi nàng. Lara đã trở thành "chuyên gia". - Sáng nay lắp nốt hệ thống cấp và tiêu nước. Mai bắt đầu xây móng và dựng khung sàt để đổ bê tông, - nàng cười tươi. - Tôi nói các vị có hiểu không nhỉ? Đổ bê tông xong phần móng, họ bắt đầu làm dàn giáo và bây giờ khắp công trường lúc nào cũng vang động khủng khiếp. Tiếng ồn làm mọi người phải bịt tai, nhưng đối với Lara thì đấy lại là âm thanh đáng yêu như âm nhạc. Tiếng búa máy đập uỳnh uỳnh, tiếng gõ, tiếng trộn bê tông... Hai tuần sau, khung toà nhà đã dần dần hiện lên trên khoảng đất trước đây trống trải. Đối với người khác thì đây là cả một khối sắt thép, bê tông kệch cỡm, nhưng đối với Lara thì đây là giấc mơ của nàng đang biến dần thành sự thật. Sáng nào và cả tối nào cũng vậy, nàng đến đây để hưởng niềm sung sướng. Tất cả những thứ này là của mình, nàng thầm nghĩ. Của mình? Sau vụ hiến thân cho lão chủ nhà băng McAllister, Lara rất lo mình có thai. Mỗi lần nghĩ đến khả năng đó, nàng thấy ruột quặn đau. Và đến kỳ kinh nguyệt, nàng thở phào nhẹ nhõm. Vậy là xong. Tất cả trí óc mình bây giờ sẽ chỉ tập trung vào việc xây cất nữa thôi. Nàng tiếp tục thu tiền thuê của khách trọ để nộp cho lão Sean McAllister bởi nàng vẫn cần nơi để ở, nhưng nàng tìm mọi cách để khỏi giáp mặt với lão. - Cô và tôi đã được hưởng một lần vui vẻ với nhau ở Hahfax, đúng không nào? Tại sao chúng ta không tiếp tục hưởng nữa? - Tôi rất bận, - nàng kiên quyết từ chối. Việc xây cất được tiến hành khẩn trương. Bắt đầu đổ mái và cả mấy đội thợ cùng làm một lúc. Số vật hệu xây dựng, máy móc và thợ tăng lên gấp ba. Charles Cohn đã rời khỏi Glace Bay, nhưng tuần nào ông cũng điện thoại cho Lara. - Tình hình xây dựng đến đâu rồi, - lần gần đây nhất, ông hỏi nàng trong máy điện thoại. - Tốt lắm, nàng phấn khởi đáp. - Tiến hành đúng lịch đấy chú? - Vâng, thậm chí còn sớm hơn lịch. - Tốt lắm. Phải nói với cô rằng bây giờ thì tôi hoàn toàn tin là cô có thể làm được. - Nhưng đấy là nhờ ông, thưa ông Charles. Chính nhờ ông tạo cơ hội mà cháu làm được như thế này. Rất cảm ơn ông, Charles. - Ở hiền gặp lành thôi. Lara, cô hãy biết rằng, tôi vô cùng mến cô và tôi sẵn sàng làm mọi việc vì cô đấy. * * * * * Thỉnh thoảng lão Sean McAllister cũng đến xem toà nhà đang xây. - Nhà sẽ đẹp lắm đấy, cô công nhận chứ? - Vâng, đúng thế, - Lara nói: - Lão có vẻ hài lòng. Lara thầm nghĩ: ông Charles Cohn đã nghi oan cho lão ta. Lão không hề chơi xỏ mình. Cuối tháng 11, toà nhà được xây cất rất nhanh. Đã lắp xong các cửa sổ và cửa ra vào. Những bức tường bên ngoài đều trát xong. Toà nhà hầu như đã đầy đủ để bắt đầu tiến hành những phần việc trang bị và trang trí. Thứ hai, tuần đầu của tháng 12, công việc trên công trường xây dựng giảm bớt tốc độ. Một buổi sáng Lara đến xem và thấy chỉ có hai người làm ở đó và làm rất hờ hững. - Những thợ khác đâu hết cả rồi, - Lara hỏi. - Họ sang làm ở công trình khác, - một trong hai người nói. - Họ sẽ không làm ở đây nữa. Hôm sau cũng vậy. Không có ai làm. Lara vội đáp xe buýt đến thành phố Halifax tìm Buzz Steele. - Có chuyện gì vậy? Lara hỏi. - Sao lại ngừng công việc lại thế? - Cô không phải lo gì hết. - Buzz Steele trấn an nàng. - Chúng tôi chuyển sang làm một công trình nhỏ, nhanh thôi, tiếp đó sẽ trở lại làm nốt công trình của cô. - Bao giờ chú mới cho họ trở lại làm việc ở công trình của cháu? - Tuần sau. Tôi đã tính toán kế hoạch xít xao rồi. Chỗ mới này nhỏ, làm tranh thủ ấy mà. - Buzz, chú biết chuyện này hệ trọng đối với cháu thế nào rồi chứ? - Tất nhiên rồi, Lara. - Nếu toà nhà của cháu không hoàn thành đúng thời hạn, cháu sẽ mất hết. Cháu sẽ mất mọi thứ. - Ôi cô đừng lo. Tôi sẽ không để xẩy ra như vậy đâu. Lúc chia tay với Buzz Steele xong, Lara thấy rất bồn chồn. Tuần sau, các đội thợ vẫn không thấy đâu. Nàng lại đến Halifax tìm Buzz Steele. - Tôi rất tiếc, - thư ký của ông ta nói. - ông Steele đi vắng. - Tôi cần gặp ông ấy. Bao giờ ông ấy về? - Ông Steele đi xa, hiện không có mặt trong thành phố này, và tôi không biết bao giờ ông ấy về. Lara cảm thấy một nỗi kinh hoàng làm đầu óc nàng rối tung. - Việc rất quan trọng, - nàng năn nỉ. - ông Steele đang xây một toà nhà cho tôi và công việc buộc phải hoàn thành sau đây ba tuần lễ. - Cô đừng lo, thưa cô Cameron. Nếu ông Steele đã hứa với cô thì tất ông ấy sẽ phải có trách nhiệm. - Nhưng hiện nay tôi không thấy ai làm ở đấy cả - Lara hét lên. - Không có một mống nào hết. - Hay cô gặp ông Ericksen, trợ lý của ông Steele. - Tốt lắm. Ericksen là một người đàn ông to lớn như hộ pháp nhưng lành hiền dễ thương. Ông ta niềm nở tiếp nàng. - Tôi hiểu tại sao cô đến đây, thưa cô Cameron. Nhưng ông Steele đã dặn tôi là nói với cô để cô không phải lo lắng gì hết. Chúng tôi phải tạm ngưng công trình của cô ít ngày vì có việc khác quan trọng hơn. Nhưng chúng tôi xin đảm bảo, chỉ trong ba tuần nữa là công trình của cô sẽ hoàn tất. - Còn bao nhiêu việc nữa chưa làm... - Cô đừng lo. Sáng thứ hai tới là sẽ có thợ đến đó làm tiếp thôi. - Cảm ơn ông, - Lara thở phào. - Xin lỗi đã làm phiền ông, nhưng tính tôi hay lo, ông hiểu cho. Bởi công trình đó vô cùng quan trọng đối với tôi. - Không sao, - Ericksen cười. - Cô cứ yên tâm về nhà mà nghỉ ngơi. Công ty chúng tôi không bao giờ sai hẹn với khách hàng. Sáng thứ hai sau vẫn không có một bóng người thợ nào trên công trường. Lara hoảng hốt. Nàng gọi điện cho Charles Cohn. - Họ ngừng lại rồi, - nàng nói với ông - và cháu không hiểu được là tại sao. Họ đã hứa mà rồi lại sai hẹn. - Tên Công ty xây dựng ấy là gì nhỉ? Công ty xây dựng Nova Scotia phải không? - Vâng, đúng thế. - Tôi sẽ gọi điện cho cô, Lara? - ông Cohn nói. Hai tiếng đồ hồ sau, Charles Cohn gọi điện lại. - Ai giới thiệu công ty xây dựng ấy cho cô, Lara? Lara cố nhớ lại. - Lão Sean McAllister. - Vậy thì chẳng có gì là lạ. Công ty ấy là sở hữu của lão. Lara đột nhiên suýt ngất ngay tại chỗ. - Và chính lão ra lệnh cho công ty đình chỉ công việc lại để cháu vi phạm điều khoản về thời hạn... - Tôi e chính là như thế. - Ôi lạy Chúa? - Lão ta là loại rắn độc mà. Charles Cohn ngày đó đã chẳng nhắc nàng cẩn thận sao? Ôi, ông đúng là người rất quan tâm tới nàng. Cohn thán phục đầu óc thông minh của Lara và sự táo bạo quyết tâm của nàng và ông ghê tởm lão chủ nhà băng Sean McAllister. Nhưng bây giờ thì ông không có cách nào khác. Ông bất lực. Đêm đó Lara không ngủ được. Nàng ân hận về sự liều lĩnh dại dột của mình. Bây giờ thì toà nhà nàng bỏ công xây cất đó sẽ rơi vào tay lão Sean McAllister khốn kiếp kia. Trong khi đó nàng vẫn nợ lãi hai trăm ngàn đô cùng với lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất bao giờ mới trả được. Mải nghĩ đến ngoài trời hửng sáng, mệt quá, nàng mới thiếp vào giấc ngủ. Thức dậy, nàng đến tìm lão Sean McAllister. - Chào cô em. Hôm nay trông cô xinh đẹp quá. Lara đi thẳng vào vấn đề. - Tôi cần ông gia hạn. Nhà không thể hoàn thành trước ngày 31 tháng 12. Lão chủ nhà băng ngả người ra lưng ghế, cau mặt: - Thật ư? Vậy là tai hại cho cô rồi, Lara. - Tôi muốn ông gia hạn sang tháng Giêng. Lão McAllister thở dài: - Tôi e là không được. Đúng là không được đâu. Cô đã ký vào bản hợp đồng. Công việc là công việc. - Nhưng... - Rất tiếc, cô Lara ạ. Ngày ba mươi mốt này, nếu không hoàn thành, công trình đó sẽ là sở hữu của nhà băng. Khi đám khách trọ nghe tin xẩy ra, họ vô cùng phẫn nộ. - Lão khốn kiếp? - Một người khách thét lên. - Lão không thể làm hại cô như thế được. - Lão đã làm rồi, - Lara tuyệt vọng nói, - không thể gỡ được nữa. - Chúng ta chịu để lão làm như vậy sao? - Một người nói. - Nhất định không! - Một người khác nói. - Thời gian còn lại bao nhiêu nữa? Ba tuần lễ phải không? Lara lắc đầu: - Đến hôm nay thì chỉ còn hai tuần rưỡi thôi. Người khách trọ quay sang nói với mọi người: - Chúng ta cùng kéo đến đó xem tình hình ra sao đi. - Để làm gì kia chứ? - Thì cứ xem rồi nghĩ cách. Lát sau nửa tá khách trọ đã đến nhìn công trình đang dở dang. Họ t với nhau xem còn những phần việc nào phải làm nốt. Một khách trọ quay sang nói với Lara: - Lão chủ nhà băng của cô là thằng đểu. Lão để toà nhà làm gần xong rồi cho đình lại, cốt để sau khi quá hạn, toà nhà thuộc về lão, lão không phải mất công gì nhiều để hoàn tất, - anh quay sang nói với các bạn. - Tôi dám nói rằng chỉ hai tuần rưỡi là chúng ta sẽ hoàn tất! Mọi người nhất trí tán thành. Lara vẫn còn bàng hoàng. - Các ông nói gì tôi chưa hiểu. Thợ có đến làm đâu mà xong? Cô biết là ở nhà trọ có đủ cả thợ mộc, thợ nề, thợ điện, thợ ống nước và bao nhiêu người khác. Tất cả đều sẽ làm được những công việc cần thiết cho cô. - Nhưng tôi không có tiền để trả các ông. Lão McAllister sẽ không chịu đưa thêm tiền cho tôi đâu... Chúng tôi xin biếu cô công thợ, coi như quà Nôen tặng cô.. Sự việc gì xẩy ra sau đó thật khó có thể tin được. Khắp thị trấn Glace Bay lan truyền câu chuyện lão chủ nhà băng McAllister lừa cô gái trẻ Lara Cameron, định cướp trắng tiền nong, nhà cửa của cô. Thế là thợ ở khắp các công trường khác kéo đến giúp nàng. Một số vì quý nàng, số khác vì căm ghét lão McAllister. - Phải làm cho lão thất bại! - Họ kháo nhau như thế. Họ tranh thủ giúp Lara vào ngoài giờ làm việc, suốt đêm, cả kỳ nghỉ cuối tuần: thứ bảy, chủ nhật. Không khí lao động tưng bừng náo nhiệt như ngày hội. Khi tin đến tai lão chủ nhà băng, lão vội chạy đến xem. Lão sững người: - Cái gì thế này? - Lão hỏi. - Đây không phải thợ của tôi. - Đây là thợ của tôi, - Lara đối đáp lại. - Trong hợp đồng không có điều khoản nào quy định là tôi không được dùng thợ của tôi. - Được, tôi... lão McAllister lắp bắp. - Toà nhà phải đạt đúng những quy định kỹ thuật. - Ông yên tâm, - Lara nói. Ngày hôm trước đêm Nôen, toà nhà đã được hoàn thành. Nó vươn cao sừng sững trên nền trời, vững chãi và đồ sộ. Chưa bao giờ Lara được thấy một toà nhà đẹp đến thế. Nàng ngây ngất nhìn nó. - Đây nhà của cô đây, Lara? - Một người thợ hãnh diện nói. - Cô khao chúng tôi một bữa chứ? Tối hôm đó dường như toàn thể thị trấn Glace Bay ăn mừng toà nhà đầu tiên của Lara Cameron. Đó là bước khởi đầu. Sau đấy Lara không chịu dừng lại. Đầu óc nàng đầy ắp ý đồ. Nàng bảo Charles Cohn: - Nhân viên của cửa hiệu sẽ cần có chỗ ở tại Glace Bay. Cháu muốn xây cư xá cho họ. Ông nghĩ sao, ông Charles? Công ty ông có đầu tư không? Cohn gật đầu: - Có chứ. Lara đến tìm một chủ nhà băng ở thành phố Sydney, hỏi vay đủ số tiền để xây khu nhà cư xá. Khi nhà xây xong, Lara nói với Charles Cohn: - Ông thấy thị trấn này còn cần công trình xây dựng nào nữa? Những nhà nghỉ cho khách mùa hè đến đây câu cá được không? Cháu biết một địa điểm rất đẹp và thuận tiện cho họ ngay gần vịnh... Charles Cohn trở thành cố vấn tài chính không chính thức của Lara. Trong ba năm sau đấy nàng xây được một toà nhà dùng làm văn phòng cho các công ty thuê, sáu nhà nghỉ ven biển và một loạt cửa hiệu: Các nhà băng ở hai thành phố Sydney và Halifax đều sẵn sàng cho nàng vay tiền. Hai năm sau, khi Lara bán đi toàn bộ các bất động sản do nàng sở hữu, nàng có một tấm ngân phiếu ba triệu đô la. Nàng mới hai mươi mốt tuổi đầu. Ngày hôm sau, nàng chào tạm biệt thị trấn Glace Bay để ra thành phố Chicago. Chú thích: (1) Mỗi bộ - 0,30m. Mỗi bộ vuông - 0,09m2 Chương 07 Chicago là một phát hiện mới mẻ đối với nàng. Trước đây Lara coi Halifax là thành phố lớn nhất nàng được nhìn thấy, nhưng bây giờ, so với Chicago, nó chỉ còn như một xóm nhỏ. Chicago là đô thị ồn ào, náo nhiệt vô cùng và tất cả mọi người ở đây lúc nào cũng như vội vã hấp tấp để đến nơi nào đó. Lara thuê phòng nghỉ trong khách sạn Stevens. Ngắm những phụ nữ ăn mặc sang trọng đi trong gian tiền sảnh, nàng hiểu ra rằng mình ăn mặc quá kệch cỡm. Glace Bay thì được, nàng thầm nghĩ. Chicago thì không. Sáng hôm sau Lara bắt tay ngay vào hành động. Nàng đến cửa hiệu trang phục Kane và hiệu Ultimo đặt may áo quần, đến hiệu Joseph đóng giầy, đến hiệu Saks ở đại lộ số Năm và Quảng trường Marshall để mua đồ lót, hiệu Trabert và hiệu Hoeffer sắm nữ trang và đến hiệu Ware mua đồ bằng lông thú quý. Mỗi lúc mua sắm thứ gì, nàng đều nghe thấy văng vẳng bên tai lời nói của cha nàng ngày xưa: Tao không có tiền. Mày cần gì thì đến Đoàn cứu trợ. Mua sắm các thứ xong, tủ áo của Lara trong khách sạn đầy ắp áo quần sang trọng. Việc tiếp đó của Lara là lật những trang mầu vàng của cuốn danh bạ điện thoại tìm các hãng quảng cáo huênh hoang nhất là hãng "Parker và Những người hùn vốn". Lara quay số điện thoại, xin nói chuyện với ông Parker. - Bà có thể cho biết quý danh để tôi thưa với ông chủ không? - Tôi là Lara Cameron. Lát sau có tiếng người trong máy. - Bruce Parker nghe đây. Tôi có thể giúp gì được bà? - Tôi cần tìm một địa điểm để xây một khách sạn lớn, Lara đáp. Giọng nói ở đầu dây bên kia trở nên niềm nở hơn. - Vâng, chúng tôi là hãng môi giới chuyên về việc đó, thưa bà Cameron. - Cô Cameron. - Vâng. Cô đã thấy khoảnh đất nào ưng ý chưa? - Chưa. Xin thú thật với ông là tôi chưa biết gì về Chicago. - Điều ấy không quan trọng. Xin cam đoan chúng tôi có thể giới thiệu với cô vài địa điểm hay. Nhưng trước hết xin cô cho biết rõ thêm về ý định của cô, muốn xây loại nhà như thế nào và khoản tiền cô có thể bỏ vào đấy. Lara hãnh diện nói: - Ba triệu đô la. - Im lặng một lúc - Ba triệu? - Vâng. - Vậy mà cô định xây một khách sạn lớn? - Vâng. Lại im lặng. - Cô định xây mới hay mua một toà nhà đã có sẵn, thưa cô Cameron? - Tôi tính xây một khách sạn kiêm nơi bán hàng, có những quầy hàng tại một địa điểm đẹp để... - Bằng số tiền ba triệu đô la? - Parkr bật cười. - Tôi e không giúp gì được cô, thưa cô Cameron. - Cảm ơn ông, - Lara nói. Nàng đặt máy xuống. Vậy là nàng đã chọn sai địa chỉ. Hãng môi giới này không thích hợp. Lara lại lật những trang mầu vàng trong cuốn danh bạ điện thoại, gọi đến khoảng năm sáu hãng nữa. Đến hết buổi chiều thì nàng buộc phải nhận ra một thực tế. Không một hãng môi giới nào chịu bỏ công giúp nàng tìm địa điểm để xây một khách sạn lớn, khi trong tay nàng chỉ có ba triệu đôla. Họ đưa ra nhiều gý cho nàng nhưng tất cả đều thống nhất một điều là với số tiền nàng hiện có, khó lòng xây được một khách sạn hẳn hoi trong nội thành Chicago. Không đời nào ta chịu trở lại Glace Bay, Lara thầm nghĩ. Đã bao tháng nay nàng mơ đến một khách sạn do nàng xây lên, đẹp, có ba mặt. Một khách sạn đầy đủ tiện nghi, để trở thành "nhà khi xa nhà". Khách đến ở sẽ hoàn toàn dễ chịu như ở nhà của chính họ vậy. Khách sạn nàng mơ tưởng xây cất bao gồm chủ yếu là những khu vực riêng biệt, kín đáo. Mỗi khu vực như thế có đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, phòng đọc sách, mỗi phòng đều có lò sưởi, giường nệm êm ái, ghế bành thoải mái và đàn piano. Nàng còn mơ mỗi khu vực khép kín như vậy sẽ có hai phòng ngủ lớn và sân trời bên ngoài chạy dọc theo cả khu vực, thậm chí cả quầy rượu nhỏ. Lara rất hiểu mình cần như thế nào và làm cách nào đạt được mơ ước đó. Nàng đến một nhà in nhỏ ở phố Lake. - Tôi cần in một trăm tấm danh thiếp kinh doanh. - Vâng. Trên đó đề những gì, thưa cô? - Cô Lara Cameron, dưới là dòng chữ "Kinh doanh xây dựng". - Ngày kia, xin mời cô đến lấy. - Tôi cần ngay bây giờ. Bước đi tiếp theo là tìm hiểu thành phố. Lara đi bộ dọc theo các phố lớn, rẽ vào các phố buôn bán, đến xem Sở Thú, các danh lam thắng cảnh, các toà nhà dùng làm văn phòng cho các công ty, các khách sạn, các công sở. Nàng ra cả ngoại thành, tìm đến những khu cư dân thuộc các dân tộc khác nhau: Thuỵ Điển, Ba Lan, Ailen, Lithuany... * * * * * Đi lại nhiều lần và ngắm những toà nhà có treo biển bên ngoài "Để bán" rồi lại lật cuốn danh bạ, xem tên các hãng môi giới. Một lần nàng dừng lại trước một toà nhà. - Giá toà nhà này bao nhiêu? - Tám mươi triệu đôla... - Sáu mươi triệu đôla... - Một trăm triệu đôla... Số tiền ba triệu đôla của nàng ngày càng chẳng có ý nghĩa gì hết. Lara ngồi trong phòng khách sạn tính toán. Nên thế nào bây giờ? Chỉ có hai con đường, một là xây một khách sạn loại nhỏ trong khu phố nghèo bẩn thỉu xấu xí, hai là quay về Glace Bay. Cả hai khả năng đó đều không làm nàng thấy hấp dẫn chút nào. Mình đã dấn thân vào con đường này, không thể bỏ được, Lara thầm nghĩ. Sáng hôm sau, nàng dừng lại trước cửa một nhà băng trên đường phố La Salle. Nàng bước vào gặp nhân viên ngồi sau quầy giao dịch. - Tôi muốn gặp ông phó chủ tịch nhà băng. Nàng đưa tấm danh thiếp cho nhân viên. Năm phút sau, nàng được dẫn vào phòng giấy của Tom Peterson, một người đàn ông tuổi trung niên, vẻ mặt lạnh lùng, căng thẳng. Ông ta đang đọc lại danh thiếp của nàng. - Chào cô Cameron. Tôi có thể giúp gì được cô? - Tôi có ý định xây một khách sạn ở Chicago. Tôi cần vay một khoản tiền. Ông ta cười rất tươi: - Chúng tôi mở công ty này chính là để làm những việc đó Vậy cô định xây một khách sạn như thế nào, thưa cô Cameron? - Một khách sạn kiêm cả quầy bán hàng và ở một địa điểm đẹp. - Nghe hay đấy. - Tôi cần nói thêm, - Lara nói. - là lúc này tôi chỉ có trong tay ba triệu, và... - Không sao, - ông ta mỉm cười nói. Lara bỗng mừng rỡ: - Ông nói thật đấy chứ, thưa ông Peterson? - Khởi đầu bằng ba triệu là được, nếu như cô biết cách khai thác cái ba triệu đó, - ông ta nhìn đồng hồ. tôi có một cái hẹn. Vậy thế này được không? Mời cô đi ăn với tôi tối nay và chúng ta sẽ bàn thêm. - Được, tất nhiên, - Lara nói. - Vậy thì tốt. - Cô nghỉ ở đâu, thưa cô Cameron? - Khách sạn Palmer. - Vậy tôi đến đón cô vào tám giờ tối, được không? Lara đứng dậy. - Rất cảm ơn ông, thưa ông Peterson. Gặp được ông tôi rất mừng, bởi tôi đã bắt đầu thất vọng... - Đừng vội thất vọng, - ông ta nói. - Tôi sẽ giúp cô. Tám giờ tối, Tom Peterson đến đón Lara và đưa nàng đến ăn tối ở nhà hàng Hanrici. Khi hai người đã ngồi xuống, Peterson hỏi: - Tôi rất vui thấy cô đến tìm tôi. Ta có thể giúp đỡ lẫn cho nhau. - Thật chứ ạ? - Vâng. Thành phố này có rất nhiều gái điếm, nhưng không đứa nào xinh đẹp được như cô. Cô có thể mở một nhà chứa thật sang, dành riêng cho loại khách đặc biệt... Lara ghê tởm. - Xin lỗi ông? - Nếu cô cần ngay một lúc vài chục cô gái... Lara đã biến mất. * * * * * Hôm sau, Lara đến thêm ba nhà băng nữa. Khi nàng trình bày dự kiến cho giám đốc điều hành của nhà băng thứ nhất, ông ta nói: - Tôi khuyên cô một điều mà không ai có thể khuyên cô hay hơn. Quên nó đi. Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực của nam giới. Không có chỗ dành cho đàn bà con gái đâu. - Tại sao? - Lara mệt mỏi hỏi. - Bởi làm công việc đó cô sẽ phải giao tiếp với những kẻ đầu trâu mặt ngựa và chúng sẽ ăn sống nuốt tươi cô. - Họ đã không hề ăn sống nuốt tươi tôi ở đất Glace Bay. - Chicago không phải là Glace Bay, cô nhớ cho là như thế. Nhà băng thứ hai, giám đốc điều hành nói với Lara: - Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu giúp được cô, thưa cô Cameron. Tất nhiên là mong muốn của cô tuyệt vời. Chỉ có điều là cô nên nghe chúng tôi và đầu tư vào… Ông ta chưa kịp nói hết câu Lara đã bỏ ra ngoài. Ngân hàng thứ ba, nhân viên dẫn nàng vào phòng giấy của ông Bob Vance, một người mặt mũi niềm nở, tóc hoa râm và trông đúng là có dáng chủ nhà băng. Trong phòng giấy của ông còn có một người nữa trên ba mươi tuổi, gầy, xanh xao, tóc mầu tro, mặc bộ quần áo nhàu nát và trông không có vẻ nhà kinh doanh mấy. - Thưa cô Cameron, tôi xin giới thiệu, đây là ông Howard Keller, một trong các phó chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng chúng tôi. - Chào cô. - Tôi có thể làm gì giúp cô được, thưa cô Cameron? - Tôi muốn xây một khách sạn tại Chicago, - Lara nói. - Và tôi đang cần tiền. Bob Vance cười: - Cô đến đây là đúng chỗ rồi đấy. Cô đã tìm thấy địa điểm nào chưa? - Tôi đã thấy một khoảng đất thích hợp. Gần chỗ đường tránh tầu, cách đại lộ Michigan không xa... - Tuyệt vời. Lara kể họ nghe mong ước của cô về cái khách sạn kia. - Nghe rất thú, - Vance nói. - Vậy hiện trong tay cô có được bao nhiêu rồi? - Ba triệu đôla. Tôi muốn vay các ông số còn thiếu. Im lặng một lúc lâu. - Tôi e không giúp gì được cô, thưa cô Cameron. Cô có ý đồ rất lớn nhưng túi tiền lại rất nhỏ. Cho nên nếu như cô muốn chúng tôi giúp cô đem số tiền của cô đầu tư vào… - Cảm ơn ông, - Lara nói. - Cảm ơn ông đã tốn thời giờ tiếp tôi. Xin chào hai ông. - Nàng quay gót, giận dữ bước ra ngoài. Ở Glace Bay ba triệu là khoản tiền lớn, vậy mà ở đây người ta chẳng coi ra thứ gì hết. Lúc nàng ra đến ngoài phthì có tiếng gọi phía sau. - Cô Cameron! Lara ngoái đầu lại. Chính là người đàn ông cô vừa được giới thiệu lúc nãy: Howard Keller. - Ông cần gì? - Tôi muốn nói chuyện với cô, - anh ta nói. - Ta vào chỗ nào nào uống một tách cà phê chăng? Lara giật mình. Phải chăng dân Chicago đều là đám dâm dật? Nàng nhún vai: - Vâng, được. Sau khi gọi lấy thức uống xong. Howard Keller nói: - Xin phép được nhúng vào câu chuyện của cô. Tôi lại thấy rất thích thú cái ý đồ ấy. - Ông cứ nói tiếp. - Trước tiên ý định của cô là sai. - Ông cho rằng tôi sẽ không thể thực hiện được? - Nàng khó chịu hỏi. - Trái lại. Tôi cho rằng ý định xây một khách sạn kèm theo các quầy bán hàng là ý đồ rất hay. Nàng ngạc nhiên: - Nhưng tại sao... - Chicago rất cần đến loại khách sạn như vậy, nhưng tôi e cô không xây nổi. - Nghĩa là sao? - Tôi khuyên cô thế này. Cô đừng đi tìm đất để xây mới mà kiếm một khách sạn nào cũ kỹ, nhưng nằm ở địa điểm tốt rồi sửa chữa lại. Hiện đang có rất nhiều khách sạn tồi tàn, lỗ vốn và chủ sẵn sàng bán lại với giá rẻ. Số tiền ba triệu đôla của cô đủ để mua một cái khách sạn loại đó. Sau đấy cô có thể vay một nhà băng nào đó số tiền đủ để trang bị lại, biến nó thành loại khách sạn như cô muốn. Lara ngẫm nghĩ. Anh ta nói đúng. Đấy là một cách hay. - Thêm vào đó, không nhà băng nào chịu cấp tiền, trừ khi cô có một kiến trúc sư giỏi và một hãng xây dựng nghiêm chỉnh. Họ cần tìm thấy công trình của cô có triển vọng chắc chắn. Lara nghĩ đến Buzz Steele. - Tôi hiểu. Ông có biết một kiến trúc sư giỏi và một hãng xây dựng nào làm ăn tốt không? Howard Keller cười: - Có. - Cảm ơn ông đã góp ý kiến, - Lara nói. - Nếu tôi tìm được một khách sạn có vị trí tốt, tôi có thể quay lại tìm ông để ông cho ý kiến thêm không? - Bất kỳ lúc nào cô muốn. Chúc cô gặp nhiều may mắn. Lara đã đinh ninh anh ta sẽ nói với nàng một câu đại loại như: Tại sao ta không bàn chuyện này tại nhà riêng của tôi nhỉ? Nhưng Howard Keller lại chỉ nói: Cô dùng cà phê nữa không, cô Cameron? * * * * * Lara lại đi dọc theo các phố xá xem xét, nhưng lần này nàng quan tâm đến chuyện khác hẳn. Cách đại lộ Michigan vài ngã tư, trên đường phố Dalaware, nàng đi ngang qua một khách sạn cũ kỹ, gần như đổ nát, xây từ thời trước đại chiến thế giới. Ngoài cửa có tấm biển đề "Congressional Hotel". Đã sắp đi qua, nàng đột nhiên đứng sựng lại. Nàng ngắm thêm lần nữa toà nhà. Lớp vôi quét bức tường ngoài của khách sạn loang lổ đến mức không sao đoán được thoạt đầu nó là mầu gì. Khách sạn có tám tầng. Lara quay lại, bước vào gian tiền sảnh. Tình trạng bên trong còn thảm hại hơn cả bên ngoài. Một nhân viên mặc quần Jean và áo len cũ kỹ đang đẩy một tên du đãng ra ngoài cửa. Quầy tiếp tân trông chẳng khác nào cửa bán vé. Phía trong tiền sảnh là cầu thang dẫn lên cái gọi là hội trường, bây giờ là nơi nhiều văn phòng thuê để dùng làm trụ sở giao dịch. Trên tầng lửng Lara nhìn thấy một văn phòng hãng du lịch, một quầy bán vé xem hát và một văn phòng giới thiệu việc làm. Nhân viên đã quay vào ngồi sau quầy. - Quý bà cần thuê phòng? - Không. Tôi muốn biết... - nàng ngừng nói vìô gái trát đày son phấn, mặc váy ngắn cũn cỡn bước vào. - Mike, đưa em một chìa khoá. Cùng đi với cô gái là một ông già. Nhân viên đưa cô chìa khoá. Lara nhìn theo hai người kia bước vào thang máy. - Tôi muốn biết, - Lara nói, - chủ khách sạn này có định bán nó không? - Tôi nghĩ là người ta định bán mọi thứ ở đây. Ông thân sinh của cô là nhà kinh doanh bất động sản hay sao? - Không. Chính tôi là người kinh doanh bất động sản, - nàng nói. Người nhân viên ngạc nhiên nhìn Lara. - Ôi, nếu vậy thì xin quý cô hãy gặp một trong hai anh em ông Diamond. Hai ông ấy là chủ khách sạn này và cả một loạt khách sạn cũng tồi tệ như cái này. - Làm cách nào gặp được họ? - Lara hỏi. Nhân viên đưa nàng một địa chỉ trên đường phố State. Ông cho tôi ngó qua một chút được không? - Mời quý cô cứ tự nhiên, - anh ta nhún vai. - Biết đâu quý cô sẽ là chủ của tôi không chừng. Lara thầm nghĩ: Đừng hòng. Nàng đi vào dần bên trong, xem xét rất kỹ. Một dẫy cột bằng đá cẩm thạch hai bên hành lang. Nàng giẫm lên tấm thảm bẩn, nát mà thấy ghê chân. Dưới tấm thảm là sàn nhà cũng lát đá cẩm thạch cáu bẩn. Nàng lên tầng lửng. Giấy dán tường đã bong nhiều chỗ. Nàng lật lên, thấy tường cũng ốp đá cẩm thạch. Càng xem Lara càng thấy phấn khởi. Tay vịn cầu thang sơn màu đen. Nàng ngó nhân viên trực tầng xem có theo dòi nàng không. Thấy không có ai, nàng lấy chìa khoá phòng ở khách sạn Steves cạo khẽ nước sơn. Thì ra tay vịn cầu thang bằng đồng Lara đến thang máy, thấy cũng sơn màu đen, nhưng khi cạo ra thì thấy bên trong cũng lại bằng đồng Lara bèn quay ra, đến quầy tiếp tân, cố giấu niềm thích thú. - Tôi muốn xem vài phòng được không? Anh nhân viên nhún vai: - Được thôi - rồi đưa nàng một chìa khoá: Phòng bốn mươi. - Cảm ơn. Lara vào thang máy. Thang máy chạy rề rề, quá cổ lỗ. Cái này mình sẽ thay, Lara thầm nghĩ. Và xây bức tường chắn phía trong. Nàng thầm hình dung sẽ trang trí lại tất cả như thế nào. Phòng bốn mươi đúng là khủng khiếp, nhưng lại có đầy đủ cơ sở để sửa thành thật đẹp. Phòng rất rộng, tuy nhiên các trang bị đều cổ lỗ và hư hỏng. Tim nàng đập dồn dập. Tuyệt vời, nàng thầm nghĩ. Lara xuống thang gác. Cầu thang cũ kỹ và sực nức mùi bụi bậm. Thảm nát bươm, nhưng bên dưới đều lát đá cẩm thạch. Nàng trả chìa khoá cho nhân viên tiếp tân. - Quý cô xem đủ rồi chứ? - Đủ rồi, - nàng đáp. - Cảm ơn anh. Anh ta nhe răng cười với nàng: - Quý cô định tậu lại cách khách sạn này thật chứ? - Thật, - Lara nói. - Quả là tôi tính mua lại cái nhà tồi tệ này. - Hay lắm, - anh ta nói. Cửa thang máy mở và ả gái điếm lúc nãy cùng ông già khách làng chơi bước ra. Ả trả chìa khoá kèm thêm tờ giấy bạc cho nhân viên tiếp tân. - Cảm ơn anh Mike. - Chúc cô đắt hàng - Mike đáp rồi quay sang Lara. - Quý cô còn quay lại đây không? - Còn chứ, - nàng nói. - Tôi sẽ còn trở lại đây. * * * * * Nơi dừng chân tiếp đó của Lara là Sở Lưu trữ của Toà thị chính. Nàng hỏi xin xem giấy tờ về sở hữu của cái khách sạn nàng đang quan tâm. Nộp mười đôla tiền phục vụ, nàng được người ta đưa cho tập hồ sơ về khách sạn Congresional. Hai anh em ông Diamond đã mua lại khách sạn này cách đây nám năm, với giá sáu triệu đôla. Văn phòng của hai anh em Diamond nằm trong một toà nhà cổ ở góc phốState. Nhân viên thường trực là một phụ nữ phương Đông, mặc sơ mi đỏ bó sát người cúi chào Lara lúc nàng bước vào. - Quý cô cần gì? - Tôi cần gặp ông Diamond - Ông nào trong hai ông? - Ông nào cũng được. - Để ông John tiếp quý cô. Chị ta nhấc máy điện thoại, nói: - Một quý cô muốn gặp ông, thưa ông John, - chị ta lắng nghe một lát rồi ngước mắt nhìn Lara. - Về chuyện gì ạ? - Tôi muốn mua một trong những khách sạn của ông ấy. - Quý cô muốn một trong những khách sạn của ông. Vâng, - chị ta đặt máy xuống, - mời quý cô vào. John Diamond là một người đàn ông to lớn, trung niên, râu ria rậm rạp, mặt trông như cầu thủ bóng đá. Ông ta mặc áo sơ mi ngắn tay và ngậm điếu xì gà rất to. - Chị thư ký của tôi cho biết cô muốn mua lại một trong những khách sạn của tôi, - ông ta nhìn Lara một lúc để quan sát. - Cô đến tuổi đi bầu cử chưa? - Ôi tôi lớn tuổi rồi chứ, - Lara nói. - Tôi đã đủ lớn tuổi để tậu một trong những toà nhà của ông đấy! - Vậy hả? Cái nào? - Khách sạn Congressional. - Cái nào? - Tôi đọc theo đúng tấm biển bên ngoài. Tôi đoán thật ra đó là Congressional. - A, phải rồi. - Ông có định bán không? John Diamond lắc đầu. - Ôi, tôi cũng chưa biết nừa. Khách sạn ấy là một trong những nơi có lãi nhất. Tôi nghĩ là chúng tôi không định bán nó. - Ông phải bán, - Lara nói. - Sao vậy? - Bởi trông nó thảm hại quá rồi. Chẳng mấy lúc nữa thì tan tành. Nhiều chỗ đã lở ra. - Vậy hả? Nếu thế cô mua nó làm cái gì? - Tôi mua và sẽ sửa chữa lại. Tất nhiên khi bán cho tôi, phải là khách sạn hoàn toàn trống. Chuyện ấy chẳng khó khăn gì. Khách thuê phòng ở đấy đều theo hợp đồng từng tuần. - Khách sạn có bao nhiêu phòng? Một trăm hai mươi nhăm. Tổng diện tích là một trăm ngàn bộ vuông. Quá nhiều phòng, Lara thầm nghĩ. Nhưng mình sẽ kết hợp vài phòng lại, thành những dẫy phòng khép kín. Tất cả chỉ còn lại thành khoảng sáu mươi, sáu nhăm phòng liên hoàn như thế. Bây giờ đến lúc mặc cả giá. - Nếu tôi quyết định mua lại khách sạn đó thì ông sẽ lấy bao nhiêu? Diamond nói: - Nếu tôi quyết định bán thì tôi lấy mười triệu, trong đó sáu triệu là tiền mặt... Lara lắc đầu. - Tôi trả... - Không mặc cả gì hết. Lara nhẩm tính phí tổn sửa chữa. Khoảng tám mươi đô la một bộ vuông diện tích, tổng cộng là tám triệu. Cộng thêm đồ đạc nội thất và trang trí. Nàng căng thẳng tính toán. Nàng tin sẽ kiếm được một nhà băng chịu cho nàng vay vốn. Vấn đề là trước mắt cần ngay sáu triệu, mà nàng nói chỉ có ba triệu. Diamond đặt giá quá cao, nhưng nàng đang cần mua. Nàng cảm thấy nàng cần mua nó hơn bất cứ thứ gì nàng cần mua trước đây trong cuộc đời nàng. - Tôi đề nghị với ông thế này, - Lara nói. - Cô cứ nói, - John Diamond lắng tai nghe. - Tôi trả ông đủ số tiền ông yêu cầu... - Tốt lắm, - ông ta cười. - Và ông hạ thấp khoản tiền trả ban đầu xuống ba triệu. John Diamond lắc đầu: - Không được. Tôi cần trả ngay sáu triệu tiền mặt. - Tôi sẽ trả kia mà. - Thật hả? Nhưng ba triệu kia ở đâu? - Ở chỗ ông. - Sao lại thế? - Ông nhận ba triệu đó làm thế chấp. - Nghĩa làay tôi ba triệu? Để mua khách sạn của tôi? Đấy đúng là cách lão Sean McAllister đã yêu cầu nàng hồi ở Glace Bay. - Ông nên nhìn vấn đề thế này, - Lara nói. - Đúng là ông tự vay chính ông. Nói cách khác, ông vẫn sở hữu cái khách sạn này cho đến khi tôi thanh toán hết. Ông có gì còn phải lo kia chứ? John Diamond nghĩ một lát rồi nhe răng cười: - Vậy là xong. Cô đã mua xong cái khách sạn ấy. * * * * * Phòng giấy của Howard trong nhà băng là một phòng hình vuông ngoài có tấm biển đề tên anh. Lúc Lara bước vào, nàng thấy anh ta còn áo quần luộm thuộm hơn lần gặp trước. - Cô quay lại nhanh thế à? - Ông bảo khi nào tôi tìm được khách sạn thì đến báo ông biết. Tôi đã tìm được một cái rồi. Howard ngả người ra lưng ghế. - Cô tả qua cái khách sạn ấy tôi nghe. - Tên khách sạn ấy là Congressional. Trên đường phố Delaware. Cách đại lộ Michigan vài ngã tư. Khách sạn đổ nát và bẩn thỉu. Tôi tính mua lại rồi sửa sang thành khách sạn đẹp nhất của thành phố Chicago. - Giá cả ra sao? Lara thuật lại anh ta nghe đầy đủ. Howard lắng nghe rồi nói: - Ta sang bàn thêm với ông Bob Vance. Bob Vance lắng nghe rồi ghi chép một lát. - Được đấy - ông ta nói. - Nhưng... - ông ta nhìn thẳng vào mắt Lara. - Cô đã từng quản lý một khách sạn bao giờ chưa, cô Cameron? Lara nhớ đến những năm nàng quản lý nhà trọ ở Glace Bay, dọn giường, lau sàn, giặt giũ, rửa bát đĩa, cố chiều chuộng đủ mọi loại khách tính nết khác nhau và giữ được mọi thứ yên ổn. - Tôi đã quản lý một nhà trọ đầy chật thợ mỏ và các loại lao động khác. Quản lý khách sạn nhẹ hơn nhiều. Howard Keller nói: - Tôi sẽ đến ngó qua cái khách sạn đó, anh Bob! Niềm vui của Lara không sao tả xiết. Howard nhìn vào mặt Lara lúc hai người đi xem xét các phòng của khách sạn tồi tàn thảm hại này và anh nhìn mọi thứ bằng cặp mắt của nàng. Chỗ này sẽ thành một dãy phòng khép kín tuyệt đẹp, có cả phòng tắm hơi nữa, - Lara phấn khởi nói. - Chỗ này sẽ là lò sưởi. Piano kê góc kia. Nàng nhấc chân, bước đi bước lại trong phòng, nói tiếp. - Khách du lịch giầu có đến Chicago đều muốn tìm những khách sạn tốt nhất, nhưng họ thấy nơi nào cũng hệt như nhau, những phòng nghỉ lạnh lẽo, không tiện nghi gì hay ho. Nếu chúng ta cung phụng cho họ loại dẫy phòng khép kín, đầy đủ trang bị, tiện nghi kiểu này, thậm chí giá cả có cao hơn chút ít, họ cũng sẽ đến đây ở. Đây mới đúng là xa nhà mà vẫn như đang ở nhà. - Sáng kiến đấy, - Howard nói. Lara sôi nổi quay sang nói với anh. - Liệu nhà băng có chịu cho tôi vay tiền không? - Ta sẽ có cách. Ba mươi phút sau, Howard ngồi bàn bạc với Bob Vance. - Anh thấy sao, Howard? - Vance hỏi. - Tôi thấy cô này thông minh đấy. Tôi thú cái ý đồ một khách sạn kèm cửa hiệu bán hàng của cô ấy. - Tôi cũng vậy. Chỉ có vấn đề là cô ấy quá trẻ và chưa có kinh nghiệm. Đây là một cuộc đánh bạc. Hai người ngồi bàn suốt một tiếng đồng hồ về phí tổn bỏ vào đó và số lãi sẽ đem lại. - Tôi nghĩ chúng ta nên tiến hành, - cuối cùng Howard Keller nói. - Ta không mất gì hết. Rồi anh cười rất tươi. - Nếu thất bại thì tôi với anh, ta dọn vào khách sạn ấy ở. Howard Keller gọi điện thoại cho Lara ở khách sạn Stevens. - Nhà băng chúng tôi chấp thuận đề nghị của cô và sẽ cho cô vay tiền. Lara rú lên mừng rỡ. - Tuyệt trần gian! Cảm ơn ông. Rất cảm ơn ông. - Tôi cần bàn thêm với cô một chút, Howard nói. - Tối nay cô rảnh chứ? Đi ăn tối với tôi được không? - Được. - Tốt lắm. Tôi sẽ đem xe đến đón cô vào bẩy rưỡi. Họ ăn tối tại Nhà hàng Imperial. Lara đang quá phấn khởi nên hầu như không ăn gì. - Tôi phải nói với ông rằng tôi vô cùng sung sướng, - nàng nói. - Khách sạn này sẽ là khách sạn sang nhất thành phố Chicago. - Đừng mừng vội, - Howard nhắc nhở nàng. - Còn đường trường lắm. - Anh ngập ngừng nói tiếp. - Tôi muốn nói thật với cô được không, cô Cameron? - Ông hãy gọi tôi là Lara. - Lara, cô quá mới mẻ trong nghề. Cô chưa có kinh nghiệm gì. - Ở Glace Bay… - Đây đâu phải Glace Bay. Nói theo cách hình tượng, đây là một bãi nhẩy khác hẳn. - Vậy tại sao nhà băng lại chịu cho tôi vay tiền? - Lara hỏi. - Cô đừng hiểu sai tôi. Chúng tôi không phải tổ chức từ thiện. Nếu sai hỏng thì nhà băng cũng không mất mát gì, tất nhiên là không có lãi. Nhưng tôi mến cô. Tôi tin rằng cô sẽ thành công. Tôi nghĩ rằng đây là bước khởi đầu để cô lấy đà tiến lên. Cô sẽ không định chỉ dừng lại ở cái khách sạn này chứ, đúng không nào? - Tất nhiên rồi, - Lara nói. - Tôi cũng nghĩ như vậy. Điều tôi thấy cần nói với cô là trên nguyên tắc, nhà băng cho vay thì người điều hành nhà băng không được dính lợi ích cá nhân vào đó. Nhưng trong trường hợp này tôi sẽ đứng sau cô và bất cứ cô cần gì tôi cũng sẽ giúp. Howard đã đích thân nhúng tay vào với Lara. Anh thấy mến Lara ngay từ lần gặp mặt đầu tiên. Anh bị hấp dẫn bởi thái độ say sưa và quyết tâm của nàng. Lara là một cô gái non nớt. Howard khao khát chinh phục tình cảm của nàng. Biết đâu đấy, anh thầm nghĩ, sẽ đến một ngày ta có thể kể ra cho nàng biết ta phải vất vả như thế nào để thành đạt như hiện nay… Chương 08 Howard Keller được trao đôi găng và bộ đồng phục cầu thủ bóng chày năm lên sáu tuổi. Howard mê bóng chày. Cậu có biệt tài nhớ tên các cầu thủ và bàn thắng thua của họ trong những trận đấu xảy ra từ trước khi cậu ra đời. Cậu được khá nhiều tiền do thắng những trận đánh đố giữa các bạn học. Chẳng hạn câu đố: - Trận chung kết bóng chày toàn nước Mỹ năm 1947? - Dễ ợt, - Howard nói. - Cầu thủ: Newcombe, Roe, Hatten và Branca bên đội Dodgers. Reynolds, Raschi, Byrne và Lopat bên đội Yankees. - Đúng, - một bạn đố thêm: - Ai đạt nhiều điểm nhất trong lịch sử bóng chày? - Cậu ta cầm cuốn Guinees trong tay, mở mục kỷ lục về bóng chày ra kiểm tra. Howard không thèm suy nghĩ nói luôn: - Lou Gehrig: 2.130 điểm. Tiếng đồn lan truyền rất rộng về thành tích bóng chày của đội nhi đồng này, đặc biệt là của "thần đồng" Howard Keller. Danh tiếng vang dội đến tai những hướng đạo sinh chuyên nghiệp và họ tìm đến tận sân bóng nhi đồng ở Chicago để xem thực hư thế nào. Và họ đã thật sự kinh ngạc. Năm Howard mười bảy tuổi thì anh đã thành một tiểu danh thủ đầy triển vọng với bao lời tiên đoán về vị trí ngôi sao trong làng bóng chày nước Mỹ. Cha anh rất tự hào về con trai. - Nó giống tôi đấy. Hồi còn ở tuổi thiếu n tôi cũng chơi bóng chày rất giỏi. Trong năm học cuối cùng ở trường trung học, Howard chơi cho đội tuyển của thành phố và được tài trợ của Liên đoàn bóng chày Hoa Kỳ, suốt cả mùa hè. Anh còn được nhận làm chân thư ký cho nhà băng, chủ là một người hào hiệp và mê bóng chầy, chuyên tài trợ cho các đội bóng có triển vọng. Hồi ấy Howard thân với cô bạn xinh đẹp cùng lớp tên là Betty Quinlan. Họ dự tính sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm lễ thành hôn. Betty cũng rất mê bóng chầy và Howard có thể nói chuyện với người yêu hết tiếng đồng hồ này sang tiếng đồng hồ khác về môn thể thao này. Betty thích bóng chầy nhưng không đến nỗi có thể nghe Howard nói liên miên và say sưa như thế được. Nhưng vì yêu anh nên cô chịu lắng nghe. Tuy nhiên, câu chuyện của Howard còn kèm thêm nhiều giai thoại lý thú về bóng chầy và các cầu thủ của nó, cho nên đôi khi cũng thật hào hứng. Một hôm Howard về nhà cùng với người bạn trai thân nhất cửa anh tên là Jessy, cũng là cầu thủ trong đội ở nhà đã sẵn hai lá thư đang chờ anh. Một lá của trường đại học Princeton và một của trường Harvard. Cả hai trường đều nhận cấp học bổng cho anh vào học và tham gia đội bóng chày của trường. - Lạy Chúa! - Jessy reo lên, mừng cho bạn. - Chúc mừng cậu, Howard! Tuyệt quá rồi! - Jessy rất khâm phục và yêu mến bạn. Cha Howard hỏi con trai: - Con thích nhận lời của trường Đại học nào trong hai trường ấy? - Con học đại học làm gì? Con có thể tham gia một trong những đội bóng chày xuất sắc nhất của Hoa Kỳ. Mẹ anh nói: - Con còn trẻ, còn nhiều thời gian để chơi bóng và trở thành danh thủ. Nhưng trước hết con phải tốt nghiệp đại học đã. Khi đó, nếu không thành đại danh thủ bóng chầy con cũng tha hồ tìm công việc khác để làm. - Mẹ nói đúng, - Howard nói. - Vậy thì con chọn đại học Harvard. Betty học ở Wellesley và hai chúng con sẽ có điều kiện gặp nhau luôn. Betty Quinlan rất mừng nghe Howard báo tin là anh đã quyết định chọn đại học Harvard. - Nếu vậy thì kỳ nghỉ cuối tuần nào hai chúng mình cũng sẽ gặp nhau. Còn Jessy thì nhăn nhó: - Vậy là mình phải xa cậu mất rồi, Howard. Hôm sau, cái ngày lẽ ra Howard Keller lên trường đại học thì hôm trước cha anh bỏ nhà đi cùng với cô nữ thư ký của một trong những sếp của ông. Howard rất đỗi kinh ngạc. - Tại sao cha lại làm như thế? Mẹ anh choáng váng. - Ông ấy. Ông ấy muốn thay đổi cuộc sống, - bà rên rỉ. - Cha vẫn yêu mẹ đến thế kia mà, tại sao có thể xảy ra chuyện này được? Mẹ tin cha chỉ đi ít ngày thôi, rồi sẽ lại trở về nhà với mẹ con mình. Rồi con sẽ thấy, Howard… Hôm sau mẹ anh nhận được thư của một luật sư báo tin là khách hàng của ông, Howard Sr. Keller đã đệ đơn li hôn và vì ông không có khả năng chu cấp cho vợ con, ông đề nghị nhường quyền hoàn toàn sử dụng ngôi nhà nhỏ hiện bà đang ở cho bà và con trai. Howard ôm và đỡ mẹ trong vòng tay anh, thương xót. - Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ yên tâm, con không đi học đâu. Con sẽ ở nhà chăm sóc mẹ. - Không. Mẹ muốn con phải đi. Con phải tốt nghiệp đại học. Ngay khi sinh con, cả cha lẫn mẹ đều bàn nhau là bằng mọi giá con phải tốt nghiệp đại học… - rồi bà lấy giọng thanh thản, nói tiếp. - Thôi, chuyện này sáng mai ta sẽ bàn. Lúc này mẹ rất mệt, mẹ cần phải đi nghỉ. Đêm hôm đó Howard thức trắng, suy nghĩ xem nên làm thế nào, chọn hướng nào trong hai hướng đi ấy ở nhà chăm sóc mẹ hay học đại học? Hay là nhận lời tham gia đội bóng chày lớn để trở thành danh thủ sau này? Tuy nhiên anh thấy bổn phận làm con không cho phép anh bỏ mẹ lại một mình ở đây không ai chăm sóc. Trời đã sáng mà Howard vẫn còn phân vân. Không thấy mẹ xuống nhà ăn điểm tâm. Howard vội chạy lên tìm thì thấy bà ngồi tựa lưng vào thành giường, không cử động được và một bên mặt méo xệch. Bà vừa bị xuất huyết não. Không có tiền để trả bác sĩ và tiền phòng bệnh viện, Howard đành nhận vào làm chính thức ở nhà băng. Hàng ngày ở nhà băng về, việc đầu tiên của anh là chạy lên gác xem mẹ thế nào. Xuất huyết não của mẹ anh không trầm trọng lắm bác sĩ bảo Howard rằng ít lâu nữa mẹ anh sẽ bình phục. Các đội bóng lớn vẫn liên tiếp gọi điện giục anh đến gặp họ và gia nhập đội của họ, nhưng Howard không thể bỏ mặc mẹ được. Anh tự nhủ: Để bao giờ mẹ hồi phục đuợc đã. Hoá đơn thuốc vẫn cứ mỗi ngày một nhiều thêm. Thời gian đầu mỗi tuần anh nói chuyện điện thoại một lần với Betty Quinlan, nhưng rồi những lần trò chuyện điện thoại như thế cứ thưa dần. Mẹ Howard xem chừng không thấy khá hơn. Howard lo lắng hỏi bác sĩ: - Bao giờ thì mẹ cháu hồi phục hoàn toàn? - Trường hợp của bà rất khó đoán trước. Có thể hàng tháng mà cũng có thể hàng năm. tôi rất tiếc là không thể nói chính xác với cậu được. Một năm trôi qua rồi lại năm nữa. Howard vẫn ở nhà với mẹ và làm thư ký cho nhà băng. Một hôm anh nhận được thư của Betty Quinlan báo tin cô đã yêu người khác và cô chúc mẹ anh chóng phục hồi sức khỏe. Những cú điện thoại của các nhà tài trợ môn bóng chầy cũng thưa dần. Bây giờ Howard hoàn toàn chỉ tập trung vào việc chăm sóc mẹ. Anh đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Anh không còn bụng dạ nào nghĩ đến bóng chầy. Cuộc sống khó khăn và anh phải vất vả mới sống được qua ngày. Đến khi mẹ anh mất, sau đấy bốn năm, Howard hoàn toàn không quan tâm gì đến bóng chầy nữa. Bây giờ anh đã thành chuyên gia ngân hàng. Bao cơ hội nổi danh của anh đều đã trôi qua và niềm mơ ước thuở nhỏ đã tan thành mây khói. Chương 09 Howard Keller và Lara Cameron đang ngồi ăn tối. - Ta sẽ bắt đầu công việc như thế nào? - Lara hỏi. - Trước tiên ta tìm một công ty xây dựng tốt nhất, dù đắt bao nhiêu cũng cố. Sau đấy ta thuê một luật sư chuyên về bất động sản để thảo bản hợp đồng với hai anh em nhà Diamond. Tiếp đó ta tìm một kiến trúc sư loại giỏi nhất. Tôi có biết một người như thế. - Tôi đã phác tính rồi. Giá rẻ nhất cũng phải ba trăm ngàn đôla một phòng khách sạn. Nếu tôi tính toán đúng thì mọi việc sẽ trôi chảy. Kiến trúc sư tên là Ted Tuttle. Khi nghe Lara trình bầy ý đồ xong, ông nhe răng cười, vui vẻ nói: - Tuyệt vời. Tôi đã mơ ước từ lâu là gặp được ai đó có ý đồ lý thú kiểu thế này để tôi đi theo. Mười ngày sau, ông đưa nàng bản vẽ. Có tất cả những điều Lara mong muốn. - Hiện nay khách sạn có một trăm hai mươi lăm phòng, - ông kiến trúc sư nói. - Như cô thấy đây, tôi tạo lại thành bẩ mươi lăm dẫy phòng khép kín, tức là chỉ còn bẩy mươi lăm chìa khoá, đúng như cô yêu cầu. Trong bản vẽ có năm chục dẫy phòng khép kín và hai mươi lăm phòng loại thượng hạng. - Tuyệt vời, - Lara nói. Nàng đưa Howard Keller xem bản vẽ, anh cũng rất mừng. - Bây giờ ta đến gặp người thầu. Tên ông ta là Steve Rice. Steve Rice là thầu khoán xây dựng lớn nhất của thành phố Chicago. Lara thấy mến ông ta ngay. Đó là con người thực dụng, tác phong thô thiển. - Howard Keller nói với tôi ông là nhà thầu xây dựng số một của thành phố. - Đúng thế, - Rice nói. - Khẩu hiệu của chúng tôi là "Xây cất cho thế hệ tương lai". - Đấy là một khẩu hiệu rất hay. Rice nhe răng cười. - Tôi đang thực hiện cái khẩu hiệu đó. * * * * * Bước đầu tiên là biến bản vẽ toàn bộ toà nhà thành những bản vẽ chi tiết từng bộ phận. Những bản vẽ này được giao cho các kỹ sư xây dựng phụ trách từng đội, các chuyên gia về gạch, về trang bị, về điện, nước. Tất cả có sáu chục kỹ sư được huy động vào công trình này. Ngày khởi công đã đến, Howard Keller mời Lara một bữa trưa để ăn mừng. - Nhà băng có phiền về chuyện thời gian này anh ít đến đó không? - Lara hỏi. - Không, - Howard nói dối. - Đấy chỉ là một phần công việc của tôi. Thật ra thời gian này anh thấy sung sướng hơn bất cứ quãng thời gian nào trước đây trong cuộc đời anh. Howard thích ở bên Lara, thích trò chuyện với nàng, nhìn vào nàng. Anh băn khoăn không biết nàng có nghĩ gì đến chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân không? Lara nói: - Tôi đọc báo sáng nay thấy đăng tin Toà cao ốc Sear sắp hoàn tất, có một trăm mười tầng. Toà cao ốc cao nhất thế giới. - Đúng thế, - Howard nói. Lara nghiêm mặt nói: "Sẽ có ngày tôi xây một cao ốc cao hơn thế, anh Howard ạ". Howard tin nàng. Họ ngồi ăn với Steve Rice tại một nhà hàng Whitehall. - Ông cho biết sắp tới sẽ là gì? - Lara hỏi. - Được - Rice đáp. - Việc đầu tiên, chúng tôi dọn sạch toàn bộ bên trong toà nhà. Chúng tôi vẫn giữ nguyên phần lát đá cẩm thạch. Rồi chúng tôi gỡ tất cả các cửa sổ và làm các buồng tắm. Chúng tôi đã giao cho đội thợ điện lắp hệ thống dây dẫn và đội ống nước làm phần việc của họ. Khi phần dỡ bỏ đã xong, chúng tôi mới bắt tay vào xây. - Tất cả có bao nhiêu người làm việc trên công trường này? Rice bật cười: - Khó nói lắm, cô Cameron. Rất nhiều tổ. Tổ làm cửa sổ, tổ làm buồng tắm, tổ làm hành lang. Mỗi tầng đều có đủ những tổ như thế và chúng ta có tám tầng tất cả. Theo bản vẽ, khách sạn sẽ có hai phòng ăn lớn và một văn phòng điều hành. - Bao lâu thì hoàn thành? - Nếu tính cả trang bị và trang trí nội thất thì phải mười tám tháng. - Tôi sẽ thưởng ông một khoản, nếu ông hoàn thành trong vòng một năm, - Lara nói. - Được thôi, khách sạn Congressional sẽ… - Tôi định đổi tên là khách sạn CameronPalace, - khi nói câu này, nàng thấy trong lòng trào lên một niềm xúc động lạ kỳ, niềm xúc động giống như một nỗi thèm khát tình dục. Vậy là tên nàng sẽ được trưng ra cho mọi người nhìn thấy. Vào sáu giờ sáng một ngày mưa, công trường cải tạo khách sạn được khởi công. Lara hớn hở bước đến, ngắm những người thợ tập trung trong phòng khách và bắt đầu phân công việc sửng sốt thấy Howard Keller cũ ng đến. - Anh cũng dậy sớm thế à? - Lara nói. Đêm qua tôi không ngủ được, - Howard cười. - Tôi có cảm giác là hôm nay, một cái gì mới mẻ bắt đầu xuất hiện. * * * * * Mười hai tháng sau, khách sạn CameronPalace làm lễ khánh thành với sự có mặt của một số ít ỏi nhà báo và nhà kinh doanh. Phóng viên về mục kiến trúc của tờ Chicago Tribune viết: "Cuối cùng thành phố Chicago đã có một khách sạn được xây cất theo phương châm: "Đây là nhà của quý khách khi phải xa gia đình. Lara Cameron là một người quan tâm đến…". Không đầy một tháng, khách sạn đã kín khách và số khách đăng ký trước đã đầy cả một bảng danh sách dài. Howard Kelìer rất phấn khởi: - Cứ đà này, - anh nói, - khách sạn sẽ hoàn lại vốn trong vòng mười hai năm. Thật là tuyệt diệu, cô Lara ạ. Chúng ta… - Chưa đủ đâu, - Lara ngắt lời anh. - Tôi sẽ tăng giá phòng, - nàng thấy Howard lộ vẻ băn khoăn. - Anh không lo. Họ sẽ trả thôi. Khách sạn nào có đầy đủ tiện nghi như ở đây? Lò sưởi đốt lửa, phòng tắm hơi, đàn piano? Hai tuần sau khi khách sạn CameronPalace mở cửa đón khách, Lara có một cuộc họp với Bob Vance và Howard Keller. - Tôi lại tìm thấy một địa điểm khác rất đẹp để xây khách sạn, - nàng nói, - Giống như CameronPalace nhưng to hơn và đẹp hơn. Howard cười: - Cho tôi đến xem. - Khoảnh đất tuyệt đẹp, nhưng gặp khó khăn. - Quý cô đến chậm mất rồi, - người môi giới bất động sản nói với nàng. - Một nhà kinh doanh bất động sản tên là Steve Murchison sáng nay đã đến đây hỏi tậu. Ông ta sẽ mua. - Ông ta trả giá bao nhiêu? - Ba triệu. - Tôi trả ông bốn triệu. Ông làm giấy tờ đi. Người môi giới chỉ hơi do dự một chút. - Vâng, được. Chiều hôm sau Lara nhận được một cú điện thoại. - Lara Cameron? - Vâng, tôi đây. - Tôi là Steve Murchison. Lần này ta để yên cho mi, bởi ta chưa biết mi định làm cái trò gì. Nhưng lần sau thì hãy cẩn thận: đừng có ngáng đường ta, mi sẽ phải ân hận đấy. Và liền sau đấy y bỏ máy. Đó là năm 1974. Trên thế giới xẩy ra một loạt sự kiện quan trọng và dồn dập. Tổng thống Nixon từ chức để tránh khỏi phải ra toà. Geral Ford bước vào Nhà Trắng. OPEC chấm dứt phong toả dầu lửa và Isabel Peron trở thành tổng thống Achentina. Tại thành phố Chicago, Lara đã bắt đầu xây cất toà nhà khách sạn thứ hai của nàng: khách sạn ChicagoCameronPlaza. Mười tám tháng sau, việc xây cất được hoàn tất, còn thành công hơn cả khách sạn CameronPalace. Sau đó Lara không ngừng lại nữa. Như báo Forbes sau này viết: "Lara Cameron là một hiện tượng. Những cách tân của bà làm thay đôỉ quan niệm xuả nay về khách sạn. Bà Cameron đã phá vỡ định kiên, coi kinh doanh bất động sản là lĩnh vực của nam giới và bà chứng tỏ rằng phụ nữ có thể làm tốt hơn". Lara nhận được một cú điện thoại của Charles Cohn. - Chúc mừng cô, cô Lara! - ông nói. - Tôi rất tự hào về cô. Trước đây tôi chưa có học trò nào thành đạt đến như cô. - Trước đây cháu cũng chưa có người thầy nào giỏi và tận tình như chú, chú Charles kính yêu. Không có chú giúp đỡ khuyên bảo, tất cả những gì cháu đạt được đều không thể có. - Cô đã tìm ra được con đường cô đi, - Charles Cohn nói. * * * * * Năm 1975, bộ pHàm cá mập lan tràn khắp. nước Mỹ và người ta ngừng ra bãi biển nghỉ. Dân số thế giới đã vượt quá con số bốn tỷ và bị hụt đi mất một người trong số đó là ứng cử viên tổng thống James Hoffa đột nhiên mất tích. Khi nghe thấy dân số thếgiới lên đến con số đó. Lara bảo Howard Keller: - Anh có thấy nhu cầu ở của nhân loạì sẽ tăng đến mức nào không? Howard không tin đó là câu hỏi đùa. Sau ba tháng tiếp đó, hai toà nhà cư xá và một toà nhà nhiều căn hộ độc lập được xây dựng xong. - Sắp tới tôi định xây một toà nhà dùng cho văn phòng các doanh nghiệp, - Lara nói với Howard, - ngay giữa quảng trường, nơi các đường giao thông chụm lại. - Địa điểm đó đẹp đấy và đang được rao bán, Howard Keller nói. - Nếu cô thích chúng tôi sẽ cấp vốn cho cô. Chiều hôm đó hai người đến xem vị trí. Khu đất nằm ngay trên bờ biển, trong một khu sang trọng. - Khu đất này giá bao nhiêu? - Lara hỏi. - Tôi đoán khoảng một trăm hai mươi triệu đôla. Lara nuốt nước bọt. - Khiếp nhỉ! - Lara, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phương châm là vay. Tiền người khác, Lara thầm nghĩ. Đó là điều ông già Bill Rogers đã căn dặn nàng hồi ở Glace Bay, khi nàng còn quản lý nhà trọ của lão già khốn nạn Sean McAllister. Từ đó đến nay đã bao nhiêu thời gian trôi qua và bao nhiêu điều xảy ra. Đấy chỉ là bước khởi đầu, nàng thầm nghĩ. Chỉ là bước khởi đầu. - Một số nhà kinh doanh bất động sản, xây cất nhà cửa trong lúc trong tay không có một đồng nào thật sự của họ. - Tôi có nghe. - Vấn đề làm đem toà nhà của mình cho thuê hoặc bán, lấy tiền trả khoản đã vay và còn dư lại một khoản nữa. Dùng khoản này tậu tiếp khoảnh đất khác và xây, thiếu đến đâu lại vay đến đó. Xây xong lại cho thuê hoặc bán đi và xây tiếp cái khác. Hình dung giống như một kim tự tháp lộn ngược: kim tự tháp của nghề kinh doanh bất động sản. Từ dưới chân là chẳng có gì, càng lên càng lớn dần. Cho nên cô có thể xây những toà nhà hết sức lớn bằng số vốn ban đầu hết sức nhỏ. - Tôi hiểu, Lara nói. - Nhưng tất nhiên cô phải vô cùng thận trọng Kim tự tháp ấy được xây bằng giấy: những bản thế chấp. Nếu như sai lệch chỉ một chút thôi, chẳng hạn tiền lãi một lần xây cất nào đó không đủ để trang trải khoản nợ vay thì mọi sự nghiệp đổ vỡ hết. Bởi đây là kim tự tháp dựng ngược, chỏm của nó ở dưới. - Tôi hiểu, - Lara nói. - Đi sai một bước là tan cuộc đời. - Đúng thế. Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào để có khoảnh đất ven biển kia? Chúng tôi sẽ liên doanh với cô. Để tôi bàn với Bob Vance. Nếu nhà băng chúng tôi không đủ sức, cô có thể tìm đến các công ty bảo hiểm để vay. Cô sẽ vay năm chục triệu đôla, tiền thế chấp là năm triệu cộng với lãi suất mười phân mỗi năm, rồi tiền khấu hao trên tài sản thế chấp và họ sẽ trở thành người chung vốn với cô. Sau này họ sẽ lấy mười phần trăm số lợi nhuận của cô, nhưng cô thành chủ toà nhà và được tài trợ đầy đủ. Cô có thể yêu cầu trả lại khoản tiền của cô và giữ mười phần trăm số tối thiểu. Bởi các chủ tài chính không đời nào chịu lỗ và bao giờ họ cũng phải nắm đằng chuôi. Lara lắng nghe và cố ghi nhớ từng lời. - Anh chịu đi cùng với xa như thế sao, Howard? - Đúng thế. - Trong vòng năm hoặc sáu năm, sau khi toà nhà xây xong, và đã đầy đủ người thuê các căn hộ trong đó, cô có thể bán cả toà nhà ấy đi. Nểu như bán được bẩy mươi nhăm triệu, trả hết phần đã vay, cô vẫn còn được cầm tay mười hai triệu rưỡi đôla. Chưa kể cô còn được hưởng khoảng tám triệu do giảm thuế lợi tức. Và cô có thêm được mười triệu đôla nữa. - Tuyệt vời, - Lara reo lên. Howard cười: - Chính phủ đang cần cô kiếm tiền. - Anh có muốn kiếm thêm ít tiền cho riêng anh không, Howard? - Nghĩa là sao? - Anh chịu làm việc cho tôi chẳng hạn. Howard đột nhiên mất hứng. Anh biết rằng đang đứng trước một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời anh. Không phải tiền. Đó là Lara. Anh đã mê nàng. Anh đang chưa biết thổ lộ cách nào với nàng. Đã bao đêm anh tập dượt cách nói với nàng lời cầu hôn, nhưng sáng hôm sau, khi gặp nàng, anh lại chưa dám mở miệng. Đã có lần anh đánh bạo, lấy hết dũng cảm nói: - Lara, tôi yêu cô… Thì không đợi anh nói thêm, Lara đã hôn ngay vào má anh và nói: - Tôi cũng yêu anh, Howard! Anh xem lịch làm việc này thế nào? Và thế là anh tan hết can đảm để nói tiếp những lời đã cân nhắc kỹ càng đêm hôm trước. Bây giờ nàng lại mời anh làm người chung vốn. Howard sẽ luôn luôn bên cạnh nàng, hàng ngày làm việc với nàng, nhưng không bao giờ có thể đụng chạm được vào người nàng, được… - Anh có tin tôi không, Howard? - Có là kẻ điên tôi mới không tin cô. - Tôi sẽ trả anh lương gấp đôi so với lương của nhà băng trả anh hiện nay và anh sẽ hưởng thêm năm phần trăm lời lãi của công ty chúng ta. - Để tôi nghĩ xem đã. - Có gì phải suy nghĩ đâu nhỉ? Đúng không nào? Howard cân nhắc: - Tôi muốn… tôi không nghĩ lại là người chung vốn của cô. Lara ôm nhẹ lấy anh. - Ôi, nếu hai chúng ta canh ti thì tuyệt vời biết bao. Anh và tôi, chúng ta sẽ xây lên những toà nhà diệu kỳ. Hiện xung quanh đang còn bỉết bao ngôi nhà xấu xí. Không có lý gì cứ để chúng tồn tại như thế. Mỗi toà nhà chúng ta xây nên góp phần vào làm đẹp thêm thành phố này. Howard đặt tay lên tay nàng: - Cô đừng bao giờ thay đổi nhé, Lara? Nàng nhìn thẳng vào mắt anh: - Không bao giờ. Chương 10 Những năm cuối của thập kỷ 70 là những năm của sự phát triển, đổi thay và có nhiều sự kiện đáng chú ý. Năm 1976 Israel tấn công vào Entebble. Mao Trạch Đông qua đời. James Carter được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ. Lara lại khánh thành một toà nhà lớn nữa. Năm 1977 Charlie Chaplin chết và Presley Elvis, vua nhạc rốc hấp hối. Lara cắt băng khánh thành toà nhà thương mại lớn nhất thành phố Chicago. Năm 1978 Giáo chủ Jim Jones và chín trăm mười một đạo hữu của ông tự tử tập thể tại Guyana. Hoa Kỳ công nhận nước Trung Hoa Cộng sản. Hiệp ước về kênh đào Panama được phê chuẩn. Lara xây một loạt nhà cao ốc trong khu công viên Rogers. Năm 1979 Israel và Ai Cập ký hoà ước tại Trại David. Có một tai nạn hạt nhân tại đảo Three Mili. Tổ chức Hồi giáo cực đoan bắt cóc toàn bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iran làm con tin. Lara xây toà cao ốc "chọc trời" và một câu lạc bộ nông thôn, một khu nghỉ mát tuyệt đẹp ở Deerfield, phía Bắc Chicago. * * * * * Lara hiếm khi xuất hiện ngoài xã hội và nếu có thì thường là đến các câu lạc bộ nhạc Jazz. Nàng hay đến Andy, câu lạc bộ thường có những ban nhạc Jazz nổi tiếng nhất biểu diễn. Nàng thích nghe Von Freeman, cây kèn saxo độc đáo, nghe Eric Schneider, Anthony và nghe tiếng đàn piano của Hodes. Nàng không có thời giờ để cảm thấy cô đơn. Lúc nào nàng cũng gần gũi với gia đình, mà gia đình của nàng là các kiến trúc sư và các nhà xây dựng, các kíp thợ mộc, thợ nề, thợ điện, thợ làm ống nước… Nàng lúc nào cũng bị ám ảnh vào công việc xây cất. Sàn biểu diễn của nàng là thành phố Chicago và nàng là ngôi sao trên đó. Cuộc sống nghề nghiệp của Lara đẩy nàng vượt quá cả những ước mơ táo tợn nhất, nhưng nàng không có "đời tư". Cuộc làm tình khủng khiếp với lão chủ nhà băng Sean McAllister ngày xưa đã dập tắt mọi nhu cầu về xác thịt trong nàng. Và nàng cũng chưa gặp được người đàn ông nào khiến nàng cảm mến được quá một ngày. Trong đáy sâu đầu óc của Lara thấp thoáng bóng dáng không rõ nét của một người nào đó mà nàng đã có lần gặp và muốn gặp lại. Nhưng nàng không sao nhớ được người ấy là ai. Thỉnh thoảng cái bóng hình mờ ảo ấy hiện ra trong trí óc và nàng chưa kịp nhận biết thì nó đã biến mất. Có rất nhiều người theo đuổi nàng. Họ thuộc đủ loại, từ những nhà điều hành doanh nghiệp đến các nhà tư bản dầu lửa và… đến cả các nhà thơ. Thậm chí cả một số nhân viên làm việc trong công ty của nàng. Lara luôn vui vẻ niềm nở với cánh mày râu, nhưng chưa bao giờ nàng cho phép mối quan hệ với ai vượt quá câu chào "Chúc ngủ ngon" và cái bắt tay ngoài cửa. Nhưng rồi Lara chợt thấy nàng có cảm tình với Pete Ryan, người giám đốc thi công một trong những toà nhà của nàng. Anh là chàng trai có giọng nói Ailen và một nụ cười dễ thương. Lara bắt đầu năng đến xem đồ án anh đang nghiên cứu. Họ gặp nhau ngày càng nhiều hơn. Tuy bàn chuyện xây dựng nhưng trong thâm tâm cả hai đều biết họ đang nói chuyện hoàn toàn khác. - Cô có đi ăn tối với tôi được không, Lara? - Ryan hỏi. Chữ "ăn tối" hơi kéo dài một chút. Lara thấy tim mình như nhẩy thót một cái. - Được. Ryan đến đón tại nhà riêng của nàng, nhưng họ không đi ăn. - Lạy Chúa, cô đẹp quá, Lara! - Ryan nói và hai cánh tay lực lưỡng của anh ôm ghì lấy nàng. Nàng đã sẵn sàng đón đợi anh. Họ "tìm hiểu" nhau đã hàng mấy tháng trời. Ryan nhấc bổng nàng lên, bế vào phòng ngủ. Họ cùng cởi quần áo, vội vã. Chàng có một thân hình thon thả, chắc nịch và Lara bỗng nhớ lại tấm thân béo xệ và mềm nhẽo của lão Sean McAllister ở Glace Bay năm nào. Lát sau nàng đã ngả mình xuống giường và Ryan nằm lên trên nàng, bàn tay và lưỡi dạo lướt trên khắp thân thể nàng. Nàng kêu lên vì niềm sung sướng trào dâng vừa đột ngột vừa dữ dội. Khi đã xong cuộc tình, họ nằm trong vòng tay nhau. - Lạy Chúa! - Ryan âu yếm nói. - Em quả là cô gái kỳ diệu. - Anh cũng là chàng trai kỳ diệu, - Lara thì thào. Nàng không thể nhớ được là trên đời đã có lần nào nàng được hưởng niềm sung sướng như thế này. Ryan là toàn bộ những gì nàng cần thiết. Chàng thông minh và cuồng nhiệt. Và họ hoàn toàn hiểu nhau. Họ nói với nhau bằng cùng một thứ ngôn ngữ. Ryan nắm chặt bàn tay Lara. - Anh thấy đói. - Em cũng vậy. Để em làm vài chiếc xăng đuých. - Tối mai, - Ryan hứa. - Anh sẽ đưa em đi ăn một bữa tối hẳn hoi. Lara ôm chặt chàng: - Đây là một cuộc hò hẹn. Sáng hôm sau Lara đến gặp Ryan tại công trường. Nàng thấy chàng đứng trên giàn giáo cao ngất, đang ra lệnh gì đó cho đám thợ. Lúc Lara đi về phía thang máy của công trường, một người thợ cười với nàng: - Chào cô chủ! - Trong giọng nói của anh ta có một nét gì hơi lạ. Một người thợ nữa cũng đi ngang qua nàng và cười: - Chào cô chủ Cameron. Hai người thợ nữa tới nhìn nàng: - Chào cô chủ! Lara đưa mắt nhìn xung quanh. Các người thợ đều nhìn nàng và cười một cách không bình thường. Lara đỏ bừng mặt. Nàng bước vào thang máy và bấm cho thang chạy tới tầng dàn giáo nơi Ryan đang đứng. Nàng vừa bước ra, chàng thấy nàng bèn cười rất tươi. - Chào cưng! - Ryan nói. - Tối nay ta đi ăn vào mấy giờ? - Anh chịu đói vậy, - Lara cao ngạo nói. - Anh đã bị thải hồi! * * * * * Mỗi toà nhà, mỗi công trình xây dựng do Lara tiến hành đều là cả mỗi cuộc thách đố. Nàng dựng lên những toà nhà nhỏ dành cho các văn phòng và những toà nhà lớn cùng những khách sạn. Nhưng bất kể tính chất của công trình kiến trúc ấy ra sao, điều Lara quan tâm đầu tiên vẫn là địa điểm, là vị trí của nó. Ông già Bill Rogers ngày xưa đã nói rất đúng. Địa điểm, địa điểm và đia điểm. Kinh doanh của Lara ngày càng mở rộng. Nàng bắt đầu được giới cầm quyền thành phố, báo chí và dân chúng thừa nhận. Nàng trở thành một gương mặt nổi tiếng và mỗi khi nàng đi dự một hoạt động từ thiện, đến rạp hát hoặc viện bảo tàng, các phóng viên nhiếp ảnh tranh chau chụp hình nàng. Lara bắt đầu xuất hiện trước công chúng nhiều hơn. Tất cả các công trình xây dựng của nàng đều thành công nhưng nàng vẫn chưa thoả mãn. Như thể nàng vẫn ôm mộng làm nên một thứ gì đó vĩ đại hơn, hoặc chờ mong một điều kỳ diệu hơn sẽ đến với nàng. Như thể cánh cửa lòng nàng vẫn mở rộng chờ đón một phép lạ nào xuất hiện… Howard Keller rất đỗi ngạc nhiên: - Cô còn đợi cái gì, Lara? - Tôi còn muốn gì hơn nữa. Và Howard không thể moi gì thêm ở nàng. Một hôm Lara nói với Howard. - Anh có biết chúng ta phải trả bao nhiêu tiền cho những người tu sửa nhà cửa, glặt giũ chăn nệm và lau kính cửa sổ không? - Còn tuỳ địa điểm, - Howard đáp. - Ta sẽ tính cả địa điểm. - Tôi chưa hiểu. - Chúng ta sẽ tổ chức một loại dịch vụ. Cung cấp những dịch vụ đó cho chính chúng ta và cho những nhà xây dựng khác. Sáng kiến này ngay từ đầu đã thành công. Tiền lãi tuôn vào như suối. Howard Keller có cảm giác như Lara đã dựng lên cả một bức thành kiên cố bao quanh thế giới tình cảm của nàng. Anh là người gần gũi Lara hơn bất cứ ai, nhưng nàng chưa bao giờ kể anh nghe một lời về gia đình nàng, về quá khứ của nàng. Tưởng như Lara đột ngột hiện ra từ trong đám sương mù, không có căn cơ gốc rễ ở đâu hết. Thoạt đầu Howard là người thầy, dạy dỗ và dắt dẫn Lara, nhưng bây giờ nàng tự quyết định lấy mọi việc. Trò đã trưởng thành và còn vượt lên trên thầy. Lara sớm bộc lộ tính tình cứng rắn, thậm chí ngang bướng nữa, không chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Nàng trở thành một sức mạnh không cưỡng nổi và không thứ gì có thể cản chân nàng. Nàng là một mãnh lực tuyệt đối. Nàng biết mình muốn gì và kiên quyết thực hiện cho bằng được. Hồi đầu, một số người định lợi dụng nàng. Trước đây họ chưa bao giờ làm việc với nữ giới và họ thích thú được làm việc với nàng. Nhưng rồi họ vấp ngã. Khi Lara bắt gặp một ai đó tiến hành những công việc chưa cho phép, nàng lập tức gọi người ấy đến và sa thải ngay. Sáng nào nàng cũng có mặt ở công trường. Thợ thuyền đều làm việc lúc sáu giờ sáng, bao giờ cũng thấy Lara đứng ở đó chờ họ. Dân thợ quen ăn nói tục tĩu. Họ chờ cho Lara lên xe đi rồi, mới đùa giỡn. - Cậu có nghe chuyện con mèo ở trại không? Nó mê con gà trống và thế là…(1) - Một đứa con gái hỏi mẹ: "Nếu nuốt tinh dịch vào bụng thì có thai phải không?" Mẹ nó trả lời: Không có thai đâu mà ngược lại con còn được chuỗi ngọc đeo cổ nữa đấy. Họ vừa kể vừa làm điệu bộ tục tĩu và cười rộ lên với nhau. Thỉnh thoảng tình cờ một người thợ đi ngang trước mặt Lara, đụng cùi tay vào ngực nàng hoặc chạm mạnh vào mông nàng một cách "ngẫu nhiên". - Ôi, xin lỗi cô chủ. - Không sao, - Lara nói - Chỉ có điều anh vào văn phòng nhận nốt tiền lương rồi đi khỏi đây ngay. Những trò trêu chọc kiểu đó dần dần biến thành thái độ kính trọng. Một hôm Lara ngồi trong xe cùng với Howard Keller chạy dọc theo đường phố Kedjie. Họ đến một khu đất đầy kín những cửa hiệu nhỏ. Nàng đỗ xe lại. - Khu này sắp đổ nát cả rồi, - Lara nói. - Có thể xây ở đây một toà nhà cao tầng. Những cửa hàng nhỏ như thế này chẳng lời lãi là bao. - Đúng thế, nhưng vấn đề là cô làm cách nào để thuyết phục được tất cả những người chủ chịu bán, - Howard nói. - Chỉ cần một hai người không chịu là miếng đất sẽ không sử dụng được. - Ta sẽ mua hết, - Lara tuyên bố. - Nhưng nếu một người nào đó không chịu, trong khi cô đã mua tất cả những ngôi nhà nhỏ khác xung quanh? Khi đó cô làm thế nào? Vả lại khi nghe thấy cô xây cất ở đây một toà nhà lớn, rất có thể họ sẽ bắt chẹt cô. - Ta sẽ giữ kín, không để họ biết, - Lara nói. - Ta sẽ cử nhiều người khác nhau đến thương lượng mua để họ không biết. - Tôi đã có lần làm như thế rồi, - Howard cảnh giác nàng. - Nếu họ biết, mà rất khó giữ thật kín, họ sẽ bắt chẹt cô và đòi giá rất cao. - Cho nên chúng ta cần hết sức bí mật. Nhưng anh đồng ý là mua nhé? Dẫy cửa hàng trên phố Kedjie bao gồm trên một chục cửa hàng nhỏ. Một hiệu bánh mì, một cửa hàng kim khí, một hiệu cắt tóc, một hiệu bán quần áo, một hiệu thịt, một hiệu may, một hiệu thuốc tân dược, một quán cà phê và một loạt cửa hàng cửa hiệu nhỏ khác. - Cô coi chừng đấy, - Howard nhắc Lara. - Chỉ cần một người không chịu bán là cô sẽ bị đọng vào đây một khoản tiền lẽ ra có thể đầu tư vào việc khác. - Anh không lo, - Lara nói. - Tôi sẽ có cách. Một tuần sau, một người khác vào cửa hiệu cắt tóc ông thợ đang đọc báo. Thấy cửa mở, ông ta ngẩng đầu lên hỏi: - Tôi có thể giúp gì quý ông được. Khách mỉm cười: - Không có gì cả. Chỉ là tôi mới dọn đến thành phố này. Tôi có một cửa hiệu cắt tóc thành phố New Jersey, nhưng vợ tôi muốn chuyển về đây để gần bà ngoại. Tôi đang tìm một cửa hiệu nào để mua, mở hiệu cắt tóc. Khắp khu này chỉ có mỗi hiệu cắt tóc này thôi, chủ nhà nói. - Nhưng tôi không định bán. Khách lại cười: - Cái gì cũng có thể bán được, miễn là được giá. Nếu ông chưa định bán nhưng người ta trả cao đến mức độ nào đó thì ông cũng bán chứ, đúng không nào? Chẳng hạn cửa hiệu này tôi trả năm chục ngàn đôla, ông có bán không? - A, nếu trả cao thì đúng là có thể tôi sẽ bán. Năm sáu chục ngàn chẳng hạn. - Tôi đang rất cần địa điểm để mở hiệu cắt tóc cho nên tôi xin trả ông bẩy mươi nhăm ngàn, được chưa? - Không được. Tôi chưa nghĩ đến chuyện bán. - Vậy thì một trăm ngàn? - Để tôi nghĩ xem đã… - Một trăm ngàn và ông có thể mang hết các thứ đồ đạc đi ông thợ cắt tóc ngó nhìn khách: - Một trăm ngàn và cho tôi mang tất cả bàn ghế, chậu, gương cùng mọi đồ nghề khác đi? - Đúng thế. Tôi đã có đủ các thứ đó của mình rồi. - Thế thì có lẽ được. Nhưng để tôi bàn với vợ tôi đã. - Tất nhiên rồi. Mai tôi quay lại. Hai ngày sau, mua xong cửa hiệu cắt tóc. - Thế là được một, - nàng nói. Bên cạnh là hiệu bánh mì. Gia đình chỉ có hai vợ chồng. Một phụ nữ bước vào gặp họ. Chồng tôi vừa mất, để lại cho tôi ít tiền cộng với tiền bảo hiểm. Chúng tôi có cửa hiệu bánh mì ở Floria và đang tìm ở đây một cửa hiệu nào thích hợp để tiếp tục nghề cũ. Tôi thấy thích cửa hiệu này của hai ông bà. - Nghề này nhàn nhã, - chủ nhà nói. - Hai vợ chồng tôi không có ý định bán. - Thế nếu ông bà định bán thì giá cửa hiệu này khoảng bao nhiêu nhỉ? Chủ hiệu nhún vai: - Chịu? Tôi không biết. - Có đến sáu chục ngàn đôla không? - Không thể dưới bảy chục ngàn. - Chủ hiệu nói. - Vậy thế này, - người phụ nữ nói. - Tôi trả hai ông bà một trăm ngàn. Chủ hiệu nhìn bà khách: - Bà nói nghiêm chỉnh đấy chứ? - Chưa bao giờ tôi nghiêm chỉnh như lúc này. Sáng hôm sau, Lara nói: - Thế là xong hai căn. Công việc tiến triển thuận lợi. Trong vòng sáu tháng. Lara đã mua lại được hầu hết các cửa hàng trong khu phố. Nàng và Howard thuê những người đến ở và tiếp tục kinh doanh, trong lúc chờ đợi tiến hành mua nốt những cửa hiệu còn lại. Các kiến trúc sư đã bắt đầu nghiên cứu vẽ kiểu nhà cao tầng sẽ xây lên ở đó. Lara đang nghiên cứu và báo cáo. - Vậy là coi như đã xong, - nàng nói với Howard. - Tôi e chưa hết khó khăn. - Chỉ còn mỗi hiệu cà phê! Đấy chính là khó khăn. Chủ hiệu thuê ngôi nhà đó với thời hạn năm năm, nhưng ông ta không chịu đi trước thời hạn ấy. Ta giúi thêm tiền nữa vào cho lão. - Ông ta khăng khăng không chịu, bất kể với giá nào. Lara nhìn anh. - Hay lão ta biết chúng mình sắp xây toà nhà cao tầng ở đó? - Không phải. - Thôi được. Tôi sẽ đến gặp lão. Anh yên tâm là lão sẽ chịu đi thôi. Chỉ cần tìm xem ai là người cho lão thuê. * * * * * Sáng hôm sau, Lara đến xem lại khu phố đó. Cửa hiệu cà phê Haley nằm ở cuối, về phía Tây Nam của khu đất. Cừa hiệu rất nhỏ chỉ có dăm sáu ghế bên cạnh quầy và bốn ngăn dành cho khách ngồi riêng. Lara thấy một ông già đứng sau quầy. Nàng đoán đấy là chủ hiệu. Ông ta khoảng gần bảy mươi tuổi Lara ngồi vào một ngăn. - Chào cô, - ông già niềm nở chào. - Cô dùng gì? - Một cốc nước cam và một tách cà phê. - Có ngay. Nàng quan sát ông ta vắt cam. - Bà chủ hiệu hôm nay không đến được? - Ông ta nói rồi rót cà phê và bưng ra cho nàng. Ông di chuyển trên xe lăn, thì ra đã mất cả hai chân. Lara lặng lẽ nhìn trong khi ông già đem khay giải khát đến bàn nàng. - Cảm ơn, - nàng nói. Nàng ngắm xung quanh. - Cụ có cửa hiệu xinh xắn qúa. - Vâng. Tôi rất mến nơi này. - Cụ ở đây lâu chưa? - Mười năm rồi. - Cụ không định nghỉ ngơi tuổi già à? Ông già lắc đầu: - Cô là người thứ hai trong tuần này hỏi tôi câu đó. Không, tôi chưa định nghỉ. - Chắc tại người trước trả giá chưa đủ hợp ý cụ chứ gì? - Tôi cần tiền làm gì? Trước khi đến đây thuê cửa hiệu này, tôi đã nằm hai năm trong trại an dưỡng rồi. Buồn lắm. Không bè bạn. Sống cũng như chết. Thế rồi có người khuyên tôi thuê cửa hiệu này, - ông già mỉm cười. - Từ ngày đến đây, cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Dân khắp xung quanh đến đây giải khát. Họ thành bạn của tôi và tôi như được sống trong một gia đình. - ông già lắc đầu nói tiếp. - Không, tôi chẳng cần tiền làm gì. Cô dùng thêm cà phê nữa không? Lara ngồi họp với Howarrd Keller và người kiến trúc sư. - Chúng ta chẳng cần phải mua lại cửa hiệu đó, - Howard nói. - Tôi đã gặp người sở hữu nó. Trong hợp đồng thuê có một điều khoản mà người thuê đã vi phạm. Mỗi tháng ông ta phải nộp một khoản trích trong doanh thu. Nhưng mấy tháng nay rồi ông ta chưa nộp. Do đó chúng ta có quyền đẩy ông ta đi. Lara quay sang người kiến trúc sư. - Tôi muốn hỏi ông một câu, - nàng nhìn xuống bản vẽ và trỏ vào góc Tây Nam của nó. - Nếu như chúng ta xây tường ngay chỗ này và vẫn để ông già chủ hiệu cà phê tiếp tục bán hàng có được không? Liệu toà nhà có ảnh hưởng gì không? Kiến trúc sư nhìn vào bản vẽ, suy nghĩ. - Tôi nghĩ là được. Tất nhiên nếu lấy được cả hiệu cà phê ấy thì vẫn hơn. - Nhưng được gì chứ? - Lara căn vặn thêm. - Được! Howard nói: - Cô Lara, tôi đã nói rằng chúng ta có đủ lý để buộc ông ta phải dọn đi kia mà? Lara lắc đầu: - Chúng ta đã mua được toàn bộ các cửa hàng khác. Thế là đủ. Những người khách tương lai sẽ đến ở tại toà nhà của chúng ta sẽ có một hiệu cà phê ngay cạnh để thỉnh thoảng ghé vào. Howard ạ, tôi đề nghị chúng ta để yên cái hiệu cà phê Heley ấy. * * * * * Vào ngày kỷ niệm sinh nhật cha nàng, ông James Cameron quá cố, Lara nói với Howard: - Howard! Tôi muốn nhờ anh một việc, được không? - Tất nhiên là được. - Anh làm ơn đi Scotland hộ tôi. - Chúng ta sẽ xây gì ở Scotland à? - Chúng ta sẽ tậu một lâu đài cổ ở đó. Howard yên lặng lắng nghe. - Tại Scotland có một làng tên là Lơc Morlich. Làng đó nằm trên con đường đến Glenmore, gần thị trấn Avciemore. Xung quanh đó rất nhiều lâu đài cổ xưa còn sót lại. Anh hãy tậu một cái. - Cô định dùng làm nơi nghỉ mát mùa hè chăng? - Tôi không định về đó. Tôi cần mua để mai táng cha tôi ở đấy. Howard chậm rãi nói: - Cô cần mua một lâu đài cổ ở Scotland để mai táng di hài cụ? - Đúng thế. Tôi bận quá, không có thời gian tự mình đi. Anh là người ân duy nhất tôi có thể tin cậy và giao phó công việc ấy. Cha tôi hiện nằm trong nghĩa trang Greewood tại thị trấn Glace Bay. Đấy là lần đầu tiên Howard Keller biết được một chi tiết thực sự về lai lịch gia đình của Lara Cameron, và về tình cảm của nàng với cha mẹ. - Chắc cô quý cụ lắm phải không? - Anh có giúp tôi việc đó được không? - Tất nhiên là được. - Sau khi mai táng cha tôỉ ở đó xong, anh lo thuê cho tôi một người chăm nom ngôi mộ. Ba tuần sau, Howard từ Scotland về, nói: - Tôi đã làm xong. Đã thuê cả người trông nom. Vậy là cô đã có một lâu đài. Cụ đã nằm ở đó. Địa điểm rất đẹp, trên đồi. Cô sẽ thích phong cảnh chỗ đó Cô định bao giờ đến thăm nơi đó? Lara ngạc nhiên ngước mắt nhìn anh: - Tôi ấy ư? Tôi không đến đó đâu, - nàng nói. Chú thích: (1) Trong tiếng Anh "con mèo" đồng nghĩa với "bộ phận sinh dục nữ". Con "gà trống đổng nghĩa với "bộ phận sinh dục nam" Chương 11 Năm 1984 Lara Cameron quyết định: đã đến lúc chinh phục New York. Khi nàng thổ lộ kế hoạch với Howard Keller, anh rất ngạc nhia id="filepos209878">n. - Tôi không thấy thú cái ý định ấy của cô, - anh lạnh nhạt nói. - Cô chưa hiểu New York. Tôi cũng vậy. Đấy là một thành phố khác hẳn, Lara. Chúng ta… - Hồi tôi từ Glace Bay đến đây người ta cũng nói với tôi đúng câu như vậy về Chicago. - Lara đáp - Nghề xây dựng thì đâu cũng vậy thôi, dù ở Glace Bay, Chicago, New York hay Tokyo… vẫn những quy luật đó - Nhưng ở đây cô cũng đã làm ăn đủ lớn rồi, - Howard phản đối. - Cô còn cần gì nữa kia nữa? - Tôi đã nói với anh rồi. Tôi cần lớn hơn nữa. Tôi muốn tên tôi sáng rực trên bầu trời New York. Tôi sẽ xây khách sạn Cameron Plaza và một Trung tâm Cameron ở đó. Và một ngày kia, Howard ạ, tôi sẽ xây toà cao ốc cao nhất thế giới. Đấy là điều tôi cần. Hãng Cameron sẽ di chuyển đến New York. New York đang trong cơn bùng nổ về xây dựng. Tại đây có những "ông" khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây cất: anh em nhà Zeckendorf, Harry Helmsley, Donald Trump, anh em nhà Urise và anh em nhà Rudin. - Chúng ta sẽ gia nhập đám người đó. - Lara bảo với Howard. Họ thuê phòng ở khách sạn Regeney và bắt đầu nghiên cứu thành phố. Lara không sao hết ngỡ ngàng trước kích thước và sự náo động của thành phố cực kỳ to lớn và đông đúc này. Cả một số lượng lớn những toà nhà chọc trời, những đòng xe hơi cuồn cuộn chảy trên khắp thành phố. - New York khiến cho Chicago chỉ còn như một thị trấn không hơn gì Glace Bay, - Lara nói và nàng rất nóng lòng muốn bắt tay ngay vào công việc. - Việc đầu tiên chúng ta cần làm là tập hợp thành một nhóm. Chúng ta sẽ mời một luật sư giỏi nhất về bất động sản ở New York, rồi một ban điều hành lớn. Tìm gặp những quan chức đang điều hành cho hãng Rudin, xem có cách nào để họ bỏ ông ta sang làm việc cho chúng ta không. - Đúng đấy, - Howard nói. - Đây là danh sách những toà nhà tôi thích nhất. Anh hãy tìm xem ai là người đã thiết kế chúng. Tôi muốn gặp những kiến trúc sư ấy ngay. Howard đã bắt đầu thấy vẻ sôi sục trong đầu óc Lara. Anh nói: - Tôi sẽ tiến hành một loạt tín dụng tại các nhà băng. Với số vốn liếng chúng ta hiện có ở Chicago, việc này không khó khăn gì. Tôi sẽ liên hệ với một số công ty tiết kiệm và tín dụng cùng một loạt nhà môi giới bất động sản. - Đúng thế. - Cô Lara này, trước khi nhẩy vào cuộc, cô có thấy chúng ta cần tính xem công trình đầu tiên ở đây sẽ là gì không? Lara ngước mắt nhìn Howard và hỏi bằng giọng rất hồn nhiên: - Ôi tôi chưa kể với anh à? Chúng ta sẽ mua lại khu đất của Bệnh viện Trung ương Manhatan. Nhiều ngày trước đó, Lara đã đến một hiệu làm đầu ở đại lộ Madison. Trong lúc đang làm đầu, nàng nghe lỏm được hai người trò chuyện ở ngăn bên cạnh. - Chúng tôi sẽ rất nhớ bà đấy, thưa bà Walker. - Tôi cũng rất nhớ chị, chị Darlene. Tôi đã đến đây được bao nhiêu năm rồi nhỉ? - Chẵn mười lăm năm. - Thời gian sao mà trôi nhanh thế. Vậy mà tôi sắp phải xa New York. - Bao giờ bà đi? - Sắp rồi. Tôi vừa nhận được bức thư thúc giục sáng nay. Chị tưởng tượng được không, một bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Manhattan mà phải tan vỡ chỉ vì hết tiền. Tôi đã làm thanh tra viện ở đó suốt hai chục năm, vậy mà họ vẫn gửi cho tôi tờ quyết định thải hồi. Thật không thể tưởng tượng nổi. Lara vẫn chăm chú nghe. - Tôi chưa thấy có gì chính thức là người ta định đóng cửa bệnh viện ấy. - Họ giữ bí mật. Bây giờ mới là lúc họ thông báo dần cho những người làm ở đó. Người thợ làm đầu còn đang trong giai đoạn sấy khô tóc cho nàng. Nhưng Lara đã đứng dậy. - Chưa xong đâu, thưa quý cô Cameron. - Xin lỗi, - Lara nói. - Tôi đang vội. * * * * * Bệnh viện Trung ương Manhattan là một toà nhà lớn và xấu xí, đổ nát nằm ở phía Đông thành phố, giữa phố 68 và phố 69, trên cả một khu đất rất rộng. Lara đứng ngắm một lúc lâu và trong óc nàng lập tức hiện lên một toà nhà chọc trời uy nghi với những cửa hàng sang trọng dưới tầng một và những khu nhà ở khép kín, đầy đủ trang bị ở các tầng trên. Nàng vào bệnh viện, hỏi tên công ty nào sở hữu nó. Người ta cho nàng biết ông ta là Roger Burnham có văn phòng ở phố Wall Street. - Tôi có thể giúp gì được, thưa quý cô Cameron? - Tôi nghe tin ông định bán bệnh viện Trung ương Manhattan. Ông ngạc nhiên nhìn người phụ nữ trẻ. - Cô nghe được ở đâu, thưa cô Cameron? - Nhưng có đúng như vậy không? - Có thể đúng, - ông ta đáp lửng lơ. - Tôi muốn mua lại khu đất ấy, - Lara nói. - ông định giá bao nhiêu? - Chín mươi triệu? - Lara thấy giá quá cao, nhưng nàng lại rất mê địa điểm đó. Công trình đầu tiên sẽ rất cần thiết cho nàng tiếp tục những công trình sau này. - Không bớt một xu? - Đúng thế. Lara chìa ngay cho Roger Burham tờ giấy 100 đôla. - Thế này nghĩa là sao? Đấy là để ông giữ lại cho tôi trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Tôi chỉ xin ông cho tôi suy nghĩ trong vòng bốn tám tiếng, có vậy thôi. Trong thời gian đó xin ông khoan bàn chuyện này với bất kỳ ai khác. Ông có mất cái gì đâu? Nếu tôi quyết định chấp nhận cái giá mà ông đưa ra, tôi sẽ trao tiền. - Tôi chưa biết gì về cô, thưa cô Cameron. - Ông hãy gọi điện hỏi Ngân hàng thương mại Chicago. Gặp ông Bob Vance. Ông ấy là chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà băng. Roger Burham nhìn Lara một lúc lâu, lắc lư đầu và lẩm bẩm gì đó, nghe như có chữ "điên rồ" thì phải. Ông taích thân tìm số điện thoại. Và viên thư ký bắt liên lạc với Bob Vance cho ông ta. - Ông Vance? Tôi là Roger Burham ở New York đây.Có một cô gái tên là… - ông ta ngước nhìn Lara. - Lara Cameron. - Lara Cameron đang ngồi đây. Cô Cameron muốn mua một bất động sản của chúng tôi ở đây và cô ấy nói là ông biết cô ấy. Roger Burham ngồi xuống nghe điện thoại tiếp. - Cô ấy là? Tôi hiểu… Thật à? Nhưng tôi không biết về chuyện đó… Được… Được. - Rất lâu sau, Burham nói, - Cảm ơn ông, thưa ông Vance. Ông ta đặt điện thoại xuống rồi nhìn thẳng vào mắt Lara. - Ra cô là người rất nổi tiếng ở Chicago. - Và tôi cũng muốn nổi tiếng ở New York nữa. Roger Burham nhìn tờ 100 đôla. - Tôi dùng cái tờ giấy này để làm gì? - Ông hãy dùng nó để mua vài điếu xì-gà Cuba. Nếu tôi chấp nhận cái giá kia thì tôi có thể nhận nhà ngay được chứ? Burham ngó nàng một lúc nữa. - Kể ra thì hơi bất tiện… nhưng, được. Vậy là tôi chờ cô trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ. - Chúng ta phải tiến hành việc này thật nhanh. - Lara nói với Howard - Chúng ta chỉ có bốn mươi tám tiếng đồng hồ để ổn định khâu tài chính. - Cô đã thử ước tính chúng ta cần bao nhiêu chưa? - Rồi. Chín mươi triệu khu đất, tôi tính phải mất hai trăm triệu để phá đi và xây nhà chọc trời ở đó. Howard nhìn nàng: - Hai trăm triệu cộng với chín mươi triệu đôla… - Trước nay anh tính toán vẫn nhanh lắm kia mà? - Lara nói. Howard làm như không nghe thấy câu nói đó. - Ta kiếm đâu ra ngần ấy tiền? - Vay! - Lara nói. - Nếu so sánh trường hợp ở Chicago và trường hợp này thì chẳng có gì khác nhau lắm. Đây là một canh bạc quá lớn. Hàng trăm thứ có thể xảy ra. Cô sẽ đặt toàn bộ những gì cô có trên đời vào canh bạc này đấy. - Chính như thế mới thú, - Lara nói. - Một trò đỏ đen. Một canh bạc lớn. Và sẽ thắng rất to. Kiếm tiền để xây dựng ở New York thậm chí còn dễ hơn ở Chicago. Thị trưởng Koch đã ban hành một quy chế đánh thuế gọi là quy chế 421-A, theo đó các nhà kinh doanh bất động sản, sau khi xây xong một toà nhà, đều được miễn thuế doanh nghiệp trong hai năm đầu. Khi các nhà băng, các công ty tiết kiệm và tín dụng cho Lara Cameron vay vốn, họ hết sức nhiệt tình muốn cộng tác với nàng. Chưa đầy bốn tám tiếng đồng hồ sau, Lara đã bước vào văn phòng của Roger Burham và trao cho ông tấm ngân phiếu ba triệu đôla. - Đây là tiền ứng trước, - Lara nói. Tôi sẽ trả đủ số tiền ông yêu cầu. Nhân tiện, xin ông cứ giữ lấy tờ 100 đôla hôm qua. * * * * * Trong sáu tháng tiếp theo, Howard làm việc với các nhà băng về chuyện vay tiền trong khi Lara làm việc với các kiến trúc sư về thiết kế của toà nhà. Mọi việc diễn ra êm thấm. Các kiến trúc sư, các hãng thi công, và những người làm công việc tiếp thị đều thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã định. Tháng tư, người ta bắt đầu phá toà nhà cũ để xây cái mới. Sáng nào cũng vậy, đúng sáu giờ Lara đã có mặt ở công trường, chỉ để xem xét công việc mà thôi. Nàng hơi buồn vì đây là công việc của những người thi công, nàng không có việc gì để làm. Nàng vốn quen lúc nào cũng phải bận rộn. Nàng mong có độ nửa tá đề án cùng tiến hành một lúc. - Tại sao chúng ta không thăm dò xem có nơi nào không? - nàng hỏi Howard. - Bởi cô đã dồn hết vốn liếng vào toà nhà này rồi. Nếu như cô để đầu óc vào công việc khác thì nơi này sẽ lao đao. Bao nhiêu tiền dốc cả vào đây, lỡ xảy ra trục trặc gì là… - Sẽ không có trục trặc nào hết, - nàng nhìn Howard. - Anh đang băn khoăn chuyện gì phải không? - Thoả thuận của chúng ta với các công ty tiết kiệm và tín dụng… - Sao? Chúng ta có đủ tiền rồi chứ? - Tôi băn khoăn về cái điều khoản thời hạn. Nếu như công trình của chúng ta không hoàn thành tất được vào ngày 15 tháng Ba sang năm thì họ sẽ đòi tiền lại và cô sẽ mất hết. Lara nhớ lại trường hợp đã gặp phải hồi xây toà nhà đầu tiên ở Glace Bay, may mà lúc đó có những người bạn quý đã cứu nguy cho nàng. Nhưng trường hợp này khác hẳn. - Anh đừng lo, - nàng nói với Howard. - Công trình sẽ hoàn tất đúng thời hạn. Anh đã đủ yên tâm để dò tìm một nơi nào khác chưa? Lara đang bàn với những người làm công việc tiếp thị. - Các quầy bán hàng dưới tầng một đều đã có những người ký hợp đồng thuê cả rồi, - người phụ trách tiếp thị nói với Lara. - Quá nửa số căn trên các tầng cũng đã có khách ký. Chúng tôi nghĩ rằng trước khi toà nhà xây xong, chúng tôi sẽ bán được ba phần tư số căn hộ khép kín đó. Và chỉ ít lâu sau đó là chúng tôi bán hết. - Tôi muốn phải bán xong hết trước khi toà nhà hoàn tất - Lara nói. - Các ông tiến hành quảng cáo mạnh vào. - Vâng. Howard Keller bước vào văn phòng. - Tôi cần đưa cái này cho cô, Lara. Cô nói đúng. Công trường sẽ bảo đảm tiến độ. - Nó sẽ chính xác như máy đếm tiền. Ngày 15 tháng Giêng, sáu mươi ngày trước thời hạn hoàn thành, phần xây dựng đã xong, bắt đầu vào phần đặt ống nước và dây dẫn điện. Lara đứng xem các thợ làm trên các dàn giáo. Một người thợ ngừng công việc, lấy bao thuốc lá trong túi ra và lỡ tuột tay, làm rơi quả dọi xuống. Lara hoảng hốt thấy quả dọi đang rơi xuống đúng đỉnh đầu nàng. Nàng vội né tránh, tim đập thình thình. Người thợ đứng trên cao nhìn xuống, vẫy tay "Xin lỗi?" Mặt hầm hầm, Lara bước vào thang máy xây dựng, lên chỗ người thợ kia. Quên cả là dàn giáo rất cao và chỉ trượt chân một cái là rơi xuống tan xác, nàng xăm xăm đi về phía anh ta. - Anh vừa làm rơi quả dọi phải không? - Vâng, tôi xin lỗi. Nàng giáng một cái tát thật mạnh vào giữa mặt anh ta. - Anh đã bị đuổi! Cút ngay khỏi đây! - Nhưng, - anh ta nói. - Đấy chỉ là vô tình, là không may. Tôi… - Cút khỏi công trường ngay. Người thợ nhìn nàng một lát rồi chậm chạp bước vào thang máy xuống đất. Lara hít một hơi thở mạnh để trấn tĩnh. Những người thợ khác đều nhìn nàng. - Tiếp tục làm việc đi! - Nàng nói. * * * * * Lara đang ngồi ăn trưa với Sam Gosden, luật sư ở New York, quản lý các hợp đồng của nàng. - Tôi nghe nói công việc đều tiến hành trôi chảy, - Gosden nói. Lara mỉm cười: - Rất tốt chứ không phải chỉ " trôi chảy". Chỉ vài tuần nữa là hoàn tất công việc. - Tôi đã có thể tiến hành thủ tục để bàn giao được chứ? - Được, nhưng phải hết sức thận trọng để khỏi xảy ra chuyện rắc rối cho bản thân ông đấy. Gorden bật cười: - Tôi cam đoan là bà không thể gây được chuyện rắc rối gì cho tôi anh nói vậy? - Kinh doanh bất động sản ở mức độ như của bà hiện nay là thứ dành cho nam giới. Phụ nữ nhẩy vào lĩnh vực này rất ít và đều chỉ là thứ làm cò con, không hơn gì mấy cô gái bán hàng ở các hợp tác xã mua bán. - Vậy là ông không tán thành tôi hoạt động trong lĩnh vực này? Gosden mỉm cười: - Thú thật là đúng như thế. Lara đứng phắt dậy: - Ông Gosden! - Có tôi! - Không người nào làm thuê cho tôi lại dám coi thường tôi. Tôi không dùng ông nữa. Ông đã bị sa thải! Gosden há hốc miệng trong lúc Lara bước nhanh ra ngoài nhà hàng. Sáng thứ hai sau đó, trong lúc Lara lái xe đến công trường, nàng cảm thấy có chuyện gì đó không ổn. Và đột nhiên nàng hiểu ra đó là chuyện gì. Công trường im phăng phắc. Không có tiếng búa máy, không có cả bất kỳ tiếng máy móc nào khác. Đứng trước công trường, nàng như không tin vào mắt mình nữa. Các thợ đang thu dọn đồ lề lục đục ra về. Viên đốc công đóng gói đồ đạc. Lara vội vã chạy đến chỗ ông ta. - Có chuyện gì vậy? - Lara hỏi. - Chưa đến bảy giờ. - Tôi cho anh em nghỉ. - Ông nói gì lạ vậy? - Có đơn kiện bà, thưa bà Cameron. - Kiện tôi thế nào? - Là bà tát một người thợ. - Cái gì? - Nàng đã quên chuyện hôm qua. - À, phải rồi. Có chuyện đó, nhưng anh ta đáng bị như thế. - Thành phố có cho bà được phép đánh thợ không? - Khoan đã, - Lara nói. - Không phải như ông nghĩ. Anh ta làm rơi quả dọi xuống đúng đầu tôi. Tôi mà không kịp tránh thì đã chết rồi. Tôi công nhận là lúc đó tôi quá nóng. Nhưng tôi không thể nhận anh ta trở lại làm việc được. - Hắn không trở lại đây đâu, - người đốc công nói. - Và tất cả chúng tôi đều không làm nữa. Lara nhìn thẳng vào mắt ông ta. - Ông nói giỡn đấy chứ? - Nghiệp đoàn chúng tôi ra quyết định, đây không phải chuyện giỡn. - Viên đốc công nói. - Nghiệp đoàn ra lệnh cho chúng tôi bỏ việc và chúng tôi phải chấp hành. - Các ông đã ký hợp đồng với tôi. - Chúng tôi hủy hợp đổng, - viên đốc công nói. - Nếu bà khiếu nại, bà hãy đến gặp ban lãnh đạo nghiệp đoàn. Ông ta bước đi. - Khoan đã. Tôi nhận lỗi. Tôi đã nói với ông rồi. - Tôi… sẵn sàng xin lỗi người thợ hôm qua và bằng lòng nhận anh ta vào làm tiếp. - Bà Cameron, tôi thấy bà chưa rõ tình hình. Thằng cha đó không trở lại làm đâu. Tất cả chúng tôi đều đã nhận lời làm cho công trình khác. Thằng cha hôm qua bà tát cũng cùng chúng tôi đến đó làm. Đây là thành phố làm ăn, bà hiểu chưa? Chúng tôi rất bận và không có thời giờ để chủ tát tai như vậy. Lara đứng lặng đi như trời trồng, nhìn viên đốc công đi ra. Đúng là cả một cơn ác mộng khủng khiếp. Nàng vội vã quay về văn phòng, thuật lại tình hình cho Howard Keller. Nàng chưa kịp nói, anh đã ngắt lời: - Tôi đã biết rồi, và tôi đã nói chuyện điện thoại với nghiệp đoàn. - Họ nói sao? - Lara sốt ruột hỏi. Tháng sau họ mới chịu tiếp chúng ta để thương lượng vụ này. Lara sa sầm mặt xuống. - Tháng sau? Chúng ta chỉ còn hai tháng nữa đã phải hoàn tất công trình. - Tôi cũng bảo họ như vậy. - Họ nói sao? - Họ nói không cần biết. Lara ngã phịch xuống đi văng. - Lạy Chúa tôi! Vậy tôi phải làm gì bây giờ? - Tôi chưa biết. - Hay chúng ta đến nói với nhà băng nàng nhìn ngay thấy vẻ phản đối trong ánh mắt Howard. Đột nhiên nàng nghĩ ra. - Tôi hiểu rồi. Tôi nghĩ ra cách rồi. Chúng ta thuê một hãng xây dựng khác làm nốt phần công việc còn lại. - Lara! Đây là nghị quyết của nghiệp đoàn xây dựng cho nên sẽ không người thợ nào dám trái lệnh đến làm cho chúng ta đâu. - Nhưng thằng cha kia suýt nữa giết chết tôi. - Đúng là như thế. Và nếu không như thế lại không xảy ra chuyện rắc rối này. - Howard âu sầu nói. Lara vùng đứng dậy, đi đi lại lại: - Tôi sẽ nhờ Sam Gorden lo liệu… - nhưng nàng chợt nhớ ra. - Ôi, tôi đã thải hồi ông ta rồi. - Tại sao thế? - Chuyện không quan trọng. Howard nói to lên ý nghĩ của anh. - Hay là chúng ta tìm một luật sư chuyên về nghiệp đoàn, loại có uy thế… - Đấy là một ý rất hay. Người nào có thể nhanh chóng thu xếp cho chúng ta vụ này. Anh biết có luật sư nào như thế không? - Không. Nhưng Sam Gosden có nhắc đến một người nào đó trong lúc trò chuyện với tôi. Tên ông ta là Martin. Phải rồi Paul Martin. - Ông ta là người thế nào? - Lara vội hỏi. - Tôi chưa biết, nhưng lúc nào tôi và Gorden nói chuyện về nghiệp đoàn, anh ta có nhắc đến cái người có tên là Paul Martin đó. - Anh biết ông ta làm ở hãng nào không? - Không. Lara gọi thư ký. - Kathy! Cô tìm địa chỉ một luật sư ở New York này tên là Paul Martin. Howard nói: - Cô cần biết số điện thoại của ông ta để gọi và hẹn giờ gặp phải không, Lara? - Tình hình cấp bách rồi. Tôi không thể ngồi để chờ đến lúc gặp ông ta. Tôi sẽ tìm đến chỗ ông ta ngay hôm nay. Nếu ông ta giúp được chúng ta thì tốt. Bằng không, chúng ta phải đi tìm một luật sư khác. Nhưng thâm tâm nàng nghĩ. Chẳng thể có khả năng nào khác được. Chương 12 Văn phòng luật sư Paul Martin nằm trên tầng hai mươi nhăm của một toà cao ốc trên phố Wall Street. Tấm biển bọc kính đã mờ ngoài cửa đề: "Paul MARTIN - luật sư". Lara hít một hơi thật sâu rồi bước vào. Phòng tiếp khách, nàng không ngờ nhỏ đến thế. Chỉ có một chiếc bàn và một cô thư ký tóc vàng xỉn ngồi đằng sau. - Chào bà. Tôi có thể giúp gì được bà? - Tôi muốn gặp ông Martin, - Lara nói. - Ông chủ tôi có đợi bà không? - Có. Tôi đang rất vội, không có thời giờ nói với cô dài dòng. - Tên bà? - Cameron. Lara Cameron. Cô thư ký băn khoăn nhìn nàng. - Bà vui lòng chờ cho một lát. Tôi vào hỏi xem ông Martin có tiếp bà được không. Cô thư ký đứng lên, đi vào phòng giấy bên trong. Ông ta sẽ tiếp mình, Lara thầm nghĩ. Lát sau, cô thư ký bước ra. - Luật sư Martin nhận tiếp bà, thưa bà Cameron. Lara cố nén một tiếng thở phào nhẹ nhõm. - Cảm ơn cô. Nàng đi vào phòng giấy của Martin. Đấy là một phòng nhỏ, đồ đạc sơ sài. Một bàn làm việc, hai đi văng, một bàn nước vài ghế nệm. Không ra vẻ một người có thế lực, - Lara thầm nghĩ. Người đàn ông ngồi sau bàn giấy khoảng ngoài sáu mươi tuổi. Ông ta có gương mặt mang những vết hằn sâu, mũi khoằm và một chòm tóc bạc trắng. Ông ta có một nét gì đó khiến trông giống như một con thú. Ông mặc áo vét kiểu cổ, cài chéo trước ngực, mầu ghi, sơ mi trắng và cổ hẹp. Lúc nói, giọng ông ta trầm, hơi đục và như thể ra lệnh. - Cô thư ký của tôi c tôi có hẹn với bà? - Xin ông tha lỗi. - Lara nói - Tôi cần gặp ông, rất cần, vì có chuyện cấp bách. - Xin mời ngồi, quý cô… - Cameron, Lara Cameron, - Nàng ngồi xuống một chiếc ghế tựa. - Tôi có thể làm gì giúp quý cô được? Lara lại hít mạnh một hơi. - Tôi đang gặp một khó khăn nhỏ… Về một công trình đang xây dựng. - Quý cô nói cho rõ hơn. - Tôi là nhà kinh doanh bất động sản, thưa luật sư. Công trình của tôi đang xây dở dang trong quận Đông, và tôi vấp phải một rắc rối với nghiệp đoàn. Paul Martin lắng nghe, không nói gì. Lara sôi nổi nói tiếp: - Tôi trót nổi nóng và lỡ tay tát một công nhân, thế là nghiệp đoàn quyết định cho họ ngừng việc. - Cô Cameron… nhưng chuyện ấy liên quan gì đến tôi cơ chứ? - Tối có nghe một người nói là ông có thể giúp được tôi. - Tôi e người ta lầm đấy. Tôi là luật sư doanh nghiệp. Tôi không liên quan gì đến lĩnh vực xây dựng và tôi cũng không có quan hệ gì vôi nghiệp đoàn. Lara như rơi xuống vực thẳm. - Vậy mà tôi đã tưởng… luật sư có thể giúp được tôi chút gì đó. Martin đặt cả hai bàn tay lên bàn, như định đứng lên. - Tôi có thể khuyên cô vài câu. Cô nên đến gặp một luật sư chuyên về các vấn đề lao động. Ông ta sẽ bố trí để cô gặp nghiệp đoàn và… - Tôi đang rất vội. Thời hạn hoàn tất công trình đã sát nút rồi. Tôi… À nhưng lời khuyên thứ hai, xin luật sư cho biết? - Là cô nên bỏ công việc kinh doanh bất động sản, công việc xây dựng, - cặp mắt ông ta chiếu thẳng vào bộ ngực nàng. - Cô không có đủ điều kiện để làm loại công việc ấy. - Ông nói sao? - Lĩnh vực xây dựng không phải của nữ giới. - Vậy lĩnh vực nào là của nữ giới? Vị trí chúng tôi là phải ở đâu? - Lara giận dữ hỏi. - Ở dưới bếp và mang bầu chứ gì? - Đại loại như vậy. Cô nói đúng. Lara đứng phắt dậy. Đấy là nàng đã cố ghìm nén hết sức rồi đấy. - Chắc ông mới từ thời hồng hoang nhẩy đến đây ông không nghe tin tức gì về thời đại ngày nay ư? Ngày nay phụ nữ đã được giải phóng rồi. Paul Martin lắc đầu: - Không đâu. Họ chỉ to miệng hơn mà thôi. - Vậy thì chào ông, ông Martin. Tôi xin lỗi là đã làm mất thời giờ quý báu của ông. Lara quay gót, bước ra, đóng sập cửa lại. Nàng bước nhanh trên hành lang, hít thật mạnh để trấn tĩnh lại. Đúng là sai lầm, nàng thầm nghĩ. Vậy là nàng đã mất hết. Bao nhiêu công phu phấn đấu, lao động, xây dựng, chỉ trong một khoảnh khắc nàng đã làm mất hết. Bây giờ thì không còn ai để cầu cứu. Không còn nơi nào để đi tới nữa. Thế là xong. Lara bước chân trên những đường phố lạnh lẽo, dưới trời mưa. Nàng hoàn toàn không cảm thấy chút nào về luồng gió lạnh buốt bao quanh. Đầu óc nàng chỉ còn thấy tai hoạ khủng khiếp vừa rơi xuống nàng. Lời nhắc của Howard Keller văng vẳng bên tai. Cô xây nhà này nhà nọ và cô bị phụ thuộc vào chúng. Thứ ấy giống như một kim tự tháp lộn ngược và lúc nào cũng có nguy cơ sụp đổ. Và bây giờ thì nó đã sụp đổ. Các nhà băng Chicago sẽ tịch biên toàn bộ tài sản của nàng ở đó và nàng sẽ mất trắng toàn bộ những gì nàng đầu tư vào toà nhà đang xây dở dang kia. Lẽ ra nàng phải hiểu ngay từ đầu. Tội nghiệp Howard, nàng nghĩ. Anh ấy đã tin vào những của mình và bây giờ mình kéo anh ấy cùng ngã theo xuống vực thẳm với mình. Mưa đã tạnh và bầu trời bắt đầu hẩng lên. Vầng mặt trời mờ mờ hiện ra sau làn mây trắng đục. Lara chợt nhận ra là trời đã sáng. Vậy là nàng đã đi lang thang suốt cả một đêm. Nàng nhìn xung quanh và nhận ra nàng đang ở đâu. Chỉ qua vài ngã tư nữa là đến cái khoảng đất chết tiệt kia. Ta ngó lại lần cuối cùng một cái, nàng chua xót thầm nghĩ. Còn cách một ngã tư nữa mới đến, nàng đã nghe thấy tiếng ầm ầm: tiếng búa máy; tiếng máy khoan và tiếng máy trộn bê tông. Nàng đứng lại, lắng nghe, rồi co chân chạy vội đến. Khi tới nơi, nàng đứng sững lại vì kinh ngạc, không còn tin vào mắt mình nữa. Tất cả thợ thuyền đều đã ở đó và đang làm việc sôi động. Viên đốc công bước đến cười với nàng: - Chào bà Cameron. Mãi sau, Lara mới thốt lên được. - Sao lại thế này? Có chuyện gì đã xảy ra vậy? - Tôi… Tôi tưởng ông cho anh em nghỉ cả rồi chứ? Bác đốc công lành hiền nói: - Hôm qua chỉ là chuyện hiểu lầm thôi, thưa bà Cameron. Đúng là thằng cha Bruno suýt nữa làm bà thiệt mạng thật, lúc hắn làm rơi quả dọi xuống. Lara nghẹn cổ họng. - Nhưng anh ta. - Bà yên tâm. Hắn không còn làm ở đây nữa. Từ nay sẽ không xảy ra sơ suất nào tương tự như thế nữa. Bà không phải lo lắng chuyện gì nữa. Chúng tôi lại tiếp tục thực hiện đúng tiến độ quy định. Lara cảm thấy như nàng đang ngủ mơ. Nàng đứng đó ngắm những người thợ đang làm việc sôi động bên cạnh những khung sắt và nàng thầm nghĩ. Vậy là thoát rồi. Lại hoàn toàn như trước. Paul Martin? Vừa về đến văn phòng Lara gọi điện ngay cho ông ta. Cô thư ký trả lời: - Rất tiếc, thưa bà, ông Martin bận không trả lời bà được. - Vậy cô vui lòng nhắn giúp là xin ông luật sư gọi điện cho tôi được không? - Lara nói số điện thoại của nàng cho cô ta ghi lại. Ba giờ chiều hôm đó vẫn chưa thấy Martin gọi tới. Nàng bèn gọi đến văn phòng ông ta. - Rất tiếc, thưa bà. Ông Martin bận rồi. Paul Martin không gọi lại cho nàng nữa. Năm giờ chiều, nàng đến văn phòng ông ta. Lara nói với cô thư ký tóc vàng. - Cô làm ơn nói giúp với ông luật sư là tôi đã đến đây và mong được gặp ông. Cô ta nhìn nàng, vẻ ngần ngại. - Vâng, tôi sẽ… Xin bà đợi cho một chút, thưa bà Cameron… - cô ta vào trong và liền sau đó quay ra, nói. - Xin mời bà vào. Thấy Lara vào, Paul Martin ngẩng đầu lên. - Chào cô Lara Cameron. Có chuyện gì đấy? - Giọng ông ta lạnh nhạt, không ra thân thiện cũng không căm ghét. - Tôi có thể làm gì giúp cô được? - Tôi đến để cảm ơn ông. - Cảm ơn về chuyện gì? - Chuyện… Ông đã giải toả giúp tôi sự va vấp với nghiệp đoàn. Martin cau mày: - Tôi không hiểu cô nói gì? - Các công nhân sáng nay đã lại đi làm và mọi sự đúng là tuyệt vời. Công trình lại đi đúng tiến độ. - Xin mừng cô. - Xin ông gửi tôi tờ thanh toán thù lao cho ông. - Cô Cameron. Tôi nghĩ là cô đã lầm. Khó khăn của cô được giải quyết, tôi xin mừng cho cô. Nhưng tôi không hề làm gì hết. Lara nhìn ông ta một lúc lâu. - Thôi được. Tôi sẽ… Tôi xin lỗi đã làm mất thời gian của ông. - Không có gì, - Martin nhìn theo cho tới lúc Lara ra khuất. Lát sau cô thư ký bước vào. - Bà lại một gói gì đó cho ông, thưa ông Martin. Đấy là một hộp nhỏ, bên ngoài buộc bằng ruy băng màu tươi. Tò mò Martin mở ra. Bên trong là pho tượng một chàng hiệp sĩ thời cổ bằng bạc, đầy đủ áo giáp sắt và vũ khí đang chuẩn bị chiến đấu. Một sự xin lỗi. Cô ta đã bảo ta là gì nhỉ: người thời hồng hoang. Martin như nghe thấy văng vẳng bên tai của ông nội ông ngày xưa. Đã đến thời nguy hiểm, cháu Paul ạ! Đám trẻ quyết định tranh quyền kiểm soát mafia, tông cổ đi những người cổ lỗ, những người của thời hồng hoang. Thật đáng sợ, nhưng bọn chúng đã lầm rồi đấy. Ông nội Martin nói câu đó từ lâu lắm rồi, ở tận xứ Sicile xa xăm. Chương 13 Dòng họ Martini là dân ngụ cư, không phải gốc gác ở cái làng nhỏ Gibellina trên đảo Sicile này. Thiên nhiên ở đây hoang vu, đất đai cằn cỗi, lúc nào cũng phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Đúng là bức tranh của một hoạ sĩ bệnh hoạn vẽ lên. Giữa những đồn điền lớn của các nhà giàu, gia đình dòng họ Martin tậu một khoảnh đất nhỏ và cố gắng tự cày cấy lấy. Một hôm, viên quản lý đồn điền đến gặp bác Giuseppe Martini: - Nông trại của bác quá nhỏ, lại toàn sỏi, - y nói. - Chỉ trồng ôlivơ với nho làm sao đủ sống? - Ông khỏi lo cho chúng tôi, Giuseppe Martini đáp - Gia đình tôi từ xa xưa vẫn là nông dân. Nhưng chúng tôi thấy mà ái ngại, - viên quản lý đồn điền nói. - Ngài Vito chủ tôi bảo bác nên nhận ít đất của chủ tôi mà thuê. - Tôi biết ngài Vito và đất đai của ngài, - Giuseppe Martini nhăn mặt nói. - Nếu tôi nhận đất của ngài để thuê thì ngài sẽ chiếm lấy ba phần tư hoa lợi và đòi một trăm phần trăm tiền giống má. Tôi thừa biết thuê đất của ngài là thế nào rồi. Xin cám ơn. - Bác lầm rồi. Đất này là đất dữ. Bác cưỡng lệnh các ông chủ là nguy hiểm lắm đấy. - Ông doạ tôi đấy hẳn? - Là tôi nhắc bác thôi. - Cút ngay khỏi nhà tao! - Giuseppe Martini quát. Viên quản lý nhìn bác nông dân một lúc rồi buồn bã lắc đầu. - Bác ương ngạnh quá đấy, bác Giuseppe. Con trai nhỏ của Giuseppe hỏi: - Ai thế, cha? - Hắn là quản lý cho một trong những đồn điền lớn nhất ở vùng này. - Con ghét lão ta lắm, - cậu bé Ivo nói. - Cha cũng chẳng ưa gì hắn, - Giuseppe nói. Đêm hôm sau, kho chứa hoa lợi của bác Giuseppe bị cháy và mất con bò, ngựa của bác cũng biến mất. Và Giuseppe lại phạm thêm một sai lầm nữa. Bác đến gặp trương tuần của xã. - Tôi xin được che chở, - bác nói. Viên trương tuần nhìn bác nông dân vẻ khó chịu. - Thì bổn phận chúng tôi là che chở dân. Vậy có chuyện gì đấy? Đêm qua ngài Vito đã sai người đốt kho hoa màu và dắt đi bò ngựa của tôi. - Chà, đấy là tội to lắm. Bác có chứng cứ gì không? - Quản lý của ngài Vito đến gặp tôi và đe tôi. - Nhưng ông quản lý có đe đã đốt nhà kho và dắt bò ngựa của bác đi không? - Tất nhiên là ông ta không nói rõ ra như thế, - Giuseppe Martim đáp. - Vậy ông quản lý nói với bác thế nào? - Ông ta khuyên tôi thuê đất của ngài Vito mà làm. - Và bác đã từ chối? - Tất nhiên. - Này, bác nghe tôi bảo. Ngài Vito là ông lớn. Vậy bác muốn tôi bắt giam ngài chỉ vì quản lý của ngài gợi ý bác thuê đất của ngài sao? - Tôi chỉ xin ông che chở cho tôi, - Giuseppe Martini nói. - Tôi sẽ không để ai cướp mất mảnh đất của mình đâu. - Thôi được. Tôi sẽ giúp bác. - Xin cảm ơn ông trương tuần. - Vậy cứ thế nhé. Chiều hôm sau cậu bé Ivo ra ngoài tỉnh về, thấy năm sáu người đang phi ngựa về phía nhà cha cậu. Chúng xuống ngựa, bước vào nhà. Vài phút sau Ivo thấy chúng lôi cha cậu ra ngoài đồng. Một đứa rút súng. - Tao cho mày chạy. Nào, chạy đi. - Không! Đây là đất của tôi! Tôi… Ivo hốt hoảng nhìn thấy tên cưỡi ngựa nổ một phát súng xuống đất ngay bên cạnh chân cha cậu. - Chạy! - hắn quát. Giuseppe Martini co chân chạy. Những tên côn đồ nhảy lên lưng ngựa, vây quanh cha Ivo, miệng hò hét. Ivo nấp chỗ kín, kinh hoàng nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt cậu. Đám côn đồ cưỡi ngựa nhìn bác nông dân Giuseppe lao chạy trên cánh đồng, tìm cách thoát thân. Cứ mỗi lần bác định leo lên đường, một tên lại phi ngựa đến đánh bật bác xuống. Cho đến lúc Giuseppe máu me đầy người và thở hồng hộc, không đủ sức chạy nữa, từ từ khuỵu xuống, ngã vật ra đất. Đám côn đồ coi đó như một thứ thể thao, chúng lấy roi quật lên bác nông dân rồi lôi bác đến một cái giêng. - Tại sao? - Bác rên rỉ. - Tôi đã làm gì nào? Mày đến gặp trương tuần. Lẽ ra mày không được làm thế. Chúng lột quần Giuseppe, rồi trong khi mấy đưa kia giữ chặt bác, một tên rút dao ra. - Để mày nhớ đời! Giuseppe gào lên: - Đừng. Tôi biết tội rồi. Các ông tha cho tôi. Một tên bật cười: - Mày nói câu ấy với vợ mày. Hắn cúi xuống, túm lấy cái đàn ông của bác nông dân dùng dao xẻo đứt. Tiếng kêu của Giuseppe vang động cả cánh đồng. - Mày không cần đến cái này nữa, - tên chỉ huy cười cợt, nói như "trấn an" bác. Hắn cầm cái vật đó ném luôn vào miệng Giuseppe. Bắc nông dân cố cưỡng nhưng không được và khi hắn buông tay bác nhổ ra. Tên chỉ huy nhìn một tên trong bọn: - Lão ta không thích cái mùi ấy. Một tên nhảy trên lưng ngựa xuống, nhặt mấy hòn đá, kéo quần bác nông dân lên rồi nhét đầy mấy túi quần của bác. - Đi! Bọn chúng lôi Giuseppe đến bờ giếng rồi đẩy bác xuống. - Lão ta sẽ uống thứ nước giếng như nước đái ấy. - Bọn nhà quê uống nước nào mà chẳng thế. Đợi không cho còn tiếng bọt sủi dưới giếng nữa, chúng mới nhảy lên lưng ngựa phóng đi. Ivo Martini nấp sau bụi cây kinh hoàng xem khung cảnh ghê sợ ấy. Cậu bé lên mười đợi cho đám côn đồ đi khuất vội vã chạy đến bờ giếng. Cậu ngó xuống, gọi: - Cha ơi… Nhưng giếng sâu thẳm và cậu không nghe thấy gì hết. Khi bọn côn đồ đã thanh toán xong bác nông dân Giuseppe Martini, chúng quay về nhà bác tìm vợ bác, Maria. Lúc chúng kéo đến, bác gái đang ở dưới bếp. - Chồng tôi đâu? - bác hỏi. Một tên nhe răng cười: - Chồng mụ đang uống nước. Hai tên bước đến kẹp hai bên Maria. Một tên nói: - Cô đẹp lắm, làm vợ thằng Giuseppe xấu xí ấy thật phí của. - Cút đi! Maria quát. - Khách đến nhà mà cô ăn nói thế hả? - một tên bước đến, xé quần áo Maria ra. - Cô sắp phải mặc đồ tang, cho nên thứ này không cần dùng đến nữa. - Đồ súc vật! Lúc đó trên bếp lò đang có thùng nước sôi. Maria bên chạy đến, nhấc lên và hất vào mặt một tên. Hắn rú lên vì b - Con đĩ - Hắn rút súng bắn Maria. Bác chết ngay từ lúc chưa kịp ngã vật xuống. Tên chỉ huy thét: - Thằng ngu! Mày không đ... nó rồi hãy bắn. Thôi! Nửa giờ sau chúng về đến biệt thự của ngài Vito. - Chúng con đã thanh toán xong hai vợ chồng thằng Giuseppe, thưa ông chủ, - tên chỉ huy tâu trình. - Còn thằng con trai chúng? Tên nọ ngạc nhiên nhìn chủ: - Ngài không nói gì đến chuyện chúng có con trai. - Quân khốn kiếp - Tao đã bảo là phải giết hết cả nhà nó kia mà. - Nhưng thằng đó còn nho lắm, thưa ngài Vito. Nhỏ bây giờ rồi sau sẽ lớn và nó sẽ trả thù, chúng bay hiểu chưa? Tìm ngay nó và giết đi! - Vâng, Thưa Ngài. Hai tên côn đồ quay lại nhà Giuseppe Martini. Ivo đang trong cơn choáng váng. Cậu nhìn thấy cả hai cha mẹ bị giết. Cậu còn lại trên thế gian này một mình, không có nơỉ nào để đi, không có ai để nhờ cậy. Mà khoan đã! Có một người, đó là chú Muncio Martini, em của cha cậu, sống ở Palermo. Ivo hiểu rằng cậu phải trốn cho mau, kẻo đám gia nhân của Vito sẽ quay lại giết nốt cậu. Cậu còn lấy làm lạ sao chúng không quay lại ngay để làm chuyện đó. Cậu lấy vài thứ ăn nhét vào cái xắc nhỏ, vắt lên vai và vội vã chạy ra khỏi nhà. Ivo chạy ra đến con đường nhỏ bẩn thỉu thì bắt đầu đi bình thường. Con đường này dẫn cậu ra khỏi làng. Khi nghe tiếng cỗ xe chạy gần đến nơi, cậu vội nấp vào rặng cây rậm rạp. Đi được chừng một tiếng đồng hồ thì cậu thấy một tốp bốn người cưỡi phi ngựa dọc theo con đường để tìm cậu. Ivo vội nấp vào một chỗ thật kín. Bọn chúng đi khuất cậu lại tiếp. Đêm đến, cậu chui vào một vườn ăn quả, ngủ. Ivo đi như thế ba ngày liền. Khi đã không còn lo đám gia nhân của lăo Vito đuổi theo nữa, cậu ghé vào một làng nhỏ, có chợ. Một tiếng đồng hồ sau cậu đã ngồi đằng sau một cỗ xe chở nông phẩm ra thành phố Palermo. * * * * * Ivo đến nhà người chú vào nửa đêm. Muncio Martini sống trong một ngôi nhà to, khang trang ở rìa thành phố. Nhà có một sân trời rộng, sân vườn. Ivo gõ cửa ngoài. Im lặng một lúc rồi có tiếng người hỏi, giọng ngái ngủ. - Ai đấy? - Cháu là Ivo đây, thưa chú Muncio. Lát sau chú Muncio mở cửa. Chú to lớn, tuổi trung niên, có cái mũi Hy Lạp rất đẹp và mái tóc trắng mềm mại. Chú mặc quần áo ngủ. - Ôi, Ivo! Cháu đi đâu mà giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Cha mẹ đâu? - Cha mẹ cháu chết rồi, - Ivo oà khóc. - Chết? Cháu vào nhà đi. Vào đi. Ivo lảo đảo bước vào nhà. - Tin khủng khiếp? Tai nạn gì? Ivo lắc đầu: - Lão Vito sai người đến giết cha mẹ cháu. - Giết? Nhưng tại sao? - Cha cháu không chịu thuê đất của lão. - Nhưng tại sao Vito lại giết cả mẹ cháu. Mẹ cháu có làm gì đâu? Chắc là cha cháu có chuyện gì đó đụng đến nó rồi. - Chuyện gì được? Cháu chưa hiểu, - Ivo ngơ ngác. - Vito là tên đại địa chủ, rất có thế lực trong vùng và hắn đòi mọi người phải kính nể hắn. Rất có thể cha cháu làm điều gì đó coi thường hắn, thậm chí cha cháu thách thức hắn. - Không, cha cháu không làm gì hết. - Thôi được, chuyện ấy để sau. Bây giờ cháu phải ngủ một giấc đã, Ivo. Sáng hôm sau, lúc ăn điểm tâm, hai chú cháu lại trò chuyện. - Bây giờ cháu ở đây với chú và làm việc giúp chú, được không nào? - Muncio goá vợ và không có con. - Vâng cháu chỉ mong có thế. - Chú đang thèm có đứa con trai nhanh nhẹn như cháu. Và cháu cũng khỏe mạnh nữa chứ, đúng không, Ivo? - Vâng, cháu rất khoẻ. - Tốt lắm. - Chú làm nghề gì đáy, chú Muncio? - Ivo hỏi. Chú Muncio cười: - Chú che chở mọi người. Tổ chức Mafia, thoạt đầu lấy tên là Bàn Tay Đen, lan khắp đảo Sicile và nhiều địa phương khác của Italia, những nơi dân chúng nghèo đói, nhằm che chở người nghèo chống lại tầng lớp giàu có và tàn bạo. Tổ chức Mafia sửa lại những bất công, trừng phạt những tội ác và cuối cùng lực lượng mạnh đến nỗi chính quyền cũng phai sợ và nông dân cũng như thương nhân đều phải nộp thuế cho Mafia. Lưu truyền rằng tổ chức Mafia thoạt đầu xuất hiện sau vụ một cô gái trẻ bị hiếp dâm rồi bị giết chết. Mẹ cô gái đau đớn quá phát điên, chạy giữa cánh đồng, miệng thét vang gọi con: Mafia! Mafia! Có nghĩa là "Con gái của tôi! Con gái của tôi!" Muncio đứng đầu tổ chức Mafia ở Palermo. Ông lo thu thuế đóng góp của dân chúng và trừng phạt những ai cưỡng chống lại: Hình thức trừng phạt, nhẹ thì bẻ gãy tay hoặc chân, nặng thì phải chết một cách đau đớn. Ivo bắt đầu giúp việc cho chú. Trong mười lăm năm đó, thành phố Palermo trở thành trường học cho Ivo và chú Muncio là ông thầy. Ivo thoạt đầu làm chân liên lạc và cuối cùng là phó, là người trợ thủ thân tín của chú Muncio. Năm Ivo hai mươi lăm tuổi, anh cưới Carmela, một cô gái Sicile có bộ ngực đồ sộ và kém anh một tuổi. Hai vợ chồng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Garlo. Ivo dọn sang ở nhà riêng. Khi chú Muncio mất, Ivo thay thế vị trí của ông và trở thành giàu có. Nhưng anh vẫn còn món nợ chưa đòi. Một hôm anh bảo Carmela: - Em gói đồ đạc đi, chúng ta sẽ dọn sang sống bên Hoa Kỳ. Vợ Ivo sửng sốt nhìn chồng: - Tại sao lại sang Hoa Kỳ? Ivo không quen bị ai hỏi lại bao giờ. - Anh bảo thì cứ làm theo đi. Bây giờ anh có việc phải đi, hai hoặc ba ngày anh sẽ về. Ivo đóng gói sẵn, chờ anh về là ta đi ngay. * * * * * Ba chiếc xe hơi đen đậu trước cửa phòng cảnh sát Gibellina. Viên trương tuần hiện nay đã là đại uý cảnh sát và nặng hơn trước tới ba chục bảng, đang ngồi sau bàn giấy thì cửa mở và sáu người bước vào. Họ đều ăn mặc diện và có vẻ giàu có. - Chào các ông. Tôi có thể giúp gì được các ông? - Chúng tôi đến chính là để giúp ông, - Ivo nói. - Ông nhớ tôi không? Tôi là con trai của Giuseppe Martini. Viên đại uý cảnh sát trợn mắt: - Chính cậu à? - Y nói. - Cậu về đây làm gì? Nguy hiểm cho cậu lắm đấy. - Tôi về đây là vì hàm răng của ông. - Hàm răng của tôi? - Đúng thế! Hai người của Ivo lập tức áp sát vào viên đại uý và dí súng vào hai mạng sườn y. - Ông cần chữa răng. Há miệng ra. Ivo thọc nòng súng vào miệng viên đại uý cảnh sát bóp cò. Anh quay lại các bạn. - Đi thôi. Mười lăm phút sau, ba chiếc xe hơi màu đen chạy tới trước cửa biệt thực của Vito. Bên ngoài có hai tên gia nhân đứng gác. Chúng nhìn đoàn xe và lấy làm lạ, ngắm mãi. Khi ba chiếc xe đỗ, Ivo bước vào. - Chào các anh. Ngài Vito đang chờ chúng tôi, - anh nói. Một tên gác cổng cau mặt. - Không thấy ngài dặn gì về… Lập tức hai tên gác bị hạ ngay. Súng lắp đạn ghém, khi chạm vào người nổ bung ra cho nên cả hai tên thi thể đều nát bươm. Lão Vito trong nhà nghe thấy tiếng súng bèn nhìn qua cửa sổ ra ngoài. Thấy vậy lão vội chạy vào mở ngăn kéo lấy một khẩu súng. - Francô? - Lão thét. - Antônio! Mau lên! Bên ngoài có tiếng súng. - Ngài Vito… - một tiếng người. Lão định quay gót lại. Ivo đã đứng ngay trước mặt lão, tay cầm súng. - Bỏ súng xuống. - Tôi… - Bỏ! Lão Vito buông tay cho khẩu súng rơi xuống sàn nhà. - Các anh muốn lấy gì thì lấy đi rồi cuốn xéo. - Tao không lấy gì hết. - Ivo nói. - Thật ra tao đến đây để trả nợ mày mới đúng. "Ngài" Vito nói: - Nợ gì thì ta cũng bỏ qua cho. - Nhưng tôi thì không muốn bỏ qua. Ngài biết tôi là ai không? - Không. - Ivo Martini. Lão già cau mặt cố nhớ lại. Lão nhún vai: - Tôi chưa nghĩ ra anh là ai. - Cách đây trên mười năm, gia nhân của ngài đã giết cha mẹ tôi. - Thật vậy ư? Thật khủng khiếp. Được, ta sẽ trừng trị chúng. Ta sẽ… Ivo bước tới, lấy báng súng đập mạnh vào sống mũi lão. Máu túa ra. - Đừng! - Vito thở hồng hộc. - Tôi… Ivo rút dao: - Tụt quần xuống. - Sao vậy? Anh không thể… Ivo chĩa súng. - Tụt quần xuống! - Không! - Lão già thét lên. Anh không được làm thế. Ta còn các con và các em trai. Nếu anh làm gì chúng sẽ tìm ra anh và giết anh như giết một con chó. - Đấy là nếu chúng tìm thấy ta, - Ivo nói. - Tụt quần xuống! - Không! Ivo bắn một phát vào đầu gối. Lão già đau quá hét lên. - Để ta giúp mi, - Ivo nói. - Anh bước đến, kéo quần lão xuống, rồi kéo cả quần lót, lôi cái của lão ra lấy dao xẻo đi. Lão Vito xỉu xuống. Ivo cầm cái đàn ông của lão nhét vào miệng lão. - Tiếc rằng ta không có cái giếng để quăng mi xuống, - Ivo nói. Anh bắn một phát vào đầu lão rồi quay gót, bước ra ngoài xe. Các bạn anh đang đợi ngoài đó. - Đi thôi. Lão ta có cả một gia đình rất đông đúc. Chúng sẽ lùng theo anh đấy. Ivo. - Không sao. Hai ngày sau, Ivo, vợ anh và đứa con trai Carlo đã ung dung ngồi trên tàu sang New York. * * * * * Cuối thế kỷ trước, châu Mỹ khi mới được tìm ra, quả là vùng đất chứa đầy thuận lợi. New York đông đúc người Italia. Rất nhiều bè bạn của Ivo đã di cư sang thành phố lớn này và tận dụng những kinh nghiệm mà họ đã tích luỹ được nhiều nhất. Đó là nghề che chở bất hợp pháp. Tổ chức Mafia mở rộng mạng lưới chân rết. Ivo đổi họ Ý sang họ người Anh: Martini thành Martin và ung dung hưởng giầu sang. Gian Carlo là đứa trẻ làm phiền lòng cha. Hắn không muốn lao động. Năm hai mươi bảy tuổi, hắn lấy một cô gái Italia đang có thai, cưới cô trong một euộc hôn lễ đơn giản và vội vã. Ba tháng sau cô sinh hạ một con trai, đặt tên là Paul. Ivo đặt rất nhiều hy vọng vào đứa cháu nội. Ở đất Mỹ vai trò luật sư vô cùng quan trọng. Ivo muốn cháu nội sẽ làm luật sư. Đứa trẻ thông minh và ôm nhiều tham vọng. Năm hai mươi tuổi cậu vào trường Đại học Harvard, khoa luật. Sau khi Paul tốt nghiệp đại học, Ivo thu xếp để cháu vào làm cho một hãng tư vấn luật pháp có uy tín. Năm năm sau, Paul mở văn phòng luật sư riêng. Cũng trong thời gian này Ivo đã đầu tư rất nhiều vào những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nhưng ông vẫn giữ liên hệ với Mafia, và cháu nội ông lo về mặt luật pháp cho các hoạt động kinh doanh của ông. Năm 1967, khi ông Ivo mất, Paul cưới một cô gái gốc Italia tên là Nina và năm năm sau vợ anh cho ra đời hai đứa con sinh đôi. Trong thập kỷ 70, Paul rất bận. Khách hàng chủ yếu của anh là các nghiệp đoàn, chính vì vậy mà anh rất có uy thế. Các vị chóp bu doanh nghiệp và công ty đều dựa vào anh. Một hôm Paul đang ngồi ăn bữa trưa với một khách hàng, Bill Rohan, chủ nhà băng. Ông này hoàn toàn không biết tí gì về lai lịch của Paul. - Ông nên gia nhập câu lạc bộ đánh gôn Sunnyvale của tôi, - Bill Rohan nói. - Ông có chơi gôn chứ? - Thỉnh thoảng, - Paul đáp. - Khi nào rảnh rỗi. - Tốt lắm. Tôi có chân trong Hội đồng xét duyệt thành viên mới. Ông có muốn tôi kết nạp ông làm thành viên câu lạc bộ không? - Muốn lắm. Tuần lễ sau Hội đồng họp, thảo luận việc kết nạp thành viên mới. Tên Paul Martin được nêu lên. - Tôi xin giới thiệu ông Paul Martin, - Bill Rohan nói. - ông ta là người tốt. John Hammond, một thành viên khác của Hội đồng nói: - Ông ta là gốc Italia chứ gì? Tôi nghĩ chúng ta không nên kết nạp hội viên gốc nườc ngoài, nhất là các nước thuộc Nam u. Bill Rohan nhìn ông ta: - Nghĩa là ông không tán thành Paul Martin? - Đúng thế. - Thôi được. Ta xét người khác… Cuộc họp tiếp tục. Hai tuần sau Paul Martin lại ngồi ăn trưa với khách hàng hôm trước. - Tôi vẫn thường chơi gôn, - Paul nói vui. Bill Rohan lúng túng. - Có một chuyện vướng nhỏ, ông Paul ạ. - Vướng gì? - Tôi đã giới thiệu ông vào câu lạc bộ, nhưng có một thành viên trong hội đồng phản đối. - Tại sao? - Ông đửng để bụng nhé. Ông ta có định kiến với người Italia. Paul mỉm cười: - Không sao đâu, ông Bill. Rất nhiều người không ưa dân Italia. Ông gì kia… - Hammond, John Hammond. - Chủ hãng thịt chứ gì? - Đúng. Nhưng ông ta sẽ thay đổi ý kiến. Tôi sẽ nói chuyện với ông ta. Paul lắc đầu: - Không cần. Nói thật với ông, tôi cũng không mê đánh gôn lắm đâu. Sáu thảng sau, vào giữa tháng Bảy, bốn xe tải của hãng Hammond đang chở thịt ướp lạnh từ Minnesota đến các siêu thị ở Buffalo và New Jersey thì đỗ lại vệ đường. Các lái xe mở cửa sau của phòng lạnh, bỏ đi mất. Khi John Hammond nghe tin đó, rất giận. Ông ta gọi điện ngay cho viên quản đốc. - Sao lại xẩy chuyện như thế được? Triệu rưỡi đô-la thịt bị hỏng. Tại sao xe lại pan được? - Nghiệp đoàn kêu gọi bãi công, - viên quản đốc trả lời. - Vậy mà họ không báo gì với chúng ta? Họ lấy cớ gì để bãi công? Đòi tăng lương hay sao? Viên quản đốc nhún vai. - Chịu, tôi không biết. Họ không nói gì với tôi. Họ bỏ đi, có vậy thôi. - Anh bảo mấy thằng cha lãnh đạo nghiệp đoàn đến gặp tôi để xem họ đòi cái gì? Chiều hôm đó đại diện nghiệp đoàn đến văn phòng của Hammond. - Tại sao các anh không báo cho tôi biết trước là các anh bãi công? - Hammond hỏi. Người đại diện nghiệp đoàn nói vẻ như nhận lỗi. - Chính tôi cũng không biết, thưa ông chủ. Họ nổi cơn điên lên và họ bỏ đi, chuyện xảy ra quá đột ngột. - Anh thừa biết xưa nay tôi là người biết điều và sẵn sàng thoả thuận với công nhân. Chuyện này tôi không sao hiểu nổi. Các anh đòi tăng lương chăng? - Không đâu, thưa ông chủ. Chắc là vì chuyện xà phòng. ngạc nhiên nhìn người đại diện nghiệp đoàn. - Anh nói xà phòng nghĩa là sao? Họ không bằng lòng loại xà phòng ông chủ cho đặt trong các buồng tắm. Xà phòng ấy quá gắt. Hammond không thể tưởng tượng nổi điều người đại diện vừa nói. - Xà phòng quá gắt? Chỉ vì vậy mà tôi mất toi một triệu rưỡi đô la? - Ông chủ đừng mắng tôi, - người đại diện nghiệp đoàn nói. - Đấy không phải tôi nói. - Lạy Chúa!~ - Hammond nói. - Tôi không thể tưởng tượng nổi. Vậy các anh muốn loại xà phòng nào? Xà phòng tiên chăng? - ông ta đấm tay xuống. Lần sau các anh có nói chuyện gì không bằng lòng phải cho tôi biết ngay. Anh nghe rõ chưa? - Rõ rồi, thưa ông chủ. - Anh bảo mấy người đó tiếp tục đi làm đi. Ngay sáu giờ tối nay ở các buồng tắm sẽ có thứ xà phòng tốt nhất trên thị trường. Rõ chứ. - Vâng, tôi sẽ nói lại lời ông chủ. Hammond ngồi lại rất lâu, hút thuốc lá và suy nghĩ. Cử thế này thì đất nước không biết sẽ đi đến đâu, ông ta suy nghĩ. Xà phòng! * * * * * Hai tuần sau, đúng bữa trưa, một ngày nóng bức tháng Tám, năm xe lạnh chở thịt của công ty Hammond trên đường từ Syracuse đến Boston lại đỗ ở vệ đường và các lái xe mở toang cửa phòng lạnh rồi đi mất. Sáu giờ chiều hôm đó thì Hammond được tin. - Các anh lại làm cái trò gì thế, hả? - ông ta nổi cơn thịnh nộ. Hay chưa được cấp thứ xà phòng hảo hạng? - Tôi cấp rồi, - viên quản đốc đáp, - ngay sau hôm ông chủ ra lệnh. - Vậy lần này là chuyện gì nữa? Viên quản đốc thở dài nói: - Tôi không rõ. Tôi không nghe thấy ai phàn nàn gì hết. Không ai nói gì với tôi cả. - Gọi đại diện nghiệp đoàn đến gặp tôi. Bảy giờ tối, đại diện nghiệp đoàn đến. Hammond nói với anh ta: - Hai triệu đôla thịt bị hỏng chiều hôm nay là do người của các anh, - Hammond gầm lên - Họ điên hay sao vậy? - Ông chủ muốn tôi thuật lại cho ông chủ tịch nghiệp đoàn câu ông chủ vừa nói không? - Đừng, đừng. - Hammond vội nói. - Chỉ có điều trước đây anh em có chuyện gì với tôi đâu? Nếu như các anh muốn tăng lương thì đến đây, ta bình tĩnh trao đổi như giữa những người biết điều với nhau. - Các anh cần tăng lương thêm bao nhiêu? - Chúng tôi không đòi gì hết. - Nghĩa là sao? - Đây không phải là chuyện lương bổng, thưa ông chủ. - Vậy chuyện gì? - Đèn thắp sáng. - Đèn à? - Hammond tưởng như mình nghe lầm. - Vâng. Anh em than phiền rằng bóng đèn ở các nhà tắm tối quá. Hammond ngả người ra lưng ghế, đột nhiên lặng lẽ: - Ở xưởng có chuyện gì vậy? - Ông ta dịu dàng hỏi. - Tôi nói rồi, anh em thấy rằng… - Xin lỗi, tôi ngắt lời. Chuyện gì? Đại diện nghiệp đoàn nói: - Nếu tôi biết, tôi đã nói với ông chủ. - Hay là có người nào đó muốn tôi bỏ nghề? Phải thế chăng? Đại diện nghiệp đoàn im lặng. - Thôi được, - John Hammond nói. - Anh cho tôi biết một cái tên. Tôi cần nói chuyện với ai? - Có một luật sư có thể giúp được ông chủ. Ông ấy rất có uy thế với các nghiệp đoàn. Tên ông ấy là Paul Martin. Paul…? - Và John Hammond sực nhớ ra. - Thì ra thế! Thôi, anh về đi, - ông ta hét lên. - Về! Hammond ngồi lại trầm ngâm. Không có ai định làm hại mình hết. Không có ai. Một tuần sau, thêm sáu xe lạnh bị bỏ rơi giữa đường và phòng lại bị mở toang. Hammond bèn tổ chức một bữa ăn trưa với Bill Rohan. - Tôi đã nghĩ về ông bạn của ông, ông Paul Martin, - Hammond nói. - Hôm đó tôi đã hấp tấp, chưa suy nghĩ chín chắn đã bác việc gia nhập câu lạc bộ của ông ấy. - Ôi, ông nói thế thì đúng là ông đã rộng lượng, ông Hammond. - Tuần tới, đến cuộc họp Hội đồng tôi sẽ giới thiệu ông ấy và sẽ bỏ phiếu cho ông ấy. Tuần sau, khi tên Paul Martin được nêu lên, toàn thể Hội đồng nhất trí chấp thuận. John Mammond đích thân gọi điện cho Paul Martin: - Xin chúc mừng ông, thưa ông Martin, - Hammond nói. - ông đã là thành viên chính thức của câu lạc bộ Sunnyvale. Chúng tôi rất mừng có ông cùng tham gia. - Cảm ơn ông. - Paul Martin nói. - Tôi đánh giá cao việc ông gọi điện thoại đến. Cú điện thoại tiếp theo đó của Johan Hammond là đến văn phòng công tố quận. Ông mời ông công tố đến dự bữa trưa với ông trong tuần sau. Chủ nhật John Hammond và Bill ngồi với hai người nữa tại Câu lạc bộ. Bill Rohan hỏi: - Ông đã gặp Paul Martin chưa? John Hammond lắc đầu: - Chưa. Tôi nghĩ hắn ta sẽ không chơi gôn được đâu. Viên Công tố sắp làm phiền hắn ta đấy. - Ông nói gì vậy? - Tôi đã tố cáo hắn ta với ông công tố viên quận và chắc chắn chuyện này sẽ lọt lên Viện Công tố bang. Bill Rohan hốt hoảng. - Ông có biết ông làm thế nghĩa là sao không? - Tôi biết chứ. Hắn là một con gián. Tôi sẽ dẫm chết hắn. Sáng thứ hai tuần sau đó, trên đường đến Viện Công tố quận, John Hammond bị chết trong một vụ đâm xe. Không có nhân chứng nào hết. Cảnh sát không tìm thấy tài xế của chiếc xe đâm vào ông ta. Sau đấy, chủ nhật nào Paul Martin cũng đưa vợ và hai con sinh đôi đến Câu lạc bộ Synnyvale ăn trưa. Bếp ở đó làm thức ăn nổi tiếng ngon. Paul Martin rất coi trọng gia đình. Chẳng hạn ông không bao giờ thoáng có ý nghĩ làm hạ phẩm giá vợ bằng việc đưa vợ và nhân tình đến ăn cùng một nhà hàng. Cuộc sống của ông chia ra làm hai mảnh rành rọt: vợ con một đằng và công việc một đằng. Tất cả các bạn của Martin đều có nhân tình. Đấy là một phần trong phong cách sống của họ. Điều làm Martin chối mắt là khi thấy những ông già cặp bồ với những cô gái trẻ măng. Như thế là hạ thấp nhân phẩm và Martin coi nhân phẩm là thứ vô cùng quan trọng. Ông quyết định, đến năm sáu mươi tuổi trở đi ông sẽ không cặp bồ nữa. Và đến kỷ niệm sinh nhật lần thứ sáu mươi, trước đây hai năm, ông thôi hẳn. Vợ ông, Nina, là người bạn đời rất tốt với chồng. Thế là đủ. Nhân phẩm! Martin đang là con người như thế, lúc Lara Cameron đến nhờ ông giúp đỡ. Paul Martin đã có nghe đến nàng, nhưng khi gặp, ông sửng sốt, không ngờ Lara trẻ và đẹp đến thế. Nàng đầy tham vọng và tính khí nóng nẩy, độc lập cao. Đồng thời nàng lại rất phụ nữ. Martin cảm thấy mê nàng. Không được, ông ta nghĩ. Cô ấy quá trẻ mà mình thì già rồi. Quá già. Lúc Lara giận dữ bỏ ra ngoài văn phòng Martin sau cuộc tiếp xúc đầu tiên, ông đã ngồi lặng đi một lúc lâu suy nghĩ về nàng. Sau đấy ông nhấc máy điện thoại lên. Chương 14 Toà nhà mới vẫn đi đúng tiến độ. Sáng nào và chiều nào Lara cũng đến xem và nàng thấy rõ thái độ kính nể của mọi người với mình qua cách họ nhìn nàng, cách họ nói với nàng và cách họ làm việc cho nàng. Nàng biết đấy là do Paul Martin và điều khiến nàng tự bực với mình là càng ngày nàng càng nghĩ nhiều đến con người dáng dấp xấu xí và có giọng nói trầm trầm một cách khó nghe đó. Lara lại gọi điện cho Martin. - Ông có thể đi ăn trưa với tôi được không, Martin? - Cô lại gặp chuyện gì trục trặc sao? - Không. Chỉ đơn giản là tôi muốn hai chúng ta hiểu nhau thêm chút nữa. - Rất tiếc, thưa cô Cameron, tôi không bao giờ ăn trưa. - Hay ăn tối vậy, một hôm nào đó? - Tôi là người có gia đình, thưa cô Cameron. Tôi ăn tối cùng với vợ con. - Tôi hiểu. Thế nếu… Đầu dây bên kia đã bị cắt. Ông ta làm sao thế nhỉ? Lara tự hỏi. Mình có định ngủ với ông ta đâu mình chỉ tìm cách bày tỏ lòng biết ơn thôi. Nàng cố gạt Martin ra khỏi trí óc. Bản thân Martin cũng rất bực dọc khi thấy mình thích thú và mong mỏi nghe giọng nói của Lara Cameron. Ông bảo cô thư ký: - Cô Cameron còn gọi điện đến nữa thì bảo tôi đi vắng nhé! Martin không muốn bị sa vào sự cám dỗ, mà Lara Cameron lại là một sự cám dỗ chết người. * * * * * Howard Keller rất mừng thấy công việc tiến triển tốt đẹp - Tôi phải thú nhận rằng hôm đó tôi đã lo lắng quá mức, - anh nói. - Hôm đó tôi tưởng là mọi thứ đã hỏng bét. Cô đã làm nên một phép lạ! Phép lạ không phải do tôi, Lara thầm nghĩ. Mà là do Martin. Có lẽ ông ta đang giận vì mình không trả thù lao luật sư cho ông ta. Trong lòng bứt rứt, Lara gửi một tấm ngân phiếu năm chục ngàn đôla cho Martin. Hôm sau tấm ngân phiếu bị trả lại, không kèm theo một lời nào hết. Lara lại gọi điện cho Martin. Cô thư ký của ông ta trả lời: - Rất tiếc, thưa bà Cameron, luật sư Martin đi vắng ại một sự từ chối nữa. Dường như ông ta không muốn dính dáng đến nàng. Lara lấy làm lạ: nếu như ông ta không muốn dính dáng đến mình thì tại sao ông ta lại chịu giúp mình hôm đó? Đêm hôm ấy nàng nằm ngủ và mơ thấy Martin ôm ấp mình. Howard Keller bước vào văn phòng của Lara. - Tôi có hai vé xem chương trình ca múa nhạc của đoàn Andrew Lloyd Webber. Nhưng tôi lại phải đi Chicago. Cô có dùng đến không? - Không. Tôi… À, mà khoan đã, - nàng im lặng một lát. - Có. Để tôi dùng. Cảm ơn anh, Howard. Chiều hôm đó Lara bỏ một tấm vé vào phong bì gửi đến cho Martin ở văn phòng của ông. Hôm sau, khi nhận được tấm vé, Martin ngạc nhiên nhìn nó. Ai mời ông đi xem hát lại chỉ gửi có một vé như thế này? Thôi đúng cô Cameron rồi. Minh phải chấm dứt cái trò này, ông thầm nghĩ. - Tối thứ sáu tôi có rảnh không? - ông hỏi cô thư ký. Ông hẹn ăn tối với anh của bà nhà. - Cô gọi điện xin lỗi hộ tôi. Lara ngồi suốt phần thứ nhất của chương trình ca múa. Ghế bên cạnh nàng vẫn trống. Vậy là ông ta không đến, Lara thầm nghĩ. Thôi được, mặc xác ông ta. Mình đã làm tất cả những gì mình có thể làm. Khi tấm màn buông xuống sau phần thứ nhất của chương trình biểu diễn, Lara đang ngập ngừng, không biết có nên xem nốt phần sau hay nên về. Một bóng người hiện ra, ngồi vào ghế trống bên cạnh. - Ta ra ngoài đi. - Paul Martin nói như ra lệnh. Họ ăn tối trong một quán ở quận Đông. Martin ngồi, đối diện với Lara, quan sát nàng, lặng lẽ và cảnh giác. Hầu bàn đến chờ họ kêu thức uống. - Cho tôi một lý Scotch và soda, - Lara nói. - Tôi không dùng gì. Lara ngạc nhiên nhìn Martin. - Tôi không uống rượu. Gọi thức ăn xong, Paul Martin nói: - Cô Cameron, cô cần gặp tôi làm gì? - Tôi không thích chịu ơn ai, - Lara nói. - Tôi chịu ơn ông và xin phép ông cho phép tôi trả ơn. Để tôi yên tâm. - Tôi đã nói với cô rồi… cô không chịu ơn tôi gì hết. - Nhưng tôi… - Tôi nghe nói công trình của cô đang tiến triển tốt. - Đúng thế, - nàng định nói "Nhờ ông" nhưng lại thôi. - Cô hài lòng chứ? Cô thích thú công việc mình đang làm chứ? Lara gật đầu. - Tôi muốn được làm công việc tôi thích thú. Đối với tôi thú nhất trên đời là nảy ra một mơ ước và nhìn thấy điều mơ ước ấy biến dần thành sự thật, thành bê tông, sắt thép, thành toà nhà để người ta làm việc và sống trong đó. Về một mặt nào đấy, có thể nói đó là một kỷ niệm, đúng không, thưa ông? - Nàng nói giọng sôi nổi và mắt nàng sáng lên. - Tôi cũng nghĩ thế. Và hết công trình này lại tiếp đến công trình khác? - Ông nói đúng, - Lara sôi nổi nói. - Tôi muốn trở thành nhà xây dựng bất động sản lớn nhất thành phố này. Trong dáng điệu của nàng có nét gì đó dâm đãng lôi cuốn ông. Paul Martin cười: - Tôi không ngạc nhiên chút nào. - Tại sao ông lại quyết định đến rạp hát tối nay? - Lara hỏi. Martin định đến đây gặp Lara để bảo nàng hãy để ông yên, nhưng bây giờ ngồi bên nàng, ông lại không thể nói được câu đó. - Tôi nghe dư luận ca ngợi chương trình biểu diễn. Lara cười: - Hay ta quay vào xem đi, ông Paul? Martin lắc đầu: - Cô Cameron. Không phải tôi chỉ là người đã có vợ mà tôi lại rất yêu vợ. - Tôi quý ông về điểm đó. - Lara nói. - Ngày mười lăm tháng ba này toà nhà sẽ hoàn tất. Chúng tôi sẽ có một bữa tiệc khánh thành nó. Ông đến dự chứ? Martin ngập ngừng một lúc lâu để tìm lời thoái thác một cách lịch sự. Nhưng cuối cùng ông lại nói: - Vâng, tôi sẽ đến. * * * * * Lễ khai trương toà nhà mới không được thành công cho lắm. Lara Cameron chưa đủ nổi danh ở đất này để cuốn hút các nhà báo và các quan chức cao cấp các nhân vật quan trọng. Nhưng cũng có mặt ông trợ lý Thị trưởng và một phóng viên của tờ báo Post. - Toà nhà mới đã có khách thuê kín cả rồi, - Howard nói với Lara. - Và còn rất nhiều người đến yêu cầu thuê nhưng không còn chỗ. - Tốt, - Lara thờ ơ nói. Trí óc nàng đang còn ở đâu đâu Nàng đang nghĩ đến Paul Martin và băn khoăn không biết liệu ông ta có đến không. Martin đúng là con người bí hiểm. Ông ta không chịu nhận là đã giúp nàng, vậy mà… Nàng đâm theo đuổi một ông già đáng tuổi cha nàng. Lara cố gạt Martin ra khỏi đầu óc. Nàng tiếp khách khứa. Các món nguội và thức uống đã được bày ra và mọi người xem chừng có vẻ vui tươi. Đúng giữa buổi tiệc thì Paul Martin đến và không khí bàn tiệc đột nhiên biến đổi. Các người thợ chào đón ông ta như chào đón một vị vua. Rõ ràng họ rất kính nể Martin. Tôi là luật sư doanh nghiệp. Tôi không dính dáng gì đến các nghiệp đoàn. Martin bắt tay ông trợ lý Thị trưởng và vài quan chức nghiệp đoàn có mặt trong bữa tiệc rồi bước đến chỗ Lara Cameron. - Tôi rất mừng thấy ông. Martin ngắm toà nhà đồ sộ rồi nói: - Xin chúc mừng cô, cô Cameron. Cô đã làm được một việc rất tốt. - Cảm ơn ông, - nàng hạ giọng. - Tôi rất biết ơn ông. Martin nhìn nàng và sững người trước sắc đẹp lộng lẫy và cả trước niềm mê mẩn của bản thân ông khi nhìn nàng. - Bữa tiệc đã tan rồi, - Lara nói. - Tôi hy vọng ông sẽ mời tôi đi ăn tối. - Tôi đã nói với cô rồi, thưa cô Cameron, tôi chỉ ăn tối với vợ con tôi. - Ông nhìn thẳng vào cặp mắt nàng. - Nhưng tôi có thể mời cô đi uống một chút. Lara mỉm cười: - Tốt lắm. Họ vào một quán nhỏ trên đại lộ số Ba. Họ nói đủ thứ chuyện nhưng sau này họ đều không còn nhớ hôm đó họ đã nói những gì. Lời thốt ra ngoài miệng chỉ để che giấu nỗi thèm khát tình ái giữa họ. - Cô nói về cô đi, - Paul Martin nói. - Cô ra sao? Quê cô ở đâu? Tại sao cô lại chọn lĩnh vực kinh doanh này? Lara nhớ đến lão chủ nhà băng Sean McAllister và tấm thân khả ố của lão đè lên người nàng. Cô lại lên giường đi, cô em. Ta làm thêm lần nữa đi, làm tình với cô khoái lắm. - Tôi sinh ra và lớn lên tại một thị trấn trong vùng Nova Scotia, - Lara nói, - tên là Glace Bay. Cha tôi làm chân thu tiền khách trọ ở một số nhà trọ tại đó Khi cụ mất, tôi làm thay công việc đó. Một trong số khách trọ đã giúp tôi tậu một khoảnh đất và tôi đã xây một toà nhà trên đó. Đấy là khởi đầu. Paul Martin chăm chú nghe. - Sau đấy, tôi lên Chicago và tiếp tục xây một số toà nhà lớn nữa. Tôi thành công và chuyển lên New York, - Nàng mỉm cười. - Đấy là toàn bộ lai lịch thật của tôi. Trừ nỗi đau một đứa trẻ mới lớn bị cha ghét bỏ. Trừ nỗi cực khổ nhục nhã của một cô gái nghèo hèn, trong tay không có của cải nào hết. Trừ chuyện phải hiến thân cho lão chủ nhà băng. Như đọc thấy những ý nghĩ thầm kín của Lara, Paul Martin nói: - Tôi đoán chắc rằng cuộc đời của cô không suôn sẻ gì, đúng vậy không? - Nhưng tôi không phàn nàn. - Dự định sắp tới của cô là thế nào, cô Cameron? Lara nhún vai: - Tôi chưa biết rõ. Tôi đã cân nhắc một số dự kiến, nhưng chưa thấy có gì làm tôi thật sự thích thú. Mắt Paul Martin không rời Lara. - Ông đang nghĩ gì đấy, - Lara hỏi. Martin hít một hơi dài. - Nói thật nhé! Tôi đang nghĩ, nếu tôi không có vợ tôi sẽ nói rằng cô là người phụ nữ hấp dẫn tôi mạnh nhất trong tất cả những phụ nữ tôi đã gặp. Nhưng tôi đã có vợ cho nên hai chúng ta chỉ có thể là bạn được thôi. Bây giờ thì cô hiểu rõ rồi chứ? - Rất rõ. Martin nhìn đồng hồ: - Đến giờ phải đi rồi, - ông quay sang người hầu bàn. - Tính tiền đi. - Ông đứng lên. - Tuần sau ta cùng ăn trưa một hôm nào đó được không? - Lara hỏi. - Không được. Có thể khi nào cô khai trương toà nhà sau, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Martin đã đi rồi. Đêm hôm đó Lara nằm mơ thấy nàng làm tình với Martin. Paul Martin nằm lên nàng, dùng hai bàn tay vuốt ve thân thể nàng và thì thầm vào tai nàng - Anh không thể không yêu em, Lara… Anh vô cùng yêu em, yêu em hơn tất cả mọi thứ trên đời. Nhưng sau lần này em hãy quên anh đi. Ôi, anh yêu em biết chừng nào… Rồi ông đi vào nàng và đột nhiên toàn thân nàng như tan ra. Nàng rên rỉ và choàng thức giấc. Nàng ngồi bật dậy, toàn thân run rẩy. Hai ngày sau, Martin gọi điện đến: - Tôi thấy một khoảnh đất có lẽ cô sẽ thích, - ông nói dằn giọng. - Nó nằm bên khu Tây thành phố, trên đường phố 69. Không phải trong chợ đâu. Đất thuộc sở hữu một khách hàng của tôi và ông ta đang cần bán. Lara cùng Howard Keller đến xem khoảnh đất ngay sáng hôm đó. Đúng là miếng đất rất đẹp. - Làm sao cô biết được là có mảnh đất này? - Howard hỏi. - Paul Martin giới thiệu. - Thế à? Tôi hiểu - trong giọng anh nói có nét không vui. - Sao vậy? - Lara! Tôi đã điều tra về Martin rồi. Lão là mafia. Cô hãy tránh xa hắn ra. Lara giận dữ nói: - Martin không có dính dáng đến mafia hết. Ông ta là người bạn tốt. Nhưng thôi, khoảnh đất này ta định thế nào? Anh có thích không? - Miếng đất rất đẹp. - Vậy thì ta mua. Mười ngày sau họ làm xong thủ tục mua bán. Lara gửi tặng Martin một bó hoa to, kèm theo một mẩu giấy đề: "Xin ông đừng trả lại. Những bông hoa này rất đậm đà". Nàng nhận được một cú điện thoại ngay chiều hôm đó. - Cảm ơn cô về bó hoa. Tôi không quen được phụ nữ đẹp gửi tặng hoa, - giọng ông ta nghe có vẻ khó chịu. - Tại chưa cô gái nào khai thác ông một cách đầy đủ đấy! - Cô bảo khai thác nghĩa là sao? - Nghĩa là làm ông hư hỏng. Paul Martin bật cười. - Tôi hiểu cô định nói gì rồi, cô Cameron. - Vậy tại sao ta không gặp nhau trò chuyện một chút vào trưa hôm nay? Martin không làm sao gạt được hình ảnh Lara ra khỏi đầu óc. Ông biết mình rất dễ yêu nàng. Lara có một nét gì đó vừa yếu đuối, thơ ngây lại vừa rất quyến rũ. Martin hiểu rằng tốt nhất là không nên gặp nàng nữa, nhưng ông không sao điều khiển được bản thân. Một sức mạnh nào đấy hút ông đến với nàng mạnh hơn cả ý chí của ông. Họ ăn trưa trong Câu lạc bộ Hai Mươi Mốt. - Khi ta định giấu ai điều gì, - Martin nói, - ta dễ khiến nó lộ liễu đến mức mọi người đều nhận thấy. - Ông định nói chúng ta đang giấu ai điều gì chăng? - Lara nhẹ nhàng hỏi. Martin nhìn nàng và ông quyết định: nàng đẹp và nhiệt tình thật nhưng có hàng ngàn phụ nữ cũng đẹp và nhiệt tình như thế. Ta sẽ dễ dàng gạt nàng thôi. Ta ngủ với nàng một lần rồi sau đó chấm dứt. Nhưng ông đã lầm. Lúc họ về đến căn hộ của Lara, Paul Martin đã cảm thấy mình xốn xang một cách kỳ lạ. - Tôi cảm thấy tôi là một đứa trẻ vụng dại, - Martin nói - Tôi chẳng có kinh nghiệm gì hết. - Giống như người đi xe đạp vậy, - Lara thì thầm. - Rồi anh sẽ nhớ lại thôi. Anh để em cởi quần áo cho. Nàng cởi áo vét và cà vạt cho Martin rồi bắt đầu cởi khuy áo sơ mi. - Nhưng cô biết rằng quan hệ giữa chúng ta không phải nghiêm chỉnh và lâu dài chứ, Lara? - Em hiểu. - Tôi đã sáu mươi hai tuổi rồi. Tôi xấp xỉ tuổi cha… Nàng ngưng lại một chút, nhớ giấc mơ đêm trước. - Em biết, - Nàng đã cởi hết quần áo trên người Martin. - Thân hình anh rất đẹp. - Cảm ơn cô, vợ tôi cũng bảo tôi như vậy. Lara đưa tay vuốt dọc đùi ông. - Anh rất khỏe, đúng vậy không, Paul? Martin thấy mình chợt đứng thẳng người lên: - Tôi vẫn thường đánh bóng rổ hồi tôi ở… Lara đã đặt cặp môi lên miệng Martin và họ nằm xuống giường. Ông cảm thấy một cảm giác chưa bao giờ được thấy trong suốt cả cuộc đời. Ông cảm thấy toàn thân như bốc lửa. Họ làm tình và không còn biết đâu là khởi đầu đâu là kết thúc. Một làn nước xiết tràn qua thân thể Martin và nhận ông chìm xuống, mỗi lúc một sâu thêm, cho đến lúc bóng đêm mịt mùng bao quanh đột nhiên loá lên muôn vàn vì sao. Hiện tượng kỳ diệu ấy lặp đi rồi lặp lại cho tới khi cả hai nằm ườn ra, hoàn toàn kiệt sức. - Tôi không thể ngờ lại sung sướng đến như vậy. - Martin nói. Những cuộc làm tình với vợ ông hầu hết là theo thói quen và mang tính ước lệ. Nhưng với Lara ông được hưởng một cảm giác hạnh phúc kỳ diệu, Paul Martin đã làm tình với rất nhiều người phụ nữ khác, nhưng Lara không giống hất cứ một người nào trong số họ. Nàng ban cho ông một món quà mà không người phụ nữ nào đem đến được cho ông: làm ông thấy mình trở lại tuổi thanh xuân. Khi Martin đã mặc quần áo xong, Lara hỏi: - Ta còn gặp lại nhau nữa chứ? - Còn, - Chúa hãy cứu giúp con - Còn. * * * * * Thập kỷ tám mươi là thập kỷ nhiều biến động lớn, Ronald Reagan trúng cử Tổng thống và phố Wall Street chưa bao giờ nhộn nhịp đến thế trong suốt lịch sử của nó. Vua Iran chết tại nơi lưu đầy và Anwar Sadat bị ám sát. Nợ công lên đến một tỷ đô-la và các con tin Hoa Kỳ được thả. Sandra Day O Connor thành người phụ nữ đầu tiên trong thành phần Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Lara đang ở vị trí thích hợp nhất và cũng trong giai đoạn thuận lợi nhất. Ngành kinh doanh xây dựng đang cực thịnh. Tiền rất nhiều và các nhà băng mong muốn được đổ tiền vào các công trình của nàng, các công trình xây cất này vừa đem lại nhiều lãi vừa có giá trị mỹ thuật và hiện đại. Các công ty tiết kiệm và tín dụng là nguồn tài chính vô tận. Một thiên tài về tài chính là Mike Milken đã đề xuất và phát triển kiểu huy động vốn táo bạo được mệnh danh là "cổ phiếu nhỏ" vào các công ty tín dụng với lãi suất cao. Số tiền gửi nhỏ đến mấy cũng được. Số tiền huy động được ấy họ đều muốn đầu tư vào xây cất bất động sản. Các nhà kinh doanh ngành này muốn bao nhiên vốn để xây dựng cũng có. - Tôi định xây một khách sạn trên phố 69, chứ không xây nhà cho các văn phòng nữa. - Tại sao? - Howard Keller hỏi. - Vị trí ấy xây nhà cho các văn phòng thuê thì thích hợp hơn cả. - Nếu xây khách sạn, chúng ta sẽ phải quản lý nó hai mươi tư trên hai mươi tư giờ mỗi ngày. Khách thuê phòng sẽ liên tiếp ra vào đông như kiến. Nếu xây nhà cho các doanh nghiệp thuê dài hạn làm văn phòng, năm năm hoặc mười năm chúng ta mới phải ngó ngàng đến. - Tôi biết, nhưng là khách sạn thì chúng ta sẽ vẫn giữ được quyền hạn của mình tại đó, Howard. Chúng ta sẽ làm thành những dãy phòng sang trọng khép kín đầy đủ tiện nghi, bên dưới sẽ có một hiệu ăn loại sang. Tôi thú cái ý này. Khoảnh đất ấy sẽ thành một khách sạn siêu cao cấp. Tôi đề nghị anh tiếp xúc với các kiến trúc sư hàng đầu của New York: Skidmore, Owing và Merrill, Peter Eisenman và Phillip Johnson. Hai tuần sau cuộc họp được tiến hành. Một số kiến trúc sư sẵn sàng tham gia. Chưa bao giờ được làm việc với một nhà kinh doanh bất động sản và xây cất là phụ nữ. Một người nói: - Nếu bà muốn, chúng tôi sao chép lại thiết kế của khách sạn… - Không. Chúng tôi muốn xây khách sạn theo kiểu hoàn toàn mới sau đây người ta sẽ phải sao chép lại nó kia. Chúng tôi muốn xây một khách sạn siêu hiện đại, một khách sạn cực kỳ sang trọng. Tôi hình dung, hai bên cổng vào là hai bể nước phun, gian tiền sảnh lát đá cẩm thạch Italia. Ngoài gian tiền sảnh còn có phòng hội nghị cỡ lớn có thể … Sau buổi họp, mọi người đều phấn khởi. Lara thành lập một Ban chỉ đạo. Nàng thuê luật sư Terry Hill, một trợ lý tên là Jim Belon, một thiết kế trưởng tên là Tom Chritor và một ban tư vấn đứng đầu là Tom Scott. Nàng thuê hãng xây dựng của Higgin Almon Clark và công việc thiết kế được bắt đầu. - Mỗi tuần ta họp một lần, - nàng nói với mọi người, - nhưng tôi đề nghị mỗi vị báo cáo cho tôi hàng ngày. Tôi muốn việc xây cất toà nhà này tiến hành theo đúng tiến độ cả về thời gian lẫn về đầu tư. Tôi chọn các vị vì các vị là những người hàng đầu trong lĩnh vực này. Xin các vị đừng làm tôi thất vọng. Ai có ý kiến gì muốn hỏi cho rõ thêm không? Hai tiếng đồng hồ tiếp đó là để nàng trả lời những câu hỏi. Lara nói với Howard Keller: - Anh thấy cuộc họp hôm nay thế nào? - Rất tốt, thưa sếp. Đây là lần đầu tiên Howard gọi nàng là "sếp". Lara thích cách gọi đó. * * * * * Charles Cohn gọi điện thoại đến. - Tôi hiện đang ở New.York. Cô đến ăn trưa với tôi được không, Lara? - Ôi, ông thừa biết là nhất định tôi đến, - Lara mừng rỡ nói. - Ông già và cô gái ngồi ăn trưa trong nhà hàng Sardi. - Tôi trông cô tươi như hoa, cô Lara, - ông già Cohn nói. - Thành công luôn bám theo cô đấy. - Đây mới chỉ là bước khởi đầu, thưa ông Cohn, - Lara nói. - ông Charles, ông có muốn tham gia hãng Cameron không? Tôi sẽ dành cho ông một số cổ phần của công ty và… Charles Cohn lắc đầu. - Cảm ơn cô, nhưng tôi không nhận. Cô thì mới bắt đầu chặng đường đời, còn tôi thì đã ở cuối con đường ấy rồi. Mùa hè này tôi sẽ nghỉ hẳn. - Nhưng ta vẫn liên hệ với nhau chứ? - Lara nói. - Tôi không muốn bặt tin ông. Lần tiếp theo, khi Paul Martin đến nhà Lara, nàng nói: - Em có một món quà cho anh, cưng. Nàng đưa ông một nửa tá gói và hộp. - Ôi đã đến ngày kỷ niệm sinh nhật của tôi đâu? - Thì anh cứ mở ra xem thử. Quà gồm những tá sơ mi nhãn Bergdorf Goodman và một tá cà vạt nhãn Pucci. - Tôi có đủ sơ mi và cà vạt rồi, - Paul Martin cười vang. - Nhưng không phải là loại ấy, - Lara nói. - Những thứ này sẽ làm anh cảm thấy trẻ lại. Em đã tìm được hiệu may thích hợp với anh. Tuần lễ sau, Lara yêu cầu Martin làm lại đầu theo kiểu mới. - Ông soi vào gương thầm nghĩ: Trông mình trẻ ra. Cuộc sống trở nên thú vị hơn. Và chính là nhờ Lara. Vợ ông không quan tâm đến những đổi thay của chồng. Họ đến dự cuộc họp đầy đủ: Howard Keller, Tom Chriton, Jim Belon và Terry Hill. - Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng toà khách sạn, - Lara tuyên bố. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Howard Keller nói: - Như thế rất nguy hiểm. - Sẽ không sao nếu các vị làm việc chính xác. Tom Chriton đứng dậy nói: - Thưa bà Cameron, an toàn nhất là hoàn thành dần từng khâu rồi hãy sang khâu khác. Thoạt đầu chúng ta làm phần móng, hệ thống móng rồi hệ thống ống nước chìm, dẫn và thoát nước, sau đó chúng ta mới bắt tay vào… Lara ngắt lời: - Rồi mới làm khung sắt và khuôn gỗ để đổ bê tông. Tôi hiểu… - Vậy tại sao… - Bởi làm như thế sẽ phải mất hai năm. Tôi không muốn chờ đến hai năm. Jim Belon nói: - Muốn đẩy nhanh tốc độ, chúng ta sẽ phải làm song song tất cả các khâu. Nếu xảy ra trục trặc ở một khâu là tất cả sẽ chững lại hết. - Vì vậy chúng ta phải lên kế hoạch và thiết kế thi công thật chính xác và ăn khớp, - Lara nói. - Làm theo cách song song như thế chúng ta chỉ mất một năm chứ không phải hai và chúng ta sẽ tiết kiệm được hai chục triệu đô-la. - Đúng là như thế, nhưng nguy hiểm lắm. - Tôi thích nguy hiểm, thích liều lĩnh. Chương 15 Lara kể với Paul Martin về quyết định của nàng đẩy nhanh tốc độ thi công và cuộc tranh luận trong bản chỉ đạo. - Họ nói đúng đấy, - Martin nói. - Cách của cô nguy hiểm lắm. - Trump đã làm cách đó. Uris cũng làm cách đó - Lara hồn nhiên cãi. Martin nhẹ nhàng nói: - Nhưng cô không phải Trump cũng không phải Uris, cô bé ạ. - Em sẽ lớn hơn họ, Paul. Em sẽ xây cho thành phố New York này nhiều toà nhà lộng lẫy và hiện đại hơn bất cứ nhà kinh doanh xây cất nào khác. Thành phố này sẽ là thành phố của em. Martin nhìn nàng một lúc lâu: - Anh tin ở em, Lara. Lara có một máy điện thoại không ghi trong sổ danh bạ đặt tại văn phòng. Chỉ một mình Paul Martin biết số điện thoại ấy. Và ông cũng đặt một máy riêng cho nàng trong văn phòng của ông. Mỗi ngày họ trò chuyện điện thoại với nhau nhiều lần. Mỗi khi có điều kiện ăn trưa với nhau, ăn xong họ đến đến nhà Lara. Trước đấy Martin không thể ngờ rằng bây giờ ông lại mong ngóng đến những lần gặp nàng như thế. Lara đã trở thành nỗi ám ảnh không dứt của ông. * * * * * Khi Howard Keller biết chuyện xẩy ra, anh rất lo. - Lara, - anh nói. - Tôi cho rằng cô đã phạm một sai lầm. Martin là con người rất nguy hiểm. - Tại anh không biết ông ấy đấy thôi. Đấy là một con người tuyệt vời. - Cô yêu ông ta rồi phải không? Lara đã nghĩ về chuyện này. Nàng rất cần đến Paul Martin. Ông ta thoả mãn nhu cầu quan trọng của nàng. Nhưng nàng có yêu Martin không? - Không. - Ông ta có yêu cô không? - Tôi nghĩ là có. - Cô hãy cẩn thận. Hãy cẩn thận. Lara mỉm cười. Bất giác nàng hôn vào má Howard Keller. - Tôi yêu cái cách anh lo lắng cho tôi như vậy đấy, Howard. Lara đang ở chỗ công trường thi công, xem một bản báo cáo. - Tôi nhận thấy tiền mua vật liệu quá nhiều, - nàng nói với trưởng ban thiết kế Pete Reese. - Tôi đã định không nói với bà, thưa bà Cameron. Bởi tôi chưa đủ chứng cứ. Nhưng bà nhận xét đúng. Một loạt vật liệu bị mất. Chúng tôi phải mua số lượng gấp đôi so với dự trù. Nàng ngước mắt nhìn ông ta. - Theo ông thì có kẻ ăn cắp? - Có lẽ thế. - Ông đã nghĩ đến chưa? - Chưa. - Đêm vẫn có người bảo vệ đấy chứ? - Một người. Và anh ta không phát hiện ra điều gì hết? - Không. Nhưng do cách làm ăn của chúng ta thế này thì ban ngày kẻ gian cũng có thể ăn cắp. Chắc là phải có kẻ gian. Lara suy nghĩ. - Tôi hiểu. Cảm ơn ông đã cho tôi biết, Pete. Tôi sẽ lo chuyện này. Chiều hôm đó nàng thuê một thám tử tư, tên là Steve Kane. - Làm sao ban ngày mà lại có kẻ dám chở ngần ấy vật liệ ra khỏi công trường? - Kane hỏi. - Đấy là điều tôi muốn ông điều tra cho. - Bà bảo ban đêm ở đó vẫn có người bảo vệ phải không? - Có - Biết đâu chính là anh ta? - Tôi không quan tâm đến "biết đâu", - Lara nói. - Ông tìm xem kẻ nào và báo cho tôi biết. - Bà có thể cho tôi làm công nhân trong công trường được không? - Tôi sẽ lo. Hôm sau Kane vào làm việc trên công trường xây dựng toà khách sạn. Khi Lara kể với Howard câu chuyện, anh nói: - Cô không phải lo chuyện đó. Để tôi. - Tôi thích tự lo lấy, - Lara nói. Thế là câu chuyện kết thúc giữa hai người. Năm ngày sau, Kane đến văn phòng gặp Lara. - Ông tìm thấy gì chưa? Thấy đầy đủ, - người thám tử tư nói. - Có phải người bảo vệ ban đêm không? - Không. Kẻ gian không chở vật liệu trong công trường ra. - Nghĩa là sao? Nghĩa là số vật liệu ấy không hề được chở đến đây Chúng được chở đến một công trường khác bên Jersey và những hoá đơn bà nhận được chỉ là bản sao. Bản thống kê giả. - Kẻ nào là thủ phạm? - Lara hỏi. Kane nói một cái tên với nàng. Chiều hôm sau, có một cuộc họp của ban chỉ đạo công trình. Terry Hill, luật sư của Lara có mặt. Còn có Howard Keller, Jim Belon, trưởng ban thiết kế và Pete Reese. Hội nghị còn có thêm một người lạ. Lara giới thiệu tên ông ta là Conroy. - Đề nghị báo cáo, - Lara nói. Pete Reese đứng dậy: - Chúng ta đi đúng tiến độ. Chỉ còn bốn tháng nữa là xong. Bà nói đúng, chúng ta tiến hành theo tốc độ nhanh. Mọi khâu đều cùng tiến hành song song. Chúng tôi đã bắt đầu công việc lắp đặt điện và hệ thống dẫn thoát nước. - Tốt lắm, - Lara nói. - Còn về số vật liệu bị mất thì sao? - Howard Keller hỏi. - Chưa thấy thêm gì mới, - Pete Reese nói. - Tôi vẫn đang dò. - Tôi nghĩ chúng ta không cần băn khoăn chuyện đó nữa, - Lara tuyên bố. - Chúng tôi đã tìm ra kẻ ăn cắp nàng đưa mắt về phía người khách lạ. - ông Conroy đã tìm ra kẻ xấu đó. Ông đây là thám tử Conroy. - Ông ta đến đây làm gì? - Pete Reese hỏi. - Để bắt anh. Pete Reese hốt hoảng: - Nghĩa làm sao? Lara quay sang các người dự họp: - Pete Reese đã đem bán vật liệu của chúng ta cho một công trường khác. Lúc tôi kiểm tra bản chi phí mua vật liệu, anh ta đã bảo tôi là có chuyện ăn cắp. - Khoan đã, - Pete Reese nói. - Tôi… tôi… Bà nhầm rồi. Lara quay sang Conroy: - Ông vui lòng dẫn anh ta ra khỏi đây chứ? Nàng quay sang những người khác: - Bây giờ ta bàn kế hoạch khánh thành khách sạn. * * * * * Khách sạn càng đến gần ngày hoàn tất, không khí càng căng thẳng. Lara đâm cáu bẳn khủng khiếp. Nàng quát tháo với tất cả mọi người. Nửa đêm nàng cũng choàng dậy gọi điện thoại đánh thức hết người này đến người khác. - Howard, anh biết giấy dán tường đã được chở đến chưa? - Lạy Chúa, Lara. Bây giờ đang là bốn giờ sáng. Chỉ còn chín mươi ngày nữa là đến ngày khánh thành khách sạn. Chúng ta không thể khánh thành được nếu tường chưa được dán giấy. - Sáng ra tôi sẽ kiểm tra xem tầu đã cập bến chưa. - Bây giờ sáng rồi. Anh kiểm tra ngay đi. Càng đến gầy thời hạn hoàn tất, Lara càng dễ nổi nóng hơn. Nàng gặp Tom Scott, giám đốc Hãng quảng cáo. - Ông có con nhỏ không, ông Scott? Scott ngạc nhiên nhìn Lara. - Không. Nhưngại sao bà hỏi thế? - Bởi tôi vừa qua hãng quảng cáo của ông và thấy một thằng nhãi con đang vẽ thiết kế quảng cáo. Tôi nghĩ chỉ là con cái mình ông mới giao cho nó làm cái công việc quan trọng đến thế. Bao nhiêu người lớn của ông đâu? Scott cau mày: - Nếu có gì bà chưa hài lòng… - Mọi thứ đều làm tôi không hài lòng, - Lara nói. - ông làm việc không năng nổ gì hết. Đó là sự thờ ơ. Không khách sạn nào lại bị quảng cáo theo kiểu nhạt nhẽo như thế. Không một khách sạn nào hết, ông nghe rõ chưa, Scott? Mà đây là khách sạn số một của New York: đẹp nhất, hiện đại nhất. Đây là nơi khách đến nghỉ ngơi dễ chịu như đang ở nhà họ vậy. Chúng ta phải tạo nên dư luận tốt cho nó. Ông có làm nổi việc đó không, ông Scott? - Tôi cam đoan với bà là tôi làm được. Tôi sẽ tổ chức lại và trong vòng hai tuần lễ… - Ngay thứ Hai này, - Lara lạnh lùng nói, - tôi cần thấy chiến dịch tuyên truyền quảng cáo đã được bắt đầu. Các trang quảng cáo rầm rộ xuất hiện trên đủ loại báo chí và áp phích, quảng cáo bướm được dán khắp các thành phố trong toàn Hợp chủng quốc. - Tôi nghĩ chiến dịch của chúng tôi khá rầm rộ, - Scott nói. - Bà nói rất đúng. Lara nhìn ông ta, thản nhiên nói: - Tôi không cần tôi đúng mà tôi cần ông đúng. Tôi trả tiền ông là để ông làm như thế. Nàng quay sang Jerry Townsend, được phân việc lo đăng quảng cáo: - Các thiếp mời đã gửi đi hết chưa? - Rồi. Tôi đã nhận được thư nhận lời của hầu hết khách chúng ta mời. Mọi người đều sẽ có mặt trong bữa tiệc khánh thành. Bữa tiệc sẽ rất lớn. - Chứ còn gì nữa, - Howard Keller càu nhàu. - Chi ra ngần ấy tiền kia mà. Lara bật cười. - Anh đừng nói giọng chủ nhà băng mãi như thế nữa. Chúng ta đã chi một triệu đô-la cho quảng cáo. Chúng ta sắp có hàng chục nhân vật tai to mặt lớn trong bữa tiệc và… Howard Keller giơ tay: - Tôi chịu rồi! Tôi chịu rồi. Hai tuần lễ trước khi khánh thành, mọi thứ đều như cùng xẩy đến một lúc. Giấy dán tường được chở đến. Thảm được trải. Các hành lang được sơn quét và các bức hoạ được treo lên. Lara đi kiểm tra lần chót, theo sau là toàn bộ ban chỉ đạo. Nàng vào một dẫy phòng khép kín với đầy đủ tiện nghi, một "chìa khoá" (1) nói: - Rèm không đúng. Thay sang dẫy phòng bên cạnh và đem bộ bên ấy sang treo ở đây. Vào một dẫy phòng khép kín khác, nàng nhấn thử piano. - Dây sai. Cho người đến lên dây lại. Dẫy phòng thứ ba thì lò sưởi điện không cháy: - Thay công tắc! Ban chỉ đạo cảm thấy như Lara ôm lấy tất cả mọi việc. Nàng vào khu nhà bếp và khu giặt giũ, các buồng vệ sinh. Nàng xem xét không sót nơi nào, đến đâu nàng cũng yêu cầu thứ này, phàn nàn thứ kia, quy định thứ nọ. Viên giám đốc nàng thuê để quản lý khách sạn nói: - Bà đừng quá chi ly đến như vậy. Khách sạn nào lúc khai trương chẳng có đôi chút sai sót nhỏ. = Nhưng khách sạn của tôi thì không, - Lara nói. - Các khách sạn của tôi không được có sai sót nhỏ nào hết. Hôm khai trương, Lara dậy từ bốn giờ sáng. Nàng bồn chồn không ngủ được. Nàng rất muốn nói chuyện với Paul Martin, nhưng vào giờ này không thể gọi điện cho ông được. Nàng mặc quần áo và đi dạo. Mọi thứ đều êm đẹp, nàng tự nhủ. Hệ thống máy vi tính sẽ được lắp xong. Phòng bếp thứ ba sắp hoạt động được. Dãy phòng số bảy, khoá sẽ được sửa lại. Mình sẽ tìm một ngưởi thay cho mấy nhân viên phục vụ hôm qua xin nghỉ việc. Máy điều hoà nhiệt độ ở căn hộ thượng hạng sẽ hoạt động… Sáu giờ chiều hôm đó, khách khứa bắt đầu lục tục đến. Mỗi cửa vào có một nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đứng kiểm tra giấy mời. Hôm nay có đủ loại nhân vật danh giá của thành phố: các giám đốc, các uỷ viên điều hành các công ty… Lara đã kiểm tra danh sách khách mời rất kỹ, gạt đi những người không quan trọng. Nàng đứng trong gian tiền sảnh rộng thênh thang tươi cười chào đón khách mỗi khi họ đến. - Tôi là Lara Cameron. Rất hân hạnh được đón tiếp quý vị. Xin mời quý vị cứ xem thoải mái. Nàng nói riêng với Howard Keller: - Tại sao không thấy ông Thị trưởng? - Ông ta quá bận, chắc thế, và… - Anh nói vậy nghĩa là ông ta coi tôi không phải người quan trọng? Sẽ đến lúc ông ta thay đổi cách suy nghĩ. Một trong số các trợ lý của thị trưởng có đến. - Cảm ơn ông đã đến dự, - Lara nói. - Đấy là một vinh dự cho khách sạn chúng tôi. Lara rất nóng lòng mong Tod Grayson, cây bút phê bình về xây dựng của tờ New York Times mà nàng đã mời. Nếu ông ta thích toà nhà này, - nàng thầm nghĩ - tức là mình đã chiến thắng. Paul Martin đến cùng với vợ ông. Đây là lần đầu tiên Lara nhìn thấy bà ta: một phụ nữ đẹp và dáng quý phái. Nàng bỗng cảm thấy mình là kẻ có tội. Paul Martin bước đến chỗ Lara. - Thưa cô Cameron. Tôi là Paul Martin. Đây là vợ tôi, Nina. Cảm ơn cô đã mời hai vợ chồng chúng tôi! Lara nắm bàn tay của Nina hơi lâu hơn thường lệ một chút. - Tôi rất sung sướng được bà đến dự. Xin bà thoải mái như ở nhà. Paul Martin ngó gian tiền sảnh. Ông đã đến đây và ngắm nó năm sáu lần rồi. - Đẹp thật, - ông thốt lên. - Tôi nghĩ rằng cô đã thành công rực rỡ, thưa cô Cameron. Nina ngắm nàng. - Tôi cũng nghĩ như chồng tôi. Lara tự hỏi không biết bà ta có biết chuyện chồng mình dan díu với nàng không? Khách khứa bắt đầu ùn ùn kéo đến. Một tiếng đồng hồ sau, Lara đang đứng trong gian tiền sảnh thì Howard bước nhanh đến. - Sao vậy? - Anh nói. - Mọi người đang chờ cô. Họ đang ăn uống trong phòng khách lớn. Sao cô còn đứng ngoài này? - Tod Grayson chưa đến. Tôi đang đợi ông ta. Cây bút phê bình kiến trúc của New York Times ấy à? Tôi nhìn thấy ông ta đến từ cách đây một giờ rồi! - Thật không? - Ông ta trong đám khách tham quan các phòng của khách sạn. - Sao anh không báo ngay cho tôi biết? - Tôi đinh ninh cô biết rồi. - Ông ta bảo sao? - Lara sốt ruột hỏi. - Vẻ mặt ông ta thế nào? Liệu ông ta có hài lòng không? - Ông ta không nói gì. Trông mặt thì vui vẻ. Nhưng tôi khó nói là ông ta có hài lòng không, nhiều hay ít. - Ông ta không nói gì à? - Không. Lara cau mặt. - Nếu thích chắc ông ta phải nói chứ. Vậy là điềm gở rồi. Bữa tiệc khánh thành đạt kết quả mỹ mãn. Khách khứa ăn, uống và nâng cốc chúc mừng khách sạn. Lúc bữa tiệc đã tàn, Lara được mọi người tranh nhau chúc mừng. - Khách sạn đẹp quá, thưa cô Cameron… - Nhất định lần sau đến New York tôi sẽ thuê phòng ở đây… - Đúng là một sáng kiến lớn: mỗi phòng khác lại có một cây đàn piano. - Tôi thích cách bố trí lò sưởi… - Tôi sẽ giới thiệu để các bạn bè tôi đến thuê phòng ở đây… Vậy là tốt. Lara thầm nghĩ. Cho dù báo New York Times không thích thì như vậy là mình cũng đã thành công rồi. Lara nhìn thấy hai vợ chồng Paul Martin ra về. - Thưa cô Cameron, tôi nghĩ cô đã thành công rực rỡ. Mọi người ở New York sẽ bàn tán nhiều về toà khách sạn này. - Cảm ơn ông, thưa ông Martin, - Lara nói. - Cảm ơn hai ông bà đã có nhã ý đến dự. Bà Nina nói bình thản: - Chào cô, cô Cameron. - Chào bà! Lúc họ đi ra tiền sảnh, Lara nghe thấy bà ta nói với chồng: - Cô ấy đẹp đấy chứ, anh công nhận không, Paul? * * * * * Thứ năm sau, khi số báo New York Times ra mắt, Lara đứng ở quầy báo trên góc phố 42 và đại lộ Broadway từ bốn giờ sáng để mua một tờ. Nàng vội vã lật tới mục Kiến trúc của Tod Crayson. Bài báo của ông ta mở đầu" "Từ lâu đảo Manhattan cần một khách sạn có khả năng làm du khách đến nghỉ cảm thấy đầy đủ tiện nghi như đang ở nhà họ. Các dãy phòng khép kín trong khách sạn Cameron Plaza đều rộng rãi, lịch sư được trang trí có thẩm mỹ. Lara Cameron cuối cùng đã xây dựng được cho New York…" Lara reo lên sung sướng. Nàng gọi điện cho Howard và đánh thức anh dậy. - Thắng rồi, Howard - Nàng nói. - Báo Times ca ngợi chúng ta. Anh ngồi dậy, mừng rỡ: - Hay quá! Họ nói sao? Lara đọc bài báo cho anh nghe. - Vậy là xong, - Howard nói. - Bây giờ thì cô đi ngủ tiếp đi. - Ngủ ấy à? Anh nói đùa. Tôi lại vừa tìm thấy một địa điểm mới nữa. Đến giờ các nhà băng mở cửa, tôi đề nghị anh đến gặp họ thương lượng chuyện vay tiền ngay… Khách sạn Cameron Plaza tại New York đúng là một kiểu chiến thắng lẫy lừng. Tất cả các dẫy phòng khép kín đều luôn có người thuê và số người đăng ký thuê chiếm cả một bản danh sách dài. - Đây mới chỉ là bước khởi đầu, - Lara bảo Howard. - Tại thủ đô này có mười ngàn công ty xây dựng nhưng chỉ có một số ít nổi danh: Ticche, Rudin, Rockfeìler, Stern. Dù họ không thích thì cũng sẽ buộc phải chấp nhận chúng ta. Và sẽ đến lúc chúng ta thay đổi cán cân trên bầu trời kiến trúc ở đây. Chúng ta sẽ tạo ra tương lai chứ không phải họ. Các nhà băng bắt đầu gọi điện cho Lara xin được cho nàng vay tiền. Nàng đã triệu tập những nhà môi giới bất động sản lớn nhất, mời họ ăn tối và đi xem hát. Nàng được các quan chức quản lý bất động sản mời nàng ăn điểm tâm và họ giới thiệu với nàng những bất động sản sắp được đưa ra bán. Nàng lựa được hai khu đất trong khu thương mại của thành phố và bắt đầu tiến hành xây cất. Paul Martin gọi điện đến văn phòng cho Lara. - Cô đọc tuần báo Kinh doanh chưa? Cô đã trở thành nhân vật nổi danh rồi đấy, - ông nói. - Tiếng đồn lan truyền cô là một nhân vật sấm sét. Cô đã thành công. - Em sẽ cố gắng. - Trưa nay cô có rảnh đi ăn với tôi không? - Em sẽ thu xếp được. Lara đang họp với hãng thiết kế kiến trúc lớn nhất. Nàng xem những bản vẽ họ mang đến. - Cô sẽ thích kiểu này, - người kiến trúc sư trưởng của hãng nói. - Kiểu này đẹp và cân đối, đúng là kiểu cô yêu cầu. Cô cho chúng tôi nói chi tiết… - Không cần, - Lara nói. - Tôi biết xem bản vẽ. - Nàng muốn ông chuyển kiểu này thành tác phẩm nghệ thuật. - Nghĩa là sao? - Tôi muốn có những nét vẽ bằng mầu. Tôi muốn có những bức hoạ thật sự hình dạng của gian tiền sảnh, các hành lang và các phòng giấy. Các chủ nhà băng không có óc tưởng tượng. Tôi cần cho họ thấy cụ thể trang hoàng của toà nhà tương lai sẽ ra sao. - Ý kiến của cô rất đúng, cô Cameron. Nữ thư ký của nàng bước vào. - Xin lỗi, thưa bà chủ. - Cuộc họp này được triệu tập vào chín giờ. Vậy mà bây giờ chín giờ năm cô mới đến? - Xin lỗi bà. Đồng hồ báo thức của tôi bị hỏng, tôi… - Thôi được. Chuyện ấy để nói sau. Nàng quay sang các kiến trúc sư. - Tôi muốn có vài thay đổi. Hai tiếng sau, Lara đã trao đổi xong về những chỗ nàng muốn thay đổi. Khi cuộc họp tan, nàng bảo Kathy: - Cô ngồi xuống đây đã. Cô thư ký ngồi xuống. - Cô có thích công việc hiện nay không? - Có thưa bà Cameron. - Riêng tuần này cô đã đến trễ ba lần. Tôi không thể tha thứ thêm được nữa. - Ôi tôi rất đau lòng. Tôi… không được khỏe. - Cô làm sao? - Không làm sao rõ ràng cả, thưa bà. - Vậy tại sao cô không đi làm đúng giờ được? Có chuyện gì vậy? - Thời gian trước tôi ngủ rất tốt. Thú thật với bà là tôi đang rất lo. - Lo chuyện gì? - Lara sốt ruột hỏi. - Tôi… tôi có khối u. - Thế à? - Lara im lặng một lúc. - Thế bác sĩ bảo sao? Kathy nuốt nước bọt. - Tôi chưa đi khám bác sĩ. - Tại sao? - Lara nổi nóng. - Cô là con đà điểu hay sao? Tại sao cô không đi khám bác sĩ? Lara nhấc điện thoại: - Cho tôi nói chuyện với bác sĩ Peters. Nàng đặt máy xuống. - Rất có thể là u lành, nhưng cô không thể bỏ qua như thế được. - Mẹ tôi và anh tôi đều chết vì ung thư, - Kathy rầu rĩ nói. - Tôi không dám đi khám vì sợ bác sĩ bảo tôi cũng bị bệnh ấy. Chuông điện thoại reo. Lara nhấc máy. - Alô. Bác sĩ làm sao? Tôi không cần biết. Cô nói giúp là tôi cần nói chuyện với bác sĩ ngay bây giờ. Nàng đặt máy xuống. Lát sau, điện thoại reo. Lara nhấc lên. - Chào bác sĩ… không, tôi vẫn khỏe. Tôi sẽ bảo cô thư ký đến nhờ ông xem giúp. Tên cô ta là Kathy Turner. Sau đây nửa giờ cô ấy sẽ có mặt ở phòng khám của bác sĩ. Ông khám cho cô ấy ngay sáng nay nhé. Tôi biết ông là chuyên gia hàng đầu về… Vâng… Cảm ơn ông. Nàng đặt máy xuống. - Cô đến ngay bệnh viện Sloan - Kettering. Bác sĩ Peters sẽ chờ cô ở đó. - Tôi không biết nói thế nào để biểu lộ hết lòng biết ơn bà, thưa bà chủ. - Hãy nói rằng sáng mai cô không đến trễ nữa. * * * * * Howard Keller bước vào phòng giấy. - Có chuyện trục trặc, sếp? - Chuyện gì? - Về khu đất trên phố số 14. Chúng ta đã giải toả tất cả những người sống trong đó, trừ một cư xá. Cư xá Dorchester. Sáu gia đình trong đó nhất định không chịu dời đi. Và thành phố cũng không cho phép chúng ta ép buộc họ. - Trả thêm tiền cho họ. Đây không phải là chuyện tiền. Những gia đình đó sống ở đấy đã lâu. Họ không chịu đi vì đã quen thuộc và thấy sống ở đó dễ chịu. - Vậy thì ta làm cho họ sống không dễ chịu nữa. - Nghĩa là sao? Lara đứng dậy: - Ta đến xem lại khu vực ấy đi. Dọc đường họ thấy những phụ nữ đeo tay nải và những người vô gia cư chen chúc trên đường xin tiền bố t. Trong một đất nước phồn vinh như thế này, - Lara, - thì quang cảnh này đúng là nhục nhã. Cư xá Dorchester là một toà nhà gạch sáu tầng nằm giữa một khu toàn những túp nhà tồi tàn đang chờ xe ủi đến phá. Lara đứng ngoài đường nhìn rất lâu. - Có bao nhiêu gia đình sống trong này? - Chúng ta đã dời đi được mười sáu hộ, còn sáu hộ không chịu. - Nghĩa là chúng ta có mười sáu căn hộ có thể sử dụng? Howard nhìn Lara, ngạc nhiên: - Đúng thế. Nhưng sao? - Ta sẽ đưa người vào ở kín mười sáu căn hộ bỏ trống ấy. Ý cô bảo ta tìm người thuê? Nhưng toà nhà này sắp… - Không phải cho thuê mà cho ở nhờ. Chúng ta sẽ cho đám người vô gia cư kia đến ở tạm. Thành phố New York có hàng ngàn người không chỗ trú chân. Chúng ta sẽ cho họ ở và anh hãy quan tâm, cấp cho họ đôi chút thức ăn nữa. Howard cau mặt: - Có nên coi đấy là một suy nghĩ có giá trị nhất của cô từ trước tới nay không? - Anh Howard! Chúng ta sẽ làm việc từ thiện. Chúng ta sẽ làm cái việc mà thành phố không thể làm được - đó là cung cấp nơi trú chân cho những kẻ vô gia cư. Lara nghiên cứu kỹ thêm toà nhà cư xá, xem các cửa sổ. - Và tôi muốn đóng ván kín những cửa sổ kia lại. - Để làm gì? - Ta sẽ tạo cho toà nhà có vẻ như một toà nhà bỏ hoang. Tầng trên cùng vẫn có người ở phải không? - Có. - Vậy thì ta dựng một tấm biển lớn, chặn tầm mắt của họ. - Nhưng… - Anh hãy cứ làm như thế đi. Khi Lara trở về văn phòng, đã có một lời nhắn chờ nàng. - Bác sĩ Peters đề nghị bà chủ gọi điện đến cho bác sĩ, - Tricia nói. - Liên lạc ngay cho tôi. Bác sĩ Peter nhấc máy ngay. - Lara. Tôi đã khám cho cô thư ký của bà. - Sao? - Cô ấy có một khối u. Tôi sợ là u ác tính. Tôi đã cho làm sinh thiết ngay rồi. - Tôi cần một người nữa khám cho chắc, - Lara nói. - Tất nhiên rồi, nếu bà muốn, nhưng tôi là chủ nhiệm khoa và… - Tôi cần có thêm một bác sĩ nữa khám cho Kathy. - Cô ấy hiện ở đâu? - Đang trên đường về văn phòng bà. - Cảm ơn ông, Paters. Lara đặt máy xuống. Nàng ấn nút máy truyền âm: - Kathy về thì bảo sang gặp tôi. Lara nghiên cứu lịch công việc trên bàn. Nàng chỉ có được ba chục ngày để giải toả cư xá Dorchester trước khi bắt đầu thi công. Sáu tên ương ngạnh. Thôi được, Lara thầm nghĩ. Xem chúng còn ngoan cố được bao lâu nữa. Kathy vào phòng giấy bà chủ. Hai mắt cô đỏ và mọng lên vì khóc. - Tôi nghe tin rồi, - Lara nói. - Tôi rất thông cảm, Kathy. - Tôi sắp chết rồi, - Kathy mếu máo nói. Lara đứng dậy, ôm chặt cô thư ký. - Không sao đâu. Ngày nay việc điều trị ung thư đã tiến rất xa. Cô sẽ làm phẫu thuật và sẽ khỏi. - Thưa bà Cameron… tôi không đủ khả năng… - Tôi cho tiền. Bác sĩ Peters sẽ kéo thêm một bác sĩ nữa khám cho cô. Và nếu lần khám này ông bác sĩ kia cũng kết luận đúng như thế thì cô sẽ phải mổ ngay. Bây giờ cô về nhà nghỉ ngơi đi. Kathy lại khóc. - Cảm ơn bà chủ. Khi Kathy bước ra, cô thầm nghĩ: - Không ai hiểu nỗi bà ta là người thế nào nữa? Chú thích: (1) Một đơn vị cho khách thuê ở khách sạn Chương 16 Thứ hai sau, Lara có một khách đến gặp. - Có một ông tên là O Brian đến đâ gặp bà. - Ông ta ở Sở nhà đất thành phố. - Về chuyện gì? - Ông ta không nói. Lara nói qua máy truyền âm với Howard Keller: - Anh sang đây được không, Howard? - Rồi nàng nói với thư ký - Mời ông O Brian vào. Andy O Brian là người gốc Ailen mặt to, đỏ và một giọng đặc sệt xứ sở: - Chào bà Cameron. Lara vẫn ngồi nguyên sau bàn giấy. - Chào ông. Tôi có thể làm gì giúp ông, ông O Brian? - Tôi e bà đã vi phạm pháp luật, thưa bà Cameron. - Về chuyện gì vậy? Bà hiện là chủ nhân của cư xá Dorchester ở phố 14 Đông phải không? - Đúng thế. - Tôi được báo cáo là khoảng một trăm dân vô gia cư đã vào ở chật trong đó. - À, chuyện đó, - Lara cười. - Đúng thế đấy. Tôi nghĩ rằng thành phố không làm gì để giúp họ có chỗ trú chân cho nên tôi giúp họ. Có vậy thôi. Howard Keller bước vào phòng giấy. - Xin giới thiệu. Đây là ông Keller, còn đây là ông O Brian. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Lara quay sang nói với Howard. - Tôi vừa nói với ông O Brian là chúng ta đã giúp thành phố, tạo nơi trú chân cho một số người vô gia cư. - Bà mời họ vào, phải không thưa bà Cameron? - Đúng thế. - Bà có giấy phép của thành phố không? - Giấy cho phép nào? - Nếu bà tổ chức một nơi cho họ trú ngụ bà phải xin phép thành phố. - Rất tiếc là tôi không biết điều đó. Tôi sẽ lo để có một giấy phép ngay. - Tôi e là người ta không cấp cho bà. - Tại sao? - Vì mấy gia đình sống trong cư xá đó khiếu nại. Họ bảo bà tìm cách ép buộc họ phải dời đi nơi khác. - Vô lý - Thưa bà Cameron, thành phố cho bà bốn mươi tám tiếng đồng hồ để bà đưa đám dân vô gia cư ấy ra khỏi toà cư xá. Và sau khi họ đi rồi, chúng tôi sẽ có lệnh yêu cầu bà bỏ những tấm ván đóng kín các cửa sổ. Lara giận dữ: - Ông nói xong rồi chứ? - Chưa, thưa bà. Người chủ căn hộ có sân trời trên nóc nhà kiện bà đã dựng một tấm biển để chặn tầm mắt ông ta. Bà cũng phải hạ tấm biển ấy xuống. - Nếu tôi không hạ? - Tôi tin là bà sẽ phải hạ. Vì nếu không bà sẽ gặp nhiều chuyện phiền toái. Báo chí sẽ kêu ầm lên. Buộc chúng tôi phải đưa bà ra toà, - ông ta gật đầu rồi nói - Chúc bà vui vẻ. Lara và Howard nhìn theo O Brian bước ra ngoài. Howard quay sang nói với Lara: - Chúng ta phải ngưng chương trình "từ thiện" này thôi. - Không, - nàng ngồi suy nghĩ. - Cô nói "không" nghĩa là sao? Ông ta đã nói rằng… - Tôi biết câu lão ta nói. Tôi đề nghị anh đưa thêm dân vô gia cư vào nữa. Tôi muốn ngôi nhà đó chật ních dân lang thang. Anh gọi điện cho luật sư Terry Hill, kể cho ông ấy chuyện này. Bảo Hill kéo dài vụ này thêm ít ngày. Chỉ đến cuối tháng mấy hộ ương ngạnh ấy sẽ phải dọn đi. Nếu không chúng ta thiệt mất ba triệu đô-la. * * * * * Máy truyền âm lạo sạo. - Bác sĩ Peters muốn nói chuyện điện thoại với bà. Lara nhấc máy: - Chào bác sĩ. - Tôi cần báo bà biết rằng ca phẫu thuật đã xong. Kết quả rất tốt. Sức khỏe cô thư ký Kathy của bà sẽ nhanh chóng hồi phục. - Tuyệt vời. Bao giờ tôi có thể vào thăm cô ấy? - Ngay chiều nay. - Vậy chiều nay tôi sẽ đến. Cảm ơn ông . - Ông gửi toàn bộ hoá đơn đến để tôi thanh toán nhé? - Vâng. - Và ông báo cho bệnh viện biết tôi xin giúp bệnh viện năm chục ngàn đô-la. Lara nói với Tricia: - Mua hoa tươi chất đầy phòng bệnh của Kathy cho tôi, - nàng nhìn vào lịch làm việc. - Bốn giờ chiều nay tôi sẽ đến bệnh viện. Terry Hill bước vào. - Có lệnh bắt bà. - Cái gì? - Bà được thông báo là phải giải toả đám vô gia cư ra khỏi cư xá rồi phải không? - Đúng thế, nhưng… - Bà sẽ gặp rắc rối đấy. Đã có một câu ngạn ngữ lâu đời "Đừng có chống lại Toà Thị chính!". - Họ định bắt giam tôi thật à? - Chứ còn gì nữa? Bà đã nhận được lệnh giải toả đám vô gia cư ấy ra khỏi đó. - Đúng vậy, - Lara nói. - Đành đuổi họ đi thôi, - nàng quay sang Howard Keller. - Bảo họ đi, nhưng đừng có tống họ ra ngoài đường. Làm thế không nên. Chúng ta còn một số phòng trống ở toà nhà chúng ta mới tậu nhưng chưa tiến hành sửa chữa trên phố 20 Tây. Anh bảo ai đưa họ đến đó ở tạm. Làm thế nào trong một tiếng đồng hồ nữa giải toả xong. Nàng quay sang Terry Hill: - Tôi tạm lánh. Họ đến cũng không thấy được tôi để mà bắt. Còn sau đấy thì vấn đề đã được giải quyết rồi. Máy truyền âm lại lạo sạo. - Có hai người của Viện Công tố Quận đến. Lara ra hiệu cho Howard Keller. Anh đến cạnh máy, nói: - Bà Lara Cameron không có ở đây. Howard nhìn Lara. Nàng lắc đầu. Howard nói vào máy: - Tôi không biết, - anh tắt máy. - Tôi ra lối cửa sau, - Lara nói. Lara rất ghét bệnh viện. Nó làm nhớ đến hình ảnh cha nàng nằm trên giường, mặt tái nhợt và đột nhiên già khọm đi. "Mày đến đây làm gì? Dễ mày hết việc ở nhà trọ đấy hẳn?" Nàng bước vào phòng bệnh của Kathy. Khắp phòng đầy hoa tươi. Thấy nàng, Kathy ngồi dậy. - Cô thấy trong người thế nào? - Nàng hỏi. Kathy cười: - Bác sĩ bảo tôi sẽ bình phục. - Tôi cũng rất mong cô chóng khỏe. Công việc đang chồng chất. Tôi rất cần đến cô. - Tôi… Tôi không biết cách nào trả ơn bà đây, thưa bà chủ. - Không cần thiết. Lara nhấc máy điện thoại ở đầu giường, gọi về văn phòng. Nàng nói với Terry Hill. - Họ còn ở đấy không? - Họ vẫn ở đây. Họ đợi bà về. - Liên hệ với ông Keller, bao giờ ông ấy giải toả hết số dân vô gia cư ra khỏi cư xá thì tôi mới về. Lara đặt máy xuống. - Cô cần thứ gì cho tôi biết nhé, - Lara nó. - Mai tôi sẽ lại đến thăm. Chỗ dừng chân tiếp đó của Lara là văn phòng kiến trúc của Higgin Almont Clark. Nàng được đưa vào phòng giấy của ông. Thấy nàng vào, ông ta đứng dậy. - Sao, có chuyện bất ngờ quý báu thế này? Tôi có thể làm gì giúp bà, thưa bà Cameron? - Tôi cần xem bản thiết kế cho khu nhà phố 14 ngay bây giờ. - Tất nhiên là được. - Ông ta bước đến mở ngăn kéo tủ. - Tôi để đây. Đấy là bản vẽ một khu nhà cao tầng rất đẹp gồm có những cư xá ở giữa và xung quanh là các cửa hiệu. - Tôi muốn ông vẽ lại, - Lara nói. - Tại sao? Lara trỏ khoảng trống ở giữa khu đất. - Một ngôi nhà đành phải để nguyên ở đây. Tôi muốn ông vẫn giữ nguyên phong cách kiến trúc này, chỉ có điều xây các toà nhà xung quanh ngôi nhà cũ - Nghĩa là bà muốn vẫn giữ lại ngôi nhà cũ kỹ tồi tàn đó và ta chỉ xây dựng xung quanh? Không được đâu thưa bà Cameron. Làm thế trông sẽ rất chướng mắt, và… - Tôi đề nghị ông làm theo như tôi yêu cầu. Chiều nay ông cho người đem đến văn phòng tôi ngay. Xong việc, Lara đi. Nàng dùng điện thoại vô tuyến trong xe gọi cho Terry Hill: - Ông đã được tin gì của Howard chưa? - Rồi. Đám vô gia cư đã ra khỏi đó rồi. - Tốt. Ông gọi điện cho Viện Công tố Quận, báo họ biết là tôi đã ra lệnh giải toả đám dân nghèo ấy từ cách đây hai ngày nhưng vì thiếu phương tiện vận chuyển nên hôm nay mới giải toả xong. Bây giờ tôi về văn phòng. Ông xem họ có còn đòi bắt giữ tôi nữa hay không? Nàng bảo lái xe: - Cho tôi qua công viên. Cứ ung dung thôi. Ba mươi phút sau, khi Lara về đến văn phòng thì hai nhân viên công tố đã đi rồi. Lara ngồi họp với Howard Keller và Terry Hill. - Mấy chủ hộ ương bướng đó nhất định không chịu dời đi, - Howard nói. - Tôi đã đưa thêm tiền nhưng họ kiên quyết từ chối. Ta chỉ còn năm ngày nữa là đã phải khởi công. Lara nói: - Tôi đề nghị ông Clark làm lại bản thiết kế. - Tôi đã xem, - Howard nói. - Nhưng không được. Ta không thể để cái nhà tồi tàn ấy nằm giữa cả một khu kiến trúc đồ sộ như vậy. Có lẽ tôi sẽ đến các nhà băng, đề nghị họ chịu lùi thời gian khởi công ít ngày. - Không cần, - Lara nói. - Tôi cần khởi công ngay. - Nghĩa là sao? - Anh liên hệ với kỹ sư trưởng, nói rằng tôi muốn cho máy ủi làm việc ngay từ ngày mai. - Ngày mai? Lara… Ngay đầu giờ ngày mai. Rồi anh đem bản vẽ này đưa cho ông chủ thầu và kỹ sư trưởng. - Làm thế để làm gì? - Rồi anh sẽ biết. Sáng hôm sau các hộ ương ngạnh trong cư xá Dorchesster bị tiếng xe ầm ầm đánh thức dậy. Tất cả tường của họ rung lên. Họ nhìn qua cửa sổ ra ngoài. Một chiếc xe ủi khổng lồ đang húc đổ những ngôi nhà xung quanh và tiến về phía nhà của họ. Các hộ này sửng sốt. Ông Hershey chủ căn hộ trên tầng cao nhất, lao ra ngoài hét gọi người đốc công. - Các ông làm cái trò gì thế? - ông ta rống lên. - Không thể làm ăn như thế được. - Ai bảo ông thế? - Thành phố, - Hershey lui vào ngôi nhà ông ta đang ở. - Các người không được phép đụng đến ngôi nhà của chúng tôi. Viên đốc công chỉ vào bản vẽ đặt trước mặt. - Đúng thế, - ông ta nói. - Chúng tôi được lệnh vẫn để nguyên ngôi nhà của ông. Herslhey cau mày. - Sao? Cho tôi xem, - ông ta bước đến, nhìn vào bản vẽ. - Vậy là người ta vẫn xây cả khu vực này chỉ chừa ra một ngôi nhà của chúng tôi? - Đúng thế. - Không được. Không thể làm thế được! Ầm ĩ và bụi bậm, làm sao chúng tôi chịu nổi. - Chuyện ấy không thuộc phạm vi chúng tôi. Thôi, ông tránh ra để xe ủi làm việc. Ba mươi phút sau, thư ký của Lara nói: - Có ông Hershey nào đó muốn gặp bà chủ. Bảo tôi đang bận. Chiều hôm đó, Hershey gọi đến lần thứ ba, Lara mới nhấc máy tiếp chuyện. - Tôi đây, chào ông Hershey. Tôi có thể giúp gì ông được? - Tôi muốn vào trực tiếp nói chuyện với bà, thưa bà Cameron. - Rất tiếc tôi đang bận. Ông cần nói gì cứ nói máy cũng được. - Tôi đã gặp những hộ còn lại. Chúng tôi bằng lòng chấp nhận đề nghị của bà và xin rời khỏi đây. Bây giờ thì tôi lại không cần đến ngôi nhà của các vị nữa, thưa ông Hershey. Các vị cứ việc ở lại đó. - Nếu bà tiến hành xây dựng khắp bốn xung quanh thì làm sao chúng tôi sống nổi. - Ai bảo ông là chúng tôi xây dựng xung quanh nhà ông? - Lara hỏi. - ông kiếm thông tin ấy ở đâu vậy? - Ông đốc công đã cho tôi xem bản vẽ và… - Vậy à? Ông ta sẽ bị đuổi việc, - giọng Lara giận dữ. - Đấy là thông tin chỉ được biết trong nội bộ chúng tôi. - Xin bà khoan cho một phút. Chúng tôi muốn bàn bạc với bà như giữa những người biết điều, được không? Công trình của bà sẽ rất tốt nếu như chúng tôi rời khỏi đây. Và chúng tôi xin sẵn sàng dọn đi. Tôi không muốn sống lọt thỏm giữa toàn những nhà cao tầng đồ sộ ấy. Lara nói: - Việc các vị dọn đi hay không liên quan gì đến tôi? - Giọng nàng dịu lại. - Nhưng thôi, thế này. Nếu các vị dọn đi trong tháng tới, tôi sẵn sàng trả các vị theo cái giá chúng tôi đề nghị hôm đầu tiên. Lara thấy được ông ta đang tính toán. Cuối cùng ông ta đành miễn cưỡng nói: - Thôi đành. Tôi sẽ bàn với các hộ kia, nhưng tôi tin rằng họ cũng bằng lòng thôi. Tôi xin cảm ơn bà, thưa bà Cameron. - Chào ông, chúc ông vui vẻ, ông Hershey. Tháng sau công việc trên công trường này đạt mức sôi động cao nhất. * * * * * Danh tiếng Lara tăng lên rất nhanh. Hãng xây dựng Cameron đang xây toà nhà cao tầng ở Broopklyn, một trung tâm thương mại ở Westchester, một trung tâm thương mại khác ở Washington. Có những toà nhà vốn liếng ít hơn xây dựng ở Dallas và một khu cư xá ở Los Angeles. Các nhà băng đua nhau rót tiền vào. Các công ty tiết kiệm và tín dụng cũng như các cá nhân có tiền cũng tranh nhau góp tiền cho hãng Cameron. Lara đã thành người đàn bà lừng lẫy. Kathy đã trở lại làm việc. - Tôi đã khỏe, xin tiếp tục làm việc. Lara chăm chú nhìn cô thư ký hồi lâu: - Cô thấy trong người ra sao? Kathy cười: - Rất tốt. Cảm ơn bà… - Cô thật sự khỏe khoắn rồi chứ? Kathy ngạc nhiên trước câu hỏi: - Vâng, tôi… - Tốt. Cô sắp phải cần nhiều đến sức khỏe đấy. - Tôi trao cho cô chức trợ lý đlều hành. Và lương cô sẽ tăng đáng kể đấy. - Tôi không biết trả ơn bà thế nào, thưa bà Cameron… - Cô xứng đáng được hưởng những gì tôi làm cho cô. Lara nhìn thấy một tờ giấy trong tay Kathy. - Cái gì thế? - Tạp chí Gia chánh muốn được đăng món ăn bà thích nhất và cách nấu nó. Bà có muốn họ đăng không. - Không. Bảo họ là tôi quá bận… Á, mà khoan đã, - nàng ngồi đăm chiêu một lát. Rồi nàng nói dịu dàng. - Có, tôi muốn. Tôi sẽ kể về món ăn tôi thích nhất và cách nấu nó. Ba tháng sau mục Gia chánh trên tờ tạp chí đăng một bài như sau: Bánh gừng (món ăn truyền thông của Scotland) Nửa bảng bột mì, một phần tư bảng (1) bơ, một chút nước lạnh, nửa thìa cà phê bột nở trộn lẫn và nhào thành bột nhuyễn. Bên trong cho hai bảng nho khô, nửa bảng hạnh nhân bóc vỏ, nửa bảngường, hai thìa cà phê bột ca-ri, một thìa cà phê gừng và một thìa cà phê bột chanh khô, nửa thìa cà phê bột nở, một chút rượu trắng… Lara nhìn vào bài báo rất lâu và nàng bỗng như thấy mùi vị của thứ bánh đó đang tan trên lưỡi, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của nhà bếp và nghe thấy tiếng ồn ào trong phòng ăn của nhà trọ các buổi tối. Cha nàng nằm mệt nhọc trên giường… Nàng đặt tờ tạp chí xuống. Lara đi đường, mọi người đều nhận ra được nàng. Và khi nàng bước vào một hiệu ăn, khách ngồi đó bao giờ cũng chụm đầu vào nhau bàn tán về nàng. Nàng đi đâu đều có dăm sáu người đàn ông say mê bám theo và nàng nhận được không biết bao nhiêu bức thư cầu hôn với lời lẽ ca ngợi hết lời. Nhưng Lara không hề quan tâm. Đầu óc nàng vẫn lơ lửng trên chín tầng mây và nàng vẫn thầm chờ đợi sự xuất hiện của một người. Người mà nàng chưa hề gặp mặt. Sáng nào cũng vậy, Lara thức dậy lúc năm giờ sáng và tài xế đã ngồi trong xe chờ ngoài cửa. Max đưa nàng đến một trong những công trình nàng đang xây dựng. Nàng thường đứng đó, ngắm tác phẩm của mình và nàng thầm nghĩ, cha đã lầm rồi. Con có thể thu tiền khách trọ được. Đối với Lara, một ngày bắt đầu bằng tiếng búa máy kêu rat-rat-rat-rat, tiếng ì ầm của máy ủi, tiếng va vào nhau của kim loại. Nàng thường dùng thang máy công trường leo lên đến nóc toà nhà, đứng trên khung sắt, hứng gió trời thổi vào mặt. Và nàng thầm tự nhủ: Ta là chủ cái thành phố này! * * * * * Paul Martin và Lara đang nằm trên giường. - Tôi nghe nói hôm nay cô đuổi hai công nhân ở công trường. - Họ đáng bị đuổi, - Lara nói. - Làm ăn tắc trách! Martin cười: - Ít nhất thì cô cũng thôi cái trò tát thợ rồi chứ. - Vấn đề là hắn có đáng bị tát hay không, - nàng nép vào người ông. - Em nhờ cái tát ấy mà được gặp anh. - Tôi sắp phải đi Los Angeles, - Martin nói. - Tôi muốn rủ cô cùng đi. Cô có thể đi vắng vài ngày được không, Lara? - Em rất muốn đi với anh, nhưng không thể được. Kế hoạch làm việc của em trong mấy ngày tới đã chật từng phút. Martin ngồi dậy, nhìn nàng: - Có lẽ cô làm việc nhiều quá đấy, cô em. Tôi muốn cô vì tôi mà bớt chút ít công việc đi. Lara cười và bắt đầu vuốt ve người tình. - Anh đừng lo. Không bao giờ em vì bận việc mà từ chối anh điều gì. Nó vẫn luôn luôn trước mặt Lara vậy mà sao nàng không nhìn thấy? Đó là một khoảnh đất trống rất lớn nằm sát biển và ngay trong khu vực thuộc phạm vi phố Wall Street, gần Trung tâm Thương Mại Quốc tế. Lại đang cần bán. Lara đã đi ngang qua đó hàng chục lần, nhưng hôm nay nàng mới chịu nhìn vào và thấy đó là miếng đất tuyệt đẹp: trong óc tưởng tượng của nàng hiện lên Toà nhà cao nhất thế giới? Nàng biết Howard sẽ lại nói: Đầu óc cô đã in sâu cái ý định ấy và bây giờ cô không làm sao dứt bỏ nó đ được. Nhưng nàng biết rằng không gì có thể cản chân nàng, không ai có thể cản được nàng. Về đến văn phòng, nàng gọi điện triệu tập ngay bộ tham mưu. - Khoảnh đất ở phố Wall Street nằm gần ven biển, - Lara nói. - Ta sẽ tậu nó và sẽ xây toà nhà cao nhất thế giới. - Lara… - Khoan, để tôi nói đã, Howard. Cho tôi trình bày rõ vài điểm. Khoảnh đất nằm ở ví trí lý tưởng, lại trong khu trung tâm của hoạt động tài chính, kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ tranh nhau thuê những tầng trong đó làm văn phòng của họ. Và anh nhớ đấy, nó sẽ là toà nhà cao nhất thế giới. Một điều hết sức lý thú. Nó sẽ như cột cờ chúng ta. Chúng ta sẽ đặt tên nó là Toà tháp Cameron? - Nhưng tiền? Lấy tiền ở đâu? Lara đưa anh một tờ giấy. Howard nhìn con số trên đó. - Cô đúng là con người lạc quan. - Tôi là người thực tế. Đây không còn là công trình kiến trúc nữa mà là tác phẩm mỹ thuật, là đồ nữ trang, Howard… Howard suy nghĩ rất căng thẳng. - Chà, ôm tham vọng lớn quá. Lara cười: - Thì xưa nay chúng ta vẫn ôm tham vọng đấy thôi. Đâu phải chỉ lần này, anh công nhận không? Howard trầm ngâm nói: - Toà nhà chọc trời cao nhất thế giới… Toà tháp Cameron? - Đúng thế. Các nhà băng hôm nào cũng gọi điện cho chúng ta tha thiết quăng tiền cho chúng ta. Nghe tin này họ sẽ mừng rơn. - Rất có thể, - Howard nói. Anh nhìn Lara. - Nhưng đúng là cô tha thiết muốn xây nó chứ, Lara? Howard thở dài. Anh nhìn khắp mặt những người trong bộ tham mưu. - Thôi được. Bước thứ nhất là thương lượng về việc mua khoảnh đất. Lara cười: - Việc đó đã làm xong. Và tôi xin báo các vị thêm vài tin. Lão Steve Murchinson cũng đang thương lượng để mua chính khoảnh đất đó. - Tôi nhớ ông ta rồi. Chúng ta đã tranh của ông ta khoảnh đất ở Chicago. Lần này ta tha cho mi, bởi ta chưa biết mi định làm gì trên cái mảnh đất ấy. Nhưng lần sau, mi hãy tránh đường ra. Mi mà còn cản chân ta thì liệu hồn! - Đúng thế. Steve Murchinson ngày nay đã thành một trong những nhà kinh doanh xây cất nhà cửa lớn nhất New York. Howard nói: - Lara, lão ấy khó chơi lắm đấy. Lão rất thích làm hại người khác. - Anh lo quá đấy thôi. Việc tập trung tiền cho Toà tháp Cameron tiến hành trôi chẩy. Lara đoán đúng. Các chủ nhà băng đã ngửi thấy tiếng xì xào lan truyền về ngôi nhà chọc trời cao nhất thế giới. Và cái tên Cameron cũng đã trở thành cái tên có uy tín lớn. Họ đều tha thiết muốn cộng tác với nàng. Lara đã là nhân vật lừng lẫy. Nàng là biểu tượng cho phụ nữ tham gia hoạt động xã hội, là một thần tượng. Nếu như bà ta làm được tại sao mình lại chịu. Một hãng mỹ phẩm đã lấy tên nàng. Nàng được mời đi dự tất cả các sự kiện xã hội quan trọng, là khách được trân trọng bậc nhất trong tất cả các tiệc tùng. Tên nàng gắn trên một toà nhà nào là đủ bảo đảm sự thành công của toà nhà đó. - Chúng ta sẽ thành lập riêng một công ty, - một hôm nàng nói. - Chúng ta sẽ có những đội xây dựng và sẽ cho các nơi thuê để xây cất nhà cửa. - Đấy là một ý hay, - Howard nói. - Vậy thì ta tiến hành. Bao giờ ta bắt đầu khởi công xây cất toà tháp Cameron? - Đang chuẩn bị khẩn trương. Tôi nghĩ là chỉ trong vòng ba tháng nữa thôi. Lara ngả người ra lưng ghế. - Anh có thể tưởng tượng không, Howard? Toà tháp có thể cao nhất thế giới! Howard thầm nghĩ, không biết bác sĩ Freud sẽ giải thích thế nào về ca bệnh lý này. Lễ khởi công toà tháp Cameron được tiến hành trong không khí như ở một rạp xiếc ba vòng. Nàng "công chúa" Cameron ở tầm điểm thu hút toàn bộ sự chú ý. Sự kiện này được báo chí tuyên truyền rầm rộ và được quảng cáo cả trên vô tuyến truyẻn hình. Trên hai trăm người đứng chờ Lara Cameron đến. Khi chiếc xe limousine của nàng đỗ lại trước công trường, đám người đó reo hò vang dội. - Lara… Lara Cameron… Trong lúc nàng bước ra ngoài xe, tiến về phía công trường, bắt tay Thị trưởng New York, cảnh sát và an mnh ngăn dân chúng không được đến gần. Đám đông cứ chen lên, reo hò và gọi tên nàng. Các phóng viên nhiếp ảnh thì bám máy lia lịa. Trong khu vực chăng dây thừng cung đầy khách khứa, gồm các chủ nhà băng, các chủ thầu, các nhà thiết kế, đại diện các tổ chức xã hội và các kiến trúc sư: Cách đó khoảng một trăm bộ là những cỗ máy ủi khổng lồ, máy búa, đang trong tư thế sẵn sàng làm việc. Năm chục xe tải gấu xếp thành hàng dài chuẩn bị chở gạch ngói, rác rưởi, đất cát đem đi đổ. Lara đứng bên cạnh thị trưởng New York và tỉnh trưởng Manhattan. Trưởng ban giao dịch của nàng, Jerry Townsend cầm dù vội vã chạy đến, nhưng Lara mỉm cười vẫy tay ra hiệu bảo không cần. Ông Thị trưởng nói vào máy thu hình: - Hôm nay là ngày trọng đại đối với hòn đảo Manhattan. Lễ khởi công xây cất Toà tháp Cameron đánh dấu bước khởi đầu của một trong những đề án xây dựng lớn nhất trong lịch sử Manhattan. Sáu toà nhà sẽ được xoá đi và biến thành một khu công trình liên hoàn với nhiều toà cư xá, hai trung tâm thương mại, một trung tâm xã hội và một toà nhà chọc trời cao nhất thế giới. Đám đông vỗ tay vang dội. - Bất cứ các vị nhìn vào chỗ nào, - Thị trưởng nói tiếp, - các vị cũng thấy sự đóng góp của cô Lara Cameron hiện lên ở dạng công trình xây cất. Bên khu hành chính công sở là toà nhà Trung tâm Cameron. Gần đó là khách sạn Cameron Plaza và nửa tá các cư xá khác. Mạng lưới khách sạn Cameron trải rộng khắp Hoa Kỳ. Thị trưởng mỉm cười quay sang Lara Cameron: - Cô Cameron không phải chỉ có đầu óc mà có cả nhan sắc diễm lệ nữa! Tiếng cười và tiếng vỗ tay lại rộ lên. - Thưa ngài thị trưởng, thưa các quý bà, quý ông… Lara nhìn vào các máy Camera thu hình, mỉm cười nói: - Tôi xin chân thành cảm ơn ngài Thị trưởng. Tôi rất sung sướng được góp phần nhỏ bé vào thành phố kỳ diệu và vĩ đại này của các quý ngài. Cha tôi khi còn sống luôn nói rằng con người ta sinh ra trên đời là để… Nàng ngập ngừng. Nàng đột nhiên nhìn thấy một gương mặt quen quen trong đám đông. Lão Steve Murshinson. Nàng đã nhìn thấy hình lão trên báo chí. Lão đến đây làm gì? Lara nói tiểp: làm cho nơi mình ở đẹp hơn và sống dễ chịu hơn là lúc ta sinh ra. Tôi nghĩ tôi đang tìm một con đường nhỏ để thực hiện điều đó. Và tôi cũng đã làm được đôi chút. Tiếng vỗ tay như sấm đông. Người ta đưa nàng chiếc mũ cứng công nhân và cái xẻng mới toanh. - Đã đến giờ khởi công, thưa cô Cameron. Các máy ảnh lại nháy liên tiếp. Lara ấn xẻng vào mặt đất nham nhở và xúc lên một xẻng tượng trưng. Sau lễ khởi công là tiệc nhẹ ; các máy thu hình tiếp tục làm việc để ghi lại không khí rộn rã vui vẻ nơi đây. Lúc Lara nhìn ra thì đã không thấy lão Steve Murchinson đâu rồi. Nửa giờ sau, nàng ngồi trong xe Limousine về văn phòng. Jerry Townsend ngồi bên cạnh. - Hôm nay đúng là tuyệt vời, - anh ta nói. - Tuyệt vời. - Cũng tạm được, - nàng cười. - cảm ơn anh, Jerry. Các bộ phận trong văn phòng của hãng Cameron chiếm cả một tầng trong toà nhà trung tâm Cameron. Lara bước ra từ thang máy ở tầng năm và lập tức tiếng lan truyền rằng bà chủ đã đến. Các thư ký và các thành viên của ban chỉ đạo tấp nập bắt tay vào việc Lara quay sang Jerry Townsend. - Anh vào phòng gịấy của tôi đã. Phòng giấy của nàng chiếm cả một góc trên tầng năm và trông xuống thành phố bên dưới. Lara liếc qua mấy giấy tờ thư tín trên bàn rồi ngẩng lên nhìn Jerry. - Cha anh thế nào rồi? Có đỡ hơn không? - Tại sao bà ta lại biết tình hình cha mình nhỉ? - Cha tôi… nặng lắm. - Tôi biết. Đó là bệnh co giật Huntington phải không? - Vâng. Căn bệnh ấy rất đáng sợ. Nó tiến triển nhanh và khắp các cơ đều bị co giật, mặt, chân tay, đồng thời trí óc cũng mụ mẫm dần. - Tại sao bà biết cha tôi mắc bệnh, thưa bà Cameron? - Tôi đến bệnh viện và được biết cha anh nằm tại đó. Tôi tình cờ nghe thấy hai bác sĩ trao đổi với nhau về trường hợp của cha anh. Jerry đau đớn nói: - Bệnh đó là nan y, không có cách chữa. - Bệnh gì cũng chữa được nếu như tìm đúng nơi chữa, - Lara nói. - Tôi đã thử thăm dò và biết có một giáo sư ở Thuỵ Sĩ đã tìm ra được một vài cách để điều trị căn bệnh của cha anh. Tôi đã liên lạc và ông ta nhận lời chữa trị. Phí tổn tôi chịu cho. Jerry ngây người vì ngạc nhiên. - Anh đồng ý chứ? Jerry không biết nói thế nào. - Vâng, - và anh ta thầm nghĩ: đúng là mình không thể hiểu được con người này. Và cũng không ai hiểu được bà ta hết. * * * * * Lịch sử đang được hình thành, nhưng Lara quá bận không đầu óc đâu nhận thấy được. Ronnald Reagan được tái cử và một người tên là Mikhail Gorbachev lên đứng đầu Liên Xô thay cho Chernenko. Lara xây một loạt nhà cư xá giá rẻ ở miền Detroit. Năm 1986, Ivan Boesky dính một trăm triệu đôìa trong một vụ bê bối về nội thương và bị kết án ba năm tù. Lara bắt đầu phát tnển việc xây những toà cư xá sang trọng tại thành phố Queens. Các nhà đầu tư đua nhau tham gia để được hưởng một phần tên tuổi thần kỳ của nàng. Một nhóm chủ nhà băng đầu tư ở Đức đáp máy bay đến New York gặp nàng. Lara bố trí cuộc gặp ngay sau khi máy bay của họ hạ cánh. Họ phản đối nhưng nàng nói: - Tôi rất tiếc, thưa các vị. Nhưng tôi không còn thời gian nào khác. Tôi sắp phải bay sang Hồng Kông. Khách Đức được tiếp cà phê. Lara dùng trà. Một trong đám khách Đức than phiền cà phê có vị không dễ chịu. - Đấy là loại cà phê sản xuất riêng cho tôi, Lara giải thích. Đến khi đã quen với nó các vị sẽ thấy nó rất ngon. Vị nào dùng thêm nữa không? Kết thúc buổi làm việc, Lara đạt được tất cả mọi điều nàng đề xuất. Cuộc đời là một chuỗi phát hiện lý thú, chỉ trừ một tai nạn làm đảo lộn mọi thứ. Lara va chạm nhiều lần với Steve Murchinson về bất động sản và lần nào nàng cũng chiến thắng. - Tôi thấy ta đừng nên dính với lão nữa, - Howard nói - Để lão rút lui trước. Đến một buổi sáng, bưu điện đem tới một gói rất đẹp bọc trong giấy mầu hồng từ Bendel gửi tới. Kathy đặt nó trên bàn của Lara. - Gói gì mà nặng khủng khiếp, - Kathy nói. Nếu đó là cái mũ sắt thì bà nên cẩn thận. Tò mò, Lara mở ra. Trong gói chứa đầy chất bẩn. Một danh thiếp kèm theo đề: "Nhà thờ nghĩa trang Frank Campbell". Các đề án xây dựng đều được triển khai tốt đẹp. Khi Lara đọc báo thấy tin một sân chơi trong trung tâm thành phố xây dựng mãi chưa xong chỉ do nạn quan liêu giấy tờ của cơ quan hành chính, nàng bèn nhẩy vào, nhận để công ty mình xây cất rồi tặng cho thành phố. Báo chí đưa chuyện này lên và ca ngợi nàng hết lời. Một tờ báo in dòng chữ cỡ lớn ngay trang đầu: Lara Cameron chủ trương: TÔI LÀM ĐƯỢC! Mỗi tuần nàng gặp Paul Martin một hoặc hai lần, nhưng ngày nào nàng cũng trò chuyện điện thoại với ông. Nàng tậu một toà biệt thự ở Southampton và sống giữa cả một loạt nữ trang đắt tiền, hàng lông thú quý và xe limousine. Các tủ của nàng đều chất đầy trang phục do các nhà may cắt thời trang nổi tiếng chế tạo. "Con cần ít quần áo để đi học". "Vậy thì mày đến Đoàn cứu tế mà xin!". Lara luôn đặt may những kiểu thời trang mới nhất. Các nhân viên của nàng là gia đình nàng. Nàng chăm lo cho họ và rất hào phóng với họ. Toàn bộ người thân của nàng chỉ là họ. Nàng nhớ ngày sinh và các ngày kỷ niệm khác của họ. Nàng tìm cho con cái họ nơi học hành tốt nhất và lập quỹ học bổng để giúp đỡ chúng. Khi ai đó cảm ơn nàng, Lara rất ngượng nghịu. Nàng không quen bộc lộ tình cảm. Ngày xưa, mỗi khi nàng định bộc lộ tình cảm với cha, cha nàng đều chế giễu. Lara đã dựng lên cả một bức thành bao quanh che chở cho nàng. Sẽ không ai làm hại ta nữa, nàng nghĩ. Không một ai hết. Chú thích: (1) bảng (pound) = 453 gam Chương 17 - Sáng nay tôi bay sang London, Howard. - Có chuyện gì vậy? - Howard Keller hỏi. - Huân tước Mcintosh mời và muốn tôi nhìn qua khoảng đất ông ta quan tâm. Huân tước muốn làm ăn chung với ta. Brian Mcintosh là một trong những nhà xây cất giầu nhất nước Anh. - Bao giờ chúng ta ra sân bay? - Howard hỏi. - Tôi quyết định đi một mình. - Sao vậy? - Anh cần ở nhà để trông nom công việc. Howard gật đầu. - Được. Tôi sẽ làm việc đó. - Tôi biết anh sẽ làm tốt. Tôi bao giờ cũng tin anh, Howard. Chuyến bay London không có sự kiện gì đặc biệt. Chiếc phản lực riêng của nàng hạ cánh xuống sân bay Luton ngoại ô London. Lara không ngờ rằng cuộc đời nàng sắp rẽ vào bước ngoặt mới. Lúc nàng bước vào khách sạn Claridge, giám đốc khách sạn Ronald Jones đã đứng đón nàng. - Rất vui được đón tiếp bà, thưa bà Cameron. - Tôi xin đưa bà lên phòng. Đang có một số thư từ chờ bà. Khoảng hơn hai tá thư từ, điện. Dãy phòng khép kín dành cho nàng rất đẹp. Đã có những bó hoa của Brian McIntosh và của Paul Martin, chai sâm banh cùng thức ăn nguội của khách sạn. Nàng vừa vào phòng, điện thoại đã reo vang và hết cú này đến cú khác từ khắp các địa phương của Hoa Kỳ. - Kiến trúc sư đề nghị thay vài chi tiết trong bản thiết kế và như thế sẽ tốn thêm một khoản tiền lớn… - Việc giao xi măng bị đình lại… Công ty Quốc gia số Một tiết kiệm và đầu tư xin tham gia vào công trình sau của ta… - Ngài Thị trưởng hỏi liệu bà có đến Los Angeles để dự buổi khai trương được không? - Các vật liệu trang bị nhà vệ sinh vẫn chưa được chở đến… - Thời tiết quá xấu buộc chúng tôi phải tạm nghỉ ít ngày. Tiến độ sẽ phải chậm lại… Mỗi vấn đề lại đòi hỏi Lara giải quyết và khi xong các cú điện thoại, nàng mệt bã người. Nàng yêu cẩu đem bữa trưa lên phòng, ăn một mình và nhìn ra cửa sổ, ngắm những chiếc xe hơi nhãn Rolls- Royce và Bentley ùn lại trước cổng vào phố Brook. Lara thấy trào lên một niềm tự hào. Đứa con gái nhỏ ở thị trấn Glace Bay đã vượt qua được một chặng đường rất dài, thưa cha. Sáng hôm sau Lara cùng với huân tước Brian McIntosh đến xem địa chỉ. Đấy là một khu đất rất rộng, chiều dọc chạy theo bờ sông dài hai dặm, san sát những ngôi nhà cũ kỹ và những quán hàng sắp đổ nát. - Chính phủ Anh đã quyết định giảm thuế cho chúng ta nếu chúng ta tậu khu đất này, - huân tước McIntosh nói, - bởi họ cần xây mới toàn bộ khu vực. - Xin để tôi suy nghĩ chút đã, - Lara nói, mặc dù nàng đã có nhận định rồi. - Nhân tiện, tôi có vé xem hoà nhạc tối nay, - Brian McIntosh nói. - Vợ tôi bận họp ban chủ nhiệm Câu lạc bộ. Cô có thích nghe nhạc cổ điển không, thưa cô Cameron. Lara hoàn toàn không quan tâm đến loại nhạc này. - Phillip Adler sẽ biểu diễn nhạc của Rachmaninoff. Ông ta nhìn Lara chờ nàng nói ra điều gì đó, nhưng Lara chưa bao giờ nghe đến cái tên Phillip Adler. - Tuyệt đấy, - nàng nói. - Vậy thì tốt. Xem xong, chúng ta đi ăn tối ở nhà hàng Scott. Tôi sẽ đến đón cô đi vào bảy giờ. - Tại sao mình lại bảo mình thích nhạc cổ điển? - Lara tự hỏi. - Đâm phải chịu một buổi tối ngán ngẩm. Nếu không, mình tắm nước nóng trong bồn rồi đi ngủ có phải sướng hơn không? Nhưng thôi chịu đưng một buổi tối thôi mà. Sáng mai mình sẽ bay về New York. Rạp Festival chật cứng khán giả. Nam mặc âu phục buổi tối và nữ mặc những bộ dạ hội lộng lẫy. Tối nay là một buổi biểu diễn đặc biệt cho nên mọi người đều có vẻ háo hức lúc họ đứng trong phòng gương lớn chờ đợi buổi biểu diễn bắt. đầu. Brian McIntosh mua hai tờ chương trình của người soát vé và họ vào chỗ. Ông ta đưa Lara một tờ. Nàng liếc qua: Dàn nhạc Philharmonic London… Phillip Adler trình diễn bản Concerto số 3, Rê thứ của Rachmaninoff dành cho piano, Opus 30. Mình phải gọi điện thoại cho Howard, nhắc anh ấy về bản dự trù chi tiêu cho toà nhà ở Đại lộ số 5. Chỉ huy dàn nhạc bước ra sân khấu và công chúng vỗ tay. Lara chẳng quan tâm gì. Người thầu khoán ở Boston tiến hành quá chậm chạp. Phải thúc ông ta mới được. Mình phải bảo Howard hứa thưởng ông ta một khoản nếu tiến hành nhanh. Tiếng vỗ tay lại vang lên, lần này lớn hơn nhiều. Một chàng trai ngồi vào đàn piano kê chính giữa sân khấu. Nhạc trưởng hất cây gậy chỉ huy và dàn nhạc cất tiếng. Phillip Adler lướt những ngón tay trên phím đàn. Người phụ nữ ngồi sau lưng Lara nói bằng giọng Texas rất rõ: - Ông ta đàn tuyệt chưa nào? Tôi đã nói với chị rồi mà, Agnes? Lara lại cố tập trung vào công việc. Khu đất ở London không dùng được. Xa trung tâm quá. Địa điểm. Địa điểm. Và địa điểm. Nàng nghĩ đến khu đất người ta muốn bán cho nàng gần rạp xiếc Columbus. Ta có thể lấy khu ấy được. Người phụ nữ sau lưng Lara nói khá to: - Cách thể hiện của ông ta thật là… Đúng là thiên tài! Ông ta hiện là một trong những nhạc công piano hàng đầu. Lara lại cố lái suy nghĩ sang hướng công việc. Giá thành một toà nhà dùng làm văn phòng ở đó khoảng bốn trăm đô-la một bộ vuông sử dụng. Nếu mình chi vào công trình trăm rưởi triệu đô-la, cộng với một trăm hai mươi nhăm triệu, ít ra cũng phải là… - Lạy Chúa tôi? - Người phụ nữ sau lưng Lara kêu lên. Lara bừng tỉnh khỏi dòng suy nghĩ miên man. - Tuyệt vời. Ông ta chơi không thể có chỗ nào chê được! Lúc đó, bộ trống trong dàn nhác chợt rung lên. Phillip Adler một mình chơi cả bốn bè và dàn nhạc đệm theo chàng. Mỗi lúc tiết tấu một nhanh hơn. Bộ trống lại rung lên… Người phụ nữ sau lưng Lara không thể nhịn được nữa. - Thấy chưa? Tuyệt trần gian? Đã bao giờ chị được nghe ai đàn hay như thế này chưa? Lara nghiến răng. Giá thành mỗi bộ vuông sẽ là ba trăm rưỡi, cộng tiền lãi vay ngân hàng ba mươi nhăm triệu, mười triệu các chi phí khác… Tiết tấu nhạc tăng dần, vang động khắp phòng nghe. Nhạc lên đến đỉnh điểm rồi chấm dứt. Tất cả khán giả đứng dậy, reo hò hoan hô? Chàng nhạc công cũng đã đứng dậy và cúi đầu cảm ơn. Lara thậm chí không thèm ngẩng đầu lên. Tiền thuế khoảng sáu bẩy phần trăm gì đó. Cộng tất cả là năm mươi tám triệu đô-la. - Ông ta chơi đến mức không thể tưởng tượng nổi, đúng không bà Cameron? - Brian McIntosh hỏi. - Đúng thế, - Lara hơi khó chịu thấy dòng suy nghĩ của nàng bị cắt ngang. - Ta vào hậu trường đi. Phillip là bạn quen của tôi. Nhưng ông ta đã nắm bàn tay nàng và họ lách ra khỏi hàng ghế để ra cửa. - Tôi rất mừng là có dịp giới thiệu bà với Phillip, - Brian McIntosh nói. Lúc này ở New York là sáu giờ tối, Lara thầm nghĩ. Mình có thể gọi điện cho Howard, báo anh ấy biết về kết quả cuộc gặp với McIntosh. Họ vòng ra cửa sau của rạp, cửa dành cho diễn viên. Đã có rất đông người đứng chờ. Brian McIntosh gõ cửa. Người bảo vệ mở. - Thưa, ngài cần gì? - Tôi là huân tước McIntosh muốn gặp ông Phillip Adler. - Mời ngài vào. Bác ta mở hé cửa chỉ đủ cho hai người lách vào, rồi lập tức đóng lại, để ngăn đám người bên ngoài. - Họ đứng làm gì mà đông thế? - Lara hỏi. Mcintosh ngạc nhiên nhìn nàng. - Họ đợi xem mặt Phillip. Lara lấy làm lạ, sao lại thế. Bác bảo vệ nói: - Xin hai quý vị vào cánh cửa sơn xanh ấy. - Cảm ơn. Năm phút thôi, Lara thầm nghĩ. Mình sẽ cáo lui lấy cớ có việc "Phòng xanh" (1) khá đông và rất ồn ào. Mọi người vây quanh một người mà Lara chưa nhìn rõ mặt. Lát sau đám người vây quanh tản dần và bây giờ nàng mới nhìn rõ Phillip. Đột nhiên nàng rùng mình. Tim nàng như đứng lại. Hình ảnh lờ mờ vẫn thường hiện lên trong trí óc nàng suốt bao năm về người đàn ông nàng mơ đang đứng trước mặt nàng kia. Người trong mộng? Thì ra người trong mộng của nàng là có thật? Chàng dáng cao, tóc vàng, có những nét tinh tế trên gương mặt đa cảm. Chàng mặc áo đuôi tôm đen, thắt nơ trắng. Lara cảm giác rất rõ là người nàng đã từng nhìn thấy và nàng bàng hoàng. Mình ngồi rửa bát dưới bếp và đột nhiên chàng hiện ra, bước đến sau lưng, choàng hai tay ôm mình và hỏi: "Cô có muốn tôi làm giúp không?" Brian MeIntosh chăm chú nhìn Lara. Ông ta ngạc nhiên: - Bà có làm sao không đấy, bà Cameron? - Không. Tôi vẫn khỏe, - trong khi nói, giọng nàng nghẹn lại. Phillip Adler đã tiến đến gần họ, miệng tươi cười. Đúng là nụ cười Lara đã thấy trong mộng. Chàng chìa tay: - Chào ông Brian! Rất vui thấy ông cũng đến. - Làm sao tôi bỏ được? - McIntosh nói. - Anh đúng là thiên tài. - Cảm ơn ông. - Ôi Phillip! Tôi muốn anh làm quen với cô Lara Cameron. Lara nhìn thẳng vào mắt chàng và câu nói thốt ra không qua ý nghĩ của nàng: - Ông biết Lara chứ? - Xin lỗi, tôi chưa hiểu. Lara đỏ mặt. - Ồ không. Tại tôi… - và lưỡi nàng líu lại. Những người đứng vây quanh Adler vẫn nồng nhiệt khen ngợi chàng. chưa bao giờ anh tuyệt diệu như tối nay… - Tôi có cảm tưởng như ngồi bên cây đàn là đích thân Rachmaninoff… Hết người này đến người khác ca ngợi Phillip. Các phụ nữ trong phòng vây quanh chàng và sờ vào người chàng. Lara vẫn đứng ngây ra như bị thôi miên. Giấc mơ thuở nhỏ đã biến thành sự thật. Điều nàng tưởng tượng ngày nào bây giờ hiện thành xương thành thịt. - Ta đi chứ? - Brian McIntosh hỏi Lara. Không. Lúc này nàng không muốn làm bất kỳ việc gì khác, ngoài việc ở lại đây. Nàng muốn được trò chuyện với "bóng hình" kia, được sờ vào người chàng để tin chắc rằng đấy là người thật, rằng không phải mình đang mơ. - Vâng, - nàng đáp, mặc dù không hề muốn. Sáng hôm sau Lara đã trên đường trở về New York. Nàng tự hỏi không biết có còn gặp Phillip được nữa không. Lara không làm sao gạt được hình ảnh Phillip Adler ra khỏi tâm trí. Nàng đã cố tự thuyết phục bản thân rằng đây là chuyện vớ vẫn, chỉ là nàng nhớ lại tuổi thơ mà thôi, nhưng không kết quả. Nàng vẫn cứ luôn nhìn thấy khuôn mặt chàng, nghe thấy giọng nói của chàng. Mình sẽ phải gặp lại con ngưởi ấy Lara thầm nghĩ. * * * * * Sáng sớm hôm sau Paul Martin gọi điện cho nàng. - Chào em. Tôi nhớ em quá. Chuyến đi London thế nào? - Tốt thôi, - Lara thận trọng đáp. - Đúng là tốt. Nói chuyện điện thoại với Martin xong, Lara ngồi sau bàn giấy, suy tưởng đến Phillip. - Mọi người đang đợi bà bên phòng họp, thưa bà Cameron. - Tôi sang đây. - Chúng ta bị trượt mất khu đất Queens. - Tại sao? Tôi tưởng mọi chuyện xong xuôi rồi? - Tôi cũng tưởng vậy, ai ngờ Hội đồng đại diện người thuê không chịu chuyển đi chỗ khác. Lara nhìn các khuôn mặt của Ban chỉ đạo đang ngồi trước mặt nàng. Có đủ ngành chuyên môn: kiến trúc sư, luật sư, chuyên gia quảng cáo, kỹ sư thi công. Nàng nói: - Tôi không hiểu được đấy. Những người thuê nhà ở đó có thu nhập hàng năm trung bình chín ngàn đô-la, và họ trả tiền thuê nhà chưa đến hai trăm đô-la mỗi tháng. Chúng ta chịu nâng cấp nhà cho họ mà không hề tăng giá thuê nhà. Với số người thuê dôi ra, chúng ta lại bố trí nơi ở khác tốt ngang như vậy cho họ. Họ đã đồng ý hết cả từ tháng Bẩy vậy mà bây giờ lại trở mặt, nghĩa là sao? - Thật ra không phải ý kiến của Hội đồng mà chỉ là của riêng Chủ tịch, một phụ nữ tên Edith Benson. - Hãy bố trí một cuộc gặp gỡ giữa tôi với bà ta. - Tôi sẽ tự đến đó. Lara mang theo kỹ sư trưởng của nàng, Bill Whitman, cùng đi. Nàng nói: - Thú thật tôi rất ngạc nhiên thấy Hội đồng của bà lại ngáng trở chúng tôi. Chúng tôi đã quyết định bỏ ra một trăm triệu đô-la để nâng cấp khu nhà này, vậy mà bây giờ các vị lại từ chối… Edith Benson ngắt lời nàng: - Cho chúng tôi nói thật, thưa bà Cameron. Bà bỏ ra số tiền lớn kia không phải để nâng cấp khu nhà này mà để Công ty Cameron thu lợi về mình. - Tất nhiên chúng tôi phải kiếm tiền, - Lara nói. - Nhưng chúng tôi chỉ kiếm bằng cách nâng cao điều kiện ở của mọi người. Chúng tôi sẽ làm cho khu nhà này đẹp đẽ và sinh hoạt được tiện nghi hơn, và… - Xin lỗi, tôi không tán thành. Ngay bây giờ, chúng tôi hiện sống dễ chịu và yên tĩnh rồi. Nếu Công ty bà nhẩy vào sửa chữa, nơi này sẽ đông đúc, ồn ào, lắm xe cộ, nhiều ô nhiễm hơn. Đấy là điều chúng tôi không muốn. - Tôi cũng không muốn, - Lara nói. - Chúng tôi không hề làm điều gì để nơi này ồn ào thêm, bụi bặm thêm. Ngược lại chúng tôi muốn làm cho nó yên tĩnh hơn, không khí trong lành hơn, phong cảnh đẹp mắt hơn. Chúng tôi đã thuê nhà kiến trúc số một, Stanton Fielding, cùng với Andrew Burton ở Washington đến để cải tạo môi trường nơi đây. Edith Benson nhún vai: - Rất tiếc là vô ích. Tôi nghĩ chúng ta không có gì để bàn bạc thêm nữa, - bà ta nói và định đứng lên. Mình không thể thua cuộc này, Lara uất ức thầm nghĩ. Chẳng lẽ họ không thấy được là mình làm điều tốt cho họ hay sao? Mình phục vụ cho họ mà họ lại không muốn. Đột nhiên nàng nảy ra một ý nghĩ táo tợn. - Bà khoan chút đã, - Lara nói. - Tôi hiểu rằng các thành viên khác trong Hội đồng quản trị của Cộng đồng những người thuê nhà đều đồng ý, chỉ riêng bà chống lại. - Đúng thế. Lara hít một hơi thật sâu. - Vậy thì có chuyện để chúng ta bàn bạc đấy, - nàng ngập ngừng. - Đây là chuyện cá nhân, - nàng bất chấp, nói toạc ra. - Bà nói chúng tôi không quan tâm đến chuyện ô nhiễm môi trường nơi đây, nếu như chúng tôi sửa chữa công trình này? Vậy tôi xin kể với bà một chuyện kín và cũng xin bà giữ kín cho. - Tôi có một đứa con gái lên mười mà tôi vô cùng yêu quý Cháu sắp đến ở với bố nó tại khu nhà này. Ông ấy đã quen sống với nó. Edith Benson ngạc nhiên nhìn Lara. - Bây giờ tôi mới biết là bà có con, thưa bà Cameron? - Không ai biết hết, - Lara bình thản nói. - Tôi chưa hề lấy chồng bao giờ. Chính vì vậy mà tôi đề nghị bà giữ kín chuyện này cho. Nếu lộ ra, sẽ rất tai h Tôi tin bà thông cảm với tôi. - Tôi rất thông cảm. - Tôi rất yêu cháu và tôi bảo đảm với bà rằng không đời nào tôi lại tạo môi trường tồi tệ, ô nhiễm xung quanh nơi con gái tôi sống. Tôi còn tính sẽ làm tất cả những gì có thể, để khu nhà này thành nơi sinh sống thoải mái, dễ chịu. Bởi con gái tôi sẽ là một trong những công dân sống ở đây. Một phút im lặng thiện cảm: - Nếu vậy thì, thưa bà Cameron, vấn đề lại hoàn toàn khác… Dù sao bà cũng để tôi suy nghĩ thêm đôi chút. - Tất nhiên rồi. Xin cảm ơn bà trước, thưa bà Benson, - nàng nói và thầm nghĩ, nếu mình có một đứa con gái thật thì đúng là nó sông ở đây sẽ an toàn và tốt đẹp biết bao. Ba tuần lễ sau, Hội đồng đại diện của người thuê trong khu nhà trả lời đồng ý với đề án của công ty Cameron. - Rất tốt, Lara nói. - Bây giờ thì chúng ta có thể hỏi Stanton Fielding và Andrew Burton xem họ có đồng ý lo giúp ta khu nhà đó không. Nghe tin, Howard hết sức kinh ngạc. - Tôi vừa nghe tin. Làm sao cô thuyết phục được bà ta? Cô tài thật đấy. Hình như cô bảo cô có đứa con gái phải không? - Đúng thế, - Lara mỉm cười. - Phải dùng cách đó mới lay chuyển bà ấy được. Bill Whitman ngồi đấy đệm vào: - Nhưng bà sẽ phải trả giá đắt đấy, nếu như họ biết được là bà bịa đặt hoàn toàn. Sang tháng Giêng công trình mới trên phố 63 Đông hoàn tất. Toà nhà gồm bốn mươi nhăm tầng, dùng làm cư xá và Lara giữ lại hai căn hộ để nàng sử dụng. Các phòng ở đây đều rộng rãi và mỗi căn hộ đều có sân trời chạy bên ngoài suốt dọc chiều dài. Nàng thuê một nhà trang trí nội thất nổi tiếng đến trang hoàng. Cả hơn trăm hộ sống ở đây đều thán phục. Nơi đây chỉ thiếu một người đàn ông, - một trong những bà khách, sau khi tham quan căn hộ đôi đã buột miệng nói. Và Lara nghĩ ngay đến Phillip Adler, nàng tự hỏi không biết lúc này chàng đang ở đâu và làm gì. Lara và Howard đang sôi nổi tranh luận thì Bill Whitman vào. - Chào sếp. Tôi xin một phút có được không? Lara ngẩng lên nhìn. - Chuyện gì, anh nói luôn đi. - Vợ tôi. Nếu như có chuyện rắc rối giữa vợ chồng, thì… - Không phải đâu. Chỉ là vợ tôi thấy cần phải đi đâu xa ít ngày để nghỉ. Có thể là đi Paris vài tuần. Lara cau mày. - Paris? Nhưng chúng ta đang bấn lên vì cả sáu công trình cùng đang tiến hành một lúc? - Tôi biết, khốn nhưng thời gian vừa rồi tôi làm việc quá nhiều giờ mỗi ngày đâm ít ngó ngàng đến gia đình. Bà có biết vợ tôi nói thế nào không? Bà ấy bảo: "Bill, nếu không được đề bạt và tăng lương thì anh chẳng nên làm cật lực đến như thế! - Ông ta nói xong bèn cười to. Lara ngả người ra lưng ghế nhìn Bill Whitman: - Sang năm, mới đến hạn anh được tăng lương. Bill Whitman nhún vai: - Trong một năm chưa biết sẽ xảy ra những chuyện gì? Chẳng hạn chuyện ở Queens vừa rồi. Bà biết là nếu bà Edith Benson kia nghe thấy sự thật về đứa con tưởng tượng của bà, rất có thể bà ta sẽ thay đổi ý kiến. Đúng không nào? Lara ngồi lặng đi như pho tượng: - Tôi hiểu. Nhưng Whitman đã đứng lên: - Bà hãy suy nghĩ và cho tôi biết bà quyết định. Lara cố nhếch một nụ cười: - Được! Nàng nhìn theo anh ta đi ra, mặt nàng đanh lại: - Lạy Chúa! - Howard nói. - Trò đó gọi là gì - Tống tiền? Hôm sau, Lara ngồi ăn trưa với Paul Martin. Nàng nói: - Em vừa gặp một chuyện khó xử, đang chưa biết làm thế nào, - và nàng kể cho Martin nghe về vụ Whitman buộc nàng phải tăng lương. - Em có tin rằng thằng cha sẽ đến gặp mụ Benson không? - Em không biết. Nhưng nếu hắn làm thế, thì em sẽ bị Hội đồng đại diện người thuê nhà ở đó gây phiền phức. Martin nhún vai: - Anh thì nghĩ chẳng đáng lo. Thằng cha chỉ doạ thế thôi. Lara thở dài: - Em cũng mong là như thế. - Em có muốn đi Reno với anh không, Lara? - Em rất muốn, nhưng lúc này em không thể đi xa được. - Anh không bảo em đi, mà chỉ hỏi em có muốn tậu một khách sạn kiêm sòng bạc ở đó không? Lara chăm chú nhìn Martin. - Anh nói nghiêm chỉnh đấy chứ? - Anh được tin là một trong số khách sạn kiêm sòng bạc ở đó sắp bị thu hồi lại giấy phép kinh doanh. Chỗ đó là nơi kiếm tiền như rác. Nếu tin này lan ra thì sẽ vô khối kẻ lao vào. Khách sạn sẽ bị đem bán đấu giá, nhưng anh nghĩ có thể tạo điều kiện để em mua nó được. Lara ngập ngừng. - Em không biết nữa. Em đang gặp khó khăn. Howard cho biết các nhà băng không chịu cho em vay thêm nếu em chưa trả xong những khoản hiện đang còn nợ họ. - Em không phải hỏi vay nhà băng nào hết. - Vậy em lấy tiền ở đâu? - Dùng cổ phiếu tín dụng giá rẻ. Rất nhiều công ty ở phố Wall Street sẵn sàng cấp tiền cho em theo hình thức đó. Đấy là những công ty tiết kiệm và tín dụng. Em chỉ cần gửi vào đó năm phần trăm là họ sẽ cho em vay sáu mươi nhăm phần trăm. Vậy là còn thiếu ba mươi phần trăm. Em có thể kiếm khoản này bằng vay của một ngân hàng nước ngoài nào muốn đầu tư vào lĩnh vực sòng bạc. Em tha hồ chọn: Thuỵ Sĩ, Đức, Nhật. Trên thế giới có hàng chục nhà băng sẵn sàng cho em vay số ba mươi phần trăm ấy bằng thương phiếu. Lara bắt đầu bị cuốn vào. - Nghe thú đấy. Anh nghĩ rằng em có thể mua cái khách sạn ấy cho riêng em chứ? Martin cười. - Đấy là món quà anh tặng em nhân dịp Nôen. - Ôi Paul! Anh quả là người tuyệt vời. Tại sao anh tốt với em đến như vậy, Paul? Anh cũng chẳng rõ nữa, - Martin nói mặc dù ông biết rất rõ là tại sao. Ông đã yêu Lara. Nàng đã như cho ông sống thêm một cuộc đời nữa. Ta sẽ không bao giờ để mất em đâu, ông thầm nghĩ. Bước vào văn phòng, Lara thấy Howard đang đợi nàng. - Cô vừa đi đâu đấy? - Anh hỏi. - Có cuộc họp vào hai giờ và… - Howard, anh giảng cho tôi hiểu về cổ phiếu giá rẻ đi. Chúng ta chưa bao giờ sử dụng nó. - Thế này nhé, trên cùng là A cấp ba. Chẳng hạn có một công ty kiểu như AT & T. Thấp dần, cô sẽ có A kép, A đơn, BAA và dưới cùng là B kép, đấy chính là cổ phiếu giá rẻ. Một cổ phiếu đầu tư loại thường sẽ trả chín mươi phần trăm. Một cổ phiếu giá rẻ sẽ trả mười bốn phần trăm. Nhưng cô hỏi để làm gì? Lara bèn kể anh nghe câu chuyện. - Sòng bạc à, Lara? Lạy Chúa! Paul Martin đứng đằng sau, che chở cho cái sòng bạc ấy, đúng thế không? - Không phải đâu, Howard. Nếu em chấp nhận thì em sẽ đứng đằng sau nó. Chúng ta đã nhận được trả lời về nhà xưởng Pin chưa? - Rồi. Họ từ chối, không chịu bán cho chúng ta khu đất ấy. - Nhưng họ định bán chứ gì, đúng thế không? - Chắc thế. - Anh đừng trả lời quanh co vậy. - Chủ nhân khu đất ấy là vợ goá của một bác sĩ. Tên bà ta là Aleanor Royce. Tất cả các công ty xây dựng trong thành phố đều thèm khu đất ấy. - Nghĩa là chúng ta đã bị ai đó trong bọn họ đánh bật ra? - Không phải. Bà goá này không cần tiền. Bà ta đang có chuyện băn khoăn. - Bà ta băn khoăn gì? - Bà ta muốn giữ lại khu đất ấy, coi như một kỷ niệm về ông chồng, bà ta nghĩ chồng mình là một vĩ nhân. Và bà ta không muốn biến cái cơ ngơi ấy thành cư xá hoặc nơi buôn bán ầm ĩ. Và tôi còn nghe là lão Steve Muschinson cũng đang xoay xở để mua. - Thật à? Lara ngồi yên một lúc. Lát sau nàng nói: - Bác sĩ của anh là ai, Howard? - Cái gì? - Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho anh là ai? - Seymour Bennett. Ông ta là bác sĩ chính của bệnh viện Midtown… Sáng hôm sau, luật sư của Lara, Terry Hill đã ngồi trong phòng giấy của bác sĩ Seymour Bennett. - Thư ký của tôi cho biết ông gặp tôi có việc cần kíp, nhưng không phải chuyện y tế, - Bennet nói. - Vâng, cũng gần đúng như thế, - Terry Hill nói. - Nhưng cũng liên quan đến y học. Thưa bác sĩ, tôi là đại diện cho một tập đoàn đầu tư muốn xây dựng một bệnh viện từ thiện, dành cho những người bệnh không đủ tiền chữa bệnh. - Một ý rất quý, - bác sĩ Bennett nói. - Vậy tôi có thể giúp gì được cho ông? Terry Hill kể cho ông bác sĩ nghe. Hôm sau bác sĩ Bennett đã ngồi uống trà trong nhà bà Eleanor Royce. - Họ đề nghị tôi thay mặt họ đến gặp bà, thưa bà Royce. Họ muốn xây một bệnh viện thật đẹp và lấy tên ông nhà ta đặt cho bệnh viện ấy, coi như một cách giúp cho tên tuổi ông nhà lưu truyền mãi mãi. Mặt bà Eleanor sáng lên: - Thật vậy ư? Họ bàn bạc về kế hoạch của tập đoàn đầu tư trong khoảng một tiếng đồng hồ và cuối cùng bà Eleanor Royce nói: - Nhà tôi mà còn sống chắc sẽ hài lòng lắm. Ông nói giúp với các vị ấy là tôi bằng lòng nhượng lại. Sáu ngày sau, công trình bắt đầu tiến hành. Khi xây dựng xong, nó thành một khu nhà đồ sộ. Toàn bộ khu vực gồm nhiều cư xá lớn, một khu buôn bán và một rạp hát. Tận góc sân bên trong mới có một ngôi nhà một tầng xây gạch ngoài có gắn một tấm biển đồng đề dòng chữ: GEORECE ROYCE Bệnh viện Chú thích: (1) Phòng tiếp khách của một nhà hát Chương 18 Hôm Noên, Lara ở nhà. Hàng chục nơi mời nàng đến dự tiệc. Paul Martin gọi cho nàng hồi chiều: - Hôm nay anh phải ở nhà với Nina và các con, - ông giải thích. - Nhưng anh muốn ghé thăm em. Lara tự hỏi, không biết lễ Thiên Chúa Giáng Sinh này Phillip Adler làm gì? Lúc Paul Martin đến, ông đem một túi to đầy quà Noên cho nàng. - Anh đã phải ghé vào văn phòng để lấy những thứ này, - ông nói. Nghĩa là bà vợ ông ta không biết. - Anh cho em nhiều thứ thế, Paul? Lẽ ra không cần cho em thứ gì hết. - Anh thích thế. Em hãy mở ra xem thử. Lara cảm động thấy ông nóng lòng muốn biết phản ứng của nàng ra sao. Các món quà đều được suy tính kỹ và đều đắt tiền. Một dây chuyền nhãn Cartier, những khăn quàng nhãn Hermes, sách của hãng Rizzoh, một đồng hồ cổ và một phong bì trắng. Lara mở phong bì, thấy tấm các đề dòng chữ to: "Khách sạn kiêm Sòng bạc Cameron Reno". Nàng ngạc nhiên ngẩng lên nhìn Martin: - Vậy là em đã là chủ cái khách sạn đó rồi? Martin gật đầu, nói: - Em sẽ là chủ. Tuần sau họ tiến hành bán đấu giá. Em đến sẽ thú vị đấy. - Nhưng em chưa hề biết gì về cách thức quản lý sòng bạc. - Không lo. Anh sẽ cử vài tay chuyên nghiệp đến quản lý cho em. Còn khách sạn thì em khỏi nói. - Ôi anh giúp em nhiều quá, Paul? Em không biết cảm ơn anh thế nào đây. Martin nắm hai bàn tay nàng. - Vì em, anh có thể làm tất cả mọi thứ. Em hãy nhớ là như thế. - Em sẽ nhớ, - nàng long trọng nói. Paul Martin nhìn đồng hồ: - Anh phải về nhà. Anh chúc em… - ông ngập ngừng. - Anh chúc gì? - Chúc em lễ Noên vui vẻ! - Em cũng chúc anh như vậy, Paul. Lara tựa cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời biến thành một thứ rèm lả tả những bông tuyết trắng bay lượn. Lara lững thững bước đến máy thu thanh, mở nghe. Một phát thanh viên đang nói: "Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Boston nhân lễ Noên: Bản Côncerto sô 5 của Beethoven do Phillip Adler độc tấu đàn piano". Lara lắng nghe, hình dung trong óc hình ảnh chàng trai thanh lịch, có khuôn mặt thanh tú ngồi trước đàn. Khi tiếng nhạc chấm dứt, nàng nghĩ: Ta phải gặp lại chàng. * * * * * Bill Whitman là một trong những thanh tra viên giỏi nhất trong ngành xây dựng. Y nổi tiếng rất nhanh và hiện đang vô cùng đắt khách. Y làm việc cần mẫn và kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn chưa thoả mãn. Bao nhiêu năm nay y chứng kiến những nhà kinh doanh xây dựng kiếm tiền như nước, trong khi y vẫn chỉ hưởng lương. Có thể nói, Bill Whitman thầm nghĩ, bọn chúng bóc lột mình. Bọn chúng chiếm hết phần nạc, mình toàn gặm xương. Nhưng từ hôm Lara Cameron đến gặp Hội đồng đại diện những người thuê nhà trong khu vực kia thì tình hình đã biến đổi. Bà ta đã nói dối để giành được sự đồng ý của họ. Và nghĩa là… Không hẳn đấy là lần đầu tiên bà ta lừa dối mọi người. Và tội nói dối này sẽ hủy diệt bà ta. Nếu như mình đến gặp Hội đồng đó và cho họ biết sự thật thì Lara Cameron sẽ không còn hy vọng gì tiếp tục làm ăn nữa. Nhưng y không định làm thế. Y có kế hoạch hay hơn nhiều. Y sẽ dùng chuyện đó thành một thứ đòn bẩy, một mối đe doạ thường xuyên. Y sẽ ép Lara Cameron phải cho y những gì y đòi. Hôm đặt vấn đề tăng lương, y cảm thấy Lara đã tỏ ý lo lắng. Bà ta không còn sự lựa chọn nào khác. Mình sẽ moi dần, đầu tiên từ những yêu cầu nhỏ thôi, Bill Whitman sung sướng thầm nghĩ, sau rồi ta mới thít dần cái thòng lọng. Hai ngày sau lễ Nôen, công việc trên công trường toà nhà ở quận Đông lại tiếp tục. Whitman ngó khắp toà nhà to lớn đó, thầm nghĩ. Công trình này sẽ tuôn tiền vào bà ta như suối đây. Đến lúc đó mình mới thực sự tống tiền bà ta những khoản lớn. Công trường chất đầy máy móc. Những máy xúc đào sâu xuống, đưa lên những gầu đất lớn, đổ vào thùng những chiếc xe gấu xếp hàng đợi đến lượt. Một cái gầu lớn đột nhiên như tuột dây xích lắc lư ngay trên đầu Whitman. Y chạy lại, đến dưới cái gầu khổng lồ. - Này, Jesse, - y hét. - Sao thế? Người điều khiển máy xúc trên cao lầm bầm câu gì đó Whitman nghe không rõ. Y tiến lại gần: - Cái gì? Tất cả sự việc diễn ra trong nháy mắt. Dây xích tuột ra và cái gầu khổng lồ đè trúng Whitman, ấn y sâu xương đất. Mọi người bỏ ngay việc, vội vã chạy lại, nhưng không thể cứu được y nữa rồi. - Dây xích bị tuột, - tài xế máy xúc sau này giải thích. - Tôi đau lòng quá. Xưa nay tôi vẫn rất quý ông Bill. Nghe tin đồn Lara lập tức gọi điện cho Paul Martin. - Anh có nghe tin về Bill Whitman không? - Tôi có thấy trên ti vi. - Paul? Có phải anh tạo ra vụ tai nạn đó không? Martin bật cười: - Đúng là em xem quá nhiều phim trinh thám nên đầu óc mới hoang tưởng đến như vậy. Em cứ nhớ rằng ông trời bao giờ cũng công bằng. Kẻ ác khó thoát khỏi lưới trời. Lara tự hỏi: liệu mình có phải "người ác" không? Có trên một tá người tham gia cuộc đấu giá toà khách sạn kiêm sòng bạc ở Reno. - Bao nhiêu thì em báo giá? - Nàng hỏi Paul Martin. - Anh sẽ bảo. Cứ để mọi người hô trước đi. Cuộc bán đấu giá tiến hành theo kiểu bí mật. Những người tham gia đều báo giá và hôm sau người ta mới công bố ai đề xuất giá cao nhất. Lara vẫn chưa báo giá. Nàng lại gọi điện cho Paul Martin. - Em cứ bình tĩnh ngồi yên đấy, - ông ta nói. - Khi nào cần, anh sẽ bảo em. Mỗi ngày hai người liên hệ điện thoại với nhau vài lần. Đến năm giờ chiều, một tiếng trước khi hết hạn nhận giá đề xuất của những người tham gia, Lara thấy chuông điện thoại reo. Nàng vội vã nhấc máy. Tiếng Martin ở đầu dây bên kia. - Đã đến lúc em báo giá rồi đấy. Người trả cao nhất hiện nay là một trăm hai mươi triệu. Anh muốn em trả một trăm hai mươi nhăm. Lara kêu lên: - Cao quá, không được. Cao thế thì đến bao giờ em mới gỡ lại được vốn? - Tin ở anh đi, Lara, - Paul Martin nói. - Anh sẽ bầy cho em cách gỡ lại năm triệu ấy chỉ trong ít ngày. Hôm sau, hội đồng đấu giá tuyên bố nàng thắng cuộc. Bây giờ thì nàng cùng với Howard đang ngồi trong xe đến Reno. Khách sạn mang tên Reno Place. Đồ sộ, có 1.500 phòng nghỉ. Một gian rất lớn, sàn bóng lộn, dùng làm sòng bạc, lúc này rỗng không. Một người đàn ông tên là Tony Wilkie đưa nàng và Howard đi xem sòng bạc. - Những người quản lý sòng bạc này có một kiểu kiếm tiền rất nhạy, - Wilkie nói. - Kiểu thế nào? - Howard hỏi. Hình như họ bố trí hai thằng móc trong mỗi ngăn ra một ít tiền… - Thế là ăn cắp à? Hay tiền hồ? - Howard Keller kêu lên, cắt ngang. - Đúng thế. Tất nhiên chủ khách sạn và sòng bạc không biết gì hết. - Đúng là họ không thể biết. - Nhưng vừa rồi có một kẻ nào đó phát hiện ra và đi báo, thế là cảnh sát ập đến. Họ bắt quả tang. Thật đáng tiếc vì sòng bạc này đem lại lãi vô kể. - Tôi hiểu, - Howard vừa đáp vừa xem xét tỉ mỉ sổ sách. Khi việc kiểm tra đã xong và chỉ còn lại Lara với Howard, nàng nói. - Paul nói đúng. Đây là một mỏ vàng tha hồ đào, nói xong nàng thấy Howard lộ vẻ đăm chiêu. - Anh làm sao thế, Howard? Howard Keller nhún vai: - Không hiểu sao, tôi không muốn chúng ta n vào một việc gì đại loại như thế này. - Như thế này nghĩa là sao? Anh ngại chuyện gì nào? - Ta sẽ đưa ai vào đây quản lý sòng bạc? - Sẽ tìm được thôi, - Lara lững lờ đáp. - Tìm ở đâu ra? Trong số Hướng đạo sinh chăng? Cũng lại phải những tay cờ bạc mới quản lý nổi. Mà tôi thì không quen tay bạc bịp nào hết. Cô có quen ai không, Lara? Lara không trả lời. - Cô định giao cho Paul Martin hay sao? - Không thể để Paul dính vào đây được. - Tôi cũng không muốn cô dính vào, Lara. Tôi thấy chuyện tậu cái sòng bạc này không hay ho gì. - Thì hồi tậu khoảng đất ở Queens anh cũng từng bảo là không hay ho gì. Rồi lần tậu trung tâm thương mại ở phố Houston nữa. Nhưng cả hai nơi đó đều lãi ghê gớm. Lara, cô lầm rồi. Tôi có bảo hai nơi đó lỗ vốn đâu. Tôi chỉ can cô vì thấy cô quá vội vàng, nhìn chỗ nào xây cất được là cô lao vào như điên. Cô như người đói ăn thấy thứ gì ăn được cũng vội nhai ngấu nghiến, kết quả là dạ dầy cô không tiêu hoá kịp. Lara tát yêu vào má Howard: - Thôi đi! * * * * * Các thành viên của Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu bang Nevada tiếp Lara lịch sự: - Ít khi chúng tôi thấy có phụ nữ đẹp vào trụ sở của Uỷ ban, - ông chủ tịch nói. - Cô đến làm sáng rực cả cơ quan chúng tôi lên, thưa cô Cameron. Hôm nay Lara đẹp thật. Nàng mặc bộ váy áo bằng len màu be nhãn Donna, ngoài khoác áo bơlu mầu kem bằng xoa. Và để lấy hên, nàng quàng một trong những chiếc khăn Paul Martin đã tặng nàng nhân dịp Noên. Nàng mỉm cười: - Cảm ơn. - Chúng tôi có thể làm gì giúp cô được? - Một thành viên Uỷ ban hỏi. Họ thừa biết Lara cần họ giúp việc gì rồi. - Tôi đến đây vì muốn đóng góp gì đó cho thành phố Reno, - Lara sôi nổi nói. - Tôi muốn cải tiến khách sạn Reno Palace thành khách sạn lớn nhất của bang Nevada. Tôi định xây cao thêm năm tầng nữa, và tạo một khu dịch vụ toàn diện bên dưới để thu hút thêm khách du lịch đến đây vui chơi. Các thành viên trong Uỷ ban đưa mắt nhìn nhau. Ông chủ tịch nói: - Tôi nghĩ nếu được như thế thì sẽ rất tốt cho thành phố. Tất nhiên bổn phận của chúng tôi là đảm bảo cho hoạt động của sòng bạc tiến hành được theo đúng pháp luật quy định. - Nhất định là phải như thế, - Lara công nhận. - Tôi tin rằng sẽ không khó khăn gì để tìm được những người tốt quản lý nó và được các ông chấp nhận. Tất nhiên tôi rất cần đến sự chỉ đạo của các ông. Một thành viên trong Uỷ ban đứng lên nói: - Về chuyện tiền nong, bà có thể đảm bảo với chúng tôi là… Ông chủ tịch Uỷ ban ngắt lời: - Chuyện ấy không đáng ngại. Bà Cameron đây sẽ làm đúng những điều luật pháp quy định. Và tôi sẽ để bà báo cáo đều cho chúng ta. Lara ngồi chờ đợi. Ông chủ tịch nói tiếp: - Lúc này tôi chưa thể hứa được gì, thưa bà Cameron, nhưng tôi nghĩ rằng không có gì ngăn trở chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho bà. Lara mừng rỡ: - Ôi cảm ơn ông quá. Tôi muốn khách sạn đó bắt đầu hoạt động càng sớm càng tốt. - Nói vậy thôi, nhanh nhất thì cũng một tháng chúng tôi mới cấp giấy phép chính thức cho bà được. Lara có vẻ không vui: - Một tháng? - Đúng thế. Chúng tôi còn phải tiến hành điều tra thêm vài vấn đề. - Tôi hiểu, - Lara nói. - Một tháng cũng là tốt rồi. Dưới tầng một khách sạn có một quầy bán hàng âm nhạc. Bên ngoài dán một tấm áp phích lớn in chân dung Phillip Adler, quảng cáo cho đĩa hát mới của chàng. Lara không quan tâm đến âm nhạc, nhưng nàng mua một đĩa chỉ vì ngoài bìa có in hình Phillip. Trên đường trở về New York, Lara hỏi: - Howard này, anh có biết gì về Phillip Adler không? - Cũng chỉ biết như mọi người thôi. Hình như ông ta là tay piano giỏi nhất thế giới hiện nay. Ông ta chuyên biểu diễn với những dàn nhạc nổi tiếng. - Tôi có đọc ở đâu thấy nói ông ta thành lập một quỹ để cấp học bổng cho những nhạc công vị thành niên trong các thành phố… - Tên quỹ đó là gì? - Quỹ Phillip Adler, hình như thế. - Tôi muốn đóng góp cho quỹ ấy, - Lara nói. - Anh gửi cho họ một tấm ngân phiếu mười ngàn đô-la, nhân danh cá nhân tôi. Howard Keller ngạc nhiên nhìn nàng: - Tôi vẫn đinh ninh là cô không quan tâm đến nhạc cổ điển. - Tôi bắt đầu quan tâm. - Lara nói. * * * * * Dòng chữ tít chạy ngang trang báo: VIỆN CÔNG TỐ QUẬN THẨM VẤN PAUL MARTIN Viện trưởng Viện công tố bị nghi có quan hệ với mafia. Lara bực bội đọc bài báo, sau đó gọi điện cho Paul ngay. - Có chuyện gì vậy? - Nàng hỏi. Paul Martin cười khúc khích: - Họ định ghép anh vào mấy vụ khác, nhưng không có chứng cứ gì hết. Lần nào sắp đến kỳ bầu cử họ cũng đưa anh ra để lấy lòng cử tri như vậy. Em không phải lo lắng gì hết. Tối nay đi ăn được không? - Được - Lara đáp. - Anh biết một nhà hàng nhỏ ở phố Mulberry, sẽ không sợ bị ai quấy rầy hết… Ăn tối xong, Paul Martin nói: - Anh nghe nói việc gặp Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu tốt đẹp phải không? - Em cho là như thế. Họ có thiện cảm với em. Nhưng trước nay chưa bao giờ em quan hệ với loại người đó nên không dám chắc. - Anh cho là sẽ không có chuyện gì rắc rối đâu. Anh sẽ kiếm vài cậu đáng tin cậy giúp em trông coi sòng bạc. Người chủ trước tham quá cho nên mới bị mất giấy phép kinh doanh, - ông chuyển sang chuyện khác. - Các công trình xây dựng của em đều yên ổn cả chứ? - Vâng. Em lại có ba kế hoạch nữa đang tiến hành, Paul. - Em không bận đến ngập đầu chứ? Giọng Paul Martin y hệt giọng Howard Keller. - Không. Mọi việc đều có kế hoạch và kinh phí riêng cho nó. - Thế thì tốt, em yêu. Anh không muốn thấy em gặp trục trặc. - Không đâu, - nàng đặt bàn tay lên bàn tay Martin. - Anh là thành trì của em. - Lúc nào anh cũng bảo vệ em. - Martin bóp chặt bàn tay nàng. Đã hai tuần lễ trôi qua mà Lara không nhận được hồi âm của Phillip Adler. Nàng hỏi lại Howard Keller: - Anh đã cúng quỹ Adler 10.000 đô-la đấy chứ? - Ngay hôm cô bảo tôi. - Lạ thật. Tôi đinh ninh thế nào ông ta cũng gọi điện lại cho tôi. Howard nhún vai. - Có thể ông ta đang bận đi biểu diễn xa. - Có lẽ thế, - nàng cố nén nỗi thất vọng. - Ta bàn về công trình ở Queens . - Công trình đó sẽ ngốn mất khá nhiều tiền của chúng ta đấy. - Tôi biết có cách kiếm ra tiền. Tôi định kiếm ngay một người thuê. - Cô đã nhằm ai chưa? - Rồi. Công ty Tương trợ. Chủ tịch Ban quản trị công ty tên là Horace Guttman. Tôi được tin họ đang muốn tìm một địa điểm khác thay cho địa điểm hiện nay. Tôi nghĩ có thể giới thiệu để họ thuê toà nhà của chúng ta. - Để tôi kiểm tra xem có đúng như thế không, - Howard nói. Lara thấy anh không hề ghi chép gì hết. - Tôi lấy làm lạ. Trí nhớ của anh luôn hoàn hảo như vậy sao? Howard cười. - Tôi có trí nhớ giống như máy ảnh. Ngày trước tôi quen dùng nó để ghi nhớ những thống kê bóng chầy. Ôi chuyện cũ sao mà xa xôi thế? Howard thầm nghĩ. Thằng bé có cánh tay thần kỳ, ngôi sao của bóng chầy thiêu niên thành phố Chicago. Không ai chơi giỏi như nó! Đôi khi câu nói đó biến thành như một lời nguyền độc địa. Có một thứ trong cuộc đời mà mình muốn quên hẳn đi. - Howard, kiến trúc sư vẫn làm việc và ông ta vẫn lên thiết kế cho công trình ở Queens đấy chứ? Anh thử đến xem ông ta vẽ xong chưa và chọn vài tầng để dành cho Công ty Tương trợ. Tôi cần biết diện tích được bao nhiêu để còn nêu ra với họ. Hai ngày sau, Howard bước vào phòng giấy của Lara. - Chúng ta bị hỏng rồi. - Sao? - Tôi đã điều tra. Chuyện công ty Tương trợ muốn thay đổi địa điểm là có thật. Nhưng ông chủ tịch Guttman đã nhắm một nơi khác, trên quảng trường Union. Đó là toà nhà của ông bạn cũ của cô đấy, lão Steve Murchinson. Lại lão Murchinson! Nàng tin chắc rằng cái gói đồ bẩn gửi đến hôm trước chính là của lão. Mình quyết không để lão phỗng tay trên. - Guttman đã thoả thuận xong với lão Murchinson chưa? - Lara hỏi. - Chưa hẳn đã xong. - Hay lắm. Tôi sẽ đi lo chuyện này. Chiều hôm đó, Lara gọi đi một tá cú điện thoại. Nàng mò được một người nàng cần. Barbara Roswell. - Horace Guttman ấy à? Đúng, tôi rất quen ông ta. Lara, chị cần đến Guttman về chuyện gì? - Tôi muốn gặp ông ta. Tôi thuộc số người rất thán phục ông ta. Chị giúp tôi nhé. Chị có thể mời ông ta đến nhà chị để thết tiệc không? Vào tối thứ Bảy này, được chứ, Barbara? - Tất nhiên là được. Bữa ăn tối hôm đó đơn giản nhưng rất sang trọng. Barbara Roswell chỉ mời mười bốn người. Vợ Guttman không được khỏe nên ông đến dự tiệc một mình. Lara được xếp ngồi bên cạnh ông. Guttman ngoài sáu mươi tuổi, nhưng trông có vẻ già hơn. Ông có khuôn mặt nghiêm nghị, da nhăn nheo và một cái cằm bướng bỉnh. Lara thì trông rất quyến rũ. Nàng mặc tấm áo liền váy ngắn mầu đen nhãn Halston giản dị nhưng đeo nữ trang rất sang. Họ đã uống khai vị xong và bây giờ họ ngồi vào bàn tiệc. - Tôi đang mong gặp ông, thưa ông Guttman, - Lara nói. - Tôi nghe người ta ca ngợi ông rất nhiều. - Tôi cũng nghe người ta ca ngợi bà nhiều lắm, bà Cameron. Bà đã chinh phục được cả thành phố New York này. - Tôi chỉ đóng góp một phần rất nhỏ, - Lara khiêm tốn nói. Thành phố này quả là một thành phố kỳ diệu. - Quê bà ở đâu? - Gary, bang Indiana. - Thật không? - ông ta sửng sốt nhìn Lara. - Quê tôi cũng ở đó. Bà có họ hàng với gia đình Hooisier phải không? Lara mỉm cười. - Đúng thế. Tôi rất mê thành phố Gary. Cha tôi ngày xưa là trong toà soạn báo Post Tribune. Tôi học ở trường Trung học Roosevelt. Những ngày nghỉ cuối tuần tôi thường đem thức ăn nguội cùng bạn bè tổ chức picnic hoặc đi xem ca nhạc ngoài trời ở công viên Gleason. Tôi rất buồn phải xa thành phố đó. - Nhưng bà đến đây là đúng, thưa bà Cameron. - Xin ông cứ gọi tôi là Lara. - Vâng, thưa cô Lara. Hiện giờ cô dự tính sắp làm gì nữa? - Tôi đang tiến hành xây một công trình rất thú vị. Một toà nhà ở Queens. Ba mươi tầng, mỗi tầng 200.000 bộ vuông diện tích. - Tốt đấy nhỉ, - Guttman suy nghĩ gì đó. - Ôi - Lara làm ra vẻ ngây thơ hỏi. - Sao ông bảo tốt? - Tại chúng tôi đang muốn kiếm một địa điểm có diện tích cỡ đó để dùng làm văn phòng cho công ty chúng tôi. - Thật vậy sao. Ông nhắm được nơi nào chưa? - Chưa, đúng ra là… - Nếu vậy, tôi xin giới thiệu với ông, chúng tôi đã lên xong bản vẽ. Gttman nhìn Lara một lúc lâu. - Nếu vậy xin cô cho tôi xem bản vẽ, thưa cô Lara. - Sáng thứ hai tôi xin đem đến văn phòng ông. - Vâng, tôi sẽ đợi cô. Từ lúc đó đến hết bữa tiệc họ chuyện trò vui vẻ. Khi Horace Guttman về đến nhà, ông đi thẳng vào phòng vợ. - Em thấy trong người thế nào rồi? - ông hỏi. - Dễ chịu hơn nhiều. Bữa tiệc vui chứ? - Ông ngồi xuống cạnh giường vợ. - Vui. Mọi người đều tiếc em không đến được. Nhưng anh thì gặp một chuyện lý thú. Em có bao giờ nghe thấy đến một người tên là Lara Cameron chưa? - Tất nhiên em có nghe. Ai chẳng biết tên tuổi bà ta. - Cô ta là một phụ nữ khá đặc biệt. Bảo quê ở Gary, Indiana, cũng như ta. Cô ta biết mọi thứ ở Gary: công viên Gleason rồi nhiều nơi khác nữa. - Thì có gì lạ đâu? Guttman nhìn vợ, cười: - Thật ra cô ta quê ở Nova Scotia… Sáng sớm thứ hai, Lara đến văn phòng của Horace Guttman, đem theo các bản vẽ toà nhà ở Queens. Nhân viên dẫn nàng vào gặp ông ngay. - Chào cô Lara. Rất vui được gặp cô. Mời cô ngồi. Lara đặt tập bản vẽ lên bàn Guttman rồi ngồi xuống ghế đối diện. - Trước khi để ông xem những bản vẽ này, - Lara nói. - Tôi muốn nhận với ông một tội, thưa ông Guttman. Guttman ngả người ra lưng ghế. - Xin cô cứ nói. - Tối thứ bảy vừa rồi tôi đã kể với ông về thành phố Gary, bang Indiana… - Thì sao? - Thú thật tôi chưa bao gìờ đến đó… Tôi bịa ra chỉ cốt để bắt chuyện với ông thôi. Guttman bật cười: - Vậy là hôm nay cô lại làm tôi bất ngờ một lần nữa. Tôi chưa biết có thể chấp nhận ý kiến cô đề xuất hôm trước được không. Nhưng ta hãy xem bản vẽ đã. Nửa giờ sau, Guttman đã xem xong. - Cô Lara ạ, - ông trầm ngâm nói. - Tôi đã chọn một địa điểm khác rồi. - Thật ạ, thưa ông? - Vậy cớ sao tôi lại phải thay đổi ý định và chuyển sang chấp nhận thuê nhà của cô nữa? - Bởi nếu đặt văn phòng tại toà nhà của tôi ông sẽ dễ chịu hơn. Tôi xin làm mọi thứ để có đầy đủ tiện nghi làm việc, - nàng mỉm cười. - Vả lại ông sẽ tiết kiệm được mười phần trăm tiền thuê. - Thật không? Nhưng cô đã biết tôi thuê nơi kia với giá bao nhiêu đâu? - Bao nhiêu không quan trọng. Nhưng tôi sẽ lấy thấp cho ông mười phần trăm so với họ. - Vậy là cô có thể quê ở Gary, - Guttman nói. - Tôi chấp nhận. Lúc Lara về đến văn phòng, trên bàn nàng đã có lời nh của Phillip Adler qua điện thoại. Chương 19 Gian phòng vũ hội của khách sạn Waldorf Astoria đông chật những người bảo trợ của Hội trường Carnegie. Lara nhớ lại cuộc đàm thoại vài ngày trước đó - Chào cô Cameron, tôi là Phillip Adler. Cổ họng nàng đột nhiên khô lại. - Tôi xin lỗi là đã không cảm ơn cô ngay được về việc cô góp một khoản tiền cho Quỹ. Tôi mới ở châu u về nên bây giờ mới biết tin. - Tôi rất vinh hạnh được đóng góp vào Quỹ, - Lara nói. Nàng cố kéo dài cuộc đàm thoại để được nghe giọng nói của chàng. - Và… và thật ra tôi còn muốn biết thêm về hoạt động của Quỹ. Tôi có thể gặp ông trao đổi về việc đó được không, thưa ông Adler? Đầu dây bên kia im lặng một lúc. - Sắp có bữa tiệc từ thiện ở khách sạn Waldorf vào tối thứ Bẩy này. Ta có thể gặp nhau tại đó. Cô có rảnh tối hôm ấy không, thưa cô Cameron? Lara liếc nhanh vào lịch làm việc. Tối thứ Bảy nàng đã hẹn dùng bữa với chủ nhà băng Texas. Nàng quyết định rất nhanh. - Được. Tôi rất vui được đến đó. - Tuyệt vời. Tôi sẽ để sẵn một giấy mời cho cô ở chỗ người soát vé. Lúc đặt điện thoại xuống, Lara mặt mày rạng rỡ. Lara không thấy Phillip Adler đâu. Nàng đi khắp cả gian phòng rộng, lắng nghe những câu chuyện bàn tán của mọi người. Họ bàn luận, bình phẩm về Stravinsky, Bartok, Chopin… bằng thứ ngôn ngữ Lara không hiểu. Kia rồi? Nàng đã nhìn thấy Phillip đang bị vây chặt giữa những người hâm mộ chàng. Lara lách qua đám đông. Một cô gái trẻ đang nói: - Lúc ông đàn bản Sônát si bêmol thứ, tôi tưởng như Rachmaninoff đang mỉm cười. Tiếng đàn của ông, những luyến láy đúng là kỳ diệu… Kỳ diệu - Cảm ơn, - Phillip cười. Và chàng đã nhìn thấy Lara. - Ôi, xin lỗi. - Chàng nói. Chàng bước đến chỗ nàng đứng, nắm bàn tay nàng. Sự đụng chạm hai làn da làm Lara rạo rực. - Chào cô Cameron. Rất mừng thấy cô đến. - Cảm ơn, - nàng nhìn xung quanh. - Ở đây đông người quá. - Đúng vậy, - chàng nói. - Tôi thấy rõ cô yêu nhạc cổ điển, đúng thế không, thưa cô Cameron? Lara nghĩ đến những bản nhạc nàng quen nghe hồi nhỏ. Toàn là những ca khúc hoặc nhạc Jazz. - Ồ vâng, - nàng nói. - Cha tôi dạy tôi yêu nhạc cổ điển. - Một lần nữa tôi xin cảm ơn cô về sự hảo tâm. - Quỹ của ông có mục đích rất cao quý. Tôi muốn được biết thêm về tôn chỉ, hoạt động của Quỹ. Nếu như… - Ôi, Phillip yêu quý. - Đám người hâm mộ lại bâu lấy chàng. Lara cố nói to để chàng nghe thấy được. Nếu như ông rảnh một buổi tối nào đó trong tuần tới? - Phillip lắc đầu: - Rất tiếc. Mai tôi phải bay sang Rome. Lara đột nhiên thấy hụt hẫng. - Nhưng ba tuần nữa tôi sẽ có mặt ở đây. Có thể đến lúc đó… - Tốt quá! - Lara nói. - Ta sẽ dành một buổi tối trao đổi về âm nhạc cổ điển… Lara cười: - Vâng. Tôi sẽ rất nóng lòng mong đến ngày đó. Câu chuyện giữa họ bị hai ông trung niên đến cắt ngang. Một người buộc tóc sau gáy, một người đeo máy nghe ở một bên tai. - Phillip? Anh phân xử hộ cho vụ này. Lúc anh đàn Liszt, anh coi thứ nào quan trọng hơn: gõ phím mạnh để tạo mầu sắc hay lướt nhẹ để tạo thanh thoát? Lara không hiểu họ nói chuyện gì. Họ tranh l rất lâu và nàng nhận thấy vẻ sôi nổi trên khuôn mặt Phillip lúc chàng nói và nàng thầm nghĩ. Đó là thế giới của chàng. Mình phải cố gắng để đi vào được thế giới ấy. Sáng hôm sau, Lara đến Trường nhạc Manhattan. Nàng nói với bà thường trực ở quầy tiếp tân. - Tôi muốn gặp một giáo sư âm nhạc. - Cụ thể là ai? - Tôi chưa biết nên gặp ai. - Thôi được. Cô chờ cho một lát, - bà nhân viên sang một phòng khác. Vài phút sau, một người đàn ông tóc hoa râm, nhỏ thó ra tiếp. - Chào cô, tôi là Leonard Meyers. Tôi có thể giúp gì được cô? - Tôi muốn đi vào âm nhạc cổ điển. - Vậy là cô muốn vào học? Cô chơi nhạc cụ gì? - Tôi không chơi đàn. Tôi chỉ muốn học để hiểu âm nhạc cổ điển thôi. - Tôi e cô đến không đúng chỗ rồi. Đây là trường dạy cho những người mới học. - Tôi xin trả ông năm ngàn đô-la để ông dành cho tôi hai tuần lễ. Giáo sư Meyers sa sầm nét mặt: - Tôi rất tiếc thưa cô… À, xin lỗi, tôi chưa được biết quý danh. - Tôi là Cameron. Lara Cameron. - Cô muốn trả tôi năm ngàn đô-la để tôi trao đổi với cô về âm nhạc cổ điển trong hai tuần lễ? - Ông ta lắp bắp mãi mới nên lời. - Vâng, đúng thế. Giáo sư có thể dùng số tiền đó làm gì tùy ý. Có thể tặng cho quỹ học bổng chẳng hạn. Giáo sư Meyers hạ thấp giọng: - Điều đó không cần thiết. Đây chỉ là chuyện giữa tôi và cô, được chứ, cô Cameron? - Vâng, được. - Vậy bao giờ… bao giờ cô muốn bắt đầu? - Ngay bây giờ. - Bây giờ tôi đang lên lớp. Nhưng thôi được. Cô đợi cho năm phút. Lara và giáo sư Meyers ngồi trong phòng học bỏ trống. - Ta đi từ đầu. Cô đã biết gì về âm nhạc cổ điển chưa? - Ít lắm. - Tôi hiểu. Vậy thì… có hai cách để hiểu nhạc cổ điển, - giáo sư bắt đầu nói. - Nhận thức bằng óc và cảm bằng tim. Có người đã nói, nhạc gợi lên cho người nghe những cảm xúc thầm kín mà bình thường họ không thấy được. Những nhà soạn nhạc thiên tài làm được công việc đó. Lara chăm chú lắng nghe. - Cô có quen nghe nhạc của một nhạc sĩ sáng tác nào không, cô Cameron? Lara mỉm cười: - Ít lắm. Vị giáo sư cau mày: - Nếu quả vậy thật tôi chưa hiểu tại sao cô lại quan tâm đến nó? - Tôi muốn có những hiểu biết cơ bản để có thể trò chuyện với một nhạc công chuyên nghiệp về nhạc cổ điển. Tôi… tôi đặc biệt quan tâm đến đàn piano. - Tôi hiểu, - giáo sư Meyers suy nghĩ một lát. - Tôi sẽ hướng dẫn cô cách bắt đầu. Cô hãy nghe một số đĩa. Ông đến tủ, lấy xuống một số đĩa hát compact. - Ta bắt đầu bằng đĩa này. Tôi muốn cô nghe cẩn thận đoạn allegro trong bản Concerto dành cho piano của Mozart số 21 gam đô, số hiệu K.467 và đoạn adagio trong bản Concerto sô 2 gam đô thứ dành cho piano của Rachmaninoff, số hiệu 18, và cuối cùng là đoạn romanze trong bản Concerto số 1 của Chopin dành cho piano. Tất cả đều đã được đánh dấu. - Vâng. - Cô có thể đem về nhà nghe và vài ngày nữa mời cô quay lại đây… - Mai tôi sẽ quay lại. Hôm sau, lúc Lara đến Trường nhạc, nàng đem theo nửa tá đĩa các bản Concerto và Rectal do Phillip Adler đàn. - Hay lắm! - Giáo sư Meyers nói. - Nhạc sư Adler thì nhất rồi. Cô thích nghệ thuật trình diễn của ông ta lắm phải không? - Vâng. - Nhạc sư Adler có in khá nhiềuđĩa sonat do ông ta biểu diễn. - Sonat? Giáo sư Meyers thở dài: - Cô không hiểu thế nào là sonat ư, cô Cameron? - Tôi e là không. Sonat là nhạc phẩm có nhiều loại tiết tấu và lấy một mô hình âm nhạc nhất định làm nền tảng. Và khi mô hình đó được ứng dụng vào nhạc phẩm cho một cây đàn độc tấu, thí dụ piano hoặc violon thì nhạc phẩm đó gọi là sonat. Còn giao hưởng là sonat dùng cho toàn bộ dàn nhạc. - Tôi hiểu, - Thì ra phạm vi hiểu biết để tiếp thu âm nhạc cũng không đến nỗi mênh mông lắm. Cây đàn piano thoạt đầu được hiểu là piano - forte, tiếng Italia có nghĩa là "dịu dàng và mạnh"… Hai thầy trò dùng mấy ngày tiếp theo vào việc phân tích những đĩa do Phillip biểu diễn nhạc của Beethoven, Liszt, Bartok, Mozart, Chopin. Lara lắng nghe, thấm từng lời và ghi nhớ. - Ông ấy thích Liszt. Giáo sư nói tôi nghe về Liszt đi. Và cứ thế, giáo sư Meyers kể dần với nàng về Liszt, Beethoven, về Chopin và những nhạc sĩ thiên tài khác. Ông giảng cho nàng hiểu đặc điểm tính cách và những giá trị sáng tạo của từng nhà soạn nhạc, về sự khác nhau giữa họ. Một lần giáo sư Meyers giảng cho nàng tỉ mỉ về đặc điểm của nghệ thuật trình diễn, tất nhiên chủ yếu về cây đàn piano. Ông nói: - Có sự khác nhau giữa các nhạc công piano Pháp và nhạc công piano Mỹ. Người Pháp thích rõ ràng, trong sáng, lịch sự, còn người Mỹ thích truyền cảm. Và những lời giảng của giáo sư đều kèm theo thí dụ cụ thể trên đĩa. Hai thầy trò vừa trao đổi, vừa nghe. Cuối tuần lễ thứ hai, giáo sư Meyers nói: - Tôi phải thú nhận rằng tôi đã rất ngạc nhiên. Cô là người học trò chăm chỉ, thông minh và thật sự tha thiết muốn hiểu biết, cô Cameron. Có lẽ cô nên học một thứ nhạc cụ nào đó chăng? Lara cười vang: - Ta không nên đi quá xa, - nàng đưa giáo sư tấm ngân phiếu. - Xin cảm ơn giáo sư. Nàng không thể ngồi nhà chờ cho đến lúc Phillip quay về New York được Chương 20 Mở đầu ngày hôm đó đã có liên tiếp những tin tức mới. Terry Hill gọi điện đến: - Lara đấy phải không? - Người luật sư hỏi trong máy. - Có chuyện gì vậy? - Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu đã chấp thuận cấp giấy phép mở cửa sòng bạc cho chị rồi. - Tuyệt vời, Terry. - Tôi chưa kịp hỏi chi tiết cho chị thì được tin họ đã bật đèn xanh… - Vậy là rất tốt. Cảm ơn anh, - nàng nhìn vào lịch làm việc. - Anh hãy bay đến đó và tiến hành những công việc cần thiết ngay thứ Ba này. Tôi muốn ta bắt đầu kinh doanh ở đấy càng sớm càng tốt. Tiếng Kathy trong máy truyền âm: - Ông Adler muốn nói chuyện với bà chủ trong máy số hai. Vậy tôi trả lời ông ta là bận nhé? Lara đột nhiên choáng váng: - Ấy không. Tôi sẽ nói chuyện với ông Adler, - nàng nhấc máy điện thoại - Anh Phillip đấy ư? - Chào Lara. Tôi đã về rồi. - Hay quá. Tôi mong anh quá. - Tôi biết cô đang rất bận, nhưng tối nay cô có thu xếp để đi ăn với tôi được không? Nàng đã hẹn đi ăn tối với Paul Martin. - Vâng, được. - Tuyệt vời. Cô muốn ta đến nhà hàng nào? - Nhà hàng nào cũng được. - Cote Basque được không? - Được - Hẹn tối nay. Khi đặt máy xuống. Lara bật cười. - Phillip Adler đấy phải không? - Howard hỏi. - Vâng tôi sẽ lấy. Howard ngạc nhiên nhìn Lara. - Cô nói thật đấy chứ? - Nghiêm chỉnh. Howard hơi choáng váng. Vậy là mình đã mất Lara. Howard Keller thầm nghĩ. Rồi anh nghĩ tiếp. Thì có gì lạ đâu? Dù sao mình cũng không thể lấy được Lara kia mà. - Lara! Nhưng cô đã biết gì nhiều về anh ta đâu? - Mình đã biết anh ấy từ thuở mình còn nhỏ kia. - Tôi nghĩ có thể cô đã quyết định sai lầm đấy. - Không đâu. Tôi… Điện thoại riêng của nàng reo, điện thoại nàng lắp để nói chuyện riêng với Paul Martin. - Chào anh! - Lara? Mấy giờ ta đi ăn tối? Nàng bỗng thấy mình có lỗi. - Anh Paul ạ… Em sợ tối nay em không đi được. Có chuyện cần đến em. Em đang định gọi điện cho anh. - Vậy à? chuyện gì trục trặc à? - Không. Chỉ là có người ở Rome vừa mới bay tới New York, - đó cũng có phần đúng với sự thật. - Em phải gặp họ. Số anh không may rồi. Vậy tối hôm khác nhé? - Tất nhiên. - Anh nghe nói khách sạn Reno đã có giấy phép kinh doanh rồi phải không? - Vâng. - Chỗ ấy sẽ hay lắm đấy. - Em cũng tin là như thế. Xin lỗi anh về buổi tối hôm nay nhé, Paul? Mai em sẽ gọi điện cho anh. Lara đặt máy xuống. Howard đang nhìn nàng. Lara thấy vẻ không tán thành trên gương mặt anh. - Anh băn khoăn chuyện gì phải không, Howard? - Đúng thế. Về trang bị quá hiện đại trong phòng giấy của cô. - Anh nói gì vậy? - Quá nhiều máy điện thoại. Lara giật mình. - Nhưng chẳng sao đâu, anh đừng lo, Howard. Có chuyện gì nữa không? - Không, - Howard lắc đầu. - Vậy ta bắt đầu làm việc. * * * * * Phillip đã đợi sẵn trong nhà hàng Cote Basque lúc nàng đến. Thấy nàng vào, mọi người xung quanh quay hết cả lại nhìn. Phillip đứng lên chào và Lara tưởng như tim nàng sắp nhẩy ra khỏi lồng ngực. - Tôi không đến muộn đấy chứ, Phillip? - Nàng nói. - Không muộn chút nào hết, - Phillip nhìn nàng thán phục. Cặp mắt chàng trìu mến. - Trông cô đáng yêu quá! Lara đã thử đi thử lại đến một tá bộ đồ, cuối cùng nàng mới quyết định chọn bộ đồ nhãn Dior giản dị này. - Cảm ơn anh. Lúc cả hai đã ngồi xuống, Phillip nói: - Tôi cảm thấy tôi như một thằng ngốc. - Ôi, tại sao vậy? - Tôi vẫn chưa rõ lắm. Cô có phải là Cô Cameron, chủ cả một mạng lưới khách sạn với bao nhiêu toà nhà không? Trên đường đi biểu diễn, tôi đã nhìn thấy tên cô ở rất nhiều nơi. - Thế là tốt. Vì như vậy anh sẽ nhớ đến tôi. Phillip chăm chú quan sát nàng: - Chẳng cần phải thấy những thứ đó tôi mới nhớ đến cô. Cô có khó chịu khi gặp ai, người ta cũng khen cô đẹp không, Lara? Nàng đã định nói "tôi rất vui khi nghe thấy câu đó ở miệng anh" nhưng nàng lại đáp: - Anh có vợ chưa, Phillip? - Và nói xong nàng tự cắn lưỡi một cái. - Chưa, - Phillip mỉm cười. - Tôi không thể lấy vợ được. - Tại sao? - nàng phải cố nín thở. Nghĩa là anh ấy chưa… - Bởi quanh năm tôi trên đường biểu diễn. Đêm nay ở Budapest, đêm mai đã ở London, Paris hay Tokyo rồi. Lara thở phào nhẹ nhõm: - Phillip! Anh kể về anh cho tôi nghe đi. - Cô muốn biết về gì nào, Lara? - Mọi thứ về anh cười vang. - Thế thì chỉ năm phút là đủ. - Không, tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Tôi muốn biết mọi thứ về anh, Phillip. Phillip hít một hơi thở sâu: - Chỉ có thế này thôi? Cha mẹ tôi là người thành phố Vienne(1). Cha tôi là nhạc trưởng, mẹ tôi dạy đàn piano. Hồi Hitler lên cầm quyền, cha mẹ tôi chạy sang Mỹ, sống ở Boston. Tôi sinh ra ở đó. - Từ nhỏ anh đã muốn thành nhạc công piano rồi à? - Đúng thế. Lên sáu tuổi Phillip đàn piano và cha chàng quát ầm lên: "Không được! Không được! Con không phân biệt được hoà âm trưởng khác với thứ là thế nào à? Và ông ngồi ngay xuống đàn, đưa những ngón tay lông lá chỉ vào bản nhạc. - Đây là hoà âm thứ, con hiểu chưa? - Thưa ba, cho phép con đi chơi được không ạ? Mấy đứa bạn con đang chờ ngoài kia. - Không được. Con phải ngồi đây tập cho đến khi nào con đánh đúng. Phillip lên tám. Sáng hôm đó cậu ngồi đàn liền bốn tiếng đồng hồ. Và nổ ra một cuộc xung đột dũ dội với bố mẹ. - Con căm thù cây đàn piano, - cậu hét lên - Không bao giờ con sẽ ngồi vào đàn nữa. Mẹ cậu nói: - Thôi được. Bây giờ con đánh lại cho mẹ nghe đoạn Andanto một lần nữa thôi. Năm cậu mưởi tuổi. Căn nhà đầy khách, đại đa số là bạn bè ngày xưa của cha mẹ cậu, từ hồi còn ở Vienne. Tất cả đều là nhạc công. - Cháu Phillip sẽ đàn một bản nào đó cho chúng ta nghe, - mẹ cậu tuyên bô. - Chúng tôi đều muốn nghe cháu Phillip đàn, - họ nói bằng giọng khuyến khích. - Con đàn Mozart đi. Phillip nhìn vào những khuôn mặt chăm chú và cậu rầu rĩ miền cưỡng ngồi vào đàn. Mọi người thì thào khẽ với nhau. Phillip bắt đầu đàn, những ngón tay cậu lưởt trên dẫy phím. Tiếng trò chuyện đột nhiên im bặt. Cậu đàn bản sonat của Mozart. Tiếng nhạc tươi vui rộn rã. Trong lúc đó, cậu trở thành Mozart và khắp gian phòng tràn ngập tiếng đàn thần kỳ của nhà nhạc sĩ thiên tài. Lúc các ngón tay của Phillip đập xuống hợp âm cuối cùng, cả phòng khác lặng đi như tờ. Bạn bè của cha mẹ cậu ùa đến vây xung quanh cậu, thi nhau nói. Họ không tiếc lời ca ngợi cậu. Phillip nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của họ và lần đầu tiên cậu hiểu thiên chức của cậu trên đời là gì và cậu sẽ hiến dâng cuộc đời cho cái gì. - Đúng thế, - Phillip nói. - Ngay từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành nhạc công piano. - Anh học đàn ở đâu? Mẹ tôi dạy cho đến năm tôi mười bốn tuổi. Sau đấy ba mẹ tôi gửi tôi đến học Trường nhạc ở Philadelphia. - Anh thích học ở đấy chứ? - Rất thích. Phillip mười bốn tuổi, một mình trong thành phố, không có bạn bè. Trường nhạc Curtis chiếm bốn toà nhà cũ xây từ cuối thế kỷ trước gần quảng trường Rittenhouse của Philadelphia. Đấy là nhạc Hoa Kỳ nổi tiếng ngang với các Nhạc viện ở Matxcơva của Viardo, Egorov và Toradze. Nhạc công Samuel Barber, Lconard Bernstein, Gian Carlo Menotti, Peter Serkin và hàng chục nhạc công nổi tiếng khác đã tốt nghiệp ở Trường nhạc này. - Ở đó anh có cô đơn không? - Không. Phillip ở đó rất buồn. Từ nhỏ cậu chưa xa nhà bao giờ. Cậu thi vào trưởng nhạc Curtis và khi đỗ, cậu bỗng nhiên nghĩ rằng cậu sắp bước vào một quãng đời khác hẳn, sẽ không bao giờ quay trở về nhà nữa. Các thầy công nhận ngay cậu sinh viên mới này có biệt tài. Thầy dạy ano của cậu là Isabelle Vengerova và Rudolf Serkin. Ngoài piano Phillip còn học lý thuyết âm nhạc, hoà âm, phối khí và thổi sáo. Ngoài giờ học, cậu chơi nhạc thính phòng với các sinh viên bạn. Piano là nhạc cụ cậu đã tập từ năm lên ba tuổi, bây giở trở thành trung tâm của cuộc đời cậu. Đối với Phillip đó là cây đàn thần để cậu thể hiện những rung động của trái tim mình. âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn thếgiới. - Năm mười tám tuổi tôi biểu diễn lần đầu tiên trên sân khấu với dàn nhạc giao hưởng Detroit. - Hôm ấy anh có sợ không? Phillip rất hoảng. Chàng thấy chơi đàn cho bè bạn nghe là một chuyện nhưng biểu diễn trước cả một hội trưởng đông kín những người bỏ tiền ra mua vé lại là chuyện hoàn toàn khác. Chàng đang đi đi lại trong hậu trưởng để ghìm cơn hoảng sợ thì người chỉ huy đêm biểu điễn túm cánh tay chàng, nói: - Đến lượt cậu rồi đấy. Phillip còn nhớ mãi cảm giác lúc chàng bước ra sân khấu và công chúng vỗ tay đón chào chàng. Phillip ngồi xuống trước cây đàn và bao nỗi hồi hộp tan biến sạch. Từ hôm đó, cuộc đời chàng là một chuỗi dài bất tận các buổi trình diễn. Chàng đã biểu diễn khắp châu u, châu Á, và sau mỗi chuyến đi như vậy danh tiếng chàng lại tăng lên. William Ellerbee, một ông bầu nghệ thuật cỡ lớn nhận "lăng xê" Phillip. Và trong vòng chưa đầy hai năm, Phillip Adler đã thành nhạc công được các rạp hát tới tấp mời chào. Phillip nhìn Lara, mỉm cười với nàng: - Sợ chứ. Bây giờ trước mỗi lần biểu diễn tôi vẫn còn sợ. - Anh tả cảm giác của anh mỗi lần biểu diễn đi. - Lần nào tôi cũng hồi hôp khủng khiếp. Một lần tôi đi lưu diễn với dàn nhạc giao hưởng Philadelphia. Chúng tôi đến Brussels và trên đường, chúng tôi dừng lại biểu diễn ở London. Sân bay bị đóng cửa vì sương mù quá dầy, thế là người ta dùng xe ca chở chúng tôi đến sân bay ở Amsterdam. Người dẫn đoàn đi giải thích rằng máy bay họ thuê rất nhỏ nên mỗi người chỉ được mang, hoặc nhạc cụ hoặc hành lý. Tất nhiên mọi người đều chọn nhạc cụ. Chúng tôi đến London vừa sát giờ biểu diễn. Thế là tôi lên ngay sân khấu vẫn còn mặc quần Jean, áo len và chưa cạo râu. Lara bật cười: - Tôi tin rằng như thế thính giả lại thích hơn. - Đúng thế. Một lần chúng tôi trình diễn ở bang Indiani, đàn piano bị cất trong một căn phòng mà không ai có chìa khoá. Chúng tôi đành phá cửa để vào lấy đàn. Lara cười khúc khích. - Năm ngoái, theo chương trình, tôi trình diễn một bản concerto của Beethoven. Một nhà phê bình âm nhạc viết trên báo: "Phillip Adler đã cho chúng ta một buổi trình diễn quá ngẫu hứng. Phần cuối bản nhạc ông đã dùng tiết tấu quá kéo dài, làm sai lạc cả mạch nhạc của tác giả". - Thật tồi tệ, - Lara thốt lên: - Nhưng điều còn tồi tệ hơn nữa là hôm đó tôi không biểu diễn. Tôi bị lỡ chuyến bay! Lara dướn người lên phía trước sôi nổi. - Anh kể nữa đi, Phillip. Một lần ở thành phố San Paulo thì đúng giữa bản sonat của Chopin, bàn đạp piano bị tuột ra ngoài. - Thế anh xử trí thế nào? - Tôi chơi tiếp cho hết bản sonat mà không dùng bàn đạp. Một lần khác, đang đàn, chiếc piano cứ thế trôi sang góc bên kia sân khấu. Khi kể về những buổi biểu diễn, giọng Phillip rất sôi nổi hứng. - Tôi là người diễm phúc. Còn gì tuyệt vời bằng rung động được công chúng, dẫn họ vào một thế giới khác. âm nhạc đem đến cho mọi người những giấc mơ. Đôi khi tôi nghĩ rằng, may mà trong cõi đời ô trọc hôm nay vẫn còn lại được một thứ, đó là âm nhạc, - chàng cười sảng khoái. - Tôi không định ăn to nói lớn đâu, Lara. - Không, anh nói rất đúng. Anh làm cho hàng triệu con người được hưởng sung sướng. Tôi rất yêu cái cách anh biểu diễn, - nàng hít một hơi thở sâu. - Lúc nghe anh đàn bản Những cánh buồm của Debussy tôi cảm thấy như mình đang tha thẩn một mình trên bãi biển và nhìn thấy xa xa một cánh buồm đang lướt trên sóng… Chàng mỉm cười: - Lúc đó tôi cũng nhìn thấy đúng như vậy. - Và khi nghe anh chơi nhạc Scarlatti, tôi thấy mình đang ở giữa thành phố Naples, nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng banh xe lộc cộc và những con người tấp nập trên đường phố… - nàng nhìn thấy được vẻ thích thú hiện lên trên gương mặt Phillip khi chàng nghe nàng nói. Lara đang phục hồi lại trong trí óc những bài giảng của giáo sư Meyers. - Lúc nghe anh đàn Bartok, tôi thấy như anh đang đưa tôi đến những làng quê của miền Trung u đến với những người dân thôn quê Hungary. Anh vẽ nên những bức hoạ và tôi lạc lối trong đó. - Ôi cô quá khen, - Phillip nói. - Không đâu, tôi không nói sai một lời nào hết. Ăn xong, Phillip nói: - Lara, sao chúng ta chỉ toàn nói về tôi thôi? Cô hãy kể tôi nghe về cô đi! Xây cất những toà nhà khổng lồ trên khắp đất nước có ý nghĩa thế nàó đối với cô? Lara im lặng một lúc. - Câu anh hỏi khó trả lời quá. Anh sáng tạo bằng hai bàn tay. Còn tôi, bằng cái đầu. Tôi không trực tiếp xây cất lên những toà nhà ấy mà tôi chỉ tạo điều kiện để những toà nhà đó được xây cất. Tôi mơ thấy giấc mơ của gạch, xi măng, sắt thép và tôi biến những giấc mơ ấy thành sự thật. Tôi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn con người: kiến trúc sư, thợ nề, nhà thiết kế, thợ mộc, thợ làm ống nước… Nhờ tôi mà họ kiếm được tiền nuôi gia đình. Tôi tạo cho người ta một khung cảnh đẹp đẽ để họ sống và làm việc. Tôi làm cho điều kiện ở của họ thoải mái dễ chịu hơn. Tôi xây những cửa hiệu hấp dẫn để người ta có thể mua và bán những thứ họ cần. Tôi xây những công trình cho tương lai, - nàng mỉm cười, ngượng nghịu. - Tôi không định diễn thuyết đâu, Phillip. - Cô nói rất hay, cô có biết như vậy không? - Tôi rất muốn anh hiểu cho. Đó là một buổi tối diệu kỳ và đến lúc chia tay. Lara chợt hiểu rằng đây là lần đầu tiên nàng yêu. Bao năm qua nàng rất lo là mình sẽ suốt đời phải thất vọng. Nàng đã hết hy vọng được gặp được người nào giống như nàng vẫn lờ mờ thấy trong mộng. Nhưng bây giờ nàng đã gặp được chàng bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Về đến nhà, Lara vui đến mức không sao ngủ được. Nàng thầm ôn lại buổi tối hôm nay nhớ lại từng lời trong cuộc trò chuyện và cứ nhẩm lại mãi. Phillip Adler là người đàn ông hấp dẫn nhất, chưa bao giờ nàng gặp. Chuông điện thoại reo. Nàng mỉm cười nhấc máy. Nàng vừa buột miệng. - Phillip… Thì Martin đã nói luôn. - Anh muốn xem thử em đã về nhà an toàn chưa thôi. - Vâng, - Lara nói, - Cuộc gặp thế nào? - Rất tốtVậy là yên. Tối mai ta ăn tối với nhau nhé? Lara ngập ngừng. - Vâng. Và nàng băn khoăn: Không biết Martin có gây rắc rối gì không. Chú thích: (1) Thủ đô Áo, nơi nổi tiếng là thành phố của âm nhạc cổ điển. Chương 21 Sáng hôm sau, một tá bông hồng đỏ thắm được chuyển đến nhà Lara. Vậy là chàng cũng thích thú với buổi tối hôm qua, nàng vui vẻ thầm nghĩ. Nàng vội vã gỡ tấm thiếp gài vào bó hoa. Trên đề: "Tôi rất mong tối nay lại được ngồi ăn với cô Phillip". Lara đột nhiên cảm thấy thất vọng. Cả sáng nay nàng mong Phillip gọi điện đến. Lịch làm việc hôm nay rất chặt, nhưng nàng không sao tập trung vào công việc được. Mười giờ, Kathy nói: - Những người xin vào làm thư ký đã đến, đang chờ bà phỏng vấn. - Bảo họ vào đây. Có sáu người cả thẩy, tất cả đều có trình độ cao. Người được nàng chọn hôm nay là Gertrude Meeks. Chị ngoài ba mươi tuổi, tươi tắn, hoạt bát và rõ ràng là rất mừng khi được chấp nhận. Nàng đã xem lý lịch của Meeks. Đúng là rất tốt. - Trước đây chị đã làm việc trong lĩnh vực xây dựng rồi à? - Thưa bà, vâng. Nhưng chưa bao giờ tôi được làm việc với một người như bà. Thú thật, tôi sẵn sàng làm việc với bà mà không cần nhận lương. Lara cười: - Không cần phải như thế. Những chứng chỉ ở đây đều rất tốt. Tôi bằng lòng nhận chị. - Vô cùng cảm ơn bà, - mặt Gertrude Meeks rạng rỡ. Chị sẽ phải ký vào bản cam đoan không trả lời phỏng vấn của bất cứ tờ báo nào và không đem chuyện của hãng ra lộ cho bất cứ ai. Chị có thấy thoải mái ký bản cam đoan như vậy không? - Tất nhiên là thoải mái, thưa bà. - Cô Kathy sẽ chỉ bàn làm việc cho chị. Mười một giờ là cuộc trao đổi về quảng cáo với Jerry Townsend. - Ông cụ thế nào rồi? - Lara hỏi. Cha tôi đang ở Thuỵ Sĩ. Bác sĩ nói rằng có khả năng phục hồi. - Giọng anh trở nên xúc động. - Nếu cha tôi hồi phục thì chính là nhờ bà. - Mọi người đều xứng đáng được hưởng một cơ may, Jerry. Tôi hy vọng cụ sẽ khỏe. - Cảm ơn bà, - anh hắng giọng. - Tôi… Tôi không biết nói sao để bà thấy được lòng biết ơn của tôi. Lara đứng dậy: - Tôi phải đi họp bây giờ. Nàng bước ra, để mặt Jerry Townsend đứng đó sững sờ nhìn theo. * * * * * Nàng họp với các kiến trúc sư bàn về những công trình ở New Jersey. - Các ông làm rất tốt, nhưng tôi vẫn muốn một vài sửa đổi nhỏ. Tôi muốn phía trên của cửa chính cong thành hình nửa bầu dục ở cả ba mặt. Tường đều ốp đá cẩm thạch. Thay mái nhà thành hình chóp kiểu kim tự tháp, bằng đồng, và trên cùng là một con đại bàng đang cất cánh giữa trời đêm. Còn vấn đề gì không? - Không, thưa bà Cameron. Cuộc họp xong, máy truyền âm lạo xạo. - Thưa bà Cameron, ông Raymond Duffy, đốc công ở công trường xin nói chuyện điện thoại với bà. Ông ta bảo có việc cần kíp. Lara nhấc máy: - Chào bác Raymond. - Có chuyện khó khăn, thưa bà Cameron. - Cứ nói. - Họ vừa giao một chuyến bê tông đúc sẵn. Nhưng họ chưa kiểm tra và có nhiều tấm bị nứt. Tôi định trả lời lại nhưng muốn hỏi bà trước. Lara suy nghĩ một lát: - Nứt nhiều lắm không? - Khá nhiều. Quan trọng là họ không th đúng quy định của ta. - Nhưng vẫn dùng được chứ? - Tôi nghĩ là được, nhưng sẽ rất tốn kém. - Vậy thì cứ dùng đi, - Lara nói. Đầu dây kia im lặng một lát. - Cũng được. Bà là chủ. Lara đặt máy xuống. Cả thành phố chỉ có hai nhà máy đúc bê tông. Trái ý họ coi như tự sát. Năm giờ chiều Phiìip vẫn chưa gọi điện tới. Lara gọi đến văn phòng Quỹ của chàng. - Cho tôi nói chuyện với ông Phillip Adler. - Ông Adler đi biểu diễn ở ngoài thành phố. Tôi có thể giúp gì được, thưa bà? Tối hôm qua, chàng không hề nói tới "vụ" này. - Không. Xin cảm ơn. Vậy là thế, Lara thầm nghĩ. Hãy thế đã. Cuối ngày làm việc là cuộc đến thăm của Steve Murchison. Y to lớn, như thể xây bằng gạch. Y xộc ngay vào phòng giấy của Lara. - Tôi có thể làm gì giúp ông, thưa ông Murchinson? - Lara hỏi. - Làm gì à? Bà có thể đừng chõ mũi vào công việc của tôi không? - Murchinson nói. Lara điềm tĩnh nhìn y: - Ông gặp chuyện gì bực mình đấy? - Bà! Tôi không ưa có kẻ cản trở công việc của tôi! - Nếu như ông định nói đến chuyện ông Guttman? - Thì chuyện ấy chứ còn chuyện gì? - Ông ấy thích toà nhà của tôi hơn toà nhà của ông. - Bà xúi bẩy Guttman làm chuyện đó. Bà quấy rối nhiều quá rồi đấy. Tôi đã nhắc bà một lần rồi. Tôi đến để nhắc bà lần thứ hai. Cái thành phố này không đủ chỗ cho cả hai người, tôi với bà đâu. Tôi không biết gan bà to đến đâu, nhưng nếu bà còn cản chân tôi lần nữa thì tôi sẽ không để bà yên? Nói xong, y hầm hầm bước ra. Bữa ăn tối hôm đó với Paul tại nhà nàng có vẻ căng thẳng. - Em có vẻ đang băn khoăn chuyện gì đó, - Paul Martin hỏi. - Khó khăn gì vậy? Lara cố nở một nụ cười: - Không. Mọi chuyện đều tốt đẹp cả, Tại Phillip không cho mình biết anh ấy đi biểu diễn xa - Nàng thầm tự hỏi. - Bao giờ thì việc sửa chữa khách sạn ở Reno được tiến hành? - Em và Howard định tuần tới bay đến đó lần nữa. Chúng em định chín tháng sau thì khai trương. - Chín tháng nữa thì em có thể sẽ có đứa nhỏ. Lara ngạc nhiên nhìn ông: - Anh bảo gì? Paul Martin đưa hai bàn tay ôm đầu nàng: - Em biết là anh rất mê em, Lara. Em đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của anh. Anh muốn quan hệ giữa hai chúng ta tiến lên một bước khá hẳn. Anh yêu em đến mức hai chúng ta có đứa con với nhau. Lara không biết trả lời ra sao. - Anh có món quà nhỏ tặng em, Martin lấy trong túi ra một hộp nữ trang nhỏ. - Em mở ra! - Anh cho em nhiều quá đấy, Paul. - Cứ mở ra. Trong hộp là một dây đeo cổ kim cương. - Đẹp quá. Paul Martin đứng lên và Lara thấy bàn tay ông chạm vào cổ nàng lúc ông đeo dây kim cương cho nàng. Hai tay ông luồn vào trong áo, nắn hai vú nàng. Giọng ông hổn hển: - Ta xem thử nó ra sao đi. Ông kéo nàng vào phòng ngủ. Đầu óc Lara quay cuồng. Nàng chưa bao giờ yêu Martin. Ngủ với ông lại là chuyện khác, đấy chỉ là cách nàng trả ơn những việc ông đã giúp nàng. Nhưng bây giờ thì khác. Nàng đã có người yêu. Mình ngu xuẩn quá, nàng thầm nghĩ. Kiểu này khéo mình không bao giờ gặp lại được Phillip. Nàng cởi áo quần chậm chạp, miễn cưỡng. Và khi hai người đã trên giường. Paul nằm trên người nàng, đi vào nàng, thì thào: - Ôi, anh mê mẩn em biết chừng nào! Nàng nhìn lên và thấy khuô của Phillip. * * * * * Mọi thứ tiếp tục êm thấm, việc sửa đổi nâng cấp khách sạn kiêm sòng bạc ở Reno tiến hành nhanh chóng. Toà tháp Cameron đã sắp hoàn tất theo đúng kế hoạch và tên tuổi Lara mỗi ngày một dâng cao như sóng cồn. Suốt mấy tháng qua nàng gọi điện không biết bao nhiêu lần cho Phillip nhưng chàng đều đi biểu diễn vắng. - Ông Phillip Adler hiện đang ở Bắc Kinh… - Ông Phillip Adler đang ở Paris… - Ông Phillip Adler đang ở Sydney… Mặc xác anh ta, Lara thầm nghĩ. Trong sáu tháng tiếp theo, Lara "tranh cướp" được thêm ba khu nhà của Steve Murchinson. Howard Keller bước vào phòng giấy Lara, vẻ lo lắng. - Người ta đang đồn ầm lên là lão Murchinson đe doạ sẽ cho cô một vố thật nặng đấy. Hay là cô làm lành với lão đi. Lão có thể là kẻ thù nguy hiểm nhất của ta. - Thì tôi cũng không kém, - Lara nói. - Tốt nhất là lão chịu thua và chọn lĩnh vực kinh doanh khác. - Lão không phải tay vừa đâu, Lara. Lão… - Anh quên lão ta đi, Howard. Tôi vừa nhắm được một khu đất ở thành phố Los Angeles. Hiện chủ đất chưa công bố là bán. Nếu ta làm nhanh, tôi tin là ta sẽ tậu được. Sáng mai ta sẽ bay đến đó. Khu đất ngay bên Khách sạn Batimore. Một nhà môi giới bất động sản dẫn Lara và Howard xem xét: - Khu đất tuyệt vời, ông ta nói. - Đúng thế. Bà mua khu đất này không bị lầm đâu. Với diện tích này bà có thể xây cả một khu phố nhỏ có quảng trường hẳn hoi… cư xá cho thuê, trung tâm thương mại, nhà hát, các khu vui chơi… - Không. Ông ta ngạc nhiên nhìn Lara. - Xin lỗi bà? - Tôi không thích khu đất này. - Bà không thích? Tại sao? - Vị trí. Khung cảnh xung quanh, - Lara nói. - Tôi không tin người ta muốn đến nơi này sinh sống. Thành phố Los Angeles đang phát triển về phía Tây. - Nhưng… - Tôi đã bảo rằng tôi không thích khu đất này để xây cư xá. Ông tìm cho tôi một địa điểm khác. Lara quay sang Howard. - Tôi rất tiếc là mất thời giờ của anh. Chiều nay ta bay về New York thôi. Lúc trở lại khách sạn, Howard mua một tờ báo. Ta xem thị trường có gì mới không. Hai người cùng xem báo và trong mục Giải trí có một khung quảng cáo to: TỐI NAY, SN KHẤU HOLLYWOOD: PHILIP ADLER. Tim Lara nhẩy lên một cái. - Mai ta hãy về New York, - nàng nói. Lara chưa bao giờ đến Nhà hát Hollywood. Đấy là một sân khấu ngoài trời lớn nhất thế giới, bao quanh là những ngọn đồi của thành phố Hollywood và những khu vui chơi giải trí khác, mở cửa quanh năm cho khách vào vui chơi. Chỉ riêng những hàng ghế cao dần chạy hình bán nguyệt phía trước sàn biểu diễn cũng đã chứa được 18.000 người. Tối nay các hàng ghế chật ních và Lara có thể cảm thấy được sự nóng lòng chờ đợi của công chúng. Nhạc công lục tục bước ra sân khấu và được vỗ tay chào đón cuồng nhiệt. Andres Previn bước ra, sự chào đón rộ lên cao hơn nữa. Rồi đột nhiên tiếng reo hò và vỗ tay nổi lên như sấm dậy khi Phillip Adler bước ra, lịch sự trong bộ áo đuôi tôm và cà vạt trắng. Lara bóp cánh tay Howard: - Anh ấy đẹp trai chưa? - Nàng thì thào. Howard không trả lời. Phillip ngồi vào piano và chương trình biểu diễn bắt đầu. Tiếng đàn thần diệu của chàng lập tức hút hồn công chúng. Đêm nay thật là diệu kỳ. Những vì sao đang chiếu xuống nhà hát và những ngọn đồi bao quanh. Hàng ngàn cngồi im.phăng phắc, họ bị tiếng đàn mê hoặc. Khi những thanh âm cuối cùng của bản concerto dứt tiếng, công chúng reo hò, đứng dậy vỗ tay và hét lên cuồng nhiệt. Phillip đứng dậy cúi đầu cảm ơn và lại cúi đầu, cứ thế không biết bao nhiêu lần. - Ta vào hậu trường đi, - Lara nói. Howard Keller quay sang nhìn nàng. Giọng nói của nàng run rẩy vì xúc động. Cửa vào hậu trường nằm bên cạnh hốnhạc. Một nhân viên bảo vệ đứng cạnh để ngăn công chúng tràn vào Howard nói: - Cô Cameron muốn vào gặp ông Phillip Adler. - Ông ấy có đang chờ cô không? - Nhân viên bảo vệ hỏi: - Có. - Lara nói. - Xin hai vị đợi cho một chút, - lát sau bác ta bước ra, nói - Xin mời bà vào, thưa bà Cameron. Lara và Howard vào phòng quét vôi mầu xanh lá cây Phillip đứng đó, bị vây chặt bởi một đám đông người ca ngợi chàng. Nhìn thấy Lara, Phillip nở một nụ cười, vẫn cái nụ cười nàng đã quen thuộc ấy. - Xin lỗi, - chàng nói với đám đông rồi lách ra, tiến về phía nàng. - Tôi không ngờ cô lại có mặt ở thành phố này. - Chúng tôi mới bay đến sáng nay. Xin giới thiệu với anh, đây là anh Howard, người chung vốn với tôi. - Chào anh, - Howard nói giọng khó chịu. Phillip quay sang một người thấp, vạm vỡ đứng sau lưng. - Còn đây là ông bầu của tôi, Willam Ellerbee. Họ chào nhau. Phillip nhìn Lara. - Tối nay có một bữa tiệc tại khách sạn Beverly Hilton, nếu hai vị có thể đến… - Xin sẵn sàng, - Lara nói. Lúc Lara và Howard bước vào, gian vũ hội của khách sạn Beverly Bilton đã đông chật những nhạc sĩ nhạc công và những người yêu âm nhạc. Và cũng như mọi khi, Phillip bị bao vây giữa rất đông người đang thi nhau ca ngợi chàng. Vừa nhìn thấy chàng, người Lara đã nóng bừng. Phillip cười rất tươi: - Ôi tuyệt vời! - Anh nói với Lara. - Chào anh Phillip! - Howard Keller ngắm đôi trai gái trò chuyện, anh nghĩ thầm: Giá như mình cũng học và chơi piano. Giá như mình nhìn được ra thực tế. Anh cảm thấy đã xa vời cái lần đầu tiên anh gặp cô gái xinh đẹp, trẻ trung, thông minh và sôi nổi kia. Từ đó đến nay nàng đã tiến lên bao nhiêu trong khi anh vẫn cứ đứng yên chỗ đó. Lara đang nói: - Sáng mai tôi phải bay về New York, nhưng chúng ta có thể cùng ăn điểm tâm với nhau được. - Thế thì còn gì bằng. Nhưng tôi phải bay đi Tokyo từ sáng sớm. Nàng đột nhiên thấy thất vọng. - Tại sao? Chàng cười vang: - Thì đấy là công việc của tôi mà lại, Lara. Mỗi năm tôi biểu diễn một trăm năm chục buổi, có năm hai trăm buổi. - Lần này anh đi trong bao lâu? - Tám tuần lễ. - Ôi tôi sẽ rất nhớ anh, Lara điềm tĩnh nói. Và nàng thầm nghĩ: Anh không biết em nhớ anh đến chừng nào đâu! Chương 22 Trong mấy tuần lễ sau đó Lara và Howard bay đi Atlanta xem hai địa điểm, một ở Công viên Ainsley và một ở Dunwoody. - Cho tôi biết giá khu đất ở Dunwoody, - Lara nói. - Chúng tôi có thể xây vài cư xá tại đấy. Rời Atlanta, họ bay đi New Orleans. Họ dành hai ngày thăm thú khu thương mại ở trung tâm thành phố và một ngày đến hồ Pontchartrain. Lara tìm được hai địa điểm vừa ý. Một ngày sau họ trở về nhà, Howard Keller vào phòng giấy của Lara. - Về đề án ở Atlanta chúng ta gặp chuyện không may. - Chuyện gì vậy? - Có kẻ phỗng tay. Lara ngạc nhiên nhìn anh: - Sao họ biết? Người chủ đất ấy đã công bố ý định bán đâu? - Thì thế. Nhưng tin tức vẫn cứ lọt ra được chứ. Lara nhún vai: - Chắc anh thì không tranh được với họ rồi. Chiều hôm đó Howard lại nhận thêm được nhiều tin xấu. - Khu đất ở hồ Pontchartrain cũng bị hỏng rồi. Tuần lễ tiếp đó hai người bay đi Seatle, xem xét đảo Mercer và vùng Kirkland. Có một khu đất Lara ưng ý và khi quay về New York, nàng bảo Howard: - Ta quyết định lấy miếng ấy đi. Tôi tin sẽ lãi to đấy! - Đúng vậy. Trong buổi làm việc hôm sau, Lara hỏi: - Anh đã ướm hỏi về khu đất ở Kirkland chưa? Howard lắc đầu: - Đã có người tranh mất của chúng ta rồi. Lara rất băn khoăn: - Ôi Howard, anh thử điều tra xem có kẻ nào cố tình hại chúng ta không? Chưa đầy hai mươi tư giờ sau Howard đã tìm được: - Steve Murchinson. - Hắn tậu tất cả những khu đất ấy à? - Đúng thế. - Liệu có ai trong văn phòng chúng ta tiết lộ? - Có vẻ thế. Mặt nàng cau lại. Sáng hôm sau nàng thuê một hãng thám tử tư truy tìm thủ phạm. Nhưng họ tìm không ra. - Theo chúng tôi được biết thì tất cả các nhân viên của bà đều tận tâm, thưa bà Cameron. Tất cả các phòng làm việc đều được chúng tôi kiểm tra và tất cả các điện thoại đều được chúng tôi ghi âm lại. Và họ đành bó tay. Cũng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Lara thầm nghĩ. Nhưng nàng không tin là như thế. * * * * * Toà cao ốc 68 tầng ở Queens đã hoàn thành một nửa và Lara mời các chủ nhà băng đến chứng kiến công việc đang tiến triển. Toà nhà càng nhiều tầng thì kinh phí bỏ ra càng lớn. Toà cao ốc của Lara tuy tính là 68 nhưng thật ra chỉ có 57 tầng. Đấy là một thủ đoạn nàng học được ở Paul Martin. - Mọi người đều làm như thế, - Paul đã cười vang. - Tất cả vấn đề chỉ là em thay số ở các tầng. - Bằng cách nào? - Cực kỳ đơn giản. Đợt thang máy đầu đưa khách lên đến tầng 34. Đợt thang máy thứ hai đưa khách từ tầng 35 lên đến tầng 68. Bao giờ cách bố trí cũng là như thế. Nhờ mẹo của các nghiệp đoàn mà trong số người làm ở công trường luôn luôn có khoảng một tá lao động "ma". Có tên nhưng không có người. Có nhiều chức trách nghe rất kêu: Trưởng ban an toàn, Phụ trách điều hoà, Thanh tra vật liệu, vân vân và vân vân. Thoạt đầu Lara hỏi Martin vấn đề này. - Em đừng băn khoăn chuyện đó, - Paul bảo nàng. - Những thứ đó đều được tính vào giá thành của công trình hết. Howard Keller sống trong một căn hộ nhỏ trên quảng trường Washington và khi Lara đến thăm anh vào một buổi tối, nàng đã ngắm nghía căn hộ nhỏ xíu đó. Rồi nàng bảo: - Trông như cái bẫy chuột ấy. Anh phải dọn đến nơi khác đi. Do Lara thúc giục mãi, Howard mới chịu chuyển đến một căn hộ khá hơn tại khu hành chính của thành phố New York. Một đêm, Lara làm việc với Howard đến khuya và cuối cùng khi họ hoàn thành công việc, Lara nói: - Trông anh có vẻ mệt mỏi quá. Tại sao anh không về nhà ngủ một giấc đi. - Ý kiến đúng đấy, - Howard ngáp nói. - Hẹn sáng mai gặp nhau. - Anh cứ ngủ thoải mái. Mai đến văn phòng muộn một chút cũng không sao. - Lara nói. Howard Keller lái xe về nhà. Anh đang nghĩ về một vụ vừa ký kết xong và băn khoăn không biết Lara sẽ tiến hành ra sao. Howard rất hào hứng làm việc với nàng. Vừa hào hứng vừa buồn rầu. Trong đáy sâu tâm hồn, Howard vẫn thầm hy vọng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó xảy ra: Trước đây em có mắt như mù, không nhìn thấy anh, anh Howard yêu quý ạ. Em không yêu Paul, cũng không yêu Phillip, mà yêu anh. Em đã yêu anh suốt bao nhiêu năm qua. Một khả năng tuyệt vời. Lúc Howard về đến căn hộ, anh lấy chìa khoá tra vào ổ. Không vừa. Anh ngạc nhiên tra lại lần thứ hai. Đột nhiên có ai ở trong mở tung cửa và một người lạ đứng đó. - Mi làm cái trò gì đó, hả? - Người lạ hỏi. Howard sửng sốt nhìn người lạ, nói: - Đây là nhà của tôi. - Thật không? - Nhưng tôi, - đột nhiên Howard sực nhận ra. - Tôi… tôi xin lỗi. - Anh lắp bắp, mặt đỏ bừng. - Trước kia tôi sống ở đây. Tôi… Cánh cửa đóng sập lại. Howard đứng ngây người ra, bàng hoàng. Sao mình lại quên mất là mình đã dọn đi nơi khác được nhỉ? Chắc tạỉ mình làm việc nhiều quá, mụ mẫm cả đầu óc. * * * * * Lara ngồi họp thì chuông điện thoại riêng của nàng reo. - Gần đây em bận rộn quá đấy. Anh rất nhớ em. - Em cứ đi liên tục ấy mà, Paul. - Nàng không sao có thể thốt lên được câu nàng rất nhớ ông. - Trưa nay chúng ta đi ăn nhé? Lara nghĩ đến những gì Paul Martin đã làm cho nàng. - Vâng, - nàng nói. Điều nàng ngại nhất là mất lòng Martin. Họ ăn trưa ở nhà hàng Ong Chow. - Trông em rất tươi tắn, - Paul nói. - Chắc công việc tiến triển tốt. Khách sạn ở Reno ra sao rồi? - Ổn thoả cả, - Lara phấn khởi nói. Liền sau đó nàng dành mười lăm phút kể Paul nghe công việc đang tiến hành. - Em tính chỉ hai tháng nữa là ta có thể khai trương. Một cặp nam nữ ở đầu kia phòng ăn vừa đứng lên. Người đàn ông quay lưng về phía Lara, nhưng nàng cảm thấy rất quen. Lúc gã quay mặt lại, nàng nhận ra đó chính là Steve Murchinson. Người đàn bà đi cùng với gã trông cũng rất quen. Lúc chị ta nhấc chiếc ví lên, Lara giật thót người. Hoá ra là Gertrude Meeks, thư ký của mình. - Lạy Chúa! - Lara khẽ thốt lên. - Sao thế? - Paul hỏi. - Không. Không sao hết. Nàng lại kể tiếp về khách sạn kiêm sòng bạc ở Reno. Ăn xong, về văn phòng, Lara mời Howard Keller đến. - Anh có nhớ khu đất ở Phoenix mà chúng mình đã xem cách đây vài tháng không? - Có. Chúng ta đã quyết định không dùng. Cô bảo khu đất ấy là thứ chó gặm. - Tôi nghĩ lại rồi, - nàng ấn nút máy truyền âm - Gertrude, chị sang đây tôi nhờ chút. - Tôi sang ngay, thưa bà Cameron. Gertrude sang phòng giấy của nàng. - Chị thảo cho tôi một bức thư, - Lara nói. - Gởi hai anh em ông bá tước ở Phoenix. Gurtrude chuẩn bị ghi. "Thưa hai vị. Tôi đã nghĩ lại về cơ ngơi của hai vị ở Scottdael và quyết định sẽ mua khu đất ấy. Tôi nghĩ chỉ ít lâu sau đó sẽ là nơi tuyệt vời, - Howard chăm chú nhìn nàng. - Trong vòng mấy ngày tới, tôi sẽ xin liên hệ với hai vị để bàn về giá cả. Xin trân trọng". - Thưa bà Cameron, chỉ có vậy thôi ạ? - Có vậy thôi. Howard nhìn theo Gertrude ra khỏi phòng. Anh quay sang Lara. - Tại sao cô lại làm như vậy? Chúng ta đã phân tích kỹ khu đất ấy rồi. Không có giá trị chút nào hết? Nếu cô… - Anh hãy bình tĩnh. Ta sẽ không mua miếng đất ấy đâu mà anh lo. - Vậy tại sao… - Nếu tôi tính không lầm thì lão Murchinson sẽ giật lấy miếng đất ấyTrưa hôm nay tôi nhìn thấy Gertrude ngồi ăn với lão. Howard Keller nhìn Lara: - Lão sẽ thù ta lắm. - Tôi đề nghị hai ngày nữa anh gọi điện cho ông bá tước và hỏi thử về miếng đất ấy xem có đúng như lời tôi dự đoán không. Hai ngày sau, Howard vào phòng giấy Lara, cười: - Cô nói đúng. Lão Murchinson đã nuốt cái mồi đó cùng với cả lưỡi câu và dây câu nữa. Đến nay lão tha hồ vênh váo đã là chủ nhân của khu đất chó gặm đó. Lara cho gọi Gertrude đến gặp. - Vâng, tôi sang ngay, thưa bà Cameron. - Chị đã bị đuổi việc, - nàng nói. Gertrude sửng sốt nhìn bà chủ. - Bà cho tôi thôi việc? Tại sao vậy? - Tôi không muốn có chị bên cạnh. Chị hãy quay về với ông Steve Murchinson và bảo là tôi nói thế. Mặt Gertrude không còn hạt máu. - Nhưng tôi… - Thế là đủ rồi. Có cần gọi người lôi chị ra khỏi đây không? * * * * * Nửa đêm, Lara gọi Max, lái xe của nàng - Đem xe ra trước cổng nhà đợi tôi, - Lara nói. - Vâng, thưa bà Cameron. Xe đã đậu ở đó khi nàng bước ra. - Bà định đi đâu, thưa bà chủ? - Max hỏi. - Đi vòng quanh Manhanttan. Tôi muốn ngắm những toà nhà tôi đã làm. Max nhìn nàng: - Xin lỗi bà chủ, tôi chưa hiểu. - Tôi muốn ngắm những toà nhà tôi đã xây nên! Xe chạy vòng quanh thành phố, dừng lại trước Trung tâm thương mại, Trung tâm cư xá và Toà tháp. Nơi đấy có khách sạn Cameron Plaza, Trung tâm Cameron và Toà tháp khổng lồ đang xây. - Toà tháp Cameron? Lara ngồi trong xe ngắm từng công trình xây dựng, nghĩ đến những người sinh sống và làm việc trong đó. Nàng đã tác động đến cuộc sống của ngần ấy con người. Mình đã làm cho thành phố này tốt hơn, Lara thầm nghĩ. Mình đã làm tất cả những gì mình muốn làm. Vậy tại sao mình cứ vất vả mãi. Mình còn thiếu thứ gì nữa? Và Lara biết rất rõ nàng còn thiếu thứ gì! Sáng hôm sau, Lara gọi điện cho William Ellerbee, ông bầu của Phillip, người đứng ra lo mọi cuộc biểu diễn của chàng. - Chào ông Ellerbee. - Chào cô, thưa cô Cameron. Tôi có thể giúp gì được cô? - Tôi muốn biết anh Phillip Adler biểu diễn ở những đâu tuần này. - Chương trình hoạt động của Phillip rất lý thú. Tối mai anh ấy biểu diễn ở Amsterdam, sau đó đi Milan, Venice và… Cô muốn biết kế hoạch sau đấy nữa không? - Không. Không cần. Thế là đủ rồi. Tôi tò mò vậy thôi. Cảm ơn ông. - Không có gì. Lara sang phòng giấy Howard Keller: - Howard, tôi phải đi Amsterdam. Howard sửng sốt nhìn nàng: - Chúng ta đến đó làm gì? - Tôi mới thoáng có ý định thôi, - Lara đáp lững lờ - Tôi sang một mình và nếu xong, sẽ báo anh biết. Anh bảo chuẩn bị chiếc phản lực cơ cho tôi. - Cô đã cử cậu phi công Bert sang London rồi, cô nhớ chứ? Để tôi gọi điện bảo cậu ta ngày mai có mặt ở đây và… - Tôi cần đi ngay hôm nay, - Lara chợt thấy giọng mình cuống quýt khiến nàng cũng phải ngạc nhiên. - Tôi đi máy bay khách vậy. Nàng quay về phòng giấy của mình, nói với Kathy: - Cô lấy cho tôi một vé chuyến gần đây nhất bay đi Amsterdam. - Vâng, thưa bà chủ. - Cô đi lâu không, Lara? - Howard hỏi. - Sắp có mấy cuộc họp… - Tôi chỉ đi một hoặc hai ngày thôi. - Cô không cần tôi đi cùng à? - Cảm ơn anh, Howard. Lần này thì không. - Tôi đã nói chuyện với một anh bạn là thượng nghị sĩ ở Washington. Anh ta cho biết rất có thể kỳ này họ sẽ thông qua điều luật bãi bỏ chế độ ưu đãi thuế phần trăm về xây dựng đấy. Nếu dự luật đó được thông qua thì sẽ hạn chế thuế đánh vào lãi suất tư bản và chặn đứng tình trạng sụt giá đang phát triển nhanh. - Đúng là ngu xuẩn, - Lara nói. - Làm thế chỉ tai hại cho công nghiệp xây cất nhà cửa. - Tôi biết. Anh bạn tôi bỏ phiếu chống dự luật ấy. - Sẽ có rất nhiều người chống. Dự luật ấy không thể thông qua được đâu, - Lara tiên đoán, Trước hết là… Điện thoại riêng của nàng reo chuông. Lara nhìn nó một lúc. Chuông lại reo. - Cô có trả lời không? - Howard hỏi. - Không. Paul Martin nghe chuông ở đầu dây bên kia reo liên hồ mà không có ai nhấc máy, bèn cũng đặt máy xuống. Ông ngồi lặng đi một lúc lâu, nghĩ về Lara. - Ông nhận thấy gần đây thật khó liên hệ với nàng và thái độ nàng đối với ông có vẻ nhàn nhạt thế nào ấy. - Hay có tên khác? Không, Paul Martin thầm nghĩ. Nàng đã thuộc về ta. Nàng sẽ mãi thuộc về ta. * * * * * Chuyến bay dễ chịu. Chỗ ngồi trong ngăn hạng nhất của chiếc phản lực 727 rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Những nhân viên phục vụ săn sóc khách rất chu đáo. Lara đang bồn chồn nên không muốn ăn uống gì hết. Mình đang làm gì thế này? Nàng tự hỏi. Mình đến Amsterdam mà chẳng hề được mời. Và rất có thể chàng quá bận, không tiếp mình được. Đuổi theo chàng như thế này biết đâu lại tiêu diệt mất cơ may mà mình đang có. Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi. Lara thuê phòng tại khách sạn lớn ở đại lộ Oudezilds Voorburgwal 197, một trong những khách sạn đẹp nhất của thủ đô Amsterdam. - Chúng tôi đang có một dãy phòng khép kín rất đáng yêu dành cho cô, thưa cô Cameron, - nhân viên tiếp tân nói. - Cảm ơn. Tôi nghe Phillip Adler tối nay có một chương trình biểu diễn. Cô biết ở rạp nào không? Tất nhiên là biết, thưa cô Cameron. Tại phòng hoà nhạc thành phố. - Cô có thể giúp tôi một vé được không? - Được thưa cô Cameron. Vừa bước vào phòng nghỉ, Lara đã thấy chuông điện thoại reo. Đó là Howard Keller. - Chuyến bay dễ chịu chứ, Lara? - Vâng. Cảm ơn anh. - Tôi nghĩ cô muốn biết tôi đã nói gì với hai nhà băng về công trình ở Đại lộ số Bẩy. - Kết quả ra sao? Giọng Howard rất vui: - Họ đều muốn nhẩy vào. Lara mừng rỡ: - Tôi đã nói trước rồi mà! Hay lắm. Bây giờ anh tập hợp đội ngũ đi; kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng và ta tiến hành luôn. - Đúng thế. Thôi, mai tôi sẽ lại gọi cho cô. Lara đặt máy xuống và nghĩ về Howard Keller. Anh ấy mới tốt với mình làm sao! Mình đúng là gặp may. Lúc nào cũng có anh ấy bên cạnh giúp đỡ. Mình phải kiếm một cô nào thật hay cho Howard mới được. Bao giờ trước buổi biểu diễn Phillip Adler cũng rất hồi hộp. Sáng nay chàng đã tập dượt với dàn nhạc, sau đó dùng bữa trưa nhẹ rồi để thần kinh khỏi căng thẳng, chàng đi xem một bộ phim Anh. Trong lúc ngồi xem phim, đầu óc Phillip chất đầy những tiếng nhạc chàng sẽ biểu diễn tối nay. Chàng không biết mình gõ tay theo nhịp lên ghế bên cạnh khiến người ngồi đó phải gắt lên: - Ông không thể ngồi yên được sao mà cứ gõ ngón tay mãi như thế? - Xin lỗi, thưa ông - Phillip lễ phép nói. Chàng đứng dậy, ra khỏi rạp, lang thang trên các đường phố Amsteram. Chàng rẽ vào Viện Bảo tàng Rijksmuseum, dạo qua Vườn Bách thảo của trường Đại học Tự Do và ngắm các tủ kính bầy hàng dọc theo đại lộ Hoofstraat. Bốn giờ chiều Phillip trở về khách sạn ngủ một giấc. Chàng không biết Lara đang ở dãy phòng khép kín, cũng trong khách sạn này và thậm chí, ngay trên đầu chàng. Bẩy giờ tối Phillip đến cổng dành riêng cho diễn viên của Cung âm nhạc, một toà nhà đáng yêu giữa thủ đô Amsterdam. Bên trong đã đông chật những người hâm mộ. * * * * * Tại hậu trường, Phillip ngồi trong phòng thay trang phục của riêng chàng. Giám đốc rạp hát đẩy cửa bước vào. - Vé bán sạch rồi, ông Adler? Số người muốn xem quá đông, tôi không biết làm thế nào bây giờ. Giá như ông có thể nán lại thêm một vài ngày, tôi sẽ…. Tôi biết chương trình biểu diễn của ông rất chặt… Nhưng tôi sẽ nói với ông Ellerbee để ông thu xếp một dịp quay lại đây, có thể là sang năm thì hay quá… Phillip không nghe thấy gì hết. Đầu óc chàng đang tập trung vào bản nhạc chàng sắp biểu diễn. Ông giám đốc rạp hát cuối cùng đành nhún vai vẻ nhận lỗi rồi cúi chào lui ra ngoài. Phillip ôn lại trong óc cách trình diễn bản nhạc. Một nhân viên gõ cửa phòng trang phục của chàng. - Xin ông sẵn sàng để bắt đầu biểu diễn, ông Adler. - Cảm ơn. Đã đến lúc Phillip đứng dậy. Chàng giơ tay lên, bàn tay run run. Chàng vẫn chưa bỏ được thói quen hồi hộp trước khi bước ra sân khấu. Mà các nghệ sĩ lớn đều như vậy cả: Horowitz, Rubenstein, Serkin. Phillip cảm thấy ruột quặn đau và tim chàng đập thình thình. Làm sao mình vượt qua được tình trạng đau đớn này? - Chàng tự hỏi. Nhưng Phillip đã biết câu trả lời. Chàng nhìn vào gương lần cuối cùng rồi ra khỏi phòng, bước dọc theo hành lang dài, xuống cầu thang gác ba mươi ba bậc để tới sàn sâu khấu. Một ngọn đèn pha sân khấu chiếu thẳng vào chàng trong lúc chàng tiến tới cây đàn piano. Tiếng vỗ tay rộ lên như sấm. Phillip ngồi xuống bên cây đàn và như một phép thần thông, bao nhiêu cảm giác hồi hộp tan biến hết. Như thể một người nào khác ngồi vào đàn chứ không phải chàng: một người bình tĩnh, tự tin, hoàn toàn tập trung vào bản nhạc. Phillip bắt đầu đàn. Lara ngồi trong phòng khán giả. Tim nàng đập mạnh khi Phillip bước ra sân khấu. Sự hiện diện của chàng như khiến nàng bị thôi miên. Mình sẽ lấy chàng. Lara thầm nghĩ. Mình biết rõ là như thế. Nàng ngả người ra lưng ghế và phó mặc cho tiếng đàn của chàng nhấn chìm nàng vào trong nó. Chương trình biểu diễn của Phillip thành công rực rỡ. Sau đó "gian phòng xanh" trong hậu trường lại chật ních. Phillip đã có kinh nghiệm và chàng chia những người được mời vào "gian phòng xanh" ra hai loại: những thính giả hâm mộ chàng và những nhạc công đồng nghiệp. Đám người hâm mộ bao giờ cũng rất cuồng nhiệt. Nếu như buổi biểu diễn thành công thì lời chúc mừng của các nhạc sĩ thân tình vừa phai, nhưng nếu buổi diễn thất bại thì lời chúc mừng của họ rất thân tình. Tại thủ đô Amsterdam này, Phillip có rất nhiều thính giả đặc biệt và tối nay, họ kéo đến chật "gian phòng xanh". Phillip đứng giữa phòng tươi cười, ký bút tích kỷ niệm cho mọi người và tỏ ra lịch sự một cách nhẫn nại với hàng trăm khách lạ. Ai cũng hỏi chàng: - Ông có nhớ tôi không, ông Phillip? Và chàng đều lịch sự đáp: - Tôi trông ông (bà) rất quen… Phillip nhớ đến huân tước Thomas Beecham. Ông ta có một cách tuyệt diệu để che dấu bệnh kém trí nhớ của mình. Khi có người hỏi: - Ông có nhớ tôi không, huân tước Beecham? Vị chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng kia đều trả lời: - Tất nhiên tôi nhớ. Ông (hoặc bà) khỏe không? Cụ thân sinh nhà vẫn khỏe chứ? Hồi này cụ đang làm gì? Thủ pháp đó rất hiệu nghiệm cho đến một hôm, sau buổi Beecham, biểu diễn ở London, một phụ nữ trẻ đến hỏi ông: - Buổi biểu diễn hôm nay thật tuyệt! Ông có nhớ tôi không, thưa huân tước Beecham? Nhà chỉ huy nổi tiếng đáp rất lịch sự: - Tất nhiên là tôi nhớ. Bà vẫn khỏe chứ? Cụ thân sinh của bà vẫn bình yên chứ? Hồi này cụ đang làm gì? Người phụ nữ trẻ nói: - Cha tôi vẫn khỏe, cám ơn huân tước. Và người vẫn làm Vua nước Anh. Tay ký vào các tấm ảnh kỷ niệm, Phillip vẫn lắng nghe những câu nói đã quen tai, những câu ca ngợi chàng mà trong bất cứ đêm biểu diễn nào chàng cũng đều nghe thấy. Đột nhiên linh tính chàng báo hiệu một điều gì đấy. Phillip ngược mắt lên và thấy Lara đứng giữa cửa phòng xanh, đang chăm chú nhìn chàng. Phillip tròn xoe mắt, sửng sốt: - Xin các vị tha lỗi! Chàng bước nhanh đến chỗ Lara cầm bàn tay. - Ôi, một sự bất ngờ kỳ diệu? Cô đến Amsterdam làm gì vậy? Cẩn thận đấy, Lara! Nàng tự nhắc nhở. - Tôi có vài công việc ở đây. Và khi nghe tin anh đang biểu diễn tôi bèn đến ngay, - nói thế tự nhiên hơn. - Anh biểu diễn quả là tuyệt vời, Phillip! - Cảm ơn cô, Lara… Tôi…, - chàng ngừng nói để ký lưu niệm. - Nếu cô có thể đi ăn tối với tôi. - Tôi đi được. - Lara vội đáp. Họ ăn tối ở nhà hàng Bail trên đại lộ Leidsestraat. Lúc họ bước vào nhà hàng, mọi người đều vỗ tay đón chào. Bên Hoa Kỳ, Lara thầm nghĩ, mình cũng được đón tiếp như thế này. Nhưng lúc này nàng vẫn thấy kiêu hãnh bởi nàng đi bên Phillip. - Vô cùng hân hạnh được ông đến đây, - viên quản lý nhà hàng nói và dẫn hai vị khách quý đến bàn. - Cảm ơn. Ngồi xuống xong, Lara đưa mắt nhìn quanh, thấy mọi người đều chăm chú nhìn Phillip và ai cũng tỏ vẻ ngưỡng mộ chàng. - Họ rất quý anh, đúng không, Phillip? Phillip lắc đầu. - Họ quý âm nhạc thì đúng hơn. Tôi chỉ là sứ giả đem âm nhạc đến cho họ. Từ rất lâu rồi tôi đã hiểu ra được điều đó. Bấy giờ tôi còn rất trẻ và có phần kiêu ngạo, tôi vừa kết thúc một bản nhạc thì tiếng vỗ tay nổ lên như sấm. Tôi cúi chào cảm ơn và thầm khoái trá. Trong khi đó ông chỉ huy dàn nhạc giơ cao gậy chỉ huy rồi ngước mắt nhìn theo, ý nhắc rằng những tiếng vỗ tay thực ra là đành cho Mozart? Đấy là một bài học tôi không bao giờ quên. - Đêm nào cũng biểu diễn những bản nhạc ấy, anh có thấy nhàm chán không, Phillip? - Không, bởi vì tuy cùng một bản nhạc nhưng không khí đâu hoàn toàn giống nhau. Bản nhạc của tác giả viết ra thì thì vẫn như thế, nhưng mỗi một nhạc trưởng khác, dàn nhạc cũng khác cho nên vẫn có màu sắc khác và gây cho tôi hứng thú mới mẻ. Họ gọi thức ăn. Phillip nói tiếp: - Chúng tôi cố tạo nên một sự biểu diễn hoàn hảo, nhưng không bao giờ đạt đến sự hoàn mỹ, bởi bao giờ tác phẩm của nhà soạn nhạc cũng cao hơi. Mỗi lần biểu diễn chúng tôi đều phải suy nghĩ lại và tìm cách tiếp cận bản nhạc thêm nữa, khám phá ra những điều trước đây mình chưa thấy. - Nghĩa là anh không bao giờ thoả mãn? - Không bao giờ? Mỗi nhà soạn nhạc đều có nét độc đáo riêng, dù đó là Dubussy, Brahms, Haydon, Beethoven… Mục tiêu chúng tôi cố vươn tới là nắm được và truyền đạt được cái "thần" ấy. Nhà hàng bưng thức ăn đến. Có món Rijstafel của Indonesia và nhiều món khác. - Ai mà ăn nổi ngần này thứ? - Lara cười vang. - Người Hà Lan ăn rất khỏe. Phillip thấy mình khó rời mắt được khỏi Lara. Chàng thấy mình thích thú một cách nực cười được có nàng bên cạnh. Phillip đã từng gặp gỡ nhiều phụ nữ đẹp, nhưng Lara khác hẳn mọi phụ nữ khác. Nàng vừa mạnh mẽ, vừa yếu đuối và đặc biệt là hình như nàng không ý thức được là nàng đẹp. Phillip yêu giọng nói đầy chất nhục cảm của nàng. Thật ra mọi thứ của nàng đều làm mình thích. Phillip phải tự thú nhận như vậy. - Sau đây anh định đi đâu? - Lara hỏi. - Mai tôi bay đi Italia, đến Milan, rồi Venice. Sau đó là Vienna, Paris và London, cuối cùng là New York. - Ôi, nghe mà sướng thay cho anh. Phillip cười vang: - Nghe thì vậy thôi. Thật ra chẳng sướng gì mấy đâu. Luôn luôn ngồi trên máy bay gò bó, nghỉ trong những khách sạn lạ lẫm và quanh năm ăn hiệu. Tôi đành phải chịu như vậy, vì việc biểu diễn cuốn hút toàn bộ tâm trí tôi. Tôi rất ghét ở tôi cái trò "giơ mặt" ấy. - Nghĩa là sao? Lúc nào cũng giơ ra cho thiên hạ nhìn và luôn phải tạo bộ mặt luôn tươi cười. Và xung quanh tôi bao giờ cũng chỉ toàn những con người lạ lẫm. - Tôi hiểu, - Lara chậm rãi nói. Ăn xong, Phillip nói: - Sau đêm biểu diễn bao giờ tôi cũng phải tự trấn tĩnh lại, Lara. Cô có muốn dạo chơi với tôi trên kênh đào không? - Muốn. Hai người lên một con tàu chạy trên sông đào Amstel. Đêm nay không có trăng, nhưng cả thành phố rực rỡ ánh sáng điện ở hàng ngàn hàng vạn ngọn đèn. Chuyến đi dạo trên sông đào quả là thần tiên. Loa phóng thanh giới thiệu phong cảnh hai bên bờ bằng bốn thứ tiếng. - Chúng ta đang đi ngang qua những phố cổ đã có từ nhiều thế kỷ nay. Trước mắt quý khách là những ngọn tháp nhà thờ. Có tất cả 1.200 chiếc cầu bắc qua các kênh đào, dưới bóng những hàng cây dọc theo các đại lộ hai bên bờ… - Thành phố đẹp thật. - Lara nói. - Cô chưa đến đây lần nào sao? - Chưa. - Và hôm nay đến đây chỉ là vì công việc? Lara hít một hơi thật sâu: - Không. Phillip ngạc nhiên nhìn nàng: - Hình như lúc tối cô bảo… - Tôi đến Amsterdam chỉ cốt để gặp anh, Phillip. Phillip bỗng thấy trào lên một niềm sung sướng. - Ôi thật vậy ư… Tôi rất sung sướng được biết như vậy. - Và để thú tội với anh. Tôi bảo tôi rất quan tâm đến nhạc cổ điển. Thật ra tôi đã nói dối. Một nụ cười khẽ nở trên môi Phillip: - Tôi biết. Lara ngạc nhiên nhìn chàng: - Anh biết? - Giáo sư Meyers là bạn lâu năm của tôi, - chàng dịu dàng nói. - Ngay hôm đó, anh ấy gọi điện báo tôi biết là sắp giảng một loạt về Phillip Adler. Anh ấy lo rằng cô định sử dụng tôi làm gì. Lara khẽ nói: - Ông Meyers đoán đúng. Vậy anh đã hứa hôn với ai chưa, Phillip? - Cô nói nghiêm chỉnh đấy chứ, Lara? Đ nàng thấy lúng túng: - Nếu như anh thấy không ưng thì tôi xin rút lui ngay bây giờ và… Phillip nâng bàn tay nàng: - Ta hãy lên bờ trong ga tới. Lúc họ đến khách sạn, Lara đã thấy một tập những lời nhắn bằng điện thoại của Howard Keller. Nàng bỏ tất cả vào xắc tay, chưa đọc vội. Lúc này không thứ gì trên đời là quan trọng đối với nàng hết. - Về phòng em hay phòng anh? - Phllip hỏi. - Phòng anh. Cơn thèm khát của nàng đã lên cao đến cực độ. Lara cảm thấy dường như nàng đã mong chờ giây phút này suốt cả cuộc đời. Nàng đã tưởng sẽ không bao giờ có được. Nàng đã yêu mê mẩn người trong mộng và bây giờ thì nàng đã tìm thấy người đó bằng xương bằng thịt. Họ lên phòng Phillip và cả hai đều trong cơn khao khát nhau như vũ bão. Phillip ôm nàng, trìu mến hôn và ve vuốt nàng. - Ôi, Lạy Chúa! - Lara thì thào. Rồi họ cởi quần áo cho nhau. Bỗng một tiếng sét bên ngoài phá tan không khí yêu tĩnh trong phòng. Mây đen ùn ùn kéo đến và mưa bắt đầu rơi ào ạt bên ngoài. Tiếng mưa rơi tạo cho căn phòng thêm yên tĩnh ấm cũng. Mưa tạt vào mặt tường khách sạn, mưa rơi xuống bãi cỏ, như tăng thêm nỗi thèm khát xác thịt. Mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt. Một thứ mưa bức bối, thúc giục. Dần dần biến thành trận mưa giống kèm theo sấm chớp vang rền. Cơn giống như thúc đẩy thêm cơn thèm khát của đôi trai gái và tăng tiết tấu cuộc vui. Họ ngấu nghiến nhau và chỉ sau một thời gian rất ngắn, họ đã rời nhau ra, hoàn toàn thoả mãn. Lara và Phillip nằm trong tay nhau. Phillip ôm chặt nàng và nghe thấy cả tiếng tim nàng đập. Chàng bỗng nhớ đến câu nói trong bộ phim nào đó: Phải chăng Trái đất chuyển động là vì em? Ôi, lạy Chúa, đúng là như vậy đấy! Chàng thầm nghĩ, nếu Lara là bản nhạc thì nàng sẽ là Bản nhạc mơ của Schumman hoặc bản Vũ điệu Barcarolle của Chopin. Chàng cảm nhận rõ da thịt mượt mà của nàng áp vào da thịt chàng và chàng lại thấy bị kích thích. - Phillip… - giọng nàng thì thào, khàn đặc. - Sao, em? - Anh có muốn em đi Italia với anh không? Chàng cười: - Rất muốn. - Vậy thì được, - Lara thì thầm. Nàng dướn người lên chàng và làn tóc mềm mại của nàng lướt dần xuống ngực chàng, bụng chàng… Trời đổ trận mưa rào nữa. Khi cuối cùng Lara trở về phòng mình, nàng gọi điện ngay cho Howard. - Tôi phá giấc ngủ của anh phải không. Howard? - Không, - giọng anh uể oải. - Tôi thường dậy lúc bốn giờ sáng. - Có chuyện gì đấy? Lara đã định sôi nổi kể anh nghe, nhưng nàng chỉ nói: - Không. Mai tôi bay đi Milan. - Để làm gì? Chúng ta có ý định gì ở Milan đâu? Có chứ, Lara vui vẻ thầm nghĩ. - Cô đọc những lời nhắn lời bằng điện thoại của tôi chưa, Lara? Nàng quên bẵng mất việc đó. Nàng nói giọng nhận lỗi: - Chưa. - Tôi nghe có chuyện rắc rối xung quanh sòng bạc ở Reno. - Rắc rối thế nào? - Có một số đơn kiện về vụ bán đấu giá. - Anh đừng lo. Nếu xảy ra chuyện gì thì Paul Martin sẽ thu xếp. Nhưng cô đứng tên chủ sở hữu. - Tôi muốn anh bảo phi công đưa máy bay phản lực của ta sang Milan và đợi tôi ở đó. Anh cứ ở sân bay chờ liên lạc của tôi. - Được. Nhưng… - Anh lên giường ngủ tiếp đi, Howard. Bốn giờ sáng hôm đó Paul Martin thức dậy. Ông đã nhắn lại bao nhiêu lần vào ghi âm tự động ở nhà riêng Lara nhưng đến giờ vẫn chưa thấy nàng trả lời. Trước đây mỗi khi định đi đâu Lara đều báo ông biết được. Vậy là có chuyện rồi. Cô ta làm sao? Liệu liệu đấy, cô em, - ông thì thầm. - Cô liều liệu đấy! Chương 23 Đến Milan, Lara và Phillip Adler thuê phòng ở khách sạn Antica Locanda Solferino, một khách sạn rất đẹp chỉ gồm mười hai phòng và cả buổi sáng hôm đó họ yêu nhau mê mải. Sau đấy họ lái xe đến Cernobia, ăn trưa ở bờ hồ Como, tại Nhà hàng biệt thự Villa d Este - "Biệt thự Mùa hè". Buổi diễn tối hôm đó thành công rực rỡ và "phòng xanh" của Nhà hát La Scala Opera lại chật ních những người hâm mộ chàng. Lara đứng tách ra, ngắm những người hâm mộ Phillip. Họ vây quanh chàng, sờ vào người chàng, xin chàng chữ ký, trao quà tặng cho chàng. Nàng cảm thấy nhói đau một nỗi ghen. Không ít cô gái trẻ, đẹp và Lara cảm thấy họ đều mê Phillip. Một cô gái Mỹ trong bộ đồ sang trọng nhãn Fendi, thẹn thò nói với chàng: - Nếu ngày mai ông rảnh, thưa ông Phillip Adler, em mời ông đến dự bữa ăn ở biệt thự của em. Một bữa ăn rất thân tình. Lara muốn bóp cổ "con đĩ" ấy. Phillip mỉm cười. - Cảm ơn cô… nhưng tôi e không được rảnh. Một phụ nữ trẻ đẹp khác thì tìm cách nhét chìa khoá phòng khách sạn của mình vào túi Phillip, nhưng chàng lắc đầu. Chàng đưa mắt mỉm cười nhìn Lara. Mọi người thi nhau ca ngợi chàng bằng tiếng Italia. - Grazie, - Phillip trả lời cũng bằng tiếng Italia - "Cảm ơn!" Mãi sau Phillip mới thoát ra được những kèo néo của đám phụ nữ hâm mộ. Chàng bước đến bên Lara, thì thầm: - Ta về đi. - Vâng, - Lara cười. Họ đến nhà hàng Biffy, nằm trong khu nhà hát Opera. Lúc họ bước vào, các chủ nhân và nhân viên ở đây, thắt cà vạt trắng như trong đêm biểu diễn, đứng cả dậy vỗ tay hoan nghênh Phillip. Viên quản lý nhà hàng dẫn Phillip và Lara đến chiếc bàn kê giữa phòng. - Chúng tôi vô cùng hân hạnh được tiếp quý ông, thưa ông Phillip Adler. Một chai sâm banh không tính tiền được khui ra, và họ uống. - Mừng cho chúng ta! - Phillip nói. - Mừng cho chúng ta, - Lara đáp lại. Trong lúc ăn, hai người trò chuyện như thể họ đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Họ luôn bị ngắt quãng bởi những người chốc chốc lại đến chúc mừng Phillip và xin chữ ký của chàng. - Bao giờ cũng như thế này sao? - Lara hỏi. Phillip nhún vai: - Cứ sau hai tiếng đồng hồ biểu diễn thì lại phải chịu mất không biết bao nhiêu thời giờ để cho chữ ký và trả lời đủ loại câu hỏi, phỏng vấn. Và như để chứng minh điều chàng vừa nói, chàng lại phải ngừng ăn để cho một chữ ký. - Em đã làm cho chuyến đi biểu diễn này của anh trở thành kỳ diệu, Lara. - Phillip thở dài. - Đồng thời cũng làm anh đau khổ vì mai anh đã phải chia tay với em để đi Venice. Anh nhớ em vô cùng đấy. - Em chưa đến Venice bao giờ, - Lara nói. Máy bay phản lực riêng của Lara đợi họ ở sân bay Linate. Khi họ ra đến đó, Phillip ngạc nhiên nhìn chiếc máy bay khổng lồ: - Phản lực của em đấy à? - Vâng và nó sẽ chở chúng ta đi Venice. - Ôi em làm hư anh đấy, em yêu của anh ạ. Lara âu yếm nói: - Em mong làm anh hư. Họ đáp xuống sân bay Marco Polo ở Venice sau đấy ba mươi lăm phút xe limousine đã chờ sẵn, chở họ ra bến tàu cách đó không xa. Tại đây họ lên ca nô máy, đến đảo Giudecca, nơi có khách sạn Cipriam. - Em đã thuê hai dẫy phòng khép kín cho chúng ta, - nàng nói. - Em nghĩ làm như thế sẽ kín đáo hơn. Lúc ngồi ca nô đang vun vút lao đi, Lara hỏi: - Ta sẽ dừng lại đây trong bao lâu? - Anh sợ là chỉ một đêm thôi. Anh diễn ở rạp La Fenice rồi sau đó chúng mình đi Vienna. Hai chữ "chúng mình" làm Lara bỗng cảm thấy hơi hốt hoảng. Đêm hôm trước họ đã bàn với nhau. - Anh muốn em đi cùng anh càng lâu càng tốt. - Phillip nói, - Nhưng em tin rằng không trở ngại gì đến công việc của em chứ? - Không có gì quan trọng hết. - Chiều nay em ở nhà một mình không buồn chứ? Anh phải tập với dàn nhạc. - Không. Anh yên tâm, - Lara nói đến trấn an chàng. Sau khi nhận phòng xong, Phillip ôm Lara. - Bây giờ anh phải đến rạp. Nhưng ở đây có rất nhiều nơi để em giải trí. Em hãy tận hưởng vẻ đẹp của thành phố Venice đi. Chiều muộn anh mới về được. Họ hôn nhau. Họ định chỉ hôn nhanh nhưng ai ngờ cái hôn kéo dài và làm cả hai đều bừng bừng. - Ôi anh phải chạy mau khỏi đây thôi, - Phillip thì thầm. - Kẻo anh không ra khỏi cái nhà được. - Chúc buổi tập kết quả tốt, - Lara cười. Phillip đã đi rồi. Lara gọi điện cho Howard Keller. - Lúc này cô đang ở đâu? - Howard hỏi. - Tôi đã tìm mọi cách liên hệ với cô nhưng không được. - Tôi ở Venice. Ngừng một chút. - Cô định tậu một con kênh à? - Tôi đang xem thử, - Lara cười vang. - Cô nên về ngay, - Lara nói. - Đang có rất nhiều việc ở nhà. Cậu Frank Rose đã kiếm được một số khu đất. Tôi rất thích nhưng còn phải chờ cô về để bàn… - Nếu anh thích, - Lara ngắt lời. - Thì anh cứ tiến hành đi. - Cô không cần xem à? - Howard ngạc nhiên. - Lúc này thì không, Howard. - Thôi được. Còn chuyện thương lượng miếng đất ở khu Tây, tôi cần ý kiến cô để … - Tôi đồng ý. - Lara… cô có đang tỉnh táo không đấy? - Chưa bao giờ tôi tỉnh táo như lúc này. - Bao giờ cô về nhà? - Chưa biết. Tôi sẽ liên lạc đều với anh, Howard. - Tạm biệt. Venice là một thành phố kỳ diệu. Cả sáng và chiều Lara đi thăm thú các nơi. Và nhân tiện nàng mua quà cho các nhân viên. Nàng mua cho Phillip một chiếc đồng hồ vàng, dây cũng bằng vàng, nhãn Piaget. - Cô làm ơn cho khắc vào đó dòng chữ: "Thân yêu tặng Phillip. Lara" được không? - Nhắc đến tên chàng khiến Lara bỗng rất nhớ chàng. Lúc Phillip về khách sạn, họ ngồi uống cà phê trên sân trời. Lara ngắm Phillip, thầm nghĩ. Đây đúng là nơi thích hợp nhất để hưởng tuần trăng mật. - Em có món quà tặng anh, - Lara nói và đưa chàng chiếc hộp đựng đồng hồ. Phillip mở ra ngắm nghía: - Lạy Chúa! Thứ này đắt khủng khiếp đây. Lẽ ra em chẳng nên mua, Lara. - Anh không thích sao? - Tất nhiên thích. Đẹp quá, nhưng… - Vậy thì anh hãy đeo nó và nghĩ đến em. - Không cần đeo thứ này anh vẫn nghĩ đến em. - Anh cảm ơn em. - Mấy giờ ta đến rạp? - Lara hỏi. - Bẩy giờ. Lara nhìn đồng hồ trên tay Phillip, nói rất hồn nhiên: - Vậy là chúng ta còn được hai tiếng nữa. Rạp hát đông chật. Công chúng vỗ tay vang động sau mỗi tiết mục. Xong buổi diễn, Lara vào "phòng xanh" để gặp Phillip. Không khí cũng giống như ở London, Amsterdam, Milan, nhưng phụ nữ ở đây táo tợn trắng trợn hơn. Trong gian phòng này có tới nửa tá phụ nữ trẻ, rất đẹp, đến nỗi Lara thầm nghĩ, không biết nếu nàng không đến rạp thì liệu đêm nay Phillip có về nổi khách sạn với nàng không? Họ ăn tối tại quán rượu Harry và được chủ quán nhiệt tình đón tiếp. Tên ông ta là Arrigo Cipriano. - Rất sung sướng được đón quý ông và quý bà. - Xin mời! - Ông ta dẫn hai người vào chiếc bàn kê ở góc đẹp nhất căn phòng. Phillip ngồi ăn và thấy mình đã quá say mê Lara. Chàng tự hỏi: Liệu mình có phạm sai lầm không? Mình là kẻ lang thang… Không, không thể lấy vợ được. Chàng đâm oán giận cái phút chàng sẽ phải chia tay với Lara để nàng trở về New York. Chàng muốn buổi tối nay kéo dài đến vô tận. Ăn xong, Phillip nói: - Ở trên bờ kênh Lino có một sòng bạc. Em có thích trò đỏ đen không? Nàng cười vang: - Thứ đó có gì thú nhỉ? - Và nàng nghĩ đến hàng trăm triệu đô-la nàng đang đặt trên "sòng bạc kinh doanh xây cất nhà cửa". - Có, em cũng thích. Họ đi ca nô máy đến đảo Lino, rồi đi ngang qua khách sạn Excelsior, vào một toà nhà mầu trắng. Sòng bạc bố trí trong đó, đầy ắp dân mê say trò đỏ đen. - Những con người mơ mộng đấy. - Phillip nói. Chàng chơi roulette và chỉ chưa đầy nửa giờ đã được hai ngàn đô-la. Chàng quay sang nói với Lara: - Trước kia chưa bao giờ anh thắng. Tức là em đã đem đến cho anh vận may. Họ chơi bạc đến ba giờ sáng, và họ hơi thấy đói. Một ca nô máy đưa họ về quảng trường San Marco. Họ đi bộ lững thững qua các đường phố cho đến nhà hàng Do Mori. - Đây là một trong những quán ăn ngon nhất thành phố Venice, - Phillip nói. - Em tin lời anh nói, - Lara đáp. Trời sáng hẳn, họ mới về đến khách sạn. Họ cởi quần áo và Lara nói: - Một đêm tuyệt vời. Sáng sớm hôm sau, Lara và Phillip bay sang Vienna. - Đến Vienna người ta có cảm tưởng như lạc bước vào thế kỷ trước, - Phillip giảng giải. - Có một giai thoại kể như thế này. Đội bay nói vào loa phóng thanh: "Thưa các quý ông quý bà, chúng ta sắp hạ cánh xuống phi trường Vienna. Xin quý vị chú ý đùng quên hành lý, không hút thuốc và vặn đồng hồ lùi lại một thế kỷ". Lara cười vang. - Cha mẹ anh sinh trưởng tại đây. Sau này cha mẹ hay kể anh nghe về những kỷ niệm tại thành phố này làm anh rất thèm được gặp nó. Xe chở họ dọc theo đại lộ Ringstrasse và Phillip rất vui, giống như cậu bé muốn chia sẻ niềm hứng thú với bạn. Vienna là thành phố của Mozart, Haydon Beethoven, Brahms, - chàng cười nhìn Lara. - Ôi, anh quên mất em là tay thành thạo về âm nhạc cổ điển kia mà. Họ thuê phòng ở khách sạn Imperial. - Anh phải ra rạp bây giờ, - Phillip nói. - Nhưng anh nghĩ chúng mình còn có cả ngày mai tự do và anh sẽ giới thiệu thành phố Vienna với em. - Vâng, em cũng hy vọng thế, Phillip. Chàng ôm nàng. - Anh thèm có thêm nhiều thời gian nữa với em, - chàng sôi nổi nói. - Em cũng vậy. Phillip hôn nhẹ lên trán nàng. - Tối nay nhé? Lara ghì chặt chàng trong vòng tay: - Vâng! Vâng! Đêm nay, buổi hoà nhạc diễn ra ở rạp Musikverin, gồm nhạc phẩm của Chopin, Schumann và Prokoiev. Và lại một thành công lớn nữa của Phillip Adler. "Gian phòng xanh" cũng chật ních, nhưng bây giờ là những người nói tiếng Đức. Phillip những lời ca ngợi chàng, nhưng mắt chàng vẫn không rời Lara. Sau đêm diễn, hai người về khách sạn ăn tối. Ông giám đốc niềm nở tiếp họ. Toàn thức ăn rất ngon nhưng họ đang thèm khát nhau quá nên cả hai hầu như không đụng đến. Lúc hầu bàn đến hỏi: - Thưa, hai vị dùng thứ gì tráng miệng? Phillip đáp rất nhanh: - Gì cũng được, - và chàng nhìn Lara. * * * * * Linh tính báo cho Paul Martin biết, có chuyện không hay rồi đấy. Tại sao cô ta đi lâu như vậy mà không hề báo cho mình biết? Có vẻ cô ta cố tình tránh gặp mình. Và nếu vậy thì chỉ có thể có một nguyên nhân duy nhất. Mình không thể cho phép cô ta như vậy được! Ông thầm nghĩ. Sáng hôm sau, Phillip nói: - Hôm nay anh hoàn toàn rảnh rang, cả ban ngày lẫn ban tối và anh có bao nhiêu thứ muốn giới thiệu với em trong thành phố này. Họ xuống nhà ăn điểm tâm rồi ra đại lộ Kartner Stresse, nơi cấm các loại xe có động cơ. Các cửa hàng ở đây đều đầy ắp các loại áo quần, nữ trang và đồ cổ tuyệt đẹp. Phillip thuê một cỗ xe ngựa và họ lên đó ngồi, cho xe chạy qua các đường phố dọc theo quốc lộ Ring Road. Họ ra đến ngoại ô và vào ăn tại một quán ngoài trời, giữa bãi cỏ xanh rờn. Lara say mê lối kiến trúc của Vienna: những toà nhà cổ kính theo kiểu Baroque chen lẫn với những toà nhà hiện đại. Phillip thì quan tâm đến các nhà soạn nhạc. - Em có biết Franz Schubert đã bắt đầu từ chân ca sĩ ở đây không? Ông tham gia đội hợp xướng ở Nhà thờ Hoàng gia và đến năm mười bẩy tuổi, vỡ giọng, ông bị đuổi ra ngoài. Chính do đấy mà ông bắt đầu soạn nhạc. Họ ăn trưa trong một quán nhỏ rồi vào một quán rượu tại Grinzing. Sau đấy Phillip nói: - Em có muốn làm một cuộc thưởng ngoạn trên sông Danube không? - Có. Em rất muốn. Đêm tuyệt đẹp, trăng sáng và gió mùa hè thổi nhẹ. Trăng chi chít chiếu xuống. Chúng đang chiếu xuống chúng ta, Lara thầm nghĩ bởi chúng ta đang hạnh phúc. Nàng và Phillip lên một con tàu và từ loa phóng thanh trên tầu nhè nhẹ vang ra bản Sông Danube xanh. Xa xa, một ngôi sao đổi ngôi. - Ước điều gì mau? - Phillip nói. Lara nhắm mắt, im lặng một lát. - Em ước chưa? - Rồi. - Em ước cái gì vậy? Lara ngước mắt nhìn chàng và nghiêm mặt nói: - Em không thể nói cho anh biết được, vì điều đó không thể thành sự thật. Nhưng mình sẽ quyết biến nó thành sự thật. Lara thầm nghĩ. Phillip ngả người ra lưng ghế, mỉm cười nhìn nàng. - Tuyệt vời, đúng không, em? - Có thể mãi mãi như thế này, Phillip. - Em nói thế nghĩa là sao? - Chúng mình hãy cưới nhau. Vậy là họ đã nói thẳng ra với nhau. Mấy ngày nay chàng vô cùng hạnh phúc. Phillip đã yêu nàng, nhưng chàng biết rằng chàng không được quyền làm cho nàng đau khổ. - Lara, không được đâu. - Tại sao? - Anh đã giảng giải cho em rồi. Anh quanh năm trên đường biểu diễn. Em làm sao theo anh được? Em đi được không? - Không, - Lara nói, - nhưng… - Chúng ta không thể lấy nhau được. Mai sang Paris, anh sẽ chỉ cho em thấy… - Em không đi Paris với anh được đâu, Phiiip. Chàng ngỡ mình nghe lầm. - Em bảo sao? Lara hít một hơi thở thật sâu: - Em sẽ không gặp anh nữa. Phillip như bị ai thoi một quả vào giữa bụng: - Tại sao, Lara? Anh yêu em? Anh… - Em cũng yêu anh. Nhưng em không phải đứa con gái mê mcho cácm chạy theo các nhạc công để kiếm chút ái tình. Em không muốn là một trong số các cô hâm mộ anh. Họ chỉ hiến dâng thân xác cho anh và họ đông đúc đến mức anh muốn bao nhiêu cũng có. - Lara! Anh chỉ cần mỗi em. Anh không cần cô nào khác. Nhưng em không thấy chúng ta không thể là vợ chồng được sao? Anh và em có hai nghề nghiệp khác hẳn nhau và chúng ta đều say mê nó. Anh rất muốn lúc nào cũng có em bên cạnh, nhưng thật khó mà được như vậy. - Chính vì vậy, - Lara nói, - mà em sẽ không gặp lại anh nữa. - Khoan, ta hãy bàn chuyện này cho hết lẽ xem nào. Ta hãy vào phòng em và… - Không, Phillip. Em rất yêu anh, nhưng em không thể tiếp tục quan hệ với anh được. Mối tình giữa hai chúng ta đã kết thúc. - Không! Anh không muốn nó kết thúc - Phillip năn nỉ. - Em không được quyết định như thế. - Em không thể quyết định khác được. Rất tiếc. Một là cưới nhau hai là vĩnh viễn chia tay nhau. Từ lúc đó đến khi về khách sạn, họ không nói với nhau một lời. Đến nơi, Phillip nói: - Tại sao em không lên phòng anh? Ta có thể nói chuyện thêm và… - Không, anh thân mến. Chúng ta chẳng phải bàn thêm chuyện đó làm gì nữa. Phillip nhìn theo Lara bước vào thang máy, và cửa thang máy đóng lại. * * * * * Lúc nàng vào đến phòng, chuông điện thoại vẫn còn đang réo. Nàng vội chạy đến nhấc máy. - Phillip… - Howard đây. Suốt từ sáng đến giờ tôi gọi mãi mà không được. Lara cố giấu nỗi buồn. - Có chuyện gì trục trặc không? - Không. Nhưng bao nhiêu công việc đang ùn cả lại chờ cô. Bao giờ cô mới định về? - Mai, - Lara nói. - Mai tôi sẽ có mặt ở New York. - Và chậm chạp đặt máy xuống. Nàng ngồi thẫn thờ nhìn máy điện thoại, mong nó réo chuông. Hai tiếng đồng hồ sau đó, chuông vẫn không thấy reo. Mình đưa tối hậu thư kiểu ấy là có nguy cơ sẽ mất chàng. Nếu như mình cử cố chờ… Nếu như mình chịu đi Paris với chàng… nếu… nếu. Nàng thử hình dung cuộc sống của nàng không có Phillip. Và nàng thấy quá đau đớn. Nhưng mình không thể yêu anh ấy theo kiểu này, Lara thầm nghĩ. Mình muốn hai người hoàn toàn thuộc về nhau. Mai phải về New York thôi. Để nguyên quần áo như vậy, nàng nằm xuống giường. Máy điện thoại ngay bên cạnh. Nàng thấy bải hoải. Nàng biết sẽ không thể ngủ được. Nàng đã ngủ. Trong phòng của mình, Phillip cũng bồn chồn, đi đi lại lại như con thú trong chuồng. Chàng giận Lara và giận cả bản thân. Chàng không thể chịu nổi ý nghĩ rằng sẽ không được gặp nàng, không được ôm nàng vào lòng. Cút hết đám đàn bà con gái trên đời đi! Chàng thầm nghĩ. Cha mẹ chàng đã báo trước: Cuộc đời con là âm nhạc. Nếu con muốn đến tột đỉnh tài năng, con phải hy sinh mọi thứ khác! Và trước khi gặp Lara, chàng vẫn luôn nghĩ như vậy. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi. Khốn khổ! Bên nàng mình mới sung sướng làm sao! Vậy tại sao nàng lại phá hủy tất thẩy? Phillip yêu nàng nhưng chàng cũng biết rằng chàng không thể lấy nàng làm vợ. Lara bị chuông điện thoại đánh thức. Nàng ngồi dậy, mệt mỏi, đưa mắt nhìn đồng hồ treo tường: năm giờ sáng. Vẫn còn ngái ngủ, Lara nhấc máy. - Howard đấy à? Nhưng là Phillip: - Nếu ta cưới nhau ở Paris thì em nghĩ sao, Lara? Chương 24 Đám cưới của Cameron và Phillip Adler được báo chí khắp thế giới đăng lên trang nhất. Khi Howard Keller biết tin, anh ra ngoài phố, uống rượu đến say mềm. Đó là lần đầu tiên Howard say rượu. Anh vẫn tự nhủ rằng mối tính giữa Lara và Phillip chẳng bao lâu sẽ nhạt dẫn và chấm dứt. Mình với Lara là cộng sự chặt chẽ. Hai đứa phụ thuộc vào nhau. Không ai có th id="filepos515574"> chia rẽ mình và cô ấy. Anh say sưa trong hai ngày và ngày thứ ba anh gọi điện đến Paris cho Lara. - Nếu tin đó là đúng, - anh nói, - thì cô nói hộ với Phillip rằng anh ta là kẻ hạnh phúc nhất trên đời! - Tin đúng đấy, - Lara vắn tắt khẳng định. Nghe giọng cô, thấy rằng cô đang hạnh phúc. - Chưa bao giờ tôi sung sướng như lúc này. - Tôi… Tôi mừng cho cô, Lara. Bao giờ cô về đây? - Mai Phillip phải biểu diễn ở London, sau đấy chúng tôi về New York. - Trước khi cưới cô đã báo cho Paul Martin biết chưa? - Chưa. - Cô có thấy là bây giờ nên báo không? - Vâng, tất nhiên rồi. - nàng băn khoăn về chuyện này hơn là nàng nghĩ. Nàng chưa biết Paul Martin sẽ có thái độ như thế nào. - Về đến New York, tôi sẽ báo ông ấy biết. - Tôi rất mong gặp cô. Tôi rất nhớ cô, Lara. - Tôi cũng rất nhớ anh, Howard, - và nàng đã nói thật lòng. Anh là người thân thiết với nàng biết bao nhiêu. Bao giờ anh cũng là người bạn tận tuỵ. Nếu không có anh ấy chắc mình đã chẳng làm được gì hết. Lara thầm nghĩ. * * * * * Khi chiếc phản lực 727 hạ cánh xuống nhà ga Butler ở sân bay La Guardia tại New York thì đông đảo phóng viên đã đứng chờ. Viên giám đốc sân bay đưa Lara và Phillip vào phòng tiếp tân. - Tôi chưa thể để hai vị ra ngoài được, - ông ta nói. - Họ sẽ… Lara quay sang Phillip. - Chúng ta đành tiếp họ vậy, nếu không họ sẽ chẳng để chúng ta yên đâu. - Có lẽ em nói đúng. Cuộc họp báo kéo dài hai tiếng đồng hồ. - Hai vị gặp nhau ở đâu? - Trước đây bà vẫn quan tâm đến nhạc cổ điển chứ, thưa bà Adler? - Hai ông bà quen nhau đã lâu chưa? - Hai ông bà sẽ sống ở New York chứ? - Ông có ngừng việc biểu diễn lưu động không, thưa ông Adler? Cuối cùng cuộc phỏng vấn cũng phải kết thúc. Hai xe limousine đã đang đợi hai vợ chồng. Chiếc thứ hai để chở hành lý. - Anh không quen kiểu ngao du thế này, - Phillip nói. Lara cười vang: - Rồi anh sẽ quen thôi. Lúc ngồi trong xe, Phillip hỏi: - Ta về đâu bây giờ? Anh có một căn hộ ở phố Năm mươi Bẩy. - Em nghĩ ta sẽ sống dễ chịu hơn ở nhà em. Nếu anh bằng lòng thì ta sẽ bảo đưa hành lý đến đó. Họ đến Cameron Plaza, Phillip ngó lên toà nhà khổng lồ. - Sở hữu của em đấy à? - Của em cùng với vài nhà băng. - Anh thấy chóng mặt đấy. Lara bóp chặt tay chồng. - Em rất mừng thấy anh thích nó. Khu nhà riêng của nàng trang hoàng đầy hoa tươi. Nửa tá nhân viên đang chờ để chào nàng và Phillip. - Chúc mừng bà Adler, ông Adler đã về. Phillip nhìn quanh, nói: - Lạy Chúa tôi. Vậy là mọi thứ đều của em hết? - Của chúng ta cưng ạ. Thang máy đưa họ lên tầng trên cùng. Căn hộ riêng của Lara chiếm toàn bộ tầng bốn mươi lăm này. Người quản gia mở rộng cửa. - Chúc mừng bà đã về, thưa bà Adler. - Cảm ơn bác, Simms Lara giới thiệu Phillip với mọi người và dẫn chồng vào nhà. Nhà có một phòng khách rộng chứa đầy đồ cổ một s trời lớn có lan can bao quanh, một phòng ăn, bốn phòng ngủ cho chủ, ba phòng ngủ cho người làm, sáu phòng tắm, một bếp, một phòng đọc sách và một phòng giấy. - Anh thấy ở đây dễ chịu chứ, cưng? - Lara hỏi. Phillip cười: - Hơi chật, nhưng không sao, anh cố gắng vậy. Giữa phòng khách kê một cây đàn piano mới, rất đẹp nhãn Bechstein. Phillip bước tới mở nắp và nhấn một vài nốt. - Tuyệt vời - chàng nói. Lara bước đến bên chồng. - Đấy là quà cưới của em tặng anh. - Thật à? - Phillip rất xúc động. Chàng ngồi xuống và bắt đầu đàn. - Em vừa mới gọi người đến lên dây lại cho anh, - Lara lắng tai nghe những dòng thác âm thanh đổ xuống đang tràn ngập gian phòng. - Anh thích không? - Rất thích. Cảm ơn em, Lara. - Bất cứ lúc nào thích, anh có thể chơi đàn được ở đây Phillip đứng dậy. - Anh muốn gọi điện thoại cho ông Ellerbee, - Phillip nói. - ông ta đang muốn gặp anh. Bên phòng đọc sách cũng có một máy. Lara sang phòng giấy và đến bên máy ghi âm nghe lại những cú điện thoại gọi cho nàng thời gian qua. Nàng mở máy. Có nửa tá lời nhắn ở Paul Martin. - Lara, em ở đâu? - Lara, anh rất nhớ em. - Lara, anh đoán em đi ra nước ngoài, nếu không thế nào em cũng đã gọi điện đến anh. - Anh rất lo cho em. Gọi điện cho anh nhé, Lara. Rồi cú điện thoại cuối cùng, giọng Martin thay đổi hẳn. - Tôi vừa nghe tin cô lấy chồng. Đúng thế không? Gọi điện thoại cho tôi. Phillip đã bước vào phòng, nghe thấy câu cuối cùng. - Người gọi cho em là nhân vật bí hiểm nào đấy? Lara quay đầu lại. - À một người bạn cũ. Phillip bước đến, quàng tay ôm nàng: - Liệu anh ta có làm anh ghen không đấy? Lara âu yếm nói. - Anh sẽ không phải ghen với bất cứ ai trên cõi đời này. Anh là, duy nhất em yêu và yêu mãi mãi. Và đó là sự thật. Phillip ghì chặt nàng trong vòng tay: - Em cũng là người duy nhất anh yêu. Chiều hôm đó, trong lúc Phillip ngồi đàn, Lara vào phòng giấy, nhấc máy gọi cho Paul Martin. Ông nhấc máy liền. - Cô về rồi đấy à? - Giọng ông ta nghẹn lại. - Vâng, - nàng rất sợ cuộc nói chuyện này. - Tôi thú thật là tin đó đã làm tôi choáng váng Lara. - Em rất lấy làm tiếc, Paul… Em… Em… Chuyện ấy xẩy ra đột ngột quá. - Chắc hẳn phải như thế. - Vâng, đúng thế, Paul, nhưng… - Chúng ta nên trò chuyện về cái đó. - Vâng, em… - Mai, ta sẽ gặp nhau trong bữa ăn trưa. Nhà hàng Vitello. Một giờ trưa, - câu nói như một mệnh lệnh. Lara ngập ngừng. Nhưng nếu trái ý ông ta lúc này thì sẽ rất nguy hiểm. - Vâng, em sẽ đến đó. Máy ngừng. Lara ngồi lo lắng. Liệu Paul có tức giận lắm không và ông ta sẽ làm gì mình? Chương 25 Sáng hôm sau, lúc Lara đến Trung tâm Cameron, toàn thể nhân viên đã có mặt chờ được chúc mừng nàng. - Tin đó tuyệt vời. - Tất cả chúng tôi đều sửng sốt. - Tôi tin rằng bà sẽ rất hạnh phúc… Vân vân và vân vân. Howard đợi trong phòng giấy của nàng. Anh dang rộng tay ôm Lara: - Chúc mừng cô gái không thích nhạc cổ điển. Chắc bây giờ cô đã thích rồi. Lara mỉm cười. - Đúng thế. Có phải vậy không nhỉ? - Tôi chưa quen gọi cô là bà Adler, - Howard nói. Nụ cười trên môi Lara vụt tắt. - Tôi nghĩ là trong công việc giao dịch kinh doanh,ẫn cứ là cô Cameron hoặc bà Cameron. Anh nghĩ sao? - Tuỳ cô thôi. Tôi rất mừng thấy cô trở về. Công việc ùn cả lại rồi. Lara ngồi vào ghế đối diện với Howard. - Bây giờ anh kể tôi nghe về tình hình ở nhà đi. - Khách sạn ở khu Tây sẽ lỗ vốn mất. Có một khách mua gọi điện từ bang Texas tới. Hôm qua tôi đến xem lại công trình. Đúng là tồi tệ, không thể thương được. Chúng ta sẽ phải sửa chữa rất nhiều. Phải bỏ vào đấy năm hoặc sáu triệu đô-la nữa. - Khách đã nhìn thấy nó chưa? - Chưa. Tôi hẹn ngày mai mới đưa ông ta đi xem. - Anh hoãn đến tuần sau. Ta cần đưa một số thợ giỏi đến sửa sang lại. Bố trí người thật đông có mặt ở dưới gian tiền sảnh lúc ông ta đến. Howard cười. - Đúng. Cậu Frank Rose hiện đang ở đây cùng với một số báo cáo. Cậu ta đang đợi ở bên phòng giấy của tôi. - Tôi muốn xem qua. - Công ty bảo hiểm Midland sẽ nhảy vào công trình mới của ta chứ? - Đúng thế. - Nhưng họ vẫn chưa ký hợp đồng. Họ hơi ngập ngừng. Lara ghi lại. Nàng nói: - Tôi sẽ nói chuyện với họ. Việc khác? - Nhà băng Gotham sẽ cho ta vay bẩy mươi lăm triệu vào dự án mới chứ? - Howard hỏi. - Đúng thế. - Nhưng họ lại thoái thác rồi. Họ cho rằng cô đã ôm đồm quá nhiều. - Họ đòi lãi suất bao nhiêu nhỉ? - Mười bảy phần trăm. Anh bố trí cuộc họp với họ đi. Ta sẽ nâng lên hai mươi phần trăm. Howard trợn mắt nhìn Lara. - Hai mươi phần trăm? Không thể như thế được, Lara! Không ai lại vay với lãi suất hai mươi phần trăm hết. - Tôi muốn sống với hai mươi phần trăm hơn là chết với mười bẩy phần trăm. Anh cứ làm đi, Howard. - Cũng được. Buổi sáng trôi qua rất nhanh. Mười hai giờ rưỡi, Lara nói: - Trưa nay tôi sẽ gặp Paul Martin. Howard lộ vẻ lo lắng: - Đừng. - Tại sao? - Y là dân Sieile. Dân vùng đó không tha thứ cho ai và không quên cái gì bao giờ. - Anh phóng đại đấy chứ. Paul sẽ không làm điều gì có hại cho tôi đâu. - Tôi mong cô nói đúng. Paul Martin đã đợi Lara trong nhà hàng lúc nàng đến. Trông ông gầy tóp đi, cặp mắt sầu não và thâm quầng, như thể ông bị mất ngủ. - Chào cô Lara, - ông không đứng lên. - Chào anh Paul, - nàng ngồi xuống, đối diện với ông ta qua bàn. - Tôi nhắn lại mấy lời ngu ngốc trong máy ghi âm của cô. Tôi rất ân hận. Tôi không định… - ông nhún vai. - Lẽ ra em phải báo cho anh biết từ trước. Nhưng chuyện xảy ra quá đột ngột. - Tôi hiểu, - ông ta chăm chú quan sát vẻ mặt nàng. - Trông cô rất tươi. - Cảm ơn anh. - Cô gặp Adler ở đâu? - London. - Và ngay hôm đó cô đã mê cậu ta phải không? - Giọng nói Martin đượm chua chát. - Paul. Chuyện giữa anh và em đúng là tuyệt vời, nhưng chưa đủ đối với em. Em cần phải lấy chồng. Em muốn đêm nào cũng có người em yêu bên cạnh. Martin vừa nghe nàng nói vừa nhìn nàng. - Em không muốn làm điều gì khiến anh phải phiền lòng, nhưng chuyện này xảy ra quá bất ngờ. Lại im lặng. - Anh thông cảm cho em. - Được - một nụ cười lướt qua trên cặp môi Martin. - Tôi làm gì còn sự lựa chọn khác. Chuyện đã xảy ra rồi. Tôi đã choáng váng như bị sét đánh khi đọc tin trên báo chí và xem trên vô tuyến truyền hình. Tôi vẫn tưởng hai chúng ta gắn bó với nhau hơn thế. - Anh nói đúng, - Lara lại nói. - Lẽ ra phải nói với anh từ trước. Martin đưa tay vuốt ve cằm Lara. - Tôi yêu cô quá, Lara. Tôi cảm thấy hiện vẫn còn yêu như thế. Cô là phép lạ xảy ra trong đời tôi. - Tôi sẵn sàng cho cô mọi thứ chỉ trừ thứ mà Adler có thể cho cô, đó là chiếc nhẫn cưới. Và vì rất yêu cô, tôi mong muốn cô được hạnh phúc. Lara thở phào nhẹ nhõm: - Em rất cảm ơn anh, Paul. - Bao giờ tôi có thể gặp chồng cô được? Tuần tới chúng em tổ chức bữa tiệc mời bè bạn, anh đến được không? - Tôi sẽ đến. Cô nhắn với cậu ta là cậu ta nên đối xử tốt với vợ kẻo liệu hồn với tôi đấy. Lara mỉm cười: - Vâng. Em sẽ nói lại với Phillip. * * * * * Lúc quay về văn phòng, nàng thấy Howard Keller đang đợi. - Bữa ăn diễn ra thế nào? - Anh lo lắng hỏi. - Tốt. Anh hiểu lầm Paul đấy. Anh ấy chơi rất đẹp - Vậy thì may. Tôi rất vui thấy mình đã hiểu sai. - Tôi đã bố trí mấy cuộc họp của cô vào sáng mai với… - Anh báo xin họ hoãn lại đi, - Lara nói. - Ngày mai tôi sẽ nghỉ ở nhà với chồng tôi và sẽ tiến hành tuần trăng mật vào thời gian tới. - Tôi mừng thấy cô hạnh phúc như vậy - Howard nói. - Howard. Tôi sung sướng đến lúc làm tôi sợ. Tôi sợ lúc nào đó thức dậy sẽ thấy đó chỉ là giấc mơ. Tôi chưa thấy ai được sung sướng như tôi bây giờ. Howard mỉm cười: - Tốt lắm. Vậy tôi sẽ họp với người ta. - Cảm ơn anh, - nàng hôn lên má Howard. - Phillip và tôi sẽ tổ chức bữa tiệc vào tuần sau. Thế nào anh cũng phải đến đấy. Bữa tiệc diễn ra tối thứ Bảy sau đấy, tại tầng trên cùng toà nhà của nàng. Bữa ăn theo kiểu tiệc đứng đơn giản và chỉ có tên một trăm khách. Nàng mời những người cộng sự: chủ nhà băng, chủ thầu, kiến trúc sư, quan chức trong thành phố, chủ tịch các nghiệp đoàn… Phillip thì mời nhạc công, các ông bầu âm nhạc và những nhà hảo tâm đóng góp cho Quỹ. Hai khối xem chừng không chịu hoà nhập vào nhau, bởi họ không có những mối quan tâm chung. Lara giới thiệu một số cộng sự của nàng với nhóm âm nhạc. Mặc dù cố tham gia câu chuyện, nhưng chỉ lát sau họ đã phải bỏ đi bởi chẳng hiểu gì hết. Ngược lại nàng cũng giới thiệu một số bạn của Phillip với các cộng sự của mình thì tình hình cũng không khá hơn. Hai nhóm người tlường như nói bằng hai ngôn ngữ. Paul Martin đến một mình và Lara vội vã ra cửa đón ông. - Tôi phải đến chứ, - ông nhìn quanh. - Tôi muốn gặp Phillip. Lara dẫn Martin đến chỗ Phillip đang đứng với bạn bè của chàng. - Phillip? Đây là một bạn cũ của em, ông Paul Martin. Phillip giơ cao tay: - Rất mừng được gặp ông. Họ bắt tay nhau vui vẻ. - Ông là người may mắn đấy, thưa ông Adler. Cô Lara là một phụ nữ tuyệt vời. - Thì tôi vẫn bảo với chồng tôi như thế, - Lara mỉm cười nói. - Lara không cần nói. - Phillip đáp, - tôi cũng đã biết tôi là người may mắn rồi. Paul Martin chăm chú nhìn Phillip: - Có thật như thế không? Lara cảm thấy không khí đột nhiên căng thẳng. - Để tôi mời ông một ly rượu, - nàng nói với Martin. - Cảm ơn, tôi không uống. Cô không nhớ à? Tôi không uống rượu. Lara cắn môi. - Tôi nhớ chứ. Vậy để tôi giới thiệu ông với vài người bạn, - nàng dẫn Martin đi khắp phòng khách, giới thiệu ông với mọi người. Một nhạc công nói: - mai Leon Feisher sẽ trình diễn một chương trình. Nhất định tôi không chịu bỏ, - anh ta quay sang Paul Martin, lúc này đang đứng cạnh Howard Keller, - ông đã nghe Fleisher biểu diễn lần nào chưa? - Chưa. - Ông ta đàn tuyệt vời. Và chỉ bằng tay trái thôi, tất nhiên. Paul Martin ngạc nhiên: - Sao lại chỉ dùng tay trái? - Fleisher bị bệnh, hỏng bàn tay phải từ mười năm nay rồi. - Nhưng biểu diễn cả một chương trình mà chỉ dùng mỗi bàn tay trái sao được? - Khoảng một nửa tá nhà soạn nhạc sáng tác những bản concerto dành riêng cho bàn tay trái. Chẳng hạn Demuth, Franz Schbidt, Korgol và một bản concerto tuyệt vời của Ravel. Một số khách đề nghị Phillip đàn cho họ nghe. - Xin vâng. Đây là bản tặng vợ tôi, - chàng ngồi vào đàn và chơi một đoạn trong bản concerto của Rachmamnoff dành cho piano. Cả gian phòng lãng đi. Mọi người đều bị thôi miên vào tiếng nhạc kỳ diệu tràn ngập tầng nhà. Lúc Phillip đứng lên, tiếng vỗ tay vang rền như sấm. Một tiếng đồng hồ sau, bữa tiệc kết thúc. Sau khi tiễn người khách cuối cùng ra khỏi cửa Phillip nói: - Quả là một bữa tiệc? - Anh ghét tiệc lớn phải không, cưng? - Lara hỏi. Phillip ôm nàng, cười: - Có lộ liễu lắm không, em? - Những mười năm chúng ta mới tổ chức tiệc đông người thư thế này một lần thôi, - Lara hứa. - Anh có thấy khách hôm nay tách làm đôi như thể người của hai hành tinh khác nhau không? Phillip áp môi lên má vợ: - Chuyện ấy không quan trọng. Hai chúng mình có hành tinh riêng của chúng mình. Ta cho nó quay đi nào… Chương 26 Để có nhiều thời giờ hơn bên chồng, Lara quyết định làm việc ở nhà các buổi sáng. - Em muốn vợ chồng mình bên nhau càng nhiều càng tốt, - nàng nói với Phillip. Lara yêu cầu Kathy bố trí cho nàng phỏng vấn một số người xin vào làm thư ký tại nhà riêng của nàng. Nàng hỏi chuyện xong chừng nửa tá người thì đến lượt Marian Bell. Cô mới ngoài hai mươi tuổi, tóc vàng mềm mại, khuôn mặt quyến rũ và tính tình dễ chịu. - Cô ngồi xuống, - Lara nói - Cảm ơn bà. Lara xem bản lý lịch của cô gái. - Cô đã tốt nghiệp đại học Wellesley? - Vâng. - Cô lại có cả bằng tốt nghiệp trường nghệ thuật. - Tại sao cô muốn làm thư ký ở đây? - Tôi nghĩ tôi sẽ học được rất nhiều ở bà. Dù chưa được làm việc cho bà nhưng tôi đã rất hâm mộ bà, thưa bà Cameron. - Thật ư? Tại sao? - Bà là mẫu mực đối với tôi. Bà đã làm được rất nhiều việc và đều bằng sức lực của bản thân bà. Lara chăm chúc nhìn cô gái: - Công việc ở đây sẽ chiếm rất nhiều thời gian của cô đấy. Tôi có thói quen dậy sớm. Cô sẽ làm việc tại nhà tôi và phải có mặt từ sáu giờ sáng. - Điều đó không khó khăn gì. Tôi làm được. Lara cười. Nàng đã thấy mến cô gái. - Cô sẽ làm thử một tuần, - nàng nói. Đến cuối tuần lễ, Lara biết rằng nàng đã có được một viên ngọc quý, Marian thông minh, chăm chỉ và tươi vui. Dần dần công việc đã thành nếp. Trừ khi có chuyện cần kíp, Lara làm việc tại nhà các buổi sáng. Chiều nàng mới đến văn phòng. Sáng nào cũng vậy, Lara và Phillip cũng ăn điểm tâm, sau đó Phillip ngồi vào đàn, mặc sơ mi cộc tay kiểu thể thao và quần Jean. Chàng tập hai ba tiếng đồng hồ trong khi vào phòng giấy, đọc thư từ giao dịch cho Marian ghi. Thỉnh thoảng, Phillip đàn những điệu nhạc Scotland cho vợ nghe, và nàng rất cảm động. Sau đấy hai vợ chồng đi ăn trưa. - Em kể cho anh nghe cuộc sống của em hồi ở thị trấn Glace Bay đi, - Phillip nói. - Em chỉ kể trong năm phút là hết, - Lara mỉm cười. - Không. Anh nói nghiêm chỉnh đấy. Anh muốn biết tỷ mỷ kia. Lara kể về nhà trọ, nhưng nàng không muốn kể về cha nàng. Nàng kể cho chồng nghe về ông già Charles Cohn và Phillip nói: - Sao có người tốt bụng thế. Anh rất muốn có dịp nào đó được gặp ông ấy. - Thế nào anh cũng sẽ gặp thôi. Lara kể chồng nghe về lão chủ nhà băng Sean McAllister và Phillip nói: - Lão già khốn kiếp! Anh muốn giết nó, - chàng ôm vợ vào lòng, nói tiếp. - Bây giờ thì sẽ không còn ai hành hạ em được nữa. Phillip đang tập một bản concerto. Lara nghe chồng đàn một lúc, lặp lại rồi lại tập tiếp. Chàng tập đi tập lại từng câu nhạc rồi ghép chúng lại với nhau. Thời gian đầu, thỉnh thoảng Lara lại sang phòng khách lúc Phillip đang đàn, khiến chàng phải ngừng lại. - Cưng ạ, bọn em được mời đến Long Island vào kỳ nghỉ cuối tuần. Anh có đi với em không? Hoặc: - Howard Keller muốn mời chúng mình đi ăn tối thứ Bẩy này. Phillip cố giữ kiên nhẫn nhưng cuối cùng chàng phải nói: - Lara, trong lúc anh đang ngồi đàn, em đừng cắt đứt dòng tư tưởng của anh. - Ôi em xin lỗi, - Lara nói. - Nhưng em không hiểu sao ngày nào anh cũng tập vậy? Mấy hôm nay anh đâu có phải biểu diễn? - Anh phải tập hàng ngày thì mới có thể gìn giữ và nâng cao được tay nghề của mình. Em phải hiểu rằng, trong lúc xây dựng công trình, nếu lỡ sai sót gì em có thể sửa lại. Thậm chí em có thể thay đổi cả thiết kế, có thể gỡ cả hệ thống điện hay hệ thống nước ra làm lại. Nhưng trong một buổi biểu diễn, anh không thể sửa lại, dù chỉ là một nốt nhạc, nếu anh chơi sai. Trước mắt anh là công chúng lắng nghe và nghệ thuật trình diễn của anh phải hoàn hảo, không được quyền sai sót gì hết. - Em xin lỗi, - Lara nói. - Bây giờ thì em hiểu rồi. Phillip ôm vợ vào vòng tay. - Có một giai thoại như thế này. Một người đàn ông xách hộp đàn violon đi trên đường phố New York. Anh ta bị lạc, bèn ngăn một khách bộ hành lại, hỏi: "Ông đến Phòng hoà nhạc Carnegie bằng cách nào?" "Bằng cách tập luyện - người đi đường đáp. - Tập luyện và tập luyện". Lara bật cười. - Anh ngồi vào đàn đi. Em sẽ không quấy rầy anh nữa! Nàng quay vào phòng giấy lắng nghe tiếng đàn bên phòng khách vọng sang và nàng nghĩ. Mình đúng là gặp may. Hàng ngàn hàng vạn phụ nữ thèm được ngồi nghe tiếng đàn của Phillip Adler như mình bây giờ. Tuy nhiên nàng vẫn ước gì chồng nàng không tập nhiều như thế. Hai vợ chồng cùng thích đánh xúc xắc vào buổi tối. Sau khi ăn xong, họ thường ngồi trước lò sưởi, "sát phạt nhau". Lara vô cùng thích thú những lúc chỉ có hai vợ chồng như vậy. * * * * * Sòng bạc ở Reno đã sửa chữa xong và sắp khai trương. Sáu tháng trước đây Lara đã họp với Jerry Townsend: - Tôi muốn buổi khai trương này được đưa tin trên khắp thế giới, - nàng nói. - Tôi sẽ cho máy bay đi đón đầu bếp của nhà hàng Maxim ở Paris để lo liệu cho bữa tiệc hôm đó. Tôi muốn anh cho tôi danh sách những nghệ sĩ tài ba nhất, bắt đầu là Frank Sinatra rồi cứ thế tiếp theo, khách mời phải gồm những tên tuổi vang dội nhất ở Hollywood, New York và Washington. Tôi muốn người ta phải khao khát đến dự buổi khai trương của chúng ta. Bây giờ nàng xem lại bản danh sách của Jerry Townsend. Nàng nói: - Anh tốt lắm. Như vậy là ta chỉ thay đổi mấy người nhỉ? - Chừng một tá cặp, - Townsend đáp - Vậy là rất ít so với toàn bộ bản danh sách sáu trăm thực khách. - Đúng thế! - Lara tán thành. Howard gọi điện thoại cho Lara vào buổi sáng. - Có tin mới, - anh nói. - Tôi vừa nhận được cú điện thoại của mấy chủ nhà băng Thuỵ Sĩ. Sáng mai họ bay đến đây gặp cô để bàn chuyện hùn vốn. - Tốt lắm, Lara nói. - Chín giờ sáng, tại phòng giấy của tôi. - Tôi sẽ bố trí. Trong bữa ăn tối hôm đó Phillip nói: - Mai anh có buổi thu đĩa. Hình như em chưa dự một buổi thu đĩa bao giờ phải không, Lara? - Chưa. - Vậy em có muốn đến xem cho biết không? Lara ngập ngừng, nghĩ đến cuộc họp với mấy chủ nhà băng Thuỵ Sĩ cũng vào ngày mai. - Tất nhiên là em muốn, - nàng đáp. Nàng gọi điện cho Howard Keller: - Anh họp với họ cũng đủ, không cần tôi. Bao giờ đến được tôi sẽ đến. Phòng thu đĩa nằm ở phố 34 Tây, trong một cửa hiệu bán đồ điện tử, chứa đầy các máy móc. Trong phòng thu đã có một trăm ba mươi nhạc công ngồi sẵn và một buồng nhỏ lợp kính đặt máy thu và các kỹ sư ngồi trong đó làm việc. Lara cảm thấy việc thu đĩa diễn ra quá chậm chạp. Cứ thu một đoạn họ lại ngừng, rồi thu lại. Trong một lúc ngừng như thế nàng gọi điện cho Howard. - Hiện cô đang ở đâu, Lara? - Anh hỏi. - Tôi ở đây nhưng họ muốn bàn trực tiếp với cô. - Khoảng một hai tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ có mặt ở đó. Hai tiếng đồng hồ sau, buổi thu đĩa vẫn chưa xong. Lara lại gọi điện cho Howard Keller: - Tôi rất tiếc, nhưng tôi không thể đi được. Sáng mai họ có trở lại được không? - Việc ở đấy có gì quan trọng đến thế? - Howard hỏi. - Có chồng tôi, - Lara nói, - Và nàng đặt máy xuống. Lúc về đến nhà, Lara nói: - Tuần sau chúng mình đi Reno. - Để làm gì? - Khai trương khách sạn kiêm sòng bạc. Chúng mình sẽ bay đến đó vào thứ Tư. Giọng trả lời của Phillip đầy thất vọng: - Thế là gay rồi? - Chuyện gì vậy? Rất tiếc, nhưng anh không thể đi với em được. Lara chăm chú nhìn chồng: - Tại sao? - Anh tưởng anh đã nói với em rồi. Thứ Hai này anh bắt đầu chuyến đi biểu diễn. - Anh đã bàn với họ thế nào? - Ông Ellerbee đã bố trí anh vào một chuyến biểu diễn trong sáu tuần lễ. Anh sẽ đi Úc và… -Úc? - Đúng. Rồi Nhật Bản và Hồng Kông. - Anh không được đi, Phillip? Ý em là… tại sao anh lại nhận lời? Anh không được làm vậy. Em cần phải ở bên cạnh anh. - Tốt quá, em đi cùng với anh, Lara. Anh rất mong được như thế. - Nhưng anh thừa biết là em không thể đi cùng anh được. Đặc biệt là hiện giờ. Có bao nhiêu chuyện buộc em phải ở nhà, - nàng nói giọng van vỉ. - Em không muốn anh bỏ em ở lại một mình. - Anh cũng đâu có muốn? em thân yêu, anh đã báo với em từ trước khi cưới kia mà. Đời anh là phải đi khắp mọi nơi. - Em biết, - Lara nói. - Nhưng đó là bấy giờ. Còn bây giờ lại khác. Mọi thứ đều thay đổi kia mà. - Không có gì thay đổi hết. - Phillip dịu dàng nói. Trừ phi anh mê em đến mức xa em, anh phát điên. Lara không biết trả lời ra sao. Phillip đi rồi và Lara cảm thấy chưa bao giờ mình lại cô đơn đến mức này. Nhiều lúc đang ngồi họp, chợt nhớ đến Phillip, thế là nàng không còn suy nghĩ được gì nữa, tay chân bải hoải. Nàng muốn chàng vẫn tiếp tục sự nghiệp nghệ thuật, nhưng nàng lại không muốn xa chàng. Nàng nhớ đến những ngày kỳ diệu họ ở bên nhau, đến những lúc nàng nép mình trong vòng tay chàng, hưởng hơi ấm và niềm yêu thương từ chàng toả ra. Nàng chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể yêu người đàn ông nào đến mức như yêu Phillip hiện giờ. Ngày nào chàng cũng gọi điện trò chuyện với nàng, nhưng đôi khi Lara cảm thấy những cuộc trò chuyện qua điện thoại đó chỉ làm tăng thêm nỗi cô đơn của nàng. - Lúc này anh đang ở đâu, cưng? - Anh vẫn còn ở Tokyo. - Chuyến đi biểu diễn ra sao? - Tuyệt vời. Anh chỉ có thiếu em thôi. - Ôi, em cũng nhớ anh lắm, - Lara không biết cách nói thế nào để diễn tả được hết nỗi nhớ của nàng. - Mai anh đi Hồng Kông và sau đấy… - Em mong anh về nhà, - Lara ân hận đã buột miệng nói ra câu đó. - Em thừa biết là anh chưa thể về được. Im lặng một lát. - Tất nhiên là anh không thể về ngay được. Họ trò chuyện với nhau chừng nửa giờ và khi Lara đặt máy xuống, nàng thấy mình cô độc thêm rất nhiều. Sự chênh lệch thời gian làm nàng phát điên đầu. Đôi khi ở đây thứ Ba nhưng ở chỗ chàng lại là thứ Tư và chàng luôn gọi nàng vào nửa đêm hoặc sáng sớm. * * * * * - Tình hình Phillip ra sao? - Howard Keller hỏi. - Tốt. Tại sao anh ấy lại làm thế, Howard? - Làm thế nghĩa là sao? - Là đi biểu diễn khắp nơi. Lẽ ra anh ấy không cần phải đi biểu diễn. Không, ý tôi định nói là anh ấy đâu cần tiền? - Không phải là chuyện tiền. Phillip đi biểu diễn đâu phải vì tiền? Chỉ đơn giản là anh ấy cần phải biểu diễn. Howard nói y hệt như Phillip. Trí óc nàng hiểu được nhưng trái tim nàng thì không. - Lẽ ra tôi không nên lấy anh ấy. Hồi đó tôi hy vọng anh ấy sẽ yêu tôi hơn yêu nghệ thuật… - Nàng vội ngừng lại. - Ôi, tôi nói sai rồi. Tôi quá ích kỷ. Lara gọi điện cho Ellerbee. - Trưa nay ông có đi ăn với tôi được không? - Tôi có thể thu xếp được, - Ellerbee đáp - Có chuyện gì à? - Không. Chỉ là tôi muốn gặp ông thôi. Họ gặp nhau ở nhà hàng Le Cirque. - Gần đây bà có nói chuyện với Phillip không? - Ellerbee hỏi. - Ngày nào tôi cũng nói chuyện với anh ấy. - Các buổi biểu diễn của ông ấy thành công. - Vâng. Ellerbee nói: - Thú thật, trước đây tôi không nghĩ Phillip sẽ lập gia đình. Ông ấy giống như thầy tu, hoàn toàn hiến thân cho nghệ thuật. - Tôi biết… - Lara ngập ngừng. -… Nhưng ông có thấy chồng tôi đi biểu diễn quá nhiều không? - Tôi không hiểu? - Bây giờ Phillip đã có gia đình, có nhà cửa. Không có lý gì anh ấy cứ lang thang trên khắp thế giới như vậy - nàng thấy một thái độ lộ ra trên gương mặt ông bầu. - Ôi, tôi không định nói là chồng tôi cứ phải ở New York, nhưng ông có thể thu xếp để anh ấy biểu diễn ở Boston, Chicago, Los Angeles… nghĩa là anh ấy không phải đi quá xa như hiện nay. Ellerbee dè dặt nói. - Bà đã đưa chuyện này ra bàn với Phillip chưa? - Chưa. Tôi muốn hỏi ý kiến ông trước. Ông thấy như thế liệu có được không? Tôi định nói là Phillip không cần kiếm tiền, không cần kiếm một đồng nào hết. - Thưa bà Adler, Phillip kiếm mỗi buổi biểu diễn ba mươi lăm ngàn đô-la. Năm ngoái anh ấy đi biểu diễn bốn mươi tuần lễ. - Tôi hiểu, nhưng… - Bà có hiểu rằng rất ít nhạc công chơi piano đạt đến đỉnh cao như vậy không? Và họ đều phải đấu tranh vô cùng vất vả mới leo lên được cái đỉnh cao ấy. Đang có hàng ngàn hàng vạn nhạc công piano vẫn thường xuyên biểu diễn, nhưng chỉ có khoảng bốn năm siêu sao. Chồng bà là một trong số hiếm hoi những siêu sao ấy. - Ông ta dừng lại một chút: - Bà còn biết quá ít về lĩnh vực biểu diễn âm nhạc. Sự đua tài ở đây quả là khủng khiếp. Bà ngồi xem một chương trình biểu diễn, bà thấy nhạc công độc tấu trên sân khấu, mặc bộ áo đuôi tôm, trông lịch sự và tươi tắn làm sao, nhưng bà không biết lúc anh ta bị đánh bật ra khỏi sân khấu biểu diễn, anh ta sẽ nghèo kiết xác, không biết kiếm đâu ra tiền để trả tiền thuê nhà và hai bữa ăn đạm bạc. Phillip đã phải mất một thời gian dài khổ luyện và tranh giành, mới leo lên được vị trí của một nhạc công piano tầm cỡ quốc tế. Vậy mà bây giờ bà lại yêu cầu tôi gạt anh ấy ra khỏi vị trí đó. - Không. Không phải tôi muốn thế. Tôi chỉ thử hỏi ông, đề nghị ông… - Điều bà đề nghị ấy sẽ tiêu diệt sự nghiệp của chồng bà. Nhưng bà chỉ mới thăm dò chứ bà không hề muốn thế chứ gì, đúng vậy không, thưa bà Adler? - Tất nhiên rồi, - Lara nói. Ndng ngập ngừng, nói tiếp. - Tôi nghe nói ông hưởng mười lăm phần trăm số thù lao của Phillip. - Đúng thế. - Tôi muốn rằng nếu Phillip diễn bớt đi thì ông vẫn không phải chịu thiệt thòi gì. - Lara thận trọng cân nhắc từng chữ. - Tôi xin vui lòng được bù vào khoản chênh lệch đó cho ông, thưa ông Ellerbee. - Thưa bà Adler, tôi nghĩ chuyện ấy bà cần bàn bạc với Phillip. Thế nào, bà dùng gì? Chương 27 Bài báo của Liz Smith có tựa đề: "BƯỚM SẮT SẮP DÍNH CÁNH" Một đại tư bản đất xinh đẹp sắp lên đến căn hộ sang trọng trên nóc toà cao ốc của bà thì được tin có một cuốn sách nói về bà, do một nhân viên của bà viết ra, sắp được nhà xuất bản Candlelight Press cho ra mắt! Nghe đồn là cuốn sách rất rung động! Rung động! Rung động! Lara quăng tờ báo xuống. Ch id="filepos551669">c là con Gertrude Meeks đây, ả thư ký mà nàng đã tống cổ đi. Nàng mời Jerry Townsend đến gặp. - Anh đọc mẩu tin của Liz Smith trong số báo sáng nay chưa? - Tôi vừa đọc xong. Chúng ta khó có thể l để ngăn chặn họ. Nếu bà… - Chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ. Mọi nhân viên của tôi đã ký vào bản cam đoan không được viết bất cứ chuyện gì xảy ra ở đây trong thời gian họ làm việc với tôi. Gertrude Meeks không có quyền viết như thế. Tôi sẽ kiện nhà xuất bản và họ sẽ bị trừng phạt xứng đáng. Jerry Townsend lắc đầu. - Vào địa vị bà, tôi không làm thế. - Tại sao? - Vì chuyện lại càng lan rộng, càng bất lợi cho bà. Nếu bà lờ đi thì cuốn sách ấy chỉ là một làn gió nhẹ thổi qua rồi biến mất. Còn nếu bà tìm cách chặn nó lại thì nó sẽ biến thành trận bão. Lara lắng nghe nhưng chưa chịu. - Tìm xem giám đốc nhà xuất bản là ai, - nàng ra lệnh. Một tiếng đồng hồ sau, nàng đã nói chuyện điện thoại với Lawrence Seinfeld, giám đốc nhà xuất bản Candlelight Press. - Tôi là Lara Cameron. Tôi nghe tin ông sắp cho ra mắt một cuốn sách nói về tôi. - Bà đọc mẩu tin của Liz Smith phải không? Đúng, có chuyện đó, thưa bà Cameron. - Tôi báo trước ông biết, nếu ông cho ra mắt cuốn sách đó, tôi sẽ kiện ông về tội xâm phạm đời tư. Người ở đầu dây bên kia nói: - Tôi nghĩ bà nên hỏi ý kiến ông luật sư của bà đã. Hiện bà là nhân vật nổi danh, thưa bà Cameron. Bà không còn được quyền giữ kín đời tư nữa. Và theo bản thân của Gertrude Meeks, bà là gương mặt rất độc đáo. - Gurtrude Meeks đã ký vào bản cam đoan không viết gì về tôi. - Đấy là chuyện giữa bà và Gertrude Meeks. Bà có thể kiện bà Meeks. Nhưng khi đó thì cuốn sách đã được bán khắp nơi rồi, tất nhiên. - Tôi không muốn nó được xuất bản. Nếu như ông cần điều kiện gì để không xuất bản nó… - Bà dừng lại ngay. Tôi thấy bà đã bắt đầu bước chân vào vùng đất nguy hiểm rồi đấy. Tôi xin khuyên bà chấm dứt cuộc trò chuyện này. Chào bà, - và ông ta bỏ máy xuống. - Đồ khốn hiếp! Lara ngồi thần người suy nghĩ. Nàng mời Howard Keller sang. - Anh biết gì về nhà xuất bản Candlelight Press? Anh nhún vai. - Đó là nhà xuất bản nhỏ và chuyên in những sách bôi xấu người khác. Đó là cách kiếm ăn của họ. - Cảm ơn anh. Vậy thì thôi. Howard Keller bị đau đầu. Anh cảm thấy gần đây đầu anh rất hay bị đau. Mất ngủ. Anh thấy mình bị thúc ép từ phía và cứ chạy vùn vụt. Anh nghĩ lẽ ra mình phải có cách ghìm Lara lại. Hay mình đau đầu vì đói? Howard ấn nút máy truyền âm, gọi cô thứ ký của anh. - Bessy, cô làm ơn bảo mang thứ gì lên cho tôi ăn trưa. Im lặng. - Bessy? - Ông nói đùa chăng, thưa ông Keller? - Sao cô bảo tôi nói đùa? - Ông vừa ăn trưa xong. Howard Keller thấy lạnh xương sống. - Nhưng nếu ông vẫn còn đói… - Không, không. - Bây giờ thì Howard nhớ ra rồi. Anh đã ăn trưa, có thịt bò rán, xa lát, bánh mì và. Lạy Chúa tôi, anh nghĩ, vậy ra mình bị bệnh chăng? * * * * * Buổi khai trương Khách sạn Cameron ở Reno, quả là một sự kiện náo nhiệt. Các phòng đều chật khách. Sòng bạc chen chúc những tay chơi. Lara không hề tiếc tiền để thù tiếp hết sức chu đáo các nhân vật nổi tiếng. Tất cả đều có mặt. Chỉ thiếu một thầm nghĩ: Phillip! Chàng gửi đến một bó hoa to kèm theo tấm thiệp viết: "Em là bản nhạc của đời anh. Anh yêu em và rất nhớ em. Hôn em". Paul Martin cũng đến. Ông tới chỗ Lara. - Chúc mừng cô. Cô đã vượt lên chính bản thân mình. - Cảm ơn anh, Paul. Em làm được gì đều là nhờ ơn anh. Martin nhìn quanh: - Phillip đâu? - Anh ấy không đến được. Đang biểu diễn ở nước ngoài. - Thế à? Hôm nay là ngày vui lớn của cô. Lẽ ra cậu ta phải có mặt bên cạnh cô. Lara mỉm cười: - Phillip cũng muốn thế, nhưng không được. Giám đốc khách sạn đến gặp Lara. - Đêm nay thật là vui. Các phòng của khách sạn đều đã có người đặt trước cho đến hết tháng Ba tới. - Ta cố giữ cho khách sạn lúc nào cũng đửợc như vậy, Anh Donald. Lara đã thuê một nhân viên Nhật Bản và một nhân viên Braxin đến làm để thu hút khách nước ngoài tới sòng bạc. Nàng đã bỏ ra cho mỗi dẫy phòng khép kín của khách sạn một triệu đô-la, nhưng xem chừng vẫn còn phải bỏ thêm nữa. - Nơi này sẽ thu tiền như nước cho bà đây, thưa bà Cameron, - viên giám đốc nói. Ông ta nhìn xung quanh. - À, mà ông nhà đâu? Tôi cứ mong ông nhà tới để chào mà chưa thấy. - Nhà tôi không đến được, - Lara nói. Anh ấy còn phải chơi đàn piano ở đâu đâu ấy. Đêm dạ hội đúng là tuyệt vời, nhưng Lara vẫn là trung tâm của cuộc vui. Nhạc sĩ Sammy Cahn đã viết một bản nhạc tặng riêng nàng. Khi Lara đứng lên biểu diễn, tiếng vỗ tay vang rền như sấm. Tất cả mọi người đều muốn được gặp nàng, được bắt tay, được đụng vào người nàng. Phóng viên đến rất đông và Lara trả lời phỏng vấn của vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và báo chí. Cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp cho đến khi một nhà báo hỏi: - Tối nay chồng bà đang ở đâu? Và Lara càng thấy đau khổ. Lẽ ra anh ấy phải ở bên cạnh mình. Lẽ ra anh ấy phải hoãn buổi biểu diễn lại. Nhưng nàng mỉm cười rất tươi và nói: - Phillip rất buồn là không thể đến đây tối nay được. Sau cuộc liên hoan, đến phần vũ hội. Paul Martin bước đến bàn Lara. - Ta nhẩy chứ? Lara đứng dậy và bước vào vòng tay ông. - Làm chủ tất cả những thứ này, cô có cảm giác thế nào? - Paul Martin hỏi. - Tuyệt vời. Cảm ơn anh đã giúp em. - Không thì kết bạn với nhau để làm gì? Tôi nhận thấy có một số tay cờ bạc cỡ bự đã có mặt ở đây. Cô phải coi chừng họ đấy, Lara. Họ sẽ có lúc thua rất lớn và cô phải biết cách tạo cho họ cảm giác như họ đang thắng. Kiếm cho một xe hơi đời mới và gái cho họ sài, tóm lại là chuẩn bị sẵn mọi thứ khi họ yêu cầu. - Vâng, em nhớ, - Lara nói. - Rất vui lại được ôm cô lần nữa, - Paul nói. - Paul… - Tôi biết. Cô còn nhớ tôi đã nói gì về chuyện chồng cô phải chăm sóc cô không? - Em nhớ. - Xem chừng cậu ta không làm được như thế. - Phillip cũng muốn đến đây lắm chứ, - Lara bênh chồng, nhưng bụng nàng lại thầm nghĩ: Có thật anh ấy rất muốn không Đêm hôm đó Phillip lại gọi điện cho vợ và nghe giọng chồng Lara thấy càng cô đơn hơn. - Lara, suốt ngày hôm nay anh toàn nghĩ đến em. Tối khai trương có đạt không? - Rất đạt. Em rất tiếc anh không có mặt được, Phillip. - Anh cũng rất tiếc. Anh nhớ em khủng khiếp. - Vậy tại sao anh không ở đây với em? Em cũng nhớ anh vô cùng. Mau về với em đi. * * * * * Howard Keller vào phòng giấy của Lara, tay cầm chiếc phong bì dầy bằng giấy bao bì. - Chuyện này thì không vui. - Chuyện gì vậy? Howard đặt phong bì lên mặt bàn của nàng. - Đây là bản chụp lại bản thảo của Gertrude Meeks. Cô đừng hỏi tôi làm cách nào có được. Vào tù như chơi đấy. Cả tôi lẫn cô. - Anh đọc rồi chứ? - Rồi, - Howard gật đầu. - Sao? - Tôi nghĩ cô nên đọc lấy. Trong này có những chuyện xẩy ra trước khi Gertrude đến đây làm. Mụ ta đã mất nhiều công đào bới. - Cảm ơn, Howard. Đợi cho Howard Keller ra ngoài, nàng ấn nút máy truyền âm: - Tôi cần yên tĩnh, không nhận điện thoại của ai. Nàng mở tập bản thảo, đọc. Thật khủng khiếp. Hình ảnh nàng trong đó là một phụ nữ cứng rắn tàn bạo, tìm mọi cách để leo lên nấc thang xã hội. Cuốn sách nêu lên những thí dụ về thói nóng nẩy và cách đối xử nhẫn tâm với nhân viên của nàng. Tác giả đưa ra rất nhiều mẩu chuyện mang tính giai thoại. Sách hoàn toàn bỏ qua, không hề nói đến tính độc lập và lòng dũng cảm của nàng, tài năng, sự thông tuệ và lòng hào hiệp rộng rãi của nàng. Lara vẫn đọc tiếp: "Một trong những thủ đoạn của Bướm Sắt là bố trí các cuộc gặp gỡ với khách hàng vào lúc sáng sớm, từ mờ sáng, để các khách hàng còn u mê, mụ mẫm trong khi Cameron lại rất tỉnh táo. "Trong một cuộc họp với các chủ nhà băng Nhật Bản, bà ta tiếp họ bằng trà pha thuốc ngủ Valium, trong khi bản thân Lara Cameron thì dùng cà phê có cho thêm thuốc Ritalin, một chất kích thích hoạt động của não. "Trong cuộc họp với một số chủ nhà băng Đức, Lara Cameron cho họ uông càphê pha Valium, trong khi bà ta uống trà với Ritalin. "Hồi Lara Cameron tiến hành thương lượng về khu đất ở Queens và hội đồng đại diện cư dân đã phủ quyết, nhưng Lara Cameron đã biến đổi quyết định của họ bằng cách bịa ra câu chuyện mình có một đứa con gái riêng, nhỏ tuổi và cô bé này sắp đến sống trong khu nhà đó… "Khi những người thuê nhà tại khu cư xá Dorchester không chịu dời đi, Lara Cameron đã đem rất nhiều dân lang thang đến ở chật những căn nhà đã thuộc sở hữu của bà ta, cũng trong khu cư xá đó… Gertrude Meeks không bỏ qua chuyện gì hết. Đọc xong, Lara ngồi thừ ra rất lâu bên bàn giấy và nàng mời Howard sang. - Tôi nhờ anh điều tra tình hình tài chính của Henry Seinfeld. Lão ta là chủ nhà xuất bản Candleligt Press. - Được! Mười lăm phút sau Howard trở lại. - Lão ta vay vốn theo chế độ siêu rẻ. - Nghĩa là sao? - Đấy là giá vay rẻ nhất hiện nay. Theo thang bậc lãi suất thì bậc bốn là bậc thấp nhất, vậy mà lão vay còn thấp hơn đến bốn giá nữa. Chỉ một cơn gió là đủ thổi hắn bay ngay. Hắn trả lãi từng tháng một. Ta chỉ cần đập mạnh một cú là lão bật đi tận Nam Cực lập tức. - Cảm ơn anh, Howard. Nàng gọi điện thoại cho Terry Hill, luật sư của nàng. - Terry, ông có muốn làm chủ nhà xuất bản không? - Bà nói thế là sao? - Tôi muốn ông mua lại nhà xuất bản Candlelight Press, đứng tên ông. Hiện nay nhà xuất bản đó là sở hữu của Henry Seinfeld. - . Bà định trả ông ta bao nhiêu? - Tôi nghĩ là chỉ trả năm trăm ngàn đô-la là đủ. - Nếu quá lắm thì một triệu. Ông chú ý là mua đứt toàn bộ, kể cả các bản quyền sách của lão. Và đừng nhắc gì đến tên tôi. * * * * * Văn phòng nhà xuất bản Candlelight Press nằm trong một toà nhà cũ kỹ trên phố 34 trong khu thương mại. Văn phòng chỉ bao gồm hai phòng, phòng nhỏ cho thư ký của Seinfeld và phòng lớn hơn đôi chút cho lão. Thư ký của Henry Seinfeld nói vào máy: - Ông Hill muốn gặp ông chủ. - Mời vào. Trước đó Terry Hill đã gọi điện báo cho Seinfeld biết. - Ông bước vào gian phòng nhỏ, thảm hại. Seinfeld đang ngồi ở bàn giấy. - Tôi có thể làm gì giúp ông, thưa ông Hill? - Tôi là đại diện một công ty xuất bản Đức. Công ty chúng tôi muốn mua lại cơ sở kinh doanh của ông. Seinfeld chậm chạp châm điếu xì gà. - Chúng tôi không định bán. - Ôi vậy là không may rồi. Công ty chúng tôi muốn thâm nhập thị trường sách Hoa Kỳ và chúng tôi rất mến cách hoạt động của nhà xuất bản này. - Tôi xây dựng nền nhà xuất bản này chỉ bằng hai bàn tay trắng và duy trì nó hết sức vất vả. Nhưng tôi coi nó là đứa con và tôi không muốn nhượng nó cho bất cứ ai khác. - Tôi hiểu tình cảm của ông, - Terry Hill nói giọng thông cảm. - Vậy mà chúng tôi đã định trả ông năm trăm ngàn đô-la để ông nhượng lại. Seinfeld suýt nghẹn khói xì gà. - Năm trăm ngàn đô-la? Chà! Mỗi cuốn sách tôi ấn hành đem lại cho tôi một triệu tiền lãi. Không đâu. Số tiền ông đưa ra đúng là bằng chửi tôi. - Số tiền đó là một món lớn rồi. Ông hoàn toàn không có vốn liếng gì hết và hiện ông đang nợ một trăm ngàn đô-la. Tôi đã điều tra và biết hết. Thôi được tôi có thể tăng lên sáu trăm. Và đấy là giá tột cùng. - Ôi, tôi sẽ ân hận vụ này suốt đời. Nhưng cũng đành vậy. Xin ông cho bảy trăm ngàn… Terry Hill đứng dậy. - Chào ông Seinfeld. Công ty chúng tôi kiếm nơi khác vậy. Hill bước ra phía cửa. - Khoan đã, ông Hill, - Seinfeld nói. - Làm gì mà ông nóng nảy thế? Mà nhân tiện vợ tôi cũng sắp về hưu. Chúng tôi đang cần tiền để thu xếp nơi tĩnh dưỡng tuổi già. Terry Hill bước đến bàn giấy của Seinfeld, rút trong túi ra bản hợp đồng. - Tôi đem theo sẵn tấm ngân phiếu sáu trăm ngàn đô-la đây rồi. Ông ký vào đây, chỗ tôi đánh dấu "X" ấy. Lara mời Howard sang. - Chúng ta đã mua xong nhà xuất bản Candlelight. - Hay lắm. Vậy cô định dùng nó làm gì? - Trước tiên là hủy cuốn sách của Gertrude Meeks. Không để nó được ấn hành. Có rất nhiều cách. Nếu ả đòi lại bản quyền thì chúng ta có thể thưa kiện và bó tay ả một năm. - Cô định sử dụng nhà xuất bản ấy chăng? - Tất nhiên là không. Anh cử một người nào quản lý nó. Ta vẫn nộp thuế đều đặn, coi như chịu mất trắng một khoản tiền. Lúc Howard quay về phòng giấy của mình, anh bảo cô thư ký riêng: - Cô thảo giúp lá thứ gửi cho Jack Hellman, Hãng kinh doanh bất động sản Han. Ông Jack thân mến, tôi đã trao đổi ý kiến đề xuất của ông với bà Cameron và chúng tôi thấy chưa thuận lợi để nhẩy vào công trình sắp tới của ông. Tuy nhiên, tôi mong ông hiểu cho rằng đến công trình sau, chúng ta có thể tiến hành theo cách ông đề nghị… Cô thư ký ngừng viết. Howard ngạc nhiên: - Sao thế? - Ông Keller? - Cô nói đi. - Thư này hôm qua ông đã đọc, tôi đã đánh máy và bỏ vào thùng thư bưu điện rồi. Howard nuốt nước bọt: - Thật à? - Rồi anh cố gượng cười. - Tại lắm việc quá đấy mà. Bốn giờ chiều hôm đó, Howard ngồi cho bác sĩ Bennett khám. - Rất tốt, - bác sĩ nói - Về cơ thể, ông không có gì trục trặc hết. - Vậy tại sao tôi hay bị quên như vậy? - Đã bao lâu rồi ông chưa đi nghỉ, ông Keller? Howard cố nhớ lại: - Khéo đến bao nhiêu năm rồi. Công việc quá bận. Bác sĩ mỉm cười: - Ấy đấy. Chính là do nguyên nhân đó. Ông làm việc quá sức Tình trạng này thường xảy ra, nhiều hơn ông tưởng đấy, Keller. Ông cần đi nghỉ đâu đó vài tuần lễ cho thoải mái. Không nghĩ gì đến công việc hết. Sau khi nghỉ về ông thấy sẽ lại hoàn toàn khoẻ mạnh. Howard đứng dậy, thở phào nhẹ nhõm. Anh vào phòng giấy của Lara, nói với nàng: - Cô có thể cho tôi nghỉ một tuần được không, Lara? - Dễ dàng như tôi chặt đứt cánh tay của tôi. Tại sao anh lại nghĩ đến chuyện nghỉ, Howard? - Bác sĩ bảo tôi cần nghỉ hoàn toàn một thời gian ngắn. Thú thật với cô, Lara, gần đây tôi rất hay quên. Óc tôi có vấn đề Lara chăm chú nhìn anh, băn khoăn: - Có nghiêm trọng lắm không? - Không đâu. Chỉ hơi đau đầu thôi. Tôi tính đi Hawaii nghỉ ngơi ít ngày. - Đúng thế. Anh lấy phản lực mà dùng! - Không, không. Cô còn phải luôn dùng đến nó. Tôi đáp máy bay chở khách là được rồi. - Mọi chi phí anh để công ty chịu. - Cảm ơn cô. Tôi sẽ tự… - Không được. Howard, tôi muốn anh gạt mọi công việc ra khỏi đầu óc trong thời gian nghỉ. Anh hãy lo đến sức khỏe của anh. Tôi không muốn có chuyện gì không hay xảy đến với anh, Howard. Mình hy vọng anh ấy sẽ bình phục, Lara nghĩ. Anh ấy sẽ bình phục. Hôm sau Phillip gọi điện về. Nghe Marian Bell nói: - Thưa bà, ông Adler gọi điện từ Đài Loan về. Lara vội vã nhấc máy: - Anh đấy à, Phillip? - Chào em. Ở đây đang có bãi công của công nhân bưu điện cho nên bây giờ anh mới gọi cho em. Em khỏe chứ? Cô đơn! Lara thầm nghĩ. Nhưng nàng đáp. - Rất khỏe. Còn anh thì sao? Chuyến đi tốt chứ? - Vẫn như mọi khi. Anh rất nhớ em. Trong máy văng vẳng tiếng nhạc và tiếng ngườỉ nói lao xao. - Hiện nay anh đang ở đâu? - Ôi họ tổ chức một bữa tiệc nhỏ mừng anh đấy mà. Em biết cái trò ấy rồi. Lara nghe thấy trong máy tiếng cười phụ nữ. - Vâng, em biết. - Thứ Tư anh sẽ bay về. - Gì thế? - À không. Anh mau về với em nhé. - Nhất định rồi. Tạm biệt. Nàng đặt máy xuống. Sau bữa tiệc này, chàng sẽ làm gì? Người phụ nữ cười khanh khách lúc nãy là ai? Nỗi ghen bùng lên trong óc Lara mạnh đến nỗi nàng rã rời chân tay. Từ nhỏ đến giờ nàng chưa hề biết ghen là Mọi thứ đều đang tuyệt hảo, Lara thầm nghĩ. Mình không muốn mất đi thứ gì hết. Mình không muốn để mất tình yêu của chàng. Lara không ngủ được, nằm nghĩ đến Phillip và cố đoán chàng đang làm gì sau bữa tiệc. Howard Keller thuê phòng tại một khách sạn nhỏ tận bờ biển KonaBeach trên đảo lớn Hawaii. Thời tiết tuyệt diệu. Ngày nào anh cũng tắm biển. Da anh đã thẫm lại. Anh chơi gôn và làm xoa bóp môi ngày. Howard được nghỉ ngơi hoàn toàn và lại thấy khoẻ khoắn như xưa. Bác sĩ Bennet nói đúng, anh thầm nghĩ. Quá sức. Khi nào trở về Mỹ, mình sẽ bớt làm việc đi đôi chút. Nói vậy để tự an ủi, nhưng Howard vẫn cảm thấy trong đáy sâu trí óc nỗi lo sợ về trí nhớ của mình đã giảm sút một cách đáng ngại và không hồi phục được. Cuối cùng đã đến lúc Howard trở về New York. Anh lên chuyến bay đêm và đến đảo Manhattan vào bốn giờ chiều. Anh đi thẳng về văn phòng. Cô thư ký riêng vẫn ngồi đó, tươi cười chào: - Chúc mừng ông đã trở về, thưa ông Keller. Trông ông mạnh khỏe lắm. - Cảm ơn cô… Howard đứng sững, mặt đỏ lựng: anh không còn nhớ tên cô thư ký là gì nữa. Chương 28 Phillip về New York chiều thứ Tư và Lara lấy xe ra sân bay đón chồng. Anh bước ra khỏi máy bay và hình ảnh chàng Lochinvar, nhân vật phiêu bạt trong câu chuyện cổ thích đột nhiên hiện lên trong trí óc nàng. - Lạy Chúa, chàng đẹp trai quá chừng! Lara lao vào hai cánh tay Phillip đang dang rộng đón nàng. - Em nhớ anh quá, - nàng nói và ôm ghì lấy. - Anh cũng rất nhớ em, cưng. - Nhớ thế nào? Chàng đưa ngón tay cái bấm vào giữa ngón tay giữa: - Nhớ ngần này. - Ôi anh hư lắm, - nàng nói. - Hành lý anh đâu? - Đến sau. Một tiếng đồng hồ sau, họ đã về đến nhà. Marian Bell mở cửa đón. - Chúc mừng ông Adler trở về. - Cảm ơn cô Marian, - Phillip nhìn xung quanh. - Tôi cảm thấy như tôi vắng nhà cả một năm. - Hai năm ấy chứ, - Lara nói. Nàng vội nói thêm. - Anh đừng bỏ em mà đi nữa nhé, - nàng cắn môi lại. - Bà cần tôi giúp gì không, thưa bà Adler? - Marian hỏi. - Không. Cô có thể đi chơi. Sáng mai tôi sẽ cần đến cô. Hôm nay tôi nghỉ hoàn toàn. - Vâng. Xin chào hai ông bà, - Marian đi ra. - Cô gái dễ thương quá, - Phillip nói. - Đúng thế, phải không nào? - Lara nép vào vòng tay chồng. - Bây giờ thì anh cho em thấy anh nhớ em đến mức nào đi. Ba ngày liền Lara không đến văn phòng. Nàng muốn ở cạnh Phillip, trò chuyện với chàng, ve vuốt thân thể chàng để chàng tin rằng chàng không phải chỉ là người trong mộng. Họ ăn điểm tâm với nhau và trong khi Lara đọc thư từ cho Marian ghi thì chàng ngồi tập đàn. Trong bữa trưa ngày thứ Ba, Lara kể cho chồng nghe về buổi khai trương sòng bạc. - Rất tiếc anh không có mặt ở đó. Nó thật đúng là linh đình. Anh ấy đang đàn piano tận đâu đó, nàng nhớ lại ý nghĩ hôm ấy. - Nhưng không sao. Ta sẽ đến đó. Ông Thị trưởng ở đó sắp làm lễ trao chìa khoá cho em. Phillip nói giọng không vui. - Lara, anh sợ lần này anh cũng lại không đi được. Lara cau mày: - Nghĩa là sao? - Ông Ellerbee đã bố trí chuyến đi biểu diễn tới cho anh. Ba tuần nữa anh sẽ sang Đức. - Không đâu, - Lara nói. - Các bản hợp đồng đã ký xong hết rồi. Anh không thể làm khác được. - Anh vừa mới về đến nhà. Sao đã vội bỏ đi như thế được? Đây là một chuyến đi biểu diễn vô cùng quan trọng, em yêu ạ. - Vậy cuộc sống vợ chồng không quan trọng hay sao? - Lara? - Anh không được đi, - Lara giận dữ nói. - Em cần chồng chứ không phải cần thứ tình nhân nhất thời để giải khuây. Marian mang vào mấy lá thư. - Ôi xin lỗi. Tôi không định làm phiền ông bà. Chỉ định xin bà ký cho mấy lá thư này. - Cảm ơn, - Lara khó chịu nói. - Khi nào cần cô, tôi sẽ gọi. - Vâng, thưa bà Cameron. Hai vợ chồng nhìn theo cô thư ký đi ra. - Em hiểu rằng anh phải đi biểu diễn, - Lara nói, - nhưng anh chẳng nên biểu diễn quá nhiều như vậy. Giống như người bán rong quanh năm trên đường ấy. - Anh không phải thế, đúng không nào, Lara? - Giọng chàng lạnh lại. - Tại sao anh không chờ dự xong buổi lễ trao chìa khoá ấy rồi hãy đi? - Lara, anh biết việc anh có mặt rất quan trọng đối với em, nhưng việc anh đi biểu diễn cũng quan trọng đối với anh không kém. Anh rất tự hào về em và những việc em làm, nhưng anh cũng muốn em tự hào về anh. - Em tự hào chứ, - Lara nói. - Tha lỗi cho em, Phillip. Em chỉ… - và nàng cố nén để khỏi oà khóc. - Anh hiểu, em yêu ạ, - Phillip ôm vợ. - Thôi được! Lần này xong đợt biểu diễn, về nhà, anh sẽ đưa em đi nghỉ một thời gian. Nghỉ thì không thể được Lara thầm nghĩ. Còn bao nhiêu dự án cần phải thực hiện. - Lần này anh đi những đâu, Phillip? - Đức, Na Uy, Đan Mạch, Anh, rồi về. Lara hít một hơi thở sâu. - Em hiểu. - Anh rất muốn em đi cùng với anh, Lara. Trên đường biểu diễn không có em anh rất cô đơn. Lara nghĩ đến người phụ nữ cười khanh khách trong máy hôm trước. - Thật không? - Nàng cố gạt đi ý nghĩ ghen tuông này. - Nàng mỉm cười. - Vậy thế này nhé: anh đem chiếc phản lực của nhà đi. Anh sẽ thoải mái hơn nhiều. - Nhưng em còn phải dùng đến nó? - Hoàn toàn không. Em có cách thu xếp, cho đến lúc anh trở về. - Trên đời này không có ai đáng yêu như em, - Phillip nói. Lara cọ ngón tay vào cằm chàng: - Nhớ là như thế đấy? Chuyến đi biểu diễn của Phillip thành công rực rỡ. Công chúng ở Berlin như phát điên lên còn báo chí thì không tiếc lời ca ngợi. Sau đêm diễn, các "phòng xanh" đều chật ních những người hâm mộ chàng, hầu hết là nữ giới. - Em đã vượt ba trăm dặm đến để nghe ông biểu diễn. - Em có một lâu đài nhỏ cách đây không xa và em sẽ rất mừng nếu ông… - Em đã chuẩn bị sẵn bữa ăn nửa đêm dành cho hai chúng ta. Trong số phụ nữ đó có những cô rất đẹp và rất giàu, tất cả đều mê Phillip. Nhưng Phillip đã có người chàng yêu. Chàng gọi điện cho Lara sau đêm biểu diễn ở Đan Mạch. - Anh rất nhớ em! - Em cũng thế, rất nhớ anh. Buổi biểu diễn ra sao? - Rất tốt. Nhưng có một người bỏ ra về giữa lúc anh đang đàn. Lara cười vang: - Đấy là dấu hiệu tốt. Còn em thì lúc này đang giữa cuộc họp. Em sẽ gọi lại cho anh ở khách sạn vào một giờ sáng. Phillip nói: - Sau đây anh chưa về khách sạn, Lara. Ông Giám đốc rạp biểu diễn tổ chức một bữa tiệc chúc mừng anh và… - Thật vậy sao? Ông ta có một cô con gái xinh đẹp chứ gì? - Vừa nói xong lập tức nàng hối hận đã nói câu đó. - Em bảo gì? - Ồ không. Em phải vào họp bây giờ. Em sẽ nói chuyện với anh sau. Nàng đặt máy và quay vào văn phòng họp tiếp. Howard lo lắng nhìn nàng: - Yên ổn cả chứ? - Tất cả. - Lara nói nhanh. Nàng cảm thấy khó có thể tập trung vào cuộc họp. Nàng như nhìn thấy Phillip ngồi trong bữa tiệc và những cô gái xinh đẹp đang cố ấn vào tay chàng chìa khoá phòng của họ. Nỗi ghen trào lên trong lòng Lara và nàng tự thấy ghét bản thân nàng. Nghi lễ do ông Thị trưởng tổ chức trong buổi trao chìa khoá toà nhà cho Lara Cameron được làm theo kiểu tiệc đứng. Các phóng viên đều không được dự. Paul Martin cũng có mặt. - Cậu ta lại bỏ nhà đi rồi hả? - Anh ấy rất muốn đến đây, thật thế, anh Paul - Dớ dẩn! Đây là niềm vinh dự lớn của cô. Cậu ta có bổn phận phải đến chứ. Cậu ta là thứ chồng gì lạ vậy? Phải có ai giảng cho cậu ta hiểu mới được. Đêm hôm đó Lara nằm cô đơn, không sao ngủ được Phillip cách nàng 10.000 dặm. Câu nói của Paul Martin cứ ám ảnh mãi đầu óc của nàng. Cậu ta là thứ chồng gì lạ vậy? Phải có ai giảng cho cậu ta hiểu mới được. * * * * * Khi Phillip từ châu u trở về, chàng có vẻ sung sướng được ở nhà. Chàng đem về cho vợ cả một đống quà. Một pho tượng sứ tuyệt đẹp của Đan Mạch. Những con búp bê xinh xắn của Đức. Những tấm áo khoác bằng xoa và một chiếc ví của Anh. Trong ví có một chiếc vòng tay bằng kim cương. - Đẹp quá - Lara nói. - Cảm ơn anh yêu? Sáng hôm sau Lara nói với Marian Bell: - Hôm nay tôi làm việc ở nhà cả ngày. Nàng ngồi trong phòng giấy, đọc thư từ cho cô thư ký ghi và vẫn nghe thấy tiếng đàn của chồng bên phòng khách vọng sang. Cuộc sống của mình thật là hoàn hảo, Lara thầm nghĩ. Vậy mà Phillip lại cử bỏ đi. Ông bầu Ellberbee gọi điện cho Phillip. - Xin chúc mừng nhiệt liệt, - ông ta nói. - Tôi nghe tin chuyến đi biểu diễn của anh thành công rất lớn. - Vâng, đúng thế. Thính giả bên châu u quả là yêu âm nhạc. - Tôi vừa nhận được điện thoại từ Hội trường Carnegie. Họ tổ chức một tuần mở cửa đột xuất, từ thứ Sáu, mười bảy tháng này. Họ đề nghị anh biểu diễn một chương trình âm nhạc trọn đêm. Anh thấy sao, Phillip? - Rất sẵn sàng. - Vậy là tốt. Tôi sẽ lo chuyện hợp đồng. À, mà nhân tiện, - ông bầu nói. - Anh có định giảm bớt số buổi diễn không, Phillip? Phillip sửng sốt: - Sao lại giảm bớt? Không đời nào. Nhưng tại sao lại thế? - Vợ ông, Lara, có gặp tôi và nêu ý kiến là chỉ bố trí anh biểu diễn trong nước Mỹ. Tốt nhất là anh nên trao đổi với chị ấy… - Vâng, nhất định rồi. Cảm ơn ông. Phillip đặt máy xuống, sang phòng giấy Lara. Nàng đang chỉ đạo cô thư ký Marian thảo thư từ. - Tôi xin lỗi một chút, được không? - Phillip hỏi. Marian mỉm cười: - Dĩ nhiên là được, thưa ông Adler, - cô nói rồi đi ra. Phillip quay sang vợ - Ông Ellberbee vừa gọi điện có đề nghị với ông ấy là cắt chương trình biểu diễn ở nước ngoài của anh phải không? - Em có nói câu gì đó đại loại như vậy, Phillip. Bởi em nghĩ hai vợ chồng mình nên… - Anh đề nghị em không bao giờ lặp lại chuyện ấy nữa, - Phillip nói. - Em thừa biết anh yêu em đến chừng nào. Nhưng ngoài quan hệ vợ chồng, em còn sự nghiệp của em và anh cũng có sự nghiệp của anh. Ta nên thoả thuận với nhau như thế này. Anh không can thiệp vào công việc của em và em cũng đừng can thiệp vào công việc của anh. Em hiểu rồi chứ? - Tất nhiên là như thế. - Lara nói. - Anh tha lỗi cho em, Phillip. Hôm đó là do em nhớ anh quá đấy thôi, - nàng nép vào người chàng. - Anh tha thứ cho em chứ? - Anh tha thứ và anh sẽ quên chuyện ấy. Howard Keller mang các bản hợp đồng đến nhà Lara để nàng ký. - Tình hình ra sao? - Rất tốt, - Lara nói. - Chàng nghệ sĩ phiêu bạt đang ở nhà chứ? - Vâng. - Và bây giờ cô đâm ra mê âm nhạc cổ điển chứ gì? - Vâng, bây giờ chàng nhạc công là cuộc sống của tôi. Anh không biết chồng tôi là con người tuyệt vời đến mức nào đâu, Howard. - Cô có định đến văn phòng làm việc không đấy? Mọi người đều rất cần có cô ở đó. - Tôi chỉ ở nhà vài ngày nữa thôi. Keller gật đầu: - Vậy thì tốt. Hai người bắt đầu xem xét giấy tờ Howard mang tới. Sáng hôm sau Terry Hill gọi điện đến. - Lara, tôi vừa nhận được điện thoại của Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu ở Reno, - chàng luật sư nói. - Họ đang điều tra về vụ chị mua sòng bạc. - Cụ thể là chuyện gì? - Lara hỏi. Có những đơn kiện về chuyện vi phạm luật bán đấu giá. Họ yêu cầu chị đến đó trình bày vào ngày mười bảy tới. - Chuyện có rắc rối lắm không? - Lara hỏi. Người luật sư ngập ngừng: - Chị đã có nghe nói về chuyện bán đấu giá tiến hành sai quy định không? - Không. Tất nhiên là không? Nếu vậy thì chị không có gì phải lo hết. Hôm này tôi sẽ bay cùng chị đi Reno. - Nếu tôi không đi thì sao? - Thì họ sẽ có giấy chính thức đòi chị đến. Tốt nhất là chị tự đến. - Được thôi. Lara gọi tới máy riêng của Paul Martin, tại văn phòng của ông. Ông nhấc máy ngay ]ập tức. - Lara đấy à? - Vâng chào anh. Đã lâu lắm rồi cô không sử dụng đường dây này. - Em biết. Em định hỏi anh về vụ ở Reno. - Tôi đã nghe thấy tin rồi. - Chuyện có rắc rối lắm không? Martin cười vang: - Không đâu. Những kẻ mua trượt cho rằng cô đã dùng thủ đoạn để phỗng tay trên họ. - Anh tin là không có chuyện gì chứ, Paul? Nàng ngập ngừng. - Hôm đó chúng ta có dò nghe những giá người khác đề xuất. - Cô yên tâm. Chuyện đó xưa nay vẫn thế. Vả lại họ không có bằng chứng nào hết. Cô đừng bận tâm gì hết. - Vâng. Em sẽ không bận tâm gì nữa. Nàng đặt máy xuống, ngồi thừ ra, lo lắng. Trong bữa ăn trưa, Phillip nói: - À, người ta đề nghị anh biểu diễn một tối ở Hội trường Carnegie. Anh đã nhận lời. - Tuyệt vời, - Lara cười. - Em sẽ mua một bộ đồ mới để mặc hôm đó. Hôm nào? - Mười bảy. Nụ cười trên môi nàng vụt tắt. - Ôi! - Sao thế? - Em sợ em không đi được với anh. Em phải đi Reno. Tiếc quá. Phillip đặt tay lên bàn tay vợ: - Vậy là lịch công việc hai vợ chồng mình không ăn khớp. Nhưng thôi được. Em đừng áy náy nữa. Sẽ còn vô khối buổi biểu diễn của anh kia mà. Lara ngồi trong văn phòng ở toà nhà Trung tâm Cameron. Sáng nay Howard gọi điện đến nhà riêng cho nàng. - Tôi nghĩ hôm nay cô nên đến đây. Có một vài việc cần bàn. - Sau đây một tiếng tôi sẽ có mặt ở đó. Và bây giờ họ đang giữa cuộc họp. - Hai vụ của chúng ta thất bại rồi, - Keller nói. - Công ty bảo hiểm hùn vốn với ta vừa bị phá sản và họ lại là người duy nhất đặt trước của chúng ta. - Ta sẽ tìm được người khác thôi, - Lara nói. - Không dễ dàng đâu. Luật cải cách thuế đang cản chân chúng ta. Và cản chân nhiều người khác nữa. Quốc hội đã loại bỏ chế độ thuế bảo hộ kinh doanh và nói chung hủy bỏ toàn bộ mọi hình thức giảm thuế. Tôi cảm thấy tình hình kinh tế chung đang đi vào suy thoái lớn. Các công ty tiết kiệm và tín dụng làm việc với chúng ta đều đang lao đao. Các hãng Drexel, Burnham, Lambert rất có thể phải đình chỉ lao động. Cổ phiếu rẻ tiền đâm thành phản tác dụng. Chúng ta gặp khó khăn trong cả sáu công trình đang tiến hành. Hai cái mới làm xong một nửa. Không có nơi đầu tư tiếp, chúng ta sẽ không còn tiền để rót vào đấy. Lara ngồi im lặng suy nghĩ - Khắc tìm ra cách thôi. Chẳng hạn bán đi một số bất động sản ta đang sở hữu và vay thêm tiền theo lối thế chấp. - Khó lắm, nhưng ta đang có một thuận lợi là tiền thu được ở sòng bạc Reno khá cao, mỗi năm tới chục triệu đô-la kia mà. * * * * * Thứ Sáu ngày mười bảy, Lara đi Reno. Phillip chở nàng ra sân bay. Terry Hill đã chờ nàng bên máy bay. - Bao giờ em về? - Phillip hỏi. - Có lẽ mai. Chắc không bị kéo dài đâu. - Anh sẽ rất nhớ em, - Phillip nói. - Em cũng vậy, Phillip. Chàng đứng nhìn máy bay cất cánh. Mình sẽ rất nhớ nàng, Phillip thầm nghĩ. Nàng là người phụ nữ kỳ diệu nhất trên đời. Trong văn phòng của Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu bang Nevada, Lara phải giáp mặt với đám người đã từng gặp gỡ trong dịp nàng làm đơn xin giấy phép kinh doanh cho sòng bạc. Nhưng lúc này thái độ họ không còn niềm nở thân thiện như lần gặp trước. Lara tuyên thệ nói sự thật xong, một quan chức của toà án ngồi ghi lời khai của nàng. Chủ tịch Uỷ ban hỏi: - Bà Cameron, chúng tôi nhận được một số đơn kiện liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh sòng bạc của bà. - Họ kiện sao? - Terry Hill hỏi. - Chúng tôi sắp đề cập đến trong quá trình thẩm vấn, - ông chủ tịch quay sang Lara. - Tôi được biết đây là đầu tiên bà kinh doanh một sòng bạc. - Vâng, đúng thế. Tôi đã nói điều đó ngay trong tờ khai đầu tiên. - Do đâu mà bà đề xuất cái giá ấy tróng cuộc bán đầu giá? Ý tôi muốn hỏi là căn cứ vào đâu mà bà chọn số tiền đó? Terry Hill ngắt lời: - Tôi xin hỏi tại sao ông chủ tịch đề ra câu hỏi đó? - Khoan đã, thưa ông Hill. Ông cho thân chủ của ông trả lời câu hỏi đó chứ? Terry Lara và gật đầu với nàng. Lara nói: - Tôi có những chuyên gia tài chính và kế toán, họ ước tính cho tôi xem phải đề xuất giá bao nhiêu trong cuộc bán đấu giá ấy, sau đấy tôi tăng lên chút ít và ra quyết định. - Ông chủ tịch nhìn chăm chú vào những giấy tờ trước mặt. - Số tiền bà đưa ra cao hơn số tiền người đứng sau bà tới năm trăm đô-la. - Thật à? - Lúc bà đặt giá bà không biết điều đó sao? Không. Tất nhiên là không. - Bà Cameron, bà có quen ông Paul Martin không? Terry Hill ngắt lời: - Tôi thấy câu hỏi này không liên quan gì đến sự việc ta đang tìm hiểu. - Chỉ lát nữa ông sẽ thấy là có liên quan, thưa ông Hill. Còn bây giờ tôi cần bà Cameron trả lời câu tôi hỏi. - Tôi xin sẵn sàng, - Lara nói. - Có, tôi có quen ông Paul Martin. - Bà có quan hệ kinh doanh với ông Martin không? Lara ngập ngừng: - Không. Giữa ông Martin và tôi chỉ là quan hệ bè bạn. - Bà Cameron, bà có biết dư luận nói ông Martin có quan hệ với mafia không? - Tôi phản đối, chuyện dư luận không có giá trị pháp lý. - Đúng vậy, thưa ông Hill. Tôi xin rút lại câu hỏi. Bà Cameron, lần gần đây nhất bà gặp hay nói chuyện với ông Martin là bao giờ? Lara ngập ngừng. - Hình như không. Xin thú thật là từ ngày lấy chồng, tôi rất ít gặp ông Martin. Tôi chỉ gặp ông ấy trong những bữa tiệc và tình cờ nhìn thấy nhau mà thôi. - Nhưng bà vẫn có lệ trò chuyện với ông Martin qua đường dây điện thoại riêng? - Từ khi tôi lấy chồng thì thôi. Bà có lần nào bàn bạc với ông Martin về cái sòng bạc ấy không? Lara đưa mắt nhìn Terry Hill, thấy ông gật đầu. - Có! Tôi nhớ rằng sau khi tôi thắng trong cuộc bán đấu giá, ông Martin có gọi điện chúc mừng tôi. Và ông còn gọi điện chúc mừng tôi lần nữa hôm tôi nhận giấy phép kinh doanh sòng bạc ấy. - Ngoài ra bà không lần nào nói chuyện với ông Martin về nó nữa? - Không. - Xin nhắc là bà đã tuyên thệ nói sự thật, thưa bà Cameron. - Vâng, đúng thế. - Bà biết nếu bà làm sai lời thề thì bà sẽ bị phạt thế nào chứ? - Tôi biết. - Ông chủ tịch giơ lên một tờ giấy: - Tôi có bản ghi lại mười lăm lần bà nói chuyện điện thoại với ông Martin, trong thời gian bán đấu giá. Chương 29 Hầu hết các nghệ sĩ độc tấu đều bị choáng ngợp khi nhìn thấy hội trường Carnegie chứa hai mươi tám ngàn chỗ ngồi. Ít có nghệ sĩ nào làm đầy được tất cả các hàng ghế trong hội trường, nhưng tối thứ Sáu này, không còn một chỗ nào trống. Phillip Adler bước ra giữa sân khấu rộng thênh thang trong tiếng vỗ tay như sấm của công chúng. Chàng ngồi vào đàn, dừng lại một chút rồi mới bắt đầu biểu diễn. Chương trình đêm nay gồm những bản sonat của Beethoven. Đã bao năm nay, Phillip tập được cho mình thói quen hoàn toàn tập trung vào âm nhạc. Nhưng đêm nay trí óc chàng vấn còn bị ám ảnh về Lara và những vấp váp nàng đang phải đối đầu. Trong một giây đồng hồ, những ngón tay lướt hờ hững trên các phím đàn và chàng chợt toát mồ hôi. Thời gian chỉ một chớp mắt đó trôi rất nhanh khiến thính giả chưa kịp nhận thấy. Kết thúc phần thứ nhất của chương trình, tiếng vỗ tay nổ ran. Giờ giải lao, Phillip vào phòng trang phục nghỉ. Ông chỉ huy đêm biểu diễn nóuyệt vời, anh Phillip. Anh làm mọi người mê mẩn. Anh cần dùng thứ gì không? - Không. Cảm ơn, - Phillip khép cửa lại. Chàng mong cho chóng kết thúc đêm biểu diễn. Đầu óc chàng bị day dứt về nỗi khổ tâm của Lara đang phải chịu đựng. Phillip rất yêu nàng và biết rằng Lara cũng rất yêu chàng. Nhưng cả hai như thể đang cùng chui vào một đường hầm. Trước lúc Lara lên máy bay đi Reno, giữa hai vợ chồng đã diễn ra không khí căng thẳng. Mình sẽ nghĩ xem có cách nào không, Phillip thầm tính toán. Cách nào được nhỉ? Làm thế nào để tìm ra một cách thoả hiệp, mỗi bên chịu nhún đi một chút. Đầu óc Phillip còn đang miên man thì có tiếng gõ cửa: - Còn năm phút nữa thôi đấy, thưa ông Adler. - Cảm ơn. Phần sau của chương trình biểu diễn là bản sonat Hammerklavier. Đây là một tác phẩm âm nhạc xúc động đến mức quằn quại và khi những hợp âm cuối cùng vang lên để kết thúc thì toàn thể công chúng đứng hết cả dậy, vỗ tay như muốn làm nổ tung cả hội trường. Phillip đứng trên sâu khấu, cúi đầu cảm ơn, nhưng đầu óc chàng vẫn lơ lửng tận đâu đâu. Mình phải về nhà ngay để nói chuyện với Lara. Đột nhiên chàng sực nhớ hôm nay nàng không có nhà. Mình phải tìm được sự đồng cảm vợ chồng, Phillip thầm nghĩ. Và có thể làm như thế được. Tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Công chúng hét ầm lên: - Bravo! - Nữa! Nữa! Mọi khi, gặp trường hợp như thế này, Phillip thường đàn thêm một đoạn nhạc, nhưng tối hôm nay chàng không có chút hào hứng nào. Chàng quay vào phòng thay bộ quần áo bình thường. Chàng nghe thấy tiếng reo hò bên ngoài vẳng vào. Báo đăng trời sẽ đổ mưa nhưng đám người hâm mộ chàng vẫn không chịu ra về. "Gian phòng xanh" đầy chật những người mong gặp chàng. Thật thích thú được nghe tiếng reo hò nồng nhiệt tán thưởng của những thính giả hâm mộ, nhưng đêm nay Phillip không thấy cảm giác thích thú ấy nữa. Chàng nán lại trong phòng thay trang phục cho đến khi đoán biết mọi người đã về cả chàng mới bước ra cửa. Đêm đã khuya. Phillip đi dọc theo những hành lang trong phần hậu trường vắng tanh. Không thấy chiếc xe limousine bên ngoài đợi. Mình kiêm tắc xi vậy Phillip nghĩ vậy. Chàng bước ra trời mưa. Gió lạnh thổi và đường phố Năm mươi Bảy tối om. Lúc chàng bước chân về phía Đại lộ số Sáu thì một người to lớn mặc áo mưa từ bóng cây bước ra, đến gần chàng. - Xin lỗi ông, - y nói. - Đến Hội trường Carnegie đi lối nào? Phillip đột nhiên nhớ lại câu chuyện giai thoại chàng đã kể cho Lara nghe và định nói: - Tập luyện! Tập luyện! Và tập luyện Nhưng chàng lại trỏ toà nhà to phía sau: - Kia kìa. Phillip vừa quay đi thì kẻ lạ mặt ép ngay chàng vào bức tường cạnh đấy. Trong bàn tay hắn lóe lên một lưỡi dao to bản trông thật khủng khiếp: - Đưa ví đây! Tim Phillip đập thình thình. Chàng đưa mắt nhìn quanh đó xem có ai để cầu cứu. Nhưng đường phố bóng loáng nước mưa vắng tanh. - Được thôi, - chàng nói. - ông đừng nóng. Tôi sẽ đưa ông ngay. Lưỡi dao chẹt vào cổ họng chàng. - Không cần phải thế, - chàng vội nói. - Câm họng. Đưa ngay đây. Phillip lấy trong túi ra chiếc ví. Tên cướp dùng bàn tay không giật ngay lấy, nhét vào túi hắn. Hắn nhìn chiếc đồng hồ vàng của Phillip và giật nó trên cổ tay chàng. Trong lúcật đồng hồ, hắn túm cổ tay trái của chàng, nắm thật chặt rồi đưa lưỡi dao sắc như dao cạo cứa sát vào tận xương. Phillip đau quá thét lên. Máu chảy túa ra. Tên cướp biến mất. Phillip đứng đó kinh hoàng, nhìn máu chảy ra lẫn vào nước mưa, rỏ xuống mặt hè. Chàng ngất lịm đi. Chương 30 Lara nhận được tin chồng tại Reno. Người nói đầu dây kia là Marian Bell. Cô gần như phát điên. - Ông ấy có bị nặng lắm không? - Lara hỏi. - Đến giờ tôi chưa được tin tức chi tiết. Ông Adler hiện đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện New York. - Tôi sẽ về ngay bây giờ. Khi Lara đến bệnh viện, sau đó sáu tiếng đồng hồ, thì Howard Keller đã đang chờ nàng ở đó. Trông anh không còn ra hồn nữa. - Chuyện xảy ra thế nào? - Lara hỏi. - Hình nha id="filepos601993"> Phillip bị trấn lột lúc ở Hội trường Carnegie ra. Người ta tìm thấy anh ấy trên đường phố, đã bất tỉnh. Tình trạng có nguy kịch lắm không. - Cổ tay bị rạch. Họ cho Phillip dùng thuốc an thần, nhưng anh ấy vẫn tỉnh táo. Họ vào phòng bệnh. Phillip nằm trên giường và có bốn lọ các chất lỏng đang truyền vào người chàng. Phillip… Phillip, - chàng nghe thấy văng vẳng từ rất xa tiếng Lara gọi. Chàng mở mắt. Lara và Howard đã đứng đó. Mắt Phillip nhìn thấy mỗi người thành hai. Miệng chàng khô khốc và chàng thấy toàn thân mệt bã. - Chuyện gì vậy? - Chàng thì thào rất khẽ. - Anh bị đau, - Lara nói. - Nhưng anh sẽ bình phục. Phillip nhìn xuống cổ tay trái thấy băng quấn rất dầy. Đột nhiên chàng sực nhớ lại. - Anh bị… bị cướp. Một tên côn đồ cướp ví và đồng hồ… rồi cứa cổ tay anh, - chàng nói vất vả. Howard nói: - Nhân viên bảo vệ hội trường tìm thấy anh nằm lịm đi trên hè phố. Anh đã bị mất rất nhiều máu. Phillip đã dần dần nhìn rõ và chàng lại nhìn xuống cổ tay: - Cổ tay của tôi… Tên cướp đã cứa cổ tay tôi… Không biết bị nặng đến mức nào? - Em không biết, anh yêu? - Lara nói. - Nhưng em tin rằng rồi sẽ lành. Bác sĩ sẽ vào đây khám cho anh. Howard nói giọng an ủi: - Thời bây giờ các bác sĩ giỏi lắm. Họ có thể làm được mọi thứ. Phillip ngả người xuống định ngủ. - Anh đã bảo hắn muốn lấy gì cũng được. Vậy mà hắn lại cứa cổ tay anh, - chàng càu nhàu uất ức. - Việc gì hắn phải cứa cổ tay anh… Hai tiếng đồng hồ sau, bác sĩ Denis Stanton vào phòng Phillip và khi chàng nhìn thấy vẻ mặt của ông, chàng đoán ngay được ông sẽ nói gì. Chàng hít một hơi thật sâu: - Bác sĩ nói cho tôi biết đi. Bác sĩ Stanton thở dài: - Tôi sợ tôi đem lại cho ông những tin không vui, thưa ông Adler. - Không vui đến mức nào? Dây chằng ở cổ tay bị rất nặng. Ông sẽ không cử động cổ tay được nữa và khu vực đó sẽ hoàn toàn mất cảm giác. Dây thần kinh chỗ đó đã bị liệt. Bác sĩ chìa bàn tay ông ta ra để làm thí dụ: - Dây thần kinh Median điều khiển ngón cái và ba ngón tay đầu. Còn dây Ulanr điều khiển toàn bộ các ngón. Phillip vội nhắm nghiền mắt bởi một cơn tuyệt vọng tràn qua trí óc chàng. Một lúc sau chàng mới lên tiếng được: - Ông nói như vậy có nghĩa tôi sẽ… tõi không bao giờ được sử dụng bàn tay trái nữa? - Đúng thế… Thật ra ông sống được đã là may lắm rồi. Tên gian kia đã cứt động mạch. Nếu bình thường ra, máu chảy hết và ông không sống nổi. Chúng tôi phải khâu sáu mươi mũi mới đính cổ tay ông lại được. Phillip đau đớn nói: - Lạy Chúa! Vậy ra ông chỉ làm được có thế thôi ư? - Vâng. Chúng tôi còn có thể làm cho bàn tay ông cử động được đôi chút, nhưng cũng rất hạn chế. Giá hắn giết ta đi thì hơn, Phillip xót xa thầm nghĩ. - Trong lúc bàn tay ông lành dần thì ông sẽ rất đau. Chúng tôi sẽ dùng thuốc để ông bớt đau. Nhưng tôi cần nói rằng chỉ một thời gian sau, cảm giác đau sẽ mất. Nhưng không phải nỗi đau chính, Phillip thầm nghĩ. Không phải nỗi đau nhất của mình. Chàng đã bị rơi vào một cơn ác mộng và không có lối nào ra thoát. Một thám tử đến gặp Phillip ở bệnh viện. Ông ta đứng bên giường chàng. Đó là một trong những thám tử già đời. Năm nay ông gần sáu mươi. Đã bao nhiêu năm lăn lóc trong nghề, nhưng ông mới thấy trường hợp như thế này là lần thứ hai. - Tôi là trung uý Mancini. Tôi rất tiếc về chuyện đã xảy ra, thưa ông Adler, - người thám tử nói. - Giá như tên gian bẻ gãy chân ông lại còn đỡ hơn. Ý tôi muốn nói rằng nếu như hắn buộc phải gây thương tích cho ông… - Tôi hiểu ý ông rồi, - Phillip bực tức nói. Howard bước vào phòng bệnh. - Tôi đang cần tìm Lara, - nhìn thấy người khách, anh vội nói thêm. - Xin lỗi. - Vợ tôi quanh quẩn ở đây thôi, - Phillip nói. - Đây là trung uý Mancini và đây là ông Howard Keller. Mancini chăm chú nhìn Howard: - Tôi trông ông quen quen. Tôi đã gặp ông ở đâu rồi nhỉ? - Có lẽ chưa. Mancini vụt nhận ra: - Howard Keller? Lạy Chúa tôi? Anh ngày xưa vẫn chơi bóng chày ở Chicago. - Đúng thế. Nhưng làm sao ông… - Tôi làm chân chỉ đạo câu lạc bộ White Sok trong một vụ hè. Tôi còn nhớ anh. Lẽ ra anh đã thành một cầu thủ bóng chầy cỡ lớn. - Đúng thế. Nhưng xin lỗi… - anh nhìn Phillip. - Tôi đợi Lara ở ngoài kia. - Nói xong Howard ra ngay. Mancinia quay sang với Phillip: - Ông có nhìn mặt tên gian ấy không? - Có Hắn có vẻ gốc vùng Caucase. To lớn, cao khoảng sáu bộ hai, tuổi chừng năm mươi. - Nếu gặp lại, ông có thể nhận ra hắn được không? Được. Khuôn mặt hắn Phillip làm sao quên được! - Thưa ông Adler. Tôi có thể đem đến cho ông xem một lô ảnh chụp những tên lưu manh, côn đồ, nhưng nói thật, tôi nghĩ sẽ chỉ làm mất thời giờ vô ích. Ý tôi muốn nói, đây không phải là một tên trấn lột chuyên nghiệp. Kỹ thuật tên này chưa cao. Mà riêng thành phố này có hàng trăm tên côn đồ, lưu manh. Chưa kể thông thường sau một cuộc như thế này, chúng thường cao chạy xa bay, - Mancini lấy sổ tay ra. - Hắn lấy của ông những gì? - Ví và đồng hồ. - Loại đồng hồ thế nào? - Nhãn Piager. - Có đặc điểm gì trên đó không? Một dòng chữ khắc vào chẳng hạn? - Đấy là quà tặng của Lara. Mặt sau có dòng chữ: "Yêu mến tặng Phillip. Lara". Ông ta ghi vào sổ. - Thưa ông Adler… Tôi muốn hỏi ông câu này. Trước đây ông đã thấy mặt hắn ta lần nào chưa? Phillip ngạc nhiên nhìn người thám tử: - Thấy mặt lần nào à? Chưa. Nhưng tại sao ông hỏi vậy? - Tôi chỉ muốn hỏi thế thôi, - người thám tử bỏ cuốn sổ xuống. - Thôi được. Ta sẽ xem có thể là được gì ông là người may mắn đấy, thưa ông Adler. - Thật không? - Giọng Phillip đầy chua ch Thật. Mỗi năm thành phố xảy ra hàng ngàn vụ trấn lột kiểu này, nhưng chúng tôi không đủ thời gian điều tra. Riêng vụ của ông, ông cảnh sát trưởng của chúng tôi vốn rất hâm mộ tài ông, nên quan tâm đặc biệt đến vụ này. Ông ta đã thu thập tất cả những thôrlg tin có liên quan và quyết tìm cho ra bằng được tên gian đã làm hại ông. Chúng tôi sẽ gửi dòng chữ khắc ông vừa cho biết báo cho tất cả các hiệu mua bán đồ cũ khắp nước. - Nếu các ông tìm được hắn, liệu hắn có trả lại bàn tay cho tôi được không? - Phillip cay đắng hỏi. - Ông hỏi thế nào, thưa ông Adler? - Không. - Chúng tôi sẽ gặp ông sau. Chúc ông sức khỏe. Lara và Howard đang đợi người thám tử ngoài hành lang. - Ông có muốn gặp tôi? - Lara hỏi. - Vâng. Tôi muốn hỏi bà vài câu, - Trung uý Mancini nói. - Thưa bà Adler, có ai thù hằn gì chồng bà không? - Thù hằn ư? - Lara cau mày. - Không. Nhưng tại sao ông hỏi thế? - Không ai ghen tuông gì với ông Adler chứ? Một nhạc công đồng nghiệp chẳng hạn? Hay một người nào đó muốn làm hại ông nhà? - Sao ông lại nghĩ như vậy? Theo tôi hiểu, đây chỉ là một vụ trấn lột bình thường, không đúng vậy sao? - Nếu nói thật ra với bà thì vụ này không có vẻ là trấn lột bình thường. Tên gian cứa cổ tay ông nhà sau khi đã lấy được ví và đồng hồ rồi. - Tôi không thấy có gì khác nhau hết. - Tôi nghĩ tên gian có tính toán trước chứ không phải ngẫu nhiên mà hắn cứa cổ tay ông nhà. Trừ phi hắn là một tên nghiện ma tuý và ngu xuẩn, nhưng… Mancini nhún vai. - Tôi xin gặp bà sau. Hai người nhìn viên thám tử xa dần. Lạy Chúa tôi! - Howard kêu lên. - ông thám tử này cho đây là một vụ giả vờ trấn lột. Mặt Lara đột nhiên tái đi. Howard nhìn nàng rồi chậm rãi nói: - Lạy Chúa tôi! Vậy thì có thể là một tay chân của Paul Martin. Nhưng sao ông ta lại làm thế nhỉ? Lara thấy cổ tắc nghẹn không sao nói được. - Anh ấy… anh ấy tưởng làm như thế là để giúp tôi. Phillip luôn luôn bỏ tôi ở nhà một mình và Paul mấy lần đã nói… rằng như thế là không được. Là phải có ai nói chuyện này với anh ấy. Ôi, Howard! Nàng gục đầu vào vai Howard, cố không để nước mắt trào ra. - Lão khốn kiếp! Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần rồi. Hãy tránh xa lão ra? Lara hít một hơi thở sâu: - Phillip sắp thành người chồng đúng đắn. Lẽ ra anh ấy phải thành như thế từ trước. Ba ngày sau, Lara đưa chồng về nhà. Trông chàng xanh xao và buồn bã. Marian đứng ở cửa đón. Ngày nào cô cũng vào bệnh viện thăm Phillip và đem đến cho chàng những bức điện thăm hỏi của mọi người. Sự kiện này rung động toàn thế giới. Từ khắp các thành phố trên địa cầu, những người hâm mộ Phillip Adler tới tấp gửi đến bưu thiếp, thư từ và cả những cú điện thoại. Báo chí cũng làm ầm lên và thi nhau lên án tình trạng bạo lực lan tràn ở thành phố New York… Lara đang ngồi trong phòng đọc sách thì chuông điện thoại reo. - Có người muốn nói chuyện với bà. - Marian Bell nói. - ông Paul Martin. - Tôi… Tôi không muốn nói chuyện với ông ấy, - Lara nói và nàng đứng yên, cố trấn tĩnh để khỏi run lên. Chương 31 Qua một đêm, cuộc sống của họ thay đổi hẳn. Lara nói với Howard: - Từ nay tôi s làm việc ở nhà. Phillip cần có tôi bên cạnh. - Đúng thế. Tôi hiểu. Những cú điện thoại cùng thư thăm hỏi vẫn đến tới tấp và Marian Bell tỏ ra vô cùng tận tuỵ. Cô tự khiến mình mờ đi và không bao giờ làm phiền ông bà chủ. - Bà đừng lo, thưa bà Adler. Tôi sẽ lo chuyện đó, nếu bà bằng lòng. - Cảm ơn cô, Marian. Ông bầu William Elleerbee gọi điện đến rất nhiều lần, nhưng Phillip từ chối tiếp chuyện ông. - Tôi không tiếp bất cứ ai, - chàng bảo vợ. Bác sĩ Stalon nói đúng. Phillip đau khủng khiếp, chàng cố không dùng thuốc giảm đau, nhưng có những lúc không thể chịu nổi, chàng đành phải nuốt nó. Lara suốt ngày túc trực bên chàng. - Em sẽ tìm cho anh những bác sĩ giỏi nhất thế giới, anh yêu. Chắc chắn phải có một chuyên gia nào đó có thể nối lại dây chằng ở cổ tay anh chứ. Em có nghe nói đến một giáo sư bên Thuỵ Sĩ. Phillip lắc đầu: - Vô ích, - chàng nhìn cổ tay băng bó. - Anh đã thành kẻ vô dụng. - Anh đừng nói cái giọng ấy, - Lara khăng khăng cãi - Anh vẫn còn làm được hàng ngàn hàng vạn thứ. Em vô cùng ân hận. Giá như hôm đó em không đi Reno. Em ở nhà và đến dự buổi biểu diễn của anh thì đã không xảy ra chuyện này. Nếu như… Phillip mỉm cười rụt rè: - Em vẫn muốn anh ở nhà nhiều hơn. Thì đấy, bây giờ anh chẳng còn đi đâu được nữa. Lara vội vã nói: - Có người nào đã nói: "Cẩn thận, đừng có ao ước điều gì, điều đó rất có nguy cơ sẽ thành sự thật". Em muốn anh ở nhà đâu phải theo kiểu này. Em rất đau khổ khi thấy anh đau đớn. - Em đừng lo cho anh, - Phillip nói. - Anh vẫn có thể làm được đôi ba việc bằng trí óc của mình. Chỉ tại chuyện vừa rồi xảy ra đột ngột quá khiến anh chưa kịp trấn tĩnh. Anh… Anh không ngờ lại có thể xảy ra như vậy. * * * * * Howard Keller đem một số bản hợp đồng đến nhà riêng Lara. - Phillip? Anh ra sao rồi? - Tuyệt vời, - Phillip gắt. - Tôi cảm thấy rất tuyệt vời. - Xin lỗi. Tôi đã hỏi một câu ngu xuẩn, - Howard vội vã nói. - Anh bỏ quá cho, - Phillip nhận lỗi. - Tôi đang không tỉnh táo, - chàng đấm mạnh vào bàn tay phải xuống ghế. - Nếu như thằng khốn kiếp ấy cắt gân bàn tay phải của tôi còn đỡ. Có hàng chục bản nhạc dành cho bàn tay trái mà tôi có thể làm được. Howard chợt nhớ lại lần Phillip trò chuyện trong bữa tiệc: Ôi, có biết bao nhiêu bản nhạc concerto viết riêng cho bàn tay trái. Hàng nửa tá nhạc sĩ đã viết những bản dành riêng để đàn bằng tay trái. Chẳng hạn như những bản của Denth, Franz Schmidt, Kornghold và cả một bản Concerto rất tuyệt của Ravel nữa. Hôm đó có mặt Paul Martin và ông ta đã nghe thấy. Bác sĩ Stanton đến nhà riêng Lara thăm Phillip. - Ông thận trọng tháo băng, để lộ ra một vết sẹo dài. - Ông thử co bàn tay lại xem sao, liệu có được không? Phillip thử. Nhưng không được. - Còn đau lắm không? - Bác sĩ Stanton hỏi. - Vẫn đau, nhưng tôi sẽ không uống những viên thuốc chết tiệt ấy nữa đâu. - Tôi sẽ kê đơn thuốc khác cho ông. Nếu khi nào thấy cần thì ông dùng. Chỉ vài tuần nữa ông sẽ hết đau. Tôi cam đoan là như thế, - ông ta đứng lên. - Tôi cũng rất lấy làm tiếc. Tôi là một trong những người hết sức hâm mộ ông. - Vậy thì ông hãy mua đĩa của tôi, - Phillip cáu kỉnh nói. Marian Bell gợi ý với Lara: - Bà nghĩ sao nếu ta mời một bác sĩ đến rèn tập bàn tay cho ông Phillip? Lara suy nghĩ một lát: - Cũng nên thử xem sao? Khi Lara gợi ý này với chồng, Phillip lắc đầu: - Không. Vô ích. Ông bác sĩ đã bảo rằng… - Có thể ông bác sĩ ấy nói không đúng, - Lara kiên quyết. - Chúng ta sẽ làm thử tất cả mọi cách. Hôm sau, một bác sĩ trẻ đến nhà họ. Lara dẫn anh ta gặp Phillip. - Đây là bác sĩ Rossman ở Bệnh viện Columbia. Ông ấy đến đây thử xem có giúp gì được anh không, Phillip. - Cảm ơn! - Phillip cay đắng nói. - Ông vui lòng cho tôi xem bàn tay đau, thưa ông Adler. Phillip chìa bàn tay, Rossman xem xét rất kỹ. - Ông có thể co duỗi các ngón tay được không? Phillip thử làm. - Chỉ hơi cử động được thôi, phải không, thưa ông? Ta sẽ cố tập dần. Phillip tập và cơn đau tăng đến mức không chịu nổi. Họ tập với nhau chừng nửa tiếng, cuối cùng, Rossman nói: - Mai tôi lại đến. - Đừng, - Phillip nói. - ông đừng đến mất công. Đúng lúc đó Lara bước vào: - Anh đã thử tập rồi chứ, Phillip? - Thử rồi, - chàng nhăn nhó. - Em vẫn chưa hiểu hay sao? Bàn tay anh chết rồi. Không có cách nào làm nó sống lại được đâu. - Phillip! - Nước mắt nàng ràn rụa. - Em tha lỗi, - Phillip nói. - Anh… Em hãy để anh có thời gian bình tĩnh lại. * * * * * Đêm hôm đó Lara choàng thức dậy vì tiếng piano. Nàng ra khỏi giường, rón rén nhìn sang phòng khách. Phillip mặc áo choàng trong nhà, ngồi trước đàn, bàn tay phải nhẹ nhàng lướt trên dẫy phím. Chàng ngẩng đầu lên, nhìn thấy vợ. - Anh xin lỗi đã làm em thức dậy. Lara chạy đến bên chồng: - Anh yêu quý của em… - Trớ trêu thế đấy, đúng không nào? Em cưới một nghệ sĩ piano nhưng cuối cùng lại vớ phải một thằng vô dụng. Lara ôm chàng và kéo chàng áp chặt vào nàng. Anh không phải là kẻ vô dụng. Có bao nhiêu việc anh vẫn còn làm được. - Đừng làm bà tiên phúc hậu nữa đi. - Anh tha lỗi. Em đâu có ý định… Em chỉ muốn nói rằng… - Anh hiểu. Anh xin lỗi em. Anh… - Chàng chìa bàn tay bị thương. - Anh chỉ vô dụng ở cái bàn tay này thôi. - Anh về giường ngủ đi. - Không. Em cứ đi ngủ trước, mặc anh. Chàng ngồi đó suốt đêm, suy nghĩ về tương lai và chàng đau đớn tự hỏi: Còn tương lai gì nữa? Tối nào hai vợ chồng Lara và Phillip cũng dùng chung bữa ăn tối rồi đọc sách hoặc xem ti vi và sau đấy là đi ngủ. Phillip nói giọng ân hận. - Anh biết anh không còn là người chồng theo đúng nghĩa của danh từ ấy, Lara… Quả thật là anh không còn thèm muốn làm tình nữa. Em hãy tin là anh nói thật. Anh chẳng hề làm gì với em được. Lara ngồi bật dậy, giọng run run: - Em lấy anh đâu phải chỉ để làm tình. Em lấy anh bởi em yêu anh. Và bây giờ vẫn thế. Nếu như anh hoàn toàn không làm tình được, em vẫn sung sướng. Em chỉ cần anh ôm em và yêu em thôi. - Anh rất yêu em. Các giấy mời dự tiệc và các hoạt động từ thiện vẫn được gửi đến đều đặn. Nhưng Phillip thoái thác hết. Chàng không muốn ra khỏi nhà. - Em đi đi, chàng thường bảo vợ. Việc ấy quan trọng cho kinh doanh của em. - Đối với em, không có thứ gì quan trọng hơn anh. Em thích ngồi ăn yên tĩnh ở nhà với anh hơn. Lara chăm lo để đầu bếp của họ nấu toàn những món ăn Phillip thích. Chàng vẫn chưa ăn ngon miệng. Nàng còn thu xếp để mọi cuộc họp bàn công việc đều tiến hành tại nhà. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, nàng đều dặn Marian: - Tôi chỉ đi vài tiếng đồng hồ thôi. Cô chăm sóc Phillip nhé. - Thưa bà, vâng. - Marian hứa. Một buổi sáng Lara nói: - Anh yêu, hôm nay em phải xa anh, nhưng em đi Claveland chỉ trong một ngày thôi. Không sao chứ? - Tất nhiên rồi, Phillip nói. - Anh tự lo được. Em cứ đi đi Đừng băn khoăn cho anh. Marian đem một số thư trả lời vào cho Phillip. - Ông ký cho, thưa ông Adler. - Tôi còn việc này vẫn làm được tốt, đúng không nào? - Giọng chàng nói đượm nỗi cay đắng. Chàng nhìn cô thư ký, nói - Cô thứ lỗi, tôi lỡ miệng than thở với cô làm cô buồn. Marian điềm tĩnh đáp: - Tôi hiểu chứ, thưa ông Adler. Ông có nên đi chơi, thăm bè bạn đôi chút không? Theo tôi, có lẽ ông sẽ vui hơn. - Bạn bè tôi đều bận công việc, - Phillip gắt. - Họ là nhạc công. Họ đều lo việc biểu diễn của họ. Sao cô nói ngu ngốc như vậy? Và chàng hầm hầm bước ra khỏi phòng. Marian sững người lại, nhìn theo chàng. Một giờ sau, Phillip quay vào phòng giấy. Marian đang đánh máy chữ. - Cô Marian? Cô thư ký ngẩng đầu lên: - Vâng, thưa ông Adler. - Cô tha lỗi cho tôi. Lúc nãy tôi đã không còn là tôi nữa. Tôi không định thô lỗ với cô. - Tôi hiểu chứ, - Marian điềm tĩnh trả lời. Phillip ngồi xuống đối diện với cô thư ký. - Nguyên nhân khiến tôi không muốn đi đâu là vì tôi cảm thấy mình là kẻ không bình thường. Tôi tin rằng nhìn thấy tôi ngoài phố, mọi người sẽ nhìn cả vào bàn tay tôi. Tôi không muốn ai thương hại tôi hết. Marian nhìn chàng, không nói gì. - Cô rất tốt, Marian, và tôi rất quý cô, tôi không nói sai đâu. Nhưng có những thứ không ai làm nổi. Cô biết câu tục ngữ "trèo cao ngã đau" chứ gì? Tôi đã trèo cao, tôi đã lên vị trí rất cao, Marian. Mọi người đều đến nghe tôi biểu diễn… Các vua chúa, các hoàng hậu, công chúa và… - nói đến đây, chàng sôi sục lên. Khắp thế giới đã nghe tiếng nhạc của tôi. Tôi đã biểu diễn tại Trung Hoa và Nga, Ấn Độ và Đức… Giọng Phillip mỗi lúc một say sưa đồng thời nước mắt chảy ròng ròng trên hai má chàng. - Cô có nhận thấy thời gian gần đây tôi khóc rất nhiều không? - Phillip nói. - Tôi không đủ sức tự kiềm chế mình. Marian dịu dàng nói: - Ông đừng khóc nữa, ông Adler. Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp thôi. - Không. Không thể tốt đẹp Không thứ gì có thể tốt đẹp được hết? Tôi đã thành kẻ vô dụng! - Ông đừng nói thế. Bà Adler nói đúng, ông cũng biết là bà nhà nói đúng. Vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn việc ông có thể làm được. Ít hôm nữa hết đau, ông sẽ bắt đầu làm những việc đó. Phillip lấy khăn tay lau nước mắt. - Lạy Chúa! Bây giờ tôi đâm thành đứa trẻ mau nước mắt. - Nếu thấy khóc làm vơi nhẹ nỗi lòng, - Marian nói. - ông cứ khóc. Phillip nhìn cô gái và chàng mỉm cười: - Năm nay cô bao nhiêu tuổi, Marian? - Hai mươi sáu. - Cô là một cô gái hai mươi sáu hiểu biết và xinh đẹp đúng vậy không? - Không đâu. Chỉ là tôi hiểu nỗi đau khổ của ông lúc này và tôi muốn làm bất cứ điều gì để ông với nhẹ nỗi đau khổ đó. Nhưng tôi tin rằng một khi ông đã chịu đựng nổi thì ông sẽ tìm ra được cách vượt qua nó. - Ôi tôi đã làm mất thời gian của cô, - Phillip nói. - Chắc cô phiền lòng lắm. - Ông muốn tôi pha thứ gì cho ông uống không? - Không. Cô có thích chơi xúc xắc không? - Phillip hỏi. - Tôi rất thích, thưa ông Adler. - Vậy cô sẽ là bạn xúc xắc của tôi nhé. Và cô có thể gọi tôi đơn giản là Phillip. - Ông Phillip. Từ hôm đó hai người ngày nào cũng chơi thứ cờ bạc bằng cách gieo xúc xắc. * * * * * Luật sư Terry Hill gọi điện cho Lara. - Lara? Tôi sợ tôi có vài tin không vui cho chị đây! Lara chuẩn bị sẵn để đón đợi. - Anh nói đi, Terry. - Uỷ ban phòng chống cờ bạc lậu Nevada đã quyết định đình chỉ hiệu lực giấy phép kinh doanh sòng bạc của chị cho đến điều tra xong vụ bán đấu giá. Và như vậy chị rất có thể sẽ bị ra toà và thậm chí nhận án. Lara choáng váng. Nàng nhớ lại câu nói của Martin: Em không phải lo. Họ sẽ không tìm ra chứng cứ nào hết. - Chúng ta có thể làm cách nào được không. - Hiện giờ thì chưa thể làm gì được. Trước mắt, chị hãy yên lặng để tôi theo dõi tình hình xem sự thể diễn ra sao đã. Khi Lara báo tin này cho Howard, anh nói: - Lạy Chúa! Chúng ta đã hy vọng dựa vào số tiền thu được ở sòng bạc để trả cho những khoản bảo lãnh tiền vay xây các toà nhà kia. Liệu rồi họ có tiếp tục cho phép ta kinh doanh không nhỉ? - Tôi không biết. Howard đăm chiêu: - Thôi được. Ta sẽ bán khách sạn ở Chicago và dùng tiền đó trả khoản vay xây công trình Houston. Thị trường bất động sản đang xuống giá quá. Rất nhiều nhà băng, công ty tín dụng đang lao đao. - Tình hình có thể sẽ thay đổi, - Lara nói. - Mong cho nó thay đổi sớm. Tôi đã gọi điện cho các nhà băng trao đổi về những khoản chúng ta vay của họ. - Anh đừng lo, Howard. - Lara nói giọng tâm sự. Nếu ai nợ nhà băng một triệu đô-la thì nhà băng sẽ nắm gáy anh ta. Nhưng nếu ta nợ nhà băng một trăm triệu đô-la thì ta lại nắm gáy họ. Họ sẽ phải làm theo ý kiến của chúng ta. Anh yên tâm. Ngày hôm sau báo Businessweek đăng một bài nhan đề: "Vương quốc Cameron đang nghiêng ngả". "Lara Cameron rất có thể bị ra toà thành phố Reno". "Liệu Bướm Sắt có giữ được vương quốc của bà ta không?" Lara đấm mạnh xuống tờ tuần báo. - Sao họ dám đăng một bài như thế này. Tôi sẽ kiện họ. Howard nói: - Cách ấy không hay ho gì đâu. Lara giận dữ nói: - Tháp Cameron đã chật khách thuê rồi chứ, Howard? - Hiện đã kín bảy mươi phần trăm và vẫn đang tăng dần. Hãng bảo hiểm phương Nam lấy hai mươi tầng và Ngân hàng đầu tư Quốc tế lấy mười tầng. - Bao giờ toà tháp đó hoàn tất, nó sẽ cho chúng ta đủ tiền trang trải tất cả những khó khăn hiện nay. Bao giờ chúng ta mới hoàn tất toà nhà chọc trời ấy? - Sáu tháng nữa. Giọng Lara lại sôi nổi, phấn chấn: - Chà, anh thấy không? Vậy là chúng ta sẽ có toà nhà lớn nhất thế giới. Nàng quay ra sau lưng ngắm mô hình toà nhà khổng lồ đó. Toà nhà vươn lên trời mây và các mặt của nó bằng kính phản chiếu khắp khung cảnh xung quanh. Mấy tầng dưới thấp có hành lang chạy vòng quanh và những cửa hiệu bán toàn hàng hoá đắt tiền, không khác gì một đường phố sang trọng. Bên trên là những tầng cho các văn phòng kinh doanh thuê và văn phòng của nàng. - Chúng ta sẽ tiến hành một chiến dịch quảng cáo - Lara nói. - Ý hay đấy, - Howard cau mày. - Sao thế? - Không sao hết. Tôi chỉ đang nghĩ về lão Steve Murchinson. Lão đang mong dìm chết toà tháp đó của chúng ta. Chúng ta sẽ chặn tay lão lại. Chúng ta đã từng chặn tay lão, đúng thế không? - Đúng, - Howard chậm rãi đáp. - Chúng ta sẽ chặn tay lão. Lara mời Jerry Townsen đến. - Jerry. Tôi muốn có gì đặc biệt trong dịp khai trương Toà tháp Cameron. Anh đã nảy ra sáng kiến nào chưa? - Rồi. Tôi có một sáng kiến rất thú vị. Khai trương vào ngày 10 tháng chín phải không? - Đúng. - Ngày đó có gì đặc biệt à? - Đây là ngày kỷ niệm sinh nhật của tôi… - Vậy đấy! Mặt Jerry Townsen sáng lên. - Tại sao ta không tổ chức ngày sinh nhật của chị đồng thời cũng là ngày lễ khai trương toà nhà? Lara suy nghĩ một lát. - Ý kiến của anh rất hay. Một sáng kiến tuyệt vời. Buổi lễ sẽ biến thành ngày hội lớn mà tiếng reo hò sẽ vang vọng ra toàn thế giới. Jerry, tôi muốn anh bắt đầu lên bảng danh sách khách mời ngay. Hai trăm khách. Tôi muốn anh đích thân kê tên từng người. Jerry Townsend cười: - Vâng. Tôi sẽ đưa chị xem lại bản danh sách đó. Lara lại bấm mạnh tay xuống tờ tuần báo: - Chúng ta sẽ cho họ biết tay? - Bà tha lỗi, thưa bà Adler, - Marian nói. - Người thư ký của Hiệp hội xây dựng quốc gia gọi điện thoại đến hỏi là bà chưa trả lời thiếp mời dự tiệc của họ vào buổi tối thứ Sáu. - Cô trả lời họ là tôi không thể đến được, - Lara nói. - Xin lỗi họ giúp tôi. - Vâng, thưa bà, - Marian đi ra. Phillip nói: - Lara, em không thể ru rú ở nhà với anh mãi được đâu. Đấy là việc em cần phải dự, chuyện ấy quan trọng đối với em. - Không có gì quan trọng đối với em hơn là ở bên cạnh anh. Ông cha cố bé nhỏ làm phép cưới cho chúng mình đã nói: bất kể hoàn cảnh nào kia mà, - nàng cau mày. - Ít nhất thì em cũng đoán cha cố nói như thế bởi em có hiểu được tiếng Pháp đâu. Phillip mỉm cười: - Anh muốn em biết anh yêu em đến mức nào. Và anh luôn cảm thấy là anh đã bắt em cùng chịu với anh cuộc sống địa ngục này. Lara nép vào người chồng, âu yếm nói: - Anh lầm rồi! Không phải Địa ngục mà là Thiên đường. Phillip đang mặc quần áo. Lara cài khuy sơ mi giúp chàng. nhìn vào gương: - Trông anh giống gã hippi quá rồi, - chàng nói. - Anh cần cắt tóc. - Hay em bảo Marian liên hệ với thợ làm đầu của anh và hẹn giờ để anh đến. Phillip lắc đầu: - Đừng. Em tha lỗi, Lara. Anh chưa muốn ra ngoài phố. Sáng hôm sau bác thợ cắt tóc của Phillip cùng với cô sửa móng tay đến nhà họ. Phillip sửng sốt: - Sao lại thế này? - Nếu Mohamed không đến với núi thì ngọn núi đành đến với Mohamed vậy. Những người này từ nay hàng tuần sẽ đến làm cho anh. - Em đúng là nàng tiên, - Phillip nói. - Bây giờ anh mới biết ư? - Lara vui vẻ. Hôm sau một người thợ may đến, đem theo một số mẫu quần áo, cả âu phục lẫn sơ mi. - Để làm gì thế này? - Phillip hỏi. Lara nói: - Anh là người đàn ông duy nhất mà em biết, chỉ có sáu bộ áo đuôi tôm, bốn áo vét lễ phục và hai bộ âu phục. Em nghĩ đã đến lúc anh cần có một tủ áo quần hoàn chỉnh. - Để làm gì? - Phillip phản đối. - Anh có định đi đâu đâu? Nhưng rồi chàng cũng chịu để người ta đo và cắt quần áo cho mình. Vài ngày sau, thợ đóng giầy đến. - Cái gì thế này nữa? - Phillip hỏi. - Đã đến lúc anh phải đóng giầy mới. - Anh đã nói với em rồi. Anh sẽ không đi đâu kia ma. - Em biết, anh yêu ạ. Nhưng lỡ anh cần đi đâu thì phải có giầy hẳn hoi chứ. Phillip ôm vợ. - Anh không xứng đáng được em chiều như vậy. - Chính là em không xứng đáng thì có. * * * * * Họ đang họp tại văn phòng. Howard Keller nói: - Chúng ta sắp mất khu đất ở Los Angeles. Các nhà băng đòi trả số tiền đã vay của họ để mua khu đất ấy. - Họ không thể làm như thế. - Thì họ đang làm đấy thôi. - Howard nói. - Chúng ta đã vượt quá sức mình rồi. - Ta có thể trả lại họ bằng cách lấy tạm tiền dành cho một công trình nào khác vậy. Howard Keller kiên nhẫn nói: - Lara? Cô đã vay quá nhiều rồi. Nguyên toà tháp Cameron đang còn cần thêm sáu mươi triệu đô-la nữa. - Tôi biết. Nhưng chỉ bốn tháng nữa là chúng ta khánh thành nó. Chúng ta có thể đập khoản này sang khoản khác. Công trình ấy vẫn đi đúng tiến độ chứ, phải không nào? - Phải, - Howard chăm chú nhìn Lara và anh thầm suy nghĩ. Câu nàng vừa hỏi giá như một năm trước đây nàng đã không đưa ra. Hồi đó Lara biết rất rõ tiến độ ở mọi công trường ra sao. - Tôi thấy cô nên dành nhiều thì giờ hơn để đến làm việc tại đây, tại văn phòng này. - Howard nói tiếp. - Có rất nhiều vấn đề cô cần phải nắm vững và rất nhiều việc cô phải quyết định ngay tại chỗ. Lara gật đầu: - Cũng được, - nàng miễn cưỡng nói. - Sáng mai tôi sẽ đến làm việc ở đây. - Ông William Ellerbee muốn nói điện thoại với ông, Phillip, - Marian báo tin. - Bảo ông ta tôi không thể tiếp chuyện được. - Phillip nói và nhìn theo cô thư ký quay ra máy điện thoại. - Thưa ông Ellerbee tôi rất tiếc là lúc nà không thể cầm máy được. Ông cần nhắn lại gì không. Cô nghe một lúc. - Vâng, tôi sẽ truyền đạt lại cho ông Adler. Cảm ơn. Marian đặt máy xuống, nhìn Phillip: - Ông ấy rất tha thiết muốn mời ông đi ăn trưa. - Chắc ông ta muốn nói về những khoản hoa hồng mà bây giờ ông ta không được hưởng nữa. - Có lẽ thế, - Marian dịu dàng nói. - Tôi tin rằng ông Ellerbee rất buồn bực về chuyện ông bị thương. Phillip điềm tĩnh nói: - Xin lỗi. Phải chăng bây giờ tôi đã thành kẻ vô tích sự? - Một chút thôi. - Cô thông cảm được chứ? Marian mỉm cười: - Chuyện ấy chẳng khó khăn gì. Hôm sau, ông bầu Ellerbee lại gọi điện đến. Phillip không có mặt trong phòng. Marian nói chuyện với ông ta chừng vài phút rồi chạy đi tìm Phillip. - Ông Ellerbee đang cầm máy, - Marian nói. - Lần sau, cô bảo ông ấy đừng gọi đến nữa. - Ông nên đích thân bảo thì hơn, - Marian nói. - Ông phải đến ăn trưa với ông Ellerbee vào thứ ba, một giờ trưa. - Tôi phải làm sao? - Ông ấy đề nghị tại nhà hàng Le Cirque, nhưng tôi nghĩ một hiệu ăn nhỏ thì hơn, - Marian nhìn vào cuốn sổ tay đang cầm. - Ông ấy sẽ đợi ông ở hiệu ăn Fu (1) vào một giờ trưa để anh Max lái xe chở ông đến. Phillip giận dữ, quắc mắt nhìn Marian: - Cô dám nhận lời với người ta mà không thèm hỏi tôi? Marian điềm tĩnh nói: - Nếu tôi hỏi ông thì ông không chịu đâu. Ông có thể thải hồi tôi nếu như ông muốn. Phillip nhìn cô thư ký một lúc lâu rồi đột nhiên bật cười: - Cô biết không? Đã lâu rồi tôi không được thưởng thức món ăn Trung Hoa. Lúc Lara từ văn phòng về, Phillip nói: - Thứ ba này anh sẽ ăn trưa với ông Ellerbee. - Tuyệt vời, anh yêu? Do đâu anh đã quyết định một điều tuyệt vời như vậy? Marian quyết định cho anh đấy. Cô ấy cho rằng anh nên ra phố, và đây đúng là một dịp tốt. - Thật à? - Nhưng mấy lần mình thúc giục thì anh ấy không chịu nghe. - Cô Marian thông minh quá. Đúng thế. Marian thật sự là một phụ nữ. Mình ngu thật, Lara thầm nghĩ. Lẽ ra mình không được để cô ta gần gũi với chàng như vậy. Chính mình đã đẩy họ đến với nhau. Và trong tình trạng hiện giờ, Phillip rất dễ bị "đổ". Đó chính là lúc Lara nẩy ra ý nghĩ phải tống cổ Marian ra khỏi nhà này. Hôm sau, lúc Lara về đến nhà, nàng thấy chồng đang chơi xúc xắc với cô thư ký. Thứ giải trí của chúng mình, Lara thầm nghĩ - Cô cứ giao "lục" mãi thì bao giờ mới đến lượt tôi đi để mà thắng cô được? - Tiếng Phillip cười nói vui Lara đứng lại bên ngoài nhìn họ. Đã lâu lắm rồi nàng không thấy chồng cười vui vẻ như vậy. Vừa lúc đó Marian ngẩng đầu lên, nhìn thấy bà. - Chào bà đã về, thưa bà Adler. Phillip thì lao đến với nàng. - Ô, em yêu, - chàng hôn nàng. - Cô ta làm anh thua liểng xiểng. Không cần mình giúp, Lara nghĩ thầm. - Tối nay bà có cần tôi ở đây không ạ, thưa bà Adler? - Không. Cho cô đi chơi. Sáng mai đến. - Cảm ơn. Chào hai ông bà. - Chào cô, Marian. Hai vợ chồng nhìn theo cô thư ký đi ra. - Cô ấy hay lắm, - Phillip nói. Lara vuốt ve cằm chồng. - Em rất mừng. - Công việc ở văn phòng thế nào? - Tốt, - Lara không muốn làm bận óc chồng về những khó khăn nàng đang vấp phải. Nàng cần phải đi Reno và nói chuyện với Uỷ ban phòng chống cờ lần nữa. Nếu cần, có thể nàng đành phải cắt sòng bạc ra khỏi khách sạn. Nhưng nàng hy vọng thuyết phục để Uỷ ban vẫn cho sòng bạc tiếp tục hoạt động. - Phillip? Em sợ là sắp tới em sẽ phải đến văn phòng làm việc nhiều hơn. Howard không thể quyết định mọi việc thay em được. - Không sao. Anh thì không sao đâu. - Em còn phải đi Reno một hai ngày, - Lara nói. - Hay anh đi với em? Phillip lắc đầu. - Anh chưa muốn đi đâu cả, - chàng nhìn vào bàn tay trái co quắp. - Hiện giờ thì chưa. - Cũng được. Em sẽ cố gắng không đi quá hai ngày. Ba ngày là cùng! Sáng hôm sau, lúc Marian đến làm việc, Lara đã chờ cô. Phillip còn ngủ. - Marian… Cô biết cái vòng tay ông Adler tặng tôi hôm kỷ niệm sinh nhật của tôi chứ? - Có thưa bà Adler. - Lần cuối cùng cô nhìn thấy nó là bao giờ? Marian không cần suy nghĩ gì hết: - Tôi thấy nó trên bàn trang điểm trong phòng bà. - Vậy là cô có nhìn thấy? - Vâng. Thưa bà, có chuyện gì vậy? - Tôi bị mất cái vòng ấy. Marian chăm chú nhìn bà chủ: - Mất ạ? Ai lại… - Tôi đã hỏi tất cả những người làm trong nhà này. Họ đều không biết. - Vậy thì tôi gọi điện cho cảnh sát và… - Không cần thiết. Tôi không muốn làm chuyện gì để mang tiếng cho cô. - Tôi chưa hiểu. - Thật không? Vì cô, tôi nghĩ là ta nên bỏ qua chuyện này đi. Marian choáng váng nhìn bà chủ: - Bà nghĩ tôi lấy cái vòng ấy chăng, thưa bà Adler? - Tôi không nghi gì hết. Chỉ có điều cô phải rời khỏi cái nhà này. Lara tự thấy giận mình đã làm cái việc tồi tệ này. Nhưng mình không được để ai tranh cưởp Phillip của mình. Bất cứ ai. Lúc Phillip xuống nhà ăn điểm tâm. Lara bảo chồng. - Em sắp lấy một cô thư ký khác đến làm việc ở nhà mình. Phillip ngạc nhiên nhìn vợ: - Thế Marian đi đâu? - Cô ấy xin thôi. Marian xin được một chỗ làm khác… Ở San Francisco. Phillip vẫn còn ngạc nhiên. Chàng nhìn Lara: - Ôi, thế thì buồn quá. Anh vẫn đinh ninh cô ấy thích ở đây. - Em cũng tin là cô ấy thích. Nhưng chúng ta không nên cản đường đi của cô ấy, đúng không anh? Tha thứ cho em, Phillip. Lara thầm nghĩ. - Tất nhiên rồi, - Phillip nói. - Anh muốn chào chia tay với cô ấy. Cô ấy ở trong… Marian đi rồi. Phillip nói: - Anh hy vọng sẽ tìm được người khác cùng chơi xúc xắc. - Công việc của em ổn thoả thêm đôi chút, em sẽ chơi với anh. * * * * * Phillip và ông bầu Ellerbee ngồi trong góc hiệu ăn Fu. Ellerbee nói: - Tôi rất mừng được gặp anh, Phillip. Bao nhiêu lần tôi gọi điện cho anh, nhưng… - Tôi biết. Ông tha lỗi. Hồi ấy tôi không có hào hứng nói chuyện với ai hết. - Tôi hy vọng cảnh sát sẽ điều tra ra được cái bọn khốn kiếp đã làm hại anh. - Cảnh sát đã nói thật với tôi rằng họ không bỏ sức ra nhiều đi tìm những tên lưu manh côn đồ trấn lột khách qua đường. Họ chỉ coi chúng như những con mèo hoang. Và họ sẽ không bao giờ tìm ra đâu. Ellerbee ngập ngừng nói: - Theo tôi hiểu thì anh sẽ không biểu diễn được nữa? - Ông hiểu đúng đấy, - Phillip giơ bàn tay trái co quắp - Bàn tay này đã chết rồi. Ellerbee dướn người về phía trước, sôi nổi nói: - Bàn tay có thể chết, nhưng không phải anh, Phillip. Anh vẫn còn cả một cuộc đời phía trước. - Nhưng tôi làm gì được? - Dạy học. Trên môi Phillip nở một nụ cười ngượng nghịu. - Ông nói giỡn, đúng không? Ngày trước tôi đã nghĩ, khi không biểu diễn được nữa tôi sẽ dạy học… Allerbee điềm tĩnh nói: - Vậy thì là bây giờ đây, đúng không nào? Tôi đã mạn phép anh gặp ông Giám đốc Trường nhạc Eastman ở Rochester. Họ sẵn sàng mời anh đến giảng dạy. Phillip nhăn trán: - Như vậy có nghĩa là tôi phải dọn đến thành phố ấy sống, trong khi văn phòng của vợ tôi lại ở New York, - chàng lắc đầu. - Tôi không để đối xử như vậy với Lara. Ông thừa biết là cô ấy hết sức tốt với tôi. - Đúng thế. - Lara thậm chí đã bỏ buông cả việc kinh doanh để chăm sóc tôi. Cô ấy là người phụ nữ hiểu biết và yêu tôi nhất trong số những phụ nữ tôi biết. Và tôi cũng rất yêu cô ấy. - Phillip1 Dù sao anh cũng cứ suy nghĩ thêm về đề nghị của Trường nhạc Eastman nhé. - Ông nói giúp là tôi rất cảm ơn họ, nhưng tôi sợ không nhận lời được. - Nếu anh thay đổi ý kiến thì báo cho tôi biết chứ? Phillip gật đầu: - Ông là người đầu tiên tôi báo tin đó. Khi Phillip về tới nhà, Lara đã đến văn phòng. Chàng buồn bã đi lại quanh quẩn trong nhà. Chàng suy nghĩ về câu chuyện trao đổi với ông bầu Ellecrbee ban nẫy. Mình cũng muốn dạy học, Phillip thầm nghĩ, nhưng mình không thể yêu cầu Lara chuyển đến Rochester, mà sống thiếu nàng thì mình cũng không chịu nổi. Chàng nghe thấy tiếng cửa bên ngoài mở. - Lara đấy à? Nhưng lại là Marian. - Ôi xin lỗi ông, Phillip. Tôi không nghĩ là nhà có ai. Tôi đến để trả chìa khoá. - Tôi tưởng là cô đi San Francisco rồi? Marian ngạc nhiên nhìn chàng: - San Francisco? Sao ông lại bảo thế? - Cô định đến đó làm việc mà, đúng không? - Tôi chưa có chỗ làm nào cả. Nhưng Lara nói rằng… Marian chợt hiểu. - Tôi hiểu. Vậy là bà nhà chưa kể ông nghe tại sao bà lại đuổi việc tôi. - Đuổi việc cô? Lara bảo là cô xin thôi… là cô đã kiếm được một chỗ làm tốt hơn. - Không đúng đâu. Phillip chậm rãi nói: - Tôi nghĩ cô nên ngồi xuống đã. Họ ngồi đối diện nhau. - Sự thật là thế nào? - Phillip hỏi. Marian hít một hơi thở sâu: - Tôi đoán bà nhà nghi tôi "cưa cẩm" ông. - Hai người đã nói với nhau những gì? - Bà nhà đổ cho tôi ăn cắp cái vòng đeo tay kim cương ông đã tặng bà, lấy cớ đó để đuổi tôi. Tôi tin rằng bà nhà đã giấu nó ở một nơi nào đấy. - Tôi không tin nổi, - Phillip phản đối. - Lara không đời nào làm chuyện kiểu như thế. - Bà ấy dám làm mọi chuyện để giữ ông. Phillip chăm chú nhìn cô gái, bối rối nói: - Tôi… Tôi không biết nói với cô thế nào bây giờ. Cô để tôi nói chuyện với Lara rồi sẽ… - Không. Xin ông đừng làm như thế. Tốt nhất là ông đừng cho bà nhà biết hôm nay tôi đến đây. Cô đứng dậy. - Cô định sẽ làm gì bây giờ? - Ông đừng lo. Tôi sẽ tìm được chỗ làm khác. - Marian… Nếu cô thấy tôi có thể làm gì được để giúp cô thì… - Không. Tôi không cần gì hết. - Cô tin là như thế chứ? - Tôi tin. Mong ông hãy gìn giữ bản thân, Phillip. Nói xong Marian đi ra. Phillip nhìn theo, trong lòng bối rối. Chàng không dám tin rằng Lara có thể làm một việc tồi tệ đến như thế, dù là vì yêu chàng và chàng tự hỏi, tại sao nàng không hề nói với chồng. Có lẽ chàng nghĩ, Marian ăn cắp cái vòng đó thật và Lara không muốn nói với chàng để chàng khỏi choáng váng. Và Phillip tin rằng Marian đã nói dối chàng. Chú thích: (1) Fu - tên một người Hoa. Đây là quán ăn Tàu. Chương 32 Cửa hiệu cầm đồ nằm ở phố South State giữa khu phố Loop (1). Lúc Jessy Shaw bước vào, chủ hiệu đứng sau quầy ngẩng lên nhìn. - Chào ông. Tôi có thể giúp gì được ông? Shaw đặt chiếc đồng hồ đeo tay lên mặt quầy. - Tôi cầm cái này, ông đưa tôi được bao nhiêu? Chủ hiệu nhấc đồng hồ lên xem xét kỹ: - Đồng hồ Piaget. Quý đấy! - Đúng thế. Tôi rất thích nó nhưng tôi lại đang gặp phải một chuyện không may. Ông hiểu tôi định nói gì rồi chứ? Chủ hiệu nhún vai: - Nghề của tôi là phải hiểu. Ông không thể ngờ tôi đã nghe được bao nhiêu thứ chuyện rủi ro khủng khiếp trên cõi đời này đâu. - Tôi sẽ chuộc lại trong ít ngày tới. Thứ Hai này tôi có chỗ làm mới. Cho nên tôi tạm cầm đi cái đồng hồ này và ông đưa tôi vay càng nhiều tiền bao nhiêu càng tốt. Chủ hiệu đưa chiếc đồng hồ lại gần mắt hơn nữa. Trên nắp sau có khắc dòng chữ nhưng đã bị cạo đi. Ông ta nhìn khách. - Ông vui lòng đợi cho một phút. Tôi mở thử xem nó chạy có tốt không. Loại này lắp ráp ở Thái Lan cho nên rất dễ bị thiếu chi tiết nào đấy. Chủ hiệu đem đồng hồ vào phòng trong, lấy kính lúp ra soi và xem kỹ những chữ khắc trên nắp sau. Cố gắng lắm ông ta mới nhận ra được vài chữ: "Y M ăng Phip L ra". - Ông bèn mở ngăn kéo lấy ra tờ thông báo của cảnh sát New York, trên đó mô tả chiếc đồng hồ bị mất và những chữ khắc ở nắp đằng sau. Yêu mến tặng Phillip. Lara. Ông ta bèn nhấc điện thoại và nghe người khách bên ngoài hét ầm lên: - Sao lâu thế! Tôi đang vội đi. Ông có nhận không thì bảo? Chủ hiệu đáp: - Tôi ra đây, - ông ta ra. - Tôi có thể cho ông vay năm trăm đô-la. - Năm trăm? Đồng hồ này phải trị giá… - Tuỳ ông thôi. Không bằng lòng thì ông mang đi! - Thôi được, - Shaw nhăn nhó nói. - ông đưa tiền đây. - Ông điền tên và địa chỉ vào giấy này. - Chủ hiệu cầm đồ nói. - Tất nhiên rồi, - Shaw ghi vào đó tên là John Jones, địa chỉ 21 phố Hunt. Theo y biết thì ở Chicago không phố nào có tên như vậy, cũng như chẳng có ai lại tên là John Jones. - Cảm ơn ông. Độ vài ngày nữa tôi sẽ đến chuộc lại. - Được! Chủ hiệu nhấc điện thoại, quay số. Một thám tử đến cửa hiệu cầm đồ ngay sau đấy hai mươi phút. - Tại sao ông không báo ngay lúc hắn đang còn ở đây? - Thám tử hỏi. - Tôi đã cố giữ chân hắn lái, nhưng hắn kêu vội đi và thế là hắn biến luôn. Thám tử xem kỹ tờ biên lai cầm đồ của khách. - Chẳng có giá trị gì đâu, - chủ hiệu cầm đồ nói. Chắc tên và địa chỉ đều là giả mạo. Thám tử càu nhàu. - Đúng vậy. Hắn tự điền lấy à? - Vâng! Vậy thì sẽ tóm cổ được hắn thôi. Tại trụ sở cơ quan cảnh sát, chỉ sau ba phút, máy tính đã phát hiện ra vân tay trên tờ biên lai Jesse Shaw. * * * * * Bác quản gia bước vào phòng khách. - Ông tha lỗi, thưa ông Adler. Có một người gọi điện thoại đến, báo tên là trung uý Mancini. Để tôi tiếp Phillip nhấc máy. - A lô! - Ông Phillip Adler đấy phải không? - Vâng. - Tôi là trung uý Mancini. Tôi đã có lần vào gặp ông ở bệnh viện… - Vâng. Tôi nhớ ông rồi. - Tôi muốn báo ông biết việc điều tra đã đạt đến mức nào. Chúng tôi vừa gặp may. Tôi đã nói với ông rồi, là ông Cảnh sát trưởng của chúng tôi rất hâm mộ ông nên đã tích cực truy tìm, đã gửi thông báo về nhận dạng tên hung thủ và đặc điểm chiếc đồng hồ đi khắp cả nước. - Vâng. Họ đã tìm ra chiếc đồng hồ của ông bị đem cầm cho một hiệu cầm đồ ở Chicago. Người ta đang truy lùng kẻ đó. Hôm trước ông cho biết ông còn nhớ mặt tên hung thủ phải không? - Đúng thế. - Tốt lắm. Vậy chúng tôi sẽ liên hệ với ông sau. Jerry Townsend đến văn phòng gặp Lara. Anh phấn khởi nói. - Tôi đã lên bản danh sách theo như bà yêu cầu. Ý kiến của bà, tôi càng ngẫm càng thấy thú vị. Ta sẽ tổ chức kỷ niệm lần thứ bốn mươi ngày sinh nhật của bà vào ngày khai trương toà tháp Cameron, toà nhà chọc trời cao nhất thế giới, - anh ta đưa Lara bản danh sách. - Tôi đưa vào đây ông Phó tổng thống. Ông ta rất khâm phục bà đấy. Lara chăm chú xem. Bản danh sách giống như một cuốn Who is who (2) của các thành phố Washington, New York và London. Có tên tuổi các quan chức chính phủ, các ngôi sao điện ảnh, các ngôi sao nhạc rốc… đúng là dữ dội. - Tôi thấy thích bản danh sách này đấy, - Lara nói. - Ta tiến hành đi. Townsend cất nó vào túi. - Tốt lắm. Tôi sẽ đưa in thiếp mời và gửi đi. Tôi đã gọi điện cho Carlos, yêu cầu ông ta bố trí phòng vũ hội lớn. Có thể bà còn thêm hoặc bớt một số khách nào đó. À, đã có thêm tin tức về chuyện ở Reno chưa, thưa bà? Sáng nay Lara vừa trao đổi chuyện đó với luật sư Terry Hill. - Họ định thành lập một Hội đồng xét xử để thẩm vấn vụ này. Rất có thể họ sẽ có bản án hình sự nữa không biết chừng, Lara. - Sao họ có thể làm thế được? Việc tôi có nói chuyện điện thoại vài lần với Paul Martin hôm đó đâu đã đủ để kết luận tôi phạm pháp? Tôi có thể trò chuyện với ông ấy về tình hình thế giới, về bệnh đau dạ dày của ông ấy và về hàng chục thử vớ vẩn khác. - Ôi sao chị lại cáu với tôi. Tôi là người đứng về phía chị kia mà, Lara! - Vậy thì anh làm gì đi. Anh là luật sư của tôi. Hãy giúp tôi thoát khỏi cái vụ rắc rối này. - Chưa. Vẫn tốt thôi, - Lara nói với Townsend. - Vậy thì tốt. Tôi nghe tin bà và ông Adler sẽ đến dự bữa tiệc của ông Thị trưởng tối thứ Bảy. - Đúng thế, - nàng đã định từ chối dự bữa tiệc đó nhưng Phillip không chịu. Em cần quan hệ với những người ấy. Em đừng làm họ ph Anh đề nghị em nhận lời và đến dự. - Không có anh, em không đi đâu. Và Phillip đã hít một hơi thật sâu, nói: - Thôi được. Anh sẽ đi với em. Anh cảm thấy cũng đã đến lúc chấm dứt kiểu sông ru rú xó nhà này rồi. * * * * * Chiều thứ Bảy, Lara giúp Phillip mặc quần áo. Nàng lồng khuy vàng vào cổ tay áo sơ mi và thắt cà vạt cho chàng. Chàng đứng yên, thầm nguyền rủa sự bất lực của mình. - Được rồi, - nàng nói. - Hôm nay anh sẽ là người đàn ông điển trai nhất. - Cảm ơn em. - Em cũng sẽ xong ngay bây giờ, Lara nói. - Ông Thị trưởng rất khó chịu khi thấy ai đến muộn. - Anh sang phòng đọc sách đợi em nhé, - Phillip nói. Ba phút sau, Lara bước sang. Trông nàng đẹp lộng lẫy. Bộ đồ trắng của hãng Oscar de la Renta. Trên cổ tay là chiếc vòng tay kim cương Phillip tặng nàng. Đêm thứ Bảy Phillip không ngủ được. Chàng nhìn sang Lara nằm bên và tự hỏi tại sao nàng nỡ buộc tội Marian là ăn cắp cái vòng đeo tay? Chàng biết sẽ phải nói thẳng ra điều này với nàng, nhưng nghĩ nên hỏi thêm Marian đã. Sáng sớm Chủ Nhật, trong khi Lara vẫn còn say giấc, Phillip lặng lẽ mặc quần áo, rón rén ra khỏi nhà. Chàng lên tắc xi đến nhà Marian. Chàng bấm chuông và đợi Một giọng ngái ngủ vọng ra. - Ai? - Phillip đây. Tôi muốn nói chuyện với cô. Cửa mở và Marian đứng đó. - Phillip? Có chuyện gì vậy? - Tôi cần nói chuyện với cô. - Ông vào đi. Chàng bước vào căn hộ. - Xin lỗi đã đánh thức cô, - Phillip nói. - Nhưng có chuyện quan trọng. - Chuyện gì vậy, ông Phillip? Chàng hít một hơi thật sâu. - Về chuyện chiếc vòng đeo tay, cô nói đúng. Tôi phải đến xin lỗi cô, Marian. Đã có lúc tôi nghĩ… có thể cô ăn cắp… Tôi phải đến để nói với cô rằng tôi rất lấy làm tiếc. Cô tha lỗi cho. Marian bình thản nói: - Ông tin lời bà nhà là chuyện bình thường thôi. Bà ấy là vợ ông kia mà. - Tôi định sáng nay sẽ chất vấn Lara về chuyện này, nhưng tôi nghĩ cần gặp và nói chuyện với cô trước. Marian quay sang nhìn chàng: - Tôi rất sung sướng thấy ông đến đây. Nhưng tôi không muốn ông chất vấn bà ấy. - Tại sao? - Phillip hỏi. - Nhưng tại sao Lara lại có thể làm chuyện tồi tệ như vậy? - Ông không biết tại sao ư? - Thú thật là không. Tôi chẳng thấy có lý do gì cả. - Tôi nghĩ tôi hiểu bà ấy hơn ông. Lara mê ông say đắm. Bà ấy sẵn sàng làm mọi việc cốt để giữ được ông. Có lẽ ông là người duy nhất bà ấy yêu trong suốt cả cuộc đời Lara cần đến ông. Và tôi nghĩ ông cũng cần đến bà ấy. Ông rất yêu bà ấy, đúng thế không, Phillip? - Đúng. - Vậy thì ta hãy quên chuyện kia đi. Nếu ông đưa chuyện đó ra trách cứ Lara thì đã không có lợi gì mà chỉ làm xấu đi quan hệ giữa hai người. Còn chuyện việc làm của tôi thì sẽ kiếm được một cách dễ dàng. - Nhưng như thế là không công bằng đối với cô, Marian. Cô gái mỉm cười ngượng ngịu: - Cuộc đời có phải bao giờ cũng công bằng cả đâu - Nếu cuộc đời mà thật sự công bằng thì đúng ra mình phải là bà Adler kia. - Ông đừng băn khoăn nữa. Tôi không giận gì bà đâu. - Ít nhất thì cô cũng để cho tôi làm gì đó giúp cô. Tôi xin được biếu cô một số tiền nhỏ để cô đỡ khó khăn lúc này… - Cảm ơn ông, Phillip. Nhưng tôi không nhận đâu. Marian còn muốn nói nhiều thứ nữa, nhưng cô biết rằng nói ra chẳng thay đổi được gì. Phillip đang yêu. Vì vậy cô chỉ nói: - Ông về với bà ấy đi, Phillip. * * * * * Công trường xây dựng nằm trên đại lộ Wabash ở thành phố Chicago, phía nam khu phố Loop. Đấy là một toà nhà hai mươi nhăm tầng đang xây dở dang. Một xe cảnh sát không đề chữ đỗ lại ở góc phố. Hai thám tử bước ra. Họ đi bộ về phía công trường, hỏi một công nhân: - Ông đốc công đâu? Anh ta trỏ một ngườỉ đàn ông to lớn, mặt sương gió đang quát tháo gì đó một người thợ. - Ông ấy kia kìa. Hai thám tử đến gặp đốc công. - Ông phụ trách ở chỗ này phải không? Viên đốc công quay lại, vẻ khó chịu: - Không phải tôi chỉ phụ trách mà tôi đang rất bận. Các ông hỏi gì? - Trong công trường này có ai tên là Jesse Shaw không? - Có đấy! Cậu ta đứng trên cao kia kìa. - ông ta trỏ một thợ sắt đang lắp lan can trên tầng mười hai. - Ông gọi anh ta xuống đây, được không? - Không được. Cậu ta đang làm việc. Một thám tử lấy thẻ ra chìa cho viên đốc công thấy. - Ông gọi anh ta xuống đây! - Chuyện gì vậy. Cậu ta vướng chuyện gì chăng? - Không đâu. Chúng tôi cần anh ta giúp một việc. - Vâng, được. Viên đốc công quay sang một người thợ đứng gần đó: - Lên kia bảo thằng Jesse xuống đấy. - Vâng. Vài phút sau Jesse Shaw đã xuống chỗ hai thám tử. - Hai ông này muốn gặp cậu, - viên đốc công nói rồi đi ra. Jesse cười với hai thám tử: - Cảm ơn các ông. Nhờ các ông tôi cũng tranh thủ giải lao được một chút. Nào, tôi có thể làm gì giúp hai ông được? Một thám tử lấy trong túi ra chiếc đồng hồ đeo tay. - Đồng hồ của anh phải không? Nụ cười trên môi Shaw vụt tắt. - Không phái của tôi. - Anh nói đúng đấy chứ? - Đúng, - hắn trỏ cổ tay. - Đồng hồ của tôi đây, nhãn Seiko. - Nhưng anh đã đem cầm chiếc đồng hồ này. Shaw lúng túng. - À chuyện ấy thì đúng. Thằng cha đưa tôi có mỗi năm trăm đô. Đúng giá của nó phải là… - Anh vừa bảo đây không phải đồng hồ của anh? - Vâng, không phải của tôi. - Vậy anh lấy nó ở đâu? - Tôi nhặt được. - Thật không? Ở đâu? - Cạnh vỉa hè gần nhà tôi, - và hắn ta bịa tiếp câu chuyện. - Nó nằm trên đám cỏ. Lúc tôi bước trong xe ra tôi nhìn ngay thấy nó. Lúc đó trời nắng và vỏ của nó ánh lên, do đấy tôi nhìn thấy được. May mà hôm ấy trời lại không có mây. - Đúng thế. - Shaw, anh có thích ngao du không đấy? - Không. - Thật đáng tiếc. Bởi anh sắp phải đi thăm New York. Chúng tôi sẽ giúp anh đi. Lúc vào nhà Shaw, hai thám tử lọi xung quanh. - Không được? - Shaw nói. - Các ông có lệnh khám nhà không đấy? - Chúng tôi không cần cái lệnh ấy. Chúng tôi chỉ giúp anh chuẩn bị hành lý thôi. Một thám tử lục trong tủ áo, thấy một hộp đựng giầy để trên ngăn cao. Ông ta lấy xuống, mở ra. - Lạy Chúa! - ông ta nói. - ông già Noên đã nhét quà gì vào đây thế này! Lara đang ngồi trong văn phòng thì loa máy truyền âm vang lên câu nói của Kathy. - Ông Tilly muốn nói chuyện với bà ở máy số bốn, thưa bà Cameron. Tilly là chủ nhiệm thiết kế của Toà tháp Cameron. Lara nhấc máy: - A lô? Sáng nay ở đây có sự cố, thưa bà Cameron. - Sự cố gì? - Hoả hoạn. Bây giờ chúng tôi đã dập tắt được rồi. - Do đâu? - Một máy điều hoà không khí bị nổ. Do máy biến thế hỏng. Mạch điện ở đó lắp sai. Tôi nghỉ có kẻ lắp ẩu. - Thiệt hại thế nào? - Có lẽ tiến độ phải chậm lại một hoặc hai ngày, chúng tôi cần thu dọn và mắc lại dây điện. - Có tin gì thêm báo cho tôi biết ngay. Chiều nào Lara cũng về nhà muộn, vẻ mặt băn khoăn, lo lắng, mệt mỏi. Anh thấy lo cho em, - Phillip nói. - Anh có thể giúp gì em được không? - Không. Cảm ơn anh yêu, - nàng cố nở một nụ cười - Vài chuyện vặt ở văn phòng thôi. Phillip ôm vợ. - Đã bao giờ anh nói với em là anh rất yêu em, yêu đến mê mẩn chưa? Nàng ngước nhìn chồng, mỉm cười: - Anh nhắc lại câu đó cho em nghe lần nữa đi. - Anh yêu em đến mê mẩn. Lara ghì chặt chồng, thầm nghĩ. Đây chính là thứ mình muốn. Đấy chính là thứ mình cần đến. - Bao giờ công việc bớt bận, vợ chồng mình sẽ đi chơi đâu xa một thời gian nhé? Chỉ hai chúng mình thôi. - Vậy là ta thoả thuận rồi đấy. Một hôm nào đó, Lara thầm nghĩ, mình sẽ nói với chàng về chuyện mình đã có hành vi tồi tệ với Marian như thế nào. Mình biết mình làm thế là độc ác Nhưng nếu anh ấy yêu ai khác, mình sẽ không sống nổi. Hôm sau, Tilly lại gọi điện đến: - Có phải bà đã ra lệnh hủy bỏ quyết định lát đá cẩm thạch các sàn nhà không? Lara chậm rãi nói: - Tại sao tôi lại ra cái lệnh lạ thế? - Tôi không biết. Có người đến đây bảo tôi như vậy. Bởi theo lịch thi công thì hôm nay người ta phải chở đá cẩm thạch đến. Nhưng khi tôi gọi điện nhắc thì họ bảo cách đây hai tháng bà Cameron đã ra lệnh không dùng đá cẩm thạch lát nền nhà ở các tầng nữa. Lara thấy đầu óc như bốc lửa: - Tôi hiểu. Vậy là ta lại bị chậm trong bao lâu nữa. - Tôi chưa tính được. Howard vào phòng Lara. - Tôi e các nhà băng không chịu hoãn nợ cho chúng ta. Và tôi cũng không biết phải kéo dài trong bao lâu nữa. Tôi đang cố trì hoãn họ lại. - Anh cố trì hoãn cho đến ngày hoàn tất Toà tháp Cameron. Sắp xong rồi, Howard. Chỉ còn ba tháng nữa thôi. - Tôi đã nói với đám chủ nhà băng Howard thở dài. -Nhưng thôi được, tôi sẽ cố năn nỉ họ vậy. Tiếng Kathy lại vang lên trong máy truyền âm. - Ông Tilly trên máy số một. Lara nhìn Howard: - Anh ở đây đã, - nàng nhấc máy. - Alô? - Lại có sự cố, thưa bà Cameron. - Tôi đang nghe đây, - Lara nói. Hệ thống thang máy quá trục trặc. Các chương trình máy tính đều bị đảo lộn, đèn báo bật tắt lung tung. Ấn nút "lên" thì thang máy lại chạy xuống. Ấn nút tầng mười tám thì thang máy tụt xuống tầng hầm. Xưa nay tôi chưa bao giờ thấy sự trục trặc đến mức quái đản như thế này. - Anh có nghĩ rằng có bàn tay kẻ nào phá hoại không? - Câu hỏi của bà rất khó trả lời. Cẩu thả thì chắc chắn là có, còn cố tình phá hoại thì tôi chưa dám nghĩ đến. - Sửa chữa mất bao lâu? - Hiện chúng tôi đã gọi vài chuyên gia tới. - Có gì thêm bảo cho tôi biết, - nàng đặt máy xuống. - Yên ổn cả không? - Howard hỏi. Lara không trả lời vào câu hỏi. - Howard, gần đây anh có nghe tin gì về lão Steve Murchinson không? Anh ngạc nhiên nhìn Lara: - Không. Sao cô hỏi thế? - Bởi tôi thấy có rất nhiều chuyện khó hiểu. Tập đoàn ngân hàng cung cấp tài chính cho Công ty Cameron có lý do chính đáng để lo lắng. Không phải chỉ Công ty Cameron gặp khó khăn mà đa số khách hàng của họ cũng đang lao đao trong kinh doanh. Giá cổ phiếu rẻ tiền tụt xuống đã tạo nên cả một tai hoạ lớn lao và tất cả các doanh nghiệp hoạt động dựa vào số cổ phiếu đó đều bị ảnh hưởng nặng nề. Lúc này có sáu chủ nhà băng ngồi với Howard Keller và không khí căng thẳng. - Chúng tôi đang nắm trong tay những khoản vay quá hạn tổng cộng đến gần một trăm triệu đô-la, - người phát ngôn của tập đoàn ngân hàng nói. - Cho nên chúng tôi e sẽ không hoãn nợ thêm cho công ty Cameron được. - Các ông quên mất hai điều, - Howard bác lại. - Một là chúng tôi biết chỉ trong vài ngày tới sòng bạc của chúng tôi ở Reno sẽ được phép tiếp tục hoạt động. Tiền lãi thu được ở đấy sẽ thừa thãi để chúng tôi thanh toán tất cả các món nợ. Thứ hai là Toà tháp Cameron vẫn đang đi đúng tiến độ. Chỉ chín mười ngày nữa chúng tôi hoàn tất công việc đó. Hiện số người ký hợp đồng thuê đã đạt bảy mươi phần trăm diện tích Toà tháp. Các ông có thể yên tâm rằng, chỉ xây cất xong là số người xin ký hợp đồng thuê sẽ nhiều đến mức chúng tôi không đủ sức thoả mãn họ. Thưa các quý vị, tiền các vị bỏ vào đây không ở đâu chắc chắn bằng. Các vị đang cộng tác với biệt tài của bà Cameron. Khách nhìn nhau. Người phát ngôn của họ nói: - Chúng tôi sẽ bàn lại vấn đề này và thông báo cho ông biết kết quả. - Tốt lắm, tôi sẽ thưa lại với bà Cameron. Howard thuật lại với Lara. - Tôi nghĩ họ sẽ bằng lòng đi tiếp với chúng ta, - anh nói. - Nhưng trong khi đó chúng ta vẫn nên bán đi một số bất động sản để khỏi bị động quá. - Vậy anh lo chuyện đó đi. Sáng Lara đến văn phòng sớm và chiều nàng về nhà rất muộn, chiến đấu quyết liệt để cứu "vương quốc" của nàng. Hai vợ chồng nàng được gặp nhau quá ít. Lara quyết không để chồng biết đến những khó khăn kia. Chàng đã có nhiều điều không vui rồi, Lara thầm nghĩ. Mình đùng chất thêm lo nghĩ lên đầu chàng nữa. Sáu giờ sáng thứ hai, Tilly đã gọi điện đến: - ôi nghĩ bà nên đến đây, thưa bà Cameron. Lara hốt hoảng: - Lại có chuyện gì chăng? - Tôi nghĩ bà nên nhìn tận mắt thì hơn. - Tôi đến ngay bây giờ. Nàng gọi điện cho Howard Keller. Nửa giờ sau, họ đã ngồi trong xe trên đường đến công trường. - Tilly có nói cụ thể chuyện gì không? - Howard hỏi. - Không. Nhưng bây giờ tôi không còn tin đấy chỉ là sự cố ngẫu nhiên mà là có bàn tay phá hoại của Steve Murchinson. Khu đất ấy chính là chúng ta phỗng tay trên của lão. Đến công trường họ nhìn thấy những hòm gỗ đựng kính nằm ngổn ngang trên mặt đất và những xe tải vẫn tiếp tục chở kính đến. Tilly vội chạy ra đón Lara và Howard. - Rất sung sướng được hai vị đến thăm. - Có chuyện gì vậy? Họ giao không đúng thứ kính mà chúng ta đặt mua. Mẫu cũng sai mà kích thước cũng không đúng, không làm sao lắp vào được. Lara và Howard đưa mắt nhìn nhau. Ta không thể cắt lại cho đúng kích thước ngay tại đây được à? Howard hỏi. Tilly lắc đầu. - Không được. Vì làm thế bụi silicat sẽ bay lên mù mịt và chất thành núi mất. Lara nói: - Ta đặt mua kính của hãng nào vậy? - Công ty gỗ dán và kính xây dựng New Jersey. - Để tôi gọi điện cho họ, - Lara nói. - Hạn cuối cùng là ngày nào ta cần phải có? Họ đứng đó nhẩm tính: - Nếu kịp trong vòng hai tuần thì chúng tôi có thể dấn lên để đuổi kịp tiến độ, tất nhiên phải gắng hết sức. Lara quay sang Howard: - Ta đi thôi. Otto Karp là giám đốc điều hành công ty gỗ dán và kính xây dựng New Jersey. Ông ta nhấc điện thoại: - Vâng, thưa bà Cameron. Tôi biết là bà đang có vấn đề… - Không, - Lara nói. - Không phải chúng tôi mà là ông. Ông đã giao cho chúng tôi loại kính không đúng như hợp đồng. Nếu trong vòng hai tuần tới ông không giao đúng chất lượng như đã ký kết, chúng tôi sẽ kiện công ty của ông. Ông đã làm ngưng trệ một công trình xây dựng trị giá ba trăm triệu đô-la. - Tôi chưa hiểu. Tại sao phải ngưng trệ? - Ông ta xin lỗi, vào hỏi lại và năm phút sau ông ta lại cầm máy. - Ôi tôi vô cùng ân hận xin bà thứ lỗi, thưa bà Cameron. Tờ lệnh xuất của chúng tôi đã ghi sai. Nguyên do là… - Tôi không cần biết nguyên do, - Lara ngắt lời. - Tôi chỉ yêu cầu ông làm lại lệnh khác và chở đến cho chúng tôi. - Vâng, thưa bà. Lara thở phào nhẹ nhõm. - Bao giờ chúng tôi có đủ kính? - Trong khoảng hai hoặc ba tháng. - Hai hoặc ba tháng? Không. Không thể được. Chúng tôi cần có ngay bây giờ. - Tôi rất muốn chiều theo ý bà, - Karp nói. - Nhưng rất không may là chúng tôi hiện không có đủ hàng. - Ông không hiểu, - Lara nói. - Chúng tôi cần hàng gấp và… Chúng tôi rất hiểu. Chúng tôi sẽ cố gắng. Trong khoảng hai hoặc ba tháng nữa, bà sẽ có đủ kính để làm. Rất tiếc là chúng tôi không thể có sớm hơn được. Lara đập mạnh ống nói xuống: - Tôi không thể tin lời lão ta được, - nàng nói, nhìn Tilly. - Còn công ty nào ta có thể liên hệ mua kính quanh đây không? Tilly gõ trán: - Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi. Họ còn những khách hàng khác nên không thể giao ngay cho ta được. Howard nói: - Lara. Ta bàn riêng một chút nào, - anh kéo nàng ra một góc. - Tôi có ý kiến thế này, nhưng… Anh cứ nói đi. - Ông bạn Paul Martin có thể quen biết nơi nào đó… Lara gật đầu: - PhHoward. Ý kiến anh rất hay. Ta tìm ông ấy đi. Hai tiếng đồng hồ sau, Lara ngồi trong phòng giấy của Paul Martin. - Thấy cô gọi điện đến tôi rất vui, Lara, cô không biết tôi vui mừng đến chừng nào đâu. Đã quá lâu rồi ta không gặp nhau. Cô đẹp lắm, Lara. - Cảm ơn anh, Paul. - Tôi có thể làm gì giúp cô nào? Lara ngập ngừng rồi nói: - Em rất xấu hổ là chỉ đến gặp anh mỗi khi gặp khó khăn. - Thì tôi có mặt ở đây là để giúp cô mà lại, đúng không nào? - Vâng. Anh tốt với em quá, - nàng thở dài. - Chính lúc này em đang cần có một người bạn tốt. - Cô đang gặp khó khăn gì? Lại thợ bãi công chăng? - Không. Đây là chuyện Toà tháp Cameron. Paul Martin cau mày. - Tôi nghe nói vẫn đi đúng tiến độ kia mà? - Vâng, nhưng đấy là những hôm trước. Em có cảm giác lão Steve Murchinson tìm cách cản trở tiến trình thi công của em. Lão ta thâm thù em và muốn trả hận. Cho đến ngày hôm nay mọi sự ở công trường vẫn yên ổn. Nhưng hiện giờ em gặp một khó khăn lớn, có thể dẫn đến chậm trễ ngày khánh thành. Nếu thế hai công ty đã nhận thuê trong toà nhà đó sẽ hủy hợp đồng. Mà em thì không thể để tình trạng đó xẩy ra được. Lara hít một hơi sâu, cố ghìm cơn uất hận. - Cách đây sáu tháng chúng em đặt mua hàng của công ty gỗ dán và kính xây dựng New Jersey. Sáng nay họ giao hàng, nhưng sai quy cách. - Cô gọi điện cho họ chưa? - Rồi, nhưng họ bảo phải hai hoặc ba tháng nữa mới giao được đủ loại kính yêu cầu. Mà em thì cần có kính. Chậm nhất là sau đây hai tuần. Chưa có kính, thợ đành phải nghỉ việc để chờ. Và tiến độ công trình sẽ bị chậm lại. Thời hạn không thực hiện được. Và em sẽ mất hết tất cả những gì em hiện có. Paul Martin nhìn nàng, điềm tĩnh nói: - Không, cô sẽ không bị mất gì cả. Để tôi nghĩ xem có cách nào giúp cô không. Lara cảm thấy nhẹ hẳn nỗi lòng. - Paul, em…, - nàng thấy rất khó nói ra lời. - Cảm ơn anh. Paul Martin cầm tay nàng, mỉm cười nói: - Thằng cha vẫn chưa chết chứ gì? - ông nói. - Thôi ngày mai tôi sẽ trả lời cô. Sáng hôm sau, chuông điện thoại đường dây riêng của Lara réo. Đây là lần đầu tiên sau mấy tháng trời im bặt. Nàng vội vã nhấc máy: - Anh đấy phải không, Paul? - Chào Lara. Tôi đã trao đổi với vài người bạn. Khó khăn đấy nhưng họ sẽ cố gắng để làm được điều cô yêu cầu. Họ cho biết sẽ giao hàng cho cô sau một tuần, tính từ thứ Hai này. Hôm đúng ngày hẹn chở kính đến, Lara gọi điện cho Paul. - Paul, vẫn chưa thấy họ chở kính đến, anh ạ. - Thế à? - Im lặng một lát. - Để tôi hỏi xem sao, giọng ông dịu lại. - Lara, tốt nhất là tôi sẽ hỏi lại và gọi điện cho cô sau. - Vâng. Em… Paul… nếu không có kính kịp thời hạn thì… - Cô sẽ có. Đừng bỏ máy vội. Đến cuối tuần vẫn chưa thấy gì. Howard vào phòng giấy của Lara: - Tôi vừa nói chuyện với Tilly xong. Hạn cuối cùng là thứ Sáu. Nếu hôm đó có kính thì tốt. Nếu không chúng ta sẽ chết hết. Đến thứ Ba vẫn chưa thấy hơi hướng gì. Lara đến công trường Toà tháp Cameron. Không có một người thợ nào làm ở đó. Toà tháp hiên ngang đứng sừng sững trên nền trời, toả bóng xuống cả một vùng xung quanh đó. Sẽ là một toà nhà chọc trời tuyệt đẹp. Công trình của nàng. Ta quyết không để c thất bại. Lara kiêu hãnh thầm nghĩ. Nàng lại gọi điện cho Paul Martin. - Rất tiếc, thưa bà Cameron, - người thư ký nói. - Ông Martin đi vắng. Bà có nhắn lại gì không ạ? - Khi nào ông Martin về, cô nói giúp là ông gọi điện cho tôi. Nàng nói xong, quay sang Howard: - Tôi có một linh cảm và muốn anh kiểm tra lại xem đúng có như vậy không. Tôi nghĩ chủ của nhà máy kính xây dựng ấy chính là lão Steve Murchinson. Ba phút sau, Howard trở lại phòng giấy Lara. Mặt anh tái nhợt. - Anh tìm ra chủ nhà máy kính ấy là ai rồi chứ? - Rồi, - Howard chậm rãi đáp. - Họ đăng ký ở Delaware và thuộc công ty Etna. - Công ty Etna? - Chính thế. Công ty này mua lại nhà máy kính ấy cách đây một năm. Công ty Etna chính là Paul Martin. Chú thích: (1)Thành phố Chicago (2) "Ai là Ai" - loại sách tra cứu về các nhân vật nổi danh. Chương 33 Những bài bôi xấu công ty Cameron vẫn tiếp tục đăng trên báo chí. Những phóng viên trước đây ca ngợi Lara hết lời thì bây giờ quay một trăm tám mươi độ đua nhau dè bỉu nàng. Jerry Townsend đến gặp Howard Keller. - Tôi rất lo, - Townsend nói. - Chuyện gì vậy? - Ông đọc báo chưa? - Rồi. Họ đang ráo riết hoạt động. - Tôi lo cho lễ kỷ niệm sinh nhật của bà Cameron. - Ông Howard ạ, tôi đã gửi đi các thiếp mời. Từ khi báo chí bắt đầu bôi xấu công ty Cameron, tôi chưa nhận được thư trả lời của ai hết. Bọn họ sợ liên luỵ. - Đây là một thứ tuyệt giao! - Vậy theo anh thì ta nên làm thế nào? - Hoãn bữa tiệc lại. Tôi sẽ cho in thiếp xin lỗi gửi đi. - Có lẽ anh nghĩ đúng. Nhưng tôi không muốn để Lara băn khoăn thêm. - Vậy tôi gửi thiếp xin lỗi và hoãn lại nhé? - Nhưng ông sẽ nói cho bà Cameron biết chứ? Luật sư Terry Hill gọi điện tới. - Tôi vừa nhận được thư gọi bà đến hầu toà để làm nhân chứng trước Hội đồng xét xử tại Reno vào chiều mai. Tôi sẽ đi với bà. * * * * * Biên bản hỏi cung Jesse Shaw do trung uý Thám tử Sal Mancini tiến hành. Mancini: Chào ông Shaw. Tôi là trung uý Mancini. Ông đã được báo là có thư ký tốc ký ghi lại cuộc thẩm vấn này chứ? Shaw: vâng, tất nhiên. Mancini: Và ông đã từ chối quyền được có luật sư bào chữa Shaw: Tôi không cần luật sư. Toàn bộ việc làm của tôi chỉ là nhặt được một chiếc đồng hồ ngưởi ta đánh rơi, thề có Chúa, vậy mà tôi bị người ta lôi xềnh xệch đến đây như lôi một con vật. Mancini: ông Shaw, ông có biết Phillip Adler là ai không? Shaw: Không. Làm sao tôi biết được. Mancini: Không ai trả tiền thuê ông hành hung ông ta chứ? Shaw: Tôi đã trả lời ông rồi. Tôi không biết ông ta là ai? Mancini: Cảnh sát thành phố Chicago tìm thấy năm chục ngàn đô-la tiền mặt trong nhà của ông. Tiền đó ông kiếm ở đâu ra? Shaw: (không trả lời) Mancini: Kìa, ông Shaw Shaw: Tôi được bạc. Mancini: ở đâu? Shaw: Ngẫu nhiên thôi… Đánh cuộc đấu bóng đá ấy mà… Ông thừa biết người ta hay đánh cuộc kiểu ấy. Mancini: Vậy ông là người gặp may, đúng thế không? Shaw: Đúng. Tôi nghĩ là số tôi may. Mancini: Hiện giờ ông đang có chỗ làm ở Chicago? Đúng vậy không? Shaw: Đúng! Mancini: Ông có hồi nào làm việc ở New York không? Shaw: Có. Một thời gian. Mancini: Tôi được đọc biênảnh sát nói hồi đó ông điều khiển máy cần trục tại một công trường xây dựng ở Queens và ông đã làm chết một đốc công tên là Bill Whitman. Có đúng như vậy không? Shaw: Đúng Hôm đó là tai nạn lao động. Mancini: Ông làm ở đó được bao lâu? Shaw: Tôi không nhớ. Mancini: Vậy xin nhắc lại để ông nhớ. Ông chỉ làm ở đó có bẩy mươi hai tiếng đồng hồ. Trước đó một ngày ông bay từ Chicago đến và hôm sau thì xảy ra tai nạn lao động kể trên. Hai ngày sau ông thôi việc ở New York và bay trở lại Chicago. Đúng thế không? Shaw: Hình như thế thì phải. Mancini: Theo sổ ghi tên khách đáp máy bay của hãng hàng không Hoa Kỳ thì ông bay từ Chicaga đến New York đúng hai ngày trước khi ông Phillip Adler bị tấn công và ngay hôm sau ông bay trở về Chicago. Chuyên đi ngắn ngủi ấy nhằm mục đích gì vậy? Shaw: Tôi muốn coi vài trận đấu. Mancini: Ông có nhớ những trận đấu nào không? Shaw: Không. Lâu quá rồi. Mancini: Khi xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết đốc công do máy cần cẩu thì hãng nào thuê ông làm? Shaw: Hãng Cameron. Mancini: Còn hãng nào thuê ông vào làm trong công trường ở Chicago. Shaw: Cũng hãng Cameron. * * * * * Howard họp với Lara Cameron. Suốt một tiếng đồng hồ họ bàn cách đối phó với những lời lẽ báo chí bôi xấu hãng Cameron và chủ nhân của hãng là Lara Cameron. Khi cuộc họp kết thúc, Lara nói: - Còn việc gì nữa không? Howard cau mày. Hình như ai đó đã nhờ anh nói lại điều gì đó với Lara vậy mà anh quên bẵng mất là điều gì. Thôi được, hình như chuyện không quan trọng lắm thì phải. Bác quản gia Simms vào báo: - Thưa ông Adler, có điện thoại xin gặp ông. Ông ta xưng danh là trung uý Mancini. Phillip nhấc máy: - Chào ông Trung uý. Tôi có thể giúp gì được không? - Tôi có vài thông tin muốn báo cho ông, thưa ông Adler. - Vậy à? Ông đã tìm ra tên hung thủ? - Tôi muốn đến trực tiếp nói chuyện với ông. Được không, thưa ông Adler? - Tất nhiên là được. - Vậy nửa giờ nữa tôi sẽ có mặt ở nhà ông. Phillip đặt máy, tự hỏi tại sao người thám tử không muốn nói qua điện thoại. Lúc Mancini đến, viên quản gia đưa ông vào phòng đọc sách. - Chào ông Adler! - Chào ông. Có chuyện gì vậy, thưa ông Mancini? - Chúng tôi đã bắt được tên hung thủ trấn lột ông và làm ông bị thương hôm đó. - Thật à? Tôi ngạc nhiên đấy, - Phillip nói. - Tôi đã tưởng không thể tìm ra được hắn. Bởi lưu manh côn đồ loại đó ít khi tóm được. - Hắn không phải là loại côn đồ bình thường. Phillip cau mày: - Tôi không hiểu. - Hắn là công nhân xây dựng. Hắn làm việc ở Chicago và New York. Trong hồ sơ cảnh sát có ghi nhiều công việc trước đây của hắn. Chính hắn đã đem cầm chiếc đồng hồ của ông và chúng tôi đã lấy được vân tay của hắn, - Mancini giơ lên chiếc đồng hồ. - Có phải của ông mất đây không? - Phillip chỉ cần nhìn, trong óc chàng vụt hiện lên cảnh tượng hôm đó, khi tên hung thủ giật đồng hồ và cứa cổ tay chàng. Chàng miễn cưỡng đưa tay đỡ lấy. Chàng lật nắp đằng sau và thấy dòng chữ khắc ở đó bị cạo đi một số chữ. - Vâng, chính là đồng hồ của tôi. Trung uý Macini lấy lại chiếc đồng hồ. - Chúng tôi hãy tạm giữ để làm tang vật. Tôi đề nghị ông sáng mai đến cơ quan cảnh sát nhận diện tên hung thủ. Ký ức về vụ hành hung hôm trước làm Phillip trào lên một nỗi uất giận. - Vâng, tôi sẽ đến. - Địa chỉ là Sở cảnh sát, phòng 212. Mười giờ sáng, được không, thưa ông Adler? - Được, - Ông cau mày. - Lúc nãy ông bảo hắn không phải là một tên côn đồ bình thường. Như thế nghĩa là sao, thưa trung uý Mancini? Người thám tử ngập ngừng: - Hắn được người ta thuê để làm hại ông. Phillip sửng sốt nhìn viên trung uý thám tử: - Ông nói sao? - Việc ông bị trấn lột không phải chỉ là tai nạn ngẫu nhiên. Thủ phạm đã nhận năm chục ngàn đô-la để cắt gân cổ tay ông. - Không, tôi không tin, - Adler chậm rãi nói. - Ai có thể bỏ ra năm chục ngàn đô-la để thuê côn đồ làm hại tôi được? - Chính bà vợ ông. Chương 34 Chính vợ chàng đã thuê hắn! Phillip kinh hoàng đến nghẹn thở. Lara? Lara mà có thể làm chuyện khủng khiếp như vậy sao? Vì nguyên do nào kia chứ? Em không hiểu tại sao anh cứ tập suốt ngày như vậy. Hôm nay anh có phải biểu diễn đâu… Anh đừng đi. Em cần một người chồng, chứ không phải một người tình nhất thời… Anh suốt năm suốt tháng cử bỏ nhà đi như người bán hàng rong vậy… Bà ấy vu cho tôi ăn cắp chiếc vòng kim cương ông tặng. Bà ấy dám làm bất cứ việc gì cốt để giữ được ông. Và câu của Ellettbee: Tôi đã gặp vợ anh. Anh có định giảm số buổi biểu diễn của anh không? Ôi Lara!… Tại trụ sở cơ quan cảnh sát, đang diễn ra một cuộc họp giữa viện trưởng viện công tố Quận, cảnh sát trưởng và trung uý Mancini. Viện trưởng Công tố nói: - Chúng ta chưa đụng đến Jane Doe. Bà ta cũng có lắm chuyện đấy. Nhưng hiện ông đã thu thập được chứng cứ đến đâu, trung uý Mancini? Mancini nói: - Tôi đã thẩm vấn một số người của công ty Cameron. Jesse Shaw được tuyển vào làm theo yêu cầu của đích thân bà Lara Cameron. Tôi đã hỏi họ là xưa nay bà ta đã trực tiếp ra lệnh thuê công nhân lần nào chưa, thì câu trả lời là ngoài trường hợp Jesse Shaw, chưa bao giờ. - Còn gì nữa? - Còn có dư luận nói rằng một người làm đốc công tên là Bill Whitman đã từng khoe với thợ thuyền của ông ta rằng ông ta nắm được gì đó về đời tư của bà Lara Cameron và ông ta sẽ tha hồ moi tiền bà ta để làm giàu. Sau đó ít hôm thì ông Bill Whitman này bị cần cẩu do Jesse Shaw điều khiển gây tai nạn làm chết. Trước đó tên này xin nghỉ việc ở Chicago để lên ở New York. Sau khi xảy ra tai nạn chết người kia, hắn quay về Chicago ngay. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính hắn đã cố tình gây ra tai nạn kia để giết viên đốc công Bill Whitman. Xin nói thêm là vé máy bay từ Chicago lên New York và trở lại Chicago là do công ty Cameron trả. - Còn vụ tấn công Phillip Adler? - Cũng vẫn màn kịch như vậy. Jesse Shaw bay từ Chicago đến New York trước đó hai ngày và sau vụ hành hung Adler, hắn bay trở lại Chicago. Nếu hắn không nổi máu tham đem cầm chiếc đồng hồ kia lấy tiền mà quẳng nó đi đâu đó thì chúng ta khó mà tóm được hắn. Cảnh sát trưởng hỏi: - Động cơ của cả hai vụ đó? Tại sao bà ta lại làm thế đối với chồng mình? - Tôi đã hỏi mấy người làm trong nhà cho bà ta. Lara Cameron rất yêu chồng. Họ chỉ cãi nhau về mỗi một chuyện là ông ta luôn đi biểu diễn xa, bỏ vợ Ở nhà một mình. muốn chồng chỉ ở nhà, không đi đâu hết. - Bây gỉờ thì ông ta ở nhà rồi. - Đúng thế. Viên công tố quận hỏi: - Bà ta khai ra sao? Chối phải không? - Chúng tôi chưa đối chất với bà ta. Tôi muốn trình báo với các vị đã, xem đã nên khởi tố vụ này chưa? - Ông nói Phillip Adler có thể nhận diện tên Shaw? - Đúng thế. - Tốt lắm. - Tại sao ông không cử người đến thẩm vấn Lara Cameron xem bà ta trả lời ra sao? * * * * * Lara đang làm việc với Howard thì máy truyền âm lạo xạo. - Trung uý Mancini xin gặp bà, thưa bà Cameron. Lara cau mặt: - Về chuyện gì vậy? - Ông ta không nói, thưa bà. - Thôi được, mời ông ta vào đây. Trung uý Mancini dùng cách khai thác rất lịch sự. Không có chứng cứ rõ ràng nên sẽ rất khó khai thác được sự thật ở nàng. Nhưng mình dùng thử cách này xem sao. Viên thám tử thầm nghĩ. Và ông không ngờ lại gặp cả Howard Keller tại đây. - Chào ông Trung uý. - Chào bà. - Ông biết ông Howard Keller đây chưa nhỉ? - Rồi, tất nhiên. Cây bóng chầy giỏi nhất thành phố Chicago ngày xưa. - Tôi có thể giúp gì được ông, thưa trung uý? - Chà, gay go đây. Trước hết cần xác định bà ta quen Jesse Shaw, sau đấy mới dần dần khai thác tiếp được Chúng tôi đã bắt được thủ phạm gây thương tích cho chồng bà, - vừa nói, Mancini vừa quan sát thái độ phản ứng của Lara. - Thật à? Tên nào vậy? Có… Howard Keller ngắt lời nàng: - Làm sao ông bắt được hắn? - Hắn đem cầm chiếc đồng hồ bà Cameron đã tặng ông Adler, - Mancini lại theo dõi thái độ Lara. Tên hắn là Jesse Shaw. Vẻ mặt Lara không hề lộ chút thay đổi nào. Bà này giỏi, Mancini thầm nghĩ. Bà này giỏi thật đấy. - Bà có biết hắn chứ? - Không. Mà làm sao tôi lại biết được hắn? Bây giờ bà ta mới lộ ra vẻ bối rối đầu tiên, Mancini thầm nghĩ. Ta sẽ khoét sâu và nhất định bà ta sẽ phải thú nhận. - Hắn là thợ làm việc tại một trong những công trường xây dựng của bà tại Chicago. Hắn cũng có lúc tham gia vào làm ở công trình của bà tại Queens. Chính hắn đã điều khiển cần cẩu và làm chết một người. -Mancini giả vờ xem lại sổ tay. - Tên người bị nạn là đốc công Bill Whitman. Cơ quan điều tra hôm đó kết luận chỉ là do tai nạn ngẫu nhiên. Lara nuốt nước bọt. - Đúng thế… Nàng chưa kịp nói thì Howard Keller đã nói luôn: - Thưa ông Trung uý, chúng tôi thuê hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thợ thuyền làm cho các công trường. Làm sao chúng tôi nhớ xuể ngần ấy con người. - Ông biết Jesse Shaw? - Không. Và tôi tin rằng bà Lara Cameron cũng không biết y. - Tôi muốn nghe đích thân bà trả lời. Lara nói: - Chưa bao giờ tôi nghe ai nhắc đến cái tên ấy. Hắn được người ta thuê với giá năm chục ngàn đô-la để làm hại chồng bà. - Tôi… Tôi không thể tin là lại có chuyện đó được, - mặt Lara biến sắc. Vậy là ta đánh trúng tim gan bà ta rồi, - Mancini thầm nghĩ. - Quả là bà không biết chút nào về việc đó? Lara đang nhìn thẳng vào mặt người thám tử, mắt nàng đột nhiên lóe sáng. - Ông định nói rằng…? Tại sao ông dám có thể có chuyện như thế được? Nếu quả có ai thuê hắn làm chuyện đó, tôi rất muốn biết đó là ngườí nào? - Chồng bà cũng đang muốn biết, thưa bà Cameron. - Ông đã trao đổi chuyện này với chồng tôi? - Vâng, tôi đã… Lát sau, Lara hấp tấp lao ra khỏi văn phòng. Lúc nàng về đến nhà, Phillip đang thu xếp hành lý vào vali trong phòng ngủ. Chàng thật lúng túng bởi bàn tay trái chưa cử động được. - Phillip? Anh làm gì thế? Chàng ngẩng mặt, nhìn thẳng vào vợ, và như thể lần đầu tiên nhìn thấy Lara. - Anh dọn đi ở nơi khác. - Tại sao? Anh đừng tin vào cái chuyện hồ đồ ấy. Câu chuyện khủng khiếp và hoàn toàn không có thật. - Em đừng nói dối anh nữa, Lara. - Không! Em không nói dối. Anh phải nghe em nói. Chuyện bất hạnh xảy ra với anh, em hoàn toàn không dính dáng gì hết. Không đời nào em lại muốn làm anh bị thương tật. Em yêu anh, Phillip. Phillip quay nhìn vợ: - Cảnh sát cho biết tên hành hung anh làm việc cho em. Chính em đã thuê hắn với giá năm chục ngàn đô-la để cắt gân tay anh. Lara lắc đầu: - Em hoàn toàn không biết chuyện đó. Em chỉ biết một điều là em không hề làm chuyện ấy. Anh không tin em sao? Phillip nhìn vợ, không trả lời. Lara đứng đó một lúc lâu rồi quay lưng, loạng choạng ra khỏi phòng. * * * * * Đêm hôm đó ở một khách sạn trong khu thương mại ở thành phố, Phillip thức trắng đêm. Đầu óc chàng lúc nào cũng chất đầy hình ảnh Lara. Mình muốn biết thêm tin túc về Quỹ. Có lẽ nên họp lại với họ và thảo luận… Anh có gia đình chưa? Anh kể về anh đi… Khi tôi nghe anh chơi bản nhạc của Scarlatti, tôi cảm thấy như mình đang ở thành phố Naples bên Italia… - Tôi mơ thấy giấc mơ toàn gạch ngói sắt thép và tôi cô biên giấc mơ ấy thành sự thật… - Tôi đến Amsterdam cốt để gặp anh… Anh có muốn em cùng đi Milan với anh không? Em sắp làm anh hư đấy… Anh đã định. Và tình cảm trìu mến, lòng thương cảm, sự chăm sóc tận tình của Lara. Chẳng lẽ mình nỡ đối xử tệ bạc như vậy với nàng? Lúc Phillip đến trụ sở cảnh sát, trung uý Mancini đã đang đợi chàng. Ông dẫn chàng vào một phòng họp nhỏ có sàn biểu diễn nhỏ ở đầu phòng. - Chúng tôi mời ông đến chỉ cốt để ông nhận diện hắn. Và để họ đính Lara vào vụ này chứ gì? - Phillip thầm nghĩ. Trên sân khấu có sáu người đàn ông cùng cao lớn như nhau và trạc tuổi nhau. Jesse Shaw đứng giữa. Khi chàng nhìn thấy hắn, đầu óc chàng đột nhiên gục xuống. Chàng như nghe thấy văng vẳng bên tai: "Đưa ví đây!" Chàng như cảm thấy nỗi đau khủng khiếp lúc hắn đưa lưỡi dao sắc như dao cạo cứa cổ tay chàng. Chẳng lẽ Lara lại bố trí chuyện này để làm hại mình. Anh là người duy nhất em yêu trên cõi đời này. Trung uý Mancini nói: - Xin ông nhìn cho kỹ vào, thưa ông Adler. Từ nay tôi slàm việc ở nhà. Phillip cần có tôi bên cạnh. - Ông Adler… Em sẽ tìm đến những bác sĩ giỏi nhất trên thế giới. Nàng luôn luôn bên cạnh chàng, chiều chuộng nâng niu chàng. Mohamed không đến với núi thì núi đến Mohamed vậy! - Ông chỉ cho tôi kẻ nào đã tấn công ông hôm ấy? Em lấy anh bởi vì em yêu anh. Từ đỉnh đầu đến gót chân em đều say mê anh. Bây giờ em vẫn yêu anh đúng như vậy. Nếu chúng ta không làm tình được với nhau nữa thì em vẫn hạnh phúc như thường. Điều em cần duy nhất là được anh ôm em và yêu em… Và nàng đã làm đúng như điều nàng nói. Rồi đến đoạn cuối giữa hai người trong nhà họ. Em hoàn toàn không dính dáng một chút nào đến chuyện tai hoạ anh đã phải chịu. Không đời nào em làm gì để anh phải đau đớn. - Ông Adler… Đúng là cảnh sát đã điều tra lầm. Phillip thầm nghĩ. Lạy Chúa, mình tin nàng. Nàng không thể làm chuyện ấy được. Mancini lại nói: - Người nào là thủ phạm đã tấn công ông tối hôm đó? Phillip quay sang nhìn người thám tử, nói: - Tôi không biết. - Ông nói sao - Tôi không thấy hắn trong đám người này. - Ông bảo nhớ rõ mặt hắn kia mà. - Đúng thế. - Vậy ông cho biết trong số những người này hắn là người nào? - Tôi không thể, - Phillip nói. - Hắn không có mặt ở đây. Mặt trung uý Mancini xịu xuống: - Ông tin chắc là như thế chứ, ông Adler? Phillip đứng lên: - Tôi tin chắc. - Vậy là xong, thưa ông Adler. Cảm ơn ông đã đến đây giúp chúng tôi. Ta phải đến gặp Lara mới được, Phillip thầm nghĩ. Ta phải đến gặp Lara mới được. Nàng ngồi bên bàn giấy, nhìn ra ngoài cửa sổ. Phillip không tin nàng. Điều đó khiến Lara đau khổ vô cùng. Rồi Paul Martin nữa. Rõ ràng tất cả những chuyện này có bàn tay của ông ta. Nhưng tại sao Martin lại làm như vậy? "Cô có nhớ tôi đã nói với cô là bảo cậu ta phải chăm sóc vợ không? Cậu ta quá mải mê biểu diễn. Phải có ai bảo cậu ta mới được!" Phải chăng Martin làm chuyện này vì yêu nàng? Hoặc vì căm giận nàng, trả thù nàng đã nhạt nhẽo với ông? Howard Keller vào. Mặt anh tái nhợt và đau đớn. - Vậy là chúng ta đã mất trắng Toà tháp Cameron, Lara. Cả hai nhà băng bảo hiểm phương Nam và nhà băng Đầu tư Quốc tế đều rút vì chúng ta không đảm bảo đúng thời hạn hoàn tất công trình. Chúng ta không còn cách nào để trả họ bằng những tài sản thế chấp nữa. Khốn khổ, toà nhà đang sắp sửa hoàn thành. Toà nhà cao nhất thế giới. Tôi… tôi rất lấy làm tiếc. Tôi biết chuyện này làm cô vô cùng khổ tâm. Lara quay ra, nhìn thẳng vào mắt Howard và anh sửng sốt thấy thái độ nàng hiện lên trên khuôn mặt. Mặt nàng xanh xao, đôi mắt thâm quầng. Gương mặt nàng tuy không còn chút sinh lực nào nhưng vẫn lộ ra vẻ kinh hoàng. - Lara… cô có nghe thấy tôi nói gì không? Chúng ta bị mất Toà tháp Cameron rồi. Khi Lara cất tiếng nói, giọng nói của nàng điềm tĩnh lạ thường: - Tôi đã nghe thấy. Anh đừng băn khoăn làm gì, Howard. Chúng ta sẽ rút tiền ở một số công trình khác đổ vào đấy và vẫn sẽ cứu được Toà tháp Cameron. Lara làm Howard thấy hoảng sợ. - Lara, chúng ta không còn chỗ nào có thể rút tiền nữa. Cô sẽ phải tuyên bố phá sản và… - Howard…? - Sao? - Một người đàn bà có thể yêu một người đàn ông đến mức quá đáng không? - Nghĩa là sao? Giọng nàng thì thào như sắp chết. - Phillip đã bỏ tôi, đã đi rồi. Howard chợt hiểu: - Tôi… Tôi rất ân hận, Lara. Nụ cười hiện ra trên môi nàng rất lạ. - Đúng là buồn cười, đúng vậy không? Tôi đã đột nhiên mất sạch mọi thứ. Mất Phillip và mất mọi tài sản. Anh biết thế nghĩa là sao không, Howard? Số phận đấy. Số mệnh đã chống lại tôi. Chúng tôi không thể cưỡng được số mệnh, đúng thế không anh? Chưa bao giờ Howard thấy nàng đau khổ đến như vậy. Anh thấy tim mình ứa máu. - Lara… - Tuy vậy chưa phải tôi đã mất hết. Tôi phải bay đi Reno chiều nay. Hội đồng xét xử sẽ tiến hành thẩm vấn… Máy truyền âm lạo xạo. - Trung uý Mancini đang ở đây, thưa bà Cameron… - Mời ông trung uý vào. Howard Keller nhìn Lara. - Trung uý Mancini? Ông ta đến đây làm gì? Lara hít một hơi thở sâu: - Ông ta đến đây để bắt tôi, Howard. - Bắt cô? Cô nói gì vậy, Lara? Giọng nàng rất bình thản: - Họ cho rằng tôi đã bố trí việc gây thương thích cho Phillip. - Vô lý? Họ không thể … Cửa mở, trung uý Mancini bước vào. Ông ta đứng lại ở ngưỡng cửa nhìn hai người một lúc, rồi bước hẳn vào. - Tôi đem lệnh bắt giam. Howard Keller tái mặt. Anh lắp bắp nói: - Các ông không thể bắt Lara? Cô ấy không làm gì hết. - Ông nói đúng, thưa ông Keller. Không phải lệnh bắt Cameron mà là bắt ông. Chương 35 Biên bản cuộc thẩm vấn Howard Keller do trung uý cảnh sát, thám tử Sal Mancini tiến hành. Mancini: ông đã đọc bản quy định về các quyền lợi của ông rồi chứ, thưa ông Keller. Keller: Vâng. Mancini: Và ông từ chối không sử dụng quyền có luật sư? Keller: Tôi không cần đến luật sư nào hết. Tôi khắc có cách tự biện hộ. Và tôi không muốn làm bất cử điều gì có hại cho Lara. Mancini: Ông đã trả cho Jesse Shaw năm chục ngàn đô-la để thuê hắn tấn công Phillip Adler? Keller: Đúng. Mancini: Tại sao ông làm như thế? Keller: Bởi Phillip làm khổ Lara. Cô ấy van nài cậu ta ở nhà với mình nhưng cậu ta vẫn cứ bỏ vợ để đi biểu diễn khắp nơi. Mancini: Cho nên ông đã làm thế để ông Adler không thể đi biểu diễn được nữa? Keller: Thật ra tôi không định làm Adler thành như vậy Jesse Shaw đã làm quá tay. Mancini: Ông kể cho về Bill Whitman. Keller: Hắn là tên khốn nạn. Hắn định vu cáo Lara để buộc cô ấy phải nộp tiền cho hắn. Tôi không thể để hắn moi tiền Lara một cách tàn bạo và khốn nạn như thế được. Hắn sẽ làm Lara sạt nghiệp mất. Mancini: Và thế là ông bố trí giết Whitman? Keller: Để che chở cho Lara Cameron. Mancini: Bà Cameron có biết chuyện ông làm không? Keller: Tất nhiên không. Nếu biết, không đời nào cô ta tán thành cho tôi thủ tiêu Whitman. Cô ấy không biết. Tôi ở bên cạnh cô ấy để bảo vệ, che chở cho cô ấy. Mọi việc tôi làm là vì cô ấy. Tôi sẵn sàng chết vì cô ấy. Tôi muốn hỏi ông một câu. Làm sao ông biết được là tôi nhúng tay vào vụ này? Hết biên bản. * * * * * - Tại cơ quan cảnh sát, đại uý cảnh sát trưởng Bronson hỏi Mancini: - Làm sao anh đoán được là Howard Keller chủ mưu vụ này? - Ông ta giấu rất khéo đầu dây và tôi đã phải mất rất nhiều công mới lần ra được. Trong bản lý lịch phạm pháp của Jesse Shaw có ghi lại một vụ án cũ. Năm mười bảy tuổi, hắn đã ăn cắp một số trang bị của đội bóng chầy thuộc Câu lạc bộ Chicago, đội bóng lúc đó nằm trong Liên đoàn bóng chầy Hoa Kỳ. Tôi chợt nhớ là lúc ấy Howard Keller chơi trong đội bóng đó. Tôi bèn điều tra và tìm ra rằng hai người đã có thời gian cùng chơi trong một đội bóng với nhau. Sau đấy, vì hoàn cảnh gia đình, Howard Keller phải bỏ đội bóng. Khi tôi hỏi Keller, ông ta tra lời là không hề quen Jesse Shaw. Tôi bèn gọi điện hỏi một người bạn cũ hồi đó chuyên viết bài bình luận về thể thao cho tờ báo Chicago Sun Times. Anh bạn tôi còn nhớ cả Howard Keller lẫn Jesse Shaw và nhớ hai người đó bấy giờ rất thân với nhau. Tôi bèn nghi là chính Howard Keller đã nhận Jesse Shaw vào làm cho công ty Cameron. Bà Lara Cameron thuê Jesse Shaw là do Howard Keller đề nghị. Có lẽ bà chưa gặp mặt Jesse Shaw bao giờ. - Anh điều tra giỏi lắm, anh Mancini. Mancini lắc đầu: - Đại uý biết không? Thật ra những điều tra đó của tôi chẳng có tác dụng gì hết. Vì nếu chúng ta đến bắt Lara Cameron thì lập tức Howard Keller sẽ tự thú ngay, chẳng cần phải có những thông tin tôi thu lượm được. Lara Cameron hoàn toàn suy sụp. Nàng không thể tưởng tượng Howard Keller lại là thủ phạm. Trong ngần ấy người, anh là người nàng ít nghi ngờ đến nhất. Anh ấy làm chuyện đó vì mình, Lara thầm nghĩ: Mình phải nghĩ cách giúp anh ấy. Kathy ấn máy truyền âm. - Xe đã sẵn sàng, thưa bà Cameron. Bà đi chứ ạ? - Được! Nàng sắp phải đến Reno để khai trước hội đồng xét xử. Năm phút sau khi Lara đi, Phillip gọi điện đến văn phòng. - Đáng tiếc, thưa ông Adler. Bà nhà vừa đi xong. Bà phải đến Reno. Chàng lộ vẻ thất vọng. Chàng đang rất tha thiết gặp vợ, xin vợ tha thứ. - Khi nào cô liên hệ được với vợ tôi, cô nhắn giúp là tôi chờ điện thoại của bà ấy. - Vâng, thưa ông. Phillip gọi điện thoại tiếp đó cho ông bầu Ellerbee, nói chuyện với ông ta liền mười phút. - Ông Ellerbee… Tôi sẽ ở lại New York và dạy ở nhạc viện Juillard. - Hcó thể làm gì tôi được? - Lara hỏi. Terry Hill đáp: - Còn tuỳ. Họ sẽ yêu cầu chị khai. Nếu họ kết luận chị vô tội thì họ sẽ trả lại giấy phép kinh doanh sòng bạc cho chị. Còn nếu họ thấy có đủ chứng cứ để kết chị vào tội phạm pháp thì họ sẽ xử tội chị. Chị sẽ bị ra toà và sẽ lĩnh án, có thể là ngồi tù. Lara lẩm bẩm gì đó. - Xin lỗi? Chị bảo sao? - Tôi bảo cha tôi ngày xưa nói đúng. Quả là con người có số mệnh thật. Cuộc thẩm vấn của Hội đồng xét xử kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Họ hỏi Lara về việc tham gia vụ bán đấu giá và làm sao mua được khách sạn kiêm sòng bạc ở Reno. Lúc cuộc thẩm vấn kết thúc, ra ngoài, Terry Hill bóp chặt tay Lara. - Chị trả lời rất tốt, Lara. Tôi đoán chị đã thuyết phục được họ. Họ không có bằng chứng nào để kết tội chị. Cho nên có nhiều cơ may chị sẽ… Đột nhiên người luật sư của nàng ngừng bặt. Lara quay đầu ra nhìn. Paul Martin vừa bước vào gian tiền sảnh. Ông mặc bộ âu phục cũ kiểu cài khuy chéo ở ngực và mái tóc bạc trắng của ông chải theo đúng như hôm đầu tiên nàng gặp ông ta. Terry Hill nói: - Ôi Lạy chúa! Martin cũng bị gọi đến đây để thẩm vấn, - anh quay sang Lara. - ông ta có căm chị lắm không? - Anh nói vậy là ý sao? - Lara? Nếu như ông ta khai đúng sự thật ra thì chị sẽ bị liên quan. Thậm chí nếu ông ta lại khai bậy rằng chính chị đã nhờ ông ta lén điều tra số tiền đề xuất của những người khác tham gia đấu giá thì chị sẽ phạm pháp và bị tù… Lara đang nhìn theo Martin. - Nhưng nếu ông ấy khai như vậy, chính ông ấy cũng bị tội. - Chính vì thế tôi mới hỏi chị xem ông ta căm chị đến mức nào. Nếu ông ta quyết làm hại chị thì ông ta cũng dám vào tù lắm. Lara bối rối: - Tôi không biết nữa. Martin đang bước về phía họ. - Chào cô Lara. Tôi nghe tin tình hình kinh doanh của cô đang rất gay go. - Mắt ông ta không để lộ ý gì hết. - Tôi rất tiếc. Lara nhớ lại những lời Howard đã nói với nàng. - Ông ta là dân Sicile. Mà dân đảo đó không biết tha thứ cũng không biết quên bao giờ. Paul Martin chắc đang uất giận nàng lắm, coi nàng là đã phản bội ông ta và sẽ không tha thứ cho nàng đâu. Martin đã bước đi. - Paul! Martin đứng lại. - Cô bảo gì? - Em cần nói chuyện với anh. Paul Martin hơi ngập ngừng. - Được. Ông hất đầu về phía một phòng nhỏ bỏ trống ở cuối hành lang. - Ta vào đây. Terry nhìn theo hai người vào khuất. Cửa khép lại ông sẵn sàng trả rất nhiều để nghe được câu chuyện giữa họ. Nàng không biết mở đầu thế nào. - Cô muốn gì, Lara? Nàng không ngờ lại khó nói ra đến thế. Khi nói, nàng có cảm giác giọng mình rơi tõm vào vực thẳm. - Em muốn anh buông tha cho em. Martin cau mày: - Tôi đâu có quyền buông tha? Tôi có nắm giữ gì cô đâu? - ông nhạo báng nàng. Cổ họng Lara nghẹn lại: - Anh thấy anh trừng phạt em như vậy vẫn chưa đủ sao? Martin đứng lặng yên, trên mặt không biểu lộ vẻ gì hết. - Quãng thời gian chúng ta quan hệ với nhau là quãng thời gian tuyệt vời, Paul. Ngoài Phillip ra, em không còn yêu quý ai hơn anh. Em chịu ơn anh nhiều đến mức em không bao giờ trả được hết. Em không hề định làm anh đau lòng. Anh hãy tin là như thế. Câu chuyện trở nên khó nói. - Anh có đủ sức để hủy hoại em. Có phải đấy là điều anh mong muốn không? Làm em bị tù anh sẽ vui sướng chăng? - Nàng cố ghìm để nước mắt khỏi trào ra. - Em xin anh, Paul. Trả lại cuộc sống cho em, đừng coi em là kẻ thù nữa. Martin đứng yên, cặp mắt đen của ông không biểu lộ gì hết. - Em cầu xin anh tha thứ. Em… Em cũng mỏi mệt lắm rồi, không muốn đấu tranh gì nữa. Paul? Anh đã thắng… - giọng nàng nghẹn ngào. - Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa, người thư ký Hội đồng bước vào. - Hội đồng mời ông vào khai, thưa ông Martin. Martin đứng nhìn Lara một lúc lâu, rồi quay gót, đi theo người thư ký. Thế là hết, Lara thầm nghĩ. Ông ta sẽ không tha thứ cho mình. Terry Hill đi nhanh vào: - Tôi khao khát được nghe xem ông ta sẽ khai trước Hội đồng như thế nào. Chúng ta chẳng còn cách nào khác là ngồi đợi. Họ ngồi đợi. Thời gian trôi chậm chạp tưởng như dừng lại. Khi Paul Martin bước trong phòng Hội đồng ra, trông ông ta mệt mỏi và buồn bã. Anh ấy già sọp đi Lara thầm nghĩ. Anh ấy oán mình chính bởi do mình mà anh ấy biến thành như thế này. Paul Martin nhìn Lara, ngập ngừng rồi bước đến chỗ nàng. - Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cô. Cô đã biến tôi thành thằng ngu xuẩn. Nhưng đồng thời cô cũng đã từng là người đem lại cho tôi một quãng thời gian đẹp nhất trong suốt cả cuộc đời tôi. Vì vậy tôi cũng có phần chịu ơn cô. Tôi đã không khai gì với họ hết, Lara. Mắt nàng ướt đẫm. - Ôi em không biết lấy gì cảm ơn anh, Paul… - Hãy coi đấy là quà tặng sinh nhật cô của tôi. Chúc cô nhân ngày sinh nhật! Nàng nhìn theo Martin đi xa dần và lúc này nàng mới nhận ra câu nói của ông ta. Quà sinh nhật nàng của ông ấy tặng! Đầu óc nàng còn rối tung bao nhiêu sự việc cho nên nàng quên bẵng mất chuyện kỷ niệm sinh nhật, lại còn bữa tiệc nữa. Hai trăm khách sắp kéo tới khách sạn Cameron Plaza và chờ nàng ở đó. Lara quay sang người luật sư: - Terry, tôi phải về New York tối nay. Một bữa tiệc lớn, long trọng đang đợi tôi ở đó. Họ có cho tôi rời khỏi đây chưa nhỉ? - Đợi vài phút đã, - Terry Hill nói. Ông chạy vào trong hội trường. Năm phút sau ông quay ra, nói: - Chị có thể về New York được đấy. Sáng mai hội đồng mới công bố quyết định. Nhưng sẽ chỉ là thủ tục thôi. Chị có thể về nhà ngay đêm nay. À, mà nhân tiện, ông bạn chị nói đúng đấy. Paul Martin không làm gì hại đến chị hết. * * * * * Nửa giờ sau, Lara đang trên đường về New York. - Chị cảm thấy bình thường chứ? - Terry Hill hỏi. Lara nhìn người luật sư nói: - Tất nhiên là tôi bình thường. Hàng trăm khách quan trọng đang đợi nàng để dự bữa tiệc đêm nay mừng nàng. Nàng đã có thể ngẩng cao đầu. Nàng vẫn là Lara Cameron… Nàng đứng giữa gian phòng vũ hội thênh thang và nhìn xung quanh. Mình sáng tạo nên toà nhà này. Mình đã sáng tạo nên bao nhiêu toà nhà vươn cao lên bầu trời, làm biến đổi cuộc sống của hàng vạn con người trên khắp nước Mỹ. Và bây giờ thì tất cả những toà nhà đó sẽ thuộc về các nhà băng vô danh. Nàng như nghe thấy tiếng c nàng văng vẳng bên tai: Đấy là số mệnh. Số mệnh bao giờ cũng đen đủi với tao. Nàng hồi tưởng lại nhà trọ ở thị trấn Glace Bay, nơi nàng đã sinh ra và lớn lên. Nàng nhớ buổi đầu tiên đến trường học nàng đã hoảng sợ như thế nào: Em nào nêu tên đồ vật gì bắt đầu bằng chữ Đ nào? Nàng nhớ lại các khách trọ, nhớ lại ông già Bill Rogers… Quy tắc đầu tiên trong nghề xây dựng là "tiền của người khác". Cháu đừng quên điều đó. Rồi câu của ông Charles Cohn: "Tôi chỉ ăn thức ăn kosher thôi và tôi e rằng ở Glace Bay không có". - Nếu cháu điều đình và mua được khu đất này thì ông có chịu thuê nhà ở đó trong thời hạn năm năm không? - Không đâu, Lara. Ta sẽ thuê của cô trong mười năm kia. Và cả lão chủ nhà băng Sean McAllister nữa… - Tôi muốn có lý do chính đáng để cho cô vay món tiền đó. Cô đã ngủ với nam giới bao giờ chưa? Và Howard Keller: - Cô lầm rồi đấy… - Tôi muốn ông đến với tôi và làm việc với tôi… Rồi bao nhiêu may mắn khác nữa. Toàn những thành công rực rỡ. Và Phillip. Chàng Hoàng tử Lochinvar của đời nàng. Người mà nàng yêu say đắm. Và đấy là sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời nàng. Một tiếng gọi: - Lara… Nàng quay lại. Jerry Townsend. - Cậu Carlos cho tôi biết là bà đang ở đây, - anh ta bước đến gần nàng. - Tôi rất lấy làm tiếc về bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật… Lara nhìn anh ta: - Nhưng sao… Sao lại thế này? Townsend cũng nhìn nàng: - Vậy ra ông Howard không nói gì với bà ư? - Nói gì? Do báo chí đăng tin nói xấu chúng ta nhiều quá và cũng do nhiều khách mời tỏ ý ngại ngùng nên chúng tôi quyết định gửi thiếp hoãn lại. Tôi đã bàn với ông Howard Keller và nhờ ông nói lại với bà. Thú thật là gần đây trí nhớ của tôi bị giảm sút mạnh. Lara dịu dàng nói: - Chuyện ấy không quan trọng, - nàng nhìn lại gian phòng rộng lớn lần cuối cùng. - Tôi đã có được mười lăm phút của tôi chứ? - Bà nói gì? - Không, - nàng bước ra phía cửa. - Bà Lara! Ta lên văn phòng đi. Có vài thứ cần phải thu xếp. - Được. Có lẽ sẽ không bao giờ mình còn trở lại toà nhà này nữa, Lara thầm nghĩ. Trong thang máy để lên các Văn phòng Điều hành, Jery Townsend nói: - Tôi có nghe chuyện về Howard Keller. Không thể tưởng tượng ông ta lại nhúng tay vào việc đó. Lara lắc đầu: - Nguyên nhân chính là do tôi. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình về chuyện đó, Jerry. - Không. Bà không có lỗi gì hết. Đột nhiên Lara cảm thấy nàng vô cùng cô đơn. - Jerry, nếu như anh còn chưa định đi ăn tối ở đâu. - Bà tha lỗi, bà Lara. Tối nay tôi có hẹn mất rồi. Cửa thang máy mở, hai người bước ra. - Những giấy tờ cần phải ký nằm trên bàn ở phòng Hội nghị, - Jerry nói. - Tốt. Cửa phòng Hội nghị đóng. Jerry đợi Lara mở, và trong lúc nàng đang mở, chừng bốn chục tiếng người ở trong cất tiếng hát: - Chúc mừng ngày sinh nhật của bà, Chúc mừng ngày sinh nhật của bà… Lara ngạc nhiên đứng sững người. Trong phòng đầy chật những người đã cùng cộng tác với nàng trong những năm qua: kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng, đốc công… Có cả ông già Charles Cohn và giáo sư Meyers, Horace Guttman và Kathy, cả cha của Jerry Townsend. Nhưng nàng chỉ thấy mỗi một mình Phillip. Chàng chạy về phía nàng, dang rộng hai tay đón nàng và đột nhiên Lara cảm thấy cổ họng nghẹn lại. - Lara thân yêu… - tiếng chàng thốt lên như một lời ve vuốt. Lara nép mình trong vòng tay chồng, cố nén để khỏi oà khóc. Và nàng thầm nghĩ: mình đã đang ở nhà. Đây mới là vị trí của mình. Trong lòng nàng trào lên một cảm giác nồng ấm diệu kỳ và thanh thản. Chàng ôm chặt vợ trong vòng tay và Lara cảm thấy thân thể chàng nóng hổi. Đây mới là điều đáng giá nhất, nàng thầm nghĩ. Mọi người đã vây quanh nàng và họ đều nói, gần như cùng một lúc. - Chúc mừng ngày sinh nhật, Lara… - Hôm nay trông bà đẹp quá… - Bà có ngạc nhiên trước món quà này không? Lara quay sang Jerry Townsend: - Thì ra anh tổ chức tất cả những chuyện này…? Jerry lắc đầu: - Không. Đấy là Phillip bố trí. - Ôi anh yêu! Đám hầu bàn bưng vào các khay thức ăn nguội và đồ uống. Ông già Charles Cohn nói: - Dù xảy ra chuyện gì đi nữa thì tôi cũng rất tự hào về cô, Lara. Cô đã nói rằng cô sẽ phải sống khác đi và cô đã làm được điều cô nói. Cha của Jerry Townsend nói: - Người phụ nữ này đã cứu sống tôi. Kathy mỉm cười nói tiếp: - Cứu sống cả tôi nữa. - Chúng ta hãy nâng cốc, - Jerry Townsend nói to. - Chúc mừng người phụ nữ đã trở thành một người phụ nữ kỳ diệu! Mọi người lần lượt nâng cốc chúc mừng nàng. Cuối cùng đến lượt Phillip. Chàng muốn nói bao nhiêu điều nhưng chàng chỉ tóm gọn trong năm chữ: - Chúc mừng người tôi yêu! Nước mắt long lanh trên đôi mắt Lara. Nàng không biết nói gì bây giờ. - Tôi… Tôi vô cùng biết ơn tất cả các bạn, - nàng nói. - Tôi sẽ không bao giờ trả hết cái ơn này. Ý tôi muốn nói rằng… Nàng nghẹn lại, không nói thêm được nữa. - C… cảm ơn tất cả. Rồi nàng quay sang chồng: - Cảm ơn anh, anh yêu. Đây là ngày kỷ niệm sinh nhật làm em sung sướng nhất trong tất cả những ngày sinh nhật trong cuộc đời em, - đột nhiên nàng sực nhớ ra. - Đêm nay em sẽ phải bay trở lại Reno. Phillip nhìn vợ. Chàng cười to: - Anh chưa được đến Reno bao giờ… Nửa giờ sau hai vợ chồng đã ngồi trong chiếc limousine trên đường ra sân bay. Lara nắm tay chồng thầm nghĩ. Vậy là mình không mất gì hết. Những năm tháng còn lại của cuộc đời, mình sẽ dành cho Phillip. Ngoài ra không thứ gì còn là quan trọng đối với mình nữa. Điều quan trọng duy nhất là ở bên chàng và chăm sóc chàng. Ngoài ra mình không cần bất cứ thứ gì khác. - Lara…? Nàng vẫn đang nhìn ra ngoài cửa sổ xe. - Đỗ lại đã, Max! Xe bị phanh gấp, dừng hẳn lại. Phillip ngạc nhiên nhìn vợ. Họ đỗ xe trước một khu đất trống lớn, mọc đầy cỏ dại. Lara ngắm khu đất Lara… - Anh nhìn xem, Phillip? Phillip quay ra nhìn. - Cái gì? - Anh không thấy à? - Thấy gì? - Khu đất đẹp quá! Có thể xây ở đây một khu buôn bán sầm uất, ở chỗ góc kia kìa! Còn ở giữa chúng ta sẽ xây những toà cư xá thật hiện đại. Khu đất này đủ cho bốn toà nhà cư xá lớn đấy. Anh thấy chưa, anh yêu? Phillip nhìn vợ. Chàng như bị thôi miên. Lara quay sang nói với chồng, giọng nàng say sưa: - Và đây là dự kiến của em… Dịch Thuật: Vũ Đình Phòng Hết Sứ Giả Của Thần Chết Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Mở Đầu Perho, Phần Lan Cuộc họp diễn ra trong một cabin tiện nghi, chịu được thời tiết trong một vùng rừng núi hẻo lánh cách Helsinki độ 200 dặm. Các thành viên Cánh Tây của Ủy ban đã đến một cách kín đáo vào những thời điểm cách quãng không đồng đều. Họ đến từ tám quốc gia khác nhau, nhưng chuyến viếng thăm của họ đã được một bộ trưởng kỳ cựu ở Valtioneuvoso âm thầm tổ chức và trong hộ chiếu của họ chẳng có ghi sự tiếp nhận nào cả. Ngay cả đến khi họ gặp những vệ sĩ võ trang đưa vào cabin và khi người khách cuối cùng đã xuất hiện, cách cửa cabin được khóa lại và các vệ sĩ chiếm giữ các vị trí dưới những ngọn gió tháng giêng tê cóng, cảnh giác với bất kỳ dấu hiệu xâm nhập nào. Các thành viên ngồi chung quanh chiếc bàn hình chữ nhật rộng là những người có thế lực cao trong các hội đồng của quốc gia họ. Trước đây họ đã gặp nhau vào những dịp kém bí mật hơn và họ tin tưởng nhau vì không còn cách nào khác hơn. Để tăng thêm phần an toàn, mỗi người đều có một mật danh. Cuộc họp kéo dài gần năm tiếng đồng hồ và cuộc thảo luận rất sôi nổi. Cuối cùng, vị chủ tọa quyết định đã đến lúc phải nhờ vào việc biểu quyết. Ông nhỏm dậy, đứng thẳng lên và quay người sang người ngồi bên phải. - Sigurd? - Thuận! - Odin! - Thuận! - Balden! - Chúng ta vội quá. Nếu việc này lộ ra, sinh mệnh của chúng ta sẽ... - Làm ơn trả lời thuận hoặc không! - Không... - Freyr? - Thuận! - Signund? - Không. Sự mạo hiểm... - Thor? - Thuận! - Tyr? - Thuận! - Tôi biểu quyết thuận. Quyết định được thông qua. Tôi sẽ thông báo với ngài chủ sự như thế. Vào cuộc họp kế tiếp của chúng ta, tôi sẽ cho các ông biết lời đề nghị của ngài về người có khả năng nhất để thi hành nghị quyết. Chúng ta sẽ tôn trọng những biện pháp cẩn thận thường lệ và sẽ ra đi từng 20 phút một. Cám ơn các ông? Hai tiếng bốn mươi lăm phút sau, chiếc cabin không còn ai. Một toán chuyên viên mang dầu hỏa đến và đốt chiếc cabin, ngọn lửa đỏ bốc cao nhờ các cơn gió hung hãn. Cuối cùng thì Palokunta, đội cứu hỏa ở Perrho đến hiện trường, chẳng còn gì để trông thấy ngoài những đống than hồng đang âm ỉ cháy có hình dáng của phòng cabin trên nền tuyết đang rơi xuống. Người đội phó đội cứu hỏa đến gần đống tro, cúi xuống và đánh hơi. - Dầu hoả. - Ông nói - Hỏa hoạn cố ý. Người đội trưởng cứu hỏa nhìn đăm đăm vào đống tro tàn, mặt lộ vẻ bối rối. - Thật kỳ lạ. - Ông lẩm bẩm. - Gì thế? - Tôi đã đi săn ở khu này tuần trước. Chẳng có chiếc cabin nào cả. Chương 01 Washington D.C Stanton Rogers dự định ứng cử Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia có sức thu hút được nhận thấy khá rõ với đông đảo quần chúng ủng hộ và được những bạn bè có thế lực hậu thuẫn. Không may cho Rogers, cuộc đời tình ái lại dính vào con đường sự nghiệp của ông. Hoặc, như Washington Mavens diễn đạt: “Lão già Stanton đã tự đẩy mình ra khỏi ghế Tổng thống”. Không phải Stanton Rogers tưởng tượng mình là một Casanova. Trái lại, cho đến cuộc chạy trốn khỏi phòng ngủ duy nhất tai hại ấy, ông đã là một người chồng gương mẫu. Ông đẹp trai, giàu có và đang trên đường tiến đến một trong những chức vụ quan trọng nhất của thế giới, và mặc dầu trước đây ông có nhiều cơ hội để phụ bạc vợ ông, ông chưa bao giờ nghĩ đến một người phụ nữ nào cả. Trong lúc Barbara, người phụ nữ mà Rogers yêu và cuối cuộc đời đi đến hôn nhân sau một cuộc ly dị được đăng báo rộng rãi, lớn hơn Stanton những năm tuổi, có khuôn mặt dễ nhìn, hơi xinh đẹp một tí và hình như chẳng có điểm nào chung với ông cả. Stanton thích điền kinh, Barbara ghét tất cả các hình thức thể dục. Stanton ưa sống tập thể, Barbara chỉ thích ở một mình với chồng hoặc chơỉ với các nhóm bạn bè nhỏ. Sự kinh ngạc lớn đối với những ai biết Stanton Rogers là sự khác biệt về chính trị. Stanton thuộc Đảng Tự Do trong lúc Barbara lại trưởng thành trong một gia đình bảo thủ chính cống. Paul Ellison, bạn thân nhất của Stanton đã nói : - Có lẽ cậu điên rồi đấy. Cậu và Liz như được ghi vào sách “Kỷ lục Guinness” như là đôi vợ chồng hoàn hảo. Cậu không thể vứt điều ấy đi vì một vài điều vội vã! - Cậu có cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cậu như thế nào không? - Hết phân nửa các cuộc hôn nhân trong đất nước này đều dẫn đến ly dị. Chẳng nhằm nhò gì cả. - Stanton trả lời. Ông đã tỏ ra là một nhà tiên tri tồi. Tin tức về cuộc ly dị cay đắng trở thành miếng mồi ngon cho báo chí và những tờ báo nhảm nhí tận dụng việc ấy càng ác liệt càng tốt, với những bức tranh vẽ tổ ấm của Stanton Rogers và các câu chuyện về các cuộc hẹn hò bí mật lúc nửa đêm. Báo chí cố giữ cho câu chuyện càng kéo dài càng tốt và khi nào sự náo nhiệt tắt lịm, những người bạn có thế lực đã ủng hộ Stanton Rogers đi đến chiếc ghế Tổng thống biến mất. Họ tìm ra một bạch y hiệp sĩ mới để đoạt chức vô địch: Paul Ellison. Chọn Ellison là một sự chọn lựa lôgich. Tuy ông vừa không có được vẻ đẹp trai lẫn sự thu hút của Stanton Roges, nhưng ông thông minh, dễ mến và có nền tảng đứng đắn. Ông thấp người, có những đường nét đều đặn bình thường và đôi mắt bộc trực. Ông đã kết hôn và sống hạnh phúc được mười năm với Aliee con gái một nhà đại tư bản thép và họ được tiếng là một đôi uyên ương nồng thắm. Như Stanton Roges, Paul Ellison đã theo học tại Yale và tốt nghiệp Trường luật Harvard. Cả hai đã cùng nhau trưởng thành. Gia đình họ có những ngôi nhà nghỉ hè nằm kề cận nhau tại Southampton và các cậu bé cùng đi bơi với nhau, tổ chức các đội bóng chày và sau này, đi với nhau như một cặp bài trùng. Họ học cùng lớp tại Harvard. Paul Ellison học giỏi, nhưng chính Stanton Roges lại là học trò xuất sắc là chủ bút của tờ tạp chí Luật Harvard, ông lo cho anh bạn Paul của ông trở thành phụ tá. Bố của Stanton Roges là một thành viên kỳ cựu tại một hội luật gia có tiếng tăm tại Wall Street và khi Stanton đến đấy làm việc trong những dịp hè, ông cũng thu xếp cho Paul đến đấy nữa. Khi tốt nghiệp trường Luật, ngôi sao chính trị của Stanton Roges bắt đầu vụt sáng như sao băng và nếu ông là sao chổi thì Paul Ellison là cái đuôi. Cuộc ly dị đã làm thay đổi mọi việc. Bây giờ chính Stanton Roges lại trở thành phần phụ thuộc cho Paul Ellison. Con đường mòn lên đỉnh núi mất gần mười lăm năm. Ellison thất bại trong một cuộc bầu cử Thượng viện, thắng trong cuộc bầu cử sau đấy và trong vòng vài năm kế tiếp, đã trở thành một luật gia vững vàng khá được trọng vọng. Ông đấu tranh chống lại sự lãng phí trong chính phủ và chế độ quan liêu Washington. Ông là một người theo quan niệm dân kiểm và tin vào sự hòa hoãn quốc tế ông được mời đọc diễn văn đề cử cho cuộc chạy đua tái cử Tổng thống đương nhiệm. Đó là bài diễn văn hùng hồn, xuất sắc làm cho mọi người phải ngồi thẳng dậy và đưa ra nhận xét. Bốn năm sau, Paul Ellison được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ. Việc bổ nhiệm đầu tiên của ông ta là đưa Stanton Roges vào chức Cố vấn ngoại giao của Tổng thống. Lý thuyết của Marshall McLuhan cho rằng truyền hình sẽ biến thế giới thành một ngôi làng hình cầu đã trở thành sự thật. Lễ tuyên thệ nhậm chức Tống thống thứ 42 của Hoa Kỳ được vệ tinh truyền đi đến trên 190 nước. Tại Black Rooster, một nơi vãng lai dành cho báo chí tại Washington D.C., Ben Cohn, một phóng viên chính trị lão thành của tờ Washington Post ngồi tại một chiếc bàn với bốn đồng nghiệp xem lễ tuyên thệ nhậm chức qua một chiếc tivi lớn đặt trên quầy rượu. - Thằng chó đẻ làm tôi tốn mất 50 đô-la đấy. - Một phóng viên lên tiếng phàn nàn. - Tôi cảnh cáo cậu không nên đánh cá với Ellison đấy. - Ben Cohn lên tiếng - Lão có ma thuật, em bé ạ. Tốt hơn cậu nên tin đi. Máy quay phim thành công với việc trình bày cả đám đông khổng lồ tụ tập trên đại lộ Pennsylvania, co ro trong những chiếc áo khoác để chống chọi với các cơn gió tê cóng của tháng giêng, lắng nghe buổi lễ bằng loa phóng thanh đặt chung quanh vòng đai. Jason Merlin, Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ chấm dứt lời tuyên thệ với vị tân Tổng thống bắt tay ông và bước đến micro. - Hãy nhìn những tên ngốc nghếch đang đứng đấy kìa và đang tê cóng đít. - Ben Cohn lên tiếng phê bình - Các cậu có biết tại sao họ không được thoải mái như những người bình thường xem truyền hình không? - Tại sao vậy? - Bởi vì có một người đang làm lịch sử các cậu ạ. Một ngày nào đấy, tất cả những người ấy sẽ kể với con cháu của họ rằng họ đã ở đấy vào ngày mà Paul Ellison đã tuyên thệ. Và tất cả bọn họ sẽ khoác lác rằng: “Tôi đứng gần người đến nỗi tôi có thể sờ vào người đấy”. - Ông cay độc thế, ông Cohn. - Và tự hào nữa. Mọi chính trị gia trên thế giới đều xuất thân từ cùng một con dao cắt bánh quy cả. Họ đều ở cả trong ấy để tìm điều gì họ có thể lấy ra được. Hãy đối diện với nó, các cậu ạ, vì tân Tổng thống của chúng ta là một người theo chủ thuyết tự do và là một người lý tưởng. Điều ấy đã đủ cho bất kỳ người thông minh nào những cơn ác mộng rồi đấy. Định nghĩa của tôi về một người theo chủ thuyết tự do là một người mà đít dính chặt vào những đám mây len bông. Sự thật thì Ben Cohn chẳng cay độc như giọng nói của ông. Ông đã bảo vệ cho sự nghiệp của Paul Ellison ngay từ đầu và mặc dầu sự thực thì lúc đầu Cohn đã chẳng có cảm giác gì cả, trong lúc Ellison bước lên chiếc thang chính trị, Ben Cohn bắt đầu thay đổi ý kiến. Con người chính trị này chẳng phải là con người “vâng ạ” với bất kỳ một ai. Ông ấy là một cây sồi trong một khu rừng liễu. Bên ngoài, bầu trời giăng một bức màn mưa giá lạnh. Ben Cohn hy vọng rằng thời tiết không phải là điềm báo trước bốn năm đang trước mặt. Ông lại chăm chú nhìn vào tivi. “Chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ là một ngọn được được người dân Mỹ thắp lên và được chuyền tay cứ bốn năm một lần. Ngọn được đã được tín nhiệm vào sự chăm sóc của tôi là vũ khí mạnh nhất trên thế giới. Nó khá mạnh để đốt trụi nền văn minh như chúng ta biết đấy hoặc là ngọn được soi đường, thắp sáng tương lai cho chúng ta và thế giới còn lại. Chúng ta có quyền chọn lựa. Tôi lên tiếng ngày hôm nay không những cho các đồng minh của chúng ta mà còn cả cho các quốc gia thuộc cánh Xô viết nữa. Bây giờ, tôi nói với họ, trong lúc chúng ta chuẩn bị tiến vào thế kỷ 21, rằng chẳng còn chỗ nào cho sự đối nghịch nữa, rằng chúng ta phải học để làm cho câu “một thế giới” trở thành một hiện thực. Bất kỳ con đường nào khác chỉ có thể tạo ra một sự tàn phá kinh khủng mà chẳng bao giờ có quốc gia nào bình phục được. Tôi biết rõ những sự khác biệt rộng lớn giữa chúng ta và các quốc gia XHCN, nhưng ưu tiên nhất của chính quyền này sẽ là xây dựng những cây cầu không lay chuyển được bắc qua những sự cách biệt đó”. Những lời của ông vang ra bằng một tấm chân tình sâu sắc. - “Ông ấy muốn nói lên điều đó” - Ben Cohn suy nghĩ - “Mình hy vọng rằng chẳng ai ám sát đứa con hoang cả”. Tại thị xã Junction, Kansa, vào một loại ngày mà thị xã như ở trong một phòng kính phình ra, lạnh giá và ẩm ướt và tuyết rơi dày đến nỗi tầm nhìn trên Đại lộ số 6 hầu như zéro. Mary Ashley cẩn thận lái xe camionette cũ kỹ của cô hướng về trung tâm đại lộ nơi có những chiếc xe cày tuyết đã làm việc. Cơn giông đã làm cô đến lớp dạy muộn. Cô lái chậm chậm, cẩn thận để chiếc xe khỏi gặp tai nạn. Từ chiếc đài trên xe vang lên giọng nói của vị Tổng thống. “Có nhiều người trong chính phủ và nhân dân cho rằng Mỹ nên xây dựng thêm nhiều chiến lũy thay vì xây cầu. Câu trả lời của tôi cho vấn đề ấy là chúng ta không còn có thể chấp nhận việc đẩy chính chúng ta và con cái chúng ta vào một tương lai mà những kình địch trên toàn thế giới và chiến tranh hạt nhân sẽ đe dọa”. Mary Ashley suy nghĩ: Mình sung sướng vì đã bỏ phiếu cho ông. Paul Elhson sẽ là một vị Tổng thống vĩ đại. Tay cô ghì chặt tay lái vì tuyết đã biến thành một cơn lốc trắng toát. Tại St. Croix, mặt trời nhiệt đới chiếu sáng trên một bầu trời trong xanh, không một gợn mây, nhưng Harry Lantz chẳng có ý định nào đi ra ngoài cả. Hắn đang có quá nhiều trò vui trong nhà. Hắn đang nằm trên giường, trần truồng, ép chặt giữa chị em Dolly, Lantz có bằng chứng theo kinh nghiệm rằng họ thực sự không phải là chị em. Annette là một cô gái nước da bánh mật tự nhiên, cao lớn và Sally là một cô gái tóc hoe tự nhiên, cao lớn. Ở đầu xa của phòng khách sạn, hình ảnh của vị Tổng thống rung rinh trên máy truyền hình. “... Vì tôi tin rằng chẳng có vấn đề nào không giải quyết được bằng thiện chí thuần túy của cả hai phe, bức tường bê-tông chung quanh Đông Berlin phải được hạ xuống”. Sally dừng các động tác của nàng khá lâu để hỏi. - Anh yêu, anh muốn em tắt cái máy trời đánh ấy không? - Để mặc nó. Anh muốn nghe điều ông ấy phải nói. Annette ngẩng đầu lên. - Anh có bỏ phiếu cho ông ấy không? Harry Lant la lên : - Nè, hai người! Tiếp tục đi...! “Như các bạn biết đấy, ba năm trước đây, Rumani cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tôi muốn báo cho các bạn biết rằng hiện nay chúng ta đã xích lại gần chính phủ Rumani và chủ tịch của họ, Alexandros Ionescu, đã đồng ý tái lập quan hệ ngoại giao với nước ra đấy”. Có tiếng hoan hô từ đám đông trên Đại lộ Pennsylvania, Harry Lantz ngồi bật dậy thật đột ngột. - Anh cử động làm gì thế, anh yêu! Lantz không nghe nàng. Đôi mắt hắn dán vào máy truyền hình. “Một trong những hành động chính thức của chúng ta, - Vị Tổng thống nói - là sẽ đưa một đại sứ đến Rumani. Và đấy chỉ là bước đầu”. Tại Bucarest, trời đã về chiều, thời tiết mùa đông đột ngột dịu lại và những con đường của các khu chợ chiều đầy nghẹt những công nhân đang sắp hàng để mua sắm trong thời tiết ấm áp trái mùa. Chủ tịch của Rumani, Alexandros Ionescu đang ngồi trong văn phòng của ông tại Peles, dinh thự xưa, trên đường Calea Victoriei, với năm sáu người phụ tá vây quanh, và lắng nghe tin tức trên một chiếc đài sóng ngắn. “Tôi không có ý định dừng lại đấy, - Vị Tổng thống Mỹ nói - Anbani đã cắt đứt tất cả liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ năm 1946. Tôi định nối lại những sợi dây ấy. Thêm vào đấy, tôi định củng cố những mối liên hệ ngoại giao chúng ta với Bungari, Tiệp Khắc và Đông Đức”. Trên chiếc đài vang lên những tiếng hoan hô và vỗ tay. “Việc chúng ta gửi đại sứ đến Rumani là khởi đầu của một phong trào giữa các dân tộc rộng khắp thế giới. Chúng ta đừng quên rằng tất cả nhân loại đều có chung một nguồn gốc, những vấn đề chung và chung một số phận cuối cùng. Chúng ta hãy nhớ rằng những vấn đề chúng ta cùng nhau chia sẻ lớn hơn những vấn đề ngăn cách chúng ta và điều ngăn cách chúng ta chính là tác phẩm của chúng ta”. * * * * * Tại một biệt thự được canh gác nghiêm ngặt ở Neuilly, một vùng ở ngoại ô Paris, nhà lãnh tụ cách mạng Rumani, Marin Groza, đang nhìn vị Tổng thống trên băng tần 2 vô tuyến truyền hình. “Giờ đây tôi hứa với các bạn rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và tôi sẽ tìm cho ra những người tốt nhất giữa những người khác...” Tiếng vỗ tay kéo dài tròn 5 phút. Marin Groza lên tiếng đầy suy tư : - Tôi nghĩ rằng giờ của chúng ta đã điểm, Lev ạ. Ông ta thật sự muốn điều ấy. Lev Pasternak, viên bí thư chính của ông, đáp lại : - Việc này sẽ không giúp gì cho Ionescu chứ? Marin Groza lắc đầu. - Ionescu là một tên độc tài nên rốt cuộc chẳng có gì giúp được hắn cả. Nhưng tôi phải rất cẩn thận trong việc tính toán thời gian. Tôi không được quyền thất bại nữa. Peter Connors không say - không say như ông ta dự định. Ông hầu như đã uống cạn ly Scotch thứ năm khi cô Nancy, cô thư ký riêng sống chung với ông ta, lên tiếng : - Anh không nghĩ rằng anh đã uống đủ rồi ư, Peter? Ông mỉm cười và vỗ lên người nàng. - Tổng thống của chúng ta đang nói chuyện. Em phải tỏ ra tôn trọng một tí chứ. - Ông ta quay sang nhìn bức ảnh trên máy truyền hình - Đồ chó đẻ Cộng sản - Ông ta thét vào màn ảnh - Đây là đất nước của tao và CIA sẽ không để mày phản bội đâu. Chúng tao sẽ chặn mày lại, Cộng sản ạ. [1] Mày có thể lấy mạng mày đánh cuộc đi. Chú Thích [1] Ngôn ngữ của một nhân vật phản động quá khích, bày tỏ sự bất bình trước chính sách thân thiện với các nước xã hội chủ nghĩa của nhân vật Tổng thống Hoa Kỳ Ellison (ND) Chương 02 Paul Ellison nói. - Tôi sẽ cần nhiều đến sự giúp đỡ của cậu, anh bạn già ạ. - Cậu sẽ có. - Stanton Roges điềm tĩnh đáp. Họ đang ngồi ở văn phòng Bầu dục, vị Tổng thống ngồi tại bàn giấy với một lá cờ Mỹ sau lưng. Đây là cuộc họp đầu tiên của họ trong văn phòng này, và Tổng thống Ellison cảm thấy khó ở. Nếu Stanton lỗi lầm duy nhất ấy, Paul Ellison nghĩ, cậu ấy sẽ ngồi vào chiếc bàn giấy này thay vì mình. Dường như đọc được tâm trạng của ông, Stanton Roges lên tiếng : - Tôi có một lời tự thú. Ngày cậu được bổ nhiệm chức vụ Tổng thống, tôi thật ganh tị, Paul ạ. Đấy là giấc mơ của tôi và cậu lại thay vào đấy. Nhưng cậu có biết việc gì không? Cuối cùng tôi nhận ra rằng nếu tôi không thể ngồi vào chiếc ghế ấy thì chẳng còn ai khác trên đời mà tôi muốn đặt vào đấy ngoài cậu ra. Chiếc ghế ấy thích hợp với cậu đấy. Paul Ellison mỉm cười với bạn và nói : - Thực sự mà nói, Stan, căn phòng này làm tôi sợ kinh khủng. Tôi có cảm giác thấy được những hồn ma Washington, Lincoln và Jefferson. - Chúng ta cũng đã có những vị Tổng thống... - Tôi biết. Nhưng chính họ là những vĩ nhân mà chúng ta phải cố gắng sống theo. Ông ấn nút trên bàn giấy và vài giây sau, một người phục vụ mặc áo khoác trắng bước vào phòng. - Vâng, thưa Tổng thống? Paul Ellison quay sang Rogers : - Cà phê chứ? - Nghe hay đấy! - Thích gì nữa không? - Không, cám ơn. Barbara muốn tôi để ý đến vòng bụng. Vị Tổng thống gật đầu với Henry, người phục vụ và anh ta lặng lẽ rời căn phòng. Barbara. Nàng đã làm mọi người kinh ngạc. Ở Washington, người ta bàn tán rằng cuộc hôn nhân sẽ dài không quá một năm. Nhưng giờ đây hầu như đã mười lăm năm rồi và đấy là một thành công. Stanton Roges đã xây dựng được một cuộc thực tập về luật cho uy tín của mình tại Washington và Barbara đã được tiếng là một bà chủ duyên dáng. Paul Ellison đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại. - Bài diễn văn giữa các dân tộc của tôi hình như đã gây náo động thực sự. Tôi cho rằng cậu đã đọc tất cả báo chí rồi. Stanton Roges nhún vai : - Cậu biết họ như thế nào đấy. Họ thích dựng lên anh hùng để họ có thể hạ bệ đấy. Nói thẳng ra, tôi chẳng nguyền rủa điều gì báo chí nói đâu. Tôi quan tâm đến điều người dân nói. Khách quan mà nói, cậu đang đặt lòng sợ hãi Thiên chúa vào nhiều người, Paul ạ. Các lực lượng võ trang đang chống lại kế hoạch của cậu và những kẻ sách động có thế lực muốn thấy việc của cậu thất bại. - Nó sẽ không thất bại đâu. - Ông dựa lưng vào thành ghế - Cậu có biết những vấn đề lớn đối với thế giới ngày nay là gì không? Không còn chính khách nào nữa cả. Các quốc gia đang bị các chính trị gia cai trị. Đã có một thời, không lâu mấy, khi quả đất có những người khổng lồ. Một số tốt và một số xấu, nhưng nhờ trời, họ là những người khổng lồ. Roosevelt và Churchill, Hitler và Mussolini, Charles de Gaulle và Joseph Stalin. Tại sao tất cả bọn họ lại đều sống vào thời kỳ đặc biệt có một không hai ấy? Tại sao bây giờ không có chính khách nào cả? - Kể cũng khó là một người lừng danh thế giới trên một màn ảnh 21 inch đấy. Cánh cửa mở ra và người phục vụ xuất hiện mang một chiếc khay bạc với một bình cà phê và hai chiếc tách, mỗi món đều in con dấu Tổng thống. Anh ta rót cà phê một cách thành thạo. - Tôi có thể lấy thêm gì khác không thưa Tổng thống? - Không. Được rồi, Henry. Cám ơn anh. Vị Tổng thống đợi đến lúc người phục vụ đi khỏi. - Tôi muốn nói chuyện với cậu về việc tìm ra một đại sứ đúng đắn để đi Rumani. - Đúng rồi! - Tôi không cần phải nói với cậu việc này quan trọng như thế nào. Tôi muốn cậu xúc tiến vấn đề ấy càng nhanh càng tốt! Stanton Roges hớp một ngụm cà phê rồi đứng dậy. - Tôi sẽ đặt quốc gia lên đấy ngay. Trong một vùng ngoại ô nhỏ của Neuilly, lúc ấy là hai giờ sáng. Biệt thự của Marin Groza đang nằm trong bóng tối như mực, mặt trăng lẩn trong một đám mây giông tố dày đặc. Đường phố vào giờ này im bặt, chỉ có âm thanh của một khách qua đường bất chợt làm chao động sự im lặng. Một bóng người mặc đồ đen đi không tiếng động xuyên qua đám cây về hướng bức tường gạch bao bọc biệt thự. Trên vai hắn mang một cuộn dây thừng và một chiếc mền và trong tay hắn là một khẩu Uzi có ống giảm thanh và một ống phóng phi tiêu. Khi đến bức tường, hắn dừng lại và lắng tai nghe. Hắn chờ đợi, bất động, trong năm phút. Cuối cùng, vẻ hài lòng, hắn mở cuộn dây nylon và ném cái móc leo buộc vào đầu dây cho đến khi nó móc được vào bờ xa của bức tường. Gã đàn ông bắt đầu leo lên một cách nhanh nhẹn. Khi hắn lên đến đầu bức tường, hắn vung chiếc mền lên đấy để bảo vệ hắn khỏi những chiếc cọc kim loại có bôi thuốc độc ở đầu cọc gắn đầy trên đầu bức tường. Hắn lại dừng lại để lắng nghe. Hắn lật ngược cái móc, thòng dây vào bên trong bức tường và chuồi xuống đất. Hắn kiểm soát lại chiếc balisong ở thắt lưng, chiếc dao xếp Phillipinnes chết người có thể được bật ra và đóng lại bằng một tay. Bầy chó tấn công sẽ là việc kế tiếp. Kẻ đột nhập nằm phục đấy đợi chúng bắt mùi. Có ba con Doberman, được huấn luyện để giết người. Nhưng chúng chỉ là chướng ngại vật đầu tiên. Mặt đất và biệt thự đầy dẫy những máy móc điện tử và liên tục được thu vào các ống kính truyền hình. Tất cả thư từ và kiện hàng đều được nhận tại cổng và được những người gác cổng khui ra ở đấy. Các cửa biệt thự có khả năng chống bom. Biệt thự có nguồn cung cấp nước riêng và Marin Groza có riêng một người nếm thức ăn. Biệt thự bất khả xâm phạm. Giả sử như thế đi. Bóng người mặc đồ đen đang đến đây đêm nay để chứng minh rằng không phải là như thế. Hắn nghe tiếng động của bầy chó lao vào cắn hắn trước khi hắn thấy chúng. Từ trong bóng tối, chúng phóng lên tấn công vào cổ họng hắn. Có hai con. Hắn đưa ống phóng phi tiêu lên, ngắm và bắn con gần nhất bên trái trước rồi đến con bên phải, vừa tránh né kiểu lao người tấn công của chúng. Hắn xoay một vòng cảnh giác con chó thứ ba và khi nó đến, hắn lại bắn và rồi chỉ còn lại sự yên lặng. Gã xâm nhập biết các bẫy âm thanh được chôn ở đâu và hắn đi vòng qua chúng. Hắn im lặng trườn qua các vùng đất mà các ống kính truyền hình không kiểm soát và trong vòng không đầy hai phút sau, khi hắn đã vượt qua tường, hắn đã đến cửa sau của biệt thự. Khi hắn vừa chạm vào tay nắm của cánh cửa, hắn đột nhiên bị chụp kiểm trong vùng sáng đột ngột của nửa tá đèn pha. Một giọng nói vang ra. - Đứng im! Bỏ súng xuống và đưa tay lên. Bóng người mặc đồ đen cẩn thận bỏ súng xuống và nhìn lên. Có nửa tá người dàn ra trên mái nhà với đủ loại vũ khí chĩa vào hắn. Người mặc đồ đen gầm lên. - Tụi bay làm gì lâu thế? Lẽ ra tao đã không đi xa như thế này. - Cậu không đi xa đâu! - Người trưởng toán gác bảo hắn - Chúng tớ đã bắt đầu theo dõi cậu trước khi cậu vượt qua đường. Lev Pasternak vẫn chưa nguôi giận : - Vậy thì lẽ ra các cậu phải chặn tớ lại sớm hơn. Tớ có thể đã thi hành một sứ mệnh tự sát với một số lựu đạn hoặc một quả pháo quỷ quái. Tớ muốn có một cuộc họp toàn ban tham mưu vào sáng ngày mai, đúng tám giờ sáng. Mấy con chó đã bị thuốc mê. Hãy cho người canh chừng chúng cho đến lúc chúng tỉnh dậy. Lev Pasternak tự hào là người bảo vệ an ninh giỏi nhất thế giới. Hắn đã là một phi công trong cuộc chiến đã trở tranh sáu ngày của Do Thái và sau cuộc chiến đã trở thành nhân viên hàng đầu tại Mossad, một trong năm cơ quan mật vụ của Do Thái. Hắn không bao giờ quên được buổi sáng hai năm trước, khi vị đại tá của hắn gọi hắn lên văn phòng. - Lev, có người muốn cậu ít tuần lễ. - Tôi hy vọng đấy là một cô gái tóc vàng hoe. - Lev nói hàng hai. - Đấy là Marin Groza! Mossad có một hồ sơ đầy đủ về người bất đồng chính kiến Rumani. Groza là lãnh tụ của một phong trào dân chúng nhằm mục đích hạ bệ ông Alexandros Ionescu và sắp sửa đảo chính thì ông ta bị một trong những người của ông ta phản bội. Hơn hai chục chiến sĩ bí mật bị hành quyết và Groza đã vừa vặn trốn được ra khỏi nước và tánh mạng của mình. Nước Pháp đã cho phép ông ta ẩn náu. Ionescu tố cáo Mann Groza là kẻ phản quốc và treo giá cái đầu của ông ta. Cho đến nay, hàng chục nỗ lực ám sát Groza đã thất bại, nhưng ông ta đã bị thương trong đợt tấn công mới nhất. - Ông ta muốn gì ở tôi thế? - Pasternak lên tiếng hỏi. - Ông ta cần có người đặt một hệ thống an ninh thật an toàn. Ông ta đến với chúng tôi. Tôi giới thiệu cậu đấy. - Tôi phải đi Pháp ư? - Cậu sẽ chỉ mất vài tuần lễ thôi. - Tôi không... - Tin tức của chúng ta cho biết rằng ông ta có đủ sự ủng hộ của dân chúng tại Rumani để hạ Ionescu. Khi nào đúng thời điểm, ông ta sẽ tiến công. Trong lúc này, chúng ta phải bảo vệ mạng sống cho con người ấy! Lev Pasternak suy nghĩ về việc ấy. - Ngài bảo vài tuần lễ ư? - Từng ấy thôi. Vị đại tá đã nhầm về thời gian nhưng lại đúng về Marin Groza. Ông ta là một con người gầy gò, trông yếu ớt với một nét mặt khắc khổ và một khuôn mặt hằn nét buồn rầu. Ông ta có chiếc mũi khoằm, chiếc cằm cương nghị và một vầng trán rộng phủ lơ thơ vài sợi tóc trắng. Và khi ông ta nói, đôi mắt đen sâu rực lên với vẻ xúc động. - Tôi cóc cần quan tâm đến chuyện sống chết của tôi. - Ông ta bảo Lev trong cuộc họp mặt đầu tiên - Tất cả chúng ta đều sẽ chết cả. Nhưng khi nào là điều tôi đang quan tâm đến. Tôi cần phải sống vài năm nữa. Đấy là tất cả thời gian tôi cần để đuổi Ionescu ra khỏi nước tôi. Ông ta lơ đễnh đưa tay lên lướt qua một vết sẹo xám xịt trên gò má. - Không người nào có quyền nô lệ hóa một nước cả. Chúng ta phải giải phóng Rumani và để cho người dân được tự quyết đình lấy vận mệnh của mình. Lev Pasternak đến thực hiện hệ thống an ninh tại biệt thự ở Neuilly. Hắn dùng một số nhân viên riêng và những người ngoài được hắn thuê đều qua kiểm tra kỹ lưỡng. Mỗi một mẫu thiết bị đều là một tác phẩm nghệ thuật. Pasternak gặp lãnh tụ phiến loạn Rumani mỗi ngày và càng ở với ông ta, hắn càng khâm phục. Khi Marin Groza mời Pasternak ở lại làm trưởng toán an ninh của ông, Pasternak không do dự. - Tôi sẽ phụ trách việc ấy, - Hắn nói - cho đến khi ngài đã sẵn sàng để tiến công. Rồi tôi sẽ quay trở về Israel. Họ đã thỏa thuận với nhau. Vào những thời điểm đột xuất, Pasternak tổ chức các cuộc đột kích vào biệt thự để trắc nghiệm vấn đề an ninh. Giờ đây, hắn suy nghĩ: một số nhân viên bảo vệ trở nên bất cẩn. Mình cần phải thay họ. Hắn bước qua các dãy hành lang, cẩn thận kiểm soát các máy dò nhiệt, các hệ thống báo động điện tử và các tia hồng ngoại tại mỗi ngưỡng cửa. Khi vừa đến phòng ngủ của Marin Groza, hắn nghe một tiếng đổ lớn và một lúc sau đấy Groza bắt đầu hét to trong cơ hấp hối. Lev Pasternak bước qua phòng Groza và tiếp tục bước đi. Chương 03 Tổng hành dinh của cơ quan tình báo trung ương tọa lạc tại Langley, Virginia, cách Washington, D.C. bảy dặm về hướng Tây Nam. Trên con đường dẫn vào cơ quan có một ánh đèn tín hiệu đỏ nhấp nháy trên đỉnh một chiếc cổng. Cổng ngôi nhà được canh gác 24 trên 24 và các vị khách có thẩm quyền được cấp phát các thẻ màu chỉ cho phép họ vào những bộ phận đặc biệt mà họ có liên quan công tác. Bên ngoài tòa nhà tổng hành dinh bảy tầng màu xám được gọi một cách bất thường là “Hãng đồ chơi”, là một pho tượng lớn của Nathan Hale. Bên trong, ở tầng dưới cùng, một bức tường hành lang lồng kính đối diện với một sân trong vôi một khu vườn cảnh rải rác những cây mộc lan. Trên bàn tiếp khách, một câu thơ được khảm bằng cẩm thạch. Và bạn sẽ biết sự thật và Sự thật sẽ giải phóng bạn. Công chúng không bao giờ được vào bên trong tòa nhà, và chẳng có phương tiện nào cho các du khách cả. Đối với những ai muốn vào khu “đen” mà không bị trông thấy - có một đường hầm chạy vào tận một phòng giải lao đối diện một chiếc cửa thang máy màu nâu đỏ được một đội lính canh mặc đồ nỉ xám canh gác 24 trên 24. Trong phòng họp ở tầng bảy, dưới sự canh gác của các phụ tá an ninh trang bị bằng các khẩu P.38 mũi tẹt và hếch, cuộc họp sáng thứ hai của ban điều hành đang khai diễn. Ngồi chung quanh một chiếc bàn gỗ sồi rộng là Ned Tillngast, giám đốc CIA; Tướng Oliver Brooks, Tham mưu trưởng Lục quân; Bộ trưởng Ngoại giao Floyd Baker; Peter Connors, Trưởng ngành Phản gián; và Stanton Roges. Ned Tullingast, giám đổc CIA, 60 tuổi, là một người lầm lì, lạnh lùng, gánh nặng những bí mật hiểm ác. CIA có một ngành nổi và một ngành chìm. Ngành chìm thực hiện các hoạt động bí mật và trong bảy năm qua, Tillingast đã phụ trách 4.500 nhân viên làm việc trong ngành này. Tướng Oliver Brooks là một quân nhân tốt nghiệp West Point, sống cuộc đời cá nhân và nghề nghiệp theo sách vở. Ông ta là một con người cộng đồng và cộng đồng mà ông ta làm việc là Lục quân Hoa Kỳ. Floyd Baker, Bộ trưởng Ngoại giao, là một con người lỗi thời, một con người lùi lại vào kỷ nguyên trước. Ông ta thuộc vùng trồng nho phía nam, là một người cao lớn, tóc vàng và có vẻ đặc biệt vì nét cao nhã cổ xưa. Ông ta là một con người có óc thích cãi nhau vặt vãnh. Ông ta có một hệ thống báo chí nhiều ảnh hưởng trên cả nước và nổi tiếng giàu sụ. Không ai ở Washington có một ý thức chính trị kiên định hơn và những cầu ăng-ten của Baker luôn luôn điều chỉnh để bắt những dấu hiệu thay đổi ở quốc hội. Peter Connors là người Irlend, nước da đen, một con người ngoan cố, gan lì, nát rượu và không hề hoảng sợ. Đây là năm cuối cùng của ông ta làm việc với CIA; ông ta đang đương đầu với việc hưu trí bắt buộc vào tháng sáu tới. Connors là trưởng ban phản gián, một ngành bí mật biệt lập khá cao, của CIA. Quá trình công tác của ông ta tiến triển qua các ban tình báo khác nhau, và ông ta đã có mặt trong những ngày tốt đẹp xa xưa khi các nhân viên CIA là những con người vàng. Chính Peter Connors cũng đã là một con người vàng. Ông ta từng tham gia vào cuộc đảo chính đã lấy ngai vàng Con Công tại Iran cho Hoàng tộc, và ông ta đã tham gia vào cuộc hành quân Mongoose, một nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ Castro năm 1961. - Sau vụ vịnh Con Heo, mọi việc đều thay đổi cả. - Peter cất tiếng than vãn. Độ dài của những lời chỉ trích kịch liệt của ông ta thường tùy thuộc vào số lượng rượu ông ta uống - Những quả tim rỉ máu tấn công chúng ta trên trang nhất của mọi tờ báo khắp thế giới. Họ gọi chúng ta là một bọn nói láo những tên hề lén lút không thể thoát khỏi đường lối của chúng ta. Một số tên chống CIA đã công bố danh sách các nhân viên của chúng ta và Dick Welch, trưởng ngành của chúng ta ở Athens, đã bị giết. Peter Connors đã trải qua ba cuộc hôn nhân khốn khổ vì áp lực và bí mật công tác nhưng theo sự quan tâm của ông ta, chẳng có sự hy sinh nào quá lớn để phục vụ đất nước cả. Bây giờ, giữa cuộc họp mặt ông ta đỏ rần vì giận dữ. - Nếu chúng ta để Tổng thống tiến hành chương trình giữa các dân tộc quỷ quái ấy ông ta sẽ phản bội đất nước. Việc ấy phải chặn lại. Chúng ta không thể cho phép. Floyd Baker cắt ngang. - Tổng thống vừa làm việc chưa được một tuần. Tất cả chúng ta ở đây để thi hành các chính sách của ngài và... - Thưa ngài, tôi không đứng đây để trao đất nước cho bọn Cộng sản trời đánh ấy. Tổng thống chẳng bao giờ đề cập đến kế hoạch của ông ta trước khi đọc diễn văn cả. Ông ta bất ngờ thảy lên người tất cả chúng ta. Chúng ta chẳng có dịp nào để đưa ra một lời từ chối cả. - Có lẽ đấy là điều mà ngài đang nghĩ đến đấy! - Braker lên tiếng đề nghị. Peter Connors nhìn ông ta trừng trừng. - Trời ơi ông đồng ý à! - Ngài là Tổng thống của tôi! - Floyd Baker quả quyết - Cũng như ngài là Tổng thống của ông vậy! Ned Tillingast quay sang Stanton Roges : - Connors có lập trường. Hiện nay Tổng thống đang dự định “mời” Rumani, Anbani, Bungari và các quốc tế Cộng sản khác đưa gián điệp của họ đến đây với tư cách là các tùy viên văn hoá, tài xế, thư ký và bồi phòng. Chúng ta đã chi tiêu hàng tỷ đô là để bảo vệ cửa sau và Tổng thống muốn mở toang cửa trước! Tướng Brooks gật đầu đồng ý. - Tôi cũng không được hỏi ý kiến. Theo ý kiến tôi, kế hoạch của Tổng thống rất có thể tiêu diệt quốc gia này. Stanton Roges lên tiếng. - Thưa các ngài, một số chúng ta có thể bất đồng ý kiến với Tổng thống, nhưng chúng ta đừng quên rằng dân chúng đã bầu Paul Ellison để điều khiển quốc gia này. - Đôi mắt ông ta chớp sang các người ngồi chung quanh - Tất cả chúng ta đều thuộc về nhóm người của Tổng thống và chúng ta phải nghe theo sự lãnh đạo của ngài và yểm trợ ngài bằng mọi cách chúng ta có thể có được. Những lời nói của ông được nối tiếp bằng một sự im lặng nặng nề. - Vậy thì được rồi. Tổng thống muốn có một hành động phù hợp ngay với tình hình hiện tại Rumani. Hãy báo ngay tất cả những gì các ngài biết được. - Kể cả vấn đề bí mật của chúng tôi à? - Peter Connors chất vấn. - Mọi việc. Hãy nói thẳng với tôi. Tình hình thế nào tại Rumani với Alexandros Ionescu? - Ionescu đang ngồi cao trên yên. - Ned Tillngast đáp -Từ khi ông ta cầm quyền, Ionescu đã hút cạn máu đất nước ông ta. Dân chúng ghét lòng dạ của ông ta. - Có viễn cảnh nào về một cuộc cách mạng không? Tillingast nói : - À, việc ấy hơi thú vị đấy. Hãy nhớ lại vài năm trước đây khi Marin Groza hầu như lật đổ được chính quyền của Ionescu. - Vâng, Groza suýt chết mới thoát ra khỏi nước được. - Với sự trợ lực của chúng tôi. Tin tức của chúng tôi cho biết rằng có một luồng sóng ngầm trong dân chúng muốn đưa ông ta về lại. Groza sẽ tốt đẹp cho Rumani, và nếu ông về được, điều ấy sẽ tốt đẹp cho chúng ta. Chúng ta đang theo dõi sát tình hình. Stanton Roges quay sang vị Bộ trưởng Ngoại giao. - Ngài có danh sách các ứng cử viên cho chức vụ ở Runani ấy không? Floyd Baker mở chiếc cặp tùy viên bằng da, rút ra mấy tờ giấy và trao cho Roges một phó bản. - Đây là triển vọng hàng đầu của chúng tôi. Tất cả đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đấy đủ khả năng. Mỗi người đều đã được kiểm tra. Chẳng có vấn đề an ninh, tài chánh, vết nhơ rắc rối nào cả trong hồ sơ. Trong lúc Rogers lấy danh sách, vị Bộ trưởng Ngoại giao nói thêm : - Đương nhiên Bộ ngoại giao ưu đãi một nhà ngoại giào chuyên nghiệp hơn là một nhà chính trị được bổ nhiệm. Đặc biệt, trong tình hình này. Rumani là một vị trí cực kỳ nhạy bén. Phải được đối xử thật thận trọng! - Tôi đồng ý. - Stanton Roges đứng bật dậy - Tôi sẽ thảo luận về những cái tên này với Tổng thống và sẽ trả lại cho ngài. Tổng thống đang mong việc bổ nhiệm càng nhanh càng tốt. Trong lúc những người khác đứng dậy đi, Ned Tillingast lên tiếng : - Hãy ở lại đây Peter. Tôi có chuyện muốn nói với ông. Khi Tillingast và Connors còn lại một mình, Tillingast nói : - Ông tấn công khá mạnh, Peter. - Nhưng tôi có lý. - Peter Connors ngoan cố nói - Tổng thống định bán nước. Chúng ta sẽ phải làm gì? - Ngậm miệng ông lại đi. - Ned, chúng ta được huấn luyện để phát hiện và giết kẻ địch. Sẽ thế nào nếu kẻ địch ở phía sau phòng tuyến của chúng ta - ngồi ngay trong Văn phòng Bầu dục? - Hãy cẩn thận. Hãy rất cẩn thận. Tillingast đã có mặt lâu hơn Connors. Ông ta là một thành viên của tổ chức OSS của Wild Bill Donovan trước khi nó trở thành CIA. Ông ta cũng ghét những quả tim rỉ máu tại quộc hội đang làm đối với tổ chức mà ông ta yêu. Trên thực tế, trong hàng ngũ CIA đang có một sự rạn nứt sâu sắc giữa những người có đường lối cứng rắn và những người tin tưởng rằng Nga có thể thuần hóa thành vô hại. Chúng ta phải chiến đấu vì từng đồng đô-la một, Tillingast suy nghĩ. Tại Matxcơva, tổ chức Komitet Gosudarstvennoi Bezopasnosti - KGB - huấn luyện hàng ngàn nhân viên cùng một lúc. Ned Tillingast đã tuyển mộ Peter Connors từ trường đại học và Connors đã trở nên một trong những người xuất sắc. Nhưng trong vài năm qua, Connors đã trở thành một tên cao-bồi hơi quá độc lập một tí, hơi quá nhanh một tí chỗ cò súng. Nguy hiểm. - Peter - Ông đã nghe gì chưa về một tổ chức bí mật tự gọi mình là “Các nhà yêu nước vì tự do”? - Tillingast hỏi. Connors cau mày. - Không, không thể nói rằng tôi biết được. Họ là ai vậy? - Cho đến nay, họ chỉ là lời đồn đại. Tôi chỉ ngửi được khói thôi. Ông xem thử là có thể dò ra bọn chúng không? - Tôi sẽ làm. Một giờ sau, Peter gọi điện từ một phòng điện thoại công cộng tại Hain’s Point. - Tôi có một bức điện cho Odin. - Odin đây. - Tướng Oliver Brooks lên tiếng. * * * * * Trên chiếc xe hòm trở về văn phòng, Stanton Roges mở toang phong bì đựng danh sách các ứng cử viên đại sứ và nghiên cứu. Thật là một danh sách tuyệt vời. Vị Bộ trưởng Ngoại giao đã làm việc tại nhà. Tất cả các ứng cử viên đều đã phục vụ tại các quốc gia Đông và Tây u, và một số ít còn có thêm kinh nghiệm tại Viễn Đông hoặc Châu Phi nữa. Tổng thống sẽ hài lòng - Stanton suy nghĩ thế. - Họ là những con khủng long. - Paul Ellison cáu kỉnh nói. Ông ta ném danh sách xuống bàn giấy - Mỗi người trong danh sách. Stanton Roges lên tiếng phản đối. - Những người này đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm đấy. - Và thủ cựu do truyền thống của Bộ Ngoại giao. Cậu có nhớ chúng ta đã bị tống cổ và chúng ta bị ở ngoài trời lạnh. Những tay được vẽ kiểu sẵn làm tôi lo lắng. Bọn họ đều giấu đuôi cả. Khi tôi nói chuyện về một chương trình về các dân tộc, tôi muốn nhấn mạnh từng từ một. Chúng ta cần gây một ấn tượng tích cực tại một quốc gia lúc này đang rất đề phòng chúng ta. - Nhưng nếu cậu đặt vào đấy một người nghiệp dư - một người chẳng có tí nào kinh nghiệm - cậu sẽ rất mạo hiểm. - Có lẽ chúng ta cần có ai đấy với một loại kinh nghiệm khác hẳn. Rumani sẽ là một trường hợp thí điểm, Stan ạ. Một người dẫn đường cho cả chương trình của tôi, nếu cậu muốn! - Ông lưỡng lự - Tôi không đùa đâu. Sự tín nhiệm của tôi đang bị thử thách. Tôi biết có nhiều người có thế lực không muốn thấy công việc này. Nếu nó thất bại, tôi sẽ bị cụt giò. Tôi sẽ phải quên đi về Bungari, Anbani, Tiệp Khắc và những quốc gia Đông u khác. Và tôi không dự trù cho việc ấy xảy ra. - Tôi có thể kiểm tra một số nhà chính trị được bổ nhiệm của chúng ta...! Tổng thống Ellison lắc đầu : - Vẫn lại vấn đề cũ. - Tôi muốn có ai đấy với một quan điểm hoàn toàn mới mẻ. Ai đấy có thể đánh tan được nước đá. Kẻ đối lập với một người Mỹ xấu xí. Stanton Roges nhìn đăm đăm vị Tổng thống bối rối. - Paul, tôi có ấn tượng rằng cậu đã có ai đấy trong đầu rồi, phải không? Paul Ellison lấy một điều xì gà trên bàn giấy và châm. - Thực sự, - Ông nói chậm rãi - tôi nghĩ rằng tôi có thể có được. - Ai vậy? - Cô ấy. Cậu có cơ hội nào đọc được bài viết trong số phát hành vừa rồi của mục “Vấn đề Ngoại giao” gọi là “Hòa hoãn lúc này” không? - Cậu nghĩ gì về điều ấy? - Tôi nghĩ rằng đấy là điều thú vị. Tác giả tin rằng chúng ta đang ở vào một vị trí để cố gắng khuyến dụ các quốc gia cộng sản vào trại của chúng ta bằng cách đề nghị hỗ trợ về kinh tế. - Ông đột nhiên dừng lại - Nó có nhiều điểm giống như bài diễn văn nhậm chức của cậu. - Chỉ có điều nó được viết sáu tháng trước. Cô ấy đã viết những đlều nổi bật trong tờ Commentary và Public Affairs. Năm ngoái, tôi có đọc một cuốn sách của cô ấy về vấn đề chính trị của Đông u và tôi phải chấp nhận rằng nó đã góp phần làm sáng tỏ một số ý kiến của tôi! - Đúng rồi. Vậy là cô ấy đồng ý với lý thuyết của cậu Chẳng có lý do nào để cất nhắc cô ấy vào một chức vụ quan.... - Stan, cô ấy còn đi xa hơn lý thuyết của tôi nữa kìa. Cô ấy phác họa ra một kế hoạch tỉ mỉ thật hấp dẫn. Cô ấy muốn lấy bốn khối kinh tế chủ yếu của thế giới và hòa hợp lại! - Làm sao chúng ta có thể... - Sẽ mất thời gian, nhưng việc ấy có thể làm được. Này, cậu biết rằng năm 1949, các quốc gia khối Đông u đã thành lập một Hiệp ước để hỗ trợ về kinh tế gọi là COMECON và năm 1958 các quốc gia châu u khác đã thành lập EEC - Thị trường chung! - Đúng! - Chúng ta có Tổ chức Công tác và Phát triển kinh tế gồm Hoa Kỳ, một số quốc gia khối Tây và Nam Tư. Và đừng quên rằng các quốc gia thế giới thứ ba đã thành lập một phong trào phi liên kết ngoài chúng ta. - Giọng nói của vị Tổng thống bỗng kích động - Hãy nghĩ đến những điều có thể xảy ra. Nếu chúng ta có thể kết hợp tất cả những kế hoạch này và thành lập một thị trường lớn - Chúa ơi, điều ấy thật đáng sợ? Điều ấy có nghĩa là một cuộc mậu dịch toàn thế giới thực sự. Và điều ấy có thể mang lại hòa bình. Stanton Roges thận trọng lên tiếng : - Một ý kiến thú vị đấy, nhưng con đường còn xa vời. - Cậu biết câu cổ ngữ Trung Hoa “Một cuộc hành trình thiên lý chỉ bằng một bước thôi”. - Cô ấy là một người không chuyên, Paul ạ! - Một số những vị đại sứ hay nhất của chúng ta đã là những người không chuyên đấy. Ann Amstrong, cựu đại sứ Anh, là một nhà giáo dục chẳng có kinh nghiệm chính trị nào cả. Perle Mesta được bổ nhiệm tại Đan Mạch, Clare Boothe Luce là đại sứ Ý, John Gavin, một tài tử sân khấu, là đại sứ tại Mexico. Một phần ba những vị đại sứ hiện nay của chúng ta đều là cái mà cậu gọi là không chuyên đấy. - Nhưng cậu chẳng biết gì về người phụ nữ này cả? - Ngoại trừ cô ấy quá nổi bật, và chúng tôi cùng ở chung một bước sóng. Tôi muốn cậu cố gắng tìm ra mọi việc về cô ấy. Ông nhặt một bản Foreign Affairs và liếc vào bản nội dung. - Tên cô ấy là Mary Ashley. Hai ngày sau, Tổng thống Ellison và Stanton Roges cùng ăn sáng với nhau. - Tôi đã được tin tức mà cậu yêu cầu. - Stanton Roges rút một mảnh giấy từ trong túi. “Mary Elizabeth Ashley, 27 đường Old Milfold, thị trấn Junction, Kansas. Tuổi gần 35, kết hôn với Tiến sĩ Edward Ashley - hai con, Beth 12 và Tim 10. Chủ tịch chi hội cử tri đoàn Phụ nữ thị trấn Junction. Giáo sư phụ tá khoa Chính trị Đông u, Trường đại học tiểu bang Kansas. Ông nội sinh tại Rumani!” - Ông nhìn lên - Tôi càng nghĩ đến vấn đề này, nó càng có ý nghĩa. Có lẽ cô ấy biết nhiều về Rumani hơn hầu hết các vị đại sứ về các quốc gia họ sẽ phục vụ. - Tôi hài lòng rằng cậu cảm thấy như thế, Stan ạ. Tôi thích có được một bản điều tra an ninh đầy đủ về cô ấy! - Tôi sẽ lo thực hiện điều đó. Chương 04 - Tôi không đồng ý, thưa ngài giáo sư Ashley! - Barry, Dylan, sinh viên trẻ nhất và xuất sắc nhất của nhóm chuyên đề chính trị của Mary Ashley, nhìn quanh với vẻ thách thức - Alexandros Ionescu còn tệ hơn. - Anh có thể cho chúng tôi vài yếu tố để làm yểm trợ cho câu nói ấy không? - Mary Ashley hỏi. Có 12 sinh viên tốt nghiệp tại cuộc họp chuyên đề được tổ chức tại Giảng đường Dykstra thuộc Trường đại học Tiểu bang Kansas. Các sinh viên đang ngồi thành một vòng bán nguyệt đối diện với Mary. Các danh sách chờ để vào các lớp học của cô dài hơn của bất kỳ giáo sư nào tại Trường đại học. Cô là một giáo sư lỗi lạc có óc khôi hài dễ dãi và một sự ấm cúng bọc quanh người cô một cách thú vị. Mặt cô hình trái xoan biến chuyển từ ưa nhìn đến đẹp, tùy theo tâm trạng của cô. Đôi gò má cô cao, hình quả hạnh điển hình và đôi mắt màu nâu lục nhạt. Mái tóc cô đen và dày. Vóc người cô làm cho các nữ sinh viên của cô ganh tị và các nam sinh viên phải tưởng tượng, tuy nhiên cô không biết mình đẹp như thế nào. Barry tự hỏi liệu cô có hạnh phúc với chồng không. Anh miễn cưỡng tập trung vào vấn đề đang tranh luận. - Vâng, khi Ionescu lên cầm quyền ở Rumani, ông ta thẳng tay đàn áp tất cả những thành phần thân Groza và tái lập lại một địa vị thân Xô viết theo đường lối cứng rắn. Một sinh viên khác lên tiếng. - Vậy thì tại sao Tổng thống Ellison lại quan tâm thiết lập liên hệ ngoại giao với ông ta? - Bởi vì chúng ta muốn nài nỉ ông ta vào quỹ đạo Tây u. - Ta nói thế nào về sự liên hệ hiện nay của Rumani với các quốc gia khác trong Hiệp ước Warsawa và đặc biệt là Nga? - Mary hỏi. - Tôi nói rằng bây giờ nó mạnh hơn. Một giọng nói khác. - Tôi không đồng ý. Rumani đã chỉ trích cuộc xâm lăng của Nga vào Afganixtan và họ đã chỉ trích thỏa hiệp của người Nga với EEC. Cũng vậy, thưa giáo sư Ashley... Chuông rung. Hết giờ. Mary lên tiếng : - Thứ hai, chúng ta sẽ bàn về những yếu tố cơ bản đã ảnh hưởng đến thái độ của Liên Xô đối với Đông u và chúng ta sẽ thảo luận đến những có thể xảy ra của kế hoạch xâm nhập vào khối Đông của Tổng thống Ellison. Chúc ngày cuối tuần tốt đẹp. Mary nhìn các sinh viên đứng lên và đi ra cửa. - Cô cũng thế, thưa giáo sư. Mary Ashley yêu thích các cuộc trao đổi tại các cuộc hội nghị chuyên đề. Môn Sử Địa trở nên sinh động trong các cuộc thảo luận sôi nổi giữa các sinh viên tốt nghiệp trẻ và xuất sắc. Các tên người và tên đất ngoại quốc trở thành thực tế và các biến cố lịch sử trở thành sinh động. Đây là năm thứ năm của cô tại một phân khoa thuộc Trường đại học Tiểu bang Kansas, và việc giảng dạy vẫn còn kích thích cô. Cô dạy năm lớp khoa chính trị học mỗi năm, cộng thêm các cuộc hội nghị chuyên đề và mỗi cuộc hội nghị đều đề cập đến Liên Xô và các quốc gia anh em của họ. Đôi khi cô cảm thấy như một sự gian lận. - “Mình chưa hề đến bất cứ quốc gia nào mình dậy cả” - Cô nghĩ thế - “Mình chưa bao giờ ra ngoài Hoa Kỳ cả!” Mary Ashley sinh ra tại thị xã Junction, như cha mẹ cô. Phần tử duy nhất đã biết châu u là ông của cô, xuất thân từ một ngôi làng nhỏ Voronet thuộc Rumani. Mary đã định xuất ngoại một chuyến khi cô nhận bằng cử nhân, nhưng cô đã gặp Edward Ashley mùa hè năm ấy và chuyến đi châu u đã biến thành tuần trăng mật ba ngày tại Waterville, cách thị xã Junction 55 dặm, nơi mà Edward đang chăm sóc một bệnh nhân đau tim nguy kịch. - Năm sau, chúng ta phải đi thật. - Mary nói với Edward ngay sau khi họ kết hôn với nhau - Em muốn thăm Rome, Paris và Rumani, muốn chết đi được. - Anh cũng vậy. Đây là một cuộc hẹn. Mùa hè sang năm. Nhưng mùa hè sau, Beth sinh ra và Edward bận bịu công việc tại bệnh viện Cộng đồng Geary. Hai năm sau, Tim được sinh ra. Mary đã lãnh bằng Tiến sĩ Triết học và trở về dạy tại Trường đại học Tiểu bang Kansas, và năm tháng trôi qua bằng một cách nào đấy. Ngoại trừ các chuyến đi Chicago. Atlanta và Denver ngắn ngủi, Mary chưa bao giờ rời khỏi Tiểu bang Kansas cả. - Một ngày. - cô tự hứa với mình. - Một ngày... * * * * * Mary thu lại sổ sách của mình và liếc ra cửa sổ. Sương giá đã phủ lên cửa sổ một màu xám mùa đông và tuyết lại bắt đầu rơi. Mary mặc chiếc áo khoác da và quàng chiếc khăn len đỏ rồi đi về lối phố Vather, nơi cô đậu xe. Sân bãi rộng, 325 héc ta, rải rác với các tòa nhà gồm các phòng thí nghiệm, hý viện, nhà nguyện giữa những hàng cây thôn dã. Từ xa, những tòa nhà đá vôi nâu của Trường đại học giống như những lâu đài cổ có những tháp nhỏ trên đỉnh, sẵn sàng đánh đuổi quân thù. Khi Mary đi ngang qua Giảng đường Denison, một gã lạ hoắc mang một chiếc máy ảnh Nikon đang đi về phía nàng. Hắn đưa máy ảnh lên định ngắm tòa nhà và bấm. Mary ở vào cận cảnh của bức ảnh “Đáng lẽ mình nên tránh lối cho ông ta” - Cô nghĩ thế - “Mình đã làm hỏng bức ảnh của ông ta”. Một giờ sau, âm bản của bức ảnh đang trên đường đi Washington, D.C. Mỗi thành phố đều có nhịp điệu riêng biệt của mình, một sức sống toát ra từ người dân và đất đai. Thị trấn Junction, tại lãnh địa Geary, là một cộng đồng nông trại, cách thành phố Kansas 130 dặm về phía Tây, tự hào là trung tâm địa dư của Hoa Kỳ đại lục. Nó có một tờ báo “Daily Union” - một đài phát thanh và một đài truyền hình. Khu vực kinh doanh ở phố gồm một loạt các cửa hiệu và các trạm xăng mọc rải rác dọc đường số 6 và tại Washington. Có một Penney, Ngân hàng quốc gia đầu tiên, một Domino Pizza, tiệm nữ trang và một cửa hàng len. Có những cửa hàng bán “món ăn nhanh”, một trạm xe bus, một tiệm bán quần áo đàn ông và một tiệm rượu - loại cơ bản trong hàng trăm thành phố nhỏ khắp Hoa Kỳ. Nhưng người dân thị trấn Junction yêu nó vì vẻ thanh bình và yên tĩnh đồng quê của nó. Ít ra là trong những ngày làm việc trong tuần. Vào các dịp nghỉ cuối tuần, thị trấn Junction trở thành trung tâm nghỉ ngơi và giải trí cho các quân nhân ở Fork Riley gần đấy. Mary Ashley dừng lại để mua thức ăn chiều tại chợ Dillon trên đường về nhà và rồi đi về hướng Bắc đến đường Old Milford, một khu vực nhà ở đáng yêu trông ra một cái hồ. Những cây sồi và cây du thẳng hàng dọc theo lề trái của con đường trong lúc bên phải là những ngôi nhà đẹp làm bằng đá, gạch hoặc gỗ. Nhà Eshley là một ngôi nhà lầu hai tầng bằng đá tọa lạc giữa những ngọn đồi thoai thoải. Ngôi nhà đã được bác sĩ Edward Ashley và cô dâu của chàng mua 13 năm trước đây. Nó gồm một phòng khách rộng, một phòng ăn, thư viện, phòng ăn sáng và nhà bếp ở tầng dưới và một dãy phòng của chủ nhà và thêm hai phòng ngủ trên lầu. - Nó rộng kinh khủng đối với chúng ta, chỉ có hai người. - Mary Ashley đã phản đối. Edward đã ghì chặt nàng vào lòng : - Ai bảo rằng nó chỉ cho hai người thôi? Khi Mary từ Trường đại học trở về nhà, Tim và Beth đang đợi để đón nàng. - Mẹ hãy đoán gì nào? - Tim lên tiếng - Chúng ta sẽ được đăng ảnh lên báo? - Hãy giúp mẹ cất những thứ linh tinh này. - Mary nói - Báo nào thế? - Người đó không nói, nhưng ông ấy chụp ảnh chúng con và bảo chúng ta sẽ được tin của ông ấy! Mary dừng lại và quay sang nhìn con trai. - Người đó có nói tại sao không? - Không, - Tim nói - nhưng điều chắc chắn là ông ấy có một cái máy Nikon rất sộp. * * * * * Ngày chủ nhật, Mary kỷ niệm - mặc dầu đấy không phải là từ đã nẩy ra trong đầu - ngày sinh nhật thứ 35 của nàng. Edward đã thu xếp một bữa tiệc bất ngờ tại câu lạc bộ của vùng quê. Những người láng giềng của họ, Florence và Douglas Schiffer và bốn đôi khách đang đợi nàng. Edward hài lòng như một đứa bé với vẻ ngạc nhiên trên mặt Mary khi nàng bước vào câu lạc bộ trông thấy bàn tiệc và hàng biểu ngữ mừng ngày sinh nhật hạnh phúc. Nàng chẳng có lòng dạ nào để bảo với chàng rằng nàng đã biết về bữa tiệc từ hai tuần trước. Nàng tôn thờ Edward. “Và tại sao không nhỉ? Ai không chịu nhỉ?”. Chàng hấp dẫn, thông minh và chu đáo. Ông nội và bố chàng đã làm bác sĩ và Edward không bao giờ thoáng nghĩ rằng chàng sẽ làm khác đi. Chàng là một phẫu thuật gia giỏi nhất tại thị trấn Junction, một người cha tốt và một ông chồng tuyệt vời. Trong lúc Mary thổi tắt những cây nến trên chiếc bánh sinh nhật của nàng, nàng nhìn qua Edward và nghĩ: Một cô gái có thể may mắn như thế nào nhỉ? Sáng thứ hai, Mary thức giấc với một tâm trạng buồn nản. Đêm trước có nhiều ly Champagne chúc mừng và nàng uống rượu không quen. Nàng phải cố gắng để ra khỏi giường. - Champegne đã làm mình kiệt sức. Mình sẽ không bao giờ uống nữa! Nàng bước nhẹ xuống cầu thang và rón rén khởi sự chuẩn bị bữa ăn sáng cho con, cố gắng lờ đi tiếng đập trong đầu. - Champagne. - Mary rên rỉ - Là cuộc trả thù của Pháp đối với chúng ta. Beth đi vào phòng mang theo một chồng sách dầy. - Mẹ đang nói chuyện với ai thế? - Với mẹ đấy. - Lạ thật! - Khi nào con đúng là con đúng. - Mary đặt lên bàn một hộp ngũ cốc - Mẹ mua cho con một hộp ngũ cốc mới. Con sẽ thích nó! Beth ngồi xuống bàn nhà bếp và chăm chú nhìn vào cái nhãn trên hộp ngũ cốc : - Con không thể ăn cái này. Mẹ đang định giết con đấy. - Đừng đặt ý kiến nào vào đầu mẹ. - Mẹ nó gắt - Làm ơn ăn sáng đi. Tim, đứa con trai mười tuổi của nàng, chạy vào nhà bếp. Nó nhủi vào một chiếc ghế cạnh bàn và nói : - Con sẽ ăn thịt mỡ và trứng. - Chuyện gì đã xảy ra cho cái chào buổi sáng rồi? - Mary hỏi. - Chào mẹ. Con sẽ ăn thịt mỡ và trứng. - Nào xin mời. - Nào nhanh lên, mẹ. Con trễ học mất. - Mẹ hài lòng vì con đã nói điều ấy. Cô Reynolds đã gọi điện cho mẹ. Con kém toán. Con nói điều gì về điều ấy? - Tưởng tượng thôi. - Tim, việc ấy con cho là đùa à? - Cá nhân con không nghĩ rằng nó buồn cười. - Beth khịt mũi. Nó cau có với chị. - Nếu chị muốn buồn cười, hãy soi gương đi! - Đủ rồi - Mary nói - Hãy cư xử cho phải phép! Cơn nhức đầu của nàng trở nên tệ hơn. Tim hỏi. - Con có thể đi trượt băng sau khi con học xong được không mẹ? - Con đã trượt trên lớp băng mỏng rồi đấy. Con phải về nhà ngay và học. Con nghĩ một giáo sư đại học trông như thế nào khi có một đứa con trai yếu môn toán! - “Họ nói về hai tên kinh khủng!” - Mary suy nghĩ một cách buồn bã - “Và còn chuyện gì nữa nếu có đến chín, mười, mười một, mười hai tên khủng bố?” Beth nói : - Tim có nói với mẹ rằng nó được một điểm “D” trong bài phát âm không? Hắn trợn mắt nhìn chị hắn. - Mẹ có bao giờ nghe về Mark Twain không? - Mark Twain có liên quan gì với việc này? - Mary hỏi. - Mark Twain nói rằng ông ta không phục một người đàn ông nào chỉ biết phát âm đơn điệu một từ. - Mình thắng không được. - Mary nghĩ - Chúng nó ranh hơn mình. Nàng đã gói thức ăn trưa cho mỗi đứa, nhưng nàng lo cho Beth vì nó đang dùng chế độ ăn mới ngốc nghếch. - Beth, làm ơn ăn hết cho mẹ bữa trưa của con ngày hôm nay nhé. - Nếu nó không có thuộc phòng bệnh nhân tạo. Con sẽ không để cho tính tham lam của kỹ nghệ chế biến thức ăn làm hại sức khỏe của con. - Việc gì đã xảy ra cho những ngày xưa tốt đẹp với thức ăn ướp muối? - Mary tự hỏi. Tim giật một mảnh giấy long ra từ một trong những quyển vở của Beth. - Nhìn này, - hắn hét lên. - Beth thân yêu, hãy cùng nhau ngồi chung trong suốt kỳ học. Anh đã nghĩ đến em suốt cả ngày hôm qua và... - Trả lại tao! - Beth hét lên. - Của tao mà! - Nó chụp lấy Tim nhưng hắn đã nhảy khỏi tầm với của nó. Hắn đọc chữ ký ở cuối bức thư. - Này. Ký tên là Virgil. Em nghĩ rằng chị yêu Arnold chứ. Beth giật lại bức thư trong tay hắn. - Mày biết gì về tình yêu mà nói. - Đứa con gái 12 tuổi của Mary lên tiếng chất vấn - Mày là thằng con nít. Tiếng đập trong đầu Mary trở nên không chịu đựng nổi. - Các con ơi, cho mẹ nghỉ một tí. Nàng nghe tiếng còi xe bus của nhà trường bên ngoài. Tim và Beth đi ra cửa. - Đợi đã! Các con chưa ăn sáng! - Mary nói. Nàng theo chúng ra ngoài hành lang. - Không có thì giờ, mẹ. Phải đi thôi. - Tạm biệt. Mẹ! - Trời rét bên ngoài đấy. Hãy mặc áo khoác và quàng khăn vào. Và thế là chúng nó đi. Mary cảm thấy kiệt sửc. - Tình mẹ đang ở trong mắt bão. Nàng đưa mắt nhìn lên lúc Edward xuống cầu thang và nàng cảm thấy dễ chịu. - “Ngay cả sau tất cả những năm này”, - Mary nghĩ - “chàng vẫn còn là người đàn ông hấp dẫn nhất mà mình đã từng biết”. Chính sự dịu dàng của chàng làm Mary thích thú trước tiên. Đôi mắt chàng xám dịu phảng phất một trí thông minh ấm áp, nhưng chúng cũng có thể biến thành đỏ rực, khi chàng say sưa một điều gì đấy. - Chào em. - Chàng đặt lên trán nàng một nụ hôn. Họ cùng đi vào nhà bếp. - Anh ơi - cho em một đặc ân nhé? - Chắc chắn rồi, người đẹp. Bất cứ điều gì. - Em muốn bán con đi! - Cả hai à? - Khi nào? - Hôm nay. - Ai mua chúng nó! - Những người lạ mặt. Chúng nó đã đến tuổi mà em chẳng có thể làm điều gì đúng cả. Beth đã trở thành một đứa ăn uống quái đản và con trai của anh trở nên một tên đần độn tầm cỡ thế giới! Edward nói một cách thận trọng : - Có lẽ chúng không phải là con của chúng ta. - Em hy vọng là không. Em đang nấu cháo yến mạch cho anh đây. - Chàng nhìn đồng hồ đeo tay. - Xin lỗi, em. Không có thì giờ. Anh phải đi giải phẫu trong nửa giờ nữa. Hank Cates bị vướng vào một cái máy nào đấy. Ông ấy có thể bị mất vài ngón tay đấy. - Ông ấy già quá mà vẫn làm nghề nông à? - Đừng để ông ấy nghe em nói điều ấy nhé. Mary biết rằng Hank Cates đã ba năm rồi chưa thanh toán những phiếu tiền của chồng nàng. Như hầu hết các nông gia trong cộng đồng. Hank Cates phải chịu đựng giá thấp về hàng nông nghiệp và thái độ lãnh đạm của ban quản trị tín dụng nông nghiệp đối với các nông gia. Nhiều người đã mất các nông trại mà họ đã làm việc trên đó suốt cả đời. Edward không bao giờ ép bệnh nhân nào của chàng thanh toán tiền cả, và nhiều người trả chàng bằng hoa màu. Gia đình Eshley có một căn hầm chứa đầy bắp, khoai tây và lúa mì. Một nông gia đã đề nghị trả cho Edward một con bò cái, nhưng khi Edward kể điều ấy với Mary, nàng nói : - Trời ơi, hãy bảo ông ta rằng việc trị liệu ở trong nhà cơ mà. Bây giờ Mary nhìn chồng và lại nghĩ: “Mình may mắn thật”. - Được rồi! - Nàng nói - Em có thể quyết định giữ con lại. Em yêu bố chúng nó nhiều. - Nói thật với em nhé, anh hơi mê mệt mẹ chúng nó đấy! - Chàng đưa tay ôm nàng và ghì chặt vào lòng - Sinh nhật hạnh phúc, thêm một lần nữa! - Anh vẫn còn yêu em lúc em đã là một phụ nữ lớn tuổi hơn chứ? - Anh thích những phụ nữ lớn hơn. - Cám ơn! - Mary bỗng nhiên nhớ lại điều gì - Hôm nay em phải về nhà sớm và sửa soạn bữa ăn chiều. Đến lượt chúng ta phải đi thăm gia đình Schiffer. Cây cầu nối liền với những người láng giềng của họ là nghi thức đêm thứ hai. Việc Douglas Schiffer là một bác sĩ và cùng làm việc với Edward tại bệnh viện làm họ càng gần gũi hơn. Mary và Edward cùng rời khỏi ngôi nhà, đầu cúi xuống vì cơn gió tàn nhẫn. Edward phóng mình vào trong chiếc Ford Cranada của chàng và đưa mắt nhìn Mary leo lên sau tay lái của chiếc xe Camionnette. - Xa lộ có lẽ nhiều băng đấy. - Ellison gọi - Hãy lái cẩn thận! - Anh cũng thế nhé! - Nàng gửi cho chồng một nụ hôn gió và hai chiếc xe chạy ra khỏi ngôi nhà. Edward hướng về bệnh viện và Mary về phố Manhattan nơi Trường đại học tọa lạc, cách đấy 16 dặm. Hai người đàn ông trong một chiếc xe đậu cách nhà Ashley độ phân nửa khu nhà nhìn hai chiếc xe chạy đi. Họ đợi cho đến khi những chiếc xe khuất dạng. - Đi thôi. Họ lái đến ngôi nhà kế nhà Ashley. Rex Olds, người tài xế, ngồi trong xe trong lúc người bạn đồng hành bước đến cửa trước và bấm chuông. Cánh cửa được một người phụ nữ nước da bánh mật khoảng 35 tuổi mở ra. - Thưa ông. Tôi có thể giúp gì cho ông? - Bà Douglas Schiffer? - Vâng... Người đàn ông đưa tay vì túi áo khoác và lấy ra một thẻ chứng minh. - Tên tôi là Donald Zamlock. Tôi đang làm việc trong cơ quan an ninh Bộ Ngoại giao. - Chúa ơi! Đừng bảo tôi rằng Doug đã cướp nhà băng! Người nhân viên mỉm cười lịch sự. - Không, thưa bà. Không phải chúng tôi muốn biết điều ấy. Tôi muốn hỏi bà một ít câu hỏi về người láng giềng của bà, bà Ashley ấy. Bà ta bỗng nhìn ông lo ngại. - Mary à? Bà ấy thể nào? - Tôi có thể vào nhà không? - Vâng. Dĩ nhiên! - Florence Schiffer đưa ông ta vào phòng khách. - Mời ông ngồi. Ông thích dùng cà phê không? - Không, cám ơn. Tôi chỉ làm tốn vài phút của bà thôi. - Tại sao ông lại hỏi về Mary? Ông ta mỉm cười trấn an. - Đây chỉ là một cuộc điều tra thường lệ. Bà ấy không bị nghi ngờ làm điều gì sai quấy đâu. - Tôi hy vọng là không! - Florence Schiffer phẫn nộ - Mary Ashley là một trong những người tốt nhất mà ông đã từng gặp đấy. - Bà nói thêm - Ông đã gặp bà ấy chưa? - Không, thưa bà. Cuộc viếng thăm này có tính cách mật, và tôi sẽ cảm kích nếu bà giữ nó như thế. Bà đã biết bà Ashley được bao lâu rồi? - Khoảng 13 năm. Kể từ ngày bà ấy dọn đến ở bên cạnh. - Bà nói rằng bà biết rõ bà Ashley chứ? - Dĩ nhiên rồi. Mary là bạn thân nhất của tôi. - Bà ấy và chồng có hòa thuận với nhau không? - Ngoài Douglas và tôi ra, họ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất mà tôi đã từng gặp. - Bà ta suy nghĩ một lúc - Tôi nói lại. Họ là đôi vợ chồng hạnh phúc nhất mà tôi đã từng gặp. - Tôi biết rằng bà Ashley có hai đứa con. Một đứa con gái 12 tuổi và một đứa con trai 10 tuổi phải không? - Đúng đấy, Beth và Tim! - Bà có cho rằng bà ấy là một người mẹ tốt không? - Bà ấy là một bà mẹ vĩ đại. Cái gì... - Bà Schiffer, theo ý kiến bà, bà Ashley có phải là một con người vững vàng về tình cảm không? - Dĩ nhiên rồi! - Bà ấy không có những vấn đề tình cảm mà bà biết được chứ? - Chắc chắn là không! - Bà ấy có uống rượu không? - Không. Bà ấy không thích rượu. - Còn về ma túy thì sao? - Thưa ông, ông đã đến nhầm thành phố rồi. Không có vấn đề ma túy tại thị trấn Junction chúng tôi. - Bà Ashley kết hôn với một bác sĩ à? - Vâng! - Nếu bà ấy muốn có ma túy... - Ông mất trí rồi. Bà ấy không dùng ma túy. Bà ấy không khịt mũi và cũng chẳng lên cơn. Ông ta dò xét bà một lúc. - Hình như bà biết tất cả những từ chuyên môn. - Tôi có xem Miami Vice, như mọi người khác. - Florence giận dữ - Ông còn câu hỏi nào khác nữa không. - Ông của Mary Ashley sinh ra ở Rumani. Có bao giờ bà nghe bà ấy thảo luận về Rumani không? - Ồ, có một lần bà ấy kể những câu chuyện mà ông của bà ấy kể cho bà ấy nghe về đất nước cũ. Ông của bà ấy sinh ra tại Rumani nhưng cụ đã đến đây lúc còn thanh xuân. - Bà có bao giờ nghe bà Ashley bày tỏ một ý kiến tiêu cực về chính quyền Rumani hiện tại không? - Không. Tôi không nhớ được. - Một câu hỏi cuối cùng. Bà có bao giờ nghe bà Ashley hoặc bác sĩ Ashley nói điều gì chống lại chính phủ Hoa Kỳ không? - Tuyệt đối là không? - Vậy theo ước tính của bà, cả hai đều là những người Mỹ trung thành chứ? - Ông muốn đánh cuộc không. Xin vui lòng cho tôi biết... Người đàn ông đứng dậy. - Tôi muốn cám ơn vì thời giờ của bà, bà Schiffer. Và tôi muốn khẳng định với bà rằng vấn đề này có độ mật khá cao. Tôi sẽ cảm kích nếu bà không thảo luận điều ấy với bất kỳ một ai - ngay cả chồng bà cũng thế! Một lát sau, ông đi ra cửa. Florence Schiffer đứng dậy chăm chú nhìn theo ông ta. - Tôi không tin rằng cả chuyện này cũng đã xảy ra. - Bà ta nói lớn. Hai nhân viên lái xe xuống đường Washington và chạy về hướng Bắc. Họ đi ngang qua một bảng dán thông cáo có ghi “Hãy vui lên trên phần đất Ah!” - Sắc sảo đấy - Rex Old lẩm bẩm. Họ đi ngang qua phòng thương nghiệp và kiến trúc hoàng gia của tòa nhà Elks, nhà nuôi các con vật cưng Irina và một quầy rượu mang tên “Fat chance”. Các tòa nhà kinh doanh chấm dứt đột ngột. - Chúa ơi, con phố chính chỉ dài có hai khu nhà ở. Đây không phải là một thành phố. Đây là một cái bẫy! - Zamlock nói - Đối với cậu nó là một cái bẫy, và đối với tớ nó cũng là một cái bẫy, nhưng đối với những người này nó là cả một thành phố. - Rex Old nói. - Có lẽ đấy là một địa điểm tốt để sống, nhưng chắc chắn là tớ không muốn đến thăm nơi đây. - Zamlock lắc đầu. Chiếc xe mui kín dừng lại trước mặt ngân hàng của tiểu bang và Rex Old bước vào bên trong. Chàng trở lại hai mươi phút sau. - Sạch sẽ. - Chàng vừa nói, vừa bước vào trong xe - Gia đình Ashley có 7.000 đô-la ở nhà băng, một văn tự cầm cố về ngôi nhà của họ và họ thanh toán những phiếu nợ của họ đúng kỳ hạn. Giám đốc ngân hàng cho rằng vị bác sĩ quá từ tâm để trở thành một thương gia giỏi, nhưng theo ông ta để ý, ông ấy có nguy cơ thiếu nợ cao nhất! Zamlock nhìn vào cặp giấy tờ bên cạnh. - Chúng ta hãy kiểm tra một vài người nữa và trở lại đất văn minh trước khi tôi bắt đầu chịu hết nổi. Douglas Schiffer bình thường là một con người vui tính, dễ dãi, nhưng lúc này mặt chàng có vẻ dữ tợn. Gia đình Schiffer và Ashley đang chơi ván bài bridge hàng tuần của họ và gia đình Schiffer bị gác 10.000 điểm. Lần thứ tư buổi chiều hôm ấy, Florence Schiffer đã đánh con bài sai lầm. Douglas Schiffer dằn mạnh tay bài của chàng xuống. - Florence - Chàng la lớn - Em đang chơi cho bên nào thế? Em không biết chúng ta bị gác thế nào à? - Xin lỗi, - nàng khẩn trương nói - chỉ vì em không thể tập trung được thôi. - Ra là thế, chồng nàng khịt mũi. - Có gì quấy rầy chị không? - Edward Ashley hỏi Florence. - Tôi không thể cho anh biết đâu. Tất cả đều nhìn nàng ngạc nhiên. - Thế nghĩa là gì? - Chồng nàng hỏi. Florence Schiffer hít một hơi dài. - Mary! Chuyện của chị đấy. - Chuyện gì của tôi? - Chị đang gặp một loại rắc rối nào đó chứ? Mary nhìn nàng đăm đăm. - Rắc rối à? Không. Sao chị lại nghĩ như thế? - Người ta bảo tôi không được nói. Tôi đã hứa. - Chị hứa với ai thế? - Edward hỏi. - Một nhân viên Liên bang từ Washington. Ông ta đến nhà sáng nay hỏi tôi đủ thứ câu hỏi về Mary. Ông ta làm như chị là một loại gián điệp quốc tế ấy! - Loại câu hỏi nào vậy - Edward chất vấn. - Ồ anh biết đấy. Chị ấy có phải là một người Mỹ trung thành không? Chị ấy có phải là một người vợ và một người mẹ tốt không? Chị ấy có dùng ma túy không? - Tại sao họ lại hỏi bà những câu hỏi quỷ quái như thế nhỉ? - Đợi một phút đã. - Mary lên tiếng một cách khích động - Tôi nghĩ rằng tôi biết. Đấy là về nhiệm kỳ của tôi! - Gì thế? - Florence hỏi. - Tôi đang có nhiệm kỳ tại Trường đại học. Trường đại học làm một số công việc nghiên cứu bén nhạy của chính phủ trên khu đại học, do đó, tôi cho rằng họ phải kiểm tra mọi người thật kỹ. - À Cám ơn Chúa vì chỉ có từng ấy! - Florence Schiffer thở một hơi nhẹ nhõm - Tôi nghĩ rằng họ sẽ bắt giam chị đấy chứ! - Tôi hy vọng họ làm thế. - Mary mỉm cười - Tại tiểu bang Kansas. - Nào, giờ thì việc ấy đã xong! - Douglas Schiffer lên tiếng - Ta có thể tiếp tục chơi nữa không? - Chàng quay sang vợ. - Nếu em còn nhầm thêm một con bài, anh sẽ đặt em lên đầu gối của anh đấy! - Xin hứa. Xin hứa. Chương 05 - Chúng ta họp theo những luật lệ thông thường. - Vị chủ tọa loan báo - Chẳng có hồ sơ nào được giữ lại, cuộc họp này sẽ không bao giờ được mang ra thảo luận và chúng ta gọi nhau bằng những mật danh mà chúng ta đã đặt! Có tám người đàn ông trong thư viện của lâu đài Claymore thuộc thế kỷ 15. Hai người võ trang mặc thường phục, khoác lên người nước chiếc áo khoác dày, cảnh giới bên ngoài; trong lúc một người thứ ba canh tại cửa ra vào thư viện. Tám người bên trong căn phòng đã đến điểm họp riêng rẽ, sớm hơn một cuộc đảo chính chống lại Alexandros Ionescu. Một nhóm sĩ quan quân đội kỳ cựu tại Rumani đã quyết định ủng hộ Groza. Lần này rất có thể ông ta sẽ thành công. Odin lên tiếng. - Việc ấy sẽ ảnh hưởng gì đến kế hoạch của chúng ta? - Nó sẽ hủy diệt kế hoạch của chúng ta. Nó sẽ mở ra quá nhiều chiếc cầu sang phương Tây. Freyr nói : - Vậy thì chúng ta phải ngăn chặn việc ấy xảy ra. - Cách nào? - Balder hỏi. - Chúng ta ám sát Groza. - Chủ tọa đáp. - Không thể được. Người của Ionescu đã nỗ lực nhiều!ần như chúng ta đã biết và họ đều thất bại. Biệt thự của ông ta hình như là bất khả xâm phạm. Dù sao thì chẳng có ai trong phòng này có thể chịu dính líu vào một nỗ lực ám sát cả. - Chúng ta sẽ không trực tiếp can dự vào. - Vị chủ tọa lên tiếng. - Vậy làm cách nào? - Ngài chủ sự phát hiện được một hồ sơ mật đề cập đến một kẻ khủng bố quốc tế để thuê. - Abul Abbas, người đã tổ chức cướp chiếc Achille Lauro? - Không. Thưa các ngài có một tay súng mới. Một tay súng hay hơn. Tên hắn là Agel. - Chưa bao giờ nghe đến hắn. - Sigmund nói. - Đúng. Ủy nhiệm thư của hắn gợi cảm nhất. Theo hồ sơ của ngài chủ sự, Agel đã dính líu vào cuộc ám sát Sikh Khalistan Ấn Độ. Hắn đã giúp bọn khủng bố Macheteros tại Puerto Rico, và bọn Khmer đỏ tại Campuchia. Hắn đã đạo diễn cuộc ám sát nửa tá sĩ quan quân đội tại Isarel và người Isarel đã trao giải thưởng một triệu đô-la cho mạng hắn, chết hoặc bắt sống. - Hắn có vẻ hứa hẹn đấy. - Thor nói - Chúng ta có thể thuê được hắn không? - Hắn đắt giá. Nếu hắn đồng ý hợp đồng, chúng ta sẽ phải tốn mất hai triệu đô-la. Freyr huýt gió, rồi nhún vai. - Việc ấy có thể thu xếp được. Chúng ta sẽ lấy số tiền ấy ở tổng quỹ mà chúng ta đã thiết lập. - Làm sao chúng ta có thể tiếp xúc tay Angel này? - Sigmund lên tiếng hỏi. - Mọi liên lạc với hắn đều được thực hiện qua trung gian bà chủ của hắn, một người phụ nữ tên là Neusa Munez. - Chúng ta tìm mụ ấy ở đâu? - Mụ sống tại Arhentina. Angel đã bố trí cho mụ ở một căn phòng tại Buenos Aires. Thor lên tiếng : - Bước kế tiếp sẽ là gì? Ai sẽ tiếp xúc mụ cho chúng ta? Vị chủ tọa đáp : - Ngài chủ sự đề nghị một người đàn ông tên là Harry Lantz. - Tên ấy nghe quen đấy! Vị chủ tọa lạnh lùng nói : - Vâng, hắn có tên trên báo. Harry Lantz là một người hoạt động độc lập. Hắn đã bị loại khỏi CIA vì đã thiết lập việc buôn bán ma túy riêng tại Việt Nam. Hắn là một kẻ móc nối tuyệt vời... - Ông dừng lại - Tôi đề nghị chúng ta biểu quyết. Ai tán thành việc mướn Angel xin vui lòng giơ tay. Tám cánh tay được chăm sóc kỹ lưỡng giơ lên không. - Vậy là xong. - Vị chủ tọa đứng dậy - Cuộc họp đình lại. Xin vui lòng thận trọng như thường lệ! * * * * * Vào một ngày thứ hai, cảnh sát Leslie Hanson đi cắm trại trong nhà kính trên khu đất của lâu đài nơi anh ta không có quyền có mặt. Anh ta không đi một mình, sau này, anh ta phải giải thích với thượng cấp. Thời tiết ấm áp trong nhà kính và bạn gái của anh ta, Annie, một cô gái quê tròn trĩnh, đã thuyết phục được tay cảnh sát tốt bụng mang theo hòm mây đựng đồ cắm trại. - Anh mang thức ăn, - Annie cười rúc rích - và em sẽ mang đồ tráng miệng. Đồ tráng miệng cao 1m70 với bộ ngực và đôi mông nẩy nở đẹp tuyệt mà một đàn ông có thể cắn vào. Không may, giữa khi dùng món tráng miệng, sự tập trung của cảnh sát Hanson bị xao lãng vì một chiếc xe hòm đang chạy ra cổng tòa lâu đài. - Địa điểm đẫm máu này lẽ ra phải đóng cửa vào những ngày thứ hai. - Anh ta lẩm bẩm. - Đừng rời vị trí của anh nhé. - Annie tán tỉnh. - Không đâu, cưng. Hai mươi phút sau, viên cảnh sát nghe một chiếc xe thứ hai ra đi. Lần này anh ta khá tò mò lên đứng dậy và lén nhìn ra cửa sổ tối để che giấu các hành khách bên trong. - Nào, tỉnh lại chưa Leslie? - Rồi. Có điều anh không thể đoán ra ai có thể ở trong lâu đài. Trừ những ngày tham quan, nó đóng cửa liên tục. - Y như điều sẽ xảy ra cho em đây, cưng ơi, nếu anh không cỡi lên nó. Hai mươi phút sau, khi viên cảnh sát nghe chiếc xe thứ ba ra đi, dục tình của anh ta đã nhường chỗ cho bản năng cảnh sát. Còn năm chiếc nữa, đều là xe hòm, tất cả đều cách nhau hai mươi phút. Vì một trong những chiếc xe dừng lại một lúc đủ cho một con nai băng qua nên cảnh sát Hanson có đủ thời gian để ghi số đăng ký xe. - Lẽ ra ngày đẫm máu của anh, anh phải nghỉ chứ. - Annie than vãn. - Việc này có thể quan trọng đấy. - Viên cảnh sát nói. Và ngay cả lúc lão nói, lão băn khoăn có nên báo cáo không. - Anh đang làm gì ở lâu đài Claymore? - Trung sĩ Twill lên tiếng hạch hỏi. - Ngắm cảnh, thưa ngài! - Lâu đài đóng cửa mà. - Vâng, thưa ngài. Nhà kính mở cửa! - Vậy là anh quyết định ngắm cảnh trong nhà kính à? - Vâng, thưa ngài. - Một mình, dĩ nhiên chứ? - À, thực ra...! - Hãy bỏ giùm tôi những chi tiết lố bịch đi, ông cảnh sát. Điều gì làm anh nghi ngờ những chiếc xe nào? - Tư cách của họ, thưa ngài. - Các chiếc xe không có tư cách, Hanson. Tài xế đấy! - Dĩ nhiên, thưa ngài. Các tài xế có vẻ rất thận trọng. Các xe bỏ đi từng hai mươi phút một. - Anh biết rằng, dĩ nhiên, có thể có cả nghìn lời giải thích ngây thơ. Thực ra, người duy nhất hình như không có một lời giải thích ngây thơ chính là anh đấy. - Vâng thưa ngài. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi nên báo cáo việc này. - Đúng. Đây có phải là số đăng ký mà anh có được không? - Vâng, thưa ngài. - Rất tốt. Cút đi. - Ông ta nghĩ đến một câu nhận xét tế nhị để thêm vào - Hãy nhớ ném đá vào người ta là điều nguy hiểm nếu anh đang ở nhà kính đấy. - Ông ta cười khúc khích với trò chơi chữ của ông ta suốt buổi sáng. Khi báo cáo về số đăng ký trở về, Trung sĩ Twill quyết định rằng Hanson đã phạm sai lầm. Ông ta đưa bản tin lên lầu cho Thanh tra Pakula và giải thích về hậu trường. - Lẽ ra tôi không nên làm ngài bận tâm đến việc này, thưa ngài thanh tra, nhưng số đăng ký xe... - Vâng, tôi biết. Tôi sẽ lo việc ấy? - Cám ơn ngài. Tại tổng hành dinh, thanh tra Pakula có một cuộc họp ngắn ngủi với một trong những xếp kỳ cựu của Cơ quan tình báo mật Anh, một con người có khuôn mặt hồng hào, rắn chắc. Ngài Alex Hyde-White. - Ông hoàn toàn có lý khi đưa việc này vào sự chú ý của tôi. - Ngài Alex mỉm cười - Nhưng tôi e rằng chẳng có gì e ngại hơn bằng tìm cách thu xếp một chuyến nghỉ hè cho Hoàng gia mà không cho báo chí biết. - Tôi tiếc là đã làm phiền ngài về chuyện này, thưa ngài. - Thanh tra Pakula đứng dậy. - Chẳng phiền tí nào cả, thanh tra. Việc ấy tỏ ra là ngành của ông nhanh nhẹn đấy. Ông nói tên của tay cảnh sát trẻ ấy là gì? - Hanson, thưa ngài. Leslie Hanson. Khi cánh cửa đóng lại sau lưng thanh tra Pakula, ngài Alex Hyde-White nhấc điện thoại đỏ trên bàn giấy lên. - Tôi có một công điện cho Balder. Chúng ta có một vấn đề nhỏ. Tôi sẽ giải thích vào cuộc họp kế tiếp. Đồng thời, tôi muốn ngài thu xếp ba cuộc thuyên chuyển. Trung sĩ Leslie Hanson. Hãy rải họ ra ít ngày. Tôi muốn đưa họ ra vị trí riêng rẽ, càng xa London càng tốt. Tôi sẽ báo cho ngài chủ sự và xem thử nếu ngài muốn hành động gì thêm không. * * * * * Trong phòng khách sạn của mình tại New York, Harry Lantz thức giấc nửa đêm vì chuông điện thoại reo. - Ai mà biết được mình ở đây kìa? - Hắn tự hỏi. Hắn nhìn vào chiếc đồng hồ lờ mờ trên giường rồi chộp lấy điện thoại. - Mới bốn giờ sáng mà? Ai...? Một giọng nói nhẹ nhàng ở đầu dây kia bắt đầu nói và Lantz ngồi đơ trên giường, tim hắn bắt đầu đập mạnh. - Vâng thưa ngài. - Hắn nói - Vâng, thưa ngài... Không, thưa ngài, nhưng tôi có thể thu xếp để được rảnh. - Hắn lắng nghe một lúc lâu. Cuối cùng hắn nói - Vâng, thưa ngài, tôi hiểu. Tôi sẽ đáp chuyến phi cơ thứ nhất đi Buenos Aires. Cám ơn ngài. Hắn gác ống nghe, với tay đến chiếc bàn bên giường và đốt một điếu thuốc. Tay hắn run rẩy. Người mà hắn vừa nói chuyện là một trong những người có thế lực nhất thế giới và điều ông ta đề nghị Harry làm... - Việc quái quỷ gì đây? - Harry Lantz tự hỏi - Một việc gì to lớn đây. Người đàn ông sẽ trả hắn một số tiền 50.000 đô-la để chuyển giao một bức điện. Trở lại Arhentina là một điều vui đây Harry Lantz thích phụ nữ Nam Mỹ. Lúc 9 giờ sáng, Lantz nhấc điện thoại và quay số Hàng không Arhentina. - Chuyến bay đầu tiên của các ông đến Buenos Aires mấy giờ? Chiếc 747 đến sân bay Ezeiza, Buenos Aires lúc năm giờ chiều ngày hôm sau. Chuyến bay dài giờ nhưng Harry Lantz không quan tâm. - 50.000 đô-la để chuyển một bức điện. - Hắn cảm thấy một sự hưng phấn nổi lên khi bánh máy bay nhẹ nhàng chạm đất. Hắn không đến Arhentina đã gần năm năm rồi. Gặp lại những người quen cũ thật là thú vị. Trong lúc Lantz bước ra khỏi phi cơ, một luồng không khí nóng làm hắn giật mình mất một lúc. Dĩ nhiên ở đây là mùa hè. Trên taxi vào thành phố, Lantz thích thú vì những hàng chữ graffito nguệch ngoạc trên tường các tòa nhà và các vỉa hè đã không có gì thay đối. Plebiscito las pelotas (Phổ thông đầu phiếu), Militares Asesinos (quân đội, bọn sát nhân), Tennemos hambre (Chúng tôi đói), Marihuana na libre (Cần sa giải thoát), Droga, sexo y muncho rock (Ma túy, dục tình và rock-and-roll), Juicio y castigo a los culpables (Xét xử và trừng phạt bọn tội phạm). Vâng, trở lại đây thật là hay. Sau giấc ngủ trưa đường phố nhộn nhịp với những người uể oải bước đi tới lui các điểm hẹn. Khi chiếc taxi đến khách sạn El Conquistador tại trung tâm khu vực Barrio Norte hợp thời trang, Lantz trả tài xế bằng một tờ bạc một triệu peso. - Hãy giữ lại tiền thối. - Hắn nói. Tiền của họ là một trò đùa. Hắn đăng ký tại một bàn giấy trong một hành lang hiện đại, rộng lớn, nhặt một tờ Buenos Aires Herald và Lantz Prensa và để người phụ tá giám đốc chỉ cho hắn dãy phòng của mình. 60 đô-la một ngày cho một phòng ngủ, buồng tắm, phòng khách và nhà bếp có gắn điều hòa không khí và truyền hình. Tại Washington, cơ sở này phải tốn mất một cánh tay và một cái giò, Harry nghĩ thế. Cả ngày mai mình sẽ lo công chuyện Neusa này và ở lại ít ngày hưởng lạc. Phải mất hơn hai tuần lễ, Harry Lantz mới có thể theo dõi tung tích của Neusa Munez. Cuộc tìm kiếm của hắn bắt đầu với các sổ niên giám điện thoại của thành phố. Lantz bắt đầu với các địa điểm tại trung tâm thành phố: Khu vực Constitucion, Plaza San Martin, Barri Norte, Catalinas Norte. Chẳng nơi nào có tên Neusa Munez cả. Cũng chẳng có tên này tại những khu vực ven Bahia Blanca hoặc Mar del Plaza. - “Mụ ta ở đâu kìa?” - Lantz tự hỏi. Hắn xuống phố, tìm những nơi liên lạc cũ. Hắn đi vào Lantz Biela và người chủ quán rượu kêu to : - Seno Lantz! Por dios. Tôi nghe ông đã chết rồi mà. Lantz cười toe toét. - Đúng đấy, nhưng tôi nhớ ông quá, Antonio, nên tôi trở lại. - Ông định làm gì ở Buenos Aires thế? Giọng của Lantz ra vẻ suy tư. - Tôi đến đây tìm một người bạn gái cũ. Chúng tôi định lấy nhau, nhưng gia đình nàng đã chuyển đi và tôi mất dấu nàng. Tên nàng là Neusa Munez. Người chủ quán rượu lắc đầu. - Chưa bao giờ nghe đến tên nàng ta. Lo siento [1]. Lần dừng chân của Lantz là chỗ một người bạn tại Bộ tư lệnh cảnh sát. - Lantz! Harry Lantz! Dios! Qué pasa? [2] - Chào Jorge. Thật là hay được gặp lại cậu. - Lần cuối cùng tôi nhận được tin cậu, CIA đã đuổi cậu đi! Harry Lantz cười. - Không phải thế, bạn tôi ơi. Họ năn nỉ tôi ở lại. Tôi bỏ đi để theo đuổi công việc cho riêng tôi đấy? - Tôi đã mở rộng văn phòng thám tử tư. Do vậy, việc ấy đã đưa tôi đến Buenos Aires. Một thân chủ của tôi chết ít tuần trước. Ông ta để lại cho con gái một số tiền và tôi đang tìm cách tìm ra chỗ ở của nàng. Tất cả tin tức tôi có được về nàng là nàng đang sống tại một căn phòng đâu đấy tại Buenos Aires. - Tên nàng là gì? - Neusa Munez. Một lúc kéo dài đến nửa tiếng. - Rất tiếc, anh bạn. Tôi chẳng giúp cậu được. Nàng không có tên trong máy điện toán của chúng tôi hoặc bất cứ hồ sơ nào của chúng tôi cả. - Ồ, thôi. Nếu cậu có tin tức nào về nàng ta, báo cho tôi đang ở El Conquistador đấy. - Được! Kế tiếp là các quán rượu, các nơi lui tới quen thuộc cũ. Pepe gonzalez và Almeida, Café Tabac. - Buenas tardes, amigo. Soy de los Estados Unidos. Estoy buscando una mujier. El nombre es neu Munez. Es una emergencia! [3] - Lo siento, senor. No Lantz conozco. [4] Khắp nơi, câu trả lời cũng vậy thôi. Chẳng một ai từng nghe đến mụ khỉ gió ấy. Harry Lantz lang thang quanh Lantz Boca, khu vực bến cảng màu sắc rực rỡ, nơi mà người ta có thể trông thấy những chiếc tàu cũ kỹ bỏ neo rỉ sét trên sông. Chẳng một ai quanh đấy biết về Neusa Munez. Lần đầu tiên, Harry Lantz bắt đầu cảm thấy mình có thể đang đi săn ngỗng hoang. Chính tại Pilar, một quán rượu nhỏ trong những quán rượu vùng Flores, mà dịp may đột nhiên đến với hắn. Đấy là một đêm thứ sáu và quán rượu đông nghịt thợ thuyền. Lantz phải mất mười phút để gây sự chú ý cho chủ quán. Lantz vừa nói được một lúc bài diễn văn đã chuẩn bị sẵn thì người chủ quán lên tiếng - Neusa Munez à? Có. Tôi biết mụ ta. Nếu mụ ta muốn nói chuyện với ông, mụ sẽ đến đây ngày mai, vào khoảng nửa đêm. Chiều hôm sau, Harry Lantz quay trở lại Pilar lúc 11 giờ, thấy quán rượu dần dần đông nghịt người. Càng về nửa đêm, hắn càng cảm thấy bồn chồn. Nếu mụ không đến thì sao nhỉ? Lantz quan sát lúc một nhóm phụ nữ trẻ cười rúc rích bước vào quán. Họ nhập bọn với một số đàn ông tại một chiếc bàn. - Mụ phải lộ mặt ra. - Lantz nghĩ thế! - Nếu nàng ta không đến, mình có thể hôn từ giã món 50.000 ấy là vừa. Hắn tự hỏi liệu mụ ta trông thấy như thế nào. Mụ phải là một con người kỳ quặc. Hắn được quyền đề nghị với bạn trai của mụ, Angel, một số tiền là hai triệu đô-la chẵn để ám sát một người nào đấy vậy là có lẽ Angel sẽ ngồi trên đống bạc triệu. Hắn rất có thể sẽ kiếm được một bà chủ trẻ đẹp. Quả thật, có lẽ hắn có thể kiếm được cả tá. Mụ Neusa này phải là một cô đào hoặc một người mẫu. - “Ai biết được, có thể mình có thể đùa với nàng một tí trước khi mình rời thành phố. Chẳng có gì khoái bằng vừa làm việc vừa hưởng lạc”. - Harry Lantz suy nghĩ khoái trá. Cánh cửa mở ra và Lantz nhìn lên chờ đợi. Một người phụ nữ đang bước đi một mình. Nàng là một người trung niên và không hấp dẫn gì với một tấm thân phì nộn và bộ ngực to đùng lúc lắc theo mỗi bước đi. Mụ có cái mặt rỗ, mái tóc nhuộm hoe nhưng nước da đen của mụ chứng tỏ dòng máu lai thừa hưởng được của một tổ tiên người Indien đã ăn nằm với một người Tây Ban Nha. Mụ mặc một chiếc váy không thích hợp và một chiếc áo thun chỉ hợp với một phụ nữ trẻ hơn nhiều. - Một kẻ móc câu vào sự may mắn của mụ! - Lantz quả quyết như thế. Nhưng tên quái nào muốn “đi” với mụ thế? Người phụ nữ nhìn quanh quán rượu bằng đôi mắt lờ đờ hoang vắng. Mụ gật đầu bơ thờ với nhiều người rồi chen qua đám đông. Mụ bước đến quầy rượu. - Hắn mua cho tôi một cốc rượu chứ? - Mụ nói giọng Tây Ban Nha nặng và càng tới gần, mụ càng thiếu hấp dẫn hơn. - “Mụ ta trông như một con bò cái mập ú, không được vắt sữa” - Lantz nghĩ thế - “và mụ đã xỉn”. - Chị nhầm rồi chị ơi. - Esteban nói rằng ông đang tìm tôi, không phải à? Hắn nhìn mụ chăm chú. - Ai thế? - Esteban. Chủ quán. Harry Lantz vẫn không thể chấp nhận. - Có lẽ ông ta đã lầm. Tôi đang tìm Neusa Munez. - Đúng rồi. Tôi là Neusa Munez. - Nhưng không đúng người này. - Harry Lantz nghĩ thế. Thây kệ - Bà là bạn của Angel à? Mụ cười chếnh choáng. - Đúng rồi. Harry Lantz bình tĩnh lại nhanh chóng. - Được rồi. - Hắn gượng gạo mỉm cười - Chúng ta có thể tìm một chiếc bàn trong góc nói chuyện không? Mụ gật đầu lãnh đạm. - Được. Họ rẽ lối qua quán rượu nồng nặc khói thuốc và khi họ ngồi xuống, Harry Lantz lên tiếng. - Tôi thích nói chuyện về... - Ông mua cho tôi một cốc rum chứ? Lantz gật đầu. - Hẳn rồi. Một người hầu bàn xuất hiện, mặc một chiếc tạp dề bẩn thỉu. Lantz nói. - Một cốc rum, một cốc Scotch pha soda. Mubez nói : - Làm cho tôi một cốc đúp, hả? Khi người hầu bàn bỏ đi, Lantz quay sang người phụ nữ ngồi bên cạnh : - Tôi muốn gặp Angel. Mụ nhìn chăm chú bằng đôi mắt buồn ướt át. - Để làm gì? Lantz hạ thấp giọng. - Tôi muốn có một món quà nhỏ cho ông ấy! - Vậy à? Loại quà gì thế? - Hai triệu đô-la! Rượu được mang đến. Harry nâng ly nói : - Khoái chứ? - Vâng. - Mụ nốc cạn ly một hơi - Ông muốn cho Angel hai triệu đô-la để làm gì? - Đây là điều tôi thảo luận ngay với chính ông ấy. - Không thể được. Angel, ông ấy không nói chuyện với ai cả. - Bà ơi, vì hai triệu đô-la! - Tôi muốn uống một ly rum nữa. Một ly đúp chứ? Chúa ơi, mụ ta có vẻ như sắp ngất đi. - Hẳn rồi! - Lantz gọi hầu bàn và gọi ly rượu. - Bà đã biết Angel lâu rồi chứ? - Giọng hắn ra vẻ vô tình. Mụ nhún vai. - Vâng! - Hẳn ông ấy là một người thú vị. Đôi mắt trống vắng của mụ chăm chú vào một điểm trên bàn đối diện. - Chúa ơi! - Harry Lantz nghĩ - Coi bộ muốn nói chuyện với một bức tường quái quỷ đây. Ly rượu của mụ đến và mụ uống cạn bằng một hơi dài. Mụ có thân hình của một con bò cái và tư cách của một con heo. - Làm thế nào tôi có thể nói chuyện sớm với Angel? Neusa Munez cố gắng đứng dậy. - Tôi đã bảo ông rồi, ông ta không nói chuyện với ai cả. Vĩnh biệt. Harry Lantz đột nhiên tràn đầy kinh hãi : - Này. Chờ một phút! Đừng đi. Mụ dừng lại và nhìn xuống hắn bằng đôi mắt lờ đờ : - Ông muốn gì? - Ngồi xuống đi, - Lantz chậm rãi nói - và tôi sẽ nói cho bà biết tôi muốn gì? Mụ nặng nhọc ngồi xuống. - Tôi cần một ly rum, hả? Harry Lantz hoang mang : - Tên Angel này là loại người quỷ gì thế? Bà chủ của hắn chẳng những là con đĩ xấu xí nhất cả Nam Mỹ mà còn là một con mẹ nát rượu nữa? Lantz không thích giao dịch với những người say. Họ thật không dám tin tưởng. Mặt khác, hắn ghét ý nghĩ tuột mất sự mệnh giá 50.000 đô-la. Hắn nhìn Munez uống rượu. Hắn tự hỏi mụ đã uống bao nhiêu rồi trước khi đến gặp hắn. Lantz mỉm cười, và nói lý lẽ : - Neusa, nếu tôi không thể nói chuyện với Angel, làm sao tôi có thể giao dịch với ông ấy được? - Đơn giản thôi. Ông bảo tôi ông cần gì. Tôi bảo lại Angel. Nếu ông ta bảo được, tôi bảo ông được. Nếu ông ta bảo không, tôi bảo ông không? Harry Lantz không tin tưởng dùng mụ làm trung gian, nhưng hắn không còn cách lựa chọn nào khác. - Bà có nghe về Marin Groza không? - Không! Dĩ nhiên là mụ không biết. Vì đấy không phải là tên một chai rượu rum. Con chó cái ngu xuẩn này sẽ nhận sai hoàn toàn bức điện và làm hại cả công việc cho hắn. - Tôi cần một ly rượu, hả? Hắn đập vào bàn tay mập của nàng. - Hẳn rồi. Hắn gọi một ly đúp nữa. - Angel sẽ biết Groza là ai. Bà chỉ việc nói với Marin Groza. Ông ấy sẽ biết. - Vâng. Rồi gì nữa? Mụ còn ngốc nghếch hơn cả vẻ mặt của mụ. Mụ nghĩ rằng Angel sẽ phải làm cái quỷ quái gì vì hai triệu đô-la hả? Hôn người ấy à? Harry thận trọng lên tiếng. - Những người đưa tôi đến đây muốn nhổ lão đi! Mụ chớp mắt. - Nhổ đi là gì? - Chúa ơi! Giết! - Ồ! - Mụ gật đầu một cách lãnh đạm - Tôi sẽ hỏi Angel - Giọng mụ bắt đầu còn líu lo hơn nữa - Ông nói tên người đàn ông là gì? Hắn muốn lay người mụ. - Groza. Marin Groza. - Vâng. Chàng của tôi đã ra khỏi phố. Tối nay tôi sẽ gọi anh ấy và sẽ gặp ông ở đây ngày mai. Tôi có thể uống một ly rum nữa chứ? Neusa Munez đã trở thành một cơn ác mộng. * * * * * Chiều hôm sau, Harry Lantz vẫn ngồi chiếc bàn ấy trong quán rượu từ nửa đêm đến bốn giờ sáng khi quán rượu đóng cửa. Munez không xuất hiện. - Ông có biết bà ấy sống ở đâu không? Lantz hỏi chủ quán. Người chủ quán nhìn hắn bằng đôi mắt ngây thơ. - Quien sabe? [5] Con chó cái đã làm rối tung mọi việc. Làm sao một người đàn ông được coi là tinh ranh như Angel có thể mắc câu vì một con ngốc nghếch uống rượu rum như thế nhỉ? Harry Lantz tự hào là một đấu thủ nhà nghề. Hắn đã quá khéo léo để bước vào một công việc như thế này mà không chịu kiểm tra trước. Hắn đã cẩn thận dò hoi và tin tức đã gây xúc động cho hắn nhất là người Isarel đã treo đầu của Angel với giá một triệu đô-la. Một triệu đô-la sẽ mua được một cuộc đời trị giá bằng những cuộc say sưa và những cô nàng cắn câu trẻ tuổi. Mà thôi, hắn có thể quên đi việc ấy và hắn có thể quên đi 50.000 đô-la của hắn. Sợi dây liên lạc duy nhất của hắn với Angel đã bị đứt. Có lẽ hắn phải gọi cho người ấy và bảo ngài rằng hắn đã thất bại. Mình sẽ không gọi ông ấy vội, Harry Lantz quyết định. Có thể mụ sẽ trở lại đây. Có lẽ những quán rượu khác sẽ hết rượu rum. Có lẽ mình sẽ bị đá đít vì đã đồng ý với công tác quái quỷ này. Chú Thích [1] Tiếng Tây Ban Nha: xin lỗi. [2] Tiếng Tây Ban Nha: Lạy chúa, chuyện gì vậy? [3] Tiếng Tây Ban Nha: Chào bạn. Tôi từ Mỹ đến. Tôi đang tìm một phụ nữ. Tên bà ta là Neusa Munez. Đây là một công việc đột xuất. [4] Tiếng Tây Ban Nha: Thưa ông, rất tiếc, tôi không biết bà ta. [5] Tiếng Tây Ban Nha: Ai mà biết được? Chương 06 Lúc 11 giờ đêm hôm sau, Harry Lantz ngồi, cũng bàn ấy tại quán rượu Pilar, cứ chốc chốc lại nhai đậu phộng và cắn móng tay. Lúc hai giờ sáng, hắn trông thấy Neusa Munez, trượt chân ở cửa và tim Harry nhấp nhỏm. Hắn nhìn mụ bước lại bàn hắn. - Chào. - Mụ lẩm bẩm và ngồi thụp xuống một cái ghế. - Bà sao thế? - Harry hỏi. Hắn chỉ có thể nói thế để dằn cơn giận. Mụ nheo mắt. - Hả. - Lẽ ra bà đã gặp tôi tại đây tối hôm qua. Chúng ta đã hẹn, Neusa. - Ồ, tôi đã đi xinê với một cô bạn gái. Một phim mới mà, ông thấy không? Chuyện về một người đàn ông yêu một nữ tu sĩ và... Lantz thật ngao ngán đến nỗi phát khóc lên được Lẽ nào Angel có thể trông thấy gì trong con chó cái say sưa ngốc nghếch này? Có lẽ mụ có một “con mèo” vàng, nhất định như thế. - Neusa, bà có nhớ nói chuyện với Angel không? Mụ nhìn hắn ngây dại, cố gắng tìm hiểu câu hỏi. - Angel à? Có. Tôi có thể uống một tí không? Hắn gọi cho nàng một ly đúp rượu rum và một ly đúp Scotch cho mình. Hắn cần rượu ghê gớm. - Angel nói gì không? Neusa? - Angel à? Ồ, anh ấy đồng ý. Được rồi. Harry cảm thấy nhẹ nhõm. - Tuyệt vời! Hắn không còn xem thường sứ mệnh của người liên lạc của hắn nữa. Hắn đã nghĩ đến một ý tốt hơn. Con chó cái sau này sẽ đưa đến với Angel. Số tiền thưởng một triệu đô-la. Hắn nhìn mụ nốc ly rượu, trào một ít xuống chiếc áo cánh đã vấy bẩn mụ. - Angel, còn nói gì khác không? Mụ nhíu mày tập trung : - Angel, anh ấy nói rằng anh ấy muốn biết người của các ông là ai? Lantz cho mụ một nụ cười đắc thắng. - Bà bảo ông ấy rằng đấy là việc bí mật, Neusa ạ. Tôi không thể cho ông ta biết tin ấy được. Mụ gật đầu lãnh đạm. - Vậy thì Angel bảo nói với ông hãy cút đi. Tôi có thể uống một ly rum trước khi đi không? Đầu óc Harry Lantz bắt đầu làm việc với tốc độ tối đa. Nếu mụ bỏ đi, hắn chắc chắn sẽ không bao giờ gặp mụ lại lần nữa. - Tôi sẽ nói với bà, tôi sẽ làm gì, Neusa ạ. Tôi sẽ điện thoại cho những người tôi đang làm việc và nếu họ cho phép tôi, tôi sẽ cho bà một cái tên, đồng ý không? Mụ nhún vai. - Tôi chẳng quan tâm. - Không, - Lantz kiên nhẫn giải thích - nhưng Angel quan tâm đấy. Vậy hãy bảo ông ấy rằng tôi sẽ có câu trả lời cho ông ấy ngày mai. Có địa điểm nào để tôi tiếp xúc với bà không? - Tôi đoán có! Hắn hỏi dồn tới. - Ở đâu? - Ở đây! Rượu của mụ đến và hắn nhìn mụ nốc cạn như một con thú. Lantz muốn giết mụ. Lantz gọi điện tổng hợp để khỏi bị theo dõi từ một phòng điện thoại công cộng trên đường Calvo. Hắn mất một giờ mới gọi xong. - Không. - Ngài chủ sự nói - Tôi bảo với ông rằng không được đề cập đến cái tên nào cả. - Vâng, thưa ngài. Nhưng có một vấn đề. Neusa Munez, bà chủ của Angel, nói rằng hắn đồng ý tiến hành cuộc đổi chác, nhưng hắn sẽ không tiến hành nếu hắn không biết ai là người hắn giao dịch. Đương nhiên, tôi đã bảo mụ ta rằng tôi phải làm việc lại với ngài trước đã. - Người phụ nữ này trông thế nào? Ngài chủ sự không phải là người để cùng chơi bài. - Mụ ta mập, xấu xí và ngu xuẩn, thưa ngài. - Dùng tên tôi sẽ nguy hiểm vô cùng. Harry Lantz có thể cảm thấy ngay việc giao dịch đang tuội khỏi tay hắn. - Vâng, thưa ngài. - Hắn nói nghiêm chỉnh - Tôi hiểu. Điều duy nhất là, thưa ngài, tiếng tăm của Angel được căn cứ vào việc hắn có thể kín miệng. Nếu bao giờ hắn bắt đầu nói, hắn sẽ không kéo dài được năm phút trong công việc của hắn. Im lặng một lúc lâu. - Ông xuất sắc đấy. - Một sự im lặng khác, còn lâu hơn nữa - Tốt lắm, ông có thể cho Angel tên tôi. Nhưng hắn không bao giờ được tiết lộ và không bao giờ tiếp xúc trực tiếp với tôi. Hắn chỉ làm việc qua trung gian của ông thôi! Harry Lantz đã có thể khiêu vũ được. - Vâng, thưa ngài. Tôi sẽ bảo hắn. Cám ơn, thưa ngài. Hắn gác máy, một nụ cười rạng rỡ trên mặt. Hắn sẽ nhận 50.000 đô-la. Và rồi phần thưởng một triệu đô-la nữa. * * * * * Khi Harry Lantz gặp Neusa Munez khuya hôm ấy hắn gọi ngay mụ một ly đúp rum và vui vẻ nói : - Mọi việc đã xong. Tôi đã được phép. Mụ nhìn hắn lạnh nhạt. - Thế ạ? Hắn cho mụ biết tên ông chủ của hắn. Đấy là một cái tên dùng trong gia đình và hắn mong mụ nhớ kỹ tên ấy. Mụ nhún vai. - Chưa bao giờ nghe đến ông ấy. - Neusa, những người tôi phục vụ muốn việc này tiến hành càng nhanh càng tốt. Marin Groza đang trốn tại một biệt thự tại Neuilly, và... - Ở đâu? Chúa quyền năng! Hắn đang cố giao dịch với một đứa con nít đang say. Hắn kiên nhẫn nói : - Đấy là một thành phố nhỏ ở ngoại thành Paris. Angel sẽ biết. - Tôi cần một ly nữa. Một giờ sau, Neusa vẫn còn uống mãi. Và lần này, Harry Lantz khuyến khích mụ. - “Chẳng phải là mụ ta cần nhiều sự khuyến khích!” - Lantz nghĩ thế - “Khi mụ khá say, mụ sẽ đưa mình đến với tên bạn trai của mụ. Phần còn lại sẽ dễ dàng thôi”. Hắn nhìn phớt qua Neusa Munez đang đưa đôi mắt lờ đờ nhìn chăm chú vào ly rượu của mụ. Sẽ không khéo thộp được Angel. Hắn có thể dai sức nhưng hắn không thông minh lắm đâu. - Khi nào Angel về lại thành phố? Mụ tập trung đôi mắt ướt của mụ lên người hắn. - Tuần sau. Harry Lantz cầm tay của mụ đập đập. - Tại sao bà và tôi không về chỗ bà? - Harry hỏi giọng dịu dàng. - Được! Hắn đang nhập cuộc. Neusa Munez sống trong một gian nhà hai buồng tồi tàn tại khu Belgrano thuộc Buenos Aires. Gian nhà bẩn thỉu và bừa bãi, như chủ của nó. Khi họ đi qua cửa, Neusa đi thẳng vào tủ rượu nhỏ trong góc nhà. Mụ đứng không vững : - Nào uống chứ? - Tôi không uống! - Lantz lên tiếng - Bà cứ việc uống đi. - Hắn nhìn mụ rót rượu và uống cạn. - “Mụ là con chó xấu xí ghê tởm nhất mà mình chưa hề gặp” - Hắn nghĩ thế - “nhưng một triệu đô-la sẽ đẹp đấy”. Hắn nhìn quanh gian phòng. Có một số sách chồng trên bàn cà phê. Hắn nhặt lên từng quyển, hy vọng nhìn thấy được đầu óc Angel. Các đề tựa làm hắn kinh ngạc: Gabriela của Jorge Amado; Lửa trên đỉnh núi của Omar Cabezas; Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez; Những con mèo ban đêm của Antonio Cisneros. Vậy Angel là một nhà trí thức. Những quyển sách này không hợp với căn phòng hoặc không hợp với con mụ đàn bà. Lantz bước đến bên mụ và vòng tay quanh cái co rộng và mềm nhũn của mụ. - Em thật đáng yêu, em biết chứ? - Hắn lần lên và bóp vú mụ, chúng to như hai quả dưa hấu. Lantz ghét những phụ nữ vú to - Em có một thân hình lớn thật. - Hở? - Đôi mắt mụ rực lên. Đôi cánh tay của Lantz xuống thấp và chạm vào cặp đùi của mụ và luồn tay qua chiếc áo bông mỏng của mụ. - Cái này cảm thấy thế nào? - Hắn thì thầm. - Gì vậy? Hắn không đi đến đâu cả. Hắn phải nghĩ đến việc gạ gẫm được con mụ amazon này vào giường. Nhưng hắn biết hắn phải tiến thận trọng. Nếu hắn làm mụ giận, có thể mụ sẽ trở mặt và báo cáo hắn với Angel, và việc ấy sẽ chấm dứt việc giao dịch. Hắn có thể tìm cách ăn nói ngọt ngào với mụ, nhưng mụ ta đã quá say để biết hắn nói gì. Trong lúc Lantz đang tuyệt vọng tìm cách để nghĩ ra một bước đầu khéo léo, Neusa lẩm bẩm : - Muốn chơi không? Hắn cười lên nhẹ nhõm. - Ý kiến vĩ đại đấy, bé. - Nào, vào phòng ngủ đi! Mụ lảo đảo trong lúc Lantz bước theo mụ vào căn phòng ngủ nhỏ. Trong ấy có một chiếc tủ với một cánh cửa mở hé, một chiếc giường lớn bề bộn, hai chiếc ghế và một bàn giấy trên ấy có một chiếc gương vỡ. Chính chiếc tủ ấy đã gây sự chú ý của Harry Lantz. Hắn liếc mắt thấy một hàng y phục đàn ông treo trên một cái giá. Neusa đứng bên cạnh giường mò mẫm những chiếc cúc trên chiếc áo cánh của mụ. Theo những trường hợp bình thường, có lẽ Harry Lantz đã đến bên cạnh mụ, cởi quần áo cho mụ, vuốt ve thân thể mụ và lầm thầm vào tai mụ những lời tục tĩu kích thích. Nhưng cảnh Munez làm hắn muốn bệnh. Hắn đứng dậy nhìn chiếc váy của mụ rơi xuống đất. Trần truồng, mụ còn xấu hơn cả khi mặc quần áo. Bộ ngực đồ sộ của mụ xệ xuống và cái bụng phệ của mụ rung rinh như thịt đông lúc mụ cử động. Cặp đùi mập của mụ là một khối thịt u. - “Mụ là con người phì nộn nhất mà mình chưa từng thấy” - Lantz nghĩ thế - “Hãy nghĩ tích cực đi” - Lantz tự nhủ - “Việc này sẽ thực hiện trong ít phút thôi. Một triệu đô-la sẽ còn mãi mãi”. Từ từ, hắn cố gắng cởi quần áo. Mụ ngả người lên giường, như một con thủy quái, đợi hắn, và hắn bò lên giường bên cạnh mụ. - Em thích gì nào? - Hắn hỏi. - Hở? Sôcôla. Tôi thích sôcôla. Mụ còn say hơn hắn nghĩ. Tốt thôi. Công việc sẽ dễ dàng hơn. Hắn bắt đầu vuốt ve thân thể trắng toát mềm nhũn của mụ. - Em là một người đàn bà rất xinh, cưng ơi. Em biết không? - Thế à? - Làm bạn gái của Angel phải thật là thú vị. Nào bé, hãy cho anh biết Angel như thế nào? - Giàu. Angel, anh ấy rất giàu. Tay của Lantz tiếp tục công việc. - Ông ấy tốt với em không? - Vâng. Angel tốt với tôi. - Anh cũng sẽ tốt với em, bé ạ! Giọng hắn dịu dàng. Vấn đề của hắn là mọi việc phải thực hiện dịu dàng. Điều hắn cần là xây dựng một triệu đô-la. Hắn bắt đầu nghĩ đến chị em Dolly và những việc họ đã phục vụ hắn. Hắn hình dung họ đang làm việc trên thân thể trần truồng của hắn với cái lưỡi ngón tay và núm vú của họ. Hắn bắt đầu cử động hông lên xuống. - Hãy nói với anh về Angel đi. Ai là của ông ấy! Giọng mụ ngái ngủ. - Angel không có bạn, tôi là bạn ông ấy? - Dĩ nhiên là em rồi, bé. Angel có sống đây với em không, hay ông ấy có chỗ riêng? Neusa nhắm mắt lại. - Này, tôi buồn ngủ rồi, chừng nào ông xong? Không bao giờ, hắn nghĩ thế. - Với con bò cái này! - Anh đã xong rồi. - Lantz nói dối. - Vậy ta ngủ đi. Hắn lăn ra khỏi mụ và nằm cạnh mụ cáu kỉnh. - Tại sao Angel không thể nào kiếm được một tình nhân bình thường nhỉ? Một ả nào đấy đẹp và có máu nóng? Rồi hắn sẽ không gặp rắc rối nào để có được tin tức mà hắn cần. Nhưng con chó cái ngu xuẩn này... Vẫn... còn những cách khác. Lantz nằm đấy lặng lẽ một lúc lâu cho đến lúc hắn chắc chắn Neusa đã ngủ. Rồi hắn cẩn thận nhỏm dậy và bước lại chiếc tủ. Hắn bật đèn trong tủ lên và đóng cánh cửa lại để ánh sáng không đánh thức con vật kếch xù đang ngáy. Có một tá áo quần và đồ trang bị thể thao treo trên giá và sáu đôi giày đàn ông trên sàn nhà. Lantz mở những chiếc áo vest ra và xem nhãn hiệu. Các bộ quần áo đều được may đo tại Herrera, đại lộ Lantz Plata. Những đôi giày được làm tại Vill. - “Mình vớ được món bở đây!” - Lantz nhìn thỏa thích - “Chúng ghi địa chỉ của Angel. Sáng mai trước tiên mình sẽ đến tiệm và hỏi vài câu hỏi”. Một lời cảnh cáo vang lên trong trí hắn. “Không, không hỏi gì cả”. Hắn phải khéo léo hơn thế. Xét cho cùng, hắn đang đương đầu với một tên sát nhân tầm cỡ thế giới. Để Neusa đưa hắn đến với Angel sẽ an toàn hơn. Vậy thì tất cả những gì mình phải làm là báo tin trước cho chiến hữu của mình tại Mossad và nhặt lấy phần thưởng. Mình sẽ tỏ cho Ned Tillingast và bọn quỷ CIA ấy rằng thằng Harry già đã không mất ngón nghề. Tất cả những thằng xuất sắc của CIA đã quắn đít để tìm Angel và mình là người duy nhất khá tinh ranh để thành công trong vấn đề ấy! Hắn nghĩ là hắn nghe một tiếng động trên giường. Hắn cẩn thận hé nhìn ra từ cửa tủ, nhưng Neusa vẫn còn đang ngủ. Lantz tắt đèn ở tủ và đi về giường. Mắt Munez nhắm lại. Lantz nhón gót đi về bàn giấy và bắt đầu lục lọi ngăn kéo, hy vọng tìm ra một tấm ảnh của Angel, chẳng có cơ may nào cả. Hắn bò lại về giường. Neusa đang ngáy vang. Cuối cùng Harry buồn ngủ híp mắt, những giấc mơ của hắn đầy những ảo ảnh của một chiếc du thuyền của một chiếc du thuyền trắng đầy những cô gái khỏa thân đẹp đẽ có bộ ngực nhỏ nhắn chắc nịch. Buổi sáng khi Harry Lantz thức giấc, Neusa đã đi mất. Lantz kinh hoàng một lúc. Có phải mụ đi gặp Angel? Hắn nghe những tiếng động ở nhà bếp. Hắn vội ra khỏi giường và mặc quần áo lại. Neusa đang đứng tại bếp. - Beunos dias! [1] - Lantz lên tiếng. - Uống cà phê không? - Neusa lẩm bẩm - Tôi không thể nấu bữa ăn sáng được. Tôi có hẹn. “Với Angel” - Harry Lantz cố giấu sự xúc động của mình. - Tốt thôi. Anh không đói. Tại sao em không đi đến chỗ hẹn đi và chúng ta sẽ gặp lại nhau để đi ăn tối nay. Hắn vòng tay quanh người mụ và mơn trớn cặp vú lòng thòng của mụ. - Em thích ăn tối ở đâu? Chẳng có gì đâu, anh chỉ muốn phục vụ tốt cho một cô gái của anh thôi. - Lẽ ra mình phải đóng kịch. - Lantz nghĩ thế. - Tôi không quan tâm. - Em biết Chiquin ở Đại lộ Cangallo không? - Không. - Em sẽ thích. Tại sao anh không đón em ở đây lúc tám giờ nhỉ? Hôm nay anh có nhiều việc phải làm! - Hắn chẳng có việc gì phải làm cả. - Được! Hắn dồn tất cả ý chí để chồm qua hôn từ biệt Neusa. Môi mềm nhũn, ướt át và ghê tởm. - Tám giờ. Lantz bước ra khỏi căn phòng và gọi một chiếc taxi. Hắn hy vọng rằng Neusa đang nhìn từ cửa sổ. - Rẽ phải - ở góc đường kế tiếp! - Hắn bảo tài xế. Khi họ đã rẽ sang góc đường, Harry Lantz bảo : - Tôi sẽ xuống đây! Người tài xế nhìn hắn kinh ngạc. - Ông chỉ muốn đi một khu nhà à, thưa ông? - Đúng Tôi hư một chân. Vết thương chiến tranh! Harry Lantz trả tiền rồi vội vã trở lại một tiệm thuốc lá đối diện với tòa nhà của Neusa. Hắn châm một điếu thuốc và đợi. Hai mươi phút sau, Neusa ra khỏi tòa nhà. Harry quan sát trong lúc mụ núng nính đi xuống phố và hắn theo dõi mụ với một khoảng cách thận trọng. Chẳng có cơ hội nào để mất mụ cả. Việc ấy giống như theo dõi Lusitania. Neusa Munez hình như chẳng vội vã gì cả. Mụ đi xuống đường Avenida Belgrano, ngang qua thư viện Tây Ban Nha và lê bước dọc theo Đại lộ Cordoba. Lantz quan sát trong lúc mụ bước vào Berenes, một cửa hàng da thuộc trên đường San Martin. Hắn đứng bên kia đường và nhìn mụ tán gẫu với một nam thư ký. Lantz tự hỏi liệu cửa hiệu này có thể là một điểm tiếp xúc với Angel không. Hắn ghi vào đầu. Ít phút sau, Neusa đi ra mang theo một gói nhỏ. Mụ ghé vào một quán kem trên đường Corrientes, để mua một cái kem lạnh. Mụ từ từ đi xuống đường San Martin. Hình như mụ bước đi chẳng có mục đích nào cả, và chẳng có điểm đến đặc biệt nào cả trong đầu mụ. - “Việc quỷ gì đã xảy ra cho cuộc hẹn của mụ thế?” - Lantz tự hỏi - “Angel ở đâu nhỉ?” - Hắn không tin câu nói của Neusa rằng Angel đã đi khỏi thành phố. Bản năng của hắn bảo rằng Angel đang ở đâu đấy gần đây. Lantz bỗng phát hiện không còn trông thấy Neusa Munez nữa. Mụ đã quay sang một góc đường trước mắt và biến mất. Hắn bước nhanh. Khi Lantz vòng qua góc đường, không còn thấy mụ. Ở đâu nữa. Có những cửa hiệu nhỏ ở hai bên thành phố và Lantz thận trọng bước đi, đôi mắt sục sạo khắp nơi, sợ rằng Neusa có thể trông thấy hắn trước khi hắn trông thấy mụ. Cuối cùng hắn dò ra mụ tại một Fiambreria một cửa hiệu bán cao lương, đang mua đồ tạp hoá. Mụ mua cho mình hay mụ đợi ai ở phòng mụ để ăn trưa? Một người nào đấy tên là Angel. Từ một khoảng xa Lantz trông thấy Neusa bước vào một cửa hiệu rau quả mua trái cây và rau. Hắn theo đuôi mụ về lại tòa nhà của mụ. Harry Lantz quan sát tòa nhà của Neusa từ bên kia đường trong bốn giờ kế tiếp, bằng cách đi quanh quẩn để cố gắng khỏi bị lộ. Cuối cùng, hắn khẳng định rằng Angel sẽ không lộ mặt ra. - “Có lẽ tối nay mình có thể moi ở mụ thêm một số tin tức”, - Lantz nghĩ thế - “mà không phải ân ái với mụ”. Ý nghĩ về việc phải làm tình với Neusa làm hắn muốn bệnh trở lại. Tại Văn phòng Bầu dục của Tòa Bạch ốc, trời đã về chiều, thực ra đó là một ngày dài cho Paul Ellison. Cả thế giới hình như chỉ gồm những Ủy ban, những hội đồng, các bức điện khẩn, các cuộc họp kín và các khóa họp, và ông đã không có một lúc nào riêng cho mình cả cho đến lúc này. À, hầu như cho mình. Stanton Roges đang ngồi đối diện với. Ông lần đầu tiên trong ngày ấy, ngài Tổng thống cảm thấy dễ chịu. - Tôi làm cậu phải xa gia đình, Stan ạ. - Được thôi, Paul. - Tôi muốn nói chuyện với cậu về cuộc điều tra Mary Ashley. Việc ấy thế nào rồi? - Hầu như đã hoàn thành. Chúng ta sẽ kiểm tra bà ấy lần cuối ngày mai hoặc ngày mốt. Cho đến nay, việc ấy có vẻ rất tốt. Tôi xúc động khi nghĩ đến đó. Tôi nghĩ rằng sẽ có kết quả đấy. - Chúng ta sẽ làm mọi chuyện thành đạt. Cậu muốn uống một ly nữa không? - Không, cám ơn. Trừ phi cậu cần tôi làm việc gì khác, tôi sẽ đưa Barbara đến một buổi khai mạc tại trung tâm Kennedy. - Cậu cứ việc. - Paul Ellison lên tiếng - Alice và tôi phải chiêu đãi một số thân nhân của bà:ấy. - Cho tôi gửi lời ưu ái đến Alice. - Stanton Roges nói, và đứng dậy. - Và cho tôi gởi lời thăm đến Barbara. - Ông nhìn Stanton Roges ra đi. Tư tưởng của Tổng thống quay trở lại với Mary Ashley. * * * * * Khi Harry Lantz đến căn phòng của Neusa chiều hôm ấy, để đưa mụ đi ăn, chẳng có ai trả lời tiếng gõ cửa của hắn cả. Hắn cảm thấy sững sờ một lúc. Có phải mụ đã cho hắn leo cây không? Hắn thử mở cửa. Cửa không khoá. Angel có mặt đây để gặp hắn chăng? Có lẽ hắn đã quyết định thảo luận hợp đồng mặt đối mặt. Harry làm ra vẻ như đang giao dịch, nhanh nhảu bước vào căn phòng vắng lặng. - Ê. Chỉ có âm thanh dội lại. Hắn đi ngang vào phòng ngủ. Neusa đang nằm vắt ngang giường, say túy lúy. - Đồ ngu... - Hắn tự chế. Hắn không nên quên rằng con đĩ đần độn, say sưa này là mỏ vàng của hắn. Hắn đặt tay lên vai mụ và tìm cách lay mụ dậy. Mụ mở mắt. - Việc gì đấy? - Anh đang lo cho em. - Lantz nói. Giọng hắn hồi hộp một cách chân thật - Anh không thích thấy em bất hạnh, và anh nghĩ rằng em uống rượu vì có ai đấy làm cho em bất hạnh. Anh là bạn của em. - Em có thể nói với anh tất cả việc ấy. Angel phải không? - Angel - Mụ lẩm bẩm. - Anh chắc rằng ông ấy là người tốt. - Harry Lantz đấu dịu - Có lẽ cả hai có một sự hiểu lầm nho nhỏ, đúng không nào? Hắn cố gắng đưa mụ nằm thẳng ra trên giường. “Giống như đưa một con cá voi lên cạn” - Lantz nghĩ thế. Lantz ngồi xuống bên cạnh mụ. - Hãy nói với anh về Angel đi. - Lantz nói - Ông ấy đã làm gì em nào? Neusa nhìn hắn đăm đăm, đôi mắt mờ mờ tìm cách tập trung vào hắn. - Làm tình đi! - Ồ, chúa ơi! Việc ấy sẽ là một đêm dài. Đúng rồi, ý kiến vĩ đại đấy. - Lantz miễn cưỡng bắt đầu cởi quần áo. Khi Harry Lantz thức giấc vào buổi sáng một mình trên giường, những việc đã tràn ngập đầu óc hắn và hắn cảm thấy đau bụng. Neusa đã đánh thức hắn vào lúc nữa đêm. - Ông biết tôi muốn ông làm gì cho tôi không?! - Mụ lẩm bẩm. Mụ bảo với hắn điều ấy. Hắn lắng nghe một cách hoài nghi, nhưng hắn đã làm những điều mụ bảo hắn làm. Hắn không thể nào phản kháng lại mụ. Mụ là một con vật dã man, bệnh hoạn và Lantz tự hỏi liệu Angel có bao giờ làm những việc ấy cho mụ không. Ý nghĩ về điều hắn đã hoàn thành làm Lantz lợm giọng. Hắn nghe Neusa lạc điệu trong phòng tắm. Hắn không chắc có thể đương đầu nổi với mụ. - “Mình đã quá đủ!” - Lantz nghĩ thế - “Nếu sáng nay mụ không bảo cho mình biết Angel ở đâu, mình sẽ đi đến chỗ thợ may và thợ giày của hắn”. Hắn vứt những tấm trải giường lại và đi vào với Neusa. Mụ đang đứng trước gương soi ở phòng tắm. Tóc mụ đang cuốn trong những ống cuốn to và mụ trông có vẻ, có lẽ thế, còn không hấp dẫn hơn cả lúc trước. - Em và anh sẽ nói chuyện với nhau nhé. - Lantz quả quyết - Hẳn rồi. - Neusa chỉ một bồn tắm đầy nước - Tôi chuẩn bị nước tắm cho ông. Khi nào xong, tôi sẽ sửa soạn bữa ăn sáng. Lantz sốt ruột, nhưng hắn biết hắn không nên ép quá mạnh. - Ông thích trứng tráng không? Hắn chẳng thích ăn tí nào cả. - Vâng, hay đấy. - Tôi thích làm trứng tráng ngon. Angel dạy tôi đấy! Lantz nhìn trong lúc mụ đang bắt đầu lấy những ống cuốn to bự ra khỏi mái tóc. Hắn bước vào bồn tắm. Neusa nhặt một chiếc máy sấy tóc lớn, cắm điện và bắt đầu hong tóc. Lantz nằm trong bồn tắm ấm suy nghĩ: Có lẽ mình sẽ lấy súng và tự mình bắt lấy Angel. Nếu mình để bọn Isarel làm việc ấy, có lẽ sẽ có một cuộc điều tra lôi thôi về người lãnh thưởng. Cách này sẽ chẳng có vấn đề gì cả. Mình sẽ chỉ cho họ biết nơi để nhặt xác hắn. Neusa nói điều gì đấy nhưng Harry Lantz chỉ có thể nghe loáng thoáng qua tiếng máy sấy tóc. - Em bảo gì thế? - Hắn gọi lớn. Neusa đến bên cạnh bồn tắm. - Tôi mang cho ông món quà của Angel. Mụ thả chiếc máy sấy điện vào trong nước và đứng đấy nhìn thân thể của Lantz quằn quại trong một điệu khiêu vũ của tử thần. Chú Thích [1] Tiếng Tây Ban Nha: Xin chào. Chương 07 Tổng thống Paul Ellison đặt bản báo cáo an ninh cuối cùng về Mary Ashley xuống và nói : - Chẳng có một vết nhơ nào cả, Stan ạ. - Tôi biết. Tôi nghĩ bà ấy là một ứng cử viên hoàn hảo. Dĩ nhiên, Bộ Ngoại giao sẽ không thích thứ. - Chúng ta sẽ cho họ một vố nên thân. Bây giờ chúng ta hãy hy vọng Thượng viện sẽ ủng hộ chúng ta. Văn phòng của Mary Ashley tại giảng đường Kedzie là một phòng nhỏ dễ chịu với những giá sách nhét đầy những quyển sách tham khảo về các quốc gia Trung u. Đồ dùng khiêm tốn gồm một chiếc bàn giấy gãy nát và một chiếc ghế quay, một bàn nhỏ ở cửa sổ chất đầy những giấy tờ thi cử, một chiếc ghế dựa hình nấc thang và một chiếc đèn đọc sách. Trên bức tường sau bàn giấy là một bản đồ Balkan. Một bức tranh xưa của ông nội Mary treo trên tường. Nó đã được chụp khoảng đầu thế kỷ và người trong bức ảnh đang đứng trong tư thế cứng nhắc không tự nhiên, trong bộ đồ của thời kỳ ấy. Bức ảnh là một trong những bảo vật của Mary. Chính ông nội của nàng đã truyền lại cho nàng sự tò mò sâu sắc về Rumani. Ông đã kể cho nàng những câu chuyện lãng mạn về Nữ hoàng Marie, các nữ nam tước và công chúa, những chuyện cổ tích về Ambert, ông hoàng Consort của Anh quốc và Alexander II, Nga hoàng và hàng chục nhân vật ly kỳ. - Ở đâu đấy trong căn bản của chúng ta có một giòng máu hoàng gia. Nếu không có cách mạng, có lẽ con sẽ là một công chúa đấy. Nàng hay mơ về điều ấy. Mary đang ở giữa những đống giấy tờ thi lên lớp khi cánh cửa mở ra và khoa trưởng Hunter bước vào. - Chào bà Ashley. Bà có rảnh một chút không? Đây là lần thứ nhất mà khoa trưởng viếng thăm văn phòng nàng. Mary đột nhiên cảm thấy phấn khởi. Chỉ có thế có một lý do duy nhất cho việc khoa trưởng đích thân đến đây: ông sẽ bảo nàng rằng Trường đại học sẽ cho nàng một chân giảng dạy. - Dĩ nhiên! - Nàng lên tiếng - Xin mời ông ngồi. Ông ngồi xuống chiếc ghế nấc thang. - Các lớp học của bà như thế nào? - Tôi nghĩ rằng rất tốt. - Nàng không thể chờ đợi việc báo tin cho Edward. Chàng sẽ thật hãnh diện. Ít có ai vào tuổi nàng, lại nhận được một chân giảng dạy tại một Trường đại học. Khoa trưởng Hunter hình như không được thoải mái. - Bà có gặp một loại rắc rối nào đó không, bà Ashley? Câu hỏi đột kích nàng bất thình lình. - Rắc rối à? - Tôi... không. Tại sao? - Một số người từ Washington đã đến gặp tôi và đặt câu hỏi về bà. Mary Ashley lại nghe âm vang của những lời Lorence Schiffer “Một nhân viên Liên bang ở Washington... Ông ta đặt ra đủ câu hỏi về Mary. Ông ta làm như nàng là một loại gián điệp quốc tế Nàng có là một người Mỹ trung thành không? Nàng có phải là một người vợ và là một người mẹ tốt không?” Vậy, rốt cuộc chẳng phải là chân giảng dạy của nàng. Nàng bỗng đâm ra khó nói. - Họ muốn biết điều gì, thưa khoa trưởng Hunter? - Họ hỏi thăm về danh tiếng làm giáo sư của bà và họ đặt ra các câu hỏi về đời tư của bà. - Tôi không thể giải thích được. Thực sự tôi không biết việc gì đang diễn ra. Tôi chẳng bị loại rắc rối nào cả. Theo tôi được biết! - Nàng nói thêm một cách thỏa đáng. Ông nhìn nàng bằng vẻ hoài nghi rõ ràng. - Họ có bảo với ông tại sao họ đặt các câu hỏi về tôi không? - Không. Thực ra, tôi được yêu cầu giữ câu chuyện hoàn toàn bí mật. Nhưng tôi trung thành với bạn của tôi và tôi chỉ cảm thấy công bằng với bà nếu bà được báo tin về việc này. Nếu tôi biết được điều gì, tôi chỉ thích biết được từ bà thì hơn. Bất kỳ một điều xấu xa nào liên quan đến một trong những giáo sư của chúng tôi sẽ phản ánh xấu cho Trường đại học. Nàng lắc đầu tuyệt vọng. - Tôi thật sự chẳng thể nghĩ ra điều gì cả! Ông ta nhìn nàng một lúc, dường như sắp nói một điều gì khác, rồi gật đầu. - Như vậy đấy, bà Ashley ạ! Nàng nhìn ông bước ra khỏi văn phòng và tự hỏi : - Trời ơi, không biết mình đã làm gì nào? * * * * * Mary rất điềm tĩnh suốt bữa ăn chiều. Nàng muốn đợi Edward ăn xong mới tiết lộ tin tức của diễn biến vừa qua. Họ sẽ cùng cố gắng hình dung ra vấn đề. Hai đứa bé trở nên bất trị. Beth đã từ chối đụng vào bữa ăn chiều của nó. - Chẳng còn ai ăn thịt nữa cả. Đấy là một phong tục dã man đã được một người thượng cổ mang lại. Người văn minh không ăn thú vật sống. - Không phải ăn sống. - Tim biện luận - Nó chết rồi. Vậy chị cũng có thể ăn được. - Các con! - Thần kinh của Mary chịu hết nổi - Không được thêm lời nào nữa. Beth, hãy tự ăn xà lách lấy. - Chị ấy có thể gặm cỏ ngoài đồng. - Tim đề nghị. - Tim ăn cho xong đi. - Đầu nàng bắt đầu đập mạnh - Edward! Chuông điện thoại reo. - Của con đấy. - Beth nói. Nó nhảy ra khỏi ghế và chạy nhanh lại điện thoại. Nó nhấc lên và lên tiếng một cách quyến rũ : - Virgil đấy à? - Nó nghe một lúc và vẻ mặt nó thay đổi - Ồ, đúng rồi. - Nó nói một cách chán nản. Nó dằn mạnh ống nghe xuống và trở về bàn. - Việc gì thế. - Edward hỏi. - Một kẻ đùa thực sự. Ông ta nói rằng Tòa Bạch Ốc gọi mẹ. - Tòa Bạch Ốc à? - Edward hỏi. Điện thoại lại reo. - Em sẽ đến. - Mary lên tiếng. Nàng đứng lên và đi đến chỗ điện thoại - Vâng. Trong lúc lắng nghe, khuôn mặt nàng trở nên giận dữ. - Chúng tôi đang ăn chiều và tôi không chợt nghĩ rằng việc này buồn cười ông chỉ có thể... gì thế? Ai? Tổng thống à? Căn phòng bỗng im lặng. - Hãy đợi... tôi... Ô, chào ngài Tổng thống. Khuôn mặt nàng hiện lên vẻ kinh ngạc. Gia đình nàng trố mắt nhìn nàng. - Vâng, thưa ngài. Tôi nhận ra giọng nói của ngài. Tôi... Tôi xin lỗi về việc gác máy một lúc hồi nãy. Beth nghĩ rằng đó là Virgil và... vâng, thưa ngài, cám ơn ngài. Nàng đứng đấy lắng tai nghe. - Tôi có muốn phục vụ gì cơ ạ? - Mặt nàng chợt ửng đỏ. Edward đã đứng dậy, đi về phía điện thoại, hai đứa trẻ theo sát sau lưng chàng. - Có lẽ có sự nhầm lẫn nào đấy, thưa ngài Tổng thống. Tôi tên là Mary Ashley. Tôi là một giáo sư tại Trường đại học Kansas của tiểu bang và... ngài có đọc à? Cám ơn ngài... Ngài tốt quá... Vâng. Tôi tin rằng... - Nàng lắng nghe một lúc lâu - Vâng, thưa ngài, tôi đồng ý. Nhưng không có nghĩa rằng tôi... Vâng, thưa ngài. Tôi rõ, chắc chắn rằng tôi hãnh diện. Tôi chắc rằng đấy là một cơ hội tuyệt vời, nhưng tôi... Dĩ nhiên là tôi muốn. Tôi sẽ bàn lại với chồng tôi và trả lời lại với ngài. - Nàng nhặt một cây bút và viết số - Vâng, thưa ngài. Tôi đã viết xong. Cám ơn ngài Tổng thống. Chào ngài. Nàng chậm rãi gác ống nghe và đứng dậy đầy kinh ngạc. - Có việc gì đấy, em? - Edward lên tiếng chất vấn. - Tổng thống thật à? - Tim hỏi. Mary buông mình xuống một chiếc ghế : - Phải, đúng thật. Edward nắm lấy tay của Mary trong tay chàng. - Mary, ông ấy nói gì thế, ông ấy muốn gì thế? Mary ngồi lặng ở đấy, suy nghĩ: Vậy ra tất cả những câu hỏi là thế. Nàng nhìn lên Edward và những đứa con rồi chậm rãi nói : - Tổng thống có đọc cuốn sách của em và bài viết của em trong tạp chí Foreign Affairs và ngài cho là xuất sắc. Ngài nói rằng đấy là loại suy nghĩ mà ngài muốn cho chương trình giữa các dân tộc của ngài. Ngài muốn bổ nhiệm em làm Đại sứ tại Rumani. Khuôn mặt Edward lộ vẻ hoài nghi hoàn toàn. - Em à? Tại sao là em? Đấy đúng là điều Mary đã tự hỏi mình, nhưng nàng thấy Edward có thể đã khéo xử hơn. Lẽ ra chàng nên nói “Tuyệt thật! Em sẽ làm một đại sứ vĩ đại”, nhưng chàng lại thực tế. - Quả thực, tại sao lại là mình nhỉ? - Em không có kinh nghiệm chính trị nào cả? - Em nhận thức rõ điều ấy - Mary chua chát trả lời - Em đồng ý rằng cả sự việc này buồn cười thật. - Mẹ sẽ đi làm đại sứ à? - Tim hỏi.- Mình sẽ đi Rome à? - Rumani đấy. - Rumani ở đâu? Edward quay sang lũ con. - Cả hai con ăn cho xong đi. Mẹ và bố muốn trò chuyện một chút. - Chúng con không được tham gia bỏ phiếu à? - Tim hỏi. - Bằng lá phiếu khiếm diện. Edward cầm tay Mary và đưa nàng vào thư viện. Chàng quay sang nàng nói : - Anh xin lỗi nếu giọng anh như một con lừa vênh váo trong đấy. Anh chỉ là một... - Không. Anh đúng hoàn toàn, Edward ạ. Tại sao họ lại phải chọn em nhỉ? Khi Mary gọi chàng là Edward, chàng biết chàng đang gặp rắc rối. - Em à, có lẽ em sẽ là một vị đại sứ hoặc một nữ đại sứ vĩ đại hoặc bất kỳ thứ gì họ gọi lúc nãy. Nhưng em phải chấp nhận ràng đến hơi kinh ngạc đấy! Mary dịu lại. - Hãy thử tin vào cái tin sét đánh ấy - Giọng nàng như một cô gái nhỏ - Em vẫn chưa tin được điều ấy. - Nàng bật cười - Hãy đợi đến lúc em báo cho Florence. Chị ấy sẽ chết đấy. Edward nhìn kỹ nàng. - Em thực sự kích động về chuyện này phải không? Nàng nhìn chàng ngạc nhiên : - Dĩ nhiên rồi. - Anh không bị kích động à? Edward cẩn thận lựa lời. - Đấy là một vinh hạnh lớn, em à, và anh chắc đấy không phải là một việc họ đề nghị hời hợt đâu. Họ phải có lý do tốt để chọn em. - Chàng lưỡng lự - Chúng ta phải suy nghĩ điều này thật cẩn thận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Nàng biết chàng định nói gì và nàng nghĩ : Edward nói đúng. Dĩ nhiên là chàng nói đúng. - Anh không thể nào bỏ việc thực tập của anh và bỏ rơi những bệnh nhân của anh. Anh phải ở lại đây. Anh không biết em phải đi xa bao lâu, nhưng nếu nó thực sự có ý nghĩa lớn lao với em, thì thôi vậy, có lẽ chúng ta có thể nghĩ ra cách nào đấy mà em có thể đến đấy với con và anh có thể đến với em mỗi khi... Mary dịu dàng nói : - Anh điên rồi. Anh nghĩ rằng em có thể sống xa anh à? - Vậy thôi, đấy là một điều vinh dự lớn lao kinh khủng và... - Làm vợ anh cũng thế. Chẳng có gì có ý nghĩa với em nhiều bằng anh và mấy đứa con. Em sẽ không bao giờ rời xa anh. Thành phố này không thể tìm được một bác sĩ khác như anh, nhưng tất cả những gì chính phủ phải làm để tìm ra một vị đại sứ khá hơn em là nhìn vào những trang giấy vàng. Chàng ôm nàng vào lòng. - Em chắc chắn vậy à? - Vâng, em rất thích anh nói thế, thế đủ cho... Cánh cửa tung ra và Beth và Tim chạy vội vào. Beth lên tiếng. - Con vừa gọi Virgil và bảo anh ấy rằng mẹ sẽ đi làm đại sứ. - Vậy tốt hơn hết con nên gọi lại cho nó và bảo rằng mẹ không đi. - Tại sao không, hở mẹ? - Beth hỏi. - Mẹ con đã quyết định sẽ ở lại đây. - Tại sao? - Beth rên rỉ - Con chưa bao giờ đi Rumani cả. Con chưa bao giờ đi đâu cả. - Con cũng thế. - Tim nói. Hắn quay sang Beth. - Em bảo chị rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thoát được chỗ này mà. - Đề tài đã kết thúc! - Mary báo cho chúng. Sáng hôm sau, Mary quay số điện thoại mà Tổng thống đã cho nàng. Khi một nhân viên tổng đài trả lời, Mary nói : - Đây là bà Mary Ashley. Tôi nghĩ rằng vị phụ tá Tổng thống - một ông Greene nào đấy - đang đợi tôi gọi. - Xin vui lòng chờ một lúc. Một giọng đàn ông ở đầu dây bên kia nói : - Chào bà Ashley! - Vâng. - Mary nói - Xin ông vui lòng chuyển lời của tôi cho Tổng thống. - Hẳn rồi. - Xin ông vui lòng thưa với ngài rằng tôi rất hãnh diện về lời đề nghị của ngài, nhưng nghề nghiệp của chồng tôi cột chân anh ấy lại đây, do đó tôi e rằng tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi hy vọng rằng ngài sẽ hiểu. - Tôi sẽ chuyển lời của bà. - Giọng ấy nói một cách vô thưởng vô phạt - Cám ơn Ashley. - Đường dây cúp ngay. Mary chậm rãi cúp ống nghe. Xong rồi trong một lúc ngắn ngủi, một giấc mơ nhỏ đã được đề nghị với. Nhưng chỉ có vậy. Tốt hơn hết là mình nên dọn sẵn cho lớp sử kỳ bốn của mình. * * * * * MANAMA BAHRAIN Ngôi nhà đá quét vôi trắng là ngôi nhà vô danh khuất giữa hàng chục ngôi nhà tương tự, cách Souks, khu chợ trời to lớn đầy màu sắc một đoạn ngắn. Chủ nhân là một thương gia có cảm tình với mục đích của tổ chức có tên là “Các nhà yêu nước vì tự do”. - Chúng tôi cần đến nó chỉ trong một ngày thôi. - Một giọng nói trên điện thoại bảo ông ta như thế. Sự việc đã được thu xếp. Bây giờ vị chủ tọa đang nói với những người nhóm họp trong phòng khách. - Một vấn đề đã nổi lên. - Vị chủ tọa lên tiếng. - Đề nghị vừa được thông qua đã gặp phải khó khăn. - Loại khó khăn nào thế? - Balder hỏi. - Người trung gian chúng ta đã chọn - Harry Lantz - đã chết. - Chết à - Chết cách nào? - Hắn bị sát hại. Xác hắn được tìm thấy nổi lên tại hải cảng ở Buenos Aires. - Cảnh sát có ý kiến gì về người đã làm việc ấy không? Tôi muốn nói - họ có thể liên hệ việc này với chúng ta bằng một cách nào đấy không? - Không. Chúng ta hoàn toàn an toàn. Thor lên tiếng hỏi : - Chương trình của chúng ta thế nào? Chúng ta có thể tiếp tục được không? - Lúc này thì không. Chúng ta chưa nghĩ ra cách tiếp xúc với Angel. Tuy nhiên, ngài chủ sự đã cho phép Harry Lantz được tiết lộ danh tánh của ngài với hắn. Nếu Angel quan tâm đến đề nghị của chúng ta, hắn sẽ tìm ra cách để tiếp xúc. Tất cả những gì chúng ta làm được lúc này là chờ đợi. Đầu đề lớn trên tờ Daily Umon của thị xã Junetion ghi: Mary Ashley ở thị trấn Junction từ chối làm Đại sứ. Có một đoạn tiểu sử hai cột về Mary và một tấm ảnh của nàng. Trên KJCK, các buổi phát thanh buổi xế, và buổi chiều loan đi những câu chuyện về đặc điểm của nhân vật nổi danh mới của thành phố. Sự việc Mary Ashley đã từ chối lời mời của Tổng thống làm cho câu chuyện càng lớn hơn là nàng đã chấp nhận. Dưới cặp mắt của những người dân tự hào, thị trấn Junction, Kansas, còn quan trọng hơn nhiều so với Bucarest, Rumani. Khi Mary Ashley lái xe xuống phố để mua thức ăn chiều, nàng tiếp tục nghe tên nàng trên chiếc radio trên xe. “Trước đây, Tổng thống Ellison đã loan báo rằng chức đại sứ tại Rumani sẽ là khởi đầu cho chương trình giữa các dân tộc của ngài, viên đá tảng của chính sách ngoại giao của ngài. Sự từ chối nhận chức vụ của Mary Ashley sẽ làm mất uy tín như thế nào đến...” Nàng chuyển sang một đài khác. “... kết hôn với Bác sĩ Edward Ashley và người ta tin rằng...” Mary tắt radio. Nàng đã nhận được ít nhất ba chục cú điện thoại của bạn bè, những người láng giềng, các sinh viên và những người tò mò. Các phóng viên đã gọi từ những vùng thật xa tận London và Tokyo. - “Họ đã xây dựng tất cả một cách không tương xứng” - Mary nghĩ thế - “Không phải lỗi của mình về việc Tổng thống đã quyết định đặt nền tảng cho thành công của chính sách ngoại giao của ngài đối với Rumani. Mình không biết sự hỗn loạn này sẽ kéo dài bao lâu, có lẽ trong một hai ngày sẽ chấm dứt. Nàng lái chiếc camionnette vào trạm xăng Derby và dừng lại trước một máy bơm tự phục vụ”. Trong lúc Mary đang ra khỏi xe, ông Blount, chủ trạm xăng, vội vã chạy đến với nàng. - Chào bà Ashley. Một bà đại sứ không nên không gọi bơm xăng cho xe mình. Để tôi giúp bà một tay nhé. Mary mỉm cười : - Cám ơn. Tôi đã quen làm. - Không. Không. Tôi xin bà. Khi bình xăng đầy, Mary lái xuống đường Washington và đậu trước một tiệm giày. - Chào bà Ashley - Nhân viên bán hàng chào nàng - Sáng nay bà đại sứ thế nào? - “Việc này khó chịu đấy” - Mary nghĩ thế. Nàng nói to - Tôi không phải là đại sứ, nhưng tôi khỏe thôi, cám ơn ông. - Nàng trao cho ông một đôi giày. - Tôi muốn thay đế cho đôi giày của Tim. Nhân viên bán hàng xem xét. - Không phải những chiếc mà chúng tôi làm tuần trước ư? Mary thở dài. - Tuần trước nữa kìa. * * * * * Kế đến, ghé vào cửa hàng tổng hợp. Bà Hacker, chủ quầy hàng quần áo, bảo nàng : - Tôi vừa nghe tên bà trên đài. Bà đã đưa thị trấn Junction lên bản đồ. Vâng, thưa bà. Tôi đoán rằng bà, Eisenhower và Alf Landon là những chính trị gia nổi tiếng nhất của Kansas, bà Đại sứ ạ. - Tôi không làm đại sứ. - Mary kiên nhẫn nói - Tôi đã từ chối rồi. - Tôi muốn nói việc ấy đấy. - Có ích lợi gì? - Mary nói - Tôi cần mấy cái quần Jeans cho Beth. Tốt nhất là thứ thiệt chắc. - Bây giờ Beth bao nhiêu tuổi rồi? Độ 10 tuổi à? - Nó 12. - Trời ơi, lúc này chúng nó lớn nhanh thật, phải không? Nó sẽ đến tuổi cập kê mà bà không hay đấy! - Beth sinh ra đã là một đứa đến tuổi cập kê rồi, bà Hacker ạ. - Tim thế nào? - Nó giống Beth lắm. Việc mua sắm làm Mary mất gấp đôi thời gian hơn thường lệ. Mọi người đều đưa ra một lời phê bình nào đấy về tin tức lớn ấy. Nàng vào một cửa hiệu Dillon, để mua một số tạp hóa và khi đang xem xét những giá hàng thì bà Dillon đến gần. - Chào bà Ashley. - Chào bà Dillon. Bà có một loại thức ăn sáng mà trong đấy chẳng có gì cả không? - Gì thế? Mary xem lại một bảng kê trong tay nàng. - Không có đường nhân tạo không có chất natri, mỡ, hydrat carbon, cafein, đường caramen màu, axít phôlích hoặc bột thơm. Bà Dillon nghiên cứu tờ giấy : - Có phải đây là một loại thí nghiệm y khoa không? - Theo một nghĩa nào đấy cho Beth đấy. Nó sẽ chỉ ăn thức ăn tự nhiên. - Tại sao bà không đưa nó ra đồng cỏ và để nó gặm cỏ? Mary bật cười. - Con trai tôi đã đề nghị như thế đấy - Mary cầm lên một gói hàng và xem nhãn - Đây là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi không nên dạy Beth đọc chữ. Mary cẩn thận lái xe về nhà trong lúc leo lên ngọn đồi ngoằn ngoèo về hướng hồ Milford. Nhiệt độ ở trên độ không vài độ, nhưng yếu tố giá lạnh của gió đã đưa nhiệt độ xuống dưới không độ vì chăng có gì để ngăn gió khỏi trận càn quét cắt da xuyên qua những đồng cỏ vô tận. Các bãi có phủ tuyết và Mary nhớ lại mùa đông vừa qua khi cơn bão băng đã càn quét qua lãnh địa và nước đá đã làm đứt các đường dây điện. Họ đã không có điện một tuần lễ. Nàng và Edward đã làm tình mỗi đêm. “Có lẽ mình sẽ gặp may mùa đông này” - Nàng cười một mình. Khi Mary về đến nhà, Edward vẫn còn ở bệnh viện. Tim đang trong phòng nghiên cứu xem một chương trình khoa học giả tưởng. Mary cất hàng tạp hóa và bước vào nhà để trao đổi với con trai nàng. - Con không phải làm bài ở nhà à? - Con không làm được! - Sao lại không? - Vì con không hiểu. - Con sẽ không hiểu khá hơn tí nào cả bằng cách xem Star Trek. Cho mẹ xem bài học của con! Tim chìa ra cho nàng xem quyển sách toán lớp năm. - Đây là những bài toán ngốc nghếch. - Tim nói. - Chẳng có những bài toán nào ngốc nghếch cả. Chỉ có những học sinh ngốc nghếch thôi. Bây giờ hãy nhìn vào cái này! Mary đọc lớn bài toán. - Một chiếc xe hỏa rời Minneapolis có một trăm bốn mươi chín người trên tàu. Tại Atlanta thêm nhiều người lên tàu. Như thế có hai trăm hai mươi ba người trên tàu. Có bao nhiêu người lên tàu tại Atlanta? - Nàng nhìn lên. - Đơn giản mà Tim. Con chỉ việc lấy 223 trừ đi cho 149 thôi. - Không, mẹ, không làm thế. - Tim nói một cách rầu rĩ - Nó phải là một phương trình. 149 cộng n bằng 223. Vậy n bằng 223 trừ đi 149. Vậy n bằng 74. - Thật ngốc nghếch. - Mary nói. * * * * * Trong lúc Mary đi ngang qua phòng Beth, nàng nghe tiếng động. Mary bước vào. Beth đang ngồi xếp bằng trên sàn nhà xem truyền hình, nghe một đĩa rock và làm bài tập ở nhà. - Làm sao con tập trung được với tất cả sự ồn ào này? - Mary hét lên. Nàng đi đến máy truyền hình vặn tắt rồi tắt mày hát đĩa. Beth nhìn lên kinh ngạc. - Mẹ làm gì thế? Đấy là Goerge Michael mà. Phòng của Beth dán đầy những bức hình quảng cáo của các nhạc sĩ. Kiss, Van Halen, Motley Crue, Aldo Nova và David Lee Roth. Chiếc giường phủ đầy tạp chí: Seventeen và Teen Idol và nửa tá những quyển khác. Quần áo của Beth vất lung tung trên sàn nhà. Mary nhìn quanh phòng hỗn độn tuyệt vọng. - Beth - Làm sao con có thể sống được như thế này nhỉ? Beth nhìn lên mẹ bối rối. - Sống như gì cơ ạ? Mary nghiến răng. - Chẳng có gì cả. Nàng nhìn vào một phong bì trên bàn giấy của con gái. - Con viết thư cho Rick Springfield à? - Con yêu anh ấy. - Mẹ nghĩ con yêu George Michael đấy. - Con mê George Michael. Con yêu Rick Springfield. Mẹ, vào thời của mẹ, mẹ không bao giờ mê ai à? - Vào thời của mẹ, mẹ quá bận để tìm cách đẩy các cỗ xe qua đất nước. Beth thở dài. - Mẹ có biết rằng Rick Springfield có một thời kỳ thơ ấu sa đọa không? - Nói thật đứng đắn. Beth, mẹ không biết chuyện ấy. - Thật kinh khủng. Bố anh ấy đã ở trong quân đội và họ đã đi nhiều nơi. Anh ấy cũng là một người ăn kiêng. Như con đấy. Anh ấy thật đáng sợ. Vậy ra đấy là điều đằng sau chế độ ăn uống điên rồ của Beth. - Mẹ ơi, con được phép đi xem phim tối thứ bảy với Virgil chứ? - Virgil à? Việc gì đã xảy ra với Arnold rồi? Im lặng một lúc. - Arnold thích làm chuyện vớ vẩn. Anh ấy kỳ thật. Mary cố giữ giọng điềm tĩnh : - Làm chuyện vớ vẩn, con muốn nói... - Chỉ vì con bắt đầu có ngực mà bọn con trai nghĩ rằng con dễ dãi. Mẹ ơi, mẹ có bao giờ cảm thấy khó chịu về thân thể của mẹ không? Mary đi ra sau lưng Beth và vòng tay quanh người nó. - Có, con yêu. Khi mẹ ở tuổi con, mẹ cảm thấy rất khó chịu. - Con ghét thời kỳ hành kinh của con, rồi có ngực và mọc lô lô khắp cả. Tại sao thế? - Việc ấy xảy ra với mọi đứa con gái và con sẽ quen đi! - Không, con sẽ không quen đâu. - Nó giãy nảy và nói mạnh - Con không quan tâm đến việc yêu đương, nhưng con sẽ không bao giờ ngủ với ai cả. Arnold, Virgil, hoặc Kevin Bacon cũng vậy. Mary trịnh trọng nói : - Thôi, nếu đấy là quyết định của con... - Nhất định đấy. Mẹ ơi, Tổng thống Ellison đã nói gì khi mẹ bảo ông ấy rằng sẽ không làm đại sứ cho ông ấy? - Ông ấy rất dũng cảm về việc ấy. - Mary quả quyết vội nói - Mẹ nghĩ rằng tốt hơn là mẹ khởi sự chuẩn bị bữa ăn chiều. * * * * * Nấu nướng là một việc khó chịu bí mật của Mary Ashley. Nàng ghét nấu nướng và kết quả là nàng chẳng khéo tay mấy, và bởi vì nàng muốn giỏi trong mọi công việc của nàng, nàng càng ghét việc ấy hơn nữa. Đây là một vòng luẩn quẩn được giải quyết một phần nào bằng cách nhờ Lucinda đến ba lần mỗi tuần để nấu nướng và dọn dẹp ngôi nhà. Đấy là một trong những ngày nghỉ của Lucinda. Khi Edward từ bệnh viện về, Mary đang ở trong bếp làm khê một ít đậu. Nàng tắt bếp và tặng Edward một nụ hôn : - Chào anh, hôm nay thế nào? Có gì quái dị không? - Em nên tìm hiểu con gái chúng ta! - Edward lên tiếng - Quả vậy, thực là quái dị. Xế nay anh đã chữa một cô gái 13 tuổi bị loét ở bộ phận sinh dục. - Ồ, anh! - Nàng ném đậu đi và mở một hộp cà chua. - Em biết đấy, việc ấy làm anh lo cho Beth. - Anh không phải lo. - Mary quả quyết với chàng. - Nó định ở vậy cho đến chết. Lúc ăn chiều, Tim lên tiếng hỏi : - Bố ơi, con có thể đi thuyền lướt sóng vào ngày chủ nhật của con không? - Tim! Bố không bực mình vì chuyện phô trương của con, nhưng con đang sống tại Kansas mà. - Con biết vậy, Johnny mời con đến Hawaii với hắn mùa hè tới. Người nhà của hắn có một ngôi nhà ở bờ biển tại Maui. - Thôi vậy, - Edward nói một cách hợp lý - nếu Johnny có một ngôi nhà tại bờ biển, có lẽ hắn có một chiếc thuyền lướt sóng. Tim quay sang mẹ hắn : - Con đi được không? - Xem đã nào. Này đừng ăn nhanh quá, Tim. Beth, con không ăn gì cả đấy nhé. - Ở đây chẳng có gì hợp với sự hấp thụ của con người cả. - Beth nhìn cha mẹ nói - Con xin loan báo. Con sẽ đổi tên con. Edward thận trọng hỏi : - Có lý do nào đặc biệt không? - Con đã quyết định đi trình diễn. Mary và Edward cùng nhau trao đổi một cái nhìn lâu, đau đớn. Edward nói : - Được rồi. Để xem con có thể thành công như thế nào. Chương 08 Một vụ tai tiếng đã làm rung chuyển các tổ chức mật vụ quốc tế, Medhi Ben Barka, một đối thủ của vua Hassan II Marốc, đã bị bắt cóc trong khi bị lưu đày tại Paris và bị sát hại với sự trợ lực của mật vụ Pháp. Tiếp theo sự kiện ấy là việc Tổng thống Charles de Gaulle đã đưa ngành mật vụ ra khỏi sự kiểm soát của Văn phòng Thủ tướng và đặt nó dưới sự bảo trợ của Bộ quốc phòng đương nhiên chịu trách nhiệm về sự an toàn của Marin Groza, người được chính phủ Pháp cho tị nạn. Lực lượng cảnh sát đóng trước mặt biệt thự tại Neuilly gác bảo vệ 24/24, nhưng chính nguồn tin về việc Lev Pasternak phụ trách an ninh nội bộ của biệt thự đã làm cho Passy tin tưởng. Chàng đã tự để mắt đến việc thu xếp vấn đề an ninh và tin chắc rằng ngôi nhà không thể nào xâm nhập được. Trong những tuần lễ vừa qua, tin đồn đã loan ra trong giới ngoại giao rằng một cuộc đảo chính sắp xảy ra, rằng Marin Groza dự định trở về Rumani, và riêng Alexandros Ionescu sẽ bị những sĩ quan quân đội kỳ cựu của ông lật đổ. Lev Pasternak gõ cửa và bước vào thư viện nhét đầy sách được dùng làm văn phòng của Marin Groza. Groza đang ngồi làm việc sau bàn giấy. Ông ngước lên khi Pasternak bước vào. - Mọi người đều muốn biết khi nào cuộc cách mạng sẽ xảy ra. - Pasternak lên tiếng - Bảo họ hãy kiên nhẫn. Anh sẽ đến Bucarest với tôi không, Lev? Hơn bất kỳ thứ gì khác, Lev Pasternak khao khát được trở về Israel. - Tôi sẽ chỉ tạm thời đảm nhận công việc này, - Chàng đã bảo Marin Groza thế - cho đến khi nào ông đã sẵn sàng để tiến công. “Tạm thời!” đã biến thành hàng tuần lễ và hàng tháng rồi cuối cùng thành ba năm. Và bây giờ đã đến lúc họ phải có một quyết định khác. - “Trong một thế giới người lùn” - Pasternak nghĩ thế - “Mình đã được đặc ân phục vụ một người khổng lồ”. - Marin Groza là một con người vị tha và lý tưởng nhất mà Lev Pasternak đã từng biết. Khi Pasternak đã đến làm việc cho Groza, chàng không hề biết gì về gia đình của ông. Groza không bao giờ đề cập đến họ, nhưng vị sĩ quan đã dàn xếp cho Pasternak đến gặp Groza đã kể cho chàng nghe Groza bị phản bội. Bọn bắt và hành hạ ông năm ngày. Họ hứa trả lại tự do cho ông nếu ông chịu khai tên các cộng sự viên bí mạt của ông. Ông không chịu nói. Họ bắt vợ và đứa con trai 14 tuổi của ông và đưa họ vào phòng thẩm vấn. Groza đã được phép chọn lựa khai hoặc nhìn họ chết. Đấy là quyết định khó khăn nhất của bất kỳ người đàn ông nào trong trường hợp như vậy. Đấy là sự lựa chọn giữa sinh mạng của vợ con yêu quý và sinh mạng của hàng trăm người tin tưởng ông. Tôi nghĩ rằng điều cuối cùng đã khiến cho Groza quyết định chọn cách ông ấy đã làm là ông ấy tin rằng dù sao thì ông và gia đình ông ấy cũng sẽ bị giết. Ông ấy từ chối khai tên. Các người gác cột ông vào một chiếc ghế và buộc ổng phải nhìn vợ và con gái ông bị hiếp dâm tập thể cho đến chết. Nhưng họ chưa chịu ngừng tay với Groza, khi việc ấy xong và thân xác máu me của họ nằm dưới chân ông, họ còn thiến ông nữa! - Ồ Chúa ơi. Viên sĩ quan nhìn vào mắt của Lev Pasternak và nói : - Điều quan trọng cho ông hiểu là Marin Groza không muốn trở về Rumani để trả thù. Ông muốn chắc chắn rằng những sự việc tương tự sẽ không bao giờ tái diễn nữa. Lev Pasternak đã ở với Groza từ ngày ấy và càng ở với nhà cách mạng, chàng càng yêu ông hơn. Giờ đây, chàng sẽ phải quyết định có nên bỏ chuyện trở về Israel của chàng và đi Rumani với Groza không. * * * * * Pasternak đang đi xuống hành lang chiều hôm ấy và trong lúc chàng đi ngang qua cửa phòng ngủ của Marin Groza, chàng nghe những tiếng Lantz kêu đau đớn quen thuộc vọng ra. “Vậy là thứ sáu rồi” - Pasternak nghĩ thế. Ngày bọn gái điếm đến. Họ được chọn từ Anh, Bắc Mỹ, Brasil, Nhật Bản, Thái Lan và nửa tá các quốc gia khác, được chọn lọc ngẫu nhiên. Họ chăng biết họ sẽ đến đâu và sẽ gặp ai. Họ được đón tại phi cảng lên chuyến bay trở về. Mỗi đêm thứ sáu, các căn phòng vang dội những tiếng la thét của Groza. Ban tham mưu cho rằng một sự hành dục kỳ dị đang diễn ra. Người duy nhất biết được điều gì đang thực sự xảy ra sau cửa phòng ngủ lại là Lev Pasternak. Bởi vì những việc tiếp bọn gái điếm chẳng liên quan gì đến tình dục cả Đó chỉ là một cuộc hành xác. Mỗi tuần một lần. Groza cởi trần truồng và bảo một người phụ nữ cột ông vào một chiếc ghế và quất ông tàn nhẫn cho đến khi máu ông đổ ra và mỗi lần ông bị quất như thế ông sẽ trông thấy vợ con ông bị hãm hiếp đến chết, Lantz thét kêu cứu. Và ông ta lại la lớn : - Tôi hối hận? Tôi sẽ khai. Ồ, Chúa ơi, hãy để tôi khai! Cú điện thoại đến mười ngày sau khi thân thể của Harry Lantz được tìm thấy. Ngài chủ sự đang ở giữa một cuộc họp tham mưu trong một phòng họp khi tín hiệu hệ thống liên lạc mắc song song vang lên. - Tôi biết rằng ngài yêu cầu không nên quấy rầy, thưa ngài, nhưng đây là cú điện thoại gọi từ hải ngoại. Khẩn cấp đấy. Một cô Neusa Munez gọi từ Buenos Aires. Tôi đã bảo cô ta... - Được rồi. - Ông nén thật kỹ cảm xúc của mình. - Tôi sẽ nhận điện thoại tại văn phòng riêng của tôi - Ông xin lỗi, đi vào văn phòng và khóa cửa lại. Ông nhấc máy lên - Alô, đấy có phải là cô Munez không? - Vâng ạ. - Một giọng nói có âm điệu Nam Mỹ, thô lỗ và không có học thức - Tôi có lời của Angel cho ngài đây. Anh ấy không thích người sứ giả tọc mạch mà ngài đã gửi đến! Ông phải chọn từ cẩn thận. - Tôi rất tiếc. Nhưng chúng tôi vẫn muốn Angel tiến hành với việc dàn xếp của chúng tôi. Việc ấy có thể được không? - Vâng. Anh ấy bảo anh ấy muốn làm việc ấy. Người đàn ông cố giữ lại một tiếng thở dài nhẹ nhõm. - Tuyệt. Làm cách nào tôi có thể dàn xếp được việc ứng trước cho ông ấy! Người phụ nữ bật cười. - Anh Angel không cần món tiền ứng trước nào cả. Không ai lừa Angel được - Giọng nói bỗng trở nên lạnh lùng - Khi xong việc, anh ấy bảo ngài đặt tiền tại - chờ một phút - tôi có ghi đây - đây này - Ngân hàng quốc gia tại Zurich. Đấy là một nơi ở Thụy Sĩ. - Giọng nàng như một đứa con nít. - Tôi cần số tài khoản. - Ồ, vâng. Số là - Giêsu. Tôi quên rồi. Hãy giữ máy đấy. Tôi có đâu đấy ở đây thôi. - Ông nghe tiếng giấy sột soạt và cuối cùng nàng lại cầm điện thoại lên - Đây này. J 349077. - Ông lặp lại con số. - Ông ấy có cách nào sớm tiến hành vấn đề này không? - Khi nào anh ấy chuẩn bị xong, thưa ngài. Angel nói ngài sẽ biết khi nào anh ấy làm xong. Ngài sẽ đọc được trên báo. - Rất tốt. Tôi sẽ cho cô số điện thoại riêng của tôi trong trường hợp Angel cần liên lạc với tôi. Ông chậm rãi cho nàng số ấy. TBILISI, LIÊN XÔ Cuộc họp được tổ chức tại một ngôi nhà biệt lập bên bờ sông Kura. Vị chủ tọa lên tiếng : - Hai vấn đề khẩn cấp đã nói lên. Vấn đề thứ nhất là tin tức tốt. Ngài chủ sự đã được Angel nhắn. Hợp đồng đang tiến hành. - Đấy là tin rất tốt! - Freyr thốt lên - Còn tin xấu thế nào? - Tôi e rằng nó liên quan đến ứng cử viên đại sứ tại Rumani, nhưng tình hình có thể thu xếp... Thật là khó cho Mary Ashley chú tâm vào lớp học. Có điều gì đấy đã thay đổi. Dưới mắt của sinh viên, nàng đã trở thành một nhân vật nổi danh. Đấy là một cảm giác nặng nề. Nàng có cảm giác rằng lớp học đang chú ý tới từng lời nói của nàng. - Như chúng ta biết, năm 1956 là một năm đại hồng thủy xảy ra ở nhiều quốc gia Đông u. Với việc Gomulka trở lại chính quyền, cộng sản quốc gia đã nổi lên tại Ba Lan. Tại Tiệp Khắc, Antonin Malloryny lãnh đạo Đảng cộng sản. Năm ấy tại Rumani chẳng có thay đổi chính quyền nào quan trọng cả... Rumani... Bucarest... Từ những bức ảnh mà Mary đã xem, nó phải là một trong những thành phố đẹp nhất tại châu u. Nàng chưa quên bất cứ câu chuyện nào mà ông nàng đã kể cho nàng về Rumani cả. Nàng nhớ lại nàng đã kinh hãi như thế nào lúc còn là một cô gái nhỏ vì những chuyện cổ tích của ông về ông Hoàng Vlad kinh khủng thuộc Transylvania. - Lão là một con quỷ hút máu, Mary ạ, sống trong lâu đài to lớn của lão trên núi cao thuộc rừng Brasow và hút máu những nạn nhân vô tội của lão. Mary bỗng nhận ra một sự im lặng hoàn toàn trong căn phòng. Lớp học đang nhìn chăm chú. - Mình đã đứng đây và lo ra bao lâu rồi nhỉ? - Nàng tự hỏi và vội vã tiếp tục bài thuyết trình. - Tại Rumani, Gheorgin-Dej đã củng cố quyền lực trong Đảng công nhân... Giờ học hình như tiếp tục mãi mãi, nhưng may quá, nó gần xong rồi. - Bài làm ở nhà của các anh chị sẽ là viết một bài tiểu luận về việc đặt kế hoạch và điều hành kinh tế của Liên Xô, mô tả tổ chức cơ ban của các cơ quan chính phủ và sự kiểm soát của Đảng cộng sản Xô viết. Tôi muốn các anh chị phân tích các vấn đề đối nội và đối ngoại của chính sách Xô viết với sự nhấn mạnh vào địa vị của họ tại Ba Lan, Tiệp Khắc và Rumani. “Rumani... Xin mời đến Rumani, bà Đại sứ. Chiếc xe hòm của bà đây để đưa bà về Tòa đại sứ của bà. Tòa đại sứ của nàng. - Nàng đã được mời đến sống tại một trong những thủ đô thú vị nhất của thế giới, để báo cáo với Tổng thống và là điểm trung tâm trong quan điểm giữa các dân tộc của ngài. - Đáng lẽ mình có thể là một phần của lịch sử đấy”. Nàng tỉnh mộng vì tiếng chuông reo. Giờ học đã xong. Đã đến giờ trở về nhà và thay áo. Edward có thể từ bệnh viện về sớm, chàng sẽ đưa nàng ra một câu lạc bộ thôn quê để ăn chiều. Việc ấy phù hợp với một vị Đại sứ hụt. * * * * * - Luật xanh! Luật xanh! Giọng nói oang oang qua chiếc loa vọng khắp hành lang của bệnh viện. Ngay cả khi toán cấp cứu bắt đầu tụ ở cửa vào xe cứu thương, âm thanh của chiếc còi báo động vẫn còn vang dội. Bệnh viện cộng đồng, Geary là một tòa nhà màu nâu ba tầng có vẻ khắc khổ nằm trên ngọn đồi trên đường St. Mary tại khu vực Tây Nam của thị trấn Junction. Bệnh viện có 92 giường với hai phòng giải phẫu hiện đại và một dãy phòng khám bệnh và văn phòng quản trị. Đấy là một ngày thứ sáu bận rộn và khu trên tầng lầu trên cùng đã đầy nghẹt các bệnh binh đến thành phố từ pháo đài Riley kế cận, khu vực đồn trú của Sư đoàn I bộ binh còn là Sư đoàn Big Red, để nghỉ cuối tuần. Bác sĩ Edward Ashley đang may lại da đầu cho một người lính đã thua trận tại một quầy rượu. Edward Ashley làm bác sĩ tại bệnh viện Cộng đồng Geary được 13 năm và trước khi đi vào viện thực tập riêng, chàng là một phẫu thuật viên phi hành của không quân với cấp bậc đại úy. Nhiều bệnh viện nổi tiếng tại các thành phố lớn đã tìm cách quyến rũ chàng đi xa, nhưng chàng lại thích ở lại chỗ cũ hơn. Chàng hoàn tất công việc với bệnh nhân và nhìn quanh. Có ít nhất một tá binh sĩ đang chờ đợi chàng may vá. Chàng nghe tiếng còi hú của một chiếc cứu thương đang đến gần. “Họ đang chơi bản nhạc của chúng ta đấy”. Bác sĩ Douglas Schiffer, người đang chăm sóc cho một bệnh nhân bị thương vì đạn, gật đầu. - Ở đây hỗn độn thật. Cậu nên nghĩ rằng chúng ta đang ở một loại chiến tranh nào đấy. Edward Ashley nói : - Đấy là cuộc chiến tranh duy nhất của họ. Đấy là lý do họ vào thành phố mỗi dịp cuối tuần với trạng thái hơi mất trí. Họ bị thương đấy. - Chàng chấm dứt mũi khâu cuối cùng - Xong rồi đấy, anh lính ạ. Anh trông như mới! Chàng quay sang Douglas Schiffer. - Chúng ta nên xuống phòng cấp cứu. Bệnh nhân mặc quân phục binh sĩ và trông chưa được 18 tuổi. Hắn đổ mồ hôi như tắm và thở nặng nhọc. Bác sĩ Asley thăm mạch. Mạch yếu ớt và nhỏ. Một vết máu vấy lên phần trước chiếc áo nhà binh của hắn. Edward Ashley quay sang một trong những người cứu thương chiến trường đã mang bệnh nhân đến. - Việc gì thế? - Một vết thương dao vào ngực, bác sĩ ạ. - Chúng ta hãy xem thử phổi có bị xẹp không? Chàng quay sang một y tá. - Tôi muốn có ảnh X quang thẳng đứng. Cô có ba phút. Bác sĩ Douglas Schiffer nhìn máy đo tĩnh mạch. Mạch tăng. Chàng nhìn qua Edward. - Mạch trương lên. Màng ngoài tim có thể bị xuyên thấu. Có nghĩa rằng màng bảo vệ tim đã chứa đầy máu và đang ép vào quả tim nên nó không thể đập bình thường. Người y tá lấy huyết áp của bệnh nhân lên tiếng : - Huyết áp xuống nhanh. Máy đo điện tâm đồ bắt đầu chậm lại, bệnh nhân sắp tiêu. Một y tá khác vội chạy đến với phim X quang lồng ngực. Edward xem qua. Vùng ngoại tâm bị ứ. Quả tim bị thủng một lỗ. Lá phổi xẹp xuống. - Đặt ống vào và làm giãn phổi ra! - Giọng chàng điềm tĩnh nhưng không vi phạm đến sự khẩn cấp trong đấy - Hãy tìm người gây mê. Chúng ta sẽ mở lồng ngực. Luồn ống vào khí quản cho hắn. Một y tá trao cho bác sĩ Schiffer một ống nội khí quản, Edward Ashley gật đầu với chàng. - Ngay bây giờ đi. Douglas Schiffer cẩn thận bắt đầu đẩy ống khí vào khí quản của người lính bất tỉnh. Ở đầu ống có một cái túi và Schiffer bắt đầu bóp theo một nhịp đều đặn để thông phổi. Máy kiểm tra bắt đầu chậm và vòng cong trên máy kiểm tra hoàn toàn bẹt. Mùi chết chóc đang ở trong phòng. - Hắn đi rồi! Chẳng có thì giờ để đẩy bệnh nhân vào phòng mổ. Bác sĩ Ashley phải quyết định ngay. - Chúng ta sẽ phải giải phẫu lồng ngực của bệnh nhân. Hầu như không có máu vì qua tim bị bó vào mô ngoại tâm. - Cái banh miệng vết mổ! Dụng cụ được đưa vào tay chàng và chàng đưa nó vào lồng ngực của bệnh nhân để tách xương sườn ra. - Kéo! Đứng lui lại! Chàng di chuyển gần hơn để xử lý túi ngoại tâm. Chàng bấm kéo vào đó và máu được giải thoát khỏi sự tù túng của bao tim bắn ra, trúng các y tá và bác sĩ Ashley cho tay vào và bắt đầu xoa bóp quả tim. Máy kiểm tra bắt đầu nhảy và mạch trở nên rõ ràng. Đỉnh tâm thất trái có một vết rách nhỏ. - Đưa hắn lên phòng mổ. Ba phút sau bệnh nhân nằm trên bàn mổ. - Truyền máu - 1000 cc. Không có thì giờ để thử loại máu, nên “O âm” - loại máu cho chung chung - được dùng đến. Trong một lúc cuộc truyền máu bắt đầu, bác sĩ Ashley bảo - Một ống ngực 32. Một y tá trao cho chàng. Bác sĩ Schiffer lên tiếng nói : - Tôi sẽ may lại, Ed. Tại sao cậu không đi tắm rửa đi? Chiếc áo giải phẫu của bác sĩ Edward vấy máu. Chàng liếc máy kiểm tra. Nhịp tim mạnh và đều : - Cám ơn. Edward Ashley đã tắm và thay quần áo xong và đang ở văn phòng viết báo cáo y khoa cần thiết. Đấy là một phòng trang nhã đầy những giá các sách y khoa và các thiết bị điền kinh. Phòng gồm một bàn giấy, một chiếc ghế có tay dựa và một chiếc bàn nhỏ với hai chiếc ghế thẳng. Trên tường là văn bằng của chàng được đóng khung gọn gàng. Thân thể Edward cảm thấy cứng đờ và mệt mỏi vì trải qua cơn căng thẳng. Đồng thời, chàng cảm thấy tình dục được khơi dậy như thường sau mỗi cơn giải phẫu quan trọng. Chính việc đối diện với tử thần tăng giá trị của sức sống - một nhà phân tâm học đã có lần giải thích với Edward như thế. Dù gì đi nữa, Edward nghĩ thế, mình cũng mong có Mary ở đây. Chàng chọn một tẩu thuốc ở giá tẩu thuốc trên bàn giấy, đốt, rồi buông người xuống ghế và dang chân ra. Việc nghĩ đến Mary làm chàng có cảm giác tội lỗi. Chàng chịu trách nhiệm về việc nàng từ chối lời đề nghị của Tổng thống và lý lẽ của chàng có cơ sở. - “Nhưng còn nhiều hơn thế nữa, - Edward thú nhận với mình” - “Mình ghen. Mình phản ứng như một thằng nhóc bại hoại. Việc gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống đề nghị với mình như thế? Có lẽ mình sẽ vồ lấy nó. Chúa ơi Tất cả những gì mình có thể nghĩ đến là mình muốn Mary ở nhà và săn sóc mình và những đứa con. Hãy nói về con heo nọc thuần túy sô-vanh của bạn đi”. Chàng ngồi đấy hút tẩu thuốc và giận mình. - “Quá trễ” - Chàng nghĩ thế - “Nhưng sẽ đền bù cho nàng. Mình sẽ làm nàng ngạc nhiên trong mùa hè này với một chuyến đi Paris và London. Có lẽ mình sẽ đưa nàng đi Rumani. Chúng mình sẽ có một tuần trăng mật thực sự”. * * * * * Câu lạc bộ nông thôn của thị trấn Junction là một tòa nhà đá vôi ba tầng nằm giữa những ngọn đồi sum suê. Câu lạc bộ có một sân golf 18 lỗ, hai sân tennis, một hồ bơi và một quầy rượu, có phòng ăn và một lò sưởi lớn ở một đầu, một phòng chơi bài trên lầu và một dãy phòng kho tầng dưới. Cha của Edward là thành viên của câu lạc bộ này như cha của Mary và Edward cùng Mary đã được đưa đến đấy từ khi họ còn bé. Thành phố là một cộng đồng liên kết với nhau mật thiết và câu lạc bộ nông thôn là biểu tượng. Khi Edward và Mary đến, trời đã khuya và chỉ còn rải rác vài người khách trong phòng ăn. Họ nhìn chăm chăm trong lúc Mary ngồi xuống và họ thì thầm với nhau. Mary đã quen với cảnh ấy. Edward nhìn vợ : - Tiếc không? Dĩ nhiên là tiếc. Nhưng đấy là những sự hối tiếc mơ hồ về loại giấc mơ huy hoàng không thể thực hiện được mà mọi người đều có. “Nếu mình sinh ra là một nàng công chúa, nếu mình là một triệu phú, nếu mình nhận giải Nobel về việc điều trị bệnh ung thư, nếu... nếu... nếu...” Mary mỉm cười. - Không đâu, anh. Đấy là một dịp may để họ hỏi em. Dù sao, tuyệt nhiên em sẽ không bao giờ bỏ anh hoặc con đâu. - Nàng cầm lấy tay chàng - Chẳng tiếc gì cả. Em hài lòng vì đã từ chối lời đề nghị. Chàng chồm qua người nàng và thì thầm : - Anh sẽ đề nghị một điều mà em không thể từ chối được. - Mình đi thôi! - Mary mỉm cườị. Lúc đầu, khi họ mới cưới nhau, việc làm tình của họ mãnh liệt và thôi thúc. Họ luôn luôn có nhu cầu xác thịt và không thể nào thỏa mãn được cho đến khi nào cả hai đã hoàn toàn giải quyết với nhau. Sự cấp bách đã dịu lại với thời gian nhưng xúc cảm vẫn còn đấy, ray rứt, ngọt ngào và trọn vẹn. Giờ đây khi họ trở về nhà, họ cởi quần áo không vội vã và lên giường Edward ghì chặt lấy nàng và bắt đầu vuốt ve thân thể nàng một cách nhẹ nhàng. Chàng đùa với bộ ngực của nàng, xoa xoa đôi núm vú bằng ngón tay và đưa xuống vùng tơ mềm mại. Mary rên rỉ khoái trá. - Thật tuyệt vời. Nàng trèo lên người chàng... Edward ôm chặt vợ trong vòng tay. - Mary anh yêu em thật nhiều. - Em yêu anh gấp đôi. Chúc ngủ ngon anh yêu. Lúc ba giờ sáng, điện thoại reo vang. Edward ngái ngủ vớ lấy chiếc máy và đưa vào tai. - A-lô. Giọng khẩn cấp của một người phụ nữ nói : - Bác sĩ Ashley phải không? - Vâng! - Peter Grimes lên cơn đau tim. Ông ta đau kinh khủng. Tôi nghĩ rằng ông ta đang hấp hối. Tôi không biết phải làm thế nào? Edward ngồi dậy trên giường. Cố gắng chớp mắt để xua đi giấc ngủ. - Đừng làm gì cả. Hãy để ông ta nằm. Tôi sẽ đến đấy nửa giờ sau. Chàng gác ống nghe, trườn ra khỏi giường và bắt đầu mặc quần áo. - Edward... Chàng nhìn qua Mary. Đôi mắt nàng hé mở. - Có gì đấy? - Mọi việc đều tốt đẹp. Ngủ lại đi. - Khi nào anh về, hãy đánh thức em dậy nhé! - Mary lẩm bẩm - Em nghĩ rằng em sẽ lại cảm thấy kích dục. Edward bật cười. - Anh sẽ vội về ngay. Năm phút sau, chàng đang trên đường đến nông trại Grimes. Càng lái xe trên đồi xuống đường Old Milford về hướng đường J. Hill. Đó là một buổi sáng tinh sương lạnh lẽo có gió tây bắc đưa nhiệt độ xuống xa dưới độ không. Edward bật máy sưởi trên xe. Trong lúc chàng lái xe, chàng tự hỏi liệu có nên gọi một chiếc xe cứu thương trước khi chàng rời nhà không. Hai cơn đau tim vừa qua của Peter Grimes cuối cùng đã trở thành những khối u rỉ máu. - Không. Trước tiên chàng phải kiểm tra lại đã. Chàng rẽ xe qua đường 18, đại lộ hai chiều đi suốt thị xã Junction. Thành phố còn ngủ với những ngôi nhà Connors dưới cơn gió lạnh cắt da. Khi Edward đến cuối đường số 6, chàng rẽ sang đường số 57 và hướng về Grandview Plaza. Bao nhiêu lần chàng đã lái xe qua những con đường này vào những ngày nắng hè với mùi hương thơm đồng bắc và cỏ khô tỏa trong không khí, qua những khu rừng nhỏ với những cây bông gòn, những cây tuyết tùng và những cây ôliu và những đồng cỏ tháng 8 chất dọc theo đường rồi nhỉ? Các cánh đồng đã chứa đầy mùi của những cây tuyết tùng cháy, những cây cần phải được phá hủy đều đặn vì chúng cứ tiếp tục phủ lên mùa màng. Và bao nhiêu mùa đông chàng đã lái xe trên con đường này xuyên qua phong cảnh sương giá với những đường dây điện bọc trong lớp băng mỏng trông xinh đẹp và một đám khói cô đơn của những ống khói xa xăm. Một cảm giác cô đơn hồ hởi được đóng khung trong màn tối của buổi sáng trong lúc nhìn những cánh đồng và cây cối lặng lẽ trôi qua. Edward lái xe thật nhanh và chú tâm đến con đường trơn trượt dưới bánh xe. Chàng nghĩ đến Mary đang nằm trên chiếc giường êm ấm của họ đợi chàng. “Hãy đánh thức em dậy lúc anh về. Em nghĩ rằng em sẽ lại cảm thấy kích dục”. Chàng thật hạnh phúc. Mình sẽ đền bù cho nàng tất cả - Edward tự hứa với mình. Mình sẽ cho nàng tuần trăng mật ghê gớm mà chưa hề có người phụ nữ nào có được. Phía trước, tại ngã tư các đại lộ 57 và 77 có một bảng tín hiệu dừng lại. Edward rẽ sang đường số 77, và khi chàng bắt đầu vào ngã tư, một chiếc xe tải xuất hiện từ đâu không rõ. Chàng bỗng nghe một tiếng xe gầm và chiếc xe có hai ngọn đèn pha đang lao tới phía chàng chọc thẳng. Chàng liếc mắt thấy một chiếc quân xa năm tấn khổng lồ xông đến và âm thanh cuối cùng chàng nghe được chính là tiếng thét của chàng. * * * * * Tại Neuilly lúc ấy là chủ nhật và từng hồi chuông ngân vang qua bầu không khí yên tĩnh của buổi trưa. Những người cảnh binh canh gác biệt thự của Marin Groza chàng có lý do gì để chú ý vào chiếc Renault bám đầy bụi đang chạy ngang qua cả. Để nắm được mọi việc, Angel lái xe chậm chạp nhưng không đủ chậm để gây sự nghi ngờ. Hai người gác đứng trước một bức tường cao, có lẽ có gài điện, và bên trong, dĩ nhiên, có những ngọn đèn pha, máy dò tiếng động và còi báo động điện tử thường lệ. Phải mất một đạo quân mới tràn ngập được biệt thự. - “Nhưng ta đâu cần một đạo quân” - Angel nghĩ thế - “Chỉ cẩn thiên tài của ta. Marin Groza là một người chết. Ước gì mẹ ta còn sống để nhìn thấy ta giàu như thế nào nhỉ. Mẹ sẽ hạnh phúc như thế nào nhỉ”. Tại Arhentina, các gia đình nghèo, quả thật rất nghèo. Mẹ của Angel cũng là một trong những người nghèo khổ bất hạnh. Chàng ai biết hoặc quan tâm đến chuyện ai là người cha. Theo thời gian, Angel đã nhìn bạn bè và những người thân ngã gục vì đói khát và bệnh tật. Angel nghĩ một cách triết lý “Bởi vì dù thế nào thl việc ấy cũng phải xảy ra, tại sao không lợi dụng nó nhỉ?”. Lúc đầu, có những người nghi ngờ tài giết chóc của Angel, nhưng những ai tìm cách đặt chướng ngại vật trên đường có thói quen biến mất. Danh tiếng sát nhân của Angel gia tăng. “Ta chưa hề thất bại” - Angel nghĩ thế - “Ta là sứ giả. Sứ giả của thần chết”. Chương 09 Xa lộ Kansas tuyết phủ rực cháy với những chiếc xe nhấp nháy đèn đỏ biến bầu không khí sương giá thành màu đỏ như máu. Một chiếc xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe trục, bốn chiếc xe tuần tra xa lộ, một chiếc xe cảnh sát nằm ở giữa, trong ánh pha bao phủ, là chiếc xe cẩu quân đội M.871 năm tấn và bên dưới nó, một phần chiếc xe móp méo cửa Edward Ashley. Một chục sĩ quan cảnh sát và lính cứu hỏa đang đi vòng quanh, vung tay và giậm chân tìm cách giữ ấm trong cơn rét trước lúc bình minh. Giữa xa lộ là một cái xác được phủ lên bằng tấm vải dầu. Một chiếc xe cảnh sát trưởng tiến đến và trong lúc dừng lại, Mary Ashley từ trong xe chạy ra. Nàng run rẩy khủng khiếp đến nỗi hầu như nàng không đứng được. Nàng trông thấy tấm vải dầu và vụt chạy về phía ấy. Cảnh sát trưởng Munster chộp lấy tay nàng : - Tôi sẽ không nhìn thấy ông ấy nếu tôi là bà, bà Ashley ạ. - Buông tôi ra! - Nàng thét lên. Nàng thoát khỏi tay ông và tiến về phía tấm vải dầu. - Xin vui lòng, bà Ashley. Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông thấy như thế nào. - Ông chộp được tay nàng trong lúc nàng xỉu đi. Nàng tỉnh lại trong ghế sau của chiếc xe cảnh sát trưởng. Cảnh sát trưởng Munster đang ngồi ở ghế trước qua sát nàng. Máy tỏa nhiệt được bật lên và chiếc xe ngột ngạt. - Chuyện gì đã xảy ra? - Mary buồn rầu hỏi. - Bà xỉu đấy. Nàng bỗng nhớ lại. “Bà không nên nhìn thấy ông ấy trông như thế nào”. Mary từ cửa sổ nhìn ra tất cả những chiếc xe cấp cứu và những ánh đen đỏ nhấp nháy, nàng nghĩ: “Đây là một cảnh địa ngục”. Mặc dù trong xe rất ấm, răng nàng vẫn đánh bò cạp. - Làm thế nào... - Nàng cảm thấy khó nói thành tiếng - Việc ấy xảy ra như thế nào? - Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại. Một quân xa đang tiến đến dọc theo đường 77 và định tránh ông ấy, nhưng chồng bà đã đâm thẳng trước mặt. Nàng nhắm mắt và nhìn tai nạn diễn ra trong trí. Nàng trông thấy chiếc xe xông đến Edward và cảm giác được cơn kinh hãi trong khoảnh khắc cuối cùng của chàng... Tất cả những gì nàng nghĩ ra được để nói là Edward là một trong những người lái xe cẩn thận... Anh ấy... không bao giờ lái xe qua một bảng tín hiệu dừng lại cả! Viên cảnh sát trưởng tỏ vẻ thông cảm nói : - Bà Ashley, chúng tôi có nhân chứng. Một vị linh mục và hai nữ tu sĩ đã trông thấy việc ấy xảy ra và ông đại tá Jenkins từ pháo đài Riley nữa. Họ đều nói y như nhau. Chồng bà chạy qua bảng tín hiệu dừng lại. * * * * * Mọi việc sau đấy hình như xảy ra với những cử động chậm chạp. Nàng xem xác của Edward được khiêng vào một chiếc xe cứu thương. Cảnh sát đang thẩm vấn một vị linh mục và hai nữ tu sĩ và Mary nghĩ: “Họ sẽ bị cảm lạnh vì đứng ngoài như thế”. Cảnh sát trưởng Munster nói : - Họ sẽ chuyển cái xác đến nhà xác. - Cái xác, Cám ơn ông. - Mary lịch sự nói. Ông nhìn nàng một cách kỳ lạ. - Tốt hơn, tôi đưa bà về nhà. - Ông nói - Tên của vị bác sĩ thân nhân bà là gì? - Edward Ashley. - Mary nói - Edward Ashley là thân nhân của tôi. Sau này, nàng nhớ lại nàng đã đi bộ lên nhà và cảnh sát trưởng Munster đã dìu nàng vào bên trong. Florence và Douglas Schiffer đang đợi nàng trong phòng khách. Trẻ con vẫn còn ngủ. Florence quàng tay người nàng. - Ồ, chị yêu quý, rất tiếc, thật kinh khủng. - Được thôi. - Mary điềm tĩnh nói - Edward đã bị tai nạn. Douglas nói : - Nào, tôi sẽ đưa chị về giường. - Tôi không buồn ngủ. Có chắc rằng anh không muốn dùng gì không? Trong lúc Douglas đưa nàng vào phòng ngủ, Mary bảo chàng : - Đấy là một tai nạn. Edward bị tai nạn. Douglas nhìn xoáy vào mắt nàng. Đôi mắt nàng mở to và ngây dại. Chàng cảm thấy ớn lạnh. Chàng xuống cầu thang để lấy túi thuốc của chàng. Khi chàng trở lại Mary vẫn chưa động đậy. - Tôi sẽ cho chị uống một tí để ngủ. Chàng cho nàng một viên thuốc an thần, dìu nàng vào giường và ngồi bên cạnh. Một giờ sau, Mary vẫn thức. Chàng cho nàng một viên an thần khác. Rồi một viên thứ ba. Cuối cùng, nàng ngủ. Tại thị trấn Junction đang diễn ra những thủ tục điều tra nghiêm ngặt trong bản báo cáo mẫu 1048 - tai nạn thương tích. Một chiếc xe cứu thương được phái đi từ cơ quan cứu thương tỉnh và một sĩ quan của cảnh sát trưởng được đưa đến hiện trường. Nếu nhân viên quân đội dính líu vào tai nạn cơ quan CID - Đơn vị điều tra tội phạm của lục quân - sẽ tiến hành điều tra song song với văn phòng của cảnh sát trưởng. Shel Planchard, một sĩ quan mặc thường phục từ tổng hành dinh CID tại Pháo đài Riley, cảnh sát trưởng và một vị phụ tá đang xem báo cáo tai nạn trong văn phòng cảnh sát trưởng tại đường số 9. - Nó lừa tôi rồi. - Cảnh sát trưởng Munster nói. - Có vấn đề gì thế, Cảnh sát trưởng? - Planchard lên tiếng hỏi. - Nhìn đây này. Có năm nhân chứng cho tai nạn, đúng không? Một linh mục hai nữ tu sĩ, đại tá Jenkins và tài xế xe tải, trung sĩ Walhs. Mọi người đều nói rằng xe của Bác sĩ Ashley đã rẽ vào xa lộ, chạy qua bảng tín hiệu dừng lại và bị một chiếc xe tải quân đội tung. - Đúng rồi. - nhân viên CID nói - Điều gì đã làm ông bận tâm nào? Cảnh sát trưởng Munster gãi đầu. - Thưa ông, ông có bao giờ trông thấy một bảng báo cáo tai nạn có hai nhân chứng đều nói y như nhau không? - Ông đấm mạnh nắm tay xuống đống giấy tờ - Điều làm tôi bận tâm kinh khủng là mỗi nhân chứng đều nói y như thế. Nhân viên CID nhún vai. - Điều đó cho thấy rằng sự việc đã xảy ra khá rõ ràng. Vị cảnh sát trưởng nói : - Còn có một điều gì khác mà tôi nghĩ không ra. - Hả? - Một linh mục, hai nữ tu sĩ và một vị đại tá làm gì ngoài xa lộ số 77 vào lúc bốn giờ sáng thế? - Chẳng có gì bí ẩn cả. Vị linh mục và hai nữ tu sĩ đang trên đường đến Leolardviue và ngài đại tá đang trở về Pháo đài Riley. Vị cảnh sát trưởng nói : - Tôi đã kiểm tra. Tấm phiếu phạt cuối cùng của Bác sĩ Ashley đã sáu năm qua thuộc về tội đậu xe bất hợp pháp. Ông ấy chẳng có hồ sơ tai nạn nào cả. Nhân viên CID nhìn ông dò xét : - Cảnh sát trưởng ạ, ông chỉ đề nghị có thế à? Munster nhún vai : - Tôi không đề nghị gì cả. Tôi chỉ có một cảm giác buồn cười về chuyện này thôi. - Chúng ta đang đề cập đến một tai nạn được trông thấy bởi năm nhân chứng. Nếu tôi nghĩ rằng có một âm mưu nào đó có liên can đến chuyện này, giả thuyết của ông có lỗ hổng lớn đấy. Nếu... Vị cảnh sát trưởng thở dài. - Tôi biết nếu đấy không phải là một tai nạn, tất cả những gì chiếc xe tải quân đội phải làm là hất tung ông ta và tiếp tục đi. Sẽ chẳng có lý do nào cho tất cả những nhân chứng này và câu chuyện phi lý này cả! - Đúng thế. - người nhân viên CID đứng dậy và vươn vai - Mà thôi, tôi phải trở về lại căn cứ. Về phần tôi, tài xế xe tải, trung sĩ Wallis, vô tội. - Ông ta nhìn vị cảnh sát trưởng - Chúng ta đồng ý không? Cảnh sát trưởng Munster miễn cưỡng nói. - Vâng. Có lẽ là một tai nạn. * * * * * Mary thức giấc vì tiếng con khóc nàng nằm yên vẫn nhắm chặt và suy nghĩ. Đây là một phần của cơn ác mộng của mình. Mình ngủ và khi mình thức dậy, Edward sẽ sống lại. Nhưng tiếng khóc vẫn tiếp tục. Khi nàng không còn chịu đựng nổi nữa, nàng mở mắt, nằm đấy nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cuối cùng nàng miễn cưỡng cố gắng ra khỏi giường. Nàng cảm thấy chán nản. Nàng bước vào phòng ngủ của Tim. Florence và Beth đang ở đấy với nó. Cả ba đang khóc. Ứớc gì mình có thể khóc được nhỉ. Beth ngẩng đầu nhìn Mary. - Có phải bố chết thật không? Mary nghẹn ngào gật đầu. Nàng ngồi xuống mép giường. - Tôi phải cho chúng nó biết. - Florence lên tiếng xin lỗi - Chúng nó định đi chơi với một số bạn bè. - Được rồi. - Mary vuốt tóc Tim - Đừng khóc con. Mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi. Chẳng có gì còn ổn nữa. Chẳng bao giờ! Ban chỉ huy CID lục quân hoa kỳ tại pháo đài Riley đóng tại tòa nhà số 169, một tòa nhà kiến trúc đá vôi cổ có cây cối bao bọc với những bậc cấp dẫn đến cổng tòa nhà, Trong một văn phòng trên tầng nhất, Shel Planchard, sĩ quan CID, đang nói chuyện với đại tá Jenkins. - Thưa ngài, tôi e rằng có một số tin tức không hay. Trung sĩ Wallis, tài xế chiếc xe tải đã giết ông bác sĩ dân sự! - Có chuyện gì? - Sáng nay, hắn chết vì chứng đau tim. - Thật là nhục. Nhân viên CID nói với giọng yếu đuối. - Vâng, thưa ngài. Xác hắn được hỏa táng sáng nay. Việc ấy rất đột ngột. - Bất hạnh. - Vị đại tá đứng lên - Tôi sắp thuyên chuyển ra nước ngoài. - Ông nhếch mép cười nụ - Một sự thăng chức hơi quan trọng đấy. - Chúc mừng thưa ngài. Ngài xứng đáng đấy! Mary Ashley sau đấy quyết định rằng điều duy nhất vãn hồi được sự lành mạnh của tâm hồn nàng là ở trong một tình trạng sốc. Mọi việc đã xảy ra hình như đang xảy ra cho một người khác. Nàng như người đang ở dưới nước, di chuyển chậm chạp và nghe các giọng nói từ nơi xa vắng lọc qua một lớp nệm. Tang lễ được tổ chức tại nhà tang lễ MASS - Hinitt Alexander trên đường Jefferson. Đấy là một tòa Nhà Xanh có cổng xây trắng và một chiếc đồng hồ trắng lớn trên lối vào. Phòng tang lễ chật ních bạn bè và đồng nghiệp của Edward. Có hàng chục vòng hoa và bó hoa. Một trong những vòng hoa to nhát có một tấm thiếp ghi đơn giản: “Sự thương cảm sâu xa nhất của tôi. Paul Ellison”. Mary Beth và Tim ngồi một mình trong gian phòng dành cho gia đình bên cạnh phòng tang lễ, hai đứa bé mắt đỏ hoe và im lặng. Quan tài đựng thi hài Edward được đậy lại. Nàng không sao không nghĩ đến lý do. Vị mục sư lên tiếng... Nàng và Edward đang ở trên một chiếc thuyền buồm con trên hồ Milford. - Em thích đi chơi thuyền buồm không? Chàng đã hỏi nàng đêm hò hẹn đầu tiên. - Em chưa bao giờ đi chơi thuyền buồm cả. - Thứ bảy, - chàng nói - chúng ta hẹn gặp nhau nhé. Họ cưới nhau một tuần sau đấy. - Cô có biết tại sao tôi cưới cô không, thưa cô. - Edward chọc. - Cô đã thi đậu. Cô đã cười nhiều và cô đã không ngã trên boong. Khi tang lễ chấm dứt Mary và con nàng vào trong một chiếc xe hòm đen, dài, dẫn đầu đoàn tang đi vào nghĩa địa. Nghĩa địa cao nguyên trên đường Ash là một công viên rộng rãi có một đường trải sỏi vòng quanh. Đó là một nghĩa địa cổ nhất tại thị trấn Junction và nhiều mộ bia từ lâu đã bị ngày tháng ăn mòn. Vì cái lạnh cắt da, buổi lễ bên mồ được cử hành ngắn ngủi. - Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin ta, dù có chết cũng sẽ sống; và bất cứ ai sống và tin ta sẽ không bao giờ chết. Ta là người đã sống và đã chết và, nhìn này, ta sống mãi mãi. Cuối cùng buổi lễ kết thúc một cách thương tâm. Mary và con nàng đứng trong cơn gió rít nhìn chiếc quan tài đang được hạ xuống lòng đất lạnh, không ai chăm sóc. Vĩnh biệt, anh yêu dấu của em. * * * * * Cái chết được xem như một sự kết thúc, nhưng đối với Mary Ashley, nó lại là khởi đầu của một địa ngục không chịu đựng nổi. Nàng và Edward đã đề cập đến cái chết và Mary đã nghĩ rằng nàng đi đến thỏa thuận với nó, nhưng bây giờ cái chết đã đột nhiên khoác lên mình một thực tế cấp bách và kinh khiếp. Nó không còn là một biến cố mơ hồ sẽ xảy ra vào một ngày xa xôi nào đấy. Chẳng có cách nào để đương đầu với nó. Mọi thứ trong người Mary đều thét lên để chối bỏ điều đã xảy ra cho Edward. Khi chàng chết, mọi điều tuyệt vời đều chết theo chàng. Thực tế vẫn tiếp tục chạm đến nàng bằng những đợt sốc mới mẻ. Nàng muốn được ở một mình. Nàng thu mình lại thật sâu bên trong người nàng, và cảm thấy mình giống như một đứa bé kinh hãi vì bị người lớn bỏ rơi. Nàng cảm thấy giận Thượng đế. “Tại sao ngài không mang mình đi trước?” - nàng gặng hỏi. Nàng giận Edward vì đã trốn tránh, nàng giận con và giận với chính nàng. “Mình là một phụ nữ 35 tuổi với hai đứa con và chẳng biết mình là ai. Khi mình là bà Edward Ashley, mình có một sự đồng nhất mình thuộc về một người thuộc về mình”. Thời gian trôi qua chế giễu sự trống vắng của nàng. Cuộc đời nàng giống một con tàu đang lồng lên mà nàng chẳng kiểm soát được. Florence và Douglas và những người bạn khác ở lại với nàng, tìm cách làm cho sự việc dễ dàng hơn, nhưng Mary mong họ bỏ đi và để nàng một mình. Florenee vào nhà vào một buổi chiều và thấy Mary đang xem một trận túc cầu trên máy truyền hình trước mặt. - Chị ấy cũng không biết em đến nữa - Florence bảo chồng vào tối hôm ấy - Chị ấy đang tập trung thật tuyệt vọng vào trận đấu ấy. - Nàng rùng mình - Thật như có ma ấy. - Sao vậy? - Mary ghét túc cầu. Chỉ có Edward xem các cuộc thi đấu ấy thôi. Mary đã mất ý trí cuối cùng để giải quyết những vấn đề còn lại do cái chết của Edward để lại. Có chúc thư và bảo hiểm, các tài khoản ngân hàng và thuế má, các phiếu nợ và đoàn thể y khoa các khoản vay mượn, tài sản và các khoản thiếu hụt của Edward và nàng muốn thét vào mặt những luật sư, những chủ ngân hàng và những nhân viên kế toán rằng hãy để nàng yên. - Mình không muốn đối phó - Nàng khóc. Edward đã đi rồi và bất cứ ai cũng chỉ muốn đề cập đến tiền thôi. Cuối cùng, nàng bị bắt buộc phải thảo luận. Frank Dunphy, nhân viên kế toán của Edward nói : - Tôi e rằng những thứ phiếu và thuế tử sẽ tốn mất nhiều tiền bảo hiểm sinh mạng đấy, bà Ashley ạ Chồng bà khá bê trễ về việc đòi các bệnh nhân trả tiền cho ông ấy. Ông ấy nợ nhiều tiền. Tôi sẽ thu xếp việc thu nhập các chứng từ đế theo dõi những mắc nợ... - Không! - Mary nói một cách mãnh liệt - Edward không muốn điều ấy. Dunphy lúng túng. - Vậy thôi, tôi cho rằng thấp nhất tài sản của bà cũng được 30.000 đô-la tiền mặt và ngôi nhà này, có thể cầm cố. Nếu bà bán ngôi nhà... - Edward không muốn cho tôi bán nốt. Nàng ngồi đấy, kiên quyết và cứng rắn, bám chặt vào sự nghèo túng của nàng. Dunphy nghĩ: “Mình ao ước vợ mình cũng lo cho mình nhiều như thế”. Nhưng điều tệ hại nhất vẫn chưa đến. Đã đến lúc phải giải quyết những đồ đạc riêng của Edward. Florence đề nghị giúp nàng, nhưng Mary nói : - Không, Edward muốn tôi làm việc ấy. Có quá nhiều những vật thân thiết nhỏ bé. Một chục ống điếu, một hộp thuốc lá mới toanh, hai cặp kính đọc sách, những ghi chép về một bài thuyết trình y khoa mà chàng sẽ chẳng bao giờ đọc nữa. Nàng vào trong tủ của Edward và đưa ngón tay vuốt nhẹ những bộ quần áo chàng sẽ chẳng bao giờ mặc lại. Chiếc cà vạt xanh chàng đã mang đêm cuối cùng chung sống với nhau. Những chiếc găng tay và khăn quàng giữ ấm cho chàng trong những cơn gió mùa đông. Chàng không còn cần đến những thứ ấy trong nấm mồ lạnh lẽo của chàng. Nàng cẩn thận cất giữ dao cạo và những chiếc bàn chải đánh răng của chàng bằng những cử động như một người máy. Nàng tìm thấy những bức thư tình họ đã viết cho nhau, gợi lại những kỷ niệm của những ngày túng thiếu khi Edward bắt đầu cuộc thực tập riêng. Một bữa ăn chiều vào lễ Tạ ơn không có một con gà tây, những buổi cắm trại hè và những buổi trượt tuyết mùa đông và những lần mang thai đầu tiên của nàng và những lúc cả hai đọc sách cho Beth và chơi nhạc cổ điển cho nó khi nó còn trong bụng mẹ, bức thư tình Edward đã viết cho nàng khi Tim mới sinh và quả táo mạ vàng mà Edward đã tặng nàng khi nàng bắt đầu đi dạy cùng cả trăm những vật xinh đẹp khác đã làm nàng bật khóc. Cái chết của chàng như một trò đùa của một phù thủy độc ác nào đấy. Một thời Edward đứng đấy, sống động, nói chuyện, mỉm cười, yêu đương và thời kế tiếp là chàng đã biến vào lòng đất lạnh. Mình là một người trưởng thành. Mình phải chấp nhận thực tế. Mình không trưởng thành. Mình không thể chấp nhận nó. Mình không muốn sống. Nàng thức trắng suốt đêm dài chỉ đơn giản là suy nghĩ theo Edward, hầu chấm dứt cơn hấp hối không chịu đựng nổi, để được yên tĩnh. “Mình được giáo dục để hy vọng một kết thúc hạnh phúc” - Mary nghĩ thế. Nhưng chẳng có kết thúc hạnh phúc nào cả. Chỉ có cái chết chờ đợi mình thôi. Mình tìm thấy tình yêu và hạnh phúc và nó bị giật khỏi tay mình một cách vô lý. Mình đang ở trên một phi thuyền hoang vắng. Đang bay loạn xạ một cách vô tình giữa các vì sao. Cuộc đời là Dachau (một trại tập trung tù chính trị của Đức quốc xã gần Munich) và tất cả bọn mình là người Do Thái. Cuối cùng nàng thiếp đi và vào giữa đêm, những tiếng thét rùng rợn của nàng làm con nàng thức giấc và chúng nó chạy đến bên giường nàng rồi bò vào giường, ôm chặt lấy nàng. - Mẹ sẽ không chết chứ? - Tim thì thầm. Mary suy nghĩ: “Mình không thể giết mình. Chúng nó cần đến mình. Edward sẽ không bao giờ tha thứ cho mình”. Nàng phải tiếp tục sống. Vì các con. Nàng phải cho chúng nó tình yêu mà Edward không còn cho chúng nó được. Tất cả chúng con quá nghèo túng vì không có Edward. Chúng con cần nhau kinh khủng. Thật mỉa mai là cái chết của Edward khó chịu đựng hơn vì chúng con đã cùng nhau có một cuộc sống thật hạnh phúc. Còn quá nhiều lý do hơn để nhớ chàng, có quá nhiều kỷ niệm sẽ chăng bao giờ xảy ra nữa. Chúa ơi, ngài ở đâu? Ngài có nghe con không? Hãy giúp con. Xin ngài hãy giúp đỡ con. Ring Lardner đã nói “Ba trong cả ba sẽ phải chết, vậy hãy ngậm miệng và đối phó”. Con phải đối phó. Con ích kỷ kinh khủng. Con cư xử tệ dường như con là người duy nhất trên đời đau khổ. Chúa không tìm cách phạt con. Cuộc đời là một cái bao tạp vật khổng lồ. Vào lúc này, ở đâu đấy trên cuộc đời, một người nào đấy đang mất một đứa con, đang trượt tuyết xuống một ngọn núi, đang khoái lạc đến cực điểm, đang húi tóc, đang nằm trên một chiếc giường đau đớn, đang hát trên sân khấu, đang chết đuối, đang kết hôn, đang chết đói trong một nơi bẩn thỉu. Cuối cùng có phải chúng con đều cũng là con người ấy không? Một niên đại là một nghìn triệu năm và một niên đại trước mọi nguyên tử trong thân xác chúng ta là một phần của một vì sao. Hãy chú ý đến con, Chúa ơi. Tất cả chúng con đều là một phần của vũ trụ của ngài và nếu chúng con chết, một phần vũ trụ của ngài cũng chết với chúng con. EDWARD Ở KHẮP NƠI Chàng ở trong những bài hát mà Mary nghe trên radio, trên những ngọn đồi mà họ đã cùng nhau đi qua. Chàng ở trên giường bên cạnh nàng lúc nàng thức dậy khi mặt trời mọc. - Em ơi, sáng nay em phải dậy sớm. Anh phải giải phẫu tử cung và giải phẫu hông. Giọng nói của chàng đến với nàng rõ ràng. Nàng bắt đầu nói chuyện với chàng “Em lo cho con, Edward ạ. Chúng nó không muốn đi học. Beth nói là chúng nó sợ rằng khi chúng nó về nhà em sẽ không còn ở đây nữa”. Mary đi viếng nghĩa địa mỗi ngày, đứng trong bầu không khí lạnh giá than khóc cho những gì nàng đã mất đi mãi mãi. Nhưng điều ấy chẳng làm nàng khuây khỏa gì cả. “Anh không có ở đây” - Mary nghĩ thế - “Hãy cho em biết anh ở đâu? Em van anh đấy”. Nàng nghĩ đến câu chuyện của Marguerite Yourcenarl! “WANG-FU ĐÃ ĐƯỢC CỨU THOÁT CÁCH NÀO”. Đó là một câu chuyện cổ tích về một nghệ sĩ Trung Hoa bị Hoàng đế kết án tử hình vì tội nói dối, vì chàng đã vẽ những bức tranh về một thế giới mà vẻ đẹp mâu thuẫn với thực tế. Nhưng nhà nghệ sĩ đã lừa Hoàng đế bằng cách vẽ một chiếc thuyền rồi chàng bước lên, kéo buổm lên đi mất. - “Em cũng muốn trốn thoát” - Mary nghĩ thế - “Em không thể nào đứng dậy mà không có anh, anh yêu dấu”. Florence và Douglas tìm cách an ủi nàng. - Anh ấy đã yên rồi - Họ bảo Mary như thế. Và một trăm câu nói rập khuôn khác. Những lời nói an ủi thanh thản, ngoại trừ chuyện chúng chẳng khích lệ tí nào cả. Bây giờ cũng thế. Mãi mãi cũng thế. Nàng hay thức giấc lúc nửa đêm và chạy qua phòng các con để chắc chắn chúng được an toàn. - “Con mình sẽ phải chết” - Mary nghĩ thế - “Tất cả chúng mình sẽ phải chết”. - Người ta đang điềm tĩnh đi trên phố “Ngu xuẩn, cười cợt, hạnh phúc” vì tất cả bọn họ phải chết. Giờ của họ đã được xếp đặt và họ làm mình hao mòn bằng cách chơi những ván bài ngu xuẩn và đi xem những phim ngốc nghếch và những trận túc cầu vô vị. Tỉnh dậy, nàng muốn hét lên. “Mặt đất là lò sát sinh của Thượng đế và chúng ta là bầy gia súc của ngài. Họ có biết điều gì sẽ xảy ra cho họ và cho mỗi người mà họ yêu không?” Câu trả lời đến với nàng, từ từ, đau thương, xuyên qua những bức màn đen nặng nề của sầu muộn. Dĩ nhiên là họ biết. Các trò chơi của họ là một hình thức thách đố, tiếng cười của họ là một hành động của vẻ hiên ngang giả tạo - sự hiên ngang giả tạo phát sinh từ nhận thức rằng cuộc đời có giới hạn, rằng mọi người đều phải đối diện với cùng một số phận, và dần dần sự sợ hãi và cơn giận của nàng tan đi và chuyển thành sự kinh ngạc về lòng can đảm của những người đồng loại của nàng. Mình xấu hổ thực. Mình phải tìm ra con đường của mình qua mê cung của thời gian. Cuối cùng, mỗi người chúng ta cô đơn, nhưng đồng thời, tất cả chúng ta đều phải sát cánh với nhau để cho nhau hơi ấm và niềm an ủi. Nàng tiếp tục chuyện trò với chàng. “Hôm nay, em đã nói chuyện với thầy giáo của Tim. Điểm của nó có tiến bộ. Beth đang cảm lạnh liệt giường. Hãy nhớ xem nó thường bị cảm lạnh như thế nào vào thời gian này trong năm? Tối nay, tất cả bọn em sẽ ăn tối tại nhà của Florence và Douglas. Họ thật tuyệt, anh yêu. Và giữa đem đen, khoa trưởng ghé lại nhà. Ông ấy muốn biết liệu em có dự định trở về dạy lại Trường đại học không. Em không muốn bỏ con một mình, ngay cả trong chốc lát. Con rất cần đến em. Anh có nghĩ rằng sẽ có ngày em đi dạy lại không? Ít ngày sau đấy. Douglas được thăng chức, Edward ạ. Anh ấy được bổ nhiệm làm trưởng ban ở bệnh viện”. * * * * * Tổng thống Paul Ellison, Stanton Rogers và Floyd Baker đang họp trong văn phòng bầu dục. Ngài Bộ trưởng Quốc phòng nói : - Thưa Tổng thống, cả hai chúng ta bị nhiều áp lực. Tôi không cho rằng chúng ta không thể hoãn lại lâu hơn nữa việc bổ nhiệm một đại sứ sang Rumani. Tôi thích ngài nhìn qua danh sách mà tôi đã trao cho ngài để ngài chọn... - Cám ơn, Floyd. Tôi đánh giá cao nỗ lực của ông. Tôi vẫn nghĩ rằng muốn Ashley sẽ là người lý tưởng. Tình hình gia đình bà ấy đã thay đổi. Vận rủi của bà ấy có thể trở thành một dịp may cho chúng ta. Tôi muốn hỏi thử bà ấy lại. Stanton Rogers lên tiếng : - Thưa Tổng thống, tại sao tôi không bay đến đấy và xem thử tôi có thể thuyết phục bà ấy không nhỉ? - Hãy thử đi! Mary đang sửa soạn bữa ăn chiều thì điện thoại reo và khi nàng nhấc ống nghe, một âm thoại viên lên tiếng : - Đây là Tòa Bạch Ốc. Tổng thống đang gọi bà Edward Ashley! - “Bây giờ thì không?” - Nàng nghĩ thế - “Mình không muốn nói chuyện với ngài hoặc bất kỳ ai cả!” Nàng nhớ lại cú điện thoại của ngài đã có lần làm nàng phấn khởi như thế nào. Bây giờ thật vô nghĩa. Nàng lên tiếng : - Đây là bà Ashley, nhưng... - Yêu cầu bà giữ máy. Một lúc sau, giọng nói quen thuộc vang lên trong máy. - Bà Ashley. Đây là Paul Ellison. Tôi chỉ muốn nói với bà rằng chúng tôi lấy làm tiếc kinh khủng như thế nào về việc chồng bà. Tôi hiểu ông ấy là một người tốt. - Cám ơn Tổng thống. Ngài rất tử tế, đã gởi hoa phúng điếu. - Bà Ashley, tôi không muốn chen vào chuyện riêng tư của bà và tôi biết thời gian ngắn ngủi quá, nhưng vì bây giờ tình hình gia đình bà đã thay đổi, tôi xin bà hãy nghĩ lại đề nghị chức vụ đại sứ của tôi! - Cám ơn, nhưng lẽ nào tôi có thể... - Xin vui lòng nghe tôi nói hết đã. Tôi đang cho người bay đến chỗ bà để nói chuyện với bà. Tên ông ấy là Stanton Rogers. Tôi sẽ cảm kích nếu ít nhất bà tiếp xúc với ông ấy. Nàng không biết nói gì cả. Làm sao nàng có thể giải thích rằng thế giới của nàng đã đảo lộn và cuộc đời của nàng đã tan hoang? Tất cả những vấn đề của nàng lúc này là Beth và Tim. Nàng quyết định rằng bằng tất cả sự lịch thiệp, nàng sẽ gặp người đàn ông ấy và rồi từ chối thật nhã nhặn. - Tôi sẽ gặp ông ấy, thưa Tổng thống, nhưng tôi sẽ không thay đổi ý kiến đâu! Có một quán rượu bình dân tại đại lộ Bineau mà các nhân viên bảo vệ Marin Groza hay lui tới khi họ không trực tiếp ở biệt thự tại Neuilly. Ngay cả Lev Pasternak đôi khi cũng ghé chỗ này. Angel chọn một chiếc bàn nằm trong khu vực của văn phòng mà các câu chuyện có thể được nghe loáng thoáng. Những nhân viên bảo vệ khi đã rời bỏ công việc thường ngày căng thẳng của biệt thự, thích uống rượu và khi uống, họ bắt đầu ba hoa. Angel lắng nghe để tìm ra nhược điểm của biệt thự. Luôn luôn phải có một nhược điểm. Đơn giản là người ta phải khá tài năng để phát hiện nó. Ba hôm trước, Angel nghe loáng thoáng một câu chuyện đưa ra manh mối cho cách giải quyết vấn đề. Một nhân viên bảo vệ lên tiếng : - Tớ không hiểu Groza làm gì với bọn gái điếm ông mang đến đấy, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ quật ông khủng khiếp. Cậu sẽ nghe tiếng la hét liên tục. Tuần trước, tớ thoáng thấy mấy chiếc roi ông ta cất trong tủ... Và đêm kế tiếp. - ... Bọn gái điếm mà vị lãnh tụ dũng cảm của chúng ta mang đến biệt thự quả là những trang tuyệt sắc. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Lev tự thu xếp đấy. Ông ấy cáo thật. Ông ấy không bao giờ dùng một ả hai lần cả. Như thế, chàng ai có thể dùng bọn gái để tấn công Marin Groza cả. Angel chỉ cần có thế. Sáng sớm hôm sau, Angel đổi xe mướn và lái một chiếc Fiat vào Paris. Cửa hàng bán đồ phục vụ sinh lý tại Montmartre, trên Quảng trường Pigalle ở giữa một khu vực toàn đĩ điếm và ma cô sinh sống. Angel bước vào, đi từ từ dọc theo các phòng bên, thận trọng nghiên cứu những món hàng bày bán. Có những chiếc cùm, xích và nón bọc đầu bằng sắt, quần da có khe phía trước, dụng cụ xoa bóp dương vật và thuốc kích thích, những con búp bê bằng cao su bơm hơi được và các cuốn băng video khiêu dâm. Có những ống thụt cho đàn ông và kem thoa hậu môn, những chiếc roi tết bằng da dài 6 feet với những sợi dây da ở đầu. Angel mua một chiếc roi, trả tiền mặt và đi. Sáng hôm sau, Angel mang chiếc roi trở lại cửa hàng. Ông chủ cửa hàng nhìn lên càu nhàu : - Không được trả lại. - Tôi không muốn trả lại. - Angel giải thích - Tôi cảm thấy lúng túng vì mang cái này theo. Tôi sẽ rất cảm kích nếu ông gửi đi giúp tôi. Tôi sẽ trả tiền thêm, dĩ nhiên. Chiều hôm ấy, Angel ở trên một chiếc phi cơ đi Buenos Aires. Cái roi, được gói cẩn thận, đến biệt thự tại Neuilly ngày hôm sau. Nó bị người gác cổng giữ lại. Hắn đọc nhãn hiệu cửa hàng trên gói, mở ra và xem xét thật thận trọng. - Người ta nên nghĩ rằng ông già có đủ những thứ này rồi! Hắn chuyển nó vào và một người gác đưa nó vào tủ trong phòng ngủ của Marin Groza. Hắn đặt nó chung với những chiếc roi khác. Chương 10 Pháo đài Riley, pháo đài lục quân xưa nhất của Hoa Kỳ, được xây cất năm 1853 khi Kansas vẫn còn được đề cập đến như “Lãnh thổ của thổ dân”. Nó được xây dựng lên để bảo vệ các toa xe lửa khỏi bị các nhóm thổ dân tấn công. Ngày nay, nó được dùng trước tiên để làm một căn cứ trực thăng và một bãi đáp cho các phi cơ quân sự nhỏ hơn có cánh cố định. Khi Stanton Rogers đáp xuống trong một chiếc DC7, ông được chỉ huy trưởng căn cứ và ban tham mưu đón tiếp. Một chiếc xe hòm đang đậu cạnh đấy đợi sẵn để đưa Stanton đến nhà Ashley. Ông đã điện thoại cho Mary sau cú điện thoại của Tổng thống. - Tôi hứa sẽ đi thăm bà thật ngắn ngủi, thưa bà Ashley. Tôi định bay đến vào chiều thứ hai được không? Ông ấy thật lịch thiệp. Và ông ấy đúng là một nhân vật quan trọng. Tại sao Tổng thống lại đưa ông ấy đến nói chuyện với mình nhỉ. - Tốt đấy. Bằng một hành động phản xạ, Mary hỏi : - Ngài có thích dùng cơm chiều với chúng tôi không? Ông lưỡng lự. - Cám ơn bà. - “Sẽ là một buổi chiều dài và phiền phức đấy”. - Stanton nghĩ thế. Khi Florence Schiffer nghe tin, nàng rùng mình. - Cố vấn ngoại giao của Tổng thống sẽ đến đây ăn tối à? Có nghĩa là chị sẽ nhận lời bổ nhiệm đấy? - Florence, chẳng có nghĩa như vậy đâu. Tôi đã hứa với Tổng thống rằng tôi sẽ nói chuyện với ông ta. Thế thôi. Florence vòng tay quanh người Mary và ôm chặt nàng. - Tôi chỉ muốn làm bất kỳ điều gì để chị được hạnh phúc thôi. - Tôi biết. Stanton là một con người kinh khủng, Mary quả quyết như thế. Mary đã trông thấy ông tại cuộc họp báo và đã trông thấy ảnh của ông in trong tạp chí, nhưng nàng nghĩ: “Ông ấy trông to lớn hơn. Ông lịch thiệp, nhưng có một nét gì xa vắng”. - Cho phép tôi lại được nhắn những lời chia buồn thành thật của Tổng thống về thảm kịch khủng khiếp của bà, bà Ashley ạ. - Cám ơn ngài! Nàng giới thiệu ông với Tim và Beth. Mary đi vào bếp để xem thử Lucinda chuẩn bị bữa cơm chiều như thế nào. - Bất cứ lúc nào bà sẵn sàng - Lucinda nói. - Nhưng ông ấy sẽ không thích đâu! Khi Mary bao Lucinda rằng Stanton Rogers sẽ đến nhà ăn tối và nàng muốn Lucinda làm món thịt om, Lucinda nói : - Người như ông Rogers không ăn thịt om đâu! - Ồ, thế họ ăn gì cơ? - Món Châteaubriand và crêpes suzettes! - Chúng ta sẽ ăn thịt om. - Được thôi. - Lucinda ngoan cố nói - Nhưng đấy là bữa ăn tối không đúng điệu. Cùng với thịt om, chị đã dọn khoai tây nghiền có bỏ kem, rau tươi và xà lách. Chị đã làm bánh nướng nhân bí để tráng miệng. Stanton ăn hết mọi thứ trong đĩa của ông. Trong suốt bữa ăn, Mary và Stanton Rogers thảo luận những vấn đề của nông gia. - Nông gia miền Trung Tây bị bóp chẹt kinh khủng giữa giá cả thấp và sự sản xuất ứ đọng - Mary lên tiếng một cách hăng hái - Họ quá nghèo để sơn nhà và quá tự hào để quét vôi! Họ nói chuyện về lịch sử rực rỡ của thị trấn Junction và cuối cùng Rogers đưa cuộc thảo luận về Rumani. - Bà có ý kiến gì về chính phủ của chủ tịch Ionescu? - Ông hỏi Mary. - Tại Rumani chẳng có chính phủ nào cả, theo đúng nghĩa của từ ấy. - Mary đáp - Ionescu là chính phủ. Ông ta kiểm soát tất cả. - Bà có nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng ở đấy không? - Không, trong những điều kiện hiện tại. Người duy nhất có đủ sức để lật đổ ông ta là Marin Groza đang lưu vong tại Pháp. Cuộc chất vấn tiếp tục. Nàng là một chuyên viên về các quốc gia Đông u mà Stanton Rogers xúc động ra mặt. Mary có một cảm giác khó chịu rằng ông đã dò xét nàng dưới một chiếc kính hiến vi suốt buổi chiều. Nàng đã đến gần lằn mức hơn là nàng biết. - “Paul có lý” - Stanton Rogers nghĩ thế - “Bà ấy thực sự có thẩm quyền nói về Rumani. Và còn thêm điều gì đấy nữa! Chúng ta cần người đối lập với người Mỹ xấu xí. Bà ấy đẹp. Bà ấy và con cái tạo thành một nhóm toàn người Mỹ có giá trị”. Càng lúc Stanton Rogers càng phấn khởi hơn với viễn ảnh “Bà ấy có thể hữu ích hơn là bà ấy nhận thức được”. Cuối buổi chiều, Stanton Rogers nói : - Bà Ashley, tôi sẽ thẳng thắn với bà. Tôi đã chống lại việc Tổng thống bổ nhiệm bà làm đại sứ một nơi nhạy bén như Rumani. Tôi đã nói với ngài rất nhiều. Bây giờ tôi bảo bà điều này vì tôi đã thay đổi ý định. Tôi nghĩ rằng rất có thể bà sẽ làm một vị đại sứ tuyệt vời đấy! Mary lắc đầu. - Tôi lấy làm tiếc, ông Rogers ạ. Tôi không phải là nhà chính trị. Tôi chỉ là một kẻ không chuyên? - Như Tổng thống Ellison đã vạch rõ cho tôi thấy, một số những đại sứ tinh tế nhất của chúng ta đều là những người không chuyên. Có nghĩa là, kinh nghiệm của họ không phải trong cơ quan ngoại giao. Walter Annenberg, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Vương quốc Anh, làm nghề xuất bản. - Tôi không phải... - Arthur Burns, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Cộng hòa Liên bang Đức, là một phụ khảo và John Kenneth Galbraith, đại sứ của chúng ta tại Ấn Độ, cũng là một giáo sư. Mike Mansfield khởi sự là một phóng viên trước khi làm Thượng nghị sĩ và rồi được bổ nhiệm làm đại sứ của chúng ta tại Nhật Bản. Tôi có thể cho bà thêm cả chục ví dụ nữa. Những người này đều là điều mà bà gọi là không chuyên đấy. Cái mà họ có, thưa Bà Ashley, là sự thông minh, một tình yêu nước và một thiện chí đối với dân tộc của quốc gia mà họ được đưa đến phục vụ. - Ông làm cho việc ấy nghe ra đơn giản thật. - Như có lẽ bà cũng biết đấy, bà đã được điều tra rất kỹ lưỡng. Bà đã được chấp thuận qua một bản phúc trình an ninh, bà chẳng có vấn đề gì với IRS cả và không có mâu thuẫn về quyền lợi nào cả. Theo khoa trưởng Hunster, bà là một giáo sư tuyệt vời và dĩ nhiên bà là một chuyên viên về Rumani. Bà đã có một điểm khởi đẩu. Và cuối cùng, nhưng không phải tối thiểu, bà có loại hình ảnh mà Tổng thống muốn chiếu lên các quốc gia Đông u! Mary lắng tai nghe, một thoáng suy tư trên mặt nàng. - Ông Rogers, tôi muốn ngài và Tổng thống biết rằng tôi cảm kích về mọi điều ngài đã nói. Nhưng tôi không thể chấp nhận được. Tôi còn Beth và Tim để nghĩ đến. Tôi không thể nhổ gốc chúng như... - Có một trường học tốt cho bọn trẻ của các nhà ngoại giao tại Bucarest. - Rogers báo cho nàng biết. - Đấy sẽ là một sự giáo dục tuyệt vời cho Tim và Beth để sống tại một quốc gia xa lạ. Chúng nó sẽ học được những điều mà chúng nó sẽ chẳng bao giờ học được ở các trường học tại đây. Câu chuyện không đi theo cách Mary đã dự định. - Tôi không - Tôi sẽ nghĩ lại việc ấy. - Tôi lưu lại đêm nay trong thị trấn! - Stanton Rogers nói - Tôi sẽ ở tại khách sạn Bốn Mùa. Hãy tin ở tôi đi, bà Ashley ạ, tôi biết đây là một quyết định lớn lao như thế nào cho bà. Nhưng chương trình này quan trọng chẳng những cho Tổng thống, mà còn cho quốc gia chúng ta nữa. Xin vui lòng nghĩ lại điều ấy nhé. Khi Stanton Rogers đi khỏi, Mary lên lầu, con nàng đang đợi nàng, mắt ráo hoảnh và thích thú. - Mẹ sẽ nhận công việc ấy không? - Beth hỏi. - Mẹ con ta sẽ nói chuyện. Nếu mẹ chấp nhận, có nghĩa là các con sẽ bỏ trường học và tất cả bạn bè của chúng con. Các con sẽ sống tại một nước xa lạ mà chúng ta không biết tiếng và các con sẽ học tại một ngôi trường lạ! - Tim và con đã bàn tất cả về việc ấy. - Beth nói - Và mẹ biết chúng con nghĩ gì không? - Gì thế? - Bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật sự may mắn nếu có mẹ đến làm đại sứ. Đêm ấy nàng nói chuyện với Edward. “Có lẽ anh nên nghe ông ta nói, anh yêu. Ông ta nói như thể Tổng thống cần đến em thực sự. Có lẽ có cả triệu người có thể làm việc ấy tốt hơn em, nhưng ông ta quá tâng bốc em. Anh có nhớ anh và em đã nói chuyện với nhau rằng việc ấy sẽ thích thú thế nào không? Này, bây giờ em lại có cơ hội và em không biết phải làm gì cả. Nói thật với anh đấy, em rất sợ. Đây là nhà của chúng ta. Làm sao em có thể bỏ đi cho được? Ở đây có quá nhiều kỷ niệm của anh. - Nàng nhận ra nàng đang khóc. - Đảy là tất cả những gì của anh, em còn lại. Hãy giúp em quyết định. Em van anh, hãy giúp em...” Nàng ngồi cạnh cửa sổ, trong chiếc áo ngủ, nhìn ra cây cối đang run rẩy trong cơn gió hú không ngừng. Đến bình minh, nàng đi tới quyết định. Lúc 9 giờ sáng, Mary điện thoại đến khách sạn Bốn Mùa và xin gặp Stanton Rogers. Khi ông nhấc ống nghe, nàng lên tiếng bảo : - Ngài Rogers, xin ngài vui lòng nói với Tổng thống rằng tôi sẽ rất vinh dự chấp nhận việc Tổng thống bổ nhiệm tôi vào chức vụ đại sứ. Chương 11 - “Con này còn đẹp hơn cả con kia”. - Nhân viên bảo vệ nghĩ thế. Nàng trông không giống một con điếm mà có thể là minh tinh điện ảnh hoặc một người mẫu gì đấy, tuổi vừa độ 20, có mái tóc hoe dài và một làn da trắng như sữa. Nàng mặc một chiếc áo kiểu. Lev Pasternak đích thân đến cổng để đưa nàng vào nhà. Cô gái, Bisera, người Nam Tư và đây là chuyến đầu tiên nàng đến Pháp. Quang cảnh của tất cả những nhân viên an ninh võ trang làm nàng căng thẳng. Mình không biết mình phải làm gì đây? Bisera chỉ biết rằng tên ma cô của nàng đã trao cho nàng một vé phi cơ khứ hồi và bảo nàng rằng nàng sẽ được trả 2.000 đô-la cho công việc dài một tiếng đồng hồ. Lev Pasternak gõ vào cửa phòng ngủ và giọng của Groza vọng ra : - Vào đi. Pasternak mở cửa và đưa cô gái vào bên trong, Marin Groza đang đứng tại chân giường. Ông đang mặc áo ngủ và nàng không biết được rằng ông đang trần truồng trong chiếc áo ấy. Lev Pasternak lên tiếng : - Đây là Bisera. - Chàng không nói đến tên Mary Groza. - Chào em, vào đi. Pasternak bỏ đi sau khi cẩn thận đóng cửa lại sau lưng chàng và Marin Groza còn lại một mình với cô gái. Nàng đi về phía ông và nở nụ cười quyến rũ : - Anh trông thoải mái đấy. Tại sao em không cởi quần áo và cả hai chúng ta đều thoải mái nhỉ? Nàng bắt đầu cởi áo. - Không, Hãy giữ quần áo lại. Nàng nhìn ông kinh ngạc : - Anh không thích em. Groza bước đến tủ và lựa một cây roi. “Tôi muốn em dùng cái này”. À ra thế. Một thần vật nô dịch. Kỳ lạ. Ông ta không có vẻ như thế. Người ta không bao giờ biết đâu: Bisera nghĩ thế. - Được thôi, anh yêu. Bất cứ gì tùy anh. Marin Groza cởi chiếc áo ngủ ra và xoay ]ại. Bisera sững sờ khi nhìn thấy thân thể đầy những vết sẹo của ông. Nó đầy những đường khâu dữ tợn. Có một điều gì đấy trên nét mặt ông làm nàng bối rối và khi nàng nhận thức được đấy là gì, nàng càng lúng túng hơn. Thực là thống khổ. Người đàn ông đang bị điều đau đớn. Tại sao ông ta muốn bị quất như thế? Nàng nhìn ông trong lúc ông đang đi đến một chiếc ghế đẩu và ngồi lên đấy. - Mạnh. - Ông lên tiếng - Hãy quất cho tôi thật mạnh. - Được thôi! Bisera nhặt chiếc roi da dài lên. Sự khổ dâm không phải là mới lạ với nàng, nhưng ở đây có một điều gì khác mà nàng không hiểu được. - “Mà thôi, chẳng phải là phận sự của mình” - Bisera nghĩ thế! - “Cứ lấy tiền và chuồn đi”. Nàng giơ roi lên và quất vào tấm lưng trần của ông. - Mạnh hơn. - Ông thúc giục. - Mạnh hơn. Ông nao núng với cơn đau khi chiếc roi da đập mạnh vào da ông. Một lần, hai lần... thêm nữa... và thêm nữa, càng lúc càng mạnh hơn. Cái ảo ảnh mà ông đã đợi lúc ấy đến với ông. Cảnh vợ con ông bị hãm hiếp hiện dần lên trong óc ông. Đó là một cuộc hãm hiếp tập thể và những bọn lính cười ha hả đi từ người đàn bà tới cô gái nhỏ, quần chúng kéo xệ xuống, sắp hàng đợi đến lượt mình. Marin Groza bám vào chiếc ghế đẩu như thể bị buộc vào đấy. Trong lúc chiếc roi liên tục hạ xuống, ông có thể nghe được những tiếng thét của vợ con ông van lơn xin thương xót, ngạt thở vì dương vật của bọn đàn ông nhét trong miệng, đồng thời bị hãm hiếp như con vật cho đến khi máu bắt đầu thổ ra và những tiếng kêu khóc của họ lắng dần. Và Marin Groza rên rỉ : - Mạnh hơn! Và với mỗi tiếng roi, ông cảm thấy lưỡi dao bén ngọt thọc sâu vào thiến bộ sinh dục của ông. Ông khó thở. - Thôi! Thôi! - Giọng ông chỉ còn là tiếng khò khè. Phổi ông như bị tê liệt. Cô gái dừng lại, giữ chiếc roi lại nửa chừng. - Này, anh có sao không? Em... Nàng trông thấy ông ngã xuống sàn nhà, đôi mắt mở to chẳng nhìn vào đâu cả. Bisera thét lên. - Cứu tôi với! Cứu tôi với! Lev Pasternak chạy vào, súng cầm tay. Chàng trông thấy bóng người trên sàn nhà. - Việc gì đã xảy ra thế? Bisera cuồng loạn. - Ông ấy chết. Ông ấy chết! Tôi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ quất ông ấy như ông ấy bảo tôi. Tôi thề đấy! Vị bác sĩ trong biệt thự, vào phòng chỉ trong vài giây. Ông nhìn thân thể Marin Groza và cúi xuống khám nghiệm. Nước da đã xanh lại và cơ bắp cứng đờ. Ông ta nhặt chiếc roi lên và ngửi. - Gì thế? - Trời! Chất cura. Nó là chất nhựa lấy từ một loại cây Nam Mỹ. Người Inca dùng nó để giết kẻ thù. Trong vòng ba phút, toàn bộ hệ thống thần kinh sẽ bị tê liệt. Hai người đàn ông đứng đấy, bất lực nhìn vị lãnh tụ đã chết của họ. Tin tức về cuộc ám sát Marin Groza được loan khắp thế giới bằng vệ tinh. Lev Pasternak có khả năng tránh báo chí về những chi tiết bẩn thỉu. Tại Washington DC, Tổng thống có một cuộc họp với Stanton Rogers. - Cậu nghĩ ai ở đằng sau vậy, Stan? - Hoặc người Nga hoặc Ionescu. Rốt cuộc cũng đến việc ấy thôi, phải không? Họ không muốn nguyên trạng bị quấy rối. - Vậy là chúng ta sẽ đương đầu với Ionescu. Rất tốt. Hãy xúc tiến việc bổ nhiệm Mary Ashley càng nhanh càng tốt. - Bà ấy đang trên đường đến đây, Paul ạ. Được tin, Angel mỉm cười. - Việc xảy ra sớm hơn mình nghĩ. 10 giờ tối, điện thoại riêng reo và ngài chủ sự nhấc ống nghe. - A-lô. Ông nghe giọng hầu của Neusa Munez. - Angel đã xem báo sáng nay. Anh ấy bảo đặt tiền vào tài khoản ngân hàng của anh ấy. - Hãy bảo ông ấy rằng việc đó sẽ được lo ngay. Và cô Munez hãy bảo Angel rằng tôi rất hài lòng. Đồng thời hãy bảo ông ấy rằng tôi có thể lại cần đến ông ấy rất sớm đấy. Cô có một số điện thoại nào để tôi có thể liên lạc với cô không? Ngưng lại một lúc lâu, rồi : - Tôi đoán vậy. Nàng cho ông số điện thoại. - Tốt. Nếu Angel... Đường dây bị cúp. - Khỉ thật con chó cái ngu xuẩn ấy. Số tiền được đặt vào số tài khoản tại Zurich sáng hôm ấy và một giờ sau đấy nó được nhận và được chuyển đến một ngân hàng Ả Rập Saudi tại Genève. - “Một người không thể không quá thận trọng lúc này” - Angel nghĩ thế - “Bọn chủ ngân hàng quái quỷ ấy sẽ lừa bạn bằng mọi cơ hội có được”. Chương 12 Còn hơn là gói ghém một ngôi nhà. Đó là gói ghém một cuộc đời. Đó là vĩnh biệt 13 năm mơ mộng, kỷ niệm và yêu đương. Đó là một lời từ giã cuối cùng với Edward. Ngôi nhà này đã là tổ ấm của họ và bây giờ nó chỉ lại là một ngôi nhà làm nơi cư ngụ của những người lạ không biết gì về những niềm vui, những nỗi buồn, những giọt lệ và những tiếng cười đã có trong những bức tường này. Douglas và Florence Schiffer hài lòng vì Mary đã quyết định chấp thuận chức vụ đại sứ. - Chị kỳ thật, - Florenee Schiffer quả quyết với Mary - Doug và tôi sẽ nhớ chị và lũ trẻ. - Hãy hứa rằng chị sẽ đến Rumani thăm chúng tôi đi! - Hứa đấy. Mary tràn ngập những chi tiết thực tế cần phải lo, rất nhiều những trách nhiệm không quen. Nàng lập một bảng liệt kê. Gọi công ty lưu trữ để gom những vật cá nhân mà chúng mình bỏ lại. Huỷ bỏ hợp đồng với người mang sữa. Huỷ bỏ hợp đồng đặt mua báo. Cho người đưa thư địa chỉ thư từ mới. Ký hợp đồng cho thuê ngôi nhà. Thu xếp vấn đề bảo hiểm. Thay đồ dùng. Thanh toán tất cả các phiếu nợ. Đừng sợ hãi. Thu xếp với Khoa trưởng Hunter một giấy phép vắng mặt vô hạn định tại Trường đại học. - Tôi sẽ có người để phụ trách các lớp học bỏ dở cửa bà. Chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng các sinh viên hội thảo chuyên đề của bà chắc chắn sẽ nhớ bà đấy - Ông mỉm cười - Tôi chắc rằng bà sẽ làm cho tất cả chúng tôi tự hào đấy, bà Ashley ạ. Chúc bà may mắn. - Cám ơn ông. Mary cho con nghỉ học. Phải thu xếp chuyến đi và phải mua vé máy bay. Trong quá khứ, Mary đã phó mặc những việc giao dịch tài chánh vì đã có Edward giải quyết. Bây giờ chẳng có Edward nào cả, ngoại trừ trong tâm khảm của nàng và nơi đó chàng sẽ ở lại mãl mãi. Mary lo lắng về Beth và Tim. Lúc đầu chúng phấn khởi về việc sống tại một nước ngoài, nhưng bây giờ lúc mà chúng phải đối diện với thực tế, chúng e sợ đủ thứ. Mỗi đứa đã đến gặp riêng Mary. - Mẹ ơi! - Beth nói - Con không thể nào bỏ cả bạn bè của con. Con không còn được gặp lại Virgil nữa. Con có thể ở lại đây cho đến cuối học kỳ không? Tim nói : - Con vừa tham gia vào một đội bóng nhỏ. Nếu con đi, bọn nó sẽ tìm một thủ môn thứ ba mất. Có lẽ sau mùa hè chúng con mới có thể đi được, khi hết mùa bóng. Con xin mẹ đấy! Chúng nó đều hoảng sợ. Như mẹ chúng. Stanton Rogers quả thật có sức thuyết phục. Nhưng lúc còn lại một mình với những nỗi sợ hãi giữa đêm tối, Mary nghĩ: “Mình chẳng biết gì về việc làm đại sứ cả. Mình chỉ là một người nội trợ Kansas mà đòi làm một loại chính khách. Mọi người sẽ biết mình gian lận. Mình đồng ý việc này là điên thật đấy”. Cuối cùng, mọi việc đã đâu vào đấy thật lạ lùng. Ngôi nhà được một gia đình vừa đến thị trấn Junction thuê dài hạn. Đã đến lúc phải đi. - Doug và tôi sẽ đưa chị ra sân bay. - Florence nài nỉ. Sân bay, nơi họ sẽ đáp một chiếc phi cơ hành khách sáu chỗ ngồi bay hàng tháng đi thành phố Kansas, Missouri, tọa lạc tại Manhattan, Kansas. Tại thành phố Kansas, họ sẽ chuyển sang một phi cơ lớn hơn để đi Washington DC. - Hãy cho tôi chỉ một phút thôi. - Mary nói. Nàng bước lên lầu đến căn phòng ngủ mà nàng và Edward đã cùng nhau chia sẻ những năm tháng tuyệt vời. Nàng đứng đấy nhìn khá lâu một lần cuối cùng. - Anh thân yêu nhất đời, bây giờ em sắp đi. Em chỉ muốn nói lời từ giã. Em nghĩ rằng em sẽ làm những gì có lẽ anh thích em làm. Em hy vọng thế. Điều duy nhất thật sự làm em phiền là em có cảm giác rằng em và con có lẽ sẽ chẳng còn bao giờ trở về đây nữa. Em có cảm giác hình như em bỏ trốn anh. Nhưng anh sẽ cùng em trên mọi bước đường em đi. Bây giờ em cần đến anh hơn bao giờ hết. - Hãy ở bên em. Hãy giúp em. Em yêu anh thật nhiều đấy. Đôi khi em không nghĩ rằng em có thể chịu đựng nổi khi không có anh. Anh có thể nghe em không, anh yêu! Anh có đấy không? Douglas Schiffer lo kiểm soát hành lý của họ đưa lên chiếc phi cơ nhỏ. Khi Mary trông thấy chiếc phi cơ nằm trên sân trải đá dăm, nàng khựng lại tại chỗ. - Ôi, Chúa ơi! - Việc gì thế? - Florence hỏi. - Tôi bận quá, tôi quên bẵng đi! - Về việc gì? - Bay! Florence à, suốt cả đời, tôi chưa bao giờ lên một chiếc phi cơ nào cả. Tôi không thể leo vào cái vật ấy được? - Mary - bất cứ điều gì xảy ra cũng đều chênh lệch một phần triệu đấy! - Tôi không thích việc may rủi. - Mary nói thẳng - Chúng tôi sẽ đi xe lửa. - Chị không thể đi được. Họ đang đón chị tại Washington chiều nay. - Còn sống. Nếu chết, tôi sẽ chẳng có ích gì cho họ cả. Gia đình Schiffer phải mất 15 phút để thuyết phục Mary lên phi cơ. Nửa giờ sau, nàng và con nàng buộc dây an toàn trong khoang chuyến bay số 82 của Hàng không Trung Tây. Trong lúc động cơ rú lên và phi cơ bắt đầu chạy nhanh xuống phi đạo, Mary nhắm mắt lại và nắm chặt tay ghế. Vài giây sau, họ được nhấc bổng lên không. - Suỵt! Đừng nói! Nàng ngồi cứng đờ, không nhìn ra cửa sổ, tập trung vào việc bám lấy chiếc phi cơ trên không. Con nàng đang chỉ tay xuống những quang cảnh bên dưới, rất thích thú. - Lũ trẻ. - Mary suy nghĩ cay đắng - Chúng biết gì cơ chứ! Tại sân bay thành phố Kansas, họ chuyển sang một chiếc DC-10 và cất cánh đi Washington DC, Beth và Tim cùng ngồi với nhau và Mary ngồi bên dãy ghế bên kia. Một phụ nữ lớn tuổi ngồi gần Mary. - Nói thật với bà nhé, tôi hơi lo lo đấy. - Người bạn ngôi bên cạnh của Mary tự thú - Trước đây tôi chưa hề đi máy bay lần nào. Mary vỗ vào tay bà ta mỉm cười. - Chẳng có gì phải lo cả. Sự rủi ro chỉ là một phần triệu của bất cứ điều gì xảy ra thôi. Chương 13 Khi phi cơ của họ đáp xuống sân bay Dulles tại Washington, Mary và các con được một thanh niên tại Bộ Ngoại giao ra đón. - Chúc mừng bà đã đến Washington, bà Ashley. Tên tôi là John Burns. Ông Rogers yêu cầu tôi đón và đưa bà đến khách sạn của bà an toàn. Tôi đã giữ chỗ cho bà tại Riverdale Towers. Tôi nghĩ rằng bà và các cháu đều được thoải mái ở đấy. - Cám ơn ông. Mary giới thiệu Beth và Tim. - Xin bà trao cho tôi vé hành lý của bà, bà Ashley, tôi sẽ lo liệu mọi việc cho. Hai mươi phút sau, tất cả đều ngồi trong một chiếc xe hòm hướng về trung tâm Washington. Tim nhìn ra cửa xe, bàng hoàng. - Nhìn kìa, - Nó la lên - Kia là đài kỷ niệm Lincoln. Beth nhìn ra cửa sổ bên kia. - Đài kỷ niệm Washington mà. Mary nhìn John Burns bối rối. - Tôi chắc rằng bọn trẻ không rành mấy. - Nàng lên tiếng xin lỗi - Ông thấy đấy, chúng nó chưa bao giờ đi xa... nàng liếc ra cửa sổ và mắt nàng mở to. - Nhìn kìa! Tòa Bạch Ốc đấy? Chiếc xe hòm di chuyển lên Đại lộ Pennsylvania, được bao bọc bằng một số mốc giới hạn rắc rối nhất thế giới. Mary phấn khởi nghĩ: “Đây là thành phố cai trị thế giới. Đây là nơi của quyền lực. Và ở một khía cạnh nhỏ, mình sẽ là một phần của nó”. Khi chiếc xe hòm tiến dần đến khách sạn, Mary lên tiếng hỏi : - Khi nào tôi được gặp ông Rogers nhỉ? - Ông ấy sẽ tiếp xúc với bà ngay sáng nay. * * * * * Peter Connors, trưởng Kudesk, ban phản gián của CIA, làm việc khuya và ngày làm việc của ông đã chấm dứt từ lâu rồi, mỗi buổi sáng, lúc ba giờ, đều có một toán báo cáo để chuẩn bị danh sách kiểm tra tin báo hằng ngày cho Tổng thống đã được thu nhập qua các công điện trong đêm. Bản báo cáo mật danh là “pickles” phải chuẩn bị xong lúc 6 giờ sáng để đưa lên bàn giấy của Tổng thống vào lúc khởi sự ngày làm việc của ngài. Một người văn thư võ trang mang danh sách đến Tòa Bạch Ốc vào bằng cổng phía Tây. Peter Connors thích thú trở lại việc nghe trộm các điện đài đánh đi từ Đông u, bởi vì đa số liên quan đến việc bổ nhiệm Mary Ashley làm Đại sứ Mỹ tại Rumani. Liên Xô lo rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một thủ đoạn để xâm nhập vào các quốc gia anh em trong khối, để theo dõi hoặc dụ dỗ họ. - Bọn cộng sản không lo lắng như ta. - Peter Connors suy nghĩ một cách giận dữ - Nếu ý kiến của Tổng thống thành công, cả quốc gia này sẽ là một cái nhà trống cho những tên gián điệp quái quỷ của họ. Peter Connors đã được thông báo lúc Mary Ashley đáp xuống Washington. Ông đã nhìn thấy ảnh của nàng và hai đứa con. - “Họ sẽ tuyệt đấy”. - Connors vui vẻ nghĩ thế. Riverdale Tower, cách khu nhà máy nước Liên Hợp một dãy nhà, là một khách sạn gia đình nhỏ có những dãy phòng tiện nghi trang trí đẹp. Một người trực tầng mang hành lý đến và trong lúc Mary bắt đầu mở ra, chuông điện thoại reo. Mary nhấc ống nghe. - A-lô. Một giọng nam lên tiếng : - Bà Ashley đấy à? - Vâng! - Tên tôi là Ben Cohn. Tôi là phóng viên của tờ Washington Post. Không biết tôi có thể nói chuyện vài phút không? Mary ngần ngại. - Chúng tôi vừa đăng ký xong và tôi... - Sẽ chỉ mất 5 phút thôi. Thật ra tôi chỉ muốn chào bà! - À, tôi cho rằng... - Tôi đang lên đây. Ben Cohn lùn và chắc nịch, có thân hình vạm vỡ và khuôn mặt méo mó của một võ sĩ đoạt giải. Ông ta trông giống một phóng viên thể thao. - Mary nghĩ. Ông ngồi trên một chiếc ghế có tay đối diện với Mary. - Bà đến Washington lần đầu chứ, bà Ashley? - Ben Cohn hỏi. - Vâng! - Nàng nhận thấy ông chẳng có sổ sách hoặc máy ghi âm nào cả. - Tôi sẽ không hỏi bà câu hỏi ngốc nghếch nào đâu? Nàng cau mày. - Thế nào là câu hỏi ngốc nghếch? - Bà thích Washington như thế nào? Mỗi khi một nhân vật nổi danh bước ra khỏi một chiếc phi cơ ở đâu đấy, việc đầu tiên họ được hỏi là, ngài thích địa điểm này như thế nào? Mary cười. - Tôi không phải là một nhân vật nổi danh, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ rất thích Washington. - Bà là một giáo sư tại Trường đại học tiểu bang Kansas phải không? - Vâng. Tôi dạy một lớp có tên là Đông u: Chính sách ngày nay. - Tôi hiểu rằng Tổng thống lần đầu tiên được biết đến bà khi ngài đọc một quyển sách của bà về Đông u. Và các bài viết ở tạp chí. - Vâng! - Và phần còn lại, như họ nói, là lịch sử. - Tôi cho rằng đấy là một cách bất thường để... - Không phải bất thường đâu. Jeane Kirpatrick được Tổng thống Reagan chú ý cũng bằng cách ấy và ngài đã bổ nhiệm bà ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. - Ông ta mỉm cười với nàng - Vậy bà thấy đấy đấy là tiền lệ. Đấy là một trong những lời đồn đại lớn tại Washington. Tiền lệ. Ông bà của bà là người Rumani à? - Ông tôi. Đúng đấy! Ben Cohn ở lại thêm 15 phút nữa lấy tin về gốc gác của Mary. Mary hỏi : - Khi nào cuộc phỏng vấn này sẽ đưa lên báo? - Nàng muốn biết chắc để gửi các phó bản về cho Florence và Douglas và những bạn bè khác của nàng tại quê nhà. Ben Cohn đứng dậy và nói mơ hồ : - Lúc này thì tôi giữ nó lại. - Có một cái gì đấy về tình hình làm ông bối rối. Vấn đề là ông không hiểu đấy là cái gì - Chúng ta sẽ nói chuyện sau. Sau khi ông đi, Beth và Tim vào phòng khách. - Ông ta tử tế không mẹ? - Ừ, - Nàng ngần ngại, không xác nhận - mẹ nghĩ thế. Sáng hôm sau, Stanton Rogers gọi điện. - Chào bà Ashley. Stanton Rogers đây. Giống như nghe giọng nói của một người bạn cũ. “Có lẽ vì ông là người duy nhất trong thành phố mà mình biết” - Mary nghĩ thế. - Chào ông Rogers. Cám ơn ông đã cho ông Burns đón chúng tôi tại sân bay và thu xếp khách sạn cho chúng tôi! - Tôi tin là bà hài lòng! Thật đáng yêu! - Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu chúng ta gặp nhau để thảo luận một số thủ tục mà bà sẽ phải trải qua. - Tôi muốn thế đấy. - Tại sao chúng ta hôm nay không dùng cơm trưa tại Grand nhỉ? Không xa khách sạn của bà đâu! Một giờ nhé? - Tốt thôi! - Tôi sẽ gặp bà ở phòng ăn dưới lầu nhé! Bắt đầu đấy. * * * * * Mary thu xếp cho con nàng ăn trong phòng vào lúc một giờ, một chiếc taxi đưa nàng đến khách sạn Grand. Mary nhìn nó sợ hãi. Khách sạn Grand là trung tâm quyền lực của thành phố. Các Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao khắp thế giới ở đấy và lý do thật dễ thấy: Đấy là một tòa nhà thanh nhã có một hành lang uy nghi và những tầng lầu bằng đá cẩm thạch ý, những cây cột duyên dáng đứng dưới trần nhà hình vòng cung. Có một sân cây cảnh, một vòi phun và một hồ bơi lộ thiên. Cầu thang đá cẩm thạch đưa xuống nhà hàng dạo mát, nơi Stanton Rogers đang đợi nàng. - Chào bà Ashley! - Chào ông Rogers! Ông cười. - Nghe trịnh trọng quá. Bà nghĩ thế nào về việc ta gọi nhau là Stan và Mary nhỉ? Nàng hài lòng. - Hay đấy! Stanton Rogers có vẻ khác khác thế nào ấy và Mary khó mô tả sự thay đổi ấy. Tại thị trấn Junction, ông có vẻ xa cách, hầu như là một sự căm ghét đối với nàng. Bây giờ điều ấy hình như đã tan biển hoàn toàn. Ông nồng nhiệt và thân mật. Sự khác biệt là ông ấy đã chấp nhận mình! - Mary nghĩ một cách sung sướng. - Bà muốn dùng một ly rượu chứ? - Không, cám ơn. Họ gọi bữa ăn trưa. Những món khai vị hình như quá đắt đối với nàng. - Không như giá cả tại thị trấn Junction đâu. - Giá phòng khách sạn của nàng là 250 đô-la một ngày. - “Dù thế nào, tiền của mình sẽ không kéo dài được mấy” - Mary nghĩ thế. - Stan, tôi không muốn có vẻ thô lỗ, nhưng ông có thể cho tôi biết lương đại sứ được bao nhiêu không? Ông bật cười. - Đấy là một câu hỏi thú vị. Lương của bà sẽ là 65.000 đô-la một năm cộng với phụ cấp nhà cửa. - Khi nào thì bắt đầu? - Lúc bà tuyên thệ. - Và từ bây giờ đến lúc ấy! - Bà sẽ được trả 75 đô-la một ngày. Tim nàng chùng xuống. Số tiền ấy sẽ không lo được ngay cả phiếu thanh toán tiền khách sạn của nàng, chưa kể đến những khoản chi tiêu khác nữa. - Tôi sẽ ở lại Washington có lâu không? - Mary hỏi. - Độ một tháng. Chúng tôi sẽ làm mọi việc theo khả năng để xúc tiến công việc của bà. Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi điện đến chính phủ Rumani để xin chấp thuận sự bổ nhiệm của bà. Nói riêng với bà nhé, đã có những cuộc thảo luận riêng tư giữa hai chính phủ. Sẽ chẳng có vấn đề gì với người Rumani cả, nhưng bà vẫn còn phải được Thượng nghị viện thông qua! - “Vậy là chính phủ Rumani sẽ chấp nhận mình” - Mary ngạc nhiên suy nghĩ - “Có lẽ mình có đủ điều kiện hơn là mình nhận thức được”. - Tôi đã hội ý không chính thức về việc bà với chủ tịch Ủy ban liên hệ ngoại giao của Thượng viện. Bước kế tiếp sau đấy sẽ là một cuộc tường trình công khai của toàn thể Ủy ban. Họ sẽ hỏi bà về gốc gác của bà, về sự trung thành của bà với quốc gia này, nhận thức của bà về công việc, và bà hy vọng hoàn thành những gì. - Sau đấy thế nào? - Ủy ban bỏ phiếu và khi họ nộp báo cáo, toàn thể Thượng viện sẽ bỏ phiếu. Mary chậm rãi nói : - Các việc bổ nhiệm đã được bổ nhiệm từ trước phải không? - Uy tín của Tổng thống còn chưa rõ với điều này. Bà sẽ được sự ủng hộ hoàn toàn của Tòa Bạch Ốc. Tổng thống tha thiết tiến hành việc bổ nhiệm bà càng nhanh càng tốt. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng bà và các cháu có thể thích đi xem phong cảnh trong ít ngày tới, nên tôi đã thu xếp một chiếc xe và một tài xế cho bà và một chuyến tham quan riêng tại Tòa Bạch ổc. - Ồ, cám ơn ông nhiều. Stanton Rogers mỉm cười. - Rất hân hạnh. * * * * * Chuyến tham quan riêng tại Tòa Bạch Ốc được thu xếp vào sáng hôm sau. Một người hướng dẫn đi theo họ. Họ được đưa qua vườn hồng Jacqueline Kennedy và khu vườn Mỹ kiểu thế kỷ 16 gồm một cái ao, cây cối và rau cỏ dùng cho nhà bếp của Tòa Bạch Ốc. - Trước mặt! - Người hướng dẫn thông báo - là cánh Đông: Đấy là các văn phòng quân sự, các liên lạc viên của Quốc hội với Tổng thống, một phòng khách và văn phòng của Đệ nhất phu nhân. Họ đi qua cánh Tây và nhìn vào Văn phòng Bầu dục của Tổng thống. - Họ có bao nhiêu phòng ở đây? - Tim lên tiếng hỏi. - Có 132 phòng, 69 chiếc tủ, 29 lò sưởi và 17 phòng tắm. - Chắc họ phải đến phòng tắm nhiều đấy! - Tổng thống Washington đã coi sóc việc xây cất Tòa Bạch Ốc. Ngài là vị Tổng thống duy nhất không bao giờ ở đây. - Tôi chẳng trách người đâu! - Tim lẩm bẩm - Nó quá lớn. Mary thúc khuỷu tay và nó đỏ mặt. Chuyến tham quan mất gần hai giờ và lúc chấm dứt, gia đình Ashley mệt lừ và xúc động. - “Đây là nơi tất cả đã khởi đầu”. - Mary nghĩ thế - “Và giờ đây mình là một thành phần của nó”. - Mẹ à! - Gì đó Beth? - Mặt mẹ có vẻ buồn cười đấy. Cú điện thoại từ văn phòng Tổng thống đến vào sáng hôm sau. - Chào bà Ashley. Tổng thống Ellison không biết liệu bà có thể có mặt chiều nay để gặp ngài không? Mary nhẫn nại. - Vâng. Tôi... dĩ nhiên. - Ba giờ thích hợp chứ? - Tốt đấy! - Một chiếc xe hòm sẽ đợi bà dưới lầu lúc 2 giờ 45. Paul Elhson đứng lên trong lúc Mary được đưa vào Văn phòng Bầu dục. Ông tiến đến bắt tay nàng, cười cởi mở và nói : - Gotcha. Mary cười : - Thưa Tổng thống, tôi hài lòng. Đây là một đặc ân lớn cho tôi đấy! - Ngồi xuống đi, bà Ashley. Cho phép tôi gọi bà là Mary chứ? - Xin ngài tự nhiên! Họ ngồi xuống trường kỷ. Tổng thống Ellison lên tiếng. - Bà sẽ là doppelganger của tôi đấy. Bà biết đấy là gì không? - Đấy là một loại tinh thần tương đồng của một con người sống! - Đúng. Và đấy là chúng ta. Mary, tôi không thể nói cho bà biết tôi đã phấn khởi như thế nào khi tôi đọc bài báo mới nhất của bà. Dường như tôi đang đọc lại điều tôi đã viết vậy. Có nhiều người không tin rằng kế hoạch giữa các dân tộc của chúng ta có thể thực hiện được, và tôi sẽ đùa họ đấy. Chương trình giữa các dân tộc của “chúng ta”. Chúng ta sẽ đùa họ. Ông ta là một “người phù phép” - Mary nghĩ thế. Nàng nói to : - Thưa Tổng thống, tôi muốn làm tất cả theo khả năng của mình. - Tổng thống đang trông cậy vào bà. Rất nhiều. Rumani là vùng đất thử nghiệm. Từ khi Groza bị ám sát, công việc của bà sẽ khó hơn. Nếu chúng ta có thể thành công ở đấy, chúng ta sẽ có thể thực hiện tại các quốc gia cộng sản khác. Họ bỏ ra thêm 30 phút nữa đe thảo luận một số vấn đề trước mắt, và rồi Paul Ellison nói : - Stanton Rogers sẽ sát cánh với bà. Ông ấy đã trở thành một người rất hâm mộ bà! - Ông chìa tay ra - Chúc may mắn, doppelganger ạ! * * * * * Chiều hôm sau, Stanton Rogers điện thoại cho Mary. - Bà có hẹn lúc 9 giờ sáng mai với chủ tịch Ủy ban liên hệ ngoại giao của Thượng Viện. Ủy ban liên hệ ngoại giao đặt văn phòng tại tòa nhà Russell, tòa nhà chính phủ cổ nhất tại Washington. Một tấm biển trong hành lang bên phải của ghi: Ủy ban liên hệ ngoại giao SD-419. Vị chủ tịch là một người đàn ông tóc muối tiêu, mập mạp với đôi mắt xanh sắc sảo và cử chỉ thoải mái của một chính trị gia chuyên nghiệp. Ông đón Mary ở cửa. - Charlie Campbell. Hân hạnh được gặp bà, bà Ashley ạ. Chắc chắn là tôi đã nghe nhiều về bà. “Tốt hay xấu?” - Mary tự hỏi. Ông đưa nàng đến một chiếc ghế. - Cà phê nhé? - Không. Cám ơn ngài Thượng nghị sĩ. - Nàng quá lo âu để cầm một cái tách trong tay. Vậy thì, chúng ta hãy đi thẳng vào công việc. Tổng thống nôn nóng để bà đại diện cho chúng ta tại Rumani. Đương nhiên, tất cả chúng tôi đều muốn ủng hộ ngài hoàn toàn bằng mọi cách có thể được. Câu hỏi là... bà có nghĩ rằng bà có đủ điều kiện để thi hành chức vụ ấy không, bà Ashley? - Không, thưa ngài. Câu trả lời của nàng làm ông sững sờ. - Xin lỗi bà? - Nếu ngài muốn hỏi rằng liệu tôi có kinh nghiệm ngoại giao nào không để đương đầu với các nước, thì tôi không đủ tư cách. Tuy nhiên, tôi đã được cho biết rằng một phần ba các vị đại sứ của quốc gia cũng là những người không có kinh nghiệm trước. Điều mà tôi sẽ mang lại cho công việc của tôi là một kiến thức về Rumani. Tôi quen thuộc với những vấn đề kinh tế, xã hội của họ và nền tảng chính trị của họ. Tôi tin rằng tôi có thể phản ánh một bức tranh tích cực của quốc gia chúng ta cho người Rumani. - “À” - Charlie Campbell ngạc nhiên suy nghĩ - “Mình đã hy vọng một cái đầu rỗng tuếch”. Thực sự, Campbell ghét Mary Ashley còn hơn trước khi gặp nàng nữa. Ông đã được cấp trên ra lệnh phải lo cho Mary Ashley được Ủy ban của ông chấp thuận, dù họ có nghĩ gì về nàng đi chăng nữa. Có nhiều tiếng cười khúc khích đang tiếp tục trong hệ thống quyền lực về điều rất sai lầm mà Tổng thống đã làm, bằng cách chọn một người quê mùa với danh từ một địa điểm gọi là thị trấn Junction, Texas. Nhưng... Trời ơi, mình nghĩ có lẽ mấy tên ấy sẽ kinh ngạc một chút đấy. Ông nói to : - Cuộc tường trình trước toàn thể Ủy ban sẽ tổ chức lúc 9 giờ sáng thứ tư! Đêm trước buổi tường trình, Mary hoảng sợ. “Anh yêu, khi họ chất vấn em về kinh nghiệm của em. Em sẽ nói gì với họ nhỉ? Rằng tại thị trấn Junction, em là nữ hoàng về việc nhà và rằng em đã thắng cuộc thi trượt tuyết ba năm liền ư? Em sợ đấy. Ồ em ước gì có anh ở đây với em”. Nhưng một lần nữa, sự mỉa mai chạm đến nàng. Nếu Edward còn sống, nàng sẽ không có mặt ở đây. Mình sẽ an toàn và ấm cúng ở nhà với chồng con, nơi mà mình thuộc về nó. Nàng nằm thức trắng đêm. * * * * * Cuộc tường trình được tổ chức tại phòng Ủy ban liên hệ ngoại giao của Thượng viện, với đầy đủ 15 uỷ viên hiện diện, ngồi trên một chiếc bục trước mặt một bức tường có treo bốn chiếc bản đồ thế giới rộng. Dọc phía trái của căn phòng là bàn báo chí đầy các phóng viên và ở trung tâm, là những chiếc ghế cho 200 thích giả. Các góc nhà sáng lóa cho máy quay phim, truyền hình. Căn phòng đông nghẹt người. Peter Connors ngồi ở hàng sau. Đột nhiên có tiếng suỵt khi Mary bước vào với Beth và Tim. Mary mặc chiếc váy đen và áo cánh trắng. Con nàng đã bị buộc phải bỏ những chiếc quần Jeans và áo pull để mặc những bộ áo quần lịch sự đẹp đẽ nhất của chúng. Ben Cohn, ngồi ở bàn báo chí, nhìn họ đi vào. - “Chúa ơi” - Ông ta nghĩ - “Họ trông như một miếng bìa Normal Rockwell”. Một người phục vụ cho con nàng ngồi tại một hàng ghế trước, và Mary được đưa đến chiếc ghế nhân chứng đối diện với Ủy ban. Nàng ngồi dưới vòng ánh sáng của những chiếc đèn nóng, cố gắng che đậy sự lo âu của mình. Cuộc tường trình bắt đầu. Charlie Campbell mỉm cười với Mary. - Chào bà Ashley. Chúng tôi cám ơn bà đã ra trước Ủy ban này. Chúng tôi sẽ tiến hành với những câu hỏi. Họ bắt đầu khá ngây thơ. - Quả phụ...? - Con cái...? Các câu hỏi nhẹ nhàng và có vẻ khích lệ. - Theo lý lịch mà chúng tôi đã được cung cấp, bà Ashley, trong nhiều năm qua, bà đã dạy khoa chính trị tại Trường đại học Tiểu bang Kansas. Việc ấy có đúng không? - Thưa ngài, vâng. - Bà sinh trưởng tại Kansas à? - Vâng, thưa Thượng nghị sĩ. - Ông bà của bà là người Rumani à? - Ông tôi. Vâng, thưa ngài. - Bà đã viết một cuốn sách và những bài viết về việc nối lại tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc khối Xô viết phải không? - Vâng, thưa ngài. - Bài viết cuối cùng được in trên tạp chí “Những vấn đề ngoại giao” và được Tổng thống chú ý phải không? - Theo sự hiểu biết của tôi là như thế. - Bà Ashley, xin bà vui lòng cho Ủy ban này biết tiền đề căn bản của bài viết của bà là gì? Sự lo âu của nàng tan biến nhanh chóng. Giờ đây, nàng đang đứng trên vùng đất vững chắc vì thảo luận về một đề tài mà nàng nắm rất vững. Nàng cảm thấy như nàng đang hướng dẫn một cuộc hội thảo chuyên đề ở trường. - Nhiều hiệp ước kinh tế cấp vùng vừa xuất hiện trên thế giới và bởi vì các hiệp ước ấy đều riêng biệt với nhau nên được dùng để phân chia thế giới thành những khối cạnh tranh và tương phản nhau, thay vì đoàn kết lại. Tây u có Thị Trường Chung, Khối Đông u có COMECON và rồi còn có OECD gồm các quốc gia thị trường tự do và phong trào không liên kết của các nước thế giới thứ ba. Tiền đề của tôi rất đơn giản. Tôi muốn thấy tất cả những tổ chức khác nhau và khép kín này liên kết lại với nhau bằng những sự ràng buộc về kinh tế. Những cá nhân tham gia vào một cổ phần có lợi không giết nhau. Tôi tin rằng cũng nguyên tắc ấy được áp dụng cho các quốc gia. Tôi muốn thấy rằng các quốc gia chúng ta phát động một phong trào để thành lập một thị trường chung bao gồm cả đồng minh và đối lập. Hiện nay, ví dụ chúng ta đang trả hàng tỉ đô-la để trữ ngũ cốc thặng dư trong các kho ngũ cốc trong lúc dân chúng trong hàng chục quốc gia đang chết đói. Thị trường chung của một thế giới duy nhất có thể giải quyết được vấn đề ấy. Nó có thể chữa được những sự bất bình đẳng trong phân phối với những giá thị trường phải chăng cho mỗi người. Tôi muốn tìm cách cho việc ấy xảy ra. Thượng nghị sĩ Harold Turkel, một uỷ viên kỳ cựu của Ủy ban liên hệ ngoại giao và là một đảng viên của đảng đối lập, lên tiếng. - Tôi muốn hỏi người được bổ nhiệm ít câu hỏi. Ben Cohn chồm tới trên chiếc ghế. - Nào chúng ta bắt đầu. - Thượng nghị sĩ Turkel độ 70 tuổi, nghị lực và góc cạnh, là một người thô lỗ có tiếng - Bà Ashley, đây là lần đầu tiên bà đến Washington phải không? - Vâng, thưa ngài. Tôi nghĩ rằng đây là một trong... - Tôi cho rằng bà đã đi lại nhiều chứ? - À, không. Chồng tôi và tôi đã định đi, nhưng... - Có bao giờ bà đến New York chưa? - Không, thưa ngài. - California? - Không, thưa ngài! - Đi châu u? - Không. Như tôi đã nói, chúng tôi đã dự định... - Thực sự có bao giờ bà đã ở ngoài tiểu bang Kansas chưa, bà Ashley? - Có. Tôi đã thuyết trình tại Trường đại học Chicago và hàng loạt cuộc nói chuyện tại Denver và Atlanta. Turkel lạnh lùng nói : - Bà Ashley, điều ấy có lẽ rất thú vị cho bà đấy. Tôi không thể nhắc lại khi nào Ủy ban này đã được yêu cầu chấp thuận cho một ứng viên kém khả năng đối với một chức vụ đại sứ cả. Bà hy vọng đại diện Hoa Kỳ trong một quốc gia nhạy bén Đông u và bà bảo chúng tôi rằng toàn bộ kiến thức của bà về thế giới xuất phát từ cuộc sống tại thị trấn Junction, Kansas, và trải qua một ít ngày tại Chicago, Denver và Atlanta. Đúng không? Mary ý thức được các máy quay phim truyền hình đang tập trung vào mình nên nàng nén giận. - Không, thưa ngài. Kiến thức về thế giới của tôi xuất phát từ sự nghiên cứu nó. Tôi có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị và tôi đã giảng dạy tại Trường đại học Kansas năm năm với trọng tâm là các quốc gia Đông u. Tôi quen thuộc với các vấn đề hiện nay của dân tộc Rumani và việc chính phủ của họ nghĩ gì về Hoa Kỳ và tại sao. - Giọng của nàng giờ đây mạnh hơn - Tất cả những gì họ biết về đất nước ta là do các bộ máy tuyên truyền của họ bảo họ. Tôi muốn đến đấy và thuyết phục họ rằng Hoa Kỳ không phải là một quốc gia tham lam, hiếu chiến. Tôi muốn chỉ cho họ thấy một gia đình Mỹ đặc thù như thế nào. Tôi... Nàng bỗng dừng lại, sợ mình đã đi quá xa trong cơn nóng giận. Và rồi, thật bất ngờ cho nàng, các uỷ viên của Ủy ban bắt đầu vỗ tay. Tất cả trừ Turkel. Cuộc chất vấn tiếp tục. Một giờ sau, Charlie Campbell hỏi : - Còn câu hỏi nào nữa không? - Tôi nghĩ rằng người được bổ nhiệm đã trình bày rất rõ ràng. - Một thượng nghị sĩ lên tiếng nhận xét. - Tôi đồng ý. Cám ơn bà Ashley. Khóa họp này được hoãn lại. Peter Connors quan sát Mary, với vẻ suy tư trong một lúc, rồi lặng lẽ bỏ đi trong lúc các thành viên báo chí đổ xô quanh nàng. - Việc bổ nhiệm của Tổng thống có phải là một việc bất ngờ đối với bà không? - Bà có nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận việc bổ nhiệm bà không, bà Ashley? - Bà có thực sự tin rằng việc giảng dạy về một quốc gia tạo cho bà đầy đủ tư cách để... - Quay hướng này, bà Ashley. Xin vui lòng mỉm cười. Một lần nữa. - Bà Ashley... Ben Cohn đứng xa những người khác, quan sát và lắng nghe. - “Bà ấy tốt” - Ông nghĩ - “Bà ấy có tất cả những câu trả lời hợp lý. Mình mong có được những câu hỏi hợp lý vô cùng”. * * * * * Khi Mary trở về lại khách sạn, cảm xúc tê liệt, Stanton Rogers đang nắm điện thoại. - A lô, bà Đại sứ. Nàng cảm thấy choáng váng vì nhẹ nhõm. - Ông muốn nói rằng tôi đã thành công à, ông Stan? Cám ơn ông thật nhiều. Tôi không thể nói với ông rằng tôi phấn khởi như thế nào đâu? - Tôi cũng vậy, Mary! - Giọng nói của ông đầy vẻ tự hào. Khi Mary nói với con nàng, chúng nó ôm chầm lấy nàng. - Con biết mẹ phải thànhh công! - Tim reo lên. Beth điềm tĩnh hỏi : - Mẹ có nghĩ rằng bố biết không? - Mẹ chắc chắn rằng bố biết đấy, con yêu. - Mary mỉm cười - Mẹ sẽ không ngạc nhiên nếu bố thúc cho Ủy ban một cái khuỷu tay nhẹ nhẹ! Mary điện thoại cho Florence, và khi Florence nghe tin, nàng bắt đầu khóc : - Kỳ quái thật! Hãy đợi cho đến lúc tôi loan tin này khắp thành phố đã. Mary cười. - Tôi sẽ dành sẵn một phòng cho chị và Douglas tại Tòa đại sứ đấy. - Khi nào chị đi Rumani? - À, đầu tiên toàn thể Thượng nghị viện phải bỏ phiếu đã, nhưng Stan nói rằng việc ấy chỉ là thủ tục thôi. - Sau đấy thế nào? - Tôi phải qua ít tuần tại các buổi thuyết trình tại Washington, và rồi tôi và các cháu sẽ lên đường đi Rumani. - Tôi không thể đợi để gọi đến tòa báo Daily Union. - Florence thét lên - Thành phố có lẽ sẽ dựng một bức tượng cho chị đấy. Bây giờ tôi phải đi đây. - Tôi quá xúc động để nói chuyện. Tôi sẽ gọi điện cho chị vào ngày mai. Ben Cohn nghe kết quả cuộc tường trình thừa nhận khi ông trở về văn phòng. Ông vẫn còn băn khoăn. Và ông không biết tại sao. Chương 14 Như Stanton Rogers tiên đoán cuộc bỏ phiếu của toàn thể Thượng nghị viện chỉ là thủ tục. Mary được đa số đông đủ bỏ phiếu thuận. Khi Tổng thống Ellison nghe tin, bảo ngay Stanton Rogers : - Chương trình của chúng ta đang tiến hành, Stan ạ. Bây giờ chẳng có gì có thể ngăn cản chúng ta được. Stanton Rogers gật đầu đồng ý : - Chẳng có gì cả. Peter Connors đang ở văn phòng khi ông nhận được tin. Ông thảo ngay một công điện và mã hóa nó. Một trong những nhân viên của ông đang trực tại phòng truyền tin CIA. - Tôi muốn dùng hệ thống Rogers. - Connors nói - Hãy đợi bên ngoài. Hệ thống Rogers là một hệ thống truyền tin tối mật của CIA, chỉ có những ủy viên chấp hành cao cấp nhất mới được phép dùng. Các công điện được chuyển đi bằng một máy phát bằng tia lazer, trên một tần số cực cao trong một phần giây. Connors còn lại một mình, ông chuyển bức điện. Nó được gửi cho Sigmund. Suốt tuần lễ tiếp theo, Mary ghé đến thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ngành CIA, Bộ trưởng thương mại, các Giám đốc Ngân hàng dịch vụ Manhattan tại New York và nhiều tổ chức Do Thái quan trọng. Mỗi người đều cho những lời cảnh cáo, khuyên răn và yêu cầu. Ned Tillngast tại CIA rất phấn khởi. - Đưa người của chúng ta trở lại hoạt động ở đấy thật là việc làm lớn lao đấy, bà Đại sứ ạ. Rumani đã trở thành điểm mù của chúng ta từ khi chúng ta trở thành những người thất sủng. Tôi sẽ bổ nhiệm cho Tòa đại sứ của bà một người với tư cách là tùy viên của bà. - Ông đưa mắt nhìn nàng đầy ý nghĩa - Tôi chắc bà sẽ hợp tác hoàn toàn với ông ấy. Mary không hiểu chính xác điều ấy có nghĩa là gì “Đừng hỏi” - nàng quyết định. Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của các tân đại sứ theo thông lệ được Bộ trưởng Ngoại giao chủ tọa và thường hay có từ 25 đến 30 ứng viên tuyên thệ cùng một lúc. Sáng hôm buổi lễ được tổ chức, Stanton điện thoại cho Mary. - Mary, Tổng thống yêu cầu bà có mặt tại Tòa Bạch Ốc vào trưa nay. Tổng thống sẽ đích thân cho bà tuyên thệ. Hãy mang Tim và Beth theo. Văn phòng bầu dục đầy các nhân viên báo chí. Khi Tổng thống Ellison bước vào với Mary và các con nàng, các máy quay phim truyền hình bắt đầu quay và các máy quay phim cố định bắt đầu nháy. Mary đã ở nửa giờ trước cùng với Tổng thống và ngài đón tiếp nồng hậu và trấn an nàng. - Bà thật tuyệt cho việc bổ nhiệm này! - Ông bảo nàng - như thể tôi không hề chọn bà vậy. Bà và tôi sẽ biến giấc mơ này thành sự thật đấy. “Và quả thật có có vẻ giống như một giấc mơ đấy” - Mary nghĩ thế trong lúc nàng đối diện với dàn máy quay phim. - Nào, đưa tay phải lên! Mary làm theo Tổng thống. - Tôi, Mary Elizabeth Ashley, xin long trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp của Hoa Kỳ chống lại tất cả những kẻ thù trong và ngoài nước, rằng tôi sẽ thực sự tin tưởng và trung thành với Hiến pháp, rằng tôi nhận nhiệm vụ này một cách tự do và không hề ngầm hạn chế tán thành đẩy đủ và trung thành nào cả, rằng tôi sẽ hoàn thành đầy đủ và trung thành các nghĩa vụ của văn phòng mà tôi sắp bước vào, xin Thượng Đế giúp tôi. Và thế là xong. Nàng trở thành vị đại sứ tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumani. * * * * * Công việc buồn tẻ bắt đầu. Mary được lệnh đến trình diện tại Ban Vụ châu u và Nam Tư của Bộ Ngoại giao, tọa lạc tại Tòa Nhà Nhỏ trông ra các Đài kỷ niệm Washington và Lincoln. Ở đấy nàng được giao cho một văn phòng nhỏ, tạm thời, như cái hộp cạnh tổ công tác Rumani. James Stickley, sĩ quan tổ công tác Rumani, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có 25 năm trong nghề. Ông ta trạc cuối ngũ tuần, tầm vóc trung bình, với một khuôn mặt xảo quyệt và đôi môi mỏng, nhỏ. Đôi mắt ông ta màu nâu nhạt lạnh lẽo. Ông ta nhìn khinh bỉ những chính trị gia được bổ nhiệm nào xâm nhập vào thế giới của ông. Ông ta được xem là chuyên viên xuất sắc nhất về tổ công tác Rumani, và khi Tổng thống Ellison loan báo kế hoạch của ông nhằm hỗ trợ một vị đại sứ tại Rumani, Stiekley đã bàng hoàng vì ông ta hoàn toàn hy vọng rằng chức vụ ấy sẽ được trao cho ông ta. Tin tức về Mary Ashley là một đòn cay đắng. Thực khá tệ vì đã bị bỏ qua, nhưng bị mất mặt với một chính trị gia được bổ nhiệm - một người không tên tuổi từ Kansas - là một điều thật xúc phạm. - Cậu có thể tin được không? - Ông ta lên tiếng hỏi Bruce, người bạn thân nhất của ông ta - Phân nửa những vị đại sứ của chúng ta đều là loại quái quỷ gì ấy. Việc ấy không bao giờ có thể xảy ra tại Anh hoặc Pháp đâu nhé. Họ dùng các sĩ quan tại ngũ rành nghề. Quân đội có gọi một tay tài tử làm tướng không nhỉ? Mà thôi, ở hải ngoại, những tay đại sứ tài tử quái quỷ của chúng ta làm tướng cả đấy. - Cậu say rồi, Jimbo ạ. - Tôi sẽ còn say hơn nữa. Bây giờ ông ta dò xét Mary Ashley trong lúc nàng ngồi đối diện bàn làm việc của ông ta. Mary cũng dò xét ông ta. Có một điều gì đấy trông bần tiện ở ông ta. - “Mình sẽ không muốn biến ông ta thành kẻ thù” - Mary nghĩ thế. - Bà có nhận thức rằng bà sắp được đưa đến một chức vụ cực kỳ bén nhạy không, bà Ashley? - Vâng, dĩ nhiên. Tôi... - Vị đại sứ tiền nhiệm của chúng ta đã bước sai một bước và toàn bộ mối liên hệ đã nổ tung vào mặt chúng ta. Chúng ta phải mất ba năm để bước lại vào cái cửa ấy. Tổng thống sẽ điên lên nếu chúng ta cho nó nổ trở lại đấy. - Nếu ta cho nó nổ, ông ta muốn nói như thế. - Chúng tôi sẽ phải biến bà thành một chuyên viên tức khắc. Chúng tôi không có nhiều thì giờ. Ông ta trao cho nàng một ôm hồ sơ. - Bà có thể bắt đầu bằng cách đọc những báo cáo này. - Tôi sẽ bỏ cả buổi sáng của tôi cho nó! - Không. Trong vòng 30 phút nữa, theo chương trình bà sẽ bắt đầu học tiếng Rumani. Lớp học thường mất hàng tháng, nhưng tôi được lệnh phải dạy bà thật căng. Thời gian đã biến thành một vết lem, một cơn lốc hoạt động làm Mary kiệt sức. Mỗi buổi sáng, nàng và Stickley phải cùng nhau xem qua các hồ sơ hàng ngày của tổ công tác Rumani. - Tôi sẽ đọc những công điện bà gửi đến Stickley cho nàng biết. - Những bản màu vàng là về hoạt động, những bản màu trắng là tin tức. Những bản sao các công điện của bà sẽ được gửi đến Bộ quốc phòng, CIA, USIA, Bộ văn khố và hàng chục các bộ khác. Một trong những vấn đề đầu tiên mong đợi bà giải quyết là những người Mỹ đang bị giữ trong các nhà tù Rumani. Chúng ta muốn họ được thả ra. - Họ bị kết tội gì! - Gián điệp, ma túy, trộm cắp, bất cứ thứ gì người Rumani muốn kết tội. Mary không biết phải xoay sở cách nào để được một lệnh tha cho một tội phạm gián điệp cả. Mình sẽ tìm ra cách! - Đúng - Nàng nói cộc lốc. - Hãy nhớ Rumani là một trong những quốc gia Đông u độc lập hơn cả. Chúng ta sẽ phải khuyến khích thái độ ấy. - Đúng như thế. Stickley nói. - Tôi sẽ cho bà một cái gói. Đừng để nó rời khỏi tay bà. Chỉ bà được xem thôi. Khi bà đã đọc và tiêu thụ nó xong, tôi muốn bà đích thân giao cho tôi vào sáng mai. Còn câu hỏi nào nữa không? - Không, thưa ngài! Ông ta trao cho nàng một phong bì dày dán bằng băng keo đỏ. - Xin mời, ký vào đây. Nàng thở dài. * * * * * Suốt chuyến đi trở về khách sạn, Mary kẹp nó chặt vào đùi, cảm thấy mình như nhân vật trong một phim James Bond. Con nàng đã mặc quần áo chỉnh tề đợi nàng. - “Ồ!” - Mary nhớ lại - “Mình đã hứa đưa chúng đi ăn cơm Tàu và xem phim”. - Các con, - Nàng nói - có một sự thay đổi kế hoạch. Chúng ta sẽ đi ngắm cảnh vào một buổi chiều khác. Tối nay, chúng ta sẽ ở nhà và ăn tối trong phòng. Mẹ có việc khẩn cấp phải làm. - Được thôi, mẹ ạ. - Đồng ý. Và Mary nghĩ: “Trước khi Edward mất, có lẽ chúng đã thét lên như giặc. Nhưng chúng đã phải trưởng thành. Tất cả chúng ta đều phải trưởng thành”. Nàng ôm cả hai đứa vào lòng. - Mẹ sẽ đền cho các con. - Nàng hứa. Vậy mà James Stickley trao cho nàng không tin được. - “Chẳng lạ gì khi ông ta muốn đòi lại ngay” - Mary nghĩ thế. Đó là những báo cáo chi tiết về mọi viên chức quan trọng của Rumani, từ chủ tịch xuống đến bộ trưởng thương mại. Đó là hồ sơ về những thói quen tình dục, sử dụng tài chánh, bạn bè, những nét cá biệt và thành kiến của họ. Một số tài liệu thật trắng trợn. Bộ trưởng thương mại, ví dụ, hay ngủ với tình nhân và người tài xế trong lúc vợ ông ta quan hệ với người hầu. Mary thức đến nửa đêm để học thuộc tên và những lỗi nhỏ của những người nàng sẽ phải đương đầu. - Mình không biết liệu mình sẽ có thể giữ được một khuôn mặt chân thật khi gặp họ không? Buổi sáng, nàng trả lại các tài liệu mật. Stickley nói : - Được rồi, bây giờ thì bà đã biết mọi việc cần biết về các lãnh tụ Rumani rồi! - Xong một số đấy. - Mary nói nhỏ. - Có một điều bà nên ghi nhớ: lúc này bọn Rumani đã biết mọi việc cần phải biết về bà đấy. - Họ sẽ không làm được gì nhiều đâu. - Mary nói. - Không à? - Stiekley dựa vào thành ghế - Bà là một người phụ nữ và bà cô đơn. Bà có thể chắc chắn rằng họ đã ghi nhận bà là một mục tiêu dễ dàng đấy. Họ sẽ tấn công vào sự cô đơn của bà. Mọi hành vi của bà sẽ được quan sát và ghi hồ sơ. Tòa đại sứ và dinh của bà sẽ bị soi mói. Tại các quốc gia cộng sản, chúng ta bị buộc phải dùng các “ban tham mưu địa phương”, nên mọi kẻ giúp việc trong dinh sẽ là nhân viên của công an Rumani đấy. -“Ông ta định làm cho mình hoảng sợ” - Mary nghĩ thế - “Mà thôi, chẳng ăn nhằm gì đâu”. Mỗi giờ trong ngày của Mary hình như đều được trưng dụng và hầu hết các buổi chiều cũng thế. Ngoài các bài học ngôn ngữ Rumani, chương trình của nàng còn bao gồm một lớp tại Viện Ngoại giao tại Rosslyn, các cuộc thuyết minh tại cơ quan tình báo quốc phòng, các buổi họp với Bộ trưởng ISA - Các vấn đề an ninh quốc tế - và với các Ủy ban thượng viện. Tất cả đều có những yêu cầu, các lời khuyên, các câu hỏi. Mary cảm thấy có tội đối với Beth và Tim. Nhờ sự giúp đỡ của Stanton Rogers, nàng đã tìm được một người giám hộ cho con nàng. Thêm vào đấy, Beth và Tim đã gặp được một số trẻ con khác sống trong khách sạn, nên ít ra chúng cũng có được một số bạn để chơi; tuy nhiên, nàng vẫn không thích bỏ bê chúng quá nhiều. Mary coi là quan trọng việc ăn điểm tâm với con mỗi buổi sáng trước khi nàng đi tham dự lớp ngoại ngữ lúc 8 giờ tại viện. Môn ngoại ngừ thật khó tin được. Mình còn kinh ngạc tại sao người Rumani có thể nói thứ tiếng ấy được nhỉ. - Nàng học to những câu - Chào - Bumă Dimineata - Cám ơn - Multamésc - Không sao - Cu Plăcére - Tôi không hiểu. - Nu Inteleg - Thưa ngài - Domnule - Thưa cô - Domniscara. Và chẳng có từ nào được đọc theo vần của nó cả. Beth và Tim ngồi nhìn nàng vất vả với bài làm ở nhà của nàng và Beth cười toe toét. - Đây là sự trả thù của chúng con về việc mẹ bắt chúng con học các bản cửu chương đấy. * * * * * James Stickley nói : - Bà Đại sứ, tôi muốn bà gặp tùy viên quân sự của bà, đại tá William Mc Kinney. Bill Mc Kinney mặc thường phục nhưng với tư cách quân sự của ông, nó lại trông giống một bộ quân phục. Ông ta là một người trung niên cao lớn có một khuôn mặt phong trần chằng chịt những vết sẹo. - Thưa bà Đại sứ. - Giọng ông chói tai và nặng nề như có một vết thương ở cổ. - Tôi hài lòng được gặp ông. - Mary nói. Đại tá Mc Kinney là nhân viên tham mưu đầu tiên của nàng và việc gặp ông làm nàng có một ý thức phấn khởi. Nó có vẻ như đưa vị trí mới của nàng đến gần hơn. - Tôi mong được làm việc với bà tại Rumani. Đại tá Mc Kinney lên tiếng. - Trước đây ông đã đến Rumani chưa? Vị đại tá và James Stickley trao đổi nhau một cái nhìn. - Ông ấy đã đến đấy trước kia. - Stickley đáp. Mọi buổi chiều thứ hai, các phiên họp ngoại giao dành cho các tân đại sứ được tổ chức trong một phòng họp trên tầng tám của Bộ Ngoại giao. “Trong công tác ngoại giao, chúng ta có một hệ thống chỉ huy chặt chẽ, - lớp học được cho biết như thế. - Trên cùng là đại sứ. Dưới ông ta (dưới nàng, Mary tự động nghĩ thê) - là DCM - Phó trưởng phái đoàn. Dưới ông ta (dưới nàng) - có lãnh sự chính trị, lãnh sự kinh tế, lãnh sự hành chánh và lãnh sự các vấn đề công cộng. Rồi quí vị có các tùy viên nông nghiệp, thương mại và quân sự. - Đấy là đại tá Mc Kinney” - Mary nghĩ thế - “Khi quý vị đến nhiệm sở mới, quý vị sẽ được quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao. Quý vị không bị bắt vì lái xe nhanh, lái xe lúc say rượu, đốt nhà hoặc ngay cả việc sát hại. Khi quý vị chết, chẳng ai được chạm đến xác quý vị, hoặc khám xét bất cứ giấy tờ gì quý vị có thể bỏ lại. Quý vị sẽ không phải trả các phiếu mua - các cửa hiệu không thể kiện quý vị”. Có ai đất trong lớp la to, “Đừng để vợ tôi nghe điều ấy”. Giảng viên liếc đồng hồ. - Trước buổi học tới, tôi đề nghị quý vị nghiên cứu Sách hướng dẫn các vấn đề ngoại giao, chương 2. Đoạn 300, đề cập đến các quan hệ xã hội. Cám ơn quý vị. Mary và Stanton Rogers dùng bữa trưa tại khách sạn Watergate. - Tổng thống Ellison muốn bà làm một số việc truyền thông đại chúng cho ngài - Rogers nói. - Loại việc truyền thông đại chúng nào vậy? - Chúng ta sẽ thiết lập một số việc mang tính chất quốc gia. Họp báo, radio, truyền hình chẳng hạn. - Tôi chưa bao giờ, mà thôi, nếu điều ấy quan trọng, tôi sẽ cố gắng. - Tốt. Chúng tôi sẽ phải cho bà một tủ quần áo mới. Bà không thể ngồi chụp ảnh hai lần với bộ quần áo cũ. - Stan, việc ấy sẽ mất cả một gia tài đấy. Ngoài ra, tôi không có thì giờ để đi phố. Tôi bận từ sáng sớm cho đến khuya. Nếu... - Chẳng có gì đáng lo cả. Helen Moody. - Gì thế? - Bà ấy là một trong những người đi mua hàng chuyên nghiệp hàng đầu tại Washington. Chỉ việc giao mọi việc cho bà ấy. * * * * * Helen Moody là một phụ nữ da đen duyên dáng đã thôi việc. Chị đã từng là một người mẫu thành công trước khi bắt đầu công việc đi mua hàng riêng. Chị xuất hiện tại phòng khách sạn của Mary vào một buổi sáng sớm và bỏ ra một giờ để xem qua tủ áo của nàng. - Rất tốt cho thị trấn Junction, - Chị nói thẳng - nhưng chúng ta phải diện thật đẹp tại Washington DC chứ, đúng không nào? - Tôi không có nhiều tiền để... Helen Moody cười to. - Tôi biết cách trả giá. Và chúng ta sẽ nhanh thôi. Bà sẽ cần một chiếc áo dạ hội dài chấm đất, một chiếc áo cho các bữa tiệc cốc tai và các cuộc tiếp tân buổi chiều, một chiếc áo buổi xế cho các bữa tiệc trà và các bữa tiệc trưa, một bộ đồ mặc dạo phố hoặc mặc trong văn phòng, một chiếc áo đen, và một khăn quàng đầu thích hợp cho các tang lễ chính thức. Việc mua hàng mất ba ngày. Khi xong việc, Helen Moody ngắm Mary Ashley. - Bà vốn đẹp, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta còn có thể làm cho bà đẹp hơn nữa. Tôi muốn bà đến gặp Susan tại Rainbow để làm mặt và rồi tôi sẽ đưa bà đến Billy tại Sushine để làm tóc. Vào buổi chiều sau, Mary tình cờ gặp Stanton Rogers tại một bữa ăn chiều thân mật tổ chức tại CorcoLan Gallery. Ông ta nhìn Mary mỉm cười. - Bà trông đẹp mê hồn đấy. Cuộc tấn công chớp nhoáng của đám truyền thống báo chí bắt đầu. Đạo diễn là Ian Villlers, Trưởng Ban liên lạc báo chí của Bộ Ngoại giao. Villiers trạc cuối tứ tuần, một cựu nhà báo hiếu động, có vẻ như quen biết tất cả mọi người trong đám báo chí. Mary bỗng thấy mình đứng trước ống kính của đài Good Morning America, Meet The Press, và Firing Line. Nàng bị tờ Washington Post, tờ New York Times và nửa chục các nhật báo quan trọng khác phỏng vấn. Nàng trả lời phỏng vấn của tờ Times của London, Der Spiegel, Oggi và Le Monde. Tạp chí Time viết các bài đặc biệt về nàng và con nàng. Ảnh của Mary Ashley hình như có khắp nơi và bất cứ nơi nào có loan tin về một biến cố tại một góc xa xăm nào đấy của thế giới, nàng đều bị yêu cầu cho lời bình phẩm. Tối đến, Mary và con nàng trở thành những nhân vật nổi danh. Tim nói : - Mẹ ơi, thật như có ma quỷ ấy, khi trông thấy ảnh của mình trên bìa của tất cả các tạp chí. - Đúng là ma quy thật đấy. - Mary đồng ý. Dù sao nàng cũng cảm thấy khó chịu về tất cả những việc đăng tải ấy. Nàng nói với Stanton Rogers về việc ấy. - Hãy nhìn vào đấy như là một phần việc của bà. Tổng thống đang tìm cách tạo nên một hình ảnh. Lúc bà đến châu u, mọi người ở đấy sẽ biết bà là ai. Ben Cohn và Akiko đang nằm trên giường, khỏa thân, Akiko là một cô gái Nhật đáng yêu, trẻ hơn chàng phóng viên 10 tuổi. Họ đã gặp nhau ít năm trước khi chàng viết một chuyện về các người mẫu và họ đã sống chung với nhau kể từ đấy. Cohn đang có điều gì đấy. - Có vấn đề gì đấy, anh? - Akiko dịu dàng hỏi - Anh có muốn em tiếp tục với anh thêm nữa không? Tâm trí chàng đang để mãi tận đâu đâu. - Không. Anh đang có điều bực mình. - Em không thấy, nàng ghẹo. - Nó ở trong đầu anh, Akiko ạ. Anh bực mình về một Connors. Có điều gì đấy kỳ lạ, xảy ra trong thành phố này. - Có điều gì mới lạ đâu nào? - Điều này khác hẳn. Anh không thể hình dung ra được. - Anh muốn nói về chuyện ấy không? - Đấy là Mary Ashley. Anh đã trông thấy bà ấy trên bìa của sáu tạp chí trong hai tuần lễ qua và bà ấy vẫn chưa nhận nhiệm sở? Akiko à, có ai đấy đang quảng cáo cho bà Ashley như một minh tinh điện ảnh. Bà ấy và hai đứa con được đăng loạn xạ khắp các tờ báo và tạp chí. Tại sao vậy nhỉ? - Em được cho là người duy nhất có đầu óc Đông Phương ma mãnh. Em nghĩ rằng người ta đang làm cho phức tạp một việc rất đơn giản. Ben Cohn đốt một điếu thuốc và giận dữ bập mạnh : - Em có thể đúng đấy. - Chàng lẩm bẩm. Nàng lần tay xuống và bắt đầu mơn trớn chàng. - Anh thấy thế nào về việc tắt điếu thuốc ấy đi và đốt em lên? * * * * * - Có một bữa tiệc được tổ chức để chiêu đãi Phó Tổng thống Bradford, - Stanton Rogers báo cho Mary biết - và tôi đã thu xếp để bà được mời đến. Vào tối thứ sáu tại Câu lạc bộ Pan American. Câu lạc bộ Pan American là một tòa nhà rộng, yên tĩnh có một khoảng sân trong thật rộng và thường xuyên được dùng cho những buổi tiệc họp mặt ngoại giao. Bữa ăn tối chiêu đãi phó Tổng thống là một công việc công phu với những chiếc bàn bày dao mạ bạc cổ xưa bóng loáng và những chiếc cốc Baccarat lấp lánh. Có một ban nhạc nhỏ. Danh sách thực khách gồm những nhân vật ưu tú của thủ đô. Ngoài ông bà Phó Tổng thống, còn có các thượng nghị sĩ, các đại sứ và các nhân vật nổi tiếng thuộc mọi tầng lớp xã hội. Mary nhìn quanh cuộc họp mặt quyến rũ. - “Mình phải nhớ mọi việc để có thể kể lại cho Beth và Tim nghe” - Nàng nghĩ thế. Khi bữa ăn tối được loan báo, Mary bỗng thấy mình hòa lẫn vào một bàn ăn một cách thú vị với các thượng nghị sĩ, các viên chức và các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Người nào cũng trông hấp dẫn và bữa ăn tuyệt vời. Lúc 11 giờ, Mary nhìn đồng hồ và nói với vị thượng nghị sĩ bên phải nàng : - Tôi không hay về khuya đến thế. Tôi đã hứa với con tôi là sẽ về sớm đấy. Nàng đứng dậy và gật đầu với những người ngồi cùng bàn. - Thật là thích thú được gặp tất cả các ngài. Chúc ngủ ngon. Có một sự im lặng đầy kinh ngạc và mọi người trong phòng tiệc rộng lớn quay lại để nhìn Mary trong lúc nàng bước qua sàn khiêu vũ và đi ra. - Ồ Chúa ơi! - Stanton Rogers nói nhỏ - không một ai bảo cho bà ấy biết cả. Stanton Rogers ăn sáng với Mary sáng hôm sau. - Mary! - Ông nói - Đây là một thành phố giữ luật lệ nghiêm ngặt. Nhiều người ngu xuẩn, nhưng tất cả chúng ta phải sống nhờ họ đấy. - Ồ! Tôi đã làm gì thế? Ông thở dài. - Bà đã hủy luật số một: Không ai được phép rời bàn tiệc trước người khách danh dự. Đêm qua, người khách danh dự đấy là Phó Tổng thống Hoa Kỳ. - Ồ, trời ơi! - Phân nửa số điện thoại tại Washington đều gọi toáng lên cả đấy. - Tôi xin lỗi, Stan. Tôi không biết. Dù sao, tôi đã hứa với bọn trẻ... - Chẳng có bọn trẻ nào cả tại Washington, chỉ có cử chỉ trẻ thôi. Thành phố này là của quyền lực. Đừng bao giờ quên điều ấy. Tiền bạc chứng tỏ là một vấn đề giá sinh hoạt khủng khiếp. Giá cả mọi thứ tại Washington hình như đối với Mary đều cao quá. Nàng giao một số đồ cần giặt ủi cho người phục vụ khách sạn và khi nàng nhận được phiếu, nàng sững sờ. - 5 đô-la rưỡi để giặt một cái áo cánh, - nàng nói. - Và một đô-la 95 cho một cái xu chiêng? - Thôi đi, - Nàng thề như thế - từ nay mình sẽ tự giặt lấy. Nàng ngâm bít tất dài của nàng trong nước lạnh và cho vào tủ lạnh. Bằng cách ấy, các thứ giữ gìn được lâu hơn. Nàng giặt bít tất, khăn tay và quần lót của con nàng cùng với xu chiêng của nàng trong chậu rửa mặt. Nàng trải khăn tay lên gương soi để phơi khô và rồi cẩn thận xếp lại để khỏi phải ủi. Nàng phơi áo của nàng và quần của Tim bằng cách treo lên giá của gương sen, vặn vòi nước nóng của gương sen thật mạnh và đóng cửa phòng tắm lại. Một buổi sáng khi Beth mở cửa, nó chạm phải một bức tường hơi nóng. - Mẹ, mẹ làm gì đấy! - Tiết kiệm tiền. - Mary nói cho nó biết một cách kiêu kỳ - Đồ giặt ủi tốn cả gia tài đấy. - Nếu Tổng thống vào nhà thì sao? Sẽ trông như thế nào? Ngài sẽ nghĩ rằng chúng ta là bọn Okie đấy! - Tổng thống sẽ không vào đâu. Và con làm ơn đóng cửa phòng tắm lại. Con phí tiền đấy. Quả thực là bọn Okie? Nếu Tổng thống bước vào và trông thấy việc nàng đang làm, ngài sẽ hãnh diện vì nàng. Nàng sẽ chỉ cho ngài bảng giá đồ giặt của khách sạn và cho ngài biết nàng đã tiết kiệm được bao nhiêu bằng cách sử dụng việc làm ngây thơ của một người Mỹ bình thường. Ngài sẽ xúc động. - Nếu có nhiều người hơn trong chính phủ có được óc tưởng tượng của bà, bà Đại sứ ạ, nền kinh tế của quốc gia chúng ta sẽ khá hơn nhiều. Chúng ta đã mất tinh thần tiên phong từng làm cho quốc gia này vĩ đại. Dân tộc chúng ta đã ủy mị. Chúng ta cậy quá nhiều: vào các thiết bị điện tiết kiệm thời gian và ít cậy vào chính sự tiết kiệm của chúng ta. Tôi muốn dùng bà làm một tấm gương sáng cho một số những người ăn tiêu lãng phí tại Washington, những người nghĩ rằng quốc gia này được làm bằng tiền. Bà có thể dạy cho tất cả bọn họ một bài học. Thực sự, tôi có một ý kiến tuyệt vời. Mary Ashley, tôi sẽ bổ nhiệm bà làm bộ trưởng bộ tài chánh. Hơi nóng len ra từ dưới cửa phòng tắm. Mary mơ màng mở cửa. Một đám hơi nóng tràn vào phòng khách. Có tiếng chuông reo ở cửa, và một lúc sau Beth lên tiếng nói : - Mẹ ơi, ông James Stickley đến để gặp mẹ đấy. Chương 15 - Toàn bộ sự việc càng lúc càng lạ. - Ben Cohn nói. Chàng đang ngồi trên giường, trần truồng. Cô tình nhân trẻ của chàng, Akiko Hadaka, ở bên cạnh. Họ đang xem Mary Ashley trên đài Meet The Press. Nàng đang nói : - Tôi tin rằng Hoa Lục đang hướng về một xã hội Cộng sản cá nhân chủ nghĩa nhân đạo hơn với sự sáp nhập Hongkong và Ma Cao. - Bây giờ bà ấy biết cái quái gì về Trung Hoa nhỉ? - Ben Cohn lẩm bẩm. Chàng quay sang Akiko - Em đang nhìn một bà nội trợ ở Kansas đã trở thành một chuyên viên về mọi việc ban đêm đấy. - Bà ấy trông có vẻ rất rực rỡ. - Akiko nói. - Rực rỡ là ngoài đề tài. Mỗi lần bà ta cho phỏng vấn, các ký giả đều điên cả. Giống như nuôi dưỡng cả một sự điên cuồng. Làm thế nào mà nàng được lên đài Meet The Press? Anh sẽ giải thích cho em nghe. Có một người đã quyết định rằng Mary Ashley sẽ trở thành một nhân vật nối tiếng. Ai nhỉ? Tại sao thế? Charles Lindbergh chưa bao giờ được quang cáo như thế này cả! - Charles Linderbergh là ai thế? Ben Cohn thở dài. - Đấy là vấn đề lỗ hổng giữa các thế hệ. Chẳng liên lạc gì với nhau được cả. Akiko dịu dàng nói. - Có nhiều cách khác để liên lạc. Nàng nhẹ nhàng đẩy chàng nằm lại xuống giường và leo lên mình chàng. Nàng từ từ lần xuống thân thể chàng, quất nhẹ mái tóc mềm như lụa dài ngang ngực chàng, bụng chàng, và háng chàng và nhìn chàng cứng dần lên. Nàng vuốt ve chàng và nói : - Chào Arthur! - Arthur muốn đi vào trong em đấy. - Chưa đâu. Em sẽ về lại với anh chàng. Nàng đứng dậy và bước xuống bếp. Ben Cohn nhìn nàng đi ra khỏi phòng. Chàng nhìn vào truyền hình và nghĩ: “Người phụ nữ ấy làm mình thật lúng túng. Trong đó ít thấy những việc kinh khủng hơn là nhìn tận mắt và nhất định mình sẽ tìm xem đấy là việc gì”. - Akiko! - Chàng thét lên - Em đang làm gì đấy? Arthur buồn ngủ rồi. - Bảo anh chàng chờ đi. - Nàng gọi - Em sẽ đến đấy ngay. Ít phút sau, nàng trở lại mang theo một chiếc khay đầy kem lạnh, kem bánh và một quả anh đào. - Trời ơi. - Chàng nói - Anh không đói. Anh cứng ngắc đây! Khi chàng không còn chịu đựng lâu hơn nữa, chàng lật ngửa Akiko và cắm vào người nàng. * * * * * Trên truyền hình, Mary Ashley đang nói : - Một trong những cách hay nhất để ngăn cản chiến tranh với các quốc gia đối lập với lý tưởng Mỹ là tăng cường giao thương với họ... Khuya hôm ấy, Ben Cohn điện thoại cho Ian Villiers. - Chào Ian. - Benjie, em bé của tôi! Tôi có thể làm gì cho cậu nhỉ? - Tôi cần một ân huệ. - Nói ra đi và cậu sẽ có. - Tôi hiểu rằng cậu phụ trách liên lạc báo chí cho vị tân đại sứ của chúng ta tại Rum ani. Một tiếng “vâng” thận trọng. - Ai ở đàng sau sự quảng cáo của bà ấy thế? Ian? Tôi quan tâm đến... - Tôi xin lỗi, Ben. Đấy là công việc của Bộ ngoại giao. Tôi chỉ là một tay làm thuê. Cậu có thể gửi thư lên bộ trưởng ngoại giao! Sau khi gác máy, Ben nói : - Tại sao hắn không chỉ việc bảo mình cút đi? - Chàng đi đến một quyết định. - Anh nghĩ rằng anh phải đi khỏi thành phố ít ngày. - Anh sẽ đi đâu thế, anh? - Thị trấn Junction, Kansas. Kết quả, Ben Cohn đến thị trấn Junction, Kansas chỉ có một ngày. Chàng bỏ ra một giờ nói chuyện với Cảnh sát trưởng Munster và một trong những phụ tá của ông, rồi lái một chiếc xe mướn đến Pháo đài Riley và đến văn phòng CID. Chàng lên một chiếc phi cơ chiều đến Manhattan, Kansas và một chuyến bay liên lạc trở về nhà. Khi phi cơ của Ben Cohn cất cánh, một cú điện thoại riêng được gọi từ Pháo đài đến một số nơi tại Washington DC. Mary Ashley đang đi xuống hành lang dài của Tòa Ngoại giao trên đường đến gặp mặt James Stickley, nàng bỗng nghe một giọng trầm của một người đàn ông sau lưng nàng nói : - Nào, đây là điều mà tôi gọi là con số mười hoàn toàn. Mary xoay lại. Một người lạ mặt cao lớn đang tựa vào tường, trắng trợn nhìn thẳng vào nàng, một điệu cười láo xược trên khuôn mặt hắn. Hắn trông thô lỗ, mặc quần Jeans, áo áo phông và giày tennis trông lùi xùi và râu ria lởm chởm. Có những đường hằn của tiếng cười chung quanh miệng hắn, và đôi mắt xanh long lanh của hắn có vẻ chế giễu. Hắn có một vẻ cao ngạo chọc giận người ta. Mary xoay lại và giận dữ bỏ đi, ý thức đôi mắt hắn đang theo dõi nàng. Cuộc họp với James Stickley kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Khi Mary trở về văn phòng, kẻ lạ mặt đang ngồi trên ghế của nàng, chân gác lên bàn giấy và xem giấy tờ của nàng. Nàng có thể cảm thấy máu đang dồn lên mặt. - Ông nghĩ là ông đang làm cái quỷ gì thế? Gã đàn ông ném cho nàng một cái nhìn uể oải thật lâu và từ từ đứng dậy. - Tôi là Mike Slade. Bạn bè gọi tôi là Michael. Nàng lạnh lùng nói : - Ông cần gì ở tôi, ông Slade? - Thực ra, chẳng gì cả. - Ông ta hời hợt trả lời - Chúng ta là láng giềng. Tôi làm việc ở đây trong bộ, nên tôi nghĩ rằng tôi nên ghé qua và chào hỏi một chút. - Ông đã nói rồi đấy. Và nếu thật sự ông là người trong bộ, tôi cho rằng ông có bàn giấy riêng đấy. Vậy, trong tương lai, ông sẽ không phải ngồi vào bàn giấy tôi và rình rập. - Trời, thế là giận đấy! Tôi nghe người Kansas hoặc bất cứ người gì mà bà tự xưng, được xem là bạn bè đấy. Nàng nghiến răng. - Ông Slade, tôi cho ông hai giây để ra khỏi văn phòng tôi trước khi tôi kêu lính gác. - Có lẽ tôi đã nghe lầm. - Ông ta lẩm bẩm một mình. - Và nếu ông thực sự làm việc trong bộ, tôi đề nghị ông nên về nhà cạo râu và mặc đồ thích hợp một tí! - Tôi đã có một bà vợ hay nói như thế. - Mike Slade thở dài - Tôi không còn bà ấy nữa! Mary cảm thấy mặt mình đỏ hơn. - Đi ra. Ông ta vẫy tay với nàng. - Chào, em yêu. Anh sẽ gặp em lại. - “Ồ, không” - Mary nghĩ thế - “Không, ông sẽ không gặp lại được đâu”. Suốt buổi sáng là một loạt kinh nghiệm khó chịu. James Stickley đối kháng ra mặt. Đến trưa, Mary quá giận nên không ăn được. Nàng quyết định bỏ ăn trưa, đi vòng quanh Washington để xoa dịu cơn giận của nàng. Chiếc xe hòm của nàng đang đậu ở lề đường trước mặt Tòa Ngoại giao. - Chào bà Đại sứ. - Người tài xế lên tiếng. - Bà thích đi đâu thế? - Đâu cũng được, Marvin. Chỉ đi vòng quanh thôi. - Vâng, thưa bà. - Chiếc xe nhẹ nhàng ra khỏi lề đường - Bà thích đi thăm Tòa đại sứ Rumani không? - Tốt. - Bất cứ thứ gì để lấy khẩu vị của buổi sáng ra khỏi miệng nàng. Ông ta rẽ sang tay trái ở góc đường và hướng về Đại lộ Massachusetts. - Nó bắt đầu ở đây. - Marvin lên tiếng trong lúc ông ta rẽ sang con đường rộng. Ông ta cho xe chậm lại và bắt đầu đưa tay chỉ các Tòa đại sứ. Mary nhận ra Sứ quán Nhật vì có lá cờ Mặt Trời Mọc phía trước. Tòa đại sứ Ấn Độ có một con voi phía trên cửa. Họ đi qua một nhà thờ Hồi giáo đẹp. Có những người đang quỳ cầu nguyện ở sân trước. Họ đến góc đường số 23 và đi qua một tòa nhà đá trắng với những chiếc trụ hai bên ba bậc cấp. - Đấy là Tòa đại sứ Rumani. - Marvin nói - Kế bên là... - Anh làm ơn dừng lại! Chiếc xe hòm rẽ vào lề đường. Mary nhìn ra cửa xe vào một tấm biển bên ngoài tòa nhà: Tòa đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumani. Trong một cơn bốc đồng, Mary nói : - Xin anh vui lòng đợi đây. Tôi sẽ vào bên trong. Tim nàng bắt đầu đập nhanh hơn. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc thực sự đầu tiên của nàng với quốc gia mà nàng được giảng dạy quốc gia sẽ là quê hương của nàng trong ít năm tới. Nàng hít một hơi dài và bấm chuông. Im lặng. Nàng thử mở cửa. Cửa không khoá. Nàng mở cửa và bước vào. Phòng tiếp tân tối và lạnh giá. Có một chiếc trường kỷ đỏ ở một góc và kế đấy là hai chiếc ghế đặt trước một chiếc máy truyền hình nhỏ. Nàng nghe những bước chân và quay lại. Một người gầy, cao lớn đang vội vã đi xuống cầu thang. - Vâng, vâng? - Ông ta gọi - Gì thế? Gì thế? Mary tươi cười. - Chào ông. Tôi là Mary Ashley. Tôi là tân Đại sứ tại Rumani. Người đàn ông đưa tay vả mặt mình. - Ô, trời ơi! Nàng giật mình. - Có gì phiền không? - Điều phiền là chúng tôi không mong bà, bà Đại sứ ạ! - Ồ, tôi biết. Tôi chỉ lái xe qua và tôi... - Đại sứ Corbeseue sẽ giận kinh khủng! - Giận à? Tại sao thế? Tôi chỉ nghĩ là tôi chỉ đến chào thôi và... - Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Hãy thứ lỗi cho tôi. Tên tôi là Gabriel Stoica. Tôi là Phó trưởng phái đoàn. Xin vui lòng để tôi bật đèn và mở máy sưởi. Chúng tôi không mong khách khứa như bà có thể thấy đấy. Chẳng tí nào cả. Rõ ràng là ông ta đang thật sự hoảng hốt nên Mary chỉ muốn bỏ đi, nhưng đã quá trễ. Nàng quan sát trong lúc Gabriel chạy quanh bật đèn trên trần cho đến khi phòng tiếp tân sáng loà. - Chỉ mất ít phút để có nhiệt. - Ông ta lên tiếng xin lỗi - Chúng tôi cố gắng tiết kiệm xăng đến mức tối đa, Washington rất đắt đỏ. Nàng ước gì nàng có thể độn thổ được. - Nếu tôi đã ý thức được... - Không, không. Chẳng có gì cả, chẳng có gì cả. Ngài đại sứ đang ở trên lầu. Tôi sẽ báo cho ngài rằng bà đến đây. - Đừng phiền... Stoica đã chạy lên lầu. Năm phút sau, Stoica quay lại. - Xin mời lên. Ngài đại sứ hài lòng việc bà đến đây. Hài lòng. - Ông có chắc... - Ngài đang đợi bà đấy. Ông ta đưa Mary lên lầu. Ở đầu cầu thang là một phòng họp với mười bốn chiếc ghế quanh một chiếc bàn dài. Tựa vào tường là một chiếc tủ đựng đầy các đồ thủ công và các bức tượng điêu khắc của Rumani, và trên tường là một bản đồ nổi của Rumani. Có một lò sưởi với một lá cờ Rumani bên trên. Đến đón nàng là Đại sứ Radu Corbescue, khoác vội một chiếc áo khoác lòi tay áo sơ-mi. Ông ta là một người chắc nịch, cao lớn, nước da ngăm đen. Một người giúp việc đang vội vã bật đèn lên và điều chỉnh nhiệt độ. - Bà Đại sứ? - Corbescue reo lên - Thật là một vinh hạnh bất ngờ! Hãy tha thứ cho chúng tôi vì đã tiếp bà thật không đúng nghi thức. Bộ Ngoại giao của bà không cho chúng tôi biết rằng bà sẽ đến. - Đấy là lỗi của tôi. - Mary lên tiếng xin lỗi - Tôi đang ở vùng lân cận và tôi... - Thật là hài lòng được gặp bà. Một điều hài lòng? Chúng tôi đã xem quá nhiều về bà trên truyền hình, báo chí và tạp chí, chúng tôi rất tò mò về vị tân đại sứ tại nước chúng tôi. Bà dùng trà - À tôi, nếu ngài chắc rằng không phiền phức nhiều quá. - Phiền à? Dĩ nhiên là không. Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không chuẩn bị một bữa ăn trưa long trọng cho bà. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi thật lúng túng! - Mình là người duy nhất lúng túng đấy - Mary nghĩ thế - Điều gì đã khiến mình làm điều điên rồ này thế? Ngu, ngu, ngu. Mình sẽ không thể kể cho các con nghe điều này đâu. Đấy sẽ là bí mật của mình cho đến khi xuống mồ. Khi trà được mang lên, vị đại sứ Rumani thật căng thẳng đến nỗi ông ta đổ tràn ra. - Tôi thực vụng về? Hãy thứ lỗi cho tôi! Mary mong ông ta đừng nói như thế nữa. Vị đại sứ cố gắng nói chút đỉnh, nhưng chỉ làm cho tình hình càng thêm tệ hại. Rõ ràng là ông ta bực mình một cách đáng thương hại. Ngay khi nàng có thể kín đáo đứng dậy, nàng nói : - Thưa ngài, cám ơn ngài thật nhiều. Thật là hay được gặp ngài. Chào ngài! Và nàng biến đi. Khi Mary trở về văn phòng, James Stickley tức khắc cho mời nàng đến. - Bà Ashley, - Ông ta lạnh lùng nói - xin bà vui lòng giải thích cho tôi chính xác bà nghĩ gì về việc bà làm? - Mình đoán việc ấy sẽ không là điều bí mật mà mình sẽ mang theo xuống mồ đâu. - Mary cả quyết như thế. - Ồ, ông muốn nói về Tòa đại sứ Rumani à? Tôi... Tôi chỉ nghĩ rằng tôi ghé vào và chào hỏi và... - Đây không phải là một cuộc họp mặt nhỏ ấm cúng ở nhà. - Stickley đốp chát lại - Tại Washington, bà không được ghé vào một Tòa đại sứ. Khi một đại sứ đi viếng một đại sứ khác, đấy chỉ là do được mời thôi. Bà đã làm Corbeseue bối rối kinh khủng. Tôi đã phải bảo ông ta đừng làm một kháng thư chính thức gửi cho Bộ Ngoại giao. Ông ta tin rằng bà đã đến đấy, để do thám ông ta và làm ông ta mất cảnh giác đấy. - Vậy à! Mà thôi, tất cả... - Chỉ cần cố gắng nhớ lại rằng bà không còn là một công dân riêng tư nữa bà là một người đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ. Lần sau đến bà có một cơn bốc đồng ít cá nhân hơn việc đánh răng của bà, bà phải kiểm tra với tôi trước đã. Rõ ràng chứ, ý tôi rất rõ ràng chứ? Mary nhẫn nhục. - Tốt thôi. - Tốt. - Ông ta nhấc điện thoại và quay một số. - Bây giờ bà Ashley đang ở chỗ tôi. Mời ông đến? - Phải. - Ông ta gác ống nghe. Mary ngồi đấy lặng thinh, cảm thấy mình như một đứa bé bị đầy đọa. Cửa mở ra và Mike Slade bước vào. Ông ta nhìn Mary cười : - Chào. Tôi đã nghe theo lời khuyên của bà và cạo râu rồi đấy. Stickley nhìn lần lượt hết người này đến người kia. - Hai người đã gặp nhau à? Mary trừng mắt Slade. - Thực sự thì không. Tôi thấy ông ta rình rập ở bàn giấy của tôi đấy. James Stickley nói : - Bà Ashley, đây là Mike Slade. Ông Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của bà đấy. Mary trố mắt nhìn ông ta. - Ông ấy là gì? - Ông Slade làm việc tại tổ công tác Đông u. Ông ấy thường làm việc ngoài Washington nhưng ông ấy đã được quyết định làm phụ tá cho bà tại Rumani. Mary bỗng bật ra khỏi ghế. - Không. - Nàng phản đối - Không thể được. Mike nói nhẹ : - Tôi hứa sẽ cạo râu mỗi ngày! Mary quay sang Stickley. Tôi nghĩ rằng một đại sứ được phép chọn phó trưởng phái đoàn riêng cho mình. - Đúng đấy, nhưng... - Vậy tôi không chọn ông Salde. Tôi không muốn có ông ấy. - Theo những trường hợp thông thường, bà có quyền đấy, nhưng trong trường hợp này, tôi e rằng bà không còn cách nào cả. Lệnh đã đến từ Tòa Bạch Ốc đấy! Mary hình như không thể nào tránh được Mike Slade. Người đàn ông ấy có mặt khắp nơi. Nàng bất ngờ gặp ông ta tại Ngũ giác đài, trong phòng ăn của Thượng viện, trong hành lang của Bộ Ngoại giao. Ông ta thường mặc đồ vải bông chéo, áo phông hoặc đồ thể thao. Mary thắc mắc không biết làm sao ông ta có thể thành công được trong một môi trường thật nghi thức. Một hôm, Mary trông thấy ông ta ăn trưa với đại tá Mc Kinney. Họ đang thảo luận sôi nổi và Mary thắc mắc không biết những người này thân mật với nhau như thế nào. Có thể nào họ là bạn cũ? Và có thể nào họ dự định hiệp lực để chống lại mình? “Mình chỉ hoang tưởng thôi” - Mary tự nhủ - “Mình còn chưa đến Rumani mà!” * * * * * Charlie Campbell, trưởng Ủy ban liên lạc Ngoại giao của Thượng viện chiêu đãi một bữa tiệc cho Mary tại Phòng Corcoran. Khi Mary bước vào phòng và trông thấy tất cả phụ nữ đều mặc áo dài trang nhã, nàng nghĩ “Mình còn chưa thuộc về nơi đây Họ có vẻ như được sinh ra từ nơi đài các cả”. Nàng không có khái niệm gì về chuyện nàng trông đáng yêu như thế nào. Có hơn một chục nhiếp ảnh viên hiện diện, và Mary được chụp ảnh nhiều nhất trong buổi chiều hôm ấy. Nàng khiêu vũ với nửa chục đàn ông, một số đã có gia đình và một số còn độc thân, và được hầu hết tất cả những người ấy hỏi số điện thoại. Nàng chẳng hề phật ý hoặc quan tâm đến. - Tôi xin lỗi, - Nàng nói với một người trong nhóm - công việc và gia đình tôi làm tôi quá bận để nghĩ đến chuyện đi chơi. Ý tưởng không chịu đi với ai cả ngoài Edward là điều không thể không nghĩ ra được. Sẽ chẳng bao giờ có thể có người đàn ông khác cho nàng. Nàng ngồi cùng bàn với Charlie Campbell, vợ ông và nửa chục người của Bộ Ngoại giao. Câu chuyện chuyển sang giai thoại về các vị đại sứ “Ít năm trước tại Madrid” - Một người khách kể chuyện - “hàng trăm sinh viên xuống đường đòi trả lại Gibraltar trước mặt sứ quán Anh. Trong lúc họ sắp sửa xông vào sứ quán, một bộ trưởng của tướng Franco điện thoại đến”. - Tôi thật lo lắng khi nghe sự việc xảy ra tại sứ quán của ông! - Ông ta nói - Có cần tôi gửi thêm cảnh sát không? - “Không”, - Vị đại sứ nói - “chỉ cần gởi đến ít sinh viên hơn”. Có người hỏi : - Có phải Hermes, là vị thần được những người cổ Hy Lạp xem như thần bảo hộ của các vị đại sứ không? - Vâng! - Có tiếng đáp - Vị thần ấy còn là thần bảo hộ cho những kẻ lang thang, trộm cắp và nói dối nữa. Mary thật vui buổi chiều hôm ấy. Mọi người đều rực rỡ, khôn ngoan và thú vị. Nàng đã có thể ở lại suốt đêm. Người đàn ông cạnh nàng nói. - Ngày mai bà không phải dậy sớm cho các cuộc hẹn à? - Không! - Mary nói - Chủ nhật rồi. Tôi có thể ngủ trưa được! Một lúc sau một phụ nữ ngáp. - Thứ lỗi cho tôi, tôi đã trải qua một ngày dài. - Tôi cũng thế - Mary tươi cười nói. Nàng thấy hình như căn phòng im lặng bất thường. Nàng nhìn quanh và hình như mọi người đều nhìn nàng đăm đăm. - Khỉ gì thế? - Nàng liếc đồng hồ. 2g30 sáng. Nàng bỗng kinh hãi nhớ lại điều Stanton Rogers đã bảo nàng: “Tại một bữa tiệc tối, người khách danh dự luôn luôn về trước”. Và, nàng - là người khách danh dự! Ối trời ơi! - Mary nghĩ thế. - Mình đã bắt mọi người thức khuya đấy. Nàng đứng dậy nói bàng một giọng nghẹn ngào : - Chúc mọi người ngủ ngon. Thật là một buổi tối đáng yêu. Nàng xoay lại và đi vội ra cửa và sau lưng nàng, nàng có thể nghe những người khách khác tranh nhau ra về. Sáng hôm sau, nàng bỗng chạm mặt với Mike Slade trong hành lang. Ông ta cười nói : - Tôi nghe bà đã bắt nửa thành phố Washington phải thức khuya tối thứ bảy đấy. Vẻ mặt khinh khỉnh của ông ta làm nàng nổi sùng. Nàng lướt qua ông ta và vào căn phòng James Stickley. - Ông Stickley, tôi thực sự không nghĩ ràng việc ông Slade và tôi cố gắng làm việc với nhau sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho tòa đại sứ chúng ta tại Rumani. Ông ta ngừng đọc một tờ giấy và ngẩng lên. - Thực thế ư? Có vấn đề gì thế? - Đấy là thái độ của ông ta. Tôi thấy ông Slade thô lỗ và ngạo mạn. Nói trắng ra, tôi không thích ông Slade. - Ồ, tôi biết Mike có một số cá tính, nhưng... - Cá tính à? Ông ta là một viên thạch anh chưa mài giũa. Tôi chính thức yêu cầu ông đưa một người khác thay cho ông ta. - Bà xong chưa? - Vâng! - Bà Ashley, Mike Slade là chuyên viên hàng đầu của chúng tôi về vụ Đông u đấy. Công việc của bà là kết bạn với người bản xứ. Công việc của tôi là lo cho bà có được tất cả những sự trợ giúp theo khả năng của tôi. Và tên ông ấy là Mike Slade. Tôi thực sự không muốn nghe đến điều lạ nữa? Tôi diễn đạt rõ không? - Vô ích - Mary nghĩ thế - Hoàn toàn vô ích. Nàng quay trở về văn phòng mình, thất bại và giận dữ. - “Mình có thể nói chuyện với Stan” - Nàng nghĩ thế - “Ông ấy sẽ hiểu. Nhưng điều ấy sẽ là một dấu hiệu yếu ớt. Mình sẽ phải tự mình giải quyết vụ Mike Slade”. - Mơ mộng à? Mary nhìn lên, giật mình. Mike Slade đang đứng trước bàn giấy của nàng, tay cầm một chồng bị vong lục. - Lần sau nếu ông muốn vào văn phòng tôi phải gõ cửa. Đôi mắt ông ta nhìn nàng chế giễu. - Tại sao tôi có cảm giác rằng bà không say mê tôi nhỉ? Nàng cảm thấy cơn giận của nàng bùng lên. - Tôi sẽ cho ông biết tại sao, ông Slade. Bởi vì tôi nghĩ rằng ông là một người ngạo mạn, bẩn thỉu, tự phụ. Ông ta đưa một ngón tay lên. - Bà nói thừa rồi. - Đừng có đùa với tôi - Nàng cảm thấy như đang thét lên. Giọng ông ta hạ xuống đến một mức nguy hiểm. - Bà muốn nói rằng tôi không thể theo đuổi các người khác à? Bà nghĩ gì về điều mọi người tại Washington đang nói về bà? - Tôi không thực sự quan tâm đến điều họ nói. - Có, nhưng bà nên quan tâm. - Ông ta chồm qua bàn giấy của nàng - Mọi người đang hỏi bà có quyền gì để ngồi vào bàn giấy của một đại sứ. Thưa bà, tôi đã ở bốn năm tại Rumani. Đấy là một miếng dynamit sẵn sàng nổ, và chính phủ đang gửi đến một đứa bé ngu xuẩn nhà quê để đùa với nó. Mary ngồi đấy lắng nghe và nghiến răng. - Bà là một người không chuyên, bà Ashley ạ. Nếu có ai đấy muốn trả thù bà, có lẽ họ sẽ cho bà làm đại sứ tại Iceland đấy. Mary không còn bình tĩnh. Nàng đứng bật dậy và tát mạnh vào mặt ông ta. Mike Slade thở dài. - Bà không bao giờ lúng túng trước một câu trả lời chứ? Chương 16 Thiệp mời ghi: “Đại sứ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Rumani mong bà có mặt để dự buổi tiệc cốc tai và ăn tối tại Tòa đại sứ, 1607 Đường số 23, vào lúc 7 giờ 30 chiều. Cà vạt đen, RSVP 232-6593”. Mary nghĩ đến lần trước nàng đến viếng Tòa đại sứ ấy và nàng đã cư xử ngốc nghếch như thế nào. Mà thôi, việc ấy sẽ không tái diễn. Mình đã quà khỏi tất cả những điều ấy. Bây giờ mình là một phần của sân khấu Washington rồi. Nàng mạc bộ đồ mới mua, một chiếc áo cho buổi chiều bằng nhung đen với tay áo dài. Nàng mang đôi giày cao cổ lụa đen và một xâu chuỗi ngọc trai. Beth lên tiếng nói : - Mẹ trông xinh hơn Madonna đấy! Mary ôm lấy nó. - Mẹ lo lắm. Hai con ăn tối trong phòng ăn dưới lầu rồi có thể lên xem truyền hình. Mẹ sẽ về sớm. Ngày mai tất cả chúng ta sẽ đi thăm nhà của Tổng thống Washington tại núi Vernon! - Chúc mẹ vui vẻ. Điện thoại reo. Đó là thư ký tổ công tác. - Thưa bà đại sứ. Ông Stickley đang đợi bà ở hành lang. - “Mình ước gì được đi một mình” - Mary nghĩ thế - “Mình không cần ông ta hoặc ai khác để mình khỏi phiền phức”. Tòa đại sứ Rumani trông hoàn toàn khác hẳn lần trước như Mary đã trông thấy. Có một bầu không khí tiệc tùng đã thiếu vắng trong chuyến đi thăm lần trước của nàng. Họ được Gabriel Stoica, phó trưởng phái bộ tiếp đón ở cửa. - Chào ông Stickley. Thật là thú vị được gặp ông. James Stickley gật đầu về phía Mary. - Cho phép tôi được giới thiệu đại sứ của nước chúng tôi. Chẳng có dấu hiệu nào to vẻ nhận ra nàng trên nét mặt của Stoica. - Hân hạnh được gặp bà, bà Đại sứ. Xin theo tôi! Trong khi họ bước xuống hành lang, Mary nhận thấy tất cả các phòng đều sáng rực và thật ấm áp. Từ trên lầu nàng có thể nghe những giai điệu của một ban nhạc nhỏ. Khắp nơi đều có các chậu hoa. Đại sứ Corbescue đang nói chuyện với một nhóm người khi ông ta trông thấy James Stickley và Mary Ashley đến gần. - À, chào ông Stickley! - Chào ngài đại sứ. Cho phép tôi được giới thiệu đại sứ Hoa Kỳ tại Rumani! Corbescue nhìn Mary và nói một cách bình thản : - Tôi hân hạnh được gặp bà. Mary mong đợi một tia lấp lánh trong mắt ông ta. Nó không bao giờ có cả. * * * * * Có một trăm người tại bữa ăn tối. Đàn ông mặc véttông dạ tiệc và phụ nữ phục sức đẹp đẽ trong những chiếc áo kiểu Luis Estévez và Osear de la Renta. Chiếc bàn lớn mà Mary đã trông thấy trên lầu trong chuyến viếng thăm trước đã được tăng cường thêm nửa chục chiếc bàn nhỏ hơn chung quanh. Các người hầu mặc chế phục đi quanh căn phòng với những khay champagne. - Bà thích uống không? - Stickley hỏi. - Không, cám ơn ông. - Mary nói - Tôi không uống. - Thật à? Thực là khốn khổ. Nàng nhìn ông ta bối rối. - Tại sao? - Bởi vì đấy là một phần công việc. Tại mỗi bữa tiệc ngoại giao mà bà tham dự, sẽ có những ly rượu chúc mừng. Nếu bà không uống, bà sẽ làm phật ý chủ nhân. Thỉnh thoảng bà phải hớp một ngụm. - Tôi sẽ nhớ. - Mary nói. Nàng nhìn qua căn phòng và kia là Mike Slade. Nàng không nhận ra ông ta trong một lúc. Ông ta đang mặc một chiếc véttông dạ tiệc và nàng phải công nhận rằng ông ta không phải không hấp dẫn trong bộ đồ buổi chiều. Cánh tay ông ta đang quàng qua một cô tóc hoe khêu gợi sắp ngã vì chiếc áo của ả. “Rẻ mạt” - Mary nghĩ thế. - Đúng là năng khiếu của ông ta: Mình không biết ông ta đang đợi bao nhiêu cô gái cho ông ta tại Bucarest nhỉ. Mary nhớ lại lời của Mike: “Bà là một người không chuyên, bà Ashley ạ. Nếu có ai muốn trả thù bà, có lẽ họ sẽ đưa bà làm Đại sứ tại Iceland đấy” - “Thằng đểu”. Trong lúc Mary nhìn ông ta, đại tá Mc Kinney, trong bộ đại lễ, bước đến bên Mike. Mike tạm biệt cô gái tóc hoe và bước đến một góc phòng với vị đại tá “Mình sẽ phải quan sát cả hai” - Mary nghĩ thế. Một người hầu đi ngang qua với rượu champagne. - Tôi nghĩ rằng tôi sẽ uống một ly. - Mary lên tiếng. James Stickley nhìn nàng uống cạn. - Được rồi. Đã đến lúc bắt đầu khai thác căn phòng. - Khai thác căn phòng à? - Nhiều công việc được hoàn thành ở những bữa tiệc này. Đấy là lý do các Tòa đại sứ tổ chức tiệc tùng. Mary trải qua một giờ nữa để được giới thiệu với các vị đại sứ, thượng nghị sĩ, thống đốc và một số nhân vạt chính trị có thế lực nhất cả Washington. Rumani đã trở thành một nhãn hiệu nóng bỏng và hầu hết mọi người quan trọng đều cố gắng nhận được giấy mời đến dự buổi tiệc của Tòa đại sứ. Mike Slade đến gần James Stickley, tay ôm cô gái tóc hoe. - Chào ông. - Mike vui vẻ nói - Tôi muốn ông gặp Debbie Dennison. Đây là James Stickley và Mary Ashley. Thực là một cú tát cố ý. Mary nói mát : - Đại sứ Ashley đấy. Mike đưa tay vỗ trán. - Xin lỗi, Đại sứ Ashley. Bố của cô Dennison cũng là đại sứ nữa. Ông ấy là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, dĩ nhiên. Ông ấy đã phục vụ nửa chục quốc gia trong vòng 25 năm qua. Debbie Dennison nói : - Đấy là một cách tuyệt vời để trưởng thành đấy. Mike nói : - Debbie đã đi nhiều! - Vâng. - Mary điềm đạm nói - Tôi chắc vậy. Mary khẩn cầu khỏi phải ngồi cạnh Mike trong bữa ăn tối và những lời khẩn cầu của nàng đã được chấp thuận. Ông ta ở một bàn khác, cạnh cô gái tóc hoe gần như bán khỏa thân. Có một chục người ở bàn Mary. Một số là những khuôn mặt quen thuộc nàng đã trông thấy ở bìa các tạp chí và trên truyền hình, James Stickley ngồi đối diện với Mary. Ngưởi đàn ông bên trái Mary nói một thứ ngôn ngữ thần bí mà Mary không thể nào hiểu được. Bên phải nàng là một người đàn ông tóc hoe, trung niên gầy và cao, với khuôn mặt hấp dẫn, nhạy cảm. - Tôi hân hạnh được ngồi cạnh bà. - Ông ta bảo Mary - Tôi là một người nồng nhiệt hâm mộ bà. - Ông ta nói bằng một giọng Bắc u nhẹ nhàng. - Cám ơn ông. - “Một kẻ hâm mộ điều gì nơi mình?” - Mary tự hỏi - “Mình chưa làm gì cả”. - Tôi là Olaf Peterson, tùy viên văn hóa Thụy Điển! - Tôi rất sung sướng được gặp ông, ông Peterson. - Bà đã đến Thụy Điển chưa? - Chưa. Nói thật với ông, thực sự tôi chưa đi đâu cả! Olaf Peterson mỉm cười. - Vậy thì có thật nhiều nơi có cách chiêu đãi riêng cho họ. - Có lẽ có ngày con tôi và tôi sẽ đi thăm đất nước của ông đấy. - A, bà có con à? Chúng nó bao nhiêu tuổi rồi? - Tim mười tuổi và Beth mười hai. Tôi sẽ cho ông xem! Mary mở ví và lấy ra những bức ảnh chụp nhanh của con nàng. Phía đối diện, James Stickley lắc đầu không chấp nhận. Olaf Peterson xem các bức ảnh chụp nhanh. - Những đứa trẻ đẹp đấy! - Ông ta reo lên, trông giống mẹ đấy - Chúng có đôi mắt của bố đấy! Nàng và Edward thường hay có luận điệu chế giễu về chuyện mấy đứa con giống ai. - “Beth sẽ là một trang tuyệt sắc như em đấy!” - Edward sẽ nói như thế - “Anh không biết Tim trông giống ai. Em có chắc nó là của anh không?” Và cuộc tranh luận để đùa của họ sẽ chấm dứt bàng việc làm tình. Olaf Peterson đang nói điều gì đấy với nàng. - Xin lỗi, ông nói gì? - Tôi nói rằng tôi có đọc về việc chồng bà tử nạn ôtô. Tôi lấy làm tiếc. Có lẽ rất khó khăn cho một người phụ nữ cô đơn không có người đàn ông. Giọng ông ta đầy vẻ thương cảm. Mary đưa ly rượu trước mặt nàng lên và hớp một ngụm. Nó lạnh và làm nàng dịu lại. Nàng uống cạn ly. Nó được một người hầu bàn mang găng trắng đi qua lại sau lưng thực khách rót đầy lại ngay. - Khi nào bà nhận nhiệm sở tại Rumani? - Peterson hỏi. - Tôi được cho biết rằng chúng tôi sẽ đến đấy trong vài tuần nữa. - Mary nhặt ly rượu lên - Đến Bucarest. - Nàng uống. Rượu thật ngon và mọi người đều biết rằng nồng độ của rượu thấp. Khi người hầu bàn đề nghị rót đầy lại, nàng sung sướng gật đầu. Nàng nhìn quanh căn phòng, tất cả những vị khách đều ăn mặc đẹp đẽ đang nói hàng chục thứ tiếng khác nhau và nàng nghĩ: “Họ không tổ chức tiệc tùng như thế này tại thị trấn Junction cổ kính. Không? thưa ngài. Kansas khô như một khúc xương. Washington ướt át như một... Washington ướt át như gì nhỉ?” Nàng cau mày cố gắng suy nghĩ. - Bà có xạo không? - Olaf Peterson lên tiếng hỏi. Nàng đập lên cánh tay ông ta. - Vĩ đại. Tôi thật vĩ đại! Tôi muốn một ly rượu nữa, Olaf. - Chắc chắn rồi. Ông ta vẫy người hầu bàn, và ly rượu của Mary được rót đầy lại. - Ở nhà, - Mary thổ lộ - tôi chưa bao giờ uống rượu cả. - Nàng nâng ly và uống - Thật sự, tôi chưa bao giờ uống gì cả - Nàng bắt đầu líu lưỡi - Không kể nước, dĩ nhiên. Olaf Peterson quan sát nàng và mỉm cười. Tại bàn giữa, Đại sứ Rumani Corbescue đứng dậy. - Thưa các ông, các bà, những vị khách đặc biệt, tôi muốn đề nghị một ly rượu mừng. Nghi thức bắt đầu. Có những ly rượu chúc mừng Alexandros Ionescu, Chủ tịch Rumani. Có những ly rượu chúc cho bà Alexandros Ionescu. Có những ly rượu chúc cho Tổng thống Hoa Kỳ và cho Phó Tổng thống, cho quốc kỳ Rumani và cho quốc kỳ Mỹ. Mary thấy hình như có cả nghìn ly rượu chúc. Nàng uống tất cả mọi ly. - “Mình là đại sứ” - Nàng tự nhủ - “Đấy là nhiệm vụ cùa mình”. Giữa các ly rượu chúc, vị đại sứ Rumani lên tiếng : - Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều muốn nghe vài lời của tân đại sứ xinh đẹp của Hoa Kỳ tại Rumani. Mary nâng ly và bắt đầu uống một ly rượu mừng khi nàng chợt nhận ra rằng được yêu cầu. Nàng ngồi đấy một lúc rồi cố gắng đứng dậy. Nàng đứng lên bám chặt vào bàn để đứng vững. Nàng nhìn đám đông và vẫy tay. - Chào mọi người. Chúc mọi người vui vẻ. Nàng chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc hơn trong đời. Mọi người trong phòng đều thật thân hữu. Họ đều mỉm cười với nàng. Một số còn cười to nữa. Nàng nhìn sang James Stickley và cười toe toét. - Thật là một bữa tiệc lớn - Mary nói - Tôi hân hạnh vì mọi người đều đến cả. - Nàng ngồi xuống nặng nề và quay sang Olaf Peterson. - Họ bỏ gì đấy vào ly rượu của tôi, ông ta bóp tay nàng. - Tôi nghĩ rằng điều bà cần là một ít không khí mát. Ở đây rất ngột ngạt. - Vâng. Ngột ngạt. Nói thực với ông nhé, tôi cảm thấy hơi choáng váng. - Để tôi đưa bà ra ngoài. Ông ta đỡ Mary đứng dậy và nàng rất ngạc nhiên thấy bước đi khó khăn. James Stickley đang nói chuyện sôi nổi với một người bạn cùng bàn và không thấy Mary bỏ đi. Mary và Olaf Peterson đi ngang qua bàn Mike Slade và ông này cau mày nhìn nàng bất bình. - Hắn ghen tị đấy! - Mary nghĩ thế - Họ không mời hắn đọc diễn văn. Nàng nói với Peterson. - Ông biết chuyện của ông ấy chứ? Ông ta muốn làm đại sứ. Ông ta không chịu nổi việc tôi nhận chức vụ ấy. - Bà đang nói về ai thế? - Olaf Peterson hỏi. - Không quan trọng. Ông ta không quan trọng. Họ ra ngoài, không khí ban đêm lạnh mát. Mary cảm kích vì sự nâng đỡ của cánh tay Peterson. Mọi sự hình như mờ đi. - Tôi có một chiếc xe hòm ở đâu đấy - Mary nói. - Ta bảo nó đi đi! - Olaf Peterson đề nghị. - Chúng ta sẽ đến chỗ tôi để uống một ly rượu ngủ nhỏ. - Không uống rượu nữa. - Không, không. Chỉ là một ly rượu nhỏ để ổn định lại dạ dày của bà thôi! Rượu mạnh. Trong sách vở, tất cả những người sành sỏi đều uống rượu mạnh. Rượu mạnh và sôđa. Đấy là loại rượu Cary Grant. - Với sôđa à? - Dĩ nhiên! Olaf Peterson đỡ Mary lên một chiếc xe taxi và cho tài xế một địa chỉ. Khi họ dừng lại trước một chung cư rộng, Mary nhìn Peterson, bối rối. - Chúng ta ở đâu đây? - Chúng ta cứ tự nhiên đi. - Olaf Peterson nói. Ông ta đỡ Mary bước ra taxi và giữ nàng lại trong lúc nàng bắt đầu ngã. - Tôi say à? - Mary hỏi. - Tất nhiên là không. - Ông ta dịu dàng nói. - Tôi cảm thấy buồn cười. Peterson đưa nàng vào một hành lang và bấm chuông gọi thang máy. - Một chút rượu mạnh sẽ làm bà ổn lại thôi! Họ bước vào thang máy và ông ta bấm nút. - Ông có biết tôi là một người kiêng rượu không? - Không. Tôi không biết điều ấy. - Thực tế là vậy đấy. Peterson vuốt ve cánh tay trần của nàng. Cửa thang máy mở ra và Peterson giúp nàng bước ra khỏi thang máy. Có bao giờ ai đó bảo ông rằng sàn nhà không bằng phẳng không? - Tôi sẽ lo điều ấy. - Olaf lên tiếng hứa. Ông ta xốc nàng bằng một tay trong lúc ông ta lục tìm chìa khóa phòng và mở khoá. Họ bước vào bên trong. Căn phòng sáng mờ mờ. - Ở đây tối quá. - Mary nói. Olaf Peterson ôm nàng trong tay. - Tôi thích bóng tối, bà thấy thế nào? Nàng thích không à? Nàng không rõ. - Bà là một phụ nữ rất đẹp, bà biết không? - Cám ơn ông. Ông là một người đàn ông đẹp. Ông ta đưa nàng vào trường kỷ và đặt nàng ngồi xuống. Nàng cảm thấy choáng váng. Môi ông ta ép vào môi nàng và nàng cảm thấy bàn tay ông ta lần lên đùi nàng. - Ông đang làm gì đấy? - Nghỉ đi, em yêu. Sẽ cảm thấy đáng yêu! Nó cảm thấy đáng yêu thật. Tay ông ta rất nhẹ nhàng, như tay Edward. Anh ấy là một bác sĩ tuyệt vời - Mary nói. - Anh chắc ông ấy như thế. - Ông ta ép người vào người nàng. - Ồ vâng. Bất cứ khi nào có ai cần giải phẫu, họ luôn luôn yêu cầu Edward. Nàng ngả lưng trên trường kỷ và đôi tay mềm mại vén áo nàng lên và nhẹ nhàng mơn trớn nàng. Đôi tay của Edward. Mary nhắm mắt lại và cảm thấy môi chàng di chuyển xuống thân thể nàng, đôi môi mềm mại và một cái lưỡi dịu dàng. Edward có một cái lưỡi thật dịu dàng. Và nàng muốn nó không bao giờ dừng lại. - Tuyệt thật đấy, anh yêu! - Nàng nói - Yêu em đi. Nào yêu em đi! - Anh sẽ làm ngay bây giờ. - Giọng ông ta khàn khàn, bỗng thô bỉ. Chẳng giống giọng Edward tí nào cả. Mary mở mắt và nhìn chằm chằm vào khuôn mặt của người lạ. Trong lúc nàng cảm thấy ông ta bắt đầu cho vào người nàng, nàng bỗng thét lên. - Không, dừng lại đi! Olaf Peterson trố mắt nhìn nàng. - Nhưng... - Không? Nàng ngây dại nhìn quanh căn phòng. - Xin lỗi! - Nàng nói - Tôi đã lầm. Tôi không muốn ông nghĩ rằng tôi... Nàng lăn qua và chạy lại cửa. - Đợi đã! Ít nhất hãy để tôi đưa bà về nhà. Nàng đã biến mất. Nàng bước xuống những con đường hoang vắng, cố gắng chống chọi với cơn gió lạnh lẽo và tràn ngập một sự xấu hổ sâu xa, đau đớn. Chẳng thể nào giải thích được điều nàng đã làm. Và chẳng có lý do nào cả. Nàng đã làm nhục địa vị của nàng. Và bằng một cách thật là ngu xuẩn! Nàng đã say sưa trước phân nửa đoàn ngoại giao tại Washington, đã đi vào phòng của một người lạ và hầu như đã để ông ta dụ dỗ nàng. Sáng ra, nàng sẽ là mục tiêu cho mọi mục bàn tán tại Washington. * * * * * Ben Cohn nghe câu chuyện từ ba người đã dự bữa ăn tối tại Tòa đại sứ Rumani. Chàng lục qua các cột báo Washington và New York. Chẳng có một lời nào cả về biến cố đã xảy ra. Có ai đấy đã bưng bít câu chuyện này. Phải là ai đấy rất quan trọng. Cohn ngồi trong một phòng ngủ nhỏ mà báo chí gọi là văn phòng, suy nghĩ. Chàng quay số điện thoại của Ian Villiers. - Alô, ông Villiers có đấy không? - Vâng. Ai gọi đấy? - Ben Cohn! - Xin vui lòng chờ một chút. - Nàng trở lại điện thoại một phút sau - Rất tiếc, ông Cohn ạ. Ông Villiers hình như đã đi ra ngoài. - Khi nào tôi có thể gặp được ông ấy? - Tôi e rằng ông ấy sẽ bị giữ lại cả ngày đấy. - Rõ. Chàng gác ống nghe và quay số của một người viết cột bình luận làm việc cho một tờ báo khác. Chẳng có gì xảy ra tại Washington mà nàng không biết cả. - Linda, - Chàng bảo - trận đánh hằng ngày thế nào rồi? - Cũng vậy thôi. - Chẳng có gì hấp dẫn xảy ra quanh lỗ nước mạ vàng này à? - Thực sự chẳng có gì cả, Ben ạ. Yên tĩnh chết người đấy. Chàng bỗng nói : - Tôi biết rằng Tòa đại sứ Rumani đêm qua có một chuỷện động trời đấy. - Có à! - Giọng nàng bỗng trở nên thận trọng. - Ờ hờ. Cô có nghe gì về vị tân đại sứ của chúng ta tại Rumani không? - Không. Bây giờ tôi phải đi, Ben ạ. Có ai gọi điện thoại cho tôi từ xa đấy. Đường dây im bặt. Chàng quay số của một người bạn tại Bộ Ngoại giao. Khi nhân viên tổng đài thông đường dây cho chàng, chàng lên tiếng : - Alô, Alfred? - Benjie? Nấu nướng gì đấy? - Lâu thật. Tôi nghĩ rằng mình có thể cùng nhau ăn trưa đấy! - Tốt. Bạn có đề tài gì đấy? - Tại sao không để đến lúc gặp anh hãy nói? - Khá hay. Lịch của tôi hôm nay khá nhẹ đấy. Anh có muốn gặp tôi tại Watergate không? Ben Cohn lưỡng lự. - Tại sao chúng ta không đề cập chuyện ấy ở Regina tại Silver Spirings nhỉ? - Chỗ ấy hơi hẻo lánh một tí, phải không? - Ừ. - Ben nói, dừng lại một tí - Tôi biết rồi. - Một giờ chứ? - Tốt! Ben Cohn ngồi ở chiếc bàn trong góc khi người khách của chàng, Alfred Shuttleworth, đến chủ nhà, Tony Sergio, mời chàng ngồi. - Các bạn thích uống rượu không? Shuttleworth gọi một ly Martini. - Tôi chẳng uống gì cả. - Ben Cohn nói. Alfred Shuttleworth là một người trung niên trông vàng bủng làm việc tại Vụ châu u của Bộ Ngoại giao. Ít năm trước, chàng đã dính líu vào một tai nạn lái xe trong lúc say nên Ben Cohn phải đảm nhiệm tờ báo của chàng. Nghề nghiệp của chàng bị đe doạ. Cohn đã bưng bít câu chuyện và Shuttleworth đã cảm kích chàng bằng cách thỉnh thoảng cho chàng những mẩu tin. - Tôi cần sự giúp đỡ của bạn, Al ạ. - Nói ra đi và bạn sẽ được. - Tôi muốn có tin tức nội bộ về tân đại sứ của chúng ta tại Rumani? Alfred Shuttleworth cau mày. - Bạn muốn nói gì? - Có ba người gọi tôi bảo rằng đêm qua tại Tòa đại sứ Rumani, bà ấy thực chai đá đến nỗi đã làm trò bỉ ổi trước mặt những nhân vật danh tiếng của Washington đấy. Bạn có đọc báo sáng nay hoặc những ấn phẩm trước của báo buổi chiều không? - Có. Họ đề cập đến bữa tiệc tại tòa đại sứ, nhưng chẳng đề cập gì đến Mary Ashley cả. - Đúng đấy. Tin bạc đấy. - Xin lỗi. - Sherloek Holmes: Con chó ấy không chịu sủa. Nó im lặng. Báo chí cũng vậy. Tại sao những tay viết cột lượm lặt lại bỏ qua một câu chuyện hay ho như thế nhỉ? Có ai đấy đã bưng bít câu chuyện. Một người nào đấy quan trọng. Nếu có một nhân vật quan trọng nào khác công khai tự làm nhục mình, có lẽ báo chí sẽ được một ngày lễ hội của La Mã đấy. - Việc ấy không cần thiết phải làm theo, Ben ạ. - A, có một cô bé Lọ Lem đến từ đâu không biết, được chiếc đũa thần của Tổng thống chạm đến và bỗng biến thành Grace Kelly. Công chúa Di Jacqueline Kennedy cuộn lại thành một. Bây giờ tôi phải công nhận bà ấy đẹp, nhưng bà ấy không đến nỗi xinh đẹp như thế. Bà ấy xuất sắc, nhưng không đến nỗi xuất sắc như thế. Theo ý kiến thô thiển của tôi, việc giảng dạy một lớp ở khoa chính trị tại Trường đại học tiểu bang Kansas không hẳn tạo đủ điều kiện cho bất cứ ai làm đại sứ, tại một trong những điểm nóng hổi của thế giới như thế. - Tôi sẽ cho bạn biết một điều vô trật tự khác. Tôi đã bay đến thị trấn Junction và nói chuyện với vị cảnh sát trưởng ở đấy. Alfred Shuttleworth nốc cạn ly Martini còn lại. - Tôi nghĩ rằng tôi muốn uống một ly Martini nữa. Bạn làm cho tôi lo âu đấy. - Hãy đến câu lạc bộ. - Ben Cohn gọi một ly Martini. - Tiếp tục đi. - Shuttleworth nói. - Bà Ashley không nhận lời Tổng thống vì chồng bà ấy không thể bỏ công việc thực nghiệm y khoa của ông ấy. Rồi ông ta bị giết trong một tai nạn ôtô thích hợp. Thế là người phụ nữ có mặt tại Washington trên đường đi Bucarest. Đúng là có ai đấy đã xếp đặt kế hoạch ngay từ đầu. - Một người nào đấy à? Ai thế? - Đấy là một câu hỏi lớn! - Ben à, anh đề nghị gì đấy? - Tôi chẳng đề nghị gì cả. Để tôi cho anh biết Cảnh sát trưởng Munster đã đề nghị gì. Ông ta nghĩ rằng thật là đặc biệt vì có nửa chục nhân chứng lộ diện từ đâu không rõ giữa đêm đông giá lạnh, chỉ đúng lúc để chứng kiến tai nạn. Và anh còn muốn nghe một điều còn đặc biệt hơn không? Tất cả bọn họ đều biến mất cả. Từng người một. - Tiếp tục đi. - Tôi đã đến pháo đài Riley để nói chuyện với tài xế xe tải quân đội đã giết chết bác sĩ Ashley. - Và ông ta có gì để nói? - Không nhiều đâu. Ông ta đã chết. Lên cơn đau tim. Hai mươi bảy tuổi. Shuttleworth đang nghịch với đế ly của mình. - Tôi cho rằng còn nữa phải không? - Ồ vâng. Còn nữa. Tôi đến văn phòng CID tại pháo đài Riley để phỏng vấn đại tá Jenkins, vị sĩ quan phụ trách điều tra quân đội cũng là một trong những nhân chứng của tai nạn. Vị đại tá không còn ở đấy. Ông ta đã được thăng cấp và thuyên chuyển đi. Bây giờ ông ta là thiếu tướng ở đâu đấy tại hải ngoại. Hình như chẳng ai biết ở đâu cả! Alfred Shuttleworth lắc đầu. - Ben, tôi biết bạn là một phóng viên đại tài, nhưng tôi thực tâm nghĩ rằng lần này bạn mất dấu rồi đấy. Bạn đang xây dựng một ít sự kiện trùng hợp vào một phim truyện Hitcock đấy. Người ta vẫn bị chết vì các tai nạn ô tô. Người ta vẫn bị lên cơn đau tim và các sĩ quan vẫn được thăng cấp. Bạn đang tìm một loại âm mưu nào đấy ở nơi mà chẳng có gì cả. - Al, bạn có nghe đến một tổ chức gọi là “Các nhà yêu nước vì tự do” không? - Không. Cái gì đấy giống như DAR à? Ben Cohn điềm tĩnh nói : - Chẳng giống DAR chút nào cả. Tôi vẫn nghe tin đồn đại, nhưng tôi chẳng xác định được gì cả. - Loại tin đồn nào thế? - Nó được xem là một phe đảng của cánh hữu cấp cao và những người cuồng tín cánh tả từ hàng chục quốc gia phương Đông và phương Tây. Lý tưởng của họ đối lập hoàn toàn, nhưng điều đã đưa họ lại gần với nhau là sự sợ hãi. Các phần tử Cộng sản nghĩ rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một trò của khối tư bản nhằm tiêu diệt khối Đông u Những người cánh hữu tin rằng kế hoạch của ngài sẽ là một cánh cửa mở để cho cộng sản tiêu diệt chúng ta. Do đó, họ đã thành lập cái liên minh xấu xa này. - Chúa ơi! Tôi không tin! - Còn nữa. Ngoài những nhân vật quan trọng người ta bảo rằng nhiều nhóm nhỏ của các cơ quan an ninh của các quốc gia khác nhau cũng dính líu vào. Bạn có nghĩ rằng bạn có thể phối kiểm lại giùm tôi được không? - Tôi không biết. Tôi sẽ cố gắng. - Tôi đề nghị bạn làm việc ấy một cách kín đáo nhé. Nếu tổ chức ấy có thực, họ sẽ không mừng run để cho bất cứ ai chõ mũi vào đâu! - Tôi sẽ bàn lại với bạn sau, Ben. - Cám ơn. Hãy gọi bữa ăn trưa nhé. Món mì ống chiên giòn ngon tuyệt. * * * * * Alfred Shuttleworth hoài nghi về lý thuyết của Ben Cohn. Các phóng viên hay tìm những khía cạnh giật gân; Shuttleworth nghĩ thế. Chàng thích Ben Cohn, nhưng Shuttleworth chẳng có ý kiến gì về cách dò la về một tổ chức thần bí khả dĩ có được cả. Nếu nó có thực sự, nó sẽ có trong một chiếc máy điện toán nào đấy của chính phủ. Bản thân chàng không thể đến gần các máy điện toán được “Nhưng mình biết có người”, Alfred Shuttleworth nhớ lại - “Mình sẽ gọi ông ta”. Alfred Shuttìeworth đang uống ly Martini thứ hai thì Peter Connors bước vào quán rượu. - Xin lỗi tôi đến trễ. - Connors bảo - Một vấn đề nhỏ tại hãng nước chấm! Peter Connors gọi một ly Scoth và Shuttleworth một ly Martini khác. Hai người đã gặp nhau vì bạn gái của Connors và vợ của Shuttleworth đã làm việc cùng hãng và kết bạn với nhau. Connors và Shuttleworth hoàn toàn đối nghịch, một người can dự vào những trò chơi điệp báo chết người và người kia làm việc như một quan lại bàn giấy. Tính cách khác biệt nhau ấy đã làm họ thích thú khi kết bạn với nhau, và thỉnh thoảng họ trao đổi cho nhau những tin tức hữu ích. Lần đầu tiên khi Shuttleworth gặp ông ta, Peter Connors là một người bạn vui tính và hấp dẫn. Ở đâu đấy suốt chặng đường, có một điều gì đấy đã làm ông ta trở nên gắt gỏng. Ông ta đã trở thành một người phản động cay cú hơn. Shuttleworth hớp ly Martini của chàng. - Peter. Tôi nhờ bạn một việc đặc biệt. Bạn có thể xem giùm tôi một điều trong máy điện toán của CIA không? Có lẽ không có ở đấy, nhưng tôi đã hứa với một người bạn rằng tôi sẽ cố gắng. Connors cười thầm. - Tên khốn khổ này có lẽ muốn tìm xem có ai đấy nện vợ hắn không. - Được. Tôi có nợ bạn một ít. Bạn muốn biết về ai? - Đấy không phải là ai, đấy là cái gì đấy. Và có lẽ nó cũng không có. Đấy là một tổ chức gọi là “Các nhà yêu nước vì tự do”. Bạn đã nghe đến chỗ nó chưa? Peter Connors cẩn thận đặt ly rượu xuống. - Tôi không thể nói rằng tôi biết, Al ạ. Bạn của bạn tên gì? - Ben Cohn. Anh ấy là một phóng viên của tờ Post. Sáng hôm sau, Ben Cohn đi đến quyết định. Chàng bảo Akiko. - Hoặc là anh nắm được câu chuyện của thế kỷ, hoặc anh chẳng có gì cả. Đây là lúc anh đã tìm ra! - Cám ơn Chúa! - Akiko reo lên - Arthur sẽ rất sung sướng đấy? Ben Cohn gọi Mary Ashley tại văn phòng nàng. - Chào Đại sứ. Ben Cohn. Bà nhớ tôi không? - Vâng, ông Cohn. Ông đã viết câu chuyện ấy chưa? - Thưa bà Đại sứ, đấy là điều tôi đến thăm bà đấy Tôi đã đến thị trấn Junction và nhặt được một số tin mà tôi nghĩ rằng bà sẽ quan tâm đến. - Loại tin tức nào thế? - Tôi không thích nói chuyện ấy qua điện thoại. - Tôi không biết liệu chúng ta có thể gặp nhau đâu đấy không? - Tôi có cả một thời khóa biểu thực khôi hài. Để tôi xem. Tôi rảnh được nửa giờ sáng thứ sáu, được không? - Qua ba ngày! Tôi đoán là có thể đợi đến lúc đó. - Ông có muốn đến văn phòng tôi không? - Có một quầy cà phê tầng dưới trong tòa nhà của bà. Tại sao chúng ta không gặp nhau ở đấy? - Được rồi, tôi sẽ gặp ông vào thứ sáu. Họ chào nhau và gác máy. Một lúc sau, có tiếng clic thứ ba trên đường dây. * * * * * Chẳng có cách nào để tiếp xúc trực tiếp với ngài chủ sự cả. Ông ta đã tổ chức và hỗ trợ cho tổ chức “Các nhà yêu nước vì tự do”, nhưng ông ta không bao giờ dự các buổi họp và ông ta hoàn toàn nặc danh. Ông ta là một số điện thoại - không thể tìm ra được (Connors đã cố gắng) - và một máy ghi bảo rằng, - Bạn có sáu mươi giây để chuyển công điện. - Số ấy chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Connors dừng lại tại một phòng điện thoại công cộng để gọi. Ông ta dùng đến máy ghi. Bức điện được nhận lúc 6 giờ tối. Tại Buenos Aires lúc ấy 8 giờ tối. - Vị chủ sự nghe bức điện hai lần, rồi quay một số ông đợi đến ba phút mới nghe giọng của Neusa Munez trên máy. - Vâng! - Vị chủ sự lên tiếng - Đây là người đã dàn xếp với cô trước kia về Angel. Tôi có một hợp đồng khác với ông ấy. Cô có thể tiếp xúc ngay với ông ấy không? - Tôi không biết. - Nàng có vẻ say. Ông cố kìm lại sự sốt ruột trong giọng nói của mình. - Khi nào cô hy vọng được tin anh ấy? - Tôi không biết. - Con mụ quỷ quái thật. - Hãy nghe tôi đây. Ông nói từ từ và thận trọng, dường như đang nói với một đứa bé. - Hãy bảo Angel rằng tôi cần làm ngay việc này. Tôi muốn ông ấy... - Chờ một phút. Tôi phải đi cầu... Ông nghe nàng bỏ điện thoại xuống. Vị chủ sự ngồi đấy, đầy thất vọng. Ba phút sau, nàng trở lại đường dây. - Uống nhiều bia làm mắc tiểu đấy. - Nàng lên tiếng. Ông nghiến răng. - Điều này rất quan trọng. Ông ngại nàng sẽ chẳng còn nhớ gì cả. - Tôi muốn cô lấy bút chì viết lại. Tôi sẽ nói từ từ. Tối hôm ấy, Mary tham dự một bữa tiệc do Tòa đại sứ Canada tổ chức. Lúc nàng rời văn phòng về nhà thay đồ, James Stickley nói : - Tôi muốn đề nghị lần này bà sẽ nhấm các ly rượu chúc mừng! Ông ta và Mike Slade là một cặp bài trùng tuyệt vời. Bây giờ nàng đến dự tiệc và nàng mong được thoải mái với Beth và Tim. Những khuôn mặt ở bàn, nàng đều không quen. Bên phải nàng là một tay trùm tàu bè Hy Lạp. Bên trái nàng là một nhà ngoại giao Anh. Một nhà tai mắt Philadelphia đeo đầy kim cương; bảo Mary. - Thưa bà Đại sứ, bà thích Washington chứ? - Rất nhiều, cám ơn bà. - Có lẽ bà sung sướng run vì đã thoát khỏi Kansas của bà đấy! Mary nhìn bà ta không hiểu. - Thoát khỏi Kansas à? Người phụ nữ tiếp tục nói : - Tôi chưa bao giờ đến Trung Mỹ cả, nhưng tôi tưởng tượng có lẽ nó kinh khủng đấy. Tất cả những nông gia ấy và chẳng có gì cả ngoài những cánh đồng bắp và lúa mì ảm đạm. Thật là ngạc nhiên vì bà có thể chịu đựng lâu thật đấy. Mary cảm thấy một cơn giận đang dâng lên, nhưng nàng tự chủ được giọng nói. - Bắp và lúa mì mà bà đang đề cập đến - Nàng lịch sự bảo “Nuôi thế giới đấy”. Người phụ nữ lên giọng kẻ cả. - Xe cộ chúng ta chạy bằng xăng, nhưng tôi không muốn sống trong những vùng có dầu. Nói một cách văn chương, người ta phải sống tại Phương Đông, phải không? Bây giờ hoàn toàn đúng đắn - tại Kansas, trừ phi người ta phải ra đồng gặt hái cả ngày, thực sự chẳng có gì để làm cả phải không? Những người khác ở bàn đều lắng nghe kỹ. Thực sự chẳng có gì để làm cả, phải không? Mary nghĩ đến những chuyến xe chở cỏ khô tháng 8, những phiên chợ trong thành phố, và những bi kịch cổ điển thú vị tại rạp hát của Trường đại học. Những buổi cắm trại Chủ Nhật tại công viên Milford, các cuộc thi đấu banh mềm và những cuộc câu cá trong hồ trong vắt. Ban nhạc chơi trên sân cỏ, các cuộc họp mặt trong sảnh đường thành phố, các bữa tiệc tập thể, các cuộc khiêu vũ đồng quê và niềm phấn khởi lúc gặt hái... những chuyến xe trượt tuyết và những đợt pháo bông ngày 4 tháng 7 sáng rực bầu trời Kansas êm ả. Mary bảo người phụ nữ. - Nếu bà thực sự chưa bao giờ đến Trung Mỹ bà thực sự không biết điều bà đang nói! Vì đấy là điều cả đất nước này cần đến. Nước Mỹ không phải là Washington, Los Angeles hoặc New York. Chính hàng nghìn những thành phố nhỏ mà bà chưa từng thấy hoặc nghe đến đã làm cho đất nước này vĩ đại. Đấy là những người thợ mỏ, những nông dân và những công nhân quần áo bẩn thỉu. Và vâng, tại Kansas chúng tôi có vũ kịch, nhạc giao hưởng và sân khấu. Và, để bà mở kiến thức, chúng tôi còn trồng nhiều thứ hơn cả bắp và lúa mì - chúng tôi trồng những con người trung tín với Thượng Đế. * * * * * - Bà biết rằng, dĩ nhiên, bà đã làm nhục em gái của một thượng nghị sĩ rất quan trọng đấy! - James Stickley cho Mary biết sáng hôm sau. - Chưa đủ đâu. - Mary thách thức nói - Chưa đủ đâu. Sáng thứ năm Angel khó ở, chuyến bay từ Buenos Aires đến Washington DC phải hoãn lại vì một cú điện thoại đe dọa như bom nổ. “Cuộc đời không còn an toàn nữa” - Angel suy nghĩ một cách giạn dữ. Phòng khách sạn đã đăng ký trước tại Washington cũng quá hiện đại nữa - từ ấy là gì nhỉ “Plastic. Đúng là nó”. Tại Buenos Aires, mọi việc đều là “Autentico” cả. Mình sẽ hoàn tất hợp đồng này và trở về nhà. Công việc đơn giản hầu như là một điều nhục mạ cho tài năng của mình. Nhưng tiền bạc tuyệt vời. Đêm nay mình sẽ được bù khú. Mình không biết tại sao sự giết chóc làm mình cứ cương cứng lên. Lần dừng lại đầu tiên của Angel là ở một cửa hàng phụ tùng điện, rồi một tiệm sơn và cuối cùng là một siêu thị, nơi Angel chỉ mua sáu bóng đèn. Thiết bị còn lại đang đợi trong phòng khách sạn hai thùng dán kín ghi “Dễ vỡ - Nhẹ tay”. Bên trong chiếc thùng thứ nhất là bốn quả lựu đạn tay sơn màu xanh quân đội. Trong thùng thứ hai là dụng cụ hàn. Bằng cách làm việc thật chậm chạp, thật thận trọng, Angel cắt phần trên của quả lựu đạn thứ nhất ra rồi sơn phần đáy cùng màu với bóng đèn. Bước kế tiếp là lấy thuốc nổ ra và thay bằng một loại chất nổ cực mạnh. Khi nó được nhét chặt vào, Angel thêm vào đấy những mảnh chì và kim loại. Angel đập một bóng đèn vào bàn, giữ lại dây tóc và đế tim đèn. Chỉ mất không đầy một phút để hàn dây tóc của bóng đèn vào một ngòi nổ điện. Bước cuối cùng là nhét sợi dây tóc vào một chất đệm để giữ cho nó vững và rồi đặt nhẹ nó vào bên trong quả lựu đạn đã sơn. Khi Angel hoàn tất, nó trông y như một bóng đèn bình thường. Angel bắt đầu làm đến các bóng đèn còn lại. Sau đấy, chẳng còn gì khác để làm ngoài việc chờ đợi một cú điện thoại. Điện thoại reo lúc 8 giờ buổi chiều ấy. Angel nhấc điện thoại lên và lắng nghe, không nói gì cả. Sau một lúc, một giọng bảo - Hắn di rồi. Angel gác ống nghe. Cẩn thận, thật cẩn thận bỏ cái bóng đèn vào một chiếc hộp nhồi vỏ bào và đặt vào một chiếc vali cùng với tất cả những mảnh vật liệu phế thải. Chuyến taxi đến chung cư mất 17 phút. Chẳng có người giữ cửa nào ở hành lang cả, nhưng nếu có, Angel đã chuẩn bị sẵn để đối phó. Mục tiêu ở tầng năm. Phòng cuối của hành lang. Cái khóa là một cái Schlage kiểu xưa, rất đơn giản để sử dụng. Angel vào bên trong căn phòng chỉ trong vài giây, đứng im làng tai nghe. Chẳng có ai ở đấy cả. Việc thay sáu cái bóng đèn trong phòng khách chỉ mất ít phút. Sau đấy, Angel hướng về sân bay Dulles để đáp chuyến bay nửa đêm về lại Buenos Aires. Thật là một ngày dài cho Ben Cohn. Chàng đã theo dõi một cuộc họp báo vào buổi sáng do Bộ Trưởng Ngoại giao tổ chức, một bữa ăn trưa cho Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ về hưu, và đã được tường trình ngoài chương trình do một người bạn tại Bộ quốc phòng. Chàng đã về nhà tắm và thay đồ rồi lại đi ăn tối với một chủ bút lão thành của tờ Post. Khi chàng trở về tòa chung cư cửa chàng trời đã gần nửa đêm. - “Mình phải chuẩn bị giấy tờ cho cuộc họp mặt với Đại sứ Ashley, ngày mai”. - Ben nghĩ thế. Akiko đã ra ngoài thành phố và chỉ trở về vào ngày mai. - “Cũng thật đúng lúc. Mình có thể dùng phần thì giờ còn lại. Nhưng lạy Chúa” - Chàng bật cười nghĩ thế - “Người phụ nữ ấy chắc biết cách ăn một quả chuối nứt nẻ”. Chàng tra chìa vào ổ khóa và mở cửa. Căn phòng tối như mực. Chàng với tay lên công tắc đèn và ấn vào. Đột nhiên ánh sáng chớp lóa và căn phòng nổ như một quả bom nguyên tử, tung toé những mảnh vụn của thân thể chàng vào bốn bức tường. Ngày hôm sau, vợ của Alfred Shuttleworth báo cáo chàng mất tích. Không ai bao giờ tìm thấy chàng nữa. Chương 17 - Chúng tôi vừa nhận được lời thông báo chính thức - Stanton Rogers nói - Chính phủ Rumani đã chấp thuận cho bà làm tân Đại sứ của Hoa Kỳ! Đây là một trong những lúc hồi hộp nhất trong cuộc đời của Mary Ashley. Có lẽ ông nội mình sẽ rất tự hào đấy. - Tôi muốn đích thân mang cho bà tin tức tốt đẹp Mary ạ. Tổng thống muốn gặp bà. Tôi sẽ đưa bà đến Tòa Bạch Ốc. - Tôi không biết phải cám ơn ông như thế nào về mọi việc ông đã làm, Stan ạ. - Tôi chưa làm gì cả. - Rogers phản đối - Chính Tổng thống đã chọn bà. - Ông cười - Và tôi phải nói rằng ông ấy đã chọn lựa thật tuyệt đấy. Mary nghĩ đến Mike Slade. - Có một số người không đồng ý. - Họ nhầm đấy. Bà có thể làm nhiều hơn ở đấy cho quốc gia chúng ta hơn bất cứ người nào mà tôi có thể nghĩ đến. - Cám ơn ông - Nàng khiêm tốn nói - Tôi sẽ cố gắng sống cho điều ấy. Nàng định nói về chuyện của Mike Slade. Stanton Rogers có nhiều quyền lực. Có lẽ ông có thể thu xếp cho Slade ở lại Washington. Không, Mary nghĩ thế, mình không nên đặt lên người Stan. Ông ấy đã làm đủ rồi. - Tôi có một đề nghị. Thay vì bay thẳng sang Bucarest, tại sao bà và các cháu không dừng chân trước tiên tại Paris và Rome ít ngày. Các chuyến bay của Hàng không Tarom sẽ bay trực tiếp từ Rome đến Bucarest đấy. Nàng nhìn ông nói : - Ồ, Stan, sẽ là thiên đường đấy? Nhưng tôi có thì giờ không? Ông nháy mắt. - Tôi có bạn bè ở địa vị cao. Để tôi thu xếp cho bà! Nàng cao hứng ôm chầm lấy ông. Ông đã trở nên một người bạn thực thân thiết. Những giấc mơ mà nàng và Edward thường đề cập đến sắp biến thành sự thật. Nhưng không có Edward. Đấy là một ý nghĩ vừa ngọt ngào, vừa cay đắng. * * * * * Mary và Stanton Rogers được đưa vào Phòng Xanh bởi Tổng thống Elhson đang đợi họ. - Tôi muốn xin lỗi bà về sự chậm trễ trong vấn đề tiến hành công việc, Mary ạ. Stanton đã bảo cho bà biết rằng bà đã được chính phủ Rumani chấp thuận. Đây là ủy nhiệm thư của bà. Ông trao cho nàng một bức thư. Nàng chậm rãi đọc: “Bà Mary Ashley theo đây được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ tại Rumani và mọi nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ đi theo đều thuộc thẩm quyền của bà”. - Cái này kèm theo nó. - Tổng thống trao cho Mary một hộ chiếu. Nó mang bìa đen thay vì bìa xanh thường lệ. Mặt trước in bằng chữ mạ vàng: “Hộ chiếu ngoại giao!” Mary đã tiên liệu điều này hàng tuần trước, nhưng bây giờ, khi việc ấy đã đến, nàng hầu như không thể tin được điều gì đã xảy ra. Paris! Rome! Bucarest! Hình như nó có vẻ quá đẹp để thành sự thật, và không biết từ đâu, một điều mà mẹ của Mary thường bảo nàng chợt thoáng hiện trong óc nàng: “Nếu có điều gì có vẻ như quá đẹp để trở thành sự thật, Mary ạ, có lẽ có đấy”. Có một mục ngắn ngủi trong báo buổi chiều rằng phóng viên Ben Cohn của tờ Washington Post đã bị giết bằng hơi nổ trong phòng của chàng. Vụ nổ được xem như do một cái bếp ga bị hở. Mary không nhìn thấy bản tin. Khi Ben Cohn không tới chỗ hẹn của họ, Mary khẳng định rằng hoặc là chàng phóng viên đã quên hoặc không còn quan tâm nữa. Nàng trở lại văn phòng với công việc của nàng. Sự liên hệ giữa Mary và Mike Slade càng lúc càng khiến nàng giận dữ hơn. - Hắn là người đàn ông ngạo mạn nhất mà mình chưa hề gặp - Mary nghĩ thế - Mình sẽ phải nói chuyện với Stan về hắn. Stanton Rogers đi theo Mary và bọn trẻ đến sân bay Dulles trong một chiếc xe hòm của Bộ Ngoại giao. Trong chuyến đi, Stanton bảo rằng : - Các Tòa đại sứ tại Paris và Rome đã được báo trước về việc bà đến đấy. Họ sẽ lo săn sóc chu đáo cho ba người. - Cám ơn Stan. Ông rất tuyệt. Ông mỉm cười. - Tôi không thể cho bà biết tôi hài lòng như thế nào. - Con có thể đi thăm khu hầm mộ ở Rome không? Stanton cảnh cáo : - Dưới đấy khá dễ sợ đấy! Tim! - Đấy là điều khiến cháu muốn đi thăm đấy. Tại sân bay, Ian Villers đang đợi với hàng chục nhiếp ảnh viên và phóng viên. Họ vây quanh Mary, Beth và Tim và gọi to các câu hỏi thông thường. Cuối cùng, Stanton Rogers nói : - Đủ rồi đấy. Hai người thuộc Bộ Ngoại giao và một đại diện của hãng hàng không đưa phái đoàn vào trong một phòng riêng. Hai đứa bé đi tới giá để tạp chí. Mary nói : - Stan, tôi không thích trút gánh nặng này cho ông, nhưng James Stickley bảo tôi rằng Mike Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của tôi. Có cách nào để thay đổi việc ấy không? Ông nhìn nàng ngạc nhiên. - Bà đang có vấn đề gì với Slade à? - Nói thật nghiêm chỉnh, tôi không thích ông ta tôi không thể cho ông biết lý do. Có ai có thể thay ông ta không? Stanton Rogers nói với vẻ suy tư : - Tôi không rõ Mike Slade mấy nhưng tôi biết ông ta có một hồ sơ thật tuyệt vời. Ông ta đã phục vụ xuất sắc trong các nhiệm sở tại Trung Đông và châu u. Ông ta có thể cho bà biết chính xác loại nghiệp vụ nào bà sẽ cần đến. Nàng thở dài : - Ông Stickley cũng đã nói như thế! - Tôi e rằng tôi phải đồng ý với ông ấy, Mary ạ. Slade có tài giải quyết những việc rắc rối đấy! - Không phải. Slade chính là rắc rối đấy. Chấm hết! - Nếu bà có vấn đề gì với ông ta, tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Thực sự nếu bà có vấn đề gì với ai, - tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Tôi muốn biết chắc chắn rằng bà có được tất cả mọi sự giúp đỡ mà tôi có thể cho bà được! - Tôi xin cám ơn về điều ấy. - Một việc cuối cùng. Bà biết rằng tất cả những sự giao thiệp của bà sẽ được ghi lại và gởi đến các bộ tại Washington chứ? - Vâng! - À, nếu bà có bất cứ công điện nào muốn gửi cho tôi mà không có ai khác được đọc, mật mã ở đầu công điện là ba chữ x. Tôi sẽ là người duy nhất nhận công điện ấy! - Tôi sẽ nhớ! * * * * * Sân bay Charles De Gaulle là một điều ngoài sự tưởng tượng của khoa học, một chiếc kính vạn hoa, những hàng cột bằng đá và điều đáng chú ý đối với Mary hình như là hàng trăm chiếc cầu thang tự động chạy loạn xạ. Sân bay đông nghẹt hành khách. - Hãy đứng gần mẹ nhé, các con. - Mary thúc giục. Khi họ ra khỏi cầu thang tự động, nàng nhìn quanh tuyệt vọng. Nàng chặn một người Pháp đang đi qua và tập trung nhớ lại vài câu tiếng Pháp mà nàng biết. Nàng hỏi một cách ngập ngừng. - Xin lỗi, thưa ông, hành lý ở đâu? Bằng một âm Pháp nặng, ông ta buồn bã nói : - Rất tiếc, thưa bà. Tôi không nói được tiếng Anh. Ông ta bỏ đi để lại Mary trố mắt nhìn theo. Vừa lúc ấy, một thanh niên Mỹ ăn mặc lịch sự vội vàng đến với Mary và con nàng. - Thưa bà Đại sứ, hãy thứ lỗi cho tôi? Tôi được chỉ thị gặp bà ở phi cơ, nhưng tôi bị chậm trễ vì một tai nạn lưu thông. Tên tôi là Peter Callas. Tôi là việc tại Tòa đại sứ Mỹ. - Tôi thực sự hân hạnh được gặp ông. - Mary nói - Tôi nghĩ rằng tôi đã bị lạc. - Nàng giới thiệu con nàng - Chúng tôi tìm hành lý chúng tôi ở đâu? - Chẳng có gì đáng lo cả. - Peter Callas quả quyết với nàng - Mọi việc sẽ được chu tất cho bà. Chàng nói đúng. 15 phút sau, trong lúc các hành khách khác bắt đầu đi qua quầy kiểm tra hộ chiếu và quan thuế, Mary, Beth và Tim hướng về cổng ra của sân bay. Thanh tra Henri Durand thuộc ban Tổng giám đốc an ninh ngoại giao, Cơ quan tình báo Pháp, quan sát họ bước vào một chiếc xe hòm đang đợi sẵn. Khi chiếc xe chuyển bánh, viên thanh tra bước đến một dãy phòng điện thoại và đi vào một phòng. Ông đóng cửa, cài then và quay số. Khi có người trả lời, ông nói : - Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đã đến Paris. Khi chiếc xe hòm đậu trước Tòa đại sứ Mỹ, báo chí Pháp đang đợi đông nghẹt. Peter Callas nhìn ra cửa xe. Chúa ơi. Giống như một đám biểu tình. Đợi họ bên trong là Hugh Simon, Đại sứ Mỹ ở Pháp. Ông là người Texas, đứng tuổi, với đôi mắt tò mò trên một khuôn mặt tròn, trên đó là mái tóc đỏ nhạt dợn sóng. - Chắc là mọi người rất nôn nóng được gặp bà, bà Đại sứ ạ. Báo chí đã lẩn quẩn bên chân tôi suốt buổi sáng! Cuộc họp báo của Mary kéo dài suốt hơn một giờ. Khi xong xuôi, nàng mệt lử. Mary và lũ con được đưa đến văn phòng của Đại sứ Simon. - À. - Ông nói - Tôi hài lòng vì việc ấy đã xong. Khi tôi đến đây để nhận việc này, tôi nghĩ rằng nó chiếm cả một đoạn trong trang cuối của tờ Le Monde đấy. - Ông mỉm cười - Dĩ nhiên, tôi không xinh như bà. - Ông ta nhớ lại một việc - Tôi đã nhận được điện thoại của Stanton Rogers. Tôi nhận những chỉ thị vô cùng quan trọng của Tòa Bạch Ốc để lo cho bà, Beth và Tim được vui vẻ trong tất cả thời gian gia đình bà còn ở tại Paris. - Thực sự vô cùng quan trọng à? - Tim hỏi. Đại sứ Simon gật đầu. - Lời ông ấy đấy. Ông ấy rất mến tất cả mọi người trong gia đình bà! - Chúng tôi rất mến ông ấy. - Mary quả quyết với ông. - Tôi đã thu xếp cho bà một dãy phòng tại Ritz. Đấy là một khách sạn đáng yêu cách xa quảng trường Concorde. Tôi chắc rằng bà sẽ hoàn toàn thoải mái ở đấy! - Cám ơn ông. - Rồi nàng lo âu hỏi - Có đắt lắm không? - Vâng - nhưng bà không phải lo. Stanton Rogers đã thu xếp cho Bộ Ngoại giao chịu tất cả chi phí của bà. Mary nói : - Ông ấy tuyệt vời không thể tưởng tượng được! - Theo ông ấy, bà cũng vậy đấy. Các tờ báo chiều và tối đăng tải những câu chuyện rực rỡ về chuyến đến của vị đệ nhất Đại sứ Tổng thống trong chương trình giữa các dân tộc của ngài. Sự kiện chiếm toàn bộ chương trình tin tức truyền hình tối và báo chí buổi sáng ngày hôm sau. Thanh tra Durand nhìn chồng báo và mỉm cười. Mọi việc đều tiến triển theo kế hoạch. Cuộc quảng cáo này còn tốt hơn cả điều mong đợi. Ông có lẽ sẽ tiên đoán được lộ trình của gia đình Asley trong ba ngày nữa. - “Họ sẽ đi đến tất cả các địa điêm du lịch không đáng lưu tâm để thăm viếng đối với người Mỹ” - Ông nghĩ thế. Mary và con ăn trưa tại nhà hàng Jules Verne ở tháp Eiffel và sau đấy lên đỉnh cung Chiến thắng. Sáng hôm sau họ đi xem bảo vật ở điện Louvres, ăn trưa gần Versailles và ăn chiều tại tháp D’Argent. Tim nhìn ra cửa sổ nhà hàng xem nhà thờ Notre-Dame và hỏi : - Họ giữ “Thằng Gù” ở đâu thế? Mỗi giây phút tại Paris đều là một niềm vui thú. Mary vẫn cứ nghĩ rằng nàng mong có Edward Ngày tiếp theo sau khi ăn trưa, họ được đưa đến sân bay. Thanh tra Durand nhìn họ ghi tên vào chuyến bay đến Rome. - Người phụ nữ trông hấp dẫn, quả thật đáng yêu. Một khuôn mặt thông minh. Hình dáng đẹp, chân và mông lớn. Mình không biết nàng ta sẽ trông như thế nào trên giường nhỉ? Lũ trẻ, thật là một điều kinh ngạc. Chúng rất đúng đắn so với người Mỹ. Khi phi cơ cất cánh, Thanh tra Durand đến một phòng điện thoại : - Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đang trên đường đi Rome. Tại Rome, báo chí đang đợi tại sân bay Michel-Angele. Lúc Mary và con nàng xuống phi cơ, Tim nói : - Trông kìa, mẹ, họ theo chúng ta kìa! Quả thực, đối với Mary hình như sự khác biệt duy nhất là âm điệu Ý. Câu hỏi đầu tiên của các phóng viên là : - Bà thích Ý như thế nào? Đại sứ Oscar Viner cũng bối rối như Đại sứ Simon. - Frank Sinatra không được tiếp đón lớn như thế này. Có điều gì đấy ở bà mà tôi không được biết chăng, bà Đại sứ? - Tôi nghĩ rằng tôi có thể giải thích. - Mary đáp - Không phải tôi là người báo chí quan tâm đến. Họ quan tâm đến chương trình giữa các dân tộc của Tổng thống đấy. Chẳng bao lâu, chúng ta sẽ có đại diện tại mỗi quốc gia khối XHCN. Đấy sẽ là một bước vĩ đại hướng đến hòa bình. Tôi nghĩ rằng đấy là điều đã kích thích giới báo chí. Sau một lúc, Đại sứ Viner nói : - Nhiều việc đặt lên người bà, phải không? Đại tá Caesar Barzini, trưởng ngành cảnh sát mật Ý, cũng có thể tiên đoán chính xác những địa điểm mà Mary và con nàng sẽ thăm viếng trong những ngày ở lại ngắn ngủi của họ. Vị đại tá cho hai người canh chừng gia đình Ashley và mỗi ngày khi họ báo cáo lại, hầu như đúng những điều ông đã liệu trước. - Họ uống sôđa pha kem lạnh tại Doney, đi bộ dọc theo đường Veneto và đi thăm điện Colossée! - Họ đến thăm suối Trevi. Bỏ vào đấy những đồng tiền. - Thăm Terme đi Caracalla và rồi Hầm mộ. Cậu bé đau và được đưa về lại khách sạn. - Các đối tượng đi xe ngựa trong công viên Borghese và đi bộ dọc theo Piazza Navona! - Cứ vui chơi đi - Đại tá Barzini nghĩ một cách mỉa mai. Đại sứ Viner hộ tống Mary và con nàng đến sân bay. - Tôi có một túi ngoại giao gửi đến Tòa đại sứ ở Rumani. Bà có phiền khi mang nó theo với hành lý của bà không? - Dĩ nhiên là không. - Mary nói. Đại tá Barzini đến sân bay để quan sát gia đình Ashley lên chiếc phi cơ Hãng hàng không Tarom đi Bucarest. Ông ở lại đến lúc phi cơ cất cánh, rồi gọi điện thoại. - Tôi có một công điện cho Balder. Mọi sự đều hoàn hảo. Báo chí vây kinh khủng thật. Chỉ sau khi họ đã ở trên không, sự lớn lao của điều sắp xảy ra mới thực sự làm Mary xúc động. Thật khó tin đến nỗi Mary đã phải nói lớn. - Chúng ta đang trên đường đi Rumani, nơi mà mình sẽ nhận chức vụ Đại sứ của Hoa Kỳ. Beth trố mắt nhìn nàng kỳ lạ. - Vâng, thưa mẹ. Chúng con biết. Đấy là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây! Nhưng làm sao Mary giải thích cho chúng được sự phấn khởi của nàng? Phi cơ càng đến gần Bucarest, sự phấn khởi của nàng càng tăng. - “Mình sẽ là vị Đại sứ giỏi nhất mà họ chưa từng thấy”. - Nàng nghĩ thế - “Trước khi mình thôi việc, Hoa Kỳ và Rumani sẽ là đồng minh thân thiết!” Dấu hiệu CẤM HÚT THUỐC sáng lên và những giấc mơ thần tiên làm nhà đại chính khách tan biến đi. - “Chúng ta không thể đáp xuống được” - Mary nghĩ trong một cơn kinh hoàng. “Chúng ta vừa mới cất cánh mà. Tại sao chuyến bay ngắn thế nhỉ?” Nàng cảm thấy áp lực trong tai lúc phi cơ bắt đầu hạ thấp dần, và ít lâu sau bánh phi cơ chạm đất. Điều ấy đã thực sự xảy ra, Mary phân vân. “Mình không phải là Đại sứ. Mình là giả hiệu. Mình sẽ không đưa nước mình vào một cuộc chiến. Xin Chúa phù hộ tất cả. Có lẽ Dorothy và mình không nên rời Kansas”. Chương 18 Sân bay Otopeni, cách trung tâm Bucarest 25 dặm, là một sân bay hiện đại, được xây dựng để thuận lợi cho việc lưu thông của các hành khách từ các quốc gia Đông u láng giềng, cũng như phụ trách một số ít hơn những du khách phương Tây đến thăm Rumani mỗi năm. Bên trong phi cảng là các binh sĩ mặc quân phục màu nâu, trang bị súng trường, súng ngắn và trong tòa nhà có một bầu không khí lạnh lẽo nhưng chẳng liên quan gì với nhiệt độ giá lạnh. Một cách vô thức, Beth và Tim đi sát hơn vào người Mary. “Vậy là chúng cũng cảm nhận được điều ấy nữa” - Mary nghĩ thế. Hai người đàn ông tiến đến gần. Một người trong nhóm là một người giống như người Mỹ, gọn gàng và lực lưỡng, người kia lớn tuổi hơn và mặc bộ đồ có vẻ xa lạ, không vừa mấy. Người Mỹ tự giới thiệu : - Chúc mừng bà đã đến Rumani, bà Đại sứ ạ. Tôi là Jerry Davis, Lãnh sự công vụ của bà. Đây là Tudor Costache, Trưởng ban lễ tân ngoại giao của Rumani! - Hân hạnh khi bà và con bà đến với chúng tôi! - Costache nói - Chào bà đến nước chúng tôi! - “Theo một góc độ nào đó” - Mary nghĩ - “Đây cũng sẽ là quốc gia của mình nữa”. - Multumése, domnule. - Mary lên tiếng. - Bà nói tiếng Rumani à! - Costache kêu lên - Cu phăcére? Mary hy vọng rằng người đàn ông sẽ không mê mải. - Vài tiếng thôi. - Nàng vội đáp. Tim nói : - Bunădimineata! Mary thật sự tự hào đến nỗi nàng có thể nổ tung được. Nàng giới thiệu Tim và Beth. Jerry Davis nói. - Xe hòm của bà đang đợi bà, thưa bà Đại sứ. Đại tá Mc Kinney ở ngoài đấy! - Đại tá Mc Kinney và Mike Slade! Nàng không biết Slade cũng có đây không nhưng nàng không chịu hỏi. Có một hàng người dài đợi kiểm soát quan thuế, nhưng Mary và con nàng đã ra ngoài tòa nhà chỉ trong vài phút. Cũng lại có phóng viên và nhiếp ảnh viên đang đợi, nhưng thay vì “sự tự do cho tất cả!” - mà Mary đã gặp trước kia, họ đang kiểm soát trật tự. Khi xong việc, họ cám ơn Mary và đi thành một đoàn. Đại tá Mc Kinney, trong bộ quân phục, đang đợi bên lề đường. Ông chìa tay ra. - Chào bà Đại sứ. Bà đi có vui không? - Vâng, cám ơn ông! - Mike Slade muốn đến đây, nhưng ông ấy còn phải lo vài việc quan trọng! Mary tự hỏi liệu đấy có phải là một cô tóc đỏ hoặc một cô tóc hoe nào đó không. Một chiếc xe hòm đen dài với một lá cờ Mỹ bên cánh phải phía trước dừng lại. Một người đàn ông vẻ mặt vui tươi trong bộ đồng phục tài xế mở cửa. - Tôi là Florian! Người tài xế cười toe toét để lộ hàm răng trắng đẹp : - Chúc mừng bà Đại sứ, cậu Tim, cô Beth. Thật là hân hạnh được phục vụ tất cả! - Cám ơn ông. - Mary nói. Florian sẽ được đặt dưới quyền bà 24 giờ mỗi ngày. - Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đi thẳng về Dinh để bà có thể thay đồ và nghỉ ngơi. Sau đấy, có lẽ bà sẽ thích đi vòng thành phố một tí. Vào buổi sáng, Florian sẽ đưa bà đến Tòa Đại sứ Mỹ. - Nghe hay đấy! - Mary nói. Nàng lại thắc mắc không hiểu Mike Slade đang ở đâu. Chuyến xe đi từ sân bay về thành phố thật quyến rũ. Họ đi trên một đại lộ hai chiều, có rất nhiều xe ô tô và xe tải qua lại, nhưng cứ ít dặm lại bị ngừng lại vì những chiếc xe kéo bước đi nặng nề dọc theo đường. Hai bên đại lộ là những nhà máy hiện đại đứng ngay bên cạnh những túp lều tranh cũ kỹ. Chiếc xe đi qua hết nông trại này đến nông trại khác, có những phụ nữ làm việc trên cánh đồng chít khăn rằn sặc sỡ quanh đầu. Họ đi qua Baneasa, sân bay nội địa của Bucarest. Ngay bên kia, cách đại lộ chính là một tòa nhà hai tầng thấp, xanh xám với một vẻ ghê rợn. - Gì đấy? - Mary hỏi. Florian nhăn mặt. - Nhà tù Ivan Stelian đấy. Đấy là nơi họ giam bất cứ ai không đồng ý với chính quyền Rumani đấy! Trong lúc đi, đại tá Mc Kinney chỉ vào một nút đỏ gần cửa. - Đây là nút bật khẩn cấp. - Ông giải thích - Nếu có bao giờ bà bị rắc rối - bị những kẻ khủng bố hoặc bất cứ ai tấn công - chỉ cần ấn nút này. Nó khởi động một máy phát trong xe và sẽ được ghi nhận tại Tòa đại sứ, và bật ngọn đèn đỏ trên mui xe. Chúng tôi có thể xác định vị trí của bà trong vòng ít phút thôi! Mary chân thành nói : - Tôi hy vọng sẽ không bao giờ dùng đến nó! - Tôi cũng hy vọng thế, thưa bà Đại sứ! Trung tâm thành phố Bucarest đẹp. Có những công viên và đài tưởng niệm và vòi phun khắp nơi. Mary nhớ lại lời ông nội của nàng: “Bucarest là một Paris thu nhỏ, Marry à. Họ còn có ngay cả một tháp tương tự như tháp Eiffel nữa”. Và nó kìa. Nàng đang ở quê cha đất tổ. Các đường phố đông nghẹt người, xe bus và xe điện. Chiếc xe hòm bóp còi dẹp lối đi và các người đi bộ vội vàng tránh lối trong lúc chiếc xe rẽ vào một con phố nhỏ có cây cối mọc hai bên. - Dinh ở phía trước đấy! - Vị đại tá nói - Con đường được đặt tên theo một vị tướng Nga. Mỉa mai. Hở? Nàng hầu như thức trắng đêm ấy, đầy một nỗi cô đơn lạnh lùng, sâu sắc với một cảm giác phấn khởi càng lúc càng tăng về việc bắt đầu công việc mới của nàng. “Bây giờ tùy thuộc ở em, anh yêu. Em không có ai để tựa cả. Em ước gì có anh ở đây với em để bảo cho em đừng hoảng sợ, rằng em sẽ không thất bại. Em không được thất bại!” Cuối cùng khi nàng ngủ thiếp đi, nàng mơ thấy Mike Slade nói. “Tôi ghét những kẻ không chuyên. Tại sao bà không về nước đi!” Tòa đại sứ Mỹ tại Bucarest ở số 21 Soseava Kiseieff, là một tòa nhà hai tầng màu trắng, kiến trúc kiểu bán Gô-tic, với một cổng sắt ở trước, được canh phòng bởi một sĩ quan mặc áo veste xám và một chiếc mũ đỏ. Một người gác thứ hai ngồi bên trong một trạm bảo vệ an ninh bên cạnh cổng. Có một lối cho xe ra vào và những bậc tam cấp cẩm thạch hồng dẫn đến hành lang. Bên trong, tiền sảnh trang hoàng lộng lẫy. Sàn lát cẩm thạch, hai máy truyền hình mạch trong tại một bàn giấy do một lính thủy quân lục chiến canh gác và một lò sưởi với một màn cách nhiệt, trên ấy vẽ một con rồng thở ra khói. Các hành lang được trang trí bằng chân dung các vị Tổng thống. Một cầu thang ngoằn ngoèo đưa đến tầng hai nơi đặt một phòng họp và các văn phòng. Một lính thủy quân lục chiến bảo vệ đang đợi Mary. - Chào bà Đại sứ. - Anh ta lên tiếng - Tôi là trung sĩ Hughes. Họ gọi tôi là Gunny! - Chào Gunny! - Họ đang đợi bà trong văn phòng của bà. Tôi sẽ hộ tống và đến đấy! - Cám ơn anh! Nàng theo anh ta lên lầu đến một phòng tiếp tân, nơi có một phụ nữ trung niên đang ngồi sau một bàn giấy. Bà ta đứng dậy. - Chào bà Đại sứ. Tôi là Dorothy Stone, bí thư của bà! - Bà khỏe chứ? Dorothy nói : - Tôi e rằng bà có cả một đám người đang đợi trong đấy! Bà mở của văn phòng và Mary bước vào. Có chín người ngồi quanh một chiếc bàn họp lớn. Họ đứng lên khi Mary bước vào. Tất cả đều trố mắt nhìn nàng và Mary cảm thấy một luồng sáng thù ghét hầu như rõ ràng. Người đầu tiên mà nàng trông thấy là Mike Slade. Nàng nghĩ đến giấc mơ đêm qua của nàng. - Tôi biết rằng bà đã đến đây an toàn. - Mike lên tiếng - Tôi xin giới thiệu với bà những người trưởng ban của bà. Đây là Lucas Janklow, Lãnh sự Hành chánh; Eddie Malt, Lãnh sự Chính trị; Patricia Hatfield, Lãnh sự Kinh tế; David Wallace, Trưởng ban Hành chánh; Ted Thompson. Nông nghiệp. Bà đã gặp Jerry Davis rồi, Lãnh sự Công vụ; David Victor, Lãnh sự Thương mại và bà đã biết đại tá Bill Mc Kinney rồi! - Xin mời ngồi - Mary nói. Nàng đến ghế đầu bàn và quan sát nhóm người ấy. - “Sự thù ghét đến trong mọi lứa tuổi, kích thước và hình dáng” - Mary nghĩ thế. Patricia Hatfield có một thân hình mập mạp và một khuôn mặt quyến rũ. Lucas Janklow, ủy viên trẻ tuổi nhất trong nhóm, ăn mặc và trông giống như Ivy League. Những người đàn ông khác lớn tuổi hơn, tóc xám, đầu hói, ốm, mập. Sẽ có thời giờ để phân loại họ hoàn toàn. Mike Slade lên tiếng. - Tất cả chúng tôi đều phục vụ bà vô điều kiện. Bà có thể thay thế bất cứ ai trong chúng tôi bất kỳ lúc nào! - Láo thật. - Mary suy nghĩ một cách giận dữ - Tôi đã tìm cách thay thế ông đấy! Cuộc họp kéo dài 15 phút. Cuộc nói chuyện chung chung rời rạc. Cuối cùng Mike Slade nói : - Dorothy sẽ định ra cuộc họp riêng rẽ cho tất cả mọi người với Đại sứ sau đấy trong vài ngày. Cám ơn! Mary ghét việc phụ trách của ông ta. Khi nàng và Mike Slade còn lại một mình, Mary hỏi : - Ai trong họ là nhân viên CIA tại Tòa đại sứ? Mike nhìn nàng một lúc và nói : - Tại sao bà không đến đây với tôi? Ông ta bước ra văn phòng. Mary do dự một lúc rồi đi theo ông ta. Nàng theo ông ta dọc theo một hành lang dài, qua các văn phòng chi chít. Ông ta đến một chiếc cửa rộng có một lính thủy quân lục chiến đang đứng gác ở trước. Người gác bước sang bên trong lúc Mike đẩy cửa ra. Ông ra xoay lại và ra dấu cho Mary bước vào. Nàng bước vào và nhìn quanh. Căn phòng là một sự pha trộn không tin được giữa kim loại và thủy tinh bao phủ khắp sàn nhà, những bức tường và trần nhà. Mike Slade đóng cánh cửa nặng nề sau lưng : - Đây là phòng cách âm. Mỗi Tòa đại sứ trong mộ nước Đông u đều có một cái. Đấy là căn phòng duy nhất trong Tòa Đại sứ không thể bị nghe trộm. Ông ta nhìn thấy vẻ mặt không tin của nàng. - Thưa bà Đại sứ, chẳng những Tòa Đại sứ bị đặt máy nghe trộm, mà bà có thể cá đồng đô la cuối cùng của bà rằng Dinh của bà cũng bị nghe trộm và nếu ta đi ra ngoài để đến nhà hàng ăn chiều, bàn của bà cũng bị đặt máy nghe lén nữa. Bà đang ở trong lãnh thổ của kẻ thù đấy. Mary buông người xuống một cái ghế. - Làm sao ông đối phó với điều ấy? - Nàng hỏi - Tôi muốn nói rằng ta không bao giờ được nói chuyện tự do cả. - Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều tảo thanh bằng điện tử. Chúng tôi tìm ra máy nghe lén của họ và lấy nó đi. Rồi họ thay và chúng tôi lại lấy đi! - Tại sao chúng ta cho phép những người Rumani làm việc trong Tòa Đại sứ nhỉ? - Đây là sân nhà của họ. Họ là đội bóng chủ nhà. Chúng ta chơi theo luật của họ hoặc hủy bỏ cuộc thi đấu. Họ không thể đặt máy vi âm vào phòng này vì có nhừng người thủy quân lục chiến trực chiến 24/24. Nào, bà hỏi những câu gì nào? - Tôi chỉ thăc mắc nhân viên CIA là những ai? - Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị của bà. Nàng cố gắng nhớ lạỉ xem Eddie Maltz trông như thế nào. Tóc xám và trầm trọng. Không, đấy là Lãnh sự nông nghiệp. Eddie Maltz... à, ông ta là người trung niên, rất ốm, một khuôn mặt nham hiểm. Có lẽ do bây giờ nàng nghĩ lại bằng hồi tưởng vì nàng được cho biết rằng ông ta là CIA? - Có phải ông ta là người CIA duy nhất trong ban tham mưu không? - Vâng! Có phải trong giọng nói của ông ta có một sự do dự không? Mike Slade nhìn đồng hồ. - Bà phải trình ủy nhiệm thư của bà trong ba mươi phút nữa. Florian đang đợi bà bên ngoài. Mang theo ủy nhiệm thư của bà. Bà sẽ nộp bản chính cho chủ tịch Ionescu và giữ lại một bản sao trong tủ an toàn của bà! Mary nhận ra nàng đang nghiến răng. - Tôi biết điều ấy ông Slade! - Ông ta yêu cầu bà mang con theo bà. Tôi đã cho xe đón các cháu rồi! Không thèm hỏi ý nàng. - Cám ơn ông! * * * * * Tổng hành dinh của chính phủ Rumani là một tòa nhà cấm nhìn làm bằng những khối sa thạch tọa lạc tại trung tâm Bucarest. Nó được bảo vệ bằng một bức tường thép với các người gác võ trang đằng trước. Còn có thêm một người gác nữa ở lối vào tòa nhà. Một người phụ tá hộ tống Mary và con nàng lên lầu chủ tịch Alexandros Ionescu tiếp Mary và con nàng trong một căn phòng chữ nhật dài trên tầng hai. Chủ tịch Rumani có một vẻ mặt uy quyền. Ông ta ngăm đen với những đường nét như con diều hâu và mái tóc đen quăn. Ông có một trong những chiếc mũi uy quyền nàng chưa từng trông thấy. Đôi mắt ông sáng rực, có sức thôi miên. Viên phụ tá lên tiếng : - Thưa ngài, cho tôi được phép giới thiệu bà Đại sứ Hoa Kỳ! Vị chủ tịch cầm lấy tay Mary và đặt lên đấy một cái hôn dài. - Bà còn đẹp hơn cả những bức ảnh của bà đấy. - Cám ơn ngài. Đây là con gái tôi Beth, và con trai tôi, Tim! - Những đứa bé xinh đẹp. - Ionescu nói. Ông ta nhìn nàng chờ đợi - Bà có gì cho tôi không? Mary hầu như đã quên. Nàng nhanh nhẹn mở ví lấy ra tờ ủy nhiệm thư của Tổng thống Ellison. Alexandros Ionnescu liếc sơ qua. - Cám ơn bà. - Thay mặt cho chính phủ Rumani, tôi nhận nó. Bây giờ bà chính thức là Đại sứ Mỹ tại quốc gia của tôi đấy - Ông tươi cười với nàng - Chiều nay, tôi đã thu xếp một cuộc tiếp tân cho bà. Bà sẽ gặp một số người của chúng tôi sẽ làm việc với bà. - Ngài thật tử tế. - Mary nói. Ông ta lại cầm lấy tay nàng và nói : - Ở đây, chúng tôi có một câu nói: “Một người Đại sứ đến trong nước mắt vì ông ta biết rằng ông ta sẽ phải sống bao năm tại một nơi ngoại quốc, xa cách bạn bè nhưng khi ông ta đi, ông ta lại đi trong nước mắt vì ông ta phải bỏ lại những người bạn mới của mình trong một đất nước mà ông ta đã yêu mến”. Tôi hy vọng rằng bà sẽ yêu đất nước chúng tôi, bà Đại sứ ạ - Ông ta mân mê bàn tay nàng. - Chắc chắn tôi sẽ yêu. Ông ta nghĩ rằng mình chỉ là một khuôn mặt đẹp khác thôi, Mary giận dữ nghĩ thế. Mình sẽ phải làm một điều gì đấy về việc ấy. Mary đưa con nàng về nhà và trải qua phần ngày còn lại ở Tòa đại sứ, trong phòng họp rộng lớn để hội nghị với các trưởng ban, các lãnh sự chính trị, kinh tế, nông nghiệp và hành chánh cũng như lãnh sự thương mại. Đại tá Mc Kinney hiện diện với tư cách tùy viên quân sự. Tất cả đều ngồi chung quanh một chiếc bàn chữ nhật dài. Tựa vào những bức tường phía sau là một chục ủy viên trung cấp thuộc các ban ngành khác nhau. Lãnh sự thương mại, một người đàn ông nhỏ con, vênh váo lên tiếng đọc một dãy các sự kiện và các con số. Mary nhìn quanh phòng suy nghĩ: “Mình sẽ phải nhớ tất cả tên của họ!” Rồi đến phiên Ted Thompson, lãnh sự nông nghiệp. - Bộ trưởng nông nghiệp Rumani đang gặp rắc rối tệ hại hơn là ông ta chấp nhận. Họ sẽ lâm vào một vụ thu hoạch tệ hại trong năm nay và chúng ta không thể để họ phá sản. Lãnh sự kinh tế, Patricia Hatfeld, phản đối : - Chúng ta đã hỗ trợ họ đủ rồi, Ted ạ. Rumani đã hoạt động theo một hiệp ước các quốc gia được ưu đãi. Đấy là một quốc gia của GSP. - Bà ta kín đáo nhìn Mary. - “Bà ta dứt khoát cố ý như thế”, - Mary nghĩ - “định làm cho mình bối rối đây”. Patricia Hatfield lên giọng nói : - Một quốc gia GSP là... - Là một hệ thống ưu tiên tổng quát. - Mary chen vào - Chúng tôi đối xử với Rumani như là một quốc gia kém phát triển để họ được lợi ích về xuất nhập khẩu! Nét mặt Hatfield thay đổi. - Đúng đấy. - Bà ta nói - Chúng ta đã phân phát kho dự trữ và... David Victor, Lãnh sự Thương mại, ngắt lời : - Chúng ta sẽ không phân phát - chúng ta chỉ cố gắng mở nó ra để chúng ta có thể mua hàng ở đấy. Họ cần nhiều tín dụng hơn để mua bắp của chúng ta. Nếu chúng ta không bán cho họ, họ sẽ mua của Arhentina. - Ông ta quay sang Mary - Có vẻ như chúng ta thua lỗ về đậu nành. Người Brasil đang tìm cách đưa ra giá hạ hơn chúng ta. Tôi sẽ cảm kích nếu bà nói với Thủ tướng càng sớm càng tốt và tìm cách bán ồ ạt trước khi chúng ta bị đóng cửa. Mary nhìn qua Mike Slade đang ngồi thườn thượt trong chiếc ghế ở đầu bàn đối diện, viết nguệch ngoạc trên một tập giấy hình như không chú ý gì cả. - Tôi sẽ xem thử tôi có thể làm được gì! - Mary lên tiếng hứa. Nàng thảo một lời ghi chú để gửi một công điện đến Bộ trưởng Thương mại tại Washington xin phép được cho chính phủ Rumani vay thêm tín dụng. Tiền sẽ được chuyển từ các ngân hàng Mỹ, nhưng họ chỉ cho vay với sự chấp thuận của chính phủ. Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị, cũng là nhân viên CIA, lên tiếng. - Tôi có một vấn đề hơi khẩn cấp, thưa bà Đại sứ. - Đêm qua một sinh viên Mỹ 19 tuổi bị bắt vì tội cất giữ ma túy. Đây là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng. - Hắn có loại ma túy nào trên người thế? - Cô ta. Đây là một thiếu nữ. Cần sa, chỉ một ít onces thôi! - Cô gái trông thế nào? - Rực rỡ, một sinh viên đại học, khá xinh! - Ông nghĩ rằng họ sẽ đối xử với cô ta như thế nào? - Án thường lệ là năm năm tù. - “Chúa ơi”, - Mary nghĩ - “Nàng ta sẽ ra sao khi được thả ra?” - Chúng ta có thể làm gì được về việc ấy? Mike Slade uể oải nói : - Bà có thể dùng nhan sắc của bà để mê hoặc trưởng ngành an ninh. Tên ông là Istrase. Ông ta có nhiều quyền hành! Eddie Matlz tiếp tục : - Cô gái bảo rằng cô ta bị chụp mũ và cô ta có thể có lý. Cô ta khá ngu xuẩn khi giao thiệp với một cảnh sát viên. Sau khi hắn đã đưa nàng vào giường, hắn tố cáo cô ta! Mary ghê tởm. - Làm sao hắn có thể như thế? Mike Slade lạnh lùng nói : - Thưa bà Đại sứ, ở đây chúng ta là kẻ thù chứ không phải họ. Rumani đang chơi trò vỗ tay với chúng ta và tất cả chúng ta đều là bạn và họ mỉm cười, chìa tay qua biển chúng ta để họ bán cho chúng ta và mua của chúng ta với giá thỏa thuận thấp nhất vì chúng ta ve vãn họ tách ra khỏi nước Nga. Nhưng khi việc ấy ổn thoả, họ vẫn là cộng sản! Mary ghi chú thêm. - Được rồi, tôi sẽ xem thử tôi có thể làm gì được. - Nàng quay sang lãnh sự công vụ Jerry Davis - Còn ông có vấn đề gì không? - Ban của tôi đang gặp rắc rối trong vấn đề xin chấp thuận sửa chữa những căn phòng mà ban tham mưu sứ quán đang ở. Khu ở của họ đang ở trong một điều kiện nhục nhã! - Họ không thể ở tiếp tục và tự chữa lấy à? - Không may là không. Chính phủ Rumani phải nhận sửa chữa tất cả. Một số người chúng ta không có lò sưởi và trong nhiều gian phòng, các phòng vệ sinh không hoạt động và không có nước máy! - Ông có than phiền về điều này chưa? - Có thưa bà. Mọi ngày trong ba tháng vừa qua! - Vậy thì tại sao... - Đó là một sự quấy rối. - Mike Slade giải thích. - Đấy là cuộc chiến tranh thần kinh mà họ muốn chơi với chúng ta đấy! Mary lại ghi chú nữa. - Thưa bà Đại sứ, tôi có một vấn đề cực kỳ khẩn cấp! - Jack Chacelor, trưởng thư viện Mỹ lên tiếng. - Chỉ mới ngày hôm qua, một số sách tham khảo rất quan trọng đã bị đánh cắp từ... Đại sứ Ashley bắt đầu đau đầu. * * * * * Buổi chiều trôi qua bằng cách nghe hàng loạt lời than phiền. Mọi người đều có vẻ không được sung sướng. Và rồi đến mục đọc. Trên bàn nàng có cả một đống giấy trắng. Đấy là những bản dịch ra tiếng Anh những mẩu báo đã xuất hiện ngày hôm trước trên báo chí và tạp chí Rumani. Hầu hết các câu chuyện trong tờ báo bình dân Scinteia Tineretulni, là về các hoạt động hằng ngày của chủ tịch Ionescu với ba hoặc bốn bức ảnh của ông trên mỗi trang. “Cái tôi không tin được của người đàn ông này” - Mary nghĩ thế. Có những mẩu cô đọng khác để đọc: Tờ Romama Leberă, tuần báo Flăcara và Magafinul. Và đấy chỉ là phần mở màn. Còn có hồ sơ điện báo và bản tóm lược của những điều triển khai tin tức được báo cáo tại Hoa Kỳ. Có một hồ sơ gồm bản văn đầy đủ của các bài nói chuyện của các viên chức Mỹ quan trọng. Một báo cáo dày về các cuộc thương thuyết kiểm soát vũ khí và một quyển cập nhật về tình trạng nền kinh tế Hoa Kỳ. - “Có đủ tài liệu đọc trong một ngày” - Mary nghĩ - “Để bắt mình bận rộn hàng năm và mình sẽ phải làm điều này mỗi buổi sáng”. Nhưng vấn đề gây phiền hà cho Mary nhất là cảm giác đối lập của ban tham mưu của nàng. Việc ấy phải được chấn chỉnh ngay. Nàng cho mời Harriet Kruger, viên chức lễ tân ngoại giao của nàng. - Bà đã làm việc tại Tòa đại sứ này bao lâu? - Bốn năm trước khi chúng ta cắt đứt với Rumani và bây giờ, ba tháng vinh dự - Giọng bà có vẻ chua chát. - Bà không thích ở đây à? - Tôi là cô gái ở đảo Mc Donald và Coney. Như bài ca “Hãy chỉ cho tôi đường về!” - Chúng ta có thể mạn đàm mà không bị ghi nhận không? - Không, thưa bà! Mary đã quên. - Tại sao chúng ta không chuyển qua Phòng cách âm nhỉ? - Nàng đề nghị. Khi Mary và Harriet Kruger đến ngồi vào bàn của phòng cách âm và cánh cửa nặng nề đã an toàn đóng lại sau lưng họ, Mary bảo : - Có một việc vừa xảy ra với tôi. Cuộc họp của chúng ta hôm nay tại phòng họp. Nó không bị nghe lén à? - Có lẽ. - Kruger vui vẻ nói - Nhưng chẳng hề gì đâu Mike Slade sẽ không để cho ta thảo luận điều gì mà người Rumani chưa sẵn sàng biết đến! Lại Mike Slade. - Bà nghĩ gì về Slade? - Ông ta nhất đấy! Mary quyết định không bày tỏ ý kiến của mình. - Lý do tôi muốn nói chuyện với bà là vì hôm nay tôi có cảm giác rằng tinh thần quanh đây không được tốt mấy. Mọi người đều than phiền. Không ai có vẻ sung sướng cả. Tôi muốn biết liệu có phải vì tôi không hay vì luôn luôn là như thế! Harriet Kruger nhìn nàng một lúc. - Bà muốn một câu trả lời trung thực à? - Xin mời! - Đấy là sự pha trộn của cả hai. Những người Mỹ làm việc ở đây như đang ở trong một nồi áp suất vậy Nếu chúng ta phá luật, chúng ta sẽ bị rắc rối lớn. Chúng tôi ngại kết bạn với những người Rumani vì có lẽ rốt cuộc họ là người của an ninh, do đó chúng tôi bám lấy người Mỹ. Chúng tôi là một nhóm nhỏ, nhỏ đến phát chán và sanh loạn luân - Bà ta nhún vai - Lương lậu ít ỏi thức ăn ghê tởm và thời tiết xấu! - Bà nhìn Mary đăm đăm - Điều này chẳng có gì là lỗi của bà cả, bà Đại sứ ạ. Bà có hai vấn đề. Thứ nhất, bà là chính trị gia được bổ nhiệm và bà phụ trách một Tòa đại sứ trang bị toàn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. - Bà dừng lại - Có phải tôi nói quá mạnh không? - Không, xin vui lòng tiếp tục đi! - Họ hầu hết đều chống đối bà ngay cả khi bà chưa đến đây. Các công nhân chuyên nghiệp có khuynh hướng không làm cho con tàu lúc lắc. Các nhân vật chính trị thích thay đổi sự việc. Đối với họ, bà là một người không chuyên bảo những kẻ chuyên nghiệp phải lo công việc của họ như thế nào được. Vấn đề thứ nhì, bà là một phụ nữ. Có lẽ Rumani nên có một biểu trưng lớn trên lá cờ của họ: một con heo nọc sô-vanh. Các người đàn ông Mỹ trong Tòa đại sứ không thích tuân lệnh một phụ nữ và người Rumani còn tệ hơn nhiều. - Tôi hiểu. Harriet Kruger mỉm cười. - Nhưng chắc bà là một nhân viên vĩ đại đấy. Tôi chưa bao giờ trông thấy quá nhiều câu chuyện đầy các tạp chí trong đời tôi Bà làm cách nào thế? Mary không trả lời được. Harriet Kruger liếc đồng hồ. - Ô! Bà sẽ trễ đấy. Florian đang đợi để đưa bà về nhà để thay đồ! - Thay đồ để làm gì? - Mary hỏi. - Bà đã nhìn thời khóa biểu tôi đặt trên bàn giấy của bà chưa? - Tôi e rằng tôi chưa có thì giờ đấy. Đừng bảo tôi rằng tôi được đề nghị đi dự một bữa tiệc nào đấy nhé! - Tiệc ư! Tối nay có ba bữa tiệc. Bà có tất cả 21 bữa tiệc trong tuần này. Mary trố mắt nhìn bà. - Không thể được. Tôi có quá nhiều việc để... - Việc ấy phù hợp với đất này đấy. Tại Bucarest có 75 Tòa đại sứ và vào một đêm nào đấy đã cho biết trước, một trong số họ mừng một cái lễ gì đấy. - Tôi không thể từ chối à? - Điều ấy sẽ là Hoa Kỳ từ chối với họ đấy. Họ sẽ bị phật ý đấy! Mary thở dài. - Tôi đoán rằng tốt hơn là tôi nên đi thay đồ! * * * * * Buổi tiệc cốc-tai được tổ chức tại dinh Ngoại giao Rumani cho một yếu nhân đến thăm từ Đông Đức. Ngay khi Mary đến, chủ tịch Ionnescu bước đến bên nàng. Ông ta hôn tay nàng và nói : - Tôi đã mong được gặp lại bà. - Cám ơn ngài. Tôi cũng vậy. Nàng có cảm giác rằng ông ta đã quá say. Nàng nhớ lại tập hồ sơ của ông ta: “Đã có gia đình, một con trai, 14 tuổi, thừa kế hiển nhiên và ba con gái. Là một người làm phụ nữ xiêu lòng. Uống rượu nhiều. Một đầu óc nông dân thông minh. Hấp dẫn khi hợp với ông ta. Độ lượng với bạn bè. Nguy hiểm và tàn nhẫn với kẻ thù”. - Mary nghĩ - “Một người đàn ông phải cảnh giác”. Ionnescu cầm tay Mary và đưa nàng đến một góc phòng vắng. - Bà sẽ thấy những người Rumani chúng tôi rất là thú vị! - Ông ta bóp tay nàng - Chúng tôi là một dân tộc rất say đắm. - Ông ta nhìn nàng xem phản ứng và khi ông ta không thấy có phản ứng nào cả, ông ta tiếp tục - Chúng tôi là con cháu của người Dace xưa kia và những kẻ chinh phục họ, người La Mã, mãi tận năm 106 trước Công nguyên. Qua bao thế kỷ, chúng tôi là thảm chùi chân cho châu u. Đất nước với biên giới cao su. Người Hung-Nô, Gô-tíe, Avar, Slave và Mông Cổ chùi chân trên chúng tôi, nhưng Rumani vẫn sống sót. Và bà biết thế nào không? - Ông ta chồm đến gần người nàng hơn và nàng có thể ngửi được mùi rượu trong hơi thở ông ta - Bằng cách cho dân tộc chúng tôi một sự lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết đấy. Họ tin tôi và tôi cai trị họ tốt. Mary nghĩ đến một số câu chuyện nàng đã nghe. Những cuộc bắt bớ giữa đêm tối, tòa án hình thức, những sự tàn bạo, những sự mất tích. Trong lúc Ionescu tiếp tục nói, Mary qua vai ông ta, nhìn những người trong căn phòng đông nghẹt. Ít nhất có khoảng 200 và Mary biết chắc họ đại diện cho một Tòa đại sứ đóng tại Rumani. Chẳng bao lâu, Mary sẽ gặp tất cả bọn họ. Nàng đã liếc vào danh sách hẹn của Harriet Kruger và thích thú vì thấy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của nàng sẽ là viếng thăm công vụ chính thức tại mọi Tòa đại sứ trong số 75 Tòa đại sứ ấy. Thêm vào đấy, có khá nhiều bữa tiệc cốc-tai và ăn tối được dự trù cho sáu đêm trong tuần. - Khi nào mình có thì giờ, để làm Đại sứ nhỉ? Mary tự hỏi. Và ngay lúc nàng đang suy nghĩ nàng nhận ra tất cả điều này là một phần của công việc Đại sứ. Một người đàn ông đến bên Ionescu và thì thầm vào tai ông ta. Nét mặt Ionescu bỗng trở nên lạnh lùng. Ông ta rít một điều gì đấy bằng tiếng Rumani và người đàn ông gật đầu, vội vã ra đi. Nhà độc tài quay lại với Mary, duyên dáng trở lại. - Bây giờ tôi phải xa bà. Tôi mong được gặp lại bà sớm. Và Ionescu bỏ đi. Chương 19 Để có được một ý thức bắt đầu công việc trong những ngày bề bộn đang đối diện với nàng, Mary bảo Florian đến đưa nàng đi vào lúc 6 giờ 30. Trong suốt chuyến đi đến Tòa đại sứ, nàng đọc các báo cáo và thông cáo của các Tòa đại sứ khác đã chuyển đến dinh nàng trong đêm. Lúc Mary bước xuống hành lang của Tòa đại sứ qua văn phòng của Mike Slade, nàng dừng lại kinh ngạc. Ông ta đang ở bàn giấy làm việc. Ông ta không cạo râu. Nàng tự hỏi có phải ông ta đi đâu suốt đêm không? - Ông đến sớm đấy. - Mary nói. Ông ta nhìn lên. - Chào bà. Tôi muốn nói chuyện với bà đây! - Được rồi. - Nàng bắt đầu bước vào. - Không phải ở đây. Văn phòng bà đấy. Ông ta theo Mary qua cửa ăn thông vào văn phòng nàng và nàng quan sát trong lúc ông ta bước đến một dụng cụ trong góc phòng. - Đây là một chiếc máy xé vụn giấy tờ. - Mike cho nàng biết. - Tôi biết! - Thật à? Đêm qua khi bà đi ra ngoài, bà đã để lại một số giấy tờ trên mặt bàn đấy. Bây giờ, nó đã được chụp hình và gởi đi Moscow rồi đấy! - Ồ, Chúa ơi! Có lẽ tôi đã quên. Giấy tờ gì vậy? - Một danh sách các thứ phấn sáp, giấy vệ sinh và các đồ phụ nữ cá nhân khác mà bà muốn gửi mua. Nhưng việc ấy ngoài vấn đề. Các người phụ nữ dọn quét làm việc cho an ninh đấy. Bọn Rumani sẽ biết ơn bất cứ mẩu tin nào họ có thể có được và họ rất giỏi trong vấn đề liên kết các dữ kiện lại với nhau. Bài học số một: Ban đêm mọi thứ phải được khóa lại trong tủ an toàn của bà hoặc xé tan đi! - Còn bài học thứ hai là gì? - Mary lạnh lùng hỏi. Mike cười toe toét. - Vị Đại sứ luôn khởi sự ngày làm việc bằng cách uống cà phê với phó trưởng phái đoàn của mình. Bà uống gì nào? Nàng không muốn uống cà phê với tên ngạo mạn này tí nào cả. - Tôi... đen! - Tốt. Bà phải chú ý đến thân hình của bà ở đây. Thức ăn có nhiều mỡ đấy. - Ông ta đứng dậy và đi về cánh cửa dẫn đến văn phòng ông ta - Tôi có làm rượu riêng của tôi. Bà sẽ thích nó. Nàng ngồi đấy, tức giận với ông ta. - “Mình phải thận trọng trong các việc đối phó với ông ta” - Mary quyết định - “Mình muốn đẩy ông ta ra khỏi đây càng nhanh càng tốt”. Ông ta quay trở lại với hai tách cà phê bốc hơi và đặt lên bàn giấy của nàng. - Làm sao tôi có thể thu xếp cho Beth và Tim theo học tại một trường Mỹ ở đây nhỉ? - Mary hỏi. - Tôi đã thu xếp việc ấy rồi. Florian sẽ đưa đi buổi sáng và đưa về buổi chiều. Nàng sửng sốt. - Tôi... cám ơn ông! - Bà nên nhìn qua trường ấy một chút khi nào bà có dịp. Đấy là một trường học nhỏ, độ một trăm học sinh. Mỗi lớp có từ 8 đến 9 học sinh. Chúng đến từ khắp nơi - Canada, Isarel, Nigeria - bà biết đấy, các thầy giáo đều giỏi. - Tôi sẽ ghé lại đấy! Mike hớp một ngụm cà phê. - Tôi hiểu rằng đêm qua bà mạn đàm thú vị với nhà lãnh tụ không biết sợ của chúng ta đấy. - Chủ tịch Ionescu à? Vâng. Hình như ông ta rất dễ chịu. - Ồ, vậy đấy ông ta là một người đáng yêu. Cho đến lúc ông ta bực bội với người nào đấy. Rồi ông ta chẻ đầu bà ra. Mary nói một cách căng thăng : - Chúng ta không phải nói về điều này trong phòng cách âm à? - Không cần thiết. Sáng nay tôi đã cho kiểm tra các máy nghe lén ở phòng bà rồi. Dọn sạch hết rồi. Sau khi những người giữ cửa và dọn quét bước vào và canh chừng. Nhân đây, đừng để vẻ đẹp của Ionescu mê hoặc bà đấy. Ông ta là một tên chó đẻ được nhuộm màu len đấy. Dân ông ta khinh bỉ ông ta, nhưng họ chẳng làm gì được cả. Cảnh sát mật ở khắp nơi. Đấy là KGB và lực lượng Cảnh sát hợp lại làm một. Luật chơi chung chung ở đây là cứ ba người có một người làm việc cho An ninh hoặc KGB. Các người Rumani được lệnh không được tiếp xúc gì với người ngoại quốc cả. Nếu một người ngoại quốc muốn ăn uống tại một căn nhà của một người Rumani, trước tiên việc ấy phải được bộ ngoại giao chấp thuận. Mary cảm thấy ớn lạnh. - Một người Rumani có thể bị bắt vì ký tên vào kiến nghị, chỉ trích chính phủ, viết lên tường... - Họ có thể xử án ở đây mà. - Mary nói. - Ồ, thỉnh thoang họ xử án biểu diễn mà các phóng viên của phương Tây được phép xem. Nhưng hầu hết những kẻ bị bắt đều tìm cách có được những tai nạn chết người trong lúc họ còn bị cảnh sát giam giữ. Đấy là những người Gulag tại Rumani mà chúng ta không được phép nhìn thấy. Họ ở trong vùng Delta và trong sông Danube gần biển Đen. Tôi đã nói chuyện với những người đã trông thấy họ. Các điều kiện ở đấy thật là khủng khiếp. Và không có nơi nào cho họ tẩu thoát cả! Mary nói to lên tư tưởng của nàng. Họ có biển Đen về phía Đông, Bulgari về phía Nam và Nam Tư, Hungari, và Tiệp Khắc ở những biên giới khác của họ. Họ ở ngay giữa Đông u. - Bà có nghe đến sắc luật của máy chữ không? - Không! - Đấy là sáng kiến hay mới nhất cả Ionescu đấy. Ông ta ra lệnh cho đăng ký mọi máy chữ và máy photocopy trong nước. Ngay khi các máy ấy được đăng ký, ông ta cho tịch thu. Giờ đây Ionescu kiểm soát tất cả tin tức được phân phối. Uống cà phê nữa không? - Không, cám ơn! - Ionescu bóp vào những yếu huyệt của dân chúng. Họ sợ đình công vì họ biết họ sẽ bị bắn. Mức sinh hoạt ở đây là một trong những mức thấp nhất châu u. Thiếu tất cả mọi thứ. Nếu người ta thấy có một hàng người trước một cửa hiệu, họ sẽ nhập vào và mua bất cứ thứ gì bán ra khi họ có cơ hội. - Tôi thấy hình như, - Mary chậm rãi nói - tất cả các điều này cộng thêm cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời để giúp đỡ họ đấy. Mike Slade nhìn nàng. - Đúng. - Ông ta lạnh lùng nói - Tuyệt vời đấy. * * * * * Chiều ấy trong lúc Mary xem qua một số công điện vừa gửi từ Washington đến, nàng nghĩ đến Mike Slade. Ông ta là một con người kỳ lạ. Ngạo mạn và thô lỗ, tuy nhiên, tôi đã thu xếp cho bọn trẻ đi học. Florian sẽ đưa chúng nó đi buổi sáng và đóng chúng buổi chiều. Và ông ta có vẻ quan tâm đến dân tộc Rumani và những vấn đề của họ. “Ông ta có lẽ phức tạp hơn là mình nghĩ” - Mary quyết định như thế - “Mình vẫn không ưa ông ta”. Hoàn toàn vì tình cờ mà Mary biết được những cuộc họp đang diễn ra sau lưng nàng. Nàng đã rời văn phòng để đi ăn trưa với Bộ trưởng Nông nghiệp Rumani. Khi nàng đến Bộ, nàng được cho biết rằng ông ta đã bị chủ tịch gọi đi. Mary quyết định trở về Tòa đại sứ và vừa ăn, vừa làm việc. Nàng bảo bí thư của nàng : - Hãy bảo Lucas Janklow, David Wallace và Eddie Matlz rằng tôi muốn gặp họ! Dorothy Stone do dự : - Thưa bà, họ đang họp! Giọng bà ta có một cái gì đó tránh né. - Họp với ai vậy? Dorothy hít một hơi dài. - Với tất cả những lãnh sự khác. Phải mất một lúc để việc ấy thấm nhập vào. - Có phải bà nói rằng có một cuộc họp tham mưu đang diễn ra mà không có mặt tôi không? - Vâng, thưa bà Đại sứ! - Quá mức đấy? Tôi suy ra rằng, đây không phải là lần đầu, đúng không? - Không, thưa bà. - Có gì khác đang xảy ra ở đây mà tôi phải biết nhưng lại không biết nhỉ? Dorothy Stone hít một hơi mạnh. - Họ đều đánh đi những bức điện không cần sự cho phép của bà đấy. - “Hãy quên về một cuộc cách mạng đang nhen nhóm tại Rumani đi” - Mary nghĩ thế - “Có một cuộc cách mạng đang nhen nhóm ở đây, ngay trong Tòa đại sứ này”. - Dorothy hãy triệu tập một cuộc họp tất cả các trưởng ban lúc ba giờ chiều nay nhé. Có nghĩa là tất cả mọi người đấy. - Vâng, thưa bà. Mary ngồi ở đầu bàn quan sát trong lúc ban tham mưu bước vào phòng họp. Các ủy viên lớn ngồi vào bàn họp và các ủy viên nhỏ chiếm những chiếc ghế dựa vào tường. - Chào quý vị. - Mary lên tiếng cộc lốc - Tôi sẽ không làm mất nhiều thì giờ của quý vị. Tôi biết tất cả các vị đều bận rộn như thế nào. Tôi để ý rằng các cuộc họp của các ủy viên cao cấp đã được tổ chức mà tôi không biết hoặc phê chuẩn. Từ lúc này trở đi, bất kỳ ai tham dự một cuộc họp như thế sẽ bị sa thải ngay. - Nàng liếc mắt trông thấy Dorothy đang ghi chú - Tôi cũng để ý rằng một số các vị đang giữ công điện mà không cho tôi biết. Theo nghi thức ngoại giao của Bộ Ngoại giao, mỗi Đại sứ có quyền thuê hoặc sa thải bất cứ ủy viên nào của ban tham mưu Tòa đại sứ tùy ý mình! Mary quay sang Ted Thompson, Lãnh sự nông nghiệp. - Ngày hôm qua, ông đã gửi một bức điện không được cho phép về Bộ Ngoại giao. Tôi đã giữ chỗ cho ông trên một chiếc phi cơ đi Washington vào trưa ngày mai. Ông không còn là thành viên của Tòa đại sứ nữa. - Nàng nhìn quanh phòng - Lần sau, bất cứ ai trong phòng này gửi công điện mà không có tôi biết hoặc không chịu hỗ trợ tôi hoàn toàn, người ấy sẽ lên chiếc phi cơ kế tiếp trở về Hoa Kỳ. Xong rồi, các ông, các bà. Có một sự im lặng kinh ngạc. Rồi, từ từ, mọi người bắt đầu đứng dậy và nối đuôi nhau ra khỏi phòng. Có một vẻ mưu mô trên khuôn mặt của Mike Slade trong lúc ông ta bước ra. Chỉ còn Mary và Dorothy trong phòng. Mary nói : - Bà nghĩ gì thế? Dorothy cười hớn hở. - Gọn, nhưng không cầu kỳ. Đây là một cuộc họp tham mưu ngắn nhất và hiệu quả nhất tôi chưa từng thấy. - Tốt. Bây giờ đã đến lúc làm sáng tỏ phòng truyền tin. Tất cả các điện văn gửi đi từ các Tòa đại sứ tại Đông u đều được gửi bằng mật mã. Chúng được đánh trên một máy chữ đặc biệt, đọc bằng một bộ phận hình điện tử trong phòng mật mã và được tự động mã hóa ở đấy. Mật mã được thay đổi hàng ngày và có năm tên gọi. Tối mật, mật, kín, phổ biến hạn chế, và thường. Bản thân phòng truyền tin là một căn phòng phía sau không cửa sổ, cấm lai vãng, đầy những thiết bị điện tử mới nhất và được canh gác cẩn mật. Sandy Palance, sĩ quan phụ trách, ngồi trong phòng truyền tin sau một buồng nhỏ. Anh ta đứng dậy lúc Mary đến gần. - Chào bà Đại sứ. Bà cần gì không? - Không. Tôi sẽ giúp ông đây! Có một vẻ bối rối trên khuôn mặt của Palance. - Thưa bà? - Ông đã gửi đi những điện văn không có chữ ký của tôi. Có nghĩa đó là những điện văn không được phép. - Anh ta bỗng lâm vào thế bị động. - À, các ngài Lãnh sự bảo tôi rằng... - Từ nay trở đi, nếu có ai nhờ ông gửi một điện văn không có chữ ký của tôi, nó phải được mang ngay đến cho tôi. Rõ không? - Có một vẻ cứng rắn trong giọng nói của nàng. Palance nghĩ : - “Chúa ơi! Chắc họ đã kềm không chặt người này rồi”. - Vâng, thưa bà. Tôi rõ. Mary quay lại và bỏ đi. Nàng biết rằng phòng truyền tin được CIA dùng để chuyển điện văn qua một “hệ thống đen”. - Nàng tự hỏi liệu có bao nhiêu ủy viên của Tòa đại sứ là thành phần của CIA, và nàng thắc mắc không biết có phải Mike Slade đã cho nàng biết toàn bộ sự thật. Nàng có cảm giác ông ta không nói thật. Đêm ấy, Mary ghi chú về các biến cố trong ngày ghi nhanh những vấn đề cần thiết phải hành động. Nàng đặt tất cả bên giường nàng, trên một chiếc bàn nhỏ. Lúc sáng nàng đến phòng tắm để tắm. Trong lúc nàng mặc quần áo, nàng cầm mấy tờ ghi chú lên. Chúng được xếp theo một trật tự khác. Bà có thể chắc rằng Tòa đại sứ và dinh đều bị đặt máy nghe lén. Mary đứng đấy suy nghĩ một lúc. Lúc ăn sáng, khi nàng còn lại một mình trong phòng ăn với Tim và Beth, Mary lớn tiếng nói : - Người Rumani thật là một dân tộc tuyệt vời. Nhưng mẹ có cảm giác rằng họ còn kém xa Hoa Kỳ trong một số cách thức. Các con có biết rằng có nhiều gian phòng mà ban tham mưu Tòa đại sứ đang sống không có nhiệt hoặc nước máy và các phòng vệ sinh bị hỏng không? Beth và Tim trố mắt nhìn nàng một cách lạ lùng. - Mẹ cho rằng chúng ta phải dạy người Rumani cách sửa chữa những việc như thế. Sáng hôm sau, Jerry Davis nói : - Tôi không biết bà làm cách nào, nhưng có những người làm việc khắp nơi sửa sang lại những gian phòng của chúng tôi đấy! Mary cười hớn hở. - Ông chỉ cần nói tử tế với họ thôi. Cuối buổi họp tham mưu, Mike Slade bảo : - Bà có nhiều Tòa đại sứ phải đến chào. Tốt hơn bà nên bắt đầu từ hôm nay đi. Nàng ghét miệng lưỡi ông ta. Ngoài ra, tuyệt nhiên, chẳng có gì là công việc của ông ta cả. Harriet Kruger là sĩ quan nghi thức ngoại giao và bà đã rời Tòa đại sứ để đi lo việc trong ngày. Mike tiếp tục nói : - Điều quan trọng là bà nên viếng các Tòa đại sứ theo thứ tự ưu tiên. Quan trọng nhất... - Là Tòa đại sứ Nga. Tôi biết rồi. - Tôi muốn khuyên bà... - Ông Slade - Nếu tôi cần bất cứ lời khuyên nào của ông về nhiệm vụ của ông ở đây, tôi sẽ cho ông biết. Mike thở dài. - Đúng! - Ông ta đứng dậy - Bất cứ gì bà nói, thưa bà Đại sứ! Sau chuyến đi viếng thăm Tòa đại sứ Nga, phần ngày còn lại của Mary được dùng cho các cuộc phỏng vấn, một thượng sĩ từ New York muốn có tin tức nội bộ về những kẻ bất đồng ý kiến và một cuộc họp với tân lãnh sự nông nghiệp. Lúc Mary sắp rời văn phòng, Dorothy Stone thì thầm vào tai nàng. - Có một cú điện thoại khẩn cấp cho bà, thưa bà Đại sứ. James Stickley từ Washington gọi. Mary nhấc điện thoại. - Alô, ông Stickley. Giọng của Stickley nóng nảy qua đường dây. - Phiền bà cho tôi biết bà đang làm gì thế? - Tôi... Tôi không hiểu ông muốn nói gì? - Rõ ràng là vậy. Bộ trưởng Ngoại giao vừa nhận được lời phản kháng chính thức của Đại sứ Gabon về tư cách của bà đấy! - Chờ một chút! - Mary đáp - Có điều thiếu sót. - Tôi chưa được nói chuyện với Đại sứ Gabon. - Đúng vậy. - Stickley đốp chát lại - Nhưng bà đã nói chuyện với Đại sứ Liên Xô đấy! - À, vâng. Sáng nay tôi có viếng xã giao. - Bà không biết rằng các Tòa đại sứ ngoại quốc có quyền ưu tiên theo thời gian họ trình ủy nhiệm thư à? - Vâng, nhưng... - Cho bà biết nhé, tại Rumani, Gabon là nước đầu tiên. Còn câu hỏi nào không? - Không, thưa ngài. Tôi xin lỗi nếu tôi... - Yêu cầu bà hãy xem lại để điều ấy không xảy ra nữa. Khi Mike Slade nghe tin, ông ta vào văn phòng Mary. - Tôi đã cố gắng bảo bà! - Ông Slade... - Họ xem những việc như thế rất nghiêm trọng trong công việc ngoại giao đấy. Quả vậy, năm 1961 tùy tùng của Đại sứ Tây Ban Nha tại London đã tấn công xe ngựa của Đại sứ Pháp, giết người giữ ngựa trạm, đập người đánh xe và cắt nhượng hai con ngựa chỉ cốt để xe ngựa của Đại sứ Tây Ban Nha đến trước. Tôi đề nghị bà nên gửi một bức thư xin lỗi. Mary biết nàng sẽ phải ăn gì trong bữa ăn chiều. - Nhục nhã. Mary bị quấy rầy vì những lời bình luận mà nàng tiếp tục nghe về số lượng quảng cáo về nàng và con nàng. - Có cả một bài tại tờ Pravda về cả ba người đấy. Lúc nửa đêm, Mary gọi điện đến Stanton Rogers. Có lẽ ông vừa vào văn phòng. Ông đến máy ngay. - Đại sứ đắc ý của tôi khỏe mạnh ra sao đấy? - Khỏe thôi. Anh thế nào, Stan? - Ngoài thời khóa biểu 48 tiếng một ngày, tôi chẳng chê gì được cả. Quả vậy, tôi đang tận hưởng mọi phút của nó. Bà làm ăn thế nào đấy? Có vấn đề nào tôi có thể giúp bà được không? - Thực sự đấy không phải là vấn đề. Chỉ là một điều tò mò của tôi thôi. - Nàng do dự, cố gắng chỉnh câu văn để ông không hiểu lầm - Tôi cho rằng anh đã trông thấy ảnh của con tôi và tôi trên tờ Pravda tuần trước chớ? - Vâng, tuyệt đấy! - Stanton Rogers thốt lên - Cuối cùng chúng ta đã thành công với họ đấy. - Những đại sứ khác có được đăng báo nhiều như tôi không? - Thẳng thắn mà nói thì không. Nhưng ông chủ quyết định phải dốc toàn lực với bà, Mary ạ. Bà là tủ bày hàng của chúng tôi. Tổng thống Ellison đã muốn nói điều ấy khi ngài đang tìm một kẻ đối lập với người Mỹ xấu xí. Chúng tôi đã được bà và chúng tôi định phô trương bà đấy. Chúng tôi muốn cả thế giới có một cái nhìn đẹp về người tốt nhất của quốc gia chúng ta đấy. - Tôi thật sự, tôi rất thích! - Cố gắng làm tốt công việc nhé. Họ trao đổi với nhau vài mẩu chuyện vui thêm ít phút nữa và tạm biệt. - “Vậy là Tổng thống đứng sau lưng cuộc quảng cáo này” - Mary nghĩ thế - “Chẳng lạ gì ngài có thể thu xếp được quá nhiều việc đăng tải trên báo”. * * * * * Bên trong nhà ngục Ivan Stelian còn nghiêm ngặt cả bên ngoài nữa. Các hành lang chật hẹp với một lớp sơn xám buồn tẻ. Ở tầng dưới là cả một loạt các phòng giam cài thanh sắt đen đông nghịt người và tầng trên cũng thế với các binh sĩ mặc quân phục trang bị súng liên thanh tuần tra. Mùi hôi thối trong khu vực các phòng giam đông người chịu không nổi. Một người gác đưa Mary đến một phòng khách nhỏ ở phía sau nhà ngục. - Cô ta ở đấy. Bà có mười phút. - Cám ơn ông. - Mary bước vào trong phòng và cánh cửa đóng lại sau lưng nàng. Hannah Murphy đang ngồi tại một chiếc bàn nhỏ đầy vết chiến tranh. Cô bị còng tay và mặc áo tù. Eddie Maltz đã đề cập về cô như là một sinh viên 19 tuổi xinh đẹp. Cô trông lớn hơn 20 tuổi. Khuôn mặt xanh xao, hốc hác và đôi mắt mọng đỏ. Tóc thì rối. - Chào cô. - Mary bảo - Tôi là Đại sứ Mỹ. Hannah Murphy nhìn nàng và bắt đầu khóc sướt mướt. Mary vòng tay qua người cô dỗ dành : - Suỵt. Sẽ ổn thôi. - Không, không ổn đâu! - Cô gái rên rỉ - Tuần sau tôi sẽ bị xử án. Tôi sẽ chết nếu tôi phải ở lại nơi này năm năm. Tôi sẽ chết! Mary đỡ nàng một lúc. - Được rồi, cho tôi biết sự việc xảy ra đi. Hannah Murphy hít một hơi mạnh và sau một lúc, lên tiếng : - Tôi đã gặp người đàn ông này - hắn là một người Rumani - và tôi cô đơn. Hắn tốt với tôi và chúng tôi - chúng tôi làm tình với nhau. Một người bạn gái của tôi đã cho tôi hai thỏi cần sa. Tôi cũng chia xẻ với hắn một thỏi. Chúng tôi lại làm tình và tôi ngủ. Khi tôi thức dậy buổi sáng, hắn đi mất, nhưng cảnh sát đã ở đấy. Tôi trần truồng. Họ họ đứng xung quanh xem tôi mặc quần áo và đưa tôi đến cái chỗ địa ngục này. - Nàng lắc đầu tuyệt vọng - Họ bảo tôi năm năm. - Không, nếu tôi có thể giúp được. Mary nghĩ đến điều Lucas Janklow đã nói với nàng khi nàng đi đến nhà giam. Bà chẳng có thể làm gì được cho cô ta cả, bà Đại sứ ạ. Trước đây chúng tôi đã thử rồi. Án năm năm đối với một người ngoại quốc là tiêu chuẩn đấy. Nếu cô ta là người Rumani, có lẽ họ sẽ lấy mạng cô đấy. Mary nhìn Hannah Murphy nói : - Tôi sẽ làm tất cả theo khả năng của tôi để giúp đỡ cô. Mary đã xem báo cáo chính thức của Cảnh sát về việc bắt giữ Hannah Murphy. Nó được đại úy Aurel Istrase, trưởng ngành an ninh, ký tên. Nó ngắn gọn và không có thể giúp gì được, nhưng chẳng nghi ngờ gì về tội trạng của cô gái cả. “Mình sẽ phải tìm cách khác” - Mary nghĩ thế. Aurel Istrase. Tên nghe quen thuộc. Nàng nhớ lại hồ sơ mật mà James Stickley đã cho nàng xem tại Washington. Trong đó có một điều gì đấy về đại úy Istrase. Một điều gì đấy về... nàng nhớ lại. Mary thu xếp để họp với vị đại úy sáng hôm sau. - Bà mất thời giờ thôi! - Mike Slade trắng trợn bảo nàng - Istrase là một quả núi. Không thể lay chuyển ông ta được đâu. Aurel Istrase là một người đàn ông lùn, nước da ngăm đen với một khuôn mặt đầy sẹo, đầu láng bóng và những chiếc răng biến màu. Trước kia trong nghề nghiệp của ông ta, có người đã làm gãy mũi ông ta và nó không chịu lành lặn một cách thích hợp. Istrase đã đến Tòa đại sứ dự hội nghị. Ông ta tò mò về tân Đại sứ Hoa Kỳ. - Bà muốn nói chuyện với tôi à, thưa bà Đại sứ? - Vâng, cám ơn ông đã đến đây. Tôi muốn thảo luận về trường hợp của Hannah Murphy! - À, vâng. Người bán rong ma túy. Tại Rumani, chúng tôi có những luật lệ nghiêm ngặt về những người bán ma túy. Họ bị tù! - Tuyệt đấy. - Mary bảo - Tôi hài lòng được biết điều ấy. Tôi mong rằng chúng tôi có được những luật lệ nghiêm ngặt hơn tại Hoa Kỳ. Istrase trố mắt nhìn nàng, hoang mang. - Vậy là bà đồng ý với tôi à? - Tuyệt đối. Bất cứ ai bán ma túy đều bị giam. Tuy nhiên, Hannah Murphy không bán ma túy. Cô ta đưa cho tình nhân của cô ta một ít cần sa thôi! - Cũng vậy thôi. Nếu... - Không hoàn toàn, thưa đại úy. Tình nhân của cô ta là một trung úy trong lực lượng cảnh sát của ngài. Ông ta cũng hút cần sa nữa. Ông ta có bị phạt không? - Tại sao ông ấy phải bị phạt? Ông ấy chỉ đơn thuần thu thập bằng chứng về một hành động tội phạm. - Trung úy của ngài có một vợ, ba con phải không? Đại úy Istrase cau mày. - Vâng. Cô gái Mỹ dụ ông ta vào giường! - Thưa đại úy - Hannah Murphy là một cô gái 19 tuổi. Trung úy của ngài 45. Thế thì ai dụ dỗ ai? - Tuổi tác không liên quan đến việc này. - Vị đại úy ngoan cố nói. - Vợ của vị trung úy có biết về việc gian díu của chồng bà ấy không? Đại úy Istrase trố mắt nhìn nàng : - Tại sao bà ta biết được? - Bởi vì tôi nghe việc đó như là một trường hợp gài bẫy rõ ràng. Tôi nghĩ tốt hơn là chúng ta nên công bố cả sự việc này. Báo chí quốc tế sẽ bị mê hoặc đấy. - Sẽ không có vấn đề ấy đâu. - Ông ta nói. Nàng tấn công đối thủ : - Bởi sự kiện là ông trung úy là con rể của ngài phải không? - Chắc chắn là không. - Vị đại úy giận dữ nói - Tôi chỉ muốn thi hành công lý. - Tôi cũng thế. - Mary quả quyết với ông ta. Theo hồ sơ nàng đã xem, người con rể có biệt tài làm quen với các du khách trẻ - đàn ông hoặc phụ nữ - để ngủ với họ và đề nghị những địa điểm mà họ có thể buôn bán chợ đen hoặc mua ma túy rồi tố cáo họ. Mary nói bằng một giọng hòa giải : - Tôi thấy không cần cho con gái ngài biết về cách cư xử của chồng bà ấy. Tôi nghĩ rằng điều tốt hơn nhiều cho tất cả những người liên can là ông nên lặng lẽ thả Hannah Murphy ra và tôi đưa cô ta về lại Hoa Kỳ. Ngài có ý kiến gì không, đại úy? Ông ta ngồi đấy, cáu kỉnh và suy nghĩ kỹ : - Bà là một phụ nữ rất hay đấy! - Cuối cùng ông ta nói. - Cám ơn ngài. Ngài là một người đàn ông rất hay đấy. Chiều nay tôi mong có được cô Murphy tại văn phòng tôi. Tôi sẽ lo cho cô ta lên chuyến phi cơ đầu tiên rời Bucarest. Ông ta nhún vai : - Tôi sẽ sử dụng ảnh hưởng nhỏ nào mà tôi có được. - Tôi chắc ngài sẽ làm được đấy, đại úy Istrase ạ. Cám ơn ngài. Sáng hôm sau, một cô Hannah Murphy biết ơn lên đường về xứ. - Bà đã làm thế nào vậy? - Mike Slade hỏi, có vẻ không tin. - Tôi đã nghe theo lời khuyên của ông. Tôi đã mê hoặc ông ta. Chương 20 Ngày Tim và Beth bắt đầu đi học, Mary nhận một cú điện thoại lúc 5 giờ sáng của Tòa đại sứ rằng một NIACT - một công điện hành động đêm đã đến và đòi hỏi được trả lời ngay. Đấy là khởi đầu của một ngày dài bận rộn và lúc Mary trở về dinh, đồng hồ đã chỉ hơn 7 giờ. Con nàng đang đợi nàng. - À - Mary hỏi - học hành thế nào đấy? - Con thích. - Beth đáp - Mẹ biết là ở đấy có trẻ con của hai mươi quốc gia khác nhau không? Có một thằng bé Ý gọn gàng cứ trố mắt nhìn con suốt giờ học. Đấy là một trường học vĩ đại. - Họ có một phòng thí nghiệm khoa học xuất sắc. - Tim nói thêm - Ngày mai chúng con sẽ mổ một con ếch Rumani ra. - Lạ thật. - Beth nói - Họ đều nói tiếng Anh bằng một giọng thật buồn cười. - Chl nên nhớ rằng, - Mary bảo con nàng - khi ai đấy có một giọng buồn cười điều đó có nghĩa là hắn biết hơn các con một ngôn ngữ. Mà thôi, mẹ hài lòng vì các con chẳng có vấn đề gì cả. Beth nói : - Không, Mike lo cho chúng con đấy. - Mike Slade có liên quan gì đến chuyện đi học của các con thế? - Chú ấy không bảo với mẹ à? Chú ấy cho chúng con lên xe, đưa chúng con đến đấy, đưa chúng con vào giới thiệu chúng con với các thầy cô giáo đấy! - Chú ấy cũng biết nhiều trẻ con ở đấy nữa. - Tim nói - Và chú ấy giới thiệu chúng con với chúng nó. Mọi người đều thích chú ấy. Chú ấy thật là một người cẩn thận. - Hơi quá cẩn thận một tí. - Mary nghĩ thế. Sáng hôm sau, khi Mike bước vào văn phòng Mary, nàng lên tiếng : - Tôi biết rằng ông đã đưa Beth và Tim đi học. Ông ta gật đầu. - Các thiếu niên khó lòng điều chỉnh ở nước ngoài. Chúng nó là những đứa trẻ tốt đấy! - Ông ta có con không? - Mary bỗng nhận ra nàng biết rất ít về đời tư của Mike Slade. “Có lẽ tốt hơn nên như thế” - Nàng quyết định - “Ông ta định xem mình thất bại mà”. Nàng định phải thành công. Chiều thứ bảy, Mary đưa con nàng đến câu lạc bộ ngoại giao riêng, nơi các người trong cộng đồng ngoại giao họp nhau để mạn đàm. Lúc Mary nhìn qua sân trong, nàng trông thấy Mike Slade đang uống rượu với ai đấy và khi người phụ nữ quay lại, Mary nhan ra đấy là Dorothy Stone. Mary cảm thấy sững sờ trong giây lát. Có vẻ dường như người bí thư của nàng đang cộng tác với kẻ thù. Nàng tự hỏi liệu Dorothy và Mike Slade thân nhau như thế nào. “Mình nên cẩn thận, không nên tin tưởng bà ấy quá nhiều”. - Mary nghĩ thế - “Hoặc bất kỳ ai cũng thế”. Harriet Kruger đang ngồi riêng tại một chiếc bàn. Mary bước đến. - Bà có phiền nếu tôi cùng ngồi không? - Rất hân hạnh. - Harriet rút ra một bao thuốc lá Mỹ - Bà hút thuốc chứ? - Cám ơn, không. Tôi không hút. - Một người không thể sống được ở xứ này nếu không có thuốc lá. - Harriet nói. - Tôi không hiểu. - Một trăm gói Kent mềm làm cho nền kinh tế phát triển đấy. Tôi muốn nói - theo nghĩa đen. Nếu bà muốn gặp bác sĩ, bà cho y tá thuốc lá. Nếu bà cần một mậu dịch viên bán thịt cho bà, một thợ máy để sửa xe của bà hoặc một thợ điện để sửa một ngọn đèn - bà hối lộ họ bằng thuốc lá. Tôi có một người bạn Ý cần một cuộc phẫu thuật nhỏ. Người ấy đã phải hối lộ cô y tá trực để dùng một lưỡi dao mới và phải hối lộ các cô y tá khác để băng lại bằng những chiếc băng mới sau khi họ rửa sạch các vết thương thay vì dùng lại tất cả các chiếc băng cũ. - Nhưng tại sao? Harriet Kruger nói : - Nước này thiếu băng và mọi loại thuốc bà có thể gọi tên đến. Cũng giống mọi nơi trong khối Đông u. Tháng trước có một cơn dịch ngộ độc thịt tại Đông Đức. Họ đã phải lấy tất cả sérum kháng sinh của phương Tây đấy. - Và người dân chẳng có cách nào để than phiền cả? - Mary lên tiếng phê bình. - Ồ, họ có cách đấy. Bà đã nghe đến Bula chưa? - Chưa! - Hắn là một nhân vật huyền thoại mà người Rumani dùng để xả hơi. Có một câu chuyện kể là một số người đang đứng xếp hàng để mua thịt vào một ngày nào đấy và cái hàng ấy hầu như chẳng nhúc nhích tí nào cả. Sau năm tiếng đồng hồ, Bula nổi điên bảo “Tôi sẽ đến dinh và giết Ionescu?” Hai giờ sau, hắn trở lại hàng và bạn bè hắn hỏi. “Việc gì thế? Bạn đã giết ông ta chứ?” Bula bảo “Không, ở đấy cũng có một hàng dài nữa”. Mary bật cười. Harriet Kluger nói. - Bà có biết một trong những món hàng chợ đen ở đây là gì không? Video cassette ở bên mình đấy. - Họ thích xem phim của chúng ta à? - Không đâu - họ quan tâm đến những quảng cáo thương mại. Tất cả những đồ đạc của chúng ta cho là tất nhiên - máy giặt, máy hút bụi, xe hơi, truyền hình - những thứ ấy quá tầm tay với của họ. Họ say mê chúng. Khi phim bắt đầu chiếu là họ có mặt ngay! Mary nhìn lên đúng lúc trông thấy Mike Slade và Dorothy Stone rời câu lạc bộ. Nàng thầm thàc mắc không biết họ đi đâu. Đêm đến, khi Mary về nhà sau một ngày dài khó nhọc tại Tòa đại sứ, nàng chỉ muốn đi tắm, thay quần áo và quên việc trong ngày. Tại Tòa đại sứ, hình như mọi giây phút đều bị lấp đầy và nàng không bao giờ có một tí thì giờ nào cho riêng mình cả. Nhưng chẳng bao lâu, nàng nhận thấy dinh của nàng cũng tệ hại như thế. Mọi nơi Mary đi đều có gia nhân và nàng có cảm giác khó chịu rằng họ luôn luôn rình rập nàng. Vào một đêm, nàng dậy lúc hai giờ sáng và xuống lầu để đến nhà bếp. Lúc nàng mở tủ lạnh, nàng nghe một tiếng động. Nàng quay lại và Mihai, người quản lý, mặc áo ngủ, và Rosica, Delia và Carmen đang đứng đấy. - Thưa bà, tôi có thể lấy gì cho bà không? - Mihai hỏi. - Chẳng có gì cả. - Mary nói - Tôi chỉ muốn một tí gì để ăn thôi. Cosma, người đầu bếp, bước vào và nói với một giọng bị tổn thương : - Tất cả những gì bà làm là bảo tôi biết bà đang đói và tôi nên dọn một thứ gì đấy. Họ đều trố mắt nhìn nàng có ý trách móc. Mary nói : - Tôi không nghĩ rằng tôi đói thật sự. Cám ơn các người. Và nàng thoát thân về lại phòng nàng. Ngày hôm sau, nàng kể cho con nàng nghe điều đã xảy ra. - Các con có biết không - Nàng bảo Beth và Tim - Mẹ có cảm giác như người vợ thứ nhì trong Rebecca đấy. - Rebecca là gì thế? - Beth hỏi. - Đấy là một cuốn sách đáng yêu mà có ngày các con sẽ đọc. Khi Mary bước vào văn phòng, Mike Slade đang đợi nàng. - Chúng ta có một chàng trai ốm mà tốt hơn, bà nên xem đến - Ông ta nói. Ông ta đưa nàng đến một văn phòng nhỏ dưới hành lang. Trên giường là một người lính thủy quân lục chiến trẻ đang rên rỉ đau đớn. - Việc gì đã xảy ra thế? - Mary hỏi. - Tôi đoán là viêm ruột thừa! - Vậy tốt hơn chúng ta nên đưa cậu ấy đến bệnh viện ngay. Mike quay lại nhìn nàng. - Không phải ở đây. - Ông muốn nói gì thế? - Hắn phải bay đến Rome hoặc Zurich. - Buồn cười thật. - Mary đối chát lại. Nàng hạ thấp giọng để người lính không nghe được. - Ông không thấy được rằng cậu ta đau thế nào à? - Buồn cười hoặc không khoan đã nói, nhưng chẳng có ai trong Tòa đại sứ Mỹ đi đến một bệnh viện trong khối Đông u cả. - Nhưng tại sao? - Bởi vì chúng ta có thể bị tấn công. Chúng ta sẽ lệ thuộc vào chính quyền Rumani và bọn an ninh. Chúng ta có thể bị tác dụng của ether hoặc bị cho dủng thuốc mơ màng - họ có thể khai thác chúng ta đủ loại tin tức, đấy là quy luật của Bộ Ngoại giao - chúng ta phải đưa hắn đi. - Tại sao Tòa đại sứ của chúng ta không có bác sĩ riêng? - Bởi vì chúng ta là Tòa đại sứ hạng C. Chúng ta không có kinh phí cho bác sĩ riêng của chúng ta. Một bác sĩ Mỹ đến đây thăm chúng ta ba tháng một lần. Đồng thời, chúng ta có một dược sĩ cho các chứng đau nhẹ. Mike bước đến một bàn giấy và nhặt một mảnh giấy. - Chỉ cần ký vào đây là hắn sẽ được đưa đi thôi. Tôi sẽ thu xếp một chiếc máy bay đặc biệt cho hắn. - Rất tốt. - Mary ký lên mảnh giấy. Nàng bước đến người lính thủy quân lục chiến còn trẻ và cầm tay hắn. - Anh sẽ mạnh thôi. - Nàng dịu dàng nói. Hai giờ sau, người lính thủy quân lục chiến lên phi cơ đi Zurich. Sáng hôm sau, khi Mary hỏi Mike về bệnh trạng của người lính thủy quân lục chiến trẻ, ông ta nhún vai : - Họ đã phẫu thuật - Ông ta lãnh đạm nói - Hắn sẽ mạnh thôi. - “Thực là một con người lạnh lùng!” - Mary nghĩ thế - “Mình không biết có bao giờ ông ta xúc động về điều gì không?” Chương 21 Buổi sáng dù Mary đến Tòa đại sứ lúc nào đi nữa, Mike Slade vẫn luôn luôn đến đấy trước nàng. Nàng trông thấy ông ta tại rất ít buổi tiệc tại các Tòa đại sứ và nàng có cảm giác rằng mỗi đêm ông ta có những lạc thú riêng. Ông ta lúc nào cũng là một điều kinh ngạc. Một buổi chiều, Mary đồng ý Florian đưa Beth và Tim đi trượt băng tại công viên Floreasca. Mary rời Tòa đại sứ sớm để gặp chúng nó và khi nàng đến nàng trông thấy Mike Slade đang ở đấy với chúng. Cả ba đang cùng nhau trượt băng, rõ ràng thật là vui vẻ. Ông ta đang kiên nhẫn dạy hai đứa cách trượt hình số tám. - Mình phải cảnh giác trẻ con về ông ta, Mary nghĩ thế. Nhưng nàng không biết chắc nàng sẽ phải cảnh giác điều gì. Sáng hôm sau khi Mary đốn văn phòng, Mike bước vào - Một codel sẽ đến trong hai giờ nữa. Tôi nghĩ... - Một codel à? - Đấy là một chuyến thăm ngoại giao của một phái đoàn Quốc hội. Bốn thượng nghị sĩ với phu nhân và tùy tùng của họ. Họ mong bà đón họ. Tôi đã thu xếp một cuộc hẹn với chủ tịch Ionescu và bảo Harriet lo cho việc họ đi mua hàng và ngắm cảnh. - Cám ơn ông. - Bà dùng một chút cà phê tự pha của tôi chứ? Nàng nhìn ông ta bước qua cửa ăn thông vào văn phòng ông ta. Một con người kỳ lạ. Gay gắt, thô lỗ. Nhưng lại kiên nhẫn với Beth và Tim. Khi ông ta quay trở lại với hai tách cà phê, Mary nói : - Ông có con không? Câu hỏi là Mike sửng sốt. - Tôi có hai đứa con trai. - Ở đâu? - Chúng được người vợ cũ của tôi nuôi dưỡng. Ông ta đột nhiên chuyển đề tài. - Chúng ta hãy xem thử tôi có thể thu xếp cuộc hẹn với Ionescu không? Cà phê ngon thật. Sau này Mary phải nhớ lại rằng đây là ngày nàng nhận ra rằng uống cà phê với Mike Slade đã trở nên một lễ nghi buổi sáng. * * * * * Angel gặp cô ta vào một buổi tối tại la Buca, gần bến cảng, nơi cô ta đang đứng cùng những cô “putas” khác, trong một chiếc áo cánh bó sát và một chiếc quần Jean bị cắt ở đùi phô bày cả đồ đạc ra. Cô ta trông không hơn 15 tuổi, không xinh nhưng điều ấy chẳng làm Angel bận tâm. - Vámonos querida. Chúng ta sẽ đùa với nhau chứ? Cô gái sống trong một gian nhà không có thang máy, rẻ tiền gần đấy chỉ có một phòng duy nhất dơ bẩn với một chiếc giường, hai chiếc ghế, một ngọn đèn và một cái chậu. - Hãy cởi đồ ra, estrehta. Tôi muốn xem cô khỏa thân. Cô gái do dự. Có một cái gì đấy ở Angel làm nàng hoảng sợ. Nhưng hôm ấy là một ngày buồn tẻ và cô gái hoặc phải mang tiền về cho Pepe hoặc sẽ bị đánh đập. Cô gái từ từ cởi quần áo. Angel đứng nhìn. Chiếc áo cánh được cởi ra rồi đến chiếc quần Jean. Cô gái chẳng mặc gì bên trong cả. Thân thể nàng xanh xao và ốm. - Giữ lại đôi giầy. Hãy đến đây và quỳ xuống. Cô gái vâng lời. - Bây giờ đây là điều tôi muốn cô làm. Cô gái lắng nghe và nhìn lên bằng đôi mắt kinh hoàng. - Em chưa bao giờ làm... Angel đá vào đầu cô ta. Cô gái nằm trên sàn nhà rên rỉ. Angel nắm tóc lôi dậy và ném lên giường. Khi cô gái vừa la lên, Angel đấm mạnh vào mặt. Cô rên rỉ. - Tốt. - Angel nói - Tôi muốn nghe cô rên rỉ. Một quả đấm mạnh vào mũi cô gái làm mũi gãy. Khi Angel xong việc với cô ta 30 phút sau, cô gái nằm trên giường, bất tỉnh. Angel mỉm cười nhìn xuống thân thể dập nát của cô gái và ném lên giường ít đồng pesos. - Gracias. Mary cố gắng tìm mọi giây phút có thể được để sống bên cạnh con nàng. Chúng nó đi ngắm cảnh nhiều. Có hàng chục viện bảo tàng và nhà thờ cổ để viếng thăm, nhưng đối với con nàng, cảnh nổi bật nhất là chuyến đi Brasow, lâu đài Dracula, tọa lạc tại trung tâm Transylvania, cách Bucarest một trăm dặm. - Vị bá tước thực sự là một ông hoàng đấy! - Florian thốt lên trong chuyến đi - Ông hoàng Vlad Tepes. Ông ta là một vị anh hùng vĩ đại đã chặn đứng cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ. - Cháu đã nghĩ rằng ông ta chỉ thích hút máu và giết người thôi! - Tim lên tiếng. Florian gật đầu. - Ừ không may, sau chiến tranh, quyền lực của Vlad tập trung lên đầu ông ta. Ông ta trở thành nhà độc tài và cắm kẻ thù lên những chiếc cọc. Huyền thoại cho rằng ông ta là một con quỷ hút máu. Một người Irland tên là Bram Stoker, viết một quyển sách căn cứ trên chuyện hoang đường ấy. Một quyển sách ngốc nghếch, nhưng nó đã gây kinh ngạc cho du khách! Lâu đài Bram là một tòa lâu đài bằng đá to lớn cao trên núi. Họ đều kiệt sức lúc họ leo những bậc cấp bằng đá dốc dẫn lên lâu đài. Họ đi vào một phòng trần thấp đựng súng ống và những món đồ cổ. - Đây là nơi Bá tước Dracula sát hại nạn nhân của ông ta và uống máu họ - Người hướng dẫn lên tiếng bằng một giọng lạnh lẽo như trong nhà mồ. Căn phòng ẩm ướt và kỳ quái. Một mạng nhện quét vào mặt Tim. - Con không kinh hãi điều gì cả, - Nó bảo mẹ nó - nhưng chúng ta không thể ra khỏi đây à? Cứ mỗi tuần, một chiếc C130 của không lực Mỹ đáp xuống sân bay nhỏ ở ngoại ô Bucarest. Chiếc phi cơ chở đầy thức ăn và những vật dụng xa xỉ không có tại Bucarest đã được các nhân viên Tòa đại sứ Mỹ hỏi mua qua sĩ quan quân nhu tại Frankfurt. Một buổi sáng, trong lúc Mike và Mary đang uống cà phê, Mike bảo : - Hôm nay, chiếc phi cơ quân nhu của chúng ta sẽ đến. Tại sao bà không đi một chuyến ra sân bay với tôi nhỉ? Mary bắt đầu từ chối. Nàng có nhiều việc phải làm và hình như đấy là một lời mời nhạt nhẽo. Tuy nhiên, Mike Slade không phải là một con người chịu phí thời giờ. Sự tò mò của nàng làm nàng thay đổi ý kiến. - Được thôi! Họ lái xe đến sân bay và trên đường đi thảo luận các vấn đề khác nhau mà Tòa đại sứ phải đối phó. Câu chuyện được giữ ở mức độ trỏng trỏng, lạnh nhạt. Khi họ đến sân bay, một trung sĩ thủy quân lục chiến võ trang mở một cái cổng để chiếc xe hòm đi qua. Mười phút sau, họ nhìn thấy chiếc C130 đáp xuống. Sau hàng rào, trên vành đai sân bay, hàng trăm người Rumani đã tụ tập. Họ nhìn thèm thuồng trong lúc phi hành đoàn bắt đầu khuân đồ ra khỏi phi cơ. - Đám người ấy làm gì ở đây thế? - Mơ mộng. Họ đang xem một số đồ vật mà họ không bao giờ có thể có được. Họ biết chúng ta nhận thịt nướng, xà phòng và nước hoa. Ở đây luôn luôn có một đám đông khi phi cơ hạ cánh. Đấy là một loại điện tín bí mật huyền bí. Mary quan sát những khuôn mặt thèm thuồng sau hàng rào. - Thât không tin được. - Đối với họ chiếc phi cơ ấy là một vật tượng trưng. Nó không chỉ là chiếc tàu chở hàng - nó đại diện cho một nước tự do săn sóc công dân mình. Mary quay lạị nhìn ông ta. - Tại sao ông đưa tôi đến đây nhỉ? - Bởi vì tôi không muốn bà bị mê hoặc bởi câu chuyện ngọt ngào của chủ tịch Ionescu đấy. Đây là Rumani thực sự đấy! Mỗi buổi sáng khi Mary đi làm, nàng nhận thấy một hàng dài những người bên ngoài cổng đợi vào ban lãnh sự của Tòa đại sứ. Nàng mặc nhiên cho rằng họ là những người có những vấn đề nhỏ hy vọng được lãnh sự giải quyết. Nhưng và buổi sáng đặc biệt này, nàng đến cửa sổ để nhìn kỹ hơn và những nét mặt mà nàng nhìn thấy đã buộc nàng bước vào văn phòng của Mike. - Tất cả những người xếp hàng đợi bên ngoài ấy là ai nhỉ? Mike đi với nàng đến bên cửa sổ. - Hầu hết họ là những người Rumani gốc Do Thái đấy. Họ đang đợi nộp đơn xin thị thực di dân đấy. - Nhưng có một Tòa đại sứ Do Thái tại Bucarest rồi. Tại sao họ không đến đấy? - Hai lý do! - Mike giải thích - Trước tiên, họ nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ có cơ hội lớn để giúp đỡ họ đến Israel hơn là chính phủ Israel. Và thứ nhì, họ nghĩ rằng có ít cơ hội cho những người an ninh Rumani tìm ra ý định của họ, nếu đến với chúng ta. Họ nhầm, dĩ nhiên! Ông ta chỉ ra cửa sổ. - Có một gian nhà ngay bên kia Tòa đại sứ có nhiều căn hộ đầy các nhân viên dùng các ống kính viễn vọng chụp ảnh tất cả mọi người ra vào Tòa đại sứ! - Kinh khủng thật! - Đấy là cách chơi của họ. Khi một gia đình Do Thái làm đơn xin thị thực di dân, họ mất thẻ làm việc màu xanh của họ và họ bị đuổi ra khỏi nhà. Láng giềng của họ được chỉ thị phải quay lưng với họ. Rồi phải mất từ ba đến bốn năm, chính phủ mới chịu cho họ biết họ sẽ được cấp giấy xuất cảnh không có câu trả lời thường là không! - Chúng ta không thể làm gì được về việc ấy à? - Lúc nào chúng ta cũng nỗ lực. Nhưng Ionescu thích chơi trò mèo chuột với người Do Thái. Rất ít người trong bọn họ từng được phép rời khỏi nước. Mary nhìn ra những vẻ mặt tuyệt vọng của họ. - Phải có một cách nào đó - Mary nói. - Đừng thương tâm. - Mike bảo nàng. Vấn đề múi giờ thật là mệt, khi tại Washington là ngày, tại Bucarest là nửa đêm, và Mary thường xuyên bị thức giấc vì các điện tín và các cú điện thoại vào ba bốn giờ sáng. Mỗi lần có một công điện đến, người thủy quân lục chiến trực tại Tòa đại sứ sẽ gọi sĩ quan trực nhật. Anh ta sẽ cho một người phụ tá tham mưu đến dinh đánh thức Mary dậy. Sau đó, nàng sẽ bị căng thẳng khó ngủ lại. - Thực là thú vị, Edward ạ. Em thật sự nghĩ rằng em có thể làm được một điều gì khác ở đây. Dù sao, em đang cố gắng. Em không chịu nổi sự thất bại. Mọi người đang trông cậy vào em. Em ước gì có anh đây để nói “Em có thể làm được, bà bạn ơi” - Em nhớ anh quá. - Anh có thể nghe em không, Edward? Có phải anh đang ở đâu đây mà em không thể thấy anh không? Đôi khi việc không biết được câu trả lời làm em muốn điên loạn... * * * * * Họ đang uống cà phê buổi sáng. - Chúng ta có một vấn đề! - Mike bắt đầu. - Vâng! - Một phái đoàn gồm một chục giáo sĩ giáo hội Rumani muốn gặp bà. Chính phủ Rumani sẽ không cấp cho họ chiếu khán xuất cảnh đâu! - Tại sao không? - Rất ít người Rumani được phép rời khỏi đất nước. Họ có một câu chuyện đùa về ngày Ionescu lên cầm quyền. Ông ta đến cánh đông của dinh và trông thấy mặt trời mọc “Chào bạn Mặt Trời!” Ionescu nói. “Chào ngài” - Mặt trời nói. “Mọi người đều thật sung sướng vì ngài là tân chủ tịch của Rumani”. Chiều hôm ấy, Ionescu đến cánh tây dinh để xem mặt trời lặn. “Chào bạn Mặt Trời”. Mặt Trời không trả lời. “Sao sáng này bạn nói với tôi thật tử tế và bây giờ bạn chẳng nói năng gì với tôi thế?”. “Bây giờ tôi đang ở phương Tây. - Mặt Trời đáp - Ông cút đi!” - Ionescu sợ rằng một khi họ ra đi, hàng giáo phẩm sẽ bảo chính phủ cút đi đấy. - Tôi sẽ nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao và xem thử tôi có thể làm được gì? Mike đứng dậy. - Bà có thích ca múa quần chúng không? - Ông ta hỏi. - Tại sao! - Tối nay có một buổi khai mạc của một đoàn khiêu vũ Rumani. Người ta cho rằng họ khá hay đấy! Bà có thích đi không? Mary sửng sốt. Điều cuối cùng mà nàng đã mong đợi là Mike mời nàng đi chơi. Và bây giờ, còn khó tin hơn, nàng thấy mình trả lời : - Vâng! - Tốt - Mike trao cho nàng một phong bì nhỏ - Ở đây có ba vé. Bà có thể mang Beth và Tim theo, xã giao của chính quyền Rumani đấy. Chúng tôi nhận được vé đến dự hầu hết các buổi khai mạc của họ. Mary ngồi đấy, mặt nàng đỏ rần, cam thấy mình như một người đần độn. - Cám ơn ông! - Nàng ngượng ngùng nói. - Tôi sẽ cho Florian đưa bà đi lúc 8 giờ, Beth và Tim không thích đến rạp hát. Beth đã mời một bạn học đến ăn tối. - Đấy là người bạn Ý của con - Beth nói - Được chứ? - Nói thực nhé, con thực sự không bao giờ thích ca múa quần chúng cả. - Tim thêm vào. Mary cười. - Được rồi. Lần này, mẹ sẽ không móc chúng con theo đâu nhé. Nàng tự hỏi không biết con nàng có cô đơn như nàng không. Nàng nghĩ xem có thể mời ai cùng đi với nàng. Nàng dò danh sách trong trí: đại tá Mc Kinney, Jerry Davis, Harriet Kruger? Chẳng có ai nàng thực sự muốn đi cùng cả. “Mình sẽ đi một mình” - Nàng quyết định. Florian đang đợi Mary khi nàng bước ra cửa trước. - Chào bà Đại sứ - Ông ta cúi đầu và mở của. - Florian, tối nay ông vẻ rất vui đấy! Ông ta cười toe toét. - Lúc nào tôi cũng vui cả. - Thưa bà - Ông ta đóng cửa và ngồi sau tay lái - Những người Rumani chúng tôi có một câu nói: Hãy hôn bàn tay mà bạn không cắn được. Mary quyết định sử dụng cơ hội : - Ông sống ở đây có hạnh phúc không, Florian? Ông ta quan sát nàng trong kính chiếu hậu. - Tôi phải cho bà một câu trả lời theo đường lối các bữa tiệc chính thức không, thưa bà Đại sứ, hoặc bà có thích nghe sự thật không? - Xin vui lòng nói sự thật. - Tôi có thể bị bắn vì nói điều này, nhưng chẳng có người Rumani nào ở đây được hạnh phúc cả. Chỉ có người ngoại quốc thôi. Bà có thể đến và đi tùy ý. Chúng tôi là tù nhân. Ở đây chẳng có gì đầy đủ cả! Họ lái xe qua một hàng người dài trước một cửa hàng thịt. - Bà thấy không? Họ sẽ đợi trong hàng ba hoặc bốn giờ nữa mới có được một hai miếng thịt cừu và nửa số người sẽ thất vọng. Mọi thứ đều như vậy cả. Nhưng bà có biết Ionescu đã giấu bao nhiêu nhà không? 12 đấy? Tôi đã lái xe đưa nhiều viên chức Rumani đến đấy. Mỗi cái như một dinh thự. Cùng lúc ấy, ba hoặc bốn gia đình bị buộc phải chung sống với nhau trong những gian phòng nhỏ không có nhiệt! Florian đột nhiên dừng lại, dường như sợ rằng mình đã nói nhiều chuyện quá. - Bà sẽ không nói đến câu chuyện này chứ? - Dĩ nhiên là không! - Cám ơn bà. Tôi không thích để vợ tôi thành quả phụ. Nàng còn trẻ. Và Do Thái! Mary đã biết điều ấy. - Có một câu chuyện về một cửa hàng được hứa hẹn có trứng tươi. Lúc 5 giờ sáng, một hàng người dài đợi trong khí hậu lạnh băng. Lúc 8 giờ, trứng vẫn chưa tới và cái hàng đã dài thêm ra. Người chủ lên tiếng nói, “Sẽ không có đủ cho mọi người đâu”. Người Do Thái có thể đi được. Đến hai giờ chiều, trứng vẫn chưa tới và hàng còn dài hơn nữa. Chủ tiệm bảo “Những người không vào Đảng đi đi”. Đến nửa đêm, hàng vẫn đợi trong trời giá lạnh. Chẳng có trứng. Chủ tiệm khóa cửa hiệu và bảo “Chẳng có gì thay đổi cả. Người Do Thái lúc nào cũng được ưu tiên mọi điều tốt nhất!”. Mary không biết nên cười hay nên khóc. “Nhưng mình sẽ làm một điều gì đấy với việc ấy” - Nàng tự hứa với mình. Rạp hát nhân dân ở trên đường Rapspdia Romana, một đường phố náo nhiệt đầy những quầy hàng bán hoa, ép plastic, áo cánh và bút viết. Rạp hát nhỏ và trang trí công phu, một di tích của những ngày còn thanh bình. Bản thân cuộc biểu diễn văn nghệ phiền phức, y phục loè loẹt và các diễn viên vũ đều bất tài. Cuộc trình diễn có vẻ như không thể chấm dứt được và khi cuối cùng nó kết thúc, Mary hài lòng thoát vào không khí ban đêm. Florian đang đứng cạnh chiếc xe hòm trước mặt rạp hát. - Tôi e sẽ bị trễ thưa bà Đại sứ. Một bánh xe xẹp. Và một kẻ cắp đã lấy mất bánh xơ-cua. Tôi đã gửi mua một cái. Nó sẽ đến đây trong một giờ nữa. Bà có thích đợi trong xe không? Mary nhìn lên mặt trăng tròn chiếu sáng trên cao. Buổi tối sảng khoái và trong trẻo. Nàng nhận ra nàng chưa đi bộ trên đường phố Bucarest từ lúc nàng đến. Nàng thực hiện một quyết định bất ngờ. - Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi bộ về dinh! Ông ta gật đầu. - Thật là một buổi tối đáng yêu đế đi bộ! Mary quay lại và bắt đầu đi dọc theo con phố về hướng Quảng trường Trung ương. Bucarest là một thành phố lạ, hấp dẫn. Trên các góc đường có những bảng hiệu bí mật: Tuten... Gospodina... Chimice... Nàng đi bộ theo đại lộ Mosilor và rẽ sang đường Piata Rosetly, nơi có những chiếc xe điện đỏ sẫm đầy những người. Ngay cả vào giờ khuya này, đa số các cửa hiệu còn mở và tất cả đều có những hàng người dài. Các quán cà phê dọn gogoase, bánh rán ngon của Rumani. Các vỉa hè đông đúc những người đi mua hàng khuya mang theo những chiếc “pungas” những chiếc túi đựng hàng có dây. Mary thấy hình như dân chúng yên tĩnh một cách đáng ngại. Hình như họ đang trố mắt nhìn nàng, phụ nữ thèm thuồng nhìn vào bộ đồ nàng đang mặc. Nàng bắt đầu bước đi nhanh hơn. Khi nàng đến góc đường Calea Victoric, nàng dừng lại phân vân không biết phải theo hướng nào. Nàng nói với một người qua đường : - Xin lỗi, ông có thể cho tôi biết làm cách nào để đến... Ông ta ném cho nàng cái nhìn nhanh và hoảng sợ rồi vội vã bỏ đi. “Họ không được nói chuyện với người ngoại quốc” - Mary nhớ lại. Làm sao nàng có thể về lại được? Nàng cố gắng hình dung con đường mà Florian đã đưa nàng đi đến đây. Nàng thấy hình như dinh của nàng ở đâu đấy về phía đông. Nàng bắt đầu đi về hướng ấy. Chẳng bao lâu nàng đi trên một con đường phụ nhỏ, sáng mờ mờ. Xa xa, nàng có thể trông thấy một đại lộ rộng, sáng rực. Mình có thể tìm được một cái taxi ở đấy, - Mary suy nghĩ một cách nhẹ nhõm. Ô kìa, có tiếng chân nặng về phía sau lưng nàng và nàng quay lại một cách vô thức. Một người đàn ông to lớn mặc áo khoác đang tiến nhanh về phía nàng. Mary bước đi nhanh hơn. - Xin lỗi, - Người đàn ông gọi lớn bằng một âm Rumani nặng - bà lạc đường à? Nàng thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ ông ta là một loại cảnh sát nào đấy. Có lẽ ông ta đã theo nàng để chắc chắn nàng được an toàn. - Vâng - Mary nói một cách biết ơn - Tôi muốn trở về... Bất ngờ có tiếng động cơ và âm thanh của một chiếc xe chạy nhanh đến sau lưng nàng và rồi tiếng thắng rít khi chiếc xe rú lên và dừng lại. Người bộ hành trong chiếc áo khoác chộp lấy Mary. Nàng có thể ngửi thấy được hơi thở hôi hám, nóng của hắn và cảm thấy những ngón tay to mập của hắn bóp chặt lấy cổ tay nàng. Hắn bắt đầu đẩy nàng về cùa xe mở sẵn. Mary vùng vẫy để thoát ra... - Vào trong xe! - Gã đàn ông gầm lên. - Không! - Nàng thét lên - Cứu... cứu tôi với! Có một tiếng hét từ bên kia đường và một bóng người chạy nhanh về phía họ. Người đàn ông dừng lại không rõ phải làm gì. Người lạ thét lên : - Thả bà ấy ra! Ông ta chộp lấy gã đàn ông mặc áo khoác và kéo hắn ra khỏi Mary. Nàng bỗng cảm thấy đột nhiên được tự do. Gã đàn ông ngồi sau tay lái bắt đầu lao ra khỏi xe để giúp đồng bọn. Từ xa xa vang đến âm thanh của một chiếc còi báo động đang đến gần. Gã đàn ông mặc áo khoác gọi bạn hắn và cả hai nhảy lên xe chạy mất. Một chiếc xe trắng bên hông có đề chữ “Dân Quân” và một ngọn đèn xanh nhấp nháy trên mui, dừng lại trước mặt Mary. Hai người mặc quân phục nhảy xuống. Bằng tiếng Rumani, một người lên tiếng hỏi : - Bà không việc gì chứ? - Và rồi bằng tiếng Anh ngập ngừng - Việc gì đã xảy ra thế? Mary cố gắng lấy lại bình tĩnh. - Hai người đàn ông... họ... họ định buộc tôi vào xe họ. Nếu,... nếu không có ông này... Nàng quay lại. Người lạ đã đi mất. Chương 22 Nàng chiến đấu suốt đêm dài, vùng vẫy để trốn thoát những gã đàn ông, tỉnh dậy trong cơn kinh hãi, ngủ thiếp đi và lại tỉnh dậy. Nàng tiếp tục làm sống động lại tấn kịch. Những bước chân bất thần đi về phía nàng, chiếc xe dừng lại, gã đàn ông cố gắng đẩy nàng vào xe. Họ đã biết nàng là ai không? Hoặc họ chỉ định cướp một du khách mặc quần áo Mỹ. Khi Mary đến văn phòng, Mike Slade đang đợi nàng. Ông ta mang đến hai tách cà phê và ngồi xuống bên kia bàn giấy của nàng. - Rạp hát như thế nào? - Ông ta hỏi. - Tốt thôi. Chuyện đã xảy ra sau đấy tuyệt nhiên chẳng phải công việc của ông ta. - Bà có bị thương không? Nàng nhìn ông ta kinh ngạc. - Cái gì thế? Ông ta kiên nhẫn nói : - Khi họ định bắt cóc bà, họ có gây thương tích cho bà không? - Tôi... làm sao ông biết chuyện ấy? Giọng ông ta đầy mỉa mai. - Thưa bà Đại sứ, Rumani là một bí mật trống trải lớn duy nhất. Bà không thể tắm mà mọi người đều không biết. Bà tự ý đi bộ thật chẳng thông minh mấy đâu. - Bây giờ tôi biết điều ấy rồi. - Mary lạnh lùng nói - Việc ấy sẽ không tái diễn nữa! - Tốt. - Giọng ông ta gọn lỏn - Gã đàn ông có lấy gì của bà không? - Không! Ông ta cau mày. - Vô lý. Nếu họ muốn lấy áo hoặc ví tay cả bà, họ có thể đã lấy của bà trên đường rồi. Định ép bà vào một chiếc xe có nghĩa là một sự bắt cóc đấy! - Ai muốn bắt cóc tôi thế? - Không phải là người của Rumani đâu. Ông ta định giữ vững mối liên hệ với chúng ta. Có lẽ đấy là một nhóm đối lập nào đấy! - Hoặc những kẻ lừa đảo âm mưu giữ tôi lại để đòi tiền chuộc? - Trong nước này tuyệt nhiên chẳng có những vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc đâu. Nếu họ bắt được ai làm điều ấy sẽ chẳng có xét xử đâu, sẽ có một tiểu đội hành quyết đấy - Ông ta hớp một ngụm cà phê - Cho phép tôi cho bà một lời khuyên! - Tôi đang nghe đây! - Hãy về nước đi! - Gì? Mike Slade đặt tách xuống. - Tất cả điều bà phải làm là gửi một bức thư từ chức, gói ghém con cái bà lại và trở về Kansas, nơi bà sẽ được an toàn! Nàng có thể thấy khuôn mặt mình đỏ lên. - Ông Slade, tôi đã phạm sai lầm. Đây không phải là lần đầu tiên và có lẽ sẽ không phải là lần cuối cùng. Nhưng tôi được bổ nhiệm vào chức vụ này do Tổng thống Hoa Kỳ, và cho đến khi nào ngài sa thải tôi, tôi không muốn ông hoặc bất kỳ ai khác bảo tôi về nước cả. - Nàng cố gắng để giữ giọng bình tĩnh - Tôi hy vọng người trong Tòa đại sứ này làm việc với tôi chứ không chống lại tôi. Nếu điều ấy quá nhiều buộc ông phải đối phó, tại sao ông không về nước đi? - Nàng giận run lên. Mike Slade đứng dậy. - Thưa bà Đại sứ, tôi sẽ lo đặt báo cáo sáng trên bàn giấy của bà đây! Cuộc bắt cóc có dự mưu là đề tài duy nhất trong câu chuyện tại Tòa đại sứ buổi sáng hôm ấy. Làm sao mọi người đều hay nhỉ? - Mary tự hỏi - Và làm sao Mike Slade biết được? Mary ước gì nàng có thể biết được tên của người cứu mình để có thể cám ơn ông. Trong cái nhìn thoáng nhanh về ông ta, nàng có ấn tượng về một người đàn ông hấp dẫn, có lẽ độ vừa 40 với mái tóc xám trước tuối. Ông ta có giọng nói ngoại quốc - có lẽ là người Pháp. Nếu ông ta là du khách, có lẽ lúc này ông ta đã rời khỏi Rumani. Một ý nghĩ vẫn dày vò Mary và khó lòng trục xuất. Người duy nhất muốn trừ khử nàng mà nàng biết là Mike Slade. Việc gì đã xảy ra nếu ông ta đã dựng lên vụ tấn công để làm nàng kinh hoảng phải bỏ đi nhỉ? Ông ta đã cho nàng ba vé xem văn nghệ. Ông ta đã biết nàng sẽ ở đâu. Nàng không thể nào xóa được điều ấy khỏi trí óc nàng. Mary đã cân nhắc xem có nên kể cho con nàng về việc bắt cóc có dự mưu hay không và nàng quyết định không nói. Nàng không muốn làm chúng nó hoảng sợ. Nàng đơn giản chỉ muốn lo cho chúng không bao giờ bị bỏ rơi một mình. * * * * * Tối hôm ấy có một bữa tiệc cốc-tai tại Tòa đại sứ Pháp để chiêu đãi một nhạc sĩ hòa nhạc dương cầm. Mary mệt mỏi, càng thẳng và có lẽ muốn viện bất cứ điều gì để tránh né, nhưng nàng biết nàng phải đi. Nàng đi tắm và chọn một chiếc áo dài buổi tối và trong lúc nàng với lấy đôi giầy, nàng nhận thấy có một chiếc đế giầy bì hỏng. Nàng bấm chuông gọi Carmen. - Vâng, thưa bà Đại sứ? - Carmen, xin vui lòng mang cái này đến thợ giầy chữa lại giùm nhé! - Dạ được, thưa bà. Còn gì nữa không? - Không, chỉ từng ấy, cám ơn! Khi Mary đến Tòa đại sứ Pháp, khách đã đông đủ Nàng được phụ tá Đại sứ Pháp đón vào. Đấy là người Mary đã gặp trong chuyến viếng thăm Tòa đại sứ lần trước. Ông ta cầm tay nàng và hôn. - Chào bà Đại sứ. Bà thực tử tế vì đã đến đây! - Ngài thực là tử tế vì đã mời tôi đến - Mary đáp. Cả hai đều cười với những câu khách sáo của mình. - Cho phép tôi được đưa bà đến chỗ ngài Đại sứ! Ông ta hộ tống nàng qua phòng khiêu vũ đông người, nơi nàng trông thấy những khuôn mặt quen thuộc mà nàng đã gặp trong những tuần lễ liên tục Mary chào vị Đại sứ Pháp và họ trao đổi với nhau những câu chuyện khôi hài. - Bà sẽ thưởng thức tài nghệ của bà Dauphin. Bà ấy là một nhạc sĩ dương cầm đấy! - Tôi đang mong đây! - Nàng nói dối. Một người giúp việc đi qua với một chiếc khay đầy những ly champagne. Lúc này Mary đã học được cách nhấm nháp rượu tại các Tòa đại sứ. Lúc nàng quay lại để chào Đại sứ Úc, nàng bất ngờ trông thấy người lạ đã cứu nàng thoát khỏi những kẻ bắt cóc. Ông đang đứng trong một góc nói chuyện với Đại sứ Ý và phụ tá của ngài. - Xin lỗi! - Mary nói. Nàng băng qua phòng, đến chỗ người Pháp. Ông ta đang nói : - Dĩ nhiên, tôi nhớ Paris, nhưng tôi hy vọng rằng sang năm... - Ông ta đột nhiên dừng lại khi thấy Mary đến gần - À, người phụ nữ gặp tai họa đây! - Các người biết nhau à? - Đại sứ Ý hỏi. - Chúng tôi chưa được chính thức giới thiệu. - Mary đáp. - Thưa bà Đại sứ, cho phép tôi được giới thiệu bác sĩ Louis Desfoges! Vẻ mặt của người Pháp thay đổi. - Bà Đại sứ à? Tôi xin bà thứ lỗi. Tôi đã không biết - Giọng ông ta đầy vẻ bối rối - Dĩ nhiên, lẽ ra tôi đã phải nhận ra bà! - Như thế tốt hơn! - Mary mỉm cười - Ông đã cứu mạng cho tôi! Đại sứ Ý nhìn vị bác sĩ nói : - À. Vậy ra chuyện của hai người là một đấy - Ông ta quay sang Mary - Tôi đã nghe về kinh nghiệm bất hạnh của bà! - Có lẽ sẽ bất hạnh đấy nếu bác sĩ Desforges không đến. Cám ơn ông! Louis Desforger mỉm cười. - Tôi sung sướng vì đã đến đúng nơi đúng lúc! Vị Đại sứ và viên phụ tá trông thấy một nhóm người Anh bước vào. Vị Đại sứ nói : - Xin các bị thứ lỗi cho chúng tôi, đấy là một người mà chúng tôi cần phải gặp! Hai người vội bỏ đi. Mary còn lại một mình với vị bác sĩ. - Tại sao ông bỏ chạy khi cảnh sát đến vậy? Ông ta quan sát nàng một lúc. - Dính líu với cảnh sát Rumani không phải là một phương sách tốt đâu. Họ có cách để bắt giữ các nhân chứng, rồi moi tin của họ. Tôi là một vị bác sĩ tháp tùng tại Tòa đại sứ Pháp ở đây, và tôi không có quyền bất khả xâm phạm ngoại giao. Tuy nhiên, tôi biết rất nhiều về sự việc đang diễn ra tại Tòa đại sứ chúng tôi và tin tức ấy có thể có giá trị đối với người Rumani. Ông ta mỉm cười. - Vậy hãy tha lỗi cho tôi nếu tôi có vẻ như bỏ trốn đi! Ở ông ta có một sự thẳng thắn rất cảm động. Bằng một cách nào đấy mà Mary không thể mô tả được, ông ta gợi cho nàng nhớ một tí đến Edward. Có lẽ vì Louis Desforges là một vị bác sĩ. Nhưng, không, còn hơn thế nữa. Ông ta có cùng tính bộc trực mà Edward đã có, hầu như cũng có chung nụ cười nữa. - Xin bà thứ lỗi cho tôi. - Bác sĩ Desforges nói - Tôi phải đi và trở thành một con vật xã hội! - Ông không thích tiệc tùng à? Ông ta chớp mắt : - Tôi khinh bỉ chúng! - Vợ ông có thích không? Ông ta định nói điều gì đấy và rồi do dự. - Vâng, bà ấy thích. Rất nhiều. - Tối nay bà ấy có đây không? - Bà ấy và hai con của chúng tôi đã chết! Mary tái mặt. - Ồ, Chúa ơi! Tôi xin lỗi. Làm sao? Khuôn mặt ông ta rắn lại. - Tôi tự trách mình. Chúng tôi đã sống tại Algérie. Tôi đã hoạt động bí mật chiến đấu với bọn khủng bố - Lời nói của ông ta bỗng chậm lại và ngập ngừng - Họ tìm ra lý lịch của tôi và cho nổ tung ngôi nhà. Lúc ấy tôi đi khỏi! - Tôi thật lấy làm tiếc. - Mary lại nói. Những lời không thích hợp và bất lực. - Cám ơn bà. Có một câu sáo ngữ rằng thời gian sẽ chữa lành tất cả. Tôi không còn tin điều ấy! - Giọng ông ta cay đắng. Mary nghĩ đến Edward và nàng vẫn còn nhớ chàng nhiều như thế nào. Nhưng người đàn ông này đã phải sống với nỗi thống khổ của mình lâu hơn. Ông ta quay lại và bước đến chào một nhóm tân khách. Ông ấy làm em nhớ đến anh một tí, Edward ạ. Anh sẽ thích ông ấy đấy. Ông ấy là một người rất cam đảm. Ông ấy đau khổ nhiều và em nghĩ rằng đấy là điều đã lôi cuốn em sẽ hết nhớ đến anh? Ở đây cô đơn quá. Chẳng có ai để em có thể nói huyện cả. Em muốn thành công kinh khủng. Mike Slade định buộc em phải về nước. Em lại không đi. Nhưng ôi, em cần anh như thế nào ấy. Chúc ngủ ngon, anh yêu. * * * * * Sáng hôm sau, Mary điện thoại cho Stanton Rogers. Nghe giọng nói của ông thật tuyệt vời. - Như đang sinh hoạt trong gia đình vậy. - Nàng nghĩ thế. - Tôi được một số báo cáo tuyệt vời về bà đấy! - Stanton Rogers lên tiếng - Chuyện của Hannah Murphy đã được đăng báo với những hàng tít lớn ở đây. Bà đã làm một công việc xuất sắc đấy! - Cám ơn anh, Stan ạ! - Mary, hãy kể cho tôi nghe về việc bắt cóc có dự mưu đi! - Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng và trưởng ngành an ninh và họ chẳng dò được mạnh mối gì cả! - Mike Slade đã không cảnh cáo bà là không nên đi ra ngoài một mình à? - Mike Slade - Vâng. Ông ấy có cảnh cáo tôi, Stan à. - “Mình có nên cho ông ấy biết rằng Mike Slade đã bảo mình về nước không?” Không, nàng quyết định thế. “Mình sẽ đối phó với tay Slade này theo cách riêng của mình”. - Hãy nhớ - tôi luôn luôn ở đây vì bà đấy. Bất cứ lúc nào? - Tôi biết - Mary nói với vẻ cảm kích - Tôi không thể cho anh biết điều ấy có ý nghĩa gì với tôi đâu. Cú điện thoại làm nàng có cảm giác đỡ hơn nhiều. - Chúng ta có một vấn đề. Có một chỗ hở đâu đấy trong Tòa đại sứ của chúng ta! Mary và Mike Slade đang uống cà phê trước cuộc họp tham mưu hằng ngày. - Điều ấy trầm trọng như thế nào? - Rất trầm trọng. Lãnh sự Thương mại của chúng ta, David Victor, tổ chức một số cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Rumani! - Tôi biết. Chúng tôi đã thảo luận điều ấy tuần trước! - Đúng. - Mike nói - Và khi David trở lại với cuộc họp thứ nhì, họ đã đi trước chúng ta trên cơ sở phản lại mọi đề nghị mà chúng ta đã làm. Họ biết chính xác chúng ta đã chuẩn bị đường đi nước bước như thế nào? - Không có lẽ họ chỉ hình dung ra được? - Vâng, không có lẽ. Trừ phi chúng ta thảo luận một số đề nghị mới và họ lại đi trước chúng ta. Mary suy nghĩ một lúc. - Ông nghĩ rằng đấy là do một người thuộc ban tham mưu à? - Không phải chỉ một ai đấy đâu. Cuộc họp hành chánh vừa qua được tổ chức tại phòng cách âm. Các chuyên viên điện tử của chúng ta đã dò ra kẽ hở ở đấy! Mary nhìn ông ta sửng sốt. Chỉ có tám người được phép dự các cuộc họp trong phòng cách âm, mỗi người là ủy viên chấp hành của Tòa đại sứ. - Dù là ai đi nữa, người ấy cũng mang theo một thiết bị điện tử, có lẽ là một chiếc máy ghi âm. Tôi đề nghị bà triệu tập một cuộc họp sáng nay tại phòng cách âm cũng với nhóm người ấy. Thiết bị của chúng ta sẽ có thể chỉ ra người có lỗi! Có tám người ngồi quanh chiếc bàn trong phòng cách âm. Eddie Maltz, Lãnh sự Chính trị và nhân viên CIA, Patricia Hatfield, Lãnh sự kinh tế, Jerry Davis, Công vụ, David Victor, Lãnh sự Thương mại, Lucas Janklow, Lãnh sự Hành chánh và đại tá William Mc Kinney. Mary ngồi tại một đầu bàn. Mike Slade ở đầu kia. Mary quay sang David Victor. - Các cuộc họp của ông với Bộ trưởng Thương mại Rumani tiến triển như thế nào? Lãnh sự Thương mại lắc đầu. - Nói thẳng ra, không tốt như tôi hy vọng đâu. Hình như họ biết tất cả mọi việc tôi cần phải nói trước khi tôi nói. - Tôi đến với những đề nghị mới và họ đã chuẩn bị sẵn những luận điệu để bác bỏ. Như thể họ đọc được trong óc tôi đấy! - Có thể lắm! - Mike Slade lên tiếng. - Ông muốn nói gì thế? - Họ đang đọc trong óc một người nào đó đang ở trong phòng này. - Ông ta nhấc điện thoại trên bàn lên - Cho anh ta vào! Một lúc sau, cánh của to lớn được mở ra và một người đàn ông mặc đồ dân sự bước vào, mang theo một hộp đen trên đấy có một cặp kính. Eddie Maltz nói : - Chờ một phút. Không ai được phép vào... - Được thôi! - Mary nói - Chúng ta có một vấn đề và người này sẽ giải quyết - Nàng nhìn lên người mới đến - Yêu cầu cứ thi hành! - Đúng. Tôi muốn mọi người ở nguyên tại chỗ! Trước lúc cả nhóm quan sát, ông ta bước đến chỗ Mike Slade và đưa chiếc hộp gần ông ta. Cây kim trên mặt kính vẫn ở số không. Người đàn ông di chuyển đến chỗ Patricia Hatfield. Cây kim vẫn đứng im. Kế tiếp là Eddie Maltz, rồi đến Jerry Davis và và Lucas Janklow. Người đàn ông đến chỗ David Victor và cuối cùng đến chỗ đại tá Kinney, nhưng cây kim vẫn không di chuyển. Người duy nhất còn lại là Mary. Khi ông ta tiến đến gấn nàng, cây kim bắt đầu nhảy loạn xạ. Mike Slade nói, “Quỷ quái thật...” ông ta đứng dậy và đi đến chỗ Mary. - Ông có chắc không? - Mike hạch hỏi người dân sự. - Hãy nói chuyện với chiếc máy. - Người đàn ông nói. Mary đứng dậy bối rối. - Bà có phiền nếu chúng ta hủy bỏ phiên họp này không? - Mike hỏi. Mary quay lại những người khác : - Bây giờ họp xong rồi đấy, cám ơn các ông. Mike Slade bảo chuyên viên kỹ thuật. - Ông ở lại. Kihi những người kia đã rời khỏi phòng. Mike hỏi. - Ông có thể xác định máy nghe lén ở đâu không? - Chắc được! - Người đàn ông từ từ đặt chiếc hộp đen xuống cách người Mary vài inches. Lúc đưa nó đến gần chân nàng hơn mặt kính bắt đầu nhích nhanh hơn. Người dân sự đắng thẳng dậy. - Giầy của bà đấy! Mary trố mắt nhìn ông ta hoài nghi. - Ông lầm rồi, tôi đã mua đôi giầy này tại Washington đấy! Mike bảo : - Xin bà cảm phiền cởi nó ra đi! - Tôi... Việc này thật buồn cười. Chiếc máy có lẽ điên đấy. Hoặc có người nào đấy tìm cách dựng chuyện cho nàng. Đây có lẽ là cách trừ khử nàng của Mike Slade đấy. Ông ta sẽ báo cáo về Washington rằng nàng đã bị bắt quả tang đang do thám và cho kẻ địch tin tức. Mà thôi, ông ta sẽ chẳng thành công đâu. Nàng bước ra khỏi đôi giầy, nhặt chúng lên và thả vào tay Mike. - Đây này - Nàng giận dữ nói. Ông ta lật chúng lại quan sát. - Đây có phải là một chiếc đế giầy mới không? - Không, đấy... - Và rồi nàng nhớ lại. “Carmen, xin bà vui lòng mang cái này đến thợ giầy chữa lại giùm!” Mike mở toang đế giày. Bên trong là một chiếc máy thu băng tí hon. - Chúng ta tìm ra tên gián điệp của chúng ta rồi đấy - Mike lạnh lùng nói. Ông ta nhìn lên - Bà ráp chiếc đế này ở đâu? - Tôi... Tôi không biết. Tôi đã nhờ một người hầu lo giùm! - Tuyệt - Ông ta chua chát nói - Trong tương lai, tất cả chúng tôi sẽ cảm kích, thưa bà Đại sứ, nếu bà để cho bí thư của bà làm những việc như thế! * * * * * Có một công điện cho Mary. “Ủy ban ngoại giao Thượng viện đồng ý cho Tumani vay như bà yêu cầu. Mai sẽ loan báo. Chúc mừng. Stanton Rogers”. Mike đọc công điện : - Tin tốt đấy. Negulesco sẽ khoái đấy! Mary biết ngay Negulesco, Bộ trưởng Tài chánh Rumani đang yếu thế. Điều này sẽ làm cho ông ta trở thành một người hùng đối với Ionescu. - Ngày mai họ mới loan tin - Mary nói. Nàng ngồi đấy, chìm sâu trong suy nghĩ. - Tôi muốn ông dàn xếp cho tôi một cuộc hẹn với Neguleseo sáng nay! - Bà muốn tôi cùng đi không? - Không. Tôi sẽ tự làm việc này một mình! Hai giờ sau Mary ngồi trong văn phòng của Bộ trưởng Tài chánh Rumani. Ông ta tươi cười. - Vậy là bà có tin lành cho chúng tôi chứ? - Tôi e rằng không - Mary lên tiếng một cách hối tiếc. Nàng nhìn nụ cười ông ta tàn dần. - Thế nào? Tôi hiểu rằng món tiền vay - bà nói sao nào - còn trong bao à? Mary thở dài : - Tôi hiểu rằng như thế, thưa ngài Bộ trưởng! - Việc gì đã xảy ra? Điều gì sai? - Khuôn mặt của ông ta bỗng xám xịt. Mary nhún vai. - Tôi không biết! - Tôi đã hứa với chủ tịch chúng tôi... - Ông ta dừng lại vì hàm ý của nguồn tin làm ông ta xúc động. Ông ta nhìn Mary và nói bằng một giọng khản đặc - Chủ tịch Ionescu sẽ không thích điều này. Bà không thể làm gì được à? Mary chân thành bảo : - Tôi cũng tuyệt vọng như ngài vậy, thưa ngài Bộ trưởng. Cuộc bỏ phiếu đang diễn tiến tốt đẹp cho đến lúc một nghị sĩ được biết rằng một nhóm người thuộc giáo hội Rumani muốn đi viếng Utah bị từ chối chiếu khán. Thượng nghị sĩ này có nhiều vợ và ông ta rất tức giận! - Một nhóm người của giáo hội? - Giọng của Negulesco đã lên đến một bát độ - Bà muốn nói rằng món tiền vay bị bỏ phiếu chống vì một... - Đấy là theo sự hiểu biết của tôi thôi! - Nhưng thưa bà Đại sứ, Rumani ủng hộ cho giáo hội mà. Ở đây, họ rất được tự do đấy. - Bấy giờ ông ta lảm nhảm - Chúng tôi tôi có cảm tình với các nhà thờ đấy! Negulesco di chuyển đến chiếc ghế cạnh Mary - Thưa bà Đại sứ - nếu tôi có thể dàn xếp cho nhóm này đi thăm quốc gia của bà, bà có nghĩ rằng Ủy ban tài chánh Thượng viện sẽ chấp thuận món tiền này không? Mary nhìn thẳng vào mắt ông ta : - Thưa Bộ trưởng Negulesco, tôi có thể bảo đảm điều ấy. Nhưng tôi phải biết rõ điều ấy vào chiều nay? Mary ngồi ở bàn giấy đợi điện thoại và lúc 2 giờ 30, Negulesco gọi : - Thưa bà Đại sứ - tôi có tin hay! Nhóm người của giáo hội được tự do đi bất cứ lúc nào! Bây giờ bà có tin tức nào hay cho tôi không? Mary đợi một tiếng đồng hồ rồi gọi lại ông ta. - Tôi vừa nhận được một công điện của Bộ Ngoại giao chúng tôi. Món tiền vay của ngài đã được chấp thuận. Chương 23 Mary không thể xóa được trong đầu hình ảnh của bác sĩ Louis Desforges. Ông ta đã cứu mạng cho nàng và rồi biến đi. Nàng vui vì lại tìm ra ông ta. Do một ngẫu hứng, Mary đến cửa hiệu Dollar Mỹ và mua một chiết chén bạc đẹp cho vị bác sĩ rồi gởi nó đến Tòa đại sứ Pháp. Đấy là một cử chỉ khá đủ cho việc ông đã làm. Chiều ấy, Dorothy nói : - Có bác sĩ Desforges trên điện thoại. Bà muốn nói chuyện với ông ấy không? Mary mỉm cười. - Vâng - Nàng nhấc điện thoại lên - Chào ông! - Chào bà Đại sứ - Câu ấy nghe rất vui trong giọng Pháp của ông - Tôi gọi để cám ơn bà vì món quà đầy ý tứ của bà. Tôi cam đoan với bà rằng điều ấy chẳng cần thiết đâu. Tôi vui vì tôi có thể giúp đỡ được chút đỉnh! - Nó còn hơn điều giúp đỡ chút đỉnh đấy - Mary bảo ông -Tôi ước gì có cách nào để tôi thực sự bày tỏ lòng cảm kích của tôi đấy! Ngừng lại một tí. - Bà có muốn... - Ông ta dừng lại. - Vâng! - Mary thúc giục. - Thực ra chẳng có gì cả - Giọng ông ta bỗng trở nên nhút nhát. - Xin vui lòng cứ nói đi! - Tốt lắm - Có một tiếng cười căng thẳng - Tôi đang tự hỏi không biết bà có thích ăn tôi với tôi và một ngày nào không? Nhưng tôi biết bà phải bận việc như thế nào và... - Tôi sẽ thích mà - Mary nói nhanh. - Thật à? Nàng có thể nghe được vẻ hài lòng trong giọng nói của ông “Thật à!” - Bà biết nhà hàng Taru không? Mary đã đến đấy hai lần. - Không! - À tuyệt. Vậy thì tôi sẽ được hân hạnh chỉ nó cho bà. Có lẽ bà không rảnh tối thứ bảy? - Tuyệt. Tôi phải dự một buổi tiệc cốc-tai lúc 6 giờ, nhưng chúng ta có thể ăn tối sau đấy. - Tuyệt. Tôi hiểu rằng bà có hai đứa con nhỏ. Bà có thích mang chúng nó theo không? - Cám ơn ông, nhưng chúng nó bận vào tối thứ bảy! Nàng tự hỏi không biết tại sao nàng đã nói dối. * * * * * Bữa tiệc cốc-tai được tổ chức tại Tòa đại sứ Thụy Sĩ. Rõ ràng đấy là bữa tiệc hạng A vì chủ tịch Alexandros Ionescu cũng đến đấy. Khi ông ta trông thấy Mary, ông ta bước lại với nàng. - Chào bà Đại sứ! - Ông ta cầm tay nàng và giữ nó lại lâu hơn tới mức cần thiết - Tôi muốn cho bà biết tôi hài lòng như thế nào vì quốc gia của bà đã chấp thuận cho chúng tôi số tiền vay mà chúng tôi đã yêu cầu. - Và chúng tôi rất hài lòng vì ngài đã chấp thuận cho nhóm người của giáo hội đi viếng Hoa Kỳ, thưa ngài! Ông ta vẫy tay một cách hời hợt. - Người Rumani không phải là tù nhân. Bất cứ ai cũng được tự do đi lại tùy ý. Quốc gia chúng tôi tiêu biểu cho công bằng xã hội và tự do dân chủ. Mary nghĩ đến những hàng người dài nối đuôi nhau đợi mua thức ăn hiếm hoi và đám người ở sân bay và những người tỵ nạn tuyệt vọng để đi khỏi nước. - Tất cả quyền hành tại Rumani thuộc về dân. Có những người Gulag tại Rumani mà chúng ta không được phép nhìn thấy. Mary nói : - Bằng tất cả sự kính trọng, thưa chủ tịch, có hàng trăm người có lẽ hàng nghìn người Do Thái đang tìm cách rời Rumani. Chính quyền của ngài sẽ không cấp cho họ chiếu khán, Ông ta cau mày. - Những kẻ bất đồng ý kiến. Các kẻ gây rối. Chúng tôi đang cho thế giới một ân huệ bằng cách giữ họ lại đây để canh chừng họ! - Thưa chủ tịch...! - Chúng tôi có một chính sách khoan hồng đối với người Do Thái hơn bất cứ quốc gia Đông u nào khác. Năm 1967, trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel, Liên Xô và các quốc gia khối Đông u trừ Rumani, đã cắt đứt ngoại giao với Israel. - Tôi biết, thưa chủ tịch, nhưng vẫn còn có... - Bà đã nếm thử trứng cá muối chưa? Beluga tươi đấy! Bác sĩ Louis Desforges đã đề nghị đưa Mary đi, nhưng nàng đã thu xếp để Florian đưa nàng đến nhà hàng Taru. Nàng điện thoại trước để báo cho bác sĩ Desforges rằng nàng sẽ đến trễ ít phút. Nàng phải trở về Tòa đại sứ để phúc trình về câu chuyện với chủ tịch Ionescu. Gunny đang trục. Người thủy quân lục chiến chào nàng và mở khóa cánh cửa. Mary bước vào văn phòng và bật đèn. Nàng đứng ở ngưỡng cửa, khựng lại. Trên tường, có ai đấy đã phun sơn đỏ “VỀ XỨ ĐI TRƯỚC KHI BÀ CHẾT!” - Nàng lui ra khỏi phòng, mặt trắng bệch và chạy dọc tiền sảnh đến phòng tiếp tân. Gunny đứng nghiêm : - Vâng, thưa bà Đại sứ? - Gunny, ai đã đến văn phòng tôi thế? - Mary chất vấn. - Hả, tôi chẳng biết ai cả, thưa bà! - Cho tôi xem tờ phân công của anh. - Nàng cố gắng để giữ giọng khỏi run. - Vâng, thưa bà! Gunny rút ra tới “Khách đến” và trao cho nàng. Mỗi cái tên đều có thời gian đến được liệt kê sau đấy. Mở đầu là tên nàng lúc 5 giờ 30, thời gian nàng đã rời văn phòng, và nàng nhìn qua danh sách. Có một chục cái tên. Mary nhìn lên người gác thủy quân lục chiến. - Những người trong danh sách này - tất cả đều được hộ tống đến các văn phòng họ viếng chứ? - Luôn luôn, thưa bà Đại sứ. Chẳng có ai lên tầng hai mà không được hộ tống cả. Có điều gì bậy không? - Có điều gì đấy rất bậy. - Mary bảo - Xin vui lòng cho người đến văn phòng tôi sơn lại việc bẩn thỉu trên tường ấy! Nàng quay lại và vội đi ra, vì nàng sợ nàng sẽ ốm mất. Công điện có thể đợi đến ngày mai. * * * * * Khi Mary đến nhà hàng, bác sĩ Desforges đang đợi nàng. Ông đứng dậy lúc nàng đến gần bàn. - Xin lỗi vì tôi đến trễ. - Nàng cố gắng giữ giọng nói bình thường. Ông kéo ghế nàng ra. - Hoàn toàn được thôi. Tôi đã nhận được tin của bà. Bà thận tử tế và đã đến với tôi! Giờ đây nàng ước gì nàng đã không đồng ý ăn tối với ông. Nàng quá căng thẳng và giận dữ. Nàng bóp tay lại với nhau để khỏi run. Ông quan sát nàng. - Bà có việc gì không, thưa bà Đại sứ? - Không. - Nàng bảo - Tôi vẫn khỏe. “Hãy về xứ trước khi bà chết”. Tôi nghĩ rằng tôi thích một ly sec Scotch, xin vui lòng. - Nàng ghét Scotch, nhưng nàng hy vọng nó sẽ giúp nàng nhẹ bớt đi. Vị bác sĩ gọi rượu rồi nói : - Làm Đại sứ chẳng dễ dàng gì đâu - đặc biệt là đối với một người phụ nữ trong đất nước này. Người Rumani là bọn giống đặc sô vanh, bà biết đấy. Mary cười gượng. - Hãy nói về ông đi. - Bất cứ điều gì có thể xóa sự đe dọa trong đầu nàng. - Tôi e rằng chẳng có nhiều điều hấp dẫn để kể đâu? - Ông đã nói đến việc hoạt động bí mật tại Algérie. Điều ấy nghe hấp dẫn đấy! Ông nhún vai. - Chúng ta đang sống trong thời kinh hoàng. Tôi tin rằng mọi người đàn ông đều phải liều một điều gì đấy để cuối cùng họ sẽ không phải liều mọi thứ. Tình hình khủng bố theo nghĩa đen thực là kinh hoàng. Chúng ta phải chấm dứt việc ấy đi. - Giọng ông ta đầy vẻ say đắm. - “Ông ta giống Edward” - Mary nghĩ thế - “Edward luôn luôn say mê niềm tin của mình”. Bác sĩ Desforges là một con người không thể bị lung lạc dễ dàng. Ông chỉ muốn liều mạng vì điều ông ta tin tưởng. Ông ta nói “Nếu tôi biết cái giá của cuộc chiến đấu của tôi là sinh mạng của vợ con tôi...” Ông ta dừng lại. Những đốt ngón tay ông tựa lên bàn trắng bệch. - Hãy tha thứ cho tôi. Tôi không đưa bà đến đây để nói về những điều rắc rối của tôi. Để tôi gọi món thịt cừu nhé. Ở đây họ làm rất ngon đấy! - Tốt thôi! - Mary bảo. Ông gọi bữa ăn và một chai rượu rồi họ nói chuyện. Mary bắt đầu thấy vơi đi, quên đi lời cảnh cáo hãi hùng sơn đỏ. Nàng bỗng thấy dễ dàng chuyện trò với người đàn ông Pháp hấp dẫn này. Bằng một cách lạ lùng giống như nói chuyện với Edward. Điều thật ngạc nhiên là làm thế nào mà nàng và Louis cùng chia sẻ quá nhiều niềm tin giống nhau và cùng cảm nhận theo những cách giống nhau về quá nhiều việc. Louis Desforges sinh trưởng tại một thành phố nhỏ tại Pháp và Mary tại một thành phố nhỏ tại Kansas cách nhau năm nghìn dặm, tuy nhiên căn bản của họ thật tương tự. Cha ông là một nông dân đã cần kiệm dành dụm để gửi Louis vào một trường y khoa tại Pháp. - Cha tôi là một người tuyệt vời thưa bà Đại sứ! - Bà Đại sứ nghe có vẻ nghi thức quá đấy! - Bà Ashley chăng? - Mary! - Cám ơn, Mary! Nàng mỉm cười : - Không có gì đâu, Louis! Mary tự hỏi không biết cuộc sống cá nhân của ông như thế nào. Ông đẹp trai và thông minh. Chắc chắn ông có được tất cả những người phụ nữ mà ông muốn. Nàng thắc mắc là ông có đang sống với ai không? - Anh có nghĩ đến việc lập lại gia đình không? Ông lắc đầu. - Không, nếu bà đã biết vợ tôi, bà sẽ hiểu. Bà ấy là một người phụ nữ đặc biệt. Không ai có thể thay thế bà ấy được! - “Đấy là cách mình cảm thấy về Edward đấy” - Mary nghĩ thế - “Không bao giờ ai có thể thay thế chàng được. Ông thật đặc biệt. Tuy nhiên mọi người đều cần một người bạn đường. Thực sự thì không phải vấn đề thay thế người yêu của mình. Đấy là tìm ra một người nào đấy để chia sẻ mọi việc”. Louis nói. - Nên khi tôi có cơ hội được đề nghị, tôi nghĩ rằng đi thăm Rumani sẽ là điều thú vị. - Ông hạ thấp giọng - Tôi thú nhận rằng tôi cảm thấy một sự xấu xa về đất nước này. - Thật ư? - Không phải là dân chúng. Họ đáng yêu. Chính quyền là tất cả mọi điều tôi khinh bỉ. Ở đây chẳng có tự do cho bất cứ ai cả. Người Rumani là những kẻ nô lệ đích thực đấy. Nếu họ muốn có thức ăn tươm tất và một ít xa xỉ phẩm, họ buộc phải làm cho cơ quan an ninh. Các người ngoại quốc luôn luôn bị rình rập. - Ông liếc quanh để chắc chắn chẳng ai có thể nghe loáng thoáng cả - Tôi sẽ sung sướng khi nhiệm kỳ của tôi xong và tôi có thể về lại Pháp! Chẳng cần suy nghĩ, Mary nghe chính nàng nói “Có một số người nghĩ rằng tôi nên về nước là hơn”. - Xin lỗi bà! Và Mary bỗng thấy mình tuôn ra câu chuyện về sự việc đã xảy ra trong văn phòng nàng. Nàng cho ông biết về mấy chữ nguệch ngoạc trên tường văn phòng nàng. - Nhưng điều này thực là kinh khủng - Louis hốt lên - Bà không có ý kiến gì về kẻ đã làm điều ấy à? - Không. Louis nói : - Xin phép cho tôi được thú nhận một cách không đúng lúc nhé. Từ khi tôi được biết bà là ai, tôi đã đặt ra những câu hỏi. Mọi người biết bà đều rất xúc động về bà đấy. Nàng lắng nghe ông thật quan tâm. - Hình như bà mang đến đây một hình ảnh của nước Mỹ đẹp, thông minh và nồng nàn. Nếu bà tin vào điều bà đang làm, bà phải chiến đấu cho điều ấy. Bà phải ở lại. Đừng để ai làm bà phải hoảng sợ cả? - Đúng là điều có lẽ Edward sẽ nói. Mary nằm trên giường không ngủ được suy nghĩ về điều mà Louis đã nói với nàng. - “Ông ấy muốn chết cho điều ông ấy tin. Mình có như vậy - Không, Mình không muốn chết” - Mary nghĩ thế. - “Nhưng sẽ không ai giết được mình cả. Và sẽ không ai làm mình hoảng sợ cả”. Nàng nằm thức trắng trong đêm tối. Hoảng sợ. * * * * * Sáng hôm sau, Mike Slade mang vào hai tách cà phê. Ông ta gật gù với bức tường đã được tẩy sạch. - Tôi nghe có người đã vẽ nguệch ngoạc lên tường của bà. - Họ đã tìm ra ai đã làm việc ấy chưa? Mike hớp một ngụm cà phê. - Không. Tôi đã tự mình dò danh sách những người khách. Mọi người đều được tính đến. - Điều ấy có nghĩa là có lẽ đó là một người ở đây, trong Tòa đại sứ đấy. - Hoặc là thế hoặc là có ai đấy lẻn vào được qua những người gác! - Ông tin như thế à? Mike đặt tách cà phê xuống. - Không. - Tôi cũng vậy. - Chính xác là nó ghi thế nào? - “Hãy về xứ trước khi bà chết”. Ông ta chẳng bình luận gì cả. - Ai muốn giết tôi thế? - Tôi không biết. - Ông Slade, tôi sẽ cảm kích một câu trả lời thẳng thắn. Ông có nghĩ rằng tôi thực sự bị nguy hiểm gì không? Ông ta nhìn kỹ nàng nghĩ ngợi. - Bà Đại sứ, họ đã ám sát Abraham Lincohn, John Kennedy, Robert Kennedy, Martin Luther King và Marin Groza. Chúng ta đều có thể bị tấn công cả. Câu trả lời cho câu hỏi của bà là “có” đấy. “Nếu bà tin vào điều bà đang làm bà phải chiến đấu cho điều ấy. Bà phải ở lại. Đừng để bất cứ ai làm bà hoảng sợ cả”. Chương 24 8 giờ 45 sáng hôm sau, trong lúc Mary đang ở giữa một phiên họp, Dorothy chạy vội vào văn phòng và báo : - Các cháu vừa bị bắt cóc! Mary đứng bật dậy : - Ôi Chúa ơi! - Còi báo động của chiếc xe hòm vừa rú lên. Bây giờ họ đang tìm dấu vết chiếc xe. Họ sẽ không chạy xa đâu! Mary chạy nhanh dọc hành lang xuống phòng liên lạc. Có nửa chục người đang đứng quanh một tổng đài liên lạc. Đại tá Mc Kinney đang nói vào một máy vi âm. - Roger - Ông ta nói - Tôi nhận được. Tôi sẽ báo cho Đại sứ. - Việc gì đã xảy ra thế? - Mary rên rỉ. Hầu như nàng không thể thốt ra lời. - Con tôi đâu? Vị đại tá trấn an : - Chúng nó khỏe thôi, thưa bà. Một người trong bọn do bất cẩn chạm vào công tắc cấp cứu trong xe hòm. Đèn cấp cứu trên mui xe hòm chớp lên cùng với tín hiệu sóng ngắn cấp cứu và trước khi tài xế đi được hai khu nhà, bốn chiếc xe cảnh sát đuổi theo còi báo động rú lên inh ỏi. Mary buông người tựa vào tường nhẹ nhõm. Nàng đã không nhận ra là nàng đã bị căng thẳng như thế nào. “Rất dễ hiểu” - Nàng nghĩ - “Tại sao các người ngoại quốc sống ở đây cuối cùng quay sang dùng ma túy hoặc uống rượu... hoặc yêu đương lăng nhăng!”. Chiều hôm ấy Mary đến với con nàng. Nàng muốn ở càng gần chúng càng tốt. Nhìn chúng, nàng tự hỏi: “Chúng nó có bị nguy hiểm không? Tất cả chúng mình đều bị nguy hiểm sao? Ai muốn hại chúng mình thế?” Nàng chẳng tìm ra câu giải đáp nào cả. * * * * * Ba đêm sau, Mary lại ăn tối với bác sĩ Louis Desforges. Hình như ông có vẻ thoải mái hơn với nàng lần này, và mặc dù cốt lõi của sự buồn bã nàng cảm nhận được trong người ông vẫn còn đấy, ông vẫn chịu khó chăm chú nghe và vui đùa. Mary tự hỏi liệu ông ta có cảm nhận được cùng bất lực đối với nàng như nàng đã cảm nhận đóí với ông không. Đây không chí là cái chén bạc mà mình đã gửi cho ông ấy - nàng tự thú nhận với mình - mà là một sự mời mọc đấy. “Bà Đại sứ nghe nghi thức quá. Hãy gọi tôi là Mary”. Trời ơi, thực sự có phải nàng đang theo đuôi ông ta không? Tuy nhiên: Mình nợ ông ấy nhiều, có lẽ sinh mạng của mình. Mình đang hợp lý hoá. - Mary nghĩ như thế. Điều ấy chẳng liên quan gì với lý do mình muốn gặp lại ông ấy cả. Họ đã ăn tối sớm tại phòng ăn trên sân thượng khách sạn Intercontinental và khi Louis đưa Mary về lại dinh, nàng hỏi : - Anh có thích vào không? - Cám ơn! - Ông nói - Tôi thích chứ. Trẻ con đang ở tầng dưới; làm bài ở nhà của chúng. Mary giới thiệu chúng với Louis. Ông cúi xuống nhìn mặt Beth bảo. - Cho phép bác nhé. - Và ông quàng tay quanh người nó và ôm chặt lấy nó. Ông đứng thẳng lên. - Một trong hai đứa con gái của bác nhỏ hơn cháu ba tuổi. Đứa kia độ tuổi cháu đấy. Bác muốn nghĩ rằng chúng sẽ lớn lên để xinh như cháu đấy. Beth ạ. Beth mỉm cười. - Cám ơn bác. Họ... Mary vội nói : - Tất cả có thích sôcôla nóng không? Họ ngồi trong gian bếp rộng của Tòa đại sứ, uống sôcôla nóng và trò chuyện. Trẻ con say mê Louis và Mary nghĩ rằng nàng chưa từng nhìn một người đàn ông nào với quá nhiều thèm thuồng trong đôi mắt cả. Ông đã quên mất nàng. Ông hoàn toàn chăm chú nghe những câu chuyện về những cô con gái của ông và những giai thoại, những trò đùa cho đến khi ông buộc chúng phải cười ầm lên. Lúc ấy gần nữa đêm, Mary nhìn đồng hồ. - Ồ không? Các con đáng lẽ phải đi ngủ cả giờ đồng hồ trước rồi. Chuồn đi thôi. Tim đến bên Louis. - Bác sĩ lại đến thăm chúng cháu chứ? - Bác hy vọng thế, Tim ạ. Tùy mẹ cháu đấy! Tim quay sang Mary : - Sao mẹ? Nàng nhìn Louis và nói : - Được. Mary tiễn Louis đến cửa, ông cầm lấy tay nàng. - Tôi sẽ không tìm cách cho bà biết buổi tối hôm nay có ý nghĩa gì đối với đâu. Mary à. Chẳng có lời nào cả. - Tôi hài lòng. - Nàng nhìn vào đôi mắt ông và nàng cảm thấy ông đang tiến dần đến nàng. Nàng chìa môi ra. Và ông bỏ đi. Sáng hôm sau khi Mary vào văn phòng, nàng nhận thấy một bên tường khác có lớp nưóc sơn mới. Mike Slade bước vào với hai tách cà phê. - Chào bà. - Ông ta đặt một chiếc tách lên bàn giấy của nàng. - Có ai đấy lại viết lên tường à? - Vâng. - Lần này thì câu gì thế? - Không thành vấn đề? - Không thành vấn đề? - Nàng nói giận dữ - Nó thành vấn đề với tôi đấy. Tòa Đại sứ này có loại an ninh gì thế? Tôi không muốn có người lẻn vào văn phòng tôi và đe dọa đến tính mạng của tôi đâu. Nó viết thế nào? - Bà muốn nguyên văn chứ? - Vâng! - Nó ghi: “Đi bây giờ hoặc chết!” Mary buông người xuống ghế, thịnh nộ. - Ông sẽ giải thích cho tôi làm thế nào có ai đấy có thể bước vào Tòa đại sứ này, không bị trông thấy và viết những lời nhắn nhủ lên tường của tôi chứ? - Tôi ước gì tôi làm được. - Mike bảo - Chúng tôi đang làm mọi việc cần thiết để có thể khám phá ra. - Này, mọi việc ông có thể rõ ràng là không đủ - Nàng vặn lại - Tôi muốn có một nhân viên bảo vệ thủy quân lục chiến bên ngoài cửa tôi ban đêm. Rõ chứ? - Vâng, thưa bà Đại sứ. Tôi sẽ chuyển lời bà cho đại tá Mc Kinney. - Khỏi cần tôi sẽ đích thân nói chuyện với ông ấy - Mary nhìn theo lúc Mike rời văn phòng nàng và nàng bỗng tự hỏi ông ta có biết ai đứng đằng sau việc ấy không? Và nàng suy nghĩ xem có thể là Mike Slade không. Đại tá Mc Kinney xin lỗi. - Tin tôi đi, thưa bà Đại sứ, tôi cũng tức giận về việc này như bà. Tôi sẽ tăng gấp đôi người gác ở hành lang và lo canh phòng 24/24 bên ngoài cửa văn phòng bà. Mary chưa nguôi giận. Có ai đấy bên trong Tòa đại sứ phải chịu trách nhiệm về sự việc đã xảy ra. Đại tá Mc Kỉnney ở bên trong Tòa đại sứ. Mary mời Louis Desforges đến dự một bữa ăn tối nhỏ trong dinh. Có một chục khách khác và cuối buổi tối khi tất cả các người khác đã ra về, Louis nói : - Bà có phiền không nếu tôi lên thăm bọn trẻ! - Có lẽ lúc này chúng nó đã ngủ rồi, Louis ạ. - Tôi sẽ không đánh thức chúng nó đâu. - Ông hứa - Tôi chỉ thích nhìn chúng nó thôi. Mary cùng đi lên lầu với ông và nhìn vào trong lúc ông đứng ở ngưỡng cửa, im lặng nhìn chăm chú vào bóng dáng Tim đang ngủ. Sau một lúc, Mary thì thầm : - Phòng Beth theo lối này. Mary đưa ông sang phòng ngủ khác ở cuối nhà và mở cùa. Beth đang cuộn mình quanh gối, những tấm drap gường xoắn lên chung quanh nó. Louis im lặng bước đến giường và nhẹ nhàng kéo thẳng giường ra. Ông đứng đấy một lúc lâu, mắt ông nhắm chặt lại. Rồi ông quay lại và bước ra khỏi phòng. - Bọn trẻ đấy! - Louis nói. Giọng ông khàn khàn. Họ đứng dấy đối diện với nhau và không khí giữa họ như được nạp điện. Ông trơ trọi trong nhu cầu của mình. - “Sẽ xảy ra thôi” - Mary nghĩ thế - “Chẳng ai trong chúng mình có thể ngăn cản được cả”. Và họ ôm chặt nhau rồi môi ông áp mạnh lên môi nàng. Ông giật ra. - Lẽ ra tôi không nên đến. Bà nhận ra tôi đang làm gì chứ? Tôi đang làm sống lại quá khứ đấy. - Ông im lặng một lúc - Hoặc có lẽ đấy là tương lai của tôi. Ai biết được! Mary dịu dàng nói. - Tôi biết. David Victor, lãnh sự thương mại hối hả vào văn phòng Mary. - Có lẽ tôi có một tin rất xấu. Tôi vừa được mách nước rằng Chủ tịch Ionescu sẽ chấp thuận một hợp đồng với Arhentina để lấy một triệu rưỡi tấn bắp và với Brasil để lấy một triệu tấn đậu nành. Chúng ta đã trông cậy rất nhiều vào giao dịch ấy - Các cuộc thương lượng đã đi đến đâu rồi? - Gần kết thúc rồi. Chúng ta đã bị cho ra rìa. Tôi sắp gửi một công điện về Washington - với sự chấp thuận của bà, dĩ nhiên. - Ông ta thêm. - Hãy nán lại một tí - Mary nói - Tôi muốn suy nghĩ về điều ấy. - Bà sẽ không thay đổi được ý định của Chủ tịch Ionescu đâu. Hãy tin tôi đi, tôi đã cố gắng dùng mọi lý lẽ tôi có thể nghĩ ra. - Vậy thì chúng ta chẳng có gì mất cả nếu tôi thử tìm cách. Nàng làm cho viên bí thư của nàng bối rối. - Dorothy, hãy tổ chức một cuộc họp với Chủ tịch Ionescu càng nhanh càng tốt. Alexandros Ionescu mời Mary đến ăn trưa trong dinh ông. Khi bước vào, nàng được Nicu, đứa con trai 14 tuổi của Chủ tịch chào đón. - Chào bà Đại sứ! Tôi là Nicu. Xin mời bà vào dinh. - Cám ơn. Đó là một cậu bé đẹp trai, cao lớn so với tuổi tác của cậu, với đôi mắt đen xinh xắn và một nước da tuyệt đẹp. Cậu có tư cách như một người trưởng thành. - Tôi có nghe những việc thú vị về bà đấy. - Nicu bảo. - Tôi hân hạnh được nghe điều ấy, Nicu ạ. - Tôi sẽ bảo bố tôi rằng bà đã đến. Mary và Ionescu ngồi đối diện với nhau trong phòng ăn chính thức, chỉ có hai người thôi. Mary nghĩ không biết vợ ông ta ở đâu. Bà ta ít khi xuất hiện, ngay cả ở những buổi lễ chính thức. Ngài Chủ tịch đã uống rượu và đang ngà ngà. Ông ta châm một điếu Snagov, loại thuốc lá làm tại Rumani có mùi khó chịu. - Tôi biết rằng bà đã đi ngắm cảnh với con của bà. - Vâng, thưa ngài. Rumani thực là một đất nước xinh đẹp và có quá nhiều điều để xem. Ông ta tặng cho nàng một nụ cười mà ông ta nghĩ là quyến rũ. - Lúc này bà phài để cho tôi chỉ cho bà xem đất nước của tôi. - Nụ cười ông ta trở nên dâm đãng - Tôi là một người hướng dẫn tuyệt vời. Tôi có thể chỉ cho bà xem nhiều điều thú vị. - Tôi chắc ông có thể làm được. - Mary bảo. - Thưa Chủ tịch, tôi nóng lòng gặp ngài hôm nay vì có điều quan trọng tôi muốn thảo luận với ngài. Ionescu cười vang. Ông biết chính xác tại sao nàng đến đây. Người Mỹ muốn bán cho mình bắp và đậu nành, nhưng họ đã quá trễ. Vị Đại sứ Mỹ lần này sẽ ra đi tay không. Tệ quá. Một người phụ nữ hấp dẫn như thế. - Vâng! - Ông ta ngây thơ nói. - Tôi muốn nói với ngài về những thành phố kết nghĩa. Ionescu chớp mắt. - Xin lỗi bà? - Các thành phố kết nghĩa. Ông biết đấy - như San Francisco và Osaka, Los Angeles và Athens, Washington và Beijing... - Tôi không hiểu. Điều ấy có liên quan gì với... - Thưa Chủ tịch, tôi chợt nghĩ rằng ngài có thể nổi danh khắp thế giới nếu ngài cho Bucarest kết nghĩa với một thành phố Mỹ nào đấy. Hãy nghĩ đến điều phấn khởi mà nó sẽ tạo ra. Nó hầu như sẽ gây được nhiều chú ý như kế hoạch giữa các dân tộc của Tổng thống Ellison đấy. Nó sẽ là một bước quan trọng hướng về hòa bình thế giới. Hãy nói chuyện về một nhịp cầu giữa các quốc gia chúng ta. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó làm cho ngài được giai Nobel hòa bình. Ionescu ngồi đấy, cố gắng tập trung lại những suy nghĩ của mình. Ông thận trọng nói : - Một thành phố kết nghĩa tại Hoa Kỳ à? Đấy là một ý kiến hay đấy. Nó sẽ liên quan đến điều gì! - Hầu hết là sự quảng cáo tuyệt vời của ngài. Ngài sẽ là một vị anh hùng. Điều ấy sẽ là ý kiến của ngài. Ngài sẽ đến thăm thành phố ấy một chuyến. Một phái đoàn của thành phố Kansas sẽ đến thăm ngài một chuyến. - Thành phố Kansas à? - Đấy chỉ là một đề nghị dĩ nhiên. Tôi không nghĩ rằng ngài muốn một thành phố lớn như New York hoặc Chicago - thương mại quá. Và Los Angeles đã được đề cập đến rồi. Thành phố Kansas nằm ở miền Trung Hoa Kỳ. Ở đấy có những nông dân như những nông dân của ngài vậy. Những người với những giá trị thực tiễn, như dân tộc của ngài. Đấy sẽ là hành động của một chính sách vĩ đại, thưa Chủ tịch. Tên tuổi ngài sẽ ở trên môi mọi người. Chẳng có ai tại châu u đã nghĩ đến chuyện làm điều này cả. Ông ngồi đấy, im lặng. - Tôi... Đương nhiên tôi phải suy nghĩ rất nhiều về điều này đấy. - Đương nhiên. - Thành phố Kansas, Kansas và Bucarest, Rumani. - Ông gật đầu - Chúng tôi là một thành phố rộng hơn nhiều dĩ nhiên. - Dĩ nhiên, Bucarest sẽ là thành phố chị. - Tôi phải thừa nhận rằng đấy là một ý kiến rất hấp dẫn đấy. Thực ra, càng nghĩ đến điều ấy, Ionescu càng thích. “Tên mình sẽ ở trên môi mọi người”. - Có khi nào việc này bị bác bỏ từ phía Mỹ không? - Ionescu hỏi. - Tuyệt đối là không. Tôi có thể bảo đảm điều ấy! Ông ta ngồi đấy, ngẫm nghĩ. - Khi nào điều này sẽ được thi hành? - Ngay khi ngài sẵn sàng để loan báo điều ấy! - Tôi sẽ giải quyết mục đích của chúng ta. Ngài đã là một chính khách vĩ đại, thưa Chủ tịch, nhưng việc này càng làm cho ngài càng vĩ đại hơn! Ionescu nghĩ đến một việc khác. - Chúng tôi có thể thiết lập một sự trao đổi thương mại với thành phố kết nghĩa của chúng ta. Rumani có nhiều thứ để bán. Hãy cho tôi biết Kansas trồng loại hoa màu nào? Mary ngây thơ nói. - Bắp và đậu nành. Và nhiều món khác. - Bà thực sự đã thực hiện việc giao dịch ấy à? - Bà thực sự lừa được ông ta à? - David Victor hoi một cách hoài nghi. - Không bao giờ cả. - Mary quả quyết với ông ta - Ionescu quá thông minh về việc ấy. Ông ta biết tôi đang theo đuổi điều gì. Ông ta chỉ thích cái bọc tôi đã dùng để bọc điều ấy thôi. Ông có thể vào và kết thúc việc giao dịch. Ionescu đã diễn tập bài diễn văn truyền hình của ông ta. * * * * * Khi Stanton Rogers nghe tin, ông điện thoại cho Mary. - Bà là một công dân có phép màu đấy! - Ông cười - Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đã mất mối giao dịch ấy rồi. Bà làm cách nào thế? - Tôi. - Mary nói - Ông ta. - Tổng thống nhờ tôi nói với bà rằng bà đã làm ở đấy một công việc thật vĩ đại, Mary ạ. - Cám ơn giùm tôi đi! - Stan. - Tôi sẽ nói. Nhân tiện đây, Tổng thống và tôi sắp đi Trung Quốc trong ít tuần nữa. Nếu bà cần đến tôi bà có thể tiếp xúc với tôi qua văn phòng tôi! - Chúc một chuyến đi tuyệt vời! Qua những tuần lễ trôi nhanh, cơn gió quay cuồng tháng Ba đã nhường chỗ cho mùa xuân rồi mùa hè và quần áo mùa Đông được thay bằng những bộ đồ mát, nhẹ. Hoa nở khắp mọi nơi và các công viên xanh um. Tháng sáu hầu như đã hết. Tại Buenos Aires, đang là mùa đông. Khi Neusa Munez quay trở về gian phòng của mụ, trời đã về nửa đêm. Điện thoại đang reo. Mụ nhấc máy lên. “Vâng!” - Cô Munez! Đây là một người nước ngoài từ Hoa Kỳ. - Vâng! - Cho phép tôi được nói chuyện với Angel chứ? - Angel không có ở đây thưa ngài. Ngài muốn gì! Ngài chủ sự thấy cơn giận của mình đang dâng lên cao. Loại đàn ông nào mà lại dan díu với một mụ đàn bà như thế nhỉ. Theo sự mô tả mà Harry Lantz đã cho ngài biết trước khi Lantz bị sát hại, mụ chẳng những đần độn mà còn rất xấu xí nữa? - Tôi muốn bà gửi cho Angel một bức điện giùm tôi. - Chờ một phút. Ngài nghe tiếng điện thoại bỏ xuống và đợi. Cuối cùng giọng của mụ trở về lại với đường dây. - Được rồi. - Bảo Angel rằng tôi cần ông ấy cho một hợp đồng tại Bucarest. - Budapest à? - Chúa ơi. - Mụ quá sức chịu đựng đối với bất kỳ ai. - Bucarest, Rumani đấy. Bảo ông ta rằng đấy là một hợp đồng năm triệu đô-la. Ông ta phải có mặt tại Bucarest vào cuối tháng này. Còn ba tuần nữa. Cô nhận được chưa? - Chờ một phút. Tôi đang viết. Ngài kiên nhẫn đợi. - Được rồi. Angel phải giết bao nhiêu người đế đổi lấy năm triệu đô-la thế? - Nhiều... Những hàng người mỗi ngày trước tòa Đại sứ tiếp tục quấy rầy Mary. Nàng lại thảo luận với Mike Slade. - Chúng ta phải làm một điểu gì đó để giúp đỡ những người ấy ra khỏi nước! - Mọi điều đã được thử qua cả. - Mike quả quyết với nàng - Chúng tôi đã dùng áp lực, chúng tôi đã đề nghị gia tăng số tiền lớn - câu trả lời là không. Ionescu từ chối không chịu thỏa thuạn. Ông ta chẳng có ý định gì để họ đi cả. Bức màn sắt không chỉ ở chung quanh qụốc gia - nó nằm ngay trong quốc gia đấy. - Tôi sẽ lại nói chuyện với Ionescu xem! - Chúc may mắn. Mary bảo Dorothy Stone hẹn với nhà độc tài. Ít phút sau, viên thư ký bước vào văn phòng Mary. - Rất tiếc, thưa bà Đại sứ. Chẳng có cuộc hẹn nào cả. Mary nhìn bà ta bối rối. - Điều ấy có nghĩa là gì? - Tôi không biết chắc nhưng có một điều gì kỳ quặc đang diễn ra ở dinh. Ionescu không gặp ai cả. Thực ra chẳng có ai vào được trong Dinh cả. Mary ngồi đấy cố hình dung ra điều gì có thể xảy ra. Có phải Ionescu đang chuẩn bị để thực hiện một lời loan báo quan trọng thuộc loại nào đấy không? Có phải một cuộc đảo chánh sắp xảy ra không? Một việc quan trọng nào đấy phải xảy ra. Dù thế nào: Mary biết là nàng phải tìm ra. - Dorothy - Nàng bảo - Bà có liên lạc tại Dinh Chủ tịch chứ? Dorothy mỉm cười. - Bà muốn nói hệ thống lưới cô gái già. - À. Có. Chúng tôi có nói chuyện với nhau. - Tôi muốn bà hãy tìm ra điều gì đang xảy ra ở đấy. Một giờ sau, Dorothy báo cáo lại. - Tôi đã tìm ra điều bà muốn biết. Họ giữ điều ấy rất bí mật. - Điều gì bí mật thế? - Con trai của Ionescu sắp chết. Mary tái mặt. - Nicu à? Việc gì đã xáy ra thế? - Cậu bé ăn phải thịt nhiễm độc. Mary hỏi nhanh. - Bà muốn nói có một trận dịch tại Bucarest à? - Không, thưa bà. Bà còn nhớ trận dịch người ta đã bị tại Đông Đức vừa rồi không? Rõ ràng Nicu đã đến đấy thăm và có ai đấy cho cậu bé một số thức ăn đóng hộp để làm quà. Hôm qua hắn đã ăn một ít. - Nhưng có sérum kháng sinh cho bệnh ấy mà? - Mary thốt lên. - Các quốc gia châu u không có. Trận dịch tháng qua đã tiêu thụ hết nhẵn rồi! - Ồ, Chúa ơi! Khi Dorothy rời văn phòng, Mary ngồi đấy suy nghĩ. Có thể đã quá trễ. nhưng vẫn... Nàng nhớ lại cậu bé Nicu trẻ tuổi đã vui vẻ và sung sướng như thế nào. Hắn 14 tuổi - chỉ hơn Beth một tuổi thôi. Nàng ấn nút liên lạc riêng và bảo. - Dorothy, cho tôi Trung tâm Kiểm Soát Bệnh tại Atlanta, Georgia. Năm phút sau, nàng nói chuyện với Giám đốc. - Vâng. thưa bà Đại sứ, chúng tôi có sérum kháng sinh cho bệnh nhiễm độc vì thịt: nhưng chúng tôi không có trường hợp nào được báo cáo tại Hoa Kỳ cả. - Tôi không phải ở tại Hoa Kỳ. - Mary bảo ông - Tôi ở tại Bucarest. Tôi cần loại sérum ấy ngay. Im lặng một chút. - Tôi sẽ hân hạnh được cung cấp một số, - Vị Giám đốc nói - nhưng bệnh nhiễm độc vì thịt tác dụng rất nhanh. Tôi e rằng lúc đó đến đấy... - Tôi sẽ thu xếp để đưa đến đây - Mary bảo - Chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng. Cám ơn ông. Mười phút sau nàng nói chuyện với tướng Không quân Ralph Zukor tại Washington. - Chào bà Đại sứ. À đây là một điều thú vị bất ngờ đấy. Vợ tôi và tôi rất hâm mộ bà. Thế nào... - Thưa Tướng quân, tôi cần một ân huệ. - Được Bất cứ thứ gì bà muốn. - Tôi cần phản lực cơ nhanh nhất của ngài. - Xin lỗi? - Tôi cần một phản lực cơ để đưa một số sérum đến Bucarest ngay. - Tôi rõ. - Ngài có thể thực hiện điều ẩy không? - À vâng. Tôi sẽ cho bà biết bà cần phải làm gì. Bà phải được sự đồng ý của Bộ Trưởng Quốc Phòng. Có một số mẫu nhu cầu bà phải điền vào. Một bản sao sẽ đến với tôi và một bản khác đến Bộ quốc phòng. Chúng tôi sẽ gửi chúng... Mary lắng nghe, nôn nóng. - Thưa Tướng quân... hãy để tôi cho ngài biết ngài phải làm gì. Ngài phải thôi nói và đưa chiếc phi cơ ấy lên không. Nếu... - Chẳng có cách nào... - Tính mạng một cậu bé dang bị đe dọa. Và cậu bé lại là con trai của Chủ tịch Ionescu! - Xin lỗi, nhưng tôi không thể cho phép... - Thưa Tướng quân nếu cậu bé ấy chết vì một số mẫu chưa được điền vào tôi hứa với ngài rằng tôi sẽ triệu tập một cuộc họp báo mà ngài chưa từng thấy. Tôi sẽ để cho ngài giải thích tại sao ngài đã để cho con trai của Ionescu chết! - Không lẽ tôi có thể cho phép một hoạt động như thế này nếu không được Tòa Bạch Ốc chấp thuận. Nếu... Mary đốp chát lại. - Vậy thì hãy liên lạc đi. Sérum đang đợi tại sân bay Atlanta. Và thưa Tướng quân - mỗi một phút đều được tính cả đấy. Nàng gác máy và ngồi đấy, lặng lẽ cầu nguyện. Phụ tá của tướng Ralph Zukor bảo. - Thưa ngài, có chuyện gì thế? Tướng Zukor đáp : - Đại sứ hy vọng tôi đưa một chiếc SR-71 để chuyển một số sérum đến Rumani. Người phụ tá mỉm cười : - Tôi chắc là bà ta chẳng có ý kiến gì về điều liên quan đến nó đâu, thưa Tướng quân! - Rõ là vậy. Nhưng chúng ta cũng có thể tự làm lấy. Cho tôi Stanton Rogers. Năm phút sau, vị tướng nói chuyện với cố vấn ngoại giao của Tổng thống. - Tôi chỉ muốn tiếp tục ghi hồ sơ với ngài rằng lời yêu cầu ấy đã được thực hiện và đương nhiên tôi từ chối. Nếu... Stanton Rogers nói : - Tướng quân, ông có thể đưa một chiếc SR-71 lên không sớm như thế nào? - Trong 10 phút, nhưng... - Hãy làm đi. * * * * * Hệ thống thần kinh của Nicu Ionescu đã bị anh hưởng. Cậu bé nằm trên giường, mất phương hướng, đổ mồ hôi, xanh xao và được gắn một ống thở. Có ba bác sĩ bên giường bệnh. Chủ tịch Ionescu bước nặng nề vào phòng ngủ của con trai ông. - Việc gì đã xảy ra? - Thưa ngài, chúng tôi đã liên lạc với đồng nghiệp của chúng tôi khắp Đông và Tây u. Chẳng còn tí sérum kháng sinh nào cả. - Còn Hoa Kỳ? Vị bác sĩ nhún vai. - Khi chúng ta có thể thu xếp cho ai đấy để đưa sérum về đây thì... - Ông ta dừng lại một cách tế nhị - ... tôi e rằng đã quá trễ. Ionescu bước đến bên giường và cầm tay cậu con trai lên. Nó ẩm nhớt và lạnh. - Con sẽ không chết đâu! - Ionescu khóc - Con sẽ không chết đâu. Khi chiếc phản lực chạm đất tại sân bay Quốc tế Atlanta, một chiếc xe hòm của không lực đang đợi sérum kháng độc được xếp trong nước đá. Ba phút sau chiếc phản lực lại lên không hướng mũi về đông bắc. Chiếc SR-71 chiếc phản lực siêu âm nhanh nhất của không lực, nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh. Nó bay chậm lại một lần để nhận nhiên liệu giữa Đại Tây Dương. Chiếc phi cơ đã thực hiện phi vụ 4.000 dặm đến Bucarest chỉ hơn hai giờ một chút. Đại tá Mc Kinney đang đợi tại sân bay. Một đoàn hộ tống của quân đội dọn đường vào dinh Chủ tịch. Mary ở lại văn phòng nàng suốt đêm nhận các báo cáo giờ chót. Báo cáo cuối cùng đến lúc 6 giờ sáng. Đại tá Mc Kinney điện thoại : - Họ đã chuyền sérum cho cậu bé. Các bác sĩ nói rằng nó sẽ sống được! - Ồ tạ ơn Chúa! Hai ngày sau, một xâu chuỗi hột xoàn và ngọc lục bảo được chuyển đến văn phòng Mary kèm theo một bức thư : “Tôi không bao giờ đủ lời để cám ơn bà Alexandros Ionescu” - Chúa ơi! - Dorothy thốt lên khi bà ta thấy xâu chuỗi. - Nó phải đến nửa triệu đô-la đấy? - Ít nhất cũng phải như thế! - Mary nói - Hãy trả nó lại. Sáng hôm sau. Chủ tịch Ionescu cho mời Mary đến. Một người phụ tá nói : - Chủ tịch đang đợi bà trong văn phòng. - Cho phép tôi thăm Nicu trước, được không? - Vâng, dĩ nhiên! Ông ta đưa nàng lên lầu. Nicu đang nằm trên giường đọc sách. Cậu bé nhìn lên lúc Mary bước vào. - Chào bà Đại sứ! - Chào Nicu! - Bố cháu đã cho cháu biết điều bà đã làm. - Cháu mong được cám ơn bà đấy. Mary nói : - Tôi không thể để cậu chết được. Tôi để dành cậu cho Beth một ngày nào đấy! Nicu cười : - Hãy đưa cô ấy đến đây và chúng cháu sẽ nói chuyện về việc ấy. Chủ tịch Ionescu đang đợi Mary ở tầng dưới. - Ông lên tiếng không cần lời mở đầu : - Bà đã trả lại món quà của tôi? - Vâng thưa ngài. Ông chỉ một chiếc ghế - Ngồi xuống đi. - Ông nhìn nàng một lúc. - Bà muốn gì nào? Mary nói : - Tôi không buôn bán sinh mạng của trẻ con. - Bà đã cứu mạng con tôi. Tôi phải biếu bà cái gì đấy! - Thưa ngài ngài chăng nợ tôi điều gì cả. Ionescu đấm mạnh lên bàn giấy. - Tôi sẽ không mắc nợ bà đâu! Ra giá của bà đi. Mary bảo. - Thưa ngài, chẳng có giá nào cả. Bản thân tôi có hai đứa con. Tôi hiểu ngài phải qua cảm giác như thế nào? Ông nhắm mắt một lúc. - Bà biết không? Nicu là đứa con trai duy nhất của tôi. Nếu có điều gì xảy ra cho nó... - Ông dừng lại, không nói tiếp được. - Tôi đã lên lầu thăm cậu ấy. Cậu ấy trông mạnh khỏe đấy! - Nàng đứng lên - Nếu không có điều gì khác, thưa ngài, tôi có một cuộc hẹn tại Tòa đại sứ! Nàng bắt đầu bỏ đi. - Hãy đợi đã. Mary quay lại. - Bà không nhận quà sao? - Không, tôi đã giải thích... Ionescu đưa một tay lên. - Được rồi, được rồi. - Ông nghĩ một lúc. - Nếu bà có một điều ước, bà sẽ ước gì? - Chẳng ước gì cả! - Bà phải ước. Tôi van đấy! Một điều ước. Bà muốn gì cũng được! Mary đứng dậy, quan sát kỹ nét mặt của ông, suy nghĩ. Cuối cùng nàng nói : - Tôi ước rằng sự hạn chế đối với người Do Thái đang đợi rời Rumani có thể được bãi bỏ. Ionescu ngồi đấy lắng nghe những câu nói của nàng. Những ngón tay của ông gõ lên bàn giấy. - Tôi rõ. - Ông ngồi im một lúc lâu. Cuối cùng ông ngẩng lên nhìn Mary - Điều ấy sẽ được thi hành. Dĩ nhiên, họ sẽ không được phép ra đi tất cả, nhưng... tôi sẽ dễ dàng hơn. * * * * * Khi lời loan báo được thông báo rộng rãi hai ngày sau, Mary nhận được một cú điện thoại của chính Tổng thống Ellison. - Nhờ ơn Chúa, - Ông nói - tôi nghĩ rằng tôi đã đưa đi một nhà ngoại giao và tôi được một người thợ có phép màu. - Tôi thật may mắn thưa Tổng thống. - Đấy là loại may mắn mà tôi mong cho tất cả những nhà ngoại giao của tôi đều có. Tôi muốn khen ngợi bà, Mary, về tất cả mọi việc bà đã làm ở đấy. - Cám ơn, thưa Tổng thống. Nàng gác máy, cảm thấy như có một ngọn lửa ấm áp trong lòng. - Tháng 7 sắp đến nơi rồi! - Harriet Kruger bảo Mary - Trong quá khứ thường thường Đại sứ tổ chức một bữa tiệc nhân ngày 4-7 cho những người Mỹ đang sống tại Bucarest. Bà muốn thế không? - Ờ. Tôi nghĩ đấy là một ý kiến đáng yêu đấy. - Tốt. Tôi sẽ lo sắp đặt tất cả. Nhiều cờ, bong bóng, một ban nhạc - pháo. - Nghe hay đấy. Cám ơn Harriet. - “Điều ấy sẽ chi vào kinh phí của dinh, nhưng nó xứng đáng như thế. Sự thật là” - Mary nghĩ - “Mình nhớ nhà đấy”. Florence và Douglas Schiffer bất ngờ đến thăm Mary. - Chúng tôi đang ở Rome. - Florence thét lên trong điện thoạiv- Chúng tôi có thể đến thăm chị không? Mary hồi hộpL - Chị có thể đến đây trong bao lâu? - Ngày mai chị thấy thế nào? Khi gia đình Schiffer đến sân bay Otopeni ngày hôm sau. Mary đến đón họ bằng chiếc xe hòm của Tòa đại sứ. Họ ôm nhau và hôn nhau nồng nhiệt. - Chị kỳ cục thật! - Florence bảo - Làm Đại sứ mà không thay đổi tí nào cả. - Chị sẽ ngạc nhiên đấy! - Mary nghĩ thế. Trên chuyến xe trở về dinh. Mary chỉ những phong cảnh cũng những phong cảnh nàng đã thấy lần đầu tiên vào 4 tháng trước. Chỉ có 4 tháng thôi sao? Cứ như là cả thiên thu đấy. - Đây là nơi chị sống à? - Florence lên tiếng hỏi, lúc họ vào cổng dinh có một người lính thủy quân lục chiến canh gác - Tôi xúc động đấy! Mary đưa gia đình Schiffer đi một vòng quanh dinh. - Chúa ơi! - Forence thốt lên - Một hồ bơi, một rạp hát, một nghìn căn phòng và công việc của riêng chị! Họ đang ngồi trong phòng ăn rộng để ăn trưa và tán gẫu về những người láng giềng của họ tại thị trấn Junction. - Chị có nhớ nơi ấy tí nào không? - Douglas muốn biết. - Có. - Và ngay ca khi nàng nói, Mary nhận ra nàng đã đi xa nhà như thế nào. Junction có nghĩa là hòa bình và an ninh, một lối sống thân ái, dịu dàng. Ở đây là sự sợ hãi và kinh hoàng với những lời đe dọa bẩn thỉu vẽ nguệch ngoạc trên tường của văn phòng nàng bằng sơn đỏ - Đỏ, màu của bạo lực. - Chị đang nghĩ gì thế? - Florence hỏi. - Gì đấy? Ồ, chẳng có gì cả. Tôi chỉ mơ mộng thôi. Cả hai bạn đáng yêu đang làm gì ở châu u thế? - Tôi phải tham dự một cuộc hội nghị y khoa tại Rome. - Douglas bảo. - Tiếp tục đi - hãy kể cho chị ấy phần còn lại. - Florence thúc giục. - Mà thôi, sự thật thì, tôi không rõ tôi định đi đâu cả, nhưng chúng tôi quan tâm đến chị và muốn tìm hiểu xem chị như thế nào. Thế là chúng tôi đến đây. - Tôi thật hân hạnh. - Tôi chưa hề bao giờ nghĩ rằng mình được biết một ngôi sao lớn như thế. - Florence thở dài... Mary bật cười. - Florence, làm Đại sứ không biến tôi thành ngôi sao đâu! - Ồ, không phải tôi đang nói như thế đâu. - Chị đang nói đến điều gì thế? - Chị thật sự không biết ư? - Biết gì? - Mary, tuần rồi có một bài viết dài về chị trong tờ Time với hình của chị và các cháu. Chị đang được đề cập trong tất cả các tạp chí và báo chí ơ quê nhà đấy. Khi Stanton Rogers tổ chức họp báo về ngoại giao, ông ta dùng chị làm một ví dụ sáng ngời. Tổng thống nói về chị. Hãy tin tôi đi, tên chị đang trên môi mọi người đấy. - Tôi đoán là tôi đã mất liên lạc. - Mary bảo. Nàng nhó lại điều Stanton đã nói: “Tổng thống đã ra lệnh quảng cáo”. - Chị có thể ở lại bao lâu? - Mary hỏi. - Tôi thích ở mãi, nhưng chúng tôi dự định ở đây ba ngày rồi chúng tôi lên đường về nhà. Douglas hỏi. - Chị xoay sở ra sao đấy, Mary? Tôi muốn nói về - chị biết đấy - Edward? - Tôi thấy đỡ hơn. - Mary từ từ nói - Tôi nói chuyện với anh ấy mỗi đêm. Nghe có điên không. - Thực sự không đâu. - Vẫn là địa ngục. Nhưng tôi cố gắng. Tôi cố gắng. - Chị... đã... gặp ai chưa? - Florence tế nhị hỏi. Mary mỉm cười. - Quả thực, có lẽ có đấy. Chị sẽ gặp anh ấy trong bữa ăn tối nay. * * * * * Gia đình Schiffer thích bác sĩ Louis Desforges ngay. Họ đã nghe rằng người Pháp cách biệt và trưởng giả nhưng Louis đã chứng tỏ thân thiện, nồng hậu và hoạt bát. Ông và Douglas tham gia vào những cuộc thảo luận dài về thuốc. Đấy là một trong những buổi tối sung sướng nhất của Mary kể từ khi nàng đến Bucarest. Trong một lúc ngắn ngủi, nàng cảm thấy an toàn và thoải mái. Lúc 11 giờ, gia đình Schiffer rút lui lên lầu đến phòng dành cho khách đã được chuẩn bị cho họ. Mary vẫn còn ở dưới lầu chào từ biệt Louis. Ông bảo. - Tôi thích bạn của bà. Tôi hy vọng tôi sẽ gặp lại họ! - Họ cũng thích ông nữa. Họ sắp đi Kansas trong hai ngày nữa! - Mary bảo. Ông nhìn nàng đăm đăm. - Mary - bà không nghĩ đến việc đi sao? - Không. - Mary bảo - Tôi sẽ ở lại. Ông mỉm cười. - Tốt! - Ông do dự rồi điềm tĩnh nói - Tôi sẽ đi lên núi vào dịp cuối tuần. Tôi sẽ rất thích nếu bà đến đấy với tôi. - Vâng. Việc đơn giản như thế. Đêm ấy, nàng nằm trong bóng tối nói chuyện với Edward. “Anh yêu, em sẽ mãi mãi, mãi mãi yêu anh, nhưng em không được quyền cần đến anh nữa. Đây là lúc em cần đến cuộc sống mới. Anh sẽ luôn luôn là một phần của cuộc sống ấy, nhưng cũng còn người khác nữa. Louis không phải là anh mà là Louis. Anh ấy khỏe mạnh, tốt bụng và can đảm. Điều ấy gần giống như em có thể có anh vậy. Xin hãy hiểu cho Edward. Xin...” Nàng ngồi trên giường và bật ngọn đèn bên giường ngủ lên. Nàng nhìn đăm đăm vào chiếc nhẫn cưới của nàng một lúc lâu rồi từ từ tuột nó ra khỏi ngón tay nàng. Đấy là một vòng tròn biểu tượng cho một sự kết thúc và một sự khởi đầu. * * * * * Mary đưa gia đình Schiffer đi tham quan quanh Bucarest một vòng thạt nhanh và lo cho những ngày của họ được lấp đầy trọn vẹn. Ba ngày trôi qua thật nhanh và khi gia đình Schiffer ra đi, Mary cảm thấy đau nhói vì cô đơn, một ý thức bị cách biệt hoàn toàn với cội nguồn của nàng và một lần nữa lại trôi trở về một vùng đất xa lạ và nguy hiểm. Mary uống cà phê như thường lệ với Mike Slade và thảo luận về chương trình hoạt động trong ngày. Khi họ uống xong, Mike bảo. - Tôi đã nghe tin đồn. Mary cũng đã nghe những tin ấy nữa. - Về Ionescu và cô nhân tình mới của ông ấy phải không? Hình như... - Về bà đấy. Nàng cảm thấy sững lại : - Thật à? Loại tin đồn nào thế? - Hình như bà gặp bác sĩ Louis Desforges nhiều. Mary cảm thấy một cơn giận đang bùng lên. - Tôi gặp ai thì cũng chẳng là công việc của ai cả! - Tôi xin không đồng ý với bà, bà Đại sứ ạ. Đấy là công việc của mọi người trong Tòa đại sứ đấy. Chúng ta có một quy luật nghiêm nhặt chống lại việc dan díu với người ngoại quốc và vị bác sĩ ấy là một người ngoại quốc đấy! Ông ta cũng là một nhân viên địch nữa. Mary hình như quá kinh ngạc để thốt nên lời. - Điều ấy phi lý! - Nàng lắp bắp. - Ông biết gì về bác sĩ Desforges chứ? - Hãy nghĩ lại cách bà gặp ông ta đi, - Mike Slade đề nghị - Cô gái bị nạn và chàng hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng chói. Đấy là trò cũ kỹ nhất thế giới. Chính tôi cũng đã dùng đến nó. - Tôi không trách điều ông đã làm và điều ông chưa làm. - Mary vặn lại - Ông ấy đáng giá cả chục người như ông đấy. Ông ấy chiến đấu chống quân khủng bố tại Algerie và chúng đã sát hại vợ con ông ấy! Mike mềm mỏng nói : - Hay đấy. Tôi đã xem hồ sơ ông ta. Ngài bác sĩ của bà chưa bao giờ có vợ con cả. Chương 25 Họ dừng lại ăn trưa tại Timisoara, trên đường họ đi lên núi Carparthian. Quán trọ có tên là “Ngày thứ sáu của thợ săn” được trang trí trong không khí đương thời của một hầm rượu Trung cổ. - Món đặc biệt ở đây là thịt săn. - Louis bảo Mary - Tôi muốn đề nghị gọi thịt hươu đấy! - Tốt. Nàng chưa bao giờ ăn thịt hươu cả. Thịt hươu ngon. Louis gọi một chai Zghihara, loại rượu trắng địa phương.. Louis có vẻ tự tin, một sức mạnh âm thầm làm cho Mary có cảm giác yên ổn. Ông đã bốc nàng lên xe ở phố, xa Tòa Đại sứ. - Tốt nhất là không nên cho ai biết bà đã đi đâu - Ông nói - Nếu không nó sẽ ở trên miệng của mọi nhà ngoại giao trong thành phố đấy. Đã quá trễ, Mary nghĩ một cách ngại ngùng. Louis đã mượn chiếc xe cua một người bạn ở Tòa Đại sứ Pháp. Nó mang biển số CD hình bầu dục sơn trắng và đen. Mary biết rằng các biển số là một công cụ của cảnh sát. Các người ngoại quốc được cấp biển số bắt đầu bằng số 12. Các biển số màu vàng được dùng cho các viên chức. Sau bữa ăn trưa họ lại lên đường. Họ đi qua những người nông dân kéo những chiếc xe thồ thô sơ tự chế từ những cành cây bện lại với nhau, và có từng đoàn xe kéo đi như thế. Louis là một tài xế tài năng. Mary nhìn ông đăm đăm trong lúc ông đang lái xe và nghĩ đến những lời của Mike Slade “Tôi đã xem hồ sơ của ông ta. Ngài bác sĩ của bà chẳng có vợ con gì cả. Ông ta là một nhân viên địch đấy!” Nàng không tin Mike Slade. Mọi bản năng bảo nàng rằng ông ta nói dối. Không phải Louis đã lẻn vào văn phòng và viết nguệch ngoạc những lời ấy trên tường. Đó là một người nào khác đang đe dọa nàng. Nàng tin tưởng Louis. - Chẳng ai có thể nguỵ tạo được sự xúc động mà mình đã trông thấy trên mặt anh ấy khi đùa với bọn trẻ cả. Không ai có thể diễn tài như thế cả. Không khí càng lúc càng loãng và lạnh hơn. Cây trồng và những cây sồi nhường chỗ cho những cây tần bì, những cây vân sam và linh sam. - Ở đây săn thì tuyệt. - Louis nói - Mình có thể tìm được lợn lòi, hoẵng đực, chó sói và sơn dương đấy. - Tôi chưa bao giờ đi săn! - Có lẽ có ngày tôi sẽ đưa bà đi! Những quả núi trước mặt trông như những bức tranh về núi Alps của Thụy Sĩ, với những ngọn núi phủ sương mù và mây mà nàng đã thấy. Dọc vệ đường họ đi qua những khu rừng và những đồng cỏ xanh điểm lốm đốm những con bò cái đang gặm cỏ Những đám mây giá lạnh trên đầu có màu thép và Mary có cảm giác rằng nếu nàng với tay lên sẽ chạm vào, mây sẽ dính vào những ngón tay nàng như kim khí lạnh. Trời đã về chiều khi họ lên đến nơi, Cioplea, một địa điểm nghỉ mát đẹp trên núi được xây dựng như một biệt thự nhỏ bằng ván kiểu Thụy Sỹ. Mary đợi trong xe trong lúc Louis đi đăng ký cho cả hai. Một người khuân vác lớn tuổi đưa họ đến dãy phòng của họ. Ở đó có một phòng khách khá rộng, trang trí đơn giản, một phòng ngủ, phòng tắm và một sân thượng với một phong cảnh rất thú vị của vùng núi. - Lần đầu tiên trong đời tôi, - Louis thở dài - tôi ước được làm một họa sĩ. - Phong cảnh ở đây đẹp thật. Ông tiến sát nàng hơn. - Không. Tôi muốn nói tôi ước tôi có thể vẽ được bà đấy. Nàng bỗng thấy mình suy nghĩ: “Mình cảm thấy như một cô gái 17 tuổi trong buổi hẹn hò đầu tiên. Mình căng thẳng thật” Ông ôm nàng vào lông và ghì chặt. Nàng áp đầu vào ngực ông, và rồi môi của Louis đặt trên môi nàng. Ông thám hiểm thân thể nàng và đưa tay nàng xuống vùng dưới đang cương cứng của ông và nàng quên tất cả mọi sự trừ điều đang xảy ra với nàng. Có một nhu cầu kỳ lạ trong người nàng vượt xa hơn tình dục. Đấy là nhu cầu có ai giữ nàng lại trấn áp nàng, bảo vệ nàng và cho nàng biết rằng nàng không còn cô đơn nữa. Nàng cần Louis ở trong nàng, được ở bên trong ông, gắn bó làm một với ông. Họ nằm trên chiếc giường đôi rộng và nàng cảm thấy lưỡi ông phớt nhẹ xuống thân thể trần truồng của nàng len vào trong những vùng sâu mềm mại của nàng và rồi ông ở trong người nàng và nàng kêu lớn một tiếng say đắm, hoang dã trước khi nàng nổ tung thành cả nghìn cô Mary khoái trá. Và lần nữa, rồi lần nữa cho đến khi niềm hạnh phúc trở nên hầu như quá nhiều để chịu đựng nổi. Louis là một tình nhân tuyệt vời không tin được: say đắm và đòí hỏi: dịu dàng và chu đáo. Sau một lúc thật lâu, họ nằm mệt lử, thỏa mãn. Nàng rúc vào đôi tay khỏe mạnh và họ chuyện trò với nhau. - Thật kỳ lạ. - Louis nói - Anh cảm thấy đầy đủ trở lại. Từ khi Renée và con anh bị sát hại, anh đã là một con ma lang thang lạc lõng. - “Mình cũng thế” - Mary nghĩ. Anh nhớ nàng trong những cách thức quan trọng và trong những cách thức mà anh chưa nghĩ đến. Anh cảm thấy bất lực vì không có nàng. Những điều tầm thường, ngu xuẩn. Anh không biết nấu một bữa ăn hoặc giặt giũ hoặc ngay cả dọn giường mình sao cho thích hợp. Đàn ông chúng anh có quá nhiều điều là tất nhiên đấy! - Louis, em cũng cảm thấy bất lực. Edward là cái ô của em và khi trời mưa mà không có anh ấy ở đấy để bảo vệ em, em hầu như chết đuối. Họ ngủ. Bây giờ họ lại làm tình, từ từ và âu yếm, như đống lửa dồn lại, ngọn lửa nóng dần, thú vị hơn. Hầu như trọn vẹn. Hầu như. Bởi vì có một câu hỏi trong đầu Mary và nàng biết nàng không dám hỏi: “Anh đã có vợ con không, Louis?” Lúc nàng hỏi câu ấy nàng biết mọi việc giữa họ sẽ chấm dứt mãi mãi. Louis sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng vì nàng đã nghi ngờ chàng. “Mike Slade quỷ quái thật” Nàng nghĩ thế “Hắn quỷ quái thật”. Louis đang chăm chú nhìn nàng. - Em đang nghĩ gì thế? - Chẳng có gì cả, anh yêu. “Anh đang làm gì ở con đường phụ tối tăm ấy khi bọn ấy định bắt cóc em, hở Louis?” Tối hôm ấy họ ăn trên sân thượng lộ thiên và Louis gọi Cemurata. rượu dâu tây làm tại những vùng núi gần đấy. Thứ bảy, họ đi xe điện lên một đỉnh núi. Khi họ trở về, họ bơi ở hồ bơi trong nhà, làm tình trong phòng tắm hơi riêng và chơi bài but với một đôi vợ chồng người Đức lấy nhau muộn đang hưởng tuần trăng mật. Buổi tối, họ lái xe đến Eintrul, một tiệm ăn thôn dã trên núi. Ở đấy họ ăn tối trong căn phòng rộng với một lò sưởi để trống trải với một đống lửa cháy ào ào. Có những giá nến bằng gồ treo trên trần và những vật kỷ niệm săn bắn trên tường phía trên lò sưởi. Căn phòng được thắp sáng bằng nến và xuyên qua cửa sổ, họ có thể trông thấy những ngọn đồi tuyết phủ bên ngoài. Một khung cảnh tuyệt vời với một người bạn đường tuyệt vời. Và cuối cùng. quá sớm, đã đến lúc phải đi. “Đã đến lúc trở về thế giới thật”. Mary nghĩ thế. Và thế giới thật như thế nào? Một nơi đe dọa, bắt cóc, và những chữ nguệch ngoạc ghê tởm viết trên tường văn phòng nàng. Chuyến đi trở về thú vị và thoải mái. Sự căng thẳng tình dục trên chuyến đi lên đã nhường chỗ cho một cảm giác đầm ấm, thoải mái, dễ chịu. Ở bên Louis thật là ấm cúng. Lúc họ gần đến vùng ngoại ô của Bucarest, họ lái ngang qua những đám hoa hướng dương xoay về hướng mặt trời. - “Mình đấy” - Mary sung sướng nghĩ thế - “Cuối cùng, mình đi trong ánh nắng mặt trời”. Beth và Tim nôn nóng đợi mẹ trở về. - Có phải mẹ định kết hôn với Louis không? - Beth hỏi. Mary sửng sốt. Chúng đã thốt ra những lời mà nàng không dám tự cho phép mình nghĩ đến. - Nào, mẹ có định không? - Mẹ không biết. - Nàng nói một cách thận trọng. - Các con có phiền nếu mẹ làm thế không? - Ông ấy không phải là ba, - Beth từ từ đáp - nhưng Tim và con đã bỏ phiếu. Chúng con thích ông ấy. - Mẹ cũng vậy - Mary sung sướng đáp - Mẹ cũng thế! Có độ một chục hoa hồng đỏ với một dòng chữ: “Cám ơn em”. Nàng đọc tấm thiếp. Và tự hỏi có phải chàng đã gửi hoa cho Renée không? Và có phải chàng đã có một cô Renée và hai đứa con gái không? Và ghét mình vì điều ấy. Tại sao Mike Slade lại tạo ra một lời dối trá kinh khủng như thế? Chẳng có cách nào để nàng kiểm tra cả. Và lúc ấy, Eddie Maltz, Lãnh sự chính trị, cũng là nhân viên CIA, bước vào văn phòng nàng. - Bà trông khỏe đấy! Thưa bà Đại sứ. Dịp cuối tuần của bà vui không? - Vâng, cám ơn ông. Họ bỏ ra một lúc để thảo luận về một đại tá Rumani thăm dò Maltz về việc đào ngũ. - Ông ta sẽ là một tài sản giá trị cho chúng ta đấy ông ta sẽ mang theo một số tin tức hữu ích. Tối nay, tôi sẽ gửi đi một bức điện mật, nhưng tôi muốn bà hãy sẵn sàng để nhận một cơn thịnh nộ của Ionescu. - Cám ơn ông, Maltz! Ông ta đứng dậy bỏ đi. Đột nhiên Mary cao hứng bảo. - Hãy đợi đã. - Tôi... tôi muốn biết là liệu tôi có thể xin ông một ân huệ được không? - Được. Nàng bỗng cảm thấy ngượng nghịu để tiếp tục. - Đấy là việc cá nhân và kín đáo. - Nghe như phương châm của chúng ta đấy. - Maltz mỉm cười. - Tôi cần một số tin tức về một bác sĩ tên Louis Desforges. Ông đã nghe đến ông ấy chưa? - Vâng, thưa bà. Ông ấy là tùy viên của Tòa đại sứ Pháp. Bà muốn biết gì về ông ấy? Điều này sẽ còn khó hơn cả điều nàng đã tưởng tượng. Đấy là một sự phản bội. - Tôi muốn biết có phải bác sĩ Desforges đã có lập gia đình và có hai con không. Ông cho rằng ông có thể tìm hiểu được không? - Hai mươi bốn giờ sẽ đủ sớm không? - Maltz hỏi. - Vâng, cám ơn ông. * * * * * Hãy tha thứ cho em, Louis. Sau đó một lúc, Mike Slade bước vào văn phòng Mary. - Chào bà. - Chào ông. Ông ta đặt một tách cà phê lên bàn giấy của nàng. Có một điều gì đấy trong thái độ của ông ta có vẻ thay đổi một cách tế nhị. Mary không rõ đấy là điều gì nhưng nàng có cảm giác rằng Mike Slade đã biết tất cả về dịp nghỉ cuối tuần của nàng. Nàng không biết ông ta có cho gián điệp theo dõi nàng và báo cáo về các hoạt đọng của nàng không. Nàng hớp một ngụm cà phê. “Ngon như thường lệ, Đấy là điều duy nhất Mike Slade làm giỏi” - Mary nghĩ thế. - Chúng ta có một số vấn đề! - Ông ta nói. Và trong buổi sáng còn lại, họ tham dự vào một cuộc thảo luận bao gồm việc có thêm nhiều người Rumani muốn di trú sang Hoa Kỳ, sự khủng hoảng tài chánh của Rumani, một người thủy quân lục chiến đã làm một cô gái Rumani có bầu và hàng chục đề tài khác. Cuối cuộc thảo luận, Mary mệt mỏi hơn thường lệ. Mike Slade nói : - Đêm nay khai mạc kịch múa do Corina Socoli biểu diễn! Mary nhận ra cái tên ấy. Nàng là một trong những diễn viên chính của thế giới. - Tôi có một vé nếu bà thích. - Không cám ơn. - Nàng nghĩ đến lần trước Mike đã cho nàng vé xem hát và cái điều đã xảy ra. Ngoài ra nàng sẽ bận việc. Nàng được mời đi ăn tối tại Tòa đại sứ Trung Quốc và gặp Louis tại dinh sau đấy. Sẽ không thích hợp nếu họ bị nhìn thấy đi với nhau quá nhiều ở nơi công cộng. Nàng biết rằng nàng đã phá luật lệ bằng cách dan díu với một nhân viên của một Tòa đại sứ khác. Nhưng đây không phải là một cuộc tình ngẫu nhiên. Lúc Mary mặc quần áo đi ăn tối, nàng mở tủ ra dê lấy chiếc áo dài dạ tiệc và nhận thấy người giúp việc đã giặt thay vì tẩy nó. Chiếc áo đã bị hỏng. Mình sẽ cho cô ta nghỉ việc, Mary nghĩ một cách giận dữ. Trừ phi mình không thể. Những luật lệ của họ quỷ quái thật. Nàng bỗng cảm thấy kiệt sức. Nàng buông người lên giường. Mình ước gì tối nay mình không phải đi. Nằm đây ngủ thì tốt biết mấy. Nhưng bà phải đi, bà Đại sứ ạ. Quốc gia của bà đang trông cậy ở bà đấy. Nàng nằm đấy tưởng tượng. Nàng sẽ nằm trên giường thay vì đi dự tiệc. Vị Đại sứ Trung Quốc sẽ đón những vị khách khác và sốt ruột đợi nàng. Cuối cùng, bữa ăn tối sẽ được thông báo. Đại sứ Mỹ đã không đến dự. Đấy là một sự lăng nhục cố ý. Trung Quốc đã mất mặt. Đại sứ Trung Quốc sẽ gửi một công điện mật và khi Thủ tướng của ông ta đọc, ngài sẽ nổi cơn thịnh nộ. Ngài sẽ điện thoại cho Tổng thống Hoa Kỳ để phản kháng. Cả ông lẫn bất kỳ ai khác đều không thể ép buộc Đại sứ của tôi tham dự các bữa tiệc của các ông cả. Tổng thống Ellison sẽ hét lại. Vị Thủ tướng sẽ la lên, “Không ai có thể nói với tôi như thế được”. Mary ngồi dậy và nặng nhọc suy nghĩ : - “Tốt hơn là mình đến dự bữa tiệc quỷ quái ấy”. Buổi tối là cảnh mập mờ của những khuôn mặt quen thuộc trong các ngoại giao đoàn. Mary chỉ mơ hồ nhớ những người khác trong bàn của nàng. Nàng không thể chờ đợi để về nhà. Lúc Florian đưa nàng trở về dinh, nàng mỉm cười mơ màng: “Mình không biết Tổng thống Ellison có nhận ra mình đã ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân tối nay không?” * * * * * Sáng hôm sau, khi Mary đến văn phòng, nàng cảm thấy còn tệ hại hơn nữa. Nàng đau đầu và buồn nôn. Điều duy nhất mà nàng cảm thấy đỡ hơn là sự thăm viếng của Eddie Maltz. Nhân viên CIA nói : - Tôi đã có tin do bà yêu cầu Bác sĩ Louis đã kết hôn cách đây 13 năm. Tên vợ ông Renée. Hai con gái, 10 và 12, Phillipa và Geneviève. Họ bị bọn khủng bố sát hại tại Algerie, có lẽ là một hành động trả thù vị bác sĩ đã chiến đấu chống lại chúng trong một cuộc hoạt động bí mật. Bà cần tin tức nào khác không? - Không. - Mary sung sướng đáp - Tốt đấy, cám ơn ông. Lúc uống cà phê sáng, Mary và Mike Slade thảo luận về chuyện viếng thăm sắp đến của một nhóm sinh viên đại học. - Họ muốn gặp Chủ tịch Ionescu đấy. - Tôi sẽ xem tôi có thể làm gì được. - Mary nói, giọng nàng líu nhíu. - Bà có sao không? - Tôi chỉ mệt thôi. - Điều bà cần là một tách cà phê khác thôi. Nó sẽ làm bà phấn khởi lại. Tôi không nói đùa đâu? Lúc chiều tối, Mary cảm thấy càng mệt tệ hơn. Nàng gọi điện cho Louis hủy bỏ cuộc hẹn ăn tối. Nàng cảm thấy quá bệnh hoạn để gặp bất kỳ ai. Nàng mong có bác sĩ Mỹ tại Bucarest. Có lẽ Louis sẽ biết nàng bị chứng gì. “Nếu mình không qua khỏi, mình sẽ gọi anh ấy”. Dorothy Stone bảo y tá mang đến một số thuốc Tylenol có ở quầy dược. Nó chẳng giúp gì được cả. Viên bí thư của Mary lo lắng. - Bà trông thật dễ sợ đấy, thưa bà Đại sứ. Bà nên nằm nghỉ. - Tôi sẽ khỏe thôi. - Mary lẩm bẩm. * * * * * Một ngày như có cả nghìn giờ. Mary gặp các sinh viên, một số viên chức Rumani, một chủ ngân hàng Mỹ, một viên chức USIS, Cơ quan Thông Tin Hoa Kỳ và ngồi suốt một bữa dạ tiệc tại Tòa đại sứ Hà Lan. Cuối cùng khi nàng về đến nhà nàng nằm lăn ra giường. Nàng không thể ngủ được. Nàng cảm thấy sốt và bị hàng loạt những cơn ác mộng. Nàng đang chạy dọc theo vô số hành lang hỗn độn và mỗi lần rẽ vào một góc, nàng đụng phải một người nào đấy đang viết những câu thô bỉ bằng máu. Nàng chỉ có thể thấy gáy của người đàn ông thôi. Rồi Louis xuất hiện và một chục người đang cố gắng lôi chàng vào trong một chiếc xe. Mike Slade chạy dọc theo đường hét. “Hãy giết nó đi. Nó không có gia đình gì cả”. Mary thức giấc, toát mồ hôi lạnh. Căn phòng nóng không chịu được. Nàng tung chăn ra và bỗng lạnh run. Răng nàng bắt đầu đánh vào nhau lập cập. “Lạy Chúa” - Nàng nghĩ - “Mình bị gì thế này?”. Nàng thức suốt đêm còn lại, sợ phải ngủ lại, sợ những giấc mơ của nàng. Mary phải dùng tất cả nghị lực để đứng dậy và đi đến Tòa Đại sứ vào sáng hôm sau. Mike Slade đang chờ nàng. Ông ta nhìn nàng vẻ trách móc và nói : - Bà trông không khỏe mấy. Tại sao bà không bay đến Franfurt và thăm bác sĩ của chúng ta ở đấy! - Tôi khỏe thôi. Môi nàng khô và nứt nẻ và nàng cảm thấy hoàn toàn bị mất nước. Mike trao cho nàng một tách cà phê. - Tôi có những số liệu thương mại mới cho bà đây. Người Rumani sẽ cần nhiều ngũ cốc hơn là chúng ta nghĩ. Đây là cách chúng ta có thể đầu tư trên vấn đề ấy! Nàng cố gắng chú ý, nhưng giọng của Mike chỉ còn nghe loáng thoáng. Dù thế nào, nàng cũng cố gắng chống cự qua ngày làm việc. Louis đã gọi điện thoại hai lần. Mary nói với bí thư của nàng hãy bảo chàng rằng nàng đang họp. Nàng đang cố gắng gìn giữ chút đỉnh sức lực còn lại để tiếp tục công việc. Khi Mary vào giường tối hôm ấy, nàng có thể cảm giác được thân nhiệt đã tăng lên. Cả người nàng đau nhức. “Mình bệnh thật sự rồi, nàng nghĩ thế. Mình có cảm giác như mình đang hấp hối”. Bằng một cố gắng mạnh mẽ, nàng với tay kéo dây chuông. Carmen xuất hiện. Nàng nhìn Mary sửng sốt. - Bà Đại sứ? Việc gì... Giọng Mary khàn khàn. - Bảo Sabina gọi đến Tòa đại sứ Pháp. Tôi cần bác sĩ Desforges... Mary mở mắt ra và chớp mắt. Có hai bóng mờ của Louis đứng đấy ông đến bên giường nàng. Ông cúi xuống và nhìn kỹ vào khuôn mặt đó bừng của nàng. - Lạy Chúa, điều gì đã xảy ra với em? - Ông sờ trán nàng. Nó nóng khủng khiếp - Em đã lấy nhiệt độ chưa? - Em không muốn biết. Nói chuyện thực là đau đớn. Louis ngồi bên mép giường. - Em yêu, em bệnh bao lâu rồi? - Mới mấy ngày thôi. Có lẽ chỉ là do một loại siêu vi trùng nào đấy. Louis thăm mạch nàng. Nó yếu và nhỏ rứt. Trong lúc ông chồm tới, ông ngửi được hơi thở của nàng. - Hôm nay em có ăn gì với tỏi không? Nàng lắc đầu. - Hai ngày rồi em không ăn gì cả - Giọng nàng chỉ là một tiếng thì thào. Ông chồm tới và nhẹ nhàng vạch mí mắt của nàng. - Em có khát không? Nàng gật đầu. - Đau đớn, co rút bắp thịt, nôn, buồn nôn? Tất cả đấy! - Nàng nghĩ một cách nặng nề. Nàng hỏi lớn. - Em bị gì thế, Louis? - Em có cảm thấy muốn trả lời một số câu hỏi không? Nàng nhẫn nhịn. - Em sẽ cố gắng. Ông cầm lấy tay nàng. - Em bắt đầu cảm thấy như thế này từ bao giờ. - Hôm sau ngày chúng ta ở trên núi về. - Giọng nàng thì thào. - Em có nhớ đã ăn hoặc uống thứ gì làm cho em cảm thấy đau sau đấy không? Nàng lắc đầu. - Em cảm thấy càng ngày càng tệ hơn à? Nàng gật đầu. - Em có ăn sáng tại dinh với lũ trẻ không? - Thường thường, có. - Và trẻ nhỏ vẫn cảm thấy khỏe chứ? Nàng gật đầu. - Còn bữa ăn trưa thì sao? Mỗi ngày em có ăn trưa cùng một địa điểm không? - Không. Đôi khi em ăn tại Tòa đại sứ, đôi khi em có những cuộc họp tại các nhà hàng. - Giọng nàng thì thào. - Có địa điểm duy nhất nào em ăn tối đều đặn hoặc có thứ gì em ăn đều đặn không? Nàng cảm thấy quá mệt để tiếp tục câu chuyện. Nàng mong ông đi đi. Nàng nhắm mắt lại. Ông lay nhẹ nàng. - Mary, hãy thức đi. Hãy nghe anh đây. - Có một điều lo lắng vô cùng trong giọng nói của ông - Có người nào mà em ăn chung liên tiếp không? Nàng nhướng mắt lên với ông ngái ngủ. - Không. Tại sao chàng lại hỏi tất cả những câu hỏi này? - Siêu vi trùng đấy! - Nàng lẩm bẩm - Phải không? Ông hít một hơi mạnh. - Không. Có ai đầu độc em đấy. Thân thể nàng như có một luồng điện chạy qua. Nàng mở to mắt ra. - Cái gì thế? Em không tin. Ông cau mày. - Anh nói rằng đấy là chất độc Arsen đấy chỉ có điều rằng chất Arsen không có bán tại Rumani. Mary bỗng cảm thấy run rẩy vì sợ hãi. - Ai đã định đầu độc em chứ. - Ông bóp tay nàng lại - Em yêu, em phải suy nghĩ. Em có chắc rằng em không ăn theo định kỳ cố định nào cả, ở đấy có ai đấy cho em ăn hoặc uống một cái gì đấy mỗi ngày chứ? - Dĩ nhiên không. - Mary phản đối một cách yếu ớt. - Em đã bảo anh... em... cà phê. Mike Slade. Thức uống đặc biệt tự chế của tôi. - Ồ, lạy Chúa! - Gì thế? Nàng hắng giọng và cố gắng nói : - Mike Slade mang cà phê cho em mỗi buổi sáng. Ông ta luôn luôn ở đấy đợi em. Louis trố mắt nhìn nàng. - Không. Không thể là Mike Slade được. Ông ta có lý do gì để định giết em! - Ông ta... Ông ta muốn loại trừ em đấy. - Chúng ta sẽ nói về chuyện này sau. - Louis khẩn trương bảo - Việc đầu tiên chúng ta phải làm là chữa bệnh cho em. Anh muốn đưa em đến bệnh viện ở đây, nhưng Tòa đại sứ của em sẽ không cho phép. Anh sẽ đi lấy cái gì đó cho em. Anh sẽ trở lại ít phút thôi. Mary nằm đấy cố gắng nắm ý nghĩa của điều Louis đã nói với nàng. Arsen. Có ai đấy cho mình uống chất Arsen. Điều bà cần là một tách cà phê nữa. Nó sẽ làm bà cảm thấy đỡ hơn. Tôi tự nấu lấy đấy. Nàng từ từ ngất đi rồi tỉnh lại vì tiếng của Louis : - Mary! Nàng cố mở mắt ra. Ông ta ở bên giường nàng, đang lấy một ống tiêm ra khỏi cái túi nhỏ. - Chào Louis. Em rất vui vì anh có thể đến được... - Mary lẩm bẩm. Louis sờ soạng tìm một tĩnh mạch trên cánh tay nàng và cắm vào đấy một mũi kim dưới da. - Anh tiêm cho em một liều thuốc Bal, đấy là thuốc giải độc Arsen. Anh sẽ tiêm xen kẽ với nó bằng penicillamine. Anh sẽ tiêm cho em một mũi nữa vào sáng mai, Mary! Nàng ngủ mất. Sáng hôm sau, bác sĩ Louis Desforges tiêm cho Mary một mũi và một mũi khác vào buổi chiều. Hiệu quả của thuốc thật nhiệm màu. Từng triệu chứng bắt đầu biến đi dần. Ngày hôm sau nhiệt độ và các dấu hiẹu sống của Mary hầu như hoàn toàn bình thường. Louis ở trong phòng ngủ của Mary, bỏ mũi kim trích dưới da vào trong một túi giấy để những kẻ tò mò trong tổ giúp việc không thể trông thấy. Mary cảm thấy kiệt quệ và yếu ớt như nàng đã trải qua một cơn bệnh lâu ngày nhưng tất cả đau đớn và khó chịu không còn nữa. - Đã hai lần anh cứu mạng cho em đấy. Louis nhìn nàng khiêm tốn : - Anh nghĩ rằng tốt nhất, chúng ta nên tìm ra kẻ nào định làm việc ấy. - Chúng ta làm cách nào. - Anh đã kiểm tra tại các Tòa đại sứ khác nhau. Chẳng có Tòa đại sứ nào mang theo chất Arsen cả. Anh chưa có thể tìm hiểu Tòa đại sứ Mỹ. - Anh muốn em làm điều gì đấy giùm anh. Em có nghĩ rằng ngày mai, em sẽ cảm thấy khá khỏe để đi làm được không? - Em nghĩ thế. - Anh muốn em đến quầy dược phẩm trong Tòa đại sứ của em. Hãy bảo họ rằng em cần thuốc trừ sâu. Hãy nói rằng em bị rắc rối với sâu bọ trong vườn và hãy hỏi Antrol. Thứ ấy chứa chất Arsen! Mary nhìn ông bối rối. - Vấn đề là gì? - Anh có linh cảm rằng có lẽ chất Arsen đã được đưa vào Bucarest. Nếu ở đâu có, sẽ là tại hiệu thuốc của Tòa Đại sứ. Bất cứ ai đặt mua một chất độc nào đều phải ký tên vào. Khi em ký mua Antrol, hãy xem những tên nào ở trên tờ giấy? Gunny hộ tống Mary qua cửa Tòa đại sứ. Nàng bước đi dọc theo hành lang dài đến quầy dược phẩm, ở đó có một cô y tá đang làm việc sau một buồng nhỏ. Cô quay lại lúc trông thấy Mary. - Chào bà Đại sứ. Bà đã cảm thấy đỡ chưa? - Vâng, cám ơn cô. - Tôi có thể lấy cho bà gì không? Mary hít một hơi căng thẳng. - Người làm vườn của tôi bảo tôi rằng ông ấy gặp rắc rối với sâu bọ trong vườn. Tôi không biết liệu cô có thể có một thứ gì để giúp... như Antrol không? - À, vâng. Quả thực, chúng tôi có một số Antrol - Cô y tá nói. Cô với ra cái giá đằng sau và nhặt lên một cái lon có dán nhãn độc dược trên đấy “Kiến tràn vào phá hoại là điều rất bất thường vào lúc này trong năm”. Cô đặt một tờ biểụ mẫu trước mặt Mary. - Bà sẽ phải ký vào đã, nếu bà không phiền. Trong đấy có chất Arsen đấy. Mary trố mắt nhìn vào tờ biểu mẫu đặt trước mặt nàng. Chỉ có một cái tên trên đấy: Mike Slade. Chương 26 Khi Mary tìm cách điện thoại cho Louis Desforges để báo cho ông biết điều nàng đã biết được đường dây của ông bận. Ông đang nói chuyện với Mike Slade. Bản năng đầu tiên của bác sĩ Desforges là báo cáo về cố gắng giết hại Mary, có điều là ông không thể tin được rằng Slade là người có trách nhiệm. Và như thế, Louis đã quyết định tự mình điện thoại cho Mike Slade. - Tôi vừa từ biệt bà Đại sứ của ông. - Louis Desforges bảo - Bà ấy sẽ sống được. - À, tin hay đấy thưa bác sĩ. Tại sao bà ta không sống được nhỉ? Giọng của Louis có vẻ thận trọng. - Có ai đấy đã đầu độc bà ấy. - Ông đang nói chuyện gì thế? - Mike chất vấn. - Tôi nghĩ rằng ông biết điều tôi đang nói đến. - Khoan đã! Ông nói lằng ông nghĩ tôi là người chịu trách nhiệm thì ông sai rồi. Tốt hơn ông và tôi nên nói chuyện riêng đi. Một nơi nào đấy mà chúng tôi không thể bị nghe lén. Tối nay ông có thể gặp tôi không? - Mấy giờ? - Tôi bận mãi đến 9 giờ. Sao ông không gặp tôi trễ hơn ít phút tại rừng Baneasa nhỉ? Tôi sẽ gặp ông tại suối nước và lúc ấy tôi sẽ giải thích mọi việc! Bác sĩ Desforges do dự : - Rất tốt. Tôi sẽ gặp ông ở đó. Ông gác máy và nghĩ: Mike Slade không lẽ nào lại ở đàng sau việc này! Khi Mary tìm cách gọi điện thoại lại cho Louis, ông đã đi khỏi. Không ai biết ông ở đâu để tìm cả. Mary và con dùng bữa ăn tối ở dinh. - Mẹ trông thật khá hơn nhiều đấy. - Beth bảo - Chúng con thật lo lắng. - Mẹ cảm thấy khỏe rồi. - Mary trấn an nó. Và sự thật là thế - Cám ơn Chúa! Nhờ Louis! Mary không thể nào đẩy Mike Slade ra khỏi tâm trí nàng. Nàng có thể nghe giọng ông ta nói: “Cà phê của bà đây. Tôi tự pha lấy đấy”. Giết nàng từ từ. Nàng rùng mình. - Mẹ lạnh à? - Tim hỏi. - Không con yêu. Nàng không được để con nàng dính líu vào những cơn ác mộng của nàng. Mình có nên gửi chúng về quê một thời gian không? Mary nghĩ thế. Chúng có thể ở với Florence và Douglas. Và rồi nàng nghĩ: Mình có thể đi với chúng, nhưng điều ấy là nhút nhát, một chiến thắng cho Mike Slade và bất cứ ai ông ta cộng tác. Chỉ có một người duy nhất mà nàng nghĩ đến, có thể giúp nàng được. Stanton Rogers. Stanton sẽ biết phải làm gì với Mike. Nhưng mình không thể tố cáo ông ta không bằng chứng và mình có bằng chứng gì chứ? Rằng ông ta pha cà phê cho mình mỗi buổi sáng à? Tim đang nói với nàng: “Do đó chúng con sẽ hỏi xem chúng con có thể đi với họ không?” - Xin lỗi con, con nói gì vậy? - Con nói rằng Nikolai đã hỏi chúng con xem chúng con có thể đi cắm trại với bạn ấy và gia đình bạn ấy vào dịp cuối tuần sau không? - Không. - Giọng của nàng gay gắt hơn dự định của nàng -Mẹ muốn cả hai con phải ở gần dinh. - Còn việc học thì sao? - Beth hỏi. Mary do dự. Nàng không thể giữ chúng nó làm tù nhân ở đây và nàng không muốn báo động cho chúng nó. - Tốt thôi. Chỉ khi nào Florian đưa các con đến đấy và đưa các con vể. Không một ai khác đấy! Beth nhìn nàng đăm đăm. - Mẹ ơi, có chuyện gì khỡng? - Dĩ nhiên không? - Mary nói nhanh - Tại sao con hỏi thế? - Con không biết. Có gì đấy trong không khí đấy. - Cho chị ấy nghỉ đi. - Tim bảo - Chị ấy bị bệnh cúm Rumani đấy! - “Một ý hay đấy!” - Mary nghĩ thế. Đầu độc bằng Arsen - cúm Rumani. - Tối nay chúng con có thể xem phim không? - Tim hỏi. - Tối nay chúng con được phép xem phim không chứ? - Mary chỉnh hắn. - Có nghĩa là “được” - chứ? Mary không dự định ủng hộ việc xem phim, nhưng nàng vừa qua đã sống quá ít thời gian với con nàng nên nàng quyết định thết đãi chúng một buổi. - Nó có nghĩa là “được” đấy. - Cám ơn bà Đại sứ! - Tim hét lên - Con phải chọn phim. - Không. Em không được. Em đã chọn phim rồi. Lẽ nào chúng ta xem lại phim: Những dòng chữ Mỹ nguệch ngoạc? Những dòng chữ Mỹ nguệch ngoạc! Và đột nhiên Mary biết nàng có thể chỉ cho Stanton Rogers bằng chứng nào. * * * * * Lúc nửa đêm, Mary bảo Carmen gọi taxi. - Bà không muốn Florian lái xe đưa bà đi à? - Carmen hỏi - Ông ấy... - Không. Đây là một điều phải bí mật. Taxi đến trong vài phút sau, Mary bước vào. - Làm ơn đến Tòa đại sứ Mỹ! Tài xế taxi đáp. - Tòa đại sứ giờ này đã đóng cửa. Không có ai cả... - Ông ta quay lại và nhận ra nàng - Bà Đại sứ. Đấy là một vinh dự lớn đấy. - Anh ta bắt đầu lái đi - Tôi nhận ra bà nhờ tất cả các hình ảnh của bà in trong các báo và tạp chí của chúng tôi. Bà hình như nổi tiếng tương đương với những lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi đấy. Những người khác trong Tòa đại sứ đều bình luận về tất cả những điều viết về nàng đăng trên báo chí Rumani. Anh tài xế tiếp tục lải nhải. - Tôi thích người Mỹ. Họ là những người tốt bụng. Tôi hy vọng rằng kế hoạch giữa các dân tộc của Tổng thống bà có kết quả Những người Rumani chúng tôi đều ủng hộ kế hoạch đấy. Đây là lúc thế giới có hòa bình đấy. Nàng chẳng còn lòng dạ nào để thảo luận bất cứ điều gì cả. Khi họ đến Tòa đại sứ, Mary chỉ một địa điểm ghi Parcare cu Locuri Rezervate. - Xin vui lòng lái đến đây và trở lại đón tôi trong một giờ nữa: Tôi sẽ trở về dinh. - Được, thưa bà Đại sứ. Một người lính thủy quân lục chiến bảo vệ đi về hướng chiếc taxi. - Ông không thể đậu ở đây, đây là... Hắn nhận ra Mary và chào. - Xin lỗi. Chào bà Đại sứ! - Chào anh - Mary bảo. Người lính thủy quân lục chiến đưa nàng đến lối vào và mở cửa cho nàng. - Tôi có thể giúp bà không? - Không. Tôi sẽ vào văn phòng tôi một chốc. - Vâng, thưa bà. - Hắn nhìn nàng đi dọc hành lang. Mary bật đèn trong văn phòng nàng và nhìn những bức tường có những câu thô bỉ đã được xóa đi. Nàng đi qua cánh cửa thông với văn phòng của Mike Slade và bước vào. Căn phòng chìm trong bóng tối. Nàng bật đèn và nhìn quanh. Trên bàn giấy ông ta chẳng có giấy tờ gì cả. Nàng bắt đầu lục lọi các ngăn kéo. Trống rỗng, ngoại trừ những tập sách mỏng những thông cáo và những thời khóa biểu. Những vật vô tội sẽ chẳng có công dụng gì cho một cô hầu phòng tò mò nào cả. Đôi mắt của Mary dò xét kỹ văn phòng. Nó phải có ở đâu đây. Chẳng có nơi nào khác có thể giấu nó được và không lẽ ông ta mang nó theo người. Nàng mở các ngăn kéo và bắt đầu xem xét trở lại, chậm dãi và cẩn thận. Khi nàng xem xét đến một ngăn kéo cuối cùng, nàng cảm thấy có một cái gì cứng bên trong, sau một đống giấy tờ. Nàng lôi nó ra, cầm nó trong tay và trố mắt nhìn nó. Đấy là một hộp sơn xịt màu đỏ. Ít phút sau chín giờ, bác sĩ Louis Desforges đợi ở rừng Baneasa, gần con suối. Ông tự hỏi có phải ông đã sai lầm vì không tố giác Mike Slade không. - “Không” - Ông nghĩ thế - “Trước tiên mình phải nghe ông ta có gì để nói đã. Nếu mình tố giác sai, điều ấy sẽ tiêu diệt ông ta đấy”. Mike Slade bỗng xuất hiện như bóng tối. - Cám ơn vì đã đến. Chúng ta có thể làm sáng tỏ việc này rất nhanh. Ông bảo trên điện thoại rằng ông nghĩ có ai đấy đầu độc Mary Ashley à? - Tôi biết, có người cho bà ấy dùng chất Arsen. - Và ông nghĩ rằng tôi có trách nhiệm trong việc đó? - Có thể ông đã bỏ vào cà phê của bà ấy, một lần một ít. - Ông đã báo cáo điều này với ai chưa? - Chưa. Tôi muốn nói chuyện với ông trước. - Tôi hài lòng vì ông đã làm như thế. - Mike bảo. Ông ta rút tay ra khỏi túi. Trong tay là một khẩu súng ngắn magnum cỡ 475. Louis trố mắt nhìn. - Cái gì... Ông làm gì đấy? - Hãy nghe tôi! Ông không thể... Mike Slade bóp cò súng và nhìn ngực của người đàn ông Pháp nổ thành một đám mây đỏ. Chương 27 Trong Tòa đại sứ Mỹ, Mary đang trong phòng cách âm điện thoại về văn phòng Stanton Rogers theo đường dây an toàn. Lúc ấy là một giờ sáng tại Bucarest và 8 giờ sáng tại Washington, DC, Mary biết viên bí thư của Stanton Rogers luôn luôn đến văn phòng sớm. - Văn phòng ông Rogers. - Đây là Đại sứ Ashley. Tôi biết rằng ông Rogers đang ở Trung Quốc với Tổng thống. Nhưng đây là việc khẩn cấp nên tôi muốn nói chuyện với ông càng sớm càng tốt. Có cách nào tôi có thể gặp ông ấy ở đấy không? - Xin lỗi bà Đại sứ. Lộ trình của ông ấy rất co dãn. Tôi chẳng có số điện thoại nào của ông ấy cả. Mary cảm thấy tim nàng như rụng xuống. - Khi nào bà có tin của ông ấy? - Thật khó nói. Ông ấy và Tổng thống có một lịch trình bận rộn. Có lẽ có ai ở Bộ Ngoại giao có thể giúp bà được không? - Không. - Mary buồn rầu nói - Không ai khác có thể giúp tôi cả. Cám ơn bà. Nàng ngồi một mình trong phòng, nhìn trừng trừng vào hư vô, ở giữa những thiết bị tinh vi nhất thế giới nhưng chẳng có cái nào có công dụng gì cho nàng cả. Mike Slade đang định sát hại nàng. Nàng phải cho ai đấy biết. Nhưng ai? Ai nàng có thể tin tưởng? Người duy nhất biết Slade đang định làm gì là Louis Desforges. Mary lại thử quay số về nhà ông, nhưng cũng không có tiếng trả lời nào cả. Nàng nhớ lại điều Stanton Rogers đã bảo nàng: Nếu bà muốn gửi cho tôi bất cứ công điện nào mà bà không muốn cho bất cứ ai khác đọc, mật mã ở đầu công điện là ba chữ “X”. Mary vội trở về văn phòng nàng và thảo một công điện khẩn gửi Stanton Rogers. Nàng ghi ba chữ “X” - trên đầu. Nàng rút ra quyển sách mật mã đen và cẩn thận mã hóa điều nàng đã viết. Ít nhất, nếu bây giờ có bất cứ điều gì xảy ra cho nàng. Stanton Rogers sẽ biết ai là người chịu trách nhiệm. Mary đi bộ dọc hành lang đến phòng liên lạc. - Chào bà Đại sứ. Tối nay bà làm việc khuya đấy! - Vâng. - Mary nói - Có một công điện tôi muốn gửi đi. Tôi muốn nó được chuyển đi ngay. - Tôi sẽ đích thân lo việc ấy. - Cám ơn ông. - Nàng trao cho ông ta bức điện và hướng về phía cửa trước. Nàng muốn ở gần con nàng kinh khủng. Trong phòng liên lạc, Eddie Maltz giải mã công điện mà Mary đã trao cho ông ta. Khi giải xong, ông ta đọc lại hai lần và cau mày. Ông ta bước đến máy xé vụn, ném bức điện vào trong đấy và trông nó biến thành hoa giấy. Rồi ông ta gọi điện cho Floyd Baker, Bộ trưởng Ngoại giao. Bí danh: Thor. * * * * * Lev Pasternak mất hai tháng để đi theo con đừờng mòn loanh quanh dẫn đến Bucarest Aires. SIS và nửa chục cơ quan khác khắp thế giới đã giúp nhận dạng Angel là kẻ sát nhân. Mossad đã cho chàng biết tên của Neusa Munez, tình nhân cửa Angel. Tất cả đều muốn loại trừ Angel. Đối với Lev Pasternak, Angel đã trở thành một điều ám ảnh. Bởi vì sự thất bại của Lev Pasternak, Marin Groza đã chết và Pasternak không bao giờ có thể tự tha thứ mình về điều ấy. Tuy nhiên chàng có thể chuộc lỗi. Và chàng dự định như thế. Chàng không trực tiếp tiếp xúc với Neusa Munez. Chàng xác định vị trí tòa chung cư nơi mụ sống và canh chừng đợi Angel xuất hiện. Sau năm ngày, khi không có dấu hiệu nào của hắn cả, Pasternak mở cuộc tiến công của chàng. Chàng đợi đến lúc mụ đàn bà đi khỏi và sau 15 phút lên lầu, mở khóa cửa của mụ và vào trong gian nhà. Chẳng có hình ảnh, bút tích hoặc địa chỉ nào có thể đưa chàng đến với Angel cả. Pasternak phát hiện những bộ quần áo trong tủ. Chàng quan sát những nhãn hiệu Herrera, lấy đi một chiếc áo veste ở móc áo và nhét dưới cánh tay chàng. Một phút sau chàng ra đi, cũng lặng lẽ như lúc chàng đến. Sáng hôm sau, Lev Pasternak bước vào tiệm Herrera. Tóc chàng rối tung và quần áo chàng nhăn nhúm và người chàng bốc mùi whisky. Viên giám đốc tiệm may quần áo đàn ông đến với chàng và nói một cách không bằng lòng. - Cho phép tôi được giúp ngài chứ? Lev Pasternak cười một cách ngượng ngập. - Vâng. - Chàng nói - Nói thật với ông nhé, đêm qua tôi say bí tỉ. Tôi đánh bạc với một số công tước Nam Mỹ trong phòng khách sạn của tôi. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều say một tí đấy bạn. Không biết cách nào, một trong những tên ấy - tôi không nhở tên - đã bỏ chiếc áo veste lại trong phòng tôi. - Lev đưa chiếc áo veste lên, tay chàng không vững. - Nó mang nhãn của ông đấy, nên ông nghĩ rằng ông có thể cho tôi biết nơi để trả lại cho người ấy! Viên giám đốc xem xét chiếc áo veste. - Vâng, chúng tôi đã cắt may chiếc áo này. Tôi phải xem lại sổ sách của chúng tôi đã. Tôi có thể gọi ông ở đâu? - Ông không có thể đâu. - Lev Pasternak lẩm bẩm - Tôi đang chơi bài nơi khác. Nếu có một tấm danh thiếp, tôi sẽ gọi ông. - Vâng. - Viên giám đốc đưa cho chàng tấm danh thiếp của ông ta. - Ông sẽ không lấy mất chiếc áo veste đấy chứ? - Lev say mèm hỏi. - Chắc chắn là không - Viên giám đốc phật ý nói. Lev Pasternak đập lên lưng ông ta nói. - Tốt, chiều nay tôi sẽ gọi ông sau. Chiều hôm ấy khi Lev từ phòng khách sạn gọi đến, viên giám đốc nói : - Tên của người mà chúng tôi đã may chiếc áo veste là ngài H.R de Mendoza. Ông ta thuê một dãy phòng tại khách sạn Aurora, dãy phòng 417. Lev Pasternak kiểm tra lại để chắc rằng cửa của chàng đã được khóa. Chàng lấy trong tủ ra một chiếc vali, mang lên giường và mở ra. Bên trong là một khẩu súng ngắn SIG-Saur 45 có ống hãm thanh, món quà xã giao của một người bạn ở cơ quan an ninh Arhentina. Pasternak kiểm soát lại để biết chắc khẩu súng đã được nạp đạn và ống hãm thanh an toàn. Chàng đặt chiếc vali vào lại trong tủ và đi ngủ. Lúc năm giờ sáng, Lev Pasternak lặng lẽ bước dọc theo hành lang tầng bốn vắng người của khách sạn Aurora. Khi chàng đến phòng 417, chàng nhìn chung quanh để biết chắc không ai trông thấy cả. Chàng lần xuống ổ khóa và tra vào đó một sợi dây thép. Khi chàng nghe cánh cửa xịch mở, chàng rút khẩu súng ngắn ra. Chàng cảm thấy một cơn gió lùa khi cánh cửa bên hành lang mở ra và trước khi Pasternak có thể xoay lại, chàng càm thấy có vật gì đấy cứng và lạnh ấn vào sau cổ của chàng. - Tôi không thích bị theo dõi! - Angel nói. Lev Pasternak nghe tiếng clic của cò súng một giây trước khi óc chàng vỡ toang. * * * * * Angel không chắc Pasternak đi một mình hoặc cùng hành động với ai khác, nhưng thận trọng thêm nữa vẫn thường là điều tốt. Cú điện thoại đã đến và đã đến lúc phải đi. Trước tiên Angel phải mua một ít đồ. Có một tiệm vải tốt ở đường Pueyrredon, đắt tiền, nhưng Neusa xứng đáng với loại tốt nhất. Bên trong cửa hiệu mát và lặng lẽ. - Tôi muốn xem một chiếc áo bình thường mặc ở nhà, một cái gì đấy có rất nhiều nếp xếp ấy - Angel nói. Người nữ thư ký trố mắt nhìn. - Và một chiếc quần lót xẻ đấy! Mười lăm phút sau, Angel bước vào tiệm Frenkel. Các giá chất đầy ví da, găng tay và cặp. - Tôi muốn mua một chiếc cặp. Đen. Nhà hàng El Aljire tại khách sạn Sheraton là một trong những nhà hàng đẹp nhất tại Buenos Aires. Angel ngồi xuống một chiếc bàn trong góc và đặt chiếc cập mới dưới bàn. Người hầu đến bàn. - Xin chào! - Tôi sẽ khởi đầu với món Pargo và sau đấy là món Parrillado với Parotos và Verduras. Tôi sẽ quyết định đồ tráng miệng sau. - Được! - Phòng xả hơi ở đâu? - Ở sau, xuyên qua chiếc cửa xa kia và về bên trái! Angel đứng dậy ra khỏi bàn và bước về hướng phía sau nhà hàng, để lại chiếc cặp trên bàn. Ở đấy có một hành lang hẹp với hai cửa nhỏ, một cửa để quí ông và một cửa để quí bà. Cuối hành lang là cánh cửa đôi đưa đến nhà bếp bốc hơi, ồn ào. Angel đẩy một cánh cửa ra và bước vào bên trong. Một quang cảnh hoạt động kỳ lạ với những đầu bếp và phụ bếp lăng xăng ra vào cố gắng theo kịp những nhu cầu cấp bách của giờ ăn trưa. Các người hầu bàn vào nhà bếp mang những mâm đầy. Các đầu bếp la hét các hầu bàn và các hầu bàn la hét các phụ hầu bàn. Angel đi băng ngang qua căn phòng và bước ra qua một cánh cửa hậu đưa đến một con hẻm nhỏ. Hắn đợi năm phút để chắc chắn không bị ai theo dõi. Có một chiếc taxi ở góc đường. Angel cho tài xế địa chỉ ở số 1 Humberto, xuống xe cách đấy một khu nhà và gọi một chiếc taxi khác. - Donde por favor? [1] - Aeropuerto [2] sẽ có một vé đi London đợi ở đấy. Vé hạng du khách. Hạng nhất quá dễ lộ. Hai giờ sau, Angel nhìn thành phố Buenos Aires biến mất dưới những đám mây, như trò quỷ thuật của một pháp sư thần linh nào đấy và tập trung vào nhiệm vụ trước mặt, suy nghĩ về những chỉ thị đã được cho biết. - Phải chắc chắn rằng bọn trẻ chết với bà ta. Cái chết của họ phải ngoạn mục. Angel không thích bị ra lệnh phải hoàn thành một hợp đồng như thế nào. Chỉ có những kẻ không chuyên khá ngu xuẩn để khuyên bảo những tay nhà nghề. Angel mỉm cười. - Họ sẽ chết cả và sẽ trông ngoạn mục hơn bất cứ ai nhận hợp đồng vụ này. Angel ngủ một giác say không mộng mị. * * * * * Sân bay Heathrow của London đông nghẹt du khách nghỉ hè và chuyến taxi vào Mayfair mất hơn một tiếng đồng hồ. Hành lang của Tòa Churchill bận rộn với du khách ghi tên ra vào. Một người trực tầng phụ trách xách hành lý của Angel. Tiền puộc-boa khiêm tốn, chẳng có gì để cho người trực tầng sẽ nhớ sau này. Angel bước đến dẫy thang máy của khách sạn, đợi đến lúc một căn thang máy trống, mới bước vào bên trong. Khi thang máy đang di chuyển, Angel ấn nút các tầng 5, 7, 9 và 10 và ra ở tầng 5. Bất cứ ai có thể nhìn từ hành lang có lẽ sẽ bị bối rối. Một cầu thang dùng để đi xuống đưa đến một hẻm nhỏ và năm phút sau khi ghi tên vào Tòa Churchill, Angel leo lên một chiếc taxi về lại Heathrow. Hộ chiếu ghi H.Rie Mendoza vé hàng không Tarom đi Bucarest. Angel gửi một điện tin từ sân bay. ĐẾN THỨ TƯ H.R de Mendoza. Được gửi đến Eddie Maltz. Sáng sớm hôm sau, Dorothy Stone báo : - Văn phòng Stanton Rogers đang trên đường dây! - Tôi sẽ nhận. - Mary nôn nóng nói. Nàng chụp lấy ống nghe - Stan à? Nàng nghe giọng viên bí thư của ông và muốn khóc vì tuyệt vọng. - Ông Rogers nói tôi gọi bà, thưa bà Đại sứ. Ông ấy đang đi với Tổng thống và không thể nào đến được điện thoại, nhưng ông ấy nói tôi lo cho bà được bất cứ điều gì bà cần. Nếu bà cho tôi biết vấn đề là gì? - Không. - Mary nói, cố gắng xóa đi sự tuyệt vọng nơi giọng nói của nàng - Tôi... phải đích thân nói với ông ấy! Tôi e rằng không phải đến ngày mai đâu. - Ông ấy nói rằng ông ấy sẽ gọi bà ngay khi nào ông ấy có thể. - Cám ơn ông. Tôi sẽ đợi đến khi nào ông ấy gọi. - Nàng gác ống nghe. Chẳng làm gì được cả, chỉ có đợi thôi. Mary tiếp tục cố gắng điện thoại cho Louis ở nhà ông. Không trả lời. Nàng thử gọi Tòa đại sứ Pháp. Họ chẳng có ý kiến gì về nơi ở của ông cả. - Xin vui lòng hãy nói ông ấy gọi tôi ngay khi ngài được tin ông ấy nhé. Dorothy nói : - Có một cú điện thoại cho bà, nhưng cô ta từ chối không cho biết tên. - Tôi sẽ nhận. - Mary nhấc ống nghe - Alô, đây là Đại sứ Ashley. Một giọng phụ nữ dịu dàng với âm Rumani nói : - Đây là Corina Socoli... Cái tên ấy được nhớ ngay. Nàng là một cô gái đẹp vừa độ 20, vũ nữ ba-lê nổi tiếng của Rumani. - Tôi cần sự giúp đỡ của bà. - Cô gái nói - Tôi đã quyết định đào thoát! - “Hôm nay mình không thể lo việc này được”. - Mary nghĩ thế - Bây giờ không được. - Nàng nói - Tôi không rõ là tôi có thể giúp được cô không. Nàng suy nghĩ thật nhanh. Nàng cố gắng nhớ lại điều nàng đã được kể về những kẻ đào thoát. “Đa số bọn họ do Liên Xô cài vào. Chúng ta đem họ đến, họ cho chúng ta một số ít tin tức vô thưởng vô phạt hoặc những tin sai. Một số bọn họ trở nên đần độn. Những mẻ cá thực sự là những sĩ quan tình báo cao cấp hoặc các khoa học gia. Chúng ta thường có thể dùng những người ấy. Bằng trái lại, chúng ta không cho họ tị nạn chính trị trừ phi có một lý do thật tốt. Corina Socoli khóc”. - Xin vui lòng? Tôi không được an toàn tại chỗ tôi ở. Bà nên cho ai đến đây đưa tôi đi. “Các chính quyền cộng sản ấy dựng một số bẫy tinh vi. Một người nào đấy tự cho mình là đào thoát hay xin trợ giúp. Bạn mang họ đến Tòa đại sứ và rồi họ la lên rằng họ bị bắt cóc. Nó cho họ một lý do dể có biện pháp chống lại các mục tiêu ở Hoa Kỳ”. - Cô ở đâu? - Mary hỏi. Dừng lại một lúc. - Tôi tin rằng tôi phải tin bà. Tôi ở tại quán trọ Roscow ở Moldavia. Bà sẽ đến đón tôi chứ? - Tôi không thể đi. - Mary nói - Nhưng tôi sẽ cho người đến đưa cô đi. Đừng gọi điện thoại này nữa. Chỉ đợi tại nơi cô đang ở. Tôi... Cửa mở ra và Mike Slade bước vào. Mary nhìn lên rụng rời. Ông ta đang đi về phía nàng. Giọng nói ở đầu dây điện thoại vẫn còn nói : - Alô, Alô... - Bà đang nói chuyện với ai vậy? - Mike hỏi. - Với với bác sĩ Desforges. - Đấy là tên đầu tiên vụt thoáng qua trí nàng. Nàng gác chiếc ống nghe, kinh khiếp. Đừng buồn cười thế, - nàng tự nhủ. - Bà đang ở Tòa đại sứ mà. Ông ta chẳng dám làm gì cả ở đây đâu? - Desforges à? - Mike từ từ lập lại. - Vâng. Ông ấy... Ông ấy đang đi đến đây gặp tôi. Nàng ước gì điều ấy thành sự thật vô cùng. Có một vẻ kỳ lạ trong mắt của Mike Slade. Ngọn đèn trên bàn giấy của Mary còn cháy và nó in bóng của Mike lên tường, làm cho ông ta to lớn và đe dọa một cách kỳ cục. - Bà có chắc là bà đã khá khỏe để làm việc lại không? Thật là một con người nhẫn tâm. - Vâng, tôi khỏe. Nàng mong ông ta đi kinh khủng để nàng có thể thoát thân. Mình không nên tỏ ra cho hắn biết mình sợ hãi. Ông ta tiến đến gần nàng hơn. - Bà trông căng thẳng đấy. Có lẽ bà nên đưa bọn trẻ đi chơi ở vùng ao hồ ít ngày. Ở đấy mình sẽ là một mục tiêu dễ dàng hơn! Chỉ việc nhìn ông ta không thôi cũng đủ làm nàng hoảng sợ đến nỗi nàng thấy khó thở rồi. Điện thoại tay đôi của nàng reo. Nó là một vật cứu mạng. - Xin ông miễn cho tôi... - Được! Mike Slade đứng dấy một lúc nhìn nàng đăm đăm rồi quay lại bỏ đi mang theo chiếc bóng của ông ta, Mary gần muốn khóc vì khuây khỏa, nàng nhấc điện thoại lên. - Đây là Jerry David, Lãnh sự Công vụ. - Thưa bà Đại sứ, tôi rất tiếc đã quấy rầy bà, nhưng tôi ngại là tôi có một tin khủng khiếp cho bà đấy. - Chúng tôi vừa nhận được một phúc trình của cảnh sát rằng bác sĩ Louis Desforges đã bị sát hại. Căn phòng bắt đầu quay cuồng. - Ông... Ông chắc chứ? - Vâng, thưa bà. Ví của ông ấy được tìm thấy trên thân thể của ông ấy. Những kỷ niệm thuộc bộ máy cảm giác vụt lóe qua đầu óc nàng và một giọng trên điện thoại đang nói. - Đây là cảnh sát trưởng Munster. Chồng bà đã bị chết trong một vụ tai nạn ô tô. - Và tất cả những nỗi dau buồn cũ vụt quay trở lại đâm vào tim nàng, xé nát người nàng ra. - Làm sao - sao việc ấy lại xảy ra? - Giọng nói của nàng nghẹn ngào. - Ông ấy bị bắn chết. - Họ có biết ai làm việc ấy không? - Không, thưa bà. An ninh và Tòa đại sứ Pháp đang điều tra. Nàng thả ống nghe xuống, tâm trí và thân thể nàng rụng rời, nàng dựa lưng vào thành ghế nhìn đăm đăm lên trần nhà. Trên đấy có một vết nứt. - “Mình phải sửa lại” - Mary nghĩ thế. - “Chúng ta không được có những vết nứt trong Tòa đại sứ của chúng ta. Có một vết nứt khác. Vết nứt ở khắp nơi”. Những vết nứt trong cuộc sống của chúng ta và khi nào có một vết nứt, những việc xấu xa lại xâm nhập vào. Edward chết. Louis chết. Nghĩ đến điều ấy, nàng không chịu nổi. Nàng tìm tòi những vết nứt khác. Mình không thể lại qua được cơn đau này đâu, Mary nghĩ thế. Ai muốn giết Louis nhỉ? Câu trả lời đi liền ngay sau câu hỏi. “Mike Slade”. Louis đã khám phá ra rằng Slade đã cho Mary uống chất Arsen. Có lẽ Slade nghĩ rằng với cái chết của Louis, chẳng ai có bằng chứng nào chống lại ông ta cả. Sự nhận thức bất thình lình làm nàng xúc động và tràn ngập tâm hồn nàng một sự kinh hoàng mới. “Bà đang nói chuyện với ai đấy? Bác sĩ Desforges”. Và có lẽ Mike biết rằng bác sĩ Desforges đã chết. Nàng ở lại trong văn phòng nàng suốt ngày và đặt kế hoạch cho bước tiến kế tiếp của nàng. Mình sẽ không để cho ông ta đưa mình đi xa. Mình sẽ không để cho ông ta giết mình. Lòng nàng tràn đầy một cơn thịnh nộ mà nàng chưa từng biết trước kia. Nàng sẽ nói về bản thân nàng và con cái nàng. Và nàng sẽ tiêu diệt Mike Slade. Mary lại gọi khẩn cấp đến Stanton Rogers. - Tôi đã cho ông ấy biết bức điện của bà, thưa bà Đại sứ. Ông ấy sẽ trả lời bà càng sớm càng tốt. Nàng không thể nào bình tĩnh được để chấp nhận cái chết của Louis. Ông ấy thật nồng nàn, thật dịu dàng và giờ đây ông đang nằm bất động trong một nhà xác nào đấy. Nếu mình đã về lại Kansas, Mary buồn rầu nghĩ, Hôm nay Louis sẽ vẫn còn sống. - Thưa bà Đại sứ... Mary nhìn lên. Dorothy Stone đang chìa ra cho nàng một phong bì. - Nhân viên bảo vệ ở cổng nhờ tôi chuyển cho bà cái này. Hắn nói rằng nó đã được một cậu bé chuyển đến. Chiếc phong bì ghi “Thư riêng, chỉ riêng bà Đại sứ xem”. Mary xé phong bì. Bức thư có những dòng chữ in viết tay gọn gàng. “Bà Đại sứ thân mến, HÃY HƯỞNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA BÀ TRÊN MẶT ĐẤT”. Nó được ký tên “Angel” Lại một chiến thuật nhát ma nữa của Mike Slade, Mary nghĩ thế - Không thành công đâu. Mình sẽ tránh hắn thật kỹ. Đại tá Mc Kinney chăm chú nhìn bức thư. - Ông lắc đầu. - Ngoài ấy có nhiều người bệnh đấy - Ông ngẩng đầu nhìn Mary. - Theo chương trình chiều nay, bà phải có mặt tại buổi lễ khởi công xây dựng một thư viện mới nữa. Tôi sẽ hủy bỏ và... - Không. - Bà Đại sứ, thật quá nguy hiểm cho bà... - Tôi sẽ an toàn thôi. Bây giờ nàng đã biết sự nguy hiểm đang nằm ở đâu và nàng đã có kế hoạch để tránh nó. - Mike Slade đâu? - Nàng hỏi. - Ông ta đang họp ở Tòa đại sứ Úc. - Xin vui lòng nhắn với ông ta rằng tôi muốn gặp ông ta ngay. - Bà muốn nói chuyện với tôi à? - Giọng của Mike Slade vô tình. - Vâng. Có một việc tôi muốn ông làm đây. - Tôi đang đợi lệnh của bà dây. Giọng giễu cợt của ông ta như một cái tát. - Tôi đã nhận được một cú điện thoại của một người muốn đào thoát. - Ai đấy? Nàng không có ý định nào cho ông ta biết cả. Ông ta sẽ phản bội cô gái. - Điều ấy không? quan trọng. Tôi muốn ông đưa người ấy đến đây. Mike cau mày. - Đấy có phải là người mà người Rumani muốn bắt giữ không? - Vâng. - À, điều này có thể đưa đến nhiều... Nàng cắt ngang. - Tôi muốn ông đến quán trọ Roscow tại Moldavia và đưa cô ấy đến đây! Ông ta bắt đầu biện luận cho đến khi ông ta nhìn thấy vẻ mặt của nàng. - Nếu đấy là điểu bà muốn, tôi sẽ nói... - Không. - Giọng của Mary như thép - Tôi muốn ông đi. Tôi sẽ cho hai người đi với ông. Cùng đi với Gunny và một người lính thủy quân lục chiến khác, Mike sẽ không thể nào giở trò gì cả. Nàng đã nói Gunny đừng để Mike Slade rời khỏi tầm mắt. Mike nhìn Mary chằm chằm, bối rối. - Tôi có một chương trình gồm nhiều việc. Có lẽ ngày mai sẽ... - Tôi muốn ông đi ngay cho. Gunny đang đợi trong văn phòng ông đấy. Ông phải đưa kẻ đào thoát về đây cho tôi. - Giọng của nàng không còn chừa chỗ nào để biện luận cả. Mike chậm rãi gật đầu. - Được rồi! Mary nhìn ông ta với một cảm giác nhẹ nhõm thật khẩn trương đến nỗi nàng cảm thấy choáng váng. Với việc Mike khỏi gây trở ngại, nàng sẽ được an toàn. Nàng quay sổ của đại tá Mc Kinney. - Chiều nay tôi sẽ tiếp tục với buổi lễ. - Nàng báo cho ông biết. - Tôi nhất mực khuyên bà không nên đi, bà Đại sứ ạ. Tại sao bà cứ muốn lộ diện với sự nguy hiểm không cần thiết khi... - Tôi chẳng có sự chọn lựa nào khác. Tôi đại diện cho quốc gia chúng ta. Tôi sẽ ra sao nếu cứ trốn trong tủ mỗi lần có ai đấy de dọa mạng sống của tôi chứ? Nếu tôi làm điều ấy một lần, tôi sẽ không bao giờ có thể ló mặt ra nữa. Khi đó tôi có thể về nước được rồi đấy. Và đại tá ạ, tôi chẳng có ý định nào về nước cả. Chú Thích [1] Tiếng Tây Ban Nha: Thưa ông đi đâu ạ? [2] Tiếng Tây Ban Nha: Sân bay. Chương 28 Buổi lễ khởi công xây dựng một thư viện Mỹ mới nữa theo chương trình tổ chức lúc 4 giờ chiều tại quảng trường Alexandru Sahia, trong một lô đất trống rộng gần tòa nhà chính của thư viện Mỹ. Khoảng ba giờ chiều, dân chúng đã tập trung rất đông. Đại tá Mc Kinney đã có một cuộc họp với Đại úy Aurel Istrase, trưởng ngành an ninh. - Chắc chắn là chúng tôi sẽ bảo vệ tối đa. - Istrase trấn an ông. Istrase đã thực hiện đúng lời hứa. Ông ra lệnh tất cả xe cộ phải rời khỏi quảng trường, để không có nguy cơ nào bị bom đặt trong xe cả, cảnh sát đóng quanh toàn khu vực và một tay thiện xạ nằm trên mái tòa nhà thư viện. Độ ít phút trước bốn giờ, mọi việc đều sẵn sàng. Các chuyên viên điện tử đã kiểm tra toàn thể khu vực và không tìm thấy chất nổ nào cả. Khi tất cả các sự kiểm tra hoàn tất, Đại úy Aurel Istrase nói : - Đại tá Mc Kinney, chúng tôi đã sẵn sàng. - Rất tốt! - Đại tá Mc Kinney quay sang một phụ tá - Hãy mời Đại sứ đến! Mary được bốn lính thủy quân lục chiến hộ tống đến chiếc xe hòm. Họ đi hai bên nàng lúc nàng đi vào trong xe. Forian tươi cười : - Chào bà Đại sứ. Đấy sẽ là một thư viện mới, lớn và đẹp, đúng không, thưa bà? Trong lúc lái xe, ông ta tiếp tục lải nhải nhưng Mary không nghe. Nàng đang suy nghĩ đến nụ cười trong đôi mắt của Louis và sự dịu dàng khi chàng làm tình với nàng. Nàng bấm vào cườm tay nàng, tìm cách làm cho sự đau đớn bên ngoài thay thế được nỗi thống khổ bên trong “Mình không được khỏe” - Nàng tự nhủ - “Dù thế nào mình cũng không được khỏe. Chẳng còn tình yêu nữa! - nàng suy nghĩ một cách nặng nhọc, - chỉ còn thù hận thôi. Điều gì sẽ xảy ra cho thế giới nhỉ?” Khi chiếc xe hòm đến nơi, hai lính thủy quân lục chiến bước đến cửa xe, cẩn thận nhìn chung quanh và mở cửa cho Mary. - Chào bà Đại sứ. Lúc Mary bước đến lô đất nơi buổi lễ sẽ được diễn ra, hai nhân viên an ninh võ trang và hai người khác sau lưng nàng, dùng thân của họ để che nàng. Từ trên đmh mái nhà, người bắn tỉa khẩn trương nhìn xuống quang cảnh bên dưới. Các khán giả vỗ tay lúc vị Đại sứ bước vào trung tâm một vòng tròn nhỏ đã được dọn dẹp cho nàng. Đám đông gồm lẫn lộn người Rumani, người Mỹ và tùy viên của các Tòa đại sứ khác tại Bucarest. Có một số khuôn mặt quen thuộc, nhưng hầu hết là những người lạ. Mary nhìn lướt qua đám đông và nghĩ: “Làm sao mình có thể đọc diễn văn được nhỉ? Đại tá Mc Kinney có lý. Mình không bao giờ nên đến đây cả. Mình thật khốn khổ và kinh hoàng”. Đại tá Mc Kinney lên tiếng nói : - Thưa các ông, các bà, tôi hân hạnh giới thiệu Đại sứ của Hoa Kỳ. Đám đông vỗ tay. Mary hít một hơi mạnh và bắt đầu. - Cám ơn... Nàng đã bị sa vào một vùng nước xoáy đầy biến cố trong tuần qua nên nàng đã không chuẩn bị được một bài diễn văn. Một nguồn sâu thẳm nào đấy bên trong nàng khiến nàng thốt thành lời. Nàng nhận thấy nàng đang nói : - Điều chúng ta đang làm đây hôm nay có lẽ hình như là một việc nhỏ, nhưng nó quan trọng vì nó là một nhịp cầu nữa nối dân tộc chúng tôi và tất cả các quốc gia Đông u. Tòa nhà mới mà chúng tôi cống hiến tại đây hôm nay sẽ đầy những tin tức về Hoa Kỳ. Ở đây, các bạn có thể học hỏi về lịch sử quốc gia chúng tôi, cả những điều tốt lẫn những điều xấu. Các bạn có thể nhìn những hình ảnh của các thành phố, nhà máy và nông trại của chúng tôi... Đại tá Mc Kinney và người của ông đang di chuyển từ từ xuyên qua đám đông. Bức thư đã ghi. “Hãy tận hưởng ngày cuối cùng của bà trên trái đất”. Khi nào ngày của kẻ sát nhân chấm dứt nhỉ? 6 giờ tối? 9 giờ? Nửa đêm? - Nhưng có một điều gì đấy quan trọng hơn việc biết Hoa Kỳ như thế nào. Khi nào tòa nhà mới này hoàn tất, cuối cùng các bạn sẽ biết được nước Mỹ như thế nào. Chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn xem tinh thần của quốc gia. Tại phía xa quảng trường, một chiếc ô tô bỗng chạy vượt hàng rào cảnh sát và rít phanh dừng lại ở lề đường. Trong lúc một cảnh sảt viên giật mình tiến về phía nó, người tài xế nhảy ra khỏi xe và bắt đầu chạy. Trong lúc hắn chạy, hắn lôi trong túi ra một chiếc máy và bấm nút. Chiếc xe nổ tung, bắn kim loại tung toé vào đám đông. Không có mảnh nào văng đến trung tâm nơi Mary đang đứng, nhưng khán giả bắt đầu nhốn nháo hoảng sợ, tìm cách tẩu thoát để tránh xa cuộc tấn công. Người thiện xạ trên mái nhà đưa khẩu súng trường lên và bắn một phát trúng tim tên khủng bố đang chạy trước khi hắn có thể tẩu thoát. Anh bắn thêm hai phát nữa cho chắc. Cảnh sát Rumani phải mất một giờ để giải tán đám đông khỏi quảng trường Alexandru Sahia và đem xác của tên có lẽ là sát nhân đi. Bộ phận cứu hỏa đã dập tắt các ngọn lửa của chiếc xe đang cháy. Mary được đưa về Tòa đại sứ, xúc động. - Bà muốn về dinh nghỉ không? - Đại tá Mc Kinney hỏi nàng - Bà vừa trải qua một kinh nghiệm kinh hoàng nên... - Không. - Mary ngoan cố bảo - Tòa đại sứ. Đấy là địa điểm duy nhất mà nàng có thể nói chuyện an toàn với Stanton Rogers. “Mình phải nói chuyện sớm với ông ấy”, - Mary nghĩ thế - “hoặc mình sẽ tan ra từng mảnh!”. Sự căng thẳng về mọi việc đã xảy ra quá sức chịu đựng của nàng. Nàng đã chắc chắn rằng đã vô hiệu hóa được Mike Slade, tuy nhiên vẫn còn một nỗ lực muốn lấy mạng nàng. Vậy là hắn không phải hành động một mình. Mary mong Stanton Rogers gọi điện kinh khủng. Lúc sáu giờ, Mike Slade bước vào văn phòng Mary. Ông ta giận dữ. - Tôi đã đưa Conna Socoli vào một phòng ở trên lầu. - Ông ta nói cộc lốc - Tôi rất mong bà cho tôi biết ai là người tôi đã nhặt về. Bà đã phạm một sai lầm lớn. Chúng ta phải trả cô ta lại. Cô ta là một bảo vật quốc gia đấy. Chẳng có cách gì chính phủ Rumani cho cô ta ra khoi nước cả. Nếu... Đại tá Mc Kinney chạy vội vào văn phòng. Ông dừng lại ngay khi trông thấy Mike Slade. - Chúng ta sẽ nhận dạng được người chết. Hắn là Angel đấy, vây là xong. Tên thật của hắn là H.R de Mendoza. Mike trố mắt nhìn ông. - Ông đang nói gì vậy? - Tôi đã quên. - Đại tá Mc Kinney nói - Ông đã ở xa suốt cơn kích động. Đại sứ chưa nói ông rằng hôm nay có một người định giết bà ấy à? Mike quay sang nhìn Mary. - Không. - Bà ấy đã nhận được lời cảnh cáo chết người của Angel. Hắn định ám sát bà ấy ngay buổi lễ khởi công. Chiều hôm nay. Một trong những tay thiện xạ của Istrase đã hạ hắn. Mike đứng đấy im lặng, đôi mắt ông ta chằm chằm nhìn vào Mary. Đại tá Mc Kinney nói : - Hình như Angel có tên trong “danh sách truy nã” của mọi người đấy! - Xác hắn ở đâu? - Ở nhà xác ở tổng hành dinh cảnh sát. * * * * * Cái xác nằm trên một phiến đá, trần truồng. Hắn là một người đàn ông trông bình thường, vóc trung bình với những nét mặt không đặc biệt, một dấu hải quân xâm trên cánh tay, một chiếc mũi hẹp, nhỏ phù hợp với cái miệng kín, đôi chân rất nhỏ và mái tóc thưa. Quần áo và vật tùy thân của hắn nằm trên bàn. - Có phiền nếu tôi nhìn một tí không? Viên trung sĩ cảnh sát nhún vai. - Cứ việc. Tôi chắc không phiền đâu. - Ông ta cười khúc khích với trò chơi chữ của ông ta. Mike nhặt chiếc áo veste lên và xem xét nhãn hiệu. Một cửa hiệu ở Buenos Aires. Đôi giày da cũng mang nhãn hiệu Arhentina. Có một đống tiền gần quần áo, một số tiền Lei của Rumani, một số đồng Franc của Pháp, một số bảng Anh và ít nhất 10.000 đô-la bằng đồng peso của Cộng hòa Arhentina - một số là những tờ 10 peso mới và số còn lại là những tờ 1.000.000 peso đã mất giá. Mike quay sang viên trung sĩ. - Ông có gì để kết tội hắn không? - Hắn bay từ London đến theo hàng không Tarom hai ngày trước. Hắn ghi tên vào khách sạn Intercontinental dưới tên de Mendoza. Hộ chiếu của hắn cho biết địa chỉ gốc của hắn là Buenos Aires. Đấy là đồ giả mạo. Viên cảnh sát bước đến nhìn kỹ cái xác hơn. - Hắn không có vẻ gì là một tên sát nhân quốc tế cả, phải không? - Đúng. - Mike đồng ý - Hắn không giống gì cả. Cách đấy hai chục khu nhà ở, Angel đang bước đi ngang qua dinh, vừa đủ nhanh để không gây sự chú ý của bốn nhân viên bảo vệ thủy quân lục chiến võ trang đang canh gác lối đi vào trước cổng và vừa đủ chậm để nắm rõ mọi chi tiết của mặt tiền tòa nhà. Các bức ảnh đã được gửi đến thật tuyệt nhưng Angel tin vào việc đích thân kiểm tra mọi chi tiết. Gần cửa trước là một nhân viên bảo vệ thứ năm mặc đồ dân sự, đang giữ hai con chó săn Dorberman có xích. Angel mỉm cười khi nghĩ đến trò chơi đố chữ làm người ta phải mất công tại quảng trường thành phố. Đấy là một trò chơi trẻ con khi mướn một tên vô dụng với giá một mũi tiêm đầy cocain. Cho mọi người không đề phòng. Hãy để họ tháo mồ hôi. Biến cố lớn còn phải đến. Vì 5 triệu đô-la, mình sẽ cho họ xem một màn mà họ không bao giờ quên. Các hệ thống truyền hình gọi chúng là gì nhỉ? Cảnh ngoạn mục. Họ sẽ được một cảnh ngoạn mục bằng màu sắc sinh động. Sẽ có một buổi lễ mừng ngày 4/7 tại dinh, giọng nói ấy đã nói. Sẽ có bong bóng bay, một ban nhạc thủy quân lục chiến, những người giúp vui. Angel mỉm cười và nghĩ: “Một cảnh ngoạn mục đáng giá 5 triệu đô-la”. Dorothy Stone hối hả vào văn phòng Mary. - Thưa bà Đại sứ - bà phải đến ngay phòng cách âm. Ông Stanton Rogers gọi từ Washington đấy. - Mary - tôi chẳng hiểu một lời nói nào của bà cả. Từ từ đã. Hãy hít một hơi mạnh và bắt đầu lại đi. - “Lạy Chúa”. - Mary nghĩ thế - “Mình lắp bắp như một kẻ ngu xuẩn lên cơn động kinh”. Trong người nàng, những cảm xúc thật mạnh đang quay cuồng lẫn lộn, nên nàng hầu như không thể thốt thành lời. Nàng kinh hãi, nguôi ngoai và giận dữ cùng một lúc và nàng thốt ra cả tràng những lời nghẹn ngào. Nàng rùng mình hít một hơi mạnh : - Tôi xin lỗi, Stanton - anh đã nhận được công điện của tôi chưa? - Không. Tôi vừa trở về. Chẳng có công điện nào cả ở đấy có gì vậy? Mary cố gắng kiềm chế cơn động kinh của nàng. - Mình nên bắt đầu từ đâu? - Nàng hít một hơi mạnh - Mike Slade đang tìm cách sát hại tôi đấy. Im lặng sửng sốt. - Mary - bà thật sự... không thể tin... - Đúng đấy. Tôi biết. Tôi đã gặp một bác sĩ tại Tòa đại sứ Pháp - Louis Desforges. Tôi bắt đầu ốm và ông ấy tìm ra rằng tôi bị đầu độc bằng chất Arsen. Mike làm việc ấy. Lần này, giọng Staton sắc bén hơn. - Điều gì làm bà tin như thế? - Louis - Bác sĩ Desforges - hình dung ra Mike Slade pha cà phê cho tôi mỗi sáng với chất Arsen trong đấy. Tôi có bằng chứng rằng ông ta đã giữ chất Arsen. Đêm qua, Louis bị sát hại và chiều nay có ai đấy hợp tác với Slade định ám sát tôi đấy. Lần này, im lặng kéo dài lâu hơn. Khi Staton tiếp tục lên tiếng, giọng ông khẩn cấp : - Điều tôi sẽ hỏi bà rất quan trọng đấy, Mary ạ! Hãy suy nghĩ cẩn thận. Có thể ai đấy ngoài Mike Slade không? - Không. Ông ta đã cố gắng buộc tôi đi khỏi Rumani ngay từ đầu. Stanton Rogers quả quyết nói : - Được rồi. Tôi sẽ báo Tổng thống. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề của Slade. Đồng thời tôi sẽ tăng cường bảo vệ bà ở đấy. - Stanton. Tối chủ nhật, tôi sẽ tổ chức liên hoan mừng ngày 4/7 tại dinh. Khách đã mời sẵn rồi. Anh có nghĩ rằng tôi nên hủy bỏ không? Có một sự im lặng đầy suy nghĩ. - Thực ra, buổi liên hoan có thể là một ý kiến hay đấy. Hãy giữ nhiều người quanh bà. Mary - tôi không muốn làm bà kinh hãi như bà đã bị lúc trước, nhưng tôi muốn đề nghị bà không nên để lũ trẻ khỏi tầm mắt của bà. Có thể Mike tìm cách tấn công bà qua lũ trẻ đấy. Nàng cảm thấy rởn toàn thân. Cái gì sau lưng tất cả điều này nhỉ? Tại sao ông ta làm điều này? - Tôi mong rằng tôi biết. Chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhưng tôi chắc chắn sẽ tìm ra. Trong lúc ấy, hãy tránh xa ông ta, càng xa càng tốt. Mary giận dữ nói : - Đừng lo. Tôi sẽ tránh ông ta. - Tôi sẽ gặp lại bà. Khi Mary gác máy, dường như một gánh nặng khổng lồ đã được cất đi khỏi vai nàng. - “Mọi việc sẽ ổn cả”. - Nàng tự nhủ - “Con mình và mình sẽ khỏe thôi”. Eddie Maltz trả lời ngay khi chuông reo lần thứ nhất. Câu chuyện kéo dài 10 phút. - Tôi sẽ lo cho chắc chắn mọi sự đều ở đấy! - Eddie Maltz lên tiếng hứa. Angel gác máy. Eddie Maltz nghĩ: “Mình không biết Angel cần tất cả những thứ ấy để làm cái gì?”. Ông ta nhìn đồng hồ. 48 giờ để đi. Lúc Stanton Rogers nói chuyện với Mary xong, ông gọi khẩn cấp đến đại tá Mc Kinney. - Bill, Stanton Rogers gọi. - Vâng, thưa ngài. Tôi có thể làm gì cho ngài? - Tôi muốn ông bắt Mike Slade. Giữ ông ta kỹ cho đến lúc ông nghe tin của tôi. Khi vị đại tá lên tiếng, có một vẻ hoài nghi trong giọng nói của ông. - Mike Slade à? - Tôi muốn bắt và cô lập ông ta. Có lẽ ông ta có súng và nguy hiểm đấy. Đừng để ông ta nói chuyện với bất kỳ ai cả. - Vâng, thưa ngài. - Tôi muốn ông gọi lại tôi tại Tòa Bạch Ốc ngay khi ông bắt được ông ta. - Vâng, thưa ngài. Điện thoại của Stanton Rogers reo hai giờ sau. Ông chộp lấy ống nghe. - Alô? - Đây là đại tá Mc Kinney, thưa ông Rogers. - Ông bắt được Slade không? - Không, thưa ngài. Có một vấn đề. - Vấn đề gì? - Mike Slade đã biến mất. Chương 29 Thứ bảy, 3-7. Trong một tòa nhà nhỏ khó mô tả tại số 32 Prezviter Kozma, một nhóm ủy viên Cánh Đông đang hội nghị. Ngồi quanh bàn là những đại diện có thế lực từ Liên Xô, Trung Hoa, Tiệp Khắc, Pakistan, Ấn Độ và Mã Lai. Vị chủ tọa đang nói: “Chúng tôi chào mừng anh chị em chúng ta thuộc Ủy ban Cánh Đông đã tham dự với chúng tôi hôm nay. Tôi hân hạnh báo cho các ngài biết rằng chúng tôi đã có những tin tuyệt vời của Ủy ban. Bây giờ mọi việc đều theo thứ tự cả. Giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch của chúng ta sắp hoàn tất tốt đẹp. Nó sẽ xảy ra vào đêm mai tại dinh Đại sứ Mỹ tại Bucarest. Các việc xếp đặt đã được thực hiện cho việc đăng tải của báo chí và truyền hình quốc tế”. Bí danh Kali lên tiếng. - Đại sứ Mỹ và hai con của bà ta à...? - Sẽ bị ám sát cùng với độ một trăm người Mỹ khác. Tất cả chúng ta đều nhận thức được những sự liều lĩnh trầm trọng và sự tàn sát khủng khiếp có thể tiếp theo sau đấy. Đây là lúc bỏ phiếu cho nghị quyết. Ông bắt đầu từ cuối bàn. - Brahma? - Thuận. - Vishnu? - Thuận. - Ganesha? - Thuận. - Yama? - Thuận. - Indra? - Thuận. - Krishna? - Thuận. - Rama? - Thuận. - Kali? - Thuận. - Thế là nhất trí. - Vị chủ tọa tuyên bố - Chúng ta nợ một lá phiếu đặc biệt để cám ơn người đã giúp thật nhiều để làm cho việc này xảy ra. - Ông quay lại phía người Mỹ. - Hân hạnh - Mike Slade đáp. * * * * * Những thứ trang trí cho buổi liên hoan ngày 4-7 được bay vào Bucarest trên một chiếc Hercules C-120 vào đêm thứ bảy và được chở thẳng đến một nhà kho của chính phủ Hoa Kỳ. Kiện hàng gồm một nghìn bong bóng đỏ, trắng và xanh, chất trong những chiếc thùng đẹp, ba thùng hình trụ bằng thép đựng khí hélium để thổi phồng bong bóng, 250 cuộn giấy hoa, vật kỷ niệm của buổi tiệc, còi, một chục biểu ngữ và sáu chục chiếc cờ Mỹ nhỏ. Kiện hàng được khuân vào nhà kho vào lúc 8 giờ tối. Hai giờ sau, một chiếc xe Jeep đến với hai chiếc thùng oxigen hình trụ in nhãn hiệu quân đội Mỹ. Tài xế đặt chúng vào bên trong. Lúc 1 giờ sáng, khi nhà kho vắng người, Angel xuất hiện. Cửa nhà kho đã được bỏ không khoá. Angel bước đến các thùng hình trụ, xem xét kỹ lưỡng và bắt tay làm việc. Công việc đầu tiên là tháo cho thoát hơi ba thùng hélium cho đến khi mỗi thùng chỉ còn một phần ba. Sau đấy, phần việc còn lại đơn giản thôi. Sáng ngày 4-7, dinh ở vào một tình trạng hỗn loạn. Sàn nhà được lau chùi, các chân đèn được phủi bụi, thảm được rũ sạch. Mỗi phòng đều chứa hàng loạt âm thanh riêng biệt. Có tiếng búa đóng dãy ghế vòng tại một góc phòng khiêu vũ cho ban nhạc tiếng máy hút bụi trong các hành lang tiếng nấu nướng từ nhà bếp. Lúc 4 giờ xế hôm ấy một chiếc xe tải quân đội Mỹ dừng lại tại lối vào dành cho nhân viên phục vụ của dinh và bị chặn lại. Người trực gác hỏi tài xế : - Ông có gì trong đấy? - Các thứ trang hoàng cho buổi tiệc. - Chúng ta hãy nhìn qua một chút. Người gác kiểm soát bên trong xe. - Trong thùng có gì thế? - Một số khí hélium, bong bóng cờ và vải vóc. - Hãy mở ra xem nào. Mười lăm phút sau, chiếc xe được cho qua. Bên trong trại, một hạ sĩ và hai thủy quân lục chiến bắt đầu khuân dụng cụ vào một phòng kho xa phòng khiêu vũ chính. Khi họ bắt đàu mở ra, một người thủy quân lục chiến nói. - Hãy nhìn tất cả các bong bóng này? Ai sẽ thổi chúng lên nổi chứ? Lúc ấy, Eddie Maltz bước vào, cùng đi với một người lạ mặc đồ làm việc quân đội. - Đừng lo. - Eddie Maltz nói - Đây là thời đại kỹ thuật. - Ông ta gật đầu với người lạ - Đây là người duy nhất phụ trách các quả bong bóng. Lệnh của đại tá Mc Kinney đấy. Một trong những người thủy quân lục chiến cười toe toét với người lạ. - Bạn tốt hơn tôi đấy. Hai người thủy quân lục chiến bỏ đi. - Bạn có một tiếng đồng hồ. - Eddie Maltz nói với người lạ - Tốt hơn nên bắt tay vào việc. Bạn có nhiều bong bóng để thôi đấy. Maltz gật đầu với viên hạ sĩ và bước ra. Viên hạ sĩ bước lại gần một trong những thùng hình trụ. - Có gì trong những em bé này nhỉ? - Héliumt - Người lạ cộc lốc đáp. Trong lúc viên hạ sĩ đứng nhìn người lạ cầm một chiếc bong bóng lên đặt miệng vào mũi hình lăng trụ một lúc và khi chiếc bong bóng căng lên, hắn cột miệng lại, chiếc bong bóng bay lên trần nhà. Toàn bộ công việc chỉ mất hơn một giây. - Này, vĩ đại đấy! * * * * * Trong văn phòng của nàng ở Tòa đại sứ, Mary Ashley đang hoàn tất một số công điện hành động cần được chuyển đi ngay. Nàng thật mong buổi tiệc được hoãn lại. Sẽ có hơn hai trăm khách. Nàng hy vọng rằng Mike Slade sẽ bị bắt trước khi buổi tiệc bắt đầu. Tim và Beth được thường xuyên giám thị tại dinh. Tại sao Mike Slade lại phải sát hại chúng chứ? Mary nhớ lại hình như hắn đã thích chơi với chúng như thế nào. Hắn không điên đâu. Mary đứng dậy để bỏ một số giấy tờ vào máy xé giấy và sững người lại. Mike Slade đang bước vào văn phòng nàng qua cửa ngách. Mary mở miệng định la. - Đừng! - Nàng khiếp đảm. Chẳng có ai khá gần cứu được nàng cả. Hắn có thể giết nàng trước khi nàng có thể kêu cứu. Hắn có thể tẩu thoát theo cùng cách hắn đã vào. Làm sao hắn qua được những người gác nhỉ. Mình không được cho cho hắn biết mình kinh hãi như thế nào. - Người của đại tá Mc Kinney đang tìm ông đấy! Ông có thể giết tôi! - Mary thách đố - nhưng ông sẽ không tẩu thoát được. - Bà đã nghe quá nhiều câu chuyện hoang đường đấy! Angel là người duy nhất tìm cách giết bà đấy. - Ồng nói dối. Angel đã chết. Tôi trông thấy hắn bị bắn rồi. - Angel là một tên chuyện nghiệp ở Arhentina. Điều cuối cùng hắn sẽ làm là đi quanh quẩn với những nhãn hiệu Arhentina trong quần áo của hắn và những đồng peso Arhentina trong túi hắn. Cái tên vụng về mà cảnh sát đã giết được là một tên không chuyên được dụng lên đấy. Cứ để hắn nói. - Tôi không tin lời nào ông đang nói cả. Ông đã giết Louis Desforges. Ông đã tìm cách đầu độc tôi. Ông có chối điều ấy không? Mike nhìn nàng chăm chú một lúc. - Không, tôi không chối điều gì. Tốt hơn là bà nên nghe câu chuyện của một người bạn của tôi đi. - Ông ta quay lại phía của vào văn phòng của ông ta. - Vào đi, Bill. Đại tá Mc Kinney bước vào phòng. - Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tất cả chúng ta nói chuyện, thưa bà Đại sứ... Trong phòng kho của dinh, người lạ trong bộ quân phục làm việc của Lục quân đang bơm các quả bong bóng dưới con mắt theo dõi của viên hạ sĩ thủy quân lục chiến. - Trời, quả là một người khách xấu xí duy nhất. - Viên hạ sĩ nghĩ thầm. “Kinh” Viên hạ sĩ không hiểu tại sao những chiếc bong bóng trắng được thổi phồng từ một bình hình trụ, những chiếc bong bóng đỏ từ cái bình thứ hai và những chiếc xanh từ một bình thứ ba. Tại sao không dùng mỗi chiếc bình hình trụ cho đến lúc nó cạn nhỉ? Viên hạ sĩ thắc mắc. Ông ta định hỏi, nhưng ông ta không muốn khơi chuyện. “Với tên này thì không”. Xuyên qua cánh cửa mở dẫn đến phòng khiêu vũ, viên hạ sĩ có thể trông thấy những mâm đồ nguội khai vị được mang từ nhà bếp vào phòng khiêu vũ và đặt trên những chiếc bàn dọc theo căn phòng. “Có lẽ là một bữa tiệc vĩ đại” - Viên hạ sĩ nghĩ thế. Mary đang ngồi trong văn phòng, đối diện với Mike Slade và Đại tá Mc Kinney. - Chúng ta hãy bắt đầu từ đầu. - Đại tá Mc Kinney bảo. - Vào ngày tuyên thệ nhậm chức, khi Tổng thống Ellison loan báo rằng ngài muốn mở quan hệ với mọi quốc gia Đông u, ngài đã cho nổ một quả bom. Có một nhóm trong chính phủ chúng ta tin rằng nếu chúng ta dính líu với Rumani, Liên Xô, Bungari, Anbani, Tiệp Khắc, v.v... cộng sản sẽ tiêu diệt chúng ta. Tại phía bên kia khối Đông u, có những người cộng sản tin rằng kế hoạch của Tổng thống chúng ta là một trò “Con ngựa thành Troie” để đưa gián điệp tư bản vào đất nước họ. Một nhóm các người có thế lực của cả hai bên đã thành lập một liên minh tuyệt mật lấy tên là “Các nhà yêu nước vì tự do”. Họ quyết định rằng con đường duy nhất để tiêu diệt kế hoạch của Tổng thống là để cho ngài khởi sự và rồi phá hoại nó bằng một cách bi thảm đến nỗi nó sẽ chẳng bao giờ được thí nghiệm lại. Đấy là điều bà biết. - Nhưng... Tại sao lại tôi? Tại sao tôi lại được chọn? - Bởi vì bà là gói hàng quan trọng. - Mike lên tiếng - Bà thật là hoàn hảo. Bà đáng tôn thờ: từ miền Trung nước Mỹ với hai đứa con đáng khâm phục - có thiếu chăng là một con chó đáng khâm phục và một con mèo đáng khâm phục. Bà đúng là hình ảnh họ cần - Bà là người Mỹ với hai đứa con sạch sẽ liến thoắng. Họ quyết tâm có bà. Khi chồng bà xen vào lối đi, họ sát hại ông, và làm cho giống như một tai nạn để bà chẳng nghi ngờ gì cả và không từ chối chức vụ. - Ối trời ơi! Sự thô bỉ trong điều ông ta đang nói thật là khiếp đảm. - Bước kế tiếp của họ là quảng cáo cho bà. Qua hệ thống lưới “The Old Boy” họ dùng những liên hệ báo chí của họ khắp thế giới để lo cho bà được trở thành người yêu dấu của mọi người. Bà là người phụ nữ xinh đẹp sẽ đưa thế giới vào con đường đi đến hòa bình. - Và - và bây giờ? Giọng nói của Mike nhẹ nhàng. - Kế hoạch của họ là ám sát bà và lũ trẻ càng công khai và gây công phẫn càng tốt để làm cho thế giới kinh tởm thật nhiều để chấm dứt bất cứ ý nghĩ nào về sự hòa hoãn. Mary ngồi đấy trong im lặng sững sờ. - Điều ấy nói ra thì trắng trợn, - Đại tá Mc Kinney nói một cách điềm tĩnh - nhưng chính xác đấy! Mike làm việc cho CIA. Sau khi chồng bà và Marin Groza bị sát hại, Mike bắt đầu theo vết chân của bọn “Các nhà yêu nước vì tự do”. Họ nghĩ rằng anh ở phe họ và họ mời anh gia nhập. Chúng tôi đã bàn kỹ việc này với Tổng thống Ellison và ngài chấp thuận. Tổng thống đã theo kịp mọi chuyển biến. Tuy nhiên ngài vẫn khăng khăng quan tâm đến việc bảo vệ cho bà và lũ trẻ. Ngài không dám thảo luận điều ngài biết với bà hoặc bất cứ ai khác vì Ned Tillingast giám đốc CIA đã cảnh cáo ngài rằng có những sự tiết lộ ở cấp cao. Đầu của Mary quay mòng mòng. Nàng nói Mike. - Nhưng ông đã tìm cách giết tôi mà. Ông ta thở dài : - Thưa bà, tôi đang cố gắng cứu bà đấy. Tôi đã tìm mọi cách tôi biết để cho bà đưa lũ trẻ về nước để bà được an toàn. - Nhưng ông đã đầu độc tôi. - Không nặng lắm. Tôi muốn cho bà bệnh vừa đủ để bà rời Rumani. Các bác sĩ của chúng ta đang đợi bà đấy. Tôi đã không thể nói với bà sự thật vì việc ấy sẽ phá hủy toàn bộ sự hoạt động và chúng tôi có lẽ sẽ mất cơ hội duy nhất để bắt họ. Ngay cả bây giờ chúng tôi cùng chưa biết ai đã họp tổ chức ấy lại. Hắn không bao giờ dự họp cả. Hắn chỉ được biết dưới cái tên là vị chủ sự thôi. - Còn Louis? - Tay bác sĩ này là một người trong bọn họ. Hắn là kẻ ủng hộ Angel. Hắn là một chuyên viên về chất nổ. Họ bổ nhiệm hắn đến đây để hắn có thể gần gũi với bà. Một cuộc bắt cóc giả được dụng lên và bà được một ông hào hoa cứu. Mike nhìn thấy vẻ mặt của Mary. - Bà cô đơn và dễ bị tấn công và họ lợi dụng vấn đề ấy. Bà không phải là người đầu tiên phải lòng tay bác sĩ tốt bụng ấy đâu. Mary nhớ lại một việc. Người tài xế hay mim cười. Chẳng có người Rumani nào sung sướng cả, chỉ có những người ngoại quốc thôi. Tôi không thích để vợ tôi trở thành quả phụ. Nàng chậm rãi nói : - Florian dự phần trong đấy! Hắn dùng bánh xe xẹp như là một lý do để đưa tôi ra khỏi xe đấy. - Chúng tôi sẽ cho bắt hắn. Có một việc làm Mary thắc mắc : - Mike, tại sao ông lại giết Louis? - Tôi không có cách nào khác cả. Toàn bộ cao điểm của kế hoạch là sát hại bà và lũ trẻ càng ngoạn mục càng tốt một cách công khai. Louis biết tôi là một thành viên của Ủy ban. Khi hắn hình dung ra tôi là người duy nhất đầu độc bà, hắn trở nên nghi ngờ tôi. Đấy không phải là cách bà được đề nghị phải chết. Tôi phải giết hắn trước khi hắn tố giác tôi! Mary ngồi đây lắng nghe trong lúc những mảnh vụn của sự hoang mang rơi vào vị trí. Người đàn ông nàng không tin tưởng đã đầu độc nàng để giữ sinh mạng của nàng và người đàn ông mà nàng đã nghĩ rằng nàng yêu đã cứu nàng để cho một cái chết bi thảm hơn. Nàng và con nàng đã bị lợi dụng. - Mình là vật hy sinh của Judas. Tất cả sự nồng nàn mà mọi người to ra cho mình đều giả dối cả. Người thật duy nhất là Stanton Rogers. Hoặc ông ấy là... - Stanton! - Mary bắt đầu - Có phải ông ấy... - Ông ấy bảo vệ bà suốt từ trước đến nay - Đại tá Mc Kinney quả quyết với nàng - Khi ông ấy nghĩ Mike là người định giết bà, ông ấy đã ra lệnh cho tôi bắt anh ấy. Mary quay sang nhìn Mike. Anh đã được đưa đến đây để bảo vệ nàng và từ trước đến nay nàng đã nhìn anh như kẻ thù. Tư tưởng nàng bấn loạn. - Louis chưa bao giờ có vợ con à? - Chưa? Mary nhớ lại một việc. - Nhưng tôi đã nhờ Eddie Maltz kiểm tra rồi và ông ấy đã nói tôi rằng Louis đã có vợ và hai đứa con gái mà. Mike và đại tá Mc Kinney nhìn nhau trao đổi. - Hắn sẽ được săn sóc đến. - Mc Kinney nói - Tôi sẽ đưa hắn đi Frankfurt. Tôi sẽ cho người bắt hắn. - Ai là Angel? - Mary hỏi. Mike trả lời. - Hắn là một tên sát nhân từ Nam Mỹ đến. Có lẽ hắn là tay khá nhất trên thế giới đấy. Ủy ban đã đồng ý trả cho hắn 5 triệu đô-la để giết bà đấy! Mary lắng nghe những lời ấy với vẻ hoài nghi. Mike tiếp tục nói. - Chúng tôi biết hắn đến Bucarest. Thông thường chúng tôi theo dõi được mọi thứ - sân bay, đường xá, ga tàu hoả, nhưng chúng tôi không có được một tí mô tả nào về Angel cả. Hắn dùng cả chục hộ chiếu khác nhau. Chưa bao giờ có ai nói chuyện trực tiếp với hắn cả. Họ giao dịch qua nhân tình của hắn, Neusa Munez. Các nhóm khác nhau trong Ủy ban thật ngăn cách nên tôi không thể nào biết được ai đã được phân công để giúp hắn ở đây cả, hoặc biết được kế hoạch của Angel như thế nào. - Điều gì sẽ ngăn không cho hắn giết tôi? - Chúng tôi, - Đại tá Mc Kinney lên tiếng - với sự giúp đỡ của chính quyền Rumani, chúng tôi đã áp dụng những biện pháp thận trọng đặc biệt cho bữa tiệc tối nay. Chúng tôi đã bao quát mọi biến cố nào bất ngờ có thể xảy ra. - Việc gì xảy ra bây giờ? - Mary hỏi. Mike cẩn thận nói : - Điều ấy tùy bà thôi. Angel đã được ra lệnh phải thi hành hợp đồng tại buổi tiệc của bà tối nay. Chúng tôi chắc chúng tôi có thể bắt được hắn, nhưng nếu bà và lũ trẻ không có mặt tại bữa tiệc... - Giọng nói của ông ta giảm dần. - Lúc ấy hắn sẽ không cố gắng làm điều gì cả! - Hôm nay thì không. Nhưng sớm muộn gì, hắn cũng sẽ cố gắng lại... - Ông nhờ tôi tự làm mục tiêu đây mà. Đại tá Mc Kinney nói. - Bà không cần phải đồng ý, thưa bà Đại sứ. Mình có thể chấm dứt việc này lúc này đây. Mình có thể trở về lại Kansas với con mình và để cơn ác mộng lại sau lưng. Mình có thể làm lại cuộc đời, đi dạy học, sống như một người bình thường. Chắng ai muốn ám sát những cô giáo cả. Angel sẽ quên mình đi. Nàng nhìn lên Mike và đại tá Mc Kinney và nói : - Tôi sẽ không đưa con tôi ra bày với nguy hiểm. Đại tá Mc Kinney nói : - Tôi có thể thu xếp cho Beth và Tim biến đi khỏi dinh và mang trở về đây dưới sự hộ tống. Mary nhìn Mike một lúc lâu. Cuối cùng nàng lên tiếng. - Một kẻ hy sinh của Judas ăn mặc như thế nào? Chương 30 Tại Tòa đại sứ, trong văn phòng của đại tá Mc Kinney, hai chục quân nhân thủy quân lục chiến đang nghe lệnh. - Tôi muốn dinh được canh phòng như Pháo đài Knox! - Đại tá Mc Kinney quát - Người Rumani cùng cộng tác với chúng ta. Ionescu sẽ cho binh sĩ cửa ông lập vòng đai cách xa quảng trường. Không ai được qua vòng đai mà không có thẻ. Chúng ta sẽ có những điểm kiểm soát riêng của chúng ta tại mỗi lối ra vào dinh. Mọi người ra vào đều phải đi qua một máy dò kim khí. Chúng ta sẽ có những người bắn tỉa trên mái. Còn câu hỏi nào không? - Không, thưa ngài. - Tan hàng. Có một cảm giác xúc động kinh khủng trong không khí. Những ngọn đèn pha lớn xung quanh dinh, chiếu lên một góc trời. Đàm đông được đưa đi bằng một toán hỗn hợp MP Mỹ và cảnh sát Rumani. Những người mạc thường phục xen lẫn với đám đông, tìm kiếm bất kỳ điều gì khả nghi. Một số đi xung quanh với những con cảnh khuyển đã được huấn luyện đã phát hiện chất nổ. Phái đoàn báo chí đông kinh khủng. Có những nhiếp ảnh viên và phóng viên từ cả chục quốc gia. Tất cả bọn họ đã được kiểm tra kỹ lưỡng và dụng cụ của họ đều bị lục soát trước khi họ được phép vào dinh. - Đêm nay một con gián cũng không lẻn vào được trong chỗ này. - viên sĩ quan thủy quân lục chiến phụ trách về an ninh lên tiếng khoác lác. * * * * * Trong phòng kho, viên hạ sĩ thủy quân lục chiến đã nhìn chán chê người mặc đồ làm việc lục quân đang bơm các bong bóng. Anh ta lôi ra một điếu thuốc và bắt đầu đốt lên. Angel hét lên : - Hãy tắt cái ấy đi! Người lính thủy quân lục chiến nhìn lên, giật mình! - Chuyện gì thế? Bạn đang bơm những thứ ấy bằng hélium phải không? Hélium không cháy mà. - Tắt đi! - Đại tá Mc Kinney đã nói không được hút thuốc ở đây. Người lính thủy quân lục chiến càu nhàu : - Cứt! Anh ta thả điếu thuốc xuống và nện đế giày lên. Angel nhìn để biết chắc không còn đốm lửa nào còn lại cả, rồi quay trở lại công việc bơm mỗi chiếc bong bóng bằng một hình trụ khác nhau. - Đúng là hélium không cháy, nhưng chẳng có chiếc bình hình trụ nào trong số này chứa hélium cả. Bình thứ nhất đầy chất propane, bình thứ hai với phốt-pho trắng và bình thứ ba là một hỗn hợp oxygen-acetylen. Angel chỉ giữ lại trong mỗi bình vừa đủ khí hélium vào đêm hôm trước để làm cho các bong bóng bay lên. Angel bơm các bong bóng trắng bằng chất propane, bong bóng đỏ bằng oxygen-aeetylen và bong bóng xanh bằng phốt-pho trắng. Khi nào các bong bóng phát nổ chất phốt-pho trắng sẽ tác động như một chất để đốt cháy những khí thoát ra đầu tiên, hút dưỡng khí để mọi người đều bị nghẹt thở trong vòng 50 thước. Ngay lúc ấy, phốt-pho sẽ chuyển thành một chất lỏng kim loại nấu chảy nóng làm khô héo lơi xuống trên mọi người trong phòng. Tác dụng nhiệt sẽ phá hủy phổi và cuống họng. Và sự nổ tung sẽ san bằng một khu vực, một khu nhà ở vuông. Sẽ ngoạn mục đấy! Angel đứng thẳng dậy và nhìn những chiếc bong bóng sặc sỡ bay chạm vào trần phòng kho chứa. - Tôi xong rồi. - Được! - Viên hạ sĩ nói - Bây giờ chúng ta chỉ việc đẩy những em bé này ra phòng khiêu vũ để mua vui cho khách. Hãy giúp tôi đưa những bong bóng này ra khỏi đây. Một người gác mở rộng những cánh cửa dẫn đến phòng khiêu vũ. Căn phòng đã được trang trí với những lá cờ Mỹ và những lá cờ đỏ, trắng, xanh. Ở phía xa là chiếc bục được thiết lập lên cho ban nhạc. Phòng khiêu vũ đã đầy khách khứa tự phục vụ ở bàn giải khát được đặt tại hai bên căn phòng. - Phòng đẹp đấy - Angel nói. Trong một giờ nữa nó sẽ đầy những thây ma cháy - Tôi có thể chụp một bức ảnh được không? Viên hạ sĩ nhún vai. - Tại sao không? Cứ việc, bạn ơi. Các quân nhân thủy quân lục chiến chen qua Angel và bắt đầu đẩy các quả bóng vào phòng khiêu vũ và trông chúng bay cao lên trần nhà. - Từ từ. - Angel lên tiếng cảnh cáo - Từ từ đi. - Đừng lo! - Một quân nhân thủy quân lục chiến gọi to - Chúng tôi sẽ không làm nổ những chiếc bong bóng quí giá của bạn đâu. Angel đứng ở ngưỡng cửa, nhìn những màu sắc hỗn loạn đang bay lên cao như một chiếc cầu vồng đang hiện ra và mỉm cười. Một nghìn những vật xinh xắn giết người đã nằm im trên trần nhà. Angel lôi từ trong túi ra một chiếc máy ảnh và bước vào phòng khiêu vũ. - Này! Bạn không được phép vào trong đấy - Viên hạ sĩ nói. - Tôi chỉ muốn chụp một bức anh để cho con gái tôi xem thôi. Mình sẽ đánh cá xem có phải là một cô gái đẹp không đấy viên hạ sĩ suy nghĩ một cách mỉa mai. - Được! Nhưng làm nhanh lên. Angel liếc qua phòng đến lối vào. Đại sứ Mary Ashley đang đi vào với hai đứa con nàng. Angel cười toe toét. Việc canh giờ thật tuyệt. Khi viên hạ sĩ quay quay lưng, Angel nhanh nhẹ đặt chiếc máy ảnh xuống dưới một chiếc bàn đã phủ khăn. Nơi đấy nó không thể nào bị nhìn thấy. Dụng cụ canh giờ tự động bằng động cơ được đặt chậm lại một giờ. Mọi việc đều sẵn sàng. Người thủy quân lục chiến tiến đến. - Tôi xong rồi. - Angel nói. - Tôi sẽ cho người hộ tống bạn ra. - Cám ơn. Năm phút sau. Angel đã ra khỏi dinh, đi dạo xuống dọc theo đường Alexandru Sahia. Mặc dù đấy là một đêm nóng nực và ẩm ướt, khu vực bên ngoài dinh Đại sứ Mỹ đã trở nên như một nhà thương điên. Cảnh sát đang phấn đấu để đẩy lui lại hàng trăm người Rumani tò mò lũ lượt kéo đến. Mọi ngọn đèn trong dinh đều được bật lên và tòa nhà sáng rực lên trong bầu trời đêm. Trước khi buổi liên hoan bắt đầu, Mary đã đưa con nàng lên lầu. - Chúng ta sẽ có một cuộc họp gia đình - Nàng nói. Nàng cảm thấy nàng đang nợ chúng một sự thật. Chúng ngồi đấy lắng nghe, mắt mở to ra, trong lúc mẹ chúng giải thích điều đã xảy ra và điều gì có thể sẽ xảy ra. - Mẹ sẽ lo cho các con không bị nguy hiểm! - Mary nói - Các con sẽ được đưa ra khỏi đây, nơi các con sẽ được an toàn. - Nhưng còn mẹ thì sao? - Beth hỏi - Có người định giết mẹ. Mẹ không thể đến với chúng con. - Không, con yêu. Không, nếu chúng ta muốn biết người đàn ông này. Tim cố gắng không khóc. - Làm sao mẹ biết rằng họ sẽ bắt được ông ta? Mary suy nghĩ một lúc rồi nói : - Vì Mike Slade nói thế. Đồng ý không, các bạn! Beth và Tim nhìn nhau. Cả hai đều tái mặt, kinh hãi. Quả tim của Mary cũng theo ra với chúng. - Chúng còn quá trẻ để phải theo ra sự việc này. - Nàng nghĩ thế - Bất cứ ai cũng đều quá trẻ để phải trải qua việc này. Mười lăm phút sau, Mary, Beth và Tim bước vào phòng khiêu vũ. Họ bước qua sàn nhà, chào những người khách và cố gắng giấu vẻ lo âu của họ. Khi họ đến phía kia của căn phòng, Mary quay lại con nàng. - Các con có bài làm ở nhà. - Nàng lớn tiếng nói - Hãy quay về phòng các con nhé. Nàng nhìn chúng đi và cảm thấy như chặn nghẹn ở cổ. Mình rất hy vọng rằng Mike Slade biết đến điều ông ấy đang làm. Có một tiếng loảng xoảng lớn và Mary giật bắn người. Nàng quay một vòng để xem việc gì xảy ra, tim nàng đập mạnh. Một người hầu bàn đã đánh rơi một cái khay và đang nhặt những chiếc đĩa vỡ. Mary cố gắng để tim nàng đập lại bình thường. Angel đặt kế hoạch ám sát nàng bằng cách nào nhỉ? Nàng nhìn quanh gian phòng khiêu vũ lộng lẫy, nhưng không tìm ra manh mối gì cả. Lúc lũ trẻ rời khỏi phòng khiêu vũ, chúng được đại tá Mc Kinney hộ tống đến lối ra vào của những người phục vụ. Ông nói với hai quân nhân thủy quân lục chiến võ trang đang đợi ở cửa : - Đưa các cháu đến văn phòng của Đại sứ. Đừng để chúng nó rời khỏi tầm mắt của các anh đấy. Beth ngập ngừng. - Mẹ sẽ thực sự không việc gì chứ? - Mẹ cháu sẽ khoẻ thôi. - Mc Kinney lên tiếng hứa. Và ông cầu mong cho ông nói đúng. Mike Slade nhìn Tim và Beth đi ra rồi đi tìm Mary. - Lũ trẻ đã đi khỏi rồi. Tôi phải kiểm tra một số việc. Tôi sẽ trở lại. - Đừng bỏ tôi. - Nàng thốt lên trước khi nàng có thể ngăn những lời ấy lại - Tôi muốn đi với ông! - Tại sao thế? Nàng nhìn anh và thành thật nói : - Tôi cảm thấy an toàn hơn khi có ông đấy! Mike bật cười. - Bây giờ thay đổi đây. Nào đi. Mary theo sát sau lưng anh. Ban nhạc đã bắt đầu chơi và người ta đang khiêu vũ. Tiết mục biểu diễn là những bài hát Mỹ, hầu hết là những bản nhạc của Broadway. Họ chơi những bản hòa tấu Oklahoma và South Pacific, Annie Get Your Gun và My Fair Lady. Khách dự vô cùng thích thú. Những người không khiêu vũ đang tự lấy thức uống ở những khay champagne bạc được đưa đến hoặc từ những bàn giải khát. Căn phòng trông thật ngoạn mục. Mary ngẩng đầu lên những quả bóng bay, hàng nghìn quả - đỏ, trắng, xanh - bay dính vào trần nhà màu hồng. Thật là lễ ra lễ. - Ước gì cái chết không phải là một phần của nó nhỉ. - Nàng nghĩ thế. Thần kinh của nàng quá căng thẳng đến nỗi nàng đã sẵn sàng để hét lên. Một người khách chạm nhẹ vào nàng nhưng nàng cứ nghĩ rằng đấy là một chiếc kim chết người đang đâm vào. Hoặc không biết có phải Angel sắp bắn nàng trước mặt tất cả những người này không? Hoặc đâm nàng? Sự hồi hộp về điều sắp xảy ra thực không chịu nổi. Ở giữa những người khách đang nói chuyện, cười cợt với nhau, nàng cảm thấy trơ trọi và dễ bị tấn công quá. Angel có thể có mặt bất cứ ở đâu. Hắn có thể đang quan sát nàng vào lúc này. - Ông có nghĩ rằng bây giờ Angel đang có mặt ở đây không? - Mary hỏi. - Tôi không biết. - Mike nói. Và đấy là điều đáng sợ nhất. Anh nhìn thấy vẻ mặt nàng - Này, nếu bà muốn đi... - Không. Ông đã nói tôi là miếng mồi. Không có mồi, hắn sẽ không sập bẫy đâu. Anh gật đầu và bóp cánh tay nàng. - Đúng! Đại tá Mc Kinney tiến đến gần. - Chúng tôi đã lục soát kỹ lưỡng Mike ạ. Chúng tôi không thể nào tìm ra gì cả. Tôi không thích... - Chúng ta hãy nhìn quanh một lúc nữa xem! Mike ra dấu cho bốn quân nhân thuy quân lục chiến đang đứng cạnh đấy, và họ bước đến cạnh Mary. - Sẽ trở lại ngay - Mike nói. Mary chịu đựng một cách lo lắng. - Xin mời. Mike và đại tá Mc Kinney, cùng đi với hai nhân viên bảo vệ với những con cảnh khuyển, lục soát từng phòng trên lầu trong Dinh Đại sứ. - Chẳng có gì cả - Mike nói. Họ nói với một quân nhân thủy quân lục chiến đang đứng gác ở cầu thang phía sau. - Có người lạ nào đến đây không? Họ xuống phòng khách ở tầng dưới. Một quân nhân thủy quân lục chiến đang đứng gác. Anh ta chào và đứng sang bên cạnh để họ vào. Corona Socoli đang nằm trên giường đọc một quyển sách Rumani. Trẻ, đẹp và tài năng, báu vật quốc gia của Rumani đấy. Có thể cô ta được cài vào không? Cô ta có thể nào đang trợ lực cho Angel không? Corona nhìn lên. - Tôi xin lỗi, tôi sẽ vắng mặt tại bữa tiệc. À mà thôi. Tôi sẽ ở đây và đọc cho xong quyển sách. - Cứ làm như thế. - Mike nói. Anh đóng cửa lại. - Hãy cố gắng lại ở tầng dưới xem! Họ trở lại nhà bếp. - Về thuốc độc thì sao? - Đại tá Mc Kinney hỏi. - Hắn sẽ dùng không? Mike lắc đầu. - Không đủ ăn ảnh đâu. Angel sẽ làm một vố lớn! - Mike, chẳng có ai có cách nào mang chất nổ vào địa điểm này đâu. Các chuyên viên của chúng ta đã xem xét, chó đã kiểm tra kỹ - địa điểm sạch sẽ. Hắn không thể tấn công chúng ta xuyên qua mái nhà, bởi vì chúng ta có hỏa lực trên đấy. - Không thể được! - Có một cách. Đại tá Mc Kinney nhìn Mike. - Cách nào? - Tôi không biết, nhưng Angel biết. Họ lại lục soát các thư viện và các văn phòng. Chẳng có gì cả. Họ đi qua phòng nhà kho nơi viên - hạ sĩ và người của ông ta đang đẩy những quả bong bóng bay cuối cùng ra và ngắm chúng bay lên trần nhà. - Đẹp chứ? - Viên hạ sĩ nói. Họ bắt đầu bước đi. Mike chợt dừng lại. - Hạ sĩ những quả bong bóng này từ đâu đấy? - Thưa ngài, từ căn cứ không quân Mỹ tại Frankfurt đấy. Mike chỉ những bình hélium hình trụ. - Còn những cái này? - Cùng địa điểm. Chúng được hộ tống đến nhà kho của chúng tôi theo lệnh của ngài, thưa ngài. Mike nói đại tá Mc Kinney. - Chúng ta hãy bắt đầu lại trên lầu đi. Họ quay lại để đi. Viên hạ sĩ nói. - Ồ, thưa đại tá cái người mà ngài gửi đến đã quên không để lại một phiếu tính giờ. Cái ấy sẽ được giao cho ban lương bổng quân sự hay dân sự? Đại tá Mc Kinney cau mày. - Người nào? - Người duy nhất mà ngài cho phép bơm các quả bóng đấy. Đại tá Mc Kinney lắc đầu. - Tôi chưa bao giờ - ai nói tôi cho phép? - Eddie Maltz. Ông ấy nói ngài... Đại tá Mc Kinney nói : - Eddie Maltz à? Tôi đã ra lệnh cho ông ta đi Frankfurt rồi. Mike quay lại viên hạ sĩ, giọng anh khẩn cấp. - Người đàn ông ấy trông như thế nào? - Ô, đấy không phải là một người đàn ông, một phụ nữ đấy. Nói thật với ngài, tôi nghĩ rằng bà ta trông lạ lắm. Mập và xấu xí. Bà ta có một giọng nói buồn cười. Mặt bà ta mập phị ra và còn rỗ nữa chứ. Mike nói với đại tá Mc Kinney, giọng kích động : - Nghe như lời mô tả của Harry Lantz về Neusa Munez mà hắn đã cho Ủy ban biết đấy. Sự phát giác gây xúc động cho cả hai một lúc. Mike chậm rãi nói. - Ồ, lạy Chúa. Neusa Munez là Angel? - Anh chỉ những chiếc bình hình trụ - Mụ ấy bơm bong bóng bằng những cái này à? - Vâng, thưa ngài. Thực buồn cười. Tôi đã châm một điếu thuốc, nhưng bà ta hét nói tôi tắt đi. Tôi nói! “Hélium không cháy mà”, - nhưng bà ta nói... Mike nhìn lên. - Những quả bong bóng! Chất nổ trong những quả bong bóng! Hai người trố mắt nhìn lên trần nhà cao phủ đầy những quả bong bóng, xanh, trắng, đỏ ngoạn mục. - Mụ ấy sẽ dùng một loại dụng cụ kiểm soát xa để cho chúng phát nổ đấy. - Anh quay lại hỏi viên hạ sĩ - Mụ đã đi bao lâu rồi? - Tôi đoán độ một giờ trước. Dưới chiếc bàn, không ai nhìn thấy, dụng cụ canh giờ còn lại sáu phút trên mặt đồng hồ. Mike đang điên cuồng nhìn qua căn phòng rộng. - Có lẽ mụ ấy đặt nó bất kỳ ở đâu đây. Nó có thể phát nổ bất cứ giây phút nào. Chúng ta không thể phát hiện nó kịp thời đâu. Mary đến gần. Mike quay lại phía nàng. - Bà hãy dọn trống căn phòng. Nhanh? Hãy thông báo. Bà nói thì hay hơn. Cho mọi người ra ngoài. Nàng nhìn anh, hoang mang. - Nhưng... tại sao? Việc gì đã xảy ra thế? - Chúng tôi đã tìm ra đồ chơi của người bạn chúng ta! - Mike giận dữ nói. Anh đưa tay chỉ. - Những quả bong bóng ấy. Chúng sẽ giết người đấy! Mary nhìn lên những quả bong bóng bay, sự kinh hãi lộ rõ trên nét mặt nàng. - Chúng ta không thể lấy xuống à? Mike quát lại. - Có lẽ độ một nghìn quả đấy. Vào lúc bà bắt đầu lấy xuống, từng quả một... Cổ nàng khô quá đến nỗi hầu như nàng không thể thốt nên lời. - Mike - tôi biết một cách! Hai người đang ông trố mắt nhìn nàng. - Sự điên rồ của Đại sứ. Mái nhà ấy. Nó mở đôi ra được. Mike cố gắng kiềm chế sự phấn khởi của ông ta. - Nó hoạt động cách nào! - Có một công tắc... - Không! - Mike nói. - Không được dùng cái gì là điện cả. Một tia lửa có thể làm nổ tung tất cả. Có thể điều khiển bằng tay không? - Có. - Những lời nói thi nhau tuôn ra - Mái nhà được chia đôi ra. Mỗi bên có một tay quay... - Nàng đang tự nói với mình. Hai người đàn ông điên cuồng chạy lên lầu. Khi họ lên đến tầng trên cùng, họ trông thấy cửa thông vào một góc xếp, họ chạy ùa vào. Có một chiếc thang gỗ đưa đến một lối đi men cầu được những người thợ dùng để lau chùi trần phòng khiêu vũ. Một chiếc tay quay được cột vào tường. - Có lẽ có một cái nữa ở bên kia. - Mike nói. Anh bắt đầu phóng qua lối đi men cầu, vạch lối đi qua những quả bong bóng chết người, cố gắng giữ thăng bằng, cố gắng không nhìn xuống đám người ở xa bên dưới. Một luồng gió đẩy một bong bóng vào người anh và anh trượt chân. Một chân trượt ra khỏi lối đi men cầu. Anh bắt đầu ngã. Anh chộp được những tấm ván lúc ngã và bám vào. Từ từ, anh cố gắng đi lên được. Người anh đẫm mồ hôi. Anh nhích nhích từng bước suốt đoạn đường còn lại. Cột vào tường và tay quay. - Tôi đã sẵn sàng. - Mike gọi vị đại tá - Cẩn thận đấy Không được di chuyển đột ngột đấy. - Được! Mike bắt đầu quay tay quay rất chậm. Mike không thể nào trông thấy đại tá Mc Kinney vì các quả bong bóng, nhưng anh có thể nghe âm thanh của chính tay quay bên kia quay. Từ từ, rất từ từ, mái nhà bắt đầu tách đôi ra. Một số ít bong bóng được nhấc bổng nhờ khí hélium bay vào bầu không khí đêm và trong lúc mở rộng hơn nhiều quả bong bóng khác bắt đầu thoát ra. Cả trăm quả tràn qua lối mở, nhảy múa vào màn đêm đầy sao, lôi theo những tiếng ồ và à của những người khách kinh ngạc bên dưới và đám người ngoài đường phố. Ở tầng dưới còn lại 45 giây trên chiếc máy canh giờ. Một đám bong bóng nằm ở bìa trần nhà, ngoài tầm với tay của Mike. Anh rướn tới, cố gắng giải thoát chúng. Chúng lúc lắc sát tầm với của những đầu ngón tay của anh. Một cách cẩn thận, anh xê ra trên lối đi men cầu, chẳng còn gì để vịn cả và rướn tới để đẩy chúng thoát ra. Xong! Mike đứng đấy nhìn quả bóng cuối cùng thoát ra. Chúng bay lên càng lúc càng cao, tô điểm màn đêm nhung với những màu sặc sỡ của chúng và bỗng nhiên bầu trời phát nổ. Có tiếng nổ ầm ầm kinh khủng và những ngọn lửa đỏ và trắng bắn cao trong bầu không khí. Đấy là một buổi lễ mừng ngày 4-7 chưa từng trông thấy trước kia. Bên dưới, mọi người đều vỗ tay. Mike nhìn theo, kiệt quệ, quá mệt mỏi để di chuyển. Xong rồi. * * * * * Cuộc bố ráp được tính toán sẽ xảy ra đồng loạt, tại những góc trời bao la của thế giới. Floyd Baker, bộ trưởng quốc phòng, đang nằm trên giường với tình nhân khi cánh cửa mở tung ra. Bốn người đàn ông bước vào phòng. - Trời ơi, các ông có ý gì bằng... Một người chìa ra một thẻ hình sự. - FBI, thưa ngài Bộ trưởng. Ngài bị bắt. Floyd Baker trố mắt nhìn họ lộ vẻ hoài nghi. - Có lẽ các ông điên rồi. Vì tội gì? - Phản bội, Thor. Tướng Oliver Brooks Odin, đang ăn sáng tại câu lạc bộ của ông khi hai nhân viên FBI bước đến bàn bắt ông ta. NGÀL ALEX HYDE - WHITE, KBE, MP, FREYR, đang nâng ly rượu chúc mừng tại một bữa ăn tối ở Quốc hội khi người chiêu đãi viên của câu lạc bộ tiến lại gần ngài. - Cho tôi xin lỗi, thưa ngài Alex. Có vài ông đợi bên ngoài muốn nói một lời với ngài... Tại Paris, trong phòng nghị viện của Cộng hòa Pháp, nghị sĩ Balder được gọi ra phòng và bị DGSE bắt. Tại tòa Quốc hội ở Calcutta, phát ngôn viên của Loh Sabha Vishnu, bị ấn vào một chiếc xe hòm và bị tống ngục. Tại Rome, Nghị sĩ của Camera dei Deputati, Tyr, đang tắm theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ khi ông ta bị bắt. Cuộc càn quét tiếp tục. Tại Mehico, Anbani và Nhật Bản, có những viên chức cao cấp bị bắt và tống giam. Một uỷ viên Bundestag tại Tây Đức, một nghị sĩ Nationalrat tại Áo. Các cuộc bắt bớ bao gồm cả một giám đốc của một hãng tàu lớn và một lãnh tụ hiệp hội có thế lực. Một nhà truyền bá phúc âm truyền hình và người cầm đầu của một cartel dầu hoả. Eddie Maltz bị bắn chết trong lúc tìm cách trốn thoát. Peter Connors tự sát lúc các nhân viên FBI tìm cách phá cửa dể vào văn phòng ông ta. Mary và Mike Slade ngồi trong phòng cách âm, nhận báo cáo từ khắp thế giới. Mike đang ôm máy điện thoại - Vreeland? - Anh nói - Ông ta là một quân cảnh trong chính quyền Nam Phi đấy. - Anh đặt ống nghe xuống và quay sang Mary - Họ đã bắt được hầu hết. Ngoại trừ vị chủ sự Neusa Munez - Angel. - Chẳng ai biết Angel là một người phụ nữ cả ư? - Mary kinh ngạc. - Không. Mụ ta đã lừa cả chúng tôi. Lantz đã mô tả mụ ta cho Ủy ban của “Các nhà yêu nước vì tự do” như là một người đần độn, mập, xấu xí. - Còn về vị chủ sự? - Mary hỏi. - Chưa từng có ai trông thấy ông ta cả. Ông ta ra lệnh qua điện thoại. Ông ta là một nhà tổ chức xuất sắc đấy. Ủy ban được phân ra thành những tổ nhỏ, để nhóm này không bao giờ biết được nhóm kia đang làm gì. * * * * * Angel giận dữ, quả thật còn hơn là giận dữ nữa. Mụ trông như một con thú điên. Không biết cách nào hợp đồng đã bị sai, nhưng mụ đã chuẩn bị để đền bù lại. Mụ đã gọi số riêng tại Washington và dùng giọng buồn tẻ, vô tình của mụ nói : - Angel bảo nói với ngài đừng lo. Có một sự sơ sót nào đấy, nhưng ông ấy sẽ lo cho việc ấy, thưa ngài. Lần sau họ sẽ đều chết cả và... - Sẽ không có lần sau đâu - Giọng nói ấy đã nổ tung như thế - Angel đã làm hỏng việc. Hắn còn tệ hơn một tên nghiệp dư nữa. - Angel bảo tôi... - Tôi không trách điều hắn bảo cô. Hắn bị hủy hợp đồng. Hắn sẽ chẳng được một xu nào cả. Hãy bảo thằng chó đẻ ấy tránh xa ra. Tôi sẽ tìm một người khác biết làm công việc ấy. Và ông ta đã dằn mạnh điện thoại xuống. - Cái thằng chó đẻ ấy - Chẳng bao giờ có ai dám cư xử với Angel như thế và chẳng có ai sống để nói như thế. Niềm tự hào đã bị đe dọa. Người đàn ông ấy phải trả giá. Ô, hắn sẽ trả giá bằng cách nào nhỉ. Điện thoại riêng reo trong phòng cách âm. Mary nhấc lên. Đấy là Stanton Rogers. - Mary. Bà được an toàn! Con bà ổn cả chứ? - Chúng tôi đều khỏe cả, Stan ạ. - Tạ ơn Chúa vì nó đã qua rồi. Hãy nói cho tôi chính xác điều gì đã xảy ra. - Angel đấy. Mụ ta định cho dinh nổ tung và... - Bà muốn nói “Ông ta” chứ? - Không. Angel là một người đàn bà. Tên mụ ta là Neusa Munez. Có một sự im lặng dài kinh ngạc. - Neusa Munez. À? Con người đần độn, mập, xấu xí ấy là Angel à? Mary bỗng cảm thấy toàn thân lạnh buốt. Nàng chậm rãi nói. - Đúng đấy, Stan. - Có việc gì tôi có thể làm cho bà không, Mary? - Không. Tôi đang lên đường đi thăm lũ trẻ. Tôi sẽ nói chuyện với anh sau. Nàng đặt ống nghe xuống và ngồi đấy bàng hoàng. Mike nhìn nàng. - Việc gì vậy? Nàng quay sang anh. - Ông bảo rằng Harry Lantz chỉ kể lại cho các thành viên của Ủy ban rằng Neusa Munez trông như thế nào à? - Vâng. - Stanton Rogers vừa mới mô tả mụ ấy đấy! Khi phi cơ của Angel đáp xuống sân bay Dulles, mụ đến một phòng điện thoại và quay số điện thoại riêng của vị chủ sự. Giọng nói quen thuộc lên tiếng : - Stanton Rogers đây! Hai ngày sau, Mike, đại tá Mc Kinney và Mary đang ngồi trong phòng hội của Tòa đại sứ. Một chuyên viên điện tử vừa kiểm tra xong các máy nghe lén. - Bây giờ tất cả đều ăn khớp với nhau đấy. - Mike lên tiếng - Vị chủ sự phải là Stanton Rogers, nhưng không một ai trong chúng ta có thể thấy điều ấy cả. - Nhưng tại sao ông ấy muốn giết tôi chứ? - Mary hỏi - Lúc đầu, ông ấy chống lại việc bổ nhiệm tôi làm Đại sứ mà. Chính ông ấy bảo tôi như thế! Mike giải thích. - Một khi ông ấy nhận ra bà và con bà tượng trưng cho điều gì, mọi việc đều ăn khớp. Sau đấy, ông ấy tranh đấu cho bà được bổ nhiệm. Đấy là điều đã làm chúng tôi mất dấu. Ông ấy đứng sau lưng bà suốt thời gian, lo cho bà đượ quảng cáo trên báo chí, chắc chắn để bà được những người được xác định nhìn thấy tại những địa điểm được xác định. Mary rùng mình. - Tại sao ông ta muốn dính líu? - Stanton Rogers không bao giờ tha thứ cho Paul Ellison về việc ngài làm Tổng thống. Ông ta cảm thấy bị lừa. Ông ta khởi sự với tư cách một người phóng túng và ông ta cưới một người phản động cánh hữu. Tôi đoán có lẽ vợ ông ta đã thay đổi ông ta đấy. - Họ đã tìm ra ông ta chưa? - Không. Ông ta đã biến mất. Nhưng ông ta không thể trốn tránh lâu lắm đâu. Hai ngày sau, cái đầu của Stanton Rogers được tìm thấy trong một đống rác. Mắt ông đã bị móc mất. Chương 31 Tổng thống Paul Ellison gọi từ tòa Bạch Ốc. - Tôi từ chối chấp thuận đơn từ chức của bà. - Xin lỗi Tổng thống, nhưng tôi không thể... - Mary, tôi biết bà đã phải trải qua nhiều điều như thế nào, nhưng tôi yêu cầu bà ở lại nhiệm sở của bà tại Rumani đấy. - Tôi biết bà đã phải trải qua nhiều điều như thế nào? - Có ai có ý kiến nào không? Khi nàng đến, nàng đã quá ngây thơ không tin được, đầy lý tưởng và những hy vọng cao như thế. Nàng sẽ là biểu tượng và tinh thần của quốc gia nàng. Nàng sẽ chỉ cho thế giới thấy những người Mỹ thật sụ tuyệt vời như thế nào; và suốt thời gian ấy nàng đã bị lợi dụng. Nàng đã bị lợi dụng bởi chính Tổng thống nàng, chính phủ nàng và mọi người quanh nàng. Nàng và con nàng đã bị đặt vào một sự nguy hiểm chết người. Nàng nghĩ đến Edward và cách thức chàng bị sát hại, và đến Louis với những lời nói dối và cái chết của hắn. Nàng nghĩ đến những sự tàn phá mà Angel đã gieo rắc. - Mình không còn là con người khi mình đến đây nữa. - Mary nghĩ thế - Mình ngây thơ. Mình đã trưởng thành qua con đường gian khổ, nhưng mình đã trưởng thành. Mình đã thành đạt được một điều gì ở đây. Mình đã đưa được Hannah Murphy ra khỏi ngục và mình đã giao dịch về ngũ cốc. Mình đã cứu sống con trai Ionescu và mình đã giúp người Rumani vay tiền cho ngân hàng của họ. Mình đã cứu một số người Do Thái. - Alô. Bà có ở đấy không? - Vâng, thưa ngài. - Nàng nhìn Mike Slade qua bàn giấy của nàng. Anh đang ngồi thườn thượt trong chiếc ghế, nhìn nàng đăm đăm. - Bà đã làm một công việc thật nổi bật đấy - Tổng thống nói - Chúng tôi đều hãnh diện vì bà kinh khủng. Bà đã xem báo chưa? Nàng không trách báo chí. - Bà là người chúng tôi cần ở đấy. Bà sẽ làm được cho quốc gia chúng ta một việc lớn, bà thân mến ạ. Tổng thống đang đợi một câu trả lời. Mary đang suy nghĩ, cân nhắc quyết định của nàng. Mình đã trở thành một Đại sứ thật tốt và còn quá nhiều việc vẫn cần làm thêm ở đây. Cuối cùng, nàng lên tiếng : - Thưa Tổng thống, nếu tôi đồng ý ở lại, tôi sẽ nài nỉ quốc gia chúng ta sẽ cho Corona Socoli được cư trú. - Rất tiếc Mary ạ. Tôi đã giải thích tại sao chúng tôi không thể làm việc ấy. Nó sẽ làm mất lòng Ionescu và... - Ông ta sẽ quên đi. Tôi biết Ionescu, thưa Tổng thống. Ông ta sẽ dùng cô ấy làm miếng đòn trả giá. Có một sự im lặng lâu, đầy suy tư. - Làm sao bà đưa cô ta ra khỏi Rumani được? - Một phi cơ vận tải quân đội sẽ đến vào buổi sáng. Tôi sẽ đưa cô ta đến đấy có một sự im lặng. - Tôi rõ. Rất tốt. Tôi sẽ sòng phẳng việc ấy với Bộ Ngoại giao. Nếu chỉ có thế... Mary lại nhìn sang Mike Slade. - Không, thưa ngài. Còn một việc nữa. Tôi muốn Mike Slade ở lại đây với tôi. Tôi cần ông ấy. Chúng tôi hợp ý nhau. Mike đang nhìn nàng, một nụ cười riêng nớ trên môi. - Tôi e rằng không thể được. - Tổng thống nói giọng quả quyết. - Tôi cần Slade về đây. Ông ấy còn có một nhiệm vụ khác. Mary ngồi đấy, cầm ống nghe, chẳng nói gì cả. Tổng thống tiếp tục. - Chúng tôi sẽ gửi đến bà một người khác. Bà có thể chọn. Bất cứ ai bà muốn. Im lặng. - Chúng tôi rất cần Mike ở đây, Mary à. Mary lại liếc sang Mike. Tổng thống nói : - Mary! Alô? Cái gì đây - một loại hăm dọa à? Mary ngồi, đợi trong im lặng. Cuối cùng, Tổng thống miễn cưỡng nói : - Được rồi, tôi cho rằng nếu bà thật sự cần ông ấy, chúng tôi có thể để ông ấy lại cho bà một ít thời gian. Mary cảm thấy tim nàng nhẹ nhõm. - Cám ơn Tổng thống. Tôi sẽ hân hạnh ở lại cương vị Đại sứ. Tổng thống kết thúc bằng lời chia tay. - Bà là một thương thuyết gia thật kinh khủng đấy, bà Đại sứ ạ. Tôi có một số kế hoạch thú vị trong đầu cho bà khi bà xong nhiệm vụ ở đấy. Chúc may mắn và hãy tránh xa rắc rối đấy. Đường dây ngưng hoạt động. Mary từ từ gác ống nghe. Nàng nhìn sang Mike. - Ông sẽ ở lại đây. Ngài bảo tôi nên tránh rắc rối đấy. Mike Slade bật cười : - Ngài có óc khôi hài thú vị đấy! Anh đứng dậy và đi lại phía nàng. - Bà có nhớ cái ngày tôi gặp bà và gọi bà là một tờ mười đô la mới toanh không? Nàng nhớ rõ vô cùng : - Vâng. - Tôi đã nhầm. Bây giờ bà mới bà một tờ mười mới toanh đấy. Nàng cảm thấy một ngọn lửa ấm áp. - Ồ, Mike... - Vì tôi sẽ ở lại thưa bà Đại sứ, tốt hơn chúng ta nên nói chuyện về vấn đề chúng ta đang gặp phải với Bộ trưởng Thương mại Rumani đi. - Ông nhìn thẳng vào mắt nàng và dịu dàng nói - Cà phê chứ? Chương 32 Vị chủ tọa đang nói với Ủy ban. - Chúng ta đã chịu thất bại nhưng vì những bài học mà chúng ta đã học được tổ chức chúng ta sẽ càng trở nên mạnh hơn nữa. Bây giờ đã đến lúc bỏ phiếu. - Aphrodite? - Thuận. - Athène? - Thuận. - Cybele? - Thuận. - Selene? - Xét đến việc bị sát hại khủng khiếp của vị chủ sự quá cố của chúng ta chúng ta có nên chờ đến khi... - Thuận hoặc không, xin vui lòng? - Không. - Nike? - Thuận. - Nemesis? - Thuận. - Nghị quyết được thông qua. Thưa các bà... xin vui lòng giữ những biện pháp thận trọng thường lệ. Dịch Thuật: Sao Biển Hết Tay Cự Phách Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 01 1a “Lạy chúa, đây mới thực sự là một “donderstorm”! Jamie McGregor kêu lên. Anh đã lớn lên giữa những cơn bão hung dữ của miền thượng du xứ Tô Cách Lan, nhưng chưa hề bao giờ chứng kiến một cơn bão ghê gớm như thế. Cả một bầu trời vào buổi trưa đột nhiên bị xoá sạch bởi những đám mây cát khủng khiếp, ngay lập tức ngày biến thành đêm. Bầu trời đầy bụi bặm loé lên những tia chớp - người Africaner gọi là Weerlig - như đốt cháy không khí, tiếp theo là “donderslag”, tức sấm sét. Sau đó là cơn đại hồng thuỷ. Những làn mưa đập mạnh lên những tấm lều vải và trên những căn chòi làm bằng thiếc, biến các đường phố rác rưởi của Klipdrift trở thành những dòng sông lầy lội điên cuồng. Tiếng sấm sét rầm vang bầu trời, cái này kế tiếp cái kia, nghe như tiếng đại bác nổ rền trong một trận chiến giữa các thiên thần. Jamie McGregor vội vàng nhảy sang một bên khi một căn nhà xây bằng gạch thô tan vụn ra thành bùn. Anh lo ngại không biết thị trấn Klipdrift có còn tồn tại được nữa hay không. Klipdrift không hẳn là một thị trấn, đúng hơn đó là một ngôi làng bằng vải bạt, lổn nhổn những căn lều, chòi và xe chở hàng, chen chúc nhau bên bờ sông Vaal, trong đó sinh sống những con người man dại, đầy mơ tưởng, từ mọi miền của thế giới kéo đến Nam Phi do cùng có chung một ám ảnh: kim cương. Jamie McGregor là một trong những kẻ mơ tưởng ấy. Anh chỉ mới mười tám tuổi, trẻ, đẹp trai, dáng người cao, tóc hoe và có một cặp mắt sáng kỳ lạ. Anh có một vẻ ngây thơ đáng yêu, lúc nào cũng hăm hở làm vui lòng kẻ khác, khiến ai cũng phải mến chuộng. Tính tình anh vô tư và tâm hồn lúc nào cũng lạc quan. Anh đã đi gần tám ngàn dặm, từ nông trại của cha anh ở miền thượng du xứ Tô Cách Lan, đến Edinburg, Luân Đôn, Cape Town và bây giờ anh đến Klipdrift này. Anh đã từ bỏ phần nông trại anh đã cày cấy cùng với cha và anh, mà lẽ ra anh có quyền hưởng, nhưng Jamie không lấy làm tiếc chút nào.. Anh biết rằng rồi đây anh sẽ được hưởng hơn thế gấp mười nghìn lần. Anh đã để lại cuộc sống an toàn duy nhất mà anh đã quen thuộc để đến nơi xa xôi, hẻo lánh này bởi vì anh mơ ước được trở nên giàu có. Anh không quản ngại công việc nặng nhọc nhưng việc cấy cày ruộng đất ít ỏi và đầy sỏi đá về phía Bắc Aberdeen đem đến cho anh những thu hoạch rất nghèo nàn. Anh làm việc từ lúc mặt trời lên đến lúc mặt trời lặn, cùng với các anh em trai, chị anh là Mary và cha mẹ, nhưng họ chẳng được bao nhiêu kết quả. Có một lần anh đến xem hội chợ ở Edinburg và trông thấy bao nhiêu những thứ đẹp đẽ lạ lùng mà đồng tiền có thể mua được. Tiền chắc phải làm cuộc sống của mình dễ dãi, nếu mình khoẻ mạnh và thoả mãn các nhu cầu khi mình đau ốm. Jamie đã thấy quá nhiều bạn bè và láng giềng sống và chết trong cảnh nghèo túng. Anh nhớ lại nỗi xúc động của anh khi lần đầu tiên anh nghe người ta nói đến việc tìm kim cương mới đây ở Nam Phi. Một viên kim cương lớn nhất thế giới đã được tìm ra ở nơi ấy, nằm lẫn trong cát và toàn thể vùng đất ấy, theo lời đồn đại, sẽ là một cái rương đầy châu báu lớn lao đang còn đợi người ta mở ra. Anh đã tiết lộ tin này cho cả gia đình sau bữa ăn tối vào đêm thứ Bảy. Mọi người ngồi quanh chiếc bàn ăn chưa dọn trong căn bếp thô sơ bằng gỗ, bỗng Jamie cất tiếng, bằng một giọng nói bẽn lẽn nhưng kiêu hãnh: “Con sẽ đi sang Nam Phi để tìm kim cương, tuần sau con sẽ lên đường”. Cả năm cặp mắt đều trố lên nhìn Jamie chằm chằm như thể anh đã điên rồi. “Con sắp đi tìm kim cương hay sao?” cha Jamie hỏi “Như thế là mày khùng rồi con ạ. Tất cả chỉ là chuyện thần tiên thôi. Ấy là do ma quỷ dụ dỗ để ngăn cản người ta làm ăn lương thiện”. “Sao chú không nói chú kiếm đâu ra tiền để đi đến đó?” anh trai của Jamie là Ian hỏi “Phải đi hết nửa vòng trái đất, thế chú kiếm đâu ra tiền?” Jamie cãi lại: “Nếu có tiền thì em đã không phải đi tìm kim cương. Ở đó chẳng ai có tiền cả. Em sẽ giống như những người khác thôi. Em có đầu óc, sức khoẻ, nhất định sẽ không thất bại”. Chị Mary lên tiếng: “Annie Cord sẽ thất vọng. Nó đang mong một ngày nào đó sẽ là vợ em, Jamie ạ”. Jamie rất thương yêu chị. Mary mới hai mươi bốn tuổi mà trông như bốn mươi. Chị ấy chưa bao giờ có thứ gì đẹp đẽ trong đời. Mình sẽ tạo nên sự thay đổi, anh tự hứa với mình như vậy. Bà mẹ lặng lẽ nhấc đĩa thịt nhồi “baggins” nóng hổi còn sót lại rồi đi đến chậu rửa bát bằng sắt. Vào lúc đêm khuya hôm ấy, bà đi đến giường Jamie. Bà nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên vai Jamie, như truyền tất cả sức mạnh của bà sang cho anh. Bà nói: “Con hãy làm tất cả những gì cần phải làm, con ạ. Mẹ không biết ở nơi đó có kim cương hay không, nhưng nếu có, chắc chắn con sẽ tìm ra”. Bà lấy ra từ sau lưng một túi bằng da cũ kỹ, rồi nói tiếp: “Mẹ có để dành ra một ít tiền. Con không cần phải nói ra điều này với ai. Cầu Chúa phù hộ cho con”. Khi rời khỏi Edinburg, Jamie có năm mươi bảng Anh trong chiếc túi da. Cuộc hành trình đến Nam Phi thật là gian lao, khó nhọc. Jamie phải mất gần một năm trời mới đến được nơi ấy. Thoạt tiên anh làm hầu bàn trong một tiệm ăn bình dân ở Edinburg cho đến khi anh gom góp được thêm năm mươi bảng Anh nữa bỏ vào túi da. Sau đó anh lên đường đi London. Jamie cảm thấy quá khiếp hãi vì thành phố quá to lớn, người đông đúc và những chiếc xe ngựa chở khách to lớn lăn bánh ồn ào với tốc độ năm dặm một giờ. Khắp nơi có những chiếc xe ngựa hai bánh, chở những cô gái xinh đẹp, đội chiếc mũ thật to, mặc những chiếc váy lả lướt và đi những đôi giày xinh xắn có cài khuy cao. Anh trố mắt nhìn ngạc nhiên khi các cô gái bước xuống xe để đi mua sắm trong khu buôn bán Burlington Arcade, nơi chất đầy những đồ bằng bạc, bát đĩa, quần áo, lông thú, đồ sứ và những tiệm bán thuốc chật ních những chai lọ bí mật. Jamie tìm được một chỗ trọ tại số nhà 32 đường Fitzroy. Tiền trọ là mười silling một tuần, nhưng đó là giá rẻ nhất. Ngày nào anh cũng đi ra bến tàu để xem có chiếc tàu nào đưa anh đến Nam Phi hay không; đến tối thì anh đi xem các quang cảnh kì diệu của thành phố London. Một tối nọ, anh chợt thoáng thấy Edward, ông hoàng xứ Wales đi vào một tiệm ăn ở Convert Garden bằng cửa hông bên tay kè kè một cô gái xinh đẹp. Nàng đội một chiếc mũ lớn có cắm hoa, Jamie nghĩ rằng nếu chị anh ấy được đội một cái mũ như vậy thì chắc đẹp lắm. Jamie dự một buổi hoà nhạc ở CrystalPalace. Nơi này đã được xây dựng cho cuộc đại triển lãm năm 1851. Anh đến xem rạp hát Drury Lane, rồi vào lúc nghỉ giải lao, anh lẻn sang rạp Savoy Theatre. Đó là toà nhà công cộng đầu tiên ở Anh được đặt hệ thống chiếu sáng bằng điện khí. Một số đường phố cũng có đèn điện và Jamie nghe nói rằng người ta có thể nói chuyện với người nào đó ở bên kia thành phố bằng một thứ máy mới kỳ lạ, gọi là điện thoại. Jamie có cảm tưởng như anh đang nhìn vào tương lai. Mặc dầu có những sự canh tân và hoạt động như vậy, nước Anh đã ở giữa sự khủng hoảng kinh tế gia tăng lớn vào mùa đông năm ấy. Đường phố đầy cả những người thất nghiệp và đói ăn. Có những cuộc biểu tình của quần chúng và đánh lộn trên đường phố. Mình phải rời khỏi nơi này mới được, Jamie thầm nghĩ. Mình đến đây để thoát khỏi sự nghèo khổ. Ngày hôm sau, Jamie đăng ký làm chiêu đãi viên trên chiếc tàu WalmerCastle, sắp nhổ neo đi Cape Town ở Nam Phi. Cuộc hành trình bằng đường biển kéo dài trong ba tuần với những thời gian dừng lại ở Madeira và St. Helena để lấy thêm than làm chất đốt. Hành trình thật vất vả vì sóng lớn giữa mùa đông, Jamie bị say sóng ngay từ lúc tàu mới nhổ neo. Nhưng anh lúc nào cũng vui vẻ vì mỗi ngày đi qua anh lại tiến gần hơn chiếc rương đầy châu báu của anh. Khi con tàu đến gần xích đạo, khí trời thay đổi hẳn. Kỳ lạ thay, mùa đông bắt đầu bớt rét lạnh, tiến sang mùa hạ. Khi con tàu đến gần bờ biển Phi Châu, khí hậu trở nên nóng và ẩm thấp. Chiếc Walmer Castle đến Cape Town vào lúc rạng đông, di chuyển một cách thận trọng xuyên qua một eo biển hẹp phân chia vùng định cư của người cùi trên đảo Robbes với đất liền rồi thả neo ở Table Bay. Jamie đứng trên boong tàu trước khi mặt trời mọc. Anh nhìn như bị thôi miên, lớp sương mù ban mai được vén lên, lộ ra quang cảnh hùng vĩ của ngọn núi TableMountain vươn lên vòi vọi nhìn xuống thành phố. Anh đã đến nơi. Ngay khi con tàu vừa được buộc chặt vào bến, các boong tàu đều bị ngập tràn bởi một đám đông người rất kỳ dị mà Jamie chưa hề trông thấy bao giờ. Họ là những kẻ chào hàng cho tất cả các khách sạn khác nhau ở đây. Những người da đen, da vàng, da nâu, da đỏ rối rít xin vác hành lý hộ cho khách. Bọn trẻ con chạy đi chạy lại để bán báo, kẹo và trái cây. Những người lái xe ngựa là những người lai u, người Parsi hay da đen la hét om xòm kêu gọi khách mướn xe. Những người đi bán rong hay đẩy những chiếc xe đựng thức ăn uống kêu gọi người ta chú ý đến những thức bán của họ. Không khí dày đặc những con ruồi đen thật lớn. Các thuỷ thủ và phu khuân vác xô đẩy, la hét để vạch lối đi xuyên qua đám đông, trong khi các hành khách cố gom góp hành lý của họ vào một chỗ và để mắt trông coi nhưng vô hiệu quả. Thật là một mớ hỗn độn những tiếng nói và tiếng động xen lẫn nhau. Người ta nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà Jamie chưa bao giờ được nghe. Anh chẳng hiểu được một lời nào. Cape Town hoàn toàn không giống bất kỳ thành phố nào Jamie đã được thấy. Ở đó không nhà nào giống nhà nào. Sát bên cạnh một kho hàng lớn cao hai ba tầng lầu, là một hiệu ăn uống nhỏ làm bằng sắt mạ, rồi đến một tiệm nữ trang với cánh cửa làm bằng sắt dày; giáp đó là một cửa hàng tạp hoá nhỏ rồi đến một cửa hiệu bán thuốc lá xiêu vẹo. Jamie như bị thôi miên trước những đám đông đàn ông, đàn bà và trẻ con lúc nhúc trên đường phố. Anh trông thấy một người “kaffir” mặc chiếc quần sọc kiểu miền thượng du Tô Cách Lan cũ kỹ, một chiếc túi vải dùng làm áo có xẻ lỗ ở đầu và hai cánh tay. Người Kaffir đi sau lưng hai người Trung Hoa, đang nắm tay nhau bước đi; hai người này mặc những chiếc áo dài màu xanh, bím tóc dài của họ cuộn lại một cách cẩn thận dưới chiếc nón rơm. Có những công dân người Boer mặt đỏ ửng, tóc nhạt màu vì nắng, đang đẩy những chiếc xe chất đầy khoai tây, bắp ngô và các thứ rau. Ngoài ra cũng có những người đàn ông mặc quần áo màu nhung nâu, đội mũ nỉ mềm rộng vành, ngậm những tẩu thuốc dài bằng đất sét, bước dài ở phía trước các bà vợ của họ, mặc toàn màu đen, đeo mạng đen dày, đầu đội mũ có vành lụa cũng màu đen. Các bà thợ giặt người Parsi đội trên đầu những bó quần áo bẩn to lớn len lỏi đi qua các binh sĩ mặc áo đỏ, đội mũ đỏ. Thật là một cảnh tượng hấp dẫn vô cùng. Việc làm đầu tiên của Jamie là kiếm một nhà trọ rẻ tiền theo lời giới thiệu của một thủy thủ trên tàu. Bà chủ nhà là một goá phụ trung niên, lùn tịt và béo mập. Bà ta nhìn Jamie từ đầu đến chân rồi tủm tỉm cười: “Zoek youlle good?” Anh đỏ mặt: “Xin lỗi, tôi không hiểu”. “Người Anh hả? Anh đến đây tìm vàng phải không? Hay tìm kim cương?” “Vâng thưa bà, tìm kim cương”. Bà kéo anh vào trong nhà “Rồi đây cậu sẽ thích nơi này, tôi có đủ các thứ tiện nghi cho các chàng trai trẻ như cậu”. Jamie tự hỏi không biết bà ta có phải là một người trong bọn họ hay không. Hy vọng rằng không phải thế. “Tôi là bà Venster”, bà nói với một vẻ duyên dáng, “Nhưng bạn bè gọi tôi là Dee Dee”. Bà cười để lộ ra chiếc răng cửa bằng vàng “Tôi có cảm tưởng rồi đây chúng ta sẽ là những người bạn tốt với nhau. Cậu có cần gì thì cứ hỏi tôi”. “Bà thật tốt bụng” Jamie nói “Bà có thể cho tôi biết nơi nào bán bản đồ của thành phố này không?” Với bản đồ trong tay, Jamie bắt đầu thăm dò khắp nơi. Ở một bên thành phố, về phía đất liền, là ngoại ô Rondeborsh, Claremont và Wyndberg, theo dọc các vùng đồn điền và vườn trồng nho thưa thớt dần, trải dài chín dặm. Ở phía bên kia là các ngoại ô vùng biển có tên là Sea Point và Green Point. Jamie bước đi xuyên qua khu vực nhà ở giàu có, xuống đến đường Strand Street và Bee Street, ngắm các toà nhà lớn hai tầng với mái bằng và mặt tiền đắp bằng vữa có hình nổi và đỉnh nhọn. Nền cao và dốc vượt lên khỏi mặt đường. Anh bước đi mãi cho đến khi anh buộc phải nấp vào trong nhà vì những đàn ruồi có vẻ hận thù riêng với anh. Chúng rất lớn và đen, đến tấn công từng đàn. Khi Jamie trở về nhà trọ, anh thấy căn phòng của anh đầy là ruồi. Chúng đậu kín cả bàn, tường và giường nằm. Anh đến gặp bà chủ “Bà Venster ạ, có cách nào khử đàn ruồi ấy trong phòng của tôi không? Chúng…” Bà cười đến rung cả người véo vào má Jamie một cái và nói “Myn Magtig, rồi cậu sẽ quen thôi. Cứ chờ đấy sẽ thấy”. Các phương tiện vệ sinh ở Cape Town vừa xưa cổ vừa không thích hợp. Đến khi mặt trời lặn, một mùi hôi bao trùm lấy thành phố như một tấm mền hơi độc. Thật không sao chịu nổi. Nhưng Jamie biết rằng anh sẽ có thể chịu được. Anh cần phải kiếm ra tiền trước khi anh rời khỏi nơi này. Người ta đã cảnh cáo với anh: “Anh không thể nào sống sót trong các vùng đất kim cương mà không có tiển trong túi. Muốn thở anh cũng phải trả tiền”. Ngày thứ hai ở Cape Town, Jamie tìm ra được một việc làm. Anh sẽ đánh xe ngựa cho một hãng phân phát hàng. Ngày thứ ba, anh bắt đầu làm việc rửa bát đĩa trong một tiệm ăn sau bữa ăn tối. Anh sống bằng thức ăn thừa mà anh đã lấy lén rồi đem về nhà trọ để ăn. Những món ăn này có mùi vị lạ lùng, khiến cho anh đâm ra thèm thuồng những món ăn mà mẹ anh vẫn thường nấu cho anh ăn trước đây. Nhưng anh không phàn nàn điều gì, vì anh đã quyết hy sinh mọi thứ tiện nghi và cả tiền ăn uống để làm sao tăng lên số tiền tiết kiệm. Anh đã chọn lựa cuộc sống như vậy nên không có gì ngăn cản anh được, dù cho phải làm việc cực nhọc, dù cho phải hít không khí hôi hám, dù đám ruồi có bắt anh phải thức gần như cả đêm. Anh cảm thấy cô đơn vô cùng. Xa bạn bè, xa gia đình, anh lại không quen biết một người nào ở nơi xa lạ này. Jamie thích nơi vắng vẻ, tĩnh mịch nhưng sự cô đơn đối với anh là nỗi đau thường trực. Cuối cùng, phép lạ đã đến. Chiếc túi da của anh đã chứa đựng hai trăm bảng Anh. Anh đã sẵn sàng, anh sẽ rời Cape Town vào sáng hôm sau để lên đường đi đến các mỏ kim cương. Hành khách muốn đi đến các mỏ kim cương ở Klipdrift phải giữ chỗ trước tại Công ty chuyên chở Nội địa, đặt tại một nhà kho nhỏ bằng gỗ gần bến tàu. Khi Jamie đến đó vào lúc bảy giờ sáng thì nhà kho đã nghẹt kín người đến nỗi anh không làm sao tiến lại được nơi đăng ký. Có hàng trăm người tranh nhau chỗ ngồi trên tàu để đi tìm sự giàu có. Họ đã đến những nơi rất xa như Nga, Mỹ, Úc, Đức và Anh. Họ la hét bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau, bao vây, van nài người bán vé dành một chỗ cho họ. Jamie nhìn theo một ông người Ái Nhĩ Lan vạm vỡ đang xô đẩy, đấm đá, tìm lối đi xuyên qua đám đông để rời khỏi văn phòng, tiến ra phía lề đường. “Xin lỗi ông” Jamie hỏi “có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?” “Không có gì cả” ông Ái Nhĩ Lan khịt mũi ra vẻ khinh bỉ. “Các toa tàu chó chết ấy đã được đăng ký hết chỗ cho sáu tuần tới đây”. Thấy vẻ mặt thất vọng của Jamie, ông ta nói tiếp, “Nhưng không phải chỉ tệ đến mức ấy mà thôi. Bọn khốn khiếp ấy còn buộc phải trả năm mươi bảng Anh một đầu người”. Thật là không thể tưởng tượng nổi, “Chắc phải có cách nào khác để đi đến mỏ kim cương”. “Có hai cách, cậu có thể đi bằng chuyến xe tốc hành Dutch Express hoặc là đi bộ”. “Dutch Express là gì vậy?” “Đó là xe la, tốc độ hai dặm một giờ. Chừng nào cậu đến nơi thì các mỏ kim cương đã biến mất cả rồi”. Jamie McGregor đâu có ý định trì hoãn cho đến khi mỏ kim cương biến mất. Suốt cả buổi sáng còn lại ấy, anh ta cố tìm phương tiện chuyên chở khác. Gần đến trưa thì anh ta tìm ra được. Đi ngang một chuồng ngựa cho thuê, anh chợt nhìn thấy tấm bảng đề chữ “TRẠM THƯ”. Ngay lập tức, anh bước vào bên trong. Một người gầy còm chưa từng thấy, đang chất từng túi đựng thư từ lên một chiếc xe nhỏ hai bánh. Jamie đứng nhìn người ấy một lát. “Xin lỗi ông”, Jamie hỏi “Ông có chở thư đến Klipdrift không?” “Đúng vậy, đang chất thư lên bây giờ đây” Jamie cảm thấy trong lòng dâng lên niềm hy vọng, “Bác có chở hành khách không?” “Đôi khi cũng có”, Bác ngẩng đầu lên nhìn Jamie “Cậu bao nhiêu tuổi?” Một câu hỏi kỳ lạ, “Mười tám. Sao bác lại hỏi như vậy?” “Chúng tôi không chở khách trên hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, cậu có sức khoẻ chứ?” Lại một câu hỏi kỳ quặc hơn nữa. “Thưa bác, vâng ạ”. Người gầy còm ấy đứng thẳng dậy “Tôi nghĩ cậu cũng khoẻ mạnh đấy. Tôi sẽ rời nơi này trong một giờ. Giá tiền là hai mươi bảng”. Jamie không tin nổi sự may mắn của mình, “Thật là tuyệt quá! Tôi đi lấy cái vali của tôi rồi…” “Không được đem theo vali. Chỉ có chỗ cho cái áo sơ mi và cái bàn chải răng thôi” Jamie tiến gần chiếc xe để quan sát kỹ hơn nữa. Quả thật chiếc xe ấy quá nhỏ và chế tạo thô sơ. Thân xe là một cái lồng chứa thư từ, và ở phía trên cái lồng ấy có một khoảng chật hẹp cho một người ngồi, lưng chạm lưng, ở phía sau người đánh xe. Cuộc hành trình này chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào. “Đồng ý”, Jamie nói “Để tôi đi lấy cái áo sơ mi và bàn chải răng”. Khi Jamie trở lại, bác đánh xe đã đóng ngựa vào chiếc xe không mui. Có hai người trẻ tuổi, to lớn đang đứng gần chiếc xe; một người thấp và đen, người kia là người Thuỵ Điển cao, tóc hoe. Hai người đang đưa bác đánh xe một số tiền. “Khoan đã’, Jamie gọi to với bác đánh xe, “Lúc nãy bác bảo bác cho tôi đi mà?” “Tất cả chúng ta đều cùng đi”, bác đánh xe nói, “Thôi, nhảy lên nào” “Cả ba chúng ta hay sao?” “Đúng vậy” Jamie không hiểu bằng cách nào bác ta có thể nhét cả ba người lên chiếc xe được, nhưng anh biết rằng anh sẽ được ngồi lên xe khi nó chuyển bánh. Jamie tự giới thiệu với hai người bạn đồng hành. “Tôi tên là Jamie McGregor” “Tôi là Wallach” người thấp và đen nói. “Tôi là Pederson” người cao, tóc hoe đáp lại. Jamie nói “Chúng ta may mà gặp phải chiếc xe này, phải không các bạn? Không ai biết được, như thế cũng hay”. Pederson nói: “Ồ, họ đều biết được có chiếc xe chở thư này, Jamie McGregor ạ. Chỉ có điều là những người không đủ sức khoẻ hoặc không dám liều mạng đi những chiếc xe thế này thôi”. Jamie chưa kịp hỏi lại thì người đánh xe đã lên tiếng, “Thôi, chúng ta đi nào!” Ba người - Jamie ngồi ở giữa - lách lên chiếc xe, ngồi nép vào nhau, đầu gối co quắp, tựa sát vào lưng gỗ của chiếc ghế bác đánh xe. Không còn chỗ nào để cựa quậy hay thở nữa. Không tệ gì lắm, Jamie tự an ủi. “Giữ chặt lấy nhé”, bác đánh xe kêu lên. Một lát sau, chiếc xe lăn bánh xuyên qua các đường phố ở Cape Town tiến về phía mỏ kim cương ở Klipdrift. Hành trình bằng xe la chở khách thì tương đối dễ chịu. Những chiếc xe chuyên chở hành khách từ Cape Town đến mỏ kim cương đều lớn và rộng rãi, có vải bạt như che nắng thiêu đốt về mùa đông. Mỗi chiếc xe chứa trên hơn chục hành khách và kéo bởi một đàn ngựa hay la. Các thứ giải khát được cung cấp ở các trạm đều đặn, và cuộc hành trình kéo dài mười ngày. Chiếc xe chở thư thì khác thế. Nó không bao giờ ngừng, trừ lúc thay đổi ngựa hoặc người đánh xe. Nó phi hết tốc lực trên con đường và đồng ruộng gồ ghề, những con đường mòn đầy ổ gà. Chiếc xe lại không có lò xo nên mỗi lần nó chồm lên thì giống như bị ngựa đá vậy. Jamie nghiến chặt răng ngẫm nghĩ “Mình có thể chịu đựng được cho đến khi chúng ta dừng xe lại vào lúc trời tối. Mình sẽ ăn và ngủ một giấc, rồi đến sáng mai mình sẽ khoẻ ngay thôi”. Nhưng đêm đến, xe chỉ dừng lại mười phút để thay ngựa và người đánh xe, rồi lại lên đường, phi hết tốc lực. “Khi nào chúng mình dừng lại ăn cơm?” Jamie hỏi. “Không dừng lại”, người đánh xe mới lầm bầm. “Chúng ta đi thẳng một mạch, chúng tôi chở thư từ, cậu ạ”. Chiếc xe chạy nhanh trong đêm tối dày dằng dặc, ngang qua những con đường gồ ghề, bụi bặm dưới ánh sáng trăng. Lúc thì chồm lên đồi, lúc thì chúi mũi xuống thung lũng, nhún nhảy trên các vùng đất bằng phẳng. Thân thể Jamie đau nhừ, bầm dập khắp mọi chỗ vì những cái nhồi lên nhồi xuống của chiếc xe. Anh mệt quá nhưng không sao ngủ được. Mỗi khi bắt đầu thiu thiu ngủ thì chiếc xe lại giật mạnh một cái làm anh bừng mắt dậy. Thân thể anh bị co quắp, tê liệt, thế nhưng không có chỗ nào để thò chân ra. Anh vừa đói vừa cảm thấy như say sóng. Không còn biết bao nhiêu ngày nữa anh mới được ăn bữa cơm kế tiếp. Cuộc hành trình này dài sáu trăm dặm, nhưng Jamie không chắc anh còn sống cho đến khi nó kết thúc hay không. Anh cũng không chắc anh có muốn như vậy không nữa. Đến cuối ngày và đêm thứ hai thì nỗi khổ cực đã lên cùng cực. Các bạn đồng hành của Jamie cũng ở trong trạng thái giống y như vậy, không còn có thể mở lời phàn nàn được gì nữa. Bây giờ Jamie mới hiểu vì sao công ty chuyên chở này đòi hỏi hành khách phải trẻ và khoẻ mạnh. Đến rạng sáng hôm sau, họ đi vào vùng đất Great Karoo nơi khung cảnh hoang dã bắt đầu xuất hịên. Thảo nguyên bằng phẳng, ghê rợn trải dài đến vô tận, dưới ánh nắng không xót thương của mặt trời. Các hành khách đều bị ngạt thở vì sức nóng, bụi bặm và những đàn ruồi. Thỉnh thoảng qua làn hơi lờ mờ, độc địa, Jamie trông thấy những nhóm người lê bước ì ạch trên mặt đường. Có những người kéo ngựa cô đơn và hàng chục chiếc xe bò kéo bởi mười tám hay hai mươi con bò, do những người đánh xe điều khiển bằng những cây roi da, miệng la hét om sòm. Chiếc xe to lớn chất hàng nghìn cân (Anh) sản phẩm và hàng hoá, lều vải, dụng cụ đào đất, lò đốt bằng củi, bột mì, than và đèn dầu. Chúng chuyên chở sợi gai dầu của Nga, đường và rượu vang, rượu whisky và đèn cầy của Belfast và mền. Đó là đường dây đem đến sự sống cho những kẻ đi tìm kim cương ở Klipdrift. Mãi đến khi chiếc xe thư vượt qua con sông Orange, phong cảnh mới bắt đầu thay đổi, không còn là thảo nguyên đơn điệu buồn nản nữa. Cây cối dần dần mọc cao hơn, điểm màu lá xanh. Đất đỏ hơn, bãi cỏ xanh nhấp nhô như gợn sóng trong cơn gió heo may và những cây gai thấp bắt đầu xuất hiện. “Mình sắp thành công rồi”, Jamie mơ màng suy nghĩ, “mình sắp thành công rồi”. * * * * * 1b Anh cảm thấy hi vọng lớn lên len lỏi vào cơ thể mệt mỏi của anh. Họ đi thêm tiếp bốn ngày đêm thì vào đến thị trấn Klipdrift. Chàng trai trẻ tuổi Jamie McGregor không biết mình đang chờ đợi cái gì, nhưng quang cảnh diễn ra trước cặp mắt mệt mỏi đỏ ngầu của anh, không giống bất cứ quang cảnh nào anh có thể tưởng tượng được. Klipdrift là bức toàn cảnh rộng lớn gồm những lều vải và xe bò xếp thành hàng dài trên đường phố chính và bên bờ sông Vaal. Trên những con đường đất, lúc nhúc những người kaffir trần truồng, ngoại trừ những chiếc áo màu sặc sỡ, những người thăm dò kim cương râu xồm xoàm, những người bán thịt, làm bánh, những tên trộm cắp, những thầy giáo. Ở trung tâm Klipdrift, những túp lều bằng gỗ và sắt xếp thành dây, dùng làm cửa hiệu, tiệm ăn uống, phòng chơi bi da, nhà ăn, văn phòng mua bán kim cương và văn phòng luật sư. Ở một góc là một ngôi nhà xiêu vẹo, gọi là khách sạn Royal Arch, gồm một dãy phòng không có cửa sổ. Jamie bước ra khỏi chiếc xe thì ngã lăn trên đất. Hai cẳng tê cứng của anh không còn đủ sức nhấc nổi thân hình đứng thẳng nữa. Anh nằm xuống đấy, đầu óc quay cuồng, cho đến khi anh đủ sức đứng dậy. Anh loạng choạng đi về phía khách sạn, xô đẩy đám người huyên náo đang đứng đông nghẹt trên các đường phố, các lề đường. Căn phòng người ta dành cho anh nóng nực đến nghẹt thở, đầy cả ruồi. Nhưng anh có một chiếc ghế bố, Jamie ngã nhoài lên trên ấy, để nguyên quần áo rồi ngủ tức thì. Anh ngủ luôn một mạch mười tám tiếng đồng hồ. Jamie thức dậy. Thân thể anh cứng và đau không tưởng tượng được nhưng tâm hồn anh tràn ngập vui sướng. Mình đã đến nơi. Mình thành công rồi! Bụng đói như cào, anh đi tìm thức ăn. Khách sạn không cung cấp thức ăn, nhưng có một tiệm ăn nhỏ đông nghẹt người ở bên kia đường. Anh ăn ngấu nghiến một con cá rán, giống như loại cá chó, thịt cừu nướng trên lửa bằng một cái xiên, rồi tráng miệng bằng món Koeksister, một thứ bánh làm bằng bột nhào rán lên và tẩm bằng nước đường. Dạ dày của Jamie đã không chứa thức ăn khá lâu, bây giờ bắt đầu cho thấy những triệu chứng đáng sợ. Anh quyết định để cho nó nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục ăn nữa. Lúc ấy, anh bắt đầu chú ý tới những cảnh tượng xung quanh. Ở các bàn ăn, những người thăm dò đang bàn cãi sôi nổi về vấn đề chiếm hàng đầu trong suy nghĩ của mọi người: kim cương. “Vẫn còn một ít kim cương quanh vùng Hopetown, nhưng mạch mỏ chính là ở New Rush…” “Kimberley có đông dân cư hơn là Joburg…” “Về việc tìm ra mỏ kim cương ở tận Dutoispan vào tuần trước ấy à? Người ta nói rằng ở đó có nhiều kim cương đến nỗi mỗi người không khiêng nổi…” “Mới đây người ta dò đúng kim cương ở Christiana. Ngày mai tôi sẽ đi đến đấy.” Như vậy là đúng rồi, có kim cương ở khắp mọi nơi! Chàng Jamie trai trẻ quá vui sướng đến nỗi anh khó uống cho hết ly cà phê to bự. Anh choáng váng khi nhìn thấy số tiền quá lớn ghi trên hoá đơn. Hai bảng, ba shillings cho một bữa ăn: lần sau mình phải cẩn thận mới được, anh nghĩ thầm trong khi bước ra đường phố đông đúc, náo nhiệt. Một tiếng nói nổi lên phía sau lưng anh: “Vẫn còn giữ ý định làm giàu chứ, Jamie McGregor?” Jamie quay lại, đó là Pederson, anh chàng người Thuỵ Điển đã cùng đi với anh trên chiếc xe chở thư. “Cố nhiên rồi!” Jamie đáp “Vậy thì chúng ta hãy đi đến nơi nào có kim cương”, anh ta đưa ngón tay ra chỉ, “Con sông Vaal ở về phía ấy”. Họ bắt đầu bước đi. Klipdrift nằm trong một lòng chậu, xung quanh là đồi và nhìn xa tít đến chân trời chỉ toàn thấy là đất cằn cỗi, không có một bụi cây, ngọn cỏ. Bụi đỏ toả lên dày đặc trong không khí, khiến rất khó thở. Con sông Vaal cách nơi ấy một phần tư dặm, và khi hai người đến gần con sông, không khí trở nên mát mẻ hơn. Hàng trăm người thăm dò đứng xếp hàng ở hai bên bờ sông, một số người đang đào đất tìm kim cương, một số khác đang đãi đá bằng những thùng đãi lắc lư qua lại, một số khác nữa đang lựa chọn và phân loại đá ở những chiếc bàn ọp ẹp, chế tạo thô sơ. Các dụng cụ của họ có đủ loại, từ những máy rửa đất đá khoa học đến những chiếc thùng và xô đựng nước cũ kỹ. Đàn ông đều bị rám nắng, râu không cạo, mặc những áo sơ mi kỳ dị đủ loại, không cổ, bằng do có sọc, màu sắc loè loẹt, những chiếc quần nhung sọc và ủng cao su, quần chẽn dùng để đi ngựa, đeo xà cạp quấn bằng giấy, đội mũ rộng vành bằng li-e (bần). Tất cả đều đeo dây lưng da có túi để đựng kim cương hay tiền. Jamie và Pederson bước đến rìa sông, đứng nhìn một cậu bé cùng một người lớn tuổi đang ra sức di chuyển một tảng đá lớn để họ có thể đào tới lớp đá sỏi xung quanh đó. Áo sơ mi của họ ướt đẫm mồ hôi. Bên cạnh đó, một toán người khác chất đá sỏi lên xe để đem đi đãi. Một người trong bọn đào đất lắc lư cái thùng trong khi một người khác đổ những xô nước vào thùng làm trôi đi đất bùn. Những viên sỏi lớn được trút vào một chiếc bàn thô sơ tự chế tạo lấy, ở đó họ lựa ra các viên sỏi và quan sát một cách thích thú. “Trông có vẻ dễ dàng nhỉ” Jamie nhe răng cười và nói. “Đừng có dễ tin như vậy, Jamie McGregor ạ. Tôi đã nói chuyện với những người đào kim cương đã từng sống ở đây lâu rồi. Tôi cho rằng chúng mình đều bị lừa cả”. “Anh nói thế nghĩa là thế nào?” “Cậu có biết có bao nhiêu người đào kim cương ở nơi này không? Hai mươi nghìn mạng tất cả, tất cả đều hy vọng trở nên giàu có. Thế nhưng không có đủ kim cương cho mọi người, anh bạn ạ. Dù có có chăng nữa, tôi cũng bắt đầu nghi ngờ rằng người ta cũng chẳng bõ công mà đào. Mùa hạ thì nóng như thiêu đốt, mùa đông thì rét tê cóng, mọi người ướt như chuột lột dưới những cơn donerstormen (bão tố) khốn khiếp ấy, rồi lại còn phải đương đầu với bụi bặm, ruồi và mùi hôi thối. Mình không được tắm rửa và nằm trên chiếc giường cho ra hồn, cũng chẳng có các phương tiện vệ sinh trong cái thị trấn khốn khiếp này. Tuần nào cũng có người bị chết chìm trên con sông Vaal. Một số là do tai nạn, nhưng người ta vẫn bảo với đa số kẻ chết chìm ấy, đó là lối giải thoát tốt nhất, một cách duy nhất để có thể ra khỏi địa ngục trần gian này. Tôi không hiểu vì sao nhiều người vẫn cứ cố bám vào cái nơi này?” “Tôi hiểu”, Jamie nói, đưa mắt nhìn về phía cậu bé tràn đầy hy vọng với chiếc sơ mi nhuốm bẩn “Đến nhát xẻng sau sẽ thấy!” Nhưng khi đi trở về thị trấn, Jamie đành phải công nhận Pederson nói cũng có lý. Họ đi ngang qua những đống xương khô của bò, cừu và dê đã bị giết để mục nát bên ngoài lều vải, bên cạnh những hầm không che đậy dùng làm nhà vệ sinh. Mùi hôi thối ở đó xông lên ngút tận trời, Pederson đang nhìn anh chằm chằm và hỏi: “Bây giờ cậu định làm gì nào?” “Đi kiếm một ít dụng cụ thăm dò”. Ở trung tâm thị trấn có một cửa hiệu treo một tấm bảng đã hoen gỉ, trên đề mấy chữ: “Salomon Van Der Merwe, cửa hàng bách hoá”. Một người da đen cao lớn, trạc tuổi Jamie đang rỡ hàng từ một chiếc xe bò đặt trước cửa hiệu. Anh ta có đôi vai rộng, bắp thịt nở nang, một trong những người đẹp trai nhất Jamie chưa từng thấy. Anh ta có đôi mắt đen như bồ hóng, một cái mũi khoằm và một cái cằm hếch lên kiêu hãnh. Ở anh ta có một vẻ gì đường hoàng, trầm lặng và tách biệt. Anh nhấc một thùng gỗ nặng đựng súng trường trên vai, nhưng khi quay người lại, anh trượt chân trên một miếng lá rơi ra từ thùng bắp cải. Do bản năng, Jamie vươn tay ra để đỡ anh ta. Nhưng người da đen ấy làm như không biết đến sự hiện diện của Jamie. Anh ta quay người lại rồi đi vào cửa hiệu. Một người Boer thăm dò kim cương đang đứng buộc con la ở gần đấy liền nói bằng giọng khinh bỉ: “Thằng ấy là Banda, thuộc bộ tộc Barolong, làm việc cho ông Van Der Merwe. Tôi không biết vì sao hắn vẫn giữ cái vẻ xấu xa ấy. Bọn Bantu chó đẻ ấy tưởng rằng chúng làm chủ trái đất này”. Cửa hiệu bách hoá mát mẻ và tối tăm ở bên trong, khiến cho người ta cảm thấy khoan khoái, quên đi cảnh nóng bức, chói chang của đường phố. Cửa hiệu xông lên những mùi vị xa lạ. Jamie có cảm tưởng như từng phân tấc trong khoảng không gian này đều nhét đầy hàng hoá. Anh vừa bước đi vừa ngạc nhiên đến cuối cửa hàng. Ở đó có bán các dụng cụ nông nghiệp, bia, sữa hộp, bơ, lọ, xi măng, ngòi nổ, cốt mìn, thuốc súng, đồ sứ, bàn ghế, kim, chỉ, dầu, sơn, vecni, quả khô, yên ngựa và dây cương, thuốc tắm cho cừu, xà phòng, các thứ rượu, giấy và vật liệu văn phòng, trà, thuốc lá, thuốc hít, xì gà… hàng chục cái kệ chất đầy hàng từ trên xuống dưới các loại sơ mi dạ, mền, giày mũ và yên ngựa. Jamie nghĩ thầm, người nào làm chủ tất cả từng này hẳn phải giàu có lắm. Một tiếng nói chợt nổi lên sau lưng anh, “Anh muốn mua gì?” Jamie quay đầu lại, thấy mình đang đứng trước một cô gái trẻ. Anh đoán cô ấy chừng mười lăm tuổi. Cô ta có nét mặt thanh tú, hình quả tim, một cái mũi ngổ ngáo, đôi mắt xanh và sáng. Tóc cô ta đen và quăn, Jamie nhìn dáng người cô ta, đoán chẳc cô ta gần mười sáu tuổi. “Tôi là người đi tìm kim cương”, Jamie đáp, “Tôi đến đây để mua một ít thiết bị”. “Thế ông cần thứ gì?” Vì một lý do nào đó, Jamie cảm thấy cần phải làm cho cô gái này mến phục, “Ờ, ờ… cô biết rồi đấy, những thứ thông thường thôi mà”. Cô ta tủm tỉm cười, đôi mắt có vẻ ranh mãnh, “Những thứ thông thường là thứ gì vậy, thưa ông?” “À…”, anh do dự, “một cái xẻng”, “Chỉ có thế thôi à?” Jamie biết rằng cô ấy đang muốn trêu anh, anh nhoẻn miệng cười và thú thật, “Xin nói thật với cô, tôi mới vào nghề này nên không biết mình cần những thứ gì?” Cô gái nhìn anh mỉm cười, cái mỉm cười của một phụ nữ già dặn. “Cái ầy cũng còn tuỳ thuộc vào nơi nào ông muốn thăm dò, thưa ông…” “Tên tôi là McGregor, Jamie McGregor”. “Tôi là Margaret Van Der Merwe”, cô lo lắng nhìn về phía sau cửa hàng. “Rất hân hạnh được gặp cô, cô Van Der Merwe”. “Ông mới đến đây hay sao?” “Vâng, ngày hôm qua, bằng xe chở thư”. “Lẽ ra phải có người nào cảnh báo trước với ông về những chuyến xe ấy mới phải. Có nhiều hành khách bị chết trên cuộc hành trình bằng xe ấy”, đôi mắt của cô lộ vẻ tức giận. Jamie nhoẻn miệng cười. “Tôi không thể trách họ, nhưng tôi vẫn sống nhăn ra đây này. Xin cảm ơn cô”. “Rồi bây giờ sắp sửa đi tìm “mooi klipe” phải không?” “Mooi klipe là gì vậy?” “Đó là tiếng Hà Lan, là kim cương, loại sỏi rất đẹp” “Cô là người Hà Lan?” “Gia đình tôi từ Hà Lan đến đây”. “Tôi đến đây từ Scotland”. “Trông thấy ông tôi nhận ra ngay”, đôi mắt cô lại một lần nữa lo lắng nhìn ra sau cửa hàng, “Có kim cương xung quanh nơi này, ông Gregor ạ, nhưng cần phải biết chọn nơi nào mà tìm. Đa số những người đào kim cương chạy loanh quanh, rốt cuộc lại quay lại chỗ cũ. Mỗi khi có người nào tìm ra được một nơi có kim cương, thế là những người khác lại tới, vét sạch những gì còn sót lại. Nếu muốn trở nên giàu có, ông phải tự tìm lấy mỏ kim cương cho mình”. “Như thế phải làm thế nào?” “Cha tôi là người có thể giúp đỡ ông về việc ấy, ông ấy là người biết đủ mọi thứ. Ông ấy sẽ rảnh rang trong một giờ nữa”. “Tôi sẽ trở lại đây”, Jamie nói, “Cảm ơn cô, cô Van Der Merwe”. Jamie đi ra ngoài ánh nắng, trong lòng vô cùng phấn khởi, mọi cơn đau nhức đã biến đi đâu mất. Nếu Salomon Van Der Merwe bảo cho anh biết nơi nào tìm kim cương thì chắc chắn anh không thể nào thất bại được. Anh sẽ có ưu thế hơn tất cả mọi người khác. Jamie cười thật to lên với niềm sung sướng cảm thấy mình còn trẻ, sung sức, đang tiến dần đến chỗ giàu sang. Jamie đi xuống đường phố chính, ngang qua một lò rèn, một phòng chơi bida và năm sáu quán rượu. Anh đứng trước một khách sạn tồi tàn, có treo một tấm biển phía trước ghi mấy dòng chữ: R.D.Miller, tắm nóng và lạnh Mở cửa hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Với tất cả mọi tiện nghi của một phòng tắm và trang điểm ngăn nắp, sạch sẽ. Jamie ngẫm nghĩ, đã bao lâu mình không tắm nhỉ? Phải, mình đã tắm bằng xô nước ở trên tàu thuỷ. Đột nhiên anh nhận ra rằng người mình hôi hám quá. Anh nhớ đến trước kia, hồi còn ở nhà, anh tắm hàng tuần trong bồn nước ở trong bếp, trong khi mẹ anh gọi to lên “Nhớ tắm rửa cho sạch sẽ, cả ở phía dưới nữa Jamie”. Anh quay người lại, đi vào nhà tắm. Bên trong có hai cánh cửa, một cánh cửa dành cho đàn bà và cánh cửa kia dành cho đàn ông. Jamie đi vào khu đàn ông, tiến thẳng đến người phục vụ lớn tuổi. “Một lần tắm bao nhiêu lần hả bác?” “Tắm lạnh thì mười shillings, tắm nóng thì mười lăm”. Jamie do dự. Ý nghĩ được tắm nước nóng sau một cuộc hành trình dài như thế thật khó mà cưỡng lại nổi. Anh nói “Tắm lạnh”, anh không thể nào vứt tiền ra cho những thú vui xa xỉ được. Còn cần phải mua các dụng cụ đào mỏ. Người phục vụ đưa cho anh một miếng xà phòng giặt màu vàng và một chiếc khăn tay sờn chỉ rồi đưa tay chỉ. “Vào chỗ kia, anh bạn”. Jamie bước vào một căn phòng nhỏ chỉ gồm có một bồn tắm bằng thiếc lớn ở giữa và ít cái móc quần áo trên tường. Người phục vụ đổ đầy nước lạnh vào bồn tắm bằng một cái gáo gỗ. “Sẵn sàng rồi đấy cậu ạ. Cứ treo các quần áo lên cái móc kia”. Jamie đợi người ấy đi ra rồi mới cởi quần áo. Anh nhìn xuống thân hình cáu ghét rồi đặt một chân vào bồn nước. Nước thật là lạnh, đúng như đã quảng cáo. Anh nghiến răng lại, dầm mình trong bồn nước, xoa xà phòng tới tấp từ đầu đến chân. Khi bước ra khỏi bồn tắm, anh thấy nước trong bồn đen ngòm. Anh cố lau khô người bằng chiếc khăn đã sờn chỉ và mặc quần áo vào người. Quần và áo của anh cứng nhắc vì bẩn, khiến anh không muốn mặc chúng vào người. Anh sẽ phải mua quần áo mới để thay thế và điều này lại một lần nữa nhắc nhở cho anh biết rằng anh có rất ít tiền. Thế rồi anh lại thấy cồn cào trong bụng. Jamie rời nhà tắm, chen chúc đi xuống con đường đông đúc, đến một quán ăn gọi là Sundowner. Anh gọi bia và một bữa ăn trưa, sườn cừu với cà chua, xúc xích, khoai tây, xà lách và dưa chuột dầm dấm. Trong khi ăn, anh lắng tai nghe câu chuyện lạc quan mà người ta nói với nhau ở xung quanh. “… Tôi nghe nói người ta tìm được một viên kim cương gần Colsenberg, cân nặng đến 21 cà rá. Nhớ đấy nhé, nếu ở đấy đã có một viên kim cương thì chắc chắn còn nhiều nữa…” “… Người ta mới tìm thấy kim cương ở Herbron. Tôi đang dự tính sẽ đến đó…” “Anh là thằng điên, những viên kim cương lớn đều ở Orange River…” Ở chỗ quầy rượu, một ông khách hàng, râu quai nón, mặc chiếc áo sơ mi dạ có sọc, không cổ và quần nhung sọc đang vân vê một ly bia chanh rõ bự. Ông ta đang tâm sự với người phục vụ quầy rượu “Tôi bị vét sạch túi ở Herbron. Tôi cần có một số tiền làm vốn”. Người bán rượu là một anh chàng to béo, trán sói, mũi gãy và méo xẹo, mắt như cú vọ. Anh ta cười to: “Mẹ kiếp anh bạn ạ, ai mà chẳng sạch túi? Tại sao tôi lại mở quầy rượu, anh rõ không? Chừng nào tôi có đủ tiền, tôi sẽ rút nhanh lên mạn Orange”. Anh lấy một chiếc giẻ bẩn chùi sạch quầy rượu và nói tiếp, “Nhưng tôi bảo cho anh biết điều này nhé, anh hãy đến gặp Salomon Van Der Merwe. Lão ta làm chủ hiệu bách hoá và nửa thị trấn này”. “Lão ta giúp gì được tôi?” “Nếu thích anh, lão có thể góp vốn với anh” Ông khách nhìn anh bán rượu chằm chằm “Thật thế hả, anh nghĩ rằng lão sẵn sàng làm như vậy sao?” “Lão đã làm như vậy với một số người, theo như tôi biết. Anh bỏ công sức anh ra, lão bỏ vốn. Kiếm được bao nhiêu sẽ chia đồng đều”. Các suy nghĩ của Jamie nhảy vọt lên về phía trước. Lâu nay anh vẫn tin tưởng rằng số tiền một trăm hai mươi bảng Anh anh đã dành dụm sẽ đủ để anh mua các đồ trang bị và thức ăn để tồn tại, thế nhưng giá cả ở Klipdrift cao một cách lạ lùng. Anh đã để ý thấy ở cửa hiệu Van Der Merwe, rằng một túi bột mì Úc nặng chừng trăm cân Anh giá năm bảng. Một cân đường giá 1 shilling. Một chai bia năm shillings, bánh bích quy ba shillings một cân, trứng tươi bảy shillings một tá. Với cái đà này, tiền bạc của anh chẳng tồn tại được bao lâu. Jamie nghĩ: “Lạy chúa, ba bữa ăn ở đây bằng cả gia đình mình sống trong một năm. Nhưng nếu mình có một người giàu có như ông Van Der Merwe hỗ trợ cho thì…”. Anh vội vã trả tiền bữa ăn rồi hối hả đi trở lại cửa hiệu bách hoá. Salomon Van Der Merwe đang ngồi sau quầy hàng, gỡ các khẩu súng ra từ một chiếc hòm gỗ. Ông ta là một người nhỏ nhắn với một gương mặt gầy choắt, xung quanh điểm râu quai nón. Tóc ông màu cát, đôi mắt nhỏ và đen, một cái mũi phồng ra và đôi môi nhíu lại. Cô con gái ông ta chắc phải giống mẹ, Jamie nghĩ thầm. “Xin lỗi ông…” Van Der Merwe nhìn lên: “Ja” (Vâng) “Ông có phải là ông Van Der Merwe không? Tôi tên là Jamie McGregor từ Tô Cách Lan đến đây. Tôi đến đây tìm kim cương”. “Vậy thì sao?” “Tôi có nghe nói rằng ông giúp đỡ những người thăm dò”. Van Der Merwe lẩm bẩm: “Anh bạn ạ, không biết ai đã tung ra cái chuyện ấy? Tôi chỉ giúp đỡ một ít người đào kim cương, thế là mọi người đều tưởng rằng tôi là ông Santa Claus (ông già Noel)” “Tôi đã để dành được một trăm hai mươi bảng Anh”, Jamie hăm hở nói, “Nhưng tôi biết rằng từng đó không giúp tôi mua được bao nhiêu thứ cả. Tôi sẵn sàng đi đến nơi hoang dã với một cái xẻng, nếu cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một con la và dụng cụ thích hợp có lẽ tôi có cơ may thành công nhiều hơn!” Van Der Merwe quan sát anh bằng cặp mắt đen ti hí: “Cái gì khiến anh nghĩ rằng anh có thể tìm được kim cương?” “Tôi đã đi nửa vòng trái đất, ông Van Der Merwe, và tôi nhất định sẽ không rời khỏi nơi này khi nào tôi chưa được giàu có. Nếu có kim cương ở nơi nào đó thì chắc chắn tôi sẽ tìm ra. Nếu ông giúp tôi, cả hai chúng ta sẽ trở nên giàu có”. Van Der Merwe hứ lên một tiếng quay lưng lại phía Jamie, tiếp tục rỡ súng ra khỏi thùng, Jamie vẫn đứng lóng ngóng ở đấy, không biết nói gì thêm nữa. Khi Van Der Merwe bắt đầu mở lời trở lại, câu hỏi của ông ta làm anh choáng váng, như bị chộp bất thình lình: “Anh đến đây bằng xe bò chở khách hả?” “Không, bằng xe chở thư”. Ông già quay lại quan sát chàng trai trẻ một lần nữa, cuối cùng ông nói, “Chúng ta sẽ bàn về chuyện ấy”. Hai người bàn với nhau về chuyện ấy vào buổi tối trong một căn phòng ở phía sau cửa hiệu, nơi ăn ở của Van Der Merwe. Đó là một phòng nhỏ làm phòng ăn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ngủ, với một chiếc màn phân chia hai chiếc giường bố. Phần dưới các bức tường xây bằng đá và bùn, còn phần trên là các hộp bằng cáctông trước kia đựng các loại thực phẩm. Một lỗ hình vuông được xẻ ra trên một bức tường được dùng làm cửa sổ. Về mùa mưa, lỗ này được bít lại bằng một tấm gỗ gán ở phía trước. Bàn ăn là một tấm ván dài, đặt ngang trên hai thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ, được đặt lại ở bên hông, dùng làm tủ đựng bát đĩa. Jamie đoán rằng Van Der Merwe không phải là một người chịu rời xa đồng tiền của ông ta một cách dễ dàng. Cô con gái của Van Der Merwe yên lặng đi qua đi lại để chuẩn bị bữa ăn. Thỉnh thoảng cô đưa mắt thật nhanh nhìn về phía ông bố nhưng không nhìn Jamie một lần nào. Tại sao cô ấy có vẻ khiếp hãi thế nhỉ? Jamie tự hỏi. Khi mọi người đã vào bàn ăn, ông Van Der Merwe mở lời: “Chúng ta hãy đọc một bài kinh nào. Lạy Chúa, chúng con cám ơn ngài về những ân thưởng rộng rãi mà chúng con đã nhận được từ Ngài. Chúng con cảm ơn ngài đã tha thứ các tội lỗi của chúng con và chỉ ra cho chúng con con đường chính đáng và giải thoát chúng con khỏi các cám dỗ. Chúng con cảm ơn Ngài đã cho chúng con cuộc sống lâu dài, nhiều lợi lộc và đã đập chết tất cả những kẻ nào xúc phạm đến Ngài. Amen” Rồi ngay tiếp đó, luôn một hơi thở, ông ta nói với con gái, “Chuyển đĩa thịt lại đây cho bố”. Bữa ăn thật thanh đạm: một miếng thịt rán nhỏ, ba củ khoai tây và một đĩa rau cải. Các phần dọn cho Jamie thật ít ỏi. Hai người nói chuyện với nhau rất ít trong bữa ăn còn Margaret thì không nói gì cả. Ăn xong, Van Der Merwe mới nói: “Thật là ngon, con gái ạ”. Giọng nói của ông pha lẫn một chút hãnh diện. Rồi ông quay về phía Jamie, “Chúng ta bàn về công việc chứ?”. “Vâng, thưa ông”. Van Der Merwe nhặt lên một ống điếu từ mặt tủ gỗ con, lấy thuốc lá thơm từ một chiếc túi con nhét vào ống điếu. Ông châm thuốc. Đôi mắt ông nhìn chăm chú vào mặt Jamie qua làn khói thuốc cuồn cuộn. “Những bọn đào kim cương ở vùng Klipdrift đều khùng cả. Có quá ít kim cương nhưng lại quá nhiều. Người ta có thể làm gãy xương sống suốt cả năm trời mà chẳng tìm ra được cái gì ngoài “schlenter”. Đó là loại kim cương vô giá trị ấy mà. Anh có hiểu tôi nói không?” “Vâng, tôi hiểu. Vậy thì phải làm thế nào?” “Bọn Griquas” Jamie ngơ ngác. “Đó là một bộ lạc Châu Phi ở mạn Bắc. Họ tìm thấy kim cương - những viên kim cương thật lớn - rồi đôi khi họ mang đến cho tôi. Sau đó tôi bán lại để mua hàng hoá”. Người Hà Lan ấy hạ thấp giọng xuống thì thầm một cách bí mật, “Tôi biết họ tìm thấy kim cương ở đâu rồi”. “Thế nhưng tại sao ông không tự mình đi tìm lấy ông Van Der Merwe?” Van Der Merwe thở dài: “Không, tôi không thể rời cửa hiệu này được. Chúng nó sẽ ăn cắp mà mình không biết được. Tôi cần một người nào đủ tin cậy để đi đến nơi ấy, rồi đưa kim cương về cho tôi. Khi nào tìm được đúng người, tôi sẽ cung cấp cho hắn đủ mọi dụng cụ cần thiết”. Ông dừng lại một lát để kéo hơi thuốc “Rồi tôi sẽ bảo cho hắn kim cương ấy ở đâu”. Jamie vụt đứng dậy, tim đập thình thình: “Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, tôi xin ông, tôi sẽ làm việc cả ngày đêm”. Giọng anh sôi nổi, đầy nhiệt tình “Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không thể đếm nổi”. Van Der Merwe lặng lẽ nhìn anh một lát nhưng anh thấy nó lâu như cả thế kỷ. Cuối cùng, khi Van Der Merwe thốt lời, ông chỉ nói gọn một chữ “Ja”. Jamie ký hợp đồng vào sáng hôm sau. Hợp đồng ấy viết bằng tiếng Africaner (Nam Phi) “Để tôi giải thích cho anh”, Van Der Merwe nói, “hợp đồng đó ghi rằng, chúng ta hợp tác kinh doanh với nhau, tôi bỏ vốn, anh bỏ công sức. Chúng ta chia nhau đồng đều tất cả mọi thứ.” Jamie nhìn vào bản hợp đồng trong tay Van Der Merwe. Giữa những hàng chữ khó hiểu, anh chỉ nhận ra một dòng chữ: tổng số hai bảng Anh. Jamie lấy tay chỉ chữ ấy và hỏi: “Cái này để làm gì thưa ông Van Der Merwe?” “Cái đó có nghĩa là thêm vào một nửa số kim cương thuộc về phần anh, anh sẽ nhận được hai bảng Anh một tuần lễ làm việc. Dù tôi biết rằng ở đó có kim cương, cũng có thể xảy ra trường hợp anh sẽ không tìm được cái gì cả, anh bạn ạ. Nhưng như vậy, ít nhất anh cũng nhận được chút ít gì đó do công lao anh đã bỏ ra”. Một người như thế thật quá ư sòng phẳng, “Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm”. Jamie tưởng chừng như muốn chồm lên mà hôn ông. Van Der Merwe nói: “Bây giờ ta hãy lo việc trang bị mọi thứ cho anh đã”. Phải mất hai giờ đồng hồ mới chọn được mọi thứ cho Jamie mang theo: một lều vải nhỏ, dụng cụ nấu ăn, hai cái sàng, một cái đãi đá, một cái cuốc chim, hai cái xẻng, ba xô nước, tất và áo lót. Có một cái rìu, một cây đèn và dầu garrafin, diêm và xà phòng arsenic. Ngoài ra còn có những hộp thiếc thức ăn, thỏi thịt, đường, cà phê và muối. Cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng, đầy đủ. Tên đầy tớ da đen, Banda, lặng lẽ giúp Jamie xếp gọn ghẽ mọi thứ trong những túi đeo trên lưng. Anh chàng to lớn ấy không bao giờ đưa mắt nhìn Jamie và cũng chẳng nói một lời nào. Hắn không nói được tiếng Anh, chắc vậy. Margaret ở trong cửa hiệu, chờ đợi khách hàng, nhưng nếu cô ta biết rằng Jamie đang có mặt ở đấy cô ta cũng chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào cả. Van Der Merwe bước lại gần Jamie: “Con la của anh đã đợi ở trước nhà”, ông nói, “Banda sẽ giúp anh chất đồ đạc lên”. “Cám ơn ông Van Der Merwe”, Jamie nói, “Tôi…” Van Der Merwe xem xét một mảnh giấy đặc sệt những con số và nói, “Tất cả một trăm hai mươi bảng Anh” Jamie nhìn ông ngơ ngác: “S… sao? Cái này nằm trong điều khoản đã được thoả thuận giữa chúng ta mà. Chúng ta…” Khuôn mặt gầy choắt của Van Der Merwe sụm lại vì giận dữ: “Anh tưởng rằng tôi tặng anh tất cả các thứ này, thêm vào một con la thật tốt, rồi cho phép anh hợp tác kinh doanh với tôi, ngoài ra lại còn cho anh thêm hai bảng một tuần hay sao? Nếu anh mong tìm một cái gì đó mà không muốn bỏ ra một chút nào hết thì anh tìm lầm chỗ rồi”. Nói xong ông ta liền dỡ một túi xách xuống. Jamie vội vàng nói: “Đừng, xin ông đừng làm thế, ông Van Der Merwe. Ấy chỉ vì tôi không hiểu thôi. Ông muốn như thế thì cũng được, tôi có sẵn tiền ở đây”. Anh thọc tay vào túi da, trút tất cả số tiền dành dụm của anh cho đến đồng xu cuối cùng lên mặt bàn. Van Der Merwe do dự, “Thôi được rồi”, ông ta nói với vẻ miễn cưỡng, “Có lẽ đó là một sự hiểu lầm, thật đấy. Thị trấn này toàn những tên lừa đảo. Tôi phải thận trọng khi giao thiệp buôn bán với ai”. “Vâng, ông làm thế là phải”, Jamie ngỏ ý tán thành. Trong lúc quá sôi nổi, anh đã hiểu sai các điều thoả thuận với nhau. Mình thật may mắn, vì ông ta còn cho mình một cơ hội sửa chữa sai lầm, Jamie thầm nghĩ. Van Der Merwe thọc tay vào túi, rút ra một tấm bản đồ vẽ tay nhỏ nhăn nhúm: “Anh sẽ tìm thấy mooi kliper ở chỗ này. Phía Bắc nơi này, ở Magerdam trên bờ sông phía Tây của con sông Vaal”. Jamie quan sát bản đồ, tim anh bắt đầu đập nhanh, “Nơi ấy xa bao nhiêu dặm?” “Ở đây chúng tôi đo khoảng cách bằng thời gian. Với con la này, anh sẽ đi mất khoảng 4, 5 ngày. Lúc trở về sẽ chậm hơn vì trọng lượng của kim cương”. Jamie mỉm cười: “Ja”. Khi Jamie trở lại đường phố của Klipdrift, anh không còn là một du khách nữa. Anh là một nhà thăm dò, một người đào kim cương đang tiến gần đến sự giàu có. Banda đã chất xong đồ đạc lên lưng con la mảnh khảnh, yếu đuối bị cột chặt vào trước cửa hịêu. “Cảm ơn”, Jamie mỉm cười nói Banda quay lại, nhìn vào mắt anh rồi lặng lẽ quay đi nơi khác. Jamie tháo sợi dây cương và nói với con la: “Đi nào anh bạn, đã đến giờ chúng ta đi tìm mooi kliper rồi”. Người và la cùng tiến về phía Bắc, Jamie dựng lều vải bên cạnh con suối vào lúc đêm xuống, anh tháo la ra, cho nó uống nước và ăn cỏ. Anh soạn ra cho mình ăn một ít thịt bò khô, mơ khô và cà phê. Đêm tối vang lên những tiếng động kỳ lạ, anh nghe thấy tiếng rú, tiếng ụt ịt của những con thú đang đi xuống uống nước. Anh không có gì để tự bảo vệ cả, giữa những con thú nguy hiểm vây xung quanh, trên một mảnh đất hoang sơ, xa lạ. Một tiếng động khiến anh giật thót người, lúc nào anh cũng lo sợ móng vuốt của các thú rừng nhảy chồm ra từ bóng tối tấn công anh. Trí óc anh bắt đầu nghĩ miên man. Anh nghĩ đến chiếc giường khô ở quê hương, đến cuộc sống an toàn, tiện nghi mà anh chấp nhận như là điều đương nhiên. Anh ngủ từng chập, thấy trong mơ sư tử và voi tấn công anh, những người to lớn, râu ria xồm xoàm đang cố gắng giật khỏi tay anh những viên kim cương thật lớn. Lúc rạng đông, khi anh thức dậy, con la đã chết. Chương 02 Anh không thể tin vào mắt mình được nữa. Anh cố tìm ra một vết thương trên mình con vật vì nghĩ rằng nó đã bị một con thú dữ nào tấn công đêm hôm qua, nhưng không thấy gì cả. Con la đã chết trong giấc ngủ. Ông Van Der Merwe sẽ buộc mình phải chịu trách nhiệm về việc này. Jamie nghĩ thầm, nhưng khi mình đem kim cương về cho ông thì vấn đề này không còn quan trọng gì nữa. Không còn cách nào quay lại. Anh sẽ tiếp tục đi đến Magerdan mà không cần có con la. Anh nghe có tiếng động trong không khí và vội ngẩng lên nhìn. Những con kên kên đen to lớn đã bắt đầu bay vòng tròn quanh đầu, Jamie rùng mình. Anh vội vã xếp lại đồ đạc thật nhanh, quyết định xem nên bỏ lại những gì rồi nhét tất cả mọi thứ có thể mang theo trong một chiếc túi đeo lưng, anh bắt đầu lên đường. Năm phút sau, quay đầu nhìn lại, anh thấy những con kên kên khổng lồ ấy đã phủ kín xác chết của con la. Chỉ còn thấy một cái tai dài của nó nhô lên mà thôi. Jamie cố rảo bước đi thật nhanh. Lúc ấy là vào tháng mười hai, mùa hè ở Nam Phi. Con đường mòn băng qua thảo nguyên dưới mặt trời to lớn đỏ như cam trông thật là khủng khiếp. Lúc mới khởi hành từ Klipdrift, Jamie bước đi thoăn thoắt, tâm hồn thật vô tư, những phút trôi qua thành giờ, rồi giờ trở thành ngày, bước chân anh cứ chậm dần, trái tim anh thêm nặng trĩu. Xa tít chân trời, thảo nguyên đơn điệu sáng lung linh, bằng phẳng, ghê rợn dưới ánh nắng cháy bỏng, những cánh đồng xám xịt, đầy sỏi đá, cô quạnh dường như trải dài vô tận. Mỗi khi đi đến một nơi có nước, anh dừng lại, cắm lều trại rồi lăn ra ngủ giữa những âm thanh kỳ lạ trong đêm tối của những con vật xung quanh mình. Các âm thanh ấy không còn làm anh phải bận tâm nữa. Nó chứng tỏ rằng có sự sống tại nơi địa ngục khô cằn này, và anh cảm thấy mình bớt cô đơn. Một buổi sáng, vào lúc rạng đông, anh gặp một bầy sư tử. Anh nhìn chúng từ phía xa, trong khi con sư tử cái đang tiến về phía con sư tử đực và các con của chúng, mang theo một con linh dương con giữa hai hàm răng to khoẻ của chúng. Nó thả con vật trước mặt con sư tử đực rồi bỏ đi, để mặc con này ăn con mồi. Một con sư tử liều lĩnh nhảy chồm lên phía trước, cắn vào thịt con linh dương. Bằng một cử động, con sư tử đực giơ cao một bàn chân, tát một cái thật mạnh lên mặt con sư tử con, làm nó chết tức thì, sau đó nó trở lại tiếp tục ăn con mồi. Nó ăn xong thì các con khác mới tiến lại ăn phần còn lại. Jamie chậm rãi lùi lại, rời xa quang cảnh ấy rồi tiếp tục đi. Phải mất gần hai tuần lễ Jamie mới vượt qua vùng Karroo. Có nhiều lúc anh tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Anh không chắc rằng mình có thể hoàn tất cuộc hành trình này hay không. Mình là một thằng khùng. Lẽ ra mình phải trở về Klipdrift và van xin ông Van Der Merwe một con la khác. Nhưng nếu ông Van Der Merwe huỷ bỏ hợp đồng thì sao? Không, mình làm như thế là phải. Vì vậy Jamie tiếp tục lê bước. Một hôm anh thấy có bốn người ở phía xa xa đang tiến về phía anh. Mình mê sảng rồi, Jamie thầm nghĩ, đó là một ảo tưởng. Nhưng các hình người ấy vẫn tiến lại gần hơn nữa. Tim Jamie đập thình thịch một cách đáng lo ngại. Người! Có người nơi này. Anh tự hỏi không bíêt mình đã quên tiếng nói chưa. Anh thử nói to lên trong không khí, nghe như thể tiếng nói đấy là của một người nào khác, chết đã lâu rồi. Bốn người ấy đi tới chỗ anh, đó là những người thăm dò trở về Klipdrift, thất bại và mệt mỏi. “Chào”, Jamie nói. Họ gật đầu và chào lại. Một người trong bọn họ nói: “Ở phía trước chẳng có gì đâu, anh bạn ạ. Chúng tôi tìm rồi. Anh chỉ mất thì giờ thôi. Trở lại đi”. Nói xong họ đi thẳng. Jamie cố quên tất cả mọi sự mà chỉ nghĩ đến khoảng đồng không mông quạnh, không có đường mòn trải dài trước mặt. Nắng và ruồi là những thứ không thể nào chịu nổi nhưng chẳng có nơi nào để ẩn nấp cả. Có những cây gai nhưng các cành cây đã bị đàn voi phá trụi. Mắt Jamie gần như đã bị mù đi vì mặt trời. Da anh cháy bỏng và lúc nào anh cũng thấy choáng váng. Mỗi lần hít không khí, phổi anh như muốn vỡ toang ra. Anh không còn bước đi nữa, anh loạng choạng, vấp ngã; bàn chân này đặt trước bàn chân kia, anh lảo đảo tiến về phía trước không còn biết gì nữa cả. Một buổi trưa nọ, ánh nắng giữa trưa đập xuống người anh, anh thả tuột chiếc túi đeo, ngã lăn ra đất vì quá mệt không còn bước được nữa. Anh nhắm mắt lại, mơ màng thấy mình đang ở trong chiếc lò nấu kim khí khổng lồ và mặt trời là một viên kim cương to lớn, chói lọi đang đốt cháy anh, khiến anh tan ra thành nước. Anh thức dậy vào lúc nửa đêm, run lên cầm cập vì rét. Anh cố ăn miếng thịt bò khô và uống một hợp nước nhạt nhẽo. Anh biết rằng anh phải đứng dậy lên đường trước khi mặt trời mọc, trong khi đất và trời đang còn mát. Anh cố hết sức nhưng sự cố gắng của anh quá lớn lao. Thật là dễ dàng biết bao nếu mình nằm vĩnh viễn ở đó, không bước thêm một bước nào nữa. Mình chỉ ngủ thêm một chút nữa, Jamie nghĩ thầm, nhưng có một tiếng nói nào đó bên trong bảo anh rằng anh sẽ không bao giờ thức dậy nữa. Người ta sẽ tìm thấy xác anh nằm đó như hàng trăm xác chết khác. Anh nhớ đến những con kên kên rồi suy nghĩ - không, không phải xác tôi mà bộ xương của tôi. Chậm rãi và đau đớn, anh cố đứng dậy. Chiếc túi đeo nặng quá, anh không nhấc nổi nó nữa. Jamie bắt đầu bước đi, kéo lê cái túi ở phía sau. Anh không nhớ bao nhiêu lần anh ngã xuống cát rồi lại đứng dậy. Một lần, vào lúc trời chưa sáng, anh kêu to lên, “Tôi là Jamie McGregor, tôi sắp thành công rồi! Tôi sẽ sống! Chúa ơi, có nghe tôi nói không? Tôi sẽ sống…”. Tiếng anh như nổ ran trong đầu. “Con sắp đi tìm kim cương phải không? Con điên rồi con ạ. Đó là một câu chuyện thần tiên - một sự dụ dỗ của quỷ sa tăng, ngăn cản người ta làm ăn lương thiện”. “Tại sao con không nói cho ta biết con kiếm đâu ra tiền để đi? Đi hết nửa vòng thế giới đó, con ạ. Con lấy đâu ra tiền để đi?” “Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, thưa ông. Tôi sẽ làm việc ngày đêm. Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không đếm xuể”. Ấy thế mà cuộc đời của anh phải chấm dứt trước khi bắt đầu. Mình có hai lựa chọn, Jamie tự nhủ. Mình tiếp tục đi, hay mình có thể ở lại đây rồi chết… rồi chết… rồi chết. Những tiếng nói ấy vang lên không ngừng trong đầu. Mình có thể bước thêm một bước nữa, Jamie tự nhủ. Cố gắng lên, Jamie, một bước nữa thôi, một bước nữa… Hai ngày sau, Jamie McGregor loạng choạng đi vào ngôi làng Magerdam. Vết bỏng do mặt trời đã bị nhiễm trùng từ lâu nên bây giờ máu và huyết tương chảy ra. Hai mắt sưng vù, gần như hoàn toàn nhắm tịt lại. Anh ngã khuỵu xuống đường, một đống quần áo nhàu nát giữ chặt anh lại. Một số người đào kim cương thương tình đỡ hộ anh chiếc túi đeo. Với tất cả sức lực còn lại, anh chống trả họ, hét lớn trong cơn mê sảng “Không, hãy tránh xa khỏi các viên kim cương của tôi! Hãy tránh xa khỏi các viên kim cương của tôi…” Ba ngày sau, anh tỉnh dậy trong một căn phòng nhỏ, trống trải, trên người không có quần áo ngoài vải băng bó khắp thân thể. Người đầu tiên anh trông thấy là một bà trạc trung niên, béo phục phịch, ngồi trên chiếc giường bố của anh. “A-i”, tiếng anh khàn khàn như tiếng quạ kêu. Anh không thể nói được lời ra. “Nằm yên đi, anh bạn. Anh đang bị ốm đấy”. Bà nhấc chiếc đầu băng bó của anh lên, cho anh nhấp chút nước từ một cái tách bằng thiếc. Jamie chống cùi tay nhổm dậy, “Ở đâu…?” anh cố gắng nuốt nước bọt, cố gắng một lần nữa: “Tôi ở đâu thế này?” “Anh đang ở Magerdam. Tôi là Alice Jardine. Đây là nhà trọ của tôi. Rồi đây anh sẽ khoẻ lại. Chỉ cần ngủ một giấc ngon thôi. Nào, nằm xuống ngủ đi” Jamie nhớ lại những người lạ mặt đã cố lấy cái túi ra khỏi người anh và cảm thấy hoảng sợ: “Đồ đạc của tôi đâu rồi?” Anh cố ngồi dậy trên chiếc ghế bố nhưng lời của bà Alice ngăn anh lại. “Mọi thứ đều còn nguyên cả, đừng lo, con ạ”. Bà chỉ vào chiếc túi đeo được đặt ở góc phòng. Jamie ngả người xuống tấm vải sạch trắng tinh: “Mình đến nơi rồi, mình thành công rồi. Bây giờ trở đi, mọi sự sẽ thay đổi cả”. Sự hiện diện của bà Alice Jardine là một điều tốt lành, không những cho Jamie McGregor mà cho cả nửa số người ở Magerdam. Trong thị trấn nhỏ đầy phiêu lưu rủi ro này, nơi tất cả mọi người đều chia sẻ chung số phận, bà Alice nuôi họ ăn, săn sóc họ, khuyến khích họ. Bà là một người Anh đã đến Phi Châu cùng chồng bà. Lúc ấy bà bỏ nghề dạy học ở Leeds, tham gia vào cuộc đổ xô đi tìm kim cương. Chồng bà qua đời ba tuần lễ sau khi đến nơi này nhưng bà quyết chí ở lại. Những người thợ mỏ trở thành những đứa con bà không bao giờ có được. Bà buộc Jamie phải nằm trên giường bốn ngày nữa, bà cho anh ăn, thay băng và giúp anh hồi phục sức khoẻ. Đến ngày thứ năm, anh đã sẵn sàng đứng dậy được. “Thưa bà Alice Jardine, tôi mong bà hiểu cho lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với bà. Tôi không thể trả ơn cho bà lúc này, chưa đâu. Nhưng rồi đây bà sẽ có một viên kim cương thật lớn mà tôi sẽ biếu bà. Đó là một lời hứa của Jamie McGregor này”. Bà Alice mỉm cười trước vẻ nhiệt tình của cậu con trai dễ thương này. Anh vẫn còn quá gầy, đôi mắt xám còn đầy vẻ kinh hãi mà anh vừa trải qua, nhưng từ con người anh toả ra một sức mạnh, một vẻ cương quyết đáng sợ. Anh ta khác hẳn những người khác, bà Alice Jardine nghĩ thầm. Jamie trong bộ quần áo mới giặt, đi ra ngoài để thăm quan thị trấn. Nó là thị trấn Klipdrift ở tầm mức nhỏ hơn. Cũng là những chiếc lều vải, xe bò và đường phố bụi bặm, những cửa hiệu xây dựng sơ sài và những đám đông người thăm dò kim cương. Ngang qua một quán rượu, Jamie nghe tiếng ồn ào, náo nhiệt phát ra từ bên trong. Anh liền bước vào. Một đám đông người đang tập trung quanh một người Ái Nhĩ Lan mặc chiếc áo sơ mi đỏ. “Có chuyện gì thế?” Jamie hỏi. “Anh ta đãi mọi người vì mới tìm ra kim cương” “Anh ta làm sao?” “Ngày hôm nay anh ta giàu rồi, vì vậy anh đãi rượu cho toàn thể quán rượu này. Anh ta xuất tiền ra mua rượu đến cả ba mươi tay khát rượu trong quán này nốc cũng chưa chắc đã hết”. Jamie góp chuyện với nhiều tay đào kim cương đang tỏ vẻ bực tức xung quanh chiếc bàn. “Anh từ đâu tới, Jamie McGregor?” “Từ Tô Cách Lan” “Tôi không biết ở Tô Cách Lan người ta cho anh ăn loại phân ngựa gì chứ ở cái xứ khốn khiếp này không có đủ kim cương để trả tiền cho các chi tiêu”. Họ nói với nhau về các trại khác: Gong Gong, Forland Hope, Delports, Poorman Kopje… Tất cả cùng kể một câu chuyện giống nhau - hàng tháng trời làm việc đến gãy cả xương sống để di chuyển những tảng đá, để đào đất ở chỗ đất cứng và ngồi xổm bên bờ sông để đãi bùn nhão tìm kim cương. Mỗi ngày người ta tìm được một viên kim cương, không đủ để trở nên giàu có nhưng cũng đủ để họ nuôi dưỡng hy vọng. Tâm trạng của thị trấn là một sự pha trộn kỳ lạ của cả lạc quan lẫn bi quan. Những kẻ lạc quan đến, những kẻ bi quan bỏ đi. Jamie đã biết rõ anh đứng về phe nào rồi. Anh tiến lại gần người Ái Nhĩ Lan mặc áo sơ mi đỏ, mắt của anh ta mờ đi vì rượu rồi đưa cho anh ta xem bản đồ của Van Der Merwe. Người ấy nhìn thoáng một cái rồi ném trả lại cho Jamie: “Vô giá trị, tất cả vùng ấy đều bị người ta vét sạch cả rồi. Nếu tôi ở trường hợp anh, tôi sẽ đi đến Bad Hope thử ra sao”. Jamie không thể nào tin được. Chính bản đồ của Van Der Merwe đã đưa anh đến đây. Nó là ngôi sao Bắc Cực hướng dẫn anh đến sự giàu sang. Một người đào kim cương khác nói, “Cứ đi thẳng đến Colesberg. Người ta đang tìm kim cương ở đấy, con ạ”. “Gilfiland Kop mới là nơi nên đào” “Cứ thử đến Moonlight Rush xem sao, nếu cậu muốn nghe ý kiến của tớ”. Trong bữa ăn tối hôm ấy, Alice nói: “Jamie ạ, nơi nào cũng là may rủi giống nhau mà thôi. Cứ chọn lấy một nơi, dùng cuốc chim mà đào, rồi cầu nguyện. Các chuyên gia khác đều làm như vậy”. Sau một đêm giằng co suy nghĩ, Jamie quyết định không màng đến bản đồ của Van Der Merwe nữa. Mặc kệ lời khuyên bảo của mọi người, anh quyết định đi về phía đông, dọc theo con sông Modder. Sáng hôm sau, Jamie chào từ biệt bà Alice Jardine và lên đường. Đi được ba ngày hai đêm, anh đến được một nơi có vẻ có nhiều triển vọng. Anh dựng lều lên. Có những tảng đá lớn nằm dọc hai bên bờ sông. Anh dùng những cành cây dày làm đòn bẩy, di chuyển một cách khó nhọc các tảng đá ấy sang một bên để đi tới lớp đá sỏi nằm bên dưới. Anh đào từ sáng đến tối, cố tìm lớp đất sét vàng hoặc xanh có chất kim cương báo hiệu cho anh biết đã tìm ra một mạch kim cương. Nhưng đất ở đó cằn cỗi. Anh đào suốt cả tuần mà không tìm ra một viên đá nào. Vào cuối tuần lễ, anh di chuyển đến nơi khác. Một hôm, trong khi bước đi, anh trông thấy xa xa một cái gì giống như một ngôi nhà bằng bạc, sáng chói lọi dưới ánh nắng. Mình sắp bị mù mất rồi, Jamie nghĩ thầm. Nhưng lúc đi đến gần, anh nhận ra rằng anh đang tiến gần đến một ngôi làng, ở đó nhà cửa như đều làm bằng bạc cả. Những đám đông đàn ông, đàn bà, trẻ con người Ấn ăn mặc rách rưới, đang chen chúc nhau đông nghịt trên các đường phố. Anh trố mắt ngạc nhiên. Những ngôi nhà bằng bạc lóng lánh dưới ánh mặt trời đều làm bằng những hộp mứt bằng thiếc, đập dẹp ra, buộc lại với nhau và đóng đinh vào những tấm ván thô sơ. Anh tiếp tục bước đi, rồi sau một giờ, anh nhìn trở lại, anh vẫn còn nhìn thấy ánh chiếu sáng chói ngời của ngôi làng ấy. Đó là một quang cảnh anh không bao giờ quên được. Jamie vẫn tiếp tục bước về hướng Bắc. Anh đi dọc theo bờ sông, nơi có thể tìm thấy kim cương, đào cho đến khi tay anh không còn nhấc cái cuốc nặng lên nữa. Sau đó, anh đãi sỏi ướt bằng sàng tay. Khi trời tối hẳn, anh nằm lăn ra ngủ như bị thuốc mê. Cuối tuần lễ thứ hai, anh lại đi ngược trên con sông một lần nữa, ở phía Bắc có một khu định cư gọi là Paardspan. Anh dừng lại gần một khúc quanh của con sông, rồi soạn lấy một món ăn gọi là “carbonatje” nướng trên một cái xiên trên lửa, dùng một ít trà nóng, ngồi trước lều vải, nhìn lên các vì sao đang quay ngang bầu trời mênh mông. Đã hai tuần lễ rồi, anh không thấy bóng dáng một người nào. Một cơn lốc cô đơn như tràn qua người anh. Mình làm cái khỉ gì ở đây? Anh tự hỏi. Ngồi giữa hoang vu khốn kiếp này như một thằng điên khùng, tự giết mình bằng cách đập vỡ những tảng đá và đào đất lên hay sao? Trước kia, khi còn ở nông trại, mình sống sung sướng bao nhiêu. Đến thứ bảy này, nếu không tìm ra được một viên kim cương, mình sẽ trở về nhà. Anh nhìn lên những vì sao thờ ơ rồi hét to: “Chúng mày có nghe tao nói không, đồ khốn kiếp kia? Ôi, lạy Chúa Giêsu”, anh thầm nghĩ, “mình loạn trí rồi”. Jamie ngồi ở đấy, lơ đãng thả cát rơi qua các kẽ tay. Bỗng các ngón tay anh khép lại chạm vào một viên đá lớn. Anh nhìn nó trong một lúc rồi ném nó ra xa. Anh đã thấy hàng nghìn viên đá vô giá trị như vậy trong mấy tuần qua. Van Der Merwe gọi chúng là gì nhỉ? À, “schlenters”. Thế nhưng viên đá này có một vẻ gì đó khiến anh bất chợt phải chú ý đến. Anh đứng dậy, đi đến chỗ viên đá rồi nhặt nó lên. Nó lớn hơn các viên đá khác và có hình thù kỳ quặc. Anh chùi sạch đất bùn dính trên viên đá bằng cách cọ nó trên ống quần rồi quan sát kỹ hơn nữa. Nó giống như một viên kim cương. Điều duy nhất khiến anh nghi ngờ là vì nó quá lớn, gần bằng quả trứng gà. Lạy Chúa, nếu đây là kim cương thì… anh chợt cảm thấy khó thở. Anh chụp lấy cây đèn, bắt đầu sục sạo khoảng đất xung quanh anh. Trong mười lăm phút, anh đã tìm ra thêm bốn viên nữa giống như vậy. Không viên nào to bằng viên thứ nhất nhưng chúng cũng khá lớn, đủ để khiến anh mừng rỡ điên cuồng. Anh thức dậy trước lúc rạng đông, đào như điên. Đến trưa, anh đã tìm thêm nửa tá kim cương nữa. Trong tuần lễ tiếp đó, anh đào xới như điên, rồi đến đêm, anh chôn các viên kim cương ở một chỗ an toàn, nơi không một người qua đường nào tìm thấy được. Mỗi ngày anh lại tìm được những viên kim cương mới. Jamie ngắm nhìn của cải của anh chồng chất lên cao dần, và cảm thấy niềm vui sướng không sao tả xiết. Chỉ có nửa số của cải ấy thuộc về anh nhưng chừng ấy cũng đủ khiến anh giàu có hơn bất cứ thứ gì anh từng mơ ước. Vào cuối tuần lễ, Jamie ghi chú trên bản đồ của anh, rồi khoanh vùng đất của anh bằng cách đánh dấu cẩn thận các vùng biên giới với một cái cuốc. Anh đào của cải chôn giấu của anh lên, cẩn thận cất nó thật sâu trong cái túi đeo của anh, rồi quay trở về Magerdam. Tấm biển bên ngoài của một ngôi nhà nhỏ đề mấy chữ: DIAMANT KOOPER Jamie bước vào căn phòng, một căn phòng nhỏ, thiếu không khí. Đột nhiên anh cảm thấy hồi hộp lạ thường. Anh nghe hàng chục câu chuyện kể rằng có những người thăm dò tìm ra kim cương, nhưng rôi thứ ấy hoá ra lại là viên đá vô giá trị. Giả như mình lầm thì làm sao? Thì làm sao nhỉ? Viên xét nghiệm kim cương ngồi trước một chiếc bàn bừa bộn trong một căn phòng nhỏ bé, “Có cần tôi giúp gì hả?” Jamie thở một cái thật sâu: “Thưa ông, vâng ạ. Tôi muốn nhờ ông đánh giá cho thứ này”. Jamie đặt các viên đá lên bàn dưới cái nhìn chằm chằm của viên xét nghiệm. Khi anh ta làm xong việc này, tính đến có hai mươi bảy viên tất cả. Viên xét nghiệm nhìn các viên đá tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ở đâu… ở đâu anh tìm ra các thứ này?” “Tôi sẽ cho ông biết sau khi ông xác nhận các viên đá này là kim cương”. Viên xét nghiệm nhặt một viên đá to nhất lên, quan sát nó qua cái kính lúp của nhà kim hoàn, “Lạy Chúa”, ông nói, “Đây là một viên kim cương lớn nhất tôi chưa từng thấy”. Jamie nhận ra rằng anh đã nín thở từ lúc ấy đến giờ. Anh muốn hét to lên một tiếng để bày tỏ sự vui mừng. “Ở đâu”, người ấy nài nỉ, “Những viên kim cương này ở đâu?” “Ông đến gặp tôi ở quán ăn mười lăm phút nữa, tôi sẽ cho ông biết”. Jamie thu hồi lại các viênkim cương, bỏ vào túi rồi bước ra khỏi văn phòng. Anh đi thẳng đến văn phòng đăng ký cách đó hai nhà ở phía dưới con đường. “Tôi muốn đăng ký quyền sở hữu nhân danh Salomon Van Der Merwe và Jamie McGregor”, anh nói. Anh đã bước qua cánh cửa căn phòng ấy như là một cậu bé nông dân không một xu dính túi, nhưng khi bước ra khỏi cửa, anh đã là một tay triệu phú. Viên xét nghiệm đang ngồi ở quán ăn chờ đợi thì Jamie bước vào. Rõ ràng là ông ta đã tung ra tin tức này, bởi vì khi Jamie đi vào thì mọi người đột nhiên im bặt, kính cẩn. Trong trí óc của mọi người, chỉ có một câu hỏi duy nhất không nói ra. Jamie đi thẳng đến quầy rượu và nói với người bán hàng. “Tôi đến đây để uống rượu ăn mừng việc tôi đã tìm ra kim cương”. Rồi anh quay lại đối diện với đám đông “Paardspan”! Alice Jardine đang ngồi uống tách trà thì Jamie bước vào bếp. Mặt bà rạng rỡ khi trông thấy anh. “Jamie, xin cám ơn Thượng Đế, cháu đã trở về an toàn!” Bà đã nhận ra vẻ nhếch nhác và khuôn mặt đỏ bừng của Jamie, “Thất bại phải không? Không hề gì đâu. Hãy uống một tách trà với ta rồi cháu sẽ thấy khoẻ thôi”. Không một lời nào, Jamie thọc tay vào túi và lấy ra một viên kim cương lớn. Anh đặt vào tay bà Alice. “Cháu vẫn giữ lời hứa”, Jamie nói Bà trố mắt nhìn viên kim cương hồi lâu, đôi mắt xanh của bà ướt đẫm. “Không, Jamie, đừng làm thế”. Giọng nói của bà rất dịu dàng, “Bác không muốn thế đâu. Cháu không thấy sao? Nó làm hỏng tất cả mọi thứ!” Khi Jamie trở về Klipdrift, cuộc hành trình của anh được thực hiện theo kiểu cách sang trọng. Anh đổi một trong các viên kim cương để lấy một chiếc xe và con ngựa. Anh cẩn thận ghi chép mọi chi tiêu của anh để người hợp tác kinh doanh với anh khỏi bị lừa lọc. Cuộc hành trình này thật là dễ dàng và đầy đủ tiện nghi. Nghĩ đến thứ địa ngục trần gian anh đã phải trải qua trên quãng đường này, anh cảm thấy một sự ngạc nhiên tràn ngập trong lòng. Đó là sự khác biệt giữa giàu và nghèo, anh thầm nghĩ. Kẻ nghèo đi bộ còn người giàu đi xe ngựa. Anh quất nhẹ cây roi trên lưng con ngựa, rồi hân hoan đánh xe đi xuyên qua thảo nguyên đang tối dần. Chương 03 Klipdrift vẫn không thay đổi nhưng Jamie McGregor đã thay đổi. Mọi người trố mắt trong khi anh đánh xe vào thị trấn, dừng lại trước hiệu bách hoá Van Der Merwe. Không phải chỉ chiếc xe và con ngựa lôi cuốn sự chú ý của khách qua đường mà chính là vẻ hân hoan của chàng trai trẻ. Họ đã nhìn thấy cái vẻ ấy trước kia của những người thăm dò kim cương may mắn đã trở nên giàu có, và cứ mỗi lần nhìn thấy nó họ lại cảm thấy trong lòng tràn ngập niềm hy vọng mới. Họ đứng từ xa nhìn trong khi Jamie nhảy ra khỏi chiếc xe ngựa. Cũng vẫn là anh chàng da đen to lớn đứng ở đấy, Jamie nhoẻn miệng cười chào anh ta. “Chào anh bạn! Tôi về rồi đây nè”. Banda buộc sợi dây cương vào chiếc cột không nói lời nào cả, rồi đi vào phía trong cửa hiệu. Salomon Van Der Merwe đang bận tiếp một khách hàng. Người Hà Lan bé nhỏ ấy ngẩng mặt lên mỉm miệng cười. Jamie biết rằng ông ta đã nghe được tin mừng bằng một cách nào đó. Không ai có thể giải thích được tại sao, có điều tin tức về kim cương thường được loan đi rất nhanh trên khắp lục địa với tốc độ của ánh sáng. Khi Van Der Merwe tiếp xong khách hàng, ông ta hất cái đầu về phía cửa hiệu, “Vào trong đó, cậu Jamie McGregor”. Jamie đi theo ông ta. Cô con gái của ông đứng bên bếp lò chuẩn bị bữa ăn trưa, “Chào cô Margaret”. Cô ta đỏ mặt nhìn đi chỗ khác. “Phải! Tôi đã được nghe tin mừng”, Van Der Merwe nói, nét mặt rạng rỡ. Ông ngồi xuống bàn, dọn dẹp bát đũa, thìa nĩa sang một bên để thừa một khoảng trống trên bàn. “Đúng như vậy, thưa ông ạ”, Jamie nói một cách hãnh diện rút từ trong túi áo ra một túi da lớn, rồi dốc tất cả kim cương ra trên bàn trong nhà bếp. Van Der Merwe nhìn chằm chằm như bị thôi miên rồi chậm rãi nhấc lên từng viên một, thưởng thức từng cái, chừa lại những viên to nhất để xem sau cùng. Sau đó, ông bốc kim cương lên, bỏ vào trong chiếc túi bằng da linh dương rồi đặt chiếc túi ấy vào góc tủ sắt và khoá lại. Khi ông bắt đầu mở miệng, giọng của ông ta nghe đầy thoả mãn. “Anh giỏi đấy, Jamie McGregor ạ. Thật là giỏi”. “Cảm ơn ông. Đấy chỉ là mới bắt đầu thôi. Ở đó còn cả trăm viên như thế. Tôi không dám nghĩ chúng có giá trị đến như thế nào?” “Thế anh khoanh vùng đặt sở hữu đoàng hoàng rồi chứ?” “Thưa ông rồi ạ”, Jamie với tay trong túi, lấy ra mảnh giấy chứng nhận đăng ký, “Tôi đã đăng ký với danh nghĩa cả ông và tôi”. Van Der Merwe xem kỹ mảnh giấy rồi bỏ vào túi. “Anh xứng đáng được hưởng một số tiền thưởng, đứng chờ đấy”. Ông đi đến cánh cửa dẫn vào phía bên trong cửa hàng, “Theo ta, Margaret”. Margaret ngoan ngoãn đi theo ông. Cô ta giống như một con mèo bị khiếp hãi, Jamie thấm nghĩ. Ít lát sau, Van Der Merwe quay lại một mình. “Đây này”, ông mở cái túi tiền ra đếm đủ năm mươi bảng Anh. Jamie nhìn ông ta, tỏ vẻ bối rối “Cái này để làm gì, thưa ông?” “Cho mày đất, bé con, tất cả chỗ ấy”. “Tôi… tôi không hiểu” “Anh đã đi vắng hai mươi bốn tuần, mỗi tuần hai bảng thì tất cả là bốn mươi tám bảng Anh. Tôi cho anh thêm hai bảng nữa gọi là tiền thưởng”. Jamie cười to, “Tôi không cần tiền thưởng, tôi có phần kim cương của tôi rồi”. “Phần kim cương nào của anh?”. “Kìa, ông Van Der Merwe, năm mươi phần trăm của tôi. Chúng ta cùng hợp tác kinh doanh mà” Van Der Merwe nhìn anh ta trừng trừng, “Tại sao anh lại có ý tưởng ấy?”. “Vì sao…?” Jamie nhìn Van Der Merwe với vẻ bối rối. “Chúng ta có hợp đồng mà”. “Đúng vậy, nhưng anh đã đọc chưa?”. “À, cái ấy thì không. Hợp đồng ấy viết bằng tiếng Nam Phi, nhưng chính ông đã nói rằng chúng ta là những kẻ hợp tác kinh doanh, cùng chia sẻ với nhau đồng đều”. Lão già lắc đầu, “Anh hiểu nhầm ý tôi rồi, tôi không cần ai hợp tác cả. Anh làm việc cho tôi. Tôi cung cấp cho anh đồ trang bị, rồi tôi sai anh đi tìm kim cương cho tôi”. Jamie cảm thấy cơn giận dữ sôi sục trong người. “Ông không cho tôi cái gì cả. Tôi đã trả ông một trăm hai mươi bảng Anh để mua các đồ trang bị ấy”. Ông già nhún vai nói: “Tôi không chịu mất thì giờ quý báu của tôi để cãi cọ với anh. Tôi bảo với anh thế này nhé. Tôi sẽ cho anh thêm năm bảng nữa và như thế chúng ta đã thanh toán với nhau sòng phẳng cả. Tôi cho rằng như thế đã hậu hĩnh lắm rồi”. Jamie hét lên giận dữ: “Không thể coi như thế là sòng phẳng được!”. Trong cơn giận dữ, anh quay trở lại lối phát âm của Tô Cách Lan, “Tôi có quyền được hưởng số kim cương ấy và tôi nhất định sẽ lấy được. Tôi đã đăng ký với danh nghĩa của tôi và ông”. Van Der Merwe mỉm cười, “Thế ra anh muốn đánh lừa tôi phỏng? Tôi có thể làm cho anh phải ngồi tù về tội ấy”. Lão dúi tiền vào tay Jamie, “Thôi lĩnh tiền lương của anh đi rồi cút khỏi nơi này”. “Tôi sẽ kiện ông”. “Anh có tiền để trả luật sư không? Tôi làm chủ tất cả các luật sư trong vùng này, bé con ạ”. Chuyện này không xảy ra với mình, Jamie thầm nghĩ, đó là cơn ác mộng. Những nỗi đau khổ, cực nhọc anh đã trải qua, bao nhiêu tuần lễ và tháng trong sa mạc nóng bỏng, lao động khổ sai cực nhọc từ sáng tới tối - tất cả trở lại với anh như thác lũ. Anh suýt chết, ấy thế mà giờ đây lão già này lật lọng cướp tất cả những gì thuộc về phần anh. Anh nhìn thẳng vào mắt Van Der Merwe, “Tôi không để cho ông thoát khỏi trừng phạt sau vụ này. Tôi sẽ không rời Klipdrift, tôi sẽ kể cho mọi người nghe hành động của ông. Tôi sẽ lấy lại kim cương của tôi”. Van Der Merwe sắp sửa quay đi để tránh cơn thịnh nộ trong đôi mắt xám nhạt, “Tốt hơn hết, anh nên đi kiếm một bác sĩ, bé con ạ”, lão lẩm bẩm, “Tôi nghĩ rằng nắng nôi đã làm anh quẫn trí rồi”. Trong một giây đồng hồ, Jamie McGregor vụt đứng dậy, cao nghễu nghện ở phía trên Van Der Merwe. Anh nhấc bổng thân hình gầy còm của lão lên, đặt ngang mặt anh, “Tôi sẽ làm cho ông phải hối hận vì đã để mắt đến tôi”. Anh thả Van Der Merwe xuống chân anh, ném tiền lên bàn rồi đùng đùng bước ra cửa hiệu. Khi Jamie bước vào quán Sundowner, quán này gần như vắng hoe vì phần lớn những người thăm dò kim cương đều đã lên đường đi Paardspan. Jamie tràn ngập giận dữ và thất vọng. Thật là khó tin nổi, anh nghĩ thầm. Chỉ một phút, anh giàu có như Croesus rồi đến phút sau anh không còn một xu dính túi. Van Der Merwe là một tên ăn cắp. Mình sẽ tìm một cách nào đó để trừng trị lão ta. Nhưng làm thế nào? Van Der Merwe đã nói đúng. Jamie không thể tìm ra được một luật sư nào để bênh vực cho anh. Anh là một kẻ xa lạ trong khi Van Der Merwe là một thành viên được kính nể nhất trong cộng đồng này. Vũ khí duy nhất của Jamie McGregor là sự thật. Anh sẽ nói cho mọi người ở Nam Phi biết những gì Van Der Merwe đã làm. Smit, tên phục vụ ở quầy rượu, niềm nở chào anh. “Mừng ông đã về. Ở đây có đủ mọi thứ rượu, ông thích thứ gì?”. “Một ly whisky”. Smit rót một ly lớn đặt trước mặt Jamie. Jamie uống luôn một hớp. Anh không quen uống rượu nên chất rượu mạnh như đốt cháy cổ họng và dạ dày anh. “Thêm một ly nữa”. “Xin có ngay. Tôi luôn luôn bảo rằng người Tô Cách Lan có tửu lượng bỏ xa những người khác”. Ly thứ hai trôi xuống xem ra dễ dàng hơn. Jamie nhớ lại rằng chính anh bán rượu đã khuyên một người đào kim cương nên đến gặp Van Der Merwe để được sự giúp đỡ. “Anh có biết rằng lão già Van Der Merwe là một tên lường gạt không? Hắn đã cố lừa tôi để cướp tất cả số kim cương của tôi”. Smit tỏ ra vẻ thông cảm. “Sao? Như thế thì ghê gớm quá! Tôi rất buồn lòng nghe chuyện này”. “Nhưng hắn sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt đâu”, giọng Jamie trở nên líu nhíu, “Nửa số kim cương ấy là của tôi, hắn là tên ăn cắp. Tôi sẽ cho tất cả mọi người biết điều ấy”. “Cần thận đấy, Van Der Merwe là một nhân vật quan trọng trong thị trấn này”. Người bán rượu cảnh cáo, “Nếu anh muốn chống lại hắn ta, anh phải có người giúp đỡ. Tôi biết một người như vậy. Hắn ta ghét lão Van Der Merwe chẳng kém gì anh”. Anh ta nhìn quanh một vòng để tin chắc là không có ai nghe lỏm, “Có một chuồng ngựa cũ ở cuối phố. Tôi sẽ sắp đặt mọi thứ cho anh. Hãy đến đó vào lúc mười giờ tối nay”. “Cảm ơn”, Jamie nói, “Tôi sẽ không quên ơn anh”. “Mười giờ nhé, ở chuồng ngựa”. Chuồng ngựa là một công trình kiến trúc dựng lên vội vã bằng tôn, xa đường phố chính, bên rìa thị trấn. Jamie đến nơi ấy vào lúc mười giờ. Trời lúc ấy tối mịt nên anh phải cẩn thận dò lối đi. Không có bóng dáng người nào ở xung quanh. Anh bước vào bên trong. “Chào…” Không một tiếng trả lời, Jamie chậm rãi bước lên phía trước. Anh nhận ra hình dáng lờ mờ của những con ngựa đang bồn chồn, cựa quậy trong các ngăn buồng. Tiếp đó có một tiếng động. Anh sắp sửa quay lại thì một thanh sắt giáng xuống bả vai khiến anh ngã lăn xuống đất. Một cái chuỳ nên trúng đầu anh rồi một bàn tay khổng lồ nhấc bổng anh lên và giữa chặt anh lại trong khi những cái đấm và cái đạp nện vào thân anh tới tấp. Những cái đấm đạp dường như cứ tiếp diễn vô tận. Khi cơn đau đớn cùng cực không chịu đựng nổi, anh ngất đi, lúc ấy nước lạnh được dội lên xối xả lên mặt anh. Mắt anh lại mở ra, anh dường như thoáng thấy tên đầy tớ của Van Der Merwe tên là Banda. Những cái đánh đập lại bắt đầu một lần nữa. Jamie cảm thấy xương sườn mình gãy ra.. Một vật gì đó đập mạnh lên chân anh. Anh nghe tiếng xương kêu răng rắc. Lúc ấy, anh lại bất tỉnh một lần nữa. Người anh giống như lửa đốt. Một kẻ nào đó cào lên mặt anh bằng giấy nhám nên anh cố hết sức đưa tay lên phản đối nhưng vô hiệu quả. Anh cố gắng mở mắt ra nhưng hai mắt anh sưng vù nhắm nghiền lại. Jamie nằm ở đấy, từng thớ thịt của anh như đang kêu thét vì đau đớn. Anh cố nhớ lại mình đang ở đâu. Anh cố cựa mình, cái cạo lúc nãy lại quay trở lại. Anh sờ soạng giơ bàn tay ra, sờ thấy cái nóng. Từng chút một, mỗi cử động là một cơn đau khủng khiếp, anh nhổm dậy được trên hai đầu gối. Anh cố nhìn qua cặp mắt sưng vù nhưng chỉ nhìn thấy hình mờ mờ. Anh đang đứng ỏ một nơi nào đó, trần truồng giữa vùng Karroo không có đường mòn qua lại. Lúc ấy là sáng sớm, nhưng anh cảm thấy mặt trời bắt đầu thiêu đốt xuyên qua thân thể anh. Anh sờ soạng tìm ít thức ăn hay bình nước nào đó. Không có gì cả. Bọn chúng đã để lại anh ở đó vì tưởng anh đã chết. Salomon Van Der Merwe và dĩ nhiên Smit, tên phục vụ rượu. Jamie đã hăm doạ Van Der Merwe và Van Der Merwe đã trừng phạt anh như trừng phạt một đứa trẻ nhỏ. Nhưng rồi đây hắn sẽ biết rằng mình không phải là đứa trẻ, Jamie tự hứa với mình như vậy. Không còn trẻ con nữa đâu. Mình là một kẻ báo thù. Chúng nó sẽ phải trả giả, chúng sẽ phải trả giá. Nỗi thù hận chạy qua khắp thân thể anh, tạo cho anh sức mạnh có thể ngồi dậy. Hít thở lúc này đối với anh là sự tra tấn. Bọn chúng đã đập của anh bao nhiêu chiếc xương sườn nhỉ? Mình phải cẩn thận đừng để cho chiếc xương ấy chọc thủng phổi. Jamie cố đứng dậy nhưng ngã xuống với một tiếng hét. Chân phải của anh đã bị gãy và nằm theo một góc kỳ quặc. Anh không thể bước được nữa. Nhưng anh có thể bò. Jamie McGregor không biết anh đang ở đâu. Bọn chúng có lẽ đã đưa anh đến một nơi cách xa đường mòn, như vậy không ai có thể tìm ra xác anh ngoài những con vật ăn xác chết trong sa mạc, những con linh cẩu, con diều ăn rắn và kên kên. Sa mạc là một nhà xác mênh mông. Anh đã từng nhìn thấy xương của những xác người đã bị rỉa ra, không một chút thịt nào dính trên bộ xương cả. Ngay lúc Jamie nghĩ vậy, anh nghe tiếng cánh đập xào xạc trên đầu và tiếng rít the thé của những con kên kên. Anh cảm thấy một luồng kinh hãi tuôn ra khắp người. Anh bị mù rồi. Anh không thấy được chúng nhưng anh có thể ngửi thấy chúng. Anh bắt đầu bò. Anh buộc phải tập trung vào cơn đau. Thân thể anh như rực lửa bởi những cơn đau ấy và mỗi cử động nhỏ cũng đem đến những cơn đau cùng cực. Nếu anh cử động theo cách nào đó, cái chân của anh lại chuyển đến những cơn đau như châm vào da thịt. Nếu anh hơi thay đổi vị trí cho những cơn đau nhẹ ở chân thì những miếng xương sườn của anh lại cọ vào với nhau. Anh không thể chịu đựng được sự tra tấn lúc nằm yên cũng không chịu được cơn đau nhức khi cử động. Anh vẫn tiếp tục bò. Anh có thể nghe thấy chúng bay lượn thành vòng trên đầu, chờ đợi anh với sự kiên nhẫn bất kể của thời gian. Trí óc anh bắt đầu lang thang đây đó. Anh đang ở trong ngôi nhà thờ mát rượi của tỉnh Aberdeen, gọn ghẽ trong bộ đồ mặc vào ngày Chủ Nhật, ngồi giữa hai anh trai, chị Mary và Annie Cord mặc những chiếc áo dài trắng mùa hè thật đẹp đẽ. Annie nhìn anh mỉm cười. Jamie định đứng dậy để đi đến với nàng nhưng các anh của anh giữ anh lại và véo vào anh. Những cái véo ấy trở thành những cơn đau nhức nhối hành hạ, còn anh thì đang bò xuyên qua sa mạc, thân thể trần truồng, xương gãy. Tiếng kêu của những con kên kên lớn hơn, chúng có vẻ sốt ruột. Jamie cố mở to đôi mắt để xem chúng gần anh bao nhiêu. Anh không thể thấy gì ngoài những vật lờ mờ, mơ hồ mà trí tưởng tượng khiếp hãi của anh đã biến thành con linh cẩu, những con chó rừng hung dữ. Gió trở thành hơi thở nồng nực, hôi thối của chúng vuốt ngang mặt anh. Anh tiếp tục bò vì biết rằng nếu anh dừng lại những con vật ấy sẽ chồm lên người anh. Người anh đang cháy bừng vì cơn sốt và đau nhức, thân thể anh bị lột da vì sức nóng và cát. Thế nhưng anh không thể nào bỏ cuộc được, chừng nào Van Der Merwe chưa bị trừng trị - chừng nào mà Van Der Merwe còn sống. Anh mất cả ý thức về thời gian. Anh đoán rằng anh đã đi được một dặm. Sự thực anh mới chỉ di chuyển được chừng mười mét, bò thành vòng tròn. Anh không thấy rằng anh đã ở đâu hoặc đang đi đâu. Anh tập trung trí óc anh chỉ vào một chuyện: Salomon Van Der Merwe. Anh bị bất tỉnh rồi đánh thức dậy bởi những cơn đau la thét ngoài sức chịu đựng. Một vật gì đó đâm vào chân anh, mãi một giây sau anh mới nhớ lại được chuyện gì đã xảy ra và anh đang ở đâu. Anh kéo một mắt sưng vù cho nó mở to ra. Một con kên kên to lớn, màu đen, có mào đang tấn công vào chân anh, xé da thịt anh một cách tàn nhẫn và đang ăn sống anh với cái mỏ nhọn hoắt của nó. Jamie trông thấy đôi mắt tròn như bi và cái khoang bẩn thỉu ở cổ nó. Anh ngửi thấy mùi hôi thối của con chim trong khi nó đang đậu trên thân hình của anh. Jamie cố hét thật to nhưng không phát ra được âm thanh nào. Điên cuồng, anh giật mạnh thân hình về phía trước, cảm thấy máu nóng tuôn ra từ chân anh. Anh trông thấy những cái bóng ở xung quanh anh, đang tiến lại để giết con mồi. Anh biết rằng nếu anh bất tỉnh một lần sau nữa thì đó là giây phút chấm dứt cuộc đời anh. Ngay vào lúc anh dừng lại, những con vật kinh tởm ấy sẽ xé xác anh một lần nữa. Anh vẫn tiếp tục bò. Trí óc anh bắt đầu đi dần vào tình trạng hôn mê. Anh nghe tiếng vỗ cánh phần phật của các con chim trước khi tiến lại gần anh, làm thành một vòng tròn xung quanh anh. Bây giờ anh đã quá yếu, không đủ sức xua chúng đi nữa. Anh không còn sức nào kháng cự nữa. Anh dừng lại, nằm yên trên cát. Những con chim khổng lồ cùng sà đến tham dự buổi tiệc của chúng. Chương 04 Thứ bảy là ngày phiên chợ ở Cape Town. Đường phố đông nghẹt người mua bán mong tìm được các món hàng giá hời, gặp gỡ bạn bè và người yêu. Người Boer và người Pháp, binh sĩ mặc những bộ quân phục màu sắc sặc sỡ, các bà người Anh mặc váy viền đăng ten, áo choàng có diềm đăng ten xếp nếp, hoà lẫn với nhau trong các cửa hiệu tạp hoá dựng lên trong công viên ở Braameonstain, Park Town và Burgerdorp. Mọi thứ đều được bán ở đấy: bàn ghế, ngựa, xe và trái cây tươi. Người ta có thể mua áo dài, bàn cờ, thịt, sách viết bằng mười hai thứ tiếng khác nhau. Vào ngày thứ bảy, Cape Town là một phiên chợ ồn ào, nhộn nhịp. Banda chậm rãi đi xuyên qua đám đông, thận trọng không nhìn mặt người da trắng. Như vậy thật quá nguy hiểm. Đường phố chật ních người da đen, Ấn Độ và da màu, nhưng thiểu số người da trắng thống trị. Banda ghét bọn họ. Đây là đất đai của anh, còn người da trắng là người “uitlander” (ngoại quốc). Có nhiều bộ lạc ở Nam Phi: người Basutos, Zulus, Bechnuarias, Matemele - tất cả đều là người Bantu cả. Chữ Bantu cũng là do chữ “Albantu”, có nghĩ là “nhân dân” mà ra. Nhưng những người Barolongs - bộ tộc của Banda - là thuộc hàng quý tộc. Banda còn nhớ câu chuyện bà nội kể về vương quốc rộng lớn của người da đen đã một thời cai trị Nam Phi. Vương quốc của họ, thế giới của họ. Thế mà bây giờ họ bị nô lệ hoá bởi một nhúm chó rừng da trắng. Người da trắng đã đẩy họ vào lãnh thổ mỗi lúc một nhỏ dần, cho đến khi sự tự do của họ đã bị xói mòn. Bây giờ, lối sống duy nhất mà người da đen có thể tồn tại là xảo quyệt, bề ngoài thì có vẻ khuất phục nhưng bên trong thì khôn ngoan, ranh mãnh. Banda không biết mình bao nhiêu tuổi vì người da đen không có giấy khai sinh. Tuổi của họ được tính theo truyền thuyết của bộ lạc: các cuộc chiến tranh và chiến đấu, ngày sinh và ngày chết của đại tù trưởng, các sao băng, băng tuyết và các vụ động đất, con đường mòn của Adam Kok, cái chết của Chaka và cuộc cách mạng giết hại gia súc. Nhưng tuổi tác của Banda không có gì quan trọng. Banda biết rằng anh là con trai của một tù trưởng và anh có nhiệm vụ phải làm một việc gì đó cho dân tộc của anh. Ý tưởng về sứ mệnh này của anh khiến anh bước đi cao hơn, thẳng người hơn trong một lát, cho đến khi anh bắt gặp cặp mắt nhìn của người da trắng. Banda bước hối hả về ngoại ô thị trấn, tức khu vực dành cho người da đen. Những ngôi nhà to lớn và những cửa hiệu hấp dẫn nhường chỗ cho những cái lán bằng thiếc, mái che và túp lều lụp xụp. Anh đi xuống còn đường đất, nhìn qua vai để có thể chắc chắn rằng không có ai đang theo dõi anh. Anh đi đến một cái lán gỗ nhìn quanh quất một lần cuối cùng, gõ hai tiếng trên cánh cửa và bước vào bên trong. Một người đàn bà da đen gầy còm ngồi trên một chiếc ghế ở góc phòng, đang may một chiếc áo. Banda gật đầu chào bà ta rồi tiếp tục đi vào buồng ngủ ở phía sau. Anh nhìn xuống hình thù đang nằm trên chiếc ghế bố. Sáu tuần sau đó, Jamie McGregor đã tỉnh lại, thấy mình đang nằm trên chiếc ghế bố trong ngôi nhà lạ. Ký ức trở lại với anh dồn dập. Anh lại đang ở vùng Karroo, thân thể bị gãy, hoàn toàn bất lực. Rồi những con kên kên… Rồi Banda bước vào trong căn phòng bé nhỏ, Jamie biết rằng hắn đến để giết anh. Van der Merwe đã biết được, bằng cách nào đó, rằng Jamie vẫn còn sống, cho nên lão sai đầy tớ của lão đến giết anh cho xong việc. Jamie cất tiếng khàn khàn: “Tại sao chủ anh không đích thân đến đây?” “Tôi không có chủ nào hết”. “Van der Merwe đó. Hắn sai anh đến đây, phải không?” “Không, hắn muốn giết cả hai chúng ta, nếu hắn biết được”. Câu nói này đối với anh thật là vô lý. “Tôi đang ở đâu thế này? Tôi muốn biết tôi đang ở đâu?” “Ở Cape Town”. “Không thể thế được, tôi đến đây bằng cách nào?”. “Tôi đem anh đến đây”. Jamie nhìn chằm chằm vào đôi mắt đen láy một hồi lâu trước khi anh có thể thốt ra lời, “Tại sao?”. “Tôi cần anh. Tôi muốn trả thù”. “Anh muốn…?”. Banda xích lại gần hơn: “Không phải trả thù cho tôi, tôi không quan tâm đến bản thân tôi. Van der Merwe hiếp em gái tôi. Nó chết khi sinh đứa con của hắn. Em gái tôi lúc ấy mới mười một tuổi”. Jamie ngả người xuống giường choáng váng, “Lạy Chúa”. “Từ ngày nó chết, tôi vẫn cố tìm một người da trắng có thể giúp cho tôi. Tôi tìm thấy anh ở chuồng ngựa vào đêm hôm ấy, khi tôi góp tay cùng bọn chúng đánh đập anh, anh Gregor ạ. Chúng tôi vứt anh trong vùng Karroo. Tôi được lệnh phải giết anh. Thế rồi tôi bảo với bọn chúng rằng anh đã chết rồi, sau đó tôi tìm cách trở lại để cứu anh thật sớm. Nhưng tôi đến hầu như quá trễ”. Jamie không thể ngăn chặn một cái rùng mình. Một lần nữa, anh tưởng chừng như đang ngửi thấy mùi hôi hám của những con chim kia đang rỉa thịt anh. “Những con chim ấy đã bắt đầu làm thịt anh. Tôi liền vác anh lên một chiếc xe bò và giấu anh trong nhà của đồng bào tôi. Một vị thầy thuốc của chúng tôi gắn lại cho anh các xương sườn, sửa lại chân cho anh thẳng và săn sóc các vết thương cho anh”. “Thế rồi sau đó ra sao?”. “Có một chiếc xe bò chở đầy bà con của tôi lúc ấy đang chuẩn bị lên đường đến Cape Town. Chúng tôi chở anh đi theo. Anh bị mất trí hầu như suốt thời gian ấy. Mỗi khi anh thiu thiu ngủ, chúng tôi lại lo lắng không biết anh có tỉnh dậy hay không?”. Jamie nhìn vào mắt con người đã suýt giết anh. Anh phải suy nghĩ thêm nữa, không thể tin vào con người này được. Thế nhưng chính hắn đã cứu mạng anh. Banda muốn nhờ tay anh giết Van der Merwe. Như vậy lợi cả hai đàng. Jamie suy nghĩ như vậy. Hơn bất cứ thứ gì trên đời này, Jamie muốn Van der Merwe phải trả giá đắt cho những gì hắn đã làm với anh. “Được rồi”, Jamie nói với Banda, “Tôi sẽ tìm cách trả thù cho hai chúng ta”. Lần đầu tiên anh thấy nụ cười loé trên mặt Banda, “Hắn phải chết chứ?”. “Không”, Jamie nói, “Hắn sẽ sống”. Jamie ra khỏi giường bệnh lần đầu tiên vào buổi trưa hôm ấy, đầu óc choáng váng và yếu ớt. Chân anh chưa hoàn toàn lành hẳn. Anh bước đi hơi cà nhắc. Banda cố giúp đỡ anh. “Thả tôi ra, tôi có thể đi một mình”. Banda đứng nhìn trong khi Jamie thận trọng bước ngang qua căn phòng. “Tôi muốn có một cái gương soi”, Jamie nói, “Chắc mặt tôi bây giờ trông kinh khủng lắm. Không biết bao lâu rồi mình chưa cạo râu nhỉ?”. Banda trở lại với cái gương soi. Jamie đưa nó lên mặt. Trước mặt anh là một bộ mặt hoàn toàn xa lạ. Tóc anh đã bạc trắng như tuyết. Bộ râu quai nón của anh màu trắng, mọc thật dày và bù xù. Mũi anh đã bị gãy, sống mũi bị lệch sang một bên. Mặt anh đã già đi hai mươi năm. Có những vệt sâu lõm dọc hai má và một cái sẹo xám xịt ở ngang cằm. Nhưng sự thay đổi lớn nhất là đôi mắt anh. Đó là đôi mắt đã nhìn thấy sự đau đớn, cảm thấy quá nhiều và thù hằn quá sâu đậm. Anh thong thả đặt tấm gương xuống. “Tôi muốn đi dạo một lát”, Jamie nói. “Xin lỗi, Jamie McGregor, không thể làm như vậy được”. “Sao lại không?”. “Người da trắng không đi đến vùng này trong thị trấn giống như người da đen không đi vào những nơi của người da trắng. Những người hàng xóm của tôi không biết có anh ở đây. Chúng tôi đem anh đến đây vào ban đêm”. “Thế làm sao tôi ra khỏi đây?”. “Tôi sẽ đưa anh đi ngay tối nay”. Lần đầu tiên Jamie nhận ra rằng Banda đã liều mạng giúp anh rất nhiều. Bối rối, Jamie nói “Tôi không có tiền, tôi cần có một công việc làm”. “Tôi đã tìm được một việc ở bến tàu. Ở đó họ cũng đang cần người”. Anh rút từ trong túi ra một ít tiền đưa cho Jamie, “Đây này”. Jamie cầm lấy tiền: “Tôi sẽ trả lại anh sau”. “Anh cứ trả lại cho em gái tôi sau này”, Banda nói. Vào lúc nửa đêm, Banda dắt Jamie ra khỏi lán, Jamie nhìn quanh quất. Anh đang ở giữa một khu nhà tồi tàn, lụp xụp, một rừng lán lợp tôn, rỉ sét và mái che làm bằng những tấm ván mục nát và vải bao rách. Đất bùn lầy vì trận mưa vừa qua xông lên một mùi khó thở. Jamie tự hỏi vì sao những con người như Banda lại có thể sống suốt đời ở một nơi như thế này. “Chẳng phải là có một vài…”. “Đừng nói chuỵên”, Banda thì thầm, “hàng xóm của tôi có tính tò mò”. Anh dắt Jamie ra khỏi khu nhà ở rồi chỉ “Trung tâm thị trấn ở về hướng này. Tôi sẽ gặp lại anh ở bến tàu”. Jamie đến ở tại chính ngôi nhà trọ mà anh đã tạm trú khi mới đến đây từ nước Anh. Bà Venster đứng sau bàn viết. “Tôi cần một phòng”, Jamie nói. “Tất nhiên rồi”, bà tủm tỉm cười nhe một chiếc răng vàng, “Tôi là Venster”. “Tôi biết”. “Làm sao mà anh biết được một chuyện như thế?”, bà hỏi một cách duyên dáng, “Chắc là bạn bè của anh kháo nhau chứ gì?”. “Bà Venster ạ, bà không nhớ tôi sao? Tôi đã ở đây năm ngoái mà”. Bà nhìn kỹ khuôn mặt đầy sẹo, cái mũi gãy và mái tọc bạc của Jamie nhưng không nhận ra một nét quen thuộc nào cả. “Tôi không bao giờ quên một khuôn mặt, anh bạn thân mến ạ. Tôi chưa gặp anh bao giờ cả nhưng không vì thế mà chúng ta không trở thành bạn thân của nhau được. Bạn bè vẫn gọi tôi là Dee Dee, thế còn tên anh là gì?”. Jamie trả lời không suy nghĩ. “Travis, Ian Travis”. Sáng hôm sau Jamie đi tìm công việc ở bến tàu. Viên đốc công bận rộn nói: “Chúng tôi cần những cái lưng rất khoẻ. Vấn đề trở ngại là anh quá lớn tuổi, không thích hợp với các loại công việc này”. “Tôi chỉ mới mười chín tuổi…”, Jamie định nói như vậy nhưng anh đã ngừng lại. Anh nhớ cái khuôn mặt trong gương ấy, anh liền nói, “Cứ cho tôi thử làm xem”. Anh bắt đầu làm phu khuân vác với số tiền chín shillings một ngày. Công việc của anh là bốc dỡ trên các tàu cập bến. Anh nghe nói rằng Banda và những người da đen khác chỉ nhận được sáu shillings một ngày. Gặp được cơ hội đầu tiên, anh liền kéo Banda ra một chỗ riêng rồi nói. “Tôi có chuyện muốn nói với anh”. “Đừng nói ở đây, McGregor ạ. Có một nhà kho để trống ở cuối bến tàu. Khi nào xong ca, tôi sẽ đến gặp anh ở đấy”. Banda đang chờ đợi khi Jamie đến nhà kho bỏ trống. “Anh hãy nói cho tôi nghe về lão Salomon Van der Merwe”, Jamie nói. “Anh muốn biết chuyện gì?”. “Tất cả mọi chuyện”. Banda nhổ phẹt một cái. “Hắn đến Nam Phi từ nước Hà Lan. Do những câu chuyện tôi nghe được thì vợ hắn là một người đàn bà xấu xí, nhưng giàu có. Bà ta chết đi vì một căn bệnh nào đó, rồi thì Van der Merwe lấy hết tiền bạc của bà ta đi đến Klipdrift mở một tiệm bách hoá. Hắn trở nên giàu có nhờ lối lừa lọc những kẻ đi tìm kim cương”. “Giống như hắn đã lừa tôi chứ gì?”. “Đó chỉ là một trong nhiều cách thôi. Những người may mắn đào được kim cương đi đến gặp hắn để có được tiền khai thác mỏ, nhưng lão Van der Merwe đã phỗng tay trên, làm chủ các mỏ ấy trước khi họ phát hiện”. “Có người nào tìm cách kiện lại hắn không?”. “Làm thế nào được? Các nhân viên phụ trách trong thị trấn đã ăn lương của hắn. Luật pháp quy định rằng nếu trong thời hạn năm mươi ngày mà không lo liệu việc khai thác mỏ kim cương ấy xem như để trống. Nhân viên ở đấy mách bảo cho Van der Merwe biết, thế là hắn ta chộp ngay lấy. Còn có một mánh khoé khác nữa. Vùng đất có quyền khai thác phải đóng cọc ở đường biên giới bằng những cái cọc chĩa thẳng lên trời. Nếu các cọc ấy bị đổ xuống, những kẻ khác có thể nhảy vào, đòi quyền sở hữu tài sản ấy. Thế cho nên, khi nào tìm được vùng đất khai thác mà hắn thích, lão Van der Merwe cho người đến nơi đó vào ban đêm, rồi đến sáng hôm sau các cọc ấy đều nằm dài trên mặt đất cả. “Lạy Chúa!”. “Lão ta đã ăn thông với tên phục vụ ở quán rượu tên là Smit. Smit giới thiệu những người có vẻ đang khai thác kim cương đến gặp lão Van der Merwe. Những người này ký hợp đồng hợp tác với lão Van der Merwe, và nếu họ tìm ra kim cương thì lão ta cướp tất cả làm của riêng. Nếu họ gây rắc rối thì hắn có nhiều người được hắn trả lương để thi hành các mệnh lệnh của hắn”. “Tôi biết rõ chuyện đấy rồi”, Jamie nói vẻ tức giận,” Còn gì nữa”. “Hắn là một tên ngoan đạo điên cuồng. Bao giờ hắn cũng cầu nguyện cho linh hồn những kẻ tội lỗi”. “Thế còn con gái của hắn thì sao? Chắn hẳn cô ta cũng có liên quan đến việc này?”. “Cô Margaret ấy à? Cô ta sợ ông bố đến phát khiếp. Cô ta chỉ nhìn một người đàn ông thôi, lão ta cũng giết cả hai”. Jamie quay lưng lại, bước xuống cánh cửa, nhìn xuống bến tàu. Anh còn có nhiều điều phải suy nghĩ nữa. “Chúng ta sẽ nói chuyện về ngày mai”. Sống ở Cape Town, Jamie bắt đầu ý thức được sự phân biệt giữa người da đen và người da trắng. Người da đen không có quyền lợi gì ngoài những quyền mà những kẻ có quyền hành ban cho họ. Họ bị lùa vào trong những khu vực gọi là “ghetto” dành cho người da đen và chỉ được phép rời nơi ở để làm việc cho người da trắng. “Làm sao mà anh chịu được cảnh ấy?” Jamie một hôm hỏi Banda. “Con sư tử đói giấu móng vuốt của nó. Chúng tôi sẽ thay đổi tất cả những cái ấy một ngày nào đó. Người da trắng chấp nhận người da đen vì chúng cần các bắp thịt của họ, nhưng rồi đây chúng phải học cách chấp nhận đầu óc của họ nữa. Chúng càng dồn chúng tôi vào chân tường, lại càng phải sợ hãi chúng tôi vì biết rằng một ngày kia sẽ có thể có sự kỳ thị và hạ nhục theo chiều ngược lại. Chúng không chịu đựng được cái tư tưởng ấy. Nhưng chúng tôi sẽ tồn tại nhờ có Isiko”. “Isiko là ai vậy?”. Banda lúc lắc cái đầu. “Không phải là “ai” mà là “cái gì”. Thật khó giải thích, Jamie McGregor ạ. Isiko là cội rễ của chúng tôi. Nó là cảm giác thuộc về dân tộc đã từng nhường cái tên của nó cho con sông lớn Zambezzi. Cách đây nhiều thế kỷ, tổ tiên của tôi đã đi vào nước sông Zambezzi trần truồng, xua những đàn gia súc về phía trước. Những kẻ yếu nhất bị mất tích làm mồi cho những xoáy nước và những con cá sấu hung dữ. Nhưng những kẻ sống sót nhô lên, ra khỏi con sông và trở nên mạnh mẽ, cương cường hơn. Khi một người Bantu chết, Isiko đòi hỏi những thành viên trong gia đình hắn phải rút lui vào trong rừng để cho những người còn lại trong cộng đồng không phải chia sẻ nỗi đau của họ. Isiko là sự khinh miệt mà người ta cảm thấy đối với một tên nô lệ khúm núm, khuất phục. Nó là niềm tin tưởng rằng một con người có thể nhìn thẳng tận mặt bất cứ ai, rằng hắn không có giá hơn hay thua kém bất cứ một người nào khác. Anh có nghe nói đến John Tengo Jabavu chưa?” Banda nói tên ấy với vẻ kính cẩn. “Không”. “Rồi anh sẽ được nghe”, Banda hứa, “Anh sẽ được nghe”. Rồi Banda chuyển sang một đề tài khác. Jamie bắt đầu cảm thấy càng lúc càng mến phục Banda. Thoạt tiên, hai người vẫn có ý e dè lẫn nhau. Jamie cần phải có thời gian mới tin cậy được kẻ đã suýt giết chết anh. Còn Banda cũng cần phải có thời gian để tin cậy kẻ thù truyền kiếp - một người da trắng. Không giống như phần đông những người da đen anh quen biết, Banda là một kẻ có học. “Anh đi đến trường học ở đâu vậy?”. “Không ở đâu cả. Tôi làm việc từ khi còn bé. Bà nội tôi dạy cho tôi học. Bà làm việc cho một thầy giáo người Boer. Bà học đọc, học viết vì vậy bà có thể dạy lại cho tôi học đọc, học viết. Tôi chịu ơn bà nội về đủ mọi thứ”. Một buổi chiều ngày thứ bảy, sau giờ làm việc, Jamie lần đầu tiên được nghe nói đến sa mạc Namib trong vùng Nemaqualand. Anh và Banda cùng ngồi trong nhà kho vắng vẻ trên tàu, cùng chia sẻ với nhau món thịt linh dương hầm mà mẹ Banda đã nấu. Thật là ngon tuy nó hơi nặng mùi với Jamie nhưng anh ăn sạch bát thịt nhanh chóng, rồi nằm tựa lưng trên cái bao cũ căn vặn Banda. “Anh lần đầu tiên gặp Van der Merwe vào lúc nào vậy?”. “Khi tôi làm việc ở bãi kim cương trong sa mạc Namib. Lão làm chủ bãi biển ấy với hai người hợp tác khác. Lão vừa mới cướp được chỗ đất ấy từ tay một tên thăm dò kim cương nên muốn xuống đó để thăm viếng”. “Nếu Van der Merwe giàu có như thế, tại sao hắn vẫn làm việc ở cửa hàng bách hoá?”. “Cửa hàng ấy chỉ là cái mồi nhử thôi. Nhờ thế lão mới nhử được bọn thăm dò kim cương đến với lão. Rồi lão trở nên giàu có mãi”. Jamie nhớ lại trước đây anh đã bị hắn lừa gạt dễ như thế nào. Lúc ấy anh là một cậu con trai ngây thơ tin tưởng một cách quá dễ dàng. Anh còn nhớ đến khuôn mặt trái xoan của Margaret khi cô ta nói, “Cha tôi có thể là người sẽ giúp đỡ anh”. Thoạt tiên, anh ngỡ cô ta chỉ là một đứa trẻ con, nhưng rồi sau đó anh chợt chú ý đến bộ ngực cô ấy và… Jamie đột nhiên vụt đứng dậy, một nụ cười nở trên mặt, môi anh hếch lên làm cho vết sẹo ở ngang cằm nhăn nhúm lại. “Anh kể cho tôi nghe trong trường hợp nào anh đến làm cho Van der Merwe”. “Một hôm hắn đến bãi biển với cô con gái. Lúc ấy cô ta chừng mười một tuổi. Tôi đoán rằng cô ta không muốn ngồi một chỗ nên đi xuống nước chơi, thế rồi nước thủy triều dâng lên, cuốn cô ta ra xa. Tôi liền nhảy xuống nước, kéo cô ấy lên. Lúc ấy tôi còn là một đứa con trai ít tuổi nhưng tôi nghĩ rằng lão Van der Merwe sẽ giết tôi”. Jamie nhìn Banda chằm chằm, “Tại sao vậy?”. “Bởi vì tôi đã choàng tay xung quanh người cô ấy. Không phải bởi vì tôi là người da đen đâu mà là vì tôi là đàn ông. Hắn không chịu được ý nghĩ rằng có người đàn ông nào lại dám sờ lên người con gái hắn. Một người nào đó cuối cùng đã xoa dịu được hắn, và nhắc nhở hắn rằng tôi đã cứu mạng sống cho con gái hắn. Sau đó, hắn đưa tôi về Klipdrift làm đầy tớ cho hắn”. Banda do dự một lát rồi nói, “Hai tháng sau, em gái tôi đến thăm tôi”, giọng nói của Banda trở nên trầm tĩnh. “Nó cùng tuổi với con gái lão Van der Merwe”. Jamie không thể góp một lời nào. Cuối cùng Banda phá tan sự im lặng. “Lẽ ra tôi phải ở lại sa mạc Namib. Công việc ở đó dễ dàng. Chúng tôi bò dọc theo bãi biển để nhặt kim cương, rồi bỏ vào trong những hộp thiếc đựng mứt”. “Khoan đã. Anh bảo rằng kim cương có sẵn ở đấy, trên mặt cát, hay sao?” “Đúng vậy, anh McGregor ạ. Nhưng nếu anh có ý định gì trong đầu thì hãy quên đi. Không ai có thể lại gần bãi kim cương đó đâu. Nó ở trên bể và ở đó sóng cao đến hàng chục thước. Bọn chúng cũng không cần phải canh gác bờ bể nữa. Nhiều người đã cố gắng lẻn đến nơi ấy bằng đường bể, nhưng rồi tất cả đều bị giết bởi sóng hay đá ngầm”. “Chắc là có cách nào khác đi vào trong đó chứ?” “Không. Sa mạc Namib chạy dài xuống tận đại dương”. “Thế chỗ đi vào bãi kim cương thì sao?” “Có một chòi canh và dây kẽm gai. Bên trong hàng rào là bọn bảo vệ với súng và những con chó có thể xé xác người ta ra từng mảnh. Chúng nó lại có một thứ thuốc nổ mới gọi là mìn. Mìn được chôn ở khắp các bãi kim cương. Nếu anh không có một bản đồ về bãi mìn ấy thì anh sẽ bị nổ tung ra thành từng mảnh vụn”. “Bãi kim cương ấy lớn bao nhiêu?”. “Nó chạy dài chừng ba mươi lăm dặm”. Ba mươi lăm dặm kim cương nằm trên mặt cát… Trời ơi! “Anh không phải là người đầu tiên bị xúc động bởi mỏ kim cương ở Namib và anh cũng không phải là người cuối cùng. Tôi đã từng nhặt lên được những thứ gì còn sót lại của những kẻ đã đến nơi đó bằng thuyền rồi sau đó bị xé xác ra từng mảnh bởi đá ngầm. Tôi cũng thấy những gì các bãi mìn ấy đã gây ra cho những kẻ đặt sai bước chân, và cũng chính tôi nhìn thấy những con chó ấy xé toạc cổ họng người ta ra như thế nào. Hãy quên nó đi, anh McGregor ạ. Tôi đã ở đấy rồi, không có đường vào và cũng chẳng có đường ra - ấy là tôi muốn nói “ra mà vẫn còn sống”. Jamie không thể nào chợp mắt được đêm hôm ấy. Anh tưởng tượng đến ba mươi lăm dặm cát trải đầy những viên kim cương to lớn thuộc quyền sở hữu của Van der Merwe. Anh nghĩ đến biển cả, những mỏm đá lởm chởm, những con chó thèm khát giết chóc, những tên bảo vệ và mìn chôn dưới đất. Anh không sợ nguy hiểm; anh không sợ chết. Anh chỉ sợ chỉ chết trước khi trả được món nợ với Salomon Van der Merwe. Ngày thứ hai sau đó, Jamie đến hiệu bán bản đồ để mua bản đồ vùng Namaqualand. Có một bãi biển ngoài khơi Nam đại tây dương giữa Luderitz về hướng bắc và cửa sông Orange ở phía Nam. Vùng này được ghi bằng chữ đỏ: “Spergebiet”, có nghĩa là “vùng cấm”. Jamie nghiên cứu từng chi tiết mảnh đất này trên bản đồ, xem đi xem lại bản đồ ấy. Có ba ngàn dặm bể từ Nam Mỹ đến Nam Phi, và không có gì ngăn cản sóng bể, cho nên tất cả sự hung dữ của chúng đều trút cả lên những tảng đá ngầm ở bờ bể Nam Đại Tây Dương. Bốn mươi dặm về phía Nam, xuống đến bờ biển, là bãi cát trống trải. Hẳn đó là nơi mà những kẻ khốn nạn đáng thương ấy đã thả những chiếc thuyền con của họ để đi vào vùng đất cấm, Jamie nghĩ thầm. Nhìn lên bản đồ, anh hiểu ngay vì sao bờ bể ấy không cần được canh gác. Các mỏm đá ngầm ấy khiến cho một cuộc đổ bộ không thể nào thực hiện được. Jamie bắt đầu chú ý đến chỗ ra vào mỏ kim cương. Theo như Banda cho biết, vùng này được rào bằng dây kẽm gai và được bọn bảo vệ vũ trang đi tuần hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn. Ở chỗ ra vào có một tháp canh. Và cho dù người ta có len lỏi qua được tháp canh ấy, còn có bãi mìn và chó săn nữa. Ngày hôm sau gặp Banda, anh hỏi: “Anh bảo rằng có một bản đồ vẽ bãi mìn ấy, phải không?” “Ở sa mạc Namib à? Bọn bảo vệ có bản đồ ấy để dẫn dắt các công nhân đi làm việc. Mọi người phải đi thành một hàng dài, vì vậy không ai bị nổ lên”. Mắt Banda mơ màng như nhớ lại một kỷ niệm, “Một hôm, chú tôi đi trước tôi, bỗng ông vấp phải một hòn đá, rồi ngã xuống trên một quả mìn chôn dưới đất. Sau đó, không còn gì sót lại của ông ấy nữa để đưa về nhà”. Jamie rùng mình. “Ngoài ra còn có một thứ sương mù ở bể nữa, gọi là “mis” anh McGregor ạ. Có bị mắc vào thứ sương mù ấy ở Namib, người ta mới biết được nó như thế nào.. Nó cuồn cuộn trên đại dương rồi thổi ngang qua suốt cả sa mạc dài đến tận dãy núi, xoá nhoà mọi thứ. Nếu bị mắc vào trong đó, anh không còn dám cựa quậy nữa. Có bản đồ về bãi mìn thì cũng vô ích thôi bởi vì anh không thấy mình đi đâu cả. Mọi người đành phải ngồi yên tại chỗ cho đến khi sương mù tan ra.” “Nó lâu chừng bao nhiêu?” Banda nhún vai: “Có khi hàng giờ, cũng có khi hàng ngày”. “Banda này, anh có thấy bản đồ về bãi mìn ấy bao giờ chưa?” “Chúng giữ kỹ lắm”, một vẻ lo âu thoáng trên mặt anh. “Tôi bảo cho anh một lần nữa, không ai thoát ra nổi cái mà anh đang suy nghĩ đâu. Thỉnh thoảng cũng có một công nhân cố gắng đem một viên kim cương ra một cách lén lút. Có sẵn một cái cây đặc biệt để treo cổ họ. Đó là một bài học cho những ai muốn ăn cắp kim cương của công ty”. Mọi thứ đều có vẻ không thực hiện được cả. Ngay cả nếu anh tìm cách đi vào được mỏ kim cương, anh cũng không thể nào tìm cách thoát ra được. Banda đã nói đúng. Anh phải quên chuyện ấy đi. Ngày hôm sau, anh hỏi Banda: “Làm sao Van der Merwe ngăn được bọn công nhân không ăn cắp kim cương mỗi khi họ tan ca?” “Họ bị lục soát. Chúng lột trần họ ra, khám xét từ trên xuống dưới, tất cả mọi lỗ trên người. Mắt tôi thấy công nhân cắt những vết rạch trên chân họ, nhét những viên kim cương vào đó để lén đem ra ngoài. Một số người đục lỗ trong răng đen của họ, rồi gắn vào đó. Họ áp dụng mọi mánh khoé có thể nghĩ ra được”. Anh nhìn Jamie và nói: “Nếu anh muốn sống, anh hãy quên cái mỏ kim cương ấy đi”. Jamie cố gắng làm như vậy nhưng những ý tưởng đó vẫn ám ảnh, dụ dỗ anh mãi. Kim cương của lão Van der Merwe đang nằm trên cát chờ đợi. Chúng đang chờ đợi anh. Giải pháp đến với Jamie vào đêm hôm ấy. Anh không thể chịu đựng nổi nỗi bồn chồn, sốt ruột cho đến khi anh gặp Banda. Không một lời mở đầu nào, anh nói thẳng với Banda: “Anh bảo cho tôi biết về những chiếc thuyền đã cố gắng đổ bộ trên bãi biển ấy”. “Anh muốn biết gì các thuyền ấy?”. “Chúng là loại thuyền như thế nào?”. “Đủ mọi loại. Thuyền hai buồm, tàu kéo, thuyền máy, thuyền buồm. Có bốn người đã thử dùng một loại thuyền có mái chèo. Trong thời gian tôi làm việc ở đấy, có năm sáu vụ như vậy. Các mỏm đá ngầm nhá nát các thuyền ấy ra từng mảnh. Tất cả mọi người đều bị chết đuối”. Jamie thở mạnh một cái: “Có ai thử đến đó bằng bè không?”. Banda trố mắt nhìn anh: “Bằng bè à?”. “Phải”, giọng nói Jamie lúc này thêm sôi nổi, “Nghĩ kỹ lại xem, không ai đi được đến bờ là vì đáy thuyền của họ bị đá ngầm xé toang ra. Nhưng một chiếc bè sẽ lướt ngay trên các đá ngầm ấy, đi thẳng đến bờ. Nó cũng có thể đi ra bằng cách như vậy”. Banda nhìn Jamie một hồi lâu, khi mở miệng ra được, anh nói bằng giọng khác hẳn: “Anh biết không, anh McGregor. Anh vừa có ý kiến hay đấy…”. Thoạt tiên, nó giống như một trò chơi. Những giải pháp có thể là đúng cho một câu đố không thể giải đáp. Nhưng càng thảo luận thêm, nó lại càng trở nên thích thú. Cái mà hai người Jamie và Banda bắt đầu bằng một câu chuyện phiếm, dần dần mang hình dáng cụ thể của một chương trình hành động. Vì kim cương nằm ngay trên mặt cát nên chẳng cần có một đồ trang bị gì cả. Họ có thể đóng một chiếc bè, với một cánh buồm trên một bãi cát trống bốn mươi dặm về phía nam “vùng đất cấm” rồi thả bè cho nó xuôi về ban đêm, không ai thấy được. Không có bãi mìn dọc theo bờ bể, không có người canh gác, còn những đội tuần tra thì chỉ hoạt động ở sâu trong đất liền. Hai người sẽ có thể tự do đi rảo trên bãi biển, tha hồ nhặt kim cương tuỳ thích. “Chúng ta có thể lên đường trước khi trời rạng sáng”, Jamie nói, “với một túi đầy kim cương của Van der Merwe”. “Nhưng bằng cách nào thoát ra?”. "Cũng bằng cách giống như mình đi vào. Chúng ta sẽ chèo chiếc bè ngang qua mỏm đá ngầm ra đến biển cả, dựng buồm lên, thế là tự do về đến nhà”. Với những luận cứ đầy thuyết phục của Jamie, các mối nghi ngờ của Banda bắt đầu tan biến. Anh cố tìm ra những khe hở trong dự tính này nhưng mỗi lần anh đưa ra một sự phản đối nào, Jamie đều tìm cách giải đáp. Dự tính này có thể thực hiện được. Cái hay của nó là tính chất đơn giản và không phải bỏ ra đồng tiền nào. Chỉ cần có nhiều gan dạ. “Cái mà chúng ta cần chỉ là cái túi rõ bự để nhét viên kim cương vào đấy”, Jamie nói. Vẻ nhiệt tình của anh thật là dễ lây. Banda cười rạng rỡ, “Chúng ta hãy làm hai cái túi bự”. Tuần lễ sau, họ thôi làm việc ở bến tàu, lên một chiếc xe la đi Port Nolloth, một ngôi làng bên bờ bể, bốn mươi dặm về phía nam khu vực cấm mà họ sẽ đi tới. Đến Port Nolloth, họ xuống xe và nhìn xung quanh. Ngôi làng nhỏ và đơn sơ, gồm những căn nhà lụp xụp, tồi tàn, những túp lều bằng thiếc, ít cửa hiệu và bãi cát trắng xoá trải dài vô tận. Ở đó không có mỏm đá ngầm. Sóng vỗ nhẹ nhàng ở ven bờ. Thật là một nơi lý tưởng để thả chiếc bè của họ. Không có một khách sạn nào, những ngôi chợ bé nhỏ ở đó cho Jamie thuê một căn phòng ở phía sau. Banda cũng tìm được một chiếc giường nằm trong khu vực người da đen trong làng. “Chúng ta phải tìm được nơi đóng bè cho kín đáo”, Jamie nói với Banda, “Chúng mình không muốn ai đó báo với nhà chức trách”. Trưa hôm ấy, hai người tìm thấy một nhà kho bỏ trống. “Nơi đây thật là tốt”, Jamie nói, “Chúng ta hãy bắt tay ngay vào việc đóng bè” “Chưa đâu”, Banda nói, “Khoan đã, hãy đi mua một chai whisky”. “Để làm gì?”. “Rồi anh sẽ thấy”. Sáng hôm sau, một viên cảnh sát địa phương đến thăm Jamie. Đó là một anh chàng to lớn, da mặt hồng hào, có cái mũi to lớn trên đó nổi lên những gân máu tố cáo rằng anh ta là một tay nghiện rượu nặng. “Chào anh”, anh ta nói với Jamie, “Tôi nghe nói là có một ông khách mới đến nên tôi ghé lại đây thăm. Tôi là cảnh sát viên Mundy”. ”Tôi là Ian Travis”, Jamie đáp. “Sắp đi lên phía Bắc, phải không Travis?”. “Không, phía Nam. Tôi và tên đầy tớ của tôi đang trên đường đến Cape Town”. “À, ra thế. Tôi trước kia cũng có ở Cape Town, nó quá lớn, quá ồn ào”. “Đúng vậy, ông xơi một ly rượu nhé, ông cảnh sát?”. “Tôi không bao giờ uống rượu trong khi làm phận sự”, cảnh sát viên Mundy dừng lại một lúc, trước khi đưa ra quyết định, “Nhưng chỉ một lần này thôi, tôi chắc có thể phá lệ”. “Thế thì hay quá”, Jamie đem chai rượu whisky ra, trong lòng thán phục Banda có lẽ đã nghĩ ra trước điều này. Anh đổ chừng hai đốt ngón tay rượu vào trong chiếc ly bẩn và đưa cho viên cảnh sát. “Cám ơn anh, Travis. Thế ly anh đâu?”. “Tôi không thể uống được”, Jamie nói ra vẻ buồn bã, “Bệnh sốt rét. Vì vậy mà tôi phải đi Cape Town để được bác sĩ chăm sóc. Tôi dừng lại đây ít ngày để nghỉ ngơi. Đi đường thật khó nhọc”. Cảnh sát viên Mundy nhìn anh dò xét, “Anh trông có vẻ mạnh khoẻ đấy chứ?”. “Ông có thấy cơn run cầm cập của tôi bắt đầu thì mới biết được”. Viên cảnh sát uống cạn ly rượu. Jamie lại đổ đầy ly lần nữa. “Cám ơn. Tôi xin lỗi nhé”, ông ta uống ly thứ hai luôn một hớp rồi đứng dậy. “Tôi cần phải đi ngay bây giờ. Anh nói anh và tên đầy tớ của anh sẽ tiếp tục lên đường trong một hai ngày tới, phải không?”. “Chừng nào tôi thấy khoẻ hơn chúng tôi sẽ đi ngay”. “Tôi sẽ trở lại đây hỏi han anh vào ngày thứ sáu”, viên cảnh sát nói. Đêm hôm ấy, Jamie và Banda bắt tay vào đóng bè trong nhà kho vắng vẻ. “Banda, anh có đóng bè bao giờ chưa?”. “Nói thật với anh, anh McGregor. Tôi chưa đóng bè bao giờ”. “Tôi cũng thế”. Cả hai nhìn nhau chằm chằm. “Có khó không nhỉ?” Họ ăn cắp từ phía sau chợ hai thùng dầu rỗng bằng gỗ, mỗi chiếc có dung tích chừng hai trăm lít và đem về kho. Sau khi tập hợp chúng lại, họ đặt chúng cách quãng nhau thành một hình vuông. Ngày hôm sau, họ thu thập thêm bốn thùng gỗ rỗng, đặt mỗi chiếc trên mỗi thùng dầu. Banda tỏ vẻ nghi ngờ, “nó chẳng giống một chiếc bè chút nào”. “Chúng mình chưa làm xong mà”, Jamie cố trấn an. Vì không sẵn những tấm ván nên họ phủ lên bề mặt bất cứ thứ gì có sẵn trong tay: những nhánh cây gỗ hồi, cành cây giẻ gai, lá cây “marula” thật lớn. Họ buộc tất cả mọi thứ lại bằng dây thừng dày, thắt nút lại một cách cẩn thận, chính xác. Khi làm xong, Banda xem xét một lượt, “vẫn không giống một chiếc bè”. “Khi nào mình dựng buồm lên, nó sẽ giống hơn” Jamie hứa. Họ làm cột buồm bằng một cây gỗ vàng đã bị đổ, rồi nhặt hai cành cây dẹp dùng làm chèo. “Bây giờ chỉ còn việc là giăng buồm đi thôi. Cần phải làm cho thật nhanh. Tôi muốn ra khỏi nơi này ngay tối nay. Lão cảnh sát sẽ trở lại nơi này vào ngày mai”. Chính Banda đã tìm ra cái buồm. Anh trở về vào lúc trời tối, mang theo một tấm vải xanh lớn, “Anh nghĩ cái này thế nào, anh McGregor?”. “Tuyệt. Anh kiếm nó ở đâu ra vậy?” Banda nhe răng cười, “Đừng có hỏi. Chúng mình đã gặp khá nhiều rắc rối rồi”. Họ làm một cánh buồm với một cái sào căng buồm ở phía dưới và một cái trục căng buồm ở trên đỉnh. Cuối cùng, mọi thứ đều sẵn sàng. ‘Chúng ta sẽ lên đường lúc hai giờ sáng, khi dân làng đang còn ngủ”, Jamie bảo Banda, “Mình nên nghỉ ngơi cho đến lúc ấy’. Nhưng không ai ngủ được cả. Mỗi người đều hồi hộp lo lắng về cuộc phiêu lưu họ sắp sửa thực hiện. Vào lúc hai giờ sáng, hai người gặp nhau ở nhà kho. Cả hai đều cảm thấy háo hức nhưng không kém phần lo sợ, nhưng không ai nói ra. Họ sắp sửa thực hiện cuộc hành trình hoặc đưa họ đến sự giàu sang hoặc dẫn đến cái chết. Không có con đường nào ở giữa. “Đến giờ rồi”, Jamie loan báo. Hai người bước ra ngoài. Không có gì động đậy. Đêm thật yên tĩnh, với mặt nước mênh mông như một bức màn xanh trước mặt. Một vầng trăng bạc xuất hiện trên bầu trời cao. Tốt lắm, Jamie thầm nghĩ, sẽ không có nhiều ánh sáng lắm để họ có thể trông thấy mình. Thời khắc biểu của họ hơi phức tạp một chút vì họ phải rời khỏi ngôi làng vào lúc đêm để không ai biết và phải đến bãi bể kim cương tối hôm sau, như vậy họ có thể lẻn vào khu vực mỏ rồi trở ra bể an toàn trước khi rạng đông. “Luồng nước Benguela sẽ đưa chúng mình đến mỏ kim cương vào khoảng xế trưa”, Jamie nói, “nhưng mình không thể đi giữa ban ngày được, vì vậy chúng mình phải lánh ở một nơi nào đó ngoài bể trước khi trời tối”. Banda gật đầu, “Mình có thể nấp ở một trong các hòn đảo nhỏ ngoài khơi”. “Đảo gì?” "Có chừng một chục đảo - Mercury, Ichabud, Plum Pudding…” Jamie nhìn Banda với vẻ lạ lùng, “Plum Pudding nghĩa là gì?” “Còn có đảo Roast Beef nữa”. Jamie giở bản đồ nhàu nát ra xem xét, “Chẳng thấy có đảo nào trên bản đồ này cả”. “Đó là những đảo phân chim. Người Anh thu hoạch phân chim để làm phân bón” “Có ai sống trên đảo ấy không?”. “Không thể. Ở đó mùi hôi hám lắm. Có những nơi phân chim dày đến ba chục thước. Chính phủ dùng những tên đào ngũ và tù binh để nhặt phân chim. Một số người chết trên đảo, họ để mặc xác người chết tại đấy”. “Mình sẽ nấp ở đấy”, Jamie đưa ra quyết định. Lặng lẽ, hai người mở nhà kho và nhấc chiếc bè lên. Chiếc bè ấy nặng quá, không thể khiêng nổi. Cả hai cố gắng kéo mạnh, mồ hôi nhễ nhại nhưng vô hiệu. “Chờ đấy”, Banda nói. Anh vội vã đi ra ngoài. Nửa giờ sau anh quay lại với một thanh gỗ tròn lớn. “Mình sử dụng cái này. Tôi sẽ nhấc một đầu lên, còn anh đẩy cái thanh gỗ này xuống phía dưới”. Jamie ngạc nhiên về sức khoẻ của Banda khi anh này nhấc bổng một đầu chiếc bè lên. Jamie nhanh chóng chuồi thanh gỗ xuống phía dưới. Cả hai cùng ra sức nhấc cái đuôi bè lên, thế là nó được đặt nhẹ nhàng xuống khúc gỗ. Khi khúc gỗ đã lăn khỏi đuôi bè, họ lặp lại cách thức như lúc nãy. Thật là công việc gay go, khó nhọc. Lúc họ đi ra đến bãi bể, cả hai đều ướt đẫm mồ hôi. Công việc này chiếm nhiều thời giờ hơn Jamie tưởng. Lúc này đã gần rạng đông rồi. Họ phải đi xa trước khi dân làng phát hiện ra họ và báo cáo những gì họ đang làm. Lập tức Jamie lắp cánh buồm vào, kiểm tra lại thật kỹ để tin chắc rằng mọi thứ hoạt động tốt cả. Nhưng anh vẫn cảm thấy khó chịu vì hình như anh còn quên một thứ gì đó. Đột nhiên, anh nghĩ ra và cười to lên. Banda ngạc nhiên nhìn anh, “Có gì vui vậy?”. “Trước kia khi đi tìm kim cương, tôi có một tấn đồ trang bị. Bây giờ tôi chỉ mang một cái địa bàn thôi. Có vẻ dễ dàng quá”. Banda lặng lẽ nói, “Tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề khó khăn của chúng ta, anh McGregor ạ”. “Bây giờ có lẽ đến lúc anh gọi tôi là “Jamie” mà thôi”. Banda lúc lắc đầu tỏ vẻ ngạc nhiên, “Anh đúng là một người từ xứ xa xôi đến đây”, Banda cười nhe hàng răng trắng ởn, “Cần quái gì, chúng nó có treo cổ tôi thì cũng chỉ treo được một lần thôi”, anh lẩm bẩm cái tên ấy trên môi rồi gọi to lên: “Jamie”. “Nào, chúng ta hãy đi lấy kim cương”. Họ đẩy chiếc bè ra khỏi cát, vào vùng nước cạn, rồi cả hai nhảy lên bè, bắt đầu chèo. Phải mất mấy phút đồng hồ họ mới điều chỉnh và quen được với cái nghiêng ngả, đi chệch hướng của chiếc bè này. Nó giống như một cái nút chai nổi bồng bềnh, nhưng nó sẽ hoạt động được. Chiếc bè đáp ứng một cách tốt đẹp, di chuyển theo hướng bắc với một dòng nước. Jamie kéo buồm lên, hướng ra biển cả. Lúc dân làng thức dậy, thì chiếc bè đã vượt quá chân trời. “Chúng mình thành công rồi”, Jamie nói. Banda lắc đầu “Chưa hết đâu”. Anh thả tay xuống dòng nước lạnh Benguala. “Chỉ mới bắt đầu thôi”. Họ vẫn tiếp tục đi, hướng về phía Bắc quá vịnh Alexander và cửa sông River, không thấy dấu hiệu đời sống nào cả ngoài những đàn sếu ở Cape đang bay về tổ và một đàn hồng hạc lớn hơn, nhiều màu sắc. Mặc dầu có những hộp thịt, gạo, trái cây và hai bình nước, họ quá hồi hộp lo lắng nên không ăn uống gì được. Jamie không để trí óc của anh suy nghĩ vẩn vơ đến những mối nguy hiểm trước mặt nhưng Banda thì không thể làm thế được. Anh đã sống ở nơi đó rồi. Anh đang nhớ đến những tên bảo vệ tàn nhẫn với súng, chó săn và bãi mìn có thể xé nát da thịt. Thế rồi anh tự hỏi tại sao anh lại nghe lời Jamie đi vào cuộc phiêu lưu điên khùng này. Anh đưa mắt nhìn người Tô Cách Lan và nghĩ thầm, “Hắn còn điên khùng hơn cả mình nữa. Mình có chết cũng vì đứa em gái nhỏ của mình. Còn hắn, hắn chết vì cái gì?” Đến trưa, những con cá mập xông đến. Có chừng năm sáu con, vây của chúng xẻ nước tiến thật nhanh đến chiếc bè. “Đó là những con cá mập vây đen ăn thịt người”, Banda nói. Jamie nhìn các vây cá lướt đến gần chiếc bè, “Mình làm thế nào bây giờ?” Banda nuốt nước bọt lo lắng, “Thật sự, Jamie ạ, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp như thế này”. Lưng con cá mập huých vào chiếc bè khiến nó suýt lật nhào. Hai người nắm lấy cột buồm dùng làm nơi tựa. Jamie nhặt lấy một cái chèo đâm vào con cá mập. Chỉ nháy mắt sau đó, cái chèo bị con cá mập cắn thành hai nửa. Nhiều con cá mập bây giờ đi vòng quanh chiếc bè, bơi theo những vòng tròn, thân hình to lớn của chúng cọ xát vào chiếc bè bé nhỏ. Mỗi lần nó huých như thế, chiếc bè lại nghiêng theo một góc nguy hiểm. Nó có thể lật nhào bất cứ lúc nào. “Mình cần phải trừ khử chúng đi nếu không chúng sẽ dìm mình xuống nước mất” “Trừ khử chúng bằng cách nào kia chứ?” “Đưa cho tôi một hộp thiếc đựng thịt”. “Anh nói đùa đấy chứ? Một hộp thịt bò làm sao thoả mãn được chúng? Chúng muốn ăn thịt chúng mình kia”. Lại một cái xô đẩy mạnh nữa khiến cho cái bè nghiêng suýt lật nhào. “Thịt bò!”, Jamie hét lên, “Lấy ngay đi” Một giây đồng hồ sau, Banda đặt hộp thịt bò trong tay Jamie. Chiếc bè chòng chành hết sức nguy hiểm. “Mở một nửa nắp hộp ấy ra, nhanh lên!”. Banda rút dao nhíp ra, mở nắp hộp thiếc ra một nửa. Jamie cầm lấy, dùng ngón tây sờ các cạnh bén nhọn của hộp kim khí. “Giữ chặt lấy!”, Jamie kêu lên. Anh quỳ xuống bên mạn bè, chờ đợi. Ngay tức thì một con cá mập xích lại gần bè, há cái mồm to lớn của nó, nhe ra cái hàm răng dài khủng khiếp. Jamie tấn công vào đôi mắt của nó. Với tất cả sức lực, anh vươn cả hai tay ra, dùng cạnh sắc nhọn của hộp thiếc đã bị cắt cào lên mắt con vật, làm nó rách toang ra. Con cá mập tung cả thân hình nó lên, làm cho chiếc bè dựng ngược lên trong một lát. Nước xung quanh đó đột nhiên nhuộm màu đỏ. Các con cá mập khác sáp lại con vật bị thương, làm thành một tiếng động rất lớn. Chúng quên hẳn chiếc bè, Jamie và Banda nhìn những con vật to lớn đang xé xác nạn nhân bất lực trong khi chiếc bè đi xa dần, xa dần, cho đến khi không còn bóng dáng con cá mập nào nữa. Banda thở mạnh một cái, nói khe khẽ, “Một ngày kia tôi sẽ kể cho con cháu tôi nghe về chuyện này. Anh có nghĩ rằng chúng sẽ tin tôi không?”. Cả hai cười to lên cho đến khi nước mắt ràn rụa trên mặt. Vào xế trưa hôm ấy, Jamie kiểm tra lại chiếc đồng hồ đeo tay của mình, “Chúng mình sẽ ở ngoài khơi bãi bể kim cương vào lúc nửa đêm. Mặt trời mọc vào lúc sáu giờ mười lăm. Như vậy mình có bốn giờ để nhặt kim cương và hai giờ để ra bể trở lại không ai trông thấy nữa. Bốn giờ có đủ không, Banda?”. “Một trăm người cũng không thể sống đủ lâu để tiêu cho hết số kim cương anh nhặt được trong bốn giờ đồng hồ trên bãi bể đấy”. Anh chỉ hy vọng sống đủ lâu để nhặt số kim cương ấy… Hai người cứ thế rong buồm đi về hướng bắc trong thời gian còn lại của ngày hôm ấy, nhờ gió và thuỷ triều. Đến chiều tối, một hòn đảo nhỏ hiện ra lù lù trước mặt. Nó có chu vi không quá hai trăm mét. Khi họ lại gần, mùi cay xè của chất “ammoniac” xông lên rất mạnh, khiến họ chảy nước mắt. Jamie hiểu vì sao không có ai ở nơi này. Mùi hôi thật là khó chịu nhưng đó là nơi an toàn nhất để nấp, chờ đợi cho đến khi trời tối hẳn. Jamie điều chỉnh cánh buồm khiến cho chiếc bè chạm phải bờ đá của hòn đảo thấp. Banda buộc chặt chiếc bè lại rồi cả hai bước lên bờ. Toàn thể hòn đảo như bị phủ đầy bởi hàng triệu con chim: sếu, bồ nông, chim cụt, hồng hạc. Bầu không khí dày đặc, ồn ào, rất khó thở. Đi được chừng một chục bước, họ dẫm lên một lớp phân chim cao đến tận bắp vế. “Mình trở lại bè đi”, Jamie hổn hển nói. Banda bước theo anh không nói một lời nào. Họ vừa mới quay trở lại để đi trở về thì một đàn bồ nông cất cánh bay lên, để lộ ra một khoảng trống trên đất. Có ba xác người nằm đấy. Không biết họ đã chết bằng cách nào. Xác họ được giữ nguyên vẹn nhờ chất ammoniac trong không khí, và tóc họ đã trở thành màu đỏ sáng. Một phút sau, Jamie và Banda trở lại bè, cho nó hướng ra biển khơi. Họ cho bè đỗ ngoài khơi, hạ buồm xuống và chờ đợi. “Mình ở lại đây cho đến khuya, rồi sẽ đi vào”. Cả hai ngồi bên nhau trong im lặng, mỗi người chuẩn bị cho những gì sắp tới theo lối riêng của mình. Mặt trời xuống thấp ở chân trời phía tây, nhuộm bầu trời sắp tàn bằng những màu sắc hung dữ của một nghệ sĩ điên khùng. Rồi đột nhiên, tất cả đều bị che phủ dưới một tấm mền đen tối. Họ chờ đợi thêm hai giờ nữa, Jamie kéo buồm lên. Chiếc bè bắt đầu di chuyển về hướng đông đến bờ bể họ không nhìn thấy. Trên đầu, mây rẽ ra, để lọt ra ánh sáng trăng mờ nhạt, mỏng manh, tuôn xuống như nước. Chiếc bè tăng thêm tốc độ. Xa xa, hai người bắt đầu thấy bờ bể hiện ra lờ mờ như một vết bẩn. Gió mạnh hơn, thổi phần phật cánh buồm, đẩy chiếc bè vào bờ với tốc độ mỗi lúc một tăng dần. Chẳng mấy chốc họ nhận ra được hình nét lờ mờ của đất liền, giống như một bức tường thành bằng đá khổng lồ. Ngay từ một khoảng xa như vậy, họ cũng nhìn thấy sóng bể trắng xoá đập vào các mỏm đá, nổ lên như sấm. Từ xa, quang cảnh trông thật dễ sợ. Jamie tự hỏi không biết khi lại gần chúng sẽ khủng khiếp như thế nào. Bất chợt, anh thì thầm với Banda, “Anh tin chắc rằng bãi bể không có người canh gác chứ?” Banda không trả lời, anh lấy tay chỉ những mỏm đá trước mặt. Jamie hiểu anh ta muốn nói gì rồi. Các mỏm đá ấy nguy hiểm hơn bất cứ thứ bẫy sập nào con người có thể chế tạo ra. “Đó là những tên bảo vệ bờ bể đắc lực, không bao giờ lơi lỏng, không bao giờ ngủ. Chúng nằm đó đợi con mồi của chúng”. Được rồi, Jamie nghĩ thầm, chúng ta sẽ qua mặt chúng mày. Chúng ta sẽ nổi lên trên mình chúng mày”. Chiếc bè đã đưa họ đi xa như vậy thì nó cũng sẽ đưa họ đi nốt quãng đường cuối cùng. Lúc này, bờ bể dường như đang chạy thi về phía họ. Họ bắt đầu cảm thấy những cái dồi lên dồi xuống dữ dội của những đợt sóng khổng lồ. Banda nắm chặt lấy cột buồm. “Chúng mình đang đi khá nhanh”. “Đừng lo”, Jamie trấn an. “Khi nào đến gần hơn nữa, chúng mình sẽ hạ thấp buồm xuống, như vậy tốc độ sẽ giảm đi. Chúng mình sẽ lướt trên các mỏm đá ngầm dễ dàng”. Gió và sóng tăng thêm sức mạnh, xô chiếc bè về phía các mỏm đá giết người. Jamie ước lượng nhanh chóng khoảng cách còn lại, quyết định rằng các đợt sóng sẽ đưa họ đến bờ mà không cần phải giương buồm. Anh vội vã hạ buồm xuống. Sức đẩy của gió vẫn không ngừng lại. Chiếc bè lúc này hoàn toàn bị kẹt trong những con sóng khổng lồ, không còn kiểm soát được nữa. Nó bị ném lên về phía trước từ đỉnh sóng này đến đỉnh sóng khác. Chiếc bè lắc lư dữ dội khiến cho hai người phải bám chắc vào nó bằng cả hai tay. Jamie đã nghĩ rằng đi vào bờ là việc làm khó khăn nhưng anh hoàn toàn không được chuẩn bị để đương đầu với những cơn hung dữ của xoáy nước sủi bọt trước mặt. Những mỏm đá hiện ra lù lù một cách rõ ràng đến ngạc nhiên. Họ có thể trông thấy những đợt sóng đổ xô đến, đập vào các tảng đá, nổ tung lên thành những giếng phun nước to lớn, giận dữ. Toàn thể sự thành công của dự tính tuỳ thuộc vào việc đưa chiếc bè nguyên vẹn qua những mỏm đá ngầm để họ có thể sử dụng nó mà thoát ra. Không có chiếc bè, họ coi như đã chết. Lúc này họ đang hướng đến các mỏm đá ngầm do sức đẩy khủng khiếp của các cơn sóng. Tiếng gió gầm thét đinh tai nhức óc. Đột nhiên, chiếc bè bị nhấc bổng lên cao trong không khí bởi một đợt sóng to lớn, ném nó về phía các tảng đá. “Giữ chặt lấy, Banda, chúng ta đang đi vào!”, Jamie kêu to lên. Cơn sóng lớn hất chiếc bè như một que diêm, bắt đầu đưa nó về phía bờ bể, ngang qua các mỏm đá ngầm. Hai người cố bám lấy sự sống, vật lộn với các động tác nhảy chồm lên của các đợt sóng hung dữ đe doạ quăng họ xuống nước. Jamie đưa mắt thật nhanh, nhìn xuống nước, thoáng thấy các mỏm đá ngầm sắc như dao cạo ở bên dưới. Một lát nữa đây, anh sẽ cho bè vượt qua chúng, vào đến bờ an toàn. Ngay lúc ấy, chiếc bè giật lên đột ngột, dữ dội, khi một mỏm đá ngầm vướng vào một trong bốn chiếc thùng bên dưới, dứt nó ra khỏi chiếc bè. Chiếc bè chòng chành dữ dội, rồi một thùng khác cũng bị dứt ra như vậy, tiếp đến một thùng khác nữa. Gió và sóng nện, mỏm đá như đói khát, tất cả đang vờn chiếc bè như một cái đồ chơi, tung nó qua lại, xoay tròn nó trong không khí. Jamie và Banda cảm thấy miếng gỗ mỏng dưới chân như vỡ tan ra. “Nhảy!”, Jamie thét lên. Anh nhảy qua một bên hông bè. Một cơn sóng khổng lồ nhặt anh lên, bắn anh tung về phía bãi bể với tốc độ một viên đạn đá. Anh bị mắc kẹt trong một thứ sức mạnh thiên nhiên ngoài sức tưởng tượng. Anh không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra xung quanh. Anh là phần tử của sóng. Nó ở bên người anh, dưới anh và trong người anh. Thân thể anh như bị xoắn lại, quay cuồng, ngực như bị vỡ tung ra. Những ánh sáng lốm đốm bắt đầu hiện lên trong đầu anh. Jamie thầm nghĩ, mình sắp sửa chết chìm. Thế rồi thân thể anh bị ném tung lên cát. Jamie hổn hển thở, cố sức thở cho các buồng phổi của anh tràn ngập không khí trong lành của bể. Ngực và chân đều bị cào xước bởi cát, quần áo tả tơi. Chậm rãi, anh ngồi lên nhìn quanh quất để tìm Banda. Anh ta đang ngồi khom lưng, nôn oẹ cho ra hết nước bể. Jamie đứng dậy, loạng choạng bước đến gần anh ta: “Anh không hề gì chứ?”. Banda gật đầu. Anh thở một cái thật sâu, rùng mình rồi nhìn lên Jamie, “Tôi không biết bơi”. Jamie đỡ anh ta dậy. Cả hai quay người lại nhìn mỏm đá ngầm. Không thấy vết tích chiếc bè đâu cả. Nó đã bị tan ra thành mảng trong đại dương hung dữ. Cả hai bây giờ đã đi đến mỏ kim cương. Không có cách nào thoát ra được. Chương 05 Sau lưng họ là đại dương giận dữ. Trước mặt là sa mạc không bị gián đoạn, trải dài từ bể đến chân núi xa xăm, lởm chởm, màu tím, của vách núi Richterveld, một thế giới của hẻm núi, thung lũng và chóp núi cong queo, sáng ngời dưới ánh trắng mờ. Ở chân rặng núi là thung lũng Henkessel, tức “Chiếc nồi nấu của phù thuỷ”, một bẫy gió trống trải. Đó là một phong cảnh hoang vắng, ban sơ, từ thuở bắt đầu của thời gian. Dấu hiệu duy nhất cho biết con người đã từng đặt chân lên nơi này là một tấm biển trên cát. Dưới ánh sáng trăng, họ đọc thấy mấy dòng chữ: Verbode Gebied Spergebied Vùng đất cấm. Không có lối thoát về phía bể. Hướng duy nhất còn mở ra cho hai người là sa mạc Namib. “Chúng mình phải cố vượt qua sa mạc rồi phó mặc cho may rủi”, Jamie nói. Banda lắc đầu, “Bọn bảo vệ sẽ bắn chúng ta ngay khi chúng vừa nhìn thấy, hoặc treo cổ chúng ta. Ngay cả khi chúng mình qua mặt được bọn bảo vệ, cũng không có cách nào vượt qua được bãi mìn. Chúng ta xem như đã chết rồi”. Không phải là Banda lo sợ cái chết, anh chỉ cam chịu số phận. Jamie nhìn Banda và cảm thấy một niềm hối tiếc sâu xa. Anh đã đưa người da đen đến nỗi này nhưng Banda không hề phàn nàn một lần nào. Ngay cả lúc này, khi biết không có một lối thoát nào cả cho họ, anh cũng không thốt ra một lời trách cứ nào. Jamie quay lại nhìn bức tường sóng giận dữ đập mạnh lên bờ, cho rằng chỉ có một phép lạ mới giúp được cho họ đi xa được như vậy. Lúc này là hai giờ sáng, chỉ còn bốn giờ nữa trời sẽ hửng sáng và bọn chúng sẽ phát hiện ra họ. Thế nhưng cả hai cho đến lúc này vẫn còn nguyên vẹn. Mình sẽ là một kẻ khốn khiếp nếu sẵn sàng bỏ cuộc lúc này, Jamie nghĩ thầm. “Nào, chúng ta làm việc chứ, Banda?”. Banda chớp mắt một cái, hỏi: “Làm việc gì?”. “Chúng mình đến đây để tìm kim cương, phải thế không? Chúng mình hãy lấy đi”. Banda trố mắt nhìn người da trắng có cặp mắt man dại, tóc trắng dán chặt lên sọ và quần áo ướt đẫm, tả tơi, xung quanh đôi cẳng, “Anh nói gì vậy?”. “Anh bảo rằng bọn chúng thấy mình sẽ giết ngay. Vậy chúng có thể giết mình giữa lúc mình đang giàu có cũng như lúc mình nghèo khổ. Phép lạ đã đưa chúng mình đến đây thì phép lạ cũng có thể giúp chúng mình thoát ra. Nhưng nếu thoát ra được thì tôi nhất định không chịu đi tay không”. “Anh khùng rồi”, Banda nói nhẹ nhàng. “Nếu không thế thì chúng mình đã không có ở đây rồi”, Jamie nhắc nhở. Banda nhún vai: “Mẹ kiếp! Mình có việc làm nào khác nữa đâu cho đến khi bọn chúng tìm ra mình?”. Jamie giật chiếc áo sơ mi rách tả tơi. Banda hiểu ngay và cũng bắt chước làm như vậy. “Nào, những viên kim cương to bự mà anh vẫn nói đó, nằm ở chỗ nào?” “Ở khắp mọi nơi”, Banda nói. Rồi anh nói thêm, “Cũng như bọn bảo vệ và chó săn vậy”. “Chuyện ấy để lo sau. Khi nào chúng xuống bãi bể này?”. “Khi nào trời sáng”. Jamie suy nghĩ một lát, “Có nơi nào trên bãi bể này mà chúng không đến không? Một nơi nào đó để chúng mình nấp?”. “Không có nơi nào chúng không đến cả. Cũng chẳng có nơi nào có thể ẩn giấu, dù một con ruồi”. Jamie vỗ vai Banda, “Thôi được, chúng ta đi nào”. Jamie nhìn theo Banda đang bò chậm chạp bằng cả tay và chân, dọc theo bãi bể, vừa bò vừa dùng ngón tay sàng cát. Không đầy hai phút sau, anh dừng lại, giơ một viên đá lên cao, “Tôi tìm thấy một viên!”. Jamie khom mình xuống cát và bắt đầu bò. Hai viên đá đầu tiên tìm được hơi nhỏ. Viên thứ ba to hơn, nặng đến mười lăm cà rá. Anh ngồi đó ngắm nghía một hồi. Thật khó tưởng tượng rằng của cải lớn lao như vậy lại có thể dễ dàng nhặt lên đến thế. Thế mà tất cả những thứ ấy lại thuộc về Salomon Van der Merwe và các người hợp tác của hắn. Jamie vẫn tiếp tục di chuyển. Trong ba giờ tiếp theo đó, hai người đã thu thập được trên bốn mươi viên kim cương từ hai cà rá đến ba mươi cà rá. Bầu trời phía đông bắt đầu hửng sáng. Đây là thời gian Jamie dự định rời khỏi nơi này, nhảy lên bè, vượt qua các tảng đá ngầm và thoát trở về. Nhưng bây giờ nghĩ đến điều ấy cũng vô ích thôi. “Trời sắp rạng đông rồi”, Jamie nói, “Chúng mình hãy tính xem còn có thể tìm được thêm bao nhiêu viên kim cương nữa?”. “Chúng ta sẽ không sống để xài bất cứ viên nào trong số này. Anh muốn chết giàu có, đúng không?”. “Tôi chẳng muốn chết chút nào”. Họ lại tiếp tục tìm kiếm, nhặt hết viên kim cương này đến viên kim cương khác, không suy nghĩ, tính toán gì hết, như thể bị ám ảnh bởi cơn điên loạn. Từng chồng kim cương của họ cứ lớn dần lên cho đến khi sáu mươi viên kim cương vô giá nằm gọn trong túi áo sơ mi tả tơi của họ. “Anh có muốn tôi mang các thứ này không?”, Banda hỏi. “Không, cả hai chúng ta đều có thể…”, chợt Jamie nhận ra được Banda đang suy nghĩ gì. Kẻ nào bị bắt quả tang mang theo kim cương sẽ bị chết một cách chậm chạp và đau đớn hơn. “Để tôi mang cho”, Jamie nói. Anh nhét tất cả kim cương vào trong mảnh vải còn lại của áo sơ mi rồi cẩn thận thắt nút lại. Chân trời lúc này sáng lờ mờ, phía đông bắt đầu nhuốm màu sắc của mặt trời đang lên. Việc gì xảy ra tiếp theo nhỉ? Đó mới là vấn đề. Làm thế nào trả lời? Họ có thể sẽ đứng ở đó chờ chết, hay có thể đi vào trong vùng đất, hướng đến sa mạc và chết ở đó. “Chúng ta đi nào”. Jamie và Banda bắt đầu chậm rãi bước đi sát bên nhau, xa bãi biển. “Bãi mìn bắt đầu từ chỗ nào vậy?”. "Chừng một trăm thước, ở phía trước mặt”. Xa xa, họ nghe có tiếng chó sủa. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sắp sửa phải lo về bãi mìn. Đàn chó đang hướng về phía này. Ca làm việc buổi sáng sắp bắt đầu”. “Chừng bao lâu nữa chúng sẽ đến đây?”. “Mười lăm phút, cũng có lẽ mười phút”. Lúc này đã gần sáng hẳn rồi. Các hình thù lờ mờ bây giờ đã trở thành những đụn cát và ngọn núi xa xăm. Không có nơi nào để mà ẩn nấp nữa. “Có bao nhiêu tên bảo vệ cho mỗi ca?”. Banda suy nghĩ một lát, “Chừng mười tên”. “Mười tên cũng không nhiều lắm cho một bãi bể rộng như thế này”. “Một tên cũng đủ rồi. Chúng có súng và chó. Bọn bảo vệ ấy không phải là mù và chúng ta thì không có phép tàng hình”. Tiếng chó sủa bây giờ gần hơn, Jamie nói, “Banda ạ, tôi rất hối hận. Lẽ ra tôi không nên đưa anh vào cảnh ngộ này”. “Không phải anh đâu”. Jamie hiểu anh muốn nói gì trong câu nói ấy. Rồi họ nghe tiếng nói lao xao ở phía xa. Jamie và Banda đi tới một đụn cát nhỏ “Hay là chúng mình vùi mình trong cát nhỉ?”. “Có người đã thử làm như vậy rồi. Lũ chó sẽ tìm ra chúng mình và xé toạc cổ họng chúng mình ra. Tôi muốn một cái chết nhanh chóng, tôi muốn bọn chúng tìm thấy tôi, rồi tôi bỏ chạy. Như vậy bọn chúng sẽ bắn tôi. Tôi… tôi không muốn đàn chó ấy thộp lấy tôi". Jamie nắm chặt lấy cánh tay Banda, “Chúng ta có thể chết nhưng không ngu dại gì mà đi tìm cái chết. Cứ để cho Thần Chết phải vất vả mới làm được nhiệm vụ của nó”. Họ bắt đầu phân biệt được tiếng nói ở phía xa, “Đi nhanh lên, đồ khốn kiếp lười biếng…”, một tiếng nói thét lên, “Theo tao, đi thẳng nào… Chúng mày đã được ngủ một giấc ngon rồi… Bây giờ là lúc làm việc…”. Mặc dầu những lời lẽ can đảm như vậy, Jamie nhận thấy qua giọng nói hình như anh đang muốn rút lui. Anh quay đầu lại nhìn về phía bể một lần nữa. Phải chăng chết chìm còn dễ dàng hơn? Anh nhìn những tảng đá ngầm xé toang một cách giận dữ các đợt sóng xông đến như quỷ dữ, bỗng đột nhiên anh thấy một cái gì đó ở phía bên kia đợt sóng, anh không hiểu là cái gì. “Banda, xem kìa”. “Nó là “mis” (sương mù ở bể) đấy!”, Banda kêu lên, nó xảy ra mỗi tuần vài ba lần”. Trong khi hai người đang nói chuyện, sương mù kéo lại gần, giống như một bức màn xám giăng tận chân trời, xoá nhoà cả bầu trời. Lúc này các tiếng nói nghe gần hơn, “Mẹ kiếp, cái sương mù này. Nó làm chậm công việc một lần nữa. Các ông chủ sẽ không thích như vậy…”. “Chúng mình gặp may rồi!”, Jamie nói, lúc này tiếng nói của anh nghe như thì thầm. “May gì?”. “Sương mù đó! Chúng nó sẽ không thể trông thấy mình”. “Không có lợi ích gì đâu, sương mù sẽ tan ngay bây giờ. Khi nào nó tan, chúng mình sẽ vẫn đứng nguyên tại chỗ. Nếu bọn bảo vệ không đi xuyên qua được bãi mìn thì chúng mình cũng thế. Nếu anh cố vượt qua sa mạc trong sương mù thì không đầy mười thước anh đã bị nổ tung ra từng mảnh rồi. Anh đang cố tìm ra một phép lạ”. “Đúng như vậy. Tôi đang chờ đợi một phép lạ”, Jamie nói. Trời tối sầm phía trên đầu. Sương mù lúc này lại gần hơn, bao trùm cả mặt bể, sắp sửa nuốt trùm cả bờ bể. Nó cứ lăn về phía hai người, trông có vẻ ma quái, hăm doạ nhưng Jamie cảm thấy hân hoan. Nó sẽ cứu chúng ta. Một tiếng nói gọi to, “Này, hai đứa kia! Chúng mày đang làm quái quỷ gì ở đây thế?”. Jamie và Banda quay đầu lại, nhìn trên đỉnh một đụn cát, cách đó chừng trăm thước, một tên bảo vệ mặc đồng phục đang đứng, tay cầm một khẩu súng trường. Jamie quay nhìn trở lại bờ bể. Sương mù đang tiến lại gần rất nhanh. “Hai đứa kia, lại đây!”, tên bảo vệ hét lên, tay đưa khẩu súng lên cao. Jamie giơ hai tay lên, “Tôi bị trẹo chân”, anh nói to, “Không thể bước tới được”. “Đứng yên tại đấy”, tên ấy ra lệnh, “Tao sẽ đến bắt chúng mày”. Hắn hạ súng xuống, sắp sửa tiến về phía họ. Nhìn thật nhanh về phía sau, họ thấy sương mù ra đến rìa bờ bể, và tiếp tục tiến vào rất nhanh. “Chạy!”, Jamie thì thào. Anh quay lại, chạy như bay về phía bãi bể, Banda chạy theo sau. “Đứng lại!”. Một giây đồng hồ sau, họ nghe thấy một tiếng nổ giòn, cát ở phía trước mặt tung toé. Họ vẫn tiếp tục chạy, chạy thật nhanh để đến gặp bức tường sương mù dày đặc. Lại có một tiếng nữa. Tiếp đó hai người đã đi vào trong bóng tối hoàn toàn. Sương mù đã xâm chiếm lấy họ, khiến họ cảm thấy lạnh lẽo, ngột ngạt. Họ thấy mình như bị vùi trong bông gòn, không còn trông thấy gì nữa. Lúc này các tiếng nói dường như bị tắc nghẽn, xa vời, dội ra khỏi sương mù từ khắp mọi phía. Họ nghe tiếng gọi nhau. “Kruger… Brent đây. Có nghe tôi nói không?”. “Tôi nghe, Kruger”. “Chúng nó có hai người”, tiếng nói thứ nhất kêu lên. “Một tên da trắng và một tên da đen. Chúng ở trên bãi biển. Cho người toả ra mọi phía! Cứ bắn đi để giết chết chúng nó!”. “Bám chặt vào người tôi”, Jamie thì thào. Banda nắm lấy vai Jamie, “Anh định đi đâu bây giờ?” “Ra khỏi nơi này”. Jamie đưa địa bàn lên sát tận mắt. Anh chỉ thấy nó lờ mờ. Anh xoay địa bàn cho đến khi nó chỉ hướng đông, “Đi hướng này…”. “Khoan đã! Chúng mình không bước đi được. Dù không va phải tên bảo vệ nào, chúng mình cũng sẽ đạp phải mìn, làm nó nổ tung lên”. “Lúc nãy anh nói rằng còn một trăm thước nữa mới tới bãi mìn. Vậy chúng ta phải rời bãi biển này ngay”. Hai người bắt đầu di chuyển về phía sa mạc, chậm rãi và đều đặn, như hai kẻ mù trong một vùng đất không hề biết. Jamie dùng bước chân để đo khoảng cách. Mỗi khi lỡ ngã xuống cát mềm, họ cố đứng dậy rồi tiếp tục đi. Đi được mấy bước, Jamie dừng lại dò địa bàn. Khi anh ước chừng đã đi được một trăm mét, anh dừng lại. “Có lẽ bãi mìn bắt đầu từ chỗ này. Bọn chúng có đặt mìn theo một mô thức nào đó không? Anh có thể nghĩ ra một cách nào đó có thể giúp chúng ta được không?”. “Chỉ có cầu nguyện thôi”, Banda nói, “chưa từng có ai lọt qua bãi mìn này cả, Jamie ạ. Mìn rải rác khắp mọi nơi, vùi dưới đất đến mười lăm phân. Chúng mình sẽ phải ở lại đây cho tới lúc tan sương mù rồi đầu hàng bọn chúng thôi”. Jamie lắng nghe những tiếng nói như bị trùm trong bông gòn dội lại xung quanh hai người. “Kruger! Cứ tiếp xúc với nhau bằng tiếng nói nhé…”. “Đúng vậy, Brent…”. “Kruger…”. “Brent…”. Những tiếng nói như tách rời thể xác kêu gọi nhau qua sương mù tối như bưng. Trí óc Jamie hoạt động dữ dội, cố tìm ra mọi khả năng trốn thoát. Nếu dừng tại chỗ, họ sẽ bị giết tức khắc, ngay lúc bức màn sương mù kéo lên. Nếu cố gắng đi qua bãi mìn, họ sẽ bị nổ tan như xác pháo. “Anh có thấy các bãi mìn ấy chưa?” Jamie thì thầm. “Tôi có giúp bọn chúng chôn một ít”. “Cái gì có thể làm chúng bật ngòi?”. “Trọng lượng của một người. Bất cứ thứ gì nặng trên bốn mươi ký có thể làm chúng nổ tung lên. Vì vậy chúng không giết các con chó”. Jamie thở mạnh một cái, “Banda, tôi có cách thoát khỏi nơi này. Có thể nó không có hiệu quả. Nhưng anh có dám chơi trò may rủi với tôi không?”. “Lạy chúa tôi!”. “Anh đang nghĩ gì vậy?”. “Tôi nghĩ rằng mình có điên mới rời khỏi Cape Town”. “Anh chịu theo tôi chứ?”, anh chỉ nhận ra lờ mờ khuôn mặt của Banda bên cạnh anh. “Anh làm cho tôi không có bao nhiêu sự lựa chọn nữa, anh bạn ạ”. “Vậy thì chúng ta bắt đầu”. Jamie cẩn thận duỗi dài người ra nằm sát trên cát. Banda nhìn anh một lát, thở mạnh một cái rồi làm theo. Chậm rãi, hai người bắt đầu bò trên cát, hướng về phía bãi mìn”. Jamie thì thầm căn dặn, “Khi cử động, nhớ đừng có tì mạnh tay và chân xuống cát nhé. Dùng toàn thể thân hình”. Không có tiếng đáp lại. Banda đang tập trung mọi suy nghĩ làm thế nào để được sống còn. Một khoảng chân không phủ kín màu xám làm họ không thể trông thấy được gì. Bất cứ lúc nào, họ cũng có thể va phải tên bảo vệ, một con chó hay một quả mìn. Jamie cố gạt tất cả thứ này ra khỏi đầu óc. Họ tiến đến rất chậm và đau đớn. Cả hai không mặc áo sơ mi, cát cào lên bụng trong khi họ cố nhích lên từng gang tấc. Jamie biết rằng hai người đang ở trong cảnh ngộ vô cùng bất lợi. Dù họ có vượt qua được sa mạc mà không bị bắn hoặc bom nổ tung từng mảnh, họ cũng sẽ bị ngăn chặn bởi hàng rào thép gai và những toán bảo vệ tháp canh ở chỗ ra vào. Không biết bao giờ sương mù mới tan. Nó có thể tan ra bất cứ lúc nào và họ sẽ bị lộ. Họ vẫn tiếp tục bò, trườn người lên phía trước và không cần suy nghĩ gì nữa và quên hẳn thời gian. Từng phân trở thành từng tấc, rồi từng tấc trở thành từng thước, từng thước trở thành từng dặm. Họ không biết họ đã đi được bao xa, đầu cúi xuống đất, mắt, mũi và tai dính đầy cát. Thở là một cố gắng khó nhọc. Xa xa, tiếng nói của bọn bảo vệ vẫn vang lên đều đều, “Kruger, Brent… Kruger, Brent…”. Hai người dừng lại để nghỉ và cứ ít phút lại dò lại địa bàn, rồi tiếp tục tiến lên, lại tiếp tục bò, tưởng chừng như vô tận. Họ có khuynh hướng mãnh liệt muốn bò nhanh hơn thế nữa nhưng như vậy có nghĩa là phải tì mạnh xuống cát. Jamie tưởng tượng những mảnh kim khí nổ tung dưới người anh, xé toang cả bụng, anh bò chậm lại. Thỉnh thoảng lại nghe những tiếng khác xung quanh, những lời lẽ bị tắc nghẽn trong sương mù, không còn biết chúng từ đâu đến. Đó là một bãi sa mạc rất rộng, Jamie nghĩ thầm, trong lòng tràn đầy hy vọng. Mình sẽ không bị một người nào bắt gặp nữa. Không biết từ nơi nào,một hình thù to lớn, lông lá nhảy chồm lên người anh. Nó xảy ra rất nhanh đến nỗi Jamie không kịp đề phòng. Anh cảm thấy hàm răng sắc nhọn của con chó giống Alsatian cắm sâu vào tay anh. Anh thả gói kim cương xuống, cố nạy hàm răng con chó cho nó mở rộng ra nhưng vì chỉ có một tay còn rảnh rang nên không thể làm thế được. Răng con chó lại cắm sâu hơn nữa, yên lặng, gây chết người. Jamie cảm thấy mình bắt đầu xỉu. Bỗng anh nghe thấy một tiếng thịch rồi tiếp theo một tiếng nữa, hàm răng con chó nhả ra, mắt nó mờ đi. Qua làn sương mù đau đớn, Jamie thấy Banda nện cả túi kim cương lên đầu con chó. Nó rên rỉ một lần rồi nằm yên. “Anh không việc gì chứ?”, Banda thì thào với vẻ lo lắng. Jamie không thốt được ra lời. Anh nằm im một lát, đợi cơn đau lui bớt. Banda xé một mảnh vải quần buộc chặt xung quanh cánh tay của Jamie để ngăn máu chảy. “Chúng mình phải tiếp tục đi lên”, Banda nói, “Nếu có một con chó ở xung quanh đây thì chắc còn có nhiều con khác nữa”. Jamie gật đầu. Chậm rãi, anh trườn về phía trước, chống lại những cơn đau nhói khủng khiếp ở cánh tay. Anh không nhớ gì nữa về quãng đường còn lại. Anh nửa mê nửa tỉnh, giống như người máy. Một cái gì đó ở bên ngoài anh điều khiển các cử động. Các cánh tay đưa ra phía trước, kéo… Tay đưa ra trước, kéo… Tay đưa ra trước, kéo… Cơn đau kéo dài tưởng chừng vô tận. Lúc này Banda làm nhiệm vụ theo dõi địa bàn. Mỗi khi Jamie đi chệch hướng, Banda lại nhẹ nhàng xoay người anh lại. Xung quanh họ là bọn bảo vệ, chó săn, mìn; chỉ có sương mù bảo vệ họ an toàn. Họ vẫn tiếp tục bò lên để cứu lấy mạng sống, cho đến khi cả hai không còn sức để tiến thêm một chút nào nữa. Họ lăn ra ngủ. Khi Jamie mở mắt ra, anh thấy một cái gì đó đã thay đổi. Anh nằm trên cát, cố nhớ lại mình đang ở đâu. Anh trông thấy Banda đang ngủ cách đó cách đó chừng hai thước. Ký ức trở lại với anh dồn dập. Chiếc bè vỡ toang trên các mỏm đá ngầm, sương mù. Nhưng có một cái gì đó không hay vừa xảy ra. Anh chưa biết nó là cái gì. Dạ dày anh bỗng thắt lại. Anh thấy được Banda! Cái không hay chính là ở chỗ đấy. Sương mù đã tan rồi. Nhiều tiêng nói nổi lên gần đấy. Anh cố nhìn qua lớp sương mù đang tan dần. Hai người đã bò đến gần cổng ra vào mỏ kim cương. Ở đó có một cái tháp cao và hàng rào dây kẽm gai đúng như Banda đã nói. Một đám đông chừng sáu mươi người da đen đang ra khỏi bãi kim cương tiến về phía cổng. Họ đã làm xong ca và một nhóm khác đang đi vào. Jamie nhổm dậy, bò đến gần Banda và lay anh ta dậy. Banda ngồi dậy, lập tức tỉnh ngủ, anh đưa mắt về phía tháp canh và chiếc cổng ra vào. “Mẹ kiếp! chúng mình có lẽ đã thành công rồi”, anh nói có vẻ như chưa tin hẳn. “Chúng mình thành công thật rồi mà. Anh đưa kim cương đây cho tôi cầm”. Banda đưa cho anh mảnh sơ mi gấp lại, “Anh định làm gì?” “Cứ theo tôi”. “Bọn bảo vệ có súng đang đứng ở cổng”, Banda nói khe khẽ, “Chúng nó biết mình không phải là người ở đây”. “Chính tôi đang trông chờ vào chuyện ấy đấy”, Jamie nói. Hai người tiến về phía những tên bảo vệ, len lỏi giữa những công nhân đang rời đi và sắp đến. Họ gọi nhau ơi ới, trao đổi cho nhau những tiếng huýt sáo vui vẻ. “Chúng mày sắp sửa phải làm việc chết xác đó! Bọn tao vừa mới ngủ được một giấc thật ngon trong sương mù”. “Chúng mày làm thế nào mà rơi vào đúng chỗ sương mù ấy hả những thằng may mắn kia?”. “Chúa nghe lời chúng tao chứ không nghe lời chúng mày đâu. Chúng mày là những kẻ xấu”. Jamie và Banda đi đến cổng ra vào. Hai tên canh gác to lớn đứng ở bên trong dòm tất cả những người công nhân vừa đi ra vào một căn chòi bằng thiếc nhỏ, ở đó họ sẽ được lục soát kỹ càng. Chúng lột trần họ ra rồi rà soát từ trên xuống dưới, tất cả mọi lỗ trên thân hình. Jamie nắm chặt hơn nữa cái áo sơ mi rách tả tơi trong tay. Anh xô đẩy đi qua bãi công nhân và bước thẳng đến những tên bảo vệ, “Xin lỗi ông”, Jamie nói, “Tôi cần phải hỏi ai để xin một việc làm ở đây?” Banda nhìn anh sợ chết điếng. Tên bảo vệ quay lại nhìn Jamie, “Mày làm cái quỷ quái gì bên trong hàng rào này?” “Chúng tôi đến đây xin việc. Tôi nghe nói ở đây có một chân bảo vệ còn trống. Tên đầy tớ của tôi đây cũng biết đào. Tôi nghĩ…”. Tên bảo vệ nhìn hai hình thù có vẻ bất hảo, ăn mặc rách rưới rồi hét lên, “Đi ra ngoài kia!”. “Chúng tôi không muốn ra”, Jamie ra vẻ phản đối, “Chúng tôi cần việc làm, người ta bảo với chúng tôi rằng…”. “Đây là khu vực cấm anh bạn ạ. Anh không thấy tấm biển hay sao? Thôi cút ngay đi, cả hai đứa bay!”, hắn chỉ một chiếc xe bò lớn đậu ở ngoài hàng rào, chở đầy công nhân vừa làm xong ca. “Chiếc xe bò ấy sẽ chở chúng mày đến Port Nolloth. Nếu muốn có việc làm, chúng mày phải xin ở văn phòng của Công ty ở đấy”. “À, ra thế, xin cảm ơn ông rất nhiều”, Jamie nói. Anh ngoắc tay gọi Banda, cả hai cùng đi ngang qua công, trở về đời sống tự do. Tên bảo vệ nhìn theo họ với cặp mắt giận dữ, “Thật là đồ ngu xuẩn!”. Mười phút sau, Jamie và Banda đã lên đường đi Port Nolloth. Họ mang theo số kim cương trị giá nửa triệu bảng Anh. Chương 06 Chiếc xe ngựa sang trọng lăn xuống đường phố Klipdrift bụi bặm, kéo bởi một cặp ngựa đẹp đẽ. Cầm dây cương là một người đàn ông mảnh khảnh nhưng trông khoẻ mạnh, với một mái tóc và chòm râu trắng như tuyết. Ông khách mặc một bộ quần áo màu xám may đúng thời trang và một chiếc áo sơ mi có diềm đăng ten xếp nếp, trên chiếc cà vạt đen có một cái ghim gắn kim cương. Ông đội một chiếc mũ chóp cao màu xám, và ở trên ngón tay nhỏ có một chiếc nhẫn gắn một viên kim cương lớn lóng lánh. Ông có vẻ như một người khách lạ với thị trấn này nhưng thật ra không phải như vậy. Klipdrift đã thay đổi rất nhiều từ ngày Jamie McGregor rời đi một năm trước đây. Lúc ấy là vào năm 1884, và Klipdrift đã từ một lều trại phát triển lên thành một thị trấn. Đường xe hoả đã được hoàn tất từ Capetown đến Hopetown với một nhánh rẽ chạy đến Klipdrift tạo nên một làn sóng di cư mới đến thị trấn này. Thị trấn đông đúc hơn là Jamie nhớ trước đây, nhưng dân chúng có vẻ khác lạ. Vẫn có nhiều người thăm dò kim cương, nhưng cũng có những người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, những người đàn bà quần áo sang trọng đi ra từ các cửa hiệu. Klipdrift đã mang một bộ mặt đáng kính nể. Jamie đi qua một tiệm khiêu vũ mới mở và chừng năm sáu quán rượu. Anh đánh xe ngang qua một nhà thờ mới xây, một tiệm thợ cạo và một khách sạn lớn mang tên Grand Hotel. Anh dừng trước một ngân hàng, xuống xe, lơ đãng quăng sợi dây cương ngựa cho một đứa bé da đen. “Cho chúng nó uống nước”. Jamie đi vào ngân hàng và nói với viên quản lý. “Tôi muốn ký thác một trăm nghìn bảng Anh trong ngân hàng này của ông”. Tin đồn loan đi rất nhanh, y như Jamie đã đoán trước, nên vào lúc anh rời ngân hàng đi tới quán rượu Sundowner thì anh đã thành trung tâm chú ý của mọi người. Bên trong quán rượu vẫn không thay đổi, nó rất đông đúc và nhiều cặp mắt nhìn theo Jamie khi anh bước tới quầy rượu. Smith gật đầu chào kính cẩn, “Thưa ông muốn dùng gì ạ?”. Trên mặt tên chủ quán này không có nét gì tỏ ra hắn đã nhận ra Jamie. “Whisky, thứ tốt nhất ấy”. “Thưa ông, có ngay”, hắn rót rượu ra, “Chắc ông mới đến thị trấn này?”. “Phải”. “Chắc ông chỉ ghé ngang qua đây thôi?”. “Không, tôi nghe nói nơi này là một thị trấn tốt cho những ai muốn đầu tư”. Mắt lão bán rượu sáng lên.” Ông không thể tìm ra một nơi nào tốt hơn. Một người với một trăm… một người nhiều tiền của có thể làm ăn có lợi cho mình. Thật ra, tôi cũng có thể giúp ích cho ông một phần nào, thưa ông ạ”. “Thế hả? Giúp bằng cách nào?”. Smith vươn người về phía trước, nói bằng giọng bí mật. “Tôi biết người điều khiển thị trấn này. Ông ta là Chủ tịch hội đồng thị xã và đứng đầu Tiểu ban Công dân vụ. ông ta là nhân vật quan trọng nhất vùng này. Tên ông ta là Salomon Van der Merwe”. Jamie uống một hớp rượu, “Chưa hề nghe thấy tên ấy bao giờ”. “Ông ấy là chủ một cửa hàng bách hoá rất lớn bên kia đường. Ông ấy có thể giúp ông ký những hợp đồng rất có lợi. Gặp được ông ấy thì chẳng phí công phí của chút nào”. Jamie lại uống thêm hợp rượu, “Bảo lão ấy lại đây gặp tôi” Lão bán rượu liếc mắt nhìn viên kim cương lớn trên ngón tay của Jamie và viên kim cương trên cái ghim cà vạt, “Thưa ông, vâng, tôi có thể cho ông ấy biết tên ông được không?” “Travis, Ian Travis”. “Vâng, ông Travis. Tôi chắc rằng ông Van der Merwe sẽ muốn gặp ông”. Lão rót thêm một ly rượu nữa. “Xin ông dùng ly này trong khi chờ đợi. Ly này do bản hiệu thết đãi”. Jamie ngồi bên quầy rượu, nhấm nháp ly whisky, biết rằng mọi người trong quán đang nhìn anh. Nhiều người đã rời Klipdrift và trở nên giàu có nhưng không ai đến Klipdrift với của cải lớn lao như vậy. Đó là một cái gì rất mới mẻ trong kinh nghiệm của họ. Mười lăm phút sau, lão bán rượu trở lại kèm theo Salomon Van der Merwe. Van der Merwe tiến lại phía ông khách râu tóc bạc phơ, chìa tay ra mỉm cười: “Chào ông Travis, tôi là Salomon Van der Merwe”. “Ian Travis”. Jamie chờ một dấu hiệu thoáng qua chứng tỏ lão đã nhận ra một nét gì quen thuộc của anh. Không có gì cả. Nhưng làm sao có dấu hiệu như vậy được? Jamie nghĩ thầm. Không còn có nét gì còn lại của cậu con trai mười tám tuổi ngây thơ, lý tưởng trước kia nữa. Smith khúm núm đưa hai người đến một chiếc bàn lớn ở góc phòng. Vừa mới ngồi xuống, Van der Merwe nói, “Tôi biết rằng ông đang tìm kiếm một nơi nào đó để đầu tư tại Klipdrift này, thưa ông Travis”. “Có lẽ”. “Tôi có thể giúp ông phần nào. Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Có nhiều kẻ bất lương xung quanh đây”. Jamie nhìn lão, “Chắc chắn là phải có”. Thật là khó tưởng tượng nổi. Anh đang ngồi nói chuyện ở đây với con người đã từng lừa gạt anh đến nỗi mất tất cả của cải, rồi lại còn tìm cách thủ tiêu anh nữa. Mối hận thù Van der Merwe đã thiêu đốt anh trong suốt năm qua, nỗi khao khát trả thù là thứ duy nhất nâng đỡ anh, giúp cho anh được sống. Bây giờ đến lúc Van der Merwe phải cảm thấy sự trả thù ấy. “Ông cho phép tôi hỏi câu này, thưa ông Travis, ông dự định sẽ đầu tư chừng bao nhiêu tiền?”. “Ồ, khoảng trăm nghìn bảng vào lúc đầu”, Jamie nói với vẻ lơ đãng. Anh nhìn thấy Van der Merwe liếm mép. “Sau đó có lẽ thêm chừng ba bốn trăm nghìn nữa”. “Ờ… ờ… với số tiền lớn như vậy ông có thể làm ăn rất lớn, rất lớn. Cố nhiên là phải có sự hướng dẫn đúng đắn”. Lão vội vã nói thêm. “Ông có dự tính đầu tư vào việc gì chưa?”. “Tôi nghĩ rằng tôi còn phải xem có cơ hội làm ăn nào tốt không đã”. “Ông thật là khôn ngoan”, Van der Merwe gật đầu ra vẻ hiểu biết. “Có lẽ ông sẽ vui lòng đến dùng cơm với chúng tôi hôm nay và chúng ta sẽ bàn thêm về chuyện này? Con gái tôi nấu ăn rất giỏi. Thật là một hân hạnh lớn cho chúng tôi". Jamie mỉm cười, “Tôi rất vui lòng, ông Van der Merwe ạ”. Mày không biết là tao vui lòng như thế nào, Jamie nghĩ thầm trong bụng. Câu chuyện thế là đã bắt đầu. Cuộc hành trình từ mỏ kim cương Namib đến Capetown trước đây không xảy ra chuyện gì. Jamie và Banda đi bộ đến ngôi làng nhỏ để một y sĩ chữa trị cho cánh tay của Jamie, rồi sau đó họ đi nhờ xe la đến Capetown. Đó là chuyến đi lâu lắc và khó khăn nhưng hai người không kể gì đến những điều bất tiện. Đến Capetown, Jamie ở trong khách sạn Hoàng gia lộng lẫy, nằm trên đường Plent St. được đặt dưới sự bảo trợ của Đức ông Quận công Edinburgh. Anh được dẫn đến một dãy buồng của hoàng gia gọi là “Royal Suite”. “Tôi muốn anh gọi một thợ cạo giỏi nhất thành phố đến đây cho tôi”, Jamie nói với viên quản lý khách sạn, “Sau đó tôi cần một thợ may và thợ đóng giầy nữa”. “Thưa ngài có ngay”. Thật có tiền mua tiên cũng được, Jamie thầm nghĩ. Tắm ở Royal Suite này thật là tuyệt trần, Jamie ngả người trong bồn nước ấm, rũ sạch mọi mệt mỏi ra khỏi thân thể, trí óc anh miên man nghĩ đến những tuần lễ kinh khiếp vừa qua. Phải chăng từ ngày anh và Banda đóng chiếc bè đến nay chỉ mới mấy tuần lễ thôi? Thế mà anh tưởng chừng như đã nhiều năm rồi, Jamie thầm nghĩ đến chiếc bè đưa anh tới vùng đất cấm, rồi những con cá mập, những cơn sóng dữ, những tảng đá ngầm xé rách chiếc bè ra từng mảnh. Sương mù gọi là “mis”, những bãi mìn anh đã bò ngang qua, rồi con chó săn to lớn đè trên người anh…, những tiếng kêu ma quái, tắc nghẽ, vang lên trong đầu anh liên tục: Kruger… Brent… Kruger… Brent…. Nhưng trên hết tất cả mọi thứ anh nghĩ đến Banda, người bạn của anh. Khi vừa đến Capetown, Jamie thúc giục, “Anh hãy ở lại với tôi”. Banda cười, nhe hàm răng trắng nhở rồi nói. “Sống với anh thì quá buồn chán, Jamie ạ. Tôi phải đi đến một nơi nào đó để tìm những thứ thích thú hơn”. “Anh định sẽ làm gì?”. “Phải, nhờ có anh và nhờ có ý kiến của anh là làm ra chiếc bè vượt qua mỏm đá ngầm, tôi sẽ mua một nông trại, tìm kiếm một bà vợ và có một bầy con”. “Được rồi, chúng ta hãy đi tới tiệm kim cương, tôi sẽ chia lại cho anh nửa số kim cương phần của anh”. “Không, tôi không muốn như vậy”, Banda nói. Jamie nhăn mặt lại, “Anh nói gì vậy? Nửa số kim cương ấy là của anh mà. Anh là triệu phú rồi.” “Không, anh hãy nhìn màu da của tôi đi, Jamie ạ. Nếu tôi trở thành triệu phú thì tính mạng của tôi rẻ rúng lắm”. “Anh có thể giấu một số kim cương đi. Anh có thể giấu…”. “Tôi chỉ cần đủ tiền để mua một mảnh đất làm nông trại và hai con bò để đổi lấy một bà vợ. Hai hay ba viên kim cương nhỏ là đủ để tôi có mọi thứ tôi muốn. Phần còn lại thuộc về anh.” “Không thể như thế được, anh không thể cho tôi phần của anh được”. “Có thể được lắm chứ Jamie. Bởi vì anh sẽ cho tôi lão Salomon Van der Merwe”. Jamie nhìn Banda một hồi lâu, “Tôi hứa”. “Vậy thì tạm biệt nhé, anh bạn của tôi”. Hai người nắm chặt tay nhau. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau”, Banda nói, “Lần sau hãy nghĩ về một việc thực sự thích thú mà chúng ta cùng làm nhé”. Banda ra đi với ba viên kim cương nhỏ cẩn thận nhét trong túi. Jamie gửi một ngân phiếu hai mươi ngàn bảng Anh cho cha mẹ, mua một chiếc xe ngựa đẹp nhất và một đàn ngựa rồi quay trở lại Klipdrift. Đã đến lúc anh phải trả lại mối thù. Tối hôm ấy, Jamie McGregor đi thẳng vào cửa hiệu của Van der Merwe, anh đột nhiên thấy lòng mình co thắt lại bởi một cảm giác rất khó chịu và mãnh liệt đến nỗi anh phải dừng lại một lúc để lấy tự chủ. Van der Merwe hối hả đi ra từ bên trong cửa hiệu và khi nhận ra Jamie, mặt lão rạng lên bởi một nụ cười tươi, “Ông Travis, hân hạnh quá”. “Cám ơn, thưa ông… à, xin lỗi vì tôi không nhớ tên ông?”. “Van der Merwe, Salomon Van der Merwe. Tên Hà Lan bao giờ cũng khó nhớ. Cơm nước đã sẵn sàng rồi, Margaret!”. Lão gọi to lên khi dẫn Jamie vào căn phòng phía sau. Vẫn không có gì thay đổi cả. Margaret đang đến bên chiếc lò, nhìn xuống một chảo rán quay lưng lại phía hai người. “Margaret, đây là ông khách bố đã nói với con, ông Travis”. Margaret quay lưng lại, “Xin chào ông”. Không thấy thoáng qua một dấu hiệu nào chứng tỏ nàng đã nhận ra anh. “Rất hân hạnh được gặp cô”, Jamie gật đầu. Một khách hàng rung chuông, Van der Merwe nói “Xin lỗi, tôi sẽ trở lại ngay. Xin ông hãy tự nhiên, ông Travis ạ”. Lão vội vã ra đi. Margaret mang một bát rau và bát thịt đến bàn ăn, rồi vội vã trở lại bếp lấy bánh mì ra khỏi lò. Jamie đứng ở đấy, yên lặng nhìn nàng. Margaret đã nảy nở như một đoá hoa trong năm nay, từ ngày anh gặp nàng. Nàng đã trở thành phụ nữ với một vẻ hấp dẫn âm ỉ mà trước đây không thấy có. “Bố cô nói với tôi rằng cô nấu ăn rất giỏi”. Margaret đỏ mặt, “Tôi… tôi cũng mong được như thế, thưa ông”. “Lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức thức ăn nấu ở nhà. Tôi rất mong được một dịp như thế này”. Jamie lấy một đĩa bơ lớn từ tay Margaret đặt nó lên bàn giúp nàng. Margaret ngạc nhiên đến nỗi suýt làm rơi chiếc đĩa đang cầm trong tay. Nàng chưa hề nghe nói một người đàn ông nào giúp việc làm nhà cho một người đàn bà. Nàng ngước đôi mắt ngạc nhiên lên nhìn Jamie. Một cái mũi gẫy và một cái sẹo dài làm xấu đi một khuôn mặt lẽ ra rất đẹp trai. Mắt anh ta màu xám nhạt, ngời vẻ thông minh và sức mạnh nồng cháy. Mái tóc bạc cho thấy anh ta không còn trẻ nữa nhưng thấy ở anh ta một vẻ gì đó rất trẻ. Anh ấy có dáng người cao, khoẻ mạnh và… Margaret quay mặt đi chỗ khác, bối rối vì cái nhìn chằm chằm của chàng. Van der Merwe hối hả quay lại phòng ăn, chùi hai bàn tay, “Tôi đã đóng cửa hiệu rồi, nào chúng ta hãy ngồi xuống, thưởng thức bữa ăn ngon lành này”. Jamie được dành cho chiếc ghế danh dự ở bàn ăn. “Chúng ta đọc kinh nào”, Van der Merwe nói. Họ khép mắt lại. Margaret lén lút mở mắt ra để có thể nhìn kỹ ông khách sang trọng, trong khi ông bố rầm rì đọc kinh. “Chúng con là những kẻ có tội dưới mắt Chúa và phải bị trừng phạt. Hãy cho chúng con sức mạnh để có thể chịu đựng được nỗi đau khổ trên thế gian này, để chúng con có thể hưởng được những thành quả tốt đẹp trên thiên đường khi nào Chúa gọi chúng con. Lạy Chúa, xin cám ơn người đã giúp những kẻ trong chúng con xứng đáng được hưởng sự giàu sang phú quý. Amen.” Salomon Van der Merwe bắt đầu gắp thức ăn để mời khách. Phần ăn lão đưa ra mời Jamie thật là hậu hĩnh. Họ nói chuyện với nhau trong khi ăn. “Có phải đây là lần đầu tiên ông đi chơi tới vùng này không?”. “Đúng vậy”, Jamie đáp, “Lần đầu tiên”. “Tôi chắc ông không đem bà Travis đi theo”. “Không có ai là bà Travis cả. Tôi chưa tìm thấy người nào muốn lấy tôi cả”. Người đàn bà nào điên khùng mới từ chối lấy anh ta. Nàng cụp mắt xuống, sợ rằng ông khách sẽ đọc được ý nghĩ xấu xa của mình. “Klipdrift là một thành phố có cơ hội làm ăn tốt, rất tốt, ông Travis ạ”. “Tôi muốn được thấy chứng minh đó”, anh đưa mắt nhìn sang Margaret. Nàng đỏ mặt”. “Nếu ông không cho tôi là quá tò mò, ông Travis ạ, tôi muốn biết ông đã trở nên giàu có bằng cách nào vậy?”. Margaret bối rối vì câu hỏi quá trắng trợn của ông bố nhưng ông khách dường như không để ý đến điều đó. “Tôi thừa hưởng gia tài của cha tôi”, Jamie trả lời một cách thoải mái. “À, ra vậy. Chắc là ông đã có kinh nghiệm kinh doanh rồi chứ?” “Tôi e rằng rất ít. Vì vậy tôi cần được hướng dẫn rất nhiều”. Mặt Van der Merwe sáng ngời lên. “Số phận đã run rủi cho chúng mình gặp nhau, ông Travis ạ. Tôi có một chỗ quen biết rất có lợi. Rất có lợi, thật đấy. Tôi có thể đảm bảo với ông rằng tôi sẽ làm tiền bạc của ông tăng lên gấp đôi, chỉ trong vòng ít tháng thôi”. Lão nhoài người về phía trước, vỗ nhẹ lên cánh tay Jamie. “Tôi có cảm tưởng hôm nay là một ngày trọng đại của hai chúng ta’. Jamie chỉ tủm tỉm cười. “Chắc rằng ông đang ở khách sạn Grand Hotel?”. “Đúng vậy”. “Ở đó giá cắt cổ. Nhưng tôi nghĩ rằng với một người đầy đủ phương tiện như ông thì…” Lão nhìn Jamie cười rạng rỡ. Jamie nói, “Tôi nghe nói miền quê xung quanh đây rất đẹp. Không biết ông có cho phép tôi yêu cầu ái nữ của ông đưa đi xem một vòng vào sáng mai được không?”. Margaret cảm tưởng như trái tim mình ngưng lại một giây. Van der Merwe cau mày, “Tôi không biết, nhưng…”. Salomon Van der Merwe có một nguyên tắc sắt đá là “không bao giờ cho phép ai đứng một mình với con gái lão. Thế nhưng, trong trường hợp ông Travis này thì lão nghĩ rằng dù có áp dụng một ngoại lệ thì cũng không có hại gì. Với dịp may hiếm có này, lão không muốn tỏ ra quá chật hẹp với khách. “Tôi có thể cho Margaret nghỉ làm việc tại cửa hàng trong một thời gian ngắn. Con sẽ đưa ông khách của chúng ta đi một vòng xung quanh đây nhé, Margaret?” “Nếu bố muốn như vậy, bố ạ”, nàng nói khe khẽ. “Thế thì thoả thuận cả nhé”, Jamie cười tủm tỉm, “Mười giờ sáng mai được không?” Sau khi ông khách có dáng người cao, ăn mặc sang trọng rời khỏi nhà, Margaret dọn dẹp bàn ăn, rửa bát đĩa trong một trạng thái vô cùng bàng hoàng, xúc động. Chắc hẳn ông ấy nghĩ mình là một đưa ngu xuẩn. Nàng cố nhớ lại những gì nàng đã đóng góp vào câu chuyện vừa rồi. Không có gì cả. Nàng hoàn toàn câm như hến. Sao vậy nhỉ? Nàng đã tiếp bao nhiêu khách hàng đàn ông ở cửa hiệu mà có bao giờ tỏ ra là một đứa khờ dại, ngu xuẩn đâu. Dĩ nhiên họ không nhìn nàng giống như Ian Travis vừa rồi, “bọn đàn ông đều có một con quỷ dữ trong người, Margaret ạ. Ta sẽ không để cho bọn chúng làm hỏng vẻ ngây thơ, trong trắng của con đâu”. Giọng nói của bố nàng vang lên trong trí óc. Có thể nào như vậy không nhỉ? Tại sao nàng cảm thấy yếu đuối và run sợ khi người lạ mặt ấy nhìn nàng như vậy? Phải chăng là chàng làm hư hỏng sự trong trắng của nàng? Ý tưởng ấy làm toàn thân nàng run lên một cảm giác thú vị. Nàng nhìn xuống chiếc nĩa mà nàng đã lau đến ba lần, rồi ngồi xuống bàn. Nàng ước ao mẹ nàng còn sống vào lúc này. Mẹ nàng chắc đã hiểu. Margaret yêu bố nàng nhưng đôi khi nàng có cảm giác khó chịu là nàng là tù nhân của ông. Nàng thắc mắc vì sao bố nàng không bao giờ cho phép một người đàn ông nào đến gần nàng cả. “Ta sẽ không bao giờ có chồng được”, Margaret tự nhủ, “Trừ khi nào bố chết”. Cảm thấy tội lỗi với những ý tưởng nổi loạn như vậy, nàng vội vã rời căn phòng, đi vào cửa hiệu nơi cha nàng ngồi sau chiếc bàn, tính toán sổ sách. “Chúc bố ngủ ngon”. Van der Merwe tháo chiếc kính gọng vàng ra, chùi mắt thật sạch trước khi hôn con gái. Margaret không hiểu vì sao lúc ấy nàng lại dang ra xa. Một mình trong một hốc nhà có che màn dùng làm phòng ngủ. Margaret nhìn mặt nàng trong chiếc gương soi nhỏ treo trên tường. Nàng không có ảo tưởng về vẻ đẹp của nàng. Nàng không đẹp mà chỉ trông hay hay. Mắt đẹp. Gò má cao. Dáng người trông được. Nàng kéo tấm gương soi lại gần hơn. Ian Travis đã thấy gì khi chàng nhìn nàng? Nàng bắt cầu cởi quần áo ra. Ian Travis đang đứng trong phòng, nhìn nàng, cặp mắt chàng như đốt cháy da thịt nàng. Nàng bước ra khỏi chiếc quần lót mutsolin và tháo chiếc coocxe, hoàn toàn trần truồng trước mặt chàng. Bàn tay nàng vuốt nhẹ lên đôi nhũ bộ căng phồng, cảm thấy các đầu vú rắn chắc dưới ngón tay. Các ngón tay nàng lướt qua bụng phẳng lỳ và bàn tay chàng siết chặt lấy nàng, thong thả đưa xuống phía dưới. Bây giờ chúng đã đặt giữa hai đùi nàng, nhẹ nhàng vuốt ve, sờ soạng, cọ xát mỗi lúc một nhanh hơn, mạnh hơn, cho đến khi nàng cảm thấy mình như bị mắc cạn giữa cơn lốc cảm giác điên cuồng. Cuối cùng nó nổ bùng ra trong người nàng, rồi nàng hổn hển gọi tên chàng và ngã lăn ra giường. Họ cùng đi chung với nhau trên chiếc xe ngựa của Jamie. Anh ngạc nhiên một lần nữa trước những sự thay đổi ở nơi đây. Nơi mà trước kia chỉ là một bãi lều trại mênh mông thì bây giờ mọc lên những ngôi nhà bằng gỗ với mái lợp tôn hay tranh. “Klipdrift có vẻ rất thịnh vượng”, Jamie nói trong khi họ đi dọc theo đường phố chính. “Chắc là nó trông lạ mắt đối với người mới đến”, Margaret nói, nàng nghĩ thầm: thế mà bấy lâu nay mình vẫn ghét nơi đây. Họ rời thị trấn, đến phía các vùng mỏ dọc theo con sông Vaal. Mùa mưa đã biến đồng quê thành một khu vườn lớn, đầy màu sắc, đầy những bụi cây và cây con um tùm, những loài cây không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Khi chiếc xe đi ngang qua một nhóm người thăm dò kim cương, Jamie hỏi: “Gần đây họ có tìm được viên kim cương nào lớn không?” “Vâng, có một ít. Mỗi khi có một tin tức nào loan đi, hàng trăm người đào kim cương đổ xô đến. Đa số họ đều ra về, nghèo túng và thất vọng”, Margaret cảm thấy nàng cần phải cảnh cáo Jamie về sự nguy hiểm ở nơi này, “Cha em không muốn em nói điều này nhưng em nghĩ rằng đó là một việc làm kinh khủng, ông Travis ạ”. “Có lẽ đối với một số người thôi”, Jamie nói, “Một số người nào đó”. “Ông có định ở nơi đây lâu không?”. “Có”. Margaret cảm thấy như trái tim nàng reo lên, “Tốt”. Rồi nàng vội nói thêm, “Cha em chắc sẽ vui lòng lắm”. Họ đi lòng vòng suối buổi sáng, thỉnh thoảng Jamie dừng lại nói chuyện với những người thăm dò kim cương. Nhiều người nhận ra Margaret và nói chuyện rất kính cẩn. Nàng có một vẻ nồng nhiệt và thân mật mà nàng không biểu hiện ra vì sự có mặt của cha nàng. Khi chiếc xe tiếp tục lên đường, Jamie nói, “Mọi người có vẻ quen biết cô”. Nàng đỏ mặt, “Ấy là bởi vì họ có công việc kinh doanh với cha em. Ông cung cấp những đồ trang bị cho đa số những người đi đào kim cương”. Jamie không bình luận gì. Anh đang rất quan tâm tới những gì trông thấy trước mắt. Đường xe hoả đã tạo nên sự thay đổi lớn lao. Một tổ hợp gọi là tổ hợp De Beers, gọi theo tên nông dân có thửa ruộng trên đó người ta đã tìm thấy viên kim cương đầu tiên, đã mua đứt tài sản của một địch thủ lớn nhất nhất tên là Barney Banato, và De Beers đang tập hợp lại hàng trăm đất khai thác nhỏ thành một tổ chức lớn. Vàng cũng được phát hiện gần đây, không xa Kimberley bao nhiêu, cùng với mănggan và kẽm, Jamie tin rằng đó mới chỉ là bắt đầu, và rồi đây Nam Phi sẽ trở thành một kho báu chứa đủ mọi thứ kim loại. Cơ hội làm ăn ở đây thật khó tin nổi đối với người biết nhìn xa trông rộng. Khi Jamie và Margaret trở về nhà thì trời đã gần về chiều. Jamie cho xe dừng trước cửa hàng của Van der Merwe và nói, “Tôi rất hân hạnh nếu cô và cha cô cùng đến dùng cơm tối nay”. Margaret đỏ bừng mặt. “Em sẽ nói với cha em. Em hy vọng là ông ấy sẽ nhận lời. Cảm ơn ông đã đem đến cho em một ngày thú vị, ông Travis ạ”. Nàng chạy thật nhanh vào nhà. Ba người ngồi ăn trong một phòng ăn rộng của khách sạn Grand Hotel. Căn phòng đông nghẹt người, Van der Merwe lẩm bẩm, “Không hiểu được những người này kiếm tiền ở đâu ra mà đến ăn ở đây được?”. Jamie nhặt tờ thực đơn lên, đưa mắt nhìn qua một lượt. Một đĩa bít tết giá một bảng bốn shillings và một củ khoai tây giá bốn shillings, một chiếc bánh nhồi táo giá mười shillings. “Chúng nó là bọn cướp của!”, Van der Merwe phàn nàn, “Chỉ ăn một bữa cơm ở đây người ta cũng bị vét sạch túi để vào nhà tế bần”. Jamie tự hỏi không biết cần phải có cái gì mới đưa lão Van der Merwe vào nhà tế bần được. Anh quyết sẽ tìm ra. Họ gọi các món ăn. Jamie nhận thấy lão Van der Merwe kêu những món ăn đắt tiền nhất trên thực đơn. Margaret chỉ gọi một món súp trong. Nàng quá vui thích nên không ăn gì được. Nhìn hai bàn tay, nàng nhớ lại những gì làm trước đây và cảm thấy tội lỗi quá. “Tôi có thể trả nổi bữa ăn này mà”, Jamie trêu nàng, “Cô có thể gọi bất cứ món gì cô thích”. Nàng đỏ mặt, “Cám ơn ông, nhưng em… em không đói lắm”. Van der Merwe để ý đến nét mặt đỏ bừng của con gái và nhìn thật nhanh từ Margaret sang Jamie, “Con gái tôi là một đứa con gái hiếm có, rất hiếm có, ông Travis ạ”. Jamie gật đầu, “Tôi hoàn toàn đồng ý với ông, ông Van der Merwe ạ”. Câu nói này làm cho Margaret cảm thấy sung sướng đến nỗi khi bữa cơm dọn ra nàng không ăn nổi đĩa súp. Hiệu quả Ian Travis tạo ra với nàng thật không thể tưởng tượng nổi. Nàng đọc được ẩn ý của anh trong từng lời nói, từng cử chỉ. Nếu anh cười với nàng, điều đó đồng nghĩa rằng anh yêu nàng nhiều lắm. Nếu chàng nhăn mặt, tức là chàng ghét nàng. Những cảm xúc của Margaret giống như một hàn thử biểu lên xuống không ngừng. “Hôm nay ông có thấy gì hay không?”, Van der Merwe hỏi Jamie. “Không, chẳng có gì đặc biệt”, Jamie nói với vẻ thờ ơ. Van der Merwe vươn người về phía trước, “Nhớ lời tôi nói đấy nhé. Thị trấn này rồi sẽ là một vùng phát triển nhanh nhất thế giới ông ạ. Người nào khôn ngoan mới đầu tư vào lúc này. Con đường xe hoả mới biến nơi này thành Capetown thứ hai đấy”. “Tôi không biết”, Jamie nói với vẻ nghi ngờ, “Tôi đã nghe quá nhiều về những thành phố phát triển như sấm sét, giống như thành phố này, nhưng rồi bị vỡ nợ. Tôi không thích bị bỏ tiền vào những thành phố ma”. “Chuyện ấy không thể xảy ra với Klipdrift được”, Van der Merwe cố trấn an, “Lúc nào họ cũng tìm ra thêm được nhiều kim cương, lại cả vàng nữa”. Jamie nhún vai, “Như thế được bao lâu”. “Ồ, chuyện ấy thì ai mà đoán trước được. Nhưng…”. “Đúng vậy”. “Không nên đưa ra những quyết định vội vã, ông Travis ạ”, Van der Merwe thúc giục, “Tôi không muốn ông bỏ phí những cơ hội lớn lao”. Jamie suy nghĩ một lát, “Có lẽ tôi hơi vội thật đấy. Margaret, ngày mai cô có thể đưa tôi đi xem lại một lần nữa được không?”. Van der Merwe mở mồm định phản đối nhưng lại ngậm miệng lại ngay. Lão nhớ đến câu nói của Thoreson, viên chủ ngân hàng: “Ông ta đến đây, ký thác một trăm ngàn bảng Anh- bình tĩnh lại nào, Salomon, rồi ông ta sẽ còn ký thác thêm nhiều tiền hơn thế nữa”. Lòng tham của Van der Merwe đã thắng thế, “Cố nhiên, nó có thể đi với ông”. Sáng hôm sau, Margaret mặc chiếc áo đẹp nhất, sẵn sàng gặp Jamie. Khi cha nàng bước vào trông thấy, mặt ông đỏ bừng lên, “Con muốn người ta nghĩ rằng con là người đàn bà truỵ lạc, trưng diện đẹp đẽ để lôi cuốn bọn đàn ông hay sao? Đây là công việc làm ăn, con có biết không? Cởi cái áo ấy ra, mặc quần áo làm việc vào”. “Nhưng, thưa bố…”. “Cứ làm như ta bảo”. Nàng không cãi lại nữa, “Vâng, thưa bố”. Lần này Jamie đánh xe về hướng đối diện. Khắp nơi đều có các dấu hịêu khích lệ về công cuộc phát triển và xây dựng mới. Jamie thầm nghĩ, nếu những sự khám phá kim loại này vẫn tiến triển tốt - mà điều này ta có đầy đủ lý do để tin tưởng - người ta kiếm nhiều tiền bằng cách mua bất động sản hơn là kim cương và vàng. Klipdrift cần ngân hàng, khách sạn, quán rượu, khách sạn, cửa hiệu, nhà điếm…. Danh sách này có thể dài vô tận, đó là những cơ hội làm ăn rất tốt. Jamie biết rằng Margaret đang nhìn mình, “Có gì không hay chăng?”. “Ồ không”, nàng nói rồi quay nhanh đi chỗ khác. Lúc này Jamie bắt đầu quan sát nàng kỹ hơn. Anh chú ý đến vẻ lộng lẫy toả ra từ con người nàng. Margaret cũng ý thức được vẻ kín đáo, trai tráng của chàng. Jamie đánh hơi được cảm xúc của nàng. Nàng là một phụ nữ không có đàn ông. Đến trưa, Jamie đánh xe ra khỏi con đường cái, rẽ vào khu rừng gần con suối, rồi dừng lại dưới một cây “baobap” thật to. Anh đã bảo khách sạn gói cho anh thức ăn trưa. Margaret trải một tấm khăn vải trên đất, tháo gói thức ăn và bày mọi thứ ra: thịt cừu rô ti, thịt gà rán, cơm trộn nghệ tây vàng, mứt mộc qua và quýt, đào, bánh ngọt rắc hạnh nhân. “Thật là một bữa tiệc lớn!”, Margaret kêu lên, “Em sợ rằng em không xứng đáng với những thứ này, ông Travis ạ”. “Em còn xứng đáng hơn thế nhiều”, Jamie trấn an. Margaret quay mặt đi chỗ khác, bận bịu xếp dọn các thức ăn. Jamie đưa hai bàn tay ra đỡ mặt nàng, “Margaret, nhìn anh đây này”. “Ồ, em xin ông, em…”, nàng run rẩy. “Nhìn anh đây này”. Chậm rãi nàng ngước mặt lên nhìn vào mắt chàng.. Chàng kéo nàng vào trong cánh tay, ôm thật chặt, môi chàng tìm môi nàng. Chàng áp sát thân hình vào người nàng. Sau một lát, nàng vùng vẫy thân hình ra khỏi tay chàng, lắc đầu và nói, “Ồ, không thể thế được. Chúng ta không nên làm như thế. Chúng ta sẽ xuống địa ngục mất thôi”. “Lên thiên đường chứ!”. “Em sợ”. “KHông có gì phải sợ cả. Em có thấy mắt anh đây không? Chúng nhìn thấy tận bên trong em. Em cũng biết anh thấy cái gì rồi, phải không? Em muốn anh ân ái với em. Anh sẽ làm như vậy. Có gì sợ đâu? Vì em thuộc về anh rồi mà. Em biết như vậy, phải không? Em thuộc về anh, Margaret ạ. Em nói như vậy đi. Em là của Ian. Nói đi. Em-là của-Ian”. “Em là của… Ian”. Môi chàng lại đặt lên môi nàng một lần nữa. Anh bắt đầu tháo những chiếc móc áo lót của nàng. Một lát sau, nàng đứng trần truồng trong cơn gió hây hây. Anh nhẹ nhàng thả thân hình nàng xuống đất. Sự chuyển tiếp run rẩy từ thời kỳ con gái sang thời kỳ thiếu phụ trở thành một kinh nghiệm thích thú, đê mê khiến Margaret cảm thấy mình sống động hơn bất cứ lúc nào trong đời. Mình sẽ nhớ đến giây phút này mãi mãi, nàng nghĩ thầm. Chiếc giường bằng lá cây, cơn gió hây hây ấm áp vuốt ve lên da trần, bóng cây baobap lốm đốm trên thân thể hai người. Họ lại ân ái với nhau. Lần này còn tuyệt diệu hơn nữa. Không người đàn bà nào yêu ai bằng mình yêu người đàn ông này. Khi hai người đã thoả mãn, Jamie ôm nàng trong vòng tay rắn chắc của chàng. Nàng ước ao sẽ được ở đây vĩnh viễn. Nàng ngước mắt lên nhìn chàng thì thầm, “Anh đang nghĩ gì vậy?”. Chàng cười, đáp lại cũng bằng tiếng thì thầm, “Anh nghĩ rằng anh đói bụng kinh khủng”. Nàng cười to lên. Cả hai ngồi dậy ăn cơm trưa dưới bóng cây. Sau đó họ cùng bơi với nhau rồi nằm phơi nắng cho khô. Jamie lại ân ái với nàng một lần nữa. Ước ao sao ngày hôm nay kéo dài không bao giờ chấm dứt. Tối hôm đó, Jamie và Van der Merwe ngồi ở chiếc bàn trong quán Sundowner. “Ông nói đúng đấy”, Jamie nói, “Có khả năng ở đây lớn lao hơn tôi trước đây vẫn tưởng”. Van der Merwe cười rạng rỡ, “Tôi biết ông rất thông minh nên không thể nào không thấy điều đó”. “Vậy ông khuyên tôi nên làm công việc cụ thể gì?” Jamie hỏi. Van der Merwe liếc mắt xung quanh, hạ thấp giọng nói: “Mới.ngày hôm nay, tôi được tin là người ta tìm thấy một viên kim cương thật lớn ở bắc Pniel. Hiện nay vẫn còn mười mỏ có thể xin quyền khai thác. Chúng ta sẽ chia nhau. Tôi bỏ ra năm mươi nghìn bảng để xin quyền khai thác cho năm nơi, ông bỏ ra số tiền tương đương cho năm nơi còn lại. Ở đó có rất nhiều kim cương. Chúng ta có thể kiếm hàng triệu bảng trong chốc lát. Ông nghĩ sao?”. Jamie biết chính xác anh nghĩ gì rồi. Van der Merwe sẽ giữ cho mình quyền khai thác những nơi có lợi, còn Jamie sẽ chịu phần còn lại. Hơn nữa, Jamie sẵn sàng đánh cuộc rằng Van der Merwe sẽ không bỏ ra một xu nào. “Nghe có vẻ hay đấy”, Jamie nói, “Có bao nhiêu người thăm dò liên quan đến vụ này?”. “Chỉ có hai thôi”. ”Tại sao phải tốn nhiều tiền như vậy?”, anh hỏi ra vẻ ngây thơ. “À, đó là một câu hỏi thật thông minh”, lão vươn người về phía trước trong chiếc ghế, “Ông thấy đấy, họ biết giá trị của những nơi ấy, nhưng họ không có tiền để khai thác. Vì thế ông và tôi mới nhảy vào. Chúng ta cho họ một trăm nghìn bảng Anh và cho họ giữ hai mươi phần trăm các mỏ ấy”. Lão cho xen những tiếng hai mươi phần trăm vào một cách lặng lẽ khiến người ta hầu như không để ý đến. Jamie chắc chắn rằng những người thăm dò kim cương ấy sẽ bị lừa và mất sạch cả kim cương lẫn tiền bạc. Tất cả sẽ tuôn vào túi Van der Merwe. “Mình phải tiến hành gấp mới được”, Van der Merwe cảnh cáo, “Chừng nào tin này mà lọt ra ngoài thì…” “Chúng ta không nên để mất cơ hội này”. Jamie thúc giục Van der Merwe tủm tỉm cười, “Đừng có lo, tôi sẽ cho thảo ngay các hợp đồng ấy”. Tất nhiên là bằng tiếng Nam Phi, Jamie nghĩ thầm. “Còn có nhiều vụ giao dịch nữa mà tôi thấy rất hay, anh bạn ạ”. Vì thấy rất cần phải làm cho người bạn kinh doanh của mình vui lòng, Van der Merwe không còn phản đối nữa mỗi khi Jamie đề nghị Margaret đưa anh đi thăm vùng quê. Mỗi ngày, Margaret lại càng say mê Jamie. Anh là điều cuối cùng nàng mơ tưởng đến mỗi khi ngủ vào ban đêm và là điều đầu tiên nàng nghĩ đến khi mở mắt ra vào buổi sáng. Margaret đã thả lỏng thứ dục tính có trong con người mà trước kia nàng không biết rằng nó tồn tại. Nó giống như thể nàng đột nhiên phát hiện ra rằng thân thể nàng có thể được dùng vào việc gì, và tất cả những thứ trước kia vẫn quen làm cho nàng cảm thấy thẹn thùng thì bây giờ chúng trở thành món quà tặng vẻ vang để đem niềm vui sướng cho Jamie. Và cho bản thân nàng. Tình yêu là một vùng đất mới tuyệt vời còn phải được khai thác. Một vùng đất dục tính gồm những thung lũng kín đáo, thích thú và những dòng sông ngọt ngào. Nàng không thể nào cảm thấy chán nó được. Giữa dải đất mênh mông của vùng quên, thật dễ dàng tìm thấy được những nơi vắng vẻ để hai người có thê ân ái với nhau và mỗi lần như thế nàng bao giờ cũng cảm thấy thích thú như lần đầu. Tội lỗi xưa cũ của cha nàng bắt đầu ám ảnh nàng. Salomon Van der Merwe là bậc đàn anh của Giáo hội Cải cách Hà Lan nên Margaret biết rằng nếu ông phát hiện ra những gì nàng đã làm, ông sẽ không bao giờ tha thứ cho nàng. Ngay cả trong cộng đồng thô lỗ vùng biên giới nơi họ đang sống, nơi mà người đàn ông có thể bạ đâu vui đấy, cũng không thể có sự thông cảm. Chỉ có hai loại đàn bà trên thế giới này - những cô gái tử tế và những con điếm - một người con gái tử tế không bao giờ cho người đàn ông sờ lên người trừ khi họ lấy nhau. Vậy nàng sẽ bị gán cho nhãn hiệu là con điếm. Thật là không công bằng chút nào, nàng nghĩ. Yêu và được yêu là những gì quá đẹp đẽ, không thể coi là xấu xa được. Những nỗi lo lắng gia tăng của Margaret cuối cùng buộc nàng phải nghĩ đến vấn đề hôn nhân. Họ đang đi trên xe ngựa dọc theo sông Vaal, bỗng Magaret mở lời. " Ian này, anh biết rằng em rất..rất...". Nàng không biết nên tiếp tục nói như thế nào "Thật ra là anh và em...”, nàng nói, “anh nghĩ thế nào về cuộc hôn nhân của chúng ta?” Jamie cười to, “Anh rất tán thành về chuyện đấy, rất tán thành, Margaret ạ”. Nàng cùng cười với anh. Thật là những giây phút sung sướng nhất trên đời. Vào một sáng chủ nhật, Salomon Van der Merwe mời Jamie đi cùng ông và Margaret đến nhà thờ. Nederduits Hervormde Kerk là một toà nhà đồ sộ, nguy nga, xây theo kiểu Gothic lai căng, với bục giảng ở một đầu và chiếc dương cầm to lớn ở đầu bên kia. Khi họ bước vào bên trong, Van der Merwe được chào đón rất kính cẩn. “Tôi góp phần xây dựng nhà thờ này”, lão nói với Jamie bằng một giọng hãnh diện, “Tôi là trợ tế ở đây”. Buổi thuyết giảng hôm ấy nói về ngọn lửa địa ngục. Van der Merwe ngồi lắng nghe, tỏ vẻ vui sướng vô cùng, gật đầu liên tục, chấp nhận mọi lời nói của ông mục sư. Jamie nghĩ thầm, lão là một người của Thượng Đế vào ngày Chủ nhật, nhưng vào ngày khác trong tuần, lão thuộc về quỷ Xa Tăng. Van der Merwe đã chọn chỗ ngồi ngay giữa hai người trẻ nhưng Margaret vẫn ý thức được sự gần gũi với Jamie trong suốt buổi lễ. Nàng mỉm cười với chính mình, “Thật là may, ông mục sư ấy không biết rằng mình đang nghĩ gì”. Tối hôm ấy, Jamie đi đến quán rượu Sundowner, Smith đang đứng sau quầy rượu, phục vụ cho khách. Mặt hắn rạng rỡ lên khi trông thấy Jamie. “Chào ông Travis, ông muốn dùng gì thưa ông? Vẫn như mọi ngày chứ?”. “Không. Tôi không uống rượu tối nay. Tôi muốn nói chuyện với anh. Trong phòng ở phía sau”. “Tôi xin sẵn sàng, ông Travis”, Smith đã ngửi thấy hơi tiền. Hắn quay về phía tên giúp việc, “Mày trông quầy rượu hộ tao”. Phòng phía sau quầy rượu là một căn phòng nhỏ nhưng kín đáo. Ở đó chỉ có một chiếc bàn với bốn ghế, giữa bàn là một cây đèn. Smith châm đèn. “Ngồi xuống đi”, Jamie nói. Smith ngồi xuống ghế. “Vâng, thưa ông. Tôi có thể giúp gì cho ông?”. “Chính tôi đến đây để giúp anh mới đúng, Smith ạ”. Mắt Smith sáng lên, “Thật thế, thưa ông?”. “Phải”, Jamie rút ra một điếu xì gà châm lửa hút. “Tôi đã quyết định để anh sống”. Một vẻ nghi ngờ thoáng qua trên mặt Smith, “Tôi… tôi không hiểu, ông Travis” “Không phải ông Travis đâu, Smith. Tên thật là McGregor, Jamie McGregor, nhớ chưa? Cách đây một năm, anh đã gài bẫy để giết tôi. Ở chuồng ngựa ấy. Thi hành nhiệm vụ cho Van der Merwe mà”. Lúc này mặt Smith nhăn lại, đột nhiên tỏ ra vẻ dè chừng. “Tôi không hiểu cái gì…”. “Câm mồm. Nghe tao nói đây này”, giọng của Jamie nghe như roi quất vào mặt. Jamie có thể thấy đầu óc của Smith lúc này quay cuồng như thế nào. Hắn đang cố đối chiếu khuôn mặt của người tóc trắng trước mặt với khuôn mặt hăm hở của chàng trai một năm trước đây. “Tao đang còn sống và tao giàu có - thừa tiền để thuê người đốt cái quán này ra tro và cả mày nữa ở trong đấy. Mấy lâu nay mày vẫn có thiện cảm với tao phải không, Smith?”. Smith sắp sửa chối cãi hắn không biết gì hết nhưng nhìn vào mặt của Jamie hắn trông thấy ngay sự nguy hiểm. Hắn thận trọng nói. “Vâng, thưa ông”. “Van der Merwe trả tiền cho mày để mày mang những người thăm dò kim cương đến cho hắn, để rồi họ bị hắn lừa gạt, mất tất cả mọi thứ họ kiếm được. Đó là một lối hợp tác kinh doanh nhỏ khá hay đấy. Hắn trả cho mày bao nhiêu tiền?”. Một phút im lặng. Smith bị kẹt giữa hai lực lượng mạnh mẽ. Hắn chưa biết nên nhảy về phía nào. “Bao nhiêu?”. “Hai phần trăm”, hắn miễn cưỡng nói. “Tao cho mày năm phần trăm. Từ nay trở đi, mỗi khi có người nào có vẻ muốn thăm dò kim cương đến đây, mày hãy đưa hắn đến cho tao. Tao sẽ tài trợ cho hắn. Chỉ có điều khác là hắn ta sẽ được phần của hắn một cách công bằng, và mày cũng được phần của mày. Mày thực sự tin rằng lão Van der Merwe sẽ trả cho mày hai phần trăm số tiền lão kiếm được sao? Mày là một thằng khùng”. Smith gật đầu, “Đúng thế, ông Travis… à ông McGregor ạ. Tôi hiểu”. Jamie đứng dậy. “Chưa hiểu hoàn toàn đâu”. Anh vươn người tới chiếc bàn. “Mày đang nghĩ tới việc đi lại nhà Van der Merwe và báo cáo lại với lão toàn bộ cuộc nói chuyện ngắn ngủi này chứ gì? Như vậy, mày có thể thu được cả tiền của tao lẫn tiền của lão. Chỉ có điều là… Smith ạ… “, giọng anh hạ thấp xuống nghe như tiếng thì thầm, “Nếu mày làm như vậy, mày sẽ chỉ còn là xác chết thôi”. Chương 07 Jamie đang mặc quần áo thì nghe có tiếng gõ rụt rè trên cánh cửa. Anh lắng nghe. Tiếng gõ lại được lặp lại lần nữa. Anh bước đến cánh cửa, mở ra. Margaret đang đứng ở đấy. “Vào đi, Maggie,”, Jamie nói. “Có chuyện gì không hay hả?” Đây là lần đầu tiên nàng đến phòng khách sạn này. Nàng bước vào, nhưng bây giờ đây, đứng trước mặt Jamie, nàng thấy khó mở lời quá. Suốt đêm qua, nàng đã nằm thao thức, không biết nói như thế nào với Jamie về cái này. Nàng sợ rằng có thể anh không thể gặp mặt nàng nữa. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh. “Ian ạ, em sắp sửa có con”. Mặt Jamie vẫn bình tĩnh như không, khiến Margaret lo sợ nàng đã mất anh thật rồi. Đột nhiên, nét mặt anh thay đổi, trở nên vui vẻ, làm cho tất cả nỗi nghi ngờ của nàng lập tức bị xóa sạch. Anh nắm chặt lấy tay nàng, và nói, “thật là tuyệt vời, Maggie ạ. Tuyệt vời! Em đã nói với cha em chưa?”. Margaret lùi lại, lộ vẻ lo sợ, “Ồ, không! Bố em…” Nàng bước đến chiếc ghế sofa kiểu Victoria bọc nhung xanh, rồi ngồi xuống. “Anh không hiểu bố em. Ông…, ông sẽ không bao giờ chịu hiểu”. Jamie vội vã mặc chiếc áo sơ mi lên người. “Đi nào, chúng ta cùng đến đi đến đó để nói cho ông ấy biết”. “Anh có tin chắc rằng mọi sự sẽ tốt đẹp không?”. “Anh chưa bao giờ tin chắc hơn trong cuộc đời anh”. Salomon Van der Merwe đang đo những thỏi thịt khô cho một người thăm dò kim cương thì Jamie cùng Margaret bước vào trong cửa hiệu. “À, Ian. Tôi sẽ đến với anh, chỉ một lát nữa thôi”. Lão vội vã tiếp người khách cho chóng xong, rồi đi đến gần Jamie. “Mọi việc tiến triển thế nào trong một ngày đẹp trời như hôm nay?”. Van der Merwe hỏi: “Không thể nào tốt hơn được”, Jamie vui vẻ nói. “Cô Maggie của ông sắp có con rồi đấy”. Một sự im lặng đột ngột bao trùm không khí. “Tôi… tôi không hiểu”. Van der Merwe lắp bắp nói. “Đơn giản quá mà. Tôi đã làm cho cô ấy có mang đấy”. Máu đỏ như đã tuôn ra hết khỏi khuôn mặt của Van der Merwe. Lão giận dữ nhìn từ mặt người này đến mặt người kia. “Có… có thật như vậy không?” Các cảm xúc như một vũng nước xoáy quay cuồng trong đầu Van der Merwe. Cơn sốc khủng khiếp trước cái tin cô ái nữ quý giá của lão đã bị mất trinh… đang mang bầu… Lão sẽ trở thành một trò cười cho cả thị trấn này. Nhưng Ian Travis là một anh chàng rất giàu có. Và nếu hai đứa ấy cưới nhau nhanh chóng thì… Van der Merwe quay về phía Jamie, nói, “Dĩ nhiên. Anh sẽ cưới nó ngay lập tức”. Jamie nhìn lão, làm ra vẻ ngạc nhiên, “Cưới? Ông mà chịu cho Maggie lấy một thằng bé ngu xuẩn đã để cho ông lường gạt đến khuynh gia bại sản hay sao?”. Đầu Van der Merwe quay cuồng như chong chóng. “Anh nói cái gì lạ vậy, Ian? Tôi có bao giờ…” “Tên tôi không phải là Ian”, Jamie nói bằng một giọng gay gắt. “Tôi là Jamie McGregor. Ông không nhận ra sao?” Anh trông thấy vẻ ngơ ngác trên khuôn mặt Van der Merwe. “Không, cố nhiên là ông không nhận ra. Thằng bé ấy nó chết rồi. Ông giết nó mà. Nhưng tôi không phải là người ôm mãi một mối thù hằn, Van der Merwe ạ. Vì vậy, tôi tặng cho ông một món quà. Hạt giống của tôi nằm trong bụng con gái ông đấy”. Jamie quay phắt lại, rồi bước ra ngoài, để lại hai bố con nhìn nhau, chưng hửng. Margaret đã nghe hết trong cơn sững sờ, khó mà tin nổi. Anh ấy không thể nào có ý nghĩ như anh vừa nói ra. Anh ấy yêu mình. Anh ấy… Salomon van der Merwe quay lại nhìn con gái, trong sự đau khổ và giận dữ khủng khiếp. “Mày là con đĩ!” ông hét lên. “Đồ đĩ! Cút ngay đi! Cút khỏi nơi này!”. Margaret đứng như trời trồng, không hiểu chút gì về sự việc ghê gớm đang xảy ra. Ian trách cứ nàng về một việc gì đó mà cha nàng đã làm. Ian nghĩ rằng nàng cũng đã tham dự vào một hành động xấu xa nào đó. “Jamir McGregor là ai? Ai…?”. “Đi đi” Van der Merwe vả một cái thật mạnh lên mặt nàng. “Tao không muốn thấy mặt mày nữa chừng nào tao còn sống”. Margaret vẫn đứng chôn chân ở đó, tim nàng đập thình thình, miệng nàng há hốc cố lấy hơi thở. Mặt cha nàng giống như mặt một người điên dại. Nàng quay lưng, chạy ra khỏi cửa hiệu, không quay nhìn trở lại. Salomin van der Merwe đứng tại chỗ nhìn nàng đi ra, với nỗi tuyệt vọng khủng khiếp trong lòng. Lão đã từng thấy những gì xảy ra với con gái của những người khác, đã tự làm ô danh mình. Chúng bị buộc phải đứng giữa nhà thờ, bị bêu riếu công khai, rồi khai trừ khỏi cộng đồng. Đó là sự trừng phạt đúng đắn, thích hợp và hoàn toàn thích đáng đối với chúng. Nhưng Margaret của lão đã được giáo dục theo khuôn phép và trong niềm kính sợ đức Chúa Trời. Làm thế nào mà nó có thể phản bội lão như vậy được? Van der Merwe mường tượng thấy cô con gái của lão thân thể trần truồng đang làm tình với anh chàng ấy, quằn quại trong cơn nóng sốt giống như những con vật, rồi lão cũng bắt đầu cảm thấy dục tình của lão rực lên. Lão đặt tấm biển “Đóng cửa” trên cánh cửa trước cửa hiệu bách hoá, rồi nằm lăn trên giường, không còn có sức hay ý chí nào cử động nữa. Khi tin đồn này lan ra khắp thị trấn, lão sẽ trở thành đối tượng chế giễu. Người ta hoặc thương hại lão hoặc chê bai lão về sự hư hỏng của đứa con gái. Dù cách nào chăng nữa, lão cũng không thể nào chịu đựng nổi. Lão phải làm thế nào để có thể tin chắc rằng không một ai biết được chuyện này. Lão sẽ đưa cái con đĩ ấy đi nơi khác cho khuất mắt lão vĩnh viễn. Lão quỳ xuống và cầu nguyện: Lạy Chúa! Tại sao Chúa lại có thể đưa con vào cảnh ngộ này, con là đệ tử trung thành của Chúa? Tại sao Chúa đã bỏ rơi con? Lạy Chúa, xin hãy cho con ấy chết đi. Hãy để cho cả hai đứa ấy phải chết… Quán rượu Sundowner vào buổi trưa hôm ấy đang đông nghẹt người thì Jamie bước vào. Anh đi thẳng đến quầy rượu, rồi quay mặt về phía đám đông. “Xin quý vị chú ý!”. Những cuộc nói chuyện ồn ào nhỏ dần rồi im bặt lại. “Nhà hàng xin đãi một chầu rượu cho tất cả mọi người”. “Có chuyện gì vậy?” Smith hỏi. “Lại mới tìm ra kim cương hay sao?”. Jamie cười to lên. “Cũng gần giống như vậy, anh bạn ạ. Cô con gái ông Salomon van der Merwe chưa chồng mà đã có mang! Ông Van der Merwe muốn tất cả quý vị giúp ông ta ăn mừng việc này!”. Smith thì thào. “Lạy Chúa Giê su!”. “Chúa Giê su không can dự gì vào chuyện này cả. Chỉ có Jamie McGregor thôi!”. Trong vòng một giờ đồng hồ, tất cả mọi người ở Klipdrift đều đã nghe tin. Ian Travis thực ra là Jamie McGregor, anh ta đã làm thế nào khiến cho cô con gái ông Van der Merwe mang bầu. Margaret van der Merwe đã lừa phỉnh cả thị trấn. “Con bé ấy không có vẻ gì thuộc về loại đàn bà như thế cả, phải thế không?” “Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đâm chết voi đấy!”. “Không biết có bao nhiêu thằng đàn ông trong thị trấn này đã “đóng cọc vào trong cái trái mít” ấy nhỉ?”. “Con bé ấy có dáng người khá xinh. Tao cũng có thể đóng cái cọc của tao được chứ”. “Sao mày không hỏi nó đi. Nó sẵng sang cho không mày đấy”. Rồi mọi người cười phá lên. Khi Salomon van der Merwe rời cửa hiệu trưa hôm ấy, lão đã tìm được cách thoả hiệp với nỗi tai hoạ khủng khiếp vừa xảy ra cho lão. Lão sẽ đưa Margaret đi Cape Town bằng chuyến xe ngựa sắp tới. Nàng sẽ cho ra đời đứa con hoang ở đấy, rồi không một ai ở Klipdrift này biết đến nỗi nhục nhã của lão nữa. Van der Merwe bước ra đường phố, ôm điều bí mật này trong lòng, một nụ cười gắn trên môi. “Chào ông Van der Merwe. Tôi nghe nói ông có thể sẽ tích trữ them một số quần áo trẻ con nữa”. “Chào ông Salomon. Nghe nói ông sắp có một đứa bé con giúp ông trông nom cửa hàng”. “Chào ông Salomon. Tôi nghe nói một nhà quan sát chim vừa mới phát hiện một loài chim mới gần con sông Vaal. Vâng, thưa ông, đó là một con cò”. Salomon quay lại, loạng choạng bước vào cửa hiệu như một người mù, rồi gài chốt cửa lại. Ở quán Sundowner, Jamie đang nhấm nháp ly rượu huýt ki, lắng nghe những tiếng bàn tán xung quanh mình. Thật là một vụ tai tiếng lớn lao nhất chưa từng xảy ra ở Klipdrift và nỗi vui thích của người dân thị trấn về câu chuyện này thật lớn lao vô cùng. Jamie thầm nghĩ, ước mong sao Banda cũng có mặt ở đây để cùng chia vui với mình. Như vậy là đã trả thù lão Van der Merwe về những gì hắn đã làm hại em gái của Banda, làm hại Jamie và… bao nhiêu người khác nữa. Nhưng đó chỉ là một phần trong tất cả những gì Van der Merwe đã làm. Đó chỉ là bước đầu. Sự trả thù của Jamie chưa được hoàn toàn chừng nào mà Van der Merwe chưa bị hoàn toàn triệt hạ. Riêng đối với Margaret, anh không có chút thương hại nào. Nàng có dính líu vào vụ ấy. Nàng đã nói gì với anh khi hai người gặp nhau lần đầu tiên? Cô ấy đã nói, “Cha tôi có thể là người giúp được cậu. Ông ta biết tất cả mọi thứ”. Nàng cũng là một Van der Merwe, nên Jamie muốn triệt hạ cả hai. Smith bước đến chỗ Jamie đang ngồi. “Tôi nói chuyện với ông một phút, được không?”. “Chuyện gì vậy?”. Smit đằng hắng giọng, nói một cách ngượng ngùng. “Tôi biết hai người thăm dò có mười nơi có thể khai thác gần Pniel. Họ tìm ra kim cương, nhưng không có tiền để sắm các thiết bị cần thiết để khai thác. Họ đang tìm một người hợp tác. Tôi nghĩ rằng ông có thể quan tâm đến cơ hội làm ăn này”. Jamie nhìn hắn chằm chằm. “Đó là những người anh đã giới thiệu với Van der Merwe rồi, phải không?” Smith gật đầu, ngạc nhiên. “Thưa ông, vâng. Nhưng tôi đã suy nghĩ lại về lời đề nghị của ông. Tôi muốn làm ăn với ông hơn”. Jamie rút ra một điếu xì gà dài, mỏng. Smit vội vã châm lửa hộ anh. “Anh cứ tiếp tục nói đi”. Smith làm theo y lời. Vào lúc ban đầu, nghề mãi dâm ở Klipdrift được mở ra trên căn bản ngẫu nhiên. Gái mãi dâm phần nhiều là phụ nữ da đen, làm việc trong các nhà điếm tồi tàn trong các ngõ hẻm. Nhưng gái mãi dâm da trắng đầu tiên đến thị trấn này là những cô gái bán ba (bar) làm việc bán thời gian. Nhưng số kim cương tìm thấy được tăng lên và thị trấn làm ăn phát đạt, nhiều gái mãi dâm da trắng nữa xuất hiện. Lúc này đã có hàng chục nhà chứa ở vùng ven thị trấn Klipdrift. Đó là những căn nhà nhỏ bằng gỗ có mái lợp tôn. Một ngoại lệ duy nhất là nhà chứa của bà Agnès, một ngôi nhà hai tầng trông bề thế trên đường Bee, cách xa đường Loop, tức là đường phố nơi các bà vợ của những người dân thị trấn không bị khó chịu mỗi khi phải đi qua ổ truỵ lạc ấy. Ngôi nhà ấy được sự bảo trợ của các ông chồng của họ và của bất cứ khách lạ nào có tiền của đến thị trấn này. Đó là một nhà thổ đắt tiền, nhưng các cô gái ở đó đều trẻ và tự do, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Các thức uống được dọn ra trong một phòng khách bày biện khá sang trọng, và bà Agnès đã đưa ra qui tắc rằng không bao giờ thúc giục hối hả và lừa bịp khách hàng. Bản thân bà Agnès cũng là một người đàn bà vui vẻ, mập mạp, có mái tóc màu đỏ, vào khoảng trên ba mươi tuổi. Bà đã làm việc trong các nhà hang điếm ở London và đến Nam Phi vì nghe đồn rằng người ta dễ kiếm ra tiền trong một thị trấn vùng mỏ như Klipdrift. Bà đã dành dụm đủ tiền để mở một nhà điếm do bà làm chủ và công việc làm ăn phát đạt ngay từ lúc đầu. Bà Agnès vẫn thường hãnh diện về khả năng hiểu biết đàn ông, thế nhưng Jamie McGregor là một nhân vật bí hiểm đối với bà. Anh vẫn đến đó luôn, tiêu tiền một cách thoải mái, và lúc nào cũng vui vẻ đối với các cô gái. Nhưng anh có vẻ kín đáo, xa vời, không ai dám động chạm. Đôi mắt anh là thứ mà bà Agnès cảm thấy hấp dẫn nhất. Chúng có vẻ mờ nhạt, lạnh lùng, giống như những hồ ao không đáy. Không giống như các khách hàng khác, anh không bao giờ nói về mình hay về quá khứ của mình. Ít giờ trước đó, bà Agnès đã nghe nói rằng Jamie McGregor đã cố ý làm cho con gái của ông Van der Merwe mang bầu, rồi từ chối không cưới cô ta. Thật là “một thằng chó đẻ”, bà Agnès nghĩ thầm. Nhưng bà cũng phải công nhận rằng đó là một “thằng chó đẻ” đáng yêu. Lúc này bà nhìn theo Jamie trong khi anh bước xuống trên chiếc cầu thang trải thảm đỏ, lễ phép chào từ biệt trước khi ra về. Khi Jamie trở về khách sạn thì Margaret đã đứng trong phòng anh, nhìn qua khung cửa sổ. Nàng quay lại khi Jamie bước vào. “Chào anh Jamie”, Giọng nói của nàng hơi run run. “Cô làm cái gì ở đây?”. “Em cần nói chuyện với anh”. “Tôi chẳng có gì để nói cả”. “Em hiểu vì sao anh làm như vậy. Anh ghét cha em”. Margaret tiến lại gần anh hơn nữa “Nhưng anh cần phải biết rằng dù ông ấy có làm điều gì với anh, em cũng chẳng hay biết gì cả. Em van xin anh hãy tin điều đó. Đừng ghét bỏ em. Em yêu anh quá nhiều”. Jamie nhìn nàng lạnh lung. “Đó là vấn đề của riêng cô, phải thế không nào?”. “Xin anh đừng nhìn em như thế. Anh cũng yêu em…”. Anh không nghe những gì nàng nói. Trí óc anh đang trở về với cuộc hành trình khủng khiếp đến Paardspan, nơi anh suýt bỏ mạng… lúc anh di chuyển những tảng đá trên bờ song cho đến lúc sắp ngã quỵ xuống… rồi cuối cùng, như một phép lạ, anh tìm thấy kim cương và trao nó cho Van der Merwe, rồi nghe lão ta nói, “Cậu hiểu lầm rồi, bé con ạ. Tôi không cần kẻ nào hợp tác với tôi hết. Cậu làm việc cho tôi… Tôi cho cậu hai mươi bốn giờ đồng hồ để ra khỏi thị trấn này”. Thế rồi sau đó là trận đòn tàn nhẫn… Anh lại ngửi thấy mùi những con kên kên, cảm thấy những cái mỏ của chúng rỉa vào da thịt anh… Anh nghe tiếng nói của Margaret như từ phía xa xa, “anh không nhớ sao? Em… là… của anh… em… yêu anh”. Anh rùng mình một cái để thoát ra khỏi cơn mơ màng, nhìn vào mặt nàng. Tình yêu. Anh không còn có một ý tưởng nào về ý nghĩa của từ ấy. Van der Merwe đã đốt cháy tất cả mọi cảm xúc trong người anh, ngoài sự thù hận. Anh sống bằng thứ ấy. Nó là thứ thuốc tiên, là máu đỏ nuôi sống anh. Chính nó đã giúp cho anh được sống còn, khi anh chống chọi với đàn cá mập, vượt qua cách mỏm đá ngầm, và bò ngang qua bãi mìn ở mỏ kim cương trong sa mạc Namib. Các thi sĩ đã viết về tình yêu, các ca sĩ hát để ca ngợi tình yêu. Có lẽ nó là hiện thực, có lẽ nó tồn tại. Nhưng tình yêu là dành cho những người khác. Còn đối với McGregor thì không. Không còn nơi nào cho Margaret tới nữa cả. Nàng yêu cha nàng. Nàng cần được sự tha thứ của ông, nhưng nàng biết rằng ông sẽ không bao giờ - không bao giờ có thể - tha thứ cho nàng được. Ông sẽ biến cuộc đời nàng thành một địa ngục trần gian. Nhưng nàng không còn lựa chọn nào nữa. Nàng cần đi đến gặp một người nào đó. Margaret rời khách sạn, đi về phía cửa hiệu bách hoá của cha nàng. Nàng có cảm tưởng như mọi người đang nhìn nàng chằm chằm. Một số người tủm tỉm cười có vẻ bóng gió. Nàng ngẩng đầu lên cao, tiếp tục bước đi. Đến cửa hiệu, nàng do dự một lúc, rồi bước hẳn vào bên trong. Cửa hiệu vắng vẻ. Cha nàng từ phía trong bước ra. “Bố…” “Mày à!”. Một vẻ khinh bỉ của ông ta trong giọng nói giống như một cái tát lên mặt nàng. Lão tiến lại gần, khiến nàng ngửi thất mùi uýt ki trong hơi thở của ông. “Tao muốn mày rời khỏi thành phố này. Ngay tối nay. Mày sẽ không bao giờ được lại gần nơi này nữa. Mày có nghe tao nói không? Không bao giờ!” Lão rút từ trong túi ra ít tờ giấy bạc ném lên trên sàn nhà. “Cầm lấy, rồi cút đi”. “Con đang mang trong bụng đứa cháu ngoại của bố”. “Mày đang mang đứa con của quỉ Xa tăng!” Lão tiến lại gần hơn nữa, hai bàn tay nắm chặt lại. “Mỗi khi người ta thấy mày đi khệnh khạng quanh đây như một con đĩ, họ sẽ nghĩ đến nỗi nhục nhã của tao. Khi mày đi rồi, người ta sẽ quên đi”. Nàng nhìn ông bố một hồi lâu, rồi quay lại, loạng choạng bước ra khỏi cửa. “Tiền, con đĩ kia!” Lão rống lên. “Mày quên tiền hay sao?” Có một quán trọ rẻ tiền ở ven thị trấn, nên Margaret đi thẳng đến đó, đầu óc rối bời. Đến nơi, nàng hỏi thăm bà Owens, người chủ nhà. Bà Owens là một người đàn bà béo mập, nét mặt vui tươi, vào trạc ngũ tuần. Chồng bà đã đưa bà đến Klipdrift, rồi bỏ rơi bà ở đây. Một người đàn bà khác trong trường hợp ấy ắt hẳn đã ngã quỵ, nhưng bà Owens vẫn sống sót. Bà đã thấy nhiều người gặp khó khăn trong thị trấn này, nhưng không ai ở trong tình trạng khó khăn như cô gái mười bảy tuổi đang đứng trước mặt bà. “Cô muốn gặp tôi sao?”. “Vâng, tôi không biết… không biết bà có một việc làm nào cho tôi ở đây không”. “Việc làm à? Làm cái gì?”. “Bất cứ việc gì. Tôi nấu ăn khá. Có thể làm hầu bàn. Làm giường. Tôi… Tôi… “. Giọng nàng có vẻ tuyệt vọng. “Xin bà…” nàng năn nỉ. “Bất cứ việc gì cũng được!”. Bà Owens nhìn cô gái đang đứng run rẩy trước mặt. Bà cảm thấy xúc động. “Chắc rằng tôi có thể dung thêm một người nữa. Bao giờ thì cô có thể bắt đầu được?” Bà cảm thấy nét mặt Margaret sáng lên, như vừa trút đi nỗi lo âu. “Ngay bây giờ”. “Tôi chỉ có thể trả cho cô…” Bà suy nghĩ về một con số nào đó, rồi nói tiếp, “một bảng, hai shillings và mười một xu, ngoài ăn và ở”. “Như vậy cũng tốt rồi”, Margaret nói với vẻ biết ơn. Lúc này Salomon van der Merwe ít khi xuất hiện trên các đường phố ở Klipdrift. Mỗi lúc khách hang của lão lại thấy tấm biển “Đóng cửa” treo lên thường xuyên hơn trên cửa ra vào hiệu bách hoá vào tất cả mọi giờ trong ngày. Một thời gian sau đó, họ mua bán ở nơi khác, chứ không còn đến đó nữa. Nhưng Van der Merwe vẫn đi nhà thờ mỗi ngày Chủ Nhật. Lão đến đó không phải để đọc kinh mà để xin Chúa sửa chữa lại nỗi bất công đã chồng chất lên vai một đệ tử trung thành của Chúa. Những người khác trong giáo khu xưa nay vẫn kính trọng Salomon ven der Merwe, vì lão giàu có và có thế lực, nhưng vào lúc này, lão cảm thấy cái nhìn xoi mói và những tiếng thì thầm sau lưng lão. Gia đình vẫn thường chiếm chiếc ghế bên cạnh lão bây giờ đã chuyển sang một chiếc ghế khác. Lão là một người dân giáo khu. Điều làm cho lão mất tinh thần hoàn toàn là bài giảng của vị mục sư trong đó ông ta đề cập một cách tinh ranh đến Exodus, Ezekiel, phối hợp với Leviticus (1). “Ta, Đức Chúa Trời của ngươi, là một vị Chúa hay ngờ vực, thường theo dõi nhưng điều tội lỗi của các bậc làm cha ảnh hưởng đến con cái. Vì vậy, hỡi con gái điếm kia, ngươi hãy nghe lời răn của Đức Chúa. Bởi vì chất nhơ bẩn của ngươi đã tuôn ra, thân thể trần truồng của ngươi đã được phô bày ra qua các hành động dâm ô với các nhân tình của ngươi… nên Chúa nói với Moses (2), “Đừng bán rẻ con gái ngươi, để biến nó thành một con đĩ; nếu không, e rằng trái đất này sẽ rơi vào ổ trụy lạc, và đầy rẫy tội ác xấu xa,…”” Sau Chủ nhật ấy, Van der Merwe không còn đặt chân đến nhà thờ lần nào nữa. Trong khi việc kinh doanh của Van der Merwe bị suy sụp thì ngược lại công việc làm ăn của Jamie McGregor trở nên phát đạt. Chi phí của việc đào mỏ kim cương tăng lên vì người ta phải đào sâu hơn, và những người khai thác mỏ nhận thấy rằng họ không còn có thể sắm những trang bị tinh vi cần thiết. Tin đồn loan đi rất nhanh rằng Jamie McGregor có thể tài trợ cho việc khai thác để đổi lấy một phần thu hoạch trong các mỏ ấy, rồi đến khi nào cần thiết, Jamie sẽ trả tiền mua đứt tài sản những người hợp tác kinh doanh. Anh đầu tư vào bất động sản, doanh thương và vàng. Anh tỏ ra lương thiện và tỉ mỉ trong việc giao dịch, nên, khi tiếng tăm của anh lan rộng, nhiều người hơn nữa tìm đến anh để hợp tác làm ăn. Có hai ngân hàng trong thành phố. Nhưng khi một trong hai ngân hàng ấy thất bại vì quản lý kém, Jamie mua lại ngân hàng ấy, đặt người của anh vào, nhưng tránh không đưa tên mình ra trong các vụ giao dịch. Bất cứ vụ kinh doanh nào Jamie có nhúng tay vào đều trở nên phát đạt. Anh đã thành công và trở nên giàu có ngoài sự mơ ước của anh thời niên thiếu, nhưng điều đó không có ý nghĩa bao nhiêu đối với anh. Anh đo lường sự thành công của anh, căn cứ trên những sự thất bại của Salomon van der Merwe mà thôi. Cuộc trả thù của anh chỉ mới bắt đầu. Thỉnh thoảng Jamie gặp Margaret trên đường phố. Nhưng anh không để ý đến nàng. Jamie không hề biết những cuộc chạm trán tình cờ ấy ảnh hưởng như thế nào đến Margaret. Mỗi khi trông thấy bóng dáng anh, nàng cảm thấy như nghẹt thở, phải dừng lại một lúc để lấy lại tự chủ. Nàng vẫn yêu anh hoàn toàn và đầy đủ. Không có gì có thể làm thay đổi điều ấy được. Anh đã sử dụng thân xác nàng để trừng trị cha nàng, nhưng Margaret biết rằng đó là một con dao hai lưỡi. Chẳng bao lâu nữa nàng sẽ sinh đứa con của Jamie, và khi trông thấy đứa bé, máu và thịt của anh, anh sẽ cưới nàng và cho đứa bé ấy một cái tên. Margaret sẽ trở thành bà Jamie McGregor. Nàng không còn mong ước gì hơn thế nữa trên đời này. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, nàng sờ lên chiếc bụng căng phồng và thì thầm. “Đứa con trai của chúng ta”. Có lẽ thật là điên rồ nếu nàng nghĩ rằng nàng có thể ảnh hưởng đến giới tính của nó, nhưng nàng không muốn bỏ qua bất cứ khả năng nào. Đàn ông nào cũng muốn có con trai. Khi bụng nàng căng phồng lên, nàng cảm thấy khiếp hãi hơn. Nàng ao ước được nói chuyện với một người nào đó. Nhưng các bà, các cô trong thị trấn đều không muốn nói chuyện với nàng. Tôn giáo của họ dạy cho họ biết trừng phạt chứ không biết tha thứ. Nàng chỉ có một mình, xung quanh là người xa lạ. Nàng bật khóc trong đêm tối, thương cho thân mình và cho đứa trẻ trong bụng. Jamie McGregor đã mua một toà nhà hai tầng ngay tại trung tâm Klipdrift, và dùng nơi này làm trụ sở chính cho tổ chức kinh doanh đang lớn mạnh của anh. Một hôm, Harry McMillan, viên kế toán trưởng của Jamie, họp bàn với anh. “Chúng ta sẽ tập hợp các công ty của ông lại, nên cần phải có một cái tên cho tổ hợp. Ông có ý kiến nào về cái tên này không?”. “Để tôi nghĩ xem”. Jamie suy nghĩ về vấn đề này. Trong trí óc anh, lúc nào cũng vang lên âm thanh của những tiếng kêu chọc thủng sương mù trên vùng đất kim cương trong sa mạc Namib. Vì vậy, anh biết chỉ có một cái tên anh muốn dung. Anh liền gọi viên kế toán trưởng đến, và nói, “Chúng ta sẽ gọi tên công ty mới này là Kruger Brent. Công ty Hữu hạn (3) Kruger Brent”. Alvin Cory, viên quản lý ngân hàng của Jamie, một hôm đến thăm viếng anh. “Tôi đến là vì chuyện các món nợ của ông Van der Merwe. Trong quá khứ, việc cho ông ta vay tiền là một điều rủi ro có lợi, nhưng hoàn cảnh ông ta bây giờ đã thay đổi một cách quyết liệt, ông McGregor ạ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đòi các khoản cho vay về”. “Không”. Corry nhìn Jamie, ngạc nhiên. “Sáng nay, ông ta đến đây cố xin vay thêm tiền để…”. “Cứ cho ông ta vay. Hãy cho bất cứ thứ gì ông ta cần”. Viên quản lý đứng dậy. “Tôi xin làm theo bất cứ điều gì ông bảo, ông Mcgregor ạ. Tôi sẽ bảo cho ông ấy rằng ông nói…". “Không bảo ông ta gì hết. Chỉ việc đưa tiền cho lão ta thôi”. Mỗi buổi sáng, Margaret thức dậy lúc năm giờ để nướng những miếng bánh mì lớn rất thơm tho và bánh bích quy bằng bột nhào chua. Khi các khách trọ lũ lượt kéo vào phòng ăn để dùng điểm tâm, nàng dọn ra cho họ các món ăn như cháo, thịt hun và trứng, bánh ngọt làm bằng kiều mạch, bánh cuốn ngọt, và những bình cà phê nóng hổi. Đa số khách trọ là những người thăm dò kim cương trên đường đến hay rời các nơi khai thác mỏ. Họ thường dừng lại Klipdrift khá lâu để nhờ đánh giá kim cương của họ, tắm rửa, uống rượu say mèm, và thăm viếng một trong các ổ điếm - thường là theo thứ tự như vậy. Họ phần đông là những người phiêu lưu ít học, thô lỗ. Có một thứ quy luật không được viết trên giấy tờ là không được xâm phạm, quấy rầy những người đàn bà, con gái tử tế. Nếu người nào muốn thoả mãn dục tính, họ đi đến một nhà thổ. Thế nhưng Margaret ven der Merwe là một sự thử thách, vì nàng không thuộc vào hạng nào trong hai hạng ấy cả. Con gái tử tế mà còn độc thân thì không mang bầu như thế. Rồi người ta dự đoán rằng vì Maragret đã sa ngã một lần thì có lẽ cô ta sẽ sẵn sàng ăn nằm với bất cứ người nào khác. Họ chỉ cần yêu cầu một tiếng thôi là xong. Và họ làm như thế thật. Một số người thì nói toạc móng heo ra và đòi hỏi om sòm. Một số khác thì liếc mắt nhìn lén lút. Margaret đối xử với tất cả những người ấy với một thái độ bình tĩnh đoan trang. Nhưng một đêm nọ, khi bà Owens chuẩn bị làm giường, bà nghe có tiếng la hét từ căn phòng của Margaret ở phía sau nhà. Bà mở tung cánh cửa, nhảy xổ vào. Một trong các khách trọ, một người thăm dò kim cương say rượu, đã xé toạc chiếc áo choàng của Margaret, đè nàng xuống giường. Bà Owens chồm đến anh ta như một con cọp. Bà nhặt lấy một cái bàn là, đập túi bụi lên anh ta. Thân hình bà chỉ bằng nửa anh chàng kia, nhưng bà chẳng sợ gì. Tức giận tràn ngập, bà đánh anh chàng ấy đến bất tỉnh, rồi lôi xềnh xệch anh ta ngang qua hành lang, rồi vứt ra đường phố. Sau đó, bà quay lại, hối hả chạy trở lại phòng Margaret, Margaret đang chùi máu môi, vì bị anh chàng ấy cắn ở đó. Tay nàng run rẩy. “Cô có hề gì không, Maggie?”. “Không, tôi chỉ… Xin cảm ơn bà Owens”. Nước mắt nàng tự nhiên ứa lên. Trong một thị trấn mà ở đó rất ít người chịu nói chuyện với nàng, bây giờ mới có một người bày tỏ lòng thương cảm. Bà Owens nhìn bụng căng phồng của Margaret, và suy nghĩ. Tội nghiệp cho đứa con gái mơ mộng. Jamie McGregor sẽ không bao giờ chịu cưới nó đâu. Ngày ở cữ đã gần kề. Margaret dễ dàng thấy mệt mỏi, cử động cúi xuống, rồi đứng dậy lại, là một cố gắng khó nhọc đối với nàng. Niềm vui duy nhất của nàng là khi đứa bé trong bụng cựa quậy. Nàng và con trai nàng không hoàn toàn cô đơn trên cõi đời này. Nàng nói chuyện với nó, giờ này qua giờ khác, kể cho nó nghe những điều kỳ diệu mà cuộc đời sẽ dành cho nó. Vào một buổi tối nọ, sau khi ăn cơm xong, một đứa bé da đen xuất hiện ở nhà trọ, đưa cho Margaret một lá thư niêm phong cẩn thận. “Tôi được lệnh phải chờ đợi cô trả lời”, cậu bé nói với Margaret. Margaret đọc lá thư, rồi đọc nó lại một lần nữa, rất chậm rãi. “Được”, nàng nói “Tôi xin nhận lời”. Ngày thứ sáu kế đó, vào lúc giữa trưa, Margaret đến trước cửa nhà chứa của bà Agnès. Một tấm biển trên cánh cửa ra vào ghi hai chữ “Đóng cửa”. Margaret gõ nhè nhẹ trên cánh cửa, không cần biết đến cái nhìn ngạc nhiên của khách qua đường. Nàng tự hỏi không biết nàng đến nơi này có phải là một hành động sai lầm chăng. Đó là quyết định khó khăn, và nàng đã nhận lời bởi vì cảm thấy mình quá cô đơn. Lá thư ấy viết: Thưa cô Van der Merwe thân mến, Thật ra tôi không có liên quan gì đến chuyện này, nhưng các cô gái của tôi ở đây đã bàn cãi với nhau về hoàn cảnh không may và bất công của cô. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một điều sỉ nhục đáng nguyền rủa. Nếu cô không cảm thấy bối rối, khó chịu, chúng tôi rất hân hạnh được cô chấp nhận đến dung một bữa cơm trưa với chúng tôi. Không biết ngày Thứ sáu này có tiện cho cô không? Kính mến, Bà Agnès Margaret đang do dự không biết có nên bỏ đi hay không thì bà Agnès đã ra mở cửa. Bà cầm lấy cánh tay Margaret và nói, “Đi vào đây, cô em. Chúng tôi sẽ làm cho cô quên đi cái nóng khủng khiếp này”. Bà dấ Margaret vào phòng khách, bày biện sang trọng với những chiếc bàn, ghế, sô-pha bọc nhung đỏ kiểu Victoria. Căn phòng này lại được trang hoàng bằng những ruy băng và giấy hoa, ngoài ra lại còn có - không biết họ lấy từ đâu ra - những quả bong bong màu sắc sặc sỡ. Nhiều tấm biển bằng bìa cứng, treo từ trần nhà, trên đó viết những dòng chữ vụng về: “Mừng cháu bé… Chắc chắn sẽ là một đứa con trai… Mừng sinh nhật cháu bé…”. Trong phòng có tám cô con gái, trong số các cô cùng làm cho bà Agnès, đủ mọi dáng vẻ, tuổi tác, màu sắc. Họ đều ăn mặc đàng hoàng cho dịp ăn mừng này, dưới sự bảo trợ của bà Agnès. Họ mặc chiếc áo dài đứng đắn và không hoá trang. Margaret ngạc nhiên thầm nghĩ, những cô gái này trông còn đứng đắn hơn đa số các bà vợ trong thị trấn này. Margaret nhìn căn phòng đầy những cô gái điếm, không còn biết mình phải làm gì nữa. Một số khuôn mặt có vẻ quen thuộc. Margaret đã từng tiếp họ khi nàng còn làm việc tại cửa hàng bách hoá của cha nàng. Một số còn trẻ và rất xinh đẹp. Một số ít già hơn và mập mạp, với mái tóc rõ ràng đã được nhuộm. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm: họ đều tỏ ra quan tâm đến nàng. Họ thân thiện, tử tế, nồng thắm, và muốn làm cho nàng được vui sướng. Họ xoắn xít xung quanh Margaret với vẻ e thẹn, lúng túng, vì sợ nói điều gì hay làm điều gì khiến nàng phật ý. Dù dân thị trấn có nói gì về nàng, họ biết rằng nàng là một cô gái con nhà tử tế, và ý thức được sự khác biệt giữa họ với nàng. Họ lấy làm hân hạnh vì nàng đã nhận lời đến với họ, và họ quyết không làm điều gì khả dĩ phá hỏng không khí buổi tiệc dành cho nàng. “Chúng tôi đã soạn sẵn một bữa com thật ngon mời cô, cô em yêu quý ạ.”, bà Agnès nói. “Chắc là cô đang đói”. Họ dắt nàng đến phòng ăn, nơi một bàn tiệc đã được bày sẵn, với một chai sâm banh ở chỗ ngồi của Margaret. Trong khi đi ngang qua hành lang, nàng đưa mắt nhìn những chiếc cầu thang dẫn đến các phòng ngủ ở tầng hai. Nàng biết Jamie đã từng đến nơi đó, và tự hỏi không biết chàng đã chọn cô nào trong các cô gái này. Có lẽ là tất cả. Rồi nàng quan sát họ thật kỹ để xem họ có những ưu điểm gì đối với Jamie mà nàng không có. Bữa ăn trưa này trở thành một bữa tiệc, bắt đầu bằng món xúp nguội và xà lách, tiếp theo là món cá chép tươi, sau đó nữa là thịt cừu, thịt vịt với rau và khoai tây. Cuối cùng là bánh bích quy tẩm rượu, phó mát, trái cây và cà phê. Margaret ăn uống rất thật tình và vui thích vô cùng. Nàng ngồi ở đầu bàn, bên phải là bà Agnès, phía bên trái là Maggie, một cô gái tóc hoe xinh đẹp, có lẽ không quá mười sáu tuổi. Thoạt tiên cuộc nói chuyện có vẻ khoa trương, rỗng tếch, Các cô gái kể hàng chục câu chuyện vui đùa, tục tĩu, nhưng đó không phải là những thứ họ biết Margaret đang muốn nghe. Vì vậy, họ bàn về thời tiết, về sự phát triển của Klipdrift và về tương lai của Nam Pho. Họ tỏ ra hiểu biết về chính trị kinh tế và về kim cương, vì đó là nhưng tin tức họ biết được qua các chuyên viên về những vấn đề ấy. Có một lần, cô gái xinh đẹp tóc hoe, tên là Maggie nói, “Jamie vừa mới tìm ra được một mỏ kim cương mới ở… “. Cả căn phòng đột nhiên im bặt lại. Cô ta biết rằng mình bị hớ, liền lắp bắp nói tiếp, “Đó là ông chú tôi tên là Jamie. Ông ấy… ông ấy lấy người dì của tôi”. Margaret ngạc nhiên vì một cảm giác ghen tuông tràn qua người nàng như một làn sóng. Bà Agnès vội vã xoay câu chuyện sang một vấn đề khác. Khi bữa ăn chấm dứt, bà Agnès đứng dậy, nói, “Mình đi lối này, cô em yêu quý ạ”. Margaret và cô khác theo chân bà, đi vào một căn phòng thứ hai mà Margaret chưa hề thấy trước đó. Ở đó có hang chục món quà, tất cả đều gói ghém cẩn thận. Margaret không còn tin vào mắt mình nữa. “Tôi… tôi không biết nói làm sao được bây giờ”. “Cô cứ mở xem”, bà Agnès nói. Ở đó có một chiếc nôi lắc lư, những chiếc giày nhỏ đan tay của trẻ con, áo trẻ con, mũ thêu, một chiếc áo choàng dài bằng len thêu. Có những chiếc giày trẻ con có đính khuy kiểu Pháp, có một tách bằng bạc có viền vàng của trẻ con, một cái lược và bàn chải với cán bằng bạc thuần chất. Có những cái ghim yếm bằng vàng thuần chất với các cạnh xâu hạt, một cái vòng bằng cao su cho trẻ con cắn, một con ngựa gỗ lắc lư sơn màu xám lốm đốm. Có những đồ chơi người lính, nhưng khối gỗ màu sắc chói lọi, và đẹp hơn hết tất cả là một chiếc áo dài trắng tinh để mặc vào ngày lễ đặt tên cho đứa bé. Thật giống như ngày lễ Giáng sinh. Nó ngoài sức tưởng tượng của Margaret. Tất cả nỗi cô đơn bị đè nén, tất cả nỗi đau khổ trong quá khứ như nổ tung ra trong người nàng, khiến nàng bật khóc thổn thức. Bà Agnès đặt cánh tay qua người nàng, và nói với các cô gái khác, “Đi ra ngoài kia”. Họ lẳng lặng rời khỏi phòng. Bà Agnès dắt Margaret đến chiếc ghế dài, rồi ôm nàng ngồi ở đấy cho đến khi những tiếng nức nở dịu đi. “Tôi… tôi xin lỗi”, Margaret lắp bắp nói. “Tôi… tôi không hiểu có cái gì như bao trùm lấy người tôi… “. “Không hề gì đâu, cô em thân mến ạ. Căn phòng này đã thấy quá nhiều vấn đề đến rồi lại đi. Cô có biết chúng tôi đã học được những gì không? Cuối cùng tất cả mọi thứ rồi sẽ được giải quyết cả thôi. Cô và cháu bé sẽ được sung sướng”. “Cám ơn bà”, Margaret thì thào. Nàng đưa tay ra chỉ các món quà. “Tôi không biết cám ơn bà và các bạn như thế nào cho vừa”. Bà Agnès bóp chặt bàn tay Margaret. “Đừng. Cô không biết các cô gái kia và tôi vui sướng như thế nào khi gom góp các thứ này. Chúng tôi không mấy khi được cơ hội làm một việc đại loại như thế này. Khi một người trong chúng tôi có mang, thật là một tấn bi kịch đáng nguyền rủa”. Bà vụt đưa tay lên miệng và nói, “Ồ, tôi xin lỗi”. Margaret tủm tỉm cười, “tôi chỉ muốn bà biết cho rằng hôm này là một trong những ngày sung sướng nhất trong đời tôi”. “Chúng tôi thực sự rất hân hạnh được cô đến thăm, cô ạ. Riêng tôi nghĩ, cô xứng đáng bằng tất cả những người đàn bà trong thị trấn này gộp lại. Những đồ chó đẻ khôn khiếp! Tôi có thể giết chúng nó vì chúng đã đối xử tệ bạc với cô. Và, nếu cô cho phép, tôi cũng xin nói rằng Jamie McGregor là một tên điên khùng đáng nguyền rủa”. Bà đứng thẳng dậy. “Đàn ông! Thế giới này chắc sẽ là một nơi thần tiên nếu không có những thằng chó đẻ như thế. Hay… có lẽ nó sẽ chẳng là thần tiên chút nào. Ai biết được?”. Margaret đã lấy lại được bình tĩnh. Nàng đứng dậy, cầm lấy tay bà Agnès. “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được kỉ niệm này, chừng nào tôi còn sống. Một ngày nào đó, khi con trai tôi khôn lớn, tôi sẽ nói với nó về ngày hôm nay”. Bà Agnès nhăn mặt lại. “Cô thực sự nghĩ như vậy sao?”. Margaret mỉm cười. “Vâng, thực sự nghĩ như vậy”. Bà Agnès tiễn chân nàng ra cửa. “Tôi sẽ cho xe chở tất cả các thứ quà này đến nhà trọ của cô, và… chúc cô may mắn”. “Cảm ơn bà. Xin cảm ơn bà lắm lắm”. Rồi nàng ra về. Bà Agnès đứng nhìn theo Margaret đang lóng ngóng bước xuống đường phố. Rồi bà quay về phía bên trong, nói thật to, “Thôi được rồi, các cô ạ. Chúng ta bắt đầu làm việc đi”. Một giờ sau, ngôi nhà của bà Agnès được mở cửa để tiếp khách như thường lệ. Chú thích: (1) Exodus: sách Cựu ước nói về cuộc khởi hành của người Do Thái từ Ai Cập. Ezekiel: sách Cựu ước nói về những lời tiên tri, nhà tiên tri Do Thái Ezekiel sống vào thế kỷ VI trước công nguyên; Leviticus: sách Cựu ước nói về các giáo luật dành cho các tu sĩ Do Thái. (2) Moses: nhà lãnh đạo tôn giáo, nói trong Thánh kinh, đã đưa người Do thái thoát khỏi nô lệ ở Ai Cập để đi đến vùng Đất Hứa. (3) Công ty Hữu hạn: hay công ty Trách nhiệm hữu hạn (Limited Company, viết tắt là Ltd.), là công ty trong đó mỗi thành viên hợp tác kinh doanh, hay cổ đông viên (shareholder) có trách nhiệm được giới hạn theo số lượng đầu tư thực sự của mình vào việc kinh doanh. Chương 08 Đã đến lúc cho bật cái bẫy sập. Trong sáu tháng trước đây, Jamie McGregor đã mua đứt phần hùn của những người hợp tác với Van der Merwe trong tất cả mọi dịch vụ kinh doanh, khiến cho Jamie bây giờ hoàn toàn không chế các dịch vụ ấy. Nhưng mối ám ảnh của Jamie là làm chủ được các mỏ kim cương của Van der Merwe ở Namib. Anh đã phải trả cho các mỏ ấy một trăm lần lớn lao hơn thế bằng máu, bằng sự gan dạ, và suýt nữa bằng cả sinh mạng của anh. Anh đã sử dụng những viên kim cương mà anh và Banda đã lấy trộm được để xây dựng một đế quốc, và nhờ đó anh sẽ đè bẹp lão Van der Merwe. Nhiệm vụ này chưa hoàn tất. Bây giờ, Jamie sẵn sàng thanh toán nó cho xong. Van der Merwe mỗi lúc mỗi thêm nợ nần. Mọi người trong thị trấn đều từ chối không cho lão vay tiền, ngoại trừ ngân hàng mà Jamie đã kín đáo làm chủ. Chỉ thị hiện hành, mà anh ban cho viên quản lý ngân hàng, là, “Hãy cho Salomon van der Merwe mọi thứ hắn cần”. Cửa hàng bách hoá bây giờ dường như không mở cửa bao giờ. Van der Merwe bắt đầu uống rượu vào buổi sáng sớm, rồi đến trưa lão thường đi đến nhà bà Agnès, và đôi khi lão ở luôn đêm tại đấy. Một buổi sáng nọ, Margaret đang đứng ở quầy hàng thịt chờ đợi mua gà theo lệnh của bà Owens thì nàng chợt thoáng thấy qua cửa sổ cha nàng vừa rời khỏi nhà thổ. Nàng khó mà nhận ra được ông già lôi thôi lếch thếch đang lê bước dọc theo đường phố. Chính mình đã gây cho ông cảnh ngộ này. Lạy Chúa, xin Người tha tội cho con, vì chính con đã gây nên nông nỗi này! Salomon van der Merwe không có một chút ý tưởng nào về những gì đang xảy ra với lão. Lão biết rằng, bằng một cách nào đó, không phải lỗi do lão, cuộc đời của lão đang bị huỷ hoại. Chúa đã chọn lão - giống như xưa kia Người đã chọn Job (1) - để thử thách sức mạnh của đức tin của lão. Van der Merwe tin chắc rằng cuối cùng lão cũng sẽ chiến thắng được kẻ thù giấu mặt. Điều cần thiết đối với lão là thời gian và tiền bạc nhiều hơn nữa. Lão đã đưa ra làm bảo đảm cửa hàng bách hoá của lão, phần hùn của lão tại sáu mỏ kim cương nhỏ, ngay cả con ngựa và chiếc xe ngựa cũa lão nữa. Cuối cùng, lão không còn gì nữa, ngoài mỏ kim cương ở Namib, và vào ngày lão đưa nốt mỏ này ra để ký quỹ thì Jamie chụp ngay lấy nó. “Thu lại tất cả các giấy tờ của lão”, Jamie ra lệnh cho viên quản lý. “Cho lão ta hai mươi bốn tiếng đồng hồ để trả toàn thể số nợ, nếu không sẽ tịch thu cả tài sản”. “Thưa ông McGregor, ông ta không thể nào kiếm ra được số tiền ấy. Ông ta…”. “Hai mươi bốn tiếng đồng hồ”. Vào đúng bốn giờ trưa hôm sau, viên phụ tá quản lý ngân hàng xuất hiện ở cửa hàng bách hoá cùng với viên cảnh sát trưởng và một lệnh tịch biên tất cả mọi tài sản của Salomon van der Merwe. Từ toà nhà trụ sở của anh ở bên kia đường, Jamie đứng nhìn Van der Merwe bị trục xuất khỏi cửa hiệu bách hoá. Lão đứng ở bên ngoài, mắt hấp háy dưới ánh nắng, không còn biết làm gì hay quay vào đâu để tìm sự giúp đỡ. Lão bị lột sạch mọi thứ. Cuộc trả thù của Jamie đã hoàn tất. Thế nhưng, Jamie tự hỏi, tại sao mình không có cảm giác chiến thắng? Anh chỉ thấy trong lòng trống rỗng. Kẻ mà anh huỷ hoại đã huỷ hoại anh trước tiên. Khi Jamie bước vào nhà bà Agnès đêm hôm ấy, bà ta nói, “Anh có nghe tin chưa, Jamie? Salomon van der Merwe đã bắn vào đầu tự tử cách đây một giờ đồng hồ”. Tang lễ được cử hành tại một nghĩa địa ảm đạm, lộng gió, bên ngoài thị trấn. Ngoài toán người lo việc chôn cất, chỉ có hai người tham dự: Margaret và McGregor. Margaret mặc chiếc áo dài đen không ra hình thù gì để che cái bụng lớn của nàng. Nàng trông xanh xao, ốm yếu. Jamie đứng cao to, sang trọng, kín đáo và xa vời. Cả hai đứng ở phía đối diện nhau bên cạnh huyệt, nhìn theo chiếc hòm bằng gỗ thông thô sơ dần dần được hạ xuống lòng đất. Những cục đất được ném cồm cộp trên mặt hòm, nghe như tiếng kêu dội vào tai Margaret: Con đĩ !... con đĩ !.... Nàng nhìn Jamie qua cái huyệt. Hai cặp mắt gặp nhau. Cái nhìn của Jamie trông lạnh lùng, trống rỗng, như thể nàng là một kẻ xa lạ. Margaret cảm thấy ghét anh ta ngay lúc ấy. Anh đứng ở đấy mà không có một cảm xúc nào cả, nhưng chính anh cũng tội lỗi giống như tôi. Chính chúng ta đã giết ông ấy, cả anh và tôi. Dưới con mắt của Thượng đế, tôi là vợ anh. Nhưng chúng ta là những kẻ đồng loã trong tội ác. Nàng nhìn xuống cái huyệt chưa đắp kín, xem những xuổng đất cuối cùng phủ lên nắp hòm gỗ thong. “Hãy yên nghỉ”, nàng thì thầm, “Hãy yên nghỉ”. Khi nàng ngước mắt nhìn lên, Jamie đã rời đi rồi. Có hai ngôi nhà gỗ ở Klipdrift được dùng làm bệnh xá, nhưng chúng đều bẩn thỉu, mất vệ sinh, nên ở đó nhiều bệnh nhân bị chết hơn là được cứu sống. Trẻ được sinh ở nhà riêng. Khi ngày sinh của Margaret đã gần kề, bà Owens nhờ sự giúp đỡ của một bà mụ đỡ tên là Hannah. Cơn đau đẻ bắt đầu lúc ba giờ sáng. “Bây giờ, cố rặn đi nhé, rồi cứ để nó tự nhiên như vậy, ra sao thì ra”. Cơn đau đầu tiên đem đến một nụ cười trên môi Margaret. Nàng cho ra đời một đứa con trai của nàng, và nó sẽ có một cái tên. Nàng sẽ cố làm sao để Jamie McGregor phải công nhận đứa con này của anh ta. Con trai nàng sẽ không bị trừng phạt. Cơn đau đẻ vẫn tiếp tục, giờ này qua giờ khác, và khi một số khách trọ bước vào phòng Margaret để xem thì bị đuổi ra ngay lập tức. Bà Hannah nói với Margaret, “Đây là vấn đề riêng tư giữa cô, Thượng đế và thằng quỷ sứ đã gây cho cô sự rắc rối này”. “Có chắc là con trai không?” Margaret hổn hển hỏi. Bà Hannah lau trán Margaret bằng một cái khăn ướt. “Tôi sẽ cho cô biết ngay sau khi thăm dò ở bên trong. Bây giờ cố rặn đi. Thật mạnh vào. Thật mạnh, mạnh hơn nữa”. Những cơn co giật bắt đầu xảy ra gần nhau hơn, cơn đau như xé truyền khắp thân hình. Lạy Chúa, chắc có gì không ổn rồi, Margaret nghĩ thầm. “Cố gắng thêm nữa !”, bà Hannah nói. Bỗng tiếng nói của bà ta nghe có vẻ hoảng sợ, bà kêu lên, “Nó cuộn lại ở bên trong, tôi không thể nào lôi nó ra được!”. Qua một lớp sương mù màu đỏ, Margaret thấy bà Hannah cúi xuống, vặn vẹo thân hình nàng, căn phòng bắt đầu mờ đi, rồi đột nhiên nàng không thấy đau nữa. Nàng đang bập bềnh trong không gian. Ánh sáng chói lọi loé lên ở cuối đường hầm, một người nào đó vẫy nàng lại gần. Đó là Jamie. “Anh đến đây, Maggie, em yêu quí. Em sắp cho anh một đứa con trai xinh đẹp”. Anh ấy đã trở về với nàng. Nàng không còn ghét anh ấy nữa. Lúc ấy nàng mới biết rằng nàng không hề bao giờ ghét anh ấy cả. Nàng nghe một tiếng nói, “Gần xong rồi”, tiếp theo đó là cơn đau như xé ruột gan khiến nàng phải thét to lên. “Nào, nó sắp ra rồi đấy”, bà Hannah nói. Một giây sau, nàng thấy như có một luồng nước ươn ướt tuôn ra giữa hai đùi, tiếp theo là tiếng kêu đắc thắng của bà Hannah. Bà giơ cao lên một khối đỏ hỏn và nói, “ Chào mừng cháu đến Klipdrift. Cô em yêu quý ạ, cô đã có một đứa con trai rồi đấy”. Nàng đặt tên cho nó là Jamie. Margaret biết rằng tin về đứa trẻ sẽ đến tai Jamie nhanh chóng. Nàng chờ đợi Jamie đến thăm hay cho người mời nàng đến. Thế nhưng, nhiều tuần lễ trôi qua, Margaret không nghe tin tức gì. Nàng nhắn lời cho Jamie. Người nàng nhờ đưa tin trở về ba mươi phút sau. Margaret rất nóng lòng chờ đợi tin tức. “Em có gặp ông McGregor không?” “Thưa bà, có ạ”. “Thế em có chuyển lời nhắn của chị chứ?” “Thưa bà, có ạ”. “Thế ông ấy bảo sao?”, nàng hỏi. Thằng bé có vẻ bối rối. “Ông ấy bảo… ông ấy bảo ông không có đứa con trai nào cả, bà Van der Merwe ạ”. Nàng khoá chặt cửa lại, cùng với đứa bé nằm trong phòng suốt cả ngày, đêm, nhất định không ra ngoài. “Vào lúc này, cha con đang bực bội, con ạ. Ông ấy nghĩ rằng mẹ con đã làm điều gì xấu đối với ông ấy. Nhưng con là con trai của ông ấy, ông ấy sẽ đưa mẹ con mình về nhà ông, và sẽ yêu mến mẹ con ta. Rồi con sẽ thấy, con yêu quí ạ. Mọi sự sẽ tốt đẹp cả thôi”. Đến buổi sáng, khi bà Owens bước vào, nàng ra mở cửa. Nàng có vẻ bình tĩnh một cách lạ thường. “Cô thấy thế nào, Maggie?” “Tôi cảm thấy khoẻ rồi, xin cám ơn bà”. Nàng mặc cho Jamie một trong bộ quần áo mới. “Tôi sắp sửa cho cháu đi ra ngoài bằng xe đẩy sáng hôm nay”. Chiếc xe đẩy, món quà tặng của bà Agnès và các cô gái, là một chiếc xe rất đẹp. Nó làm bằng thứ sậy rất tốt, có đáy mây chắc, vững, tay cầm bằng gỗ uốn. Nó được bọc nệm gấm nhập cảng, với những đường viền nhung lụa, và có một cái dù cắm ở phía sau với diềm đăng ten xếp. Margaret đẩy chiếc xe xuống lề đường chật hẹp của đường Loop. Chốc chốc có một người lạ mặt dừng lại, mỉm cười với đứa bé, nhưng các bà thì đưa mắt nhìn sang chỗ khác hay đi sang bên kia lề đường để tránh Margaret. Nhưng Margaret không chú ý đến họ. Nàng đang cố tìm một người. Mỗi khi thời tiết đẹp, Margaret cho thằng bé ăn mặc đẹp đẽ, rồi đưa nó ra ngoài trong chiếc xe đẩy. Vào cuối một tuần lễ, khi Margaret đã không gặp được Jamie một lần nào trên các đường phố, nàng nhận ra rằng chàng đã cố tình lẩn tránh nàng. Được rồi, nếu anh không muốn đến thăm con thì hắn sẽ đến tận nơi để gặp bố. Maggie quyết định như vậy. Sáng hôm sau Margaret đến gặp bà Owens trong phòng khách, “Tôi sẽ đi chơi một thời gian ngắn, bà Owens ạ. Tôi sẽ trở về nhà trong một tuần lễ”. “Cháu bé còn quá nhỏ, chưa đi xa được đâu, Maggie ạ”. “Nó sẽ ở lại trong thị trấn này”. Bà Owens nhăn mặt, “Cô muốn nói rằng nó ở đây à?” “Không, bà Owens ạ. Không phải ở lại trong nhà này”. Jamie McGregor đã xây dựng một ngôi nhà của anh trên một đỉnh đồi nhìn xuống Klipdrift. Đó là một ngôi nhà trệt thấp, mái xuôi, với hai chái lớn, nối với toà nhà chính bằng những mái hiên rộng. Xung quanh ngôi nhà có những bãi cỏ xanh, điểm thêm những cây to và một khu vườn hồng tươi tốt. Phía sau là nhà xe và nơi ăn ở riêng của gia nhân. Mọi công việc xếp đặt trong nhà đều giao cho bà Eugenia Talley đảm trách. Đó là một bà goá phụ trạc trung niên, có sáu đứa con đã lớn ở bên Anh. Margaret đi đến nơi ấy, với đứa con trai bồng trên tay lúc mười giờ sáng, tức là vào giờ nàng biết rằng Jamie đang ở Văn phòng. Bà Talley mở cửa, nhìn Margaret và đứa bé với vẻ ngạc nhiên. Cũng như mọi người khác sống trong phạm vi một trăm dặm, bà Talley biết rõ họ là ai rồi. “Tôi xin lỗi bà, ông McGregor không có ở nhà”, bà quản gia nói, định đóng cánh cửa lại. Margaret ngăn bà ta lại. “Tôi không định đến gặp ông McGregor. Tôi chỉ đem cho ông ta đứa con trai của ông ấy”. “Tôi e rằng tôi không biết chút gì về chuyện ấy cả. Bà….” “Tôi sẽ đi vắng chừng một tuần lễ. Tôi sẽ trở lại đây xin lại đứa bé”. Nàng đưa đứa bé cho bà Talley. “Tên cháu là Jamie”. Một vẻ kinh hãi thoáng hiện trên khuôn mặt bà Talley. “Bà không thể để nó ở lại đây được!. Ông McGregor sẽ… “ “Có hai cách lựa chọn, bà Talley ạ. Bà có thể hoặc đưa nó vào trong nhà, hoặc để mặc nó ở đây trên bục cửa này cũng được”. Không nói thêm một lời nào, nàng dúi đứa bé vào cánh tay của bà Talley, rồi bước ra về. “Khoan đã, bà không thể làm thế được. Trở lại đây! Bà… ". Nhưng Margaret không quay mặt trở lại. Bà Talley đứng yên tại chỗ, bồng một cái gói bé nhỏ trong tay, suy nghĩ. Ôi, lạy Chúa! Ông McGregor sẽ nổi sùng lên cho mà coi! Bà Talley chưa hề thấy Jamie trong một trạng thái giận dữ như vậy bao giờ. Anh hét lên, “Sao bà có thể ngu xuẩn đến như vậy? Bà chỉ việc đóng sầm cánh cửa trước mặt cô ấy!”. “Nhưng cô ấy không cho tôi kịp làm cái gì cả, ông McGregor a. Cô ấy… “. “Tôi không muốn đứa con của cô ấy ở trong nhà tôi!”. Trong cơn giận dữ, anh bước lên bước xuống, thỉnh thoảng dừng lại trước mặt người đàn bà không may ấy, và nói, “Tôi phải đuổi bà ra khỏi cửa vì vụ này”. “Cô ấy sẽ trở lại đây trong một tuần lễ nữa để lấy lại đứa con. Tôi… ". “Tôi không cần biết lúc nào thì cô ta trở lại đây”, Jamie hét lên. “Đem đứa bé này ra khỏi nơi này. Ngay bây giờ! Đem đi cho rảnh mắt tôi”. “Ông bảo tôi làm thế nào bây giờ, ông McGregor?” Bà hỏi với một giọng cứng rắn. “Thả nó ra ở một nơi nào đó trong thành phố. Chắc phải có một nơi nào đó để bà để lại nó chứ?”. “Nơi nào?” “Làm sao tôi biết nơi quỷ quái nào được?”. Bà Talley nhìn cái gói bé nhỏ đang bồng trong tay. Tiếng la hét đã làm cho thằng bé bắt đầu khóc thét lên. “Không có nhà nuôi trẻ mồ côi nào ở Klipdrift”. Bà bồng đứa bé đưa qua đưa lại, nhưng nó lại càng la hét lớn hơn nữa. “Phải có người nào săn sóc nó”. Jamie cào ngón tay lên tóc, nói với vẻ tuyệt vọng, “Mẹ kiếp, thôi được rồi. Bà đã rộng lượng nhận đứa bé ấy thì bà săn sóc cho nó”. “Vâng, thưa ông”. “Và bà ngăn chặn cái tiếng khóc của nó lại, kẻo tôi không sao chịu nổi. Nhớ điều này nhé, bà Talley. Tôi muốn nó khuất khỏi mắt tôi. Tôi không muốn biết rằng có nó trong nhà này. Rồi khi nào mẹ nó đến đây lấy nó trong tuần sau, tôi không muốn nhìn thấy cô ấy. Rõ cả chưa?” Thằng bé lại bắt đầu khóc lớn hơn nữa. “Tôi đã rõ rồi ạ, ông McGregor”. Rồi bà Talley hối hả rời khỏi phòng. Jamie McGregor ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, nhấm nháp rượu mạnh và hút điếu xì gà. Con mụ đàn bà ngu xuẩn. Nó tưởng rằng mình trong thấy thằng bé ấy là tim mình sẽ mềm đi, rồi mình sẽ nhảy xổ đến nó và nói, “Anh yêu em. Anh yêu đứa bé. Anh muốn cưới em”. Thế nhưng, anh đã không thèm nhìn đến thằng bé. Anh có liên qua gì đến nó đâu. Anh sinh nó ra đâu có phải vì tình yêu, cũng chẳng phải vì thèm muốn nữa. Nó được sinh ra từ một sự trả thù. Anh nhớ mãi vẻ mặt của lão Salomon ven der Merwe, khi anh báo cho lão biết rằng Margaret đã có mang. Đó là lúc bắt đầu. Cuối cùng là đất ném lên chiếc hòm của lão. Anh phải đi tìm Banda để nói cho anh ta biết rằng nhiệm vụ của hai người thế là đã xong. Jamie cảm thấy nỗi trống rỗng trong lòng. Mình cần phải đặt ra những mục tiêu mới, anh thầm nghĩ. Anh đã trở nên giàu có ngoài sức tưởng tượng. Anh đã làm chủ hàng trăm mẫu đất mỏ. Anh mua đất ấy để khai thác kim cương có thể tìm thấy ở đó, nhưng cuối cùng anh làm chủ cả vàng, bạch kim, và năm sáu loại khoáng sản khác. Ngân hàng của anh nhận cầm cố nửa số tài sản ở Klipdrift, và đất chiếm hữu của anh trải rộng từ Namib đến Cape Town. Anh cảm thấy thoả mãn về điều này, nhưng như thế chia đủ. Anh đã mời cha mẹ anh đến ở với anh, nhưng họ không muốn rồi Tô Cách Lan. Các anh và chị của Jamie đều đã lập gia đình. Jamie gửi những số tiền lớn cho cha mẹ, và anh lấy thế làm sung sướng, nhưng cuộc đời anh lúc này quá bằng phẳng. Mới mấy năm trước đây, cuộc đời anh đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, nhưng anh cảm thấy sinh động. Anh thấy mình sinh động khi anh và Banda điều khiển chiếc bè vượt qua những tảng đá ngầm ở Vùng Đất Cấm. Anh thấy mình sinh động khi bò ngang qua những bãi mìn, xuyên qua sa mạc cát. Jamie cảm tưởng dường như mình đã không còn sinh động nữa một thời gian lâu dài rồi. Anh dám thú nhận với chính mình rằng anh đang rất cô đơn. Một lần nữa, anh với tay lấy bình rượu mạnh, và thấy nó đã cạn. Anh đã uống quá nhiều rượu hơn là anh nghĩ, hay là bà Talley đã vô ý không đổ rượu vào bình. Jamie đứng dậy khỏi chiếc ghế, nhặt ly rượu, đi đến phòng chứa thức ăn của bà quản gia, nơi cất rượu. Anh vừa mở chai ra thì nghe tiếng u ơ của một đứa trẻ con. Lại thằng bé ấy rồi! Chắc là bà Talley đã giữ nó lại trong phòng bà ta, xa nhà bếp. Bà đã tuân theo mệnh lệnh của Jamie một cách chặt chẽ. Anh không hề thấy thằng bé ấy trong hai ngày nó “xâm phạm gia cư” của anh. Bây giờ anh nghe cả tiếng bà Talley đang nói nựng với đứa trẻ. “Cháu là một đứa bé xinh xắn lắm, phải thế không? Cháu là một thiên thần ấy mà. Đúng như vậy đó. Một thiên thần đây mà”. Thằng bé lại u ơ với bà ta. Jamie bước đến căn phòng ngủ đang mở cửa của bà Talley, rồi nhìn vào bên trong. Không hiểu bà ta đã kiếm ra được ở đâu, một cái giường cũi, và thằng bé lại nằm trong đó. Bà Talley đang cúi người lên nó, bàn tay của nó quấn thật chặt ngón tay bà. “Jamie ạ, cháu bé nhỏ mà khoẻ mạnh dữ à. Rồi cháu sẽ lớn lên và to lớn như là… là… ". Bà ngừng bặt lại câu nói, ngạc nhiên vì biết rằng ông chủ của bà đang đứng ở ngưỡng cửa. “Ồ, thưa ông, ông cần tôi có việc gì ạ?” “Không”. Anh bước đến chiếc giường cũi. “Tôi bị quấy rầy vì tiếng ồn ào ở đây”. Anh đưa mắt nhìn đứa bé lần đầu tiên. Thằng bé to lớn hơn anh tưởng. Thân hình hắn cân đối. Hắn có vẻ như đang tủm tỉm cười với anh. “Xin lỗi ông McGregor. Thằng bé này thật ngoan và khoẻ mạnh. Ông hãy đưa ngón tay ra cho nó nắm mới thấy nó khoẻ mạnh như thế nào”. Jamie quay mặt lại, rồi bước ra khỏi phòng, không nói một lời nào. Jamie McGregor có một số nhân viên trên năm mươi người làm việc trong các doanh nghiệp khác nhau của anh. Không một nhân viên nào, từ thằng bé đưa thư cho đến nhân viên điều hành cao cấp, mà không biết lý do vì sao Công ty Hữu hạn của họ mang tên Kruger Brent, và lấy làm hãnh diện được làm việc cho McGregor. Anh vừa mới thâu nhận David Blackwell, một người con trai mới mười sáu tuổi, con của một trong cách đốc công của anh, một người Mỹ từ Oregon tới Nam Phi để tìm kim cương. Khi tiền bạc của Blackwell đã cạn, Jamie nhận ông Blackwell vào làm việc để trong coi các xưởng máy. Người con trai của ông đến làm việc cho công ty được một mùa hè thì Jamie nhận ra rằng David là một công nhân giỏi, nên anh giao cho anh ta một việc làm thường trực. David Blackwell thông minh, dễ mến và có nhiều sáng kiến. Jamie cũng biết rằng anh ta rất kín đáo, vì vậy Jamie giao cho anh ta làm công việc vặt đặc biệt này. “David ạ, tôi muốn anh đi đến nhà trọ của bà Owens hộ tôi. Ở đó có một người đàn bà tên là Margaret van der Merwe”. Nếu David Blackwell đã từng nghe tên ấy hay biết hoàn cảnh của nàng rồi thì anh cũng không biểu lộ ra bên ngoài. “Thưa ông, vâng ạ”. “Anh chỉ được nói với cô ấy mà thôi. Cô ấy để lại đứa con cho bà quản gia tôi trông nom. Bảo cô ấy đến đây lấy nó và đưa nó ra khỏi nhà tôi ngay ngày hôm nay”. “Vâng, thưa ông McGregor”. Nửa giờ sau, David Blackwell trở lại. Jamie đang ngồi ở bàn viết, ngẩng đầu lên. “Thưa ông, tôi e rằng tôi không làm được việc ông yêu cầu”. Jamie đứng phắt dậy, “Tại sao? Công việc ấy dễ dàng quá mà”. “Cô Van der Merwe không có ở nhà”. “Thế thì anh đi tìm nó”. “Cô ấy rời Klipdrift hai ngày rồi. Có lẽ cô ấy sẽ trở về trong vòng năm ngày nữa. Nếu ông muốn tôi điều tra thêm thì…” “Không”. Đó là điều mà Jamie không muốn anh ta làm chút nào. “Không cần. Thế là đủ rồi. David ạ”. “Thưa ông, vâng ạ”. Cậu bé rời khỏi văn phòng. Mẹ kiếp cái con đàn bà ấy! Khi nào nó trở về nó sẽ phải ngạc nhiên. Nó sẽ phải lấy lại con nó. Tối hôm ấy, Jamie ăn cơm ở nhà một mình. Anh đang uống rượu mạnh trong phòng làm việc thì bà Talley đi vào để bàn với anh một vấn đề thông thường. Đang nói chuyện nửa chừng, bà bỗng dừng lại lắng nghe, và nói, “Xin ông tha lỗi. Tôi vừa nghe tiếng Jamie khóc”. Nói xong bà vội vã chạy ra khỏi phòng. Jamie đập mạnh chiếc ly xuống, làm rượu đổ tung toé. Cái thằng bé khốn kiếp! Ấy thế mà con mẹ nó dám cả gan đặt tên cho nó là Jamie. Hắn có giống một Jamie đâu. Hắn trông chẳng giống cái gì hết! Mười phút sau, bà Talley quay trở lại phòng làm việc. Bà nhìn thấy rượu đổ tung toé. “Ông có muốn tôi rót thêm rượu nữa không ạ?”. “Cái ấy không cần thiết”. Jamie nói một cách lạnh lùng. “Điều cần thiết là bà phải nhớ bà đang làm việc cho ai. Tôi không muốn bị quấy rầy bởi cái thằng con hoang ấy. Rõ chưa, bà Talley?” “Thưa ông, vâng ạ”. “Thằng bé ấy ra khỏi nhà này sớm chừng nào thì tốt hơn cho cả bà lẫn tôi chừng ấy. Hiểu chưa?” Môi bà Talley mím chặt lại. “Thưa ông, vâng. Còn gì nữa không ạ?”. “Không”. Bà quay lại định đi ra. “Này, bà Talley…”. “Vâng, thưa ông McGregor?”. “Bà bảo rằng nó đang khóc. Có phải nó ốm không?”. “Thưa ông, không ạ. Nó chỉ đái thôi. Cần phải thay tã cho nó”. Jamie nhận thấy cái ý tưởng này thật đáng phẫn nộ. “Thôi, thế đủ rồi”. Jamie hẳn đã phải giận dữ điên cuồng nếu anh biết rằng bọn đầy tớ trong nhà ngồi với nhau hàng giờ để bàn cãi với nhau về anh và đứa con trai. Họ đều đồng ý với nhau rằng ông chủ đã cư xử một cách vô lý, nhưng họ cũng biết rằng họ chỉ cần nhắc đến vấn đề này thôi cũng đủ bị đuổi ra khỏi nhà ngay tức khắc. Jamie McGregor không phải là người sẵn sang nghe lời khuyên của bất cứ ai. Tối hôm sau, Jamie có một phiên họp bàn công việc cho đến tận khuya. Anh đã đầu tư vào một đường xe hoả mới. Chắc chắn, con đường này cũng chỉ nhỏ thôi, chạy dài từ khu mỏ ở sa mạc Namib đến De Aar, nối liền với con đường Cape Town - Kimberley, nhưng nhờ có nó mà việc chuyên chở vàng và kim cương đến hải cảng sẽ rẻ hơn nhiều. Con đường sắt Nam Phi đầu tiên đã được mở ra từ năm 1860, chạy từ Dumbar đến Point, và từ lúc ấy, nhiều con đường khác đã được thiết lập, từ Cape Town đến Wellington. Đường sắt sẽ là huyết mạch bằng thép cho người và hàng hoá lưu thong tư do xuyên qua trái tim của Nam Phi, và Jamie dự định góp phần vào đó. Nhưng đó chỉ là bước đầu trong các dự tính của anh. Sau đó sẽ là tàu thuỷ. Các tàu thuỷ của mình sẽ chuyên chở các khoáng sản xuyên qua đại dương. Anh trở về nhà vào lúc nửa đêm, cởi quần áo, lên giường nằm ngủ. Anh đã nhờ một nhà trang trí từ London đến bày biện cho anh một căn phòng ngủ đàn ông rộng lớn, với một chiếc giường đồ sộ đã được chạm trổ ở Cape Town. Ở đó có một chiếc tủ kiểu Tây Ban Nha cổ xưa đặt ở trong góc phòng, và nhiều tủ áo trong đó chứa đựng năm mươi bộ quần áo và ba mươi chiếc giày. Jamie không chú ý đến cách ăn mặc, nhưng anh thấy cần phải có những bộ quần áo ấy ở đó. Anh đã trải qua quá nhiều ngày và đêm ăn mặc rách rưới. Vừa mới chợp mắt ngủ, anh chợt nghe một tiếng khóc. Anh ngồi nhổm dậy, lắng nghe. Không có gì cả. Đứa bé hay sao? Chắc là nó vừa ngã ra khỏi cái giường cũi. Jamie biết rằng bà Talley thường ngủ rất say. Thật là kinh khủng nếu có điều gì xảy ra với thằng bé ấy trong khi nó ở trong nhà anh. Như vậy, anh sẽ phải chịu trách nhiệm. Mẹ kiếp cái con mụ đàn bà ấy! Jamie nghĩ thầm. Anh khoác chiếc áo choàng. xỏ đôi dép vào chân, rồi đi thẳng đến phòng bà Talley. Anh đặt tai trên cánh cửa đóng kín, nhưng không nghe gì cả. Lặng lẽ, Jamie đầy cánh cửa cho nó mở ra. Bà Talley đang ngủ say, vùi trong chăn, ngáy như sấm. Jamie bước đến cái giường cũi. Thằng bé đang nằm ngửa, cặp mắt mở thao láo. Jamie lại gần hơn nữa, nhìn xuống. Lạy Chúa, sao mà nó giống thế. Rõ ràng là nó có cái miệng và cằm của Jamie. Mắt của nó bây giờ màu xanh, nhưng trẻ con mới sinh nào mà lại chẳng có màu xanh. Nhìn qua, Jamie cũng có thể đoán ra rằng sau này mắt của nó sẽ là màu xám. Nó giơ hai bàn tay bé nhỏ quờ quạng không khí, phát ra những tiếng u ơ bé nhỏ và tủm tỉm cười với Jamie. Chà, thằng bé này thật can đảm, nằm ở đó mà không làm ồn ào, khóc thét lên như những đứa trẻ con khác. Anh ghé mắt nhìn gần hơn nữa. Đúng rồi, nó là một McGregor thật sự rồi. Rụt rè, Jamie với tay xuống, chìa ngón tay ra. Thằng bé nắm chặt ngón tay với cả hai bàn tay, bóp thật chặt. Nó khoẻ như một con bò mộng, Jamie nghĩ thầm. Ngay lúc ấy, mặt thằng bé bỗng thờ ra, anh ngữi thấy mùi chua chua. “Bà Talley !” Bà chồm dậy trên giường, đầy vẻ hoảng sợ. “Cái… cái gì vậy?”. “Thằng bé đang cần bà đấy. Bà bắt tôi phải làm tất cả mọi thứ trong nhà này hay sao?” Nói xong, Jamie oai vệ bước ra khỏi phòng. “David, anh có biết chút gì về trẻ sơ sinh không?” “Về phương diện nào, thưa ông?” David Blackwell hỏi. “À, anh biết đấy chứ? Chẳng hạn như chúng thích chơi những thứ gì, hay đại khái như vậy”. Cậu con trai người Mỹ này nói, “Tôi đoán rằng khi chúng còn rất nhỏ, chúng rất thích chơi lục lạc, thưa ông McGregor ạ”. “Anh hãy đi mua cho tôi chừng một chục cái”. “Thưa ông, vâng ạ”. Không cần đặt ra những câu hỏi không cần thiết. Jamie muốn như vậy. David Blackwell rồi đây sẽ tiến xa. Tối hôm ấy, Jamie về nhà với một cái gói nhỏ màu nâu, bà Talley nói, “Tôi muốn xin lỗi ông về việc tối hôm qua, thưa ông McGregor ạ. Tôi không biết vì sao mà tôi lại có thể ngủ say như thế được. Thằng bé ấy chắc đã khóc thét ghê gớm lắm cho nên ông mới nghe được đến tận phòng ông”. “Bà khỏi bận tâm về chuyện ấy”, Jamie nói với vẻ rộng lượng. “Chừng nào có bà hoặc tôi nghe là tốt rồi”. Anh đưa gói đồ cho bà Talley. “Đưa cái này cho thằng bé ấy. Đó là mấy cái lục lạc để nó chơi. Làm tù nhân suốt ngày trong cái cũi ấy chắc cũng không thích thú gì lắm đối với thằng bé ấy”. “Ồ, thưa ông. Nó không phải là tù nhân. Để tôi bồng nó ra… ". “Bà định bồng nó đi đâu?”. “Đi ra vườn thôi ạ. Ở đó, tôi có thể trông nom nó được”. Jamie nhăn mặt. “Đêm hôm qua, tôi thấy hình như nó không được khoẻ”. “Không khoẻ sao?”. “Không. Màu da của nó không được tốt lắm. Không nên để cho nó bị ốm trước khi mẹ nó đến đây nhận lại nó”. “Vâng. Dĩ nhiên rồi”. “Có lẽ tôi cần xem nó lại một lần nữa”. “Thưa ông, vâng ạ. Tôi đưa nó lại đây hay sao?”. “Phải”. “Tôi sẽ làm ngay lập tức, thưa ông ạ”. Ít phút sau, bà Talley trở lại, bồng đứa bé trên tay. Thằng bé đang cầm cái lục lạc màu xanh. “Tôi thấy da dẻ nó cũng tốt, chứ có hề gì đâu”. “Ừ, có lẽ tôi lầm. Bà đưa nó cho tôi”. Cẩn thận, bà đưa đứa bé ra cho Jamie. Anh bồng nó lên tay lần đầu tiên. Một cảm giác là lạ tuôn khắp người anh hoàn toàn do bất ngờ. Dường như thể bấy lâu nay anh đang mong mỏi giây phút này, sống cho giây phút này, mà anh không hề biết. Anh đang ôm trong vòng tay anh máu và da thịt của chính anh - đứa con trai của anh, Jamie McGregor con. Cần gì phải xây dựng một đế quốc, một triều đại bằng kim cương, vàng và đường sắt, nếu không có ai để anh truyền lại cho tất cả tài sản ấy. Mình thật là một thằng khờ! Jamie nghĩ thầm. Cho mãi đến lúc này, Jamie mới nhận ra được anh đang thiếu thốn những thứ gì. Nỗi thù hận đã làm anh mờ mắt. Nhìn xuống khuôn mặt xinh xắn, anh cảm thấy sự cứng rắn, ở một nơi nào đó sâu trong cốt lõi con người anh, vụt tan biến. “Chuyển cái cũi của thằng Jamie vào trong buồng tôi, bà Talley”. Ba ngày sau, khi Margaret xuất hiện trước cửa nhà Jamie, bà Talley nói, “ông McGregor hiện ở văn phòng, không có ở nhà, cô Van der Merwe ạ, nhưng ông ấy có dặn phải mời ông ấy về khi nào cô đến lấy thằng bé. Ông ấy muốn nói chuyện với cô”. Margaret ngồi chờ đợi trong phòng khách, ôm bé Jamie trong cánh tay. Nàng nhớ con kinh khủng. Nhiều lần, trong suốt tuần lễ ấy, nàng hầu như đã mất cả chí cương quyết, chỉ muốn nhảy xổ về Klipdrift, vì lo sợ có chuyện gì xảy ra cho đứa bé; nó có thể bị ốm hay gặp một tai nạn nào đó. Nhưng nàng tự buộc mình phải xa đứa trẻ, và kế hoạch này của nàng đã thành công. Bây giờ, cả ba người sẽ lại được đoàn tụ. Lúc Jamie bước vào trong phòng khách, Margaret một lần nữa cảm thấy một nỗi xúc cảm quen thuộc như đang dâng tràn ngập khắp thân thể. Lạy Chúa! Nàng nghĩ thầm, mình yêu chàng quá. “Chào cô, Maggie”. Nàng mỉm cười, một nụ cười ấm áp, sung sướng. “Chào anh, Jamie”. “Tôi cần có đứa con của tôi”. Trái tim của Margaret như reo lên. “Cố nhiên, anh cần đứa con của anh, Jamie ạ. Em không bao giờ dám nghi ngờ điều ấy”. “Tôi sẽ lo sao cho nó được nuôi nấng tử tế. Nó sẽ có được tất cả mọi lợi lộc mà tôi có thể đem lại cho nó, và dĩ nhiên, tôi cũng sẽ lo liệu sao cho cô cũng có cuộc sống đầy đủ”. Margaret nhìn anh với vẻ bối rối. “Em… em không hiểu”. “Tôi đã nói rằng tôi cần có đứa con của tôi”. “Tôi đã tưởng rằng… tôi muốn nói… anh và tôi sẽ…”. “Không. Tôi chỉ cần thằng bé mà thôi”. Margaret đột nhiên cảm thấy mình bị lăng nhục. “Tôi hiểu rồi. Vậy thì tôi sẽ không để cho anh giành nó khỏi tôi”. Jamie quan sát nàng trong một lát. “Được lắm, chúng ta sẽ có thể tìm ra một giải pháp dung hoà. Cô sẽ ở lại đây với thằng bé Jamie. Cô có thể là… là vú nuôi của nó”. Anh nhìn thẳng vào mặt nàng. “Cô thực sự muốn gì nào?”. “Tôi muốn con trai tôi có một cái tên”, nàng nói một cách giận dữ, “tên của cha nó”. “Được rồi, tôi sẽ nhận nó làm con nuôi”. Margaret nhìn anh với vẻ khinh bỉ, “Nhận con tôi làm con nuôi à? Ồ không đâu. Ông sẽ không lấy được đứa con của tôi đâu. Tôi cảm thấy thương hại cho ông, ông McGregor vĩ đại: Dù với tiền bạc và thế lực của ông, ông chẳng có gì hết, ông quả là đáng thương thật!” Jamie đứng sững, nhìn theo Margaret quay lưng lại rồi bước khỏi nhà, tay bồng thằng bé. Sáng hôm sau, Margaret sửa soạn đồ đạc để lên đường sang Mỹ. Jamie lúc nào cũng tự hào rằng mình là con người vẫn giữ được bình tĩnh dù có bị áp lực. Nhưng lúc này anh đi khắp nơi, la hét với tất cả mọi người anh thấy mặt. Văn phòng của anh lúc nào cũng ầm ĩ. Không có gì làm anh được hài lòng cả. Anh gầm thét, phàn nàn về tất cả mọi chuyện, không còn khả năng tự chủ được nữa. Anh đã mất ngủ luôn ba đêm. Anh vẫn không quên được câu chuyện giữa anh và Margaret vừa rồi. Con đàn bà khốn kiếp! Lẽ ra anh phải hiểu rằng cô ấy cố buộc anh phải lấy cô ta làm vợ. Thật là xảo quyệt, chẳng khác gì cha cô ấy! Anh vụng về trong cuộc điều đình ấy. Anh nói với cô ta anh sẽ chăm nom cho cô, nhưng anh đã nói không rõ ràng. Dĩ nhiên rồi. Tiền! Lẽ ra anh nên tặng cho cô ta một món tiền. Một nghìn bảng Anh - mười nghìn bảng - và có thể hơn thế nữa. “Tôi có nhiệm vụ tế nhị muốn giao cho anh” anh nói với David Blackwell. “Thưa ông, vâng ạ” “Tôi muốn anh nói chuyện với cô Van der Merwe và bảo với cô ấy rằng tôi sẽ cho cô ấy hai mươi nghìn bảng Anh. Cô ấy sẽ hiểu rằng tôi muốn có một sự trao đổi”. Jamie viết tấm ngân phiếu. Đã khá lâu rồi, anh đã hiểu được sự thu hút mãnh liệt của đồng tiền. “Đưa cái này cho cô ta”. Mười lăm phút sau, David trở về, trả lại tấm ngân phiếu cho Jamie. Tấm giấy ấy đã bị xé toạc làm đôi. Jamie cảm thấy mặt mình đỏ bừng lên. “Cảm ơn, David. Thế là đủ rồi”. Vậy ra Margaret muốn đòi tiền nhiều hơn nữa. Được lắm. Anh sẽ cho cô ta. Nhưng lần này thì anh sẽ tự tay giải quyết lấy… Vào xế trưa hôm ấy, Jamie đi đến nhà trọ của bà Owens. “Tôi muốn gặp cô Van der Merwe”, Jamie nói. “Tôi e rằng chuyện ấy khó thực hiện được”, bà Owens nói. “Cô ấy đang trên đường sang Mỹ”. Jamie cảm thấy như mình bị đấm một cú mạnh vào bụng. “Không thể được! Cô ấy đi vào lúc nào?” “Cô ấy cùng với thằng bé đã đáp chuyến xe đi Worcester vào lúc mười hai giờ trưa”. Chuyến tàu đỗ ở nhà ga Worcester đông nghẹt hành khách. Các ghế ngồi và lối đi trong toa đầy cả hành khách đi Cape Town, nói chuyện với nhau ồn ào. Họ là những nhà buôn, những nhà nội trợ, những người bán hàng, người đi tìm mỏ, người “Kaffir”, binh lính và thuỷ thủ trở về lại nơi làm việc. Đa số những người ấy đều đi tàu hoả lần đầu tiên, nên không khí giữa các hành khách có vẻ như ngày hội. Margaret tìm được một chỗ ngồi gần cửa sổ, để cho Jamie khỏi bị đè bẹp bởi đám đông. Nàng ngồi ôm đứa bé trong lòng, không cần biết gì đến mọi sự xung quanh, và suy nghĩ đến một cuộc đời mới đang chờ đợi nàng trước mặt. Cuộc đời ấy có lẽ không dễ dàng gì. Dù đi đến đâu, nàng cũng là người đàn bà không chồng mà có con, một tội lỗi đối với xã hội. Nhưng nàng sẽ tìm một cách nào đó để đảm bảo cho con trai một cuộc sống đàng hoàng, tử tế. Nàng nghe người soát vé gọi to, “Mời hành khách lên xe!”. Nàng ngước mắt nhìn lên, chợt thấy Jamie đang đứng trước mặt. “Gom tất cả hành lý lại. Cô sẽ phải rời khỏi tàu ngay”, anh ra lệnh. Anh ấy tưởng có thể mua được mình, nàng thầm nghĩ. “Thế lần này, ông định đề nghị bao nhiêu tiền?” Jamie nhìn xuống đứa con trai, đang ngủ yên trên cánh tay Margaret. “Tôi đề nghị sẽ cưới cô”. Chú thích: (1): Job: tên một nhân vật trong Cựu ước, đã từng chịu nhiều đau khổ nhưng vẫn không mất đức tin vào Thượng đế. Chương 09 Họ cưới nhau ba ngày sau trong một cuộc lễ ngắn, tổ chức riêng tư, với nhân chứng duy nhất là David Blackwell. Trong lễ cuới này, Jamie McGregor thấy trong lòng tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn. Anh là một con người quen khống chế, vận dụng kẻ khác, nhưng lúc này chính anh là kẻ bị vận dụng. Anh liếc mắt nhìn sang Margaret. Đứng bên cạnh anh, nàng trông khá xinh đẹp. Anh nhớ lại thái độ đam mê, buông lỏng của nàng, nhưng đó chỉ là một kỉ niệm, không hơn không kém, không nồng nhiệt hay cảm xúc. Anh đã sử dụng Margaret như một công cụ trả thù, nhưng nàng đã sinh cho anh một đứa con thừa kế. Ông mục sư nói, “Bây giờ, ta tuyên bố các ngươi là vợ và chồng. Ngươi có thể hôn cô dâu đi”. Jamie vươn người ra phía trước, hôn phớt qua trên má Margaret. “Chúng ta về nhà nào”, Jamie nói. Con trai anh đang chờ anh. Khi hai người về đến nhà, Jamie đưa Margaret đến một phòng ngủ ở một trong các chái nhà. “Đây là phòng ngủ của bà”. “À, ra thế”. “Tôi sẽ thuê một người quản gia khác, và giao cho bà Talley trông nom Jamie. Nếu bà cần thứ gì cứ bảo David Blackwell”. Margaret cảm thấy như bị giáng một cái đánh. Anh ấy coi nàng như một gia nhân. Nhưng điều đó không quan trọng. Con mình đã có một cái tên. Đối với mình như thế là đủ rồi. Jamie không trở về nhà ăn cơm. Margaret ngồi đợi anh, nhưng cuối cùng phải ăn một mình. Đêm hôm ấy nàng nằm thao thức trên giường, lắng nghe từng tiếng động. Đến bốn giờ sáng, cuối cùng nàng ngủ lúc nào không hay. Ý nghĩ cuối cùng của nàng là tự hỏi không biết Jamie đã chọn người nào trong số các cô gái ở nhà bà Agnès. Nếu mối liên hệ giữa Margaret và Jamie không hề thay đổi sau ngày cưới thì mối tương quan giữa nàng và dân thị trấn Klipdrift đã trải qua một sự biến đổi kỳ lạ. Chỉ thoáng một cái, từ một kẻ bị ruồng bỏ, nàng trở thành một nhân vật có quyền ở Klipdrift. Đa số người dân trong thị trấn tuỳ thuộc bằng cách này hay cách khác vào Jamie McGregor và Công ty Hữu hạn Kruger Brent. Họ nghĩ rằng nếu Margaret van der Merwe đã được Jamie McGregor lựa chọn thì hẳn nàng cũng đáng được kính nể đối với họ. Bây giờ, mỗi khi Margaret bồng bé Jamie ra ngoài chơi thì nàng bắt gặp những nụ cười, nhưng lời chào hỏi vui vẻ. Các giấy mời bắt đầu tuôn đến. Nàng được mời tham dự những tiệc trà, những bữa ăn trưa và tối, giúp các hội từ thiện và buộc phải đứng đầu các uỷ ban công dân vụ. Khi nàng làm tóc theo một kiểu khác thường nào đó thì hàng chục các bà, các cô trong thị trấn đều cố bắt chước theo. Nàng mua một chiếc áo dài mới màu vàng, thế là những chiếc áo màu vàng đột nhiên trở thành phổ biến. Margaret cư xử đối với những cử chỉ xu nịnh của họ cũng giống như trước kia nàng đối xử với thái độ thù nghịch của họ, nghĩa là bằng một thái độ đoan trang, bình tĩnh. Jamie chỉ trở về nhà để chơi với con trai. Thái độ của anh đối với Margaret vẫn xa vời, lễ độ. Mỗi buổi sáng vào lúc điểm tâm, nàng đóng vai trò một bà vợ hạnh phúc để che mắt các gia nhân, bất kể đến thái độ thờ ơ, lạnh lùng của người đàn ông ngồi đối diện với nàng ở bàn ăn. Nhưng khi Jamie đã đi rồi và nàng có thể thoát ra để trở về phòng, nàng vẫn thường bị ướt đẫm mồ hôi. Nàng căm ghét chính bản thân mình. Lòng tự trọng của nàng để ở đâu? Ấy chỉ vì nàng biết nàng còn yêu Jamie. Mình sẽ luôn luôn yêu anh ấy. Lạy Chúa. Người hãy giúp đỡ cho con. Jamie ở lại Cape Town trong ba ngày để lo toan công việc. Khi anh vừa ra khỏi khách sạn Hoàng gia, một người đánh xe mặc chế phục hỏi, “Thưa ông dùng xe chứ ạ?”. “Không”, Jamie nói, “Tôi đi bộ”. “Banda nghĩ rằng có lẽ ông muốn đi xe”. Jamie dừng lại, nhìn chằm chằm vào người ấy. “Banda?”. “Vâng, đúng vậy. Thưa ông McGregor”. Jamie bước lên chiếc xe ngựa. Người đánh xe quất mạnh cây roi, họ bắt đầu lên đường. Jamie ngả người trên chiếc ghế, suy nghĩ về Banda, về lòng can đảm của anh ta và tình bạn giữa hai người. Trong hai năm qua, anh đã cố gắng nhiều lần tìm Banda, nhưng không có kết quả. Bây giờ anh đang lên đường để gặp người bạn cũ. Người đánh xe bẻ quặt chiếc xe về phía bến tàu. Ngay lập tức, Jamie biết rằng họ đang đi đến đâu. Mười lăm phút sau, chiếc xe dừng lại trước nhà kho vắng vẻ, nơi Jamie và Banda đã có lần cùng bàn tính với nhau về cuộc phiêu lưu vào sa mạc Namib. Lúc ấy chúng mình là những thằng trai quá ư liều lĩnh, anh nghĩ thầm. Anh bước ra khỏi xe, tiến lại gần nhà kho. Banda đang chờ đợi anh ở đó. Anh ấy trông vẫn hệt như xưa kia, chỉ có khác bây giờ anh mặc một bộ “com-plê” chỉnh tề, với sơ mi và cà vạt. Hai người đứng ở đó, lặng lẽ nhe răng cười với nhau, rồi họ ôm choàng lấy nhau. “Trông anh có vẻ làm ăn thịnh vượng lắm nhỉ”, Jamie nói. Banda gật đầu. “Tôi làm ăn cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi đã mua nông trại như tôi có lần nói với anh đấy. Tôi đã có vợ và hai đứa con trai. Tôi trồng lúa mạch và nuôi đà điểu”. “Đà điểu?” “Lông đà điểu đem lại rất nhiều tiền”. “À, tôi muốn gặp gia đình anh, Banda ạ”. Jamie nghĩ đến gia đình anh ở Tô Cách Lan, và anh cảm thấy rất nhớ nhà. Anh đã xa nhà được bốn năm rồi. “Bấy lâu nay tôi vẫn tìm anh”. “Tôi bận lắm, Jamie ạ”. Banda xích lại gần hơn. “Tôi cần phải gặp anh để báo trước cho anh một chuyện. Anh sắp sửa gặp rắc rối đấy”. Jamie nhìn kỹ Banda. “Rắc rối về chuyện gì?” “Tên phụ trách mỏ Namib - Hans Zimmermans - là một tên xấu. Bọn công nhân ghét hắn lắm. Họ đang bàn với nhau sẽ bỏ đi. Nếu họ làm như vậy, bọn bảo vệ sẽ cố ngăn chặn họ lại, và như thế sẽ có nổi loạn”. Jamie vẫn nhìn Banda không rời mắt. “Anh có còn nhớ tôi đã có lần tôi nói với anh về một người tên là John Tengo Javabu không?” “Có. Anh ta là một lãnh tụ chính trị. Tôi có đọc những bài viết về anh ta. Anh ta đang quấy động, làm nổ ra một “donderstorm” (cơn bão táp)”. “Tôi là một trong những người theo ông ta”. Jamie gật đầu. “Tôi hiểu. Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết”. Jamie hứa. “Tốt lắm. Anh đã trở thành một trong những người có thế lực, Jamie ạ. Tôi mừng cho anh”. “Cảm ơn anh, Banda”. “Anh lại có một đứa con trai rất kháu khỉnh nữa”. Jamie không dấu nỗi ngạc nhiên. “Làm sao anh biết được điều ấy?” “Tôi vẫn thích theo dõi các bạn bè”. Banda đứng dậy. “Tôi phải đi họp bây giờ đây, Jamie ạ. Tôi sẽ bảo với họ rằng mọi việc sẽ được giải quyết và sửa chữa ở Namib”. “Phải. Tôi sẽ lo chuyện ấy”. Jamie bước theo người da đen to lớn ra đến cửa. “Khi nào chúng ta sẽ gặp nhau lại?” Banda mỉm cười. “Tôi sẽ quanh quẩn bên anh mà. Anh không thể dứt khỏi tôi dễ dàng như vậy đâu”. Nói xong, Banda bỏ đi. Khi Jamie trở lại Klipdrift, anh cho gọi ngay David Blackwell đến. “Có vụ lộn xộn nào xảy ra ở Namib không, David?” “Không, thưa ông McGregor”. Anh ta do dự một lát rồi nói tiếp, “Nhưng tôi có nghe đồn rằng có thể có lộn xộn ở đó”. “Viên giám thị ở đó là Hans Zimmerman. Anh hãy điều tra xem có phải hắn đã ngược đãi công nhân hay không. Nếu đúng như vậy, anh hãy ngăn chặn nó ngay. Tôi muốn anh đích thân đến nơi ấy xem xét”. “Tôi sẽ đi đến đó vào sáng mai”. Khi David đến mỏ kim cương ở Namib, anh bỏ ra hai giờ đồng hồ nói chuyện bình tĩnh với các công nhân và bọn bảo vệ. Những gì anh nghe được đã khiến anh giận sục sôi lên trong lòng. Khi đã nắm vững được những gì cần biết, anh đến gặp Hans Zimmerman. Hans Zimmerman là một tên khổng lồ Goliath. Hắn nặng trên một trăm kí, cao chừng hai thước. Hắn có một cái mặt heo lúc nào cũng đẫm mồ hôi, đôi mắt có những tia máu đỏ, nhưng hắn là một trong những người dễ lôi cuốn nhất mà David Blackwell chưa từng thấy. Hắn là một tên giám thị làm việc rất có hiệu quả cho công ty Kruger Brent. Hắn đang ở bàn viết trong một văn phòng nhỏ, thân hình phì nộn của hắn có vẻ làm cho căn phòng bé nhỏ hẳn lại. Ngay lúc ấy, David Blackwell bước vào. Zimmerman đứng dậy, bắt tay David. “Rất hân hạnh được gặp ông, ông Blackwell ạ. Đáng lẽ ông nên cho chúng tôi biết ông sẽ đến, như vậy mới phải”. David tin chắc rằng hắn đã được nghe tin về cuộc thăm viếng của anh rồi. “Ông dùng uýt ki nhé?”. “Không, cảm ơn”. Zimmerman tựa người vào lưng ghế, nhe răng cười. “Ông cần gì tôi vậy? Chúng tôi đã đào được khá nhiều kim cương, như vậy chắc ông chủ vừa lòng rồi chứ gì?”. Cả hai biết rằng việc sản xuất kim cương ở Namib đã tiến hành rất tốt. “Tôi bắt bọn Kaffir làm việc nhiều hơn bất cứ một ai khác trong công ty này”. “Chúng tôi nghe được nhiều lời kêu ca về các điều kiện làm việc ở đây”, David nói. Nụ cười tắt hẳn trên mặt Zimmerman. “Kêu ca như thế nào?”. “Họ bảo rằng công nhân ở đây bị đối xử tàn tệ, và… ". Zimmerman nhẩy chồm dậy, cử động với vẻ lạnh lẹ khác thường. Mặt hắn đỏ bừng lên vì giận dữ. “Chúng không phải là công nhân. Chúng là Kaffirs. Các ông ngồi chễm chệ ở trụ sở chính làm sao có thể… ". “Nghe tôi nói đây này”, David nói, “Không có… ". “Chính ông mới phải nghe tôi nói! Tôi sản xuất ra nhiều kim cương hơn bất kỳ ai khác trong công ty, nhưng ông biết tại sao không? Ấy là bởi vì tôi đã làm cho bọn chó đẻ ấy phải biết sợ Thượng đế”. “Ở các mỏ khác”, David nói, “Chúng tôi trả năm mươi chín shillings một tháng và nuôi ăn ở. Ông chỉ trả cho công nhân ở đây năm mươi shillings mà thôi”. “Vậy ra ông phàn nàn vì tôi đã làm lợi cho các ông. Điều đáng kể duy nhất là lợi nhuận”. “Ông McGregor không đồng ý như vậy”. David đáp. “Hãy tăng lương cho họ”. Zimmerman nói với vẻ cáu kỉnh. “Được rồi. Đó là tiền của ông chủ”. “Tôi nghe nói có nhiều vụ đánh đập công nhân xảy ra ở đây”. Zimmerman hứ một tiếng. “Lạy Chúa, bọn dân bản xứ có bao giờ biết đau đâu, thưa ông. Da chúng nó dày lắm, nên dù có quất roi túi bụi lên người, chúng cũng chẳng cảm thấy gì. Chỉ làm cho chúng sợ thôi”. “Vậy thì chính ông đã làm cho ba công nhân sợ đến chết đó, ông Zimmerman ạ”. Zimmerman nhún vai, “Ở xứ sở của chúng, chúng còn chết nhiều hơn”. Thật là một con vật khát máu, David nghĩ thầm. Lại rất nguy hiểm nữa! Anh nhìn lên tên giám thị to lớn và nói, “Nếu có nhiều rắc rối thêm nữa ở đây, ông sẽ bị thay thế đấy”. Anh đứng phắt dậy, “Từ nay ông phải đối đãi với họ như những con người. Phải chấm dứt mọi sự trừng phạt ngay tức khắc. Tôi đã xem xét các nơi ăn ở của họ. Đó là những chuồng lợn. Ông phải quét dọn sạch sẽ ngay”. Hans Zimmerman nhìn anh trừng trừng, cố nén cơn giận dữ. Cuối cùng hắn mới thốt ra lời. “Còn gì nữa không?”. “Còn. Tôi sẽ trở lại đây trong vòng ba tháng nữa. Nếu tôi không được hài lòng về những gì tôi thấy được, ông nên tìm cho ông một công việc nào đó tại một công ty khác. Chào ông.” David quay người lại, bước ra khỏi phòng. Hans Zimmerman đứng tại chỗ một lúc lâu, cảm thấy nỗi tức giận sục sôi trong lòng. Bọn khùng điên! Bọn “uitlanders” (1). Zimmerman là một người Boer. Cha hắn cũng là người Boer. Đất đai này thuộc về họ, và Chúa đã sinh ra người da đen để phục vụ cho họ. Ví thử như Chúa muốn bọn chúng được đối xử như những con người thì Người đã không làm cho da chúng phải là màu đen. Jamie McGregor không hiểu được điều đó. Nhưng ai còn có thể mong đợi gì được ở một người “uitlander”, một kẻ yêu dân bản xứ? Hans Zimmerman biết rằng hắn phải cẩn thận hơn chút nữa từ rày về sau. Nhưng hắn sẽ tỏ cho bọn chúng biết ai là người có trách nhiệm ở Namib. Công ty Kruger Brent vẫn tiếp tục phát triển, và Jamie McGregor thường đi vắng luôn luôn. Anh mua một xưởng làm giấy ở Canada và một xưởng đóng tàu ở Australia. Khi có mặt ở nhà, anh chỉ chơi với con trai. Thằng bé mỗi ngày lại càng giống cha nó. Jamie cảm thấy hãnh diện quá chừng về đứa con trai anh. Anh muốn đem nó đi theo trong những cuộc hành trình lâu dài, nhưng Margaret không chịu để cho nó đi. “Nó còn nhỏ quá, không thể đi xa được. Khi nào nó lớn hơn nữa, nó có thể đi với anh. Nếu anh muốn gần nó, anh có thể thăm nó ở đây”. Con trai anh đã trải qua ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ nhất, rồi thứ hai mà Jamie không ngờ đến. Anh ngạc nhiên thấy thời gian đi quá nhanh. Lúc ấy là vào năm 1887… Đối với Margaret, hai năm qua kéo dài lê thê. Mỗi tuần lễ một lần, Jamie mời khách khứa đến nhà ăn cơm, và trong những bữa ăn ấy, Margaret đóng vai một bà chủ nhà duyên dáng. Những người đàn ông khác cho rằng nàng là một người đàn bà thông minh, dí dỏm, và đều thích nói chuyện với nàng. Nàng biết nhiều người trong bọn họ thấy nàng rất hấp dẫn, nhưng cố nhiên họ không bao giờ dám tấn công công khai, vì nàng là vợ của Jamie McGregor. Khi người khách cuối cùng đã ra về, Margaret hỏi chồng, “Anh thấy buổi tối vừa rồi có tốt đẹp không?”. Jamie vẫn đưa câu trả lời giống như mọi lần, “Tốt. Chúc bà ngủ ngon”, rồi bỏ đi để tạt qua thăm bé Jamie. Ít phút sau, Margaret nghe tiếng cửa trước đóng lại, khi Jamie rời khỏi nhà. Đêm này qua đêm khác, Margaret thao thức nằm trên giường, nghĩ đến cuộc đời nàng. Nàng biết rằng nhiều người đàn bà trong thị trấn thèm muốn được như nàng. Điều này khiến nàng đau đớn, vì nàng biết rằng nàng chẳng có gì đáng thèm muốn, ao ước cả. Nàng sống cho đến lúc tàn cuộc đời trong một thứ trò chơi đố với một người chồng đối xử với nàng tệ hơn là một kẻ xa lạ. Giá như chàng để ý đến nàng thì không biết sẽ ra sao! Nàng tự hỏi không biết chàng sẽ làm gì, nếu một buổi sáng nào đó, vào giờ ăn điểm tâm, nàng nhấc bát cháo yến mạch, đặc biệt nhập từ cảng Tô Cách Lan, rồi dội lên cái đầu ngu xuẩn của anh ta. Nàng tưởng tượng thấy cái vẻ mặt của anh ta lúc ấy, và ý tưởng ngộ nghĩnh này khiến nàng bật cười lên, rồi tiếng cười ấy biến thành tiếng nức nở như xé ruột gan. Mình không muốn yêu anh ấy nữa. Mình không muốn. Mình sẽ ngăn chặn bằng cách nào đó, trước khi mình bị huỷ hoại… Vào năm 1880, Klipdrift đã đạt đến mức sống mà Jamie vẫn hằng mong đợi. Chỉ trong bảy năm anh sống ở đấy, nó đã trở thành một thị trấn phát triển về đủ mọi mặt, với những người thăm dò mỏ tuôn đến đây từ mọi nơi trên thế giới. Cũng vẫn là câu chuyện xưa cũ. Họ đến đây bằng tàu hoả, xe ngựa hay đi bộ. Lúc mới đến, họ chẳng có gì cả, ngoài những bộ quần áo rách rưới mặc trên người. Họ cần có thực phẩm, đồ trang bị, nơi trú ngụ và tiền bạc làm vốn liếng. Jamie có sẵn ở đó để cung cấp cho họ mọi thứ. Anh đã có cổ phần của anh trong hàng chục mỏ kim cương và vàng, danh tiếng, tên tuổi của anh mỗi lúc mỗi tăng lên. Một buổi sáng nọ, anh đang tiếp một viên luật sư đại diện cho hãng De Beers, một tổ hợp khổng lồ kiểm soát nhiều mỏ kim cương rất lớn ở Kimberley. “Ông cần tôi có chuyện gì?”, Jamie hỏi. “Tôi được tổ hợp gửi đến đây để đưa ra với ông một đề nghị, ông McGregor ạ. Hãng De Beers muốn mua hết tài sản của ông. Ông cho giá đi”. Thật là những giây phút điên đầu. Jamie cười chế nhạo và nói. “Ông cứ đưa giá của các ông đi”. David Blackwell trở thành mỗi lúc thêm quan trọng đối với Jamie. Anh trông thấy ở người Mỹ trẻ tuổi này tất cả hình ảnh của anh xưa kia. Đó là một chàng trai tính tình ngay thật, thông minh và trung thành. Jamie đã dung David làm thư kí riêng của anh, sau đó là phụ tá riêng, và cuối cùng, chàng trai hai mươi mốt tuổi ấy trở thành một Tổng giám đốc của anh. Đối với David Blackwell, Jamie là một người cha nuôi. Khi cha ruột của David bị một cơn đau tim, chính Jamie đã xếp đặt cho ông ta vào bệnh viện, và trả mọi phí tổn thuốc thang, và khi ông ta qua đời, Jamie cũng là người lo toan tất cả mọi công việc chôn cất. Trong năm năm làm việc với hãng Kruger - Brent, David thấy thán phục Jamie hơn bất cứ một người nào khác anh đã từng quen biết. Anh biết rõ vần đề rắc rối giữa Jamie và Margaret, và rất lấy làm tiếc, bởi vì anh yêu mến cả hai người. Nhưng David tự nhủ, “Đó không phải là công việc của mình. Công việc của mình là giúp đỡ Jamie bằng mọi cách trong phạm vi khả năng của mình”. Jamie bỏ ra mỗi lúc mỗi nhiều thì giờ hơn với đứa con trai của anh. Đứa bé ấy bây giờ đã năm tuổi, và sau lần đầu tiên Jamie đưa nó đi thăm mỏ, nó không nói về vấn đề nào khác ngoài chuyện ấy. Hai bố con cũng đi cắm trại ngoài trời với nhau, và ngủ dưới một chiếc lều vải dưới bầu trời đầy sao. Jamie quen thuộc với bầu trời ở Tô Cách Lan, nơi các vì sao biết các vị trí đúng đắn của chúng trên vòm trời. Ở đây, tại Nam Phi này, các chòm sao như lẫn lộn cả. Vào tháng Giêng, sao Canopus (2) chiếu chói lọi trên đỉnh đầu; vào tháng Năm, sao Thập tự phương Nam gần lên đến tột đỉnh. Tháng Sáu là mùa Đông ở Nam Phi, và lúc ấy sao Bò cạp chiếu rạng rỡ trên bầu trời. Thật là rắc rối khó hiểu. Thế nhưng, Jamie vẫn có một cảm giác rất đặc biệt mỗi khi anh nằm trên mặt đất ấm áp, nhìn lên bầu trời không có thời gian, với đứa con trai ở bên cạnh, và biết rằng mình cũng là một thành phần của sự vĩnh cửu giống như vậy. Hai bố con thức dậy lúc bình minh, bắn các loại chim rừng để làm thức ăn. Bé Jamie có một con ngựa con riêng, và hai bố con cùng cưỡi ngựa dọc theo thảo nguyên, cẩn thận tránh những hố sâu chừng hai thước do những con gấu ăn kiến đào lên. Những hố này sâu đến nỗi cả người lẫn ngựa có thể lọt xuống đó, còn những hố nhỏ do loại mèo rừng đào lên. Trong thảo nguyên cũng có thể gặp nguy hiểm. Trong một buổi đi chơi Jamie và con trai cắm trại ở một lòng sông, và suýt bị giết bởi một đàn linh dương di cư. Dấu hiệu đầu tiên báo trước mối nguy hiểm là một đám mây bụi lờ mờ ở chân trời. Những con thỏ, chó rừng, mèo rừng chạy vụt ngang qua, và những con rắn lớn vọt ra khỏi các bụi cây để tìm nơi ẩn nấp dưới các hốc đá. Jamie nhìn về phía chân trời một lần nữa. Đám mây bụi tiến lại gần hơn. “Chúng ta hãy ra khỏi nơi này”, Jamie nói. “Lều của chúng ta…” “Để mặc nó ở đó !”. Hai người vội vã nhảy lên ngựa, hướng về phía đỉnh đồi cao. Họ nghe tiếng chân của đàn linh dương đập rồn rập như tiếng trống, rồi thấy toán linh dương đi đầu, chạy theo một hành dài đến ít nhất là ba dặm. Có đến trên nửa triệu con, quét sạch tất cả mọi thứ trên đường đi của chúng. Cây bị xô ngã xuống, các bụi cây bị xé vụn ra, và tiếp theo sau đợt thuỷ triều tàn nhẫn ấy là xác hàng trăm con vật bé nhỏ. Thỏ, rắn, chó rừng và gà tây đều bị đè bẹp dưới chân của đàn linh dương khủng khiếp ấy. Không khí tràn ngập bụi mù và tiếng gầm thét ran lên như sấm, và khi cảnh tượng này chấm dứt, Jamie ước lượng rằng nó kéo dài trên ba giờ đồng hồ. Vào ngày sinh nhật thứ sáu của bé Jamie, cha nó nói, “Bố sẽ đem con đi Cape Town tuần sau để cho con thấy một thành phố thực sự nó như thế nào”. “Mẹ có thể nào đi với chúng ta được không, bố?”, bé Jamie hỏi. “Mẹ không thích săn bắn, nhưng mẹ thích các thành phố”. Cha nó xoa đầu nó và nói. “Mẹ con bận ở đây, con ạ. Chỉ có hai cha con mình đi thôi, được không?” Thằng bé thắc mắc và lấy làm khó chịu vì mẹ nó và cha nó có vẻ xa cách nhau quá, nhưng lúc ấy nó chưa hiểu được vì sao. Hai cha con thực hiện cuộc hành trình ấy bằng toa xe riêng của họ. Vào năm 1891, xe hoả đã trở thành một phương tiện giao thông vượt trội hơn cả ở Nam Phi, vì nó rẻ tiền, thuận tiện và nhanh chóng. Toa xe riêng mà Jamie đã đặt đóng để anh sử dụng là một toa xe hoả dài trên hai mươi ba mét, và có bốn phòng ngủ đóng ván, có thể chứa mười hai người, một phòng khách có thể sử dụng như phòng làm việc, một phòng ăn, một phòng tắm, và một cái bếp trang bị đầy đủ. Các phòng ngủ có giường đồng, đèn khí và những cửa sổ rộng. “Tất cả hành khách ở đâu, hở bố?” Thằng bé hỏi. Jamie cười to, “Chúng ta là tất cả hành khách rồi. Đây là chiếc tàu hoả của riêng chúng ta, con ạ”. Bé Jamie nhìn qua khung cửa sổ hầu như suốt chặng đường, ngạc nhiên trước những khoảng đất vô tận chạy vun vút ngang qua trước mặt. “Đây là đất của Chúa”, cha nó nói, “Người đã rải đầy ra ở đó các thứ khoáng sản quý giá cho chúng ta. Tất cả những thứ ấy đều nằm trong lòng đất, chờ đợi được phát hiện ra. Những gì đã tìm được cho đến nay chỉ mới là bước đầu thôi, Jamie ạ”. Khi đến Cape Town, bé Jamie khiếp hãi trước những đám đông và toà nhà đồ sộ. Jamie dắt con đi thăm Công ty Chuyên chở Đường bể McGregor, rồi chỉ cho nó thấy hàng chục chiếc tàu đang bốc dỡ hàng ở bến tàu. “Con có thấy các chiếc tàu kia không? Chúng thuộc về cha con mình đấy”. Khi trở về Klipdrift, bé Jamie nói huyên thuyên về những gì nó đã trông thấy. “Bố làm chủ cả thành phố!” thằng bé kêu lên. “Chắc mẹ phải thích lắm. Lần sau mẹ sẽ thấy”. Margaret kéo con vào lòng, nói, “Phải, con yêu quý ạ”. Jamie vắng nhà nhiều đêm. Margaret biết rằng anh đang ở tại nhà bà Agnès. Nàng có nghe nói anh đã mua một ngôi nhà cho một trong các cô gái ở đó để anh có thể thăm viếng cô ta một cách riêng tư. Nàng không có cách nào biết được điều đó có thực hay không. Margaret chỉ biết rằng, dù cô ấy là ai, nàng cũng muốn giết cô ta. Để giữ cho tâm trí nàng được ôn hoà, lành mạnh, Margaret tự buộc mình phải chú tâm đến những hoạt động trong thị trấn. Nàng gây quỹ để xây dựng một ngôi nhà thờ mới, và khởi sự một chương trình giúp đỡ gia đình của những người thăm dò mỏ đang trong cơn túng quẫn. Nàng yêu cầu Jamie sử dụng một trong các toa xe của anh để chuyên chở miễn phí cho những người đi tìm mỏ trở về Cape Town sau khi đã cạn hết tiền bạc và hi vọng. “Bà yêu cầu tôi ném tiền qua cửa sổ”, anh gầm lên. “Họ đi bộ đến đây thì cứ để họ đi bộ trở về như lúc mới đến”. “Họ không có điều kiện để đi bộ nữa”, Margaret cãi lại. “Và nếu họ ở lại đây thì thị trấn sẽ nuôi ăn, nuôi mặc cho họ”. “Thôi được rồi”, Jamie cuối cùng càu nhàu. “Nhưng đó là một ý tưởng điên rồ !”. “Cảm ơn, anh Jamie”. Anh nhìn theo Margaret bước ra khỏi văn phòng, và bất đắc dĩ anh phải cảm thấy một chút hãnh diện nào đó về nàng. Với một kẻ nào đó, hẳn nàng sẽ là một người vợ rất tốt, Jamie nghĩ thầm. Tên người đàn bà mà Jamie đã cho ở tại ngôi nhà riêng ấy là Maggie, một cô gái điếm xinh đẹp đã có lần ngồi bên cạnh Margaret vào buổi tặng quà cho đứa bé mới sinh. Thật là mỉa mai, Jamie nghĩ thầm trong bụng, cô gái ấy lại mang cùng tên với vợ anh (3). Hai người chẳng có gì giống nhau cả. Cô Maggie này là một cô gái tóc hoe, hai mươi mốt tuổi, với khuôn mặt khoẻ mạnh và thân hình nảy nở - một con cọp cái lúc ân ái. Jamie đã trả cho bà Agnès rất hậu hĩnh để lấy cô gái này, và đã trả cho Maggie một số tiền trợ cấp rộng rãi. Jamie rất kín đáo khi anh đến thăm ngôi nhà nhỏ ấy. Những cuộc viếng thăm này hầu như luôn luôn vào ban đêm, và như vậy, anh tin chắc rằng không bị ai dòm ngó. Thật ra, có rất nhiều người dòm ngó anh, nhưng không một ai dám bàn tán về chuyện ấy. Đây là thị trấn của McGregor, nên anh có quyền làm bất cứ thứ gì anh muốn. Vào một buổi tối đặc biệt hôm ấy, Jamie không thấy vui thú gì lắm. Anh đã đi đến nơi này, trong lòng hí hửng, nhưng Maggie lại ở trong một tâm trạng cáu kỉnh. Nàng nằm dài trên chiếc giường lớn, trong chiếc áo choàng màu hồng hở hang, “Tôi chán cái cảnh bị nhốt trong cái nhà khốn kiếp này rồi”, nàng nói. “Như thể tôi là một tên nô lệ hày một cái gì đó. Ít nhất ở nhà bà Agnès, lúc nào cũng có một cái gì đó thay đổi. Tại sao mỗi khi đi nơi này nơi kia anh lại không cho tôi đi theo?” “Anh đã giải thích với em rồi mà, Maggie. Anh không thể…”. Nàng chổm dậy khỏi giường, đứng trước mặt anh ra vẻ thách thức, chiếc áo choàng mở tung ra. “Đồ phân ngựa! Anh đem con trai anh đi khắp mọi nơi. Tôi không được bằng con trai anh hay sao?” “Không”, Jamie nói với một vẻ bình tĩnh sợ. “Cô không thể bằng con trai tôi được”. Anh bước đến quầy rượu, rót một ly rượu mạnh cho mình. Đây là ly thứ tư - anh uống nhiều hơn thường lệ. “Tôi không ra cái quái gì đối với anh cả”, Maggie hét lên. “Tôi chỉ là một miếng mông đít mà thôi”. Nàng ngả đầu ra phía sau, cười chế nhạo, “Đúng là một anh chàng “Scotchman” vĩ đại và đạo đức !”. “Scot - chứ không phải là “Scotchman” (4)”. “Vì Chúa, tôi xin anh đừng chỉ trích tôi nữa. Tất cả những gì tôi làm đều chẳng hay hớm gì cả. Thế anh tưởng anh là cái quái gì? Là bố của tôi hả”. Jamie nghe thế đã quá đủ rồi. “Cô có thể trở về với bà Agnès sáng mai. Tôi sẽ báo cho bà ấy biết rằng cô sẽ trở về đó”. Anh nhặt lấy mũ, bước ra khỏi cửa. “Anh không thể dứt bỏ tôi như vậy được, đồ chó đẻ”. Nàng đi theo anh, điên cuồng, giận dữ. Jamie dừng lại ở cửa. “Tôi làm như thế thật đấy”. Nói xong, anh biến vào bóng tối. Anh ngạc nhiên khi thấy mình bước đi loạng choạng. Trí óc anh rối mù. Có lẽ vì anh đã uống quá bốn ly rượu mạnh. Không hẳn thế. Anh nghĩ đến thân hình trần truồng của Maggie trên giường đêm hôm ấy. Nàng đã phô trương thân hình, đùa rỡn với anh, rồi co rụt lại. Nàng đùa với anh, mơn trớn anh, đưa cái lưỡi mềm của nàng lên khắp thân hình anh, làm cho người anh sục sôi lên. Thế rồi nàng bắt đầu chống lại anh, làm cho người anh nóng rực lên mà không được thoả mãn. Về đến nhà, anh đi ngang qua hành lang trước nhà, và khi sắp sửa trở về phòng mình, anh đi ngang qua căn phòng đóng cửa kín của Margaret. Ở đó có đèn chiếu sáng từ dưới cánh cửa. Đột nhiên Jamie tưởng tượng lúc ấy Margaret đang nằm trên giường, mặc chiếc áo choàng mỏng dính, hay có lẽ không mặc gì cả. Anh nhớ đến thân hình đầy đặn của nàng quằn quại bên dưới anh dưới bóng cây bên bờ sông Orange. Hướng dẫn bởi chất rượu trong người, anh mở cửa phòng Maragret, rồi bước vào. Nàng đang nằm đọc sách bên cạnh ngọn đèn dầu. Nàng ngẩng mặt lên, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Jamie… có chuyện gì không hay chăng?”. “Không hay vì tôi muốn đến thăm bà vợ của tôi một chút hay sao?” Tiếng nói của anh lắp bắp. Nàng mặc một chiếc áo mỏng dính, lộ rõ thân hình bên dưới tấm vải trong suốt. Lạy Chúa, nàng có một thân hình đẹp tuyệt trần. Anh bắt đầu cởi quần áo ra. Margaret nhẩy chồm ra khỏi giường, cặp mắt mở to. “Anh định làm cái gì vậy?”. Jamie đá cánh cửa cho nó sập lại sau lưng, rồi bước đến gần nàng. Chỉ trong chốc lát, anh vật ngã nàng xuống giường, rồi nằm xuống bên cạnh. “Lạy Chúa, anh muốn… em, Maggie ạ”. Trong lúc mơ mơ màng màng vì men rượu, anh không biết anh đang muốn cô Maggie nào. Nàng đã giãy giụa dữ dội. Phải, đây là con mèo rừng bé nhỏ của anh. Anh cười ha hả khi anh đã chế ngự được các cánh tay và chân nàng đập lên người anh túi bụi. Nhưng rồi đột nhiên nàng chịu nhượng bộ, kéo anh lại gần và nói, “Ôi, anh yêu quý, anh Jamie yêu quý của em. Em đang rất cần có anh”. Trong lúc ấy, Jamie thầm nghĩ. “Lẽ ra anh không nên đối xử tệ bạc với em như thế. Đến sáng mai, anh sẽ nói cho em biết rằng em không phải trở về nhà bà Agnès nữa đâu”. Khi Margaret thức dậy vào sáng hôm sau, nàng thấy mình đang nằm một mình trên giường. Nàng vẫn còn cảm thấy thân hình khoẻ mạnh của Jamie bên trong người nàng, và nghe anh nói. “Lạy Chúa, anh muốn… em”, rồi nàng thấy trong lòng tràn ngập một niềm vui sướng cuồng loạn và thật hoàn toàn. Nàng vẫn xử sự đúng từ trước đến nay. Nàng yêu chàng thật sự. Bao nhiêu lâu chờ đợi, bao nhiêu nỗi đau khổ, cô đơn và nhục nhã, thế nhưng tất cả đều không vô ích. Trong suốt thời gian còn lại của ngày hôm ấy, Margaret sống trong một trạng thái sung sướng, mê ly. Nàng tắm rửa, gội đầu, thay đổi ý định đến hàng chục lần chiếc áo nàng nên mặc để có thể làm vui lòng Jamie nhất. Nàng đuổi người nấu ăn đi nơi khác để nàng có thể tự tay chuẩn bị những món ăn Jamie ưa thích. Nàng xếp đặt lại bàn ăn không biết bao nhiêu lần mới hài lòng được về các ngọn nến và hoa bày biện trên đó. Nàng muốn rằng buổi tối hôm ấy thật hoàn hảo. Jamie không về nhà ăn cơm, cũng không về nhà ngủ suốt đêm hôm ấy. Margaret ngồi trong thư phòng chờ đợi anh cho đến ba giờ sáng, rồi đi vào giường một mình. Khi Jamie trở về nhà vào tối hôm sau, anh gật đầu lịch sự chào Margaret, rồi bước thẳng đến phòng con trai. Margaret đứng nhìn theo anh, sững sờ, choáng váng, rồi chậm rãi quay lại nhìn mình trong tấm gương soi. Tấm gương soi ấy bảo với nàng rằng chưa bao giờ nàng trông xinh đẹp như thế, nhưng khi nhìn gần hơn nữa, nàng không thể nào nhận ra được đôi mắt. Đó là những con mắt của một kẻ xa lạ. Chú thích: (1) uitlander: Bọn người nước ngoài. (2) Canopus: ngôi sao sáng nhất trên bầu trời phương Nam, trong chòm sao Argo. (3) Maggie là tên gọi tắt thân mật của Margaret, trong tiếng Anh. (4) Scot: người dân xứ Tô cách lan (Scotland). Scotchmand: cũng là người dân Tô cách lan, nhưng thường khi được dùng với ý lăng nhục. Chương 10 “Tôi có tin mừng cần báo cho bà biết, bà McGregor ạ”, Bác sĩ Teeger nói, nét mặt rạng rỡ. “Bà sắp có con”. Margaret sửng sốt khi nghe câu nói ấy của ông bác sĩ, không biết mình nên cười hay nên khóc. “Tin mừng à?”. Đưa một đứa trẻ khác nữa vào trong một cuộc hôn nhân không có tình yêu là một điều không thể được. Margaret không còn có thể chịu đựng một sự nhục nhã như vậy. Nàng phải tìm ra một phương cách nào giải quyết. Trong khi suy nghĩ điều này, nàng bỗng cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên rạo rực, mồ hôi toát ra như tắm. Bác sĩ Teeger nói, “Buồn nôn hả?” “Vâng, hơi một chút”. Ông đưa cho nàng ít viên thuốc. “Uống mấy viên này, sẽ đỡ nhiều. Sức khoẻ của bà tốt lắm, bà McGregor ạ. Không có gì phải lo cả. Bà chạy đi báo tin mừng này cho ông nhà biết đi”. “Vâng”, nàng nói với vẻ chán nản. “Tôi sẽ làm việc ấy”. Jamie và nàng đang ngồi ở bàn ăn, bỗng nàng nói, “Em đi khám bác sĩ sáng nay. Ông ấy nói em sắp có con”. Không một lời nào, Jamie quăng chiếc khăn ăn xuống bàn, đứng dậy khỏi chiếc ghế, rồi đùng đùng đi ra khỏi phòng. Đó là lúc Margaret nhận ra được rằng nàng có thể thù ghét Jamie cũng sâu đậm như nàng yêu chàng. Thời kỳ mang thai thật là khó khăn, cực nhọc. Margaret thường nằm trên giường, mệt mỏi và yếu ớt. Nàng nằm ở đó giờ này qua giờ khác, tưởng tượng, hình dung Jamie đứng ở chân nàng, đang xin nàng tha thứ, rồi ân ái cuồng nhiệt với nàng lần nữa. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng mà thôi. Sự thực nàng đã bị sa vào một cái bẫy. Nàng không có nơi nào để đi tới cả, và dù cho nàng có thể rời nơi này được, Jamie cũng sẽ không bao giờ cho phép nàng mang theo đứa con trai. Bé Jamie bây giờ lên bảy rồi. Nó là một bé trai khoẻ mạnh, xinh đẹp, trí óc lanh lẹn và vui tính. Nó gần gũi với mẹ nó nhiều hơn, như thể nó đã ý thức được, bằng một cách nào đó, nỗi khổ sở của nàng. Nó làm những món quà tặng nhỏ ở trường học rồi đem về cho mẹ nó. Mỗi lần như vậy, Margaret tủm tỉm cười và cảm ơn nó, cố gắng làm ra bộ mặt vui vẻ. Khi bé Jamie hỏi tại sao bố thường vắng nhà vào buổi tối và không bao giờ đưa mẹ nó đi chơi thì Margaret trả lời, “Bố là một người quan trọng, Jamie ạ. Bố làm những việc quan trọng nên rất bận.” Những gì xảy ra giữa bố nó và mình là vấn đề riêng của mình. Margaret nghĩ thầm, “cho nên mình không nên để bé Jamie ghét bố nó vì chuyện ấy.” Việc Margaret mang bầu càng lúc càng trở nên dễ thấy. Khi nàng ra ngoài phố, những người quen biết vẫn hay chặn nàng lại và nói, “Chắc không lâu nữa đâu, phải không bà McGregor? Tôi đoán lần này phải là một đứa con trai xinh đẹp giống như bé Jamie. Ông nhà chắc là sung sướng lắm.” Nhưng sau lưng nàng, họ nói “Thật là tội nghiệp. Bà ấy trông xanh xao, tiều tuỵ quá. Chắc là bà ấy đã biết về con đĩ mà ông ấy xem như là nhân tình…”. Margaret cố gắng chuẩn bị cho bé Jamie tiếp nhận sư ra đời của đứa em nó. “Con sắp có một em trai hoặc một em gái, con ạ. Lúc ấy con sẽ có em bé để chơi với con suốt ngày. Như thế thật là thích, con nhỉ?” Jamie ôm mẹ hôn và nói: “Có nó bên cạnh, mẹ lại càng vui hơn, mẹ a”. Nghe vậy, Margaret cố ngăn chặn những giọt nước mắt đang muốn ứa lên. Cơn đau đẻ bắt đầu lúc 4 giờ sáng. Bà Talley cho người gọi bà Hannah đến. Đứa bé ra đời vào đúng giữa trưa. Nó là một đứa bé gái khoẻ mạnh, có cái miệng giống mẹ và cái cằm giống cha, tóc quăn và đen xung quanh khuôn mặt bé nhỏ. Margaret đặt tên cho nó là Kate. Đó là một cái tên hay, nghe có vẻ khoẻ mạnh, Margaret nghĩ thầm. Nó sẽ cần có sức mạnh. “Chúng ta đều cần như vậy cả. Mình phải đưa các con đi xa khỏi nơi này. Mình chưa biết bằng cách nào, nhưng bắt buộc phải tìm ra”. David Blackwell nhảy xổ vào văn phòng của Jamie McGregor mà không gõ cửa. Ngạc nhiên, Jamie ngước mắt nhìn lên. “Lại chuyện quái quỷ gì nữa?”. “Họ đang nổi loạn ở Namib”. Jamie đứng phắt dậy. “Sao? Có chuyện gì xảy ra vậy?” “Một đứa bé da đen bị bắt quả tang đang ăn cắp một viên kiêm cương. Nó xẻ một cái lỗ ở dưới nách, rồi giấu viên kiêm cương trong đó. Để cho nó một bài học, Hans Zimmerman đánh nó bằng roi trước mặt những công nhân khác. Đứa bé ấy chết. Nó chỉ mới mười hai tuổi”. Mặt Jamie lộ vẻ tức giận. “Lạy chúa Jesus! Tôi đã ra lệnh ngưng việc đánh đập ở tất cả các khu mỏ rồi mà”. “Tôi đã cảnh cáo Zimmerman về chuyện ấy”. “Đuổi thằng chó đẻ ấy đi”. “Chúng tôi không tìm ra hắn”. “Tại sao?” “Những người da đen đã giữ hắn lại. Hoàn cảnh bây giờ không còn kiểm soát được nữa”. Jamie chụp lấy chiếc mũ, “Anh ở lại đây, trông nom mọi việc cho đến lúc tôi trở về”. “Tôi nghĩ ông đến đó không được an toàn đâu, ông McGregor ạ. Người dân bản xứ bị Zimmerman giết thuộc bộ tộc Barolong. Họ không tha thứ và không bao giờ quên. Tôi có thể…” Nhưng Jamie đã bỏ đi rồi. Khi Jamie còn cách xa mỏ kim cương mười dặm, anh có thể trông thấy khói bốc lên. Tất cả những căn chòi ở Namib đã biến thành những ngọn đuốc. Lũ điên khốn kiếp! Chúng nó đốt cả nhà của chúng. Khi chiếc xe ngựa của anh tiến lại gần hơn, anh nghe những tiếng súng nổ và tiếng người la hét. Giữa đám đông lộn xộn, bọn cảnh sát mặc đồng phục bắn vào các người da đen và da màu đang cố gắng một cách tuyệt vọng để trốn thoát. Người da trắng ít hơn, một chống chọi với mười, nhưng họ có vũ khí. Vừa trông thấy Jamie McGregor, viên cảnh sát trưởng, Bernard Sothey, hối hả chạy lại nói, “Thưa ông McGregor, ông đừng lo. Chúng tôi sẽ giết sạch lũ chó đẻ ấy”. “Giết cái con khỉ!” Jamie hét lên. “Ra lệnh cho người của ông ngừng bắn ngay đi!” “Sao? Nếu chúng tôi…”. “Hãy làm như tôi bảo!” Jamie đứng nhình, trong lòng giận sôi lên khi trông thấy một người đàn bà da đen ngã gục xuống dưới tràng đạn như mưa rào. “Bảo các người của ông dừng lại ngay”. “Xin tuân lệnh”, viên cảnh sát ra lệnh cho một viên phụ tá, rồi ba phút sau, tiếng súng ngưng hẳn. Xác chết nằm la liệt ở khắp nơi. “Nếu ông muốn nghe lời khuyên của tôi”, Sothey nói, “tôi sẽ…” “Tôi không cần lời khuyên của ông. Đem người cầm đầu của họ lại đây cho tôi”. Hai người cảnh sát đem một người da đen còn trẻ đến nơi Jamie đang đứng. Anh ta bị còng tay, người đầy máu me nhưng không lộ vẻ gì là sợ hãi cả. Anh đứng cao và thẳng, mắt như nảy lửa. Jamie nhớ lại lời nói của Banda về lòng kiêu hãnh của người Bantu: Isiko. “Tôi là Jamie McGregor”. Người ấy nhổ phẹt xuống đất. “Những gì vừa xảy ra không phải do tôi gây ra. Tôi sẽ đền bù cho các anh”. “Ông hãy nói như vậy với các người vợ goá của họ”. Jamie quay về phía Sothey. “Hans Zimmerman đâu rồi?” “Chúng tôi còn đang tìm hắn, thưa ông”. Jamie thấy đôi mắt của người da đen loé lên. Anh biết rằng người ta sẽ không còn có thể tìm thấy Hans Zimmerman đâu nữa. Anh nói với người da đen, “Tôi sẽ đóng cửa mỏ kim cương trong 3 ngày. Tôi muốn anh nói chuyện với các bạn của anh. Hãy lập một danh sách những điều than phiền của các anh để tôi xem xét. Tôi hứa sẽ hết sức công bằng. Tôi sẽ sửa đổi tất cả những gì sai trái ở đây.” Người da đen ấy nhìn anh, một vẻ nghi ngờ thoáng hiện trên nét mặt. “Sẽ có một viên đốc công mới phụ trách ở đây, và điều kiện làm việc sẽ được cải thiện tử tế. Nhưng tôi mong đợi các anh sẽ trở lại làm việc trong 3 ngày nữa”. Viên cảnh sát trưởng nói, vẻ chưa tin. “Ông muốn nói rằng ông sẽ thả hắn ra sao? Hắn giết một số người của tôi”. “Sẽ có một cuộc điều tra đầy đủ và…”. Có tiếng vó ngựa phi về phía họ. Jamie quay lại nhìn. Đó là David Blackwell. Sự xuất hiện bất ngờ của anh ta tại nơi này gieo một mối lo sợ trong đầu óc Jamie. David nhảy xuống ngựa. “Thưa ông McGregor, con trai ông bị mất tích rồi”. Cả thế giới đột nhiên lạnh hẳn lại. Nửa dân số Klipdrift đều rời khỏi nhà, tham gia vào cuộc lùng kiếm. Họ đi khắp vùng thôn quê, sục sạo cống rãnh, mương, khe núi, nhưng không tìm thấy vết tích nào của thằng bé. Jamie giống như một người bị ma làm. Thằng bé đi lang thang ở một nơi nào đó. Chỉ thế thôi. Rồi nói sẽ trở về nhà. Jamie đi vào buồng Margaret. Nàng đang nằm trên giường, cho đứa con nhỏ bú. “Có tin tức gì chưa?” nàng hỏi. “Chưa, nhưng mà tôi sẽ tìm ra nó”. Anh nhìn đứa con gái nhỏ một lát, rồi quay lưng lại, bước ra ngoài, không nói thêm một lời nào. Bà Talley bước vào trong phòng, hai bàn tay xoắn lại trên chiếc tạp dề. “Đừng có lo, bà Margaret ạ, Jamie lớn rồi. Cậu ấy biết tự lo cho mình”. Mắt Margaret nhoà đi vì nước mắt, “Không ai nỡ làm hại bé Jamie, phải thế không? Điều ấy là dĩ nhiên rồi”. Bà Talley với tay xuống, đỡ Kate từ tay Margaret. “Bà hãy ngủ đi một lát”. Bà bồng đứa bé vào phòng nuôi trẻ, đặt nó vào trong chiếc giường cũi. Kate nhìn lên bà, chúm chím cười. “Cháu cũng nên ngủ đi một lát, cháu nhỏ ạ. Rồi đây cuộc đời cháu cũng sẽ nhộn nhịp lắm đấy”. Bà Talley bước ra khỏi phòng, đóng cánh của phía sau lưng. Đến nửa đêm, cửa sổ phòng ngủ được mở ra khe khẽ, rồi một người trèo vào trong phòng. Người ấy bước đến bên chiếc giường cũi, ném một chiếc mền lên đầu đứa bé, rồi nhắc bổng nó lên trong cánh tay. Banda bỏ đi cũng nhanh chóng như khi anh vừa đến. Chính bà Talley là người đầu tiên phát hiện ra rằng bé Kate đã mất tích. Thoạt nhiên bà tưởng rằng bà McGregor đã đến đây vào lúc nửa đêm và bồng nó đi. Bà đến phòng Margaret và hỏi, “Đứa bé đâu rồi?” Nhìn thấy nét mặt Margaret lúc ấy, bà biết ngay lập tức chuyện gì đã xảy ra. Một ngày nữa đã qua, nhưng vẫn chưa tìm thấy vết tích của bé Jamie. Jamie gần như ngã quỵ. Anh đến gần Blackwell và hỏi, “Anh có nghĩ rằng có chuyện gì không hay đã xảy ra với bé Jamie không?”. Giọng anh hầu như không kiềm chế nổi sự xúc động. David cố thuyết phục, “Chắc chắn không có gì xảy ra, ông McGregor ạ”. Nhưng anh không chắc điều ấy. Anh đã cảnh báo McGregor rằng người Bantu không dễ tha thứ, cũng không dể quên, và chính một người Bantu đã bị giết một cách tàn nhẫn. David chắc chắn một điều: nếu người Bantu đã bắt cóc bé Jamie thì chắc chắn rằng thằng bé sẽ phải chịu một cái chết khủng khiếp, vì họ muốn mạng phải đền mạng. Jamie trở về nhà vào lúc bình minh trong tình trạng kiệt quệ. Anh đã hướng dẫn một toán người tìm kiếm, gồm có dân thị trấn, người đi đào mỏ, cảnh sát viên và lục soát tất cả mọi nơi để tìm thằng bé, nhưng không có kết quả. David đang chờ đợi thì Jamie bước vào phòng đọc sách. David liền đứng dậy nói, “Ông McGregor ạ, con gái ông vừa bị bắt cóc”. Jamie nhìn anh ta chằm chằm trong sự im lặng, nét mặt tái nhợt. Anh quay người lại, bước vào phòng ngủ. Đã bốn mươi tám giờ đồng hồ rồi, anh không hề chợp mắt. Anh ngã xuống giường, hoàn toàn kiệt sức, rồi lăn ra ngủ. Anh đang ở dưới một cây baobab (1) to lớn, và ở xa xa, ngang thảo nguyên không có vết chân người, một con sư tử đang tiến gần về phía anh. Bé Jamie vẫy tay gọi anh. “Dậy đi, bố, một con sư tử đang đến kìa!”. Con vật bây giờ tiến lại phía họ nhanh hơn. Con trai anh lay người anh mạnh hơn nữa. “Dậy đi!” Jamie mở choàng mắt ra. Banda đang đứng nhìn xuống người anh. Jamie định mở lời, nhưng Banda đã đặt tay lên miệng anh. “Im!” Anh để cho Jamie ngồi dậy. “Con trai tôi đâu rồi?” Jamie hỏi. “Nó chết rồi”. Căn phòng bắt đầu quay cuồng. “Tôi rất ân hận. Tôi đến trễ quá không kịp ngăn họ lại. Người của anh đã làm đổ máu người Bantu. Đồng bào tôi đòi hỏi phải trả thù”. Jamie vùi mặt vào hai bàn tay. “Ôi lạy chúa, bọn chúng đã làm gì thằng bé ấy?” Giọng Banda đượm vẻ buồn sâu sắc. “Họ để nó lại trong sa mạc. Tôi… tôi tìm ra xác của nó, rồi đem đi chôn”. “Ồ không thể thế được! Không thể như thế được!” “Tôi cũng đã cố cứu nó, Jamie ạ”. Jamie chậm rãi gật đầu chấp nhận điều ấy. Rồi anh buồn bã hỏi, “Thế con gái tôi thì sao?” “Tôi đã đem nó đi xa trước khi bọn chúng đến đây để bắt nó. Rồi đây, nó sẽ trở lại phòng ngủ của nó, vẫn còn đang ngủ. Nó sẽ không bị hề hấn gì, nếu anh làm như anh đã hứa”. Jamie ngước mắt nhìn lên. Mặt anh giống như một chiếc mặt nạ thù hận. “Tôi sẽ giữ lời hứa. Nhưng tôi muốn những kẻ nào đã giết sẽ phải trả giá”. Banda lặng lẽ nói: “Như vậy anh sẽ phải giết toàn thể bộ tộc của tôi, Jamie ạ”. Nói xong, Banda bỏ đi. Đó chỉ là một cơn ác mộng, nhưng nàng cố khép mắt lại thật chặt, bởi vì nàng biết rằng nếu nàng mở ra, cơn ác mộng sẽ trở thành hiện thực, và hai đứa con của nàng sẽ chết. Vì vậy, nàng tự bày ra một trò chơi. Nàng sẽ giữ cho mắt nàng khép thật chặt, cho đến khi nàng cảm thấy bàn tay bé nhỏ của Jamie đặt lên tay nàng nói: “Không hề gì đâu, mẹ ạ. Chúng con đang ở đây. Chúng con đều an toàn”. Nàng đã nằm trên giường suốt ba ngày, không nói chuyện với ai, không nhìn ai. Bác sĩ Teeger đến, rồi lại đi, nhưng Margaret không hề biết. Đến nửa đêm, Margaret đang nằm trên giường, khép mắt lại, bỗng nàng nghe một tiếng rơi đánh sầm phát ra từ phòng của con trai. Nàng mở mắt ra, lắng nghe. Lại thêm một tiếng nữa. Bé Jamie đã trở về! Margaret vội vã rời khỏi giường, chạy dọc hành lang đến cánh cửa khép lại của phòng con nàng. Qua cánh cửa nàng nghe những âm thanh lạ lùng như tiếng thú vật. Tim nàng đập cuồng loạn, nàng đẩy cho cánh cửa mở ra. Chồng nàng đang nằm trên sàn nhà, mặt và thân hình méo mó co quắp. Một mắt khép lại, còn mắt kia thì mở ra nhìn lên nàng với vẻ quái dị. Anh như đang cố gắng nói điều gì, nhưng những lời lẽ phát ra nghe như tiếng ùng ục của một con vật. Margaret thì thào, “Ôi, Jamie, Jamie”. Bác sĩ Teeger nói, “Tôi e rằng tin này không hay lắm cho bà, bà McGregor ạ. Chồng bà bị một cơn đau tim nặng. Chỉ có năm mươi phần trăm sống sót thôi. Nhưng nếu ông ấy sống được thì cũng giống như một thực vật thôi. Tôi sẽ thu xếp để đưa ông ấy vào một dưỡng đường tư để người ta chăm sóc ông cho tử tế”. “Không”. Ông bác sĩ nhìn Margaret với vẻ ngạc nhiên. “Không cái gì?” “Không có bệnh viện nào cả. Tôi muốn ông ấy ở đây với tôi”. Ông bác sĩ suy nghĩ một lát. “Thôi cũng được. Bà sẽ cần một nữ y tá. Tôi sẽ thu xếp…”. “Tôi không cần điều dưỡng viên, tôi sẽ tự tay chăm sóc cho Jamie”. Bác sĩ Teeger lắc đầu. “Không thể như thế được, bà McGregor ạ. Bà không hiểu những gì liên hệ đến chuyện này. Ông nhà không còn hoạt động như một con người nữa. Ông ấy hoàn toàn bị tê liệt, và sẽ mãi mãi như vậy cho đến lúc chết”. “Tôi sẽ săn sóc cho ông ấy”. Lúc này, Jamie mới thực sự, và cuối cùng đã thuộc về nàng. Chú thích: (1) baobab: một loại cây cao và to ở Ấn Độ và Phi Châu, có vỏ rất dày và sợi của nó được dùng để làm dây thừng. Chương 11 Jamie Mc Gregor sống được đúng một năm kể từ ngày anh bắt đầu lâm bệnh, nhưng đó là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Margaret. Jamie hoàn toàn bất lực. Anh không nói chuyện được, cũng không cử động. Margaret săn sóc cho chồng, chăm chút từng nhu cầu của anh, ngày cũng như đêm. Ban ngày, nàng đỡ anh ngồi dậy trong chiếc xe đẩy trong phòng may vá, và trong khi nàng đan những chiếc áo len, may những chiếc áo choàng cho anh, nàng nói chuyện với anh. Nàng bàn luận về những vấn đề nhỏ nhặt trong nhà trong cửa, mà anh chưa hề bao giờ được nghe nói trước đó, rồi nàng kể cho anh nghe về bé Kate đã tiến bộ ra sao. Đến đêm, nàng bồng thân hình gầy như bộ xương của Jamie đến phòng ngủ của nàng, nhẹ nhàng đặt anh lên giường bên cạnh nàng. Nàng đắp chăn cho anh, rồi hai người mở đầu cuộc nói chuyện lảm nhảm một chiều cho đến khi Margaret bắt đầu thấy buồn ngủ. David Blackwell điều hành mọi công việc của công ty Kruger-Brent. Thỉnh thoảng, David đem giấy tờ đến nhà để Margaret ký, và cảm thấy đau nhói trong lòng mỗi khi trông thấy tình trạng bất lực của Jamie. Ta chịu ơn người này về tất cả mọi phương diện, David thầm nghĩ. “Anh đã chọn người rất khéo, Jamie ạ.” Margaret nói với chồng. “David là một người rất tốt” Nàng đặt đồ thêu xuống, tủm tỉm cười. “Anh ta làm cho em nhớ lại anh xưa kia. Tất nhiên, chưa bao giờ có ngưòi nào thông minh, tài giỏi như anh, anh yêu quý ạ, và sẽ không bao giờ có một người như vậy nữa đâu. Anh trước kia là một người rất đẹp đẽ, mạnh khoẻ và tốt bụng. Anh không e ngại mơ tưởng những việc cao xa, thế nhưng bây giờ, tất cả những giấc mơ của anh đều trở thành sự thật. công ty của ta mỗi ngày mõi lớn mạnh. Nàng nhặt đồ thêu lên, tiếp tục làm việc. “Bé Kate đã bắt đầu nói chuyện được rồi. Em chắc chắn rằng sáng nay nó đã biết kêu: “Mẹ!” được rồi…” Jamie được chống đỡ để ngồi dậy trong chiếc xe đẩy, một mắt nhìn chằm chằm về phía trước. “Bé Kate có cặp mắt và cái miệng của anh. Lớn lên nó sẽ rất xinh đẹp.” Sáng hôm sau, khi Margaret thức dậy, Jamie McGregor đã chết. Nàng ôm anh trong vòng tay, áp sát vào người mình. “Anh hãy yên nghỉ, anh yêu quý. Hãy yên nghỉ. Em lúc nào cũng yêu anh rất nhiều, Jamie ạ. Em hi vọng anh hiểu cho điều ấy. Vĩnh biệt anh, người yêu thân thiết của riêng em.” Bây giờ nàng sống cô đơn. Chồng và con trai nàng đã rời bỏ nàng ròi. Chỉ còn có nàng và đứa con gái. Margaret đi vào phòng đứa bé, nhìn xuống Kate đang nằm ngủ trong chiếc giường cũi. Katherine, Kate. Tên đấy là do chữ Hi Lạp có nghĩa là trong sáng, tinh khiết. Đó là một cái tên dành cho các vị thánh, các nữ tu và các bà hoàng. Margaret nói thật to: “Con sẽ trở thành người nào trong các vị ấy, hở Kate?” Lúc ấy là vào thời kì bành trướng mạnh mẽ ở Nam Phi, nhưng cũng là một thời kì đấu tranh kịch liệt. Cuộc tranh giành vùng Transvaal vẫn dai dẳng giữa người Boer và người Anh, và cuối cùng nổ bùng ra. Ngày thứ năm, 12 tháng 10 năm 1899, vào ngày sinh nhật thứ bảy của Kate, người Anh tuyên chiến với người Boer, và ba ngày sau Tiểu bang Tự do Orange bị tấn công. David cố gắng thuyết phục Margaret rời Nam Phi, cùng với Kate, nhưng Margaret từ chối. “Chồng tôi ở đây”, nàng nói. David không còn có cách nào thuyết phục được nàng. Anh nói với Margaret: “Tôi sẽ gia nhập nhóm người Boer. Bà có thể lo toan mọi việc được không?” “Cố nhiên là được”, Margaret nói. “Tôi sẽ giữ cho công ty vẫn tiếp tục hoạt động.” Sáng hôm sau, David lên đường. Người Anh nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng. Đó chỉ là một cuộc hành quân áp đảo mà thôi, vì vậy, họ đi vào cuộc chiến với tinh thần tin tưởng, vô tư và vui vẻ như một ngày nghỉ lễ. Trong các trại lính Hyde Park ở London, người ta tổ chức một bữa ăn tiễn chân binh sĩ, với một thực đơn đặc biệt trên đó có vẽ một người lính Anh giơ tay cao một cái khay đựng thủ cấp của một con lợn rừng. Các món ăn trên thực đơn toàn những món được đặt tên bằng các vùng đất, thị trấn, thành phố Nam Phi: chẳng hạn, sò huyết Blue Points, thịt cừu Mafeking, củ cải Transvaal, nước sốt Cape Town, phó mát Hà Lan, rượu Orange v.v… Nhưng đến Nam Phi, người Anh đã vấp phải một ngạc nhiên lớn. Người Boer ở trên lãnh thổ của họ nên họ rất cứng rắn và cương quyết. Cuộc chiến đấu đầu tiên diễn ra ở Mafeking, chỉ lớn hơn một ngôi làng một chút, và đây cũng là lần đầu tiên họ nhận thức được kẻ thù của họ như thế nào. Nhiều đạo quân nữa được nhanh chóng chở từ nước Anh đến. Họ bao vây Kimberley, và chỉ sau một cuộc chiến đấu hung dữ, đẫm máu, họ mới tiến chiếm được Ladysmith. Các đại pháo của người Boer có tầm xa hơn các đại pháo của người Anh, vì vậy người ta phải gỡ các súng tầm xa trên các chiến hạm Anh, chuyển vào đất liền, và dùng các thuỷ thủ điều khiển các khẩu súng lớn ấy ở cách xa các chiến thuyền của họ đến hàng trăm dặm. Ở Klipdrift, Margaret hăm hở theo dõi tin tức của mỗi trận đánh. Nàng và những người xung quanh nàng sống bằng các tin đồn; tâm trạng của họ thay đổi từ vui mừng đến thất vọng, tuy theo mỗi tin tức nhận được. Rồi một buổi sáng nọ, một nhân viên của Margaret chạy xộc vào văn phòng nàng và nói, “Tôi vừa nghe tin quân Anh đang tiến về phía Klipdrift. Họ sẽ giết tất cả chúng ta” “Vô lý! Họ không dám đụng đến chúng ta đâu.” Năm giờ đồng hồ sau đó, Margaret McGregor đã trở thành một tù nhân chiến tranh. Margaret ôm Kate được đến Paardeberg, một trong hàng trăm trại tù binh đã mọc lên khắp Nam Phi. Tù nhân được nhốt trong những vùng đất rộng lớn có dây kẽm gai bao bọc xung quanh và do lính Anh võ trang canh giữ. Điều kiện ăn ở tại đó thật tệ hại. Margaret ôm Kate vào lòng và nói, “Đừng có lo, con ạ. Sẽ không có chuyện gì xảy ra với chúng ta đâu.” Nhưng không một ai tin điều đó. Mỗi ngày lại ghi nhận thêm nhiều chuyện kinh khủng. Họ trông thấy những người xung quanh chết, đông hàng chục, hàng trăm, rồi đến hàng nghìn người. Không có bác sĩ, thuốc men cho những người bị thương, lương thực thì hiếm hoi. Cơn ác mộng ấy vẫn cứ tiếp diễn thường trực trong hầu hết ba năm đau khổ ấy. Tệ hại nhất là cảm giác hoàn toàn bất lực. Margaret và Kate hoàn toàn phó mặc số phận cho những bữa cơm, nơi trú ẩn và cả đới sống của họ nữa. Kate sống trong sự kinh hãi. Cô nhìn thấy trẻ xung quanh bị chết, và lo sợ rằng cô sẽ là kẻ kế tiếp. Cô bất lực, không giúp đỡ gì được cho mẹ và cho bản thân, đó là một bài học mà cô sẽ không bao giờ quên được. Quyền lực. Giá như ta có sức mạnh, ta sẽ có thức ăn. Ta sẽ có thuốc. Ta có tự do. Cô nhìn thấy những kẻ xung quanh ốm rồi chết, rồi cô cân nhắc giữa quyền lực và sự sống. Kate tự nhủ, “Một ngày kia, ta sẽ có quyền lực. Không một ai có thể làm như thế này đối với ta nữa đâu.” Những trận chiến dữ dội vẫn tiếp diễn - ở Belmont, Graspan, Stormberg và Spiocnkop - nhưng cuối cùng, những người Boer anh dũng đã chứng tỏ họ không phải là những địch thủ cân xứng của đế quốc Anh mạnh mẽ. Vào năm 1902, sau gần ba năm chiến tranh, đẫm máu, người Boer đầu hàng. Năm mươi lăm ngàn người Boer chiến đấu, và ba mươi bốn ngàn binh lính, đàn bà, trẻ con của họ đã chết. Nhưng điều đã khiến cho những kẻ sống sót cảm thấy cay đắng sâu sắc, ấy là khi họ biết rằng hai mười tám ngàn người trong số đó đã chết trong các trại tập trung của người Anh. Vào ngày các cánh cổng của trại giam được mở tung ra, Margaret và Kate trở lại Klipdrift. Ít tuần lễ sau, vào một ngày chủ nhật yên tĩnh, David Blackwell đến thăm họ. Chiến tranh khiến cho anh trở nên già dặn hơn, nhưng anh vẫn là anh chàng David nghiêm trang, biết suy nghĩ chín chắn, mà Margaret trước kia đã tin cậy. David đã trải qua ba năm kinh khủng ấy trong chiến đấu, và luôn luôn lo lắng không biết Margaret và Kate còn sống hay đã chết. Khi trông thấy họ được an toàn, anh cảm thấy một nỗi vui mừng tràn ngập. “Tôi ước ao làm sao có thể che chở được cho bà và cô Kate.” David nói với Margaret. “Tất cả chuyện ấy thuộc về quá khứ rồi, David ạ. Chúng ta chỉ nên nghĩ đến tương lai mà thôi.” Và tương lai ấy là công ty Kruger-Brent. Đối với thế giới, năm 1900 là một bảng đá còn trinh bạch trên đó lịch sử sẽ được viết ra, một thời đại mới hứa hẹn thanh bình và hi vọng không bờ bến cho mọi người. Một thế kỷ mới bắt đầu, đem lại những phát minh kì diệu làm thay đổi đời sống trên toàn cầu. Máy hơi nước, xe tự động chạy bằng điện được thay thế bởi máy nổ. Có tàu ngầm và máy bay. Dân số thế giới bùng nổ đạt đến con số một tỉ rưỡi người. Đó là thời kì tăng trưởng và bành trướng, và trong sáu năm kế tiếp đó, Margaret và David đã tận dụng được tất cả mọi cơ hội làm ăn tốt đẹp. Trong những năm ấy, Kate lớn lên, hầu như không có ai trông nom. Mẹ nàng quá bận bịu với công việc điều hành công ty cùng với David nên không chú ý được nhiều đến Kate. Cô là một đứa trẻ ngang tàng, cứng cổ, ngoan cố, khó bảo. Một bữa trưa nọ, khi Margaret trở về nhà sau một buổi họp công việc, nàng thấy cô con gái mười bốn tuổi đang lăn lộn trong sân đầy bùn, đấm đá với hai đứa con trai. Margaret trố mắt nhìn con, kinh hãi, khó tin. “Chết thật!”, nàng nói thì thầm trong miệng, “Đó là đứa con gái một ngày kia sẽ điều khiển cả Công ty Hữu hạn Kruger-Brent. Cầu chúa phù hộ cho tất cả chúng tôi!” Chương 12 Một đêm mùa hè nóng nực vào năm 1914, Kate McGregor đang ngồi làm việc một mình trong văn phòng tại toà nhà trụ sở chính của Công ty Hữu hạn Kruger-Brent, bỗng nghe có tiếng xe hơi tiến lại gần. Nàng đặt tập hồ sơ đang xem giở xuống, bước đến cửa sổ, nhìn ra ngoài. Hai chiếc xe cảnh sát và một chiếc xe tuần tra đã dừng lại trước toà nhà. Kate đứng nhìn, nhăn mặt lại, trong khi sáu người cảnh sát mặc đồng phục nhảy ra khỏi xe, vội vã chặn các cổng ra vào toà nhà. Lúc ấy đã khuya, đường phố vắng tanh. Kate bắt gặp hình ảnh của mình phản chiếu lờ mờ trên kính cửa. Nàng là một phụ nữ xinh đẹp với cặp mắt xám nhạt của cha và hình dáng đầy đặn của mẹ. Có tiếng gõ trên cánh cửa văn phòng. Kate gọi to: “Cứ vào.” Cánh cửa mở ra, hai người mặc đồng phục bước vào. Một người đeo huy hiệu chức vụ thanh tra cảnh sát. “Chuyện gì xảy ra thế?”. Kate hỏi. “ Tôi xin lỗi đã quấy rầy cô vào giờ này, cô McGregor. Tôi là Thanh tra Cominsky.” “Có vấn đề gì vậy, ông Thanh tra?” “Chúng tôi nhận được báo cáo cho biết có một tên giết người vượt ngục vừa mới đi vào toà nhà này.” Vẻ kinh ngạc hiện rõ trên nét mặt Kate. “Vào toà nhà này?” “Thưa cô, vâng ạ. Hắn có vũ khí và rất nguy hiểm.” Kate nói với vẻ lo sợ: “Vậy tôi rất cảm ơn, ông Thanh tra ạ, nếu ông tìm ra được hắn và đưa hắn ra khỏi nơi này.” “Đó chính là điều chúng tôi dự định làm đó. Cô McGregor ạ. Vậy cô có thấy hay nghe cái gì khả nghi không?” “Không. Nhưng tôi ở đây một mình, và có rất nhiều nơi người ta có thể ẩn nấp được. Tôi muốn ông cho người các ông lục soát nơi này thật kĩ.” “Chúng tôi sẽ khởi sự ngay bây giờ.” Viên thanh tra quay lại, gọi những người đang đứng trong hành lang, “Toả ra khắp nơi. Bắt đầu bằng hầm nhà, rồi soát đến tận mái nhà.” Ông ta quay lại Kate, “Có phòng nào khoá kín không?” “Chắc là không”, Kate nói, “Nhưng nếu có, tôi sẽ mở ra cho ông.” Thanh tra Cominsky trông thấy vẻ lo sợ rõ rệt ở nàng, nhưng ông không thể trách gì được. Nàng chắc hẳn còn cuống lên nữa nếu biết được rằng kẻ mà họ đang tìm kiếm nguy hiểm đến như thế nào. “Chúng tôi sẽ tìm ra hắn,” ông ta cố trấn an Kate. Kate nhặt tờ báo cáo nàng đang đọc giở, nhưng không thể nào tập trung được. Nàng nghe tiếng cảnh sát sục sạo khắp toà nhà, từ phòng này đến phòng kia. Không biết họ có tìm ra hắn không nhỉ? Nàng rùng mình. Các cảnh sát viên di chuyển chậm chạp, lục lọi một cách có phương pháp từng ngõ ngách từ hầm nhà lên đến mái nhà. Bốn mươi lăm phút sau, viên thanh tra Cominsky trở lại phòng giấy của Kate. Nàng nhìn vào mặt ông ta. “Ông không tìm ra hắn?” “Chưa, nhưng xin cô đừng lo…” “Tôi lo lắm, ông thanh tra ạ. Nếu có một tên giết người vượt ngục lẻn vào trong toà nhà này, tôi rất mong ông tìm ra hắn.” “Chắc chắn sẽ tìm được, thưa cô McGregor. Chúng tôi có chó săn.” Từ nơi hành lang, nàng nghe có tiếng chó sủa, và một lát sau, một người huấn luyện chó săn đi vào với hai con chó săn giống Đức to lớn buộc ở đầu sợi dây. “Những con chó này đã lục lọi khắp toà nhà, thưa ông. Chỉ còn văn phòng này là chưa lục soát thôi.” Viên thanh tra quay về phía Kate. “Cô có lúc nào rời khỏi văn phòng này trong chừng một giờ qua không?” “Có, tôi đi tìm ít giấy tờ trong phòng chứa hồ sơ. Ông nghĩ rằng hắn có thể…” Nàng rùng mình. “Tôi muốn ông lục soát văn phòng này hộ tôi.” Viên thanh tra ra hiệu lệnh. Người huấn luyện thả chó ra khỏi sợi dây, ra lệnh, “Tìm đi!” Hai con chó như điên cuồng. Chúng chạy đến một cánh cửa đóng kín sủa ầm ĩ. “Ôi, Lạy Chúa!” Kate kêu lên. “Hắn ở trong đó!” Viên thanh tra rút súng ra. “Mở cánh cửa ấy ra!” Ông ra lệnh. Hai viên cảnh sát tiến đến cánh cửa tủ ăn sâu vào tường, tay lăm lăm khẩu súng, rồi kéo cánh cửa mở ra. Chiếc tủ trống rỗng. Một con chó lại chạy đến một cánh cửa khác, cào lên đó dữ dội. “Cửa này dẫn đến đâu vậy?” “Đến một phòng rửa ráy.” Hai viên cảnh sát đứng thủ thế ở hai bên cánh cửa, rồi giật mạnh nó ra. Không ai bên trong đó cả. Viên huấn luyện chó có vẻ bối rối: “Những con chó này không bao giờ hành động như vậy trước đây.” Hai con chó chạy cuồng loạn quay căn phòng. “Chúng đã đánh hơi được rồi. Nhưng hắn ta ở đâu kia chứ?” Cả hai con chó chạy đến một ngăn kéo ở bàn viết của Kate và tiếp tục sủa. “À, tôi hiểu ra rồi,” Kate cố cười lên thật to. “Hắn ta ở trong ngăn kéo của tôi đấy.” Viên thanh tra Cominsky tỏ vẻ bối rối, “Tôi xin lỗi đã quấy rầy cô, thưa cô McGregor.” Rồi quay về phía viên huấn luyện, ông ta gắt lên, “Đem mấy con chó ra khỏi đây!” “Ông không bỏ đi chứ?” Giọng Kate đượm vẻ lo ngại. “Thưa cô McGregor, tôi có thể cam đoan với cô rằng cô hoàn toàn không gặp nguy hiểm gì cả. Người của tôi đã lục lọi từng ngõ ngách trong toà nhà này rồi. Tôi có thể đưa ra lời bảo đảm rằng tên ấy không có ở đây. Tôi e rằng đây chỉ là một vụ báo động hão thôi. Tôi xin lỗi cô.” Kate nuốt nước bọt đánh ực một cái. “Chắc ông cũng biết ông đã làm một người đàn bà phải lo sợ đến thế nào vào buổi tối như thế này.” Kate đứng ở cửa sổ nhìn ra, theo dõi cho đến khi chiếc xe hơi cuối cùng của cảnh sát đã đi ra. Khi họ đã biến mất hút, nàng mở ngăn kéo bàn viết, rút ra một đôi giày vải đẫm máu. Nàng mang nó xuống hành lang, đến một cánh cửa có ghi dòng chữ “Phòng riêng, chỉ dành cho nhân viên có thẩm quyền”, rồi nàng đi vào. Căn phòng này trống trơn, chỉ có một tủ sắt lớn, xây hẳn vào trong tường. Đó là hầm chứa kim cương của Công ty Kruger-Brent trước khi được chở xuống tàu. Kate quay các con số trên tủ sắt, rồi kéo cánh cửa đồ sộ ra. Hàng chục hộp sắt bằng kim khí được gắn hẳn vào các cạnh của hầm, tất cả đều chứa đầy kim cương. Ở ngay giữa hầm này, có một người gần như bất tỉnh nằm ngay trên sàn. Đó là Banda. Kate quỳ xuống bên cạnh anh. “Bọn họ đi rồi” Banda chậm rãi mở mắt ra, cố mở một nụ cười yếu ớt. “Nếu tôi có cách nào ra khỏi cái hầm này, cô có biết tôi sẽ giàu có đến như thế nào không, cô Kate?” Kate đỡ Banda đứng dậy. Anh nhăn mặt lại đau đớn khi nàng sờ vào cánh tay anh. Nàng đã băng bó cho anh, nhưng máu vẫn rỉ ra qua lớp vải. “Bác có đi giày lấy được không?” Chính nàng đã cởi đôi giày ấy ra cho anh trước đó, và để đánh lạc hướng các chó săn mà nàng biết thế nào cũng được đưa đến đây, nàng xỏ chân vào đôi giày ấy và đi lòng vòng trong văn phòng, rồi đem giấu chúng trong ngăn kéo. Bây giờ, Kate nói, “Nào, chúng ta phải rời ngay đây.” Banda lắc đầu nói, “Tôi sẽ đi một mình. Nếu họ bắt gặp cô giúp đỡ cho tôi thì chắc chắn sẽ có lôi thôi to.” ”Cứ để một mình tôi lo chuyện ấy.” Banda đưa mắt nhìn một vòng xung quanh hầm. “Bác có cần đem theo một it kim cương không? Xin bác cứ lấy tự nhiên.” Banda nhìn vào mặt Kate, và nhận ra rằng cô đã nói nghiêm chỉnh. “Bố cô đã từng nói với tôi như vậy xưa kia.” Kate cười ngượng nghịu, “Tôi biết” “Tôi không cần tiền. Tôi chỉ cần phải rời khỏi thị trấn này một thời gian.” “Bác nghĩ làm thế nào ra khỏi Johannesburg được?” “Tôi sẽ tìm cách.” “Nghe đây này. Cảnh sát đã chặn tất cả các ngả đường. Mọi nơi ra vào thành phố đều bị canh gác. Một mình bác không có cơ may nào đi lọt đâu. Banda nói một cách bướng bỉnh, “Cô đã giúp tôi quá nhiều rồi.” Anh đã xỏ được đôi giày vào chân. Hình dáng anh trông thật là tiều tuỵ. Anh đứng ở đấy, mặc chiếc áo sơ mi và áo vét rách rưới đẫm máu. Mặt anh đầy sẹo, tóc bạc, nhưng khi Kate nhìn anh, nàng thấy anh vẫn là con người cao lớn, đẹp đẽ giống như nàng trông thấy anh lần đầu tiên, khi nàng còn là một đứa trẻ nhỏ. “ Bác Banda ạ, nếu người ta bắt được bác, họ sẽ giết bác đấy,” Kate lặng lẽ nói, “Bác sẽ đi với tôi.” Nàng biết nàng đã nói đúng về các nút chặn của cảnh sát. Mọi ngõ ra vào Johannesburg đều được canh gác kĩ bởi các toán tuần tra cảnh sát. Việc tóm bắt Banda được coi là ưu tiên hàng đầu và các nhà chức trách đã được lệnh đem anh ta về, dù là sống hay chết. Các nhà ga xe hoả và đường xá cũng đều được canh chừng. “Tôi hi vọng rằng cô có một kế hoạch hay hơn là kế hoạch của bố cô xưa kia,” Banda nói. Giọng anh yếu hẳn. Kate tự hỏi không biết anh đã mất bao nhiêu máu. “Bác đừng nói chuyện nữa. Hãy dành sức khoẻ lại. Để mọi thứ cho tôi lo liệu.” Giọng Kate có vẻ chắc chắn hơn sự tin tưởng của chính nàng. Mạng sống của Banda nằm trong tay nàng, và nàng không thể nào chịu đựng được, nếu có chuyện gì xảy ra với Banda. Một lần nữa, có lẽ đây là lần thứ một trăm, nàng ao ước rằng David đừng phải đi xa. Lúc này, nàng sẽ phải giải quyết mọi thứ mà không có sự giúp đỡ của David. “Tôi sẽ đánh xe vòng đến lối đi.” Kate nói. “Bác chờ tôi độ mười phút rồi bác hãy đi ra ngoài. Tôi sẽ để mở cánh cửa sau của chiếc xe. Bác hãy lẻn vào xe, nằm ở dưới sàn. Sẽ có một tấm mền ở đó để bác phủ lên người.” “Kate ạ, chúng nó lục lọi mọi chiếc xe hơi rời thành phố.” “Chúng ta sẽ không đi bằng xe hơi, bác ạ. Sẽ có một chuyến tàu hoả đi Cape Town vào lúc tám giờ sáng. Tôi sẽ ra lệnh cho nối toa xe riêng của tôi vào đó.” “Thế cô định đưa tôi ra khỏi nơi này bằng toa riêng của cô à?” “Đúng vậy.” Banda cố nở một nụ cười. “Những người trong họ McGregor của cô quả thực chỉ thích những chuyện hồi hộp, gay cấn!” Ba mươi phút sau, Kate lái xe đến bãi xe hoả. Banda nằm trên sàn xe ở ghế sau, nấp dưới một tấm mền. Họ không gặp rắc rối gì khi đi qua các nút chặn trong thành phố, nhưng khi chiếc xe hơi của Kate đi vào trong bãi đậu xe hoả, bỗng có ánh đèn loé lên, Kate thấy rằng con đường đã bị ngăn chặn bởi nhiều cảnh sát viên. Một dáng người quen thuộc tiến đến gần chiếc xe hơi. “Thanh tra Cominsky!” Ông ta có vẻ ngạc nhiên. “Cô McGregor, cô định làm gì ở đây?” Nàng nhìn ông ta, nở một nụ cười rất nhanh, có vẻ lo sợ, “Chắc ông sẽ cho tôi là một người đàn bà ngớ ngẩn, yếu đuối, ông thanh tra ạ, nhưng thú thật với ông, chuyện xảy ra vừa rồi ở văn phòng làm cho tôi sợ mất hồn vía. Tôi đã quyết định rời khỏi thành phố này cho đến khi nào các ông bắt được tên giết người các ông đang lùng kiếm ấy. Thế các ông đã bắt được hắn chưa?” “Thưa cô, chưa ạ. Nhưng thế nào rồi cũng bắt được. Tôi có linh cảm rằng hắn sẽ đến bãi xe hoả này. Hắn có chạy đằng trời cũng không thoát được.” “Tôi cũng hi vọng là như vậy.” “Cô định đi đâu?” “Toa xe riêng của tôi đang đậu ở đằng kia. Tôi sẽ dùng toa ấy để đi Cape Town.” “Cô có cần một số người của tôi đi theo hộ tống không?” “Ồ, cảm ơn ông thanh tra, nhưng điều đó không cần thiết lắm. Bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều vì biết có ông và các nhân viên của ông ở đây.” Năm phút sau, Kate và Banda đi vào chiếc toa xe an toàn. Nơi ấy tối đen như mực. “Xin lỗi. Tôi không muốn đốt đèn lên.” Kate nói. Nàng đỡ Banda lên giường nằm. “Bác sẽ ở đây an toàn cho đến sáng mai. Khi chúng ta bắt đầu khởi hành, bác sẽ nấp trong phòng tắm rửa.” Banda gật đầu, “Cám ơn cô.” Kate kéo các tấm che ở cửa sổ. “Bác có bác sĩ nào săn sóc bác khi chúng ta đến Cape Town hay không?” Banda ngước mặt lên hỏi: “Chúng ta?” “Bác nghĩ rằng tôi có thể để cho bác đi một mình hay sao? Như vậy thì còn gì là vui thú nữa?” Banda ngả đầu về phía sau, cười lớn, “Thật đúng là cha nào con nấy!” Vào lúc bình minh vừa rạng, một đầu xe hoả đến kéo toa xe riêng của Kate đến con đường ray chính, ráp vào phía sau đoàn tàu sắp đi Cape Town. Toa xe lắc lư một lát khi được ráp nối với đoàn tàu. Đúng tám giờ, chiếc tàu rời khỏi ga. Kate đã nhắn nhủ mọi người rằng nàng không muốn bị ai quấy rầy. Vết thương của Banda đang chảy máu. Kate lo chăm sóc cho anh. Nàng chưa có dịp hỏi han Banda từ đêm hôm trước, khi Banda loạng choạng bước vào văn phòng nàng trong tình trạng gần như chết. Bây giờ nàng mới nói. “Bác Banda, bác hãy kể lại cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra.” Banda ngước mắt lên nhìn Kate và suy nghĩ. Bắt đầu bằng chỗ nào bây giờ? Làm sao mà giải thích cho Kate nghe về chuyện những người Boer đã đẩy lui người dân Bantu ra khỏi đất đai tổ tiên của họ? Phải chăng mọi sự khởi đầu từ đấy? Hay là anh bắt đầu kể từ câu chuyện tên khổng lồ Oom Paul Kruger, Tổng thống Transvaal, đã từng nói trong bài diễn văn đọc tại Quốc Hội: “Chúng ta phải là chúa tể của bọn da đen, và bắt dòng giống chúng nó phải thần phục chúng ta…” Hay là bắt đầu với câu chuyện về Cecil Rhodes, người xây dựng đế quốc vĩ đại, đã từng đưa ra phương châm, “Phi châu là của người da trắng?” Anh làm thế nào tóm lược lịch sử của dân tộc anh chỉ trong một câu nói? Nhưng anh đã nghĩ ra được một cách. Banda nói, “Bọn cảnh sát đã giết con trai tôi.” Câu chuyện lúc này bắt đầu tuôn ra. Người con trai đầu của Banda, tên là Ntombenthle, đang tham dự một cuộc mít tinh chính trị thì cảnh sát đến giải tán. Nhiều phát súng bắn ra, rồi cuộc nổi loạn bắt đầu. Ntombenthle bị bắt, rồi sáng hôm sau người ta thấy anh bị treo cổ trong xà lim. “Chúng nó bảo rằng đó là một vụ tự vẫn.” Banda kể. “Nhưng tôi biết rõ thằng con trai tôi. Đó là một vụ ám sát.” “Lạy Chúa, anh ấy còn ít tuổi quá,” Kate thì thào. Nàng nhớ lại những lúc chơi đùa, cười cợt với nhau, Ntombenthle là một đứa con trai xinh đẹp. “Tôi rất lấy làm tiếc, bác Banda, ạ. Rất lấy làm tiếc. Nhưng tại sao họ lại săn đuổi bác?” “Sau khi cúng nó giết thằng bé, tôi bắt đầu tập hợp những ngời da đen lại. Tôi phải chống trả lại chúng nó, Kate ạ. Tôi không thể khoanh tay ngồi đó mà không làm gì cả. Bọn cảnh sát gọi tôi là kẻ thù quốc gia. Chúng bắt tôi về tội ăn cướp mà tôi không hề có nhúng tay, rồi xử tôi hai mười năm tù. Bốn người trong số chúng tôi vượt ngục. Một tên lính gác bị bắn chết, thế là chúng trút cả tội lỗi lên đầu tôi. Tôi chẳng bao giơ cầm khẩu súng trong đời tôi.” “Tôi tin bác,” Kate nói. “Việc đầu tiên tôi cần phải làm là đưa bác đến một nơi an toàn.” “Tôi rất tiếc đã khiến cho cô dính líu đến việc này.” “Bác không khiến cho tôi phải dính líu việc gì cả. Bác là bạn của tôi mà.” Banda mỉm cười. “Cô có biết người da trắng đầu tiên đã gọi tôi là bạn, đó là ai không? Bố cô đó.” Anh thở dài. “Làm thế nào mà cô lén đưa tôi ra khỏi tàu hoả ở Cape Town được?” “Chúng ta sẽ không đi Cape Town.” “Nhưng chính cô đã nói là…” “Tôi là một phụ nữ. Tôi có quyền thay đổi ý kiến.” Vào giữa đêm hôm ấy, khi chiếc tàu dừng lại ở ga Wercester, Kate thu xếp cho chiếc toa riêng của nàng được tháo rời khỏi đoàn tàu và kéo đến một đường ray bên cạnh. Khi thức dậy vào buổi sáng, nàng đã đi đến chiếc giường vải của Banda. Chiếc giường trống trơn. Banda đã bỏ đi rồi. Anh đã từ chối không muốn cho nàng phải liên luỵ. Kate lấy làm buồn vì chuyện này, nhưng nàng tin chắc rằng Banda sẽ được an toàn. Bác ấy sẽ có nhiều bạn bè chăm nom cho bác. David sẽ lấy làm hãnh diện về mình, Kate nghĩ thầm. “Tôi không thể tin nổi vì sao cô có thể ngu xuẩn đến như vậy.” David gầm lên, khi Kate trở về nhà từ Johannesburg, và kể cho anh nghe mọi chuyện. “Không những cô gây nguy hại cho sự an toàn của bản thân cô, mà còn đặt công ty trong một tình trạng nguy hiểm. Nếu cảnh sát bắt được Banda ở đây, cô có biết họ làm gì không?” Kate trả lời với vẻ thách thức: “Có chứ. Chúng nó sẽ giết bác ấy.” David vò đầu bứt tai. “Cô chẳng hiểu chút gì cả hay sao?” “Anh nói đúng đấy, tôi hiểu lắm chứ. Tôi hiểu rằng anh là con người lạnh lùng, vô cảm xúc.” Mắt nàng bừng lên giận dữ. “Cô vẫn là một đứa bé con thôi.” Nàng giơ bàn tay lên định đánh anh, nhưng David đã kịp giữ lấy tay nàng lại. “Kate, cô phải biết dằn cơn giận dữ của mình.” Những tiếng nói ấy dội lại trong đầu óc Kate. “Kate, cô phải biết dằn cơn giận dữ của mình.” Đã khá lâu rồi, khi nàng mới bốn tuổi, giữa lúc nàng đang đấm đá với một đứa bé trai dám trêu chọc nàng, thì David xuất hiện, làm cho thằng bé ấy bỏ chạy. Kate sắp sửa đuổi theo hắn thì David chụp lấy nàng. “Ngưng lại, Kate. Cô phải biết dằn lại cơn giận dữ của mình. Con gái không đấm đá như thế bao giờ.” “Tôi không phải là con gái nhỏ,” Kate gắt lên. “Thả tôi ra.” David đành phải thả nàng ra. Chiếc áo màu hồng của nàng dính đầy bùn và rách rưới, một bên má bị bầm. “Để tôi lau sạch cho cô trước khi mẹ cô bắt gặp,” David nói. Kate nhìn theo thằng bé đang chạy trốn với vẻ luyến tiếc. “Nếu như anh để mặc tôi thì tôi đã nện cho hắn một trận nên thân rồi.” David nhìn xuống khuôn mặt bé nhỏ hầm hầm, rồi cười to lên. “Cô có thể làm như thế thật đấy.” Kate dịu đi, để mặc cho David bồng nàng lên, đưa về nhà. Nàng thích được bồng trong tay David.Anh là người lớn duy nhất có thể cảm thông với nàng. Mỗi khi anh trở lại thị trấn, anh thường chơi với nàng. Vào những lúc rảnh rỗi, Jamie McGregor đã từng kể cho David nghe về những cuộc phiêu lưu của anh với Banda, và bây giờ đây, David kể lại những câu chuyện ấy cho Kate. Nàng nghe mà không biết chán. “Anh hãy kể cho tôi nghe về chiếc bè mà bố tôi và Banda đã đóng đi.” Rồi David kể cho nàng nghe. “Anh kể cho tôi nghe về chuyện những con cá mập đi. Kể cho tôi về sương mù ở bể, gọi là “mis” ấy. Kể cho tôi nghe về cái ngày mà…” Kate ít khi gặp được mẹ. Margaret qua bận rộn về việc điều hành các công việc của Công ty Kruger-Brent. Nàng làm những việc ấy thay cho Jamie. Margaret vẫn nói chuyện với Jamie mỗi đêm, y hệt như những năm trước khi chàng qua đời. “David giúp đỡ cho mình rất đắc lực, Jamie ạ. Rồi khi nào Kate đứng ra điều khiển Công ty, nó sẽ có David ở bên cạnh. Em không muốn làm anh phải lo lắng, nhưng thực sự em không biết xử trí như thế nào với con bé ấy…” Kate là một cô gái bướng bỉnh, ngoan cố, và quá quắt. Nàng không chịu tuân theo lời mẹ dạy hay bà Talley. Nếu họ chọn cho nàng một chiếc áo dài nào đó để mặc. Kate thường gạt nó sang một bên, mặc chiếc áo khác. Nàng cũng không chịu ăn uống đàng hoàng. Nàng ăn những gì nàng thích, bất cứ khi nào nàng muốn, mà không ai có thể hăm doạ hay dụ dỗ nàng thay đổi ý kiến được. Khi nào bắt buộc phải đi dự một tiệc sinh nhật nào đó, nàng tìm mọi cách để phá hỏng mọi dự tính. Nàng không có bạn gái, từ chối không chịu theo lớp học khiêu vũ. Thay vào đó, nàng dùng thì giờ chơi bóng bầu dục với bọn con trai. Khi Kate bắt đầu đi đến trường, nàng đã nổi tiếng là tinh nghịch, đến nỗi Margaret phải đến gặp bà hiệu trưởng mỗi tháng một lần để xin lỗi cho Kate và để nàng khỏi bị đuổi ra khỏi trường. “Tôi không hiểu được cô ấy, bà McGregor ạ,” bà Hiệu trưởng thở dài nói, “Cô ấy thông minh tuyệt vời, nhưng chống đối tất cả mọi thứ. Tôi không biết xử trí với cô ấy như thế nào.” Cả Margaret cũng chịu không biết xử trí ra sao. Người duy nhất có thể xử trí được với Kate là David. “Tôi biết rằng cô được mời dữ lễ sinh nhật trưa hôm nay.” David nói. “Tôi ghét các buổi sinh nhật.” David cúi xuống ngang tầm mặt Kate rồi nói: “Tôi biết cô không thích, Kate ạ. Nhưng cha cô bé có buổi tiệc sinh nhật ngày hôm nay là một người bạn thân của tôi. Nếu cô không đi dự và cư xử như là cô gái đàng hoàng thì tôi bẽ mặt với người ta quá.” Kate nhìn thẳng vào mặt David, “Ông ấy là một người bạn tốt của anh à?” “Phải.” “Vậy thì tôi sẽ đi dự.” Thái độ, cử chỉ của nàng trưa hôm ấy thật là không chê vào đâu được. “Tôi không hiểu bằng cách nào anh làm như vậy được.” Margaret nói với David. “Thật giống như là phép lạ.” “Cô ấy chỉ có tính kiêu kì.” David cười và nói. “Lớn lên rồi sẽ hết thôi. Điều quan trọng là mình nên cẩn thận, không tìm cách phá vỡ nó đi.” “Tôi muốn nói với anh một điều bí mật này,” Margaret nói với vẻ tức giận, “Nhiều lúc tôi chỉ muốn bẻ gãy cổ nó ra thôi.” Lúc Kate lên mười, nàng nói với David, “Tôi muốn gặp Banda.” David nhìn nàng ngạc nhiên. “Tôi e rằng chuyện ấy không thể thực hiện được, Kate ạ. Nông trại của Banda cách đây xa lắm.” “Anh bằng lòng đi với tôi đến đó, hay là anh muốn tôi đi một mình?” Tuần lễ kế tiếp đó, David đưa Kate đến nông trại của Banda. Đó là một mảnh đất khá lớn, chừng hai mẫu, ở đó Banda trồng lúa mạch, nuôi cừu và đà điểu. Khu ăn ở là những túp lều hình tròn với tường trát bùn khô. Nhiều chiếc cột chống đỡ một mái nhà hình chóp, lợp bằng rơm. Banda đứng ở trước cửa nhìn chiếc xe của David và Kate đi đến, rồi cả hai rời khỏi xe. Banda nhìn cô gái mặt mũi nghiêm trang đang ngượng ngùng đứng bên cạnh David, rồi nói, “Tôi có thể đoán ra được ngay rằng đây là con gái của Jamie McGregor.” “ Và tôi cũng có thể đoán chắc bác là Banda,” Kate nói một cách nghiêm nghị. “Tôi đến để cảm ơn bác đã cứu sống cha tôi.” Banda cười. “Chắc có người nào đó đã kể lại cho cô nghe rồi chứ gì. Vào trong này đi, để tôi giới thiệu với mọi người trong gia đình tôi.” Bà vợ của Banda là một người đàn bà Bantu xinh đẹp, cô tên là Ntame. Banda có hai con trai, Ntombenthle, lớn hơn Kate bảy tuổi, và Magena, hơn Kate sáu tuổi. Ntombenthle là hình ảnh thu nhỏ lại của cha anh. Nó cũng có những nét đẹp trai, dáng diêu hãnh và vẻ chững chạc giống như bố. Suốt cả trưa hôm ấy, Kate nô đùa với hai đứa con trai của Banda. Chúng ăn cơm trong một căn bếp của ngôi nhà nhỏ, ngăn nắp trong nông trại. David cảm thấy hơi cấn cái khi ăn cơm với một gia đình da đen. Anh kính trọng Banda, nhưng theo truyền thống, không có những cuộc giao tiếp thân mật giữa hai sắc tộc. Thêm vào đó nữa, David lo ngại về các hoạt động chính trị của Banda. Có nhiều báo cáo cho biết rằng Banda là một môn đệ của John Tengo Javabu, mà ông này đang tranh đấu cho những thay đổi quyết liệt trong xã hội. Vì các chủ mỏ không tìm ra đủ số người dân bản xứ để làm việc cho họ nên chính phủ đã đặt một thứ thuế mười shiling đánh vào những người dân bản xứ nào không làm phu mỏ, vì vậy có nhiều cuộc nổi loạn nổ ra ở khắp nơi tại Nam Phi. Lúc trời đã gần về chiều, David nói với Kate, “Ta nên bắt đầu lên đường trở về nhà đi, Kate. Đường xa lắm.” “Chưa đâu.” Kate quay về phía Banda. “Bác kể cho cháu nghe về chuyện những con cá mập đi.” Từ đó trở đi, mỗi khi David có mặt trong thị trấn, Kate thường bắt anh đưa nàng đến thăm Banda và gia đình. Lời bảo đảm của David rằng Kate lớn lên sẽ mất tính kiêu kì đi vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào được thực hiện. Nếu có sự thay đổi gì chăng thì người ta chỉ thấy nàng mỗi ngày mỗi thêm ngang bướng. Nàng từ chối thẳng thừng không chịu tham gia vào các hoạt động của các cô gái khác cùng lứa tuổi với nàng. Nàng cứ khăng khăng đòi đi vào trong các mỏ cùng với David, và anh cũng phải tham dự cùng với nàng vào các cuộc săn bắn, câu cá và cắm trại. Kate rất thích các hoạt động như vậy. Một hôm, khi Kate và David đi câu cá ở sông Vaal, và Kate kéo lên được một con cá hồi lớn hơn bất cứ con cá nào David đã câu được, anh nói: “Lẽ ra cô là một đứa con trai mới phải.” Nàng quay lại về phía David, tỏ vẻ bực bội, “ Đừng có nói bậy, David. Nếu thế thì làm sao tôi lấy được anh.” David cười. “Chúng mình sẽ cưới nhau, anh biết không?” “Tôi e rằng không được Kate ạ. Tôi lớn hơn cô đến hai mươi tuổi. Cũng khá lớn tuổi để có thể đóng vai một ông bố của cô được. Một ngày kia, cô sẽ gặp một chàng trai, một chàng trai trẻ rất dễ thương…” “ Tôi không thích một chàng trai trẻ dễ thương” nàng nói một cách ranh mãnh. “Tôi chỉ thích anh thôi.” “Nếu cô nói thật sự nghiêm chỉnh, vậy thì tôi sẽ bảo chô cô biết điều bí mật đối với trái tim của một người đàn ông nhé,” David nói. “Anh nói cho tôi biết đi!” Kate hăm hở giục. “Qua cái dạ dày của chàng trai ấy. Hãy rửa sạch con cá hồi ấy để chúng ta cùng ăn trưa.” Trong đầu óc của Kate, nàng không có một chút nghi ngờ nào rằng nàng sẽ lấy David Blackwell. Chàng là ngưòi đàn ông duy nhất trên thế giới này đối với nàng. Mỗi tuần lễ một lần, Margaret mới David đến ăn cơm tối tại ngôi nhà lớn. Như thường lệ, Kate thích ăn cơm tối trong bếp cùng các gia nhân, vì ở đấy nàng không cần phải để ý đến thái độ, cử chỉ. Nhưng vào những tối thứ sáu, khi David đến, Kate ngồi trong phòng ăn lớn. David thường đến một mình, nhưng đôi khi anh cũng đem đến một khách mời phụ nữ, thế là Kate đâm ra ghét những người ấy ngay lập tức. Kate thường gọi David ra một chỗ riêng và nói với một vẻ dịu dàng, ngây thơ, “Tôi chưa hề bao giờ thấy tóc ai có sắc thái tóc vàng như thế cả”, hay, “Chắc hẳn cô ấy có cái “gu” đặc biệt về quần áo, phải thế không?” hay “Cô ấy có phải là một trong các cô gái điếm ở nhà bà Agnès không?” Khi Kate được mười bốn tuổi, bà hiệu trưởng mời Margaret đến. “Trường học do tôi điều khiển vẫn nổi tiếng là một trường học đàng hoàng, có uy tín, bà McGregor ạ. Tôi sợ rằng cô Kate, con bà, có thể tạo ảnh hưởng xấu.” Marganet thở dài, “Lần này thì nó đã làm những trò gì?” “Cô ấy dạy bọn trẻ con khác thứ ngôn ngữ chúng không hề bao giờ nghe trước đó”. Mặt bà tỏ vẻ tức giận. “Tôi có thể nói thêm, thưa bà McGregor ạ, rằng chính tôi cũng chưa hề nghe một số từ ấy bao giờ. Tôi không hiểu cô bé đã nhặt được những tiếng ấy ở đâu” Nhưng Margaret hiểu Kate đã nhặt được lối nói ấy từ các bạn bè của nó trên đường phố, “Thôi được”, Margaret quyết định, “Bây giờ là lúc cần phải chấm dứt tất cả những chuyện như thế”. Bà hiệu trưởng nói, “Tôi ước mong rằng bà sẽ chỉ bảo cô ấy. Chúng tôi cho cô ấy thêm một cơ hội nữa để sửa chữa, nhưng…” “Không. Tôi có ý kiến tốt hơn thế. Tôi sẽ cho Kate đi học xa nhà” Khi Margaret nói với David về ý định này, thì David cười và nói, “Cô ấy sẽ không thích như vậy đâu” “Tôi không thể làm khác thế được. Lần này, bà hiệu trưởng phàn nàn về thứ ngôn ngữ mà Kate vẫn dùng. Nó đã học thứ ngôn ngữ ấy từ những người đi tìm kim cương mà nó lúc nào cũng quấn lấy xung quanh. Con gái tôi bắt đầu giống hệt như họ qua giọng nói, dáng điệu và cả cái mùi hôi hám của họ nữa. Nói thật với anh, David ạ, tôi không hiểu nó chút nào. Tôi không biết vì sao nó có tư cách như vậy. Nó xinh đẹp, nó thông minh, nó…” “Có lẽ cô ấy quá thông minh” “Thôi được, quá thông minh hay không, tôi cũng sẽ cho nó đi học xa nhà” Khi Kate trở về nhà hôm ấy, Margaret tiết lộ cho nàng biết tin này. Kate đùng đùng nổi giận, “Mẹ cố tìm cách dứt bỏ con”. “Dĩ nhiên là không rồi, con yêu quý ạ. Mẹ chỉ nghĩ rằng con sẽ được sống thoải mái hơn…” “Con sống ở đây thoải mái hơn. Tất cả các bạn bè của con đều ở đây. Mẹ cố tách rời con ra xa bạn bè” “Nếu con muốn nói về hạng người hạ lưu ấy thì con…” “Họ không phải là hạng người hạ lưu. Họ cũng tốt như bất cứ ai” “Kate ạ, mẹ không muốn cãi với con. Con sẽ đến ở trong một kí túc xá dành cho các cô gái con nhà tử tế. Mẹ đã quyết định như thế rồi, không thể thay đổi gì nữa” “Con sẽ tự tử” Kate doạ. “ Được rồi, con ạ. Ở trên gác có sẵn con dao cạo đấy, và nếu chịu khó tìm xung quanh, con chắc chắn cũng sẽ tìm thấy nhiều loại thuốc độc khác nhau trong nhà này” Kate bật khóc “Xin mẹ đừng làm như vậy với con, mẹ ơi!” Margaret ôm con gái vào lòng. “Như vậy là để cho con nên người, Kate ạ. Chẳng bao lâu nữa con sẽ là một thiếu nữ rồi. Con sẽ đến tuổi lấy chồng. Không một người đàn ông nào chịu lấy một đứa con gái nói năng ăn mặc và có thái độ, cử chỉ như con đâu” “Mẹ nói thế là không đúng” Kate sụt sịt nói “David đâu có để ý đến những thứ ấy” “David thì có liên quan gì đến chuyện này?” “Chúng con sẽ lấy nhau mà” Margaret thở dài “Để mẹ bảo bà Talley gói ghém các đồ đạc của con lại” Có chừng năm sáu trường học nội trú cho con gái. Margaret cho rằng trường Cheltenham, ở Gloucester, là thích hợp nhất cho Kate. Đó là một trường nổi tiếng về kỉ luật chặt chẽ, dựng trên nhiều mẫu đất cỏ tường cao với lỗ châu mai, mà, theo tài liệu, đã được thiết lập xưa kia cho con gái của các nhà quý tộc theo học. David có liên hệ kinh doanh với ông chồng của bà hiệu trưởng, nên việc xin cho Kate theo học trường này không gặp khó khăn gì. Khi Kate nghe nói đến nơi nàng sẽ phải đi tới, nàng lại nổi giận lên đùng đùng, “Con đã nghe nói về cái trường ấy! Rồi đây con sẽ trở về nhà, giống như những con búp bê nhồi bông của nước Anh chứ gì? Có phải mẹ muốn như vậy không?” “Điều mà mẹ muốn là con học thói lịch sự trong thái độ, cử chỉ” Margaret nói “Con không cần những thứ ấy. Con có đầu óc” “Đó không phải là thứ quan trọng nhất mà một người đàn ông thường tìm kiếm ở người đàn bà” Margaret nói một cách tỉnh khô. “Rồi đây con sẽ trở thành một người đàn bà” “Con không cần trở thành một người đàn bà gì hết. Tại sao mẹ không “mặc kệ chó” con tự lo liệu lấy?” “Mẹ không muốn con dùng thứ ngôn ngữ như vậy” Thế rồi vụ cãi vã ấy vẫn tiếp tục cho mãi đến sáng hôm sau, khi Kate bắt buộc phải lên đường. Vì lúc ấy David cũng đi London có công việc, Margaret hỏi anh, “Anh có thể đưa Kate đến trường học một cách êm thấm được không? Chỉ có Chúa mới biết nó sẽ giở những trò gì, nếu nó đi một mình” “Tôi rất vui lòng làm chuyện ấy” “Anh à? Anh cũng xấu xa chẳng khác gì mẹ tôi. Anh không có đủ kiên nhẫn chờ đợi dứt bỏ tôi hay sao?” David cười “Cô lầm rồi. Tôi có đủ kiên nhẫn.” Hai người đi bằng toa tàu riêng từ Klipdrift đến Cape Town, từ đó họ xuống tàu thuỷ đi Southampton. Cuộc hành trình kéo dài bốn tuần. Kate cảm thấy rộn ràng vui sướng được đi du lịch với David, nhưng lòng kiêu hãnh không cho phép nàng thừa nhận điều ấy. Nó giống như một tuần trăng mật, Kate nghĩ thầm. Chỉ có khác là anh ấy và mình chưa cưới nhau thôi. Chưa đến lúc. David dùng phần lớn thời gian để làm việc trong phòng ngủ của anh trên tàu thuỷ. Kate cuộn mình trên chiếc đi văng, yên lặng nhìn David làm việc, và cảm thấy sung sướng được gần gũi anh. Một hôm, nàng hỏi David, “Anh làm việc với các con số như thế mà không thấy chán hay sao?” Anh đặt bút xuống, nhìn nàng, “Đó không phải là những con số. Mà là những câu chuyện.” “Chuyện gì vậy?” “Nếu mình biết đọc các con số ấy thì đố là chuyện về các công ty mình mua hay bán, chuyện về những ngưòi làm việc cho mình. Hàng nghìn người trên thế giới sinh sống nhờ công ty mà cha cô đã thiết lập.” “Thế tôi có giống cha tôi chút nào không?” “Có, về nhiều phương diện. Ông ấy là một người độc lập, cứng đầu, cứng cổ.” “Tôi có phải là một người đàn bà độc lập, cứng đầu cứng cổ hay không?” “Cô là một nhóc con được quá nuông chiều nên đâm ra hư. Người đàn ông nào lấy cô sau này sẽ có một cuộc sống giống như ở địa nguc.” Kate tủm tỉm cười, mơ mộng. Tội nghiệp cho anh chàng David! Trong phòng ăn, vào đêm cuối cùng trên tàu thuỷ, David hỏi, “Tại sao cô khó khăn thể, hở cô Kate?” “Tôi mà khó khăn à?” “Chính cô cũng biết đấy, Cô làm cho mẹ cô phải điên đầu lên.” Kate đặt tay lên bàn tay của David. Thế tôi có làm anh phát điên lên không?” Mặt David đỏ bừng. “Ngưng cái trò ấy lại. Tôi không hiểu được cô.” “Có chứ, anh hiểu tôi lắm.” “Tại sao cô không thể giống như những cô gái cùng tuổi cô?” “Tôi thà chết còn hơn. Tôi không muốn giống ai hết.” “Chúa cũng biết cô chẳng giống ai cả.” “Anh sẽ không lấy ai cả, chờ cho đến khi tôi lớn lên, xứng đôi vừa lứa với anh chứ, chịu không? Tôi sẽ lớn lên càng nhanh càng tốt. Tôi hứa với anh như vậy đó. Chỉ có điều là anh đừng có gặp bất cứ người yêu nào của anh, nhớ đấy nhé.” David cảm động vì lời lẽ tha thiết của Kate. Anh cầm lấy bàn tay nàng và nói. “Kate ạ, khi nào tôi lấy vợ, tội muốn có được một đứa con gái giống hệt như cô.” Kate đứng phắt dậy, nói bằng một giọng oang oang vang lên suốt phòng ăn. “Quỷ tha ma bắt anh đi, David Blackwell!” Nói xong, nàng đùng đùng đi ra khỏi phòng, trong khi mọi người trố mắt nhìn ngạc nhiên. Kate tận hưởng từng giây phút một, trong suốt ba ngày hai người cùng sống chung ở London. “Tôi có một cuộc vui này dành cho cô”, David nói. “Tôi đã mua hai vé xem vở kịch “Bà Wiggs và Mảnh đất trồng bắp cải”. “Cảm ơn anh. Tôi muốn đi đến rạp Galety.” “Không được đâu. Đó là nơi ca vũ nhạc. Nó không thích hợp với cô.” “Tôi có xem tận mắt thì mới biết được chứ. Phải thế không?” nàng nói một cách bướng bỉnh. Hai người cùng đi đến rạp Galety. Kate rất thích quang cảnh ở London. Xe hơi và xe ngựa chen chúc lẫn lộn; các bà, các cô ăn mặc rất đẹp đẽ với những chiếc áo viên đăng ten, bằng vải tuyn và xa tanh, với các đồ nữ trang lóng lánh; đàn ông mặc quần áo chỉnh trề với gi-lê bằng vải sọc và vạt trước sơ mi trắng tinh.Hai người ăn trưa ở Ritz và cơm tối ở Savoy. Rồi khi đến giờ ra về, Kate nghĩ thầm, “Chúng ta sẽ trở lại nơi này. David và mình sẽ trở lại nơi này.” Khi hai người đến trường học Cheltenham, họ được dẫn đến văn phòng bà Keaton. “Tôi xin cám ơn bà đã cho Kate vào học”, David nói. “Dĩ nhiên, chúng tôi rất sung sướng nhận cô bé ấy ở đây. Hơn nữa, cũng là một điều hân hạnh được giúp đỡ một người bạn của nhà tôi.” Đến lúc ấy Kate mới biết rằng mình đã bị lừa. Chính David đã muốn nàng phải đi học xa và đã thu xếp cho nàng đến đây. Nàng cảm thấy bị xúc phạm và giận dữ, cho nên nàng không thèm nói với David một lời từ biệt. Chương 13 Cuộc sống ở tại trường Cheltenham thật không thể nào chịu đựng nổi. Có quy tắc và điều lệ cho tất cả mọi việc. Con gái phải mặc những đồng phục y hệt như nhau, cho đến những cái quần lót. Ngày học kéo dài đến mười giờ đồng hồ, trong đó mỗi phút đều được sắp xếp thật là chặt chẽ. Bà Keaton điều khiển các học sinh và nhân viên bằng chiếc roi sắt. Các nữ sinh phải học tập về tác phong và kỷ luật, nghi thức và phép lịch sự, để sau này họ thu hút được những ngưòi chồng mong ước. Kate viết thư cho mẹ: “Thật là một nhà tù “chết tiệt”. Con gái ở đây thật là kinh khủng. Họ chỉ biết nói chuyện với nhau về những thứ quần áo “chết tiệt” và những bọn con trai “chết tiệt”. Các thầy giáo “chết tiệt” là bọn quỷ dữ. Họ sẽ không bao giờ giữ con lại ở đây. Con sẽ trốn thoát.” Kate đã tìm cách trốn khỏi nơi này, và lần nào nàng cũng bị bắt lại, rồi đưa trở về trường, mà không hề hối cải. Trong một cuộc họp hàng tuần của ban giảng huấn khi tên của Kate được đưa ra, một thầy giáo nói, “Đứa trẻ này thật là bất trị. Tôi nghĩ cần gửi trả nó về Nam Phi”. Bà Keaton nói, “Tôi cũng muốn đồng ý với thầy, nhưng chúng ta nên xem đó là một cuộc thử thách. Nếu chúng ta thành công trong việc đưa Kate McGregor vào khuôn phép thì tôi nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ thành công tương tự với bất kì đứa trẻ nào” Kate vẫn được ở lại trường. Điều khiển cho các thầy cô giáo ngạc nhiên hết sức là Kate tỏ ra rất ham thích nông trại do nhà trường quản lý. Nông trại ấy có những vườn rau, gà, bò, lợn và ngựa. Kate thường ở lại nơi ấy rất lâu, và khi bà Keaton biết được điều này, bà rất lấy làm hài lòng. Bà nói với các nhân viên nhà trường, “Quý vị thấy không? Đó chỉ là vấn đề kiên nhẫn thôi. Kate cuối cùng đã ham thích tham gia vào cuộc sống. Một ngày kia nó sẽ lấy một điền chủ và sẽ có thể giúp đỡ cho chồng rất nhiều”. Sáng hôm sau, Oscar Denker, người phụ trách trông coi nông trại, đến gặp bà Hiệu trưởng. Ông nói, “Một trong các học sinh của bà - cái cô Kate McGregor đó - tôi chỉ mong bà cấm nó bén mảng đến mông trại của tôi”. “Ông nói cái gì lạ vậy?” bà Keaton hỏi. “Tôi được biết rằng nó rất ham thích nông trại.” “Chắc chắn là cô ấy ham thích rồi, thế nhưng và có biết cô ấy ham thích cái gì không? Cô ấy chỉ thích xem súc vật giao cấu với nhau mà thôi, tôi xin lỗi bà vì phải dùng thứ ngôn ngữ như vậy.” ”Cái gì?” “Thưa, đúng như vậy ạ. Cô ấy đứng đó suốt ngày chỉ để xem các súc vật làm chuyện ấy với nhau thôi.” “Đồ chết tiệt!” Bà Keaton buột miệng thốt lên. Kate vẫn chưa tha thứ cho David vì đã đưa nàng đi đày, nhưng nàng nhớ chàng kinh khủng. Nàng nghĩ thầm, “Số phận của mình là phải yêu một người mà mình ghét”. Nàng đếm những ngày phải sống xa chàng, như một tù nhân ghi dấu thời gian cho đến ngày được thả ra. Kate lo sợ anh ấy sẽ làm một chuyện gì đó kinh khủng, chẳng hạn như cưới một người đàn bà nào khác trong khi nàng còn đang bị mắc bẫy trong cái trường “chết tiệt” này. Kate nghĩ, “Nếu anh ấy làm như vậy, mình sẽ giết cả hai người. Không mình chỉ giết một mình cô ấy thôi. Người ta sẽ đến bắt mình, sẽ treo cổ mình lên, và khi mình đứng trên đoạn đầu đài rồi, anh ấy sẽ nhận ra rằng anh ấy yêu mình. Nhưng lúc ấy thì trễ qua rồi. Anh ấy sẽ van xin mình tha thứ cho anh. “Được, anh David yêu quý của em ạ, em tha thứ cho anh. Anh đã quá ngu xuẩn nên không biết được rằng anh đang nắm một mối tình lớn trong bàn tay. Anh để cho nó bay đi giống như một con chim nhỏ. Bây giờ con chim bé nhỏ ấy sắp bị treo cổ rồi. Vĩnh biệt, David”. Nhưng rồi đến phút cuối cùng, người con gái ấy được ân xá, rồi David đưa nàng đến một xứ xa lạ nào đó, nơi mà thức ăn ngon lành hơn thứ đồ ăn “chết tiệt” người ta thường dọn tại cái trường Cheltenham “chết tiệt” này”. Kate nhận được một lá thư của David cho biết rằng anh sắp sửa đi London, và sẽ đến thăm viếng nàng. Trí tưởng tượng của Kate bừng dậy. Nàng tìm thấy hàng trăm ẩn ý trong lá thư ấy. Tại sao anh ấy sắp sang Anh? Tất nhiên là để được gần nàng. Tại sao anh ấy sẽ đến thăm nàng? Ấy là bởi vì anh ấy biết anh yêu nàng và không còn có thể chịu nổi sự xa cách nữa. Anh ấy sẽ nhấc bổng nàng lên, đưa nàng ra khỏi cái nơi ghê gớm này. Nàng không thể ngăn được nỗi vui sướng tràn ngập trong lòng. Ý nghĩ kì quặc ấy của Kate đối với nàng có vẻ thực đến nỗi, khi David vừa đến nơi, Kate đi khắp nơi chào từ biệt bạn bè. Nàng nói với họ, “Người yêu của tôi sắp đến đây để đưa tôi ra khỏi nơi này.” Các cô bạn nhìn nàng im lặng, có vẻ không tin. Chỉ có Georgina Christy nói với nàng với vẻ chế giễu, “Chị lai nói dối nữa rồi, chị McGregor ạ.” “Rồi các chị sẽ thấy. Anh ấy cao, đẹp trai, và si mê em điên cuồng”. Khi David đến trường, anh ngạc nhiên vì thấy tất cả các nữ sinh có vẻ như đang nhìn anh chằm chằm. Họ nhìn anh, rồi thì thầm, rúc rích cười với nhau. Ngay khi anh bắt gặp cái nhìn của họ thì họ đỏ mặt, quay đi chỗ khác. “Họ làm như thể họ chưa hề thấy một người đàn ông bao giờ”, David nói với Kate. Anh nhìn nàng, nghi ngờ. “Cô có nói gì với họ về tôi không?” “Dĩ nhiên là không rồi”. Kate trả lời với vẻ kiêu kì. “Việc gì mà tôi phải làm như vậy.” Hai người ăn cơm trong phòng ăn cơm của nhà trường. David kể lại cho Kate nghe về những gì đã xảy ra ở nhà. “Mẹ cô gửi lời thăm hỏi cô. Bà ấy mong cô trở về nhà vào dịp nghỉ hè”. “Mẹ tôi thế nào?” “Bà vẫn khoẻ. Bà làm việc nhiều lắm.” “ Công việc Công ty tiến hành tốt không, anh David?” David ngạc nhiên vì Kate đôt nhiên tỏ vẻ chú ý đến công việc của Công ty. “Rất tốt. Tại sao cô hỏi như vậy?” Bởi vì, Kate thầm nghĩ, một ngày kia Công ty ấy sẽ thuộc về mình. Anh và tôi sẽ chia sẻ gánh vác. Nhưng nàng chỉ nói, “Tôi chỉ tò mò muốn biết thôi.” Anh nhìn vào đĩa thức ăn còn nguyên cả Kate. “Cô không ăn sao?” Kate không quan tâm đến thức ăn. Nằng đang chờ đợi giây phút thần diệu, khi David sẽ nói với nàng, “Hãy đi theo anh, Kate. Em bây giờ là một thiếu nữ rồi, và anh muốn gần em. Chúng ta sẽ cưới nhau.” Món tráng miệng được đem đến, rồi được dọn đi. Cà phê cũng được đem lại, rồi bưng đi nơi khác. Thế nhưng những lời nói thần diệu của David vẫn chưa đến. Cuối cùng David nhìn vào chiếc đồng hồ, và nói, “Thôi, tôi phải đi bây giờ, kẻo lỡ mất chuyến tàu”. Đến lúc ấy, Kate mới nhận thức, với một cảm giác kinh hãi, rằng anh ấy không đến đây để đưa nàng đi xa. Cái anh chàng khốn kiếp ấy sẽ để nàng lại ở đây cho mục xương ra. David cảm thấy vui thích về cuộc viếng thăm Kate. Nàng là một cô bé thông minh, vui tính, và tính bướng bỉnh trước đây của nàng bây giờ cũng đã được kiềm chế. David đập nhẹ lên bàn tay Kate một cách thân mật và hỏi, “Cô có cần tôi làm giúp cô điều gì trước khi tôi ra về không, cô Kate?” Nàng nhìn thẳng vào mắt anh, và nói một cách dịu dàng, “Có, anh David ạ. Anh có thể ban cho tôi một đặc ân rất lớn lao. Hãy cút ra khỏi cuộc sống chết tiệt này của tôi”. Nói xong, nàng trang nghiêm bước ra khỏi phòng, đầu ngẩng cao lên, để lại David ngồi ngơ ngác tại chỗ, miệng há hốc ra. Margaret cảm thấy nhớ Kate. Đứa con gái ấy có tính ngỗ ngươc và hay làm trái ý, nhưng Margaret nhận ra rằng nó là con người duy nhất sống trên đời này mà nàng yêu mến. Nó sẽ trở thành một người đàn bà vĩ đại, Margaret nghĩ thầm và cảm thấy hãnh diện. Nhưng mình muốn nó có tác phong của một người đàn bà sang trọng. Kate về nhà trong dịp nghỉ hè. “Con học hành ở trường thế nào?” Margaret hỏi. “Con ghét cái trường ấy lắm. Nó giống như là mình bị bao vây bởi một trăm bà vú nuôi vậy.” Margaret nhìn con gái như để dò xét. “Thế các nữ sinh khác có nghĩ giống như con không, hở Kate?” “Chúng nó thì biết cái gì?” Nàng nói với vẻ khinh bỉ. “Mẹ có gặp bọn con gái ở trường ấy thì mới rõ được. Chúng nó được che chở suốt từ nhỏ đến lớn, cho nên chúng chẳng biết khỉ gì về chuyện đời cả.” “Trời, như thế chắc là kinh khủng đối với con quá nhỉ.” “Mẹ đừng có chế giễu con. Chúng nó chưa hề bao giờ sống ở Nam Phi. Những thứ thú dữ duy nhất chúng được thấy là ở các sở thú thôi. Không một đứa nào trong bọn chúng được thấy một mỏ kim cương hay mỏ vàng.” “Thiệt thòi quá nhỉ” Kate nói, “Thôi được. Nhưng khi nào con trở thành giống như họ thì mẹ sẽ thấy hối tiếc đến nát ruột gan ra.” “Thế con nghĩ con sẽ trở thành giống như họ sao?” Kate nhe răng cười tinh quái. “Dĩ nhiên là không rồi. Bộ mẹ điên rồi à?” Một giờ sau khi trở về nhà, Kate đã ra ngoài chơi bóng bầu dục với bọn trẻ con của các gia nhân. Margaret đứng nhìn Kate qua khung cửa sổ và nghĩ thầm, “Mình đã phí tiền vô ích. Nó sẽ chẳng bao giờ thay đổi cả.” Tối hôm ấy, vào bữa cơm, Kate tình cờ hỏi, “David có ở trong thị trấn không?” “Anh ấy đi sang Úc, có lẽ sẽ trở về vào ngày mai.” “Thế anh ấy có lại ăn cơm vào tối thứ sáu tới không?” “Có lẽ”. Nàng nhìn Kate và nói, “Con thích David phải không?” Kate nhún vai, “Anh ấy cũng không đến nỗi nào.” “À ra thế.” Margaret nói. Nàng tủm tỉm cười một mình vì bà nhớ đến lời nói của Kate rằng nó sẽ quyết lấy David cho kì được. “Con muốn nói là con không ghét anh ấy. Con thích anh ta như là một con người thôi. Con không thể chịu được anh ấy với tư cách là một người đàn ông.” Khi David đến ăn cơm vào tối thứ sáu, Kate chạy như bay ra đến cửa để chào đón anh. Nàng ôm lấy David và thì thầm vào tai anh. “Tôi tha thứ cho anh. Nhớ anh quá, David ạ. Anh có nhớ tôi không?” David buột miệng đáp, “Có”. Ngay lúc ấy anh ngạc nhiên, nghĩ thầm, “Lạy Chúa, mình có nhớ cô ấy thật”. Anh chưa hề quen ai giống như cô bé này. Anh đã thấy nàng lớn lên, va cứ mỗi lần anh đối diện với nàng, anh lại thấy phát hiện ra ở nàng một cái gì mới mẻ. Nàng đã gần mười sáu tuổi và đã bắt đầu nảy nở. Nàng để cho làn tóc đen mọc dài ra, xoã xuống mềm mại trên hai vai. Nàng đã có những nét trưởng thành, và một vẻ hấp dẫn mà anh không để ý thấy trước đây. Nàng xinh đẹp, lanh lợi, thông minh và có ý chí mạnh mẽ. Nàng sẽ khó điều khiển đối với một người đàn ông nào đó về sau này. David nghĩ thầm. Đến bữa ăn, David hỏi, “Cô học hành ở trường như thế nào?” “Ồ, tôi thích lắm”, nàng nói chuyện huyên thuyên. “Học được nhiều thứ lắm. Các cô giáo thật là tuyệt vời, và tôi cũng có rất nhiều bạn bè thân thiết.” Margaret ngồi im lặng, sửng sốt. “David, anh có thể đưa tôi đi xem mỏ được không?” “Cô muốn bỏ phí mấy ngày nghỉ của cô bằng cách ấy hay sao?” “Vâng. Anh cứ cho tôi đi theo.” Một cuộc đi thăm vùng mỏi sẽ chiếm trọn một ngày,và như vậy có nghĩa là nàng sẽ ở bên cạnh David trong suốt thời gian ấy. “Nếu mẹ cô cho phép thì…” “Mẹ, mẹ cho phép đi…” “Thôi được con ạ. Chừng nào con ở bên cạnh David, mẹ mới yên tâm rằng con sẽ được an toàn”. Margaret hi vọng rằng David cũng sẽ được an toàn. Mỏ kim cương Kruger-Brent là một công trình đồ sộ với hàng trăm công nhân tham gia vào công việc đào đất, xây dưng, đãi và rửa sỏi đá. “Đây là một trong những mỏ đem đến nhiều lợi lộc nhất cho công ty”, David nói với Kate. Họ đang ở trên mặt đất, trong văn phòng của viên quản đốc, chờ đợi một nhóm hộ tống đưa họ xuống mỏ. Sát vào tường là một tủ trưng bày những viên kim cương đủ cỡ và đủ màu sắc. “Mỗi viên kim cương có một đặc tính riêng”, David giải thích. “Những viên kim cương nguyên thủy lấy từ các bờ sông Vaal chứa chất phú sa, và các cạnh của chúng đã bị mài mòn qua bao nhiêu thế kỷ”. Anh ấy trông đẹp trai hơn bao giờ hết, Kate ngẫm nghĩ. Mình yêu cặp lông mày của anh ấy quá! “Những viên đá này lấy từ nhiều mỏ khác nhau, nhưng người ta vẫn có thể nhận ra chúng dễ dàng nhờ ở bề ngoài của chúng. Cô có thấy viên này không? Nhìn vào cỡ của viên đá và màu vàng của nó, ta biết ngay rằng người ta tìm thấy nó ở Paardspan. Các viên kim cương của hãng De Beer có bề mặt trơn tru như dính dầu, và hình thể của nó là một khối mười hai mặt” Anh ấy thật là xuất sắc, biết đủ tất cả mọi thứ! “Cô có thể biết ngay viên này là lấy ở mỏ Kimberley, vì nó là một khối tám mặt. Các viên kim cương có nhiều loại, từ loại thuỷ tinh đục đến loại trắng tinh khiết”. Mình thắc mắc không biết viên quản đốc có nghĩ rằng David là người yêu của mình không nhỉ. Mình hi vọng như vậy. “Màu sắc của một viên kim cương xác định giá trị của nó. Các màu sắc được phân ra theo một thang bậc từ một đến mười. Cao nhất là loại kim cương có màu trắng xanh, thấp nhất là loại màu nâu.” Anh ấy có một mùi rất thơm tho. Một mùi rất là… rất là đàn ông. Mình thích cái vai và cánh tay anh ấy. Mình ao ước… “Kate!” Nàng đáp, như cảm thấy mình phạm tội, “Vâng, cái gì hả anh David?” “Cô có nghe tôi nói không?” “Cố nhiên là có”. Giọng nàng có vẻ không bằng lòng. “Tôi có nghe từng lời nói của anh” Họ ở suốt hai giờ đồng hồ trong lòng mỏ, rồi hai người cùng ăn cơm trưa. Đối với Kate, đó là một ngày thần tiên. Khi Kate trở về nhà vào xế trưa hôm ấy, Margaret hỏi, “Con có thích không, Kate?” “Thật là tuyệt vời. Công việc làm mỏ rất là thú vị.” Nửa giờ sau, Margaret tình cờ nhìn qua cửa sổ. Kate đang vật lộn với đứa con trai của một bác làm vườn. Năm sau, các lá thư của Kate từ trường gửi về có vẻ lạc quan một cách thận trọng. Kate được cử làm thủ quân của các đội khúc côn cầu và đánh vợt, và đứng đầu lớp về việc học. Trường học không đến nỗi tệ lắm, nàng viết trong thư, và trong các lớp học của nàng cũng có một số bạn tử tế một cách vừa phải. Nàng xin phép mẹ đưa hai người bạn về nhà trong dịp nghỉ hè. Margaret cũng rất vui lòng. Ngôi nhà sẽ trở nên ồn ào, náo nhiệt với tiếng cười đùa của mấy cô gái trẻ. Margaret nóng lòng chờ đợi con gái về thăm nhà. Tất cả những mơ ước của nàng bây giờ đều đặt vào Kate. Nàng thầm nghĩ, “Jamie và mình thuộc về qua khứ rồi. Kate là tương lai. Tương lai ấy sẽ sáng sủa, tuyệt vời biết bao nhiêu!” Khi Kate trở về nhà vào dịp nghỉ hè, tất cả mọi chàng trai xứng đôi vừa lứa cứ bám lấy xung quanh nàng, bao vây nàng, để có những cuộc hẹn hò, đi chơi, nhưng nàng không thích người nào cả. David đang ở Mỹ, và Kate nóng lòng chờ chàng về. Khi David về đến nhà, Kate đến tận cửa đón chàng, mừng rỡ. Nàng mặc một chiếc áo dài màu trắng, quấn một cái thắt lưng nhung màu đen làm nổi bật lên bộ ngực duyên dáng của nàng. Khi David ôm lấy nàng, anh ngạc nhiên cảm thấy vẻ nồng thắm trong lối đáp ứng của nàng. Anh lùi lại nhìn ngắm nàng. Ở nàng có một vẻ gì đó khác biệt, một vẻ hiểu biết. Trong đôi mắt nàng anh thấy một lối biểu lộ mà anh không thể xác định được, khiến cho anh cảm thấy bứt rứt, không yên. Một đôi lần, trong vụ hè ấy, David thấy Kate dang đứng với mấy người bạn trai bao vây xung quanh, anh tự hỏi không biết người nào trong số ấy sẽ có diễm phúc được nàng chọn lựa. David được gọi trở lại Úc vì công việc, và khi anh trở về Klipdrift thì Kate đã lên đường sang Anh. Trong năm cuối cùng của Kate ở trường học, David bất ngờ xuất hiện vào một tối nọ. Thường thường anh đều có thư hay gọi điện thoại báo trước. Lần này anh không báo cho biết gì cả. “David! Thật là bất ngờ qua!” Kate ôm choàng lấy anh, “Lẽ ra anh phải báo cho tôi biết anh sẽ đến chứ”. “Kate ạ, tôi đến để đưa cô về nhà”. Nàng lùi lại, nhìn lên mặt anh. “Có chuyện gì không hay chăng?” “Tôi lo rằng mẹ cô đang ốm rất nặng”. Kate đứng đờ người trong một lúc. “Tôi sẵn sáng đi ngay bây giờ.” Kate sửng sốt khi trông thấy vẻ ngoài của mẹ. Chỉ mới ít tháng trước, Margaret có vẻ rất khoẻ mạnh. Bây giờ mặt bà nhợt nhạt, hốc hác, đôi mắt hầu như mất vẻ tinh anh. Có vẻ như là căn bệnh ung thư đang tàn phá da thịt bà, cũng đã tàn phá cả linh hồn của bà nữa. Kate ngồi bên cạnh giường, cầm tay mẹ trong bàn tay nàng, và nói, “Mẹ ơi, con hối hận quá”. Margaret bóp chặt tay con gái. “Mẹ đã sẵn sàng, con yêu quý ạ. Có lẽ mẹ đã đã sẵn sàng như vậy từ khi cha con qua đời”. Bà ngước mắt lên nhìn Kate. “Con có muốn nghe một chuyện vớ vẩn khổng? Mẹ chưa hề nói với ai điều này cả trước kia”. Bà do dự một lúc, rồi tiếp tục nói, “Mẹ lúc nào cũng lo lắng không có ai chăm nom cha con được tử tế cả. Bây giờ thì mẹ có thể làm như vậy được rồi.” Margaret được an táng ba ngày sau đó. Cái chết của mẹ nàng đã khiến cho nàng bị xúc động sâu sắc. Kate đã mất cha và anh, nhưng nàng không hề bao giờ được biết mặt họ. Họ chỉ là những điều tưởng tượng thuộc quá khứ, nhưng cái chết của mẹ nàng là hiện thực và đau đớn. Kate đã mười tám tuổi, và đột nhiên nàng trở nên cô đơn trên cõi đời. Ý nghĩ này khiến nàng khiếp hãi. David nhìn Kate đứng bên cạnh mộ của mẹ nàng, cố lấy can đảm để khỏi khóc. Nhưng khi hai người trở về đến nhà, Kate khóc oà lên, không sao ngưng nổi. “Mẹ lúc nào cũng rất tốt với tôi, David ạ, còn tôi thật là một đứa con gái hư hỏng”. David cố an ủi nàng, “Cô lúc nào cũng làmột cô con gái ngoan của mẹ cô, Kate”. “Tôi chỉ gây rắc rối cho mẹ tôi thôi. Tôi sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì nếu tôi có thể chuộc tội lỗi ấy đối với mẹ tôi. Tôi không muốn mẹ tôi chết. David! Tại sao Chúa lại làm như vậy đối với mẹ tôi?” Anh im lặng một lúc, chờ cho đến khi nàng khóc hết nước mắt. khi nàng đã dịu lại, David mới nói, “Tôi biết rằng cô khó mà tin được vào lúc này, nhưng một ngày kia nỗi đau đớn này sẽ tan đi. Rồi cô biết sẽ có gì còn lại không, Kate. Những kỉ niệm êm đẹp. Cô sẽ nhớ lại tất cả những gì đẹp đẽ mà cô và mẹ cô đã từng có”. “Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng ngay lúc này, tôi cảm thấy đau đớn quá”. Sáng hôm sau hai người bàn với nhau về tương lai của Kate. “Cô có gia đình ở Tô cách lan”, David nhắc nhở. “Không!” Kate đáp lại một cách gay gắt. “Đó không phải là gia đình. Họ là những người bà con, họ hàng”. Giọng nàng trở nên chua cay. “Khi bố muốn đi đến xứ này, họ chế giễu bố tôi. Không ai giúp đỡ cho bố tôi, ngoài bà nội tôi, nhưng bà mất rồi. Không, tôi không có liên hệ gì với họ cả”. David ngồi suy nghĩ. “Cô có dự định học cho nốt học kì này không?” Kate chưa kịp trả lời, David đã nói tiếp, “Tôi nghĩ rằng có lẽ mẹ cô cũng muốn cô làm như vậy.” “Thế thì tôi sẽ làm đúng như mẹ tôi muốn”. Nàng nhìn xuống sàn nhà, mắt không nhìn vào đâu hết. “Địa ngục khốn kiếp!” Kate nói. “Tôi hiểu”, David dịu dàng nói. “Tôi hiểu”. Kate học hết học kì và được cử đọc diễn văn tốt nghiệp. David cũng có mặt trong buổi lễ trao bằng. Trong lúc đi từ Johannesburg đến Klipdrift trong toa xe riêng, David nói, “Cô biết không, tất cả những thứ này sẽ thuộc về cô trong ít năm nữa. Chiếc toa xe này, các mỏ và công ty này, tất cả là của cô. Cô là một cô gái rất giàu có. Cô có thể bán công ty này đi để lấy nhiều triệu bảng Anh”. Anh nhìn nàng, rồi nói tiếp, “Hoặc cô có thể giữ lại công ty này. Cô sẽ phải nghĩ về điều đó.” “Tôi đã suy nghĩ rồi”, Kate nói. Nàng nhìn vào mặt David, tủm tỉm cười. “Cha tôi xưa kia là một đạo tặc, David ạ. Một đạo tặc gia tuyệt vời. Tôi ao ước giá như tôi được biết cha tôi.Tôi sẽ không bán công ty này đi.Anh có biết tại sao không? Bởi vì ông đạo tặc ấy đã đặt tên cho nó theo tên của hai tên bảo vệ đã từng tìm cách giết ông. Anh nghĩ xem đó có phải là một hành động tuyệt vời hay không? Có nhiều đêm tôi không thể ngủ đươc, vì tôi nghĩ đến cha tôi và bác Banda bò xuyên qua sương mù, gọi là “mis” ấy, rồi tôi mường tượng nghe như có tiếng gọi của những tên bảo vệ: Kruger… Brent…” Nàng ngước mắt lên nhìn David. “Không, tôi sẽ không bao giờ bán đi công ty của cha tôi, chừng nào anh còn tiếp tục ở lại để điều khiển nó”. David trầm tĩnh nói, “Tôi sẽ ở lại chừng nào cô còn cần đến tôi.” “Tôi đã quyết định sẽ theo học một trường doanh thương”. “Một trường doanh thương?” Giọng nói David tỏ vẻ ngạc nhiên. “Bây giờ là vào năm 1910”, Kate nhắc nhở. “Đã có nhiều trường doanh trương ở Johannesburg mà phụ nữ được phép theo học”. “Nhưng…” “Anh có lần hỏi tôi muốn làm gì với tiền bạc của tôi”. Nàng nhìn thẳng vào mắt David, và nói, “Tôi muốn làm ra tiền.” Chương 14 Theo học trường kinh doanh là một cuộc phiêu lưu mới rất thú vị đối với Kate. Khi đi đến trường Cheltenham, nàng cho đó là một việc làm lặt vặt, một điều xấu xa, nhưng cần thiết. Lần này thì khác hẳn. Mỗi buổi học đều dạy cho nàng một điều gì đó thiết thực, có thể giúp cho nàng điều khiển công ty. Chương trình học gồm có các môn: Kế toán, Quản lý, Giao thương quốc tế, Hành chánh kinh doanh. Mỗi tuần lễ một lần, David điện thoại cho nàng, hỏi về sự tiến bộ của nàng trong việc học. “Tôi rất thích” Kate nói với David “Thật là thú vị, David ạ.” Một ngày kia, David sẽ cùng với nàng ngồi làm việc sát cánh nhau vào lúc đêm khuya, và lúc đó, chỉ có hai người mà thôi. Rồi một đêm nào đó, David sẽ quay về phía nàng và nói: “Em Kate yêu quý, anh có mắt mà cũng như mù, em có bằng lòng lấy anh không?” Thế rồi, chỉ một lát sau, nàng đã nằm trong hai cánh tay của chàng... Nhưng chuyện ấy chưa đến đâu. Trong khi chờ đợi, nàng phải học tập. Với một vẻ cương quyết, nàng quay lại các bài tập ở trường. Lớp kinh doanh kéo dài hai năm. Kate trở lại Klipdrift vào đúng dịp nàng ăn mừng sinh nhật thứ hai mươi của nàng. David đón nàng ở nhà ga. Trông thấy David, đột nhiên nàng giang hai cánh tay ra ôm choàng lấy anh và nói: “Trời! Anh David, gặp anh tôi mừng quá!” Anh lùi lại, nói một cách vụng về: “Rất mừng được gặp cô, Kate ạ.” Trong cử chỉ của anh có một vẻ lóng ngóng, không được thoải mái lắm. “Có chuyện gì vậy?” “Không... Chỉ có điều là... là... các thiếu nữ không ôm hôn đàn ông ở nơi công cộng”. Nàng nhìn David một lát rồi nói: “À ra thế. Tôi hứa lần sau sẽ không làm anh bối rối nữa”. Trong khi đi xe về nhà, David kín đáo quan sát Kate. Nàng là một cô gái xinh đẹp mê hồn, ngây thơ và có vẻ dễ bị xúc phạm nên David quyết tâm sẽ không bao giờ lợi dụng điều ấy. Sáng hôm thứ hai, Kate di chuyển đến văn phòng mới của nàng ở công ty Hữu hạn Kruger - Brent. Thật là, giống như nàng bị chìm vào trong một thế giới xa lạ, kì dị với những phong tục và ngôn ngữ riêng của nó. Đó là một tổ chức rối rắm gồm các ngành, các cơ sở phụ, các phân cục địa phương, các công ty đặc quyền và chi nhánh nước ngoài. Các sản phẩm mà công ty nàng chế tạo hay làm chủ dường như là vô tận. Có những nhà máy cán thép, những trại nuôi gia súc, một đường xe hoả, một công ty chuyên chở đường bể, và cố nhiên, cơ sở của tài sản gia đình: kim cương, vàng, kẽm, bạch kim, magnesium được đào lên suốt ngày đêm, rồi tuôn vào các két sắt của công ty. Quyền lực. Hầu như có quá nhiều thứ cần phải nắm vững. Kate ngồi trong văn phòng của David, lắng nghe anh đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn người trên khắp thế giới. Các tổng giám đốc các phân cục đưa ra nhiều đề nghi, nhưng nhiều khi David bác bỏ các đề nghị ấy. “Tại sao anh làm như vậy? Họ không biết việc làm của họ hay sao?” Kate hỏi. “Dĩ nhiên là họ biết. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ ấy” David giải thích “Mỗi giám đốc chỉ nhìn thấy phân cục của mình và xem nó như là trung tâm điểm của thế giới. Điều ấy cũng là phải thôi. Thế nhưng cần phải có một người nào đó có cái nhìn tổng quát và quyết định cái gì tốt nhất cho toàn thể công ty. Thôi nào, chúng ta còn phải ăn cơm trưa với một người mà tôi muốn giới thiệu với cô” David đưa Kate đến một phòng ăn riêng rộng rải, kế cận văn phòng của Kate. Một người đàn ông trẻ tuổi, gầy giơ xương, với một khuôn mặt ốm và đôi mắt nâu tò mò, đang chờ đợi hai người. “Đây là Brad Rogers” David nói “Brad, tôi giới thiệu với anh đây là nữ chủ nhân mới của anh, cô Kate McGregor” Brad Rogers đưa tay ra bắt “Tôi rất hân hạnh được gặp cô, thưa cô McGregor” “Brad là một vũ khí bí mật của chúng ta” David nói “Anh ấy hiểu biết về công ty Kruger-Brent chẳng kém gì tôi. Ví thử như tôi có rời công ty này, cô cũng chẳng có gì phải lo cả. Brad sẽ có mặt ở đây” “Ví thử như tôi có rời công ty” Riêng ý nghĩ này cũng làm cho nỗi hoảng sợ tuôn ra như một làn sóng truyền qua khắp thân thể của Kate. Cố nhiên, David sẽ không bao giờ rời công ty. Kate không nghĩ đến chuyện gì khác nữa trong suốt bữa ăn trưa ấy. Và khi bữa ăn chấm dứt, nàng cũng chẳng biết nàng đã ăn những thứ gì. Sau bữa ăn, họ bàn với nhau về Nam Phi. “Chúng ta sắp sửa gặp rắc rối” David nói “Chính phủ vừa đặt ra thuế thân” “Thế là nghĩa làm sao?” Kate hỏi. “Nó có nghĩa là những người da đen, da màu và người Ấn Độ phải trả hai bảng Anh cho mỗi người trong gia đình. Như vậy là lớn hơn số lương của họ trong một tháng”. Kate nghĩ đến Banda và cảm thấy nỗi lo sợ tràn ngập trong lòng. Cuộc thảo luận chuyển sang các vấn đề khác. Kate yêu thích cuộc sống mới vô cùng. Mỗi quyết định lôi kéo theo trò chơi hàng triệu đô la. Việc kinh doanh lớn là một cuộc đọ sức trí tuệ, là lòng can đảm dám đương đầu với may rủi và bản năng biết được khi nào nên dấn tới, khi nào cần rút lui. “Kinh doanh là một cuộc đánh bạc” David nói với Kate “Với tiền cược lớn kinh khủng và mình phải cạnh tranh với các chuyên gia. Nếu muốn thắng, mình phải học để làm chủ cuộc chơi” Đó chính là điều mà Kate quyết định sẽ làm. Nàng phải học. Kate sống một mình trong ngôi nhà lớn, ngoài các gia nhân, nàng và David vẫn tiếp tục có những buổi ăn chung theo nghi thức vào tối thứ sáu. Nhưng khi Kate mời anh đến ăn vào những buổi khác, David lúc nào cũng kiếm cớ từ chối. Trong những giờ làm việc, hai người vẫn họp chung với nhau thường xuyên. Nhưng ngay cả lúc ấy, David dường như đã dựng lên một bức tường giữa hai người, một bức tường mà Kate không thể nào vượt qua được. Vào ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của Kate, tất cả các cổ phần trong công ty Kruger-Brent đã chuyển sang cho Kate. Bây giờ nàng đã chính thức kiểm soát công ty “Chúng ta hãy ăn cơm tối hôm nay để ăn mừng” Kate đề nghị với David. “Xin lỗi cô Kate, tôi có nhiều công việc phải làm cho kịp” Kate ăn cơm một mình tối hôm ấy, trong lòng băn khoăn không hiểu tại sao. Vì nàng hay vì David. Phải chăng David đã bị điếc, câm, mù nên không hiểu được tình cảm của nàng đối với anh? Nàng sẽ phải ra tay hành động bằng cách nào đó. Công ty lúc đó đang điều đình về việc mở một đường hàng hải ở Mỹ. “Tại sao cô và Brad không đi New York để kết thúc cuộc điều đình này?” David gợi ý với Kate “Đó sẽ là một kinh nghiệm rất hay cho cô” Kate muốn rằng David sẽ đi với nàng, nhưng vì tự ái, nàng không nói ra. Nàng sẽ giải quyết vụ này mà không cần đến David. Ngoài ra, nàng chưa hề bao giờ sang Mỹ nên nàng mong đợi có được thêm kinh nghiệm này. Việc kết thúc cuộc điều đình về đường hàng hải tiến hành một cách trôi chảy. David đã nói với nàng trước khi nàng lên đường “Trong thời gian ở Mỹ, cô nên thăm viếng một vài nơi cho biết” Kate và Brad đi thăm các chi nhánh công ty ở Detroit, Chicago, Pittsburg và New York. Nàng rất ngạc nhiên về sự lớn lao và năng lực của nước Mỹ. Điểm nổi bật nhất trong cuộc hành trình này là cuộc viếng thăm Dark Harbor ở Maine, trên một hòn đảo nhỏ có tên là Isleboro, trong vịnh Penobscot. Nàng được mời dự tiệc tại nhà Charles Dana Gibson, một nghệ sĩ. Có mười hai người đến dự tiệc hôm ấy, và ngoại trừ Kate, tất cả đều có nhà trên hòn đảo ấy. “Nơi này có một lịch sử rất thú vị” Gibson nói với Kate “Cách đây nhiều năm, những người sống ở đây thường đi đến đây bằng tàu thuỷ từ Boston. Khi tàu cập bến, có xe độc mã đến đón họ và đưa về nhà” “Có bao nhiêu người sống trên hòn đảo này?” Kate hỏi. “Chừng năm mươi gia đình. Khi chiếc tàu cập bến, cô có thấy ngọn hải đăng ở đấy không?” “Có” “Ngọn hải đăng ấy do một người gác và một con chó điều khiển. Khi một chiếc tàu đi ngang qua, con chó chạy ra rung chuông” Kate cười “Ông nói đùa ấy chứ”. “Không đâu, thưa cô. Điều buồn cười là con chó ấy bị điếc đặc. Nó đặt tai vào cái chuông để xem nó có rung lên không”. “Nghe ông nói có vẻ như hòn đảo này hấp dẫn lắm nhỉ?” “Nếu cô ở lại đây chơi và thăm viếng hòn đảo này vào sáng mai thì chắc cô sẽ không thấy là vô ích đâu”. Kate bật miệng: “Tại sao lại không?” Nàng ở lại đêm trong khách sạn duy nhất trên đảo, tên nó là Quán trọ Islesboro. Đến buổi sáng, nàng thuê một chiếc xe ngựa, do một người dân trên đảo điều khiển, rời trung tâm của Dark Harbor, nơi có một cửa hàng bách hóa, một cửa hàng bán đồ sắt, một hiệu ăn và ít phút sau, nàng đi ngang một khu rừng cây rất đẹp. Kate nhận ra rằng các đường nhỏ quanh co đều không có tên. Cả trên các hộp thư cũng không có tên người. “Không có các dấu hiệu như thế mà người dân ở đây không bị lạc sao?” “Không. Người dân trên đảo này đều biết nơi nào, có cái gì”. Kate liếc mắt nhìn ông ta một cái rồi nói: “À ra thế” Ở phía dưới hòn đảo, họ đi ngang qua một nghĩa địa. “Bác cho dừng xe lại được không?”, Kate yêu cầu. Nàng bước ra khỏi chiếc xe ngựa, đi bộ đến khu nghĩa địa cổ, loanh quanh, nhìn vào các bia mộ. Bob Pendleton, mất ngày 25 tháng giêng năm 1794, 47 tuổi. Trên văn bia ghi mấy dòng chữ: “Dưới viên đá này, tôi nằm yên nghỉ trong giấc ngủ êm đềm. Chúa ban phước lành cho chiếc giường nằm của tôi” Jan, vợ của Thomas Pendleton, mất ngày 25 tháng hai năm 1802, 47 tuổi. Ở đó còn những linh hồn từ một thế kỷ khác, thuộc về thời đại đã qua lâu rồi. Đại úy William Hatch, chết chìm ở đáy biển Long Island, tháng 10 năm 1866, 30 tuổi. Văn bia ghi: “Đã từng trải qua nhiều bão tố, và vượt qua nhiều sóng cả của cuộc đời” Kate đứng ở đó một hồi lâu, yêu thích trước cảnh yên lặng, thanh bình. “Mùa đông ở đây như thế nào?” Kate hỏi. “Lạnh. Vịnh này thường bị đóng băng nên người ta vẫn đi từ đất liền đến đây bắng xe trượt tuyết. Bây giờ, tất nhiên, chúng tôi đã có phà rồi”. Họ đi vòng một khúc quanh. Ở nơi kia, bên cạnh bờ nước, là một ngôi nhà hai tầng lợp bằng ván trắng. Xung quanh có trồng các loại cây phi yến, hồng dại và cây thuốc phiện. Các cánh cửa trên tám chiếc cửa sổ đều sơn màu xanh. Bên cạnh các cánh cửa đôi là những chiếc ghế dài và sáu chậu hoa phong lữ. Nó giống như một ngôi nhà trong câu chuyện thần tiên. “Ai là chủ ngôi nhà ấy?” “Đó là ngôi nhà xưa kia của gia đình Dreben. Bà Dreben mất cách đây ít tháng” “Bây giờ ai sống ở đó?” “Theo tôi biết thì ở đó không có ai cả” “Ngôi nhà ấy có bán không?” Người hướng dẫn nhìn Kate và nói: “Nếu có bán thì có lẽ người con trai của một trong các gia đình ở đây sẽ mua nó. Người dân đảo này không dễ dàng bán cho những người lạ mặt” Nói như vậy với Kate thật là một điều sai lầm. Một giờ sau, nàng nói chuyện với một luật sư về bất động sản này: “Tôi muốn bàn về ngôi nhà của họ Dreben. Không biết người ta có bán không?” Kate nói. Viên luật sư bĩu môi: “Có thể có, mà cũng có thể không”. “Như thế nghĩa là thế nào?” “Người ta sẵn sàng bán. Nhưng cũng có một số người cũng muốn mua ngôi nhà ấy”. Lại những gia đình xưa cổ trên hòn đảo này, Kate thầm nghĩ. “Họ đã trả giá chưa?” “Chưa, nhưng...” “Tôi sẵn lòng trả giá”. Kate nói. Viên luật sư nói một cách nhã nhặn “Nhưng ngôi nhà ấy đắt tiền lắm” “Ông cứ cho giá đi” “Năm mươi nghìn đô la”. “Chúng ta lại xem ngôi nhà ấy đi” Bên trong ngôi nhà còn hấp dẫn hơn là Kate đã tiên đoán. Gian phòng phía trước rộng và rất đẹp, nhìn ra bể qua một bức tường bằng gương. Ở một bên đại sảnh ấy là phòng khiêu vũ lớn, và phía bên kia là một phòng khách lót ván gỗ đã hoen ố vì thời gian. Và kia là một chiếc lò sưởi đồ sộ. Có một cái thư viện, một nhà bếp lớn với một cái lò sắt, một chiếc bàn bằng gỗ thông lớn. Xa hơn chút nữa là phòng để thức ăn của quản gia và một phòng giặt. Ở dưới nhà, có sáu phòng ngủ cho gia nhân và một phòng tắm. Ở tầng trên có một dãy phòng ngủ lớn và bốn phòng ngủ nhỏ. Ngôi nhà ấy lớn hơn là Kate đã mong đợi. Nhưng khi David và mình đã có con, nàng nghĩ thầm, chúng mình sẽ cần tất cả những phòng này. Đất thuộc ngôi nhà chạy dài xuống vịnh, ở đó, có một bến tàu riêng. Kate quay về phía ông luật sư: “Tôi mua ngôi nhà này” Nàng quyết định đặt tên nó là Cedar Hill (Ngôi nhà trên đồi thông). Nàng nóng lòng muốn về Klipdrift cho sớm để báo tin này cho David hay. Trên đường trở về Nam Phi, Kate cảm thấy một nỗi hân hoan cuồng nhiệt. Ngôi nhà ở DarkHarbor là một dấu hiệu, một biểu tượng cho biết rằng nàng và David sẽ cưới nhau. Nàng biết rằng David sẽ yêu thích ngôi nhà ấy, cũng giống như nàng. Vào lúc xế trưa, Kate và Brad về đến Klipdrift. Kate vội vả đến văn phòng David. Anh đang ngồi làm việc ở bàn giấy. Vừa trông thấy David, tim nàng đập lên thình thình. Nàng chưa nhận thức được là nàng đã mong nhớ anh đến thế nào. David đứng dậy: “Kate, mừng cô đã về nhà!” Rồi trước khi nàng kịp mở lời, anh nói: “Tôi muốn cô là người đầu tiên được biết tin này. Tôi sắp sửa lấy vợ”. Chương 15 Câu chuyện bắt đầu một cách tình cờ sáu tuần lễ trước đó. Giữa một ngày làm việc sôi nổi. David nhận được một thông điệp cho biết rằng Tim O’Neil, bạn của một khách hàng kim cương người Mỹ, đang ở Klipdrift và hỏi David có thể nào đến đón ông ta và ăn cơm với ông được không. Daviđ không có thì giờ để tiếp đón các du khách, nhưng anh không muốn làm mất lòng ông khách hàng. Anh có thể đã nhờ Kate tiếp đón ông khách hộ, nhưng lúc ấy nàng đang đi thăm viếng các nhà máy của công ty ở Bắc Mỹ cùng với Brad Reoger. Thật là khó xử. Anh liền điện thoại đến khách sạn của O’Neil và mời ông ta đến dùng cơm vào tối hôm ấy. O’Neil nói với David trên điện thoại, “Con gái tôi cùng đi với tôi. Tôi hi vọng ông sẽ không thấy phiền hà gì nếu tôi đem nó đi theo”. David không có tâm trạng nào ngồi suốt buổi tối với một đứa con nít, nhưng anh vẫn nói một cách lịch sự, “Không có phiền gì cả.” Anh dự định sẽ làm cho buổi tiếp khách ấy càng ngắn càng tốt. Họ gặp nhau ở khách sạn Grand Hotel, trong phòng ăn. Khi David đến nơi, O’Neil và cô con gái đã ngồi sẵn ở bàn ăn. O’Neil là một người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, lịch sự, tóc bạc, vào khoảng ngũ tuần. Con gái ông, Josephine là một phụ nữ xinh đẹp chưa từng thấy. Nàng vào khoảng trên ba mươi tuổi, có dáng người rất đẹp, tóc hoe mềm mại và đôi mắt trong xanh. Vừa trông thấy nàng, David cảm thấy như bị nghẹt thở. “Tôi... tôi xin lỗi vì đã đến trễ.” Anh nói. “Tôi bận chút công việc vào phút chót.” Josephine nhìn phản ứng của David trước mặt nàng với một vẻ vui vui, “Đôi khi những công việc vào phút chót ấy rất là thú vị,” nàng nói mà không ngụ ý gì châm chọc. “Cha tôi nói ông là một người quan trọng, ông Blackwell ạ” “Không hẳn là như vậy... Xin cô cứ gọi tôi là David.” Nàng gật đầu. “Đó cũng là một tên rất hay. Nó nói lên sức mạnh.” Trước khi bữa cơm tối chấm dứt, David nhận ra rằng Josephine không chỉ là một phụ nữ xinh đẹp, nàng là một người thông minh, vui tính, và có tài làm cho anh cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc. David cảm thấy nàng thành thực có cảm tình với anh. Nàng hỏi những câu hỏi về anh, mà trước kia chưa có ai đã từng hỏi anh. Vào lúc buổi ăn tối hôm ấy kết thúc, anh cảm thấy mình gần như đã bắt đầu yêu nàng. “Quê hương của ông ở đâu?” David hỏi Tim O’Neil. “Ở San Francisco.” “Vậy chắc ông sắp về rồi?” Anh cố làm cho câu nói có vẻ như tình cờ. “Tuần sau.” Josephine mỉm cười với David, “Nếu Klipdrift cũng thích thú như hứa hẹn, thì có lẽ tôi sẽ thuyết phục được cha tôi ở lại lâu hơn chút nữa.” “Tôi có ý định sẽ làm cho nó trở nên thích thú tối đa.” David nói. “Cô có muốn đi xuống một mỏ kim cương không?” “Thế thì thích quá. Cảm ơn ông.” Đã có một thời anh vẫn thường đích thân hộ tống những vị khách quan trọng xuống thăm các mỏ, nhưng đã khá lâu rồi, anh uỷ thác công việc này cho các nhân viên dưới quyền. Bây giờ, không hiểu sao, anh buột miệng nói, “Vậy ngày mai có tiện cho cô không?” Anh có năm sáu phiên họp đã được xếp đặt vào sáng hôm ấy, nhưng đột nhiên tất cả trở nên kém quan trọng. Anh dẫn ông O’Neil và cô con gái đi xuống một giếng đá, sâu đến ba mưới sáu thước, chia thành bốn ngăn, một ngăn để bơm nước, hai ngăn để kéo đất chứa kim cương lên, và một ngăn có lồng hai tầng dùng để chuyên chở công nhân lên xuống. “Tôi hay có tính tò mò muốn biết điều này, điều kia.” Josephine nói. “Tại sao người ta lại đo kim cương bằng cà rá?” “Cà rá là gọi theo tên của một loại hạt cây đậu gọi là “carob”,” David giải thích. “Ấy là vì hạt carob có trọng lượng ít thay đổi. Một cà rá bằng hai trăm mi li gam, hay một phần một trăm bốn mươi của một “ounce” (1 ounce bằng 28,35g) Josephine nói. “Tôi hoàn toàn như bị thôi miên, anh David ạ.” David tự hỏi không biết Josephine muốn nói đến kim cương hay chuyên gì khác. Anh cảm thấy ngây ngất được gần gũi nàng. Mỗi khi anh dưa mắt nhìn Josephine, David cảm thấy một sự rung động tươi mát. “Ông và cô cũng cần phải biết qua miền đồng quê ở đây,” David nói, “Nếu ông và cô Josephine không bận bịu gì vào sáng mai, tôi sẽ vui lòng đưa quý vị đi chơi một vòng.” Cha Josephine chưa kịp trả lời thì nàng đã nói, “Như thế thì tuyệt quá!” David ở bên cạnh Josephine và cha cô suốt mọi ngày sau đó, và cứ mỗi ngày qua đi, anh lại càng đi sâu vào tình yêu. Anh chưa hề bao giờ gặp được ai làm cho anh say đắm đến như vậy. Khi David đến để đón cha con Josephine đi ăn cơm, vào một tối nọ, ông Tim O’Neil nói, “Tối nay tôi hơi mệt, anh David ạ. Anh miễn cho tôi hôm nay, có được không?” David cố giấu vẻ vui sướng. “Thưa ông, không hề gì ạ. Tôi hiểu.” Josephine tủm tỉm cười ranh mãnh. “Tôi sẽ đi ăn với anh cho anh vui lòng.” David đưa nàng đến tiệm ăn trong một khách sạn vừa mới khai trương. Căn phòng đông khách, nhưng người ta nhận ra David và dọn ngay một chiếc bàn cho anh. Một ban nhạc ba người đang chơi âm nhạc Mỹ. David hỏi. “Cô có thích nhảy không?” “Tôi cũng thích.” Một lát sau, Josephine ở trong vòng tay của David trên sàn nhảy. Thật như một phép lạ, David ôm chặt thân hình tuyệt vời của Josephine sát với người chàng, và cảm thấy được phản ứng của nàng. “Josephine, anh yêu em.” Nàng đặt ngón tay lên môi David. “David, xin anh… đừng…” “Tại sao?” “Bởi vì em không thể lấy anh được.” “Em có yêu anh không?” Nàng tủm tỉm cười, đôi mắt xanh lóng lánh. “Em say mê anh, anh yêu quý ạ. Anh không nhận ra sao?” “Vậy thì tại sao?” “Bởi vì em không bao giờ sống ở Klipdrift.” “Em có thể thử sống ở đây xem sao.” “David, em cũng muốn lắm, thế nhưng em biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu em lấy anh và phải sống ở đây, em sẽ trở thành một mụ đàn bà đanh đá, la hét om sòm, rồi cuối cùng chúng mình sẽ ghét bỏ nhau. Em muốn rằng chúng ta chia tay nhau như thế này thì tốt hơn.” “Anh không muốn chia tay.” Nàng ngước mặt lên nhìn vào mặt David. Anh cảm thấy thân hình nàng như tan ra, hoà lẫn với anh. “David ạ, có thể nào anh sống ở San Francisco được không?” Thật là một ý tưởng không thể nào thực hiện được. “Anh làm gì ở đó được?” “Chúng ta hãy ăn sáng với nhau vào ngày mai. Em muốn anh nói chuyện với bố em.” Tim O’Neil nói, “Josephine đã kể lại cho tôi nghe về cuộc nói chuyện giữa anh với nó đêm qua. Hình như cả hai người đang có vấn đề khó khăn. Nhưng tôi có thể có một giải pháp, nếu anh quan tâm đến việc này.” “Thưa ông, tôi rất quan tâm đến việc này.” O’Neil nhặt chiếc cặp da nâu lên, lấy ra một số bản thiết kế. “Anh có hiểu biết gì về thực phẩm đông lạnh không?” “Tôi e rằng không.” “Người ta bắt đầu làm thực phẩm đông lạnh ở Mỹ vào năm 1865. Vấn đề là làm sao chuyên chở đường xa mà thực phẩm không bị tan giá. Chúng tôi đã có những toa xe hoả ướp lạnh, nhưng chưa có ai nghĩ cách làm những chiếc xe hơi chở hàng ướp lạnh.” O’Neil đập nhẹ trên bản vẽ. “Cho mãi đến bây giờ. Tôi vừa nhận được một bằng sáng chế về lối ướp lạnh mới ấy. Nó làm đảo lộn toàn thể công nghệ thực phẩm, David ạ.” David nhìn vào các bản vẽ. “Tôi sợ không hiểu lắm về những cái này.” “Điều đó không quan trọng. Tôi không cố tìm một chuyên gia kĩ thuật. Tôi đã có rất nhiều hạng người này rồi. Cái mà tôi cần là vấn đề tài trợ và một người nào đó có thể điều hành công việc. Đây không phải là một điều mơ tưởng hão huyền đâu. Tôi đã bàn với những nhà chế biến thực phẩm hàng đầu về vấn đề này. Nó sẽ là một cơ hội làm ăn lớn, lớn hơn là anh có thể tưởng tượng được. Tôi cần có một người như anh.” “Trụ sở chính của công ty ấy sẽ đặt tại San Francisco.” Josephine nói thêm. David ngồi im lặng, cố nghiền ngẫm về những gì anh vừa nghe được. “Ông nói rằng ông đã được cấp bằng sáng chế, phải không?” “Đúng vậy. Tôi đã sẵn sàng bắt tay vào việc.” “Ông có thể cho tôi mượn các bản thiết kế này để đưa cho một người nữa xem hay không?” “Tôi không có gì phản đối.” Việc đầu tiên David phải làm là điều tra về Tim O’Neil. Anh được cho biết rằng O’Neil có danh tiếng thật sự ở San Francisco. Ông đứng đầu ban khoa học tại Đại học Berkerley, và rất được kính trọng. David không hiểu gì về thực phẩm đông lạnh, nhưng anh dự định tìm hiểu vấn đề này cho kĩ. “Anh sẽ trở về trong vòng năm ngày, em yêu quý ạ. Anh muốn em và ba em chờ đợi anh trở về.” “Bao lâu cũng được. Em sẽ nhớ anh lắm,” Josephine nói. “Anh cũng sẽ nhớ em,” Anh nói câu ấy với nhiều ngụ ý hơn là nàng nghĩ. David đi tàu hoả đến Johannesburg, và xếp đặt một cuộc gặp mặt với Edward Broderick, chủ nhân một xí nghiệp thịt hộp lớn nhất Nam Phi. “Tôi muốn nghe ý kiến của ông về vấn đề này.” David đưa cho ông xem các bản vẽ. “Tôi cần biết cái này có thể thực hiện được không.” “Tôi không biết chút gì về thực phẩm đông lạnh hay về xe đông lạnh cả, nhưng tôi biết có người rành vấn đề này. Nếu ông trở lại đây trưa hôm nay, tôi sẽ cho mời vài chuyên gia đến đây gặp ông.’ Đến bốn giờ trưa hôm ấy, David trở lại xưởng đóng thịt hộp. Anh cảm thấy mình bồn chồn, lo lắng, bởi vì anh không biết chắc chắn anh muốn cuộc họp này sẽ tiến hành như thế nào. Hai tuần lễ trước đó, có lẽ anh đã cười lên ha hả, nếu có ai đề nghị với anh nên bỏ công ty Kruger-Brent. Nó là một phần của bản thân anh rồi. Anh sẽ cười to hơn thế nữa, nếu người ta bảo anh nên xét đến việc điều khiển một công ty thực phẩm nhỏ ở San Francisco. Đó là một ý kiến điên rồ, ngoại trừ một điều duy nhất: Josephine O’Neil. Có hai người ngồi trong phòng với Edward Broderick “Đây là Tiến sĩ Crawford và ông Kaufman. David Blackwell.” Họ trao đổi nhau lời chào hỏi. David hỏi, “Quý ông đã có cơ hội xem các bản vẽ chưa?” Tiến sĩ Crawford đáp. “Chúng tôi dĩ nhiên đã xem rồi, ông Blackwell ạ, và xem xét rất kĩ.” David thở một cái thật sâu. “Vậy thì sao?” “Hình như Sở cấp bằng sáng chế của Mỹ đã cấp bằng sáng chế cho cái này rồi, phải không?” “Đúng vậy.” Vậy thì, ông Blackwell ạ, kẻ nào được cấp bằng sáng chế này sẽ là người giàu có vô cùng.” David chậm rãi gật đầu, lòng tràn ngập những cảm xúc đối chọi nhau. “Giống như tất cả những phát minh lớn - nó đơn giản đến nỗi mình phải ngạc nhiên tại sao không có người nào nghĩ ra nó sớm hơn. Cái này không thể thất bại được.” David không biết nên phản ứng thế nào. Trước đó anh nửa hi vọng, nửa không, rằng quyết định ấy sẽ được lấy đi khỏi bàn tay anh. Nếu phát minh của Tim O’Neil là vô dụng, anh còn có cơ may thuyết phục Josephine ở lại Nam Phi. Nhưng điều O’Neil đã nói với anh là đúng. Phát minh ấy có thể thực hiện được. Bây giờ anh phải tự mình đưa ra quyết định. Anh không nghĩ gì khác ngoài vấn đề ấy trong suốt cuộc hành trình trở về Klipdrift. Nếu anh nhận lời, như vậy có nghĩa là anh sẽ rời công ty này, để khởi sự một việc kinh doanh mới, chưa hề được thử nghiệm. Anh đang giữ một chức vụ quan trọng trong một công ty có thế lực hàng đầu trên thế giới. Anh yêu công việc làm của anh. Jamie và Margaret McGregor đều rất tốt đối với anh. Sau đó là Kate. Anh đã săn sóc cho nàng từ khi nàng mới sinh. Anh đã được trông thấy nàng lớn lên, từ một cô gái tinh nghịch, bướng bỉnh, đến một thiếu nữ xinh đẹp, đáng yêu. Cuộc đời của nàng là một cuốn album tranh ảnh trong trí óc anh. Anh lật từng trang, và thấy Kate lúc bốn, tám, mười, mười bốn, rồi hai mươi mốt tuổi - dễ bị xúc phạm, khó đoán trước được. Chuyến tàu vừa đến Klipdrift, David đã quyết định xong. Anh sẽ rời Công ty Hữu hạn Kruger-Brent. Anh đi xe đến thẳng khách sạn Grad Hotel, rồi đi lên dãy buồng của gia đình Josephine. Josephine ra mở cửa cho anh. “David!” Anh ôm nàng trong vòng tay, hôn tíu tít, cảm thấy thân hình ấm áp của nàng áp sát vào người anh. “Ồ, David, em nhớ anh quá. Em không muốn phải xa anh nữa.” “Em sẽ không phải xa anh đâu,” David chậm rãi nói. Anh sẽ đi San Francisco.” David nóng lòng chờ đợi Kate trở về từ Mỹ. Bây giờ anh đã có quyết định rồi, nên anh hăm hở khởi sự một cuộc đời mới, anh nóng lòng muốn cưới Josephine. Lúc này, Kate đã trở về đến nhà, anh đứng trước mặt nàng và nói, “Tôi sắp sửa lấy vợ...” Kate nghe những lời ấy qua tiếng ù ù vang dội trong tai. Nàng đột nhiên cảm thấy muốn ngất xỉu. Nàng nắm chặt lấy gờ bàn viết cho khỏi ngã. Mình muốn chết, nàng thầm nghĩ. Xin hãy để cho tôi được chết. Nhưng không hiểu sao, do một nguồn ý chí mạnh mẽ nào đó ở bên trong, nàng cố nở một nụ cười và nói, “Anh kể cho tôi nghe về cô ấy đi, David.” Nàng cảm thấy hãnh diện về sự bình tĩnh trong giọng nói của nàng. “Cô ấy là ai vậy?” “Tên cô ấy là Josephine O’Neil. Cô ấy đến thăm nơi này cùng với ông bố. Tôi chắc rằng hai người sẽ là bạn thân thiết với nhau, cô Kate ạ. Cô ấy rất tốt.” “Cô ấy chắc chắn phải như vậy, nếu anh yêu cô ta, David ạ.” Anh do dự một lúc. “Còn có một chuyện nữa, cô Kate ạ. Tôi sẽ rời công ty này.” Cả thế giới như đổ ập xuống người nàng. “Anh sắp sửa lấy vợ, như vậy đâu có nghĩa là anh bắt buộc phải...” “Không phải thế. Cha của Josephine sắp khởi sự một công việc kinh doanh mới ở San Francisco. Ông ấy đang cần có tôi.” “Vậy thì, vậy thì anh sẽ sống ở San Francisco.” “Phải. Brad Rogers sẽ đảm trách công việc của tôi một cách dễ dàng. Rồi đây chúng ta sẽ chọn một toán nhân viên quản lý tài giỏi nhất để giúp đỡ anh ta. Cô Kate ạ, tôi… tôi không thể nói cho cô biết tôi đã đi đến quyết định ấy một cách khó khăn như thế nào.” “Tất nhiên là khó khăn rồi, anh David ạ. Chắc hẳn anh phải yêu cô ta lắm nên mới phải làm thế. Khi nào thì tôi có thể gặp mặt cô dâu?” David mỉm cười, trong lòng cảm thấy sung sướng vì Kate đã tiếp nhận tin này một cách vui vẻ. “Đêm nay, nếu cô có thì giờ ăn cơm với chúng tôi.” “Có, tôi rảnh thì giờ.” Nàng cố ngăn những giọt nước mắt cho đến khi nàng ngồi lại một mình. Cả bốn người ăn cơm tối tại toà nhà McGregor. Ngay lúc Kate trông thấy Josephine, mặt nàng tái nhợt đi. Lạy Chúa! Không trách gì David phải lòng cô gái ấy! Nàng đẹp một cách lộng lẫy. Chỉ cần đứng trước mặt Josephine, Kate cũng đủ cảm thấy mình sao mà vụng về, xấu xí thế. Lại còn tệ hơn thế nữa. Josephine là một phụ nữ duyên dáng, hấp dẫn. Rõ ràng là cô ấy rất say mê David “Mẹ kiếp!” Trong lúc ăn cơm, Tim O’Neil nói với Kate về công ty mới. “Nghe có vẻ rất hấp dẫn,” Kate nói. “Tôi nghĩ rằng nó không thể nào so sánh được với Kruger-Brent đâu, cô McGregor ạ. Chúng tôi sẽ khởi sự bằng một công ty nhỏ, nhưng dưới sự điều khiển của David, chúng tôi sẽ làm ăn khá.” “Với sự điều khiển của David, ông không thể nào thất bại được đâu,” Kate nói. Tối hôm ấy là cả một nỗi đau khổ khủng khiếp. Đồng thời với mối tai hoạ ấy, nàng đã mất một người mà nàng yêu và người duy nhất không thể thiếu được của công ty Kruger-Brent. Nàng cố gắng tiếp tục cuộc nói chuyện cho qua buổi tối hôm ấy, nhưng sau đó nàng không còn nhớ mình đã nói những gì. Nàng chỉ biết rằng mỗi lúc David và Josephine đưa mắt nhìn nhau, hay đụng chạm vào người nhau, nàng chỉ muốn mình chết đi cho rồi. Trên đường trở về khách sạn, Josephine nói, “Cô ấy yêu anh đấy, David ạ.” David mỉm cười. “Kate à? Không đâu. Chúng tôi là bạn thân của nhau, từ khi cô ấy còn được ẵm trên tay. Cô ấy mến cô lắm.” Josephine tủm tỉm cười. Đàn ông sao mà ngây thơ thế! Trong văn phòng của David, sáng hôm sau, Tim O’Neil và David ngồi đối diện nhau. “Tôi cần hai tháng nữa để thu xếp cho xong các công việc ở đây.” David nói, “Tôi đã nghĩ đến vấn đề tài trợ cần phải có để khởi sự công cuộc kinh doanh này. Nếu chúng ta nhờ một trong các công ty lớn tài trợ cho ta, họ sẽ nuốt chửng chúng ta và chỉ dành cho ta một phần nhỏ thôi. Nó sẽ không còn là của ta nữa. Như vậy, tôi nghĩ chúng ta nên tự mình tài trợ cho công cuộc làm ăn này. Tôi tính ra chúng ta cần tám mươi nghìn đô la để khởi sự. Tôi đã tiết kiệm được vào khoảng bốn mươi nghìn đô la. Chúng ta cần có thêm bốn mươi nghìn nữa.” “Tôi có mười nghìn đô la.” O’Neil nói, “ngoài ra, tôi cũng có một người anh ruột có thể cho tôi vay thêm năm nghìn đô la nữa.” “Như vậy chúng ta còn thiếu hai mươi lăm nghìn đô la.” David nói. “Chúng ta thử vay ngân hàng xem sao.” “Chúng tôi sẽ đi San Francisco ngay bây giờ,” O’Neil nói, “rồi sẽ dàn xếp mọi thứ cho anh.” Hai ngày sau Josephine và cha nàng lên đường về Mỹ. “Anh hãy lấy chiếc toa xe riêng của tôi để đưa họ đi Cape Town, David ạ.” Kate nói. “Như vậy thật tốt quá, cô Kate ạ.” Sáng hôm Josephine lên đường, David cảm thấy như một phần đời sống của anh đã bị lấy đi. Anh nóng lòng muốn gặp lại nàng ở San Francisco. Hai tuần lễ kế tiếp được dành cho việc tìm kiếm một toán nhân viên quản lý để giúp đỡ cho Brad Rogers. Kate, David và Brad có một danh sách các ứng viên được liệt kê cẩn thận, và họ ngồi với nhau hàng giờ để thảo luận về từng người một. “…Taylor là một kĩ thuật viên giỏi, nhưng về quản lý thì yếu…” “Thế còn Simmons thì sao?” “Hắn cũng tốt, nhưng chưa sẵn sàng đảm nhận công việc,” Brad nói. “Cho hắn thêm năm năm nữa.” “Babcock thì thế nào?” “Chọn hắn cũng được. Chúng ta hãy bàn về hắn.” “Thế còn Peterson?” “Chưa đủ tư cách đề làm một người của công ty. Hắn quan tâm đến bản thân hắn nhiều quá.” David nói. Cùng lúc ấy, anh cảm thấy chính anh cũng có tội vì sắp bỏ rơi Kate. Họ tiếp tục bàn cãi về danh sách các ứng viên. Vào cuối tháng ấy, họ đã thu hẹp lại bản danh sách, chỉ còn lại bốn người để sau này làm việc với Brad. Tất cả bốn người ấy đều đang làm việc ở nước ngoài, và sẽ được gọi về để phỏng vấn. Hai cuộc phỏng vấn đầu tiên đều thành công. “Tôi hài lòng về cả hai người,” Kate nói với David và Brad. Vào buổi sáng, khi cuộc phỏng vấn thứ ba sắp được tiến hành, David bước vào văn phòng của Kate, mặt mũi nhợt nhạt, “Chỗ làm của tôi vẫn chưa bị mất chứ?” Kate nhìn nét mặt của anh, rồi đứng dậy, tỏ vẻ hoảng sợ, “Có chuyện gì vậy, David?” “Tôi… tôi...” Anh ngồi sụp xuống ghế, “Vừa có chuyện xảy ra.” Kate đã ra khỏi bàn viết. Nàng đến bên cạnh David nói, “Anh nói cho tôi biết đi!” “Tôi vừa nhận được thư của Tim O’Neil. Ông ấy bán cả công việc kinh doanh ấy rồi.” “Như thế nghĩa là thế nào?” “Đúng như tôi vừa nói đấy. Ông ta đã nhận hai trăm nghìn đô la và tiền bản quyền phát minh của ông ta, theo đề nghị của công ty thịt hộp “Ba Ngôi Sao” ở Chicago.” David nói với giọng chua chát. “Công ty ấy muốn thuê tôi làm quản lý cho họ. Ông ấy lấy làm tiếc vì đã gây bất tiện cho tôi, nhưng ông không thể từ chối số tiền ấy được.” Kate nhìn David chăm chú. “Thế còn Josephine? Cô ấy nói thế nào? Chắc hẳn cô ấy giận ông bố lắm.” “Tôi cũng có cả thư của cô ấy nữa. Chúng tôi chỉ sẽ cưới nhau khi nào tôi đến San Francisco.” “Thế anh sẽ không đi sao?” “Cố nhiên là tôi sẽ không đi!” David nói với vẻ giận dữ. “Trước kia, tôi đã đưa ra đề nghị. Tôi có thể xây dựng một công ty lớn. Nhưng họ quá vội vã để có được số tiền khốn kiếp ấy.” “David ạ, anh không được công bằng khi anh dùng chữ “họ” trong câu nói ấy. Chỉ vì…” “Cái ông O’Neil ấy không bao giờ thoả thuận như vậy nếu không được sự tán thành của Josephine.” “Tôi… tôi không hiểu anh muốn nói gì, David ạ.” “Chẳng có gì để nói cả. Chỉ có điều là tôi đã phạm phải một sai lầm lớn lao nhất trong đời tôi.” Kate đi đến bàn viết, nhặt bản danh sách ứng viên lên. Chậm rãi, nàng bắt đầu xé toạc tờ giấy. Sáu tháng đã trôi qua từ ngày David nhận được lá thư của Tim O’Neil. Trong thời gian ấy, Kate và David tiếp tục làm việc sát cánh nhau, cùng đi nơi này nơi kia với nhau, và có nhiều thì giờ ngồi riêng với nhau. Kate cố làm mọi cách để cho David được vui. Nàng chưng diện vì chàng, dự tính thực hiện những gì chàng vui thích, và nhiều khi vượt ra ngoài thông lệ của nàng để làm cuộc sống của chàng được hạnh phúc tối đa. Nhưng, theo như nàng nhận xét, tất cả đều không có kết quả nào cả. Cuối cùng, nàng đâm ra mất kiên nhẫn. Nàng và David cùng đi Rio de Janeiro để kiểm tra một mỏ mới tìm được. Hai người vừa ăn cơm xong ở khách sạn và đang ngồi trong phòng của Kate, xem xét các con số vào lúc đêm đã khuya. Kate đã thay quần áo, mặc chiếc kimono và đi dép vải. Khi làm xong công việc, David vươn vai và nói, “Làm như thế là đủ cho tối nay rồi. Bây giờ chắc tôi phải đi ngủ.” Kate điềm tĩnh nói, “Đã đến lúc anh thoát khỏi sự đau buồn rồi đấy chứ, David?” David nhìn nàng, ngạc nhiên. “Đau buồn gì?” “Về chuyện Josephine ấy.” “Cô ấy ra khỏi cuộc đời của tôi rồi.” “Vậy anh phải hành động để chứng tỏ điều ấy chứ.” “Thế cô bảo tôi làm thế nào, Kate?” David hỏi cộc lốc. Kate cảm thấy giận. Nàng giận vì David đã mù quáng không thấy gì cả, và đã phí phạm biết bao thì giờ. “Để tôi bảo anh phải làm thế nào - hãy hôn tôi đi.” “Sao?” “Mẹ kiếp, David! Tôi là bà chủ của anh, đồ con khỉ!” Nàng tiến lại, sát bên David. “Hôn tôi đi…” Rồi nàng áp sát môi nàng vào môi David, choàng cánh tay quanh người chàng. Nàng cảm thấy chàng hơi cưỡng lại, định lùi lại. Nhưng rồi, chậm rãi hai cánh tay chàng ôm chặt lấy thân hình nàng. Chàng vừa hôn nàng vừa kêu lên, “Kate…” Nàng thì thầm sát vào môi chàng. “Em nghĩ rằng anh sẽ chẳng bao giờ yêu cầu…” Hai người cưới nhau sáu tuần lễ sau đó. Đó là một lễ cưới lớn nhất mà thị trấn Klipdrift chưa từng bao giờ thấy và sẽ không bao giờ được thấy. Buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ lớn nhất và sau đó là một buổi tiếp tân ở đại sảnh của thị trấn, mời tất cả mọi người. Có hàng núi thức ăn, không biết bao nhiêu thùng bia, uýtxki, và sâm banh. Các nhạc sĩ chơi nhạc và tiệc tùng linh đình kéo dài cho đến lúc bình minh. Khi mặt trời lên, Kate và David lẻn ra về. “Em phải về nhà, xếp đặt đồ đạc,” Kate nói. “Đến đón em trong vòng một giờ nữa.” Vào lúc trời còn tờ mờ sáng. Kate đi vào ngôi nhà đồ sộ một mình, bước lên phòng ngủ, nàng đi đến một bức tranh trên tường, ấn mạnh trên chiếc khung. Bức tranh mở ra phía sau, để lộ ra một tủ sắt gắn vào tường. Nàng mở tủ sắt, lấy ra một bản hợp đồng. Đó là hợp đồng mua lại công ty thịt hộp “Ba Ngôi Sao” ở Chicago. Bên cạnh đó là một hợp đồng khác của công ty “Ba Ngôi Sao” mua lại quyền phát minh máy làm đông lạnh của O’Neil với giá hai trăm nghìn đô la. Kate do dự một lát, rồi bỏ các giấy tờ lại trong tủ sắt, khoá lại. Bây giờ David đã thuộc về nàng rồi. Anh vẫn luôn luôn thuộc về nàng. Và thuộc về Công ty Hữu hạn Kruger-Brent. Cùng chung sức với nhau, hai người sẽ xây dựng nó trở thành một công ty lớn nhất, có quyền lực nhất thế giới. Đúng như Jamie và Margaret McGregor trước đây vẫn hằng mong muốn. Chương 16 Kate và David cùng đi với nhau khắp nơi trên thế giới, đến Zurich, Paris và New York, lo toan các công việc của công ty, nhưng dù đi đến đâu họ cũng đều bỏ chút thời giờ dành cho riêng họ. Họ nói chuyện với nhau rất khuya vào mỗi đêm, ân ái với nhau và thăm dò các suy nghĩ cùng thân thể của nhau. Kate là một nguồn vui vô tận đối với David. Nàng thường đánh thức anh dậy vào buổi sáng để hai người ân ái cuồng nhiệt với nhau, rồi ít giờ sau đó, nàng ngồi bên cạnh anh ở bàn hội nghị bàn về công việc và tỏ ra sáng suốt hơn bất kì một ai có mặt tại đấy. Nàng nhạy cảm với công việc kinh doanh một cách thật là hiếm có và không ngờ. Vào thời ấy, rất ít phụ nữ ở vào các cấp bậc hàng đầu trong giới kinh doanh. Thoạt tiên, Kate được mọi người đối xử với thái độ nhã nhặn, chịu đựng, nhưng thái độ ấy thay đổi nhanh chóng, trở thành kính cẩn và thận trọng. Kate tỏ ra vui thích trong việc vận dụng các thủ đoạn và mưu lược của trò chơi. David đã từng thấy nàng qua mặt được những người đàn ông có kinh nghiệm hơn nàng rất nhiều. Nàng có bản năng của một kẻ chiến thắng. Nàng biết mình muốn gì và làm thế nào đạt được thứ mà nàng muốn. Đó là quyền lực. Họ kết thức thời kì trăng mật bằng một tuần lễ huy hoàng ở Ngôi nhà Trên Đồi Thông của nàng ở Dark Harbor. Lúc ấy là vào tháng sáu năm 1914, người ta bắt đầu bàn tán về chiến tranh. Kate và David là những vị khách mời tại một ngôi nhà ở thôn quê trong vùng Sussex. Đó là vào thời kì người ta sống tại những ngôi nhà ở thôn quê, và các khách mời trong những dịp cuối tuần cũng phải tuân theo một nghi thức bắt buộc. Đàn ông phải mặc quần áo chỉnh tề vào bữa ăn sáng, thay ăn trưa, rồi lại thay đổi vào giờ uống trà - với chiếc áo nhung viền xa tanh - cuối cùng đổi sang chiếc áo vét chỉnh tề đúng theo nghi thức vào buổi ăn tối. “Lạy Chúa!” David phàn nàn với Kate, “Anh thấy mình giống như một con công”. “Anh là một con công xinh đẹp, anh yêu quý ạ”. Kate cố trấn an David. “Khi nào về nhà rồi, anh cởi truồng đi lông nhông cũng được”. Anh ôm nàng trong vòng tay. “Anh không còn đủ kiên nhẫn nữa”. Đến buổi ăn tối, có tin cho biết rằng Frances Ferdinand, kẻ kế vị ngai vàng Áo-Hung, và bà vợ ông ta, Sophie, đã bị giết bởi một tên ám sát. Ông chủ nhà, Lord Maney, nói, “Thật là một hành động xấu xa. Bắn cả một người đàn bà! Phải thế không, quý vị?” Thế nhưng sẽ không ai phải đi ra trận vì một đất nước nhỏ bé ở tận vùng Balkan. Rồi cuộc nói chuyện chuyện sang trò chơi cricket. Sau đó, vào lúc đi ngủ, Kate hỏi David, “Anh có nghĩ rằng sẽ có chiến tranh không?” “Vì chuyện một vị hoàng tử bé nhỏ bị giết hay sao? Ồ, không đâu”. Nhưng điều phỏng đoán này sau đó đã được chứng tỏ là sai lầm. Nước Áo-Hung, nghi ngờ rằng những láng giềng Serbia đã chủ mưu ám sát Ferdinand, tuyên chiến với Serbia, và vào tháng mười năm ấy, đa số các nước trên thế giới đều lâm vào cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến tranh theo kiểu mới. Lần đầu tiên, các loại xe cơ giới hoá được sử dụng - máy bay, khí cầu và tàu ngầm. Ngày nước Đức tuyên chiến, Kate nói, “Đây có thể là một cơ hội tuyệt vời cho chúng ta, David ạ”. David nhăn mặt, “Em nói gì lạ vậy?” “Các nước cần súng ống, đạn dược và…” “Chúng ta sẽ không bao giờ cung cấp cho họ những thứ ấy”, David ngắt lời với vẻ cương quyết. “Chúng ta có khá nhiều công việc rồi, không cần phải kiếm lợi nhuận bằng máu của bất cứ ai”. “Sao anh lại bi đát hoá vấn đề như thế. Phải có người nào làm ra súng ống chứ”. “Chừng nào anh còn làm việc cho công ty này, chúng ta sẽ không làm chuyện ấy. Thôi, không bàn cãi chuyện này nữa, Kate ạ. Vấn đề ấy chấm dứt rồi”. Kate thầm nghĩ. Thật là đồ chết tiệt! Lần đầu tiên trong hôn nhân của hai người, Kate và David ngủ riêng giường. Nàng nghĩ, tại sao David lại có thể là một anh chàng lý tưởng một cách ngờ nghệch đến thế nhỉ? Còn David nằm ngẫm nghĩ, làm sao nàng có thể lạnh lùng, tàn nhẫn đến thế? Công việc kinh doanh đã làm cho nàng thay đổi rồi. Những ngày kế tiếp đó thật là khổ sở đối với cả hai người. David hối tiếc vực thẳm tình cảm giữa hai người, nhưng không biết cách nào khoả lấp cho được. Kate quá kiêu hãnh và cứng đầu nên không chịu nhường, vì nàng cho rằng nàng phải. Tổng thống Woodrew Wilson đã hứa rằng nước Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc chiến, nhưng vì các tàu ngầm Đức bắt đầu thả thuỷ lôi tấn công các tàu chuyên chở khách không võ trang, và những câu chuyện về hành vi tàn nhẫn của người Đức lan rộng, áp lực bắt đầu đè nặng lên nước Mỹ, thúc giục họ phải giúp đỡ các đồng minh. Khẩu hiệu lúc ấy là, “Hãy làm cho thế giới được an toàn để phát huy nền tảng dân chủ”. David đã học lái máy bay trong vùng sa mạc Namib ở Nam Phi, nên khi phi đoàn Lafeayette được thành lập ở Pháp với các phi công Mỹ, anh đến gặp Kate và nói, “Anh phải đi tòng quân”. Nàng kinh hãi, “Không! Đó không phải là cuộc chiến của anh mà”. “Nó sẽ là như vậy”. David điềm tĩnh nói. “Nước Mỹ không thể đứng ngoài cuộc chiến được. Anh là người Mỹ, anh muốn giúp họ vào lúc này”. “Anh bốn mươi sáu tuổi rồi”. “Anh vẫn còn có thể lái máy bay được, Kate ạ. Họ đang cần sự giúp đỡ bằng đủ mọi cách”. Kate không còn cách nào làm anh thay đổi ý định. Họ trải qua những ngày cuối cùng bên nhau trong sự yên tĩnh, quên đi mọi điều khác biệt. Họ yêu nhau, và chỉ có điều ấy là quan trọng. Vào đêm trước khi David lên đường sang Pháp, anh nói, “Em và Brad có thể điều khiển mọi công việc giống như anh, hay còn có thể giỏi hơn nữa”. “Nếu có chuyện gì xảy ra cho anh thì sao? Em sẽ không thể nào chịu đựng nổi đâu”. Anh ôm nàng sát vào lòng. “Không có gì xảy ra cho anh đâu. Kate ạ. Anh sẽ trở về với em với tất cả mọi loại huy chương”. Anh lên đường vào sáng ngày hôm sau. Sự vắng mặt của David là cái chết đối với Kate. Nàng đã mất bao thời gian mới chiếm được chàng, và bây giờ nỗi lo sợ ghê rợn sẽ mất chàng cứ len lỏi trong tâm trí nàng trong từng giây phút của cuộc đời. Anh lúc nào cũng như ở bên nàng. Nàng tưởng như nghe tiếng anh qua giọng nói của một người lạ mặt, tiếng cười đột ngột nổi lên trên đường phố, một câu nói, một hương thơm, một điệu hát. Anh ở khắp mọi nơi. Mỗi ngày nàng viết cho anh một lá thư rất dài. Mỗi khi nhận được thư anh, nàng đọc đi đọc lại cho đến khi nó rách bươm ra. Anh vẫn mạnh khoẻ, anh viết thư cho nàng. Quân Đức có ưu thế trên không, nhưng điều ấy sẽ thay đổi. Có nhiều tin đồn cho biết rằng nước Mỹ sẽ giúp. Anh sẽ viết thư cho nàng, khi nào có thể. Anh yêu nàng. “Đừng để chuyện gì xảy ra cho anh, anh yêu quý ạ, Nếu có chuyện gì, em sẽ ghét anh vô cùng.” Nàng cố quên nỗi khổ sở cô đơn bằng cách vùi đầu vào công việc. Lúc chiến tranh bắt đầu, Pháp và Đức có những lực lượng chiến đấu được trang bị đầy đủ nhất u châu, nhưng quân đồng minh có nhân lực, tài nguyên và vật liệu lớn lao hơn. Nước Nga, với quân đội đông nhất, không được trang bị đầy đủ và cấp chỉ huy kém. “Họ đều cần sự giúp đỡ”, Kate nói với Brad Rogers. “Họ cần xe tăng, súng ống và đạn dược”. Brad Rogers cảm thấy khó chịu. “Kate ạ, David không cho rằng…” “David không có mặt ở đây, Brad ạ. Tất cả đều do anh và tôi quyết định”. Nhưng Brad đã hiểu ý của Kate. Tất cả đều do nàng quyết định. Kate không thể nào hiểu được thái độ của David về việc chế tạo vũ khí. Quân đồng minh cần có vũ khí, và Kate nghĩ rằng nhiệm vụ yêu nước của nàng là cung cấp vũ khí cho họ. Nàng thảo luận vấn đề này với lãnh tụ của năm, sáu nước bạn, và trong vòng một năm, Công ty Hữu hạn Kruger-Brent chế tạo súng, xe tăng, bom và đạn dược. Công ty cũng cung cấp xe hoả, xe tăng, quân phục và súng. Kruger-Brent nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức phát triển nhanh chóng trên thế giới. Khi Kate trông thấy những con số lợi tức gần đây nhất, nàng nói với Brad Rogers, “Anh có thấy các con số này không? David sẽ phải thú nhận rằng anh ấy đã nhầm”. Trong thời gian ấy, Nam Phi đang ở trong tình trạng xáo trộn. Các lãnh tụ các đảng phái cam kết ủng hộ đồng minh, và nhận trách nhiệm bảo vệ Nam Phi chống lại quân Đức, nhưng đa số người Afrikaner chống lại sự ủng hộ của đất nước họ đối với nước Anh. Họ không thể quên đi quá khứ một cách nhanh chóng. Ở u châu, chiến tranh diễn ra không mấy tốt đẹp cho quân Đồng minh. Cuộc chiến đấu ở mặt trận phía Tây đi đến chỗ ngưng trệ. Cả hai phe đều đào hầm cố thủ, được bảo vệ trong các chiến hào trải dài ngang qua Pháp và Bỉ. Binh lính rất khổ sở. Nước mưa và bùn tràn ngập các hầm trú ẩn, chuột bò lúc nhúc trong các chiến hào. Kate mừng rằng David lúc ấy chỉ phải chiến đấu trên không. Ngày 6 tháng tư, 1917, Tổng thống Wilson tuyên chiến. Như vậy là lời tiên đoán của David đã thành sự thực. Nước Mỹ bắt đầu động viên quân sĩ. Lực lượng viễn chinh đầu tiên của Mỹ, dưới quyền chỉ huy của tướng John J. Pershing, bắt đầu đổ bộ vào Pháp vào ngày 26 tháng sáu, 1917. Tên của nhiều địa điểm mới trở thành quen thuộc trong ngôn ngữ của mọi người: Saint Mihiel… Château Thierry… Meuse Argonne… Belleau Wood… Werdun… Quân Đồng minh trở thành một lực lượng không ai chống cự nổi, và đến ngày 11 tháng mười một, 1918, cuộc chiến tranh kết thúc. Thế giới trở nên an toàn để xây dựng nền dân chủ. David đang trên đường trở về nhà. Khi David rời chiếc tàu chở quân lên bờ ở New York, Kate đã chờ đón anh ở đó. Hai người nhìn nhau tưởng chừng như vô tận, không còn biết gì đến những tiếng ồn ào của mọi người xung quanh. Kate nhảy xổ vào vòng tay David. Trông anh gầy đi và mệt mỏi. Lạy Chúa! Mình nhớ anh ấy quá. Nàng có sẵn hàng nghìn câu hỏi để hỏi anh, nhưng họ có thể chờ đợi. Kate nói, “Em sẽ đưa anh đến Ngôi nhà Trên Đồi Thông. Đó là một nơi tuyệt hảo để anh nghỉ ngơi”. * * * * * Kate đã chuẩn bị rất nhiều thứ trong ngôi nhà này để chở đón ngày trở về của David. Căn phòng khách rộng lớn, thoáng khí đã được bày biện sang trọng với hai chiếc ghế sô pha giống hệt nhau, bọc vải hoa màu hồng và xanh lục. Những chiếc ghế bành nhồi long tơ rất hợp với nhay được xếp xung quanh lò sưởi. Trên lò sưởi là những bức tranh vẽ hoa của Vlaminck, và ở mỗi bên có những cây đèn mạ vàng. Hai bộ cửa kiểu Pháp mở ra hàng hiên chạy dài theo toà nhà ở ba phía, được che bằng một tấm vải bạt có kẻ sọc. Các căn phòng đều sáng sủa, thoáng khí, và nhìn ra quang cảnh hải cảng thật là ngoạn mục. Kate dẫn David đi suốt ngôi nhà, vừa đi vừa nói chuyện thật là vui vẻ. Anh trông có vẻ trầm ngâm một cách lạ lùng. Sau khi đã xem xong khắp nơi, Kate hỏi, “Anh có thích những gì em đã sắp đặt trong ngôi nhà này không, anh yêu quý?” “Đẹp lắm, Kate ạ. Bây giờ, em hãy ngồi xuống, anh muốn nói chuyện với em”. Nàng đột nhiên cảm thấy nôn nao. “Có chuyện gì vậy?” “Có vẻ như chúng ta trở thành kẻ cung cấp súng ống, đạn dược cho một nửa thế giới”. “Chờ đến khi nào anh xem xét sổ sách đã”. Kate nói. “Lợi nhuận của chúng ta đã…” “Anh đang nói về một chuyện khác kia. Nếu anh nhớ không lầm, lợi nhuận chúng ta cũng rất khá lúc anh ra đi. Anh tưởng rằng anh với em đã đồng ý với nhau rằng chúng ta không dính dáng gì đến việc chế tạo các đồ trang bị quân sự”. Kate cảm thấy cơn giận của nàng dâng lên. “Anh đồng ý, chứ em có đồng ý đâu”. Nàng cố dằn lại cơn giận của mình. “Thời buổi thay đổi rồi, David ạ. Chúng ta phải thay đổi cùng nó”. Anh nhìn nàng, rồi lặng lẽ hỏi, “Thế em đã thay đổi hay sao?” Nằm trên giường đêm hôm ấy, Kate tự hỏi không biết chính nàng đã thay đổi, hay là David. Nàng đã trở nên mạnh mẽ hơn hay là David đã yếu đi nhỉ? Nàng nghĩ đến luận cứ của chàng chống lại việc sản xuất vũ khí. Đó là một luận cứ yếu ớt. Dẫu sao, phải có người nào đó cung cấp hàng hoá cho quân đội, và lợi nhuận trong việc làm này rất là lớn. Đã có chuyện gì xảy ra ảnh hưởng đến ý thức kinh doanh của David? Lâu nay nàng vẫn coi chàng là một con người thông minh, tài giỏi nhất nàng từng thấy. Nhưng bây giờ, nàng cảm thấy mình có khả năng điều khiển công việc kinh doanh giỏi hơn David. Nàng trải qua suốt một đêm không ngủ. Đến buổi sáng, Kate và David cùng ngồi ăn điểm tâm, rồi đi dạo quanh vườn. “Thật là đẹp”. David nói, “Anh rất sung sướng được ở đây”. Kate nói, “Về câu chuyện giữa chúng ta tối hôm qua…” “Chuyện ấy giải quyết rồi. Lúc ấy anh đi vắng, và em đã làm những gì mà em cho là phải”. Không biết mình có làm như vậy không, nếu lúc ấy David có mặt ở đây? Kate tự hỏi. Nhưng nàng không nói ý nghĩ ấy lên. Nàng đã làm những công việc ấy vì lợi ích của công ty. Phải chăng công ty còn quan trọng hơn cuộc hôn nhân của mình? Nàng sợ không dám đưa ra câu trả lời. Chương 17 Năm năm kế tiếp đó chứng kiến một thời kì tăng trưởng khó tin nổi trên khắp thế giới. Công ty Kruger-Brent đã được xây dựng trên cơ sở kim cương và vàng, nhưng nó đã được đa dạng hoá và mở rộng ra khắp thế giới, đến nỗi trung tâm hoạt động của nó không còn ở Nam Phi nữa. Gần đây công ty đã thụ đắc được một cơ sở xuất bản lớn, một công ty bảo hiểm và nửa triệu mẫu đất để trồng cây lấy gỗ. Một buổi tối nọ, Kate lay David dậy và nói, “Anh yêu quý, chúng ta hãy di chuyển trụ sở chính của công ty”. David lảo đảo ngồi dậy. “S… sao?” “Trung tâm kinh doanh thế giới ngày nay là New York. Đó là nơi chúng ta nên đặt trụ sở chính cho công ty. Nam Phi lại quá xa mọi nơi. Ngoài ra, với điện thoại và điện tín như chúng ta có ngày nay, chúng ta có thể liên lạc với bất cứ văn phòng nào của chúng ta chỉ trong mấy phút”. “Tại sao anh lại không nghĩ đến điều ấy nhỉ”. David lẩm bẩm, rồi lại lăn ra ngủ. * * * * * New York là một thế giới mới rất thú vị. Trong những lần viếng thăm đầu tiên nơi ấy, Kate đã cảm thấy nhịp đập nhanh của thành phố, nhưng sống ở đây chả khác nào như bị mắc kẹt vào giữa một ma trận. Trái đất có vẻ như quay nhanh hơn, mọi vật đều cử động theo một tốc độ nhanh chóng hơn. Kate và David lựa chọn một địa điểm cho trụ sở mới của công ty trên đừơng Wall Strett, và các kiến trúc sư khởi sự công việc. Kate lựa chọn một số kiến trúc sư khác để vẽ kiểu một toà nhà lớn theo kiểu thời Phục hưng ở Pháp vào thế kỉ mười sáu. “Thành phố này ồn ào kinh khủng”, David phàn nàn. Đúng như vậy. Tiếng ầm ầm của máy tán đinh tràn ngập không khí ở khắp nơi trong thành phố, trong khi các nhà chọc trời bắt đầu mọc lên cao vút đến trời xanh. New York đã trở thành một thánh địa cho thương mại từ khắp nơi trên thế giới, là trung tâm đóng tàu, bảo hiểm, giao thông và chuyên chở. Đó là một thành phố đang nổ bùng lên với một sức sống độc đáo. Kate yêu thích nó, nhưng nàng cũng ý thức được nỗi khổ sở của David. “David ạ, đây là tương lai. Nơi này sẽ tăng trưởng và chúng ta lớn lên cùng với nó”. “Lạy Chúa, Kate, em còn muốn có được thêm bao nhiêu nữa?” Không cần phải suy nghĩ, nàng đáp, “Tất cả mọi thứ trên đời này”. Nàng không hiểu tại sao David lại đặt một câu hỏi như thế. Đã dấn thân vào trò chơi là phải thắng, và người ta thắng bằng cách đánh gục người khác. Điều đó thật là rõ ràng đối với nàng. Nhưng sao David lại không thể thấy được? David là một nhà kinh doanh giỏi, nhưng anh vẫn thiếu một thứ. Đó là sự khao khát, một sự thôi thúc mạnh mẽ là phải chinh phục, để trở thành kẻ lớn nhất, giỏi nhất. Cha nàng đã có tinh thần ấy, và nàng cũng có. Kate không biết rõ tư tưởng này đến với nàng từ bao giờ, nhưng ở vào một thời điểm nào đó trong đời nàng, công ty này sẽ trở thành ông chủ, còn nàng là tên nô lệ. Nó làm chủ nàng hơn là nàng làm chủ nó. Khi nàng cố giải thích các cảm nghĩ của mình cho David thì anh cười rộ lên và nói, “Em đã làm việc quá nhiều”. Nàng sao giống cha nàng thế, David thầm nghĩ. Và chính anh hình như đã nhận ra một cách mơ hồ rằng điều ấy thật đáng lo ngại. Làm sao người ta lại có thể làm việc quá nhiều được? Kate tự hỏi. Trong đời nàng không có gì vui thú hơn là công việc. Đó là lúc nàng cảm thấy sống động nhất. Mỗi ngày đem đến cho nàng một loạt vấn đề mới, và mỗi vấn đề là một thử thách, một câu đố cần phải tìm cách giải, một trò chơi cần phải thắng. Và nàng đã thành công tuyệt vời trong đó. Nàng bị mắc kẹt vào một thứ gì ngoài sự tưởng tượng. Nó không có liên quan gì đến tiền bạc hay thành tích; nó có liên qua đến quyền lực. Một thứ quyền lực kiểm soát đời sống của hàng nghìn con người trong mọi ngõ ngách của trái đất. Giống hệt như cuộc đời nàng trước kia đã từng bị những người khác kiểm soát. Chừng nào mà nàng có quyền lực, nàng sẽ không bao giờ cần bất cứ ai. Đó là một thứ vũ khí ngoài sức tưởng tượng. Kate được mời dùng cơm với các vị vua, nữ hoàng và tổng thống. Tất cả đều mong đợi đặc ân, thiện chí của nàng. Một nhà máy Kruger-Brent có nghĩa là sự khác biệt giữa giàu và nghèo. Quyền lực. Công ty là một vật sống. Nó là một tên khổng lồ đang lớn, cần phải được cho ăn, và đôi khi cần có những sự hi sinh, vì tên không lồ ấy không thể bị còng chân lại được. Bây giờ Kate hiểu điều đó. Nó có một nhịp điệu, một nhịp đập, và nó đã thuộc về nàng rồi. Vào tháng ba, sau khi đã chuyển đến New York, Kate cảm thấy trong người không được khoẻ. David khuyên nàng nên đi khám bác sĩ. “Tên ông ấy là John Harley. Ông ta là một bác sĩ trẻ có tiếng tăm”. Miễn cưỡng, Kate đến gặp ông bác sĩ. John Harley là dân Boston, người gầy còm, vẻ nghiêm trang, trạc hai mươi sáu tuổi, tức nhỏ hơn Kate năm tuổi. “Tôi nói trước với ông nhé”, Kate nói với bác sĩ, “tôi không có thì giờ đâu để mà ốm”. “Vâng, tôi xin nhớ điều đó, bà Blackwell ạ. Trong khi chờ đợi, tôi xin khám cho bà một chút”. Bác sĩ Harley khám sức khoẻ nàng, làm một vài xét nghiệm, rồi nói, “Tôi chắc chẳng có gì đáng ngại đâu. Tôi sẽ có kết quả trong vòng một vài ngày. Xin bà gọi dây nói đến cho tôi vào ngày thứ tư”. * * * * * Sáng sớm ngày thứ tư, Kate gọi điện thoại cho bác sĩ Harley. “Tôi có tin mừng báo cho bà hay, bà Blackwell ạ”, ông nói một cách vui vẻ. “Bà sắp có cháu bé rồi đấy”. Thật là giây phút vui mừng tột độ trong cuộc đời của Kate. Nàng nóng lòng báo cho David biết ngay tin này. Nàng chưa bao giờ thấy David vui sướng đến như thế. Anh nhấc bổng nàng lên trong vòng tay khoẻ mạnh và nói, “Nó sẽ là con gái, nó sẽ giống hệt như em”. Anh thầm nghĩ, đây chính là điều mà Kate đang cần. Bây giờ, nàng sẽ phải ở nhà nhiều hơn. Nàng sẽ là một người vợ theo đúng nghĩa hơn. Nhưng Kate lại có một ý nghĩ khác. Nó sẽ là một đứa con trai. Một ngày kia, nó sẽ nắm lấy công ty Kruger-Brent. Khi ngày sinh đứa bé gần kề, Kate làm việc trong những khoảng thời gian ngắn hơn, nhưng nàng vẫn có mặt ở văn phòng mỗi ngày. “Em hãy quên công việc và nghỉ ngơi đi”, David khuyên Kate. Anh không hiểu được là công việc mới chính là lối nghỉ ngơi, làm nàng bớt căng thẳng. Ngày sinh của đứa bé được dự trù vào tháng mười hai. “Em sẽ cố gắng sinh nó ra vào ngày hai mươi nhăm”, Kate hứa với David. “Nó sẽ là món quà Giáng sinh của chúng ta”. Đó sẽ là một ngày Giáng sinh hoàn hảo, Kate thầm nghĩ. Nàng đứng đầu một tổ hợp công ty, lấy được người đàn ông mà nàng yêu, và nàng sẽ có một đứa con. Nếu có một sự mỉa mai trong thứ tự của các ưu tiên ấy của nàng, Kate cũng không nhận thức được. Thân hình nàng đã lớn ra và khó coi, và mỗi ngày Kate lại càng thấy khó đi đến văn phòng, thế nhưng mỗi khi David hay Brad Rogers đề nghị nàng nên ở nhà thì nàng lại nói, “Trí óc của tôi vẫn đang hoạt động”. Hai tuần lễ trước khi đứa bé ra đời, David đang đi Phi châu, thanh tra vùng mỏ ở Pniel. Anh dự tính sẽ trở về New York trong tuần sau. Kate đang ngồi ở bàn giấy thì Brad Rogers bước vào mà không báo trước. Trông thất nét mặt cau có của Brad, Kate liền hỏi, “Vụ giao dịch Shannon thất bại rồi, phải không?” “Không, tôi… tôi vừa được tin xấu. Vừa xảy ra một tai nạn. Một vụ nổ ở mỏ”. Nàng cảm thấy đau nhói, “Ở đâu vậy? Có tệ lắm không? Có ai bị chết không?” Brad thở một cái thật sâu. “Sáu người. David cũng ở trong số đó, Kate ạ”. Những tiếng nói ấy như tràn khắp căn phòng, rồi dội lại bức tường lót ván gỗ, mỗi lúc mội to hơn, cho đến khi chúng trở thành một tiếng kêu thét trong tai nàng, một ngọn thác Niagara bằng âm thanh đang dìm nàng xuống, rồi nàng cảm thấy mình như bị hút vào trung tâm, sâu hơn nữa, hơn nữa, cho đến khi nàng không còn thở được nữa. Tất cả mọi vật đều tối sầm lại và im lặng. Đứa bé ra đời một giờ sau đó, sớm hơn hai tuần. Kate đặt tên cho bé trai ấy là Anthony James Blackwell, theo tên cha của David. Mẹ sẽ yêu con vì mẹ; mẹ sẽ yêu con vì bố. Một tháng sau, toà lâu đài mới trên đại lộ Năm đã hoàn tất, Kate, cùng với con trai và các gia nhân dọn đến đó ở. Hai toà lâu đài ở Ý đã được gỡ ra để trang bị cho ngôi nhà này. Đó là một nơi trưng bày các đồ gỗ chạm trổ công phu theo kiểu Ý thế kỉ mười sáu, những sàn nhà bằng đá cẩm thạch hồng viền bằng cẩm thạch đỏ sẫm. Thư viện lót ván gỗ phô trương những chiếc lò sưởi tuyệt đẹp kiểu thế kỷ mười tám, trên đó có treo một bức tranh hiếm của Holbein. Lại còn có một phòng trưng bày chiến lợi phẩm với bộ sưu tập súng của David, và một phòng tranh đầy những bức hoạ của Rembrandt, Verneer, Valsqueze và Bellini. Có một phòng khiêu vũ, một phòng khách có nhiều cửa lớn, một phòng ăn chính thức, và một phòng nuôi trẻ cạnh ngay phòng của Kate, và không biết bao nhiêu phòng ngủ. Trong các khu vườn có các pho tượng của Rodin, Augustus Saint Gaudens va Maillol. Đó là toà lâu đài thích hợp cho một vị vua. Và vị vua đang lớn lên ở đó, Kate thầm nghĩ. Năm 1928, khi Tony lên bốn tuổi, Kate gửi nó đến một trường mẫu giáo. Nó là một đứa bé xinh đẹp, nghiêm trang, có cặp mắt xám và cái cằm bướng bỉnh của mẹ. Nó được học âm nhạc, và khi lên năm, nó theo học trường múa. Những thời gian vui sướng nhất của hai mẹ con là khi họ sống bên nhau ở Ngôi nhà Trên Đồi Thông ở Dark Harbor. Kate mua một chiếc thuyền buồm có gắn động cơ, dài chừng hai mươi sáu thước, mà nàng đặt tên cho là “Cướp Biển”. Nàng và Tony thường đi trên chiếc thuyền buồm ấy chạy dọc theo bờ biển Maine. Tony rất thích. Nhưng chính công việc mới làm cho Kate cảm thấy vui sướng nhất. Có một vẻ thần bí về công ty Kruger-Brent mà Jamie McGregor đã thiết lập nên. Nó là vật sống, nó là người yêu, và sẽ không bao giờ chết vào một ngày mùa đông để lại nàng cô đơn. Nó sẽ sống vĩnh viễn. Nàng sẽ bảo đảm cho sự sống còn của nó. Rồi một ngày kia, nàng sẽ trao nó lại cho con nàng. Điều duy nhất khiến nàng băn khoăn, lo nghĩ là nơi quê hương của nàng. Nàng rất lo lắng về Nam Phi. Những vấn đề chủng tộc ở đó mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng, khiến Kate cảm thấy băn khoăn. Ở đó hai phe chính trị đối lập nhau: nhóm “Verkramtes”, là nhóm người có đầu óc chật hẹp, chủ trương kì thị chủng tộc - và nhóm “Verligtes”, sáng suốt hơn, vẫn mong muốn cải thiện vị thế của người da đen. Ông thủ tướng James Hertzog cùng với Jan Smut đã thiết lập một liên minh và phối hợp quyền lực với nhau để cho thông qua một đạo luật mới về đất đai. Người da đen bị xoá tên khỏi các danh sách và không có quyền đi bầu hay làm chủ đất đai. Hàng triệu người thuộc các nhóm thiểu số khác nhau đều bị xáo trộn bởi đạo luật mới này. Các vùng không có các mỏ kim loại, không có các trung tâm kĩ nghệ hay các cảng, thì được dành cho những người da màu, da đen và Ấn Độ. Kate xếp đặt một phiên họp với các viên chức cao cấp ở Nam Phi. “Đây là một trái bom”, Kate nói với họ, “Điều mà các ông đang làm là cố giữ tám triệu người trong vòng nô lệ”. “Đó không phải là nô lệ, bà Blackwell ạ. Chúng tôi làm như thế là vì lợi ích của họ”. “Thật vậy sao? Làm thế nào các ông giải thích được điều ấy?” “Mỗi sắc tộc đều có cái gì đó để đóng góp. Nếu người da đen hoà lẫn với người da trắng, họ sẽ mất đi cá tính của mình. Chúng tôi cố bảo vệ cho họ”. “Thật là vô nghĩa lý”, Kate cãi lại. “Nam Phi đã trở thành một địa ngục kì thị chủng tộc”. “Điều đó không đúng. Người da đen từ những nước khác đã từ nghìn dặm đến đây để được vào xứ này. Họ trả đến năm mươi bảng Anh để có một giấy thông hành giả mạo. Người da đen được sống sung sướng ở đây hơn các nơi khác”. “Vậy thì họ thật đáng thương hại”, Kate nói. “Bọn chúng là những đứa trẻ con sơ khai thôi, bà Blackwell ạ. Đó chính là vì lợi ích cho họ”. Kate rời khỏi phiên họp, trong lòng thất vọng và rất lo sợ cho đất nước của nàng. Kate cũng lo lắng cho Banda. Mấy lâu nay, tên ông được nhắc nhiều lần trên báo chí. Các nhật báo ở Nam Phi gọi ông là “Cây địa du đỏ” và trong các câu chuyện họ kể vẫn có một vẻ thán phục miễn cưỡng. Ông trốn thoát khỏi tay cảnh sát bằng cách hoá trang thành một người cày ruộng, tài xế xe hơi hay gác cổng. Ông đã tổ chức một đạo quân du kích và đứng hàng đầu trong danh sách những người bị truy lùng gắt gao nhất. Một bài viết trên tờ báo Cape Times kể lại rằng ông được những người biểu tình khiêng trên vai, đi diễu một cách đắc thắng trên khắp các con đường của một làng da đen. Ông đi từ làng này đến làng khác để nói chuyện với các học sinh, nhưng mỗi khi cảnh sát được tin về sự xuất hiện của Banda thì ông lại biến đi đâu mất. Người ta bảo ông có một toán cận vệ đông đến hàng trăm người, gồm toàn bạn bè và những người trung thành với ông. Mỗi đêm ông ngủ tại một nhà khác. Kate biết rằng chỉ có cái chết mới làm ông ngưng hoạt động mà thôi. Nàng phải tiếp xúc được với ông. Nàng gọi một tên đốc công trước kia của nàng, một người nàng có thể tin cậy, và hỏi anh ta, “William này, anh có thể tìm ra được Banda cho tôi không?” “Chỉ khi nào ông ấy muốn thì mới được”. “Vậy anh hãy thử đi. Tôi muốn gặp ông ấy”. “Để tôi nghĩ xem có cách nào”. Sáng hôm sau, viên đốc công ấy nói, “Nếu tối nay bà rảnh, sẽ có một chiếc xe đưa bà về đồng quê”. Kate được đưa đến một ngôi làng nhỏ cách Johannesburg bảy mươi dặm. Người tài xế dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ. Kate bước vào bên trong. Banda đang ngồi ở đó chờ đợi nàng. Ông trông vẫn như hồi nàng gặp ông trước kia. Chắc bác ấy nay đã sáu mươi tuổi rồi, Kate thầm nghĩ. Ông đã đi trốn trong nhiều năm để thoát khỏi tay cảnh sát, thế nhưng trông ông vẫn trầm tĩnh, thoải mái. Ông ôm lấy Kate và nói, “Mỗi lúc cô trông lại càng đẹp hơn”. Nàng cười, “Tôi đã già đi. Ít năm nữa thôi, tôi sẽ bốn mươi tuổi rồi”. “Tuổi tác không ảnh hưởng đến cô bao nhiêu cả”, Banda nói. Hai người đi vào trong bếp, và trong khi Banda đang pha cà phê, Kate nói, “Tôi không thích những chuyện đang xảy ra, bác Banda ạ. Như vậy rồi sẽ đi đến đâu?” “Rồi đây sẽ còn xấu hơn nữa”, Banda nói một cách đơn giản. “Chính phủ không cho phép chúng tôi nói chuyện với họ. Người da trắng đã phá hỏng những chiếc cầu thông cảm giữa chúng tôi và họ, rồi một ngày kia họ sẽ thấy cần những chiếc cầu như thế để đến với chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã có những vị anh hùng như Kate, Nehremish Tile, Mokone, Richard Msimang. Người da trắng khiêu khích chúng tôi, đẩy chúng tôi chạy loanh quanh giống như xua một bầy gia súc đi ăn cỏ”. “Không phải người da trắng nào cũng như vậy”, Kate nói. “Bác có những người bạn đang chiến đấu để tạo nên những sự thay đổi. Điều này sẽ xảy ra một ngày nào đó, bác Banda ạ, nhưng cần phải có thời gian”. “Thời gian giống như cát trong chiếc bình thuỷ tinh chỉ giờ. Nó sẽ cạn đi”. “Bác Banda ạ. Ntame và Magena bây giờ ra sao rồi?” “Vợ và con trai tôi đang lẩn trốn”, Banda nói với vẻ buồn bã, “Cảnh sát vẫn đang còn săn lùng tôi ráo riết”. “Vậy thì tôi có thể làm gì được để giúp bác? Tôi không thể nào ngồi yên, chẳng làm gì cả. Tiền bạc có giúp được gì không?” “Bao giờ tiền bạc cũng có ích lợi”. “Tôi sẽ thu xếp chuyện đó cho bác. Còn gì nữa không?” “Cầu nguyện, Kate ạ. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”. Sáng hôm sau, Kate lên đường trở về New York. Khi Tony đã khá lớn, có thể đi du lịch được, Kate đem nó đi theo trong những cuộc hành trình công vụ, vào những dịp nghỉ của nó. Tony rất thích các viện bảo tàng, và có thể đứng hàng giờ ngắm các bức tranh và pho tượng của những nghệ sị bậc thầy. Ở nhà, Tony vẽ lại các bức họa treo trên tường, nhưng nó quá e thẹn, không dám đưa cho mẹ nó xem. Nó rất dễ thương, thông minh và vui tính. Ngoài ra nó lại có tính bẽn lẽn, nhút nhát khiến cho mọi người cảm thấy dễ mến hơn nữa. Kate hãnh diện về con mình. Nó lúc nào cũng đứng đầu lớp. “Con đánh bại tất cả bọn chúng, phải không, con yêu quý của mẹ?” Thế rồi nàng cười to lên, ôm choàng lấy đứa con trong vòng tay. Bé Tony lại cố gắng hơn nữa để xứng đáng với các kì vọng của mẹ nó. Năm 1936, vào lần sinh nhật thứ mười hai của Tony, Kate trở về nhà sau một cuộc du hàng ở Trung Đông. Nàng rất nhớ Tony, và nóng lòng muốn gặp lại con. Tony đang ở nhà chờ mẹ. Nàng ôm nó vào lòng, hôn tíu tít và nói, “Mừng con nhân ngày sinh nhật! Ngày hôm nay con thấy có vui không?” “Th… thưa m… mẹ. Co… con vu… vui lắm ạ”. Kate lùi lại một bước, nhìn con chằm chằm. Nàng chưa hề thấy nó nói cà lăm như thế bao giờ. “Con có khoẻ không, Tony?” “Kh… khoẻ. Cả… Cảm m… mơn m… mẹ”. “Con không được nói cà lăm như thế. Nói thật chậm đi nào”. “Vâng, th… thưa, M… mẹ”. Trong năm tuần lễ kế tiếp đó, cái tật này của nó lại càng tệ hơn nữa. Kate quyết định phải nói chuyện với bác sĩ Harley. Sau khi khám xong, John Harley nói, “Về thể chất, chẳng có gì đáng ngại cả. Cậu ấy có bị một thứ áp lực gì đó không?” “Con trai tôi à? Dĩ nhiên là không. Tại sao ông lại hỏi như vậy?” “Tony là một đứa bé nhạy cảm. Tật cà lăm thường là một sự biểu hiện về mặt thể chất của một tâm trạng thất vọng, thấy mình không có khả năng đối phó”. “Ông lầm rồi, bác sĩ ạ. Tony đứng hàng đầu về các trắc nghiệm học tập ở trường. Học kì vừa rồi, nó chiếm ba phần thưởng. Nó là một vận động viên hàng đầu, một học sinh giỏi nhất về mọi mặt, đứng đầu về các môn học nghệ thuật, văn chương. Không thể nói rằng như vậy là không có khả năng đối phó được”. “À ra thế”, Ông nhìn thẳng vào mặt nàng. “Bà làm như thế nào mỗi khi cậu ấy nói cà lăm?” “Cố nhiên là tôi sửa chữa cho nó”. “Tôi đề nghị rằng bà không nên làm như thế. Bà càng cố sửa chữa, cậu ấy càng nói cà lăm nhiều hơn”. Kate nổi giận, “Nếu Tony có vấn đề gì về mặt tâm lý, như ông nói, thì đó không phải là do mẹ nó. Tôi yêu quý nó. Nó cũng biết rõ điều ấy. Nó cũng biết rằng tôi cho nó là một đứa trẻ đặc biệt nhất trên thế gian này”. Đó mới chính là cốt lõi của vấn đề. Không đứa trẻ nào có thể sống cho thật xứng đáng với điều kì vọng lớn lao ấy. Bác sĩ Harley nhìn xuống bản đồ biểu của ông. “Xem nào. Cậu bé lên mười hai rồi, phải không?” “Phải”. “Có lẽ tốt hơn hết bà cho cậu ấy đi xa một thời gian. Có thể đến một trường học tư ở một nơi nào đó”. Kate nhìn ông bác sĩ chằm chằm. “Để cho cậu ấy sống độc lập một thời gian. Cho đến khi cậu ấy học xong bậc trung học, Có một ít trường học rất tốt ở Thuỵ Sĩ”. Thuỵ Sĩ! Ý tưởng cho Tony đi học xa như vậy thật là khủng khiếp đối với Kate. “Nó đang còn nhỏ, chưa được sẵn sang, nó…” Ông bác sĩ Harley nhìn nàng, chờ đợi. “Tôi sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này”, nàng nói. Trưa hôm ấy, nàng huỷ bỏ một phiên họp của ban giám đốc, trở về nhà sớm. Tony đang ở trong phòng làm bài tập ở trường. Tony nói, “Hô… hôm n… nay co… on đư… được toàn đi… ểm A, m… mẹ ạ”. “Con có muốn đi học ở Thuỵ Sĩ không?” Mặt Tony sáng lên. “Có đư… được khô… không, m… mẹ?” Sáu tuần lễ sau, Kate cho Tony lên một chiếc tàu thuỷ. Nó lên đường đến trường Le Rosey ở Rolle, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Geneva. Kate đứng ở cầu tàu tại New York, nhìn cho đến khi chiếc tàu tách rời khỏi các tàu kéo. Mẹ kiếp! Mình lại phải vắng nó rồi. Rồi nàng quay lại, trở về chiếc xe hơi đang đứng đợi để đưa nàng về văn phòng. Kate thích làm việc với Brad Rogers. Anh đã bốn mươi sáu tuổi, lớn hơn Kate hai tuổi. Qua nhiều năm tháng làm việc chung, họ đã trở thành những người bạn thân. Kate mến anh vì anh rất trung thành với Công ty Kruger-Brent. Brad chưa lập gia đình và có khá nhiều cô bạn gái xinh đẹp, nhưng dần dần Kate nhận ra rằng anh đã yêu nàng. Nhiều lần anh đưa ra những nhận xét cố tình làm ra vẻ mập mờ, khó hiểu, nhưng nàng muốn giữ mối liên hệ giữa hai người ở mức độ khách quan, nặng nề tính công việc. Nhưng có một lần nàng đã phá thông lệ ấy. Brad bắt đầu thăm viếng một người nào đó rất đều đặn. Anh thức khuya và sáng hôm sau đi dự các phiên họp với dáng điệu mệt mỏi. Anh có vẻ như đãng trí, đầu óc để ở đâu đâu. Thật là một dấu hiệu không tốt cho việc làm của công ty. Một tháng trôi qua, thái độ ấy của anh lại càng trắng trợn hơn nữa. Kate quyết định phải ra tay. Nàng nhớ lại xưa kia David cũng suýt rời bỏ công ty vì một người đàn bà. Nàng không thể để cho một việc tương tự xảy ra với Brad. Kate chuẩn bị đi sang Paris để thâu nhận một công ty xuất nhập khẩu, nhưng vào phút cuối cùng, nàng yêu cầu Brad đi cùng với nàng. Ngày đầu tiên, khi họ đến nơi, hai người tham dự các phiên họp, rồi đến tối họ cùng ăn cơm ở Grand Véfour. Sau đó, Kate yêu cầu Brad đến gặp nàng ở dãy phòng nàng thuê tại khách sạn George V để cùng xem xét các báo cáo của công ty mới. Khi Brad đến nơi, Kate đang chờ đợi anh trong một chiếc áo choàng mặc ở nhà mỏng dính. “Tôi đem đến cho chị bản đề nghị đã được sửa chữa”, Brad mở lời, “như vậy chúng ta…” “Cái ấy có thể để sau hẵng tính”, Kate nói nhẹ nhàng. Trong giọng nàng có vẻ như mời mọc, khiến Brad phải nhìn vào mặt nàng lần nữa. “Tôi muốn chỉ có hai chúng ta ở đây thôi, Brad ạ”. “Kate…” Nàng ngả vào hai cánh tay của Brad, ôm chàng sát vào người. “Lạy Chúa!” anh nói. “Anh đã yêu em quá lâu rồi”. “Em cũng vậy, Brad ạ”. Rồi cả hai người đi vào phòng ngủ. Kate là một phụ nữ tràn đầy dục tính, nhưng tất cả năng lực của nàng được dồn vào các lĩnh vực khác. Nàng được hoàn toàn thoả mãn trong công việc. Nàng cần Brad vì những lí do khác… Kate không bao giờ ân ái với Brad một lần thứ hai nữa. Khi anh tỏ ra không thể nào hiểu được lý do vì sao nàng từ chối anh, nàng nói, “Anh không biết được em yêu thích anh như thế nào, Brad ạ, nhưng em lo sợ rằng chúng ta sẽ không làm việc được với nhau lâu dài. Cả hai chúng ta phải hi sinh”. Brad Rogers cũng đành phải chấp nhận như vậy. Trong khi công ty mỗi ngày một bành trướng thêm mãi, Kate lập nên những cơ sở từ thiện đóng góp cho các trường đại học, các nhà thờ và trường học. Nàng tiếp tục bổ túc cho bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Nàng mua tranh của các danh hoạ thời kì Phục hưng và hậu Phục hưng như Raphael và Titian, Tintoretto và El Greco; và các hoạ sĩ thuộc xu hướng nghệ thuật baroque (1) như Rubens, Carevaggio và Van Dyck. Bộ sưu tập của Blackwell nổi tiếng là bộ sưu tập của tư nhân quý giá nhất trên thế giới. Nổi tiếng, bởi vì không ai, ngoài các khách quý của gia đình, được phép xem bộ sưu tập ấy. Kate không cho phép người ta chụp ảnh các bức hoạ ấy, cũng không muốn thảo luận vấn đề với báo chí. Nàng có những quy tắc chặt chẽ, cứng rắn về báo chí. Cuộc sống riêng tư của gia đình Blackwell là điều không được ai xâm phạm. Cả gia nhân lẫn nhân viên công ty đều không được phép bàn luận về gia đình Blackwell. Dĩ nhiên, người ta không thể ngăn chặn được những tin đồn, những lời dự đoán, vì Kate Blackwell vốn là một nhân vật bí hiểm gây nhiều suy nghĩ, tò mò - một trong các phụ nữ giàu nhất, có quyền lực lớn lao nhất thế giới. Có hàng nghìn câu hỏi về nàng, nhưng rất ít lời giải đáp. Kate điện thoại cho bà hiệu trưởng ở Le Rosey. “Tôi gọi điện thoại đến bà để hỏi xem Tony bây giờ ra sao”. “À, cậu ấy học rất giỏi, bà Blackwell ạ. Con trai bà là một học sinh tuyệt vời…” “Không, tôi không muốn hỏi về chuyện ấy”, nàng do dự một lát, như thể không muốn chấp nhận có một yếu kém nào trong gia đình Blackwell. “Tôi muốn hỏi về cái tật nói lắp của nó”. “Thưa bà, tôi không thấy cậu ấy có dấu hiệu nào nói lắp cả. Cậu ấy hoàn toàn bình thường”. Kate trút một tiếng thở dài khoan khoái. Nàng đã biết từ trước đến nay rằng cái tật ấy chì tạm thời thôi, một giai đoạn nào đó rồi sẽ phải qua đi. Mặc kệ các ông bác sĩ! Tony trở về nhà bốn tuần lễ sau đó. Kate ra phi trường đón cậu. Tony trông có vẻ đẹp đẽ, khoẻ mạnh. Kate cảm thấy một niềm hãnh diện dâng tràn. “Chào con yêu quý của mẹ. Con khoẻ mạnh chứ?” “Thư… thưa m… mẹ. Co… on vẫn kho… khoẻ. Thế cò… còn m… mẹ?” Trong thời gian nghỉ ở nhà, Tony hăm hở muốn được xem những bức tranh mới mà mẹ cậu đã mua trong thời gian cậu vắng nhà. Cậu cảm thấy kinh hãi trước những bức hoạ của các bậc thầy, say mê với các bức tranh của các danh hoạ theo trường phái ấn tượng Pháp như Monet, Renoir, Manet và Morisot. Chúng gợi lên một thế giới thần bí đối với Tony. Cậu mua một bộ đủ các loại sơn, một cái giá vẽ, rồi bắt đầu làm việc. Cậu cho rằng những bức vẽ của cậu thật là kinh khủng nên không muốn đưa cho ai xem. Làm sao mà những bức hoạ của cậu có thể sánh được với những tác phẩm tuyệt tác ấy? Kate nói với Tony, “Một ngày kia tất cả những bức hoạ này sẽ thuộc về con”. Ý tưởng ấy gieo trong đầu óc của cậu bé mười ba tuổi một cảm giác khó chịu. Mẹ cậu không hiểu được cậu. Những bức hoạ ấy không bao giờ thực sự thuộc về cậu cả, bởi vì cậu đã không làm gì để có được chúng. Cậu có những cảm nghĩ mâu thuẫn khi thấy mình xa rời với mẹ cậu, vì tất cả mọi thứ xung quanh bà lúc nào cũng gây kích thích, sôi nổi. Bà ở ngay trung tâm điểm của một trận cuồng phong; bà đưa ra mệnh lệnh, thực hiện những vụ giao dịch lớn lao khó tưởng tượng nổi; bà đưa cậu đến những nơi xa lạ, giới thiệu cậu với những nhân vật nổi tiếng. Bà là một nhân vật đáng sợ, và cậu hãnh diện về bà vô cùng. Cậu cho rằng bà là một phụ nữ tuyệt vời, hấp dẫn nhất trên thế giới. Cậu cảm thấy vô cùng tội lỗi bởi vì chỉ khi trước mắt bà cậu mới nói lắp. Kate không bao giờ có ý nghĩ rằng con trai bà rất kinh sợ bà cho đến một hôm, khi Tony về nhà trong dịp nghỉ, cậu hỏi, “Thư… thưa m…. mẹ, có… có… phải m… mẹ điều khi… iển cả thế giới không?” Bà cười to và nói, “Dĩ nhiên là không rồi. Vì sao con lại đưa ra câu hỏi vớ vẩn như thế?” “Tất cả… cả b… bạn bè con ở… ở trường đều nói về m… mẹ. Trời, mẹ thực sự là… là một c… cái gì đó…” “Mẹ là “cái gì đó” thật, con ạ. Mẹ là mẹ của con mà”, Kate nói. Tony muốn làm vừa lòng mẹ về tất cả mọi thứ. Cậu biết rằng đối với bà, công ty có một ý nghĩa rất lớn lao, bà đã làm biết bao nhiêu việc để chuẩn bị cho cậu sẽ đứng ra điều khiển nó một ngày nào đó, thế nhưng cậu lấy làm hối tiếc vì cậu biết cậu không thể làm như vậy được. Đó không phải là loại công việc mà cậu dự định sẽ làm trong cuộc đời mình. Khi Tony giải thích điều này với mẹ thì bà cười to lên và nói, “Đừng có nói bậy, Tony ạ. Con đang còn ít tuổi quá, làm sao mà biết được việc gì con muốn làm trong tương lai?”. Thế là cái tật cà lăm của Tony lại nổi lên. Ý tưởng trở thành một hoạ sĩ khiến cho Tony cảm thấy thích thú. Bắt được cái đẹp, rồi giữ nó đông lạnh cho hậu thế vĩnh cửu, đó là một việc làm có ý nghĩa và thật là xứng đáng. Cậu muốn đi ra nước ngoài và theo học ở Pari, nhưng cậu biết rằng cậu sẽ phải đề cập đến vấn đề này với mẹ cậu một cách rất cẩn thận. Hai mẹ con có những ngày vui tuyệt vời bên nhau. Kate là bà chủ của những bất động sản lớn lao. Bà đã mua những ngôi nhà ở Palm Beach và South Carolina, và một trại nuôi ngựa ở Kentucky. Bà và Tony vẫn thường đến thăm những nơi ấy trong các ngày nghỉ của Tony. Họ đi xem những cuộc đua tranh giải nước Mỹ ở Newport, và khi ở New York họ ăn cơm trưa tại nhà hàng Delmonico, dùng trà ở Plazza và ăn tối chủ nhật tại nhà hàng Luchow. Kate rất thích đua ngựa, và chuồng ngựa của bà được coi là tốt nhất thế giới. Khi nào một trong các con ngựa của bà tham gia cuộc đua và Tony có mặt ở nhà, bà thường đưa cậu đi đến trường đua. Hai người ngồi trong một lô riêng, và Tony thường ngạc nhiên nhìn thấy mẹ hò hét, hoan hô đến khản cả cổ. Cậu hiểu rằng sự vui sướng của bà không có liên quan gì đến tiền bạc. “Nó sẽ thắng, Tony ạ. Nhớ điều đó nhé. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng nhất”. Họ thường có những thời gian yên tĩnh, không làm gì cả, ở Dark Harbor. Họ mua sắm ở Pendleton và Coffin, ăn kem với sô đa ở tiệm Dark Harbor. Về mùa hè, họ đi thuyền, đi bộ, thăm viếng các bảo tàng. Về mùa đông, họ trượt trên băng, đi xe trượt tuyết. Họ ngồi trước lò sưởi trong thư viện, và Kate thường kể cho con trai nghe những chuyện xưa về gia đình, về ông nội của cậu, về Banda, và về buổi tặng quà mừng đứa trẻ mới sinh do bà Agnès và các cô gái đã tổ chức mừng bà nội của Tony. Thật là một gia đình nhiều màu sắc, một gia đình đáng hãnh diện và tràn đầy thương yếu. “Kruger-Brent một ngày kia sẽ thuộc về con, Tony ạ. Con sẽ điều khiển nó và…” “Co… con không muốn điều kh… khiển, mẹ ạ. Con không thích k… kinh doanh hay quyền lực”. Kate đùng đùng nổi giận, “Con điên rồi à? Con biết gì về kinh doanh lớn lao và quyền lực cơ chứ? Con nghĩ rằng mẹ đi khắp nơi trên thế giới để gieo rắc xấu xa hay sao? Làm hại người ta hay sao? Con nghĩ rằng Kruger-Brent là một bộ máy làm tiền tàn bạo đè bẹp tất cả những gì cản trở bước tiến của nó hay sao? Thôi, để mẹ nói cho con biết, con ạ. Nó là thứ tốt nhất nhì sau Chúa Giêsu đấy, con ạ. Chúng ta là sự phục sinh, chúng ta cứu sống hàng trăm nghìn người. Khi chúng ta mở một nhà máy trong một cộng đồng hay một xứ sở nghèo nàn, đình trệ, dân chúng ở đấy nhờ vậy mà có thể mở trường học, thư viện, nhà thờ; họ có thể cho con cái họ ăn mặc tử tề và có những phương tiện giải trí”. Bà thở thật mạnh, vì bị lôi cuốn trong cơn giận dữ. “Chúng ra xây dựng các nhà máy ở những nơi nào dân chúng đói khổ, không có việc làm, và nhờ chúng ta, họ có cuộc sống tử tế và có thể ngẩng đầu lên cao. Chúng ta trở thành những vị cứu thế. Từ nay, đừng để cho mẹ phải nghe những lời nhạo báng của con về kinh doanh lớn và quyền lực nữa”. Tony chỉ cón biết thốt ra mấy lời, “Co… con xin lỗi m… mẹ”. Nhưng trong thâm tâm, cậu vẫn nghĩ một cách bướng bỉnh, “Mình sẽ trở thành một nghệ sĩ”. Khi Tony mười lăm tuổi, Kate đề nghị cậu nên nghỉ hè tại Nam Phi. Cậu chưa hề đến nơi ấy bao giờ. “Mẹ chưa thể đi được vào lúc này, Tony ạ, nhưng con sẽ thấy rằng nơi ấy hấp dẫn lắm. Mẹ sẽ thu xếp mọi thứ cho con”. “Con hi vọng được… được nghỉ hè ở Dark Harbor, m… mẹ ạ”. “Nghỉ hè sang năm”, bà nói giọng cương quyết. “Hè này mẹ muốn con ở Johannesburg”. Kate bàn luận cẩn thận với viên tổng đốc của công ty Johannesburg, và hai người cùng vạch ra lộ trình cho Tony. Mỗi ngày đều được sắp đặt cho một mục tiêu nhất định: tạo cho cuộc hành trình này trở nên thích thú tối đa đối với Tony, đồng thời giúp cậu nhận thức được tương lai của cậu gắn liền với công ty. Kate nhận được báo cáo hàng ngày về con trai. Cậu đã được đi thăm một trong các mỏ vàng. Cậu đã trải qua hai ngày tại mỏ kim cương. Cậu đã được hướng dẫn đi thăm các nhà máy của Kruger-Brent và cùng tham dự một cuộc đi săn ở Kenya. Một ít ngày trước khi kì nghỉ của Tony kết thúc, Kate điện thoại cho viên quản đốc công ty ở Johannesburg. “Tony bây giờ tiến bộ ra sao?” “Ồ, cậu ấy vui thích lắm, thưa bà Blackwell. Thật thế, sáng nay cậu ấy hỏi thêm có thể ở lại lâu thêm chút nữa được không?” Kate cảm thấy vui sướng tràn ngập. “Thật là tuyệt vời. Cảm ơn anh”. Khi kì nghỉ hè chấm dứt, Tony đi Southampton, ở Anh; đến đó, cậu lên máy bay của hãng Pan American sang Mỹ. Kate thường đi máy bay của hãng Pan American khi nào có thể được. Nó làm cho bà không còn cảm thấy thích thú với các hãng máy bay khác nữa. Kate bỏ một phiên họp quan trọng để đi đón con khi cậu vừa về đến tại trạm cuối cùng của hãng Pan Am ở phi trường mới xây La Guardia của thành phố New York. Nét mặt xinh đẹp của Tony rạng vẻ hăm hở. “Con có vui không, con yêu quý?” “Nam Phi là một thứ t… tuyệt vời, m… mẹ ạ. Mẹ có… biết họ lái m… máy bay cho con đi xem sa mạc Namib, nơi ông ngoại ăn cắp… cắp kim cương của cụ… cụ Van der Merwe không?” “Ông ngoại không ăn cắp kim cương, Tony ạ”. Kate sửa chữa lại câu nói. “Ông ấy chỉ lấy lại cái thuộc về ông ấy mà thôi”. “Cố nhiên rồi”, Tony nói. “Nhưng mà con đã đến nơi ấy. Không có sương mù, gọi là “mis”, nhưng vẫn còn… còn có người gác, chó và đủ… đủ mọi thứ”. Cậu nhe răng cười. “Họ không chịu cho con các mẫu kim cương”. Kate cười vui vẻ. “Họ không cần phải cho con mẫu kim cương nào cả. Một ngày kia, tất cả sẽ thuộc về con”. “Mẹ cứ nói với họ đi. Họ không… không chịu nghe… nghe lời con”. Bà ôm hôn con trai. “Con vui thích thực sự, phải không?” Bà sung sướng, vì cuối cùng Tony đã tỏ ra thích thú với di sản của mình. “M… mẹ có… có biết con thích cái gì nhất không?” Kate cười âu yếm. “Cái gì hả con?” “Màu sắc. Con… con vẽ nhiều phong cảnh ở đấy lắm. Con không muốn bỏ đi. Con muốn trở lại đó để… để vẽ”. “Vẽ à?” Kate cố làm ra vẻ sốt sắng. “Có vẻ như đó là một trò giải trí thú vị đấy”. “Không. Không phải là giải… giải trí đâu, m… mẹ ạ. Con muốn trở thành một hoạ… hoạ sĩ. Con đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Con sẽ… sẽ đi Paris để học. Con thực sự nghĩ con… con có năng khiếu”. Kate cảm thấy căng thẳng. “Chắc con không muốn suốt đời làm nghề vẽ ấy”. “Có. Con muốn như vậy, m… mẹ ạ. Đó là thứ duy nhất con thích”. Thế là Kate biết rằng mình phải mất Tony rồi. Nó có quyền được sống cuộc đời của nó. Kate thầm nghĩ. Nhưng làm thế nào mình có thể để nó phạm phải một sai lầm kinh khủng như vậy được? Đến tháng chín năm ấy, quyết định ấy đã vọt ra khỏi tầm tay của cả hai người. u châu lâm vào cuộc đại chiến. “Mẹ muốn con ghi danh theo học trường tài chánh và thương mại Wharton”, Kate nói với Tony. “Sau hai năm, nếu con vẫn còn thích làm một nghệ sĩ, mẹ cũng sẽ không phản đối gì”. Kate chắc chắn rằng đến lúc ấy Tony sẽ thay đổi ý kiến. Khó có thể tưởng tượng được rằng con trai bà sẽ chịu sống cả cuộc đời tô những màu bôi bác lên những miếng vải vẽ, trong khi nó có thể đứng đầu một tổ hợp công ty lớn mạnh nhất thế giới. Dẫu sao chăng nữa, nó cũng là con trai bà. Đối với Kate Blackwell, Đại chiến II lại là một cơ hội lớn lao khác nữa. Khắp thế giới đều thiếu thốn các loại trang bị và vật liệu quân sự, nhưng Kruger-Brent vẫn có khả năng cung cấp các thứ ấy cho họ. Một phân cục sản xuất của công ty chuyên cung cấp trang bị cho các lực lượng võ trang, một phân cục khác phụ trách các nhu cầu dân sự. Các nhà máy của công ty sẽ làm việc hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn. Kate chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ không thể nào đóng vai trò trung lập được. Tổng thống Franklin D. Roosevelt kêu gọi xứ sở ông phải là một xưởng vũ khí đạn dược để phục vụ cho dân chủ, và dự thảo luật thuê mướn vũ khí, Lend Lease Contract, được thúc đẩy thông qua Quốc hội. Các tàu của Đồng minh vượt qua Đại Tây Dương bị đe doạ bởi cuộc phong toả của nước Đức. Các loại tàu ngầm Đức tấn công và đánh chìm hàng chục tàu thuyền của Đồng minh, chiến đấu theo từng đội gồm tám chiếc một. Nước Đức trở thành một lực lượng khủng khiếp, có vẻ như không thể nào ngăn cản nổi. Bất kể đến Hiệp ước Versailles, Adolf Hitler đã xây dựng một trong các bộ máy chiến tranh lớn nhất trong lịch sử. Theo một kĩ thuật mới gọi là Blitzkrieg, Đức tấn công Ba Lan, Bỉ và Hà Lan, rồi lần lượt tiếp theo đó, bộ máy quân sự Đức nhanh chóng đè bẹp Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Pháp. Kate ra tay hành động khi bà nhận được tin rằng những người Do Thái làm việc trong các xưởng Kruger-Brent, đã bị quân Quốc xã tịch thu tài sản, bắt bớ và đày tới tại các trại tập trung. Bà gọi điện thoại hai lần, và trong tuần lễ kế tiếp, bà lên đường qua Thuỵ Sĩ. Khi đến khách sạn Baur ở Zurich, bà nhận được thư của đại tá Brinkmann ngỏ ý muốn gặp bà. Brinkmann là quản đốc chi nhánh của Kruger-Brent ở Berlin. Khi xí nghiệp ở đấy bị chính phủ Đức trưng thu, ông ta được trao cấp bậc đại tá và được giữ lại để trông coi. Ông ta đến gặp bà Kate Blackwell ở khách sạn. Đó là một người gầy còm, kĩ tính, với mái tóc hoe chải cẩn thận trên chiếc đầu gần như hói sọi. “Tôi rất hân hạnh được gặp bà, thưa bà Blackwell. Tôi có lời nhắn của Chính phủ chúng tôi gửi đến cho bà. Tôi được phép đưa ra lời bảo đảm rằng ngay khi cuộc chiến tranh này chấm dứt, các nhà máy của bà sẽ được trả lại cho bà. Nước Đức sẽ là một cường quốc công nghệ lớn nhất thế giới, và chúng tôi hoan nghênh những người cộng tác như bà”. “Nhưng nếu nước Đức thua trận thì sao?” Đại tá Brinkmanm cố nở một nụ cười trên môi, “Cả bà lẫn tôi đều biết rằng một chuyện như vậy không thể nào xảy ra được, thưa bà Blackwell. Nước Mỹ đã khôn ngoan đứng ra bên ngoài các công việc của u châu. Tôi hi vọng rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy”. “Chắc chắn là ông tin như vậy, đại tá ạ”. Bà vươn người ra phía trước, nói tiếp, “Tôi đã nghe đồn rằng những người Do Thái đang bị đưa đến các trại tập trung và bị tiêu diệt. Điều ấy có đúng không?” “Tôi đoan chắc với bà rằng đó chỉ là tuyên truyền của người Anh thôi. Đúng là người Do Thái được đưa đến các trại lao động, nhưng với tư cách là một sĩ quan, tôi xin cam đoan với bà rằng họ được đối xử một cách xứng đáng”. Kate tự hỏi không biết ý nghĩa của câu nói ấy như thế nào. Bà dự định sẽ tìm hiểu cho ra. Ngày hôm sau, bà có một cuộc hẹn với một thương gia hành đầu người Đức, tên là Otto Bueller, tuổi trạc ngũ tuần, là một người trông có vẻ sang trọng với một vẻ mặt thương xót và cặp mắt đã từng nhìn thấy nỗi đau khổ sâu sắc. Hai người gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ. Bueller chọn một chiếc bàn ở góc vắng vẻ. Kate nói khe khẽ, “Tôi được nghe nói ông đã khởi sự một tổ chức bí mật nhằm lén lút đưa người Do Thái tới các nước trung lập. Có đúng như vậy không?” “Không đúng đâu, bà Blackwell ạ. Một hành động như thế bị xem là phản bội lại Đệ tam Cộng hoà Đức Quốc xã”. “Tôi cũng có nghe nói ông đang cần ngân quỹ để hoạt động”. Bueller nhún vai, “Vì không có tổ chức bí mật nào cả nên tôi cần gì phải có ngân quỹ để điều hành nó, phải thế không?” Mắt ông nhìn quanh ly cà phê với vẻ lo ngại. Đây là con người hít thở và ngủ với sự nguy hiểm mỗi ngày trong cuộc sống. “Tôi hi vọng có thể giúp đỡ phần nào”, Kate nói một cách thận trọng. “Công ty Hữu hạn Kruger-Brent có nhà máy tại nhiều nước Đồng minh và trung lập. Nếu ai đó có thể đưa những người tị nạn đến các nơi ấy, tôi sẽ thu xếp cho họ có công ăn việc làm”. Bueller vẫn tiếp tục ngồi nhấm nháp ly cà phê. Cuối cùng, ông nói, “Tôi không biết gì về chuyện này. Nhưng nếu bà quan tâm giúp đỡ một kẻ nào trong cơn hoạn nạn thì tôi xin giới thiệu một ông chú của tôi ở nước Anh. Ông ta đanh bị bệnh tê liệt kinh khủng lắm. Tiền thuốc thang rất cao”. “Bao nhiêu?” “Năm mươi nghìn đô la một tháng. Cần phải thu xếp làm sao để ký gửi số tiền trả các chi phí thuốc thang ở London, rồi chuyển số tiền ký gửi ấy cho một ngân hàng Thuỵ Sĩ”. “Chuyện ấy có thể thu xếp được”. “Ông chú tôi sẽ vui mừng lắm”. Chừng tám tuần lễ sau, một làn sóng dân tị nạn, không lớn lắm nhưng đều đặn, bắt đầu tuôn đến các nước Đồng minh để làm việc tại các nhà máy Kruger-Brent. Tony rời trường học sau hai năm học tập. Anh đi đến văn phòng của Kate để báo cho bà biết tin này. “Con… con đã cố… cố gắng, mẹ ạ, thực sự cố gắng nhưng con đã… quyết định rồi. Con muốn học… học hội hoạ khi nào chiến tranh chấm dứt, con sẽ đi… đi Paris”. Mỗi lời nói như một nhát búa. “Con… con biết m… mẹ thất vọng lắm, nhưng con phải sống cuộc sống của riêng con. Con biết con có thể khá… rất khá”. Anh nhận ra được vẻ mặt của Kate. “Con đã làm những gì mẹ yêu cầu con phải làm. Bây giờ mẹ phải… phải cho con một cơ hội làm theo ý muốn của con. Trường nghệ thuật Chicago đã chấp thuận cho con theo học”. Đầu óc Kate quay cuồng. Những gì Tony muốn làm thật là sự phí phạm kinh khủng. Bà chỉ còn có thể thốt ra một câu hỏi, “Khi nào con dự định sẽ đi đến đó?” “Ghi danh bắt đầu vào ngày mười lăm”. “Hôm nay là ngày mấy?” “Sáu, tháng mười hai”. Ngày chủ nhật, mồng bảy tháng mười hai, năm 1941, các phi đội oanh tạc Nakajiama và phi cơ chiến đấu Zero của hải quân Hoàng gia Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), và ngày sau đó nước này lâm vào cuộc chiến. Trưa ngày hôm ấy, Tony đăng ký ra nhập thuỷ quân lục chiến Mỹ. Anh được đưa đến Quantico, Virginia, sau đó anh tốt nghiệp trường huấn luyện sĩ quan, rồi từ đó anh được đưa đến Nam Thái Bình Dương. Cuộc chiến tranh với Nhật Bản tiến hành không mấy tốt đẹp. Các máy bay oanh tạc Nhật tấn công các căn cứ Mỹ ở Guam, Midway và đảo Wake. Quân Nhật chiếm cứ Singapore vào tháng hai năm 1942, rồi nhanh chóng tràn ngập New Britain, New Ireland, Admiralty và đảo Solomon. Tướng Douglas Mac Arthur buộc phải rút lui khỏi Phi Luật Tân. Các lực lượng dũng mãnh của phe Trục chậm rãi chinh phục toàn cầu, và bóng đen bao trùm khắp nơi. Kate lo sợ Tony bị bắt làm tù binh và bị hành hạ, tra tấn. Với tất cả quyền lực và ảnh hưởng của mình, bà không thể làm gì ngoài việc cầu nguyện. Mỗi lá thư của Tony là một tia hi vọng, một dấu hiệu cho biết rằng, một ít tuần lễ trước đó, Tony vẫn còn sống. “Họ không cho chúng con ở đây được biết chuyện gì cả”, Tony viết trong thư, “Người Nga còn giữ vững được không? Người lính Nhật tàn bạo, nhưng chúng ta phải kính phục họ. Họ không sợ chết…” “Có chuyện gì xảy ra ở Mỹ? Các công nhân xí nghiệp có thực sự đình công để được lương cao hơn hay không?...” “Loại tàu phóng ngư lôi “PT boat” hoạt động rất có hiệu quả ở đây. Những người điều khiển loại tàu ấy đều là những vị anh hùng cả…”. “Mẹ có những quen biết lớn, vậy mẹ hãy gửi cho chúng con ít trăm chiếc tàu ngầm P4U, các chiến đấu cơ mới cho Hải quân. Rất nhớ mẹ…” Ngày 7 tháng tám, 1942, quân Đồng minh bắt đầu các hoạt động tấn công của họ ở Thái Bình Dương. Thuỷ quân lục chiến của Mỹ đổ bộ ở Guadalcanal trên đảo Solomon, rồi từ nơi đó, họ chiếm lại các hòn đảo mà quân Nhật đã chiếm. Ở u châu, phe Đồng minh vui mừng với một loạt thắng lợi liên tiếp. Ngày 6, tháng sáu, 1944, cuộc xâm lăng của phe đồng minh mở màn với các cuộc đổ bộ của quân Mỹ, Anh, Canada lên bãi biển Normandie, và một năm sau đó, ngày 7 tháng năm, 1945, nước Đức đầu hàng vô điều kiện. Ở Nhật, ngày 6, tháng tám, 1945, một quả bom nguyên tử với sức tàn phá mạnh hơn hai mươi ngàn tấn TNT được thả xuống Heroshima. Ba ngày sau, một quả bom nguyên tử khác nữa được thả xuống thành phố Nagasaki. Ngày 14, tháng tám, người Nhật đầu hàng. Cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu cuối cùng đã kết thúc. Ba tháng sau đó, Tony trở về nhà. Anh và bà Kate đang ở DarkHarbor, ngồi trên sân thượng nhìn xuống vịnh điểm lấm chấm những cánh buồm trắng xoá. Chiến tranh đã làm cho nó thay đổi, Kate thầm nghĩ. Tony biểu lộ những nét trưởng thành mới mẻ. Anh đã để râu mép mỏng, nước da rám nắng, trông đẹp trai, khoẻ mạnh. Quanh mắt anh có những vệt nhăn, trước kia không thấy. Kate tin chắc rằng những năm sống ở nước ngoài đã cho anh thời gian suy xét lại quyết định không làm việc cho công ty. “Bây giờ con dự tính làm gì, hở con?” Kate hỏi. Tony mỉm cười. “Như con đã nói với mẹ trước đây, các dự tính của mình bị làm gián đoạn một cách thô bạo, mẹ ạ. Con sẽ đi Paris”. Chú thích: (1) Nghệ thuật “baroque” là một loại nghệ thuật (tranh vẽ, kiến trúc) mà đặc điểm là dùng rất nhiều hình trang trí hoa hoè, và các đường cong, hơn là dùng các đường thẳng - Nghệ thuật này rất thịnh vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII (1550 - 1750). Chương 18 Tony đã đến Paris trước kia, nhưng lần này hoàn cảnh đã khác hẳn. Thành phố của ánh sáng đã bị mờ đi vì sự chiếm đóng của quân Đức, nhưng nó đã thoát sự tàn phá, khi thành phố ấy được tuyên bố bỏ ngỏ. Dân chúng đã phải khổ sở rất nhiều và quân Đức Quốc xã đã cướp bóc nhiều thứ quý giá ở Viện bảo tàng Le Louvre. Mặc dầu vậy Tony vẫn thấy Paris tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa, lần này anh sẽ sống ở đấy, sẽ là một thành phần của thành phố này, chứ không phải là một du khách. Anh có thể ở trong một dãy phòng của Kate trên đại lộ Maréchal Foch, không bị hư hại vì cuộc chiếm đóng, nhưng anh không làm như vậy. Anh thuê một căn hộ không có đồ đạc trong một ngôi nhà cổ sau lưng Grand Parnasse. Căn hộ này gồm một phòng khách có lò sưởi, một phòng ngủ nhỏ và một cái bếp xinh xắn không có tủ lạnh. Giữa phòng ngủ và bếp có xen một phòng tắm với một bồn tắm có chân, một chậu rửa nhỏ, hoen ố và một bàn toạ đã gãy, lúc có nước lúc không. Bà chủ nhà mở miệng xin lỗi thì Tony đã vội ngăn lại, “Như thế này là tuyệt hảo rồi”. Suốt ngày chủ nhật, anh có mặt ở chợ trời. Ngày thứ hai, thứ ba, anh đi rảo ở các tiệm đồ cũ dọc theo Tả ngạn, rồi đến ngày thứ tư, anh đã có những đồ đạc căn bản cần thiết. Một chiếc giường vừa dùng làm sô pha, vừa làm giường ngủ, một chiếc bàn dơ bẩn, hai chiếc ghế độn quá chặt, một tủ áo cũ chạm trổ công phu, đèn, một bàn làm bếp ọp ẹp, và hai chiếc ghế thẳng lưng. Mẹ mình mà trông thấy các thứ này chắc phải kinh hãi, Tony nghĩ thầm. Anh có thể nhét đầy căn hộ anh bằng những thứ đồ cổ vô giá, nhưng làm như thế là đóng vai trò của một nghệ sĩ trẻ người Mỹ ở Paris. Anh không muốn đóng vai trò mà dự định sẽ sống với vai trò ấy. Bước kế tiếp là xin vào một trường hội hoạ tốt. Trường hội hoạ có uy tín nhất khắp nước Pháp là École des Beaux Arts của thành phố Paris. Tiêu chuẩn nhập học rất cao, và ít người Mỹ được được thâu nhận vào đó. Tony làm đơn xin vào học. Anh nghĩ thầm họ sẽ chẳng bao giờ nhận mình vào học. Nhưng biết đâu họ sẽ nhận? Anh phải chứng tỏ cho mẹ anh thấy rằng anh đã đưa ra quyết định đúng. Anh nộp ba bức tranh của anh và chờ đợi bốn tuần lễ xem họ có chấp nhận hay không. Vào cuối tuần thứ tư, người gác cổng đưa cho anh một lá thư của nhà trường. Anh phải đến trình diện vào ngày thứ hai sắp tới. Trường Mỹ thuật Paris là một tòa nhà bằng đá lớn, cao hai tầng với hàng chục lớp học đầy nhóc sinh viên. Tony đến trình diện ông hiệu trưởng, giáo sư Gessand, một người cao to, trông có vẻ khó khăn, cổ rụt và môi mỏng dính. “Các bức tranh của anh có vẻ tài tử”, ông nói với Tony, “nhưng anh cũng có nhiều hứa hẹn. Hội đồng đã lựa chọn anh vì những gì không có trong những tranh ấy hơn là những gì đã có trong ấy. Anh có hiểu không?” “Thưa giáo sư, tôi không hiểu rõ lắm ạ”. “Rồi sẽ đến lúc anh hiểu thôi. Tôi giao anh cho giáo sư Cantal phụ trách. Ông ấy sẽ là thầy giáo dạy anh trong năm năm tới, nếu anh còn tồn tại được lâu như vậy”. Tôi sẽ tồn tại lâu như vậy, Tony tự hứa với mình. Giáo sư Cantal là một người lùn tịt, với một cái đầu sói hoàn toàn, khiến ông ta phải che nó bằng một cái mũ nồi màu tím. Ông có cặp mắt nâu đậm, cái mũi củ hành và cặp môi giống như xúc xích. Ông chào đón Tony bằng câu nói: “Người Mỹ là hạng tay chơi tài tử, những kẻ man rợ. Tại sao anh lại đến đây?” “Để học, thưa giáo sư”. Giáo sư Cantal hứ một tiếng. Có hai mươi lăm học sinh trong lớp, hầu hết là người Pháp. Các giá vẽ được bày ra khắp căn phòng. Tony lựa một chiếc gần cửa sổ nhìn xuống một quán rượu bình dân. Rải rác xung quanh phòng là những mấu đúc các bộ phận cơ thể bằng thạch cao theo các pho tượng Hi Lạp. Tony nhìn xung quanh để tìm một mẫu vẽ, nhưng chẳng cái nào cả. “Bây giờ các anh bắt đầu”, giáo sư Cantal nói. “Xin lỗi thầy, tôi… tôi không đem sơn màu theo”, Tony nói. “Anh không cần sơn màu. Trong năm đầu tiên, anh chỉ học vẽ theo đúng cách thôi”. Giáo sư chỉ các tượng Hi Lạp. “Anh sẽ vẽ những cái kia. Đối với anh, nó có vẻ đơn giản, nhưng tôi nói trước cho anh biết một điều: trước khi một năm học kết thúc, một nửa trong số các anh sẽ bị loại”. Giọng nói của ông trở nên sôi nổi, “Năm thứ nhất, anh học về cơ thể học. Năm thứ hai - cho những người nào qua được môn học ấy, anh sẽ vẽ theo những người mẫu sống, bằng sơn dầu. Năm thứ ba - tôi cam đoan với anh rằng lúc ấy sẽ còn rất ít người - anh sẽ vẽ tranh sơn màu với tôi, theo kiểu của tôi, tất nhiên là phải làm tốt hơn thế. Qua năm thứ tư và thứ năm, anh sẽ tìm ra được kiểu vẽ của riêng anh, tiếng nói của riêng anh. Thôi, bây giờ chúng ta bắt tay vào việc”. Lớp học bắt đầu làm việc. Ông giáo sư đi quanh phòng, dừng lại ở từng giá vẽ để đưa ra lời chỉ trích hay bình luận. Khi đi đến bức vẽ của Tony, ông nói cộc lốc, “Không, như thế không được. Tôi chỉ thấy ở đây cái bên ngoài của cánh tay. Tôi muốn thấy cái bên trong kia. Bắp thịt, xương, các dây chằng. Tôi muốn biết rằng có máu đang chảy ở bên dưới. Anh có biết vẽ như vậy không?” “Vâng, thưa thầy. Mình phải suy nghĩ, trông thấy và cảm thấy nó trước khi vẽ nó ra”. Khi không đến lớp học, Tony thường vẽ trong căn hộ của anh. Anh có thể vẽ từ bình minh hôm nay đến bình minh hôm sau. Hội hoạ tạo cho anh một cảm giác tự do mà anh không hề bao giờ được biết trước đó. Hành vi đơn giản ngồi trước giá vẽ với một cái cọ trong tay tạo cho anh cảm giác giống như là Thượng đế. Anh có thể tạo ra toàn thể các thế giới chỉ bằng một bàn tay. Anh có thể tạo ra một cái cây, một bông hoa, một con người, một vũ trụ. Thật là một công việc dễ làm say mê. Anh đã được sinh ra cho công việc này. Khi nào không vẽ, anh đi ra ngoài, lang thang trên các đường phố để thăm dò thành phố huyền thoại này. Bây giờ nó là thành phố của anh, nơi nghệ thuật của anh sẽ ra đời. Có hai Paris, phân chia bởi con sông Seine thành Tả ngạn và Hữu ngạn. Đó là hai thế giới tách biệt nhau. Hữu ngạn là dành cho những người giàu có, có địa vị. Tả ngạn thuộc về các sinh viên, nghệ sĩ, những kẻ tranh đấu. Nó là Montparnasse, Boulevard Romail, trà Saint Germain des Rué. Nó là cà phê Floce, Henry Miller và Eliot Paul. Đối với Tony, nó là quê hương. Anh vẫn thường ngồi hàng giờ ở Boule Blanche hay La Coupole với các bạn sinh viên, thảo luận với nhau về các thế giới bí mật của họ. “Tôi nghe nói rằng viên giám đốc nghệ thuật của viện bảo tàng Guggenheim đang ở Paris, mua hết tất cả mọi thứ ông ta thấy”. “Bảo ông ta hãy chờ tôi”. Tất cả họ đều đọc những tạp chí giống nhau và chia cho nhau đọc, vì các tạp chí ấy đắt tiền: Studio, Cahiers d’Arts, Formes et Couleurs, và tờ Gazette des Beaux Arts. Tony đã học tiếng Pháp ở Le Rosey, nên anh dễ dàng làm bạn với các sinh viên khác trong lớp, vì tất cả đều cùng chia sẻ một niềm say mê chung. Họ không biết chút gì về gia đình Tony, và chấp nhận anh như là một người trong bọn họ. Các nghệ sĩ nghèo, vật lộn với cuộc sống tập hợp lại với nhau ở quán cà phê Flore và Les Deux Maggots trên đại lộ Saint Germain. Họ ăn cơm ở Le Pot d’Etian trên đường Canettes và đường Rue d’Université. Không một người nào trong bọn họ đã từng bước chân vào Lasserre hay Maxim. Năm 1944, những người khổng lồ trong hội hoạ đều thực thi nghệ thuật của họ tại Paris. Thình thoảng, Tony bắt gặp thoáng qua Pablo Picasso, và một hôm Tony cùng bạn anh đã nhìn thấy Marc Chagall, một con người to lớn, trông có vẻ hoa hoè, trạc trung tuần, với mớ tóc bù xù như chổi xể, bắt đầu nhuốm bạc. Chagall ngồi ở bàn căn bên kia quán cà phê, đang nghiêm trang nói chuyện với một nhóm người. “Chúng mình thật là may mắn được gặp ông ấy”, bạn của Tony thì thầm nói, “Ông ấy ít khi đến Paris lắm. Nhà ông ấy ở Vence, gần bờ bề Địa Trung Hải”. Anh thấy Max Ernest nhấm nháp rượu khai vị ở quán cà phê trên vỉa hè, và Alberto Giacometti vĩ đại đang đi xuống đường Rivoli, giống như các pho tượng của ông ấy, cao, gầy và xương xẩu. Tony ngạc nhiên nhận ra rằng chân ông ta bị vẹo. Tony gặp Hans Belmer một người đã tạo nên tên tuổi nhờ những bức tranh khiêu dâm, vẽ những cô gái giống như những con búp bê chặt đứt chân tay. Nhưng giờ phút vui sướng nhất của Tony là khi anh được giới thiệu với Braque. Nhà nghệ sĩ này rất thân thiện nhưng Tony thì ríu cả lưỡi, không nói được nên lời. Các thiên tài tương lai thường lui tới các phòng tranh nghệ thuật, nghiên cứu sự cạnh tranh của họ. Phòng trưng bày Drouand David lúc ấy đang triển lãm tranh của một nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi, Bernard Buffet, đã từng theo học Trường Mỹ thuật, của Soutine, Utrillot và Dufy. Các sinh viên tụ họp tại Salon d’Automne, các phòng trưng bày Charpentier, Mille Roussa trên đường Rue de Seine, rồi trong những lúc rảnh rỗi họ bàn tán với nhau về các địch thủ thành công của họ. Lần đâu tiên Kate thấy căn hộ của Tony, bà bị choáng váng, nhưng do bản tính khôn ngoan, bà không đưa ra lời bình phẩm nào. Bà nghĩ thầm, mẹ kiếp! Làm sao thằng con trai mình lại có thể ở trong một căn phòng tối tăm, ảm đạm như thế này? Bà nói, “Nó cũng rất xinh xắn, Tony ạ. Mẹ không thấy tủ lạnh đâu cả. Thể con để thức ăn ở đâu?” “Để ở ngoài cửa sổ kia kìa”. Kate bước đến cửa sổ, mở cánh cửa, chọn một quả táo đặt trên ngưỡng cửa số, ở phía ngoài. “Chắc mẹ không ăn một trong các đối tượng hội hoạ của con đấy chứ?” Tony cười, “Ồ, không đâu, mẹ ạ”. Kate cắn quả táo. “Nào con hãy kể về công việc hội hoạ của con đi”. “Chưa có… có gì nhiều lắm để… để mà kể. Năm nay chúng con chỉ mới học vẽ đồ hoạ qua loa thôi”. “Con có thích ông giáo sư Cantal không?” “Ông ấy tuyệt… tuyệt vời. Điều quan trọng là ông ấy có thích con không. Chỉ có một phần ba số sinh viên được lên năm kế tiếp thôi”. Không một lần nào bà nhắc nhở đến việc Tony về làm việc cho công ty. Giáo sư Cantal không phải là người dễ dàng ban lời khen cho ai. Lời khen tặng lớn lao nhất ông ban cho Tony là một câu nói miễn cưỡng, “Tôi chắc là tôi đã thấy những bức tranh còn tệ hơn thế”, hay “Tôi mới hình như bắt đầu nhìn thấy được cái ở bên dưới” Vào cuối học kì, Tony được chọn trong số tám sinh viên được lên năm thứ hai. Để ăn mừng, Tony và một số sinh viên khác, cũng được cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm như anh, cùng đi đến một hộp đêm ở Montmartre, uống rượu say mèm, rồi ngủ đêm với mấy cô gái người Anh đang đi du lịch ở Pháp. Khi trường học mở cửa lại, Tony bắt đầu vẽ với sơn dầu và người mẫu. Thật là giống như vừa được thoát khỏi trường mẫu giáo. Sau một năm học về các bộ phận cơ thể, Tony cảm thấy anh đã biết rõ từng bắp thịt, đường gân và tuyến trên thân thể con người. Đó không phải là hội hoạ - nó chỉ là sự sao chép lại thôi. Bây giờ, với cái cọ trong tay và một người mẫu trước mắt, Tony bắt đầu sáng tạo. Ngay cả đến Cantal cũng phải chú ý. “Anh biết nhận xét đấy”, ông nói một cách miễn cưỡng. “Bây giờ chúng ta phải học về kĩ thuật”. Có hơn một chục người ngồi làm mẫu cho các lớp học ở trường. Những người mà giáo sư Cantal thường sử dụng nhiều nhất là Carlos, một chàng trai trẻ làm việc kiếm tiền để theo học trường thuốc; Annette, một cô giá da ngăm ngăm đen, thấp, khỏe mạnh, có một chòm lông đỏ ở hạ bộ và lưng có nhiều vết sẹo do mụn nhọt; và Dominique Masson, một cô gái xinh đẹp, tóc hoe lả lướt, với gò má xinh xắn và đôi mắt xanh đậm. Dominique đã từng làm mẫu cho nhiều hoạ sĩ danh tiếng. Nàng rất được mọi người ưa thích. Hằng ngày, sau buổi học, các nam sinh viên thường vây quanh nàng, tìm cách hẹn hò với nàng. Nàng thường nói với họ, “Tôi không bao giờ lẫn lộn công việc làm ăn với vui chơi. Dẫu sao, như vậy cũng không công bằng. Các anh đã thấy tất cả những gì tôi có thể cống hiến. Làm sao tôi biết được các anh có cái gì để cống hiến cho tôi?” Thế rồi lối nói chuyện thô tục ấy lại tiếp tục. Nhưng Dominique không bao giờ đi chơi với bất cứ ai ở trường này. Vào một buổi chiều nọ, khi tất cả các sinh viên khác đều đã rời lớp học và Tony sắp vẽ xong một bức hoạ của Dominique, nàng bất ngờ đi đến phía sau lưng Tony và nói, “Cái mũi tôi dài quá”. Tony bối rối. “Ồ, tôi xin lỗi, để tôi sửa lại”. “Không, không. Cái mũi trong bức hoạ thì tốt rồi. Chính cái mũi của tôi mới dài quá thôi”. Tony cười. “Thế thì tôi e rằng tôi phải chịu bó tay rồi”. “Giá như một người Pháp thì người ấy sẽ nói, “Mũi của em thật hoàn hảo, “Chérie” ạ”. “Tôi thích cái mũi của cô, nhưng tôi không phải là người Pháp”. “Điều đó thì rõ ràng rồi. Anh không bao giờ rủ tôi đi chơi cả. Tôi không hiểu vì sao”. Tony tỏ vẻ ngạc nhiên. “Tôi… tôi không biết. Tôi nghĩ rằng ấy là vì mọi người khác đã làm như vậy, nhưng cô không đi chơi với ai cả”. Dominique tủm tỉm cười. “Người nào cũng có một ai đó để đi chơi với mình chứ. Thôi chào anh nhé”. Rồi nàng bỏ đi. Tony nhận ra rằng bất cứ hôm nào anh ở lại trễ, Dominique mặc quần áo xong cũng trở lại đứng ở phía sau lưng anh để xem anh vẽ. Một buổi chiều nọ, nàng nói, “Anh vẽ rất đẹp. Rồi đây anh sẽ là một hoạ sĩ danh tiếng”. “Cảm ơn, Dominique, tôi hi vọng cô nói đúng”. “Hội hoạ đối với anh quan trọng lắm à?” “Phải”. “Vậy thì một người sắp sửa trở thành một hoạ sĩ danh tiếng có chịu đãi tôi một bữa cơm tối không?” Nàng nhìn thấy vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên mặt Tony. “Tôi không ăn gì nhiều đâu. Tôi phải giữ hình dáng của tôi”. Tony cười. “Cố nhiên tôi rất lấy làm vui mừng”. Họ cùng ăn cơm tối tại một quán ăn bình dân gần Sacré Coeur. Hai người bàn chuyện với nhau về các hoạ sĩ và hội hoạ. Tony nghe rất say mê các câu chuyện nàng kể về các nghệ sĩ danh tiếng đã từng nhờ nàng làm mẫu. Khi hai người dùng xong cà phê sữa, Dominique nói, “Tôi cần phải nói cho anh biết. Anh cũng giỏi như bất kì ai trong số ấy”. Tony sung sướng vô cùng, nhưng anh chỉ nói, “Tôi còn xa lắm mới được bằng các ông ấy”. Ra khỏi quán ăn, Dominique hỏi, “Anh có định mời tôi đến xem căn hộ anh đang ở không?” “Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng tôi e rằng nó chẳng có gì đẹp đẽ lắm đâu”. Đến nơi, Dominique nhìn quanh căn hộ bé nhỏ, ngổn ngang, rồi lắc đầu nói, “Anh nói đúng. Nó chẳng có gì đẹp đẽ thật. Ai trông nom cho anh?” “Có một bà đến đây mỗi tuần để lau chùi”. “Đuổi bà ấy đi. Nơi này bẩn thỉu quá. Thế anh không có một bạn gái nào sao?” “Không”. Dominique nhìn anh một lúc rồi hỏi. “Anh không thấy khó chịu à?” “Không”. “Tốt. Thật là phí phạm kinh khủng. Anh hãy kiếm cho tôi một xô nước và một ít xà phòng”. Dominique bắt đầu lau chùi, cọ rửa căn hộ, rồi cuối cùng xếp đặt lại mọi thứ cho gọn ghẽ. Làm xong công việc nàng nói, “Hôm nay, như thế là tạm được rồi. Lạy Chúa, tôi cần phải tắm mới được”. Nàng đi vào phòng tắm bé nhỏ, cho nước chảy vào bồn tắm. “Làm thế nào anh ngồi được trong cái này?” Nàng kêu to lên. “Tôi co chân lại”. Nàng cười. “Tôi muốn xem anh làm như vậy quá!” Mười lăm phút sau, Dominique ra khỏi phòng tắm với chỉ có một chiếc khăn lông quấn xung quanh người, làn tóc hoe của nàng ướt đẫm và quăn lại. Nàng có một thân hình rất đẹp, ngực đầy đặn, eo nhỏ và dài, cặp đùi thon thon. Trước kia, Tony không bao giờ để ý đến nàng như là một người đàn bà. Nàng chỉ là một hình khoả thân để vẽ trên vải. Kì lạ thay, chiếc khăn lông ấy đã thay đổi tất cả mọi thứ. Đột nhiên, anh cảm thấy máu như dồn lên ở chỗ thắt lưng. Dominique đang đứng nhìn anh. “Anh có muốn ân ái với em không?” “Muốn lắm”. Nàng chậm rãi thả tấm khăn lông ra. “Anh hãy chứng tỏ cho em xem đi”. Tony chưa hề bao giờ được biết một người đàn bà nào như Dominique. Nàng tặng cho anh tất cả, nhưng không đòi hỏi một điều gì. Hầu như tất cả mọi buổi tối, nàng đến nấu ăn cho Tony. Khi hai người cùng đi ăn ở ngoài, nàng bao giờ cũng đòi phải đến những quán ăn rẻ tiền hay những quầy bán bánh sandwich. Nàng thường la rầy, “Anh phải biết dành dụm tiền. Bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn ngay đối với cả một nghệ sĩ tài giỏi. Mà anh cũng là một nghệ sĩ tài giỏi, “chéri” ạ”. Họ đi với nhau đến Les Halles vào những lúc sáng sớm, và ăn súp hành ở Pied de Cochon. Họ cùng đi đến Bảo tàng Carnavalet và những nơi xa xôi các du khách thường không lui tới, chẳng hạn như Nghĩa địa Père Lachaise - nơi yên nghỉ của Oscar Wilde, Fédéric Chopin, Honoré de Balzac và Marcel Proust. Họ viếng thăm các hầm mộ, và trong những ngày nghỉ lễ họ thường đi xuôi con sông Seine trên một chiếc thuyền của một người bạn của Dominique. Tony rất lấy làm vui sướng được sống bên cạnh Dominique. Nàng vui tính, thích khôi hài, và mỗi khi Tony có vẻ buồn bã, nàng cười to lên làm cho anh khuây khoả. Nàng có vẻ như quen biết rất rộng, và thường đưa Tony đến dự những buổi tiệc tùng rất thú vị để chàng có thể gặp những nhân vật danh tiếng thời ấy, chẳng hạn như thi sĩ Paul Élouard và André Breton, phụ trách phòng trưng bày Maeght rất có uy tín. Dominique là một nguồn khích lệ thường trực. “Anh sẽ danh tiếng hơn tất cả những người ấy, “chéri” ạ. Hãy tin em đi. Em biết mà”. Nếu Tony muốn vẽ vào ban đêm, Dominique cũng sẵn sàng ngồi làm mẫu cho anh vẽ, dù cho nàng có phải làm việc suốt cả ngày hôm ấy. Lạy chúa, mình thật là may mắn, Tony nghĩ thầm. Đây là lần đầu tiên trong đời anh tin chắc rằng có một người nào đó yêu mến anh vì bản chất của anh chứ không phải vì anh là ai. Tony e ngại không muốn nói cho Dominique biết anh là người thừa kế một trong những tài sản lớn nhất thế giới, e ngại rằng nàng sẽ thay đổi, e ngại chàng sẽ mất đi những gì chàng hiện đang có. Nhưng đến ngày sinh nhật của Dominique, Tony không thể nào cưỡng lại ý định mua cho nàng một chiếc áo bằng lông mèo rừng của Nga. “Đó là một thứ đẹp đẽ nhất em chưa từng thấy trong đời!” Dominique xoay tròn chiếc áo xung quanh người, nhảy múa khắp căn phòng. Đang xoay như vậy, bỗng nàng dừng phắt lại hỏi, “Cái này ở đâu mà có, Tony? Anh lấy tiền đâu mà mua cái áo này?” Anh đã có sẵn câu trả lời. “Cái áo ấy mới bị ăn trộm. Anh mua nó từ trong tay một anh chàng bé nhỏ đứng bên ngoài bảo tàng Rodin. Hắn ta muốn bán tống bán tháo nó đi, cho nên giá chiếc áo ấy chẳng đắt hơn giá một chiếc áo vải loại tốt ở nhà hàng Au Printemps”. Dominique nhìn anh một hồi, rồi phá lên cười. “Em sẽ mặc chiếc áo ấy dù cho cả hai chúng ta có phải ngồi tù”. Rồi nàng choàng hai cánh tay ôm lấy Tony, rồi gào lên, “Ồ Tony, anh ngốc quá! Anh yêu quý, anh ngốc kinh khủng!” Nói dối như vậy thật không uổng công chút nào, Tony nghĩ thầm. Một buổi tối nọ, Dominique gợi ý với Tony rằng chàng nên dọn đến ở chung với nàng. Vừa làm việc ở Trường Mỹ thuật, vừa làm kiểu mẫu cho một số nghệ sĩ danh tiếng ở Paris, Dominique đã thuê được một căn hộ rộng rãi, hiện đại, trên đường Rue Prêtres - Saint Severain. “Anh không nên ở một nơi như thế này, Tony ạ. Nó kinh khủng lắm. Hãy đến sống với em, anh sẽ không phải trả một xu nào tiền thuê nhà. Em có thể giặt giũ, nấu cơm cho anh, và…” “Không được, Dominique ạ. Xin cảm ơn em”. “Nhưng tại sao?” Làm sao anh có thể giải thích được? Lẽ ra, ngay từ lúc đầu, anh đã phải nói cho nàng biết rằng anh rất giàu có, nhưng lúc này thì đã quá trễ rồi. Nàng sẽ nghĩ rằng anh đã đánh lừa nàng. Nghĩ vậy, anh nói, “Anh muốn sống cách xa em. Em giúp đỡ cho anh quá nhiều rồi”. “Vậy thì em sẽ dời bỏ căn hộ của em để đến ở đây. Em muốn ở bên cạnh anh”. Nàng dọn đến ngay ngày hôm sau. Giữa hai người có một sự thân ái tuyệt diệu và thoải mái. Vào những ngày cuối tuần, họ đi chơi với nhau về miền quê, dừng lại những quán trọ bên đường, rồi Tony dựng giá vẽ lên, vẽ phong cảnh. Khi nào họ đói bụng, Dominique trải ra trên có những thức ăn nàng đã nấu sẵn, rồi hai người cùng ăn chung với nhau giữa cánh đồng cỏ. Sau đó, họ ân ái với nhau thật lâu và thật thắm thiết. Tony chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như vậy. Công việc học tập của anh tiến triển tốt đẹp. Một hôm giáo sư Cantal giơ một bức hoạ của Tony lên cho cả lớp xem, “Xem cái thân hình này. Các anh có thể thấy nó như đang thở”. Tony hăm hở báo tin ấy ngay cho Dominique. “Em biết làm thế nào anh diễn tả được đúng cái hơi thở ấy không? Ấy là bởi vì đêm nào anh cũng ôm cái người mẫu ấy trong vòng tay”. Dominique cười lên vui sướng, nhưng ngay sau đó nàng ra vẻ nghiêm nghị, “Tony ạ, em không nghĩ rằng anh cần học thêm ba năm nữa ở trường. Anh bây giờ đã sẵn sàng rồi. Mọi người ở trường đều nhận thấy như vậy. Cả ông Cantal nữa”. Tony e ngại rằng như vậy vẫn chưa đủ. Anh chưa được khá lắm, anh chỉ là một hoạ sĩ khác thôi, và tác phẩm của anh sẽ bị chìm nghỉm trong hàng nghìn bức hoạ sản xuất bởi hàng nghìn hoạ sĩ trên thế giới mỗi ngày. Anh không thể chịu được với ý tưởng như vậy. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng, Tony ạ. Nhớ kĩ điều ấy. Đôi khi anh vừa vẽ xong một bức tranh, anh thường thấy tràn ngập một nỗi hân hoan, rồi anh suy nghĩ, “Mình có tài năng. Mình thực sự có tài năng”. Lúc khác, anh nhìn lên tác phẩm của mình, rồi tự nhủ, “Mình chỉ là một tay tài tử khốn kiếp thôi”. Được sự khuyến khích của Dominique, Tony mỗi lúc một thêm tin tưởng vào việc làm của mình. Anh đã hoàn tất được trên hai chục bức hoạ theo ý riêng của anh. Phong cảnh và tĩnh vật. Có một bức tranh vẽ Dominique đang nằm khoả thân dưới một lùm cây, ánh nắng lốm đốm trên thân hình nàng. Một chiếc áo vét và sơ mi đàn ông ở cận cảnh, khiến cho người xem có thể hiểu rằng người đàn bà đang chờ đợi người tình. Khi trông thấy bức tranh ấy, Dominique kêu lên, “Anh phải có một cuộc triển lãm mới được”. “Em điên rồi hay sao, Dominique? Anh chưa sẵn sàng đâu”. “Anh lầm rồi, “mon cher” ạ”. Tony về đến nhà trễ vào trưa hôm sau thì thấy Dominique đang có khách. Đó là Anton Goerg, một người đàn ông gầy, với một cái bụng phệ và đôi mắt lồi màu xanh nhạt. Ông ta là chủ nhân của phòng trưng bày nghệ thuật Goerg Gallery, một phòng trưng bày khiêm tốn trên đường Dauphine. Các bức hoạ của Tony trải khắp căn phòng. “Có chuyện gì vậy, Dominique?” Anton Goerg liền kêu lên, “Có chuyện là, thưa ông, các tác phẩm của ông thật là xuất sắc”. Ông đập nhẹ lên lưng Tony, “Tôi rất lấy làm hân hạnh được dành cho ông một cuộc trưng bày tại phòng tranh của tôi”. Tony nhìn qua phía Dominique. Nàng cũng nhìn chàng, nét mặt rạng rỡ. “Tôi… tôi không biết nói làm sao nữa”. “Ông đã nói rất nhiều rồi đấy”, ông Goerg đáp, “Trên các bức tranh này đây”. Tony và Dominique bàn với nhau về vấn đề này suốt cả nửa đêm ấy. “Anh cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Các nhà phê bình sẽ treo anh lên thập tự giá”. “Anh lầm rồi, “chéri”. Như thế này là tuyệt hảo cho anh. Đó là phòng trưng bày nhỏ thôi. Chỉ có những người địa phương đến xem tranh và phê phán thôi. Không có cách nào xúc phạm anh được. Ông Goerg không bao giờ đề nghị anh trưng bày tranh nếu ông ấy không tin tưởng ở anh. Ông ấy đồng ý với em rằng anh sẽ trở thành một nghệ sĩ quan trọng”. “Thôi được rồi”, Tony cuối cùng phải chấp nhận. “Ai mà biết? Mình cũng có thể bán một bức tranh cũng chưa biết chừng”. Bức điện văn viết: SẼ ĐẾN PARIS THỨ BẢY. ĐẾN DÙNG CƠM VỚI MẸ. THN YÊU. MẸ. Ý nghĩ đầu tiên khi Tony trông thấy mẹ bước vào xưởng vẽ là, “Mẹ mình trông xinh đẹp quá!”. Bà nay đã trạc ngũ tuần, tóc không nhuộm, với những sợi tóc bạc xen lẫn tóc đen, nhưng bà vẫn rất linh hoạt. Có lần Tony hỏi bà vì sao bà không tái giá, thì bà trầm tĩnh trả lời, “Chỉ có hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời của mẹ. Đó là cha con và con”. Bây giờ đứng trong căn hộ bé nhỏ ở Paris, đối diện với mẹ, Tony nói, “Con… con rất mừng được gặp m… mẹ”. “Tony, con trông thật là tuyệt vời! Lại mới có cái chòm râu này nữa!” Bà cười, dùng các ngón tay vân vê chòm râu Tony. “Con trông giống như Abe Lincoln” . Bà đưa mắt nhìn khắp căn hộ bé nhỏ. “Lạy Chúa, con đã có một người hầu phòng thật giỏi. Nó giống như là một nơi khác hẳn”. Kate đi đến giá vẽ, nơi Tony đang vẽ dở một bức tranh. Bà dừng lại, ngắm nhìn một hồi lâu. Tony đứng tại đó, lo lắng chờ đợi phản ứng của mẹ. Khi Kate mở lời, giọng bà rất hiền dịu. “Thật là xuất sắc, Tony ạ. Rất xuất sắc”. Bà không có một cố gắng nào che giấu niềm hãnh diện của bà. Không ai có thể đánh lừa bà về mặt nghệ thuật, nên bà cảm thấy một niềm hân hoan nhận ra rằng con trai bà có tài năng thật sự. Bà quay mặt về phía Tony, nói, “Cho mẹ xem thêm ít bức tranh nữa”. Hai giờ kế tiếp đó, Tony và mẹ cùng xem xét cả một chồng tranh của anh. Họ bàn cãi từng bức tranh một thật chi tiết. Không có gì là vị nể trong lối nói của bà cả. Bà đã thất bại trong cố gắng kiểm soát đời sống của con trai bà, nhưng Tony phải thán phục và chấp nhận sự thất bại ấy thật là duyên dáng. Kate nói, “Mẹ sẽ thu xếp việc trưng bày các bức tranh này. Mẹ có quen biết một số nhà buôn tranh…” “Cảm ơn m… mẹ. Mẹ không… không cần phải bận tâm. Con sẽ có một cuộc triển lãm tranh vào ngày thứ sáu tuần sau. Một phòng tranh sẽ tổ chức việc triển lãm ấy cho con”. Kate đưa hai tay ra, ôm chầm lấy Tony. “Thật tuyệt vời! Phòng triển lãm nào vậy?” “Phòng triển lãm G… Goerg Gallery”. “Hình như mẹ không nghe tên ấy bao giờ”. “Nó nhỏ thôi, mẹ ạ. Con chưa sẵn sàng để trưng bày tranh tại Hammer hay W… Wildenstein”. Bà chỉ bức tranh Dominique dưới lùm cây, “Con lầm rồi, mẹ cho rằng bức tranh này…” Ngay lúc ấy có tiếng cánh cửa trước mở ra. “Em đang nổi hứng đây. Hãy cởi cái…” Dominique chợt thấy Kate, “Thôi chết tôi rồi! Xin lỗi bà. Tôi… tôi không có biết Tony đang có khách”. Một phút im lặng băng giá. “Dominique, đây là m… mẹ tôi. Mẹ ạ, con xin giới thiệu với mẹ cô Dominique Masson”. Hai người đàn bà đứng nhìn nhau chằm chằm, như dò xét. “Bà có được mạnh khỏe không ạ, thưa bà Blackwell?” Kate nói, “Tôi đã được xem bức tranh con trai tôi vẽ cô”, phần còn lại được bỏ lửng, không nói ra. Lại một phút im lặng ngượng nghịu khác nữa. “Tony có nói cho bà biết về cuộc triển lãm sắp tới của anh ấy hay chưa, thưa bà Blackwell?” “Có. Thật là một tin rất đáng mừng”. “Mẹ có… có thể ở lại để tham dự không, mẹ?” “Mẹ rất mong muốn có thể có mặt ở đó, nhưng ngày kia mẹ sẽ có một cuộc họp của ban giám đốc ở Johannesburg, không thể vắng mặt được. Giá như mẹ được biết sớm hơn, có lẽ mẹ đã sửa đổi lại được thời khóa biểu”. “Thôi thế cũng được”, Tony nói. “Con hiểu”, Tony lo sợ rằng mẹ anh có thể sẽ nói thêm nữa về công ty trước mặt Dominique, nhưng may thay, trí óc của Kate chỉ nghĩ đến các bức tranh. “Điều quan trọng là phải có những người xứng đáng đến xem cuộc triển lãm ấy”. “Ai là những người xứng đáng, thưa bà Blackwell?” Kate quay về phía Dominique. “Những người tạo dư luận, những nhà phê bình. Cân phải có một người nào đó như André d’Usseau - Ông ấy cần phải có mặt ở đó”. André d’Usseau là một nhà phê bình nghệ thuật được kính trọng nhất ở Pháp. Ông là một con sư tử hung dữ canh gác ngôi đền nghệ thuật, mà chỉ một bài điểm tranh của ông cũng đủ để tạo nên hay để đánh ngã gục một nghệ sĩ chỉ qua một đêm. d’Usseau được mời khai mạc tất cả các cuộc triển lãm, nhưng ông chỉ tham dự những cuộc triển lãm quan trọng thôi. Các chủ phòng tranh, các nghệ sĩ run rẩy, chờ đợi các bài phê bình của ông xuất hiện trên báo chí. Ông là bậc thầy về “bon mot”, và những câu nói châm biếm của ông bay đi khắp Paris trên những chiếc cánh tẩm thuốc độc. Ông ta là người bị ghét nhất trong giới nghệ sĩ ở Paris, nhưng cũng là người được kính nể nhất. Lối phê bình hóm hỉnh và cay độc một cách tàn nhẫn của ông được tha thứ bởi vì khả năng chuyên môn của ông. Tony quay về phía Dominique nói, “Bà ấy là mẹ của mình nên mới nói thế”. Rồi anh quay lại nói với mẹ. “André d’Usseau không đi đến dự những cuộc triển lãm nhỏ đâu”. “Ồ, Tony, ông ấy thể nào cũng phải đến. Ông ta có thể giúp cho con nổi danh chỉ qua một đêm”. “Hay đánh gục ngã con cũng chưa biết chừng”. “Thế con không tin vào khả năng của con hay sao?” Kate nhìn con và nói. “Cố nhiên là anh ấy tin.”. Dominique nói. “Nhưng chúng cháu không dám hi vọng rằng ông d’Usseau sẽ đến”. “Tôi có thể tìm các người bạn quen biết ông ta”. Mặt Dominique rạng hẳn lên. “Thế thì tuyệt vời!” Nàng quay lại nói với Tony, “Chéri, anh có biết nếu ông ấy đến vào ngày khai mạc thì điều ấy sẽ có ý nghĩa như thế nào không?” “Mình sẽ rơi vào quên lãng hoàn toàn”. “Đừng có nói đùa. Em biết sở thích của ông ấy, Tony ạ. Em biết ông ấy thích những gì. Chắc chắn ông ấy sẽ thích các bức hoạ của anh”. Kate nói, “Mẹ không tìm cách mời ông ta đến, trừ khi con bằng lòng”. “Dĩ nhiên anh ấy muốn rồi, thưa bà Blackwell”. Tony thở mạnh một cái. “Con sợ… sợ quá, nhưng thôi, mình cứ thử làm như vậy xem sao”. “Để mẹ sẽ tìm cách”, Kate nhìn bức tranh trên giá vẽ một hồi lâu, rất lâu, rồi quay lại nhìn Tony. Một vẻ buồn thoáng qua trong đôi mắt bà. “Con ạ, mẹ phải rời Paris ngày mai. Chúng ta có thể ăn cơm chung tối nay được không?” Tony đáp, “Được lắm, mẹ ạ. Chúng con rảnh tối nay”. Kate quay về phía Dominique và nói một cách duyên dáng, “Cô thích ăn cơm ở Maxim’s hay ở…” Tony nói thật nhanh. “Dominique và con có biết một quán ăn nhỏ rất tốt, không xa đây lắm”. Họ cùng đến một quán ăn rẻ tiền ở Place Victorie. Thức ăn ở đấy ngon và rượu cũng tuyệt hảo. Hai người đàn bà có vẻ ăn ý với nhau lắm. Tony cảm thấy hãnh diện về cả hai người. Đó là một đêm vui vẻ nhất trong đời mình, anh nghĩ thầm. Mình đang ở bên cạnh mẹ mình và một người đàn bà mình sẽ cưới làm vợ. Sáng hôm sau, Kate gọi điện thoại từ phi trường. “Mẹ đã gọi điện thoại đến hơn chục nơi. Không ai trả lời dứt khoát về André d’Usseau cả. Nhưng dù thế nào chăng nữa, Tony ạ, mẹ rất hãnh diện về con. Các bức tranh của con tuyệt vời. Tony, mẹ yêu con”. “Con cũng yêu mẹ, mẹ ạ”. Phòng triển lãm Goerg Gallery chỉ vừa đủ lớn để thoát khỏi cái mà người ta gọi là “Phòng triển lãm thân mật”. Chừng hai chục bức tranh của Tony đang được treo lên các bức tường trong một sự chuẩn bị gấp gáp vào giờ phút chót trước khi khai mạc. Trên một chiếc bàn cẩm thạch là những lát phó mát, bánh bích quy và những chai rượu Chablis. Phòng tranh vắng tanh, chỉ có mặt Anton Goerg, Tony, Dominique và cô phụ tá trẻ đang treo bức tranh cuối cùng lên tường. Anton Goerg nhìn vào đồng hồ. “Các giấy mời ghi rõ “bảy giờ”. Chắc các quan khách sẽ bắt đầu đến ngay bây giờ đây”. Tony không nghĩ rằng anh sẽ bồn chồn, sốt ruột. “Mình không bồn chồn, sốt ruột”, anh tự nhủ. “Mình chỉ cảm thấy hoảng sợ!” “Nếu không ai đến cả thì sao nhỉ?” Anh hỏi. “Tôi muốn nói là, nếu không có một ma nào đến thì mình sẽ làm thế nào?” Dominique mỉm cười, vuốt má Tony và nói, “Thì chúng mình tha hồ ăn uống, cho hết tất cả các thứ này!” Khách khứa bắt đầu lục tục kéo đến. Thoạt tiên họ đến chậm rãi, nhưng sau đó họ đến đông hơn nhiều. Ông Goerg đứng ở cửa, niềm nở chào mọi người. Họ có vẻ không giống như là những khách mua tranh, Tony nghĩ thầm một cách bực bội. Con mắt nhận xét của anh phân chia họ ra làm ba hạng người: thứ nhất là những nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật tham dự các cuộc triển lãm để đánh giá sự cạnh tranh giữa họ với nhau; thứ hai, những nhà buôn bán tranh vẫn hay đến tất cả các cuộc triển lãm để họ có thể loan truyền những tin tức xúc phạm làm giảm uy tín những kẻ đang mong muốn trở thành hoạ sĩ; và thứ ba là đông đảo quần chúng làm ra vẻ ưa thích nghệ thuật, trong đó bao gồm số đông những kẻ đồng tính luyến ái nam và nữ. Những kẻ này dường như sống cuộc đời của họ quanh quẩn ở ven rìa thế giới nghệ thuật. Tony quả quyết, “Mình chắc sẽ không bán được một bức tranh khỉ khô nào”. Ông Goerg vẫy tay ra dấu cho Tony từ bên kia phòng. “Anh nghĩ rằng anh không muốn gặp bất kì ai trong số người này”. Tony thì thầm với Dominique, “Họ đến đây để xé toạc anh ra từng mảnh”. “Nói bậy nào. Họ đến đây để được gặp anh. Bây giờ, anh hãy tỏ ra dễ mến đi, Tony”. Và vì thế, anh tỏ ra dễ mến. Anh gặp tất cả mọi người, tủm tỉm cười luôn miệng, và thốt ra những lời lẽ thích hợp để đáp lại những lời khen tặng dành cho anh. Nhưng có thật đó là những lời khen tặng hay không? Tony tự hỏi. Qua bao nhiêu năm, người ta đã đặt ra trong các giới nghệ thuật một thứ ngôn ngữ để sử dụng khi nói về những cuộc triển lãm của các hoạ sĩ không có tên tuổi. Những câu nói, nói lên đủ mọi thứ, nhưng chẳng có nghĩa gì cả. “Mình thực sự cảm thấy như mình đang hiện diện ở đó…” “Thật tôi chưa hề được thấy một lối vẽ nào hoàn toàn giống như của anh…” “Đó mới thực sự là một bức tranh!” “Nó như nói lên với tôi…” “Anh khó có thể làm tốt hơn thế được…” Khách vẫn tiếp tục kéo đến. Tony tự hỏi sức thu hút ấy là do sự tò mò muốn biết về các bức tranh của anh hay là do phó mát và rượu được cung cấp miễn phí. Cho đến lúc ấy, chưa có bức tranh nào được bán, nhưng rượu và phó mát đang được tiêu thụ rất mạnh. “Hãy kiên nhẫn”, ông Goerg thì thầm vào tai Tony. “Họ thích đấy. Thoạt tiên họ phải nếm mùi vị tổng quát của các bức tranh nào đó họ ưa thích, họ sẽ quay trở lại với bức tranh ấy. Một lát sau đó, họ hỏi giá, và khi họ rỉa vào cái mồi thì, A lê hấp! Cá đã cắn câu!” “Lạy Chúa, anh có cảm tưởng như anh đang tham dự vào một cuộc đi câu cá vậy!” Tony nói với Dominique. Ông Goerg hối hả chạy đến Tony, “Chúng ta bán được một bức rồi!”, ông kêu lên. “Bức phong cảnh Normandy. Năm trăm francs”. Đó là những giây phút mà Tony sẽ nhớ mãi chừng nào anh còn sống. Một người nào đó đã mua một bức tranh của anh! Một người nào đó đã suy nghĩ khá kĩ về tác phẩm của anh để bỏ tiền ra mua, rồi treo nó ở nhà hay văn phòng, để được nhìn ngắm nó, sống với nó, trình bày nó cho các bạn xem. Nó là một mảnh nhỏ của sự bất diệt. Nó là một lối sống, hơn là một đời sống, được có mặt tại nhiều nơi trong cùng một lúc. Một nghệ sĩ thành công có mặt ở hàng trăm gia đình, văn phòng và viện bảo tàng trên khắp thế giới, đem đến sự vui thích cho hàng ngàn - có khi hàng triệu con người. Tony có cảm tưởng như mình đã bước vào đền thờ của Da Vinci, Michelangelo và Rembrandt. Anh không còn là hoạ sĩ tài tử nữa, anh đã trở thành chuyên nghiệp. Một kẻ nào đó đã trả tiền để mua tác phẩm của anh. Dominique vội vã đến chỗ Tony, cặp mắt sáng lên sung sướng. “Mình lại vừa bán được một bức nữa, Tony ạ”. “Bức nào?” Anh hăm hở hỏi. “Bức tranh hoa”. Phòng tranh bé nhỏ lúc này đã đông nghẹt người. Họ nói chuyện ồn ào, cụng ly với nhau lách cách. Bỗng một sự im lặng đột nhiên giăng khắp căn phòng. Có những tiếng thì thầm như sóng ngầm, rồi mọi con mắt đều hướng về phía cửa. André d’Usseau đang đi vào phòng tranh. Ông ở vào trạc trung tuần, cao hơn người Pháp bình thường, với một khuôn mặt khỏe mạnh giống như sư tử, và một cái bờm tóc bạc. Ông mặc một chiếc áo choàng kiểu Tô Cách Lan, và đội một chiếc mũ Borsalino, và sau lưng ông là một đoàn tùy tùng gồm những kẻ “theo đóm ăn tàn”. Mọi người trong phòng tự động giãn ra để nhường lối cho d’Usseau. Không một ai hiện diện ở đó mà không biết ông là ai. Dominique bóp chặt tay Tony, nói “Ông ấy đã đến kia! Ông ấy có mặt ở đây!”. Một vinh dự lớn lao như vậy chưa hề bao giờ xảy đến với ông Goerg. Vì vậy, ông điên lên vì vui mừng, ông cúi đầu xuống, quỵ lụy, trước nhân vật vĩ đại; ông làm đủ mọi thứ, chỉ thiếu điều giựt mạnh chùm tóc trên trán ông mà thôi. “Thưa ông d’Usseau”, ông lắp bắp nói, “Thật là một điều vui sướng, một vinh dự lớn lao! Xin cho phép tôi được mời ông chút rượu và ít lát phó mát”. Ông tự trách mình đã khônng mua thứ rượu sang hơn. “Xin cảm ơn”, nhân vật vĩ đại nói. “Tôi đến đây chỉ để cho cặp mắt tôi được thoả mãn với cái đẹp thôi. Tôi muốn được gặp nghệ sĩ”. Tony quá choáng váng, không còn có thể cử động được. Dominique đẩy anh ra phía trước. “Ông ấy đây ạ”, ông Goerg nói. “Thưa ông d’Usseau, đây là Tony Blackwell”. Lúc ấy Tony mới thốt được ra lời. “Xin kính chào ông. Cảm ơn ông đã đến thăm cuộc triển lãm”. André d’Usseau khẽ cúi đầu, rồi đi thẳng đến các bức tranh treo trên tường. Mọi người lùi lại để nhường chỗ cho ông. Ông đi một cách chậm rãi, nhìn mỗi bức tranh thật lâu và cẩn thận, rồi lại tiếp tục đi đến bức tranh kế tiếp. Tony cố đọc các ý nghĩ của ông qua nét mặt, nhưng anh không thấy gì hết. d’Usseau không nhăn mặt cũng không cười. Ông dừng lại một hồi lâu trước một bức hoạ đặc biệt, đó là bức hoạ Dominique khoả thân, rồi lại tiếp tục di chuyển. Ông đi hết một vòng khắp căn phòng, không bỏ sót một bức tranh nào. Tony toát mồ hôi như tắm. Xem xong d’Usseau bước đến chỗ Tony. “Tôi vui sướng được đến đây”. Ông chỉ nói vỏn vẹn có thế. Chỉ trong vòng ít phút sau, khi nhà phê bình nổi danh ấy rời căn phòng, tất cả mọi bức tranh đều được bán hết. Một nghệ sĩ vĩ đại sắp ra đời, và mọi người đều muốn tham dự vào buổi khai sinh ấy. “Tôi chưa hề chứng kiến một chuyện như thế này”, ông Goerg kêu lên. “André d’Usseau đến phòng tranh này. Phòng tranh của tôi! Tất cả Paris sẽ đọc thấy sự kiện này trên báo chí ngày mai. Ông ấy nói, “Tôi vui sướng đến đây”. Ông André d’Usseau không phải là một người chịu phí lời nói. Riêng chuyện này không cũng đáng phải gọi thêm rượu sâm banh rồi. Nào chúng ta hãy ăn mừng”. Khuya hôm ấy, Tony và Dominique tổ chức cuộc ăn mừng riêng tư của họ. Dominique rúc vào cánh tay Tony và nói, “Em đã ngủ với nhiều hoạ sĩ trước kia, nhưng không có ai danh tiếng như anh sau này. Ngày mai cả Paris sẽ biết anh là ai”. Dominique đã nói đúng. Vào lúc năm giờ sáng hôm sau, Tony và Dominique hối hả mặc quần áo để đi ra ngoài mua số đầu tiên của một tờ báo xuất bản vào buổi sáng. Số báo này vừa được đưa đến sạp bán báo. Tony chụp lấy một tờ, lật sang trang Văn nghệ. Bài điểm tranh của d’Usseau là bài báo đăng ở trang đầu dưới cái tên André d’Usseau in ngay ở phía trên. Tony đọc lên thật to: “Một cuộc triển lãm tranh của một hoạ sĩ trẻ người Mỹ, tên Anthony Blackwell, vừa được khai mạc đêm hôm qua ở phòng tranh Goerg Gallery. Đây là một kinh nghiệm học hỏi lớn lao đối với người viết bài phê bình này. Tôi đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh của các hoạ sĩ có tài năng đến nỗi tôi đã quên đi thế nào là những bức tranh thực sự là tồi. Đêm qua, tôi mới được nhắc nhở lại điều này…“ Mặt Tony tái mét lại… “Thôi, đừng đọc nữa”, Dominique năn nỉ. Nàng cố giằng lấy tờ báo khỏi tay Tony. “Để anh đọc tiếp”, Tony ra lệnh. Anh tiếp tục đọc: “Thoạt tiên, tôi tưởng rằng người ta muốn bày ra một trò đùa. Tôi không thể nào tin được một cách nghiêm chỉnh rằng có một kẻ nào đó lại bạo gan treo những bức tranh tài tử như thế và dám gọi đó là nghệ thuật. Tôi cố tìm chút tài năng rất nhỏ bé le lói trong những bức tranh ấy. Thế nhưng tôi chẳng thấy chút gì cả. Lẽ ra người ta nên treo cổ nhà hoạ sĩ ấy thay vì treo các bức tranh của anh ta lên. Tôi xin thành thực khuyên cái ông Blackwell loạn óc ấy nên trở về cái nghề thực sự của anh ta, mà tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng đó là nghề sơn nhà, sơn cửa.” “Em không thể nào tin nổi”, Dominique thì thào, “Em không thể nào tin được rằng ông ấy không thấy tài năng của anh. Trời, cái lão chó đẻ ấy!” Dominique bắt đầu khóc sướt mướt. Tony cảm thấy như ngực anh chứa đầy chì. Anh thấy khó thở quá. “Ông ấy đã thấy”, anh nói, “Ông ấy biết rõ tài năng của anh, Dominique ạ. Ông ấy biết rõ lắm”. Giọng anh tràn ngập đau khổ. “Đau đớn nhất chính là chỗ đấy. Lạy Chúa. Mình thật là một thằng điên!” Anh sắp sửa bước ra ngoài. “Anh định đi đâu, Tony?” “Anh không biết”. Anh đi lang thang quanh các đường phố lạnh lẽo vào lúc rạng đông, không biết rằng những giọt nước mắt đang tuôn xuống mặt anh. Chỉ trong ít giờ đồng hồ nữa, cả Paris sẽ đọc bài bình luận ấy. Anh sẽ trở thành một đối tượng chế giễu. Nhưng đau đớn hơn thế nữa, anh đã tự lừa dối mình. Anh đã thực sự tin tưởng rằng anh có một sự nghiệp xán lạn trước mắt với tư cách là một hoạ sĩ. Ít nhất ông André d’Usseau đã cứu anh ra khỏi sự lầm lẫn ấy. Những mảnh nhỏ dành cho hậu thế! Tony nghĩ một cách chua chát. Những mảnh phân c… thì đúng hơn! Anh bước vào một quán rượu đầu tiên vừa mở cửa, rồi ngồi xuống uống rượu cho đến lúc không còn biết trời đất gì nữa. Khi Tony cuối cùng trở về căn hộ thì đã năm giờ sáng hôm sau. Dominique đang chờ đợi anh, lo sợ cuống cuồng. “Hôm qua đến giờ anh ở đâu, Tony? Mẹ anh đã tìm cách tiếp xúc với anh. Bà ấy lo lắng lắm”. “Thế em có đọc bài báo ấy cho bà nghe chưa?” “Có, bà ấy cứ đòi em phải đọc. Em…” Tiếng điện thoại reo vang. Dominique đưa mắt nhìn Tony, rồi nhặt ống nghe lên. “Alô? Phải, thưa bà Blackwell, anh ấy mới về”. Nàng đưa ống nghe cho Tony. Anh do dự một lát, rồi cầm lấy. “Alô, m… mẹ” Giọng Kate có vẻ buồn bã. “Tony yêu quý, nghe mẹ nói đây này. Mẹ có thể yêu cầu ông ta rút lại lời tuyên bố ấy…” “M… mẹ ạ”, Tony nói một cách chán chường. “Đây không phải là một vụ giao dịch mua bán. Đây là một nhà phê bình bày tỏ ý kiến của mình. Ý kiến của ông ta là con đáng bị treo cổ”. “Con ạ, mẹ không thích để người ta xúc phạm đến con như thế. Chắc là mẹ không chịu đựng nổi rồi…” Nói xong bà ngưng bặt lại, không thể tiếp tục được nữa. “Không hề gì đâu mẹ ạ. Con muốn thử tài con một chút. Con đã thử rồi và thất bại. Con không có cái mà nghề ấy đòi hỏi. Chỉ đơn giản có thế thôi. Con không thích lối nói của d’Usseau, nhưng ông ta là một trong những nhà phê bình nghệ thuật “chết tiệt” tài giỏi nhất trên thế giới. Con phải công nhận điều đó. Ông ấy đã giúp con thoát khỏi một sự lầm lẫn kinh khủng”. “Tony ạ, mẹ ao ước có một điều gì đó mẹ có thể nói…” “d’Usseau đã nói hết rồi. May mà con phát hiện được điều ấy ngay vào lúc này, còn hơn là chờ cho đến mười năm nữa, phải thế không mẹ? Con phải rời khỏi thành phố này”. “Hãy ở đó chờ mẹ, con ạ. Mẹ sẽ đi Johannesburg ngày mai, rồi chúng ta sẽ cùng trở về New York với nhau”. “Được rồi”, Tony nói. Anh đặt ống nghe xuống, quay về phía Dominique. “Xin lỗi Dominique, em đã chọn lầm một người bạn rồi”. Dominique không nói gì. Nàng chỉ nhìn anh bằng những con mắt chứa đầy nỗi u sầu không nói được ra lời. Trưa ngày hôm sau, ở văn phòng của Kruger-Brent trên đường Magnon, Kate Blackwell ngồi viết trên tấm ngân phiếu. Người ngồi đối diện với bà ở bàn viết thở dài nói, “Thật đáng tiếc. Cậu con trai bà có tài năng, bà Blackwell ạ. Lẽ ra anh ấy có thể trở thành một hoạ sĩ nổi danh”. Kate nhìn ông ta, nét mặt lạnh lùng. “Ông d’Usseau ạ, hiện có hàng chục ngàn hoạ sĩ trên thế giới. Tôi không dự tính cho con trai tôi trở thành một trong đám đông người ấy”. Bà đưa tấm ngân phiếu ngang qua bàn viết. “Ông đã hoàn thành phần giao kèo của ông. Tôi cũng chuẩn bị làm tốt phần giao kèo của tôi. Hãng Kruger-Brent sẽ bảo trợ các Viện Bảo tàng nghệ thuật ở Johannesburg, London và New York. Ông sẽ phụ trách việc tuyển chọn các bức tranh - dĩ nhiên là ông sẽ nhận được tiền hoa hồng hậu hĩnh”. Nhưng, sau khi d’Usseau đã ra về khá lâu rồi, bà ngồi ở bàn viết, tràn ngập một nỗi u sầu sâu đậm. Bà quá yêu thương con bà. Nếu như một ngày nào đó nó phát hiện ra điều này thì… Bà biết rõ điều rủi ro mà bà đã chấp nhận. Nhưng bà không thể ngồi đó để nhìn Tony vứt bỏ đi tài sản lớn lao nó sẽ thừa kế sau này. Dù cái giá phải trả như thế nào chăng nữa, Tony cũng phải được bảo vệ. Công ty phải được bảo vệ. Kate đứng dậy, đột nhiên cảm thấy mệt mỏi. Đã đến lúc bứng Tony đi, đưa anh ta về nhà. Bà sẽ giúp Tony quên đi câu chuyện này, để có thể bắt tay vào thứ công việc anh ta đã được sinh ra để hoàn tất. Đó là điều khiển công ty. Chương 19 Trong hai năm kế tiếp đó, Tony Blackwell cảm thấy mình như đang ở trên một cái cối xay khổng lồ, không đưa mình đi đến đâu cả. Anh là vị Hoàng thái tử thừa kế đế quốc Kruger-Brent, một tổng công ty lớn khủng khiếp đã được mở rộng ra để bao gồm cả các nhà máy giấy, một đường hàng không, nhiều ngân hàng và cả một dây chuyền bệnh viện. Tony nhận thức được rằng một cái tên chính là một chìa khóa mở tất cả mọi cánh cửa. Có những câu lạc bộ tổ chức và phe nhóm xã hội, mà ở đó yếu tố chủ yếu không phải là tiền bạc hay ảnh hưởng mà là tên tuổi. Tony được nhận làm hội viên cho nhiều câu lạc bộ danh tiếng, được tiếp đãi ở khắp mọi nơi, nhưng anh cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh. Anh không làm để xứng đáng với các thứ ấy. Anh chỉ là một cái bóng khổng lồ của ông ngoại anh; anh cảm thấy mình như luôn luôn được so sánh với ông ấy. Thật là không đúng, không công bằng, vì anh không bao giờ phải bò qua bãi mìn, không có tên bảo vệ nào bắn vào anh, không có những con cá mập đe doạ anh. Những câu chuyện xưa cũ về các hành động gan dạ không có liên quan gì đến anh cả. Chúng thuộc về thế kỉ trước, một thời đại khác, một nơi chốn khác, những hành động anh hùng thuộc về một nhân vật xa lạ. Tony làm việc gấp đôi bất cứ người nào khác ở Kruger-Brent. Anh làm việc cật lực, cố vứt bỏ những kỉ niệm quá đau đớn, không thể chịu đựng nổi. Anh viết thư cho Dominique, nhưng các thư của anh đều bị trả lại nguyên vẹn. Anh điện thoại cho giáo sư Cantal, nhưng Dominique không còn làm người mẫu cho Trường Mỹ thuật nữa. Nàng đã biến mất rồi. Tony giải quyết công việc một cách thành thạo và có phương pháp, nhưng không đam mê hay ham thích gì, và nếu anh cảm thấy một sự trống rỗng trong lòng thì cũng không một ai nghi ngờ gì. Cả Kate cũng không nghi ngờ điều đó. Bà vẫn nhận được những báo cáo hàng tuần về Tony và lấy làm hài lòng. “Nó có năng khiếu tự nhiên về kinh doanh”, bà nói với Brad Rogers. Đối với Kate, những giờ làm việc kéo dài của Tony là bằng chứng cho thấy anh yêu mến công việc đang làm. Mỗi khi nhớ lại rằng Tony đã có lần suýt vứt bỏ cả tương lai, bà vẫn thường rùng mình và cảm ơn trời đất rằng bà đã cứu anh ra khỏi cảnh ngộ ấy. Năm 1948, Đảng Dân tộc nắm toàn quyền ở Nam Phi, cùng với nạn kì thị chủng tộc ở khắp nơi công cộng. Cuộc di cư bị kiểm soát chặt chẽ, và nhiều gia đình bị phân cách cho sự thuận tiện của Chính phủ. Mỗi người da đen đều phải mang một cái “bewshoek”. Cái này không phải chỉ là một thứ giấy thông hành mà nó còn là một thứ bùa hộ mệnh, một giấy khai sinh, một giấy cho phép làm việc, một biên lai trả thuế. Nó quy định tất cả các hoạt động, các sự di chuyển và đời sống của người ấy. Càng lúc càng có nhiều cuộc nổi loạn ở Nam Phi, nhưng tất cả đều bị đàn áp một cách tàn nhẫn bởi cảnh sát. Thỉnh thoảng, Kate đọc những bài báo kể về những vụ phá hoại, bất ổn, và tên Banda luôn được nhắc đến hàng đầu. Ông vẫn là lãnh tụ của những tổ chức bí mật, mặc dầu tuổi tác đã lớn. Dĩ nhiên, bác ấy chiến đấu cho đồng bào của bác, Kate thầm nghĩ. Bác là Banda mà. Kate tổ chức lễ sinh nhật thứ năm mươi sáu một mình với Tony ở ngôi nhà trên Đại lộ Thứ năm. Bà nghĩ thầm. Người con trai hai mươi bốn tuổi đang ngồi ở bên kia chiếc bàn không thể là con trai của mình được. Mình còn quá trẻ. Tony nâng ly chúc mừng mẹ, “Mừng bà mẹ kì diệu của con. Chúc mẹ một ngày sinh nhật vui vẻ”. “Con phải nâng ly chúc mừng bà mẹ già kì diệu mới phải”. Bà nghĩ thầm, “Chẳng bao lâu nữa mình sẽ rút lui dưỡng già, nhưng con trai mình sẽ thay thế mình. Con trai của tôi” Do lời yêu cầu khẩn khoản của mẹ, Tony đã dọn đến ở tại tòa lâu đài trên Đại lộ Thứ năm. “Nơi ấy quá rộng lớn để mẹ đi lại trong đó một mình”, Kate nói với con trai. “Con sẽ có cả một chái phía tây dành riêng cho con, tha hồ yên tĩnh, kín đáo”. Tony thấy tốt hơn hết là nhượng bộ thay vì cãi lại bà. Tony và Kate ăn điểm tâm với nhau mỗi buổi sáng. Đề tài nói chuyện của họ bao giờ cũng về công ty Kruger-Brent. Tony ngạc nhiên không hiểu vì sao mẹ anh lại có thể tha thiết như vậy với một thực thể không có linh hồn, không có mặt mũi, một tập hợp vô hình dạng những tên nhà, máy móc và những con số kế toán. Cái ma thuật ấy nằm ở đâu? Trước bao nhiêu những điều bí mật trên thế giới còn cần phải khám phá, tại sao lại có người muốn phí phạm thì giờ trong cuộc sống để tích lũy của cải cho mỗi lúc một nhiều hơn nữa và để thu thập lấy quyền hành càng ngày càng lớn mạnh? Tony không hiểu được mẹ anh. Nhưng anh yêu mẹ. Và anh cố gắng sống để đạt đến những mong ước của bà. Chuyến bay của hãng Pan Am đi từ Rome đến New York mà không có gì trục trặc. Tony thích hãng máy bay này. Nó vừa dễ chịu vừa có hiệu quả. Anh ngồi xem xét các báo cáo của các cơ sở công ty ở nước ngoài từ lúc máy bay bắt đầu cất cánh, bỏ cả bữa ăn, không để ý đến những người chiêu đãi viên đem các thức uống, gối nằm và mọi thứ tiện nghi cho ông hành khách quý này của họ. “Cảm ơn cô. Tôi cảm thấy dễ chịu rồi”. “Thưa ông Blackwell, ông cần thêm thứ gì nữa không ạ?” “Cảm ơn”. Một người đàn bà trạc trung niên, ngồi bên cạnh Tony đang đọc một tạp chí thời trang. Trong khi bà giở trang báo, Tony chợt liếc mắt qua. Anh bỗng thấy lạnh người. Trên tờ báo có hình một người mẫu mặc một chiếc áo choàng. Đó là Dominique. Không thể lầm lẫn được. Cũng là đôi gò má cao, xinh xắn, cũng vẫn đôi mắt xanh màu lục sẫm và làn tóc hoe sum sê ấy. Mạch trong người Tony bắt đầu đập thật nhanh. “Xin lỗi bà”, Tony nói với bà hành khách bên cạnh, “Bà có thể cho tôi mượn trang báo ấy được không?” Sáng sớm hôm sau, Tony gọi điện thoại đến cửa hiệu bán áo dài phụ nữ để hỏi tên của hãng quảng cáo. Anh điện thoại đến nơi này. “Tôi muốn tìm địa chỉ của một người làm mẫu cho quý hãng”. Anh nói với nhân viên phòng điện thoại. “Cô có thể nào…” “Xin chờ một lát”. Tiếp đó là tiếng của một người đàn ông. “Thưa ông cần gì ạ?” “Tôi trông thấy một bức hình trên số báo Vogue tháng này. Một người mẫu quảng cáo một chiếc áo dài khiêu vũ cho các cửa hiệu Rothman. Có phải quảng cáo ấy của quý ông không?” “Phải”. “Ông có thể cho tôi biết tên hãng giới thiệu người mẫu cho quý ông được không? “Có lẽ đó là hãng Carleton Blessing”. Người ấy cho Tony số điện thoại. Một phút sau, Tony nói chuyện với một người đàn bà ở hãng Carleton Blessing. “Tôi muốn tìm một trong các cô làm người mẫu của quý hãng. Cô ấy tên là Dominique Masson”. “Xin lỗi, hãng chúng tôi đã có nguyên tắc không cung cấp mọi thông tin có tính cách cá nhân”. Đường dây điện thoại bị cúp. Tony ngồi tại chỗ, nhìn chằm chằm vào ống nghe. “Chắc phải có cách tiếp xúc với Dominique”. Anh đi vào văn phòng của Brad Rogers. “Chào anh Tony. Uống cà phê nhé?” “Không, cảm ơn. Bác Brad, bác có nghe nói về hãng người mẫu Carleton Blessing không?” “Có. Hãng ấy thuộc về chúng ta”. “Sao?” “Hãng ấy được đặt dưới sự bảo trợ của một trong các chi nhánh của chúng ta”. “Chúng ta mua hãng ấy lúc nào vậy?” “Chừng một vài năm trước đây. Ngay vào lúc anh bắt đầu vào làm việc cho công ty. Anh có gì phải quan tâm về hãng ấy?” “Tôi cố tìm cho ra một người mẫu làm cho hãng ấy. Cô ta là một người bạn của tôi”. “Chẳng có gì khó khăn cả. Tôi sẽ gọi điện thoại, rồi…” “Bác khỏi bận tâm, để tôi tự làm việc ấy. Cảm ơn bác Brad”. Một cảm giác mong đợi ấm áp dâng lên trong lòng Tony. Chiều hôm ấy, Tony đi lên phố, đến văn phòng hãng Carleton, chìa danh thiếp của anh ra. Chỉ sáu mươi giây sau, anh ngồi tại văn phòng của ông chủ hãng, ông Tilton. “Thưa ông Blackwell, đây là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Tôi hi vọng rằng không có vấn đề gì rắc rối cả. Tiền lời của chúng tôi trong quý trước là…” “Chẳng có vấn đề gì cả. Tôi chỉ muốn gặp một người làm mẫu cho các ông, tên là Dominique Masson”. Mặt của Tilton sáng lên. “Cô ấy đã trở thành một trong các cô làm mẫu khá nhất của chúng tôi. Bà thân mẫu của ông thật là một người có mắt”. Tony tưởng rằng Tilton hiểu lầm câu nói của anh, “Tôi xin lỗi”. “Chính bà thân mẫu của ông đích thân yêu cầu tôi nhận cô Dominique ấy vào làm việc. Đó cũng là một phần của hợp đồng khi Công ty Kruger-Brent tiếp quản chúng tôi. Tất cả đều ghi trong hồ sơ. Nếu ông muốn xem thì…” “Không”, Tony không thể hiểu được chút nào về những gì anh vừa nghe. Tại sao mẹ anh lại…? “Ông cho tôi địa chỉ của cô Dominique được không?” “Dĩ nhiên là được, thưa ông Blackwell. Cô ấy đang có một cuộc trưng bày ở Vermont hôm nay, nhưng cô ấy thể nào cũng trở về”. Tilton nhìn vào thời khóa biểu trên bàn - “vào trưa ngày mai”. Tony đang chờ đợi ở bên ngoài tòa nhà, nơi có căn hộ của Dominique, thì một chiếc xe hơi đen dừng lại, và Dominique bước ra khỏi xe. Cùng đi với nàng là một anh chàng to lớn như lực sĩ đang vác một va li của Dominique. Dominique dừng phắt lại, đứng sững sờ khi nhìn thấy Tony. “Tony! Lạy Chúa! Anh làm cái gì ở đây?” “Anh cần nói chuyện với em”. “Thôi, bữa khác đi, anh bạn”. Anh chàng lực sĩ ấy nói. “Trưa nay chúng tôi bận lắm”. Tony không thèm để ý đến hắn ta. “Em bảo cái anh bạn này của em hãy đi chỗ khác đi”. “Này, anh kia, anh nghĩ anh là cái quái gì mà…” Dominique quay về phía anh chàng lực sĩ. “Thôi đi đi, Ben. Tôi sẽ gọi lại anh tối nay”. Hắn ta do dự một lúc, rồi nhún vai nói, “Ô kê”. Hắn đưa mắt giận dữ nhìn Tony, trở lại chiếc xe, rồi rồ máy chạy thẳng. Dominique quay về phía Tony. “Chúng ta nên đi vào trong nhà nói chuyện”. Căn hộ của Dominique là một buồng hai tầng rộng lớn với những tấm thảm và màn màu trắng và đồ đạc tối tân, có vẻ rất đắt tiền. “Em có vẻ làm ăn khá nhỉ”. “Vâng. Em may mắn thôi”. Các ngón tay của Dominique bấu vào chiếc áo choàng, có vẻ bồn chồn. “Anh muốn uống thứ gì không?” “Không, cảm ơn. Anh cố tìm cách liên lạc với em sau khi rời Paris”. “Lúc ấy em rời đi nơi khác”. “Rời sang Mỹ phải không?” “Phải”. “Làm sao em kiếm được việc làm ở hãng Carleton Blessing này?” “Em… em viết thư trả lời cho một mục quảng cáo trên báo”. Nàng ấp úng nói. “Em gặp mẹ anh lần đầu tiên vào lúc nào?” “Tại… tại căn hộ của anh ở Paris, anh không nhớ sao? Chúng mình…” “Thôi đừng giở trò nữa”, Tony nói. Anh cảm thấy cơn giận sôi lên sùng sục. “Cái trò đùa ấy chấm dứt rồi. Tôi chưa hề bao giờ đánh một người đàn bà, nhưng nếu cô còn dối trá với tôi nữa, tôi hứa với cô rằng cái mặt của cô không còn được nguyên vẹn để chụp ảnh nữa đâu”. Dominique định mở miệng nói, bỗng khựng lại vì cặp mắt giận dữ của Tony. “Tôi hỏi cô lại một lần nữa. Cô gặp mẹ tôi lần đầu tiên ở đâu?” Lần này, Dominique không còn do dự gì nữa. “Khi anh được nhận vào Trường Mỹ thuật Paris. Mẹ anh thu xếp cho tôi làm kiểu mẫu ở đó”. Tony cảm thấy đau nhói trong lòng. Anh cố tiếp tục hỏi, “Như vậy để tôi có thể gặp cô, phải thế không?” “Phải, em…” “Rồi mẹ tôi trả tiền cho cô để cô làm nhân tình cho tôi, để giả vờ yêu tôi, phải thế không?” “Phải. Lúc ấy chiến tranh vừa chấm dứt. Thật là kinh khủng. Em không có tiền, anh hiểu không? Nhưng, Tony ạ, anh hiểu cho em, em mến, em thực sự mến…,” “Cứ trả lời thẳng câu hỏi của tôi”. Vẻ hung bạo trong giọng nói của Tony làm cho nàng hoảng sợ. Đây là một người lạ mặt đang đứng trước mặt nàng, một kẻ có thể trở nên hung bạo vô cùng. “Mục đích là để làm gì?” “Mẹ anh muốn em canh chừng anh”. Anh nghĩ đến vẻ âu yếm của Dominique trước kia, đến những lúc hai người ân ái với nhau - tất cả đều do mẹ anh bỏ tiền ra mua. Anh cảm thấy đau đớn vì thẹn. Thì ra trong suốt thời gian ấy, anh chỉ là một tên bù nhìn của mẹ anh, bị kiểm soát, bị vận dụng. Mẹ anh đã coi anh chẳng ra cái quái gì. Anh không phải là con trai của bà ta. Anh là vị hoàng thái tử, là vị thừa kế của bà. Bà chỉ xem công ty của bà là quan trọng đối với bà mà thôi. Anh đưa mắt nhìn Dominique lần cuối cùng, rồi lảo đảo bước ra ngoài. Nàng nhìn theo anh, đôi mắt nhòa lệ. Nàng nói thầm trong bụng. “Em không nói dối về tình yêu của em đối với anh, Tony ạ. Em không nói dối về chuyện ấy đâu”. Kate đang ngồi trong thư viện thì Tony bước vào, vừa uống rượu say mèm. “Con… con vừa nói chuyện với Do… Dominique. Hai người chắc tha hồ vui thích, chế giễu sau lưng tôi…” Kate lập tức cảm thấy hoảng sợ. “Tony…” “Từ nay trở đi, con muốn mẹ đừng có xen vào cuộc sống riêng tư của con nữa, mẹ có nghe không?” Nói xong, anh quay người lại, loạng choạng bước ra khỏi phòng. Kate nhìn theo, đột nhiên cảm thấy linh tính của bà báo trước một điều gì kinh khủng sẽ xảy ra. Chương 20 Ngày hôm sau, Tony thuê một căn hộ trong vùng Greenwich Village. Không còn có những bữa cơm thân mật với mẹ anh nữa. Mối liên hệ giữa anh với mẹ vẫn tiếp tục trên căn bản công việc, không mang tính chất tình cảm. Đôi lúc Kate cũng tìm cách giảng hoà với con, nhưng Tony làm như không để ý đến. Kate cảm thấy đau đớn trong tim. Nhưng bà đã làm những gì mà bà cho là đúng cho Tony, cũng y hệt như trước kia bà đã làm đúng cho David. Bà không muốn bất kì người nào trong hai người ấy rời bỏ công ty của bà. Tony là người duy nhất trên thế gian này mà bà yêu mến, nhưng bà nhận thấy anh mỗi ngày một tách rời, kín đáo, chối bỏ tất cả mọi người. Anh không có bạn bè nào. Nếu trước kia anh là một con người nồng nhiệt, cởi mở thì bây giờ anh trở nên lạnh nhạt, dè dặt. Anh đã xây dựng lên một bức tường xung quanh mình mà không một ai có thể phá vỡ được. “Nó cần có một người để chăm sóc nó”, Kate nghĩ thầm, “Và một đứa con trai để tiếp tục sự nghiệp của nó. Mình phải giúp đỡ cho nó mới được”. Brad Rogers bước vào văn phòng của Kate và nói, “Tôi lo rằng chúng ta sẽ phải dính líu vào nhiều vụ rắc rối nữa, Kate ạ”. “Có chuyện gì xảy ra vậy?” Brad đặt một bức điện lên bàn. “Quốc hội Nam Phi đã đặt Hội đồng Đại diện các dân bản xứ ra ngoài vòng pháp luật và thông qua Đạo luật chống Cộng sản”. Kate nói, “Lạy Chúa”. Đạo luật ấy chẳng có liên quan gì đến Cộng sản cả. Nó tuyên bố rằng bất cứ ai bất đồng ý kiến với chính phủ và cố thay đổi bằng bất cứ cách nào sẽ bị coi là phạm tội theo đạo luật chống Cộng sản ấy, và có thể bị tù. “Đó là cách của họ nhằm phá vỡ phong trào chống đối của người da đen”, Kate nói. “Nếu…”, câu nói của bà bị cắt ngang vì cô thư ký của bà vừa lúc ấy bước vào và nói. “Có điện thoại từ nước ngoài gọi đến, thưa bà. Đó là ông Pierce ở Johannesburg”. Jonathan Pierce là giám đốc chi nhánh của bà ở Johannesburg. Kate nhấc điện thoại. “A lô, Johnny. Mạnh khoẻ chứ?” “Vẫn khoẻ, thưa bà. Tôi có ít tin tức cần cho bà biết”. “Chuyện gì vậy?” “Tôi vừa nhận được báo cáo cho biết rằng Banda vừa bị bắt”. Kate lên máy bay đi Johannesburg ngay trong chuyến bay kế tiếp đó. Bà đã báo động cho các luật sư của công ty và ra lệnh cho họ nghiên cứu xem có cách nào giúp đỡ Banda được hay không. Ngay đến cả quyền lực và uy tín của Kruger-Brent cũng có thể bất lực trong việc này. Banda đã bị xem như là kẻ thù của quốc gia, nên bà lo sợ mỗi khi nghĩ đến thứ trừng phạt mà Banda sẽ phải gánh chịu. Ít nhất bà cũng phải gặp Banda, nói chuyện với bác ấy và đề nghị mọi sự giúp đỡ có thể có được. Khi máy bay hạ cánh xuống Johannesburg, Kate đi ngay đến văn phòng của bà, rồi điện thoại đến giám đốc các nhà tù. “Thưa bà Blackwell, hắn ta bị nhốt trong một khu riêng biệt, không được phép tiếp khách khứa nào đến thăm. Thế nhưng trong trường hợp của bà, tôi sẽ tìm cách thu xếp…” Sáng hôm sau, Kate có mặt ở nhà tù Johannesburg, mặt đối mặt với Banda. Ông bị xiềng xích chân tay, và có một tấm vách ngăn bằng kính giữa hai người. Tóc Banda đã hoàn toàn bạc trắng. Trước đó, Kate không biết lúc gặp Banda, bác ta sẽ có thái độ như thế nào - thất vọng, thách thức - thế nhưng, khi gặp bà, Banda nhoẻn miệng cười và nói, “Bác biết thế nào cháu cũng đến. Cháu y hệt như cha cháu. Cháu không thể nào tìm cách tránh xa mọi sự rắc rối hay sao?” “Bác hãy nhìn kĩ xem ai đang nói chuyện với bác ở đây”, Kate cãi lại. “Mẹ kiếp! Làm thế nào đưa bác ra khỏi nơi này được?” “Trong một chiếc quan tài. Đó là cách duy nhất họ sẽ cho phép bác ra khỏi nơi này”. “Tôi có nhiều luật sư tài giỏi có thể…” “Bỏ qua chuyện ấy đi, Kate ạ. Chúng nó bắt bác một cách đàng hoàng thì bây giờ bác cũng phải ra đi một cách đàng hoàng”. “Bác nói gì lạ vậy?” “Bác không thích các lồng sắt. Chẳng bao giờ thích cả. Thế nhưng chúng nó không bao giờ dựng lên thứ lồng sắt nào khả dĩ giữ bác lại được”. “Bác Banda, bác đừng có làm thế. Tôi xin bác. Chúng nó sẽ giết bác mất”. “Không thứ gì có thể giết bác được đâu”, Banda nói. “Cháu đang nói chuyện với một người đã từng gặp cá mập, bãi mìn và chó săn mà vẫn sống”. Một tia sáng lóe lên trong mắt Banda. “Cháu biết không, Kate? Có lẽ đó là những giờ phút thú vị nhất trong cuộc đời của bác đó”. Khi Kate đến thăm Banda ngày hôm sau, viên giám thị nhà giam nói, “Tôi xin lỗi, thưa bà Blackwell. Chúng tôi bắt buộc phải di chuyển hắn đi nơi khác vì lí do an ninh”. “Ông ta bây giờ ở đâu?” “Tôi không được phép nói ra”. Khi Kate thức dậy vào sáng hôm sau, bà nhìn thấy hàng tít lớn trên tờ báo được đem đến trên chiếc khay đựng các thức ăn điểm tâm. Dòng tít ấy như sau: LÃNH TỤ PHIẾN LOẠN BỊ GIẾT TRONG KHI CỐ GẮNG VƯỢT NGỤC. Một giờ sau, Kate đến văn phòng của viên quản đốc nhà giam. “Hắn ta bị bắn chết trong khi cố gắng vượt ngục, thưa bà Blackwell. Thế là chấm dứt mọi thứ”. Ông lầm rồi, Kate nghĩ thầm, còn nhiều hơn thế nữa chứ. Banda đã chết, nhưng ước mơ tự do của bác ấy cho đồng bào của bác có chết được không? Hai ngày sau, sau khi xếp đặt công việc mai táng cho Banda, Kate lên máy bay trở về New York. Bà nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay để xem lại một lần cuối cùng vùng đất nước thân yêu của bà. Đất màu đỏ, giàu có và màu mỡ, và trong lòng đất của nó đang chứa đựng những kho tàng lớn vượt sức tưởng tượng của con người. Đó là đất lựa chọn của Chúa, và Người đã tỏ ra rất rộng lượng. Nhưng có một lời nguyền rủa trên đất nước ấy. Ta sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa, Kate thầm nghĩ. Không bao giờ. Một trong các trách nhiệm của Brad Rogers là trông coi cục Quy hoạch Dài hạn của công ty Kruger-Brent. Anh tỏ ra rất xuất sắc trong việc tìm ra những dịch vụ kinh doanh đem đến nhiều lợi lộc cho công ty. Một hôm, vào đầu tháng năm, anh bước vào văn phòng của Kate Blackwell “Tôi vừa bắt được một cơ hội rất hay, Kate ạ”. Anh đặt hai tập hồ sơ trên bàn. “Hai công ty. Nếu ta nắm được một trong hai công ty này thì đó sẽ là một việc làm phi thường”. “Cảm ơn, Brad. Để tôi xem xét các hồ sơ này tối nay”. Tối hôm ấy, Kate ăn cơm một mình, rồi nghiên cứu các báo cáo mật của Brad về hai công ty - Công ty dầu và công cụ Wyatt, và công ty Kĩ thuật Quốc tế. Các báo cáo ấy dài và đi sâu vào chi tiết, nhưng cả hai đều kết thúc bằng chữ NIS, một thứ mật mã của công ty viết tắt chữ NOT INTERESTED IN SELLING (Không muốn bán). Điều này có nghĩa là, nếu muốn thủ đắc công ty ấy, họ cần phải thực hiện một lối giao dịch kinh doanh không phải là đơn giản. Nhưng Kate thầm nghĩ, hai công ty này đều đáng được tiếp quản cả. Mỗi công ty ấy đều do tư nhân kiểm soát, đứng đầu là một cá nhân giàu có, cương quyết; điều này loại trừ mọi cố gắng tiếp quản, nếu có. Thật là một cuộc thử thách lớn, nhưng đã từ lâu Kate quen đương đầu với các cuộc thử thách rồi. Càng nghĩ đến chuyện này, Kate lại càng thấy các khả năng ấy trở nên hấp dẫn. Bà nghiên cứu lại một lần nữa các bản quyết toán mật về tài sản của các công ty ấy. Công ty Wyatt do một người vùng Texas làm chủ, tên là Charlie Wyatt, và tài sản của công ty này gồm có các giếng dầu, một công ty dịch vụ công cộng, và hàng chục hợp đồng cho thuê đất có dầu rất nhiều lợi lộc. Không còn phải nghi ngờ gì nữa, Công ty Công cụ và Dầu Wyatt sẽ là một sự thủ đắc tốt đẹp cho Kruger-Brent. Kate quay sự chú ý của bà sang công ty thứ hai. Công ty Kĩ thuật Quốc tế do một người Đức, Bá tước Frederick Hoffman làm chủ. Công ty này khởi sự bằng một nhà máy cán thép nhỏ ở Essen, rồi qua nhiều năm nó phát triển lên thành một tổ hợp công ty đồ sộ, với các xưởng đóng tàu, nhà máy hoá dầu, một đoàn tàu chở dầu và một chi cục điện toán. Một công ty lớn như công ty Kruger-Brent cũng chỉ có thể “tiêu hoá” được một trong hai cơ sở khổng lồ ấy mà thôi. Kate đã biết được bà cần theo đuổi công ty nào. NIS, tờ báo cáo nói cho biết như vậy. Ta sẽ xem xét kĩ vấn đề này, Kate nghĩ thầm. Sáng sớm hôm sau, bà cho mời Brad Rogers đến văn phòng. Bà cười và nói, “Tôi muốn biết bằng cách nào anh đã có được các bản quyết toán mật ấy. Hãy nói rõ về Charlie Wyatt và Frederick Hoffman cho tôi nghe”. Brad đã chuẩn bị sẵn. Charlie Wyatt sinh ở Dallas. Một con người thích phô trương, ồn ào, điều khiển cả đế quốc của ông ta một cách rất khôn ngoan. Thoạt tiên, ông ta chẳng có gì cả, sau đó may mắn tìm được dầu nhờ ở tính liều lĩnh, và từ đó phát triển lớn mãi, cho đến bây giờ thì một nửa Texas đã thuộc về ông ta”. “Ông ta bao nhiêu tuổi?” “Bốn mươi bảy”. “Có con cái gì không?” “Một con gái, hai mươi lăm tuổi. Theo như tôi được nghe nói thì cô ta có sắc đẹp mê hồn”. “Cô ấy có chồng chưa?” “Ly dị chồng”. “Còn Frederick Hoffman?” “Hoffman trẻ hơn Charlie Wyatt chừng vài tuổi. Ông ta là một bá tước, xuất thân từ một gia đình quý tộc Đức từ thời Trung cổ. Ông ta goá vợ. Ông nội ông ấy khởi sự với một nhà máy thép nhỏ. Hoffman thừa hưởng tài sản ấy của cha, rồi xây dựng nó lên thành một tổ hợp công ty. Ông ta là một trong những người đầu tiên đi vào lĩnh vực điện toán. Ông ta nắm trong tay nhiều đặc quyền sáng chế các máy vi tính. Mỗi lần chúng ta sử dụng một máy điện toán, ông bá tước Hoffman hưởng quyền tác giả”. “Còn các con ông ta?” “Một người con gái, hai mươi ba tuổi”. “Cô ta trông thế nào?” “Tôi không thể tìm hiểu được”, Brad nói. “Đó là một gia đình rất kín đáo. Họ đi lại trong phạm vi nhỏ hẹp của riêng họ mà thôi”. Anh do dự một lúc rồi nói tiếp, “Có lẽ chúng ta sẽ phí mất thì giờ về vấn đề này thôi, Kate ạ. Tôi có lần uống rượu với vài nhân vật cao cấp trong hai công ty ấy. Cả Wyatt lẫn Hoffman đều không muốn bán, sát nhập hay hợp tác kinh doanh với ai. Như chị thấy trong các quyết toán tài chính của họ, chỉ nghĩ đến vấn đề ấy cũng đủ làm họ phát điên lên rồi”. Cảm tưởng thách đố một lần nữa lại trỗi dậy trong con người Kate, lôi kéo, thu hút bà. Mười ngày sau, Kate được Tổng thống Mỹ mời tham dự một hội nghĩ các kĩ nghệ gia hàng đầu quốc tế để bàn về việc trợ giúp các nước kém phát triển. Kate gọi điện thoại rồi một thời gian ngắn sau đó, Charlie Wyatt và bá tước Frederick Hoffman cũng nhận được giấy mời tham dự hội nghị. Kate đã hình dung trong đầu óc hai con người ấy - một người gốc Texas, người kia gốc Đức - như thế nào, và khi gặp họ, bà thấy họ đúng gần như chính xác những gì bà đã suy nghĩ về họ. Bà chưa hề bao giờ gặp một người xứ Texas nào mà lại bẽn lẽn, nhút nhát. Charlie Wyatt không phải là ngoại lệ. Ông ta có dáng người to lớn, vai rộng, thân hình của một vận động viên bóng bầu dục, nhưng béo hơn một chút. Mặt ông ta tròn, hồng hào, giọng nói to, oang oang. Ông ta tỏ ra là một người đáng tin cậy, Charlie Wyatt xây dựng đế quốc của ông ta không phải do may mắn. Ông ta là một thiên tài trong lĩnh vực kinh doanh. Kate chỉ nói chuyện với ông không đầy mười phút đã nhận ngay ra rằng ông ta không phải là một con người có thể thuyết phục được, nếu ông ta không muốn. Ông ta khăng khăng giữ ý kiến của mình và có vẻ rất ngoan cố. Không ai có thể tán tỉnh, dụ dỗ, đe doạ hay lừa gạt ông ta ra khỏi công ty của ông ta được. Nhưng Kate đã tìm được điểm yếu của ông và như thế là đủ rồi. Frederick Hoffman là một mẫu người trái ngược hẳn lại. Ông này là một con người đẹp đẽ, có vẻ mặt quý phái, tóc nâu nhạt điểm những sợi bạc ở màng tang. Ông ta có vẻ đứng đắn, nghiêm túc cho đến từng chi tiết, với thái độ cử chỉ lịch sự theo lối xưa cổ. Ngoài mặt, Hoffman rất vui vẻ, hoà nhã, nhưng bên trong Kate biết rằng ông ta rất sắt đá. Hội nghị Washington kéo dài ba ngày và tiến hành rất tốt. Các cuộc hội họp đều được đặt dưới sự chủ toạ của Phó Tổng thống, và chính Tổng thống cũng đã xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Mọi người đều có vẻ thán phục bà Blackwell. Bà là một người có uy tín và sức thu hút rất mạnh, đứng đầu một tổ hợp công ty lớn lao mà bà đã góp phần tạo dựng nên. Khi Kate đứng riêng với Charlie Wyatt trong một lúc, bà hỏi, cố làm ra vẻ tự nhiên, “Ông có đem gia đình theo không, ông Wyatt?” “Tôi có đem con gái tôi theo. Nó cần phải mua sắm ít thứ”. “Ồ, thật thế à? Như vậy tuyệt quá!” Không ai biết rằng không những bà đã biết rằng con gái ông có đi theo mà còn biết loại áo dài mà cô ta vừa mua ở hiệu Garfinckel sáng hôm ấy. Bà nói tiếp, “Tôi sắp sửa tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor vào ngày thứ sáu này. Tôi rất hân hạnh nếu ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”. Wyatt không do dự. “Tôi đã nghe nói về ngôi nhà của bà, bà Blackwell ạ. Chắc chắn là tôi muốn được đến đó xem”. Kate mỉm cười. “Vậy thì tốt. Tôi sẽ chuẩn bị để đưa ông đến đó bằng máy bay vào tối mai”. Mười phút sau, bà nói chuyện với Frederick Hoffman. “Ông đến Washington một mình hay sao, ông Hoffman?” bà hỏi. “Vậy bà nhà có đi theo không?” “Nhà tôi mất cách đây mấy năm. Tôi hiện ở đây với con gái tôi”, Hoffman đáp. Kate đã biết rằng hai người hiện đang ở tại khách sạn Hay Adams, trong dãy phòng số 418. “Tôi sắp tổ chức một bữa tiệc nhỏ ở Dark Harbor. Tôi muốn mời ông và quý tiểu thư đến dùng cơm với chúng tôi vào cuối tuần này”. “Tôi phải trở về Đức vào lúc ấy”, Hoffman đáp. Ông ta nhìn Kate một lúc như dò xét, rồi tủm tỉm cười nói, “Tôi chắc hoãn lại một vài ngày cũng không hề gì”. “Vậy thì hay quá. Tôi sẽ sắp đặt việc đưa đón ông và quý tiểu thư”. Kate có thông lệ tổ chức tiệc tùng ở Dark Harbor, hai tháng một lần. Khách khứa đến dự là những người rất quan trọng và có thế lực trên thế giới, và các cuộc gặp mặt như vậy thường rất có lợi. Kate dự tính sẽ làm sao cho buổi tiệc sắp tới phải rất đặc biệt. Vấn đề khó khăn đối với bà là làm sao tin chắc được rằng Tony sẽ đến tham dự. Trong năm qua, Tony ít khi muốn đến gặp bà, và mỗi khi đến anh chỉ có mặt chiếu lệ, rồi đi về ngay. Lần này thì bắt buộc anh ta phải đến và phải ở lại. Khi Kate nhắc đến buổi tiệc cuối tuần này với Tony thì anh chỉ nói ngắn gọn, “Con… con không thể đến được. Con sẽ đi Canada ngày thứ hai, nhưng trước khi đi còn phải giải quyết cho xong một số công việc”. “Buổi tiệc này quan trọng”, Kate nói. “Charlie Wyatt và Frederick Hoffman sẽ có mặt. Họ…”. “Con biết họ là ai rồi”, Tony ngắt lời. “Con đã nói chuyện với Brad Rogers. Không có hi vọng gì thủ đắc được bất cứ công ty nào trong hai công ty ấy đâu”. “Mẹ muốn thử cố gắng xem xao”. Anh nhìn mẹ, hỏi “Mẹ định nhắm công ty nào?” “Công ty dầu Wyatt. Nếu được như vậy nó sẽ làm tăng lợi nhuận của chúng ta lên mười lăm phần trăm, có lẽ hơn thế. Khi các nước Ả rập nhận thấy họ đã nắm thế giới ở ngay cổ họng, họ sẽ lập nên một “các-ten” (cartel), lúc ấy giá dầu sẽ tăng vọt lên. Dầu sẽ trở thành một thứ vàng nước”. “Thế còn Công ty Kĩ thuật Quốc tế thì sao?” Kate nhún vai. “Đó cũng là một công ty tốt, nhưng món bở nhất là công ty dầu Wyatt. Nó rất có lợi cho công ty ta. Mẹ muốn con có mặt hôm ấy. Việc đi Canada có thể hoãn lại it ngày”. Tony ghét các buổi tiệc tùng. Anh ghét những cuộc chuyện trò chán ngắt, kéo dài như vô tận, các ông thì khoe khoang, còn các bà thì làm ra vẻ thông thái rởm. Nhưng đây là vì công việc. “Thôi được, con sẽ dự”. Như vậy là mọi thứ đều xếp đặt đâu vào đấy. Hai cha con ông Wyatt được đưa đến Maine bằng chiếc máy bay Cessna của Công ty, rồi từ bến phà họ đi xe hơi đến Ngôi nhà trên đồi thông. Bà Kate đứng ở trước cửa để đón khách. Brad Rogers đã nói rất đúng về cô con gái của ông Wyatt. Thật là một cô gái xinh đẹp. Dáng người nàng cao, tóc đen, đôi mắt nâu điểm chấm vàng, nét mặt gần như hoàn hảo. Chiếc áo dài bóng mượt làm nổi bật lên dáng người mạnh khoẻ, tuyệt đẹp. Brad cũng cho biết rằng cách đây hai năm nàng đã bỏ chồng, một anh chàng người Ý, ăn chơi, giàu có. Kate giới thiệu Lucy với Tony, và để ý xem phản ứng anh ta như thế nào. Nhưng Tony không có phản ứng nào. Anh chào ông Wyatt và cô con gái với những cử chỉ lịch sự y hệt như nhau, rồi đưa họ đến quầy rượu, nơi người phục vụ đang đứng đợi để pha rượu cho khách. “Căn phòng này thật là đẹp!” Lucy kêu lên. Giọng nàng nghe rất êm ái, dịu dàng, không mang một âm sắc nào của miền Texas cả. “Anh có hay đến nơi này không?” “Không”. Nàng chờ đợi Tony nói tiếp. Rồi, nàng hỏi, “Anh lớn lên ở đây sao?” “Một phần nào”. Bà Kate xen vào câu chuyện, cố khoả lấp sự im lặng của Tony. “Những kỉ niệm vui thích nhất của Tony là ở trong ngôi nhà này. Tội nghiệp, Tony quá bận rộn công việc nên ít khi có dịp ở lại vui chơi ở nơi này, có phải không, Tony?” Anh đưa mắt lạnh nhạt nhìn mẹ, rồi nói, “Không. Lẽ ra tôi phải đi Canada…” “Nhưng cậu ấy đã hoãn chuyến đi để được gặp cô và ông nhà đây”, bà Kate nói, trả lời hộ cho Tony. “Thật là rất hân hạnh”, ông Wyatt nói. “Tôi đã nghe nói nhiều về cậu con bà”. Wyatt cười. “Cậu có muốn đến giúp việc cho tôi không?” “Tôi không nghĩ rằng mẹ tôi có ý định như vậy, thưa ông Wyatt”. Charlie lại nhe răng cười một lần nữa. “Tôi biết”. Rồi ông quay lại nhìn bà Kate. “Mẹ cậu đúng là một vị phu nhân tài giỏi. Phải trông thấy bà ấy dùng dây trói tay chân mọi người lại tại cuộc họp ở Nhà Trắng thì mới biết được. Bà…” Ông dừng lại, vì lúc ấy Frederick Hoffman và cô con gái, Marianne, đi vào trong phòng. Marianne là một hình ảnh mờ nhạt của cha cô. Cũng là những nét quý phái giống như vậy, nhưng cô có làn tóc màu hoe dài, Nàng mặc một chiếc áo sa trắng nhờ nhờ. Ngồi bên cạnh Lucy, nàng trông có vẻ phờ phạc. “Tôi xin phép giới thiệu, đây là con gái tôi”. Bá tước Hoffman nói, “Tôi xin lỗi chúng tôi đã đến trễ. Máy bay bị chậm trễ ở La Gardia”. “Ồ, như vậy thật tệ quá”, Kate nói. Nhưng Tony biết rằng mẹ anh đã xếp đặt việc chậm trễ này. Bà muốn cho hai gia đình Wyatt và Hoffman đi máy bay riêng, để làm sao cho cha con ông Wyatt phải đến trước, còn cha con Hoffman đến sau. Bà nói tiếp, “Chúng tôi mới dùng rượu thôi. Ông muốn dùng thứ gì ạ?” “Cho tôi Scotch”, Bá tước Hoffman nói. Kate quay sang Marianne. “Thế còn cô?” “Cháu không uống gì cả. Xin cảm ơn bà”. Ít phút sau, các khách khứa khác lục tục kéo đến. Tony đi đến hết người này, người kia, đóng vai chủ nhà lịch sự. Không một ai, ngoài Kate, biết rằng tiệc tùng đối với anh chẳng có ý nghĩa gì quan trọng. Bà biết rằng đó không phải là vì Tony cảm thấy buồn chán. Nguyên nhân đơn giản chỉ vì anh tự tách rời ra khỏi những gì diễn ra xung quanh anh. Anh không vui thích tiếp xúc với ai cả. Điều này khiến Kate rất lo lắng. Hai chiếc bàn đã được bày ra trong phòng ăn rộng lớn. Kate xếp đặt cho Marianne Hoffman ngồi giữa một vị thẩm phán Tối cao Pháp viện và một nghị sĩ ở một bàn, còn Lucy thì ngồi bên phải Tony ở bàn thứ hai. Tất cả mọi người đàn ông - dù đã có vợ hay chưa có vợ - đều đưa mắt nhìn Lucy. Kate lắng nghe Lucy đang cố kéo Tony vào câu chuyện. Rõ ràng là Lucy đã có cảm tình với Tony. Kate tủm tỉm cười với chính mình. Bước đầu như vậy là rất tốt. Sáng hôm sau, ngày thứ bảy, vào lúc ăn sáng, Charlie Wyatt nói với Kate. “Bà có chiếc thuyền buồm rất đẹp đang đậu ở kia, bà Blackwell ạ. Nó dài bao nhiêu thước đấy nhỉ?” “Tôi không rõ lắm”, Kate quay về phía con trai. “Tony này, chiếc “Corsaire” (cướp biển) ấy dài bao nhiêu, con nhỉ?” Bà đã biết chán chiếc ấy dài bao nhiêu rồi, nhưng Tony vẫn trả lời cho phải phép, “Trên hai mươi ba thước”. “Chúng tôi ở Texas không thích chơi thuyền lắm. Chúng tôi lúc nào cũng hối hả, nên đi đâu cũng đi bằng máy bay thôi”, Wyatt cười lên thật to. “Nhưng có lẽ tôi cũng nên thử một chút cho ướt đôi bàn chân, như thế cũng hay”. Kate cười, “Tôi hi vọng ông sẽ cho phép chúng tôi đưa ông và cô đi chơi một vòng xung quanh đảo. Chúng ta có thể đi bằng thuyền vào ngày mai”. Charlie Wyatt nhìn Kate, ra dáng suy nghĩ, rồi nói, “Như vậy thì tốt quá”. Tony im lặng nhìn hai người, không nói câu gì. Thế là bước đầu tiên của mẹ anh đã được thực hiện. Anh tự hỏi không biết Charlie Wyatt có biết điều đó hay không. Chắc là không. Ông ta là một nhà kinh doanh rất khôn ngoan, nhưng chưa hề bao giờ phải đối phó với một người như bà Kate. Kate quay về phía Tony và Lucy. “Hôm nay trời rất đẹp. Hai người nên đi chơi bằng thuyền buồm, có thích hơn không?” Tony chưa kịp từ chối thì Lucy đã vội nói. “Thế thì thích quá”. “Tôi xin lỗi”, Tony nói cộc lốc. “Tôi phải đợi điện thoại từ nước ngoài gọi về”. Tony trông thấy rõ vẻ bất mãn của mẹ trong đôi mắt của bà. Kate quay về phía Marianne Hoffman. “Tôi không gặp thân phụ cô sáng nay”. “Cha tôi đang đi thăm hòn đảo. Ông ấy có thói quen dậy sớm”. “Tôi chắc cô thích cưỡi ngựa. Chúng tôi có nhiều ngựa rất tốt ở đây”. “Cảm ơn bà, tôi muốn đi lang thang xung quanh đây, nếu bà cho phép”. “Tất nhiên là tôi rất vui lòng”. Kate quay về phía Tony. “Con nhất định không đưa cô Wyatt đi chơi một vòng bằng thuyền buồm hay sao, Tony?”. Giọng nói của bà có vẻ cứng rắn như thép. “Vâng, con không thay đổi ý kiến”. Thật là một sự đắc thắng nhỏ nhoi, nhưng dẫu sao nó cũng là sự đắc thắng. Tony nhất định không chịu thua trong trận chiến lần này. Mẹ anh không còn có quyền lừa anh nữa. Bà đã từng có lần sử dụng anh như một quân cờ rồi, lần này bà lại muốn tái diễn thêm lần nữa. Nhưng bà sẽ thất bại. Bà muốn chiếm lấy công ty dầu hoả Wyatt, còn Wyatt thì không có ý định sát nhập hay bán công ty ấy đi. Nhưng người nào cũng có một yếu điểm, và bà Kate đã tìm ra được yếu điểm ấy. Đó là cô con gái của ông ta. Nếu Lucy trở thành con dâu của gia đình Blackwell thì một hình thức sát nhập nào đó là điều không thể tránh được. Tony nhìn mẹ ngang qua bàn ăn và cảm thấy một sự khinh bỉ âm thầm. Bà đã đặt mồi nhử trong cái bẫy một cách tài tình. Lucy không những xinh đẹp, nàng còn thông minh, hấp dẫn nữa. Nhưng cô ta cũng là một quân cờ trong trò chơi này, chẳng khác gì chàng, vì vậy anh không muốn động chạm đến nàng một chút nào. Đây là cuộc chiến giữa anh và mẹ. Ăn cơm sáng xong, Kate đứng dậy. “Tony, trước khi có điện thoại gọi đến, sao con không đưa cô Wyatt đi xem các khu vườn một lát?” Tony không còn cách nào từ chối được nữa. “Thế cũng được”. Anh nói. Nhưng anh dự định sẽ chỉ đi chơi trong một khoảng thời gian rất ngắn thôi. Kate quay về phía ông Wyatt. “Ông có thích đọc những cuốn sách hiếm không? Tôi có cả một bộ sưu tập trong thư viện”. Rồi như sực nhớ ra điều gì, bà quay về phía cô Marianne và hỏi. “Cô không có gì phiền hà chứ, cô Marianne thân mến?” “Da không, xin cảm ơn bà Blackwell. Xin bà đừng bận tâm về tôi”. “Vâng”, Kate nói. Tony hiểu ý bà trong câu nói này. Cô Hoffman không ích lợi gì cho bà cả, vì vậy bà cho cô ra rìa. Bà thực hiện điều này với một vẻ duyên dáng và với một nụ cười, nhưng bên trong bà theo đuổi một mục đích tàn bạo duy nhất mà Tony rất ghét. Lucy đang đưa mắt theo dõi Tony. “Anh sẵn sàng rồi chứ, Tony?” “Vâng”. Tony và Lucy đi về phía cửa. Chưa đi được xa bao nhiêu thì Tony thoáng nghe bà Kate nói, “Thật là đẹp đôi!” Hai người đi xuyên qua những khu vườn rộng, hướng về phía bến tàu, nơi chiếc Corsaire đang đậu. Có hàng mẫu Anh trồng hoa đủ màu sắc chói lọi, toả hương thơm trong không khí mùa hạ. “Thật là một cảnh thiên đường!” Lucy nói. “Vâng”. “Chúng tôi không có những hoa như thế này ở Texas”. “Không sao?” “Ở đây thật là lặng lẽ, thanh bình”. “Vâng”. Lucy đột nhiên dừng lại, quay mặt lại nhìn Tony. Anh trông thấy vẻ giận dữ hiện ra trên nét mặt nàng. “Không biết tôi có điều gì làm cô mất lòng không?” “Chính anh không nói gì cả mới làm tôi mất lòng. Tôi chỉ nghe anh nói “Vâng” và “Không” thôi. Anh làm tôi có cảm tưởng như đang cố theo đuổi anh vậy”. “Thật thế sao?” “Phải, giá như tôi có thể dạy anh được cách nói chuyện, may ra anh mới có điều gì đó để mà nói”. Tony nhoẻn miệng cười. “Anh nghĩ gì vậy?” Lucy hỏi. “Không”. Anh đang nghĩ đến mẹ anh, và anh biết rằng mẹ anh không thích chịu thua bao giờ. Kate dẫn Charlie Wyatt đi xem thư viện rất lớn, lát toàn bằng ván gỗ sồi. Trên giá sách là những ấn bản đầu tiên của Goldsmith, Laurence Sterne, Tobias Smolett và John Donne, cùng với bản thảo đầu tiên của Ben Johnson. Có cả tác phẩm của Samuel Butler, John Bunyan, và ấn bản đầu tiên của “Quenn Mab”, đã được in riêng vào năm 1813 và rất hiếm. Wyatt bước dọc theo các giá sách quý giá, mắt sáng rực lên. Ông dừng lại trước một ấn bản “Endymion”, đóng bìa da rất đẹp, của John Keats. “Đây là bản của Roseberg” Charlie Wyatt nói. Kate nhìn ông, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Phải, người ta biết chỉ có hai bản mà thôi”. “Tôi có bàn thứ hai”. Wyatt nói. “Thế mà tôi không được biết đấy”, Kate cười to. “Tôi đã bị lừa vì cái vẻ “anh chàng người Texas chất phác” của ông!” Wyatt cười. “Thế hả? Biết che đậy như thế cũng giỏi đấy chứ!” “Xưa kia, ông đi học trường nào vậy?” “Trường mỏ ở Colorado, rồi học ở Oxford nhờ một học bổng Rhodes”, ông nhìn Kate một lát như dò xét, rồi nói tiếp. “Người ta bảo tôi rằng bà đã đề nghị mời tôi đến dự tại hội nghị ở Toà Bạch Ốc”. Kate nhún vai. “Tôi chỉ nhắc tên ông thôi. Họ rất sung sướng có ông tham dự”. “Bà thật là tốt bụng. Bây giờ chỉ có riêng chúng ta với nhau, tại sao mà không nói thẳng cho tôi biết bà đang có dự tính gì trong đầu?” Tony đang làm việc trong phòng đọc sách riêng của anh, một căn phòng nhỏ cách xa hành lang chính ở tầng lầu dưới. Anh đang ngồi trên chiếc ghế bành thì nghe có tiếng cánh cửa mở ra, rồi một người đi vào. Anh quay mặt lại. Đó là Marianne Hoffman. Tony chưa kịp lên tiếng cho biết có anh ngồi ở đấy thì nghe tiếng Marianne thở hổn hển. Nàng đang đi ngắm các bức tranh treo trên tường. Đó là những bức tranh của Tony - một số ít tranh anh đã đưa về đây từ căn hộ của anh ở Paris, và đây là căn phòng duy nhất anh cho phép treo các bức tranh ấy. Anh nhìn theo nàng bước đi quanh phòng, xem hết bức tranh này đến bức tranh khác. Quá chậm rồi, anh không nói được lời nào nữa cả. “Không thể tin nổi”, Marianne nói lẩm bẩm. Tony cảm thấy cơn giận dữ nổi lên đột ngột trong lòng. Anh biết rằng các bức tranh của anh không đến nỗi tồi tệ như thế. Trong khi anh cử động, miếng da trên ghế anh ngồi kêu ken két, khiến Marianne quay lại, nhìn thấy anh. “Ồ, xin lỗi”, nàng nói. “Tôi tưởng không có ai ở đây”. Tony đứng dậy. “Không hề gì”. Giọng anh có vẻ hơi cứng rắn. Anh không muốn ai xâm phạm nơi ẩn náu này của anh. “Cô đang tìm gì vậy?” “À không, tôi chỉ đi lang thang thôi. Bộ sưu tập này của anh chắc hẳn thuộc về viện bảo tàng nghệ thuật”. “Ngoại trừ những bức này”. Nàng bối rối trước vẻ thiếu thiện cảm trong giọng nói của anh. Nàng quay lại nhìn các bức tranh lần nữa. Nàng trông thấy chữ kí. “Anh vẽ các bức này sao?” “Rất tiếc là các bức ấy không hấp dẫn lắm đối với cô”. “Những bức ấy thật tuyệt vời!” Nàng tiến về phía anh. “Tôi thực không hiểu. Nếu anh vẽ được những bức tranh như thế này, tại sao anh còn muốn làm việc gì khác nữa? Tuyệt! Tôi không nói anh là một hoạ sĩ giỏi, mà tôi muốn nói rằng anh thật tuyệt vời!” Tony đứng yên một chỗ, không nghe cô ta nói, mà chỉ muốn nàng ra khỏi nơi này. “Tôi muốn trở thành một hoạ sĩ”, Marianne nói. “Tôi theo học ông Oska Kokosckka trong một năm. Cuối cùng tôi phải bỏ vì biết rằng mình không bao giờ vẽ giỏi được như mình mong muốn. Nhưng mà anh thì khác thế!” Nàng lại quay về phía các bức tranh. “Anh có học ở Paris sao?” Anh chỉ muốn nàng để yên cho anh ngồi một mình. “Vâng”. “Thế rồi anh bỏ ngang hay sao?” “Phải”. “Thật là uổng. Anh…” “Kìa, cô ấy đây rồi!” Cả hai người đều quay đầu lại. Kate đang đứng ở cửa. Bà nhìn hai người một lát, rồi bước đến gần Marianne. “Tôi đang tìm cô khắp nơi, cô Marianne ạ. Cha cô nói rằng cô thích các cây ngọc lan. Cô phải đến thăm các nhà kính của tôi mới được”. “Cảm ơn bà”, Marianne lẩm bẩm. “Thực ra tôi…” Kate quay về phía Tony. “Tony, con ra tiếp các vị khách đi”. Trong giọng nói của bà có vẻ không hài lòng. Bà cầm lấy cánh tay Marianne, rồi cả hai rời khỏi phòng. Xem cái lối bà dùng thủ đoạn để điều khiển con người mới thấy là tài tình. Bà làm việc ấy một cách nhẹ nhàng trơn tru. Không có một động tác nào là thừa. Thoạt tiên bà xếp đặt để làm sao gia đình Wyatt đến đây sớm, còn gia đình Hoffman thì đến trễ sau đó. Lucy được xếp ngồi cạnh Tony ở tất cả mọi bữa ăn. Những cuộc họp riêng tư với ông Wyatt. Thật là quá rõ ràng, lộ liễu, thế nhưng Tony biết rằng nó chỉ lộ liễu đối với anh thôi, vì anh đã nắm được chìa khoá. Anh biết rõ mẹ anh và cung cách hoạt động của trí óc bà. Lucy Wyatt là một cô gái xinh đẹp, có thể trở thành một người vợ tuyệt vời cho một ai đó, ngoài anh ra. Không thể nào như thế được, khi bà Blackwell đứng ra làm kẻ bảo trợ cho nàng. Mẹ chàng là một con người tàn bạo, tính toán, và chừng nào Tony nhớ đến điều ấy, anh không thể để bà chi phối được. Anh tự hỏi không biết bước kế tiếp của bà sẽ như thế nào. Anh không cần phải chờ đợi lâu mới biết được điều đó. Họ đang ngồi trên sân thượng uống rượu “cocktail”. Kate nói với Tony, “Ông Wyatt đã có lòng tốt mời chúng ta đến thăm trang trại của ông vào cuối tuần sau. Con nghĩ xem, như thế có thích không?” Mặt bà rạng rỡ hẳn lên. “Mẹ chưa bao giờ được thấy một trang trại ở Texas”. Thực ra, Kruger-Brent làm chủ một trang trại ở Texas và trang trại này lớn gấp đôi trang trại của Wyatt. “Anh cũng đi chứ, Tony?” Ông Wyatt hỏi. Lucy nói theo, “Anh hãy nhận lời đi”. Họ cấu kết với nhau để thuyết phục anh. Thật là một cuộc thử thách. Anh quyết định nhận lời. “Tôi rất lấy làm vui thích”. “Tốt”, trên nét mặt của Lucy lộ vẻ vui mừng thật sự. Và bà Kate cũng thế. Tony nghĩ thầm, “Nếu Lucy cố ý quyến rũ mình, cô ấy sẽ bị thất vọng và phí thì giờ vô ích. Vết thương mà mẹ anh và Dominique gây ra đã ăn sâu vào lòng anh khiến cho anh không còn tin cậy vào phụ nữ nữa. Sự liên hệ duy nhất của anh với phái nữ là những cuộc giao du với những gái điếm hạng sang. Trong tất cả các loại phụ nữ, họ là những kẻ chân thực nhất. Cái mà họ muốn là tiền, và họ nói thẳng cho mình biết bao nhiêu tiền. Mình trả tiền mua cái mà mình cần và có được cái mà mình bỏ tiền ra mua. Không có vấn đề gì rắc rối, không cần nước mắt, không cần phỉnh gạt”. Lucy rồi đây sẽ phải gặp một điều bất ngờ. Sáng sớm chủ nhật, Tony xuống bể bơi để bơi. Marianne đã ở sẵn trong nước, mặc chiếc áo may-ô trắng. Nàng có dáng người xinh đẹp, cao, thon thon và duyên dáng. Tony đứng ngắm nàng đang bơi trong nước, hai cánh tay đưa lên đưa xuống theo một nhịp đều đặn, duyên dáng. Nàng thấy Tony, và bơi lại gần anh. “Chào anh”. “Chào cô. Cô bơi giỏi nhỉ”. Tony nói. Marianne mỉm cười. “Tôi thích thể thao. Tôi đã học cái thói ấy của cha tôi”. Nàng kéo người ra khỏi bờ bể bơi. Tony đưa cho nàng chiếc khăn tắm. Anh nhìn ngắm nàng trong khi lau khô tóc một cách không ngượng ngùng, e thẹn. “Cô ăn sáng chưa?” Tony hỏi. “Chưa. Chắc là người đầu bếp không dậy sớm như vậy”. “Ở đây giống như là một khách sạn. Họ phục vụ hai mươi bốn trên hai mươi bốn”. Nàng nhìn Tony, mỉm cười, “Thích nhỉ”. “Nhà cô ở đâu vậy?” “Phần lớn thời gian ở Munich. Chúng tôi ở trong một cái “Schloss” tức là một toà lâu đài, ở bên ngoài thành phố”. “Thế cô học ở đâu?” Marianne thở dài. “Chuyện ấy dài lắm. Trong thời gian chiến tranh, tôi được gửi đi học ở Thụy Sĩ. Sau đó tôi theo học tại Oxford, tại Sorbonne, rồi sống ở London trong mấy năm”. Nàng nhìn thẳng vào mắt Tony. “Tôi ở đó từ dạo ấy đến nay. Thế còn anh?” “Ồ, tôi ở New York, Maine, Thụy Sĩ, Nam Phi, ít năm ở Thái Bình Dương trong thời gian chiến tranh, Paris…” Anh đột ngột ngưng lại, như cảm thấy mình đã nói quá nhiều. “Xin lỗi, tôi có vẻ như tò mò, nhưng thực sự tôi không sao hiểu được lí do nào anh ngưng không vẽ tranh nữa”. “Chuyện ấy chẳng có gì quan trọng cả”, Tony nói cộc lốc. “Thôi, chúng ta đi ăn sáng đi”. Hai người ăn sáng với nhau trên sân thượng, nhìn xuống vịnh mênh mông, lóng lánh. Nàng là người rất dễ tiếp chuyện. Nàng có một vẻ đoan trang, hiền dịu, khiến Tony cảm thấy rất mến. Nàng không đùa cợt, không nói lảm nhảm. Nàng có vẻ thích anh một cách thành thực. Tony cảm thấy mình bị thu hút bởi người thiếu nữ trầm lặng, nhạy cảm này. Tuy vậy, anh không thể nào không nghĩ rằng một phần sự cảm mến của anh đối với nàng là do anh muốn trêu tức mẹ anh. “Khi nào cô trở về Đức?” “Tuần sau”, Marianne đáp. “Tôi sắp lấy chồng”. Câu nói của nàng quá bất ngờ, làm anh chưng hửng. “Ồ, thế à”, Tony nói ngắc ngứ. “Tuyệt quá nhỉ. Ai vậy?” “Anh ấy là một bác sĩ. Chúng tôi quen biết nhau từ nhỏ đến lớn”. Tại sao cô ấy lại thêm câu này vào. Nó có ý nghĩa gì không nhỉ? Bất chợt, Tony hỏi, “Cô có vui lòng đến dùng cơm với tôi ở New York không?” Nàng nhìn anh, cân nhắc câu trả lời. “Tôi cũng thích được như vậy”. Tony mỉm cười, tỏ vẻ hài lòng. “Đó là một cuộc hẹn hò”. Họ ăn cơm với nhau tại một khách sạn nhỏ trên bờ biển ở Long Island. Tony muốn đi riêng với Marianne, tránh xa cặp mắt của mẹ anh. Đó là một buổi tối bình thường, không có chuyện gì, nhưng Tony biết rằng nếu mẹ anh nghe tin, bà sẽ tìm cách nào đó để ngăn cản. Đây là một chuyện riêng tư giữa anh và Marianne, và trong khoảng thời gian ngắn ây, anh không muốn có chuyện gì làm nó hư hỏng. Tony cảm thấy vui thích làm bạn với Marianne hơn là trước đây anh đã dự đoán. Nàng có tính tình nhanh nhẹn, vui tính một cách kín đáo. Tony thấy mình cười đùa vui thích hơn bao giờ hết, kể từ ngày anh rời Paris. Nàng giúp cho anh cảm thấy nhẹ nhõm, vô tư. Khi nào cô trở về Đức? Tuần sau… Tôi sắp lấy chồng. Trong năm ngày tiếp theo đó, Tony gặp Marianne nhiều lần. Anh huỷ bỏ cuộc hành trình của anh đi Canada, nhưng không biết chắc chắn lí do vì sao. Anh đã có lúc nghĩ rằng nó có thể là một dạng chống đối dự tính của mẹ anh, một vụ trả thù lặt vặt, nhưng nếu điều ấy đúng vào lúc đầu thì bây giờ đây nó không còn đúng nữa. Anh cảm thấy mình bị thu hút bởi Marianne mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Anh yêu nàng một cách chân thực. Đó là một đức tính mà anh đã cố tìm nhưng chưa hề bao giờ có được. Từ ngày Marianne đến New York với tư cách là một du khách, Tony đưa nàng đi thăm viếng khắp nơi. Họ trèo lên tượng thần Tự Do, cùng đi đến Staten Island trên chiếc tàu phà, lên đến đỉnh toà nhà chọc trời Empire State Building, và ăn uống tại khu vực người Trung Hoa. Họ ở lại suốt ngày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật, và một buổi trưa tại Frick Collection. Họ chia sẻ các sở thích giống nhau. Họ thận trọng tránh né những vấn đề riêng tư, thế nhưng cả hai đều ý thức về sự hấp dẫn giới tính ngấm ngầm rất mạnh mẽ giữa họ với nhau. Ngày này qua ngày khác, chẳng mấy chốc đã đến ngày thứ sáu, ngày mà Tony phải đi thăm trang trại của ông Wyatt. “Khi nào cô sẽ trở về Đức?” “Sáng thứ hai”. Nhưng không có gì vui vẻ trong giọng nói của nàng cả. Tony rời Houston vào buổi trưa hôm ấy. Lẽ ra anh có thể cùng đi với mẹ trong một chiếc máy bay của công ty, nhưng anh muốn tránh mọi cuộc gặp mặt riêng với mẹ. Đối với anh, mẹ anh chỉ là một người hợp tác kinh doanh, tài giỏi và nhiều quyền lực, không ngay thẳng và nguy hiểm. Có một chiếc xe hơi hiệu Rolls Royce đón Tony tại phi trường Hobby ở Houston, từ nơi đó anh được đưa đến trang trại bằng xe hơi do một người tài xế mặc một chiếc quần “jean” hiệu Levi’s và một chiếc áo sơ mi thể thao màu sặc sỡ. “Nhiều người muốn đi máy bay đến thẳng trang trại”, người tài xế nói. “Ông Wyatt có một bãi đáp lớn ở đấy. Từ nơi bãi đáp ấy về đến cổng trang trại phải mất một giờ xe hơi rồi thêm nửa giờ nữa mới đến ngôi nhà chính”. Tony cho rằng anh tài xế này nói cường điệu. Nhưng chính anh đã lầm. Thì ra trang trại của ông Wyatt giống như một thành phố hơn là một trang trại. Chiếc xe anh đi lọt qua cổng chính đi vào một con đường cái tư, rồi sau ba mươi phút nó bắt đầu đi ngang qua các nhà phát điện, các chuồng ngựa, bãi nuôi gia súc, nhà khách, nhà ở của gia nhân. Toà nhà chính là một nhà một tầng có vẻ như dài vô tận. Tony cho rằng nó trông thật là xấu xí. Kate đã đến nơi đó trước. Bà và Wyatt đang ngồi ở sân thượng nhìn xuống một hồ bơi lớn bằng một cái hồ nước nhỏ. Họ đang nói chuyện với nhau sôi nổi thì Tony xuất hiện. Vừa trông thấy Tony, ông Wyatt ngưng lại đột ngột giữa một câu nói. Tony có cảm tưởng hai người đang bàn với nhau về anh. “Kìa cậu con trai của chúng ta kia rồi. Đi đường có vui không, Tony?” “Vâng, xin cảm ơn ông”. “Lucy mong con đáp chuyến máy bay sớm hơn thế”, Kate nói. Tony quay lại nhìn mẹ, “Thế hả?” Charli Wyatt vỗ nhẹ lên vai Tony, “Chúng tôi sẽ tổ chức một buổi ăn thịt nướng ngoài trời hết sức vĩ đại để mừng anh và bà Kate đấy. Mọi người sẽ bay đến đây để tham dự”. “Ông thật tử tế quá”, Tony nói. Anh nghĩ thầm trong bụng, “Họ tổ chức càng to thì rồi đây sẽ càng thất vọng lớn thôi”. Lucy xuất hiện, mặc một chiếc áo sơ mi trắng và quần jean bó sát người. Tony phải công nhận rằng nàng đẹp đến nỗi gây kinh ngạc. Nàng bước đến Tony, chìa tay ra. “Tony! Em tưởng rằng anh không đến chứ!” “Xin lỗi, tôi đến chậm”, Tony nói. “Tôi bận chút công việc, cần phải làm cho xong”. Lucy ném cho anh một nụ cười niềm nở. “Không hề gì đâu. Miễn là anh có đến là được rồi. Anh muốn làm gì vào trưa hôm nay?” “Cô có gì cho tôi nào?” Lucy nhìn vào mắt Tony. “Bất cứ thứ gì anh muốn”, nàng nói khe khẽ. Kate Blackwell và Charlie Wyatt cười rạng rỡ. Buổi ăn thịt nướng ngoài trời thật là linh đình, dù xét theo các tiêu chuẩn của vùng Texas này. Gần hai trăm khách mời đã đến đây bằng máy bay riêng, xe hơi Mercedes hay Rolls Royce. Hai ban nhạc giúp vui cùng một lúc ở hai nơi trên các khu đất khác nhau. Năm, sáu người phục vụ rượu sâm banh, uytxki, nước ngọt, bia, trong khi bốn tay đầu bếp bận bịu chuẩn bị thức ăn trên những ngọn lửa ở ngoài trời… Thật là cả một sự phí phạm hiển nhiên nhất Tony chưa từng thấy. Đó là sự khác biệt giữa những kẻ mới nổi và những kẻ đã giàu có từ lâu. Phương châm của những kẻ đã giàu có từ lâu là: nếu tôi có tiền, tôi phải giấu nó đi. Còn những kẻ mới nổi thì chủ trương: nếu tôi có tiền, tôi cần phải phô trương nó ra. Đây là một sự phô trương giàu có ngoài sức tưởng tượng. Các bà mặc những chiếc áo dài rất táo bạo, đeo nữ trang làm loá mắt thiên hạ. Tony đứng một bên nhìn các khách khứa ăn uống nhồm nhoàm, gọi nhau ơi ới. Anh có cảm tưởng như đang tham dự vào một nghi thức suy đồi, vô ý thức. Mỗi khi quay lưng lại, anh lại chạm phải một chiêu đãi viên vác một chiếc khay chứa đựng những bình caviar hay pa-tê rất lớn, hay sâm banh. Dường như số gia nhân phục vụ cũng đông bằng số quan khách đến dự. Anh lắng nghe những câu nói chuyện ở xung quanh. “Hắn ta đến đây từ New York để bán cho tôi một hoá đơn hàng hoá, nhưng tôi bảo hắn, “Anh chỉ phí thời giờ thôi, anh bạn. Không có vụ giao dịch béo bở nào về dầu đến được miền Đông Houston…” “Anh phải coi chừng những đứa có miệng lưỡi khéo léo. Chúng nó chỉ khoác lác chứ thật ra chúng chẳng có cái đếch gì cả…” Lucy xuất hiện ở bên cạnh Tony. “Anh không ăn gì cả”. Nàng nhìn chàng chăm chú. “Có gì không vui hay sao, Tony?” “Không, mọi thứ đều rất vui. Buổi tiệc này thật là lớn”. Nàng cười. “Chưa thấm gì đâu, anh bạn ạ. Còn phải chờ xem pháo hoa nữa” “Pháo hoa?” “Ừ hứ”. Nàng sờ nhẹ lên cánh tay Tony. “Rất tiếc là đông người quá nên hơi lộn xộn. Không phải lúc nào cũng như thế này. Bố em muốn gây ấn tượng đối với mẹ anh”. Nàng cười tủm tỉm. “Ngày mai họ sẽ đi về hết”. Tôi cũng thế, Tony thầm nghĩ một cách chua chát. Anh cho rằng anh đã phạm một sai lầm lớn vì đã đến đây. Nếu mẹ anh muốn chiếm công ty dầu Wyatt một cách gắt gao như vậy, bà sẽ làm mọi cách để đoạt lấy nó. Anh đưa mắt nhìn đám đông để tìm ra mẹ anh. Anh thấy bà đang đứng giữa một nhóm người ngưỡng mộ. Bà trông thật đẹp. Bà đã gần sáu mươi tuổi, nhưng trông trẻ hơn đến mười tuổi. Mặt bà không có nếp nhăn, thân hình rắn chắc và gọn gàng, nhờ tập luyện và xoa bóp hàng ngày. Bà đặt ra kỉ luật cho chính bản thân cũng như cho những người khác chung quanh bà. Về điểm này Tony cảm thấy khó chịu, nhưng anh cũng phải thán phục bà. Ai nhìn thấy bà lúc ấy cũng phải nghĩ rằng bà đang vui thích lắm. Bà nói chuyện với khách, nét mặt rạng rỡ, vui tươi. Nhưng Tony nghĩ bụng, bà ghét tất cả những thứ này, và bà có thể chịu đựng bất cứ việc gì miễn sao bà có được thứ mà bà muốn. Anh nghĩ đến Marianne và tin chắc rằng nàng cũng ghét cái loại liên hoan cuồng nhiệt một cách vô ý thức này. Ý nghĩ về nàng khiến cho Tony cảm thấy đau nhói trong lòng. “Em sẽ lấy một bác sĩ. Em biết anh ta từ nhỏ đến lớn”. Một nửa giờ sau, khi Lucy đến tìm anh thì anh đã lên đường trở về New York. Anh goi điện thoại cho Marianne từ một phòng điện thoại công cộng ở phi trường. “Anh muốn gặp em”. Không có một chút do dự nào. “Vâng”. Tony không thể nào gạt được Marianne Hoffman ra khỏi những suy nghĩ của anh. Từ lâu nay, anh chỉ sống một mình, nhưng không cảm thấy cô đơn. Bây giờ, sống xa Marianne đối với anh là một sự cô đơn, một cảm giác như một phần thân thể anh đã bị mất đi. Được ở bên cạnh nàng là sự ấm áp, là sự ca ngợi cuộc sống, là xua đi những bóng đen ghê tởm đã từng ám ảnh anh bấy lâu nay. Anh có cảm tưởng như nếu để mất Marianne, anh sẽ chết. Anh cần đến nàng hơn bất cứ ai khác trong cuộc sống của anh. Marianne đến gặp Tony trong căn hộ của anh. Khi nàng đi đến cánh cửa, Tony cảm thấy trong lòng một niềm khao khát tưởng chừng như đã bị tiêu diệt từ lâu rồi. Nhìn vào nét mặt nàng, anh biết rằng nàng cũng có niềm khao khát tương tự, nhưng họ không thốt ra một lời nào để tạo nên phép lạ này. Nàng ngả vào vòng tay chàng, nỗi xúc cảm của hai người như nước xoáy của thuỷ triều tung họ lên cao; rồi cuốn họ đi mà không có cách nào cưỡng nổi; nó như nổ bùng lên, tạo nên một sự thoả mãn không thể nào tả xiết. Họ cùng nhau trôi nổi trong sự êm dịu, mượt mà như nhung, không còn biết thời gian, không gian, chìm đắm trong sự huy hoàng kì diệu của người này với người kia. Sau đó họ nằm ôm lấy nhau, mệt mỏi, làn tóc mềm mại của nàng xoã lên mặt chàng. “Anh sẽ cưới em, Marianne ạ”. Nàng giữ mặt anh trong hai bàn tay, nhìn vào mắt chàng như dò hỏi. “Có chắc như vậy không, Tony?” Giọng nàng rất dịu dàng. “Có một vấn đề khó khăn, anh ạ”. “Vấn đề đính hôn của em chứ gì?” “Không, em sẽ huỷ cuộc hứa hôn ấy. Em chỉ lo về mẹ anh”. “Mẹ anh không có liên quan gì…” “Không, để em nói hết đã. Mẹ anh dự tính anh sẽ cưới Lucy Wyatt”. “Đó là dự tính riêng của mẹ anh thôi”. Anh ôm choàng lấy nàng một lần nữa. “Dự tính của anh là ở đây”. “Bà ấy sẽ ghét em, Tony ạ. Em không muốn thế”. “Em có biết anh muốn gì không?” Tony thì thầm. Thế rồi phép lạ ấy lại diễn ra lần nữa. Bốn mươi tám giờ sau đó, bà Kate Blackwell mới biết được tin tức về Tony. Anh đã biến mất khỏi trang trại của Wyatt mà không một lời giải thích hay từ biệt, và đã bay đi New York. Charlie Wyatt rất bối rối, còn Lucy Wyatt thì giận dữ. Kate đã phải xin lỗi một cách ngượng ngùng, rồi lấy máy bay của công ty bay trở về New York tối hôm ấy. Về đến nhà, bà điện thoại đến căn hộ của Tony, nhưng không có ai trả lời. Ngày hôm sau cũng vậy. Kate đang ngồi trong văn phòng thì điện thoại riêng của bà trên bàn reo lên. Bà đã biết ai gọi bà trước khi nhấc ống nghe lên. “Tony, con có được mạnh khoẻ không?” “Con vẫn khoẻ, mẹ ạ”. “Con hiện đang ở đâu vậy?” “Con đang vui tuần trăng mật với vợ con. Marianne Hoffman và con vừa mới cưới nhau ngày hôm qua”. Một sự im lặng rất lâu tiếp theo đó. “Mẹ có còn ở đó không, mẹ?” “Có, mẹ đang ở đây”. “Mẹ phải nói gì đó để mừng con, chẳng hạn như “bách niên giai lão” hay “trăm năm hạnh phúc” vân vân”. Giọng nói của anh nghe có vẻ chua chát, chế nhạo. “Phải, phải. Dĩ nhiên rồi. Mẹ chúc con hạnh phúc dồi dào”. “Cảm ơn mẹ”. Đường dây điện thoại bị cúp. Kate đặt ống nghe xuống, ấn nút trên máy “intercom”. “Brad, anh lại đây một chút được không?” Khi Brad Rogers bước vào văn phòng, Kate liền nói. “Tony vừa gọi điện thoại”. Brad nhìn vào mặt Kate và nói, “Lạy Chúa! Chắc chị đã làm được chuyện ấy rồi chứ gì!” “Không, chính Tony làm đấy”, Kate mỉm cười. “Chúng ta đã nắm được đế quốc Hoffman và đặt nó trên đùi rồi”. Brad ngồi sụp xuống ghế. “Thật khó tin nổi! Tôi biết rằng Tony cứng đầu cứng cổ lắm mà. Làm thế nào chị thuyết phục được hắn lấy Marianne Hoffman?” “Rất đơn giản. Tôi đã thúc đẩy hắn không đúng hướng”. Nhưng bà biết rằng đó mới là hướng đúng đắn. Marianne sẽ là một bà vợ tuyệt vời đối với Tony. Lucy đã có lần bị mổ tử cung. Marianne sẽ cho Tony một đứa con trai. Chương 21 Sáu tháng sau khi Tony và Marianne cưới nhau, công ty Hoffman được sát nhập vào công ty hữu hạn Kruger-Brent. Lễ kí bản thoả hiệp chính thức được tổ chức ở Munich, như là cử chỉ bày tỏ tình hữu nghị đối với Frederick Hoffman. Ông này điều hành chi nhánh của công ty ở Đức. Tony ngạc nhiên về thái độ hiền lành của mẹ anh khi chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bà không có thói quen chấp nhận sự chiến bại một cách duyên dáng như vậy, thế nhưng bà tỏ ra rất thân thiện với Marianne khi Tony và cô dâu mới trở về nhà sau tuần trăng mật ở Bahamas. Bà nói cho Tony biết rằng bà rất sung sướng về cuộc hôn nhân này. Điều khiến Tony hết sức khó hiểu là bà đã tỏ ra rất thành thực. Sự thay đổi lập trường ấy quá nhanh chóng, không hợp với tính tình bà chút nào.Tony cho rằng anh chưa hiểu mẹ anh lắm như anh đã tưởng. Cuộc hôn nhân này thành công một cách xuất sắc ngay từ lúc đầu. Marianne đã thoả mãn được một nhu cầu đã cảm thấy từ lâu của Tony, và mọi người xung quanh đều nhận ra sự thay đổi của anh - đặc biệt là Kate. Khi Tony đi đây đó vì công việc, Marianne lúc nào cũng đi theo anh. Họ cùng vui chơi, cười đùa với nhau, và đều cảm thấy thực sự hạnh phúc. Nhìn hai người, Kate thầm nghĩ: “Mình đã làm được việc rất tốt cho con trai mình”. Chính Marianne là người đã bắc cầu thông cảm giữa Tony và mẹ chàng. Khi trở về nhà, sau tuần trăng mật, Marianne nói với Tony: “Em muốn mời mẹ đến ăn cơm”. “Đừng làm thế. Em không hiểu mẹ anh, Marianne ạ. Bà...” “Em muốn làm quen với bà, Tony ạ. Xin anh nghe em, Tony”. Anh không thích ý kiến này, nhưng rồi cũng đành phải nhượng bộ. Tony đoán rằng buổi tối hôm ấy chắc buồn chán lắm, nhưng anh đã phải ngạc nhiên. Bà Kate tỏ vẻ sung sướng đến cảm động được ngồi chung với hai người. Tuần lễ sau, bà mời hai vợ chồng đến dùng cơm tại nhà bà. Rồi sau đó điều này trở thành một thông lệ hàng tuần. Kate và Marianne trở nên thân thiết với nhau. Họ nói chuyện với nhau trên điện thoại nhiều lần trong tuần lễ và ăn cơm với nhau ít nhất mỗi tuần một lần. Họ gặp nhau vào buổi ăn trưa tại nhà hàng Lutece, nhưng ngay khi Marianne vừa bước vào, bà thấy có gì đó không ổn. “Cho tôi một ly uýtxki lớn có đá” Marianne nói. Thường ngày ,Marianne chỉ dùng rượu vang thôi. “Có chuyện gì xảy ra vậy, Marianne?” “Con đã phải đi khám bác sĩ Harley” Kate đột nhiên cảm thấy hoảng sợ. “Con không ốm chứ , Marianne?” “Không , con vẫn khoẻ. Chỉ có điều...” Toàn thể câu chuyện bắt đầu tuôn ra. Câu chuyện ấy bắt đầu mấy ngày trước đó. Marianne cảm thấy trong người không được khoẻ nên nàng đã xin gặp mặt bác sĩ John Harley... “Bà trông khoẻ mạnh đấy chứ “, bác sĩ Harley tủm tỉm cười nói. “Năm nay bà bao nhiêu tuổi, bà Blackwell?” “Hai mươi ba”. “Có ai bị đau tim trong gia đình bà không?” “Không”. Ông ghi chép. “Ung thư ?” “Không”. “Cha mẹ bà còn sống không?” “Cha tôi còn sống. Mẹ tôi mất vì một tai nạn”. “Bà có bao giờ bị quai bị không?” “Không”. “Bệnh sởi?” “Có lúc tôi lên mười”. “Ho gà?” “Không”. “Có bị mổ bao giờ không?” “Mổ amiđan, lúc chín tuổi”. “Ngoài chuyện ấy ra, bà có bao giờ phải nằm bệnh viện vì lí do nào đó không?” “Không... À có, chỉ có một lần, nhưng trong thời gian ngắn thôi”. “Vì chuyện gì vậy?” “Lúc đó tôi ở trong đội khúc côn cầu ở trường học, và trong lúc chơi, tôi bị ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện. Chỉ hai ngày thôi, thực ra chẳng có gì quan trọng cả”. “Bà có bị thương trong khi chơi không?” “Không. Tôi... tôi chỉ bị ngất thôi”. “Lúc ấy bà bao nhiêu tuổi?” “Mười sáu. Bác sĩ bảo đó chỉ là do sự rối loạn các tuyến vào tuổi thanh niên thôi”. John Harley chồm về phía trước trên chiếc ghế ông đang ngồi. “Khi bà tỉnh dậy vào lúc ấy, bà có thấy yếu ở một bên người không?” Marianne suy nghĩ một lát. “Thật ra cũng có. Phải, thấy yếu ở bên phải. Nhưng chỉ ít ngày sau là hết. Từ đó không bao giờ bị trở lại nữa”. “Bà có thấy đau đầu không? Có bị mờ mắt không?” “Có, nhưng những triệu chứng ấy cũng biến mất”. Nàng bắt đầu cảm thấy lo ngại. “Ông nghĩ tôi có bệnh gì hay sao, thưa bác sĩ Harley?” “Tôi chưa dám chắc. Còn phải làm ít cuộc thử nghiệm. Chỉ là để cho chắc chắn thôi”. “Loại thử nghiệm gì?” “Tôi muốn đo u mạch ở não. Không có gì phải lo ngại cả. Chúng tôi có thể làm ngay thôi”. Ba ngày sau, Marianne nhận cú điện thoại của cô y tá yêu cầu nàng đến gặp bác sĩ John Harley. Ông ngồi trong phòng khám đợi nàng. “Chúng tôi đã tìm ra cái bí mật ấy rồi”. “Có gì xấu không?” “Không hẳn thế. Cuộc thử nghiệm cho biết bà bị một cơn “sốc” nhỏ thôi. Về y khoa chúng tôi gọi là chứng phình mạch “aneurysm”, rất thông thường ở phụ nữ, đặc biệt là những cô gái dưới hai mươi. Một mạch máu nhỏ trong não bị vỡ ra, làm rỉ ra một ít máu. Áp suất là cái đã gây nên chứng nhức đầu và mờ mắt. May thay, những thứ ấy có thể tự lành lại được”. Marianne ngồi lắng nghe, trí óc nàng cố chống chọi với nỗi hoảng sợ. “Như thế... như thế là nghĩa thế nào? Nó có thể xảy ra lần nữa không?” “Rất khó xảy ra lần nữa”. Ông tủm tỉm cười. “Trừ phi bà dự định tham gia đội khúc côn cầu lần nữa, ngoài ra bà có thể sống hoàn toàn bình thường”. “Tony và tôi thích cưỡi ngựa và chơi quần vợt. Như thế có...?” “Chừng nào bà không làm quá sức, mọi thứ đều được cả. Từ quần vợt cho đến việc ăn nằm. Không có vấn đề gì”. Nàng mỉm cười cảm thấy an tâm. “Cảm ơn Chúa”. Khi Marianne đứng dậy, John Harley nói. “Chỉ có một điều, bà Blackwell ạ. Nếu bà và Tony muốn có con thì tôi khuyên ông bà nên có con nuôi thì hơn”. Marianne cảm thấy lạnh người. “Ông vừa bảo là tôi hoàn toàn bình thường mà”. “Bà vẫn bình thường. Chỉ có điều là nếu bà có mang, nó sẽ làm tăng lên thể tích các mạch máu rất nhiều. Và trong thời kì từ sáu đến tám tháng mang thai, sẽ có sự gia tăng huyết áp. Một khi đã bị chứng phình mạch trong quá khứ, điều này sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Không những nó nguy hiểm mà còn có khi rất tai hại nữa. Việc nuôi con nuôi bây giờ cũng rất dễ dàng tôi có thể thu xếp...” Nhưng Marianne không còn nghe gì nữa. Nàng chỉ nghe văng vẳng tiếng Tony: ”Anh muốn chúng ta có một đứa con gái giống hệt như em.” “...Con không thể nghe được nữa”, Marianne kể lại với Kate. “Con cố gắng hết sức dìm các cảm xúc xuống. Thật là một cú đánh choáng váng đối với bà, nhưng vẫn phải có cách giải quyết nào đó. Lúc nào cũng có một cách. Bà cố nở một nụ cười rồi nói. “Thế mà mẹ tưởng rằng sắp có chuyện gì tệ hại hơn thế chứ”. “Nhưng mẹ ạ, Tony và con rất mong có một đứa con”. “Marianne ạ, ông bác sĩ John Harley là kẻ chuyên môn làm cho người ta hoảng sợ. Cách đây mấy năm con chỉ gặp một vấn đề nhỏ nhoi, thế rồi ông ta biến nó trở thành một điều gì ghê gớm lắm. Con cũng biết bọn bác sĩ họ như thế nào rồi”. Bà nắm lấy tay Marianne. “Con vẫn thấy khoẻ, phải không , Marianne?” “Trước đây con vẫn khoẻ, nhưng khi...” “Đó, con thấy không. Con không còn thỉnh thoảng bị những cơn ngất xỉu ngắn nữa phải không?” “Không”. “Ấy là bởi vì con đã khỏi hẳn rồi. Chính ông bác sĩ ấy nói những chừng ấy có thể tự nó chữa lành mà”. “Ông ấy bảo những nguy cơ...” Kate thở dài. “Marianne này, mỗi lần người đàn bà có mang, họ đều gặp rủi ro này khác. Cuộc đời toàn là rủi ro cả mà. Điều quan trọng trên đời là mình phải quyết định thứ rủi ro đáng để cho mình gánh chịu, con có đồng ý như vậy không?” “Vâng” Marianne ngồi tại chỗ suy nghĩ. Nàng đã quyết định. “Mẹ nói đúng, chúng ta sẽ không nói gì về chuyện này với Tony cả. Nó chỉ làm cho anh ấy lo lắng thêm thôi. Chúng ta sẽ giữ bí mật”. Kate thầm nghĩ, mình có thể giết cái lão John Harley chết tiệt ấy vì đã làm cho Marianne hoảng sợ. Bà nói: “Nó sẽ là một điều bí mật của chúng ta”, để bày tỏ ý tán thành. Ba tháng sau, Marianne có mang. Tony mừng rỡ đến run người. Bà Kate cảm thấy đắc thắng âm thầm. Còn bác sĩ John Harley thì kinh hãi. “Để tôi phải chuẩn bị cho việc phá thai ngay tức khắc”, ông nói với Marianne. “Đừng bác sĩ Harley ạ. Tôi thấy khoẻ mà. Tôi sẽ có một đứa con”. Khi Marianne nói với Kate về cuộc viếng thăm này, Kate đùng đùng nổi giận, xông đến phòng khám bệnh của bác sĩ John Harley. “Sao ông lại dám khuyên con dâu tôi phải phá thai?” “Bà Kate này, tôi đã nói với bà ấy rằng nếu bà ấy mang thai cho đến thời kì ở cữ thì có nguy cơ là bà ấy sẽ chết”. “Ông không hiểu gì cả. Bà ấy sẽ khoẻ mạnh như thường. Đừng có làm cho bà ấy hoảng sợ”. Tám tháng sau, vào lúc bốn giờ sáng, đầu tháng hai, cơn đau đẻ của Marianne bắt đầu trước thời hạn. Những tiếng rên rỉ của nàng khiến Tony choàng tỉnh dậy. Anh hối hả mặc quần áo. “Đừng lo, em yêu quý ạ. Anh sẽ đưa em đến bệnh viện ngay lập tức”. Cơn đau thật là khủng khiếp. “Vội đi anh”. Nàng do dự không biết có nên nói với Tony về cuộc nói chuyện giữa nàng và bác sĩ John Harley hay không. Không, bà Kate nói đúng. Nàng phải tự quyết định lấy. Cuộc sống rất tuyệt vời, cho nên Chúa sẽ không để xảy ra chuyện gì không hay cho nàng đâu. Khi Marianne và Tony đến bệnh viện, mọi thứ đều đã sẵn sàng. Tony được đưa đến phòng đợi. Marianne được chở đến phòng khám bệnh. Ông bác sĩ sản khoa, Mattson, đo huyết áp cho nàng. Ông nhăn mặt, đo lại một lần nữa, rồi ngước mắt lên, nói với cô y tá, “Đưa bà ấy đến phòng mổ - nhanh lên!”. Tony đang đứng ở máy bán thuốc lá trong hành lang bệnh viện thì một giọng nói nổi lên ở sau lưng anh. “Phải, phải, nếu đó không phải là Rembrant”. Tony quay lại. Anh nhận ra người đàn ông trước đây anh gặp trước căn hộ cũa Dominique. Không biết lúc ấy nàng gọi tên anh ta là gì nhỉ? À Ben. Người ấy nhìn Tony trừng trừng, với vẻ khó chịu. Hắn ta ghen chăng? Không biết Dominique đã nói gì với hắn? Ngay lúc ấy Dominique xuất hiện. “Cô y tá bảo Micheline đang được săn sóc đặc biệt. Chúng ta sẽ đến...” Nàng nhìn thấy Tony, liền ngưng lại giữa câu nói. “Tony, anh làm gì ở đây?” “Vợ tôi sắp sinh”. “Mẹ anh đã sắp đặt việc này à?” Ben hỏi. “Anh nói thế là nghĩa thế nào?” “Dominique nói với tôi rằng mẹ anh sắp đặt mọi thứ cho anh, anh bạn ạ”. “Ben, anh câm mồm đi!” “Sao? Không phải là sự thật hay sao? Chính em nói như vậy mà”. Tony quay về phía Dominique. “Anh này nói gì lạ vậy?”. “Không có gì đâu”, Dominique nhanh nhảu nói. “Ben, chúng mình đi ra khỏi nơi này”. Nhưng Ben vẫn lấy làm thích thú. “Tôi muốn được có một bà mẹ như anh, anh bạn ạ. Anh muốn có một người mẫu để ngủ chung thì mẹ anh mua ngay cho anh một người. Anh muốn có một cuộc triển lãm tranh ảnh ở Paris thì mẹ anh thu xếp cho anh có phòng triển lãm. Anh...” “Anh điên rồi”. “Anh mà điên à, Dominique?” Ben quay về phía Dominique, nói “Anh chàng này không biết hay sao?” “Anh bảo tôi không biết cái gì?” “Chẳng có gì cả, Tony ạ”. “Anh này bảo mẹ tôi xếp đặt cuộc triển lãm ở Paris. Đó là điều nói dối, phải không?” Tony nhìn thấy nét mặt của Dominique. “Có phải thế không?” “Không”, Dominique nói một cách miễn cưỡng. “Cô muốn nói rằng mẹ tôi đã trả tiền cho Goerg để... để trưng bày tranh của tôi, phải không?” “Tony, ông ấy thực sự thích các bức tranh của anh mà”. “Nói cho anh ta biết về vụ nhà phê bình tranh đi, Dominique”, Ben thúc giục. “Thôi thế là đủ rồi Ben”. Dominique quay lưng đi. Tony nắm cánh tay Dominique, giữ nàng lại. “Khoan đã. Cô nói cho tôi biết về nhà phê bình ấy đi. Có phải là mẹ tôi xếp đặt cho ông ta đến dự cuộc triển lãm tranh không?” “Phải”, Dominique nói, giọng nàng hạ thấp xuống thành một tiếng thì thào. “Nhưng ông ta ghét tranh của tôi mà.” Nàng nghe giọng nói chàng có vẻ đau đớn. “Không. Ông ấy không ghét. André d Usseau nói với mẹ anh rằng anh có thể đã trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng.” Anh đang phải đương đầu với một điều không thể nào tin nổi. “Mẹ tôi cho ông d Usseau tiền để ông ấy huỷ hoại tôi, phải thế không?” “Không phải để huỷ hoại anh đâu. Bà tin rằng như thế là làm điều tốt cho anh.” Tầm lớn lao của những gì mẹ anh đã làm thật là khủng khiếp. Mọi thứ bà nói với anh đều là giả dối cả. Bà không bao giờ có ý định để cho anh sống cuộc sống của riêng anh. Thế còn André d Usseau? Làm sao một người như ông ta mà lại có thể mua chuộc được? Nhưng mà dĩ nhiên, mẹ anh đã biết được cái giá của từng con người. Wilde có thể đã ám chỉ đến Kate khi ông nói về một con người biết được giá tiền của tất cả mọi thứ, nhưng không biết được giá trị của một thứ nào cả. Tất cả mọi thứ là để phục vụ cho công ty. Và công ty ấy chính là Kate Blackwell. Tony quay lại, bước đi dọc hành lang như một người mù. Trong phòng mổ, các bác sĩ đã chiến đấu tuyệt vọng để cứu sống Marianne. Huyết áp của nàng xuống thấp một cách đáng lo ngại, và nhịp tim của nàng hỗn loạn. Người ta cho nàng thở oxy, truyền máu, nhưng tất cả đều vô ích. Marianne nằm bất tỉnh do xuất huyết não khi đứa bé đầu tiên được đỡ ra, rồi nàng qua đời ba phút sau khi đứa bé sinh đôi thứ hai được lấy ra. Tony nghe tiếng gọi, “Ông Blackwell.” Anh quay lại. Bác sĩ Mattson đang đứng bên cạnh anh. “Ông có hai đứa con gái sinh đôi rất kháu khỉnh và khoẻ mạnh, ông Blackwell ạ.” Tony nhận ra trong mắt ông có vẻ gì khác lạ. “Marianne - nhà tôi vẫn khoẻ chứ? Phải thế không?” Bác sĩ Mattson thở một cái thật sâu. “Tôi rất lấy làm tiếc. Chúng tôi đã làm mọi cách có thể được. Bà ấy qua đời trên...” “Bà ấy sao?” Đó là một tiếng kêu thét. Tony nắm chặt lấy áo ông bác sĩ, lay thật mạnh. “Ông nói dối! Nhà tôi không chết!” “Ông Blackwell...” “Nhà tôi hiện ở đâu? Tôi muốn thấy bà ấy!” “Ông không thể vào bây giờ được. Họ đang chuẩn bị...” Tony thét lên. “Ông giết nhà tôi rồi! Ông là đồ chó đẻ! Ông giết bà ấy.” Anh đấm lên người bác sĩ thùm thụp. Hai bác sĩ nội trú vội vã chạy vào, giữ tay anh lại. “Nào. ông hãy bình tĩnh lại đi, ông Blackwell.” Bác sĩ John Harley vội vã đi đến nhóm người này. “Thả ông ấy ra. Để chúng tôi nói chuyện riêng với nhau”. Ông ra lệnh. Bác sĩ Mattson và hai viên nội trú bỏ đi. Tony khóc nức nở. “John, chúng nó giết Marianne rồi. Chúng ám sát nhà tôi.” “Chị ấy qua đời rồi ,Tony ạ. Tôi rất lấy làm đau buồn. Nhưng không ai giết chị ấy cả. Tôi đã nói với chị ấy cách đây nhiều tháng rằng nếu chị ấy cứ tiếp tục mang thai thì điều này có thể dẫn đến cái chết.” Phải một thời gian khá lâu nhưng lời lẽ này mới thấm vào đầu óc Tony. “Ông vừa nói gì lạ vậy?”. “Thế Marianne không nói với ông sao? Mẹ anh cũng không nói gì cả à?” Tony nhìn John Harley chằm chằm, chưa hiểu gì cả, “Mẹ tôi?” “Bà ấy nghĩ rằng tôi chỉ làm cho người ta hoảng hốt thôi. Bà khuyên Marianne cứ tiếp tục mang thai. Tôi rất ân hận, Tony ạ. Tôi đã thấy hai đứa trẻ sinh đôi ấy. Chúng rất kháu khỉnh. Anh có muốn...?” Nhưng Tony đã bỏ đi rồi. Viên quản gia của Kate mở cửa cho Tony. “Chào ông Blackwell.” “Chào bác Lester.” Viên quản gia đã nhận ra vẻ phờ phạc, nhếch nhác của Tony. “Không có chuyện gì cả chứ, ông Blackwell?” “Chẳng có chuyện gì cả. Bác cho tôi một tách cà phê được không, Lester?” “Thưa ông, có ngay ạ.” Tony nhìn theo viên quản gia đi về phía nhà bếp. Nào, Tony, một tiếng nói trong đầu anh ra lệnh. Phải, ngay bây giờ. Tony quay lại, bước đến phòng trưng bày chiến lợi phẩm. Anh đến một cái tủ nhỏ đựng bộ sưu tập súng. Anh nhìn chằm chằm vào những dụng cụ giết người được xếp đặt ngay ngắn, sáng ngời. Mở tủ ra, Tony. Anh mở tủ. Anh chọn một khẩu súng lục từ giá súng, kiểm soát nòng súng để tin chắc rằng nó đã được nạp đạn sẵn sàng. Bà ấy sẽ ở lầu trên, Tony ạ. Tony quay lại, bắt đầu bước lên cầu thang. Anh biết rằng không vì lỗi của mẹ anh mà bà ấy đã trở nên xấu xa như vậy. Bà ấy bị ám ảnh, và anh sẽ chữa trị cho bà. Công ty đã cướp mất linh hồn của bà, và bà Kate không chịu trách nhiệm về những gì bà làm. Mẹ anh và công ty đã hoà nhập lại với nhau thành một, và khi anh giết bà, công ty sẽ chết. Bây giờ anh đang đứng ở ngoài phòng ngủ của bà Kate. Mở cửa đi, tiếng nói ra lệnh. Tony mở cánh cửa. Bà Kate đang mặc áo trước một tấm gương thì nghe tiếng cánh cửa mở ra. “Tony! Con làm cái gì vậy...” Tony chĩa súng vào người bà, rồi bắt đầu bóp cò. Chương 22 Quyền con trưởng thừa kế, tức là quyền hưởng chức tước tài sản gia đình của đứa trẻ sinh đầu tiên, có cội rễ ăn sâu trong lịch sử. Trong các gia đình vua chúa ở u Châu, một viên quan cao cấp phải hiện diện vào lúc sinh của vị thừa kế vị sẽ không bị tranh cãi. Vì vậy, bác sĩ Mattson phải cẩn thận ghi chép ai là người được đỡ ra trước tiên trong hai đứa trẻ sinh đôi. Ai cũng phải đồng ý với nhau rằng những đứa con sinh đôi của Blackwell rất là xinh đẹp. Chúng nó khoẻ mạnh và có vẻ linh hoạt kì lạ. Các y tá trong bệnh viện luôn tìm cớ để đi vào xem hai đứa bé. Sự thu hút của chúng, mặc dầu không được thú nhận, một phần là do nhưng câu chuyện bí mật người ta loan truyền về gia đình của chúng. Mẹ chúng qua đời trong lúc sinh ra chúng. Cha chúng đã biến mất, và có tin đồn rằng ông ta đã bắn mẹ ruột của mình, nhưng người ta không thể xác nhận các lời đồn đại ấy. Báo chí không đề cập gì về chuyện này mà chỉ nói một cách ngắn ngủi rằng Tony Blackwell đã bị suy sụp thần kinh và bị nhốt ở một nơi. Khi báo chí hỏi ông bác sĩ Harley thì ông ta đưa ra một câu nói cộc lốc. “Không bình luận.” Những ngày vừa qua quả là địa ngục đối với ông bác sĩ John Harley. Chừng nào ông còn sống, ông vẫn còn nhớ mãi đến quang cảnh ông đã chứng kiến khi ông đi đến phòng bà Kate Blackwell sau khi nhận được một cú điện thoại rối rít của người quản gia. Kate nằm dài trên sàn nhà trong cơn hôn mê, với nhiều vết đạn ở cổ và ngực, máu tuôn ra nhuộm đỏ cả tấm thảm trắng.Tony đang sục sạo các tủ áo của mẹ anh cắt loạn xạ các chiếc áo của bà ra từng mảnh bằng một cái kéo. Bác sĩ Harley đưa mắt nhìn bà Kate thật nhanh, rồi hối hả gọi xe cứu thương đến. Ông quỳ xuống bên cạnh bà Kate, bắt mạch. Mạch của bà rất yếu và rất nhỏ, mặt bà đang trở sang màu xanh nhợt. Bà sắp sửa bị kích ngất. Ông liền tiêm cho bà một mũi adrenaline và sodium bicarbonate. “Chuyện gì xảy ra vậy?” Bác sĩ Harley hỏi. Viên quản gia, mồ hôi vã ra như tắm, đáp, “Tôi... tôi không biết. Ông Blackwell bảo tôi đi pha cà phê cho ông. Lúc tôi đang ở trong bếp thì nghe tiếng súng nổ. Tôi chạy lên lầu thì thấy bà Kate Blackwell nằm trên sàn nhà, như thế này. Ông Blackwell lúc ấy đang đứng phía trên bà ấy và nói. “Nó sẽ không làm hại mẹ nữa đâu, mẹ ạ. Con đã giết nó rồi.” Thế rồi ông ấy đi đến tủ áo và bắt đầu cắt các áo trong đó.” Bác sĩ Harley quay về phía Tony. “Anh làm gì ở đấy Tony?”. Anh lại cắt xé dữ dội. “Tôi giúp mẹ tôi. Tôi đang huỷ hoại công ty. Chính nó đã giết mẹ tôi, ông hiểu không?”Anh lại tiếp tục cắt xé quần áo trong tủ. Người ta đưa gấp bà Kate vào khu cấp cứu trong một bệnh viện tư của Kruger-Brent. Bà được truyền máu bốn lần trong khi bác sĩ mổ để lấy các viên đạn ra. Phải có ba người y tá nam mới lôi được Tony vào trong chiếc xe cứu thương, sau khi bác sĩ John Harley tiêm cho anh ta một mũi thuốc để làm cho anh yên bớt. Một toán lính cảnh sát đáp ứng lời kêu gọi của xe cứu thương, và bác sĩ John Harley cho mời Brad Rogers đến để tiếp xúc với họ. Bằng phương tiện nào đó mà bác sĩ Harley không hiểu được, các giới truyền tin không đề cập một chút gì đến vụ nổ súng. Bác sĩ Harley đi đến bệnh viện để thăm bà Kate Blackwell, lúc này đang được chăm sóc đặc biệt. Câu nói đầu tiên bà thều thào thốt ra là: “Con trai tôi đâu rồi?” “Anh ấy được chăm sóc, bà Kate ạ. Anh ấy không hề gì đâu.” Tony được đưa đến một dưỡng đường tư ở Connecticut. “Bác sĩ John này, tại sao Tony lại cố tình giết tôi?Tại sao?” Sự đau khổ trong giọng nói của bà dường như không thể nào chịu đựng nổi. “Anh ấy oán trách bà về cái chết của Marianne.” “Thật là điên rồ!” John Harley không đưa ra lời bình luận nào. Anh ấy trách bà về cái chết của Marianne! Sau khi bác sĩ John Harley đã ra khỏi phòng, bà Kate nằm ở đó, không thể nào chấp nhận được những lời nói ấy. Bà đã yêu Marianne vì nàng đem lại hạnh phúc đến cho Tony. Tất cả những ước mơ của mẹ là dành cho con. Làm sao con không thể hiểu được điều ấy? Thế nhưng anh ta đã ghét bà đến nỗi cố giết bà. Kate cảm thấy trong lòng tràn ngập đau khổ; bà chỉ muốn được chết. Nhưng bà không để cho mình phải chết. Bà đã làm những gì bà cho là phải. Họ đều lầm cả. Tony là một con người yếu đuối không dám một mình đương đầu với cuộc sống. Nhưng ta, Kate Blackwell, không yếu đuối. Ta có thể đương đầu với câu chuyện này, có thể đương đầu với bất cứ chuyện gì. Ta sẽ sống. Ta sẽ sống sót. Công ty của ta sẽ tồn tại. Chương 23 Kate hồi phục sức khoẻ ở Dark Harbor, để cho mặt trời và gió bể giúp bà chóng bình phục. Tony ở trong một dưỡng đường tư để được sự săn sóc tốt nhất. Kate đã mời những nhà chuyên môn về tâm thần đến từ Paris, Vienna và Berlin, nhưng khi tất cả những cuộc thử nghiệm và khám nghiệm thực hiện xong, sự chẩn đoán của họ đều giống nhau: con trai bà bị chứng hoang tưởng bộ phận và tâm thần phân lập có khuynh hướng giết người. “Anh ấy không có đáp ứng đối với các loại thuốc và biện pháp điều trị tâm lí. Chúng tôi phải giữ anh ấy trong tình trạng kiềm chế?” “Kiềm chế như thế nào?” “Anh ấy ở trong một căn phòng có bọc đệm xung quanh. Chúng tôi cho anh ấy mặc một thứ áo bó chặt chân tay hầu như suốt cả ngày.” “Có cần thiết phải làm như vậy không?” “Thưa bà Blackwell, nếu không làm thế, anh ấy sẽ giết bất cứ ai lại gần.” Bà đau đớn, nhắm đôi mắt lại. Họ không phải đang nói chuyện về Tony hiền lành, dịu dàng của bà, mà nói về một kẻ lạ mặt nào đó, một kẻ bị ám ảnh. Bà mở cặp mắt ra. “Không có cách đi đến được tận trí óc của anh ấy. Chúng tôi vẫn cho anh ấy dùng thuốc, nhưng ngay khi thuốc hết hiệu lực thì anh ta lại điên cuồng trở lại. Không thể nào tiếp tục lối điều trị này mãi mãi được.” Kate đứng thẳng người dậy. “Vậy ông đề nghị làm thế nào, bác sĩ?” “Trong những trường hợp tương tự như vậy, chúng tôi phải lấy đi một phần não thuỳ tương tự như vậy, chúng tôi phải lấy đi một phần não thuỳ thì cũng tạo nên kết quả khả quan.” Kate nuốt nước bọt đánh ực một cái. “Một cuộc phẫu thuật não thuỳ?” “Đúng vậy. Con trai bà sẽ vẫn có thể hoạt động về mọi phương diện, duy chỉ có điều là anh ấy sẽ không còn có những cảm xúc mạnh mẽ bất thường nữa.” Kate ngồi yên tại chỗ, đầu óc và thân thể bà như run lên vì lạnh. Bác sĩ Morris, một bác sĩ trẻ của bệnh viện Menninger, phá tan sự im lặng. “Tôi biết rằng bà khó có thể chịu đựng được một hoàn cảnh như vậy. Nhưng nếu bà nghĩ đến...” “Nếu đó là lối duy nhất để ngăn chặn sự đau khổ dày vò nó, thì các ông cứ tiến hành.” Kate nói. Frederick Hoffman muốn đem các cháu của ông về nuôi. “Tôi muốn đưa chúng nó về Đức.” Kate nhận thấy ông ta có vẻ như già đi đến hai mươi tuổi từ ngày Marianne qua đời. Bà thương hại ông ta, nhưng nhất định không chịu rời xa các con của Tony. “Chúng được nuôi dưỡng ở nơi này. Ông hãy đến thăm các cháu luôn.” Cuối cùng, ông Frederick đành phải nghe lời. Hai đứa trẻ sinh đôi được đưa đến ở tại nhà bà Kate. Một dãy buồng nuôi trẻ được xép đặt dành cho chúng. Kate phỏng vấn các cô nuôi dạy trẻ, và cuối cùng tuyển được một cô người Pháp tên là Solange Dunas. Kate đặt tên cho đứa sinh ra đầu tiên là Eve và đứa em sinh đôi của nó là Alexandra. Chúng giống nhau như hệt, khó mà phân biệt được đứa này với đứa kia. Trông chúng chơi đùa với nhau giống như là nhìn vào hình ảnh trong một tấm gương. Kate ngạc nhiên trước phép lạ kì diệu mà con trai bà và Marianne đã tạo ra. Chúng là những đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn và dễ bảo, nhưng chỉ ít tuần lễ, Eve có vẻ phát triển hơn Alexandra. Eve là đứa đầu tiên biết bò, nói chuyện và bước đi. Alexandra theo kịp nhanh chóng, nhưng ngay từ lúc đầu, Eve là đứa trẻ đi tiên phong. Alexandra yêu thương chị nó, và cố bắt chước mọi thứ chị nó làm. Kate cố dành nhiều thì giờ tối đa để chơi với các cháu. Chúng làm cho bà thấy trẻ lại. Rồi bà lại bắt đầu mơ tưởng. Một ngày nào đó, khi ta già yếu, sẵn sàng rút lui thì... Vào ngày sinh nhật đầu tiên của hai đứa trẻ song sinh, Kate tổ chức một bữa tiệc. Chúng có hai chiếc bánh sinh nhật y hệt như nhau, và hàng chục món quà của bạn bè, nhân viên công ty, và gia nhân. Tiệc sinh nhật lần thứ hai đến tiếp đó nhanh chóng. Kate không thể tin được rằng thời gian trôi qua nhanh như vậy, và các cháu bà cũng lớn lên như thổi. Bà có thể nhận ra rõ ràng hơn sự khác biệt về nhân cách của chúng: Eva, mạnh khoẻ hơn, táo bạo hơn, Alexandra thì dịu dàng hơn, sẵn sàng chịu sự điều khiển của chị nó. Kate thầm nghĩ, chúng nó không có mẹ có cha mà chúng yêu thương nhau như vậy thì đó là một phước lớn. Nhưng,vào đêm trước ngày sinh nhật thứ năm, Eve tìm cách giết Alexandra. Đã khá lâu rồi, Eve vẫn ghét em nó. Nó nổi sùng lên một cách âm thầm khi có người nào đó bồng Alexandra lên vuốt ve nó hay cho nó một món quà. Eve cảm thấy như nó bị đánh lừa. Nó muốn có tất cả riêng cho nó - tất cả tình thương, tất cả những thứ đẹp đẽ xung quanh hai đứa. Nó không thể có một ngày sinh nhật riêng cho nó. Nó ghét Alexandra vì cô bé này giống nó. mặc quần áo y như nó, chiếm đoạt một phần tình thương của bà nội mà đáng lẽ nó phải được hưởng hoàn toàn. Alexandra yêu mến Eve, nhưng Eve lại khinh bỉ Alexandra vì chuyện ấy. Alexandra có tính tình rộng rãi, sẵn sàng nhường lại cho Eve các con búp bê và đồ chơi, nhưng điều đó lại càng làm cho Eve thêm khinh bỉ. Eve không chia sẻ thứ gì cả. Cái gì thuộc về nó là của nó; nhưng như thế chưa đủ. Nó muốn bất cứ thứ gì mà Alexandra có. Đến đêm, dưới cặp mắt canh chừng của cô Solange Dunas, cả hai đứa bé cùng đọc kinh thật to, nhưng Eve bao giờ cũng thêm vào đó một lời cầu nguyện âm thầm rằng Chúa sẽ đánh chết Alexandra đi. Khi lời cầu nguyện ấy không được đáp ứng, Eve không thể chịu đựng được ý tưởng phải chia sẻ một bữa tiệc sinh nhật nữa với Alexandra. Khách khứa hôm ấy là những người bạn của riêng nó, các quà sinh nhật cũng là những quà riêng cho nó mà em gái nó sẽ đánh cắp từ tay nó. Nó phải giết Alexandra cho sớm. Đêm trước hôm sinh nhật, Eve nằm trên giường, mắt mở thao láo. Khi đã biết chắc rằng mọi người trong nhà đều ngủ cả, nó đi đến giường của Alexandra đánh thức em nó dậy. “Alex.” nó thì thầm, “chúng mình xuống bếp xem các bánh sinh nhật đi.” Alexandra nói với giọng còn ngái ngủ, “Mọi người đang ngủ cả.” “Mình sẽ không đánh thức ai dậy cả.” “Cô Dunas sẽ không bằng lòng đâu. Tại sao chúng ta không chờ đến sáng mai xem bánh cũng được?” “Bởi vì chị muốn xem các bánh ấy ngay bây giờ. Em có đi hay không?” Alexandra giụi mắt cho tỉnh ngủ. Nó chẳng thích gì xem các bánh ấy, nhưng không muốn làm chị nó phải buồn lòng. “Em đi.” nó nói. Alexandra đi ra khỏi giường, xỏ chân vào đôi giày vải. Cả hai đứa đều mặc áo ngủ bằng ni lông màu hồng. “Ta đi nào. Đừng có làm ồn ào nhé.” Eve nói. “Vâng,” Alexandra đáp. Chúng rón rén ra khỏi phòng ngủ, đi vào hành lang ngang qua cửa phòng cô Dunas, xuống chiếc cầu thang dốc dẫn xuông bếp. Đó là một cái bếp rất rộng, với hai chiếc lò lớn đốt bằng khí, sáu cái lò nhỏ, ba tủ lạnh và một tủ ướp lạnh có thể bước vào được. Trong tủ lạnh, Eve tìm thấy những chiếc bánh mà bà làm bếp Tyler đã làm xong. Một trong những chiếc bánh ấy có ghi dòng chữ, “Mừng sinh nhật Alexandra”, chiếc kia ghi, “Mừng sinh nhật Eve.” Năm sau, Eve tự nhủ thầm. chỉ có một tên mà thôi. Eve lấy chiếc bánh sinh nhật của Alexandra ra, đặt nó trên một cái thớt gỗ giữa bếp. Nó mở một ngăn kéo, lấy ra một gói nến đủ màu sắc. “Chị làm gì thế?” Alexandra hỏi. “Chị muốn xem khi mình đốt tất cả các cây nến lên nó sẽ trông như thế nào.” Eve bắt đầu gắn các cây nến lên lớp kem trên bánh. “Em nghĩ chị không nên làm thế, Eve ạ. Chị làm hỏng chiếc bánh ấy đi, chắc bà Tyler sẽ giận lắm đấy.” “Bà ấy sẽ chẳng để ý đến đâu.” Eve mở một ngăn kéo khác, lấy ra hai hộp diêm lớn. “Nào, giúp đỡ chị một tay.” “Em muốn về giường nằm ngủ.” Eve quay lại nhìn em, giận dữ. “Thôi được, mày về giường mà nằm. Đồ nhát như thỏ. Để tao làm một mình.” Alexandra do dự. “Chị muốn em làm gì nào?” Eve đưa nó một hôp diêm. “Thắp các ngọn nến đi.” Alexandra sợ lửa. Cả hai đứa đều được căn dặn về sự nguy hiểm của việc chơi diêm. Chúng đã được nghe nói những câu chuyện ghê gớm về những đứa trẻ không nghe lời căn dặn ấy. Nhưng Alexandra không muốn làm chị buồn lòng, vì vậy nó phải vâng lời, bắt đầu châm các ngọn nến. Eve đứng nhìn em nó trong một lát. “Mày quên không châm những cây nến phía bên kia, đồ ngu,” nó nói. Alexandra nhoài người ra để châm những ngọn nến ở phía xa, lưng nó quay về phía Eve. Ngay lập tức, Eve quệt một que diêm, đặt nó sát vào các que khác trong chiếc hộp nó đang cầm ở tay. Các que diêm này cháy xoè lên thành những ngọn lửa. Eve thả hộp diêm dưới chân Alexandra, làm cho gấu chiếc áo ngủ của Alexandra bắt lửa. Một lát sau, Alexandra mới biết được chuyện gì đang xảy ra. Nó thấy đau đớn khủng khiếp ở chân, vội nhìn xuống, rồi hét to lên, “Cứu! Cứu tôi với!” Eve nhìn chiếc áo đang bốc cháy, kinh hãi trước sự thành công mĩ mãn của mình. Alexandra đứng nguyên tại chỗ, cứng đờ, tê cóng vì sợ hãi. “Đừng có động đậy !” Eve nói. “Để ta đi lấy một xô nước.” Nó hối hả chạy đến phòng chứa thực phẩm, tim đập rộn ràng với nỗi vui mừng pha lẫn chút sợ hãi. Chính là nhờ một phim chớp bóng kinh hoàng mà người ta đã cứu sống được Alexandra. Đêm hôm ấy, bà Tyler, người đầu bếp của bà Blackwell, đi xem xi nê với một viên trung sĩ cảnh sát. Anh này thỉnh thoảng cũng chia sẻ chiếc giường nằm với bà ta. Đặc biệt tối hôm ấy, màn ảnh chiếu toàn những cảnh người ta chết chóc, cụt tay cụt chân một cách quá ghê rợn khiến cho bà Tyler không thể chịu đựng được nữa. Giữa một cảnh chặt đầu ghê rợn bà Tyler nói, “Richard này, có lẽ anh quen với những cảnh tượng này hàng ngày, chứ tôi thì không chịu nổi rồi.” Viên trung sĩ Richard Dougherty miễn cưỡng đưa bà ra khỏi rạp xi nê. Hai người về đến nhà bà Blackwell sớm hơn một giờ. Vừa mới mở cửa ra, bà nghe tiếng Alexandra kêu thét từ trong bếp. Bà Tyler và Richard liền nhảy xổ vào trông thấy cảnh kinh hoàng trước mắt, họ lập tức ra tay hành động. Richard nhẩy đến chỗ Alexandra ngã lăn ra sàn nhà, nằm bất tỉnh. Bà Tyler đổ đầy một bình nước, rồi tưới lên ngọn lửa đang lan trên sàn nhà. “Gọi ngay một chiếc xe cứu thương,” Trung sĩ Richard Dougherty ra lệnh, “Bà Blackwell có nhà không?” “Có lẽ bà ấy đang ngủ trên lầu.” Khi bà Tyler vừa gọi xong xe cứu thương, có tiếng khóc phát ra từ phòng chứa thực phẩm của viên quản gia, rồi Eve chạy ra, vác một xô nước, vừa chạy vừa khóc lóc điên cuồng. “Alexandra có chết không?” Eve thét lên, “Nó chết rồi hay sao?” Bà Tyler ôm nó trong hai cánh tay để an ủi. “Không, cháu yêu quý ạ. em nó không hề gì. Rồi nó sẽ khoẻ lại ngay thôi.” “Đó là do lỗi tại tôi”, Eve nức nở. “Nó muốn thắp đèn nến trên cái bánh sinh nhật của nó. Lẽ ra tôi phải ngăn cản nó.” Bà Tyler vuốt lưng Eve. “Không hề gì đâu. Cháu đừng có tự trách mình như thế.” “Các que... que diêm ấy rớt ra khỏi tay tôi, thế là áo của nó bắt lửa. Ghê gớm quá!” Trung sĩ Richard nhìn Eve, nói với vẻ thương xót, “Tội nghiệp con bé.” “Alexandra bị bỏng ở chân và lưng.” bác sĩ Harley nói với Kate, “nhưng rồi nó sẽ khỏi ngay thôi. Vào thời buổi bây giờ, chúng tôi có thể chữa những trường hợp bị bỏng một cách kì diệu. Bà hãy tin tôi đi, chuyện vừa rồi có thể đã gây một thảm kịch khủng khiếp.” “Tôi biết.” Kate nói. Bà đã nhìn thấy những vết phỏng của Alexandra và rất lấy làm kinh sợ. Do dự một lúc bà nói tiếp, “Bác sĩ này, tôi lo về Eve hơn đấy.” “Eve cũng bị thương hay sao?” “ Không phải về thể chất. Con bé tội nghiệp ấy tự trách mình đã gây ra tai nạn. Nó bị những cơn ác mộng khủng khiếp. Ba đêm qua, tôi đã phải đi vào phòng nó, ôm nó trên tay, nó mới ngủ lại được. Tôi không muốn câu chuyện này gây nên chấn thương nặng hơn nữa. Eve là một đứa bé rất nhạy cảm.” “Trẻ con dễ quên đi nhanh chóng. Nếu có vấn đề gì, bà cứ cho tôi biết, rồi tôi giới thiệu cho bà một bác sĩ nhi khoa.” “Cảm ơn,” Kate nói đầy vẻ biết ơn. Eve rất bối rối khó chịu. Buổi tiệc sinh nhật đã bị huỷ bỏ. Chính Alexandra đã đánh lừa để làm mình mất đi cơ hội này, Eve thầm nghĩ một cách chua chát. Alexandra đã lành lại hoàn toàn, không mang một vết sẹo nào trên người. Eve cũng vượt qua được cảm giác tội lỗi một cách dễ dàng đến kì lạ. Vì bà Kate đã trấn an nó, “Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, cháu ạ. Cháu đừng có tự trách mình như thế.” Eve đâu có tự trách mình. Nó trách bà Tyler tại sao bà ấy lại về nhà sớm để làm hư hỏng tất cả mọi sự? Nó đã chuẩn bị hoàn hảo rồi mà. Dưỡng đường, nơi Tony bị nhốt, nằm trong một vùng đất yên tĩnh có nhiều cây ở Connecticut. Kate vẫn đi xe đến đó thăm anh mỗi tháng một lần. Cuộc giải phẫu não thuỳ đã thành công. Anh không còn biểu lộ những dấu hiệu hung hãn nữa. Anh nhận ra được Kate và hỏi han về Eve và Alexandra. Nhưng anh không tỏ ra có ý muốn nào gặp chúng nó. Anh rất ít quan tâm đến bất cứ thứ gì. Anh có vẻ như vui thích. Không, không phải là vui thích, Kate chữa lại câu nói. Hài lòng thì đúng hơn. Nhưng hài lòng - về cái gì? Kate hỏi ông Burger viên giam đốc dưỡng đường, “Con trai tôi có làm việc gì suốt mỗi ngày không?” “Có chứ ạ, thưa bà Blackwell. Anh ấy ngồi hàng giờ để vẽ.” Con trai bà lẽ ra có thể làm chủ cả thế giới này, thế mà anh ta lại ngồi vẽ suốt ngày. Kate cố không nghĩ đến sự phí phạm nếu cái đầu óc thông minh sáng láng ấy bị mất đi vĩnh viễn. “Anh ấy vẽ cái gì vậy?” Viên giám đốc tỏ vẻ bối rối. “Không ai có thể nhận ra được anh ấy vẽ cái gì.” Chương 24 Trong hai năm kế tiếp, Kate rất lo lắng về Alexandra. Đứa bé ấy gặp hết tai nạn này đến tai nạn khác. Trong thời gian Eve và Alexandra nghỉ hè ở Bahamas trong một vùng đất thuộc gia đình Blackwell, Alexandra suýt bị chết chìm trong khi chơi với Eve trong bể bơi; may mà có bác làm vườn cứu kịp thời nên nó mới thoát chết. Năm sau, khi hai đứa đi cắm trại ngoài trời ở Palisades, không hiểu sao Alexandra bị trượt chân trên bờ vách núi, nhưng thoát chết nhờ bấu víu vào một bụi cây nhô ra khỏi sườn núi dốc. “Bà muốn cháu trông nom em cháu cho thật kĩ”, Kate căn dặn Eve. “Nó vô ý vô tứ, không biết tự giữ gìn như cháu đâu”. “Cháu hiểu”. Eve nói một cách trang nghiêm. “Cháu sẽ trông nom nó”. Kate yêu các cháu gái, nhưng theo cách khác nhau. Chúng bây giờ đã bảy tuổi, và đều xinh đẹp giống như nhau, với tóc hoe dài, mềm mại, những nét mặt thanh tú và cặp mắt McGregor. Chúng trông giống nhau, nhưng cá tính thì hoàn toàn khác nhau.Vẻ hiền lành của Alexandra khiến cho bà nhớ đến Tony, trong khi Eve giống bà hơn, cũng bướng bỉnh và tự mãn như vậy. Một người tài xế lái xe chở chúng đến trường trong một chiếc xe Rolls Royce. Alexandra bối rối khi các bạn bè trông thấy nó đi học bằng xe hơi với tài xế lái, nhưng Eve lại lấy thế làm thích thú. Kate cho mỗi đứa một số tiền tiêu vặt hàng tuần, và ra lệnh cho chúng phải ghi chép mọi thứ chi tiêu. Eve lúc nào cũng tiêu hết tiền trước cuối tuần và vay tiền của Alexandra; Eve học cách điều chỉnh sổ sách sao cho bà nội không biết được. Nhưng Kate biết và bà không thể giấu một nụ cười. Mới bảy tuổi mà nó đã chứng tỏ là một tay kế toán có đầu óc sáng tạo. Thoạt tiên, Kate vẫn nuôi dưỡng hi vọng thầm kín rằng một ngày kia Tony sẽ trở lại bình thường, rằng anh sẽ rời dưỡng đường để trở về với công ty Kruger-Brent. Nhưng thời gian trôi qua, giấc mơ ấy phai tàn dần. Người ta mặc nhiên hiểu rằng mặc dầu Tony có thể rời dưỡng đường để thực hiện những cuộc viếng thăm ngắn ngủi, anh sẽ không bao giờ có thể tham dự vào thế giới bên ngoài. Lúc ấy là vào năm 1962, và khi Kruger-Brent trở nên thịnh vượng và mở rộng, nhu cầu có lãnh đạo mới trở lại càng trở nên cấp bách. Kate vừa ăn mừng lễ thất tuần. Tóc bà bây giờ đã bạc, nhưng bà vẫn giữ dáng vẻ mạnh mẽ, thẳng thắng và linh hoạt, tràn đầy sức sống. Bà cũng biết rằng tuổi già mòn mỏi rồi đây sẽ bắt kịp bà. Bà phải chuẩn bị cho lúc ấy. Công ty phải được gìn giữ cho gia đình bà. Brad Rogers là một tay quản lí giỏi, nhưng ông ta không phải là một Blackwell. Ta phải sống cho đến khi hai đứa song sinh này có khả năng nắm lấy việc điều hành công ty. Bà nghĩ đến lời nói cuối cùng của Cecil Rhodes: “Việc đã làm còn quá ít, nhưng việc phải làm thì rất nhiều.” Hai đứa trẻ song sinh lên mười hai tuổi, sắp sửa trở thành nhưng thiếu nữ. Kate đã dành nhiều thì giờ ở bênh cạnh chúng, nhưng lúc này bà phải chú ý đến chúng nhiều hơn. Bây giờ là lúc phải đưa ra một quyết định quan trọng. Trong tuần lễ Phục sinh, Kate và hai đứa trẻ song sinh hay đến Dark Harbor bằng máy bay của công ty. Hai cô gái này đã viếng thăm tất cả những tài sản đất đai của gia đình, ngoại trừ tài sản ở Johannesburg, nhưng trong số đó, Dark Harbor là nơi chúng thích hơn cả. Chúng yêu thích vẻ tự do hoang dã và hẻo lánh của hòn đảo này. Chúng thích đi thuyền buồm, bơi lội, trượt trên nước, và ở Dark Harbor có đủ các thứ này cho chúng. Eve yêu cầu bà nội cho phép nó đem bạn bè theo về nơi đó, như trong quá khứ, nhưng lần này bà từ chối. Bà nội, một người đàn bà đầy quyền lực, uy nghi, vẫn thường đi ra đi vào, ban bố một món quà ở nơi này hôn lên má ở nơi kia, thỉnh thoảng lại căn dặn các con gái phải cư xử thế này, thế nọ, bà nội ấy bây giờ chỉ muốn được ở một mình với hai cháu. Lần này, các cô gái cảm thấy có gì khác lạ sắp sửa xảy ra. Bà nội chúng ngồi với chúng ở tất cả mọi bữa ăn. Bà đưa chúng đi chèo thuyền, bơi lội và cưỡi ngựa nữa. Kate điều khiển con ngựa với vẻ chắc chắn của một tay lão luyện. Các cô gái vẫn còn giống nhau một cách lạ lùng, cả hai đều rất xinh đẹp, nhưng bà Kate quan tâm đến sự khác biệt của chúng hơn là sự giống nhau. Ngồi ở hàng hiên, nhìn xuống chúng vừa chơi xong một ván quần vợt, bà làm một bản tổng kết về chúng trong đầu óc. Eve là kẻ lãnh đạo, còn Alexandra chỉ là kẻ thừa hành. Eve là một vận động viên bẩm sinh, Alexandra vẫn còn gặp tai nạn. Chỉ mấy ngày trước đó, khi hai đứa cùng đi chơi trong một chiếc thuyền buồm nhỏ, Eve ngồi ở bánh lái. Gió thổi đến phía sau chiếc buồm, và cánh buồm lái theo chiều gió, xoay ngang một cái về phía đầu Alexandra. Cô gái không kịp tránh, bị quét ra khỏi thuyền và suýt chìm nghỉm. Một chiếc thuyền khác gần đó giúp Eve cứu Alexandra. Kate tự hỏi không biết tất cả những sự kiện như thế có liên quan gì đến việc Alexandra ra đời sau Eve ba phút hay không, nhưng các lí do không có gì là quan trọng. Kate đã có một quyết định. Trí óc bà không còn có gì phải thắc mắc nữa cả. Bà sẽ dồn tiền của bà về phía Eve, một sự đánh cuộc trị giá mười tỉ đô la. Bà sẽ kiếm một người chồng thật tốt cho Eve, rồi khi bà lui về dưỡng già, Eve sẽ điều khiển công ty Kruger-Brent. Còn về Alexandra, nó sẽ có một cuộc đời giàu sang, và đầy đủ tiện nghi. Nó sẽ rất có khả năng trông coi các khoản trợ cấp từ thiện mà bà Kate đã thiết lập nên. Phải, như thế là rất tốt cho Alexandra. Nó vốn là một đứa trẻ dịu dàng, giàu lòng thương người. Bước đầu tiên nhằm đến việc thực hiện dự tính này của bà Kate là sao cho Eve được theo học một trường thích hợp. Bà Kate chọn trường Briarcrest, một trường rất tốt ở Nam Carolina, “Cả hai cháu tôi đều ngoan ngoãn cả” bà Kate nói bà hiệu trưởng, Chandler, như vậy. “Nhưng bà sẽ nhận thấy rằng Eve là một đứa rất thông minh. Nó là một đứa con gái kì lạ, và tôi chắc chắn rằng bà sẽ giúp cho nó thâu nhận được tất cả mọi lợi ích của trường này”. “Alexandra à? Nó cũng dễ thương”. Đó là một lối nói không ngụ ý gì khen ngợi cả, Kate đứng dậy. “Tôi sẽ kiểm soát sự tiến bộ của chúng một cách điều đặn”. Bà hiệu trưởng nhận ra trong những câu nói của bà Blackwell một lời cảnh cáo nào đó, thật là kì lạ. Eve và Alexandra yêu thích ngôi trường mới của chúng, đặc biệt là Eve. Nó cảm thấy được tự do vì sống xa nhà, không phải giải thích gì với bà nội và cô Solange Dunas. Các quy tắc ở trường Briarcrest rất nghiêm ngặt, nhưng Eve chẳng bận tâm gì về điều ấy vì nó dễ dàng tránh né các quy tắc ấy. Mối bận tâm duy nhất của Eve là Alexandra cùng ở nơi này với nó. Khi Eve mới nghe nói đến trường Briarcrest, nó năn nỉ,”Bà cho cháu đi học một mình, được không?” Bà nó đáp, “Không, cháu ạ. Bà nghĩ rằng cho Alexandra cùng đi với cháu thì tốt hơn”. Eve cố giấu nỗi bực tức. “Bà bảo sao cũng được bà ạ”. Nó lúc nào cũng tỏ ra lễ phép và thân ái khi ở bên cạnh bà nội, vì nó biết quyền lực nằm ở đâu rồi. Cha nó là một người điên khùng đang bị nhốt trong một dưỡng đường của người điên. Mẹ nó đã chết rồi. Chính bà nội mới là người kiểm soát tiền bạc. Nó biết gia đình nó rất giàu có. Nó không biết họ có bao nhiêu tiền tất cả, nhưng chắc là nhiều lắm - thừa để mua tất cả những thứ đẹp đẽ mà nó thích. Eve thích những thứ đẹp đẽ. Chỉ có vấn đề khó khăn duy nhất: Alexandra. Một trong các hoạt động được ưa thích nhất ở Briarcrest là lớp học cưỡi ngựa. Phần nhiều các cô gái học trường này đều có ngựa riêng. Eve và Alexandra cũng được bà nội cho mỗi đứa một con ngựa vào ngày sinh nhật thứ mười hai. Jerome Davis huấn luyện viên cưỡi ngựa, xem các học trò trổ tài trong sân tập, nhảy qua hàng rào cao ba mươi phân, rồi sáu mươi phân, rồi cuối cùng nhảy qua hàng rào trên một thước ba. Davis là một trong những huấn luyện viên tài ba nhất trong xứ. Nhiều học trò của ông ta được mề đay vàng, và ông rất thành thạo trong việc phát hiện ra một tay cưỡi ngựa có tài năng bẩm sinh. Người con gái mới đến trường, Eve Blackwell, là một trong những người ấy. Nó không cần phải suy nghĩ về việc gì nó sẽ làm, làm thế nào nắm dây cương hay ngồi trên yên ngựa. Nó với con ngựa là một, và trong khi người và ngựa nhảy vọt qua các hàng rào, làn tóc vàng óng của Eve bay tung trong gió, quang cảnh ấy thật là đẹp. Không có gì ngăn cản được cô bé ấy, Davis nghĩ thầm. Tommy, tay giữ ngựa, ưa thích Alexandra hơn. Ông Davis nhìn Eve thắng yên ngựa, chuẩn bị đến phiên mình. Alexandra và Eve đeo những dải ruy băng màu sắc khác nhau để dễ phân biệt. Eve giúp Alexandra thắng yên ngựa trong khi Tommy bận bịu với một học sinh khác. Davis được gọi đến toà nhà chính vì có điện thoại, rồi những gì xảy ra sau đó trở thành một vấn đề rắc rối vô cùng. Do các chi tiết Davis thu nhặt và xếp đặt lại sau đó, ông được biết rằng Alexandra trèo lên ngựa, đi một vòng sân, rồi sắp sửa cho ngựa nhảy qua hàng rào thấp thứ nhất thì con ngựa bỗng chồm hai vó lên, ném Alexandra vào một bức tường. Nó bị ngã xuống bất tỉnh và suýt nữa bị vó ngựa đá vào mặt. Tommy khiêng Alexandra đến bệnh xá. Ở đó, ông bác sĩ của nhà trường chẩn đoán cho biết nó bị chấn thương nhẹ ở đầu. “Không bị gãy xương, không có gì quan trọng cả”. Ông nói. “Đến sáng mai cô ấy sẽ khoẻ mạnh như thường, sẵn sàng lên ngựa lại”. “Nhưng nó có thể đã bị chết!” Eve thét lên. Eve không chịu rời Alexandra. Bà Chandler nghĩ thầm rằng bà chưa hề bao giờ thấy một người chị hết lòng đối với em như vậy. Thật là cảm động. Khi ông Davis đã đưa được con ngựa của Alexandra trở lại bài tập, ông thấy tấm mền lót yên ngựa đẫm cả máu. Ông nhấc nó lên thì thấy một miếng thiếc lởm chởm cắt ra từ hộp bia, nhô ra từ lưng ngực và đã cắm sâu vào da thịt khi chiếc yên ngựa bị ép xuống. Ông liền báo cáo với bà Chandler. Sau đó bà cho mở một cuộc điều tra ngay lập tức. Tất cả những cô gái đã đứng ở gần chuồng ngựa đều bị chất vấn. Bà Chandler nói, “Tôi chắc rằng kẻ nào đặt miếng kim khí vào đó tưởng rằng đó là một trò tinh nghịch vô hại, nhưng thực ra nó có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tôi muốn biết tên cô nào bày ra cái trò này”. Khi không có ai thú nhận cả, bà Chandler nói chuyện với họ, từng người một, tại văn phòng. Khi đến lượt Eve bị chất vấn, nó tỏ ra bối rối một cách lạ lùng. “Cô có nghi ai gây ra chuyện này cho em gái cô không?” bà Chandler hỏi. Eve nhìn xuống nói. “Con không muốn nói”. Nó lầm bầm. “Vậy cô có thấy gì không?” “Cháu xin bà, bà Chandler ạ...”. “Eve, Alexandra có thể bị thương nặng rồi. Cô gái nào làm chuyện ấy phải bị trừng trị để lần sau đừng có xảy ra những chuyện như thế nữa”. “Không phải là một cô gái nào làm chuyện ấy”. “Cô nói gì vậy?” “Đó là Tommy”. “Tên giữ ngựa?” “Vâng, thưa bà, cháu thấy hắn. Cháu tưởng hắn buộc dây nịt ngựa thôi. Cháu chắn hắn không có ý làm hại. Alexandra thường hay sai bảo hắn nhiều nên có lẽ hắn muốn cho em cháu một bài học. Trời, thưa bà Chandler, lẽ ra bà không nên buộc cháu phải nói ra điều này. Cháu không muốn gây rắc rối cho ai cả”. Tội nghiệp con bé, nó hối hận, gần như phát cuồng lên. Bà Chandler đi vòng quanh bàn viết, rồi quàng tay lên người Eve. “Không hề gì đâu, Eve ạ. Cháu nói với ta như thế là phải. Bây giờ, hãy quên hết tất cả mọi thứ. Để bà sẽ lo việc này cho”. Sáng hôm sau, khi các cô gái đi ra đến chuồng ngựa thì đã thấy có một tay giữ ngựa mới. Ít tháng sau, lại thêm một chuyện khó chịu nữa xảy ra ở trường học. Nhiều cô gái đã bị bắt quả tang đang hút thuốc lá có chất ma túy, và một đứa trong bọn chúng tố cáo Eve đã cung cấp thứ ấy. Eve chối lỗi một cách giận dữ. Bà Chandler liền cho lục lọi khắp mọi nơi thì phát hiện ra rằng chất cần sa được giấu trong ngăn kéo của Alexandra. “Cháu không thể tin nổi chuyện này”. Eve nói thật lớn. “Có kẻ nào đó đã bỏ thứ ấy vào đó. Cháu biết”. Bà hiệu trưởng báo cáo chuyện này với bà Kate, và bà này khen ngợi Eve hết lời vì đã tìm cách che chở cho em gái. Nó đúng là một McGregor. Vào ngày sinh nhật thứ mười lăm, bà Kate đưa cả hai đứa đến một ngôi nhà của bà ở Nam Carolina, ở đó bà tổ chức một bữa tiệc mừng các cháu. Lúc này không phải là quá sớm để cho Eve làm quen với những chàng trai trẻ xứng đáng, vì vậy mọi chàng trai xứng đôi vừa lứa với nàng đều được mời đến tham dự. Các cậu con trai đang ở vào tuổi chưa quan tâm đến các cô gái một cách nghiêm chỉnh, nhưng bà Kate cho rằng nhiệm vụ của bà là tạo nên cơ hội cho chúng quen biết nhau và kết thân với nhau. Biết đâu trong số ấy lại chẳng có một người chồng tương lai của Eve, một người thuộc về công ty Kruger-Brent về sau này. Alexandra không thích tiệc tùng, nhưng lúc nào nó cũng làm ra vẻ vui thích để làm vừa lòng bà nội. Eve thì rất thích tiệc tùng. Nó thích được ăn mặc đẹp đẽ, được người ta ca ngợi, thán phục. Alexandra chỉ thích đọc sách và hội hoạ. Nó ngồi hàng giờ ngắm các bức tranh của bố nó ở Dark Harbor, và ao ước được biết bố trước khi ông ta bị ốm. Tony về nhà vào những ngày nghỉ với một đàn ông khác đi kèm, nhưng Alexandra nhận thấy nó không cách nào lại gần bố được. Ông là một người lạ mặt vui vẻ, dễ mến, muốn làm vui lòng kẻ khác, nhưng chẳng có gì để nói cả. Ông ngoại của hai đứa trẻ, Frederick Hoffman, còn sống ở Đức, nhưng ốm yếu lắm. Chúng ít khi có dịp được gặp ông. Trong năm thứ hai ở trường học Eve có mang. Trong nhiều tuần lễ nàng tỏ ra lừ đừ, mặt mũi tái nhợt, và bỏ học nhiều buổi sáng. Khi bắt đầu nôn oẹ thường xuyên, nàng được đưa đến bệnh xá để khám bệnh. Bà Chandler được mời đến đó gấp. “Eve đã có mang”, ông bác sĩ nói với bà Chandler. “Nhưng nó chỉ mới là một đứa bé con thôi mà” “Vâng nhưng đứa bé con này sắp làm mẹ rồi”. Eve tỏ ra can đảm, không chịu nói gì về chuyện này. “Cháu không muốn ai bị lôi thôi về chuyện này”. Đó là lối trả lời mà bà Chandler mong đợi ở một con người như Eve. “Eve thân mến ạ, cháu phải nói cho ta biết chuyện gì đã xảy ra”. Cuối cùng, Eve mới tiết lộ, “Cháu bị người ta hiếp”. rồi khóc oà lên. Bà Chandler lộ vẻ sửng sốt. Bà ôm thân hình run rẩy của Eve sát vào người bà, rồi hỏi, “Ai vậy?” “Thầy Parkinson”. Đó là thầy giáo dạy nàng môn Anh văn. Nếu như một kẻ nào, ngoài Eve ra, nói với bà Chandler như vậy hẳn bà đã không tin. Joseph Parkinson là một con người trầm tĩnh, ít nói, đã có vợ và ba con. Ông đã dạy học ở trường Briarcrest được tám năm rồi, và là người mà bà không bao giờ ngờ có thể làm những chuyện như vậy. Bà cho gọi ông Parkinson đến văn phòng, và lập tức bà biết rằng Eve đã nói sự thực. Ông ta ngồi trước mặt bà, mặt co rúm vì lo lắng. “Ông biết vì sao tôi gọi ông lên đây chứ, ông Parkinson?” “V... vâng, có lẽ vậy”. “Vấn đề có liên quan đến Eve”. “V... vâng, tôi... tôi cũng đoán ra thế”. “Nó bảo chính ông đã hiếp nó”. Parkinson nhìn bà có vẻ không tin. “Hiếp cô ấy? Lạy Chúa! Nếu có ai bị hiếp thì người ấy chính là tôi”. Trong lúc bị quá xúc động ông sa vào lỗi văn phạm tiếng Anh mà không hay. Bà Chandler nói một cách khinh bỉ. “Ông có hiểu những gì ông đang nói không? Con bé ấy nó...”. “Cô ấy không phải là một con bé”. Giọng ông ta có vẻ độc địa. “Nó là một con quỷ cái”. Ông lau mồ hôi trên trán. “Suốt cả học kì, cô ấy ngồi ở bàn đầu ở lớp tôi dạy, vén cao váy lên. Hết giờ học, cô ấy lên bàn tôi, hỏi hết câu này đến câu khác một cách vô nghĩa trong khi ấy cô ta cứ cọ xát vào người tôi. Tôi vẫn không coi chuyện ấy là quan trọng. Thế rồi, vào một buổi trưa nọ, cách đây sáu tuần lễ, cô ấy đến nhà tôi trong khi vợ con tôi đi vắng rồi...”. Giọng ông tắc lại. “Trời Giê su Chúa tôi! Tôi không chịu nổi nữa rồi”. Ông ta bật khóc lên. Người ta đưa Eve lên văn phòng. Dáng điệu của cô vẫn bình tĩnh. Cô nhìn thẳng vào mắt ông Parkinson, khiến ông ta phải quay mặt đi trước tiên. Trong văn phòng lúc ấy có bà Chandler, bà hiệu phó, viên cảnh sát trưởng địa phương. Viên cảnh sát trưởng nói một cách ngọt ngào. “Cô có vui lòng nói cho chúng tôi biết câu chuyện xảy ra như thế nào không?” “Vâng, thưa ông”. Giọng Eve hết sức bình tĩnh. “Thầy Parkinson nói ông ấy muốn thảo luận về bài Anh văn của tôi. Ông yêu cầu tôi đến nhà ông vào trưa chủ nhật. Lúc ấy ông ở nhà một mình. Ông bảo ông muốn cho tôi xem một cái gì đó trong phòng ngủ, thế rồi tôi theo ông lên lầu. Ông lôi tôi xuống giường, rồi ông ấy...” “Nói láo!” Parkinson thét lên. “Chuyện xảy ra không phải như vậy. Không phải như vậy!” Bà Kate được mời đến và nghe giải thích các tình tiết. Bà đưa ra quyết định rằng, vì lợi ích chung của mọi người, câu chuyện này phải được giữ kín. Ông Parkinson bị đuổi khỏi trường và phải rời khỏi tiểu bang trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Sau đó, người ta sắp đặt việc phá thai cho Eve một cách kín đáo. Kate lặng lẽ mua đứt văn tự cầm cố của nhà trường, do một ngân hàng cầm giữ, rồi tịch thu để thế nợ. Khi Eve được tin tức này, cô thở dài một tiếng, “Cháu rất lấy làm ân hận, bà ạ. Cháu thực sự thích cái trường ấy”. Ít tuần lễ sau, Eve đã bình phục sau một cuộc phẫu thuật. Cô và Alexandra ghi danh học tại trường Fernwood, một trường học Thuỵ Sĩ gần Lausanne. Chương 25 Có một ngọn lửa bùng cháy trong con người của Eve, mà nàng không thể nào dập tắt được. Đó không phải là tính dục. Tính dục chỉ là một phần nhỏ thôi. Đó là một sự ham muốn đên cuồng được sống, một nhu cầu phải làm bất cứ thứ gì, phải trở thành bất cứ một hạng người nào. Cuộc đời là một người yêu, và Eve ham muốn một cách hung dữ chiếm đoạt lấy nó với tất cả những gì nàng có. Nàng ghen tị với tất cả mọi người. Đi xem ba-lê (ballet), nàng ghét các vũ công bởi vì nàng không được lên sân khấu nhảy múa và được khán giả hoan hô. Nàng muốn trở thành một nhà khoa học, một phẫu thuật gia, một phi công, một nữ nghệ sĩ. Nàng muốn làm tất cả mọi thứ, và làm giỏi hơn bất kì ai. Nàng muốn tất cả và không thể nào chờ đợi lâu hơn nữa. Ở phía bên kia thung lũng, từ trường Fernwood nhìn sang, có một trường võ bị cho thanh niên. Lúc Eve mười tám tuổi, hầu hết tất cả sinh viên và non một nửa huấn luyện viên đều dính líu đến nàng. Nàng ve vãn họ một cách trắng trợn và có những chuyện tình với họ một cách bừa bãi, nhưng vào lúc này, nàng đề phòng cẩn thận hơn vì không muốn bị mang bầu lần nữa. Nàng ưa thích tính dục, nhưng không phải nàng thích cái hành động tính dục mà thích cái uy quyền nó tạo ra cho nàng. Nàng là kẻ làm chủ tất cả. Nàng hể hả trước những cái nhìn van lơn của các thanh niên và đàn ông lớn tuổi nào muốn đưa nàng lên giường và ân ái với nàng. Nàng thích những lời hứa hẹn dối trá của bọn họ nhằm chiếm đoạt lấy nàng. Nàng ưa thích uy quyền của nàng trên thể xác của họ. Nàng có thể kích thích họ bằng một cái hôn, rồi khiến họ phải “xìu” đi bằng một lời nói. Nàng không cần đến họ, chỉ có họ mới cần đến nàng. Nàng kiểm soát họ hoàn toàn, và cảm xúc ấy thật là mạnh mẽ vô cùng. Chỉ trong vòng ít phút, nàng có thể đo lường những chỗ mạnh, chỗ yếu của một người đàn ông. Nàng cho rằng đàn ông là những kẻ điên rồ, tất cả bọn chúng đều thế. Eve là một cô gái xinh đẹp, thông minh, thừa kế một trong những tài sản lớn nhất thế giới, nên có hàng chục nơi dòm ngó, đề nghị hôn nhân nghiêm chỉnh. Nàng không thích nơi nào cả. Những chàng trai mà nàng ưa thích là những người mà Alexandra có cảm tình hơn cả. Trong một buổi khiêu vũ đêm thứ bảy, Alexandra gặp một sinh viên người Pháp trẻ, tỏ vẻ ân cần, tên là René Mallot. Anh không đẹp trai, nhưng thông minh, nhạy cảm, và Alexandra cho rằng anh ta là tuyệt vời. Hai người chuẩn bị gặp nhau ở thị trấn vào thứ bảy sau. “Bảy giờ nhé”, René nói. “Em sẽ đợi”. Trong phòng ngủ tối hôm ấy, Alexandra kể lại cho Eve về người bạn trai. “Anh ấy không giống như những người con trai khác. Hơi nhút nhát và dịu dàng. Chúng em sẽ đi xem hát với nhau vào thứ bảy này”. “Em thích anh chàng ấy lắm, phải không, cô em bé nhỏ?” Eve trêu chọc. Eve nằm xuống giường, hai tay chắp lại sau gáy. “Không, chị không biết. Em nói đi. Có phải anh chàng ấy cố dụ em lên giường với hắn, phải không?” “Eve! Anh ấy không phải hạng người như vậy đâu. Em nói với chị là anh ấy nhút nhát mà”. “Phải, phải. Cô em gái bé nhỏ của tôi đã si tình rồi”. “Dĩ nhiên là không. Lẽ ra em không nên nói với chị chuyện này”. “Chị rất mừng là em đã nói cho chị biết”, Eve nói một cách thành thực. Khi Alexandra đến trước rạp hát vào ngày thứ bảy sau, nàng không thấy René đâu cả. Alexandra chờ ở góc phố cho đến một giờ đồng hồ, không để ý đến những cái nhìn tò mò của khách qua đường. Nàng cảm thấy mình như một con điên. Cuối cùng, nàng phải ăn cơm một mình trong một quán cà phê nhỏ, rồi trở về trường, hết sức khổ sở. Eve không ở trong phòng. Alexandra ngồi đọc sách cho đến khuya, rồi tắt đèn. Đến hai giờ sáng, Alexandra nghe tiếng bước chân Eve rón rén đi vào phòng. “Em đang lo lắng cho chị quá”. Alexandra thì thào. “Chị gặp vài người bạn cũ - Còn em thì thế nào? Tuyệt vời chứ?” “Tệ lắm chị ạ. Anh ấy không thèm đến”. “Tệ quá nhỉ” Eve ra vẻ thông cảm. “Em phải rút kinh nghiệm là đừng bao giờ tin cậy bọn đàn ông”. “Không biết có chuyện gì xảy ra với anh ấy không?” “Không đâu, Alex ạ, chị cho rằng anh ta có lẽ đã gặp một người nào đó anh ta thích hơn”. Đúng vậy, Alexandra thầm nghĩ. Nàng không lấy thế làm ngạc nhiên cho lắm. Nàng không biết rằng nàng xinh đẹp đáng yêu như thế nào. Từ nhỏ đến lớn nàng sống trong cái bóng của người chị sinh đôi. Nàng yêu mến chị, và cho rằng nếu có ai đó say mê Eve thì đó cũng là điều phải thôi. Nàng cảm thấy mình thua kém Eve, nhưng nàng không bao giờ nghĩ rằng người chị gái của nàng đã nuôi dưỡng cái ý nghĩ ấy từ ngày còn bé. Có nhiều cuộc lỡ hẹn khác nữa. Những chàng trai Alexandra thích cũng tỏ ra vẻ mến nàng, nhưng sau đó họ không bao giờ gặp lại nàng lần nữa. Vào một ngày cuối tuần nọ, nàng bất ngờ gặp René trên đường phố của Lausanne. Anh vội vã đi lại gần nàng và nói, “Có chuyện gì vậy? Em đã hứa sẽ gọi cho anh kia mà”. “Gọi anh? Anh nói gì lạ vậy?” Anh ta bước lùi lại, như chợt hiểu ra. “Eve đó phải không...?” “Không, Alexandra”. Mặt anh ta đỏ bừng lên. “Tôi... tôi xin lỗi. Tôi phải đi ngay bây giờ”. Thế rồi anh ta vội vã bỏ đi, để nàng lại một mình, nhìn theo bối rối. Tối hôm ấy, Alexandra kể lại cho Eve nghe chuyện này. Eve nhún vai nói. “Hắn rõ ràng là một thằng điên. Tốt hơn hết là em tránh hắn đi, Alex ạ”. Mặc dầu Eve sành sỏi về đàn ông, có một điểm yếu của họ mà nàng không biết và chính điều đó đã gần như gây tai hoạ cho nàng. Từ thuở xa xưa, đàn ông vẫn có tính hay khoe khoang về những cuộc chinh phục của họ, và các sinh viên ở trường võ bị không phải là ngoại lệ. Họ bàn tán với nhau về cô Eve Blackwell với vẻ thán phục pha lẫn kinh sợ. “Khi cô ấy đã làm xong xuôi mọi việc với tôi rồi, tôi không còn cựa quậy được nữa...” “Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình lại gặp được một “cái mông” như thế...” “Lạy Chúa nó giống như một con hổ cái”. Ít nhất có đến hàng chục bọn con trai và nửa tá huấn luyện viên ca ngợi khả năng tình dục của Eve. Vì vậy, câu chuyện này trở thành một điều bí mật mà trong trường ai cũng biết. Một trong các huấn luyện viên kể lại câu chuyện bàn tán này với một cô giáo ở Fernwood, rồi cô này báo cáo lại với bà Collins, hiệu trưởng của trường này. Một cuộc điều tra kín đáo được mở ra, kết quả là có một cuộc họp giữa bà hiệu trưởng và Eve. “Tôi nghĩ rằng vì danh tiếng của nhà trường, cô nên rời khỏi nơi này”. Eve nhìn bà hiệu trưởng trừng trừng như thể cô cho rằng bà này bị loạn trí. “Bà nói cái gì lạ đời vậy?” “Tôi đang nói về chuyện cô bấy lâu nay phục vụ cho một nửa số người ở trường võ bị. Còn nửa kia đang xếp hàng, nôn nóng chờ đợi”. “Tôi chưa hề bao giờ được nghe những lời dối trá như vậy”. Giọng Eve run lên vì bực tức. “Bà không nghĩ rằng tôi sẽ báo cáo chuyện này với bà nội tôi sao? Nếu bà ấy nghe được...”. “Cô khỏi phải làm chuyện ấy”, bà hiệu trưởng ngắt lời. “Tôi muốn tránh sự bối rối, khó xử cho trường chúng tôi, nhưng nếu cô không ra đi một cách lặng lẽ, tôi có sẵn một danh sách dài dự định sẽ gửi đến cho bà nội cô”. “Tôi muốn xem cái danh sách ấy”. Bà Collins đưa cho Eve, không nói một lời nào. Đó là một danh sách dài. Eve đọc thật kĩ và nhận ra rằng nó còn sót ít nhất là bảy tên. Nàng ngồi yên lặng, suy nghĩ. Cuối cùng nàng ngẩng đầu lên, nói với một vẻ oai vệ, “Rõ ràng đây là một âm mưu chống lại gia đình tôi. Một kẻ nào đó muốn dùng tôi để gây bối rối cho bà nội tôi. Tôi sẵn lòng rời khỏi nơi này, thay vì để cho chuyện ấy xảy ra”. “Như thế là một quyết định khôn ngoan”, bà Collins nói một cách lạnh nhạt. “Sẽ có một chiếc xe hơi đưa cô ra phi trường vào sáng mai. Tôi sẽ đánh điện cho bà nội cô để bà ấy biết cô sắp về nhà. Bây giờ cô có thể đi ra khỏi đây”. Eve quay lưng lại, bước ra cửa, rồi đột nhiên nàng quay lại hỏi, “Thế còn em gái tôi?” “Cô ấy sẽ ở lại đây”. Khi Alexandra trở về phòng ngủ, nàng thấy Eve đang gói ghém quần áo. “Chị đang làm gì vậy?” “Chị về nhà”. “Về nhà? Ngay giữa học kì hay sao?” Eve quay về phía cô em gái. “Alex, em không nhận ra rằng đi học tại trường này là một sự phí phạm lớn hay sao? Chúng mình chẳng học được gì ở đây cả. Chỉ là giết thì giờ thôi”. “Chị đã nói với bà Collins chưa?” “Có, mới cách đây mấy phút”. “Thế bà ấy bảo sao?” “Lại còn phải hỏi nữa? Bà ấy khổ sở lắm.Bà ấy sợ mất danh tiếng của trường bà, nên bà năn nỉ xin chị ở lại”. Alexandra ngồi xuống bên mép giường. “Em chẳng biết nói sao nữa”. “Em chẳng cần phải nói gì nữa hết. Chuyện này chẳng có liên quan gì đến em”. “Dĩ nhiên có liên quan chứ. Nếu chị ở đây khổ sở như thế thì...” nàng ngưng lại. “Có lẽ chị nói đúng. Mình quả có phí thì giờ thật. Ai mà cần chia động từ tiếng latinh kia chứ?” “Đúng vậy. Hay ai cần biết cái ông Hannibal nào đó với cái thằng em trai khốn kiếp của ông ta tên là Hasdrubal?” Alexandra bước đến chiếc tủ gắn vào tường, lấy ra chiếc va li của nàng, đặt nó lên giường. Eve tủm tỉm cười. “Chị không yêu cầu em rời khỏi nơi này, Alex ạ. Nhưng chị cũng rất vui sướng nêu chúng ta cùng về nhà với nhau”. Alexandra bóp bàn tay chị thât mạnh. “Em cũng vậy”. Eve nói, làm ra vẻ tình cờ. “Chị bảo em thế này nhé. Trong khi chị xếp đặt đồ đạc, em hãy gọi điện cho bà nội để tin cho bà biết chúng mình sẽ đi máy bay về nhà ngày mai. Em nói với bà rằng chúng mình không thể chịu nổi nơi này. Em có chịu làm cho chị không?” “Được”. Alexandra do dự. “Em lo rằng bà nội sẽ không bằng lòng”. “Đừng có lo về chuyện bà già ấy”. Eve nói với vẻ tin tưởng. “Chị có cách giải quyết với bà”. Alexandra không có lí do nào để nghi ngờ điều ấy. Eve có thể xoay xở bà nội theo ý muốn của nàng. Thế nhưng mà, Alexandra thầm nghĩ, ai mà có thể từ chối Eve điều gì? Nàng liền đi gọi điện thoại. Bà Kate Blackwell có nhiều bạn bè, kẻ thù và những người kết giao trong giới kinh doanh ở các địa vị cao cấp, nên trong những tháng vừa qua có nhiều tin đồn khó chịu đã lọt đến tai bà. Thoạt tiên bà không để ý, cho rằng đó là do sự ghen tị nhỏ. Nhưng rồi các tin đồn ấy vẫn cứ dai dẳng. Eve đã giao du quá nhiều với bọn con trai ở trường võ bị. Eve đã có một lần phá thai. Eve đang được chữa trị vì một bệnh phong tình. Vì vậy, khi được tin các cháu gái sắp về nhà, bà cũng cảm thấy đôi chút nhẹ nhõm. Bà dự tính sẽ tìm hiểu cặn kẽ về các tin đồn xấu xa ấy. Ngày các cô gái trở về, bà ngồi ở nhà chờ đón chúng. Bà dẫn Eve vào phòng khách, cách xa phòng ngủ của bà, và nói, “Bà có nghe một số chuyện đáng buồn, vì vậy hôm nay bà muốn biết vì lí do nào mà cháu bị đuổi ra khỏi trường?” Mắt bà như xoáy vào mắt hai cô cháu gái. “Chúng cháu không bị đuổi khỏi trường”, Eve đáp. “Alex và cháu đã quyết định rời khỏi nơi ấy”. “Vì một số chuyện lôi thôi với bọn con trai, phải không?” Eve nói, “Cháu xin bà. Cháu không muốn nhắc đến chuyện ấy nữa”. “Bà nghĩ rằng rồi thế nào cháu cũng phải nói. Cháu đã làm những gì?” “Cháu không làm gì cả. Chỉ có Alex nó...” “Alex nó sao?” Bà Kate hỏi gay gắt. “Cháu xin bà đừng trách nó”. Eve vội vã nói. “Cháu tin chắc rằng nó ở trong một hoàn cảnh không thể cưỡng lại được.Nó thích cái trò chơi trẻ con là giả làm cháu. Cháu không biết nó đã làm những chuyện gì cho mãi đến khi bọn con gái trong trường bắt đầu bàn tán. Hình như là nó đi lại với rất nhiều bọn con trai”. Đến đây Eve ngưng lại, không nói thêm được nữa, vì quá bối rối. “Giả làm cháu à?” Bà Kate choáng váng. “Tại sao cháu không tìm cách ngăn cản nó?” “Cháu cũng cố hết sức”. Eve ra vẻ khổ sở. “Nó doạ tự tử. Trời, bà ạ, chúa nghĩ rằng Alexandra có tính tình hơi...” Nàng làm ra vẻ như cố gắng thốt ra một tiếng - “hơi bất ổn định. Nếu bà nói chút gì với nó về chuyện này thì cháu rất lo sợ không biết nó có thể làm chuyện dại dột gì”. Đôi mắt đẫm lệ của Eve lộ vẻ đau khổ rõ rệt. Bà Kate cảm thấy lòng mình như nặng trĩu trước vẻ đau khổ sâu sắc của Eve. “Eve ạ cháu đừng có khóc, cháu yêu quý. Bà sẽ chẳng nói gì với Alexandra đâu. Câu chuyện này chỉ có bà và cháu biết với nhau thôi”. “Cháu... cháu không muốn cho bà biết chuyện này. Trời, bà ạ”. Nàng nức nở. “Cháu biết rằng nó làm cho bà buồn lòng lắm”. Sau đó, vào giờ uống trà, bà Kate nhìn Alexandra chăm chú. Con bé ấy bề ngoài xinh đẹp ngoan ngoãn thế, nhưng bên trong thì hư hỏng, thối nát, bà thầm nghĩ. Alexandra dính líu vào những vụ bẩn thỉu như thế đã là một hành động, xấu xa lắm rồi, ấy thế mà nó còn tìm cách trút tất cả những lời chê trách lên đầu chị nó nữa! Bà Kate thấy khiếp hãi! Hai năm kế tiếp đó, Eve và Alexandra hoàn tất việc học ở trường của bà Porter. Eve tỏ ra rất kín đáo. Nàng đã bị khiếp hãi vì câu chuyện suýt gây nguy hại cho nàng vừa rồi. Nàng không được làm gì khả dĩ gây nguy hại đến mối liên hệ với bà nội. Bà già này không còn sống lâu nữa. Nay bà đã bảy mươi chín tuổi rồi. Eve quyết sẽ trở thành người thừa kế của bà nội. Để mừng ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của các cháu gái bà, bà Kate đưa hai cháu đi Paris để mua cho chúng ít quần áo mới ở hiệu Coco Chanel. Trong một bữa tiệc nhỏ ở nhà hàng Le Petit Bedouin, Eve và Alexandra gặp bá tước Alfred Maurier và bà vợ là nữ bá tước Vivien. Ông bá tước là một người trạc ngũ tuần, trông có vẻ sang trọng với mái tóc bạc xám và thân thể cứng cáp của một vận động viên thể dục. Vợ ông ta là một người đàn bà vui vẻ và nổi tiếng là hay đãi đằng các khách quốc tế. Eve không để ý đến cả ông bá tước lẫn bà bá tước, ngoại trừ một câu nhận xét nàng thoáng nghe được do một người nào đó nói với bà bá tước, “Tôi rất ao ước được như bà và ông bá tước. Hai vị là một cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Hai vị lấy nhau bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Hai mươi lăm năm rồi phải không?” “Năm tới là hai mươi sáu”, Alfred đáp. “Và có lẽ tôi là người Pháp duy nhất trong lịch sử không hề bao giờ phản bội vợ mình”. Mọi người đều cười rộ, trừ Eve. Trong phần còn lại của buổi tiệc hôm ấy, nàng nhìn chăm chú ông bá tước và vợ ông ta. Eve không thể tin tưởng được ông bá tước ấy thấy gì hấp dẫn ở người đàn bà trung niên có da thịt mềm xèo ấy. Có lẽ ông ta chưa hề bao giờ được biết làm tình thực sự là như thế nào. Cái lối khoe khoang của ông ta thật là ngu xuẩn. Bá tước Alfred Maurier là một cuộc thử thách đối với nàng. Ngày hôm sau, Eve gọi điện thoại cho Maurier tại văn phòng của ông ta. “Đây là Eve Blackwell. Có lẽ ông không nhớ tôi, nhưng...”. “Làm sao tôi lại quên cô được, hỡi cô bé. Cô là một trong hai cô cháu gái xinh đẹp của bà bạn tôi. Kate Blackwell”. “Tôi rất hân hạnh được ông nhớ đến, ông bá tước ạ. Tôi xin lỗi đã quấy rầy ông, nhưng tôi được nghe nói là ông rất sành về các loại rượu vang. Tôi đang chuẩn bị một bữa tiệc cho bà nội tôi”. Nàng phát ra một tiếng cười buồn bã. “Tôi muốn biết nên dọn ra loại rượu nào, nhưng tôi lại không biết gì về các loại rượu cả.Ông có thể vui lòng chỉ bảo cho tôi được không”. “Tôi rất sẵn lòng”, ông nói với vẻ khoái trá. “Điều đó tuỳ thuộc vào thức ăn nào cô đang dọn ra. Nếu bắt đầu ăn bằng món cá thì nên dùng thứ rượu ngon và nhẹ tên là Chablis là thích hợp...”. “Trời, làm thế nào mà nhớ được những thứ này nhỉ. Hay là tôi đến thăm ông để bàn thêm về chuyện này có được không? Ông có rảnh đến dùng cơm trưa với tôi ngày hôm nay không?” “Để làm vui lòng một người bạn cũ thì tôi chắc có thể thu xếp được”. “Thế thì hay quá”. Eve đặt ống nghe xuống chậm rãi. Đó sẽ là một bữa ăn trưa mà ông bá tước sẽ phải nhớ đời. Hai người gặp nhau ở Laserre. Cuộc thảo luận về rượu chỉ ngắn ngủi thôi. Eve lắng nghe bài thuyết trình chán phèo của ông Maurier với vẻ sốt ruột, rồi cắt ngang câu nói của ông ta. “Em mê anh quá, anh Alfred ạ”. “Em nói rằng em mê anh quá”. Ông nhắp một hớp rượu. “Một năm được mùa nho”. Ông vỗ nhẹ lên bàn tay của Eve, rồi tủm tỉm cười. “Bạn bè tốt thì đều mến nhau cả”. “Em không nói về tình yêu bạn bè, Alfred ạ”. Thế rồi ông bá tước nhìn vào mắt Eve, và biết ngay rằng thứ tình yêu mà nàng muốn nói là tình yêu gì rồi. Ông lo sợ rõ rệt. Cô gái này chỉ mới hai mươi mốt tuổi, mà ông thì đã quá tuổi trung niên rồi và là một người chồng hạnh phúc. Ông thực sự không hiểu được cái gì đã len lỏi vào đầu óc của các cô gái trẻ vào thời buổi này. Ông ngồi đối diện với nàng mà cảm thấy bối rối, không yên. Ông lắng nghe nàng nói, và càng thấy bứt rứt hơn nữa bởi vì cô gái ấy có lẽ là người đàn bà xinh đẹp nhất, hấp dẫn nhất ông chưa từng gặp. Nàng mặc một chiếc váy xếp nếp màu “beige” và một chiếc áo len xanh mềm làm lộ ra bộ ngực căng phồng. Nàng không đeo nịt ngực nên ông thấy rõ những cái núm trên nhũ bộ nàng nhô lên. Ông nhìn khuôn mặt trẻ ngây thơ mà không biết ăn nói làm sao. “Cô... cô chưa hề biết rõ tôi”. “Có chứ, em vẫn mơ tưởng đến anh từ ngày em còn nhỏ. Em tưởng tượng đến một người đàn ông mặc bộ áo giáp bóng loáng, cao, đẹp trai, và...”. “Nhưng tôi e rằng bộ áo giáp của tôi hơi bị rỉ sét. Tôi...”. “Xin anh đừng có chế giễu em nữa”, Eve năn nỉ. “Khi em thấy anh ở bàn tiệc tối hôm qua, em nhìn anh, không thể rời mắt. Em không nghĩ đến chuyện gì khác nữa từ lúc ấy. Em đã không ngủ được. Em không thể gạt hình ảnh anh ra khỏi đầu óc em dù chỉ trong chốc lát”. Điều này cũng hầu như là đúng. “Tôi... tôi không biết nói với cô thế nào nữa, Eve ạ. Tôi là một người chồng hạnh phúc. Tôi...”. “Trời, em không thể nói em thèm muốn được như vợ anh biết chừng nào. Bà ấy là người may mắn nhất trên thế gian này. Không biết bà ấy có nhận thấy như vậy không, Alfred nhỉ”. “Cố nhiên bà ấy nhận ra điều ấy. Tôi nói với bà luôn luôn như vậy”. Ông tủm tỉm cười với vẻ lo lắng, không biết làm thế nào để xoay sang vấn đề khác. “Bà ấy có thực sự thích anh không? Bà ấy có biết rằng anh nhạy cảm như thế nào không? Bà ấy có biết lo lắng cho hạnh phúc của anh hay không? Nhưng em thì quan tâm đến các vấn đề ấy”. Ông bá tước cảm thấy mỗi lúc mỗi thêm khó xử. Ông nói, “Cô rất xinh đẹp. Rồi một ngày kia cô sẽ gặp được một chàng hiệp sĩ trong chiếc áo giáp sáng loáng, không rỉ sét, rồi thì...”. “Em đã tìm thấy chàng ấy rồi, và em muốn được ân ái với chàng”. Ông bá tước nhìn xung quanh, sợ có ai nghe tiếng. “Tôi xin cô, Eve!”. Nàng vươn người về phía trước.”Em chỉ yêu cầu có từng ấy. Kỉ niệm này sẽ tồn tại với em suốt cả cuộc đời”. Ông bá tước nói một cách cương quyết, “Không thể thế được. Cô đang đặt tôi vào một tình thế hết sức khó xử. Những cô gái trẻ như cô không nên đưa ra những lời gạ gẫm như thế với người lạ mặt”. Chậm rãi, đôi mắt Eve nhoà lệ. “nh nghĩ em như vậy sao? Em gạ gẫm hay sao? Em chỉ biết một người đàn ông duy nhất trên đời. Chúng em đã đính hôn và sắp sửa cưới nhau”. Nàng không cần phải chùi đi những giọt nước mắt. “Anh ấy rất tốt, hiền lành và yêu mến em. Sau đó anh ấy bị chết trong một tai nạn leo núi. Chính mắt em trông thấy, thật là kinh khủng quá”. Bá tước Maurier đặt một bàn tay lên người nàng. “Tôi rất ân hận”. “Anh làm em nhớ đến anh ấy. Khi em gặp anh lần đầu tiên, em tưởng như là Bill trở về với em. Nếu anh chỉ dành cho em một giờ thôi, em sẽ không bao giờ quấy rầy anh nũa. Anh sẽ không cần phải gặp em lại lần nữa. Em van anh, anh Alfred!”. Ông bá tước nhìn Eve một hồi lâu, như cân nhắc phải giải quyết như thế nào. Dù thế nào đi chăng nữa, ông cũng là một người Pháp. Hai người ở cùng nhau suốt một buổi trưa ở một khách sạn nhỏ trên đường Sainte Anne. Trong tất cả các kinh nghiệm của ông trước khi ông lập gia đình, bá tước Maurier chưa hề bao giờ ăn nằm với ai giống như Eve. Nàng là một cơn gió lốc, một vị nữ thần xinh đẹp, một con quỷ sứ. Nàng biết quá nhiều. Đến cuối trưa hôm ấy, Bá tước Maurier hoàn toàn kiệt sức. Trong khi hai người đang mặc quần áo, Eve nói, “Khi nào thì em có thể gặp lại anh, anh yêu quý?” “Anh sẽ gọi điện thoại cho em”, Maurier nói. Ông không dự tính gặp lại cô gái này nữa. Nàng có vẻ gì đó làm cho ông khiếp hãi - một cái gì xấu xa tội lỗi. Nàng là thứ mà người Mỹ gọi là “bad news” (tin xấu), nên ông không có ý định dính líu với nàng nhiều hơn nữa. Câu chuyện này lẽ ra đến đó là chấm dứt, nếu hai người không bị bà Alicia Vanderlake trông thấy khi họ cùng nhau rời khỏi khách sạn. Bà Alicia Vanderlake là người đã từng làm việc trong một uỷ ban từ thiện chung với bà Kate Blackwell năm ngoái. Bà là một người bon chen, nên dịp này là một thứ thang trời giúp cho bà thăng tiến. Bà đã thấy các bức hình của ông bà bá tước Maurier trên mặt báo, và cũng nhìn thấy hình các cô cháu gái song sinh của bà Blackwell. Bà Vanderlake biết nhiệm vụ của bà nên đặt ở đâu rồi. Bà liền giở cuốn điện thoại riêng tìm số điện thoại của bà Blackwell. Người quản gia trả lời điện thoại. “Bonjour!”. “Tôi muốn nói chuyện với bà Blackwell”. “Xin cho tôi biết ai đang gọi?” “Bà Vanderlake. Đây là một vấn đề riêng”. Một phút sau, bà Kate Blackwell ở máy điện thoại. “Ai đó?” “Đây là Alicia Vanderlake, bà Blackwell ạ. Tôi chắc bà vẫn còn nhớ tôi. Chúng ta cùng làm việc trong cùng một uỷ ban vào năm ngoái”. “Nếu bà muốn quyên tiền thì xin gọi...” “Không, không”, bà Alicia Vanderlake vội nói. “Đây là vấn đề riêng tư về cô cháu gái của bà đấy”. Chắc bà Kate sẽ mời bà ta đến dùng trà để hai người cúng bàn về vấn đề ấy, giữa đàn bà với nhau. Đó sẽ là bước đầu cho một tình bạn nồng thắm giữa hai người. Bà Kate nói. “Có chuyện gì về nó vậy?” Bà Vanderlake không có ý định bàn về chuyện này trên điện thoại nhưng giọng không có vẻ thân thiện lắm của bà Kate khiến cho bà ta không còn lựa chọn nào khác. “Vâng, tôi nghĩ rằng tôi có bổn phận nói cho bà biết rằng cách đây ít phút tôi thấy cô ấy lén lút rời khỏi một khách sạn với Bá tước Alfred Maurier. Rõ ràng đó là một cuộc hẹn hò bất chính”. Giọng bà Kate lạnh như nước đá.” Tôi thấy điều này khó tin lắm. Cô cháu nào trong hai đứa cháu của tôi?” Bà Vanderlake cười với vẻ không chắc chắn. “Tôi... tôi không biết. Không thể phân biệt được hai cháu gái của bà. Mà ai có thể phân biệt được phải thế không?” “Cảm ơn bà đã cho biết tin này”. Kate đặt điện thoại xuống. Bà đứng ngay tại chỗ, cố suy nghĩ về tin bà mới nghe được. Chỉ mới tối qua, họ dùng cơm tối với nhau. Bà Kate đã quen biết Alfred Maurier từ mười lăm năm nay, và những gì bà vừa nghe được hoàn toàn không phù hợp với tính tình của ông ta và không thể tưởng tượng được. Thế nhưng, đàn ông nào cũng dễ động lòng nếu Alexandra đã tìm cách để dụ dỗ ông Alfred vào giường ngủ thì... Bà nhấc điện thoại lên, gọi tổng đài, Tôi muốn gọi điện thoại sang Thuỵ Sĩ, Trường Fernwood, ở Lausanne”. Khi Eve trở về nhà xế trưa hôm ấy, nàng đỏ mặt vì thoả mãn, không phải vì nàng thấy vui thú về việc ân ái với Bá tước Maurier mà chính là vì nàng đã chiến thắng ông ta. Nếu mình có thể chiếm đoạt ông ta dễ dàng như thế thì mình có thể chiếm đoạt bất cứ ai. Mình sẽ làm chủ cả thế giới, Eve thầm nghĩ. Nàng bước vào thư viện thì thấy bà Kate đang ngồi ở đấy. “Chào bà ạ. Ngày hôm nay bà có thấy vui không?” Kate đứng nhìn đứa cháu nội duyên dáng. “Không vui lắm. Thế còn cháu?” “Ồ, cháu đã mua sắm ít thứ. Không gặp được thứ gì cháu thích cả. Bà đã mua cho cháu đủ mọi thứ rồi. Bà lúc nào cũng...” “Đóng cửa lại, Eve”. Giọng nói của bà có vẻ như cảnh cáo. Eve đóng cánh cửa bằng gỗ sồi lại. “Ngồi xuống”. “Có chuyện gì không hay chăng thưa bà?” “Cái ấy thì cháu nói cho bà nghe mới đúng. Bà đã dự tính mời Alfred Maurier lại đây, nhưng rồi bà quyết định tránh cho chúng ta tất cả sự nhục nhã ấy”. Đầu óc Eve bắt đầu quay cuồng. Thật vô lí! Chẳng có ai biết được về chuyện nàng với Alfred Maurier. Nàng chỉ mới chia tay với ông ta một giờ trước đó. “Cháu... cháu không hiểu được bà đang nói gì”. “ Vậy thì để ta nói thẳng ra cho mà biết. Cháu ngủ với Alfred Maurier trưa hôm nay phải không?” Những giọt nước mắt như vọt ra khỏi mắt Eve. “Cháu... cháu hi vọng rằng bà sẽ không bao giờ biết được những gì hắn đã làm với cháu, bởi vì hắn là bạn của bà”. Eve cố nói không vấp váp. “Thật kinh tởm quá. Hắn điện thoại cho cháu, mời cháu ăn cơm, phục rượu cho cháu say, rồi…” “Câm mồm đi!” Giọng bà Kate như một con roi quất vào người. Mắt bà tràn ngập vẻ ghê tởm. “Mày thật đáng khinh bỉ”. Bà Kate trải qua giờ phút đau đớn nhất trong đời bà, khi bà bắt đầu nhận ra được sự thật về đứa cháu gái. Bà vẫn còn nghe văng vẳng lời bà hiệu trưởng, “Thưa bà Blackwell, con gái nào thì cũng là con gái, vì vậy nếu chúng có một mối tình kín đáo thì đó không phải là vấn đề của tôi. Thế nhưng Eve nó ngủ bậy bạ một cách quá trâng tráo, cho nên vì lợi ích của nhà trường...” Thế mà Eve lại trút tất cả tội lỗi lên đầu Alexandra. Bà Kate nhớ lại các tai nạn đã xảy ra. Vụ Alexandra suýt chết cháy. Vụ Alexandra ngã từ vách núi, Alexandra bị hất ngã ra khỏi thuyền buồm có Eve ngồi trên ấy, suýt bị chết chìm. Bà còn nghe tiếng Eve kể lại vụ “hiếp dâm” do ông thầy dạy Anh văn: ông Parkinson nói ông muốn bàn luận với cháu về bài Anh văn. Ông yêu cầu cháu đến nhà ông vào trưa thứ bảy. Khi cháu đến đấy, ông ấy ở nhà một mình. Ông bảo ông muốn cho cháu xem cái gì đó trong buồng ngủ ông ấy. Theo ông lên cầu thang. Ông đè cháu xuống giường, rồi ông... Bà nhớ đến chuyện xảy ra ở Briancrest, khi Eve bị buộc tội là bán cần sa, rồi tội lỗi ấy lại bị trút lên đầu Alexandra. Eve đã không trách cứ Alexandra, mà lại bênh vực cho nó. Đó là cái mánh khoé của Eve. Nó là một kẻ xấu xa, nhưng lại đóng vai trò một kẻ anh hùng. Trời, thật là xảo quyệt! Lúc này, bà Kate nhìn chăm chú con quỷ sứ xinh đẹp với nét mặt thiên thần đang đứng trước mặt bà. Ta xây dựng tất cả các dự tính tương lai xung quanh ngươi. Chính ngươi sẽ là kẻ nắm quyền điều khiển Kruger-Brent một ngày nào đó. Chính ngươi là kẻ mà trước đây ta yêu quý, nâng niu. Bà nói: “Tao muốn mày rời khỏi ngôi nhà này. Tao không muốn nhìn mặt mày nữa”. Mặt Eve tái hẳn lại. “Mày là một con đĩ. Tao nghĩ tao cũng có thể chịu đựng được điều ấy. Nhưng mày lại lừa đảo, xảo quyệt, lại mắc phải cái bệnh dối trá. Tao không thể chịu đựng được cái tính như vậy”. Tất cả mọi sự diễn ra quá nhanh. Eve nói với vẻ đau khổ, “Bà ạ nếu Alexandra đã nói với bà những điều dối trá về cháu thì...”. “Alexandra không biết chút gì về chuyện này. Tao vừa nói chuyện rất lâu với bà Collins”. “Chỉ có thế thôi sao?” Eve cố làm ra vẻ như vừa trút ra khỏi một gánh nặng, qua giọng nói. “Bà Collins ghét cháu vì...”. Bà Kate đột nhiên tỏ vẻ chán ngán, mệt mỏi. “Cái lối nói ấy không còn hiệu quả gì nữa đâu, Eve ạ. Dẹp nó đi. Hết rồi. Tao đã cho mời ông luật sư đến, và sẽ tước quyền thừa kế của mày”. Eve cảm thấy như thế giới sụp đổ xung quanh nàng. “Bà không thể làm như thế được. Như thế thì cháu sẽ sống bằng cách nào?” “Mày sẽ được một khoản trợ cấp nhỏ. Từ nay trở đi, mày sẽ sống tự lập. Mày muốn làm gì thì làm”. Giọng bà Kate trở nên cứng rắn. “Nhưng nếu tao còn nghe hay đọc thấy một lời nào về những vụ tai tiếng của mày, nếu mày làm ô danh gia đình Blackwell bằng cách nào đó, thì tao sẽ ngưng luôn khoản trợ cấp ấy. Nghe rõ chưa?” Eve nhìn vào mắt bà nội, và biết rằng lần này thì không có sự hoãn lại việc thi hành quyết định này. Hàng chục cái cớ để tự bênh vực vọt lên đến môi nàng nhưng đều tắt ngay đi ở đó. Bà Kate đứng dậy, nói bằng một giọng run run, “Tao không biết điều này có một ý nghĩa gì đối với mày hay không, nhưng đối với tao, đó là một việc khó khăn nhất mà tao đã quyết định phải làm trong đời tao”. Bà quay lưng lại, bước ra khỏi phòng, lưng bà cứng nhắc và thẳng băng. Kate ngồi trong căn phòng tối tăm, tự hỏi vì sao mà mọi thứ đều diễn ra tệ hại đến như vậy. Nếu David không chết vì tai nạn, và Tony được quen biết bố nó..... Nếu Marianne còn sống... NẾU. Một từ chỉ gồm có ba chữ cái để nói lên cái mơ ước hão huyền. Tương lai làm bằng đất sét để có thể nặn ra ngày này qua ngày khác, nhưng qua khứ là nền đá cứng, không thể thay đổi hình dạng. Tất cả những người mình yêu đã phản bội mình. Tony, Marianne, Eve. Sarter đã nói rất đúng: “Địa ngục là những kẻ khác”. Bà tự hỏi không bao giờ nỗi đau đớn của bà mới tan đi được. Nếu bà Kate cảm thấy nỗi đau đớn tràn ngập, thì Eve cảm thấy tràn ngập nỗi giận dữ. Tất cả những gì nàng làm là để vui hưởng một vài giờ ân ái, thế mà bà nội lại coi như nàng đã phạm một ác không thể diễn tả được! Thật là một con mụ độc ác xưa cổ! Không, không phải xưa cổ mà là “già nua”. Đúng vậy, bà đã suy yếu vì tuổi già. Eve sẽ tìm một luật sư tài giỏi và sẽ làm cho bản chúc thư mới của bà bị huỷ bỏ trước toà án. Cha nàng và bà nội nàng đều là những người mất trí. Không ai có quyền tước bỏ quyền thừa kế của nàng. Kruger-Brent là công ty của nàng. Đã bao nhiêu lần, bà nội tuyên bố rằng một ngày kia công ty ấy sẽ thuộc về nàng. Còn Alexandra nữa! Trong suốt thời gian này, Alexandra đã hãm hại nàng. Không biết nó đã thì thầm những gì để đầu độc các lỗ tai của bà nội. Hắn muốn chiếm lấy công ty làm của riêng. Điều kinh khủng nhất vào lúc này là hắn có lẽ sẽ chiếm đoạt được công ty ấy. Những gì vừa xảy ra trưa nay đã tệ hại lắm rồi, nhưng ý tưởng là Alexandra sẽ chiếm đoạt quyền kiểm soát công ty thì thật không làm sao chịu nổi. Mình không thể để cho chuyện ấy xảy ra. Mình sẽ tìm cách ngăn chặn lại. Nàng đóng các khoá trên va li lại, rồi tìm em gái. Alexandra đang ngồi đọc sách trong vườn. Nàng ngẩng đầu lên khi Eve bước lại gần. “Alexandra ạ chị quyết định trở lại New York”. Alexandra nhìn chị với vẻ ngạc nhiên. “Bây giờ sao? Bà nội đang dự tính cho chúng mình đi du thuyền dọc bờ biển Dalmatian vào tuần sau kia mà”. “Ai cần đi chơi dọc bờ biển? Chị đã suy nghĩ nhiều về chuyện này rồi. Bây giờ đã đến lúc chị phải có riêng một căn hộ rất đẹp để ở, và nếu em tốt với chị, chị sẽ cho em thỉnh thoảng ở lại đêm tại đó”. Nói như thế là đúng, Eve thầm nghĩ. Thân mật, nhưng không bộc lộ tình cảm quá nhiều. Đừng có để cho nó biết mình đã rõ được ý định của nó. Alexandra nhìn chị nó chằm chằm với vẻ lo lắng. “Thế bà nội đã biết chưa?” “Chị đã nói với bà nội trưa nay. Dĩ nhiên là bà không hài lòng nhưng bà hiểu. Chị muốn có một việc làm, nhung bà cứ nhất thiết đòi tặng chị một khoản trợ cấp”. Alexandra hỏi, “Chị có muốn em cùng đi với chị không?”. Mẹ kiếp, cái con đàn bà hai mặt này! Thoạt tiên, nó làm áp lực buộc nàng phải ra khỏi nhà, bây giờ nó lại vờ muốn đi với nàng. Được rồi, họ không thể vứt bỏ Eve này dẽ dàng như vậy đâu. Mình sẽ tỏ rõ cho họ biết. Nàng sẽ có một căn hộ của riêng mình nàng sẽ tìm một nhà trang trí tài giỏi để làm công việc này - rồi nàng sẽ được hoàn toàn tự do đi đi về về tuỳ thích. Nàng sẽ mời bạn trai đến phòng nàng, dụ họ ngủ đêm tại đó. Nàng sẽ được tự do thực sự lần đầu tiên trong đời ý nghĩ này khiến lòng nàng cảm thấy phơi phới. Váo lúc này nàng nói với Alexandra, “Em nói như thế là rất tử tế, Alexandra ạ, nhưng chị muốn ở riêng một mình một thời gian đã”. Alexandra nhìn chị, cảm thấy một sự mất mát sâu sắc. Đây là lần đầu tiên hai chị em phải xa nhau. Nàng nói, “Vậy thì chúng ta sẽ gặp nhau luôn nhé?”. “Dĩ nhiên là như vậy”, Eve hứa,”Gặp nhau nhiều hơn là em nghĩ đấy”. Chương 26 Khi Eve trở lại New York, nàng thuê một căn phòng trong khách sạn ở vùng giữa thành phố, như đã được chỉ dẫn. Một giờ sau, Brad Rogers gọi điện thoại cho nàng. “Bà nội cô vùa gọi điện thoại từ Paris, Eve ạ. Hình như có chuyện xích mích gì giữa cô và bà nội” “Không hẳn thế”, Eve cười to. “Chỉ là vấn đề nhỏ trong gia đình”. Nàng sắp sửa tung ra một cuộc chống chế tỉ mỉ, bổng nàng nhận ra được mối nguy hiểm nếu làm như vậy. Từ nay trở đi, nàng phải rất cẩn thận. Xưa nay, nàng chưa hề phải suy nghĩ về đồng tiền. Nhưng bây giờ nó hiện ra lù lù trong đầu óc nàng. Nàng chưa biết số tiền trợ cấp cho nàng là bao nhiêu, và lần đầu tiên trong đời, nàng cảm thấy lo sợ. “Bà ấy có bảo cho cô biết rằng một bản chúc thư mới sẽ được soạn thảo, có phải vậy không?” “Phải, bà có nhắc sơ sơ đến chuyện ấy”, nàng quyết phải tỏ ra lạnh nhạt. “Tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên gặp nhau để bàn về vấn đề này. Thứ hai này vào lúc ba giờ, được không?” “Được, bác Brad ạ” “Tại văn phòng tôi nhé. Được không?”. “Tôi sẽ có mặt ở đấy”. Vào lúc ba giờ kém năm, Eve đi vào toà nhà Kruger-Brent. Nàng được đón tiếp một cách kính cẩn bởi viên bảo vệ an ninh, người bấm nút thang máy, và cả người gác thang máy nữa. Tất cả mọi người đều biết mình. Eve thầm nghĩ. Mình là một Blackwell. Chiếc thang máy đưa nàng đến tầng lầu của ban lãnh đạo công ty, và một lát sau, Eve ngồi trong văn phòng của Brad Rogres. Brad rất ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của bà Kate cho biết rằng bà sẽ tước quyền thừa kế của Eve, vì ông biết rằng bà ta yêu thương đặc biệt cô cháu gái này và đã có nhiều dự tính dành cho cô ta. Brad không thể nào tưởng tượng ra được chuyện gì đã xảy ra. Dẫu sao, đó không phải là công việc của ông. Nếu Kate muốn bàn luận với ông về vấn đề ấy thì ông cũng sẵn lòng. Công việc của ông là thực hiện các lệnh của bà Kate. Ông cảm thấy một sự thương hại thoáng qua đối với cô con gái dễ thương đang ngồi trước mặt ông. Kate lúc gặp ông lần đầu tiên, vào thời xa xưa ấy, cũng trạc tuổi người con gái này, và ông lúc ấy cũng không già hơn bao nhiêu. Nhưng bây giờ, tuy ông đã già, tóc đã bạc, ông vẫn hi vọng rằng một ngày nào đó Kate Blackwell sẽ nhận thức rằng có kẻ nào đó vẫn còn yêu bà sâu đậm. Ông nói với Eve, “Tôi có ít giấy tờ để cô kí. Xin cô đọc cho kĩ đã, rồi...” “Điều đó không cần thiết”. “Eve ạ, cái này quan trọng lắm. Cô cần phải hiểu đã”. Thế rồi ông bắt đầu giải thích, “Theo chúc thư của bà nội cô, cô là người thụ hưởng một quỹ kí thác không thể huỷ bỏ, hiện nay đã trên năm triệu đô la. Bà nội cô là người sử dụng quỹ này. Tuỳ theo ý muốn của bà ấy, số tiền ấy có thể trả cho cô bất cứ lúc nào từ tuổi hai mươi mốt đến ba mươi lăm”. Ông đằng hắng giọng, “Bà ấy quyết định sẽ trao số tiền ấy cho cô khi nào cô ba mươi lăm tuổi”. Thật là một cái tát vào giữa mặt. “Bắt đầu từ hôm nay, cô sẽ nhận được một khoản trợ cấp hằng tuần là hai trăm năm mươi đô la” Thật vô lí! Một chiếc áo dài coi được cũng đắt hơn số tiền ấy. Làm thế nào nàng sống được với 250 đô la một tuần? Điều này chỉ nhằm mục đích hạ nhục nàng thôi. Lão khốn kiếp này có lẽ toa rập với bà nội nàng trong vụ này. Lão ấy đang ngồi sau chiếc bàn viết, cười cười ra vẻ thích thú lắm. Nàng chỉ muốn nhặt miếng chặn giấy bằng đồng trước mặt lão và nện lên đầu hắn. Nàng cảm thấy như nghe tiếng xương sọ của lão vỡ lạo xạo dưới tay nàng. Brad vẫn tiếp tục nói với giọng đều đều. “Từ nay cô không được mua hàng chịu nữa, để thoả mãn nhu cầu riêng tư hay vì mọi lí do khác, và cũng không được dùng danh nghĩa gia đình Blackwell để mua sắm ở các cửa hiệu. bất cứ thứ gì cô mua đều phải trả bằng tiền mặt”. Cơn ác mộng mỗi lúc mỗi trở nên tệ hại hơn. “Tiếp theo nữa, nếu có bất kì lời bàn tán nào liên hệ đến tên cô trên nhật báo hay tạp chí - trong nước hay ngoài nước - thì số tiền trợ cấp hằng tuần này cũng sẽ bị ngưng lại. Cô rõ rồi chứ?” “Vâng”. Giọng nói của nàng nghe như tiếng thì thầm. “Cô và em cô là Alexandra được cấp giấy bảo hiểm sinh mạng của bà nội các cô, giá trị năm triệu đô la cho mỗi người. Giấy bảo hiểm về phần cô đã bị huỷ bỏ bắt đầu từ sáng hôm nay. Đến cuối năm, nếu bà nội cô cảm thấy hài lòng về cô, tiền trợ cấp hằng tuần của cô sẽ được tăng gấp đôi”. Ông do dự một lát rồi nói tiếp. “Còn một điều khoản cuối cùng nữa”. Bà ấy lại muốn treo mình lên trước công chúng đây. “Vâng?” Brad Rogers trông có vẻ hơi bối rối. “Bà nội cô không bao giờ còn muốn gặp lại cô nữa, cô Eve ạ” Nhưng mà, tôi muốn gặp lại bà lần nữa, bà già ạ. Eve nhủ thầm. Tôi muốn trông thấy bà chết trong sự đau đớn. Giọng nói của Brad như nhỏ giọt vào đầu óc đang sôi sùng sục của Eve. “Nếu cô có gặp điều gì khó khăn, cứ điện thoại cho tôi. Bà nội cô không muốn cô bén mảng đến toà nhà này nữa hay đến thăm bất cứ tài sản nào của công ty”. Về vấn đề này, Brad đã tranh luận với bà Kate. “Lạy Chúa! Cô ấy là cháu nội của bà mà. Nó là máu và thịt của bà. Thế mà bà đối xử với nó như là cùi hủi” “Chính nó là cùi hủi” Thế là cuộc bàn cãi chấm dứt. Lúc này, Brad nói một cách ngượng nghịu, “Thôi được, như thế là tôi đã cho cô biết tất cả mọi sự. Cô còn có câu hỏi gì nữa không, cô Eve?” “Không”. Nàng đang bị xúc động mãnh liệt. “Vậy thì cô hãy kí vào các giấy tờ này”. Mười phút sau, Eve đi xuống dường phố, với một tấm ngân phiếu 250 đô la trong túi. * * * * * Sáng ngày hôm sau, Eve đến gặp một nhân viên nhà đất và bắt đầu tìm một căn hộ. Trong trí tưởng tượng của nàng, nàng nghĩ đến một dãy buồng đẹp đẽ ở tầng lầu cao, nhìn xuống công viên Central Park, sơn màu trắng với những đồ đạc tối tân và một sân thượng để làm nơi đãi đằng khách khứa. Sự thật đến với nàng như một cú đánh làm xây xẩm mặt mày. Dường như không có dãy buồng nào ở đường Park Avenue dành cho một người với lợi tức 250 đô la một tuần cả. Nơi mà nàng có thể thuê được chỉ là một căn hộ một phòng ở Little Italy với một cái đi văng dùng làm giường nằm, một cái góc thụt mà viên phụ trách nhà đất gọi cho đẹp đẽ là “thư viện”, một cái bếp nhỏ và một phòng tắm xinh xắn lát gạch men hoen ố. “Có... có phải đây là nơi tốt nhất mà ông có hay không?” Eve hỏi. “Không”, y nói, “Tôi có một ngôi nhà giữa phố, gồm hai mươi phòng, trên đường Sulton Place, giá nửa triệu đô la, thêm tiền bảo trì”. Đồ khốn kiếp! Eve thầm nghĩ. Nhưng nỗi tuyệt vọng thật sự chỉ đến với Eve vào trưa hôm sau, khi nàng mới dọn đến. Nơi ở này đúng là một nhà tù. Phòng trang điểm của nàng ở nhà rộng bằng toàn thể căn hộ này. Nàng nghĩ đến Alexandra ở sung sướng trong ngôi nhà đồ sộ ở Đại lộ thứ Năm. Lạy Chúa, vì sao trước kia Alexandra không bị chết cháy cho rồi? Chỉ suýt chút nữa là nàng đã thành công rồi! Nếu Alexandra chết, và nàng, Eve, là người thừa kế duy nhất thì đâu đến nổi này? Bà nội nàng ắt không dám tước quyền thừa kế của nàng. Nhưng nếu bà Kate Blackwell tưởng rằng Eve sẽ từ bỏ quyền thừa kế của nàng dễ dàng như thế thì bà chưa hiểu được cháu gái của bà. Eve không có ý định sống với 250 đô la một tuần lễ. Có năm triệu đô la thuộc về nàng còn nằm tại ngân hàng, mà bà già độc ác ấy vẫn còn giữ lại, không cho nàng sờ đến. Nhưng chắc chắn phải có cách lấy được số tiền ấy. Mình phải tìm cho ra cách ấy. Giải đáp cho vấn đề này đến với nàng ngày hôm sau. * * * * * “Thưa cô Blackwell, tôi có thể giúp gì cho cô?”. Alvin Seagram hỏi Eve một cách kính cẩn. Ông là phó chủ tịch ngân hàng National Union, và thực sự ông sẵn sàng làm hầu như bất cứ thứ gì cho Eve. Ngọn gió may mắn nào đã đưa cô gái này đến với ông? Nếu ông có thể nắm được trương mục của Kruger-Brent, hay một phần của nó mà thôi, sự nghiệp của ông sẽ lên cao như hoả tiễn. “Tôi có một số tiền kí thác cho tôi”. Eve giải thích. “Năm triệu đô la. Theo các quy tắc đã được ấn định cho việc kí thác này, tôi chỉ nhận được số tiền ấy vào lúc ba mươi lăm tuổi”, nàng tủm tỉm cười một cách ngây thơ. “Từ đây đến đó có vẻ lâu quá” “Ở tuổi cô bây giờ thì điều đó cũng đúng”, ông Seagram mỉm cười. “Cô... mười chín tuổi, phải không?” “Không, hai mươi mốt” “Mà lại xinh đẹp nữa, xin phép cô cho tôi nói như vậy, thưa cô Blackwell”. Eve cười bẽn lẽn. “Cảm ơn ông Seagram”. Câu chuyện này chắc sẽ đơn giản hơn là mình nghĩ. Eve tự nhủ. Lão này là một thằng ngốc. Seagram cũng cảm thấy mối thiện cảm giữa hai người. Cô ấy có vẻ thích mình đây. “Thưa cô, nói cụ thể ra thì tôi có thể giúp ích gì được cho cô?” “Vâng, tôi không biết ông có thể nào cho tôi mượn một số tiền ứng trước, lấy số ngân quỹ kí thác của tôi làm bảo đảm được không? Chắc ông cũng biết, tôi cần tiền ấy bây giờ hơn là sẽ cần nó về sau này. Tôi đã hứa hôn và sắp đến ngày cưới. Vị hôn phu của tôi là một kĩ sư xây dựng làm việc ở Israel, và anh ấy phải ba năm nữa mới trở lại nơi này”. Alvin Seagram tỏ vẻ rất thông cảm. “Tôi đã hiểu rất rõ”. Tim ông đập thình thình. Tất nhiên, ông có thể thoả mãn lời yêu cầu của nàng. Tiền bạc vẫn thường ứng trước khi đã có ngân khoản kí thác. Và khi ông thoả mãn được yêu cầu của nàng, nàng sẽ giới thiệu cho ông những thành viên khác của gia đình Blackwell và ông cũng sẽ thoả mãn họ. Sau đó thì sẽ không có gì ngăn cản ông được nữa. Ông sẽ trở thành một thành viên của ban lãnh đạo ngân hàng National Union. Có lẽ một ngày kia ông sẽ lên ghế chủ tịch. Tất cả điều này là nhờ ở cô gái tóc hoe bé nhỏ và xinh đẹp đang ngồi ở phía bên kia bàn giấy của ông. “Không có vấn đề khó khăn nào cả”, Alvin Seagram cam đoan với Eve. “Đó chỉ là một vụ giao dịch đơn giản. Cô cũng hiểu rằng chúng tôi không thể cho cô vay toàn thể số tiền, nhưng chúng tôi có thể để cô vay ngay lập tức một số tiền, chẳng hạn như một triệu đô la. Như vậy đã đủ chưa?” “Rất đủ”, Eve nói, cố không bộc lộ nỗi vui sướng. “Vậy thì tốt. Xin cô cho biết các chi tiết về ngân quỹ kí thác”, ông nhặt ngòi bút lên. “Ông có thể tiếp xúc với ông Brad Rogers ở Kruger-Brent. Ông ấy sẽ cung cấp các chi tiết ông cần”. “Tôi sẽ gọi điện thoại đến ông ấy ngay” Eve đứng dậy, “Cần phải đợi bao nhiêu lâu?” “Không quá một vài ngày. Tôi sẽ tự tay làm gấp” Nàng đưa bàn tay xinh đẹp, nhỏ nhắn, “Ông rất tốt”. Ngay lúc Eve vừa bước ra khỏi phòng làm việc, Alvin Seagram nhặt lấy điện thoại. “Cho tôi gặp ông Brad Rogers ở Công ty hữu hạn Kruger-Brent”. Ngay đến cái tên này cũng đủ làm cho xương sống ông rung lên một cảm giác sung sướng. Hai ngày sau, Eve trở lại ngân hàng và được dẫn đến văn phòng của Alvin Seagram. Câu nói đầu tiên của ông này là: “Tôi e rằng không thể giúp được cô, cô Blackwell ạ”. Eve không thể tin nổi những gì cô vừa nghe. “Tôi không hiểu. Chính ông đã nói rằng vấn đề này đơn giản mà. Ông bảo rằng...”. “Tôi xin lỗi. Lúc ấy tôi chưa nắm được các sự kiện...” Ông còn nhớ rất rõ cuộc nói chuyện với Brad Rogers. “Vâng, quả thật có một ngân quỹ năm triệu đô la được kí thác dưới tên Eve Blackwell. Ngân hàng của ông có thể tự do ứng trước bao nhiêu cũng được, căn cứ vào ngân quỹ ấy. Thế nhưng, tôi cũng cần phải cảnh cáo cho ông biết rằng bà Kate Blackwell sẽ coi việc này như là một hành động không thân thiện”. Brad Rogers không cần phải nói rõ ra những hậu quả sẽ như thế nào. Kruger-Brent có những bạn bè đầy quyền lực ở khắp mọi nơi. Và nếu các bạn bè ấy bắt đầu rút tiền ra khỏi National Union thì Alvin Seagram không cần phải dự đoán những điều tai hại sẽ lớn lao như thế nào cho sự nghiệp của ông. “Tôi xin lỗi”, ông lặp lại câu nói với Eve. “Tôi không thể làm gì được”. Eve nhìn ông ta, tỏ vẻ rất thất vọng. Nhưng nàng không để cho anh chàng ấy biết cái cú đánh ông ta vừa giáng xuống đầu nàng mạnh mẽ như thế nào. “Xin cảm ơn ông đã bận tâm về việc này. Còn có nhiều ngân hàng ở New York nữa. Xin chào ông”. “Thưa cô Blackwell”, Alvin Seagram nói. “Không có một ngân hàng nào trên thế giới sẵn sàng cho cô vay một xu nhỏ với ngân quỹ kí thác ấy”. Alexandra cảm thấy bối rối, không làm sao hiểu được. Trước kia, bà nội đã bày tỏ bằng mọi cách rằng bà mến chuộng Eve. Bây giờ, chỉ qua một đêm, mọi sự đều thay đổi cả. Nằng biết rằng đã có sự gì ghê gớm xảy ra giữa bà nội và Eve, nhưng không hiểu đó là chuyện gì. Mỗi khi Alexandra cố đưa vấn đề này ra thì bà nội nói, “Chẳng có gì bàn cãi cả. Eve nó chọn cuộc sống riêng cho nó”. Alexandra cũng chẳng biết được gì thêm qua Eve. Kate Blackwell bắt đầu dành nhiều thời giờ hơn với Alexandra. Alexandra rất lấy làm ngạc nhiên. Nàng không những đối diện với bà luôn luôn, mà đã trở thành một thành phần thực sự trong đời sống của bà, giống như thể là bà nội mới nhìn thấy nàng lần đầu tiên vậy. Alexandra có cảm giác kì lạ là mình đang được xem xét, đánh giá. Kate quả thực trông thấy cô cháu gái của bà lần đầu tiên, nhưng bởi vì bà đã bị lừa gạt một cách cay đắng nên bà phải dè dặt gấp đôi trước kia trong việc nhận định về cô gái song sinh với Eve. Bất cứ khi nào được rảnh rỗi, bà ngồi với Alexandra, dò hỏi, chất vấn và lắng nghe nàng nói. Cuối cùng, bà cảm thấy hài lòng. Thật ra không dễ gì hiểu được Alexandra. nàng là con người kín đáo, và dè dặt hơn Eve. Nàng có trí thông minh, lanh lẹn, và vẻ ngây thơ của nàng, phối hợp với sắc đẹp, khiến cho nàng càng thêm dễ mến. Nàng vẫn hay nhận những lời mời mọc nhiều vô kể để tham dự vào các buổi tiệc tùng, dạ hội và xem hát, nhưng vào lúc này chính bà Kate quyết định nàng nên chấp nhận nơi nào và từ chối nơi nào. Vấn đề tìm một chàng trai môn đăng hộ đối cũng chưa đủ hay gần như chưa đủ. Điều mà bà Kate đang tìm cho Alexandra là một người có thể giúp cho nàng tiếp tục triều đại của bà. Bà không nói gì với Alexandra về điều này. Còn có nhiều thì giờ để cho bà tìm được một người xứng đôi vừa lứa. Đôi khi, vào những buổi sáng sớm, khi Kate cảm thấy khó ngủ, bà nằm nghĩ đến Eve. Cuộc sống của Eve tiến triển khá tốt đẹp. Câu chuyện xảy ra với bà nội đã làm thương tổn “cái tôi” của nàng một cách nặng nề, đến nỗi nàng đã quên đi một điều rất quan trọng. Nàng đã quên hẳn rằng nàng rất hấp dẫn đối với đàn ông. Trong một bữa tiệc đầu tiên, sau ngày dọn đến căn hộ mới, nằng đã cho số điện thoại của nàng cho sáu chàng trai - bốn người trong số ấy đã có gia đình - và chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ, nàng đã nhận được sự đáp ứng của tất cả sáu người. Từ ngày ấy, Eve biết rằng nàng không cần phải lo lắng gì nữa về vấn đề tiền bạc. Người ta gửi quà tặng đến cho nàng như mưa rào: những thứ nữ trang đắt tiền, những bức tranh quý và nhất là tiền mặt. “Tôi vừa mới đặt mua một chiếc tủ chè, nhưng ngân phiếu về khoản trợ cấp của tôi chưa đến nơi. vậy có phiền anh lắm không, anh yêu quý”. Nhưng, họ chẳng có gì phiền lòng cả. Khi Eve đi ra chỗ công cộng, nàng phải xếp đặt làm sao cho người đi theo nàng phải là những chàng trai độc thân. Còn những người có gia đình rồi thì nàng tiếp họ tại nhà. Eve tỏ ra rất kín đáo. Nàng thận trọng không để cho tên tuổi của nàng trở thành đề tài bàn tán trên báo chí, điều này không phải là vì nàng lo sợ số tiền trợ cấp của nàng sẽ bị cắt mà chính là vì nàng đã quyết định rằng một ngày kia bà nội nàng sẽ phải bò sát đất để đến với nàng. Bà Kate Blackwell cần có một người thừa kế để thay bà đảm nhiệm công ty Kruger-Brent. Alexandra không đủ khả năng để làm bất cứ việc gì ngoài công việc của một bà nội trợ, Eve cảm thấy hể hả với ý nghĩ này. Một buổi trưa nọ, lật những trang báo Town and Country, Eve chợt nhìn thấy bức hình Alexandra đang khiêu vũ với một chàng trai trông hấp dẫn. Eve không nhìn vào hình ảnh Alexandra mà nhìn chàng trai ấy. Và nàng nhận ra rằng nếu Alexandra lấy chồng và có con trai thì đó là tai hoạ lớn cho Eve và cho các dự tính của nàng. Nàng chăm chú nhìn bức hình một hồi lâu. Trong suốt thời gian một năm, Alexandra đã gọi điện thoại cho Eve đều đặn, để mời nàng ăn trưa, ăn tối, nhưng lần nào Eve cũng kiếm cớ thoái thác. Nhưng bây giờ, Eve quyết định rằng đã đến lúc nàng phải nói chuyện với Alexandra. Vì vậy, nàng mời Alexandra đến căn hộ của nàng. Alexandra chưa hề thấy căn hộ này trước đó, nên Eve cố thu hết can đảm để chờ đợi một lời bày tỏ thương hại. Thế nhưng, Alexandra chỉ nói, “Căn hộ này thật là thích, chị Eve ạ. Nó có vẻ rất ấm cúng, phải thế không, chị?”. Eve tủm tỉm cười, “Nó hợp với chị. Chị thích một cái gì thật thân mật”. Eve đã cầm khá nhiều nữ trang và các bức tranh để có thể dời đến một căn hộ đẹp hơn, nhưng nếu làm như vậy thì bà Kate sẽ biết và sẽ hỏi nàng kiếm đâu ra tiền. Vào lúc này, phương châm của nàng là “cẩn thận, kín đáo”. “Bà nội có khoẻ không?” Eve hỏi. “Cũng khoẻ”, Alexandra do dự đáp, “Chị Eve ạ, em không biết chuyện gì đã xảy ra giữa bà nội và chị, nhưng nếu có việc gì chị cần em giúp đỡ thì em sẽ...” Eve thở dài. “Bà không nói với em sao?” “Không. Bà không muốn bàn đến chuyện ấy”. “Chị không trách bà nội. Tội nghiệp, có lẽ bà cảm thấy mình tội lỗi quá chừng. Số là trước đây chị có gặp một ông bác sĩ trẻ rất tốt. Chị và anh ấy sắp sửa cưới nhau. Hai người cùng ăn nằm với nhau. Thế là bà nội biết được chuyện ấy, bà đuổi chị ra khỏi nhà và không muốn nhìn thấy mặt chị nữa. Chị nghĩ rằng bà nội mình quá xưa cổ, Alex ạ” Nàng nhìn thấy vẻ lo ngại trên mặt Alexandra. “Thật kinh khủng quá. Hai người nên đến gặp bà nội. Chắc chắn bà sẽ...” “Anh ấy chết trong một tai nạn máy bay”. “Trời, chị Eve ạ, tại sao chị không nói với em chuyện này trước đây?” “Lúc ấy chị thẹn quá, không dám nói với ai, ngay cả với em nữa”. Nàng cầm lấy tay em gái, bóp thật chặt. “Em cũng biết đấy, chị kể cho em nghe tất cả mọi chuyện”. “Để em nói với bà nội. Em sẽ giải thích...” “Đừng làm thế. Chị có quá nhiều tự ái. Em hãy hứa với chị rằng em sẽ không bao giờ nói điều này với bà. Không bao giờ” “Nhưng chắc chắn bà nội sẽ...” “Hứa đi!” Alexandra thở dài. “Thôi được”. “Em hãy tin lời chị. Chị ở đây rất sung sướng. Đi đi về về tuỳ thích. Thật là tuyệt”. Alexandra nhìn chị và nhớ lại trước đây nàng đã nhớ chị biết bao nhiêu. Eve quàng tay lên người Alexandra, và nói với vẻ trêu chọc. “Thôi, chị kể về chị như thế là đủ rồi. Bây giờ em hãy nói về những gì đã xảy đến với em. Em đã gặp được “Ông hoàng tử đáng yêu” chưa? Chắc là có rồi chứ gì?” “Chưa”. Eve nhìn kĩ cô em gái. Nó là tấm gương phản chiếu hình ảnh của nàng, vì vậy nàng quyết định phải phá huỷ nó đi. “Rồi em sẽ có, em ạ”. “Em chưa vội. Em cho rằng đã đến lúc em bắt đầu phải tự nuôi sống. Em đã nói với bà nội về chuyện ấy. Tuần sau, em sẽ gặp người đứng đầu một hãng quảng cáo để bàn về việc làm”. Hai người cùng ăn trưa trong một quán ăn nhỏ gần nơi ở của Eve. Eve đòi trả tiền cho kì được. Nàng không cần chút gì của em gái. Khi hai người chia tay nhau, Alexandra nói, “Chị Eve ạ, nếu chị cần tiền...” “Đừng nói vớ vẩn thế, em ạ. Chị thiếu gì tiền...” Alexandra vẫn chưa chịu. “Thế nhưng, khi nào chị thiếu tiền, chị có thể lấy bất cứ thứ gì em có”. Eve nhìn thẳng vào mắt Alexandra. “Chị sẽ tin vào điều đó”. nàng mỉm cười “nhưng thực sự chị không cần gì cả, Alex ạ”. Nàng không thèm nhặt những mảnh vụn. nàng có ý định ăn cả cái bánh. Vấn đề là: Làm thế nào để chiếm lấy nó? * * * * * Một buổi tiệc cuối tuần được tổ chức ở Nassau. “Có chị đến dự thì buổi tiệc sẽ khác hẳn, Eve ạ. Tất cả các bạn của chị đều sẽ có mặt”. Người gọi là Nita Ludwig, một cô gái Eve đã quen biết ở trường học bên Thuỵ Sĩ. Nàng sẽ gặp một số bạn trai mới. Nàng đã chán với những “thu hoạch” hiện tại rồi. “Nghe có vẻ vui đấy. Tôi sẽ đến”. Eve nói. Trưa hôm ấy, nàng cầm một chiếc vòng ngọc do một ông chủ hãng bảo hiểm, đã có vợ và ba con, tặng nàng tuần trước vì quá say đắm nàng. Với số tiền cầm đồ ấy, nàng sẽ sắm một bộ đồ mùa hè mới ở hiệu may Lord and Taylor, và mua vé khứ hồi đi Nassau... Sáng hôm sau, nàng lên máy bay. Tài sản của gia đình Ludwig là một toà lâu đài to lớn, trải dài trên bãi biển. Ngôi nhà chính có ba mươi phòng, và phòng nhỏ nhất cũng lớn hơn cả căn hộ của Eve. Eve được một người hầu gái mặc đồng phục dẫn đến căn phòng dành riêng cho nàng. Trong khi Eve rửa ráy cho mát mẻ thì người hầu gái ấy mở hành lí ra cho nàng. Sau đó, nàng đi xuống nhà gặp gỡ các khách mời. Trong phòng khách có mười sáu người, và họ có một đặc điểm chung duy nhất: họ đều giàu có cả. Nita Ludwig là người tin tưởng mạnh mẽ vào câu phương ngôn: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Những con người này có chung một suy nghĩ về cùng một thứ; họ cảm thấy dễ chịu khi ngồi với nhau vì họ đều nói chung một thứ ngôn ngữ. Họ chia sẻ với nhau những trường nội trú sang trọng nhất, những ngôi nhà lộng lẫy nhất, những chiếc thuyền buồm, những chiếc máy bay phản lực tư nhân, và cả những vấn đề thuế má. Một nhà báo đã phong cho họ cái tên là “giới phản lực”, một danh xưng mà họ thường đưa ra để chế giễu nhau và lấy làm thích thú. Họ là một thiểu số được ưu đãi, được chọn lựa, tách rời ra khỏi những người khác do một vị thần biết phân biệt. Mặc kệ những người khác tin rằng tiền bạc không thể mua được tất cả mọi thứ. Nhóm người này biết rõ hơn. Với tiền bạc, họ mua được sắc đẹp, tình yêu, cuộc sống xa xỉ và một chổ đứng trên thiên đường. Đó là tất cả những thứ mà Eve đã bị tước đi do ý muốn bất thường của một bà già. Nhưng không được lâu đâu, Eve thầm nghĩ. Nàng bước vào phòng khách thì cuộc nói chuyện rì rào ngưng bặt. Trong một căn phòng toàn là những người đẹp, nàng nổi bật lên trên tất cả. Nita dẫn Eve đi chào các bạn bè, và giới thiệu nàng với những người không quen biết. Eve thật là xinh đẹp và vui vẻ. Nàng quan sát từng chàng trai với cái nhìn hiểu biết, và lựa ra các mục tiêu của nàng với sự thành thạo của một nhà chuyên môn. Đa số những người lớn tuổi đều có vợ con, nhưng điều đó chỉ làm cho việc lựa chọn của nàng dễ dàng hơn. Một chàng trai hói đầu, mặc chiếc quần short vuông và chiếc sơ mi thể thao kiểu Hawaii, đến bên nàng và nói, “Tôi đoán chắc cô đã chán nghe người ta khen cô là rất xinh đẹp, phải thế không?” Eve thưởng cho ông ta một nụ cười nồng thắm và nói, “Tôi không bao giờ chán chuyện ấy cả, thưa ông...” “Tên tôi là Peterson. Nhưng cô cứ gọi tôi là Dan cho thân mật. Cô là một minh tinh Hollywood mới phải”. “Tôi e rằng tôi không có tài đóng kịch”. “Nhưng tôi thì lại cho rằng cô có nhiều tài năng khác nữa”. Eve cười một cách bí hiểm “Khi nào ông thử rồi thì mới biết được, phải không, ông Dan?” Dan liếm mép, “Cô đến đây một mình sao?” “Vâng”. “Tôi có một chiếc du thuyền đậu ở trong vịnh. Có thể nào chúng ta cùng đi chơi vào ngày mai được không?” “Nghe có vẻ thích đấy”, Eve nói. Dan cười, “Tôi không hiểu sao trước đây chúng ta không gặp nhau bao giờ. Tôi quen biết bà nội cô nhiều năm rồi”. Eve vẫn giữ nụ cười trên môi, nhưng phải cố gắng hết sức, “Bà nội tôi là một người rất được yêu mến”, Eve nói, “Bây giờ có lẽ chúng ta nên đi đến nói chuyện với các bạn khác nhỉ”. “Đúng vậy, cô em yêu quý ạ”. Anh ta nháy mắt một cái, “Ngày mai nhé, nhớ đấy”. * * * * * Từ lúc ấy, anh ta không thể nào gặp riêng Eve một lần nữa. Nàng tránh anh ta vào lúc ăn trưa, và sau bữa ăn, nàng mượn một chiếc xe hơi dành cho khách ở trong gara, rồi lái xuống phố. Nàng đi qua tháp Black-Beard và khu vườn xinh đẹp Ardastra, nơi có những con hồng hạc màu sắc sặc sỡ đang biểu diễn. Nàng dừng ở bờ bể để xem những chiếc thuyền đánh cá đang trút lên bờ những con rùa thật to, những con tôm hùm, cá nhiệt đới, và nhiều vỏ ốc màu sắc sặc sỡ. Những vỏ ốc này sẽ được đánh bóng và bán cho các du khách. Mặt nước trong vịnh trơn láng, sóng bể lóng lánh như kim cương. Bên kia vũng nước Eve có thể trông thấy bãi bể Paradise Island cong vòng như lưỡi liềm. Một chiếc thuyền máy vừa rời bến đậu ở bãi bể, và khi nó bắt đầu tăng thêm tốc độ thì hình dáng một người đàn ông bắt đầu nhô lên trên nền trời, kéo lê ở phía sau chiếc thuyền. Thật là một quang cảnh khiến cho người ta phải giật mình, sửng sốt. Người ấy xuất hiện, bám lơ lửng vào một thanh kim khí buộc chặt với một chiếc buồm màu xanh, thân hình anh ta dài, mảnh khảnh, duỗi ra chống chọi lại sức gió. Eve đứng nhìn say mê, trong khi chiếc thuyền máy gầm lên, tiến về phía cảng, và hình người treo lơ lửng trên không lướt đến gần hơn. Chiếc thuyền đến gần bến đậu, đổi hướng rất nhanh. Trong chốc lát, Eve nhìn thoáng thấy mặt người ấy, đen sẫm và đẹp trai, rồi anh ta biến đi đâu mất. Năm giờ sau, anh ta bước vào trong phòng khách của Nita Ludwig. Eve có cảm tưởng như thể nàng đã buộc anh ta phải đến đây. Nàng đã biết anh sẽ xuất hiện. Nhìn gần, anh ta trông càng đẹp trai hơn nữa. Anh cao chừng hai thước, nét mặt rám nắng như được chạm trổ tuyệt hảo, mắt xanh và thân hình gọn gàng như một vận động viên. Khi cười, anh để lộ hàm răng trắng, đều đặn. Anh nhìn xuống Eve, tủm tỉm cười, khi Nita giới thiệu anh với nàng. “Đây là George Mellis. Còn đây là Eve Blackwell”. “Lạy Chúa, cô giống như bức tranh trong viện bảo tàng Louvre”, George Mellis nói. Giọng anh ta trầm và khàn khàn với một âm điệu khó có thể xác định. “Đi theo tôi nào”. Nita ra lệnh, “Tôi sẽ giới thiệu anh với các vị khách khác”. Anh ta vẫy tay xua nàng đi. “Khỏi phải bận tâm. Tôi đã gặp mọi người rồi”. Nita nhìn hai người, ra dáng suy nghĩ. “Thôi được, nếu tôi có thể làm gì được việc gì thì anh cứ gọi tôi nhé”. “Anh hơi lỗ mãng đối với chị ấy đấy, anh không thấy hay sao?”, Eve hỏi. Mellis cười. “Tôi không chịu trách nhiệm về những gì tôi nói hay tôi làm. Tôi đang yêu đây”. Eve phá lên cười. “Tôi nói thật đấy. Cô là người xinh đẹp nhất mà tôi chưa hề được thấy trong đời”. “Tôi cũng đang nghĩ về anh giống như vậy”. Eve không cần biết anh chàng này có nhiều tiền hay không. Nàng đã bị anh ta làm mê hoặc. Không phải chỉ là do dáng vẻ bên ngoài của anh ta mà thôi. Anh ta có một sức hút như nam châm, một thứ sức mạnh kích thích. Không một người đàn ông nào đã từng tác động đến nàng như vậy. “Anh là ai?” “Nita đã giới thiệu rồi. George Mellis”. “Anh là ai?” Nàng lặp lại câu hỏi. “À, cô muốn hỏi theo nghĩa triết học chứ gì? Cái tôi hiện thực? Chẳng có gì hay ho để mà nói cả. Tôi là người Hi Lạp. Gia đình tôi trồng cây ô liu và các thứ khác”. Đúng là cái tên Mellis ấy rồi. Các nhãn hiệu thực phẩm Mellis có thể thấy ở tất cả các cửa hàng tạp hoá và siêu thị khắp nước Mỹ. “Anh có gia đình chưa?” Anh cười. “Lúc nào cô cũng hay hỏi trực tiếp như thế à?” “Không”. “Tôi chưa có vợ”. Câu trả lời này gây cho nàng một cảm giác sung sướng bất ngờ. Chỉ cần nhìn chàng, Eve đã cảm thấy muốn chiếm đoạt chàng và được chiếm đoạt. “Tại sao anh bỏ bữa cơm tối?” “Cô muốn biết sự thật à?” “Phải”. “Đó là một vấn đề rất riêng tư”. Nàng chờ đợi. “Lúc ấy tôi bận thuyết phục một cô gái đừng có tự tử”. Anh ta nói với một vẻ thản nhiên như thể đó là một chuyện xảy ra thông thường. “Tôi hi vọng anh đã thành công”. “Tạm thời vào lúc này. Tôi hi vọng cô không phải là loại người thích tự vẫn”. “Không. Tôi cũng hi vọng anh không phải loại người ấy”. George Mellis phá lên cười. “Anh yêu em”, anh nói, “Thật sự anh yêu em”. Anh cầm lấy cánh tay Eve. Sự động chạm này khiến nàng rùng mình. * * * * * Mellis ở luôn bên cạnh Eve tối hôm ấy, hoàn toàn chú tâm đến nàng và quên đi tất cả mọi người khác. Anh có những bàn tay dài, nhỏ nhắn, và luôn luôn làm một việc gì đó cho Eve: đem rượu đến cho nàng, châm thuốc là cho nàng, sờ vào người nàng một cách kín đáo. Sự gần gũi với chàng làm cho thân hình nàng như bốc lửa; nàng nóng lòng muốn được ở một mình với chàng. Đến nửa đêm, khi khách khứa bắt đầu rút lui về phòng, George Mellis nói, “Phòng em ở đâu?” “Ở cuối hành lang phía bắc” Anh ta gật đầu, đôi mắt có lông mi dài như xoáy vào mắt nàng. Eve cởi áo quần, tắm rửa, rồi mặc một chiếc áo ngủ mới, mỏng màu đen, bó sát thân hình. Vào lúc một giờ sáng, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Nàng vội vã mở cánh cửa. George Mellis bước vào. Anh đứng ở đó, đôi mắt đầy vẻ thán phục. “Em làm cho Venus de Milo giống như một con mụ xấu xí”. “Em có lợi điểm hơn pho tượng ấy”, Eve thầm thì, “Em có hai cánh tay”. Nàng choàng hai cánh tay xung quanh người Mellis, kéo anh ta sát lại người nàng. Nụ hôn của anh khiến một thứ gì đó trong người nàng nổ bùng lên. Môi anh áp sát với môi nàng. Nàng cảm thấy lưỡi chàng đang thăm dò trong miệng. “Trời ơi!”, Eve rên rỉ. Mellis bắt đầu cởi chiếc áo vét ra với sự giúp đỡ của Eve. Chỉ trong một lát, anh cởi hết áo quần, hoàn toàn trần truồng trước mặt nàng. Vóc người anh thật là tuyệt hảo. Nàng chưa bao giờ thấy ai như vậy bao giờ... “Nhanh lên”, Eve thúc giục, “Hãy yêu em đi”. Nàng tiến đến chiếc giường, thân thể nàng như bốc lửa. Mellis ra lệnh “Quay lưng lại...” Nàng ngước mắt nhìn lên anh ta. “Em... em không...” Y vả nàng một cái vào miệng. Nàng trố mắt nhìn, sửng sốt. “Quay lưng lại!” “Không”. Y lại đánh thêm một cái nữa một cách tàn nhẫn. Y đập mạnh cánh tay ngang gáy của Eve, khiến nàng bất tỉnh. Nàng mở miệng định thét lên thật to, nhưng kịp ngăn chặn lại ngay vì sợ y có thể làm điều gì ghê gớm đối với nàng. Nàng van xin “Trời, tôi xin anh. Anh làm tôi đau đớn quá”. “Trời! Lạy Chúa!”, Nàng thì thào, “Ngưng lại ngay đi! Ngưng ngay cái trò ấy!”. Điều cuối cùng mà Eve nhớ lại là tiếng lầm bầm hung dữ phát ra từ trong người y và dường như nổ lên trong tai nàng. Khi tỉnh lại, mở mắt ra, nàng thấy George Mellis đang ngồi trên ghế, ăn mặc tề chỉnh, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Y đi đến chiếc giường, vuốt ve trên trán nàng. Nàng co người lại để tránh cái sờ mó của y. “Em cảm thấy như thế nào, em yêu quý?” Eve cố ngồi dậy, nhưng cơn đau thật là mãnh liệt. nàng cảm thấy như thân hình bị xé ra từng mảnh. “Đồ súc vật khốn kiếp...” Giọng nói của nàng nghe như tiếng thì thào rời rạc. Y cười. “Anh như thế là đã hiền dịu với em lắm rồi đó”. Nàng nhìn y, có vẻ chưa tin. Y cười, nói tiếp “Đôi khi anh rất thô bạo”. Y lại vuốt tóc nàng lần nữa. “Nhưng anh yêu em, vì vậy anh tử tế với em. Rồi em sẽ quen đi. Anh hứa với em như vậy”. Nếu nàng có một thứ vũ khí nào đó lúc bấy giờ, hẳn nàng đã giết hắn ta rồi. “Anh là một thằng loạn trí”. Nàng thấy cặp mắt hắn loé lên, hai bàn tay hắn nắm chặt lại. Lúc ấy nàng cảm thấy kinh sợ vô cùng. Hắn là một thằng điên. Nàng vội vã nói. “Tôi không có ý nói như vậy. Chỉ có điều là... là tôi chưa quen với kinh nghiệm như vậy trước kia. Xin anh để cho tôi ngủ bây giờ. Tôi xin anh”. George Mellis nhìn nàng chằm chằm một lúc, rồi dịu lại. Y đứng dậy đi đến bàn trang điểm, nơi Eve để các nữ trang của nàng. Ở đó có một chiếc vòng bạch kim và một chuỗi kim cương đắt tiền. Hắn nhặt lấy chuỗi kim cương bỏ vào túi. “Anh sẽ giữ cái này làm kỉ niệm”. Eve quá sợ hãi, không dám mở miệng phản đối. “Chúc em ngủ ngon nhé, em yêu quý”. Y bước đến chiếc giường, cúi người xuống hôn lên môi Eve. Nàng chờ cho đến khi hắn đã đi khỏi mới bò ra khỏi giường, thân thể như cháy rực vì đau đớn. Mỗi bước đi là một cơn đau khủng khiếp. Chỉ đến khi nàng khoá trái cửa phòng, lúc ấy nàng mới cảm thấy an toàn. Không chắc có bước nổi đến phòng tắm hay không, nàng ngã lăn xuống giường một lần nữa, chờ đợi cơn đau giảm bớt. Nàng không thể tin được nổi giận dữ của nàng lúc ấy lớn lao đến mức nào. Hắn đã làm tình với nàng như một con thú vật... một cách kinh tởm và tàn nhẫn. Nàng tự hỏi không biết hắn ta đã làm những gì để cho cô ấy phải tự vẫn. Khi Eve kéo lê được đến phòng tắm và nhìn vào trong gương, nàng bổng thất kinh. Mặt nàng bị bầm dập, mất cả màu sắc, ở những nơi hắn đánh đập, và một mắt nàng sưng vù lên. Nàng cho nước nóng chảy vào bồn tắm, rồi trèo vào trong đó như một con vật bị thương, để cho nước ấm làm dịu và trôi đi cơn đau nhức. Eve nằm ở đó thật lâu; cuối cùng, khi nước bắt đầu nguội đi, nàng ra khỏi bồn tắm, thử bước một vài bước. Cơn đau đã bớt đi nhưng vẫn còn nhức nhối lắm. Nàng nằm thao thức suốt cả đêm, lo sợ rằng hắn ta có thể trở lại. * * * * * Khi Eve thức dậy vào lúc rạng đông, nàng thấy các tấm khăn trãi giường đều vấy máu. Nàng sẽ bắt hắn ta trả giá đắt về việc này. Nàng bước vào phòng tắm, rất thận trọng, rồi lại cho nước nóng chảy vào bồn tắm. Mặt nàng lúc này sưng to hơn nữa, và các vết bầm rõ rệt hơn. Nàng nhúng một chiếc khăn vào nước lạnh, đắp lên má và mắt. Rồi nàng nằm trong bồn tắm, suy nghĩ về George Mellis. Có một cái gì đó khó hiểu trong hành vi của Mellis, không có liên hệ gì đến thói ác dâm của hắn. Đột nhiên nàng hiểu ra cái ấy là cái gì. Đó là chuỗi kim cương của nàng. Tại sao hắn lại lấy thứ đó đi? Hai giờ sau, Eve xuống nhà dưới để ăn sáng với mọi người, cho dù nàng không cảm thấy đói. Nàng rất cần phải gặp Nita Ludwig. “Lạy Chúa! Mặt chị làm sao vậy?” Nita hỏi. Eve cười buồn bã “Em thật là ngốc quá. Em thức dậy vào nửa đêm, định đi vệ sinh, thế nhưng em lại lười không chịu bật đèn lên. Em bước thẳng đến một trong các cánh cửa giả, rồi va vào đó” “Chị có cần bác sĩ xem vết thương cho chị không?” “Không có gì đâu”, Eve trấn an Nita, “Chỉ là một vết bầm nhỏ thôi mà”. Eve nhìn quanh quất, “George Mellis đâu rồi?” “Anh ấy đang chơi quần vợt. Anh ấy là một tay chơi quần vợt số một đấy. Anh ấy nhờ nói với chị rằng anh ấy sẽ gặp chị vào bữa cơm trưa. Có vẻ như anh ấy thích chị thực sự”. “Chị hãy nói cho em biết về anh ta đi”. Eve hỏi, làm ra vẻ tình cờ. “Gốc gác anh ta thế nào” “George ấy à? Anh ấy xuất thân từ một gia đình Hi Lạp giàu có. Anh ta là con trai trưởng, và rất giàu có. Anh ấy làm việc ở một hãng chuyên làm môi giới ở New York, tên là Hanson and Hanson” “Anh ta không làm công việc kinh doanh của gia đình hay sao?” “Không. Anh ta ghét các cây ô liu. Dù sao với của cải của gia đình Mellis, anh ta chẳng cần phải làm việc. Em cho rằng anh ấy làm việc để khỏi ngồi không vào ban ngày thôi”. Nàng cười và nói, “Đêm tối thì anh ta bận rộn lắm” “Thật thế sao?” “Chị yêu quý ạ, George Mellis là một anh chàng độc thân rất đắt giá. Các cô gái đều sẵn sàng hiến dâng cho anh ta. Ai cũng hi vọng trở thành bà Mellis cả. Thành thực mà nói, nếu như chồng em không có tính hay ghen, em cũng đã theo đuổi anh chàng Mellis ấy rồi. Anh ta là một anh chàng “ba mươi lăm” kì tài, phải không chị?” “Phải, kì tài”, Eve nói. George bước vào sân thượng, nơi Eve đang ngồi một mình. Nàng cảm thấy nỗi sợ hãi như nhát dao đâm vào da thịt. Hắn bước đến gần nàng và nói. “Chào Eve. Em khoẻ chứ?”. Mặt hắn tỏ ra vẻ lo lắng thục sự. Hắn sờ nhẹ lên má bầm của Eve. “Em yêu quý ạ, em xinh đẹp lắm”. Hắn kéo một chiếc ghế, ngồi giạng hai chân trên đó, rồi chỉ về phía bể lóng lánh. “Em có thấy cảnh nào đẹp như vậy chưa?” Y làm như thể câu chuyện đêm qua chưa hề bao giờ xảy ra. Nàng lắng nghe George Mellis trong khi y vẫn tiếp tục nói chuyện, và một lần nữa nàng cảm thấy sức hút mạnh như nam châm của con người này. Ngay cả sau cơn ác mộng nàng đã trãi qua, nàng vẫn cảm thấy điều đó. Anh ta giống như một vị thần Hi Lạp. Anh ấy là pho tượng trong bảo tàng. Một nhân vật trong dưỡng đường dành cho người điên. “Anh phải trở về New York tối nay”, Mellis nói, “Anh sẽ gọi điện thoại cho em ở đâu?” “Tôi mới dọn nhà”, Eve nói thật nhanh. “Chưa có số điện thoại. Khi nào có tôi sẽ gọi cho anh biết” “Thế cũng được, em yêu quý ạ”. Y nhoẻn miệng cười. “Đêm qua, em thực sự thích chứ?” Eve không còn tin nổi tai mình nữa. “Anh có nhiều thứ để dạy em, Eve ạ”. Y thì thầm. Và tôi cũng có nhiều thứ để dạy ông, ông Mellis ạ. Eve nhủ thầm. * * * * * Ngay khi trở về nhà, Eve gọi điện thoại cho Dorothi Hollister. Ở New York, nơi các phương tiện truyền thông thường dành một phần cho những câu chuyện đi đi về về của cái mà người ta gọi là “những người đẹp”, Dorothi là một đầu nguồn thông tin cho những câu chuyện ấy. Bà đã có một người chồng thuộc hàng tai mắt trong xã hội, nhưng ông chồng đã li dị bà để lấy một cô thư kí hai mươi mốt tuổi của ông ta. Dorothi đành phải đi làm việc, chọn một nghề thích hợp với tài năng của bà nhất. Bà trở thành một nhà báo chuyên viết về những chuyện ngồi lê đôi mách. Bởi vì bà quen biết nhiều người thuộc giới mà bà hay đề cập đến, và vì người ta cho bà là một người đáng tin cậy, nên ít người giấu giếm những điều bí mật đối với bà. Nếu có một người nào có thể cho Eve biết về George Mellis thì người ấy ắt phải là Dorothi Hollister. Eve mời bà ta đến ăn cơm trưa ở La Pyramide. Hollister là một người đàn bà béo mập, với một khuôn mặt núc ních những mỡ, tóc nhuộm đỏ, một giọng nói khàn khàn và tiếng cười be be như lừa kêu. Người bà nặng trĩu nữ trang - tất cả là đồ giả. Khi gọi các món ăn xong, Eve nói ra vẻ tình cờ. “Tôi ở Bahamas tuần trước. Nơi ấy thật là đẹp” “Tôi biết cô ở đâu rồi”, Dorothi nói “Tôi có danh sách các khách mời của Nita Ludwig ở đây. Cuộc đi chơi ấy vui lắm nhỉ?” Eve nhún vai. “Tôi đã gặp nhiều bạn cũ. Tôi cũng gặp một người đàn ông rất đáng chú ý tên là...” Nàng ngưng lại, nhăn mặt ra dáng suy nghĩ - “tên là George gì gì đó. Hình như là Miller thì phải. Một người Hi Lạp”. Dorothi cười to lên một tiếng cười rất to vang lên suốt căn phòng. “Mellis, cô em ạ. George Mellis” “Đúng rồi, Mellis. Bà quen anh ta à?” “Tôi đã gặp anh ta rồi. Lúc ấy tôi tưởng mình sắp biến thành một cột mối. Lạy Chúa, anh ta trông thật là to lớn” “Gốc gác anh ta thế nào?” Dorothi nhìn quanh, rồi vươn người ra nói với vẻ bí mật. “Không ai biết điều này, nhưng cô phải giữ kín nhé. George Mellis là con chiên ghẻ trong gia đình. Gia đình anh ấy kinh doanh thực phẩm, và giàu có không sao tả xiết. Lẽ ra George sẽ nắm lấy cơ sở kinh doanh của gia đình, nhưng anh ta dính líu vào nhiều vụ lôi thôi với bọn trai, gái và những kẻ dâm dục, cho nên ông bố chán nản quá, phải cho anh ta xuống tàu rời khỏi xứ” Eve như uống từng lời lẽ một. “Tội nghiệp anh chàng ta bị bố mẹ đuổi đi mà không có một đồng xu trong túi, vì thế anh ta phải làm việc để tự nuôi sống” Thì ra là thế mà anh ta lấy chuỗi kim cương của mình! “Tất nhiên anh ta chẳng việc gì phải lo. Một ngày nào đó George sẽ lấy một cô vợ giàu”. Bà ta nhìn qua phía Eve và hỏi “Cô có thích không, hở cô em xinh đẹp?” “Không hẳn thế”. Thật ra Eve rất thích thú chuyện ấy. George Mellis sẽ là chiếc chìa khoá để mở ra kho của cải của nàng. Sáng sớm hôm sau, nàng gọi điện thoại cho Mellis ở hãng môi giới, nơi anh ta làm việc. Y nhận ra ngay tiếng nói của Eve. “Anh đang chờ đợi em gọi đến điên người đây, Eve ạ. Chúng ta sẽ ăn cơm tối với nhau tối nay, sau đó....” “Không. Cơm trưa, ngày mai”. Mellis do dự, ngạc nhiên. “Được rồi, anh dự định sẽ ăn cơm trưa với một khách hàng, nhưng anh sẽ dời bữa ăn ấy sang ngày khác” Eve không tin rằng đó là hắn ta. “Đến căn hộ của tôi”, Eve nói. Nàng cho y địa chỉ. “Tôi sẽ gặp anh lúc mười hai giờ ba mươi”. “Anh sẽ đến đó”. Nàng nghe có vẻ khoái trá trong giọng nói của hắn ta. * * * * * Y ta đến trễ ba mươi phút, nhưng Eve nghĩ rằng đó là do thói quen của y. Đó không phải là một hành vi bất lịch sự cố ý, mà là thái độ thờ ơ, một sự tin tưởng rằng người ta sẽ luôn luôn chờ đợi mình. Những sự vui thích của y lúc nào cũng có sẵn ở đó cho y mỗi khi y chịu khó vươn tay ra để nắm lấy. Với vẻ hấp dẫn ghê gớm của y, tất cả thế giới đều thuộc về y. Chỉ trừ một điều duy nhất: y nghèo. Đó là điểm yếu của y. George Mellis nhìn quanh căn phòng bé nhỏ, đánh giá từng thứ một bằng cặp mắt thành thạo. “Trông rất vui tươi” Y tiến đến gần Eve, dang hai cánh tay ra. “Anh nghĩ đến em từng phút, từng giây”. Nàng tránh ra xa. “Khoan đã. Tôi có điều muốn nói với anh”. Mắt y như xoáy vào mắt nàng. “Chúng ta sẽ nói sau”. “Nói ngay bây giờ”. Nàng nói chậm rãi và rõ ràng từng tiếng một, “Nếu anh sờ vào người tôi, tôi sẽ giết anh”. Y nhìn Eve, môi cong lại cố nở nụ cười ngượng nghịu. “Trò đùa gì thế này?” “Đây không phải là trò đùa, mà là chuyện nghiêm chỉnh. Tôi có một đề nghị làm ăn với anh”. Trên mặt y lộ vẻ bối rối, chưa hiểu. “Em gọi anh đến đây để bàn chuyện làm ăn”. “Đúng vậy. Tôi không biết anh kiếm được bao nhiêu tiền bằng cách lừa gạt các bà già ngu ngốc mua các chứng phiếu, các cổ phần, nhưng tôi chắc chắn rằng số tiền anh kiếm được không đủ cho anh tiêu xài”. Mặt y tối sầm vì giận dữ. “Em điên à? Gia đình anh...” “Gia đình anh giàu, nhưng anh thì không. Gia đình tôi giàu, nhưng tôi chẳng có gì. Cả anh và tôi đều như đang ngồi trên chiếc thuyền thủng đáy, anh yêu quý ạ. Tôi biết cách làm sao biến nó trở thành một chiếc du thuyền”. Nàng đứng tại chổ, nhìn vẻ tò mò của y đang dần dần lấn át cơn giận dữ. “Em nên nói rõ cho anh biết em đang muốn nói chuyện gì”. “Đơn giản lắm. Tôi đã bị tước quyền thừa kế một tài sản rất lớn lao. Nhưng em gái Alexandra tôi thì không thế”. “Chuyện ấy thì có liên quan gì đến tôi?” “Nếu anh lấy Alexandra, của cải ấy sẽ thuộc về anh - về hai chúng ta”. “Rất tiếc. Anh không bao giờ chịu đựng được ý tưởng bị ràng buộc với bất cứ người nào”. “Tình cờ mà vấn đề ấy không khó khăn gì cả trong trường hợp này. Em gái tôi lúc nào cũng dễ bị tai nạn”. Chương 27 Hãng quảng cáo Berkley and Matthews là chiếc vương miện trên bảng xếp hạng các hãng trên đường Madison Avenue. Số quảng cáo hàng năm của hãng ấy vượt quá số quảng cáo gộp lại của hai hãng cạnh tranh gần nhất, nhất là nhờ có tài khoản lớn lao của Kruger-Brent và hàng chục các chi nhánh của nó trên khắp thế giới. Trên bảy mươi lăm nhân viên kế toán, người viết bài quảng cáo, giám đốc sáng tác, thợ ảnh, thợ khắc, nghệ sĩ, chuyên viên truyền tin đã được thu dụng nhờ có tài khoản của riêng công ty Kruger-Brent mà thôi. Vì vậy, khi bà Kate Blackwell điện thoại cho Aaron Berkley để yêu cầu ông ta tìm một chỗ cho Alexandra thì chỗ làm ấy được tìm ra ngay lập tức. Nếu bà Kate Blackwell muốn thì họ có lẽ cũng sẵn sàng nhường chức chủ tịch cho Alexandra nữa. “Tôi tin rằng cháu gái Alexandra của tôi thích làm một người viết bài quảng cáo,” Bà Kate nói cho Aaron Berkley biết. Berkley nói với bà Kate rằng tình cờ vừa mới có khuyết một chân viết bài quảng cáo nên cô Alexandra có thể bắt đầu công việc khi nào cô ấy muốn. Alexandra bắt đầu đi làm việc vào ngày thứ hai. Ít có hãng quảng cáo nào đặt trụ sở trên đường Madison Avenue, nhưng Berkley and Matthews là một ngoại lệ. Hãng có một toà nhà lớn, tối tân, ở góc đường Madison và đường số 57. Hãng chiếm tám tầng lầu và cho thuê các tầng lầu khác. Để đỡ phải thêm một sổ lương mới, Aaron Berkley và người hợp tác, Matthews, quyết định rằng Alexandra sẽ thay thế một nhân viên viết bài mới tuyển dụng trước đó sáu tháng. Tin này loan ra rất nhanh chóng. Khi nhân viên biết rằng cô gái bị đuổi sẽ được thay thế bởi con gái của vị thân chủ lớn nhất của hãng thì toàn thể mọi người đều bất mãn. Mặc dầu chưa hề gặp mặt Alexandra, họ đều đồng thanh cho rằng nàng là một mụ đàn bà xấu xa, đanh ác, có lẽ đã được gửi đến làm việc ở đó để do thám họ. Khi Alexandra đến làm việc, nàng được hộ tống đến văn phòng đồ sộ, hiện đại của Aaron Berkley, ở đó cả hai, Berkley và Matthews đều có mặt để chào đón nàng. Cả hai người hợp tác kinh doanh này trông chẳng có gì giồng nhau cả. Berkley thì cao, gầy, tóc bạc trắng xoá, còn Matthews thì lùn tịt, to béo và hoàn toàn sói. Thế nhưng họ có hai điểm chung: cả hai đều là những nhà quảng cáo xuất sắc nhất trong thập niên qua, và cả hai đều là những tên độc tài tuyệt đối. Họ đối xử với nhân viên như những tên nô lệ, và sở dĩ các nhân viên chịu đựng lối đối xử như vậy, ấy là vì bất cứ ai đã làm việc cho hãng Berkley and Matthews này cũng có thể làm việc ở bất cứ hãng quảng cáo nào trên thế giới. Đó là nơi huấn luyện nghề nghiệp. Lúc Alexandra đến làm việc, còn có một người khác nữa cũng hiện diện trong văn phòng. Đó là Lucas Pinkerton, phó chủ tịch của hãng, một con người lúc nào cũng tươi cười, có cử chỉ khúm núm và đôi mắt lạnh lùng. Pinkerton trẻ hơn là hai người kia, nhưng nếu ông ta thua kém về tuổi tác, bù vào đó, ông ta tỏ ra không thua kém về thái độ thù hằn đối với đàn ông và đàn bà làm việc dưới quyền ông. Aaron Berkley dẫn Alexandra đến một chiếc ghế bành rất êm ái. “Cô muốn tôi mời cô thứ gì nào, thưa cô Blackwell? Cà phê hay trà?” “Không, tôi không uống gì cả. Xin cảm ơn ông.” “Vậy thì cô sẽ làm việc ở đây với chúng tôi với tư cách là một nhân viên viết bài.” “Tôi rất cảm ơn quý ông đã tạo cho tôi cơ hội này. Tôi biết rằng tôi còn phải học hỏi nhiều lắm, nhưng tôi sẽ rán sức làm việc.” “Điều đó thì không cần,” Norman Matthews vội vã nói. Nhưng tiếp đó ông sửa chữa lại. “Ý tôi muốn nói là cô không thể gấp rút học tập kinh nghiệm loại này được.” “Tôi tin chắc rằng cô sẽ rất sung sướng làm việc với những người ở đây,” Aaron Berkley nói thêm. “Cô sẽ làm việc với những người giỏi nhất trong nghề.” Một giờ sau, Alexandra ngồi suy nghĩ. Họ có thể là những người giỏi nhất, nhưng không hẳn là những người thân thiện nhất. Lucas Pinkerton đã đưa Alexandra đi mọi nơi để giới thiệu nàng với nhân viên, nhưng ở nới nào cũng vậy, sự tiếp đón khá nhạt nhẽo. Họ chấp nhận sự hiện diện của nàng, rồi sau đó họ nhanh chóng làm những công việc khác. Alexandra đã cảm thấy thái độ thiếu thiện cảm của họ, nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao. Pinkerton dẫn nàng đến một phòng họp đầy khói thuốc lá. Giáp với tường là một chiếc tủ trưng bày các phần thưởng của Clios và các giám đốc nghệ thuật. Ngồi xung quanh một chiếc bàn là một người đàn bà và hai người đàn ông, tất cả đều hút thuốc lá, hết điếu này đến điếu khác. Người đàn bà lùn, thân hình chắc, mập, tóc màu sắt rỉ. Hai người đàn ông tuổi chừng ba mươi bốn ba mươi lăm, nét mặt tái mét, trông có vẻ ưu tư. Pinkerton nói, “Đây là nhóm sáng tạo. Cô sẽ làm việc với nhóm này. Họ là Alice Koppel, Vince Barnes và Marty Bergheimer. Đây là cô Alexandra Blackwell.” Cả ba người trố mắt nhìn Alexandra. “Thôi, tôi để các người làm quen với nhau”. Pinkerton nói. Ông quay về phía Vince Barnes. “Tôi muốn có tờ quảng cáo thứ nước hoa mới trên bàn viết của tôi vào sáng mai. Anh hãy lo liệu sao cho cô Blackwell có được mọi thứ cô cần.” “Cô cần thứ gì vậy.” Vince Barnes hỏi. Alexandra bỡ ngỡ trước câu hỏi bất thình lình. “Tôi... tôi chỉ cần học công việc quảng cáo thôi.” Alice Koppel nói một cách dịu dàng, “Cô đã đến đúng chỗ đó, cô Blackwell ạ. Chúng tôi đang muốn làm thầy giáo đến chết đi được.” “Xéo đi chỗ khác,” Marty Bergheimer nói với Alexandra. Alexandra bối rối. “Không biết tôi có làm điều gì mất lòng vị nào ở đây không?” Marty Bergheimer đáp, “Không đâu, cô Blackwell ạ. Chúng tôi đang phải làm việc khẩn trương đây, về một chiến dịch quảng cáo nước hoa. Các ông Pinkerton và Matthews chưa hài lòng với những gì chúng tôi đã đưa ra.” “Tôi sẽ cố không quấy rầy các anh chị.” “Như vậy thì rất tốt,” Alice Koppel nói. Những giờ còn lại của ngày hôm ấy cũng chẳng có gì khá hơn. Không ai nở một nụ cười ở nơi này. Một trong các đồng nghiệp của họ đã bị đuổi vì cô gái giàu có xấu xa này, vì vậy họ bắt cô ta phải trả giá đắt. Vào cuối ngày đầu tiên của Alexandra, Berkley và Matthews đến văn phòng làm việc bé nhỏ họ đã dành cho Alexandra để xem cô có được thoải mái hay không. Cử chỉ này không qua mắt được các đồng nghiệp của nàng. Tất cả mọi người trong hãng đều gọi nhau bằng tên riêng thân mật, riêng họ gọi Alexandra bằng tên họ của nàng là Blackwell. “Gọi tôi là Alexandra,” nàng nói. “Được.” Nhưng đến lần sau, họ lại gọi nàng là “cô Blackwell.” Alexandra học hỏi một cách nghiêm chỉnh và nóng lòng được đóng góp vào công việc. Nàng tham dự vào các phiên họp, trong đó các chuyên viên viết quảng cáo tha hồ đưa ra các sáng kiến của mình. Nàng nghe ông Lucas Pinkerton bác bỏ không tiếc lời bài viết quảng cáo được đệ trình cho ông duyệt. Ông ta là một con người xấu xa ti tiện. Alexandra cảm thấy thương hại cho những người làm việc dưới quyền ông ta. Nàng đi đi lại lại từ lầu này đến lầu kia để tham dự các cuộc họp của các vị giám đốc, các cuộc họp với khách hàng, những buổi chụp ảnh, các phiên họp bàn cãi chiến lược quảng cáo. Nàng ngồi yên lặng, lằng nghe để học hỏi. Vào cuối tuần lễ thứ nhất, nàng cảm thấy thời gian lâu như cả một tháng. Nàng trở về nhà mệt mỏi, không phải vì công việc mà vì sự căng thẳng do sự hiện diện của nàng gây ra ở sở làm. Khi bà Kate hỏi nàng công việc tiến triển như thế nào. Alexandra đáp, “Cũng tốt, bà nội ạ. Rất hay.” “Bà chắc chắn rằng cháu sẽ làm việc rất tốt. Nếu có gì khó khăn, cháu cứ gặp ông Berkley hay ông Matthews.” Nhưng đó là một điều mà Alexandra không bao giờ muốn làm. Ngày thứ hai kế tiếp, Alexandra đến sở làm với ý định phải tìm cho ra một cách náo đó giải quyết vấn đề này. Có những giờ nghỉ giải lao vào buổi sáng và buổi trưa để mọi người uống cà phê, và đó là cơ hội thuận tiện để mọi người nói chuyện với nhau một cách tự nhiên, thỏi mái. Alexandra bước vào, cuộc nói chuyện ngưng bặt lại. “Để tôi đem cà phê đến cho cô nhé, thưa cô Blackwell”. “Cảm ơn, tôi có thể tự đi lấy được.” Mọi người im lặng trong khi Alexandra bỏ một đồng tiền vào máy cà phê tự động. Khi nàng bỏ đi cuộc nói chuyện lai bắt đầu trở lại. “Các bạn có nghe vụ quảng cáo Xà phòng tinh khiết bị hớ to vừa rồi không? Cái cô người mẫu đẹp như tiên được dùng để quảng cáo ấy hoá ra là một minh tinh của loại ảnh khiêu dâm...” Vào lúc giữa trưa. Alexandra nói với Alice Koppel, “ Nếu các anh chị rảnh có thể ăn cơm trưa với tôi, chúng ta có thể...” “Xin lỗi, tôi có một cuộc hẹn.” Alexandra đưa mắt sang Vince Barnes. “Tôi cũng thế,” anh nói. Nàng nhìn về phía Marty Bergheimer. “Thời gian biểu của tôi cũng đã đầy ắp cả rồi.” Alexandra cảm thấy quá thất vọng, không còn muốn ăn uống gì nữa. Họ đã khiến nàng có cảm tưởng như mình là một kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội, và nàng cảm thấy giận dữ. Nhưng nàng nhất định không bỏ cuộc. Nàng sẽ tìm ra một cách nào đó để đi đến với họ, để cho họ biết rằng ở sâu dưới cái tên Blackwell, nàng vẫn là một người trong bọn họ. Nàng ngồi dự các phiên họp, lắng nghe Berkley, Matthews và Pinkerton mắng chửi các nhà sáng tạo quảng cáo trong khi những người này chỉ cố gắng hết sức mình để làm công việc cho tốt. Alexandra thương hại cho họ, nhưng họ không cần sự thương hại ấy của nàng. Họ cũng chẳng cần có nàng nữa. Alexandra chờ đợi thêm ba ngày, rồi lại cố gắng một lần nữa. Nàng nói với Alice Koppel, “Tôi nghe nói có một tiệm ăn Ý.” “Tôi không ăn các thức ăn Ý.” Nàng quay nhìn về phía Vince Barnes. “Tôi ăn kiêng.” Alexandra lại nhìn Marty Bergheimer. “Tôi sẽ đi ăn cơm Tàu.” Mặt Alexandra đỏ bừng lên. Họ không muốn người ta thấy họ đi chung với nàng. Thôi được, mặc kệ họ. Đối với nàng như thế là quá đủ rồi. Nàng đã vượt qua thông lệ để cố làm thân với họ, và mỗi lần như vậy nàng lại bị đánh gục. Làm việc ở đây thật là một sai lầm lớn. Nàng cần phải tìm việc làm với một công ty nào đó không liên hệ gì đến bà nội nàng cả. Nàng sẽ rời nơi này vào cuối tuần. Nhưng nàng tự nhủ, “Mình phải làm cho tất cả mọi người nhớ rằng mình đã từng ở nơi này.” Lúc một giờ trưa, tất cả mọi người, trừ nhân viên ở tổng đài diện thoại, đều đi ăn trưa. Alexandra ở lại văn phòng. Nàng nhận ra rằng tại các phòng giấy của lãnh đạo đều có máy điện đàm nội bộ nối liền với các phòng sở, để khi nào một cấp lãnh đạo muốn nói chuyện với một thuộc hạ, ông ta chỉ việc ấn nút trên hộp máy, ở đó có ghi tên mỗi nhân viên trên một tấm phiếu. Alexandra lẻn vào trong các văn phòng vắng người của Berkley, Matthews và Pinkerton rồi đổi các phiếu tên lẫn lộn. Vì vậy, vào lúc đầu giờ trưa hôm ấy, Pinkerton ấn nút máy liên lạc, nối liền ông ta với một chuyên viên viêt bài, và nói trong máy, “Vác cái đít của mày lên đây. Ngay bây giờ!” Một giây phút yên lặng, có vẻ như choáng váng, tiếp theo đó, rồi có tiếng Matthews gầm lên, “Anh nói cái gì?” Pinkerton nhìn trừng trừng vào máy sững sờ, “Ông Matthews à? Ông ở đó sao?” “Mày nói đúng rồi đấy. Vác cái đít của mày lên đây ngay!” Một phút sau, một chuyên viên viết quảng cáo ấn trên máy liên lạc đặt trên bàn làm việc và nói, “Tôi có ít bài vừa viết xong để anh đem gấp xuống nhà dưới cho tôi.” Giọng của Berkley gầm lên ở đầu dây bên kia đáp lại. “Anh anh cái gì?” Thế là sự hỗn loạn bắt đầu. Phải bốn giờ đồng hồ sau sự lộn xộn do Alexandra tạo ra mới được chỉnh đốn lại, và đó cũng là bốn giờ vui nhộn nhất cho các nhân viên của Berkley và Matthews. Mỗi lần một sự kiện mới xảy ra họ lại reo lên vui thích. Các cấp lãnh đạo bị gọi trên máy để được sai làm việc lặt vặt, đi mua thuốc lá hay sửa lại một chậu rửa trong phòng vệ sinh bị vỡ. Berkley, Matthews và Pinkerton dò hỏi khắp nơi để tìm ra thủ phạm, nhưng không một ai biết. Người duy nhất đã trông thấy Alexandra đi vào các phòng làm việc là Fran, một nữ nhân viên ở tổng đài điện thoại, nhưng cô ta rất ghét các ông chủ hơn là ghét Alexandra nên cô ta chỉ nói, “Tôi không thấy một mạng nào cả.” Đêm hôm ấy, khi Fran nằm ngủ trên giường với Vince Barnes cô kể lai câu chuyện xảy ra. Vince Barnes ngồi hẳn dậy trên giường. “Cái cô gái Blackwell làm chuyện ấy à? Mình thật ngốc quá!” Sáng sớm hôm sau, khi Alexandra bước vào văn phòng, Barnes, Koppel và Bergheimer đang ngồi ở đấy chờ đợi. Họ nhìn nàng chằm chằm trong yên lặng. “Có chuyện gì không hay chăng?” Nàng hỏi. “Chẳng có chuyện gì Alex ạ,” Alice Koppel nói. “Các anh ấy và tôi muốn mời chị cùng đi ăn cơm trưa với chúng tôi. Chúng tôi biết cái tiệm ăn Ý nhỏ nổi tiếng ở gần nơi này...” Chương 28 Từ ngày còn bé, Eve Blackwell đã ý thức được khả năng vận động mọi người xung quanh bằng những mánh khoé khôn ranh. Trước kia, đó là một thứ trò chơi đối với nàng, nhưng bây giờ nó là một cuộc vận động nghiêm chỉnh rất nguy hiểm. Nàng đã bị đối xử tồi tệ, đã bị tước đi tài sản đáng lẽ thuộc về nàng một cách chính đáng, bởi cô em ruột nhiều mưu mô và một bà nội già đầy thù hận. Những người này phải trả giá đắt cho những gì họ đã gây cho nàng. Ý nghĩ này tạo cho nàng một niềm vui thích đến tột độ. Mạng sồng của họ bây giờ nằm trong tay nàng. Eve chuẩn bị kế hoạch của nàng rất tỉ mỉ và cẩn thận, phối hợp mọi động tác một cách ăn ý. Thoạt tiên, George Mellis do dự chưa muốn tham gia vào cuộc âm mưu này. “Lạy Chúa, cái trò này nguy hiểm lắm. Tôi chẳng muốn dính líu váo một việc như thế này,” anh ta cãi lại. “Tôi cần bao nhiêu tiền thì cũng có thể có được, cần gì làm chuyện ấy.” “Bằng cách nào kia chứ?” Eve hỏi với vẻ khinh bỉ. “Bằng cách ăn nằm với những cô gái tóc xanh béo phục phịch ấy à? Anh định sống suốt đời như vậy hay sao? Thế rồi đến lúc anh béo thêm một chút nữa, bắt đầu có những vết nhăn xung quanh mắt, thì chuyện gì sẽ xảy ra với anh? Không, George ạ, anh sẽ không bao giờ có được một cơ hội tốt như thế này đâu. Nếu anh chịu nghe tôi, anh và tôi sẽ có thể làm chủ cả một tổ hợp công ty lớn lao nhất thế giới. Anh nghe không? Hãy làm chủ cả một cơ nghiệp lớn lao như vậy.” “Làm sao mà em biết rằng kế hoạch này sẽ thành công?” “Bởi vì tôi là người hiểu rõ nhất về bà nội và em gái tôi. Cứ tin tôi đi, kế hoạch này sẽ thành công.” Eve nói với vẻ tin tưởng, nhưng vẫn có chút dè dặt, và chính những sự dè dặt này khiến cho Mellis lo lắng. Eve biết rằng có thể đóng được vai trò của nàng, nhưng chưa chắc rằng Mellis có khả năng làm như vậy. Y có vẻ lưỡng lự, không ổn định, nhưng trong việc thực thi kế hoạch này, không được phép có sai lầm. Chỉ một lỗi lầm nhỏ, cả kế hoạch sẽ bị tan vỡ. Lúc này, nàng nói với Mellis. “Quyết định đi. Anh định dấn thân vào hay rút ra?” Mellis nhìn nàng một lúc như dò xét. “Dấn vào.” Y sáp lại gần Eve, vuốt vai nàng. “Dấn vào cho đến tận cùng.” Eve cảm thấy cơn dục tình của nàng dâng lên khắp người. “Được rồi” nàng thì thầm, “nhưng tôi làm theo cách của tôi.” Chỉ qua một đêm, mọi thứ đều thay đổi đối với Alexandra. Những gì đã xảy ra và xem như là hoạt động cuối cùng của nàng ở hãng Berkley và Matthews đã trở thành một sự đắc thắng của nàng. Từ một kẻ bị gạt ra ngoài lề, nàng đã trở thành một nữ anh hùng. Tin tức về hành động tinh nghịch của nàng lan rộng khắp đại lộ Madison Avenue. “Chị đã trở thành một huyền thoại ngoài giờ làm việc.” Bây giờ nàng đã trở thành một người trong bọn họ rồi. Alexandra ham thích công việc của nàng, đặc biệt là những buổi họp đưa ra sáng kiến diễn ra mỗi buổi sáng. Nàng biết rằng đó không phải là công việc nàng sẽ làm suốt đời, nhưng thực sự nàng không biết chắc chắn nàng muốn làm gì. Đã có ít nhất hàng chục nơi cầu hôn và nàng cũng đã xiêu lòng trong một vài trường hợp, nhưng vẫn có cái gì đó còn thiếu. Vấn đề đơn giản là nàng chưa tìm ra được người hợp ý với nàng. Một buổi sáng thứ sáu, Eve điện thoại cho Alexandra mời nàng cùng ăn cơm trưa. “Có một tiệm ăn Pháp vừa mới mở cửa. Chị nghe nói thức ăn ở đó ngon lắm.” Alexandra rất vui sướng được biết tin về Eve. Nàng rất lo cho chị. Alexandra đã điện thoại hai, ba lần một tuần lễ cho Eve, nhưng lần nào Eve cũng hoặc đi vắng, hoặc quá bận rộn không gặp được nàng. Lúc này, dù Alexandra đã có một cuộc hẹn, nàng nói, “Em rất thích được ăn cơm trưa với chị.” Tiệm ăn thật sang trọng và đắt tiền, và ở quầy hàng, có rất đông khách còn chờ đợi các bàn trống. Eve đã phải sử dụng tên bà nội nàng để đặt trước một bàn ăn. Điều này làm nàng khó chịu,nhưng nàng nghĩ, “Cứ chờ đấy, rồi một ngày kia các người sẽ phải van lạy ta đến ăn tại tiệm ăn bẩn thỉu này,” Eve đã ngồi sẵn tại đó khi Alexandra bước vào. Nàng nhìn theo Alexandra trong khi người trưởng nhóm hầu bàn dẫn Alexandra đến bàn ăn, rồi tự nhiên nàng có cảm giác kì lạ là nàng đang nhìn chính mình đi lại gần chiếc bàn. Eve chào em bằng một nụ hôn trên má. “Em trông xinh đẹp quá, Alexandra ạ, công việc làm có vẻ thích hợp với em lắm thì phải.” Họ gọi thức ăn và hỏi han nhau về cuộc sống của mỗi người. “Công việc làm của em thế nào?” Eve hỏi. Alexandra kể lại cho chị nghe tất cả những gì đã xảy ra với nàng. Eve cũng cẩn thận kể lại các hoạt động theo lối riêng của nàng. Trong lúc hai người đang trò chuyện, Eve đưa mắt nhìn lên, George Mellis đang đứng ở đấy. Anh nhìn hai người, hơi có vẻ bối rối trong chốc lát. “Lạy Chúa.” Eve nghĩ thầm “anh ta không biết mình là người nào trong hai người !” “George!” Nàng nói. Anh quay lại về phía nàng, mừng rỡ. “Eve !” Eve nói, “Thật là một sự ngạc nhiên thú vị”. Nàng hất đầu về phía Alexandra. “Chắc anh chưa gặp em gái tôi. Alex, chị xin giới thiệu em anh George Mellis.” George cầm lấy tay Alexandra và nói, “Hân hạnh.” Eve đã cho anh biết rằng nàng là em sinh đôi, nhưng anh không nghĩ rằng họ giống hệt nhau đến như vậy. Alexandra nhìn Mellis, chằm chằm, có vẻ thán phục. Eve nói, “Anh vui lòng ngồi ăn với chúng tôi chứ?” “Tôi rất muốn thế nhưng tôi đang trễ một cuộc hẹn. Xin lần khác vậy.” Anh nhìn Alexandra. “Hi vọng sẽ có một dịp khác gần đây nhất.” Hai người nhìn theo Mellis bước ra ngoài. “Trời ơi! Ai vậy, hở chị?” Alexandra hỏi. “À, anh ấy là một người bạn của Nita Ludwig. Chị gặp anh ấy trong một bữa tiệc tai nhà Nita.” “Không biết em có điên rồ hay không, chứ em thấy anh ấy đẹp trai quá. Có thật như vậy không, chị?”. Eve cười to. “Anh ta không thuộc “týp” người của chị, nhưng các cô gái thì hình như cho rằng anh ta hấp dẫn lắm.” “Em cũng nghĩ như vậy. Anh ấy có vợ chưa nhỉ?” “Chưa, nhưng không phải là vì các cô gái không cố ve vãn anh ta hết mình, em ạ. George giàu có lắm. Có thể nói rằng anh ta có đủ mọi thứ: dáng vẻ bề ngoài, tiền của, gốc gác xã hội.” Sau đó, Eve khôn khéo nói lảng sang chuyện khác. Khi Eve yêu cầu người chiêu đãi viên đưa phiếu tính tiền bữa ăn thì người ấy nói cho nàng biết rằng ông Mellis đã trả tiền rồi. Alexandra không thể nào ngưng suy nghĩ về George Mellis. Trưa thứ hai, Eve gọi điện thoại cho Alexandra và nói, “Có vẻ như em đã bắn trúng đích rồi đấy, em ạ. George Mellis vừa gọi điện thoại cho chị, hỏi số điện thoại của em. Em có cho phép chị cho anh ấy số điện thoại không?” Alexandra ngạc nhiên thấy mình nở một nụ cười. “Nếu chị tin chắc rằng, chị không thích anh ấy thì...”. “Chị đã nói với em rồi. Anh ấy không hợp với “týp” người của chị.” “Vậy thì chị cho anh ta số điện thoại của em cũng không hề gì.” Hai người nói chuyện với nhau thêm ít phút nũa, rồi Eve đặt điện thoại xuống. Nàng ngước mắt nhìn Mellis, đang nằm trần truồng bên cạnh nàng trên giường. “Cô ấy bằng lòng rồi.” “Bao giờ?” “Khi nào tôi bảo anh.” Alexandra cố quên chuyện Mellis sẽ gọi điện thoại đến nàng, nhưng càng cố gạt ra khỏi đầu óc, nàng lại càng nhớ đến anh ấy. Nàng chưa hề đặc biệt chú ý đến những người đàn ông đẹp trai, vì nàng thấy đa số những người ấy thường tự cho mình là trung tâm. Nhưng George Mellis, theo nàng nghĩ, có vẻ khác họ. Anh ta có một sức mạnh thu hút kì lạ. Anh chỉ cần sờ vào bàn tay là nàng đã thấy rung động cả người. “Mình điên rồ quá.” nàng tự nhủ, “Mình chỉ mới thấy anh ta trong hai phút thôi.” Mellis không gọi điện thoại cho nàng trong suốt tuần lễ ấy, các cảm xúc của nàng đi từ chỗ sốt ruột đến thất vọng, rồi đến giận dữ. “Kệ anh ta” Nàng nghĩ. “Chắc là anh ta đã gặp một người nào khác rồi. Như thế lại càng hay!” Vào cuối tuần lễ, chuông điện thoại của Alexandra kêu vang. Nàng nghe tiếng trầm trầm, khàn khàn của chàng, Nỗi giận dữ tiêu tan như do một phép lạ. “George Mellis đây,” Chàng nói. “Chúng ta gặp nhau quá ngắn ngủi, khi cô và chị cô dùng cơm trưa với nhau. Eve nói cô cho phép tôi gọi điện thoại cho cô.” “Nhưng chị ấy không nói rằng anh sẽ gọi điện thoại cho tôi”. Alexandra nói một cách tự nhiên. “Tiện thể đây tôi xin cảm ơn anh về bữa ăn hôm đó.” “Cô xứng đáng cả một bữa tiệc lớn, chứ như thế thì có gì.” Alexandra cười vui thích với cái lối nói cường điệu ấy của chàng. “Không biết cô có vui lòng đến ăn cơm với tôi một buổi tối nào đó không?” “Về chuyện ấy thì... Vâng. Như thế cũng tốt.” “Vậy thì tuyệt đối. Nếu cô từ chối thì có lẽ tôi đến phải tự tử mất.” “Đừng làm thế chứ,” Alexandra nói. “Tôi cũng không thích ăn một mình.” “Tôi cũng vậy.Tôi biết có một tiệm ăn nhỏ trên đường Mulberry, tên là Matoon s. Ở đó rất tối, nhưng thức ăn thì...” “Matoon s à? Tôi thích nơi ấy lắm!” Alexandra kêu lên. “Đó là nơi tôi thích nhất.” “Cô biết nơi ấy à?” Giọng anh ta có vẻ ngạc nhiên. “Ồ, có chứ.” George nhìn qua Eve, rồi nhoẻn miệng cười. Anh phải phục cái tài khôn ranh của cô gái này. Nàng đã nói cho Mellis biết tất cả những cái thích và không thích của Alexandra. George Mellis đã biết mọi thứ cần phải biết về cô em gái của Eve. Khi Mellis đặt điện thoại xuống. Eve nghĩ thầm, “Thế là mọi sự đã bắt đầu.” Thật là một buổi tối tuyệt vời nhất trong đời Alexandra. Một giờ trước khi Mellis đến, anh đã gửi đến cho nàng một tá bong bóng màu hồng, với một đoá hoa ngọc lan buộc vào trong đó. Alexandra, trước đó, đã lo sợ rằng trí tưởng tượng có thể khiến cho nàng mong đợi quá nhiều, nhưng ngay khi nàng gặp lại Mellis, tất cả mọi nghi ngờ của nàng đều tiêu tan. Một lần nữa, nàng thấy sức thu hút của anh mạnh mẽ như là nam châm. Hai người uống rượu với nhau ở nhà, rồi sau đó cùng đi đến tiệm ăn. “Cô có muốn xem qua thực đơn không?” George Mellis hỏi. “Hay là để tôi gọi cho cô vậy?” Alexandra đã có sẵn những món nàng vẫn ưa thích ở nhà hàng này, nhưng để làm vui lòng Mellis nàng nói, “Sao anh không chọn đi?” Mellis chọn toàn những món Alexandra ưa thích, khiến cho nàng có cảm giác say sưa rằng chàng đã đọc được các ý nghĩ của nàng. Họ cùng ăn món áctisô nhồi thịt bò non Matoon, một đặc sản của nhà hàng, và món “tóc tiên”, tức là một thứ mì sợi rất ngon. Họ cũng ăn một đĩa xà lách mà Mellis tự trộn lấy ở bàn ăn một cách thật là thành thạo. “Anh quen nấu ăn lắm à?” “À, đó là một trong các thú vui của tôi. Chính mẹ tôi đã dạy tôi. Bà ấy nấu nướng rất giỏi”. “Anh có ở gần gia đình không, anh George?” Anh tủm tỉm cười. Alexandra cho rằng đó là một nụ cười đẹp nhất nàng chưa từng thấy. “Tôi là một người Hi Lạp”, Mellis nói một cách đơn giản. “Tôi là con trai trưởng với ba em trai và hai em gái, thế nhưng chúng tôi như là một”. Một vẻ buồn thoáng qua trên mặt anh. “Phải xa chúng nó thật là đau lòng hết sức. Cha tôi và các em trai tôi cứ năn nỉ tôi đừng đi. Chúng tôi có một cơ sở kinh doanh lớn nên họ rất cần có tôi ở nhà”. “Thế sao anh không ở nhà?” “Có lẽ cô nghĩ rằng tôi điên rồ, nhưng thật ra tôi muốn tự lập thân. Tôi lúc nào cũng không muốn nhận quà tặng của bất cứ ai, mà cơ sở kinh doanh ấy lại là một món quà được truyền lại từ ông tôi cho đến cha tôi. Không, tôi không muốn lấy chút gì của cha tôi cả. Cứ để cho các em trai lấy hết phần của tôi cũng được”. Alexandra cảm phục Mellis quá trời! “Hơn thế nữa “ Mellis nói thêm bằng giọng khe khẽ. Nếu tôi ở lại Hi Lạp, tôi chắc chẳng bao giờ gặp được cô.” Alexandra cảm thấy mặt nàng đỏ bừng lên. “Anh chưa bao giờ lấy vợ hay sao?” “Chưa. Tôi vẫn thường hứa hôn mỗi ngày một lần”, Mellis làm ra vẻ như nói đùa, “nhưng cứ đến lúc sắp thành hôn thì lần nào tôi cũng cảm thấy có cái gì đó không ổn”. Y vươn người về phía trước, nói với giọng nghiêm chỉnh, “Cô Alexandra ạ, cô có thể cho rằng tôi là một con người xưa cổ, thế nhưng một khi đã thành hôn rồi thì cuộc hôn nhân ấy là vĩnh cửu. Đối với tôi chỉ một người đàn bà là đủ, nhưng phải là một người đàn bà xứng đáng”. “Tôi cho rằng như vậy rất tốt”, nàng nói thì thầm. “Thế còn cô?” Mellis hỏi. “Cô có yêu bao giờ chưa?” “Chưa.” “Thật là không may cho một kẻ nào đó, nhưng rất may mắn cho...” Ngay lúc ấy, người hầu bàn đem món tráng miệng đến. Alexandra đang nóng lòng muốn yêu cầu chàng nói nốt câu chàng vừa bỏ giở, nhưng nàng e ngại không dám. Alexandra chưa hề bao giờ cảm thấy thoải mái hoàn toàn với bất cứ ai. Mellis có vẻ thực sự quan tâm đến nàng, khiến cho nàng buột miệng kể cho chàng nghe về thời niên thiếu của nàng, những kinh nghiệm nàng đã tích lũy và ấp ủ. George tự cho mình là một tay thành thạo về đàn bà. Anh biết rằng đàn bà xinh đẹp thường cảm thấy rất bất an, vì đàn ông thường tập trung sự chú ý của họ vào sắc đẹp đó, khiến cho đàn bà có cảm tưởng họ là những đồ vật chứ không phải là những con người. Khi Mellis ở bên cạnh một người đàn bà đẹp, anh không bao giờ đề cập đến sắc đẹp của nàng. Anh làm cho người đàn bà cảm thấy rằng anh yêu thích trí óc, tâm hồn của họ, rằng anh là người bạn tinh thần cùng chia sẻ với nàng các giấc mơ. Đó là một kinh nghiệm rất lạ lùng đối với Alexandra. Nàng kể cho Mellis nghe về bà nội Kate và về Eve. “Chị cô không ở với cô và nội sao?” “Không. Chị ấy... Eve muốn có một căn hộ riêng”. Alexandra không thể nào tưởng tượng được vì sao Mellis không bị thu hút bởi người chị ruột của nàng. Dù lí do thế nào chăng nữa, nàng cũng mừng thầm. Trong lúc đang ăn cơm, Alexandra để ý rằng mọi cô gái ở nơi ấy đều biết Mellis, nhưng anh ta không hề nhìn quanh quất một lần nào, cũng không bao giờ rời mắt khỏi nàng. Vào lúc uống cà phê, Mellis nói, “Tôi không biết cô có thích nhạc jazz không, nhưng ở đường St Market s Place có một câu lạc bộ, gọi là Five Spot...” “Đó chính là nơi Cecil Tayler vẫn thường chơi”. Mellis trố mắt nhìn Alexandra với vẻ ngạc nhiên. “Cô đã đến nơi ấy rồi chăng?” “Rất nhiều lần!” Alexandra cười hớn hở. “Tôi rất thích nhạc sĩ ấy! Thật lạ lùng đến độ khó tin! Không hiểu sao chúng ta có những sở thích giống nhau thế!” Mellis lặng lẽ đáp lại. “Nó giống như là một phép lạ”. Hai người ngồi nghe Cecil Tayler chơi dương cầm, rồi họ cùng đi đến một quán rượu trên đường Blecher, nơi đó các khách hàng uống rượu, ăn bắp ngô rang, ném phi tiêu và nghe chơi dương cầm. Alexandra ngồi nhìn trong khi Mellis đang thi ném phi tiêu với một khách hàng thường xuyên ở nơi này. Người ấy chơi rất giỏi, nhưng anh ta không thắng được một lần nào. Mellis chơi một cách hăm hở, đầy nhiệt tình, trông thật đáng sợ. Đó chỉ là một trò chơi, nhưng anh chơi như thể nó là một cuộc đấu tranh sống còn. Anh ta là một con người lúc nào cũng phải thắng, Alexandra thầm nghĩ. Lúc hai người rời quán rượu thì đồng hồ đã chỉ hai giờ sáng. Alexandra không muốn buổi tối hôm ấy chấm dứt. Mellis ngồi bên cạnh Alexandra trong chiếc xe Rolls Royce do tài xế lái, mà anh ta đã thuê. Anh không nói lời nào mà chỉ nhìn vào mặt nàng. Hai chị em giống nhau đến kì lạ. Anh nghĩ thầm, “Không biết thân hình của họ có giống nhau không nhỉ?” Anh tưởng tượng Alexandra đang nằm trên giường với anh, quằn quại và la thét vì đau đớn. “Anh đang nghĩ gì vậy?” Alexandra hỏi. “Tôi sợ rằng cô sẽ cười.” “Không, tôi sẽ không cười. Tôi hứa đấy”. “Nếu cô có cười thì tôi cũng không trách cô được. Tôi cho rằng tôi bị xem như là một kẻ ăn chơi. Cô cũng hiểu rõ cuộc đời - những cuộc đi chơi bằng du thuyền, tiệc tùng và bao nhiêu những thứ khác”. “Vâng...” Đôi mắt đen của anh dán chặt vào Alexandra. “Tôi nghĩ rằng cô là người đàn bà có thể thay đổi tất cả các thứ ấy. Mãi mãi”. Alexandra cảm thấy mạch máu của nàng đập nhanh hơn. “Em... em không biết nói làm sao”, “Xin em đừng nói một tiếng nào nũa”. Đôi môi chàng gần sát với môi nàng. Alexandra đã sẵn sàng. Nhưng Mellis không tiến thêm một bước nào nữa. “Đừng có tấn công trước”, Eve đã căn dặn chàng. “Nhất là vào đêm đầu tiên. Nếu anh làm như vậy, anh sẽ trở thành một trong những chàng Romeo đang xếp hàng hai khao khát một cách vô hiệu quả được đặt bàn tay lên người nàng và lên tài sản của nàng. Phải để cho nàng tiến lên trước”. Vì vậy, Mellis chỉ cầm lấy tay nàng cho đến khi chiếc xe hơi nhẹ nhàng đỗ trước toà lâu đài Blackwell. Alexandra dẫn chàng đến cánh cửa trước. Nàng quay lại nói với chàng, “Em không thể nói đêm nay em đã được vui thích đến thế nào”. “Thật là một đêm kì diệu đối với anh”. Nụ cười của Alexandra đủ rạng rỡ để chiếu sáng cả đường phố. “Chào anh George Mellis”, nàng thì thầm, rồi biến mất vào trong căn nhà. Mười lăm phút sau, điện thoại trong phòng Alexandra reo vang. “Em có biết anh vừa làm gì không? Anh gọi điện thoại cho gia đình anh. Anh kể lại cho họ nghe về người con gái tuyệt vời anh mới gặp tối nay. Em ngủ ngon nhé, Alexandra”. Đặt điện thoại xuống, George Mellis suy nghĩ. “Sau khi nó với mình cưới nhau rồi, mình sẽ gọi điện thoại cho gia đình mình... rồi bảo cho họ biết mình sẽ cần đếch gì họ nữa”. Chương 29 Alexandra không còn nhận tin tức gì về George Mellis nữa. Không có tin gì ngày hôm nay, rồi đến ngày kế tiếp, rồi suốt cả tuần cũng vậy. Mỗi lần điện thoại reo vang nàng lại chồm đến, nhặt ống nghe lên, nhưng lần nào nàng cũng bị thất vọng. Nàng không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Nàng cố gợi lại trong trí nhớ kỉ niệm tối hôm ấy: “Anh nghĩ em là người duy nhất có thể thay đổi tất cả những thứ ấy” và “Anh đã gọi điện thoại cho ba mẹ và các em của anh, và nói cho họ biết về người con gái tuyệt vời anh đã gặp đêm nay”. Alexandra kiểm điểm trong đầu óc một loạt các lí do mà nàng cầu mong là có thực để giải thích vì sao chàng đã không gọi điện thoại cho nàng. Phải chăng nàng đã làm mất lòng chàng bằng cách nào đó mà nàng không biết? Chàng mến nàng quá và sợ phải si mê nàng nên đã quyết định không gặp lại nàng lần nữa? Chàng đã đi đến quyết định rằng nàng không phải là “týp” người thích hợp với chàng? Chàng đã gặp một tai nạn khủng khiếp và bây giờ đang nằm bất động tại một bệnh viện nào đó? Chàng đã chết rồi? Không còn chịu đựng được nữa, Alexandra điện thoại cho Eve. Nàng cố gắng nói chuyện lảm nhảm một lúc trước khi bật mồm nói ra, “Eve này, chị có nghe được tin tức gì về George Mellis không?” “À, không. Chị tưởng rằng hôm ấy anh ta mời em đi ăn cơm tối chứ?” “Có, chúng em ăn cơm tối với nhau tuần trước”. “Thế mà từ đó em không nhận được tin tức gì về anh ta cả à?” “Không”. “Có lẽ anh ta bận.” Không ai bận đến như vậy cả, Alexandra thầm nghĩ. Nàng nói to, “Có lẽ vậy”. “Thôi quên anh ta đi, em ạ. Có một chàng trai người Gia nã đại rất hấp dẫn. Chị muốn giới thiệu anh ta cho em. Anh ta làm chủ một hãng hàng không...” Khi Eve gác máy điện thoại, nàng ngả người trên ghế tủm tỉm cười. Nàng ước mong làm sao bà nội có thể biết được nàng đã sắp đặt mọi thứ một cách tuyệt vời như thế nào. “Này, có chuyện gì làm chị bực dọc thế?” Alice Koppel hỏi. “Xin lỗi”, Alexandra đáp. Alexandra gắt gỏng với mọi người vào tất cả mọi buổi sáng. Đã mấy tuần lễ rồi, nàng không có tin tức gì về George Mellis cả. Nàng giận dữ - không phải nàng giận Mellis, mà giận bản thân mình đã không thể nào quên được chàng. Anh ta có nợ gì nàng đâu. Họ là những kẻ lạ gặp nhau một buổi tối, thế mà nàng làm như là nàng đang chờ đợi anh ta phải cưới nàng. George Mellis có thể cưới bất cứ người đàn bà nào trên thế gian này. Tại sao chàng lại có thể thích nàng được? Ngay đến cả bà nội nàng cũng nhận ra tính khí cáu kỉnh ấy của nàng. “Có chuyện gì vậy, hở cháu? Có phải ở hãng ấy, họ bắt đầu làm việc nhiều quá không?” “Không, bà ạ. Chỉ có điều là gần đây cháu... cháu ngủ không được ngon thôi”. Khi nào nàng ngủ được thì nàng lại có những giấc mơ tình ái với George Mellis. Mẹ kiếp anh chàng ấy! Giá như Eve đừng giới thiệu anh ta với nàng thì hay cho nàng biết bao nhiêu! Trưa ngày hôm sau, có điện thoại gọi đến nàng ở sở làm. “Alex? George đây.” Làm như thể nàng không từng nghe giọng nói trầm trầm ấy trong các giấc mơ! “Alex? Em có ở đấy không?” “Có, em ở đây “. Lòng nàng rộn lên với những cảm xúc lẫn lộn. Nàng không biết nên khóc hay nên cười. Anh chàng ấy vô tình, ích kỉ, chỉ biết có mình, còn nàng thì không còn quan tâm đến chuyện gặp chàng lại nữa hay không. George Mellis xin lỗi. “Anh muốn gọi em sớm hơn, thế nhưng anh mới từ Athens trở về cách đây mấy phút”. Trái tim của Alexandra như mềm đi. “Bấy lâu nay anh ở Athens sao?” “Phải. Em có nhớ đêm chúng mình ăn cơm chung với nhau không?” Dĩ nhiên là Alexandra còn nhớ. “Sáng hôm sau, người em trai của anh, tên là Steve, gọi điện thoại cho anh, nói rằng bố anh lên cơn đau tim”. “Trời George!” Nàng cảm thấy mình tội lỗi vì đã nghĩ đến những điều kinh khủng về Mellis. “Bây giờ ông ấy thế nào?” “Cũng sắp khỏi rồi, cảm ơn Trời! Thế nhưng anh cảm thấy mình như bị xé ra từng mảnh. Ông van nài anh trở về Hi Lạp để thay ông trông nom công việc kinh doanh.” “Anh có về đó không?” Nàng nín thở, chờ đợi câu trả lời. “Không.” Nàng thở phào một cái. “Anh biết rằng bây giờ nơi ở của anh là ở đây. Không có một ngày nào hay một giờ nào mà anh không nghĩ đến em. Khi nào gặp được em?” “Ngay bây giờ !” Tối nay, em rảnh có thể đi ăn cơm với anh được”. Mellis lại muốn nêu tên một tiệm ăn mà nàng ưa thích. Nhưng thay vì làm như vậy, anh nói, “Thế thì tuyệt. Em muốn chúng mình ăn ở đâu nào?” “Nơi nào cũng được. Hay là anh ăn cơm ở nhà em vậy?” “Không được”. Anh chưa sẵn sàng gặp mặt bà Kate Blackwell. Eve đã dặn anh, “Trong trường hợp, phải cố gắng tránh xa bà Blackwell vào lúc này. Bà ấy sẽ là một chướng ngại vật lớn lao nhất cho anh đấy”. Mellis liền nói. “Anh sẽ đến đón em vào lúc tám giờ”. Alexandra gác máy điện thoại, hôn lên má Alice Koppel, Vince Barnes và Marty Bergheimer và nói. “Tôi phải đi đến hiệu làm tóc. Sẽ gặp các anh chị ngày mai”. Họ nhìn theo Alexandra đi ra khỏi phòng. “Lại một anh chàng nào đó rồi”, Alice Koppel nói. Hai người ăn cơm tối tại nhà hàng Maxwell s Plum. Một người trưởng nhóm hầu bàn dẫn họ đi ngang qua một quầy rượu hình móng ngựa đông nghẹt khách khứa, gần cửa ra vào, rồi đi lên cầu thang đến phòng ăn. Họ gọi các món ăn. “Em có nghĩ gì đến anh không, lúc anh đi vắng?” “Có”. Nàng cảm thấy hoàn toàn chân thật với chàng trai này - một con người lúc nào cũng rất cởi mở và nhạy cảm. “Không được tin anh, em cứ hay nghĩ đến một chuyện gí khủng khiếp có thể xảy ra. Rồi em đâm ra hoảng sợ. Em tưởng rằng không thể chịu đựng thêm được một ngày nữa”. Phải cho Eve mười điểm trên mười mới được, Mellis nghĩ thầm. Eve đã bảo anh, “Ngồi yên tại chỗ. Tôi sẽ nói cho anh biết rằng lúc nào thì nên điện thoại cho Alexandra”. Lần đầu tiên, Mellis có cảm tưởng rằng kế hoạch này sẽ có hiệu quả thực sự. Cho đến lúc này, anh để nó gậm nhấm ở bên rìa trí óc anh, đùa giỡn với ý tưởng sẽ kiểm soát được tài sản lớn không tưởng tượng nổi của gia đình Blackwell, nhưng anh không dám thực sự tin tưởng vào điều ấy. Nó chỉ là một trò chơi mà anh và Eve đang cùng tham dự. Nhìn Alexandra, lúc này đang ngồi trước mặt, cặp mắt tràn đầy yêu thương, George biết rằng nó không còn là một trò chơi nữa. Alexandra đã thuộc về anh rồi. Đây chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch. Những bước sau có lẽ nguy hiểm hơn, nhưng với sự giúp đỡ của Eve, anh có thể đảm đương nổi một cách thành công. Eve đã nói, “Chúng ta sẽ cùng tham dự vào vụ này suốt từ đầu đến cuối, George ạ, rồi chúng ta sẽ chia sẻ với nhau tất cả mọi thứ cho đến tận phần ở giữa.” George Mellis không tin tưởng vào những kẻ hợp tác với mình. Khi anh ta đã có thứ gì anh ta thích, khi anh ta đã chiếm được Alexandra rồi thì lúc ấy anh sẽ thanh toán với Eve. Ý nghĩ này khiến anh ta vui thích vô cùng. “Anh cười gì vậy?” Alexandra hỏi. Anh đặt bàn tay lên tay nàng. Sự động chạm này khiến nàng cảm thấy ấm áp. “Anh đang nghĩ chúng mình ngồi bên nhau ở đây thật là hạnh phúc biết bao. Nghĩ đến chúng mình sẽ ở gần bên nhau tại bất cứ nơi nào”. Anh móc từ trong túi ra một chiếc hộp nữ trang. “Anh đem thứ này từ Hi Lạp để tặng em”. “Trời, George....” “Em mở ra xem. Alex” Bên trong là một chuỗi kim cương đeo ở cổ, đẹp đẽ tuyệt vời. “Thật là đẹp”. Đó chính là chuỗi nữ trang đã lấy của Eve. Eve đã nói với Mellis, “Cứ đưa cái này cho nó, không sợ gì đâu. Nó chưa từng thấy cái chuỗi ấy”. “Anh cho em thế này là quá nhiều. Thật đấy”. “Như thế chưa hẳn là đủ.Anh muốn nhìn thấy em đeo nó lên cổ”. “Em... em…” Alexandra run lên. “Cảm ơn anh”. Mellis nhìn vào đĩa ăn của nàng. “Em chưa ăn gì cả”. “Em không đói”. Anh lại nhìn vào ánh mắt của Alexandra lần nữa, rồi cảm thấy sức mạnh quen thuộc trong con người anh bắt đầu dâng lên. Anh đã nhìn thấy ánh mắt của không biết bao nhiêu đàn bà: những người đàn bà xinh đẹp xấu xí, giàu có, nghèo khổ. Anh đã sử dụng tất cả bọn họ. Bằng cách này hay cách khác, họ đều đã cho anh thứ gì đó. Nhưng cô gái này sẽ cho anh nhiều hơn là tất cả những người ấy gộp lại. “Vậy em muốn làm gì nào?” Giọng nói khàn khàn của anh là một lời mời mọc. Nàng chấp nhận nó một cách đơn giản và cởi mở “Em muốn ở gần anh”. George Mellis có đủ lí do để tự hào về căn hộ của y. Nó là một căn hộ đẹp đẽ, sang trọng, được trang bị bởi những người yêu biết ơn y - cả đàn ông lẫn đàn bà - những kẻ đã mua chuộc tình cảm của y bằng những món quà đắt tiền, và đã thành công, một sự thành công lúc nào cũng chỉ tạm thời. “Căn hộ này đẹp quá”, Alexandra kêu lên. Y đến sát bên nàng, chậm rãi quay người nàng lại để cho chuỗi kim cương lóng lánh trong ánh sáng đã được làm dịu bớt đi của căn phòng. “Nó thật hợp với em, em yêu quý ạ”. Rồi y hôn nàng thoạt tiên nhè nhẹ, rồi gấp gáp hơn nữa. Alexandra không còn biết gì nữa, khi y dẫn nàng vào phòng ngủ. Căn phòng được trang trí bằng các màu xanh lơ đậm nhạt khác nhau với những đồ đạc rất mĩ thuật. Ở giữa phòng là một chiếc giường rất lớn. George Mellis lại ôm nàng trong vòng tay, và thấy toàn thân nàng run rẩy. “Em có hề gì không?” “Em... em hơi bị xúc động”. Nàng sợ làm người đàn ông này thất vọng. Nàng thở mạnh ra một cái, rồi bắt đầu cởi khuy áo ra. Mellis thì thầm, “Để anh”. Y bắt đầu cởi áo cho cô gái tóc hoe tuyệt trần đang đứng trước mặt y. Y nhớ lại câu nói của Eve: “Hãy tự kiềm chế. Nếu anh làm cho Alexandra bị đau, nếu nó biết được rằng anh thực sự là một con heo đáng ghê tởm, anh sẽ không bao giờ được gặp lại nó lần nữa. Anh có hiểu không? Dành các quả đấm của anh cho bọn gái điếm và những thằng con trai bé nhỏ xinh đẹp”. Vì vậy, y cởi áo cho Alexandra một cách nhẹ nhàng, và kéo nàng sát vào người y. Hai người đứng sát vào nhau, nhìn vào mắt nhau, Mellis nhẹ nhàng, chậm chạp và trìu mến... “Ôi, anh yêu quý”, nàng nói. “Xin anh làm mau đi... ngay bây giờ...”. Cuối cùng, Alexandra nằm yên trong cánh tay Mellis, và thì thầm, “Trời, anh yêu quý. Em mong rằng anh cảm thấy chuyện này tuyệt vời đối với anh”. Y nói dối, “Thật tuyệt vời”. Nàng ép sát vào người y, rồi không hiểu sao, nàng rơi nước mắt. Ấy chỉ vì nàng mừng thầm đã được hưởng những giây phút thật vui sướng, huy hoàng. “Kìa, em.” Mellis nói như vỗ về. “Mọi thứ đều thật là tuyệt diệu”. Mà tuyệt diệu thật. Chắc hẳn Eve phải rất tự hào về y. Trong mọi chuyện yêu đương, đều có những sự hiểu lầm ghen tuông, những xúc phạm nho nhỏ, nhưng trong mối tình giữa Mellis và Alexandra thì không thế. Với sự dìu dắt, chỉ bảo của Eve, George Mellis có thể làm rung động mọi xúc cảm của Alexandra một cách thành thạo. Y biết những nỗi lo sợ, những ý nghĩ kì quặc, những đam mê và ác cảm của nàng, và lúc nào cũng sẵn sàng thoả mãn đúng nhu cầu của nàng. Y biết những gì làm cho nàng cười hay khóc. Alexandra run người lên với lối ân ái của y, nhưng y lại thấy như vậy chẳng có gì thích thú. Khi y ân ái với Alexandra, lắng nghe những tiếng kêu rên rỉ của nàng, sự kích thích của nàng làm cho cơn sốt của y lên đến cựa độ. Lúc ấy y chỉ muốn hành động như một con thú dữ, muốn nàng phải kêu thét van lơn, có như vậy y mới thấy dễ chịu. Nhưng y biết rằng nếu làm như vậy, y sẽ phá hoại tất cả mọi thứ. Sự buồn chán của y cứ tăng dần lên. Càng ân ái với Alexandra, y lại càng thấy khinh bỉ nàng. Có một số nơi khả dĩ khiến cho Mellis được thoả mãn, nhưng y biết y phải cẩn thận. Vào lúc đêm khuya, y lui tới những tiệm rượu của những kẻ độc thân vô danh và những tiệm disco vui nhộn, rồi y nhặt những bà goá phụ cô đơn muốn tìm thú vui qua một tối, những đứa con trai truỵ lạc khát tình, những bọn gái điếm khát tiền. Y đem chúng đến những khách sạn tồi tàn ở phái Tây New York, trong các vùng Bowery và Greenwich Village. Y không bao giờ trở về cùng một khách sạn hai lần, mà người ta cũng chẳng ai hoan nghênh y trở lại. Người ta thường thấy những người tình của y hoặc nằm bất tỉnh hoặc nửa tỉnh nửa mê, thân thể bầm dập và đôi khi đầy vết bỏng vì thuốc lá. Y không thích bọn “masochists” tức là những kẻ thích được đau đớn trong lúc ân ái, do y gây ra, vì như vậy làm cho y mất vui. Không, y phải nghe họ kêu thét, van xin y thương hại, giống như y đã từng khóc thét, van xin khi còn bé mỗi lúc bị cha y đánh đập. Lối trừng phạt của cha y về những tội nhỏ nhất là đánh đập tàn nhẫn, nhiều khi khiến y phải nằm bất tỉnh. Lúc y tám tuổi, một hôm cha y bắt gặp y và một thằng con trai ông láng giềng trần truồng với nhau, thế là cha y đánh y cho đến khi máu chảy ra đằng mũi và mồm, rồi để cho y chừa cái tội này, ông ta dí điếu thuốc lá đang cháy lên “con chim” của y. Vết thương bên ngoài sau đó lành lại thành sẹo, nhưng cái sẹo sâu hơn ở bên trong tâm hồn bị nhiễm độc. George Mellis có bản chất hung bạo, đam mê của tổ tiên người Hi Lạp. Y không chịu được ý tưởng bị ai khống chế. Y phải chịu khuất phục trước những lời châm chọc, quở trách của Eve bởi vì y cần đến nàng. Một khi y đã nắm được tài sản Blackwell trong tay, y dự định sẽ trừng trị nàng cho đến khi nàng phải van xin y giết nàng cho chết. Gặp gỡ Eve là một điều y cho là may mắn nhất chưa từng có trong đời. Y thầm nghĩ, “Đó là một điều may mắn cho mình, nhưng không may cho nàng”. Alexandra vẫn tiếp tục ngạc nhiên vì sao George Mellis lúc nào cũng biết được loại hoa nào nàng thích, loại đĩa nhạc nào nàng muốn mua và những cuốn sách nào nàng thích đọc. Khi y đưa nàng đi xem một viện bảo tàng, y tỏ ra thích thú trước những bức tranh mà chính nàng cũng ưa thích. Thật là một điều khó tin đối với Alexandra, vì sao mà sở thích của hai người lại có thể giống hệt nhau đến như vậy. Nàng cố tìm ra một khuyết điểm nào đó ở George Mellis, nhưng chịu không thể tìm ra. Anh ấy là người hoàn hảo! Nàng càng lúc càng muốn cho bà Kate gặp được chàng. Nhưng Mellis luôn luôn tìm ra một cái cớ nào đó để tránh phải gặp bà Kate Blackwell. “Tại sao, hở anh? Anh sẽ thấy mến bà. Hơn nữa, em cũng muốn khoe khoang với bà một chút về anh”. “Chắc chắn là bà nội em là một người đàn bà tuyệt vời”, Mellis nói với vẻ ngây thơ như đứa trẻ con, “Thế nhưng anh sợ bà sẽ nghĩ rằng anh không xứng đáng với em”. “Anh nói thật vô lí!” Thái độ nhũn nhặn của anh làm nàng xúc động, “Bà nội em sẽ yêu anh lắm”. “Rồi sẽ đến lúc, em ạ”, anh nói với Alexandra. “Chừng nào mà anh có đủ can đảm đã”. Một tối nọ, anh thảo luận về vấn đề này với Eve. Nàng suy nghĩ một lúc rồi nói, “Được rồi. Không chóng thì chầy anh cũng sẽ phải giải quyết vấn đề này. Nhưng anh phải cảnh giác từng giây từng phút. Bà ấy là một con mụ già đanh ác, nhưng rất khôn ngoan. Đừng có đánh giá bà ta quá thấp bất cứ lúc nào. Nếu nghi ngờ anh có mưu đồ gì, bà ta sẽ cắt trái tim anh ra đem cho chó ăn đấy”. “Tại sao chúng mình lại phải cần bà ấy?” Mellis hỏi. “Bởi vì nếu anh làm điều gì khiến cho Alexandra phản kháng lại bà ấy, tất cả chúng ta sẽ bị ra rìa hết”. Alexandra chưa bao giờ cảm thấy hồi hộp, lo lắng như vậy. Mellis, Alexandra và bà Kate sẽ ăn cơm tối với nhau lần đầu tiên. Alexandra cầu nguyện sao đừng có chuyện gì bất trắc xảy ra cả. Hơn bất cứ thứ gì khác trên đời này, nàng mong muốn rằng bà nội nàng và Mellis sẽ mến nhau, bà nội sẽ thấy rằng Mellis là con người tuyệt vời, còn Mellis sẽ kính mến bà Blackwell. Bà Kate Blackwell chưa hề bao giờ thấy cô cháu gái vui vẻ như vậy. Alexandra đã từng gặp những chàng trai trẻ rất xứng đáng, nhưng nàng không thích ai cả. Bà Kate dự tính sẽ xem xét thật kĩ con người đã thu hút được cháu gái bà. Bà đã từng có nhiều năm kinh nghiệm với những kẻ “ đào mỏ” nên không muốn để cho Alexandra bị mắc vào bẫy của một kẻ nào trong bọn ấy. Bà nóng lòng muốn gặp “ông George Mellis” ấy. Bà có cảm tưởng như anh này do dự không muốn gặp mặt bà, và bà lấy làm lạ về điều ấy. Bà Kate nghe tiếng chuông ở cửa rung lên, rồi một phút sau, Alexandra đi vào phòng khách, dắt tay một người lạ mặt cao lớn và đẹp trai theo lối cổ điển. “Bà nội ạ, đây là George Mellis”. “Cuối cùng rồi tôi cũng gặp được anh”, bà Kate nói, “Tôi sắp sửa nghĩ rằng anh lại muốn tránh tôi lần nữa, anh Mellis ạ”. “Trái lại thế, thưa bà Blackwell, chắc bà không hiểu được tôi đã trông ngóng được gặp bà như thế nào”. Anh sắp sửa định nói, “Bà trông đẹp đẽ hơn là Eve đã mô tả với tôi”, nhưng anh kịp ngưng ngay lại. Cẩn thận đấy. Đừng có nịnh hót, George ạ. Nó giống như một lá cờ đỏ đối với bà già ấy. Eve đã căn dặn như vậy. Một người quản gia đi vào, pha rượu, rồi kín đáo rút lui. “Anh ngồi xuống đi, anh Mellis”. “Xin cảm ơn”. Alexandra ngồi bên cạnh anh trên đi văng, đối diện với bà nội. “Chắc anh đã hiểu biết khá nhiều về cháu gái tôi rồi đấy nhỉ”. “Thưa bà, đó là một niềm vui thích đối với tôi”. Kate nhìn anh như dò xét bằng cặp mắt xám đục. “Alexandra nói với tôi anh làm cho một hãng môi giới”. “Vâng ạ”. “Thật tình tôi lấy làm lạ vì sao anh lại chọn làm một nhân viên hưởng lương trong khi anh có thể đứng đầu một cơ sở kinh doanh của gia đình rất có lợi”. “Thưa bà, cháu đã giải thích cho bà...”. “Bà muốn nghe chính anh Mellis này nói ra, Alexandra ạ”. Phải lễ độ, Eve đã căn dặn, nhưng đừng có tỏ ra khúm núm, quỵ luỵ quá đối với bà ta. Nếu anh tỏ ra một dấu hiệu yếu ớt nào, bà ấy sẽ xé anh ra từng mảnh. “Thưa bà Blackwell, tôi không quen nói về cuộc sống riêng tư của mình “. Anh do dự một lát, như thể để đưa ra một quyết định. “Thế nhưng, trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ rằng...” Anh nhìn thẳng vào mắt bà Blackwell và nói, “Tôi là một con người độc lập, không muốn nhận sự bố thí của ai. Nếu chính tôi là người sáng lập nên Mellis và Công ty, tôi đã tự mình điều khiển nó vào lúc này rồi. Nhưng cơ sở ấy là do ông nội tôi thiết lập nên rồi sau đó cha tôi xây dựng nó thành một cơ sở kinh doanh rất nhiều lợi lộc. Nó không cần sự hiện diện của tôi. Tôi có ba em trai hoàn toàn có khả năng điều khiển cơ sở kinh doanh ấy. Tôi chỉ muốn làm việc hưởng lương, cho đến khi nào tôi tự xây dựng được cho bản thân tôi và lấy làm hãnh diện về điều ấy”. Bà Kate gật đầu chậm rãi. Anh chàng này không giống như bà đã nghĩ chút nào. Bà nghĩ rằng anh ta là một kẻ ăn chơi đàng điếm, một tên đào mỏ, thuộc loại người vẫn từ lâu đeo đuổi các cháu gái bà. Anh chàng này thì khác hẳn. Thế nhưng, vẫn có điều gì đó khiến bà băn khoăn về anh ta, nhưng bà không thể làm sao xác định được.Anh ta hầu như quá hoàn hảo, đến mức khó tin. “Tôi biết rằng gia đình anh giàu có”. Bà Kate nói. Anh nhớ câu nói của Eve, “Chỉ cần bà ta tin rằng anh rất giàu có, và yêu cháu gái bà ta điên cuồng, George ạ. Hãy tỏ ra dễ thương, hấp dẫn. Hãy kiềm chế các cảm xúc lại, thế là xong mọi việc”. “Thưa bà Blackwell,” anh nói. “Tiền bạc là cần thiết, thế nhưng có hàng trăm thứ khác hấp dẫn đối với tôi nhiều”. Bà Kate đã cho điều tra giá trị thực sự của George Mellis và công ty. Theo báo cáo bà nhận được, tài sản ấy vượt quá con số ba mươi triệu đô la. “Anh có gần gũi gia đình anh không?” Mắt Mellis sáng lên. “Có lẽ quá gần gũi”. Y để một nụ cười loé trên môi. “Chúng tôi có một phương ngôn trong gia đình, thưa bà Blackwell, ấy là “máu chảy ruột mềm”. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên”. Thật ra thì y chưa hề nói chuyện với một ai trong gia đình y đã trên ba năm nay rồi. Kate gật đầu ra vẻ tán thưởng. “Tôi tin tưởng vào các gia đình kết hợp gắn bó với nhau chặt chẽ như vậy”. Bà đưa mắt nhìn cô cháu gái. Một vẻ kính phục trìu mến hiện ra trên mặt Alexandra. Thoáng qua một lúc, nó gợi cho bà nhớ đến bà và David vào những thời xa xưa, khi hai người yêu nhau say đắm. Nhiều năm trôi qua vẫn chưa xoá nhoà kí ức về những cảm xúc của bà lúc ấy. Lester đi vào trong phòng. “Thưa bà, cơm đã dọn rồi ạ”. Cuộc trò chuyện trong bữa ăn có vẻ tự nhiên hơn, nhưng các câu hỏi của bà Kate vẫn rất sắc nét. Mellis đã chuẩn bị sẵn sàng cho câu hỏi quan trọng nhất, khi nào nó đến. “Anh có thích trẻ con không, anh Mellis?” Eve đã căn dặn anh: “Bà ấy mong mỏi có một đứa chắt trai... Bà ấy mong mỏi điều này hơn bất cứ thứ gì trên đời”. Mellis liền quay về phía bà Kate, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Thích trẻ con ư? Một người đàn ông mà không có con trai hay con gái thì còn có ý nghĩa gì nữa? Tôi e rằng khi nào tôi lấy vợ, bà vợ tội nghiệp của tôi sẽ rất bận rộn. Ở nước Hi Lạp chúng tôi, giá trị của một người được đo lường bằng số con mà anh ta đã sinh ra”. Hắn ta có vẻ chân thực, bà Kate thầm nghĩ. Nhưng cẩn thận bao giờ cũng hơn. Ngày mai, mình phải bảo Brad Rogers mở một cuộc điều tra về các tài khoản riêng của anh chàng này mới được. Trước khi đi vào giường nằm, Alexandra điện thoại cho Eve. Nàng đã nói cho Eve biết rằng George Mellis sẽ đến ăn cơm tối hôm ấy. “Chị nóng lòng đợi tin tức về chuyện ấy”. Eve đã nói với nàng như vậy. “Khi nào anh ấy rời khỏi nhà em nhớ điện thoại cho chị nhé. Chị muốn nghe báo cáo thật đầy đủ”. Và bây giờ đây, Alexandra sắp sửa làm báo cáo ấy. “Chị ạ, em nghĩ rằng bà nội thích anh ấy lắm”. Eve rùng mình vì sung sướng. “Bà nói gì?” “Bà hỏi George hàng trăm câu hỏi riêng tư. Anh ấy trả lời tất cả một cách khôn khéo”. Thế là hắn ta làm đúng rồi. “À, thế là hai cô cậu sắp sửa cưới nhau chứ gì?” “Em... Anh ấy chưa hỏi em chuyện ấy, Eve ạ, nhưng chắc cũng sắp sửa”. Nàng có thể nhận ra vẻ sung sướng trong giọng nói của Alexandra. “Thế bà nội sẽ tán thành chứ?” “Ồ, em chưa chắc. Bà sẽ còn điều tra thêm về tài khoản riêng của anh ấy nữa, nhưng em chắc không có vấn đề gì”. Eve cảm thấy trái tim nàng chao đảo. Alexandra nói, “Chị cũng biết rằng bà nội thận trọng lắm”. “Phải.” Eve nói. “Chị biết”. Thế là toi mạng cả lũ! Trừ phi nàng nghĩ ra được một kế gì khác. “Nhớ cho chị biết mọi tin tức nhé”. “Em hứa. Chúc chị ngủ ngon”. Ngay khi vừa đặt ống nghe xuống, Eve quay số điện thoại của Mellis. Y chưa về đến nhà. Cứ mười phút, Nàng gọi lại một lần, cuối cùng y trả lời. Eve nói, “Anh có thể nào kiếm gấp được một triệu đô la không?” “Em nói cái gì mà lạ thế?” “Bà Kate sẽ điều tra về tài chính của anh”. “Bà biết gia đình tôi có bao nhiêu rồi. Bà ấy...” “Tôi không nói về gia đình anh. Tôi nói về anh kia. Tôi đã bảo anh là bà ấy không ngu đâu”. Một phút yên lặng kế tiếp theo đó. “Kiếm đâu cho ra một triệu đô la bây giờ?” “Tôi có một ý kiến”, Eve nói. Khi bà Kate đến văn phòng bà ngày hôm sau, bà nói với viên phụ tá, “Bảo Brad Rogers thực hiện ngay một cuộc điều tra về tình trạng tài chính riêng của George Mellis. Anh ta làm công cho hãng Hanson and Hanson”. “Ông Brad Rogers đi vắng, ngày mai mới về, thưa bà Blackwell. Có thể chờ đến lúc ấy, hay là...?” “Ngày mai cũng được”. Ở phía dưới Manhattan, trên đường Wall Street, George Mellis ngồi ở bàn giấy tại hãng môi giới Hanson and Hanson. Các vụ trao đổi chứng khoán đã bắt đầu, và văn phòng rộng lớn này trở thành một nơi hỗn loạn đầy tiếng ồn ào và hoạt động náo nhiệt. Có 225 nhân viên trong các ban chỉ huy của hãng: những kẻ môi giới, phân tích gia, kế toán, buôn bán chứng khoán và đại diện khách hàng. Tất cả, ngoại trừ George Mellis. Anh đang ngồi yên ở bàn viết, trong cơn hoảng sợ. Điều anh sắp sửa làm có thể sẽ đưa anh ta vào nhà tù, nếu thất bại. Nếu nó thành công, anh sẽ làm chủ cả thế giới. “Anh không trả lời điện thoại hay sao?” Một trong các đồng nghiệp đang đứng nhìn anh, hỏi. Lúc ấy George Mellis mới nhận ra rằng máy điện thoại của anh đang reo từ nãy giờ. Anh phải hành động với vẻ bình thường để không gây nghi ngờ. Anh nhặt máy điện thoại lên. “George Mellis đây”, rồi tủm tỉm cười với anh bạn đồng nghiệp. Sáng hôm ấy, Mellis bận bịu nhận các lệnh mua và bán chứng phiếu, nhưng trí óc của anh vẫn quanh quẩn với kế hoạch ăn cắp một triệu đô la mà Eve đã gợi ý cho anh. Nó thật là đơn giản, George ạ. Tất cả công việc anh phải làm chỉ là mượn các giấy chứng nhận cổ phần qua một đêm thôi. Sáng hôm sau anh có thể trả lại chỗ cũ mà không ai có thể hay biết. Mỗi hãng môi giới cổ phần đều có hàng triệu đô la bằng cổ phần và trái phiếu cất giữ trong các hầm để thuận tiện cho các khách hàng. Một số các chứng phiếu có đề tên người chủ, nhưng đa số đều mang số mật mã để có thể nhận ra người chủ sở hữu, khi cần. Các giấy chứng nhận cổ phần ấy không thể đổi thành tiền được nhưng Mellis không có ý định lấy tiền mặt. Anh ta đã có dự tính khác trong đầu. Ở hãng Hanson and Hanson, các cổ phiếu được giữ trong một hầm lớn ở tầng thứ bảy trong một vùng an toàn, có cảnh sát võ trang canh gác trước một cánh cửa, mà cửa này chỉ có thể mở ra được bằng một tấm thẻ bằng nhựa có ghi mã số. George Mellis không có tấm thẻ nhựa này. Nhưng anh biết ai có tấm thẻ ấy. Helen Thatcher là một bà goá phụ cô đơn ở trong tuổi bốn mươi. Nàng có khuôn mặt dễ coi, dáng người khá đẹp, và nấu ăn rất giỏi. Nàng đã có chồng được hai mươi ba năm, nhưng cái chết của chồng nàng đã khiến cuộc đời nàng trở nên trống rỗng. Nàng cần có một người đàn ông để chăm sóc cho nàng. Vấn đề khó khăn là các đàn bà, con gái trong hãng lại trẻ hơn nàng, và trông hấp dẫn hơn đối với những người môi giới làm việc trong sở. Không ai rủ nàng đi chơi cả. Nàng làm việc tại phòng kế toán ở lầu phía trên văn phòng của Mellis. Lần đầu tiên gặp George Mellis, nàng đã nghĩ rằng anh sẽ là một người chồng lí tưởng của nàng. Đã nhiều lần nàng mời anh đến ăn cơm do chính nàng nấu, và gợi ý bóng gió rằng không phải chỉ có ăn uống mà còn có những thứ khác nữa. Thế nhưng lúc nào Mellis cũng tìm cách chối từ. Đặc biệt sáng hôm ấy, chuông điện thoại của nàng reo vang, Thatcher nhặt điện thoại lên nói, “Bà Thatcher ở phòng kế toán đây”. Giọng Mellis vang lên trong máy. “Helen đó hả? George đây”. Giọng anh ấm áp khiến toàn thân nàng run lên vì sung sướng, “Anh cần gì tôi vậy, George?” “Tôi có một điều bất ngờ nho nhỏ dành cho cô đấy. Cô có thể xuống ngay văn phòng tôi được không?” “Ngay bây giờ à?” “Phải”. “Tôi sợ rằng bây giờ tôi đang...” “Nếu cô bận quá thì thôi cũng được. Tôi sẽ giữ nó lại đã, sẽ nói sau”. “Không, không... Tôi xuống ngay bây giờ đây”. Điện thoại của Mellis lại reo vang. Anh để mặc nó ở đấy. Nhặt lấy một nắm giấy tờ, anh đi về phía dãy thang máy. Nhìn quanh quất không thấy ai quan sát mình, anh đi qua thang máy, trèo lên cầu thang ở phía sau. Lên đến tầng trên, anh kiểm soát xem Helen đã rời văn phòng chưa, rồi bước vào tự nhiên như thể anh đang có công việc ở đấy. Giá như anh ta bị bắt nhưng anh không thể nghĩ đến chuyện ấy. Anh mở ngăn kéo giữa của Helen ra, vì anh biết nàng vẫn để tấm thẻ nhựa ở đấy. Nó ở kia rồi. Anh nhặt lấy, nhét vào túi, rời khỏi phòng, vội vã đi xuống lầu. Về đến bàn giấy, anh thấy Helen đang đứng ở đấy, nhìn quanh quất để tìm anh. “Xin lỗi”, Mellis nói. “Tôi vừa bị gọi đi ra ngoài một phút”. “Không hề gì đâu.Anh nói cho tôi biết cái điều bất ngờ ấy là gì?” “À, một con chim bé nhỏ nào đó bào cho tôi biết hôm nay là sinh nhật của cô, vì vậy tôi muốn mời cô ăn cơm trưa với tôi hôm nay”. Anh nhìn mặt của nàng để xem phản ứng của nàng như thế nào. Nàng băn khoăn không biết có nên nói sự thực cho chàng biết hay không, nhưng lại sợ lỡ mất cơ hội được hẹn hò với chàng. “Như thế thì... rất tốt. Tôi cũng muốn cùng ăn trưa với anh”, nàng nói. “Được rồi, vậy tôi sẽ gặp cô ở hiệu Tony lúc một giờ nhé”. Đó là một cuộc hẹn hò mà anh có thể đề nghị với nàng bằng điện thoại, nhưng Thatcher quá vui sướng nên không hỏi han gì cả. Anh nhìn theo trong khi nàng rời khỏi văn phòng. Ngay lúc nàng vừa đi khỏi, Mellis liền ra tay hành động. Anh còn phải làm nhiều việc trước khi trả lại tấm thẻ nhựa ấy. Anh dùng thang máy đi lên tầng thứ bảy, rồi tiến đến khu vực an ninh có người canh giữ trước một cánh cổng sắt. Mellis nhét tấm thẻ vào thì cánh cổng mở ra. Khi anh sắp sửa bước vào, người bảo vệ nói, “Hình như tôi chưa gặp anh bao giờ”. Trái tim của Mellis đập lên thật nhanh. “Phải, tôi vẫn không thường hay đến đây. Một trong các khách hàng của tôi đột nhiên muốn xem các chứng phiếu của ông ấy nên tôi phải đến moi nó ra. Hi vọng công việc này không làm tôi mất toi cả buổi trưa”. Tên bảo vệ tủm tỉm cười ra vẻ thông cảm. “Chúc anh may mắn”. Y nhìn theo Mellis trong khi anh bước vào trong hầm. Hầm này bằng bê tông, khoảng mười thước trên năm thước. Mellis bước tới những chiếc tủ hồ sơ làm bằng vật liệu chống cháy, chứa đựng các chứng phiếu, rồi mở các ngăn kéo ra. Bên trong có hàng trăm các chứng phiếu cổ phần của các công ty ở New York và các giao dịch chứng khoán của Mỹ. Số cổ phần biểu thị trên mỗi giấy chứng nhận được in trên mặt giấy, và có thể từ một đến một trăm nghìn cổ phần, Mellis lục lọi rất nhanh và thành thạo. Anh chọn các giấy chứng nhận của nhiều công ty khác nhau có uy tín, giá trị đến một triệu đô la. Anh nhét các giấy tờ vào túi áo, đóng ngăn kéo lại, rồi trở lại nên người bảo vệ đang đứng. “Nhanh nhỉ”, người ấy nói. Mellis nói, “Các máy điện toán cho ra các con số sai. Sáng mai tôi sẽ lại phải đến điều chỉnh cho đúng”. “Những cái máy điện toán khốn kiếp ấy!” tên bảo vệ nói ra vẻ thương hại. “Chúng có thể làm tiêu ma sự nghiệp của tất cả chúng ta cũng chưa biết chừng”. Khi trở về đến bàn giấy, Mellis thấy mồ hôi anh vã ra như tắm. Nhưng cho đến lúc này, mọi thứ đều trôi chảy cả. Anh nhấc điện thoại lên, gọi Alexandra. “Em yêu quý ạ. Anh muốn gặp bà nội em và em tối hôm nay”. “Em tưởng anh có một phiên họp bàn về công việc tối hôm nay chứ?” “Có, nhưng anh đã huỷ bỏ nó rồi.Anh có một chuyện quan trọng muốn nói với em”. Vào đúng một giờ trưa, Mellis đã có mặt trong văn phòng của Helen Thatcher để bỏ tấm thẻ lại trong ngăn kéo, trong khi nàng đang ngồi chờ đợi anh ở tiệm ăn. Anh rất muốn giữ lại tấm thẻ nhựa ấy, vì sẽ còn phải dùng đến nó, nhưng anh biết rằng tấm thẻ nào không được trả lại vào mỗi buổi tối thì máy điện toán sẽ làm cho nó mất hiệu lực vào sáng hôm sau. Đến một giờ mười phút, Mellis ăn cơm trưa với Helen Thatcher. Anh nắm lấy bàn tay Thatcher và nói, “Tôi muốn chúng ta được gặp nhau như thế này thường xuyên hơn”. Mellis vừa nói vừa nhìn nàng như dò xét. “Ngày mai cô có rảnh để ăn cơm trưa nữa với tôi không?” Nét mặt nàng rạng rỡ. “Được, được, anh George ạ”. Khi Mellis rời khỏi văn phòng trưa hôm ấy, anh đã có trong tay các giấy chứng nhận cổ phần trị giá một triệu đô la. Anh đến nhà bà Blackwell rất nhanh vào lúc bảy giờ tối và được đưa đến thư viện, nơi bà Kate và Alexandra đang ngồi chờ đợi. “Chào bà và cô”, Mellis nói, “Tôi xin mạn phép đến đây bất thình lình như thế này, vì có điều muốn thưa cùng bà và cô. Tôi biết làm như thế này thật ra có vẻ nệ cổ, nhưng tôi thành thực muốn xin bà cho phép Alexandra và tôi tin rằng cô ấy cũng yêu tôi. Nếu được bà cho phép, đó là điều hạnh phúc lớn lao cho cả hai chúng tôi”. Y thọc tay vào túi áo, rút ra các giấy chứng nhận cổ phần, ném lên bàn trước mặt bà Kate. “Tôi sẽ cho cô ấy một triệu đô la làm quà cưới. Cô ấy sẽ không cần bất cứ số tiền nào của bà, mà chúng tôi chỉ cần được bà cho phép thôi”. Bà Kate nhìn xuống các giấy chứng nhận cổ phần mà Mellis đã trải ra một cách cẩu thả. Bà nhận ra tên của tất cả các công ty ghi trên đó. Alexandra bước đến gần Mellis, đôi mắt sáng ngời, “Ôi, anh yêu mến!” Nàng quay về phía bà nội, nhìn với đôi mắt van lơn, “Bà?” Kate nhìn hai người đang đứng bên cạnh nhau. Không có cách nào từ chối chúng được nữa. Trong giây phút ngắn ngủi, bà thèm muốn được như chúng nó. Bà nói, “Các người được phép của ta”. Mellis nhoẻn miệng cười, bước đến bà Kate. “Xin bà cho phép”. Y hôn lên má bà một cái. Trong hai giờ kế tiếp đó, họ bàn với nhau về lễ cưới, “Cháu không muốn một lễ cưới linh đình, bà ạ”, Alexandra nói. “Cần gì phải làm thế, phải không bà?” “Anh đồng ý.” Mellis đáp. “Tình yêu là một vấn đề riêng tư”. Cuối cùng, họ quyết định tổ chức một cuộc lễ nhỏ với một vị thẩm phán đứng ra làm chủ hôn. “Cha anh có đến dự lễ cưới không, Mellis?” Bà Kate hỏi. Mellis cười. “Không thể nào gạt ông ấy ra rìa được. Cha tôi, ba em trai và hai em gái sẽ có mặt ở đây.” “Tôi rất mong được gặp họ”. “Bà sẽ thích họ.” Mellis đưa mắt nhìn Alexandra. Bà Kate tỏ vẻ rất xúc động suốt tối hôm ấy. Bà mừng cho cháu gái bà - mừng vì nó được lấy một người mà nó rất yêu quý. Bà tự nhủ, “Mình phải nhớ bảo Brad Rogers đừng bận tâm tìm hiểu về tình trạng tài chính của George Mellis nữa”. Trước khi ra về, Mellis ngồi một mình với Alexandra và nói ra vẻ tình cờ, “Anh nghĩ mình không nên để các giấy tờ chứng nhận một triệu đô la này vương vãi ở trong nhà. Anh sẽ cất chúng tạm thời cho em.” “Thật vậy sao?” Mellis nhặt các giấy chứng nhận cổ phần lên, bỏ cả vào trong túi áo. Sáng hôm sau, Mellis lặp lại công việc làm với Helen Thatcher giống như trước. Trong khi Thatcher xuống lầu dưới để gặp anh (“Tôi có một món quà nhỏ tặng cô”) thì anh ta đi vào phòng Thatcher, lấy cắp tấm thẻ nhựa. Anh tặng nàng một chiếc khăn quàng - một món quà sinh nhật chậm trễ - rồi xác nhận cuộc hẹn hò vào bữa ăn trưa. Lần này y đi vào hầm lưu trữ dễ dàng hơn. Anh đặt lại các giấy cứng nhận cổ phần vào chỗ cũ, trả lại tấm thẻ nhựa, rồi đi đến gặp Thatcher ở một tiệm ăn gần đó. Nàng cầm lấy tay anh và nói, “ George này, anh cho phép em mời anh ăn cơm tối nay, do chính em nấu nhé?” Nhưng Mellis đáp, “Anh e rằng anh không thể đến được em ạ. Anh sắp sửa lấy vợ”. Ba ngày trước lễ thành hôn, George Mellis đến nhà bà Blackwell, nét mặt buồn rầu. “Cháu vừa nhận được tin khủng khiếp quá. Cha cháu vừa bị một cơn đau tim”. “Trời, thật là tiếc quá”. Bà Kate nói. “Thế ông ấy có bình phục được ngay không?” “Cháu vừa nói điện thoại với gia đình cháu suốt đêm. Họ bảo cha cháu thế nào cũng bình phục, nhưng chắc là ông không thể đến dự đám cưới của cháu được”. “Chúng mình có thể đi Athens trong tuần trăng mật và thăm gia đình anh luôn thể”. Alexandra nói. Mellis vuốt lên má Alexandra. “Anh có những dự định khác cho tuần trăng mật của chúng ta rồi em ạ. Không có gia đình nào hết, mà chỉ có hai đứa mình thôi”. Lễ thành hôn được cử hành trong phòng khách của toà lâu đài Blackwell. Không đến mười hai người khách tham dự, trong đó có Vince Barnes, Alice Koppel và Mary Bergheimer. Alexandra van xin bà Kate cho phép Eve đến tham dự, nhưng bà Kate vẫn giữ lập trường sắt đá. “Chị cháu sẽ không bao giờ được bén mảng đến ngôi nhà này”. Mắt Alexandra đẫm lệ. “Bà ạ, bà làm thế thì tàn nhẫn quá. Cháu yêu cả bà lẫn chị ruột cháu. Bà không thể tha thứ cho chị ấy hay sao?” Trong phút chốc, bà Kate định tuôn ra hết câu chuyện phản bội, bất nghĩa của Eve, nhưng bà kịp ngưng lại và nói. “Bà chỉ làm những gì cho bà là tốt nhất cho cả mọi người”. Một người thợ nhiếp ảnh chụp ảnh trong lễ cưới, và chính tai bà Kate nghe Mellis yêu cầu anh ta rửa thêm nhiều tấm để y còn gửi về cho gia đình. Thật là con người chu đáo, bà Kate khem thầm. Sau lễ cắt bánh, Mellis thì thầm với Alexandra, “Em yêu quý ạ, anh sắp sửa phải lánh mặt trong khoảng một giờ đồng hồ”. “Có chuyện gì không hay chăng?” “Dĩ nhiên là không rồi.Anh chỉ có một cách duy nhất để thuyết phục sở làm của anh cho phép anh nghỉ việc một thời gian để đi chơi tuần trăng mật, ấy là hứa với họ rằng anh phải làm xong công việc cho một khách hàng quan trọng. Sẽ không lâu đâu. Máy bay của chúng ta mãi đến năm giờ mới cất cánh”. Alexandra mỉm cười. “Anh nên vội trở về nhé. Em không thể đi chơi tuần trăng mật mà không có anh.” Khi Mellis trở lại căn hộ của Eve, nàng đang ngồi chờ đợi, mặc một bộ đồ ngủ mỏng dính. “Anh vui với lễ cưới của anh rồi chứ, anh yêu quý?” “Vui chứ, cảm ơn em. Nó nhỏ nhưng mà sang trọng. Tất cả đều trôi chảy, không gặp một trục trặc nào”. “Anh biết đó là nhờ ai không, George? Nhờ em đấy, đừng có quên điều ấy”. Anh nhìn nàng, nói chậm rãi. “Không quên đâu”. “Chúng ta hợp tác từ đầu chí cuối”. “Dĩ nhiên rồi”. Eve mỉm cười. “Hay thật! Thế là anh cưới em gái tôi rồi đấy”. Mellis nhìn vào đồng hồ. “Phải. Tôi phải trở về đó ngay bây giờ”. “Chưa được đâu”, Eve nói. “Sao vậy?” “Bởi vì anh sẽ phải ân ái với tôi trước đã, anh yêu quý ạ. Tôi muốn nằm với người chồng của em gái tôi”. Chương 30 Eve đã lập kế hoạch cho tuần lễ trăng mật của Mellis - Alexandra. Nó sẽ rất tốn kém, nhưng nàng nói với Mellis, “Đừng có hà tiện về bất cứ thứ gì”. Nàng bán ba món nữ trang nàng đã lấy được từ tay những kẻ si mê theo đuổi nàng, rồi đưa tiền ấy cho George Mellis. “Anh rất cảm ơn em, Eve ạ”. Y nói. “Anh sẽ...” “Tôi sẽ lấy lại mà”. Tuần trăng mật thật hoàn hảo. Mellis và Alexandra ở trong khách sạn Round Hill, trong vịnh Montego Bay, thuộc miền bắc Jamaica. Hành lang của khách sạn là một toà nhà nhỏ, màu trắng, đặt ở giữa vài chục ngôi nhà một tầng rất đẹp của tư nhân, trải dài từ đồi xuống bãi bể màu nước trong xanh. Đôi vở chồng Mellis ở trong một ngôi nhà trệt Noel Coward, có một bể bơi riêng và một người hầu gái sửa soạn những bữa ăn sáng trong phòng ăn ngoài trời. Mellis thuê một chiếc thuyền để hai người du ngoạn và câu cá. Họ bơi, đọc sách, chơi cờ và ân ái với nhau. Alexandra làm đủ mọi cách để làm vui lòng Mellis khi hai người ân ái với nhau, và khi nghe những tiếng rên rỉ của chồng vào những lúc cực khoái, nàng cũng run người lên vì thấy mình có thể đem lại sự vui sướng như vậy cho chàng. Đến ngày thứ năm, Mellis nói, “Alexandra này, anh phải lái xe đi Kingston có công việc. Hãng của anh có một chi nhánh văn phòng ở đấy nên họ yêu cầu anh để mắt trông coi”. “Được, để em sẽ đi với anh.” Alexandra nói. Y nhăn mặt. “Anh cũng muốn như vậy lắm em ạ, nhưng anh đang đợi một cú điện thoại từ nước ngoài. Em nên ở nhà để tiếp nhận lời nhắn nhủ hộ anh”. Alexandra tỏ vẻ thất vọng. “Có thể nào nhờ phòng tiếp tân của khách sạn nhận hộ cho mình được không?” “Việc này rất quan trọng nên anh không thể tin tưởng ở họ được”. “Thôi được, để em ở nhà vậy”. Mellis thuê một chiếc xe hơi và lái đến Kingston. Y đến đó vào lúc xế trưa. Các đường trong thành phố này đông nghẹt du khách mặc quần áo sặc sỡ vừa bước xuống từ các du thuyền để đi mua sắm tại các chợ và hiệu tạp hoá nhỏ. Kingston là một thành phố thương mại, với các nhà máy tinh lọc, nhà kho, và chuyên nghề đánh cá, nhưng vì là một hải cảng có đất liền vây quanh nên nó cũng là một thành phố có nhiều toà nhà xưa cổ rất đẹp, các viện bảo tàng và thư viện. Mellis không quan tâm gì đến các thứ này. Y đang bị tràn ngập bởi một thứ nhu cầu mãnh liệt đã tích tụ trong con người y qua bao nhiêu tuần lễ và cần phải được thoả mãn. Y đi vào trong tiệm rượu đầu tiên và nói chuyện với chủ quán. Năm phút sau, y dắt tay một cô gái điếm da đen mười lăm tuổi bước lên cầu thang của một khách sạn rẻ tiền. Y ở với cô gái suốt hai giờ đồng hồ. Khi ra khỏi khách sạn y đi một mình ngồi vào xe hơi lái về Montego Bay. Alexandra cho y biết rằng nàng ngồi đợi điện thoại khẩn cấp, nhưng không có ai gọi. Sáng sớm hôm sau, các báo cáo ở Kingston loan tin rằng một du khách nào đó đã đánh đập và gây thương tật cho một gái điếm, và cô ta đang hấp hối. Ở hãng Hanson and Hanson, các nhà hợp tác kinh doanh cao cấp của hãng đang bàn luận với nhau về trường hợp George Mellis. Họ đã nhận được nhiều lời than phiền của một số khách hàng về cung cách làm ăn của y với các tài khoản chứng khoán. Họ đã đi đến quyết định thải hồi y. Thế nhưng, bây giờ, họ bắt đầu suy nghĩ lại. “Hắn ta đã cười một trong hai cháu gái của bà Kate Balckwell”, một người nói. “Vấn đề này phải được đặt lại trên một căn bản khác”. Người thứ hai nói thêm. “Chắc chắn phải như vậy. Nếu chúng ta có thể thu về tài khoản của bà Blackwell thì...”. Sự tham lam thèm muốn của họ hầu như có thể sờ thấy được trong không khí. Họ quyết định cần phải cho George Mellis thêm một cơ hội khác nữa. Khi Alexandra và Mellis trải qua tuần trăng mật, trở về đến nhà, bà Kate nói với hai người, “Bà muốn hai cháu dọn đến ở đây với bà. Nhà này rất rộng, nên không ai gây trở ngại cho ai cả”. Mellis cắt ngang câu nói của bà Kate. “Bà rất tốt với các cháu, nhưng cháu nghĩ Alexandra và cháu nên có nơi ở riêng thì tốt hơn”. Y không có ý định sống chung một mái nhà với một bà già lúc nào cũng bay lượn ở trên đầu để dò xét từng cử chỉ của mình. “Bà hiểu”, Bà Kate đáp. “Nếu như vậy, các cháu hãy để cho bà mua cho các cháu một ngôi nhà. Nó sẽ là một món quà cưới do bà tặng”. Mellis quàng tay lên người bà Kate và hôn tíu tít. “Bà thật là rộng lượng”. Giọng y khàn đi vì xúc động, “Alexandra và cháu xin nhận lời với tất cả lòng biết ơn”. “Cảm ơn bà”, Alexandra nói. “Chúng cháu muốn ở gần để tiện trông nom săn sóc cho bà. Bà thật hấp dẫn vô cùng, bà ạ”. Trong vòng một tuần lễ, họ tìm được một nhà kiểu cổ xây bằng đá nâu rất đẹp gần công viên, chỉ cách lâu đài Blackwell chừng mười khu nhà ở cho gia nhân, một cái bếp lớn, một phòng ăn lát ván, một phòng khách sang trọng và một thư viện. “Em sẽ tự trang trí lấy ngôi nhà này, em ạ”. Mellis nói với Alexandra. “Anh bận bịu với các khách hàng quá”. Sự thật là y không đến sở làm bao giờ, và cũng ít tiếp xúc với khách hàng. Hàng ngày, y bận bịu với những vấn đề thích thú hơn nhiều. Cảnh sát nhận được một loạt báo cáo của những hạng đĩ điếm, cả gái lẫn trai, những người đàn bà cô đơn lui tới các quán rượu, cho biết rằng họ bị tấn công thô bạo. Các nạn nhân mô tả kể tấn công họ là một chàng trai đẹp đẽ, có học thức, gốc gác từ nước ngoài, có lẽ gốc gác la tinh. Một số người nước được cho xem các ảnh căn cước ở sở cảnh sát, nhưng không thể nào nhận diện được tên ấy. Eve và Mellis ngồi ăn cơm trưa tại một tiệm ăn nhỏ ở dưới phố, nơi họ ít có cơ hội bị nhận diện. “Anh phải bào Alexandra lập một bản chúc thư mới, nhưng không được để cho bà Kate biết.” “Làm thế đếch nào được?” “Tôi sẽ bảo cho anh, anh yêu quý ạ...” Tối hôm sau, Mellis gặp Alexandra ở Le Plaisir, một trong những tiệm ăn Pháp ngon nhất ở New York, để cùng ăn cơm tối. Y đến trễ gần ba mươi phút, Pierre Jourdan, ông chủ tiệm, dẫn y đến chiếc bàn ăn nơi Alexandra đang ngồi đợi. “Anh xin lỗi, thiên thần của anh ạ”, Mellis thở hổn hển nói. “Anh vừa mới gặp các luật sư của anh. Em biết họ như thế nào rồi. Lúc nào cũng làm mọi chuyện thêm rắc rối”. Alexandra hỏi. “Có chuyện gì không hay chăng?” “Không, chỉ có vấn đề thay đổi bản chúc thư cùa anh thôi”, y cầm tay Alexandra.” Nếu có chuyện gì xảy ra với anh bây giờ, tất cả những gì anh có sẽ thộc về em hết”. “Anh ạ, em không muốn...” “Ồ nó có đáng gì so với gia tài Blackwell nhưng nó cũng có thể tạo cho em một cuộc sống dễ chịu”. “Không có chuyện gì xảy ra cho anh đâu. Không bao giờ”. “Dĩ nhiên là không rồi, Alexandra ạ. Cuộc đời đôi khi có những trò éo le lắm. Thật ra nghĩ đến những chuyện như thế thì không vui lắm, nhưng nếu có dự tính trước để chuẩn bị tinh thần thì bao giờ cũng hơn, phải thế không em?” Nàng ngồi yên lặng suy nghĩ một lát. “Vậy thì em cũng nên thay đổi bãn chúc thư của em chứ. Có nên không anh?” “Để làm gì?” Giọng y nói có vẻ ngạc nhiên. “Anh là chồng em, vậy tất cả mói thứ của em đều là của anh”. Y rút bàn tay y lại. “Alexandra ạ. Anh không quan tâm một chút nào đến tiền bạc của em cả”. “Em biết như vậy chứ, George ạ, nhưng anh nói đúng. Mình phải nhìn trước mọi chuyện để chuẩn bị”. Mắt nàng đẫm lệ. “Em biết rằng em ngu lắm, nhưng em đang được hạnh phúc quá nên không thể nào chịu đựng nổi với ý nghĩ rằng sẽ có chuyện gì đó xảy ra với anh hoặc với em. Em muốn chúng ta cứ tiếp tục bên nhau mãi mãi.” “Nhất định rồi”. Mellis nói khe khẽ. “Em sẽ nói với bác Brad Rogers vào ngày mai về chuyện sửa đổi chúc thư”. Y nhún vai. “Nếu em muốn như vậy thì anh cũng phải chịu thôi”. Nhưng rồi, y suy nghĩ lại và nói tiếp, “Nghĩ lại chuyện này, có lẽ em nên để cho luật sư của anh làm việc sửa đổi này cho em. Ông ta đã quen thuộc với các công việc liên quan đến tài sản của anh rồi, nên có thể phối hợp mọi thứ dễ dàng hơn”. Y vuốt má Alexandra. “Chúng ta không nên để cho bà nội biết chuyện này. Anh yêu quý bà lắm nhưng phải chăng là chúng mình nên giữ mọi việc của chúng mình hoàn toàn có tính cách riêng tư?” “Anh nói đúng, anh yêu quý ạ. Em sẽ không nói gì với bà nội. Anh có thể nào thu xếp cho em gặp luật sư của anh vào ngày mai được không?” “Em hãy nhớ nhắc anh gọi điện thoại cho ông ta nhé. Bấy giờ thì anh đói bụng lắm rồi. Chúng ta hãy bắt đầu ăn món cua bể kia nhỉ...” Một tuần lễ sau, Mellis gặp Eve ở căn hộ của nàng. “Alexandra có kí vào bản chúc thư mới không?” “Sáng nay. Nó sẽ thừa hưởng phần của công ty dành cho nó vào tuần sau, đúng vào ngày sinh nhật”. Tuần lễ kế tiếp đó, 49 phần trăm các cổ phần của công ty hữu hạn Kruger-Brent được chuyển nhượng cho Alexandra. Mellis gọi điện cho Eve để báo tin này. Eve nói, “Tuyệt vời! Lại đây tối nay nhé. Chúng ta sẽ ăn mừng”. “Anh không đến được. Bà Kate sẽ tổ chức buổi tiệc sinh nhật cho Alexandra”. Một phút im lặng. “Họ dọn món ăn gì vậy?” “Biết thế đếch nào được?” “Cố dò hỏi cho ra”. Đường dây bị cúp. Bốn mươi lăm phút sau, Mellis gọi lại Eve. “Anh không biết vì sao em lại quan tâm đến thực đơn ấy như vậy”, y nói với vẻ cáu kỉnh, “vì em có được mời đến đâu. Nhưng thôi được, nó gồm có món “Coquille Saint Jacques”, “Chateaubriand”, xà lách cải, “Brie Cappucino” và một chiếc bánh sinh nhật, với thứ kem đá Alexandra thích nhất, gọi là Neapolitan. Thoả mãn chưa?” “Rồi, George ạ. Tôi sẽ gặp anh tối nay”. “Không được, Eve ạ. Không cách nào bỏ đi được giữa lúc Alexandra đang...” “Anh sẽ nghĩ ra cách nào đó”. Mẹ kiếp cái con mẹ quái ác! Mellis gác máy điện thoại, nhìn vào đống hô. Mẹ kiếp tất cả mọi thứ! Y có một cuộc hẹn với một khách hàng quan trọng mà y đã lỡ hẹn đến hai lần rồi. Bây giờ thì đã trễ rồi. Y biết các chủ hãng còn giữ y lại làm việc chỉ vì đã cưới một người thuộc dòng họ Blackwell. Y không dám làm điều gì có thể gây nguy hại cho địa vị của y. Y đã tạo nên một hình ảnh khả kính đối với Alexandra và bà Kate, cho nên điều bắt buộc là y không được làm điều gì khả dĩ phá huỷ nó đi. Chẳng bao lâu nữa, y sẽ chẳng cần đến bất cứ người nào trong bọn họ. Chương 31 Tâm thần của George Mellis bị rúng động thảm hại vì những gì vừa xảy ra. Y đã tiến gần một cách nguy hiểm đến việc huỷ hoại tất cả những gì y đang thèm muốn. Trước đó, y đã ý thức rất rõ rằng nếu y kiểm soát được công ty Kruger-Brent thì điều đó có ý nghĩa lớn lao đối với y như thế nào. Y đã từng thoả mãn với cuộc sống nhờ vả vào các món quà tặng của các bà, các cô cô đơn, nhưng bây giờ y đã cưới được một cô gái thuộc gia đình Blackwell và sắp sửa nắm bắt được một công ty lớn lao hơn bất cứ thứ gì mà cha y đã từng mơ ước. Bố ơi, nhìn con đây này. Con đã sống lại và đã làm chủ một công ty lớn hơn công ty của bố rất nhiều. Đó không phải là một trò chơi nữa. Y biết rằng y phải giết người để có những gì y ao ước. Mellis cố hết sức tạo ra cho mình hình ảnh của một người chồng hoàn hảo. Y phải luôn luôn ở bên cạnh Alexandra, chừng nào có thể được. Họ ăn sáng chung với nhau, y dắt vợ ra phố ăn cơm trưa và chiều nào cũng về nhà sớm. Vào những ngày cuối tuần, hai vợ chồng cùng đến ngôi nhà trên bờ biển của bà Kate Blackwell ở East Hampton, hay đi đến Dark Harbor bằng chiếc máy bay Cessna 620 của Công ty. Dark Harbor là nơi mà Mellis lấy làm vui thích nhất. Y thích ngôi nhà cổ ấy với các đồ cổ đẹp đẽ và những bức tranh vô giá. Y lang thang hết phòng này sang phòng khác. Chẳng bao lâu nữa những thứ này sẽ thuộc về ta. Ý nghĩ này gây cho y một cảm giác ngây ngất. Mellis cũng là một đứa cháu rể hoàn hảo. Y rất chăm lo cho bà Kate. Bà đã tám mươi mốt tuổi, bà lãnh đạo công ty Kruger-Brent, một người đàn bà cương nghị, tràn đầy sức sống. Mellis thu xếp làm sao để y và Alexandra có thể ăn cơm tối với bà Kate mỗi tuần một lần, và cứ ít ngày y lại điện thoại cho bà một lần để nói chuyện. Y cẩn thận xây dựng nên hình ảnh của một người chồng tốt, một đứa cháu rể có lòng hiếu thảo. Không ai có thể ngờ được rằng y dang âm mưu giết hai người mà y rất yêu thương. Sự thoả mãn của George Mellis bị phá vỡ đột ngột vì một cú điện thoại của bác sĩ John Harley. “Tôi đã thu xếp cho anh đến gặp một bác sĩ tâm thần. Bác sĩ Peter Templeton.” Mellis cố đáp lại bằng một giọng sốt sắng, cố làm ra vẻ dễ mến. “Chuyện ấy bây giờ không thực sự cần thiết nữa, bác sĩ Harley ạ. Tôi nghĩ rằng…” “Tôi đếch cần anh nghĩ cái gì. Chúng ta đã thoả thuận với nhau - tôi không báo cáo với cảnh sát, và anh phải đi khám bệnh với một bác sĩ tâm thần. Nếu anh muốn phản bội lời hứa…” “Không, không.” Mellis vội vã và nói. “Nếu ông muốn như vậy thì cũng được thôi.” “Số điện thoại của bác sĩ Templeton là 555 3161. Ông ấy chờ anh gọi điện thoại hôm nay.” Nói xong bác sĩ Harley đập mạnh ống nghe xuống. Đồ rách việc! Mellis rủa thầm. Y ghét nhất là mất thì giờ với những chuyện như vậy, nhưng y không dám liều mạng với bác sĩ Harley. Y sẽ gọi bác sĩ Templeton, gặp ông ta một, hai lần, rồi chuồn luôn. Eve điện thoại cho George Mellis ở văn phòng. “Tôi đã về nhà.” “Em có...” Y sợ không dám hỏi, “Em có được bình thường không?” “Đến đây sẽ biết. Tối nay.” “Vào lúc này anh khó mà đi được lắm. Anh và Alexandra...” “Tám giờ.” Y khó có thể tin được. Eve đứng trước mặt y, trông vẫn xinh đẹp như bao giờ. Y nhìn kĩ mặt nàng, nhưng không tìm thấy một vết thương tích nào do y đã gây ra cho nàng trước đây. “Thật khó tin nổi. Em giống hệt như xưa kia.” “Phải. Tôi vẫn xinh đẹp đấy chứ? Phải không, George?” Nàng tủm tỉm cười kín đáo, trong khi đầu óc nàng đang dự tính sẽ làm gì với anh chàng này. Y là một con vật bệnh hoạn, không đáng được sống. Y sẽ phải trả đủ cho những gì y đã gây ra cho nàng, nhưng chưa đến lúc. Nàng vẫn còn cần y. Hai người đứng ở đó, nhìn nhau, tủm tỉm cười. “Eve này, anh không thể nói với em anh đã hối hận như thế nào…” Nàng đưa bàn tay lên. “Thôi đừng nói đến chuyện ấy nữa. Xong rồi. Không có gì thay đổi cả.” Nhưng Mellis nhớ rằng đã có một sự thay đổi. Y nói, “Anh vừa nhận điện thoại của bác sĩ Harley. Ông ấy đã xếp đặt cho anh gặp một bác sĩ tâm thần khỉ gió nào đó.” Eve lắc đầu. “Bảo với ông ấy rằng anh không có thì giờ.” “Anh cũng đã cố làm như vậy. Nhưng nếu anh không đi, ông ta sẽ báo cáo với cảnh sát về tai nạn vừa rồi.” “Mẹ kiếp!” Nàng đứng yên tại chỗ, ra dáng suy nghĩ, “Ai vậy?” “Ông bác sĩ tâm thần ấy à? Một người nào đó tên là Templeton. Peter Templeton.” “Tôi có nghe tên ông ta. Ông ấy nổi tiếng lắm.” “Đừng lo. Tôi chỉ nằm xuống trên đi văng chừng năm mười phút và sẽ không nói gì hết. Nếu...” Eve không lắng nghe. Một ý kiến chợt đến với nàng, và nàng đang thăm dò nó xem sao. Nàng quay về phía George Mellis và nói. “Có thể rằng đó là điều may mắn cho anh đấy.” Peter Templeton ở vào tuổi ba mươi, cao trên hai thước, vai rộng, nét mặt sáng sủa, đôi mắt xanh tò mò, trông giống như một tiền vệ bóng bầu dục hơn là một bác sĩ. Lúc này, anh nhăn mặt đọc một ghi chú trên thời khoá biểu của anh: George Mellis - cháu rể bà Kate Blackwell. Những vấn đề của người giàu có không phải là mối quan tâm của anh. Đa số các đồng nghiệp của anh đều vui mừng khi được tiếp xúc với các bệnh nhân thuộc tầng lớp cao trong xã hội. Khi mới bắt đầu hành nghề, anh cũng đã từng tiếp xúc với họ, nhưng rồi anh nhanh chóng nhận ra rằng anh không thể nào thông cảm với những vấn đề của họ. Anh đã gặp những bà quả phụ thừa kế giàu có la hét trong văn phòng của anh vì các bà ấy không được mời tham dự vào một buổi tiệc tùng nào đó, những nhà tài chính doạ tự tử vì đã mất tiền trong thị trường chứng khoán, những bà mập ú xen kẽ cuộc sống trong các nông trại với những cuộc hội hè, tiệc tùng. Thế giới toàn những vấn đề, nhưng đó không phải là những vấn đề anh quan tâm giúp đỡ để giải quyết. George Mellis. Peter miễn cưỡng đồng ý gặp y chỉ vì lòng kính trọng của anh đối với bác sĩ Harley. Chính anh đã nói. “Tôi mong ông giới thiệu anh ta với bác sĩ khác, vì hiện nay thời khoá biểu của tôi đã đầy cả rồi.” “Anh cứ xem đây là một đặc ân của anh dành cho tôi, Peter ạ.” “Trường hợp anh ta như thế nào?” “Đây là một trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của anh. Tôi chỉ là một bác sĩ già ở thôn quê thôi.” “Thôi được.” Peter đồng ý. “Ông bảo anh ta gọi lại tôi.” Lúc này, Mellis đã đến phòng khám bệnh của anh. Templeton ấn nút máy “intercom” trên bàn. “Mời ông Mellis vào đây.” Peter Templeton đã thấy ảnh của George Mellis trên báo chí nhưng anh ngạc nhiên trước dáng vẻ mạnh khoẻ, tràn đầy sức sống của y. Họ bắt tay nhau. Peter nói. “Ngồi xuống đi, anh Mellis.” Mellis nhìn lên chiếc đi văng. “Ở nơi kia sao?” “Đâu cũng được, miễn là anh thấy thoải mái.” Mellis ngồi trên chiếc ghế đối diện với bàn giấy. Y nhìn Templeton tủm tỉm cười. Y nghĩ rằng y sẽ kinh sợ giờ phút này lắm, nhưng sau khi nói chuyện với Eve, y đã thay đổi ý kiến. Bác sĩ Templeton sẽ là người đồng minh với y, là nhân chứng của y. Peter nhìn chằm chằm vào người đối diện, với anh. Khi bệnh nhân đến với anh, họ thường tỏ vẻ lo lắng. Một số che đậy sự lo lắng ấy bằng vẻ can đảm bề ngoài, một số khác chỉ yên lặng, tự bênh vực hay nói thật nhiều. Trái lại, anh chàng này xem ra có vẻ vui thích. Kì lạ thật, Peter nghĩ thầm. “Bác sĩ Harley bảo tôi anh có vấn đề.” Mellis thở dài. “Tôi có hai vấn đề thì đúng hơn.” “Vậy anh hãy kể cho tôi nghe đi.” “Tôi cảm thấy rất thẹn thùng. Vì vậy, tôi xin... tôi đòi phải được đến đây gặp ông.” Y tựa lưng vào chiếc ghế và nói một cách nghiêm chỉnh. “Tôi đã làm một việc mà tôi chưa bao giờ làm trước kia, bác sĩ ạ. Tôi đã đánh một người đàn bà.” Peter chờ đợi. “Chúng tôi cãi cọ nhau, thế rồi tôi thấy hoa mắt. Khi tỉnh dậy thì ra tôi... tôi đã đánh cô ấy.” Giọng y hơi tắc lại “Thật kinh khủng quá.” Tiếng nói bên trong của Templeton nói với anh rằng anh đã biết vấn đề của Mellis là gì rồi. Y thích đánh đập đàn bà. “Có phải anh đánh vợ anh không?” “Chị vợ tôi.” Peter Templeton thỉnh thoảng cũng có đọc những bài báo về hai chị em song sinh Blackwell trên báo chí khi họ xuất hiện ở những hội từ thiện hay tiệc tùng. Peter Templeton nhớ rằng họ giống hệt nhau, và đều xinh đẹp cả. Như vậy, anh chàng này đã đánh cô chị vợ. Đây là một vấn đề khá thú vị. Điều thú vị khác nữa là anh chàng Mellis này làm ra vẻ như y chỉ mới đánh cô gái ấy một, hai lần thôi. Nếu sự thực là như vậy thì bác sĩ Harley hẳn đã không nằng nặc đòi Peter phải khám bệnh cho y. “Anh nói anh đã đánh cô ta. Vậy anh có làm cô ta đau không?” “Thật ra, tôi đã gây thương tích khá nặng cho cô ấy. Nhưng tôi đã nói với ông, lúc ấy tôi hoa mắt, không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi không thể nào tin nổi mắt tôi nữa.” Khi tôi tỉnh dậy. Đó là một lối tự bênh vực rất cổ điển. Tôi không làm chuyện ấy, mà chính là tiềm thức tôi đã làm. “Anh có biết nguyên do nào đã gây ra phản ứng ấy không?” “Gần đây tôi đã bị tinh thần căng thẳng khủng khiếp. Cha tôi bị ốm nặng. Ông ta bị nhiều cơn đau tim. Tôi rất lo lắng về ông ta. Gia đình chúng tôi sống rất gần gũi nhau.” “Cha anh có ở đây không?” “Ông ấy ở Hi Lạp.” À, đúng ông Mellis ấy rồi. “Anh bảo anh có hai vấn đề.” “Phải, vợ tôi, Alexandra...” Y ngưng lại. “Anh có những vấn đề rắc rối về chuyện vợ chồng?” “Không phải theo nghĩa ông muốn nói đâu. Chúng tôi rất yêu nhau. Chỉ có vấn đề là...” Y do dự một lát, “Gần đây, Alexandra không được khoẻ.” “Về thể chất?” “Về cảm xúc. Vợ tôi luôn luôn tỏ ra buồn bã. Nàng luôn nói về chuyện tự vẫn.” “Bà ấy có tìm sự giúp đỡ của y khoa không?” Mellis tủm tỉm cười, nói. “Nhà tôi từ chối.” Tệ quá nhỉ, Peter nghĩ. Một ông bác sĩ nào đó ở Park Avenue lại mất một cơ hội hốt bạc. “Thế anh đã nói điều này với bác sĩ Harley chưa?” “Chưa.” “Vì ông ấy là bác sĩ gia đình, tôi đề nghị anh nên nói với ông ta. Nếu cần, ông ấy sẽ giới thiệu cho một bác sĩ tâm thần.” George Mellis nói ra vẻ lo lắng. “Không. Tôi không muốn Alexandra cảm thấy rằng tôi đã nói sau lưng nàng. Tôi e rằng ông Harley sẽ…” “Thế cũng được. Để tôi sẽ gọi điện thoại cho ông ấy.” “Eve ạ, chúng mình nguy to rồi.” Mellis nói. “Có chuyện gì vậy?” “Anh đã nói hệt như em dặn. Anh bảo rằng anh lo lắng vì Alexandra có ý định tự vẫn.” “Thế thì sao?” “Tên bác sĩ chó đẻ ấy sẽ gọi điện thoại cho Harkey và bàn vấn đề này với ông ta.” “Lạy Chúa! Không thể để hắn làm thế!” Eve bước qua lại, suy nghĩ. Bỗng nàng dừng lại, nói, “Thôi được rồi. Để tôi giải quyết với lão Harley. Anh còn có cuộc hẹn nào với Templeton nữa không?” “Có” “Phải đến đúng hẹn.” Sáng hôm sau, Eve đến gặp Harley ở văn phòng ông ta. John Harley rất yêu mến gia đình Blackwell. Ông đã trông thấy hai cô gái này lớn lên. Ông đã chứng kiến thảm kịch về cái chết của Marianne, vụ tấn công bà Kate, và việc đưa Tony vào dưỡng đường người điên. Kate đã đau khổ quá nhiều. Ông không biết nguyên nhân nào đã gây ra những chuyện ấy, nhưng đó không phải là công việc của ông. Công việc của ông là chăm lo sức khoẻ về thể chất của gia đình này. Khi Eve bước vào, ông nhìn nàng và nói, “Keith Webster đã thành công tuyệt vời!” Một vết tích duy nhất còn lại trên mặt Eve là một cái sẹo đỏ, rất nhỏ, hầu như không thể trông thấy được, ngang qua trán. Eve nói, “Bác sĩ Webster sẽ làm cho cái sẹo này mất đi trong vòng một tháng nữa thôi.” Harley vỗ nhẹ trên cánh tay Eve. “Nó chỉ làm cho cô xinh đẹp thêm thôi. Eve ạ, tôi rất mừng.” Ông chỉ cho nàng đến ngồi trên chiếc ghế. “Cô cần gì tôi nào?” “Không phải vì tôi, bác sĩ ạ, mà vì Alexandra kia.” Harley nhăn mặt. “Cô ấy có gì rắc rối chăng? Vì George hay sao?” “Ồ, không đâu,” Eve nói thật nhanh. “George rất tử tế với nó. Sự thật là George rất lo lắng về nó. Gần đây, Alex có những cử chỉ rất lạ lùng. Nó rất buồn bã, và có ý định tự tử nữa.” Harley nhìn Eve, và nói thẳng thắn, “Tôi không tin, Alexandra không bao giờ như vậy.” “Tôi biết. Chính tôi trước đây cũng không tin. Vì vậy, tôi đến gặp nó. Tôi ngạc nhiên vì thấy nó thay đổi nhiều quá. Nó ở trong một trạng thái hết sức suy sụp. Tôi rất lo, bác sĩ John ạ, nhưng tôi không thể đến gặp bà nội tôi được để nói về chuyện này. Vì vậy, tôi phải đến gặp ông, ông phải làm điều gì đó để giúp đỡ nó.” Mắt nằng như nhoà hẳn đi. “Tôi đã mất bà nội tôi, bây giờ tôi không muốn mất cả em gái của tôi nữa.” “Câu chuyện này xảy ra bao lâu rồi? “Tôi không biết chắc. Tôi van xin nó nói rõ cho ông biết về chuyện ấy. Thoạt tiên, nó từ chối, nhưng cuối cùng tôi thuyết phục nó được. Ông cần phải giúp đỡ cho em gái tôi.” “Cố nhiên tôi sẽ giúp. Bảo cô ấy lại đây vào sáng mai. Và cô cũng đừng có lo, Eve ạ. Có những phương thuốc chữa trị mới rất có hiệu quả.” Harley đưa nàng ra đến cửa. Ông cầu mong sao cho bà Kate tỏ ra khoan dung chứ đừng quá cứng rắn như thế. Eve thật là một cô gái biết quan tâm đến mọi người. Khi Eve trở về phòng, nàng cẩn thận thoa kem để che đi sẹo đỏ trên trán. Sáng hôm sau, nhân viên tiếp khách của bác sĩ Harley loan báo. “Bà George Mellis muốn gặp ông, bác sĩ ạ.” “Mời bà ấy vào.” Nàng bước vào chậm rãi, do dự. Mặt nàng tái nhợt, và có những vết thâm quầng xung quanh mắt. John Harley cầm tay nàng nói, “Rất mừng được gặp cô. Alexandra ạ. Tôi nghe cô đang gặp vấn đề rắc rối vậy bây giờ cô hãy cho tôi biết đó là những vấn đề gì?” Giọng nàng nói rất nhỏ. “Tôi làm bận rộn ông như thế này thật là vớ vẩn quá. Chắc rằng tôi chẳng đau ốm gì cả. Nếu Eve không nằng nặc buộc tôi phải đến đây, chắc chắn tôi không phiền đến ông làm gì. Tôi vẫn cảm tháy khoẻ mạnh, về thể chất.” “Thế còn về cảm xúc thì sao?” Nàng do dự, “Tôi ngủ không được ngon giấc lắm.” “Còn gì nữa không?” “Có lẽ ông sẽ nghĩ rằng tôi mắc chứng hay lo ngại về bệnh tật.” “Tôi biết rõ về cô hơn thế chứ. Alexandra.” Nàng cúi gằm mặt xuống. “Nhiều khi tôi cảm thấy chán nản. Có vẻ như là lo âu và... mệt mỏi. George làm đủ mọi cách cho tôi được sung sướng và nghĩ ra những việc cho chúng tôi cùng làm với nhau và những nơi chúng tôi thăm viếng. Vấn đề là tôi không thấy thích làm gì hay đi đâu cả. Mọi thứ có vẻ như là… vô vọng.” Ông bác sĩ lắng nghe kĩ từng lời và quan sát nét mặt nàng. “Còn gì nữa không?” “Tôi… tôi nghĩ đến việc tự vẫn.” Giọng nàng rất nhỏ, khiến cho ông nghe không được rõ lắm. Nàng ngước mắt nhìn lên mặt ông bác sĩ và nói, “Có phải tôi sắp bị điên không?” “Cô có bao giờ nghe nói cái trạng thái là “anhedonia” không?” Nàng lắc đầu. “Đó là một trạng thái rối loạn sinh lí thường gây nên những triệu chứng cô vừa kể. Nó cũng rất thông thường thôi, và hiện nay có những thứ thuốc điều trị dễ dàng. Những thuốc này không có những hậu quả phụ, và rất hiệu nghiệm. Tôi sẽ khám cho cô, nhưng chắc rằng cô không đau ốm gì đâu.” Khi cuộc khám nghiệm hoàn tất, và Alexandra đã mặc lại áo quần, bác sĩ Harley nói, “Tôi sẽ viết đơn cho cô mua thuốc Wellbutrin. Đó là một loại thuốc mới chống tình trạng suy sụp tinh thần, một thứ thuốc mới thần diệu.” Nàng nhìn ông lơ đãng trong khi ông viết toa thuốc. “Tôi muốn cô trở lại đây một tuần lễ nữa, tính từ ngày hôm nay. Trong thời gian ấy, nếu cô có vấn đề gì, xin cứ gọi điện thoại cho tôi, dù ngày hay đêm.” Ông đưa cho nàng toa thuốc. “Cảm ơn, bác sĩ John. Tôi hi vọng rằng thứ thuốc này sẽ chấm dứt cơn mơ.” “Mơ gì?” “Ồ, tôi tưởng đã nói với ông rồi chứ. Đêm nào cũng vậy, tôi mơ thấy mình đang đi trên một con thuyền giữa lúc gió to, rồi tôi nghe tiếng gọi của biển cả. Tôi đi đến lan can, nhìn xuống, rồi thấy mình đang ở dưới nước, sắp chết đuối…” Nàng bước ra khỏi văn phòng bác sĩ Harley, rồi đi xuống đường phố. Nàng tựa vào toà nhà để thở thật sâu. Mình đã thành công rồi. Eve nghĩ thầm một cách đắc chí. Nàng vứt toa thuốc xuống đất. Chương 32 Bà Kate Blackwell cảm thấy mệt mỏi. Cuộc họp đã kéo dài quá lâu. Bà đưa mắt nhìn quanh bàn họp, nhìn ba người đàn ông và ba người đàn bà trong lãnh đạo công ty. Tất cả đều tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Không, không phải phiên họp đã kéo dài quá lâu, mà bà cảm thấy chính bà đã ngồi quá lâu. Ta đã tám mươi hai tuổi rồi, bà thầm nghĩ. Ta đã già rồi. Ý nghĩ này khiến bà cảm thấy phiền muộn, không phải vì bà sợ chết, mà vì bà cảm thấy bà chưa sẵn sàng để nhắm mắt. Bà không muốn chết chừng nào công ty Kruger-Brent chưa có một người thuộc gia đình Blackwell đứng ra điều hành nó. Sau khi chịu nỗi thất vọng với Eve, bà Kate cố gắng xây dựng các dự tính tương lai cho Alexandra. Chính Alexandra đã nói với bà “Bà biết rằng cháu sẵn lòng làm bất cứ điều gì cho bà, bà nội ạ, duy có điều là cháu không thích sau này phải dính líu đến công ty, Goerge sẽ là một nhân viên điều khiển xuất sắc…” “Bà có đồng ý không, bà Kate?” Brad Rogers thình lình đặt câu hỏi. Câu hỏi ấy khiến bà Kate tỉnh khỏi giấc mơ. Bà nhìn Bard như để nhận lỗi. “Tôi xin lỗi, câu hỏi gì vậy?” “Chúng ta đang thảo luận về việc sát nhập công ty Delco.” Giọng Brad Rogers đầy vẻ kiên nhẫn. Bard lo lắng về bà Kate Blackwell. Trong những tháng gần đây, bà có thói hay đãng trí, mơ màng giữa các phiên họp của công ty, thế nhưng ngay khi Brad bắt đầu lo lắng rằng bà đã già rồi và sẽ phải rút lui khỏi ban lãnh đạo thì đột nhiên bà đưa ra một quyết định sáng suốt khiến cho mọi người ngạc nhiên vì sao họ đã không nghĩ ra được ý kiến ấy. Bà thật là một con người kì lạ. Ông nghĩ đến câu chuyện tình ngắn ngủi xa xưa, rồi một lần nữa ông tự hỏi vì sao nó chấm dứt đột ngột như vậy. Bây giờ là lần khám bệnh thứ hai của George Mellis tại văn phòng bác sĩ Templeton. “Trong quá khứ anh có nhiều hành động hung bạo không, George?” George Mellis lắc đầu. “Không, tôi rất ghét bạo lực.” Ghi nhớ câu nói ấy nhé, đồ chó đẻ, Peter Templeton nhủ thầm. Nhân viên điều tra các vụ giết người sẽ hỏi mày về chuyện ấy. “Anh nói cha mẹ anh không bao giờ trừng phạt anh về thể xác cả, phải không?” “Đúng vậy.” “Vậy anh có thể nói rằng anh là một đứa con biết vâng lời không?” Cẩn thận đấy nhé. Đây là cái bẫy. “Vào hạng trung bình thôi. Tôi nghĩ như vậy.” “Đứa trẻ trung bình thỉnh thoảng cũng bị phạt vì vi phạm quy phạm của người lớn.” Mellis nở một nụ cười ngụ ý không tán thành. “Tôi cho rằng tôi đã không có vi phạm nào cả.” Hắn nói dối. Peter nghĩ thầm. Vấn đề là vì sao? Hắn đang muốn che giấu cái gì? Anh nhớ lại cuộc nói chuyện với Harley sau khi khám bệnh cho Mellis lần thứ nhất. “Hắn bảo hắn đã đánh cô chị vợ, John ạ và…” “Đánh cô ấy à?” Giọng Harley đầy vẻ bực tức. “Hắn chặt người ta như một tên đồ tể vậy, Peter ạ. Hắn đánh vỡ xương gò má cô ấy, làm gãy mũi và ba cái xương sườn, rồi đốt cháy mông và bàn chân cô ta bằng thuốc lá đang cháy dở.” Peter thấy cảm giác kinh tởm như một làn sóng tràn khắp người, “Hắn không nhắc chuyện ấy với tôi.” “Tôi cũng đoán rằng hắn không nói,” Harley nói. “Tôi bảo với hắn rằng nếu hắn không đến với anh, tôi sẽ báo cáo với cảnh sát.” Peter nhớ lại lời của Mellis. “Tôi cảm thấy thẹn quá. Vì vậy tôi đòi phải đến gặp ông”. Thì ra, hắn nói dối ngay cả chuyện ấy nữa. “Mellis nói với tôi rằng vợ hắn mắc bệnh hay chán nản, buồn bực và có ý định tự tử.” “Phải, điều ấy thì tôi bảo đảm là có. Alexandra đến gặp tôi cách đây mấy ngày. Tôi cho uống Wellbutrin. Tôi rất lo lắng về cô ấy. Cảm tưởng anh đối với George Mellis thế nào?” Peter nói chậm rãi. “Tôi chưa biết. Tôi có cảm giác rằng hắn là một kẻ nguy hiểm.” Bác sĩ Keith Webster không thể nào gạt hình ảnh Eve Backwell ra khỏi đầu óc được. Nàng giống như một vị nữ thần xinh đẹp, không có thực, không sờ mó được. Nàng cởi mở, linh hoạt, hấp dẫn trong khi ông buồn tẻ, nhếch nhác. Keith Webster chưa bao giờ lấy vợ, bởi vì ông không bao giờ thấy một người đàn bà nào không xứng đáng để làm vợ ông. Ngoài công việc làm ra, ông không bao giờ tự đánh giá quá cao. Ông lớn lên dưới sự chăm sóc của một bà mẹ độc đoán, hung dữ, và một người cha yếu ớt, dễ bị bắt nạt. Lòng ham muốn tình dục của Webster ở mức độ rất thấp, và nếu ông có chút ít ham muốn nào thì nó cũng được làm cho trong sạch trong công việc làm của ông. Nhưng bây giờ đây, ông bắt đầu mơ tưởng đến Eve Blackwell, và khi nhớ đến những giấc mơ vào buổi sáng thì ông cảm thấy bối rối. Nàng đã lành hẳn rồi, nên ông không còn có lí do nào đến gặp nàng nữa, thế nhưng ông biết thế nào ông cũng phải gặp nàng. Ông gọi điện thoại đến căn hộ của Eve. “Eve? Đây là Keith Webster. Tôi mong rằng tôi không quấy rầy cô. Tôi… tôi vừa nghĩ đến cô hôm trước đây, và không… không biết bây giờ cô như thế nào”. “Tôi vẫn khoẻ, cảm ơn ông. Thế còn ông thì sao?” Trong giọng nói của nàng có vẻ như trêu ghẹo. “Cũng… khá” ông nói. Một phút im lặng kế tiếp theo đó. Webster cố lấy can đảm. “Tôi e có lẽ cô quá bận rộn không thể đến ăn cơm trưa với tôi được”. Eve mỉm cười với chính mình. Anh chàng nhút nhát một cách thật là dễ thương. Chuyện này sẽ vui lắm đây. “Tôi muốn lắm chứ”. “Thật thế hả?” Nàng có thể nhận thấy vẻ ngạc nhiên qua giọng nói của Webster. “Khi nào?” “Ngày mai nhé?” “Nhớ hẹn đấy”. Ông nói thật nhanh, sợ rằng nàng có thể thay đổi ý kiến. Eve rất vui trong bữa ăn trưa hôm ấy. Bác sĩ Webster hành động như một cậu học trò vừa mới được yêu. Ông đánh rơi khăn ăn, làm vung vãi rượu ra bàn, và làm đổ một bình hoa. Nhìn ông ta, Eve cảm thấy vui vui, và nghĩ thầm. “Không ai có thể tưởng tượng được rằng đây là một nhà phẫu thuật hết sức tài giỏi”. Khi bữa cơm trưa vừa xong, Webster bẽn lẽn hỏi, “Không biết… chúng ta có thể gặp nhau lần nữa vào một hôm nào đó không?” Nàng nhìn thẳng vào mặt ông và nói, “Có lẽ không nên. Keith ạ. Tôi sợ rằng tôi phải lòng anh mất thôi.” Mặt Webster đỏ bừng. Ông không biết nói làm sao nữa. Eve vỗ nhẹ lên tay ông nói “Tôi sẽ không quên anh”. Ông bác sĩ lại làm đổ bình hoa một lần nữa. John Harley đang ăn cơm trưa tại quán ăn trong bệnh viện thì Webster đến gặp ông. Webster nói. “John này, tôi hứa với anh rằng tôi sẽ giữ bí mật, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu hơn nếu anh nói cho tôi biết sự thật và những gì đã xảy ra với cô Eve Blackwell.” Harley do dự một lúc, rồi nhún vai nói, “Thôi được. Chính thằng em rể của cô ta, George Mellis, đã làm chuyện ấy.” Bây giờ, Webster cảm thấy mình đang được chia sẻ một phần thế giới bí mật của Eve. George Mellis tỏ vẻ sốt ruột. “Tiền bạc ở đó rồi, bản chúc thư đã được sửa đổi. Vậy thì chúng ta còn chờ đợi gì nữa?” Eve nằm trên đi văng, hai chân dài gấp lại, nhìn theo Mellis trong khi y đi qua đi lại. “Anh muốn giải quyết xong chuyện này cho rồi, Eve ạ” Hắn mất can đảm rồi, Eve thầm nghĩ. Hắn giống như một con rắn độc đang cuộn mình lại. Rất nguy hiểm. Nàng đã phạm một sai lầm với hắn bằng cách thúc hắn đi quá xa, và đã suýt mất mạng vì chuyện ấy. Nàng sẽ không để phạm sai lầm nữa. “Tôi đồng ý” nàng nói chậm rãi. “Chắc cũng đã đến lúc rồi.” Y đang bước vội dùng phắt lại. “Khi nào?” “Tuần sau.” Buổi khám bệnh đã gần như xong, nhưng George Mellis không nhắc đến vợ y lần nào. Đột nhiên hắn nói “Tôi lo lắng về Alexandra quá, bác sĩ ạ. Vẻ buồn nản của cô ấy có vẻ như trầm trọng hơn. Đêm qua, cô ấy cứ nói về chuyện chết chìm. Tôi không biết phải làm thế nào.” “Tôi đã nói chuyện với ông Harley. Ông ấy đã cho cô ta ít thuốc uống có thể giúp cô ta chóng bình phục”, “Tôi hi vọng thế”. Mellis nói với vẻ nghiêm chỉnh “Tôi chắc không chịu đựng nổi nếu có chuyện gì xảy ra cho nhà tôi”. Với lỗ tai quen bắt lấy những lời lẽ không được nói ra, bác sĩ Peter Templeton có cảm giác khó chịu là ông đang chứng kiến một trò chơi đố. Ở trong anh chàng này có ẩn một sự hung bạo nguy hiểm. “Anh Mellis này, quan hệ của anh với các phụ nữ trước đây như thế nào?” “Bình thường”. “Anh có bao giờ giận dữ, nổi sùng lên không?” Mellis biết rằng câu hỏi ấy đang dẫn dắt y đến đâu rồi. Y nói, “Không bao giờ”. Y nghĩ bụng, tôi cũng đủ khôn ngoan để không bị mắc lừa ông đâu, bác sĩ ạ. “Tôi nói ông rồi mà. Tôi không thích bạo lực.” Câu nói của Harley vẫn còn văng vẳng: “Hắn chặt người ta như một tên đồ tể. Hắn đập vỡ xương gò má, làm gãy mũi, ba xương sườn, rồi đốt mông và bàn chân cô ấy bằng thuốc lá đang cháy dở.” “Với một số người sự hung bạo đôi khi cũng tạo cho người ta một lối thoát cần thiết, một sự giải toả về mặt xúc cảm”, Peter nói. “Tôi hiểu ông nói gì rồi. Tôi có thằng bạn thường xuyên hay đánh đập bọn gái điếm.” Tôi có một thằng bạn. Đó là một dấu hiệu báo động. “Nào anh nói cho tôi nghe về bạn anh đi.” “Hắn ghét bọn gái điếm lắm. Chúng lúc nào cũng tìm cách bóc lột hắn. Vì vậy, khi làm xong xuôi rồi, hắn đánh đập chúng chút xíu, chỉ để cho chúng một bài học thôi.” Y nhìn vào mặt Peter, nhưng không thấy dấu hiệu nào tỏ ý phản đối. Y mạnh dạn nói tiếp, “Tôi nhớ có lần hắn và tôi cùng ở Jamaica với nhau. Con gái điếm da đen bé nhỏ ấy dẫn hắn đến một phòng khách sạn, rồi sau khi nó cởi quần áo cho thằng ấy rồi, nó đòi thêm tiền,” Mellis tủm tỉm cười, “thế là hắn đánh con bé ấy đến vãi phân ra. Tôi chắc chắn rằng con bé ấy tởn đến già, không dám đòi thêm tiền của ai nữa”. Hắn là một thằng loạn óc. Peter thầm nghĩ. Không có bạn bè nào cả, dĩ nhiên rồi. Hắn khoe khoang, khoác lác về mình, che giấu bên trong một “cái tôi” khác của hắn. Hắn mắc chứng hoang tưởng tự đại, và rất nguy hiểm. Peter nghĩ rằng anh cần phải nói chuyện với bác sĩ Harley càng sớm càng tốt. Hai người gặp nhau ở câu lạc bộ Harvard. Peter Templeton ở trong một tình thế khó khăn. Anh cần có tất cả thông tin về Mellis, mà không vi phạm sự bí mật, của mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân... “Ông có thể cho tôi biết chút ít về người vợ của Mellis không?” Anh hỏi bác sĩ Harley. “Alexandra là một cô gái xinh đẹp, dễ thương. Tôi đã săn sóc cho cả hai chị em cô ấy, từ ngày chúng mới ra đời.” Ông cười khúc khích. “Anh đã từng nghe nói về những đứa trẻ em sinh đôi chứ gì, thế nhưng anh không bao giờ nhận thức ra được ý nghĩa của điều ấy cho đến khi nào anh thấy hai đứa ấy đứng bên cạnh nhau.” Peter chậm rãi hỏi, “Chúng giống hệt nhau sao?” “Không ai có thể phân biệt chúng được. Chúng thường thường bày ra những trò chơi độc địa, khi chúng còn nhỏ như những con chó con. Tôi còn nhớ có lần Eve bị ốm, cần phải tiêm, rốt cuộc, không hiểu làm sao tôi lại chích lầm cho Alexandra”. Ông nhấp một chút rượu rồi nói tiếp, “Thật là lạ lùng, chúng bây giờ đã lớn rồi, thế mà tôi vẫn chưa phân biệt được đứa này với đứa kia.” Peter suy nghĩ về vấn đề này. “Ông bảo rằng Alexandra đến khám bệnh với ông vì cô ấy có khuynh hướng muốn tự tử phải không?” “Đúng vậy”. “Ông John này, làm sao ông biết được đó là Alexandra?” “Điều đó rất dễ”, bác sĩ Harley nó, “Eve vẫn còn một cái sẹo nhỏ trên trán vì bị mổ sau vụ Mellis đánh đập cô ấy”. Peter cảm thấy mình lâm vào ngõ cụt. “À ra thế”. “Công việc của anh với Mellis tiến triển thế nào?” Peter do dự, băn khoăn không biết mình có thể nói được bao nhiêu. “Tôi vẫn chưa tìm ra. Hắn nấp kín trong một vẻ ngoài giả dối. Tôi đang cố gắng vạch trần nó ra”. “Cẩn thận đấy, Peter ạ. Nếu anh muốn nghe ý kiến tôi, hắn là một thằng loạn óc”. Ông nhớ đến cảnh Eve nằm trên giường, giữa một vũng máu. “Hai chị em cô ấy là thừa kế một gia tài lớn, phải thế không?” Peter hỏi. Bây giờ đến lượt Harley do dự. “Đây là một vấn đề riêng tư của gia đình, nhưng câu trả lời của tôi là “không”. Bà nội của họ đã từ cô Eve, không cho một hào nhỏ. Alexandra được hưởng tất cả”. Peter nhớ lại câu nói của Mellis, “Tôi lo cho Alexandra - Cô ấy cứ hay nói về việc chết chìm. Tôi không thể chịu đựng được nếu có gì xảy ra cho nhà tôi.” Đối với Peter Templeton, lối nói ấy giống như một lối dàn dựng cổ điển cho một vụ giết người, duy chỉ có điều là Mellis là kẻ thừa kế một tài sản lớn lao riêng của y. Không có lí do gì hắn lại giết người vì tiền. Mình chỉ hay tưởng tượng thôi, Peter tự trách mình. Một người đàn bà sắp chết đuối giữa bể lạnh, còn anh thì đang bơi đến bên cạnh cô ta, nhưng sóng cao quá và cô ta cứ chìm xuống dưới sóng bể, rồi lại nhô lên. “Giữ yên như thế, tôi đến ngay đây”, anh kêu to lên. Anh cố bơi nhanh lên, nhưng tay chân anh nặng như chì. Rồi anh đành nhìn cô ta chìm xuống làn nước. Khi tới đến nơi cô gái ấy vừa biến mất, anh nhìn xung quanh thì thấy một con cá mập trắng to lớn đang sắp tấn công anh. Peter tỉnh dậy. Anh vặn đèn lên, rồi ngồi trên giường nghĩ đến giấc mơ vừa qua. Sáng sớm hôm sau, anh điện thoại cho trung uý thám tử Nick Pappas. Nick Pappas là một con người to lớn, cao trên hai thước, nặng trên trăm cân. Như nhiều bọn tội phạm có thể chứng minh, không một lạng da thịt nào của anh là mỡ cả. Trung uý Pappas ở trong đội điều tra các vụ giết người trong khu vực “tất lụa” của Manhattan. Peter đã gặp Pappas nhiều năm trước đây, khi anh đứng ra làm chứng với tư cách nhà chuyên môn về bệnh tâm thần trong một vụ xử án giết người. Từ đó anh và Pappas trở thành bạn thân thiết. Pappas thích chơi cờ vua, và cả hai thường gặp nhau mỗi tháng một lần để cùng nhau chơi cờ. Nick trả lời điện thoại. “Pappas, phòng hình sự đây” “Đây là Peter, Nick ạ” “À, anh bạn! Những vụ bí mật của tâm trí tiến triển ra sao rồi?” “Tôi đang cố tìm ra manh mối, Nick ạ. Tina có được khoẻ không?” “Tuyệt vời. Anh cần gì tôi nào?” “Tôi cần ít tin tức. Anh vẫn có những mối liên hệ với Hi Lạp chứ?” Peter hỏi. “Có liên hệ à? Tôi có một trăm người bà con thân thuộc ở đó. Tất cả đều cần tiền, và tôi phải làm cái việc ngu xuẩn là gửi tiền cho họ đều đều. Có lẽ anh cần phải phân tích tâm lí tôi mới được.” “Chậm rồi anh bạn ơi. Anh là một ca tuyệt vọng”. Peter nói đùa. “Tina cũng bảo với tôi như thế đó. Bây giờ anh cần những tin tức gì nào?” “Anh có bao giờ nghe cái tên George Mellis không?” “Gia đình nổi tiếng về thực phẩm ấy à?” “Phải.” “Hắn không hẳn ở trong phạm vi điều tra của tôi, nhưng tôi biết hắn là ai. Về chuyện gì vậy?” “Tôi muốn biết hắn có tiền bạc gì không”. “Anh không nói đùa đấy chứ? Gia đình hắn…” “Tôi muốn nói đến tiền riêng của hắn kia”. “Để tôi sẽ điều tra xem sao, nhưng chỉ mất thì giờ thôi. Gia đình Mellis ấy giàu vô kể”. “À này, nếu anh có nhờ ai hỏi ông bố của George Mellis thì bảo với người ấy phải khéo léo, nhẹ nhàng một chút, kẻo ông già ấy hay lên cơn đau tim lắm đấy”. “Được rồi. Tôi sẽ dặn điều ấy trên điện tín”. Peter nhớ lại giấc mơ, “Nick này, anh có thể nào gọi điện thoại thay vì dùng điện tín được không? Ngay hôm nay?” Giọng của Pappas nghe có vẻ khác. “Có điều gì anh muốn nói cho tôi biết không, Peter”. “Không có gì để nói cả. Tôi chỉ muốn thoả mãn trí tò mò của tôi thôi. Anh hãy để tôi trả tiền điện thoại ấy”. “Dĩ nhiên là phải như vậy rồi, lại còn một bữa cơm anh sẽ đãi tôi nữa khi nào anh nói cho tôi biết cái chuyện khỉ gió ấy là chuyện gì”. “Đồng ý”. Peter gác máy điện thoại. Anh cảm thấy trong người dễ chịu hơn. Bà Kate Blackwell cảm thấy không được khoẻ. Bà đang ngồi ở bàn giấy, nói chuyện trên máy điện thoại, thì lên cơn đột ngột. Căn phòng bắt đầu xoay như chong chóng. Bà nắm lấy bàn viết thật chặt cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Brad đi vào văn phòng. Ông nhìn qua nét mặt tái nhợt của bà, rồi hỏi, “Bà có bình thường không, bà Kate?” Bà thả tay ra khỏi bàn và đáp “Chỉ hơi choáng váng thôi. Chẳng có gì quan trọng”. “Đã bao lâu rồi bà không khám bác sĩ?” “Tôi không thì giờ đâu để làm cái chuyện vớ vẩn ấy, Brad ạ”. “Phải cố tìm ra thì giờ chứ. Tôi sẽ bảo Annette gọi điện thoại để xếp đặt cho bà một cuộc hẹn với bác sĩ Harley”. “Quỷ tha ma bắt anh đi, Brad ạ. Đừng có cuống quýt lên như thế nữa”. “Thế bà có sẽ đi khám bác sĩ không?” “Tôi sẽ đi nếu việc ấy sẽ làm cho anh thôi không quấy rầy tôi nữa”. Sáng hôm sau, viên thư kí của Peter nói, “Thám tử Pappas gọi ông trên điện thoại”. Peter nhấc ống nghe. “Chào anh, Nick”. “Tôi nghĩ anh với tôi nên bàn với nhau chút xíu, anh bạn ạ”. Peter đột nhiên cảm thấy lo lắng. “Anh đã nói chuyện với ai về Mellis chưa?” “Tôi đã nói với chính ông bố của George Mellis. Trước hết, ông ta chưa hề bao giờ đau tim cả. Thứ hai, ông ta nói rằng, riêng đối với ông ta, ông coi George Mellis như đã chết rồi. Khi tôi hỏi tại sao thì ông già ấy cúp ngay điện thoại. Thế rồi tôi gọi cho một số bạn cũ ở Athens. Tên George Mellis của anh, hắn quả thực là nổi danh. Cảnh sát ở đó biết hắn rất rõ. Hắn có cái thú riêng là đánh đập đàn bà và bọn trai trẻ. Nạn nhân cuối cùng của hắn trước khi rời Hi Lạp là một thằng bé trong một khách sạn, và liên hệ vụ này với George Mellis. Lão già mua chuộc ai đó để thả hắn ra, rồi “đá đít” hắn ra khỏi xứ. Vĩnh viễn. Như vậy anh đã thoả mãn chưa?” Peter đã quá thoả mãn rồi. Nó làm cho anh khiếp sợ “Cảm ơn Nick. Thế là tôi nợ anh một lần điện thoại nhé”. “Ồ, không đâu, anh bạn ạ. Lần này thì tôi chịu tiền điện thoại. Nếu thằng ấy được thả rông lần nữa, anh nên cho tôi biết nhé”. “Sẽ cho anh biết sớm tối đa, Nick ạ. Gửi lời thăm Tina nhé”. Peter gác máy điện thoại. Anh có nhiều chuyện phải suy nghĩ. George Mellis sẽ đến đây vào lúc trưa. Bác sĩ John Harley đang khám bệnh thì nhân viên tiếp khách của ông nói, “Bà George Mellis đang ở đây, chờ được gặp ông, bác sĩ ạ. Bà ấy không có hẹn khám bệnh, nên tôi nói cho bà ấy biết thời khoá biểu của ông là…” Harley nói, “Đưa bà ấy vào bằng cửa hông, rồi mời bà ta vào văn phòng tôi”. Mặt nàng trông nhợt nhạt hơn lần trước, vết thâm quầng xung quanh mắt đậm hơn. “Tôi xin lỗi đã đến đột ngột như thế này, bác sĩ ạ, nhưng…”. “Không hề gì, Alexandra ạ. Có chuyện gì vậy?” “Nhiều chuyện lắm. Thật là kinh khủng quá…”. “Cô vẫn uống đều Wellbutrin chứ?” “Có”. “Thế mà cô vẫn còn cảm thấy buồn nản?” Bàn tay nàng nắm chặt lại. “Còn tệ hơn như thế nữa. Tôi cảm thấy tuyệt vọng, tưởng chừng không còn có thể kiểm soát được gì nữa. Tôi không còn có thể chịu đựng chính mình nữa. Tôi sợ, tôi sợ rằng tôi sẽ làm chuyện gì ghê gớm lắm”. Bác sĩ Harley trấn an, “Cô chẳng có bệnh tật gì đâu. Tôi xin đem danh dự của tôi ra để bảo đảm với cô như vậy. Tất cả chỉ là vấn đề xúc cảm thôi. Tôi sẽ đổi thứ thuốc khác. Lần này tôi sẽ cho cô dùng Nomifensine, một thứ rất công hiệu. Cô sẽ thấy rõ sự thay đổi chỉ trong vòng ít ngày”. Ông viết đơn thuốc, rồi đưa cho nàng. “Nếu đến thứ sáu, cô không thấy khá hơn, xin cô cứ gọi tôi. Tôi có thể giới thiệu cô với một bác sĩ tâm thần”. Ba mươi phút sau, trở lại căn hộ. Eve xoá đi lớp kem nhợt thoa trên mặt và chùi đi những vệt thâm quầng quanh mắt. Bước đi bây giờ nhanh hơn. George Mellis ngồi đối diện với Peter Templeton, tủm tỉm cười và tin tưởng. “Hôm nay anh cảm thấy thế nào?” “Khá hơn nhiều lắm bác sĩ ạ. Những buổi khám bệnh như thế này có hiệu quả hơn là ông nghĩ”. “Thật thế sao? Hiệu quả bằng cách nào?” “Ấy chỉ là như mình có một người nào đó để nói chuyện. Cũng giống như lệ xưng tội của Thiên Chúa giáo vậy. Nguyên tắc cũng như vậy, phải không?” “Tôi rất mừng các buổi tiếp xúc này đã giúp anh nhiều. Vợ anh khoẻ rồi chứ?” George Mellis nhăn mặt, “Tôi e rằng chưa. Nhà tôi lại gặp bác sĩ Harley lần nữa, nhưng vẫn cứ nói về chuyện tự tử mỗi lúc một nhiều hơn. Tôi có lẽ phải đưa nàng đi xa. Nàng cần có sự thay đổi”. Peter nghe như đây là điềm báo trước đáng ngại. Có thể nào đó là do trí tưởng tượng của hắn chăng? “Hi Lạp là nơi nghỉ ngơi rất tốt”, Peter nói, “Anh đã đưa vợ anh đến đó để gặp gia đình anh chưa?” “Chưa. Họ đang rất mong được gặp Alex”. Y cười. Chỉ có điều khó khăn duy nhất là mỗi lần cha tôi và tôi gặp mặt nhau thì ông ấy cứ nằng nặc khuyên tôi nên trở về để nắm lấy cơ sở kinh doanh của gia đình”. Ngay lúc này, Peter thấy rằng Alexandra đang gặp nguy hiểm thực sự. Sau khi Mellis rời khỏi văn phòng một hồi lâu, Peter ngồi xem lại những điều ghi chép. Cuối cùng, anh với lấy điện thoại, quay một con số. “Tôi muốn nhờ ông một việc, bác sĩ John ạ. Ông có thể dò hỏi hộ xem George Mellis đã đưa vợ đi chơi tuần trăng mật ở đâu”. “Tôi có thể cho anh biết ngay bây giờ. Chính tôi đã tiêm cho họ trước khi họ lên đường. Lúc ấy họ đi Jamaica”. Peter nhớ lại câu chuyện của Mellis. “Tôi có một thằng bạn hay đánh đập các con điếm. Tôi nhớ một lần chúng tôi cùng ở Jamaica với nhau...”. Thế nhưng vẫn chưa có bằng cớ nào về việc George Mellis dự tính giết vợ hắn cả. John Harley đã kiểm chứng rằng Alexandra Mellis có khuynh hướng tự vẫn. Đó không phải là vấn đề của mình, Peter cố tự nhủ như vậy. Nhưng anh biết rằng đó chính là vấn đề của anh. Peter Templeton trước kia đã phải làm việc để kiếm tiền ăn học. Cha anh là nhân viên bảo vệ ở một trường đại học trong một thị trấn nhỏ, nên dù có học bổng, Peter cũng không thể nào theo học được một trong các trường đại học y khoa danh tiếng. Anh tốt nghiệp trường đại học Nebraska với danh dự, rồi tiếp tục theo học ngành tâm lí trị liệu. Anh thành công ngay từ ban đầu. Bí quyết của anh là lòng thành thực yêu người. Anh quan tâm đến những gì xảy ra với họ. Alexandra không phải là bệnh nhân của anh, nhưng anh có dính líu đến nàng. Nàng là phần thiếu sót trong bài toán đố, và sự giáp mặt với nàng có thể giúp anh giải được bài toán đố ấy. Anh giở tập hồ sơ về Mellis ra, tìm số nhà và điện thoại cho Alexandra. Một người đầy tớ gái gọi nàng đến điện thoại. “Bà Mellis ạ, tên tôi là Peter Templeton. Tôi là...”. “Ồ, tôi biết ông là ai rồi, bác sĩ ạ. George nói với tôi về ông”. Peter rất ngạc nhiên. Anh tưởng rằng Mellis không bao giờ nhắc nhở tên anh với vợ hắn cả. “Tôi không biết chúng ta có thể nào gặp nhau được không. Có thể là tại một bữa ăn trưa nào đó?” “Có phải là về vấn đề của George không? Có chuyện gì không hay chăng?” “Ồ, không đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta có thể nói chuyện với nhau một chút thôi”. “Được lắm chứ, bác sĩ Templeton”. Họ hẹn nhau vào ngày hôm sau. Hai người ngồi ở một bàn trong góc tại quán ăn La Grenouille. Từ khi Alexandra bước vào tiệm ăn, Peter không thể nào rời mắt nàng. Nàng chỉ đơn giản mặc một chiếc váy và áo khoác trắng làm lộ ra dáng người xinh đẹp của nàng, và đeo một chuỗi hạt trai xung quanh cổ. Peter cố tìm ra những nét mệt mỏi và buồn chán trên mặt nàng, như bác sĩ Harley đã nói. Nhưng anh không thấy gì cả. Nếu Alexandra biết rằng Peter đang quan sát nàng thì nàng cũng không lộ ra một dấu hiệu nào như thế cả. “Chồng tôi vẫn bình thường phải không, bác sĩ Templeton?” “Vâng”. Điều này sẽ trở nên khó xử hơn là anh đã tiên đoán. Anh đang đi trên một sợi dây rất nhỏ. Anh không có quyền vi phạm mối quan hệ thiêng liêng giữa bác sĩ và bệnh nhân, thế nhưng đồng thời anh cảm thấy có nhiệm vụ phải cảnh cáo Alexandra. Sau khi đã gọi món ăn, Peter nói, “Chồng bà có nói cho bà biết vì sao anh ấy phải đi khám tại văn phòng tôi không, bà Mellis?” “Có chứ. Gần đây tinh thần anh ấy rất căng thẳng. Các ông chủ hãng của anh ấy đặt phần lớn trách nhiệm trên vai anh ấy. George làm việc rất có lương tâm. Chắc ông cũng biết điều này, phải không, bác sĩ?” Thật là khó tin. Nàng không biết chút gì về việc hắn đã tấn công chị ruột nàng. Tại sao không ai nói cho nàng biết cả? “George bảo anh cảm thấy dễ chịu hơn nhiều khi có một người nào đó để anh có thể giãi bày tất cả những vấn đề khó khăn”. Nàng nhìn Peter tủm tỉm cười. “Tôi rất mừng là ông đã giúp anh ấy”. Nàng thật là ngây thơ, vô tội! Rõ ràng nàng đã thần tượng hoá ông chồng. Làm sao anh có thể nói cho nàng biết rằng chồng nàng chỉ là một tên loạn óc đã từng từng giết một đứa bé trai làm điếm kiếm tiền; rằng hắn đã bị gia đình từ bỏ và đã cưỡng dâm tàn bạo chị ruột nàng? Thế nhưng, làm sao anh có thể không nói ra được? “Làm một bác sĩ tâm thần cũng rất là thú vị, vì ông có thể giúp đỡ được cho biết bao nhiêu người”. Alexandra nói. “Có khi tôi giúp được, nhưng cũng có khi không”. Peter đáp một cách thận trọng. Thức ăn được đưa đến. Hai người nói chuyện với nhau trong khi ăn. Cuộc giao tiếp giữa họ thật là dễ dàng thoải mái. Peter thấy mình như đã bị thu hút bởi Alexandra, và đột nhiên anh có cảm giác khó chịu là anh đang ghen tị với George Mellis. “Tôi rất vui thích về bữa ăn trưa hôm nay, bác sĩ Templeton ạ” Alexandra nói, “Thế nhưng hình như ông muốn gặp tôi hôm nay vì một lí do nào đó, phải thế không?” Cơ hội cần phải trình bày sự thật đã đến. “Vâng, thật ra, tôi…” Peter dừng lại. Những lời nói tiếp theo của anh có thể sẽ làm tan vỡ cuộc sống của nàng. Anh đã quyết định đến đây là để nói cho nàng biết về những mối nghi ngờ của anh và đề nghị đưa chồng nàng vào một bệnh viện tâm thần. Nhưng bây giờ gặp mặt nàng, anh nhận ra rằng vấn đề không phải đơn giản như vậy. Anh lại nhớ đến câu nói của Mellis “Nhà tôi không khá hơn chút nào. Tôi lo nhất là nàng có ý định tự vẫn”. Trái lại thế, anh chưa bao giờ thấy một người đàn bà nào hạnh phúc và bình thường hơn nàng. Phải chăng là do thứ thuốc nàng đang uống? Cuối cùng, anh cũng hỏi được nàng về chuyện ấy, “John Harley nói rằng bà đang uống…” Ngay lúc ấy, tiếng nói của Mellis vang lên, “À, em ở đây rồi! Anh gọi điện thoại về nhà và được biết rằng em hiện đang ở đây”. Y quay về phía Peter, nói, “Chào ông, bác sĩ Templeton. Tôi cùng ngồi ăn chung với hai người được chứ?” Thế là cơ hội tan biến mất. “Tại sao anh chàng bác sĩ ấy lại muốn gặp Alex?” Eve hỏi. “Anh chẳng hiểu chút nào”, Mellis đáp. “May mà Alex đã nhắn cho biết rằng nàng đang ở đâu, trong trường hợp anh cần gặp nàng. Thì ra cô ấy đi gặp Templeton. Lạy Chúa! Tôi vội vàng đi đến đó gấp”. “Tôi e ngại chuyện ấy lắm”. Eve nói. “Tin tôi đi. Chẳng có gì nguy hại cả đâu. Tôi đã hỏi cô ấy sau đó, và cô ấy nói rằng hai người không thảo luận về vấn đề gì đặc biệt cả”. “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xúc tiến chương trình của chúng ta đi”. George Mellis cảm thấy một sự kích thích gần giống như tình dục rung lên trong con người y qua câu nói ấy. Y đã chờ đợi cơ hội quá lâu rồi. “Khi nào?” “Ngay bây giờ”. Chương 33 Những cơn chóng mặt trở nên tệ hơn, và mọi thứ bắt đầu nhoà đi trong trí óc bà Kate. Bà có khi ngồi ở bàn giấy nghiên cứu việc đề nghị sát nhập công ty rồi đột nhiên bà nhận ra rằng vấn đề sát nhập ấy đã xảy ra mười năm trước đó rồi. Bà thấy khiếp hãi, rồi cuối cùng bà quyết định nghe lời khuyên của Brad Rogers là nên gặp bác sĩ John Harley để được khám bệnh. Đã lâu rồi, bác sĩ Harley đã không thuyết phục được bà Kate Blackwell đi kiểm tra sức khoẻ toàn bộ, cho nên ông lợi dụng triệt để cơ hội này. Ông khám bệnh rất kĩ, và khi khám xong, ông yêu cầu bà chờ đợi ông ở văn phòng. John Harley rất bối rối. Bà Kate vẫn còn có những dấu hiệu đáng lo ngại. Các động mạch của bà rõ ràng đã cứng lại thỉnh thoảng gây chứng choáng váng và làm cho trí nhớ bà kém đi. Lẽ ra bà nên rút lui dưỡng già cách đây nhiều năm rồi, thế nhưng bà vẫn bám vào công việc một cách dai dẳng, không muốn trao dây cương cho bất kì một ai khác. Thế nhưng mình có tư cách nào khuyên bà như vậy không, bác sĩ John tự hỏi. Chính ông lẽ ra cũng đã phải rút lui từ lâu rồi. Bây giờ, với kết quả khám nghiệm trước mặt, John Harley nói, “Tôi ước ao có điều kiện sức khoẻ như bà”. “Bỏ cái lối nịnh hót ấy đi, ông John. Tôi có vấn đề nào?” “Chủ yếu là do tuổi già. Các động mạch hơi cứng và...”. “Bệnh xơ cứng động mạch chứ gì?” “Đó là danh từ y khoa dùng để mô tả bệnh ấy. Dù sao chăng nữa, bà cũng đang ở trong tình trạng như vậy”. “Có nặng lắm không?” “Ở tuổi bà, như thế là khá bình thường. Tất cả những thứ này đều là tương đối cả thôi”. “Ông có thể cho tôi thứ thuốc gì để làm mất đi những cơn choáng váng khó chịu ấy không? Tôi không thích ngã xỉu ra trước mặt bọn đàn ông. Với phụ nữ, như thế trông không hay lắm”. Ông gật đầu. “Tôi nghĩ rằng điều đó không khó khăn gì. Khi nào thì bà định sẽ rút lui dưỡng già?” “Khi nào tôi có chắt trai để trông nom cơ sở kinh doanh của tôi”. Hai người bạn già ấy đã quen biết nhau từ rất nhiều năm rồi. Bây giờ họ ngồi đối diện ở bàn giấy nhìn như để đánh giá lẫn nhau. John Harley không phải lúc nào cũng đồng ý với bà Kate, nhưng cũng phải phục bà về lòng can đảm. Như đã đọc được ý nghĩ của Harley, bà Kate thở dài và nói, “Ông có biết nỗi thất vọng lớn lao nhất trong đời tôi là cái gì không? Chính là con Eve. Tôi đã thực sự quan tâm, săn sóc nó, và muốn trao cho nó cả thế giới này, nhưng nó chẳng thèm nghĩ đến ai cả ngoài bản thân nó”. “Bà lầm rồi, bà Kate ạ. Cô ấy rất quan tâm đến bà”. “Phải, quan tâm như quỷ sứ ấy”. “Tôi có điều kiện để biết rõ điều này. Gần đây cô ấy...”. Ông phải cẩn thận lựa chọn từng chữ. “Cô ấy đã gặp một tai nạn khủng khiếp. Cô ấy suýt chết”. Bà Kate cảm thấy trái tim bà chao đảo. “Tại sao, tại sao ông không nói cho tôi biết lúc ấy?” “Cô ấy không cho phép tôi nói. Cô ấy sợ rằng bà quá lo lắng nên bắt tôi phải thề không được nói lời nào”. “Trời ơi”. Bà thốt lên một tiếng thì thào đau đớn. “Nó... nó có sao không?” Giọng bà khàn hẳn đi. “Bây giờ cô ấy khoẻ lại rồi”. Bà Kate ngồi nhìn chằm chằm vào trong không gian. “Cảm ơn ông đã cho tôi biết, ông John ạ. Cảm ơn”. “Để tôi viết cho bà một cái toa để mua các viên thuốc ấy”. Khi ông viết xong toa, ngước mắt nhìn lên thì bà Kate đã bỏ đi đâu rồi. Eve mở cánh cửa ra, nhìn chằm chằm như không thể tin vào mắt mình nữa. Bà nội nàng đang đứng trước mặt, người cứng và thẳng băng như ngày nào, không biểu lộ một nét nào yếu ớt cả. “Bà có thể vào nhà được không?” Bà Kate hỏi. Eve bước qua một bên, chưa có thể nhận định được chuyện gì đang xảy ra. “Được chứ ạ”. Bà Kate bước vào, nhìn quanh căn hộ bé nhỏ, nhưng không đưa ra lời bình luận nào. “Bà ngồi được chứ?” “Cháu xin lỗi. Xin mời bà ngồi. Xin bà tha lỗi cho. Bà dùng thứ gì để cháu lấy. Trà, cà phê hay thứ gì?” “Không, cảm ơn. Cháu có được khoẻ không Eve?” “Dạ khoẻ, cảm ơn bà”. “Bà vừa gặp bác sĩ Harley. Ông ấy nói cho bà biết cháu vừa gặp một tai nạn ghê gớm”. Eve nhìn bà nội một cách thận trọng, không biết chắc những gì sắp diễn ra. “Vâng...” “Ông ấy bảo cháu suýt chết, nhưng cháu không cho phép ông ấy báo cho bà biết vì cháu không muốn làm cho bà phải lo lắng”. À thì ra thế. Eve bây giờ cảm thấy yên tâm hơn. “Đúng vậy, thưa bà nội”. “Điều ấy chứng tỏ rằng...” Bà Kate đột nhiên cảm thấy nghẹn lời. “...rằng cháu quan tâm đến bà”. Eve bắt đầu khóc thổn thức vì mừng thầm đã trút được một mối lo ngại. “Cố nhiên rồi, cháu lúc nào cũng quan tâm đến bà”. Thế rồi chỉ một lát sau đó, Eve ngã vào vòng tay của bà nội. Bà Kate ôm nàng thật chặt, áp sát môi bà lên đầu tóc hoe đặt trên đùi bà, rồi bà thì thầm “Bấy lâu nay, bà thật là ngu xuẩn. Cháu có tha thứ cho bà không?” Bà Kate rút ra chiếc khăn mù soa để sỉ mũi. “Bà đã tỏ ra quá cứng rắn đối với cháu. Nếu có chuyện gì không hay xảy ra cho cháu, chắc bà sẽ không chịu đựng nổi”. Eve vuốt ve bàn tay đầy gân xanh của bà nội và nói, “Cháu không hề gì, bà nội ạ. Mọi việc đều tốt đẹp cả”. Bà Kate đứng dậy chớp mắt để giữ lại những gịot nước mắt. “Chúng ta sẽ khởi sự lại từ đầu, được không?” Bà kéo Eve lên, nhìn vào mặt nàng, “Bà đã tỏ ra ngoan cố, cứng rắn, giống như cha bà xưa kia. Rồi bà sẽ đền bù lại chuyện này. Việc đầu tiên bà sẽ làm là ghi tên cháu lại trên bản chúc thư của bà, đúng như quyền của cháu đáng được hưởng”. Những gì xảy ra lúc ấy quá tốt đẹp đến mức khó tin. “Cháu không cần tiền. Cháu chỉ quan tâm đến bà thôi”. “Cháu là người thừa kế của bà - cháu và Alexandra. Hai cháu là tất cả gia đình mà bà hiện có”. “Cháu sống như thế này cũng tốt rồi, nhưng nếu điều đó làm bà vui sướng thì...” “Điều ấy sẽ làm cho bà rất sung sướng cháu ạ. Thật sự sung sướng. Khi nào cháu có thể trở về nhà?” Eve chỉ do dự một lát, rồi nói, “Cháu nghĩ tốt hơn hết cháu ở lại đây, nhưng cháu sẽ đến thăm bà luôn luôn. Bà ạ, chắc bà không biết từ dạo ấy đến nay cháu cảm thấy mình cô đơn như thế nào”. Bà Kate cầm lấy tay cháu gái và nói, “Cháu có thể tha thứ cho bà được không?” Eve nhìn vào mắt bà nội và nói một cách nghiêm trang, “Dĩ nhiên rồi, cháu có thể tha thứ cho bà”. Khi bà Kate đã ra về, Eve pha một li rượu Scotch nặng với nước, rồi nằm lăn xuống đi văng để mường tượng lại cảnh khó tin vừa xảy ra với nàng. Nàng muốn thét to lên vì vui mừng. Bây giờ nàng và Alexandra là những người thừa kế duy nhất của tài sản Blackwell. Loại bỏ Alexandra sẽ là một chuyện khá dễ dàng. Chỉ riêng có George Mellis là nàng hơi lo. Đột nhiên hắn ta trở thành một chướng ngại vật đối với nàng. “Có sự thay đổi trong kế hoạch của ta”, Eve nói với George Mellis. “Bà Kate đã để tên tôi lại vào chúc thư”. George Mellis đang châm điếu thuốc lá, vội dừng ngay lại. “Thật thế hả? Mừng em nhé”. “Nếu có chuyện gì xẩy ra cho Alexandra vào lúc này thì người ta sẽ nghi ngờ. Vậy chúng ta sẽ thanh toán nó sau này, khi...”. “Anh e rằng như thế không thích hợp với anh chút nào”. “Anh nói thế là nghĩa làm sao?” “Anh không ngu đâu, cô em yêu quý ạ. Nếu có chuyện gì xảy ra cho Alexandra anh sẽ thừa hưởng phần của cô ấy. Em muốn gạt anh ra rìa hả?” Eve nhún vai. “Phải nói rằng anh là một điều rắc rối không cần thiết. Tôi sẵn sàng điều đình với anh. Cứ xin li dị đi, rồi chừng nào tôi nắm được tiền trong tay, tôi sẽ cho anh”. Melles cười to. “Thật là buồn cười. Như thế không tốt đâu, cô bé ạ. Không có gì thay đổi cả. Alex và anh đã hẹn với nhau vào tối thứ sáu ở Dark Harbor. Anh có ý định sẽ đến đúng hẹn”. Alexandra mừng rỡ vô cùng khi được nghe tin về Eve và bà nội. “Thế là gia đình ta lại được sum họp trở lại”, nàng nói. Điện thoại. “Alô, tôi hi vọng không quấy rầy cô, cô Eve ạ. Webster đây”. Lúc này anh đã bắt đầu gọi điện thoại cho nàng hai, ba lần một tuần. Thoạt tiên vẻ nhiệt tình, vụng về của anh làm cho Eve thấy vui vui, nhưng rồi nó trở thành một điều bực mình. “Tôi không thể nói chuyện với anh vào lúc này. Tôi sắp đi đây”, Eve nói. “Ồ, xin lỗi”, Webster nói, “Vậy tôi không dám giữ cô lâu đâu. Tôi có hai vé đi xem biểu diễn ngựa tuần sau. Tôi biết cô thích ngựa”. “Xin lỗi, có lẽ tuần sau tôi đi vắng xa”. “À, ra thế”. Nàng nghe giọng nói anh có vẻ thất vọng. “Vậy có lẽ tuần sau nữa chắc là được. Tôi sẽ mua vé xem hát. Cô thích xem vở gì?” “Tôi xem cả rồi”, Eve nói cộc lốc, “Tôi phải đi gấp đây”. Nàng đặt máy xuống. Bây giờ là lúc mặc quần áo. Nàng sẽ đi gặp Rory McKenna, một kịch sĩ trẻ nàng mới quen biết. Anh ta trẻ hơn nàng năm tuổi, và giống như một con ngựa đực hung hăng, không bao giờ thoả mãn. Eve tưởng tượng đến lúc ân ái với anh ta mà cảm thấy trong lòng bị kích thích, đê mê. Nàng trông ngóng được hưởng một đêm vui thú với chàng. Trên đường trở về nhà, George Mellis dừng lại mua hoa cho Alexandra. Tâm trạng của y đang vô cùng phấn chấn. Việc bà Kate đã đặt lại tên Eve vào trong chúc thư là một điều mỉa mai thú vị, nhưng nó không thay đổi gì cả. Sau tai nạn sẽ xảy ra với Alexandra, y sẽ thanh toán Eve. Tất cả mọi sự xếp đặt đã sẵn sàng. Ngày thứ sáu, Alexandra sẽ chờ đợi y ở Dark Harbor. Y đã hôn nàng và căn dặn: “Chỉ có hai chúng ta thôi. Em đừng có đem bọn gia nhân đi theo, em yêu quý ạ”. Peter Templeton không thể nào gạt Alexandra ra khỏi đầu óc. Anh dường như nghe câu nói của Mellis văng vẳng bên tai: “Tôi sẽ đưa nàng đến một nơi nào đó. Nàng cần có sự thay đổi”. Tất cả bản năng nói cho chàng biết rằng Alexandra đang gặp nguy hiểm. Thế nhưng anh bất lực, không làm gì được. Anh không thể đến với Nick Pappas khi anh còn có những mối nghi hoặc, anh không có bằng chứng nào cả. Ở bên kia thành phố, trong văn phòng của Kruger-Brent, bà Kate Blackwell đang kí một bản chúc thư mới, để lại các tài sản của bà cho hai cô cháu gái. Ở phía bắc tiểu bang New York, Tony Blackwell đang đứng trước giá vẽ trong vườn dưỡng đường. Bức tranh trên giá vẽ là một mớ hỗn độn các màu sắc, một thứ tranh vẽ mà một đứa trẻ không có tài năng cũng có thể làm được. Tony lùi lại mấy bước, tủm tỉm cười vui sướng. Thứ sáu, 10 giờ 57 sáng. Ở phi trường La Guardia, một chiếc taxi dừng lại trước trạm hàng không Eastern Airlines. Eve bước ra khỏi xe. Nàng chìa cho người lái taxi một tờ 100 đô la. “Này cô, tôi không có tiền thối. Cô có giấy bạc nhỏ hơn không?” anh ta nói. “Không”. “Vậy cô vào trong đó đổi tiền đi”. “Tôi không có thì giờ. Tôi phải lên chuyến máy bay sắp tới đi Washington”, nàng nhìn chiếc đồng hồ Baume Mercier đeo trên cổ tay, rồi đưa ra quyết định, “Thôi anh cứ giữ cả số tiền ấy”. Người lái xe trố mắt nhìn ngạc nhiên. Eve vội vã đi vào trạm hàng không. Nàng nửa đi nửa chạy đến cổng khởi hành có đề chữ “Máy bay đi Washington”. “Đi Washington khứ hồi”. Eve vừa thở hổn hển vừa nói. Người của hãng hàng không nhìn đồng hồ ở phía trên đầu và nói, “Trễ hai phút rồi. Máy bay mới cất cánh”. “Tôi nhất định phải đi chuyến này. Tôi cần đi gấp. Ông có cách nào giúp tôi được không?” “Yên chí đi. Sẽ có một chuyến Shuttle (loại máy bay chuyên chở đường ngắn ở Mỹ. Không cần mua vé trước, hành khách trả tiền vé trên máy bay, giống như xe đò) khác trong vòng một tiếng nữa”. “Lại chuyện ấy nữa. Mẹ kiếp!”. Người ấy chờ đợi nàng lấy lại bình tĩnh. “Thôi được rồi. Tôi sẽ đợi. Có tiệm cà phê nào gần đây không?” “Không. Nhưng có một máy bán cà phê ở cuối hành lang”. “Cảm ơn”. Ông ta nhìn theo nàng, ngẫm nghĩ. Người đâu mà đẹp thế. Chắc cô ta vội vã đi gặp người yêu. Anh chàng nào mà phúc thế. Thứ sáu, 2 giờ chiều. Đây là tuần trăng mật thứ hai của mình. Alexandra thầm nghĩ. Ý nghĩ này làm nàng vui thích. Mellis đã nói, “Đừng đem theo bọn gia nhân. Chỉ có hai ta thôi. Chúng ta sẽ có một ngày cuối tuần tuyệt vời”. Lúc này, Alexandra đang sắp rời ngôi nhà xây bằng đá nâu của nàng để đi đến Dark Harbor gặp Mellis. Nàng đã hơi trễ vì có cuộc hẹn ăn cơm trưa và bữa cơm này kéo dài hơn là dự tính. Nàng nói với người hầu gái. “Tôi đi bây giờ đây. Sẽ trở về vào sáng thứ hai”. Vừa đến cửa trước nhà, nàng nghe tiếng điện thoại reo vang. Mình đã trễ rồi. Mặc kệ cho nó reo. Nghĩ vậy, nàng hối hả đi ra khỏi cửa. Thứ sáu, 7 giờ tối. George Mellis đã nghiên cứu kế hoạch của Eve thật kĩ. Nó không có một sơ hở nào. Sẽ có một chiếc xuồng máy đợi anh ở Phibrock Cove. Hãy lái nó đến Dark Harbor, nhưng phải cẩn thận đừng để ai trông thấy. Buộc nó vào đuôi chiếc du thuyền Corsair (Quỷ bể). Anh dùng chiếc du thuyền ấy đưa Alexandra đi chơi dưới ánh sáng trăng. Khi đã ra khơi rồi, anh tha hồ muốn làm gì nó thì làm, George ạ, chỉ cần không để lại một vết máu nào. Vứt xác nó xuống bể, nhảy xuống chiếc xuồng máy, rồi để mặc chiếc du thuyền ấy trôi dạt trên biển. Anh sẽ đem chiếc xuống máy ấy trở về Phibrock Cove, rồi lên chiếc tàu phà Lincolville đến Dark Harbor. Lấy một chiếc taxi trở về nhà. Hãy dùng một cái cớ nào đó để dụ tên tài xế taxi vào trong nhà để làm sao cho cả hai người đều cùng phát hiện ra rằng chiếc Corsair đã mất tích, không còn đậu ở bến nữa. Khi anh thấy rằng Alexandra không có nhà, anh sẽ gọi điện thoại cho cảnh sát. Họ sẽ chẳng bao giờ tìm ra được xác Alexandra. Thuỷ triều sẽ cuốn nó ra ngoài khơi. Hai vị bác sĩ danh tiếng sẽ chứng nhận rằng đó là một vụ tự vẫn. Y thấy chiếc xuống máy đã đậu sẵn ở Phibrook Cove, chờ đợi y, đúng như kế hoạch. George cho xuồng vượt qua vùng vịnh, dùng ánh sáng trăng chứ không dùng đèn để lái. Y đi ngang qua nhiều chiếc thuyền đậu ở đó mà không bị ai phát hiện, rồi đến bến đậu của nhà Blackwell. Y tắt máy, buộc chiếc xuồng vào chiếc du thuyền Corssair. Nàng đang nói chuyện điện thoại, chờ đợi y trong phòng khách thì Mellis bước vào. Nàng đưa tay ra vẫy, rồi bịt ống nghe lại, nói với y, “Eve đấy”. Nàng lắng nghe một lúc, rồi nói trong máy, “Em phải đi bây giờ đây, chị Eve ạ. Người yêu của em vừa đến. Sẽ gặp lại chị vào buổi ăn trưa tuần sau”. Nàng đặt máy xuống, vội vã chạy đến hôn Mellis. “Anh đến sớm đấy. Em rât mừng”. “Anh nhớ em quá nên bỏ tất cả mọi thứ để đến đây với em”. Nàng hôn y. “Em yêu anh”. Nàng tủm tỉm cười. “Chỉ có hai chúng mình ở đây thôi. Thôi được rồi. Em phải đi thay quần áo đã. Chỉ không đầy một phút thôi” “Để anh thi với em xem ai nhanh hơn”. Y đi lên lầu, đến tủ, thay quần áo, mặc một chiếc quần dài, áo len, và đi đôi giày dùng để đi thuyền. Bây giờ cơ hội đã đến, y cảm thấy hân hoan mong đợi, một niềm thích thú như nổ bùng lên trong người. Y nghe tiếng nàng gọi, “Em sẵn sàng rồi, anh yêu quý ạ”. Y quay lại. Nàng đứng ở bậc cửa, mặc một chiếc áo len ngắn, chiếc quần màu đen và đi đôi giày vải. Mái tóc dài, màu hoe buộc ở phía sau bằng một sợi dây ruy băng xanh nhỏ. Lạy Chúa! Nàng xinh đẹp quá! Thật là phí phạm nếu phải phá huỷ một sắc đẹp như vậy, y thầm nghĩ. “Anh cũng xong rồi đây”, Mellis đáp lại với nàng. Nàng để ý thấy y buộc chiếc xuồng máy vào đuôi chiếc du thuyền. “Như thế để làm gì hở anh?” “Ở cuối vịnh có một hòn đảo nhỏ mà mấy lâu nay anh vẫn muốn thám hiểm xem sao”, Mellis giải thích. “Chúng ta sẽ đi xuồng máy đến đó, như vậy sẽ không sợ va phải đá ngầm”. Y tháo các dây buộc thuyền, cho chiếc du thuyền thong thả rời khỏi bến đậu. Y quay mũi thuyền về hướng gió để kéo cánh buồm chính và cánh buồm tam giác lên. Chiếc thuyền trở buồm, hướng về mạn phải. Mellis cho chiếc du thuyền đi thẳng ra khơi. Khi đi qua đê chắn sóng, họ gặp cơn gió mạnh, chiếc thuyền bắt đầu chòng chành. “Thật là dữ dội và tuyệt vời”, Nàng kêu lên. “Em sung sướng quá, anh ạ”. “Anh cũng thế”, Y tủm tỉm cười đáp lại. Mellis cảm thấy một niềm vui thú hết sức kì quặc rằng Alexandra đang vui sướng và sẽ được chết với nỗi vui sướng ấy. Y nhìn về phía chân trời để tin chắc rằng không có chiếc thuyền nào khác gần đó. Chỉ có ít ánh sáng lờ mờ ở phía xa xăm. Bây giờ đã đến lúc rồi. Y để cho chiếc thuyền được điều khiển tự động, đưa mắt nhìn lần cuối cùng về phía chân trời vắng vẻ, rồi đến chỗ bức rào chắn gió, tim y bắt đầu đập dồn dập. “Alex”, y gọi. “Lại đây nhìn cái này”. Nàng đi về phía y, nhìn xuống nước đen ngòm, lạnh lẽo đang chạy ở phía dưới. “Lại đây”, giọng y nghe như một mệnh lệnh gay gắt. Nàng ngã vào cánh tay y, y hôn nàng thật chặt trên môi. Cánh tay y ôm chặt lấy người nàng. Y cảm thấy thân thể nàng như giãn ra, y co bắp thịt, nhấc bổng thân hình nàng lên cao, đưa về phía bức rào chắn. Nàng đột ngột chống cự và kêu lên, “George!” Y nhấc nàng lên cao nữa, và cảm thấy nàng cố vùng ra khỏi tay y, nhưng y khoẻ quá so với nàng. Lúc này nàng đã bị đưa lên gần đỉnh bức rào chắn, hai chân đá dữ dội. Y cố sức đẩy nàng qua khỏi mạn thuyền. Ngay khi ấy, y bỗng thấy một cơn đau nhói ở ngực. Ý nghĩ đầu tiên của y là, “Mình đang lên cơn đau tim!” Y mở mồm ra để nói thì máu phọt ra. Y thả cánh tay xuống, nhìn lên ngực. Y không thể nào tin được, máu đang tuôn ra từ một vết thương trên ngực y. Y ngước mắt nhìn lên, thấy nàng đang đứng ở đấy, tay cầm một con dao, nhìn y tủm tỉm cười. Ý nghĩ cuối cùng thoáng qua trong đầu óc y, “Eve”. Chương 34 Lúc mười giờ tối, Alexandra đi đến ngôi nhà ở Dark Harbor. Nàng cố gọi điện thoại cho Mellis nhiều lần, nhưng không có ai trả lời. Nàng hi vọng rằng y sẽ không giận nàng vì đã đến chậm. Thật là một rắc rối ngu xuẩn. Trưa hôm ấy, khi Alexandra sắp sữa đi đến Dark Harbor thì có tiếng điện thoại reo vang. Lúc ấy nàng nghĩ, mình trễ rồi, cứ để cho nó reo, rồi đi thẳng ra xe. Người hầu gái chạy đuổi theo nàng và nói, “Bà Mellis, chị bà vừa gọi điện thoại đến, bảo rằng có việc gấp lắm”. Khi Alexandra nhấc điện thoại lên, Eve nói, “Em ạ, chị đang ở Washington D.C đây.Chị đang gặp một vấn đề kinh khủng lắm. Chị cần gặp em”. Alexandra liền đáp ngay, “Dĩ nhiên rồi. Em sắp đi đến Dark Harbor gặp Mellis, nhưng em sẽ trở về vào sáng thứ hai và...” “Chuyện này không thể trì hoãn được”. Giọng Eve có vẻ tuyệt vọng. “Em có thể gặp chị ở phi trường La Guardia được không? Chị sẽ đi trên chuyến máy bay lúc năm giờ”. “Em cũng muốn vậy, chị Eve ạ, nhưng em đã nói với George Mellis...” “Việc này khẩn cấp lắm Alex ạ, nhưng nếu em quá..” “Thôi được, em sẽ đi đến đó!” “Cảm ơn em. Chị biết rằng chị có thể trông cậy ở em”. Ít khi Eve nhờ Alexandra việc gì, vì vậy nàng không thể từ chối chị được. Nàng sẽ đi máy bay đến hòn đảo ấy. Nàng điện thoại đến văn phòng cho biết rằng nàng sẽ đến trễ, nhưng Mellis không có mặt ở đấy. Nàng nhờ người thư kí của y ghi lại lời nhắn nhủ. Một giờ sau, nàng thuê taxi đi đến phi trường La Guardia cho kịp chuyến bay từ Washington. Nhưng Eve không có mặt trên chuyến bay ấy. Alexandra chờ đợi thêm hai giờ nữa, nhưng vẫn không thấy Eve. Alexandra không biết tìm gặp Eve ở nơi nào trong thành phố Washington D.C. Cuối cùng, vì không còn cách nào khác nữa nàng lên máy bay đi đến hòn đảo. Lúc này, nàng đã đến gần ngôi nhà Cedar Hill, và thấy nó tối bưng. Chắc chắn Mellis đã đến đây trước nàng rồi. Nàng đi từ phòng này qua phòng khác, và bật đèn lên cho sáng. “George?” Không thấy bóng dáng anh ta đâu cả. Nàng điện thoại về nhà nàng ở Manhattan. Người hầu gái trả lời. “Có ông Mellis ở nhà không?” Alexandra hỏi. “Thưa không ạ. Ông ấy bảo bà và ông sẽ nghỉ cuối tuần”. “Cảm ơn Marie. Chắc ông ấy bị mắc kẹt ở nơi nào đó” Chắc hẳn phải có lí do chính đáng nào đó cho sự chậm trễ này. Rõ ràng đã có công việc nào đó xảy đến vào phút chót, và như mọi lần các ông chủ đã phải nhờ Mellis giải quyết hộ. Chắc anh ấy sẽ đến ngay thôi. Nàng quay số điện thoại của Eve. “Eve!” Alexandra kêu lên. “Có chuyện gì xảy ra với chị vậy?” “Xảy ra với chị à? chị chờ em ở phi trường Kennedy, thế mà không thấy em đến” “Kennedy à? Chị bảo em đến phi trường La Guardia chứ!” “Không em ạ. Chị nói phi trường Kennedy” “Nhưng...” Vấn đề không còn quan trọng nữa. “Em xin lỗi. Có lẽ em nghe lầm. Chị có được bình thường không? “ “Bây giờ thì khá rồi. Chị vừa trải qua một thời gian kinh khủng quá. Chị có dính líu với một nhà chính khách lớn ở Washington. Ông ta ghen tuông điên cuồng nên...” nàng cười to lên “Thôi, chị không thể nói chi tiết trên điện thoại được. Công ty điện thoại sẽ gỡ máy điện thoại của chúng ta đi mất. Chị sẽ nói với em về chuyện này vào ngày thứ hai”. “Được rồi”, Alexandra nói. Nàng cảm thấy rất yên tâm. “Chúc em một ngày cuối tuần hết sức vui vẻ”. Eve nói. “George bây giờ thế nào?” “Anh ấy không có ở đây”. Alexandra cố không bộc lộ nỗi lo âu của nàng qua giọng nói. “Em chắc anh ấy bị vướng bận công việc nên không có thời giờ gọi đến cho em được” “Chắc em sẽ được tin tức của anh ta ngay thôi. Chúc em ngủ ngon”. Alexandra đặt máy xuống, suy nghĩ. Mong sao chị Eve gặp được một người chồng thật tốt, cũng tốt và hiền lành như George Mellis. Nàng nhìn vào đồng hồ đeo tay. Đã gần mười một giờ khuya rồi. Chắc là anh ấy sẽ có cơ hội gọi cho mình vào lúc này. Nàng nhấc ống nghe lên. Quay số điện thoại của hãng môi giới. Không có tiếng trả lời. Nàng gọi đến câu lạc bộ của Mellis. Không, họ không thấy Mellis đâu cả. Đến nữa đêm, nàng đâm ra lo sợ, và đến một giờ sáng thì nàng hoảng hốt thực sự. Nàng không biết nên làm thế nào. Có thể rằng Mellis đi đâu đó với một khách hàng nên không điện thoại được cho nàng, hoặc có lẽ anh ấy đã lên máy bay đi đâu đó mà không có cách nào liên lạc được với nàng trước khi đi. Có một lối giải thích đơn giản nào đó. Nếu nàng gọi điện thoại cho cảnh sát, rồi sau đó George Mellis bước vào nhà thì nàng sẽ cảm thấy lố bịch vô cùng. Đến hai giờ sáng, nàng điện thoại cho cảnh sát. Không có trạm cảnh sát nào ở đảo Isleboro. Trạm cảnh sát gần nhất là ở quận Waldo. Một giọng nói ngái ngủ trả lời, “Sở cảnh sát quận Waldo. Đây là trung sĩ Lambert” “Đây là bà George Mellis ở ngôi nhà Cedar Hill” “Vâng, thưa bà Mellis”. Giọng nói ấy tỉnh lại ngay lập tức. “Bà cần gì ạ?” Alexandra ngập ngừng nói, “Thật ra, tôi cũng không biết chắc chắn phải nhờ ông chuyện gì. Nhà tôi lẽ ra trở về nhà gặp tôi vào bữa chiều, thế nhưng đến bây giờ anh ấy vẫn chưa về nhà” “À ra thế”. Có rất nhiều ngụ ý trong câu nói ngắn ngủi ấy. Viên trung sĩ ấy biết ít nhất có ba lí do khiến một ông chồng vắng nhà vào lúc hai giờ sáng: các cô gái tóc hoe, tóc nâu và tóc đỏ. Anh nói một cách lịch sự, “Có thể nào ông ấy bận việc ở nơi nào đó chăng?” “Anh ấy... anh ấy thường gọi điện thoại về”. “Chắc bà cũng hiểu rõ vì sao rồi chứ, thưa bà Mellis. Có khi người ta ở trong một hoàn cảnh không thể gọi điện thoại được. Chắc bà sẽ nghe tin ông ấy ngay thôi” Quả thật nàng cảm thấy mình lố bịch. Dĩ nhiên cảnh sát không thể làm gì được trong trường hợp này. Nàng đã đọc thấy ở đâu đó rằng có người đã mất tích hai mươi bốn giờ rồi, lúc ấy cảnh sát mới bắt đầu tìm kiếm. Mellis không bị mất tích, anh ấy chỉ về trễ thôi. “Chắc là ông nói đúng”. Alexandra nói trong máy. “Tôi xin lỗi đã quấy rầy ông” “Không có gì đâu, bà Mellis ạ. Tôi cuộc với bà rằng ông nhà sẽ trở về trên chuyến tàu phà lúc bảy giờ sáng mai” Mellis không có mặt trên chuyến tàu phà lúc bảy giờ sáng và cả chuyến tàu kế tiếp đó. Alexandra lại điện thoại về ngôi nhà của nàng ở Manhattan. George Mellis cũng không có ở đó. Alexandra bắt đầu có cảm giác rằng một tai hoạ nào đó đã xảy ra. Mellis đã gặp một tai nạn; anh ấy đang ở bệnh viện, ốm đau, hay chết. Giá như nàng không có chuyện lộn xộn với Eve ở phi trường thì đâu đến nỗi! Có lẽ Mellis đã trở về nhà, và khi không thấy có nàng ở đó, anh ấy đã bỏ đi. Nhưng còn có nhiều điều không được giải thích. Anh ấy có thể để lại một mảnh giấy. Cũng có thể anh đã bị bọn trộm cướp tấn công hay bắt cóc. Alexandra tìm tòi, lục lọi khắp các phòng, may ra tìm được một manh mối nào đó, nhưng tất cả đều nguyên vẹn. Nàng đi xuống bến tàu. Chiếc du thuyền Corsair vẫn còn bỏ neo ở đó, không có gì suy suyển. Nàng điện thoại cho trạm cảnh sát ở Waldo một lần nữa. Trung uý Philip Ingram, một tay lão luyện trong lực lượng cảnh sát với hai mươi năm kinh nghiệm, đang trực vào buổi sáng ấy. Ông ta đã biết Mellis đã không trở về nhà suốt đêm. Vấn đề này đã trở thành một đề tài thảo luận ở trạm cảnh sát này suốt cả buổi sáng, phần lớn là những câu chuyện tục tĩu. Lúc này ông trung uý nói với Alexandra. “Không có vết tích gì của ông ấy cả hay sao, thưa bà Mellis? Được rồi, tôi sẽ đích thân đến đó”. Ông biết rằng đây chỉ là một chuyện làm phí thì giờ. Anh chồng bà này có lẽ đã đi mò gái ở các ngõ ngách nào đó. Nhưng khi một người trong gia đình Blackwell đã gọi thì những kẻ thấp kém phải chạy đến ngay, ông suy nghĩ một cách gượng gạo. Dẫu sao, cô gái này cũng là con người dễ thương. Ông từng gặp cô ta ít lần qua nhiều năm nay. “Tôi sẽ trở về trong khoảng một giờ”, ông nói với viên trung sĩ ngồi bàn giấy. Trung uý Ingram lắng nghe câu chuyện của Alexandra; ông kiểm soát trong nhà, trên bến tàu, và đi đến kết luận rằng quả Alexandra đang gặp vấn đề rắc rối. Lẽ ra George Mellis phải gặp vợ vào buổi tối hôm trước ở Dark Harbor, nhưng anh ta không đến. Mặc dầu đó không phải là vấn đề của Ingram, ông biết rằng nếu ông giúp đỡ cho một người trong gia đình Blackwell thì cũng chẳng có hại gì. Ingram điện thoại cho phi trường trên đảo và cho trạm tàu phà ở Lincolnville. George Mellis đã không sử dụng các phương tiện này trong vòng hai mươi bốn giờ qua. “Ông ấy không đến Dark Harbor”, viên trung uý nói với Alexandra. Như thế là thế nào? Tại sao anh chàng ấy đột nhiên biến mất? Theo lối suy nghĩ có cân nhắc của viên trung uý, không một người đàn ông nào biết suy nghĩ lại cố tình bỏ rơi một người đàn bà như Alexandra. “Chúng tôi sẽ lục soát các bệnh viện và nhà...” Ông vội ngưng bặt lại. “...và các nơi khác nữa, rồi sẽ ra thông cáo đi khắp mọi nơi để tìm ra ông ấy” Alexandra cố nén các cảm xúc, nhưng viên trung uý có thể nhận ra rằng nàng đã cố hết sức để làm như vậy. “Cảm ơn trung uý, chắc ông cũng hiểu cho tôi sẽ chịu ơn ông lớn lao đến như thế nào về những gì ông có thể làm hộ cho tôi” “Đó là nhiệm vụ của tôi”, trung uý Ingram nói. Khi trung uý Ingram trở về trạm, ông bắt đầu gọi điện thoại đến các bệnh viện và nhà xác. Không có tin tức gì. Không có báo cáo tai nạn nào về George Mellis. Công việc kế tiếp của Ingram là điện thoại cho một người bạn làm phóng viên cho tờ Main Courier. Sau đó, ông ra một bản thông cáo gửi đi khắp nơi về vụ mất tích. Các tờ báo buổi trưa hôm ấy đăng tin này bằng hàng tít lớn : CHỒNG BÀ THỪA KẾ BLACKWELL BỊ MẤT TÍCH. Peter Templeton thoạt tiên nghe tin này qua viên thám tử Nick Pappas. “Peter, chắc anh còn nhớ cách đây ít lâu anh có nhờ tôi điều tra về George Mellis chứ?” “Phải...” “Hắn ta vừa diễn trò mất tích” “Hắn sao?” “ Hắn biến mất, bỏ trốn hay chết rồi”. Anh chờ một lúc cho Peter kịp “tiêu hoá” tin này. “Hắn có đem theo cái gì không? Tiền bạc, quần áo, giấy thông hành?” “Không. Theo báo cáo nhận được từ Maine, Mellis chợt tan đi trong không khí. Anh là bác sĩ của hắn, chắc anh cũng có thể biết phần nào tại sao hắn ta lại làm một chuyện như vậy?” Peter nói thành thật. “Chính tôi cũng chẳng thể hiểu vì sao, Nick ạ” “Nếu anh có ý kiến gì, cho tôi biết nhé. Chuyện này rồi sẽ sôi nổi lắm đây” “Phải”, Peter hứa. “Tôi sẽ cho anh biết” Ba mươi phút sau, Alexandra gọi điện thoại cho Peter Templeton. Anh nhận ra được tiếng the thé hoảng hốt của nàng qua điện thoại. “George bị mất tích rồi. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với anh ấy. Tôi hi vọng anh Mellis có thể đã nói với ông điều gì đó có thể giúp tìm ra manh mối...” Nàng ngưng bặt lại. “Tôi rất tiếc, bà Mellis ạ. Anh ấy không nói gì. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra.” “Trời!” Peter muốn tìm lời lẽ nào đó để an ủi nàng. “Nếu tôi nghĩ ra được điều gì, tôi sẽ gọi lại cho bà. Tôi có thể tiếp xúc với bà ở đâu?” “Ở Dark Harbor. Nhưng tôi sẽ trở về New York tối nay. Tôi sẽ ở nhà bà nội tôi” Alexandra không chịu đựng được cảm giác cô đơn vào lúc này. Nàng đã gọi điện thoại nhiều lần cho bà Kate sáng hôm ấy. Bà Kate ngỏ lời khuyên nhủ, “Không hề gì đâu, cháu ạ. Anh ấy có lẽ đi lo công việc nào đó, không kịp báo cho cháu biết thôi” Cả hai bà cháu đều thật sự không tin có chuyện ấy. Eve trông thấy chuyện George Mellis mất tích trên truyền hình. Có những bức ảnh về bên ngoài toà nhà Cedar Hill, về George Mellis và Alexandra sau ngày cưới. Có cả ảnh Mellis chụp gần cho thấy y đang nhìn lên, đôi mắt mở rộng. Nó nhắc nhở cho Eve vẻ ngạc nhiên trên mặt Mellis ngay trước khi y chết. Người bình luận trên truyền hình nói, “Người ta không có bằng chứng rằng đây là một trò xấu xa, và cũng không có chuyện đòi tiền chuộc. Cảnh sát dự đoán rằng George Mellis có thể là nạn nhân của một tai nạn nào đó, và cũng có thể ông ta bị mất trí nhớ”. Eve mỉm cười thoả mãn. Người ta sẽ chẳng bao giờ tìm được xác hắn cả. Nó đã bị thuỷ triều cuốn đi xa rồi. Tội nghiệp cho George. Hắn đã làm theo đúng kế hoạch của nàng. Nhưng chính nàng đã thay đổi kế hoạch ấy. Nàng đã bay đi Maine, thuê một chiếc xuồng máy ở Philbrook Cove, giữ nó lại đó “cho một người bạn”. Tiếp đó, nàng thuê một chiếc xuồng thứ hai từ một bến đậu gần đó, rồi đưa nó đến Dark Harbor. Nàng ở lại đó chờ George Mellis. Y hoàn toàn không ngờ chút gì. Chính nàng đã cẩn thận lau sạch boong cửa chiếc du thuyền trước khi đem chiếc du thuyền này trở lại bến đậu. Sau đó là công việc đơn giản: kéo chiếc xuồng máy thuê của George trở lại cầu tàu, trở về chiếc xuồng của nàng, rồi bay ngay về New York để chờ cú điện thoại của Alexandra mà nàng chắc chắn thế nào cũng phải đến. Thật là một vụ giết người toàn hảo. Cảnh sát sẽ liệt nó vào loại mất tích bí mật. Người phát ngôn trên truyền hình nói.”Về các tin tức khác...”. Eve tắt máy truyền hình. Nàng không muốn đến trễ trong cuộc hẹn hò sắp tới Rory McKenna. Vào lúc sáu giờ sáng hôm sau, một chiếc thuyền đánh cá tìm thấy xác của Mellis mắc vào đê chắn sóng ở vịnh Penobscob. Các bản tin sớm nhất gọi đây là một vụ chết đuối và là một cái chết ngẫu nhiên, nhưng khi nhiều tin tức đổ dồn đến thì luận điệu bắt đầu thay đổi. Từ sở khám nghiệm tử thi có những tin tức đưa đến cho biết rằng những vết thương mà đầu tiên người ta ngỡ là do cá mập đớp thật ra là do những nhát dao đâm. Các số báo về buổi chiều hét to lên: NGHI NGỜ CÓ VỤ ÁM SÁT TRONG CÁI CHẾT BÍ MẬT CỦA GEORGE MELLIS - NHÀ TRIỆU PHÚ BỊ ĐM CHẾT. Trung uý Ingram nghiên cứu bản đồ thuỷ triều vào đêm trước. Làm xong việc này, ông ngả lưng trên ghế, vẻ bối rối hiện rõ trên nét mặt. Xác George Mellis có lẽ đã bị cuốn ra ngoài bể khơi nếu nó không bị mắc vào đê chắn sóng. Điều khiến cho viên trung uý bối rối là xác chết ấy chắc chắn đã bị nước thuỷ triều cuốn đi từ hướng Dark Harbor. Nhưng Mellis, theo như người ta biết, đã không đến đó. Thám tử Nick Pappas bay đến Maine để nói chuyện với trung uý Ingram. “Tôi nghĩ rằng sở của tôi có thể giúp anh trong vụ này”, Nick nói. “Chúng tôi có một số tin tức khá thú vị về lí lịch của George Mellis. Tôi biết rằng việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi, nhưng nếu anh cần có sự hợp tác của chúng tôi, chúng tôi rất sẵn lòng, trung uý ạ”. Trong hai mươi năm làm việc với Sở cảnh sát quận Waldo, trung uý Ingram chỉ chứng kiến một vụ duy nhất thực sự sôi nổi là một du khách say rượu bắn rơi một cái đầu nai sừng ra khỏi bức tường trong một tiệm đồ cổ. Bây giờ vụ ám sát George Mellis được đăng trên trang đầu của báo chí: ông Ingram nghĩ rằng đây là một cơ hội để tạo tên tuổi cho ông. Với chút ít may mắn, nó có thể dẫn đến cho ông một việc làm giống như một thám tử trong sở cảnh sát của thành phố New York. Vì vậy, vào lúc này, ông nhìn Nick Pappas và nói lẩm bẩm. “Tôi chưa biết” Như đã đọc được ý nghĩ của Ingram, Nick Pappas nói, “Chúng tôi không hề nghĩ đến công trạng nào trong việc này cả. Trong vụ này rồi đây sẽ có nhiều áp lực cho nên chúng ta cần phải giải quyết nó xong cho nhanh. Tôi có thể bắt đầu bằng cách cung cấp cho anh về lí lịch của George Mellis”. Ingram nghĩ rằng ông không có gì mất mát cả nên ông nói, “Thôi được, tôi đồng ý.” Alexandra nằm trên giường, sau khi uống khá nhiều thuốc ngủ. Trí óc nàng khăng khăng không chịu chấp nhận sự kiện rằng George đã bị ám sát. Làm sao có thể như vậy được? Không có lí do nào để cho người ra giết anh ấy cả. Cảnh sát đã nói đến vết thương do dao đâm nhưng họ đã lầm. Đó chỉ là do một tai nạn tình cờ nào đó. Không ai lại muốn giết anh ấy cả... Không ai muốn giết anh ấy... Chất thuốc phiện do bác sĩ Harley cho nàng uống bắt đầu có tác dụng. Nàng ngủ thiếp đi. Eve choáng váng khi nghe tin người ta đã tìm ra xác Mellis. Nhưng có lẽ, đó là điều may, Eve nghĩ thầm. Alexandra sẽ là kẻ bị tình nghi. Nó có mặt ở trên đảo vào lúc ấy. Bà Kate ngồi bên cạnh Eve trên đi văng trong phòng khách. Tin tức vừa qua đã khiến cho bà sửng sốt. “Tại sao lại có kẻ nào đó muốn giết George kia chứ?” Bà hỏi. Eve thở dài. “Cháu không biết, bà ạ. Thực sự cháu không hiểu. Tim cháu như vỡ ra vì thương hại Alexandra quá chừng” Trung uý Ingram thẩm vấn nhân viên trông coi tàu phà Lincoln - Isleboro. “Anh có chắc không thấy cả vợ lẫn chồng Mellis trên chuyến tàu phà ngày thứ sáu chứ?” “Họ không đi trên chuyến phà vào lúc ca tôi phụ trách. Tôi cũng đã dò hỏi nhân viên phụ trách vào buổi sáng hôm ấy, anh ta cũng không thấy họ. Có lẽ họ đi đến đó bằng máy bay”. “Thêm một câu hỏi nữa, Lew, có người lạ mặt nào đi phà vào ngày thứ sáu không?” “Mẹ kiếp, anh cũng biết rằng không có người lạ mặt nào đi đến đảo ấy vào thời gian này trong năm. Có một số du khách vào mùa hè - nhưng vào tháng mười một ấy à? Có chó nó đi!” Trung uý Ingram lại đi đến gặp viên quản đốc phi trường Isleboro. Anh ta nói, “Chắc chắn George Mellis không đến đây bằng máy bay vào tối hôm ấy. Có lẽ ông ta đến đảo bằng tàu phà”. “Lew nói rằng anh ấy không thấy Mellis” “Thế thì hẳn ông ta bơi qua vịnh. Có thể như thế được hay sao?” “Thế còn bà Mellis?” “Có, bà ấy đến đây bằng chiếc máy bay Beechcraft vào lúc mười giờ. Thằng con trai tôi, Charley, đã lái xe cho bà ta từ phi trường đến ngôi nhà Cedar Hill”. “Tâm trạng của bà Mellis lúc ấy có vẻ như thế nào?” “Anh hỏi thật là buồn cười. Bà ấy có vẻ sốt ruột như ngồi trên lửa bỏng vậy. Ngay cả thằng con tôi cũng nhận thấy điều ấy. Thường ngày, bà ấy điềm đạm, ăn nói lúc nào cũng vui vẻ với mọi người. Nhưng tối hôm ấy, bà ta có vẻ hấp tấp lắm”. “Thêm một câu hỏi nữa. Có người lạ mặt nào đến đây bằng máy bay vào trưa hôm ấy không? Vào buổi tối? Có mặt nào quen thuộc không?” Anh ta lắc đầu. “Không. Toàn là người quen biết cả.” Một giờ sau, Ingram điện thoại cho Nick “Những tin tức mà tôi thu thập được đến giờ đều rối mù. Tối thứ sáu, bà Mellis đến Isleboro bằng máy bay riêng vào lúc mười giờ, nhưng không có chồng bà ta theo. Chồng bà ta cũng không đi đến đó bằng máy bay hay bằng tàu phà. Thật sự, không có dấu vết nào chứng tỏ ông ấy có mặt trên đảo vào tối hôm ấy” “Ngoại trừ nước thuỷ triều” “Phải” “Kẻ nào giết Mellis có lẽ sẽ ném y xuống bể từ một chiếc thuyền, nghĩ rằng thuỷ triều sẽ cuốn xác y ra bể. Anh có kiểm soát chiếc Corsair chưa?” “Tôi đã xem khắp nơi. Không có vết máu cũng chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ có xảy ra bạo lực”. “Tôi muốn đem một chuyên viên toà án đến đó xem. Anh có thấy trở ngại gì không?” “Không, chừng nào anh vẫn có nhớ điều thoả thuận của chúng ta.” “Tôi vẫn nhớ. Gặp anh vào ngày mai.” Nick Pappas và một toán chuyên viên đến vào sáng hôm sau. Trung uý Ingram dẫn họ đi đến bến tàu của nhà Blackwell, nơi có chiếc du thuyền Corsair đang đậu. Hai giờ sau, các chuyên viên nói, “Có vẻ như chúng ta đã vớ được món bở rồi, Nick ạ. Có một số vết máu ở bên dưới tấm rào chắn gió”. Trưa hôm ấy, các phòng thí nghiệm của cảnh sát xác nhận rằng các vết máu ấy phù hợp với loại máu của George Mellis. Khu vực cảnh sát “tất lụa” của vùng Manhattan vào lúc này bận rộn hơn bao giờ hết. Một loạt những vụ ma tuý, rượu chè xảy ra suốt đêm đã làm các lồng giam người đầy ắp và và các phòng giam cũng đông nghẹt bọn gái điếm, bọn say rượu và những kẻ xâm phạm tiết hạnh. Tiếng ồn ào và mùi hôi thối tranh nhau lôi cuốn sự chú ý của Peter Templeton trong khi anh được dẫn đến văn phòng của Nick Pappas giữa tiếng động đinh tai nhức óc. “Chào, Peter. Rất mừng anh ghé thăm tôi”. Trứơc đó, Pappas đã nói với anh bằng điện thoại, “Anh cứ giấu tôi mãi, anh bạn ạ. Hãy đến văn phòng tôi vào lúc sáu giờ, nêu không tôi cho toán truy nã lôi cổ anh đến đấy”. Khi toán người hướng dẫn rời khỏi văn phòng, Peter hỏi, “Câu chuyện này là thế nào, hở Nick? Có điều gì làm anh bực mình vậy?” “Để tôi nói cho anh biết cái gì làm tôi bực mình. Ấy là có đứa nó còn khôn ngoan hơn mình nữa. Anh có biết chúng tôi gặp chuyện gì không? Một anh chàng mất tích trên một hòn đảo mà anh ta chưa hề đặt chân đến”. “Chuyện ấy thì vô lí thực”. “Anh nói cho tôi nghe thử. Tên điều khiển chiếc tàu phà và anh chàng trông coi phi trường đều thề thốt rằng họ không thấy George Mellis vào đêm hắn mất tích. Cách duy nhất hắn có thể đi đến Dark Harbor là bằng xuồng máy. Chúng tôi hỏi tất cả những người lái xuồng máy trong vùng. Không ai thấy gì cả” “Có lẽ hắn không ở Dark Harbor tối hôm ấy”. “Phòng thí nghiệm của toà án lại nói khác. Họ tìm thấy bằng chứng rằng Mellis đã có mặt ở trong ngôi nhà đó. Hắn thay bộ quần áo làm việc bằng bộ quần áo đi thuyền và người ta tìm thấy xác hắn trong bộ quần áo này” “Hắn bị giết ở trong nhà hay sao?” “Trên chiếc du thuyền của nhà Blackwell. Xác hắn bị vứt ra khỏi thuyền. Kẻ nào giết hắn có lẽ nghĩ rằng dòng nước sẽ cuốn xác hắn đến tận nước Tàu” “Làm sao mà...” Nick Pappas giơ bàn tay rắn chắc của anh lên. “Đến lượt tôi nói. Mellis là bệnh nhân của anh. Chắc hẳn hắn có nói với anh về vợ hắn.” “Bà ấy có dính líu gì đến chuyện này?” “Đến mọi chuyện. Bà ấy là lựa chọn thứ nhất, thứ hai và thứ ba của tôi” “Anh điên rồi” “Này, một bác sĩ tâm thần như anh không bao giờ sử dụng những tiếng như là “điên”“ “Nick này, có lí do nào khiến anh nghĩ rằng Alexandra giết chồng bà ta?” “Bà ấy đã có mặt ở đó, và đã có một ý định nào đó. Bà ta đến hòn đảo vào lúc tối mịt đêm ấy với lí do là đã bị trì hoãn vì đón chị bà ấy ở một phi trưòng nhưng bà chị lại đến ở một phi trường khác” “Thế chị bà ấy nói thế nào?” “Khoan đã. Anh còn muốn bà ấy nói cái khỉ khô gì nữa? Họ là chị em sinh đôi. Chúng ta biết Mellis có mặt ở ngôi nhà ấy tối hôm ấy, nhưng vợ hắn lại thề thốt rằng bà ta không thấy mặt hắn. Nhà ấy lớn thật nhưng không quá lớn đến như vậy. Tiếp đó nữa, bà ta cho bọn gia nhân nghỉ làm việc vào ngày cuối tuần ấy. Tôi có hỏi bà ta lí do thì bà ấy bảo rằng đó là ý muốn của Mellis. Dĩ nhiên, George Mellis làm sao cãi lại được?” Peter ngồi yên một chỗ, suy nghĩ. “Anh nói rằng bà ấy có ý định. Vậy ý định ấy như thế nào?” “Anh có trí nhớ ngắn quá. Anh là người đầu tiên bảo tôi điều tra anh chàng ấy. Người đàn bà ấy lấy một thằng loạn trí thích bạo dâm bất cứ kẻ nào hắn tóm được. Có lẽ hắn đã đánh bà ta khá nhiều. Ta cứ cho rằng bà ta không còn muốn chơi với hắn nữa và đã đòi li dị. Hắn ta không chịu. Việc gì mà hắn phải chịu, chính hắn đã gây ra chuyện đó mà. Bà ấy không dám đưa hắn ra toà, vì như thế sẽ gây quá nhiều tai tiếng. Không còn cách nào khác nữa, bà ta phải giết hắn”. Anh ngả người vào lưng ghế. “Vậy thì anh muốn tôi giúp anh việc gì?”, Peter hỏi. “Tin tức. Anh đã ăn cơm trưa với vợ Mellis cách đây mười ngày”. Nick ấn nút trên máy ghi âm, “Chúng ta hãy ghi âm cuộc nói chuyện này, Peter ạ. Anh hãy nói cho tôi nghe về bữa ăn trưa hôm ấy. Thái độ Alexandra lúc ấy thế nào? Có vẻ căng thẳng không? Có giận dữ, sôi nổi cuồng nhiệt không?” “Nick ạ, tôi chưa hề thấy một người đàn bà có chồng nào mà lại có thái độ cử chỉ thoải mái, hạnh phúc đến như vậy” Nick Pappas nhìn anh giận dữ, tắt máy ghi âm đánh cộp một tiếng. “Đừng có xử tệ với tôi như vậy anh bạn ạ. Tôi đã gặp bác sĩ Harley sáng nay. Ông ấy đã cho Alexandra dùng thuốc để ngăn ngừa bà ấy tự tử!” Bác sĩ Harley đã tỏ ra rất lo lắng vì cuộc nói chuyện với trung uý Pappas. Viên thám tử này đã đi thẳng đến điểm chính yếu. “Gần đây ông có khám bệnh cho bà Mellis không?” “Tôi xin lỗi”, Bác sĩ Harley nói.”Tôi không có quyền nói về các bệnh nhân của tôi. Tôi e rằng không thể giúp ông được” “Được rồi. Tôi hiểu điều đó. Ông và họ là bạn cũ vơi nhau mà. Ông muốn giữ kín miệng về toàn thể câu chuyện. Đối với tôi thì như thế cũng được”. Nick đứng dậy. “Đây là một trường hợp giết người. Tôi sẽ trở lại trong vòng một giờ với một giấy phép để xem xét các sổ khám bệnh của ông. Nếu tôi tìm ra được những gì tôi muốn biết, tôi sẽ cung cấp tin ấy cho báo chí” Bác sĩ Harley nhìn Nick Pappas như dò xét. “Chúng ta có thể xử sự theo cách ấy, hay là ông nói cho tôi biết ngay bây giờ những gì tôi muốn biết, rồi tôi sẽ cố gắng giữ kín đến tối đa. Đồng ý chứ?” “Ông ngồi xuống đi”, Harley nói, Nick ngồi xuống. “Gần đây, Alexandra có một số vấn đề liên quan đến xúc cảm” “Vấn đề gì?” “Bà ấy bị suy sụp tin thần trầm trọng, và có nói đến chuyện tự vẫn” “Bà ấy có nói gì đến việc sử dụng một con dao không?” “Không bà ấy thường hay có những giấc mơ thấy mình bị chết đuối. Tôi cho bà ấy dùng thuốc Wellbutrin. Sau đó bà ấy trở lại, nói với tôi rằng bà ấy chưa đỡ, rồi tôi cho bà ấy dùng Monifensine - tôi không biết thuốc này có công hiệu hay không” Nick Pappas ngồi tại chỗ, cố sắp đặt các chi tiết lại với nhau trong đầu óc. Cuối cùng, anh ngẩng đầu lên hỏi. “Còn gì nữa không?” “Chỉ có thế thôi, trung uý ạ” Nhưng thật ra còn nhiều hơn thế nữa. Lương tâm của bác sĩ Harley đang dày vò ông. Ông đã cố ý không nhắc đến vụ đối xử tàn bạo của George Mellis đối với Eve Blackwell. Một phần lo lắng của ông là về chuyện ông đã không báo cáo chuyện ấy cho cảnh sát khi việc ấy xảy ra, nhưng phần lớn là vì ông muốn bảo vệ cho gia đình Blackwell. Ông không có cách nào biết được rằng có mối liên hệ nào hay không giữa vụ tấn công Eve và cái chết của George Mellis, nhưng bản năng bảo cho ông biết rằng tốt hơn hết là không nên nêu vấn đề ấy ra. Ông dự định làm tất cả những gì có thể được để bảo vệ cho bà Kate Blackwell. Muời lăm phút sau khi ông đưa ra quyết định, người nữ y tá của ông nói, “Bác sĩ Keith Webster gọi ông ở đường dây số hai, bác sĩ ạ” Sự việc diễn ra như thể chính lương tâm ông đang thúc đẩy ông. Webster nói, “Ông John này, tôi muốn ghé thăm ông vào xế chiều hôm nay. Ông có rảnh không?” “Tôi cố thu xếp. Mấy giờ?” “Năm giờ được không?” “Được, Keith ạ. Tôi sẽ gặp anh vào lúc ấy” Thế là sự việc không thể gác sang một bên một cách dễ dàng. Đến năm giờ, Harley mời Webster vào văn phòng. “Anh muốn dùng thức uống gì?” “Cảm ơn ông. Tôi không uống. Tôi xin lỗi vì đã quấy rầy ông như thế này” John Harley nhận ra rằng cứ mỗi lần gặp Keith Webster thì anh này lại đưa ra lời xin lỗi về một chuyện gì đó. Webster là một anh chàng bé nhỏ, hiền lành, không hề làm mất lòng ai, và chỉ thích làm vui lòng mọi người - giống như con chó con chờ đợi người ta vỗ lên đầu. Thật khó tưởng tượng được bên trong một con người nhợt nhạt, không màu sắc ấy lại ẩn nấp một tài năng thật xuất sắc. “Anh cần tôi có chuyện gì vậy, Keith?” Keith Webster thở một cái thật sâu. “Về câu chuyện - như ông biết rồi đấy - chuyện George Mellis đánh đập cô Eve Blackwell ấy?” “Có chuyện gì liên quan đến việc ấy?” “Ông cũng biết rằng cô Eve suýt chết” “Phải” “Thế nhưng vấn đề ấy không được cảnh báo cho cảnh sát. Do những sự việc vừa xảy ra - vụ ám sát George Mellis và tất cả mọi thứ - tôi tự hỏi rằng không biết mình có nên nói với cảnh sát về chuyện ấy hay không.” Sự thể là như vậy. Không còn cách nào thoát ra khỏi vấn đề rắc rối ấy nữa. “Anh nên làm bất cứ thứ gì mà anh cho là tốt nhất, Keith ạ.” Keith Webster nói một cách buồn bã. “Tôi biết. Chỉ có điều là tôi không muốn làm điều gì có hại cho Eve Blackwell. Nàng là một con người rất đặc biệt.” Bác sĩ Harley nhìn Webster một cách thận trọng. “Đúng vậy” Keith Webster thở dài. “Điều băn khoăn duy nhất, bác sĩ John ạ, là nếu tôi giữ kín câu chuyện này bây giờ, rồi sau này cảnh sát phát hiện ra thì không còn mặt mũi nhìn ai nữa” Điều đó tai hại cho cả hai chúng ta, John Harley nghĩ thầm. Ông thấy có một lối giải quyết. Ông nói, làm ra vẻ tình cờ. “Không chắc cảnh sát sẽ tìm ra được. Eve tất nhiên không bao giờ nhắc chuyện ấy, và anh đã chữa trị cho cô ấy một cách toàn hảo. Ngoài một cái sẹo nhỏ, không ai biết cô ấy đã bị làm xấu xí mặt mày”. Keith Webster chớp mắt một cái, “Vết sẹo nào?” “Vết sẹo màu đỏ trên trán ấy. Cô ấy bảo tôi anh sẽ làm cho mất vết sẹo ấy đi trong vòng một vài tháng” Bác sĩ Webster bây giờ chớp mắt lia lịa. Đó là một cái tật máy giật, Harley thầm nghĩ. “Tôi không... thế ông gặp cô Eve lúc nào?” “Cô ấy đến đây cách đây mười ngày để nói về một vấn đề liên quan đến em cô ấy. Thật ra, cái sẹo ấy là thứ duy nhất giúp tôi nhận ra rằng đó là Eve, chứ không phải Alexandra. Hai người ấy giống nhau như hệt, anh biết không?” Keith Webster gật đầu chậm rãi. “Phải tôi đã thấy ảnh cô em của Eve trên báo. Họ giống nhau đến kì lạ. Và ông nói rằng ông chỉ có thể phân biệt được họ là nhờ ở cái sẹo trên trán cô Eve do cuộc mổ xẻ tôi đã thực hiện?” “Đúng như vậy” Bác sĩ Webster ngồi im lặng, cắn môi suy nghĩ. Cuối cùng anh nói. “Có lẽ tôi chưa nên đi vội đến sở cảnh sát. Tôi muốn suy nghĩ về vấn đề này thêm chút nữa”. “Thành thực mà nói, anh làm như thế là khôn ngoan, Keith ạ. Hai cô gái ấy đều trẻ đẹp và dễ thương cả. Báo chí gợi ý xa xôi rằng cảnh sát nghi rằng chính Alexandra đã giết George Mellis. Thật vô lí. Tôi nhớ lại khi chúng còn là hai đứa bé gái...” Nhưng bác sĩ Webster không còn nghe gì nữa. Rời khỏi văn phòng bác sĩ Harley, Keith Webster chìm đắm trong suy nghĩ. Chắc chắn anh đã không để lại một vết sẹo nào trên khuôn mặt xinh đẹp của Eve. Thế nhưng Harley đã thấy có vết sẹo ấy. Có thể rằng Eve đã bị thêm một vết sẹo sau đó do một tai nạn nào khác. Nhưng tại sao cô ấy phải nói dối? Thật là vô lí. Anh xét vấn đề này từ nhiều khía cạnh, lược qua tất cả mọi khả năng khác nhau, rồi khi đã đi đến một kết luận, anh thầm nghĩ, “Nếu mình nghĩ đúng thì điều này sẽ thay đổi toàn thể cuộc sống của mình...” Vào lúc sáng sớm tiếp theo đó, anh gọi điện thoại cho bác sĩ Harley. “Ông John ạ, tôi xin lỗi đã quấy rầy ông. Có phải ông nói rằng Eve Blackwell đến nói chuyện với ông về Alexandra không?” “Đúng vậy”. “Sau khi Eve đến thăm ông. Alexandra có đến gặp ông không?” “Có, thật ra cô ấy đến gặp tôi ngay ngày hôm sau. Tại sao anh hỏi vậy?” “Chỉ vì tò mò thôi. Ông có thể cho biết Alexandra đến gặp ông về chuyện gì không?” “Cô ấy bị suy sụp tinh thần trầm trọng. Eve cố tìm cách giúp đỡ em gái” Eve đã bị đánh đập và suýt bị chồng Alexandra giết. Ấy thế mà bây giờ người chồng ấy bị giết thì Alexandra lại bị buộc tội. Keith Webster luôn luôn tự cho rằng mình không phải là người xuất sắc cho lắm. Ở trường học anh đã phải cố gắng hết sức để chỉ đạt được điểm vừa đủ đỗ thôi. Anh là cái đích thường trực để bạn bè chòng ghẹo, đùa giỡn. Anh không phải là một vận động viên thể thao, một học giả, và cũng không có khả năng tiếp xúc xã hội. Anh gần như một con số không. Trong gia đình anh không ai có thể ngờ rằng anh lại có thể vào được trường y khoa. Khi anh có ý muốn trở thành nhà phẫu thuật, các bạn bè. thầy giáo đều không mong đợi anh sẽ trở thành một phẫu thuật gia vĩ đại. Nhưng anh đã làm cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên. Anh trở thành một nhà nặn tượng tuyệt vời đã tạo nên những phép lạ với da thịt con người chứ không phải với đất sét, và chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng tăm của anh lan rộng. Thế nhưng mặc dầu thành công như vậy, anh không thể nào vượt qua được sự chấn thương của thời tuổi trẻ. Bên trong, anh vẫn là một cậu bé con gây buồn chán cho mọi người, và là đối tượng cho các cô gái chế giễu, trêu chọc... Cuối cùng anh gọi điện thoại đến Eve, hai bàn tay anh ướt đẫm mồ hôi. Nàng trả lời qua đường dây, “Rorry đó hả?” Giọng nàng thấp và sôi nổi. “Không, đây là Keith Webster” “À, chào anh” Anh nghe nàng thay đổi giọng nói. “Cô có được khoẻ không?” “Khoẻ” Anh thấy nàng có vẻ như sốt ruột. “Tôi.. tôi muốn gặp cô” “Tôi không muốn gặp ai cả. Nếu anh đọc báo chắc anh cũng rõ rằng người em rể tôi vừa bị giết. Tôi đang hết sức buồn phiền.” Anh chùi tay trên quần. “Chính tôi đang muốn gặp cô về chuyện ấy, cô Eve ạ. Tôi có một số tin tức cô cần phải biết.” “Tin gì?” “Tôi không muốn nói trên điện thoại “. Anh có thể tưởng tượng trí óc lúc này của Eve đang hoạt động. “Được rồi, Vậy khi nào gặp?” “Ngay bây giờ, nếu tiện” Khi anh đến căn hộ của Eve ba mươi phút sau đó, Eve ra mở cửa và nói.” Tôi đang bận lắm. Anh muốn gặp tôi về chuyện gì?” “Về cái này,” Webster nói như để xin lỗi. Anh mở một phong bì bằng giấy dày đang cầm ở tay, lấy ra một tấm ảnh, rụt rè đưa cho Eve. Đó là một tấm ảnh của nàng. Nàng nhìn tấm ảnh, tỏ vẻ ngạc nhiên. “Vậy có chuyện gì?” “Đó là một bức ảnh của cô.” “Biết rồi,” nàng cộc lốc, “Vậy thì sao?” “Ảnh này chụp lúc cô vừa được mổ xong.” “Có gì lạ đâu?” “Không có vết sẹo nào trên trán cô cả, cô Eve ạ” Anh nhận ra sự thay đổi trên nét mặt Eve. “Anh ngồi xuống đi.” Anh ngồi xuống đối diện với nàng, trên mép chiếc đi văng, nhưng vẫn nhìn nàng không rời mắt. Anh đã nhìn thấy nhiều đàn bà xinh đẹp trong lúc hành nghề, nhưng Eve Blackwell đã làm anh hoàn toàn mê mẩn tâm thần. Anh chưa hề bao giờ thấy ai giống như nàng. “Tôi nghĩ cô nên nói rõ cho tôi biết tất cả chuyện này” Anh khởi sự ngay từ lúc đầu. Anh nói với nàng về cuộc viếng thăm bác sĩ John Harley, và về vết sẹo bí mật. Trong khi nói, Webster vẫn nhìn vào đôi mắt nàng. Đôi mắt ấy có vẻ như không có tinh thần. Khi Webster nói xong. Eve tiếp lời, “Tôi không biết anh đang nghĩ gì, nhưng dù thế nào chăng nữa, anh đã làm tôi mất quá nhiều thời giờ. Còn về cái sẹo ấy, tôi đùa giỡn chút xíu với cô em gái tôi mà thôi. Chỉ đơn giản có như vậy. Bây giờ nếu anh nói xong rồi. Tôi còn phải làm nhiều chuyện khác nữa.” Webster vẫn ngồi yên tại chỗ, “Tôi xin lỗi đã quấy rầy cô. Tôi nghĩ tôi cần phải nói chuyện với cô trước khi đi đến sở cảnh sát” Đến đây thì anh nhận thấy đã thu hút hoàn toàn sự chú ý của Eve. “Trời ơi, anh định đến sở cảnh sát làm gì?” “Tôi bắt buộc phải báo cáo về vụ George Mellis đã bạo hành đối với cô trước đây. Rồi đến chuyện cô và vết sẹo trên trán. Tôi chưa hiểu về chuyên này, nhưng chắc chắn cô có thể giải thích rõ cho họ” Eve lần đầu tiên cảm thấy sợ hãi, như có một vết dao đâm vào lưng. Cái anh chàng bé nhỏ buồn tẻ đần độn đang đứng trước mặt nàng không biết câu chuyện đã thực sự xảy ra như thế nào, nhưng anh ta cũng biết khá nhiều để khiến cảnh sát phải đặt ra câu hỏi. George Mellis là người khách thường xuyên đến căn hộ này của nàng. Cảnh sát có thể tìm ra những nhân chứng đã từng thấy anh ta tại đây. Nàng đã nói dối về chuyện nàng ở Washington vào đêm xảy ra vụ Mellis bị giết. Nàng không có bằng chứng nào chứng tỏ nàng vắng mặt. Nàng đã tưởng rằng không cần có bằng chứng ấy. Nếu cảnh sát biết rằng George Mellis đã suýt giết nàng, họ sẽ nghĩ rằng đó là lí do gây nên vụ án mạng. Toàn thể kế hoạch của nàng của nàng sẽ bị phanh phui. Nàng cần buộc anh chàng này phải im tiếng. “Vậy thì anh muốn gì? Tiền?” “Không!” Nàng thấy vẻ tức giận hiện ra trên mặt Webster. “Vậy thì cái gì?” Webster nhìn xuống tấm thảm, mặt đỏ lên vì bối rối. “Tôi... tôi rất mến cô, Eve ạ. Tôi không muốn thấy bắt cứ chuyện gì xảy ra với cô.” Nàng cố nở nụ cười. “Không có chuyện gì tai hại xảy ra cho tôi đâu. Tôi không làm điều gì sai lầm cả. Hãy tin tôi đi. Tất cả chuyện này không có liên quan gì đến vụ ám sát George Mellis cả”. Nàng đưa tay ra, cầm lấy tay Webster, “Tôi rất cảm ơn anh nếu anh vui lòng quên tất cả chuyện này đi, Được chứ?” Anh chụp lấy tay nàng, bóp thật chặt. “Tôi cũng muốn như vậy, cô Eve ạ. Tôi thành thực muốn vậy. Nhưng họ sẽ bắt đầu cuộc điều tra ấy và phải nói tất cả những gì tôi biết”. Webster thấy rõ vẻ hoảng sợ trong cặp mắt nàng. “Anh không cần phải làm việc ấy!” Webster vỗ nhẹ trên tay nàng. “Tôi phải làm, cô Eve ạ. Đó là nhiệm vụ đã được tuyên thệ của tôi. Chỉ có một điều duy nhất có thể ngăn cản tôi làm việc ấy.” Anh thấy nàng như chực nhảy lên để đớp các lời nói của anh. “Điều gì vậy?” Giọng anh trở nên rất dịu dàng. “Một người chồng không thể bị bó buộc phải làm nhân chứng cho vợ mình.” Chương 35 Lễ cưới được cử hành hai ngày trước khi có cuộc điều tra án mạng. Eve và Webster cưới nhau trước sự hiện diện của một viên thẩm phán trong phòng làm việc của ông ta. Chỉ riêng ý tưởng làm vợ Keith Webster cũng đủ làm cho Eve nổi da gà, nhưng nàng không có lựa chọn nào khác nữa. Chỉ có kẻ nào điên rồ mới nghĩ rằng mình sẽ lấy anh ta vĩnh viễn, nàng nghĩ thầm. Sau khi cuộc điều tra chấm dứt, nàng sẽ xin vô hiệu hoá cuộc hôn nhân này, thế là xong chuyện. Thám tử Nick Pappas đang có một vấn đề. Anh tin chắc rằng anh đã biết thủ phạm giết George Mellis là ai rồi, nhưng anh vẫn chưa thể chứng minh được. Anh gặp phải sự im lặng thông đồng xung quanh gia đình Blackwell mà anh không có cách nào phá vỡ được. Anh thảo luận vấn đề này với cấp trên anh, đại uý Harold Cohn, một cảnh sát viên trên đường phố đã do công lao của mình leo dần lên những cấp bậc cao hơn. Cohn lẳng lặng nghe Pappas trình bày, rồi nói, “Toàn là hoả mù cả, Nick ạ. Anh chẳng có bằng cớ khỉ khô gì cả. Đem chuyện ấy ra toà thì họ cười cho thối mũi.” “Tôi biết,” Trung uý Pappas nói, “Nhưng tôi đúng.” Anh ngồi yên một lúc suy nghĩ. “Tôi muốn nói chuyện với bà Kate Blackwell, anh có cho phép không?” “Lạy chúa, để làm gì kia chứ?” “Thì cũng giống như mình đi câu hú hoạ vậy. Bà ấy làm chủ cái gia đình ấy. Có thể bà ta có một số tin tức mà ngay cả bà ấy cũng không biết là mình có.” “Anh phải cẩn thận mới được” “Tôi xin hứa” “Và phải nhẹ nhàng với bà ta, Nick ạ. Hãy nhớ rằng bà ấy là một bà già!” “Chính tôi nhờ ở chỗ ấy đấy,” Pappas nói. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào lúc trưa ở văn phòng bà Blackwell. Nick Pappas đoán là bà ta ở vào tuổi tám mươi, nhưng bà trông vẫn còn mạnh khoẻ, sáng suốt. Bà không bộc lộ vẻ căng thẳng như viên thám tử biết là bà chắc chắn phải cảm thấy vào lúc này. Bà là một con người kín đáo, nhưng đã bị bắt buộc phải nhìn thấy tên dòng họ Blackwell trở thành đề tài cho mọi người bàn tán và phỉ báng. “Viên thư kí của tôi nói rằng ông muốn gặp tôi về một việc khẩn cấp nào đó.” “Thưa bà, vâng ạ. Ngày mai sẽ có cuộc điều tra về cái chết của George Mellis. Tôi có lí do để tin rằng người cháu gái của bà có liên quan đến vụ án mạng này.” Bà Kate trở nên tuyệt đối cứng rắn. “Tôi không tin” “Xin bà nghe tôi nói cho hết, thưa bà Blackwell. Cuộc điều tra nào của cảnh sát cũng bắt bằng một câu hỏi về lí do gây ra án mạng. George Mellis là một tên đào mỏ và là một kẻ bạo dâm đồi bại.” Nick thấy rõ phản ứng hiện trên mặt bà, nhưng anh vẫn tiếp tục nói, “Hắn cưới cháu gái bà, rồi đột nhiên thấy mình nắm trong tay một tài sản lớn. Tôi đoán rằng hắn ta đã đánh đập Alexandra nhiều lần, và khi cô ấy đòi li dị, hắn đã từ chối. Lối thoát duy nhất cô ấy có thể dứt bỏ hắn là trừ khử hắn đi.” Kate nhìn thẳng vào anh, tái xám mặt mày. “Tôi đã bắt đầu tìm bằng chứng để hỗ trợ cho thuyết này. Chúng tôi biết George Mellis có mặt ở ngôi nhà Cedar Hill trưóc khi hắn mất tích. Chỉ có hai cách đi đến Dark Harbor từ đất liền, bằng máy bay hay tàu phà. Theo trạm cảnh sát địa phương, George đã không dùng phương tiện nào trong hai phương tiện này. Tôi không tin vào các phép lạ, nên tôi không tin rằng Mellis có thể bước đi trên nước được. Khả năng duy nhất còn lại là hắn đã thuê một chiếc xuồng ở đâu đó dọc bờ biển. Tôi bắt đầu điều tra các nơi cho mướn xuồng thì tìm đúng ngay ra được bến cảng Gilkey Harbor. Lúc bốn giờ chiều, vào ngày George bị giết, một người đàn bà đã thuê một chiếc xuồng máy và nói rằng một người bạn cô ta sẽ đến lấy nó sau đó. Cô ta trả tiền mặt, nhưng cô ta phải kí trên giấy thuê xuồng. Cô ta lấy tên là Solange Dunas. Bà có thấy tên ấy gợi cho bà nhớ lại điều gì không?” “Có chứ. Cô ấy... cô ấy là cô giáo nuôi trẻ vẫn từng trông nom hai đứa song sinh ấy khi chúng nó còn nhỏ. Cô ấy trở về Pháp lâu rồi.” Pappas gật đầu, một vẻ thoả mãn thoáng qua trên nét mặt. “Xa hơn một chút nữa, cũng trên bờ bể ấy, cũng người đàn bà ấy đưa thuyền ra khơi rồi trở lại đó ba giờ sau. Tôi đưa cho các nhân viên cho thuê xuồng ở đây xem một bức ảnh của Alexandra. Họ đều tin đó là cô ta, nhưng không chắc chắn lắm, bởi vì người thuê xuồng ấy là một cô gái có tóc nâu”. “Vậy thì có gì khiến ông nghĩ rằng…” “Cô ấy đeo tóc giả.” Kate nói bằng một giọng cứng rắn, “Tôi không tin rằng Alexandra giết chồng nó.” “ Tôi cũng vậy, thưa bà Blackwell.”, trung uý Pappas nói, “đó là chị cô ấy, tức là Eve.” Bà Kate Blackwell sững sờ như một tượng đá. “Alexandra không thể làm chuyện ấy được. Tôi đã điều tra về những sự đi lại của cô ấy vào ngày xảy ra vụ án mạng. Sớm hôm ấy cô ta ở New York với một người bạn, rồi bay thẳng từ New York đến hòn đảo. Không có cách nào cô ta thuê hai chiếc xuồng máy này được.” Anh vươn người về phía trước. “Vậy tôi nghĩ chỉ còn lại một người giống hệt như Alexandra; người ấy đã kí tên Solange Dunas. Đó là Eve. Tôi bắt đầu đi tìm lí do vì sao cô ấy đã làm như vậy. Tôi đưa ảnh George Mellis ra cho những người thuê các căn hộ trong cư của Eve thì mới biết rằng Mellis là người khách thường xuyên lui tới nơi ấy. Viên quản đốc trông coi chung cư ấy cho biết rằng có một đêm nọ, khi Mellis có mặt tại đó, Eve bị đánh đập gần chết. Bà có biết chuyện ấy không?” “Không,” giọng nói của bà Kate nghe như tiếng thều thào. “Chính Mellis đã làm chuyện ấy. Nó phù hợp với thói quen của hắn. Còn động cơ của Eve là sự trả thù. Cô ấy dụ hắn đến Dark Harbor rồi giết hắn.” Anh nhìn bà Kate, và cảm thấy hối hận day dứt vì đã lợi dụng bà già này. “Eve lấy cớ là cô ấy ở Washington D.C ngày hôm ấy. Cô ta cho người lái xe taxi tờ bạc một trăm đô la để cho người ấy nhớ đến cô ta, sau đó cô ta làm ầm ĩ lên về chuyện trễ chuyến máy bay đi Washington. Nhưng tôi không nghĩ rằng cô ấy thật sự đi Washington. Tôi tin rằng chính cô ta đã đội tóc giả, đi một chiếc máy bay thương mại đến Maine, ở đó cô ta thuê hai chiếc xuồng ấy. Cô ta giết Mellis, quẳng xác hắn ta xuống bể, sau đó neo thuyền lại trong bến, kéo chiếc xuồng máy dư thừa vào bến tàu cho thuê. Bến tàu này lúc ấy đã đóng cửa.” Bà Kate nhìn Nick Pappas hồi lâu, rồi chậm rãi nói, “Tất cả bằng chứng ông đưa ra đều là suy diễn cả, phải thế không?” “Phải.” Anh sẵn sàng xông vào để hạ thủ. “Tôi cần bằng chứng cụ thể cho cuộc điều tra sắp tới. Bà biết về cháu gái của bà hơn ai hết, thưa bà Blackwell, tôi muốn bà nói cho tôi biết bất cứ chi tiết nào có thể ích lợi trong vụ này.” Bà ngồi yên lặng, suy nghĩ. Cuối cùng, bà nói, “Tôi nghĩ rằng tôi có thể cung cấp một chi tiết ích lợi cho cuộc điều tra này.” Tim của Pappas bắt đầu đập nhanh hơn. Anh đã thử làm nhưng không chắc thành công, thế mà anh đã đạt được kết quả. Bà già ấy cuối cùng sẽ phải cung cấp điều mà anh đang cần. Anh vô tình vươn người ra phía trước. “Vâng, thưa bà Blackwell.” Bà Kate nói một cách chậm rãi và rõ ràng. “Ngày mà George Mellis bị giết, ông trung uý ạ, cháu gái tôi, Eve, và tôi đang cùng ở Washington D.C.” Bà thấy vẻ ngạc nhiên lộ ra rõ rệt trên mặt Pappas. Đồ ngu, bà Kate Blackwell thầm nghĩ, anh tưởng rằng tôi sẵn sàng đưa tên dòng họ Blackwell ra làm vật hi sinh cho anh hay sao? Tôi không bao giờ chịu cho báo chí lợi dụng tên tuổi gia đình Blackwell để mà hội hè tưng bừng với nhau đâu. Không, tôi sẽ trừng trị Eve Blackwell theo lối riêng của tôi. Theo phán quyết của đoàn điều tra, đây là một cái chết do một hay nhiều tên sát nhân vô danh. Với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn của Alexandra, Peter Templeton có mặt tại buổi thẩm tra tại toà án quận. Anh nói với nàng, “Tôi đến đó để nâng đỡ tinh thần thôi.” Alexandra đã trả lời rất lưu loát trước toà án, nhưng vẻ lo lắng, căng thẳng hiện rõ trên mặt và trong đôi mắt nàng. Trong giờ nghỉ giải lao, anh đưa nàng đến ăn trưa tại Lobster Pound, một tiệm ăn nhỏ đối diện với vịnh ở Lincolnville. “Khi nào xong vụ này, tôi nghĩ cô nên đi chơi một chuyến xa khỏi nơi này trong một thời gian,” Peter nói. “Phải, chị Eve có yêu cầu tôi cùng đi với chị ấy.” Mắt Alexandra tràn ngập đau đớn. “Tôi vẫn chưa tin rằng George đã chết. Tôi biết rằng chuyện ấy đã thật sự xảy ra, nhưng nó… nó vẫn có vẻ như không thực.” “Thiên nhiên bao giờ cũng có cách làm giảm nhẹ sự va chạm cho đến lúc con người có thể chịu đựng được sự đau đớn.” “Sự thật vô lí quá. Anh ấy là một người hết sức tốt.” Nàng ngẩng đầu lên nhìn Peter. “Anh đã nói chuyện với anh ấy, anh không thấy anh ấy là một con người tuyệt vời hay sao?” “Phải,” Peter chậm rãi. “Đúng như vậy.” Eve nói với Keith Webster, “Tôi muốn xin huỷ bỏ cuộc hôn nhân này, Keith ạ” Keith Webster chớp mắt nhìn vợ với vẻ ngạc nhiên. “Trời ơi, sao em lại muốn huỷ bỏ cuộc hôn nhân?” “Thôi đi nào, Keith. Anh nghĩ rằng tôi sẽ sống với anh suốt đời hay sao?” “Dĩ nhiên rồi. Em là vợ anh mà.” “Anh đang theo đuổi cái gì? Tiền bạc của gia đình Blackwell hả?” “Anh không cần tiền, em ạ. Anh làm ra tiền và có cuộc sống đầy đủ. Anh có thể cho em bất cứ thứ gì em muốn.” “Tôi đã nói với anh tôi muốn gì rồi. Đó là việc huỷ bỏ cuộc hôn nhân này.” Anh lắc đầu với vẻ ân hận. “Anh e rằng anh không thể cho em cái ấy được.” “Vậy thì tôi sẽ làm đơn xin li dị” “Anh nghĩ rằng điều ấy không nên. Em thấy đấy, chẳng có gì thật sự thay đổi cả. Cảnh sát chưa tìm ra kẻ giết em rể em, như vậy vụ án này vẫn còn để ngỏ. Không có đạo luật nào đặt ra các giới hạn về các vụ giết người cả. Nếu em li dị anh, anh bị bó buộc phải …” Anh giơ hai tay lên tỏ vẻ tuyệt vọng. “Anh nói như là chính tôi giết anh ấy không bằng.” “Chính em chứ còn ai nữa, Eve” Giọng nàng có vẻ khinh bỉ. “Trời đất ơi, làm sao mà anh biết?” “Đó chính là lí do duy nhất em đã chịu lấy anh.” Nàng nhìn Webster đầy ghê tởm. “Đồ khốn kiếp! Vì sao anh có thể làm như vậy đối với tôi?” “Rất đơn giản. Chỉ vì anh yêu em.” “Tôi ghét anh. Anh hiểu chứ? Tôi khinh bỉ anh.” Anh cười buồn bã. “Anh yêu em nhiều quá.” Cuộc đi chơi với Alexandra được hoãn lại. “Chị đi chơi tuần trăng mật ở Barbados,” Eve nói với Alexandra. Barbados là nơi chính Keith đã chọn. “Tôi sẽ không đi”, Eve nói thẳng thừng với Keith Webster. Ý tưởng về một tuần trăng mật với Webster thật là ghê tởm. “Nếu mình không đi chơi tuần trăng mật thì điều này có vẻ lạ lùng lắm.” Anh bẽn lẽn nói. “Chúng ta không muốn người ta đưa ra hàng tràng câu hỏi, phải thế không em?” Alexandra bắt đầu tới thăm Peter Templeton mỗi tuần một lần. Thoạt tiên chỉ vì lí do nàng muốn nói chuyện về George Mellis, vì nàng không có ai để nói chuyện về chàng. Nhưng sau nhiều tuần lễ, Alexandra thú nhận với chính mình rằng, nàng rất thích thú được làm bạn với Peter. Nàng thấy ở anh một con người đáng tin cậy mà nàng rất cần có vào lúc này. Anh tỏ ra nhạy cảm với mọi tâm trạng của nàng, hơn nữa anh lại thông minh và niềm nở. Anh nói với Alexandra, “Khi anh còn là bác sĩ nội trú, anh rời khỏi nhà vào giữa mùa đông rét buốt để đi thăm bệnh tại nhà lần đầu tiên. Bệnh nhân là một ông già mảnh khảnh nằm trên giường ho sù sụ. Anh sắp sửa muốn khám ngực ông ta bằng ống nghe, nhưng anh không muốn ông ta bị cảm giác lạnh bất ngờ, nên anh quyết định đặt ống nghe lên lò sưởi cho nó ấm trước đã, trong khi anh khám cổ họng và mắt. Khi anh lấy cái ống nghe rồi đặt nó lên ngực ông ta thì ông ta già nhảy chồm ra khỏi giường như một con mèo bị bỏng. Cơn ho của ông ta biến mất, nhưng phải mất hai tuần lễ mới chữa lành được vết bỏng.” Alexandra phá lên cười. Đó là tiếng cười đầu tiên của nàng sau một thời gian khá lâu. “Chúng ta có thể gặp lại nhau như thế này vào tuần sau không ?”, Peter hỏi. “Vâng, nếu anh muốn.” Tuần trăng mật của Eve hoá ra thú vị hơn Eve đã dự đoán rất nhiều.Vì da của Webster nhợt nhạt và nhạy cảm nên anh sợ đi ra ngoài nắng, cho nên Eve xuống bãi bể một mình hàng ngày. Nhưng nàng không bao giờ phải cô đơn quá lâu. Nàng bị vây quanh bởi những người cứu đắm đa tình trên bãi biển, những bọn vô công rồi nghề, những tên trùm tư bản và cả những kẻ ăn chơi. Thật giống hệt như một bữa tiệc gồm nhiều món khai vị tuyệt vời mà Eve tha hồ lựa chọn và thay đổi mỗi ngày. Nàng lại càng muốn hưởng các cuộc truy hoan phóng túng gấp đôi thế bởi vì nàng biết ông chồng nàng đang chờ đợi nàng trong phòng trên lầu. Chàng hầu hạ nàng như một con chó nhỏ nuôi trong nhà, phục vụ tay chân cho nàng. Nếu Eve bày tỏ ước muốn gì, điều ấy được thoả mãn ngay tức khắc. Nàng làm đủ mọi thứ để chửi rủa anh, chọc giận anh, làm cho anh quay lại chống nàng, để rồi anh sẵn lòng bỏ rơi nàng, nhưng tình yêu của anh vẫn không có gì lay chuyển nổi. Ý tưởng để cho Keith Webster ân ái với nàng khiến cho nàng cảm thấy ghê tởm, thế nhưng nàng cũng mừng là Webster có ham muốn tình dục yếu ớt. Tuổi tác đã bắt đầu đuổi kịp được mình rồi, bà Kate Blackwell thầm nghĩ. Quá nhiều năm chồng chất trong đời bà, và tất cả đều đầy đủ, phong phú. Kruger-Brent cần một bàn tay mạnh mẽ lèo lái. Nó cần một người thuộc dòng máu Blackwell. Không có một ai để tiếp tục sau khi mình qua đời, bà Kate thầm nghĩ. Tẩt cả những vận động, thiết lập kế hoạch và phấn đấu của mình cho công ty. Nhưng để cho cái gì? Cho những kẻ lạ mặt chiếm đoạt lấy nó vào một ngày nào đó hay sao ? Mẹ kiếp, mình không thể để cho chuyện ấy xảy ra được. Một tuần lễ sau tuần đi chơi trăng mật trở về, Keith Webster nói như để xin lỗi, “Anh e rằng anh sắp sửa phải trở lại với công việc, em ạ. Anh có nhiều ca phẫu thuật đã được xếp sẵn trên thời khoá biểu. Không có anh bên cạnh em suốt ngày, em có thấy buồn không?” Eve cố giữ vẻ mặt bình thản. “Em sẽ cố gắng”. Mỗi buổi sáng, Webster thức dậy và ra khỏi nhà rất sớm, và khi Eve thức dậy, đi xuống bếp, nàng thấy cà phê và các thức ăn sáng đã được dọn ra sẵn sàng cho nàng. Anh mở một chương mục ngân hàng khá lớn lấy tên Eve, và bỏ tiền thêm vào chương mục ấy đều đều. Eve tiêu xài không cần tính toán. Miễn sao Eve vui thích thế là Keith Webster cảm thấy sung sướng. Eve mua những thứ trang súc đắt tiền cho Rory, và sống với anh chàng này hầu như tất cả mọi buổi trưa. Y ta làm việc rất ít. “Tôi không thể tham dự vào bất cứ vai trò nào. Nó làm hỏng hình ảnh của tôi đi”. Y phàn nàn với Eve. “Em hiểu, anh yêu quý ạ”. “Em hiểu được sao? Em biết gì về nghệ thuật trình diễn trên sân khấu? Em sướng từ trong trứng sướng ra”. Thế là Eve lại mua một món quà tuyệt đẹp để xoa dịu y. Nàng trả hộ cho Rory tiền thuê nhà, mua cho y những bộ quần áo để xuất hiện trong những cuộc phỏng vấn, trả tiền ăn cho y tại các nhà hàng sang trọng để cho các nhà sản xuất phim ảnh trông thấy. Nàng muốn ở bên cạnh Rory hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn, nhưng phiền một nỗi là có chồng nàng ở đó. Eve thường về đến nhà lúc bảy tám giờ tối, và lúc ấy thì Keith Webster đang mặc áo tạp dề lúi húi làm cơm ở trong bếp. Anh không bao giờ hỏi vợ đi đâu về cả. Trong năm năm kế tiếp đó, Peter Templeton và Alexandra gặp nhau thường xuyên hơn. Người này trở thành một vai trò quan trọng đối với người kia. Peter thường theo Alexandra mỗi lần nàng đi đến dưỡng trí viện để thăm cha, và lối chia sẻ như vậy giúp cho sự đau khổ dễ dàng chịu đựng được hơn. Một buổi tối nọ, Peter gặp bà Kate, khi anh đến đó để đón Alexandra. “Thế ra anh cũng là một bác sĩ hả? Tôi đã đi dự hàng chục đám tang của các bác sĩ, thế mà tôi vẫn cứ sống nhăn răng. Anh có biết chút gì về kinh doanh không?”, Bà Kate hỏi. “Thưa bà Blackwell, tôi không biết nhiều lắm” “Các anh có tổ chức thành một nghiệp đoàn chứ?” “Không ạ”. Bà khịt mũi một tiếng. “Mẹ kiếp, anh chẳng biết gì cả. Anh cần có một người lo về thuế khoá thật giỏi. Tôi sẽ cho anh gặp một người của tôi rất giỏi về việc này. Việc đầu tiên người ấy làm là đưa anh vào nghiệp đoàn, rồi…” “Xin cảm ơn bà, thưa bà Blackwell, công việc tôi làm bấy lâu nay cũng đã quen rồi và tiến hành khá tốt”. “Ông nhà tôi xưa kia cũng bướng bỉnh như vậy”, bà Kate nói. Bà quay về phía Alexandra. “Mời anh ấy đến ăn cơm tối. Có lẻ bà có thể dạy cho anh ta khôn hơn được phần nào”. Ra khỏi nhà, Peter nói, “Bà nội em có vẻ ghét anh” Alexandra cười, “Bà thích anh đấy. Anh cần phải nghe người ta nói bà nội em đối xử như thế nào đối với những kẻ bà ấy ghét thì anh mới hiểu được” “Anh không biết bà nội em sẽ nghĩ như thế nào nếu anh nói với bà rằng anh muốn cưới em làm vợ, Alex….?” Nàng ngước mắt lên nhìn anh, nét mặt rạng rỡ, “Cả bà nội lẫn em đều sẽ cảm thấy như thế là tuyệt vời, Peter ạ.” Bà Kate quan sát sự diễn tiến của mối tình thơ mộng giữa Alexandra va Peter với vẻ thích thú. Bà mến ông bác sĩ trẻ, và nghĩ rằng anh ta sẽ là người chồng tốt của Alexandra. Nhưng bản chất bà là một người buôn bán, đổi chác. Lúc này, bà ngồi trước lò sưởi đối diện với hai người. “Nói thật với anh”, bà nói dối, “rằng điều này quả là bất ngờ đối với tôi. Xưa nay tôi vẫn mong rằng Alexandra lấy một nhà quản trị kinh doanh để sau này có thể nắm lấy việc điều khiển Công ty Kruger-Brent”. “Thưa bà, đây không phải là một lời đề nghị kinh doanh. Alexandra và tôi muốn thành hôn với nhau” “Về mặt khác”, Bà Kate tiếp tục nói như không có sự gián đoạn, “anh là một nhà tâm lí trị liệu. Anh hiểu trí tuệ và các xúc con người hoạt động như thế nào. Do đó, có lẻ anh sẽ là người điều đình rất giỏi trong công tác kinh doanh. Tôi muốn anh dính líu với công ty. Anh có thể…” “Không”, Peter đáp với vẻ cương quyết, “Tôi là một bác sĩ. Tôi không thích đi vào lĩnh vực kinh doanh”. “Đây không phải là đi vào lĩnh vực kinh doanh”, bà Kate gắt lên, “Chúng tôi không nói đến một cửa hiệu tạp hoá ở một góc phố nào đó. Anh sẽ là một thành phần của gia đình và tôi đang cần một người có thể điều khiển…” “Tôi xin lỗi”, giọng của Peter có vẻ dứt khoát, “Tôi sẽ không dính líu gì đến công ty Kruger-Brent. Bà sẽ phải tìm ra một người khác để làm công việc ấy…” Bà Kate đưa mắt về phía Alexandra. “Cháu có ý kiến gì về câu chuyện ấy hay không?” “Cháu muốn tất cả thứ gì có thể đem lại hạnh phúc cho Peter, bà ạ” “Thật là đồ vô ân bội nghĩa”, Bà Kate quắt mắt lên, “Cả hai đứa bây đều là ích kỉ”. Bà thở dài. “Thôi được. Biết đâu các người một ngày nào đó sẽ thay đổi ý kiến”. Rồi bà nói thêm, “Các người có định có con cái không nào?” “Đó là một vấn đề riêng tư. Tôi có cảm tưởng như bà là một người rất giỏi vận động con người, thưa bà Blackwell, nhưng Alex và tôi sẽ sống cuộc sống riêng của chúng tôi, và các con chúng tôi - nếu chúng tôi có con - cũng sẽ sống cuộc sống riêng của chúng nó” Bà Kate cười dịu dàng. “Anh sẽ không làm thế nào khác thế được, Peter ạ. Tôi đã tự đặt ra cho mình một nguyên tắc là suốt đời không bao giờ can thiệp vào cuộc sống của những người khác”. Hai tháng sau, Alexandra và Peter trở về nhà sau tuần trăng mật. Alexandra mang bầu. Khi bà Kate nghe được tin này, bà nghĩ thầm, “Tốt lắm, nó sẽ là một đứa con trai”. Eve nằm trên giường nhìn Rory trần truồng bước ra khỏi phòng tắm. Anh ta có một thân hình đẹp, rắn chắc, gọn gàng. Eve ưa thích lối ân ái của anh, nhưng vẫn chưa thấy được đầy đủ. Nàng ngờ rằng y có thể có nhiều nhân tình khác nữa, nhưng nàng ngại không dám hỏi sợ làm y buồn lòng. Lúc này, y đã đi đến giường nằm, đưa ngón tay vuốt nhẹ trên làn da của nàng ở ngay dưới đôi mắt, và nói, “Này, em bé ạ, em đã có ít nhiều vết nhăn rồi đó. Thế mà có duyên lắm đấy”. Mỗi lời nói như một nhát dao đâm, một điều nhắc nhở về sự khác biệt tuổi tác giữa họ với nhau, và cho biết rằng nàng nay đã hai mươi lăm tuổi rồi. Họ lại làm tình với nhau lần nữa, nhưng trí óc của nàng thì để ở đâu đâu. Gần chín giờ, Eve mới về đến nhà. Keith Webster đang phết mỡ lên miếng thịt nướng trên lò. Anh hôn nàng trên má. “Chào em yêu quý. Anh đã làm xong mấy món ăn em rất thích. Chúng ta sẽ ăn…” “Keith này, tôi muốn anh làm hết các vết nhăn này cho tôi” Anh chớp mắt. “Vết nhăn nào?” Nàng chỉ vùng dưới mắt. “Những vết này”. “Đó là những vết nhăn hiện lên khi em cười. Anh thích những cái ấy lắm! Em hãy tin ở anh. Đó là…” “Trời ơi, anh chỉ cần làm hết các vết nhăn ấy cho tôi. Nghề nghiệp sinh sống anh là như thế mà, phải thế không?” “Phải, nhưng mà … Thôi được”, anh cố gắng xoa dịu, “Nếu điều ấy làm cho em cảm thấy sung sướng thì anh cũng sẽ làm”. “Khi nào bắt đầu?” “Chừng sáu tuần lễ nữa. Thời khoá biểu của anh đã sắp đầy ắp cả rồi” “Tôi không phải là một trong các bệnh nhân chó chết của anh. Tôi là vợ anh”, Eve gắt lên. “Tôi muốn anh làm ngay bây giờ - ngày mai” “Bệnh viện đóng cửa vào ngày thứ bảy” “Vậy thì mở nó ra”. Cái anh chàng này thật ngu xuẩn! Trời ơi, làm sao dứt bỏ hắn ngay bây giờ ! Thế nào nàng cũng sẽ dứt bỏ hắn. Bằng cách này hoặc cách khác. Càng sớm càng tốt. “Em hãy đi vào trong phòng kia một lát”. Anh đưa nàng vào phòng trang điểm. Nàng ngồi xuống một chiếc ghế dưới ánh sáng chói lọi của một ngọn đèn, trong khi Webster cẩn thận xem xét mặt nàng. Chỉ trong chốc lát anh ta từ một anh chàng lù khù bé nhỏ, tự mãn, biến thành một nhà phẫu thuật xuất sắc. Eve cũng nhận ra được sự biến đổi ấy. Nàng nhớ lại phép lạ anh đã thực hiện trên khuôn mặt nàng trước đây. Lần phẫu thuật này đối với Keith có vẻ nhuu không cần thiết, nhưng anh đã lầm. Nó mang tính chất sống còn. Eve không thể nào chịu đựng được ý nghĩ sẽ phải mất Rory. Keith Webster tắt ngọn đèn rọi. “Không khó khăn gì!”. Anh trấn an nàng. “Anh sẽ bắt đầu làm vào ngày mai” Sáng hôm sau, cả hai người cùng đi đến bệnh viện. Webster nói, “Anh thường có một y tá giúp việc cho anh, nhưng với một việc nhỏ nhặt như thế này thì điều đó không cần thiết” “Anh có thể sửa đổi chút ít ở chỗ này cho tôi trong khi anh làm công việc ấy”. Nàng vừa nói vừa kéo chút ít lớp da ở cổ họng. “Nếu em muốn thì cũng được, em ạ. Để anh cho em một thứ thuốc, để em ngủ. Như vậy em sẽ chẳng thấy khó chịu gì cả. Anh không muốn em yêu quý của anh cảm thấy đau đớn”. Eve ngồi nhìn trong khi Webster đổ thuốc vào ống tiêm, rồi tiêm cho nàng một mũi. Dù có đau đớn, nàng cũng có thể chịu đựng được. Tất cả việc làm này là vì Rory, anh Rory yêu quý. Nàng nhớ đến thân hình rắn chắc như đá của Rory và cái nhìn thèm khát của anh ta. …Nàng dần dần trôi vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, nàng thấy mình nằm trên một chiếc giường trong một căn phòng ở phía sau của bệnh viện. Keith Webster đang ngồi trên ghế bên cạnh giường. “Kết quả thế nào?”. Giọng nàng vẫn còn lè nhè vì ngái ngủ. “Tốt lắm”, Webster tủm tỉm cười. Eve gật đầu rồi ngủ lại. Khi nàng thức dậy sau đó, Keith Webster vẫn còn ngồi tại chỗ. Anh nói, “Chúng ta còn phải để nguyên băng trong ít ngày nữa. Anh cần phải giữ em ở lại đây để tiện săn sóc chu đáo”. “Được rồi”. Webster kiểm soát hàng ngày, xem xét mặt nàng, rồi gật đầu nói, “Hoàn hảo”. “Khi nào thì tôi có thể nhìn thấy mặt tôi được?” “Vào khoảng thứ sáu này, tất cả sẽ lành hẳn” Anh cam đoan. Eve ra lệnh cho viên y tá trưởng phải gắn một điện thoại riêng bên cạnh giường nàng. Cú điện thoại đầu tiên nàng gọi là cho Rory. “Sao, em bé, em đang ở nơi quỷ quái nào đấy?” Rory hỏi, “Anh đang ‘hứng’ lắm đây”. “Thì em cũng thế, anh yêu quý ạ. Em vẫn còn đang bị bó chân bó cẳng vì cái hội nghị khỉ gió về y khoa của hắn ta ở Florida. Nhưng em sẽ trở về tuần sau”. “Phải đấy, em nên trở về” “Anh có nhớ em không?” “Nhớ như điên ấy” Eve nghe có tiếng thì thầm ở phía sau qua điện thoại. “Có ai đang đứng với anh ở đấy”. “Phải, anh và các bạn sắp có một cuộc truy hoan, say sưa chút xíu thôi mà”. Rory vẫn thích nói đùa. “Anh phải đi bây giờ đây”. Đường dây bị cúp. Eve điện thoại cho Alexandra, lắng nghe một cách chán nản câu chuyện của Alexandra, hăm hở báo tin cho Eve biết rằng nàng đang có mang. Eve nói, “Chị lúc nào cũng mong được trở thành một bà dì”. Eve ít khi gặp bà nội. Bà có vẻ lạnh nhạt, nhưng Eve không hiểu tại sao. Rồi đây bà ấy sẽ phải nhượng bộ thôi, Eve nghĩ thầm. Bà Kate không bao giờ hỏi về Keith Webster, nhưng Eve không trách bà bởi vì anh ta chẳng là gì hết. Có lẽ một ngày nào đó, Eve sẽ bàn với Rory để nhờ anh ta giúp mình trừ khử Keith Webster. Lúc ấy Rory sẽ ràng buộc với nàng vĩnh viễn. Thật là một chuyện hết sức khó tin nếu Eve ngày nào cũng cắm sừng lên đầu chồng mà anh ta không nghi ngờ hay không quan tâm gì cả. Nhưng mà, cảm ơn Chúa, kể ra thì anh ta cũng có tài năng về một phương diện nào đó. Các băng sẽ được tháo ra vào thứ sáu này. Eve dậy thật sớm vào sáng thứ sáu, và nóng lòng chờ đợi Keith Webster. “Bây giờ đã gần đến trưa rồi”. Nàng phàn nàn với chồng. “Anh ở đâu mà bây giờ mới đến?” “Anh xin lỗi, em yêu quý. Anh ở phòng mổ cả sáng hôm nay” “Tôi chẳng cần biết khỉ khô gì về cái chuyện ấy cả. Tháo băng ra, tôi muốn xem nó thế nào” “Được lắm” Eve ngồi thẳng dậy, yên lặng, trong khi Webster cắt băng ra khỏi mặt nàng một cách thành thạo. Anh lùi lại để ngắm mặt nàng. Nàng thấy vẻ hài lòng hiện lên trong đôi mắt anh. “Tuyệt hảo”. “Đưa cho tôi tấm gương soi” Anh vội vã đi ra khỏi phòng, rồi một lát sau trở lại với một tấm gương cầm tay. Với một vẻ hãnh diện, anh đưa tấm gương cho nàng. Eve chậm rãi đưa tấm gương lên mặt, rồi nhìn gương mặt nàng được phản chiếu trên đó. Rồi nàng thét lên một tiếng. Chương 36 Đối với bà Kate Blackwell, dường như bánh xe thời gian quay nhanh hơn, xô đẩy ngày tháng hối hả trôi qua, hoà lẫn mùa đông với mùa xuân, mùa hạ với mùa thu cho đến khi tất cả các mùa và năm tháng trộn lẫn vào nhau thành một. Lúc này bà đã ở vào những năm cuối của tuổi tám mươi rồi. Tám mươi mấy nhỉ? Đôi khi bà quên hẳn tuổi chính xác của bà. Bà có thể đương đầu với tuổi già, nhưng không thể nào chịu được ý nghĩ sẽ trở thành một bà già nhếch nhác, luộm thuộm. Vì vậy, bà ra sức chăm nom dáng vẻ bề ngoài của bà. Khi ngắm mình trong gương, bà thấy trước mặt bà một phụ nữ gọn gàng, dáng người thẳng thắn, kiêu hãnh, bất khuất. Hàng ngày bà vẫn đến văn phòng, nhưng đó là một động tác, một mưu mẹo để ngăn ngừa cái chết. Bà tham dự tất cả các cuộc họp của ban giám đốc, nhưng mọi việc không còn rõ ràng, sáng tỏ như xưa kia nữa. Mọi người xung quanh bà có vẻ như nói quá nhanh. Điều khiến bà bực dọc, lo lắng nhất là trí óc có vẻ như muốn chơi khăm bà. Quá khứ và hiện tại cứ trộn lẫn với nhau. Thế giới của bà thu hẹp lại, mỗi lúc một nhỏ hơn. Nếu có một sợi dây cứu mạng mà bà Kate nắm chặt lấy, một thứ động lực giúp cho bà tồn tại, ấy là niềm tin tưởng tha thiết rằng một ngày nào đó một người trong gia đình bà sẽ đảm trách công ty Kruger-Brent. Bà Kate không có ý định để cho những kẻ ở bên ngoài giằng lấy cái mà Jamie McGregor, Margaret, bà và David đã khổ sở, khó nhọc rất nhiều và rất lâu dài để gây dựng lên. Eve, kẻ mà bà đã hai lần đặt vào biết bao hi vọng, là một kẻ giết người. Hắn lại còn là một con người kì cục nữa, nhưng bà đã không cần phải trừng trị hắn. Bà đã gặp lại Eve một lần. Những gì mà hắn phải chịu đựng cũng đủ là một sự trừng phạt cho hằn rồi. Một hôm, Eve thấy mặt mình trong gương, nàng đã định tự vẫn. Nàng đã uống cả một lọ thuốc ngủ, nhưng Keith Webster đã kịp bơm dạ dày cho nàng, rồi đưa nàng về nhà. Anh quanh quẩn bên nàng thường trực. Khi anh phải đi đến bệnh viện, anh giao cho các y tá canh chừng nàng ngày cũng như đêm. “Xin anh cho tôi chết đi”, Eve năn nỉ chồng. “Tôi van anh, Keith! Tôi không muốn sống như thế này”. “Từ nay em hoàn toàn thuộc về anh”, Keith Webster nói. “Anh sẽ yêu em mãi mãi”. Hình ảnh khuôn mặt nàng như thế nào đã in khắc trong trí óc Eve. Nàng thuyết phục Keith đuổi các nữ y tá đi, vì nàng không muốn bất cứ một ai ở xung quanh nhìn thấy nàng, chõ mắt nhìn nàng chằm chằm. Alexandra thỉnh thoảng gọi điện thoại đến nàng, nhưng Eve từ chối không muốn gặp. Tất cả mọi thứ được gửi đến đều phải đặt ngoài cửa để cho không một ai nhìn thấy được mặt nàng. Người duy nhất gặp nàng là Keith Webster. Rốt cuộc anh là người duy nhất còn lại vói nàng. Anh là cái móc nối của nàng với thế giới bên ngoài, và nàng cảm thấy kinh hãi với ý nghĩ rằng một ngày kia Keith Webster cũng sẽ bỏ rơi nàng, để lại nàng cô đơn với vẻ mặt xấu xí - cái vẻ xấu xí không thể nào chịu đựng nổi. Mỗi buổi sáng vào lúc năm giờ, Keith Webster thức dậy, đi đến bệnh viện, còn Eve thì bao giờ cũng dậy trước anh để sửa soạn bữa ăn sáng. Đêm nào nàng cũng nấu cơm tối cho anh, và mỗi khi anh về nhà trễ, nàng cảm thấy lo lắng. Biết đâu anh ấy đã tìm thấy một người đàn bà nào khác? Biết đâu anh ấy không trở về với nàng nữa? Khi nghe tiếng chìa khoá lách cách ở cửa, nàng chạy đến mở cửa, rồi ngã vào vòng tay anh, ôm anh thật chặt. Nàng không bao giờ gợi ý anh cùng ân ái với nàng vì lo sợ anh sẽ từ chối, nhưng khi anh thật sự ân ái với nàng thì nàng có cảm tưởng như anh đang ban ân huệ cho nàng. Một lần, nàng rụt rè hỏi chồng, “Anh yêu quý, anh trừng phạt em như thế đã đủ chưa? Anh không thể nào sửa chữa lại khuôn mặt của em hay sao?” Anh nhìn nàng, nói một cách hãnh diện, “Không bao giờ có thể sữa chữa lại được, em ạ”. Thời gian trôi qua, mỗi lúc Keith Webster mỗi trở nên đòi hỏi, độc đoán hơn, cho đến khi Eve hoàn toàn trở thành một tên nô lệ của anh, phục vụ mọi nhu cầu bất chợt của anh. Vẻ mặt xấu xí của nàng buộc nàng vào anh chặt chẽ hơn cả những dây xích bằng xích sắt. Tất cả mọi người trong gia đình đều nhận được giấy mời cùng một ngày. Giấy mời viết : BÀ KATE BLACKWELL TRN TRỌNG KÍNH MỜI QUÝ VỊ ĐẾN DỰ LỄ SINH NHẬT THỨ CHÍN MƯƠI CỦA BÀ Ở NGÔI NHÀ CEDAR HILL, DARK HARBOR, MAINE, NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1982, HỒI TÁM GIỜ. ÁO VÉT VÀ NƠ ĐEN. Khi Keith Webster đọc giấy mời, anh đưa mắt nhìn Eve và nói, “Chúng ta sẽ cùng đi”. “Ồ, không đâu. Em không thể đi được. Anh đi đi. Em sẽ...” Anh nói, “Cả hai chúng ta đều sẽ đi cả”. Tony Blackwell đang vẽ trong vườn của dưỡng trí viện thì một người bạn đến gần anh. “Có một lá thư của anh này, Tony”. Tony mở phong bì ra, rồi với một nụ cười mơ hồ loé lên trên mặt, anh nói, “Tôi cũng thích dự các lễ sinh nhật”. Peter Templeton nhìn tấm thiệp một hồi, rồi nói, “Anh không thể nào tin được rằng bà “con gái” già ấy đã chín mươi tuổi rồi. Thật là một người đàn bà kì lạ”. “Lạ thật, anh nhỉ”. Alexandra đồng ý. Rồi nàng nói thêm với một giọng thâm trầm, “Có một điều rất là dễ thương, anh có biết là gì không? Ấy là thằng bé Robert của chúng ta cũng nhận được một thiệp mời, gửi riêng đến cho nó”. Chương 37 Các khách khứa đêm qua đã ra về lâu rồi bằng tàu phà và máy bay. Cả gia đình Blackwell tụ họp trong thư viện của ngôi nhà Cedar Hill. Bà Kate nhìn mọi người trong căn phòng, từng người một. Bà trông thấy mỗi người một cách rõ ràng kì lạ. Tony giống như một loài thực vật tươi cười, dễ thương một cách mơ hồ, đã từng cố ý giết bà, đứa con trai của bà đã từng một thời tràn đầy hứa hẹn và hi vọng. Eve, tên sát nhân, kẻ lẽ ra đã có thể làm chủ thế giới nếu hắn không có mầm mống ác độc trong người. Bà thầm nghĩ, thật là một điều mỉa mai khi sự trừng phạt ghê gớm hắn phải gánh chịu lại do tay một kẻ bé nhỏ, vô giá trị, nhu mì, dễ bảo, mà hắn đã lấy làm chồng. Rồi lại Alexandra nữa. Xinh đẹp, trìu mến, tốt bụng - nhưng lại là mối thất vọng cay đắng nhất của bà. Nàng đã đặt hạnh phúc riêng lên trên phúc lợi của công ty. Nàng đã không quan tâm gì đến Kruger-Brent và đã chọn một người chồng không muốn dính líu chút gì với công ty. Phản bội, cả hai chúng nó đều là kẻ phản bội. Phải chăng tất cả nỗi đau thương trong quá khứ không đem lại một chút kết quả nào cả hay sao? Không, bà Kate thầm nghĩ. Ta không thể để nó chấm dứt như thế này được. Tất cả đều không phải là uổng phí. Ta đã xây dựng nên một triều đại đáng kiêu hãnh. Một bệnh viện ở Cape Town đã mang tên ta. Ta đã xây dựng các trường học, thư viện, và đã giúp đỡ cho đồng bào của Banda. Bà bắt đầu cảm thấy đau nhói trong đầu. Căn phòng dần dần tràn ngập những bóng ma. Jamie McGregor và Margaret - trông xinh đẹp làm sao - và Banda đang tủm tỉm cười với bà. Rồi David nữa, người chồng thương yêu, tuyệt vời của bà, đang dang tay ra chờ đón. Bà lúc lắc đầu để xua đuổi hình ảnh ấy đi. Không, bà chưa sẵn sàng đi theo bất cứ người nào trong bọn họ. Chẳng bao lâu nữa thôi, bà nghĩ thầm. Chẳng bao lâu nữa. Còn có thêm một thành viên khác của gia đình trong căn phòng này. Bà quay về phía đứa chắt xinh đẹp và nói, “Lại đây, chắt yêu quý”. Robert bước lên, cầm lấy tay bà. “Buổi tiệc sinh nhật thật là lớn cố ạ” “Cảm ơn chắt Robert của ta. Ta rất mừng chắt của ta đã vui thích lễ sinh nhật ấy. Chắt học hành ở trường ra sao rồi?” “Tất cả đều là điểm nhất, đúng như cố đã bảo chắt phải lấy cho kì được. Chắt đứng đầu lớp đấy, cố ạ”. Bà Kate đưa mắt nhìn Peter. “Khi nào nó đủ tuổi rồi cháu nên cho Robert đi học trường Wharton. Đó là trường tốt nhất...” Peter cười, “Lạy Chúa, Bà nội yêu quý ạ, bà vẫn chưa chịu bỏ cuộc hay sao? Robert sẽ làm đúng theo những gì mà nó thích. Nó có khả năng đặc biệt về âm nhạc, và muốn trở thành một nhạc sĩ cổ điển. Nó sẽ tự chọn lấy cuộc sống của mình”. “Cháu nói đúng đấy”, Bà Kate thở dài. “Bà đã già rồi, không còn có quyền gì can thiệp nữa. Nếu nó muốn trở thành một nhạc sĩ, thì đó là điều nó nên làm”. Bà quay về phía cậu bé, đôi mắt sáng ngời yêu thương. “Nhớ điều này nhé, Robert, ta không thể hứa hẹn điều gì cả, nhưng ta sẽ cố gắng giúp cho chắt của ta. Ta quen biết một người vốn là bạn thân của Zubin Mehta”. Dịch Thuật: Lương Thị Thận Hết Thiên Thần Nổi Giận Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 01 New York, 4 tháng 9, 1969 Những người thợ săn đang khép chặt vòng vây để giết con mồi. Hai ngàn năm trước đây ở Rôm, cuộc đấu chắc được tổ chức tại rạp xiếc Nêrô hoạc ở Colosseum, nơi mà những con sư tử đói đuổi bắt nạn nhân trên đấu trường đầy máu và cát, nóng lòng muốn xé anh ta ra từng mảnh. Nhưng bây giờ đã là thế kỷ 20 văn minh và rạp xiếc được thay thế bằng khu tòa án hình sự ở trung tâm Manhattan, Phòng xử án số 16. Ở vị trí của Suetonius [1] là một viên lục sự của tòa án, ghi lại sự kiện cho tương lai. Có hàng chục phóng viên và những người xem bị thu hút bởi những tít nổi bật trên các tờ báo hằng ngày về vụ xử án kẻ giết người, đang xếp hàng từ 7 giờ sáng ở ngoài phòng xử để kiếm chỗ ngồi xem. Người bị săn đuổi, Michael Moretti, ngồi tại bàn bị cáo, là một người đàn ông trầm lặng, đẹp trai, hơn 30 tuổi một chút. Dáng người cao và rắn chắc, khuôn mặt được tạo bởi những đường nét cứng làm anh ta có vẻ gân guốc và hoang dại. Anh ta có bộ tóc đen để đúng mốt, cái cằm nhô ra với một lúm đồng tiền ít ai ngó lại ở đó và cặp mắt đen màu ô liu sâu thẳm. Anh ta mặc chiếc áo khoác màu xám, bên trong là chiếc áo sơ mi xanh da trời và đeo chiếc cà vạt còn xanh đậm hơn, dưới chân là đôi giày thửa bóng lộn. Trừ cặp mắt luôn đảo đi đảo lại khắp phòng xử án, Michael Moretti hoàn toàn bất động. Con sư tử tấn công anh ta là Robert Di Silva, chưởng lý quận của khu vực New York, đại diện cho nhân dân. Nếu Michael Moretti phản ánh sự bất động thì Robert Di Silva là hiện thân của sự chuyển động không ngừng. Ông ta sống như thể lúc nào cũng muộn 5 phút với một cuộc hẹn. Dường như lúc nào ông ta cũng đang đánh nhau với một địch thủ tưởng tượng vô hình nào đó. Với thân hình thấp lùn chắc nịch và bộ tóc húi cao không hợp thời, Di Silva đã từng là một võ sĩ thời trẻ và mặt mũi ông ta vẫn còn mang những vết sẹo của thời kỳ đó. Đã có lần ông ta đánh chết một địch thủ trên võ đài và không hề hối tiếc điều đó. Trong những năm sau này, ông ta vẫn không biết đến thương cảm là gì. Robert Di Silva là một người đầy tham vọng. Ông ta đã đấu tranh để đạt được vị trí hiện thời từ hai bàn tay trắng và không được một người có thế lực nào giúp đỡ. Trong khi leo dần lên những bậc thang xã hội, ông ta núp dưới cái vỏ là người phục vụ trung thành của nhân dân; nhưng dưới cái vỏ đó, ông ta là một người nhỏ nhen, không bao giờ tha thứ cho ai hoặc quên đi điều gì. Thực ra, chưởng lý Di Silva không cần phải có mặt trong phòng xử án vào ngày hôm đó. Ông ta có một đội ngũ giúp việc đông đảo và bất kỳ một trợ thủ già dặn nào của ông cũng đủ khả năng luận tội trong vụ án này. Nhưng ngay từ đầu Di Silva đã biết rằng ông ta sẽ tự mình giải quyết vụ án Moretti. Tin về Michael Moretti luôn ở trên trang nhất của các tờ báo. Anh ta là con rể của ông trùm Antonio Granelli, người đứng đầu gia đình lớn nhất trong số năm gia đình mafia miền Đông. Antonio Granelli ngày càng già yếu và người ta đồn rằng Michael Moretti được làm chú rể để sau này thay thế vị trí của bố vợ mình. Moretti đã từng dính líu vào hàng chục vụ phạm pháp từ gây rối đến giết người, nhưng không vị chưởng lý nào có thể buộc tội được anh ta. Có quá nhiều mắt xích giữa Moretti và những người thi hành lệnh của anh ta. Di Silva đã mất công toi trong ba năm để tìm những chứng cớ buộc tội Moretti. Và bất ngờ, vận may đã đến với ông ta. Camillo Stela, một cộng sự gần gũi của Moretti đã bị bắt trong một vụ giết người cướp của. Để cứu lấy mạng sống của mình, Stela đã đồng ý hát. Đó là một bài hát hay nhất mà Di Silva từng nghe, một bài hát sẽ buộc gia đình mafia mạnh nhất ở miền đông phải quỳ gối, đưa Michael Moretti lên ghế điện và dẫn Robert Di Silva vào văn phòng thống đốc ở thành phố Albany. Những thống đốc trước kia của bang New York đã vào được Nhà Trắng: Martin Van Buren, Grover Cleveland, Teddy Roosevelt và Franklin Roosevelt. Di Silva muốn làm người kế tục họ. Thời điểm quả là thích hợp. Các cuộc bầu cử thống đốc bang sẽ được tổ chức sang năm. Di Silva đã được ông sếp có thế lực chính trị nhất của bang nhắn nhủ: “Với tất cả sự chú ý của dư luận mà anh có được trong vụ này, anh chắc sẽ được giới thiệu ra tranh cử và rồi sẽ được bầu làm Thống đốc. Bobby, hãy đóng đinh Moretti và anh sẽ là ứng cử viên của chúng tôi”. Robert Di Silva chuẩn bị vụ án Michael Moretti cực kỳ cẩn thận. Ông ta bắt các cộng sự của mình thu thập bằng chứng, làm sáng tỏ những chỗ còn mơ hồ trong vụ án và bịt kín lỗ hổng về pháp luật mà luật sư của Moretti có thể tìm cách lợi dụng. Tất cả các lối thoát đã bị chận đứng. Chưởng lý phải mất gần hai tuần mới chọn xong đoàn uỷ viên công tố và Di Silva đòi bằng được phải chọn thêm sáu “bánh xe dự trữ” “các công tố viên thay thế để đề phòng khả năng không xử án được”. Trong các vụ án liên quan tới các nhân vật mafia quan trọng, các công tố viên thường biến mất hoặc bị những tai nạn chết người. Di Silva bố trí cho đoàn công tố viên ở cách ly ngay từ đầu và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ. Chìa khóa cho vụ án Michael Moretti là Camillo Stela; và nhân chứng quan trọng này của Di Silva được bảo vệ cực kỳ chặt chẽ. Chánh án nhớ rất rõ trường hợp Abe Reles, nhân chứng của chính phủ đã bị “ngã từ tầng sáu của khách sạn Half Moon” (Nửa vầng trăng) xuống đất trong khi đang được cả một tiểu đội cảnh sát canh giữ. Robert Di Silva đã đích thân chọn lựa những người bảo vệ Camillo Stela và trước phiên tòa đêm đêm Camillo Stela được bí mật chuyển đến những chỗ giam giữ khác nhau. Giờ đây, khi vụ án bắt đầu được xét xử, Stela được giam trong một xà lim riêng biệt và đựơc bốn cảnh sát vũ trang canh giữ. Không ai được phép đến gần hắn, vì sự tự nguyện làm chứng của Stela dựa trên lòng tin của hắn về việc Di Silva có khả năng bảo vệ hắn trước sự trả thù của Michael Moretti. Đó là buổi sáng ngày thứ năm của vụ xử. Đó là ngày đầu tiên của Jennifer Parker tại phiên tòa. Cô ngồi tại bàn công tố cùng với năm trợ lý luật sư trẻ khác, những người đã cùng tuyên thệ với cô buổi sáng hôm đó. Jennifer Parker là một cô gái tóc đen, hai mươi tư tuổi có dáng người mảnh dẻ, nước da hơi tái, khuôn mặt thông minh và sinh động, cặp mắt xanh luôn có dáng nghĩ ngợi. Khuôn mặt cô hấp dẫn hơn là xinh đẹp, trên đó ta thấy sự tự hào, lòng dũng cảm và cả độ nhạy cảm nữa, một khuôn mặt mà ai đã thấy khó lòng có thể quên được, cô ngồi vươn thẳng người, như thể đang thách thức những bóng ma vô hình của quá khứ. Ngày hôm nay bắt đầu rất dở đối với Jennifer Parker. Lễ tuyên thệ ở phòng chưởng lý được dự định tổ chức vào lúc 8 giờ sáng. Jennifer đã cẩn thận chuẩn bị quần áo từ tối hôm trước và để chuông đồng hồ báo thức lúc sáu giờ để có đủ thời gian gội đầu. Đồng hồ báo thức không reo vào buổi sáng hôm đó. Jennifer dậy lúc 7h30 và rất hốt hoảng. Trong lúc vội vàng mặc quần áo cô làm gãy gót giày. Sau đó lại phải thay quần áo. Lúc đóng sập cửa căn phòng bé xíu của mình, cô mới nhớ ra rằng mình đã để quên chìa khóa trong nhà. Cô đã định đi xe bus đến khu xử án nhưng bây giờ thì không thể làm điều đó được nữa và phải chạy vội ra đường vẫy tắc xi. Suốt con đường đến khu xử án cô phải nghe người tài xế giảng giải vì sao ngày tận thế sắp tới. Cuối cùng khi Jennifer mệt đứt hơi, tới được khu xử án ở 155 phố Leonard, cô bị muộn mất 15 phút. Có hai mươi lăm luật sư tập trung trong văn phòng chưởng lý, phần lớn họ vừa tốt nghiệp trường luật, trẻ trung, háo hức, và rất hồi hộp khi sắp được làm việc cho chưởng lý quận của New York. Căn phòng này gây cho người ta ấn tượng bởi sự bài trí trang nhã của nó. Trong phòng có một chiếc bàn làm việc lớn phía trước có ba chiếc ghế bành, phía sau là một chiếc ghế dựa bọc da, một bàn họp với hàng chục chiếc ghế xung quanh và những chiếc tủ tường chứa đầy sách luật. Trên tường treo những ảnh chân dung lồng khung kính của J. Edgar Hoover, John Lindsay, Richard Nixon và Jack Dempsey. Khi Jennifer chạy vội vào phòng vẻ mặt đầy hối lỗi, Di Silva đang đọc diễn thuyết. Ông ta dừng lại, nhìn sang Jennifer và nói: “Có quỷ mới biết cô nghĩ đây là cái gì - một bữa tiệc trà chắc?” “Tôi hết sức xin lỗi, thưa ngài, tôi...” “Tôi cóc đếm xỉa đến việc cô có xin lỗi hay không. Lần sau đừng có bao giờ đến muộn nữa nghe không?” Mọi người trong phòng nhìn Jennifer với vẻ thông cảm giấu diếm. Di Silva quay sang nhóm luật sư và gắt : “Tôi biết vì sao tất cả các anh lại ở đây. Các anh sẽ bám lấy tôi để học hỏi kinh nghiệm ở tòa án và sau đó, khi cho rằng thế đã là đủ, các anh sẽ bỏ đi, hy vọng trở thành những luật sư nổi tiếng. Nhưng cũng có thể ai đó trong các anh sẽ thay thế tôi trong tương lai”. Di Silva ra hiệu cho người trợ thủ của mình : “Cho họ tuyên thệ”. Tất cả đọc lời tuyên thệ, giọng họ run run. Khi buổi lễ tuyên thệ kết thúc, Di Silva nói : “Tốt. Bây giờ các anh đã thề trước tòa án, Chúa sẽ phù hộ chúng ta. Căn phòng này sẽ là nơi xử án, nhưng dừng vội hy vọng. Các anh sẽ phải chúi mũi vào các công việc nghiên cứu pháp luật, các tài liệu dự thảo - trát đòi hầu tòa, trát truy nã - tất cả nhưng công việc đẹp đẽ mà người ta đã dạy các anh ở trường luật. Các anh sẽ chưa được tham gia xét xử trong vài năm tới”. Di Silva ngừng lời để châm một điếu xì gà ngắn và to kếch: “Bây giờ tôi sắp sửa làm công tố một vụ án. Có lẽ các anh cũng đã biết qua về vụ đó”. Giọng ông ta chợt đượm vẻ châm biếm: “Tôi có thể sử dụng 5, 6 người trong số các anh vào việc chạy giấy tờ”. Jennifer là người đầu tiên giơ tay. Di Silva đắn đo một chút, sau đó chọn cô cùng với năm người nữa. “Hãy xuống phòng xử án số 16”. Khi những người này rời căn phòng, họ được phát giấy chứng nhận. Jennifer không bị ngã lòng bởi thái độ của chưởng lý. Ông ta cần phải cứng rắn, cô nghĩ như vậy. Ông ta đang làm một công việc khó khăn. Và bây giờ cô đang làm việc cho ông ta. Cô là một thành viên trong số những cộng sự của chưởng lý quận khu vực New York! Những năm tháng chán ngắt tưởng chừng không bao giờ hết của trường luật nay đã qua rồi. Các giáo sư đã làm cho môn luật trở nên phần nào trừu tượng và cũ kỹ, nhưng Jennifer luôn có khả năng nhìn thấy miền đất hứa ở phía trước: đó là một ngành luật thật sự liên quan tới con người và những sự ngu xuẩn của họ. Jennifer đỗ thứ hai trong lớp và đã có bài đăng trong tạp chí luật học. Cô đã đỗ cuộc thi tuyển luật sư ngay từ lần đầu trong khi một phần ba số bạn bè cùng thi bị trượt. Cô cảm thấy đã hiểu được Robert Di Silva và chắc rằng mình sẽ có khả năng xủ lý mọi công việc ông ta giao cho. Jennifer đã học rất thuộc bài, cô biết rằng có bốn nhóm dưới quyền chưởng lý - xử án, thỉnh cầu, tống tiền và lừa đảo - và cô tự hỏi không biết mình sẽ được cử vào nhóm nào. Có hơn hai trăm phụ tá chưởng lý quận ở thành phố New York và năm chưởng lý quận. Nhưng tất nhiên chưởng lý quận quan trọng nhất là người phụ trách quận Manhattan: Robert Di Silva. Lúc này Jennifer đang ngồi tại bàn công tố viên trong phòng xử án, và xem Robert Di Silva làm việc. Ông ta quả là một con người đầy quyền lực và không biết xót thưong. Jennifer liếc nhìn bị cáo Michael Moretti. Mặc dù đã đọc tất cả về anh ta, cô vẫn không thể tin rằng đó là một tên giết người. Anh ta trông giống một ngôi sao điện ảnh trẻ đang đóng cảnh tòa án, cô nghĩ. Anh ta ngồi đó bất động, chỉ có đôi mắt đen sâu thẳm để lộ ra những tình cảm xáo trộn nội tâm của mình. Cặp mắt của anh ta đảo đi đảo lại không ngừng, xem xét mọi ngóc ngách của căn phòng như thể cố gắng tìm cách tẩu thoát. Không còn lối thoát nào nữa. Di Silva đã cố hết sức để làm điều đó. Camillo Stela đứng ở bục nhân chứng. Nếu Stela là một con thú, thì chắc hắn sẽ là một con chuột chũi. Hắn có một bộ mặt méo mó, và bé quắt, môi mỏng quẹt và răng cửa ố vàng. Cặp mắt hắn láo liên gian giảo và người ta không tin hắn, thậm chí trước khi hắn mở mồm nói bất cứ đlều gì. Robert Di Silva biết rõ những điểm yếu của nhân chứng của mình, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì hết. Quan trọng là Stela phải nói những gì. Hắn có những câu chuyện rùng rợn để kể mà đó lại hoàn toàn là chuyện thật. Vị chưởng lý khu vực bước tới khu nhân chứng nơi Stela vừa tuyên thệ. “Ông Stela, tôi muốn hội đồng xử án biết rằng ông là một nhân chứng bất đắc dĩ và để thuyết phục ông ra đối chứng, chính quyền bang đã đồng ý cho ông nhận tội giết người không có chủ ý thay vào việc buộc ông tội cố sát. Có phải như vậy không?” “Đúng vậy, thưa ngài”. “Ông Stela, ông có quen bị cáo Michael Moretti không?” “Có thưa ngài”. Hắn không dám nhìn về phía bên bị cáo, nơi Michael Moretti đang ngồi. “Thực chất quan hệ của các anh như thế nào?” “Tôi làm việc cho Mike”. “Anh biết Michael Moretti được bao lâu rồi?” “Khoảng 10 năm”. - Giọng hắn hầu như không nghe rõ. “Anh có thể nói to lên được không?” “Khoảng 10 năm”. Và hắn lúc lắc cổ. “Anh có thể nói là anh có quan hệ gần gũi với bị cáo được không?” “Phản đối!” - Thomas Colfax đứng phắt dậy. Trạng sư của Michael Moretti là một người đàn ông cao, tóc muối tiêu, trạc 50 tuổi, cố vấn của gia đình mafia này vốn là một trong những trạng sư hình sự khôn ngoan nhất ở nước Mỹ. - Chưởng lý khu vực định mớm cung cho nhân nhứng. Chánh án Lawrence Waldman nói : “Chấp nhận”. “Tôi sẽ đặt lại câu hỏi. Anh làm việc cho ông Moretti với cương vị nào?” “Tôi làm một việc mà ngài có thể gọi là người gỡ rối”. “Anh có thể nói rõ thêm chút nữa được không?” “Có chứ. Nếu có vấn để gì hoặc ai đó tỏ ra chệch choạc Mike sẽ bảo tôi đi sửa lại cho ngay ngắn?” “Anh làm như thế nào?” “Ngài biết đấy, bằng cơ bắp ấy mà”. “Anh có thể đưa ra thí dụ cho tòa được không?” Thomas Colfax lại đứng dậy: “Phản đối, thưa chánh án. Kiểu đặt câu hỏi như thế này không làm sáng tỏ điều gì cả”. “Bác bỏ. Nhân chứng có thể trả lời tiếp”. “Vâng. Mike cho vay nặng lãi, đúng vậy không. Vài năm trước đây Jimmy Serrano không trả nợ đúng hẹn và Mike sai tôi đến dạy cho Jimmy một bài học”. “Bài học đó là gì vậy?” “Tôi đánh gãy chân hắn ta. Các ngài thấy đấy”. - Stela giải thích hết sức thành khẩn - “Nếu ta để một người quịt nợ, những kẻ khác sẽ làm theo hắn ngay”. Robert Di Silva có thể thấy phản ứng sốc trên mặt các quan tòa. “Ngoài cho vay nặng lãi, Michael Moretti còn làm những việc gì nữa?” “Chúa ơi! Ngài cũng có thể kể ra được”. “Tôi muốn anh kể ra, Stela”. “Vâng. Mike có quan hệ chặt chẽ với các công đoàn ở bến cảng, trong ngành công nghiệp sản xuất quần áo. Mike có chân trong các sòng bạc, và các công việc tương tự như vậy”. “Stela, Michael Moretti bị ra tòa vì tội giết chết Eddie và Albert Ramos. Anh có biết họ không?” “Ồ, tôi biết họ rõ lắm”. “Lúc họ bị giết anh có ở hiện trường không?” “Thưa có. - Cả người hắn dường như cũng bắt đầu vặn vẹo”. “Ai là người giết họ?” “Mike”. Trong khoảnh khắc, hắn bắt gặp cái nhìn của Michael Moretti và Stela vội ngoảnh mặt đi. “Michael Moretti?” “Đúng vậy”. “Bị cáo có nói cho anh biết vì sao y muốn giết anh em Ramos không?” “Sự thể là thế này, Eddie và Al phụ trách các sòng bạc của Mike, nhưng họ không chịu nộp đủ tiền thu được. Vì thế Mike buộc phải dạy cho họ một bài học. Anh ta nghĩ rằng...” “Phản đối”. “Chấp nhận. Nhân chứng phải bám vào các sự kiện”. “Sự thật là Mike bảo tôi mời hai anh em nhà đó...” “Eddie và Albert Ramos?” “Vâng. Mời họ tới một buổi liên hoan nhỏ ở Palican. Đó là một câu lạc bộ tư nhân ở gần bờ biển”. Cánh tay của hắn lại bắt đầu vặn vẹo và đột nhiên Stela nhận ra điều đó. Hắn dùng tay kia giữ chặt cánh tay hay vặn vẹo lại. Jennifer Parker quay sang nhìn Moretti. Anh ta thản nhiên quan sát phiên tòa, toàn thân bất động. “Sau đó điều gì đã xảy ra, Stela?” Tôi đón Eddie và Al, rồi lái xe đưa họ tới bãi để xe. Mike đã ở đó từ trước. Khi hai anh em này bước ra khỏi xe, tôi phóng đi và Mike bắt đầu nổ súng ngay. “Anh có thấy anh em nhà Ramos ngã xuống đất không?” “Có thưa ngài”. “Anh có chắc là họ đã chết không?” “Hoàn toàn chắc chắn, thưa ngài”. Nhiều tiếng xì xào nổi lên khắp trong phòng xử án. Di Silva chờ đợi cho đến khi phòng yên tĩnh trở lại. “Anh Stela, anh có biết rằng những lời làm chứng của anh trước phiên tòa này chính là những lời buộc tội không?” “Tôi biết, thưa ngài”. “Và anh cũng biết rằng anh đã thề trước tòa và điều này liên quan đến sinh mạng của một con người?” “Tôi biết”. “Anh đã chứng kiến cảnh bị cáo, Michael Moretti, bắn chết hai người vì họ không trả đủ tiền cho hắn ta”. “Phản đối. Ông ta đang mớm cung cho nhân chứng”. “Chấp nhận”. Chưởng lý Di Silva nhìn các thẩm phán và hiểu rằng ông ta đã thắng trong vụ này. Ông ta quay sang Camillo Stela. “Stela, tôi biết rằng anh cần rất nhiều can đảm để làm chứng tại phòng xử án này. Thay mặt nhân dân của bang, tôi muốn cám ơn anh”. - Di Silva quay sang Thomas Colfax - “Xin mời ngài đối chất”. Thomas Colfax lịch thiệp đứng dậy: “Cám ơn, ngài Di Silva”. Ông liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường và quay về phía hội đồng xử án: “Nếu ngài vui lòng, thưa ngài chánh án, bây giờ đã là gần giữa trưa. Tôi không muốn cuộc đối chất của mình bị gián đoạn. Tôi có thể đề nghị tòa nghỉ trưa và tôi sẽ đối chất vào chiều nay được không?” “Được thôi”. Chánh án Lawrence Waldman gõ nhẹ chiếc búa vào bục xử án. “Phiên tòa tạm nghỉ đến hai giờ chiều”. Mọi người lục tục đứng lên và đi qua cửa ngách của phòng xử án để ra ngoài. Các thẩm phán cũng lần lượt đi ra. Bốn cảnh sát có vũ khí hộ tống Camillo Stela đi sang phòng nhân chứng. Các phóng viên lập tức vây quanh Di Silva. “Xin ngài sẽ phát biểu vài lời với chúng tôi chứ?” “Thưa ngài chưởng lý, ngài nghĩ thế nào về vụ án này?” “Các ngài sẽ bảo vệ Stela như thế nào khi vụ án kết thúc?” Bình thường Robert Di Silva không bao giờ cho phép các phóng viên đột nhập vào phòng xử án như thế này. Nhưng giờ đây, với những tham vọng chính trị của mình, ông ta cần được sự ủng hộ của giới báo chí, và ông ta cố gắng tỏ ra lịch sự với các phóng viên. Jennifer Parker cham chú theo dõi vị chưởng lý trả lời các câu hỏi của phóng viên. “Ngài sẽ kết tội được chứ, thưa ngài chưởng lý?” “Tôi không phải là một nhà tiên tri”. Jennifer nghe thấy Di Silva trả lời khiêm tốn như vậy. “Thưa các ông các bà, đó là việc của các thẩm phán. Họ sẽ quyết định ông Moretti có tội hay không?” Jennifer quay sang Michael Moretti. Anh ta trông có vẻ bình tĩnh và thoải mái. Trông anh ta thật là trẻ con, Jennifer chợt nghĩ như vậy. Cô khó có thể tin rằng anh ta lạị phạm các tội ghê gớm mà người ta vừa buộc cho. Nếu mình phải chọn ai là kẻ có tội, Jennifer nghĩ, mình sẽ chọn Stela, kẻ hay vặn vẹo. Các phóng viên đã đi khỏi và Di Silva đang thảo luận với các cộng sự của mình. Jennifer sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để biết được họ đang bàn bạc điều gì. Jennifer nhìn thấy một người đàn ông đang nói chuyện với Di Silva, sau đấy người đó rời khỏi nhóm người đang vây quanh quan chưởng lý và bước vội tới chỗ cô. Ông ta cầm một chiếc phong bì to dán kín. “Cô là Jennifer phải không ạ?” Jennifer ngạc nhiên nhìn lên: “Vâng”. “Sếp muốn nhờ cô đưa cái này cho Stela. Cô hãy nói với hắn cố nhớ những số liệu này xem. Colfax sẽ cố gắng tìm ra những chỗ sơ hở trong lời khai của hắn chiều nay, và sếp muốn biết chắc rằng Stela sẽ không bị rối trí”. Ông ta đưa phong bì cho Jennifer và cô ngó sang Di Silva. Ông ấy nhớ tên mình, đó là một điềm tốt, cô nghĩ vậy. “Cô hãy đi ngay đi. Ngài chưởng lý không nghĩ rằng Stela sẽ đọc nhanh được tất cả những điều đó đâu”. “Vâng, thưa ngài”. - Jennifer vội đứng dậy. Cô bước tới cánh cửa mà cô vừa thấy Stela đi qua. Một viên cảnh sát vũ trang chắn cô lại. “Tôi có thể giúp gì được cô nào?” “Tôi ở văn phòng chưởng lý”. Jennifer đáp gọn lỏn. Cô rút giấy chứng nhận của mình ra và đưa cho anh ta xem. “Ngài Di Silva yêu cầu tôi đưa chiếc phong bì này cho ông Stela”. Người gác xem xét kỹ lưỡng thẻ của Jennifer, sau đó mở cửa và đưa cô vào phòng nhân chứng. Đó là một căn phòng nhỏ, nom tồi tàn, trong đó có một chiếc bàn rách, một chiếc ghế xô pha và mấy chiếc ghế gỗ cũ. Stela đang ngồi trên ghế, tay văn vẹo liên hồi. Có bốn cảnh sát vũ trang cũng đang ở trong phòng. Khi Jennifer bước vào phòng, một người gác nói: “Ê, không ai được phép vào đây”. Người gác ở phía ngoài nói vọng vào: “Ổn cả, Al, người của văn phòng chưởng lý đấy”. Jennifer đưa cho Stela chiếc phong bì. “Ngài Di Silva muốn ông cố nhớ lại những tài liệu này”. Stela nheo mắt nhìn cô và vẫn tiếp tục vặn tay. Chú Thích [1] Sử gia La Mã cổ đại. Chương 02 Trên đường đi ăn trưa, Jennifer dừng lại trước cửa phòng xử án vắng lặng. Cô không thể cưỡng lại ý muốn bước vào đó một lát. Mỗi bên cánh gà có 15 hàng ghế dành cho những người dự xử án. Đối diện với ghế quan tòa là hai chiếc bàn dài, chiếc bên trái có hàng chữ nguyên cáo, chiếc bên phải dành cho bị cáo. Lô của hội đồng xử án gồm hai hàng ghế, mỗi hàng có tám cái. Đây là một căn phòng xử án bình thường, Jennifer nghĩ, đơn giản thậm chí còn xấu xí nữa, nhưng đó là trái tim của tự do. Căn phòng này cũng như tất cả các phòng xử án tương tự, thể hiện sụ khác nhau giữa văn minh và dã man. Quyền được xét xử tại tòa án là cốt lỗi của tất cả các quốc gia tự do. Jennifer nghĩ đến những nơi khác trên thế giới, nơi không có phòng xử án, nơi mà những công dân bình thường bị dựng cổ vào lúc nửa đêm, bị tra tấn và thủ tiêu mà không có lý do cụ thể nào hết. Nếu như có lúc nào đó, các tòa án ở Mỹ bị tước bỏ quyền lực của mình, Jennifer nghĩ, nếu công dân của nước Mỹ bị tước quyền được xét xử bởi một tòa án, lúc ấy nước Mỹ sẽ không còn là một quốc gia tự do nữa. Giờ đây, cô là một bộ phận của hệ thống pháp luật và cô rất tự hào về điều đó. Cô sẵn sàng làm mọi thứ để tôn trọng và bảo vệ hệ thống đó. Khi Jennifer bước ra khỏi phòng xử án, cô để ý thấy có những tiếng ồn ào từ xa vọng lại. Chúng trở nên rõ ràng và to hơn khi Jennifer tiếp tục đi. Chuông báo động bắt đầu réo. Jennifer nghe thấy tiếng chân chạy vội vã dọc hành lang và nhìn thấy nhiều cảnh sát súng lăm lăm trong tay lao ra phía cửa ra vào của khu xử án. Chắc Michael Moretti trốn mất rồi, Jennifer sực nghĩ. Cô bước vội ra ngoài hành lang, khung cảnh ở đó cực kỳ hỗn loạn. Mọi người chạy đi chạy lại rối rít, quát tháo, ra lệnh giữa tiếng ồn của chuông báo động. Lính gác chặn hết các cửa ra. Các phóng viên đang gọi điện về tòa báo cũng ùa ra hành lang để xem điều gì đã xảy ra. Jennifer nhìn thấy chưởng lý Robert Di Silva ở phía cuối căn phòng. Ông ta đang giận dữ ra lệnh cho một toán cảnh sát, mặt ông trông tái nhợt. Trời đất! Jennifer nghĩ, ông ta chắc sắp bị đau tim. Cô xô đẩy đám đông để đi về phía ông ta, hy vọng có thể giúp ông phần nào. Khi cô đến gần, một viên cảnh sát canh giữ Camillo Stela nhìn lên và trông thấy cô. Anh ta chỉ tay về phía cô và chỉ năm giây sau Jennifer Parker thấy mình bị giữ lại, trói giật cánh khuỷu và bị tuyên bố bắt giữ. * * * * * Có bốn người trong phòng của chánh án Lawrence Waldman: Chánh án Waldman, chưởng lý Robert Di Silva, Thomas Colfax và Jennifer. “Cô có quyền yêu cầu một luật sư hiện diện ở đây trước khi cô tuyên bố bất cứ điều gì”, Chánh án Waldman thông báo cho Jennifer “và cô có quyền không trả lời nếu cô...” “Tôi không cần luật sư, thưa ngài. Tôi có thể giải thích những gì đã xảy ra”. Robert Di Silva ghé sát Jennifer đến nỗi cô có thể thấy rõ mạch máu ở thái dương ông ta đang đập mạnh: “Ai đã đưa tiền cho cô để cô đưa cái bọc đó cho Camillo Stela?” “Đưa tiền cho tôi? Làm gì có ai đưa tiền cho tôi”. Giọng Jennifer run lên vì phẫn uất. Di Silva nhặt chiếc phong bì to trên bàn của chánh án Waldman: “Không ai đưa tiền cho cô. Cô chỉ đến chỗ nhân chứng của tôi và đưa cho anh ta cái này sao?” Ông ta rũ mạnh chiếc phong bì và xác một con chim hoàng yến rơi xuống bàn. Nó đã bị bẻ gãy cổ. Jennifer nhìn chằm chằm vào con chim chết, hoảng sợ: “Tôi... một người của ngài đã đưa nó cho tôi”. “Người nào của tôi?” “Tôi... tôi không biết”. “Thế mà cô lại biết rằng đó là người của tôi”. - Giọng ông ta đầy vẻ hoài nghi. “Vâng. Tôi thấy anh ta nói chuyện với ngài rồi sau đó anh ta đến chỗ tôi và đưa tôi chiếc phong bì. Anh ta nói rằng ngài muốn tôi đưa nó cho ông Stela. Anh ta thậm chí còn biết cả tên tôi nữa”. “Tôi cuộc là hắn biết. Hắn đã trả cô bao nhiêu tiền?” Tất cả chỉ là một cơn ác mộng. Jennifer nghĩ. Mình sẽ tỉnh lại ngay bây giờ và lúc đó sẽ là 6 giờ sáng. Mình sẽ mặc quần áo và đến tuyên thệ ở phòng nhân viên của chưởng lý. “Bao nhiêu?” Di Silva quát lên. Cơn giận dữ của ông ta mạnh đến mức làm cho Jennifer đứng bật dậy. “Ngài buộc tội tôi về việc...” “Buộc tội cô à”. Robert Di Silva nắm chặt bàn tay “Thưa cô, tôi chưa làm việc đó đâu. Nhưng đến khi cô ra tù, cô sẽ quá già để có thể tiêu xài số tiền đó!” “Không có tiền nong gì cả”. Jennifer nhìn ông ta một cách thách thức. Thomas Colfax vẫn ngồi yên từ nãy đến giờ, chăm chú theo dõi câu chuyện. Bất chợt ông ta nói xen vào: “Xin lỗi, thưa ngài chánh án, nhưng tôi e rằng chúng ta sẽ không đi đến đâu cả nếu cứ tiếp tục theo kiểu này”. “Tôi đồng ý”, - chánh án Waldman đáp. Ông ta quay sang chưởng lý. “Anh đang ở đâu vậy, Bobby? Stela có còn sẵn sàng ra đối chứng nữa không?” “Đối chứng gì nữa? Hắn ta sợ phát rồ lên rồi. Hắn không còn dám ra làm chứng nữa đâu”. Thomas Colfax nói một cách trôi chảy: “Nếu tôi không thể đối chất nhân chứng chính của bên nguyên, thưa ngài chánh án, tôi sẽ phải yêu cầu xóa bỏ phiên tòa”. Mọi người trong căn phòng đều hiểu điều đó có nghĩa như thế nào: Michael Moretti sẽ ra khỏi phòng xử án với tư cách một người tự do. Chánh án Waldman nhìn qua chưởng lý: “Anh có nói cho nhân chứng của mình là hắn sẽ bị xử thêm vì tội không tuân lệnh tòa không?” “Tôi đã nói rồi. Nhưng Stela sợ bọn chúng hơn là sợ chúng ta”. Ông căm phẫn nhìn sang Jennifer. “Hắn ta không tin rằng chúng ta có thể bảo vệ được hắn nữa”. Chánh án Waldman nói chậm rãi: “Nếu vậy tôi sợ rằng tòa không có cách nào khác là phải làm theo yêu cầu của luật sư của bị cáo, và tuyên bố xóa bỏ phiên tòa”. Robert Di Silva đứng đó, lắng nghe người ta nói về thất bại của mình. Không có Stela, ông ta không thể buộc tội được. Michael Moretti bây giờ đã ở ngoài vòng kiểm soát của ông ta, nhưng Jennifer Parker thì chưa. Ông ta sẽ bắt cô phải trả giá về việc cô đã làm. Chánh án Waldman nói: “Tôi sẽ ra lệnh thả bị cáo và hủy bỏ phiên tòa”. Thomas Colfax đứng dậy: “Cám ơn ngài chánh án”. Không có dấu hiệu đắc thắng nào trên khuôn mặt ông. “Nếu không còn việc gì nữa...” Chánh án Waldman tiếp tục. “Còn một việc nữa”, Robert Di Silva nói và quay sang Jennifer Parker. “Tôi muốn buộc tội cô ta về việc ngăn cản thực hiện công lý, đe dọa nhân chứng trong một vụ án quan trọng, về việc nhận hối lộ, về...” Ông ta nghẹn giọng vì giận dữ. Jennifer tức giận đập lại: “Ông không thể chứng minh cho bất kỳ một lời buộc tội nào của ông, đơn giản vì chúng không đúng sự thật. Tôi... tôi có thể có tội là đã tỏ ra ngu ngốc, nhưng đó là tất cả tội lỗi của tôi. Không ai đút lót tôi để làm việc gì cả. Tôi đã cho rằng tôi cần chuyển một gói đồ hộ ông”. Chánh án Waldman nhìn Jennifer và nói: “Dù động cơ là thế nào đi chăng nữa, hậu quả là hết sức nghiêm trọng. Tôi sẽ yêu cầu Ủy ban kiểm tra tư cách luật gia điều tra vụ này và nếu Ủy ban đó thấy đủ chứng cứ, họ sẽ tước quyền hành nghề luật sư của cô”. Jennifer thấy tim mình đau nhói : “Thưa ngài chánh án tôi...” “Chúng ta hãy kết thúc ở đây, cô Parker”. Jennifer đứng lặng đi một lát, nhìn chằm chằm vào những khuôn mặt đầy ác cảm quanh cô. Cô không còn có thể nói thêm gì nữa. Xác con hoàng yến trên bàn đã nói lên tất cả mọi điều. Chương 03 Jennifer Parker không chỉ xuất hiện trên tin tức buổi tối. Cô chính là toàn bộ tin tức. Câu chuyện cô chuyển một con hoàng yến chết cho nhân chứng chính của chưởng lý có sức hấp dẫn không ai cưỡng lại được. Tất cả các kênh vô tuyến đều đưa hình ảnh Jennifer rời khỏi căn phòng của chánh án Waldrnan, khó khăn lách ra khỏi đám phóng viên và dân chúng vây lấy cô. Jennifer không thể tưởng tượng được sự chú ý đáng sợ của dư luận đối với mình. Họ vây quanh cô tứ phía: Phóng viên của tivi, đài phát thanh và các nhà báo. Cô chỉ mong thoát khỏi họ càng nhanh càng tốt, nhưng lòng tự trọng buộc cô phải dừng lại. “Ai đã đưa cho cô con hoàng yến, cô Parker?” “Cô đã gặp Michael Moretti bao giờ chưa?” “Cô có biết rằng Di Silva định dùng vụ án này để lọt vào văn phòng thống đốc bang không?” “Chưởng lý nói ông ta sẽ làm cho cô mất việc. Cô có chống lạì việc đó không?” Đối với từng câu hỏi, Jennifer chỉ mím môi trả lời ngắn gọn: “Tôi không có ý kiến gì hết”. Trên chương trình tin tức buổi tối của hãng CBS người ta gọi cô là “Parker đi sai đường”. Một phát thanh viên vô tuyến của hãng ABC đặt cho cô cái tên “chú hoàng yến”. Trên kênh của hãng NBC, một nhà bình luận thể thao so sánh cô với Roy Riegels, một cầu thủ bóng đá đưa bóng vào lưới nhà từ cự li rất gần gôn. * * * * * Tại một khách sạn thuộc quyền sở hữu của Michael Moretti, có một bữa tiệc đang diễn ra. Có hơn một chục người trong phòng uống rượu và cười nói ồn ào. Michael Moretti ngồi trầm ngâm một mình trước quầy rượu chăm chú theo dõi Jennifer Parker trên tivi. Anh ta nâng chén rượu lên chào cô và uống cạn. Luật sư khắp nơi bàn tán về trường hợp Jennifer Parker. Một nửa trong số họ tin rằng cô ta đã bị mafia mua chuộc, nửa khác nghĩ rằng cô ta đã bị lừa vì quá ngây thơ. Tuy nhiên, dù ở phía nào đi nữa họ đều nhất trí một điểm: sự nghiệp ngắn ngủi của Jennifer Parker với tư cách là một luật gia đã chấm dứt. Cô mới chỉ hành nghề có đúng 4 giờ đồng hồ. Cô sinh ra ở Kelso, bang Washington, một thị trấn nhỏ được xây dựng vào năm 1947. Người lập nên thị trấn này, một nhà buôn gỗ người Scotland, đã dùng tên của quê mình để dặt cho thị trấn. Cha của Jennifer là một luật sư. Đầu tiên ông làm việc cho các công ty gỗ, sau đó cho các công nhân ở xưởng cưa. Những ký ức về thời thơ ấu của Jennifer tràn đầy kỷ niệm vui vẻ. Bang Washington là một nơi đẹp như tranh đối với cô bé, có những dãy núi kỳ thú, nơi trượt tuyết và các công viên quốc gia. Cô được trượt tuyết, bơi thuyền và khi lớn lên chút nữa được leo núi. Jennifer học leo núi ở đỉnh Rainier và trượt tuyết ở Timberline với cha cô. Cha Jennifer luôn dành thời gian để chơi với cô. Trong khi đó mẹ cô, một người đàn bà đẹp và luôn bận rộn, rất ít khi có mặt ở nhà. Jennifer rất yêu cha. Ông Abner Parker là một người có dòng máu pha trộn giữa Anh, Irland và Scotland. Ông người tầm thước, tóc đen và mắt xanh lá cây, một người cực kỳ tốt bụng và công bằng. Ông không quan tâm tới tiền bạc mà quan tâm đến con người.. Ông thường ngồi nói chuyện với Jennifer hàng tiếng đồng hồ về các vụ kiện mà ông xét xử và những vấn đề mà mọi người đều trình bày với ông, tại văn phòng luật sư khiêm tốn và bé nhỏ. Mãi về sau, Jennifer vẫn không biết rằng ông nói chuyện với cô, vì ông không còn ai khác để chia sẻ những tình cảm của mình. Sau giờ học Jennifer thường chạy vội đến tòa án để xem cha mình làm việc. Nếu tòa án không có vụ xử kiện nào, cô thường đi xem văn phòng của cha, nghe ông tranh luận với các khách hàng của mình về các vụ kiện. Mọi người coi việc Jennifer sẽ học ở trường luật là điều đương nhiên. Năm Jennifer 15 tuổi, cô bắt đầu làm việc cho cha vào kỳ nghỉ hè. Vào lứa tuổi khi các cô gái khác còn mải mê hẹn hò với bạn trai, Jennifer đã vùi đầu vào nghìên cứu các vụ kiện và chúc thư. Các chàng trai rất thích cô, nhưng Jennifer ít khi đi chơi với họ. Khi cha cô thắc mắc điều đó, cô trả lời: “Tất cả bọn họ đều còn quá trẻ, ba ạ”. Cô biết rằng một ngày kia cô sẽ lấy một luật sư giống như cha cô. Đúng vào ngày sinh nhật thứ mười sáu của Jennifer, mẹ cô bỏ nhà ra đi cùng với cậu con trai 18 tuổi của nhà láng giềng, và cha Jennifer chết dần từ dạo đó. Bẩy năm sau trái tim ông mới ngừng đập, nhưng ông đã chết từ khi ông nghe tin về vợ mình. Cả thị trấn biết việc đó và họ rất thông cảm với ông. Điều này lại làm cho ông càng đau buồn, vì Abner Parker là một người đàn ông giầu lòng tự trọng. Ông quay ra rượu chè. Jennifer làm mọi điều cố thể để an ủi ông, nhưng cũng chẳng có ích gì. Mọi cái không thể trở lại như cũ được nữa. Năm sau, Jennifer đến tuổi vào đại học nhưng cô muốn ở nhà với cha. Tất nhiên cha cô không đồng ý. “Chúng ta sẽ thành đồng nghiệp, Jennifer ạ”. - Ông bảo cô - “Hãy học nhanh lên để lấy bằng con ạ”. * * * * * Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô đăng ký học luật tại trường tổng hợp Washington ở thành phố Seattle. Trong năm thứ nhất, khi các bạn cùng lớp bù đầu với những hợp đồng, chúc thư, bất động sản và các thủ tục kiện tụng của luật hình sự, thì Jennifer cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Cô sống trong khu nội trú trường và làm cho thư viện luật của trường. Jennifer yêu thích Seattle. Vào chủ nhật, cô thường cùng với một sinh viên Ấn Độ tên là Ammini William và một cô gái Irland to xương với tên gọi Josephine Collins, đi bơi thuyền trên hồ xanh ở trung tâm thành phố, hoặc tham gia vào các cuộc đua giành cúp vàng trên hồ Washington. Có rất nhiều câu lạc bộ nhạc jazz hay ở Seattle và Jennifer thích nhất câu lạc bộ Poop Deck, ở đó người ta ngồi trên những thùng gỗ thay cho bàn ghế. Vào buổi chiều Jennifer, Ammini và Josephine thường gặp nhau ở quán Hastv Tasty, nơi có món khoai tây rán ngon nhất thế giới. Có hai chàng trai theo đuổi Jennifer. Một sinh viên trường y: trẻ, đẹp trai tên là Noal Larkin và một sinh viên luật tên là Ben Munro. Thỉnh thoảng Jennifer cũng đi chơi với họ, nhưng cô quá bận để có thời giờ nghĩ tới một chuyện tình nghiêm chỉnh. Mùa hè nào, Jennifer cũng về nhà thăm cha. Ông đã thay đổi rất nhiều. Ông không bao giờ say nhưng cũng chẳng có lúc nào tỉnh táo cả. Ông đã ẩn vào một pháo đài tình cảm và không ai có thể hiểu được ông nữa. Ông mất vào lúc Jennifer đang học năm cuối ở trường luật. Mọi người vẫn nhớ đến ông và có gần một trăm người tham dự đám tang Abner Parker, những người mà lúc sinh thời ông đã giúp đỡ, khuyên bảo và kết bạn. Jennifer không chỉ mất đi một người cha. Cô còn mất cả một người thầy và một người bảo trợ nữa. * * * * * Sau đám tang, Jennifer trở lại Seattle để học nốt năm cuối. Cha cô chỉ để lại cho cô gần 1000 đôla và cô phải quyết định sẽ làm gì trong tương lai. Cô biết rằng mình sẽ không thể hành nghề luật sư ở Kelso, vì ở đó người ta vẫn coi cô là một cô bé đáng thương có người mẹ bỏ nhà theo trai. Do tốt nghiệp với kết quả cao, Jennifer đã được hàng chục hãng luật hàng đầu trong cả nước phỏng vấn và cô nhận được một số lời mời đến làm việc. Warren Oakes, giáo sư về luật hình sự của trường bảo cô: “Đó quả là một cống vật thật sự, cô gái trẻ ạ. Thường thì một phụ nữ rất khó có thể tìm được chỗ làm việc trong một công ty luật có uy tín”. Khó khăn của Jennifer lúc này là cô không có một chỗ trú chân ổn định. Cô cũng chưa rõ mình sẽ sống ở đâu. Ngay trước khi cô tốt nghiệp, tình cờ khó khăn ấy đã được giải quyết. Giáo sư Oakes yêu cầu cô gặp ông sau giờ học. “Tôi vừa nhận được một lá thư từ văn phòng chưởng lý quận Manhattan. Ông ta yêu cầu tôi giới thiệu một học sinh xuất sắc nhất về làm trợ lý. Cô có thích làm ở đó không?” Làm việc ở New York? Jennifer quá vui sướng và câu trả lời hầu như được bật ra ngay tức khắc: “Có ạ, thưa thầy!” Cô bay đến New York để dự kỳ thi sát hạch và trở lại Kelso để đóng cửa văn phòng luật của cha cô. Đây là một công việc vừa cay đắng vừa ngọt ngào, tràn đầy những kỷ niệm của quá khứ, và Jennifer có cảm giác rằng cô đã lớn lên ở trong chính văn phòng này. Cô kiếm việc làm ở thư viện luật của trường tổng hợp để sống qua ngày, trong khi chờ đợi kết quả của cuộc thi sát hạch ở New York. “Đó là một trong những kỳ thi khó nhất trong cả nước đấy!” - Giáo sư Oakes nhắc nhở cô. Nhưng Jennifer biết rằng mình sẽ đỗ. Cũng ngày hôm đó, cô nhận được thông báo về việc đã đỗ kỳ thi sát hạch và một giấy mời đến làm việc của văn phòng chưởng lý ở New York. Một tuần sau đó, Jennifer đến New York. Cô thuê một căn hộ nhỏ ở cuối đại lộ số Ba. Căn hộ này năm ở tầng tư của một tòa nhà không có lò sưởi. Tập thể dục sẽ có lợi cho sức khỏe của mình, Jennifer tự nhủ. Căn hộ này có một phòng ngủ bé xíu, trong đó có một chiếc đi văng có thể biến thành giường ngủ, một buồng tắm nhỏ có cửa sổ được chốt chặt. Đồ đạc trong phòng cực kỳ tồi tàn. Không sao, ta sẽ không sống ở đây lâu đâu mà, Jennifer nghĩ. Ta sẽ chỉ sống ở đây chừng nào ta chưa chứng tỏ được mình là một luật sư giỏi. Tất cả những cái đó chỉ là một giấc mơ. Thực tế là cô chỉ ở New York có gần 72 giờ đồng hồ. sau đó cô đã bị đuổi khỏi đội quân của chưởng lý và còn bị đe dọa tước quyền luật sư. * * * * * Jennifer bỏ đọc báo và tạp chí, ngừng xem vô tuyến bởi bất cứ lúc nào đụng đến chúng, cô đều thấy mình trong đó. Cô cảm thấy mọi người đều chú ý đến mình, trên đường phố, trên ôtô bus và ở ngoài chợ nữa. Cô bắt đầu ở lỳ trong nhà, không trả lời điện thoại hoặc ra mở cửa khi có chuông reo. Cô đã định thu dọn đồ đạc và trở lại bang Washington. Cô còn định tìm việc thuộc các lĩnh vực khác. Cô đã nghĩ đến việc tự tử. Cô dành hàng tiếng đồng hồ ngồi viết thư cho chưởng lý Robert Di Silva. Một nửa số thư buộc tội ông kém nhạy cảm và thiếu sự thông cảm. Một nửa khác gồm toàn những lời xin lỗi và cầu xin ông cho cô có cơ hội làm lại cuộc đời. Kết cục không có bức thư nào được gửi đi cả. Lần đầu tiên trong đời, Jennifer chìm đắm trong tuyệt vọng. Cô không có bạn bè ở New York, không có ai để tâm sự cả. Cô tự nhốt mình trong phòng suốt ngày và đến khuya mới dám đi ra dạo trên các đường phố vắng lặng của thành phố. Những ngôi nhà vắng lặng, chủ nhân của đêm tối, không bao giờ bám lẵng nhẵng theo cô. Có lẽ chúng thấy nỗi cô đơn và tuyệt vọng của mình trong cặp mắt cô. Vừa đi, Jennifer vừa hình dung lại cảnh xử án với phần kết cục luôn thay đổi. Một người đàn ông tách khỏi nhóm người đang vây quanh Di Silva và bước vội đến chỗ cô. Hắn ta mang theo một chiếc phong bì to. “Cô là cô Parker?” “Vâng?” “Sếp muốn nhờ cô đưa cái này cho Stela”. Jenllifer lạnh lùng nhìn hắn ta: “Xin cho tôi xem căn cước của ngài?” Người đàn ông sợ hãi bỏ chạy. * * * * * Một người đàn ông tách khỏi nhóm người đang vây quanh Di Silva và bước vội đến chỗ cô. Hắn ta mang theo một chiếc phong bì to. “Cô là cô Parker?” “Vâng?” “Sếp muốn nhờ cô đưa cái này cho Stela”. Hắn giúi chiếc phong bì vào tay cô. Jennifer mở phong bì và thấy con hoàng yến chết ở trong đó. “Tôi ra lệnh bắt giữ anh”. Một người đàn ông tách khỏi nhóm người đang vây quanh Di Silva và bước vội đến chỗ cô. Hắn ta mang theo một chiếc phong bì to. Hắn đi ngang qua Jennifer tới chỗ một trợ lý trẻ của chưởng lý. “Sếp muốn đưa cái này cho Stela”. Cô có thể tưởng tượng ra những cảnh như vậy bao nhiêu lần cũng được, nhưng làm như vậy cũng chẳng thay đổi được gì cả. Một sai lầm ngu ngốc đã làm hại cả đời cô. Nhưng mà ai nói là đời cô coi như bỏ đi nhỉ? Báo chí chăng? Hay là Di Silva? Cô vẫn chưa nghe nói gì về việc tước quyền hành nghề của mình, vì cô vẫn còn là một luật sư cơ mà. Sẽ có những hãng luật mời mình, cô tự nhủ. Lòng tràn đầy quyết tâm, Jennifer tìm lại sách các hãng mà cô đã từng tiếp xúc và gọi điện cho họ. Không ai trong số người mà cô hỏi có mặt ở cơ quan, và họ cũng không trả lời cô sau đó. Phải mất năm ngày như vậy mới hiểu rằng mình đã biến ra một con chiên ghẻ của giới luật pháp. Sự ồn ã xung quanh vụ án đã dịu đi nhưng người ta vẫn còn nhớ đến nó. Jennifer vẫn tiếp tục gọi điện cho các hãng luật, và tâm trạng của cô chuyển từ thất vọng sang phẫn nộ, khinh bỉ rồi lại trở lại thất vọng. Cô thường tự hỏi mình sẽ làm việc gì từ nay cho đến cuối đời và mỗi lần như vậy, câu trả lời vẫn là: “Tất cả những gì cô muốn làm, điều duy nhất cô quan tâm, là hành nghề luật”: Cô là một luật gia mà. Cô nhất định phải tìm cách để làm công việc đó. Cô bắt đầu tới các văn phòng luật ở quận Manhattan. Khi đến đó, cô không bao giờ báo trước mà chỉ nói tên mình và yêu cầu người tiếp khách cho gặp sếp của văn phòng. Đôi lần cô cũng được phỏng vấn, nhưng những lúc đó cô hiểu rằng người ta làm như vậy chỉ vì tò mò. Cô là một con quái và họ muốn nhìn tận mắt xem cô trông như thế nào. Và sau khi phỏng vấn, người ta trả lời cô rằng hiện chưa có việc thích hợp cho cô. Sau sáu tuần, Jennifer hầu như đã hết sạch tiền. Cô muốn chuyển sang một căn hộ khác rẻ hơn, nhưng không còn căn hộ nào rẻ hơn chỗ cô đang ở. Cô bắt đầu nhịn ăn sáng, ăn trưa và ăn tối ở một cửa hiệu tối tăm, thức ăn rất tồi nhưng rẻ tiền. Sau khi đã liên hệ với tất cả các hãng luật lớn mà không xin được việc, Jennifer bắt đầu gọi điện cho các hãng nhỏ, nhưng ở đó người ta cũng đã biết cô. Họ chỉ gạ gẫm cô chứ không đã động đến chuyện công việc. Cô bắt đầu thấy tuyệt vọng. Được rồi, nếu họ không muốn thuê mình, mình sẽ mở một văn phòng riêng. Nhưng vấn đề là phải có tiền, ít nhất là 10 nghìn đôla. Cần phải thuê nhà, điện thoại, trả lương người thư ký, sách luật, bàn ghế, văn phòng phẩm... Thế là cô không còn đủ tiền để mua tem thư nữa. Cô hy vọng sẽ nhận được chút tiền nào đó từ văn phòng chưởng lý, nhưng tất nhiên là hy vọng ấy không thể có được. Cô không có cách nào để mở một văn phòng của riêng mình, dù nó nhỏ bé đến đâu chăng nữa. Bây giờ phải tìm người cộng sự để cùng lập văn phòng. Jennifer mua một tờ Thời báo New York và bắt đầu xem xét các quảng cáo tìm việc. Ở gần cuối trang quảng cáo cô thấy dòng chữ: “Cần một cộng sự về luật, văn phòng chung với hai người. Tiền thuê với giá hạ”. Hai chữ cuối cùng có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với Jennifer. Cô lập tức đi tầu điện ngầm đến địa chỉ ghi trong quảng cáo. Đó là một tòa nhà cũ kỹ và đổ nát ở cuối đường Broadway. Văn phòng nằm ở tầng 10 với tấm biển đề đã bị long mất mấy chữ : KENNETH BALLEY Chuyên gia điều tra Dưới đó là dòng chữ : HÃNG THU THẬP ROCKEFELER Jennifer hít một hơi thở thật sâu, mở cửa và bước vào. Cô đã ở trong một căn phòng nhỏ không có cửa sổ. Có ba chiếc bàn sứt sẹo và mấy cái ghế nằm lay lắt trong phòng, trên hai chiếc ghế có hai người ngồi. Một người đàn ông trung niên, đầu hói, ăn mặc lôi thôi, đang cắm cúi đọc các loại giấy tờ gì đó. Phía đối diện là một người đàn ông khác, chạc ngoài 30 một chút. Anh ta có bộ tóc mầu gạch đỏ và cặp mắt xanh sáng. Da anh ta tái nhợt và lấm tấm tàn hương. Anh ta mặc một chiếc quần bò bó sát người, một chiếc áo thể thao và đi đôi giầy trắng không tất. Anh ta đang nói chuyện trong điện thoại. “Xin đừng lo lắng, bà Desser, tôi đã cho hai nhân viên giỏi nhất của mình giải quyết vụ việc của bà. Chúng ta sẽ sớm có tin tức về chồng bà. Tuy nhiên tôi e rằng chúng tôi cần thêm một số tiền nữa để tiến hành công việc... Ồ không, bà đừng gửi bưu điện làm gì. Chiều nay tôi có một số công chuyện ở gần chỗ bà ở và tôi sẽ ghé qua đó lấy tiền”. Anh ta đặt ống nghe xuống, ngước lên và thấy Jennifer. Lập tức, anh đứng dậy, mỉm cười và chìa bàn tay khỏe và rắn chắc cho cô. “Tôi là Kenneth Bailey. Tôi có thể giúp gì được cô trong buổi sáng hôm nay nào?” Jennifer nhìn quanh căn phờng nhỏ bé, thiếu không khí và nói một cách thiếu tự tin. “Tôi, tôi đã đọc quảng cáo của các anh”. “Vậy à!” - Cặp mắt xanh của anh tỏ rõ vẻ ngạc nhiên. Người đàn ông hói lúc này cũng bắt đầu đầu chăm chú nhìn Jennifer. Kenneth Bailey nói: “Đây là Otto Wenzel. Ông ta là người của hãng thu thập Rockefeller”. Jennifer gật đầu chào ông này. Sau đó cô quay sang Kenneth Bailey : “Còn anh thì là chuyên gia điều tra phải không?” “Đúng vậy. Còn cô làm gì?” “Tôi là luật sư”. Kenneth Bailey hoài nghi nhìn cô “Và cô muốn mở văn phòng ở đây?” Jennifer nhìn lại căn phòng tồi tàn một lần nữa, mường tượng cảnh cô ngồi giữa hai người đàn ông này. “Có lẽ tôi sẽ xem thêm chút nữa” - Cô nói - “Tôi không chắc...” “Cô chỉ phải trả 90 đôla tiền thuê nhà một tháng”. “Tôi có thể mua cả căn nhà này với giá 90 đôla một tháng - Jennifer trả lời, rồi quay ra định bỏ đi”. “Này, chờ một phút đã”. Jennifer dừng lại. “Thôi, ta thỏa thuận 60 đôla một tháng nhé. Khi nào công việc của cô tiến triển tốt, chúng ta sẽ bàn chuyện tăng tiền sau”. Jennifer biết rằng cô không thể nào tìm được chỗ khác với khoản tiền ít ỏi như vậy. Tuy nhiên cô vẫn phải đắn đo một điều: cô không có đủ 60 đôla. “Thôi được tôi đồng ý!” - Jennifer nói. “Cô sẽ không phải hối tiếc đâu?” - Kenneth Bailey hứa hẹn - “Khi nào cô muốn dọn đồ đến đây?” “Tôi chẳng có đồ đạc gì cả”. Kenneth Bailey tự mình sơn hàng chữ trên cửa : JENNIFER PARKER Luật sư Jennifer ngắm nghía tấm biển với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Chưa bao giờ, kể cả trong những lúc tuyệt vọng nhất, cô lại tưởng tượng rằng tên của mình được đặt dưới tên của một thám tử trẻ và một người thu thập biển quảng cáo. Nhưng, nhìn tấm biển, cô không khỏi thấy tự hào. Cô là một luật sư. Tấm biển trên cửa chứng tỏ điều đó. Giờ đây Jennifer đã có văn phòng, điều duy nhất cô còn thiếu là khách hàng. Jennifer ăn uống ngày càng kham khổ. Cô tự nấu bữa sáng, nhịn ăn trưa và ăn tối ở các quán ăn tồi tàn. Sáng sáng cô đến văn phòng vào lúc chín giờ, nhưng cô chẳng có gì làm ngoài việc nghe Ken Bailey và Otto Wenzel nói chuyện điện thoại. Dường như công việc của Ken Bailey chủ yếu là tìm trẻ lạc hoặc vợ chồng trốn nhà ra đi. Lúc đầu, Jennifer cho rằng anh ta là một kẻ lừa đảo hứa hẹn huyên thuyên để lấy những khoản tiền lớn. Nhưng Jennifer nhanh chóng nhận ra rằng Ken Bailey làm việc cật lực và khá có hiệu quả. Anh ta rất thông minh và nhanh nhẹn. Otto Wenzel là một người rất khó hiểu. Điện thoại trên bàn ông ta réo liên tục. Ông ta thường nhấc ống nghe lên nói lúng búng mấy câu, ghi vài chữ lên giấy rồi sau đó biến đi đâu hàng giờ đồng hồ. “Oscar làm công việc báo cáo”, - Một hôm Ken Bailey giải thích cho Jennifer. “Báo cáo gì cơ?” “À. Các công ty sử dụng ông ta để lấy lại ôtô, máy vô tuyến, máy giặt, v.v...” - Anh ta tò mò nhìn Jennifer - “Cô không có khách hàng nào à?” “Tôi sắp có việc phải làm” - Jennifer nói lảng. Anh ta gật đầu. “Đừng để chuyện đó làm cô thất vọng. Ai cũng có thể mắc sai lầm”. Jennifer cảm thấy nóng mặt. Thì ra người này cũng biết cô. Ken Bailey lấy ra một chiếc bánh sandwich nhân thịt bò. “Cô có thích ăn một chút không?” Chiếc bánh trông thật ngon lành nhưng Jennifer cương quyết từ chối. “Cám ơn,tôi không ăn trưa”. “Vậy à”. Cô nhìn anh ta ăn bánh một cách ngon lành. Nhìn vẻ mặt cô, Ken Bailey hỏi lại “Có thật cô không muốn thử một chút không?” “Không, cám ơn. Tôi có hẹn rồi”. Ken Bailey nhìn theo Jennifer đang bước ra khỏi phòng, khuôn mặt anh có vẻ tư lự. Anh thường tự hào về khả năng đánh giá tính cách của mọi người, nhưng Jennifer Parker đã làm anh lúng túng. Qua báo chí và tivi anh chắc rằng người ta đã trả tiền cho cô gái này để cô phá vụ án xét xử Michael Moretti. Sau khi gặp Jennifer anh bắt đầu nghi ngờ chuyện đó. Anh đã lấy vợ một lần và chịu nhiều đau khổ trong cuộc sống gia đình, từ đó anh luôn đánh giá thấp phụ nữ. Nhưng có điều gì đó mách bảo anh rằng đây là một trường hợp đặc biệt. Cô thật là xinh đẹp, sáng sủa và rất tự trọng. Chúa ơi! Anh tự nhủ. Đừng có mà ngu ngốc. Mình chịu khổ một lần đã là quá đủ rồi. Jennifer nghĩ: Hãy đưa cho tôi những người dân nghèo khổ, mệt mỏi muốn hít thở tự do, những người không nhà cửa, tiền bạc. Thật đáng nực cười. Ở New York này, không ai quan tâm tới việc ta sống hay chết. Đừng có tự thương thân nữa. Jennifer tự nhủ. Nhưng làm như thế đâu dễ. Cô chỉ còn có 18 đôla, hạn trả tiền thuê nhà đã đến và cô cũng chưa trả tiền thuê văn phòng. Cô không còn đủ tiền để ở lại New York lâu hơn nữa và cô cũng không đủ tiền để rời New York. Jennifer đã xem hết cuốn danh bạ điện thoại, gọi điện cho các văn phòng luật theo thứ tự chữ cái, cố kiếm một công việc. Cô gọi điện từ buồng điện thoại dưới nhà vì không muốn Ken Bailey và Otto Wenzel nghe những câu chuyện của mình. Kết quả luôn giống nhau. Không hãng nào muốn thuê cô cả. Có lẽ đành quay về Kelso để kiếm một công việc gì đó, chẳng hạn như cố vấn luật pháp hoặc làm thư ký cho ai đó trong số bạn bè của cha cô. Nếu còn sống chắc cha cô sẽ bất bình lắm. Đó quả là một thất bại cay đắng nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác. Cô sẽ trở về nhà như một kẻ chiến bại. Vấn đề bây giờ là phải lo tiền tàu xe. Cô lướt qua tờ Bưu điện New York ra buổi chiều và thấy có mục quảng cáo tìm người chung tiền thuê xe đi Seattle. Có cả số điện thoại và Jennifer đã gọi theo số đó. Không có ai trả lời. Cô định gọi lại vào sáng hôm sau. Ngày hôm sau, Jennifer đến văn phòng lần cuối cùng. Otto đi vắng, nhưng Ken Bailey vẫn ngồi trực điện thoại như thường lệ. “Tôi đã tìm thấy vợ ngài”, - anh nói - “Vấn đề khó khăn là bà ấy không muốn về nhà... Vâng tôi biết. Ai mà có thể hiểu hết được đàn bà kia chứ. Được rồi. Tôi sẽ nói cho ngài biết bà ấy đang ở đâu và ngài có thể thử dỗ bà ta quay về nhà xem sao”. Anh nói tên một khách sạn ở ngoại thành, rồi đặt máy xuống, quay sang Jennifer: “Sáng nay cô đi làm muộn rồi”. “Ông Bailey, tôi có lẽ phải rời đây thôi. Khi nào có, tôi sẽ gửi trả ông tiền thuê nhà mà tôi còn nợ ông ngay lập tức”. Ken Bailey ngả người vào ghế và chăm chú nhìn Jennifer. Cái nhìn của anh làm cô lúng túng. “Vậy có được không?” Cô hỏi. “Cô quay lại bang Washington à?” Jennifer gật đầu. Ken Bailey chậm rãi nói: “Trước khi đi, cô có thể giúp tôi một việc nhỏ này được không? Một người bạn luật sư cứ khẩn khoản nhờ tôi đưa trát hầu tòa hộ anh ta, mà tôi thì quá bận rồi. Anh ta chi mười hai đôla rưỡi cho mỗi trát hầu tòa cùng chi phí đi lại. Cô giúp tôi chứ?” Một tiếng sau Jennifer đã có mặt ở văn phòng của hãng luật “Peabody và Peabody”. - Đó chính là nơi mà cô từng nghĩ là sẽ làm việc ở đó. Cô được đưa tới một căn phòng nhỏ ở cuối tòa nhà, ở đó một cô thư ký mệt mỏi đưa cho cô một tập trát hầu tòa. “Cô cầm lấy này. Và nhớ ghi lại quãng đường phải đi cô có ô tô chứ?” “Không. Tôi e rằng...” “Được rồi, nếu cô đi tàu điện ngầm hãy ghi lại giá vé nhé”. “Vâng”. Cả ngày hôm đó Jennifer đi đưa trát hầu tòa ở các vùng Bronx Brooklyn và Queens dưới trời mưa tầm tã. Đến 8 giờ tối hôm đó cô đã kiếm được 50 đôla. Cô trở về căn phòng nhỏ bé của mình lạnh cóng và mỏi mệt. Nhưng ít nhất cô cũng kiếm được một ít tiền, khoản đầu tiên kể từ khi cô đến New York. Và người thư ký nói với cô rằng còn vô số trát hầu tòa cần phải gửi đi. Đó quả là một công việc nặng nhọc, phải chạy đi chạy lại khắp thành phố, và tủi nhục nữa. Cô đã bị người ta đóng sập cửa trước mặt, bị chửi rủa, đe dọa và bị gạ gẫm nữa. Viễn cảnh của một ngày làm việc giống như thế nữa quả là đáng sợ, nhưng dù sao, chừng nào cô còn ở lại New York, cô vẫn có hy vọng dù là mỏng manh. Jennifer bước vào bồn tắm nước nóng, thả mình trong đó và cảm thấy dễ chịu khi nước vỗ nhẹ lên da thịt mình. Lúc này cô mới thấy mình mệt mỏi đến mức nào. Dường như tất cả các thớ thịt đều nhức nhối. Cô quyết định phải ăn một bữa tối ngon lành để lấy lại tinh thần. Mình sẽ đến một khách sạn thật sự với khăn trải bàn và giấy ăn, Jennifer nghĩ. Có lẽ ở đó có nhạc nhẹ và mình sẽ uống một cốc rượu vang trắng, và... Dòng suy nghĩ của Jennifer bị ngắt quãng bởi tiếng chuông réo. Thật là lạ. Chưa có ai đến thăm cô kể từ khi cô dọn tới ở đây hai tháng nay. Có lẽ là bà chủ nhà đến hỏi tiền thuê đã quá hạn trả. Jennifer vẫn nằm yên, hy vọng bà ta sẽ bỏ đi. Chuông lại réo. Jennifer uể oải bước ra khỏi bồn tắm ấm áp. Cô quấn vội chiếc áo choàng tắm vào người và bước ra phía cửa. Một giọng đàn ông từ bên ngoài nói vọng vào : “Cô Jennifer Parker phải không?” “Vâng, tôi đây”. “Tôi là Adam Warner, luật sư”. Hơi bối rối, Jennifer mở hé cửa nhìn ra. Người đàn ông đứng trước cửa trạc 35, 36 tuổi, cao lớn, vai rộng và tóc vàng. Ông ta có cặp mắt xanh sẫm trông thật hấp dẫn. Bộ com-lê của ông chắc phải đáng giá cả một gia tài. “Tôi có thể vào được không?” - Ông hỏi. Kẻ cướp thì đã không mặc comlê, đi giày Gucci và đeo cà vạt lụa. Chúng cũng không thể có bàn tay đẹp với những ngón tay dài, mềm mại được. “Xin ông chờ cho một lát”. Jennifer mở rộng cánh cửa. Khi Adam Warner bước vào, Jennifer liếc quanh căn phòng của mình, và nhìn vẻ mặt của ông cô thấy xấu hổ. Rõ ràng là ông ta quen với những thứ tốt hơn ở đây nhiều. “Tôi có thể làm gì được cho ngài, ngài Warner?” Vừa nói dứt lời, Jennifer chợt hiểu vì sao ông ở đây và cô thấy tràn đầy phấn khích. Có lẽ đây là người của hãng mà cô đã xin việc. Cô tiếc rằng mình đã không ăn mặc cho tử tế, đầu tóc chưa chải gọn gàng. Adam Warner nói: “Tôi là một thành viên của Ủy ban kỷ luật của Hội luật gia New York. Chưởng lý Robert Di Silva và chánh án Lawrence Waldman yêu cầu Ủy ban bắt đầu cho tiến hành thủ tục tước quyền hành nghề luật sư của cô”. Chương 04 Văn phòng luật của “Needham, Finch, Pierce và Warner” nằm ở số 30 phố Wall chiếm toàn bộ tầng trên của tòa nhà. Có 125 luật sư làm việc trong công ty. toàn bộ khu văn phòng toát lên vẻ lịch sự trang nhã, phù hơp với một tổ chức đại diện cho các ngành công nghiệp lớn nhất. Adam Warner và Steward Needham đang cùng uống chè sáng như thường lệ. Steward Needham là một người đàn ông nhỏ nhắn, gọn gàng trạc ngoài 60 tuổi. Ông để một bộ ria được xén tỉa gọn ghẽ và mặc com-lê cổ áo gi-lê ở bên trong. Trông ông ta có vẻ như thuộc về một thế hệ cũ kỹ, nhưng như các đối thủ của ông đã từng biết. Stewald Needham là một con người của thế kỷ 20 hơn ai hết: ông ta là một người rất có thế lực nhưng tên của ông chỉ được biết tới trong những giới có liên quan. Ông thích đứng ở sau hậu trường, và sử dụng ảnh hưởng của mình tác động tới kết quả của một đạo luật, bổ nhiệm các quan chức cấp cao của chính phủ và nền chính trị quốc gia. Ông là một người kín đáo và rất ít nói. Adam Warner lấy cháu gái của Needham, Mary Beth, và là người được Needham bảo trợ. Cha Adam là một thượng nghị sĩ được kính trọng, còn bản thân anh là một luật sư rất có triển vọng. Sau khi tốt nghiệp loại ưu tại trường luật Harvard, anh được rất nhiều hãng luật nổi tiếng trong nước mời chào. Anh chọn hãng “Needham, Finch và Pierce” và bảy năm sau trở thành một cộng sự của họ. Adam rất hấp dẫn về mặt hình thể và sự thông minh tạo thêm một lợi thế nữa cho anh. Tuy nhiên, anh luôn lảng tránh những khách hàng nữ quá đa tình của mình. Anh lập gia đình với Mary Beth 14 năm nay và không chấp nhận việc ngoại tình. “Thêm một chút trà nữa chứ, Adam”. Steward Needham hỏi. “Thôi, cám ơn”. Adam Warner ghét chè và từ tám năm nay sáng nào anh cũng uống, chỉ vì không muốn làm phật lòng đồng sự của mình. Đây là loại chè Needham tự pha lấy và rất khó nuốt trôi. Steward Needham có hai điều muốn nói và như thường lệ, ông ta nói ra điều dễ chịu trước: “Tôi vừa gặp mấy người bạn tối hôm qua”. Mấy người bạn có nghĩa là một nhóm người có quyền lực cao nhất ở Mỹ. “Họ đang tính đến việc yêu cầu anh ra tranh cử chức thượng nghị sĩ đấy, Adam”. Adam cảm thấy rất phấn khởi. Biết rõ về tính cẩn thận của Steward Needham, anh biết rằng đây không phải là một câu chuyện bình thường, nếu không Need hẳn chưa nói ra vội. “Vấn đề chính là, liệu anh có thích điều đó không? Cuộc sống của anh chắc sẽ thay đổi rất nhiều đấy”. Adam Warner biết rõ điều đó. Nếu anh thắng cử, anh sẽ phải đến Washington, bỏ nghề luật và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Anh chắc rằng Mary Beth sẽ rất thích điều đó. Nhưng về phần mình Adam vẫn thấy phân vân. Tuy nhiên, anh là một người được nuôi nấng để nhận lấy trách nhiệm, và anh cũng thấy thích thú khi có quyền lực. “Tôi sẽ rất thích, Steward ạ”. Steward Needham gật đầu hài lòng: “Tốt. Họ sẽ rất vui đấy”. Ông ta rót một chén trà nữa và đề cập đến vấn đề thứ hai. “Có một việc nhỏ mà Ủy ban kỷ luật của Hội luật gia muốn anh giải quyết, Adam. Có lẽ chỉ mất một vài tiếng đồng hồ thôi”. “Chuyện gì vậy?” “Đó là vụ án Michael Moretti. Rõ ràng là có ai đó đã mua chuộc được một cô trợ lý trẻ của Bobby Di Silva”. “Tôi đã đọc về vụ án này. Con hoàng yến chết chứ gì!” “Đúng vậy. Chánh án Waldman và Bobby muốn loại cô ta ra khỏi danh sách những người làm nghề cao quý của chúng ta. Tôi cũng muốn vậy”. “Vậy họ muốn tôi làm gì?” “Anh chỉ việc kiểm tra, xác nhận rằng cô gái này đã cư xử trái với đạo đức và pháp luật, rồi sau đó đề nghị tiến hành thủ tục tước quyền luật sư của cô ta. Cô ta sẽ được thông báo lý do, sau đó họ sẽ làm tất cả. Một công việc bình thường thôi”. Có cái gì đó làm Adam bối rối. “Tại sao lại là tôi, Steward? Chúng ta có hàng chục luật gia trẻ ở đây, họ có thể làm được việc đó quá đi chứ!” “Chưởng lý đáng kính của chúng ta yêu cầu đích danh anh. Ông ta muốn chắc rằng sẽ không có chuyện gì sai sót. Nhưng cả tôi và anh đều biết” Ông ta nói thêm “Bobby là người khó tha thứ cho người khác nhất thế giới đấy. Ông ta muốn lột da cô Parker này và đóng đinh lên tường phòng làm việc của ông ta cơ”. Adam Warner ngồi đó suy nghĩ về chương trình bận rộn của mình. “Anh chưa biết bao giờ chúng ta cần có sự giúp đỡ của văn phòng tổng chưởng lý đâu, Adam. Mọi chuyện đều có đi có lại cả mà. Thôi cứ thế mà làm nhé”. “Thôi được rồi, Steward”, - Adam đứng dậy. “Anh thật không muốn uống thêm ít trà nữa à?” “Thôi, cám ơn. Chè ngon lắm”. * * * * * Khi Adam trở lại văn phòng của mình, anh gọi điện cho cô thư ký Lucinda, một cô gái da đen trẻ trung và sáng sủa. “Cindy, hãy thu thập cho tôi tất cả thông tin mà cô có về một luật sư tên là Jennifer Parker”. Cô thư ký bật cười và nói: “Con hoàng yến chứ gì?” Ai cũng biết về cô ta. Suốt buổi chiều hôm đó Adam Warner nghiên cứu biên bản của vụ án: Nhân dân New York kiện Michael Moretti. Mãi đến nửa đêm Adam mới kết thúc công việc đó. Anh đã bảo Mary Beth đi dự bữa liên hoan tối một mình và ngồi nhà ăn bánh sandwich. Sau khi đọc kỹ biên bản anh đi đến kết luận là đáng lẽ Michael Moretti đã bị kết án, nếu số phận không can thiệp vào vụ này qua Jennifer Parker. Di Silva đã chuẩn bị rất chu đáo để buộc tội hắn. Adam giở biên bản của cuộc thẩm vấn diễn ra tại phòng của chánh án Waldman sau đó. Di Silva: Cô đã tốt nghiệp đại học? Parker: Vâng, thưa ngài. Di Silva: Cô tốt nghiệp trường luật? Parker: Vâng, thưa ngài. Di Silva: Và khi có một người lạ mặt đưa cho cô một cái gói, bảo cô đưa nó cho nhân chứng chính của một vụ án giết người, cô đã làm theo hắn ta. Cô có thấy là điều này vượt quá giới hạn của sự ngu xuẩn không? Parker: Mọi chuyện không phải như vậy đâu! Di Silva: Chính cô đã nói thế cơ mà. Parker: Điều tôi muốn nói là tôi không nghĩ hắn ta là một người lạ. Tôi tưởng đó là một nhân viên của ngài. Di Silva: Điều gì đã làm cô nghĩ như vậy? Parker: Tôi đã nói với ngài rồi. Tôi thấy hắn nói chuyện với ngài, sau đó hắn đến chỗ tôi, gọi tên tôi và nói ngài muốn tôi đưa cái phong bì này cho nhân chứng. Mọi cái diễn ra nhanh đến nỗi... Di Silva: Tôi không tin là mọi việc lại diễn ra nhanh như vậy. Tôi nghĩ rằng phải có thời gian để chuẩn bị. Phải có thời gian để người ta bố trí hối lộ cô chứ. Parker: Điều đó không đúng sự thực. Tôi... Di Silva: Điều gì không đúng sự thật. Có phải cô không biết là mình chuyển phong bì cho ai không? Parker: Tôi không biết có gì ở trong đó. Di Silva: Như thế có nghĩa là chúng đã trả tiền cho cô? Parker: Tôi sẽ không để cho ngài bẻ quẹo lời của tôi đâu. Không có ai trả tiền tôi cả. Di Silva: Cô làm như vậy vì thiện ý à? Parker: Không. Tôi nghĩ là tôi làm theo lệnh của ngài. Di Silva: Cô nói rằng người đàn ông đó gọi tên cô? Parker: Vâng. Di Silva: Làm sao hắn lại biết được tên cô? Parker: Tôi không biết. Di Silva: Thôi đi. Cô phải biết chứ. Có lẽ hắn đoán chăng? Hay có lẽ hắn chỉ nhìn quanh phòng xử án và thấy cô. Cô có nghĩ như vậy không? Parker: Tôi đã nói với ngài rồi mà. Tôi không biết. Di Silva: Cô đã bắt bồ với Michael Moretti bao lâu rồi? Parker: Ngài Silva, chúng ta đã nói đi nói lại chuyện này quá nhiều rồi. Ngài đã hỏi tôi suốt năm tiếng đồng hồ. Tôi mệt quá rồi. Tôi chẳng có gì để nói thêm nữa. Tôi xin kiếu thôi! Di Silva: Nếu cô rời khỏi chỗ này, tôi sẽ ra lệnh bắt cô ngay lập tức, cô đang gặp khó khăn lớn đấy, cô Parker ạ. Chỉ có một cách duy nhất giúp cô ra khỏi khó khăn này. Hãy nói sự thực đi. Parker: Tôi đã nói với ngài đúng sự thật. Tôi đã nói tất cả những gì mà tôi biết. Di Silva: Cô còn chưa nói ra tên người đàn ông đưa cho cô chiếc phong bì. Tôi muốn biết tên hắn và muốn biết hắn đã trả cô bao nhiêu. Còn ba mươi trang biên bản nữa. Robert Di Silva đã làm mọi cách để buộc Jennifer Parker khai theo ý ông ta. Nhưng cô vẫn khăng khăng nói như cũ. Adam đóng tập biên bản lại và uể oải dụi mắt. Đã gần hai giờ sáng. Ngày mai anh sẽ xử lý vụ Jennifer Parker. * * * * * Thật đáng ngạc nhiên, vụ Jennifer Parker không dễ xử lý như Adam nghĩ. Là một người làm việc có phương pháp, anh bắt đầu bằng việc kiểm tra lại nguồn gốc của Jennifer Parker. Cô không hề có liên quan gì đến bọn tội phạm và cũng chẳng có quan hệ nào với Michael Moretti. Có một việc làm Adam thấy không ổn. Những lời tự bào chữa của Jennifer Parker quá nông cạn. Nếu cô làm việc cho Moretti, hắn chắc phải bảo vệ cô bằng cách dựng lên một câu chuyện dễ tin hơn. Sự thực, lời khai của cô quá ngây thơ đến mức khó có thể tin được. Buổi trưa, Adam nhận được điện thoại của chưởng lý : “Tình hình thế nào, Adam?” “Tốt thôi, Robert”. “Tôi hiểu là anh đang làm một công việc khó chịu là giải quyết vụ Jennifer Parker”. Adam Warner nhăn mặt. “Đúng là tôi đồng ý sẽ kiến nghị về vụ này”. “Tôi muốn tống khứ cô ả này đi cho khuất mất”. Adam hơi giật mình vì sự thù nghịch trong giọng của chưởng lý. “Từ từ nào, Robert. Cô ta đã bị tước quyền hành nghề đâu?” Di Silva cười khúc khích. “Tôi nghe nói anh có thể sẽ sớm chuyển về Washington. Tôi muốn anh biết rằng, anh có thể trông cậy vào sự ủng hộ hoàn toàn của tôi”. Sự ủng hộ đó sẽ rất đáng kể. Adam biết như vậy. Chưởng lý đã làm việc lâu năm, ông ta biết nhiều điều và ông ta cũng biết khi nào có thể sử dụng được vốn hiểu biết đó. “Cám ơn, Robert. Tôi rất trân trọng điều đó”. “Có gì đâu Adam. Tôi chờ tin tức của anh đấy”. Tin tức về Jennifer Parker. Sự có đi có lại mà Steward Needham đã nhắc đến, và cô gái sẽ được sử dụng như một con chốt. Adam Walner nhớ đến câu nói của Robert Di Silva: “Tôi muốn tống khứ cô ả đi cho khuất mắt”. Sau khi đọc xong biên bản, Adam nhận thấy rằng không có chứng cứ thật sự nào để buộc tội Jennifer Parker. Trừ khi cô ta thú nhận, hoặc có ai đó đưa ra những chứng cớ mới buộc tội cô ta, Di Silva không thể đụng đến cô gái này được. Ông ta muốn dựa vào Adam để trả thù. Từ ngữ trong biên bản thật lạnh lùng và rõ ràng, thế nhưng Adam vẫn muốn được nghe giọng nói của Jennifer Parker khi cô bác bỏ lời buộc tội. Thực ra cũng không có gì khó thực hiện mong muốn của Steward Needham, chánh án Lawrence và Robert Di Silva, nhưng có cái gì đó khiến Adam Warner ngần ngại. Anh mở lại hồ sơ của Jennifer Parker, đánh dấu một số chỗ và bắt đầu gọi điện thoại đường dài. Adam đã được giao một trách nhiệm, và anh định thực hiện nó với hết khả năng của mình. Anh đã quá quen với cảnh học tập gian khổ và làm việc vất vả để qua kỳ thi sát hạch, trở thành luật sư. Đó quả thực là một phần thưởng mà phải mất nhiều năm mới giành được, và anh sẽ không tước đoạt của ai quyền đó, chừng nào anh chưa chắc là điều đó đúng. Sáng hôm sau Adam Warner bay đến Seattle, bang Washington. Anh gặp các giáo sư luật của Jennifer Parker, gặp chủ hãng luật nơi Jennifer làm thêm trong hai vụ hè, và một số bạn cùng lớp cũ của Jennifer. Stewald Needham gọi điện cho Adam khi anh đang ở Seattle: “Anh làm gì ở đó đấy, Adam? Anh có biết rằng còn một vụ quan trọng mà anh phải giải quyết ở đây không? Vụ Parker chỉ là chuyện vặt thôi”. “Có một vài vấn đề mới nảy sinh”. - Adam thận trọng trả lời. “Tôi sẽ quay lại trong một vài ngày tới thôi, Steward ạ”. Yên lặng một lát. “Tôi hiểu. Nhưng đừng có để phí thời gian vào vụ đó nhé”. Khi Adam Warner rời Seattle, anh cảm thấy mình hiểu Jennifer Parker gần bằng chính bản thân cô ta vậy. Anh đã hình dung được hình ảnh cô trong đầu từ thẻ căn cước, các giáo sư luật, chủ nhà trọ và các bạn học của cô. Nó hoàn toàn khác với những điều mà Robert Di Silva nói với anh. Trừ khi Jennifer Parker là một diễn viên cực kỳ tài giỏi, cô ta không thể tham gia vào một âm mưu để giải thoát một người như Michael Moretti. Giờ đây, gần hai tuần sau khi anh có cuộc trò chuyện với Steward Needham vào buổi sáng hôm đó, Adam Warner gặp gỡ cô gái mà anh đã tìm hiểu kỹ quá khứ. Adam đã thấy ảnh của Jennifer trên báo, nhưng anh không ngờ rằng gặp gỡ trực tiếp với cô và cô lại gây cho anh ấn tượng mạnh mẽ như vậy. Dù trong chiếc áo choàng cũ, chưa trang điểm, tóc tai còn ướt sau khi tắm, trông cô vẫn đẹp dễ sợ. Adam nói: “Tôi được giao nhiệm vụ điều tra về vai trò của cô trong vụ án Michael Moretti, thưa cô Parker”. “Vậy à?” Jennifer thấy uất hận trào dâng. Thì ra họ vẫn chưa buông tha cô. Họ sẽ bắt cô phải trả giá suốt cuộc đời mình. Cô đã chịu đựng quá đủ rồi. Khi Jennifer nói, giọng cô run lên vì giận dữ: “Tôi không có gì để nói với ông cả? Ông hãy trở về và nói với họ điều gì mà ông thích. Tôi đã làm một việc ngu xuẩn, nhưng theo tôi được biết chưa có đạo luật nào kết tội ngu xuẩn cả. Chưởng lý nghĩ rằng tôi đã bị mua”. Cô vẫy tay một cách khinh bỉ. “Nếu tôi có tiền, ông có nghĩ là tôi sẽ sống ở một nơi tồi tàn như thế này không”. Giọng cô bắt đầu nghẹn lại. “Tôi - tôi không cần biết ông sẽ làm gì. Tôi chỉ muốn được ở yên một mình. Xin ông hãy đi cho”. Jennifer quay ngoắt đi, bước vào buồng tắm và đóng sập cửa lại. Cô đứng bên bồn tắm, hít thở thật sâu và lau nước mắt. Cô biết rằng mình đã cư xử thật ngu ngốc. Đây là lần thứ hai, cô buồn rầu nghĩ. Nhẽ ra cô phải cư xử với Adam Warner khác hẳn. Cô phải cố giải thích chứ không nên tấn công ông ta. Có thể nhờ thế mà cô không bị tước quyền luật sư. Nhưng cô biết rằng đó chỉ là mong muốn của mình. Cử người đến phỏng vấn cô chỉ là một động tác giả. Bước tiếp theo sẽ là gọi cô ra điều trần và bộ máy pháp luật sẽ hoạt động. Một Ủy ban xử án gồm ba luật sư sẽ khuyến nghị với Hội đồng kỷ luật, và hội đồng này sẽ báo cáo lên Hội đồng thống đốc, khuyến nghị này chắc chắn sẽ tước quyền hành nghề của cô. Cô sẽ không được làm việc ở bang New York nữa. Jennifer cay đắng nghĩ, dù sao cũng có mặt tốt ở đây. Mình sẽ được ghi tên trong cuốn sách kỷ lục Guinness như là một luật sư có thời gian hành nghề ngắn nhất. Cô lại bước vào bồn tắm, nằm dài trong đó để làn nước ấm áp vỗ nhẹ vào người, làm dịu nỗi căng thẳng trong lòng. Vào lúc này cô đã quá mệt để còn có thể quan tâm đến những gì xảy ra đối với mình. Cô nhắm mắt lại và thả hồn vơ vẩn. Cô thiếp đi một lúc cho đến khi chợt cảm thấy lạnh. Cô đã nằm quá lâu trong bồn đến mức nước đã nguội hết. Cô miễn cưỡng bước ra ngoài và lấy khăn tắm lau người. Chẳng còn thấy đói nữa. Cảnh gặp gỡ với Adam Warner làm cho cô mất hứng. Jennifer chải đầu, lấy kem xoa mặt và quyết định đi ngủ mà không ăn tối nữa. Đến sáng mai cô sẽ gọi điện lại để hỏi về chuyến đi Seattle. Cô mở cửa buồng tắm và bước sang phòng khách. Adam Warner vẫn đang ngồi trên ghế đọc báo. Khi Jennifer bước vào, anh nhìn lên và thấy cô không một mảnh vải trên người. “Xin lỗi!” Adam nói “Tôi...” Jennifer khẽ kêu lên vì hoảng sợ và chạy vội vào buồng tắm mặc quần áo. Khi lại bước ra gặp Adam, cô tức giận bừng bừng. “Cuộc thẩm vấn đã hết. Tôi yêu cầu ông đi ngay cho”. Adam đặt tờ báo xuống và nhẹ nhàng nói: “Cô Parker, cô có cho rằng chúng ta có thể thảo luận vấn đề này một cách bình tĩnh được không?” “Không”. Cơn giận lại bừng lên trong Jennifer. “Tôi chẳng còn gì để nói với ông và cái Ủy ban kỷ luật chết tiệt của ông nữa. Tôi đã quá mệt vì cách đối xử như kiểu tội phạm đối với tôi rồi”. “Tôi có nói cô là tội phạm đâu nhỉ?” Adam nhẹ nhàng hỏi. “Ông chẳng phải vì điều đó mà ông có mặt ở đây sao?” “Tôi đã nói với cô vì sao tôi đến đây. Tôi được trao quyền điểu tra và khuyến nghị về việc có tước quyền hành nghề của cô hay không. Tôi muốn nghe ý kiến của cô”. “Vậy à? Thế tôi phải mua anh bằng cách nào bây giờ?” Adam nghiêm mặt lại. “Tôi xin lỗi, cô Parker”. Anh đứng dậy và đi ra cửa. “Hãy khoan”. Adam quay lại. “Tha lỗi cho tôi” Cô nói “Tôi... dường như tất cả mọi người đều là kẻ thù của tôì. Tôi xin lỗi”. “Lời xin lỗi của cô được chấp thuận”. Jennifer chợt để ý đến chiếc áo choàng mỏng mình đang mặc. “Nếu ông còn muốn hỏi tôi, tôi sẽ đi thay quần áo và chúng ta sẽ nói chuyện tiếp”. “Hay đấy. Cô đã ăn tối chưa?” Cô ngập ngừng. “Tôi...” “Tôi biết một tiệm ăn Pháp rất thích hợp với việc thẩm tra đấy!” * * * * * Đó là một tiệm ăn yên tĩnh dễ thương ở phố 56, phía đông thành phố. “Ít người biết chỗ này”. Adam Warner nói khi họ đã yên chỗ. “Cửa hàng này do một cặp vợ chồng trẻ người Pháp đã từng làm ở Les Pyrénées mở. Thức ăn ở đây ngon tuyệt”. Jennifer phải xin lỗi Adam vì cô chẳng còn phân biệt được mùi vị thức ăn gì nữa. Cô chưa ăn tí gì suốt cả ngày, nhưng vì hồi hộp cô không thể nuốt trôi bất cứ thứ gì. Cô cố gắng tỏ ra thoải mái nhưng không thể được dù anh ta có tỏ vẻ thế nào chăng nữa. người đàn ông duyên dáng ngồi trước mặt vẫn là kẻ thù của cô. Anh ta thật hấp dẫn, Jennifer phải thú nhận điều đó. Anh luôn vui vẻ và tế nhị: và giá như trong trường hợp khác Jennier đã có thể hưởng một buổi tối đầy thú vị; nhưng giờ đây, toàn bộ tương lai của Jennifer nằm trong tay con người này. Trong vài tiếng đồng hồ nữa hướng đi của toàn bộ cuộc đời cô sẽ được quyết định. Adam hết sức cố gắng làm cho cô thấy tự nhiên. “Cô đã bao giờ ăn kem bọc Sôcôla chưa?” “Chưa bao giờ”. Anh cười: “Ngon hơn châu chấu bọc sôcôla!” Anh kể về chuyến đi săn năm ngoái của mình ở Alaska và bị một con gấu tấn công. Anh kể về đủ mọi chuyện nhưng không đá động đến chuyện vì sao họ lại ở đây. Câu chuyện của Adam làm cho Jennifer vui vẻ được một lúc nhưng cuối cùng khi anh nói đến vấn đề chính, cô lại trở nên căng thẳng. Anh đã ăn xong món tráng miệng và nhẹ nhàng nói: “Tôi sẽ hỏi cô vài câu và tôi không muốn cô mất vui về chuyện đó. Được chứ”. Tự nhiên Jennifer thấy nghẹn cả cổ. Cô không chắc là mình có thể nói nên lời và đành gật đầu. “Tôi muốn cô nói lại cho tôi chính xác về những điều đã xảy ra trong tòa án ngày hôm đó. Mọi điều mà cô nhớ và cảm thấy. Cứ thong thả”. Jennifer đã định thách thức anh, định bảo anh hãy làm những gì mà anh thích. Nhưng không hiểu vì sao ngồi đối diện với Adam Warner, lắng nghe giọng nói nhỏ nhẹ của anh, sự chống đối của Jennifer biến đâu mất. Cô còn nhớ quá rõ mọi chuyện và mỗi khi nhắc đến cô cảm thấy nhức nhối trong lòng. Cô đã mất hơn một tháng để cố quên chuyện đó đi. Giờ đây anh ta lại bắt cô nhắc lại từ đầu. Cô thở một hơi dài ngắt quãng và nói: “Được rồi”. Jennifer bắt đầu kể lại các sự kiện xảy ra ở tòa án, lúc đầu còn nhát gừng nhưng càng ngày cô càng nói trơn tru hơn. Adam lặng lẽ lắng nghe, chăm chú theo dõi cô và không nói một lời. Khi Jennifer kết thúc, Adam nói: “Người đàn ông đưa cho cô chiếc phong bì ấy, hắn có ở trong phòng của chưởng lý buổi sáng lúc cô tuyên thệ không?” “Tôi cũng đã nghĩ nhiều đến chuyện đó. Thành thật mà nói, tôi không nhớ nữa. Có quá nhiều người ở trong văn phòng ngày hôm đó và tất cả đều là người lạ đối với tôi”. “Thế cô đã nhìn thấy hắn trước đó ở đâu chưa?” Jennifer lắc đầu tuyệt vọng. “Tôi không thể nhớ được”. “Cô nói là cô thấy hắn nói chuyện với ông chưởng lý ngay trước khi đến chỗ cô và đưa cho có cái phong bì. Thế cô có thấy ông chưởng lý đưa chiếc phong bì đó cho hắn không?” “Tôi... không?” “Cô có thấy hắn thực sự nói chuyện với ông chưởng lý hay hắn chỉ ở trong nhóm người xung quanh ông ta?” Jennifer nhắm mắt lại một giây, cố gắng nhớ lại lúc đó. “Tôi xin lỗi. Mọi cái đều rối tung cả lên. Tôi, tôi chẳng biết nữa”. “Cô có ý kiến gì về việc tại sao hắn lại biết tên cô không?” “Không”. “Tại sao hắn lại chọn cô?” “Điều đó quá dễ. Chắc hắn biết rằng tôi là một con ngốc”. Cô lắc đầu “Tôi xin lỗi, ông Warner, tôi chẳng biết gì hết”. Adam nói: “Vấn để căng thẳng là ở chỗ này. Chưởng lý Di Silva đã săn đuổi Michael Moretti một thời gian dài. Trước khi cô xuất hiện, ông ta đã có đầy đủ chứng cớ để buộc tội hắn. Ông không hài lòng với cô đâu”. “Tôi cũng rất bực mình với bản thân”. Jennifer không thể trách cứ Adam Warner về những việc mà anh ta sẽ phải làm. Anh ta chỉ làm việc mình được giao. Họ muốn hại cô và họ sẽ làm được việc đó. Adam không chịu trách nhiệm gì với cô hết. Anh ta chỉ là công cụ mà họ sử dụng. Tự nhiên Jennifer chỉ muốn ngồi một mình. Cô không muốn ai thấy nỗi tuyệt vọng của mình. “Tôi xin lỗi”. Cô nói “Tôi... tôi thấy hơi mệt. Có lẽ tôi phái về nhà thôi”. Adam nhìn cô chăm chú: “Cô có thấy khá hơn chút nào không nếu tôi nói cho cô biết, là tôi sẽ khuyến nghị không tước quyền hành nghề của cô?” Mấy giây sau, Jennifer mới hiểu anh nói gì. Cô nhìn chằm chằm vào anh, không nói nên lời. “Thật vậy sao?” “Làm luật sư là một việc rất quan trọng đối với cô, phải vậy không?” Jennifer nghĩ tới cha cô, tới văn phòng luật sư bé nhỏ của ông tới những câu chuyện giữa hai cha con. Ôi những năm tháng dài đằng đẵng ở trường luật, hy vọng và ước mơ của họ. “Chúng ta sẽ thành đồng nghiệp. Con hãy cố học để lấy bằng nhanh lên”. “Vâng...” Cô thì thào. “Nếu cô vượt qua được bước đầu khó khăn, tôi tin rằng cô sẽ trở thành một luật sư giỏi”. Jennifer nở một nụ cười biết ơn: “Cám ơn anh, tôi sẽ cố”. Mình nhất định sẽ cố, cô tự nhủ. Đúng là cô đang phải dùng chung văn phòng với một tay thám tử trẻ và một người nhặt nhạnh xe cũ, nhưng không hề chi. Đó là một văn phòng luật. Cô là một thành viên của ngành luật và họ sẽ cho phép cô hành nghề. Cô thấy tràn ngập vui sướng. Cô nhìn xéo qua Adam và biết rằng suốt đời mình sẽ mang ơn người đàn ông này. Người bồi bàn bắt đầu dọn bát đĩa, Jennifer cố nói nhưng cổ cứ nghẹn lại: “Ngài Warner...” Anh cắt lời cô bằng một giọng rất nghiêm túc: “Sau tất cả những gì mà chúng ta vừa trải qua, tôi nghĩ cô nên gọi tôi là Adam”. “Adam...” “Gì vậy?” “Em hy vọng điều này sẽ không làm hỏng quan hệ của chúng ta, nhưng...” Jennifer rên rỉ “Em sắp chết đói đây!” Chương 05 Những tuần lễ tiếp sau đó trôi nhanh vùn vụt. Jennifer bận rộn từ sáng sớm đến đêm khuya đưa trát đòi hầu tòa cho các nhân chứng, cũng như những người phải ra đối chất trước tòa. Cô biết rằng mình không có khả năng kiếm việc ở các công ty lớn nữa, vì sau vụ tai tiếng mà cô vừa tham dự vào chẳng ai còn dám thuê cô cả. Cô phải tìm cách tạo lại thanh danh của mình và bắt đầu lại từ đầu. Còn hây giờ, hàng chồng trát hầu tòa chất đầy trên bàn cô ở công ty “Peabody và Peabody”. Mặc dù đó không hoàn toàn là công việc luật pháp, nhưng đó là 25 đô la và chi phí đi lại. Đôi khi, khi Jennifer đi làm việc về muộn, Ken Bailey rủ cô đi ăn tối. Bề ngoài anh có vẻ như là một người khinh bạc, nhưng Jennifer biết đó không phải là bản chất của anh. Cô cảm thấy anh luôn cô đơn. Anh đã tốt nghiệp trường tổng hợp Brown và là một người thông minh hiểu biết rộng. Cô không thể hiểu nổi tại sao anh ta lại bằng lòng làm việc trong một văn phòng tẻ ngắt, cố gắng tìm kiếm những ông chồng, bà vợ bỏ nhà ra đi. Hình như anh ta luôn bằng lòng với thất bại và sợ phải cố gắng để thành đạt. Một lần, khi Jennifer nói đến chuyện hôn nhân của anh, cô đã bị gạt: “Đó không phải là chuyện của cô!”, và từ đó cô không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Otto Wenzel thì lại hoàn toàn khác. Người đàn ông thấp lùn bụng phệ này lại rất hạnh phúc trong hôn nhân. Ông coi Jennifer như con gái và luôn mang súp với bánh do vợ làm đến cho cô. Rủi làm sao, vợ ông là một người nội trợ cực tồi và Jennifer phải tự ép mình ăn hết những gì Otto Wenzel mang tới vì không muốn làm ông phật ý. Một buổi sáng, Jennifer nhận được điện thoại của cô thư ký riêng cho ông Peabody Cha. “Ngài Peabody muốn gặp cô vào lúc 11 giờ trưa nay. Cô hãy đến đúng giờ nhé”. “Vâng. Thưa cô”. Trước đây Jennifer chỉ mới làm việc với các cô thư ký hoặc các nhân viên văn phòng của công ty Peabody. Đây là một công ty lớn, rất có uy tín mà nhiều luật sư trẻ muốn được vào làm. Trong khi chờ đợi, Jennifer bắt đầu tưởng tượng. Nếu đích thân ngài Peabody muốn gặp cô chắc phải có việc quan trọng. Có lẽ ông đã hiểu cô và sắp dành cho cô công việc luật sư trong hãng của ông tạo điều kiện để cô tự thể hiện mình. Cô sẽ làm cho tất cá mọi người ngạc nhiên. Một ngày nào đó công ty sẽ trở thành “Peabody, Peabody và Parker” cũng nên! Jennifer đi đi lại lại dọc hành lang văn phòng nửa giờ đồng hồ trước khi bước vào phòng tiếp khách đúng 11 giờ. Cô không muốn tỏ ra quá nôn nóng. Tuy nhiên, cô phải chờ mất 2 tiếng đồng hồ mới được mời vào phòng ông Peabody Cha. Đó là một người đàn ông cao, gầy. Quần áo và giày của ông toàn là hàng thầu tại London. Ông ta chẳng buồn mời cô ngồi xuống. “Cô Potter”. - Giọng ông the thé nghe rất khó chịu. “Họ tôi là Parker, thưa ngài”. Ông ta nhặt một tờ giấy trên bàn lên. “Đây là một tờ trát hầu tòa. Tôi muốn cô chuyển giúp tôi”. Jennifer lập tức hiểu ra rằng cô sẽ chẳng bao giờ trở thành luật sư của công ty này. Ông Peabody Cha đưa cho cô tờ trát và nói thêm: “Tiền công của cô sẽ là 500 đôla”. Jennifer tưởng mình nghe nhầm: “Ngài nói là 500 đôla ạ?” “Đúng vậy. Tất nhiên là với điều kiện đưa được nó tới tay đương sự”. “Có chuyện gì khó khăn chăng?”. Jennifer đoán. “Ồ đúng thế!” Peabody Cha thừa nhận “Chúng ta mất hơn một năm với thằng cha này rồi. Tên hắn là William Carlisle. Hắn sống trong một dinh thự ở Long Island và không bao giờ ra ngoài cả. Có cả chục người đến đưa trát cho hắn nhưng không được. Hắn có lính canh và không ai vào được khu nhà hắn cả”. Jennifer nói: “Tôi không hiểu làm sao tôi...” Ngài Peabody Cha nhổm dậy. “Có rất nhiều tiền liên quan đến vụ này. Nhưng tôi không thể đưa William Carlisle ra tòa nếu tôi chưa đưa được trát hầu tòa cho hắn, cô Potter ạ”. Jennifer chẳng buồn sửa lại lời ông ta nữa. “Cô có thể giải quyết vụ này được không?” Jennifer nghĩ đến những việc cô có thể làm được với 500 đô la trong tay. “Tôi sẽ tìm cách”. * * * * * Đúng 2 giờ chiều, Jennifer đã có mặt ở ngoài dinh thự của William Carlisle. Đó là một ngôi nhà kiểu Georgian nằm giữa một khu đất rộng. Một con đường ô tô ngoằn ngoèo dẫn tới trước cửa ngôi nhà. Hai bên đường trồng những cây thông rất đẹp. Jennifer suy nghĩ rất lâu. Vì không thể vào được nhà, chỉ còn cách là buộc ông Carlisle ra khỏi nhà. Cách đó không xa là một chiếc xe của công ty công viên. Jennifer ngắm nghía nó một lúc và tiến đến gần, tìm xem có các nhân viên ở đó không. Cô thấy ba người đang làm việc, tất cả đều là người Nhật. “Ai là người chỉ huy ở đây?” Jennifer hỏi. Một người trong số họ đứng thẳng dậy: “Tôi ạ”. “Tôi có một việc nhỏ muốn nhờ các anh...” Jennifer mở đầu. “Xin lỗi, thưa cô, chúng tôi đang bận lắm!” “Nhưng việc này chỉ làm 5 phút là xong thôi mà”. “Không được. Chúng tôi không thể...” “Tôi sẽ trả các anh 100 đôla”. Cả ba người đều ngừng tay và nhìn cô chằm chặp. Người chỉ huy nói: “Cô trả 100 đô la cho 5 phút làm việc sao?” “Đúng vậy”. “Thế chúng tôi phải làm gì?” Năm phút sau chiếc xe của công ty công viên đã lọt vào khu vườn của dinh thự William Carlisle. Jennifer và ba người làm vườn bước ra. Cô nhìn quanh, chỉ vào một cây thông đẹp ngay trước lối vào và nói với họ: “Hãy đào cây này lên”. Những người này lấy cuốc xẻng từ ô tô xuống và lập tức bắt tay vào việc. Chưa đầy một phút sau, cánh cửa trước của ngôi nhà bật mở và một người đàn ông to béo trong bộ đồng phục quản gia lao ra. “Các anh làm cái trò quỷ gì ở đấy vậy?” “Công ty công viên Long Island”, Jennifer đáp gọn lỏn “Chúng tôi sẽ đào tất cả cây ở đây lên”. Người quản gia nhìn chằm chằm vào cô: “Các cô sẽ làm gì?” Jennifer giơ ra một tờ giấy: “Tôi nhận được lệnh phải đào hết cây ở đây lên!” “Không thể có chuyện đó được. Ngài Carlisle sẽ giận điên lên mất?” Ông ta quay sang mấy người làm vườn “Hãy dừng ngay lại!” “Thưa ông, ông hãy cẩn thận đấy!” Jennifer nói “Tôi chỉ làm những việc được ra lệnh”. Cô bảo toán người “Tiếp tục đào đi, các cậu”. “Không!” Tay quản gia gào lên. “Đây chắc là có sự nhầm lẫn gì rồi! Ngài Carlisle không hề ra lệnh đào cây cối gì cả?” Jennifer nhún vai và nói: “Sếp của tôi nói ông ta yêu cầu như vậy đấy!” “Tôi có thể liên hệ với sếp của cô ở đâu?” Jennifer nhìn đồng hồ. “Bây giờ ông ta đang có tiệc ở Brooklyn. Ông ấy sẽ về văn phòng vào khoảng 6 giờ chiều”. Viên quản gia nhìn cô tức tối. “Hãy chờ một chút đã! Đừng có làm gì trước khi tôi quay lại đấy”. “Cứ đào đi” Jennifer bảo mấy người làm vườn. Viên quản gia quay lại, chạy vội vào nhà đóng sập cửa lại. Một lát sau ông ta quay ra cùng với một người đàn ông trung niên nhỏ bé. “Xin cô vui lòng cho biết cái trò ma quái này là gì vậy?” “Điều đó có liên quan gì đến ông nào?” Jennifer vặn lại. “Tôi sẽ nói cho cô biết nó có liên quan gì đến tôi”, ông ta bắt đầu to tiếng “Tôi là William Carlisle, và đây không may lại là tài sản của tôi”. “Nếu vậy, thưa ngài Carlisle”, Jennifer nói “Tôi có cái này cho ngài đây”. Cô móc túi lấy ra tờ trát và giúi vào tay ông ta. Đoạn quay sang bảo mấy người làm: “Các anh có thể ngừng tay được rồi đấy”. * * * * * Sáng sớm hôm sau, Adam Warner gọi điện. Jennifer nhận ra giọng anh ngay lập tức. “Tôi nghĩ là cô muốn biết điều này”, Adam nói “Các thủ tục để tước quyền hành nghề của cô đã bị chính thức bác bỏ. Cô sẽ không phải lo lắng gì nữa đâu”. Jennifer nghẹn ngào nói: “Tôi... Tôi không biết nói gì nữa để cảm tạ anh”. “Công lý không phải lúc nào cũng mù quáng đâu”. Adam không nói cho cô biết những gì đã xảy ra giữa anh với Steward Needham và Robert Di Silva. Needham tỏ ra thất vọng nhưng vẫn giữ bình tĩnh. Nhưng ông chưởng lý thì lồng lên như một con bò đực hung dữ. “Anh để cho con khốn nạn đó thoát sao? Trời ơi, nó là mafia. Adam. Anh không thấy sao? Nó lừa anh rồi?” Ông ta cứ lải nhải mãi cho đến lúc Adam phát mệt. “Tất cả những chứng cớ buộc tội cô ta đều là ngẫu nhiên. Robert ạ. Cô ta ở sai chỗ và sai thời gian nên đã bị mắc bẫy. Điều đó đối với tôi, không có nghĩa là mafia”. Cuối cùng Robert Di Silva nói: “Thôi đành vậy, nó vẫn là một luật gia. Tôi chỉ cầu trời sao cho nó hành nghề ở New York và bất cứ lúc nào nếu nó xuất hiện trong phòng xử án của tôi, tôi sẽ cho nó biết tay để rửa nhục”. Giờ đây, khi nói chuyện với Jennifer, Adam không đá động một chút gì về chuyện đó. Jennifer đã có một kẻ thù không đội trời chung và cô chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Robert Di Silva là một người thù dai và Jennifer lại là một mục tiêu rất dễ bị hạ. Cô thật hoạt bát, đầy lý tưởng, lại quá trẻ, và dễ thương nữa. Adam biết rằng mình không được gặp lại cô nữa. Đó là những ngày tháng mà nhiều lúc Jennifer chỉ muốn vứt bỏ tất cả. Tấm biển trên cửa vẫn còn dòng chữ “Jennifer Parker, Luật sư” nhưng nó chẳng đánh lừa được ai, kể cả Jennifer. Công việc cô làm chẳng có liên quan gì đến nghề nghiệp của cô cả. Cả ngày cô phải đi lại khắp nơi dưới trời mưa tuyết để đưa trát hầu tòa cho những người thù ghét cô về việc đó. Thỉnh thoảng cô cũng làm cố vấn pháp luật cho các cụ già đòi phiếu ăn, hoặc những người da đen hay người Puertô Ricô gặp khó khăn. Nhưng cô luôn cảm thấy bế tắc. Ban đêm còn tồi tệ hơn ban ngày. Chúng dường như dài vô tận vì Jennifer bị bệnh mất ngủ và khi cô chợp mắt được một chút, các giấc mơ của cô đầy ma quý. Cô mắc các triệu chứng đó từ đêm đầu tiên mẹ cô từ bỏ hai bố con ra đi. Cô luôn thấy cô đơn. Thỉnh thoảng cô cũng đi chơi với một vài luật sư trẻ, nhưng cô luôn so sánh họ với Adam Warner và thấy họ quá kém cỏi so với anh. Sau bữa ăn tối họ thường đi xem kịch hoặc phim, và cuối cùng là cảnh vật lộn trước cửa nhà Jennifer. Cô chẳng biết họ muốn ngủ với cô vì đã chi tiền ăn tối cho cô, hay vì họ phải leo lên leo xuống bậc thang chênh vênh nhà cô. Có lúc cô đã định đồng ý chỉ vì muốn có người bên cạnh mình qua đêm, có người ôm hôn và chia xẻ thân thể với mình. Nhưng điều cô cần ở trên giường mình nhiều hơn là một thân thể biết nói chuyện. Cô cần một người thật sự yêu cô và cô có thể yêu lại. Những người đàn ông thú vị nhất từng tán tỉnh Jennifer đều đã có vợ và cô từ chối thẳng thừng lời mời đi chơi của họ. Cô nhớ rõ một câu trong bộ phim “Căn hộ” tuyệt vời của Billy Wilder: “Khi bạn yêu một người đàn ông đã có vợ, bạn chẳng cần phải kẻ mắt nữa”. Mẹ của Jennifer đã làm tan vỡ một gia đình, đã giết cha cô. Cô không bao giờ quên được điều đó. Jennifer đón Nôen và năm mới một mình. Mấy hôm đó trời mưa tuyết rất nặng và cả thành phố trông giống như một chiếc bưu thiếp mừng giáng sinh khổng lồ. Jennifer đi dọc trên hè phố, ngắm nhìn khách bộ hành vội vã trở về ngôi nhà ấm cúng của họ và cô thấy quặn đau vì cảm giác cô đơn. Cô thấy nhớ cha kinh khủng và vui mừng vì những ngày lễ đã kết thúc. 1970 sẽ là một năm tốt đẹp hơn đối với mình, cô tự nhủ. Vào những lúc Jennifer thấy buồn bã nhất, Ken Bailey thường an ủi cô. Anh mời cô đi xem kịch, xem phim và đôi khi đi nhảy nữa. Jennifer biết rằng anh rất quý mình nhưng vẫn cố giữ khoảng cách với cô. * * * * * Vào tháng ba, Otto Wenzel quyết định chuyển về Florida sống với vợ. “Xương cốt tôi đã quá già không chống đỡ nổi mùa đông ở New York nữa rồi”, - ông nói với Jennifer. “Cháu sẽ rất nhớ bác đấy”, - Jennifer nói. Cô quả thật rất quý ông. “Hãy để ý đến Ken nhé!” Jennifer nhìn ông dò hỏi. “Anh ta không nói gì với cô sao?” “Nói gì với cháu cơ ạ?” Ông ngập ngừng rồi nói: “Vợ anh ta tự tử. Anh ta quy lỗi cho bản thân”. Jennifer bằng hoàng: “Kinh khủng quá? Nhưng vì sao chị ấy lại làm thế ạ?” “Cô ta thấy Ken nằm trên giường với một chàng trai tóc vàng”. “Trời đất!” “Cô ta bắn Ken rồi sau đó tự bắn mình. Anh ta vẫn còn sống, còn cô ta thì chết”. “Tội quá nhỉ. Cháu chẳng hề biết tí gì cả”. “Tôi biết. Anh ấy cười nhiều lắm, nhưng bên trong tâm hồn anh ấy là cả một điạ ngục đấy?” “Cám ơn bác đã nói chuyện ấy cho cháu”. Khi Jennifer quay lại văn phòng, Ken nói: “Vậy là ông già Otto đã bỏ chúng ta”. “Vâng”. Ken Bailey cười: “Tôi nghĩ rằng bây giờ chỉ còn tôi và cô chúng ta chống lại cả thế giới”. “Tôi cũng nghĩ vậy”. Phần nào, điều đó cũng đúng thật, Jennifer tự nhủ. Jennifer bắt đầu nhìn Ken với con mắt khác. Họ cùng ăn trưa và tối với nhau, có điều cô không phát hiện được dấu hiệu nào cho thấy Ken là một người đồng tính luyến ái. Nhưng cô biết rằng Otto Wenzel đã nói đúng một điều: Ken Bailey mang theo cả một địa ngục bên mình. Đã có một số khách hàng đến văn phòng của Jennifer. Họ thường ăn mặc tồi tàn, bộ dạng bối rối. Các cô gái điếm đến nhờ Jennifer giúp cho họ được tại ngoại và Jennifer nhiều lúc phải sửng sốt trước vẻ trẻ trung và dễ thương của vài người trong số đó. Họ đã trở thành một nguồn thu nhập tuy nhỏ nhưng chắc chắn cho cô. Chẳng biết ai bảo cho họ đến đây. Khi cô hỏi Ken Bailey chuyện đó, anh lắc đầu tỏ ý không biết gì hết. Khi có khách hàng đến hỏi Jennifer, Ken Bailey thường kín đáo bỏ đi. Anh giống như một người cha, luôn khuyến khích Jennifer thành công. Jennifer được yêu cầu giúp một số vụ ly hôn nhưng cô luôn từ chối. Đa phần những luật sư giải quyết ly hôn có tiếng tăm không hay. Câu nói cửa miệng của mọi người là các cặp vợ chồng càng lục đục thì luật sư càng kiếm được nhiều tiền. Một luật sư về ly hôn đắt giá thường được gọi là máy bay ném bom, vì ông ta thường dùng những điều khoản dễ gây bùng nổ về pháp luật, để làm cho khách hàng của mình thắng kiện, và trong quá trình đó làm hỏng cả cuộc đời của người chồng, người vợ và con cái của họ. Thỉnh thoảng có vài khách hàng đặc biệt đến văn phòng của Jennifer và họ thường làm cho cô lúng túng. Đó là những người ăn mặc rất lịch sự, tác phong toát lên vẻ giàu có và những vụ kiện cáo của họ không giống như các vụ rẻ tiền mà Jennifer quen giải quyết. Đó là những vụ về bất động sản có trị giá lớn, hoặc những vụ kiện mà các hãng luật lớn cũng phải lấy làm vui sướng nếu được đại diện cho họ. “Tại sao ngài lại biết tôi” Jennifer thường hỏi. Tuy nhiên các khách hàng thường lẩn tránh câu trả lời trực tiếp “Tôi biết cô từ một người bạn..., tôi đã đọc về cô, tôi nghe đến cô trong một buổi liên hoan, v.v...” Cho đến khi một khách hàng trong lúc giải thích về câu chuyện của mình vô tình nhắc đến Adam Warner. Jennifer mới chợt hiểu ra tất cả. “Có phải ngài Warner giới thiệu ông đến đây không?” Người khách hàng tỏ ra lúng túng: “Ô, thực ra ông ấy gợi ý là không nên nhắc đến tên ông ấy với cô”. Jennifer quyết định gọi điện cho Adam. Dù sao cô vẫn còn mang ơn anh. Cô sẽ tỏ ra lịch sự trang nghiêm. Cô không muốn để anh có ấn tượng gì khác về việc cô gọi điện, ngoài lý do để cảm ơn anh. Cô sắp xếp câu chuyện sẽ nói với anh rất kỹ lưỡng. Cuối cùng, khi Jennifer có đủ dũng cảm để gọi điện, một cô thư ký báo cho cô biết rằng ngài Warner đã đi châu u, và phải vài tuần nữa mới trở về. Jennifer tự nhiên thấy buồn hẳn. * * * * * Cô thấy mình ngày càng nghĩ nhiều đến Adam Warner hơn. Cô luôn nhớ lại buổi tối hôm anh đến nhà cô và cô đã cư xử thật tệ như thế nào. Anh cư xử thật là tuyệt vời trước thái độ trẻ con của cô, khi cô trút hết cơn giận dữ lên anh. Giờ đây anh lại còn giới thiệu khách hàng đến cho cô nữa. Jennifer chờ ba tuần rồi lại gọi điện cho Adam. Lần này anh lại đi Nam Mỹ rồi. “Cô có nhắn gì không?” - Cô thư ký hỏi. Jennifer ngập ngừng: “Thôi vậy”. Jennifer cố quên Adam đi nhưng không thể được. Cô tự hỏi không biết anh đã cưới vợ hoặc đính hôn chưa. Không hiểu làm bà Adam Warner sẽ như thế nào nhỉ? Đôi lúc cô nghĩ hay mình điên. Thỉnh thoảng Jennifer thấy tên Michael Moretti trên báo và tạp chí. Có một bài dài về Antonio Granelli và các gia đình mafia miền đông trên tờ Người New Yorker. Antonio đang suy yếu nghiêm trọng và người ta cho rằng Michael Moretti, con rể ông ta sẽ tiếp quản vương quốc của ông ta. Tờ Life đang một bài về cuộc sống của Michael Moretti và phần cuối bài có nhắc đến vụ án Moretti. Camillo Stela đang ngồi tù ở Leavenworth trong khi Michael đã được tự do. Bài báo nhắc nhở độc giả nhớ lại việc Jennifer Parker đã làm hỏng vụ án, đáng lẽ sẽ đưa hắn vào tù hoặc lên ghế điện. Jennifer giận sôi lên khi đọc bài báo đó. Cô chỉ muốn được tự tay bật nút điện giết chết Michael Moretti. Đa số khách hàng của Jennifer không có giá trị gì mấy, nhưng kiến thức cô thu được thì vô giá. Chỉ sau vài tháng, Jennifer đã biết rõ tất cả các văn phòng ở khu tòa án hình sự ở số 100 phố trung tâm và những người sống ở đó. Khi một trong những khách hàng của cô bị bắt vì tội ăn cắp trong cửa hàng, cướp giật, đĩ điếm hoặc buôn ma tuý lậu, cô thường xuống khu trung tâm, thu xếp để người đó được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh. “Tiền bảo lãnh là 500 đôla?” “Thưa chánh án, bị cáo không có nhiều tiền như vậy đâu ạ. Nếu tòa giảm mức tiền bảo lãnh xuống còn 200 đô la anh ta có thể nộp, để trở lại với công việc và nuôi cả gia đình”. “Thôi được. Đồng ý 200 đôla”. “Hết sức cảm ơn ngài”. Jennifer đã quen với người phụ trách phòng xét hỏi, nơi người ta gửi đến danh sách những người bị bắt. “Lại là cô à, cô Parker! Trời đất, cô không bao giờ ngủ ư?” “Chào ông thượng úy. Một khách hàng của tôi bị bắt về tội vô gia cư. Tôi có thể xem lệnh bắt được không. Tên anh ta là: Connery. Clarence Connery”. “Hãy nói cho tôi biết, cô gái xinh đẹp, tại sao cô lại phải đến đây vào lúc ba giờ sáng để bảo trợ cho một gã du đãng du thủ du thực?” Jennifer cười phá lên: “Để tôi khỏi phải ở ngoài phố”. Cô trở nên quen thuộc với những phiên tòa buổi tối, tổ chức tại phòng 218 của tòa án ở phố Trung tâm. Đó là một thế giới hôi hám, chật chội với những ngôn ngữ bí ẩn mà chỉ riêng nó có. Lúc đầu Jennifer lúng túng. “Tôi đến đây để cãi cho cô Luna Tarner”. “Chúa ơi?” “Ngài có thể cho tôi biết về tội trạng của cô ta không?” “Chờ một chút, để tôi xem lại hồ sơ. Luna Tamer. Một ca khó đây. Làm đĩ bị CWAC tóm”. “Ai bắt cô ta ạ?” “Cô là người mới ở đây phải không? CWAC nghĩa là đơn vị chống tội phạm của thành phố. Cô hiểu chưa?” “Hiểu rồi ạ”. Các phiên tòa buổi tối làm Jennifer rất mệt mỏi. Từng làn sóng người ra vào phòng xử án gây nên một khung cảnh đáng ngán. Có đến hơn 150 vụ được nêu ra mỗi tối. Người ta xét xử gái điếm, người say rượu và bọn chích hút. Có những người Puertô Ricô, người Mêhicô, Do Thái, Irland, Hy Lạp, và Ý. Họ bị buộc tội hiếp dâm, trộm cắp, tàng trữ vũ khí, cướp giật hoặc làm đĩ. Tất cả giống nhau ở một điểm: họ đều rất nghèo. Họ là những thứ cặn bã, rác rưới mà xã hội đã gạt ra ngoài rìa. Phần lớn những người này ở khu trung tâm Harlem và bởi vì các phòng giam đã chật cứng, chỉ trừ những kẻ phạm tội nghiêm trọng nhất, đa số họ chỉ bị phạt tiền rồi được tha. Họ trở về nhà ở đại lộ Thánh Nicolas, các đại lộ Momingside Manhattan, nơi mà chỉ trong ba dặm rưỡi vuông có tới 233.000 người da đen, tám nghìn người Puertô Ricô và quãng một triệu con chuột. Đa số khách hàng của Jennifer là những người đã bị nghèo khổ làm cho mất hết ý chí. Họ đã đầu hàng cuộc sống từ lâu. Sự lo sợ của họ lại giúp cô thêm tự tin. Cô không nghĩ là mình cao hơn họ. Cô cũng chẳng thể coi mình là một tấm gương sáng cho họ, nhưng cô biết có một sự khác biệt lớn giữa cô và họ, các khách hàng của mình: cô không bao giờ mất ý chí. * * * * * Ken Bailey giới thiệu Jennifer với cha Francis Joseph Ryan. Cha Ryan là một người đàn ông trạc ngoại 50, nhanh nhẹn, đầy sức sống với bộ tóc muối tiêu trùm tai. Lúc nào ông cũng thấy cần phải đi cắt tóc. Jennifer thấy mến ông ngay lập tức. Thỉnh thoảng, khi một trong những con chiên của ông tự nhiên mất tích, cha Ryan thường đến gặp Ken nhờ giúp đỡ. Và Ken luôn được việc, anh tìm thấy người chồng, người vợ hoặc con trai mất tích, không bao giờ có chuyện tính toán tiền nong giữa hai người. “Đó là khoản tiền mua chỗ trên thiên đường”, Ken giải thích. Một buổi chiều, khi Jennifer chỉ có một mình ở văn phòng, cha Ryan bỗng nhiên tạt vào. “Ken đi vắng rồi cha ạ. Mai anh ta mới tới cơ”. “Ta đến đây để gặp con đấy, Jennifer ạ”. Cha Ryan nói. Ông ngồi xuống chiếc ghế cũ kỹ trước bàn Jennifer. “Ta có một người bạn gặp chút khó khăn”. Đó là câu cửa miệng của cha Ryan mỗi khi ông có việc nhờ Ken. “Có chuyện gì vậy, thưa cha?” “Có một con chiên của cha, một bà già đang gặp khó khăn về việc nhận tiền bảo hiểm xã hội. Bà ta mới dọn đến ở gần chỗ cha vài tháng nay và máy tính điện tử đã làm thất lạc hết hồ sơ của bà ấy. Máy móc quỷ quái!” “Vậy à?” “Cha biết con đã hiểu việc này”. Cha Ryan nói và đứng lên. “Có điều là con sẽ chẳng nhận được gì từ vụ đó đâu”. Jennifer mỉm cười: “Cha đừng ngại con sẽ cố gắng giải quyết xong”. Cô tưởng đó là một công việc hết sức đơn giản, thế mà cũng phải mất đến gần 3 ngày mới xong. Một buổi sáng sau đó một tháng, cha Ryan lại đến văn phòng của Jennifer và bảo: “Cha rất ngại làm phiền con, cô gái bé bỏng ạ, nhưng cha có một người bạn gặp khó khăn. Mà anh ta lại không có...” Ông ngập ngừng. “Tiền phải không ạ?” - Jennifer đoán. “Chính là như thế đấy. Nhưng anh chàng tội nghiệp này rất cần được giúp đỡ”. “Thôi được rồi. Cha hãy nói cho con biết về anh ta”. “Tên anh ta là Abraham. Abraham Wilson. Đó là con trai của một con chiên của cha. Abraham đang ngồi tù chung thân ở nhà tù Sing Sing, vì tội giết một chủ quán rượu trong một cuộc ấu đả”. “Nếu anh ta đã bị buộc tội và nhận án, con sợ là chẳng giúp gì được anh ta nữa đâu, thưa cha”. Cha Ryan nhìn Jennifer và thở dài: “Đó không phải là vấn đề khó khăn của anh ta”. “Thế thì là việc gì ạ?” “Mấy tuần trước đây Abraham lại giết một người nữa - một bạn tù tên là Raymond Thorpe. Họ sẽ buộc anh ta tội giết người và xử tử”. Jennifer đã đọc ở đâu đó về vụ này. “Nếu con nhớ không nhầm, anh ta đã đánh chết một người”. “Họ nói như vậy đấy”. Jennifer lấy giấy bút ra. “Cha có biết có nhân chứng nào trong vụ này không?” “Cha e rằng có đấy!” “Bao nhiêu người ạ”. “Ồ hàng trăm ấy. Chuyện xảy ra ở ngay sân tù mà”. “Ghê quá nhỉ. Vậy cha muốn con làm gì bây giờ?” Cha Ryan nói ngan gọn: “Giúp Abraham”. Jennifer thả bút rơi xuống bàn: “Thưa cha, chỉ có sếp của cha mới có thể giúp anh ta được”. Cô ngả người trên ghế “Anh ta có ba tội: Là người da đen, một tên giết người đã bị kết án và lại còn giết một người nữa trước mắt hàng trăm người. Chẳng có cơ sở nào để bênh vực anh ta đâu. Nếu có người đe dọa anh ta, anh ta có thể kêu cứu. Nhưng anh ta lại không làm như vậy. Chẳng có tòa án nào trên thế giới lại không kết tội anh ta cả”. “Dù sao thì đó vẫn là một con người. Con thử nói chuyện với anh ta xem nhé”. Jennifer thở dài: “Con sẽ nói chuyện với anh ta nếu cha muốn vậy, nhưng con chẳng dám hứa hẹn gì đâu”. Cha Ryan gật đầu: “Cha hiểu. Chắc mọi người sẽ làm ồn ào lên đấy”. Cả hai cùng nghĩ đến một điều. Abraham Wilson không phải là người duy nhất bị ghét bỏ. Nhà tù Sing Sing nam ở thị trấn Ossining, cách Manhattan 30 dặm trên bờ phía đông của sông Hudson, nhìn ra vịnh Haverstraw. Jennifer đi xe bus đến đó. Cô đã gọi điện thoại cho viên phó giám đốc nhà tù và ông này đã bố trí để cô gặp Abraham Wilson, hiện đang bị cấm cố. Trên đường đi đến nhà tù, Jennifer thấy tràn ngập cảm giác quyết tâm mà cô đã mất đi trong một khoảng thời gian dài. Cô đến Sing Sing để gặp một người có thể là khách hàng bị buộc tội giết người. Đó chính là trường hợp mà cô đã học, đã chuẩn bị để làm. Lần đầu tiên trong một năm cô cảm thấy mình thật sự là một luật sư nhưng cô cũng biết rằng mình không thực tế. Cô không đến gặp một khách hàng. Cô chỉ đến để nói với một người rằng cô không thể cãi cho anh ta được. Cô không muốn dính líu đến một vụ được dư luận nhắc đến nhiều, mà cô không có cơ hội thắng kiện. Abraham Wilson cần phải tìm một người khác để cãi cho anh ta. Một chiếc taxi cà khổ đưa Jennifer từ nhà ga xe bus tới nhà tù. Jennifer bấm chuông cửa ra vào và một người gác ra mở cửa, kiểm tra tên cô theo bản danh sách anh ta đang cầm và dẫn cô tới văn phòng của viên phó giám đốc nhà tù. Đó là một người đàn ông to béo, vuông vắn, tóc húi cua theo kiểu nhà binh. Ông ta tên là Howard Patterson. “Tôi mong được ông kể cho đôi lời về Abraham Wilson”, Jennifer mở đầu câu chuyện. “Nếu cô định tìm kiếm sự thoải mái, cô sẽ không thấy ở đây đâu!” Patterson liếc nhìn đống hồ sơ trên bàn của ông. “Wilson vào tù ra tội suốt cuộc đời của hắn ta. Năm 11 tuổi hắn bị bắt vì tội ăn trộm ô tô, năm 13 vì tội cướp giật. Năm 15 tuổi hắn lại bị bắt vì tội hiếp dâm và năm 18 tuổi hắn trở thành một tên ma cô dắt gái, bị kết án vì đã làm thương tích một cô gái điếm...” Ông ta lật lật tập hồ sơ. “Cô biết đấy - trộm cắp, hiếp dâm, cướp của và cuối cùng là giết người”. Jennifer hỏi: “Liệu có khả năng Abraham Wilson không giết Raymond Thorpe không?” “Hãy quên điều đó đi. Wilson đã thú nhận việc này, nhưng dù hắn có không nhận thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Chúng tôi có tới 120 nhân chứng”. “Tôi có thể gặp Wilson được không?” Howard Patterson đứng dậy: “Tất nhiên, nhưng cô chỉ phí thời gian thôi”. * * * * * Abraham Wilson là một người xấu xí nhất mà Jennifer Parker từng thấy. Hắn đen thui, mũi gãy gập, răng cửa cũng bị mất và khuôn mặt đầy vết dao chém. Trông hắn cao to và khỏe mạnh. Nếu Jennifer định tìm một từ để miêu tả Abraham Wilson, từ đó chỉ có thể là “ghê tởm”. Cô có thể tưởng tượng được hắn sẽ gây ra ấn tượng như thế nào ở tòa án. Abraham Wilson và Jennifer ngồi trong một căn phòng được canh gác cẩn mật, có một hàng rào dây thép gai ngăn giữa hai người và có người canh cửa. Wilson vừa được đưa từ phòng cấm cố ra, mắt hắn còn đang chớp lia lịa vì chói sáng. Trước khi đến đây, Jennifer đã không có ý muốn làm vụ này, sau khi thấy Abraham Wilson cô càng chắc về điều đó. Chỉ ngồi đối diện với hắn cô đã thấy ghê sợ trước vẻ thù hằn toát ra từ hắn. Jennifer mở đầu câu chuyện: “Tôi là Jennifer Parker, luật sư. Cha Ryan muốn tôi đến gặp anh”. Abraham Wilson tia nước bọt qua kẽ răng: “Cái thằng cha làm việc thiện chó đẻ ấy chứ gì”. Mở đầu hay ho thật, Jennifer nghĩ. Cô kiềm chế không chùi nước bọt bắn trên mặt: “Anh có cần gì không, Wilson?” Hắn ngoác mồm ra cười: “Anh cần một cái hĩm, cô em ạ. Em có thích không nào?” Cô làm ngơ: “Anh có muốn nói cho tôi biết về những điều đã xảy ra không?” “À em muốn biết chuyện đời anh phải không, phải trả tiền anh mới kể đấy. Anh sẽ bán nó cho một hãng phim. Có khi anh sẽ đóng vai chính trong bộ phim đó cơ đấy”. Cơn giận dữ toát ra từ hắn thật là đáng sợ. Jennifer chỉ muốn chạy ngay khỏi nơi này. Viên phó giám đốc nhà tù nói đúng. Cô chỉ phí thời giờ vô ích mà thôi. “Tôi sợ rằng chẳng làm gì giúp anh được nếu anh không giúp tôi, Wilson. Tôi đã hứa với cha Ryan là ít nhất cũng đến nói chuyện với anh”. Abraham Wilson lại ngoác miệng cười: “Cô em tốt quá nhỉ. Liệu cô có đổi ý về chuyện “cái hĩm” đó không?” Jennifer đứng lên. Cô hết chịu nổi nữa: “Anh thù ghét tất cả mọi người à?” “Biết nói với bé thế nào nhỉ. Hãy thử thay đổi màu da của chúng ta đi rồi lúc đó hẵng nói chuyện yêu ghét”. Jennifer đứng đó, nhìn thẳng vào khuôn mặt đen đủi, xấu xí và cô hiểu những gì anh ta vừa nói. Cô chậm rãi ngồi xuống: “Anh có muốn nói cho tôi biết sự thực mọi chuyện không?” Anh ta nhìn Jennifer trừng trừng, không nói năng gì. Jennifer chờ đợi, lòng tự hỏi mình sẽ ra sao nếu mang màu da của anh ta. Cô không biết có bao nhiêu vết sẹo ẩn dưới làn da đó. Cả hai người yên lặng hồi lâu. Cuối cùng, Abraham Wilson nói: “Tôi đã giết thằng chó đẻ đó”. “Sao anh lại giết hắn?” Anh ta nhún vai: “Nó cầm một con dao phay và định chém tôi”. “Đừng bịp tôi. Tù nhân làm sao có thể mang dao được?” Khuôn mặt Wilson rản đanh lại và anh ta nói: “Cút mẹ ra khỏi đây đi, thưa bà. Tôi có yêu cầu bà đến đâu”. Anh ta đứng lên. “Và đừng có đến quấy rầy tôi nữa, nghe không. Tôi rất bận đấy”. Anh ta quay ngoắt lại và bước đến chỗ người gác tù. Cả hai biến mất sau đó. Vậy đấy ít nhất Jennifer cũng có thể kể với cha Ryan là cô đã nói chuyện với người này. Cô không làm hơn thế. Một người gác đưa Jennifer ra khỏi khu trại giam. Cô đi ngang qua sân ra cổng chính, vừa đi vừa nghĩ về Abraham Wilson và phản ứng của cô đối với anh ta. Cô ghét người đàn ông đó và vì vậy cô đã làm một việc mà cô không có quyền làm: cô đã xét xử anh ta. Cô đã buộc tội anh ta trước khi anh ta được xét xử. Có lẽ có ai đó đã tấn công anh ta, tất nhiên không phải bằng dao nhưng có thể bằng gạch đá gì đó. Jennifer dừng bước phân vân. Linh tính mách bảo cô hãy quay về Manhattan và quên Abraham Wilson đi. Jennifer quay bước đi về phía văn phòng của viên phó giám đốc nhà tù. “Đó là một vụ khó đấy”, Howard Patterson nói. “Khi còn có thể chúng tôi cố cải tạo hơn là trừng phạt, nhưng gã Abraham Wilson này đã đi quá xa rồi. Chỉ có ghế điện mới làm hắn dịu lại”. Thật là một thứ lôgich chết tiệt, Jennifer nghĩ. “Anh ta nói với tôi rằng người đàn ông bị anh ta giết, tấn công anh ta bằng một con dao phay”. “Có lẽ thế không biết chừng!” Câu trả lời làm cô choáng cả người. “Ngài nói gì vậy, chả lẽ tù nhân ở đây lại có cả dao. Dao phay nữa ư?” Howard Patterson nhún vai: “Cô Parker, chúng tôi có tới 1240 tù nhân ở đây, và nhiều người là những tài năng lớn đấy. Đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho cô xem vài thứ”. Patterson dẫn Jennifer đi theo một hành lang dài dẫn đến một cánh cửa khác. Ông ta chọn một chiếc chìa trong đám chìa khoá, mở cửa và bật đèn lên. Jennifer theo sau ông vào căn phòng trơ trụi những chiếc giá gỗ. “Đây là chỗ chúng tôi giữ của quý của các tù nhân”. Ông bước tới một chiếc hòm lớn và mở ra. Jennifer nhìn vào hòm, không tin vào mắt mình nữa. Cô nhìn lên Howard Patterson và nói: “Tôi muốn gặp lại khách hàng của mình”. Chương 06 Jennifer chuẩn bị cho phiên tòa xử Abraham Wilson hết sức cẩn thận. Cô dành không biết bao nhiêu thời gian trong các thư viện luật để xem lại các thủ tục bào chữa, và nói chuyện với khách hàng của mình để rút ra càng nhiều thông tin càng tốt. Đó không phải là một công việc dễ dàng. Ngay từ đầu Wilson đã tỏ ra bướng bỉnh và hay châm chọc. “Cô em, muốn biết về anh à? Được thôi, anh chơi gái lần đầu khi anh mười tuổi. Lúc đó em mấy tuổi nhỉ?” Jennifer cố buộc mình làm ngơ sự thù hằn và khinh ghét của anh ta, vì cô biết rằng dưới cái vỏ đó là sự sợ hãi ghê gớm. Và Jennifer kiên trì tìm hiểu xem thời thơ ấu của Wilson như thế nào, cha mẹ của anh ta ra sao và những gì tác động đến quá trình trưởng thành của anh ta. Một vài tuần sau, Abraham Wilson bắt đầu tỏ ra quan tâm và từ quan tâm chuyển sang thích thú. Chưa bao giờ anh ta nghĩ mình là loại người gì và tại sao lại như vậy. Các câu hỏi của Jennifer bắt đầu gợi lại ký ức của anh ta, những kỷ niệm vui buồn và đau đớn nữa. Vài lần, khi Jennifer hỏi về cha của Wilson, người thường đánh đập anh ta hết sức dã man, Wilson phải yêu cầu cô để anh ta một mình. Cô bỏ đi, nhưng một lát sau quay lại. Nếu trước kia Jennifer có rất ít thời giờ cho riêng mình, giờ đây cô không còn chút nào nữa. Khi cô không ở chỗ Abraham, cô đến văn phòng, bảy ngày một tuần, từ sáng sớm cho đến tận nửa đêm, đọc tất cả những tài liệu mà cô tìm được về tội giết người, ngộ sát hay cố sát. Cô nghiên cứu hàng trăm quyết định của tòa án, các lời khai, tang chứng, kiến nghị v.v. Cô xem hàng chồng tài liệu về chủ ý từ trước, tự vệ và mất trí tạm thời. Cô tìm cách để lời buộc tội giảm xuống thành ngộ sát Abraham không định giết người đó. Nhưng tòa có tin điều đó không? Vả lại đây chỉ là một phiên tòa địa phương thôi. Cư dân ở thị trấn này rất căm ghét các tù nhân. Jennifer xin chuyển phiên tòa tới xử ở Manhattan và được chấp thuận. Jennifer cần phải quyết định một vấn đề quan trọng. Cô có nên để Abraham Wilson ra đối chứng không? Anh ta trông xấu xí thật nhưng nếu các quan tòa nghe anh ta kể, có thể họ sẽ thông cảm chút nào với anh ta chăng. Vấn đề là nếu để Abraham Wilson xuất hiện trước tòa, người ta sẽ thấy màu da cũng như quá khứ của anh ta, kể cả vụ giết người anh ta phạm phải trước đây. Jennifer tự hỏi không biết chưởng lý Di Silva sẽ chọn ai trong số phụ tá của mình để làm đối thủ của cô. Có đến nửa tá phụ tá của ông rất giỏi về buộc tội các vụ giết người, và Jennifer cố làm quen với các thủ đoạn của họ. Cô dành rất nhiều thời gian ở nhà tù Sing Sing, tưởng tượng lại cảnh giết người ở sân chơi, nói chuyện với những người gác và Abraham, đồng thời phỏng vấn hàng chục tù nhân chứng kiến cảnh chém giết đó. “Raymond Thorpe tấn công Abraham Wilson bằng một con dao”. Jennifer nói “Một con dao bầu to. Anh chắc phải nhìn thấy?” “Tôi á? Tôi chả nhìn thấy dao diếc gì cả”. “Chắc chắn là anh phải thấy. Anh ở ngay đó mà”. “Thưa cô tôi chả thấy gì tất?” Không một ai trong số họ muốn dính líu vào chuyện này. * * * * * Đôi lúc Jennifer cũng đi ăn ở hiệu, nhưng cô thường chỉ ăn vội một chiếc bánh sandwich ở quán cà phê của tòa án. Cô bắt đầu sút cân và hay thấy chóng mặt. Ken Bailey tỏ ra lo lắng cho cô. Anh dẫn cô đến quán Forlini ở đối diện với tòa án, và gọi một bữa trưa thật thịnh soạn. “Cô định tự giết mình đấy à?” Anh hỏi. “Tất nhiên là không rồi”. “Độ này cô có soi gương không?” “Ồ không”. Anh nhìn cô chăm chú và nói: “Nếu cô còn có chút hiểu biết, cô sẽ bỏ vụ kiện này”. “Sao vậy?” “Vì những việc cô làm chỉ uổng công mà thôi, tôi đã nghe người ta bàn tán như vậy. Giới báo chí cũng định làm cho cô bẽ mặt một lần nữa đấy”. “Tôi là một luật sư”. Jennifer bướng bỉnh nói “Abraham Wilson xứng đáng được xử một cách công bằng. Tôi sẽ cố gắng để làm việc đó?” Cô thấy vẻ lo lắng trên khuôn mặt Ken Bailey. “Đừng lo, vụ này rồi sẽ không có gì ồn ào lắm đâu”. “Vậy sao? Cô có biết ai sẽ luận tội không?” “Không”. “Robert Di Silva”. Jennifer đến cửa lối phố Loanard vào khu xử án hình sự, lách qua đám người đang tụ tập ở đó, đi qua mặt những cảnh sát mặc đồng phục, những thám tử ăn mặc kiểu híp-pi, những luật sư được nhận biết bởi các cặp họ xách theo. Cô đi tới thang máy và ấn nút lên tầng 6 gặp chưởng lý quận. Gần một năm đã trôi qua kể từ lần gặp gỡ cuối cùng giữa cô với Robert Di Silva, và cô chẳng muốn có cuộc gặp gỡ hôm nay. Cô sắp thông báo cho ông ta biết mình sẽ không cãi cho Abraham Wilson nữa. Jennifer đi tới quyết định này sau 3 đêm thức trắng. Cô làm như vậy vì cho rằng sẽ tốt hơn cho khách hàng của mình. Vụ Wilson thực ra không đủ quan trọng để Di Silva đích thân đứng ra buộc tội. Do vậy, lý do duy nhất để chưởng lý quan tâm đến vụ này là sự dính líu của Jennifer. Di Silva muốn trả thù. Ông ta định sẽ dạy cho Jennifer một bài học. Vì thế, Jennifer kết luận rằng cô chẳng còn cách nào khác ngoài việc thôi cãi hộ cho Wilson. Cô không thể để ông ta bị hành quyết vì một lỗi lầm mà cô từng mắc phải. Nếu cô không tham gia vào vụ án, có lẽ Robert Di Silva sẽ nhẹ tay hơn đối với Wilson. Jennifer đang tìm cách cứu Abraham Wilson. Có một cảm giác kỳ lạ vì quá khứ đang sống lại khi cô ra khỏi thang máy, và tiến tới chiếc cửa quen thuộc có dòng chữ “Chưởng lý quận khu vực New York”. Trong phòng, vẫn cô thư ký ấy ngồi bên chiếc bàn quen thuộc ấy. “Tôi là Jennifer Parker. Tôi có hẹn với...” “Cô vào ngay đi” Cô thư ký nói “Ngài chưởng lý đang chờ đấy!” Robert Di Silva đang đứng bên bàn nhai một điếu xì gà và ra lệnh cho hai trợ lý của mình. Ông dừng lại khi Jennifer bước vào phòng. “Tôi đã cuộc là cô không dám đến đây”. “Tôi đã đến đây”. “Tôi tưởng là cô đã phải cúp đuôi chạy khỏi thành phố này từ lâu rồi chứ. Cô muốn gì?” Có hai chiếc ghế bành đối diện với bàn của Robert Di Silva, nhưng ông ta không mời Jennifer ngồi. “Tôi đến đây để bàn về khách hàng của tôi, Abraham Wilson”. Robert Di Silva ngồi ngả ra sau ghế, tỏ vẻ suy nghĩ: “Abraham Wilson... A đúng rồi. Đó là thằng cha da đen giết người. Hắn lại vừa đánh chết một người nữa trong tù. Cô sẽ không có khó khăn gì để cãi cho hắn đâu”. Ông ta liếc nhìn các trợ lý của mình và họ lập tức rời khỏi phòng. “Thế nào, bà thầy cãi?” “Tôi muốn nói về một thỏa thuận”. Robert Di Silva nhìn cô với vẻ ngạc nhiên giả tạo: “Vậy ra cô đến đây để thỏa thuận với tôi à? Cô làm tôi sửng sốt đấy. Tôi cứ tưởng rằng một luật sư tài năng như cô có thể cãi cho hắn ta trắng án được kia chứ”. “Robert Di Silva, tôi biết vụ này có vẻ như đã rõ ràng” Jennifer bắt đầu nói “nhưng vẫn còn những tình tiết giảm nhẹ. Abraham Wilson đã...” Chưởng lý Di Silva ngắt lời: “Để tôi nói bằng ngôn ngữ luật pháp cho cô hiểu. Hãy để những tình tiết giảm nhẹ xuống dưới đít cô ấy!” Ông ta đứng dậy, giọng run lên vì giận dữ. “Thỏa thuận với cô ư, thưa cô? Cô đã làm hại sự nghiệp của tôi, cô biết không? Có một xác chết và thằng cha mà cô cãi hộ sẽ bị xử tử vì chuyện đó. Cô có nghe tôi nói không? Tôi sẽ đích thân làm cho thằng cha ấy lên ghế điện”. “Tôi đến đây để báo cho ngài biết tôi sẽ rút khỏi vụ này. Xin ngài hãy giảm tội xuống còn ngộ sát. Wilson đã bị tù chung thân. Ngài có thể...” “Không có lôi thôi gì hết. Hắn ta phạm tội giết người, rất đơn giản và rõ ràng!” Jennifer cố kìm cơn giận: “Tôi tưởng chánh án mới là người quyết định việc đó chứ?” Robert Di Silva méo mó cười. “Cô không thể biết thật là thú vị như thế nào, khi có một chuyên gia như cô đến giảng giải về luật ở văn phòng của tôi đâu”. “Chúng ta có thể quên chuyện riêng được không?” “Không thể được chừng nào tôi còn sống. Gửi lời chào tay bồ Michael Moretti của cô hộ tôi”. * * * * * Nửa tiếng đồng hồ sau, Jennifer ngồi uống cà phê với Ken Bailey. “Tôi chẳng còn biết làm gì nữa”. Jennifer thú nhận. “Tôi tưởng là nếu mình rút khỏi vụ kiện, Abraham Wilson có thể có cơ hội tốt hơn. Nhưng Di Silva không chịu thỏa thuận, ông ta không phải săn đuổi Wilson mà là tôi”. Ken Bailey trầm ngâm nhìn cô: “Có lẽ ông ta muốn dọa cô chăng”. “Chẳng cần ông ta dọa tôi cũng đang sợ rồi đấy”. Cô nhấp một ngụm cà phê và thấy đắng ngắt. “Vụ này thật dở. Anh hãy nhìn Abraham Wilson mà xem. Những gì mà tòa sẽ làm là chỉ việc nhìn anh ta và họ sẽ buộc tội”. “Khi nào vụ án bắt đầu?” “Bốn tuần nữa”. “Tôi có thể giúp gì cô không?” “Ồ anh hãy thỏa thuận với Di Silva đi”. “Cô có nghĩ rằng có khả năng giúp Wilson giải tội không?” “Theo cách nhìn bi quan, tôi đang cố gắng chống chọi với vị chưởng lý giỏi nhất nước, một người cực thù ghét tôi, và khách hàng của tôi là một người da đen đã phạm tội giết người, nay lại phạm tội đó một lần nữa ngay trước mặt 120 nhân chứng”. “Dở quá nhỉ. Vậy cách nhìn lạc quan thì sao?” “Tôi có thể bị xe chẹt chiều nay”. Chỉ còn ba tuần nữa là đến ngày xử án. Jennifer thu xếp để Abraham Wilson được chuyển đến nhà tù ở đảo Riker. Anh ta bị nhốt trong trại cấm cố đàn ông, khu rộng nhất và kỉên cố nhất của nhà tù. Chín mươi lăm phần trăm bạn tù của anh ta cũng đang chờ bị xét xử vì các tội như: giết người, đốt nhà, hãm hiếp, cướp có vũ trang. Ô tô riêng không được phép lên đảo và Jennifer đến đó bằng xe bus. Tới khu kiểm tra, Jennifer xuất trình giấy tờ và được đưa đến khu cầm cố, nơi Abraham Wilson sẽ gặp cô. Đi dọc theo hành lang dài tới nơi gặp Wilson, Jennifer nghĩ: Đây thật giống như một phòng đợi để sang địa ngục. Có hơn một trăm tù nhân trong mỗi xà lim, họ nói chuyện ồn ào suốt ngày đêm. Khi Jennifer ngồi đối diện với Abraham Wilson, cô nghĩ: tính mạng của người đàn ông này đang nằm trong tay mình đây. Nếu anh ta phải chết, đó là do mình không giúp gì được anh ta. “Tôi sẽ cố làm mọi việc tôi có thể làm được!” Jennifer hứa. Ba ngày trước khi vụ án Abraham Wilson bắt đầu, Jennifer được biết chánh án phiên tòa sẽ là ngài Lawrence Waldman, người đã từng là chánh án trong vụ Michael Moretti và đã tìm cách để tước quyền luật sư của cô. Chương 07 Vào lúc 4 giờ sáng một buổi sáng thứ hai cuối tháng 9 năm 1970, ngày bắt đầu phiên tòa xử Abraham Wilson, Jennifer thức giấc, đầu choáng váng và mắt cay sè. Cô ngủ không yên, buổi tối hôm trước toàn mộng mị về chuyện tòa án. Một lần cô mơ thấy Robert Di Silva đưa cô vào bục nhân chứng và hỏi cô về Michael Moretti. Mỗi lần Jennifer cố gắng trả lời câu hỏi, đoàn hội thẩm lại ngắt lời cô bằng những tiếng thét: “Nói dối! Nói dối! Nói dối!”. Trong giấc mơ cuối cùng, cô thấy Abraham Wilson bị đưa lên ghế điện. Khi Jennifer cúi xuống an ủi anh ta, anh ta nhổ vào mặt cô. Jennifer thức dậy, run rẩy và không thể nào ngủ lại được nữa. Cô ngồi ghế cho đến tận sáng và ngắm cảnh mặt trời mọc. Cô chẳng còn muốn ăn uống gì nữa. Cô ước giá được ngủ ngon buổi tối hôm trước, giá mà cô không bị quá căng thảng, và ngày hôm nay sẽ qua đi nhanh chóng. Tắm rửa xong, cô mặc quần áo và thay vì mặc chiếc áo đen, cô chọn chiếc áo xanh mà cô đã mua tại cửa hàng hạ giá Loehmann. 8h30, Jennifer đến khu tòa án hình sự để bắt đầu cãi cho vụ nhân dân bang New York kiện Abraham Wilson. Đã có một đám đông tụ tập ở lối vào và thoạt đầu Jennifer tưởng vừa có vụ tai nạn xe cộ ở đó. Cô thấy ống kính camera và micro chĩa ra tua tủa và trước khi hiểu được điều gì đang xảy ra, cô đã bị một đám phóng viên vây quanh. Một phóng viên hỏi: “Thưa cô Parker, đây có phải là lần đầu tiên cô xuất hiện ở tòa án, kể từ khi cô làm hỏng vụ án Michael Moretti của ngài chưởng lý quận không?” Ken Bailey đã báo trước cho cô biết. Chính cô là trung tâm của sự chú ý chứ không phải là khách hàng của cô. Các phóng viên đến đây không phải với tư cách của những quan sát viên khách quan. Họ đến đây như những con chim săn mồi, và cô chính là miếng mồi ngon của họ. Một phóng viên nữ trẻ trung trong bộ quần áo bò, dí micro vào sát mặt Jennifer: “Có đúng là chưởng lý Di Silva quyết tâm trả thù cô không?” “Không có bình luận gì hết”. Jennifer bắt đầu phải xô đẩy để tiến tới lối vào. “Tối hôm qua ngài chưởng lý vừa tuyên bố, là ông ta nghĩ lẽ ra không nên cho phép cô hành nghề ở các tòa án New York nữa. Cô có nhận xét gì không?” “Không nhận xét gì hết” Jennifer đã chen được tới lối vào. “Năm ngoái chánh án Waldman định làm cho cô bị tước quyền hành nghề. Cô có định yêu cầu ông ta phải...” Jennifer đã lọt vào trong khu xử án. Phiên tòa được dự định tổ chức ở phòng 37. Người ta chen nhau ở ngoài hành lang để lọt vào phòng nhưng bên trong đã chật cứng. Tiếng ồn ào bao trùm khắp căn phòng và có một không khí hội hè ở đây. Có mấy hàng ghế thêm để dành cho các phóng viên. Di Silva đã chuẩn bị trước chuyện đó, Jennifer nghĩ. Abraham Wilson ngồi tại bàn bị cáo, cao vượt lên trên tất cả mọi người xung quanh, trông như một ngọn núi ma quái. Anh ta mặc chiếc áo veston màu xanh đậm quá nhỏ so với khổ người, bên trong là chiếc sơ mi trắng và cà vạt xanh mà Jennifer đã mua cho anh ta. Nhưng điều đó cũng chẳng giúp ích gì. Abraham Wilson trông giống như một tên giết người xấu xí trong bộ veston xanh thẫm. Jennifer thấy nản lòng ngay từ đầu. Wilson nhìn xung quanh một cách thách thức, hằn học đối với những ai bắt gặp ánh mắt của anh ta. Jennifer đã hiểu khách hàng của mình quá rõ, và biết rằng đằng sau vẻ khiêu khích của anh ta là sự sợ hãi cực điểm. Nhưng ấn tượng bao trùm đối với tất cả mọi người “kể cả chánh án và đoàn hội thẩm” là vẻ thù địch và căm ghét toát ra từ anh ta. Người đàn ông to lớn này là một mối đe doạ. Họ sẽ coi anh ta là một kẻ đáng sợ đáng bị trừng phạt. Không có một dấu vết đáng mến nào trong phong cách của Abraham Wilson. Vẻ ngoài của anh ta cũng không có gì để gợi lên lòng thương cảm. Chỉ có khuôn mặt xấu xí, sứt sẹo với chiếc mũi gẫy và hàm răng thiếu, thân hình đồ sộ đó gây nên sự sợ hãi. Jennifer bước tới bàn bị cáo và ngồi xuống cạnh Abraham Wilson: “Chào anh, Abraham”. Anh ta liếc nhìn cô và nói: “Tôi không nghĩ là cô lại đến đây”. Jennifer nhớ lại giấc mơ của mình. Cô nhìn thẳng vào cặp mắt ti hí của anh ta: “Anh biết là tôi sẽ đến chứ?” Anh ta lắc đầu lãnh đạm: “Chắng có ích gì đâu. Chúng sẽ tóm tôi thôi. Rồi chúng sẽ kết án tôi vào tội giết người, sẽ nấu tôi trong vạc dầu. Đây sẽ không phải là một phiên tòa. Đây chỉ là một màn diễn kịch thôi!” Có tiếng ồn ào nổi lên từ bàn công tố viên, và Jennifer nhìn lên thấy chưởng lý Di Silva đang ngồi xuống chỗ của mình, bên chiếc bàn sát ngay đội trợ lý của ông ta, ông ta nhìn Jennifer và mỉm cười. Cô thấy lo sợ trước nụ cười ấy. Một nhân viên của tòa án hô: “Tất cả đứng dậy”. Và chánh án Lawrence Waldman tiến vào phòng. “Nghe đây nghe đây, mọi người hãy chú ý. Chánh án Lawrence Waldman sẽ chủ trì phiên tòa này”. Chỉ có một người không chịu đứng dậy, đó là Abraham Wilson. Jennifer thì thầm với anh ta: “Đứng dậy đi”. “Kệ cha bọn nó. Chúng nó sẽ phải đến lôi tôi đứng dậy”. Jennifer cầm lấy bàn tay to lớn của anh ta. “Đứng dậy đi Abraham. Chúng ta sẽ thắng họ”. Anh ta nhìn cô một lúc lâu rồi chậm rãi đứng lên. Chánh án Waldman ngồi xuống ghế quan tòa. Mọi người cũng lục tục ngồi xuống theo. Viên mõ tòa đưa cho chánh án chương trình làm việc của tòa. “Nhân dân bang New York kiện Abraham Wilson về tội giết Raymond Thorpe”. Jennifer thoạt đầu mong đoàn hội thẩm toàn là người da đen, nhưng trong trường hợp này, cô lại không chắc chắn về chuyện đó. Wilson không phải là người của họ. Anh ta là một tên giết người, một kẻ đã làm nhục nòi giống của mình. Có khi họ còn sẵn sàng kết tội anh ta hơn là những quan tòa da trắng. Tất cả những gì mà Jennifer có thể làm là cố để cho những người quá thiên kiến không tham gia vào đoàn hội thẩm. Nhưng những người này rất khó nhận biết. Họ luôn giữ kín thiên kiến của mình và chỉ chờ dịp thuận lợi mới bộc lộ ra. Vào cuối buổi chiều ngày thứ hai, Jennifer đã sử dụng hết quyền hỏi vặn của mình. Cô cảm thấy những câu hỏi của mình đối với các thẩm phán thật vụng về và ngốc nghếch, trong khi đó Di Silva lại rất trơn tru và khéo léo ông ta có tài làm cho các thẩm phán thấy thoải mái, làm cho họ tin tưởng ông ta. Làm sao mình lại quên rằng Di Silva là một diễn viên cực tài nhỉ? Jennifer tự hỏi. Robert Di Silva đứng dậy và bắt đầu bài nói của mình. “Trước hết tôi xin được cảm tạ quý tòa, các ông, các bà đã dành thì giờ quý báu của mình để tham gia phiên tòa này”. Ông ta cười thông cảm. “Tôi biết hầu tòa vất vả như thế nào. Các ông các bà đều có công việc làm, có gia đình để chăm lo”. Ông ta làm như mình cũng là một người trong số họ, vị thẩm phán thứ 13, Jennifer nghĩ. “Tôi hứa là sẽ làm mất thời giờ của các vị càng ít càng tốt. Đây quả thực là một vụ án rất đơn giản. Bị cáo ngồi kia - Abraham Wilson bị buộc tội giết một bạn tù ở nhà lao Sing Sing. Chắc chắn anh ta đã làm việc đó. Và anh ta cũng đã thú nhận. Luật sư của anh ta sẽ biện hộ để tòa khép vào tội giết người để tự vệ”. Viên chưởng lý quay sang nhìn Abraham Wilson và đoàn hội thẩm cũng nhìn theo ông ta. Jennifer có thể thấy phản ứng trên khuôn mặt của họ. Cô cố tập trung để nghe Di Silva nói. “Nhiều năm trước đây, mười hai công dân rất giống các vị ở đây đã biểu quyết để đưa Abraham Wilson vào tù. Bởi vì có một số thủ tục pháp lý, tôi không được phép trao đổi với các vị về tội ác mà Abraham Wilson đã phạm phải. Tôi có thể nói với các vị rằng tòa án đó đã thành thật tin rằng nhốt Abraham Wilson vào tù sẽ ngán không cho hắn phạm thêm tội ác. Thật đáng buồn, họ đã lầm. Bởi vì thậm chí khi đã bị nhốt trong tù Abraham Wilson vẫn còn có khả năng đánh, giết người để thỏa mãn thú tính khát máu của hắn. Giờ đây chúng ta biết rằng chỉ có một cách để ngăn Abraham Wilson giết người thêm nữa. Đó là xử tử hắn ta. Điều đó không làm cho Raymond Thorpe sống lại, nhưng nó có thể đảm bảo cuộc sống cho những người có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của bị cáo”. Di Silva đi dọc theo bàn hội thẩm, nhìn từng hội thẩm viên. “Tôi đã nói là vụ này sẽ không làm mất nhiều thời giờ của các vị. Bây giờ tôi sẽ giải thích vì sao lại như vậy. Bị cáo ngồi kia Abraham Wilson đã giết người có chủ đích. Hắn đã nhận tội đó. Mà nếu hắn không nhận, chúng ta cũng có nhân chứng. Hơn một trăm nhân chứng, thật vậy. Chúng ta hãy xem lại câu “Có chủ đích”. - Giết người vì bất cứ lý do gì cũng là ghê tởm đối với tôi và tôi biết các vị cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, giết người đôi khi phạm phải vì những lý do mà ít nhất chúng ta còn có thể hiểu được. Chẳng hạn có ai đó dùng vũ khí đe dọa những người thân yêu của các vị: con, vợ, hoặc chồng. Nếu lúc đó trong tay các vị có một khẩu súng, các vị có thể bóp cò để cứu người thân của mình. Các vị và tôi có thể không dung thứ hành động đó. Nhưng tôi chắc rằng chúng ta ít nhất cũng hiểu được. Một ví dụ khác. Nếu cáo vị bất chợt bị dựng dậy vào lúc nửa đêm và có kẻ đe dọa mạng sống cuả các vị, nếu có cơ hộì chắc các vị sẽ giết hắn để tự cứu mình. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu được điều đó. Và làm như vậy chúng ta cũng không bị coi là kẻ sát nhân hay những con người xấu xa, đúng vậy không?” Giọng Di Silva đanh lại. “Nhưng giết người có chủ ý lại là một chuyện khác. Cướp đi mạng sống của một con người mà không hề đắn đo, vì tiền, hay chỉ vì cái thú được giết...” Rõ ràng ông ta định dẫn dắt tòa nhưng luôn giữ giới hạn để không ai có thể phản đối ông ta về chuyện đó. Jennifer ngắm nhìn khuôn mặt của các hội thẩm. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã ngả theo Di Silva. Họ đồng tình với mỗi từ của ông ta nói ra. Họ lắc đầu, nhăn mặt và thở dài. Ông ta như một nhạc trưởng và đoàn hội thẩm là dàn nhạc. Jennifer chưa bao giờ thấy một cảnh như vậy. Mỗi lần chưởng lý nhắc tới tên Abraham Wilson - và ông ta nhắc tới luôn - đoàn hội thấm lại quay sang nhìn bị cáo. Jennifer đã thận trọng nhắc Wilson đừng nhìn vào các hội thẩm mà hãy nhìn quanh phòng xử án. Giờ đây cô kinh sợ khi thấy Abraham Wilsnn cứ dán mắt vào đoàn hội thẩm, đấu mắt với họ. Từ người anh ta toát lên vẻ khiêu khích rõ rệt. Jennifer trầm giọng nói: “Abraham...” Anh ta không quay lại. Chưởng lý kết thúc bản cáo trạng của mình: “Kinh thánh có câu “ăn miếng trả miếng”. Đó là sự trả thù. Chúng ta không yêu cầu trả thù. Chúng ta chỉ cần công lý. Công lý cho người đàn ông tội nghiệp đã bị Abraham giết chết. Xin cám ơn các vị”. Chưởng lý ngồi xuống. Khi Jennifer đứng lên để đọc lời bào chữa, cô cảm thấy rõ sự thù địch và sốt ruột của đoàn hội thẩm. Cô đã đọc nhiều cuốn sách nói về việc luật sư có thể đọc được ý nghĩ của các hội thẩm và nghi ngờ chuyện đó Giờ đây cô tin là nó có thật. Thông điệp của đoàn hội thẩm tới cô là quá rõ. Họ đã quyết định kết tội khách hàng của cô và họ sốt ruột vì Jennifer đang làm mất thời gian của họ, giữ họ ở tòa án trong khi họ có biết bao việc quan trọng hơn phải làm, như người bạn của họ, ngài chưởng lý đã chỉ rõ. Jennifer và Abraham Wilson là kẻ thù của họ. Jennifer hít một hơi dài và nói: “Xin phép ngài chánh án”. Sau đó quay sang đoàn hội thẩm “Thưa quý ông quý bà, lý do chúng ta có tòa án, lý do mà chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay là vì luật pháp, với sự công minh của nó, biết rằng trong một vụ kiện luôn có hai mặt. Nghe bản luận tội của ngài chưởng lý đối với khách hàng của tôi, nghe ông ta tuyên bố khách hàng của tôi có tội mà chưa có phán quyết của tòa, người ta buộc phải nghĩ khác”. Cô tìm kiếm dấu hiệu đồng tình, hoặc thông cảm trên khuôn mặt các hội thẩm viên nhưng không thấy. “Ngài chưởng lý Di Silva nhắc đi nhắc lại một câu “Abraham Wilson có tội”. Đó là một lời nói dối. Chánh án Waldman sẽ nói để các vị biết không có bị cáo nào có tội chừng nào tòa chưa buộc tội anh ta. Đó là điều mà chúng ta phải làm ở đây, có phải vậy không ạ. Abraham Wilson bị buộc tội giết một người bạn tù ở nhà lao Sing Sing. Nhưng anh ta giết người không vì tiền hay vì khát máu. Anh ta giết để tự vệ. Và tôi có thể nói với tất cả mọi người ở tòa hôm nay, rằng bất kỳ ai trong số chúng ta trong trường hợp tương tự như vậy cũng đều làm như thế cả. Ngài chưởng lý và tôi nhất trí ở một điều: Mọi người đều có quyền bảo vệ mạng sống của mình. Nếu Abraham Wilson không làm như anh ta đã làm, anh ta đã là một xác chết rồi”. Giọng Jennifer bắt đầu rung lên. Cô đã mất hết vẻ hồi hộp vì niềm tin mãnh liệt của mình. “Tôi muốn từng người trong các vị nhớ lại một điều: Theo pháp luật của bang này, chúng ta chỉ kết tội khi không còn nghi ngờ gì nữa, hành động giết người diễn ra không phải là để tự vệ. Và trước khi phiên tòa này kết thúc chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng vững chắc, để các vị thấy Raymond Tholpe bị giết, để anh ta không thể giết khách hàng của tôi. Xin cảm ơn”. Những nhân chứng của Di Silva bắt đầu lên khai trước tòa Từng người một họ kể lại câu chuyện đã xảy ra. Mỗi lần một nhân chứng khai xong, chưởng lý lại quay sang Jennifer và hỏi: “Cô có chất vấn gì không?”. Và mỗi lần như thế Jennifer đều trả lời “Không cần đối chứng”. Cô biết rằng bắt bẻ các nhân chứng đó cũng chẳng có ích gì. Họ kể về Raymond Thorpe như thể hắn là một vị thánh chứ không phải là một tù nhân bị bắt về tội cướp nhà băng và hãm hiếp. Tất cả đều có bàn tay đạo diễn của Di Silva. Một điểm cực kỳ tai hại cho Jennifer và khách hàng của cô là sức vóc của Raymond. Hắn rất thấp nhỏ so với Abraham Wilson. Robert Di Silva biết điều đó và luôn nhắc tới nó. Ông ta vẽ lên một bức tranh đầy kịch tính về cảnh Abraham Wilson đã tấn công một người nhỏ yếu hơn mình như thế nào, đã đập đầu Thorpe vào cánh cửa xi măng và giết chết hắn ta ra sao. Trong khi ông ta nói, đoàn hội thẩm nhìn chằm chằm vào bị cáo với vẻ căm tức không giấu diếm. Chưởng lý tiếp tục: “Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết nguyên nhân nào dẫn đến việc Abraham Wilson tấn công người đàn ông bé nhỏ và vô hại đó”. Tim Jennifer nhảy dựng lên. Di Silva đã nói ra một từ mà cô thấy có thể tấn công lại được. “Chúng ta không biết vì sao bị cáo đánh nạn nhân, nhưng có một điều chúng ta biết, thưa quý ông quý bà... người bị nạn không phải là một mối đe dọa đối với Abraham Wilson”. “Tự vệ chăng?” Ông ta quay sang chánh án Waldman. “Thưa ngài, ngài có thể yêu cầu bị cáo đứng lên được không ạ?” Chánh án Waldman nhìn Jennifer: “Luật sư bào chữa không phản đối chứ?” Jennifer biết điều gì sắp xảy ra, nhưng cô có phản đối thì cũng chỉ làm cho sự thể xấu hơn mà thôi. “Không, thưa ngài”. Chánh án Waldman nói: “Bị cáo có thể đứng lên được không?” Abraham Wilson ngồi lặng một lát rồi từ từ đứng dậy, mặt đầy vẻ thách thức. Di Silva nói: “Có một lục sự ở đây, đó là ngài Galin. Ông ta có chiều cao đúng bằng Raymond Thorpe. Ngài Galin, ngài có thể đến đứng cạnh bị cáo một lát được không?” Viên lục sự đến bên Abraham Wilson. Sự tương phản giữa hai người quá rõ ràng. Jennifer hiểu rằng cô lại bị chưởng lý ghi điểm. Ông ta nhìn hai người đàn ông và nói với đoàn hội thẩm với giọng gần như thì thầm: “Tự vệ ư?” Phiên tòa diễn ra còn tồi hơn so với những cơn ác mộng xấu nhất của Jennifer. Cô có thể thấy toàn bộ đoàn hội thẩm nóng ruột muốn kết thúc phiên tòa để đưa ra phán quyết đối với bị cáo. Ken Bailey ngồi ở chỗ các quan sát viên và trong một lúc nghỉ, Jennifer trao đổi vài câu với anh. “Đây là một trường hợp khó khăn đấy”, Ken nói thông cảm. “Giá mà khách hàng của cô không giống King Kong thì tốt. Chúa ơi, chỉ cần nhìn anh ta cũng đủ thấy sợ rồi”. “Đó đâu phải lỗi của anh ấy?” “Quan hệ giữa cô và ngài chưởng lý đáng kính ra sao rồi?” Jennifer cười nhăn nhó: “Sáng nay ngài Di Silva có nhắn với tôi, rằng sẽ tìm mọi cách để loại tôi ra khỏi giới luật gia”. Khi tất cả những nhân chứng buộc tội đã khai xong, Jennifer đứng lên và nói: “Tôi muốn Howard Patterson đến bục làm chứng!” Viên phó giám đốc nhà tù Sing Sing miễn cưỡng đứng dậy và đi đến bục làm chứng. Mọi con mắt đổ dồn vào anh ta. Robert Di Silva căng thẳng nhìn Patterson thề trước tòa. Đầu óc ông ta soát lại tất cả các khả năng có thể xảy ra. Ông ta tin rằng mình đã thắng trong vụ này. Jennifer nói với nhân chứng: “Ngài có thể nói với đoàn hội thẩm về lai lịch của mình không, thưa ngài Patterson?” Chưởng lý Di Silva đứng dậy: “Chúng ta có thể bỏ qua phần khai lai lịch để tiết kiệm thời gian và tôi có thể chứng nhận rằng ngài Patterson là phó giám đốc nhà lao Sing Sing”. “Cám ơn”, Jennifer nói “Tôi nghĩ cần phải báo cho tòa biết là ngài Patterson phải có trát hầu tòa mới chịu đến đây hôm nay. Ông ta là một nhân chứng bắt buộc”. Jennifer quay sang Patterson. “Khi tôi đề nghị ngài đến đây tự nguyện và làm chứng thay cho khách hàng của tôi ngài đã từ chối, đúng vậy không?” “Đúng”. “Ngài có thể nói cho tòa biết vì sao phải có trát hầu tòa ngài mới đến?” “Sẵn sàng thôi. Tôi đã từng tiếp xúc với loại người như Abraham Wilson suốt đời mình. Bọn này sinh ra để làm phiền nhiễu cho xã hội”. Robert Di Silva vươn người ra phía trước cười sung sướng, và nóì thầm với một viên trợ lý của mình: “Xem nó tự treo cổ kìa”. Jennifer tiếp tục: “Ngài Patterson, Abraham Wilson không phải bị xử về tội gây phiền nhiễu. Anh ta bị xử về tội giết người. Ngài có sẵn lòng giúp một con người bị kết án tử hình oan không?” “Nếu anh ta bị oan, thì được”. Từ “bị oan” làm cho khuôn mặt các hội thẩm có chút biến đổi. “Trước vụ này vẫn có án mạng trong nhà lao, đúng vậy không?” “Có”. “Trong những vụ án mạng mà ngài biết, có nhiều mục đích khác nhau phải không?” “Ồ tôi cho là như vậy. Đôi khi...” “Xin ngài nói rõ cho là có hay không nào?” “Có”. “Thế tự vệ có phải là một trong những mục đích của các vụ án không?” “À đôi khi...” Ông thấy vẻ mặt của Jennifer và nói. “Có”. “Vậy thì, dựa trên kinh nghiệm phong phú của ngài, liệu hoàn toàn có thể hay không khả năng Abraham Wilson thực sự tự vệ, khi anh ta giết Raymond Thorpe?” “Tôi không nghĩ điều đó...” “Tôi chỉ muốn biết có hay không thôi”. “Rất khó có khả năng như thế”. Patterson đáp lại một cách bướng bỉnh. Jennifer quay sang chánh án Waldman. “Thưa chánh án, xin ngài yêu cầu nhân chứng trả lời câu hỏi”. Chánh án Waldman nhìn xuống Howard Patterson. “Nhân chứng sẽ trả lời câu hỏi”. “Có”. Nhưng thái độ của ông ta đã được đoàn hội thẩm ghi nhận. Jennifer nói tiếp: “Nếu tòa cho phép, tôi sẽ yêu cầu nhân chứng mang đến một số đồ vật và muốn đưa ra để mọi người xem”. Chưởng lý Di Silva đứng phắt dậy: “Đồ vật gì vậy?” “Những đồ vật chứng tỏ khách hàng của tôi tự vệ”. “Phản đối, thưa ngài chánh án”. “Ngài phản đối gì cơ chứ?” Jennifer hỏi. “Ngài đã thấy chúng đâu?” Chánh án Waldman nói: “Tòa sẽ xem xét các tang vật. Tính mạng của một con người đang được cân nhắc. Bị cáo được quyền xem xét dưới mọi góc độ”. “Cám ơn, ngài chánh án” Jennifer quay sang Patterson: “Ngài có mang nó theo không đấy?” Cô hỏi. Howard Patterson nhìn xuống khu người ngồi xem, ở đó có một người trong quân phục gác ngục. Patterson gật đầu với anh ta. Người này đứng dậy và đi đến bục nhân chứng cùng với một chiếc hòm gỗ đậy kín. Jennifer lấy chiếc hòm từ tay anh ta. “Thưa chánh án, bên bị muốn đưa ra những thứ trong hòm này”. “Cái gì vậy?” Chưởng lý Di Silva hỏi. “Đây là hòm đựng đồ quý”. Có tiếng xì xào trong đám người ngồi xem. Chánh án Waldman nhìn xuống Jennifer và nói chậm rãi. “Cô nói đó là hòm đựng đồ quý. Vậy có gì trong đó, cô Parker?” “Vũ khí. Vũ khí được các tù nhân chế tạo tại nhà lao Sing Sing để....” “Phản đối!” Chưởng lý đứng bật dậy và gào lên. Ông ta chạy đến bàn hội thẩm. “Tôi sẵn sàng tha thứ cho đồng nghiệp của mình vì tội thiếu kinh nghiệm, nhưng nếu cô ta thật sự muốn hành nghề luật hình sự, tôi cho rằng cô ta cần học lại những nguyên tắc cơ bản về tang chứng. Không có mối liên hệ nào giữa cái gọi là hòm đựng đồ quý với vụ án đang được xét xử ở đây”. “Chiếc hộp này chứng tỏ rằng...” “Nó chẳng chứng tỏ được điều gì cả”. Chưởng lý ngạo nghễ nói. Ông ta quay sang chánh án Waldman. “Chúng tôi phản đối việc đưa ra tang chứng này, coi đó là không thích hợp”. “Chấp nhận phản đối”. Và Jennifer đứng đó, chứng kiến thất bại của mình. Mọi thứ đều chống lại cô: Chánh án, đoàn hội thẩm, Di Silva, tang chứng. Khách hàng của cô sẽ phải lên ghế điện trừ khi... Jennifer hít một hơi thật dài: “Thưa chánh án, tang chứng này có tầm quan trọng đặc biệt đối với chúng tôi. Tôi cảm thấy...” Chánh án Waldman ngắt lời: “Cô Parker, tòa không có thời gian và cũng không có ý muốn dạy cô về luật, nhưng ông chưởng lý nói hoàn toàn đúng. Trước khi đến phòng xử án này cô cần làm quen với những nguyên tắc cơ bản về tang chứng. Nguyên tắc đầu tiên là cô không được phép đưa ra tang chứng không liên quan gì đến vụ kiện. Trong biên bản không hề nói đến việc người bị hại có vũ khí hay không. Do vậy vấn đề vũ khí là yếu tố ngoại lai. Cô bị bác bỏ”. Jennifer thấy máu dồn lên mặt. “Tôi xin lỗi”, Cô bướng bỉnh nói “Nhưng đây không phải là yếu tố ngoại lai”. “Thôi đủ rồi. Cô có thể xin bảo lưu”. “Tôi không cần bảo lưu, thưa ngài chánh án. Ngài đang tước đoạt quyền lợi của khách hàng của tôi”. “Cô Parker, nếu cô cứ tiếp tục như vậy tôi sẽ buộc tội cô lăng nhục tòa”. “Tôi không cần biết ngài sẽ làm gì tôi?” Jennifer nói “Tôi có cơ sở để trưng bày tang vật này. Chính ngài chưởng lý tạo ra cơ sở đó”. Di Silva hỏi lại: “Cái gì? Tôi chưa hề...” Jennifer quay sang viên lục sự của tòa: “Xin ông hay đọc bản luận tội của ngài Di Silva bắt đầu từ dòng - Chúng ta có lẽ không bao giờ biết điều gì khiến cho Abraham Wilson tấn công”. Chưởng lý nhìn lên chánh án Waldman. “Thưa chánh án, ngài định cho phép...?” Chánh án Waldman giơ một tay lên. Ông ta quay sang Jennifer. “Tòa không cần cô phải giảng luật ở đây, cô Parker. Khi phiên tòa này kết thúc cô sẽ bị buộc tội làng mạ tòa và đây là một vụ nghiêm trọng, tôi sẽ cho phép đọc tiếp”. Viên lục sự giở mấy trang hồ sơ và bắt đầu đọc “Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết điều gì khiến cho Abraham Wilson tấn công một người nhỏ bé, không có gì để tự vệ...” “Đủ rồi”, Jennifer cắt lời anh ta “Xin cám ơn”. Cô nhìn Robert Di Silva và chậm rãi nói: “Đó là lời của ngài, thưa ngài Di Silva”. Quay sang chánh án Waldman, cô nói: “Thưa ngài chánh án, câu cơ bản nhất ở đây là không có gì tự vệ. Vì chính ngài chưởng lý nói với phiên tòa này rằng nạn nhân không có gì để tự vệ, ông ta đã để ngỏ một khả năng khác. Đó là việc nạn nhân chưa chắc đã không có gì để tự vệ và thực tế anh ta có thể có vũ khí. Vì vậy chúng tôi có thể đưa ra tang vật để làm đối chứng”. Mọi người chợt im lặng hồi lâu. Chánh án Waldman quay sang Robert Di Silva: “Cô Parker nói đúng một điểm. Ngài đã để ngỏ một khả năng”. Robert Di Silva tưởng mình nghe nhầm: “Nhưng tôi chỉ...” “Tòa sẽ cho phép đưa ra tang chứng”. Jennifer thở phào nhẹ nhõm. “Cám ơn ngài chánh án”. Cô nhấc chiếc hộp lên, giơ về phía đoàn hội thẩm. “Thưa quý ông quý bà, ngài chưởng lý chắc sẽ nói với các vị những gì trong hộp này không phải là tang chứng trực tiếp. Ông ta đúng. Ông ta chắc cũng sẽ nói rằng không có liên hệ gì giữa những vũ khí này và người bị nạn. Ông ta cũng đúng. Tôi sẽ cho trưng bày tang chứng vì một lý do khác. Mấy ngày hôm nay các vị đã được nghe kể, về việc bị cáo đánh chết Raymond Thorpe một cách dã man như thế nào. Bức tranh được dựng lên một cách cẩn thận và giả tạo của bên nguyên là hình ảnh một kẻ giết người tàn bạo, hạ sát đồng loại mà chẳng có lý do gì cả. Nhưng xin các vị hãy tự hỏi: “Có phải luôn có động cơ gì đó không? Tham lam, thù ghét, dục vọng, một cái gì đó chứ?” Tôi tin rằng và tôi đặt cược tính mạng của khách hàng mình vào sự tin tưởng đó là có một động cơ dẫn đến việc sát nhân. Động cơ duy nhất, như chính ngài chưởng lý vừa nói với các vị có thể biện minh cho việc đó, là tự vệ. Người ta phải đấu tranh để bảo vệ mạng sống của chính mình. Các vị đã nghe Howard Patterson chứng thực rằng có nhiều vụ giết người xảy ra trong nhà tù, rằng các tội nhân tự tạo ra được những vũ khí chết người. Điều đó có nghĩa là có khả năng Raymond Thorpe đã sử dụng một trong những thứ vũ khí đó và trên thực tế chính hắn ta đã tấn công bị cáo. Bị cáo trong lúc chống cự đã buộc phải giết hắn ta để tự vệ. Nếu các vị quyết định rằng Abraham Wilson đã giết Raymond Thorpe một cách dã man và không có động cơ gì hết, lúc đó các vị sẽ đưa ra lời phán quyết có giá trị như ngài chưởng lý đã yêu cầu. Tuy nhiên, nếu sau khi xem tang chứng này các vị có những mối băn khoăn đáng kể, các vị sẽ có trách nhiệm đưa ra lời phán quyết vô tội”. Chiếc hộp gỗ bỗng trở nên nặng trĩu trong tay cô. “Lần đầu tiên khi tôi nhìn vào chiếc hộp này, tôi không tin vào mắt mình nữa. Các vị chắc cũng khó có thể tin được, nhưng các vị nên lưu ý rằng chiếc hộp này đã được đem tới đây dưới sự phản đối của phó giám đốc nhà lao Sing Sing. Đây là một bộ sưu tập các loại vũ khí tịch thu của các phạm nhân ở nhà lao này!” Trên đường đi tới bàn hội thẩm, Jennifer dường như bị mất thăng bằng và khụyu xuống. Chiếc hộp trượt khỏi tay cô rơi xuống đất, và những đồ trong hộp văng tung tóe ra khắp nơi. Tiếng ồn ào nổi lên. Các thẩm phán bắt đầu đứng dậy để xem cho rõ hơn. Họ nhìn chằm chằm vào các loại vũ khí đáng sợ vừa văng ra từ chiếc hộp đó. Có khoảng 100 cái, đủ các kích cỡ và thể loại. Dao díp, dao găm, kéo nhọn đầu, kìm. Có cả những sợi dây thép có tay cầm dùng để xíết cổ. Người xem và đám phóng viên nhốn nháo cả lên, ai cũng cố nghển cổ nhìn cho rõ. Chánh án Waldman giận dữ đập búa lia lịa để giữ trật tự. Chánh án Waldman nhìn cô với vẻ mặt mà cô không hiểu nổi. Một nhân viên phục vụ vội chạy đến nhặt các vũ khí rơi vãi lên. Jennifer xua tay: “Cám ơn”. Cô nói “Để tôi dọn cũng được”. Dưới sự theo dõi của các thẩm phán và những người tham dự phiên tòa. Jennifer quỳ xuống và bắt đầu nhặt những vũ khí vương vãi trên sàn cho vào hộp. Cô làm việc đó một cách chậm rãi, ngắm nghía mỗi thứ một tí trước khi bỏ vào hộp. Các thẩm phán đã ngồi xuống nhưng vẫn chăm chú theo dõi Jennifer. Phải mất đến 5 phút cô mới nhặt hết đống vũ khí, trong khi đó chưởng lý Di Silva ngồi nhìn tức tối. Sau khi đã bỏ chiếc dao cuối cùng vào hộp, Jennifer đứng dậy, nhìn Patterson, rồi quay sang nói với Di Silva: “Mời ngài đối chất”. “Không cần”. Chưởng lý đáp cụt lủn. “Vậy thì tôi muốn gọi Abraham Wilson lên bục khai!” Chương 08 “Tên anh là gì?” “Abraham Wilson”. “Anh có thể nói to hơn được không?” “Abraham Wilson”. “Anh Wilson, có phải anh đã giết Raymond Thorpe không?” “Có, thưa cô”. “Anh có thể nói cho tòa biết lý do được không?” “Nó định giết tôi”. “Raymond Thorpe nhỏ con hơn anh nhiều. Anh có thật sự tin rằng anh ta có thể giết được anh không?” “Hắn ta cầm trong tay một con dao và vì thế cũng cao chả kém gì tôi”. Jennifer đã giữ lại hai vật trong hộp đựng vũ khí. Một con dao nhọn và một chiếc kéo lưỡi dài. Cô giơ con dao lên: “Có phải đây là con dao mà Raymond Thorpe định dùng để giết anh không?” “Phản đối. Bị cáo làm sao mà biết được...” “Tôi xin đặt lại câu hỏi. Con dao này có giống với con dao mà Raymond Thorpe dùng để dọa anh không?” “Có, thưa cô”. “Anh có xích mích gì với Thorpe trước đó không?” “Có thưa cô”. “Và khi anh ta tiến đến chỗ anh với con dao trên tay, anh buộc phải giết anh ta để tự vệ phải không?” “Vâng, thưa cô”. “Cám ơn anh”. Jennifer quay sang Di Silva: “Ngài có thể hỏi”. Robert Di Silva từ từ đứng dậy. “Anh Wilson, trước kia anh đã từng giết người phải không? Tôi muốn hỏi đây không phải là lần đầu tiên anh giết người chứ?” “Tôi đã phạm tội và tôi đang phải trả giá đây. Tôi...” “Xin anh đừng sám hối ở đây. Anh trả lời có hay không nào?” “Có”. “Có nghĩa là một mạng người không có nghĩa lý gì đối với anh phải không?” “Không phải thế. Tôi...” “Anh có định coi việc giết hại người là quý trọng sinh mạng con người không? Anh thích giết bao nhiêu nếu anh không còn coi mạng người ra gì nữa? Năm, mươi hay hai mươi?” Ông ta đặt bẫy Abraham Wilson và anh ta mắc ngay vào đó. Anh ta nghiến chặt hàm răng, mắt long lên vì giận dữ. “Tôi chỉ giết có hai người”. “Chỉ có? Anh chỉ giết có hai người?” Chưởng lý lắc đầu tỏ vẻ kinh sợ. Ông ta tiến đến gần bị cáo và nhìn anh ta chằm chằm. “Tôi cuộc là anh luôn có cảm giác là người mạnh vì thân thể to lớn của mình. Có lẽ anh thấy mình giống như một chúa trời bé nhỏ. Khi nào anh thích, anh có thể lấy đi một mạng sống ở nơi này nơi khác”. Abraham Wilson vươn thẳng người lên: “Ông là đồ chó đẻ”. “Đừng!” Jennifer cầu nguyện. “Đừng làm như vậy!” “Ngồi xuống”. Di Silva quát lên. “Có phải đó là kiểu tức giận mà vì thế anh đã giết Raymond Thorpe không?” “Thorpe định giết tôi”. “Với con dao này à?” Di Silva giơ con dao lên. “Tôi tin chắc là anh có thể đoạt được nó từ tay anh ta dễ dàng”. Abraham Wilson nhỏ nhẹ đáp: “Vậy ông đi mà thử đi?” Phiên tòa nghỉ trong 8 tiếng trước khi kết án. Robert Di Silva và các cộng sự của mình rời phòng xử án để nghỉ, nhưng Jennifer vẫn ngồi nguyên tại chỗ, không đủ sức đứng dậy nữa. Khi đoàn hội thẩm đã rời ra ngoài hết, Ken Bailey đi đến chỗ Jennifer. “Uống chút cà phê nhé?” “Tôi không thể nuốt được bất cứ cái gì lúc này đâu”. Cô ngồi lặng trong phòng, đắm chìm trong suy nghĩ và hầu như không để ý đến những người xung quanh.Mọi chuyện đã kết thúc. Cô đã làm hết sức mình. Cô cố cầu nguyện nhưng trong lòng vẫn rất lo lắng. Cô có cảm tưởng như mình và Abraham Wilson sắp bị kết án tử hình. Đoàn hội thẩm đã quay trở lại, mặt đầy vẻ trầm trọng và suy tư. Tim Jennifer bắt đầu đập nhanh hơn. Cô có thể thấy trên nét mặt họ ý định sẽ tuyên án tử hình. Cô sợ mình sẽ ngất đi mất. Chỉ vì cô mà một người sắp bị giết. Đáng ra cô không được tham gia vào vụ này mới phải. Cô có quyền gì quyết định sinh mạng của một người. Cô thật là điên rồ khi nghĩ rằng có thể thắng được một người đầy kinh nghiệm như Robert Di Silva. Cô muốn xông lên chỗ đoàn hội thẩm và nói trước khi họ kết án. Hãy đợi đã! Abraham Wilson không được xử một cách công bằng. Hãy để một trạng sư khác cãi cho anh ta. Một người nào đó giỏi hơn tôi ấy. Nhưng đã quá muộn rồi, Jennifer nhìn trộm khuôn mặt Abraham Wilson. Anh ta ngồi bất động như một pho tượng. Cô không còn thấy vẻ thù hận của anh nữa, chỉ còn lại vẻ tuyệt vọng sâu xa. Cô muốn nói vài lời để an ủỉ anh, nhưng không tìm ra được. Chánh án Waldman bắt đầu: “Đoàn hội thẩm đã đưa ra lời phán quyết cuối cùng chưa?” “Đã, thưa chánh án”. Chánh án gật đầu và viên thư lại của tòa đi đến chỗ người đứng đầu của đoàn hội thẩm, lấy từ ông ta một tờ giấy và trao lại cho ông. Jennifer thấy tim mình như sắp nhảy ra ngoài lồng ngực. Cô không thở được nữa. Cô chỉ muốn giờ phút này kéo dài mãi mãi, để khỏi phải nghe lời tuyên án. Chánh án Waldman đọc kỹ tờ giấy trong tay; sau đó ông chậm rãi nhìn quanh phòng xử án. Ông dừng lại ở đoàn hội thẩm, ở Robert Di Silva, Jennifer và cuối cùng là Abraham Wilson. “Xin mời bị cáo đứng dậy”. Abraham Wilson chậm rãi đứng lên, mệt mỏi và uể oải như thể anh ta không còn chút năng lượng nào trong người nữa. Chánh án Waldman bắt đầu đọc: “Phiên tòa này cho rằng bị cáo Abraham Wilson không phạm tội như bị buộc tội”. Cả phòng xử án lặng đi một lúc và những câu nói tiếp sau của chánh án bị chìm đi trong tiếng ồn ào của mọi người. Jennifer đứng đó, choáng váng và không tin vào tai mình nữa. Cô quay sang Abraham Wilson, giọng nghẹn lại. Anh ta nhìn cô một lát với cặp mắt ti hí xấu xí. Và rồi khuôn mặt sứt sẹo đó nở một nụ cười thoải mái mà Jennifer chưa từng thấy. Anh ta cúi xuống ôm lấy Jennifer và cô phải cố lắm mới cầm được nước mắt. Giới phóng viên lập tức vây quanh Jennifer, yêu cầu cô tuyên bố và đặt hàng loạt câu hỏi. “Cô thấy thế nào khi thắng được ngài chưởng lý?” “Cô có nghĩ là cô sẽ thắng vụ này không”. “Cô sẽ làm gì nếu họ đưa Wilson lên ghế điện?” Jennifer chỉ lắc đầu. Cô không thể nói chuyện với họ lúc này được. Họ đến đây để xem một vở kịch, xem cảnh một con người bị dồn đến chỗ chết như thế nào. Nếu lời phán quyết khác đi... Cô không dám nghĩ đến chuyện đó. Jennifer bắt đầu thu xếp giấy tờ và nhét chúng vào cặp. Một viên mõ tòa đi đến chỗ cô: “Chánh án Waldman muốn gặp cô tại phòng của ngài, thưa cô Parker”. Cô đã quên mất rằng mình có thể bị phạt vì tội lăng mạ tòa, nhưng bây giờ ngay cả chuyện đó cũng chẳng có gì là quan trọng nữa. Vấn đề chủ yếu là cô đã cứu được mạng sống của Abraham Wilson. Jennifer liếc sang bên nguyên cáo. Chưởng lý Di Silva đang cáu kỉnh nhét giấy tờ vào cặp và quát mang một trợ lý của mình. Ông ta bắt gặp cái nhìn của cô và hiểu tất cả. Chánh án Lawrence Waldman đang ngồi bên bàn khi Jennifer bước vào. Ông nói cụt lủn. “Ngồi xuống cô, Parker”. Cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông. “Tôi không cho phép cô hoặc bất kỳ một ai biến phòng xử án của tôi thành một rạp hát”. Jennifer đỏ mặt: “Tôi có lỗi. Tôi đã không kìm được”. Chánh án Waldman giơ một tay lên: “Thôi, xin đủ!” Jennifer lập tức cắn chặt môi. Chánh án Waldman ngồi ngả về phía trước: “Một điều nữa tôi không thể dung thứ là sự thô lỗ trước tòa”. Jennifer uể oải nhìn ông, không nói không rằng. “Cô đã vượt quá giới hạn trong buổi chiều hôm nay. Tôi nhận thức rằng nhiệt tình quá đáng của cô xuất phát từ lòng mong muốn cứu vớt sinh mạng một con người. Vì thế, tôi quyết định không kiện cô về tội lang mạ tòa”. “Xin cám ơn ngài chánh án!” Jennifer miễn cưỡng nói. Khuôn mặt ông ta vẫn kín như bưng khi ông tiếp tục nói: “Thường thường, khi một vụ án kết thúc tôi luôn có cảm giác là công lý có được thực hiện hay không. Trong vụ này, thành thật mà nói, tôi không chắc về điều đó”. Jennifer chờ ông nói tiếp. “Đó là tất cả những gì tôi muốn nói, cô Parker”. Trên báo chí và ti vi tối hôm đó, Jennifer lại xuất hiện trở lại, nhưng lần này cô là nhân vật anh hùng. Cô là David của giới luật đã quật ngã gã khổng lồ Goliath. Hình của cô cùng với Abraham Wilson và chưởng lý Di Silva được đăng trên trang nhất. Jennifer đọc ngấu nghiến tin tức về mình, nhấm nháp chúng một cách thú vị. Đó quả là một chiến thắng ngọt ngào sau bao nhiêu tủi nhục mà cô phải trải qua. * * * * * Ken Bailey dẫn cô đến nhà hàng Luchon để ăn mừng. Ở đó ông chủ quán và nhiều khách hàng đã nhận ra cô. Nhiều người lạ gọi tên cô và đến chúc mừng. Thật là một buổi tối hạnh phúc. “Cô thấy vui sướng chứ?” Ken cười hỏi. “Tôi chả cảm thấy gì hết”. Có ai đó gửi một chai vang đến bàn hai người. “Tôi chả cần uống gì nữa đâu”, Jennifer nói “Tôi thấy như đã say rồi đấy”. Nhưng thực ra cô đang khát và uống cạn ba cốc rượu, trong khi kể lại diễn biến ở phiên tòa cho Ken. “Tôi thật sợ quá. Anh có biết tôi cảm thấy gì khi nắm trong tay tính mạng của một người không? Giống như là đóng vai trò của Đức Chúa trời ấy. Anh có thể nghĩ ra điều gì dễ sợ hơn thế không? Ta uống một chai nữa chứ Ken?” “Cô muốn gì cũng được”. Ken gọi một bữa thịnh soạn cho cả hai, nhưng Jennifer quá phấn khích đến độ chẳng ăn chút nào cả. “Anh có biết Abraham Wilson nói gì với tôi, khi tôi gặp anh ta lần đầu tiên không? Anh ta nói: “Chúng ta hãy thay đổi màu da cho nhau đi, rồi hãy nói chuyện yêu ghét”. Ken, ngày hôm nay, tôi đã mang cùng màu da với anh ta, và anh có biết không? Tôi nghĩ rằng đoàn hội thẩm sẽ xét xử tôi. Tôi cảm thấy như mình sắp bị xử tử. Tôi yêu Abraham Wilson. Ta uống nữa chứ nhỉ?” “Cô đã đụng tí thức ăn nào đâu?” “Tôi chỉ khát thôi”. Ken lo ngại nhìn Jennifer tiếp tục rót đầy rượu vào cốc. “Cẩn thận đấy nhé”. Cô phẩy tay: “Đó là rượu vang California đấy mà. Uống như nước lã thôi”. Cô uống một hớp nữa. “Anh là người bạn tốt nhất của tôi. Thế anh có biết ai không phải là bạn tốt nhất của tôi không? Ngài Robert Di Silva đáng kính đấy”. “Di Silva à?” “Đúng vậy. Ông ta ghét tôi ghê lắm. Anh có để ý khuôn mặt ông ta ngày hôm nay không. Ô, ông ta đã phát điên lên đấy. Ông ta dọa sẽ đuổi tôi ra khỏi tòa nhưng ông ta không làm được điều đó, phải không nhỉ?” “Không, ông ta...” “Anh có biết tôi nghĩ gì? Anh có biết tôi thật sự nghĩ gì không?” “Tôi...” “Di Silva nghĩ rằng tôi là Ahab và ông ta là con cá voi trắng”. “Nhưng thực ra không phải thế”. “Cám ơn, Ken. Tôi lúc nào cũng có thể dựa vào anh”. “Làm chai nữa nhỉ?” “Cô vẫn chưa thấy đủ hay sao?” “Cá voi hay khát nước lắm”. Jennifer khúc khích cười. “Đó chính là tôi, chú cá voi trắng khổng lồ. Tôi đã nói với anh là tôi yêu Abraham Wilson chưa nhỉ. Anh ấy là người đàn ông đẹp nhất mà tôi từng gặp. Tôi nhìn vào mắt anh ấy, Ken ạ, anh ấy tuyệt vời. Anh đã bao giờ nhìn vào mặt Di Silva chưa? Ô hô, lạnh lẽo lắm. Ông ấy như là một tảng băng ý. Nhưng ông ấy không phải là người xấu đâu. Tôi yêu tất cả mọi người. Anh có biết tại sao không Ken. Vì Abraham Wilson còn sống tối nay. Anh ta không bị giết. Hãy uống một chai nữa để mừng anh ta nhé?” Khi Ken Bailey đưa Jennifer về nhà đã là hai giờ sáng. Anh giúp cô leo lên bốn tầng gác tới căn phòng nhỏ bé của cô. Tới nơi, anh thở hổn hển vì mệt. “Cô biết không”, Ken nói “Tôi đã thấy hậu quả của bữa rượu rồi đấy”. Jennifer nhìn anh thương hại: “Ai không uống được thì đừng có cố”. Nói xong, cô xỉu luôn. * * * * * Cô thức dậy vì tiếng điện thoại réo gay gắt. Cô cẩn thận nhấc ống nghe lên và cử động đó làm cô đau hết mình mẩy. “A lô” “Jennifer đấy à? Ken đây”. “A, chào Ken”. “Nghe giọng cô ghê quá. Cô không làm sao chứ?” Cô nghĩ một chút. “Tôi mệt quá. Mấy giờ rồi nhỉ?” “Gần trưa rồi đấy. Tốt nhất cô hãy đến sở đi”. “Ken. Tôi sợ tôi sắp chết mất”. “Hãy nghe đây. Hãy ra khỏi giường, từ từ thôi, uống hai viên aspirin, tắm nước lạnh và uống một cốc cà phê nóng. Sau đó chắc cô sẽ sống lại ngay”. Một tiếng sau, khi Jennifer đến văn phòng, cô thấy đỡ hơn. Chưa khỏe hắn, nhưng đỡ hơn, cô nghĩ. Hai máy điện thoại đều đổ chuông khi cô bước vào phòng. “Tất cả đều gọi cô đấy”, Ken cười. “Họ gọi liên tục. Cô cần có một tổng đài riêng mất”. Báo chí, tivi và đài phát thanh đều gọi điện đến yêu cầu được viết bài về cuộc đời cô. Chỉ qua một đêm cô đã trở nên nổi tiếng. Có những cú điện thoại khác nữa, những cú mà cô đã mơ ước được nhận. Các công ty luật đã từ lâu từ chối cô, nay hỏi xem khi nào cô có thể gặp họ được. Tại văn phòng của mình ở trung tâm thành phố, Robert Di Silva rên rỉ với trợ lý thứ nhất của mình: “Tôi yêu cầu anh bí mật theo dõi Jennifer Parker. Tôi muốn được biết về các khách hàng của cô ta. Hiểu chứ?” “Vâng, thưa ngài”. “Hành động đi”. Chương 09 Trong nhà bếp của một trang trại kiểu Hà Lan ở bang New Jersey có ba người đàn ông đang nói chuyện: Nick Vito, Joseph Colella và Salvatore Fiore “Bông hoa nhỏ”. Có người đã từng gọi Colella là vườn rau: “Colella có mũi hình củ khoai tây, đôi tai như xúp-lơ và óc bã đậu”. Colella nói giọng cao, nhỏ nhẹ và tính cách tưởng như là hào hoa. Hắn có vợ và 6 con. Chuyên nghề của hắn là dùng súng, axít và dây xích. Vợ hắn, Carmelina, là một người thiên chúa sùng đạo và vào chủ nhật hàng tuần, khi Colella không hoạt động, hắn thường đưa vợ con đến nhà thờ. Người thứ ba, Salvatore Fiore, khá nhỏ bé. Hắn cao 1,57m và nặng 52kg. Hắn có khuôn mặt ngây thơ như cậu lễ sinh tại giáo đường và cũng quen dùng súng hoặc dao. Phụ nữ rất thích gã đàn ông bé nhỏ đó và hắn có một vợ, nửa tá bồ bịch và một cô tình nhân xinh đẹp. Fiore đã từng tham gia đua ngựa trên chặng đường từ Pimlico đến Tijuana. Khi một uỷ viên hội đồng đua ngựa tại công viên Hollywood đuổi Fiore vì đã dùng chất kích thích cho ngựa, một tuần sau xác của ông ta được tìm thấy đang trôi nổi trên hồ Tahoe. Cả ba tên đều là quân trong gia đình Antonio Granelli, nhưng chính Michael Moretti đã mua chúng và chúng đã thuộc về y, cả linh hồn cũng như thể xác. Cuộc họp của gia đình đang diễn ra trong phòng ăn. Ngồi chủ tọa bàn họp là Antonio Granelli, ca-phô [1] của gia đình mafia mạnh nhất ở bờ biển phía đông. Ở tuổi 72, ông ta vẫn là người trông còn tráng kịên với đôi vai và bộ ngực rộng của một người lao động, cùng mớ tóc trắng bù xù. Sinh trưởng tại Palermo ở đảo Sicily. Năm 15 tuổi, Antonio Granelli đến Mỹ và làm việc tại bến cảng phía tây thuộc khu dưới Manhattan. Đến 21 tuổi, anh ta đã là người thay thế ông chủ cầu cảng. Hai người đã tranh cãi nhau và khi ông chủ bí ẩn biến mất, Antonio Granelli thay thế. Bất cứ ai muốn làm việc ở cầu cảng đều phải trả tiền cho anh ta. Anh ta đã dùng tiền để leo dần lên bậc thang quyền lực và đã mở rộng nhanh chóng vào các ngành như lừa gạt nợ, tống tiền, mãi dâm, cờ bạc, thuốc phiện và giết người. Trong những năm qua, Granelli đã bị truy tố 32 lần và chỉ bị kết án nhẹ một lần về tội hành hung. Granelli là kẻ nhẫn tâm, hoàn toàn phi đạo lý với tính xảo quyệt thực tế của một người nông dân. Ngồi bên trái Granelli là Thomas Colfax, cố vấn của gia đình. Trước đây 25 năm, tương lai Colfax đầy xán lạn khi làm luật sư cho một tổ hợp, nhưng ông ta đã bảo vệ cho một công ty nhỏ kinh doanh dầu ôliu mà sau hóa ra là do mafia kiểm soát, và dần dần ông đã bị dẳn dắt vào giải quyết các vụ việc khác cho mafia, đến khi cuối cùng qua nhiều năm, gia đình Granelli trở thành khách hàng riêng của ông ta. Đó là một khách hàng rất có lợi và Thomas Colfax đã trở nên một kẻ giàu có với số bất động sản ngày càng nhiều và tài khoản ngân hàng trên khắp thế giới. Phía bên phải Antonio Granelli là Michael Moretti, con rể ông ta: Michael đầy tham vọng, đó là điểm làm cho Granelli lo lắng. Michael không hợp với mẫu người trong gia đình. Cha y, Giovanni, có họ xa với Antonio Granelli, không phải sinh ở Sicily mà ở Florence. Chỉ riêng điều đó đã làm cho gia đình Granelli phải nghi ngờ, vì mọi người đều biết rằng người Florence không đáng tin cậy. Giovanni Moretti đến Mỹ và mở một cửa hàng làm giày kinh doanh rất trung thực và thậm chí không hề có phòng hậu dành cho đánh bạc, lừa gạt nợ hoặc gái. Điếu đó khiến mọi người coi ông ta như kẻ ngớ ngẩn. Con trai Giovanni là Michael lại hoàn toàn khác. Y có chí vào học tại trường kinh doanh Wharton và Yale. Khi tốt nghiệp, Michael đến gặp bố với một yêu cầu được gặp Antonio Granelli và họ hàng xa của y. Người làm giày già nua đến gặp họ hàng ông ta và đã sắp xếp được cuộc gặp gỡ. Granelli chắc rằng Michael sẽ hỏi vay tiền để kinh doanh một công việc nào đó, có thể như mở một cửa hàng giày giống như người cha lầm lì của y. Nhưng cuộc gặp gỡ mang đầy ngạc nhiên. “Tôi biết cách làm cho ông giàu có” Michael Moretti bắt đầu câu chuyện. Antonio Granelli nhìn vào gã trai trẻ lấc cấc và cười mỉm độ lượng. “Tôi giàu rồi”. “Không. Đó là ông nghĩ vậy thôi”. Nụ cười chợt biến mất. “Mày đang nói cái gì vậy, nhóc?” Và Michael Moretti đã mách bảo cho ông ta. Đầu tiên, Antonio Granelli hành động rất thận trọng, thử kỹ từng phần lời khuyên của Michael. Mọi việc đều đã thành công rực rỡ. Trước đây, gia đình Granelli chỉ quan tâm đến những hoạt động bất hợp pháp mang lại lợi nhuận, thì nay dưới sự giám sát của Michael Moretti, công việc được mở rộng ra các ngành khác. Trong vòng 5 năm, gia đình Granelli đã lao vào nhiều công việc kinh doanh hợp pháp, bao gồm việc đóng hộp thịt, cung cấp vải lãnh, mở các cửa hàng ăn, các công ty vận tải và các hiệu được phẩm. Michael đã tìm ra các công ty gặp khó khăn về tài chính và gia đình đầu tư vào với tư cách là bên góp cổ phần thứ yếu và dần dần kiểm soát, tước đoạt hết mọi tài sản hiện có tại công ty. Các công ty lâu năm có danh tiếng hoàn hảo bỗng nhiên tự thấy bị phá sản. Các công việc kinh doanh đó đã đưa đến một lợi nhuận khá thỏa mãn và Michael tiếp tục duy trì, nâng lợi nhuận lên rất cao, bởi vì các công nhân làm việc tại đó bị công đoàn của y chi phối và công ty lại mua bảo hiểm thông qua một trong những công ty bảo hiểm của gia đình, đồng thời họ lại mua ôtô từ một trong những hãng buôn bán ôtô của gia đình. Michael đã tạo ra một hệ thống khổng lồ gồm một loạt công việc kinh doanh, qua đó người tiêu dùng luôn bị bòn rút và số tiền đó chảy vào túi của gia đình. Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng Michael Moretti luôn biết rằng y luôn có vấn đề. Một khi y đã chỉ cho Antonio Granelli thấy sự giàu có, đó là chân trời xán lạn của các xí nghiệp hợp pháp thì Granelli không còn cần y nữa. Y cũng giàu có bởi ngay từ ban đầu y đã thuyết phục được Antonio Granelli dành cho y một số phần trăm lợi nhuận và người ta tưởng là không đáng kể. Nhưng khi các ý kiến của Michael bắt đầu mang lại kết quả và lợi nhuận đổ vào, Granelli đã suy nghĩ lại. Tình cờ Michael được biết là Granelli đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận vấn đề liệu gia đình nên làm gì đối với y. “Tôi không muốn thấy toàn bộ số tiền đó rơi vào tay thằng nhóc” - Granelli nói - “Chúng ta phải loại trừ hắn”. Michael đã làm hỏng kế hoạch đó bằng cách cưới xin để lọt vào gia đình. Rosa, con gái duy nhất của Antonio Granelli đã 19 tuổi. Mẹ cô chết trong khi sinh cô. Rosa được nuôi dưỡng trong tu viện và chỉ được phép về thăm nhà vào ngày lễ. Bố cô rất yêu quý cô, ông luôn chăm lo đến việc cô được bảo vệ và che chở. Rosa đã gặp Michael Moretti vào kỳ nghỉ lễ phục sinh. Đến khi trở lại tu viện, cô đã yêu y say đắm. Ký ức về khuôn mặt đẹp trai hơi ngăm ngăm của y đã khiến cô, khi ở một mình, làm những điều mà các nữ tu sĩ đã bảo cô là tội lỗi phỉ báng chúa. Antonio Granelli đã tưởng rằng con gái ông coi ông chỉ là một nhà kinh doanh có tài, nhưng năm tháng qua, bạn bè cùng lớp Rosa đã cho cô xem những bài báo và tạp chí về bố cô, và công việc thực sự của ông, và bất cứ khi nào chính phủ định truy tố hay kết án ai trong gia đình Granelli, Rosa đều biết được. Cô không hề bàn cãi điều này với bố, bởi vậy ông vẫn vui mừng tin rằng con gái còn thơ ngây, và cô sẽ tránh được con sốc của sự thật. Nếu như ông biết, sự thực có lẽ làm Granelli ngạc nhiên, bởi vì Rosa thấy công việc của bố cực kỳ thú vị. Cô căm ghét kỷ luật của các tu sĩ tại tu viện và điều đó dẫn đến việc cô ghét tất cả mọi chính quyền. Cô luôn mơ mộng về bố cô như là Robin Hood, thách thức mọi cường quyền, chống lại chính phủ. Việc Michael Moretti là một nhân vật quan trọng trong tổ chức của bố cô, đã khiến y hấp dẫn hơn nhiều đối với cô. Ngay từ đầu, Michael đã rất thận trọng trong việc đối xử với Rosa. Khi y ở một mình với cô, họ thường ôm hôn nhau thắm thiết nhưng Michael không bao giờ để việc đó đi quá xa. Rosa đang còn con gái nhưng cô sẵn sàng, thậm chí nóng lòng trao cuộc đời của cô cho người mà cô yêu. Michael là người đã kiềm chế được. “Anh quá tôn trọng em, Rosa, nên không thể ăn nằm cùng em trước khi cưới”. Thực sự người mà y quá tôn trọng lại là Antomo Granelli. Hắn sẽ thiến ta mất, Michael nghĩ. Và sự việc đó xảy ra vào lúc Antomo Granelli đang bàn cách tốt nhất để loại bỏ Michael Moretti. Michael và Rosa đã đến gặp ông, nói rằng họ yêu nhau, và dự định sẽ cưới. Ông già tức giận hét lên và đưa ra hàng trăm lý do rằng điều đó chỉ có thể xảy ra khi một trong hai người chết. Nhưng cuối cùng, tình yêu chân chính đã chiến thắng, Michael và Rosa đã tổ chức cưới với nghi lễ trọng thể. Sau đám cưới, ông già gọi Michael đến bên. “Rosa là tất cả những gì tao có, rõ chưa, Michael. Mày sẽ chăm sóc nó chu đáo chứ?” “Vâng, thưa bố!” “Tao sẽ phải theo sát mày. Mày nên làm cho nó hạnh phúc. Mày biết tao muốn gì chứ, Mike?” “Con biết ạ”. “Không được chơi gái, hiểu chưa? Rosa rất thích nấu nướng. Mày nhớ phải ở nhà ăn tối thường xuyên. Mày phải là một đứa con rể đáng được tự hào”. “Con sẽ cố gắng nhiều, thưa bố”. Antonio Granelli nói thản nhiên: “Này, Michael, bây giờ mày đã là một thành viên của gia đình, nên những thỏa thuận về số tiền lợi nhuận cho mày có lẽ cần phải thay đổi”. Michael vỗ nhẹ lên tay ông: “Con cám ơn bố, nhưng số đó cũng đủ cho chúng con rồi. Con sẽ có thể mua cho Rosa mọi thứ mà cô ấy muốn”. Sau đó y bỏ đi, để mặc ông già nhìn theo. Điều đó đã xảy ra cách đây 7 năm và những năm tiếp theo rất tuyệt vời đối với Michael. Rosa rất thoải mái, dễ sống cùng và cô ngưỡng mộ y nhưng Michael biết rằng, nếu như cô ta chết, hoặc bỏ đi, y có thể tiếp tục sống mà không cần có cô. Y có thể tìm dễ dàng một người khác làm mọi điều mà cô ta đã làm cho y không yêu Rosa. Michael không hề nghĩ rằng y có thể yêu một con người khác. Điều đó như là không tồn tại trong y. Y không hề có tình cảm đối với mọi người, ngoài các con thú. Khi tròn 10 tuổi, Michael đã được tặng một con chó chăn cừu nhỏ. Từ đó cả hai luôn gắn liền với nhau. Sáu tuần sau, con chó đã bị chết trong một tai nạn mà người lái xe bỏ chạy mất. Khi bố Michael định mua cho y một con chó khác, y đã từ chối. Y không bao giờ có một con chó khác kể từ khi đó. Khi trưởng thành, Michael đã chứng kiến bố y phải làm nô lệ cả cuộc đời vì những đồng xu, và Michael đã quyết tâm để điều đó không bao giờ xảy ra đối với y. Y đã biết những gì y muốn, kể từ lần đầu được nghe thấy người họ hàng xa nổi tiếng của y là Antonio Granelli. Có 26 gia đình mafia ở Mỹ, trong đó có 5 gia đình ở thành phố New York mà gia đình Antonio mạnh nhất. Từ thuở thơ ấu, Michael đã rất thích thú những câu chuyện về mafia. Bố y đã kể cho y nghe về đêm ngày 10-9-1931 ở vùng Vespers của người gốc Sicily khi cán cân quyền lực được chuyển giao. Chỉ trong tối hôm đó, những người trẻ tuổi gốc Thổ của tổ chức mafia đã gây ra cuộc lật đổ đẫm máu, giết chết hơn 40 người thuộc thế hệ già có gốc từ Ý và đảo Sicily. Michael là người thuộc thế hệ mới. Y đã từ bỏ những suy nghĩ cũ và đã đưa ra những ý kiến đầy mới mẻ. Một Ủy ban quốc gia gồm 9 người, hiện nay đã kiểm soát tất cả các gia đình và Michael biết rằng một ngày nào đó, y sẽ chỉ đạo Ủy ban này. Lúc này, Michael quay ra quan sát hai người đàn ông ngồi tại bàn trong phòng ăn ở trang trại New Jersey. Antomo Granelli còn sống được một vài nắm nữa, nhưng thật may mắn là không quá lâu. Thomas Colfax là địch thủ. Gã luật sư này đã chống Michael ngay từ đầu. Khi ảnh hưởng của Michael đối với ông già tăng lên, thì ảnh hưởng của Colfax bị giảm đi. Michael đã đưa ngày càng nhiều người của y vào trong tổ chức, những người như Nick Vito, Salvatore Fiore và Joseph Colella, tuyệt đối trung thành với y. Thomas Colfax không thích điều này. Khi Michael bị truy tố về tội đã giết anh em gia đình Ramos, và Camillo Stela đồng ý làm chứng chống lại y tại tòa án, gã luật sư già tin rằng cuối cùng gã sẽ loại trừ được Michael, bởi vì viên chưởng lý khu vực rất nghiêm khắc. Michael đã nghĩ được kế thoát ra khỏi vụ án vào giữa đêm hôm đó. Lúc bốn giờ sáng, y đã đi đến trạm điện thoại tự động và gọi Joseph Colella. “Tuần sau có vài luật sư mới sẽ tuyên thệ nhậm chức trong văn phòng viên chưởng lý quận. Mày có thể cho tao biết tên của chúng được không?” “Tất nhiên! Mike. Dễ thôi”. “Còn điều này nữa. Hãy gọi cho nhóm ở Detroit và thu xếp chuyến bay cho chúng. Bố trí một tên chưa từng bị theo dõi”. Sau đó Michael gác máy. Hai tuần sau, Michael Moretti ngồi trong phòng xét xử quan sát những người trợ lý của viên chưởng lý quận y xem xét họ một cách kỹ lưỡng, đảo mắt tới từng khuôn mặt vừa tìm kiếm, vừa tỉnh táo. Điều mà y dự định làm rất nguy hiểm, nhưng can đảm thì có thể làm được. Y đang phải đương đầu với những người tập sự trẻ tuổi, mà họ thường lo lắng không dám đưa ra quá nhiều câu hỏi, nhưng rất sẵn lòng giúp đỡ và muốn được nổi tiếng. Tất nhiên sẽ phải làm cho ai đó trở nên nổi tiếng. Cuối cùng Michael đã lựa chọn Jennifer Parker. Y rất thích thú trước việc cô ta chưa từng trải, luôn tỏ ra căng thẳng và đang cố gắng che giấu điều đó. Y cũng cho rằng đàn bà thường bị nhiều sức ép hơn đàn ông. Khi Michael hài lòng với quyết định của mình, y quay sang gã đàn ông mặc bộ đồ màu xám ngồi giữa những người tham dự phiên tòa và gật đầu về phía Jennifer. Tất cả chỉ có vậy! Michael đã quan sát viên chưởng lý quận kết thúc việc kiểm tra chứng cứ đối với tên chó đẻ Camillo Stela. Ông ta quay sang Thomas Colfax và nói: “Xin mời người đối chất của ông”. Thomas Colfax đứng dậy. “Nếu như ngài cho phép, tôi không muốn cuộc đối chất của tôi bị ngắt quãng vì giờ đã gần trưa rồi. Tôi có thể yêu cầu tòa tạm dừng để nghỉ trưa và tôi sẽ đối chất vào buổi chiều được không?” Sau đó tòa “tạm nghỉ”. Và bây giờ đã đến lúc hành động! Michael trông thấy người của y thản nhiên trôi vào dòng người vây quanh viên chưởng lý quận, gã đó đã nhập vào một nhóm người. Một lúc sau gã đi về phía Jennifer và đưa cho cô ta một phong bì lớn. Michael vẫn ngồi đó, nín thở, thầm cầu mong Jennifer cầm lấy phong bì đi về phía phòng nhân chứng. Cô ta đã làm đúng như vậy. Mãi đến khi Michael trông thấy cô ta quay lại tay không, thì y mới cảm thấy nhẹ nhõm. Chuyện đó đã xảy ra cách đây một năm. Báo chí đã làm ầm ỹ về cô gái, nhưng đó là việc của cô ta. Michael không hề nghĩ gì nữa về Jennifer Parker. Cho đến khi gần đây báo chí lại bắt đầu viết về phiên tòa Abraham Wilson. Báo chí đưa lại trường hợp cũ của vụ Michael Moretti và vai trò của Jennifer Parker, trong đó họ chụp cả ảnh của cô. Cô ta trông rất hấp dẫn, nhưng còn một điều nữa là cảm giác về tính tự chủ của cô đã gây được ấn tượng đối với y. Y đã nhìn ảnh đó rất lâu. Michael bắt đầu theo dõi phiên tòa Abraham Wilson với một sự thích thú ngày càng tăng. Khi chúng kỷ niệm thắng lợi tại bữa ăn sau khi Michael được tuyên bố trắng án, Salvatore Fiore đã nâng cốc chúc mừng: “Thế giới này đã loại trừ được một tên luật sư chết tiệt nữa”. Nhưng thực sự thế giới này không thể loại trừ được cô ta, Michael nghĩ. Jennifer Parker đã lại sức và vẫn còn ở đó để chống chọi. Michael rất thích thú điều đó. Y đã xem cô ta trên vô tuyến vào tối hôm trước, thảo luận việc cô ta thắng Robert Di Silva và thật kỳ cục là Michael đã rất hài lòng. Antomo Granelli đã hỏi: “Thế cô ta không phải do mày dựng lên để nói lại những điều mày muốn à, Michael?” “Ô, nhưng cô ta cũng có suy nghĩ riêng, bố ạ. Có thể chúng ta sẽ sử dụng cô ấy vào một ngày gần đây”. Chú Thích [1] Thủ lĩnh (tiếng Ý). Chương 10 Một ngày sau khi tuyên án vụ Abraham Wilson, Adam Warner đã gọi điện đến. “Tôi chỉ muốn điện thoại để chúc mừng cô”. Jennifer đã nhận ra ngay giọng anh và nó đã gây ấn tượng hơn là cô tưởng. “Tôi là...” “Tôi biết rồi”. Lạy chúa, Jennifer nghĩ “Mình đã nói gì vậy? Không có lý gì để cho Adam biết là trong những tháng qua cô đã từng nghĩ đến anh như thế nào”. “Tôi muốn nói rằng tôi nghĩ cô đã giải quyết vụ Abraham Wilson rất tuyệt. Cô thật xứng đáng đạt được điều đó”. “Cảm ơn anh”. Anh ấy sắp gác máy mất. Jennifer thầm nghĩ. Mình sẽ không bao giờ được gặp lại anh ấy mất. Có lẽ anh ấy quá bận rộn với gia đình. Nhưng Adam Warner nói tiếp: “Tôi đang tự hỏi liệu cô có thể đi ăn tối với tôi vào một hôm nào đó được không?” Đàn ông thường không thích những cô gái quá dễ dãi. Jennifer nghĩ nhưng vẫn nói: “Tối nay, thì sao?” Jennifer nghe thấy tiếng cười trong giọng nói của anh ta. “Tôi e rằng tối rỗi rãi đầu tiên của tôi lại là thứ sáu. Cô có bận không?” “Không”. Suýt nữa thì cô nói thêm “tất nhiên là không”. “Tôi sẽ đón cô tại nhà chứ?” Jennifer nghĩ đến căn hộ nhỏ bé tối tăm của mình với chiếc ghế dài lồi lõm và chiếc bàn để là đặt ở một góc. “Tốt hơn là chúng ta nên hẹn nhau ở đâu đó”. “Cô có thích đồ án ở tiệm Lutece không?” “Tôi có thể nói cho anh biết sau khi tôi đã ăn ở đó được không?” Anh ta phá lên cười. “Tám giờ tối nhé?” “Tốt thôi”. Tốt thôi. Jennifer gác ông nghe và ngồi yên với vẻ mặt đỏ ửng thẹn thùng. Thật nực cười, cô nghĩ. Có thể anh ta đã có vợ và vài tá con ấy chứ. Điều gần như đầu tiên mà Jennifer chú ý về Adam khi họ ăn tối trước đây là anh ta không đeo nhẫn cưới. Chứng cứ đó chưa thể kết luận được, cô nghĩ gượng gạo. Chắc cần phải có một bộ luật buộc mọi người chồng phải đeo nhẫn cưới. Ken Bailey chợt bước vào phòng. “Cô luật sư có khỏe không?” Anh ta nhìn kỹ cô hơn. “Trông cô như vừa bị khách hàng quấy rầy ấy”. Jennifer ngập ngừng giây lát, rồi nói: “Ken này, anh có thể giúp kiểm tra một người cho tôi được không?” Anh bước lại bàn cô, lấy tập giấy và cái bút chì. “Cô nói đi. Ai vậy?” Cô định nói tên của Adam, sau đó lại dừng lại và cảm thấy mình như bị khùng. Mình chõ mũi vào đời sống riêng tư của Adam Warner làm gì cơ chứ? Lạy chúa, cô tự nhủ, anh ấy chỉ mời mình ăn tối thôi mà, chứ có phải cưới anh ấy đâu. “À, không có gì đâu”. Ken đặt bút chì xuống. “Thì cô nói gì cũng được”. “Ken này...” “Gì cơ?” “Adam Warner. Tên anh ta là Adam Warner”. Ken nhìn cô đầy vẻ ngạc nhiên. “Trời đất ơi, cô không cần tôi kiểm tra anh ta làm gì. Chỉ cần đọc báo là rõ thôi”. “Anh biết gì về anh ta?” Ken Bailey ngồì phịch xuống ghế đối diện Jennifer và lồng các ngón tay vào nhau. Để tôi xem xem. Anh ta có cổ phần trong công ty Needham, Finch, Pierce và Warner; tốt nghiệp đại học Luật ở Harvard; xuất thân từ gia đình nổi tiếng giàu có; ở giữa quãng tuổi từ 30 đến 40... Jennifer tò mò nhìn anh. “Làm sao anh biết về anh ta nhiều vậy”. Ken nhấp nháy mắt: “Tôi có bạn bè giữ cương vị khá cao. Nghe nói là họ định đưa ông Warner ra tranh cử vào thượng nghị viện. Thậm chí họ còn có lúc muốn anh ta ra tranh cử tổng thống. Anh ta có mọi đức tính có thể thu hút được cử tri”. Anh ấy chắc chắn có, Jennifer thầm nghĩ. Cô cố gắng đặt câu hỏi tiếp theo tự nhiên hơn. “Thế cuộc sống riêng tư của anh ta ra sao?” Ken Bailey nhìn cô một cách kỳ quặc. “Anh ta lấy con gái một viên cựu Bộ trưởng hải quân. Cô vợ là cháu gái của Steward Needham, bạn cùng hành nghề luật với Warner”. Trái tim Jennifer như tan vỡ. Vậy ra là thế đó. Ken quan sát cô, lo lắng. “Vì sao bỗng nhiên cô lại quan tâm đến Adam Warner thế?” “Tôi chỉ tò mò một chút thôi”. Sau khi Ken Bailey đi khỏi, Jennifer ngồi lại nghĩ về Adam. Anh ấy mời mình ăn tối với tác phong nhã nhặn chuyên nghiệp. Anh ấy chỉ muốn chúc mừng mình thôi. Nhưng anh ấy đã làm như vậy qua điện thoại rồi mà. Không rõ vì sao lại thế nhỉ? Mình sẽ gặp lại anh ấy, không hiểu anh ấy liệu có nhắc đến việc anh ấy có vợ rồi không? Tất nhiên là không rồi. Thôi được mình sẽ đi ăn tối với Adam vào thứ sáu và sẽ chỉ có vậy thôi. Cuối chiều hôm đó, Jennifer đã nhận được điện thoại gọi từ công ty “Peabody và Peabody”. Người gọi điện chính là ông chủ cao cấp của hãng. “Tôi định gọi cho cô từ lâu rồi”. Ông ta nói “Tôi tự hỏi liệu cô có thể ăn trưa với tôi vào ngày gần đây được không?” Giọng nói bình thản của ông ta không lừa được Jennifer. Cô tin rằng ý nghĩ ăn trưa với cô không hề có trong ông ta, đến tận khi ông ta đã đọc được về quyết định vụ án Abraham Wilson. Chắc chắn không phải ông muốn gặp cô để thảo luận việc đưa các trát hầu tòa. “Ngày mai nhé”, Ông ta mời “Tại câu lạc bộ của tôi”. Họ gặp nhau vào bữa cơm trưa hôm sau. Người cha thuộc hãng Peabody là một ông già xanh xao, giống như con trai ông nhưng có già hơn. Chiếc áo gi-lê không che giấu được cái bụng lép kẹp của ông ta. Jennifer không hề cảm thấy thích ông già này cũng như đứa con trai của ông. “Công ty của chúng tôi đang thiếu chỗ cho một luật sư trẻ, tài ba trong các vụ xét xử, thưa cô Parker. Chúng tôi có thể trả cho cô lương khởi điểm là 15 nghìn đô la một năm”. Jennifer ngồi đó lắng nghe ông ta, thầm nghĩ rằng một năm trước đây lời đề nghị đó thật đáng giá biết bao đối với cô, khi mà cô đang tuyệt vọng đi tìm việc và cần được ai đó đặt lòng tin vào khả năng của cô. Ông ta nói tiếp: “Tôi chắc trong một vài năm nữa sẽ có cổ phần cho cô trong hãng chúng tôi”. 15 nghìn đô la một năm và được góp cổ phần. Jennifer nghĩ về văn phòng nhỏ của cô chung với Ken và căn hộ phải leo bộ bốn tầng tồi tàn, chật chội của cô với bệ lò sưởi giả. Ông Peabody cho sự im lặng của cô có nghĩa là đồng ý. “Rất tốt. Chúng tôi muốn cô bắt đầu công việc càng sớm càng tốt. Có thể cô làm việc vào thứ hai. Tôi...” “Tôi không muốn”. “Ồ. Nếu như thứ hai không thuận tiện cho cô...” “Không, tôi muốn nói là tôi không thể chấp nhận đề nghị của ông, ông Peabody ạ”. Jennifer nói, và tự cô cũng thấy ngạc nhiên. “Ra thế”. Ông ta im lặng một chút “Có thể chúng tôi sẽ trả cô hai mươi nghìn đô la một năm vậy”. Ông ta thấy nét mặt cô thay đổi. “Hay 25 nghìn? Tại sao cô không cân nhắc việc này nhỉ?” “Tôi đã cân nhắc rồi. Tôi sẽ tự mình tiếp tục công việc”. Khách hàng bắt đầu tìm đến. Tuy không được dồi dào nhưng vẫn có khách hàng. Văn phòng của cô trở nên quá nhỏ bé. Vào một buổi sáng lúc Jennifer để hai khách hàng đợi bên ngoài ở lối vào, trong khi cô đang giải quyết công việc với người khách thứ ba, Ken đã bảo: “Thế này không được rồi! Cô phải chuyển khỏi đây và kiếm một văn phòng tươm tất khác ở phố trên”. Jennifer gật đầu đồng ý. “Tôi biết vậy. Tôi cũng đang nghĩ về việc đó”. Ken đang bận đọc một số giấy tờ, bởi vậy anh đã tránh được phải nhìn thẳng vào mắt cô. “Tôi sẽ rất nhớ cô”. “Anh nói gì vậy? Anh phải chuyển cùng tôi chứ”. Những lời đó chìm đi trong một lúc. Anh ngước lên và nụ cười sảng khoái đã làm nhăn nhó khuôn mặt đầy tàn nhang của anh. “Chuyển cùng cô ấy à?” Anh nhìn quanh căn phòng không cửa sổ chật hẹp. “Và bỏ tất cả những thứ này đi chứ?” Tuần tiếp theo, Jennifer và Ken Bailey rời đến văn phòng lớn hơn ở khu nhà 500 buồng ở đại lộ số Năm. Khu nhà mới chỉ được trang bị đồ đạc sơ sài và có ba phòng nhỏ: một phòng cho Jennifer, một phòng cho Ken và một phòng cho người thư ký. Người thư ký họ thuê là một là cô gái trẻ tên là Cynthia Eliman, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp New York. “Thời gian đầu cô không có nhiều việc đâu”, Jennifer xin lỗi “nhưng mọi việc sẽ khá hơn”. “Ồ em tin như vậy, thưa chị Parker”. Giọng cô gái đầy vẻ tôn sùng. Cô ta muốn trở thành người như mình, Jennifer thầm nghĩ. Lạy chúa, đừng để như vậy! Ken Bailey bước vào phòng và nói: “Này, tôi cảm thấy cô quạnh khi ở một mình trong văn phòng lớn như thế này. Ta có thể ăn tối và đi xem kịch được không?” “Tôi e rằng tôi..”. Cô hơi mệt mỏi và còn phải đọc một số bản tóm tắt vụ án, nhưng Ken là bạn thân nhất của cô, nên cô không thể từ chối anh được. “Tôi rất muốn đi”. * * * * * Họ đi xem vở Tràng vỗ tay hoan nghênh, và Jennifer rất thích vở đó. Diễn viên Lauren Bacal cực kỳ hấp dẫn. Sau đó Jennifer và Ken đã ăn tối ở nhà hàng Sardi. Khi họ đã gọi món ăn, Ken nói: “Tôi có hai vé xem ba lê vào tối thứ sáu. Tôi nghĩ rằng có thể...” Jennifer ngắt lời: “Tôi xin lỗi, Ken ạ. Tối thứ sáu tôi lại bận mất rồi”. “Ồ!” Giọng anh hơi chán nản. Nhiều lần, Jennifer thấy Ken nhìn chằm chằm cô khi anh tưởng rằng không bị ai chú ý, và khuôn mặt anh biểu lộ một tình cảm mà Jennifer cảm thấy khó có thể định nghĩa được. Cô biết rằng Ken cô độc, mặc dù anh không bao giờ nói chuyện về bạn bè và cuộc sống riêng tư của anh. Cô không thể quên được những điều Otto đã nói với cô và cô tự hỏi là liệu bản thân Ken có biết anh muốn gì ở cuộc sống này hay không. Cô luôn mong muốn có thể giúp được anh bằng cách nào đấy. Jennifer cảm thấy ngày thứ sáu đó như không bao giờ đến. Khi buổi hẹn ăn tối cùng Adam Warner đến gần, Jennifer càng thấy khó tập trung hơn vào công việc. Cô luôn thấy mình nghĩ về Adam. Cô biết rằng mình thật buồn cười. Cô chỉ gặp người đàn ông đó có một lần trong cuộc đời, vậy mà cô không thể xóa nhòa hình ảnh anh trong suy nghĩ của mình. Cô đã cố tự bào chữa bằng cách tự nhủ rằng đó là vì anh đã cứu cô, khi cô phải đương đầu với việc bị khai trừ khỏi đoàn luật sư sau đó lại gửi các khách hàng đến cho cô. Đó là sự thực nhưng Jennifer biết rằng còn hơn thế. Đó là điều mà cô không thể giải thích được, thậm chí đối với bản thân cô. Cảm giác cô chưa hề có trước đây, đó là sự quyến rũ mà cô chưa từng cảm thấy đối với bất kỳ người đàn ông nào khác. Cô tự hỏi vợ Adam Warner như thế nào nhi. Cô ta chắc là một trong những người đàn bà đã được chọn lựa sẵn, và thứ tư hàng tuần thường qua cánh cửa ở hiệu Elizabeth Arden, để được trang điểm tỉa tót từ đầu tới chân trong một ngày. Cô ta có lẽ rất bóng bẩy và thạo đời, với tinh hoa chói lọi của một người giàu có giao thiệp rộng. Vào mười giờ buổi sáng thứ sáu thần kỳ đó, Jennifer có hẹn đến làm đầu tại tiệm người Ý mà theo cô thư ký Cynthia thì tất cả những người mẫu đều đến làm đầu ở đây. Nhưng lúc mười giờ rưỡi cô lại gọi điện đến hủy bỏ. Vào lúc mười một giờ, cô lại hẹn lại. Ken Bailey mời Jennifer đi ăn trưa, nhưng cô hồi hộp quá nên không thể ăn được gì. Thay vào đó, cô đi mua sắm ở cửa hàng Bendel. Cô đã mua một cái váy the ngắn màu xanh sẫm phù hợp với đôi mắt của cô, một đôi giày khiêu vũ thon thon màu nâu và một chiếc ví tương xứng. Cô biết rằng cô đã tiêu quá nhiều so với ngân quỹ của mình, nhưng cô không thể tự buộc mình ngừng lại được. Cô đi ngang qua gian hàng nước hoa ở lối ra và một bản năng cuồng nhiệt đã khiến cô mua một lọ nước hoa Joy. Đó là sự cuồng nhiệt bởi vì anh ấy đã có vợ rồi. Jennifer rời văn phòng lúc năm giờ và về nhà thay quần áo Cô tắm và ăn bận trong hai giờ liền chỉ vì Adam, và khi xong xuôi cô ngắm nghía mình trong gương. Sau đó cô giận dữ chải tung mớ tóc đã được cắt cẩn thận và buộc lại bằng dải băng màu xanh. Như vậy tốt hơn, cô thầm nghĩ. Mình là một luật sư đi ăn tối với một luật sư khác. Nhưng khi đóng cửa lại, cô đã để phảng phất một mùi thơm hoa nhài và hoa hồng trong phòng. Tiệm ăn Lutece không hề giống như Jennifer tưởng. Cờ ba màu của Pháp tung bay trên lối ra vào của ngôi nhà nhỏ ở thị trấn. Phía bên trong có căn phòng chật hẹp dẫn đến một quán bar nhỏ, và phía ngoài là buồng khách nhiều cửa sổ sáng sủa có các khăn trải bàn bằng gai kẻ sọc vuông. Jennifer được ông chủ tiệm André Soltner đón tại cửa. “Tôi có thể giúp gì cô?” “Tôi hẹn gặp ông Adam Warner. Tôi cho rằng tôi đến hơi sớm một chút”. Ông ta vẫy tay chỉ cho Jennifer về phía quán bar nhỏ. “Cô có muốn uống một chút trong khi chờ đợi không, cô Parker?” “Thật tuyệt” Jennifer nói “Xin cảm ơn ông”. “Tôi sẽ bảo người hầu bàn đến”. Jennifer tìm chỗ ngồi và tự tiêu khiển bằng cách quan sát những phụ nữ đeo đầy nữ trang, ăn mặc áo lông thú đến tiệm cùng bạn đồng hành. Jennifer đã đọc và nghe nhiều về tiệm Lutece. Người ta đồn rằng đó là tiệm ưa thích nhất của bà tổng thống Jacqueline Kennedy và có đồ ăn tuyệt vời. Một người tóc bạc trông khá bảnh bao bước đến gần Jennifer và nói: “Tôi ngồi với cô một chút không phiền chứ”. Jennifer ngồi thẳng người dậy. “Tôi đang đợi một người”. Cô bắt đầu nói “Anh ấy sẽ đến đây...” Ông già mỉm cười và ngồi xuống ghế. “Tôi không phải là người tình cờ đâu, thưa cô Parker”. Jennifer nhìn ông một cách ngạc nhiên nhưng không thể nghĩ ra ông ta là ai. “Tôi là Lee Browning, thuộc công ty Hà Lan và Browning”. Đó là một trong những công ty luật có uy tín nhất ở New York. “Tôi chỉ muốn chúc mừng cô về cách cô đã làm trong vụ xét xử Wilson”. “Cảm ơn ông Browning”. “Cô gặp dịp may lớn. Đó là trường hợp không thể thắng được - Ông già xem xét cô trong giây lát. - Luật lệ thường là khi cô ở bên bị trong trường hợp bất phân thắng bại, phải đảm bảo rằng công luận không được dính líu tới. Mánh khoé là làm nổi bật những kẻ thắng cuộc và đá bỏ những kẻ thua cuộc. Cô đã làm điên đầu nhiều kẻ trong chúng tôi. Cô đã gọi đồ uống chưa?” “Chưa...” “Tôi có thể gọi...?” Ông vẫy tay ra hiệu cho người hầu bàn. “Anh Victor này, hãy mang cho chúng tôi một chai sâm banh nhãn Do Perignon nhé”. “Có ngay, thưa ông Browning”. Jennifer mỉm cười: “Ông không định gây ấn tượng với tôi đấy chứ?” Ông ta cười phá lên. “Tôi đang cố để thuê cô làm. Tôi hình dung là cô đang được nhiều nơi mời”. “Cũng có vài nơi”. “Công ty chúng tôi làm hầu hết công việc của các tập đoàn cô Parker ạ, nhưng một vài khách hàng giàu có thường mất tự chủ và cần một luật sư bảo vệ đối với các vụ tội phạm. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đưa ra một để nghị khá hấp dẫn đối với cô. Cô có muốn đến văn phòng tôi thảo luận vấn đề đó không?” “Cảm ơn ông Browning. Tôi thật sự cảm kích, nhưng tôi vừa mới dọn đến văn phòng riêng. Tôi đang hy vọng là mọi việc đều thuận lợi”. Ông già nhìn cô một lúc lâu. “Mọi việc sẽ tốt cả”. Ông ngước mắt lên nhìn một người đang đến gần, rồi đứng dậy và chìa tay ra: “Chào Adam, anh khỏe chứ!” Jennifer ngước lên và thấy Adam Warner đang đứng đó bắt tay Lee Browning. Tim cô đập nhanh hơn và cô như cảm thấy má đỏ bừng. Mình thật là cô nữ sinh ngốc nghếch? Adam Warner nhìn Jennifer và Browning rồi nói: “Hai người biết nhau à?” “Chúng tôi vừa mới bắt đầu làm quen nhau”, Lee Browning nói nhẹ nhàng. “Anh đến hơi sớm đấy”. “Đúng lúc chứ”. Anh cầm tay Jennifer. “Chúc ông may mắn hon trong dịp khác nhé, ông Lee ạ”. Người hầu bàn chính đến gần Adam. “Ông muốn đặt bàn ăn ngay hay muốn uống một chút ở quầy bar trước, thưa ông Warner?” “Chúng tôi muốn đặt bàn ăn ngay, Henri ạ”. Sau khi họ ngồi xuống cạnh bàn ăn, Jennifer nhìn quanh phòng và nhận ra đến nửa tá nhân vật có tiếng tăm. “Chỗ này như chỗ cho các danh nhân ấy?” Cô nói. Adam nhìn cô. Hiện giờ thì đúng như vậy đó! Jennifer cảm thấy lại đỏ bừng mặt. Hãy dừng lại nào, đồ ngốc nghếch ạ. Cô tự hỏi rằng Adam Warner đã đưa bao nhiêu cô gái đến đây rồi trong khi vợ anh ở nhà ngóng đợi. Cô cũng không biết liệu ai trong số đó biết rằng anh đã có vợ, hay là anh luôn giữ được bí mật đó đối với họ. À vậy là cô có một lợi thế hơn. Ngài sẽ phải ngạc nhiên lắm, ngài Warner ạ, Jennifer thầm nghĩ. Họ gọi đồ uống và thức ắn, sau đó bận rộn nói chuyện. Jennifer để Adam nói hầu hết câu chuyện. Anh tinh nhanh và quyến rũ nên cô tự cố phòng thủ trước sự hấp dẫn đó. Điều này không dễ chút nào. Cô thấy mình mỉm cười khi nghe những câu chuyện vui anh kể. Chắc chẳng mang lại gì tốt lành cho anh ấy đâu, Jennifer tự nhủ. Cô không tìm kiếm một quan hệ nhanh chóng. Bóng ma của mẹ cô vẫn còn ám ảnh. Cảm giác nồng nàn sâu sắc trong Jennifer làm cho cô e ngại nó bùng nổ và mọi người sẽ thấy. Họ đang ăn tráng miệng và Adam vẫn chưa hề nói một câu nào để bị hiểu sai. Jennifer đã vô ích dựng lên bức tường bảo vệ để chống lại một sự tấn công không hề có, và cô cảm thấy mình như một kẻ ngốc nghếch. Cô tự hỏi liệu Adam sẽ nói gì nếu như anh biết điều cô đang suy nghĩ cả tối nay. Jennifer cười nhạo sự hư cấu của mình. “Tôi không thể có dịp cảm ơn anh về các khách hàng mà anh đã đưa đến cho tôi”, Jennifer nói “Tôi đã gọi điện cho anh vài lần, nhưng...” “Tôi biết cả rồi”. Adam ngập ngừng và ngượng nghịu nói thêm. “Tôi không muốn gọi trả lời lại cô”. Jennifer nhìn anh đầy vẻ ngạc nhiên. “Tôi ngại lắm”, Anh nói rất giản dị. Chỉ có vậy thôi. Anh đã đột nhiên bắt được cô, phá tan mọi hàng rào bảo vệ, và ý nghĩa lời nói của anh không thể nhầm lẫn được. Jennifer biết những gì sẽ đến tiếp và cô không muốn anh nói điều đó. Cô không muốn anh giống như những kẻ khác, có vợ con rồi mà còn giả vờ độc thân. Cô coi khinh họ và cũng không muốn khinh thường người đàn ông này. Adam lặng lẽ nói: “Jennifer, anh muốn em biết rằng anh đã có vợ”. Cô ngồi đó nhìn chằm chằm vào anh, miệng hơi hé mở. “Anh xin lỗi, lẽ ra anh phải nói với em sớm hơn”. Anh cười gượng. “Ờ mà có lúc nào sớm hơn được đâu, phải vậy không em?” Jennifer tràn ngập nỗi bối rối lạ lùng. “Nhưng, sao, sao anh lại mời em đi ăn tối nay, hả Adam?” “Vì anh muốn được gặp lại em”. Mọi việc bắt đầu như hư ảo đối với Jennifer. Cô như thể bị những ngọn sóng thủy triều lớn lôi cuốn đi. Cô ngồi đó lắng nghe Adam nói về tình cảm của anh đối với cô và cô biết rằng mọi lời đó đều là sự thật. Cô biết thế bởi vì cô cũng cảm thấy như vậy. Cô nửa muốn anh ngừng lại đừng nói quá nhiều, nhưng cùng nửa muốn anh tiếp tục nói thêm nữa. “Anh hy vọng là không xúc phạm em chứ?” Adam nói. Sự ngượng ngùng đột nhiên của anh đã làm xáo trộn Jennifer. “Adam, em... em...” Anh ngắm cô và mặc dầu họ chưa chạm vào nhau, cô như thể đã nằm trong đôi cánh tay anh. Jennifer nói run rẩy: “Anh hãy kể cho em về vợ anh”. “Mary Beth và anh lấy nhau từ 15 năm nay. Vợ chồng anh không có con cái”. “Ra vậy”. “Cô ấy, à chúng tôi quyết định không có con. Chúng tôi lấy nhau khi còn rất trẻ. Anh biết cô ấy khá lâu. Gia đình chúng tôi là hàng xóm của nhau tại khu nghỉ mát ở Maine. Cha mẹ cô ấy bị chết trong một tai nạn máy bay khi cô ấy 18 tuổi. Nỗi đau đớn làm cho Mary Beth như phát điên. Cô ấy rất là cô độc. Anh, à, sau đó chúng tôi lấy nhau”. Anh đã cưới cô ấy vì thương xót, anh ấy thật xứng đáng là một người quân tử, Jennifer thầm nghĩ. “Cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Chúng tôi luôn quan hệ tốt với nhau”. Anh nói với Jennifer nhiều hơn cô mong muốn, nhiều hơn điều cô có thể hiểu được. Mọi bản năng trong cô bảo cho cô phải bỏ đi, phải chạy trốn. Trước đây cô có thể dễ dàng đương đầu với những người có vợ đã cố gắng quyến rũ cô, nhưng Jennifer như cảm thấy được rằng lần này hoàn toàn khác. Nếu như cô để mình rơi vào tình yêu của người đàn ông này, có lẽ sẽ không có lối thoát ra. Cô sẽ phát điên phát cuồng nếu dính líu với anh. Jennifer cẩn thận nói: “Adam, em rất quý anh. Em không muốn dính líu vào những người có vợ”. Anh mỉm cười, đôi mắt sau cặp kính chứa đầy trung thực và rất ấm áp. “Anh không tìm kiếm một tình yêu vụng trộm. Anh thích được bên em. Anh rất tự hào về em. Anh muốn chúng ta thỉnh thoảng gặp nhau”. Jennifer suýt nữa nói: “Điều đó có ích gì đâu” nhưng những lời khác tự bật ra. “Điều đó thật tuyệt”. Vậy chúng ta sẽ cùng ăn trưa mỗi tháng một lần. Jennifer nghĩ. Điều đó sẽ không hề hại gì đến ai cả. Chương 11 Một trong những khách đến văn phòng mới của cô là đức cha Ryan. Ông dạo quanh ba căn phòng nhỏ và nói: “Thật là đẹp. Chúng ta sẽ vươn dần lên trong thế giới này, Jennifer ạ”. Jennifer cười phá lên. “Thực sự không phải là đang vươn lên trên thế giới đâu, thưa Đức cha. Con còn đường xa mới tới”. Ông nhìn cô rất thích thú. “Con sẽ làm được điều đó. À này, tuần trước cha đến thăm Abraham Wilson đấy!” “Anh ấy khỏe chứ ạ?” “Khỏe. Anh ta đang phải làm việc trong cửa hàng máy của nhà tù. Anh ta nhờ cha chuyển lời chào tới con”. “Con sẽ phải tự mình đến thăm anh ấy trong một ngày gần đây”. Cha Ryan ngồi vào ghế của ông, nhìn cô chằm chằm cho tới khi Jennifer nói: “Con có thể làm điều gì cho cha, thưa cha”. Mặt ông rạng rỡ lên: “À, thôi được, cha biết con có lẽ bận lắm nhưng bây giờ con hỏi, cha muốn nói là một người bạn cha có chút vấn đề. Cô ta bị tai nạn. Cha nghĩ rằng con là người có thể giúp đỡ cô ta”. Jennifer trả lời như máy: “Bảo cô ấy đến gặp con, thưa cha”. “Cha nghĩ con phải đi đến đó. Cô ấy bị cụt cả chân tay”. * * * * * Connie Garrett sống ở một căn hộ nhỏ và sạch sẽ tại phố Houston. Một bà già tóc bạc trắng đeo tạp dề ra mở cửa cho Jennifer. “Tôi là Martha Steele, dì của Connie. Tôi sống cùng Connie. Xin mời cô vào. Cháu tôi đang đợi cô đấy”. Jennifer bước vào căn phòng khách có đồ đạc khá sơ sài Connie Garrett tựa vào gối đỡ bên trong một chiếc ghế bành rộng. Jennifer bị sốc bởi sự trẻ trung của cô ta. Cô cứ tưởng là sẽ gặp một phụ nữ già hơn. Connie Garrett khoảng 24 tuổi, bằng tuổi Jennifer. Ánh hào quang tuyệt vời hiện ra trên khuôn mặt cô ta và Jennifer cảm thấy kinh sợ vì đó chỉ như là một bức tượng bán thân không hề có chân tay gắn vào. Cô phải cố tránh không rùng mình. Connie Garrett cười thân mật với cô và nói: “Ngồi xuống đi, Jennifer. Tôi có thể gọi cô là Jennifer được chứ? Cha Ryan đã nói nhiều với tôi về cô. Và tất nhiên là tôi đã thấy cô trên vô tuyến. Tôi rất vui mừng là cô có thể đến”. Jennifer định nói: “Tôi rất vui lòng”, nhưng chợt nhận ra điều đó dường như vô nghĩa biết bao. Cô ngồi xuống một chiếc ghé mềm, dể chịu, đối diện với cô gái trẻ. “Cha Ryan nói rằng cô bị tai nạn vài năm trước. Cô có muốn nóí với tôi chuyện đã xảy ra thế nào không?” “Tôi e rằng đó là lỗi do tôi. Tôi đang sang đường. Tôi bước khỏi vỉa hè, trượt và ngã xuống trước một chiếc xe tải”. “Chuyện đó xảy ra bao lâu rồi?” “Vào tháng 12 ba năm trước. Tôi đang trên đường đến cửa hàng Bloomingdale để mua hàng nhân dịp Nôen”. “Chuyện gì đã xảy ra sau khi xe tải cán phải cô?” “Tôi chẳng nhớ gì cả. Tôi thức giấc tại bệnh viện. Họ nói với tôi là xe cấp cứu đã chở tôi đến đó. Xương sống tôi bị thương. Sau đó, họ phát hiện ra xương bị hoại và nó lan rộng ra mãi đến khi...” Cô ta ngừng lại và cố nhún vai. Đó là một cử chỉ rất đáng thương. “Họ cố lắp chân tay giả cho tôi nhưng không được”. “Cô đã kiện chưa?” Cô ta nhìn Jennifer bối rối: “Cha Ryan không nói cho cô biết à?” “Nói gì với tôi cơ?” “Luật sư của tôi kiện công ty giao thông công chính có xe đâm tôi, nhưng chúng tôi đã thua kiện. Chúng tôi kháng án và lại thất bại nốt”. Jennifer nói: “Cha lẽ ra phải nói điều đó. Nếu như tòa thượng thẩm đã bác đơn của cô, tôi e rằng không thể làm gì được nữa”. Connie Garrett gật đầu. “Tôi thực sự không tin như vậy. Tôi chỉ nghĩ... à mà cha Ryan nói cô có thể làm được những việc thần kỳ”. “Đó là việc của cha, còn tôi chỉ là một luật sư thôi”. Cô thấy bực với cha Ryan vì đã để Connie Garrett hy vọng hão huyền. Jennifer quyết định chắc chắn sẽ nói chuyện lại với đức cha. Bà già vẫn đang hút bụi ở phía sau phòng. “Tôi có thể mời cô một chút gì không, thưa cô Palker? Trà và bánh được chứ?” Jennifer đột nhiên thấy mình rất đói vì cô đã không có thời giờ để ăn trưa. Nhưng khi nghĩ rằng mình ngồi đối diện với Conme Garrett, trong khi cô ta phải chịu bón ăn thì không thể chịu được. “Thôi, cám ơn bà”, Jennifer nói dối “Tôi vừa ăn trưa xong”. Jennifer chỉ muốn rời khỏi đây càng sớm càng tốt. Cô cố nói vài lời vui vẻ trước khi đi, nhưng không nghĩ được gì hết. Đức cha Ryan chết tiệt này? “Tôi... tôi thực sự xin lỗi. Tôi mong rằng tôi...” Connie Garrett mỉm cười và nói: “Xin cô không phải bận tâm về việc đó”. Chính nụ cười đó đã làm thay đổi mọi sự. Jennifer chắc rằng nếu như cô ở địa vị Connie Garrett, cô sẽ không thể bao giờ còn mỉm cười được. “Luật sư của cô là ai?” Jennifer bỗng nghe thấy giọng mình. “Melvin Hutcherson. Cô biết ông ấy không?” “Không, nhưng tôi sẽ thử tìm xem”. Mặc dù không định thế nhưng cô vẫn nói tiếp “Tôi sẽ nói chuyện với ông ta”. “Cô thật là tuyệt vời”. Giọng nói Connie Garrett đầy ngưỡng mộ. Jennifer nghĩ rằng cuộc sống của cô gái là như thế đó ngồi suốt ngày, suốt tháng, suốt năm hoàn toàn không có ích gì, không thể làm gì ngay cả cho bản thân cô. “Tôi e rằng, tôi không thể hứa gì cả”. “Tất nhiên là không rồi. Nhưng cô cũng phải biết một điều gì đó, phải không thưa cô Jennifer? Tôi cảm thấy vui hơn chỉ vì là cô đã đến”. Jennifer từ từ đứng dậy. Đã đến lúc phải bắt tay chào, nhưng tay đâu để mà bắt chứ. Cô nói ngượng ngập: “Rất vui được gặp cô, cô Connie ạ. Tôi sẽ có trả lời cho cô”. Trên đường về văn phòng, Jennifer nghĩ về cha Ryan và quyết tâm rằng cô sẽ không bao giờ nhượng bộ trước sự lấy lòng của ông ta nữa. Bất kỳ ai cũng không thể làm gì cho cô gái tàn phế tội nghiệp đó, và làm cho cô ấy nuôi đôi chút hy vọng nào đó thì thật là không tốt. Nhưng cô phải giữ lời hứa. Cô sẽ nói chuyện với Melvin Hutcherson. Khi Jennifer trở lại văn phòng, có một loạt thư nhắn gửi cô. Cô nhìn nhanh qua chúng, tìm kiếm xem Adam Warner có nhắn gì không, nhưng không hề có. Chương 12 Melvin Hutcherson là một người thấp bé, hói trán, có mũi tẹt nhỏ và đôi mắt xanh nhạt. Ông ta có một loạt văn phòng ở khu Bờ Tây nghèo nàn. Bàn của cô thư ký trống trải. “Cô ấy đi ăn trưa rồi” - Melvin Hutcherson giải thích. Jennifer tự hỏi liệu ông ta có thư ký riêng không? Ông ta đưa cô vào phòng riêng, không rộng hơn phòng đón khách là mấy. “Cô nói với tôi qua điện thoại là cô muốn nói chuyện về vấn đề của Connie Garrett”. “Đúng vậy, thưa ông”. Ông ta nhún vai: “Cũng không có gì đáng nói cả. Chúng tôi đã kiện và thua cuộc. Hãy tin tôi đi, tôi đã làm việc hết mình cho cô ta đấy”. “Ông cũng lo việc chống án à?” “Vâng. Chúng tôi cũng thất bại trong vụ đó. Tôi e rằng cô không làm gì được hơn đâu”. Ông ta nhìn cô trong giây lát. “Vì sao cô muốn lãng phí thời gian vào những chuyện như thế này. Cô đang nổi tiếng. Cô có thể làm những vụ kiện được nhiều tiền đấy”. “Tôi đang muốn giúp một người bạn. Tôi muốn xem biên bản vụ án thì không phiền gì ông chứ?” “Cô cứ tự nhiên”, Hutcherson nhún vai “Đó là tài sản chung mà”. Jennifer dành cả tối để xem hết giấy tờ vụ kiện Connie Garett. Điều làm cho cô kinh ngạc là Melvin Hutcherson đã nói lên sự thật: ông ta đã làm việc hết sức ông ta đã buộc cả công ty ô tô quốc gia và thành phố là bên bị cáo, và yêu cầu có hội đồng xét xử. Hội đồng đã miễn tội cho cả hai bị cáo. Sở vệ sinh thành phố đã làm hết sức để đốì phó với cơn bão tuyết tràn qua thành phố tháng Chạp năm đó; mọi trang thiết bị đã được sử dụng. Thành phố cũng lập luận rằng cơn bão là do Chúa trời gây nên, và nếu như có sao nhãng điều gì là do lỗi của Connie Garrett. Jennifer đọc sang những lời buộc tội công ty vận tải. Ba nhân chứng đã khẳng định rằng người lái xe đã cố dừng chiếc xe tải lại để tránh đâm nạn nhân, nhưng xe đã bị quay tròn và đâm phải cô ta. Bản án có lợi cho bên bị cáo được ban xét chống án tán thành và vụ việc đó coi như đã xong. Jennifer đọc xong biên bản vụ án lúc 3 giờ sáng. Cô tắt đèn nhưng không thể ngủ được. Trên giấy tờ thì công lý được thực hiện. Nhưng hình ảnh của Connie Garrett luôn hiện lên trong đầu cô. Một cô gái ở tuổi 20, cụt cả chân tay. Jennifer hình dung ra chiếc xe tải đâm vào cô gái trẻ, về sự tức giận ghê gớm mà cô gái phải chịu đựng, hàng loạt cuộc giải phẫu kinh khủng đã được thực hiện để cắt dần tay chân cô gái. Jennifer bật đèn lên và ngồi dậy trên giường. Cô quay số điện thoại nhà ở của Melvin Hutcherson. “Trong biên bản không nói gì về các bác sĩ cả”, Jennifer nói vào điện thoại. “Ông đã xem xét khả năng sơ suất về y tế không?” Một giọng thiếu ngủ đáp: “Đồ mất dạy nào đó?” “Tôi là Jennifer Parker đây, ông đã...” “Lạy Chúa tôi! Bây giờ là... là 4 giờ sáng đấy! Cô không có đồng hồ à!” “Điều này rất quan trọng. Trong đơn kiện không nhắc tới tên bệnh viện. Thế những ca giải phẫu của Connie Garrett thì sao? Ông đã kiểm tra lại chúng chưa?” Melvin Hutcherson im lặng một chút trước khi cố gắng tập hợp lại suy nghĩ của mình. “Tôi đã nói chuyện với trưởng các khoa thần kinh và chỉnh hình ở bệnh viện đã chăm sóc cô ấy. Việc phẫu thuật là cần thiết để cứu sống cô. Các cuộc phẫu thuật được các chuyên gia giỏi nhất ở đó thực hiện và đã hoàn hảo. Bởi vậy trong đơn kiện không nhắc tới tên bệnh viện”. Jennifer bỗng nhiên cảm thấy bực tức. “Ra vậy đấy!” “Thôi này, tôi đã nói trước với cô rồi, cô lãng phí thời giờ về vụ này đấy. Tại sao chúng ta không ngủ một chút đi?” Sau đó tiếng đặt máy đập vào tai Jennifer. Cô tắt đèn và nằm lại. Nhưng giấc ngủ còn xa vời hơn bất cứ lúc nào. Sau một lúc Jennifer phải từ bỏ cố gắng, nhỏm dậy và pha một ấm cà phê. Cô ngồi trên ghế dài uống cà phê, ngắm nhìn mặt trời mọc trên đường chân trời Manhattan, một màu hồng nhạt dần dần trở thành khối đỏ ối rực rỡ. Jennifer thấy bực dọc. Mọi sự bất công đều có phương cách đền bù theo luật. Có công bằng không trong vụ Connie Garrett? Cô liếc nhìn đồng hồ trên tường. Đã 6 giờ rưỡi rồi. Jennifer nhấc lại điện thoại và gọi số của Melvin Hutcherson. “Ông đã kiểm tra hồ sơ của người lái xe tải chưa?” Jennifer hỏi. Một giọng ngái ngủ cất lên: “Giê-su-ma, lạy Chúa tôi! Cô không thuộc loại người bị điên đấy chứ? Cô ngủ khi nào vậy?” “Người lái xe tải công cộng ấy. Ông đã kiểm tra hồ sơ của anh ta chưa?” “Thưa quý cô, quý cô bắt đầu xúc phạm tôi rồi đó”. “Xin lỗi ông” Jennifer năn nỉ “Nhưng tôi phải biết”. “Câu trả lời là có ạ. Anh ta có lý lịch tốt. Đây là tai nạn đầu tiên anh ta gây ra”. Lối đó đã bị đóng kín rồi. Jennifer suy nghĩ mông lung. “Ra thế đó”. “Cô Parker ạ”, Melvin Hutcherson nói “cô hãy gia ơn cho tôi nhé được không? Nếu như cô muốn hỏi nữa, hãy gọi tôi vào giờ làm việc”. “Xin lỗi ông”, Jennifer nói lơ đãng. “Ông ngủ lại đi”. “Cám ơn cô lắm”. Jennifer đặt máy. Đã đến giờ mặc quần áo đi làm rồi. Chương 13 Đã ba tuần qua kể từ khi Jennifer ăn tối với Adam tại nhà hàng Lutece. Cô cố gắng không nghĩ về anh nhưng mọi việc đều làm cho cô nhớ đến Adam: những câu nói tình cờ, gáy của một người lạ hoặc một cái cravát giống như cái anh đã từng đeo. Có nhiều người đang cố hẹn hò với cô. Những khách hàng, những luật sư mà cô đã từng phản bác tại tòa án và cả viên chánh án của phiên tòa, buổi tối đã mời cô nhưng Jennifer không muốn ai cả. Các luật sư đã mời cô đi dự các buổi mà được người ta gọi mỉa mai là “ăn ngủ”, nhưng cô không hề thích thú. Sự độc lập của cô là sự thách đố đối với đàn ông. Ken Bailey luôn ở đó nhưng điều này không làm cho Jennifer bớt cô đơn. Chỉ có một người có thể làm được điều đó thật đáng nguyền rủa anh ta! Anh ta đã gọi điện tới vào một buổi sáng thứ hai. “Anh nghĩ rằng, anh cần thử liệu xem em có thời gian rỗi để đi ăn trưa hôm nay không?” Cô không rỗi rãi nhưng cô nói: “Tất nhiên em rỗi”. Jennifer đã tự thề rằng nếu Adam điện thoại lại cô sẽ tỏ ra thân mật nhưng có khoảng cách, nhã nhặn nhưng chắc chắn sẽ không sẵn lòng. Nhưng lúc nghe giọng nói của Adam, cô đã quên hết mọi điều và nói tất nhiên là em rỗi. Đó là từ cuối cùng trên thế giới này mà lẽ ra cô không nên nói. Họ ăn trưa tại một quán ăn nhỏ ở khu Hoa kiều, và họ nói chuyện liên tục hai giờ mà tưởng chừng như mới có hai phút. Họ nói chuyện về luật, về chính trị, về sân khấu và đã giải quyết tất cả những vấn đề phức tạp trên thế giới. Adam rất thông minh, hiểu biết và tinh nhanh. Anh thực sự rất quan tâm đến việc Jennifer đang làm và đã sung sướng tự hào trước những thành công của cô. Anh ấy có quyền như vậy, Jennifer thầm nghĩ. Nếu không có anh ấy thì mình đã về Kelso, bang Washington rồi. Khi Jennifer trở lại văn phòng, Ken Bailey đang đợi cô. “Ăn trưa ngon chứ?” “Vâng cảm ơn anh”. “Adam Warner sẽ là một khách hàng phải không?” Giọng của anh cố thản nhiên. “Không, Ken ạ Chúng tôi chỉ là bạn thôi”. Đó là sự thực. Tuần tiếp theo Adam mời Jennifer ăn trưa tại phòng ăn riêng của Công ty luật của anh. Jennifer có ấn tượng trước khu nhà văn phòng hiện đại và đồ sộ. Adam đã giới thiệu cô với những thanh niên khác của công ty, và Jennifer cảm thấy đôi chút tự hào vì dường như họ đã biết mọi điều về cô. Cô đã gặp Steward Needham một người góp cổ phần lâu năm. Ông ta có thái độ lịch thiệp xa cách với Jennifer và cô nhớ ra rằng Adam đã lấy cháu gái ông ta. Adam và Jennifer ăn trưa trong phòng ăn được đóng panô bằng gỗ, do một đầu bếp và hai người hầu bàn phụ trách. “Đây là nơi các bên góp cổ phần đã đưa ra các vấn đề khó khăn của họ”. Jennifer tự hỏi liệu có phải anh đang nói đến cô không. Cô thật khó lòng tập trung vào bữa ăn được. Jennifer nghĩ về Adam cả buổi chiều hôm đó. Cô biết rằng cô phải quên anh đi và không được gặp anh nữa. Anh đã thuộc về một người đàn bà khác. Tối đó, Jennifer cùng Ken Bailey đi xem vở “Hai rồi lại hai” vở diễn mới của Richard Rodgers. Khi họ bước vào khoảng hành lang rộng, đám đông đang ồn ào, náo nhiệt và Jennifer đã quay ra xem chuyện gì đang xảy ra. Một chiếc xe ôtô đen và dài tiến đến bên hè phố và một cặp bước ra khỏi ôtô. “Chính ông ta đấy!” một người đàn bà kêu lên và mọi người bắt đầu xúm quanh ôtô. Người lái xe vạm vỡ bước sang một bên và Jennifer trông thấy Michael Moretti cùng vợ y. Chính là đám đông đang tập trung vào Michael. Y trông như một anh hùng dân gian, đẹp trai như một tài tử điện ảnh, đầy can đảm như trí tưởng tượng của mọi người. Jennifer đứng ở hành lang quan sát khi Michael Moretti cùng vợ đi qua đám đông. Michael đi sát qua cách Jennifer khoảng một mét và trong giây lát mắt họ gặp nhau. Jennifer chú ý thấy đôi mắt y đen đến nỗi cô không thể thấy con người của y. Một lúc sau y biến mất vào trong rạp hát. Jennifer không thể thích thú ngồi xem được. Hình ảnh của Michael Moretti đã mang lại dòng ký ức bẽ bàng trước đây. Jennifer đề nghị Ken đưa cô về nhà ngay khi hết hồi thứ nhất. Adam gọi điện cho Jennifer vào ngày hôm sau và Jennifer đã tự vạch quyết tâm phải từ chối lời mời của anh. “Cảm ơn anh Adam, nhưng em thực sự rất bận”. Cô tự nhủ. Nhưng Adam lại nói: “Anh phải đi nước ngoài một thời gian”. Câu nói như một cú đấm thốc vào bụng. “Anh phải đi bao... bao lâu?” “Chỉ vài tuần thôi. Anh sẽ gọi điện cho em khi anh trở về”. “Thế nhé!” Jennifer cố nói vui vẻ. “Chúc anh đi tốt đẹp”. Cô cảm giác như bị chết điếng. Cô hình dung Adam đang trên bãi biển ở Rio, được các cô gái nửa trần truồng vây quanh hay ở trong nhà chòi tại thành phố Mexicô, uống nước trái cây cùng cô gái mắt đen vừa đến tuổi cập kê, hay ở nhà gỗ tại Thuỵ Sĩ đang làm tình với... Thôi đi! Jennifer tự nhủ. Lẽ ra cô phải hỏi anh sẽ đi đâu. Có thể là chuyến đi vì công việc đến một nơi gớm ghiếc nào đó, mà anh không có thời gian dành cho phụ nữ, có thể là giữa sa mạc nơi anh sẽ làm việc 24 giờ một ngày. Lẽ ra cô nên đề cập đến vấn đề đó, tất nhiên là phải tự nhiên hơn như là anh phải đi máy bay lâu không? Anh nói được ngoại ngữ nào không? Nếu như anh đến Paris, nhớ mua cho em ít chè Verveine. Em nghĩ rằng việc săn bắn có lẽ vất vả lắm nhỉ. Anh có mang vợ cùng đi không? Ồ, mình lẩn thẩn rồi hay sao? Ken bước vào phòng và nhìn cô chằm chằm. “Em đang nói gì với chính mình vậy. Em vẫn khỏe chứ?” “Không!” Jennifer như muốn hét lên. “Tôi cần bác sĩ. Tôi muốn tắm nước lạnh. Tôi cần Adam Warner”. Nhưng cô nói: “Tôi vẫn khoẻ. Chỉ hơi mệt mỏi một chút thôi!” “Sao em không đi ngủ sớm vào tối nay đi?” Cô tự hỏi không hiểu Adam cũng sẽ đi ngủ sớm hay không. * * * * * Cha Ryan gọi điện tới. “Tôi vừa đến gặp Connie Ganett. Cô ấy nói với tôi là cô đã đến đó vài lần”. “Vâng, thưa cha”. Nhưng các cuộc thăm viếng chỉ nhằm giảm bớt cảm giác tội lỗi, bởi vì cô không thể giúp gì cả. Thật là đáng bực. Jennifer lao mình vào công việc nhưng mấy tuần lễ tưởng chừng như kéo dài lê thê. Cô hầu như ngày nào cũng ở tòa án, và hầu như mọi tối đều đọc lại các bản tóm tắt phiên tòa. “Bớt làm đi em. Em sẽ tự giết mình đó”. Ken khuyên cô. Nhưng Jennifer cần phải vắt kiệt sức mình cả về tinh thần và thể xác. Cô không muốn có thời gian để suy nghĩ. Mình là người điên rồi, cô thầm nghĩ. Một kẻ điên thật sự. Mãi bốn tuần sau Adam mới gọi lại. “Anh vừa về tới nhà đây”. Anh nói. Giọng nói của anh làm cô run lên vì sung sướng. “Chúng ta có thể gặp nhau để ăn trưa ở đâu đó được không?” “Vâng. Em mong như vậy, Adam ạ”. Cô nghĩ rằng mình đã giữ thái độ đàng hoàng. Chỉ nói đơn giản là “em mong như vậy, Adam ạ” thôi. “Gặp ở Phòng cây sồi ở Plaza được chứ?” “Được ạ”. Đó là một phòng ăn giống như chỉ dành cho công chuyện và thiếu vẻ lãng mạn, chứa đầy những kẻ buôn bán đổi chác, những người môi giới chủ ngân hàng đều tuổi trung niên giầu có. Từ lâu nó đã là một trong pháo đài còn lại chỉ dành riêng cho đàn ông, và gần đây mới mở cửa cho đàn bà. Jennifer đến sớm và kiếm chỗ ngồi. Vài phút sau, Adam xuất hiện. Jennifer ngắm nhìn vóc dáng cao gầy đó đang tiến về phía cô và bỗng nhiên mồm miệng cô như khô cứng. Anh trông rám nắng và Jennifer tự hỏi liệu những câu chuyện hoang tưởng của cô về Adam với các cô gái trên bãi biển có phải là sự thực không. Anh mỉm cười với cô và cầm tay cô. Trong giây phút đó Jennifer đã biết rằng những lập luận của cô về Adam Warner hay những người đã có vợ đều không đáng phải để ý đến. Cô không thể tự làm chủ mình. Như thể là ai đó đang dẫn dắt cô, nói với cô điều cô nên làm, nói với cô điều cô phải làm. Cô không thể giải thích chuyện gì đang xảy ra với cô bởi vì cô chưa từng trải qua những việc như vậy. Hãy gọi đó là phản ứng hóa học chẳng hạn, cô thầm nghĩ. Hoặc gọi là nghiệp chướng hay là thiên đường. Tất cả những điều Jennifer biết, là cô muốn ở trong vòng tay Adam Warner hơn bất cứ những gì cô từng muốn trong cuộc đời. Ngắm nhìn anh, cô hình dung đến lúc anh đang làm tình với cô ôm cô trong tay, cơ thể rắn chắc của anh ở trên cô, bên trong cô, và cô cảm thấy mặt mình đỏ dần lên. Adam nói giọng xin lỗi: “Xin lỗi anh báo quá gấp. Một khách hàng vừa mới hủy bỏ bữa ăn trưa hôm nay”. Jennifer thầm cầu nguyện cho ông khách hàng đó. “Anh mang cho em cái này đây”, Adam nói. Đó là chiếc khăn quàng bằng lụa ánh màu vàng và xanh rất đáng yêu. “Khăn này ở Milan”. À đó là nơi anh ấy đã đến. Các cô gái Italia. “Đẹp quá, anh Adam ạ. Em cảm ơn anh”. “Em đã đến Milan chưa?” “Chưa ạ, nhưng em đã được xem các bức ảnh về nhà thờ ở đó. Thật là tuyệt vời”. “Anh không thích xem phong cảnh lắm. Nguyên lý của anh là nếu như anh đã thấy một nhà thờ, tức là anh đã thấy mọi nhà thờ khác”. Sau này, khi Jennifer nghĩ về bữa ăn đó, cô đã cố nhớ xem họ đã nói chuyện gì, họ đã ăn gì, ai đã dừng lại bên bàn chào Adam, nhưng những gì cô có thể nhớ là sự gần gũi bên Adam, sự đụng chạm và cái nhìn của anh. Như thể anh đã bỏ bùa mê cho cô và cô đã bị thôi miên, không thể thoát ra được. Đã có lúc Jennifer nghĩ: mình biết phải làm gì. Mình sẽ ân ái với anh ấy. Chỉ một lần thôi. Nó không thể tuyệt diệu như mình tưởng tượng. Sau đó mình sẽ có thể quên được anh ấy. Khi tay họ chẳng may chạm vào nhau, họ cảm thấy như bị điện giật. Họ ngồi đó nói chuyện về mọi chuyện nhưng những lời nói của họ như vô nghĩa. Họ ngồi bên bàn, trói mình vào cơn ôm ấp vô hình, như đang âu yếm nhau, đang ái ân dữ dội, trần truồng và say đắm. Không ai trong họ nghĩ là họ đang ăn hay nói gì. Cơn đói khát cấp bách hơn đang giày vò họ và nó càng ngày càng tăng lên cho đến khi cả hai đều không thể chịu được nữa. Giữa bữa ăn, Adam đặt tay mình lên trên tay Jennifer và nói hơi lạc giọng: “Jennifer này...” Cô thầm thì: “Vâng, chúng mình hãy ra khỏi đây đi”. Jennifer đợi trong hành lang đông đúc trong khi Adam làm thủ tục đăng ký trọ tại bàn. Người ta cho họ thuê một phòng ở khu cổ kính của khách sạn Plaza, trông ra phố 58. Họ đi bằng thang máy mặt phía sau và Jennifer tưởng chừng như dài vô tận. Nếu Jennifer không thể nhớ gì về bữa ăn thì cô đã nhớ mọi vật trong căn phòng. Hàng năm sau, cô có thể nhớ lại được quang cảnh, màu sắc khăn trải và thảm, cũng như từng bức tranh và từng đồ vật. Cô có thể nhớ được những âm thanh của thành phố ở mãi bên dưới vang vọng vào căn phòng. Hình ảnh của buổi chiều hôm đó sẽ đọng mãi trong quãng đời còn lại của cô. Đó là một tiếng nổ chậm rãi mang nhiều màu sắc thần bí. Đó là khi Adam cởi quần áo cho cô, là thân thể thon gày nhưng khỏe mạnh của Adam, sự thô bạo và nhẹ nhàng của anh. Đó là tiếng cười và sự âu yếm. Sự thèm khát lẫn nhau đã lên đến cực điểm phải thỏa mãn. Đến khi Adam bắt đầu ân ái với cô, những từ loé lên trong suy nghĩ của Jennifer là mình thua cuộc mất rồi. Họ lại tiếp tục âu yếm mãi và mỗi lần đều là sự sung sướng hầu như không thể chịu đựng được. Hàng giờ sau, khi họ nằm bên nhau yên lặng, Adam nói: “Anh cảm thấy như là mới sống lần đầu trong đời”. Jennifer vuốt ve nhẹ bộ ngực anh và bật cười lớn. Adam nhìn cô thắc mắc: “Chuyện gì mà cười vậy?” “Anh biết em đã tự nhủ gì không? Là nếu như em ăn nằm với anh một lần thôi thì em có thể quên được anh đi”. Anh vặn mình lại và nhìn vào mắt cô. “Rồi sao...” “Em đã nhầm. Em cảm thấy như thể anh là một phần của cơ thể em. Ít ra...” Cô ngập ngừng “một phần của anh là một phần cơ thể em”. Anh biết cô đang nghĩ gì. “Chúng mình sẽ tìm cách giải quyết việc đó”. Adam nói. “Mary Beth thứ hai sẽ đi châu u cùng với dì cô ấy trong một tháng”. Chương 14 Jennifer và Adam Warner hầu như tối nào cũng ở bên nhau. Anh ngủ đêm đầu tiên ở căn hộ nhỏ bé, thiếu tiện nghi của cô và sáng hôm sau anh tuyên bố: “Chúng mình sẽ nghỉ hôm nay để đi tìm chỗ ở tươm tất cho em”. Họ cùng nhau đi tìm nhà và sẩm tối Jennifer đã ký thuê một căn hộ ở tòa nhà chọc trời mới gọi là Tháp Balmont gần Sutton Place. Biển trước cửa tòa nhà đề chữ “đã bán”. “Sao chúng mình lại vào làm gì”. Jennifer hỏi. “Em sẽ thấy”. Căn hộ họ xem là một nhà gồm 5 phòng đáng yêu nhất, trang trí đồ đạc rất đẹp. Đó là căn nhà xa xỉ nhất mà Jennifer từng thấy. Có một phòng ngủ chính và phòng tắm ở trên gác, dưới nhà là phòng ngủ cho khách với bồn tắm riêng, và một phòng khách trông ra cảnh ngoạn mục của sông Đông và của thành phố. Căn hộ có thềm nhà rộng, có bếp và phòng ăn. “Em có thích nó không?” Adam hỏi. “Thích không ấy à? Em mê nó là khác”. Jennifer thốt lên “nhưng có hai vấn đề, anh yêu ạ. Thứ nhất là em không đủ tiền. Và thứ hai là nếu như có đủ, nó lại thuộc về người khác rồi”. “Nó thuộc về công ty luật của bọn anh. Các anh cho các nhân vật quan trọng thuê khi đến thăm đây. Anh sẽ bảo họ tìm thuê nơi khác”. “Thế tiền thuê nhà thì sao?” “Anh sẽ lo cho. Anh...” “Không được”. “Đừng có điên, em yêu. Anh có thể dễ dàng lo việc đó và...” Cô lắc đầu: “Anh không hiểu em, Adam ạ. Em không có gì cho anh cả ngoài chính mình. Em muốn đó là quà cho anh”. Anh ôm cô vào lòng và cô nhích gần vào anh và nói: “Em biết sẽ làm gì... Em sẽ làm việc buổi tối...” Vào ngày thứ 7 họ miệt mài đi mua sắm. Adam mua cho Jennifer một bộ váy ngủ lụa và váy rốp rất đẹp ở cửa hàng Bonwit Teller, và Jennifer đã mua cho Adam một chiếc áo sơ mi nhãn Tumbull và Asser. Họ cùng mua một bộ cờ vua ở hiệu Gimbel và bánh pho mát ở hiệu Junior gần cửa hàng Abraham và Straus. Họ mua bánh pudding mận hãng Fortnum và Mason, và sách ở cửa hàng Doubleday. Họ đã đến cửa hàng Gammon và Cas-well-Massey, và Adam mua cho Jennifer đủ nước hoa để dùng trong 10 năm. Họ ăn tối ở góc phố cạnh căn hộ của họ. Họ thường gặp nhau tại căn nhà vào buổi tối sau giờ làm việc và thảo luận các vấn đề trong ngày, và Jennifer thường nấu ăn trong khi Adam dọn đẹp bàn. Sau đó, họ đọc sách hay xem vô tuyến truyền hình, hay chơi bài hoặc cờ vua. Jennifer hay nấu các món ăn mà Adam ưa thích. “Em không biết xấu hổ”. Cô nói với anh “Em sẽ không dừng lại trước bất cứ việc gì”. Anh ghì chặt lấy cô. “Em đừng làm như vậy”. Thật lạ lùng, Jennifer thầm nghĩ. Trước khi có tình ý với nhau họ thường gặp nhau công khai. Nhưng giờ là đôi uyên ương rồi, họ không dám xuất hiện cùng nhau trước công chúng, bởi vậy họ đến những nơi mà họ sẽ không gặp bạn bè, như các hiệu ăn gia đình nhỏ ở trung tâm, hay buổi hòa nhạc thính phòng tại khu trường âm nhạc ở phố thứ Ba. Họ đi xem vở kịch mới tại Câu lạc bộ nhà hát Ommi ở phố Mười Tám và ăn tối tại tiệm ăn Ý Grotta Azzurra trên phố Broome và ăn nhiều đến nỗi mà họ thề không đụng đến đồ ăn Ý trong một tháng trời. Chỉ có điều chúng ta không có được một tháng mà thôi, Jennifer thầm nghĩ. Mary Beth sẽ trở về sau hai tuần nữa. Họ đến rạp Half Note để nghe nhạc Jazz tiền phong trong khu Làng và nhìn qua những cửa sổ của những phòng tranh nghệ thuật nhỏ. Adam rất thích thể thao. Anh đã đưa Jennifer đi xem trò chơi Knichs, Jennifer thích thú trò chơi đến nỗi cô reo hò đến lạc giọng. Vào chủ nhật họ thường ngủ lười, mặc bộ đồ ngủ, ăn sáng, thay nhau đọc từng phần tờ Thời báo và lắng nghe những tiếng chuông nhà thờ vọng khắp vùng Manhattan, mang theo những lời nguyện cầu của chúng. Jennifer nhìn sang phía Adam đang tập trung giải trò đố chữ và thầm nghĩ: Hãy nói một lời cầu nguyện cho em, cô biết rằng những gì cô đang làm là sai lầm. Cô biết điều đó không thể kéo dài được. Vậy mà cô chưa hề biết niềm hạnh phúc và sự sung sướng như vậy. Những đôi tình nhân sống ở thế giới đặc biệt, nơi mọi giác quan nhạy bén hơn, và niềm vui với Adam mà hiện nay Jennifer đang cảm thấy đáng hơn mọi giá mà sau này cô sẽ phải trả. Cô biết rằng cô sẽ phải trả giá. Thời gian đã đi theo một chiều khác Trước kia cuộc sống của Jennifer được tính từng giờ và những cuộc gặp gỡ với khách hàng. Bây giờ thời giờ của cô được đếm từng phút mà cô có thể dành cho Adam. Cô nghĩ về anh khi cô bên anh và cô nghĩ về anh khi cô xa anh. Jennifer đã đọc về những chuyện người đàn ông bị đau tim trong vòng tay tình nhân của họ, bởi vậy cô đã ghi số điện thoại bác sĩ riêng của Adam vào cuốn sổ tay điện thoại riêng của cô và đặt bên giường, để nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể giải quyết một cách kín đáo và Adam sẽ không bị ngượng. Jennifer tràn ngập những tình cảm chưa hề có trong mình. Cô chưa từng nghĩ mình sẽ là người nội trợ nhưng cô muốn làm mọi thứ cho Adam. Cô muốn nấu ăn cho anh, giặt giũ và sắp xếp quần áo cho anh vào buổi sáng. Cô muốn chăm sóc anh. Adam để một bộ quần áo tại căn hộ đó và anh dành mọi tối cho Jennifer. Cô sẽ nằm bên anh, ngắm anh ngủ thiếp đi và cô sẽ cố gắng thức càng lâu càng tốt, lo sợ mất đi giây phút của quãng thời gian quí giá bên nhau: Cuối cùng khi Jennifer không thể mở mắt được nữa, cô sẽ rúc vào cánh tay của Adam và ngủ thiếp đi, cảm thấy hài lòng và an toàn. Chứng mất ngủ từ lâu quấy rầy Jennifer đã biến mất. Bất cứ ma quỷ đêm khuya nào giày vò cô đã đều tan biến. Khi cô cuộn tròn trong vòng tay của Adam cô cảm thấy bình yên ngay. Cô thích dạo quanh căn hộ trong những chiếc áo sơ mi của Adam và buổi tối cô thường mặc áo ngủ của anh. Nếu như buổi sáng cô còn ngủ khi anh rời nhà thì Jennifer sẽ lăn qua phía của anh trên giường. Cô yêu mùi da thịt ấm áp của anh. Dường như tất cả những bài hát về tình yêu đang phổ biến mà cô nghe được đều viết cho riêng Adam và cô Jennifer thầm nghĩ: Noël Coward đã nói đúng. Thật đáng kinh ngạc là thứ âm nhạc rẻ tiền lại có thể hữu hiệu như vậy. Hồi lâu Jennifer đã nghĩ rằng, những cảm giác thân thể tràn ngập mà họ dành cho nhau sẽ tan đi theo thời gian, nhưng ngược lại nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Cô đã nói với Adam về bản thân mình, những điều mà cô chưa từng nói với ai. Với Adam không cần phải che giấu gì. Cô là Jennifer Parker, bị lột trần trụi và anh vẫn yêu cô, đó là một điều kỳ lạ. Và họ cũng chung một sự kỳ lạ khác: đó là tiếng cười. Không thể tưởng tượng được là cô ngày càng yêu Adam hơn. Cô mong muốn những gì họ có sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng cô biết điều đó sẽ xẩy ra. Lần đầu tiên trong đời cô trở nên mê tín. Adam thích một loại cà phê Kenya và cô mua chúng thường xuyên. Nhưng mỗi lần cô chỉ mua một hộp nhỏ. Một trong những nỗi lo sợ của Jennifer là có điều gì không hay sẽ xảy ra với Adam khi anh không ở bên cô và cô chỉ biết điều đó khi đọc báo hoặc nghe đài. Cô không bao giờ nói với anh về nỗi lo đó. Khi có việc bận phải về muộn Adam thường để giấy lại để báo cho cô biết. Anh luôn để chúng ở những nơi mà Jennifer sẽ tình cờ tìm thấy: trong ổ bánh mỳ, ngăn tủ lạnh, có khi lại ở trong giày của cô nữa. Cô rất thú vị với trò đó và giữ những mảnh giấy ấy làm kỷ niệm. Những ngày cuối cùng của họ bên nhau trôi đi thật nhanh với những hoạt động vui vẻ. Cuối cùng, đã là buổi tối mà hôm sau Maly Beth sẽ trở về. Jennifer và Adam ăn tối trong căn hộ của cô, nghe nhạc và ân ái. Cả đêm đó Jennifer thao thức ghì chặt Adam trong lòng. Cô nghĩ về những ngày hạnh phúc của họ bên nhau. Nỗi đau còn chưa đến. Adam nói với cô trong bữa ăn sáng ngày hôm sau. “Dù có gì xảy ra chăng nữa. Anh muốn em biết điều này: em là người phụ nữ duy nhất mà anh thực sự yêu”. Và nỗi đau đã đến. Chương 15 Công việc đã trở thành liều thuốc giảm đau mà Jennifer hoàn toàn đắm mình vào không còn thời gian dành cho suy nghĩ vẩn vơ nữa. Cô đã trở thành trung tâm chú ý của báo chí; báo nào cũng viết ngợi ca tài năng của nữ luật sư trẻ. Ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến cô đến mức cô không còn đủ sức tiếp nhận tất cả đơn hàng. Chuyên môn chính của Jennifer là luật hình sự, thế rồi theo gợi ý và cả vì sự giục giã của Ken, cô bắt đầu nhận các khách hàng khác nữa. Ken Bailey đã trở thành thân thiết gắn bó với Jennifer hơn bao giờ hết. Anh đảm nhiệm công việc điều tra cho cô và tỏ ra vô cùng xuất sắc. Cô có thể trao đổi mọi vấn đề với anh và rất tôn trọng lời khuyên của anh. Jennifer và Ken lại rời văn phòng đến chỗ mới, lần này là mấy căn phòng rộng rãi ở đại lộ công viên. Jennifer thuê hai luật sư trẻ là Dan Martin và Ted Hams, cả hai đều là nhân viên của Robert Di Silva, và cô thuê thêm hai thư ký nữa. Dan Martin trước đây là cầu thủ bóng đá trường đại học Tây Bắc. Vì vậy anh có thế lực của một nhà thể thao và trí tuệ của một nhà khoa học. Ted Harris hơi gày, thiếu tự tin. Anh đeo cặp kính cận dày cộp, và là một thiên tài. Martin và Hams phụ trách phần việc tại hậu trường còn Jennifer xuất hiện tại các phiên tòa xử. Trên cửa ra vào căn phòng có tấm biển đề : JENNIFER PARKER VÀ ĐỒNG SỰ Văn phòng của họ có đủ loại khách hàng, từ việc bào chữa cho một công ty công nghiệp lớn bị kiện làm ô nhiễm môi trường, đến vụ một anh chàng nghiện rượu bị đánh và đuổi ra khỏi quán rượu. Đương nhiên, vụ say rượu này là món quà của cha Ryan. “Hắn quả có chuyện lôi thôi một tí” Cha Ryan nói chuyện với Jennifer. “Thực ra hắn là một người cha lương thiện biết chăm lo gia đình, nhưng cuộc sống khốn khổ quá làm hắn đôi khi cũng quá chén một tý”. Jennifer chỉ còn biết mỉm cười. Cứ theo cha Ryan thì dân xứ đạo của ông chả có ai là có tội cả. Cha chỉ có một mong muốn duy nhất là giúp họ thoát khỏi những tai họa mà do cẩu thả họ đã dấn vào. Một lý do làm Jennifer đồng cảm được với cha cố, là vì về cơ bản nàng cũng hiểu được tình cảnh của những người khốn khổ này. Khách hàng của nàng là những người đang lâm vào cảnh khốn khó mà chẳng có ai cứu vớt, họ cũng chẳng có tiền, chẳng có sức để đương đầu với các thế lực mạnh và cuối cùng là bị đè bẹp. Từ công lý thường được ca tụng chủ yếu khi người ta vi phạm nó. Ở phòng xử luật sư đại diện cho bên bị cũng như bên nguyên đều chẳng hề tìm kiếm công lý. Thắng kiện là mục tiêu của trò chơi. Đôi khi Jennifer và cha Ryan nhắc đến Connie Garrett, nhưng câu chuyện bao giờ cũng làm Jennifer mệt mỏi. Vụ ấy thật là bất công và điều đó làm cô buồn giận. * * * * * Tại văn phòng của mình ở mặt sau nhà Tony, Michael Moretti ngồi xem Nick Vito cẩn thận quét căn phòng bằng một dụng cụ điện tử để dò tìm băng ghi trộm. Qua các chỗ quen biết của mình ở cảnh sát, Michael biết rằng chính quyền không cho phép cài băng ghi âm, nhưng đôi khi có một kẻ bắng nhắng như một thám tử trẻ chẳng hạn, có thể cài một băng ghi bất hợp pháp để dò la tin tức. Michael là người cẩn thận. Vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều đều cho người quét sạch sẽ văn phòng và nhà ở của mình. Y biết rằng y là mục tiêu số một của nửa tá dịch vụ tư vấn luật, nhưng y không hề lo sợ. Y biết họ làm gì nhưng họ không thể biết việc của y, và nếu có biết chăng nữa, họ cũng không có bằng cớ gì. Đôi khi vào lúc đêm khuya Michael cũng ngó qua khe cửa sau của tiệm ăn và xem các nhân viên cục điều tra liên bang lấy rác của nhà y về để xem xét và thay vào đó rác khác. Một lần Nick Vito nói: “Lạy chúa, thưa ông, nếu bọn do thám này tìm được gì thì sao?” Michael cười: “Tao cũng chỉ mong vậy. Nhưng trước khi chúng tới đây thì chúng ta đã đổi rác cho tiệm ăn bên cạnh rồi!” Không, các nhân viên của Cục Điều tra liên bang sẽ không động đến y. Hoạt động của gia đình thì cứ phát triển và Michael đã có ý đồ mà y chưa hề bộc lộ bao giờ. Chướng ngại vật duy nhất là Thomas Colfax. Michael hiểu rằng y phải loại bỏ viên luật sư già này. Y cần một cái đầu mới khác. Và lại một lần nữa y nghĩ tới Jennifer Parker. Adam và Jennifer gặp nhau một tuần một lần và cùng ăn trưa. Điều đó chỉ làm khổ cho cả hai vì họ không có thời gian dành riêng cho nhau, không có chỗ nào chỉ cho hai người với nhau. Hằng ngày gọi điện thoại cho nhau họ dùng mật danh. Chàng xưng là ông Adams và cô là bà Jây. “Anh chẳng muốn lẩn trốn mãi như thế này”. Adam nói. “Em cũng vậy”. Nhưng chỉ nghĩ đến việc mất anh, cô đã hốt hoảng. Jennifer lấy phòng xử án là nơi lẩn trốn nỗi đau buồn riêng của cô. Đó là sân khấu, là nơi cô đấu trí với những địch thủ đáng gờm. Phòng xử án là trường học của cô và cô học rất nhanh. Mỗi một vụ án là một trò chơi theo luật chặt chẽ mà chỉ có kẻ mạnh mới thắng, và Jennifer cương quyết trở thành kẻ mạnh. Các cuộc đối chứng mà Jennifer tiến hành đã trở thành các màn kịch hấp dẫn, cô đạo diễn thật thuần thục, trôi chảy và nhanh nhẹn. Cô đã học được cách thu hút sự chú ý của viên hội thẩm chính, vì đó là người có thể dẫn dắt các hội thẩm khác theo ý mình. Nhìn giầy cũng biết được tính cách của con người. Jennifer đặc biệt chú ý đến những thẩm phán đi giầy thuận tiện, bởi vì những người này thường có tính tình thoải mái dễ chịu. Cô học hỏi về chiến lược đấu trí, về kế hoạch tổng thể của một vụ xử, về chiến thuật, về các bước đi cụ thể. Cô đã trở thành điêu luyện trong việc mua quà tặng cho các nhân viên chánh án cô quen biết. Jennifer bỏ hàng giờ để chuẩn bị cho mỗi vụ xử, lúc nào cũng tâm niệm một điều: vụ kiện được hay thua đã có thể biết ngay từ trước khi mang ra xử. Cô có tài đặt biệt danh cho các hội thẩm viên: Smith là người gân guốc biết dùng đến Helm - người lái được tầu; Newman chỉ là một đứa trẻ sơ sinh. Thông thường tòa xử nghỉ lúc 4 giờ và vào khoảng ấy nếu Jennifer đang đối chất một nhân chứng nào đó thì cô cố tình kéo dài, đợi đến lúc gần 4 giờ cô mới đưa ra một cú đòn, để gây một ấn tượng sét đánh cho các hội thẩm cho đến sáng hôm sau. Cô biết đọc ánh mắt, cử chỉ của người khác. Nếu nhân chứng nói dối trước tòa thì có những cử chỉ đặc biệt như: xoa cằm, mím môi, che miệng, kéo tai hoặc lấy tay chải tóc, Jennifer hiểu rõ những tín hiệu ấy và chờ tới lúc đó cô mới ra tay. Jennifer cũng phát hiện ra rằng phụ nữ mà làm nghề luật hình sự thì gặp nhiều bất lợi. Cô đang ở lãnh thổ của giới mày râu. Còn quá ít nữ luật sư hình sự và một số luật sư nam căm ghét cô. Một lần Jennifer thấy một mẩu giấy dán vào cặp tài liệu của cô: “Luật sư đàn bà”. Mỗi khi bắt đầu một vụ xử, phần lớn hội thẩm đều có định kiến với Jennifer, bởi vì những vụ nhờ cô cãi đều dính líu đến những chuyện đen tối bẩn thỉu, bởi vậy họ cứ hay cho cô và khách của cô là cùng một giuộc. Người ta cứ nghĩ cô phải ăn mặc như Jane Eyre [1], nhưng cô không có ý định như vậy. Cô chú ý đến cách ăn mặc để làm sao không làm các hội thẩm viên nữ ghen tị, mà cũng phải ăn mặc làm sao để không ai nghĩ cô là có bệnh tình dục đồng tính. Đã có thời cô có thể cười khi nghĩ đến những lập luận này, nhưng kinh nghiệm tại phòng xử đã cho cô thấy chúng hoàn toàn có thực. Vì cô đã gây nghiệp trong thế giới đàn ông, cô phải làm việc gấp đôi và phải thông minh gấp đôi. Cô đã học cách phải chuẩn bị kỹ các vụ không phải chỉ về phía mình, mà còn về cả phía đối phương nữa. Cô thường suy ngẫm về chiến lược của đối phương, đôi khi còn nằm trên giường hoặc ngồi ở văn phòng của mình. Cô đặt mình vào địa vị của đối phương và tự đặt câu hỏi cô sẽ làm gì ở địa vị đó? Cô có thể đánh được đòn bất ngờ gì? Cô là một viên tướng, đi cả hai nước cờ trong một trận sống mái. Cynthia bấm nút chuông điện thoại nội bộ: “Có người muốn nói chuyện với chị, nhưng ông ấy cứ nhất định không xưng danh mà cũng chẳng chịu nói cho em biết gọi về việc gì”. Cách đây 6 tháng, giá như có ai gọi kiểu đó thì Cynthia chắc đã bỏ ống nghe xuống. Nhưng Jennifer đã dạy cô không bao giờ được bỏ qua bất kỳ trường hợp nào. “Em cứ cho nói” Jennifer trả lời. Một lát sau cô nghe thấy một giọng đàn ông hỏi một cách thận trọng : “Có phải Jennifer Parker đó không?” “Vâng, tôi đây”. Giọng nói lưỡng lự”. “Liệu nói chuyện qua đường dây này có an toàn không?” “Được thôi. Tôi có thể giúp được gì ông nào?” “Không phải vì tôi đâu. Vì một người bạn của tôi”. “À tôi hiểu. Bạn ông có chuyện gì nào?” “Cần phải giữ bí mật, cô có hiểu ý tôi không?” “Tôi hiểu rồi”. Cynthia mang thư vào cho Jennifer. ““Chờ một chút”, Jennifer nói thầm vào ống nghe. “Bạn tôi bị chính gia đình cô ấy nhốt vào nhà thương điên. Nhưng cô ấy không điên. Đó chỉ là một âm mưu mà thôi. Hiện nay người ta đang điều tra vụ này đấy”. Jennifer lơ đãng nghe. Cô kẹp ống nghe vào vai, trong khi đọc lướt đống thư từ Cynthia vừa mang tới. Người đàn ông ở đầu dây kia tiếp tục: “Cô ấy giàu và họ hàng cô ấy muốn lấy tiền của cô ấy”. Jennifer nói: “Ông cứ nói tiếp đi!” và cô vẫn tiếp tục xem thư. “Nếu họ biết tôi đang tìm cách giúp cô ấy thì thế nào họ cũng sẽ khử tôi. Rất nguy hiểm, cô Parker ạ”. Một vụ rồ, Jennifer nghĩ. Cô nói: “Tôi e rằng tôi cũng chẳng giúp được gì. Nhưng theo tôi ông nên tìm một bác sỹ tâm thần cho bạn ông”. “Cô không hiểu sự việc đâu. Tất cả bọn họ vào hùa với nhau quyết làm hại cô ấy”. “Tôi hiểu lắm chứ” Jennifer nói với giọng an ủi. “Tôi...” “Cô có thể giúp cô ấy được không?” “Tôi không thể làm gì được đâu, nhưng tôi sẽ nói với ông điều này. Hãy cho tôi tên và địa chỉ của bạn ông, và nếu có thể, tôi sẽ xem”. Một lát im lặng. Cuối cùng người đàn ông nói: “Xin cô nhớ cho, đây là một vụ tuyệt mật”. Jennifer sốt ruột chỉ muốn bỏ máy xuống. Người khách hàng đầu tiên trong ngày của cô đang trong phòng đợi. “Tôi nhớ rồi”. “Tên cô ấy là Cooper, Helen Cooper. Cô ấy có một điền trang lớn ở Long Island, nhưng họ đã lấy mất của cô ấy”. Jennifer ghi chi tiết đó vào sổ tay để ở trước mặt. “Được rồi. Ông nói cô ấy đang ở nhà an dưỡng nào?” Điện thoại kêu đến tạch và đầu dây kia im lặng. Jennifer ném tờ giấy cô vừa ghi vào sọt rác. Jennifer và Cynthia liếc nhìn nhau. “Thật là một thế giới kỳ quặc”, Cynthia nói “Cô Marshall đang chờ gấp chị”. Cách đây một tuần Jennifer có nói chuyện qua điện thoại với Loretta Marshall. Cô Marshall nhờ Jennifer bào chữa cho vụ cô kiện Cultis Randall. Người tình giàu có này không chịu nhận mình là cha đứa con của cô. Jennifer nói với Ken Bailey: “Chúng ta cần biết kỹ lưỡng về Curtis Randall. Y sống ở New York, nhưng theo như tôi biết y rất hay đến ở bãi biển Cây Cọ. Tôi muốn biết lý lịch gia đình của y, và thử điều tra xem y có ăn ở với một cô gái tên là Loretta Marshall không?” Cô đã nói cho Ken biết tên của các khách sạn ở bãi biển Cây Cọ mà cô gái đã cho biết. Hai ngày sau, Ken Bailey báo lại : “Đúng vậy. Họ đã ở với nhau hai tuần tại các khách sạn ở bãi biển Cây Cọ, Miami và Allantic City. Cách đây tám tháng Loretta Marshall sinh một con gái”. Jennifer ngồi tựa lưng vào ghế và suy tư nhìn Ken Bailey. “Nghe có vẻ như chúng ta có một vụ lý thú đây”. “Tôi không nghĩ như vậy đâu”. “Sao vậy?” “Vì khách hàng của chúng ta. Cô ta ngủ với tất cả bọn đàn ông, kể cả bọn Yanke” [2] “Anh muốn nói cha của đứa bé có thể là một trong số đàn ông nào đấy à?” “Tôi muốn nói có thể là cả nửa thế giới này”. “Trong số kia có ai giàu để trợ cấp cho đứa bé khòng?” “Bọn Yanke khá giàu, nhưng giàu nhất là Curtis Randall”. Anh đưa cho cô một danh sách dài toàn tên đàn ông. * * * * * Loretta Marshall bước vào phòng. Trước đó Jennifer tự hỏi không biết khách của mình sẽ ra sao. Chắc chắn là một cô điếm xinh đẹp, ngu ngốc. Nhưng hóa ra Loretta Marshall lại khác hẳn với Loretta trong trí tưởng tượng của cô. Không những cô ta không đẹp, mà còn rất thường. Thân hình cô ta không có gì đặc sắc. Theo con số các mối tình của cô Marshall thì Jennifer cứ tưởng Loretta phải đẹp và gợi tình lắm. Loretta Marshall trông giống như một cô giáo dậy cấp một. Cô mặc một cái váy len, một áo sơ mi dài kín cổ, một chiếc áo len màu xanh sẫm và đi đôi giầy chắc chắn. Lúc đầu Jennifer cứ nghĩ rằng Loretta chắc muốn nhờ nàng bắt Curtis Randall phải góp tiền để cô nuôi đứa trẻ không phải là con của y. Nhưng sau một giờ nói chuyện với cô gái, Jennifer hiểu rằng cô đã thay đổi hoàn toàn định kiến của mình. Loretta Marshall rất thật thà. “Tất nhiên, tôi không có bằng chứng để nói Cultis là cha của Melani” Cô rụt rè mỉm cười. “Curtis không phải là người đàn ông duy nhất đã ngủ với tôi”. “Thế thì sao cô lại nghĩ ông ta là bố của đứa bé, hở cô Marshall?” “Tôi không nghĩ mà tôi chắc chắn là như vậy. Rất khó giải thích, nhưng tôi thậm chí còn biết tôi đã thụ thai vào đêm nào. Đàn bà đôi khi có thể cảm thấy được điều này”. Jennifer chăm chú theo dõi Loretta, cố phát hiện ra một nét gì của sự dối trá. Nhưng không hề có. Cô gái này hoàn toàn không giả vờ và Jennifer nghĩ có lẽ đàn ông thấy điều đó ở cô là hấp dẫn. “Cô có yêu Curtis Randall không?” “Có chứ. Và Curtis cũng nói là anh ấy yêu em. Tất nhiên em không nghĩ rằng bây giờ anh ấy còn yêu em nữa, sau tất cả những chuyện này”. Jennifer nghĩ: “Nếu yêu anh ta, sao cô còn có thể ngủ với tất cả những người đàn ông kia? Có lẽ câu trả lời hiện lên trên khuôn mặt buồn và đơn điệu với cái dáng người trần tục của cô gái”. “Cô có thể giúp em được không, cô Parker?” Jennifer thận trọng trả lời: “Các vụ kiện đòi nhận cha đều rất khó. Tôi có danh sách của hơn một tá đàn ông đã có ăn nằm với cô trong một năm qua. Chắc còn có những người khác nữa. Nếu tôi có bản danh sách này thì cô cũng có thể tin rằng luật sư của Curtis Randall cũng có”. Loretta Marshall nhăn mặt. “Thế còn thử máu, kiểu người ta vẫn thường làm ấy...” “Người ta chỉ lấy kết quả thử nghiệm làm bằng trong trường hợp bên bị không phải là người cha. Về luật pháp, thử máu không giải quyết được gì”. “Em thực tình chẳng cần gì cho bản thân. Em muốn Melani được chu cấp. Lẽ đương nhiên Curtis phải có trách nhiệm chăm lo con của anh ấy chứ!” Jennifer lưỡng lự cân nhắc. Cô đã nói sự thật với Loretta Marshall. Các vụ kiện đòi nhận cha đều khó xử. Đấy chưa kể đến những khó chịu lằng nhằng khác nữa. Luật sư cho bị cáo chắc sẽ thú vị lắm khi người đàn bà này xuất hiện trước tòa. Họ sẽ đọc danh sách các người tình của chị ta, và kết cục là sẽ làm cho tất cả mọi người coi chị ta là một con điếm mà thôi. Jennifer không muốn dây đưa vào những loại vụ như thế này. Mặt khác, cô tin Loretta Marshall. Đây không đơn thuần là việc đào mỏ người tình cũ. Người đàn bà này tin một điều là Curtis là cha của đứa con gái của mình. Cuối cùng Jennifer quyết định. “Thôi được” Cô nói “Chúng ta sẽ thử xem sao”. Jennifer bố trí gặp Roger Davis, luật sư cãi cho Curtis Randall. Davis là một trong nhóm luật sư thuộc một công ty lớn ở phố Wall. Cứ xem các phòng làm việc rộng rãi của ông ta thì cũng biết vai trò quan trọng của ông ta ở công ty này. Ông ta có vẻ ngạo mạn và ăn nói thì văn hoa. Jennifer mới gặp đã không thích ông ta rồi. “Tôi có thể giúp được gì cô?” - Roger Davis hỏi. “Như tôi đã nói qua điện thoại với ông, tôi đến đây vì vụ cô Loretta Marshall”. Ông ta nhìn cô và nói một cách sốt ruột: “Thì sao?” “Cô ta nhờ tôi lo cho vụ kiện để ông Curtis Randall xác nhận thân thế người cha. Tôi chẳng muốn nhận”. “Nếu cô nhận thì thật là một việc ngu xuẩn”. Jennifer cố kìm cơn giận. “Chúng tôi không muốn bêu nếu tên tuổi của khách hàng của ông. Tôi tin rằng ông cũng biết những vụ như thế này thường rất khó chịu. Bởi vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận với nhau một cách biết điều khỏi phải ra tòa”. Roger Davis nở một nụ cười lạnh lẽo: “Tôi không nghi ngờ gì sự sẵn sàng của cô cả. Vì cô sẽ không được gì đâu. Không được gì hết”. “Tôi lại nghĩ khác”. “Cô Parker, tôi không có thời giờ để đối đáp với cô. Khách hàng của cô là một gái điếm. Cô ta ngủ với bất cứ loài vật gì biết đi. Tôi có một danh sách những người đã ăn nằm với cô ấy. Nó dài bằng cánh tay tôi đây này. Cô nghĩ rằng khách hàng của tôi sẽ bị ảnh hưởng à? Còn khách hàng của cô sẽ được à. Chắc cô ta là giáo viên phải không? Vậy thì sau vụ này, suốt đời cô ta sẽ không còn đi dậy ở đâu được nữa. Và tôi cũng sẽ nói cho cô biết một điều: Randal tin rằng ông ta là cha của đứa trẻ. Nhưng cô sẽ chẳng bao giờ chứng minh được điều đó đâu”. Jennifer ngồi tựa lưng vào ghế, khuôn mặt không để lộ một tình cảm gì. “Theo chúng tôi, khách hàng của cô có thể có thai với bất kỳ ai trong Đội quân thứ ba. Cô muốn giải quyết à? Được thôi. Tôi mách cô cách này nhé. Chúng ta sẽ mua thuốc tránh thai cho khách hàng của cô, để sẽ không xảy ra chuyện gì nữa”. Jennifer đứng dậy, má đỏ bừng: “Ông Davis”, cô nói “diễn văn ngắn vừa rồi của ông sẽ làm khách hàng của ông mất nửa triệu đấy”. Và cô đã đi khuất ra khỏi cửa. Ken Bailey và ba trợ lý nữa của anh không thể tìm ra được điều gì chống lại Curtis Randall cả. Y là một người góa vợ, là trụ cột của xã hội, và y có rất ít chuyện tình ái. “Thằng chó đẻ này như là một gã Thanh giáo tái sinh hay sao ấy?” - Ken Bailey ca thán. Họ ngồi với nhau ở phòng họp, lúc ấy là nửa đêm; sáng hôm sau vụ xử bắt đầu. “Jennifer, tôi đã nói chuyện với một luật sư trong văn phòng của Davis. Họ sẽ bóp chết khách hàng của chúng ta mất. Họ nói là họ sẽ làm đấy”. “Sao cô cứ dấn thân vào vì cô gái ấy?” - Dan Martin hỏi. “Tôi không phải ngồi đây để phán xử đời sống tình dục của cô ấy, Dan ạ. Cô ta tin rằng Curtis Randall là cha của đứa trẻ, tôi muốn nói rằng cô ta thực sự tin như vậy. Cô ta chỉ cần tiền cho đứa bé thôi, chứ không cần gì cho bản thân cô ta cả. Tôi tin vụ này của cô ấy là chính đáng”. “Chúng tôi không nghĩ đến cô ta”. Ken trả lời “Chúng tôi lo cho cô. Cô đang lâm vào thế khó đấy. Ai cũng theo dõi cô. Tôi cho là vụ này sẽ khó được đây. Sẽ để lại một vết đen cho cô đấy”. “Thôi, tất cả chúng ta đi ngủ đi”, Jennifer nói “Sáng mai gặp nhau ở tòa án?” Phiên tòa đã diễn ra còn tệ hại hơn cả dự đoán của Ken Bailey. Jennifer bố trí để Loretta Marshall mang cả đứa bé vào trong phòng xử, nhưng lúc này đây Jennifer sợ mình đã mắc sai lầm về chiến thuật. Cô cảm thấy bất lực, trong khi đó Roger Davis gọi hết nhân chứng này đến nhân chứng khác ra bục nhân chứng và buộc họ phải thú nhận là đã ăn nằm với Loretta Marshall. Jennifer không dám đối chất họ. Họ chỉ là những nạn nhân và họ buộc phải nói những điều đó trước công chúng. Jennifer chỉ còn biết ngồi nghe tên khách hàng của mình bị bôi nhọ. Cô theo dõi nét mặt của các hội thẩm viên và cảm nhận thấy càng ngày họ càng ghét Loretta Marshall. Roger Davis rất thông minh và thành công trong việc lột tả Loretta Marshall như là một gái điếm. Mà bản thân ông ta cũng chẳng cần phải làm gì. Các nhân chứng của ông ta đã làm hộ ông ta việc đó. Về phía mình, Jennifer gọi các nhân chứng lên bục để chứng minh cho nhân cách của Loretta Marshall - cô ta là một giáo viên tốt, cô chăm chỉ đi lễ nhà thờ và là một người mẹ chu đáo, nhưng tất cả những điều này không gây được ấn tượng gì vì số lượng ghê gớm các người tình của Loretta Marshall trước đó Jennifer đã hy vọng lấy được cảm tình của các hội thẩm viên, bằng cách nhấn mạnh tình cảnh khốn khổ của người đàn bà trẻ, đã bị một tên Sở Khanh giàu có phản bội, rồi bỏ rơi khi cô ta có mang. Nhưng phiên xử không đi theo hướng đó. Curtis Randall ngồi ở bàn bị cáo. Giá như có một đạo diễn phim cần một tài tử xi nê thì Curtis có thể được chọn lắm. Y khoảng 57, 58 tuổi, diện mạo hào hoa phong nhã, khuôn mặt với những đường nét đều đặn, thanh tú, tóc đã hơi bạc. Y xuất thân từ một gia đình thượng lưu, là hội viên của các câu lạc bộ sang trọng, giàu có và thành đạt. Jennifer có thể cảm thấy là các bà hội thẩm viên đều đang thầm ngắm nghía y. Lẽ dương nhiên, Jennifer thầm nghĩ, họ đang nghĩ rằng chỉ có họ mới xứng đáng ân ái với Ngài Đẹp trai kia, chứ không phải cái loại gái chả có gì đặc sắc đang ngồi kia bế đứa trẻ 10 tháng tuổi trên tay. Thật không may cho Loretta Marshall, đứa trẻ trông không giống cha nó, cũng chẳng giống mẹ nó. Nó có thể là con của bất kỳ người nào. Như thể đọc được ý nghĩ của Jennifer lúc đó, Roger Davis nói với ban hội thẩm: “Thưa quý ông, quý bà, xin các vị hãy nhìn hai mẹ con họ ngồi kia. Chà? Cháu bé đó là con ai? Các vị đã nhìn thấy bị cáo. Nếu có ai tại phòng xử này chỉ ra một nét nào giống nhau giữa bị cáo và đứa trẻ, thì tôi sẵn sàng bác bỏ. Đương nhiên, nếu bị cáo là cha của đứa trẻ thì phải có một nét nào đó chứng tỏ điều đó chứ. Một nét nào đó như mắt, mũi, cằm chẳng hạn. Nét giống đó ở đâu? Chẳng hề có. Và chỉ vì một lý do đơn giản: Bị cáo không phải là cha của đứa trẻ. Không, tôi e rằng điều hôm nay chúng ta thấy ở đây chỉ là một thí dụ cổ điển về một người đàn bà buông thả, do cẩu thả mà mang thai, rồi cố tìm xem ai là người có khả năng nhất bao cấp tài chính cho cô ta”. Ông ta hạ giọng: “Nhưng chúng ta ở đây không phải là để phán xét cô gái này Loretta Marshall muốn làm gì thì làm với cuộc sống riêng tư của mình. Ngay cả việc cô ta là giáo viên, và có thể ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh, cũng không phải là điều tôi quan tâm chính ở đây. Tôi không phải đến đây để lên lớp về đạo đức; tôi đến đây chỉ để bảo vệ quyền lợi của một người vô tội”. Jennifer chăm chú nhìn bàn hội thẩm và cô thất vọng cảm thấy tất cả mọi người đều ngả về phía Curtis Randall. Jennifer vẫn tin Loretta Marshall. Chỉ cần đứa trẻ kia trông giống cha nó thôi? Roger Davis quả nói đúng. Giữa người đàn ông và đứa trẻ không hề có nét nào giống nhau. Và Davis đã làm cho ban hội thẩm hoàn toàn tin mình. Jennifer gọi Curtis Randaìl lên làm chứng. Cô biết đây là cơ hội duy nhất cô có thể gỡ lại tổn hại mà Davis gây ra, là cơ hội cuối cùng để chuyển đổi tình thế. Cô xem xét người ngồi ở ghế nhân chứng trong một lát. “Ông đã có vợ bao giờ chưa, ông Randall?” “Có. Vợ tôi chết trong một đám cháy”. Ngay lập tức đã có thể cảm thấy một niềm thương cảm trong ban hội thẩm. Kệ! Jennifer nhanh chóng tiếp tục hỏi: “Ông không bao giờ đi bước nữa à?” “Không. Tôi rất yêu vợ, và tôi...” “Thế ông không có con với bà vợ cũ của ông ư?” “Không. Thật không may, vợ tôi đã không có khả năng”. Jennifer chỉ tay về phía đứa trẻ: “Thế thì Melani là đứa con duy nhất của ông”. “Phản đối!” “Trật tự. Luật sư của bên nguyên hiểu rõ điều này”. “Xin lỗi, thưa quý tòa. Tôi buột miệng mà thôi”. Jennifer quay sang Curtis Randall. “Ông có yêu trẻ em không?” “Có chứ, tôi rất yêu trẻ”. “Ông là chủ tịch Ủy ban điều hành công ty của riêng ông, có phải không ông Randall?” “Vâng”. “Thế ông không bao giờ mong có một đứa con trai để rồi nó sẽ mang tên ông ư?” “Tôi nghĩ rằng đàn ông ai mà chả mong như vậy!” “Thế giá như Melani là con trai...” “Phản đối!” “Trật tự”. Viên chánh án quay sang Jennifer “Cô Parker, tôi sẽ phải nhắc cô một lần nữa đừng làm như vậy”. “Xin lỗi, thưa quý tòa”. Jennifer quay sang Curtis Randall “Ông Randall, ông có thói quen đưa phụ nữ lạ đến các khách sạn ông ở phải không?” Curtis Randall bốí rối liếm môi dưới: “Không, không hề” “Thế không phải là lúc đầu ông gặp Loretta Malshall ở một tiệm rượu rồi đưa cô ta đến khách sạn?” Y lại lấy lưỡi liếm môi. “Vâng, thưa cô. Nhưng chẳng qua đó chỉ là chuyện tình dục mà thôi”. Jennifer nhìn y: “Ông nói “chỉ là chuyện tình dục” như thể ông cho rằng chuyện tình dục là cái gì đó bẩn thỉu lắm”. “Không, thưa cô”. Lưỡi y lại làm việc. Jennifer ngắm nhìn cái lưỡi bị cáo và lấy làm thích thú, trong lúc y lấy lưỡi liếm môi. Bỗng nhiên cô cảm thấy một tia hy vọng bất ngờ, rồ dại. Lúc này, cô biết mình phải làm gì. Cô cần phải dồn y. Nhưng cô cũng phải biết đừng quá vội để đến mức ban hội thẩm mất cảm tình với mình... “Ông đã có quan hệ với bao nhiêu phụ nữ ông tìm được ở các quán rượu?” Roger Davis đứng bật dậy. “Không được, thưa quý tòa. Tôi phản đối kiểu hỏi này. Người đàn bà duy nhất dính dáng đến vụ này là Loretta Marshall. Chúng tôi đã nói rằng bị cáo có ăn nằm với cô ta. Ngoài điều đó ra, đời tư của ông ta không có quan hệ gì tới phòng xử hôm nay”. “Tôi phản đối, thưa quý tòa. Nếu bị cáo là loại đàn ông...” “Trật tự. Yêu cầu cô Parker thôi chất vấn kiểu đó đi”. Jennifer nhún vai: “Vâng, thưa quý tòa”. Nàng quay sang Curtis Randall. “Bây giờ ta quay lại cái đêm ông gặp Loretta Marshall ở quán rượu. Đó là quán rượu loại gì vậy?” “Tôi... tôi cũng chẳng biết nữa. Trước đó tôi chưa từng bao giờ ở đó”. “Có phải quán rượu dành cho người độc thân hay không?” “Tôi không biết nữa?” “À thế thì có thể báo cho ông biết, đó là quán Play Pen, nó là quán dành cho những người độc thân, là nơi đàn ông, đàn bà đến để tìm bạn tình. Có phải ông đến đó cũng vì lý do đó không, ông Randall?” Curtis Randall lại bắt đầu lấy lưỡi liếm môi. “Có thể như vậy, tôi không nhớ nữa”. “Ông không nhớ à?” - Giọng Jennifer châm biếm. “Thế ông có nhớ ngày ông gặp Loretta Marshall lần đầu ở quán đó không?” “Không, tôi không thể nhớ chính xác được”. “Thế thì để tôi nhắc cho ông nhớ”. Jennifer bước lại gần bàn dành cho bên nguyên và bắt đầu xem xét một số giấy tờ. Nàng viết vội một mảnh giấy như thể đang ghi ngày tháng, rồi nàng đưa tờ giấy cho Ken Bailey. Anh ngắm nghía mẩu giấy, vẻ mặt ngỡ ngàng. Jennifer quay trở lại chỗ dành cho nhân chứng: “Hôm đó là ngày 18 tháng Giêng, ông Randall ạ”. Từ khóe mắt, nàng có thể nhìn thấy Ken Bailey rời phòng xử. “Có thể như vậy. Như tôi đã nói, tôi không nhớ lắm”. Trong 15 phút sau đó, Jennifer tiếp tục hỏi Curtis Randall. Đó là những câu chất vấn nhẹ nhàng, lộn xộn, Roger Davis cũng không ngắt lời, vì ông thấy Jennifer cũng chẳng gây được ấn tượng gì với ban hội thẩm. Những người này đã bắt đầu tỏ vẻ chán. Jennifer tiếp tục nói, mắt vẫn để ý tìm Ken Bailey. Đang dở chừng câu hỏi, Jennifer thấy anh vội vã bước vào phòng xử, tay cầm một bọc gì đó. Jennifer quay sang viên chánh án: “Thưa quý tòa. Tôi có thể xin phép được nghỉ 15 phút không?” Viên chánh án nhìn đồng hồ treo trên tường. “Đã đến giờ ăn trưa rồi, tòa sẽ tạm dừng cho đến 1 giờ rưỡi”. Đến một giờ rưỡi, phiên tòa lại họp. Jennifer bố trí để Loretta Marshall ngồi gần bàn hội thẩm, đứa bé ngồi trong lòng cô ta. Viên chánh án nói: “Ông Randall, ông còn đang tiếp tục làm nhân chứng. Không cần phải thề nữa. Xin mời ông lên bục”. Jennifer chăm chú theo dõi khi Curtis Randall ngồi vào chỗ dành cho nhân chứng. Nàng tiến lại gần y và hỏi: “Ông Randall, ông có bao nhiêu con ngoài giá thú?” Roger Davis đứng bật dậy: “Phản đối? Thật là trắng trợn, thưa quý tòa. Tôi không cho phép ai xúc phạm khách hàng của tôi”. Viên chánh án nói: “Đồng ý!” Ông ta quay sang Jennifer. “Cô Parker, tôi đã nói với cô...” Jennifer nhũn nhặn nói: “Thưa quý tòa, tôi xin lỗi”. Cô nhìn Curtis Randall và hiểu điều cô mong muốn đã được thực hiện. Y liên tục liếm môi. Jennifer quay sang Loretta Marshall và đứa bé. Đứa bé cũng đang lấy lưỡi liếm môi. Jennifer chậm rãi bước lại gần đứa bé và dừng lại một lúc lâu trước mặt đứa bé, để thu hút sự chú ý của ban hội thẩm. “Xin các vị hãy nhìn đứa trẻ này”. Nàng nhẹ nhàng nói. Tất cả quay sang chăm chú nhìn Melani, cái lưỡi tí xíu hồng hồng của nó đang liếm môi dưới. Jennifer quay lại và bước lại gần bàn nhân chứng. “Và xin các vị hãy nhìn ông này”. Mười hai đôi mắt quay sang phía Curtis Randall. Y đang lấy lưỡi liếm môi dưới liên tục, và bỗng nhiên sự tương đồng không còn là một điều lầm lẫn nữa. Và chẳng còn ai nhớ tới việc Loretta Marshall đã ngủ với hàng tá đàn ông khác. Cũng chẳng ai nhớ rằng Curtis Randall là trụ cột của cộng đồng xã hội. Jennifer nói một cách đau xót. “Đây là một người đàn ông có địa vị và có tiền của... Một người được tất cả mọi người trọng vọng. Nhưng tôi chỉ muốn hỏi các vị một câu: Loại người nào mà lại nỡ từ chối không nhận đứa con của chính mình?” Ban hội thẩm ra ngoài hội ý gần một giờ, sau đó quay lại tuyên án bị cáo. Loretta Marshall sẽ được nhận hai trăm ngàn đôla tiền mặt và mỗi tháng hai ngàn đôla để nuôi con. Sau khi tuyên án, Roger Davis tiến lại gần Jennifer, mặt đỏ vì tức giận: “Cô làm gì với đứa bé đấy?” “Ông muốn nói gì cơ?” Roger Davis lưỡng lự, thiếu tự tin: “Cái vụ liếm môi ấy. Chính cái đó làm xiêu lòng ban hội thẩm, khi họ trông thấy cảnh đứa bé liếm môi như vậy. Cô có thể giải thích cho tôi biết được không?” “Thực ra”, Jennifer trả lời một cách ngạo nghễ “Tôi có thể giải thích được. Cái đó được gọi là di truyền học đấy”. Và cô quay đi. Trên đường về văn phòng, Jennifer và Ken Bailey vứt cái chai đựng nước xirô ngô vào sọt rác. Chú Thích [1] Nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của nữ vân sĩ Anh C. Bronte (1816 - 1855) [2] Cách gọi một cách miệt thị người Bắc Mỹ. Chương 16 Adam Warner hiểu ngay từ đầu rằng anh đã sai lầm trong việc cưới Mary Beth làm vợ. Anh đã vội vàng và lý tưởng quá. Anh muốn che chở cho cô gái trẻ có vẻ như đang bị lạc lõng, yếu đuối giữa cuộc đời. Anh không hề muốn làm tổn thương tình cảm của Mary Beth, nhưng Adam quá yêu Jennifer. Anh cần có người để trao đổi tâm tình, và anh quyết định chọn Steward Needham. Steward bao giờ cũng tỏ ra thông cảm với anh. Anh ta chắc sẽ hiểu hoàn cảnh của Adam. Cuộc gặp giữa Adam và Steward diễn ra hoàn toàn khác với dự định của Adam. Khi Adam bước vào phòng làm việc của Steward Needham, Needham nói: “Đúng lúc lắm. Tôi vừa nói chuyện qua điện thoại với Ủy ban bầu cử. Họ sẽ chính thức yêu cầu anh ra tranh cử vào Thượng nghị viện Mỹ đấy. Anh sẽ được Đảng ủng hộ tuyệt đối”. “Tôi ư? Thế thì hay quá”. - Adam nói. “Anh bạn ạ, chúng ta sẽ có nhiều việc phải làm đấy. Chúng ta phải bắt tay vào tổ chức mọi việc. Tôi sẽ tổ chức một ban quyên góp tiền. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu từ chỗ này...” Suốt hai giờ đồng hồ sau đó, họ thảo luận kế hoạch vận động bầu cử. Cuối cùng, Adam nói: “Steward ạ, tôi có chuyện riêng muốn bàn với anh”. “Ồ, tôi có cuộc hẹn với khách hàng. Tôi bị muộn mất rồi Adam ạ?” Và Adam bỗng cảm thấy hình như Steward Needham hiểu hết cái gì đang diễn ra trong tâm trí anh. * * * * * Adam hẹn gặp Jennifer để đi ăn trưa ở một tiệm ăn ở Bờ Tây. Cô chờ anh ở bàn cuối trong góc phòng. Adam bước vào phòng, tràn đầy sinh lực và qua nét mặt của anh, Jennifer hiểu đã có điều gì đó xảy ra. “Anh có tin cho em đây”, Adam nói với cô. “Anh được yêu cầu tranh cử ghế nghị sĩ Mỹ”. “Ôi, Adam!” Jennifer đột nhiên sinh động hẳn lên. “Tuyệt diệu quá! Anh sẽ là một nghị sĩ tuyệt diệu?” “Cuộc tranh cử sẽ ác liệt lắm đây: New York là một bang khó xơi lắm”. “Không sao hết. Không ai có thể cản anh được”. Và Jennifer biết điều đó là sự thật. Adam thông minh và dũng cảm. Nếu anh tin ở điều gì đó, anh sẽ chiến đấu đến cùng. Như đã có lần anh đấu tranh vì cô. Jennifer cầm tay anh và nói: “Em thực sự tự hào vì anh, anh yêu ạ”. “Thôi thôi anh đã trúng cử đâu. Em mới chỉ nghe thấy anh nói toàn chuyện vớ vẩn thôi”. “Điều đó chẳng hề ngăn cản em tự hào vì anh. Em yêu anh lắm, Adam”. “Anh cũng vậy”. Adam định nói với Jennifer câu chuyện anh suýt trao đổi với Steward Needham, nhưng rồi lại thôi. Anh sẽ chờ đến lúc tình hình sáng sủa hơn. “Khi nào thì anh bắt đầu cuộc vận động?” “Họ yêu cầu anh tuyên bố vào cuộc ngay bây giờ. Toàn đảng nhất trí ủng hộ anh”. “Thật là tuyệt diệu!” Có một điều không hề tuyệt diệu chút nào đang ẩn náu nơi nào đó trong tâm trí Jennifer. Điều này cô không muốn nói ra, nhưng cô có linh tính chẳng chóng thì chầy sẽ phải đương đầu với nó. Cô muốn Adam thắng cuộc, nhưng cuộc chạy đua vào thượng nghị viện như thanh gươm Damocles treo trên đầu cô. Nếu Adam đắc cử cô sẽ mất anh. Anh sẽ tranh cử với chính sách cải tổ và trong cuộc đời anh sẽ không có chỗ cho bất kỳ bê bối nào. Anh là người có gia đình và việc anh có nhân tình sẽ là quả bom chính trị làm tiêu tan sự nghiệp của anh. Đêm hôm đó, lần đầu tiên từ khi yêu Adam, Jennifer bị mất ngủ. Cô thao thức vật vã cho đến sáng. Cynthia nói: “Có điện thoại gọi chị. Lại cái ông từ sao Hỏa”. Jennifer lơ đãng nhìn Cynthia. “Chị có nhớ không, cái người nói cho ta biết về vụ nhà thương điên ấy”. Jennifer đã hoàn toàn quên người đó. Rõ ràng anh ta cần được chữa bệnh thần kinh. “Hãy bảo anh ta...” Cô thở dài. “Thôi vậy. Để chị nói với anh ta”. Cô nhấc ống nghe. “Jennifer Parker đây”. Giọng nói quen thuộc vang lên: “Cô đã kiểm tra lại điều tôi nói với cô chưa?” “Tôi chưa có dịp”. Cô chợt nhớ là đã vứt đi mẩu giấy ghi địa chỉ. “Tôi cũng muốn giúp ông. Ông có thể cho biết quý danh?” “Không được”. Anh ta thì thầm “Họ sẽ theo dõi tôi mất. Nhờ cô kiểm tra lại cho. Tên người đó là Helen Cooper. Long Island”. “Tôi có thể giới thiệu cho ông một bác sĩ....” Đầu kia máy đã bị bỏ xuống. Jennifer ngồi suy nghĩ một lúc, rồi cho gọi Ken Bailey vào. “Có gì vậy sếp?” “Cũng không có gì đâu. Mấy lần rồi có một người nào đó hình như hơi tâm thần gọi điện cho tôi, mà cứ nhất định không chịu cho biết tên. Anh xem có thể tìm hiểu gì về một người phụ nữ tên là Helen Cooper. Bà này chắc có một điền trang lớn ở Long Island”. “Bây giờ bà ta ở đâu?” “Hoặc ở một nhà thương điên nào đó hoặc ở sao Hỏa”. Hai giờ sau, Ken Bailey bước vào và báo một tin bất ngờ: “Người từ sao Hỏa của cô đã xuống trái đất rồi. Có một Helen Cooper ở nhà thương điên Hethers ở Westchester”. “Có đúng vậy không?” Cô hỏi nhưng khi thấy vẻ mặt tự ái của Ken Bailey, cô vội chữa. “Tôi không định nói vậy đâu”. Cô chưa gặp một nhân viên điều tra nào giỏi hơn Ken. Anh không bao giờ nói điều gì mà anh còn chưa cảm thấy chắc chắn, và cũng chưa bao giờ anh bị nhầm lẫn. “Sao chúng ta lại quan tâm tiểu thư này đến như vậy?” Ken hỏi. “Có người nghĩ rằng chị ta bị đưa vào nhà thương điên. Tôi muốn anh kiểm tra lại nguồn gốc của chị ta. Tôi muốn biết gia đình chị ta ra sao”. Sáng hôm sau ở trên bàn cô đã có sẵn mọi thông tin. Helen Cooper là bà quả phụ thừa kế ở người chồng quá cố một tài sản trị giá bốn triệu đôla. Con gái bà ta lấy người quản gia làm chồng, và sáu tháng sau ngày cưới cô dâu chú rể ra tòa kiện bà mẹ là tâm thần và đòi tài sản phải do họ quản lý. Họ tìm ra được ba bác sĩ khoa thần kinh. Ba ông này chứng minh rằng Helen Cooper có bệnh thần kinh, bởi vậy tòa buộc bà phải vào bệnh viện tâm thần để chữa bệnh. Jennifer đọc xong và ngước nhìn Ken Bailey. “Nghe có vẻ khó tin nhỉ?” “Khó tin? Có thể quên nó đi được rồi. Cô định làm gì với nó?” Thực là một câu hỏi khó trả lời. Jennifer không gặp được chính khách hàng. Nếu bà Cooper bị gia đình nhốt một chỗ, chắc chắn chẳng ai muốn cô can thiệp vào chuyện này, còn bản thân bà Cooper đã bị coi là tâm thần, bà sẽ không thể thuê cô bào chữa được. Nhưng chuyện này cũng hấp dẫn. Jennifer hiểu một điều: dù có khách hàng hay không, cô cũng sẽ không chịu đứng ngoài và xem người khác bị lùa vào nhà thương điên. “Tôi sẽ đến thăm bà Cooper”, Jennifer quyết định. * * * * * Nhà thương điên Heathers nằm ở một vùng rừng đồi rộng lớn, chung quanh có rào kín, chỉ có một lối vào duy nhất đã có người canh gác. Jennifer chưa muốn cho gia đình bà Cooper biết ý định của mình, bởi thế trước đó cô đã thăm dò bằng điện thoại đến các nơi, cuối cùng, tìm được người có quan hệ với nhà điều dưỡng này. Người này đã thu xếp để cô đến thăm bà Cooper. Giám đốc viện điều dưỡng, bà Franklin, là một phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, thiếu niềm nở. Nhìn bà ta, Jennifer nhớ đến nhân vật bà Danvers trong “Rebeca” [1] “Nghiêm khắc mà nói”, Bà Franklin thở hít vào “Lẽ ra tôi không được phép cho bà gặp bà Cooper. Nhưng thôi, hãy coi cuộc đi thăm này là không chính thức, tôi sẽ không ghi vào sổ”. “Xin cảm ơn bà?” “Tôi sẽ cho người dẫn bà ta đến”. Helen Cooper mảnh dẻ, hấp dẫn dù bà đã ở tuổi gần 70. Đôi mắt xanh của bà sinh động, thông minh, dáng điệu uyển chuyển như thể bà đang tiếp Jennifer tại nhà riêng. “Em đến thăm tôi thật là tốt quá!” Bà Cooper nói “Nhưng tôi chưa rõ lắm em đến để làm gì?” “Tôi là luật sư, bà Cooper ạ. Hai lần có người nào đó không xưng tên gọi điện cho tôi nói rằng bà ở đây nhưng bà không bị bệnh”. Bà Cooper mỉm cười dịu dàng. “Chắc đấy là Albert”. “Albert?” “Anh ấy là người giúp việc của tôi suốt 25 năm qua. Khi Dorothy con gái tôi lấy chồng, nó thải anh ta ra”. Bà thở dài. “Tội nghiệp Albert. Anh ấy thực là thuộc về một thế giới khác của những ngày xa xưa. Có lẽ ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng vậy. Em ạ, em còn trẻ quá có lẽ em không hiểu được mọi việc đã thay đổi đến thế nào. Em có biết bây giờ người ta thiếu gì không? Sự tử tế. Nó đã bị thay thế rồi, bằng lòng tham”. Jennifer hỏi khẽ: “Con gái bà ư?” Đôi mắt Cooper trở nên buồn bã. “Tôi không buộc tội Dorothy. Tại chồng nó đấy! Chồng nó không phải là một người hấp dẫn lắm, ít nhất là về mặt đạo đức. Còn con gái tôi thì lại không được hấp dẫn lắm về mặt hình thức. Thằng Hebert lấy Dorothy vì tiền và khi nó phát hiện ra toàn bộ điền trang thuộc quyền thừa kế của tôi, nó không hài lòng”. “Anh ta có nói điều đó với bà không?” “Ồ, có. Con rể tôi rất hay nói về vấn đề này. Nó bảo tôi hãy trao quyền thừa kế cho con gái tôi chứ không phải chờ đến lúc qua đời. Giá như tôi tin được nó thì tôi đã sẵn lòng. Nhưng tôi biết điều gì sẽ xẩy ra nếu tất cả số của cải này lọt vào tay nó”. “Có bao giờ bà có tiền sử bệnh thần kinh chưa, bà Cooper?” Helen Cooper nhìn Jennifer và uể oải nói: “Theo các bác sĩ, tôi đã bị mắc chứng hoang tưởng và tâm thần phân liệt”. Jennifer thì lại thấy cô chưa bao giờ tiếp xúc với mót người nào tỉnh táo hơn bà trong đời. “Bà có biết rằng đã có ba bác sĩ chứng nhận bà bị thần kinh không?” “Bất động sản của gia đình Cooper trị giá 4 triệu đô la, cô Parker ạ. Với khoản tiền ấy người ta có thể thao túng nhiều bác sĩ đấy cơ. Sợ cô đang phí thời gian. Con rể tôi hiện nay kiểm soát số bất động sản đó. Nó sẽ chẳng bao giờ để tôi rời khỏi đây đâu”. “Tôi sẽ gặp con rể bà”. * * * * * Khu tháp Plaza năm ở phố 72 Đông, một trong những khu nhà ở đẹp nhất New York. Helen Cooper đã sống ở đó. Bây giờ tấm biển trên cửa đã đổi thành: “Ông bà Hebert Hawthorne”. Jennifer đã gọi điện trước cho người con gái, Dorothy và khi cô đến nơi cả Dorohy với chồng cô ta đang chờ cô. Bà Helen Cooper đã nhận xét đúng về con gái, cô ta không có vẻ hấp dẫn. Trái lại với vóc người gày gò, vụng về trông cô ta thật tẻ ngắt. Chồng cô ta Hebert hơn Dorothy ít nhất 20 tuổi. “Mời cô vào”. Ông ta nói rít qua kẽ răng. Ông ta đi theo Jennifer từ ngoài đưa vào phòng khách rộng thênh thang, trên tường treo đầy tranh của các danh họa Pháp và Hà Lan. Hawthorne nói cụt lủn với Jennifer: “Nào, cô hãy cho biết cô muốn gì đi?” Jennifel quay sang cô gái: “Tôi muốn nói chuyện về mẹ cô”. “Chuyện gì cơ?” “Bà ấy bắt đầu có triệu chứng điên từ bao giờ?” “Bà ấy...” Herbert Hawthome ngắt lời: “Ngay sau khi tôi và Dorothy làm lễ cưới. Bà già không chịu nổi tôi”. “Đó chính là triệu chứng của sự tỉnh táo”. Jennifer nghĩ. “Tôi đã đọc các bản chuẩn đoán của các bác sĩ”. Jennifer nói “Có vẻ không khách quan lắm”. “Cô định ngụ ý gì thế”. Ông ta hỏi giọng gây gổ. “Tôi muốn nói các bản chuẩn đoán đó không đưa ra được những tiêu chuẩn mà theo đó xã hội có thể xác nhận là bệnh tâm thần. Quyết định của họ phần lớn được đưa ra, dựa trên những gì mà ông và vợ ông nói với họ. Về thái độ của bà Cooper”. “Thế là thế nào?” “Thế nghĩa là các chứng cứ chưa có gì rõ ràng cả. Ba bác sĩ khác có thể đưa ra những chuẩn đoán hoàn toàn trái ngược”. “Này, nghe đây”, Herbert Hawthome nói “Tôi không biết cô có ý đồ gì, nhưng bà già đó đúng là bị tâm thần. Các bác sĩ nói như vậy và tòa án cũng quyết định như vậy”. “Tôi đã đọc biên bản của phiên tòa”. Jennifer đáp. “Tòa gợi ý là vụ này cần được kiểm tra lại theo định kỳ”. Khuôn mặt Herbert Hawthome lộ vẻ căng thẳng. “Cô nói là có thể họ sẽ thả bà già ra hả?” “Họ sẽ để bà ấy ra”. Jennifer đáp. “Tôi sẽ lo liệu việc đó?” “Khoan đã! Thế này là cái quái quỷ gì vậy?” “Đó là điều mà tôi sẽ khám phá”. Jennifer quay sang cô con gái bà chủ. “Tôi đã kiểm tra hồ sơ bệnh lý của mẹ cô. Chả có tiền sử gì về bệnh tâm thần cả. Bà ấy....” Herbert Hawthome ngắt lời: “Điều đó chẳng có ý nghĩa mẹ gì cả. Những triệu chứng có thể xuất hiện rất nhanh. Bà ta...” “Hơn nữa”, Jennifer tiếp tục nói với Dorothy “Tôi đã kiểm tra về những hoạt động xã hội của mẹ cô trước khi vợ chồng cô đẩy bà ấy vào nhà thương điên. Bà có một cuộc sống hoàn toàn bình thường”. “Tôi cóc thèm biết cô hoặc bất cứ ai nói gì. Bà ta hoàn toàn điên”. Herbert Hawthome gào lên. Jennifer quay sang quan sát ông ta một lúc. “Có phải ông đã đòi bà Cooper phải trao cho mình bất động sản của bà ấy phải không?” “Thế thì có liên quan cóc gì đến cô nào?” “Đó chính là điều mà tôi quan tâm đấy. Tôi nghĩ buổi nói chuyện hôm nay chấm dứt được rồi đấy”. Jennifer bước ra cửa. Herbert Hawthome xông tới chắn đường cô. “Khoan hẵng, sao tự dưng cô lại chõ mũi vào chuyện của người khác? Cô định kiếm chác chút ít tiền chứ gì? Được thôi, tôi hiểu. Tôi sẽ đưa cô ngay lập tức vài nghìn đô la và cô hãy thôi không can thiệp nữa chứ?” “Xin lỗi” Jennifer đáp. “Không có chuyện mặc cả ở đây” “Cô nghĩ cô sẽ kiếm được nhiều hơn từ mụ già đó?” “Không”, Jennifer nói. Cô nhìn thẳng vào mắt ông ta. “Tôi làm vụ này không phải vì tiền!” Phải mất đến sáu tuần nghe điều trần và các kết luận của bác sĩ tâm thần, lại gặp bốn cơ quan khác nhau của bang, Jennifer đã thành công. Các bác sĩ tâm thần của phía cô đã xem xét lại cùng với những chứng cớ xác đáng. Chánh án đã đảo ngược kết luận trước đó của mình và Helen Cooper được ra khỏi nhà thương điên, và được khôi phục quyền kiếm soát bất động sản của mình. Ngay buổi sáng đầu tiên được tự do bà Cooper đã gọi điện cho Jennifer. “Tôi muốn mời em ăn trưa tại phố Hai Mốt”. Jennifer nhìn vào sổ ghi chương trình của mình. Cô bận cả ngày. Nhưng cô biết là mình cần gặp bà. “Em sẽ đến đó”. Cô nói. Giọng bà Helen Cooper lộ vẻ sung sướng. “Chúng ta sẽ uống mừng một chút!” Bữa ăn trên thật là tuyệt. Bà Cooper quả là một bà chủ rất mến khách và rõ ràng bà là người rất quen thuộc ở cửa hàng này. Sau khi họ uống cà phê tráng miệng, bà nói với Jennifer. “Tôi rất cảm ơn em, em gái yêu dấu ạ. Tôi không biết em sẽ đòi tôi trả tiền công bao nhiêu, nhưng ngoài tiền công tôi còn muốn tặng em thêm nữa”. “Tiền công của em đủ cao rồi ạ”. Bà Cooper lắc đầu: “Không hề gì”. Bà cúi xuống nói thầm vào tai Jennifer. “Tôi sẽ tặng em bang Wyoming”. Chú Thích [1] Tiểu thuyết của nhà văn nữ người Anh Daphne du Maurier. Chương 17 Trang đầu tờ Thời báo New York có hai bài báo đáng quan tâm, đăng cạnh nhau. Một bài thông báo về việc Jennifer Parker đã cãi cho một phụ nữ bị buộc tội giết chồng được tha bổng. Bài kia về việc Adam Warner đang tranh cử vào Thượng nghị viện Mỹ. Jennifer đọc đi đọc lại bài báo về Adam. Bài báo viết về tiểu sử của anh, kể về thời kỳ anh là phi công trong chiến tranh Việt Nam và thông báo việc anh đã nhận được Bội tinh bay giỏi vì sự dũng cảm. Bài báo là một sự tán dương cao độ, và đã trích lời nhiều người nổi tiếng nói rằng Adam Warner sẽ là niềm tin đối với Thượng nghị viện Mỹ và đối với đất nước. Cuối bài báo, đã có những lời nói bóng gió là nếu Adam thắng lợi trong cuộc vận động tranh cử Thượng nghị sĩ, đó sẽ là bậc thang để anh có thể tiếp tục tranh cử chức tổng thống Mỹ. * * * * * Tại trang trại của Antonio Granelli ở bang New Jersey. Michael Moretti và Antonio Granelli đang ăn sáng. Michael đang đọc bài báo viết về Jennifer Parker. Y ngước mắt lên nhìn bố vợ và nói: “Bố này, cô ta lại được rồi”. Antonio Granelli xúc một miếng trứng chần nước sôi và hỏi: “Ai lại được gì cơ?” “Cô luật sư Jennifer Parker ấy. Cô ta là một thiên tài”. Antonio Granelli càu nhàu. “Tao không thích việc có một mụ luật sư làm việc cho chúng ta. Đàn bà thường yếu đuối. Người ta không bao giờ biết họ sẽ làm điều quái quỷ gì?” Michael nói một cách thận trọng: “Bố nói đúng đấy, nhiều phụ nữ như vậy bố ạ. Phản đối bố vợ y chẳng được lợi lộc gì cho bản thân. Chừng nào Antonio Granelli còn sống, ông ta rất nguy hiểm, nhưng quan sát ông lúc này, Michael biết rằng y sẽ không phải đợi lâu nữa. Ông già đã bị một loạt cơn đột quỵ nhẹ và tay ông luôn run rẩy ông rất khó khăn khi nói chuyện và phải dùng gậy chống khi đi lại. Da dẻ ông tựa như miếng vẩy đồi mồi. Mọi thứ dịch trong người ông như đã bị hút cạn. Ông già này, người đứng đầu danh sách tội phạm của Cục điều tra liên bang, giờ đây là một con hổ không có răng. Tên tuổi ông đã mang đến nỗi khủng khiếp cho bao tên mafia, và nỗi căm ghét trong tâm can những người vợ góa của chúng. Nhưng giờ đây chỉ có một số rất ít người thấy được Antonio Granelli. Ông đã giấu mình sau Michael, Thomas Colfax và một số ít những kẻ khác mà ông tin cậy. Michael vẫn chưa được thăng chức trở thành người đứng đầu gia đình, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Lucchese “Da nâu 3 ngón” là thủ lĩnh mạnh nhất trong số 5 thủ lĩnh mafia ở miền đông, sau đó là Antomo Granelli, và chẳng bao lâu nữa là... Michael có thể kiên nhẫn chịu được. Y đã trải qua một chặng đường rất dài kể từ khi còn trông như đứa trẻ vênh váo có khuôn mặt thơ ngây. Y đã đứng trước mặt những “Don” chính tại New York, và cầm một mảnh giấy đang cháy trong tay và thề: “Tôi sẽ bị đốt cháy như thế này nếu như tôi phản bội lại những bí mật của Cosa Nostra”. [1] Lúc này, khi đang ngồi ăn sáng với ông già, Michael nói: “Có thể chúng ta sẽ dùng cô Parker này cho những công việc nhỏ. Hãy thử xem cô ta làm thế nào”. Granelli nhún vai: “Phải cẩn thận đấy, Mike ạ. Tao không muốn có người ngoài nhúng vào những bí mật của gia đình”. “Để mặc con giải quyết cô ta cho”. Michael đã gọi điện thoại vào chiều hôm đó. Khi Cynthia thông báo là Michael Moretti đang gọi điện tới, một loạt những ký ức toàn là khó chịu ngay lập tức tràn ngập trong Jennifer. Cô không thể hình dung ra vì sao mà Michael Moretti có thể gọi điện cho cô. Cô đã nhấc máy lên chỉ vì tò mò. “Ông muốn điều gì vậy?” Sự gay gắt trong giọng nói của cô đã khiến cho Michael Moretti sửng sốt. “Tôi muốn được gặp cô. Tôi nghĩ rằng cô và tôi cần gặp nói chuyện một chút”. “Về chuyện gì vậy, ông Moretti?” “Tôi không muốn thảo luận điều này qua điện thoại. Tôi có thể nói với cô điều này, cô Parker ạ, đó là điều mà có lẽ đáng được cô quan tâm”. Jennifer nói một cách điềm tĩnh: “Tôi có thể nói với ông điều này, ông Moretti ạ. Không điều gì mà ông làm hay nói có thể đáng làm tôi quan tâm dù chỉ là nhỏ nhất!” Và cô dập máy. Michael Moretti ngồi ở bàn nhìn chằm chằm vào máy điện thoại đang câm lặng trong tay. Y cảm thấy sự xáo trộn bên trong, nhưng không phải là cơn giận dữ. Y không biết chắc đó là gì và cũng không biết là y có thích điều đó không. Y đã dùng đàn bà trong cả cuộc đời và vẻ bề ngoài ngăm ngăm điển trai với sự nhẫn tâm bẩm sinh của y, đã mang đến cho y những kẻ chung chăn gối nhiều ham muốn hơn là y có thể nhớ được. Về cơ bản, Michael Moretti coi thường đàn bà. Họ quá mềm yếu. Họ không có tinh thần. Như Rosa chẳng hạn. Cô ta giống như một con chó nhỏ làm bất cứ việc gì người ta bảo, Michael thầm nghĩ. Cô ta giữ nhà cho mình, nấu ăn cho mình, ăn nằm với mình khi mình muốn, ngậm miệng lại khi mình quát cô ta. Michael chưa hề biết người đàn bà nào có tinh thần, một người có lòng dũng cảm phản kháng y. Jennifer Parker cả gan dập máy điện thoại đối với y. Cô ta đã nói gì vậy nhỉ? “Không điều gì mà ông làm hay nói có thể đáng làm tôi quan tâm dù chỉ là nho nhất”. Michael Moretti nghĩ về điều đó và tự mỉm cười. Cô ta đã nhầm. Y sẽ cho cô ta biết cô ta đã nhầm như thế nào. Y ngồi lại, nhớ xem trông cô ta như thế nào ở tòa án, nhớ lại khuôn mặt và cơ thể của cô ta. Bỗng nhiên y tự hỏi, liệu cô ta như thế nào trên gìường ngủ nhỉ. Có lẽ như một ả mèo hoang chăng? Y bắt đầu nghĩ về cơ thể trần truồng của cô ta nằm dưới y và chống chọi lại y. Y nhắc điện thoại và quay một số nào đó. Khi nghe giọng một cô gái trả lời, y nói “cởi quần áo sẵn đi. Tao đang trên đường đến đấy”. Trên đường trở về văn phòng sau bữa ăn trưa, khi Jennifer đang đi ngang qua Đại lộ số ba, cô suýt nữa bị một chiếc xe tải chẹt phải. Người lái xe đạp mạnh phanh và phần sau chiếc xe tải trượt sang bên, vừa kịp tránh cô. “Lạy chúa Giê su, thưa quý bà!” Người lái xe hét lên “Sao bà không nhìn xem bà đi quái quyû đâu vậy!” Jennifer không lắng nghe anh ta. Cô nhìn chằm chằm vào biển tên ở sau xe tải. Đó là Công ty ô tô quốc gia. Cô đứng đó nhìn rất lâu kể cả khi chiếc xe tải đã biến mất khỏi tầm mắt. Sau đó cô quay lại và nhanh chóng trở lại văn phòng. “Ken có ở đây không?”. Cô hỏi Cynthia. “Có. Anh ấy đang ở trong phòng riêng”. Cô đi vào tìm anh. “Ken này, anh có thể kiểm tra Công ty ôtô quốc gia không? Chúng ta cần có danh sách tất cả những trường hợp xảy ra tai nạn do xe tải của công ty gây ra trong 5 năm qua”. “Điều đó sẽ phải mất một thời gian đấy”. “Hãy sử dụng hệ thống Lexis”. Đó là máy vi tính về pháp lý quốc gia”. “Em có thể nói cho anh biết có chuyện gì vậy?” “Em vẫn chưa chắc lắm. Ken à. Đó chỉ là linh cảm thôi. Em sẽ cho anh biết nếu có kết quả gì đó”. Cô đã bỏ qua điều gì đó trong vụ án Connie Garrett, một cô gái đáng yêu cụt cả tứ chi mà vận mệnh buộc cô ta sống quãng đời còn lại một cách dị thường. Người lái xe có thể có lý lịch trong sạch, nhưng còn những chiếc xe tải thì sao? Có lẽ rốt cuộc thì ai đó cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý chứ? Sáng hôm sau Ken Bailey đặt bản báo cáo trước mặt Jennifer. “Không rõ em đang theo đuổi thứ quái quỷ gì, nhưng dường như em đã vớ bở đấy. Công ty ôtô quốc gia đã gây ra 15 tai nạn trong vòng 5 năm qua và một vài chiếc xe tải của họ đã bị thu hồi”. Jennifer cảm thấy bắt đầu phấn chấn trong người. “Vấn đề gì xảy ra vậy”. “Sự thiếu sót trong hệ thống phanh đã làm cho phần sau chiếc xe tải lắc ngang khi đạp mạnh phanh. Chính phần sau chiếc xe tải đã đâm phải Connie Garrett”. Jennifer triệu tập cuộc họp với Dan Martin, Ted Hams và Ken Bailey. “Chúng ta sẽ đưa ra tòa vụ án Connie Garrett”. Jennifer thông báo. Ted Harris nhìn cô chằm chằm qua cốc sữa anh đang uống. “Đợi một chút, Jennifer, tôi đã kiểm tra rồi. Cô ta đã bị thất bại trong việc kháng án. Chúng ta sẽ bị động chạm bởi nguyên tắc Res Judicata”. “Nguyên tắc Res Judicata là gì vậy?”. Ken Bailey hỏi. Jennifer giải thích: “Nó có nghĩa đối với các vụ án dân sự, cái điều tương tự như nguy hiểm gấp đôi đối với các vụ án hình sự. Các thủ tục kiện tụng dân sự cũng có giới hạn của nó”. Ted Harris nói thêm: “Một khi sự phán quyết cuối cùng được đưa ra dựa trên lẽ phải trái của vụ án, nó chỉ có thể được đặt ra lại trong những trường hợp đặc biệt. Chúng ta không có cơ sở để đặt lại vụ án”. “Có chứ. Chúng ta sẽ đặt lại theo nguyên tắc “phát hiện”.” Nguyên tắc “phát hiện” nói: Sự hiểu biết chung về tất cả những yếu tố liên quan do hai bên tập hợp lại là cơ bản cho việc đưa kiện chính đáng. “Bên bị cáo giầu có là công ty ôtô quốc gia. Họ đã che giấu thông tin đối với luật sư của Connie Garrett. Có một thiếu sót trong hệ thống phanh của xe vận tải do họ sản xuất và họ đã gì điều này ngoài hồ sơ vụ án”. Cô nhìn vào hai luật sư và nói: “Đây là điều mà tôi nghĩ chúng ta nên làm...” * * * * * Hai giờ sau, Jennifer ngồi trong phòng khách của Connie Garrett. “Tôi muốn yêu cầu xử án lại. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ được trong vụ án”. “Không. Tôi không thể chịu được một vụ xét xử khác nữa đâu”. “Cô Connie này....” “Hãy nhìn tôi đây, Jennifer. Tôi là một kẻ dị dạng. Lần nào nhìn vào gương tôi cũng muốn tự tử. Cô biết vì sao tôi không làm không?” Giọng nói của cô ta lắng xuống. “Bởi vì tôi không thể làm được. Tôi không thể?” Jennifer ngồi đó, rung động. Sao mà cô đã quá vô tình như vậy nhỉ? “Giả sử là tôi sẽ cố đạt cho được giải pháp không cần ra tòa thì sao? Tôi nghĩ rằng khi cho họ nghe về chứng cớ, họ sẽ sẵn sàng giải quyết mà không phải ra tòa”. Văn phòng của Maguire và Guthrie, những luật sư đại diện cho công ty ô tô quốc gia ở đầu Đại lộ số 5, trong một tòa nhà hiện đại xây bằng kính và crôm có vòi phun nước trước mặt. Jennifer tự giới thiệu ở bàn đón tiếp. Cô tiếp tân mời cô ngồi và 15 phút sau Jennifer được dẫn vào văn phòng của Patrick Maguire. Ông ta là một thành viên lâu năm trong công ty, một người Irland cứng rắn và ngoan cường có đôi mắt sắc sảo không bỏ qua bất cứ điều gì. Ông ta mời Jennifer ngồi xuống ghế. “Rất vui mừng được gặp thưa cô Parker. Cô đã trở nên có tiếng tăm trong thành phố rồi đấy”. “Tôi hy vọng không phải toàn tiếng xấu cả”. “Họ nói rằng cô rất cứng rắn. Trông cô không phải như vậy nhỉ”. “Tôi hy vọng là không thế”. “Cô dùng cà phê không? Hay một chút Wishky Irland hảo hạng vậy nhé?” “Cho tôi cà phê, thưa ông”. Patrick Maguire bấm chuông và một cô thư ký mang vào hai cốc cà phê đặt trên khay bằng bạc ròng. Maguire nói: “Tôi có thể làm điều gì cho cô đấy?” “Tôi muốn nói về vụ án Connie Garrett”. “À ra vậy. Theo tôi biết thì cô ấy đã thua kiện và thua cả kháng cáo nữa”. “Theo tôi biết là... Jennifer có thể đánh cuộc một mất một còn là Patrick Maguire thuộc lòng mọi chi tiết của vụ án ấy chứ”. “Tôi sẽ đưa ra hồ sơ để xét lại vụ án”. “Thật thế à? Trên cơ sở nào vậy?” Maguire hỏi một cách lịch sự. Jennifer mở chiếc cặp da của cô và lấy ra bản tóm tắt mà cô đã chuẩn bị. Cô đưa nó cho ông ta. “Tôi yêu cầu xét lại vụ án dựa trên việc không cho biết đầy đủ thông tin”. Maguire giở qua tài liệu, giữ vẻ điềm nhiên. “Ồ thế đấy”, Ông ta nói “chuyện về hệ thống phanh à”. “Ông biết việc đó chứ”. “Tất nhiên”. Ông ta gõ nhẹ ngón tay mập mạp lên tập hồ sơ. “Cô Parker ạ, vấn đề này chẳng đưa cô đến đâu cả. Cô sẽ phải chứng minh rằng cũng chiếc xe tải liên quan đến tai nạn có hệ thống phanh khiếm khuyết. Có lẽ nó đã bị đại tu hàng chục lần rồi kể từ khi xảy ra tai nạn, bởi vậy không có cách nào chứng minh được tình trạng của xe lúc đó”. Ông ta đẩy tập hồ sơ lại cho cô “Cô chẳng kiện được rồi”. Jennifer nhấm nháp một chút cà phê. “Những điều mà tôi sẽ làm là chứng tỏ rằng những chiếc xe tải đó có độ an toàn khá kém. Những cố gắng bình thường thôi lẽ ra cũng đủ làm cho khách hàng của ông biết rằng, những chiếc xe đó có khuyết tật”. Maguite nói thản nhiên: “Cô định đề nghị điều gì vậy?” “Tôi có một khách hàng khoảng hơn 20 tuổi phải luôn ngồi trong phòng, nơi mà cô ta sẽ không bao giờ rời khỏi được trong quãng đời còn lại, bởi vì cô ta không còn chân tay nữa. Tôi muốn có một giải pháp có thể đền bù được chút ít cho nỗi thống khổ mà cô ta đang phải trải qua”. Patrick Maguire nhấm nháp chút cà phê của ông ta. “Vậy cô muốn giải pháp như thế nào?” “Hai triệu đôla”. Ông ta cười mỉm: “Đó là số tiền quá nhiều cho một người thua kiện”. “Nếu tôi đưa ra tòa, thưa ông Magune, tôi hứa với ông rằng tôi sẽ được kiện. Và tôi được nhiều hơn thế nhiều Nếu ông buộc chúng tôi phải kiện, chúng tôi sẽ đòi 5 triệu đôla”. Ông ta lại cười mỉm. “Cô làm tôi hết cả hồn đấy. Cô uống thêm chút cà phê nhé?” “Không, cám ơn”. - Jennifer đứng dậy. “Chờ một phút đã! Cô hãy ngồi xuống nào. Tôi đã nói không được đâu”. “Nhưng ông cũng không nói là được mà”. “Cô uống thêm chút cà phê đã. Chúng ta sẽ cùng bàn bạc”. Jennifer chợt nghĩ về Adam và cà phê Kenia. “Hai triệu đôla quá nhiều đấy, cô Parker ạ”. Jennifer không nói gì cả. “Bây giờ, nếu như chúng ta bàn về một con số nào đó ít hơn, tôi có thể....” Ông ta phẩy tay ra hiệu. Jennifer vẫn giữ yên lặng. Cuối cùng Patrick Maguire nói: “Cô thực sự muốn hai triệu đôla phải không?” “Tôi thực sự muốn 5 triệu cơ, thưa ông Maguire”. “Thôi được. Tôi cho rằng chúng ta có thể thu xếp được một việc gì đó chứ”. Thật là quá dễ dàng? “Tôi phải đi London vào sáng mai, nhưng tôi sẽ quay lại vào tuần sau”. “Tôi muốn kết thúc vấn đề này. Tôi rất hoan nghênh nếu như ông có thể nói chuyện với khách hàng của ông càng sớm càng tốt. Tôi muốn gửi ngân phiếu cho khách hàng của tôi vào tuần sau”. Patrick Maguire gật đầu: “Điều đó có thể được”. Trên suốt dọc đường về văn phòng, Jennifer tràn ngập cảm giác băn khoăn. Sao điều đó lại quá đơn giản vậy. Đêm trên đường về nhà, Jennifer dừng lại ở một cửa hiệu thuốc. Khi bước ra và bắt đầu đi ngang qua phố, cô trông thấy Ken Bailey đi dạo cùng với một gã thanh niên đẹp trai tóc vàng. Jennifer ngập ngừng, sau đó quay vào bên phố tránh khỏi bị nhìn thấy. Đời sống riêng tư của Ken là việc riêng của anh ta. * * * * * Vào hôm Jennifer dự định gặp Patrick Maguire, cô đã nhận được điện thoại của cô thư ký của ông ta. “Ông Maguire yêu cầu tôi chuyển cho cô lời xin lỗi của ông, thưa cô Parker. Ông ấy sẽ bận họp suốt ngày hôm nay. Ông ấy sẽ vui lòng gặp cô vào thời gian nào thuận tiện cho cô trong ngày mai” “Tốt thôi”, Jennifer nói “Cám ơn cô”. Cú điện thoại đã mang đến sự cảnh giác trong suy nghĩ của Jennifer. Bản năng của cô đã đúng. Patrick Maguire đang che giấu điều gì đó. “Hãy gác lại mọi cuộc điện thoại cho tôi”. - Cô bảo Cynthia. Cô nhốt mình trong phòng, đi đi lại lại, cố gắng nghĩ về mọi khía cạnh có thể có. Patrick Maguire đầu tiên đã nói với Jennifer là cô sẽ thua kiện. Sau đó không cần phải thuyết phục, ông ta đã đồng ý trả cho Connie Garrett hai triệu đô la. Jennifer nhớ lại cô đã lo lắng biết bao lúc đó. Kể từ khi đó, không thể tiếp xúc được với Patrick Maguire. Đầu tiên là đi London - nếu như ông ta thực sự đã đi London - và sau đó là các cuộc hội nghị, đã làm cho ông ta không đáp lại điện thoại, Jennifer gọi tới trong suốt tuần. Và bây giờ lại trì hoãn nữa. Nhưng vì sao vậy? Lý do duy nhất có lẽ là nếu như... Jennifer chợt dừng bước và nhấc điện thoại nội bộ gọi cho Dan Martin. “Hãy kiểm tra ngày Connie Gariett bị tai nạn, được không Dan? Tôi muốn biết khi nào quy định về giới hạn thời gian hết”. Hai mươi phút sau, Dan Martin bước vào phòng Jennifer, mặt trắng bệch. “Chúng ta đã để bay mất rồi. Cảm giác của cô thật là đúng. Quy chế về giới hạn thời gian hết hạn ngày hôm nay”. Bỗng nhiên cô cảm thấy như xỉu đi. “Không có nhầm lẫn gì đấy chứ?” “Không hề. Tôi xin lỗi, Jennifer ạ. Một trong chúng ta lẽ ra cần phải kiểm tra điều này trước. Điều... Điều này chưa hề xảy ra đối với tôi”. “Cả với tôi nữa”. Jennifer nhấc máy điện thoại và quay số. “Tôi xin gặp ông Patrick Maguire. Tôi là Jennifer Parker đây”. Cô đợi tưởng chừng như bất tận và sau đó cô nói vui vẻ trong máy: “Xin chào ông Maguire. London ra sao?” Cô lắng nghe. “Không, tôi chưa từng đến đó mà... À, quên khuấy đi có đến một trong những ngày vừa qua...” “Lý do tôi gọi điện cho ông” Cô nói một cách thản nhiên “là tôi chỉ muốn nói về Connie Ganett. Như tôi đã nói chuyện với ông trước dây, cô ta thực sự không muốn ra tòa trừ phi cô buộc phải làm. Bởi thế nếu như chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó hôm nay thì...” Patrick Maguire cười phá lên trong ống nghe. “Cố gắng tuyệt vời đấy, thưa cô Parker. Quy định về giới hạn thời gian hôm nay hết rồi, không ai sẽ kiện được ai cả. Nếu cô muốn hẹn ăn trưa lúc nào đó, thì chúng ta có thể nói chuyện về việc ngón tay định mệnh sẽ chỉ về ai vậy”. Jennifer cố gắng giữ cho nỗi bực tức khỏi thoát ra giọng nói. “Đó là một mánh khóe khá thối tha đấy, ông bạn ạ!” “Đây là một thế giới khá thối tha mà, cô bạn ạ”. Patrick Maguire cười khùng khục. “Không phải là cách ông chơi như thế nào mà là liệu ông có được hay không đấy, hiểu chưa?” “Cô cũng khá giỏi đấy, cô em ạ, nhưng tôi làm nghề này lâu hơn cô nhiều. Hãy nói với khách hàng của cô là tôi chúc lần sau may mắn hơn nhé”. Và ông ta bỏ máy. Jennifer ngồi đó cầm điện thoại trong tay. Cô nghĩ về Connie Garrett đang ngồi ở nhà chờ đợi tin tức. Đầu Jennifer bắt đầu căng ra và mồ hôi rỉ ra trên trán. Cô với tay vào ngăn bàn lấy viên aspirin và nhìn đồng hồ treo tường. Đã 4 giờ rồi. Họ chỉ còn một giờ để nộp hồ sơ cho nhân viên tòa án tối cao. “Anh phải chuẩn bị hồ sơ mất ba lâu?” Jennifer hỏi Dan Martin, người đang đứng chịu trận cùng cô. Anh ta nhìn theo mắt cô. “Ít nhất là 3 giờ. Có thể là 4 giờ. Không còn cách nào khác”. Phải có cách nào chứ, Jennifer thầm nghĩ. Jennifer nói: “Công ty ôtô quốc gia có các chi nhánh ở khắp nước Mỹ chứ?” “Có đấy”. “Giờ mới chỉ là 1 giờ ở San Francisco. Chúng ta sẽ nộp hồ sơ kiện họ ở đó và sau đó đề nghị thay đổi địa điểm”. Dan Martin lắc đầu. “Jennifer ạ, tất cả giấy tờ ở đây. Nếu như chúng ta có một công ty ở San Francisco và tóm tắt cho họ biết những điều ta cần, rồi họ viết lại giấy tờ mới thì không có cách nào mà họ có thể kịp thời hạn lúc 5 giờ”. Điều gì đó trong thâm tâm đã khiến cô không chịu từ bỏ. “Thế ở Hawai là mấy giờ rồi?” “Mười một giờ sáng”. Cơn đau đầu của Jennifer biến mất như thể có phép màu nhiệm, cô nhảy lên khỏi ghế trong cơn phấn chấn. “Rốt cuộc là chính thế đó? Hãy tìm xem liệu công ty đó có kinh doanh ở đấy không. Phải có nhà máy, văn phòng buôn bán, ga ra ôtô... hay gì chứ. Nếu có, chúng ta sẽ nộp hồ sơ kiện ở đấy”. Dan Martin nhìn cô chằm chằm giây lát và sau đó mắt sáng lên. “Được rồi”. Anh ta đã vụt ra khỏi cửa. Jennifer như thể vẫn còn nghe giọng nói tự mãn của Patrick Maguire trong điện thoại. Hãy nói với khách hàng của cô, chúc may mắn hơn lần sau. Sẽ không bao giờ có lần sau đối với Connie Garrett. Phải là ngay bây giờ. Ba mươi phút sau máy đàm thoại của Jennifer kêu và Dan Martin nói rất phấn khởi. “Công ty ôtô quốc gia sản xuất trục lái xe ở trên đảo Oahu”. “Chứng ta bắt được họ rồi! Hãy liên hệ với công ty luật gia ở đó và yêu cầu họ nộp hồ sơ kiện ngay”. “Cô đã nghĩ tới công ty đặc biệt nào chưa?” “Chưa. Hãy chọn công ty nào đó trong danh sách của Martindale-Hubbell. Chỉ cần chắc chắn rằng họ sẽ đưa hồ sơ tại luật sư địa phương làm cho Công ty ôtô đó. Yêu cầu họ gọi điện lại cho chúng ta vào lúc giấy tờ được nộp. Tôi sẽ đợi tại đây trong văn phòng này”. “Tôi có thể làm gì nữa không?” “Cầu chúa đi”. * * * * * Điện thoại từ Hawai gọi tới vào lúc 10 giờ tối hôm đó Jennifer chộp lấy máy và nghe thấy một giọng nhỏ nhẹ nói. “Tôi xin gặp cô Jennifer Parker”. “Tôi đang nói đây”. “Tôi là cô Sung thuộc công ty luật gia Gregg và Hoy ở Oahu. Chúng tôi muốn báo cho cô biết là, cách đây 15 phút chúng tôi đã nộp giấy tờ cô yêu cầu cho viên luật sư cho công ty ôtô quốc gia”. Jennifer thở dài nhẹ nhõm, “Cám ơn cô. Cám ơn cô nhiều lắm”. Cynthia đưa một người tên là Joey la Guardia vào. Jennifer chưa hề thấy người này từ trước đấy. Anh ta đã gọi điện đến yêu cầu cô bào chữa cho anh ta trong một vụ kiện vì tội hành hung. Anh ta thấp bé, trông lực lưỡng và mặc bộ com-lê đắt tiền nhưng trông như thể được may đo cẩn thận cho một người khác vậy. Anh ta đeo một chiếc nhẫn kim cương to lớn trên ngón tay nhỏ bé. La Guardia cười để lộ bộ rằng vàng và nói: “Tôi đến gặp cô vì tôi cần được giúp đỡ. Mọi người đều có thể phạm lỗi, phải không, thưa cô Parker. Bọn cớm đã chộp tôi bởi vì tôi đã đánh một vài người, nhưng tôi nghĩ là chúng được cử đi để săn bắt tôi, cô có biết không? Lối đi rất tối và khi tôi thấy chúng đang đi về phía mình - Ồ, chỗ đó là khu vục ngoại ô nguy hiểm cuối đằng kia. Tôi đã tấn công chúng trước khi chúng có thể tấn công tôi”. Có điều gì đó trong phong cách của y làm Jennifer cảm thấy ghê gớm và giả dối. Y đang cố gắng hết sức để tranh thủ cảm tình. Y lôi ra một cuộn tiền lớn. “Đây thưa cô. Một nghìn trước và thêm một nghìn nữa khi chúng ta ra tòa. Được chứ?” “Lịch làm việc của tôi kín cả trong vài tháng tới rồi. Tôi rất hân hạnh được tiến cử một vài luật sư khác cho ông vậy”. Y cố nài nỉ: “Không. Tôi không muốn người nào khác. Cô là luật sư giỏi nhất mà”. “Đối với việc bị buộc tội hành hung thôi thì anh không cần luật sư giỏi nhất”. “Này, cô hãy nghe đây!” Y nói “Tôi sẽ trả cô nhiều tiền hơn. - Giọng y pha chút tuyệt vọng. Hai ngàn trước và...” Jennifer ấn nút chuông dưới bàn và Cynthia bước vào. “Dẫn ông La Guardia rời khỏi đây, Cynthia”. Joey la Guardia giận dữ nhìn Jennifer trong giây lát, nhặt nắm tiền lên và đút nhanh vào túi. Y bước ra khỏi văn phòng không nói lời nào. Jennifer ấn nút đàm thoại. “Ken này, anh có thể đến đây một phút được không?” Ken Bailey mất chưa đến 30 phút để có được bản báo cáo đầy đủ về Joey La Guardia. “Y có hồ sơ dài đến 1 dặm”. Anh nói với Jennifer. “Y vào tù ra tội từ thủa 16 tuổi”. Anh nhìn qua mẩu giấy trong tay. “Y tạm được thả sau khi đã nộp tiền bảo lãnh. Y lại bị tóm cổ tuần trước về tội hành hung và bạo ngược. Y đã đánh hai ông già nợ tiền của tổ chức mafia”. Mọi việc bỗng nhiên ăn khớp với nhau: “Joey La Guardia làm việc cho tổ chức mafia à?” “Y là một trong những kẻ thi hành lệnh cưỡng chế của Michael Moretti”. Jennifer tức ứ cổ. “Anh kiếm số điện thoại của Michael Moretti cho em được không?” Năm phút sau, Jennifer nói chuyện với Moretti. “Ồ đây là một niềm vui không mong đợi, thưa cô Parker. Tôi....” “Ông Moretti này, tôi không thích bị hối lộ đâu”. “Cô đang nói gì vậy?” “Hãy nghe tôi đây. Và nghe cho kỹ. Tôi không phải bị đưa ra bán đâu nhé. Không phải lúc này, không phải bất cứ lúc nào. Tôi sẽ không bào chữa cho ông hoặc bất kỳ ai làm việc cho ông. Tôi muốn ông hãy để tôi yên. Rõ chưa ông?” “Tôi có thể hỏi cô một câu được chứ?” “Hỏi đi”. “Cô sẽ đi ăn trưa với tôi chứ?” Jennifer dập ngay máy. * * * * * Giọng Cynthia vang lên trong máy đàm thoại. “Một ông Patrick Maguire nào đó đến đây xin gặp chị, thưa chị Parker. Ông ta không hẹn trước nhưng ông ấy nói...” Jennifer mỉm cười một mình: “Bảo ông ta đợi nhé”. Cô nhớ lại cuộc nói chuyện của họ trên máy điện thoại. Không phải là cách ông chơi như thế nào mà là liệu ông có được hay không đấy, hiểu chưa? Cô cũng khá giỏi đấy, cô em ạ, nhưng tôi làm nghề này lâu hơn cô nhiều. Hãy nói với khách hàng của cô là tôi chúc lần sau may mắn hơn nhé! Jennifer để Patrick Maguire đợi 5 phút và sau đó bấm máy gọi Cynthia. “Cho ông Maguire vào nhé”. Phong thái vui vẻ của Patrick Maguire đã biến mất. Ông ta đã bị lừa và ông rất giận dữ nhưng không hề muốn che giấu điều đó. Ông đi về phía bàn của Jennifer và cáu kỉnh: “Cô làm phiền nhiễu cho tôi nhiều quá đấy, cô bạn ạ!” “Thật vậy à, ông bạn?” Ông ta ngồi xuống không đợi được mời. “Chúng ta hãy chấm dứt trò chơi đi. Tôi nhận được điện thoại của Tổng cố vấn pháp lý của Công ty ôtô quốc gia. Tôi đã đánh giá cô thấp. Khách hàng của tôi sẵn sàng đưa ra một giải pháp”. Ông ta cho tay vào túi lấy ra mộ phong bì và đưa cho Jennifer. Cô mở phong bì ra. Trong phong bì có tấm ngân đã chứng nhận đề tên Connie Garrett. Tấm ngân phiếu giá trị 1 trăm nghìn đôla. Jennifer đút tấm ngân lại phong bì và gửi trả Patrick Maguire. “Thế này không đủ. Chúng tôi đang kiện đòi 5 triệu đôla cơ mà”. Maguire cười nhạo. “Không, cô không làm được đâu. Bởi vì khách hàng của cô sẽ không ra hầu tòa. Tôi vừa mới đến thăm cô ấy. Không có cách nào cô lại có thể đưa cô ta ra phòng xử án được đâu. Cô ta khiếp sợ rồi và không có cô ta thì cô chẳng có cơ hội nào thắng cuộc hết”. Jennifer nói giận dữ: “Ông không có quyền nói chuyện với Connie Garrett mà không có mặt của tôi”. “Tôi chỉ cố giúp mọi người thôi. Hãy cầm lấy tiền và biến đi cô bạn ạ”. Jennifer đứng bật dậy: “Mời ông ra khỏi đây. Ông làm tôi muốn lộn mửa”. Patrick Maguire nhỏm dậy. “Tôi lại không biết là bụng cô có thể bị lộn mửa đấy”. Và ông ta bước ra cầm theo cái ngân phiếu. Nhìn ông ta đi, Jennifer tự hỏi liệu cô có phạm sai lầm ghê gớm không. Cô nghĩ xem một trăm nghìn đôla có thể làm gì cho Connie Garrett. Nhưng thế chưa đủ. Không đủ cho những gì mà cô gái đó phải chịu đựng hàng ngày, trong suốt quãng đời còn lại của cô. Jennifer biết rằng Patrick Maguire đã đúng về một điều. Không có mặt Connie Garrett trong phòng xử án thì không hy vọng gì là quan tòa sẽ phán quyết trả 5 triệu đôla. Lời nói không thể bao giờ thuyết phục được họ hiểu về sự khủng khiếp trong cuộc đời cô ấy. Jennifer cần có tác động của sự có mặt của Connie Garrett trong phòng xử án, để ban hội thẩm phải ngày ngày nhìn cô ta; nhưng không có cách nào Jennifer có thể thuyết phục được cô gái trẻ đó ra hầu tòa. Cô phải tìm một giải pháp khác vậy. Adam gọi điện tới. “Anh xin lỗi không thể gọi em trước đây được”. Anh nói giọng xin lỗi. “Anh phải hội họp triền miên để tranh cử vào Thượng nghị viện và...” “Không sao cả, anh yêu ạ. Em hiểu”. - Mình buộc phải hiểu, cô thầm nghĩ. “Anh nhớ em nhiều lắm”. “Em cũng nhớ anh Adam ạ”. Anh sẽ không bao giờ biết em nhớ nhiều như thế nào đâu. “Anh muốn gặp em”. Jennifer muốn hỏi ngay: “Khi nào?” Nhưng cô lại cố đợi Adam nói tiếp. “Anh phải đi thành phố Albany chiều nay. Anh sẽ gọi cho em khi trở lại”. “Được thôi”. Cô còn có thể nói gì nữa chứ. Cô cũng chẳng thể làm được gì cả. Vào lúc 4 giờ sáng, Jennifer thức giấc bởi một giấc mơ khủng khiếp và cô biết rằng mình sẽ giành được 5 triệu đôla cho Connie Garrett Chú Thích [1] Tên gọi một tổ chức mafia, tiếng Ý có nghĩa là “Sự nghiệp chúng ta”. Chương 18 “Chúng ta đã tổ chức hàng loạt bữa tiệc để gây quỹ trên khắp bang. Chúng ta sẽ chỉ tập trung vận động ở các thành phố lớn. Chúng ta sẽ cố vận động tranh cử thông qua một vài chương trình vô tuyến quốc gia như “Đối diện với quốc gia”, “Hôm nay” và “Gặp gỡ báo chí”. Chúng ta tính là có thể được... Adam này, anh đang lắng nghe đấy chứ?” Adam quay sang Steward Needham và ba người đàn ông khác trong phòng họp, đó là các chuyên gia hàng đầu của thông tin đại chúng. Needham đã bảo đã như vậy đối với anh và nói: “Vâng, tất nhiên, Steward”. Anh đang nghĩ về một điều khoản hoàn toàn khác. Về Jennifer. Anh muốn cô ở đây bên anh, chia sẻ sự nhộn nhịp của cuộc tranh cử, chia sẻ giây phút này, chia sẻ cuộc sống với anh. Adam đã cố gắng vài lần thảo luận tình trạng của anh với Steward Needham, nhưng mỗi dịp đó ông ta đều chuyển sang chủ đề khác. Adam ngồi đó nghĩ về Jennifer và Mary Beth. Anh biết rằng thật không công bằng khi so sánh họ với nhau, nhưng thật khó có thể không làm như vậy được. Jennifer rất dễ gần. Cô quan tâm đến mọi thứ... Và làm cho mình thấy sống động. Mary Beth chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của riêng cô ta. Jennifer và mình có hàng nghìn điều chung. Mary Beth và mình chẳng có gì chung ngoài hôn nhân. Mình yêu vẻ hóm hỉnh của Jennifer. Cô ấy biết cách tự cười mình. Mary Beth lúc nào cũng tỏ ra nghiêm trang. Jennifer làm mình thấy trẻ lại. Mary Beth dường như già trước tuổi. Jennifer luôn tự lập. Mary Beth chỉ dựa vào mình, bảo sao nghe vậy. Đó là năm điểm khác nhau quan trọng giữa người đàn bà mình yêu và vợ mình. Năm lý do vì sao mình không thể bỏ Mary Beth. Chương 19 Vào một buổi sáng thứ tư đầu tháng tám, vụ xử Connie Garrett kiện công ty ô tô quốc gia bắt đầu. Bình thường, một vụ như vậy chỉ chiếm một hai dòng trên báo chí, nhưng vì Jennifer Parker đại diện cho bên nguyên đơn, nó được giới báo chí chú ý đặc biệt Patrick Maguire ngồi ở bàn bị đơn, xung quanh là một đội trợ lý trong những bộ com-lê màu xám bảo thủ. Công việc lựa chọn đoàn hội thẩm bắt đầu. Maguire tỏ vẻ thản nhiên, thậm chí còn như thờ ơ nữa vì ông ta biết rằng Connie Garrett sẽ không xuất hiện ở tòa. Cảnh một cô gái xinh đẹp bị cụt hết chân tay sẽ là một sức ép tình cảm rất mạnh đôi với đoàn hội thẩm - nhưng cô ta sẽ không đến và do vậy không có sức ép nào hết. Lần này, Maguire nghĩ, Jennifer Parker đã tự chuốc lấy thất bại. Đoàn hội thẩm đã được lựa chọn xong và vụ án bắt đầu. Patrick Maguire đọc bài diễn văn mở đầu và Jennifer phải thừa nhận ông ta rất khôn ngoan. Ông ta nói rất dài về số phận bi thảm của cô gái trẻ đáng thương Connie Garrett, về những điều mà chính Jennifer định nói và bằng cách ấy dập tắt cơn lốc tình cảm mà cô định sử dụng để tấn công bên bị. Ông ta nói sang vụ tai nạn, nhấn mạnh đến việc Connie Garrett bị trượt chân trên băng, và người lái xe vận tải không có lỗi gì hết. “Bên nguyên yêu cầu các vị, thưa quý ông quý bà; cho cô ta được hưởng một khoản tiền bồi thường là năm triệu đô la?” Maguire lắc đầu hoài nghi “Năm triệu đô la? Các vị đã bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như vậy chưa. Tôi thì chưa bao giờ. Hãng của chúng tôi có những khách hàng giàu có, nhưng tôi muốn nói để các vị biết trong suốt những năm tháng hành nghề luật của tôi, tôi chưa từng thấy một triệu đô la - thậm chí nửa triệu cũng chưa”. Ông ta có thể thấy qua khuôn mặt của các hội thẩm viên rằng họ cũng chưa từng thấy số tiền như vậy. “Bên bị sẽ đưa tới đây các nhân chứng và họ sẽ nói cho các vị rõ tai nạn đó xảy ra như thế nào. Và đó đúng là một vụ tai nạn. Trước khi chúng ta kết thúc, chúng tôi cho các vị thấy Công ty ô tô quốc gia không có lỗi gì trong chuyện này. Các vị sẽ để ý thấy rằng người kiện, cô Connie Garrett không có mặt ở tòa hôm nay. Luật sư của cô ta đã báo cho chánh án Silverman rằng cô ta không đến được. Connie Garrett không có mặt trong phòng xử án này như cô ta đáng lẽ phải có mặt, nhưng tôi có thể nói cho các vị biết cô ta ở đâu. Ngay bây giờ khi tôi đang đứng đây nói chuyện với các vị, Connie Garrett đang ngồi nhà nhẩm tính số tiền mà cô ta nghĩ các vị sẽ dành cho cô ta. Cô ta đang chờ điện thoại réo, và luật sư của cô ta báo rằng cô ta sẽ được bao nhiêu triệu đô la. Các vị và tôi đều biết rằng khi có một vụ kiện tai nạn liên quan tới một công ty lớn - dù gián tiếp đến đâu nữa - lập tức sẽ có những người nói: công ty đó giàu có thế cơ mà. Họ có thể trả được. Hãy đòi một khoản tiền bồi thường thật lớn. Patrick Maguire dừng lại”. “Connie Ganett không có mặt trong phòng xử án hôm nay vì cô ta không dám dàn mặt với các vị. Cô ta biết việc mình đang đòi hỏi là vô đạo lý. Được rồi, chúng ta sẽ không dành cho cô ta một xu nào để làm bài học cho những kẻ định làm như vậy trong tương lai. Một người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu các vị trượt chân trên một tảng băng ngoài phố, các vị không thể đổ lỗi cho ông anh lớn về điều đó. Và các vị cũng không nên cố đòi năm triệu đô la từ ông anh đó. Xin cám ơn”. Ông ta quay lại để cúi chào Jennifer và bước về bàn bị đơn, ngồi xuống đó. Jennifer đứng lên và tiến đến gần đoàn hội thẩm. Cô ngắm nhìn khuôn mặt họ, cố đánh giá ấn tượng mà Patrick Maguire gây ra cho họ. “Đồng nghiệp đáng kính của tôi đã nói với các vị rằng Connie Garrett sẽ không có mặt tại phòng xử án trong thời gian xét xử. Điều đó đúng”. Jennifer chỉ tay về phía khoảng trống ở bàn nguyên đơn. “Đó là chỗ đáng lẽ Connie Garrett đang ngồi nếu cô ấy ở đây. Không phải trên chiếc ghế đó đâu. Cô sẽ ngồi trên một chiếc xe đẩy đặc biệt. Chiếc xe mà cô ta sống trên đó. Connie Garrett sẽ không có mặt trong phòng xử án này, nhưng trước khi phiên tòa kết thúc, các vị sẽ có cơ hội gặp gỡ và làm quen với cô ta như tôi đã từng làm”. Khuôn mặt Patrick Maguire chợt lộ vẻ lo lắng. Ông ta vươn sang nói thầm với một trợ lý của mình. Jennifer vẫn tiếp tục: “Tôi đã lắng nghe ngài Maguire hùng biện và tôi muốn nói là tôi thật sự xúc động. Tôi thấy tim mình ứa máu vì thương xót cái công ty có số vốn hàng tỷ đô la đó bị tấn công một cách ác độc bởi người phụ nữ hai mươi tư tuổi không chân tay này. Người phụ nữ đó hiện đang ngồi ở nhà nóng lòng chờ đợi cú điện thoại báo cho cô biết, cô ta sẽ trở nên giàu có”. Giọng Jennifer chợt hạ hắn xuống. “Giàu có để làm gì? Để đi cửa hàng mua nhẫn kim cương cho bàn tay mà cô không có ư? Để mua giày nhảy cho cặp chân mà cô ta không có nốt ư? Để mua những bộ quần áo đẹp mà cô ta chẳng bao giờ mặc được ư? Hay mua một chiếc ô tô Rolls Royce để đến những bữa tiệc mà cô ấy không được mời? Hãy thử nghĩ xem cô ta sẽ được hưởng lạc thú gì với khoản tiền đó”. Jennifer nói rất nhỏ nhẹ và chân thành trong khi cặp mắt cô chậm rãi đảo qua các khuôn mặt của đoàn hội thẩm. “Ngài Maguire chưa bao giờ thấy năm triệu đô la trong đời. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi có thể nói với các vị điều này. Nếu tôi đưa cho bất kỳ ai trong số các vị năm triệu đô la tiền mặt ngay bây giờ, và để đổi lại tôi yêu cầu cắt cụt cả chân tay vị đó, tôi không nghĩ lúc đó năm triệu đô la đã là nhiều...” “Luật pháp trong trường hợp này là rất rõ ràng”, Jennifer giải thích. “Trong vụ xử trước đây mà bên nguyên bị thua kiện, bên bị đã biết có khuyết tật trong hệ thống phanh của ô tô của họ nhưng đã giấu điều đó. Làm như vậy là trái với pháp luật. Đó là cơ sở của vụ án này. Theo một bản nghiên cứu gần đây của chính phủ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn xe cộ liên quan tới bánh xe, hệ thống phanh và điều khiển. Nếu các vị lưu ý một chút đến những con số này...” Patrick Maguire xem xét thái độ của đoàn hội thẩm. Ông ta là một chuyên gia về việc đó. Và khi Jennifer tiếp tục nói đến những con số thống kê, Maguire có thể nhận thấy các thẩm phán bắt đầu phát ngấy với phiên tòa này. Phiên tòa không còn nói về một cô gái bị nạn nữa mà về ô tô, hệ thống phanh, khoảng cách an toàn và những thứ tương tự như vậy. Cấc thẩm phán đã mất chú ý. Maguire liếc nhìn Jennifer và nghĩ, cô ta không thông minh như lời đồn, Maguire biết rằng nếu ông ta cãi cho Connie Garrett, ông ta sẽ bỏ qua những con số và nhưng vấn đề kỹ thuật cơ khí, mà tập trung vào tình cảm của đoàn hội thẩm. Jennifer Parker lại làm hoàn toàn ngược lại. Patrick Maguire lại ngồi ngả ra sau và tỏ vẻ thoải mái hơn. Jennifer tiến đến gần bàn hội thẩm. “Thưa ngài chánh án, xin phép tòa, tôi muốn đưa ra một tang vật”. “Tang vật gì vậy?” Chánh án Silverman hỏi. “Khi phiên tòa này bắt đầu, tôi đã hứa với đoàn hội thẩm là sẽ giới thiệu họ với Connie Garrett. Vì cô ấy không thể tự đến đây được, tôi muốn cho phép giới thiệu một số hình ảnh của cô”. Chánh án Silverman nói, “Tôi không phản đối việc đó” - Ông quay sang Patrick Maguire. “Luật sư cho bên bị có phản đối gì không?” Patrick Maguire đứng dậy, suy nghĩ thật nhanh “Hình ảnh kiểu gì vậy?” Jennifer nói: “Vài bức ảnh chụp Connie Garrett ở nhà ấy mà”. Patrick Maguire thật không muốn điều đó, nhưng dù sao thì những tấm ảnh của một cô gái tàn tật ngồi trong chiếc xe đẩy, cũng gây ít ấn tượng hơn là bản thân cô ta. Và cũng cần xem xét một lý do nữa: Nếu ông ta phản đối, ông ta sẽ mất sự thông cảm của đoàn hội thẩm. Ông ta nói vẻ rộng rãi: “Được thôi, xin cô cho xem”. “Cám ơn”. Jennifer quay sang Dan Martin và gật đầu. Hai người đàn ông từ hàng ghế cuối đẩy lên một màn ảnh di động và một chiếc máy quay phim rồi chuẩn bị chiếu. Patrick Maguire đứng phắt dậy, ngạc nhiên. “Chờ chút đã. Thế này là cái gì vậy?” Jennifer trả lời một cách ngây thơ: “Đó là những bức ảnh mà ngài vừa đồng ý để tôi đưa ra đấy”. Patrick Maguire đứng đó, giận sôi người, Jennifer chưa hề nói gì đến máy quay phim cả. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn để phản đối rồi. Ông ta gật đầu ra hiệu đồng ý và ngồi xuống. Jennifer bố trí màn hình ở vị trí mà cả đoàn hội thẩm và chánh án Silverman đều có thể nhìn rõ. “Chúng tôi có thể bắt đầu được chưa, thưa ngài chánh án?” Chánh án Silvennan gật đầu, và Jennifer bước tới chiếc máy chiếu 16mm, mở máy và hình ảnh bắt đầu hiện ra trên màn hình. Trong 30 phút sau đó không một tiếng động nào được nghe thấy trong phòng xử án. Jennifer đã thuê một nhà quay phim chuyên nghiệp và một đạo diễn trẻ làm bộ phim này. Họ đã quay cảnh một ngày của Connie Garrett, và đó quả là một câu chuyện rùng rợn và trần trụi. Không cần phải tưởng tượng gì hết. Cuốn phim cho thấy cô gái trẻ cụt cả chân tay được nhấc ra khỏi gì giường vào buổi sáng, đưa vào nhà vệ sinh, được tắm rửa giống như một em bé mới đẻ được cho ăn, mặc quần áo... Jennifer đã xem bộ phim này nhiều lần, và giờ đây khi xem lại cô vẫn thấy cổ như nghẹn lại và nước mắt tràn đầy. Cô biết là đoàn hội thẩm và chánh án cũng có ấn tượng tương tự. Khi cuốn phim kết thúc, Jennifer quay sang chánh án Silverman. “Bên nguyên xin nghỉ”. Đoàn hội thẩm ra ngoài đã hơn 10 tiếng đồng hồ và mỗi tiếng trôi đi tinh thần Jennifer thêm sa sút. Cô đã chắc lời phán quyết sẽ được đưa ra ngay lập tức. Nếu họ cũng chịu ảnh hưởng của bộ phim như cô, có lẽ chỉ cần độ một hai tiếng là có thể kết luận vụ án được. Khi đoàn hội thẩm ra ngoài, Patrick Maguire tức giận điên người, tin chắc là mình đã thua kiện và đã đánh giá Jennifer Parker quá thấp một lần nữa. Nhưng thời gian cứ trôi đi mà đoàn hội thẩm vẫn chưa quay lại Maguire lại bắt đầu hy vọng. Đoàn hội thẩm không cần phải mất nhiều thời gian đến thế để quyết định một vấn đề tình cảm như vậy. “Chúng ta sẽ ổn cả thôi. Họ càng tranh luận với nhau lâu, tình cảm của họ càng lắng xuống”. Gần nửa đêm, hội thẩm viên chính gửi một bức thư cho chánh án Silverman. Chánh án xem xét bức thư đó và nhìn lên. “Xin mời cả hai luật sư đến gần bàn chánh án”. Khi Jennifer và Patriek Maguire đã đứng trước mặt ông, chánh án Silverman nói: “Tôi muốn báo để hai vị biết điều này. Tôi vừa nhận được thông báo của đoàn hội thẩm. Họ hỏi, liệu họ có được phép dành cho Connie Garrett số tiền nhiều hơn khoản năm triệu đô la, mà luật sư của cô ta yêu cầu không?” Jennifer bỗng thấy choáng váng. Tim cô đập rộn lên. Cô quay sang nhìn Patrick Maguire. Trông ông ta mặt cắt không còn hạt máu. “Và tôi đã nói với họ rằng”, Chánh án Silverman tiếp tục “Họ có quyền định ra bất cứ khoản tiền nào mà họ thấy là hợp lý”. Ba mươi phút sau đoàn hội thẩm trở lại phòng xử án. Hội thẩm viên chính thông báo họ đồng ý với bên nguyên và cô ta được hưởng một khoản bồi thường là sáu triệu đô la. Đó là khoản bồi thường thiệt hại cho cá nhân lớn nhất trong lịch sử bang New York. Chương 20 Khi Jennifer bước vào văn phòng của mình buổi sáng hôm sau, cô thấy hàng xếp báo ngổn ngang trên bàn làm việc. Hình ảnh của cô được đăng trên trang nhất của tất cả các tờ báo đó. Một bó hoa hồng nhung tuyệt đẹp được cắm trong một chiếc bình hoa trên bàn. Jennifer mỉm cười. Adam đã có cả thời gian để gửi hoa tặng cô nữa. Cô mở tấm thiếp chúc mừng. Bên trong ghi : Xin chúc mừng. Ký tên: Michael Moretti. Điện thoại nội bộ rung chuông và Cynthia nói: “Ngài Adam muốn nói chuyện với chị”. Jennifer vồ lấy ống nghe. Cô cố giữ giọng bình tĩnh: “Chào anh yêu”. “Em lại thành công, thật tuyệt”. “Em gặp may thôi mà”. “Chính khách hàng của em mới là người gặp may vì có em là luật sư của họ. Chắc em thấy sung sướng lắm nhỉ!” Thắng kiện làm cô thấy thích thú. Ở bên Adam cô mới thấy sung sướng. “Vâng ạ”. “Anh có một việc quan trọng muốn nói với em”. Adam tiếp tục. “Em có thể đi uống với anh chiều nay được không?” Tim Jennifer như quặn lại. Chỉ có một điều Adam sẽ phải nói với cô: Anh sẽ không bao giờ còn gặp cô nữa. “Vâng, vâng, tất nhiên là được rồi...” “Tại nhà hàng Mario lúc sáu giờ, được chứ?” “Vâng ạ”. Cô đưa bó hoa hồng cho Cynthia. Adam đã chờ cô tại cửa hàng. Anh ngồi ở một chiếc bàn phía cuối phòng. Anh ấy chắc không lúng túng nếu mình lên cơn thần kinh đâu, Jennifer tự nhủ. Được rồi cô sẽ cố không khóc ít nhất là trước mặt Adam. Nhìn qua khuôn mặt hốc hác của Adam cô có thể biết được điều gì đã xảy ra với anh và quyết định sẽ cố cư xử thật thoải mái. Jennifer ngồi xuống và Adam cầm tay cô. “Mary Beth đồng ý để anh ly dị cô ta”, Adam nói và Jennifer nhìn anh không chớp, lặng người đi một lát. Chính Mary Beth bắt đầu câu chuyện. Họ vừa về nhà sau một bữa ăn tối để quyên tiền mà Adam là nhân vật chính. Buổi tối hôm đó rất thành công. Mary Beth im lặng suốt trên đường về nhà, trông cô có một vẻ căng thẳng kỳ lạ. Adam nói: “Anh nghĩ buổi tối hôm nay kết thúc rất tốt đẹp có phải vậy không?” “Vâng, Adam ạ”. Và cả hai không nói thêm gì nữa đến tận khi họ về tới nhà. “Em có cần đội mũ ngủ không đấy”. Adam hỏi. “Không cám ơn anh. Có lẽ chúng ta cần nói chuyện với nhau một lát”. “Vậy à? Về chuyện gì vậy?” Cô nhìn anh và nói: “Về quan hệ giữa anh và Jennifer Parker”. Điều đó thật giống như một cú đấm vào giữa mặt. Adam choáng váng một lúc không biết nên nhận hay không. “Em biết chuyện đó từ lâu rồi. Em chưa nói gì vì em còn muốn quyết định xem sẽ làm gì?” “Mary Beth, anh...” “Để em nói nốt hẵng. Em biết rằng quan hệ giữa chúng ta không được tốt đẹp như mong muốn. Có lẽ em đã không là một người vợ tốt của anh”. “Không, em chẳng có lỗi gì hết. Anh...” “Khoan nào, Adam. Điều này thật khó xử cho em. Em đã quyết định. Em sẽ không cản đường anh nữa”. Anh nhìn cô ngạc nhiên: “Anh không...” “Em quá yêu anh nên không muốn làm anh khổ. Trước mặt anh là một tương lai chính trị sáng lạn. Em không muốn có gì làm hỏng sự nghiệp của anh. Rõ ràng là em không làm cho anh hoàn toàn hạnh phúc. Nếu Jennifer Parker có thể làm anh hạnh phúc, em muốn anh có cô ấy”. Anh chợt thấy không tin vào tai mình nữa, dường như toàn bộ câu chuyện này diễn ra dưới nước vậy. “Vậy còn em sẽ ra sao?” Mary Beth mỉm cười: “Em sẽ ổn thôi, Adam ạ. Đừng lo cho em. Em đã có kế hoạch riêng rồi”. “Anh... anh không biết nói gì nữa”. “Chẳng cần phải nói gì đâu. Em đã nói cho cả em và anh. Nếu em cứ cố bám lấy anh và làm anh phát sầu, điều đó chẳng tốt đẹp gì cho chúng ta cả. Em chắc rằng Jennifer rất dễ thương, nếu không anh đã chẳng bị say mê như vậy”. Mary Beth bước lại gần và quàng vai anh: “Đừng thiểu não như vậy, Adam. Điều em làm là điều tốt đẹp cho tất mọi người”. “Em thật là vĩ đại”. “Cảm ơn anh!”. Cô vuốt ve khuôn mặt anh và mỉm cười. “Anh Adam yêu quý nhất đời của em. Em sẽ luôn luôn là một người bạn tốt của anh. Mãi mãi...” Rồi cô ngả đầu vào vai anh. Anh hầu như nghe không rõ giọng cô thì thào. “Đã quá lâu rồi anh chưa ôm em trong lòng phải không, Adam. Anh không cần phải nói anh yêu em, nhưng anh - anh có muốn ôm em một lần nữa và làm tình với em không? Lần cuối cùng với nhau mà?” * * * * * Giờ đây Adam nhớ lại điều đó và nói với Jennifer. “Ly dị là đề nghị của Mary Beth”. Adam tiếp tục nói, nhưng Jennifer không còn nghe được chữ nào nữa; mọi thứ vang lên như là một bản nhạc đối với cô. Cô cảm thấy mình đang trôi nổi và bay vút lên cao cô đã chuẩn bị để nghe Adam nói anh không thể gặp cô nữa. Vậy mà bây giờ! Niềm vui quá lớn làm cô không sao cảm nhận thấy hết. Cô biết cảnh chia tay với Mary Beth đau đớn như thế nào đối với Adam, và lúc này cô thấy yêu anh hơn bao giờ hết. Cô thấy tảng đá chẹn ngực mình biến đâu mất và giờ đây cô có thể hít thở thoải mái được rồi. Adam nói tiếp: “Mary Beth cư xử thật là tuyệt vời. Cô ấy là một người đàn bà cao thượng. Cô ấy thấy vui mừng cho cả hai chúng mình”. “Thật là không thể tin được”. “Em không biết đâu. Từ lâu nay bọn anh sống giống như hai anh em hơn là một cặp vợ chồng. Anh chưa bao giờ nói điều này với em, nhưng..”. Anh ngập ngừng và thận trọng nói “Mary Beth không có những nhu cầu nhục cảm mạnh mẽ đâu”. “Em biết”. “Cô ấy muốn gặp em”. Jennifer thấy lúng túng. “Em nghĩ là em không làm được điều đó đâu Adam. Em thấy không ổn chút nào”. “Hãy tin anh”. “Nếu... nếu anh muốn vậy, tất nhiên rồi”. “Tốt, em yêu. Chúng ta sẽ đến vào giờ uống trà buổi sáng. Anh sẽ chờ em đến”. Jennifer nghĩ một lát. “Có lẽ em đến một mình thì tốt hơn”. Sáng hôm sau, Jennifer lái xe đến nhà Adam. Đó là một buổi sáng yên tĩnh và không khí trong lành rất thích hợp cho một chuyến đi. Jennifer bật đài và cố quên đi sự hồi hộp vì cuộc gặp gỡ sắp tới. Ngôi nhà của Adam làm theo kiểu cổ Hà Lan nằm bên sông Hudson, trên một thảm cỏ xanh. Jennifer lái xe lên dốc tới cửa ra vào. Cô bấm chuông và một phút sau một phụ nữ hấp dẫn trạc tuổi ba mươi ra mở cửa. Cô cầm tay Jennifer và mỉm cười dịu dàng. “Tôi là Mary Beth. Adam thật là không công bằng với cô Xin mời cô vào nhà”. Người vợ của Adam mặc một chiếc váy len dài, một chiếc áo lụa xẻ ngực để lộ cặp vú đã hơi chảy nhưng vẫn còn hấp dẫn. Mớ tóc vàng của chị ta được cuốn lên quanh đầu làm tăng vẻ hấp dẫn của cặp mắt xanh. Chuỗi ngọc trai quanh cổ của chị ta thật tuyệt vời. Trông chị ta toát lên vẻ quí phái cổ điển. Nội thất của ngôi nhà rất dễ chịu với những căn phòng rộng đầy đồ cổ và những bức tranh nổi tiếng. Một người phục vụ bưng ra phòng khách hai tách trà. Khi anh ta đã ra khỏi phòng, Mary Beth nói: “Tôi chắc cô yêu Adam lắm”. Jennifer vụng về đáp: “Thưa chị Warner, tôi muốn chị biết rằng cả hai chúng tôi đều không định...” Mary Beth Warner đặt một tay lên vai Jennifer: “Cô không cần phải nói vậy. Tôi không biết Adam đã nói điều này với cô chưa, nhưng cuộc hôn nhân của chúng tôí được gìn giữ chỉ bằng sự lịch thiệp mà thôi. Adam và tôi biết nhau khi chúng tôi còn trẻ con. Tôi nghĩ là tôi đã yêu Adam lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh ấy. Chúng tôi cũng đến những bữa tiệc, quen cùng những bạn bè và tôi cho rằng việc chúng tôi lấy nhau là chuyện đương nhiên. Đừng hiểu nhầm. Tôi vẫn rất yêu quý Adam và tôi chắc là anh ấy cũng vậy. Nhưng người ta luôn thay đổi, có phải vậy không nhỉ?” “Vâng”. Jennifer nhìn Mary Beth và lòng tràn ngập tình cảm biết ơn. Adam nói đúng, Mary Beth quả là một người đàn bà dễ thương. “Tôi rất cảm ơn chị”, - Jennifer nói. “Và tôi cũng rất cám ơn cô”, - Mary Beth thú nhận. Chị ta cười ngượng nghịu và nói: “Cô thấy đấy, tôi cũng rất yêu Adam. Tôi muốn ly dị ngay nhưng tôi nghĩ vì tương lai của Adam, hãy chờ đến sau cuộc bầu cử đã”. Jennifer quá xúc động đến mức quên khuấy mất cả cuộc bầu cử. Mary Beth nói tiếp: “Dường như mọi người chắc là Adam sẽ trúng cử thượng nghĩ sĩ, và một cuộc ly dị bây giờ sẽ rất có hại cho anh ấy. Chỉ còn 6 tháng nữa là tới cuộc bầu cử và tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho anh ấy, nếu tôi trì hoãn việc ly dị”. - Chị nhìn Jennifer. “Nhưng tha lỗi cho tôi - Như vậy có ổn cho cô không?” “Ồ không sao đâu, tất nhiên là nên thế rồi”, - Jennifer nói. Cô phải thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của mình. Tương lai của cô giờ đây gắn chặt với Adam. Nếu anh trở thành thượng nghị sĩ, cô sẽ sống cùng anh ở thủ đô Washington. Điều đó có nghĩa là phải bỏ việc hành nghề luật ở đây, nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì hết. Chẳng có gì là quan trọng ngoài việc họ có thể ở bên nhau. Jennifer nói: “Adam sẽ là một thượng nghị sĩ tuyệt vời”. Mary Beth ngẩng đầu lên và mỉm cười. “Cô em gái bé bỏng của tôi ạ, rồi anh ấy sẽ trở thành tổng thống nữa cơ”. Chuông điện thoại réo khi Jennifer vừa trở về căn hộ của mình. Đó là Adam gọi: “Em thấy Mary Beth thế nào?” “Adam, chị ấy thật là tuyệt”. “Cô ấy cũng nói như vậy về em đấy”. “Mary Beth thật là hấp dẫn và dễ thương, đúng là một mệnh phụ”. “Em cũng vậy, em yêu ạ. Em muốn tổ chức cưới ở đâu nào?” “Khách sạn Times Square, mà em cũng chả cần biết nữa. Nhưng em cho rằng chúng ta phải từ từ hẵng”. “Vậy chúng ta còn phải chờ đợi gì nữa chứ?” “Chờ đến sau kỳ bầu cử. Sự nghiệp của anh là quan trọng. Một cuộc ly dị lúc này là có hại cho anh đấy”. “Đời tư của anh...” “Sẽ trở thành sự chú ý của dư luận đấy. Chúng ta không được làm gì ảnh hưởng đến cơ hội đắc cử của anh. Chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa”. “Anh chả muốn chờ đợi một chút nào cả”. “Em cũng vậy, anh yêu ạ”, Jennifer mỉm cười “mà chúng ta cũng có phải thật sự đợi đâu nhỉ?” Chương 21 Jennifer và Adam ăn trưa cùng nhau hầu như hàng ngày và tuần một hai lần anh ngủ lại ở nhà cô. Họ cần phải thận trọng hơn bao giờ hết vì chiến dịch vận động tranh cử của Adam đã thật sự bắt đầu, và anh đang trở thành một nhân vật nổi tiếng trong cả nước. Anh đọc diễn văn tại các buổi hội họp chính trị, các bữa ăn tối quyên tiền và những ý kiến của anh về các vấn đề quốc gia được trích đẫn ngày càng nhiều hơn trên báo chí. Adam và Steward Needham lại cùng uống trà buổi sáng như thường lệ. “Tôi thấy cậu trên chương trình “Hôm nay” của ti vi sáng nay. Cừ lắm, Adam ạ. Cậu trả lời thật gãy gọn và sắc bén. Tớ biết thế nào họ cũng mời cậu nữa”. “Steward, tôi rất ghét làm những trò như vậy. Tôi thấy mình như một thằng cha diễn viên chết tiệt nào đó đang biểu diễn vậy?” Steward gật đầu thông cảm. “Đó chính là điều mà các nhà chính trị vẫn làm: là diễn viên. Đóng một vai nào đó, làm những gì mà dư luận thích. Thật là kinh khủng nếu các nhà chính trị - thế nào nhỉ - Cư xử hoàn toàn theo ý mình, thì đất nước này sẽ trở nên chế độ quân chủ mất”. “Tôi không thích việc ra tranh cử lại trở thành một cuộc đua tranh về tính cách cá nhân”. Steward Needham mỉm cười: “Hãy cảm ơn Chúa việc cậu có tính cách. Càng ngày tỉ lệ người ủng hộ cậu càng cao”. Ông ta ngừng lời để rót thêm chè “Hãy tin tôi, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Đầu tiên hãy trở thành thượng nghị sĩ đã rồi sau đó sẽ là mục tiêu số một. Không gì có thể cản cậu đâu”. Ông ta nhấp thêm một ngụm trà. “Trừ khi cậu làm một vài chuyện điên rồ thì không kể”. Adam ngước lên nhìn ông ta: “Chú nói vậy có ý gì thế?” Steward Needham cẩn thận lấy khăn lau mép. “Đối thủ của cậu là một thằng cha láu cá lắm đấy. Tớ đánh cuộc rằng bây giờ hắn đang xem xét đời cậu dưới ống kính hiển vi đấy. Chắc hắn sẽ không tìm ra điểm yếu nào chứ?” “Ồ không đâu”, Adam nói một cách máy móc. “Tốt”, Steward Needham tán thưởng. “À này, Mary Beth độ này thế nào?” * * * * * Jennifer và Adam nghỉ cuối tuần ở một ngôi nhà ngoại thành, mà một người bạn của Adam đã cho anh mượn. Không khí ở đó thật trong sạch và hơi lạnh, báo hiệu mùa đông đang đến. Họ nghỉ ngơi thật thoải mái. Ban ngày họ đi bộ, chơi bài và trò chuyện. Họ đọc cẩn thận tất cả các tờ báo xuất bản chủ nhật. Các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy số người ủng hộ Adam ngày càng tăng. Họ thích phong độ của anh, vẻ chân thật, thông minh và thẳng thắn của anh. Người ta bắt đầu so sánh anh với John Kennedy. Adam nằm soài trước lò sưởi ngắm nhìn ánh lửa hắt lên khuôn mặt Jennifer. “Em có thích làm vợ của tổng thống không?” “Xin lỗi, em đã yêu một thượng nghị sĩ mất rồi”. “Em có thất vọng nếu anh không trúng cử không, Jennifer” “Không, lý do duy nhất làm em thích điều đó là vì anh muốn thế”. “Nếu anh thắng, chúng ta sẽ đến sống ở Washinon đấy”. “Nếu chúng ta ở bên nhau, chẳng còn gì khác phải bận tâm cả”. “Thế còn việc hành nghề luật của em thì sao?” Jennifer cười: “Em vừa nghe nói ở Washington cũng có luật sư đấy”. “Thế nếu anh muốn em bỏ nghề thì sao?” “Em sẽ bỏ”. “Nói vậy chứ anh đâu muốn vậy. Em là một luật sư quá giỏi đấy”. “Em chỉ quan tâm đến việc được ở bên anh thôi. Em yêu anh lắm, Adam ạ” Anh vỗ nhẹ vào mái tóc nâu thẫm mềm mại của cô. “Anh cũng yêu em như thế”. Họ lên giường và sau đó ngủ thiếp đi. Họ trở về New York vào tối chủ nhật. Họ lấy xe ô tô của Jennifer ở chỗ gửi xe và Adam quay về nhà. Jennifer trở về căn hộ của cô ở New York. Công việc của Jennifer giờ đây nhiều không thể tưởng tượng được. Nếu trước đây cô nghĩ mình bận thì bây giờ cô không còn thời gian để thở nữa. Cô cãi cho những công ty quốc tế vi phạm một số điều luật và bị bắt, những thượng nghị sĩ biển thủ công quỹ, những ngôi sao điện ảnh gặp rắc rối. Cô cãi cho chủ tịch nhà băng và những kẻ cướp nhà băng, cho các nhà chính trị và thủ lĩnh công đoàn. Tiền của đổ vào như nước chảy, nhưng điều đó không quan trọng đối với Jennifer. Cô trả lương cao và thưởng rất hậu cho các nhân viên của mình. Các công ty không còn đưa các luật sư hạng hai của họ ra cãi với Jennifer nữa, vì thế Jennifer phải đối chọi với những luật sư tài giỏi nhất thế giới. Cô được kết nạp vào Hội các luật sư lành nghề của Mỹ và ngay cả Ken Bailey cũng sửng sốt về việc đó. “Chúa ơi!” Anh nói “Cô có biết rằng chỉ có một phần trăm luật sư của cả nước được vào hội đó không?” “Tôi chỉ làm người đàn bà tượng trưng trong Hội”. Jennifer cười. Khi Jennifer cãi cho một ai đó ở Manhattan, cô có thể biết chắc rằng Robert Di Silva sẽ đích thân buộc tội hoặc cho trợ lý của ông ta làm việc đó. Lòng căm tức của ông ta đối với cô ngày càng tăng cùng với những thắng lợi mà cô đạt được. Trong một vụ án mà Jennifer phải đối đầu với chưởng lý, Di Silva gọi hơn chục chuyên gia hàng đầu ra làm nhân chứng cho bên công tố. Jennifer không yêu cầu một chuyên gia nào cả. Cô nói với đoàn hội thẩm: “Nếu chúng ta muốn làm một con tàu vũ trụ hay đo khoảng cách đến một hành tinh xa xôi chúng ta cần đến những chuyên gia. Nhưng nếu chúng ta cần làm một việc thật sự quan trọng, chúng ta chỉ cần hơn chục người bình thường. Như tôi nhớ, người sáng lập ra đạo thiên chúa cũng làm như vậy”. Jennifer thắng kiện trong vụ đó. Một trong những thủ thuật mà Jennifer thấy có hiệu quả là nói với đoàn hội thẩm: “Tôi biết những từ như luật pháp hay phòng xử án có vẻ xa lạ đối với cuộc sống đời thường của các vị, nhưng khi các vị thôi không nghĩ về điều đó, tất cả những gì chúng ta làm ở đây chỉ liên quan đến những việc đúng sai mà những người bình thường như chúng ta làm. Hãy tạm quên chúng ta đang ở trong phòng xử án. Thử tưởng tượng như chúng ta đang ngồi uống trà trong phòng khách của nhà tôi, nói chuyện về những gì đã xảy ra đối với bị cáo đáng thương này”. Và trong tâm trí họ các hội thẩm viên cũng cho rằng họ đang ở trong phòng khách của Jennifer, bị tài hùng biện của cô làm mê hoặc. Thủ thuật này được Jennifer sử dụng một cách hết sức thành công, cho đến một hôm khi cô cãi hộ một bị cáo bị Robert Di Silva buộc tội. Viên chưởng lý đứng lên và đọc bài diễn thuyết đầu trước đoàn hội thẩm. “Thưa quý ông, quý bà”, Di Silva nói “Tôi muốn các vị tạm quên đi việc các vị đang ở tòa án. Tôi xin các vị hãy tưởng tượng rằng các vị đang ngồi trong phòng khách của tôi và nói chuyện gẫu về những việc khủng khiếp mà bị cáo ở đây đã làm”. Ken Bailey nhổm lên nói thầm vào tai Jennifer. “Cô thấy thằng cha ấy nói gì chưa? Hắn đã ăn cắp thủ thuật của cô rồi đấy”. “Đừng lo chuyện ấy”, Jennifer thản nhiên đáp. Khi đến lượt mình phát biểu, Jenifer nói với đoàn hội thẩm. “Thưa quý ông, quý bà, tôi chưa từng được nghe điều gì quá quắt hơn là nhận xét vừa rồi của ngài chưởng lý” Giọng cô run lên vì phẫn uất. “Có lúc tôi tưởng như mình nghe lầm. Ông ta dám yêu cầu các vị quên đi các vị đang ở trong tòa án. Phòng xử án này là một trong những tài sản quốc gia quý báu nhất. Đó là cơ sở của nền tự do của chúng ta. Tự do của các vị, của tôi và của bị cáo nữa. Việc ngài chưởng lý khuyên các vị nên quên đi các vị đang ở đâu, quên đi những trách nhiệm mà các vị vừa tuyên thệ, tôi thấy vừa đáng ngạc nhiên vừa đáng trê trách. Tôi xin các vị, thưa quý ông, quý bà, hãy nhớ các vị đang ở đâu, hãy nhớ rằng tất cả chúng ta có mặt ở đây để bảo đảm công lý được thực hiện và bị cáo vô tội”. Các hội thẩm viên gật đầu đồng tình. Jennifer liếc nhìn Robert Di Silva. Ông ta nhìn trừng trừng về phía trước căm tức. Khách hàng của Jennifer được tha bổng. Sau mỗi thắng lợi ở tòa án, luôn có bốn tá hoa hồng nhung trên bàn làm việc của Jennifer và thiếp chúc mừng của Michael Moretti. Và lần nào Jennifer cũng xé tan những tấm bưu thiếp đó, còn hoa thì cho Cynthia. Những bông hoa hình như cũng có vẻ khêu gợi vì được hắn gửi tới. Cuối cùng Jennifer gửi một bức thư ngắn cho Michael Moretti, yêu cầu hắn không gửi hoa đến cho cô nữa. Khi Jennifer đến phòng làm việc sau khi vừa thắng một vụ kiện tiếp đó, trên bàn đã có năm tá hồng nhung chờ cô. Chương 22 Vụ cướp nhà băng trong một ngày mưa đem lại thêm danh tiếng cho Jennifer. Cô biết đến bị cáo qua cha Ryan. “Một người bạn của cha gặp chuyện lôi thôi” - Ông mở đầu và cả hai cùng phá lên cười. Người bạn đó hóa ra là Paul Richards, một khách vãng lai bị buộc tội cướp nhà băng số tiền 150 ngàn đô la. Một kẻ cướp đã vào ngân bằng trong chiếc áo mưa đen dài. Cổ áo được dựng lên để che lấp một phần khuôn mặt hắn ta. Khi đến quầy thu tiền hắn vung súng lên đe dọa và buộc cô thủ quỹ phải đưa tho hắn tất cả số tiền hiện có. Sau đó hắn chuồn ra một chiếc ô tô đang chờ sẵn ở ngoài. Một số nhân chứng đã thấy chiếc ô tô đó. Đó là một chiếc xe du lịch màu xanh nhưng biển số đã bị bùn che khuất. Vì cướp nhà băng là tội phạm cỡ quốc gia, Cục điều tra liên bang đã tham gia vào vụ này. Họ đưa những dữ kiện vào máy điện tử trung tâm và máy đưa ra tên của Paul Richards. Jennifer đến thăm ông ta tại nhà tù đảo Riker. “Có chúa chứng giám, tôi không làm chuyện đó”. Paul Richards nói. Ông ta là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, mặt đỏ, mắt xanh, quá già để có thể làm những chuyện như cướp nhà băng. “Tôi không cần biết ông vô tội hay có tội”, Jennifer giải thích, “Nhưng tôi có một nguyên tắc như thế này. Tôi không cãi cho những khách hàng không nói thật mọi chuyện với tôi”. “Thề có linh hồn mẹ tôi, tôi không làm chuyện đó mà”. Đã từ lâu những lời thề thốt không còn gây được ấn tượng gì đối với Jennifer nữa. Các khách hàng đã lấy tính mệnh của các bà mẹ, người vợ, người yêu và con cái của họ ra thề. Nếu Chúa trời giúp họ thực hiện đúng những lời thề ấy, dân số sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Jennifer hỏi: “Thế ông cho rằng vì sao FBI bắt ông?” Paul Richards trả lời không chút ngập ngừng. “Vì mười năm trước đây tôi có tham gia vào một vụ cướp nhà băng và đã ngu ngốc để bị bắt”. “Ông đã sử dụng một khẩu súng ngắn cưa nòng giấu dưới áo mưa à?” “Đúng vậy. Tôi chờ đến hôm trời mưa mới tấn công nhà băng”. “Nhưng ông không làm vụ vừa rồi chứ?” “Không, chắc mấy thằng chó đểu nào đã bắt chước tôi đấy”. Phiên tòa sơ thẩm được tiến hành với sự có mặt của chánh án Fred Stevens, một con người rất khắc nghiệt. Người ta đồn rằng ông muốn tống tất cả các tội nhân ra một hòn đảo xa xôi và đầy họ ở đó đến hết đời. Chánh án Stevens tin rằng ai bị bắt về tội ăn cắp lần đầu sẽ bị chặt tay phải, và lần thứ hai sẽ bị chặt tay trái theo tục lệ Hồi giáo cổ. Đó là một vị chánh án khó chịu nhất đối với Jennifer. Cô cho gọi Ken Bailey đến. “Ken, hãy nghiên cứu về đời tư của chánh án Stevens hộ tôi”. “Chánh án Stevens ấy à? Ông ta thẳng như nòng súng ấy. Ông ta....” “Tôi cũng biết như vậy nhưng cứ tìm hiểu đi”. * * * * * Công tố viên liên bang tham dự vụ án này là một chuyên gia già tên là Carter Gifford. “Cô sẽ xin cho hắn được gì?” Carter Gifford hỏi. Jennifer nhìn ông ta với vẻ ngạc nhiên ngây thơ. “Tất nhiên là xin cho anh ta được vô tội”. Ông ta phá lên cười chế giễu. “Chánh án Stevens sẽ bác bỏ điều ấy ngay. Tôi cho rằng cô sẽ xin xét xử ở tòa chung thẩm”. “Ồ không đâu”. Gifford nhìn Jennifer một cách nghi ngờ. “Cô muốn nói cô sẽ để cho chánh án quyết định số phận khách hàng của mình?” “Đúng vậy đấy ạ”. Gifford nhe răng cười. “Tôi biết cô rồi sẽ phát điên đấy Jennifer ạ!” “Hợp chủng quốc Mỹ kiện Paul Richards. Bị cáo có mặt không?” Viên mõ tòa đáp: “Có, thưa ngài chánh án”. “Yêu cầu các luật sư đến gần bàn quan tòa và tự giới thiệu”. Jennifer và Carter Gifford đến gần bàn chánh án Stevens. “Jennifer Parker đại diện cho bị cáo”. “Carter Gifford đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ”. Chánh án Stevens quay sang Jennifer và nói nhát gừng: “Tôi biết rõ tiếng tăm của cô, cô Parker ạ. Vì thế tôi muốn nói với cô ngay lập tức là tôi không muốn để mất thời gian của tòa. Tôi sẽ không cho phép có sự trì hoãn nào hết. Ngay sau khi tòa xử sơ thẩm tôi sẽ yêu cầu đưa bị cáo ra xử chung thẩm. Chắc cô cũng muốn vậy và...” “Không đâu, thưa ngài chánh án”. Chánh án Stevens nhìn cô ngạc nhiên: “Cô không yêu cầu xử chung thẩm”. “Thưa không, vì tôi nghĩ rằng không cần như vậy”. Carter Gifford nhìn cô chằm chằm. “Cái gì cơ?” “Theo ý kiến của tôi, ngài không có đủ chứng cớ để đưa khách hàng của tôi ra tòa chung thẩm”. Carter Gifford gắt: “Cô cần nghe những ý kiến khác nữa”. Ông ta quay sang chánh án Stevens: “Thưa ngài chánh án, chính phủ có những chứng cớ rất rõ ràng. Bị cáo đã bị kết tội về một vụ cướp y hệt như thế với cách thức hoàn toàn giống nhau. Máy tính điện tử của chúng tôi đã chọn hắn trong số 2000 người tình nghi. Chúng ta đã bắt được tên tội phạm và bên công tố không có lý do gì để không buộc tội hắn”. Chánh án Stevens quay sang Jennifer: “Tòa nhận thấy đã có đủ chứng cớ cần thiết để đưa bị cáo ra tòa. Cô có nói thêm gì nữa không?” “Có, thưa ngài chánh án. Không có một nhân chứng nào có thể nhận diện đích xác Paul Richards. FBI cũng chưa tìm thấy khoản tiền bị mất. Trên thực tế, sự liên hệ duy nhất giữa bị cáo và tội phạm chính là trí tưởng tượng của công tố viên”. Chánh án Stevens nhìn Jennifer chằm chằm và nói với một giọng ngọt ngào dễ sợ: “Thế còn máy tính điện tử thì sao?” Jennifer thở dài: “Đó lại là một vấn đề khác, thưa ngài”. Chánh án Stevens xẵng giọng nói: “Tất nhiên là như vậy rồi. Có thể đánh lừa được một nhân chứng sống nhưng khó có thể đánh lừa nổi máy tính điện tử”. Carter Gifford gật đầu tán thành: “Hoàn toàn đúng như vậy, thưa ngài chánh án”. Jennifer quay sang nhìn ông ta. “FBI sử dụng máy tính điện tử IBM 370/168 có phải không ạ?” “Đúng vậy. Đó là loại máy tính hiện đại nhất trên thế giới”. Chánh án Stevens hỏi Jennifer: “Bên bị có định khiếu nại gì về độ tin cậy của máy tính không đấy?” “Hoàn toàn không, thưa ngài chánh án. Tôi đã mời đến đây một chuyên gia về máy tính, làm việc cho công ty sản xuất loại máy 370/168. Anh ta đã lập chương trình mà FBI sử dụng nó để tìm ra tên khách hàng của tôi”. “Anh ta đâu?” Jennifer quay lại vẫy một người đàn ông cao, gầy ngồi tận cuối phòng. Anh ta tiến đến gần vẻ rụt rè. Jennifer nói: “Đây là ông Edward Monroe”. “Nếu cô đã mớm cung cho nhân chứng này” Luật sư công tố tức tối “tôi sẽ....” “Tất cả những gì tôi làm là yêu cầu ông Monroe hỏi máy tính xem còn chọn những người tình nghi nào nữa không. Tôi đã chọn 10 người có những nét chung giống với khách hàng của tôi. Để xác định, ông Monroe đã dựa trên những đặc điểm về tuổi tác, chiều cao, cân nặng, màu mắt, nơi sinh - tức là những dữ kiện mà từ đó máy tính đưa ra tên khách hàng của tôi”. Chánh án Stevens sốt ruột hỏi: “Tất cả những thứ đó để làm gì vậy, cô Parker?” “Vấn đề là ở chỗ máy tính đã xác định một trong số 10 người đó là người tình nghi chính trong vụ cướp nhà băng”. Chánh án Stevens quay sang Edward Monroe: “Có đúng như vậy không?” “Vâng thưa ngài”, Edward Monroe mở ca táp và lấy ra bản kết quả của máy tính. Viên mõ tòa cầm tờ giấy đưa cho chánh án Stevens. Ông liếc qua và đỏ bừng mặt lên. “Đây có phải là một trò đùa không đấy?” Ông hỏi Monroe. “Không ạ, thưa ngài?” “Máy tính chọn tôi là người bị tình nghi à”. “Vâng, thưa ngài. Đúng như vậy ạ”. Jennifer giải thích: “Máy tính không có khả năng suy luận, thưa ngài chánh án. Nó chỉ có thể trả lời qua những thông tin mà nó nhận được. Ngài và khách hàng của tôi tình cờ lại cùng tuổi, chiều cao và cân nặng. Cả hai vị cùng có xe thể thao xanh lá cây, và cùng sinh ở một bang. Đó là tất cả những chứng cớ mà công tố viên có. Sự khác nhau duy nhất là ở chỗ tội phạm được tiến hành như thế nào. Khi Paul Richards cướp nhà băng 10 năm trước đây, hàng triệu người đã đọc vụ đó trên báo chí. Một người bất kỳ nào trong số đó cũng có thể bắt chước cách làm của ông ta. Có người đã làm như vậy”. Jennifer chỉ vào tờ giấy trong tay chánh án Stevens: “Bản kết quả này cho thấy chứng cớ của cục điều tra liên bang hời hợt như thế nào”. Carter Gifford bật dậy: “Thưa ngài chánh án...” và dừng lại không biết nói gì hơn nữa. Chánh án Stevens nhìn lại bản kết quả và sau đó nhìn Jennifer. “Cô sẽ làm gì?” Ông hỏi “nếu bản tòa là một người đàn ông trẻ hơn, gầy hơn tôi và đi một chiếc xe xanh da trời?” “Máy tính còn đưa ra 10 người tình nghi khác”, - Jennifer nói “Người thứ hai mà tôi chọn sẽ là chưởng lý quận của khu vực New York, Robert Di Silva”. * * * * * Jennifer đang ngồi trong văn phòng đọc bài báo về vụ án thì Cynthia thông báo: “Ông Paul Richards đến”. “Mời ông ấy vào, Cynthia”. Ông ta bước vào với chiếc áo mưa đen, và mang một hộp kẹo buộc nơ đỏ. “Tôi chỉ muốn cám ơn cô một chút thôi”. “Ông thấy chưa? Công lý đôi khi cũng chiến thắng”. “Tôi sắp rời thị xã này. Tôi định đi nghỉ một chút” Ông ta đưa cho Jennifer chiếc hộp. “Món quà nhỏ thể hiện sự biết ơn của tôi”. “Cám ơn, Paul”. Ông ta nhìn cô khâm phục: “Cô thật siêu quá?” Và ông quay ra. Jennifer liếc nhìn hộp kẹo trên bàn và mỉm cười. Thường cô nhận được ít quà hơn khi giúp các bạn của cha Ryan. Nếu cô phát phì đó là lỗi của cha Ryan. Cô cởi nơ và mở hộp kẹo. Bên trong là 10 nghìn đô la tiền mặt. Một buổi chiều khi Jennifer rời tòa án, cô để ý thấy một chiếc xe Cadillac đen đỗ bên kia đường. Khi cô đi ngang qua, Michael Moretti bước ra. “Tôi chờ cô đấy”. Khi đứng gần, từ người hắn toát lên vẻ quyến rũ mạnh mẽ. “Xin ông bước đi cho”. Jennifer nói. Mặt cô đỏ bừng lên vì giận dữ và trông cô càng xinh đẹp hơn. “Ê”, Hắn phá lên cười “bình tĩnh lại nào. Tôi chỉ muốn nói chuyện với cô thôi mà. Cô chỉ cần nghe thôi. Tôi sẽ trả tiền cho chỗ thời gian cô nghe”. “Ông không bao giờ có đủ tiền đâu”. Cô định bước vượt qua hắn, nhưng Michel Moretti đã nhã nhặn giữ tay cô lại. Chạm vào cô khiến hắn càng kích động. Hắn cố tỏ ra duyên dáng: “Đừng nóng cô bạn. Tôi chỉ cần mười phút thôi mà. Tôi sẽ đưa cô đến văn phòng của cô và chúng ta sẽ nói chuyện trên đường”. Jennifer nhìn hắn một lát và nói: “Tôi sẽ đi cùng anh với một điều kiện. Tôi muốn anh trả lời cho một câu hỏi”. Michael gật đầu: “Tất nhiên rồi. Cô hỏi đi”. “Ai nghĩ ra trò lừa tôi với con chim hoàng yến chết!” Hắn trả lời không chút đắn đo: “Chính tôi đấy”. Vậy là bây giờ cô đã biết. Lẽ ra cô có thể giết hắn rồi. Cô bước vào ô tô và Moretti vào theo. Jennifer để ý thấy hắn nói địa chỉ văn phòng cô cho người lái xe mà không phải hỏi cô. Khi ô tô bắt đầu chuyển bánh hắn nói: “Tôi rất vui vì cô làm được nhiều chuyện thần kỳ ở tòa án”. Jennifer không thèm trả lời. “Tôi nói thật lòng đấy”. “Anh vẫn chưa nói xem anh muốn gì?” “Tôi muốn làm cho cô giàu có”. “Cám ơn, tôi đủ giàu rồi”. - Giọng cô đầy vẻ khinh bỉ đối với hắn ta. Mặt Michael Moretti sạm lại. “Tôi cố làm điều tốt cho cô, còn cô thì vẫn cứ hằn học với tôi”. Jennifer quay sang nhìn hắn: “Tôi không cần gì ân huệ của ông cả”. Hắn lấy giọng dàn hòa: “Thôi nào, tôi chỉ muốn chuộc lỗi với cô mà. Nghe này, tôi có thể đưa đến cho cô rất nhiều khách sộp. Cô chưa biết...” Jennifer ngắt lời: “Ông Moretti, hãy làm ơn cho cả tôi và ông. Đừng có nói gì nữa hết”. “Nhưng tôi có thể...” “Tôi không muốn đại diện cho ông cũng như bạn bè ông!” “Sao vậy?” “Vì nếu tôi đại diện cho một ai trong số họ thì rồi tôi sẽ là nô lệ của ông”. “Cô hiểu sai rồi” Michael phản đối “Các bạn tôi đều làm những công việc hợp pháp như ngân hàng, công ty bảo hiểm...” “Thôi đi! Tôi không đời nào phục vụ mafia”. “Nào ai nói gì về mafia nhỉ?” “Gọi nó là gì mà anh thích cũng được. Không ai có thể điều khiển được tôi ngoài tôi ra”. Chiếc xe dừng lại ở ngã tư chỗ đèn đỏ. Jennifer nói: “Thôi, đây gần văn phòng của tôi rồi. Cám ơn ông đã cho đi nhờ xe”. Cô mở cửa và bước ra. Michael nói: “Khi nào tôi có thể gặp lại cô nhỉ?” “Không bao giờ, ông Michael ạ”. Michael lặng nhìn cô bỏ đi. Lạy chúa, y thầm nghĩ, đó mới chính là một người đàn bà chứ! Bỗng nhiên y nhận ra mình đang ở trạng thái căng cứng, và chợt mỉm cười vì y biết rằng mình sẽ chiếm được cô bằng mọi cách. Chương 23 Đó là vào cuối tháng mười hai tuần trước khi bầu cử và cuộc chạy đua vào thượng nghị viện rất náo nhiệt. Adam ra tranh cử với viên thượng nghị sĩ đương chức là John Trowbrige, một chính trị gia kỳ cựu, nhưng các chuyên gia đều cho rằng đó sẽ là một trận đấu có tỷ số rất sát nút. Một buổi tối, Jennifer ngồi ở nhà xem Adam và địch thủ của anh tranh luận trên vô tuyến. Mary Beth đã nói đúng. Việc ly dị bây giờ có thể dễ dàng làm tan vỡ những hy vọng thắng lợi đang tăng lên đối với Adam. * * * * * Khi Jennifer trở lại văn phòng sau bữa ăn trưa khá lâu để bàn công việc, cô thấy có giấy nhắn gọi điện gấp cho Rick Arlen. “Anh ấy đã gọi đến đây 3 lần liền trong nửa tiếng vừa qua”. Cynthia nói. Rick Arlen là một ngôi sao nhạc rock, người hầu như chỉ qua một đêm đã trở thành ca sĩ nổi tiếng nhất trên thế giới. Jennifer đã được nghe về nguồn thu nhập khổng lồ của các ngôi sao nhạc rock, nhưng đến khi cô tham gia giải quyết các công việc của Rick Arlen, cô vẫn chưa hiểu vì sao như vậy. Nguồn thu nhập của Rick Arlen từ băng đĩa, từ sự trình diễn bản thân, từ thương mại và hiện nay là điện ảnh, trị giá hơn 15 triệu đô la một năm. Rick mới 25 tuổi, vốn là một cậu bé nông thôn ở bang Alabama, khi sinh ra đã mang giọng hát vàng. “Hãy nối máy cho tôi nói chuyện với anh ta”. Jennifer nói. Năm phút sau giọng anh ta đã vang lên trên đường giây nói: “Này, người anh em, tôi đã cố gọi điện cho cô hàng tiếng rồi”. “Xin lỗi nhé, Ríck. Tôi bận họp mà”. “Có chút việc đấy. Tôi cần phải gặp cô”. “Anh có thể đến văn phòng vào chiều nay không?” “Có lẽ không thể được, hiện tôi đang ở Monte Carlo, phục vụ Đức quận công và Hoàng tử. Cô có thể đến đây sớm nhất vào khi nào?” “Hiện nay tôi không thể đi đâu được” Jennifer bác lại “Bàn tôi chồng chất những hồ sơ...” “Cô em này, tôi cần cô lắm. Chiều nay cô phải lên máy bay rồi đấy!” Xong anh ta gác máy. Jennifer ngồi ngẫm nghĩ về cú điện thoại. Rick Arlen đã không muốn thảo luận vấn đề của anh ta qua điện thoại. Đó có thể là một chuyện từ ma tuý cho đến trai gái. Cô nghĩ xem liệu có nên cử Ted Hams hoặc Dan Martin thay cô giải quyết bất cứ là vấn đề gì đó hay không, nhưng thâm tâm cô lại thích Rick Arlen. Cuối cùng Jennifer quyết định tự mình sẽ đi. Cô cố gắng gọi điện cho Adam trước khi đi, nhưng anh không có ở văn phòng. Cô nói với Cynthia: “Hãy đăng ký chỗ cho tôi trên chuyến bay hàng không Pháp đi Nice. Tôi cũng muốn có xe đón ở đó và chở tôi đến Monte Carlo”. Hai mươi phút sau cô đã đặt được chỗ trên chuyến bay bẩy giờ tối hôm đó. “Có chuyến bay trực thăng thẳng từ Nice đi Monte Carlo” Cynthia nói “Em đã mua vé cho chị chuyến đó”. “Tuyệt. Cám ơn cô”. Khi Ken Bailey được nghe vì sao Jennifer chuẩn bị đi, anh nói: “Cái gã híp-pi đó nghĩ nó là cái thá gì vậy?” “Anh ta biết mình là ai chứ, Ken ạ. Anh ta là một trong những khách hàng lớn nhất của chúng ta”. “Vậy khi nào em sẽ trở về?” “Em sẽ không đi quá ba hay bốn ngày đâu”. “Mọi việc sẽ không như thường lệ, khi mà em vắng mặt ở đây. Anh sẽ nhớ em lắm”. Jennifer tự hỏi liệu anh ta có còn gặp gỡ gã thanh niên tóc vàng hay không. “Hãy giữ mọi việc như hiện nay cho đến khi em trở về”. Thông thường Jennifer rất thích đi máy bay. Cô coi thời gian của cô trên không trung là được tự do, không bị các sức ép, là sự trốn tránh tạm thời mọi vấn đề đang bao quanh cô trên trái đất, là một nơi nghỉ ngơi trên không trung xa cách những khách hàng không ngừng đòi hỏi của cô. Tuy nhiên chuyến bay vượt qua Đại Tây Dương này lại không thú vị lắm. Dường như chuyến bay xóc lạ thường và Jennifer thấy nôn nao khó chịu. Khi máy bay hạ cánh xuống Nice vào sáng hôm sau, cô cảm thấy đỡ hơn một chút. Đã có trực thăng đợi sẵn để đưa cô đến Monte Carlo. Trước đây Jennifer chưa được đi trực thăng nên cô thấy háo hức muốn đi. Nhưng việc trực thăng bay lên - hạ xuống bất thình lình lại làm cho cô mệt mỏi và cô đã không thể thưởng thức được những cảnh vật hùng vĩ của dãy núi Alpes phía dưới là khu vực Grande Corniche với những chiếc ô tô bé tí chạy vòng quanh vách núi dựng đứng. Những tòa nhà ở Monte Carlo đã hiện dần ra, và một vài phút sau trực thăng đã hạ cánh trước một sòng bạc mùa hè hiện đại màu trắng trên bờ biển. Cynthia đã gọi điện trước và Rick Arlen đã chờ sẵn ở đó để đón Jennifer. Khi gặp, anh ta ôm chầm lấy cô: “Chuyến đi thế nào?” “Hơi vất vả đôi chút”. Anh ta nhìn kỹ cô hơn và nói: “Trông cô không vui vẻ lắm. Tôi sẽ đưa cô lên chỗ ở của tôi để nghỉ một chút chuẩn bị cho buổi lễ lớn tối nay”. “Buổi lễ lớn gì vậy?” “Dạ hội mùa hè. Bởi vậy tôi đã mời cô tới đây”. “Sao cơ?” “Đúng vậy đó. Đức quận công cho tôi mời bất cứ ai mà tôi thích. Và tôi thích cô”. “Ồ ra vậy, Rick!” Lẽ ra Jennifer có thể vui vẻ treo cổ anh ta lên. Anh ta không biết là mình đã gây phiền hà biết bao cho cô. Cô đã phải cách xa Adam hơn 3000 dặm, cô đã phải bỏ những khách hàng đang cần cô, bỏ những vụ án đang làm...để bị lừa đến Monte Carlo tham dự một cuộc liên hoan! Jennifer nói: “Rick, làm sao mà anh có thể...” Cô nhìn khuôn mặt rạng rỡ của anh ta và bật cười. Ô, vậy đó, thế là cô đã ở đây, vả lại buổi dạ hội có thể thú vị thì sao? * * * * * Buổi dạ hội thật là ngoạn mục. Đó là một cuộc hòa nhạc để quyên góp quỹ cho những trẻ em mồ côi dưới sự bảo trợ của vợ chồng Đức quận công Rainier và Grace Grimaldi, được tổ chức ngoài trời ở sòng bạc mùa hè. Đó là một buổi tối rất đáng yêu: Tối đó êm dịu và những luồng gió nhẹ thổi từ Địa Trung Hải làm xào xạc những rặng cây cọ cao vút. Jennifer thầm mong Adam cũng có mặt ở đây để chia sẻ cùng cô. Những khán giả náo nhiệt đã ngồi kín 1500 chỗ. Có đến 6, 7 những ngôi sao nhạc rock quốc tế trình diễn nhưng Rick Arlen là người đứng đầu. Anh đã được một ban hợp xướng hỗ trợ cùng ánh đèn mờ ảo nhấp nháy ánh lên bầu trời. Khi kết thúc, anh ta được mọi người đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt. Sau đó họ tổ chức liên hoan ở cạnh bể bơi phía dưới khách sạn Paris. Người ta đã phục vụ cốc-tay và các món ăn tối tại quầy vòng quanh bể bơi lớn, và ở giữa có hàng chục ngọn nến đựợc thắp sáng trên những chiếc lá hoa loa kèn. Jennifer ước tính phải có hơn 300 khách tham dự. Cô đã không mang theo lễ phục buổi tối nên khi nhìn những người phụ nữ ăn mặc diêm dúa, cô cảm thấy mình như cô gái nhỏ nghèo mới lớn. Rick giới thiệu cô với các quận công, quận chúa và công chúa. Jennifer cảm tưởng như có tới một nửa các gia đình hoàng gia ở châu u có mặt ở đó. Cô đã tiếp xúc với chủ các tổ chức các-ten và các ca sĩ opera nổi tiếng. Có cả những người thiết kế mode và cầu thủ bóng đá nổi tiếng Pele. Khi Jennifer đang tiếp chuyện với hai chủ ngân hàng người Thuy Sĩ, cô chợt thấy hoa mắt. “Cho tôi xin phép”. Jennifer nói. Cô quay ra tìm Rick Arlen. “Rick này, tôi...” Anh ta nhìn cô giây lát và nói: “Trông mặt cô trắng bệch ra, cô em ạ. Chúng ta hãy chuồn thôi”. 30 phút sau Jennifer đã nằm bẹp trên giường tại biệt thự Rick Arlen thuê. “Bác sĩ đang đến đấy” Rick nói với cô. “Tôi không cần bác sĩ. Chắc chỉ bị vi rút hay cái gì đó thôi mà”. “Được rồi! Cái gì đó thì rồi bác sĩ cũng sẽ tìm ra”. Bác sĩ Andre Monteux là một người thấp bé ở quãng tuổi trên tám mươi. Ông có bộ râu quai nón được tỉa cẩn thận và mang theo một vali xách tay màu đen đựng thuốc men. Ông bác sĩ quay sang nói với Rick Arlen: “Anh có thể để chúng tôi tự nhiên được chứ?” “Được thôi. Tôi sẽ đợi bên ngoài”. Bác sĩ đi lại gần giường hơn. “Nào, có chuyện gì vậy”. “Giá mà tôi biết”, Jennifer nói yếu ớt - “thì tôi sẽ đến đây khám bệnh và ông phải nằm trên giường này cơ...” Ông ta ngồi xuống bên cạnh giường. “Cô cảm thấy thế nào?” “Giống như bị bệnh dịch hạch ấy”. “Cô thè lưỡi ra nào”. Jennifer thè lưỡi ra và bắt đầu thấy buồn nôn. Bác sĩ Monteux kiểm tra nhịp đập và nhiệt độ của cô. Khi ông làm xong, Jennifer hỏi: “Thưa bác sĩ, ông nghĩ đó là bệnh gì vậy?” “Có thể là một trong các bệnh, cô gái xinh đẹp ạ. Nếu như ngày mai cô cảm thấy không khỏe lắm thì tôi sẽ mời cô đến văn phòng tôi để có thể kiểm tra kỹ lưỡng hơn”. Jennifer cảm thấy quá mệt mỏi nếu cãi lại. “Thôi được”, Cô nói “Mai tôi sẽ đến đó”. * * * * * Sáng hôm sau, Rick Arlen lái xe đưa cô đến Monte Carlo, để bác sĩ Monteux kiểm tra sức khỏe cô đầy đủ hơn. “Chắc phải bị sao đó chứ, phải không bác sĩ?” Jennifer hỏi. “Nếu như cô muốn tiên đoán”, ông bác sĩ già nói “thì tôi sẽ đi gọi mấy ông thầy bói. Còn nếu cô muốn biết chuyện gì xảy ra với cô, thì chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ đến khi nhận lại được kết quả từ phòng thí nghiệm”. “Khi nào sẽ nhận được?” “Thường mất 2 đến 3 ngày”. Jennifer biết là không có cớ gì khiến cô phải đợi ở đây 2 hay 3 ngày. Adam có thể cần đến cô. Cô biết là cô cũng cần anh. “Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị cô đừng ra khỏi giường và hãy nghỉ ngơi”. Ông ta đưa cho cô một lọ thuốc. “Thuốc này sẽ làm cô thư giãn hơn”. “Cám ơn ông”, Jennifer viết nguệch ngoạc lên một mảnh giấy. “Ông có thể gọi địên cho tôi theo số này”. Mãi đến khi Jennifer đi rồi, bác sĩ Monteux mới nhìn vào mẩu giấy. Trên đó là số điện thoại ở New York. * * * * * Tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris, nơi phải chuyển máy bay, Jennifer đã uống hai viên thuốc bác sĩ Monteux đưa cho, kèm viên thuốc ngủ. Cô ngủ chập chờn trong gần suốt chặng đường trở lại New York, nhưng khi rời khỏi máy bay cô không hề cảm thấy khỏe hơn. Cô không báo cho ai đón nên đã thuê taxi về căn hộ của mình. Vào cuối buổi chiều, chuông điện thoại kêu. Adam đã gọi điện tới. “Jennifer! Em đã đi đâu...” Cô cố gắng giữ giọng nói rắn rỏi: “Em xin lỗi nhé, anh yêu ạ. Em đã phải đi Monte Carlo để gặp một khách hàng, nên không thể liên hệ với anh được”. “Anh lo đến phát ốm mất. Em vẫn khỏe chứ?” “Em khỏe. Em... Em đã phải đi nhiều nơi quá”. “Lạy chúa! Anh cứ hình dung toàn là những chuyện ghê gớm cả”. “Không có gì đáng lo đâu ạ”. Jennifer trấn an anh. “Việc vận động tranh cử ra sao rồi anh?” “Tốt đẹp cả. Khi nào anh sẽ gặp được em? Anh dự định đi Washington ngay, nhưng anh có thể hoãn....” “Không, anh cứ đi đi”. Jennifer nói. Cô không muốn Adam thấy cô trong cảnh như thế này. “Em sẽ rất bận. Chúng ta sẽ cùng đi nghỉ cuối tuần vậy”. “Cũng được vậy”. Giọng anh nghe hơi miễn cưỡng. “Nếu như em không làm gì vào lúc 11 giờ, thì xem anh trên bản tin truyền hình hãng CBS nhé”. “Em sẽ xem, anh yêu ạ”. Jennifer thiếp đi ngay sau khi cô gác máy nghe được năm phút. Sáng hôm sau, Jennifer gọi điện cho Cynthya để báo rằng cô sẽ không đi làm. Cô nằm ngủ chập chờn và khi thức giấc cô cảm thấy vẫn không khỏe hơn. Cô cố gắng ăn sáng nhưng không thể nuốt được thứ gì. Jennifer cảm thấy rất yếu và nhận ra rằng cô đã không ăn gì trong gần 3 ngày qua. Cô miễn cưỡng nghĩ qua về những bệnh hiểm nghèo có thể đến với mình. Đương nhiên, đầu tiên là ung thư cô tìm xem có u ở trên vú không nhưng chẳng thấy gì cả. Nhưng tất nhiên, ung thư có thể ở bất cứ đâu cơ mà. Có thể là một loại bệnh mang virut nào đó, nhưng thế thì ông bác sĩ phải chắc chắn biết rồi chứ. Vấn đề phiền toái là triệu chứng đó có thể hầu như là bất cứ bệnh gì. Jennifer cảm thấy rối bời và bất lực. Cô không phải là một người bệnh tưởng, cô luôn có sức khỏe tuyệt vời, nhưng bây giờ cô cảm thấy cơ thể của cô hình như là không tuân theo ý muốn của cô. Nếu như có điều gì xảy ra đối với cô thì cô không thể chịu đựng được, nhất là khi mọi việc đều đang quá tốt đẹp. Cô sẽ phải khỏe trở lại. Tất nhiên là như thế. Nhưng cơn buồn nôn khác lại tràn đến. Vào 10 giờ sáng hôm đó, bác sĩ Andre Monteux đã gọi điện từ Monte Carlo. Một giọng nói bảo cô: “Xin đợi một chút. Tôi sẽ chuyển cho ông bác sĩ nói chuyện”. Khoảng thời gian đó như kéo dài đến 100 năm. Jennifer cầm chặt điện thoại, dường như không thể chịu đựng được sự chờ đợi. Cuối cùng giọng nói của bác sĩ Monteux đã vang lên: “Bà cảm thấy thế nào?” “Vẫn như thế” Jennifer trả lời đầy lo lắng “Kết quả của cuộc kiểm tra sức khỏe đã được gửi đến chưa?” “Tin tức rất tốt lành!” Bác sĩ Monteux nói “Bà không phải bị bệnh dịch hạch đâu”. Jennifer không thể chịu đựng được nữa. “Bệnh gì vậy? Có chuyện gì xảy ra đối với tôi?” “Bà sắp có con, thưa bà Parker”. Jennifer ngồi lặng người đi, nhìn chằm chằm vào chiếc máy điện thoại. Khi cô có thể nói lại được, cô hỏi: “Ông... ông có chắc không?” “Những kẻ nhút nhát không hề biết nói dối đâu. Tôi cho đây là con đầu lòng của bà”. “Vâng”. “Tôi đề nghị bà nên gặp bác sĩ sản khoa càng sớm càng tốt. Những triệu chứng ban đầu rất đáng ngại, nên có lẽ bà sẽ gặp nhiều khó khăn sắp tới đấy”. “Tôi sẽ đến gặp ngay”, Jennifer trả lời. “Cám ơn ông đã gọi điện, bác sĩ Monteux ạ”. Cô gác ống nghe và ngồi lại đó, suy nghĩ rối bời. Cô không chắc chắn điều đó có thể xảy ra khi nào, hay cảm xúc của cô ra sao. Cô không thể suy nghĩ chính xác được. Cô sẽ có đứa con của Adam. Và bỗng nhiên Jennifer đã nhận ra cô có cảm xúc như thế nào. Cô cảm thấy thật là tuyệt diệu, cô cảm tưởng như thể được ai cho một món quà quý giá khó có thể miêu tả được. Thời điểm cũng rất tốt, như thể Chúa trời cũng đang ủng hộ họ. Cuộc bầu cử sẽ sớm qua đi và cô với Adam sẽ sớm lấy được nhau. Nó phải là một đứa con trai. Jennifer biết rõ điều đó. Cô muốn kể với Adam ngay. Cô gọi điện đến văn phòng anh. “Ông Warner không có tại phòng”, Thư ký của anh thông báo cho cô. “Cô có thể thử gọi về nhà ông ta xem”. Jennifer rất ngại gọi điện thoại cho Adam tại nhà, nhưng cô tràn ngập vui sướng với điều cô mới được biết. Cô quay số điện thoại của anh. Mary Beth đã trả lời điện thoại. “Tôi xin lỗi đã làm phiền chị”, Jennifer nói “Tôi phải nói với Adam đôi điều. Tôi là Jennifer Parker đây”. “Tôi rất hài lòng là cô đã gọi điện đến đây”, Mary Beth nói. Sự ấm áp trong giọng nói của cô ta rất đáng tin cậy “Adam đã có vài cuộc hẹn nói chuyện, nhưng anh ấy tối nay sẽ về nhà. Tại sao cô không đến nhà chúng tôi có hơn không? Chúng ta có thể cùng ăn tối. Bây giờ được chứ?” Jennifer ngập ngừng đôi chút: “Được thôi”. Thật là kỳ diệu Jennifer đã không bị tai nạn khi lái xe xuống Croton-on-Hudson. Suy nghĩ của cô trôi nổi đâu đó, mơ mộng về tương lai. Cô và Adam thường tranh luận về vấn đề con cái. Cô không thể nhớ lại được những lời của anh ấy “Anh muốn có hai đứa con giống hệt em”. Trong lúc Jennifer phóng dọc theo xa lộ, cô tưởng là cô có thể cảm thấy có gì đó khuấy động nhè nhẹ trong bụng, nhưng cô tự nhủ điều đó thật là vô lý. Bây giờ thật quá sớm. Nhưng cũng sẽ không lâu đâu. Đứa con của Adam đang ở trong cô. Nó đang tồn tại và chẳng bao lâu nữa sẽ bắt đầu quẫy đạp. Một nỗi lo lắng tràn ngập. Cô... Jennifer bỗng nghe thấy ai đó bóp còi, cô ngước lên và trông thấy, suýt nữa thì cô đã chèn một người lái xe tải sa xuống vệ đường. Cô nở một nụ cười tỏ vẻ biết lỗi và tiếp tục phóng đi. Không gì có thể làm hỏng được ngày hôm nay. * * * * * Khi Jennifer đỗ xe trước cửa nhà Warner thì trời đã xẩm tối, tuyết trắng bắt đầu rơi như rắc bộ nhè nhẹ lên rặng cây. Mary Beth trong bộ váy dài thêu kim tuyến màu xanh da trời đã mở cổng trước để đón Jennifer, khoác tay cô và nồng nhiệt mời cô vào nhà, điều đó đã làm Jennifer nhớ lại lần đầu họ gặp nhau. Trông Mary Beth vui vẻ rạng rỡ. Chị ta nói năng rất nhỏ nhẹ, làm cho khách thêm yên tâm. Họ đi vào phòng thư viện, nơi có một ngọn lửa ấm áp tí tách trong lò sưởi. “Tôi vẫn chưa thấy Adam gọi lại”, Mary Beth nói “Có thể anh ấy bị giữ lại. Trong lúc này cô và tôi có thể nói chuyện vui vẻ lâu một chút. Nghe giọng cô có vẻ phấn khởi lắm trên điện thoại”. Mary Beth cúi người về phía trước dò hỏi “Cô có tin gì vui vậy?” Jennifer nhìn vào người đàn bà đầy vẻ thân thiện ngồi trước mặt và buột miệng: “Tôi sẽ có một đứa con với Adam”. Mary Beth tựa vào ghế và mỉm cười: “Vậy à! Thật đáng nói đấy chứ! Tôi cũng thế”. Jennifer nhìn cô ta chằm chằm: “Tôi...tôi không hiểu”. Mary Beth cười phá lên. “Điều đó thật là dễ hiểu thôi, cô bạn thân mến. Adam và tôi cưới nhau, cô biết rồi đấy”. Jennifer chậm rãi: “Nhưng chị và Adam đang chuẩn bị ly dị mà”. “Cô bạn thân mến của tôi ơi, vì lý do gì mà tôi lại ly dị với Adam chứ? Tôi ngưỡng mộ anh ấy mà”. Jennifer cảm thấy đầu cô như bắt đầu quay tròn. Câu chuyện dường như khó hiểu. “Chị... chị yêu một người khác cơ mà. Chị nói rằng chị...” “Tôi nói rằng tôi đang yêu. Và tôi đang yêu thật. Tôi đang yêu Adam. Tôi đã nói với cô rằng tôi đã yêu Adam ngay từ lần đầu tôi gặp anh ấy”. Chị ta không định nói rõ ý mình. Chị ta trêu trọc Jennifer như mèo vờn chuột. “Chị dừng lại đi?” Jennifer nói “Chị và anh ấy chỉ như hai anh em với nhau thôi mà. Adam không muốn tình tự với...” Giọng Mary Beth pha lẫn nụ cười mỉa. “Thật tội nghiệp cho cô bạn thân mến của tôi? Tôi rất ngạc nhiên là một người thông minh như cô lại có thể...” Chị ta cúi người về phía trước đầy vẻ quan tâm. “Cô hãy tin anh ta? Tôi rất là ái ngại cho cô. Thực sự như vậy đấy”. Jennifer cố gắng tự chủ được mình. “Adam đang yêu tôi Chúng tôi sẽ lấy nhau”. Mary Beth lắc đầu. Đôi mắt xanh của chị ta bắt gặp đôi mắt của Jennifer, và sự căm thù rõ nét trong đôi mắt đó đã khiến trái tim của Jennifer ngừng đập trong giây lát. “Điều đó sẽ làm cho Adam trở thành kẻ đa thê. Tôi sẽ không bao giờ cho anh ấy ly dị. Nếu tôi để Adam ly dị và cưới cô thì anh ấy sẽ bị thất bại trong cuộc tuyển cử này. Cứ để như hiện nay thì anh ấy sẽ thắng cử. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng, cả Adam và tôi. Không có chỗ trong cuộc đời của anh ta cho những người như cô đâu. Không bao giờ có. Anh ấy chỉ nghĩ đơn giản rằng anh ấy đang yêu cô. Nhưng anh ấy sẽ vượt qua được điều đó khi anh biết rằng tôi đang mang đứa con của anh ấy. Adam luôn luôn muốn có con”. Jennifer cố nhắm chặt đôi mắt lại, cố để chống đỡ lại nỗi đau kinh khủng trong đầu óc cô. “Tôi có thể lấy cho cô chút gì được không?” Mary Beth nói, đầy vẻ hòa giải. Jennifer mở mắt ra. “Chị đã nói với anh ấy rằng chị đang có thai chưa?” “Chưa”. Mary Beth mỉm cười “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói với anh ấy vào tối nay khi anh ấy về đến nhà và chúng tôi đã lên giường”. Giọng Jennifer tràn ngập sự căm ghét. “Chị là một con quỷ cái...” “Vấn đề rõ ràng cả rồi, phải không em? Tôi là vợ của Adam, còn em là con nhân tình của anh ấy”. Jennifer nhỏm dậy, cảm thấy chóng mặt. Cơn đau như vỡ đầu khiến cô không thể chịu đựng được. Tai cô như ù đi và cô lo rằng mình sắp bị ngất xỉu. Cô lần bước ra phía cửa, đôi chân loạng choạng. Jennifer dừng lại trước cửa, áp mình vào đó cố gắng suy nghĩ. Adam đã nói rằng anh yêu cô, nhưng anh đã ngủ với người đàn bà này và làm chị ta có mang. Jennifer quay đi và bước vào buổi tối lạnh lẽo. Chương 24 Adam đang trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng vòng quanh bang. Anh đã gọi điện cho Jennifer vài lần, nhưng quanh anh luôn có những người tùy tùng khiến anh không thể nói chuyện được và khiến cho Jennifer không thể báo cho anh biết tin của cô được. Jennifer đã biết lý do khiến Mary Beth có thai; chị ta đã lừa dối Adam để anh ngủ cùng với chị ta. Nhưng Jennifer muốn nghe điều đó từ chính Adam. “Trong vài ngày nữa anh sẽ trở lại và lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện”. Adam nói. Chỉ còn năm ngày nữa là đến ngày bầu cử. Adam thực xứng đáng thắng cử. Anh là một ứng cử viên trội hơn. Jennifer cảm thấy rằng Mary Beth đã đúng, khi chị ta nói rằng cuộc tuyển cử này là một bước đệm cho chức vụ tổng thống Mỹ. Cô sẽ một mình phải đợi và xem những gì xảy ra. Nếu như Adam được bầu là Thượng nghị sĩ thì Jennifer sẽ mất anh. Adam sẽ đi Wasingtơn cùng Mary Beth. Không có cách nào mà anh có thể ly dị được. Vụ bê bối của một Thượng nghị sĩ mới được bầu, ly dị người vợ đang có thai để cưới cô nhân tình cũng đang có thai của anh ta, sẽ quá đủ cho một câu chuyện làm anh ta không bao giờ gượng dậy được. Nhưng nếu Adam thất bại trong cuộc chạy đua này, thì anh sẽ được tự do. Tự do trở lại làm nghề luật, tự do cưới Jennifer và sẽ không phải lo lắng hay chú ý đến những gì mà người khác nghĩ. Họ sẽ có thể cùng nhau sống quãng đời còn lại. Và có con với nhau. Buổi sáng sớm của ngày bầu cử lạnh lẽo và đầy mưa. Do việc quan tâm đến cuộc tranh cử vào Thượng nghị viện, nên người ta cho rằng có nhiều người đi bầu cử tại các hòm phiếu, mặc dù thời tiết xấu. Lúc buổi sáng Ken Bailey đã hỏi: “Hôm nay em sẽ đi bầu cử chứ”. “Vâng ạ”. “Dường như là cuộc chạy đua khá sát nút có phải không?” “Rất sát nút”. Cô đi bỏ phiếu vào cuối buổi sáng hôm đó và khi bước vào buồng bỏ phiếu, cô đã suy nghĩ một cách chán ngán. “Một phiếu bầu cho Adam Warner lại là một phiếu chống lại Jennifer Parker”. Cô đã bỏ phiếu cho Adam và rời phòng bỏ phiếu. Cô không thể chịu đựng được việc trở lại văn phòng mình. Cả buổi chiều hôm đó cô đi dạo trên các phố, cố gắng không suy nghĩ, cố gắng không cảm thấy gì. Suy nghĩ và cảm xúc để biết rằng một vài giờ nữa sẽ quyết định quãng đời còn lại của cô. Chương 25 Edwin Newman đang nói : “Sau đây là số phiếu bầu được kiểm cho đến giờ phút này trong cuộc chạy đua vào Thượng nghị viện giữa nghị sĩ đương chức John Trowbridge và đối thủ Adam Warner. Tại Manhattan, John Trowbridge đạt được tổng số là 221.375 phiếu. Adam Warner đạt được tổng số là 214.895 phiếu. Tại khu vực bầu cử thứ bốn lăm trong Hội đồng quận thứ hai mươi chín ở Oueens, John Trowbridge vượt hơn hai phần trăm. Cuộc sống của Jennifer như đang được đo bằng những điểm phần trăm này. - Tổng phiếu bầu từ các khu vực Bronx, Brooklyn, Queens Richmond và các địa hạt Nassan, Rockland, Suffolk và Westchester cộng lại là 2.300.000 phiếu bầu cho John Trowbridge và 2.120.000 phiếu bầu cho Adam Warner, cùng với kết quả từ các khu vực phía trên thuộc bang New York đang bắt đầu được gửi đến. Adam Warner đã cho thấy mình là một đối thủ đáng gờm đối với Thượng nghị sĩ Trowbridge, người đang trong nhiệm kỳ thứ ba. Ngay từ đầu, số phiếu được phân chia khá đồng đều. Theo số phiếu bầu được kiểm cho đến giờ phút này là 62 phần trăm tổng số phiếu, Thượng nghị sĩ Trowbridge bắt đầu vượt lên trên. Khi chúng tôi báo cáo kết quả một giờ trước đây, Thượng nghi sĩ Trowbridge đã hơn được hai phần trăm. Kết quả bây giờ cho thấy ông ta đã vượt lên đến 2,5 phần trăm. Nếu như xu hướng này tiếp tục thì máy tính điện tử của hãng NBC dự báo thượng nghị sĩ Trowbridge sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ. Chúng tôi xin chuyển tiếp sang cuộc tranh cử giữa...” Jennifer ngồi đó, nhìn vào chiếc máy, tim đập dồn dập. Với cô, như thể là hàng triệu người đang bỏ phiếu quyết định tán thành Adam với Jennifer, hay là Adam với Mary Beth. Jennifer cảm thấy hơi đau đầu và choáng váng, cô phải nhớ dành thì giờ để ăn uống. Nhưng không phải lúc này. Không gì đáng quan tâm hiện nay ngoài những điều đang xảy ra trên màn hình trước mặt cô. Sự hồi hộp ngày càng tăng qua từng phút từng giờ. Vào lúc nửa đêm, Thượng nghị sĩ John Trowbndge đã hơn tới ba phần trăm. Vào quãng hai giờ sáng, trong số 71 phần trăm tổng số phiếu bầu được kiểm, Thượng nghị sĩ Trowbridge đã chênh hơn 3,5 phần trăm. Máy tính đã thông báo rằng Thượng nghị sĩ John Trowbridge thắng cử. Jennifer ngồi lặng nhìn chiếc máy vô tuyến, không hề có chút cảm xúc nào. Adam đã thua cuộc. Jennifer đã thắng. Cô đã giành lại được Adam và đứa con trai của họ. Cô được tự do với Adam ngay bây giờ, kể cho anh nghe về đứa con trai của họ và cùng nhau vạch kế hoạch cho tương lai. Trái tim của Jennifer đã thổn thức cho Adam, vì cô biết cuộc bầu cử này có ý nghĩa biết bao đối với anh. Nhưng theo thời gian, Adam sẽ vượt qua nỗi đau thất bại. Một ngày nào đó anh sẽ thử cố gắng lại và cô sẽ giúp anh. Anh vẫn còn trẻ mà. Thế giới đang rộng mở trước mặt cả hai người. Trước mặt cả ba người của gia đình họ. Jennifer thiếp đi trên ghế dài, mơ về Adam, cuộc tuyển cử vào Nhà trắng. Cô và Adam cùng con trai họ đang ở trong phòng Bầu dục. Adam đang phát biểu nhậm chức. Mary Beth bước vào và bắt đầu ngắt lời. Adam quát lại cô ta và giọng anh ngày càng to hơn. Jennifer chợt tỉnh. Giọng nói đó là của phát thanh viên Edwin Newman. Máy vô tuyến truyền hình vẫn đang mở. Trời bắt đầu hửng sáng. Edwin Newman trông rất mệt mỏi đang đọc kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Jennifer lắng nghe anh ta, đầu óc nửa tỉnh nửa mê. Khi cô bắt đầu nhổm dậy khỏi ghế, cô nghe thấy anh ta nói: “Và đây là kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vào thượng nghị viện tại bang New York. Một trong những kết quả bất ngờ nhất trong nhiều năm nay là Adam Warner đã đánh bại được Thượng nghị sĩ đương chức John Trowbridge với số phiếu chênh hơn không quá một phần trăm”. Mọi việc đã kết thúc. Jennifer đã thua. Chương 26 Khi Jennifer bước vào văn phòng cuối buổi sáng hôm đó và Cynthia nói: “Ông Adam đang gọi điện thoại, thưa chị Parker. Ông ta đã gọi cả sáng nay!” Jennifer ngập ngừng một chút sau đó nói: “Được rồi, Cynthia tôi sẽ cầm máy”. Cô đi vào văn phòng và nhấc điện thoại: “Chào anh, Adam. Chúc mừng anh nhé!” “Cám ơn em. Chúng ta phải nói chuyện. Em đi ăn trưa nay được chứ?” Jennifer ngập ngừng và nói: “Được ạ”. Dù sao thì cũng cần phải gặp nhau vào một lúc nào đó chứ? Lần đầu tiên Jennifer được nhìn thấy Adam sau ba tuần lễ. Cô quan sát kỹ khuôn mặt của anh. Adam trông hốc hác và cau có. Lẽ ra anh phải tràn ngập mềm vui thắng lợi, nhưng ngược lại anh dường như lo sợ và có vẻ khó chịu rất kỳ quặc. Họ gọi các món ăn trưa nhưng cả hai đều không ăn, và họ nói về cuộc bầu cử, những lời nói của họ cũng chỉ để ngụy trang những suy nghĩ bên trong. Trò đánh đố này trở nên hầu như không thể chịu đựng được nữa, và cuối cùng Adam đã phải bật ra: “Jennifer này...” Anh hít sâu vào trong ngực và bỗng thở mạnh “Mary Beth sắp sửa có con”. Những lời đó từ anh nói ra làm thực tế trở nên không thể chịu đựng được. “Anh xin lỗi, em yêu ạ. Điều đó điều đó đã tự xảy ra. Thật khó giải thích quá”. “Anh không cần phải giải thích đâu”, Jennifer có thể hình dung ra cảnh đó khá rõ ràng. Mary Beth đã ăn mặc hở hang khêu gợi... hoặc trần truồng... và Adam đã... “Anh cảm thấy như một kẻ ngớ ngẩn”, Adam nói tiếp. “Sự im lặng thật là khó chịu” và anh lại tiếp tục: “Sáng nay ông chủ tịch Ủy ban quốc gia gọi điện cho anh, họ đang bàn tính chuyện chuẩn bị cho anh ra ứng cử Tổng thống khóa tới”. Anh chợt ngập ngừng. “Vấn đề là vì Mary Beth đang có thai, đây là lúc rất khó khăn cho anh để đòi ly dị. Anh không biết phải làm gì đây? Anh đã mất ngủ ba đêm liền”. Anh nhìn Jennifer “Anh không hề muốn hỏi em điều này, nhưng em có nghĩ rằng chúng ta có thể đợi một chút cho đến khi mọi việc có thể tự dàn xếp ổn thỏa được không?” Jennifer nhìn Adam qua bàn và cảm thấy một nỗi đau sâu kín, một sự mất mát vô kể mà cô không nghĩ rằng mình có thể chịu đựng được. “Trong khi chờ đợi chúng ta sẽ gặp nhau thường xuyên hơn nếu có thể được”. Adam nói với cô “Chúng ta...” Jennifer phải khó khăn lắm mới nói ra được: “Không, Adam ạ. Mọi chuyện đã kết thúc rồi”. Anh nhìn cô chằm chằm. “Chắc em không muốn nói như vậy đâu. Anh yêu em mà, em yêu. Chúng ta sẽ tìm cách để...” “Không có cách nào cả đâu, vợ con anh sẽ không tự biến mất được. Chuyện giữa anh và em đã kết thúc rồi. Em đã yêu quý cuộc tình đó. Yêu quý từng giây từng phút”. Cô đứng dậy, biết chắc rằng nếu cô không ra khỏi khách sạn ngay thì cô sẽ phải gào thét lên. “Chúng ta phải không bao giờ nhìn thấy nhau nữa”. Cô không thể chịu đựng được khi phải nhìn đôi mắt đầy đau đớn của anh. “Ồ chúa ơi, Jennifer này? Đừng làm như thế. Xin em đừng làm như thế! Chúng ta...” Cô đã không nghe đoạn cuối. Cô vội vàng lao ra phía cửa, chạy trốn khỏi cuộc đời của Adam. Chương 27 Những cú điện thoại của Adam đã không hề được chấp nhận hoặc được trả lời. Thư từ của anh đã được để nguyên và gửi trả lại. Trên bức thư cuối cùng mà Jennifer nhận được, cô đã viết từ “Đã qua đời” lên phong bì và bỏ lại vào hộp thư. Điều đó là sự thực. Jennifer thầm nghĩ. Mình đã chết rồi. Cô không bao giờ biết được rằng nỗi đau như thế có thể tồn tại. Cô đã phải cô quạnh một mình, nhưng mà cô đâu có một mình. Còn có một con người nữa bên trong cô, mang một phần của cô và một phần của Adam. Cô sẽ phải giết chết nó. Cô tự buộc mình nghĩ đến nơi mà cô sẽ đến phá thai. Một vài năm trước đây, việc phá thai đồng nghĩa với việc gặp một vài ông lang băm trong một căn phòng có cửa hậu nhếch nhắc và bẩn thỉu, nhưng bây giờ điều đó không còn cần thiết nữa. Cô có thể đi bệnh viện và được một nhà phẫu thuật có danh tiếng chăm sóc đến. Có thể là một nơi nào đó ở ngoại ô thành phố New York. Báo chí đã quá nhiều lần đưa ảnh Jennifer và cô cũng đã thường xuyên được lên vô tuyến. Cô cần che giấu tên tuổi, cần một nơi nào đó mà không ai hỏi hắn đến. Sẽ phải không bao giờ. Không bao giờ có sự liên hệ giữa cô và Adam Warner. Thượng nghị sĩ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Adam Warner. Đứa con của họ phải chết mà không ai biết đến. Jennifer tự cho mình suy nghĩ xem liệu đứa bé sẽ có hình dáng ra sao và cô đã khóc nức lên đến mức suýt nữa ngạt thở. Trời bắt đầu mưa, Jennifer ngước nhìn bầu trời và tự hỏi liệu Chúa trời có đang khóc cùng cô không. * * * * * Ken Bailey là người duy nhất mà Jennifer có thể tin cậy để giúp cô được. “Em cần phải phá thai”, Jennifer đi thẳng vào vấn đề “Anh có biết một bác sĩ giỏi nào không?” Anh cố gắng che giấu sự ngạc nhiên, nhưng Jennifer có thể thấy được những cảm xúc khác nhau thoáng qua trên khuôn mặt anh. “Một nơi nào đó ngoài thành phố nhé, Ken ạ. Một nơi nào đó mà người ta sẽ không biết gì về em được”. “Trên quần đảo Fiji [1] được không?” Giọng anh pha vẻ tức giận. “Em nói nghiêm chỉnh đấy”. “Xin lỗi. Anh... Em đã làm anh ngạc nhiên quá mà”. Tin đó thực sự đã làm cho anh rất kinh ngạc. Anh tôn thờ Jennifer. Anh biết rằng anh yêu cô và đã nhiều lần anh nghĩ rằng anh đang say đắm cô; nhưng anh không biết chắc chắn, và đó là nỗi thống khổ. Anh có thể không bao giờ làm gì đối với Jennifer như những điều anh đã làm đối với vợ anh. Chúa ơi, Ken thầm nghĩ, tại sao em không hề nghĩ chút nào về anh cơ chứ? Anh vò tay lên mái tóc nhuộm đỏ của mình và nói: “Nếu như em không muốn làm việc đó ở New York thì anh cho rằng, nên ở bang Bắc Carolina. Chỗ đó cũng không quá xa đâu”. “Anh có thể kiểm tra việc đó cho em được không?” “Ừ, được thôi. Anh....” “Gì cơ?” Anh tránh không nhìn cô. “Chẳng có gì cả”. Ken Bailey mất hút trong ba ngày tiếp theo. Khi anh trở lại văn phòng Jennifer vào ngày thứ ba, râu ria mọc đầy và đôi mắt anh trũng sâu, đỏ quạch. Jennifer nhìn qua anh và hỏi: “Anh vẫn khỏe đấy chứ”. “Có lẽ thế”. “Em có thể làm gì giúp anh không?” “Không”. Nếu như chúa không thể giúp anh, cưng ạ thì em cũng không thể giúp gì anh được. Anh tự nhủ. Anh đưa cho Jennifer một mảnh giấy. Trên đó viết “Bác sĩ Eric Linden ở bệnh viện Memorial thuộc Charlotte, bang Bắc Carolina”. “Cám ơn anh, Ken ạ”. “Không có gì. Khi nào em sẽ làm việc đó?” “Em sẽ xuống đó vào cuối tuần này”. Anh nói ngượng nghịu. “Em có muốn anh đi cùng em không?” “Không, cám ơn. Em sẽ tự lo được”. “Thế khi về thì sao?” “Em sẽ thu xếp được mà”. Anh đứng lặng giây lát, ngập ngừng nói: “Đúng là không phải công việc của anh nhưng em chắc về điều em muốn làm chứ?” “Em chắc”. Cô không còn sự lựa chọn nào. Cô không muốn gì khác trên thế gian này ngoài việc giữ được đứa con của Adam, nhưng cô biết việc cố gắng một mình nuôi dưỡng một đứa trẻ thật là điên rồ. Cô nhìn vào Ken và nhắc lại: “Em chắc chứ!” * * * * * Bệnh viện, đó là một tòa nhà xây bằng gạch hai tầng cổ kính và dễ chịu, nằm ở ngoại ô Charlotte. Người đàn bà ngồi sau bàn đăng ký bệnh nhân tóc hoa râm, khoảng gần sáu mươi tuổi hỏi. “Tôi có thể giúp cô việc gì?” “Vâng”, Jennifer nói “Tôi là bà Parker. Tôi có hẹn gặp với bác sĩ Linden để... để....” Cô không thể tự mình nói hết câu được. Người đàn bà gật đầu thông cảm. “Bác sĩ đang chờ bà đó, thưa bà Parker. Tôi sẽ gọi người ra đưa bà vào”. Một cô y tá trẻ trông năng động dẫn Jennifer vào phòng khám ở cuối gian nhà và nói: “Tôi sẽ báo bác sĩ Linden rằng bà ở đây. Bà có thể cởi quần áo ra được không? Có chiếc váy bệnh nhân ở trên mắc kia đấy”. Bị ám ảnh bởi cảm giác hư ảo, Jennifer chậm rãi cởi bỏ quần áo và mặc chiếc váy bệnh nhân màu trắng. Cô có cảm tưởng như thể mình đang mặc chiếc tạp dề của người đồ tể. Cô sắp sửa giết chết mầm sống bên trong cô. Cô tưởng tượng chiếc tạp dề sắp sửa vung vãi đầy máu, dòng máu của con cô. Jennifer cảm thấy mình như run lên. Một giọng nói vang lên: “Hãy nhìn đây này. Đừng căng thẳng quá!” Jennifer ngước lên, thấy một người đàn ông trán hói, trông vạm vỡ đeo kính gọng sừng, khiến khuôn mặt ông ta trông rất nghiêm nghị. “Tôi là bác sĩ Linden”. Ông nhìn vào bảng thông báo trong tay. “Bà là bà Parker à?” Jennifer gật đầu. Ông bác sĩ nắm tay cô và dịu dàng: “Bà hãy ngồi xuống”. Ông đến bên bồn rửa và hứng đầy một cốc nước. “Hãy uống cốc nước này đi”. Jennifer làm theo. Bác sĩ Linden ngồi trên ghế, quan sát cô cho đến khi Jennifer đã hết run rẩy. “Vậy đấy! Bà muốn phá thai à?” “Vâng”. “Bà thảo luận vấn đề này với chồng bà chưa, bà Parker?” “Rồi ạ. Chúng tôi... cả hai chúng tôi đều muốn vậy”. Ông ta quan sát cô: “Dường như bà có sức khỏe tốt đấy ạ?” “Tôi cảm thấy... tôi cảm thấy khỏe”. “Có phải là vấn đề kinh tế không?” “Không”. Jennifer nói nhát gừng. Tại sao ông ta lại làm phiền cô với những câu hỏi đó nhỉ? “Chúng tôi... đơn giản là chúng tôi không thể có con được”. Bác sĩ Linden lấy ra một tẩu thuốc. “Điều đó gây phiền nhiễu cho bà à?” “Không”. Bác sĩ Linden châm tẩu thuốc và nói: “Một ý thích thật rắc rối”. Ông ta dựa vào ghế và thở ra một luồng khói. “Chúng ta có thể thôi không nói chuyện này nữa được không?” Jennifer hỏi. Thần kinh của cô đã bị căng thẳng cao độ. Cô cảm tưởng như mình sắp sửa la hét lên bất cứ lúc nào. Bác sĩ Linđen lại thở ra một luồng khói dài chậm rãi. “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nói chuyện trong một vài phút nữa”. Cố gắng hết sức để lấy nghị lực, Jennifer đã kiềm chế sự tức giận của mình. “Được thôi”. “Vấn đề là”, Bác sĩ Linden nói “khi đã phá thai thì không thể thay đổi lại được. Bây giờ bà có thể thay đổi ý kiến, nhưng sau khi thai bị phá đi thì bà không thể thay đổi lại được đâu”. “Tôi sẽ không thay đổi ý kiến”. Ông gật đầu và thở ra một luồng khói chậm rãi nữa. “Thế thì tốt”. Mùi thuốc lá ngọt dịu đã khiến cho Jennifer cảm thấy buồn nôn. Cô thầm mong ông sẽ cất chiếc tẩu thuốc đi. “Thưa bác sĩ Linden...” Ông miễn cưỡng đứng dậy và nói: “Được thôi, thưa quý bà, hãy để chúng tôi khám qua bà nhé”. Jennifer nằm ngửa lên bàn khám, chân cô chạm vào những bậc bằng kim loại lạnh lẽo. Cô cảm thấy những ngón tay của ông ta luồn sâu vào cơ thể cô. Chúng rất nhẹ nhàng và điêu luyện khiến cô không hề cảm thấy ngượng ngùng, mà chỉ có một cảm giác mất mát khó tả một nỗi đau thầm kín. Những tưởng tượng về đứa con trai bé nhỏ của cô đã tự hiện lên trong suy nghĩ. Bởi vì cô biết chắc chắn rằng đó sẽ là một đứa con trai luôn chạy nhảy, chơi đùa và cười nói. Nó sẽ lớn lên như hình ảnh của bố nó. Bác sĩ Linden đã khám xong. “Bây giờ bà có thể mặc quần áo rồi, bà Parker ạ. Bà có thể ở đây qua đêm nếu như bà muốn, và chúng tôi sẽ thực hiện ca phẫu thuật này vào buổi sáng”. “Không” Giọng nói của Jennifer sắc lạnh hơn cô tưởng. “Tôi muốn làm ngay bây giờ cơ”. Bác sĩ Linden lại quan sát cô với vẻ mặt đầy giễu cợt: “Tôi đã có hai bệnh nhân chờ trước rồi. Tôi sẽ bảo cô y tá đến chuẩn bị phòng giải phẫu và sẽ đưa bà vào phòng. Chúng tôi sẽ thực hiện phẫu thuật trong khoảng bốn tiếng. Được chứ?” Jennifer nói thầm thì: “Vâng, được...” Cô nằm trên chiếc giường bệnh chật hẹp, đôi mắt khép lại, chờ đợi bác sĩ Linden trở lại. Phía trên tường có một chiếc đồng hồ kiểu cổ và tiếng tích tắc của nó như tràn ngập cả căn phòng. Tiếng nó vang lên tựa như lời nói: “Bé Adam, Adam, Adam của mẹ, của mẹ, của mẹ”. Jennifer không thể nào quên được hình ảnh của đứa trẻ trong quy nghĩ của cô. Vào lúc này nó đang ở trong cơ thể cô yên ổn, ấm áp. Nó đang sống trong bụng mẹ, được che chở trước sự xâm nhập của thế giới bên ngoài. Cô tự hỏi liệu nó có chút sợ hãi nào không đối với điều sắp sửa xảy ra với nó. Cô cũng tự hỏi liệu nó có cảm thấy đớn đau không khi mũi dao giết chết nó. Cô lấy tay bịt tai lại để không phải nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ. Cô cảm thấy mình bắt đầu khó thở và người cô lạnh toát đầy mồ hôi. Cô chợt nghe thấy tiếng động và mở mắt ra. Bác sĩ Linden đang đứng trông xuống cô với vẻ đầy lo ngại trên nét mặt. “Bà không sao chứ, thưa bà Parker?” “Vâng”. Jennifer nói thầm thì. “Tôi chỉ muốn kết thúc sớm thôi”. Bác sĩ Linden gật đầu. “Chúng tôi sắp sửa làm đây”. Ông lấy ra một ống tiêm ở bàn để cạnh giường và lại gần cô. “Thuốc gì trong ống tiêm vậy?” “Thuốc Demerol và Phenergan để làm bà bớt căng thẳng. Chúng ta sẽ đi vào phòng giải phẫu trong ít phút nữa”. Ông bắt đầu tiêm cho Jennifer. “Theo tôi đây là lần phá thai đầu của bà phải không”. “Vâng ạ”. “Vậy để tôi giải thích quá trình thực hiện cho bà nhé. Không đau chút nào và cũng khá đơn giản. Trong phòng giải phẫu người ta sẽ gây mê cho bà và cho bà thở khí ôxy bằng cách dùng mặt nạ. Khi bà đã mê đi, banh sẽ được đưa vào âm đạo để chúng tôi có thể quan sát khi làm sau đó. Chúng tôi sẽ bắt đầu làm giãn cổ tử cung bằng một loạt những cái banh kim loại với các cỡ tăng dần, và dùng thìa nạo sạch tử cung. Bà có hỏi gì nữa không?” “Không”. Một cảm giác buồn ngủ ấm áp chợt đến với cô. Cô có thể cảm thấy nỗi căng thẳng trong cô đã biến đi tựa hồ như có phép mầu, và những bức tường của văn phòng bắt đầu trông mờ ảo. Cô muốn hỏi bác sĩ một điều gì đó nhưng cô không thể nhớ là điều gì... một điều gì đó về đứa con... nhưng điều đó dường như không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là cô đang làm những gì mà cô buộc phải làm. Trong một vài phút nữa tất cả sẽ qua đi, và cô có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Cô cảm thấy mình như đang trôi vào một trạng thái mơ màng tuyệt diệu... Cô cảm nhận được mọi người đang vào trong phòng nhấc cô lên chiếc bàn kim loại có bánh xe đẩy... Cô có thể thấy sự lạnh lẽo của kim loại thấm vào lưng cô qua chiếc áo bệnh nhân mỏng manh. Cô được đẩy dọc xuống cuối hành lang và cô bắt đầu đếm những ngọn đèn phía trên đầu. Điều dường như quan trọng là phải đếm đúng số lượng, nhưng cô cũng không biết chắc là vì sao. Jennifer được đẩy vào một căn phòng giải phẫu đã được khử trùng, quét sơn màu trắng và thầm nghĩ: Đây là nơi mà đứa con của mình sắp sửa chết. Đừng lo lắng, bé Adam ạ. Me sẽ không để họ làm con đau đâu. Và cô đã bật khóc ngoài ý muốn của mình. Bác sĩ Linden vỗ nhẹ vào tay cô. “Mọi việc sẽ tốt đẹp cả thôi. Không đau lắm đâu”. “Sự chết chóc không hề đau đớn”. Jennifer thầm nghĩ “Điều đó thật tuyệt”. Cô yêu quý đứa con của cô. Cô không muốn nó bị đau đớn. Ai đó đã đeo mặt nạ che mặt cô và một giọng nói cất lên: “Hãy thở sâu vào”. Jennifer cảm thấy có những bàn tay kéo chiếc váy bệnh nhân lên và giang hai chân cô ra. Điều đó sắp sửa đến rồi. Điều đó sắp sửa đến bây giờ. Bé Adam, bé Adam, bé Adam ạ. “Tôi muốn bà bớt căng thẳng đi”. Bác sĩ Linden nói. Jennifer gật đầu. “Vĩnh biệt, bé con của mẹ”. Cô cảm thấy một vật bằng thép lạnh lẽo bắt đầu đưa vào giữa đùi cô và dần dần tiến lên trong cơ thể cô. Đó là một dụng cụ tử thần xa lạ sắp giết chết đứa con của Adam. Cô chợt nghe một giọng nói lạ lùng hét lên. “Hãy dừng lại! Hãy dừng lại! Hãy dừng lại!” Jennifer ngước nhìn những khuôn mặt kinh ngạc đang nhìn chằm chằm xuống cô và nhận ra rằng những tiếng la hét đó là của cô. Chiếc mặt nạ ấn chặt hơn vào mặt cô. Cô cố gắng ngồi dậy nhưng có những sợi đã buộc đã giữ cô lại. Cô bị chìm vào một cơn xoáy chuyển động ngày càng nhanh hơn và cuốn trôi cô đi. Vật cuối cùng cô nhớ được là bóng đen mầu trắng khổng lồ trên trần nhà xoay tít trên mặt cô, xoáy dần xuống và cắm ngập sâu vào xương sọ cô. Khi Jennifer thức giấc, cô nhìn thấy mình nằm trên giường bệnh trong phòng. Qua cánh cửa sổ cô có thể thấy phía ngoài trời đã tối. Cơ thể cô như bị hành hạ đau đớn và cô tự hỏi không biết cô đã bất tỉnh bao lâu rồi. Cô vẫn đang sống, nhưng còn đứa con của cô? Cô với nút chuông gắn cạnh giường và ấn chuông. Cô bấm mãi như điên cuồng, không thể buộc mình dừng lại được. Một cô y tá xuất hiện trước cửa, sau đó vội chạy đi. Một vài phút sau bác sĩ Linden lao vào. Ông đến bên giường và nhẹ nhàng nhấc ngón tay Jennifer khỏi nút bấm. Jennifer lắc mạnh cánh tay ông ta và nói lạc cả giọng: “Con tôi... Nó đã chết rồi...!” Bác sĩ Linden nói: “Không đâu, thưa bà Parker. Nó vẫn còn sống. Tôi hy vọng nó sẽ là một đứa con trai. Bà đã gọi nó là Adam suốt”. Chú Thích [1] Quần đảo ở Tây nam Thái Bình Dương. Chương 28 Lễ Nôen đã đến rồi lại qua đi, và bắt đầu một năm mới - 1973. Những đợt tuyết tháng hai nhường bước cho những cơn gió lồng lộng của tháng ba, và Jennifer biết rằng đã đến lúc ngừng công việc. Cô triệu tập một cuộc họp nhân viên trong văn phòng. “Tôi sắp sửa đi vắng”, Jennifer thông báo “Tôi sẽ đi xa trong năm tháng tới”. Có tiếng thì thầm ngạc nhiên. Dan Martin hỏi: “Chúng tôi có thể liên lạc với cô, được chứ?” “Không, Dan ạ. Tôi sẽ không liên lạc với ai cả”. Tea Harris nhìn cô qua cặp kính dày của anh “Jennifer này, cô không thể chỉ...” “Tôi sẽ rời đây vào cuối tuần này”. Sự dứt khoát trong giọng nói của cô đã chấm dứt mọi câu hỏi thêm. Phần tiếp theo của cuộc họp là việc thảo luận về những vụ án chưa xử. Khi mọi người khác đã rời khỏi phòng, Ken Bailey hỏi: “Em thực sự đã nghĩ kỹ điều này rồi chứ?” “Em không có sự lựa chọn nào khác, Ken ạ”. Anh lặng lẽ nhìn cô. “Tôi không biết nó là đồ chó đẻ nào, nhưng tôi căm thù nó”. Jennifer đặt tay cô lên cánh tay anh. “Cảm ơn anh. Tôi không sao đâu”. “Điều đó sẽ trở nên phức tạp, cô biết rồi đấy. Trẻ con sẽ lớn lên, chúng sẽ đặt câu hỏi. Nó cũng sẽ muốn biết ai là cha nó chứ”. “Em sẽ lo được điều đó”. “Tốt thôi”. Giọng anh nhẹ đi. “Nếu như có điều gì anh có thể làm được... bất cứ điều gì... anh sẽ luôn ở bên em”. Cô quàng tay qua anh. “Cám ơn anh, Ken ạ. Em muốn cám ơn anh”. Sau khi mọi người đã về, Jennifer ở lại rất lâu trong văn phòng, ngồi một mình trong bóng tối suy nghĩ. Cô sẽ mãi yêu Adam. Không gì có thể thay đổi được điều đó và cô cũng chắc chắn rằng anh vẫn còn yêu cô. “Về mặt nào đó”, Jennifer thầm nghĩ “sẽ dễ chịu hơn nếu anh ấy không yêu”. Thật là một điều mỉa mai là họ yêu nhau nhưng không thể sống cùng nhau và cuộc đời của họ sẽ ngày càng xa nhau hơn. Cuộc sống của Adam bây giờ sẽ ở Washington cùng Mary Beth và đứa con của họ. Có lẽ một ngày nào đó Adam sẽ ở trong Nhà Trắng. Jennifer nghĩ về đứa con riêng của cô đang lớn dần, nó muốn biết ai là cha của nó. Cô có thể không bao giờ nói cho nó, cũng như Adam có lẽ không bao giờ biết rằng cô đã sinh cho anh một đứa con, bởi vì điều đó sẽ làm cho anh đau đớn. Và nếu một ai khác biết về điều này, thì Adam sẽ bị đớn đau theo kiểu hoàn toàn khác. Jennifer quyết định mua một ngôi nhà ở nông thôn một nơi ở phía ngoài Manhattan, nơi mà cô và con trai có thể sống cùng nhau trong thế giới nhỏ bé riêng của họ. Cô đã tìm thấy ngôi nhà rất tình cờ. Cô đang trên đường đi gặp một khách hàng ở Long Island, và rời khỏi đường cao tốc Long Island tại lối rẽ số 36, sau đó đã rẽ nhầm và bỗng thấy mình ở Sands Point. Phố xá rất yên tĩnh và được bao phủ bởi những rạng cây cao duyên dáng, những ngôi nhà được xây dựng cách xa mặt đường, trong từng khu vực nhỏ bé riêng biệt của nó. Có bảng “bán nhà” đặt ở trước một ngôi nhà thời thực dân, sơn mầu trắng trên đường Sands Point. Khoảng đất rào kín và có một chiếc cổng sắt duyên dáng ở trước mặt đường xe chạy lượn vòng, với những cột đèn rọi xuống đường và một thảm cỏ lớn phía trước, cùng hàng cây tùng rủ xuống ngôi nhà. Trông bề ngoài ngôi nhà rất quyến rũ. Jennifer đã viết lại tên người chủ và hẹn sẽ đến xem ngôi nhà vào chiều hôm sau. Người môi giới bán nhà thuộc loại người rất sốt sắng và nhiệt tình, dạng người buôn bán mà Jennifer rất ghét. Nhưng có phải cô đang mua tính cách của ông ta đâu mà là mua ngôi nhà chứ. Ông ta nói: “Ngôi nhà đẹp thực sự đấy. Thưa bà, đẹp thực đấy. Nó có khoảng một trăm năm nay rồi. Tình trạng nhà thật hoàn hảo, hoàn toàn tuyệt mỹ”. Chắc chắn tuyệt mỹ là hơi bốc đồng. Các căn phòng thoáng đãng và rộng rãi nhưng cũng cần phải sửa chữa. Thật là vui, Jennifer thầm nghĩ, khi được sửa sang và trang trí lại ngôi nhà này. Phía trên gác chéo với căn phòng của chủ là một phòng có thể được sửa thành phòng trẻ. Cô sẽ trang trí phòng màu xanh và... “Bà có muốn dạo quanh khu đất này không?” Chính ngôi nhà trong vườn cây đã khiến Jennifer quyết định chọn. Nhà được xây trên bệ cao phía trong cây sồi cổ thụ. Căn nhà trên cây của đứa con trai cô. Khu đất rộng ba mẫu Anh, có thảm cỏ phía sau thoai thoải xuống eo biển sát bến cảng. Thật là nơi tuyệt vời cho con trai cô lớn lên, thoải mái để nó chạy nhảy. Sau nữa, nó có thể mua một chiếc thuyền nhỏ. Ở đây hoàn toàn riêng biệt như họ mong muốn, bởi vì Jennifer đã quyết định đây sẽ là thế giới riêng chỉ cho cô và đứa con. Ngày hôm sau cô đã mua ngôi nhà. Jennifer không thể hình dung ra được mình phải đau đớn đến mức nào khi rời căn hộ ở Manhattan, nơi mà cô và Adam từng chung sống. Bộ quần áo ngủ và áo khoác sau khi tắm của anh vẫn còn đó, cùng cả đôi dép ngủ và bộ đồ cạo râu của anh. Mọi nơi trong phòng đều mang lại hàng trăm thứ ký ức về Adam, những ký ức về một quá khứ đáng yêu đã qua. Jennifer sắp xếp nhanh chóng mọi thứ đồ và ra khỏi phòng. Ở ngôi nhà mới, Jennifer tự buộc mình bận rộn suốt ngày từ sáng đến tối mịt, để không còn thì giờ mà nghĩ tới Adam. Cô vào các cửa hiệu ở Sands Point và Port Washington để đặt mua đồ gỗ và màn che. Cô mua vải lanh Porthault, đồ bạc và đồ sứ. Cô thuê nhân công địa phương đến sửa chữa các đường ống tắc, trần dột và các thiết bị điện hỏng hóc. Từ sáng sớm đến chiều tà, ngôi nhà chật ních những thợ sơn, thợ mộc, thợ điện và thợ dán giấy tường. Jennifer có mặt mọi nơi giám sát công việc. Cô làm việc mệt lả suốt ngày với hy vọng có thể ngủ được buổi tối, nhưng ma quỷ như vẫn hiện về, giày vò cô bằng những cơn ác mộng khó tả. Cô thường lai vãng tới các cửa hàng đồ cổ mua đèn, bàn ghế và những mỹ phẩm. Cô đã mua một đài phun nước và các bức tượng Lipschits, Noguchi và Miro để đặt trong vườn. Phía trong ngôi nhà, mọi vật bắt đầu trông đẹp đẽ lên. Bob Clemen là khách hàng của Jennifer ở bang Califonia, và những chiếc thảm vùng đó mà ông ta thiết kế trang trí phòng khách và phòng trẻ đã làm cho các căn phòng tỏa ra màu dìu dịu. Bụng Jennifer ngày càng to lên và cô đã đi vào làng để mua quần áo sơ sinh. Cô đã đặt một máy điện thoại nhưng không để số trên danh bạ. Điện thoại chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, và cô không cho ai số điện thoại cả và cũng chẳng chờ đợi cú điện thoại nào cả. Người duy nhất trong văn phòng biết nơi cô sống là Ken Bailey và anh thề giữ bí mật. Một buổi chiều anh lái xe đến gặp Jennifer và cô đã dẫn anh đi xem khắp ngôi nhà và khu đất. Cô rất hài lòng khi thấy anh rất thích thú. “Đẹp thật, Jennifer ạ. Đẹp cực kỳ đấy. Em đã làm một công việc ghê gớm thật”. Anh chợt nhìn bụng cô đang to lên. “Còn mấy tháng nữa nhỉ?” “Còn hai tháng nữa”. Cô đặt tay anh lên bụng mình và nói “Hãy xem này”. Anh cảm thấy thai đạp nhẹ. “Nó sẽ càng ngày càng khỏe hơn đấy”. Giọng Jennifer đầy tự hào. Cô đã nấu ăn tối cho Ken. Anh đợi đến khi họ đang ăn tráng miệng mới đưa lại vấn đề. “Anh không muốn thóc mách đâu, nhưng cái người cha đáng kính nào đó lại không làm điều...” “Không bàn đến việc này”. “Tốt thôi. Anh xin lỗi. Mọi người trong văn phòng đang nhớ em kinh khủng đấy. Chúng ta có một khách hàng mới, người mà...” Jennifer khẽ nhấc tay lên. “Em không muốn nghe điều đó”. Họ đã nói chuyện cho đến giờ Ken phải về và Jennifer thấy buồn khi anh ra đi. Anh là một người đàn ông đáng quý và một người bạn tốt. Jennifer tự đóng chặt mình với thế giới bên ngoài bằng mọi cách. Cô không đọc báo và cũng không xem vô tuyến hay nghe đài. Thế giới riêng của cô ở đây, trong bốn bức tường này. Đó là tổ ấm của cô, là nơi đùm bọc cô, là nơi mà cô sẽ dìu dắt đứa con trai cô hòa nhập với thế giới bên ngoài. Cô đọc mọi cuốn sách có được về việc nuôi dưỡng trẻ, từ cuốn của bác sĩ Spoek đến của Ames và Gesell và lại đọc ngược lại. Khi Jennifer trang trí xong phòng trẻ, cô bày đồ chơi đầy phòng. Cô đã đến các cửa hàng đồ thể thao, quan sát những quả bóng đá, những lưới bóng chày và đôi găng tay bắt bóng. Cô bỗng tự bật cười: “Thật là kỳ cục, thậm chí con mình đã được sinh ra đâu nhỉ!” Nhưng cô vẫn mua lưới bóng chày và đôi găng tay bắt bóng. Trái bóng đá đã thu hút cô nhưng cô lại nghĩ, “cái đó cần phải đợi chút nữa đã”. Tháng năm qua đi rồi lại đến tháng sáu. Những người thợ đã kết thúc công việc và ngôi nhà trở nên yên lặng và vắng vẻ. Mỗi tuần hai lần Jennifer thường lái xe vào làng và mua sắm tại cửa hàng siêu thị. Cứ hai tuần một lần cô gặp bác sĩ sản khoa riêng của mình là Harvey. Jennifer nghe lời chỉ bảo uống nhiều sữa hơn là cô muốn, uống thêm vi-ta-min và ăn tất cả những thức ăn cho cơ thể khỏe mạnh và đủ chất. Bây giờ cô ngày càng to béo và chậm chạp hơn, cô thấy rất khó khăn khi đi lại. Trước đây cô luôn luôn hoạt động tích cực và cô đã nghĩ rằng mình rất ghét sự to béo, nặng nề và chậm chạp, phải đi lại khó khăn; nhưng về phương diện nào đó cô đã không để ý đến điều đó nữa. Không có lý do gì phải vội vàng. Ngày tháng trở nên dài, mơ mộng và êm ả. Một đồng hồ thời gian nào đó trong cô đã làm chậm nhịp điệu của nó. Dường như là cô đang dự trữ năng lượng, trao hết cho cơ thể khác đang sống trong cô. Vào một buổi sáng bác sĩ Harvey khám cho cô và nói: “Còn hai tuần nữa thôi, bà Parker ạ”. Thời gian bây giờ đã đến sát lắm rồi. Jennifer nghĩ rằng cô đang có thể rất lo sợ. Cô đã nghe tất cả những câu chuyện của những người vợ về nỗi đau đớn, về những bất thường xảy ra, về những đứa trẻ quái thai, những cô không cảm thấy sợ hãi mà chỉ mong ngóng được thấy đứa con của cô, để cô có thể được ôm con trong lòng. Bây giờ Ken Bailey hầu như ngày nào cũng đến thăm nhà, mang theo những cuốn sách trẻ con như “Máy nhỏ có thể chạy”, “Cô gà tía bé nhỏ”, “Chú thỏ Pat” và một loạt sách của bác sĩ Seuss. “Cậu bé sẽ thích những cuốn truyện này đấy”. Ken nói. Jennifer mỉm cười vì anh đã nói từ “cậu bé”. Một điềm báo trước. Họ dạo chơi trong khu vườn, ăn trưa ngoài trời ở rìa bờ biển và ngồi dưới ánh nắng mặt trời. Jennifer rất nhạy cảm về hình dáng của cô bây giờ, cô thầm nghĩ: “Tại sao anh ấy lại muốn lãng phí thời gian với một người đàn bà bụng to, xấu xí như ở trong gánh xiếc ấy nhỉ?” Nhưng Ken lại nhìn Jennifer và nghĩ: “Cô ấy là người đàn bà đẹp nhất mà mình từng thấy”. Cơn đau đầu tiên đến vào lúc ba giờ sáng. Nó đau nhói lên khiến Jennifer như bị ngạt thở. Một lát sau nó lại đến và Jennifer thầm nghĩ hoan hỉ: “Đã đến lúc rồi!” Cô bắt đầu tính thời gian giữa những cơn đau và khi biết là cách nhau mười phút cô đã gọi điện cho bác sĩ sản khoa của mình. Jennifer lái xe đến bệnh viện, đỗ lại dọc đường mỗi khi bị cơn đau co thắt. Một trợ lý đang đứng phía ngoài bệnh viện đợi cô đến và vài phút sau bác sĩ Harvey đã khám cho cô. Khi khám xong ông nói để trấn an: “Ồ, đây sẽ là một ca đẻ dễ thôi, thưa bà Parker. Hãy nghỉ ngơi một chút đi và chúng ta sẽ để mặc cho tạo hóa làm việc”. Ca đẻ không hoàn toàn dễ dàng, nhưng cũng không quá đau đớn, Jennifer có thể chịu đựng được cơn đau, bởi lẽ chính nhờ có nó mà một sự kiện tuyệt vời của đời cô xảy ra. Ca đẻ của cô kéo dài gần tám tiếng và vào cuối thời gian đó cơ thể cô như bị tan nát và vặn vẹo bởi những cơn co thắt, nhưng khi cô nghĩ rằng cơn đau kéo dài vô tận thì cô cảm thấy một sự nhẹ nhõm chợt đến, và sau đó là một sự trống rỗng, một sự yên tĩnh bất ngờ. Cô chợt nghe thấy tiếng khóc ré lên và bác sĩ Harvey đang bế đứa con của cô nói: “Bà có muốn nhìn đứa con trai của bà một chút không, thưa bà Parker?” Nụ cười của Jennifer đã làm rạng rỡ cả căn phòng. Chương 29 Đứa trẻ được đặt tên là Joshua Adam Parker và nó nặng 8 pounds 6 ounce (3,77 kg), một đứa trẻ được sinh ra rất hoàn hảo. Jennifer được biết rằng những đứa trẻ mới sinh trông rất xấu xí, nhăn nheo, đỏ hon hỏn giống như những chú khỉ nhỏ. Nhưng không phải vậy, đối với Joshua Adam, nó rất xinh trai. Các cô y tá tại bệnh viện luôn nói với Jennifer rằng Joshua là một đứa trẻ xinh xắn, nhưng Jennifer nghe thế vẫn chưa đủ. Những nét tương tự Adam đập ngay vào mắt: Joshua Adam mang đôi mắt xanh da trời pha xam xám giống như bố và đầu có hình dáng đẹp đẽ. Khi Jennifer nhìn con, cô tưởng như mình đang nhìn thấy Adam, đó là một cảm giác ngạc nhiên, xen lẫn niềm vui và nỗi buồn sâu sắc. Lẽ ra Adam phải vui mừng biết bao khi được thấy đứa con trai xinh xắn của anh? Khi Joshua được hai ngày nó đã mỉm cười với Jennifer và cô phấn chấn gọi chuông kêu cô y tá. “Trông kìa, nó đang cười đấy”. “Nó đang thở đấy chứ, thưa bà Parker”. “Với đứa trẻ khác có thể là đang thở”, Jennifer cố cãi “Nhưng con tôi đang cười đấy”. Jennifer đã từng tự hỏi liệu cô sẽ cảm thấy gì đối với con. Jennifer đã lo lắng liệu cô có thể trở thành người mẹ tốt được không. Chắc chắn là sẽ rất chán khi có những đứa trẻ chơi xung quanh mình. Chúng sẽ làm tung tóe tã lót, luôn đòi ăn, kêu khóc và ngủ. Chẳng có thể nói chuyện gì với chúng được. “Mình thực sự sẽ chẳng có xúc cảm gì về nó cho đến khi nó được bốn tuổi hoặc năm tuổi”. Trước đó Jennifer đã nghĩ thế. Nhưng thật sai lầm, sai lầm hoàn toàn. Ngay từ giây phút Joshua sinh ra, Jennifer đã rất yêu quý đứa con trai của cô với tình yêu mà cô biết rằng chưa từng tồn tại trong cô. Đó là tình yêu muốn được che chở mạnh mẽ. Joshua rất nhỏ bé, còn thế giới bên ngoài sao mà quá to lớn. Khi Jennifer đưa Joshua từ bệnh viện về nhà, cô đã nhận một danh sách dài những điều cần thiết phải làm, nhưng chúng chỉ làm cho cô lo lắng thêm. Trong hai tuần đầu một cô y tá thực hành đã phải ở lại tại nhà, sau đó Jennifer còn lại một mình và cô lo sợ rằng mình có thể phạm điều gì không đúng làm chết đứa con. Cô e ngại rằng vào bất kỳ lúc nào nó cũng có thể ngừng thở. Lần đầu tiên Jennifer chuẩn bị bữa ăn cho Joshua, cô nhận ra rằng mình quên khử trùng núm vú cao su. Cô đã vứt hết những thứ đã làm vào bồn rửa và làm lại từ đầu. Khi hoàn thành cô lại chợt nhớ rằng mình lại quên khử trùng chai sữa và cô bắt đầu lại. Đến khi bữa ăn của Joshua chuẩn bị xong thì nó đang kêu khóc giận dữ. Cũng có lúc Jennifer đã nghĩ rằng cô không thể tiếp tục được. Vào một giây phút bất chợt nào đó cô bị tràn ngập bởi cảm giác suy nhược khó hiểu. Cô tự bảo mình rằng đó chỉ là sự buồn chán bình thường sau khi sinh nở, nhưng sự giải thích đó không làm cho cô cảm thấy khỏe hơn. Cô luôn mệt mỏi. Dường như đêm nào cô cũng phải thức giấc cho Joshua ăn, và khi cô có thể ngủ thiếp đi thì tiếng kêu khóc của Joshua đánh thức cô dậy, và Jennifer vội lao trở lại phòng trẻ. * * * * * Cô thường xuyên đến gặp bác sĩ vào bất kỳ mọi giờ, ngày cũng như đêm. “Joshua thở quá nhanh”... “Nó thở quá chậm”... “Joshua đang ho”... “Nó không ăn buổi tối”... “Joshua nôn oẹ”... Để tự bảo vệ, cuối cùng bác sĩ đã phải lái xe đến nhà và “lên lớp” cho Jennifer một bài. “Thưa bà Parker, tôi chưa từng thấy một đứa trẻ nào khỏe hơn con trai bà. Có thể trông nó mảnh dẻ nhưng nó khỏe như con bò tót. Đừng lo lắng gì về nó nữa và hãy vui mừng cùng nó đi. Chỉ cần nhớ một điều thôi. Nó sẽ sống lâu hơn hai ta đấy!” Sau đó Jennifer bắt đầu đỡ căng thẳng. Cô đã trang trí căn phòng ngủ của Joshua bằng những rèm vải hoa, và tấm trải giường bằng nền xanh da trời thêu những bông hoa trắng và con bướm vàng, có một cái cũi, một cái bút mực để chơi, một hộp xếp đồ nhỏ, một bộ bàn ghế, một con ngựa gỗ và một tủ đầy đồ chơi. Jennifer rất thích bế Joshua, tắm và quấn tã lót cho con, đưa con ra ngoài trời và trong chiếc xe đẩy mới lấp lánh. Cô thường xuyên nói chuyện với nó và khi Joshua được bốn tuần nó đã trả công cô bằng một nụ cười. “Không phải đang thở đâu”, Jennifer thầm nghĩ mừng rỡ. “Một nụ cười đấy”. Lần đầu tiên Ken Bailey nhìn thấy đứa trẻ, anh nhìn nó chằm chãm một lúc lâu. Với một cảm giác sợ hãi bất chợt, Jennifer nghĩ: “Anh ấy sắp sửa nhận ra nó mất, anh ấy sắp sửa biết rằng đó là con của Adam”. Nhưng những điều Ken nói là: “Nó đẹp trai thật đấy. Nó giống hệt mẹ nó”. Cô để cho Ken bế Joshua trên đôi tay anh ta và cười chế giễu sự lúng túng của Ken. Nhưng cô không thể không nghĩ rằng “Joshua sẽ không bao giờ có một người cha để bế nó”. Sáu tuần trôi qua, đã đến lúc phải trở lại làm việc. Jennifer thấy khó chịu khi nghĩ mình phải xa đứa con trai, thậm chí chỉ một vài giờ trong ngày thôi, nhưng ý nghĩ được quay lại làm việc đã tràn ngập trong cô với niềm phấn chấn. Cô đã hoàn toàn cách biệt với mọi việc trong một thời gian quá lâu. Đã đến lúc cô phải trở lại một thế giới khác. Cô nhìn vào gương và quyết định điều đầu tiên phải làm là lấy lại vóc dáng của cơ thể. Cô đã ăn kiêng và tập luyện ngay sau khi sinh Joshua, nhưng bây giờ cô luyện tập thậm chí còn tích cực hơn nhiều và chẳng mấy chốc cô đã bắt đầu trở lại như xưa. Jennifer bắt đầu chọn lựa những người quản gia. Cô thẩm tra họ như thể họ đều là hội thẩm viên? Cô xoi mói, tìm kiếm những chỗ yếu, những lời nói dối, những điểm bất tài. Cô đã phỏng vấn hơn hai mươi người xin việc, trước khi chọn được một người mà cô thích và có thể tin cậy được, là một người đàn bà trung niên gốc Scotland tên là bà Mackey, người đã làm việc cho một gia đình trong hơn mười lăm năm, và rời khỏi đó khi những đứa trẻ đã lớn khôn và đến trường. Jennifer yêu cầu Ken kiểm tra bà ta giúp và khi Ken bảo đảm với cô rằng bà Mackey là đứng đắn, Jennifer đã thuê bà. Một tuần sau, Jennifer trở lại công sở. Chương 30 Sự biến mất đột nhiên của Jennifer đã tạo nên một loạt tin đồn trong các văn phòng luật sư ở Manhattan. Khi tin được báo ra rằng Jennifer đã trở lại làm việc, sự quan tâm còn lớn hơn nhiều. Cuộc đón tiếp dành cho Jennifer sáng hôm cô trở lại lúc nào cũng tấp nập, bởi vì các luật sư ở các văn phòng khác đã tạt qua thăm cô. Cynthia, Dan và Ted đã treo cờ quạt dọc khắp căn phòng và căng một biểu ngữ đề “Chúc mừng sự trở lại” có cả rượu sâm banh và bánh. “Tổ chức vào lúc chín giờ sáng thế này à?” Jennifer phản đối. Nhưng họ vẫn nài nỉ. “Ở đây đã trở thành nhà điên khi vắng cô”, Dan Martin bảo với cô “Cô sẽ không định lặp lại như thế này lần nữa chứ?” Jennifer nhìn anh ta và nói: “Không. Tôi sẽ không làm như thế nữa đâu”. Những vị khách không mời liên tục ghé qua chỉ để muốn biết chắc rằng Jennifer vẫn bình an và để chúc cô luôn khỏe. Cô đã lẩn tránh các câu hỏi về việc cô đi đâu bằng cách cười trừ và nói: “Chúng tôi không được phép tiết lộ!” Cô đã gặp gỡ cả ngày với các nhân viên trong văn phòng. Hàng trăm thư nhắn qua điện thoại đã chất chồng. Khi Ken Bailey còn lại một mình trong phòng với cô anh nói: “Cô có biết ai đã làm chúng tôi điên đầu lên vì cứ muốn tiếp xúc với cô không?” Trái tim Jennifer chợt rộn lên: “Ai vậy?” “Michael Moretti”. “Ô!” “Hắn kỳ dị lắm. Khi chúng tôi không bảo cho hắn ta biết cô đang ở đâu, thì hắn buộc chúng tôi phải thề rằng cô vẫn bình an”. “Hãy quên Michael Moretti đi”. Jennifer lật qua tất cả các vụ án đang được văn phòng cô giải quyết. Công việc thật tuyệt vời. Họ đã có được nhiều khách hàng quan trọng mới. Một vài khách hàng lâu năm hơn đã từ chối làm việc với bất cứ người nào khác trừ Jennifer, và đang đợi cô trở lại. “Tôi sẽ điện thoại cho họ sớm nếu có thể được”. Jennifer hứa. Cô đảo qua những thư nhắn bằng điện thoại còn lại. Có khoảng hơn một tá điện nhắn của ông Adam. Lẽ ra cô nên báo cho Adam biết là cô vẫn bình an và không có chuyện gì xảy ra với cô. Nhưng cô biết rằng cô không thể chịu được khi nghe giọng nói của anh, khi biết rằng anh đang ở gần đây nhưng cô lại không thể được gặp anh, kề bên anh, ôm ấp anh và kể cho anh nghe về Joshua. Cynthia đã ghim lại những câu chuyện trên báo mà cô ta cho rằng Jennifer quan tâm. Có một loạt chuyện được nhiều báo nói tới về Michael Moretti, gọi y là lãnh tụ mafia quan trọng nhất ở trong nước. Có cả một bức ảnh của y kèm theo chú thích bên dưới “Tôi chỉ là một người kinh doanh bảo hiểm”. Jennifer phải mất ba tháng mới hoàn thành được các vụ án tồn đọng. Lẽ ra cô có thể giải quyết được nhanh hơn, nhưng cô khăng khăng đòi rời công sở vào lúc bốn giờ hàng ngày, bất kể cô đang làm vụ việc gì. Joshua đang chờ đợi cô. Các buổi sáng trước khi đến văn phòng, Jennifer đã tự chuẩn bị ăn sáng cho Joshua và dành mọi thì giờ có thể có để chơi cùng con trước khi đi. Khi Jennifer trở về nhà vào buổi chiều, cô đã dành tất cả thời giờ của cô cho Joshua. Cô tự buộc mình để mọi công việc lại văn phòng, và từ chối không làm bất cứ vụ án nào có thể khiến cô phải xa cách con. Cô ngừng làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần. Cô không để bất cứ điều gì xâm nhập tới thế giới riêng của cô. Cô rất thích đọc sách to cho Joshua nghe. Bà Mackey phản đối: “Nó mới là đứa trẻ sơ sinh thôi, thưa bà Parker. Nó chẳng hiểu lời nào của bà đâu”. Jennifer thường trả lời rất tin tưởng: “Joshua hiểu chứ!” Và cô tiếp tục đọc. Joshua mang lại liên tiếp một loạt những chuyện thần kỳ. Khi mới ba tháng tuổi nó đã bắt đầu ư ử và cố gắng nói chuyện với Jennifer. Nó tự đùa nghịch trong nôi cùng trái bóng lớn, kêu leng keng và đồ chơi con thỏ mà Ken đã mua cho. Khi lên sáu tháng; nó đã cố trèo ra khỏi nôi, không ngừng tìm hiểu thế giới xung quanh. Jennifer ôm con trong tay, và nó đã dùng bàn tay bé nhỏ tóm những ngón tay cô, trong khi hai mẹ con tiếp tục nói chuyện bằng cách riêng rất lâu và nghiêm túc. Những ngày tại văn phòng của Jennifer thường đầy ắp công việc. Một buổi sáng cô nhận được điện thoại của Philip Redding, chủ tịch tổ hợp dầu mỏ lớn. “Tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể gặp nhau được không?” Ông ta nói “Tôi có chút việc”. Jennifer không hỏi ông ta đó là việc gì. Công ty của ông ta bị buộc tội hối lộ để dành được việc kinh doanh ở Trung Cận Đông. Việc giải quyết vụ án này đem lại lệ phí rất lớn nhưng Jennifer đơn giản là không có thì giờ nữa. “Tôi hết sức xin lỗi”. Cô nói “Tôi không được rảnh rỗi, nhưng tôi có thể tiến cử một người rất giỏi”. “Tôi được lệnh là không chấp nhận câu trả lời không”. Philip Redding đáp lại. “Ai bảo vậy?” “Một người bạn. Chánh án Lawrence Waldman”. Jennifer không tin vào tai mình nữa. “Chánh án Waldman bảo ông gọi tôi à?” “Ông ấy nói chỉ có cô là nhất thôi, nhưng tôi đã biết điều đó từ trước rồi”. Jennifer cầm ống nghe trong tay, suy nghĩ về những việc đã qua khi chạm trán với chánh án Waldman, với lòng tin chắc chắn dạo đó rằng ông căm ghét cô và tìm cách hãm hại cô. “Được vậy. Chúng ta sẽ ăn sáng cùng nhau vào ngày mai nhé”. Jennifer đáp. Gác máy xong, cô đặt điện thoại gọi cho chánh án Waldman. Một giọng quen thuộc vang trên máy: “Vậy đấy. Tôi lâu lắm rồi chưa được nói chuyện cùng cô, thưa quý cô”. “Tôi chỉ muốn cảm ơn ông vì đã bảo Philip Redding gọi điện yêu cầu tôi”. “Tôi muốn bảo đảm rằng ông ấy ở trong tay những người giỏi”. “Tôi rất cảm kích điều đó, thưa ông”. “Thế cô có thể dự bữa cơm cùng ông già này một tối nào đó được không?” Jennifer vô cùng ngạc nhiên. “Tôi rất vinh dự được cùng ăn tối với ông”. “Rất tốt. Tôi sẽ đưa cô đến câu lạc bộ của tôi. Hội viên toàn là loại cổ hủ cả và họ không quen gặp những người phụ nữ trẻ xinh đẹp. Cô sẽ làm họ hơi ngỡ ngàng đấy”. Chánh án Lawrence Waldman là hội viên tổ chức thế kỷ ở phố 43 phía tây và khi ông gặp Jennifer ở đó để ăn tối cô thấy rằng ông đang châm biếm những thói cổ hủ. Phòng ăn đầy chật các nhà văn, nghệ sĩ, luật sư và diễn viên. “Tục lệ ở đây là không cần phải giới thiệu”, Chánh án Waldman giải thích với Jennifer. “Người ta cho là mọi người ở đây có thể nhận được ra ngay”. Ở những bàn khác nhau, Jennifer đã nhận ra Louis Anchincloss, George Plimpton và John Lindsay có mặt trong số nhiều người khác. Về mặt quan hệ xã hội, Lawrence Waldman hoàn toàn khác với những điều mà Jennifer đã tưởng. Sau tuần rượu cốc tay ông bảo Jennifer: “Tôi từng muốn thấy cô phải bị tước quyền làm luật sư, vì tôi đã nghĩ rằng cô làm ô nhục nghề nghiệp chúng ta. Giờ tôi tin rằng mình đã lầm. Tôi luôn theo dõi sát cô. Tôi nghĩ rằng cô đem lại vẻ vang cho nghề nghiệp chúng ta”. Jennifer rất hài lòng. Cô đã chạm trán với đủ các loại chánh án hoặc dễ bị mua chuộc, hoặc ngu dốt hoặc bất tài. Nhưng cô rất kính trọng Lawrence Waldman. Ông vừa là một luật gia tài giỏi vừa là một người có nhân phẩm. “Cám ơn ông”. “Giờ ngoài tòa án rồi, sao chúng ta lại không thể gọi nhau là Lawrence và Jennie được nhỉ?” Chỉ có bố cô là người duy nhất từng gọi cô là Jennie. “Tôi cũng muốn như vậy, Lawrence ạ”. Đồ ăn rất tuyệt và bữa tối hôm đó là sự khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàng tháng mà cả hai đều thích thú. Chương 31 Đó là mùa hè năm 1974. Thật khó mà tin được là một năm đã trôi qua kể từ khi Joshua Adam Parker ra đời. Nó đã bắt đầu chập chững bước đi và hiểu được những từ chỉ mũi, mồm và đầu. “Nó là một thiên tài đấy”. Jennifer khẳng định với bà Mackey. Jennifer đã chuẩn bị cho cuộc liên hoan sinh nhật đầu tiên của Joshua như thể được tổ chức tại Nhà Trắng. Hôm thứ bảy cô đã mua đủ các loại quà. Cô mua cho Joshua quần áo, sách vở, đồ chơi và một chiếc xe đạp ba bánh, mà nó chưa thể sử dụng được ít nhất là sau một hoặc hai năm nữa. Cô cũng mua quà nhỏ cho trẻ con hàng xóm được mời dự bữa liên hoan, mà cô đã dành cả buổi chiều sắp xếp cờ quạt và bóng bay. Cô tự nướng bánh sinh nhật lấy và đặt lên bàn trong bếp. Chẳng may, Joshua lại với tới được chiếc bánh và tóm đầy nắm tay nhồi nhét vào mồm làm hỏng cả chiếc bánh trước khi khách khứa đến. Jennifer đã mời hàng tá trẻ con và mẹ chúng ở bên hàng xóm. Người khách đàn ông duy nhất là Ken Bailey. Anh đã mua cho Joshua một chiếc xe đạp ba bánh giống hệt như cái Jennifer đã mua. Jennifer cười phá lên và bảo: “Thật kỳ cục, Ken ạ. Joshua đã đủ lớn để dùng nó đâu”. Cuộc liên hoan chỉ kéo dài hai tiếng nhưng rất thành công. Trẻ con ăn quá nhiều và nhổ đầy ra thảm, đùa nghịch các đồ chơi và la hét khi bóng bay nổ vỡ, nhưng nhìn chung, theo Jennifer, cuộc liên hoan thật vui vẻ Joshua là một người chủ hoàn hảo, tự sắp xếp được với thái độ chững chạc và tự tin, chỉ trừ một vài lỗi nhỏ. Tối hôm đó, sau khi khách khứa đã ra về và Joshua đã đi ngủ, Jennifer ngồi bên giường quan sát đứa con trai ngủ, kinh ngạc trước một sinh vật tuyệt vời được mang dòng máu của cô và Adam Warner. Adam có lẽ sẽ rất tự hào khi thấy được Joshua. Tuy nhiên niềm vui đó đã biến mất khi nó chỉ là của mình cô mà thôi. Jennifer nghĩ về những lễ sinh nhật sau sẽ đến. Joshua sẽ hai tuổi, sau đó lên ba, rồi mười và hai mươi tuổi. Nó sẽ trở thành một người đàn ông và sẽ rời xa cô. Nó sẽ tự lập cuộc đời riêng của nó. “Ngừng lại đi” Jennifer tự trách mình. “Mày lại tự xót thương rồi đấy”. Tối đó cô nằm trên giường, thức trắng, điểm lại từng chi tiết của buổi liên hoan và ghi nhớ tất cả. Một ngày nào đó có lẽ cô có thể sẽ kể cho Adam nghe về buổi hôm nay. Chương 32 Trong những tháng tiếp theo, tên của Thượng nghị sĩ Adam Warner đã được nhắc đến như là một lời nói cửa miệng. Lý lịch, khả năng và uy tín của anh đã tạo cho anh có vóc dáng tại Thượng nghị viện ngay từ đầu. Anh đã có chân trong vài Ủy ban quan trọng, và bảo trợ cho một bản dự luật chủ chốt về lao động được thông qua khá nhanh và dễ dàng. Adam Warner có những người bạn có thế lực trong Quốc hội. Nhiều người đã biết và kính trọng cha anh. Có nhiều ý kiến nhất trí là Adam sẽ là một đối thủ ra tranh cử tổng thống vào một ngày nào đó. Jennifer cảm thấy tự hào xen lẫn nỗi đắng cay ngọt ngào. Jennifer nhận được lời mời thường xuyên từ các khách hàng, những người cộng tác và bạn bè rủ đi ăn tối đến nhà hát hoặc tham gia những hoạt động từ thiện khác nhau, nhưng cô hầu như từ chối tất cả. Thỉnh thoảng cô dành một buổi tối cùng Ken. Cô rất muốn anh ở bên cạnh. Anh rất vui vẻ và tự nguyện, nhưng dưới vẻ bề ngoài tươi cười đó, Jennifer biết rằng đó là một người rất nhạy cảm và luôn day dứt. Thỉnh thoảng anh thường đến nhà ăn trưa hoặc ăn tối vào các ngày nghỉ cuối tuần và chơi với Joshua hàng giờ liền. Họ rất yêu quý nhau. Một lần, khi Joshua đã đi ngủ và Jennifer đang ăn tối cùng Ken trong bếp, anh đã nhìn chằm chằm mãi vào Jennifer cho đến khi cô hỏi: “Có chuyện gì vậy?” “Lạy chúa, có chứ!” Ken rên rỉ. “Anh xin lỗi. Cái thế giới này quái quỷ thật”. Và anh chả nói gì thêm nữa. * * * * * Adam đã không cố gắng liên hệ với Jennifer trong gần chín tháng nay, nhưng cô vẫn luôn đọc ngấu nghiến mọi bài báo hoặc tạp chí viết về anh, và xem anh bất cứ khi nào anh có mặt trên vô tuyến. Cô thường xuyên nghĩ về anh. Làm sao mà cô có thể đừng được? Đứa con trai cô là hình tượng sống động luôn nhắc đến sự vắng mặt của Adam. Bây giờ Joshua đã hai tuổi và giống hệt cha nó. Nó cũng có đôi mắt xanh trông nghiêm nghị và phong cách riêng biệt Joshua là một bản sao nhỏ bé quý giá, thân mật, đáng yêu và luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi. Jennifer kinh ngạc nhận thấy rằng những lời nói đầu tiên của Joshua là “ôtô”, “ôtô”, khi cô lái xe đưa nó đi chơi vào một ngày nào đó. Bây giờ nó có thể nói được những câu như “Xin mời” hoặc “Cám ơn”. Một lần khi Jennifer đang cố gắng cho nó ăn trên chiếc ghế cao, nó đã nói một cách vội vã: “Mẹ, đi chơi, đồ chơi của mẹ đi”. Ken đã mua cho Joshua một hộp bút màu, và Joshua đã kiên nhẫn vẽ lên những bức tường trong phòng khách. Khi bà Mackey muốn phát nhẹ vào mông nó, Jennifer bảo: “Đừng làm thế, tường sẽ rửa sạch được thôi. Joshua chỉ muốn biểu lộ mình thôi mà”. “Đó là điều mà tôi cũng muốn làm đấy”, Bà Mackey khụt khịt nói “Tự biểu lộ mình à! Bà sẽ làm hư hỏng cậu bé mất thôi!” Nhưng Joshua đã không bị hư hỏng, nó láu lỉnh và hay đòi hỏi, nhưng điều đó là bình thường đối với đứa trẻ hai tuổi. Nó rất sợ chiếc máy hút bụi, những con thú hoang, tàu hỏa và bóng tối. Joshua là một vận động viên bẩm sinh. Một lần khi đang xem nó chơi với một vài đứa bạn, Jennifer đã quay sang bà Mackey và nói: “Mặc dù tôi là mẹ của Joshua, tôi có thể quan sát nó một cách khách quan, bà Mackey ạ. Tôi nghĩ rằng nó có thể là chúa Giê-su tái giáng thế”. Jennifer đã đưa ra một nguyên tắc là tránh tất cả những vụ án khiến cô phải ra khỏi thành phố và xa cách Joshua, nhưng một buổi sáng cô nhận được cú điện thoại khẩn của Peter Fenton, một khách hàng là chủ một công ty sản xuất lớn. “Tôi định mua một nhà máy ở Las Vegas và tôi muốn cô đáp máy bay xuống đấy để gặp các luật sư của họ”. “Để tôi cử Dan Martin vậy”, Jennifer gợi ý. “Ông biết rằng tôi không thích ra khỏi thành phố rồi, Peter”. “Jennifer này, cô có thể làm mọi việc này chỉ trong vòng hai mươi tư giờ thôi. Tôi sẽ đưa cô xuống bằng máy bay của công ty và cô sẽ trở lại vào ngày hôm sau”. Jennifer ngập ngừng: “Được thôi”. Cô đã từng đến Las Vegas và rất thờ ơ với thành phố này. Thật khó có thể biết là nên ghét Las Vegas hay là yêu nó. Người ta phải coi nó như là một hiện tượng đặc biệt, một nền văn minh xa lạ với những ngôn ngữ, luật lệ và đạo đức riêng của nó. Nó không giống bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Những chiếc đèn nêông chiếu sáng thâu đêm cho thấy sự hào nhoáng của những cung điện nguy nga được xây dựng, nhằm vắt kiệt ví tiền của những khách du lịch lao đến như những con thiêu thân, và xếp hàng chờ đợi để túi tiền tiết kiệm cất giấu cẩn thận của họ dần bị lấy mất. Jennifer đã đưa cho bà Mackey một danh sách dài đầy đủ chi tiết, những chỉ dẫn về việc chăm sóc Joshua. “Thế bà phải đi xa bao lâu, bà Parker?” “Ngày mai tôi sẽ trở về”. “Ôi mẹ ơi!” Chiếc phản lực của Peter Fenton mang tên Lear đã đón Jennifer vào sáng sớm hôm sau và đưa cô đến Las Vegas. Jennifer đã dành cả buổi chiều và tối để vạch ra các chi tiết của hợp đồng. Khi kết thúc công việc, Peter Fenton đã mời Jennifer ăn tối với ông ta. “Cám ơn ông Peter, nhưng tôi nghĩ rằng mình nên ở lại phòng và đi ngủ sớm. Tôi sẽ trở lại New York vào sáng mai”. Jennifer đã nói chuyện với bà Mackey ba lần trong ngày hôm đó và lần nào cũng được bảo đảm rằng cậu Joshua vẫn khỏe. “Nó vẫn ăn đều, không bị sốt và dường như luôn vui vẻ”. “Nó có nhớ tôi không?” Jennifer hỏi. “Nó chẳng nói gì cả”. Bà Mackey thở dài. Jennifer biết rằng bà Mackey đã nghĩ cô là kẻ ngớ ngẩn, nhưng Jennifer không quan tâm đến điều đó. “Hãy nói với nó rằng tôi sẽ trở về vào ngày mai”. “Tôi sẽ bảo nó vậy, thưa bà Parker”. Jennifer dự định ăn tối lặng lẽ trong phòng, nhưng không hiểu vì sao căn phòng bỗng trở nên ngột ngạt, các bức tường dường như ép sát vào cô. Cô không thể không nghĩ về Adam được. Làm sao mà anh có thể làm tình với Mary Beth và khiến chị ta có thai được khi mà... Mánh khóe mà Jennifer thường làm là tưởng tượng rằng Adam của cô chỉ đang bận đi công chuyện và sẽ sớm trở lại với cô, lần này đã không có tác dụng. Đầu óc của Jennifer luôn nghĩ về hình ảnh của Mary Beth. Trong chiếc áo hở hang bằng đăng ten. Và Adam đã... Cô phải ra ngoài, phải đến một nơi nào đó có những đám đông ồn ào. Có lẽ, Jennifer thầm nghĩ, mình thậm chí cần phải đi xem mới được. Cô tắm táp nhanh chóng, mặc quần áo và xuống cầu thang. Marty Allen đang biểu diễn trong phòng xem chính. Có một hàng người đài ở lối vào phòng dành cho buổi chiếu muộn, và Jennifer đã tiếc vì mình không đề nghị Peter Fenton đặt chỗ trước cho. Cô đi lên phía người bồi bàn chính ở đầu hàng và hỏi: “Phải đợi bao lâu nữa mới đặt được bàn ngồi?” “Nhóm của bà có mấy người?” “Tôi có một mình thôi”. “Tôi xin lỗi, thưa bà, nhưng tôi e rằng...” Một giọng nói bên cô cất lên: “Ngồi bàn của tôi cũng được Abe ạ”. Người hầu bàn tươi cười nói: “Được thôi, ông Moretti ạ. Đi đường này thưa bà”. Jennifer quay sang và thấy mình đang nhìn vào đôi mắt đen thẳm của Michael Moretti. “Không, cảm ơn ông”. Jennifer đáp. “Tôi e rằng tôi”. “Cô phải ăn chứ?” Michael Moretti cầm tay Jennifer và cô chợt thấy mình bước bên cạnh y, theo sau người hầu bàn đen bàn tiệc được chọn ở giữa phòng lớn. Jennifer bực bội khi nghĩ phải ăn tối cùng Michael Moretti, nhưng cô không biết làm cách nào ra khỏi đây ngay bây giờ mà không gây ồn ào. Cô tha thiết ước ao rằng lẽ ra mình nên đồng ý ăn tối cùng Peter Fenton. Họ ngồi ở bàn tiệc nhìn thẳng ra sân khấu và người hầu bàn nói: “Chúc ông Moretti và bà ăn ngon”. Jennifer có thể cảm nhận được đôi mắt của Michael Moretti đang ngắm mình và điều đó đã làm cô khó chịu. Y ngồi đó, không nói gì cả. Michael Moretti là một người trầm lặng, một người không tin vào những lời nói như thế, chúng là cạm bẫy chứ không phải là hình thức giao tiếp. Sự im lặng của y như tập trung vào một điểm nào đó. Michael Moretti đã sử dụng sự im lặng thay cho lời văn, là cách mà những kẻ khác thường dùng. Cuối cùng khi y cất tiếng thì Jennifer đã hoàn toàn không đề phòng gì nữa. “Tôi ghét chó lắm”, Micha Moretti nói “Chúng dễ chết”. Như thể là y đang tiết lộ một phần đời tư từ trong sâu thẳm cõi lòng. Jennifer không biết phải đáp lại như thế nào. Khi đồ uống được mang đến, họ ngồi đó lặng lẽ uống và Jennifer như đang lắng nghe câu chuyện từ một nơi nào đó vọng lại. Cô nghĩ về những lời y đã nói: “Tôi ghét chó lắm. Chúng dễ chết”. Cô tự hỏi không rõ cuộc đời niên thiếu của Michael Moretti ra sao nhỉ. Cô thấy mình chăm chú quan sát y. Y hấp dẫn một cách nguy hiểm và khêu gợi ở y toát ra một cảm giác hung dữ dễ bị bùng nổ. Jennifer không thể giải thích vì sao, nhưng ở bên cạnh gã đàn ông này cô cảm thấy mình thực sự là một người đàn bà. Có lẽ là do cách đôi mắt đen như gỗ mun của y ngắm nhìn cô, sau đó lại ngoảnh đi như thể lo sợ vì đã thổ lộ quá nhiều. Jennifer nhận ra rằng đã từ lâu lắm rồi cô không nghĩ mình là một người đàn bà. Kể từ ngay cô mất Adam. Phải có đàn ông thì mới khiến cho phụ nữ thấy mình là phái yếu, Jennifer thầm nghĩ. Mới khiến cho cô ta cảm thấy mình đep, cảm thấy muốn được âu yếm. Jennifer thầm cám ơn vì y đã không thể đọc được ý nghĩ của cô. Nhiều người khác nhau đã lại gần bàn ăn của họ để bày tỏ sự kính trọng đối với Michael Moretti: đó là các giám đốc kinh doanh, nghệ sĩ, một chánh án và một thượng nghị sĩ Mỹ. Đó là những thế lực bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một thế lực cao hơn, và Jennifer bắt đầu cảm thấy được phần nào mức độ ảnh hưởng mà y có. “Tôi sẽ gọi đồ ăn cho chúng ta”. Mihel Moreti nói “Họ chuẩn bị thực đơn này cho 800 khách. Giống như là ăn trên máy bay ấy”. Y khẽ nhấc tay và người hầu bàn lại ngay bên y. “Có tôi, thưa ông Moretti. Ông muốn dùng gì tối nay, thưa ông?” “Chúng tôi sẽ dùng món cá hồi hồng Chateaubriand”. “Có ngay, thưa ông Moretti”. “Khoai tây rán giòn và món xa lát có rau diếp”. “Có ngay, thưa ông Moretti”. “Chúng tôi sẽ gọi món tráng miệng sau”. Một chai sâm banh được đưa đến bàn ăn, đó là quà tặng của ban quản lý khách sạn. Jennifer cảm thấy mình bắt đầu đỡ căng thẳng và thích thú, mặc dù trong thâm tâm cô hầu như không muốn. Đã lâu lắm rồi cô mới có được buổi tối bên một người đàn ông hấp dẫn. Thậm chí ngay cả khi suy nghĩ đó hiện ra trong đầu Jennifer, cô chợt tự hỏi: “Làm sao mình có thể cho rằng Michael Moretti hấp dẫn cơ chứ? Hắn là một kẻ giết người, một con thú vô đạo lý không còn có xúc cảm gì nữa”. Jennifer đã biết và bào chữa cho hàng tá người đã phạm những tội ác kinh khủng, nhưng cô cứ cảm giác rằng không ai trong số đó nguy hiểm như là gã đàn ông này. Y đã leo lên được hàng đầu Tổ chức và để làm được điều đó không phải chỉ là việc cưới con gái Antonio Granelli mà thôi. “Tôi đã gọi điện thoại cho cô một vài lần khi cô đi vắng” Michael nói. Nhưng theo lời Ken Bailey, hầu như ngày nào y cũng gọi. “Cô đi đâu vậy?” Y cố làm cho câu hỏi có vẻ thản nhiên. “Đi vắng”. Im lặng hồi lâu. “Còn nhớ lời tôi đã đề nghị với cô không?” Jennifer nhấm nháp một chút sâm banh. “Đừng nói lại nữa, thưa ông”. “Cô có thể có bất kỳ...” “Tôi đã bảo ông rồi, tôi không quan tâm mà. Không có đề nghị nào mà người ta không thể từ chối được đâu. Nếu có chỉ là trong sách vở mà thôi, ông Moretti ạ. Tôi từ chối đấy”. Michael Moretti nghĩ lại những việc đã xảy ra trong nhà bố vợ y vài tuần trước. Cuộc họp gia đình đã được tổ chức nhưng mọi việc không suôn sẻ lắm. Thomas Colfax đã chống lại mọi đề nghị của Michael. Khi Colfax đã ra về, Michael Moretti bảo bố vợ: “Colfax đang trở thành ông già rồi. Con nghĩ rằng đã đến lúc loại ông ta ra ngoài rồi đấy, bố ạ”. “Tommy là một người tốt đấy. Ông ta đã cứu chúng ta thoát khỏi nhiều vụ rắc rối trong nhiều năm nay rồi”. “Đó là chuyện quá khứ mà. Giờ ông ta có làm được gì nữa đâu”. “Thế chúng ta sẽ lấy ai thay ông ấy bây giờ?” “Jennifer Parker”. Antonio Granelli lắc đầu: “Bố đã bảo con rồi mà, Michale. Để một mụ đàn bà biết công việc của chúng ta là không tốt đâu”. “Nhưng đây không phải chỉ là một người đàn bà. Cô ta là luật sư giỏi nhất ở đây đấy”. “Để xem xem” Antonio Granelli nói “Để xem xem”. Michael Moretti là một người quen đạt được điều y muốn và Jennifer càng đương đầu chống lại y, thì y càng quyết tâm hơn để chiếm được cô. Giờ đây khi đang ngồi cạnh cô, Michael đã ngắm nhìn Jennifer và thầm nghĩ: “Một ngày nào đó em sẽ thuộc về ta thôi, bé yêu ạ, bằng mọi giá”. “Ông đang nghĩ gì vậy?” Michael Moretti khẽ mỉm cười với Jennifer và cô ngay tức thì đã hối tiếc về câu hỏi đó. Đã đến lúc phải rờì khỏi nơi đây rồi. “Cảm ơn ông về bữa ăn tối tuyệt vời, ông Moretti ạ. Tôi phải dậy sớm, bởi thế....” Đèn bắt đầu mờ ảo và ban nhạc mở màn. “Cô không thể về bây giờ được. Buổi trình diễn bắt đầu rồi. Cô sẽ thấy thích Marty Allen cho mà xem”. Đó là trò giải trí mà chỉ có Las Vegas mới có thể có được và Jennifer hoàn toàn thích thú với buổi trình diễn đó. Cô tự nhủ là mình sẽ về ngay sau buổi diễn, nhưng khi kết thúc, Michael Moretti đã mời cô nhảy thì cô lại quyết định rằng từ chối có lẽ là vô ơn quá. Hơn nữa cô đã phải tự thú nhận rằng mình đang rất vui vẻ đêm nay. Michael Moretti là một người khiêu vũ điêu luyện và Jennifer cảm thấy mình được thoải mái khi ở trong cánh tay y. Một lần khi người đang nhảy khác va vào họ, Michael Moretti bị đẩy sát vào Jennifer, và trong giây lát cô cảm nhận được một cái xiết chặt hơn của y nhưng sau đó y lùi lại ngay, cẩn thận giữ cô hơi cách xa một chút. Sau đó, họ vào sòng bạc, một nơi rộng lớn đầy ánh sáng chói lòa và rất ồn ào, chật cứng những kẻ cờ bạc mê mải với các trò chơi may mắn khác nhau, ham say như thể cuộc đời họ phụ thuộc vào việc được bạc. Michael đưa Jennifer đến một bàn chơi súc sắc và đưa cho cô một tá cúc bạc. “Chúc may mắn” Y nói. Người chủ bàn và những kẻ chia bài đối xử với Michael rất tôn kính, gọi y là ông M và đưa cho y hàng chồng lớn thẻ nhựa thay cho 100 đôla, lấy những vật đánh dấu thay chứ không phải lấy tiền mặt. Michael đặt những khoản tiền lớn và thua khá nặng, nhưng y dường như vẫn bình thản. Dùng thẻ nhựa của Michael, Jennifer đã được 300 đôla và khăng khăng trả lại cho Michael. Cô không hề có ý định phải chịu ơn y. Thỉnh thoảng trong giữa đêm vui đó, nhiều phụ nữ khác nhau đã đến chào Michael Tất cả đều rất trẻ và quyến rũ, Jennifer nhận thấy vậy. Michael tỏ ra rất lịch sự với họ, nhưng rõ ràng là y chỉ quan tâm đến Jennifer. Mặc dù không muốn, nhưng cô không thể không cảm thấy được tâng bốc. Jennifer đã mệt mỏi và suy nhược vào lúc đầu, nhưng sức sống của Michael Moretti đã như tràn lên, lan ra không khí, bao trùm lấy Jennifer. Michael đưa cô đến một quán nhỏ có nhóm nhạc Jazz đang biểu diễn và sau đó họ đến phòng ngoài một khách sạn khác để nghe một nhóm ca sĩ mới. Ở mọi nơi họ đến Michael đều được đối xử như ông hoàng: Mọi người cố làm cho y chú ý tới, cố chào y một câu cố đụng chạm vào y để làm cho y biết rằng có họ ở đó Trong suốt thời gian bên nhau, Michael không hề thốt ra một từ nào có thể làm Jennifer mếch lòng. Vậy mà Jennifer vẫn cảm thấy được cơn nhục dục mãnh liệt trào lên trong y, tựa như có những làn sóng vỗ mạnh vào người cô. Cơ thể cô như bị thâm tím và xúc phạm. Cô chưa từng trải qua những cảm giác như thế này bao giờ. Đó là cảm giác luôn lo lắng và đồng thời luôn hồ hởi. Ở y có một sức sống thú vật hoang dã mà Jennifer chưa bao giờ từng gặp trước đây. Cuối cùng mãi đến bốn giờ sáng, Michael mới đưa Jennifer trở lại phòng. Khi họ đến bên cánh cửa ra vào phòng Jennifer, Michael nắm lấy tay cô và nói: “Chúc ngủ ngon. Tôi chỉ muốn cô biết rằng đêm nay là một đêm tuyệt diệu nhất trong đời tôi”. Những lời nói của y đã làm cho Jennifer lo sợ. Chương 33 Tại Washington, danh tiếng của Adam Warner ngày càng tăng lên. Báo chí đưa tin về anh ngày càng nhiều hơn. Adam bắt đầu mở cuộc điều tra về các trường học ở khu da đen, và dẫn đầu một Ủy ban Thượng viện đến thăm Moscow để gặp gỡ những kẻ bất đồng chính kiến. Báo đã đăng các bức ảnh khi anh xuống sân bay Sheremetyevo và được các quan chức Nga với bộ mặt nghiêm nghị đón tiếp. Khi Adam trở về sau 10 ngày, báo chí đã đưa tin hoan nghênh nồng nhiệt kết quả chuyến đi thăm của anh. Tin tức ngày càng nhiều thêm. Công chúng muốn được đọc nhiều về Adam Warner và các phương tiện thông tim đại chúng luôn đáp ứng nhu cầu của họ. Adam trở thành người đi đầu trong việc cải tổ ở Thượng nghị viện. Anh đứng đầu một Ủy ban điều tra các điều kiện sống tại các nhà tù liên bang và đến thăm các nhà tù trên khắp đất nước. Anh đã nói chuyện với các phạm nhân, lính gác và giám mục, và khi báo cáo của Ủy ban anh gửi trả lại, việc cải thiện điều kiện nhà tù với quy mô lớn đã được tiến hành. Cùng với các tạp chí tin tức, các tạp chí phụ nữ cũng viết nhiều bài về anh. Trong tạp chí Cosmopolitan, Jennifer đã trông thấy bức ảnh của Adam, Mary Beth và con gái nhỏ của họ, Samantha, Jennifer ngồi bên lò sưởi trong phòng ngủ và ngắm nhìn bức ảnh hồi lâu. Mary Beth mỉm cười trước ống kính, tỏa ra một vẻ quyến rũ của người phương nam rất thân mật và ngọt ngào. Cô bé gái là bức tranh thu nhỏ của người mẹ. Jennifer quay sang ngắm ảnh Adam. Anh trông rất mệt mỏi. Có những vết nhăn nhỏ quanh đôi mắt mà trước đó chưa từng có và tóc mai anh bắt đầu nhuốm màu hoa râm. Trong giây lát, Jennifer chợt tưởng như mình đang thấy khuôn mặt của Joshua đã trưởng thành. Họ giống nhau kỳ lạ, chắc người nhiếp ảnh đã bảo Adam nhìn thẳng vào ống kính, nên Jennifer như cảm thấy rằng anh đang ngắm nhìn cô. Cô cố gắng để đọc được biểu hiện trong đôi mắt anh, và cô tự hỏi liệu anh có bao giờ nghĩ về cô không. Jennifer quay sang ngắm lại ảnh Mary Beth và con gái cô ta. Sau đó cô ném quyển tạp chí vào lò sưởi và lặng lẽ nhìn nó cháy. Adam Warner ngồi phía đầu bàn ăn, đang tiếp đãi Steward Needham và khoảng sáu, bảy người khách khác nữa. Mary Beth ngồi đối diện phía cuối bàn, đang khe khẽ nói chuyện với một thượng nghị sĩ bang Oklahoma và bà vợ đeo đầy trang sức của ông ta. Washington đã tựa như chất kich thích đối với Mary Beth. Chị ta đang ở đúng môi trường của mình. Nhờ vai trò quan trọng ngày càng tăng của Adam, Mary Beth đã trở thành một trong những bà chủ hàng đầu ở Washington. Chị ta đã say sưa với vị trí đó. Quan hệ xã hội tại Washington làm Adam chán ngán và anh sung sướng được để việc đó lại cho Mary Beth. Chị ta làm việc đó rất tốt và anh thầm cám ơn chị ta. “Ở Washington”, Steward Needman nói “nhiều việc được đưa ra thỏa thuận tại bàn ăn hơn là tại những căn phòng tôn nghiêm ở Quốc hội”. Adam nhìn quanh bàn và thầm mong tối nay sớm qua đi. Bề ngoài thì mọi việc đều tuyệt diệu. Nhưng bên trong toàn là lầm lẫn cả. Anh đã cưới một người đàn bà nhưng lại yêu một người khác. Anh bị trói buộc vào một cuộc hôn nhân không lối thoát. Lẽ ra, nếu Mary Beth không có thai thì Adam biết rằng mình sẽ tiến hành việc ly hôn. Giờ thì quá muộn rồi: Anh đã bị trói chặt. Mary Beth đã sinh cho anh một đứa con gái bé nhỏ xinh đẹp và anh yêu quý nó, nhưng khó mà có thể quên Jennifer đi trong suy nghĩ của anh. Phu nhân viên thống đốc bảo anh: “Anh thật may mắn, Adam ạ. Anh có được mọi thứ mà người ta muốn trên thế giới này, phải không?” Adam đã không dám trả lời. Chương 34 Các mùa nối tiếp nhau quay tròn quanh Joshua. Nó là trung tâm của thế giới riêng của Jennifer. Cô quan sát nó trưởng thành và phát triển từng ngày, và khi nó bắt đầu biết đi, nói chuyện và lý lẽ thì đó là một điều kỳ diệu bất tận. Tính tình nó thay đổi liên tiếp, lúc thì ngỗ ngược bất trị, lúc thì rụt rè và đáng yêu. Nó trở nên buồn bã khi Jennifer phải xa nó vào buổi tối và nó vẫn còn sợ bóng tối, bởi thế Jennifer luôn để đèn ngủ sáng cho con. Khi đã hai tuổi, Joshua thật không thể chịu được, thuộc loại trẻ “hai tuổi ghê gớm” điển hình. Nó hay phá phách, cứng đầu và hay gây gổ. Nó thích “sắp đặt” các vật. Nó làm hỏng chiếc máy khâu của bà Mackey, đập phá hai chiếc máy vô tuyến truyền hình trong nhà và xé làm đôi dây đeo đồng hồ của Jennifer. Nó trộn muối với đường, và tự hí hửng khi nghĩ rằng chỉ có mỗi mình ở nhà. Ken Bailey mua tặng Jennifer một con búp bê hình cảnh sát trưởng của Đức tên là Max và Joshua đã cán nát nó. Khi Ken đến thăm nhà, Joshua chào anh với câu: “Ê! chú có chuông bính bong không? Cháu xem cái nào?” Năm đó Jennifer có lẽ rất vui mừng được đem Joshua giới thiệu cho người khách qua đường đầu tiên. Lên ba tuổi Joshua bỗng nhiên trở thành thiên thần dịu dàng, tình cảm và đáng yêu. Nó có những hào hoa về mặt hình thể như cha nó và rất thích làm việc bằng tay. Nó không còn đập phá các đồ vật nữa. Nó thích chơi ngoài trời, leo trèo, chạy nhảy và đạp chiếc xe ba bánh của nó. Jennifer đã đưa nó đến vườn bách thú Bronx và xem múa rối. Hai mẹ con đi dạo dọc bờ biển, xem dạ hội điện ảnh “Anh em Marx” ở Manhattan và sau đó ăn kem tại quán ông Jemming ở tầng chín nhà Bonwit Teller. Joshua đã trở thành người bạn đồng hành của mẹ. Để tặng một món quà nhân ngày lễ dành cho các bà mẹ, Joshua đã học một bài hát được cha của Jennifer rất thích - bài “Hãy chiếu sáng nữa đi, ánh tráng mùa thu hoạch” - và hát cho Jennifer nghe. Đó là giây phút cảm động nhất trong cuộc đời cô. Đúng là, Jennifer thầm nghĩ, chúng ta không thừa hưởng thế giới này từ đời cha ông chúng ta, chúng ta muốn nó từ đời con cháu chúng ta. Joshua đã bắt đầu đi nhà trẻ và rất thích thú. Buổi tối khi Jennifer về nhà, họ thường ngồi trước lò sưởi à cùng đọc. Jennifer đọc “Tạp chí xét xử” và “Tạp chí luật gia”, còn Joshua thường đọc truyện tranh. Jennifer thường ngắm Joshua khi nó nằm dài trên sàn nhà, hơi cau mày tập trung suy nghĩ, và bỗng nhiên cô lại nhớ tới Adam. Đó vẫn còn là một vết thương chưa lành hẳn. Cô tự hỏi giờ Adam ở đâu và anh đang làm gì. Anh cùng Mary Beth và Samantha đang làm gì? Jennifer cố giữ cuộc sống riêng tư và nghề nghiệp của cô tách rời nhau. Sự liên hệ duy nhất giữa chúng là Ken Bailey. Anh đã mua cho Joshua đồ chơi và sách vở đã cùng chơi nhiều trò chơi với nó và về một phương diện nào đó như là người cha đỡ đầu. Vào một buổi chiều chủ nhất Jennifer và Ken đứng gần ngôi nhà trên cây, ngắm nhìn Joshua đang trèo lên. “Em có biết nó cần gì không?” Ken hỏi. “Không”. “Một người cha”. Anh quay sang Jennifer. “Cha đẻ của nó chắc phải là một đồ rác rưởi, thối tha”. “Đừng nói thế, anh Ken”. “Xin lỗi. Không phải việc của tôi mà. Chuyện đó là quá khứ rồi. Nhưng tôi muốn quan tâm về tương lai cơ. Thật trái với tự nhiên rằng cô phải sống một mình như...” “Tôi có sống một mình đâu. Tôi còn có Joshua mà”. “Đó không phải là điều anh muốn nói” Anh ôm Jennifer vào trong đôi cánh tay anh và nhẹ nhàng hôn cô: “Ồ,Không biết tại sao... Jennifer. Anh xin lỗi... xin lỗi”. Michael Moretti đã gọi điện cho Jennifer hàng chục lần. Cô không hề trả lời cú điện nào của y cả. Một lần, cô tưởng là mình thoáng nhìn thấy y đang ngồi ở cuối phòng xử án, nơi cô đang bào chữa cho một vụ án, nhưng khi cô nhìn lại y đã biến mất. Chương 35 Cuối một buổi chiều khi Jennifer dang chuẩn bị rời văn phòng thì Cynthia báo: “Có một ông Clark Holman nào đó gọi điện tới”. Jennifer do dự rồi đáp: “Tôi sẽ trả lời đây”. Clark Holman là luật sư của Hội tương trợ pháp lý. “Xin lỗi đã làm phiền cô, Jennifer ạ, nhưng chúng tôi có một vụ án ở phía trung tâm mà không ai muốn dính líu đến, và tôi thực sự rất cảm kích nếu như cô có thể giúp đỡ chúng tôi giải quyết. Tôi biết rằng cô đang bận rộn đến thế nào, nhưng...” “Ai là bị cáo vậy?” “Jack Scanlon”. Cái tên đó đã được nhận ra ngay. Nó đã ở trên trang nhất các báo trong hai ngày qua. Jack Scanlon đã bị bắt vì tội bắt cóc một bé gái bốn tuổi để đòi tiền chuộc. Hắn đã bị nhận dạng qua việc ghép ảnh, mà cảnh sát thu thập được qua những nhân chứng của vụ bắt cóc. “Tại sao lại là tôi hả Clark?” “Scanlon đã đề nghị cô”. Jennifer nhìn đồng hồ trên tường. Cô sẽ phải về muộn với Joshua. “Hắn giờ ở đâu?” “Tại trung tâm cải tạo thành phố”. Jennifer quyết định nhanh chóng: “Tôi sẽ xuống và nói chuyện với hắn. Anh sẽ thu xếp chuyện đó được chứ?” “Được! Cám ơn triệu lần nhé. Tôi mắc nợ cô một việc nhé”. Jennifer gọi điện cho bà Mackey. “Tôi sẽ về muộn một chút. Hãy cho Joshua ăn tối đi và bảo nó thức đợi tôi nhé”. Mười phút sau, Jennifer đã trên đường vào trung tâm thành phố. Đối với Jennifer, bắt cóc là tội ác ghê tởm nhất trong các loại tội ác. Đặc biệt là việc bắt cóc những đứa bé yếu ớt. Nhưng mọi kẻ bị buộc tội đều có quyền được đưa ra xét xử, bất cứ tội ác kinh khủng đến đâu. Đó là nền tảng của pháp luật: Sự công bằng cho các tấng lớp hèn mọn nhất cũng như cao quý nhất. Jennifer tự giới thiệu với người lính gác tại bàn đón tiếp và được đưa vào phòng thăm viếng của các luật sư. Người lính gác nói: “Tôi sẽ đưa Scanlon đến gặp bà”. Một vài phút sau, một người đàn ông gầy trông điển trai khoảng gần bốn mươi, có bộ râu quai nón màu vàng và tóc vàng nhạt được đưa vào phòng. Trông anh ta giống như thể Đức Chúa Giê-su. “Cảm ơn cô đã đến, cô Parker”. Giọng nói anh ta rất nhẹ nhàng. “Cám ơn cô đã chú ý tới”. “Anh ngồi xuống đi”. Anh ta ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Jennifer. “Anh yêu cầu được gặp tôi à?” “Vâng. Mặc dù tôi nghĩ rằng chỉ có Chúa trời mới có thể giúp được tôi. Tôi đã làm một điều rất ngu xuẩn”. Cô nhìn anh ta đầy ghê tởm. “Anh gọi việc bắt cóc em bé gái yếu ớt để đòi tiền chuộc là một điều ngu xuẩn sao?” “Tôi đã không bắt cóc Tammy để đòi tiền chuộc”. “Vậy ư? Thế vì sao anh bắt cóc nó?” Jack Scanlon im lặng hồi lâu trước khi nói: “Vợ tôi, Evelyn, đã chết trong khi sinh con. Tôi đã yêu cô ấy hơn bất cứ điều gì trên thế giới này. Nếu như từng có thánh thần trên trái đất, thì đó chính là người phụ nữ ấy. Evelyn không phải là người khỏe lắm. Bác sĩ của chúng tôi đã khuyên cô ta không nên có con, nhưng cô không nghe lời”. Anh ta nhìn xuống sàn nhà ngượng ngùng. “Điều đó... điều đó có thể làm cô khó hiểu, nhưng cô ta đã nói dù sao đi nữa thì cô ấy vẫn muốn có con, bởi vì nó giống như là có được một phần cơ thể của tôi”. Jennifer đã hiểu rõ điều đó như thế nào. Jack Scanlon ngừng nói, trầm ngâm suy nghĩ. “Bởi thế cô ấy đã có con à?” Jack Scanlon gật đầu: “Cả hai người đều chết”. Anh ta khó nhọc nói tiếp “Trong một thời gian, tôi... tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ... tôi không muốn tiếp tục sống mà không có cô ấy. Tôi luôn tự hỏi đứa con của chúng tôi sẽ như thế nào nhỉ? Tôi luôn tưởng tượng nếu như hai người được sống thì cuộc đời sẽ ra sao. Tôi luôn cố gắng hình dung lại giây phút trước khi Evelyn...” Anh ta ngừng lại, giọng nghẹn ngào đau đớn: “Tôi quay sang đọc kinh thánh và nó đã cứu vớt sự trong sạch của linh hồn tôi. Hãy ghi nhớ, Chúa đã đặt trước các con một cánh cửa rộng mơ mà không ai cô thể đóng được. Sau đó một vài ngày trước đây, tôi đã trông thấy một cô bé chơi trên phố và nó giống như thể Evelyn hiện thân lại. Cô bé có đôi mắt và mái tóc giống cô ấy. Cô bé đã ngước nhìn tôi mỉm cười và tôi... tôi biết điều đó có lẽ là điên rồ, nhưng chính là Evelyn đang mỉm cười với tôi vậy. Có lẽ tôi đã quá lú lẫn. Tôi tự nhủ. Đây là đứa con gái mà lẽ ra Evelyn đã sinh. Đây là đứa con của chúng tôi”. Jennifer có thể nhìn thấy những ngón tay của anh ta đang bấu chặt vào da thịt. “Tôi biết điều đó là phạm pháp, nhưng tôi đã bắt cô bé”. Anh ta ngước nhìn vào đôi mắt của Jennifer. “Tôi không làm hại gì đứa trẻ đó vì bất cứ điều gì trên thế gian này”. Jennifer quan sát kỹ anh ta, cố nghe ra một lỗi nào đó. Nhưng không hề có. Anh ta là một người đang phải chịu nỗi đau đớn cực độ. “Thế còn giấy đòi tiền chuộc thì sao?” Jennifer hỏi. “Tôi không gửi giấy đòi tiền chuộc. Tiền bạc là điều tôi quan tâm sau cùng ở trong thế gian này. Tôi chỉ muốn cô bé Tammy thôi”. “Ai đó đã gửi giấy đòi tiền cho gia đình cô bé”. “Cảnh sát cứ nói rằng tôi đã gửi giấy đó, nhưng tôi có làm đâu”. Jennifer ngồi đó, cố gắng sắp xếp mọi sự việc với nhau. “Câu chuyện về việc bắt cóc đã xuất hiện trên báo chí trước hay sau khi anh bị cảnh sát bắt?” “Trước đó. Tôi nhớ là đã mong họ sẽ ngừng viết về việc đó Tôi muốn trốn đi cùng với Tammy, nhưng tôi sợ rằng ai đó sẽ ngăn chúng tôi lại”. “Bởi vậy ai đó có thể đọc được về vụ bắt cóc và đã cố gắng tìm kiếm được khoản tiền chuộc phải không?” Jack Scanlon xoắn hai tay vào nhau bất lực. “Tôi không biết nữa, tôi chỉ biết rằng tôi đang muốn được chết đi”. Nỗi đau đớn hiển nhiên của anh ta đã khiến Jennifer cũng thấy xúc động lây. Nếu như anh ta đang nói sự thật và điều đó đang được biểu hiện trên khuôn mặt anh ta, thì anh ta không phải chết vì những điều đã làm. Anh ta cần phải bị trừng phạt, đúng vậy, nhưng không phải bị xử tử. Jennifer quyết định dứt khoát. “Tôi sẽ cố gắng giúp anh”. Anh ta lặng lẽ trả lời: “Cám ơn cô. Nhưng giờ tôi thực sự chẳng cần biết điều gì sẽ xảy ra với tôi nữa”. “Nhưng tôi lại cần biết”. “Tôi e rằng tôi... tôi không có tiền để trả cô đâu”. “Đừng lo về việc đó. Tôi muốn anh kể cho tôi về bản thân mình”. “Cô muốn biết gì vậy?” “Hãy kể từ đầu. Anh sinh ra ở đâu?” “Ở bang Bắc Dakota, ba mươi lăm năm về trước. Tôi ra đời trong một trang trại. Tôi cho rằng người ta có thể gọi đó là một trang trại. Đó là một mảnh đất cằn cỗi không gì có thể mọc được. Chúng tôi rất nghèo. Tôi rời nhà ra đi khi mới mười lăm tuổi. Tôi yêu quý mẹ, nhưng rất ghét cha tôi. Tôi biết rằng Kinh thánh dạy nói xấu cha mẹ là có tội, nhưng ông ấy là một người độc ác. Ông ấy rất thích đánh đập tôi”. Jennifer có thể thấy người anh ta rất căng thẳng khi phải nói tiếp. “Tôi muốn nói rằng ông ấy thực sự rất thích thú với việc đó Nếu như tôi có làm một việc dù nhỏ nhặt nhất, nhưng ông ta cho là sai, thì ông ta có thể dùng thắt lưng da có khóa đồng lớn vụt tôi. Sau đó ông ấy bắt tôi phải quỳ xuống và cầu Chúa tha thứ. Trong một thời gian dài tôi đã cảm ơn Chúa Trời, cũng như là câm ghét bố tôi vậy”. Anh ta ngừng lại, nghẹn ngào với những ký ức xa xưa đến nỗi không thể nói tiếp được. “Bởi thế mà anh đã bỏ nhà ra đi à?” “Vâng. Tôi đã đi nhờ đến Chicago. Tôi không được học hành nhiều, nhưng ở nhà tôi đã từng đọc rất nhiều. Bất cứ khi nào bố tôi bắt gặp tôi đọc sách, thì đễ có lý do để tránh bị trận đòn nữa. Ở Chicago, tôi đã tìm được việc làm ở một nhà máy. Đó là nơi tôi đã gặp Evelyn. Tôi bị máy cán làm đứt tay và họ đã đưa tôi vào trạm xá nơi cô ấy làm việc. Cô ấy là một y tá thực hành”. Anh ta mỉm cười với Jennifer. “Cô ấy là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy, phải mất khoảng hai tuần tay tôi mới lành lặn và ngày nào tôi cũng đến gặp cô ấy để điều trị. Sau đó, chúng tôi bắt đầu đi chơi cùng nhau. Chúng tôi nói chuyện về việc cưới xin, nhưng công ty đã bị mất một đơn đặt hàng lớn và tôi đã bị thải hồi cùng với mọi người khác trong ban của tôi. Nhưng điều đó chẳng làm Evelyn bận tâm. Chúng tôi lấy nhau và cô ấy đã nuôi tôi. Đó là điều duy nhất mà chúng tôi đã từng phải tranh luận với nhau. Tôi đã được dạy dỗ rằng người đàn ông cần phải nuôi vợ. Tôi đã kiếm được việc lái xe tải và tiền lương tạm đủ. Điều duy nhất của công việc mà tôi không thích là chúng tôi phải xa cách nhau, thỉnh thoảng có khi đến một tuần. Ngoài việc đó ra thì chúng tôi rất hạnh phúc. Cả hai chúng tôi đều rất hạnh phúc. Sau đó thì Evelyn có thai”. Anh ta chợt rùng mình. Đôi tay anh ta bắt đầu run rẩy. “Evelyn và đứa con gái nhỏ của chúng tôi đã chết”. Nước mắt thi nhau chảy ròng ròng xuống đôi má của anh ta. “Tôi không biết vì sao Chúa đã làm như thế. Chắc Chúa có lý do nào đó, nhưng tôi không biết vì sao”. Anh ta đung đưa người trên ghế, không biết được mình đang làm gì nữa, đôi tay anh ta đan vào nhau để trước ngực, cố đè nén nỗi đau đớn. “Chúa sẽ chỉ cho con và dạy con đường con cần phải đi; Chúa sẽ khuyên bảo con”. Jennifer thầm nghĩ: “Ghế điện sẽ không phải để dành cho con người này được?” “Ngày mai tôi sẽ trở lại gặp anh”. Jennifer hứa. Tiền bảo lãnh được đạt là 200.000 đôla. Jack Scanlon không có tiền gửi nên Jennifer đã phải tạm ứng cho anh ta. Scanlon được ra khỏi trung tâm cải tạo và Jennifer đã tìm được cho anh ta một quán trọ ở khu Bờ Tây để chuyển đến ở. Cô cũng cho anh ta 100 đôla để tiêu dùng tạm. “Tôi không biết làm cách nào”, Jack Scanlon nói “nhưng tôi sẽ trả lại cô cả từng xu. Tôi sẽ bắt đầu kiếm việc làm. Tôi không cần biết là việc gì. Tôi sẽ làm mọi thứ”. Khi Jennifer rời nhà thì anh ta đang cắm cúi đọc những quảng cáo việc làm trên báo. * * * * * Công tố viên liên bang, Carl Osborne, là một người to béo nặng nề, có khuôn mặt tròn nhẳn nhụi với tính cách nhỏ nhẹ dễ đánh lừa mọi người. Jennifer ngạc nhiên khi thấy Robert Di Silva đang ở trong văn phòng của Osborne. “Tôi được nghe là cô đang làm vụ án này”, Di Silva nói “Đối với cô không có gì quá bẩn thỉu phải không nhỉ?” Jennifer quay sang Carl Osborne: “Ông ta làm gì ở đây vậy? Đây là vụ án thuộc thẩm quyền liên bang cơ mà”. Osborne trả lời: “Jack Scanlon đã đưa cô bé đó đi trên chiếc xe của gia đình cô bé”. “Ăn cắp ôtô, một vụ trộm lớn mà”. Di Silva nói thêm. Jennifer tự hỏi, liệu Di Silva có mặt ở đây không nếu như cô không dính líu tới vụ án này. Cô quay lại phía Carl Osbome. “Tôi muốn có thỏa hiệp”, Jennifer nói “Khách hàng của tôi...” Carl Osbome nhấc tay lên. “Không có cơ hội nào đâu Chúng tôi sẽ đưa ra xét xử vụ này bằng mọi giá”. “Có những trường hợp...” “Cô có thể nói cho chúng tôi biết về việc đó tại phiên điều trần sơ bộ”. Di Silva cười nhạo cô. “Được thôi”, Jennifer nói “Tôi sẽ gặp lại ông tại tòa”. Jack Scanlon kiếm được việc làm tại một trạm bảo dưỡng ô tô ở Bờ Tây gần nhà trọ của mình, và Jennifer đã ghé qua để gặp anh ta. “Phiên điều trần sơ bộ sẽ vào ngày kia”, Jennifer thông báo cho anh ta. “Tôi sẽ cố gắng bắt chính quyền phải đồng ý sự mặc cả khép anh vào tội ít nghiêm trọng hơn. Anh sẽ phải ở tù một thời gian, Jack ạ, nhưng tôi sẽ cố gắng để làm cho thời gian đó càng ngắn càng tốt”. Sự biết ơn trên khuôn mặt anh ta cũng đủ để trả công rồi. Theo lời khuyên của Jennifer, Jack Scanlon đã mua một bộ com-lê trông rất trịnh trọng để mặc trong phiên điều trần sơ bộ. Anh ta đã đi cắt tóc và tỉa bộ râu quai nón, nên Jennifer rất hài lòng với vẻ bề ngoài của anh ta. Họ đã thông qua các thể thức của phiên tòa. Viên chưởng lý khu vực Di Silva cũng có mặt. Khi Carl Osbome trình bày các chứng cứ của ông ta và yêu cầu truy tố, chánh án Bamard quay sang hỏi Jennifer: “Cô có muốn nói gì không, cô Parker?” “Có thưa ngài. Tôi không muốn chính quyền phải chi phí cho phiên tòa xét xử này. Có những tình tiết giảm nhẹ hình phạt mà không được đưa ra ở đây. Tôi mong muốn thân chủ của tôi được nhận tội với hình phạt nhẹ hơn”. “Không thể được đâu”. Carl Osborne nói “Chính quyền sẽ không đồng ý việc đó”. Jennifer quay sang hỏi chánh án Bamard: “Chúng ta có thể thảo luận vấn đề này trong phòng làm việc của ngài được không?” “Tốt thôi. Tôi sẽ định ngày xét xử sau khi tôi nghe nhóm luật sư muốn nói gì”. Jennifer quay sang phía Jack Scanlon vẫn còn đứng đó ngơ ngác. “Anh có thể trở lại làm việc”, Jennifer bảo anh ta. “Tôi sẽ ghé qua và cho anh biết tình hình”. Anh ta gật đầu và lặng lẽ đáp: “Cám ơn cô, thưa cô Parker”. Jennifer nhìn theo anh ta quay đi và rời khỏi phòng xử án. Jennifer, Carl Osbome, Robert Di Silva và chánh án Bamard cùng ngồi trong phòng làm việc của ông chánh án. Osborne nói với Jennifer: “Tôi không hiểu tại sao thậm chí cô lại có thể yêu cầu tôi nhân nhượng cơ chứ. Bắt cóc để đòi tiền chuộc là một tội tử hình. Khách hàng của cô đã phạm tội và hắn phải trả giá cho việc đã làm”. “Đừng có tin những điều ông đọc trên báo chí, ông Carl ạ. Jack Scanlon không có liên quan gì đến giấy đòi tiền chuộc đâu”. “Cô đang muốn lừa ai vậy? Nếu như không phải vì tiền thì là vì cái quái quỷ gì?” “Tôi sẽ kể cho ông biết”. Jennifer đáp. Và cô đã kể cho họ nghe. Cô đã nói cho họ biết về trang trại, về sự đánh đập và về việc Jack Scanlon đã yêu say đắm Evelyn, đã cưới cô ta và đã mất cả vợ và con gái khi sinh nở. Họ yên lặng ngồi nghe và khi Jennifer kết thúc, Robert Di Silva hỏi: “Jack Scanlon đã bắt cóc cô bé bởi vì nó làm anh ta nhớ về đứa trẻ mà lẽ ra anh ta đã có? Và vợ Jack Scanlon đã chết khi sinh con à?” “Đúng vậy”. Jennifer quay sang nói với chánh án Bamard. “Thưa ngài, tôi không nghĩ đó là loại người ngài muốn xử tử chứ ạ”. Di Silva bất ngờ đáp: “Tôi hoàn toàn đồng ý với cô”. Jennifer ngạc nhiên nhìn ông ta. Di Silva rút vài chồng giấy ra khỏi một chiếc cặp xách tay và nói: “Xin phép được hỏi cô một vài điều. Cô thấy ra sao về việc xử tử loại người này?” Ông ta bắt đầu đọc từ một hồ sơ. “Frank Jackson, 38 tuổi. Sinh tại Nob Hill, thuộc San Francisco. Cha là bác sĩ, mẹ là một nhà xã hội có tiếng. Mười bốn tuổi, Jackson nghiện thuốc phiện, trốn nhà, bị bắt tại Haight - Ashbury và được trả lại cho cha mẹ hắn. Ba năm sau Jackson lẻn vào phòng khám của cha hắn, ăn cắp toàn bộ thuốc phiện, hắn thấy được và chạy trốn. Bị bắt tại Seattle vì tàng trữ và bán ma tuý, được đưa vào trại cải tạo, được thả tự do khi hắn mười tám tuổi, một tháng sau bị bắt lại vì tội cướp có vũ trang với ý định giết...” Jennifer cảm thấy ruột gan như co thắt lại. “Điều đó thì có can hệ gì đến Jack Scanlon?” Carl Osbome khẽ cười nhạt. “Jack Scanlon chính là Frank Jackson”. “Tôi không tin điều đó?” Di Silva nói tiếp: “Bìa vàng hồ sơ này được lấy từ Cục điều tra liên bang cách đây một giờ. Jackson là kẻ lừa đảo bậc thầy và kẻ dối trá có hạng. Hơn mười năm qua hắn đã bị bắt về các tội từ làm ma cô đến đầu độc và cướp có vũ trang. Hắn bị tù một năm ở Joliet. Hắn không hề có nghề nghiệp ổn định và chưa hề lấy vợ. Năm năm trước hắn bị FBI bắt vì tội bắt cóc. Hắn đã bắt cóc một bé gái ba tuổi và đã gửi giấy đòi tiền. Xác của cô bé được tìm thấy ở một khu vực rậm rạp sau đó hai tháng. Theo báo cáo của nhân viên điều tra, xác chết một phần bị thối rữa, nhưng có những vết dao cắt nhỏ thấy rõ ở khắp thân thể cô bé. Cô bé đã bị cưỡng hiếp và bạo dâm”. Jennifer chợt cảm thấy nôn nao. “Jackson được tha bổng do những kỹ xảo về pháp lý được viên luật sư tài giỏi nào đó bầy mưu cho”. Khi Di Silva nói tiếp, giọng ông ta đầy khinh bỉ. “Đó là người mà cô muốn thả tự do dạo chơi trên đường phố phải không?” “Tôi có thể xem hồ sơ được chứ?” Di Silva lặng lẽ đưa cho Jennifer và cô bắt đầu đọc tập hồ sơ. Đó chính là Jack Scanlon. Không còn nghi ngờ gì về việc đó nữa. Có cả ảnh căn cước của hắn do cảnh sát chụp gắn vào bìa hồ sơ màu vàng. Hắn trông trẻ hơn và không có râu quai nón, nhưng không thể nhầm lẫn được. Jack Scanlon - hay Frank Jackson - đã lừa dối cô mọi chuyện. Hắn đã tự bịa ra tiểu sử đời mình và Jennifer đã tin mọi lời hắn nói. Hắn đã gây được lòng tin đến nỗi cô thậm chí không hề bận tâm đề nghị Ken Bailey kiểm tra lại lý lịch hắn. Chánh án Bamard nói: “Tôi có thể xem được không?” Jennifer đưa tập hồ sơ cho ông. Ông Chánh án liếc qua và sau đó nhìn thẳng vào Jennifer: “Giờ thì sao?” “Tôi sẽ không bào chữa cho hắn nữa”. Di Silva hơi nhướn lông mày với vẻ ngạc nhiên pha lẫn chế giễu. “Cô làm tôi kinh ngạc đấy, thưa cô Parker. Cô chẳng luôn nói rằng mọi người đều có quyền được luật sư bào chữa sao?” “Mọi người đều có quyền”, Jennifer trả lời bình thản. “Nhưng tôi đặt cho mình một quy định rất chặt chẽ và cứng rắn: Tôi sẽ không bào chữa cho ai đã lừa dối tôi. Ông Jackson sẽ phải tự mình tìm luật sư khác”. Chánh án Bamard gật đầu: “Tòa sẽ thu xếp việc đó”. Osbome nói: “Tôi muốn bãi bỏ ngay việc tạm tha hắn, thưa ngài. Tôi cho rằng để hắn tự do dạo chơi trên phố là quá nguy hiểm đấy”. Chánh án Barnard quay sang bảo Jennifer: “Bởi vì vào lúc này cô vẫn còn là luật sư theo hồ sơ vụ án, thưa cô Parker. Cô có phản đối gì việc đó không?” “Không”, Jennifer trả lời dứt khoát. “Không hề”. Chánh án Bamard kết luận: “Tôi sẽ ra lệnh bãi bỏ việc tạm tha hắn”. * * * * * Chánh án Lawrence Waldman mời Jennifer tới dự một bữa tiệc của hội từ thiện vào tối hôm đó. Cô cảm thấy kiệt sức sau những sự việc xảy ra buổi chiều, và muốn được về nhà để hưởng buổi tối yên tĩnh với Joshua, nhưng cô không nỡ làm ông chánh án thất vọng. Cô thay quần áo ở văn phòng và gặp chánh án Waldman tại khách sạn Waldolf - Astoria, nơi tổ chức buổi liên hoan. Đó là buổi dạ hội có hơn nửa tá các ngôi sao Hollywood trình diễn, nhưng Jennifer đã không thể thấy thích thú được. Đầu óc cô như ở tận đâu đâu. Chánh án Waldman đang quan sát cô. “Có chuyện gì xảy ra vậy, Jennifer?” Cô cố gượng cười: “Không có gì đâu, chỉ là vấn đề công việc thôi, Lawrence ạ”. “Mình đang thực sự giải quyết công việc gì vậy nhỉ”, Jennifer tự hỏi. “Giao dịch với những cặn bã của nhân loại, những tên hiếp dâm, giết người và bắt cóc tống tiền hay sao?” Cô quyết định tối nay cần phải uống thật say để quên đi mọi chuyện. Người phục vụ chính đến bên bàn và nói thầm vào tai Jennifer: “Xin lỗi cô Parker, có điện thoại gọi cô”. Jennifer chợt có cảm giác hoảng sợ. Người duy nhất biết nơi liên hệ với cô là bà Mackey. Bà chỉ có thể gọi khi có việc gì xảy ra. “Xin phép một chút”. Jennifer nói. Cô theo người phục vụ đến một phòng nhỏ qua hành lang. Jennifer nhấc ống nghe và thấy giọng một người đàn ông thì thào: “Con chó đẻ! Mày đã chơi trò hai mang với tao”. Jennifer cảm thấy cơ thể cô bắt đầu run lên: “Ai đó?” Cô hỏi. Nhưng cô đã biết rõ. “Mày đã bảo bọn cớm đến bắt tao”. “Không đúng như thế? Tôi...” “Mày đã hứa giúp tao rồi mà”. “Tôi sẽ giúp anh. Anh ở...” “Đồ đĩ lừa đảo!” Giọng hắn hạ thấp xuống đến mức cô khó có thể đoán được. “Mày sẽ phải trả giá về việc này. Được, mày sẽ phải trả giá về việc này!” “Xin đợi một...” Điện thoại câm bặt. Jennifer vẫn đứng đó ớn lạnh. Việc gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Frank Jackson, tức Jack Scanlon, bằng cách nào đó đã trốn thoát, và hắn buộc tội Jennifer về chuyện đã xảy ra. Làm sao hắn đã biết nơi cô đang ở cơ chứ? Hắn có lẽ đã theo dõi cô tới đây Bây giờ có lẽ hắn đang đợi cô ở bên ngoài. Jennifer cố gắng kiềm chế không run rẩy nữa và cố suy nghĩ, tìm xem chuyện gì đã xảy ra. Hắn chắc đã nhìn thấy cảnh sát đến bắt hắn hoặc có lẽ họ đã bắt được nhưng hắn đã trốn thoát. Nhưng việc làm sao hắn trốn được cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều quan trọng là hắn đang buộc tội cô vì những điều đã xảy ra. Trước đây Frank Jackson đã giết người và hắn cũng có thể lại giết người nữa. Jennifer đi vào nhà vệ sinh nữ và ở đó cho đến khi cô bình tĩnh trở lại. Khi cô đã có thể tự chủ lại, cô quay trở lại bàn ăn. Chánh án Waldman chợt nhìn thẳng vào mặt cô: “Trời đất ơi, có chuyện gì xảy ra vậy?” Jennifer tóm tắt lại cho ông nghe ông rất kinh hãi. “Lạy Chúa tôi. Cô có muốn tôi đưa cô về nhà không?” “Tôi sẽ qua khỏi thôi, Lawrence ạ. Nếu như ông có thể đảm bảo đưa tôi đến xe riêng an toàn, thì tôi sẽ lo được mọi việc”. Họ lặng lẽ rời khỏi phòng khiêu vũ lớn, và chánh án Waldman đã ở lại với Jennifer cho đến khi người phục vụ đưa xe ô tô của cô tới. “Cô chắc chắn rằng cô không muốn tôi đi cùng cô chứ?” “Cám ơn. Tôi chắc rằng cảnh sát sẽ bắt được hắn trước buổi sáng. Không có nhiều người đi dạo trông giống hắn ta đâu. Thôi chúc ông ngủ ngon nhé”. Jennifer lái xe đi, tin chắc rằng không có ai theo sau cô. Khi cô biết rõ mình không bị theo dõi, cô ngoặt sang đường cao tốc Long Island hướng về nhà. Cô liên tục nhìn vào gương chiếu hậu, kiểm tra những chiếc xe đi sau. Có lúc cô lái vào lề đường để tất cả xe cộ vượt qua và khi đường phía sau cô vắng trơn, cô lại tiếp tục đi. Giờ đây cô cảm thấy an toàn hơn. Chẳng bao lâu nữa cảnh sát sẽ bắt được Frank Jackson. Đến lúc này có lẽ đã phát lệnh truy nã hắn ta. Jennifer ngoặt sang đường cái con về nhà. Khu vườn và ngôi nhà, lẽ ra được thắp sáng choang, giờ tối om. Cô ngồi trên xe nhìn chằm chằm vào ngôi nhà đầy nghi ngại, đầu óc cô bắt đầu hoảng loạn. Cô điên cuồng đẩy mạnh cửa bật ra và lao tới cửa ra vào. Cánh cửa chỉ khép hờ. Jennifer đứng đó giây lát, đầy kinh hoàng và sau đó bước vào phòng khách: Chân cô đá phải vật gì nóng mềm và cô chợt há hốc mồm kinh hãi. Cô bật vội đèn. Con chó Max đang nằm trên thảm đầy máu. Họng của con chó đã bị xẻ dọc làm hai. “Joshua?” Jennifer kêu thét lên. “Bà Mackey?” Jennifer chạy từ phòng này qua phòng khác, bật tất cả các đèn và gọi lớn tim cô đập dữ dội đến mức khó thở. Cô lao lên cầu thang vào phòng ngủ của Joshua. Chiếc giường nó đã từng ngủ giờ trống trơn. Jennifer lục soát mọi căn phòng trong nhà, sau đó lao xuống cầu thang gác, đầu óc cô như tê liệt. Frank Jackson có lẽ đã biết tất cả mọi thứ ở nơi cô đang sống. Hắn đã theo cô về nhà một tối nào đó, sau khi cô rời văn phòng hoặc ra tàu. Hắn đã bắt Joshua và sắp sửa sẽ giết nó để trừng phạt cô. Khi đi qua phòng giặt cô chợt nghe thấy tiếng quờ quạng yếu ớt phát ra từ phòng kho. Jennifer xích dần lại gần cánh cửa đóng kín và giật tung ra. Bên trong phòng tối đen. Một giọng nói rên rỉ cất lên: “Xin đừng làm tôi đau đớn nữa”. Jennifer bật đèn lên. Bà Mackey đang nằm trên sàn, tay chân bị trói chặt bằng dây điện. Bà chỉ còn hơi tỉnh táo. Jennifer vội quỳ xuống bên bà già. “Bà Mackey!” Bà già ngước lên nhìn Jennifer và đôi mắt bà bắt đầu nhận biết được. “Hắn đã bắt Joshua đi rồi”. Bà ta bỗng nức lên. Jennifer cố hết sức nhẹ nhàng tháo sợi dây đang cứa vào tay chân bà Mackey. Chân tay bà xước sát chảy máu. Jennifer giúp bà từ từ đứng dậy. Bà Mackey gào khóc điên cuồng. “Tôi đã không... không thể cản hắn được. Tôi đã cố gắng. Tôi...” Tiếng chuông điện thoại cắt ngang trong phòng. Hai người đàn bà im bặt ngay. Chuông lại réo mãi như thể tiếng kêu của ma quỷ. Jennifer bước lại máy và nhấc ống nghe. Một giọng nói cất lên: “Tôi chỉ muốn biết chắc là cô đã về đến nhà an toàn”. “Con tôi đâu?” “Nó là cậu bé xinh trai đấy chứ?” Giọng nói hỏi. “Xin ông? Tôi sẽ làm mọi việc. Mọi việc ông muốn”. “Bà đã làm mọi việc rồi đấy mà, thưa bà Parker”. “Không mà, tôi xin ông!” Cô không cầm được, nức nở. “Tôi muốn nghe bà khóc lắm” Giọng nói thầm thì. “Bà sẽ nhận lại được cậu con trai thôi, bà Parker ạ. Hãy đọc báo chí ngày mai nhé”. Và đường dây câm lặng. Jennifer đứng đó, cố gắng không để ngất xỉu, cố suy xét Frank Jackson đã bảo: “Nó là cậu bé xinh trai đấy chứ”. Điều đó có nghĩa là Joshua vẫn có thể còn sống. Nếu không thì hắn phải nói là đã xinh trai chứ? Cô biết là mình chỉ cố chơi trò suy diễn, để giữ được thăng bằng. Cô phải làm gì đó thật nhanh chóng mới được. Phản xạ đầu tiên của cô là muốn gọi điện cho Adam, yêu cầu anh giúp đỡ. Chính là con trai anh bị bắt cóc và sắp sửa bị giết. Nhưng cô biết Adam không thể làm gì cả Anh ở cách xa 285 dặm. Cô chỉ có hai sự chọn lựa: một là gọi cho Robert Di Silva, kể cho ông ta nghe những gì đã xảy ra và yêu cầu ông thả lưới cố bắt được Frank Jackson. Ôi lạy Chúa, như thế sẽ quá lâu! Sự lựa chọn thứ hai lại gọi FBI. Họ được đào tạo để giải quyết các vụ bắt cóc. Vấn đề là đây không phải giống như các vụ bắt cóc khác. Sẽ không có giấy đòi chuộc để họ có thể dò dấu vết, không có cơ hội để cố bẫy được Frank Jackson và cứu Joshua. FBI hành động theo trình tự khắt khe riêng của mình. Nó sẽ không thể giúp gì ngay lúc này. Cô phải quyết định gấp... khi mà Joshua vẫn còn sống. Robelt Di Silva hay là FBI đây. Thật khó nghĩ quá. Cô hít một hơi dài và quyết định. Cô tìm kiếm một số điện thoại nào đó. Ngón tay cô quá run rẩy đến mức phải quay số đó ba lần mới được. Khi một người đàn ông trả lời, Jennifer nói: “Tôi muốn nói chuyện với Michael Moretti”. Chương 36 “Xin lỗi, thưa cô. Đây là nơi ở của Tony. Tôi không biết ông Mike Moretti nào cả”. “Đợi đã!” Jennifer gào lên “Đừng bỏ máy” Cô cố hết sức giữ giọng nói bình tĩnh. “Việc này rất khẩn cấp. Tôi là một người bạn của anh ấy. Tên tôi là Jennifer Parker. Tôi cần nói chuyện với anh ấy ngay bây giờ”. “Này, thưa quý cô, tôi đã nói..”. “Hãy báo cho anh ấy biết tên tôi và số điện thoại này”. Cô nói cho ông ta biết số điện thoại. Jennifer chợt lắp bắp mãi đến nỗi cô khó có thể nói ra lời. “Bảo... bảo anh... anh... ấy”. Đường dây câm bặt. Jennifer lặng người đi và đặt ống nghe xuống. Cô trở lại với một trong hai lựa chọn đầu tiên của cô. Hoặc là cả hai. Không có lý do gì khiến Robert Di Silva và FBI lại không thể cùng phối hợp lựe lượng cố tìm kiếm Joshua. Vấn đề làm cô điên đầu là cô biết rằng họ khó có cơ hội tìm thấy được Frank Jackson. Không còn thời giờ nữa. Hãy đọc báo chí ngày mai nhé. Sự dứt khoát trong những lời nói cuối cùng của hắn đã làm cho Jennifer tin chắc rằng hắn sẽ không gọi điện lại cho cô nữa, sẽ không để ai có dịp tìm được dấu vết hắn. Nhưng cô cần phải làm điều gì đó chứ. Cô sẽ cố gọi Di Silva. Cô lại với máy điện thoại. Cô vừa chạm tới thì máy đã réo lên làm cô giật mình. “Michael Moretti đây”. “Ồ, Michael! Michael, giúp tôi với! Tôi...” Cô bắt đầu khóc nức lên. Cô đánh rơi điện thoại, sau đó nhặt vội lên, lo sợ rằng y đã gác máy. “Michael phải không?” “Tôi đây”. Giọng y điềm tĩnh. “Hãy trấn tĩnh lại và kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra vậy”. “Tôi. Tôi sẽ...” Cô hít vài hơi thở sâu, cố lấy lại bình tĩnh, cố không để run nữa. “Về việc con trai tôi, bé Joshua. Nó... Nó đã bị bắt cóc. Chúng sắp sửa... giết nó”. “Cô biết ai bắt nó không?” “Có... có... Tên hắn là Frank... Frank Jackson”. Tim cô đập dữ dội. “Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra vậy”. Giọng y trầm lặng và đầy tự tin. Jennifer cố buộc mình nói chậm rãi, nhắc lại từng sự việc. “Cô có thể miêu tả Jackson trông như thế nào không?” Jennifer mường tượng lại hình ảnh hắn trong đầu. Cô miêu tả hình ảnh đó thành lời, và Michael nói: “Cô tả tốt đấy. Cô có biết hắn đã ở tù ở đâu không?” “Ở Joliet. Hắn bảo tôi là hắn sẽ giết...” “Trạm ga mà hắn đã làm việc ở đâu?” Cô báo địa chỉ cho Michael. “Cô có biết tên nhà trọ hắn đang ở không?” “Có à, không”. Cô không thể nhớ được. Cô bấm chặt ngón tay vào trán đến chảy máu, buộc óc phải nghĩ. Y vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Bỗng nhiên cô nhớ lại được. “Đó là nhà trọ Travel Well ở đại lộ Mười. Nhưng tôi tin chắc là giờ hắn không còn ở đó nữa”. “Chúng tôi sẽ xem sau”. “Tôi muốn con trai tôi được trả về còn sống”. Michael Moretti không trả lời và Jennifer đã hiểu vì sao. “Nếu chúng tôi tìm thấy Jackson?” Jennifer hít một hơi dài, khẽ rùng mình. “Giết chết hắn đi!” “Hãy ở bên điện thoại của cô nhé”. Đường dây bị ngắt, Jennifer đặt máy. Cô cảm thấy thanh thản lạ lùng, như thể đã hoàn thành được một việc gì đó. Không có lý do gì khiến cô cảm nhận được lòng tin vào Michael Moretti. Theo quan điểm hình thức đó là một điều điên rồ mà cô đã làm; nhưng cái hình thức đó thì liên quan gì ở đây cơ chứ. Tính mạng con trai cô đang treo trên đầu sợi tóc. Cô đã chủ định cử một tên giết người đi bắt một tên giết người khác. Nếu như không làm được. Cô chợt nghĩ về cô bé bị cưỡng hiếp và bạo dâm. Jennifer quay ra chăm sóc bà Mackey. Cô băng bó các vết thương và bầm tím trên người bà và đưa bà lên giường. Jennifer bảo bà uống thuốc an thần, nhưng bà Mackey đã gạt đi. “Tôi không thể ngủ được”, Bà kêu khóc “Ôi, bà Parker! Hắn đã cho cậu bé uống thuốc ngủ”. Jennifer kinh hoàng nhìn bà. * * * * * Michael Moretti ngồi tại bàn, đối diện với bảy người y triệu tập đến. Y đã chỉ thị cho ba người đầu tiên. Y quay sang Thomas Colfax. “Tom này, tôi muốn ông sử dụng đường dây của ông. Hãy vào trung tâm Đại úy Notaras và yêu cầu anh ta rút cho tập hồ sơ về Flank Jackson. Tôi muốn biết mọi thứ mà họ đã có được về hắn ta”. “Chúng ta đang phí phạm đường dây tốt đấy, Mike ạ. Tôi không nghĩ là...” “Đừng tranh luận nữa? Hãy làm theo tôi”. Colfax miễn cưỡng đáp: “Được thôi”. Michael quay về phía Nick Vito. “Hãy kiểm tra trạm ga nơi Jackson làm việc. Tìm xem liệu hắn đã la cà ở quán bar nào ở đó không, liệu hắn có bạn bè ở đó không?” Y bảo Salvatore Fiore và Joseph Colella: “Hãy tới quán trọ của Jackson. Đến lúc này có thể hắn đã biến rồi, nhưng hãy tìm xem liệu hắn đã kết bạn với ai. Tôi muốn biết bạn thân hắn là ai”. Y liếc nhìn đồng hồ. “Đã nửa đêm rồi. Tôi cho các anh tám tiếng để tìm Jackson”. Mọi người lần lượt ra khỏi cửa. Michael gọi với theo: “Tôi không muốn có chuyện gì xảy ra với đứa bé cả. Hãy gọi điện báo về thường xuyên nhé. Tôi sẽ luôn đợi đấy”. Michael Moretti nhìn họ ra khỏi phòng, sau đó nhấc một trong những chiếc máy điện thoại trên bàn và quay số. Một giờ sáng. Phòng ở nhà trọ không rộng rãi nhưng rất ngăn nắp. Frank Jackson thích mọi thứ ngăn nắp. Y cảm thấy đó một phần là do được nuôi dưỡng đúng cách. Màn mành đã được buông xuống và nghiêng đi để không ai có thể nhìn được vào phòng. Cánh cửa ra vào đã khóa và xích lại, nhưng y chắn thêm một chiếc ghế để chèn. Y bước đến bên giường Joshua nằm. Frank Jackson đã ấn ba viên thuốc ngủ vào họng cậu bé, nên bây giờ nó vẫn còn đang ngủ ngon lành. Thế nhưng vì Jackson luôn tự hào là một người không sơ hở một chút nào, nên y đã trói chặt chân tay của Joshua cũng bằng loại dây điện đã dùng để trói bà già tại nhà. Jackson nhìn xuống ngắm cậu bé đang ngủ và tràn ngập một cảm giác buồn rầu. Vì sao mọi người lại nhân danh Chúa cứ buộc hắn phải làm những việc kinh khủng như thế này. Hắn là một người tính tình nhẹ nhàng ưa trầm tĩnh, nhưng khi mọi người đều chống lại hắn, khi mọi người đều tấn công hắn, thì hắn đành phải tự vệ thôi. Vấn đề rắc rối của mọi người là họ đều đánh giá hắn quá thấp. Họ đã không nhận ra được cho đến khi đã quá muộn rồi, rằng hắn tinh ranh hơn tất cả bọn họ. Hắn đã biết cảnh sát sẽ đến tìm hắn trước khi họ có mặt nửa giờ. Hắn đang bơm xăng vào chiếc Chevrolet Camaro và thấy chủ hắn bước vào văn phòng để trả lời điện thoại. Jackson không thể nghe lỏm được câu chuyện nhưng điều đó không cần thiết. Hắn đã trông thấy ông chủ nhìn trộm hắn khi ông ta thầm thì vào điện thoại. Frank Jackson biết ngay chuyện gì đang xảy ra. Cảnh sát đang đến bắt hắn. Con chó đẻ Parker đã giở trò hai mặt với hắn, đã báo cảnh sát vây bắt hắn. Con mụ ấy cũng giống như tất cả bọn chúng nó thôi. Khi ông chủ hắn vẫn còn đang nói chuyện trên điện thoại thì Frank Jackson đã vơ vội áo khoác và chuồn thẳng. Hắn chỉ mất chưa đến ba phút để tìm được một chiếc ô tô không khóa đậu trên phố, và dấu tắt dây điện nên chỉ một lúc sau hắn đã lao theo hướng về nhà Jennifer Parker. Jackson thực sự phải phục sự thông thái của mình. Ai nữa đã nghĩ ra được phải theo sát cô để tìm ra nơi cô ở? Hắn đã làm việc đó ngay từ hôm cô trả tiền bảo lãnh tạm tha hắn. Hắn đã đỗ xe ở phố đối diện nhà cô và ngạc nhiên khi thấy một cậu bé đón cô ở cổng. Hắn đã quan sát cả hai và lúc đó thậm chí đã có cảm giác là cậu bé có thể được sử dụng khi cần thiết. Cậu bé đó là phần thưởng không mong đợi như các thi sĩ thường gọi là đứa con tin của số mệnh. Jackson cười thầm khi thấy mụ quản gia già chó chết kinh hãi ra sao. Hắn thích thú cuốn dây điện quanh cổ tay và cổ chân bà ta. Không, thực sự không thích thú lắm. Hắn đang quá khắt khe với bản thân đấy. Điều đó là cần thiết mà. Bà quản gia đã nghĩ rằng hắn sắp sửa hiếp bà. Bà ta đã ghê tởm hắn. Tất cả đàn bà đều vậy, chỉ trừ người mẹ tôn kính của hắn thôi. Chỉ có trẻ con là trong trắng thôi. Hắn nghĩ về cô bé gần đây hắn đã bắt cóc. Cô bé xinh đẹp có tóc xoăn vàng óng, mượt mà, nhưng cô bé đã phải trả giá cho tội lỗi của mẹ cô. Mẹ cô bé đã làm cho Jackson bị đuổi việc. Mọi người đều cố không cho hắn kiếm sống trung thực, và sau đó lại trừng phạt khi hắn phá bỏ những luật lệ ngu xuẩn của họ. Đàn ông đã đủ xấu xa rồi, nhưng đàn bà còn tồi tệ hơn. Giống như ả hầu bàn Clara mà hắn sắp sửa đưa đi Canada, Ý. Ả đang yêu say đắm hắn. Ả nghĩ rằng hắn là một người quân tử, bởi vì hắn chưa bao giờ đụng chạm đến ả. Giá mà ả biết được nhỉ? Ý nghĩ phải làm tình với ả đã làm cho hắn muốn lộn mửa. Nhưng hắn sẽ phải đưa ả ra khỏi đất nước này cùng hắn, bởi vì cảnh sát đang tìm kiếm một mình người đàn ông thôi. Hắn sẽ cạo sạch râu quai nón, tỉa bớt tóc và đến khi vượt qua được biên giới, hắn sẽ tìm cách rũ bỏ Clara. Điều đó sẽ đem lại cho hắn nhiều vui sướng. Frank Jackson đến gần chiếc valy bằng bìa méo mó đặt trên giá hành lý, mở va ly và lấy ra một hộp dụng cụ. Hắn rút một chiếc búa và vài cái đinh ra từ hộp đó. Hắn đặt chúng lên trên bàn, cạnh giường sát với cậu bé đang ngủ. Sau đó hắn đi vào buồng tắm và nhấc một can hai ga lông xăng từ bồn tắm. Hắn mang can xăng vào phòng ngủ và đặt lên sàn. Joshua sẽ bị trùm trong ngọn lửa. Nhưng điều đó sẽ xảy ra sau lễ đóng đinh vào thánh giá. Hai giờ sáng. Khắp New York và trên cả nước Mỹ, lệnh đang lan truyền. Nó bắt đầu trong các quán bar và quán trọ. Lệnh truyền thận trọng đó đây, rót vào tai những người muốn nghe. Nó bắt đầu lộ dần và bắt đầu lan rộng tới những tiệm ăn rẻ tiền, những sàn nhảy ồn ào và các quầy bán báo thâu đêm. Nó được loan tới những người lái xe taxi, lái xe tải và các cô gái làm việc trên phố xá lúc nửa đêm. Nó tựa như hòn sỏi thả và hồ nước sâu thăm thẳm với những làn sóng lăn tăn, bắt đầu tỏa rộng và lan ra. Trong vòng vài giờ mọi người trên phố xá đều biết được rằng Michael Moretti muốn có một vài thông tin và muốn biết nhanh. Không phải ai cũng có dịp làm vừa lòng Michael Moretti. Đó là cơ hội ngàn vàng cho ai đó, bởi vì Michael Moretti là một người biết cách tỏ lòng cảm kích như thế nào. Lệnh truyền rằng y đang tìm một gã đàn ông tóc vàng, gầy gò trông như chúa Giê-su. Mọi người bắt đầu lục tìm trí nhớ của mình. Hai giờ 15 phút sáng. Joshua Adam Parker trở mình và Frank Jackson đến gần bên cậu bé. Hắn vẫn chưa cởi bỏ bộ quần áo ngủ của cậu bé. Jackson kiểm tra chắc chắn xem búa và đinh vẫn ở chỗ cũ và sẵn đó. Điều quan trọng là phải biết tỉ mỉ về mọi việc. Hắn sẽ đóng đinh chân tay cậu bé xuống sàn trước khi đốt cháy căn phòng. Lẽ ra hắn có thể làm điều đó trong khi cậu bé còn đang ngủ nhưng có lẽ không nên. Điều quan trọng là cậu bé phải thức giấc để xem có việc gì đang xảy ra để biết cậu bị trừng phạt là do tội lỗi của người mẹ. Frank Jackson nhìn đồng hồ. Clara sẽ đến nhà trọ lúc 7 giờ 30 để đón hắn. Còn 5 tiếng 15 phút nữa. Khá đủ thì giờ. Frank Jackson ngồi xuống ngắm nghía Joshua, và hắn đã một lần vuốt ve nhẹ nhàng mớ tóc lòa xòa của cậu bé. Ba giờ sáng. Những cú điện thoại đầu tiên bắt đầu đổ về. Trên bàn Michael Moretti có hai chiếc máy và dường như là lúc y nhấc máy này thì máy kia lại bắt đầu réo. “Tôi đã lần được dấu vết của thằng cha đó rồi, Mike ạ. Hai năm trước hắn làm một vụ ở thành phố Kansas cùng Joe Ziegler lớn và Mel Conhen”. “Việc hắn làm hai năm trước đây thì biết làm cái quái gì. Giờ hắn ở đâu?” “Joe lớn nói nó không nghe được tin tức gì về gã ấy khoảng sáu tháng nay rồi. Tôi sẽ cố liên hệ với Mel Conhen”. “Thì làm đi!” Cú điện thoại tiếp cũng chẳng có ích gì hơn. “Tôi đã đến phòng trọ của Jackson. Hắn đã trả tiền phòng và chuồn rồi. Hắn mang theo một va ly màu nâu và can loại chứa hai ga-lông có thể có xăng trong đó. Nhân viên ở đây không hề biết hắn đã đi đâu”. “Thế còn tại các quán quanh đó thì sao?” “Một trong những bồi bàn đã nhận ra hắn qua miêu tả, nhưng hắn không phải là khách hàng thường xuyên. Hắn đã đến đó hai, ba lần sau giờ làm”. “Đến một mình à?” “Theo gã hầu bàn đó thì như vậy. Hắn dường như không thích gái ở đó lắm”. “Hãy kiểm tra ở các quán dành cho người tình dục đồng giới vậy”. Chuông điện thoại lại reo ngay khi Michael vừa gác máy. Salvatore Fiore gọi về. “Colfax đã nói chuyên với đại úy Notaras. Nhân viên lưu trữ của cảnh sát thấy tờ biên lai cầm đồ dùng vật dụng cá nhân của Frank Jackson. Tôi đã lấy được số biên lai và tên tiệm cầm đồ. Chủ tiệm là người Hy Lạp tên Gus Staros, kẻ buôn bán đá quý bị lấy cắp”. “Anh đã kiểm tra điều đó chưa?” “Đến sáng chúng tôi mới có thể kiểm tra được. Mike ạ. Cửa hàng đã đóng cửa. Tôi...” Michael Moretti gầm lên. “Chúng ta không thể đợi đến sáng được! Đồ ngu, xuống đấy ngay đi”. Có điện thoại gọi từ Joliet. Michael khó theo được câu chuyện vì người gọi bị viêm thanh quản và giọng anh ta nghĩ như thể phát ra từ ống bơ gi. “Bạn tù của Jackson tên là Mickey Nicola. Chúng khá thân thiết với nhau”. “Có biết giờ Nicola ở đâu không?” “Lần cuối tôi nghe được là khi hẳn đã trở lại một nơi nào đó phía đông. Hắn là bạn của em gái Jackson. Chúng tôi không có địa chỉ của ả đó”. “Nicola bị tù về việc gì?” “Họ tóm hắn về tội cướp hiệu kim hoàn”. 3 giờ 30 sáng. Tiệm cầm đồ ở Kem Harlem của người Tây Ban Nha tại góc Đại lộ số hai và phố 124. Nó nằm trong tòa nhà hai tầng trông gớm ghiếc, có cửa hàng ở tầng trệt và phòng ở phía trên. Gus Stavros thức giấc do ánh đèn pin dọi vào mặt. Hắn theo bản năng định với nút báo động đặt bên giường. “Tao sẽ không làm như thế đâu” Một giọng nói cất lên. Ánh đèn pin quay đi chỗ khác và Gus Stavros ngồi dậy trên giường. Hắn nhìn hai gã đàn ông đứng hai bên hắn và nhận ra rằng lời khuyên đó là thích hợp. Một gã to lớn và một gã nhỏ thó. Stavros như cảm thấy cơn hen suyễn sắp đến. “Xuống nhà và lấy bất cứ thứ gì các anh muốn”. Hắn nói khò khè. “Tôi sẽ không động đậy gì đâu”. Gã cao lớn, Joseph Colella nói: “Dậy đi. Từ từ thôi”. Gus Stavros nhỏm dậy khỏi giường, cố gắng không làm gì quá đột ngột. Gã nhỏ thó, Salvatore Fiore ấn mẩu giấy vào dưới mũi hắn. “Đây là số biên lai cầm đồ. Bọn tao muốn vật cầm đó”. “Vâng, thưa ông”. Gus Stavos bị hai gã đàn ông đó kèm xuống cầu thang. Stavros mới lắp một hệ thống báo động tinh vi cách đây sáu tháng. Hắn có thể bấm chuông ở nhiều chỗ và dẫm chân lên những nơi bí mật trên sàn để mọi người đến trợ giúp ngay. Hắn đã không dám làm điều đó, vì giác quan ngầm bảo hắn rằng hắn sẽ bị chết trước khi mọi người kịp đến. Hắn biết cơ hội duy nhất của hắn là làm những điều mà hai gã đàn ông này muốn. Hắn chỉ cần cầu nguyện cho mình khỏi chết vì cơn hen suyễn chết tiệt, cho đến khi hắn thoát được khỏi tay bọn chúng. Hắn bật đèn cầu thang và cả ba người tiến về phía trước cửa hiệu. Gus Stavros không hề biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng hắn biết sự việc có thể còn tồi tệ hơn. Giá những gã này chỉ đến cướp bóc hắn thì lúc này chúng đã khua khoắng sạch tiệm và chuồn rồi. Dường như chúng chỉ quan tâm đến một vật cầm thôi. Hắn tự hỏi làm sao mà chúng đã vô hiệu hóa được hệ thống báo động tinh vi mới ở cửa ra vào và cửa sổ, nhưng hắn lại quyết định thôi không hỏi nữa. “Làm đi chứ đồ con lừa”. Joseph Colella bảo. Gus nhìn lại vào số biên lai và bắt đầu lục lại chồng hóa đơn. Hắn đã tìm được cái cần tìm, gật đầu với vẻ hài lòng, rồi đi đến bên chiếc tủ sắt to lớn và mở tủ ra trong khi hai gã đàn ông vẫn theo sát sau. Stavros tìm kiếm dọc một chiếc giá cho đến khi thấy chiếc phong bì nhỏ. Quay lại hai gã đàn ông, hắn mở phong bì đó và lấy ra chiếc nhẫn kim cương lớn lấp lánh dưới ánh đèn. “Vật ký gửi đây”, Gus Stavros nói “Tôi đã đưa cho y 500 khi cầm cái này”. Chiếc nhẫn đáng giá ít nhất là 20.000 đô la. “Mày đưa 500 cho ai vậy?” Salvatore Fiore bé nhỏ hỏi. Gus Stavlos nhún vai. “Hàng trăm khách hàng đến đây mỗi ngày. Tên trên phong bì là John Doe”. Fiore bỗng rút ra một đoạn ống chì và quật mạnh không thương tiếc vào mũi Gus Stavros. Hắn ngã xuống sàn la hét trong cơn đau, mặt đầm đìa máu. Fiore lặng lẽ hỏi tiếp: “Mày nói là đứa nào đã mang nó đến đây vậy?” Gus Stavros há hốc mồm, cố để thở: “Tôi không biết tên nó. Nó không nói cho tôi mà. Tôi thề có Chúa trời?” “Nó trông thế nào?” Máu tràn vào cổ họng Gus Stavros nhanh đến mức hắn không thể nói ra lời được. Hắn sắp sửa ngất xỉu, nhưng hắn biết rằng nếu như bất tỉnh trước khi nói, thì hắn sẽ không bao giờ dậy được nữa. “Để tôi nghĩ đã”. - Hắn van xin. Stavros cố tập trung trí nhớ, nhưng điều đó rất khó vì cơn đau làm cho hắn choáng váng. Hắn buộc mình cố nhớ người khách hàng đã bước vào tiệm, lấy chiếc nhẫn ra khỏi hộp và cho hắn xem. Trí nhớ hắn dần dần hồi phục. “Nó... Nó là dạng người tóc vàng gày gò...” Hắn khẽ ho ra ít máu “Hãy giúp tôi đứng dậy với”. Salvatore Fiore đá vào sườn hắn. “Nói tiếp đi”. “Nó có râu quai nón, màu vàng...” “Hãy kể cho chúng tao nghe về hạt kim cương đó. Nó được lấy từ đâu vậy?” Thậm chí phải chịu đau đớn kinh khủng nhưng Gus Stavros vẫn ngập ngừng. Nếu hắn tiết lộ thì sau này hắn sẽ bị chết. Nhưng nếu không thì hắn phải chết ngay bây giờ. Hắn quyết định nên kéo dài cái chết càng lâu càng tốt. “Viên kim cương lấy được qua vụ cướp Tiffany”. “Ai cùng tham gia vụ đó với gã đàn ông tóc vàng?” Gus Stavros cảm thấy khó thở hơn. “Mickey Nicola”. “Bọn tao có thể tìm thấy Nicola ở đâu?” “Tôi không biết. Nó... nó đang ở cùng với gái tại Brooklyn”. Fiore nhấc chân và thúc nhẹ vào mũi Stavros, Gus Stavros kêu la đau đớn. Joseph Colella hỏi: “Tên thằng cha đó là gì?” “Jackson. Blanche Jackson. 4 giờ 30 phút sáng. Ngôi nhà nằm cách xa phố bao bọc bởi hàng cọc rào nhỏ màu trắng, có vườn được chăm sóc cẩn thận phía trước mặt. Salvatore Fiore và Joseph Colella dẫm qua những khóm hoa và tiến về phía cửa sau. Chúng chỉ mất chưa đầy năm giây để mở cửa. Chúng bước vào trong nhà và tiến về phía cầu thang. Từ căn phòng ngủ phía trên chúng nghe thấy vọng đến âm thanh. Giường kêu keo kẹt và giọng một người đàn ông xen lẫn tiếng đàn bà. Hai gã đàn ông rút súng ra và bắt đầu lặng lẽ leo lên cầu thang. Giọng người đàn bà nói: “Ô, chúa ơi! Anh tuyệt vời lắm. Mickey ơi! Mạnh thêm chút nữa, anh yêu”. “Tất cả cho em đó cưng ạ, cho em hết cả. Đừng vội ra nhé”. “Chà, em không đâu...” Người đàn bà rên rỉ. “Chúng ta hãy cùng...” Ả ngước lên và la thất thanh. Gã đàn ông quay ngoắt lại. Hắn định với tay xuống dưới gối nhưng lại quyết định thôi. “Được thôi”, Hắn nói “Ví của tao ở trong quần vắt trên ghế. Hãy cầm lấy và cuốn xéo khỏi đây ngay. Tôi đang bận”. Salvatore Fiore đáp: “Chúng tao không muốn ví của mày, Mickey ạ”. Cơn giận dữ trên khuôn mặt Mickey Nicola vụt biến đổi Hắn ngồi dậy trên giường, cử động rất thận trọng, cố đoán ra được tình thế hiện tại. Ả đàn bà đã kéo chăn lên phủ kín ngực, khuôn mặt ả xen lẫn giận dữ và sợ hãi. Nicola thận trọng thả chân xuống một bên giường, ngồi ghé lên thành sẵn sàng bật dậy. Hắn quan sát hai gã đàn ông, chờ cơ hội thoát thân. “Chúng mày muốn gì?” “Mày làm việc với Frank Jackson phải không?” “Cút mẹ chúng mày đi”. Joseph Colella quay sang người đi cùng, bảo: “Bắn rụng dái nó đi”. Salvatore Fiore nâng súng ngắm. Mickey hét ầm lên: “Đợi một phút đã? Bọn mày chắc điên rồi?” Hắn nhìn vào đôi mắt gã đàn ông nhỏ bé và nói nhanh. “Tao đã làm việc cùng với Jackson”. Ả đàn bà gào khóc giận dữ: “Mickey!” Hắn man rợ quay sang nhìn ả. “Câm miệng đi! Mày nghĩ rằng tao muốn trở thành gã hoạn quan khốn kiếp à?” Salvatore Fiore quay sang ả đàn bà hỏi: “Mày là em gái Jackson phải không?” Mặt ả đầy giận dữ. “Tao chưa hề nghe thấy tên nó”. Fiore nâng súng và tiến đến gần giường hơn. “Cho phép bọn mày hai giây để nói hoặc cả hai sẽ bị tan xác, mảnh văng đầy tường đấy”. Giọng nói của y đã làm cho ả ớn lạnh. Y nâng súng vào ả, mặt cắt không còn hạt máu”. “Hãy nói cho chúng điều cần biết đi”. Mickey Nicola gào lên. Họng súng nhấc lên ấn vào ngực ả đàn bà. “Đừng! Vâng! Frank Jackson là anh trai tôi”. “Bọn tao có thể tìm nó ở đâu?” “Tôi không biết. Tôi không gặp anh ấy. Thề có Chúa trời tôi không biết! Tôi...” Ngón tay y khẽ nhích cò súng. Ả la toáng lên: “Clara. Clala có lẽ biết! Hãy hỏi Clara”. Joseph Colella nói: “Ai là Clara?” “Cô ta là... cô ta là người hầu bàn mà Frank Jackson biết”. “Bọn tao có thể tìm nó ở đâu được?” Lần này không còn ngập ngừng gì hết. Lời nói tự bật ra. “Cô ta làm ở một quán tên là The Shakers in Queens”. Người ả bắt đầu run lên. Salvatore Fiore nhìn cả hai đứa và nói rất lịch sự: “Bây giờ chúng mày có thể quay lại tiếp tục làm tình được đấy! Chúc một ngày vui vẻ”. Và hai gã đàn ông bỏ đi. 5 giờ 30 phút sáng. Clala Thomas (tên khai sinh là Thomachevsky) sắp sửa đạt ước mơ lâu đời của mình. Cô ta khe khẽ hát vui vẻ một mình trong khi sắp xếp quần áo cần dùng ở Canada vào chiếc va ly bằng các tông. Trước đấy cô đã đi du lịch với những người bạn hào hoa, nhưng lần này khác hẳn. Lần này sẽ là chuyến đi trăng mật của cô. Frank Jackson không giống như những người đàn ông khác mà cô từng biết. Những kẻ đã từng đến quán, mân mê và cấu véo mông cô, không khác gì hơn là thú vật. Frank Jackson khác hẳn. Anh ấy thực sự là một người quân tử đứng đắn. Clara ngừng sắp xếp giây lát để nghĩ về từ đó. Người quân tử. Trước đây không bao giờ cô nghĩ theo cách đấy, nhưng đó chính là Frank Jackson. Cô chỉ mới gặp anh ấy có bốn lần trong cuộc đời, nhưng cô biết rằng cô đang yêu anh. Cô có thể nói rằng anh ấy đã cuốn hút cô ngay từ đầu, bởi vì anh luôn ngồi tại bàn của cô. Và sau lần thứ hai khi quán đóng cửa, anh ấy đã tiễn cô về nhà. “Mình vẫn còn có giá”, Clara thầm nghĩ đầy tự mãn, “Nếu như mình có thể kiếm được một gã trai trẻ đẹp mã như thế”. Cô ta ngừng sắp xếp và bước đến bên chiếc gương đặt gần nhất tự ngắm nghía mình. Có thể mình hơi quá nặng nề một chút và một vài lọn tóc quá đỏ nhưng ăn kiêng sẽ làm mình gầy bớt đi vài pounds và mình sẽ cẩn thận hơn khi nhuộm tóc lần sau. Nói tóm lại cô không quá phiền lòng với hình dáng mình. “Mụ già này trông còn khá ngon đấy chứ?” Cô tự nhủ. Cô biết rằng Frank Jackson muốn được ngủ cùng mình, mặc dù anh ấy chưa bao giờ đụng chạm đến người cô. Anh ấy thực sự rất đặc biệt. Anh ấy gần như có tài năng về... Clara khẽ nhăn trán, cố tìm ra từ - về mặt tinh thần. Clara được nuôi dưỡng theo kiểu tín đồ Thiên chúa giáo và cô ta biết có ý nghĩ như vậy là báng bổ thần thánh nhưng Frank Jackson gợi cho cô nhớ đôi nét về hình ảnh chúa Giê-su. Cô tự hỏi liệu Frank như thế nào trên giường ngủ nhỉ. Được thôi, nếu như anh ấy e dè thì cô sẽ bảo cho anh biết một vài thủ thuật. Anh ấy đã nói đến chuyện cưới xin ngay khi họ tới Canada. Giấc mơ của cô sẽ trở thành hiện thực. Clara nhìn đồng hồ đeo tay và quyết định cô cần làm nhanh hơn. Cô đã hứa sẽ đón Frank tại quán trọ vào lúc 7 giờ 30. Cô chợt thấy chúng trong gương khi đang bước vào phòng ngủ của cô. Chúng như từ trên trời rơi xuống. Một gã khổng lồ và một gã nhỏ thó. Clara lặng nhìn trong khi hai tên đến gần cô. Gã đàn ông bé nhỏ nhìn vào chiếc va ly. “Mày chuẩn bị đi đâu vậy, Clara”. “Không phải việc các người. Muốn lấy gì thì lấy và ra khỏi đây ngay. Nếu có trong cái ổ này đáng giá hơn mười cò thì tôi sẽ phải nuốt nó ngay”. “Tao có thứ mày có thể ăn được đấy”. Gã Colella to lớn đáp. “Biến mẹ chúng mày đi”. Clara cáu kỉnh. “Nếu đây là một vụ hiếp dâm thì tao báo cho chúng mày biết rằng, bác sĩ đang điều trị bệnh lậu cho tao đấy”. Salvatore Fiore nói: “Bọn tao sẽ không làm hại mày đâu. Bọn tao chỉ muốn biết Frank Jackson ở đâu thôi”. Chúng có thể thấy được sự thay đổi ở cô ta. Người cô bỗng thẳng lên và mặt cô trông như đeo mặt nạ. “Flank Jackson à?” Có sự lo lắng rõ nét trong giọng nói của cô. “Tôi chẳng biết Frank Jackson nào cả?” Salvatore Fiore rút chiếc ống chì ra khỏi túi và bước về phía cô. “Mày đừng có dọa dẫm tao!” Clara nói “Tao...” Tay gã vụt ngang mặt cô và trong cơn đau khủng khiếp cô vẫn có thể cảm thấy được răng mình vỡ vụn trong mồm như những hạt sỏi nhỏ. Cô cố mở mồm ra nói và máu tuôn ra đầm đìa. Gã to lớn lại nâng ống chì lên. “Không, xin đừng làm thế nữa?” - Clara nôn oẹ. Joseph Colella nói lịch sự: “Bọn tao có thể tìm thằng Frank Jackson này ở đâu được?” “Frank ở... ở...” Clara hình dung ra cảnh người tình lịch thiệp, ngọt ngào của cô ở trong tay của hai con quỷ này. Chúng sẽ làm anh ấy đau đớn và cô có cảm giác rằng Frank sẽ không thể chịu đựng được sự đau đớn. Anh ấy quá nhạy cảm. Nếu như mình có thể tìm được cách cứu anh ấy thì anh ấy sẽ biết ơn mình suốt đời. “Tao không biết”. Salvatore Fiore vung lên và Clara nghe thấy tiếng xương cẳng chân cô bị gẫy cùng với cơn đau khôn xiết. Cô ngã xuống sàn, nhưng không thể kêu lên được vì mồm đầy máu. Joseph Colella đứng trên nhìn xuống mặt cô và nói nhẹ nhàng: “Có thể mày không hiểu được. Bọn tao sẽ không giết mày đâu. Bọn tao chỉ muốn làm gãy hết xương thôi. Khi bọn tao xong việc với mày, thì mày sẽ trông giống như mớ ruột gan mà con mèo ăn thừa ấy. Mày có tin tao không?” Clara tin y. Frank Jackson sẽ không bao giờ muốn thấy lại cô nữa. Cô đã mất anh ấy vì hai gã chó đẻ này rồi. Không còn giấc mơ nào thành hiện thực được, không còn cưới xin gì hết. Gã đàn ông nhỏ bé lại đến gần với ống chì trên tay. Clara rên rỉ: “Đừng. Xin đừng thế. Frank đang ở... ở nhà trọ Brookside trên đại lộ Prospect. Anh ấy...” Cô ta ngất xỉu đi. Joseph Colella đến bên điện thoại và quay số. Michael Moretti trả lời: “Gì thế”. “Nhà trọ Brookside trên đại lộ Prospect. Có muốn bọn tôi bắt hắn không?” “Không. Tôi sẽ gặp các anh ở đó. Phải đảm bảo không để nó chuồn”. “Hắn sẽ không chuồn được đi đâu cả”. 6 giờ 30 sáng. Cậu bé bắt đầu trở giấc. Gã đàn ông ngắm nhìn khi Joshua mở mắt. Cậu bé nhìn xuống dây rợ buộc quanh chân tay mình, sau đó ngước lên và thấy Frank Jackson, trí nhớ cậu vụt trở lại. Đây chính là kẻ đã nhét những viên thuốc ngủ vào cổ họng cậu và bắt cóc cậu. Joshua đã biết những điều về các vụ bắt cóc qua vô tuyến. Cảnh sát sẽ đến cứu cậu và đưa gã này vào nhà tù. Joshua quyết không tỏ ra sợ hãi, vì cậu muốn có thể kể lại cho mẹ biết là cậu đã dũng cảm như thế nào. “Mẹ tôi sẽ mang tiền đến đây”. Joshua khẳng định với gã đàn ông “Nên ông không phải đánh đập gì tôi đâu”. Frank Jackson đến bên giường, mỉm cười với cậu bé. Cậu thực sự là một đứa trẻ đẹp. Hắn thầm mong có thể đưa cậu bé sang Canada, chứ không phải là đưa Clala. Frank Jackson miễn cưỡng nhìn đồng hồ. Đã đến lúc chuẩn bị mọi việc. Cậu bé giơ cổ tay bị trói. Máu đã két khô. “Xin ông làm ơn cởi hộ tôi ra được không?” Cậu bé lịch sự hỏi. “Tôi sẽ không chạy trốn đâu”. Frank Jackson rất thích cậu bé đã nói từ “xin”. Việc đó cho thấy tư cách tốt. Ngày nay, hầu như tất cả trẻ con không hề có tư cách. Chúng chạy lung tung trên phố như những con thú hoang. Frank Jackson đi vào phòng tắm nơi hắn đã đặt can xăng lại vào bồn để cho không dây ra thảm trong phòng khách. Hắn tự hào về những việc làm tỉ mỉ như vậy. Hắn mang can xăng vào phòng ngủ và đặt xuống. Hắn đến bên cậu bé, nhấc thân hình cậu đang bị trói chặt và đặt xuống sàn. Sau đó hắn nhặt búa và hai chiếc đinh to rồi quỳ xuống bên cậu bé. Joshua Parker ngắm nhìn hắn, mắt mở to. “Ông sẽ dùng các thứ đó làm gì vậy?” “Làm điều sẽ khiến cho mày rất hạnh phúc, mày đã từng nghe về chúa Giê-su chưa?” Joshua gật đầu. “Vậy mày biết Chúa đã chết như thế nào không?” “Trên thánh giá”. “Tốt lắm. Mày là đứa trẻ thông minh đấy. Chúng ta không có thánh giá ở đây, bởi thế chúng ta sẽ cố làm mọi cách tốt nhất có thể được”. Đôi mắt cậu bé bắt đầu ngân ngấn lệ. Frank Jackson nói tiếp: “Không có gì phải lo sợ cả chúa Giê-su đã không sợ. Mày cũng không được sợ”. “Tôi không muốn làm Chúa Giê-su”, Joshua thì thào đáp “Tôi muốn về nhà thôi”. “Tao sẽ đưa mày về nhà”, Flank Jackson hứa. “Tao sẽ đưa mày về nhà cho Chúa Giê-su”. Frank Jackson lấy khăn mùi soa ra khỏi túi sau và đưa đến gần mồm cậu bé. Joshua nghiến chặt răng lại. “Đừng làm tao cáu lên”. Frank Jackson dùng ngón tay cái và trỏ bóp hai má Joshua buộc cậu há mồm. Hắn nhét khăn mùi soa vào mồm Joshua và buộc mẩu dây quanh đó để giữ nguyên chiếc khăn. Joshua vặn căng sợi dây điện quấn quanh tay khiến cậu lại bị chảy máu. Frank Jackson xoa tay lên những vết đứt mới. “Máu của Đức Chúa”. Hắn nói nhỏ nhẹ. Hắn nhấc một tay cậu bé, lật ngửa lên và gắn xuống sàn nhà. Sau đó hắn nhặt một chiếc đinh. Đặt chiếc đinh vào lòng bàn tay Joshua, Frank Jackhon dùng tay kia cầm chiếc búa lên. Hắn đóng chiếc đinh qua tay cậu bé xuống sàn. Chiếc xe hòm đen của Michael Moretti chết dí trên xa lộ Brooklyn - Queens vào lúc giao thông buổi sáng, bị tắc nghẽn do một chiếc xe tải chở rau quả lật nghiêng và làm vương vãi hàng hóa ra đường. Giao thông đã bị đình trệ. “Lái sang bên kia đường và vượt qua nó đi”. Michael Moretti ra lệnh cho Nick Vito. “Có xe cảnh sát ở phía trên đấy, Mike ạ”. “Đi lên đấy và bảo thằng cha nào đó đang làm nhiệm vụ, rằng tôi muốn nói chuyện với hắn”. “Vâng, thưa ông chủ”. Nick Vito ra khỏi xe và chạy vội về phía chiếc xe tuần tiễu. Một lúc sau hắn quay trở lại cùng với một viên trung sĩ cảnh sát. Michael Moretti mở cửa sổ xe và chìa tay ra. Trên đó có 5 tờ 100 đô la. “Tôi đang vội, ngài sĩ quan ạ.” Hai phút sau, chiếc xe cảnh sát đèn đỏ nhấp nháy dẫn đường cho chiếc xe hòm vượt qua bãi ngổn ngang trên đường. Khi họ thoát khỏi được chỗ tắc, viên trung sĩ ra khỏi xe cảnh sát và bước lại chiếc xe hòm. “Tôi có thể dẫn ông đi đâu được nữa, ông Moretti?” “Thôi cám ơn anh”, Michael đáp “Đến gặp tôi vào thứ hai nhé!” rồi bảo Nick Vito: “Đi đi!” 7 giờ 30 phút sáng. Biển bằng đèn nê-ông phía trước viết : NHÀ TRỌ BROOKSIDE CHO THUÊ PHÒNG ĐƠN, PHÒNG ĐÔI GIÁ HÀNG NGÀY HOẶC HÀNG TUẦN CHO CÁ NHN HOẶC CÁC CẶP HẾT SỨC ĐẶC BIỆT. Joseph Colella và Salvatore ngồi trong xe ô tô đối diện với căn nhà số 7. Vài phút trước chúng đã nghe thấy tiếng lạch cạch bên trong, nên chúng biết rằng Frank Jackson còn ở đó. “Chúng mình phải nhảy vào và làm hắn câm đi” Fiore thầm nghĩ. Nhưng Michael Moretti đã ra lệnh. Ngồi xuống và đợi. 7 giờ 45 phút sáng. Bên trong căn nhà số 7, Frank Jackson đang sửa soạn lần cuối nhìn cảnh thằng bé thật đáng thất vọng. Nó đã ngất xỉu rồi. Jackson muốn đợi cho đến khi Joshua tỉnh lại trước khi đóng đinh tiếp, nhưng đã muộn rồi. Hắn nhấc can xàng lên và rẩy khắp người cậu bé, cẩn thận không để rây vào khuôn mặt xinh xắn. Hắn cố hình dung ra thân thể cậu bé bên trong bộ đồ ngủ và thầm mong hắn có thời gian để... nhưng, không được rồi, điều đó thật là dại dột. Clara sẽ đến đây bất kỳ lúc nào. Hắn phải sẵn sàng rời khỏi đây khi ả đến. Hắn cho tay vào túi lấy ra một bao diêm và đặt nó ngăn nắp bên cạnh can xăng, chiếc búa và đinh. Người ta không biết đánh giá sự ngắn nắp quan trọng biết nhường nào. Frank Jackson lại nhìn đồng hồ và tự hỏi không biết chuyện gì đang giữ Clara lại. 7 giờ 50 sáng. Phía ngoài căn nhà số 7 chiếc xe hòm xịch đến và Michael Moretti nhảy ra khỏi xe. Hai gã đàn ông trong chiếc xe mui kín chạy lại gặp y. Joseph Colella chỉ vào căn nhà số 7. “Nó ở trong đó”. “Thế còn cậu bé thì sao?” Gã đàn ông to lớn nhún vai: “Không rõ. Jackson đã kéo rèm xuống rồi”. “Bây giờ chúng ta nên vào bắt nó chứ?” Salvatore Fiore hỏi. “Ở lại đây”. Hai gã đàn ông ngạc nhiên nhìn y. Y là thủ lĩnh. Y có tay chân để trừ khử giúp y trong khi y, có thể ngồi lại an toàn. Vậy mà y lại muốn tự mình vào. Như thế thật không đúng. Joseph Colell nói: “Ông chủ, Sal và tôi có thể...” Nhưng Michael Moretti đã tiến đến cánh cửa căn nhà số 7 với khẩu súng có gắn giảm thanh trong tay. Y dừng lại một giây nghe ngóng, sau đó bước lùi lại và đạp mạnh bật cửa ra. Moretti sững người trong giây lát khi nhìn thấy quang cảnh: một gã đàn ông râu quai nón quỳ trên sàn bên cạnh một cậu bé; một ta cậu bé bị đóng đinh vào sàn nhà, căn phòng nồng nặc mùi xăng. Gã đàn ông râu quai nón đã quay ra phía cửa và đang nhìn chằm chằm vào Michael. Những âm thanh cuối cùng hắn thốt ra là: “Mày không phải là Cl...” Viên đạn đầu tiên của Michael trúng thẳng vào giữa trán hắn. Viên thứ hai xẻ nát cổ họng hắn và viên thứ ba trúng vào tim. Đến lúc đó hắn không còn cảm thấy gì nữa. Michael Moretti bước ra phía cửa và vẫy hai gã đàn ông bên ngoài. Chúng lao vội vào phòng. Michael Moretti quỳ xuống bên cậu bé và bắt mạch. Mạch đập rất mong manh, nhưng cậu bé vẫn còn sống. Y quay sang Joseph Colella. “Hãy gọi điện thoại cho bác sĩ Petrone. Bảo với ông ấy chúng ta đang trên đường đến”. 9 giờ 30 sáng. Ngay khi điện thoại vừa réo, Jennifer đã vội chộp lấy, nắm chặt ống nghe. “Ai đấy?” Giọng Michael Moretti cất lên: “Tôi đang mang con trai cô về nhà đây”. * * * * * Joshua đang thút thít trong giấc ngủ mê. Jennifer cúi xuống, vòng tay qua người nó bế nhẹ nhàng. Nó vẫn ngủ rất ngon khi Michael bế vào nhà. Khi Jennifer thấy hình hài bất tỉnh của Joshua, chân tay bị băng bó kín, người quấn đầy băng trắng, thì hầu như cô rối loạn hết tâm trí. Michael đã đưa theo một ông bác sĩ, và ông ta đã mất nửa giờ để thuyết phục Jennifer tin rằng Joshua rồi sẽ bình phục hoàn toàn. “Tay nó sẽ lành thôi”. Bác sĩ khẳng định với cô. “Sẽ có sẹo nhỏ ở đó, nhưng thật may là không bị hỏng dây thần kinh hoặc gân nào cả. Những vết bỏng xăng chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Tôi đã rửa người nó bằng dầu khoáng vật. Tôi sẽ ghé qua thăm nó vài ngày tới. Hãy tin tôi đi, nó sẽ khỏe thôi mà”. Trước khi bác sĩ đi khỏi, Jennifer đã yêu cầu ông chăm sóc cho bà Mackey. Joshua đã được đặt lên giường và Jennifer ngồi bên cạnh, chờ đợi để nói cho con yên tâm khi nó thức giấc. Bây giờ nó khẽ trở mình và mở mắt. Khi nhìn thấy mẹ, nó nói giọng mệt mỏi: “Con biết là mẹ sẽ đến, mẹ ạ. Mẹ đã trả tiền chuộc cho gã đàn ông đó chưa?” Jennifer gật đầu, không còn tin vào giọng mình nữa. Joshua mỉm cười: “Con hy vọng là hắn sẽ dùng tiền đó mua quá nhiều kẹo và bị đau bụng. Thế thì buồn cười lắm nhỉ!” Cô thì thầm đáp: “Buồn cười lắm bé yêu ạ. Con có biết là mẹ con mình sẽ làm gì tuần sau không? Mẹ sẽ đưa con đi...” Joshua lại ngủ tiếp. Sau hàng giờ Jennifer mới quay trở lại phòng khách. Cô ngạc nhiên khi thấy Michael Moretti vẫn còn đó. Điều đó đã làm cho cô phần nào nhớ đến lần đầu được gặp Adam Warner, khi anh đã đợi cô trong căn hộ bé nhỏ của cô. “Michael...” Thật khó có thể tìm được từ diễn đạt. “Tôi... tôi không thể nói với anh là... là tôi biết ơn anh biết chừng nào”. Y nhìn cô và gật đầu. Cô buộc mình phải đặt tiếp câu hỏi: “Còn... còn Frank Jackson thì sao?” “Nó sẽ chẳng còn làm phiền toái ai được nữa”. Thế là đã kết thúc. Joshua được an toàn. Không còn gì đáng để ý nữa. Jennifer nhìn Michael Moretti và thầm nghĩ: “Mình nợ anh ta quá nhiều. Làm thế nào mà mình có thể trả hết nợ anh ta được?” Michael ngắm nhìn cô, chìm đắm trong im lặng. Chương 37 Jennifer Parker đứng trần truồng, ngắm nhìn phong cảnh rộng lớn trên vịnh Tangier qua cửa sổ. Đó là một ngày thu sẽ lạnh, không khí trong lành và trên vịnh đầy những thuyền buồm trang và thuyền máy. Gần một chục thuyền lớn đang đậu ở cảng bập bềnh theo sóng. Jennifer cảm thấy sự hiện diện của hắn và quay lại. “Thích phong cảnh ở đây không?” “Không phải là thích mà là mê mới đúng”. Hắn ngắm thân hình trần truồng của cô. “Anh cũng vậy!” Bàn tay hắn bắt đầu mon man trên ngực cô. “Lên giường tiếp đi”. Sự đụng chạm của hắn làm Jennifer rùng mình. Hắn đòi hỏi ở cô những thứ mà chưa người đàn ông nào dám yêu cầu và hắn làm những cái mà cô chưa hề được nếm trải. “Vâng, Michael”. Họ quay lại phòng ngủ và ở đó trong một khoảnh khắc Jennifer nghĩ tới Adam, sau đó cô quên hết mọi thứ trừ những gì đang xảy ra với cô. Jennifer chưa biết ai giống như Michael Moretti. Hắn không bao giờ biết thỏa mãn. Thân thể hắn thật khỏe mạnh, rắn chắc và nó trở thành một phần của cô, buộc cô chuyển động theo nó, kéo cô trên những đợt sóng khoái cảm ngày càng cao cho đến lúc cô muốn rên lên vì sự sung sướng hoang dại. Khi họ đã làm tình xong và Jennifer nằm đó, mệt thừ người thì Michael lại bắt đầu nữa và Jennifer tiếp tục bị cuốn vào cơn sóng tình cuồng nhiệt dường như quá sức chịu đựng của cô. Giờ đây hắn nằm trên cô, nhìn thẳng vào khuôn mặt vui sướng pha chút ngượng ngập của cô. “Em cũng thích thế, phải không bé yêu?” “Vâng”. Có một vẻ xấu hổ trong đó, xấu hổ vì cô quá cần hắn, cần những trận làm tình của hắn. * * * * * Jennifer nhớ lại lần đầu tiên. Đó là buổi sáng khi Michael Moretti mang Joshua an toàn trở về nhà. Jennifer đã biết rằng Frank Jackson đã bị Michael Moretti giết chết. Người đàn ông đứng trước mặt cô đã cứu con trai cô, đã trả thù cho cô. Lòng Jennifer tràn đầy sự biết ơn sâu sắc. “Tôi biết cám ơn anh thế nào đây?” Jennifer hỏi. Và Michael Moretti bước tới bên cô, ôm cô vào lòng và hôn cô. Luôn trung thành với Adam, Jennifer tự nhủ rằng cái hôn đó là giới hạn cuối cùng; nhưng hóa ra lại là sự bắt đầu. Cô biết Michael Moretti là ai, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì trước những việc mà hắn vừa làm cho cô. Cô ngừng suy nghĩ và để mặc tình cảm đưa đến đâu thì đưa. Họ lên phòng ngủ của cô ở trên gác và Jennifer tự nhủ rằng cô đang trả món nợ cho Michaele. Nhưng khi họ lên giường, những gì họ làm vượt quá những điều mà Jennifer có thể mơ thấy. Adam Warner đã làm tình với cô trước, nhưng Michael Moretti mới là người chiếm đoạt cô. Hắn khuấy động mọi ngóc ngách trên cơ thể cô với một cảm giác tuyệt hảo. Dường như hắn làm tình trên một nền mầu sáng chói và các mầu sắc thay đổi liên tục giống như trong ống kính vạn hoa. Lúc đầu hắn nhẹ nhàng và gợi cảm nhưng ngay sau đó hắn trở nên thô bạo, mạnh mẽ và sự thay đổi đó làm Jennifer phát cuồng lên. Hắn làm cho cô thấy mỗi lúc một thèm muốn hơn và khi cô sắp lên tới đỉnh cao hắn ngừng lại. Không thể chịu đựng được nữa, cô van xin hắn: “Kìa anh!” Và hắn lại xiết chặt lấy cô, cô rên lên vì khoái lạc. Cô không còn là một người đàn bà trả nợ nữa. Cô là một con nô lệ đối với những thứ mà trước đây cô chưa từng biết. Michael ở lại với cô bốn tiếng và khi hắn ra đi, Jennifer biết rằng đời cô đã thay đổi. Cô nằm trên giường nghĩ lại những gì vừa xảy ra và cô hiểu nguyên nhân của chuyện đó. Làm sao mà cô, khi đang yêu Adam sâu sắc như thế, lại có thể bị kích động như vậy với Michael Moretti? Thomas Aquinas đã nói: khi ta lọt vào giữa lòng cái ác thì chỉ có hư vô. Jennifer tự hỏi liệu điều đó có đúng với tình yêu không. Cô biết rằng một phần của những gì cô vừa làm là do sự cô đơn lâu ngày. Cô đã sống quá lâu với một bóng ma, một người đàn ông mà không hề gặp cũng như không thể biến thành của mình được, nhưng cô biết là cô vẫn luôn yêu Adam. Mà có khi đó cũng chỉ là hồi ức của một tình yêu chàng Jennifer cũng chưa biết chắc cô nghĩ gì về Michael. Lòng biết ơn thì có rồi. Nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Còn hơn thế nữa kia. Hơn rất nhiều. Cô biết Michael Moretti là ai và hắn làm gì. Hắn đã giết người vì cô, nhưng hắn cũng giết người vì những cái khác nữa. Hắn giết người vì tiền, vì quyền lực hay để trả thù. Làm sao cô lại có thể cho hắn làm tình với cô, và bị kích thích vì hắn như thế. Cô tràn ngập cảm giác xấu hổ và nghĩ: Mình là loại người gì nhỉ? Cô không trả lời nổi. Các báo buổi chiều đưa tin về một đám cháy ở quán trọ Queens. Người ta tìm thấy xác của một người đàn ông chưa được nhận dạng trong đám đổ nát. Người ta nghi là có kẻ cố tình gây ra vụ hỏa hoạn này. Sau khi Joshua trở về, Jennifer cố gắng làm cho mọi thứ trở nên bình thường đối với họ, lo sợ cậu bé bị ảnh hưởng của cơn hoảng loạn đêm hôm trước. Khi Joshua thức dậy, Jennifer đã chuẩn bị xong bữa ăn và mang vào tận giường cho nó. Bữa ăn có đủ những thứ mà Joshua thích: một ổ bánh mì kẹp xúc xích, một chiếc bánh sandwich bơ lạc, bánh bích quy và bia không có cồn. “Mẹ nên gặp hắn ta”, Joshua vừa nhai vừa nói. “Hắn thật là điên rồ!” Cậu giơ cánh tay băng kín lên. “Mẹ có nghĩ hắn thật sự tin con là chúa Giê-su không?” Jennifer cố không rùng mình. “Mẹ. Mẹ cũng chẳng biết nữa, bé ạ”. “Tại sao người ta lại muốn giết nhau mẹ nhỉ?” “À...” và Jennifer bất chợt nghĩ tới Michael Moretti. Cô có quyền phán xét hắn không? Cô chưa biết có nhưng thế lực khủng khiếp nào đã ảnh hưởng tới hắn, biến hắn thành một người như hiện nay. Cô cần biết thêm về hắn để có thể hiểu được hắn đúng hơn. Joshua lại hỏi: “Con có phải đi học ngày mai không mẹ?” Jennifer quàng tay qua cổ con. “Không, bé yêu, mẹ con mình sẽ ở nhà chơi cả tuần này. Mẹ con mình...” Chuông điện thoại réo. Đó là Michael gọi “Joshua thế nào rồi?” “Nó đỡ nhiều rồi... Cám ơn anh”. “Còn em thì thế nào?” Jennifer thấy cổ họng tắc nghẹn vì ngượng. “Em... em cũng thấy khỏe”. Hắn cười khúc khích. “Tốt lắm. Anh sẽ gặp em vào bữa trưa ngày mai ở nhà hàng Donato trên phố Mulberl. Mười hai rưỡi nhé”. “Được rồi, Michael ạ. Mười hai rưỡi”. Jennifer hiểu rằng không có con đường quay trở lại nữa. Chủ hiệu Donato biết Michael và dành cho hắn bàn ăn tốt nhất trong khách sạn. Nhiều người dừng lại bên bàn để chào hắn và Jennifer lại ngạc nhiên trước cách mọi người thần phục hắn. Thật là lạ, Michael Moretti lại làm cô nhớ tới Adam Warner vì mỗi người, theo cách của mình đều là những người đầy quyền lực. Jennifer bắt đầu hỏi về đời tư của Michael, cố gắng tìm hiểu vì sao và bằng cách nào hắn ta bị rơi vào cuộc sống như hiện nay. Hắn ngắt lời cô: “Em nghĩ là anh làm công việc này vì gia đình hoặc có ai đó bắt ép anh chứ gì?” “Đúng thế đấy Michael ạ”. Hắn phá lên cười. “Anh đã phải cố hết sức lực để được như ngày nay đó. Anh thích tiền, thích quyền lực. Anh là vua, bé ạ và anh thích được làm vua”. Jennifer nhìn hắn, cố hiểu những gì hắn vừa nói. “Nhưng anh không thể hướng...” “Nghe này!” Sự yên lặng bấy lâu nay của hắn bỗng túa ra thành lời nói, thành câu chuyện, lời tâm sự tất cả tuôn ra như thể đã được giữ trong người hắn từ lâu lắm rồi, nay mới có dịp để chia sẻ với người khác. “Bố anh là một chai coca-cola”. “Một chai coca-cola?” “Đúng vậy. Có hàng tỷ cái chai như thế trên thế giới và em không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng. Ông ấy là một người thợ giầy. Ông làm việc quần quật cả ngày để có cái ăn. Bọn anh chẳng có gì hết. Là người nghèo chỉ lãng mạn trong tiểu thuyết thôi. Ngoài đời thực, đó là những căn phòng hôi hám đầy chuột và gián, với những đồ ăn tồi tàn mà cũng không còn đủ nữa. Khi anh còn là thằng nhóc bụi đời anh làm mọi việc có thể được để kiếm hào. Anh đưa thư từ cho bọn giết người, mang cà phê và xì gà cho chúng. Anh tìm gái cho chúng, nói chung là làm mọi việc để kiếm sống. Một mùa hè anh đến thành phố Mêxicô. Anh không có tiền không có gì hết. Phải sống lang thang. Một tối cô bạn anh mới quen rủ anh đến một tiệm ăn. Lúc tráng miệng người ta đưa ra một chiếc bánh gatô Mêxicô đặc biệt, trong đó có một con búp bê nhỏ bằng đất sét. Người ta giải thích rằng, phong tục ở đây là ai ăn phải miếng bánh có con búp bê thì phải trả tiền cho mọi người. Anh vớ phải đúng miếng đó”. Hắn dừng một chút. “Anh nuốt chửng cả con búp bê đó”. Jennifer đặt tay lên vai hắn. “Michael, nhiều người thuở bé cũng nghèo và...” “Đừng có nhầm anh với người khác”. Giọng hắn gay gắt và không khoan nhượng. “Anh là anh. Anh biết mình là ai, bé ạ. Mà anh không hiểu em có biết mình là ai không”. “Em nghĩ là em biết”. “Vì sao em lại ngủ với anh?” Jennifer ngập ngừng. “À, em... em mang ơn anh và...” “Nói thẳng ra đi! Em cũng thèm muốn anh”. “Michael, em...” “Anh không muốn mua chuộc phụ nữ. Bằng tiền hay sự biết ơn cũng vậy”. Jennifer tự thú nhận rằng hắn nói đúng. Cô cũng thèm muốn hắn như hắn thèm muốn cô. Thế mà, Jennifer nghĩ, người đàn ông này đã có lần cố ý làm hại mình. Làm sao mà mình có thể quên được điều đó nhỉ? Michael ngả người về phía Jennifer, cầm tay cô và nắm chặt nó trong tay hắn. Hắn nhẹ nhàng vuốt ve từng ngón tay, từng móng tay, mắt vẫn không rời khỏi cô. “Đừng bao giờ đóng kịch với anh. Đừng bao giờ, Jennifer nhé”. Cô thấy bất lực. Những gì đã xảy ra giữa họ đã xóa đi quá khứ Mãi đến khi họ đang ăn tráng miệng, Michael mới nói: “À này, anh có một vụ muốn nhờ em”. Cô có cảm giác như hắn vừa tát vào mặt cô vậy. Jennifer nhìn thẳng vào hắn: “Vụ gì vậy?” “Một chàng trai của bọn anh, Vasco Gambutti, bị bắt vì đã giết chết một cảnh sát. Anh muốn em bào chữa cho hắn ta”. Jennifer ngồi đó lòng đầy tổn thương, và tức giận vì hắn vẫn muốn tìm cách sử dụng cô. Cô nói nhẹ nhàng: “Em xin lỗi, Michael ạ. Em đã nói với anh rồi đấy. Em không thể dính líu đến các bạn của anh được”. Hắn uể oải cười với cô: “Em đã nghe câu chuyện về chú sư tử con ở châu Phi chưa? Nó rời mẹ lần đầu để xuống sông uống nước và một con đười ươi đã đánh nó ngã. Khi nó đứng dậy được một con báo lớn đẩy nó ra khỏi đường. Một đàn voi đi qua xuýt nữa xéo nát nó. Chú sư tủ con về nhà tả tơi và nói: “Mẹ biết không, ngoài kia là rừng rậm đấy”.” Cả hai ngồi yên lặng một lúc lâu. Ngoài kia là rừng rậm, Jennifer nghĩ, nhưng cô luôn đứng ở rìa, bên ngoài nó. Cô có thể tự do đi khi nào cô muốn. Cô tự đặt ra luật lệ của mình và khách hàng của cô phải tuân theo. Nhưng giờ đây Michael Moretti đã thay đổi tất cả. Đó là rừng rậm của hắn ta, Jennifer sợ nó, không muốn bị lạc vào đó. Nhưng khi cô nghĩ đến những điều Michael đã làm cho mình, cô cho rằng điều hắn yêu cầu chỉ là một việc nhỏ. Cô sẽ làm giúp Michael lần này thôi. Chương 38 “Chúng ta sẽ làm vụ án Vasco Gambutti”. Jennifer thông báo cho Ken Bailey. Ken nhìn Jennifer với vẻ hoài nghi. “Hắn là mafia cơ mà! Một tên giết thuê cho Michael Moretti đấy. Đó không phái là loại khách hàng của chúng ta”. “Chúng ta sẽ làm vụ này”. “Jennifer, chúng ta không được dính đến bọn này”. “Gambutti có quyền được xét xử một cách công bằng, giống như những người khác”. Những từ đó vang lên thật trống rỗng ngay cả đối với cô. “Tôi không thể để cô...” “Chừng nào đây còn là văn phòng của tôi, tôi vẫn là người quyết định mọi việc”. Cô nhận thấy vẻ ngạc nhiên và đau đớn trong ánh mắt của anh. Ken gật đầu quay đi và bước ra khỏi văn phòng. Jennifer muốn gọi anh lại và cô giải thích. Nhưng cô sẽ giải thích thế nào đây? Cô không chắc có thể giải thích việc đó ngay cả cho bản thân mình. Khi Jennifer gặp Vasco Gambutti lần đầu tiên, cô cố coi hắn như một khách hàng bình thường. Trước đó cô đã có những khách hàng bị buộc tội giết người, nhưng dù sao vụ này vẩn có chút gì đó hơi khác. Người đàn ông này là thành viên của một hệ thống tội ác có tổ chức rộng lớn, một tổ chức làm cho đất nước bị thiệt hại không biết đến bao nhiêu tỷ đô la, và sẵn sàng giết người khi cần thiết để tự bảo vệ. Chứng cớ buộc tội Gambutti là quá rõ ràng. Hắn bị bắt trong khi cướp tại một cửa hàng bán quần áo lông và đã giết một cảnh sát hết phiên trực, khi người này cố ngăn chặn hắn. Các báo buổi chiều đều đưa tin Jennifer Parker sẽ là luật sư bào chữa cho bị cáo. Chánh án Lawrence Waldman gọi điện đến. “Có thật như vậy không, Jennifer?” Jennifer lập tức hiểu ông ta muốn nói gì. “Đúng đấy, Lawrence ạ”. Ông ta im lặng một lát. “Tôi rất ngạc nhiên. Chắc cô biết hắn ta là ai rồi đấy chứ?” “Vâng, tôi có biết”. “Cô đang bước vào vùng đất nguy hiểm đấy”. “Không hoàn toàn như vậy đâu. Tôi chỉ làm ơn cho một người bạn thôi”. “Tôi hiểu. Cẩn thận đấy nhé”. “Tôi sẽ cố”. Jennifer hứa. Sau khi đặt máy Jennifer mới nhận ra ông không nhắc gì đến chuyện mời cô đi ăn bữa tối nữa. Sau khi lướt qua những tài liệu mà nhân viên của mình thu thập được, Jennifer nhận định rằng cô không có cơ sở nào để thắng kiện cả. Vaseo Gambutti bị bắt quả tang trong một vụ cướp của giết người và không có tình tiết giảm nhẹ nào hết. Hơn nữa, các thẩm phán thường có ác cảm với bị cáo khi nạn nhân là một viên cảnh sát. Cô gọi Ken Bailey đến và giao cho anh một số việc. Anh không nói năng gì nữa, nhưng cô có thể cảm nhận thấy vẻ bất đồng ở anh và điều đó khiến cô buồn. Cô tự hứa với mình: Đây là lần cuối cùng cô làm việc cho Michael. Điện thoại riêng của cô reo và cô nhấc ống nghe lên, Michael nói: “Chào bé. Anh đang chết thèm em đây. Gặp anh sau nửa tiếng nữa nhé”. Cô ngồi đó, lắng nghe và cảm thấy cánh tay hắn choàng lấy cô, thân thể hắn ép chặt vào cô. “Em sẽ đến đó”. Jennifer đáp. Lời hứa của cô với bản thân đã bị quên mất. Vụ án Gambutti kéo dài mười ngày. Giới báo chí hết sức theo dõi vụ án này, nóng lòng muốn thấy lại trận đấu công khai giữa chưởng lý Di Silva và Jennifer Parker. Di Silva chuẩn bị ở nhà hết sức cẩn thận, và ông ta cố tình trình bày không đầy đủ về vụ án, cố gắng để các thẩm phán đồng tình với những gợi ý của ông ta, gây nên sự kinh tởm hơn trong tâm trí các thẩm phán về những sự việc mà ông miêu tả. Jennifer ngồi yên lặng hầu như suốt thời gian ông nói, không buồn phản bác lại. Đến ngày cuối cùng của phiên tòa cô mới bắt đầu hành động. Có một câu châm ngôn cổ trong ngành luật là khi nào lý lẽ bào chữa của anh không có sức thu phục hãy đưa đối thủ của anh lên ghế bị cáo. Jennifer không có cơ sở nào để cãi cho Vasco Gambutti, cô quyết định đưa Scott Norman, viên cảnh sát bị giết, lên ghế bị cáo. Ken Bailey đã tìm hiểu mọi chi tiết về Scott Norman. Lý lịch của anh ta không được tốt lắm, nhưng trước khi Jennifer kết thúc bài nói của mình, cô làm cho nó trở nên mười lần xấu hơn so với thực tế. Norman tham gia lực lượng cảnh sát đã hơn hai mươi năm và trong thời gian đó anh ta đã ba lần bị cảnh cáo vì tội sử dụng vũ lực khi không cần thiết. Anh ta đã bắn và suýt giết chết một kẻ tình nghi không vũ trang, đã đánh đập dã man một người say rượu trong quán và buộc một người đàn ông cãi nhau với vợ phải đi bệnh viện. Mặc dầu những sự việc này xảy ra trong vòng hai mươi năm Jennifer gây nên ấn tượng dường như người bị giết phạm phải một loạt các hành động đáng khinh bỉ tiếp nối liền nhau. Jennifer đã đưa cuộc diễu binh của các nhân chứng tố cáo viên sĩ quan cảnh sát bị giết và Robert Di Sila không thể làm được gì để ngăn cản việc đó cả. Trong lời kết luận Di Silva nói: “Thưa quý ông quý bà trong hội đồng xét xử, xin các vị nhớ cho rằng Scott Norman không phải là người bị đưa ra xét xử ở đây. Anh ta là nạn nhân. Anh ta bị giết bởi bị cáo Vasco Gambutti”. Nhưng thậm chí khi nói những lời đó ông ta hiểu rằng nó chẳng có ích gì. Jennifer đã mô tả Scott Norman như một kẻ không có nhân phẩm, giống như Vaseo Gambutti. Anh ta không còn là một viên cảnh sát cao quý đã hy sinh thân mình để bắt cướp nữa. Jennifer Parker đã bóp méo sự thật khiến cho người ta nghĩ rằng nạn nhân cũng chẳng có gì tốt đẹp hơn là tên sát nhân. Tòa tuyên án Vasco Gambutti không phạm tội cố sát và chỉ bị buộc tội ngộ sát mà thôi. Đó là một thất bại nhục nhã cho chưởng lý Di Silva và giới báo chí nhanh chóng thông báo một thắng lợi nữa của Jennifer Parker. “Mặc đồ đẹp vào. Đây là một bữa tiệc đấy!” Michael bảo cô họ ăn tối trong một tiệm đặc sản của biển ở khu Village. Chủ tiệm gửi tặng họ một chai sâm banh quý và Michael cùng Jennifer nâng cốc. “Anh rất vui đấy!” Đối với Michael đó là một lời khen cao nhất. Hắn đặt một chiếc hộp nhỏ bọc giấy trắng vào tay cô. “Mở ra đi”. Hắn nhìn cô tháo sợi chỉ vàng buộc quanh hộp và mở nắp. Trong hộp là một viên ngọc bích vuông, to, bao quanh là những hạt kim cương. Jennifer nhìn không chớp mắt. Cô định không nhận. “Ôi Michael?” và cô chợt thấy vẻ tự hào, thú vị trên khuôn mặt hắn. “Michael... em sẽ làm gì với anh bây giờ?” Trong lòng cô nghĩ: Ôi Jennifer, tôi sẽ làm gì với cô bây giờ. “Em cần nó cho bộ váy này”. Hắn đeo chiếc nhẫn vào ngón tay thứ ba trên tay trái cô. “E... em chẳng biết nói gì nữa. Em... cám ơn anh. Đây đúng là một lễ ăn mừng phải không ạ?” Michael cười khoái chí. “Lễ ăn mừng chưa bắt đầu đâu. Đây mới chỉ là khúc dạo đầu thôi”. Họ ngồi trong chiếc Cadillac sang trọng trên đường đến một căn hộ mà Michael thuê ở trên phố. Michael ấn nút nâng tấm kính ngăn người lái và ghế sau. Chúng ta bị nhốt trong thế giới riêng nhỏ bé này, Jennifer thầm nghĩ. Sự gần gũi với Michael làm cô kích động. Cô quay sang nhìn vào cặp mắt đen của hắn và hắn nhích gần tới cô, nhẹ nhàng vuốt ve cặp đùi và người Jennifer lập tức như bốc lửa. Môi Michael gắn lấy môi cô và thân thể họ lập tức cuốn lấy nhau. Lễ ăn mừng đã bắt đầu. Giờ đây khi cô nằm trên giường trong khách sạn ở Tangier, Jennifer nghĩ lại quá khứ, lắng nghe tiếng Michael kỳ cọ trong phòng tắm. Cô thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Chỉ còn thiếu mỗi cậu con trai bé bỏng của cô. Cô đã nghĩ đến việc thỉnh thoảng cho Joshua đi cùng nhưng như có bản năng mách bảo, cô muốn ngăn cách nó với Michael Moretti. Không được để Joshua biết quãng đời riêng tư này của cô. Dường như cuộc đời Jennifer được chia ra thành nhiều ngăn, ngăn của Adam, ngăn của con trai cô và ngăn của Michael Moretti. Và mỗi ngăn phải được ngăn cách với các ngàn khác. Michael bước ra khỏi buồng tắm, trên mình chỉ có mỗi chiếc khăn. Lông lá trên người hắn lấp lánh vì những giọt nước chưa được lau khô hết. Hắn quả là một con vật đẹp đẽ và dễ kích động. “Mặc quần áo vào đi. Chúng ta có việc phải làm đấy!” Chương 39 Mọi việc diễn ra từ từ đến nỗi người ta cảm tưởng như chưa hề có chuyện gì cả. Đầu tiên là vụ Vasco Galubutti và sau đó Michael yêu cầu Jennifer cãi cho một vụ khác, rồi một vụ khác nữa, cho đến lúc các vụ việc cứ đều đặn đến với cô liên tục. Michael thường gọi điện cho cô và nói: “Anh cần em giúp, bé ạ. Một chàng trai của anh có chuyện lôi thôi”. Và Jennifer nhớ lại lời của cha Ryan: Một người bạn của cha gặp khó khăn. Có sự khác nhau nào không nhỉ? Nước Mỹ đã chẳng nhận hội chứng Bố già rồi kia mà. Jennifer tự nhủ những gì cô đang làm hiện nay cũng giống như công việc mà cô vẫn làm. Nhưng thực ra có một sự khác biệt lớn rất lớn. Cô nằm ở trung tâm của một trong những tổ chức có thế lực nhất thế giới. Michael mời Jennifer đến thăm trang trại ở New Jessey. Ở đó, lần đầu tiên cô gặp Antonio Granelli và một số thành viên khác của tổ chức. Nick Vito, Arthur Scotto “to béo”, Salvatore Fiore và Joseph Colella đang ngồi quanh một chiếc bàn ăn lớn trong nhà bếp xây theo kiểu cổ. Khi Jennifer cùng Michael bước vào và dừng lại ở hành lang, thì nghe thấy Nick Vito nói: “... như cái lần tao đập nhau ở Allnta. Tao đang nợ rất nhiều. Thằng cha chủ chứa ngô nướng đó đến định riềng tao vì nó muốn lấy tiền”. “Mày có biết nó không?” Arthur Scotto “to béo” hỏi. “Biết cái gì? Nó định hạ tao”. “Hạ mày á?” “Ờ. Cái thằng đần độn ấy”. “Thế mày làm gì nó?” “Eldie Flatelli và tao lôi nó ra góc sân và thiêu nó. Mẹ kiếp thằng cha đó không gặp may”. “Ê! thế Eddie bé nhỏ độ này làm gì?” “Nó đang làm bạc giả ở Lewisburg”. “Con bồ nó thế nào? Con nhỏ thật cao thủ”. “Ừ đúng thế. Tao chỉ muốn ngửi đít nó”. “Nó vẫn còn máu Eddie lắm. Chỉ có Giáo hoàng mới biết tại sao đấy”. “Nó độ này xịt rồi. À này, mày có biết ai biến thành thằng bán kẹo không...?” Michael cười thích thú trước vẻ lúng túng của Jennifer khi nghe bọn kia nói chuyện và nói: “Vào đi, anh sẽ giới thiệu em với họ”. Antonio Granelli làm Jennifer ngạc nhiên. Ông ta ngồi trong xe đẩy giống như một bộ xương dễ gẫy và thật khó tưởng tượng đây là một trùm mafia. Một cô gái tóc xẫm trông hấp dẫn, người tròn lẳn bước vào căn phòng và Michael nói với Jennifer: “Đây là Rosa, vợ anh”. Từ lâu Jennifer đã sợ giây phút này. Sau khi Michael đã đi khỏi một vài tối, mặc dù được thỏa mãn hết sức - cô vẫn phải đấu tranh với một cảm giác tội lỗi choáng ngợp mình. Mình không muốn làm khổ một phụ nữ khác. Mình là một con ăn cắp. Mình phải thôi ngay đi. Thôi đi! Nhưng cô luôn luôn thất bại trong cuộc tự tranh luận ấy. Rosa nhìn Jennifer với cặp mắt tinh khôn. Cô ấy biết, Jennifer thầm nghĩ. Lúng túng một chút và sau đấy Rosa nhẹ nhàng nói: “Tôi rất hânh hạnh được gặp cô, cô Parker. Michael kể với tôi rằng cô rất thông minh”. Antonio Granelli gầm gừ. “Một người đàn bà sắc sảo quá chẳng hay ho gì đâu. Để công việc đầu óc đó cho đàn ông thì hơn”. Michael nghiêm mặt nói: “Con nghĩ đến cô Parker như một người đàn ông, ba ạ”. Họ ăn tối trong một phòng ăn kiểu cổ rất rộng. “Cô ngồi cạnh tôi” Antonio Granelli yêu cầu Jennifer. Michael ngồi cạnh Rosa. Thomas Colfax, gã cố vấn của gia đình ngồi đối diện với Jennifer, và cô nhận thấy vẻ ác cảm của y. Bữa ăn tối tuyệt vời. Đầu tiên là món bánh Ý, rồi đến món fagioli. Có xa-lát trộn đậu, nấm nhồi, thịt bê và gà nướng. Dường như các món được đưa ra không bao giờ ngừng, không thấy có người hầu nào trong nhà và Rosa luôn phải đứng lên dọn bàn và mang ra các món mới. “Rosa của tôi nấu ăn khéo lắm đấy” Antonio Granelli nói với Jennifer. “Nó gần giỏi bằng mẹ nó, phải vậy không Mike?” “Đúng ạ!” Michael lịch sự đáp. “Rosa là một người vợ lý tưởng của nó”. Antonio Granelli nói tiếp và Jennifer băn khoăn không hiểu đây là một nhận xét thông thường hay một lời cảnh cáo. “Em ăn thêm món thịt bê đi chứ” Mike nói. “Em chưa bao giờ ăn nhiều thế này đâu” Jennifer từ chối. Nhưng bữa ăn vẫn chưa kết thúc. Còn một bát to hoa quả tươi, một đĩa pho mát, kem và các loại kẹo bánh. Jennifer thấy thán phục Michael vì hắn vẫn giữ được co. Cuộc nói chuyện rất dễ chịu và thoải mái, và nó có thể diễn ra trong bất kỳ ngôi nhà của người Ý nào, và Jennifer khó tin được rằng gia đình này lại khác với những gia đình bình thường khác. Cho đến khi Antonio Granelli nói: “Cô có biết gì về Hội những người Sicily không?” “Không ạ” Jennifer đáp. “Vậy để tôi nói cho cô biết nhé, thưa quý cô”. “Kìa ba... tên cô ấy là Jennifer mà”. “Đó không phải là một cái tên ý, Mike, tao không nhớ được. Tôi sẽ gọi cô là quý cô, được chứ?” “Được ạ”. Jennifer trả lời. “Hội những người Sicily được thành lập ở Sicily để bảo vệ những người nghèo khổ trước sự bất công. Cô thấy đấy, những người có quyền lực cướp của người nghèo. Người nghèo chẳng có gì cả, không tiền, không công việc và cả sự công bằng nữa. Vì thế Hội được thành lập. Khi có sự bất công, người ta đến gặp hội viên của hội anh em bí mật này và họ trả được thù. Chẳng bao lâu sau, Hội trở nên mạnh hơn cả pháp luật vì đó là luật của nhân dân. Chúng tôi tin vào điều trong Kinh thánh, quý cô ạ” Ông ta nhìn vào mắt Jennifer. “Khi có kẻ phản bội chúng tôi, chúng tôi sẽ báo thù”. Ngụ ý của ông ta đã quá rõ. Jennifer luôn có cảm giác rằng nếu cô làm việc cho tổ chức này, đó sẽ là một bước thay đổi lớn, nhưng giống như phần lớn những người ngoài cuộc cô đã có khái niệm về Tổ chức. Mafia thường được miêu tả như một tổ chức của những tên gangster ra lệnh giết người, và thu tiền từ những nơi cho vay nặng lãi và nhà chứa. Đó mới chỉ là một phần của bức tranh. Những cuộc gặp gỡ mà Jennifer tham dự dạy cho cô biết về phần còn lại của bức tranh đó. Đó là những nhà kinh doanh hoạt động trên một quy mô cực lớn. Họ có khách sạn và nhà băng, tiệm ăn và sòng bạc, công ty bảo hiểm và nhà máy, công ty xây dựng và hệ thống bệnh viện. Họ kiểm soát các công đoàn và xưởng đóng tầu. Họ kinh doanh đĩa hát và bán các máy giải khát tự động. Họ có cả các hãng tổ chức đám ma, các hiệu nướng bánh, và các công ty xây dựng. Thu nhập hàng năm của họ tính bằng tiền tỷ. Làm sao họ có được những thứ đó không phải là điều mà Jennifer quan tâm. Công việc của cô là bào chữa cho những người của họ bị lôi thôi với pháp luật. Robert Di Silva đã đưa ba người của Michael Moretti ra truy tố về việc lật đổ một số toa tầu chở thức ăn. Họ bị buộc vào tội âm mưu ngăn cản công việc buôn bán vì định tống tiền, và đã vi phạm 7 điều liên quan đến việc buôn bán. Người làm chứng duy nhất là một phụ nữ - chủ một toa tầu đó. “Con mẹ này làm chúng ta toi mất!” Michael nói với Jennifer. “Cần phải xử lý nó thôi”. “Anh có cổ phần trong một công ty xuất bản tạp chí phải không?” Jennifer hỏi. “Ừ. Nhưng điều đó thì liên quan gì tới các toa tầu chở thức ăn?” “Rồi anh sẽ thấy”. Jennifer bí mật bố trí cho tờ tạp chí đó trả một khoản tiền lớn cho câu chuyện của nhân chứng. Người đàn bà này đồng ý nhận. Trước tòa, Jennifer sử dụng điều đó làm mất uy tín của bà ta. Những lời buộc tội bị bác bỏ. Quan hệ giữa Jennifer và những người giúp việc của mình đã thay đổi. Khi văn phòng của cô bắt đầu nhận bào chữa cho hàng loạt vụ của bọn mafia, Ken Bailey đã nói với Jennifer: “Quỷ quái gì thế này? Em không thể tiếp tục cãi cho bọn mafia này được. Chúng sẽ làm chúng ta phá sản mất”. “Đừng lo ngại chuyện đó, Ken ạ. Họ trả tiền mà”. “Em đừng tỏ vẻ ngây thơ như vậy, Jennifer. Chính em mới là người sẽ phải trả giá. Chúng sẽ cột chặt em lại đấy”. Vì biết là anh nói đúng, Jennifer cáu kỉnh trả lời: “Thôi đi Ken”. Anh nhìn thẳng vào mắt cô hồi lâu rồi nói: “Phải, ở đây em là chủ mà”. Tòa án hình sự là một thế giới nhỏ bé và ở đó tin tức truyền đi rất nhanh. Khi có tin Jennifer Parker cãi cho các thành viên của tổ chức tội ác, những người bạn thiện chí đã đến gặp cô và nhắc lại những lời mà chánh án Lawrence Waldman và Ken Bailey đã nói với cô. “Nếu cô dính líu đến bọn tội phạm này rồi cô sẽ giống như chúng thôi”. Jennifer nói với tất cả bọn họ: “Mọi người đều có quyền được cãi hộ”. Cô cảm kích về những lời nhắc nhở của họ, nhưng cô nghĩ chúng không thích hợp với trường hợp của mình. Cô không phải là một phần của tổ chức tội ác, cô chỉ đại diện cho một vài thành viên của nó. Cô là một luật sư, giống như cha cô và cô sẽ không làm điều gì để ông có thể xấu hổ vì cô. Rừng rậm ở ngoài kia, nhưng cô vẫn chưa lạc vào đó. Cha Ryan đến gặp cô. Lần này không phải là để nhờ cô giúp cho một người bạn gặp khó khăn nữa. “Cha lo cho con đấy, Jennifer ạ. Cha nghe nói bây giờ con cãi cho... cho những người xấu”. “Ai là người xấu kia ạ? Thế cha có phán xử những người đến gặp cha để xin sự giúp đỡ không? Cha có không cho họ cầu xin Chúa trời bởi họ đã phạm tội không?” Cha Ryan lắc đầu. “Tất nhiên là không rồi. Một cá nhân phạm lỗi là một chuyện. Nhưng sự sa đọa có tổ chức lại là một chuyện khác. Nếu con giúp những kẻ đó con đã tha thứ cho những điều chúng làm và con sẽ trở thành một phần của chúng”. “Không phải đâu. Con là một luật sư, cha ạ và con giúp những người gặp phiền phức”. Jennifer biết về Michael Moretti nhiều hơn bất cứ ai từng biết hắn ta. Hắn bộc lộ cho cô những tình cảm mà hắn chưa bao giờ để ai biết. Về cơ bản hắn là một người cô đơn và thích cô độc Jennifer là người đầu tiên lọt qua được lớp vỏ bao bọc hắn. Jennifer cảm thấy hắn cần cô. Cô không có cảm giác như vậy với Adam. Và Michael bắt cô phải thú nhận cô cần hắn như thế nào. Hắn khơi dậy những tình cảm trong cô mà trước đây cô luôn tự đè nén - Những tình cảm hoang dã, xác thịt mà cô sợ để buông lỏng. Không có giới hạn nào với Michael cả. Khi họ cùng nhau làm tình họ hoàn toàn tự do. Chỉ có khoái lạc, một niềm khoái lạc mà Jennifer chưa bao giờ mơ ước là có thật cả. Michael thú nhận với Jennifer hắn không yêu Rosa, nhưng rõ ràng là Rosa tôn thờ Michael. Cô luôn sẵn sàng phục vụ hắn, chờ đợi được chăm sóc hắn. Jennifer đã gặp những người vợ mafia khác và cô thấy cuộc sống của họ thật đáng ngạc nhiên. Chồng họ đi ăn hiệu, tới tiệm nhẩy, trường đua cùng với tình nhân trong khi những người vợ ngồi nhà chờ họ. Một người vợ mafia luôn có nhiều tiền tiêu vặt, nhưng bà ta phải cẩn thận không để cho các nhân viên sở thu nhập để ý. Có một trật tự chặt chẽ theo thứ bậc từ người lính quèn tới ông trùm, là người vợ không được có chiếc xe hoặc bộ quần áo sang hơn của vợ người cấp trên trực tiếp của chồng mình. Các bà vợ tổ chức liên hoan và mời các đồng sự của chồng họ, nhưng luôn cẩn thận không tiêu hoang hơn mối quan hệ và vị trí của họ cho phép. Tại các buổi lễ như cưới hoặc lễ rửa tội người ta tặng quà và người vợ mafia không được tặng món quà có giá trị hơn người vợ của mafia khác có vị trí cao hơn. Thủ tục lễ tân này cũng chặt chẽ chẳng kém gì trong ngành công nghiệp sắt thép Mỹ hoặc trong các công ty kinh doanh lớn khác. Mafia là một bộ máy làm tiền khổng lồ nhưng Jennifer biết thêm một nhân tố nữa không kém phần quan trọng: Quyền lực. “Tổ chức lớn hơn chính phủ của phần lớn các nước trên thế giới”. Michael bảo Jennifer: “Số vốn của bọn anh lớn hơn nửa tá công ty của nước Mỹ cộng lại”. “Nhưng có sự khác nhau ở đây” Jennifer nói “Họ hoạt động hợp pháp và...” Michael cười lớn: “Em muốn nói đến những công ty chưa bị bắt chứ gì. Hàng chục công ty lớn nhất đất nước đã bị truy cứu tội vi phạm điều luật này hay điều luật khác. Đừng tự lừa mình về những người hùng, Jennifer ạ. Ngày nay người dân Mỹ bình thường không thể nêu tên hai nhà du hành vũ trụ, nhưng họ biết tên của Al Capone và Luky Lucian”. [1] Jennifer nhận thức được rằng bằng cách riêng của hắn Michael cũng ham mê công việc chẳng kém gì Adam. Sự khác nhau là ở chỗ cuộc đời họ đi theo hai hướng ngược nhau. Khi đụng đến công việc, Michael không có chút xót thương nào hết. Đó là điểm mạnh của hắn. Nhưng quyết định của hắn chỉ dựa trên một cơ sở duy nhất là làm lợi cho tổ chức. Trước kia, Michael hoàn toàn tập trung vào việc thực hiện những tham vọng của mình, không có chỗ cho bất kỳ người phụ nữ nào trong hắn. Rose hoặc các cô nhân tình của hắn không bao giờ là một phần trong những nhu cầu thật sự của hắn cả. Jennifer thì hoàn toàn khác. Hắn cần cô thật sự. Hắn chưa từng biết ai giống cô. Cô làm hắn kích động về xác thịt, nhưng hàng chục cô gái khác cũng làm được việc đó không kém. Điều làm cho Jennifer trở nên đặc biệt đối với hắn là trí thông minh và tính độc lập của cô. Rosa luôn vâng lời hắn. Các cô gái khác sợ hắn; Jennifer thách thức hắn. Cô ngang hàng với hắn. Hắn có thể nói chuyện, bàn luận công việc với cô. Cô còn hơn là thông minh. Cô sắc sảo. Hắn biết, hắn sẽ không bao giờ để cho cô ra đi. Đôi khi Jennifer đi giải quyết công việc cùng Michael, nhưng cô tránh đi xe khi có thể tránh được, vì cô muốn giành càng nhiều thời gian càng tốt cho Joshua. Cậu bé bây giờ đã sáu tuổi và lớn nhanh không thể tưởng tượng được. Jennifer đã ghi tên cho bé vào học ở một trường tư gần nhà và Joshua rất thích điều đó. Bé đi một chiếc xe đạp hai bánh và có một đống đồ chơi lớn. Bé thường thủ thỉ thật lâu với Jennifer và bà Mackey. Vì Jennifer muốn Joshua lớn lên trở thành một chàng trai khỏe mạnh và độc lập, cô cố gắng dạy dỗ bé thật cẩn thận. Cô để Joshua hiểu cô yêu bé biết chừng nào, sẵn sàng ở bên bé khi bé cần cô, nhưng mặt khác cô cũng nuôi dưỡng ý thức độc lập cho bé. Cô dậy bé biết yêu những quyển sách hay và thích âm nhạc. Cô đưa bé đến rạp hát, tránh những buổi mở đầu vì thường có rất đông người ở đó họ có thể biết cô và hỏi hắn vớ vẩn. Vào những ngày nghỉ cuối tuần cô và Joshua thường đi xem phim. Họ thường đi xem phim vào chiều thứ bảy, sau đó đi ăn tiệm rồi lại xem tiếp vào buổi tối. Chủ nhật họ thường đi thuyền buồm hoặc cùng đạp xe đi chơi. Jennifer yêu con trai hết mực nhưng cô cẩn thận không làm hư nó. Cô chuẩn bị cách cư xử với Joshua cẩn thận hơn việc chuẩn bị cho bất cứ vụ kiện nào, cương quyết không để cho tình trạng con hư tại mẹ. Jennifer không bao giờ cảm thấy phí thời gian vì chơi đùa với Joshua. Họ chơi đố chữ và trò hai mươi câu hỏi. Jennifer luôn thích thú vì đầu óc nhanh nhẹn của con trai mình. Bé luôn đứng đầu lớp và cũng rất khỏe mạnh. Nhưng bé không bao giờ đánh giá mình cao cả. Bé có đầu óc hài hước tuyệt vời. Khi nào Joshua được nghỉ học, Jennifer thường cho bé đi chơi với mình. Vào kỳ nghỉ hè mùa đông Jennifer đưa bé đi trượt tuyết ở Poconos. Kỳ nghỉ hè Jennifer có công chuyện ở London và mang bé đi cùng đến đó. Họ dành hai tuần lễ để đi chơi vùng ngoại ô và Joshua rất mê nước Anh. “Con có thể đi học ở đây được không mẹ”. Bé hỏi. Jennifer thấy tim mình nhói lại. Chẳng bao lâu nữa bé sẽ đi học xa, sẽ đi tìm kiếm vận may, lấy vợ và có gia đình riêng của mình. Đó chẳng phải là những điều cô muốn bé có hay sao? Tất nhiên là như thế rồi. Khi Joshua đã sẵn sàng cô sẽ để bé tự do ra đi, thế nhưng cô cũng biết đó sẽ là điều khó khăn ghê gớm. Joshua vẫn nhìn cô, chờ đợi câu trả lời. “Được không, mẹ?” Bé hỏi. “Có lẽ là Oxford nhỉ?” Jennifer ôm chặt bé vào lòng. “Tất nhiên rồi. Họ sẽ may mắn vì có con vào học”. Một buổi sáng thứ bảy khi bà Mackey đi vắng, Jennifer phải đến Manhattan để lấy bản tuyên thệ trước tòa của một nhân chứng. Joshua đến chơi nhà bạn. Khi Jennifer trở về cô bắt đầu chuẩn bị bữa tối cho hai mẹ con, cô mở tủ lạnh và đứng chết lặng đi. Có một mẩu giấy bên trong, kẹp giữa hai chai sữa. Adam thường để giấy lại cho cô như vậy. Jennifer nhìn mẩu giấy đờ đẫn, sợ không dám chạm vào nó. Cuối cùng cô chậm chạp nhặt lên và mở ra đọc. Bên trong là dòng chữ: “Ngạc nhiên chứ? Tối nay Adam ăn cơm với chúng ta được không?” Phải mất nửa tiếng sau mạch đập của Jennifer mới trở lại bình thường. Thỉnh thoảng Joshua lại hỏi Jennifer về cha mình. “Bố con đã bị giết ở Việt Nam, Joshua ạ. Bố con rất dũng cảm”. “Chúng ta không còn ảnh của bố hả mẹ?” “Không có, bé yêu ạ. Bố mẹ chỉ cưới nhau được ít lâu trước khi bố chết”. Cô ghét nói dối kiểu đó. Nhưng không còn cách nào khác Michael Moretti chỉ hỏi Jennifer một lần về cha của Joshua: “Anh không cần biết điều gì đã xảy ra với em trước khi em thuộc về anh. Anh chỉ tò mò một chút thôi”. Jennifer nghĩ đến sức mạnh mà Michael có thể có đối với thượng nghị sĩ Adam Warner, nếu hắn biết sự thật. “Anh ấy bị giết ở Việt Nam. Tên anh ấy chả có gì là quan trọng”. Chú Thích [1] Tên hai gã trùm mafia của Mỹ. Chương 40 Tại thủ đô Washington, một Ủy ban điều tra của Thượng viện do Adam Warner đứng đầu đang kết thúc một cuộc thử nghiệm quan trọng về loại máy bay ném bom mới XK-l, mà lực lượng không quân đang có yêu cầu Thượng viện thông qua. Trong mấy tuần liền các nhân chứng là chuyên gia tụ tập ở Đồi Capitol, một nửa số họ cho rằng loại máy bay ném bom mới này là một trò chơi đắt tiền có thể hủy hoại ngân sách quốc phòng và làm cho đất nước kiệt quệ, nửa kia thì cho rằng nếu loại máy bay này không được chấp thuận cho sản xuất, nền quốc phòng nước Mỹ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng, đến mức người Nga có thể xâm chiếm Hoa Kỳ trong chủ nhật tới. Adam tình nguyện bay thử kiểm tra một mẫu của loại máy bay mới này và các đồng nghiệp của anh hoan hỉ chấp nhận đề nghị đó. Adam là một người trong bọn họ, một thành viên của câu lạc bộ bay và anh sẽ cho họ biết sự thật. Adam bắt đầu chuyến bay thử nghiệm vào sáng sớm chủ nhật cùng với phi hành đoàn tối thiểu, và đã vượt qua một loạt những thử nghiệm khó khăn. Chuyến bay là một thắng lợi hoàn toàn và anh báo cáo lại cho Ủy ban thượng viện rằng loại máy bay mới XK-1 là một tiến bộ quan trọng trong ngành hàng không. Anh khuyến nghị: Loại máy bay này cần được đưa vào sản xuất ngay lập tức. Thượng viện đã chuẩn chi khoản tiền cần thiết. Giới báo chí tán dương hành động này của anh lên mây xanh. Họ miêu tả Adam như một người trong thế hệ thượng nghị sĩ mới, những người kiểm tra công việc trực tiếp tại thực địa chứ không chịu nghe lời những người vận động, và những người khác chỉ quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích riêng của họ. Cả hai tạp chí Tuần tin tức và Thời đại đều đăng tin về Adam và bài của Tuần tin tức kết thúc như sau : “Thượng viện đã tìm thấy một chiến sĩ trung thực và đầy triển vọng mới để điều tra những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, và đem lại cho họ ánh sáng chứ không phải sự căng thẳng. Có một cảm giác ngày càng lan rộng trong số những chính khách chủ chốt, rằng Adam Warner có những phẩm chất xứng đáng với một vị tổng thống”. Jennifer đọc ngấu nghiến những bài về Adam. Cô thấy tràn ngập tự hào. Và cả đau xót nữa. Cô vẫn còn yêu Adam và cô cũng yêu Michael Moretti. Cô không hiểu tại sao có thể như vậy và cô đã trở thành loại đàn bà gì. Adam đã tạo nên sự cô đơn trong đời cô. Michael đã xóa bỏ nó. Nạn buôn lậu ma tuý từ Mexico đã tăng lên nhanh chóng và rõ ràng là tổ chức tội ác đứng đằng sau việc đó Adam được yêu cầu đứng đầu một Ủy ban điều tra. Anh phối hợp cố gắng của một số cơ quan pháp luật Hoa Kỳ, bay đến Mexico để tìm kiếm sự hợp tác của chính phủ ở đó. Ba tháng sau nạn buôn lậu ma túy đã giảm hắn. Tại trang trại ở New Jersey, Michael Moretti nói: “Chúng ta đang có khó khăn đấy”. Họ ngồi trong phòng họp rộng và tiện nghi. Trong phòng có Jennifer, Antonio Granelli và Thomas Colfax. Antonio Granelli vừa bị một cơn đột quy và chỉ một đêm trông lão như già thêm tới hai mươi tuổi. Lão trông giống như một bức tranh châm biếm xộc xệch. Nửa bên mặt phải của lão gần như tê liệt, vì thế khi lão nói, nước miếng từ khoé miệng chảy ra ròng ròng. Lão đã già, hầu như lẩm cẩm và ngày càng dựa nhiều vào quyết định của Michael. Thậm chí lão còn miễn cưỡng chấp nhận Jennifer. Nhưng Thomas Colfax thì không như thế. Mâu thuẫn giữa Michael và Colfax ngày càng tăng. Colfax biết rằng Michael có ý định thay thế hắn bằng người phụ nữ này. Trong thâm tâm Colfax cũng thừa nhận đó là một luật sư giỏi, nhưng cô ta biết gì về những truyền thống bolgata? Những truyền thống đã giúp cho hội anh em hoạt động có hiệu quả suốt bấy nhiêu năm nay. Làm sao Michael có thể đưa vào một người lạ - Tệ hơn là một phụ nữ! - Và cho cô ta biết hết những bí mật sống còn của họ. Thật là một tình huống không thể chấp nhận được. Colfax đã nói chuyện với những đội trưởng và lính trơn, bầy tỏ sự lo ngại của hắn, thuyết phục chúng ủng hộ hắn nhưng tất cả không ai dám chống lại Michael. Nếu Michael tin được người đàn bà này, thì chúng phải tin cô ta. Thomas Colfax quyết định phải chờ thời. Nhưng hắn sẽ cố tìm cách loại bỏ cô. Jennifer hiểu rất rõ tình cảm của hắn. Cô đã thay chân hắn và lòng tự ái của hắn sẽ không bao giờ tha thứ cho cô về chuyện đó. Lòng trung thành của hắn với Tổ chức sẽ buộc hắn phải chấp nhận và bảo vệ cô, nhưng khi sự thù ghét của hắn đối với cô trở nên mạnh mẽ hơn lòng trung thành đó... Michael quay sang Jennifer: “Em đã bao giờ nghe đến tên Adam Warner chưa?” Tim Jennifer ngừng đập trong một khoảnh khắc. Tự nhiên cô cảm thấy khó thở. Michael vẫn đang nhìn cô, chờ câu trả lời. “Anh... anh muốn nói đến thượng nghị sĩ ấy phải không?” Mãi cô mới thốt lên được. “Ừ đúng đấy. Chúng ta sắp phải làm cho thằng chó đẻ đó nguội đi”. Jennifer cảm thấy mặt mình như tái đi. “Vì sao vậy, Michael”. “Nó làm hại đến công việc của chúng ta. Vì nó, chính phủ Mexico đang đóng cửa các nhà máy của những người bạn của chúng ta. Mọi việc bắt đầu trục trặc. Anh muốn thằng cha này không còn quấy nhiễu chúng ta được nữa. Phải khử hắn thôi”. Jennifer nghĩ thật nhanh. “Nếu anh đụng đến thượng nghị sĩ Warner”. - Cô nói, chọn từng chữ cẩn thận - “Anh sẽ tự hủy hoại mình đấy”. “Anh sẽ không để...” “Hãy nghe em này, Michael, khử hắn xong, sẽ lập tức có mười người khác thay thế vị trí đó ngay. Thậm trí hàng trăm. Mọi tờ báo trong nước sẽ săn tin về anh. Cuộc điều tra đang tiến hành hiện nay sẽ không là cái gì so với những điều sẽ xảy ra, một vị thượng nghị sĩ Warner bị hại”. Michael tức giận nói: “Anh nói để em biết chúng ta đang bị thiệt hại đấy?” Jennifer đổi giọng: “Michael, hãy tỉnh táo nào. Anh đã thấy những cuộc điều tra tương tự trước đây. Chúng kéo dài bao lâu? Năm phút sau khi viên Thượng nghị sĩ hoàn thành công việc, y sẽ điều tra những việc khác và mọi cái sẽ qua đi. Các nhà máy bị đóng cửa sẽ mở lại và công việc của anh sẽ trở lại bình thường. Như thế sẽ không có phản ứng nào hết. Nếu làm theo cách của anh, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được yên đâu”. “Tôi phản đối”, - Thomas Colfax nói - “Theo ý tôi...” Michael Moretti gầm gừ: “Không ai hỏi ý kiến của anh cả”. Thomas Colfax nhăn mặt như vừa bị đánh. Michael không thèm để ý đến hắn. Colfax quay sang Antonio Granelli tìm sự ủng hộ. Lão già ngủ từ lúc nào. Michael nói với Jennifer: “Thôi được rồi, cố vấn, chúng ta sẽ tạm để Warner yên lúc này”. Jennifer nhận thấy mình vừa nín thở. Cô thở ra thật từ từ. “Còn gì nữa không nhỉ?” “Có”. Michael nhặt một chiếc bật lửa mạ đầy vàng và châm điếu thuốc. “Một người bạn của chúng ta, Marco Lorenzo bị buộc tội tống tiền và cướp của”. Jennifer đã đọc về vự này. Theo báo chí, Lorenzo là một tên tội phạm nguy hiểm đã bị bắt nhiều lần vì sử dụng bạo lực. “Anh có muốn em xin giảm án không?” “Không, anh muốn em để hắn được vào tù”. Jennifer nhìn hắn ngạc nhiên. Michael đặt bật lửa xuống bàn. “À, anh nghe nói Di Silva muốn tống hắn về Sicily. Marco có nhiều kẻ thù ở đó. Nếu chúng bắt hắn về đó, hắn sẽ không sống được quá hai bốn giờ đâu. Chỗ an toàn nhất đối với hắn bây giờ là nhà lao Sing Sing. Khi tình hình lắng đi, vài ba năm nữa chúng ta sẽ kiếm cách cho hắn ra. Em có làm được việc này không?” Jennifer ngập ngừng. “Nếu chúng ta ở khu vực khác em có thể làm được việc đó. Nhưng Di Silva sẽ không có thỏa thuận gì với em đâu”. Thomas Colfax nói nhanh: “Có lẽ chúng ta nên để người khác lo vụ này”. “Nếu tôi muốn người khác làm” Michael gắt “Tôi đã nói trước”. Hắn quay sang Jennifer. “Anh muốn em xử lý vụ này”. * * * * * Michael Moretti và Niek Vito quan sát từ cửa sổ khi Thomas Colfax leo lên ô tô và lái đi. Michael nói : “Nick, tớ muốn cậu khử hắn”. “Colfax á?” “Tớ không thể tin tưởng hắn được nữa. Hắn đã lỗi thời rồi”. “Được rồi, Mike. Khi nào anh muốn tôi làm việc đó?” “Sắp thôi. Tớ sẽ nói cho cậu biết”. Jennifer ngồi trong phòng của chánh án Lawrence Waldman. Đây là lần đầu tiên cô gặp ông sau hơn một năm. Những cuộc nói chuyện thân mật qua điện thoại và lời mời đi ăn tối đã chấm dút. Rồi, điều đó cũng chả có ích gì, Jennifer nghĩ. Cô thấy mến Lawrence Walman và tiếc vì mất tình bạn của ông, nhưng đó là điều cô đã lựa chọn. Họ ngồi chờ Robert Di Silva trong bầu không khí im lặng khó chịu, chẳng ai muốn mở đầu câu chuyện cả. Khi chưởng lý bước vào phòng và ngồi xuống chỗ của mình, buổi họp bắt đầu. Chánh án Waldman nói với Jennifer : “Bobby nói cô muốn thảo luận về việc xin một ân huệ cho khách hàng của cô trước khi tôi quyết định về tội trạng của Lorenzo”. “Đúng vậy”, Jennifer quay sang chưởng lý Robert Di Silva. “Tôi nghĩ thật là một sai lầm nếu giam Marco Lorenzo ở nhà lao Sing Sing. Hắn không phải là người ở đây. Hắn là một người lạ bất hợp pháp. Tôi thiết tưởng nên trục xuất hắn về Sicily, nơi hắn đã ra đi”. Di Silva nhìn cô ngạc nhiên. Ông ta cũng định khuyến nghị về việc trục xuất, nhưng nếu đó là điều Jennifer Parker muốn, ông ta sẽ xét lại quyết định của mình. “Vì sao cô lại khuyến nghị như vậy?” Di Silva hỏi. “Vì nhiều lẽ. Thứ nhất, điều đó sẽ khiến hắn không thể phạm thêm tội ác ở đây nữa, và...” “Bị nhốt trong xà lim ở Sing Sing hắn cũng không thể làm như thế được”. “Lorenzo là một người có tuổi. Hắn không chịu được cảnh giam giữ. Hắn sẽ phát điên nếu bị nhốt vào tù. Tất cả bạn bè của hắn ở Sicily. Hắn có thể sống dưới nắng mặt trời ở đó và chết trong yên ổn giữa gia đình của mình”. Di Silva nghiến chặt răng vì tức giận. “Chúng ta nói về một tên mafia cả đời chuyên cướp của, hãm hiếp và giết người, vậy mà cô còn lo hắn không được dưới nắng mặt trời với bạn bè”. Ông ta quay sang chánh án Waldman. “Cô này chắc bị chập mạch”. “Marco Lorenzo có quyền được...” Di Silva đấm tay xuống bàn. “Hắn không có quyền gì hết? Hắn bị buộc tội tống tiền và cướp có vũ trang”. “Ở Sicily, khi một người...” “Hắn không phải ở Sicily, quỷ tha ma bắt cái xứ đó đi? - Di Silva gào lên - Hắn ở đây. Hắn phạm tội ở đây và sẽ phải trả giá ở đây” Ông ta đứng dậy. “Thưa chánh án, chúng tôi đang làm ngài mất thời gian. Cơ quan luật pháp của bang không chấp nhận có sự xin xỏ ân huệ gì hết trong vụ này. Chúng tôi yêu cầu Marco Lorenzo sẽ bị giam ở nhà lao Sing Sing”. Chánh án Waldman quay sang Jennifer. “Cô có còn gì để nói nữa không?” Cô nhìn Robert Di Silva tức tối. “Không, thưa chánh án”. Di Silva và Jennifer ra khỏi phòng. Ở hành lang, chưởng lý quay sang Jennifer và mỉm cười : “Cô thua vụ này rồi, trạng sư”. Jennifer nhún vai: “Cũng phải có lúc thắng lúc thua chứ sao”. Năm phút sau Jennifer đã ở trong một phòng điện thoại công cộng nói chuyện với Michael Moretti. “Anh có thể thôi lo lắng được rồi. Marco Lorenzo sẽ vào nhà tù Sing Sing”. Chương 41 Thời gian là một dòng sông trôi nhanh không có bến bờ. Các mùa của nó không phải là xuân, hạ, thu, đông mà là các sinh nhật, niềm vui, phiền phức và nỗi đau. Đó là các vụ được và thua kiện; sự hiện diện của Michael và kỷ niệm về Adam. Nhưng chủ yếu, thời gian của Joshua là một quyển lịch, nhắc nhở năm tháng đã trôi qua nhanh như thế nào. Thật không thể tin được bé đã lên bảy rồi. Chỉ qua một đêm, dường như bé đã bỏ bút chì màu và truyện tranh để chơi mô hình máy bay và thể thao. Joshua đã khá cao và ngày càng giống bố, không chỉ về hình thức. Bé rất nhậy cảm, lịch sự và có ý thức rất mạnh về sự công bằng. Khi Jennifer phạt bé. Joshua bướng bỉnh nói: “Con mới chỉ cao bốn feets nhưng con có quyền của con chứ”. Bé chính là Adam thu nhỏ. Joshua rất khỏe mạnh giống như Adam. Người hùng của bé là anh em Bebble và Carl Stolz. “Mẹ chẳng báo giờ nghe đến tên họ cả”. Jennifer bảo. “Vậy mẹ ở đâu đấy? Họ là những người tạo ra thế giới nhỏ đấy!” “Ôi Anh em Bebble và Carl Stolz này á?” Vào ngày nghỉ cuối tuần, Joshua em tất cả các chương trình thể thao trên ti-vi, bóng đá, bóng chày, bóng rổ, gì cũng xem tất. Đầu tiên Jennifer để Joshua xem một mình, nhưng khi bé bàn luận với cô về các trận đấu sau đó và Jennifer hoàn toàn không hiểu gì hết, cô quyết định tốt nhất là xem cùng với bé. Và thế là hai mẹ con thường ngồi trước màn ảnh nhỏ, nhai bánh ngô và cổ vũ các cầu thủ. Một hôm, Joshua về nhà sau khi chơi bóng, mặt đầy vẻ lo âu và nói: “Mẹ ơi chúng ta có thể nói chuyện như những người đàn ông với nhau không?” “Tất nhiên, Joshua”. Họ ngồi quanh bàn ăn trong bếp, Jennifer làm bánh sandwich bỏ lạc cho bé và đổ đầy cho bé một cốc sữa. “Có vấn đề gì thế”. Giọng bé nhỏ nhẹ và đầy lo lắng. “À, con nghe bạn nó nói chuyện và con vẫn đang băn khoăn. Mẹ có nghĩ rằng khi con lớn lên vẫn còn có tình dục không?” Jennifer mua một chiếc thuyền buồm nhỏ và vào những ngày nghỉ cuối tuần cô và Joshua thường đi bơi thuyền. Jennifer thích ngắm khuôn mặt bé khi bé cầm lái. Trên môi bé luôn nở một nụ cười thích thú mà cô gọi là nụ cười “Eric đỏ”. Joshua là một thủy thủ bẩm sinh giống như cha cậu. Ý nghĩ đó làm Jennifer phát hoảng. Cô tự hỏi không biết có phải mình đang cố gắng sống với Adam thông qua Joshua không. Tất cả những gì cô đang làm cùng với con trai - bơi thuyền, xem thể thao - đều là những thứ cô đã làm cùng với cha nó trước kia. Jennifer tự nhủ cô làm những điều đó bởi vì Joshua thích, nhưng cô cũng không rõ mình có hoàn toàn chân thành như vậy không. Cô ngắm Joshua đứng trên cột buồm, má hồng lên vì nắng gió, mặt rạng rỡ và nhận thấy rằng cái lý do đó chẳng có gì đáng quan tâm cả. Vấn đề quan trọng là con trai cô thích sống với cô. Bé không phải là phiên bản của cha nó. Bé là chính bản thân nó và Jennifer yêu bé hơn bất cứ ai trên trái đất này. Chương 42 Antonio Granelli chết và Michael nắm quyền kiểm soát toàn bộ vương quốc của hắn ta. Tang lễ được cử hành trọng thể tương xứng với một người có vị trí ngang với người cha đỡ đầu. Những người đứng đầu và thành viên của các gia đình mafia từ khắp đất nước đổ về, để tưởng nhớ người bạn quá cố, và để đảm bảo với ông trùm mới về sự trung thành và ủng hộ của họ. Nhân viên FBI cũng đến đó cùng với nửa tá các cơ quan chính phủ khác. Rosa hết sức đau khổ vì cô yêu cha vô cùng, nhưng cô cũng tự hào và an ủi phần nào về việc chồng mình thay thế cha làm trùm gia đình. Jennifer ngày rằng trở nên quý giá đối với Michael. Khi có khó khăn, người đầu tiên mà Michael hỏi ý kiến là Jennifer. Thomas Colfax trở nên một vật càng ngày càng khó chịu. “Đừng lo ngại về hắn”, Michael bảo Jennifer. “Hắn sắp về vườn rồi”. Tiếng chuông điện thoại thánh thót đánh thức Jennifer dậy. Cô nằm trên giường, nghe ngóng thêm chút nữa rồi ngồi dậy, nhìn vào chiếc đồng hồ hiện số. Mới có ba giờ sáng. Cô cầm ống nghe lên: “A-lô”. Đó là Michael. “Em có thể mặc quần áo ngay không?” Jennifer ngồi thẳng dậy và cố xua cơn buồn ngủ. “Có gì vậy?” “Eddie Santini vừa bị bắt vì tội cướp của có vũ trang. Hắn đã bị bắt hai lần rồi. Nếu lần này bị kết tội nữa hắn sẽ lĩnh án chung thân”. “Có nhân chứng nào không?” “Có ba người, và họ đều nhìn thấy hắn rất rõ”. “Bây giờ hắn đang ở đâu?” “Phường 17”. “Em đi đây, Michael”. Jennifer khoác lên người chiếc áo ngủ và xuống bếp pha cà phê. Cô vừa uống vừa nhìn ra cửa và suy nghĩ: “Ba nhân chứng. Và họ đều nhìn thấy hắn rất rõ”. Cô nhấc ống nghe lên quay số. “Cho tôi xin số máy của tờ City Desk”. Jennifer nói nhanh: “Tôi có tin báo cho các ngài đây. Một gã tên là Eddie Santini vừa bị bắt vì tội cướp có vũ trang. Luật sư của hắn là Jennifer Parker. Cô ta sẽ cố giải thoát cho hắn”. Cô đặt máy và tiếp tục gọi cho hai tờ báo khác và một hãng vô tuyến với lời lẽ tương tự. Khi Jennifer gọi điện xong cô nhìn đồng hồ và thong thả uống tiếp một cốc cà phê nữa. Cô muốn biết chắc các phóng viên nhiếp ảnh đã có đủ thời giờ để đến phố 51. Sau đó cô lên gác mặc quần áo. Trước khi Jennifer đi, cô lên phòng ngủ của Joshua. Đèn ngủ trong phòng vẫn sáng. Bé ngủ ngon lành, chăn quấn quanh người rơi cả xuống đất. Jennifer nhẹ nhàng sửa lại chăn, hôn vào trán bé và rón rén ra khỏi phòng. “Mẹ đi đâu đấy?” Cô quay lại và nói. “Mẹ đi làm đây. Ngủ tiếp đi con”. “Mấy giờ rồi ạ”. “Bốn giờ sáng”. Joshua khúc khích. “Mẹ đúng là làm việc vào những lúc không thích hợp với phụ nữ”. Cô bước lại gần giường bé. “Còn con đúng là toàn ngủ vào những lúc không thích hợp đối với một người đàn ông”. “Chúng ta sẽ xem trận đấu ở Mets tối nay chứ?” “Tất nhiên rồi. Thôi hãy quay lại vương quốc giấc mơ đi”. “Được rồi, mẹ ạ. Chúc mẹ thắng kiện”. “Cám ơn con”. Vài phút sau Jennifer đã lên xe đi về hướng Manhattan. Khi Jennifer đến nơi đã có một phóng viên nhiếp ảnh của tờ tin tức hàng ngày chờ sẵn. Anh ta nhìn Jennifer không chớp mắt và nói. “Vậy là đúng thật à! Đúng là cô tham gia vào vụ Santini này à?” “Làm sao anh lại biết điều đó?” Jennifer hỏi. “Có một chú chim nhỏ hót như vậy, trạng sư ạ”. “Anh chỉ phí thời gian thôi. Yêu cầu không được chụp hình”. Cô bước vào phòng giam, yêu cầu cho Eddie Santini được tại ngoại, cố dềnh dàng thủ tục cho đến khi cô chắc là phóng viên truyền hình và một phóng viên nhiếp ảnh của tờ báo New York đã đến. Cô quyết định không chờ phóng viên của tờ Bưu điện nữa. Viên chỉ huy cảnh sát trực nhật nói: “Có mấy phóng viên báo chí và vô tuyến truyền hình ở ngoài cửa trước, thưa cô Parker. Cô có thể ra bằng cửa sau nếu cô muốn”. “Không có gì đâu”, Jennifer đáp. “Tôi sẽ giải quyết được thôi”. Cô dẫn Eddie Santini ra hành lang cửa trước, nơi các phóng viên đang chờ sẵn. Cô nói: “Thôi nào, thưa các vị, xin đừng chụp ảnh đấy” và Jennifer bước sang một bên trong khi các phóng viên đua nhau chụp hình. Một phóng viên hỏi: “Điều gì làm cho vụ này quan trọng tới mức cô phải tham gia giải quyết?” “Anh sẽ biết vào sáng mai. Đồng thời tôi khuyên các vị không nên dùng những bức hình vừa chụp ở đây”. Một người trong đám phóng viên hỏi lớn: “Thôi đi, Jennifer. Cô đã nghe về quyền tự do báo chí chưa?” Vào buổi trưa Jennifer nhận được một cú điện thoại của Michael Moretti. Giọng hắn giận dữ: “Em đã xem báo chưa?” “Chưa ạ”. “Thế đấy ảnh của Eddie Santini đăng trên trang nhất của tất cả các tờ báo và cả trên ti vi nữa. Anh có bảo em biến của quý này thành trò hề đâu cơ chứ!” “Em biết rồi. Đây là sáng kiến của em đấy”. “Chúa ơi! Để làm gì vậy?” “Vấn đề là đối phó với ba nhân chứng đó”. “Chúng làm sao?” “Anh nói họ nhìn rất rõ Santini. Được rồi, khi họ ra tòa nhận dạng hắn ta, họ sẽ phải chứng minh rằng họ không nhận dạng anh ta dựa trên các bức ảnh mà họ thấy trên báo chí và tivi”. Im lặng một hồi lâu và sau đó Michael nói giọng đầy khâm phục: “Anh đúng là một thằng chết tiệt?” Jennifer bật cười to. Ken Bailey đang chờ cô trong văn phòng buổi chiều hôm đó, và khi Jennifer bước vào cô lập tức biết ngay có chuyện gì không ổn qua vẻ mặt anh. “Sao em không nói cho anh biết?” Ken hỏi. “Nói cho anh biết điều gì cơ?” “Về quan hệ giữa em và Michael Moretti”. Jennifer phải cố kìm để khỏi bật ra một câu trả lời xẵng. Nói “Đấy không phải là việc của anh”, thật quá dễ. Ken là bạn của cô; anh ấy quan tâm đến cô. Theo một khía cạnh nào đó đấy cũng là việc của anh ấy. Jennifer chợt nhớ lại tất cả, văn phòng nhỏ bé mà họ dùng chung, anh đã giúp cô nhiệt tình biết bao. “Tôi có một người bạn luật sư cứ khẩn khoản nhờ chuyển hộ anh ta trát hầu tòa. Tôi thì lại không có thời gian. Anh ta trả cho mỗi tờ trát là 25 đô cùng với tiền đi lại, cô giúp tôi được chứ?” “Ken ơi, chúng ta đừng bàn chuyện đó nữa”. Giọng anh tràn đầy một sự tức giận cố kìm nén. “Tại sao không? Mọi người đều bàn chuyện đó đấy. Người ta nói rằng em là bồ của Moretti”. Mặt anh tái xám lại “Trời đất ơi!” “Cuộc sống của riêng em...” “Hắn sống trong cống rãnh và giờ đây cô mang cái cống rãnh đó vào văn phòng này. Cô bắt tất cả chúng tôi làm việc cho Moretti và bọn tay sai của hắn”. “Thôi đi!”. “Vâng. Đó là điều mà tôi đến để nói với cô đấy. Xin từ biệt”. Đó là một cú choáng. “Anh không thể đi được. Anh hiểu sai về Michael rồi. Giá như anh gặp anh ấy, anh sẽ thấy...” Ngay lập tức Jennifer hiểu rằng cô đã sai. Anh nhìn cô buồn rầu và nói: “Hắn đã thay đổi em hoàn toàn rồi, thật thế. Tôi sẽ nhớ đến em như khi em còn biết mình là ai. Đó chính là cô gái mà tôi sẽ nhớ mãi. Tạm biệt Joshua hộ tôi”. Và Ken Bailey ra đi. Jennifer thấy nước mắt bắt đầu chảy, cổ cô nghẹn lại đến mức tức thở. Cô ôm đầu gục xuống bàn cố quên đi nỗi đau. Khi cô mở mắt, trời đã sập tối. Cả văn phòng tối om trừ ánh đèn đường yếu ớt hắt vào. Cô bước đến bên cửa sổ và nhìn xuống thành phố. Nó trông giống như một khu rừng rậm ban đêm với mỗi một đống lửa trại đang tàn để che chở cho người ta khỏi sự sợ hãi đang đè nén. Đó là rừng rậm của Michael. Không còn cách nào để thoát khỏi đó nữa. Chương 43 Lâu đài Cow Palace ở San Francisco là một ngôi nhà náo nhiệt, luôn tấp nập đón các đoàn đại biểu ồn ào từ khắp nước đến. Có ba ứng cử viên đang tranh giành vị trí để tranh cử tổng thống và họ đã qua vòng đầu trót lọt. Nhưng nhân vật chính, một ngôi sao sáng át hết cả bọn họ là Adam Warner. Đến vòng bỏ phiếu thứ năm anh được đề cử với sự nhất trí tuyệt đối Cuối cùng đảng của anh cũng chọn được một ứng cử viên mà họ có thể tự hào. Vị Tổng thống đương nhiệm, lãnh tụ của đảng đối lập có tỷ lệ tín nhiệm rất thấp và bị đa số nhân dân cho là không đủ năng lực. “Trừ khi cậu vạch quần đái ngay trước ống kính ca-mê-ra của chương trình thời sự sáu giờ tối”, Steward Needham nói với Adam “cậu sẽ trở thành tổng thống mới của Hoa Kỳ”. Sau khi được đề cử, Adam bay đến New York để gặp gỡ tại khách sạn Regency với Needham và một số đảng viên có thế lực của đảng. Trong phòng có Blair Roman, người đứng đầu công ty quảng cáo lớn thứ hai trong nước. Steward Needham nói: “Blair sẽ phụ trách việc tuyên truyền tranh cử cho cậu, Adam ạ”. “Tôi thật hết sức vui mừng được giao nhiệm vụ này”, Blair Roman toét miệng cười. “Ngài sẽ là tổng thống thứ ba của tôi”. “Thật vậy à?” Adam không có ấn tượng tốt đối với người đàn ông này. “Để tôi trình bày cho ngài nghe kế hoạch của chúng ta nhé!” Blair Roman bắt đầu đi quanh phòng, vừa đi vừa vung vẩy chiếc gậy đánh gôn tưởng tượng. “Chúng ta sẽ cho phát hàng loạt chương trình vô tuyến thương mại trên khắp cả nước, dựng nên hình ảnh của ngài như một người có thể giải quyết được mọi khó khăn của nước Mỹ. Một người Bác lớn - mà lại trẻ và đẹp trai nữa chứ. Ngài hiểu chứ, thưa Tổng thống”. “Ông Roman... Xin ông đừng gọi tôi là “Ngài Tổng thống” được không?” Blair Roman cười lớn. “Xin lỗi. Tôi lỡ mồm, A.W. [1]. Trong suy nghĩ của tôi, ngài đã ở Nhà Trắng rồi. Hãy tin tôi, tôi biết ngài là người xứng đáng với chức vụ đó, nếu không tôi đã chẳng nhận vận động cho ngài. Tôi đã quá giầu để không cần phải làm việc vì tiền nữa”. Hãy cẩn thận với những người nói rằng họ quá giàu để không cần phải làm việc vì tiền nữa. Adam nghĩ. “Chúng tôi biêt ngài là người xứng đáng với chức vụ đó - bây giờ phải làm cho mọi người cũng biết điều đó. Xin ngài hãy nhìn vào những biểu đồ mà tôi vừa vẽ này. Tôi đã chia các phần khác nhau của đất nước theo mầu da. Chúng tôi sẽ đưa ngài đến những chỗ quan trọng để ngài có thể thi thố tài năng”. Ông ta ngó vào tận mặt Adam và nói vẻ nghiêm chỉnh: “Vợ ngài sẽ là một tài sản lớn đấy. Các tạp chí phụ nữ sẽ làm đủ cách để xóc vào chuyện gia đình ngài. Chúng tôi sẽ thương mại hóa ngài. A.W. ạ”. Adam bắt đầu thấy tức. “Bằng cách nào vậy?” “Rất đơn giản. Ngài là một sản phẩm, A.W. ạ. Chúng tôi sẽ bán ngài như bất cứ một sản phẩm nào khác. Chúng tôi...” Adam quay sang Steward Needham. “Steward, tôi có thể nói chuyện riêng với anh được không?” “Tất nhiên rồi”. Needham quay lại nói với một người. “Chúng ta sẽ nghỉ ăn tối và gặp lại ở đây vào lúc chín giờ. Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận”. Khi chỉ còn hai người trong phòng, Adam cất tiếng: “Chúa ơi, Steward. Hắn định biến mọi thứ thành trò hề! “Ngài là một sản phẩm A.W. Chúng tôi sẽ bán như chúng tôi bán các sản phẩm khác”. Hắn quả là đáng tởm?” “Tớ biết cậu rất khó chịu, Adam”. Steward Needham an ủi. “Nhưng Blair làm việc rất có hiệu quả. Khi hắn nói cậu sẽ là tổng thống thứ ba của hắn, hắn không đùa đâu. Tất cả các tổng thống từ Eisenhower đều dùng công ty quảng cáo giúp cho việc vận động tranh cử vẫn cần có tính mua bán trong đó. Blair Roman biết được tâm lý của công chúng. Dù có xấu xa đến đâu chăng nữa, thực tế vẫn là nếu cậu muốn được bầu vào bất cứ cơ quan nhà nước nào, cậu cần phải bán mình - tức là phải được thương mại hóa”. “Tôi ghét điều đó”. “Đó là một phần cái giá mà cậu phải trả”. Ông bước tới bên Adam và khoác vai anh. “Tất cả những gì mà cậu phải làm là giữ vững mục đích. Cậu muốn Nhà Trắng chứ gì? - Được rồi. Chúng tớ sẽ làm mọi việc để cậu có thể lọt vào đó. Nhưng cậu cũng phải đảm nhiệm phần việc của mình. Nếu làm diễn viên xiếc là một phần của công việc đó, cậu cũng phải chịu”. “Chúng ta có thật sự cần Blair Roman không?” “Chúng ta cần một Blair Roman Blair rất được việc. Để tôi xứ lý hắn ta cho. Tôi sẽ giữ hắn ở xa cậu càng nhiều càng tốt”. “Tôi rất biết ơn về chuyện đó”. Chiến dịch vận động tranh cử bắt đầu. Nó bắt đầu bằng một vài phóng sự về sự kiện và nhân vật trên vô tuyến, và dần dần trở nên rộng lớn hơn cho đến khi lan tràn khắp đất nước. Đi đâu người ta cũng thấy hình ảnh của thượng nghị sĩ Adam Warner. Ở khắp mọi miền của nước Mỹ người ta thấy anh trên ti vi, trên các biển quảng cáo, nghe anh nói trên đài. Luật pháp và trật tự là một trong những vấn đề chủ yếu trong cuộc tranh cử của anh và Ủy ban điều tra tội ác do Adam đứng đầu được nhấn mạnh rất nhiều. Adam xuất hiện trên tivi ngày càng nhiều. Trong chương trình phát tới bang Tây Virginia anh nói về nạn thất nghiệp và khả năng cung cấp than khổng lồ có thể làm cho vùng này trở nên giàu có. Chương trình phát cho Detroit nói về sự suy đồi ở thành thị. Ở New York chủ đề được nêu lên là tỷ lệ tội ác ngày càng tăng. Blair Roman tâm sự với Adam: “Tất cả những gì anh phải làm là nói về những vấn đề nổi bật. A.W. Anh không cần phải phân tích vấn đề một cách sâu sắc đâu. Chúng tôi đang bán một sản phẩm và đó là anh”. Adam nói: “Ngài Roman, tôi không thèm để ý đến những con số thống kê chết tiệt của ngài nói lên điều gì Tôi không phải là đồ ăn sáng và tôi không có ý định để bị bán như thế. Tôi sẽ nói đến các vấn đề một cách sâu sắc vì tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đủ thông minh để muốn biết về chúng”. “Tôi chỉ...” “Tôi muốn ông sắp xếp một buổi thảo luận về những vấn đề chủ chốt giữa tôi và Tổng thống đương nhiệm”. Blair Roman đáp. “Đúng đấy. Tôi sẽ gặp bọn cố vấn của tổng thống ngay lập tức, A.W. ạ”. “Còn một điều nữa”. “Gì vậy?” “Đừng gọi tôi là A.W nữa”. Chú Thích [1] Tên tắt của Warner, tỏ ý kính trọng. Ở Mỹ những người nổi tiếng chỉ cần viết tên tắt là mọi người đều biết. Chương 44 Trong hộp thư có một thông báo của hội luật gia Mỹ, về đại hội hàng năm ở Acapulco. Jennifer đang bận túi bụi với những vụ kiện cáo và thường thì cô bỏ qua những cuộc họp như thế này. Nhưng nó lại diễn ra vào đúng kỳ nghỉ hè của Joshua và Jennifer biết cậu bé sẽ rất mê Acapulco. Cô nói với Cynthia: “Đồng ý. Đặt cho chị ba chỗ”. Cô sẽ đưa bà Mackey đi cùng. Vào bữa ăn tối, Jennifer báo tin đó cho Joshua: “Con có thích đến Acapulco không?” “Đó là một thành phố ở Mexico”, cậu bé tuyên bố, “Ở bờ biển phía tây”. “Đúng thế”. “Chúng ta có thể đến bãi tắm truồng được không?” “Con nói gì vậy, Joshua?” “À ở đó có những bãi tắm như vậy mà. Trần truồng thì cũng là điều tự nhiên chứ ạ”. “Được rồi, mẹ sẽ xem xét chuyện đó”. “Thế chúng ta có đi câu cá ở ngoài khơi được không?” Jennifer tưởng tượng ra cảnh Joshua cố sức kéo một con cá lớn và cô cố nhịn cười: “Chúng ta sẽ xem sau. Ở đó có nhiều cá to lắm đấy”. “Thế mới thú chứ”, Joshua nghiêm giọng giảng giải “Nếu dễ dàng thì chả có gì hay nữa, không còn là một môn thể thao nữa”. Dường như Adam đang nói vậy. “Cái đó thì mẹ công nhận”. “Chúng ta có thể làm gì ở đấy nữa?” “À chúng ta sẽ cưỡi ngựa, leo núi, ngắm cảnh”. “Nhưng đừng có đi xem nhiều nhà thờ quá mẹ nhé. Chúng chẳng có gì khác nhau cả”. Adam từng nói, nếu em thấy một nhà thờ coi như em đã thấy tất cả. Đại hội bắt đầu vào ngày thứ hai. Jennifer, Joshua và bà Mackey đến Acapulco vào thứ sáu tuần trước đó, trên một chiếc máy bay phản lực Boaniff. Joshua đã đi máybay rất nhiều lần nhưng cậu vẫn thấy thích thú. Bà Mackey thì lại hoảng sợ. Joshua an ủi bà: “Hãy tưởng tượng thế này. Nếu chúng ta gặp tai nạn, thì chỉ đau một giây thôi”. Bà Mackey tái mặt. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Benito Juarez vào lúc bốn giờ chiều và một tiếng sau cả ba đã đến khách sạn Las Brisas. Khách sạn này cách Acapulco tám dặm, gồm nhiều ngôi nhà màu hồng rất đẹp trên một quả đồi. Khu nhà mà Jennifer thuê có cả bể bơi riêng. Rất khó thuê chỗ ở khách sạn này, vì vào thời gian này có rất nhiều hội nghị ở Acapulco và thành phố trở nên quá chật chội. Nhưng Jennifer đã gọi điện trước cho một khách hàng của mình, và chỉ một tiếng sau cô được thông báo là Las Brisas đang nóng lòng chờ cô. * * * * * Sau khi đã sắp xếp đồ đạc xong, Joshua hỏi: “Chúng ta có thể xuống phố nghe nói chuyện được không nhỉ? Con chưa bao giờ đến nước nào mà ở đó người ta không nói tiếng Anh”. Cậu nghĩ thêm một lát và nói tiếp “Nếu không kể nước Anh”. Họ đi vào trung tâm thành phố và đi quanh Acapulco, khu vực nhộn nhịp nhất ở đó, nhưng Joshua hết sức thất vọng vì chỉ nghe thấy mọi người nói tiếng Anh. Acapulco đầy khách du lịch Mỹ. Họ đi dọc theo khu chợ ở phần thành phố cổ, ở đó hàng trăm người bán hàng rong đủ thứ hàng hóa. Buổi chiều họ đi xe ngựa đến Pie dela Euesta, bãi biển hoàng hôn và sau đó trở lại thành phố. Họ ăn tối tại tiệm câu lạc bộ Armando. Bữa ăn thật tuyệt. “Con rất thích thức ăn Mexico”. Joshua tuyên bố. “Mẹ rất mừng”, Jennifer nói “Có điều đây là món ăn của Pháp”. “Thế nhưng chúng có mùi vị của Mexico”. Thứ bảy là một ngày bận rộn. Buổi sáng họ đi mua đồ ở Quebrada, nơi có những cửa hàng tốt nhất và sau đó ăn trưa tại Coyuca 22. Joshua bảo: “Có lẽ mẹ sẽ nói đây là món ăn của Pháp chứ gì?” “Không, đây là món ăn Mexicô chính hiệu bé ạ”. Họ đến khu nhà cao tầng gần Plaza Ctela và Joshua thấy tấm biển quảng cáo jailai ở trong. Cậu đứng nhìn, mắt tròn xoe, khiến Jennifer hỏi: “Con có thích xem cái trò chơi jailai không?” Joshua gật đầu: “Nếu như không tốn tiền quá. Nếu chúng ta hết tiền, chúng ta sẽ không về nhà được”. “Mẹ nghĩ chúng ta sẽ xoay sở được thôi”. Họ vào trong tòa nhà xem các đội chơi quyết liệt, Jennifer cá một đội cho Joshua và đội của cậu thắng. Khi Jennifer nhắc đến chuyện quay về khách sạn, Joshua liền đáp: “Ơ mẹ, chúng ta còn phải xem những người nhào lộn xuống nước đã chứ”. “Con không mệt chứ, Joshua?” “Nếu mẹ mệt, chúng ta phải nghỉ thôi. Con quên mất là mẹ đã có tuổi rồi đấy”. “Đừng lo cho tuổi tác của mẹ”. Jennifer quay sang bà Mackey. “Chị còn đủ sức không?” “Tất nhiên” Bà Mackey rên rỉ. Trò nhào lộn xuống nước diễn ra ở vách núi Quebrada. Jennifer, Joshua và bà Mackey đứng ở bục khán giả, trong khi những người nhào lộn lao từ độ cao 150 bộ xuống vịnh nước có đá ngầm, tính toán để khi họ rơi xuống, đợt sóng tiếp sau sẽ kéo họ ra biển. Chỉ một sai sót nhỏ cũng đưa đến cái chết tức thì. Khi trò diễn kết thúc, một chú bé đi thu tiền. “Xin quý ông, quý bà làm phúc cho một pê-sô”. Jennifer đưa cho nó năm pê-sô. Tối hôm đó Jennifer mơ thấy những người nhào lộn trên sóng nước. Khách sạn Las Brisas cũng có bãi biển riêng và sáng sớm chủ nhật Jennifer, Joshua và bà Mackey đi xuống bãi biển bằng một chiếc xe Jeep màu hồng không mui, mà khách sạn dành cho khách. Thời tiết thật là tuyệt. Bến cảng trông như một bức tranh sơn dầu màu xanh, được tô điểm bởi những chiếc ca nô và thuyền buồm. Joshua đứng ở mép nước, ngắm nhìn những người lướt ván lướt ngang qua. “Mẹ có biết là môn lướt ván được nghĩ ra đầu tiên ở Acapulco không?” “Không. Con nghe được điều đó ở đâu vậy?” “Có lẽ con đọc được ở một cuốn sách nào đó hoặc là con tự nghĩ ra”. “Mẹ chắc là con tự nghĩ ra đấy”. “Điều đó có nghĩa là con không được lướt ván phải không ạ?” “Những chiếc ca nô này chạy nhanh. Con không sợ à?” Joshua ngẩng lên nhìn những người lướt ván đang nhào lộn trên mặt nước. Người đàn ông đó nói: “Tao sẽ đưa mày đến chỗ chúa Giê-su. Rồi sau đó đóng đinh lên tay con”. Đó là lần đầu tiên cậu nhắc tới quá khứ kinh khủng mà cậu đã trải qua. Jennifer quỳ xuống ôm lấy con trai. “Điều gì làm con nhắc đến chuyện ấy, hả Joshua?” Cậu nhún vai. “Con chẳng biết. Con đoán chắc là vì Chúa Giê-su đi trên mặt nước và tất cả mọi người ngoài kia cũng đang đi trên mặt nước”. Cậu bỗng nhận thấy vẻ hoảng hốt trên khuôn mặt của mẹ. “Con xin lỗi, mẹ yêu quý. Con chẳng mấy nghĩ đến chuyện đó đâu, thật đấy”. Jennifer ôm chặt lấy con và thốt lên: “Mọi chuyện ổn cả thôi, bé yêu ạ. Tất nhiên con có thể đi lướt ván. Chúng ta hãy ăn trưa cái đã”. Tiệm ăn ngoài trời ở La Concha có những dãy bàn sắt phủ khăn trải bàn màu hồng, được che nắng bằng những chiếc ô tua sọc trắng sọc hồng. Các món nhiều không thể tả xiết. Có tôm cua tươi cùng với cá hồi, thịt nóng và nguội. Lại còn xalat, nhiều loại rau sống, rau chín, pho mát và hoa quả. Có một dãy bàn dành riêng. Bày các món tráng miệng. Hai người phụ nữ quan sát Joshua đứng dậy và lấy thêm thức ăn vào đĩa tới ba lần, trước khi cậu ngồi xuống vẻ thỏa thuê ra mặt. “Đây là một khách sạn rất tốt”. Cậu tuyên bố. “Con chẳng cần biết đó là món ăn của nước nào”. Cậu đứng dậy. “Con sẽ đi xem ván lướt có tốt không”. Bà Mackey hầu như chưa động đến món nào hết. “Chị có mệt không đấy?” Jennifer hỏi. “Hình như chị chưa ăn uống gì thì phải”. Bà Mackey ghé sát vào cô và nói: “Tôi sợ sự trả thù của Montezuma lắm?” “Em nghĩ là chị không cần lo đến chuyện đó ở nơi đây”. “Tôi không chịu nổi các món ăn nước ngoài”. Joshua chạy lại chỗ hai người: “Con đã thuê được thuyền máy rồi. Con đi lướt ván bây giờ mẹ nhé”. “Con không định nghỉ một lát à!” “Để làm gì cơ ạ?” “Joshua, con sẽ chìm cùng với tất cả thức ăn mà con vừa ăn mất thôi”. “Mẹ hãy cho con đi?” Cậu van nài. Trong khi bà Mackey ngắm nhìn bãi biển, Jennifer và Joshua lên thuyền máy và Joshua học bài đầu tiên về lướt ván. Năm phút đầu cậu ngã liên tục xuống nước và sau đó đã thành thục như thể sinh ra đã là một người lướt ván giỏi rồi. Đến chiều Joshua đã có thể làm trò trên một bàn trượt, và trượt trên gót chân mà không cần ván trượt nữa. Gần tối họ nằm dài trên bãi cát và thỉnh thoảng nhẩy xuống biển tắm. Trên đường trở về Las Brisas, Joshua rúc đầu vào nách Jennifer thủ thỉ: “Mẹ biết không, con nghĩ có lẽ hôm nay là ngày đẹp nhất đời con đấy”. Lời nói của Michael chợt hiện lên trong đầu cô: Anh muốn em biết rằng đây là đêm tuyệt vời nhất trong đời anh. Sáng thứ hai, Jennifer dậy sớm, trang điểm để đi dự họp. Cô mặc chiếc váy xanh sẫm dài chấm gót và chiếc áo bluson hở vai thêu những bông hồng đỏ to tướng để lộ nước da mịn rám nắng. Cô tự ngắm mình trong gương và thấy thích thú. Mặc dù cậu con trai nghĩ cô đã là người đàn bà có tuổi, Jennifer biết rằng cô trông giống như một người chị xinh đẹp ba mươi tư tuổi của cậu hơn. Cô tự cười mình và nghĩ rằng kỳ nghỉ này quả là thú vị. Jennifer nói với bà Mackey: “Em phải đi họp bây giờ đây. Chị trông Joshua cẩn thận vào nhé. Đừng để nó phơi nắng nhiều quá”. * * * * * Khu trung tâm họp hội nghị bao gồm năm tòa nhà lớn có chung hàng hiên tròn có mái che, nằm trên một thảm cỏ xanh rộng chừng 35 mẫu. Trong vườn có đặt đầy những tượng đài của thời trước khi Côlômbô tìm ra châu Mỹ. Đại hội Hội luật gia diễn ra trong phòng họp chính với 7.500 đại biểu tham dự. Jennifer đến bàn làm thủ tục, ký tên và bước vào phòng. Trong phòng chật ních người. Cô nhận ra một số bạn bè và người quen trong đám đông. Hầu hết bọn họ đã thay bộ com-lê cravate cổ truyền bằng những chiếc áo thể thao và quần sooc sặc sỡ. Dường như tất cả mọi người đang đi nghỉ hè. Có một lý do rất hay, Jennifer nghĩ, cho việc tổ chức Đại hội ở Acapulco chứ không phải Ở Chicago hay Detroi. Mọi người có thể bỏ bộ comlê chật cứng và dạo chơi đưới ánh nắng hè nhiệt đới. Jennifer được phát một bản chương trình ở cửa ra vào nhưng vì mải nói chuyện với bạn bè cô không để ý đến nó. Một giọng ồm ồm bắt đầu vang lên trên loa. “Xin chú ý! Mời các vị ổn định chỗ ngồi. Xin chú ý. Chúng ta sẽ bắt đầu cuộc họp bây giờ. Đề nghị tất cả ngồi xuống”. Những nhóm người đang say sưa trò chuyện miễn cưỡng tản ra để tìm chỗ ngồi. Jennifer ngẩng đầu lên và thấy có gần chục người đàn ông đã ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Người ngồi giữa là Adam Warner. Jennifer lặng người đi. Cô thấy tim mình bắt đầu đập mạnh. Lần cuối cùng cô nhìn thấy Adam là lúc họ cùng ăn trưa ở một hiệu ăn Ý, hôm đó anh nói với cô rằng Mary Beth đã có mang. Phản ứng đầu tiên của Jennifer là muốn chạy trốn. Cô không nghĩ rằng Adam sẽ đến đây và cô không chịu được cảnh gặp mặt anh. Adam và con trai của anh cùng ở trong một thành phố, điều đó làm cô hoảng sợ. Jennifer hiểu rằng cô phải nhanh chóng đi khỏi đây. Cô định đi ra khỏi phòng đúng lúc chủ tọa hội nghị nói qua loa: “Nếu tất cả quý ông, quý bà đã ổn định chỗ ngồi, chúng ta sẽ bắt đầu ngay bây giờ”. Mọi người xung quanh cô lục tục ngồi cả xuống và Jennifer thấy mình nổi bật lên vì vẫn đang đứng. Cô đành ngồi xuống ghế và quyết tâm sẽ bỏ ra về ngay khi có cơ hội. Chủ tọa tiếp tục: “Sáng hôm nay chúng ta có vinh dự lớn, và trong số khách mời phát biểu ý kiến có một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Ông là một thành viên của Hội luật gia New York và là một trong những thượng nghị sĩ xuất sắc nhất của Hoa Kỳ. Xin hân hạnh được giới thiệu Thượng nghị sĩ Adam Warner”. Jennifer ngắm nhìn Adam khi anh đứng dậy nhận lấy những tràng vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Anh bước đến bên micro và nhìn khắp phòng. “Cám ơn ngài chủ tịch, cám ơn quý ông, quý bà”. Giọng Adam trầm ấm, anh có một vẻ uy quyền khiến người ta phải hoàn toàn chú ý. Trong phòng trở nên im lặng hoàn toàn. “Có rất nhiều lý do khiến chúng ta gặp nhau hôm nay”. Anh dừng một chút “Có người thích đến đây để bơi, cũng có người thích lặn...” Tiếng cười tán thưởng lan khắp phòng. “Nhưng lý do chính khiến chúng ta đến đây là để trao đổi ý kiến, kiến thức và thảo luận về những khái niệm mới. Ngày nay, các luật gia bị chỉ trích nhiều hơn bao giờ hết. Thậm chí ngài chánh án tòa án tối cao cũng chỉ trích mạnh mẽ nghề chúng ta”. Jennifer yêu cách dùng từ chúng ta của anh. Nó làm cho anh hòa nhập với tất cả mọi người. Cô không tập trung nghe anh nói nữa mà chỉ ngắm anh, nhìn những cử chỉ của anh. Đến một đoạn, anh dừng lời để vuốt tóc và Jennifer thấy hoảng sợ. Đó là cử chỉ Joshua hay làm. Con trai của Adam chỉ ở cách đây vài dặm và Adam chẳng bao giờ biết điều đó. Giọng Adam đã trở nên mạnh mẽ và dứt khoát hơn: “Một số người ở đây là luật gia hình sự. Tôi luôn cho rằng đó là một ngành thú vị nhất của nghề luật. Các luật gia hình sự giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản và tính mạng của con người. Đó là một ngành rất cao quý và chúng ta có thể tự hào về nó. Tuy nhiên”, Giọng anh trở nên gay gắt “Có vài người trong số họ”, Jennifer nhận thấy Adam đã tách mình ra bằng cách chọn đại từ “họ” - “đã phản bội lời thề mà họ đã từng thề. Hệ thống luật pháp nước Mỹ dựa trên quyền bất khả xâm phạm của mọi công dân được xét xử công bằng. Nhưng khi luật pháp bị coi thường, khi các luật sư sử dụng thời gian và nhiệt tình, trí tưởng tượng và kỹ xảo của họ để tìm cách thách thức pháp luật, tìm cách đảo ngược cán cân công lý, lúc đó tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm một việc gì đó”. Mọi cặp mắt trong phòng dán chặt vào Adam. “Thưa quý ông quý bà, tôi nói điều này xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân tôi và sự phẫn nộ sâu sắc trước những điều mà tôi thấy đang diễn ra. Hiện nay tôi đang đứng đầu một Ủy ban của Thượng nghị viện điều tra về tội phạm có tổ chức ở Hoa Kỳ, Ủy ban của tôi nhiều lần bị những thế lực coi mình có quyền lực hơn cơ quan pháp luật cao nhất của đất nước ngăn cản và phá hoại. Tôi đã thấy những thẩm phán bị mua chuộc, gia đình của các nhân chứng bị đe doạ, những nhân chứng chủ chốt bị mất tích. Tội ác có tổ chức ở đất nước chúng ta giống như một con trăn nguy hiểm bóp nghẹt nền kinh tế, nuốt chửng các tòa án và đe dọa chính cuộc sống của tất cả chúng ta. Đại đa số các luật sư của chúng ta là những người đáng kính và làm những công việc cao quý, nhưng tôi muốn cảnh cáo thiểu số những người cho rằng luật của bọn mafia cao hơn luật của chúng ta. Các vị đang phạm một sai lầm nghiêm trọng và các vị sẽ phải trả giá cho sai lầm đó. Xin cảm ơn”. Adam ngồi xuống giữa tiếng vỗ tay vang dội khắp căn phòng. Jennifer cũng đứng dậy vỗ tay cùng với những người khác, nhưng cô lại nghĩ đến những lời cuối cùng của Adam. Dường như anh nói trực tiếp với cô Jennifer bắt đầu bước tới gần lối ra, vừa đi vừa đẩy mọi người để rẽ lối. Khi Jennifer ra gần tới cửa, cô gặp một luật sư người Mexico mà cô đã có dịp làm việc cùng một năm trước đây. Anh ta hôn tay cô một cách lịch sự và nói: “Thật là một vinh dự lớn là bà lại đến đất nước của chúng tôi, bà Jennifer. Bà nhất định phải ăn tối với tôi hôm nay nhé”. Jennifer và Joshua đã định đến rạp Mara Elena buổi tối để xem các điệu múa dân gian. “Xin lỗi, ông Luis ạ. Tối nay tôi bận rồi”. Cặp mắt to và ướt của anh ta lộ rõ vẻ thất vọng. “Tối mai vậy, được không?” Trước khi Jennifer kịp trả lời, một trợ lý cho chưởng lý New York đã đến bên cạnh cô. “Đây rồi, xin chào”. Anh ta nói. “Cô làm gì với anh chàng ngớ ngẩn này vậy. Đi ăn tối hôm nay với tôi đi, có một tiệm ăn Mexico tên là Nepentha với sàn kính được chiếu sáng từ dưới lên và gương ở trên trần”. “Nghe hấp dẫn quá nhỉ, nhưng tối nay tôi bận rồi”. “Cảm ơn nhé”. Vài phút sau, Jennifer bị vây quanh bởi một đám luật gia mà cô đã cộng tác hoặc là đối thủ trên khắp đất nước. Cô là một nhân vật nổi tiếng và mọi người ai cũng muốn nói chuyện với cô. Phải mất hơn nửa tiếng Jennifer mới thoát họ ra được. Cô bước vội ra hành lang và khi cô đến gần lối ra, Adam đang tiến về phía cô, vây quanh là các phóng viên và cảnh sát mật. Jennifer định thoái lui nhưng đã quá muộn. Adam đã nhìn thấy cô. “Jennifer?” Trong khoảnh khắc cô đã định vờ như không nghe thấy anh gọi, nhưng cô không thể làm anh bị ngượng trước đám đông. Cô sẽ chào anh thật nhanh và tiếp tục đi. Cô thấy Adam tiến đến gần, vừa đi vừa nói với đám phóng viên: “Tôi không có gì để nói thêm nữa, thưa quý ông quý bà”. Một giây sau Adam đã cầm tay cô, nhìn sâu vào mắt cô và dường như mới gặp nhau ngày hôm qua. Họ đứng trong hành lang, vây quanh họ là bao nhiêu người nhưng họ cảm thấy như chỉ có hai người. Jennifer không biết Adam và cô đã đứng đó nhìn nhau bao lâu. Cuối cùng Adam thốt ra: “Anh nghĩ là chúng ta nên uống một chút gì đi”. “Tốt hơn hết là chúng ta đừng uống gì”. Cô phải ra khỏi chỗ này ngay. Adam lắc đầu: “Không được!” Anh khoác vai cô, và dẫn cô tới tiệm giải khát đông nghịt. Họ tìm một chiếc bàn ở cuối phòng. “Anh gọi điện và viết cho em biết bao nhiêu lần”, Adam nói “Em không hề gọi lại cho anh và những bức thư của anh bị gửi trả lại”. Anh nhìn cô, mắt đầy vẻ dò hỏi. “Không một ngày nào anh không nghĩ đến em. Vì sao em lại biến đi như vậy?” “Đó là một phần trò ảo thuật của em”. Jennifer nói đùa. Một người phục vụ tới bên họ. Adam quay sang Jennifer: “Em uống gì?” “Em không uống đâu. Em phải đi đây, thật đấy, Adam ạ”. “Em không thể đi được. Hôm nay là một ngày lễ. Ngày kỷ niệm cuộc cách mạng”. “Của họ hay của chúng ta?” “Có gì khác nhau nào?” Anh quay sang người phục vụ “Hai cốc-tai”. “Không”. “Em...” Thôi được, cô nghĩ, một cốc thôi. “Cho tôi cốc đúp” Jennifer nói với vẻ liều lĩnh. Người bồi bàn gật đầu đi. “Em đọc nhiều bài báo nói về anh”, Jennifer nói “Em rất tự hào về anh đấy, Adam ạ”. “Cám ơn em”, Adam ngập ngừng. “Anh cũng hay đọc nhiều về em”. Cô nhận thấy có điều gì không thoải mái trong giọng nói của anh. “Nhưng anh không tự hào về em chứ gì”. “Hình như em có quá nhiều khách hàng làm cho mafia đấy!” Jennifer bắt đầu thấy khó chịu. “Xin anh đừng lên lớp em nữa”. “Không phải vậy đâu, Jennifer. Anh lo cho em. Ủy ban của anh đang điều tra Michael Moretti và bọn anh sẽ tóm được hắn thôi”. Jennifer nhìn quanh tiệm đầy luật sư đang ngồi. “Vì Chúa, Adam, chúng ta đừng nói đến chuyện đó, nhất là lại ở đây”. “Vậy thì ở đâu?” “Chẳng ở đâu cả. Michael Moretti là khách hàng của em. Em không thể bàn chuyện của anh ta với anh được”. “Anh muốn nói chuyện với em, ở đâu được nhỉ?” Cô lắc đầu: “Em đã nói với anh là em...” “Anh phải nói về chuyện giữa chúng ta”. “Không còn chúng ta nữa đâu!” Jennifer bắt đầu đứng lên. Adam cầm tay cô. “Đừng đi. Anh không thể để em ra đi được đâu, ít nhất là trong lúc này”. Jennifer miễn cưỡng ngồi xuống. Adam nhìn cô chăm chú. “Có bao giờ em nghĩ đến anh không”. Jennifer ngẩng lên nhìn anh và cô không biết nên cười hay khóc. Cô có bao giờ nghĩ đến anh không! Anh sống trong căn nhà của cô. Cô hôn anh mỗi buổi sáng, làm bữa ăn sáng cho anh, đi bơi thuyền cùng anh và yêu anh. “Có...” Cuối cùng Jennifer nói “Em có nghĩ đến anh”. “Anh thật mừng vì điều đó. Em sống có hạnh phúc không?” “Tất nhiên”. Cô biết là mình đã nói ra câu ấy quá vội vã. Cô cố nói giọng bình thường. “Công việc làm ăn của em tốt đẹp, em có nhiều tiền, em hay đi đây đó, em gặp nhiều người đàn ông hấp dẫn. Vợ anh dạo này thế nào?” “Cô ấy khỏe”. - Anh nói nhỏ. “Thế còn con gái anh?” Anh gật đầu và khuôn mặt lộ vẻ tự hào. “Samantha thật tuyệt vời. Nó lớn nhanh ghê”. Cô bé bằng tuổi Joshua. “Em đã lập gia đình chưa?” “Chưa”. Họ im lặng hồi lâu và sau đó Jennifer cố gắng tiếp tục câu chuyện, nhưng cô đã chần chừ quá lâu. Đã quá muộn. Adam nhìn vào mắt cô và anh hiểu hết mọi chuyện ngay lập tức. Anh nắm chặt bàn tay cô. “Ôi, Jennifer. Ôi, em yêu quý của anh” Jennifer thấy máu như dồn hết về mặt. Cô biết đây là một sai lầm ghê gớm của mình. “Em phải đi đây, Adam. Em có hẹn rồi mà”. “Bỏ cuộc hẹn ấy đi”. Anh van nài. “Em xin lỗi, không thể được anh ạ”. Tất cả những gì mà cô muốn bây giờ là ra khỏi nơi đây và cùng với con trai bay ngay về nhà. “Anh định bay về Washington chiều nay. Anh có thể bố trí ở lại sáng mai nếu tối nay chúng ta gặp nhau”. “Ồ không, không đâu?” “Jennifer, anh không để em lại bỏ đi nữa đâu, không thể như thế này được. Chúng ta cần nói chuyện. Hãy ăn tối với anh”. Anh bóp chặt tay cô hơn nữa. Cô nhìn anh và cố gắng chống cự với tất cả sức lực của mình và thấy yếu dần. “Đừng anh Adam” Cô năn nỉ. “Chúng ta không được để mọi người nhìn thấy đi cùng nhau. Nếu anh đang săn đuổi Michael Moretti...” “Chuyện này chẳng có gì liên quan đến Michael Moretti cả. Một người bạn đã hứa cho anh mượn chiếc thuyền của anh ta. Chiếc thuyền có tên là Paloma Blanca. Nó đang đậu ở câu lạc bộ bơi thuyền. Tám giờ tối nhé.” “Em sẽ không đến đâu”. “Anh sẽ đến. Và anh sẽ đợi em”. Phía bên kia căn phòng, Nick Vito đang ngồi với hai cô gái điếm Mêxico mà một người bạn vừa giới thiệu cho hắn. Cả hai đều xinh đẹp, táo tợn và vị thành niên, đúng kiểu mà Nick Vito thích. Bạn hắn hứa là các cô gái sẽ rất đặc biệt và hắn nói đúng. Họ mơn man thân thể hắn, thì thào hứa hẹn khoái lạc vào tai hắn, nhưng Nick Vito không nghe họ. Hắn đang nhìn ngang căn phòng tối, nơi Jennifer Parker và Adam Warner đang ngồi. “Chúng ta lên phòng anh đi”. Một cô gái đề nghị Nick. Nick Vito muốn đến chỗ Jennifer và người đàn ông lạ mặt đang ngồi để chào họ, nhưng hai cô gái đã luồn tay xuống giữa hai đùi hắn và sờ nắn rất khêu gợi. Hắn bắt đầu thấy rạo rực phát điên lên. “Ờ chúng ta lên gác đi”. Nick Vito nói. Chương 45 Paloma Blanca là một chiếc thuyền buồm có động cơ. Dưới ánh trăng trông nó thật lộng lẫy. Jennifer chậm rãi đến bên chiếc thuyền, luôn nhìn xung quanh xem có ai theo dõi cô không. Adam nói với cô là anh sẽ trốn những nhân viên bảo vệ và có vẻ như anh đã thành công. Sau khi đưa Joshua và bà Mackey đến rạp Maria Elena, cô gọi một chiếc taxi và xuống xe khi còn cách nơi thuyền đậu hai ba dãy nhà. Jennifer đã nhấc điện thoại gần chục lần để gọi cho Adam, nói rằng cô sẽ không đến gặp anh. Cô còn viết một lá thư nhưng sau đó lại xé đi. Từ lúc cô chia tay với Adam ở quán giải khát, Jennifer luôn có cảm giác tự giận mình vì thiếu dứt khoát. Cô nghĩ đến tất cả những lý do vì sao cô không nên gặp Adam. Nó chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cả, thậm chí còn có hại cho cả hai người. Sự nghiệp của Adam sẽ bị đe doạ. Anh đang được công chúng rất mến mộ, nhân vật lý tưởng trong thời đại đầy nhiễu nhương này, là niềm hy vọng về tương lai của đất nước. Anh được báo chí ca ngợi hết lời nhưng cũng chính giới báo chí sẽ dìm anh xuống bùn đen, nếu anh phản bội hình tượng mà họ đã tạo ra cho anh. Và Jennifer quyết định sẽ không gặp anh. Cô đã là một người khác, sống một cuộc đời khác và giờ đây cô thuộc về Michael Moretti... Adam chờ cô ở chỗ cầu tầu. “Anh đã lo là em không đến”. Anh nói. Cô ngả vào lòng anh và họ bắt đầu hôn nhau. “Đội thủy thủ đâu rồi, Adam?” Cuối cùng, Jennifer hỏi. “Anh cho họ nghỉ. Em còn nhớ cách lái thuyền không?” “Em vẫn nhớ”. Họ giương buồm, tháo neo và mười phút sau Paloma Blanca đã rời khỏi cảng ra biển khơi. Nửa tiếng đầu họ phải bận rộn với công việc điều khiển con thuyền nhưng không có lúc nào họ không để ý đến nhau. Căng thẳng mỗi lúc một tăng và cả hai biết rằng những gì sắp xảy ra là không thể tránh khỏi. Cuối cùng thì họ đã bắt được luồng gió. Adam dịch đến bên Jennifer và quàng tay qua người cô. Họ làm tình trên boong tàu, dưới ánh sao đêm và những làn gió biển dịu nhẹ mơn man thân thể trần truồng của họ. Quá khứ và tương lai dường như tan biến mất và chỉ có hiện tại giữa hai người với nhau trong những khoảnh khắc bồng bềnh sung sướng mà cũng rất vội vã. Vì Jennifer hiểu rằng đêm nay trong tay Adam không phải là sự mở đầu. Đó là sự kết thúc, không có cách nào khác để hàn gắn hai thế giới riêng biệt của họ nữa. Họ đã đi quá xa và không còn con đường trở lại. Không bao giờ nữa. Cô sẽ luôn có một phần của Adam ở trong Joshua và thế là đủ đối với cô, cô phải tự bằng lòng với điều đó. Đêm nay sẽ còn mãi với cô cho đến hết cuộc đời. Họ nằm bên nhau, lắng nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Adam nói: “Ngày mai...” “Đừng nói gì anh” Jennifer thì thào. “Yêu em đi. Adam”. Cô hôn nhẹ vào khoé môi anh và lướt nhẹ bàn tay dọc theo thân hình mảnh và rắn chắc của anh. “Trời ơi, Jennifer” Adam rên lên và anh bắt đầu hôn khắp người cô. Chương 46 “Cái thằng tồi đó cứ định hại tao”, Salvatore Fiore bé nhỏ than phiền “vì vậy cuối cùng tao phải thịt nó”. Nick Vito cười phá lên, vì hắn biết kẻ nào ngu ngốc định hại thằng cha này nhất định sẽ bị thịt trước. Nick Vito cùng với Salvatore Fiore và Joseph Colella đang vui vẻ tán gẫu trong bếp của trang trại, chờ cho cuộc họp trong phòng khách kết thúc. Thằng cha nhỏ bé cùng với tên khổng lồ chính là những người bạn tốt nhất của hắn. Chúng đã vào sinh ra tử có nhau. Nick Vito nhìn hai thằng bạn và sung sướng nghĩ, chúng như là anh em của mình vậy. “Thằng anh họ Pete của mày độ này ra sao rồi?” Nick Vito hỏi tên Collela khổng lồ. “Nó gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng chắc chắn nó sẽ giải quyết được thôi”. “Thằng cha thật hay”. “Pete chơi được lắm, có điều nó hay gặp vận rủi. Một lần nó cướp nhà băng và suýt nữa bị bọn cớm tóm. Nhưng cuối cùng nó vẫn thoát”. “Vậy hả. Thằng cha cừ thật”. “Ừ. Hắn toàn làm ăn lớn thôi”. Từ phòng khách vọng ra những giọng nói gay gắt và giận dữ. Chúng lắng nghe một lát. “Hình như Colfax bị xếp đì thì phải”. Thomas Colfax và Michael Moretti đang ngồi trong phòng thảo luận về việc mở rộng sòng bạc lớn ra cho gia đình ở Bahamas, Michael đã cử Jennifer phụ trách công việc đó. “Anh không thể làm thế được Mike ạ”. Colfax phản đối. “Tôi biết tất cả các chàng trai ở đó, cô ta chẳng biết ai cả. Anh phải để tôi phụ trách việc này”. Hắn biết mình đã nói hơi to, nhưng không thể tự kiềm chế được. “Quá muộn rồi”. Michael nói. “Tôi không tin cô gái này. Cả Tony cũng vậy”. “Tony không còn làm với chúng ta nữa”. Giọng Michael bình tĩnh một cách đáng sợ. Thomas Colfax lập tức hiểu rằng phải rút lui ý kiến của mình. “Ồ chắc chắn rồi, Mike. Tôi chỉ nói là cô gái này không họp với công việc. Cô ta rất giỏi, nhưng tôi phải báo trước để anh biết cô ta có thể làm chúng ta sập tiệm đấy”. Chính Thomas Colfax mới là người Michael lo ngại. Ủy ban điều tra tội ác do Warner đứng đầu đang hoạt động đến mức tối đa. Khi họ tóm được Colfax, liệu hắn sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi phun ra hết. Hắn biết nhiều về gia đình hơn là Jennifer Parker rất nhiều. Colfax chính là người có thể tàn phá tất cả và Michael không tin hắn ta. Thomas Colfax nói: “Đưa cô ta đi đâu đó một thời gian. Cho đến khi cuộc điều tra này xẹp xuống. Cô ấy chỉ là một người đàn bà. Nếu bọn chúng gây sức ép với cô ta, cô ta sẽ khai ra hết”. Michael nhìn hắn một lát và đi đến quyết định. “Được rồi, Tom. Có lẽ anh nói đúng phần nào. Jennifer có lẽ cũng không nguy hiểm mấy đâu, có điều nếu cô ta không phải là người của chúng ta một trăm phần trăm, cần gì phải liều một cách vô ích nhỉ”. “Đó cũng chính là điều mà tôi muốn đấy, Mike ạ”. Thomas Colfax đứng dậy nhẹ nhõm. “Anh quyết định thật sáng suốt”. “Tôi biết”. Michael quay ra phía bếp và gọi to “Nick!” Một lát sau Nick Vito xuất hiện. “Anh sẽ đưa ngài cố vấn về New York nhé!” “Tất nhiên, thưa sếp”. “À Trên đường về anh hãy chuyển cho tôi một kiện hàng nhé”. Hắn quay sang Thomas Colfax. “Anh không phản đối chứ?” “Tất nhiên là không rồi, Mike”. Hắn vẫn đang phấn chấn vì thắng lợi vừa đạt được. Michael Moretti nói với Nick Vito: “Lên đây. Nó đang ở trên gác”. Nick theo sau Michael lên phòng ngủ của hắn ta. Khi họ vào phòng, Michael đóng chặt cửa lại. “Tôi muốn anh dừng xe trước khi ra khỏi bang New Jersey”. “Xin tuân lệnh, thưa sếp”. “Tôi muốn anh quăng hộ một thứ rác rưởi”. Nick Vito ngây người ra không hiểu. “Viên cố vấn ấy” Michael giải thích. “À được rồi. Tôi sẽ theo lệnh ông”. “Vứt hắn xuống hố rác. Lúc đó sẽ chẳng có ai đâu”. Mười lăm phút sau, một chiếc xe sang trọng chạy về hướng New York. Nick Vito cầm tay lái và Thomas Colfax ngồi ở ghế bên. “Tôi rất mừng là Mike đã quyết định cho con chó đẻ đó ra rìa”. Thomas Colfax lên tiếng. Nick liếc nhìn viên luật sư đắc thắng ngồi cạnh mình. “Ừ hừm”. Thomas Colfax liếc nhìn đồng hồ đeo tay hiệu Baume và Mercier. Lúc này là ba giờ sáng, đã quá giờ đi ngủ của hắn rất lâu. Ngày hôm đó thật là dài và khó khăn đối với hắn. Mình đã quá già đối với những trận đánh kiểu này. Hắn nghĩ. “Chúng ta đi được nhiều chưa?” “Chưa đâu”. Nick lẩm bẩm. Tâm trí của Nick Vito đang xáo trộn. Giết người là một phần công việc của hắn và đó là phần việc mà hắn thích. Vì cảm giác về quyền lực của hắn có lúc ấy. Hắn có quyền lực tối thượng. Nhưng tối hôm nay hắn thấy khó chịu. Hắn không hiểu tại sao phải giết Thomas Colfax. Colfax là cố vấn, một người mà ai cũng cần đến khi gặp khó khăn. Sau ông trùm, cố vấn là người quan trọng nhất của Tổ chức. Hắn đã cứu Nick biết bao nhiêu lần. “Chó chết. Nick nghĩ. Colfax nói đúng. Mike đáng lẽ không được để một người đàn bà dính vào công chuyện. Đàn ông suy nghĩ bằng đầu óc còn đàn bà thì nghĩ bằng cái bướm của họ. Hắn mà nắm được Jennifer trong tay nhỉ! Hắn sẽ cối cho đến khi cô ta phải gào lên và rồi...” “Cẩn thận nào? Cậu định lao xuống hố đấy à?” “Xin lỗi!” Nick nhanh chóng lái xe vào đúng đường. Bãi rác chỉ còn cách một quãng ngắn nữa. Nỉck có thể thấy mạch máu đập nhanh hơn. Hắn lại liếc nhìn Thomas Colfax. Giết ông ta thật một việc quá dễ. Giống như là cho một đứa bé đi ngủ thôi mà. Nhưng mẹ kiếp, đó là một đứa bé không bình thường. Mike quyết định sai rồi. Đây là một tội lỗi. Giống như là giết chết ông bố già vậy. Hắn ước có Salvatore và Joe ở đây. Chúng sẽ bảo cho hắn biết cần phải làm gì. Nick đã thấy bãi rác phía bên phải xa lộ. Các dây thần kinh của hắn bắt đầu căng phồng lên, như thường thấy trước khi hắn bắn. Hắn ép tay trái vào hông và thấy khẩu súng ngắn 38 hiệu Smith và Wesson ở đó. “Đáng lẽ tao được một giấc ngon rồi”. Thomas Colfax ngáp. “Vâng”. Hắn sẽ ngủ một giấc dài, rất dài. Chiếc xe đã đến gần bãi rác. Nick kiểm tra kính chiếu hậu và nhìn trước mặt. Xung quanh không có một chiếc xe nào cả. Hắn đột ngột hãm phanh và nói: “Mẹ kiếp, hình như xe hết hơi rồi”. Hắn dừng xe bên vệ đường, mở cửa và bước xuống. Hắn rút súng ra khỏi vỏ rồi bước sang ghế bên kia. “Ông giúp tôi một tay với”. Thomas Colfax mở cửa và bước ra. “Tao cũng không thạo về...” Hắn thấy họng súng đen ngòm trong tay Nick và đứng lại. Hắn cố nuốt nước bọt. “Có, có chuyện gì vậy Nick?” Giọng hắn như vỡ ra. “Tao đã làm gì?” Đó chính là câu hỏi lởn vởn trong đầu Nick suốt buổi tối hôm đó. Có ai đó đã làm Mike mất trí. Colfax là người của bọn chúng. Khi em trai Nick bị bọn nhân viên Cục điều tra liên bang làm khó dễ, chính Colfax đã đứng ra cứu thằng bé. Rồi hắn còn làm việc cho nó nữa. Mình mang ơn ông ta, mẹ kiếp. Nick nghĩ. Hắn hạ súng xuống. “Thành thật mà nói, tôi cũng không biết nữa, ông Colfax ạ. Điều này phi lý quá”. Thomas Colfax nhìn hắn một lát rồi bảo: “Hãy làm việc mà anh phải làm đi, Nick”. “Chúa ơi, tôi không thể làm được ông là cố vấn của chúng tôi”. “Mike sẽ giết cậu nếu cậu tha tôi”. Nick biết rằng Colfax nói đúng sự thật. Michael Moretti là một người không bao giờ dung thứ cho sự bất tuân thượng lệnh. Nick nghĩ đến Tommy Angelo. Angelo lái xe trong một vụ cướp cửa hàng lông thú. Mike ra lệnh cho hắn phải hủy chiếc xe đó ở bãi xe thải gần New Jersey, Tommy Angelo đang vội tới một cuộc hẹn với bồ, vì thế hắn đã vứt chiếc xe ở phố Bờ Đông, nơi các nhân viên điều tra tìm ra nó. Ngày hôm sau Angelo biến mất và mọi người nói là xác hắn bị ép trong một chiếc xe Chevy cũ. Không có ai làm Michael Moretti tức giận mà còn sống sót. Nhưng vẫn có cách, Nick nghĩ. “Mike sẽ không biết đâu!” Nick nói. Đầu óc đần độn của hắn bỗng làm việc mau lẹ và sáng suốt không ngờ. “Nghe này” Hắn nói “Tất cả những gì mà ông phải làm là chuồn khỏi nước Mỹ cho mau. Tôi sẽ nói với Mike là tôi đã dấu xác ông xuống dưới bãi rác để cảnh sát không phát hiện ra. Ông có thể trốn ở Nam Mỹ hoặc ở đâu đó. Chắc ông có tiền ở nhà băng nước ngoài?” Thomas Colfax cố giữ cho giọng khỏi run lên vì một hy vọng bất ngờ. “Tôi có nhiều lắm, Nick ạ. Tôi sẽ cho cậu bao nhiêu...” Nick lắc đầu quầy quậy. “Tôi làm việc này không phải vì tiền. Tôi làm thế vì... vì sự kính trọng đối với ông. Có điều là, ông cũng phải bảo vệ tôi. Sáng mai ông có thể bay đi Nam Mỹ được không?” Thomas Colfax nói. “Không có vấn đề gì, Nick. Hãy chở tôi về nhà. Tôi để hộ chiếu ở đó”. Hai tiếng sau, Thomas Colfax đã ngồi trên máy bay của hãng hàng không Miền Đông. Nó bay về hướng thủ đô Washington. Chương 47 Đó là ngày cuối cùng của họ ở Acapulco, một buổi sáng tuyệt vời với những làn gió ấm áp nhẹ nhàng thổi qua các tấm lá cọ, tạo nên một giai điệu thú vị. Bãi biển La Concha đầy nghẹt người. Mọi người đều muốn tắm nắng một lần cuối cùng trước khi trở về với cuộc sống thường ngày của họ. Joshua, trong bộ đồ tắm ăn sáng qua quít. Trông cậu thật cân đối và khỏe mạnh. Joshua nói: “Con đã có bao nhiêu là thời gian để tiêu hóa thức ăn mẹ ạ. Bây giờ con đi lướt ván được chưa?” “Joshua, con vừa mới ăn xong thôi”. “Con có mức độ trao đổi chất cao lắm”. Cậu nghiêm mặt giảng giải “Vì vậy con tiêu hóa thức ăn rất là nhanh”. Jennifer bật cười. “Thôi được rồi. Vui vẻ nhé”. “Tất nhiên rồi. Mẹ xem con biểu diễn chứ?” Jennifer ngắm nhìn Joshua khi cậu chạy dọc theo cầu tầu đến chỗ một chiếc xuồng máy đang đỗ đợi. Cô thấy cậu nói chuyện với người lái thuyền một lúc rồi cả hai quay lại nhìn Jennifer. Cô ra hiệu đồng ý và người lái thuyền gật đầu trong khi Joshua bắt đầu xỏ chân vào ván trượt. Chiếc thuyền máy lao đi và Jennifer ngẩng lên nhìn Joshua bắt đầu vượt lên những ngọn sóng. Bà Mackey tự hào nói: “Cậu ấy đúng là một lực sĩ bẩm sinh, có đúng như vậy không?” Đúng lúc đó, Joshua quay lại vẫy Jennifer và mất thăng bằng, ngã đập đầu vào ván trượt, Jennifer đứng phắt dậy và bắt đầu chạy về phía cầu tầu. Một giây sau cô thấy Joshua nhô đầu lên khỏi mặt nước và nhìn cô miệng cười tươi. Jennifer đứng đó, tim đập thình thịch và theo dõi Joshua đeo lại ván trượt. Chiếc thuyền chạy vòng tròn và bắt đầu phóng về phía trước kéo Joshua đứng dậy trên mặt nước. Cậu quay lại lần nữa để vẫy Jennifer và tiếp tục trượt đi xa trên các ngọn sóng. Cô đứng đó, nhìn theo, tim vẫn run lên vì sợ hãi. Nếu có chuyện gì xảy ra với nó... Cô không biết các bà mẹ khác có yêu con như mình không, nhưng đối với cô tình yêu đó gần như vô lý. Cô có thể chết vì Joshua, hoặc giết người vì cậu. Mình đã giết người vì nó, cô nghĩ, qua tay Michael Moretti. Bà Mackey nói: “Cú ngã đó có vẻ nguy hiểm đấy”. “May mà nó không sao”. Joshua lướt ván gần một tiếng. Khi chiếc thuyền quay lại bến cậu bỏ dây kéo ra và khéo léo trượt vào bãi cát. Cậu chạy đến bên Jennifer, đầy phấn khích. “Mẹ biết không, có một tai nạn, không thể tưởng tượng được. Một chiếc thuyền buồm lớn bị lật và bọn con phải đỗ lại để cứu họ”. “Thật là tuyệt, bé ạ. Thế là con cứu được bao nhiêu người?” “Có sáu người”. “Và con kéo họ khỏi mặt nước chứ?” Joshua ngập ngừng. “À, thật ra bọn con không kéo họ khỏi mặt nước. Họ vẫn bám vào thuyền. Nhưng có lẽ họ sẽ chết đuối nếu bọn con không đi ngang qua đó”. Jennifer cắn môi để khỏi bật cười thành tiếng. “Mẹ hiểu rồi. Họ thật may mắn vì có bọn con đi ngang qua chứ gì?” “Đúng vậy đấy ạ!” “Con có bị đau lúc ngã không?” “Ồ có gì đâu” Cậu sờ phía sau đầu. “Con hơi bị sưng một chút”. “Để mẹ xem nào”. “Để làm gì cơ a? Mẹ biết là chả có gì đặc biệt đâu mà”. Jennifer cui xuống và nhẹ nhàng sờ tay vào phía sau đầu Joshua. Cô thấy một cục u to tướng. “Ối, nó to bằng quả trứng gà đây này”. “Không có vấn đề gì đâu mẹ ạ”. Jennifer đứng dậy. “Mẹ nghĩ là chúng ta nên về khách sạn đi thôi”. “Ở lại thêm một chút nữa nào mẹ”. “Không được đâu. Chúng ta còn phải xếp dọn đồ đạc. Chắc con không muốn lỡ trận đấu bóng vào thứ bảy chứ?” Cậu thở dài. “Không ạ. Thằng Terry Waters chỉ muốn vậy để chơi thay chỗ con thôi”. “Không được đâu. Cậu ấy chơi như con gái ấy mà”. Joshua gật đầu vẻ kiêu ngạo. “Đúng vậy đấy mẹ ạ”. Khi họ trở lại Las Brisas, Jennifer gọi điện cho giám đốc khách sạn yêu cầu cho một bác sĩ đến phòng của họ. Nửa tiếng sau bác sĩ đến. Đó là một người đàn ông Mexico trung niên, béo tròn trong bộ áo choàng trắng cổ điển, Jennifer dẫn ông vào. “Tôi có thể giúp gì bà nào?” Bác sĩ Raul Mendoza hỏi. “Con trai tôi bị ngã sáng nay. Nó bị một cục u to tướng trên đầu. Tôi muốn kiểm tra xem có vấn đề gì không”. Jennifer dẫn ông ta vào phòng Joshua, cậu đang xếp dọn quần áo “Joshua đây là bác sĩ Mendoza”. Joshua ngẩng đầu lên hỏi. “Có ai bị ốm ạ?” “Không, không có ai ốm cả, con ạ. Mẹ chỉ muốn bác sĩ xem qua chỗ ngã của con một chút”. “Trời ơi, đầu con có làm sao đâu kia chứ”. “Ừ. không sao đâu. Mẹ sẽ thấy yên tâm hơn nếu bác sĩ Mendoza xem cho con. Đừng cười mẹ nhé”. “Đúng là đàn bà?” Joshua nói. Cậu nhìn bác sĩ nghi ngờ. “Bác sẽ không tiêm hay chích gì cho cháu chứ ạ?” “Không đâu, thưa cậu. Tôi là một bác sĩ không gây đau”. “Đó chính là loại bác sĩ cháu thích đấy”. “Ngồi xuống một lúc nhé”. Joshua ngồi xuống bên cạnh giường và bác sĩ Mendoza sờ nắn khắp đầu cậu. Joshua co người lại vì đau nhưng cậu không kêu la gì hết. Bác sĩ mở túi thuốc và lấy ra một ống soi mắt. “Cậu hãy mở to mắt ra nào”. Joshua ngoan ngoãn vâng lời. Bác sĩ Mendoza nhìn qua ống kính. “Bác sĩ có thấy cô gái khỏa thân nào đang nhảy múa trong đó không”. “Joshua!” “Con chỉ hỏi vậy thôi mà”. Bác sĩ Mendoza kiểm tra mắt bên kia và nói với Joshua. “Cậu khỏe như một con bò mộng vậy. Có phải đó là một câu thành ngữ của người Mỹ không?” Bác sĩ đứng dậy và đóng túi thuốc. “Tôi sẽ đặt một cục đá lạnh vào chỗ sưng”. Ông nói với Jennifer. “Đến mai cậu bé sẽ hoàn toàn bình thường”. Dường như một tảng đá nặng đã được nhấc ra khỏi ngực Jennifer. “Cám ơn bác sĩ”. - Cô nói. “Tôi sẽ bảo thủ quỹ khách sạn thanh toán tiền khám với bà. Tạm biệt cậu bé nhé”. “Tạm biệt, bác sĩ Mendoza”. Khi bác sĩ đã đi khỏi Joshua quay sang mẹ: “Hình như mẹ thích ném tiền qua cửa sổ thì phải”. “Mẹ biết. Mẹ thích tiêu tiền cho những việc như mua thức ăn, sức khỏe của con...” “Con là người khỏe nhất trong đội bóng đấy”. “Tốt lắm. Cứ như vậy nhé!” Cậu toét miệng cười. “Con xin hứa”. Họ đáp chuyến máy bay sáu giờ tới New York và trở về Sands Point vào lúc đêm khuya. Joshua ngủ suốt dọc đường. Chương 48 Adam Warner đang ở trong phòng làm việc, chuẩn bị một bài diễn văn quan trọng sẽ phát trên vô tuyến, nhưng anh không tài nào tập trung tư tưởng được. Tâm trí anh tràn ngập hình ảnh Jennifer. Anh không nghĩ được đến việc gì khác kể từ khi từ Acapulco trở về. Gặp gỡ với cô chỉ càng khẳng định những gì anh đã biết từ lúc đầu. Anh đã có quyết định thật sai lầm. Đáng ra anh không bao giờ được bỏ Jennifer. Tiếp xúc lại với cô làm anh nhớ tới những gì mình đã có và đã vứt bỏ đi, và anh không chịu nổi ý nghĩ ấy. Anh đang ở trong một tình huống không có lối thoát. Một trường hợp không thể thắng như Blair Roman thường nói. Có tiếng gõ cửa và Chuck Morrison, trợ lý chính của Adam bước vào với một băng cát xét trên tay. “Tôi có thể nói chuyện với anh một chút được không Adam?” “Để sau được không hả Chuck? Tôi đang quá bận đây”. “Tôi nghĩ là không nên”. - Giọng của Morrison tỏ ra rất kích động. “Thôi được. Có gì khẩn cấp vậy?” Chuck Morrison bước đến gần. “Tôi vừa nhận được một cú điện thoại. Cũng có thể là của một thằng điên nào đó, nhưng nếu không phải thì chúng ta sẽ được ăn Nôen sớm năm nay. Nghe này”. Anh ta cho băng cát xét vào máy trên bàn Adam và ấn nút. “Ông nói tên ông là gì nhỉ?” “Điều đó không quan trọng. Tôi sẽ không nói với ai ngoài thượng nghị sĩ Adam Warner”. “Bây giờ ngài thường nghị sĩ rất bận. Anh có thế viết giấy và tôi sẽ chuyển”. “Không! Hãy nghe tôi nói đây này. Điều này rất quan trọng. Nói với thượng nghị sĩ Warner rằng tôi có thể nộp Michael Moretti cho ông ấy. Tôi đã liều mình gọi điện cho ông. Hãy chuyển lời cho thượng nghị sĩ Warner”. “Được rồi. Ông đang ở đâu?” “Tôi ở quán trọ Capitol trên phố Ba mươi hai. Phòng 14. Nói với ông ấy rằng đừng đến trước khi trời tối và phải biết chắc rằng không có ai bám theo ông ấy. Tôi biết ông đang ghi âm cuộc nói chuyện này. Nếu ông đưa cuốn băng này cho ai khác tôi sẽ bị giết”. Có tiếng máy dập và cuộn băng dừng lại. Chuck Morrison hỏi: “Anh thấy thế nào?” Adam thở dài. “Thành phố này không thiếu những kẻ điên rồ. Mặt khác thằng cha của chúng ta chắc biết cách nhử mồi, phải vậy không? Michael Moretti ấy mà!” Mười giờ tối hôm đó, Adam Warner có bốn cảnh sát mật hộ vệ cẩn thận gõ cửa phòng 14 quán trọ Capitol. Cửa hé mở. Khi Adam nhìn thấy khuôn mặt của người đàn ông bên trong phòng, anh quay lại nói với mấy người cảnh sát: “Đứng bên ngoài, không để ai đến gần chỗ này”. Cánh cửa mở rộng hơn và Adam bước vào phòng. “Xin chào ngài Thượng nghị sĩ Warner”. “Xin chào ông Colfax”. Hai người đàn ông đứng đó, thầm đánh giá nhau. Thomas Colfax trông già hơn nhiều so với lần cuối cùng Adam gặp hắn, nhưng có một sự thay đổi nữa hầu như không xác định được. Sau đó Adam nhận ra đó là gì. Sự sợ hãi. Thomas Colfax đang lo sợ. Hắn luôn là một người đàn ông tự tin, kiêu ngạo nữa, nhưng giờ đây sự tự tin đã biến khỏi hắn. “Cám ơn vì ngài đã đến, thưa thượng nghị sĩ”. - Giọng Colfax đầy căng thẳng và hồi hộp. “Tôi hiểu là ông muốn nói với tôi về Michael Moretti”. “Tôi có thể nộp hắn ta cho ngài”. “Ông là luật sư của Moretti. Vì sao ông lại muốn làm như vậy?” “Tôi có lý do của mình”. “Giả sử tôi đồng ý làm việc với ông. Ông hy vọng sẽ được đền đáp gì?” “Thứ nhất, tuyệt đối an toàn. Thứ hai, tôi muốn rời khỏi đất nước. Tôi sẽ cần hộ chiếu, giấy tờ... một lý lịch hoàn toàn mới”. Vậy là Michael Moretti đã có bất đồng với Thomas Colfax. Đó là lý do duy nhất cho những gì đang diễn ra. Adam khó có thể tin vào vận may của mình nữa. Đó là cơ hội tốt nhất mà anh có thể có. “Nếu tôi bảo đảm an toàn cho ông” Adam nói “... tôi cũng chưa hứa hẹn gì với ông cả đâu - Ông biết là tôi sẽ yêu cầu ông ra làm chứng trước tòa. Ông sẽ phải nói ra tất cả”. “Đồng ý”. “Moretti có biết ông đang ở đâu không?” “Hắn nghĩ là tôi đã chết”. Thomas Colfax cười run rẩy. “Nếu hắn tìm thấy tôi thì đúng là như vậy đấy”. “Hắn sẽ không tìm thấy ông nếu chúng ta hợp tác với nhau”. “Tôi giao phó tính mạng mình cho ngài đấy, ngài Thượng nghị sĩ ạ”. “Nói thật, tôi không quan tâm mấy đến ông đâu. Tôi cần Moretti. Hãy ngửa bài ra với nhau. Nếu chúng ta đạt được thỏa thuận, ông sẽ được chính phủ bảo vệ tới mức tối đa. Nếu tôi hài lòng với bản khai của ông, chúng tôi sẽ cấp đầy đủ tiền cho ông, để ông có thể sống ở bất cứ nước nào mà ông chọn dưới một tên giả. Để đáp lại ông phải đồng ý những điểm sau: ông phải khai đầy đủ về những hoạt động của Moretti. Ông sẽ phải khai báo trước tòa hội thẩm và khi chúng tôi đưa Moretti ra xử, ông sẽ phải là nhân chứng của chính phủ. Được chứ?” Thomas Colfax quay đi. Cuối cùng hắn nói: “Tony Granelli chắc sẽ phải dựng lên dưới mồ. Điều gì đã xảy ra với mọi người? Thế còn danh dự để ở đâu?” Adam không trả lời. Đây là người đã lừa dối pháp luật hàng trăm lần, đã cãi cho những tên giết thuê trắng án, người đã vạch kế hoạch cho hoạt động của tổ chức tội ác xấu xa nhất mà thế giới văn minh được biết đến. Vậy mà hắn lại còn nói đến danh dự. Thomas Colfax quay sang Adam. “Chúng ta đã thỏa thuận. Tôi muốn có văn bản và chữ ký của Bộ trưởng Bộ tư pháp”. “Ông sẽ có”. Adam nhìn căn phòng tồi tàn. “Hãy đi khỏi chỗ này thôi”. “Tôi không đến khách sạn đâu. Tai mắt của Moretti ở khắp mọi nơi”. “Chúng ta sẽ không đến đó”. Vào lúc 12 giờ 10 phút đêm, một chiếc xe tải quân sự được hộ tống bằng hai xe Jeep chở đầy lính thủy đánh bộ đỗ trước phòng 14. Bốn cảnh sát vũ trang bước vào phòng và một lát sau kèm sát Thomas Colfax ra chiếc xe tải. Cả ba xe sau đó rú ga lao về phía Quantico, bang Virginia, cách Washington 35 dặm về phía nam. Bốn mươi lăm phút sau đoàn xe tới căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Quantico. Chỉ huy căn cứ, thiếu tướng Roy Wallace và một nhóm lính thủy đã chờ sần ở cổng. Khi đoàn xe dừng lại tướng Wallace nói với viên đại úy chỉ huy toán lính: “Dẫn tù nhân này đến thẳng nhà kho. Không ai được nói chuyện gì với hắn”. Thiếu tướng Wallace theo dõi cho đến khi nhóm người vào khu nhà kho. Ông sẵn sàng đánh đổi một tháng lương để biết được lý lịch của người đàn ông trong xe tải. Vị tướng này quản lý một sân bay rộng 310 mẫu của lính thủy, một phần Học viện của FBI và nơi đây dùng làm trung tâm huấn luyện cho các sĩ quan hải quân Hoa Kỳ. Chưa bao giờ ông ta được yêu cầu giữ một tù dân sự. Đó là điều hoàn toàn trái với quy luật thông thường. Hai giờ trước đó ông vừa nhận được một cú điện thoại của chính chỉ huy lực lượng hải quân. “Có một người đàn ông đang trên đường đến căn cứ của anh, Roy ạ. Tôi yêu cầu anh dọn khu kho và giữ hắn ở đó cho đến khi có lệnh mới”. Tướng Wallace tưởng mình nghe nhầm. “Ngài nói là dọn kho ạ?” “Đúng vậy. Tôi muốn chỉ một mình người này ở đó thôi. Không ai được phép đến gần hắn ta. Tôi yêu cầu anh tăng gấp đôi lực lượng lính giữ kho. Hiểu chứ?” “Vâng, thưa tướng quân”. “Còn một điều nữa Roy. Nếu có gì xảy ra với người này khi hắn ở chỗ anh, tôi sẽ mất đầu đấy”. Và vị chỉ huy đặt máy. Tướng Wallace theo dõi chiếc xe tải đen khi nó vào tận khu kho, rồi quay trở vào phòng gọi điện cho viên sĩ quan phụ tá, đại úy Alvin Giles. “Về người mà chúng ta vừa đưa vào nhà kho...” Tướng Wallace nói. “Vâng, thưa thiếu tướng”. “Nhiệm vụ chính của chúng ta là bảo đảm an toàn cho hắn. Anh phải tự tay chọn lính gác. Không ai được đến gần hắn. Không có khách thăm, thư từ bưu kiện gì hết. Hiểu chưa?” “Vâng, thưa ngài”. “Anh phải có mặt ở bếp khi người ta nấu ăn cho hắn”. “Vâng, thưa thiếu tướng”. “Nếu có ai quá tò mò về hắn, báo cho tôi ngay lập tức. Còn hỏi gì nữa không?” “Không, thưa thiếu tướng”. “Tốt, à này. Nếu có gì xảy ra tôi sẽ mất đầu đấy”. Chương 49 Tiếng mưa rơi buổi sáng đánh thức Jennifer dậy và cô nằm trên giường lắng nghe tiếng tí tách trên nóc nhà. Cô liếc nhìn đồng hồ. Đã đến lúc phải dậy rồi. Nửa tiếng sau, Jennifer xuống nhà để cùng ăn sáng với Joshua ở phòng ăn. Cậu không có ở đó. Bà Mackey từ trong bếp đi ra. “Chào cô Parker”. “Chào chị, Joshua đâu rồi?” “Nó có vẻ mệt mỏi quá nên tôi muốn để nó ngủ thêm chút nữa. Ngày mai nó mới phải đi học cơ mà”. Jennifer gật đầu. “Chị làm thế đúng đấy”. Cô ăn sáng xong và lên gác để tạm biệt Joshua. Cậu vẫn ngủ say sưa trên giường. Jennifer ngồi xuống mép giường và nhẹ nhàng nói: “Ê bé lười có muốn tạm biệt mẹ không nào?” Cậu chậm chạp mở mắt. “Tất nhiên rồi, chào bạn”. Giọng cậu khê đặc vì ngái ngủ. “Con có phải dậy không đấy?” “Không đâu. Mẹ bảo này. Con có thể ngủ lười hôm nay được đấy. Ở nhà vui vẻ nhé. Ngoài trời mưa to lắm”. Cậu gật đầu uể oải. “Được rồi mẹ ạ”. Mắt cậu nhắm nghiền lại và cậu ngủ thiếp ngay đi. Jennifer ở tòa án suốt cả buổi chiều và khi cô xong việc trở về nhà đã là bảy giờ tối. Mưa lún phún suốt ngày và đến tối trời lại sập mưa xuống. Khi Jennifer lái xe về cô thấy ngôi nhà trông như một pháo đài. Bà Mackey mở của trước và giúp Jennifer cởi áo mưa. Jennifer giũ tóc cho khỏi ướt và hỏi : “Joshua đâu rồi?” “Nó đang ngủ”. Jennifer nhìn bà Mackey lo ngại: “Nó ngủ suốt cả ngày à?” “Trời đất, không đâu. Nó dậy và đi chơi suốt. Tôi đã làm xong bữa tối cho nó, nhưng khi tôi lên gác nó lại đang gà gật và tôi nghĩ là nên để nó yên”. “À ra vậy”. Jennifer đi lên gác và nhẹ nhàng bước vào phòng Joshua. Joshua đang ngủ. Jennifer cúi xuống và sờ trán cậu, không nóng. Sắc mặt cậu cũng bình thường. Cô bắt mạch cho cậu, không có gì đặc biệt ngoài trí tưởng tượng của cô. Có lẽ Joshua đã chơi quá sức ban ngày và lẽ tự nhiên là nó sẽ mệt vào buổi tối. Jennifer rón rén đi ra khỏi phòng và đi xuống nhà. “Chị làm bánh sandwich cho nó đi. Chị Mackey. Để ở đầu giường nó đấy. Khi thức dậy nó sẽ ăn bánh”. Jennifer ăn tối bên bàn làm việc, vừa ăn vừa đọc tài liệu chuẩn bị cho một vụ án ngày hôm sau. Cô định gọi điện cho Michael, báo cho hắn biết mình đã trở về, nhưng cô ngập ngừng chưa muốn gọi cho hắn ngay sau cái đêm ấy với Adam. ... Quá nửa đêm cô mới đọc xong. Cô đứng dậy vươn vai vặn mình cho đỡ mỏi cổ và mỏi lưng. Cô cho hết hồ sơ vào cặp, tắt đèn và đi lên gác. Cô đi ngang qua phòng Joshua và ngó vào. Cậu vẫn ngủ say. Những chiếc bánh sandwich trên cái kệ bên giường vẫn chưa hề được động tới. Sáng hôm sau khi Jennifer xuống phòng ăn, Joshua đã ở đó, ăn mặc chỉnh tề và chuẩn bị đi học. “Chào mẹ”. “Chào bé. Con khỏe chứ?” “Khỏe mẹ ạ. Hôm qua con mệt quá. Chắc là do nắng Mexico”. “Chắc vậy đấy”. “Acapulco đẹp thật. Kỳ nghỉ sau chúng ta lại đến đấy được không ạ?” “Tại sao lại không được nhỉ. Con có thích đi học không?” “Con từ chối trả lời vì nếu trả lời thì con sẽ là người có lỗi”. Vào buổi chiều khi Jennifer đang soạn thêm một bài phát biểu để đọc trước tòa thì Cynthia nối máy. “Em xin lỗi vì làm phiền chị, nhưng có một bà Stout muốn...” Đó là cô giáo chủ nhiệm của Joshua. “Chị sẽ nghe!” Jennifer nhấc ống nghe. “Xin chào bà Stout, có chuyện gì không hay chăng?” “À không. Mọi chuyện đều tốt cả thôi, bà Parker ạ. Tôi không muốn làm bà phải lo lắng. Tôi chỉ muốn gợi ý là Joshua nên được ngủ nhiều hơn nữa ở nhà”. “Thế là thế nào ạ?” “Cả ngày hôm nay em cứ ngủ gật suốt. Cả cô Williams và Toboco đều nhắc với tôi như vậy. Có lẽ chị nên cho cháu đi ngủ sớm hơn một chút”. Jennifer nhìn chằm chằm vào ống nghe. “Vâng, tôi sẽ làm như vậy”. Cô thong thả đặt máy và quay sang nhìn những người trong phòng đang theo dõi cô. “Tôi xin lỗi” - Cô nói. Cô đâm bổ sang phòng tiếp khách. “Cynthia, tìm Dan. Bảo anh ta viết nốt bài phát biểu cho tôi. Có chuyện không ổn rồi”. Cô phóng xe về nhà như một con điên vượt quá tốc độ cho phép vượt qua cả đèn đỏ, đầu óc tràn đầy những viễn cảnh kinh khủng về những gì đã xảy ra với Joshua. Chặng đường về nhà dường như dài vô tận và khi gần tới nơi, Jennifer trông đợi đường lên nhà sẽ đầy xe cứu thương và xe cảnh sát. Nhưng chẳng có ai ở đó cả. Jennifer đỗ xe trước cổng và chạy vội vào nhà. “Joshua!” Cậu bé đang ngồi trong phòng riêng xem một trận bóng đá trên tivi. “Chào mẹ. Mẹ về sớm thế. Hay bị đuổi việc rồi”. Jennifer đứng trên ngưỡng cửa nhìn cậu, người nhẹ hẳn đi. Cô thấy mình quá ngớ ngẩn. “Mẹ không được xem cú vừa rồi, tiếc quá. Craiy Swan chơi cực kỳ”. “Con thấy người thế nào?” “Khỏe mẹ ạ”. Jennifer đặt tay lên trán cậu. Đầu không nóng. “Con có chắc là không có chuyện gì không?” “Chắc chắn mẹ ạ. Mà sao trông mẹ buồn cười thế. Mẹ lo gì đấy ạ? Mẹ có muốn nói chuyện nghiêm chỉnh với con không đấy?” Cô mỉm cười. “Không đâu bé yêu ạ, mẹ chỉ... À mà, con có thấy đau đâu không?” Cậu rên lên: “Có đấy. Đội Mets đang bị thua 6-5 đây này. Mẹ có biết họ đã chơi như thế nào trong hiệp đầu không?” Cậu bắt đầu hào hứng kể lại cách chơi của đội bóng mình yêu thích. Jennifer đứng đó, nhìn cậu và thán phục. Cô nghĩ, “Trí tưởng tượng của mình quái gở thật! Con đang khỏe thế này cơ mà”. “Con xem nốt trận đấu đi. Mẹ chuẩn bị bữa tối đây”. Jennifer vào bếp, lòng nhẹ nhõm hẳn đi. Cô quyết định sẽ làm bánh chuối, món tráng miệng ưa thích của Joshua. Nửa tiếng sau khi Jennifer quay lại, Joshua đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà. * * * * * Chặng đường đến bệnh viện Blinderman dường như dài vô tận. Jennifer ngồi sau xe cấp cứu, nắm chặt tay Joshua. Một người y tá chụp mặt nạ oxy lên đầu Joshua. Cậu vẫn chưa tỉnh. Xe cấp cứu rú còi inh ỏi nhưng đường phố quá đông và nó không thể đi nhanh được. Trong khi đó những người tò mò ngó vào cửa xe, để nhìn người đàn bà mặt trắng bệch và một cậu bé bất tỉnh. Đối với Jennifer đó là một sự vi phạm đáng sợ đối với quyền riêng tư của con người. “Sao họ không dùng cửa kính một chiều ở xe cấp cứu nhỉ”. Jennifer chợt hỏi. Cô y tá nhìn lên hoảng sợ. “Gì cơ, thưa bà”. “À không, không có gì”. Cuối cùng thì chiếc xe cấp cứu cũng đã đỗ lại trước cửa vào khẩn cấp ở phía sau bệnh viện. Hai bác sĩ trực đã chờ sẵn ở cửa. Jennifer đứng đó bất lực nhìn người ta chuyển Joshua từ xe lên cáng. Một cô y tá hỏi: “Bà là mẹ cậu bé này à?” “Vâng”. “Mời bà đi lối này”. Tiếp sau đó là một mớ hỗn độn âm thanh, ánh sáng và chuyển động. Jennifer nhìn người ta đẩy Joshua trên xe dọc theo hành lang tới phòng X-quang. Cô định đi theo nhưng cô y tá đã nói: “Bà chờ để làm thủ tục cho cậu bé trước đã”. Một người đàn bà gầy gò ngồi trên bàn hỏi Jennifer. “Bà định thanh toán bằng cách nào đây? Bà có thẻ bảo hiểm y tế hoặc một hình thức bảo hiểm nào khác không?” Jennifer muốn chửi vào mặt mụ đàn bà đó, muốn quay lại ngay bên Joshua nhưng cô vẫn cố ép mình trả lời. Khi cô đã trả lời xong các câu hỏi, ghi vào một vài mẫu kê khai, họ mới để cô đi. Jennifer lao vội tới phòng X-quang và bước vào. Phòng vắng lặng, Joshua đã được đưa đi. Jennifer chạy trở lại lành lang, đảo mắt nhìn khắp chung quanh. Một người y tá đi ngang qua. Jennifer túm chặt tay cô ta. “Con tôi đâu rồi?” Cô y tá đáp: “Tôi không biết. Cháu tên là gì?” “Joshua. Joshua Parker”. “Chị để cháu ở đâu?” “Nó... nó đi chụp X-quang, nó...” - Jennifer bắt đầu nói lộn xộn. - “Họ đã làm gì nó rồi. Hãy nói cho tôi biết đi”. Cô y tá nhìn Jennifer chăm chú hơn và nói: “Chị chờ ở đây một chút. Tôi thử đi tìm cháu xem sao”. Vài phút sau cô ta quay trở lại. “Bác sĩ Morris muốn gặp chị. Mời chị đi lối này”. Jennifer thấy chân mình run bắn lên. Cô đi không vững nữa. “Chị có làm sao không?” Cô y tá lo ngại hỏi. Môi cô khô lại vì sợ hãi. “Tôi muốn gặp con tôi”. Họ bước vào một căn phòng đầy những dụng cụ lạ mắt. “Chị chờ ở đây nhé”. Một lát sau bác sĩ Morris bước vào. Ông ta là một người đàn ông to béo, mặt đỏ với những ngón tay vàng khè vì khói thuốc lá. “Bà là bà Parker?” “Joshua đâu rồi?” “Mời bà sang dây một lát”. Ông ta dẫn Jennifer sang một phòng nhỏ bên cạnh. “Mời bà ngồi”. Jennifer ngồi xuống ghế. “Joshua... nó có làm sao không hả bác sĩ?” “Chúng tôi chưa biết”. Giọng ông ta dịu dàng đến mức đáng ngạc nhiên. “Tôi cần biết một vài thông tin nữa. Con trai bà mấy tuổi rồi?” “Nó mới có bảy tuổi”. Câu trả lời vang lên như một lời trách móc đối với Chúa Trời. “Gần đây cháu có bị tai nạn gì không?” Jennifer chợt nhớ lại tất cả cảnh Joshua quay lại vẫy cô, và mất thăng bằng ngã đập vào ván trượt. “Nó bị tai nạn lúc đang lướt ván. Đầu đập vào ván trượt”. Bác sĩ bắt đầu ghi chép. “Chuyện đó xảy ra đã lâu chưa?” “Cách đây... cách đây vài hôm. Ở Acapulco”. Cô không thể suy nghĩ mạch lạc được nữa. “Sau tai nạn cháu vẫn bình thường chứ?” “Vâng. Cháu nó bị sưng u lên ở gần sau gáy, nhưng nó có vẻ vẫn khỏe”. “Bà có để ý thấy cháu bị lãng trí không?” “Không ạ”. “Cháu có thay đổi tính tình không?” “Không”. “Cháu có bị co giật hoặc đau đầu chứ?” “Không”. Bác sĩ ngừng viết và ngẩng lên nhìn Jennifer. “Tôi đã chụp X-quang cho cháu nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Tôi còn muốn chụp CAT”. “Gì cơ ạ?” “Đó là một loại máy mới của Anh do máy tính diện tử điều khiển, có thể chụp hình bên trong của bộ não. Tôi muốn được làm thêm một vài thí nghiệm nữa. Vậy có được không?” “Nếu... nếu... cần thiết” Cô lắp bắp “Nó sẽ không làm đau cháu chứ ạ?” “Không đâu. Tôi cũng cần phải lấy tủy cháu đấy”. Ông ta làm cô phát hoảng. Cô cố gắng lắm mới nói ra lời. “Ông nghi cháu bị bệnh gì vậy? Con trai tôi có làm sao không?” Cô không nhận ra giọng mình nữa. “Tôi không muốn phỏng đoán, bà Parker ạ. Một hai tiếng nữa chúng ta sẽ biết thôi. Cháu đang thức đấy, bà có thể vào gặp cháu được”. Một cô y tá dẫn Jennifer vào phòng Joshua. Cậu đang nằm trên giường, trông xanh mét. Khi Jennifer bước vào cậu ngẩng lên. “Chào mẹ”. “A, bé!” Cô ngồi xuống mép giường. “Con thấy trong người thế nào?” “Buồn cười lắm. Hình như là con không ở đây ấy”. Jennifer với tay cầm chặt lấy tay cậu. “Con đang ở đây và mẹ đang ở bên con đây”. “Mọi cái hình như nhân đôi ý”. “Con có nói với bác sĩ như vậy không?” “Ôi, ôi, con thấy hai bác sĩ mẹ ạ. Hy vọng là ông ấy không đưa cho mẹ hai cái hóa đơn thanh toán tiền”. Jennifer nhẹ nhàng choàng tay qua người Joshua và ghì chặt lấy cậu. Thân thể mảnh mai của cậu run rẩy. “Mẹ ơi?” “Gì đấy bé?” “Mẹ không để con chết đâu mẹ nhỉ?” Mắt cô chợt cay sè. “Không đâu, Joshua ạ. Mẹ không bao giờ để con chết cả. Các bác sĩ sẽ chữa cho con khỏe rồi mẹ sẽ đưa con về nhà”. “Tốt quá. Mẹ nhớ là đã hứa cho con trở lại Acapulco rồi đấy nhé”. “Ừ. Khi nào...” Cậu bé lại ngủ thiếp đi. * * * * * Bác sĩ Morris vào phòng cùng với hai người đàn ông mặc áo choàng trắng. “Chúng tôi sẽ bắt đầu kiểm tra bây giờ, bà Parker ạ. Sẽ không mất nhiều thời giờ đâu. Bà có thể chờ ở đây và lấy lại bình tĩnh”. Jennifer nhìn họ đưa Joshua ra khỏi phòng. Cô ngồi xuống góc giường, người đau như bị ai đánh vậy. Cô thấy như không còn chút hơi sức nào nữa. Cô ngồi đó nhìn trừng trừng vào bức tường trắng câm lặng. Một lát sau có tiếng gọi: “Bà Parker”. Jennifer nhìn lên và thấy bác sĩ Morris đứng ở cửa. “Các vị cứ tiếp tục xét nghiệm đi”. Jennifer nói. Ông ta nhìn cô vẻ lạ lùng. “Chúng tôi đã làm xong”. Jennifer nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Cô đã ngồi ở đây hai tiếng đồng hồ. Thời gian trôi đi đâu nhỉ? Cô nhìn vào khuôn mặt bác sĩ, cố đọc trên đó những dấu hiệu liệu ông ta mang đến tin lành hay dữ. Cô đã làm như vậy bao nhiêu lần đọc trên khuôn mặt các thẩm phán, biết trước từ vẻ mặt họ lời phán quyết sẽ như thế nào? Một trăm lần rồi? Hay là năm trăm lần? Giờ đây nỗi đau đớn lan tỏa khắp người cô, Jennifer không thể đoán trước được gì cả. Người cô bắt đầu run rẩy. Bác sĩ Morris nói: “Con trai bà bị chứng bọc máu dưới màng cứng. Nói nôm na là bị tổn thương não rất nặng”. Cổ cô bỗng khô lại đến mức không còn nói gì được nữa. “Sao...” Cô nuốt nước bọt và cố thốt ra, “cái đó là cái gì vậy”. “Tôi muốn phẫu thuật ngay. Tôi cần sự đồng ý của bà”. Ông ta đang đùa ác với cô. Ngay bây giờ ông ta sẽ mỉm cười và nói cho cô biết là Joshua vẫn mạnh khỏe. Tôi chỉ phạt bà, bà Parker vì đã làm mất thì giờ của tôi. Chẳng có vấn đề gì với con trai bà cả, trừ việc cháu cần ngủ. Cậu bé đang lớn mau. Bà không được làm mất thì giờ của chúng tôi, khi chúng tôi còn bao nhiêu bệnh nhân ốm thật sự cần được chăm sóc. Ông ta sắp sửa mỉm cười với cô và nói: “Bà có thế đưa con trai về nhà được đấy”. Bác sĩ Morris tiếp tục: “Cậu bé có vẻ khỏe mạnh. Có đầy đủ lý do để hy vọng là ca phẫu thuật sẽ thành công”. Ông ta sắp mố não con cô, lùa lưỡi dao sắc nhọn vào đó và có lẽ sẽ phá hủy những gì đã tạo nên Joshua. Có lẽ sẽ giết chết nó. “Không!” Cô gào lên giận dữ. “Bà không cho phép chúng tôi mổ à?” “Tôi...” Đầu óc cô rối bời đến mức không nghĩ ngợi được gì nữa. “Điều gì sẽ xảy ra nếu ông không mổ?” Bác sĩ Morris nói thẳng: “Con trai bà sẽ chết. Bố cháu có ở đây không?” Adam! Trời, cô muốn có Adam biết chừng nào, muốn có anh bên cạnh để an ủi cô. Cô muốn anh nói với cô rằng mọi việc sẽ tốt đẹp cả thôi và Joshua sẽ khỏe lại. “Không”. Cuối cùng Jennifer đáp. “Anh ấy không có ở đây. Tôi... tôi đồng ý. Bác sĩ giải phẫu đi”. Bác sĩ Morris điền vào một tờ khai và đưa cho cô. “Bà có thể ký vào đây được không?” Jennifer ký mà không nhìn vào tờ giấy. “Ca mổ sẽ kéo dài bao lâu?” “Tôi không biết, chừng nào tôi chưa mổ...” Bác sĩ nhìn vẻ mặt cô. “Cho tới khi tôi bắt đầu ca mổ. Bà có muốn ngồi chờ ở đây không?” “Không!” Bốn bức tường như khép chặt lấy cô, bóp nghẹt cô. Cô thấy khó thở. “Ở đây có chỗ nào để cầu nguyện không?” Đó là một phòng cầu nguyện nhỏ với một bức tranh Chúa Giê su treo trên chiếc bàn lễ. Trong phòng chỉ có mình Jennifer. Cô quỳ xuống nhưng không cầu nguyện nổi. Cô không phải là một người theo đạo. Liệu Chúa có nghe lời cầu xin của cô không? Cô cố trấn tĩnh để có thể trò chuyện với Chúa, nhưng nỗi lo sợ trong cô quá lớn. Nó làm chủ cô hoàn toàn. Cô tự nguyền rủa mình một cách không thương xót. Giá mà mình không để cho nó đi lướt ván. Giá mà mình đừng quát tay bác sĩ Mexio lang băm... Giá như. Giá như... Cô mặc cả với Chúa. Hãy làm cho con tôi khỏe mạnh, tôi sẽ làm mọi việc mà người yêu cầu. Cô phủ nhận Chúa. Nếu có Chúa, liệu người có làm như thế đối với một đứa trẻ chưa làm hại ai bao giờ không? Chúa Trời kiểu gì mà lại để cho trẻ con vô tội chết vậy. Cuối cùng mệt mỏi quá, suy nghĩ của Jennifer chậm lại và cô nhớ lại điều mà bác sĩ Morris đã nói. “Cậu ta còn trẻ khỏe. Có đầy đủ lý do để hy vọng rằng ca phẫu thuật sẽ thành công”. Mọi chuyện rồi sẽ tới thôi. Tất nhiên là phải như vậy rồi, khi Joshua khỏi, cô sẽ đưa nó đi chơi đâu đó để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Acapulco nếu nó thích. Họ sẽ đọc sách, chơi đùa và nói chuyện... Cuối cùng, khi đã quá mệt không còn nghĩ ngợi được gì nữa, Jennifer gục xuống ghế ngủ, đầu óc trống rỗng. Có ai đó chạm vào tay cô và khi cô nhìn lên, bác sĩ Morris đang đứng bên cạnh. Jennifer nhìn thẳng vào ông ta và không cần phải hỏi han gì nữa. Cô ngất đi. Chương 50 Joshua nằm trên một chiếc bàn kim loại nhỏ, thân hình cậu bất động vĩnh viễn. Trông cậu như đang ngủ ngon lành, khuôn mặt trẻ trung và đẹp trai của cậu chứa đầy những giấc mơ bí mật và xa xăm. Jennifer đã thấy vẻ mặt đó hàng nghìn lần khi Joshua chui vào trong chăn ấm với cô. Cô ngắm nhìn khuôn mặt cậu con trai bé bỏng, lòng tràn ngập một tình yêu mãnh liệt đến phát khóc lên được. Và biết bao nhiêu lần cô đã phải đắp lại chăn để cậu khỏi lạnh. Giờ đây sự lãnh lẽo nằm sâu trong người Joshua. Cậu sẽ chẳng bao giờ ấm lại được nữa. Cặp mắt trong sáng kia sẽ chẳng bao giờ còn mở ra nhìn cô được nữa. Cô sẽ không còn được nhìn thấy nụ cười trên môi cậu, nghe giọng nói của cậu và cảm thấy vòng tay nhỏ bé nhưng rắn chắc của cậu bên mình nữa. Cậu nằm trần truồng dưới tấm vải che phủ. Jennifer nói với bác sĩ: “Tôi muốn ông đắp cho cháu một cái chăn. Nó sẽ lạnh mất”. “Nó không thể....” và bác sĩ nhìn vào đôi mắt Jennifer. Những gì mà ông thấy trong đó buộc ông nói “Vâng tất nhiên rồi, bà Parker ạ”. Ông quay sang mấy cô y tá và nói “Lấy chăn lại đây!” Có khoảng gần chục người trong phòng và phần lớn họ mặc áo choàng trắng. Tất cả dường như cố nói chuyện với Jennifer nhưng cô không thể nghe được họ nói gì. Cô thấy môi họ mấp máy nhưng không nghe được âm thanh nào. Cô muốn quát đuổi họ đi nhưng sợ làm cho Joshua hốt hoảng. Có ai đó lắc mạnh tay cô làm cô hết ù tai, và bỗng nhiên cô nghe được mọi tiếng ồn ào trong căn phòng, và dường như mọi người đều tranh nhau nói cùng một lúc. Bác sĩ Morris đang nói: “... Cần phải mổ tử thi”. Jennifer lặng lẽ đáp lại: “Nếu ông chạm vào con trai tôi một lần nữa. Tôi sẽ giết ông”. Và cô mỉm cười với mọi ngườì xung quanh vi không muốn họ nổi cáu với Joshua. Một cô y tá thuyết phục Jennifer ra khỏi phòng nhưng cô lắc đầu từ chối. “Tôi không thể để nó ở đây một mình. Biết đâu có người sẽ tắt đèn. Joshua sợ bóng tối”. Có ai đó giữ chặt tay Jennifer và cô cảm thấy một mũi kim tiêm cắm vào mình. Một phút sau cảm giác êm ái và yên ổn xâm chiếm lấy cô và cô thiếp đi. Khi Jennifer thức dậy, trời đã sẩm tối. Cô đang ở trong một phòng nhỏ của bệnh viện và người ta đã thay quần áo của cô bằng bộ đồ bệnh nhân. Cô đứng dậy, thay quần áo và đi tìm bác sĩ Morris. Lúc này, cô hết sức bình tĩnh. Bác sĩ Morns nói: “Chúng tôi sẽ tổ chức lễ tang giúp bà, bà Parker ạ. Bà không phải lo...” “Tôi sẽ tự lo liệu lấy”. “Tốt lắm”. Ông ta ngập ngừng, lúng túng. “Về chuyện khám nghiệm tử thi tôi biết là sáng nay bà không định nói như vậy. Tôi...” “Ông nhầm”. Trong hai ngày tiếp sau đó, Jennifer làm đủ mọi thủ tục ma chay. Cô đến ban tang lễ địa phương và bố trí ngày đưa đám. Cô chọn một chiếc quan tài trắng nhỏ phủ xa tanh trắng. Cô rất tỉnh táo, mắt ráo hoảnh và sau này khi nghĩ lại những chuyện đó cô không còn nhớ được gì hết. Dường như có một người khác đã nhập vào thân thể cô và hành động thay cho cô. Cô ở trong một trạng thái choáng váng nặng, và chính điều đó tránh cho cô khỏi phát điên lên. Khi cô bắt đầu rời văn phòng ban tang lễ, một nhân viên hỏi: “Nếu bà muốn chôn cùng với con trai một vài bộ quần áo, bà có thể mang đến đây và chúng tôi sẽ mặc cho cháu”. “Tôi sẽ tự tay mặc cho Joshua”. Ông ta nhìn cô ngạc nhiên. “Nếu bà muốn tất nhiên là được rồi, nhưng...” - Ông ta nhìn cô đi ra, tự hỏi liệu cô có biết mặc quần áo cho một xác chết như thế nào không. Jennifer lái xe về nhà. Cô đỗ xe ở trước cổng và mở cửa bước vào. Bà Mackey đang ở trọng bếp, mắt đỏ hoe, mặt méo xệch vì đau khổ. “Ôi bà Parker! Tôi không thể tin được...” Jennifer dường như không nhìn thấy hay nghe thấy bà. Cô bước ngang qua bà Mackey và đi lên phòng Joshua. Mọi thứ vẫn vậy. Chẳng có gì thay đổi, chỉ thiếu có Joshua. Sách vở, đồ chơi, bóng chầy, dụng cụ lướt ván tất cả vẫn ở đó, chờ đợi cậu. Jennifer đứng ở ngưỡng cửa, nhìn vào căn phòng cố nhớ xem vì sao cô đến đây. A đúng rồi. Quần áo cho Joshua. Cô bước tới cạnh tủ quần áo. Ở đó có một chiếc áo vét màu xanh thẫm mà cô mua cho nó vào lần sinh nhật trước của nó. Joshua đã mặc chiếc áo này vào buổi tối mà cô dẫn nó đi ăn ở Lutece. Cô nhớ lại rất rõ buổi tối đó Joshua trông thật người lớn và Jennifer đã buồn rầu nghĩ. Rồi một ngày kia, nó sẽ ngồi đây với cô gái mà nó sẽ lấy làm vợ. Bây giờ ngày ấy sẽ chẳng bao giờ đến nữa. Sẽ không còn lớn lên được nữa. Không có cô gái nào. Không còn cuộc sống. Cạnh chiếc áo vét xanh là mấy chiếc quần bò, bít tất và áo phông, một cái có dòng chữ tên đội bóng chầy của Joshua. Jennifer đứng đó sờ soạng suốt lượt các bộ quần áo, không còn có cảm giác về thời gian nữa. Bà Mackey xuất hiện bên cạnh cô. “Bà không sao chứ, bà Parker?” Jennifer lịch sự đáp: “Tôi khỏe, cám ơn chị Mackey”. “Tôi có thể giúp gì được bà không?” “Không đâu, tôi sắp mặc quần áo cho Joshua. Chị nghĩ nó sẽ thích mặc bộ nào?” Giọng cô vui vẻ và phấn chấn nhưng mắt cô thì chẳng còn thần sắc gì hết. Bà Mackey nhìn vào mắt cô và hết hồn. “Bà phải nằm nghỉ một lát đi. Để tôi gọi bác sĩ nhé”. Jennifer lướt tay qua những bộ quần áo treo trong tủ. Cô lấy bộ quần áo thể thao từ trên mắc xuống. “Tôi nghĩ Joshua thích bộ này. Bây giờ nó còn cần gì nữa không nhỉ?” Bà Mackey tuyệt vọng đứng nhìn Jennifer bước đến bên tủ com-mốt và lấy ra quần áo lót, bít tất và một chiếc sơ mi. Joshua cần những thứ này vì nó sắp đi nghỉ ở xa. Một kỳ nghỉ rất lâu. “Chị có nghĩ là nó sẽ đủ ấm trong bộ này không?” Bà Mackey òa lên khóc. “Đừng, tôi xin bà. Cứ để mọi thứ ở đấy tôi sẽ lo liệu cho”. Nhưng Jennifer đã mang tất cả những thứ đó xuống nhà. Joshua nằm trong nhà xác. Người ta đặt cậu lên một chiếc bàn dài nên trông người cậu càng bé nhỏ. Khi Jennifer quay trở lại với quần áo của Joshua, nhân viên nhà xác cố gắng một lần nữa. “Tôi đã nói với bác sĩ Morris. Thưa bà Parker, chúng tôi cùng nhất trí rằng, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu bà để chúng tôi lo liệu việc này cho. Chúng tôi làm rất quen và...” Jennifer mỉm cười với ông ta: “Ra ngoài đi”. Ông này nuốt nước bọt và nói: “Vâng, thưa bà Parker”. Jennifer chờ cho đến lúc ông ta ra khỏi phòng và quay sang con trai. Cô nhìn vào khuôn mặt như đang ngủ của cậu và nói: “Bé yêu. Mẹ sẽ giúp con mặc quần áo bây giờ đây. Con sẽ mặc bộ thể thao chơi bóng chầy nhé. Con có thích không hả”. Cô bỏ tấm vải phủ người cậu và nhìn thân hình trần truồng đã teo tóp lại, rồi bắt đầu mặc quần áo cho cậu. Cô xỏ quần đùi vào người cậu và rùng mình vì giá lạnh từ da thịt cậu. Người cậu rắn như một viên ngọc. Jennifer cố tự nhủ rằng đống thịt lạnh lẽo vô hồn này không phải là con trai cô, Joshua đang ở một nơi khác, ấm áp và hạnh phúc, nhưng cô không thể làm cho mình tin điều đó được. Joshua đang nằm trên chiếc bàn này. Người Jennifer bắt đầu run lên. Dường như cái lạnh lẽo ở bên trong Joshua đã truyền sang cô, làm cô buốt đến tận xương tuỷ. Cô tự nhủ: Dừng lại! Dừng lại! Dùng lại! Dừng lại! Dừng lại! Dừng lại! Cô thở thật sâu, ngắt quãng và khi đã bình tĩnh hơn cô tiếp tục mặc quần áo cho con trai, vừa làm vừa nói chuyện với nó. Cô kéo chiếc quần đùi lên rồi mặc quần dài và khi cô nhấc nó dậy để mặc áo sơ mi, đầu nó ngoặt sang một bên và cộc vào bàn. Jennifer gào lên: “Mẹ xin lỗi, Joshua tha lỗi cho mẹ?” Và cô bắt đầu khóc. Phải mất gần ba tiếng đồng hồ Jennifer mới mặc xong quần áo cho Joshua. Cậu mặc bộ đồng phục bóng chầy, tất trắng, giầy thể thao, chiếc mũ lưỡi trai bóng chầy che mặt cậu, nên cuối cùng Jennifer đặt nó lên ngực cậu. “Con có thể mang theo nó bé yêu của mẹ ạ”. Khi nhân viên lễ tang đến và nhìn vào căn phòng, Jennifer đang đứng bên xác chết, cầm tay Joshua và nói chuyện với nó. Ông ta bước tới gần và nhẹ nhàng nói: “Bây giờ bà để chúng tôi lo liệu cho cháu”. Jennifer nhìn con một lần cuối cùng. “Cẩn thận nhé. Nó bị đau ở đầu”. Tang lễ thật đơn giản. Chỉ có Jennifer và bà Mackey đứng nhìn chiếc quan tài trắng nhỏ bé được hạ xuống nấm mộ mới đào. Jennifer định báo cho Ken Bailey vì Ken và Joshua rất quý nhau, nhưng Ken không còn chỗ trong cuộc sống của họ nữa. Khi xẻng đất đầu tiên được hất xuống mộ, bà Mackey lên tiếng: “Thôi, về đi nào, tôi sẽ đưa bà về nhà”. Jennifer lịch sự đáp: “Tôi khỏe chị ạ. Joshua và tôi sẽ không cần chị giúp nữa đâu, chị Mackey. Tôi sẽ đưa chị thêm tiền công làm trong một năm và giới thiệu chỗ làm khác cho chị. Joshua và tôi cảm ơn chị về tất cả mọi điều”. Bà Mackey đứng đó nhìn Jennifer quay gót ra đi. Cô bước thật cẩn thận, người thẳng đứng như thể cô đang đi xuống theo một hành lang dài vô tận, chỉ đủ rộng cho một người đi vừa. Ngôi nhà thật yên lặng và tĩnh mịch. Cô lên phòng Joshua đóng cửa lại và nằm xuống giường của cậu, ngắm nhìn tất cả những đồ của cậu, những thứ mà cậu đã từng thích. Cả thế giới của cô bây giờ ở trong căn phòng này. Cô chẳng còn chỗ nào khác để đi nữa. Chẳng còn biết làm gì nữa. Chỉ còn có Joshua. Jennifer bắt đầu nhớ lại ngày cậu ra đời và những kỷ niệm với cậu từ đó. Joshua chập chững đi những bước đầu tiên... Joshua nói ô tô, - ô tô và Mẹ, đi chơi với đồ chơi của mẹ đi... Joshua đến trường một mình lần đầu tiên, một cậu bé tí xíu và dũng cảm. Joshua nằm liệt giường vì quai bị, người run bần bật.... Joshua ghi bàn và giành phần thắng cho đội bóng của mình... Joshua đi bơi thuyền... Joshua cho con voi ở vườn bách thú ăn... Joshua hát bài “Sáng nữa đi, vầng trăng mùa thu gặt” vào dịp ngày lễ dành cho các bà mẹ. Các kỷ niệm cứ thế hiện lên như một bộ phim chiếu trong đầu cô. Chúng dừng lại vào ngày Jennifer và Joshua chuẩn bị đi Acapulco. Acapulco... nơi cô đã gặp Adam và làm tình với anh. Cô đã bị trừng phạt vì chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tất nhiên rồi, Jennifer nghĩ, Đó là hình phạt đối với mình. Đó là địa ngục của mình. Và cô lại bắt đầu từ đầu, từ cái ngày Joshua chào đời Joshua chập chững đi những bước đầu tiên... Joshua nói ô tô và Mẹ, đi chơi với đồ chơi của mẹ đi... Thời gian cứ thế trôi đi. Đôi lúc Jennifer nghe thấy tiếng chuông điện thoại từ một nơi xa xăm nào đó của căn phòng vọng lại, và một lần cô nghe thấy tiếng ai đó gõ cửa, nhưng những tiếng động đó chẳng có ý nghĩa gì với cô hết. Cô không cho phép ai làm gián đoạn suy nghĩ của mình về con trai. Cô ở lỳ trong phòng không ăn uống gì hết, lạc trong thế giới riêng biệt với Joshua. Cô không còn cảm giác về thời gian nữa, không còn biết mình đã nằm như thế bao lâu rồi. Năm ngày sau đó Jennifer lại nghe thấy tiếng chuông cửa và tiếng ai đó đập cửa, nhưng cô không để ý. Ai ở ngoài đó cũng mặc và người ta sẽ phải bỏ đi để cô ở đó một mình. Cô láng máng nghe thấy tiếng kính vỡ và một lát sau cánh cửa phòng Joshua bật mở. Michael Moretti sừng sững hiện ra trên bậc cửa. Hắn liếc nhìn thân hình gầy rộc, mắt trũng sâu đang trừng trừng nhìn hắn từ trên giường và kêu lên: “Trời đất ơi!” Michael Moretti phải dùng hết sức mới lôi được Jennifer ra khỏi phòng. Cô chống cự điên cuồng, cào cấu hắn. Nick Vito đang ở dưới nhà và cả hai người phải vất vả lắm mới đẩy Jennifer vào được ô tô. Jennifer không biết họ là ai và vì sao họ đến đó. Cô chỉ biết là họ đang bắt cô phải xa con trai mình. Cô cố gắng nói để họ biết là cô sẽ chết nếu họ làm như thế, nhưng cuối cùng mệt mỏi quá, cô không thể chống cự lại được nữa và ngủ thiếp đi. Khi Jennifer thức giấc, cô đang ở trong một căn phòng sạch sẽ sáng sủa có cửa sổ nhìn ra hồ và rặng núi phía xa. Một cô y tá đang ngồi trên ghế bên giường cô, đọc tạp chí. Cô ta nhìn lên khi Jennifer mở mắt. “Tôi đang ở đâu thế này?” Cổ họng cô đau nhói khi nói. “Cô đang ở chỗ bạn bè, cô Parker ạ. Ông Moretti đã đưa cô đến đây. Ông ấy rất lo lắng cho cô. Ông chắc sẽ rất vui khi biết cô đã tỉnh lại”. Cô y tá bước vội ra khỏi phòng. Jennifer nằm đó, đầu óc trống rỗng, và không thiết nghĩ ngợi gì hết. Nhưng trí nhớ của cô dần dần phục hồi và không còn cách nào để trốn tránh chúng. Jennifer đã nhận thức được rằng cô định tự tử, mặc dù thật sự không có can đảm để làm việc đó. Cô chỉ muốn chết và sẵn sàng đón nhận lấy cái chết. Michael đã cứu cô. Thật là mỉa mai. Không phải Adam mà lại là Michael. Cô nghĩ rằng sẽ không công bằng nếu trách cứ Adam. Cô đã giấu anh sự thật, không cho anh biết gì về đứa con trai đã ra đời và giờ đây đã chết của họ. Joshua đã chết rồi. Jennifer bây giờ có thể đương đầu với sự thật phũ phàng đó. Nỗi đau thật cay đắng và nhức nhoi, và cô biết nó sẽ luôn ở trong cô cho đến hết đời. Nhưng cô có thể chịu đựng được. Cô phải chịu đựng. Đó là công lý đòi hỏi phải được trả giá. Jennifer nghe thấy tiếng chân bước và ngẩng lên. Michael đã vào trong phòng. Hắn đứng đó đăm đăm nhìn cô. Hắn đã như điên như dại khi thấy Jennifer biến mất. Hắn suýt hóa rồ vì lo sợ có điều gì không hay xảy ra với Jennifer. Hắn bước tới bên giường và nhìn xuống cô. “Sao em không nói cho anh biết?”. Michael ngồi xuống cạnh giường. “Anh xin lỗi em”. Cô cầm tay hắn. “Cảm ơn anh đã đưa em tới đây. Em nghĩ là em đã hơi điên”. “Đúng thế thật đấy”. “Em đã ở đây bao lâu rồi?” “Bốn ngày. Bác sĩ phải truyền đạm cho em đấy”. Jennifer cố gật đầu. Cô thấy mình hết hơi sức. “Họ đang mang thức ăn đến. Bác sĩ bảo anh phải vỗ béo cho em”. “Em không đói đâu. Em chẳng nghĩ là em sẽ lại ăn uống được”. “Em sẽ phải ăn”. Và thật đáng ngạc nhiên, Michael nói đúng. Khi cô y tá mang đến một cái khay đựng trứng luộc lòng đào, bánh mì nướng và nước chè, Jennifer tự nhiên thấy đói lả. Michael đứng đó nhìn cô ăn và khi Jennifer ăn xong, Michael nói : “Anh phải về New York có chút việc. Mấy hôm nữa anh lại đến”. Hắn cúi xuống hôn nhẹ lên má cô. “Thứ sáu tới anh sẽ gặp em”. Hắn vuốt nhẹ trên mặt cô. “Anh muốn em khỏe thật mau. Em nghe thấy chứ?” Jennifer nhìn hắn và đáp: “Vâng, em có nghe thấy”. Chương 51 Phòng họp lớn ở căn cứ Hải quân Hoa kỳ chật cứng người. Phía ngoài là một đội lính gác vũ trang luôn ở trong tình trạng báo động. Bên trong là một cuộc họp bất thường. Một đoàn hội thẩm đặc biệt được bố trí ở đây. Ở một bên bàn là Adam Warner, Robert Di Silva và Phó giám đốc FBI. Phía kia là ngài Thomas Colfax. Theo đề nghị của Adam. Đoàn hội thẩm đã đến căn cứ hải quân này. Đó là cách duy nhất để đảm bảo cho tính mạng của Colfax. Đoàn hội thẩm nhất trí với đề nghị đó và cuộc họp kín bắt đầu. Adam nói với Colfax : “Ông hãy tự giới thiệu bản thân đi”. “Tên tôi là Thomas Colfax”. “Nghề nghiệp của ông là gì?” “Tôi là luật sư, được phép hành nghề ở bang New York cũng như nhiều bang khác trên đất Mỹ”. “Ông đã hành nghề luật bao lâu rồi?” “Thưa, hơn ba mươi lăm năm rồi ạ”. “Ông có nhiều khách hàng chứ?” “Không, thưa ngài. Tôi chỉ có một khách hàng”. “Khách hàng của ông là ai vậy?” “Trong gần suốt ba mươi lăm năm đó là Antonio Granelli, giờ đã chết. Vị trí của ông ta được Michael Moretti thay thế. Tôi đại diện cho Michael Moretti và tổ chức của anh ta”. “Ông muốn nói đến tổ chức tội ác phải không”. “Vâng, thưa ngài”. “Vì vị trí mà ông ta đã giữ trong suốt bao nhiêu năm nay, liệu có quá đáng khi nói rằng ông ở một vị trí có một không hai, có thể biết bộ máy bên trong của cái mà chúng ta sẽ gọi là tổ chức hay không?” “Rất ít những gì xảy ra ở đó mà tôi không biết”. “Và có cả những hoạt động phạm pháp nữa chứ?” “Vâng, thưa ngài thượng nghị sĩ”. “Ông có thể kể về thực chất của một số những hoạt động đó được không?” Suốt hai tiếng tiếp theo Thomas Colfax nói. Giọng hắn bình tĩnh và tự tin. Hắn nói về những tên người, địa điểm ngày tháng và đôi khi câu chuyện của hắn hấp dẫn đến nỗi mọi người trong phòng quên mất họ đang ở đâu, mải mê nghe hắn kể những tội ác rùng rợn. Hắn nói về những hợp đồng thuê giết người, về những nhân chứng bị giết để họ không làm chứng được nữa; về chuyện đốt phá gây thương tật, nô lệ da trắng... Lần đầu tiên, hoạt động bí hiểm nhất của tổ chức tội ác lớn nhất thế giới được tiết lộ trần trụi trước mắt mọi người. Đôi lúc Adam hoặc Robert Di Silva đặt câu hỏi gợi ý cho Colfax, yêu cầu hắn nói đầy đủ khi cần thiết. Cuộc họp diễn ra tốt đẹp hơn nhiều so với những gì mà Adam mong đợi cho đến khi nó gần kết thúc, chỉ còn vài ba phút nữa thì thảm họa xảy ra. Một người trong đoàn hội thẩm nói về hoạt động chuyển đổi tiền từ bất hợp pháp sang hợp pháp. “Điều đó xảy ra khoảng hai năm trước đây. Michael không cho tôi chỉ huy hoạt động này và Jennifer Parker thay thế tôi”. Adam lạnh thót người lại. Robert Di Silva nói: “Jennifer Parker à?” Có một vẻ hào hứng không giấu diếm trong cách hỏi của ông ta. “Vâng, thưa ngài”. Giọng của Thomas Colfax trở lên cay cú. “Cô ta bây giờ là cố vấn tại gia của tổ chức”. Adam chỉ muốn hắn ta câm miệng lại, không để những điều hắn nói được ghi vào biên bản. Nhưng đã quá muộn. Di Silva đã tìm được cơ hội trả thù và không gì có thể ngăn ông ta lại được nữa. “Hãy nói cho chúng tôi biết về cô ta”. Di Silva yêu cầu. Thomas Colfax tiếp tục. “Jennifer Parker tham gia vào vụ lập công ty lừa ...” Adam cố nói xen vào: “Tôi không...” “... giết người”. Căn phòng trầm hẳn xuống. Adam phá vỡ sự yên lặng. “Chúng tôi... chúng tôi cần chứng cớ, ông Colfax ạ. Ông không định nói là Jennifer Parker tham gia vào một vụ giết người chứ?” “Đó chính là điều tôi muốn nói với các ngài. Cô ta ra lệnh giết tên bắt cóc con trai cô. Tên hắn là Frank Jackson. Cô ta yêu cầu Moretti giết hắn và Moretti đã làm theo lời cô ta”. Nhiều giọng nói kích động xôn xao cả lên. “Con trai cô ta?” Adam nghĩ “có sự nhầm lẫn gì đây”. Anh nói đứt quãng: “Tôi nghĩ... tôi nghĩ rằng chúng tôi cần chứng cớ chứ không phải là những lời đồn đoán”. “Đây không phải là những lời đồn đoán đâu”. Thomas Colfax khẳng định. “Tôi ở trong phòng cùng với Moretti khi cô ta gọi điện đến mà”. Adam nắm chặt tay dưới bàn mạnh đến nỗi ngón tay trắng bợt ra. “Nhân chứng có vẻ mệt rồi. Tôi nghĩ phiên họp này có thể kết thúc ở đây”. Robelt Di Silva nói với đoàn hội thẩm: “Tôi muốn gợi ý về thủ tục...” Nhưng Adam không nghe thấy gì nữa, anh đang tự hỏi Jennifer giờ đang ở đâu. Cô đã lại biến mất. Adam liên tục tìm kiếm cô. Nhưng giờ đây anh thấy tuyệt vọng. Anh cần phải gặp được cô, gặp ngay. Chương 52 Khi chiến dịch bí mật lớn nhất để củng cố pháp luật ở Hoa kỳ bắt đầu diễn ra. Lực lượng đặc nhiệm chống tội ác có tổ chức hợp tác chặt chẽ với Cục điều tra liên bang, Hải quan, bưu điện, cục quản lý thu nhập, Cục chống ma tuý liên bang, hàng chục tổ chức khác. Phạm vi của cuộc điều tra bao gồm các vụ giết người, âm mưu giết người, tống tiền, lừa đảo, trốn thuế, cho vay nặng lãi và ma tuý. Thomas Colfax đã đưa cho họ chìa khóa chiếc hòm bí mật của tội ác và tham những. Điều này sẽ giúp họ quét sạch một phần lớn của tội ác có tổ chức. Gia đình Michael Moretti bị thiệt hại nặng nhất, nhưng những gia đình mafia khác trên khắp đất Mỹ cũng bi vạ lây. Trên khắp nước Mỹ và ở nước ngoài, các nhân viên chính phủ kín đáo hỏi bạn bè và các đồng sự có tên trong bản danh sách của họ. Những con cá bé bắt đầu bị dồn vào lưới và sau khi khai báo, chúng được thả tự do để đổi lấy những chứng cớ buộc tội những tên trùm tội phạm. Tất cả được tiến hành rất cẩn thận để những con mồi chủ yếu không thể biết trước được giông tố sắp ụp xuống đầu chúng. Với cương vị chủ tịch Ủy ban điều tra của Thượng viện, Adam Warner phải tiếp rất nhiều khách tại nhà riêng của mình ở Georgetown. Các cuộc họp trong phòng làm việc của anh thường kéo dài tới hai ba giờ sáng. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi công việc này kết thúc và Tổ chức của Michael Moretti bị phá vỡ, Adam sẽ dễ dàng thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống. Đáng ra anh phải rất sung sướng mới phải. Nhưng thật ra anh đang rất đau khổ vì phải đương đầu với cuộc khủng hoảng về đạo lý lớn nhất trong đời. Jennifer Parker dính líu rất sâu vào vụ này và Adam phải báo trước cho cô, bảo cô chạy trốn khi chưa quá muộn. Thế nhưng anh còn một nghĩa vụ khác: một nghĩa vụ với Ủy ban mang tên anh, nghĩa vụ với chính đất nước Hoa kỳ. Anh là người buộc tội Jennifer. Làm sao anh lại có thể là người bảo vệ cho cô được? Nếu anh báo trước cho cô và sau này bị phát hiện, thì điều đó sẽ phá hủy lòng tin đối với Ủy ban điều tra của anh và tất cả những gì mà nó đã đạt được. Tương lai và gia đình của anh cũng sẽ sụp đổ. Adam rất ngạc nhiên khi Colfax nói rằng Jennifer có một đứa con. Anh hiểu rằng mình phải nói chuyện với Jennifer. Adam gọi điện thoại đến văn phòng của cô và một người thư ký trả lời. “Xin lỗi, ông Adam. Cô Parker không có ở đây”. “Đây là một vấn đề rất quan trọng. Cô có biết tôi có thể tìm cô ấy ở đâu được không?” “Không ạ, thưa ông. Còn ai khác có thể giúp ông không ạ”. Không ai có thể giúp anh cả. * * * * * Trong tuần sau đó, hàng ngày Adam Warner gọi điện cho Jennifer ba bốn lần. Cô thư ký của cô chỉ trả lời: “Xin lỗi, ông Adam, nhưng cô Parker không đến văn phòng”. Adam đang ngồi trong phòng làm việc chuẩn bị gọi cho Jennifer lần thứ ba trong ngày hôm đó, thì Mary Beth bước vào. Adam hờ hững đặt ống nghe xuống. Mary Beth đến bên anh và lùa các ngón tay vào tóc anh. “Trông anh mệt mỏi quá, anh yêu ạ”. “Anh vẫn khỏe”. Mary ngồi xuống một chiếc ghế bành đối diện với anh. “Công việc dồn dập quá phải không Adam?” “Có lẽ là như vậy”. “Em mong rằng mọi việc sẽ sớm kết thúc. Quả là hết sức căng thẳng anh nhỉ?” “Anh có thể chịu đựng được, Maly Beth ạ. Đừng lo cho anh”. “Nhưng em lo lắm. Jennifer Parker cũng có tên trong danh sách đó phải không ạ?” Adam ngẩng phắt lên nhìn chị ta. “Sao em biết?” Mary cười lớn: “Thiên thần ơi, anh đã biến ngôi nhà này thành nơi gặp gỡ công cộng. Em không thể không nghe thấy chút gì về những việc đang diễn ra. Mọi người hình như rất thích thú nói đến việc bắt Michael Moretti và người tình của hắn”. Chị ta quan sát Adam nhưng anh không phản ứng gì. Mary Beth âu yếm nhìn chồng và nghĩ: Đàn ông thật là ngây thơ. Chị ta biết nhiều về Jennifer Parker hơn là Adam. Mary Beth luôn ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông rất thông minh, sắc sảo trong kinh doanh hay chính trị lại rất ngờ nghệch khi quan hệ với phụ nữ. Có biết bao người đàn ông tài giỏi đã lấy phải những cô vợ chẳng ra gì. Mary Beth hiểu được vì sao chồng mình cặp bồ với Jennifer Parker. Nói cho cùng, Adam quả là một người đàn ông hấp dẫn và đáng thèm muốn. Và giống như tất cả những người đàn ông khác, anh rất thích ấn tượng mạnh. Triết lý của chị ta là tha thứ nhưng không bao giờ quên một chuyện gì hết. Mary Beth biết điều gì là tốt nhất cho chồng mình. Mọi việc chị làm chỉ nhằm mục đích phục vụ cho Adam. Được rồi, khi công việc xong xuôi chị sẽ đưa Adam đi chơi đâu đó. Anh quả thật quá mệt mỏi rồi. Họ sẽ để Samantha ở nhà với vú em và đến một nơi nào đó thật lãng mạn. Tahiti chẳng hạn. Mary Beth liếc qua cửa sổ và thấy hai cảnh sát mật đang nói chuyện. Chị có cảm giác lẫn lộn về sự có mặt của họ. Mary Beth không thích có người can thiệp vào việc riêng của mình, nhưng dù sao sự có mặt của họ là sự nhắc nhở rằng chồng chị là một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Không, chị thật ngốc quá. Chồng chị sắp trở thành Tổng Thống mới của Hoa Kỳ. Mọi người đều nói như vậy. Ý nghĩ được sống ở Nhà Trắng thật dễ chịu và chỉ nghĩ đến đó đã làm chị ấm cả người lên. Công việc ưa thích của chị, trong khi Adam bận họp hành là trang trí lại Nhà Trắng. Chị thường ngồi hàng giờ trong phòng tưởng tượng đến việc thay đổi đồ đạc, dự định mọi chuyện thú vị mà chị sẽ làm khi trở thành Đệ nhất phu nhân. Chị đã được xem những căn phòng mà đa số khách du lịch không được phép đến: Thư viện Nhà Trắng với gần 3000 cuốn sách trong đó, phòng Trung Quốc và phòng tiếp tân ngoại giao, khu gia đình và bảy phòng ngủ cho khách ở tầng hai. Chị và Adam sẽ sống trong ngôi nhà đó và trở thành một phần của lịch sử Nhà Trắng. Mary Betl rùng nình khi nghĩ đến việc Adam suýt nữa đã vứt bỏ mọi thứ họ có chỉ vì mụ đàn bà Parker đó. Dù sao chuyện đó đã chấm dứt, ơn Chúa. Giờ đây chị ngắm nhìn Adam bên bàn làm việc của anh, trông mệt mỏi và lo nghĩ. “Em pha cà phê cho anh nhé?” Adam định từ chối, nhưng lại đổi ý. “Ừ. tốt đấy”. “Em pha xong ngay đây”. Khi Mary Beth vừa ra khỏi phòng, Adam nhấc ống nghe lên và bắt đầu quay số. Đó là buổi tối và anh biết là văn phòng của Jennifer đã đóng cửa, nhưng chắc vẫn còn có người trực điện thoại. Sau một khoảng thời gian tưởng như dài vô tận, tổng đài trả lời. “Có một việc khẩn cấp”. Adam nói “Tôi cố gọi điện cho Jennifer Parker từ mấy hôm nay. Tôi là Adam”. “Xin ông chờ một chút. Xin lỗi, ông Adam. Tôi không biết cô Parker ở đâu cả. Ông có dặn lại gì không?” “Không!” Adam dập máy. Lòng đầy thất vọng. Anh biết rằng nếu anh có dặn Jennifer gọi lại cho anh, cô cũng không thể làm như vậy được. Anh ngồi trong phòng riêng, nhìn vào đêm tối, nghĩ về hàng chục trát bắt giữ sắp được đưa ra. Một trong số đó sẽ là trát bắt giữ vì tội giết người. Tên của Jennifer sẽ có trong đó. Năm ngày sau Michael Moretti trở lại biệt thự trên núi nơi Jennifer đang nghỉ. Mấy ngày qua cô tẩm bổ, đi dạo cho lại sức. Khi cô nghe thấy tiếng xe của Michael lên dốc, Jennifer chạy ra đón hắn. Michael ngắm nghía cô một lát và nói: “Trông em khá nhiều rồi đấy!” “Em thấy khỏe hơn. Cám ơn anh”. Họ đi dạo dọc theo con đường mòn dẫn tới hồ. Michael nói: “Anh có việc phải nhờ em đây!” “Việc gì vậy?” “Anh muốn em đến Singapore ngày mai”. “Singapore à?” “Một nhân viên hàng không bị bắt tại sân bay ở đó vì mang thuốc phiện. Tên hắn là Stefan Bjork. Hắn ta đã ngồi tù rồi. Anh muốn em bảo lãnh cho hắn được tạm tha trước khi hắn khai ra mọi chuyện” “Được rồi”. “Quay lại càng sớm càng tốt nhé, anh sẽ nhớ em lắm đấy”. Hắn ôm lấy cô và hôn nhẹ lên môi cô rồi thì thầm “Anh yêu em, Jennifer”. Và cô biết rằng hắn chưa bao giờ thốt ra mấy chữ ấy với ai cả. Nhưng đã quá muộn. Mọi cái đã kết thúc rồi. Tình cảm đã chết trong cô và chỉ còn lại cảm giác tội lỗi và cô đơn. Cô quyết định sẽ nói với Michael rằng cô sẽ từ biệt hắn. Sẽ không có Adam hay Michael nữa. Cô sẽ phải đến một nơi nào đó một mình và bắt đầu từ đầu. Cô còn một món nợ phải trả. Cô sẽ giúp Michael lần này là lần cuối cùng, và sẽ nói cho hắn biết dự định của mình khi cô trở lại. Sáng hôm sau cô bay đi Singapore. Chương 53 Nick Vito, Tony Santo, Salvatore Fiore và Joseph Colella đang ăn trưa tại nhà Tony. Chúng ngồi ăn ở phòng ngoài và mỗi khi có ai đi vào phòng chúng đều ngước nhìn kiểm tra. Michael Moretti đang ở phòng trong và mặc dù hiện nay không có cấn cá gì giữa các gia đình, tốt hơn hết vẫn là phải cảnh giác. “Điều gì đã xảy ra với Jimmy vậy?” - Tên khổng lồ Joseph Colella hỏi. “Nghẻo rồi”. Nick Vito bảo hắn. “Thằng chó đẻ ngu xuẩn ấy yêu em gái của một tay thám tử. Hai anh em nó đưa hắn vào bẫy. Jimmy bố trí nói chuyện với Mike và hắn giấu đoạn dây dẫn trong người?” “Rồi sau thế nào?” - Fiore hỏi. “Jimmy quá hồi hộp nên hắn phải đi đái. Khi hắn mở cúc quần, đoạn dây chết tiệt thò ra”. “Ồ! Cứt thật?” “Nó làm thế đấy. Mike giao hắn cho Gino. Thằng này dùng chính dây dẫn của Jimmy để thắt cổ hắn. Hắn chết rất từ từ”. Cánh cửa bật mở và bốn gã đàn ông đều nhìn lên. Đó là cậu bé bán báo với tập báo buổi chiều Bưu điện New York. Joseph Colella gọi to: “Đến đây, bé con”. Hắn quay sang bọn kia. “Tao muốn xem lại thứ tự các con ngựa tại cuộc đua ở Hialeah. Tao đánh cá rất nhiều vào cuộc đua hôm nay”. Người bán báo đưa cho Joseph Colella một tờ và Collela đưa cho anh ta một đô la. “Không phải trả lại tiền lẻ đâu”. Đó là điều mà Michael Moretti thường làm. Joe Colella chuẩn bị giở tờ báo và Nick Vito chợt thấy một tấm ảnh trên trang nhất. “Ê tao đã thấy thằng cha này rồi”. Tony Santo nhìn qua vai Vito: “Tất nhiên rồi, thằng ngốc. Đó là Adam Warner. Ông ta đang tranh cử Tổng thống đấy!” “Không phải thế”, Vito cãi “Tao muốn nói là tao đã gặp ông ta”. Hắn vò đầu bứt tai, cố nhớ lại. Bất chợt hắn nhớ ra. “Đúng rồi! ông ta chính là người ngồi trong quán ở Acapulco với Jennifer Parker”. “Mày nói cái gì vậy?” “Bọn mày có nhớ tháng trước tao xuống dưới đó để chuyển một gói đồ không. Tao thấy cha này cùng với Jennifer. Họ đang uống cùng nhau mà”. Salvatore Fiore nhìn hắn. “Mày có chắc không?” “Có. Sao?” Fiore nói chậm rãi: “Tao nghĩ mày nên kể với Mike chuyện đó!” Michael Moretti nhìn Nick Vito và nói: “Mày loạn óc mẹ nó rồi. Jennifer Parker nói chuyện với Thượng nghị sĩ Warner làm gì?” “Ông cứ đánh tôi đi nếu ông không tin, sếp ạ. Tôi chỉ biết là họ ngồi ở quán đó uống nước”. “Chỉ có hai người thôi à?” “Vâng”. Salvatore Fiore lên tiếng : “Tôi nghĩ ông cần nghe kỹ về chuyện ấy, Mike ạ. Thằng chó Warner này đang điều tra chúng ta. Làm sao Jennifer lại có thể ngồi uống cùng nó được cơ chứ?” Đó cũng chính là điều mà Michael muốn biết. Jennifer đã nói với hắn về Acapulco và cuộc họp, mà cô cũng nhắc đến khoảng một chục người cô đã tình cờ gặp ở đó Nhưng cô không hề nói gì đến Adam Warner. Hắn quay sang Tony Santo: “Ai là quản trị kinh doanh của liên đoàn những người coi nhà hiện nay”. “Charlie Corelli”. Năm phút sau, Michael nói chuyện với Charlie Corelli qua điện thoại. “Khu tháp Belmont”, Michael nói “Một người bạn của tôi đã sống ở đó chín năm trước đây. Tôi muốn nói chuyện với tay coi khu nhà này lúc đó”. Michael lắng nghe một lát. “Tôi xin cảm ơn anh. Tôi nợ anh một chuyện nhé”. Hắn đặt máy. Nick Vito, Santo, Fiore và Collela đang nhìn hắn. “Chúng mày còn việc gì để làm ở đây nữa hả? Cút mẹ nó ra ngoài đi!” Bốn gã vội vã chuồn thẳng. Michael ngồi đó suy nghĩ, tưởng tượng ra cảnh Jennifer và Adam bên nhau. Vì sao cô ta không bao giờ nhắc đến hắn cả. Và cha của Joshua, người đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì sao Jennifer không bao giờ nói về hắn? Michael Moretti bắt đầu bồn chồn đi lại trong phòng. Ba tiếng sau Tony Santo dẫn vào một người đàn ông rụt rè, ăn mặc tồi tàn trạc khoảng sáu mươi tuổi. Ông ta rõ ràng là đang rất hoảng sợ. “Đây là Wally Kawolski”. - Tony nói. Michael đứng dậy và bắt tay Kawolski. “Cám ơn vì đã đến, anh Wally. Rất cám ơn. Ngồi xuống đi. Anh uống gì nào?” “Không ạ, cảm ơn ngài Moretti: Tôi khỏe, thưa ngài. Hết sức cảm ơn ngài”. - Ông ta cứ cúi chào mãi. “Đừng sợ. Tôi chỉ muốn hỏi anh vài câu thôi mà, Wally ạ”. “Tất nhiên, thưa ngài Moretti. Tôi xin trả lời tất cả những gì mà ngài yêu cầu”. “Anh còn làm việc ở khu tháp Belmont nữa không?” “Tôi ạ? Không, thưa ngài. Tôi đã rời đó được khoảng năm năm rồi. Bà nhà tôi bị thấp khớp nặng nên...” “Anh còn nhớ những người thuê nhà ở đó không?” “Có thưa ngài. Có lẽ phần lớn số họ. Họ có...” “Anh có còn nhớ người nào tên là Jennifer Parker không?” Khuôn mặt của Wally Kawolski sáng hẳn lên. “Ồ, có chứ. Đó là một phụ nữ tuyệt. Tôi còn nhớ số căn hộ cô ấy nữa, 1929. Trùng với năm khủng hoảng kinh tế ấy mà, ngài có biết không. Tôi rất mến cô ta”. “Cô Parker có nhiều người đến thăm không. Wally?” Wally chậm chạp vò đầu. “Ồ, điều này khó nói đấy, ngài Moretti ạ. Tôi chỉ thấy cô ta khi cô ấy đi ra đường hoặc trở về nhà thôi”. “Có người đàn ông nào ngủ lại nhà cô ta không?” Wally Kawolski lắc đầu. “Không có đâu, thưa ngài”. Vậy là mọi lo lắng của hắn đều là không đâu cả. Hắn thấy nhẹ nhõm cả người. Hắn đã biết từ lâu là Jennifer không bao giờ... “Bồ cô ta có thể về nhà gặp cô ta”. Michael tưởng mình nghe nhầm. “Bồ cô ta à?” “Vâng. Anh ta sống cùng với cô Parker ở đó”. Những từ ấy đập vào tai Michael như một nhát búa tạ. Hắn mất cả bình tĩnh. Hắn túm lấy thắt lưng Wally Kawolski và nhấc bổng ông ta lên. “Thằng đần độn, ngu xuẩn này! Tao hỏi mày nếu... tên hắn là gì?” Người đàn ông nhỏ bé sợ chết khiếp. “Tôi không biết, ngài Moretti ạ. Thề có Chúa, tôi không biết đâu!” Michael bỏ ông ta ra. Hắn nhạt tờ báo và dí vào mũi Wally Kawolsli. Kawolski nhìn vào ảnh Adam Warner và run rẩy nói: “Hắn đây rồi! Đó chính là bồ cô ấy đấy”. Và Michael thấy thế giới như đang sụp đổ bên hắn. Jennifer đã nói dối hắn suốt thời gian qua. Cô ta đã phản bội hắn vì Adam Warner. Hai người đã lẩn trốn sau lưng hắn, âm mưu chống lại hắn, nhạo báng hắn. Cô ta đã cắm sừng hắn. Cơn giận dữ cổ điển đòi trả thù sôi sục trong người hắn và Michael Moretti biết rằng hắn sẽ giết chết cả hai người. Chương 54 Jennifer bay từ New York qua London tới Singapore, dừng chân hai giờ tại Bahrain. Sân bay mới ở tiểu vương quốc dầu hỏa này đã gần biến thành một khu ổ chuột, đầy đàn ông, đàn bà và trẻ con trong các bộ quần áo dân tộc nằm ngủ trên sàn nhà hoặc trên các ghế dài. Trước các cửa quán bán rượu ở sân bay có dòng chữ cảnh cáo rằng, bất cứ ai uống rượu ở nơi công cộng đều có thể bị tống giam. Không khí ở đó thật thù nghịch và Jennifer thấy nhẹ cả người khi được rời khỏi đó. Chiếc Boeing 747 hạ cánh tại sân bay Changi ở Singapore vào lúc 4 giờ 40 phút chiều. Đó là một sân bay hoàn toàn mới, cách trung tâm thành phố 14 dặm thay thế cho sân bay quốc tế cũ. Khi máy bay hạ cánh, Jennifer có thể thấy dấu hiệu các công trình xây dựng đang tiếp tục tiến hành. tòa nhà hải quan rộng rãi, hiện đại và thoáng khí, xếp đầy xe chở hàng để hành khách tiện lấy. Nhân viên hải quan ở đây rất lịch sự và có nghiệp vụ cao, và chỉ sau mười lăm phút Jennifer đã làm xong thủ tục rồi đi ra bến taxi. Ở lối ra, một người đàn ông Trung Quốc đứng tuổi tiến đến bên cô. “Cô là Jennifer Parker phải không ạ?” “Vâng”. “Tôi là Chou Ling”. Đầu mối của Moretti ở Singapore. “Tôi có xe chờ ở ngoài kia”. Chou Ling kiểm tra việc xếp va li của Jennifer lên thùng chiếc xe hòm sang trọng của ông ta và vài phút sau họ đã đi về phía thành phố. “Chuyến bay của cô dễ chịu chứ?” Chou Ling hỏi. “Vâng, cám ơn ông”. Nhưng đầu óc Jennifer đang nghĩ về Stefan Bjork. Dường như đọc được ý nghĩ của cô, Chou Ling hất hàm về phía một khu nhà trước mặt họ. “Đó là nhà lao Changi, Bjork đang ở đó”. Jennifer quay sang nhìn. Nhà lao Changi là một khu nhà lớn cách xa trục đường chính, bao quanh bằng một hàng rào xanh có dây thép gai mắc điện ở trên. Ở mỗi chỗ khuất đều có một chòi gác có lính mang súng ở trong, và cửa vào được rào thêm một lớp hàng rào dây thép gai có điện thứ hai, phía trong có thêm lính gác đứng ở cạnh cổng. “Hồi đại chiến hai”. Chou Ling nói “Tất cả người Anh trên đảo này bị nhốt ở đây”. “Khi nào tôi có thể gặp Bjork được?” Chou Ling thận trọng trả lời: “Tình hình khá rắc rối đấy, cô Parker ạ. Chính phủ rất cứng rắn đối với việc sử dụng ma túy. Thậm chí những người phạm phải lần đầu cũng bị xử rất nặng. Những người buôn ma tuý. Chou Ling nhún vai. - Singapore do một vài gia đình có thế lực kiểm soát. Gia đình Shaw, C.K. Tang, Tan Chin Tuan và Lý Quang Diệu, thủ tướng. Những gia đình này kiểm soát tài chính và thương mại của Singapore. Họ không muốn có ma túy ở đây”. “Chúng ta phải có những người bạn có thế lực chứ”. “Có một viên thanh tra cảnh sát, David Touh - Một người rất biết điều”. Jennifer tự hỏi không biết từ “biết điều” ấy đáng giá bao nhiêu, nhưng cô không nói ra. Sau này rồi sẽ biết thôi. Cô ngồi ngả ra sau ghế và xem phong cảnh. Giờ đây họ đang đi ngang qua vùng ngoại ô Singapore và cảm giác bao trùm là cây cối xanh tươi cùng với hoa nở khắp mọi nơi. Hai bên đường của xa lộ Mac Pherson là các siêu thị hiện đại, bên cạnh những đền miếu cổ kính. Một vài người đi lại trên đường phố trong những bộ quần áo cổ điển, trong khi những người khác mặc những kiểu quần áo theo mốt mới nhất ở phương Tây. Cả thành phố như là một sự hòa hợp đầy màu sắc giữa văn hóa cổ điển và siêu đô thị hiện đại. Các trung tâm buôn bán trông rất mới và mọi thứ đều hết sức sạch sẽ. Jennifer nhận xét về điều đó. Chou Ling mỉm cười. “Lý do thật đơn giản, vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt 500 đôla và điều này được thi hành rất nghiêm”. Chiếc xe rẽ vào đường Stevens và ở trên ngọn đồi trước mặt họ. Jennifer nhìn thấy một khu nhà màu trắng rất dễ thương, xung quanh đầy cây cối và hoa lá. “Đây là Shangri-la, khách sạn mà cô sẽ ở”. Hành lang và tiền sảnh của khách sạn này cực rộng, sạch như lau với cột đá hoa và kính khắp nơi. Khi Jennifer đang làm thủ tục nhập khách sạn, Chou Ling nói. “Thanh tra Touh sẽ liên lạc với cô”. Ông ta đưa Jennifer một tấm danh thiếp. “Cô có thể gọi tôi lúc nào cũng được theo số điện thoại trong này”. Một người phục vụ niềm nở xách va li hộ Jennifer và dẫn cô đi ngang qua sân trời tới thang máy. Trong sân có một chiếc vườn lớn có thác nước chảy xuống và một bể bơi. Shangri-la là một khách sạn đẹp nhất mà Jennifer từng thấy. Phòng của cô nằm trên tầng hai gồm một phòng khách và phòng ngủ lớn, một hàng hiên rộng nhìn ra một biển hoa cúc đỏ và trắng, hoa lan tím với những hàng cọ xanh. “Giống như trong một bức tranh của Gauguin vậy”. Jennifer nghĩ. Một làn gió nhẹ thổi qua, Joshua rất thích một ngày như thế này. Chúng mình đi bơi thuyền chiều nay được không hả mẹ. Thôi đừng nghĩ ngợi như thế nữa, Jennifer tự nhủ. Cô bước đến bên điện thoại. “Tôi muốn gọi điện đến Hoa Kỳ, thành phố New York. Gọi riêng đến ông Michael Moretti”. Cô nói số điện thoại. Nhân viên tổng đài khách sạn trả lời. “Xin lỗi thưa bà. Đường dây bận hết cả rồi. Chút nữa bà gọi lại vậy nhé”. “Cám ơn”. Dưới nhà, nhân viên tổng đài liếc nhìn một người đàn ông đứng cạnh. Người này gật đầu. “Tốt” Hắn nói “Tốt lắm”. Một giờ sau khi Jennifer tới khách sạn, thanh tra Touh gọi điện tới. “Cô Jennifer Parker đấy phải không ạ?” “Tôi đây”. “Đây là thanh tra David Touh”. Giọng ông ta thật nhẹ rất khó xác định. “À ông thanh tra đấy à. Tôi đang chờ ông gọi đấy. Tôi sốt ruột muốn bố trí...” Viên thanh tra ngắt lời. “Không biết bà có vui lòng ăn tối cùng tôi hôm nay không nhỉ?” Một lời cảnh cáo. Có lẽ anh ta sợ có ai nghe trộm điện thoại. “Rất vui lòng”. Đại Thượng Hải là một khách sạn lớn, ồn ào, đầy người bản địa. Họ vừa ăn vừa nói chuyện ầm ỹ. Có một ban nhạc đang chơi trên sàn diễn và một cô gái hấp dẫn trong bộ quần áo dân tộc đang hát một bài hát Mỹ thịnh hành. Người phục vụ hỏi Jennifer: “Một bàn cho một người chứ ạ?” “Tôi gặp một người. Thanh tra Touh”. Người phục vụ toét miệng cười. “Ngài thanh tra đang chờ bà đấy. Xin mời bà đi lối này”. Anh ta dẫn Jennifer tới một chiếc bàn gần bục biểu diễn. Thanh tra David Touh là một người đàn ông cao, gày hấp dẫn trạc ngoài bốn mươi một chút. Trông ông thật tế nhị với cặp mắt đen ướt. Ông ta ăn mặc có vẻ long trọng với bộ comlê sẫm màu. Ông ta kéo ghế cho Jennifer và sau đó cùng ngồi xuống ghế của mình. Ban nhạc chơi một bài nhạc rock điếc tai. Thanh tra Touh nhón người qua bàn và nói với Jennifer: “Tôi gọi chút gì cho cô uống nhỉ?” “Vâng, xin cám ơn ông”. “Cô phải thử món Chendon”. “Món gì cơ?” “Nó được làm từ nước dừa, cùi dừa và một ít gelatin. Cô sẽ thích đấy”. Viên thanh tra ngẩng lên và một cô phục vụ lập tức đến bên ông ta. Ông ta gọi hai cốc rượu khai vị Tầu. “Chắc cô không phản đối nếu tôi gọi món cho cô chứ?” “Ồ không đâu, tôi sẽ rất thích đấy”. “Tôi biết là ở nước cô phụ nữ quen ra lệnh. Nhưng ở đây người chỉ huy vẫn là đàn ông”. Tay này có vẻ coi thường phụ nữ, Jennifer nghĩ, nhưng cô không còn lòng dạ nào tranh cãi với ông ta nữa. Cô cần người đàn ông này. Xung quanh ồn ào tới mức không thể tiếp tục nói chuyện được. Jennifer ngồi ngả ra sau ghế và quan sát căn phòng. Cô đã đến nhiều nước phương Đông khác, nhưng người Singapore dường như đẹp một cách khác thường, cả đàn ông và đàn bà cũng vậy. Cô phục vụ đặt đồ uống của Jennifer trước mặt cô. Nó giống như soda sôcôla và một cục gì nhầy nhẫy bên trong cốc. Thanh tra Touh hiểu vẻ mặt của cô. “Cô phải khuấy lên”. “Tôi không nghe thấy gì cả”. Ông ta gào lên: “Cô phải khuấy nó lên!” Jennifer miễn cưỡng khuấy cốc rượu. Cô nếm thử, thật là ghê, quá ngọt và rất khó nuốt, nhưng Jennifer gật đầu và nói: “Có vẻ hay đấy”. Gần một chục cốc nước kiểu ấy được bầy trên bàn và Jennifer quyết định không nhắc gì đến chúng nữa. Thức ăn thì ngon tuyệt. Thanh tra Touh gào to cho át tiếng ồn ào trong phòng: “Khách sạn này nổi tiếng với món Nonya. Đó là món ăn thành phần hỗn hợp giữa Trung Quốc và Mã Lai, Cách nấu ăn được giữ bí mật”. “Tôi muốn nói với ngài về chuyện Stefan Bjork”. “Tôi không nghe thấy gì cả. Ban nhạc chơi to đến ù cả tai”. Jennifer ghé sát ông ta. “Tôi muốn biết khi nào tôi có thể gặp Stefan Bjork”. Thanh tra Touh nhún vai và ra hiệu là ông ta không nghe thấy gì hết. Jennifer chợt băn khoăn không biết có phải ông ta chọn khách sạn này là để họ có thể nói chuyện với nhau một cách an toàn hay là để họ không thể nói được chuyện gì. Người ta bưng ra liên tiếp các món ăn mới và tất cả đều rất ngon. Chỉ có một điều làm Jennifer khó chịu là cô không thể đề cập tới Stefan Bjork, dù chỉ một lần. Khi họ đã ăn xong và ra ngoài phố, thanh tra Touh nói: “Tôi để xe ở đây”. Ông ta bật ngón tay và một chiếc xe Mercedes đen tiến lại chỗ họ. Viên thanh tra mở cửa sau cho Jennifer. Một người đàn ông to lớn trong sắc phục cảnh sát đang ngồi sau tay lái. Có chuyện gì đó không ổn ở đây. Nếu thanh tra Touh muốn bàn bạc những chuyện cơ mật với mình, Jennifer nghĩ, ông ta phải sắp xếp chỉ có hai người thôi chứ. Cô ngồi vào ghế sau ô tô và viên thanh tra ngồi xuống cạnh cô. “Đây là lần đầu tiên cô đến Singapore phải không?” “Vâng”. “Vậy thì cô sẽ có nhiều cái để xem đấy”. “Tôi không đến đây để ngắm phong cảnh, ông thanh tra ạ. Tôi phải trở về nhà càng sớm càng tốt”. Thanh tra Touh thở dài: “Người châu u các vị lúc nào cũng vội vàng. Cô đã nghe nói đến phố Bugis chưa?” “Chưa”. Jennifer vặn người trên ghế để có thể nhìn thanh tra Touh rõ hơn. Ông ta có một khuôn mặt sinh động và cử chỉ đầy diễn cảm. Ông ta có vẻ thân thiện và dễ nói chuyện, nhưng cả buổi tối đã trôi qua mà ông ta chưa nói ra điều gì chính yếu cả. Chiếc ô tô dừng lại tránh một xe xích lô đi ngang qua. Thanh tra Touh nhìn với vẻ khinh bỉ chiếc xe xích lô chở hai khách du lịch xuống phố. “Sẽ có ngày chúng tôi cấm loại xe này”. Jennifer và thanh tra Touh xuống xe cách phố Bugis một dẫy nhà. “Ô tô không được phép vào đây”. Thanh tra Touh giải thích. Ông ta khoác tay Jennifer và họ bắt đầu đi dọc trên vỉa hè đông nghịt người. Vài phút sau họ dường như không thể đi tiếp được nữa. Phố Bugis này rất hẹp, hai bên đường đều có cửa hàng bán rau, hoa quả và thịt cá. Có những quán hàng bầy bán ghế trên vỉa hè. Jennifer đứng ở đó uống một cốc nước giữa cảnh hỗn loạn của mầu sắc, mùi vị và âm thanh. Thanh tra Touh kéo cô đi và dùng vai huých chen đường. Họ đến một quán ăn có ba bàn bầy trên vỉa hè, tất cả đều có người ngồi. Viên thanh tra tóm tay một người phục vụ đi ngang qua và chỉ một lát sau chủ quán đã đến bên họ. Viên thanh tra nói với ông ta mấy câu tiếng Tầu. Người chủ quán bước tới một chiếc bàn nói vài câu với khách và họ lập tức đứng dậy, liếc nhìn viên thanh tra và bỏ đi ngay. Viên thanh tra và Jennifer ngồi xuống bàn đó. “Tôi có thể gọi gì cho cô uống được nhỉ?” “Không, xin cám ơn”. Jennifer ngắm nhìn biển người đang chen chúc dọc theo đường phố và vỉa hè. Nếu ở hoàn cảnh khác có lẽ cô sẽ thấy thích thú. Singapore là một thành phố hấp dẫn, một thành phố mà ta có thể san sẻ cùng người yêu. Thanh tra Touh nói: “Nhìn kìa, sắp nửa đêm rồi đấy”. Jennifer nhìn lên. Đầu tiên cô không để ý thấy gì cả. Sau đó cô thấy tất cả các chủ hàng nhất loạt đóng cửa hàng của mình lại. Khoảng mười phút sau tất cả các cửa hàng đã được khóa lại và chủ của chúng biến đi đâu mất cả. “Chuyện gì xảy ra vậy?” Jennifer hỏi. “Rồi cô sẽ thấy”. Có tiếng ồn ào từ đám đông ở phía cuối phố và mọi người bắt đầu dồn lên vỉa hè, để cho đường phố rộng rãi. Một cô gái Trung Quốc trong bộ áo dài bó sát người đi xuống giữa phố. Đó là người bà đẹp nhất mà Jennifer từng thấy. Cô ta bước chậm rãi và kiêu hãnh, thỉnh thoảng đứng lại chào hỏi người quen ở các bàn và rồi tiếp tục đi. Khi cô gái đến gần bàn nơi Jennifer và viên thanh tra đang ngồi, Jennifer nhìn thấy cô ta rõ hơn và trông gần cô ta càng đẹp. Khuôn mặt cô thật mềm mại, dịu dàng và thân hình cô thật hết chê. Chiếc áo dài lụa trắng của cô ta xẻ tà và ngực để cho mọi người có thể nhìn thấy bộ đùi tròn lản và cặp vú nhỏ rắn chắc của cô ta. Khi Jennifer quay sang nói chuyện với viên thanh tra, một cô gái khác lại xuất hiện. Cô này còn dễ thương hơn cô trước. Hai cô gái nữa đi sau cô gái đó và chỉ trong phút chốc phố Bugis đầy những cô gái trẻ đẹp Họ gồm những người Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc. “Đó là những cô gái điếm”. Jennifer đoán. “Đúng đấy. Những kẻ đổi giới tính”. Jennifer nhìn ông ta ngạc nhiên. Vô lý thật. Cô quay sang nhìn lại các cô gái. Cô không hề thấy có chút vẻ nam giới nào ở họ cả. “Ông nói đùa đấy chứ?” “Người ta gọi là những gã Billy”. Jennifer lúng túng. “Nhưng họ...” “Tất cả bọn họ đều qua giải phẫu rồi. Họ vẫn coi mình là phụ nữ”. Ông ta nhún vai. “Sao lại không được nhỉ? Họ chẳng làm hại ai cả. Cô biết đấy”. Ông nói thêm “Nghề đi điếm bị cấm ở đây. Nhưng những gã trai Billy này hấp dẫn khách du lịch và chừng nào họ không làm phiền khách, lực lượng cảnh sát làm ngơ cho họ”. Jennifer lại nhìn những con người trẻ trung xinh tươi đang đi dọc đường phố, dừng lại ở các bàn để mặc cả với khách hàng. “Họ kiếm khá đấy. Có lúc họ đòi tới 200 đôla. Khi họ trở về già họ làm chủ chứa”. Bây giờ hầu hết các cô gái đã ngồi vào bàn cùng với những người đàn ông, thỏa thuận với họ về giá phục vụ. Từng người một, họ bắt đầu đứng dậy và đi cùng với khách hàng của mình. “Họ làm tới hai ba vụ một tối”. Viên thanh tra giải thích. “Họ đến phố Bugis vào lúc nửa đêm và khoảng sáu giờ sáng phải rời đây để lấy chỗ cho người buôn bán. Chúng ta có thể đi khi nào cô thấy thích”. “Vậy thì ta đi thôi”. Khi họ đi dọc theo đường phố, hình ảnh Ken Bailey chợt hiện lên trong đầu Jennifer và cô nghĩ, em hy vọng là anh sẽ hạnh phúc. Trên đường trở về khách sạn Jennifer quyết định rằng có tài xế hay không, cô cũng phải nhắc đến tên Bjork. Khi chiếc xe rẽ vào đường Orchard, Jennifer cương quyết nói: “Về Stefan Bjork...” “A, đúng rồi. Tôi đã bố trí để cô gặp anh ta vào lúc mười giờ sáng mai”. Chương 55 Ở Thủ đô Washington Adam Warner được báo là có một cú điện thoại khẩn từ New York gọi lại trong lúc anh đang họp. Chưởng lý Robert Di Silva ở đầu dây bên kia. Ông ta phấn khích “Tòa hội thẩm đặc biệt vừa phát lệnh truy tố tất cả những tên mà chúng ta yêu cầu. Tất cả bọn chúng. Chúng ta phải hành động đi thôi”. Không có tiếng trả lời. “Ngài có nghe không đấy?” “Tôi đây”. Adam cố ra vẻ sung sướng. “Thật là một tin tốt lành quá nhỉ”. “Chúng ta nên kết thúc vụ án này trong vòng hai bốn tiếng nữa. Nếu ngài có thể bay tới New York, tôi nghĩ là chúng ta sẽ có một cuộc họp cuối cùng vào sáng mai với các cơ quan liên quan để phối hợp hành động. Như vậy được không, ngài Thượng nghị sĩ?” “Được!”. Adam đáp. “Tôi sẽ thu xếp cuộc họp. Mười giờ sáng mai nhé”. “Tôi sẽ đến”. Adam đặt máy xuống. Tòa hội thẩm đặc biệt đã phát lệnh truy tố. Tất cả bọn chúng! Adam nhấc điện thoại lên và bắt đầu quay số. Chương 56 Phòng dành cho khách thăm tại nhà tù Changi rất nhỏ, trống trải, có tường rửa trắng, gồm một cái bàn dài có ghế gỗ rắn chắc đặt ở hai bên. Jennifer ngồi trên ghế chờ đợi. Cô ngước lên nhìn khi cánh cửa mở và Stefan Bjork bước vào, theo sau là một người lính gác mặc quân phục. Bjork trạc tuổi ba mươi, là một người đàn ông cao lớn có khuôn mặt sưng sỉa với đôi mắt lồi. “Tình trạng viêm tuyến giáp” Jennifer thầm nghĩ. Có những vết bầm rõ nét trên gò má và trán hắn. Hắn ngồi xuống đối diện với Jennifer. “Tôi là Jennifer Parker, luật sư của anh. Tôi sẽ cố gắng đưa anh ra khỏi đây”. Hắn nhìn cô và đáp: “Cô nên làm điều đó sớm đi”. Đó có thể vừa là lời đe dọa vừa là lời cầu xin. Jennifer nhớ lại lời nói của Michael: “Anh muốn em nộp tiền bảo lãnh cho hắn được tại ngoại trước khi hắn bắt đầu khai báo”. “Họ đối xử với anh tốt cả chứ?” Hắn nhìn trộm người lính gác đứng cạnh cửa và đáp: “Vâng. Tốt”. “Tôi vừa đệ đơn xin bảo lãnh cho anh tại ngoại”. “Có còn cơ hội nào không?” Bjork khó có thể che giấu được hy vọng trong giọng nói của hắn. “Tôi nghĩ rằng cũng có thể được. Nhiều nhất mất hai đến ba ngày là cùng”. “Tôi phải ra khỏi nơi này”. Jennifer nhỏm dậy. “Tôi sẽ gặp lại anh sớm”. “Cám ơn” Stefan đáp. Hắn chìa tay ra. Người lính gác quát: “Không được”. Cả hai người đều quay lại. “Không được chạm đến nhau”. Stefan Bjork liếc nhìn Jennifer và sau đó nói hơi lạc giọng: “Làm nhanh đi”. Khi Jennifer trở lại khách sạn có thư nhắn qua điện thoại là thanh tra Touh đã gọi điện tới. Trong khi cô đang đọc bức thư đó, chuông điện thoại lại reo. Viên thanh tra gọi tới. “Trong khi cô chờ đợi, cô Parker ạ, tôi nghĩ rằng cô có thể muốn tham quan quanh thành phố chúng tôi”. Phản ứng đầu tiên của Jennifer là từ chối, nhưng cô chợt nhận ra rằng cô không thể làm được điều gì, cho đến khi cô đưa được Bjork an toàn ra khỏi đây bằng máy bay. Cho đến lúc đó, điều quan trọng là phải giữ được thiện chí với thanh tra Touh. Jennifer đáp: “Cám ơn ông. Tôi rất thích thú được như vậy”. Họ dừng chân ăn trưa tại Kempachi, và sau đó thẳng hướng ra vùng ngoại ô, đi đường Bukit Timah lên phía bắc về phía Malaysia, qua những làng mạc nhỏ bé rực rỡ với những gian hàng thực phẩm và các cửa hàng khác nhau. Mọi người dường như ăn mặc lịch sự và sung túc. Jennifer và thanh tra Touh đã dừng lại ở nghĩa trang Kranji và đài tưởng niệm những người hy sinh trong chiến tranh, rồi leo lên các bậc đá qua những cánh cổng màu xanh để ngỏ. Trước mặt họ là một cây thánh giá bằng cẩm thạch to lớn đặt trên nền chiếc cột khổng lồ. Nghĩa trang trông như là một biển những cây thánh giá màu trắng. “Đối với chúng tôi cuộc chiến tranh đó thật là tồi tệ”, Thanh tra Touh nói “Chúng tôi đã mất hết những người bạn và những người thân trong gia đình”. Jennifer không đáp. Trong suy nghĩ, cô như thấy lại ngôi mộ ở Sands Point. Nhưng cô không dám nghĩ tiếp về những gì đã nằm dưới gò đất nhỏ đó. * * * * * Tại Manhattan, một cuộc họp của các cơ quan duy trì luật pháp đang được tiến hành tại đơn vị đặc nhiệm cảnh sát ở phố Hodson. Một bầu không khí hân hoan tràn ngập trong căn phòng đông đúc, có nhiều người đã từng tham gia các vụ điều tra trước kia với vẻ hoài nghi, bởi vì họ đã trải qua loại việc này từ trước. Trong nhiều năm qua họ đã có thể thu thập được những chứng cớ áp đảo chống lại những tên cướp, giết người, tống tiền nhưng lần lượt trong các vụ án, những kẻ có tài năng pháp lý đáng giá đã giúp cho những kẻ tội phạm mà họ đưa ra truy tố được tha bổng. Lần này hoàn toàn khác. Họ đã có chứng cứ từ tên cố vấn Thomas Colfax, và không ai có thể lay chuyển được hắn. Trong hơn hai mươi năm năm qua, hắn đã là kẻ tổ chức nhóm này. Hắn sẽ ra trước tòa, đưa ra tên tuổi, ngày, tháng, các vụ việc và con số. Và bây giờ họ đã được lệnh hành động. Adam làm việc tích cực hơn bất cứ người nào trong phòng để đạt được giây phút này. Đây sẽ là bước đệm thành công để đưa anh vào Nhà Trắng. Bây giờ khi thời điểm đã đến thì mọi hy vọng như tiêu tan. Trước mắt Adam là danh sách những kẻ bị ban hội thẩm đặc biệt quyết định truy tố. Tên thứ tư trên danh sách là Jennifer Parker và lời buộc tội viết đối diện với tên cô là tội giết người và tòng phạm nửa tá tội ác khác nhau. Adam Warner nhìn quanh căn phòng và miễn cưỡng nói: “Xin chúc mừng... Xin chúc mừng tất cả các bạn”. Anh cố nói tiếp nhưng không tìm được lời nói. Sự căm ghét bản thân tràn ngập trong người đã khiến cơ thể anh thấy đau đớn. “Người Tây Ban Nha nói đúng” Michael Moretti thầm nghĩ. “Sự trả thù là một món ngon nhất khi ăn nguội”. Lý do duy nhất khiến Jennifer Parker vẫn còn sống là bởi vì cô ở ngoài tầm tay y. Nhưng cô sẽ sớm quay trở về. Trong lúc này, Michael có thể thưởng thức được điều sắp sửa xảy ra với cô. Cô ta đã phản bội y giống như người đàn bà đã phản bội chồng. Vì thế y sẽ phải dành cho cô sự “chăm sóc” đặc biệt. Tại Singapore, Jennifer lại cố gắng đặt điện thoại gọi cho Michael. “Tôi xin lỗi”, nhân viên tổng đài trả lời cô. “Dây cáp đi Mỹ đang bận”. “Cô có thể cố gắng nối được không?” “Tất nhiên, thưa cô Parker”. Cô nhân viên ngước lên nhìn người đàn ông đứng bên cạnh tổng đài và anh ta mỉm cười vẻ thông đồng. Tại trụ sở của mình ở trung tâm thành phố, Robert Di Silva nhìn tờ lệnh bắt giữ vừa mới được chuyển đến. Tên của Jennifer Parker có trên đó. “Cuối cùng mình cũng tóm được ả”; ông ta thầm nghĩ và chợt cảm thấy hài lòng khôn tả. Nhân viên điện thoại thông báo: “Thanh tra Touh đang chờ cô ở hành lang” Jennifer rất ngạc nhiên vì cô không mong đợi ông ta. Có lẽ ông có tin tức về Stefan Bjork chăng. Jennifer dùng thang máy xuống hành lang. “Xin lỗi tôi đã không gọi điện” Thanh tra Touh nói. “Tôi nghĩ tốt nhất là nói trực tiếp với cô”. “Ông có tin gì à?” “Chúng ta có thể nói chuyện trong ô tô. Tôi muốn cho cô biết điều này”. Họ đi xe dọc đường Yio Chu Kang. “Có vấn đề gì không?” - Jennifer hỏi. “Không đâu. Ngày kia vấn đề tại ngoại sẽ được tiến hành”. “Vậy thì ông ta đưa cô đi đâu vậy?” - Cô tự hỏi. Họ đi qua một loạt các tòa nhà trên đường Jalan Goatopah, và người lái xe chợt dừng lại. Thanh tra Touh quay sang Jennifer nói: “Tôi chắc rằng điều này sẽ làm cô thích thú”. “Gì vậy?” “Đi theo tôi. Cô sẽ thấy”. Phía bên trong ngôi nhà trông rất cũ kỹ và đổ nát, nhưng ấn tượng rất rõ nét là một mùi gì đó hoang đã, cổ xưa và thơm như xạ. Jennifer chưa từng ngửi thấy mùi này trước đây. Một cô gái trẻ bước nhanh tới và hỏi : “Ông bà có cần dẫn đường không? Tôi...” Thanh tra Touh gạt cô gái sang bên: “Chúng tôi không cần cô”. Ông khoác tay Jennifer và họ cùng bước ra ngoài trời. Có tới nửa tá những chiếc thúng lớn bị chìm và từ đó phát ra một loạt những âm thanh trơn tuột lạ lùng. Jennifer và thanh tra Touh đến gần chiếc bể đầu tiên. Có biển báo: “Không cho tay xuống bể. Nguy hiểm!” Jennifer nhìn xuống chiếc bể đầy các loại cá sấu đang bơi lội không ngừng, chồm lên và trượt lên nhau. Jennifer rùng mình: “Cái gì thế?” “Đây là trại nuôi cá sấu”. Ông ta nhìn xuống những con vật bò sát đó. “Khi được ba đến sáu năm tuổi chúng bị lột da làm thành ví, thắt lưng và giầy. Cô trông thấy hầu hết chúng đều há miệng đấy. Đó là cách chúng nghỉ ngơi. Khi chúng ngậm mồm lại thì cô phải cẩn thận”. Họ đến bể chứa khác trong đó có hai con cá sấu khổng lồ. “Đây là những con 15 năm tuổi rồi. Chúng chỉ dùng để sinh sản thôi”. Jennifer run lên. “Trông chúng gớm ghiếc quá. Tôi không biết làm sao chúng lại chịu đựng được nhau cơ chứ”. Thanh tra Touh đáp: “Chúng không thể chịu được đâu. Thực tế là chúng thường không phải là bạn bè của nhau”. “Chúng là loài vật từ thời tiền sử”. “Đúng vậy. Chúng tồn tại từ hàng triệu năm, có các bộ phận cơ thể thô sơ như thủa xưa”. Jennifer tự hỏi vì sao ông ta lại đưa cô đến đây. Nếu như ông thanh tra cho rằng những con vật trông khủng khiếp này làm cô quan tâm, thì ông ta đã nhầm. “Nào chúng ta có thể đi được rồi chứ?” Jennifer hỏi. “Chờ chút đã”. Ông thanh tra ngước nhìn về phía cô gái trẻ đã gặp họ trước đấy bên trong nhà. Cô ta đang mang một chiếc khay tới gần chiếc bể đầu tiên. “Hôm nay là ngày cho ăn”, Ông thanh tra nói. “Hãy nhìn xem”. Ông dẫn Jennifer đến gần chiếc bể đầu tiên. “Họ cho chúng ăn cá và phổi lợn ba ngày một lần”. Cô gái bắt đầu ném thức ăn xuống bể và ngay lập tức đã tạo ra một loạt khuấy động trong bể. Những con cá sấu lao lên đớp thức ăn tươi sống đẫm máu, dùng răng nanh xé nát. Trong khi Jennifer đang nhìn, hai con cá sấu giành nhau một miếng thịt và đột nhiên chúng quay sang nhau, tấn công, cắn xé, quăng quật nhau cho đến khi bể chứa bắt đầu loang ra mầu máu. Nhãn cầu một con bị cắn rơi ra, nhưng răng của nó vẫn ngập sâu vào hàm của kẻ tấn công, nó không chịu để đối phương thoát. Khi máu bắt đầu phun ra nhiều hơn, đỏ thẫm cả nước thì những con cá sấu khác cũng tham gia vào cuộc chiến, cắn xé hai con bị thương, rạch thủng đầu chúng cho đến khi lớp da bị lộ ra. Chúng bắt đầu ăn sống hai con đó. Jennifer cảm thấy như ngất xỉu đi. “Chúng ta hãy ra khỏi đây đi thôi”. Thanh tra Touh đặt tay lên cánh tay cô. “Chờ một phút đã”. Ông đứng đó quan sát tiếp và một lúc sau ông dẫn Jennifer đi. Tối hôm đó Jennifer nằm mơ về những con cá sấu đang cắn xé nhau ra từng mảnh. Hai con cá sấu bỗng nhiên trở thành Michael và Adam, và trong giữa cơn ác mộng Jennifer thức giấc, run rẩy. Cô không thể ngủ lại được nữa. * * * * * Cuộc công kích bắt đầu. Những người thuộc lực lượng gìn giữ pháp luật của cả liên bang và địa phương đã tiến công vào nhiều bang khác nhau và cả một số nước khác. Cuộc công kích đã được phối hợp diễn ra đồng thời. Tại bang Ohio, một thượng nghị sĩ đã bị bắt trong khi đọc diễn văn ở một câu lạc bộ dành cho phụ nữ về vấn đề trung thực trong chính phủ. Tại New Olleans, một hoạt động in sách quốc gia bất hợp pháp đã bị đóng cửa. Tại Amsterdam, hoạt động buôn lậu kim cương đã bị chặn đứng. Một viên quản lý ngân hàng ở Galy, bang Indiana bị bắt vì tội nhận chuyển tiền cho Mafia. Tại thành phố Kansas, một nhà chứa hàng giảm giá lớn nhất đầy hàng hóa ăn cắp đã bị đột kích. Tại Phoenix, bang Anzona, nửa tá thám tử thuộc đội chống tệ nạn đã bị bắt. Tại Naples, một nhà máy chế biến cocain đã bị chiếm giữ. Tại Detroi, một băng trộm ô tô trên toàn quốc đã bị tóm gọn. Không thể liên lạc với Jennifer bằng điện thoại, nên Adam Warner đã phải đến văn phòng của cô. Cynthia nhận ra anh ngay. “Tôi xin lỗi, ông thượng nghị sĩ Warner ạ, cô Parker đã đi ra nước ngoài rồi”. “Cô ấy đang ở đâu vậy?” “Tại khách sạn Shangri-la ở Singapore”. Adam phấn chấn hẳn lên. Anh có thể điện thoại cho cô và bảo cô đừng về nước. Người canh giữ khách sạn vào phòng khi Jennifer chuẩn bị ra khỏi phòng tắm. “Xin lỗi. Mấy giờ hôm nay bà sẽ thanh toán?” “Tôi có thanh toán hôm nay đâu. Ngày mai tôi mới rời kia mà”. Người giữ khách sạn bối rối. “Tôi được báo là chuẩn bị căn phòng này cho người sẽ đến vào đêm khuya hôm nay”. “Ai bảo cô làm vậy?” “Ông quản lý ạ”. Phía dưới nhà có một cú điện thoại từ nước ngoài gọi đến tổng đài. Lúc này nhân viên khác đang làm nhiệm vụ và cũng có một người đàn ông khác đứng cạnh cô. Cô nhân viên nói thì thầm. “Từ thành phố New York gọi cho cô Jennifer Parker?” Cô nhìn dò hỏi người đàn ông đứng bên cạnh. Anh ta lắc đầu. “Tôi xin lỗi. Cô Parker đã dọn đi rồi”. Cuộc càn quét tiếp tục. Các vụ bắt bớ đã diễn ra ở Honduras, Salvado, Thổ Nhĩ Kỳ và Mehico. Lưới đã được buông khắp những kẻ cờ bạc, giết người, cướp nhà băng và những kẻ đốt phá. Đã có các vụ trấn áp ở Fort Lauderdale, thành phố Atlantic và Palm Springs. Các cuộc bắt bớ vẫn tiếp tục. Ở New York, Robert Di Silva đã theo dõi sát sao những tiến triển đã đạt được. Tim ông ta dường như đập nhanh hơn, khi nghĩ về chiếc lưới đã khép dần lại quanh Jennifer Parker và Michael Moretti. Michael Moretti đã trốn thoát được mạng lưới của cảnh sát bằng một dịp may hiếm có. Nhân ngày giỗ của bố vợ, Michael và Rosa đã đến nghĩa trang thăm viếng. Sau khi họ rời nhà năm phút, một xe ô tô chở đầy nhân viên FBI đã đến nhà Michael Moretti, và một chiếc xe khác đổ đến văn phòng y. Khi họ biết rằng y không có ở cả hai nơi, các nhân viên đành phải ngồi đợi. Jennifer chợt nhận ra mình đã quên không đặt chỗ máy bay cho Stefan Bjork trở lại Mỹ. Cô gọi điện đến hãng Hàng không Singapore. “Tôi là Jennifer Parker. Tôi đã mua vé chuyến bay “112” của hãng đi London chiều mai. Tôi muốn đặt thêm chỗ nữa”. “Cám ơn. Xin cô cầm máy một chút?” Jennifer đợi và sau vài phút một giọng nói vang lên trên đường dây. “Có phải cô Parker đó không? P-A-R-K-E-R à?” “Vâng”. “Chỗ của cô đã bị hủy bỏ, thưa cô Parker”. Jennifer cảm thấy hơi bị sốc. “Đã hủy bỏ à? Ai làm vậy” “Tôi không biết. Cô đã bị xóa khỏi danh sách hành khách của chúng tôi”. “Chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Tôi muốn cô ghi tên tôi lại vào danh sách đó”. “Xin lỗi, thưa cô Parker. Chuyến bay 112 đã hết chỗ rồi”. Thanh tra Touh là người sẽ thu xếp lại mọi việc, Jennifer quyết định như vậy. Cô đồng ý ăn tối với ông ta. Lúc đó cô sẽ biết điều gì đang xảy ra. Ông đến đón cô sớm. Jennifer đã nói cho ông thanh tra biết về những việc lộn xộn tại khách sạn của cô và việc đặt chỗ máy bay. Ông nhún vai. “Sự thiếu sót nổi tiếng của chúng tôi đấy tôi e là như vậy. Tôi sẽ xem xét điều đó”. “Thế còn Stefan Bjork thì sao?” “Mọi việc đã được thu xếp. Sáng mai ông ta sẽ được thả”. Thanh tra Touh nói điều gì đó với người lái xe bằng tiếng Trung Quốc và chiếc ô tô đã quay ngoắt hình chữ U. “Cô chưa thấy đường Kallang nhỉ. Cô sẽ thấy nó cực kỳ thú vị đấy”. Xe ô tô rẽ trái đến phố Lavender và đi qua một khu nhà, rồi lại rẽ phải đến Kallang Bahru. Có những tấm biển lớn quảng cáo cho các công ty bán vòng hoa và quan tài. Qua một vài khu nhà chiếc xe lại ngoặt tiếp. “Chúng ta ở đâu vậy?” Thanh tra Touh quay sang Jennifer và lặng lẽ đáp: “Chúng ta đang ở trên phố không có tên”. Chiếc xe bắt đầu đi chậm lại. Dọc hai bên phố từng hàng, từng hàng một chỉ có tên của những cửa hàng lo đám ma hiện ra: Tan Kee Seng, Clin Noh, Ang Yung Long, Goh Soon. Phía trước mặt có một đám ma đang được cử hành. Tất cả những người đưa ma đều mặc đồ trắng và một ban nhạc đang chơi ba loại nhạc cụ: Kèn tuba, Sắc-xô và trống. Một xác chết được đặt trên bàn, bao quanh là các vòng hoa và một bức ảnh lớn của người chết, đặt trên giá quay ra phía trước. Những người đưa ma ngồi xung quanh đang ăn uống. Jennifer quay sang viên thanh tra hỏi: “Gì vậy?” “Đây là nhà xác. Những người địa phương gọi chúng là nhà chết. Từ xác rất khó đọc đối với họ”. Ông ta nhìn Jennifer và nói “Nhưng chết cũng chỉ là một phần của cuộc đời phải không nhỉ?” Jennifer nhìn sâu vào đôi mắt lạnh lẽo của ông ta và bỗng nhiên run sợ. Họ đi đến Golden Phoenix, và mãi cho đến khi họ ngồi xuống ghế, Jennifer mới có dịp để thắc mắc. “Thanh tra Touh, lý do gì khiến ông đưa tôi tới trại nuôi cá sấu và nhà chết?” Ông nhìn cô bình thản và đáp : “Tất nhiên là có lý do chứ. Tôi nghĩ rằng cô quan tâm tới những việc đó mà. Đặc biệt là bởi vì cô đã đến đây để đòi tự do cho khách hàng của cô, ông Bjork. Nhiều thanh niên của chúng tôi đang chết dần chết mòn vì ma tuý được mang vào đất nước chúng tôi, cô Parker ạ. Lẽ ra tôi đã đưa cô đến bệnh viện nơi chúng tôi đang cố gắng điều trị cho họ, nhưng tôi cảm thấy rằng sẽ có nhiều thông tin cho cô hơn khi được xem nơi mà họ sẽ kết thúc cuộc đời”. “Tất cả những điều đó không có liên quan gì đến tôi”. “Tùy theo ý kiến riêng của mỗi người thôi”. Tất cả những thiện cảm đã biến mất trong giọng nói của ông. Jennifer nói: “Nghe đây ông thanh tra Touh, tôi chắc rằng ông được trả lương tốt để...” “Trên thế giới này không ai có đủ tiền để trả tôi đâu!” Ông ta đứng dậy, gật đầu cho ai đó và Jennifer quay lại. Hai người đàn ông trong bộ đồ xám tiến lại gần bàn. “Cô Jennifer Parker phải không?” “Vâng, chính tôi”. Họ không cần phải lôi thẻ FBI ra. Jennifer đã biết trước khi họ cất tiếng: “FBI, chúng tôi đã có các giấy tờ về dẫn độ và lệnh bắt giữ cô. Chúng tôi sẽ đưa cô trở lại New York trên chuyến bay lúc nửa đêm”. Chương 57 Khi Michael Moretti rời khỏi mộ bố vợ thì y đã thấy bị lỡ hẹn. Y quyết định gọi điện đến văn phòng để hẹn lại. Y dừng lại ở một trạm điện thoại dọc đường đi và quay số. Chuông điện thoại vang lên và một giọng nói trả lời: “Acme Builders đây”. Michael đáp: “Mike đây. Hãy bảo...” “Ông Moretti không có ở đây. Gọi lại sau nhé”. Michael cảm tưởng như người y căng lên. Y chỉ có thể nói thêm: “Chỗ của Tony nhé”. Y gác máy và lao nhanh ra xe. Rosa nhìn vào y và hỏi: “Không có chuyện gì đấy chứ, Michael”. “Anh không rõ. Anh sẽ thả em xuống ở nhà họ hàng em. Hãy ở đó đến khi anh liên hệ lại”. Tony theo Michael vào phòng ở sau cửa hàng ăn. “Tôi được biết là bọn cớm đang vây khắp nhà anh và cả văn phòng ở trung tâm thành phố nữa, Mike ạ!” “Cám ơn”, Michael đáp. “Tôi muốn ở lại một mình”. “Được thôi”. Michael đợi cho đến khi Tony ra khỏi phòng và khép cửa lại. Sau đó Michael nhấc máy điện thoại và giận dữ quay số. Michael Moretti mất chưa đến hai mươi phút để biết được một tai họa lớn đang xảy ra. Khi các báo cáo về những vụ đột kích và bắt bớ lọt về, Michael nhận chúng mà không thể tin vào mình được nữa. Tất cả quân tướng của y đều bị bắt. Các điểm đều bị đột kích; các hoạt động cờ bạc bị chiếm giữ; những tài liệu, hồ sơ mật đang bị tịch thu. Những gì đang diễn ra như trong cơn ác mộng. Cảnh sát chắc đã lấy được thông tin từ kẻ nào đó bên trong tổ chức của y. Michael đặt điện thoại gọi cho các gia đình mafia khác trên khắp nước, và tất cả bọn họ đều yêu cầu muốn biết điều gì đang xảy ra. Họ cũng bị tổn thất nghiêm trọng và không ai biết kẻ nào đã để lộ tin ra. Tất cả bọn họ đều nghi ngờ rằng việc lộ ra là từ gia đình Moretti. Jimmy Guardino từ Las Vegas đã thông báo cho y tối hậu thư. “Tôi gọi thay mặt Ủy ban đấy, Michael ạ”. Ủy ban quốc gia là tổ chức quyền lực tối cao thay thế cho quyền lực của bất kỳ cá nhân gia đình nào đang gặp phiền nhiễu. “Cảnh sát đang bao vây khắp các gia đình một kẻ nào đó cỡ bự đang hót. Chúng tôi được báo rằng nó là một trong các thành viên của anh. Chúng tôi cho anh mươi bốn giờ để tìm và “chăm sóc” kẻ đó”. Trước đây, các cuộc đột kích của cảnh sát thường chỉ bắt được những tên tép riu, những kẻ có thể hy sinh đi được. Giờ đây, lần đầu tiên, những tên đứng đầu đang bị cuốn vào. Một kẻ nào đó cỡ bự đang hót, chúng tôi được báo rằng nó là một trong các thành viên của anh. Chúng đã nói đúng. Gia đình Michael bị đụng chạm tới nhiều nhất và cảnh sát đang tìm kiếm y. Kẻ nào đó đã cung cấp cho họ những chứng cớ chắc chắn, nếu không họ không bao giờ tập trung chiến dịch này tới điểm cao như vậy. Nhưng kẻ đó là ai nhỉ? Michael ngồi lại suy nghĩ. Kẻ nào đó đã tiết lộ cho nhà chức trách những thông tin bên trong, mà chỉ có Michael và hai viên đội trưởng đứng đầu của y là Salvatore và Joseph Colella biết được. Chỉ có ba người biết nơi cất giấu sổ sách gốc và FBI đã tìm ra chúng. Một kẻ khác duy nhất có lẽ cũng biết thông tin này là Thomas Colfax, nhưng Colfax đã bị chôn sâu dưới thùng rác ở bang New Jersey rồi. Michael ngồi đó và nghĩ về Salvatore Fiore và Joseph Colella. Khó có thể tin được rằng một trong hai kẻ đó có thể đã phá vỡ luật cấm tiết lộ và đã khai báo. Chúng đã theo y ngay từ ngày đầu: chính y đã lựa chọn chúng. Y đã cho phép chúng có hoạt động giật nợ riêng bên ngoài và được kinh doanh một đường dây đĩ điếm nhỏ. Vậy thì tại sao chúng lại phản bội y? Câu trả lời tất nhiên rất đơn giản: đó là vì chiếc ghế y đang nắm giữ. Chúng muốn chiếm ghế y. Một khi y bị lật. Chúng sẽ ngồi vào và chiếm quyền. Chúng cùng là đồng đảng, chúng phải cùng ngồi vào ghế chứ. Michael như muốn tàn sát chúng cho hả giận. Lũ chó đẻ ngu xuẩn đang cố kéo y xuống, nhưng chúng sẽ không còn sống được mà thích thú đâu. Điều đầu tiên phải làm là thu xếp việc tạì ngoại cho những tay chân của y đã bị bắt. Y cần một luật sư có thể tin cậy được - Colfax đã chết, còn Jennifer - Jennifer! Michad có thể cảm thấy sự lạnh lẽo đang bao phủ quanh trái tim y. Trong đầu y có thể như nghe thấy chính mình đang nói: Hãy quay lại càng nhanh càng tốt nhé. Anh sẽ nhớ em. Anh yêu em, Jennifer ạ. Y đã nói vậy còn cô ta thì đã phản bội y. Cô ta sẽ phải trả giá cho điều đó. Michael lại gọi điện, rồi ngồi đợi và mười lăm phút sau Nick Vito bước nhanh vào văn phòng. “Chuyện gì đang xảy ra vậy?” Michael hỏi. “Nơi đó vẫn còn bị cớm bâu đầy, Mike ạ. Tôi lái xe vòng quanh khu nhà vài lần, nhưng tôi đã làm như anh dặn. Tôi tránh thật xa”. “Tôi có việc cho anh làm đây, Nick ạ”. “Sẵn sàng thôi, thưa ông chủ. Tôi có thể làm gì cho ông chủ đây?” “Hãy “chăm sóc” Salvatore và Joe đi”. Nick ngơ ngác nhìn y. “Tôi... tôi không hiểu. Khi anh nói chăm sóc chúng đi, anh không có ý là....” Michael quát: “Tao muốn nói là bắn vỡ những cái sọ chó má của chúng nó đi? Mày cần biết rõ hơn không?” “Khô... ông”. Nick Vito lắp bắp “Ý tôi... tôi... tôi muốn nói là. Sal và Joe là những kẻ hàng đầu của anh mà!” Michael Moretti đứng bật dậy, mắt y long lên sòng sọc. “Mày định bảo tao cách chỉ đạo công việc của tao à, Nick?” “Không, Mike ạ. Tôi... được thôi. Tôi sẽ “chăm sóc” chúng theo ý anh. Khi nào...” “Ngay bây giờ. Ngay lập tức. Tao không muốn để chúng sống xem trăng tối nay đâu. Mày hiểu chứ?” “Vâng, tôi hiểu”. Tay Michael khép chặt lại thành nắm đấm. “Nếu như tao có thì giờ, tao sẽ tự mình “chăm sóc” chúng. Tao muốn chúng phải bị đau đớn, Nick ạ. Hãy làm chậm rãi thôi, mày rõ rồi chứ? Từ từ, từ từ thôi”. “Chắc chắn vậy. Được thôi”. Cánh cửa bật mở và Tony lao vào, mặt tái xám. “Có hai tên nhân viên FBI ở ngoài kia mang theo lệnh bắt anh. Tôi thề có Chúa là tôi không biết vì sao chúng biết được anh ở đây. Chúng...” Michael Moretti quay sang Nick Vito và nói gắt gỏng: “Ra theo đường sau. Làm đi!” Y quay sang Tony. “Bảo chúng là tôi đang đi vệ sinh. Tôi sẽ ra gặp chúng ngay”. Michael nhấc điện thoại và quay số. Một phút sau y nói chuyện với một viên thẩm phán của tòa án tối cao ở New York. “Có hai tên cớm đến đây mang theo lệnh bắt tôi”. “Về tội gì hả, Mike?” “Tôi không biết và cũng cóc cần biết. Tôi gọi ông để thu xếp mọi việc cho tôi được tại ngoại. Tôi không thể ngồi bên trong cánh cửa nhà tù. Tôi có việc phải làm”. Im lặng một lúc và giọng ông thẩm phán cất lên đầy thận trọng: “Tôi e rằng sẽ không thể giúp anh lần này được, Michael ạ. Cuộc điều tra đang diễn ra khắp nơi và nếu như tôi cố can thiệp vào...” Khi Michael Moretti nói, giọng y đầy đe dọa. “Nghe tôi nói đây, đồ khốn kiếp, và nghe cho rõ. Nếu tôi bị ngồi tù chỉ một giờ thôi, thì tôi sẽ làm cho ông ngồi sau chấn song sắt suốt quãng đời còn lại của ông. Từ lâu rồi tôi đã đối xử tốt với ông mà. Ông muốn tôi báo cho viên chưởng lý khu vực biết ông đã thu xếp bao nhiêu vụ án cho tôi không? Ông có muốn tôi tiết lộ số tài khoản của ông ở ngân hàng Thuy Sĩ không? Ông có...” “Lạy chúa tôi, đừng thế, Michael?” “Vậy thì hành động đi!” “Tôi sẽ xem xem có thể làm được gì”, chánh án Lawrence Waldman đáp. “Tôi sẽ cố để...” “Cố để làm cứt gì? Hãy làm đi! Ông có nghe tôi không, Larry? Làm đi!” Michael dập máy xuống. Đầu óc y suy nghĩ nhanh và bình thản. Y không quan tâm đến việc bị bắt vào tù. Y biết rằng chánh án Waldman sẽ làm như y bảo và y có thể tin cậy vào Nick Vito “chăm sóc” Fiore và Colella. Không có chúng làm chứng thì chính quyền không thể chứng minh được điều gì để buộc tội y. Michael nhìn vào gương con trên tường, chải lại tóc, sửa sang lại cravat và đi ra gặp hai nhân viên FBI. Chánh án Lawrence Waldman đã thu xếp được như Michael mong đợi. Tại phiên điều trần sơ bộ, một luật sư do chánh án Waldman chọn lựa đã đề nghị cho trả tiền tại ngoại và giá đặt là 500.000 đôla. Di Silva đứng đó giận dữ và câm tức khi Michael đi ra khỏi phòng xử án. Chương 58 Nick Vito là một kẻ kém thông minh, năng lực của hắn đối với tổ chức là ở chỗ tuân lệnh mà không hỏi hắn gì hết và hắn thực hiện rất có hiệu quả. Nick Vito đã đứng trước họng súng và mũi dao hàng chục lần, nhưng hắn không hề biết sợ hãi. Nhưng giờ hắn lại lo sợ. Điều gì đó đang xảy ra ngoài sự hiểu biết của hắn, nhưng hắn có cảm giác rằng về mặt nào đó hắn phải chịu trách nhiệm đối với việc đã xảy ra. Cả ngày hôm đó hắn được nghe về các vụ đột kích đang xẩy ra, những vụ bắt bớ khắp nơi được tiến hành. Tin loan truyền trên phố xá rằng đã có kẻ cỡ bự phản bội trốn thoát, một tên nào đó cỡ bự trong tổ chức. Thậm chí không được thông minh lắm, nhưng Nick Vito cũng có thể liên hệ tới thực tế, rằng hắn đã để cho Thomas Colfax sống và sau đó một thời gian ngắn, kẻ nào đó đã bắt đầu tố cáo gia đình này với nhà chức trách. Nick Vito biết rằng kẻ đó không thể là Salvatore Fiole hoặc Joseph Colella được. Hai gã đó như anh em hắn và chúng đều trung thành điên cuồng với Michael Moretti giống như hắn. Nhưng không có cách nào hắn có thể giải thích điều đó với Michael, mà không bị xé xác ra thành từng mảnh; bởi vì kẻ khác duy nhất phải chịu trách nhiệm là Thomas Colfax, nhưng Colfax bị coi như đã chết rồi! Nick Vito đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hắn yêu quý gã nhỏ bé và tên khổng lồ đó. Fiore và Colella trước đây đã giúp hắn nhiều, cũng giống như Thomas Colfax đã làm. Nhưng y đã giúp Colfax thoát khỏì cảnh bế tắc, và giờ y đã bị phiền toái như thế nào. Bởi thế Nick Vito quyết định rằng hắn sẽ không mềm yếu như trước nữa. Bây giờ hắn phải bảo vệ chính cuộc sống của mình. Một khi hắn đã giết Fiore và Colella, hắn sẽ thanh minh được. Nhưng bởi vì chúng tựa như anh em hắn, hắn sẽ làm cho chúng được chết nhanh chóng. Nick Vito rất dễ dàng biết được nơi ở của chúng, bởi vì chúng luôn sẵn sàng trong trường hợp Michael cần đến. Gã Salvatore Fiore nhỏ bé đang đến thăm tình nhân của hắn ở căn hộ trên phố 83 gần bảo tàng lịch sử tự nhiên. Nick biết rằng Salvatore thường rời khỏi đó vào lúc năm giờ để về nhà với vợ. Bây giờ đã là ba giờ. Nick tự tranh luận với mình. Hắn có thể hoặc chờ phía trước tòa nhà có căn hộ đó hoặc lên cầu thang và giết Salvatore phía trong cãn hộ. Hắn quyết định rằng đợi chờ sẽ làm cho hắn hồi hộp hơn. Ý nghĩ mình sẽ hồi hộp khiến Nick Vito càng hồi hộp hơn. Tất cả suy nghĩ đó bắt đầu thấm dần vào người hắn. Khi xong việc rồi, hắn thầm nghĩ, mình sẽ yêu cầu Mike cho đi nghỉ. Có lẽ mình sẽ đem theo một vài cô gái trẻ và xuống nghỉ ở Bahamas. Những suy nghĩ đó đã khiến cho hắn cảm thấy an tâm hơn. Nick Vito đỗ xe ở góc phố gần với cán hộ và đi bộ đến tòa nhà. Hắn cạy cửa trước vào tránh thang máy và đi bộ lên cầu thang đến tầng ba. Hắn tiến đến trước cửa cuối hành lang và khi đến gần, hắn đập thình thình vào cửa. “Mở ra - Cảnh sát!” Hắn nghe thấy âm thanh ngắn gọn ở phía sau cửa. Một lúc sau cửa hé mở, vẫn mắc vào xích sắt nhưng hắn có thể thấy khuôn mặt và một phần thân hình trần truồng của Marina, nhân tình của Salvatore Fiole. “Nick?” - Ả nói - “Đồ ngốc điên rồ. Anh làm tôi hết cả hồn”. Ả ta tháo xích ra khỏi cửa và mở hẳn ra. “Sal này, Nick đến đấy!” Gã Salvatore Fiore nhỏ bé từ phòng ngủ bước vào trần truồng. “Ê, chú Nicky? Mày làm cái... gì ở đây thế?” “Sal này, tao có thư Mike gửi cho mày đấy”. Nick Vito nâng khẩu súng tự động 22 ly có gắn giảm thanh và siết cò. Chốt bắn đập mạnh vào viên đạn đường kính 22 ly, đẩy nó ra khỏi họng súng với tốc độ 300m một giây. Viên đại đầu tiên xé tan sống mũi Salvatore Fiore. Viên thứ hai trúng vào mắt trái hắn. Khi Marina há miệng la hét, Nick Vito quay lại và cho một viên đạn vào đầu ả. Khi ả ngã xuống sàn, hắn bắn một phát nữa vào ngực ả cho chắc chắn. “Thật phí cả một cô ả xinh xắn” - Nick nghĩ thầm “Nhưng Mike sẽ không thích nếu như mình để lại bất kỳ nhân chứng sống nào”. Joseph Colella to lớn như một con ngựa đang tham dự cuộc đua thứ tám tại công viên Belmont ở Long Island. Belmont là một trường đua dài có chu vi một dặm rưỡi, chiều dài lý tưởng đối với con ngựa hắn đang điều khiển. Hắn đã khuyên Nick đánh cá vào con ngựa đó. Trước đây Nick đã được khá nhiều tiền nhờ lời mách bảo của Colella. Colella thường đặt một tí tiền cho Nick khi ngựa của hắn tham dự đua. Khi Nick Vito đến ô bãi của Colella, y thầm tiếc là rồi sẽ không còn được lời khuyên bảo nào nữa. Đợt đua lần thứ tám vừa mới bắt đầu. Colella đang đứng tại ô của hắn hò hét cổ vũ cho con ngựa của mình. Đây là một cuộc đua được đánh cược lớn nên đám đông la hét ầm ĩ, khi những chú ngựa vòng quanh hết lượt đầu. Nick Vito bước vào ô từ phía sau Colella và hỏi: “Công việc ra sao, ông bạn!” “Ê, Nick! Mày đến đây đúng lúc quá. Con ngựa Nữ hoàng xinh đẹp sẽ được cuộc đua này đấy. Tao vừa mới đặt cược một ít cho mày đấy!” “Tuyệt quá Joe ạ?” Nick Vito ấn khẩu súng đường kính 22 ly vào xương sống Colella và bắn ba phát qua áo khoác hắn. Tiếng nổ đã được giảm thanh tan biến trong đám đông ồn ào. Nick nhìn Joseph Colella ngã gục xuống đất. Trong giây lát hắn tự hỏi, liệu có nên lấy những vé số đánh cược trong túi Colella không và sau đó quyết định không nên. Rốt cuộc, con ngựa có thể thua thì sao. Nick Vito quay đi và bước vội về phía lối ra, như một kẻ vô danh trong số hàng nghìn người. * * * * * Đường dây điện thoại riêng của Michael Moretti chợt réo. “Ông Moretti phải không?” “Ai muốn gặp ông tôi đấy?” “Đại úy Tanner đây”. Michael phải mất một giây mới nhớ lại được cái tên đó. Một viên đại úy cảnh sát ở phường Queens. Trong danh sách trả lương. “Moretti đây”. “Tôi vừa mới nhận được một vài thông tin mà tôi cho rằng có thể làm ông quan tâm”. “Ông gọi từ đâu vậy?” “Trạm điện thoại công cộng”. “Nói tiếp đi”. “Tôi đã phát hiện ra cuộc điều tra bắt nguồn từ đâu!” “Ông quá muộn rồi. Chúng vừa được “chăm sóc” tới”. “Chúng à? Chà, tôi chỉ nghe được về Thomas Colfax thôi mà”. “Ông không biết ông đang nói cái quái quỷ gì đấy. Thomas Colfax ngoẻo rồi còn đâu”. Đến lượt đại úy Tanner bối rối. “Ông đang nói gì vậy Thomas Colfax ngay lúc này đây đang ngồi tại căn cứ hải quân ở Quantico, bày tỏ ruột gan cho những kẻ muốn nghe”. “Ông lại lẫn rồi”. Michael cáu kỉnh. “Tôi được biết là...” Y ngừng lại. Y đã biết gì cơ chứ? Y đã ra lệnh cho Nick Vito giết Thomas Colfax và Vito đã trả lời rằng hắn đã thi hành. Michael ngồi đó nghĩ ngợi. “Ông có biết chắc điều đó không đấy, Tanner”. “Ông Moretti, nếu tôi không chắc thì tôi gọi cho ông làm gì?” “Tôi sẽ kiểm tra điều đó. Nếu đúng thì tôi mắc nợ ông đấy”. “Cám ơn ông Moretti”. Đại úy Tanner gác ống nghe, hài lòng với chính mình. Trước đây y thấy Michael Moretti là một người rất đáng mến. Lần này có thể là một sự đền ơn lớn, sự đền ơn có thể khiến ông ta về hưu nghỉ ngơi ngay được. Ông ta rời khỏi trạm điện thoại, bước ra ngoài trời lạnh giá tháng mười. Có hai người đàn ông đứng chờ phía ngoài và khi viên đại úy bắt đầu đi vòng tránh họ, một người chặn đường ông ta lại. Anh ta giơ tấm thẻ căn cước ra. “Đại úy Tanner phải không? Tôi là trung úy West, thuộc ban an ninh nội bộ. Ngài cảnh sát trưởng muốn nói chuyện đôi điều với ông”. Michael Moretti chậm rãi gác máy. Với bản năng của một con thú, y biết chắc chắn rằng Nick Vito đã nói dối y. Thomas Colfax vẫn còn sống. Điều này sẽ giải thích mọi việc đang xảy ra. Hắn chính là kẻ đã phản bội. Nhưng Michael đã cử Nick Vito đi để giết Fiore và Colella. Lạy chúa Giê-su, y đã ngu xuẩn quá! Bị một tay súng bắn thuê dốt nát lừa dối đến nỗi đã lãng phí mất hai người đứng đầu của y? Trong y tràn ngập nỗi giận dữ lạnh lùng. Y quay số và nói ngắn gọn vào điện thoại. Sau khi gọi tiếp cú điện thoại lần thứ hai, y ngồi lại và chờ đợi. Khi nghe tiếng Nick Vito trên điện thoại, Michael cố nén giận không để lộ ra thành tiếng. “Công việc ra sao rồi, Nick”. “Tốt đẹp cả, ông chủ ạ. Như là ông bảo ấy. Chúng phải chịu đau đớn khá nhiều”. “Tôi có thể luôn tin anh được chứ, Nick?” “Ông biết là ông có thể tin tôi được, thưa ông chủ”. “Nick này, tôi muốn anh giúp tôi một việc cuối. Một người trong chúng ta đã để ô tô ở góc phố York và phố thứ 95. Đó là một chiếc Camaro màu nâu sậm. Chìa khóa để ở phía sau tấm che nắng. Chúng ta sẽ sử dụng nó cho công việc tối nay. Hãy lái xe đến đây, được chứ?” “Chắc chắn được, thưa ông chủ. Ông có cần nó sớm không! Tôi sắp sửa...” “Tôi cần nó bây giờ. Ngay lập tức, Nick ạ”. “Tôi trên đường đi đây”. “Tạm biệt, Nick nhé”. Michael đặt ống nghe xuống. Y thầm mong mình có thể ở đó để ngắm nhìn Nick Vito bị nổ tung xuống địa ngục, nhưng y lại có việc khác cấp thiết hơn phải làm. Jennifer sẽ sớm trở về và y muốn mọi thứ sẵn sàng chờ đợi cô. Chương 59 “Thật giống như một loại tác phẩm điện ảnh Hollywood chết tiệt ấy”, thiếu tướng Roy Wallace thầm nghĩ, trong đó tù nhân của mình lạí là ngôi sao điện ảnh. Phòng họp lớn tại căn cứ tư lệnh hải quân Mỹ chứa đầy các kỹ thuật viên thuộc đội phụ trách ánh sáng đang đi đi lại lại để sắp xếp máy quay, các thiết bị âm thanh ánh sáng và dùng những từ ngữ khó hiểu. “Tắt cái quái vật đó và bôi đen đi. Mang đứa trẻ lại đây”. Họ đang chuẩn bị để đưa những chứng cớ của Thomas Colfax lên phim. “Để đảm bảo cho chắc ăn”, ông chưởng lý khu vực Di Silva lập luận. “Chúng tôi biết rằng không ai có thể đến gần hắn, nhưng đằng nào thì lưu những chứng cớ đó lại vẫn tốt hơn”. Và những người khác đã đồng tình với ông ta. Người duy nhất vắng mặt là Thomas Colfax. Đến phút cuối khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi thì hắn sẽ được đưa vào. Thật giống như một ngôi sao điện ảnh chết tiệt ấy. Trong nhà tù, Thomas Colfax đang gặp David Terry thuộc Bộ tư pháp, người chịu trách nhiệm làm căn cước mới cho những nhân chứng muốn mai danh ẩn tích. “Để tôi giải thích một chút về chương trình an ninh Liên bang dành cho nhân chứng - Terry nói - Khi vụ án kết thúc, chúng tôi sẽ đưa ông đến bất cứ nước nào ông chọn. Đồ đạc và các thứ khác của ông sẽ được chở đến một nhà kho ở Washington với mã số riêng. Sau đó chúng tôi sẽ gửi nó cho ông. Bất cứ ai muốn lần theo dấu vết ông đều không thể làm được. Chúng tôi sẽ cung cấp cho ông căn cước và lý lịch mới, và nếu ông muốn, cả hình dạng mới nữa”. “Tôi sẽ tự lo việc đó”. Hắn không tin vào ai và không muốn cho ai biết hắn sẽ thay đổi hình dạng bên ngoài của mình như thế nào. “Thông thường khi chúng tôi làm cho mọi người căn cước mới, thì chúng tôi cũng tìm kiếm công việc cho họ trong bất kỳ lĩnh vực nào họ thấy phù hợp và sẽ cho họ ít tiền. Trong trường hợp ông, ông Colfax ạ, tôi hiểu rằng tiền bạc không thành vấn đề”. Thomas Colfax tự hỏi David Terry sẽ nói gì nếu như anh ta biết bao nhiêu tiền được cất giấu bí mật trong các tài khoản của hắn ở Đức, Thuỵ Sĩ và Hồng Kông. Thậm chí Thomas Colfax cũng không thể theo dõi được hết, nhưng tính sơ sơ, hắn đoán khoảng 9 đến 10 triệu đô la. “Không”, - Colfax đáp - “Tôi cũng không cho rằng tiền bạc là quan trọng”. “Vậy thì được. Điều đầu tiên phải quyết định là ông thích đi đâu. Ông có suy nghĩ về nơi nào đó không?” Câu hỏi đó thật đơn giản, vậy mà có nhiều ý nghĩa bên trong. Người đàn ông này thực sự muốn hỏi là: ông muốn sống quãng đời còn lại ở đâu? Bởi vì Colfax biết rằng khi hắn đến nơi định đến thì hắn sẽ không bao giờ có thể rời đó được nữa. Đấy sẽ trở thành nơi ở, nơi ẩn trú của hắn và hắn sẽ không còn được an toàn nữa ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. “Brazil”. Đó là sự lựa chọn hợp lý. Hắn đã có đồn điền 80000 héc ta ở đó, đứng tên một công ty Panama đã xóa sạch dấu vết liên quan đến hắn. Ngay đồn điền này cũng giống như một pháo đài rồi. Hắn có thể tự lo sắm cho mình đầy đủ mọi phương tiện bảo vệ, đến mức nếu như rốt cuộc Michael Moretti biết được nơi hắn ở, thì cũng không ai có thể đụng chạm đến hắn. Hắn có thể mua mọi thứ, kể cả mọi đàn bà mà hắn muốn. Thomas Colfax thích gái Mỹ la tinh. Mọi người cho rằng khi đàn ông đến tuổi 65 ông ta sẽ kết thúc sinh hoạt tình dục, rằng ông ta không thấy thích thú nữa, nhưng Colfax lại thấy rằng khi hắn già hơn thì ham muốn càng tăng hơn. Trò chơi ưa thích nhất của hắn là có được hai hoặc ba cô gái trẻ cùng nằm trên giường với hắn một lúc, ân ái cùng hắn. Càng trẻ càng tốt. “Brazil thì dễ thu xếp thôi!” - David Terry đáp - “Chính phủ sẽ mua cho ông một ngôi nhà nhỏ ở đó, và...” “Điều đó không cần thiết” - Colfax suýt nữa phá lên cười khi nghĩ mình phải sống trong một ngôi nhà nhỏ xíu “Những điều tôi đòi hỏi anh là cấp cho tôi một thẻ căn cước mới và đưa tôi đi an toàn. Tôi sẽ tự lo các việc khác”. “Tùy ông muốn, ông Colfax ạ”. David Terry nhỏm dậy. “Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm hết mọi việc”. Anh ta mỉm cười cố làm yên lòng. “Đây là một trong những trường hợp dễ nhất. Tôi sẽ bắt đầu thu xếp mọi công việc. Ngay khi làm chúng xong, ông sẽ có mặt trên máy bay đi Nam Mỹ”. “Cám ơn anh!” Thomas Colfax nhìn người khách của hắn ra cửa và tràn ngập cảm giác hoan hỉ. Hắn đã làm được điều đó! Michael Moretti đã phạm sai lầm vì đánh giá thấp hắn, và đây sẽ là sai lầm cuối cùng của Michael. Colfax sẽ chôn sâu y để y sẽ không bao giờ có thể dậy được nữa. Những chứng cớ của hắn sẽ được quay phim lại. Điều đó thật là thú vị. Hắn tự hỏi liệu họ có hóa trang cho hắn không. Hắn ngắm nghía mình trong gương nhỏ trên tường. - “Không tồi lắm”, hắn nghĩ thầm “đối với người ở tuổi như mình. Mình vẫn còn vóc dáng đấy chứ. Những cô gái trẻ Nam Mỹ thích những ông già tóc bạc lắm”. Hắn nghe thấy tiếng cửa buồng giam mở và quay lại. Một viên trung sĩ hải quân mang bữa ăn trưa của Colfax vào. Còn khá đủ thì giờ để ăn uống trước khi bắt đầu quay phim. Ngày đầu tiên, Thomas Colfax đã phàn nàn về thức ăn phục vụ hắn và kể từ sau đó tướng Wallace đã thu xếp để nấu riêng các bữa ăn cho Colfax. Trong những tuần Colfax bị giam hãm tại pháo đài, những đề nghị dù là nhỏ nhất của hắn cũng trở thành mệnh lệnh. Họ muốn làm mọi việc có thể được để cho hắn hài lòng, và Colfax đã tận dụng mọi việc. Hắn có đầy đủ đồ đạc, vô tuyến và nhận được các báo hàng ngày và tạp chí số mới nhất. Viên trung sĩ đặt khay thức ăn xuống bàn dành cho hai người ăn và bình phẩm như mọi ngày. “Trông cũng ngon đáo để đấy, thưa ngài”. Colfax mỉm cười xã giao và ngồi xuống bàn. Thịt bò rán qua theo cách hắn thích, khoai tây nghiền và bánh pudding Yorkshire. Hắn đợi khi viên trung sĩ hải quân kéo ghế và ngồi đối diện. Viên trung sĩ nhắc dao và dĩa lên, cắt miếng thịt và bắt đầu ăn. Đó là sáng kiến của tướng Wallace. Thomas Colfax có người nếm thức ăn riêng. “Giống như vua của các thời đại xa xưa”, hắn thầm nghĩ. Hắn nhìn khi viên trung sĩ ăn thử thịt bò rán, khoai tây và bánh pudding Yorkshire. “Ngon không?” “Nói thật với ông, tôi thích thịt bò rán chín hơn”. Colfax cầm dao và dĩa bắt đầu ăn. Viên trung sĩ đã lầm. Thịt nấu rất tuyệt vời, khoai tây đầy kem và nóng hổi, còn bánh pudding Yorkshire vừa chín tới. Colfax với lọ bột củ cải ngựa và rác nhẹ lên thịt bò. Đến miếng thứ hai Colfax mới biết có chuyện gì đó kinh khủng xảy ra. Mồm hắn cảm thấy bỗng nóng bỏng và dường như lan suốt cả cơ thể. Hắn cảm thấy người như bốc lửa. Cổ họng hắn khép lại, như tê liệt và hắn bắt đầu thở hổn hển. Viên trung sĩ hải quân ngồi đối diện đang nhìn hắn chằm chằm. Thomas Colfax nắm chặt lấy cổ họng và cố nói cho viên trung sĩ biết chuyện gì đang xảy ra nhưng không thốt được ra lời. Ngọn lửa trong người hắn giờ lan nhanh hơn, làm hắn tức giận không chịu nổi. Người hắn cứng lại trong cơn co thắt đau đớn và ngã ngửa xuống sàn. Viên trung sĩ nhìn hắn giây lát, sau đó cúi xuống vén mi mắt Thomas Colfax lên để biết chắc rằng hắn đã chết. Rồi anh ta kêu cứu. Chương 60 Chuyến bay số 246 của hãng hàng không Singapore hạ cánh xuống sân bay Heathrow ở London lúc 7 giờ 30 sáng. Những hành khách bị giữ tại ghế cho đến khi Jennifer và hai nhân viên FBI ra khỏi máy bay, và vào phòng an ninh tại sân bay. Jennifer tuyệt vọng mong ngóng được xem báo chí để biết chuyện gì đang xảy ra ở trong nước, nhưng hai người trầm lặng đi kèm cô từ chối yêu cầu đó và không chịu bắt chuyện với cô. Hai giờ sau, ba người lên chiếc máy bay hãng TWA hướng về phía New York. Tại khu nhà tòa án của nước Mỹ ở quảng trường Foley, một cuộc họp khẩn cấp đang diễn ra. Có mặt trong cuộc họp là Adam Warner, Robert Di Silva, thiếu tướng Roy Wallace và nửa tá đại diện của FBI, Bộ tư pháp và Bộ tài chính... “Làm thế quái nào mà lại xảy ra được chuyện đó không biết?” Giọng nói của Robert Di Silva run lên vì giận dữ. Ông ta quay sang viên tướng. “Ông được báo là Thomas Colfax quan trọng đối với chúng ta đến nhường nào rồi cơ mà?” Viên tướng giang tay phân bua. “Chúng tôi đã đề phòng mọi cách rồi, thưa ngài. Hiện nay chúng tôi đang điều tra xem làm cách nào mà chúng có thể đưa lậu axít cyanhydric vào...” “Tôi cóc cần biết chúng đã làm thế nào! Colfax đã chết rồi!” Người đàn ông thuộc Bộ tài chính cất tiếng: “Cái chết của Colfax làm cho chúng ta thiệt hại bao nhiêu?” “Nhiều vô kể ấy chứ”, Di Silva đáp. “Đưa một người ra làm nhân chứng là một chuyện cho xem sổ sách và các tài khoản lại là chuyện khác. Ông có thể đánh cược chắc chắn rằng một vài kẻ luật sư có vẻ tao nhã sắp sửa nói về việc những sổ sách đó có thể được làm giả như thế nào?” “Chúng ta sẽ làm tiếp gì đây?” Một người thuộc Bộ tài chính lại hỏi. Viên chưởng lý khu vực trả lời, - “Chúng ta tiếp tục làm những việc đang làm. Jennifer Parker đang trên đường từ Singapore về. Chúng ta có đủ chứng cớ để gạt cô ta ra vĩnh viễn. Khi cô ta đang thất thế chúng ta sẽ buộc cô ta phải kéo Michael Moretti xuống cùng”. Ông quay sang hỏi Adam “Ông không đồng ý à, ông thượng nghị sĩ?” Adam cảm thấy mệt mỏi. “Cho tôi xin phép”. Anh rời nhanh khỏi phòng. Chương 61 Người báo hiệu trên mặt đất đang đeo mũ che tai quá khổ, đánh tín hiệu trên tay, hướng dẫn chiếc 747 khổng lồ đến bên thang xuống máy bay. Chiếc máy bay leo lên vòng tròn cố định và theo tín hiệu, viên phi công tắt cả bốn động cơ cánh tua bin do hãng Pratt và Whitney sản xuất. Trong khoang máy bay rộng lớn, giọng chiêu đãi viên vang trên loa: “Thưa quý vị hành khách, chúng ta vừa mới hạ cánh xuống sân bay Kennedy ở New York. Hãng TWA chúng tôi xin cám ơn hành khách đã bay máy bay của hãng. Xin mời tất cả hành khách ngồi lại trên ghế cho đến khi có thông báo tiếp. Cám ơn”. Có những tiếng xì xào chung phản đối. Một lúc sau, nhóm kiểm tra cầu thang mở cửa. Hai nhân viên FBI ngồi cùng Jennifer ở phía đầu máy bay nhổm dậy. Một người quay sang Jennifer nói: “Chúng ta đi thôi”. Hành khách tò mò nhìn ba người rời khỏi máy bay. Vài phút sau giọng chiêu đãi viên lại vang lên loa phóng thanh: “Cám ơn quý vị đã kiên nhẫn chờ đợi. Bây giờ quý vị có thể xuống được”. Chiếc xem hòm của cảnh sát đang đợi tại cổng phụ vào sân bay. Chặng đường đầu tiên sẽ là trung tâm cải tạo thành phố ở số 150 đường Park Row, nối liền với Tòa án của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ở quảng trường Foley. Sau khi Jennifer được chuyển giao, một nhân viên FBI nói: “Xin lỗi, chúng tôi không thể giữ cô ở đây. Chúng tôi được lệnh đưa cô đến đảo Riker”. Việc đưa đi đảo Riker được tiến hành âm thầm. Jennifer ngồi lặng im ở ghế sau giữa hai nhân viên FBI. Đầu óc cô đang rối bời. Hai nhân viên ngồi bên cũng không hề bắt chuyện trong suốt chặng đường qua biển, bởi thế Jennifer không có cách nào biết được, cô đang gặp phải rắc rối như thế nào. Nhưng cô biết sự việc rất nghiêm trọng, bởi vì không dễ gì có được lệnh dẫn độ. Cô không thể làm gì để tự cứu mình trong khi còn ở trong nhà tù được. Mục tiêu đầu tiên hiện nay của cô là phải cố xin ra tại ngoại. Lúc này họ đang vượt qua cầu đến đảo Riker và Jennifer nhìn lại cảnh quen thuộc đã được thấy hàng trăm lần trước đây, khi cô trên đường đến gặp các khách hàng của mình. Nhưng bây giờ cô cũng là một phạm nhân giống như họ. “Sẽ không phải chịu đựng lâu đâu”, Jennifer thầm nghĩ, “Michael sẽ đưa mình ra khỏi đây thôi”. Hai nhân viên FBI dẫn Jennifer vào tòa nhà tiếp đón và một người đưa cho lính gác xem lệnh dẫn độ. “Đây là Jennifer Parker”. Người lính gác nhìn qua lệnh. “Chúng tôi đang mong cô đấy, cô Parker ạ. Cô đã có chỗ sẵn ở xà lim giam giữ số 3”. “Tôi có quyền được gọi một cú điện thoại”. Người lính gác gật đầu về phía điện thoại để trên bàn anh ta: “Được thôi”. Jennifer nhấc máy, lặng lẽ cầu Chúa phù hộ cho Michael Moretti ở nhà. Cô bắt đầu quay số. Michael Moretti vẫn ngóng đợi điện thoại của Jennifer. Trong 24 giờ qua y đã không thể nghĩ được gì khác nữa. Y đã được báo ngay khi Jennifer xuống London, khi máy bay chở cô rời sân bay Heathrow và khi cô trở về đến New York. Y ngồi tại bàn, hình dung ra Jennifer đang trên đường đến đảo Riker. Y tưởng tượng ra cảnh cô đang vào nhà tù. Cô sẽ yêu cầu được gọi điện thoại một lần trước khi họ đưa cô vào ngục. Cô sẽ gọi điện cho y, đó là tất cả điều y muốn. Sau một giờ y sẽ đưa được cô ra khỏi đó và rồi cô sẽ lên đường tới gặp y. Michael Moretti hình dung ra giây phút khi Jennifer Parker bước qua ngưỡng cửa. Jennifer đã làm những việc không thể tha thứ được. Cô đã trao thân thể cho kẻ đang cố hủy diệt y. Và cô đã cho kẻ đó gì nữa? Cô đã tiết lộ điều bí mật gì cho kẻ đó? Adam Warner là cha đứa con của Jennifer. Michael bây giờ đã biết chắc điều đó. Jennifer đã nói dối y ngay từ đầu đã bảo y rằng cha của Joshua đã chết. Được rồi, đó là điều tiên đoán sẽ sớm thành hiện thực thôi. Michael tự nhủ. Y như đang trói buộc trong mâu thuẫn thật nực cười. Một mặt y có trong tay một vũ khí lợi hại có thể sử dụng để làm mất uy tín và tiêu diệt Adam Warner. Hắn có thể hăm dọa Warner bằng cách đe sẽ tiết lộ quan hệ của ông ta với Jennifer. Nhưng nếu y làm như vậy y cũng sẽ tự làm lộ mình. Khi các gia đình biết và họ sẽ biết rằng bồ của Michael lại là nhân tình của chủ tịch Ủy ban điều tra của Thượng nghị viện, Michael sẽ trở thành một trò cười. Hắn sẽ không còn dám ngẩng cao đầu hoặc ra lệnh cho tay chân của mình nữa. Một kẻ bị cắm sừng không thể còn xứng đáng là ông chủ được. Vì thế kế hoạch hăm dọa là một con dao hai lưỡi, dù nó rất hấp dẫn. Michael biết rằng hắn sẽ không dám sử dụng nó. Hắn sẽ phải tiêu diệt kẻ thù của mình bằng cách khác. Michael nhìn tấm bản đồ nhỏ, vẽ nguệch ngoạc trên chiếc bàn trước mặt hắn. Trên đó có con đường mà Adam Warner sẽ tới một bữa liên hoan để gây quỹ vào tối nay. Tấm bản đồ đó làm Michael Moretti tốn 500 đô la. Nó sẽ đáng giá cả cuộc đời Adam. Máy điện thoại trên bàn Michael réo và hắn miễn cưỡng cầm ống nghe. Hắn nhận ra giọng Jennifer ở đầu dây bên kia. Giọng nói đó đã thì thầm âu yếm vào tai hắn, đã van xin hắn làm tình, đã... “Michael, anh đấy à?” “Anh đây. Em ở đâu đấy?” “Chúng đã đưa em vào đảo Riker rồi. Chúng bắt em vì tội giết người. Chưa rõ tiền để tại ngoại là bao nhiêu. Khi nào anh có thể...” “Anh sẽ can thiệp để em ra ngay lập tức. Cứ lặng yên nhé. Được chứ?” “Vâng, Michael ạ”. Hắn có thể nghe thấy tiếng thở phào nhẹ nhõm của cô. “Anh sẽ bảo Gino đến đón em”. Một lát sau, Michael với tay cầm ống nghe lên và quay số. Hắn nói chuyện qua điện thoại vài phút. “Tôi không cần biết tiền trả để tại ngoại là bao nhiêu. Tôi chỉ yêu cầu là cô ta phải được tạm tha ngay”. Hắn đặt máy và ấn nút điện thoại trên bàn làm việc Gino Gallo bước vào. “Jennifer Parker đang ở đảo Riker. Cô ta sẽ được tạm tha trong vòng một hai tiếng nữa. Hãy đến đón cô ta lại đây”. “Vâng thưa sếp”. Michael ngả người ra sau ghế. “Nói với cô ta rằng chúng ta sẽ không còn gì phải lo ngại về Adam Warner sau ngày hôm nay nữa”. Gino Gallo tươi hẳn lên. “Thế à!” “Đúng vậy. Hắn đang trên đường đi đọc một bài diễn thuyết, nhưng hắn sẽ không đến nơi được đâu. Hắn sẽ gặp tai nạn ở cầu New Canaan”. Gino Gallo cười: “Thật là tuyệt, sếp ạ”. Michael chỉ tay ra cửa. “Hành động đi”. * * * * * Chưởng lý Di Silva tìm mọi cách ngăn không cho Jennifer được nộp tiền bảo lãnh. Họ đang ở trong phòng của Wilham Bennett, một thẩm phán của tòa án tối cao New York “Thưa ngài thẩm phán” Robert Di Silva nói “bị cáo bị buộc tội gây ra hàng chục vụ trọng án. Chúng tôi đã phải dẫn độ cô ta từ Singapore về đây. Nếu cô ta được tại ngoại, cô ta sẽ trốn đến nơi mà chúng ta không thể dẫn độ được. Tôi yêu cầu các ngài bác bỏ việc tạm tha này”. John Lester, một cựu chánh án, người đại diện cho Jennifer nói: “Ngài chưởng lý phạm tội xuyên tạc trắng trợn, thưa ngài chánh án. Khách hàng của tôi không chạy đi đâu cả. Cô ấy đang có công chuyện ở Singapore. Nếu chính phủ yêu cầu cô ấy trở về nước, chắc chắn cô sẽ tự nguyện làm như vậy. Cô ấy là một luật sư có danh tiếng đã hoạt động nhiều ở đây. Không thể có chuyện cô ấy lại bỏ trốn đi đâu”. Cuộc tranh luận kéo dài hơn ba mươi phút. Cuối cùng chánh án Bennett nói: “Tiền đặt để được tại ngoại sẽ là 500.000 đôla”. “Cám ơn ngài chánh án”. Luật sư của Jennifer nói. “Chúng tôi sẽ nộp tiền”. Mười lăm phút sau, Gino Gallo giúp Jennifer vào ngồi ghế sau của chiếc Mercedes. “Vậy là cũng không lâu lắm nhỉ”. Hắn nói. Jennifer không đáp. Cô đang suy nghĩ về những gì vừa xảy ra. Cô bị cách biệt hoàn toàn từ Singapore. Cô không hề biết những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ, nhưng cô đoán chắc rằng việc bắt giữ cô không phải là một sự ngẫu nhiên. Họ không chỉ theo dõi mình cô. Cô rất muốn nói chuyện với Michael và tìm ra nguyên nhân của chuyện này. Di Silva phải rất tự tin mới dám ra lệnh bắt cô vì tội giết người. Ông ta... Gino Gallo nói hai từ làm Jennifer chú ý. “...Adam Warner...” Cô không nghe thấy đoạn trước. “Anh nói gì cơ?” “Tôi nói là chúng ta sẽ không còn phải lo ngại gì về Adam Warner nữa. Mike đang cho xử lý hắn”. Jennifer thấy tim mình bắt đầu đập dồn dập. “Vậy à? Khi nào thế?” Gino Gallo nhấc tay lên xem đồng hồ. “Khoảng 15 phút nữa. Sẽ giống như một vụ tai nạn xe cộ thông thường”. Mồm miệng Jennifer chợt khô đắng. “Chuyện đó”, Cô không thể nói nên lời “chuyện đó... sẽ xẩy ra ở đâu thế!” “New Canaan. Trên cầu”. Họ đã đi qua khu Queens. Trước mặt là một khu trung tâm buôn bán có cửa hiệu thuốc tân được. “Gino, anh có thể dừng lại trước cửa hiệu thuốc kia một chút không? Tôi phải mua mấy thứ”. “Được ngay”. Hắn khéo léo đánh tay lái cho xe lách qua cửa vào khu trung tâm buôn bán. “Tôi có thể giúp gì cho cô không?” “Không cần đâu! Tôi... tôi vào một phút thôi mà”. Jennifer ra khỏi xe và chạy vội vào cửa hàng, thần kinh căng thẳng hết sức. Ở phía cuối cửa hiệu có một buồng điện thoại, Jennifer thọc tay vào ví. Cô không có tiền lẻ ngoài mấy đồng xu Singapore. Cô bước vội đến quầy thu tiền và rút ra một đồng đôla. “Tôi có thể đổi tiền lẻ được không?” Cô thủ quỹ cầm tiền của Jennifer và đưa cho cô một vốc tiền lẻ. Jennifer lao vào buồng điện thoại. Một người đàn bà to béo đang nhấc ống nghe và quay số. Jennifer nói: “Tôi có việc cần lắm. Không biết cô có thể...” Mụ ta lườm cô và tiếp tục quay số. “Chào Hazel”, Bà béo reo lên. “Lá số của tôi đúng đấy Tôi vừa trải qua một ngày tồi tệ nhất xong! Chị có nhớ đôi giầy tôi định mua ở Delman không? Chị có tin được rằng họ đã bán đôi giầy duy nhất mà tôi đi vừa không?” Jennifer chạm tay vào mụ ta và nài nỉ: “Xin bà!” “Xin cái khác mà gọi”, Mụ rít lên rồi tiếp tục nói vào ống nghe. “Còn nhớ đôi giầy da mà chúng mình đã thấy không? Cũng biến rồi! Chị có biết tôi đã làm gì không? Tôi nói với tay nhân viên bán hàng...” Jennifer nhắm mắt lại và đứng đó, chẳng còn biết gì nữa ngoài nỗi lo giằng xé trong lòng. Michael không được giết Adam. Cô phải làm mọi cách để cứu anh. Mụ béo đã đặt máy và quay sang Jennifer: “Đáng lẽ tôi còn gọi nữa để dạy cho cô một bài học mới phải”. Và khi mụ ta bỏ đi, mỉm cười đắc thắng, Jennifer chộp vội lấy ống nghe. Cô gọi điện đến văn phòng Adam. “Xin lỗi”, Cô thư ký của anh trả lời. “Thượng nghị sĩ Warner đi vắng. Cô có muốn nhắn gì không?” “Việc này khẩn cấp lắm”, Jennifer nói. “Cô biết có thể gọi cho ông ấy ở đâu được?” “Không, xin lỗi cô. Nếu cô muốn”. Jennifer dập máy. Cô đứng lặng một lát, suy nghĩ rồi vội vã quay một số khác. “Robert Di Silva”. Sự chờ đợi tưởng chừng như dài vô tận và sau đó: “Văn phòng Chưởng lý đây”. “Tôi cần gặp ngài Di Silva, Tôi là Jennifer Parker”. “Xin lỗi. Ngài Di Silva đang họp. Ngài không thể...” “Cô gọi hộ ông ta ngay cho. Đây là trường hợp khẩn cấp Nhanh lên!” Giọng Jennifer run rẩy. Cô thư ký của Di Silva ngập ngừng. “Cô chờ cho một lát”. Một phút sau, Robert Di Silva đã cầm ống nghe: “Gì đấy?” Giọng ông ta nghe rất khó chịu. “Hãy nghe và nghe cho rõ này”, Jennifer nói. “Adam Warner sắp bị giết. Điều đó sẽ xảy ra trong vòng mười lăm phút nữa thôi. Họ định làm chuyện đó ở cầu New Canaan”. Cô dập máy. Cô chẳng còn làm gì hơn được nữa. Cô chợt nghĩ đến cảnh xác Adam nát ra từng mảnh và rùng mình. Cô nhìn đồng hồ và thầm cầu nguyện Di Silva sẽ ra tay kịp thời. Robert Di Silva đặt ống nghe và nhìn mọi người trong phòng. “Đó là một cú điện thoại lạ lùng”. “Ai gọi vậy?” “Jennifer Parker. Cô ta nói rằng có kẻ định ám sát thượng nghị sĩ Adam Warner”. “Tại sao cô ấy lại gọi cho ngài nhỉ?” “Ai mà biết được!” “Ngài có nghĩ là cô ta nói thật không?” Chưởng lý Di Silva nói: “Quỷ quái, không”. Jennifer bước qua cánh cửa. Mặc dù rất tức giận, Michael không khỏi rung động trước sắc đẹp của cô. Lần nào gặp cô y cũng có cảm giác ấy. Bề ngoài cô vẫn là người phụ nữ dễ thương nhất mà y biết. Nhưng bên trong cô là kẻ phản bội, đáng chết. Hắn nhìn cặp môi đã từng hôn Adam Warner và thân hình đã từng ngả vào cánh tay của Adam Warner. Cô vừa bước vào phòng vừa nói: “Michael, em thật mừng được gặp anh. Cám ơn anh đã thu xếp công việc thật nhanh gọn”. “Có khó gì đâu. Anh đang chờ em đây, Jennifer ạ”. Cô sẽ không bao giờ biết y đã sốt ruột đến đâu. Cô ngồi bịch xuống một chiếc ghế bành. “Michael, nhân danh Chúa, anh hãy nói xem điều gì đã xảy ra vậy? Có chuyện gì thế!” Y quan sát cô, lòng đầy thán phục. Cô chịu trách nhiệm gây ra sự đổ vỡ của vương quốc của y, vậy mà cô còn ngồi đây ngây thơ hỏi điều gì đang xảy ra? “Anh có biết vì sao họ bắt em về không?” Chắc chắn là biết chứ, y nghĩ. Để mày có thể khai ra nữa. Y chợt nhớ tới con chim hoàng yến bị bẻ gãy co Jennifer sẽ sớm như vậy thôi. Jennifer nhìn vào cặp mắt đen của y. “Anh có khỏe không đấy”. “Anh chưa bao giờ khỏe hơn lúc này!” Y ngả người ra sau ghế. “Vài phút nữa mọi chuyện sẽ ổn thôi”. “Anh nói gì vậy?” “Thượng nghị sĩ Warner sẽ gặp tai nạn. Điều đó sẽ làm cho Ủy ban điều tra nguội bớt nhiệt tình”. Y nhìn đồng hồ treo tường. “Anh sắp có điện thoại bây giờ đấy”. Trong cách cư xử của Michael có một cái gì đó rất lạ rất đáng sợ. Một cảm giác lo sợ chợt tràn ngập Jemifer. Cô biết mình phải ra khỏi đây ngay. Cô đứng dậy. “Em chưa kịp tháo dỡ đồ nữa. Em sẽ đi...” “Ngồi xuống”. Tiếng gằn trong giọng Michael làm cô lạnh buốt sống lưng. “Michael”. “Ngồi xuống!” Cô liếc ra phía cửa. Gino Gallo đang đứng đó quan sát Jennifer, mặt không biểu lộ cảm xúc gì. “Cô không được đi đâu cả”. Michael bảo cô. “Em không hiểu...” “Không nói năng gì nữa hết”. Họ ngồi đó chờ đợi, lặng lẽ quan sát nhau và trong phòng chỉ còn tiếng tích tac của chiếc đồng hồ treo tường. Jennifer cố đọc trong mắt Michael nhưng chúng hoàn toàn bất động, kín như bưng. Chuông điện thoại chợt réo phá tan sự yên tĩnh trong căn phòng. Michael nhấc ống nghe lên. “Chào... Anh có chắc như vậy không?... Được rồi. Rời khỏi đó đi!” Hắn đặt máy và nhìn lên Jennifer. “Chiếc cầu qua New Canaan đầy cớm bao vây”. Jennifer thấy người nhẹ hắn đi. Gần như là một cảm giác sung sướng nữa. Michael đang nhìn cô và cô cố không để lộ tình cảm của mình. Jennifer hỏi: “Điều đó có nghĩa gì?” Michael chậm rãi đáp. “Không có ý nghĩa gì hết. Vì đó không phải là nơi Adam Warner sẽ chết”. Chương 62 Chiếc cầu kép Garden State Parkway không có tên trên bản đồ. Nó bắc ngang qua sông Raritan và đến Amboy phân thành hai nhánh, một hướng về phía bắc và một hướng về phía nam. Chiếc ô tô ở phía tây Amboy và đi về hướng nhánh cầu phía nam. Adam Warner ngồi ở ghế sau, bên cạnh là một cảnh sát mật và phía trước cũng có hai người nữa. Thám tử Clay Reddin được chỉ định làm bảo vệ tiếp cận Thượng nghị sĩ sáu tháng trước và anh ta đã bắt đầu biết rõ Adam Warner. Anh ta luôn nghĩ Thượng nghị sĩ là một người cởi mở và dễ gần, nhưng cả ngày hôm đó trông ông thật trầm lặng và kín đáo. Có chuyện rắc rối lắm đây, thám tử Reddin nghĩ vậy. Anh tin chắc rằng Thượng nghị sĩ Warner sẽ trở thành Tổng thống mới của Hoa Kỳ và trách nhiệm của Reddin là giữ cho ông tuyệt đối an toàn. Anh kiểm điểm lại những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ Thượng nghị sĩ và hài lòng nghĩ rằng mọi chuyện đều ổn thỏa cả. Thám tử Reddin lại liếc nhìn vị tổng thống tương lai và tự hỏi không biết ông ta đang nghĩ gì. Adam Warner đang nghĩ tới thử thách mà anh đang phải đối phó. Anh đã được Di Silva thông báo rằng Jennifer Parker đã bị bắt. Chỉ nghĩ đến việc cô bị nhốt như một con vật đã làm anh tức uất người lên. Tâm trí anh luôn nhớ đến những giây phút thần tiên mà họ được ở bên nhau. Anh chưa từng yêu một người đàn bà nào như anh đã yêu Jennifer. Một viên cảnh sát mật ngồi ghế trước nói. “Chúng ta sẽ đến thành phố Atlantic theo đúng dự kiến, thưa ngài Tổng thống”. Ngài tổng thống. Lại câu nói quen thuộc ấy. Theo các cuộc trưng cầu ý kiến mới đây nhất anh đã vượt lên hẳn. Anh đã trở thành người hùng của đất nước và Adam biết rằng một phần nhỏ là nhờ các hoạt động điều tra tội ác do anh đứng đầu, cuộc điều tra sẽ trị tội Jennifer Parker. Adam ngước nhìn lên và thấy họ đã đến gần chỗ rẽ chiếc cầu kép. Có một đường phụ ở trước cầu và bên kia đường là một chiếc xe kéo rơ moóc khổng lồ. Khi xe của họ đến gần cầu chiếc xe kia cũng nổ máy và cả hai xe cùng tới cầu một lúc. Viên cảnh sát mật lái xe đạp phanh và đi chậm lại. “Nhìn thằng ngu kia kìa”. Máy bộ đàm bật kêu: “Hải Đăng một? Hải Đăng một! Nghe rõ không trả lời?” Viên cảnh sát ngồi ghế trước trả lời vào máy. “Hải đăng một đây”. Chiếc xe kéo rơ moóc đã đến cạnh sườn chiếc ô tô của họ, và khi họ định vượt lên để đi vào cầu chiếc xe kéo rơ moóc cũng lập tức tăng tốc độ. “Thằng cha chết tiệt ấy định làm cái trò quỷ gì thế nhỉ?” Người lái xe càu nhàu. “Văn phòng chưởng lý khu vực đã thông báo khẩn cho chúng tôi. Cáo một đang bị đe doạ. Các anh có nghe rõ không?” Bất thình lình chiếc xe kéo moóc ngoặt sang phải đâm ngang sườn chiếc xe con, đẩy nó vào thành cầu. Lập tức ba viên mật vụ trong xe rút súng ra. “Nằm xuống?” Adam thấy mình bị đẩy xuống sàn xe trong khi thám tử Reddin ôm lấy anh để che đạn. Mấy viên mật vụ hạ kính cửa sổ bên trái xuống và chĩa súng ra. Nhưng chẳng có gì để bắn cả. Chiếc xe kéo cao hơn hẳn xe của họ và người lái xe đó ngồi hẳn trên cao, không nhìn thấy chiếc xe kia tiếp tục lao vào sườn xe con và nó lại bị đập vào thành cầu. Người lái cố đánh tay lái sang trái, giữ cho xe trên cầu nhưng chiếc xe tải kia vẫn đẩy tới. Dòng sông Raritan lạnh lẽo đang chảy xiết phía dưới họ 100m. Viên mật vụ ngồi ghế trước gào vào máy bộ đàm: “Hải Đăng một đây. Tháng năm tháng năm. Các đơn vị đến giúp!” Nhưng tất cả mọi người trong xe đều hiểu rằng đã quá muộn rồi. Người tài xế cố dừng xe nhưng ba đờ xốc của xe tải đã móc vào xe con, xô nó đi. Chỉ còn vài giây nữa nó sẽ đẩy chiếc xe con ra khỏi cầu. Không thể có chỗ để xoay xở nữa. Phía bên trái là chiếc xe tải và phía bên phải là thành cầu bắng sắt. Chiếc xe tải lại rú ga và mọi người trong xe con đều cảm thấy thành cầu bắt đầu gãy. Chiếc xe tải húc một cú mạnh nữa và hai bánh trước của chiếc xe con đã lơ lửng trên không. Mọi người trong xe đều chuẩn bị để chết. Adam không thấy sợ, chỉ có một cảm giác buồn vô hạn trước sự mất mát, sự lãng phí của anh. Đáng lẽ anh phải cùng sống với Jennifer, có con với cô - và tự nhiên từ một nơi sâu kín trong lòng, Adam biết rằng anh đã có một đứa con với cô. Chiếc xe tải lại thúc một cú nữa và Adam gào to lên vì sự bất công của những gì đã và đang xảy ra. Trên cầu bỗng có tiếng ồn của hai trực thăng cảnh sát đang hạ dần độ cao và một giây sau có tiếng súng nổ. Chiếc xe kéo moóc lắc một lần nữa rồi đột nhiên dừng lại. Adam và những người khác vẫn nghe thấy tiếng trực thăng lượn vòng trên đầu họ. Họ ngồi yên không động đậy, vì biết rằng chỉ một cử động nhỏ cũng có thể làm chiếc xe rơi khỏi cầu xuống dòng sông phía dưới. Có tiếng còi xe cảnh sát từ xa vọng lại mỗi lúc một gần và vài phút sau đã nghe thấy nhiều giọng nói oang oang ra lệnh. Động cơ của chiếc xe tải lại hoạt động. Từ từ, thận trọng, chiếc xe tải lùi dần lại, giảm sức ép với chiếc xe con. Nó lắc một cái rồi đứng yên. Một phút sau chiếc xe tải đã lùi hẳn ra xa, Adam và mọi người có thể nhìn thấy qua cửa sổ bên tay trái. Có gần một chục chiếc xe cơ động của cảnh sát và rất đông cảnh sát vây quanh chiếc cầu. Một viên đại uý cảnh sát bước đến bên chiếc xe bẹp dúm. “Chúng tôi sẽ không mở cửa”, anh ta nói “Chúng tôi sẽ đưa ngài ra theo đường cửa sổ, dễ thôi mà”. Adam được nhấc ra khỏi xe đầu tiên, từ từ và thận trọng để không làm chiếc xe mất thăng bằng và lật ngược lại. Ba viên mật vụ chui ra sau đó. Khi tất cả đã ra khỏi xe, viên đại uý cảnh sát quay sang Adam và hỏi: “Ngài không làm sao chứ ạ?” Adam nhìn chiếc xe đang treo lơ lửng bên mép cầu và nhìn xuống dòng nước thẫm màu của dòng sông tít tận dưới. “Không” Anh đáp “Tôi không sao hết”. * * * * * Michael Moretti liếc nhìn đồng hồ treo tường. “Mọi chuyện thế là xong”. Hắn quay sang đối mặt với Jennifer. “Người tình của cô bây giờ đã ở dưới đấy sông”. Cô nhìn hắn, mặt tái mét. “Anh không thể...” “Đừng lo. Cô sẽ được xét xử công bằng thôi”. Hắn quay sang Gino Gallo. “Mày có nói cho cô ta biết là Adam Warner sẽ bị nổ tung ở New Canaan không?” “Đúng như ngài dặn, thưa sếp”. Michael nhìn Jennifer. “Phiên tòa kết thúc”. Hắn đứng dậy và bước đến bên Jennifer. Hắn túm lấy áo cô và ấn cô quỳ xuống đất. “Tôi đã yêu em”, Hắn thì thầm. Hắn đấm mạnh vào mặt cô, Jennifer không hề kêu la rên rỉ. Hắn lại đấm cô mạnh hơn và đến cú thứ ba cô ngã xuống sàn. “Đứng dậy. Chúng ta sẽ đi chơi”. Jennifer nằm đó đầu óc choáng váng vì nhứng cú đấm của hắn. Cô gắng hồi tỉnh. Michael thô bạo lôi cô dậy. “Ngài có muốn tôi “chăm sóc” cô ta không ạ”. Gino Gallo hỏi. “Không. Đưa xe vòng ra sau nhà”. “Vâng, thưa sếp”. Hắn chạy vội ra khỏi phòng. Trong phòng chỉ còn Jennifer và Michael. “Vì sao?” Hắn hỏi. “Chúng ta có cả thế giới này mà cô đã vứt bỏ nó đi. Vì sao?” Cô không trả lời. “Mày có muốn tao chơi mày một lần nữa vì tình xưa nghĩa cũ không hả?” Michael dịch lại gần cô và túm tay cô. “Mày có muốn thế không?” Jennifer không phản ứng gì cả. “Mày sẽ không bao giờ còn được chơi nữa đâu, nghe chưa. Tao sẽ cho mày xuống sông cùng với thằng bồ của mày. Chúng mày có thể tiếp tục cùng nhau được đấy”. Gino Gallo trở lại căn phòng, mặt tái nhợt. “Thưa sếp có một...” Có tiếng phá của ở phòng ngoài. Michael vớ vội khẩu súng trong ngăn bàn. Hắn vừa lấy được súng thì cửa phòng bật mở. Hai nhân viên cục điều tra liên bang tiến vào, súng lăm lăm trong tay. “Đứng yên”. Michael quyết định trong giây phút đó. Hắn nâng súng lên, quay lại và bắn vào Jennifer. Hắn trông thấy viên đạn cắm vào ngực cô một giây trước khi hai nhân viên điều tra nổ súng. Hẳn nhìn dòng máu phun ra từ ngực cô và rồi thấy một viên đạn xuyên vào người hắn, một viên nữa. Hắn thấy Jennifer nằm trên sàn nhà và Michael không biết nỗi đau nào lớn hơn, cái chết của cô hay của hắn. Hắn cảm thấy kim hỏa đập một lần nữa và sau đó không còn biết gì. Chương 63 Hai cô y tá chuyển Jennifer từ phòng mổ sang phòng hậu phẫu. Đi bên cạnh là một cảnh sát mang sắc phục. Ở hành lang bệnh viện đầy cảnh sát, thám tử và nhà báo. Một người đàn ông bước tới bàn tiếp đón và nói: “Tôi muốn gặp Jennifer Parker”. “Ngài có phải là người nhà của cô ấy không ạ?” “Không. Tôi là bạn cô ấy”. “Xin lỗi ngài, không ai được thăm cô ấy lúc này. Cô đang ở trong phòng hậu phẫu”. “Tôi sẽ chờ”. “Cũng phải lâu đấy”. “Không sao” - Ken Bailey đáp. Cánh cửa phụ bật mở và Adam Warner, mệt mỏi phờ phạc bước vào, vây quanh là một toán nhân viên bảo vệ. Một viên bác sĩ đã chờ sẵn anh ở đó. “Đi đường này, thưa thượng nghị sĩ Warner”. Ông ta dẫn Adam vào một văn phòng nhỏ. “Cô ta thế nào rồi?” - Adam hỏi. “Tôi không lạc quan lắm. Chúng tôi đã gấp từ người cô ấy ra ba viên đạn”. Cửa mở và chưởng lý khu vực Robert Di Silva bước vội vào ông ta nhìn Adam và nói: “Tôi hết sức mừng vì ngài không làm sao cả”. Adam nói: “Tôi hiểu là tôi mang ơn ông rất nhiều. Sao ông lại biết?” “Jennifer Parker gọi điện thoại cho tôi. Cô ta nói rằng chúng định hại anh ở New Canaan. Tôi đoán đó là một kiểu đánh lạc hướng, nhưng tôi cũng không dám mạo hiểm, và vẫn cho người bao vây khu vực đó. Đồng thời tôi theo dõi lộ trình của ngài và cho máy bay trực thăng bay sau để bảo vệ ngài. Tôi có cảm giác là Parker định hại ngài”. “Không”, - Adam nói - “Không phải vậy đâu”. Robert Di Silva nhún vai. “Tùy ngài hiểu thế nào cũng được. Điều quan trọng là ngài vẫn còn sống”. Ông ta chợt quay sang viên bác sĩ “Cô ta sẽ sống chứ?” “Ít có khả năng ấy!” Chưởng lý nhìn thấy vẻ mặt của Adam và hiểu sai phản ứng của anh. “Đừng lo, khi nào cô ta tỉnh chúng ta sẽ buộc cô ta khai hết thôi”. Ông ta nhìn Adam kỹ hơn. “Trông ngài có vẻ mệt mỏi quá đấy. Có lẽ ngài nên về nhà nghỉ ngơi thôi”. “Tôi muốn thấy Jennifer Parker trước đã”. Viên bác sĩ nói : “Cô ấy đang hôn mê, có thể cô ấy sẽ không tỉnh lại nữa đâu”. “Tôi rất muốn thấy cô ta”. “Tất nhiên là được rồi, thưa thượng nghị sĩ. Lối này”. Ông ta bước ra khỏi phòng, theo sau là Adam và Di Silva. Viên bác sĩ mở cửa và bảo hai người: “Cô ấy ở phòng đầu tiên”. Có một viên cảnh sát đứng gác trước cửa. Anh ta đứng nghiêm khi trông thấy chưởng lý. “Không ai được đến gần phòng này mà không có giấy phép do chính tay tôi viết. Anh hiểu không?” - Di Siliva nói. “Vâng, thưa ngài”. Adam và Di Silva bước vào phòng. Trong phòng có ba chiếc giường, hai chiếc để trống. Jennifer nằm trên chiếc giường thứ ba, mũi và cổ tay cắm đầy ống dẫn. Adam bước đến gần giường và nhìn cô chằm chằm. Mặt Jennifer trông càng xanh xao trên nền gối trắng và cặp mắt cô nhắm nghiền. Trong trạng thái mê mệt trông cô có vẻ trẻ trung và mềm mại hơn. Adam đang nhìn cô gái ngây thơ mà anh đã gặp cách đây lâu lắm rồi, cô gái đã giận dữ nói với anh: “Nếu có ai hối lộ tôi, anh có nghĩ là tôi sẽ sống ở một nơi như thế này không? Tôi không cần biết anh là gì. Tất cả những gì tôi muốn là được để yên”. Anh nhớ lại lòng dũng cảm, chất lý tưởng và sự yếu ớt của cô. Cô đã đứng về phía các thiên thần, tin tưởng vào công ly và sẵn sàng bảo vệ nó. Có gì không ổn đã xảy ra nhỉ? Anh đã yêu cô và bây giờ vẫn còn yêu, rồi anh đã quyết định sai lầm làm hỏng đời của cả hai người, và anh biết là cho đến hết đời, anh sẽ không bao giờ thoát khỏi cảm giác tội lỗi. Anh quay sang viên bác sĩ: “Hãy cho tôi biết khi nào cô ấy...” Anh không thể nói được những từ ấy “... có mệnh hệ nào”. “Tất nhiên” - Viên bác sĩ đáp. Adam Warner đứng lặng nhìn Jennifer một lần cuối cùng và thầm tạm biệt cô. Sau đó anh quay lại và bước ra cửa gặp các phóng viên đang chờ sẵn. Trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, Jennifer vẫn biết khi mọi người rời khỏi. Cô không hiểu họ nói gì bởi vì lời nói của họ nhòa đi trong cơn đau xâu xé cô. Cô nghĩ rằng mình đã nghe thấy giọng nói của Adam nhưng cô cho là không thể được. Anh đã chết rồi. Cô cố gắng mở mắt nhưng thật quá sức. Suy nghĩ của Jennifer bắt đầu trôi nổi... Abraham Wilson chạy vào phòng mang theo chiếc hộp. Anh ta vấp ngã làm chiếc hộp bật tung và một con chim hoàng yến bay ra khỏi đó.... Robert Di Silva thét lên. “Hãy bắt lấy nó? Đừng để nó bay mất?...” sau đó Michael Moretti bắt được và phá lên cười. Rồi đức cha Ryan nói: “Trông này, tất cả mọi người? Thật là kỳ diệu!” Và Connie Garrett đang nhảy múa quanh phòng trong khi mọi người vỗ tay hoan hô... bà Cooper nói: “Tôi sẽ cho cô Wyoming.... Wyoming.... Wyoming...” rồi Adam bước vào cầm theo một bó hồng nhung và Michael Moretti nói: “Hoa của tôi mua đấy”, còn Jennifer lại bảo “Tôi sẽ cắm hoa vào lọ nước”, rồi hoa héo quắt lại và nước chảy tràn ra xuống sàn biến thành hồ lớn, và cô cùng Adam đi thuyền buồm trong khi Michael lướt ván đuổi theo họ, sau đó y lại biến thành Joshua, mỉm cười với cô vẫy vẫy rồi bỗng nhiên mất thăng bằng, và cô hét lên “Đừng ngã... đừng ngã... đừng ngã mà...” nhưng một làn sóng lớn đã đẩy Joshua lên không trung; cậu bé giơ tay ra như Đức Chúa Giê su rồi biến mất. Trong chốc lát, đầu óc Jennifer bỗng tỉnh táo. Joshua chết rồi. Adam không còn nữa. Michael cũng chết nốt rồi. Cô còn lại một mình. Cuối cùng mọi người đều cô đơn cả. Ai rồi cũng phải chết cái chết của mình. Chết bây giờ thật quá dễ dàng. Một cảm giác bình yên bắt đầu xâm chiếm cô. Chẳng còn bao lâu sẽ không còn đau đớn nữa. Đoạn Kết Đó là một ngày tháng giêng lạnh lẽo trong tòa nhà Capitol khi Adam Warner tuyên thệ để trở thành vị Tổng thống thứ bốn mươi của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Vợ anh đội chiếc mũ lông chồn và cũng khoác chiếc áo lông chồn sẫm màu làm tôn lên nước da xanh xao của chị ta, và hầu như che giấu được việc chị ta đang mang thai. Chị đứng cạnh con gái và hai người tự hào ngắm nhìn Adam tuyên thệ nhậm chức, trong khi cả nước cùng chia sẻ niềm hân hoan với họ. Họ là tinh hoa của nước Mỹ: lịch sự, trung thực, đứng đắn và xứng đáng sống trong Nhà Trắng. Tại văn phòng luật sư nhỏ bé tại Kelso, bang Washington, Jennifer Parker ngồi một mình xem lễ nhậm chức qua vô tuyến. Cô xem mãi cho đến khi buổi lễ kết thúc hoàn toàn và Adam, Mary Beth cùng Samantha được những nhân viên an ninh bảo vệ xung quanh rời khán đài. Sau đó Jennifer tắt máy vô tuyến và tiếp tục nhìn cho đến khi hình ảnh mất hẳn. Cũng giống như chôn vùi quá khứ: khép chặt lại những gì đã xảy ra với cô, cả tình yêu và sự chết chóc, cả niềm vui lẫn nỗi đau đớn. Không gì có thể hủy diệt cô được. Cô là người đã sống sót. Cô đội mũ và khoác áo rồi bước ra ngoài, dừng lại một chút để nhìn vào tấm biển đề: Jennifer Parker, Luật sư. Cô chợt nghĩ đến hội đồng xét xử đã tha bổng cho cô. Cô vẫn còn là một luật sư cũng như cha cô trước đây. Và cô sẽ tiếp tục làm việc, tìm kiếm một vật hay lẩn tránh mà người ta gọi là công lý. Cô quay đi và hướng về phía tòa án. Jennifer bước đi chậm rãi trên phố vắng lộng gió, tuyết bắt đầu rơi nhè nhẹ, phủ một lớp mỏng trên mặt đất. Từ tòa nhà bên đường bỗng vọng ra những tiếng cười vui vẻ. Một âm thanh lạ đến nỗi cô phải dừng bước quay lại để lắng nghe. Cô kéo áo choàng sát vào người hơn và đi dọc phố, nhìn qua màn tuyết rơi trước mặt như thể đang cố nhìn vào tương lai. Nhưng thực ra cô đang nhìn lại quá khứ, cố ngẫm nghĩ xem tiếng cười trong cuộc đời của cô đã tắt tự bao giờ. Dịch Thuật: Thu Nguyên Hết Truy Lùng Sidney Sheldon Nguồn : www.vnthuquan.net Tạo ebook : Huyền Trang Mục Lục Mở Đầu Chương 01 Chương 02 Chương 03 Chương 04 Chương 05 Chương 06 Chương 07 Chương 08 Chương 09 Chương 10 Chương 11 Mở Đầu - Chú ý! Phi công biết chắc rằng tất cả họ sẽ chết. Trong cơn bão giật điên cuồng, chiếc máy bay Silver Arrow Jet mười hai chỗ ngồi bị nhồi lên dội lên dội xuống như một thứ đồ chơi giữa đất trời vùng Appalache. Phi công chính và phụ lái cố ráng sức giữ mũi bay nhoi vượt thoát trận cuồng phong mãnh liệt. Chiếc Silver Arrow Jet quả là một chiếc máy bay tuyệt diệu, được thiết kế và lắp ráp hoàn hảo. Song, vào những giây phút cuối cùng, máy móc bị trục trặc. Một trong hai hành khách ngồi ở cabin sang trọng trên máy bay đứng dậy, tiến vào buồng lái và nói : - Máy móc bị trục trặc, cánh quạt quay không đủ lực đưa máy bay thoát lên cao. Thông thường, phi công đã bảo vị khách nọ quay về chỗ của ông. Nhưng điều đó không thể áp dụng vào trường hợp này. Vị khách nọ là ngài Yoneo Matsumoto, người sáng lập và chủ tịch một trong những tổ hợp công nghiệp lớn nhất thế giới. Phi công vội đáp : - Dạ thưa, kiệt lực rồi ạ. Cả ba người đàn ông hiểu rõ ý nghĩa của câu nói đó. Hết hy vọng sống sót. những ngọn núi nhấp nhô như lớp lớp tên nhọn chĩa cao chờ dịp là lao xô vào máy bay. Lực tàn sức cạn, nó khó bề thoát lên tránh hiểm họa. Máy bay bắt đầu mất độ cao và lê lết như con thú bị thương. Yoneo Matsumoto quan sát một lát các thiết bị trong buồng lái, rồi quay về bên chỗ vợ ngồi. Qua nét mặt bình thản, không để lộ chút hoảng hốt của vợ, ông biết rằng bà không hề sợ hãi. Ông âu yếm nắm tay bà. Bà mỉm cười nhìn ông chan chứa yêu thương. Yoneo Matsumoto sẵn sàng đón nhận cái chết. Ông đã sống một cuộc đời sôi động, đầy ý nghĩa, ông đã thành đạt hơn biết bao người khác. Từ hai bàn tay trắng, ông đã gây dựng nên nền công nghiệp Matsumoto, doanh nghiệp mà mọi ông chủ đều có quyền tự hào. Ông có hàng ngàn nhân viên làm việc trong cả trăm công xưởng nằm khắp thế giới. Họ tận tụy với ông và rất mực yêu mến, quý trọng ông. Tâm trí ông quay trở lại những ngày đầu, khi ông còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp trường đại học. Ông có năng khiếu bẩm sinh về ngành điện tử và mọi cửa đều rộng mở đón chào ông. Ông đã gặp Eiko và yêu bà say đắm. Bà tiếp thêm cho ông sức mạnh của lòng can đảm và nghị lực để xây dựng nên hãng công nghiệp của chính mình. Trong năm năm đầu, ông lăn lộn suốt ngày đêm, cố kiếm miếng ăn manh áo nuôi Eiko và Massao, đứa con trai nhỏ của hai vợ chồng. Con đường Yoneo Matsumoto lựa chọn thật chông gai, gian khổ, nhưng vốn là người trọng danh dự và có tài, ông không hề nao núng chùn bước trước bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. Đường doanh nghiệp của ông mỗi ngày một thênh thang rộng lớn rồi từ một hãng sản xuất, nó phát triển thành một tổ hợp kinh doanh hùng mạnh. Nền công nghiệp Matsumoto dần dà thu hút các hãng và chi nhánh khác, và từ một cơ sở kinh doanh non trẻ, nó trở thành một công ty khổng lồ - một triều đại công nghiệp bao trùm thế giới chuyên sản xuất các loại máy bay và máy tính điện tử, các loại máy quay phim, máy ảnh, máy thu thanh, truyền hình và hàng trăm chủng loại khác nữa. Một tiếng sét đột ngột dội lên bứt ông ra khỏi mọi suy tư. Tiếp ngay sau đó, một làn chớp sáng ngời rạch ngang bầu trời tựa hồ như vừa có một quả tên lửa khổng lồ điên cuồng lao vút vào khoảng không. Những người ngồi trên máy bay thấy rõ trong khoảnh khắc toàn bộ khung cảnh ngoài trời: quanh họ nhìn đâu cũng chỉ toàn vách núi hiểm trở. Ánh chớp tắt lặn, cảnh vật lại chìm trong bóng đen dày đặc. Yoneo Matsumoto siết chặt tay người vợ thân yêu đã cùng ông chia sẻ mọi nỗi buồn vui, đã từng cổ vũ, động viên ông vượt qua bao sóng gió cuộc đời. Lúc này đây, giữa cảnh trời đất đảo điên trong cơn giông tố cuồng phong, bà lại ở bên ông hiền hậu, dịu dàng và bình tĩnh. Chỉ dăm phút nữa, cả hai ông bà sẽ xa lìa cuộc đời này. Nhưng họ còn đứa con trai Massao, nó sẽ tiếp tục sự nghiệp của họ. Massao sẽ thừa kế để chế Matsumoto và nó sẽ vững vàng cai quản đế chế mà hai vợ chồng đã cùng chung sức tạo dựng nên. Ánh chớp khủng khiếp lại vụt lóe và họ thấy rõ cảnh tượng bên ngoài như cảnh địa ngục: một đỉnh núi phủ đầy tuyết đùn lên những áng mây đen tựa chiếc vạc dầu sôi bốc khói nghi ngút và, ngay trước mặt họ, là sườn núi dựng đứng lởm chởm đá như những chiếc răng nhọn nhe ra chỉ chờ họ lao vào là phanh thây xé xác. Mấy giây sau, cả thế giới dường như bị nổ tung thành hàng ngàn tia lửa nhỏ. Sau đó, cảnh vật lại chìm vào bóng đêm chết chóc rùng rợn, gió gào rú thê lương, vang vọng khắp một vùng đất cô đơn trải dài vô tận... Chương 01 - Cậu uống thêm một chút cà phê nữa nhé? - Đủ rồi. Cảm ơn. Massao Matsumoto vừa ăn sáng xong tại một miền ngoại ô tuyệt đẹp, cách Tokyo bảy ngàn dặm. Anh là một thanh niên đang độ tuổi mười tám, vóc người cân đối tuyệt vời, cao lớn và trông thật tráng kiện, khỏe mạnh. Anh có gương mặt hấp dẫn, dễ thương, cặp mắt ngời sáng, rất thông minh. Anh được thừa hưởng sức lực cường tráng của cha và sự hiền dịu của mẹ. Mối kết hợp hiền hòa này tôn anh vượt hẳn lớp người bình thường. Massao đã tốt nghiệp xuất sắc trường trung học. Anh là thủ quân đội bóng chày của trường và được bạn bè rất mực yêu mến. Massao rất mê khiêu vũ. Thỉnh thoảng, khi không phải bận rộn với bài vở, anh đến tiệm nhảy Shin Juku. Gia đình Matsumoto là một gia đình giàu có và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng không vì thế anh trở nên kiêu căng, ngạo mạn. Anh đánh giá con người theo nhân phẩm, cá tính của họ và anh có rất nhiều bạn. Massao được dạy dỗ theo đức tính coi mực thước và lòng trung thực là thước đo cao nhất những giá trị của cuộc sống. Anh hết lòng ngưỡng mộ các võ sĩ Samurai là những người chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của mình. Massao đã nghỉ hè và làm việc tại công xưởng Matsumoto ở Tokyo trước khi bước chân vào trường đại học. Anh thừa kế được năng khiếu về ngành điện tử của người cha và có những ý tưởng riêng dự định sẽ thực hiện vào một ngày nào đó. Vừa ăn sáng xong Massao thấy chú Teruo Sato và cô Sachiko bước vào phòng. Anh lễ phép đứng dậy chào : - Cháu kính chào chú Teruo và cô Sachiko. Bà Sachiko vuốt nhẹ cánh tay anh và dịu dàng bảo : - Cháu Massao bé bỏng của cô! Massao mến cô Sachiko, cô là em gái của cha anh. Cô có vẻ mặt không hấp dẫn lắm, nhưng là một người đàn bà biết điều và đáng yêu. Cô tháo vát, nhanh nhẹn và luôn quan tâm đến mọi người. Đã có lúc Massao thầm nghĩ: “Cô Sachiko cần cù và năng động như con ong mật”. Massao không ưa ông chồng cô lắm. Teruo Sato cao lênh khênh, gày đét. Tóc ông ta đen nhánh, người mỏng dính, gương mặt mỏng quẹt, đôi môi mảnh như hai sợi chỉ vắt qua miệng. Massao thầm nghĩ có lẽ tâm hồn ông ta cũng chỉ mỏng không hơn một tờ giấy. Ông chú Massao có cái vẻ lạnh lùng đầy tính toán, gần như tàn nhẫn, khiến anh thấy khó chịu. Anh nghe bàn dân thiên hạ đồn rằng chú Teruo lấy cô Sachiko Matsumoto chỉ với mục đích được gia nhập vào gia đình Matsumoto hùng mạnh. Dần dần, cha Massao đã giao cho ông em rể một vị trí quan trọng là người quản lý tài chính của hãng, song dường như Teruo vẫn chưa mãn nguyện, tham vọng của ông ta như nước đổ vào một chiếc thùng không đáy. Ông ta quả là một người thông minh, nhưng Massao nghi ngờ trí thông minh của ông ta. Cha anh luôn luôn tự hào về chất lượng sản phẩm ông làm ra, còn đầu óc chú Teruo xem ra chỉ tập trung đo đếm những lợi nhuận sản phẩm ấy sẽ đem lại. - Cô chú đã dùng bữa điểm tâm chưa? - Massao hỏi. - Rồi, cháu Massao ạ. - Một nét lo buồn lộ trên nét mặt Teruo - Chú e rằng phải báo với cháu một tin chẳng lành. Massao suy nghĩ một thoáng nhanh, tim anh thắt lại. - Dạ... thưa chú tin gì vậy? - Chú vừa nhận được tin báo cha mẹ cháu đã qua đời trong tai nạn máy bay tối hôm qua. Massao sững sờ nhìn ông ta, anh không tin những lời chú Teruo vừa nói. Một cảm giác hư hư thực thực xâm lấn anh. Cha mẹ anh không thể chết được, không thể! Cả hai vẫn sống! Đó chỉ là một cơn ác mộng mà anh sẽ thoát ra khỏi vào bất cứ giây phút nào. Teruo nói tiếp : - Theo như chú hiểu, cha mẹ cháu đã chết ngay lập tức, không hề cảm thấy đau đớn gì. Nhưng Massao thấy lòng mình xót xa đau đớn. Anh cảm nhận được sự kinh hoàng và sợ hãi mà cha mẹ anh đã trải qua trước khi chết. - Cháu... - Massao suýt ngất xỉu, rồi cố hít mạnh một hơi gắng lấy lại sức - Chuyện xảy ra ở đâu ạ? - Ở trên vùng Appalache, miền Đông nước Mỹ. Cha cháu đang trên đường bay đến nơi khai trương một công xưởng mới. - Teruo quàng tay lên vai người cháu - Ngày mai, cháu và cô chú sẽ cùng bay sang Mỹ. Chúng ta sẽ mang di hài cha mẹ cháu về chôn cất cho thật xứng đáng. Massao gật đầu, cổ họng tắc ngẹn không thốt nên lời. Massao không còn nhớ cô chú anh đã ở đấy và thuyết phục anh bao lâu. Họ đã nói biết bao lời yêu thương, an ủi, nhưng Massao chỉ thấy ù cả tai, chẳng hiểu gì. Cha mẹ anh vẫn sống trong trái tim anh, vẫn yêu thương, dìu dắt anh đi như ngày nào. - Con có biết vì sao công việc của chúng ta tiến triển nhanh như thế không, Massao? Vì chúng ta khá hơn tất cả những người khác, công nhân bãi công liên tục. Ở Nhật Bản, tất cả chúng ta là một gia đình, một người được hạnh phúc là tất cả được hạnh phúc. Massao chợt nhớ lại hồi mười hai tuổi, một lần tập chạy với cha, anh đã khoe : - Cha ơi, con có một sáng kiến hay lắm. - Gì thế, con? - Như cha đã biết, một làn gió nhẹ làm chuyển động một cối xay gió và sản sinh ra dòng điện. - Đúng thế! - Vậy thì, nếu một chiếc ô tô chạy với một tốc độ 90 hay 100 km một giờ sao ta không lợi dụng luồng gió tạo ra khi xe chạy để làm quay các bánh răng cưa qua đó mà tiết kiệm xăng? Cha anh chăm chú lắng nghe. - Một ý kiến rất hay đấy! Massao đã kiên nhẫn trình bày các nguyên tắc vật lý: lực nhân với tốc độ, cùng các quy luật cơ học. ý kiến của anh không thực hiện được nhưng cha bảo anh đã nghĩ ra một cái gì đó rất tuyệt diệu. Kunio Hikada là Tổng giám đốc điều hành tất cả các công xưởng Matsumoto ở Mỹ. Lúc bấy giờ ông đang ở Tokyo. Trong bữa ăn tối hôm ấy, cha Massao đã kể cho ông nghe sáng kiến của anh. Massao thấy mình đã trưởng thành một bước dài. Vóc người Kunio Hidaka cao lớn, tính hòa nhã, ông luôn quan tâm tới Massao và các ý kiến của anh. Mỗi lần về Tokyo ông đều mang quà về tặng Massao, những món quà hấp dẫn gợi cho anh trí tưởng tượng và những ước mơ đẹp. Ông bỏ hàng giờ nói chuyện với Massao về ngành công nghiệp Matsumoto. - Một ngày kia, hãng này sẽ thuộc về cháu. Cháu phải học để biết tất cả mọi công việc của nó. Nhưng chú Teruo đều gạt đi : - Anh đừng có phỉnh phờ nó. Nó phải học xong đã, nó chỉ có mỗi việc ấy thôi. Cha Massao mỉm cười bảo : - Các anh nói đúng đấy. Trước hết Massao phải học xong đã, sau đó nó sẽ làm việc trong hãng Matsumoto. Ngay trước hôm quay trở lại Mỹ, Kunio Hidaka nói với Yoneo Matsumoto : - Anh chuẩn bị để đưa cả Massao cùng sang Mỹ với nhé. Ông Yoneo Matsumoto gật đầu : - Tôi cũng đã dự định như vậy. Khi cháu mười tám tuổi, tôi sẽ cho cháu sang cùng... Đó là trước đây một năm. Còn giờ đây, Massao cay đắng nghĩ: ta đã tròn mười tám tuổi, vậy mà ta lại sang Mỹ lần đầu tiên để nhận di hài cha mẹ... Anh khóc nức lên... Sáng sớm hôm sau, Massao cùng chú Teruo và cô Sachiko ra sân bay. Mười lăm phút sau, máy bay cất cánh bay sang New York. Lẽ ra Massao đã rất háo hức và vui mừng được thấy nước Mỹ. Cha anh đã kể cho nghe nhiều về xứ sở này: “Ở đấy có rất nhiều đô thị, nhà máy, núi non, sông, hồ. Con biết không, nó giống như năm mươi châu u nhỏ. Mỗi bang có vị trí độc lập riêng và không bang nào giống bang nào”. Nhưng lúc này, khi cuối cùng, Massao lên đường sang Mỹ thì cậu chẳng hề thấy hồi hộp, náo nức. Một nỗi đau buồn, mất mát tràn ngập tâm hồn. Anh chẳng có anh chị em, chẳng có ai gần gũi để chia sẻ nỗi đau này. Anh biết cuộc đời mình sẽ không bao giờ được như trước đây nữa. Anh nhìn lên hàng ghế trước, nơi ông chú, bà cô ngồi. Anh cảm ơn họ đã giúp anh. Ít ra, anh đã hoàn toàn không cô độc. Khi máy bay hạ cánh trên sân bay John F. Kennedy, họ tiến đến bên chỗ hải quan. Một cảnh tượng khác thường đập vào mắt Massao. Tòa nhà lớn đầy ắp người, biết bao khách du lịch và người Mỹ đang trở về nhà. Họ ồn ào, huyên náo trao đổi với hau bằng một ngôn ngữ lạ lùng khiến Massao rất ngạc nhiên. Nhưng rồi anh hiểu ra họ nói tiếng Anh. Kể cũng kỳ thật! Ở trường, Massao đã học tiếng Anh, vậy mà anh chẳng hiểu một chữ nào. Họ nói như những tràng súng máy, hỗn loạn khôn tả. Giá mà họ nói chậm lại một tí thì hay biết mấy! Cuối cùng ba người đã vượt qua chỗ hải quan và bước ra ngoài sân bay. Bên lề đường, một chiếc Limousine sang trọng của hãng Matsumoto đang chờ họ. Gã tài xế trông rất lưỡng. Tên gã là Higashi. Gã có thân hình một đô vật. Khi hành lý đã được chuyển vào sau xe, Teruo nhìn cháu và bảo : - Chúng ta sẽ đi xa một chút ra ngoại ô. Ở đó, hãng ta có một biệt thự nhỏ nằm bên hồ, không xa nơi xảy ra tai nạn mấy. Ngày mai chú sẽ làm mọi việc cần thiết để thu lượm di hài cha mẹ cháu. “Di hài cha mẹ cháu”. Mấy tiếng đó thốt ra thật lạnh lùng, đanh gọn. Massao rùng mình. Higashi lái xe qua cái mê cung rộng lớn của sân bay rồi vòng ra xa lộ cho xe chạy về phía Bắc. Đó là một buổi chiều mùa xuân êm dịu, cảnh quan tuyệt đẹp. Không khí thoáng mát, những hàng cây bên đường rực lên một màu xanh mướt điểm nụ hoa đủ màu. Nhưng, tất cả những vẻ đẹp ấy chỉ càng làm Massao thêm trĩu nặng đau buồn. Cuộc sống như ngưng đọng. Dường như hoa vẫn nở, mọi người vẫn cười nói, ca hát trong chính cái chết... Lòng Massao quặn đau. Họ đi khoảng hai tiếng đồng hồ, qua các triền núi đẹp như tranh vẽ, làng mạc, cánh đồng và mấy khu rừng thiêm thiếp ngủ. Khi xe lọt vào một thành phố nhỏ có hàng chữ Wellington nồng nhiệt đón chào, Teruo nói : - Chúng ta sắp đến nơi rồi! Mười lăm phút sau, xe dừng lại. Biệt thự nhỏ của hãng Matsumoto là nơi dành cho các vị khách quan trọng. Đó là một tòa nhà bốn tầng lộng lẫy, nằm lọt trong núi, nhìn ra một vùng hồ nước mênh mông. - Chú sợ rằng chẳng có ai ở đây cả. - Teruo nói, có vẻ có lỗi - Chúng ta đến đây đột ngột quá. Nhưng có lẽ ta sẽ tự thu xếp lấy được trong vài ngày thôi, phải không cháu? - Dạ thưa chú, vâng ạ. Higashi mang va li vào nhà và dẫn Massao lên phòng anh ở tầng hai. Đó là một biệt phòng rộng thênh thang, có thềm riêng nhìn ra hồ và toàn bộ khung cảnh xung quanh. Trong phòng ngủ có một lò sưởi lớn bằng đá và những đồ gỗ cổ kính. Chiếc giường thật êm và dễ chịu. Khi Massao đang lấy những thứ để trong va li chuẩn bị xếp vào tủ, Teruo và Sachiko đến chúc anh ngủ ngon. Teruo bảo : - Ngày mai chú sẽ giải quyết xong mọi việc, ngày kia chúng ta sẽ quay về Tokyo. - Cảm ơn chú! - Cháu gắng ngủ đi một chút nhé! - Dạ vâng ạ. Sachiko đặt nhẹ tay lên vai Massao dịu dàng nói : - Cha mẹ cháu chắc hẳn đã mong ước sao cháu dũng cảm hơn! - Dạ, thưa cô cháu sẽ cố gắng. - Massao hứa. Anh phải dũng cảm vì cha mẹ. Sachiko dặn lại : - Cháu cần gì thì gọi cô chú ở ngay phòng bên nhé! Nhưng Massao cần lúc này là sự yên tĩnh. Anh muốn để tâm trí được ở gần bên cha mẹ, muốn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm đã buột khỏi cuộc đời anh. Anh thức trắng đêm và hồi tưởng. Anh đang ở trên thuyền và đi câu với cha. Đó là một ngày nắng đẹp, bầu trời trong vắt không một gợn mây, một luồng gió nhẹ, mằn mặn, thoảng hương thơm dịu ngọt. Cha kể lại anh nghe những ngày thơ ấu của ông, khi còn là một đứa con trai một gia đình nghèo. Cha quyết chí phải thành đạt, con ạ. Cha không nghĩ đến tiền bạc hay công danh. Cha chỉ nghĩ sẽ những gì có ích nhất cho đời. Trong căn bếp ấm áp, chăm chú xem mẹ chuẩn bị bữa tối. Anh vòi mẹ kể lại câu chuyện anh ưa thích về một cơn bão. Mẹ kể: con ra đời vào giữa trời đông giá lạnh, cha mẹ không có tiền mua than sưởi. Một tối nọ, một trận bão tuyết khủng khiếp nổi lên. Con khóc thét trong nôi. Mẹ đắp thêm chăn cho con, hết chăn, cha mẹ phải dùng thảm. Trời càng trở rét hơn cha mẹ đem tất cả mọi thứ đắp lên người con, nào là áo măng tô, khăn choàng, gối, đủ thứ... mà kể cũng lạ thật, trời thương nên con không bị chết ngạt dưới cái đống ấy. Anh như nghe rõ tiếng cười ấm áp, hiền hậu của mẹ và giọng nói trầm trầm nghiêm nghị của cha. Cha mẹ đã thức trắng đêm bên đứa con trai thân yêu. Anh sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại cha mẹ nữa nhưng anh biết rằng cả hai sẽ sống mãi trong lòng anh. Những tia nắng ban mai đầu tiên vừa ló rạng, Sachiko bước vào phòng Massao. Bà thấy chiếc giường vẫn nguyên chăn nệm, nhưng không hề hé răng trách mắng cháu. Bà âu yếm bảo : - Massao thân yêu, cô đã chuẩn bị bữa điểm tâm cho cháu rồi đấy! Massao lắc đầu : - Cảm ơn cô, cháu không thấy đói. - Cháu phải ăn một chút cho khỏe chứ! - Thôi được, cháu xin nghe lời cô. Massao sang một phòng ăn lớn có Teruo đang ngồi đợi. - Cháu chợp mắt ngủ được chút nào không? - Dạ cảm ơn chú, cháu ngủ được tí chút. Thực ra suốt đêm qua cậu không chợp mắt. Massao ngồi vào bàn. Cô Sachiko đưa cà phê cho anh. Anh ngạc nhiên thấy mình đói như một con sói. Anh cảm thấy có lỗi khi ăn ngon miệng, nhưng biết làm sao được. Teruo nói : - Sáng nay chúng ta sẽ có khách đấy. Massao kinh ngạc hỏi : - Sẽ có khách ạ? Dạ thưa chú, ai sẽ đến thăm chúng ta? - Ông Tadao Watanake. Massao nghe cái tên có vẻ quen quen. Sau đó, anh chợt nhớ ra. Ông Watanabe là trạng sư riêng của cha anh. - Dạ thưa chú, ông ta đến đây để làm gì? - Ông ta mang tới đây di chúc của cha cháu. - Thoáng nhận thấy nét mặt Massao để lộ chút vẻ phản đối, Teruo vội nói tiếp - Chú biết cháu nghĩ gì? Nhưng Matsumoto là một đế chế kinh doanh lớn, cần phải có người đứng đầu. Bản di chúc của cha cháu sẽ cho biết người đó là ai. - Dạ vâng, tất nhiên! Massao cố nắm bắt lời Teruo, nhưng tâm trí của anh không để ý tới đế chế Matsumoto. Anh đang nghĩ tới người đã sáng lập và xây dựng nó, một con người rất đáng tự hào. Đúng mười một giờ, ông Tadao Wanabe tới. Thật khó đoán được ông ta bao nhiêu tuổi. Trông ông khô quắt như một cái xác ướp. Ông trạng sư trông đến là trịnh trọng. Ông nói vài lời chia buồn rồi đi ngay vào việc. Ông mở bản di chúc. Cả bốn người quần tụ trong thư viện. Watanabe bắt đầu đọc di chúc. Massao hiểu rằng anh phải lắng nghe, nhưng sao tâm trí anh vẫn cứ bị mê sảng. Anh chẳng quan tâm đến di chúc. Giọng nói đều đều của ông trạng sư làm anh mê mụ. Anh díp mắt lại vì cơn mệt rã rời. Bàn tay khô mỏng của ông trạng sư đập mạnh xuống bàn làm anh giật mình choàng tỉnh. - Đó là toàn bộ nội dung. - Ông trạng sư vẫn rành rọt nói tiếp - Tóm lại, hãng công nghiệp Matsumoto, cùng toàn bộ các công xưởng và phân chi nhánh của nó, thuộc quyền cai quản của Massao Matsumoto. Trong trường hợp Massao qua đời sớm, hãng được chuyển thành sở hữu của Teruo Sato. Massao chợt bừng tỉnh. Anh ngợp thở khi nghe những lời vừa nói. Một trong những đế chế công nghiệp lớn nhất trên thế giới thuộc quyền cai quản của anh. Thật khó tin. Dĩ nhiên là chú Teruo sẽ đảm đương công việc cho đến khi Massao đủ sức tự kiểm soát lấy. Nhưng dù sao thì cũng thật ghê gớm. Lúc này, chú Teruo đang căn dặn cậu điều gì đó, Massao phải ráng hết sức để khỏi sao lãng. Teruo nói : - Cha cháu đã quyết định thật sáng suốt. Cháu sẽ tiếp tạo sự nghiệp của cha cháu. Trong thời gian đó, chú sẽ cố gắng làm tất cả mọi việc thuộc quyền hạn của chú để hướng dẫn và giúp đỡ cháu. Massao gật đầu có vẻ biết ơn : - Cháu cảm ơn chú. Không có chú cháu chắc chẳng thể làm gì nổi. Ngài Watanabe đứng dậy : - Bây giờ tôi phải trở về thành phố. Tôi sẽ cho thực hiện di chúc ngay lập tức. Sachiko nhìn Massao lắc đầu lo lắng : - Trông cháu mệt mỏi quá, cháu có muốn ngủ thêm một chút nữa cho khỏe không? - Thưa cô, có lẽ cháu xin phép cô về phòng ngủ thêm chút nữa. - Massao đứng dậy. Anh lảo đảo vì quá căng thẳng. Anh từ biệt ông trạng sư rồi về phòng mình. Quá mệt mỏi, Massao cứ để nguyên cả quần áo mà lăn ra giường. Anh chìm ngay vào giấc ngủ. Căn phòng tối như mực khi Massao tỉnh. Anh đã ngủ cả một ngày thì phải. Anh những định gúp chú Teruo chuẩn bị chôn cất cha mẹ. Nhưng lúc này quá muộn rồi, anh muốn gặp Teruo và xin lỗi chú. Massao trườn khỏi giường và mò ra ngoài hành lang. Nửa mê nửa tỉnh, anh lần theo cầu thang đi xuống. Ngày mai, cả ba đã bay về Tokyo rồi. Nếu bạn bè anh hỏi về nước Mỹ, có lẽ anh chỉ có thể kể vỏn vẹn về một sân bay của Mỹ, một tòa nhà và một cái hồ mà thôi. Được rồi, một ngày nào đó, khi đã đứng đầu đế chế Matsumoto, anh sẽ quay trở lại nơi đây và sẽ thực sự tìm hiểu kỹ nước Mỹ, nhưu cha mẹ anh đã từng mong mỏi. Massao chợt nghe có tiếng nói trong thư viện. Anh rón rén đến gần. Anh nghe có tiếng chú Teruo và cô Sachiko đang cao giọng tranh luận một chuyện gì. Massao định bước vào thư viện đúng lúc nghe thấy hai người nhắc đến tên mình. Nhưng anh vội bỏ ngay ý định đó. Lúc này anh không muốn xen vào giữa chuyện hai người. Cô Sachiko nói một câu gì đấy Massao nghe không rõ, rồi giọng chú Teruo tức tối rít lên : - Thật chó đểu! Tôi đã bỏ biết bao công sức xây dựng nên hãng này, tôi đã mất bao năm trời vì nó, chính tôi mới là người có quyền thừa kế nó. - Anh Yoneo đã luôn ưu ái ông, Teruo. Anh ấy đã... - Anh bà chưa bao giờ bằng lòng về tôi đâu, nếu không thì đời nào hắn lại cho Massao thừa kế! - Massao là con trai anh ấy! - Nó còn vắt mũi chưa sạch, cai quản thế quái nào được hãng của ta? - Tất nhiên bây giờ cháu nó chưa đủ khả năng. Nhưng rồi một ngày nào đó cháu nó sẽ đủ sức đảm đương chuyện đó! Với sự giúp đỡ của ông. - Thôi đi, đừng u mê mụ người nữa, Sachiko. Việc quái gì tôi phải giúp Massao để nó nâng mất cái đế chế của tôi? Không thể có chuyện vô lý như thế được. - Nhưng còn vấn đề... - Chẳng còn có vấn đề quái gì cả! Chương 02 Massao kinh hoàng đứng sững ngoài cửa thư viện. Anh không thể tin được những lời vừa nghe. Phải chăng chú Teruo đang mưu toan gạt bỏ anh? Massao đã có ý định chạy xộc vào gặp chú. Nhưng anh chợt nhớ tới Higashi, tên tài xế lực lưỡng trông cứ như một tên đồ tể và lời chú Teruo nói chiều qua: “Chẳng có ai ở đây cả, chúng ta đến đột ngột quá...”. Trong một tòa nhà như ngôi biệt thự này thì quanh năm lúc nào chẳng phải có người! Ông chú anh đã tống cổ tất cả mọi người đi. Ông hẳn đã biết trước nội dung bản di chúc. Ông ta đã bố trí đưa Massao vào bẫy và quanh anh sẽ chẳng có một ai để giải thoát cho anh. Như vậy anh đã nằm gọn trong tay ông ta như cá nằm trên thớt. Tên lái xe lực lưỡng là một phần của âm mưu này... Tim Massao đập rộn như trống làng, anh sợ ông chú bà cô có thể nghe rõ. Anh lặng lẽ len lén rời khỏi thư viện và nhanh chóng lẩn về phòng ngủ. Anh cần suy nghĩ trận trọng. Anh không được phép điên rồ. Nhưng phải chăng anh là vật cản trở duy nhất khiến chú Teruo không chiếm được đế chế Matsumoto rộng lớn? Phải chăng chú Teruo tưởng lầm rằng ông ta đã bị lừa dối? Massao biết rõ không phải như vậy. Chính cha anh là người đã sáng lập và xây dựng hãng. Cha anh đã nhận ông em rể vào chỉ vì cô Sachiko, và ông đã luôn luôn đối xử rất tốt với Teruo. Thế mà giờ đây, Teruo lại mưu toan giết hại anh hay sao? Cân não Massao căng như dây đàn. Ông chú sẽ giết anh bằng cách nào? Tất nhiên, ông ta sẽ tạo ra một vụ tai nạn, hay dàn dựng một vụ tự sát chẳng hạn. Động cơ tự sát thì đã quá rõ. Chính Massao đã nghe thấy ông chú nói với cảnh sát : - Thằng bé khốn khổ quá, tuyệt vọng về cái chết bi thảm của cha mẹ nó, nó sẽ tự sát mất! Massao nhìn qua lan can xuống mặt hồ sâu thẳm tối đen, đột nhiên anh chợt hiểu ra tất cả. Chú Teruo sẽ dìm anh xuống hồ. Ông ta sẽ lôi anh ra giữa hồ, một cái thuyền nhỏ, rồi ông ta và Higashi sẽ... Teruo đã nói ngày mai ba người sẽ trở về Tokyo. Điều đó có nghĩa là vụ giết người sẽ được hoàn tất vào đêm nay. Anh phải trốn ngay lập tức khỏi đây. Nhưng đi đâu? Anh biết cầu cứu ai bây giờ? Anh chẳng có lấy một xu, cũng chẳng quen biết một ai ở cái nước Mỹ này. Thậm chí anh cũng chẳng biết liệu anh có hiểu được người ta sẽ nói gì hay không. Anh nhớ lại lúc ở sân bay Kennedy, anh chẳng hiểu một từ nào trong cái mớ hỗn độn, huyên náo ấy. Thôi, chuyện để mai hẵng hay, Massao quyết định. Cái chính là bây giờ phải trốn ngay lập tức khỏi đây và tìm người giúp đỡ đã. Biệt thự nằm đơn độc giữa các triền núi. Massao chẳng thấy một ngôi nhà nào khác gần đây để gõ cửa. Bỗng nhiên Massao nhớ tới thành phố nhỏ anh đã đi qua trước khi đây. Tấm biển đề chợt lóe lên trước mắt Massao: Wellington. Ở đó nhất định phải có đồn cảnh sát. Anh sẽ đến đó và kể mọi mưu đồ của ông chú, cảnh sát sẽ bảo vệ anh. Nhưng trước hết anh phải trốn thoát khỏi nơi này. Massao nhón chân rời khỏi phòng ngủ và dỏng tai nghe. Xung quanh không một tiếng động. Anh mở cửa. Không có ai ở ngoài hành lang. Anh phải chú ý hết sức để không chạm chán với gã Higashi. Anh rùng mình ớn lạnh nhớ tới hai cánh tay khổng lồ của gã. Massao rón rén lần từng bước xuống cầu thang, cố không gây tiếng động. Anh vẫn nghe có tiếng người trong thư viện vọng ra, nhưng lúc này là hai giọng nói. Teruo đã gọi Higashi vào. Massao chẳng thèm nghe họ nói gì. Anh quay xuống phía nhà bếp. Cửa không khoá. Mấy giây sau, anh đã ra tới ngoài vườn. Anh đã an toàn. Bây giờ phải chuồn thật nhanh, phải biến nhanh để mà sống sót. Anh chạy qua cổng vườn to tướng rồi vòng ra con đường dẫn về thành phố. Anh dừng lại một chút và dỏng tai nghe xem có báo động trong nhà không. Không có gì cả. Không ai biết anh đã bỏ trốn. Massao lần theo con đường dài dằng dặc về Wellington. Anh luôn sẵn sàng lẩn trốn mỗi khi nghe có tiếng ô tô lại gần, nhưng anh chỉ nghe thấy những âm thanh của đêm vắng; tiếng ếch kêu, tiếng cào cào sột soạt trong cỏ, tiếng thở dài của cỏ, tiếng thở dài của cỏ trong các lùm cây. Massao tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra trong ngôi biệt thự. Có lẽ họ đã bàn xong. Họ đang hoảng lên khi thấy anh đã chuồn tuột khỏi tay họ. Massao đã xem trên truyền hình nhiều bộ phim Mỹ. Anh biết cảnh sát Mỹ rất giỏi, họ sẽ giải quyết xong với Teruo và sẽ trừng phạt ông ta. Mất gần một giờ mới tới được thành phố Wellington trông giống như một làng quê. Một siêu thị nhỏ, một cửa hàng rau cỏ, một hiệu giặt và một cửa hàng dược phẩm, tất cả nằm sát bên nhau trên trục đường chính. Tất cả các cánh cửa đều đóng im ỉm. Massao tiếp tục rảo bước cho đến khi thấy một tòa nhà mái ngói đỏ có biển đề: Đồn cảnh sát. Tim Massao như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Anh đã đến nơi cần đến. Anh chạy nhanh lên cầu thang và lại thấy một căn phòng ẩm mốc, đầy bụi bặm. Một viên cảnh sát đang viết hí hoáy cạnh bàn. Khi Massao bước vào, anh ta ngẩng lên nhìn : - Chào anh! Tôi có thể giúp gì anh? Chuỗi âm thanh tuôn ra như một tràng súng máy, Massao đứng ngây ra nhìn viên cảnh sát. Anh chẳng hiểu lấy một từ. Viên cảnh sát cất giọng sốt ruột : - Tôi có thể giúp gì anh? Massao nuốt khan trong cổ rồi từ tốn nói : - Thưa ông, xin ông nói chậm lại để tôi hiểu. Viên cảnh sát gật đầu : - Được, có chuyện gì xảy ra thế? - Anh ta nói chậm, nhấn từng từ, Massao đã hiểu ra. - Người ta đang định giết tôi. Viên cảnh sát lầm bầm nói một câu gì nghe không rõ, đại loại loáng thoáng như là: Tất cả mọi người xô vào tường. Nhưng Massao biết không phải như vậy. Anh theo dõi viên cảnh sát nhấc ống nghe và nói vào máy. Rồi anh ta đặt máy xuống quay lại nhìn Massao nói thật chậm rãi : - Đi qua hành lang này xuống dưới nhà, đến cửa đầu tiên phía bên phải. Ngài trung úy thanh tra đang chờ anh ở đấy. Massao nghĩ, có lẽ lúc ấy anh ta bảo : - Tôi gọi viên trung úy thì phải. - Xin cảm ơn ông! Massao thở phào nhẹ nhõm. Anh chạy xuống theo hành lang, gõ cánh cửa thứ nhất rồi bước vào. Một viên cảnh sát có mái tóc xám đang ngồi sau bàn điền vào các bản mẫu. Ông ta có bộ mặt nhàu nhĩ và mặc bộ quần áo cũng nhàu nát chẳng kém. Trên mặt ông lộ rõ vẻ mệt mỏi của một người làm việc quá sức. - Anh ngồi xuống đây. - Ông ta nói không ngẩng lên. Massao đứng ngây như phỗng. Người đàn ông to lớn giương mắt nhìn rồi hỏi : - Anh biết tiếng Anh chứ? - Thưa ông, tôi biết nói chút ít. Viên trung úy dịu giọng : - Nào, thế thì ngồi xuống đi. Massao ngồi xuống ghế. Anh biết rằng anh chỉ có thể hiểu được người Mỹ nếu họ nói thật chậm và đừng xổ ra cả tràng dài. Vài phút sau, viên trung úy đẩy đống giấy tờ sang một bên và chăm chú nhìn Massao. - Nào, ta bắt đầu. Tôi là trung úy Matt Branigan. Có chuyện gì thế, con trai của ta? - Cháu... - Massao không biết nên bắt đầu từ đâu. Có quá nhiều điều cần phải kể - Một tai họa đã xảy ra. Chú của cháu định giết cháu. Bây giờ thì lời lẽ đã tuôn như thác chảy: Tên lái xe hỗ trợ ông ta. Họ định dìm chết cháu dưới hồ và làm ra vẻ như một vụ tự sát. Họ... Viên thanh tra giơ tay chặn lại : - Khoan đã! Anh nói ại từ đầu đi, tôi chẳng hiểu gì cả! Giờ thì Massao đã rõ là vẫn bị cái hàng rào ngôn ngữ ấy ngăn cản, nhưng lúc này tình thế lại đổi khác. Anh đã cố gắng nói thật rõ và chậm rãi : - Ông hãy cứu cháu. Chú cháu đang định giết cháu. - Tôi hiểu rồi. Hắn đã dọa dẫm anh à? - Dạ, không. Chú cháu không hề nói một lời đe dọa nào, nhưng ông ta dự định dìm chết cháu rồi làm ra vẻ như cháu tự tử... - Anh có nghe thấy hắn nói về chuyện ấy không? - Không, cháu không nghe thấy trực tiếp nhưng ông ta... - Vậy là ông ta không định nói dìm chết anh chứ gì? - Ông ta không nói như vậy, nhưng cháu biết là ông ta có ý đồ đó, - Massao bắt đầu hấp tấp nói vì quá lo lắng. Trung úy Brannigan bảo : - Từ từ đã, cậu chàng! Ta tóm tắt rõ thế này nhé: Anh cho rằng chú anh định giết anh, nhưng ông ta không nói gì về điều này cả, phải không nào? - Ông ấy không nói thẳng ra như vậy, thưa ông! - Vậy thì ông ấy nói cụ thể như thế nào? - Ông ấy bảo cháu cản trở ông ấy! Viên thanh tra chăm chú dò xét Massao : - Ông ấy nói với anh như vậy à? - Không ông ấy nói với cô cháu, rồi lại nói với gã tài xế nữa. - Ông ấy nói gì với gã tài xế? Massao lưỡng lự : - Cháu... cháu không biết. - Cháu không nghe lỏm được họ nói gì ư? - Dạ, thưa không ạ. Nhưng cháu biết là họ nói về cháu và muốn giết cháu, vì thế cháu đã bỏ trốn đến đây. - Cháu trốn từ đâu đến đây? - Dạ, từ biệt thự Pháp ở trên núi phía Bắc kia kìa. - Thế chú anh hiện giờ ở đó chứ? - Dạ, vâng. Cùng với cô cháu và gã tài xế Higashi, cháu không tin hắn là tài xế, cháu cho rằng chú cháu thuê hắn để giết cháu. - Anh tin là thế à? - Dạ, vâng. - Đó là một lời kết tội nặng lắm đấy nhé! - Dạ, vâng, thưa ông. Xin ông hãy bảo vệ cháu! - Cháu bao nhiêu tuổi? Massao cảm thấy câu hỏi thật là lạ. - Dạ, mười tám tuổi ạ. Viên cảnh sát gật đầu, dường như câu trả lời của Massao đã giải đáp sự phân vân của ông ta. - Tốt rồi! Tôi tin rằng sẽ giúp được anh đấy! Tên chú anh là gì? - Dạ, Sato. Teruo Sato! Viên thanh tra ghi điều đó vào một tờ giấy. - Chờ ở đây nhé! Tôi sẽ quay lại ngay. Anh uống cà phê chứ? - Dạ không, thưa ông! - Massao chẳng mong muốn gì hơn là sớm thoát khỏi cơn ác mộng này. Trung úy Brannigan đi khoảng mười phút rồi quay lại : - Anh yên tâm, mọi chuyện ổn cả rồi. Massao như trút được gánh nặng : - Xin cảm ơn ông trung úy. Nếu ông kiếm được cho cháu một vé bay về Tokyo thì khi đến nhà cháu sẽ gửi tiền sang hoàn lại ông ngay lập tức. - Chẳng cần đâu! - Viên trung úy nói - Chúng tôi đã có quỹ chi cho việc ấy rồi! - Dạ, thế còn chú cháu thì sao ạ? Ông ấy sẽ bị tống vào tù ngay chứ? - Chúng tôi sẽ lưu ý đến ông ấy. Trước hết cần phải mở phiên tòa đã chứ, anh hiểu không? Massao hiểu quá đi chứ. Anh đã xem Perry Mason qua vô tuyến. Luật ở Mỹ rất cứng rắn. Massao biết rằng anh chẳng còn phải lo lắng gì nữa, anh đã an toàn. - Dạ vâng, cháu rõ rồi ạ! Ngoài hành lang chợt vang lên giọng ai đó. Cửa bật mở, Teruo và Higashi lao bổ vào phòng. Massao chết lặng nhìn chúng. - Massao! - Teruo nói - Cô chú lo cho cháu quá! Cô chú tưởng cháu gặp tai nạn rồi. - Ông ta quay lại viên trung úy - Cảm ơn trung úy Brannigan đã gọi điện cho tôi. Té ra, viên cảnh sát đã không tin câu chuyện của Massao, ông ta chỉ làm cho anh tưởng lầm rằng ông ta ủng hộ anh. Ôi! Ta thật là điên rồ mới tưởng rằng ông ta tin những điều ta nói. - Massao cay đắng thầm nghĩ. Teruo là một nhà doanh nghiệp có tiếng, là giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn, còn mình thì lại đi kiện hắn tội giết người. Đến cả Perry Mason cũng chẳng thể tin nổi mình nữa! Trung úy Brannigan nói : - Tháng tháng, chúng tôi phải tìm kiếm có đến hàng tá người bỏ trốn, nhất là bọn trẻ bây giờ. Teruo gật đầu đầy vẻ thông cảm : - Tôi hiểu. Massao lại còn bị cơn sốc nữa, nó có kể cho ngài nghe về cha mẹ nó bị tai nạn máy bay không? Trung úy Brannigan gật đầu : - Có. Anh ta còn kể cho tôi nghe câu chuyện điên rồ về một gã tài xế nào đó định dìm chết anh ấy! Teruo trừng mắt nhìn Massao vẻ trách móc : - Ôi, đứa cháu khốn khổ của tôi, nó cần đến bác sĩ khám bệnh thôi, tôi bảo đưa nó đi ngay! - Hắn tiến đến bên Massao. - Đừng động vào tôi! - Massao hét lên vì sợ hãi. Anh quay về phái viên trung úy : - Ông trung úy, họ sẽ giết cháu đấy! Viên thám tử lắc đầu : - Chẳng có ai định giết cháu đâu. Chú cháu sẽ chăm sóc cháu. Cháu thấy tất cả rồi sẽ ổn cả. Về với chú cháu đi! Gã tài xế lực lưỡng bước lại túm chặt Massao và ra lệnh : - Đi! Massao cố gắng một cách tuyệt vọng : - Ông trung úy, họ không giúp cháu đâu. Xin ông đưa cháu về Nhật Bản. Teruo an ủi : - Cô chú sẽ đưa cháu về Nhật Bản, cháu sẽ được chăm sóc cẩn thận. Hắn nhìn viên trung úy : - Cảm ơn ngài đã giúp đỡ! - Dạ, không dám! Cầu trời cho anh chàng chóng khỏi bệnh! - Tôi sẽ hết lòng chăm sóc cháu! - Teruo khẳng định. Matt Brannigan nhìn theo hai người đàn ông lôi Massao đi. Ông thấy ái ngại cho Massao: trông thì chững chạc, không có vẻ bị tâm thần, chỉ trừ cái ý nghĩ điên rồ là chú anh ta định giết anh. Ngài Sato thì rõ ràng là một nhà doanh nghiệp đáng kính. Có lẽ anh ta uống phải một loại thuốc gì đó, LSD hay loại gì đó. Còn ông chú thì miễn chê rồi. Bên ngoài, Teruo và Higashi dẫn Massao đến chiếc Limousine. Bàn tay vạm vỡ của Higashi nghiến vào vai anh đau nhói. Chẳng hy vọng chạy thoát được. Teruo giận dữ rít lên : - Đồ chết dẫm, mày làm thế mà không biết xấu hổ à? Massao bị đẩy vào hàng ghế trên, ngồi giữa Higashi và ông chú. Đầu óc anh quay cuồng bao ý nghĩ. Anh sẽ không để chúng giết một cách dễ dàng. Khi ô tô dừng bánh bên biệt thự, anh sẽ bỏ chạy ngay lập tức, hai người kia khó lòng mà rượt theo anh được... Bỗng nhiên Massao cảm thấy bị nhói buốt ở cánh tay. Anh nhìn xuống thấy ông chú đang nhanh tay giấu mũi kim tiêm. Massao hốt hoảng : - Chú làm gì thế? Teruo ngọt ngào : - Chú chích cho cháu liều thuốc để cháu hết cơn chấn động. Cháu đang bị ốm, chú lo cho cháu lắm, thật đấy, cô chú cứ luôn luôn bảo rằng chỉ sợ cháu quẫn trí làm những điều dại dột. Giọng ông chú như xa dần, rồi mặt ông ta cũng nhoè đi. Massao thấy đầu nặng trĩu: Chúng đã vây chặt anh, chúng không để cho anh thoát, chúng sẽ giết anh trong lúc hôn mê. - Chú... - nhưng lưỡi anh đã ríu lại. Massao chìm vào giấc ngủ. Tất cả mọi vật đều biến mất. Chương 03 Massao dần dần tỉnh dậy. Anh đang ở trong một căn phòng lạ. Đầu anh nặng trĩu, đau buốt. Anh không biết đã hôn mê bao lâu. Anh cố gắng lấy lại tự chủ và tránh hoang mang. Anh cố nhớ lại xem đã rơi vào đây như thế nào. Anh đã nói với viên cảnh sát, ngài trung úy Brannigan, thế rồi chú anh và Higashi đến lôi anh ra xe, tiêm cho anh một mũi thuốc mê. Rồi sao nữa nhỉ? Massao ngồi dậy trên tấm phản hẹp, đầu óc anh bắt đầu dần tỉnh, cho tới lúc anh hoàn toàn trở lại bình thường. Anh thận trọng đứng dậy quan sát căn phòng. Không hề có cửa sổ. Cái mái dốc trên đầu chứng tỏ anh đang ở trên lầu thượng tòa biệt thự. Anh tiến đến cửa, rút then. Cửa bị khóa chặt từ bên ngoài. Không còn lối thoát. Massao chợt nhận thấy trên người anh chỉ còn chiếc áo phông và chiếc quần thể thao: chúng đã lột sạch quần áo ngoài của anh! “Vậy là ta chịu chết ở đây” - Massao nghĩ. Một nỗi lo lắng vụt đến, anh rùng mình ớn lạnh. Có lẽ chúng đã để quần áo của anh bên bờ hồ, nơi cảnh sát sẽ tìm đến, cùng với một lá thư tuyệt mệnh giả. Teruo sẽ chẳng để sơ hở một điểm nào. Ôi, thằng cháu khốn khổ của tôi, nó không thể gượng nổi trước cái chết của cha mẹ nó... Một tiếng động ngoài hành lang cắt đứt luồng suy nghĩ của Massao. Có ai đang mò đến. Chắc chắn đó là Higashi, hắn đến để bắt anh đây. Massao không còn hy vọng để thoát khỏi tay tên lực sĩ to lớn, hung dữ này. Massao nhìn quanh định tìm một vật gì đó để làm vũ khí, nhưng chẳng thấy. Anh tự hỏi không biết Teruo đã trả cho tên lái xe bao nhiêu tiền để thuê giết anh. Có thể là cả một tài sản. Nhưng không thấm vào đâu so với những của cải Teruo sẽ chiếm được sau khi hạ sát anh. Tiếng chân đã đến gần. Massao nghe rõ tiếng chìa khóa xoay trong ổ và cánh cửa từ từ mở ra. Higashi bước vào. Trong một khoảnh khắc, Massao định lao thẳng vào gã, nhưng tên lái xe to lớn hơn anh rất nhiều, có lẽ gã phải nặng hơn một trăm pao. - Đi! - Higashi gầm gừ - Chúng ta đi dạo chơi bằng thuyền một lát nào! Massao đã đoán đúng. Anh đã hiểu chính xác âm mưu của lão chú. Chúng sẽ quẳng anh xuống giữa lòng hồ sâu thẳm, có thể chẳng ai tìm được xác của anh nữa. Higashi xô tới tóm lấy bả vai Massao, bàn tay gã cứng như thép. - Đi! - Gã dẫn Massao qua một hành lang trống vắng. Họ đang ở trên lầu tư, ngay dưới mái nhà. Những ngón tay sắt của Higashi siết vào vai Massao làm anh đau điếng. Massao tuyệt vọng cầu xin : - Thưa ông, nếu ông thả tôi ra, tôi sẽ trả cho ông hơn gấp nhiều lần số tiền của chú tôi. Nếu tôi được trở lại Tokyo thì... - Câm mõm! - Higashi gầm gừ. - Tôi sẽ... Higashi siết chặt vai Massao hơn và đẩy anh xuống cầu thang. Lúc này cả hai đã xuống tới lầu ba. Qua thành ban công, Massao nhìn thấy mặt hồ ở phía xa, trông thăm thẳm, ghê rợn như địa ngục. Massao thoáng nghĩ chẳng bao lâu nữa anh sẽ bị dìm xuống và thế là đi đứt. Không, anh quyết không chịu. Một ý nghĩ táo bạo, tuyệt vọng và điên rồ chợt vụt đến khi Massao trông thấy một cành thông từ trên ngọn cây rủ xuống. Một hy vọng mong manh, nhưng đó là tất cả những gì anh có thể bấu víu vào lúc này. Nếu lao lên không bám được tới cành thì anh sẽ chết. Mà đằng nào thì cũng phải chết, thà chọn con đường ấy còn hơn. Tim Massao đập dồn dập. Đúng lúc sắp đi ngang gần chỗ ban công có cành thông sà xuống sát thành, anh liền giả vờ vấp ngã, Higashi lập tức cúi xuống tóm lấy anh lôi dậy. Chỉ chờ có vậy, anh liền dùng hết sức bình sinh xô bật gã ra, nắm tay sắt vừa nới lỏng, anh vùng chạy ra ban công. Ban công cao khoảng mười mét so với mặt đất. Nếu trượt chân, anh sẽ rơi xuống nền xi măng cứng và chết tươi. Nhưng không còn lối thoát nào khác. Cây thông là con đường duy nhất sẽ cứu anh. Massao nhoài người túm cành thông. Anh nhún mình định vọt sang phía thân cây. Tên lái xe Higashi vội túm chặt chân anh và kéo giật lại. Massao vùng vẫy, nhưng vô hiệu. Cánh tay đô vật của Higashi đã vòng lấy cổ anh rồi siết mạnh. Massao dùng hết sức bình sinh, vặn người cố vùng khỏi tay Higashi. Anh há mồm thở dốc, nhưng gã lái xe đã chồm lên người anh, mặt méo đi vì tức giận. - Đến nước này tao phải bóp chết mày ngay đây. - Gã rít qua kẽ răng. Gã vùng tay tóm cổ Massao. Anh vùng vẫy cố thoát. Anh biết cánh tay ghê gớm kia thừa sức vặn gãy cổ anh. Massao từ từ lựa lách người sang phía phải, lợi dụng lúc Higashi nới lỏng tay do phải trườn theo, anh bất thần hất người vùng bật dậy, thoát ra, rồi nhảy vọt lên lan can và lại lao lên cành cây. Thật là khủng khiếp! Higashi lập tức điên cuồng lao theo, tóm chặt anh, kéo giật lại. Massao đang cảm thấy từng ngón tay đang buột khỏi cành cây. Thế là hết! Cả Higashi cũng biết rõ như vậy, gã đã thắng. Nhưng do hăng máu, gã nhẩy vọt lên lan can để túm Massao cho chắc hơn. Không chịu nổi sức nặng, chiếc lan can đã bất thần lở bung dưới chân gã. Massao cố bám cành cây và kinh hoàng nhìn Higashi lộn nhào rơi xuống mặt sân sâu thẳm. Gã thét lên một tiếng man dại rồi câm bặt, thân hình hắn nằm gãy gập một cách kỳ quặc trên mặt đất. Massao gần như nghẹn thở. Anh tuyệt vọng bám vào cành cây rồi hít mạnh một hơi để tự trấn an. Giữa anh và mặt đất là khoảng không giết người. Chỉ cần trượt tay, anh sẽ rơi xuống và chết tươi như Higashi. Chậm rãi và hết sức thận trọng, Massao ôm chặt cành cây, rồi anh trườn dần. Anh chuyển từ cành này sang cành khác. Tuy rất vội, nhưng anh hết sức thận trọng. Chú anh có thể nghe thấy tiếng kêu của Higashi và có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Anh phơi mình lơ lửng giữa trời như thế này thì quả là một cái bia quá ngon lành. Rất thận trọng, Massao trường tiếp xuống dần. Anh nắm thử từng cành một trước khi bám vào. Cuối cùng, mặt đất ở ngay sát dưới chân, anh có cảm giác thời gian vừa trôi qua dài đến cả thế kỷ. Massao nhún mình nhảy xuống. Anh nằm lăn trên cỏ, thở dồn dập. Toàn thân anh đau nhừ. Anh ao ước được nằm ngủ một lúc. Nhưng anh thấy phải vọt khỏi nơi này ngay lập tức. Đi đâu? Massao không biết đi đâu bây giờ. Không thể quay lại chỗ viên trung úy Brannigan. Ông ta sẽ lại gọi điện cho Teruo đến bắt anh về. Và cái xác chết nằm lù lù ở đây, họ sẽ buộc vào cổ anh cái tội này. Massao đứng run rẩy giữa đêm đen giá lạnh. Anh chẳng có xu dính túi, không áo quần, đang trong tình thế nguy ngập. ánh đèn trên tầng nhà bỗng bật sáng. Massao vội cắm đầu chạy ra đường cái, anh cắm đầu chạy nhưng không biết chạy về chốn nào. Trăng sáng vằng vặc khắp trời. Massao chạy dọc theo lề đường. Anh tự hỏi không biết lúc này ở biệt thự ra sao. Teruo đã phát hiện ra xác Higashi chưa, hắn bắt đầu truy đuổi anh chưa. Dường như để trả lời anh, tiếng động cơ từ nơi xa khẽ dội lại chỗ anh. Massao vội nấp vào bụi cây. Một lát sau, chiếc Limousine quen thuộc từ từ vòng theo đường rẽ. Teruo ngồi sau tay lái đảo mắt tìm kiếm khắp hai bên đường. Massao nằm im trong bụi cây chờ cho đến lúc chiếc xe chạy vọt qua. Khi tiếng động cơ đã tắt hẳn, anh mới ra khỏi chỗ nấp và tiếp tục chạy dọc theo đường cái. Mười phút sau, anh lại nghe thấy tiếng xe, anh vội tìm chỗ nấp. Chiếc xe của Teruo quay về hướng biệt thự và mất hút sau chỗ rẽ. Chắc hắn nghĩ rằng Massao vẫn còn đang quanh quẩn trong khu vườn của biệt thự. Massao liền rảo bước thật nhanh. Tới Wellington, Massao đi vòng một đoạn để không ai phát hiện ra anh. Anh sẽ không lặp lại sai lầm lần trước là tìm đến đồn cảnh sát. Anh cố vắt óc suy nghĩ xem nên đi về hướng nào. Thật còn tai hại hơn cả lạc đường: anh không biết lần bước về nơi nao. Cuộc chống cự với Higashi làm Massao kiệt sức, anh rất cần nghỉ ngơi một lát. Nhưng không được. Nếu dừng lại anh sẽ bị bắt ngay và thế là hết. Anh buộc mình phải đi tiếp, đi suốt đêm. Mỗi bước sẽ đưa anh rời xa khỏi lão chú và cứu anh khỏi cơn nguy nan. Lòng căm giận Teruo tiếp cho Massao sức lực đi tiếp chặng đường dài. Lão ta đã chẳng hề bận tâm đến việc chôn cất tử tế cho cha mẹ anh, lão chỉ lo nghĩ cách chiếm đoạt doanh nghiệp lẽ ra thuộc về Massao. Nhưng Massao đã quyết định phải chôn cất cha mẹ thật xứng đáng với công lao của hai người. Anh sẽ tìm cách mang bằng được di hài cha mẹ về Nhật Bản. Anh không biết sẽ thực hiện như thế nào, nhưng anh biết chắc mình sẽ làm được việc đó hoặc sẽ chết. Trời về đêm càng giá lạnh, Massao run lên trong chiếc áo phông mỏng. Lúc này không thể kiếm đâu ra quần áo mặc cho đỡ rét. Anh đi qua những trang trại đang thiêm thiếp trong giấc ngủ yên lành và chạnh lòng thấy ghen với những người đang chăn êm nệm êm. Anh không biết sẽ còn phải đi bao lâu nữa; tương lai thật mù mịt. Cho dù anh có gặp được ai chịu nghe anh thổ lộ mọi nỗi niềm, cuối cùng anh cũng phải đối đầu với Teruo - một người có danh tiếng và địa vị cao sang trong thế giới kinh doanh. Theo cách nói của người Mỹ, lão ta có cái vẻ đáng kính. Trung úy Brannigan đã không tin anh, sẽ chẳng có ai tin anh. Massao như sa vào cơn ác mộng không lối thoát. Sáng sớm hôm sau, Massao đến vùng ngoại ô một thành phố lạ. Một rừng người đang chen chúc trên đường, Massao hoảng hốt tưởng bọn người kia đã đuổi kịp anh. Nhưng anh thấy đám đông vui vẻ cười nói ồn ào, hình như nơi đây đang có cuộc vui. Massao tò mò, rụt rè trà trộn vào dòng người đứng ngoài. Anh muốn biết họ chăm chú xem gì. Giữa đám đông có ít nhất hơn hai mươi người đàn ông mặc quần thể thao và áo phông giống hệt như anh. Họ đứng dưới lòng đường, trong khi đó nhiều người khác trang phục bình thường đang tiến đến bên họ. Massao kinh ngạc không hiểu họ đang làm trò gì. Một người đàn ông rẽ đám đông bước vào và buộc sau lưng một người mặc quần áo thể thao một tấm biển số. A thì ra họ chuẩn bị thi chạy việt dã. Mãi lúc này Massao mới vỡ lẽ ra. Anh khoái quá định nhập cuộc. Anh ăn mặc giống hệt họ, nếu trà trộn vào đấy thì thật đắc sách. Nhưng anh đã kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần. Anh cuốc bộ cả đêm qua, bây giờ phải chờ đến khi họ xuất phát hết mới có thể tìm cách trà trộn được. Nhưng lúc ấy xảy ra một sự cố khiến Massao phải thay đổi ý định. Trên đường cái, chiếc Limousine của lão Teruo bỗng thình lình xuất hiện. Biết lẩn vào đâu bây giờ để không bị phát hiện. Massao nhảy ngay vào đám đông mặc quần áo thể thao. Người phụ trách số áo nhìn Massao và bảo : - Sao anh đến muộn thế, mọi người sắp chuẩn bị xuất phát rồi! Rồi Massao cũng được khoác một biển số. Các vận động viên khom mình chuẩn bị chạy. Massao lách vào giữa đám người, anh hoàn toàn không có ý định tham gia chạy, anh chỉ tìm cách trà trộn vào dòng người chờ cho đến khi lão Teruo đi khỏi. Nhưng đúng lúc người ra hiệu giơ súng lên chuẩn bị ra lệnh xuất phát Massao thấy chiếc Limousine tiến thẳng về phía đám vận động viên. Khẩu súng hiệu phát hỏa, anh liền chạy hòa vào giữa dòng người. Anh bị kiệt sức từ đêm qua, nhưng do sợ bị phát hiện anh cố chạy lẩn vào giữa đám vận động viên do đó anh bị cuốn luôn vào cuộc đua. Anh chạy hối hả. Với sức trẻ của tuổi mười tám, chẳng mấy chốc anh đã bắt kịp nhịp đua. Anh quan sát các vận động viên khác. Một số có vẻ lớn tuổi hơn, còn đại đa số cũng chạc tuổi anh. Không biết người ta tổ chức cuộc chạy như thế này mấy lần trong một năm, rồi còn cái gì sau đây nữa? Nhưng tất cả đều không quan trọng. Cái cần nhất là: chừng nào còn chạy cùng đám người, Massao còn có cơ thoát chết. Đám đông đã bảo vệ và che giấu anh. Dần dần, Massao thấy sức lực được phục hồi lại, anh chạy như bay. Anh bắt đầu vượt một số người. Anh không biết phân bố sức lực như thế nào vì chưa rõ đoạn đường đua dài bao nhiêu. Có thể là năm hay mười kilomét. Lúc này chẳng cần biết. Massao cố sức vượt lên, cả một đám người đã tụt sau anh. Luồng gió sớm mai mát rượi làm anh cảm nhận rõ sức lực tràn trề trong cơ thể. Anh liếc sang bên và nhận thấy còn khoảng một số người chạy trước. Anh lại dồn sức vượt lên. Chỉ còn năm người, bốn người, ba người,... Massao vượt lên chạy ngang hàng với hai cùng với hai người nữa. Họ tăng tốc độ, Massao ráng sức không tụt lại. Tim anh đập tưởng vỡ tung lồng ngục, phổi anh bỏng rát. Anh không biết có chạy nổi nữa hay không, mà cũng chẳng biết tại sao phải cố thắng cuộc. Nhưng anh biết phải giữ vững bước chạy, đó là lòng tự hào của anh. Một khi đã tham dự thì anh phải cố chiến thắng. Massao chạy băng băng cố bứt lên phía trước, chân tay anh vung lên đập xuống như cái máy. Sau mấy giây, anh đã ngoi lên hàng đầu. Con đường lượn cong ở đoạn trước, một làng quê hiện ra trước mắt. Ngang qua mặt đường sừng sững một dây chắn và tấm biển đề: đích. Massao cảm thấy đã vượt hai người bên cạnh, anh dốc sức chạy vọt lên mấy bước cuối cùng. Cả đám đông ùa vào vây lấy anh, ai cũng hoan hỉ reo hò. Người ta nắm tay anh chúc mừng; nhưng họ nói quá nhanh nên anh chẳng hiểu lời nào. - Nhìn đây! - Giọng một ai đó rống lên bảo Massao vừa đúng lúc bắt gặp một ống quay máy tuyền hình đang xè xè quay. Thật như trong mơ. Người ta vỗ lưng, ôm vai Massao khen ngợi : - Anh có thể ghi tên dự thi Thế vận hội đấy... - Tớ cam đoan anh sẽ phá kỷ lục là cái chắc! - Anh ở vùng này à? Họ bàn tán về Massao như một vị anh hùng. Xem ra đây là một cuộc đua lớn. Mà quả nó quá lớn đối với anh, nó đã cứu sống anh. Anh chỉ ước sao mọi người nói chậm lại để anh hiểu được. Một người ăn mặc lịch sự, đường bệ tiến đến cầm một tay anh giơ lên cao : - Hôm nay là một ngày tuyệt vời với tất cả chúng ta. Địa phương ta tự hào đã tham gia chương trình khoẻ của tổng thống. Đây là năm thứ ba chúng ta đã tổ chúc chạy thi. Các bạn thanh niên chúng ta... Massao thầm nghĩ có lẽ đây là ông thị trưởng ở vùng này. Anh tự hào nhìn mọi người. Anh không hiểu người đàn ông trang trọng kia nói gì, nhưng anh lễ phép đứng nghe và chờ cho đến khi ông thị trưởng nói xong rồi tìm cách lẩn trốn sau. Tiếp đến lại xảy ra sự cố bất ngờ. Vừa dứt lời, ông thị trưởng quay lại phía Massao : - Bây giờ, thay mặt các công dân ở đây, tôi xin tặng anh một cái séc để kỉ niệm ngày vui lớn này, - nói xong ông ấn vào tay Massao tấm séc một trăm đô la. - Xin cảm ơn ông! - Massao lắp bắp nói - Cháu... cháu... - Anh không nhớ được từ vui mừng - Cháu rất vui lòng... Từ đám đông nổi lên tiếng cười và tiếng vỗ tay, rồi mọi người dần dần tản đi các ngả. Massao nắm chặt tờ séc trong tay. Việc đầu tiên là phải mua ngay quần áo mặc. Anh quay sang một thanh niên chạc tuổi anh, anh ta mặc quần bò và áo sơ mi sặc sỡ. Massao giơ tấm séc lên và nói chậm từng lời : - Xin lỗi, làm ơn chỉ cho tôi biết tôi có thể... - Massao dừng lại giữa chừng vì không nhớ ra từ đổi tiền, anh thầm nguyền rủa mình đã không chú ý đến môn tiếng Anh ở trường. Nhưng Massao đã gặp may. Anh thanh niên hiểu ngay. - Anh muốn đổi lấy tiền à? Ngay góc đường bên kia có một ngân hàng. Đi với tớ! - Ổn rồi! - Anh ở đâu đến? - Tokyo. - Tuyệt! Tớ là Jim Dale, còn cậu? - Massao... - Anh vội ngừng lại - Massao Harada. - Rất vui được làm quen với cậu! Họ đã đến cửa hàng ngân hàng. Massao nhớ ra anh không hề có căn cước, chẳng có giấy tờ gì cả. Có lẽ họ sẽ không cho anh lĩnh tiền. Massao giàu có như một đế vương, nắm trong tay bao nhiêu ngân hàng trên thế giới, vậy mà anh không thể moi nổi lấy một xu từ đống tài sản của mình. Tờ séc một trăm đôla này là cái duy nhất anh có trong lúc này. - Tớ sẽ cùng vào với cậu. - Jim Dale bảo. Anh thanh niên tóc vàng khoát một cử chỉ đùa vui, như thể đang hãnh diện với thành tích của bạn. Họ cùng vào tòa nhà, Jim Dale dẫn Massao đến quầy lĩnh tiền. Anh ta nói với người đàn bà ngồi bên trong : - Chào bà Perkins, bà cho anh bạn tôi đổi tấm séc! - A! Đây là anh bạn đã thắng cuộc phải không? Massao ngây người nhìn. Ôi, lại cái thứ tiếng chết tiệt này! - Dạ... sao ạ? Bà ta nhắc lại : - Anh là người thắng cuộc chạy đua phải không? Massao chợt hiểu ra, bà ta hỏi : - Anh là người thắng cuộc chạy đua phải không? Massao vội gật đầu : - Vâng, đúng ạ! Bà thủ quỹ cầm tờ séc rồi đếm năm tờ hai mươi đô la đưa Massao : - Một trăm đô la của anh đây! Massao sung sướng nhận tiền : - Cảm ơn bà! Bây giờ thì ít nhất anh cũng có thể mua được quần áo và đi ăn hiệu. Quay sang Jim Dale anh bảo : - Tớ cần mua áo quần để mặc, anh hiểu không? Jim gật đầu : - Dễ thôi, theo tớ! Mấy phút sau, Massao và Jim đã đến một cửa hàng : - Đây là cửa hàng lớn nhất đấy! - Jim Dale tự hào bảo. - Ôi hay quá! - Massao lễ phép nói. So với những cửa hàng lớn ở Nhật Bản thì nó quá nhỏ, nhưng chắc nó sẽ đáp ứng đầy đủ mong muốn của Massao. Jim dẫn Massao vào quầy bán quần áo. Quần bò, áo sơ mi treo đầy trên dây. Massao tìm một vài chiếc quần bò và áo sơ mi thể thao rồi vào phòng thử. Chúng không thật vừa khít nhưng khá ổn. Ít nhất là lúc này anh đã có cái mặc. - Tôi mua những thứ này! - Massao nói với người bán hàng. Còn bây giờ phải đi ăn. - Ở đây có các cửa hàng ăn nấu các món theo kiểu Ý nào không? Jim Dale trố mắt : - Gì cơ? Massao nghĩ có lẽ câu phát âm không chuẩn. Anh nhắc lại thật chậm : - Một cửa... hàng ăn... nấu các món theo kiểu Ý. Jim đỏ mặt : - Tất nhiên, có một cửa hàng hết ý! Nhưng tớ cứ tưởng... thế các anh không ăn các món ăn Nhật Bản à? Massao phá lên cười : - Có chứ! Nhưng tớ cũng thích cả thịt băm và món Mỳ ống của Ý. - Tuyệt! Ta đi thôi! Cửa hàng Luigi thật huyên náo. Các học sinh trung học cười nói ầm ĩ. Tự nhiên Massao thấy nhớ nhà da diết. Anh thật lẻ loi, chẳng có ai để cười nói, tâm sự. Jim Dale tò mò nhìn cậu : - Sao thế? Massao gượng cười : - Có gì đâu, mọi cái đều ổn cả, món mỳ ống nấu theo kiểu Ý ngon thật! Anh thanh niên tóc vàng nói cái gì đó, Massao giật mình : - Gì cơ, tớ không hiểu? - Tớ bảo rằng anh ăn như thuồng luồng ấy, đúng như lúc cậu chạy đua. Hai tiếng chạy đua làm Massao sực tỉnh. Trong một chốc lát, anh đã quên phắt mất cảnh ngộ của mình, bây giờ thì cái bóng đen ấy lại đổ sầm xuống đầu anh như một ngọn thác. Lát nữa Jim sẽ trở về với gia đình anh ấy, nơi Jim được che chở, yêu thương, còn Massao thì biết đi đâu? Anh lại phải tiếp tục lẩn tránh, càng xa cái biệt thự giết người ấy càng tốt. Ở thị trấn nhỏ này anh dễ bị lộ quá. Phải tìm đến một thành phố lớn để lẩn vào biển người mênh mông mới mong thoát chết - Đi đến New Yord hết bao lâu? - Đi tàu hỏa chỉ mất vài giờ thôi. - Jim nhìn vào đồng hồ - Hai mươi phút nữa sẽ có một chuyến đấy! Massao sẽ đi chuyến tàu này. Đó là điều chắc chắc. Chương 04 Sachiko tình cờ ngó xem mục tin tức buổi chiều trên vô tuyến và thấy Massao trong buổi nhận lễ phần thưởng sau cuộc chạy đua. Bà ta vội gọi chồng vào và cả hai theo dõi Massao trên màn hình. Teruo lập tức nhớ lại sáng nay, hắn đã đánh xe qua chỗ các vận động viên chạy đua. Hóa ra Massao đã trốn trong đám ấy. Suýt tí nữa thì Teruo đã tóm được thằng cháu. Hắn không ngờ nó lại trốn được lâu đến thế. Thằng cháu hắn không một xu dính túi, chẳng có áo quần, cũng chẳng có bè bạn, không thể trông cậy vào ai. Việc bắt nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng Teruo không thể để mất thì giờ, cần phải thanh toán ngay Massao, đã đến lúc phải thuê người giúp rồi. Teruo Sato biết một tay thám tử tư. Một tên Sam Collins láu cá, rất thạo nghề đao búa, sẵn sàng làm mọi việc miễn là được trả công. Gã rất tàn bạo và luôn luôn quyết giành được mục đích. Gã đúng là một mẫu người Teruo ưa thích. Teruo nhấc máy quay số điện thoại riêng của Sam Collins. Massao đã tưởng rằng mình sẽ chìm mất dạng ở Manhattan, nhưng may sao anh lại thấy mình quen thuộc thành phố này. Các tòa nhà lớn, tiếng ồn ào, dòng người chen chân trên đường trong tiếng tài xe lao rầm rập làm anh tưởng nhớ Tokyo. Nhờ xem nhiều phim Mỹ trên đài truyền hình nên Massao nhận ra ngay được Radio City Music Hall, tòa nhà Ampire State và trung tâm Rockefeller. Lần đầu tiên kể từ khi trốn khỏi tay ông chú anh mới thấy yên tâm một chút. Ở cái thành phố khổng lồ này anh có thể tìm được chỗ ẩn náu chắc chắc. Anh biến mất tăm trong dòng người hỗn độn, đang hối hả trên đường tới nơi làm việc, đi thăm bạn bè hay xuống tàu điện ngầm. Massao lang thang trên đường, ngạc nhiên ngắm nhìn những hàng chữ lập lòe ánh điện trên mặt tiền các tòa nhà, các quầy kính đầy ắp hàng hóa. Anh phát hiện ra trong các quầy kính có rất nhiều máy móc được sản xuất từ Nhật: Máy thu thanh, máy quay phim, máy ảnh, máy truyền hình, máy ghi âm,... tất cả đều do hãng Matsumoto làm ra. Một niềm tự hào dâng lên trong lòng Massao, cạnh nỗi sợ hãi còn rập rình ám ảnh. Anh lắng nghe những người xung quanh nói chuyện. Hình như họ nói bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Anh đã nghe nói nước Mỹ là nơi tụ hội của các dân tộc, và quả đúng như vậy. Người từ khắp nơi trên thế giới đổ đến đây, với tiếng nói, phong tục tập quán riêng của họ. Trong các quầy hàng la liệt các biển quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Italia và tiếng Nhật. Trời sắp tối mà Massao vẫn chưa tìm ra được nơi trú ngụ. Anh nép bên một chiếc cổng vào lớn và đếm số tiền còn lại: chỉ còn có sáu mươi đô la, cần phải thật tiết kiệm mới được. Trước hết phải kiếm được việc làm đã, rồi sau đó sẽ tính toán từng bước đi thận trọng. Song anh biết trông cậy vào ai bây giờ? Cuối cùng, Massao nhớ ra Kunio Hidaka, giám đốc một phân nhánh của hãng Matsumoto tại Mỹ. Nhưng văn phòng của ông ở tận Los Angeles, bang California, tại góc bên kia lục địa. Massao phải tìm cách đi tới đó. Ông Hikada là một người bạn tốt, ông ấy sẽ tin anh và giúp đỡ anh. Ông rất yêu mến cha anh và rất trung thành với gia đình anh. Những ý nghĩ ấy làm Massao phấn chấn hẳn lên. Anh sẽ ở lại New York làm việc cho tới khi kiếm đủ tiền đi tới California. Tìm việc chắc không khó khăn lắm vì anh có thể làm bất cứ cái gì: rửa bát, lau sàn nhà, chạy giấy,... Cái quan trọng nhất lúc này là có cái ăn để sống. Mỗi một ngày trôi qua anh lại thấy an toàn hơn. Ở nơi nào đó chắc ông chú Teruo đã hoài hơi tìm kiếm anh và chắc đã bỏ cuộc. Teruo là người không dễ chịu thất bại. Đa nghi như một kẻ cờ gian bạc lận, hắn tính toán từng bước chơi và hoàn toàn chưa chịu bỏ cuộc vào lúc này. Teruo đã gọi điện gọi Sam Collins tới. Tên thám tử tư hết lòng hưởng ứng mọi ham muốn của hắn. Collins có đôi vai lực lưỡng và bản tính kiên nhẫn với đôi mắt nhỏ đảo nhanh như mắt cáo và một bộ mặt gồ ghề, gãy khúc của một võ sĩ đấm bốc. Tai gã đã hoàn toàn biến dạng, nũi gã dập gãy nhiều lần đến nỗi các bác sỹ đành bó tay không chịu mổ nữa. - Tôi được nghe giới thiệu về anh và rất ưng ý! - Teruo nói - Tôi cần một người biết giữ mồm giữ miệng. - Đó là nguyên tắc của tôi. Tôi hành nghề và không bao giờ tiết lộ điều gì. - Anh phải tìm một thằng bé trai, cháu tôi. Nó bị loạn óc. Tôi muốn tìm ra nó và mang nó về đây. - Nó đã bỏ trốn ư? - Anh không cần biết chuyện ấy! - Tôi chỉ nghĩ rằng... Đó là một thông tin để biết... - Tôi sẽ cho anh một tấm ảnh. Nó không quen biết ai ở đây và không có một xu dính túi. Nó không thể chạy đâu xa được! - Chẳng khó gì mà không tìm được ra một anh thanh niên Nhật Bản chạy rông trên đường phố. Teruo thầm đánh giá Sam Collins: chớ sai lầm mà đánh giá thấp nó, nó có thể lẩn trốn đấy! - Được rồi. Có lẽ tôi cần một chút thời gian. Trong trường hợp nó... - Không. Tôi muốn tìm thấy nó càng nhanh càng tốt. Tôi sẽ trả công cho anh gấp đôi, ngoài ra còn có một món thưởng năm mươi ngàn đô la, tìm thấy nó thật sớm. Tên thám tử nuốt nước bọt : - Năm mươi...? - Đúng thế. Còn một điều nữa anh cần biết: Thằng cháu tôi đã giết chết một người đàn ông. Nếu vì tự vệ mà phải giết nó... - Teruo ngừng lại một chút rồi tiếp tục - thì sẽ không có ai vặn vẹo gì anh đâu. Món thưởng vẫn sẽ thuộc vào tay anh! Sam Collins suy nghĩ một giây lát : - Tôi cần ứng trước một ngàn đô la. - Tất nhiên! Anh bắt tay vào làm việc ngay đi thôi! - Xin ông hãy tin tôi! Nhưng Teruo chẳng biết tin ai cả. Sau khi tên thám tử tư đi khỏi, gã ngồi thừ trên ghế đắm chìm trong suy tư. Hắn tính toán bước tiếp theo. Hắn đặt mình vào tình thế người cháu. Nó sẽ trốn ở đâu nhỉ? Ở Manhattan, tất nhiên rồi, ở đấy có đến mười triệu dân. Hắn sẽ phải tìm anh thanh niên ấy. Chỉ một viên thám tử tư, dù cho có giỏi đến mấy, cũng chưa chắc đã tìm thấy, hoặc không thể tìm nhanh được. Phải tính thêm nước cờ nữa. Massao phải kiếm việc làm, tất nhiên rồi. A, tấm thẻ bảo hiểm lao động! Teruo là bậc thầy trong nghề chơi cờ và hắn đã nghĩ đến khả năng này. Hắn nhếch mép cười. Thật là một kế hoạch thần diệu, đơn giản mà lại chắc như đinh đóng cột. Hắn là chỉ trong vòng vài giờ nữa, Massao sẽ bị tóm cổ. Vào ban đêm, Mahattan thật hấp dẫn. Hàng ngàn ánh đèn lấp lánh nhưu sao sa. Ánh đèn đường, đèn hiệu, những dòng chữ quảng cáo bằng đèn nê ông rực rỡ chiếu sáng trưng các quầy kính, rồi lại còn ánh đèn pha ô tô muôn màu trên các ngả đường. Massao đang mải mê ngắm nghía một nghệ sĩ trượt pa-tanh trước trung tâm Rockefeller, anh diễu qua Theater-District, nơi người ta đang trình diễn bao nhiêu trò vui. Anh ngắm Sacdi nổi tiếng, nơi các ngôi sao sân khấu nổi tiếng thường ăn tối, anh thán phục Public Library, thư viện lớn nhất thế giới, và những con sư tử đá trên quảng trường phía trước tòa nhà. Anh kinh ngạc trước những quầy kính lớn của những cửa hàng thời trang đắt tiền trên Five Avenue với những cái tên nổi tiếng như Lord & Taylor, Bergdor Goodman và Saks. Anh chạnh nhớ đến mẹ đã từng nhiều lần vui đùa bảo rằng có lúc sẽ đến nơi này mua hàng một đống cho thỏa thích. Nhưng mẹ đã vĩnh viễn đi xa rồi, cũng như cha vậy. Một cảm giác cô đơn ghê rợn làm đau buốt trái tim Massao. Anh cần phải sống, nếu không vì anh thì ít nhất cũng vì cha mẹ. Anh thấy đói và chợt nhận ra đã quá giờ ăn ở hiệu từ lâu. Trên Seven Avenue có hàng ngàn hiệu ăn, Massao có thể đến đó. Anh tiến vào cửa hàng Mc Donal’s với chữ “M” bằng vàng ngoài cửa. Cửa hàng gần giống như ở Tokyo. - Cho tôi món thịt băm. - Loại gì? Ồ, lại không giống như ở Tokyo. Massao nhìn cô nhân viên : - Sao cơ ạ? - Anh muốn loại gì? Massao hoàn toàn không hiểu cô ta nói gì. Anh nhìn sang một chú bé đang chén thịt băm ở bên cạnh và bảo : - Tôi... tôi muốn cái này! - Được. - Cô ta quay lại gọi vào trong bếp - Một thịt băm mềm! À! Thì ra cô ấy muốn hỏi Massao muốn loại thịt băm rán mềm hay tái. - Fritz? Massao lại ngớ người ra. “Fritz” là cái gì? Một đĩa bày ra trước mặt anh. Massao gọi : - Fritz! Massao đã đoán đúng. Anh gọi thêm một chiếc bánh Sănguych rồi thong thả nhấm nháp bữa tối. - Xin lỗi cô! - Massao nói với cô bán hàng - Tôi cần một khách sạn, loại rẻ tiền, chị có thể mách giúp tôi được không? - Ô, Thethiro Khoi Massao ngắt lời cô : - Xin lỗi, xin cô nói chậm lại một chút, tôi chưa hiểu! - Ô, phải rồi. Có vô khối khách sạn như vậy ở đây, nhưng một vài nơi khá nguy hiểm đấy. Có thể tốt nhất là anh nên đến khách sạn East Side! - Xin cảm ơn cô! Massao tìm đến khách sạn East Side. Các quầy sách nhan nhản trên đường, nhưng Massao không dám dừng lại. Thành phố thật hấp dẫn, biết bao nhiêu cái đáng xem, đến nỗi Massao gần quên mất nguy hiểm đang lơ lửng trên đầu. Anh nghĩ sẽ phải cần đến hàng năm trời để tìm hiểu thật kỹ càng New York. Ngày mai anh sẽ đi tìm một việc làm. Đến khi Teruo đã quên anh rồi thì anh sẽ tìm cách quật lại hắn. Bên lề đường đại lộ Lexington, Massao tìm thấy một khách sạn nhỏ sạch sẽ và quyết định thử vào xem sao. Ở Manhattan có đến hàng ngàn khách sạn, chú anh không thể kiểm soát hết được. Trong khách sạn này chắc anh sẽ được an toàn. Massao bước vào. Hành lang vắng ngắt. Ngồi bên bàn đón khách là một người Nhật Bản, Massao đã định quay ra. Ôi, phải chăng Teruo đã chăng lưới khắp nơi để rình anh? Có lẽ ở New York này có cả một mạng lưới khổng lồ của người Nhật có thể đưa tin nhanh như chớp! Ta đã quá khổ vì cuộc truy đuổi này rồi - Massao nghĩ - Song không có lẽ ai cũng là kẻ thù của mình hay sao? Anh tiến đến bàn đón khách : - Tôi muốn thuê phòng một đêm! Massao nói tiếng Nhật, người trực bàn cũng trả lời bằng tiếng Nhật, Massao thấy cộm lên nỗi nhớ và niềm tự hào về ngôn ngữ của đất nước mình, một ngôn ngữ thật văn minh, dễ hiểu biết bao. Massao lấy một cái tên giả và nhận một phòng thuê, tội gì mà lại rước lấy nỗi nguy hiểm vào thân. Căn phòng nhỏ và hẹp, nhưng cũng đủ tiện nghi, vả lại giá cũng rẻ. Massao đi nằm và điểm lại những sự cố diễn ra trong những ngày qua. Nào là tai nạn máy bay làm cha mẹ anh lìa đời, nào là cuộc hành trình sang Mỹ, những sự kiện khủng khiếp trong biệt thự săn người, cái chết của gã tài xế Higashi. Rồi cuộc trốn chạy trong bộ quần áo lót thể thao, cuộc chạy việt dã và buổi lễ phát phần thưởng. Cho đến lúc này thì anh đã gặp may, nhưng không biết cái may mắn ấy còn gắn bó với anh bao lâu nữa. Anh nghĩ miên man rồi ngủ thiếp đi. Khi Massao tỉnh dậy, mặt trời đã chiếu rực rỡ qua cửa sổ. Anh mở choàng mắt và cảm thấy hoàn toàn khoẻ khoắn. Anh nhìn đồng hồ: đã mười một giờ trưa! Anh đã ngủ mê mệt gần mười hai giờ đồng hồ. Anh đi tắm rồi mặc lại bộ quần áo ngày hôm qua, đó là tất cả những gì anh có. Giá như đã kiếm được việc làm thì anh đã mua thêm quần áo mới. Nhưng thôi, giờ thì đi ăn trưa đã. Massao ăn ngon lành bữa ăn sáng của người Mỹ: nước cam, bánh bột tráng với trứng, bánh ngọt. Tối hôm qua anh đã phát hiện ra một tiệm cà phê nhỏ cách khách sạn hai góc phố. Bây giờ anh sẽ đi đến đó, có thể họ sẽ giao cho anh làm mấy việc gì đấy, anh có thể làm được mọi việc. Anh đi đến góc phố và chờ đèn hiệu. Lúc này một chiếc xe tải vòng đến rồi đỗ lại bên quầy bán báo. Một người đàn ông trên xe quẳng một bọc báo xuống vỉa hè. Đèn hiệu bật màu xanh và người bộ chen chân nhau sang đường. Nhưng Massao đứng sững lại như trời trồng: trên trang nhất tờ báo anh nhìn thấy chính ảnh mình với dòng chữ lớn : Cảnh sát đang truy tìm: Một thanh niên phạm tội giết người. Chương 05 Chỉ trong khoảnh khắc, tất cả mọi người xung quanh biến thành kẻ thù của Massao. Anh có cảm giác như đang đứng trần truồng trước ánh đèn pha. Giờ đây, anh không còn là kẻ vô danh trong đám người lạ nữa, anh đang là một tấm bia, một kẻ bị săn đuổi và cảnh sát đang theo dõi anh. Mọi người chăm chú nhìn anh, dường như họ đang so sánh anh với tấm hình trên báo. Massao choáng váng trong cơn sốc do mấy chữ “ Phạm tội giết người” gây ra. Cái chết của Higashi là nguyên nhân nỗi bất hạnh của anh. Teruo biết rõ sự thật việc này, song, ông ta lại bẻ quặt đi để sập bẫy bắt anh. Massao có thể bị ra tòa, bị tù chung thân, thậm chí bị kết án tử hình. Khi đó thì Teruo tha hồ rảnh tay mà vơ vét hãng doanh nghiệp. Một viên cảnh sát lại gần, Massao bất đắc dĩ phải quay bước sang phía khác. Đường phố không còn an toàn cho anh nữa, người ta nhận ra anh quá dễ trong đám người da trắng. Massao sực nghĩ tới một khu phố dành riêng cho người Nhật ở New Yord, anh phân vân không biết có nên đến đó ẩn náu hay không. Nhưng chắc chắn cảnh sát sẽ lùng sục ở đấy trước tiên, có lẽ họ đã phân phát ảnh của anh khắp khu phố đó và sục sạo trên khắp các ngả đường, tiệm ăn, khách sạn rồi. Không, không thể đến đấy được, không đâu an toàn cho anh nữa rồi. Anh không dám quay trở lại khách sạn vừa thuê nữa. Viên cảnh sát dừng bước nhìn theo Massao. Massao chậm rãi thả bước tiếp, nhưng trong đầu vùn vụt bao suy tính. Tình cảnh của anh thật tuyệt vọng, tính mạng anh thật mỏng manh. Tất cả mọi người đều tìm kiếm anh, nếu không cảnh sát thì Teruo. Mạng lưới của doanh nghiệp Matsumoto vây bủa khắp nơi, hãng có uy tín rất lớn, Teruo sẽ lợi dụng nó để tiêu diệt Massao. Massao chợt nảy ra một ý nghĩ. Có một nơi sẽ không ai đến để tìm anh kể cả Teruo. Lần đầu tiên Massao thấy lóe lên một tia hy vọng. Anh đi tới buồng điện thoại tự động, giở cuốn danh bạ điện thoại dày cộp tìm một hàng số. Phân nhánh Matsumoto ở New Yord nằm trên một khu công nghiệp chạy dài suốt dãy phố Queen street, gần sân bay La Guardia. Đúng hai giờ trưa, Massao bước vào phòng điều phối nhân lực của phân nhánh. Từ ô tô buýt bước xuống trước tòa nhà khổng lồ của hãng Matsumoto, Massao ngẹn ngào nhìn tấm biển đề tên cha mình, và cũng chính là tên anh. Trước đây, đã có lần anh đọc thấy câu chuyện về một người đàn ông. Ông ta đã giấu một bức tư quan trọng trong đống thư từ bình thường và để hớ hênh ngay trên mặt bàn. Không ai nghĩ đến việc tìm bức thư ở đó. Vậy thì cũng không ai nghĩ đến việc tìm Massao ở đây. Xưởng Matsumoto sẽ là nơi cuối cũng cảnh sát để mắt tới. Massao đã báo qua điện thoại và ông Watkins, trưởng phòng điều phối nhân lực đang chờ anh. Cô thư ký đưa cho anh một tờ khai xin việc để điền vào các chỗ trống. Anh đọc và lặng người đi. Tên: Anh không được phép nói tên thật của mình. Địa chỉ: Anh không có địa chỉ Nghề nghiệp: Kẻ đang lẩn trốn Lẩn trốn trong hàng trăm công nhân xưởng Matsumoto quả là một ý hay. Nhưng...! Cô thư ký nhìn Massao : - Có chuyện gì thế? - Không! - Massao vội nói. Anh lại chúi mũi vào tờ mẫu. Anh phải kiếm được việc này, nếu không sẽ hết đường. Anh phải được đủ tiền để đến được California và tìm Kunio Hikada. Bắt gặp ánh mắt cô thư ký vẫn chăm chú nhìn mình, Massao vội cúi xuống viết. Trong bản mẫu, Massao ghi tên là Massao Harada, sinh tại Chicago, bang Illinois, nghề nghiệp hiện thời là thợ giỏi về điện tử. Bên cột các nghề nghiệp từ trước đến nay, Massao ghi một lô một lốc tên các hãng giả với các địa chỉ bịa đặt ở Chicago, Detroit và Deuver. Phải mất hàng tuần lễ mới kiểm tra hết được các số liệu này, khi đó thì anh đã cao chạy xa bay rồi. Mười phút sau anh có mặt ở trong phòng Watkins. Ông trưởng phòng điều phối nhân lực là một người to béo ở tuổi trung niên, ông có đôi môi dày đỏ mọng và một... trông tựa tựa một chòm râu? Ông ta xem xét tờ Massao khai rồi nói : - Anh còn trẻ thế thì sao đã làm việc ở nhiều nơi như thế này? Massao hoang mang một lát. Phải chăng anh đã khai quá nhiều công việc? Watkins lắc đầu nghi ngại : - Tôi chưa bao giờ nghe tên các hãng này cả! Dĩ nhiên rồi, vì chúng làm gì có thật. - Thưa ông, đó là những xí nghiệp rất nhỏ! Watkins lầm bầm : - Rất tiếc, chúng tôi chỉ nhận những người có tay nghề lâu năm thôi. Massao không thể chấp nhận tình thế này, cuộc sống của anh phụ thuộc vào cả đây. Anh thốt lên đầy thất vọng : - Tôi là thợ lành nghề, thưa ông. Xin ông cứ cho tôi được thử tay nghề! - Tôi không biết... Đúng lúc này, cửa bật mở, một người dàn ông bước vào tay ôm một bọc giấy tướng : - Thưa ông, ông có thể chuyển gói này cho Tony được không? - Tất nhiên rồi! - Watkins trả lời - À này, anh chàng trai trẻ đây đang tự nhận là một thiên tài về ngành điện tử. Anh có muốn hỏi anh ta vài câu không? Người đàn ông quay nhìn Massao : - Được thôi! Watkins liền bảo : - Đây là ông David, kỹ sư trưởng của chúng tôi. David bảo : - Anh đã làm việc ở ngành điện tử rồi à? - Vâng, thưa ông! - Anh có thể lắp được một mạch điện không? - Tất nhiên là được ạ! Massao cảm thấy vững tâm hẳn: đây là việc anh rất thạo và ưa thích. Anh nói chậm rãi và cố gắng dịch một cách chính xác các thuật ngữ kỹ thuật từ tiếng Nhật sang tiếng Anh : - Thoạt đầu lấy một tấm bảng trống, đặt hình mẫu mạch điện cần mắc rồi lắp ráp các linh kiện vào bảng. Đây là các mạch bán dẫn, các điện trở và các vi mạch. Sau đó ngâm tấm bảng vào axit để khử các chất bẩn... - Được đấy! - Ông David giơ tay lên ngắt lời rồi quay sang nói với Watkins - Anh chàng này khá đấy! Một vài tháng nữa cậu ấy sẽ nắm được nghề đấy! Chúc anh may mắn nhé! Rồi ông ta đi khỏi phòng. Watkins bảo : - Xem như anh được tuyển rồi đấy! Tim Massao đập rộn lên : - Cám ơn ông! - Chúng tôi cần một người làm ở băng chuyền lắp ráp. 250 đô la mỗi tuần cho người mới vào! Massao nhẩm tính số tiền sang đồng Yên, vậy thì chỉ cần một tuần thôi là anh kiếm đủ tiền để đi California. Watkins cắt dòng suy nghĩ của anh : - Anh cho tôi xem phiếu bảo hiểm lao động! Massao sửng sốt nhìn ông ta. Anh bói đâu ra phiếu bảo hiểm. - Tôi... tôi... kh... Đầu óc Massao quay cuồng như cơn lốc. - Cha tôi giữ phiếu bảo hiểm của tôi, ông vừa đi công cán ở một nơi xa. Chừng nào cha tôi đi về, tôi xin mang nộp ngay! Watkins nhún vai : - Thôi được! Anh đi theo tôi, tôi dẫn anh đến chỗ làm! - Ông ta chăm chú theo dõi nét mắt Massao - Anh chưa bao giờ làm ở hãng chúng tôi à, hay là...? - Ồ chưa! - Quái lạ! - Watkins lẩm bẩm - Tôi trông mặt anh quen quen! Một cơn sợ hãi choán lấy Massao. Ở bên trong, xưởng Matsumoto thật rộng lớn và sạch sẽ. Không khí làm việc thật khẩn trương. Bình thường thì Massao rất tự hào vì tất cả các xưởng này đều của cha anh. Mọi người đều mang ơn Yoneo Matsumoto vì được nhận vào làm việc; nhưng lúc này Massao không được nghĩ tới điều đó. Đối với anh, đây không phải là một công xưởng, mà là chỗ ẩn náu tạm thời. Khoảng một trăm công nhân đang làm việc bên dây chuyền lắp ráp, trong đó có nhiều người là người Nhật. Đàn ông và đàn bà làm việc bên nhau. Người ta dẫn Massao đến gặp viên tổ trưởng băng chuyền, một gã đàn ông thấp bé với gương mặt quắt dễ ghét. - Heller - tên của tổ trưởng - Massao thấy khó chịu khi nghe giới thiệu cái tên này. Heller dẫn Massao vào phòng thay quần áo và ném cho anh một chiếc áo choàng trắng : - Mày ra làm ở chỗ kia! Tao không khoái đứa nào lười biếng đâu nhé! Nghe rõ chưa? - Thưa ông, rõ! - Thế thì làm đi! Massao nhìn theo tên tổ trưởng đi khệnh khạng trong xưởng và dừng lại dò xét một cô gái từ phía sau. Khi cô gái né mình giận dữ nói cái gì đấy, Heller chỉ cười khẩy rồi lại đi tiếp. Massao giận điên người. Sao người ta lại tuyển cái hạng người ấy làm tổ trưởng nhỉ? Anh mà can thiệp vào thì thằng khốn ấy sẽ khùng lên cho mà xem. Nhưng, ở đây anh không được phép nói một câu nào. Anh mừng vì đã tìm được việc làm. Massao bắt đầu xem xét dây chuyền lắp ráp. Thật giống hệt như trong một công xưởng ở Tokyo. Đây là một lợi thế của phương thức sản xuất hàng loạt. Anh có thể đi đến bất cứ một công xưởng Matsumoto nào trên thế giới và luôn luôn biết rõ công việc ở đó. Anh quan sát các mạch điện đúc sẵn được đưa vào tấm bảng rồi được dìm vào axit để khử chất bẩn. Sau đó, người ta khoan các lỗ vào bảng điện và lắp kinh liện vào. Cuối cùng, tấm bảng được phủ một lớp chất cách điện. Toàn bộ quá trình sản xuất này Massao đã chứng kiến đến hàng ngàn lần. Chỗ làm của Massao bên dây chuyền chen vào giữa người đàn ông trung niên phía bên trái và một cô gái trẻ phía bên phải, cả hai đều là người Nhật. Người đàn ông quay sang Massao cười : - Chào cậu! - Cám ơn ông! Đáp xong Massao quay sang phía cô gái: tim anh như ngừng đập. Đó là một cô gái đẹp mà anh chưa bao giờ được thấy. Cô có gương mặt trái xoan xinh xắn và cặp mắt thông minh, dịu dàng. Cô ta trạc tuổi anh. Nhận thấy Massao nhìn mình, cô gái dịu dàng nói : - Chào anh! - Cám ơn chị! - Tên em là Sanae Doi - Giọng cô nghe thật em ái, thánh thót. - Tên em là Massao - Anh ngập ngừng rồi nói tiếp - Massao Harada. Massao nhìn lên và thấy Heller đang chăm chăm nhìn anh qua gian xưởng. “Hắn sẽ gây khó dễ cho mình đây” - anh thầm nghĩ. Sanae thì thầm : - Anh làm việc đi. Heller sẽ điên lên khi phát hiện ra người nào đứng chơi đấy. Có cần em hướng dẫn cho anh không? - Cám ơn chị! Tôi rõ cả rồi! Dưới ánh mắt chăm chăm theo dõi của Sanae, Massao nhặt các linh kiện trước mặt và lắp ráp lại. Anh làm việc một cách thành thạo bẩm sinh, mọi cử chỉ nhanh nhẹn, chính xác. Sanae kinh ngạc, cô chưa bao giờ thấy ai như vậy : - Anh... anh giỏi quá! - Cám ơn! Massao thấy vui vui. Nhưng anh biết rằng sẽ có lúc công việc này làm anh buồn. Lúc này, dĩ nhiên là đối với anh thì làm việc gì cũng được, vì ở đây anh được an toàn, anh ngụy trang kín trong đám công nhân công xưởng của chính mình. Anh máy móc lắp ráp các linh kiện, trong khi tâm trí còn mải nghĩ đến các chuyện khác. Anh sẽ gặp khó khăn nếu không kiếm được tấm thẻ bảo hiểm. Lại còn việc ăn ở, trú ngụ nữa. Anh còn lại rất ít tiền trong số một trăm đô la được thưởng trong cuộc chạy đua. Một tuần nữa mới được lĩnh tiền công, chỉ còn một vài đô la thì tiêu sao đủ. Trong xưởng được nghỉ một vài lần vào buổi sáng để uống cà phê và một lần vào buổi chiều. Massao tận dụng giờ nghỉ trưa để xem xét toàn bộ xí nghiệp. Họ tỏ ra rất chăm chỉ và yêu thích công việc. Qua các câu hỏi thăm, anh được biết họ rất tự hào và hài lòng được làm việc ở đây. Massao nghĩ - Nếu cha còn sống, chắc cha sẽ vui lắm. Điều duy nhất làm anh không vui là tên tổ trưởng - Heller. Hắn là một tên chuyên hành hạ công nhân, mọi người đều sợ hắn và cố tránh cơn giận dữ của hắn. Massao tự hỏi không biết tại sao mà người ta lại cho hắn làm tổ trưởng. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng hắn quát nạt một phụ nữ chỉ vì những lỗi nhỏ, Massao lại muốn xông ra bênh vực, nhưng rồi anh lại cố nén giận để giấu kín tung tích. Chuông đã điểm năm giờ chiều, công nhân được nghỉ. Họ ùa vào phòng thay quần áo để được trút bỏ chiếc áo choàng trắng và mặc bộ đồ của mình. Massao quan sát Sanae mặc áo măng tô: trông cô thật đáng yêu. Massao quyết định sẽ có lúc tìm hiểu cô rõ hơn. Massao hòa cùng dòng người bước ra cổng nhà máy. Nhưng mọi người đều có nơi có chốn để về, còn Massao không biết đi đâu bây giờ. Anh không dám liều lĩnh lang thang ngoài đường trong đêm. Cảnh sát đang truy tìm anh, lão chú Teruo tầm nã anh. Anh phải tìm một phòng ngủ mới được. Massao cuốc bộ nốt các ngả đường cho tới lúc dừng chân trước một khách sạn nhỏ tồi tàn với tấm biển treo cẩu thả trên cửa ra vào. Massao bước vào trong. Căn nhà có vẻ như vắng khách đã hàng năm nay, đầy mùi ẩm mốc và lạnh lẽo. Ngồi chồm chỗm sau quầy là một gã tiếp viên trông phát ốm. Gã đang đọc một cuốn sách nhỏ có hình một người đàn bà trần truồng in ngoài bìa. Massao đến trước mặt gã : - Xin lỗi, ông còn phòng cho thuê không? Gã tiếp viên gật đầu không thèm nhìn lên : - C... ó... o! - Giá bao nhiêu ạ? - Anh định trả theo ngày, theo tuần hay cả tháng? Massao tự hỏi làm sao người ta có thể trú ngụ được cả tháng trời ở cái nhà thảm hại như thế này. - Tôi trả theo từng tuần. Gã tiếp viên gật đầu đồng ý : - Mười đô la một đêm, sáu mươi đô la một tuần, trả trước toàn bộ! Massao thấy ngay là anh sẽ chẳng còn lại được lấy một xu, nhưng anh không còn cách nào khác. Ban ngày thì anh an toàn rồi, nhưng anh cũng phải có chỗ ẩn náu vào ban đêm chứ. - Vâng, tôi đồng ý! Gã tiếp viên lấy một chiếc chìa khóa trên tấm bảng đưa cho Massao : - Có hành lý gì không? - Không! Gã tiếp viên lộ vẻ ngạc nhiên. Massao tự hỏi không biết những người nào thường trú ngụ ở đây, chắc họ đều là nhữung kẻ lang thang cơ nhỡ, bị bỏ rơi, bị bạc đãi! - Phòng 217, tầng một. - Cảm ơn ông! Massao xoay người bước lên cầu thang. Tấm thảm đã rách mướt, trên tường nhem nhuốc ghi nguệch ngoạc những dòng chữ bằng than chì: Kilroy đã ở đây, nhưng lại phải chuồn ngay. Không chịu nổi mùi hôi hám... Mardy yêu John; John yêu Bruce... Cứu tôi với! Thật là kinh tởm... thế giới của những con gián đen! Massao chẳng buồn liếc nhìn căn nhà thảm thương. Anh đã từng có cả một căn phòng riêng rộng thênh thang, sạch sẽ và tràn đầy ánh sáng, với của sổ nhìn ra một khu vườn đẹp đẽ và một miền đất nên thơ. Còn cái căn phòng này chẳng lớn hơn một cái tủ, bẩn thỉu và lạnh lẽo, với một vài thứ đồ gỗ rẻ tiền sứt sẹo và một của sổ rệu rã nhìn ra một bức tường gạc hoang vắng. Nhà tắm bé xíu với buồng tắm nhem nhuốc, một cái ghế nhựa gãy và cái vòi nước thấp lè tè đến nỗi Massao phải cúi lom khom mới tắm được. Chiếc giường như có vẻ hàng tuần lễ chưa được thay vải. Massao nhìn gian giường ngao ngán nghĩ thầm không biết anh sẽ còn phải ở đây bao lâu. Thôi được, sẽ phải tìm cách tháo gỡ dần dần thôi. Anh chẳng còn tiền để mua thức ăn; mà anh cũng chẳng muốn ra đường vì sợ có người nhận ra. Thế là anh nằm lại trong cái xó này và thảo kế hoạch cho tương lai. Anh viết ra giấy rõ những việc phải làm : 1 - Tôi không có tiền. 2 - Tôi không có bạn bè quen biết. 3 - Tôi đang ở trên một đất nước xa lạ. 4 - Cảnh sát truy tìm tôi vì một vụ giết người mà tôi không phải là thủ phạm. 5 - Chú tôi đang tìm tôi để sát hại. Thật là cay đắng, đến mức suýt nữa thì Massao phải bật cười. Là một người khác thì chắc đã ngả lòng nản chí rồi. Nhưng anh là Massao Matsumoto, con trai của Yoneo Matsumoto, anh không bao giờ chịu đầu hàng. Không bao giờ, chừng nào anh còn sống. Chương 06 Sáng hôm sau, Massao lại đi làm. Anh rảo cẳng thật nhanh để khỏi phơi mặt ra giữa đường. Vừa đến xưởng, anh đã chui ngay vào chiếc áo choàng trắng và ngồi vào chỗ làm việc. Sanae đã có mặt ở đó. - Chào cô! - Chào anh! Băng chuyền lăn đến, Massao cố gắng tập trung lắp ráp các linh kiện đang được chuyển qua trước mặt. Nhưng anh không thể nào tập trung nổi, vì anh đang rơi vào một trạng thái chưa bao giờ xảy ra: anh đang đói lả. Đã ba mươi sáu giờ qua anh không có miếng nào vào bụng, anh không còn biết người ta ăn như thế nào nữa. Số tiền cuối cùng anh đã trả cho khách sạn, và phải chờ đến tuần sau mới được lĩnh tiền công. Massao chưa bao giờ hình dung mình bị đói. Một người sống đầy đủ không bao giờ nghĩ đến cái ăn cái uống, nhưng một khi bị đói thì anh ta chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là ăn. Chuông réo vang báo hiệu giờ nghỉ trưa, Massao đang nhìn theo dòng người đang tản về phía nhà ăn. Một vài người mua thức ăn trưa tại quán ăn nhẹ lưu động do một chiếc xe chở tới, ở đó có súp, bánh xăng úych, cà phê và bánh ngọt. Một số khác mang bữa ăn trưa từ nhà đi. Phía ngoài xưởng là một vườn hoa xinh xắn, tràn đầy ánh sáng với những dãy ghế dài cho công nhân nghỉ ngơi. Hôm nay là ngày nghỉ ngơi. Hôm nay là ngày nắng ấm, nhiều người ăn ngoài trời, Massao đứng nép một bên nhìn họ mà ghen tỵ. Một giọng ai đó cất lên bên cạnh : - Anh không đi ăn à? Massao quay lại thấy Sanae : - Không... tôi... tôi ăn sáng ở nhà đủ rồi... Anh thà chết còn hơn chịu thú nhận là không có tiền mua đồ ăn. Sanae nhìn thăm dò một lát rồi lễ phép nói : - Nếu anh không từ chối thì em còn một chiếc bánh xăng-uých mời anh. Lòng tự hào buộc Massao phải từ chối : - Không, tôi không đói, xin cảm ơn cô. Anh không phải là một kẻ ăn mày, anh là con trai của Yoneo Matsumoto. Sanae quay lại ngồi cùng các bạn bên chiếc ghế dài. Chưa bao giờ Massao lại gặp một cô gái tuyệt diệu như thế. Anh thấy một người đàn ông trẻ tiến đến và ngồi xuống bên Sanae. Bỗng nhiên, trong lòng Massao dâng lên một cảm giác ghen tuông, anh biết điều đó thật ngớ ngẩn. Anh là một kẻ tội phạm đang bị săn đuổi, phải sống chui lủi từng ngày, anh không được phép nghĩ tới bất cứ cái gì khác ngoài sự trốn tránh để thoát chết. Đây là xí nghiệp của anh và mọi người đang làm việc cho anh, thế mà thật trớ trêu thay, anh không có đến một xu mẻ để mua cái ăn. Có ai đó lơ đễnh để một nửa chiếc bánh xăng-uých trên chiếc ghế dài, Massao phải cố kiềm chế để khỏi chạy đến vồ lấy mà nuốt chửng. Chuông lại réo lên gọi mọi người vào chỗ làm việc. Sanae cầm chắc có một cái gì đó không ổn. Cô đã để ý ngay tới Massao khi anh vừa đến làm. Ở anh có một cái gì đó thật đặc biệt, giống như một niềm tự hào, làm cho anh khác với những người xung quanh. Rõ ràng anh không phải là một công nhân chuyên nghiệp. Anh am hiểu công việc một cách lạ thường. Cô quyết định phải tìm ra cái làm cô khó hiểu về người thanh niên này. Anh giống như một người đã quen với phương tiện tốt hơn, vậy mà hai ngày nay anh vẫn chỉ mặc độc một bộ quần áo xoàng xĩnh. Sanae nóng lòng sốt ruột vì tò mò. Rồi lại còn cái chuyện kỳ quặc là không thấy anh ăn trưa. Sanae đã để ý lúc anh nhìn mọi người ăn và lộ rõ sự thèm muốn qua vẻ mặt. Cô thật sự muốn biết rõ anh là ai. Massao cảm thấy Sanae đang bí mật để ý anh, nhưng mỗi lần anh quay sang thì Sanae lại nhìn ngay đi hướng khác. Ba giờ chiều, mọi người lại nghỉ tay đi đến quán ăn nhẹ. Massao lê bước đến một chiếc ghế dài không có người ngồi. Anh cố quên đi cái đói đang cào xé ruột gan và chờ đến lúc chuông gọi về làm việc. Một thoáng sau, Sanae đã đến bên anh. Cô mang theo hai tách cà phê và hai chiếc bánh ngọt trên một chiếc khay. - Chúng ta có thể uống cà phê với nhau một chút được không? - Cô hỏi. Massao trầm mặc nhìn cô. Anh muốn từ chối, song thật là khó. - Rất cảm ơn! Anh nói rồi cầm một tách cà phê và một chiếc bánh. Anh chờ đến khi Sanae ăn rồi mới nhấm nháp chiếc bánh của mình. Đó là món ăn ngon nhất trên đời anh từng được thưởng thức. Anh chỉ muốn nuốt chửng nó ngay, nhưng lại phải cố kiềm chế. Anh uống một ngụm cà phê, chất nước nóng bỏng trong cổ làm anh ngây ngất. Họ ngồi cạnh nhau, cùng ăn, cùng uống với nhau. Sanae nhìn Massao vẻ dò hỏi: Ở anh có một tính cách mạnh mẽ mà Sanae không hề thấy ở người khác. Anh hòa nhã, chân thật, nhưng đồng thời cũng có vẻ hết sức kín đáo. - Anh từ đâu đến thế? - Sanae hỏi. Massao lưỡng lự một thoáng rồi đáp : - Từ Tokyo! Massao nói xong và thầm nghĩ rằng chắc chẳng bao giờ cô ấy thấy được tấm thẻ anh đã khai ở Chiacago! - Cha mẹ em cũng sinh ra ở Tokyo! - Em đã ở Nhật Bản bao giờ chưa? - Chưa ạ Massao thở dài. Một nỗi nhớ nhà chợt dâng lên trong lòng anh. - Đó là một đất nước tuyệt diệu! - Nói xong Massao tự hỏi không biết mình có còn được thấy lại nước Nhật Bản nữa hay không. Sanae xúc động nói : - Em cũng nghĩ là như vậy. Em hy vọng sẽ có ngày được về Nhật Bản. Cô lại hỏi : - Gia đình anh cũng ở đây cả chứ? Massao lưỡng lự. Anh không muốn phải nói dối, nhưng nói ra sự thật thì lại quá nguy hiểm. - Vâng! Anh trả lời. Một nỗi ám ảnh sâu thẳm lại gợn lên trong lòng anh. Cha mẹ anh đã yêu thương anh, đã hết lòng tin vào anh. Cha mẹ sẽ chẳng bao giờ được thanh thản dưới suối vàng nếu anh không chôn cất được ông bà cho xứng đáng. Massao đưa mắt nhìn Sanae và kính cảm rất rõ họ sẽ là những người bạn rất tốt với nhau. Không! Trong thâm tâm Massao biết rõ còn hơn thế nữa. Nhưng lúc này anh không được phép bộc lộ. Những giấc mơ đẹp ấy là dành cho người khác chứ không phải cho anh. Anh chỉ được phép nghĩ đến một điều duy nhất: phải cố dành lấy cuộc sống. Chuông lại réo vang báo hiệu hết giờ nghỉ. Cũng trong buổi tối hôm ấy, Massao đã tìm được cách để có tiền. Ở một phố nhỏ nằm sát bên khách sạn anh thuê có một hiệu cầm đồ, được trang trí bằng ba quả cầu kim loại treo chơi vơi trên cửa. Vật báu duy nhất Massao có trong tay lúc này là chiếc đồng hồ mạ vàng cha anh đã tặng nhân dịp kỷ niệm Massao đúng mười tám tuổi. Chiếc đồng hồ mạ vàng 21 ca-ra, nhưng đối với Massao, giá trị của nó là ở chỗ nó là tặng vật của cha anh để lại. Ngay cả trong giấc mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc xa rời nó, nhưng lúc này thì anh không còn cách nào khác. Anh do dự một thoáng rồi bước vào hiệu, đặt chiếc đồng hồ lên mặt quầy : - Tôi muốn đặt để cầm tạm ít tiền! - Massao nói - Một ngày gần đây tôi sẽ đến chuộc lại! Nếu như mọi sự tốt đẹp, anh thầm nghĩ. Còn nếu không thì hoặc là anh sẽ ngồi tù, hoặc anh sẽ chết, đằng nào cũng thế thôi. Ông chủ tiệm cầm đồ nhấc hiếc đồng hồ và xem kỹ bằng một chiếc kính lúp kim cương. Ông gật đầu vẻ hài lòng : - Đẹp đấy. Anh lấy bao nhiêu? - Năm trăm đô la! Người đàn ông nọ lắc đầu : - Nhiều quá! - Ba trăm đô la! - Hai trăm rưỡi! - Thế cũng được. Quá đủ để đi đến California. Massao đã nghĩ mãi phải làm gì bây giờ, và câu trả lời vẫn luôn nằm ở Los Angeles, ở ông Kunio Hidaka. Ông chủ tiệm đếm tiền và trao cho Massao một mẩu giấy : - Đây là chứng từ cầm đồ. Sau sáu tháng anh không quay lại lấy thì tôi sẽ bán chiếc đồng hồ đấy! Sáu tháng! Massao thậm chí không chắc anh có sống nổi đến sáu ngày không. - Cám ơn ông! - Tôi sẽ quay lại! - Massao nói. Anh nhìn lại chiếc đồng hồ lần cuối, nhét tiền vào túi rồi rời khỏi tiệm. Massao đến một tiệm ăn Nhật Bản cách khách sạn không xa mấy. Anh phải cố kìm nén để không chạy cuống lên. Nghĩ đến các món ăn mà nước miếng anh đã ứa ra đầy miệng. Massao ngồi xỉu xuống ghế vì đói và gọi thức ăn. Anh ăn ngấu nghiến bao nhiêu là súp, cơm, rau, thịt rán và hai suất cua tẩm bột... sau đó ăn tráng miệng bằng hoa quả tươi. Ăn xong, Massao thấy mình như biến đổi thành một người khác, tràn trề sức lực, sẵn sàng thách thức cả thế gian này. Những ngày kế tiếp trôi qua yên ổn đến nỗi Massao gần như quên cả mối hiểm nguy đang rình rập quanh mình. Ngày ngày anh chăm chú theo dõi báo chí. Câu chuyện kể Massao giết người rồi bỏ trốn đã biến khỏi trang đầu để sang trang sau, rồi cuối cùng chỉ được đăng ở một mục trên báo. Massao thở phào nhẹ nhõm. Anh không còn cái cảm giác trần trụi giữa ánh đèn pha truy đuổi. Cảnh sát còn bận làm việc khác, còn Teruo chẳng bao lâu sẽ chán không muốn lùng sục anh nữa. Sáng sáng, Massao dạy sớm, ăn sáng trong một tiệm cà phê nhỏ cạnh khách sạn rồi đi làm. Mỗi lầ bước chân vào xưởng Matsumoto, anh lại thấy tự hào. Anh cảm thấy như luôn được gần bên cha. Nhưng cũng còn một lý do nữa khiến anh thấy vui: đó là Sanae. Anh nghĩ đến cô các buổi chiều tối, khi phải xa cô. Anh thích được đứng cạnh cô bên dây chuyền và ngắm cô làm việc. - Chào anh! Đối với Massao, câu chào buổi sáng của cô là sự mở đầu đáng yêu nhất cho một ngày. Hai người chuyện phiếm với nhau mỗi khi tên tổ trưởng không lăm lăm soi mói họ; họ đã thường xuyên cùng ăn trưa và uống cà phê trong giờ nghỉ. Càng tiếp xúc nhiều với Sanae, Massao càng thấy mến cô. Cô kể cho Massao nghe về gia đình mình : - Cha mẹ em đến Mỹ được một thời gian ngắn thì em ra đời. - Cha em làm nghề gì? - Là họa sĩ - Sanae chữa lại - Trước đây là họa sĩ. - Đấy là nguyên do khiến em phải đi làm ở đây sao? - Vâng, cha mẹ em chỉ có mình em. Chính ra thì em định theo học ngành y. Có thể một ngày kia em sẽ vào học ở trường đại học - Giọng cô không hề đượm chút mặc cảm. - Em có thích làm ở đây không? Massao tò mò hỏi. - Em rất thích. Chỉ trừ... - Cô hất đầu về phía tên tổ trưởng - Hắn là một người không tốt. Anh cũng nghĩ như vậy. Không có hắn thì mọi việc ở đây sẽ dễ chịu hơn. - Kể cho em nghe về anh đi! Sanae đề nghị, một đề nghị chân thật, nhưng cũng lại nguy hiểm làm sao. Một giây phút xúc động khiến Massao định kể hết sự thật. Anh ao ước có ai đó thật tin cậy để kể tất cả. Nhưng anh biết không thể làm như vậy được. Anh thận trọng nói : - Có nhiều chuyện kể lắm. Anh thích ngành điện tử học, anh nghĩ rằng ở đây có thể học tập được ít nhiều. Sanae kinh ngạc nhìn Massao : - Em đã quan sát anh rất nhiều đấy! - Ồ! Thế ư? Cô nhìn sâu vào ánh mắt Massao : - Anh không cần phải học nữa đâu! - Anh... Massao đã định kể cho cô nghe sự thật, nhưng rồi hiểu rõ anh không được phép nhượng bộ. Như vậy cũng là vì cô. Nói ra thì nguy hiểm quá. Mặt khác, anh cũng còn chưa biết phải xử sự như thế nào với Teruo. Bây giờ lại một rắc rối mới. Massao rất thích dạo chơi với Sanae, đưa cô đi ăn, đi xem phim hoặc đi nhảy. Nhưng anh lại sợ ra trước đám đông, vì lúc nào anh cũng có thể bị phái hiện. Anh không muốn lôi kéo Sanae vào vòng nguy hiểm. Sanae thấy bối rối khó hiểu. Massao có vẻ rất muốn cô làm bạn, và rõ ràng là rất thích gần gũi cô. Nhưng anh ta lại không hề hò hẹn cô. Anh ta đã biết rõ là cô chưa có người yêu, cô cũng biết rõ là anh ta không hề đi chơi với ai. Nhưng hình như anh không muốn gặp gỡ cô ngoài giờ làm việc, anh là người thanh niên kỳ quái nhất mà cô chưa từng thấy. Tình huống rắc rối này bỗng nhiên được tháo gỡ nhờ trận đấu giữa hai đội bóng chày New York Mets và Philadelphia Phillies. Có một nơi Massao cảm thấy có lẽ anh toàn đó là sân đấu bóng chày. Ở đó có đến hàng vạn người, Massao có thể lẩn vào đó. Anh vốn là một tay mê bóng chày cuồng nhiệt. Khi trên báo đăng có trận đấu giữa hai đội bóng chày Mets và đội Philadelphia Phillies ở sân vận động Shea thì anh không thể cưỡng lại được phấn kích. Trong hai đội có một số cầu thủ anh yêu mến, Massao không được phép bỏ lỡ cơ hội xem họ thi đấu. Sáng hôm sau, anh dậy thật sớm đi xếp hàng mua một chiếc vé. Hàng người rồng rắn bám lấy nhau chờ đến lượt. Khi rốt cuộc đã tới được trước quầy và nghe người bán vé hỏi : - Anh mua mấy vé? Massao bỗng buột miệng : - Hai! Massao trả tiền rồi đi. Anh tự hỏi: quái lạ, không biết mình nghĩ thế nào mà lại mua hai vé. Song, anh chợt nhận ra anh muốn rủ Sanae cùng đi. Rồi Massao lại tự dằn vặt với ý nghĩ: Nhỡ Sanae không đồng ý thì sao? Nhỡ cô ấy không thích xem bóng chày hay đã có hẹn với ai đó thì sao? Massao cứ khổ sở với những ý nghĩ đó suốt cả buổi sáng. Giờ nghỉ trưa, Massao ngồi cùng Sanae dưới bóng cây trong vườn và cùng ăn trưa. Massao quyết định mở đầu câu chuyện, nhưng thay cho những dự định thận trọng, anh lại nói tuột luôn : - Anh có hai vé xem đấu bóng chày vào giữa chiều mai. Em có thích bóng chày không? Sanae ghét bóng chày, nhưng cô nói : - Ôi! Hay quá! Cô quan sát nét mặt Massao thấy nở một nụ cười rạng rỡ : - Tuyệt lắm cơ, đội Mets chơi với đội Philadelphia Phillies. Tuy Graw là người ném bóng. Lê Mazzilli lần đầu tiên chơi cho đội Mets. Sanae thấy dường như Massao đang kể cho cô nghe về Sao Hỏa vậy : - Ôi! Thật là kỳ thú! Đối với Sanae thì Massao muốn đưa cô đi đâu cũng được. Cô chỉ biết mình rất muốn đi cùng anh, anh là người con trai hấp dẫn nhất cô đã được biết. Nhưng trong con người anh có một điều cô không hiểu được. Một sự căng thẳng, một sự thận trọng đầy âu lo không phù hợp với bản chất anh. Anh như luôn luôn đề phòng một chuyện gì hay một ai đó. Đôi lúc, Sanae cảm thấy hình như anh sợ hãi. Cô biết có một điều gì đó giày vò anh, cô hy vọng một ngày nào đó anh sẽ tin cậy kể cho cô biết. Còn lúc này thì cô sẵn sàng đi xem tất cả mọi trận đấu bóng chày với anh nếu việc đó làm anh vui sướng. Sân vận động Shea chật cứng người. Massao không nhớ lần nào trong đời anh thấy nhiều người như thế. Các sân vận động ở Nhật Bản cũng rất rộng, nhưng so với ở đây thì chẳng là gì. Tên tuổi tất cả những cầu thủ nổi tiếng Massao đã từng nghe thấy đều được ghi trên bảng. Anh chỉ cho Sanae : - Em có thấy cái anh chàng cao lớn vừa ở ca bin bước ra không? Steve Hendesson đấy! Anh ta là trung phong của đội Mets. Sanae nhiệt tình : - Có, em có thấy! - Trông kìa, đó là Frank Taveris anh ta là một trong những trung vệ giỏi nhất đấy! Sanae gật đầu đầy vẻ hiểu biết : - A! Đúng rồi! Bây giờ đến Craig Swann. Anh ta là người đầu tiên ném bóng cho đội Mets. Trận đấu bắt đầu. Massao không rời mắt khỏi quả bóng. Sanae nhìn Massao không chớp mắt, cô chưa bao giờ thấy mọi người nồng nhiệt chân thành như thế. Massao gọi ré lên : - Trông kìa. Greg Luzinski kia kìa! Sanae mỉm cười : - Ôi! Tuyệt quá! Từ Fan bắt nguồn từ chữ cuồng nhiệt. Sanae đã biết nhiều cổ động viên bóng chày cổ vũ cuồng nhiệt cho đội mình cổ động. Nhưng Massao nồng nhiệt với cả hai đội, anh không phân biệt ai thắng ai thua. Điều anh thích là hoạt động thể thao trên sân cỏ, là ném, là đập, là chạy trên sân. Một tình thế bất ngờ khác thường xảy ra trên sân vào cuối hiệp chín làm Sanae sửng sốt. Tỷ số đang là 2: 2. Đội Mets được giao bóng, cả hai bên đều hết lượt và đang đứng ngoài vạch. Dù rất ít hiểu biết về bóng chày, Sanae cũng hiểu đây là một khoảnh khắc gay cấn. Steve Hendesson bước ra đập bóng. Cả rừng người bắt đầu nháo nhác chuyển động, rồi họ nhảy bung lên, hò hét, khích lệ chàng cầu thủ để anh ta đập cú quyết định ghi bàn ta hứng cho đội nhà. Vào đúng giây phút hồi hộp ấy, Massao bỗng nhớn nhác quay tìm Sanae, mặt anh hoàn toàn biến sắc : - Đi ngay em, chúng ta rời khỏi nơi này ngay lập tức. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, Sanae đã bị lôi xềnh xệch ra cửa. Cả biển người bỗng nhảy bật lên reo hò, có điều gì đó đã diễn ra trên sân. Sanae hỏi : - Massao, anh không muốn xem nữa ư? - Không, không, mau lên! Mặt Massao lộ vẻ cương quyết đến tái nhợt, anh chạy và lôi Sanae theo. Sanae ngoảnh lại nhìn, cảnh sát mặc sắc phục đang vây bọc chỗ hai người vừa đứng và rẽ đám đông đi lách vào. Giây lát sau, Massao và Sanae đã ở dưới đường ngầm dẫn đến cửa ra, Massao gọi ngay một chiếc tắc xi. Sanae hỏi : - Sao anh không chờ xem trận đấu kết thúc? - Đội nào thắng cũng thế thôi. Nhưng chỉ cần nhìn vẻ mặt Massao, Sanae cũng biết hoàn toàn không phải như vậy. Có một điều gì đấy khủng khiếp xảy ra. Hôm sau, bên dây chuyền làm việc, Massao lại trở lại con người như cũ. Anh nói nhỏ với Sanae : - Rất tiếc là hôm qua anh phải bỏ dở cuộc xem đấu. Đội Mets đã thắng, họ chơi tuyệt quá, phải không em? Massao làm như không có chuyện gì xảy ra ngày hôm qua. Sanae thật không hiểu nổi. Cô muốn tìm mọi cách để biết điều gì đang giày vò Massao, nhưng cô chưa đủ gần gũi để hỏi anh. Cô chỉ biết một điều: cô sẽ giúp đỡ anh tất cả mọi việc anh cần. Trước giờ nghỉ trưa ít phút, tên tổ trưởng Heller bước vào xưởng báo tin : - Có khách đến thăm! Massao nhìn lên: Teruo Sato đã đứng trước cửa. Chương 07 Một khoảnh khắc nghê rợn. Massao đứng như hóa đá, toàn bộ cơ thể và thần kinh anh như tê liệt. Ý nghĩ đầu tiên đến với anh là Teruo đã tìm ra chỗ ẩn náu của anh và đến bắt anh. Nhưng nhìn kỹ hơn thì chỉ thầy Teruo đi cùng với Heller dọc suốt công xưởng, còn gã kia giản thích cho hắn nghe điều gì đó. Teruo chưa nhìn thấy anh, nhưng bất cứ giây phút nào hắn cũng có thể xáp mặt anh. Massao quyết định nhanh chóng. Khi Teruo và Heller quay lại phía dây chuyền lắp ráp, Massao dùng cùi tay hất nhanh một chiếc đã ghi âm rơi xuống sàn, đồng thời anh bò xuống trốn vào gầm bàn để tìm những mảnh vỡ. Heller hét lên : - Thằng kia, mày làm cái trò gì thế? - Xin lỗi ông, rất tiếc là... Massao lầu bầu trong họng. Anh bò bò quanh sàn nhặt các mảnh đĩa, cố tình quay lưng về phía hai gã đàn ông. Trống ngực anh đánh thình thịch, anh thở đứt quãng. Nếu lão chú nhận ra anh, thì chỉ còn nước bỏ chạy, nhưng anh biết sẽ chẳng thoát thân. Chỉ cần hắn kêu một tiếng là công nhân sẽ xông đến. Massao ngước mắt nhìn lên thấy Sanae đang quan sát anh với vẻ mặt bối rối. Cô đã chứng kiến anh cố tình hất rơi cái đĩa khỏi bàn. - Họ đi rồi à? Massao thì thào hỏi. Sanae liếc nhìn ra phía cửa, nơi hai gã đàn ông vừa khuất dạng. - Họ đi rồi. Massao từ từ đứng dạy, mồ hôi ướt đẫm áo. Sanae dịu dàng hỏi : - Anh có chuyện gì khúc mắc phải không? Chuyện của anh nguy hiểm hơn cô tưởng nhiều. - Không... anh chỉ nhỡ tay một tý...! Ngay Massao cũng cảm thấy giọng mình thật yếu ớt. Sanae nín lặng nhìn anh, đôi mắt nâu dịu dàng như anh ủi và hứa hẹn luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Massao cố gắng tiếp tục làm việc. Thay cho cảm giác lo sợ bị phát giác lúc nãy, một cơn giận dữ sục sôi trong lòng anh. Teruo đi thị sát khắp đế chế công nghiệp mới của anh và làm như thể nó thuộc quyền kiểm soát của hắn. Mà đế chế ấy sẽ thuộc về hắn khi hắn trừ khử được anh. Massao tuyệt vọng khôn cùng. Mỗi lần cánh cửa mở ra, Massao lại nhớn nhác nhìn lên. Teruo có thể quay lại bất cứ lúc nào. Sanae để ý thấy thái độ lạ lùng của anh nhưng không hỏi gì. Cô muốn giúp đỡ anh, nhưng cô lặng thinh. Massao cảm thấy sự im lặng của anh làm Sanae bị xúc phạm, nhưng anh không thể làm gì hơn, đây là công việc chỉ của riêng anh. Chiều hôm ấy và cả hôm sau nữa Teruo không trở lại. Massao nhẹ cả người. Hóa ra đó cũng chỉ là một cuộc kiểm tra ngắn qua các xí nghiệp. Rõ ràng Teruo không hề biết anh đang ở đây. Có thể Teruo sẽ không quay trở lại nữa. Massao cảm thấy hình như còn anh toàn hơn trước. Thứ sáu là ngày lĩnh tiền công. Massao sẽ lĩnh lương và sẽ lên đường sang Caliornia. Cứ nghĩ phải xa Sanae mà lòng anh thấy quặn đau. Anh biết cô sẽ rất thiếu vắng anh, vậy mà anh sẽ phải lẳng lặng biến mất y như một tên ăn trộm trong đêm tối. Có thể, một ngày nào đó, anh sẽ giải thích hết cho cô hiểu. Nếu như anh còn sống! Chiều thứ sáu, sau giờ nghỉ, công nhân xếp hàng dài trước quầy để lĩnh tiền công cả tuần. Sanae đứng phía trước, Massao đứng sau, cách cô mấy người. Anh thấy một người ấn vào tay cô một phong bì đựng tiền lương cùng một tờ giấy. Cô nhìn sững vào tờ giấy, mặt tái hẳn đi. Cô quay phắt lại chỗ Massao thì thầm : - Anh phải đi khỏi đây ngay lập tức. Massao giật mình hoảng hốt : - Gì thế? - Đi nhanh lên anh! Cô giơ tờ giấy ra trước mặt Massao. Trên đó là ảnh Massao cùng dòng chữ: “truy tìm có thưởng cao”. Tờ giấy được phát cho tất cả mọi người công nhân trong xưởng. Sanae nắm lấy tay cánh tay Massao, cả hai nhanh chóng lẩn ra cánh cửa ngách dẫn ra sân. Thoạt làm như thế là tự sát. Cả tuần anh đã cùng làm việc với công nhân ở đây, tất cả đều biết mặt anh, họ có thể nhận ra anh ngay lập tức. Anh cố kìm chế đi từng bước bình thản trong lòng luôn luôn sợ hãi có ai đó thét lên : - Nó đấy. Bắt lấy nó! Nhưng cả hai đã đến cửa và thoát ra ngoài an toàn. Massao thở gấp : - Anh phải chia tay em ở đây thôi. Massao không biết bây giờ sẽ trốn đi đâu. Chắc chắn là Teruo đã phân phát ảnh anh đi khắp các công xưởng Matsumoto ở nước Mỹ rồi. Không còn nơi nào anh toàn cho anh nữa. - Anh định đi đâu bây giờ? - Anh không biết! Hai người băng qua sân rồi ra khỏi công xưởng. Sanae nói : - Em sẽ đưa anh về nhà, ở đây sẽ không có ai đến tìm anh đâu. Massao lắc đầu : - Anh không thể lôi kéo em vào vòng nguy hiểm được. Sanae quả quyết : - Chính em cũng đang ở trong cuộc rồi đấy! Massao nhìn cô, không hiểu cô nói gì, đầu óc anh đang quay cuồng với những dự tính thoát thân. - Đi với em đi anh! - Không. Massao ghìm bước lại. Bây giờ đã đến lúc phải nói sự thật. Anh hít mạnh một hơi : - Anh bị cảnh sát truy tìm vì một vụ giết người. Sanae nhìn anh thăm dò : - Anh có phạm tội không, Massao? - Không. Cô mỉm cười : - Em cũng tin như vậy - Rồi cô nắm lấy tay anh - Ta đi thôi! Sanae ở cùng với bố mẹ trong một căn nhà cũ đứng riêng lẻ, cách khách sạn nơi Massao xuống xe khoảng một trăm dặm. Căn hộ nhỏ, xinh xắn, sạch sẽ, được trang trí đầy những vật dụng Nhật Bản. Trên tường là những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Massao sực nhớ, Sanae nói bố cô là họa sĩ. Khi về tớ nhà Sanae, hai người thấy bố mẹ cô đang ở nhà. Ông bà Doi đã sống ở Mỹ nhiều năm, nhưng Massao cảm thấy họ vẫn giữ nguyên những tập quán Nhật Bản. Lúc Sanae giới thiệu Massao, hai ông bà cúi chào theo lối cổ. Massao nhận thấy Sanae rất giống mẹ. Bà vẫn còn là một phụ nữ đẹp và giữ được thân hình thon thả. Khi có tuổi, chắc Sanae cũng đẹp như bà bây giờ. Ngắm hai ông bà, Massao như nhìn thấy hình ảnh tương lai của chính mình. Ông Doi là một người rắn rỏi với gương mặt cương nghị, dễ mến. Nhìn bàn tay gầy guộc của ông, Massao thầm nghĩ: Thật đáng tiếc biết bao khi không thể vẽ được những bức tranh tuyệt tác nữa. Sanae nói với cha mẹ : - Anh Massao, bạn con đang gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh ấy không có lỗi. Cô quay sang Massao : - Anh kể cho cha mẹ em nghe đi! Massao như cá nằm trên thớt. Anh không thể kể cho họ biết sự thật. Anh không thể thừa nhận anh là Massao Matsumoto; anh thấy xấu hổ nếu người ngoài biết những sự kiện đen tối đang xảy ra trong gia đình. Tất cả chỉ là chuyện riêng trong gia đình. Sanae nhìn Massao chờ đợi. Cô tin Massao, vậy mà anh lại phải nói dối cô một lần nữa. Cô sẽ không bao giờ tin anh nữa. Massao thấy đau lòng nhưng anh không còn sự lựa chọn nào khác. Anh cố nhớ lại những gì đã kể cho Sanae nghe trước đây. Thà cứ bám lấy những lời nói dối cũ còn hơn là lại dựng lên một lần nói dối mới. - Cháu cùng cha mẹ sang Mỹ, định thực thi một công vụ kinh doanh nhỏ rồi trở về Tokyo ngay. Nhưng cháu rất thích nước Mỹ và muốn ở lại. Cháu mà cha mẹ cháu đã cãi nhau rất dữ, rồi cháu đã bỏ trốn. Massao suy nghĩ như chớp, trong khi bịa ra câu chuyện : - Cha cháu thuê một người đàn ông đi tìm bắt cháu về. Cháu đã chống trả anh ta, anh ta trượt chân rơi từ trên mái nhà xuống chết, vì thế cảnh sát truy tìm cháu. Một không khí im lặng kéo dài, cuối cùng, cha Sanae lên tiếng : - Hừ! Xúi quẩy quá. Vậy là cháu không liên quan gì đến cái chết của người đàn ông chứ? - Không hoàn toàn không ạ. Đó chỉ là một tai nạn. Ít nhất, điều cuối cùng Massao cũng là sự thật. - Vậy thì cháu hãy đến báo cảnh sát và kể cho họ biết. Massao : - Nếu làm như thế, cha cháu sẽ bắt cháu về Nhật Bản mất! Ông bà Doi nhìn Massao hồi lâu rồi nói : - Vậy thì chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận xem nên phải làm gì. Vào thời điểm này, một không khí hối hả, căng thẳng đang bao trùn lên phòng cảm lý nhân lực thuộc xưởng Matsumoto. Watkins trưởng phòng nhân lực và tên tổ trưởng Heller đang nói chuyện với Sam Collins, viên thám tử tư được Teruo thuê tìm Massao. Ba người đàn ông đang xem xét ảnh Massao Sam Collins hỏi : - Các ông chắc chắn đây là nó chứ, tuyệt đối chắc chắn chứ? Watkins sôi nổi : - Không nghi ngờ gì nữa. Chính tôi đã nhận nó vào làm tuần trước. Nó.... Heller sốt sắng : - Người ta đặt tiền thưởng cao lắm à? Sam Collins nói : - Rất cao. Hắn đưa ngón tay rờ lên sống mũi gãy : - Các ông có thể đoán được nó trốn ở đâu không? Watkins lắc đầu : - Không. Công nhân kể lại rằng khi nhìn thấy ảnh mình, nó liền bỏ đi luôn không kịp lĩnh tiền công. Mặt gã chợt bừng sáng lên : - À mà này, có thể nó sẽ quay lại lĩnh tiền công đấy, lúc đấy chúng ta sẽ.... Tên thám tử nhăn mũi khinh khỉnh : - Các ông đừng ngây thơ. Nó chẳng dại ló mặt về đâu nữa đâu! Bỗng Heller ré lên : - Khoan đã! Tôi biết phải tìm hắn ở đâu rồi! Hai người đàn ông nhìn hắn đầy hy vọng. - Nó kết bạn với một con bé, con Sanae Doi. Có người đã nhìn thấy chúng bỏ đi lúc ấy. Có thể con bé sẽ mách cho chúng ta biết thằng kia trốn ở đâu. Nét mặt tên thám tử rạng lên : - Ông có biết con bé Doi ở đâu chứ? - Dễ thôi. Watkins đi đến bên tủ hồ sơ lấy ra một tập giấy chứng minh rồi mở lướt thật nhanh. - Đây! Sanae Doi! Ông ta đưa tấm các và địa chỉ cho tên thám tử. Sam Collins chậm rãi : - Nếu tôi tìm thấy nó thì chúng ta sẽ giầu đấy! Rồi hắn bỏ đi ngay. Không hề cảm thấy sự nguy hiểm, Massao, Sanae và cha mẹ cô quần tụ trong căn hộ gia đình Doi và bàn luận. Ông Doi vẫn khẳng định : - Dù sao bác thấy cách đó vẫn là tốt nhất, nếu cháu đến sở cảnh sát và nói hết sự thật. Việc quay trở lại Nhật Bản với cha mẹ cháu không có gì là tệ hại cả. Bây giờ chắc hai ông bả đang lo lắm đấy! Massao đã quá nhấn sâu vào sự nói dối nên không thể rút lui được nữa. Anh không thể giải thích thêm gì được. - Cháu không thể về Nhật Bản được. Có thể là sau này, còn bây giờ thì không. Bà Doi nói : - Bác cũng đồng ý với bác trai đấy, chạy trốn không phải là giải pháp, chỉ gây thêm rắc rối thôi! Massao nhìn Sanae lặng lẽ ngồi nghe. Cô không muốn Massao về Nhật Bản, nhưng cô cũng không muốn anh sa vào tình thế khó khăn. Cô linh cảm thấy sự việc nghiêm trọng hơn là Massao mô tả. Không ai lại hoài công đi phân phát ảnh của Massao cho tất cả công nhân trong xí nghiệp nếu không có một chuyện gì đó xảy ra. Thậm chí còn tệ hại hơn thế nữa. Nhưng cô tin Massao. Cô bảo : - Con tin rằng anh Massao là người biết rõ nhất phải làm gì. Cứ để anh ấy tự quyết định. Massao thầm cảm ơn cô đã đứng về phía anh. Anh nói : - Cháu có một người bạn ở California. Nếu cháu gặp được bác ấy, bác ấy sẽ giúp cháu. Cháu sẽ được an toàn. Ông Doi hỏi : - Người ấy là người cháu tin cậy phải không? - Vâng ạ! Tên bác ấy là Kunio Hudaka. Bác ấy làm việc cho... Suýt nữa Massao buột miệng: cho cha cháu, nhưng anh đã kịp nén giữ. - Bác ấy làm cho doanh nghiệp Matsumoto. Một tí chút nữa thì hỏng việc. Ông Doi bảo : - Cảnh sát đang truy tìm cháu ở địa phương này. Cái khó là: làm sao cháu có thể ra khỏi New York mà không bị ai để ý? - Vâng! Thưa bác, đó là một việc rất khó. Ông Doi nói : - Có một cách này! Massao nôn nóng : - Cách nào thế hả bác? Đúng lúc đó có tiếng gõ mạnh vào cữa, một giọng đàn ông gầm lên : - Mở cửa! Cảnh sát đây! Massao sững người vì sợ hãi. Ba người còn lại trao đổi với nhau những anh mắt lo lắng. Sanae thì thầm : - Nhanh lên anh. Vào buồng ngủ ngay! - Mở cửa ra! Massao lượng lự giây lát, rồi quay mình chạy vào phòng bên. Khi anh đã rời khỏi phòng, Sanae tiến ra ngoài mở cửa. Sam Collins lao bắn vào phòng xô cô sang một bên : - Nó đâu rồi? Tên thám tử hỏi. Ông Doi liền bình tĩnh trả lời : - Ông tìm ai? - Điều đó ông biết rõ quá đi rồi! - Tên thám tử tức điên người - Tôi là thám tử, tôi tìm thằng thanh niên này! Hắn rút ảnh Massao ra dí vào mũi cô Sanae : Cô đã đưa anh chàng nay về nhà phải không? - Không. Mắt tên thám tử lóe lên ánh giận dữ : - Tôi biết cô và hắn ta cùng rời xí nghiệp, hàng tá người sẽ làm chứng việc này. Sanae bình tĩnh : - Đúng, chúng tôi đã cùng rời xí nghiệp, nhưng sau đó anh ta đã đi nơi khác. - Đi nơi khác? Đi đâu? - Tôi không biết. Sam Collins trừng trừng nhìn cô vẻ nghi hoặc : - Cô sẽ không phản đối, nếu tôi xem xét căn nhà? Ông Doi nhỏm dậy : - Tôi phản đối, thưa ông! Đây là nhà riêng, ông không có quyền xông vào. Nhưng tên thám tử tư bỏ ngoài tai. Teruo Sato đã hứa thưởng cho gã một gia tài nếu tìm thấy Massao, gã không thể để tuột khỏi tay. Chẳng một ai trên đời này, kể cả những người ở đây cố thể ngăn cản được gã. Gã rút súng lục, đẩy ông già sang một bên, giật tung cánh cửa phòng ngủ xông vào. Sanae và cha mẹ cô đứng dạy ngây người vì sợ hãi. Họ thắc thỏm chờ đợi mỗi giây mỗi phút từ phòng bên dội lên tiếng vật lộn, tiếng thét, tiếng súng. Sanae quay cuồng với những tưởng tượng nóng bỏng. Tên thám tử sẽ phát hiện ra Massao rồi đánh anh chết ngất... Massao tìm cách trốn, rồi anh giết tên thám tử... Hai người đàn ông giành giật nhau sự sống. Sanae tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa. Vừa lúc ấy, Sam Collins quay trở lại một mình. Gã đã cất khẩu súng, nét mặt lộ vẻ thất vọng. Gã hỏi cô : - Cô chắc chắn là không đưa nó về nhà chứ? Sanae cố kìm nén tiếng thở phào nhẹ nhõm : - Vâng! Đúng như tôi đã nói, anh ta đã bỏ đi rồi. Tên thám tử nhìn sục sạo xung quanh, bản năng mách bảo gã rằng tay thanh nhiên kia hiện đang có mặt trong ngôi nhà này. - Nó có nói cho cô biết nó đi đâu không? Sanae suy nghĩ một giây lát : - Anh ta có bảo rằng... - Rằng sao? Giọng tên thám tử đầy nôn nóng. - Anh bấy bảo anh ấy có một người bạn... - Sao nữa? - Anh ấy muốn tới thăm. - Nó có nói bạn nó ở đâu không? - Anh ấy chỉ bảo rằng bạn anh ấy làm ở một quán rượu ở Brooklyn - Brooklyn? Á... à! Cám ơn! Sam Collins vụt biến ngay khỏi phòng. Sanae và cha mẹ cô chạy ngay vào phòng ngủ. Không có ai. Họ tìm trong phòng khách, buồng tắm, nhưng chẳng thấy Massao đâu. Sanae tiến đến bên cửa sổ nhìn ra một chiếc thang cứu hỏa rồi cúi mình nhìn ra ngoài. Ở đó cũng chẳng thấy bóng dáng Massao. - Anh ấy đi rồi! Ông Doi nói. Mấy tiếng ấy reo vào lòng Sanae một nỗi buồn khôn tả. Sẽ chẳng bao giờ cô gặp lại Massao nữa... Chương 08 Teruo Sato nhấp nhổm trong ghế bành khi nghe tên thám tử báo tin : - Thưa ngài, tôi đã sục tìm tất cả các tiệm rượu ở Brooklyn, nhưng không thấy dấu vết hắn. Teruo lạnh lùng : - Con bé ấy đã lừa mày vào cái vũng ấy đấy! Tên thám tử kinh ngạc trước sự am hiểu tường tận của người thuê gã. Gã tin rằng Teruo sắp nổi cơn tam bành. Nhưng Teruo chỉ nói : - Đừng ngại! Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ nữa, thằng cháu ta sẽ nằm trong tay mày. Sam Collins nhìn hắn chằm chằn : - Ngài nói rằng ngài biết nó ở đâu rồi ư? - Chưa! Nhưng tao sẽ biết. Cứ trực sẵn bên điện thoại, tao sẽ báo cho mày biết mày phải tìm nó ở đâu. Teruo chợt dằn giọng : - Lần này thì mày sẽ không để hỏng việc chứ? - Không, thưa ngài, tôi... - Được. Về đi! Sam Collins toát mồ hôi. Trong cuộc đời, gã đã từng đụng đầu với nhiều hạng người nguy hiểm như bọn du côn, bọn giết người, bọn thiếu nhân cách và những kẻ bạo dâm. Nhưng ở người đàn ông trầm tính, nói năng nhỏ nhẹ này, toát ra một sự lạnh lẽo giết người khiến gã thấy ớn rợn. Gã nói : - Vâng, tôi xin đợi điện thoại của ngài! Tên thám tử tư đi khỏi đã lâu mà Teruo vẫn cứ ngồi im, bất động như một tượng đá. Cho tới lúc này, hắn đã phản kích người cháu bằng tất cả mọi thủ đoạn. Hắn đã chiếu tướng người cháu, vậy mà Massao chưa bao giờ để bị rơi vào thế bí. Nhưng Teruo đã có sẵn cách giải quyết. Hắn sẽ tìm ra Massao bằng phương pháp logic, không phải logic của riêng hắn mà logic cao hơn. Hắn sẽ dùng một máy điện toán để tìm bắt Massao. Một máy điện toán của hãng Matsumoto. Sự mỉa mai làm hắn thấy thích thú. Hắn nhấc điện thoại gọi tới nơi cần thiết và một giờ sau hắn đã có mặt ở phân xưởng máy điện toán nói chuyện với người điều khiển máy. Teruo nói rõ mọi điều hắn cần và người nhân viên vội đưa ngay các dữ kiện vào máy tính. Teruo miêu tả những thói quen của Massao, những cái anh ưa thích, những sở thích và những thú vui của anh. Họ đã đi những nước cờ với nhau, Teruo biết rõ bộ não người cháu hắn làm việc thế nào, anh suy nghĩ và phản ứng ra sao. Tất cả những dữ kiện đó cũng đều được đưa vào máy tính. Người điều khiển máy nói : - Thưa ngài Sato, xin ngài quay trở lại sau hai giờ nữa, tôi sẽ cung cấp mọi thông tin ngài cần. - Rất tốt! Teruo đứng dạy và bỏ đi. Hắn dạo quanh khi xưởng khổng lồ và nghĩ rằng tất cả mọi xưởng Matsumoto khác trên thế giới phải thuộc về hắn, hắn đã cống hiến nhiều sức lực cho chúng. Hắn đã tranh cãi kịch liệt với Sachiko, cuối cùng hắn đã thuyết phục được vợ hắn tin rằng hắn đúng. Hắn đã không giải thích cho vợ biết rằng cái chết cùa Higashi chỉ là một vụ tai nạn. Hắn bảo : - Massao đã giết nó! Điều đó góp phần làm cho vợ hắn càng tin hắn hơn. Có một sai lầm là hắn đã nói với cảnh sát rằng Massao giết Higashi. Hắn nói như thế là để mong cảnh sát tìm ra Massao thất nhanh chóng. Nhưng rồi hắn lại hối hận. Hắn không muốn Massao rơi vào tay cảnh sát. Hắn muốn Massao được dẫn về chính tận tay hắn. Vì vậy hắn đã thuê tên thám tử để tìm Massao. Lần này, thì không thể có sai lầm. Máy điện toán không phạm sai lầm. Hai giờ sau, Teruo quay trở lại phòng máy tính. Viên kỹ sư ngẩng lên : - Thưa ngài, tôi đã làm xong rồi. Đây là tất cả những thông tin ngài cần. - Tuyệt lắm, cám ơn anh. - Không giám thưa ngài Sato! Trong văn phòng riêng, Teruo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả mọi sở thích, thú vui, ý thích của cháu hắn đều được phân tích đánh giá và xử lý. Massao thích thịt băm viên và mì nấu theo kiểu Italia. Vậy thì các thám tử phải bao vây các hiệu ăn loại này. Massao thích máy Flipper. Vậy sẽ cử người rình rập quanh các khu vực vui chơi. Massao rất thích chơi Bowling và những khu hội thể thao. Massao rất ham thích phim cao bồi Mỹ và Italo- Western. Phải lùng sục trong các rạp hay chiếu phim loại này. Các thám tử tư sẽ theo dõi tất cả các sân bay, các nhà ga và các bến ô tô buýt. Massao không thể còn sống mà rời thành phố được. Máy điện toán đã vây hãm chặt anh. Teruo đặc biệt chú ý đến hai thông tin cuối cùng này : Kẻ bị tìm kiếm sẽ ngày càng phải ẩn mình kỹ hơn. Có thể sẽ lần trốn ở khu dành cho người Nhật. Xác suất lớn nhất là: Greenwich Village. Nếu kẻ bị tìm kiếm có cơ hội thoát được khỏi New York thì xác suất lớn nhất là sẽ đến Los Angeles hoặc San Francisco. Teruo vùi đầu suy nghĩ rất lung về hai thông tin cuối cùng. Hắn ngả lưng vào ghế bành để suy nghĩ. Đây là một cuộc đấu trí với Massao. Hắn tự đặt mình vào vị trí người cháu. Nếu hắn là Massao thì nước cờ tiếp theo sẽ là gì? Hắn sẽ làm thế nào để ra khỏi New York? Rồi bỗng nhiên Teruo tìm thấy lời giải. Thật là đơn giản. Chính hắn sẽ giúp Massao chạy trốn. Không có nơi nào Massao có thể lẩn trốn được. Cuộc truy tìm anh đang được tâp trung ở New York. Massao biết anh phải rời khỏi thành phố càng nhanh càng tốt. Anh nghĩ đến cảnh tên thám tử tư xông vào gia đình Doi và anh hối hận là đã lôi kéo cả Sanae và cha mẹ cô vào chuyện của mình. Sanae hoàn toàn không biết anh là ai, vậy mà cô đã chẳng nề hà gì giúp đỡ anh. Massao đã nghe được cuộc đối thoại giữa tên thám tử và Sanae. Anh linh cảm thấy cần phải bỏ trốn thật nhanh anh đã chuồn xuống theo chiếc thang cứu hoả. Anh không dám quay trở lại khách sạn đã thuê, có lẽ cuộc truy nã đang nhắm vào góc phố này. Họ có thể dễ dàng tìm thấy anh. Làm sao mà một khuôn mặt Nhật Bản lại có thể lẩn trốn trong khu vực toàn những người da trắng? Massao chợt nghĩ ra phải làm gì. Anh phải đi đến khu phố dành cho người Nhật. Khu Greenwich Village. Anh lên một chiếc tàu điện ngầm và kinh ngạc trước những tiếng ồn ào, không khí bụi bặm và sự thô lỗ của những người xung quanh. Ở Tokyo, mọi xe điện ngầm đều sạch sẽ và tĩnh lặng, hành khách rất lịch sự. Tàu đỗ lại Greenwich Village, Massao nhảy xuống. Sanae đã có lần kể cho anh nghe về khu phố dành cho người Nhật, nhưng anh không biết chính xác nó ở đâu. Anh hỏi thanh niên đang đi xe đạp : - Xin lỗi, anh chỉ giùm cho tôi khu phố người Nhật. Anh thanh niên nói : - Ồ! Đi thẳng độ ba dặm dọc phố này rồi rẽ trái, đến phố Blake. Anh thanh niên biến mất, Massao đứng ngây người chẳng hiểu lấy một từ. Anh cứ đi và tìm mãi cho đến lúc thấy một bản đồ thành phố. Anh nhanh chóng chuyển hướng và tìm thấy ngay nơi cần đến. Nó cũng chẳng xa. Massao đi dọc Ten Avenue và nhìn các tấm biển quảng cáo, biển để tên hãng treo trên các tường nà. Anh yên tâm là có thể dấu mặt ở đây khá ổn. Đương nhiên Teruo sẽ tính toán rằng Massao sẽ lần trốn ở đây, nơi anh tưởng là an toàn. Hắn sẽ phái các thám tử về đây sục sạo tất cả các khách sạn, các nhà trọ, tìm anh trên khắp các ngả đường. Chúng sẽ tìm anh ở các quán ắn có món thịt băm viên, món mì nấu theo kiểu Italia sẽ tỏa đi khắp các rạp chiếu những phim Italo- Western. Nhưng Massao sẽ không thể dễ dàng bị sa bẫy. Anh sẽ tinh khôn hơn Teruo. Anh sẽ ẩn náu ở Village nhưng sẽ không trú ngụ ở những nơi Teruo có thể đoán ra và truy tìm. Massao đi học theo các phố qua các cửa hàng ăn có món thịt băm viên và món mì nấu theo kiểu Italia, qua các cung vui chơi giải trí. Anh không chú ý tới những thứ đó. Anh phát hiện một quầy đồ ăn nhẹ và mua hai chiếc bánh xăng uých đựng trong túi giấy. Anh đi quay các rạp chiếu phim qua đến các loại phim cao bồi, phim Italo-Western. Anh cứ đi mãi cho đến khi tới một rạp chiếu phim nhỏ chiếu các phim Pháp. Anh nhìn quanh xem có ai theo dõi không rồi mua một vé đi vào rạp. Anh hoàn toàn không biết tiếng Pháp, nhưng đây là nơi an toàn của anh. Sẽ không ai tìm anh ở đây. Anh dán mắt lên màn ảnh không hiểu lấy một từ, vừa xem vừa nhai một chiếc bánh xăng uých. Trên màn ảnh cứ chiếu hết phim này đến phim khác, Massao dần dần ngủ thiếp đi. Nguy hiển nhất đối với anh là đi một mình trong đêm ngoài đường, Vì lúc đó rất vắng người. Ban ngày anh có thể hòa vào dòng người mà lẫn tránh. Sáng sớm hôm sau Massao tỉnh dậy, mệt mỏi và căng thẳng. Trên màn ảnh vẫn nhân vật nam ấy đang yêu cô gái ấy. Massao cảm thấy người Pháp chẳng nghĩ đến việc gì khác ngoài chuyện yêu đương. Anh lại nhớ đến Sanae. Một ngày nào đó, khi đã được an toàn, anh sẽ gọi điện cho cô, cảm ơn cô đã giúp đỡ anh tận tình. Massao bước ra đường và nheo mắt lại vì ánh mặt trời gay gắt. Dòng người chen lấn nhau trên vỉa hè. Anh hòa vào họ, luôn luôn cảnh giác trông chừng cảnh sát. Anh biết rõ không thể trú ngụ lâu ở đường phố được. Anh tin chắc lão chú đã cử người bao vây tất cả các bến xe, sân bay và các nhà ga. Anh phải tìm một lối thoát khác. Massao nghe nói có những người trẻ đưa đi các nơi trong nước bằng ô tô. Anh sẽ tìm một người như vậy. Có lẽ đây là cách tốt nhất để thoát khỏi New York. Tại một quầy báo bên góc phố, Massao mua một tờ Daily News và một tờ O.C.S News bằng Tiếng Nhật. Anh vào một hiệu cà phê giở báo ra đọc mục rao vặt. Trên tờ Daily News không thấy có gì. Nhưng trên tờ báo O.C.S News bằng tiếng Nhật có một tin làm anh hồi hộp. Ở cột: “Tìm người giúp việc” đăng tin: “Một phụ nữ già người Nhật tìm một người trẻ tuổi chở xe đến Los Angeles. Xin chịu mọi phí tổn “ Quá là một dịp may hiếm có! Massao tràn đầy hy vọng sẽ đến được Los Angeles tìm Kunio Hidaka. Anh cẩn thận xé mẩu tin trên báo rồi giở tấm bản đồ thành phố anh đã mua ra xem. Anh tìm thấy ngay địa chỉ người đàn bà. Massao lên đường ngay, anh tin chắc bà lão sẽ thuê mình. Có lẽ bà ấy đã già yếu lắm. Anh sẽ chở bà thật cẩn thận đến Los Angeles. Sau đó anh sẽ lo đến việc riêng. Anh sẽ bắt lão chú phải trả giá cho những hành động độc ác của lão đối với anh và đối với hãng Matsumoto. Massao quyết trả thù cho danh dự của gia đình. Mười phút sau, Massao đứng trước tòa nhà đơn lẽ có mặt tiền bằng đá nhám. Anh kiểm tra lại một lần nữa mẩu tin quảng cáo: Nhà IB. Anh nhìn lượt nhanh bộ quần áo đang mặc. Chúng bị đứt chỉ do ngồi ở ghế bành rạp chiếu phim đêm qua, giầy thì đầy bụi, anh chùi giày vào gấu quần, hít mạnh một hơi rồi bước tới ngôi nhà. Anh bị kích động ghê gớm. Bà lão sẽ phải mướn anh. Cuộc sống của anh phụ thuộc vào việc này. Anh đứng một lúc trước căn hộ IB rồi gõ cửa. Một bà già người Nhật mặc bộ đồ ki mô nô ra mở cửa. Massao nói : - Cháu đến nhận việc làm qua tin bác đưa trên báo. Bà ta nhìn anh dò xét giây lát : - À! Đúng rồi, mời anh vào nhà! - Ồ! may quá. Massao bước vào nhà : - Bà cần tìm một người chở xe đến Los Angeles phải không ạ? Bà người Nhật gật đầu : - Đúng! Tôi có một chiếc ô tô nhưng không biết lái. Massao bảo : - Cháu có thể giúp bà. Hy vọng bà sẽ cho phép cháu chở bà đến Los Angeles. Một giọng đàn ông vang lên sau lưng Massao : - Anh đáng yêu lắm đấy, anh cả ạ. Massao nhận ra giọng nói ngay tức khắc. Anh nghe nó lần cuối khi ở nhà Sanae. Anh quay lại và thấy Sam Collins. Tên thám tử cầm lăm lăm khẩu súng lục chĩa thẳng vào anh. Massao hốt hoảng : - Làm sao ông...? Với một cảm giác kinh hoàng anh chợt hiểu ra mình đã sa bẫy. Teruo đã tinh ranh hơn anh! Lão chú đã biết rõ anh đang tuyệt vọng tìm cách thoát ra khỏi New York. Tất cả mọi đường thoát ở New York đã bị phong tỏa. Phương tiện chạy trốn duy nhất còn lại là ô tô; nhưng vì Massao không có thẻ tùy thân do đó không thể thuê được xe, nên anh đã phải tự dấn thân vào bẫy bằng một con đường khác. Và Teruo đã vạch cho anh con đường đó. Hắn đã cho đăng tin thuê người trên tờ O.C.S News, tớ báo tiếng Nhật duy nhất ở New York, đây chính là con đường thoát mà Massao đang cần. Thế là Massao đớp ngay miếng mồi. Anh thầm nguyền rủa mình đã quá nhẹ dạ cả tin, nhưng bây giờ thì đã quá muộn. Massao nói với tên thám tử : - Tôi không là điều gì sai trái. Cái chết của người đàn ông là một tai... - Thôi, bớt mồm đi! Tay lăm lăm khẩu súng, Sam Collins đưa tay trái vào túi rút ra tờ bạc một trăm đô la đưa cho bà già : - Bà đã thực hiện công việc rất tốt. Xin cảm ơn. Hắn hất hảm bảo Massao : - Đi thôi, anh chàng! - Xin ông hay nghe tôi nói! - Đừng dài dòng lôi thôi, mày đã bị bắt! - Ông sẽ đưa tôi đến sở cảnh sát ư? - Đương nhiên. Sam Collins vung khẩu súng chỉ ra phía cửa : - Đi ra ngay, ranh con. Bà già quay lại nhìn đi chỗ khác, dường như bà già chẳng dính líu gì đến những việc đang xảy ra. Massao không thể trách cứ gì bà. Một trăm đô la đối với bà có lẽ là cả một tài sản, và bà không hề biết bà đã đem lại cho Massao một hiểm họa như thế nào. Bà chẳng có lỗi gì, bọn kia đã sử dụng bà như một thứ công cụ mà thôi. Chĩa súng vào Massao, Sam Collins mở cánh cửa. Họ đi ra ngoài. Tên thám tử khéo léo cầm giấu khẩu súng để người qua đường không ai nhìn thấy. Một chiếc Chevrolet màu xanh đõ bên lề đường. Tên thám tử mở cánh cửa xe cạnh tay lái. Gã cảnh cáo Massao : - Đừng có giở trò ngu xuẩn ra đấy! Tao có thể đưa mày hoặc cái xác của mày về sở. Mày bị truy nã về tội giết người, hiểu chưa? Massao gật đầu, anh hiểu rõ tình thế của mình. Súng lăm lăm trong tay, Sam Collins ngồi vào sau tay lái rồi ra hiệu bảo Massao ngồi vào ghế bên cạnh. Tên thám tử ra lệnh : - Đóng cửa vào, nhẹ thôi. Massao đóng cửa xe. - Tốt lắm! Sam Collins mở máy : - Ngồi cho ngay ngắn mà thở cho dễ chịu. Phải đi khá xa đấy! Nhưng họ chẳng hề đi tới sở cảnh sát. Tên thám tử định đưa anh về chỗ lão chú. Massao quay cuồng với bao ý nghĩ. Anh biết rõ, nếu anh rơi vào tay Teruo lần này nữa thì cuộc đời của anh chẳng còn đáng giá một xu. - Tôi không biết chú tôi trả cho ông bao nhiêu nhưng tôi sẽ trả cho ông nhiều hơn. Tôi là chủ hãng công nghiệp Matsumoto. Tên thám tử cười phá lên : - Kỳ quặc thật đấy! Ông chú mày nói rằng chính ông ta là chủ hãng. Massao nài nỉ : - Nếu ông giúp tôi, tôi sẽ.... - Thôi quên đi! Tao không biết chuyện gì xảy ra giữa chúng mày, mà tao cũng cóc thèm biết. Người ta thuê tao đi tìm mày rồi lôi cổ mày về. Tao có thể làm việc theo kiểu gì cũng được, hoặc rắn hoặc mềm. Nếu mày thích rắn thì cũng hơi đau một tí đấy, con ạ! Tùy mày chọn lấy! Massao cố thuyết phục : - Ông đã giúp nhầm người rồi. Nếu ông để tôi đi thoát, tôi sẽ làm cho ông trở thành giàu có. Sam Collins cười nhạo báng : - Tao giàu rồi. Mà đúng thế thật. Trong lần gặp gở thứ hai, Teruo đã nói: “Món thưởng năm mươi ngàn đô là chỉ là mở đầu. Hãy mang thằng cháu của tao về đây mày sẽ giàu có!” Teruo đã hứa cho gã một tài sản. Và lúc này, khi đã nắm giữ số tài sản đó, gã không muốn để tuột khỏi tay nữa. Gã sẽ có đủ tiền để sống yên ổn những ngày cuối đời. Gã vẫn luôn mơ tưởng sẽ được sống ở Florida và sắm một du thuyền riêng để đi câu cá. Gã có thể đưa cả vợ hoặc ngừơi tình đi theo. Mà cũng có thể chẳng cần ai cả, gã nghe nói ở Florida có vô thiên lủng phụ nữ đẹp. Tất cả những gì một gã trai như gã cần là tiền. Và từ nay trở đi, gã sẽ có nhiều tiến như chưa bao giờ có. Gã liếc nhìn mà hơi chạnh lòng thương hại chàng thanh niên ngồi bên trong chiếc quần jeans sờn rách và chiếc áo phông bẩn thỉu. Ồ! Khôi hài làm sao, một thằng cha như thế này mà bảo là gã đã giúp nhầm người. Tuy nhiên, gã công nhận rằng Teruo quả là ranh ma. Hắn biết chính xác phải giương bẫy như thế nào. Tên thám tử với tay qua người Massao tới ngăn kéo đựng găng tay. Gã lôi ra một chai Whisky chỉ còn một nửa rồi uống một ngụm ngon lành. Gã xứng đáng được hưởng lắm. Massao vẫn lặng thinh ngồi im bên cạnh. Tên thám tử cũng cảm thấy thương anh. Cuộc đời là thế: nỗi bất hạnh của Massao lại là sự may mắn của gã. Gã lại tu thêm một ngụm nữa rồi đưa chai cho Massao : - Uống đi một chút, mày sẽ thấy dễ chịu đấy! - Không, cảm ơn ông! Sam Collins nhún vai rồi lại vùi chai rượu vào ngăn đựng găng tay. Gã nói : - Mày phải hiểu rằng, ông chú mày căm mày lắm đấy! Massao không trả lời. Thôi kệ thây chúng. Tên thám tử nghĩ. Giao nộp thằng nhóc này là xong việc. Gã nghĩ tới tờ séc bự sắp được sờ mó, vuốt ve, rồi nhếc mép cười. Không, gã sẽ không nhận séc, mà phải là tiền mặt! Như vậy đỡ phải đóng thuế, rách việc! Cũng có thể hắn không đi Florida, mà sẽ bay nhảy sang các đảo ở Nam Hải. Các cô gái ở đó vừa đẹp lại vừa dễ kiếm. Tiền! Đó là chìa khóa dẫn tới tất cả. Tiền biến một kẻ tầm thường thành một bậc minh vương. Trong cuộc đời, Sam Collins đã từng kiếm được khá nhiều tiền, nhưng đây là cú làm ăn lớn hơn cả mà hắn đã bao lần mơ ước. Ôi, Chiếc cầu hạnh phúc dẫn tới túi tiền vàng khổng lồ! Gã lại liếc mắt theo dõi Massao và tự hỏi không biết thằng oắt này đang nghĩ cái quái gì trong đầu. Massao đang nghĩ kế thoát thân. Anh hiểu rằng không thể thuyết phục được tên thám tử giúp mình. Phải tìm một kế khác. Nhưng tên thám tử đã cảnh cáo: nếu bỏ chạy gã sẽ bắn bỏ ngay lập tức. Massao đã nghĩ tới nước bật cánh cửa xe nhảy ra ngoài, nhưng tên thám tử lái xe chỉ bằng một tay, còn tay kia luôn lăm lăm khẩu súng lục. Gã có thể bắn vỡ đâu Massao ngay khi anh chỉ mới lao qua cửa được một nữa người. Massao quan sát bên ngoài qua tấm kính chắn gió đầy bụi. Một tấm biển chỉ đường có mũi tên ghi rõ: GeorgeWashingtonBridge. Anh biết nếu vượt qua chiếc cầu này rồi thì chẳng còn cơ hội nào nữa. Sau đó sẽ là xa lộ chạy thẳng một mạch đến New York. Từ xa, Massao đã nhìn thấy chiếc vòm khổng lồ của cây cầu dẫn qua sông Hudson hùng vĩ. Massao chỉ còn ba phút để quyết định một kế họach thoát thân. Anh liếc sang nhìn tên thám tử ngồi bên và tự hỏi không biết có thể quật nổi gã không. Nhưng từ trong tiềm thức, anh đã biết rằng không thể được. Không có súng anh không thể thắng được người đàn ông lực lưỡng đang ngồi bên cạnh. Lúc này xe vừa chạy đến chỗ có đèn hiệu. Đèn xanh vừa tắt, thay vào đó là đèn vàng báo hiệu dừng xe. Collins đã đặt chân vào bàn đạp ga định vượt qua ngã tư trước khi có đèn đỏ, nhưng gã kịp phát hiện bên cạnh xe gã là một xe cảnh sát vừa trườn tới. Gã đành phanh xe dừng lại trước đèn hiệu. Cầu trời đừng có xảy ra trò gì lúc này, - Sam Collins nghĩ. Nhất là lúc này, khi ta sắp trở nên giàu có. Cả Massao cũng đã nhìn thấy chiếc xe cảnh sát có hai người ngồi trong. Nó đỗ ngay cạnh xe Sam Collins để chờ đèn xanh. Trong một giây tuyệt vọng, anh định kêu cứu để tìm lối thoát. Nhưng anh sực nhớ ra rằng chính cảnh sát cũng đang truy lùng mình. Cảnh sát cũng lại là kẻ thù. Anh phải tìm ngay một cách khác. Trong từng khoảnh khắc, đèn hiệu có thể bật xanh. Rồi bỗng nhiên Massao nảy ra một kế. Anh nhìn tên thám tử rồi nói : - Thưa ông, bây giờ tôi lại muốn được uống một chút, tôi có thể uống được rượu. Xin ông cho phép. - Được chứ! Tao đã bảo rồi mà! Rượu sẽ làm mày sảng khoái ra đấy, cứ uống đi! Massao mở ngạn kéo đựng ngăn tay lôi chai rượu ra và mở nút. Anh cầm chai rượu trong tay, mắt nhìn đăm đăm vào đèn hiệu. Đèn bật vàng, rồi bật màu xanh. Massao căng thẳng cực độ. Tên thám tử nhận ga. Bây giờ mọi việc đã diễn ra như dự định. Vào lúc chiếc xe chuyển bánh, Massao dốc ngược chai rượu lên đầu Sam Collins và đổ tùng tóe rượu khắp từ đầu gã xuống người. Tên thám tử hoảng hồn, trợn ngược mắt nhìn Massao : - Thằng ranh con, mày làm cái trò ma quỷ gì thế hả? Gã rướn người lên định giằng chai rượu từ tay Massao, trong một giây, gã buông tay khỏi vô lăng. Massao lợi dụng chính khoảnh khắc này. Anh buông rơi chai rượu, vồ lấy tay lái đánh chiếc xe chạy bật về bên trái làm nó đâm đánh rầm vào đít chiếc xe cảnh sát. Hai nhà chức trách nhìn ngay sang Sam Collins. Tài xế lái chiếc xe chửi rủa rồi quát lên : - Cho xe đỗ vào lề đường! Sam Collins run lên vì tức giận. Trước hết, gã sẽ phải thu xếp cho êm nhẹ cái chuyện khỉ khốn nạn này, rồi gã sẽ trừng phạt thằng ranh con thật xứng đáng. Nó đáng được một bài học lắm. Gã lái xe đỗ vào lề đường và nhìn thấy hai viên cảnh sát mặt hầm hầm tức giận nhảy ra khỏi xe tiến đến bên gã. - Mời anh xuống xe! Một người ra lệnh. Sam Collins xuống xe với vẻ mặt nhẫn nhục biết lỗi. Gã nói : - Tiếc quá! Thưa ông sĩ quan! Tôi bị trượt tay lái một chút xíu. Xin sẵn sàng đền bù các ông về các thiệt hại... Mùi rượu Whisky tỏa ra nồng nặc từ người Sam Collins làm viên cảnh sát cay cả mắt. Anh ta quay lại nói với viên cảnh sát thứ hai : - Có lẽ chúng ta đã tóm được một con sâu rượu đấy! Sam Collins vội phản đối : - Các ông nhầm rồi, tôi không hề uống rượu. Thằng nhóc kia nói đùa tôi, nó đổ rượu từ đầu tôi xuống ướt hết cả người tôi đây này! - Thằng nhóc nào? Sam Collins quay người lại chỉ vào trong xe. Nhưng Massao đã biến mất! Thời gian là bạn anh, nếu cuộc sống bình lặng và yên ổn. Nhưng nếu có một chút gay cấn thì thời gian sẽ là kẻ thù của anh. Thời gian đã trở thành kẻ thù của Massao. Anh đã đánh giá thấp lão chú. Anh đã tưởng rằng lão chú sẽ để mặc anh chạy trốn, rồi bỏ cuộc săn đuổi. Nhưng bây giờ anh đã hiểu rõ hơn. Teruo sẽ không nương tay cho đến khi Massao phải chết. Teruo đang ngự ở một nơi nào đó, trong văn phòng của hắn, trong một xí nghiệp của hắn, hay trong biệt thự trên núi và lạnh lùng vạch ra những chiến lược giết người. Nếu họ đang chơi cờ thì Teruo đã thường xuyên đánh bại Massao. Nhưng lần này là một vấn đề nghiêm trọng khác: lần này là cuộc sống của Massao. Vào chính khoảnh khắc chiếc Chevrolet màu xanh lá cây đâm vào xe cảnh sát, Massao đã chui ra khỏi xe và bỏ chạy theo hướng ngược lại. Anh chạy như ma đuổi, không biết chạy đi đâu, chỉ biết rằng càng tránh xa được lão chú và tay chân của hắn càng tốt. Anh ghìm dần bước chạy để tránh sự chú ý của mọi người. Theo bản năng, anh đi về hướng Downtown - Manhattan, nơi có biển người đông hơn để dễ lẩn trốn hơn. Nhưng anh không có chủ đích để đi tới. Anh cũng không thể quay trở lại Greenwich Village. Anh cũng không thể quay trở lại khách sạn. Không có chỗ nào cho anh trú ngụ. Nếu Teruo biết được Massao đã chạy chốn thì khắc các ngả đường sẽ dày đặc người của hắn được tung ra để tìm anh. Teruo nắm trong tay toàn bộ tài sản của gia đình Matsumoto và hắn sẽ sử dụng đến từng xu một để gạt bỏ bằng được trở ngại cuối cùng đối với hắn. Massao đơn thương độc mã chống lại cảnh sát, chống lại phòng an ninh của doanh nghiệp Matsumoto và chống lại vô vàn những tên thám tử tư. Chưa bao giờ anh cảm thấy cô đơn như lúc này. Không. Anh không hoàn toàn bị bỏ rơi. Còn đó Kunio Hidaka ở Los Angeles. Massao nhớ lại những giờ phút đẹp đẽ họ đã sống bên nhau. Cha anh tin cậy ông. Nhưng làm thế nào để tới được chỗ ông ấy bây giờ? Anh không thể giải thích được tình cảnh của mình lúc này qua điện thoại. Không. Anh phải nói chuyện trực tiếp với Kunio Hidaka. - Này, nhắm mắt đi đâu thế hả? - Một giọng nói vang lên. Massao nhìn lên và thấy mình va phải một người gác cổng khách sạn mặc đồng phục màu xám. - Ôi! xin lỗi ngài! Massao nói. Người gác cổng đang vẫy taxi cho một người khách của khách sạn. Massao nhìn quanh và thấy mình đang đứng ngay trước cửa khách sạn Hilton. Anh nheo mắt nhìn ngắm cho rõ hơn, nhưng anh không quan sát khách sạn, mà chú ý tới những điều đang diễn ra trước khách sạn. Chiếc xe buýt Greyhound to lớn đang đỗ chờ khách, với tấm biển đề Los Angeles. Khách đang lục tục lên xe. Điều đặc biệt đập vào mắt Massao là họ đều là người Nhật. Hóa ra đây là một du lịch Nhật Bản đang trên đường đến Los Angeles! Thật là một dịp may hiếm có! Massao biết rõ anh phải chớp lấy thời cơ này. Anh đứng lại theo dõi tình hình. Người lái xe buýt đứng bên cánh cửa để mở và nhìn vào danh sách kiểm tra tên từng người khách đang lên xe. Massao phải tìm được cách lên được chiếc xe này. Nhưng bằng cách nào? Rõ ràng đây là một hội riêng, mà anh lại không có tên trong danh sách. Massao suy nghĩ mấy giây, nhìn quanh một lát rồi đi vào thẳng hành lang của khách sạn. Hành lang rộng mênh mông và nhiều người: khách du lịch đi và đến, khách vãng lai, khách ngồi trên các ghế bành đợi cái gì đấy. Giữa hành lang là một đống to xù các loại va ly của hội du lịch, có ghi tên từng người trên xách quai. Bốn chiếc xe đẩy nhỏ đang chuẩn bị chở đống va ly ra xe đưa vào khoang hành lý. Cuối cùng còn lại khoảng hơn một chục chiếc. Đầu óc Massao nóng bỏng vì suy tính. Anh tiến đến đống va ly cúi nhìn và đọc một tấm phiếu trên đó ghi tên người chữ: Yoshio Tanaka. Massao đứng thẳng dạy rồi đi xuyên qua hành lang tiến thẳng đến cabin điện thoại. Anh nhấc ống nghe trong cabin cuối. Một giọng dội lên trong ống nghe : - Tôi có thể giúp gì được ngài? - Các vị có thể giúp tôi gọi ngài Yoshio Tanaka được không? - Xin ngài chờ một chút! Mấy giây sau, một giọng lanh lảnh truyền qua loa : - Xin mời ngài Tanaka đến nói chuyện tại phòng điện thoại. Massao đứng lại trong cabin quan sát thấy một người đàn ông béo lùn đang hớt hải chạy đến cabin điện thoại cách chỗ anh không xa. - A lô! Massao quay lưng lại, hạ giọng nói vào máy : - Ngài Tanaka phải không ạ? - Vâng! vâng! Tanaka vội nói : - Có phải ngài Tanaka đấy không ạ? - Vâng, tôi đây. Ai đang nói chuyện đấy? - Đây là đường dây xuyên biển. Có một cuộc nói chuyện đường xa từ Nhật Bản cho ngài. Xin chờ một chút để chuẩn bị. Ngài hãy treo máy kên và chờ một lát! - Nhưng xe buýt của tôi sắp khởi hành...! - Điện sẽ gọi đến ngay! - Từ văn phòng của tôi à? - Tanaka hỏi. - Vâng! Thưa ngài! - Vâng! Tôi chờ! - Xin cảm ơn. Massao treo máy lên. Anh đi qua chỗ Tanaka và vội vã ra ngoài. Những chiếc va ly cuối cùng đang được chuyển lên xe. Những người khách cuối cùng đang lên xe và người lái xe đang xem lại lần cuối bản danh sách. Tất cả diễn ra theo ý muốn. Người của Teruo săn lùng Massao ở tất cả các bến xe công cộng. Nhưng sẽ không ai nghĩ ra tìm anh ở một chiếc xe riêng của hội du lịch. Massao đứng lại trước cửa xe. Người lái xe nhìn anh : - Tên ngài là gì ạ? - Tôi là Yoshio... Vào đúng lúc này, Massao liếc thấy bóng dáng béo lùn vội vã của Tanaka. Anh hốt hoảng nhìn ông ta đang chạy đến. Tanaka đẩy Massao sang bên và nói với người lái xe : - Yoshio Tanaka! Người lái xe gạch lên trên tờ giấy. Massao đứng ngay trên vỉa hè nhìn người đàn ông nhật béo lùn trèo lên xe. Người lái xe lên sau tay lái và một phút sau, chiếc xe buýt lao đi mất hút. Massao thất vọng đứng lại một mình. Anh đã gần đạt được mục tiêu, vậy mà tất cả bỗng nhiên đổ nhào. Ôi giá mà anh có một người ngần gũi để kể hết mọi chuyện. Anh mong ước được đến thăm lại Sanae. Anh nhớ đến ngương mặt dịu hiền, xinh đẹp của cô, nhớ lại lúc cô nói dối tên thám tử để bảo vệ anh. Một nỗi buồn sâu thẳm tràn ngập lòng anh. Một viên cảnh sát đang tiến lại gần khách sạn. Hình như anh ta chăm chú nhìn Massao hay là Massao tưởng tượng ra vậy? Không thể mạo hiểm lúc này được. Anh đủng đỉnh quay mình và chậm rãi hòa mình vào dòng người đi vào hành làng khách sạn. Anh đi qua hành lang rồi chuồn khỏi khách sạn bằng cổng sau. Anh cần một chỗ ẩn, nhưng chẳng ở đâu an toàn. Trong một hiệu ăn Pháp ở Hinet six Avenue, Massao nhấm nháp bữa ăn trưa muộn. Anh ghét các hiệu ăn Đức nên tìm đến nơi này. Anh biết lão chú đang âm mưu gì vào lúc này. Lão chú anh hiểu thấu tất cả những thói quen của anh và sẽ tung người đi sục sạo ở tất cả những nơi anh có thể đến. Từ lúc này trở đi, Massao chỉ có thể đến những nơi không ngờ tới. Anh phải tránh không để lại dấu vết để lão chú có thể lần theo. Anh ngồi bên chiếc bàn kê trong góc phòng ăn món giăm bông rám mà mình không thích, óc mãi suy tính những bước tiếp theo. Làm thế nào để trốn thoát khỏi cái thành phố đã bị bao vây kín như bưng này? Tình cờ qua cửa sổ, Massao nhìn thấy một chiếc xe tải lớn lăn bánh tới. Một luồng suy nghĩ nóng bỏng chạy suốt thân thể Massao: còn một cơ hội nữa. Một giờ sau, Massao đứng dưới bóng chiếc xe tải lớn đỗ bên ụ xe và quan sát hoạt động sôi nổi đang diễn ra xung quanh. Trên sân có ít nhất năm mươi chiếc xe tải lớn phục vụ vận chuyển hàng! Không biết bao nhiêu là hàng hóa chất đầy trên sân, các xe vận chuyển đồ gỗ, thực phẩm, đồ hóa chất và dụng cụ y tế. Các xe chất đầy nào là sách vở, nào là máy truyền hình, gỗ xây dựng, quần áo. Các xe tải này là mạch máu của nước Mỹ. Chúng chở hàng hóa đến mọi ngóc ngách của đất nước, đến các thành phố lớn, các làng mạc xa xôi, các trang trại và bến cảng. Massao vẫn chăm chú quan sát công nhân làm việc. Các khâu luôn luôn diễn ra giống nhau. Khi xe đã chất đầy hàng, người ta đậy cửa sau rồi khóa lại. Lái xe ngồi vào sau tay lái, phụ xe ngồi ghế bên cạnh và xe nổ máy rời sân hàng. Thật là một cảnh tượng thú vị. Sau khi đã nắm vững tình hình và biết cần phải làm gì, Massao rời sân. Anh đến bên một công nhân đang chất hàng lên xe và hỏi : - Xin lỗi ông, chiếc xe này đi đâu thế? - Connecticut. - Không phải hướng ấy. - Xin cảm ơn ông! Massao đến bên một chiếc xe khác : - Thưa ông, xe này đi đâu thế? - Boston. Gần quá. Anh cứ hỏi hết lái xe này đến lái xe khác và nhận được câu trả lời. Xe thì chạy đến Maine hay Philadenphia xe thì đến Washington hay Delaware. Chẳng ăn thua gì, Massao đã định bỏ cuộc khi anh lần đến một chiếc xe khổng lồ chở đầy đồ gỗ và dụng cụ gia đình. Lòng đầy thấp thỏm. Massao hỏi : - Thưa ông, xe này đi đâu thế ạ? Chẳng thèm nhìn anh, người lái xe gầm lên : - Los Angeles! Massao thấy nghẹt thở như có một dòng Adrenalin cộm trong mạch máu - Los Angeles! Nhất định anh phải tìm mọi cách lên được chiếc xe này. Anh lùi lại một bước và quan sát các công nhân đang cẩn trọng xếp các loại đồ gỗ lên sàn xe. Chiếc xe tải sắp đầy ứ hàng. Khi đã xếp đầy thì trên xe chắc chẳng còn hở lấy một xăng ti mét nào. Massao có len được vào đấy thì chắc cũng đến chết bẹp mất. Bố khỉ! nhưng đó không phải là mối lo chính của anh. Cái cơ bản làm anh lo lắng là chuyến xe chạy xuyên nước Mỹ này sẽ kéo dài sáu hay bảy ngày, và suốt thời gian đó anh sẽ bị giam trong xe không có đồ ăn thức uống. Không sao! Massao nghĩ. Chẳng gì cản trở được anh nếu anh sẽ đến được Los Angeles, nơi anh sẽ lần tìm ra Kunio Hidaka và nhờ ông giúp đỡ. Một nhóm bốn người đàn ông đang đẩy các xe lăn chở đầy đồ gỗ, họ chuyển hàng lên sàn xe. Massao biết rõ cần bắt đúng thời cơ. Nếu chui lên xe sớm quá anh có thể bị phát hiện. Còn nếu chậm chân một chút, anh có thể bị bỏ lại ngoài xe. Massao thấy một nhóm lái xe đường xa đi từ căng tin ra đang đi sang phía bên kia sân chứa hàng. Nghĩ tới ăn, anh ứa nước miếng. Trong giây phút này thì anh sẵn sàng ăn đến cả cái món giăm bông Đức rán chết tiệt cũng được. Anh lại nhìn sang căng tin. Chỉ mất vài phút là có thể sang đấy mua một vài chiếc bánh xăng uych và mấy hộp Cola. Anh sẽ có ít đồ ăn, thức uống để đi xa mà không lo bị đói. Massao không thể cưỡng lại nổi ý định đó. Anh nhanh chóng bước sang phía căng tin. Trong căng tin đầy tiếng ồn và khói thuốc lá. Các lái xe đường xa ngồi đầy quanh các bàn và quầy rượu. Massao lối vào quầy. Anh phát điên lên vì phải xếp hàng chờ. Có độc mỗi một cô bán hàng phục vụ mười lăm khách. Cô ta đang tán phét và làm duyên với họ, trong khi Massao cố sức gọi để cô lưu ý đến mình. Cô ta đem cà-phê cho một người khách rồi cuối cùng đến chỗ Massao - Anh mua gì? Massao chưa hề nghĩ tới sẽ mua gì. Anh nhìn lên quầy chất đầy thức ăn và nói : - Tôi mua một chiếc xăng uých với thịt băm viên. - Được! Cô ta viết lên một cuốn sổ và quay người định bỏ đi. - Và một chiếc xăng- uých với pho mát. - Được! - Và một chiếc xăng uých với pho mát. - Được! - Và một chiếc xăng uých với thịt gà. Lần này thì cô ta ngạc nhiên nhìn anh : - Đã hết chưa? - Chưa đâu! Thưa cô! Anh tính toán đến nóng bừng cả đầu là sáu hoặc bảy ngày trên đường, mỗi ngày ăn có hai bữa. Anh lại nhìn lên quầy thức ăn : - Một xăng-uých với trứng, một xăng uých với thịt bò tái, thịt bỏ rán, một bánh mì nhỏ với thịt muối, một xăng uých có giăm bông, một miếng pho mát, một xăng uých với salami, một chiếc với thịt bò lát và cà chua! Cô bán hàng há hốc mồm. Cuối cùng cô cất được tiếng hỏi : - Còn đồ uống nữa chứ? - Vâng, một tá Cola! Cô ta mỉm cười : - Anh có khẩu vị khá đấy! Massao nhìn theo cô ta đi vào bếp và gọi thức ăn. ít nhất anh cũng không để bị đói trên đường đi. Anh muốn ăn một chút gì đó ngay bây giờ và uống một tách cà phê. Nhưng anh lại không muốn để mất thời gian. May sao thì họ khẩn trương làm đồ ăn cho anh. Anh nhấp nhỏm bên ghế lắng nghe mấy người lái xe chuyện trò. - Đi đâu đấy, Charly? - Đến Tulsa. Chở hàng cho tháp khoan. - Tớ vừa ở đến đấy! Thời tiết xấu lắm! - Anh đã nhận xe mới chưa Tony? - Năm sau cơ. Bà xã phải đi mổ! - Thật xúi quẩy cho anh. - Thời buổi này thì anh mà mong ốm cơ chứ! Massao thấy cô bán hàng đang nhận đồ ăn và đang tính tiền. “Mau lên”! Anh thầm giục. “Mau lên nào”! Dường như đọc được ý nghĩ của Massao cô bán hàng bảo : - Bánh của anh sắp xong rồi! - Cám ơn cô! Đúng lúc đó, Massao nghe thấy một giọng bên quầy trả tiền : - Chắc chúng nó chất hàng lên xe xong rồi đấy, đến Los Angeles thôi! Tim Massao như ngừng đập. Anh đi vòng lại nhìn mặt người lái xe tải anh định đi, và cả người phụ xe nữa. Họ đang trả tiền. Người phụ lái nói : - Đi thôi! Tao đã cho ký xong mọi hóa đơn rồi! Massao thất thần nhìn lại sang phía quầy ăn. Anh thấy người ta đang gói bánh cho anh, nhưng không còn thì giờ nữa. Hai người lái xe đã ra đến cửa. Massao nhảy dựng lên rồi chạy theo họ. Cô bán hàng reo lên : - Ê này! Bánh của anh này! Nhưng Massao đã vọt ra ngoài. Chiếc xe tải khổng lồ còn đỗ ở đó, và món đồ gỗ cuối cùng được chất lên. Cửa sau xe có thể bị nâng lên và khóa lại bất cứ phút nào. Đây chính là khoảng khắc phải chui lên xe. Nhưng công nhân đang đứng ngay bên cửa xe nói chuyện với lái xe. Massao không thể nào lần tới bên cạnh họ được. Anh nghĩ đến bao nhiêu điều không may đã xảy ra, bao nhiêu lần anh đã suýt ra khỏi được New York. Và cả lần này nữa, chẳng lẽ lại sôi hỏng bỏng không. Đang bị giày vò bởi nhưng ý nghĩ buồn thảm, một tiếng đổ vỡ chợt bùng lên bên một chiếc xe đỗ ngay bên cạnh. Mọi người quay lại nhìn. Một chiếc chậu nến Phalê lớn rơi từ sàn cao xuống nền đất vỡ vụn thành hàng ngàn mảnh. Người công nhân vụng về làm đổ chiếc chân nến bắt đầu chử vung lên, các lái xe và công nhân khác xúm quanh anh ta để trêu chọc, cười nhạo. Tim Massao nhảy thót lên khi anh thấy cả anh chàng lái chiếc xe anh định đi lén cũng đi theo nhóm người không có người cảnh giới. Nhìn quanh quất không thấy ai để ý, anh nhảy tót lên sàn xe lao vào bên trong, trườn qua những chiếc bàn, ghế chui xuống dưới những chiếc đèn cây và ghế xô pha. Chiếc xe tải dài hơn là Massao dự đoán. Mà đến khi bò vào tận trong cùng xe ẩn mình dưới một chiếc ghế xô pha. anh mới cảm thấy an toàn. Sẽ chẳng ai phát hiện ra anh ở đây. Anh cay đắng nghĩ đến những chiếc xăng uých và những hộp Cola đang chờ anh trong căng tin phía bên kia sân. Nhưng bây giờ thì anh đã quá muộn rồi. Anh sẽ sống. Anh là Matsumoto. Vài phút sau, Massao nghe thấy một tiếng động lớn. Cửa sau xe được đóng lại, anh bị giam trong thùng xe tối đen kín mít. Anh nghe thấy tiếng động cơ nổ ầm ầm và chiếc xe lớn rùng mình lao lên đường. Anh đã lên đường đến Los Angeles, đến California. Chương 09 Massao đang ở trong một khách sạn sang trọng ở Tokyo, anh ngồi bên một chiếc bàn trải khăn trắng muốt với những đôi đũa bằng vàng. Tiệm ăn rộng mêng mông, nhưng chỉ có mình anh là vị khách duy nhất. Không gian tĩnh mịch, thanh bình, chỉ có tiếng gió lào xào đùa trước cửa. Một người đầu bếp tiến tới bàn, tay bưng một chiếc khay trên đặt một con cá. Người đầu bếp nói : - Thưa ngài, món này được chế biến dành riêng cho ngài đấy ạ! Con cá trông hấp dẫn quá, và anh thấy đói bụng. Anh cầm đũa gắp lên một miếng cá đưa vào miệng. Chính trong khoảng khắc ấy, anh nhận ra đó là một con cá Fuzu độc. Anh nhìn lên và phát hiện ra gã đầu bếp chính là lão Teruo. Người chú nhếch mép cười gằn. Anh đứng vụt dạy chạy ra khỏi tiệm ăn đến một vườn hoa lớn trước ngôi đền Kodedera. Từ xa vẳng lên một tiếng chuông, Massao bảo đó là báo hiệu giờ ăn. Chúng ta có thể đi vào làng và ăn một chút gì đó. - Không! Không được! - Cha Massao cảnh cáo! - Trong làng nguy hiểm lắm. Thà con ở lại đây và chịu đói còn hơn. - Nhưng cha ơi, con đói lắm, khát lắm! Mẹ Massao giơ hai tay như đón anh : - Con hãy uống đi! Đó là một tảng tuyết. Massao nhìn quanh và nhận thấy họ đang ở trên dãy núi Alpes ở Nhật Bản; Mặt đất đầy tuyết phủ, Massao run lên vì lạnh. Massao tỉnh dạy trong thùng xe tải lạnh cóng, răng anh va vào nhau cầm cập, anh nhớ lại giấc mơ vừa qua. Anh đói và khát quá! Nhưng ít nhất mình cũng đang ở nơi an toàn. Massao nghĩ. Anh chẳng quan tâm đến rét và đói lúc này. Anh có thể chịu đựng được. Anh sẽ chịu đựng tất cả để trừ khử Teruo. Không có gì để chống lại cái đói và cơn khát, nhưng chống rét thì có. Massao lần mò trong bóng tối và tìm thấy một cái chăn to trải trên một chiếc bàn. Anh lôi cái chăn xuống và cuộn tròn quanh người. Anh tự hỏi không biết anh đã ngủ bao lâu và hiện giờ đang ở nơi nào trên nước Mỹ. Anh không biết lúc này là ban ngày hay ban đêm. Anh cố nhớ lại những gì đã đọc về địa lý nước Mỹ. Phía tay New York là Pensylvania, rồi đến Ohio, Indiana và Illinois, Illinois - đó là một phần ba quãng đường đến miền Duyên Hải phía tây Hợp Chủng Quốc. Nhưng lúc này mà anh đã đói và rét thế này, thì làm sao anh chống đỡ nổi trong chặng đường còn lại? Anh phải cố hết sức, vì cửa sau xe sẽ không mở cho đến khi đến đích cách xa nơi xuất phát ba nghìn dặm. Cho đến lúc ấy, anh hoàn toàn bị nhốt ở đây và không ai có thể tìm ra anh. Sự va đập, lúc lắc đều đều của chiếc xe khổng lồ lại ru Massao vào giấc ngủ. Anh cuộn mình trong chăn và lại nằm mơ. Anh mơ thấy mình ở căn nhà mùa hạ của gia đình tại Karuizawa và đi tìm cha mẹ... Rồi anh lại ở Kankakui tại Tokyo, rồi anh nằm trên một chiếc thuyền câu cá trước đảo Yoron, trên thuyền đầy ắp cá rô, cá xacdin, cá ngừ, cua.... Anh mơ thấy Sanae. Cô đứng bên bờ biển gọi anh : - Kể thù của anh đang ở đây, anh đừng tới, nó sẽ giết anh đấy. Rồi cô bị xô bật sang một bên và anh sáng chói lọi của một chiếc đèn pha chiếu thẳng vào mặt Massao. Một giọng đàn ông gầm lên : - Đứng dậy! Chúng tao biết mày ở đây rồi! Massao cố chui vào sâu chiếc thuyền câu cá để ẩn mình, nhưng giọng người đàn ông gầm lên và ánh đèn làm anh chói mắt. Massao mở mắt ra và hiểu rằng đây không phải là một giấc mơ. Một người đàn ông đứng trên sàn chiếc xe tải tay cầm đèn pin chiếu vào mặt Massao : - Đứng dậy! Ra khỏi xe! Massao nhắm mắt lại vì chói và ngồi dậy. Cửa sau xe đã mở và xe đã đỗ lại. Tất nhiên là lúc này chưa thể đến California được. Đã xảy ra chuyện gì chăng? Sao họ biết được anh ở đây? Anh đã trốn rất kỹ cơ mà. Có thể ai đó đã theo dõi thấy anh trốn lên xe và đã báo cảnh sát hoặc báo cho lão chú Massao biết, lần này thì cuộc trốn chạy đã chấm dứt.... Anh từ từ đứng dậy và lần ra cửa xe. Toàn thân anh đau nhừ, căng nhức. Anh nhận ra người đứng ở ngoài xe, đó là người lái chiếc xe tải. Massao nhảy từ trên sàn xe xuống và nhìn quanh. Họ đang đứng trên một sàn cân lớn bên lề đường quốc lộ. Cạnh trạm cân là một chiếc xe cảnh sát. Massao hỏi : - Sao ông biết tôi trên xe? - Toán học! Chàng trai ạ! Trước khi khởi hành, xe đã được cân ở sân hàng. Trên đường đi, chúng tớ luôn luôn phải dừng lại ở các trạm cân của Nhà nước đặt bên đường quốc lộ để kiểm tra xem xe có chở quá tải không. Anh ta chỉ ra chiếc sàn cân khổng lò có chiếc xe tải đỗ trên. - Xe hiện quá tải 150 pound so với lúc xuất phát. Ôi, thật là quá ngớ ngẩn làm sao. Massao nhắm nghiền mắt lại. Anh cảm thấy gần như sắp ngất lịm: Anh quá đói và khát bỏng họng. Anh nhìn chiếc xe cảnh sát đỗ bên đường : - Ông sẽ làm gì với tôi bây giờ? Massao thấy mình lảo đảo không đứng vững. Người lái xe nhìn anh vẻ dò xét : - Ê này cậu không sao đấy chứ? - Vâng thưa ông! - Anh ăn bữa cuối cùng vào lúc nào? Massao thành thật : - Tôi... tôi không biết. - Thôi được! Chúng tớ sẽ cho anh ăn cái gì đã. Rồi sau đó sẽ xét xem phải làm gì với anh. Vậy là anh đã bị nhốt trong xe hai ngày rồi đấy! Anh ta chìa tay cho Massao : - Tớ là Al! Massao nắm tay người lái xe lắc mạnh : - Tôi là Massao. Người lái xe chỉ anh phụ lái : - Đây là Peter! - Xin chào ông! Al nói : - Thôi nào! cậu đi rửa ráy đi! Họ cùng đi tới một tiệm cà phê lớn cạnh trạm cân. Massao kinh ngạc khi thấy mình suy yếu quá mức. Anh vấp một cái suýt ngã.. Al nắm lấy tay anh dìu đi. Lúc này muốn tẩu thoát thì Massao cũng chẳng hơi sức đâu mà chạy. Al nói : - Anh biết là luật pháp cấm chuyện này đấy chứ! - Vâng, thưa ông! Massao tự hỏi người lái xe sẽ nghĩ sao nếu anh ta biết Massao đang bị truy nã vì một vụ giết người và một phần thưởng lớn sẽ trao cho ai bắt được anh. Anh nghĩ tới chiếc xe cảnh sát đõ bên kia đường và rùng mình ớn lạnh! - Anh rét à? - Không ạ! Ánh mặt trời rực rỡ tỏa ấm trên da. Làm sao anh ta biết được nỗi khủng khiếp bị nhốt kín trong thùng xe tối om, thật chẳng khác nào một con thú hoang. Tiệm cà phê đầy ấp cánh lái xe đường dài. Họ ăn uống nhồm nhoàm, tán gẫu đủ các thứ chuyện dọc đường. Al dẫn Massao vào phòng rửa mặt. Nhìn vào gương, anh khó mà nhận ra mình. Người anh đầy bụi, mặt lem luốc như mặt quỷ. Sau khi Massao đã rửa ráy sạch sẽ, Al dẫn anh ra bàn ăn. Mùi thức ăn thơm phức làm anh lảo đảo muốn ngã. Họ ngồi vào bàn gọi thức ăn. Al và Peter ngạc nhiên nhìn Massao ăn ngấu nghiến. Đầu tiên là một thìa súp gà lớn, rồi một chiếc bánh xăng uých, rồi lại một đĩa khoai tây rán. Anh kết thúc bữa ăn bằng một đĩa mứt táo với kem và một bình cà phê. - Trời đất! Al kêu lên kinh ngạc. - Thế mà tớ cứ tưởng cánh lái xe mới là những tay nhậu thật sự đấy. Massao nói : - Tôi có đủ tiền để trả bữa ăn này! Al nhếc mép : - Quên đi anh chàng! Một người chén được một lúc như cậu thế này đáng được thưởng một bữa không mất tiền đấy! Người lái xe châm một điếu thuốc và nhìn Massao dò xét. Một sự căng thẳng dần đần dâng lên trong lòng Massao. Anh biết việc gì sẽ đến. Al hỏi bình thản : - Vì sao cậu phải trốn chạy, cậu bé? Massao nhìn quanh trong tiệm ăm, xung quanh anh đầy những tay lái xe mạnh mẽ, to khoẻ, và trong một giây phút, anh có ý nghĩ điên rồ định kể hết cho Al nghe mọi chuyện về lão Teruo và những âm mưu đê tiện của hắn. Chắc rồi Al sẽ thông báo cho các đồng nghiệp biết và họ sẽ đứng về phía anh để trừ khử lão chú. Đánh lẽ như vậy thì anh lại bảo : - Tôi... tôi trốn khỏi trường học. Tôi muốn đi thăm một người bạn ở Los Angesles. Hai người đàn ông quan sát anh và suy nghĩ xem nên xử sự với anh như thế nào. Massao bồn chồn đến mức không dám thở mạnh. Nếu họ đem nộp anh cho cảnh sát thì tất cả đi đời nhà ma. Anh sẽ lại rơi vào tay lão chú. Bỗng nhiên Al bật cười và bảo : - Tớ chẳng khiển trách anh đâu, anh bé ạ. Hồi bằng tuổi anh, tớ cũng đã từng trốn học. Quỷ tha ma bắt! Làm thằng lái xe thế này mà tớ còn kiếm được hơn khối các tiến sĩ cơ đấy! Massao như trút được gánh nặng : - Vậy thì các ông cho tôi đi nhờ đến Caliornia với chứ? - Sao lại không? Massao vui sướng như cá gặp nước : - Cảm ơn, cảm ơn các ông! Bây giờ chúng ta đang ở đâu đấy ạ? - Ở Hosier Country, Indiana. Ba ngày nữa ta sẽ đến Los Angeles. Đi thôi, đến giờ lên đường rồi. * * * * * Cùng chiều hôm đó, trung úy Matt Brannigan ngồi bên bàn làm việc của ông ở Wellington nghiên cứu hồ sơ một vụ trộm. Một thanh tra đi vào phỏng ông hỏi : - Anh có rỗi một chút không, Matt? Brannigan đứng dạy vươn vai. Ông đã phải trực từ tám giờ sáng đến giờ nên rất mệt mỏi. Ông muốn về nhà. - Để sáng mai không được hay sao, Jerry? Cathy sẽ đánh chết mình mất nếu mình lại về muộn bữa chiều. Viên thanh tra lưỡng lự : - Thôi được, sáng sớm mai tôi thông báo cho anh một tin mới. Anh ta định quay ra, Matt Brannigan vội gọi : - Khoan đã! Có chuyện gì thế? - Anh còn nhớ chiếc máy bay Silver Arrow Jet bị rơi ở vùng này cách đây hai tuần chứ? Trung úy Brannigan nhớ quá rõ vụ ấy. Cả bốn người trên máy bay đều bỏ mạng: Yone Matsumoto, vợ ông và hai viên phi công. - Nhớ chứ! Có chuyện gì vậy? - Hình như đó không phải là một tai nạn. Brannigan tròn mắt nhìn nhân viên thanh tra : - Anh nói gì vậy? - Chúng tớ vừa nhận được một thông báo sơ bộ của các nhà chức trách hàng không Liên bang. Thùng chứa nhiên liệu bị đổ đầy nước. Những người trên máy bay đã bị giết hại. Massao thấy ớn xương sống : - Đã xác minh chính xác chưa? - Không còn nghi ngời gì nữa! Có kẻ nào đó đã phá hoại. Nếu như thùng chứa nhiên liệu không bị lạnh thì phi công đã vượt qua được cơn giông rồi. Jerry tiếp tục giải thích cách chi tiết của bản báo cáo. Brannigan nhớ lại anh thanh niên Massao, dường như ông còn nghe thấy giọng anh ta: “Cha mẹ cháu đã bị giết trong một tai nạn máy bay. Cháu thừa kế doanh nghiệp của cha mẹ. Chú cháu đang tìm cách loại bỏ cháu, vì vậy chú ấy sẽ giết cháu”. Lúc ấy, Brannigan đã tin rằng đó chỉ là một câu chuyện cổ tích. Thiếu gì những anh chàng chán cửa chán nhà đi loăng quăng rồi hoang tưởng. Ông đã gọi điện cho người chú của anh thanh niên và đã chứng kiến cảnh hắn ta cùng gã tài xế lôi anh đi. Anh thanh niên đã làm cho Brannigan chạnh lòng. Anh ta quả thật là một người thanh lịch, đáng yêu. Ông nhớ lại sự ngạc nhiên của mình khi nghe Teruo gọi điện mấy hôm sau đó : - Thằng cháu tôi đã giết tên tài xế của chúng tôi. Cảnh sát phải tìm ra nó trước khi nó có thể phạm tội giết người lần nữa. Có một điều gì đó không thật. Trung úy Brannigan vẫn thường cho mình là tinh tường khi nhìn nhận con người. Vậy mà sao ông lại có thể không tin anh thanh niên? Nhưng ông đã chấm dứt cuộc điều tra và đã tin vào câu truyện của Teruo Sato. Nhưng, bản thông báo vừa rồi đã làm thay đổi tất cả. Nếu một kẻ nào đó đã bố trí tai nạn máy bay thì hắn phải có động cơ hành động. Và không có động cơ nào lớn lơn là khoản tài sản khổng lồ của doanh nghiệp Matsumoto. Nếu Massao quả đã nói đúng sự thật thì sao nhỉ? Nếu thế thì Brannigan đã đẩy anh ta vào vòng nguy hiểm. Viên thanh tra vùi đầu bên bàn làm việc. Ông phân tích các mẩu sự kiện thành từng mục riêng rồi chắp nối chúng lại. Ông cần rất nhiều câu giải đáp và phải thật gấp rút. Ông nhìn Jerry : - Cậu kiểm tra ngay Công ty Matsumoto, tôi muốn biết ai là cổ đông chính của hãng khi Matsumoto còn sống và hiện nay là ai. Hãy liên hệ với trạng sư của hãng. Câu trả lời phải có trên bàn tôi vào sáng mai! * * * * * Trời về đêm. Vầng trăng tròn vành vạnh soi tỏ con đường quốc lộ như một dải lụa nâu uốn mình dưới nhứng vòng bánh xe của chiếc xe tải khổng lồ. Massao ngồi nhấp nhỏm với Al và Peter trong ca bin, anh đưa mắt quan sát những anh đèn chập chờn trong các trang trại nằm hai bên đường. - Chúng ta vẫn đang ở Indiana ư? - Massao hỏi - Ở Illinois! Peter nói và rút từ ngăn kéo đựng găng tay ra một tấm bản đồ. - Chúng ta đang ở đây! - Anh chỉ vào tấm bản đồ - Chúng ta sẽ đi qua Misssouri và Oklahoma, vòng qua góc này ở Texas, sau đó đến New Mexico rồi đến Arizona, Nevada và California. Khoảng hai ngàn dặm. Massao trố mắt nhìn Peter : - Thế mà chúng ta chỉ đi có ba ngày thôi ư? - Chúng ta cho xe chạy cả ngày lẫn đêm. Hai chúng tớ sẽ thay nhau lái, chàng trai ạ! Massao lại dõi mắt vào cảnh quan xung quanh : - Thật là một đất nước hùng vĩ, rộng hơn nước tôi nhiều. Nhưng Massao nghĩ: Tổ quốc của ta đẹp biết bao! Những đỉnh núi đầy tuyết phủ, những mặt hồ xanh ngắt, những con sông và những thác nước tuyệt vời. Anh nhớ những cánh hoa anh đào tươi thắm và những con người đáng yêu sống thanh bình dưới bóng cây xanh. Anh nhớ những ngày cùng bạn bè đùa nghịch, đuổi bắt nhau bên bờ biển Okinawa. Anh muốn về nhà, về nước Nhật Bản thân yêu. Vấn đề duy nhất là: anh về đến nhà còn sống hay đã chết. Anh nhớ đến Teruo. Teruo đang nghĩ đến Massao. Massao đã lại thoát khỏi tay hắn. Một cuộc đuổi bắt giữa mèo và chuột, một cuộc chiến đấu bằng mưu lược. Teruo biết vấn đề chỉ là thời gian. Cuối cùng thì hắn sẽ tóm được Massao, và hắn sẽ trừng phạt anh thật ghê gớm. Teruo nhờ đến tay Hobuo Hayashi, xếp trưởng phụ trách anh ninh của doanh nghiệp Matsumoto. Hắn ra lệnh : - Thằng nhóc choai không thể tan biến như bong bóng xà phòng được. Phải tìm được nó! Chính chúng ta phải tìm thấy nó. Tôi không muốn bọn cảnh sát ở đây thò mũi vào. Tôi đã sai lầm khi nhờ đến chúng. Đây chỉ là chuyện nội bộ gia đình thôi - Thưa ngài, tôi hiểu ạ! - Anh hãy làm tất cả mọi việc cần thiết. Thuê thêm nhiều người vào. Tăng gấp đôi tiền thưởng lên! Không được tiếc sức, tiếc tiền! Mang thằng oắt con về đây cho ta! Mặt Teruo tối sầm, mắt hắn tóe lên những tia lửa lạnh lẽo : - Thằng này rất nguy hiểm. Nó đã giết người. Nếu không bắt sống được nó thì anh mang cái xác nó về đây! * * * * * Trung úy Matt Brannigan thấp thỏm không sao ngủ được. Ba giờ sáng, ông len lén trở dạy khỏi giường. Ông không muốn làm vợ thức giấc, nhưng bà đã nghe thấy ông trở dậy, bà bật đèn hỏi : - Có chuyện gì thế Matt? Anh đau bụng à? - Vớ vẩn! Có lẽ anh đã đẩy một thanh niên vô tội vào chỗ chết. Ông lùa các ngón tay vào mái tóc hoa râm dày : - Cậu bé muốn kể chuyện với anh, nhưng anh đã không nghe anh ta, Cathy ạ! Anh đã trao anh ta cho một kẻ muốn giết anh ấy! - Có chắc thế không? - Hiện nay thì chưa, nhưng một vài giờ nữa sẽ biết chắc. Anh thấy bồn chồn không yên tâm. Có lẽ anh ta đã chết rồi. Anh sẽ phải sống với mỗi dằn vặt nặng nề này suốt đời. - Sao anh không cố ngủ đi một tí. Anh chiến đấu chống lại bóng tối cơ mà! Nhưng bóng tối đâu có chịu lùi. Khi trung úy Brannigan bước vào phòng làm việc, bản báo cáo mà ông yêu cầu đã nằm trên bàn. Ông đọc lượt nhanh một lần rồi đọc lại một lần nữa cẩn thận, chậm rãi. Thật không ngờ anh thanh niên đã nói đúng sự thật. Anh đã được thừa kế doanh nghiệp Matsumoto khổng lồ. Theo di chúc cha anh ta để lại thì nếu anh ta qua đời, chú anh ta sẽ là người thửa hưởng. Matt Brannigan biết có những kẻ sẵn sàng giết người chỉ vì mười đô la hay một chai Whisky. Chẳng cần phải giầu trí tưởng tượng lắm cũng có thể biết rằng người ta sẽ phải làm gì để chiếm được cái đế chế công nghiệp giầu ức vạn kia. Vậy là, trước hết, Teruo phải biết rõ nội dung bản di chúc. Hắn đã dựng ra vụ tai nạn máy bay có lẽ để trừ khử Yone Matsumoto, sau đó thì việc thủ tiêu người con trai sẽ chẳng khó khăn gì. Với sự giúp đỡ của Brannigan, hắn đã gần đạt được mục tiêu. Anh thanh niên đã chạy trốn đến chỗ ông và anh ta xin ông giúp đỡ của Brannigan, hắn đã gần đạt được mục tiêu. Anh thanh niên đã chạy trốn đến chỗ ông và anh ta xin ông giúp đỡ, vậy mà ông đã nộp anh ta cho kẻ thù của anh. Ông phải tìm được Massao và cứu anh ta, nếu còn sống! Ông quyết phải làm ngay. Ông nhấc điện thoại gọi về trung tâm cảnh sát ở Manhattan. - Trung úy Matt Brannigan đây. Có lệnh truy nã một anh thanh niên Nhật Bản, mười tám tuổi. Xin cho biết lệnh truy nã có còn hiệu lực hay không? Một giọng nói dội lên trong ông nghe : - Xin chờ một lát thưa trung uý. Một phút sau, giọng nói lại vang lên; - Vẫn còn hiệu lực, thưa trung uý! - Xin cảm ơn! Matt Brannigan đặt ống nghe xuống và thở ra nhẹ nhõm. Nếu lệnh truy nã toàn quốc vẫn còn hiệu lực thì có nghĩa là Massao vẫn chưa bị bắt, Ông phải tìm anh ta trước Teruo. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Ông bấm chuông gọi trợ lý. - Mang cho tôi toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ Matsumoto lại đây ngay! Năm phút sau, ông đọc biên bản của Heller về Sanae Doi. Sau khi đọc xong, ông chạy bổ lên ô tô phóng đến xưởng Massao, Sanae biết rõ rằng Massao chỉ kể cho cô nghe một phần sự thật là anh che giấu một nỗi sợ khủng khiếp nào đó. Cô làm tất cả để giúp đỡ anh, nhưng bây giờ anh đã ra đi. Cô không biết hiện nay anh còn sống hay đã chết. Cô nhớ rõ Massao đã vui sướng thế nào trong cuộc đấu hai đội. Cô nhớ đến nụ cười và dáng vẻ dễ mến của Massao. - Sanae! Tiếng gọi làm cô giật mình bừng tỉnh khỏi giấc mơ ban ngày. Cô ngẩng đầu lên và thấy tên tổ trưởng Heller đang đứng trước mặt. - Có việc gì vậy, thưa ông Heller? - Ngài Watkins muốn gặp cô ngay bây giờ! Nhanh lên! - Vâng, Thưa ông! Sanae bước vào phòng viên phụ trách quản lý nhân lực. Cô nghĩ, không biết ông ta gọi cô làm gì. Có một người thứ hai nữa ngồi trong phòng mà cô không biết là ai. Linh cảm thấy đó là một viên cảnh sát, cô lập tức cảnh giác : Watkins nói : - Cô Sanae! Đây là trung úy Brannigan. Ngài trung úy muốn hỏi cô một vài điều. Watkins đứng dạy : - Tôi muốn để ngài và cô Sanae trao đổi riêng với nhau. - Xin cảm ơn! Trung úy Brannigan nói. Ông quay lại nhìn Sanae : - Xin mời cô ngồi! Sanae ngồi xuống ghế và cố gắng che giấu nỗi lo lắng. - Theo tôi được biết thì cô có kết bạn với Massao phải không? - Không, thưa ông! Giọng cô quả quyết, Matt Brannigan nhìn cô vẻ nghi ngại : - Thật không! Cô và cậu ấy đã cùng làm việc với nhau, đúng không? - Vâng, thưa ông! - Và cô không trò chuyện gì với anh ấy trong khi làm việc à? - Không! Viên thanh tra cúi mình ghé sát cô : - Nhưng hàng ngày cô cậu đều nói chuyện với nhau trong giờ nghỉ trưa, đúng không? Ông ta đã biết! Vậy là ông ta đang dò la mình đây, Sanae bướng bỉnh : - Tôi chẳng biết gì về anh ta cả. - Cô Sanae ạ, tôi đến đây để giúp Massao. Tôi cho rằng anh ấy đang gặp nguy hiểm. Đúng thế! “Vì ông đấy!” Sanae nghĩ. - Cô có biết anh ấy ở đâu không? Sanae nhìn viên thanh tra. Lần này thì cô nói rõ sự thật : - Không thưa ông! Tôi hoàn toàn không biết. Từ đầu đến giờ, Matt Brannigan vẫn luôn cảm thấy Sanae nói dối. Nhưng lúc này cô đã nói thật, điều đó làm ông bồn chồn không yên. Sanae là dấu vết duy nhất. Nếu cô không biết Massao ở đâu thì ông không còn chỗ nào bấu víu nữa. Teruo có nhiều khả năng tìm ra Massao trước khi cảnh sát tìm thấy anh ta. Và điều đó nghĩa là gì? Viên thanh tra không dám nghĩ tiếp nữa. Ông phải tìm cách thuyết phục được cô gái tin rằng ông đang giúp Massao. - Sanae! Cô đã giúp anh ấy trốn đi có đúng không? - Không, thưa ông! - Cô không nói đúng sự thật. Người phát lương đã ấn vào tay cô bức ảnh anh ấy và cô đã kéo anh ấy đi trước khi người ta phát hiện ra. Cô đã đưa anh ấy về nhà. Một thám tử tên là Sam Collins đã sục đến tìm và cô đã giúp anh ấy trốn thoát Sanae mím chặt môi không nói gì. Brannigan dò xét cô một thoáng rồi hỏi : - Cô có biết cậu Massao là ai không? Cô gật đầu : - Anh ấy là Massao Harada. Viên thanh tra để cô tiếp tục bị lầm lẫn. - Cô cũng biết vì sao anh ấy chạy trốn chứ? - Vâng. Vì bố anh ấy muốn đưa anh ấy về Nhật Bản. Nhưng anh ấy không muốn. “À! Thì ra đó là câu chuyện của Massao!” Trung úy Brannigan muốn nhanh chóng đi tới một quyết định. Ông không có chứng cớ để dự đoán chắc chắn. Nhưng ông biết rằng nếu ông nói ra dự đoán đó thì sẽ không sao thuyết phục được Sanae. Ông nói : - Cô hãy nghe tôi nói đây. Tên thật của anh ấy là Massao Matsumoto. Hãng doanh nghiệp này mang tên cha anh. Anh ấy là con trai ông chủ. - Cháu không tin điều ấy! - Cô hãy nghe tôi nói hết đã. Cha của Massao đã bị giết hại. Massao đã thừa kế đế chế công nghiệp Matsumoto. Sanae quan sát ông với ánh mắt nghi ngờ, cô cố hiểu xem ông nói gì. - Vấn đề là ở chỗ, nếu cậu ấy gặp bất hạnh thì chú anh ấy sẽ thừa kế sản nghiệp. Năm người đã bị giết. Tôi tin rằng ông chú của Massao sẽ tìm cách giết anh ấy. - Ôi trời ơi! Giờ đây Sanae đã hết mọi nghi ngờ. Cô tin ông. Ông không có lý do gì để bịa đặt một câu chuyện như vậy. Cô nhớ lại cái hôm lão Teruo Sato đến xưởng. Massao đã giấu mặt. Anh ấy đã hỏi: Họ đi rồi à? Cô nhớ lại Massao đã chạy trốn ở sân vận động bóng chày trước khi trận đấu kết thúc, cảnh sát đã lùng sục trên sân, cô nhớ lúc anh ẩn trốn ở nhà cô khi tên thám tử tư sục vào. Đúng! Đúng là có một cái điều đấy đáng ngờ. Trung úy Brannigan nói tiếp : - Chú anh ấy đã thuê cả một đội quân để truy tầm anh ấy. Massao không quen biết ai để nương tựa cả. Nếu chờ đến lúc cô tìm thấy anh ấy thì anh ấy đã chết rồi, Sanae ạ! Bọn người này chẳng từ một thủ đoạn nào đâu! Tôi cần phải tìm thấy anh ấy trước họ. Nhưng tôi không biết tìm anh ấy ở đâu. Tôi không biết anh ấy đi đâu. Hay là.... - Đi California...... Sanae đưa tay bịt chặt lấy miệng. Cô thậm chí không nhận thấy rõ đã thốt ra điều gì. - Ở đâu tại California? Giọng nói bộc lộ sự nôn nóng làm Sanae nghi ngờ. Nếu ông ta chỉ nói một phần sự thật thôi thì sao? Nếu ông ta đứng về phía Teruo để tìm bắt Massao thì sao? - Cháu không biết! Sanae nói. Cô thấy vẻ thất vọng trên nét mặt viên thanh tra. - Anh ấy không nói gì với cô ư? Anh ấy không nêu tên một người nào đó mà anh ấy định tìm đến ư? - Có. Anh ấy có nhắc đến tên một người. Bạn anh ấy: Kunio Hidaka. Sanae nhìn thẳng vào mặt viên thanh tra, giọng quả quyết : - Không, anh ấy không nói đến tên ai cả. Trung úy Brannigan thở dài. - Tức quá. Dầu sao cũng rất cảm ơn cô. Ông đứng dậy : - Nếu cô nhớ lại được một điều gì đấy thì gọi điện cho tôi nhé. Ông rút trong túi ra một tấm danh thiếp : - Đây là số điện thoại của tôi. Sanae cất tấm danh thiếp vào túi! Cô không nhìn nó. Cô không có ý định sẽ sử dụng nó. Chương 10 Chúng ta đã đến Los Angeles! - Al thông báo. - Massao không thể nào tin được rằng anh quả thực đã đến đích. Chuyến đi thật kỳ thú và hấp dẫn. Đúng như cha anh đã nói: Nước Mỹ có năm mươi bang, mỗi bang là một lãnh địa độc lập. Massao đã nhìn thấy những hải cảng ở New York, những trang trại giầu có ở Indiana và Illinois, những đồng cỏ lớn ở California, đất trời xanh ngát, vẻ đẹp muôn màu, hoa quả nhiều đến nỗi Massao chạnh lòng nhớ quê hương. Trong hai giờ xe chạy cuối cùng, các trang trại và đồng cỏ dần dần biến đi, nhường chỗ cho những mái nhà lô nhô và những công xưởng, rồi đến các thị trấn và vùng ngoại ô. Giờ thì họ đã nhìn thấy những ngôi nhà chọc trời ở Los Angeles. Nhưng cũng không lớn như ở Manhattan, dẫu sao Massao thấy chúng sạch sẽ và hiện đại hơn. Lần đầu tiên kể từ khi rơi vào cơn ác mộng, Massao thấy được an toàn. Anh đã thoát được khỏi tay lão Teruo và cảnh sát ở New York và đã đến được California. Kunio Hidaka sẽ giúp anh. Nếu Hidaka biết toàn bộ câu chuyện, ông hiểu rõ sẽ phải làm gì. Sau sáu ngày đi trên xe tải, anh đã hiểu rõ người lái xe Al và anh phụ lái. Anh được biết về vợ, con họ và hiểu được tâm tư của người công nhân giản dị, Massao nhận thấy rằng nếu họ là bạn thì sẽ rất tốt, nhưng nếu đấy họ vào vị trí là kẻ thù thì sẽ rất nguy hiểm. Họ thường cười phá lên về mỗi khi Massao ngắc ngứ không phát âm rõ được những từ khó. Peter thường bảo : - Anh phải sửa âm r.... của anh đi! mỗi khi anh nói r... r.... r.. nghe cứ như là l... l.... l.. ấy. Massao hình dung nếu họ nói tiếng Nhật thì chắc cũng thế thôi, nhưng anh cũng cố gắng sửa âm. Có một điều anh chưa hiểu rõ là thái độ của những người bạn Mỹ đối với công đoàn. Họ là đoàn viên của tổ chức công đoàn nổi tiếng Teamster's Union. Al hãnh diện : - Đây là tổ chức công đoàn mạnh nhất thế giới. Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ, chúng tớ có thể bắt cả đất nước. - Nhưng tại sao các anh lại làm như vậy? - Ô! Đấy chỉ là một cách nói thôi. Các ông chỉ phải thỏa mãn tất cả những gì chúng tớ muốn. Massao tìm cách giải thích cho họ biết thái độ của người công dân ở Nhật Bản : - Chúng tôi như sống trong một gia đình lớn. Người công nhân được chăm lo trong suốt cuộc đời. Anh ta biết rõ sẽ không bị sa thải. Sự yên ấm của người chủ là sự yên ấm của người công nhân. Công nhân tự hào vì công việc của mình. - Dân tộc nào thờ phong tục ấy! - Peter bảo. Câu chuyện đến đấy là thì kết thúc. Khi những ngôi nhà cao tầng ở City Los Angeles hiện ra trước mắt họ, Al bảo : - Chúng ta đã đến nơi đúng kế họach. Chiếc tầu hỏa chở hàng rời đường xa lộ vòng quanh phố San Pedro. Mấy phút sau, xe họ đã lăn bánh vào một sân chứa hàng khổng lồ. Al nhẹ nhàng hãm chiếc xe tải to kềnh càng rồi tắt máy. Anh quanh sang Massao : - Thế nào, bây giờ thì chú tự giải quyết lấy mọi chuyện được rồi chứ? - Vâng, xin cảm ơn ông. Bây giờ tôi tự giải quyết lấy được rồi. - Đừng để bị tóm cổ nhé! - Peter nói. Massao giật mình nhìn anh ta : - Sao, đừng để bị tóm cổ là sao? - Anh biết rồi đấy! Trở lại trường học ấy mà! Massao ấp úng : - Ồ, ồ. Tôi sẽ chú ý! Anh đã quên béng câu chuyện bịa kể cho hai người lái xe. Anh trèo xuống xe : - Tôi rất cảm ơn hai ông! Tôi suốt cuộc đời đội ơn các ông! Massao nghĩ đến điều ấy thật lòng hơn họ tưởng. Có lẽ họ đã cứu anh thoát chết. Massao muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Anh nói : - Nếu các ông có dịp đến thăm Tokyo, tôi sẽ rất vui lòng được tiếp đãi! Hai người đàn ông mỉm cười trước ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy. Anh chàng này lại muốn tiếp đãi họ ở Tokyo cơ đấy. - Hay lắm! Chúng tớ ghi nhận đấy! Sẽ có lúc chúng tớ đến Tokyo. Chú ý giữ mình đấy nhé! - Tôi sẽ hết sức cố gắng! Massao hứa. Bây giờ thì chẳng còn gì khó khăn nữa. Anh đã tóm được mục tiêu. Cách đó mười mét, một công nhân Nhật Bản đang chất những chiếc vô tuyến của hãng Matsumoto lên xe. Anh ta dừng tay quan sát Massao đang leo xuống khỏi chiếc xe tải. Anh ta nhìn chằm chằm hồi lâu rồi thò tay vào túi rút ra một tấm ảnh. Anh ta ngắm Massao một lần nữa để tin chắc không bị lầm rồi vội băng qua sân đến một phòng điện thoại tự động. Anh ta lựa số máy, rồi gọi vào ống nói : - Tôi muốn nói chuyện trực tiếp với New York, với ngài Teruo Sato..... Hollywood khác hẳn với sự tưởng tượng của Massao. Anh luôn nghĩ rằng thành phố này là đỉnh cao của vinh quang và sự rạng rỡ, là đất nước của John Wayne và Hunphrey Bogart, của Janees Cagney, Gary Grant, Chaplie Chaplin.. Nhưng thực tế đã làm Massao thất vọng. Đây là thành phố của nhứng ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Tên tuổi của Marilyn Monroe và Elizabeth Taylor, của Clint Eastwood và Bruce Lee đã ghi tạc vào những con đường, góc phố. Nhưng các đại lộ Hollywood lại luôn luôn bẩn thỉu và đầy bất trắc. Khắp nơi dầy dãy các quán hàng, các tiệm ăn tồi tàn, trong giống ở như khu vực Ginza rẻ tiền ở Tokyo, Nhưng Massao nghĩ, ở đây ít nhất cũng không có ai truy tìm mình. Anh đi tới một trạm điện thoại tự động, Một cô gái ngồi sau quầy. Massao hỏi : - Xin lỗi cô, tôi muốn tìm một số điện thoại. Cô làm ơn hướng dẫn giúp. - Anh gọi tổng đài 411. À, hóa ra giống hệt như ở New York. - Xin cảm ơn! Massao bước vào buồng điện thoại quay số. Một giọng nói vang lên : - Đây là tổng đài. Quý ngài muốn gọi đi đâu? - Xin cảm ơn. Tôi muốn có số điện thoại của xưởng Matsumoto. Chắc chắn nó nằm ở phía bắc Hollywood. - Xin ngài đọc rõ từng chứ cái một! Massao đọc từng chữ cái của tên xưởng. Vài giây sau, anh đã có số điện thoại. Anh ẩn vào máy rồi lại quay số mới. Một giọng vui vẻ và lịch sự cất lên : - Xin chào! Đây là doanh nghiệp Matsumoto. Tim Massao đập nhanh : - Tôi muốn nói chuyện với ngài Kunio Hidaka. - Xin chờ một lát, tôi nối dây ngay. Ngay sau đó, một giọng khác vang lên : - Văn phòng ngài Hidaka đây! Massao cuống quýt : - Tôi xin nói chuyện với ngài Hidaka! - Rất tiếc, ngài Hidaka không có trong thành phố. Tôi có thể giúp gì được không ạ? Tim Massao như ngừng đập : - Tôi.. tôi xin được nói chuyện trực tíếp với ngài Hidaka. Bao giờ ngài quay trở lại ạ? - Khoảng thứ sáu tới! - Ôi, còn những ba ngày nữa. - Có thể cho tôi xin số máy riêng của ngài Hidaka được không ạ? Tôi có việc rất quan trọng. - Rất tiếc! Tôi không được cho phép cho số điện thoại riêrng. Ngài có nhắn gì không ạ? - Không... Tôi... tôi sẽ gọi lại! Massao rời buồng điện thoại lòng đầy thất vọng. Còn phải chờ những ba ngày nữa! Anh căng thẳng tột độ, dường như phải chờ mất cả cuộc đời. Anh đã vui mừng biết bao vì tưởng sẽ được gặp ngay Hidaka, kể cho ông nghe tất cả mọi chuyện xảy ra và chấm dứt cơn ác mộng. Vậy mà bây giờ anh không thể làm gì được khác hơn là chờ đợi. Anh buộc mình phải kiên nhẫn. Ít nhất thì lúc này anh cũng đang ở nơi an toàn, ở Los Angeles. Teruo vẫn đang tìm anh ở New York. Có lẽ anh sẽ trú tạm ở một khách sạn nhỏ nào đấy và sẽ đi thăm các danh lam thắng cảnh của thành phố, cho tớ lúc tớ gặp được Hidaka. Có hai nơi anh muốn tới thăm, đó là Disneyland và Trường quay lớn. * * * * * Cách nơi này ba ngàn dặm, tại New York. Teruo Sato nói vào máy điện thoại. Giọng hắn lạnh lùng : - Tôi vừa nhận được tin qua điện thoại báo rằng thằng nhóc ở Los Angeles. Cần bao nhiêu người theo dõi thì cứ thuê. Cần tập trung theo dõi ba địa điểm sau: các khách sạn nhỏ ở xa, Disneyland và Trường quay lớn! Teruo lẽ ra có thể nêu thêm một địa chỉ thứ ba nữa, nhưng hắn đã không nói. Hắn muốn tự mình lo việc này. Ở California chỉ có một người Massao có thể tìm đến, đó là Kunio Hidaka. Teruo sẽ là người đầu tiên đến đó! Đến tối, Massao tìm thấy một khách sạn nhỏ ở Hollywood, trên một khu cạnh đại lộ Cahuenga, anh muốn nghỉ đêm ở đó. Người gác cổng hỏi : - Anh sẽ ở lại đây bao lâu? - Một tuần. Sáng hôm sau, Massao rời khách sạn từ sớm. Năm phút sau khi anh đi khỏi, hai thám tử tư bước vào tiền sảnh, đưa cho người gác cổng bức ảnh Massao và hỏi người khách trọ đêm qua có phải là người trong ảnh không? - Đúng rồi! Không sai một ly! Nó tên là Massao nó định ở lại đây một tuần. Hai viên thám tử nhìn nhau đắc ý. - Chúng tôi sẽ chờ hắn! Chúng nói. Chúng ngồi lẫn vào phía sau tiền sảnh, ở đây nếu bước từ cổng vào sẽ không thể nhìn thấy chúng. Chúng sẽ phải chờ rất lâu. Massao không biết ngay rằng ở California anh cũng bị săn đuổi. Nhưng bản năng đã cứu thoát Massao. Anh không hề có ý định quay trở lại khách sạn này, Anh dự tính sẽ ngủ đêm ở các khách sạn khác nhau và sẽ không ai lần ra dấu vết. Massao mua một vài chiếc quần lót, quần bò và một chiếc áo phông, một túi sách và một đôi bít tất, anh bỏ lại bộ quần áo cũ trong phòng thay quần áo của cửa hiệu, Anh đã có quá đủ đồ để thay rồi. Anh ăn sáng trong một quán trên đại lộ Sunset và hỏi đường đến Disneyland. Còn những ba ngày nữa và Massao quyết định sử dụng thật hợp lý thời gian đó. Nằm ngủ vùi trong khách sạn cũng chẳng được tích sự gì. Ba phút sau anh đã ngồi trong ô tô buýt đến Disneyland. Hollywood làm Massao thất vọng, nhưng Disneyland thì thật tuyệt vời. Đó là một đất nước cổ tích rộng 30 ha, một thế giới hết sức kỳ ảo. Có tớ gần 6000 nhân viên phục vụ trong cái hội chợ náo nhiệt quanh năm này và có đến 54 trò giải trí khác nhau. Massao không biết nên bắt đầu từ đâu. Anh mở đầu vòng thăm quan từ phố Main trên một chiếc xe ngựa đi xuyên phố. Đây là một thế giới cổ đã tồn tại cách đây hơn một trăm năm. Anh đến vùng rừng nhiệt đới Satari nơi có những đàn cá sấu đuổi theo đớp thuyền, và trèo lên ngôi nhà “Gia Đình Thụy Sĩ” trên các cành cây. Ở New Orleans Square Massao vào xem lâu đài nửa đêm và kinh ngạc trước những trò kinh dị được trình bày một cách tuyệt khéo. Rồi đến FantasyLand, Massao đi trên xe trượt tuyết từ Matterhorn, ngồi trên thuyền máy bay băng băng trên hồ rồi dạo qua thế giới nhỏ huyền ảo. Sau đó, anh đi đò bay vào đất nước tương lai rồi làm một chuyến du lịch bằng tàu ngầm dưới hồ. Khi công viên giải trí đóng cửa, Massao đã mệt lử. Anh đành bỏ qua đất nước gấu và đất nước phân tuyến, nhưng một ngày kia, anh sẽ quay lại. Massao hoàn toàn không biết rằng anh đã gặp may như thế nào vì trong công viên Disneyland đã có hàng tá thám tử truy lùng anh, chỉ nhờ biển người mênh mông mà anh đã tình cờ thoát khỏi những cặp mắt cú vọ của chúng. Ngày mai, - Massao nghĩ - Ta sẽ làm một chuyến du chơi qua Trường quay lớn. Nhưng anh đã không gặp may cho lắm. Quay trở lại Hollywood bằng ô tô buýt, Massao tìm được một khách sạn nhỏ nằm không xa Sunset. Suốt cả buổi chiều trong Disneyland, anh đã ăn quà thỏa thích: thịt nướng nóng, ngô rang và kem. Nhưng bây giờ anh lại thấy đói mềm. Anh tìm vào một quán bia Đức. Ở đây có lẽ chẳng có ai săn lùng anh. Phía bên kia đường Sunset là tiệm nhảy Whisky - A - Go - Go. Massao bước vào. Thật giống như cửa vào địa ngục. ánh đèn chớp lập loè qua gian phòng, một điệu trống nhảy dội đinh tai nhức óc. Trên nền sân khấu, hai cô gái ăn mặc nửa kín nửa hở đang chờn vờn lả lướt. Hàng tá cặp nhảy dập dìu trên sàn trong điệu nhảy mới nhất. Một cô gái Nhật Bản ăn mặc diêm dúa, gật đầu chào Massao : - Anh có biết nhảy không? Massao định trả lời “có”, nhưng có hai điều làm anh lưỡng lự. Một là anh thích đến một tiệm disco, ở đó có lẽ Teruo không biết. Thứ hai, có thể cô gái này cũng là một tên gián điệp đang theo dõi anh., Vì vậy, anh lễ phép nói : - Không ạ. Cảm ơn cô, tôi đang định ra về. Anh đi tiếp một đoạn đường cho đến khi tin chắc rằng không có cái đuôi nào theo sau mới rẽ về khách sạn. Mệt rã rời, anh lên giường ngủ nhưng không sao nhắm mắt được. Còn hai ngày nữa Hidaka mới về. Sáng sớm mai mình sẽ gọi điện lại lần nữa, Massao nghĩ. Có thể trong lúc đó người ta sẽ báo cho ông biết tin về mình. Anh nghĩ đến Al và Peter, đến chuyến đi dài xuyên Hợp Chủng Quốc. Massao nghĩ đến Matterhorn và chuyến du lịch trong tàu ngầm dưới hồ. Massao nghĩ đến cô gái Nhật Bản trong tiệm nhảy. Phải chăng cô ta là một người trong bọn chúng? Massao nghĩ đến Sanae. Anh không sao ngủ được. * * * * * Sanae không thể nào chợp mắt. Cô nằm trong bóng tối dày đặc, mắt mở chong chong. Cuối cùng, không thể chịu được nữa, cô vùng dạy khoác áo đi xuống bếp. Cô đi thật nhẹ chân để cha mẹ cô khỏi thức giấc. Cô pha một tách cà phê rồi ngồi vào bàn nhấp từng ngụm nhỏ. Cô nghĩ xem phải làm gì. Hồi chiều khắp công xưởng đồn đại bao nhiêu tin tức quái lạ. Người đàn ông làm việc bên cạnh cô bỗng hỏi : - Này, cô có biết không, cái anh thanh niên làm ở đây hôm nọ hình như là Massao Matsumoto đấy. Tôi nghe nói ông Sato sẽ là người chủ mới của công ty. Sanae kinh hoàng. Vậy là viên cảnh sát đã nói đúng sự thật. Và nếu điều này đúng, thì tất cả những điều khác ông ta nói cũng là đúng sự thật. Massao đang gặp nguy hiểm, Massao sẽ bị giết hại nếu lão chú bắt được anh ấy trước khi cảnh sát tìm ra. Và cô đã có lỗi trong việc này. Nhưng nếu đó lại chỉ là một thủ thuật thì sao. Biết đâu trung úy Matt Brannigan có ý đồ muốn tìm bắt Massao để đưa vào tù vì tội giết người. Sanae nhìn chăm chăm vào máy điện thoại không biết phải làm gì. Cô chỉ biết có một điều là cuộc sống của một người mà cô yêu mến đang nằm trong tay cô. Cô quan sát tấm danh thiếp mà người thám tử đã đưa. “Nếu cô nhớ lại được một điều gì thì gọi điện cho tôi nhé”. Đã hai lần cô định nhấc ống nghe máy điện thoại, rồi hai lần cô lại rụt tay lại. Cô không dám phạm sai lầm. Ai là bạn của Massao và ai là kẻ thù của anh? * * * * * Sáng hôm sau, Massao rời khách sạn đến một trạm điện thoại tự động. Trong hành lang khách sạn cũng có máy điện thoại như có thể bị nghe trộm. Anh quay số điện hãng công nghiệp Matsumoto và gặp ngay văn phòng của Kunio Hidaka. Massao nói : - Hôm qua, tôi đã gọi điện. Tôi rất cần gặp ngài Hidaka. Tôi hy vọng ông có thể về sớm hơn chăng? Cô nữ thư ký trả lời : - Rất tiếc, thưa ngài. Đến mai ông Hidaka mới về. Lại mất một ngày nữa! - Ngài có muốn nhắn gì không ạ? - Không, cám ơn. Mai tôi sẽ gọi lại. Bây giờ anh lại phải tìm cách lẩn trốn thêm một ngày nữa. Hai mươi bốn giờ nữa tất cả sẽ song xuôi. Anh sẽ đi dạo quanh Trường quay lớn. Ở đó anh có thể lần vào đám đông dày đặc. Họ đang chờ các chuyến tầu Glamour - Tram. Hàng trăm khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, tất cả đều muốn mục kích Trường Quay lớn. Nào là người Đức, người Italia, người Pháp, nhưng Nhật và người Thụy Điển. Tất cả mọi người chuyện trò hăng say bằng tiếng mẹ đẻ. Massao đứng giữa đám người và cảm thấy an toàn. Một nữ hướng dẫn viên cất tiếng : - Quý vị hãy sẵn sàng! Xin quý vị lên tàu Glamour - Tram gồm ba toa màu da cam có vạch trắng được nói liền nhau. Chúng có người chiếc nóc Baldachin, con hai bên thì để trống. Tàu vừa dừng lại, Massao bước lên tìm chỗ ngồi. Anh bí mật dò xét các hành khách, nhưng không ai đáng nghi ngờ. Tàu chuyển bánh và cô hướng dẫn viên, một cô gái trẻ cực kỳ hấp dẫn, bắt đầu thuyết minh : - Nồng nhiệt đón chào quý vị đến thăm trường quay lớn. Cho đến hôm nay, chúng tôi đã có 26 triệu người tham quan, chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp các quý vị. Trường quay lớn được khai trương vào năm 1915, khi Carl Laemmle.... Massao không nghe tiếp nữa. Anh đang mãi quan sát cảnh tượng kỳ lạ diễn ra phía bên ngoài. Anh thấy các diễn viên trong trang phục kỵ sĩ đang cưỡi ngựa vào, các cô gái mặc Bikini, còn đàn ông mặc quần áo cao bồi. Đường tàu vòng quanh một miền gồm toàn những căn nhà địa chủ cổ theo phong cách miền Nam. Mặt trước của các ngôi nhà vô cùng lộng lẫy nhưng khi tàu đi vòng đến góc rẽ thì Massao thấy đõ chỉ là những mặt tiền cùng ban công làm toàn bằng những mảnh gỗ mỏng. Tàu leo lên một chiếc cầu gỗ. Khi tàu tới giữa cầu, chiếc cầu bổng sụm xuống và co gập vào. Tuy nhiên tàu đã cập bến bên kia một cách an toàn, và chiếc cầu lại tự giương lên quay trở lại hình dáng ban đầu. Họ đi qua một cái hồ êm ả có một làng nỏi ở phía bên kia. Cô hướng dẫn viên giải thích : - Đây là làng Amity. Cô chỉ về phía giữa hồ : - Xin quý vị chú ý! Tất cả các ánh mắt đổ dồn vào một vật đang tiến đến gần con tàu. - Đó là cá mập trắng! Cô hướng dẫn viên thốt lên vẻ sợ hãi, khi con cá mập giả quẫy tung nước bên cạnh đường tàu. Rồi nó lại lặn xuống và tấn công một người đánh cá giả trên một chiếc thuyền. Massao đã xem phim Cá mập trắng, anh bật cười trước trò trình diễn lý thú. Bây giờ họ lại tiến đến một cái hồ khác. Tàu lướt nhanh chạm cả vào nước. Hành khách dần dần thấy kinh hoàng. Cô hướng dẫn viên nói : - Đây là Hổng Hải, chúng ta sẽ đi xuyên qua lòng biển. Khi tầu rầm rầm tiến vào hai bờ dốc, nước bỗng tóe sang hai bên như nhờ một sức mạnh thần kỳ. - Đây là một tác phẩm diệu kỳ bằng điện tử, bởi nước được hút ra khỏi một cái hồ dài hai trăm mét, rộng năm mươi mét mà sâu hai mét bằng một kênh áp suất ngầm. Nhưng với tàu Glamour - Tram chúng ta đi qua Hổng Hải dễ chịu hơn nhiều so với thời cổ. Vào buổi trưa, Massao xem những chú lùn chạy ùa ra từ những ngôi nhà đang cháy; rồi anh sa vào cuộc chiến tranh giữa các vì sao, các rô bốt dùng sáng la de bắn vào anh và các hành khách cùng đi, anh gần như bị chôn vùi dưới những dòng thác lửa; rồi anh thăm phòng trang phục của Robert Wagners. Nhưng rồi trong VisitorEntertainmentCenter bắt đầu có sự cố. Trong lúc đang mải mê ngắm vô vàn các sinh vật, những con chim kỳ lạ, con chuột chạy líu ríu khắp nơi. Massao bỗng cảm thấy bị theo dõi. Anh bất ngờ quay lại và bắt gặp một người đàn ông đứng bên cửa ra vào nhìn anh chằm chặp. Những ngày qua, Massao đã rèn luyện được một khả năng nhạy bén phát hiện mối hiểm nguy. Anh biết ngay đó là một tên thám tử. Con có hai người nữa đứng bên cạnh hắn. Khi tên này ra hiệu, hai tên kia liền tiến ra chặn hai lối ra vào khác. Tên thám tử rẽ đám đông tiến vào chỗ Massao. Không còn lối thoát nữa rồi. Massao rảo bước theo hướng ngược lại, tiến đến bục sân khấu. Xa xa ở phía sau, tên thám tử đang xô lấn mọi người để theo kịp anh. Massao nhạy vọt lên bục sân khấu. Một người dạy thú la lên : - Này, anh lạc đường rồi đấy. Đây là.... - Xin lỗi ngài! Massao vội nói, anh đã lẩn vào sân khấu và rơi vào một rừng đạo cụ sân khấu cùng với những chuồng sắt nhốt đầy thú vật. Anh lao theo những hành lang dài và cuối cùng, qua một chiếc cổng, anh ra tới ngoài đường tràn đầy ánh nắng. Ngoảng nhìn lại thấy tên thám tử cũng vừa nhảy ra khỏi cửa. Bây giờ hắn đã nhìn thấy anh : - Đứng lại! Hắn thét lên. Massao bắt đầu bỏ chạy. Anh vòng qua một góc đường và suýt va phải một con lạc đà. Người quản lý lạc đà hét lên : - Đồ khỉ, mày chạy đi đâu thế hả? Phía trước là một tòa nhà bê tông với một ngôi sao màu đỏ sáng loè. Massao giật tung cửa, trước mặt anh là một cánh cửa khác. Anh đẩy bật ra chạy theo một sân khấu rộng mênh mông. Không xa phía trước có một đám đông đang tụ tập, Massao lẩn vào giữa họ. Ngay bên cạnh là một bà già. Đột nhiên, một gã đàn ông ăn mặc bẩn thỉu giật chiếc túi trên tay bà ta và bỏ chạy. Bà già rú lên : - Ăn cắp, ăn cắp, bắt lấy nó! Chẳng kịp suy nghĩ, Massao thúc luôn đầu gối vào tên ăn cắp và kéo hắn ngã lăn quay xuống đất. Gã đàn ông trố mắt nhìn anh và kêu lên : - Mày làm cái trò gì thế hử? Làm gì có tình tiết này trong kịch bản? Một giọng giận dữ quát lên : - Dừng lại! Massao quay lại bắt gặp ngay một máy quay phim. Ông đạo diễn rống lên : - Lôi cổ thằng khỉ này đi. Quay lại từ đầu! Massao hốt hoảng chạy khỏi trường quay. Đoạn đường giữa các sân quay phim đầy người, những Massao không cảm thấy an toàn. Bọn chúng đã biết anh ở đây. Đúng lúc ấy, anh nhìn thấy tên thám tử xuất hiện ở góc đường. Nhanh như chớp Massao trốn vào một tòa nhà lớn trong như một nhà kho. Anh lại rơi vào một nhà bảo tàng khủng khiếp, đạo cụ sân khấu và các đồ lẽ khác chất đầy tới tận nóc nhà. Nào là nhưng gươm đao cổ, nào là súng la de hiện đại, xe cứu hỏa và đủ các loại xe pháo khác. Lại còn vô số những đồ gỗ và những bộ trang phục từ tất cả các niên đại. Massao lần sâu vào bóng tối và dỏng tai nghe. Tim anh đập như trống làng. Anh nghe thấy chân người bước vào cửa, rồi tiếng chân bước xa dần. Có lẽ tên thám tử đi tìm người hỗ trợ. Phải ra khỏi đây ngay, Massao nghĩ. Nhưng bằng cách nào? Chỉ trong vài phút nữa chúng sẽ chặn được tất cả các cửa ra vào trường quay. Chúng đã nhốt chặt anh ở đây. Chúng sẽ tóm cổ anh nếu anh tìm cách trốn. Không thể thế được! Anh đã hẹn gặp với Kunio Hidaka rồi! Tất cả các cửa ra vào trường quay bị canh gác nghiêm ngặt. Các thám tử tử được trang bị ảnh Massao kiểm tra tất cả mọi vị khách rời khỏi trường quay. Lúc này đã là buổi trưa, các diễn viên đang đổ ra đường tới các tiệm ăn nằm xung quanh Trường quay lớn. Tên thám tử đầu tiên phát hiện ra Massao kinh ngạc trước không biết bao nhiêu trang phục biểu diễn. Nào là các hoàng tử Ấn độ trong các bộ đồ lộng lẫy có những nô lệ theo sau, rồi đến một người khổng lồ và một người tí hon; một nhà quý tộc thời cổ và mội vai hề mặt trát đầy son phấn. Tên thám tử không chú ý đến gã hề đang đi qua cửa. Hắn còn đang mãi miết ngóng theo Massao. Trong một buồng vệ sinh công cộng, Massao trút bỏ bộ trang phục hề và rửa hết lớp son phấn trên mặt. Giờ đây, anh biết rõ người của lão Teruo đã có mặt ở khắp nơi và lùng kiếm anh. Anh phải tìm một khách sạn khác và nằm im ở đó cho đến sáng hôm sau, cho đến khi anh gọi được điện cho Kunio Hidaka. Có lẽ chúng sẽ tìm anh ở ngoại ô Hollywood, vì vậy, Massao đáp xe buýt đến Glendale và ẩn vào một khách sạn nhở ở đó. Anh không thể chờ đợi được buổi sáng hôm sau. Chương 11 Teruo Sato không rối trí lắm về việc Massao lại thoát khỏi tay bọn thám tử tư của hắn. Trong cuộc chơi cờ, vấn đề không phải ở nước chiếu tướng, mà là ở nước chiếu bí. Và cái ngày này sẽ là ngày chiếu bí. Thằng cháu hắn khôn ranh thật, nhưng chưa khôn đủ. Nó hy vọng Kunio Hidaka sẽ cứu nó, vì ngoài ông ta ra nó không còn trông cậy vào ai được nữa. Nhưng Kunio Hidaka trước sau cũng chỉ là một người làm công, ông ta sẽ phải tuân lệnh chủ và người chủ đó là Teruo Sato. Teruo định dùng miếng mồi Hidaka để nhử Massao vào bẫy. Đến Los Angeles, Teruo được tin Hidaka đã đi công cán vắng. Hắn ra lệnh cho cô thư ký của Hidaka : - Cô gọi ông ta đến nói chuyện điện thoại với tôi. - Vâng, thưa ngài Sato. Teruo ngồi đợi trong văn phòng riêng của Hidaka, hắn rút một điếu xì gà đựng trong chiếc hộp để trên bàn. Cô thư ký thông báo : - Thưa ngài, ngài Hidaka đang đợi bên máy điện thoại. Teruo nhấc ống nghe : - Hidaka phải không? - Chào ngài Sato. Tôi hoàn toàn không biết ngài đã đến California, nếu không tôi đã đích thân đến chào ngài. Tôi... - Anh đang ở đâu đấy? - Ở Arizona, tôi đang xem xét một vùng đất để xây dựng công xưởng mới. Đây là một... - Trong bao lâu anh có thể quay trở về Los Angeles? - Tôi định quay trở về vào thứ sáu, tức là ngày mai, nhưng công việc của tôi ở đây lại chưa xong. Tôi dự định quay trở lại vào thứ hai tới. - Không! Ngay ngày mai anh phải có mặt ở đây! - Vâng! Thưa ngài Sato! - Tôi sẽ cho một chiếc Jet của hãng đến đón anh! - Xin cảm ơn ngài! Im lặng một lát rồi Kunio Hidaka nói : - Tôi vô cùng đau xót trước cái chết của ngài Matsumoto. Teruo trả lời : - Phải. Một tin buồn cho tất cả chúng ta. Ông ta là một người thật là đáng kính. - Vâng, đúng thế, và là một người bạn tốt. Tôi không bao giờ quên ông ấy. Massao có ở chỗ ngài không ạ? - Nó sẽ đến. Thôi, mai chúng ta gặp nhau nhé! Teruo đặt ống nghe rồi ngả người trên ghế! Hắn thấy hài lòng, hắn dang đi nước chiếu bí! Kunio Hidaka là một người chín chắn. Đã xảy ra nhiều sự kiện làm ông khó hiểu. Ông rất quý ông bà Matsumoto và rất đau buồn trước cái chết của họ. Massao gần như là con trai ông, vậy mà ông đã nghe được nhiều tin đáng lo ngại về anh. Có một điều gì đó không ổn. Trước hết là cú điện thoại của Teruo Sato ra lệnh cho ông quay trở lại Los Angeles, rồi lại đến một cú điện thoại nữa còn khó hiểu hơn. Có những dấu hiệu khiến ông không hiểu nổi, và chúng báo trước những điều bất ổn. Ông đã hứa quay trở về, ông cảm thấy có điều gì u ám, nặng nề. Đúng chín giờ sáng hôm sau, Massao gọi điện thoại từ phòng anh ở khách sạn. Anh bất chấp cả việc có thể bị nghe trộm. Bây giờ thì đã quá muộn để lo việc này. Giờ đây anh hoàn toàn giao phó tính mạng cho Kunio Hidaka. Không còn nơi nào cho anh ẩn náu nữa. Massao quay số, ngay sau đó anh nghe thấy giọng cô thư ký của ngài Hidaka : - Văn phòng ngài Hidaka đây. - Tôi đã gọi điện đến nhiều lần rồi. Ngài Hidaka có ở đấy không ạ? - Xin ngài cho biết quý danh? - Hãy nói với ngài Hidaka tôi là Massao! - Xin ngài chờ một tí. Rồi giọng Hidaka vang lên trong ống nghe : - Massao con! Một niềm sung sướng tràn ngập tim Massao. Ôi! Cuối cùng đã gặp được Hidaka. - Bác Hidaka, ôi, bác Hidaka! Có một việc rất quan trọng cháu cần nói với bác ngay. Chúng ta có thể gặp nhau ở đâu đó được chăng? Kunio trả lời : - Tất nhiên! Đến văn phòng bác nhé! Massao lưỡng lự. Anh dự định nói chuyện với bác Hidaka ở một nơi nào khác cơ. Có lẽ công xưởng đã bị canh phòng. Anh cần hết sức thận trọng. Anh biết rõ, nếu bây giờ anh phạm sai lầm thì tất cả sẽ chấm hết. Anh thận trọng hỏi : - Bác đã nói chuyện với chú Teruo của cháu chưa ạ? - Chưa! Massao lấy làm ngạc nhiên. Anh tưởng rằng Teruo phải liên lạc với bác Hidaka rồi chứ. Nhưng Massao tin bác Hidaka. Anh đặt tính mạng mình vào tay bác. - Hay quá. Cháu sẽ đến văn phòng bác ngay bây giờ. Cháu muốn được nói với bác càng nhanh càng tốt. - Ừ! Đến ngay đi! Kunio Hidaka từ từ đặt ống nghe xuống máy và đưa mắt nhìn Teruo Sato. Teruo nói : - Anh khá lắm! Bây giờ anh hãy quay trở lại Azirona và lo liệu nốt công việc ở đấy. Tôi sẽ lo chuyện Massao! - Thưa ngài, anh ấy có chuyện gì đó rất muốn nói với tôi. Anh ấy... - Tôi đã nói với anh rồi! Hidaka! Thời gian gần đây Massao có rất nhiều khó khăn. Cái chết của cha mẹ nó làm nó quẫn trí. Anh cứ để tôi lo liệu cho nó! - Vâng! Thưa ngài! Kunio Hidaka cúi chào và rời khỏi văn phòng. Teruo dặn dò cô thư ký rồi ung dung ngồi chờ. Tất cả đã được chuẩn bị để đón Massao. Lần này thì không thể có một sai sót nào. Massao ngồi trong phòng khách sạn, cạnh máy điện thoại. Anh suy nghĩ mông lung. Lẽ ra anh nên hẹn gặp bác Hidaka ở một nơi nào khác thì hơn. Trong văn phòng của bác Hidaka, anh đơn thương độc mã. Anh nhớ rõ người ta đã phân phát ảnh anh khắp phân xưởng New York như thế nào. Chắc chắn Teruo đã phân phát ảnh anh đi khắp các công xưởng Matsumoto. Vậy mà không thấy bác Hidaka nói gì cả. Massao nghĩ, sao mọi việc lại có vẻ thuận lợi thế nhỉ? Có lẽ vì mình đã lẩn trốn quá lâu rồi. Thật khó mà tin được cuối cùng lại có thể chấm dứt cơn ác mộng này. Dẫu sao anh cũng không còn con đường nào khác. Kunio Hidaka là nguồn hy vọng cuối cùng của anh. Có lúc Massao đã định gọi điện lại cho bác Hidaka và hẹn gặp bác ở một địa điểm khác. Nhưng rồi anh lại nghĩ: không mình phải tin bác ấy! Massao rời khách sạn đến gặp Kunio. Anh đi ô tô buýt đến phía bắc Hollywood và xuống xe cách xưởng máy ba dãy nhà. Anh đi thong thả, luôn luôn quan sát mọi người xung quanh và đề phòng mọi bất trắc. Tất cả có vẻ bình thường. Hình như chẳng có ai để ý đến anh. Có lẽ anh đã quá cẩn trọng. Lúc này, anh đã dứng trước toàn nhà trắng khổng lồ của xưởng máy. Một tấm biển đầy tự hào trên nóc nhà: Hãng công nghiệp Matsumoto. Dòng người tấp nập ra vào công xưởng. Massao rẽ sang đường và tiến đến phía công xưởng. Gần tới nơi, chợt một giọng nói đang gọi vang lên phía sau anh : - Đứng lại! Không được động đậy! Rồi một bàn tay cứng như sắt siết chặt lấy anh. Ba mươi phút sau, Massao bước vào phòng chờ của Kunio Hidaka. Anh nói với cô thư ký : - Tôi là Massao Matsumoto! Tôi đã hẹn gặp ngài Hidaka. Anh tự hào khi cất tiếng nêu tên thật của mình. Đã được dặn trước, cô thư ký nói : - Ngài Hidaka đang chờ anh. Xin mời anh vào phòng! - Cảm ơn cô! Massao hít mạnh một hơi rồi đẩy cánh cửa bước vào phòng. Anh đứng sững như trời trồng khi thấy người đứng trước mặt. Teruo Sato cất tiếng : - Mừng mày đã tới! Tao đang chờ mày đây, Massao! Massao đứng khựng lại. Bên cạnh Teruo là hai tên lực lưỡng, cao lớn đang lăm lăm chờ lệnh. Teruo quay lại bảo chúng : - Các anh ra ngoài chờ! Tôi muốn nói chuyện riêng với cậu cháu này một chút. Hai người đàn ông đi ra và khóa trái cửa lại. Teruo khoan khoái đứng quan sát người cháu. Mắt hắn lóe lên niềm vui mừng : - Bất ngờ quá phải không? - Ngài... ngài Hidaka đâu ạ...? - Rất tiếc ông ấy phải đi công cán rồi. Mà chúng ta cũng chẳng cần đến ông ta. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau cơ mà. - Tôi không có gì để nói với ông cả! - À! Mày không có à, thằng cháu quý hóa của tao! Mày đã gây cho tao bao nhiêu trở ngại rồi đấy. Mày đã làm nhục cả gia đình này! Massao cứng cỏi : - Nếu như có kẻ nào đã làm nhục gia đình, kẻ đó chính là ông. Ông là một tên ăn cắp. Ông đã âm mưu chiếm đoạt hãng doanh nghiệp của cha tôi. - Hãng này là của tao, của tao! Người ta không thể ăn cắp cái của chính mình! - Ông sẽ làm gì tôi bây giờ? - Tao sẽ làm giống như với cha mày! Cha mày là thằng ăn cắp. Không có tao thì không thể có cái hãng này được. Cha mày không bao giờ biết đến công của tao. Không bao giờ. Teruo rít lên vì giận dữ : - Cha mày chỉ coi tao là một thằng em rể khốn khổ, quẳng cho tao cục xương chẳng ai thèm nhá. Nào, bây giờ thì cha mày chết tắc cổ vì cục xương ấy rồi đấy! Cha mày phải để lại xưởng doanh nghiệp này cho tao, tao mới là người xứng đáng được hưởng! Hắn run lên vì tức tối, rồi hắn bỗng chợt nhận thấy điều đó. Với một cố gắng điên dại, hắn dần dần lấy lại tự chủ : - Cái gì đã qua là đã qua. Bây giờ tao phải nghĩ đến tương lai. Mày cản trở tao, Massao ạ. Mày phải bị loại trừ. Nếu mày biết điều, tao sẽ lo cho mày một cái chết êm dịu - Một tai nạn chớp nhoáng chẳng hạn! Massao vẫn đứng im nhìn hắn. Anh không nói một lời. Teruo bước tới cửa giật tung hai cánh. Hắn không rời mắt khỏi Massao : - Thôi đủ rồi, mang nó đi! Hắn ra lệnh. Trung úy Brannigan bước vào : - Xin chào ngài, ngài Sato! Teruo ngạc nhiên nhìn xung quanh. Trước mặt hắn, thay cho hai tên giết người mà hắn đã chuẩn bị là viên trung úy. Hắn lại càng kinh ngạc hơn nữa khi thấy đằng sau viên trung úy là Kunio Hidaka và hai cảnh sát mặc sắc phục. - Thế... thế này là thế nào? Teruo hốt hoảng hỏi : - Sao anh vẫn còn ở đây, Hidaka? Hidaka trả lời : - Ngài trung úy Brannigan đã yêu cầu tôi ở lại! Teruo trợn mắt nhìn viên cảnh sát : - Sao anh lại dám xông vào công xưởng riêng của tôi? Hắn thét lên vì giận dữ. Trung úy Brannigan điềm tĩnh : - Tôi cũng đang định nói với ông về điều ấy đấy. Đây hoàn toàn không phải là công xưởng riêng của ông. Theo bản di chúc mà tôi được đọc thì nó thuộc về người cháu của ông! Teruo hoang mang : - Tôi... ờ... ờ... tất nhiên. Nhưng thằng bé đã bị loạn trí. Ngoài ra ông cũng biết rồi đấy, nó đã giết chết một người. Trung úy Brannigan lạnh lùng : - Không, tôi không biết. Chỉ có ông đã kể cho tôi về việc đó thôi. - Thôi đủ rồi đấy! Thằng cháu tôi cần được điều trị ngay. Tôi sẽ lo tìm bác sĩ cho nó. Còn bây giờ tôi đề nghị các anh ra khỏi phòng tôi ngay! Không ai nhúc nhích. Trung úy Brannigan lên tiếng : - Ông đã kết thúc màn kịch rồi chứ? - Kết thúc...? Anh nói cái gì thế? - Tôi mang lệnh đến bắt ông đây! Teruo nhìn Brannigan như không thể tin vào tai mình : - Cái gì? Lệnh bắt giữ à? Bắt tôi? Anh điên rồi đấy? Lệnh bắt vì lý do gì? - Vì tội giết bốn mạng người. Vì âm mưu giết người. Teruo phát sốt lên vì căng thẳng, hắn cố gắng xem điều gì đã xảy ra : - Thật nực cười! Anh đã phạm một sai lầm ghê gớm đấy! Viên thanh tra tự chữa lại : - Không! Chính ông mới sai lầm! Tôi đã nói chuyện với Tadao Watanabe. Ông ta cho tôi biết rằng ông đã biết nội dung bản di chúc ngay từ đầu. Ông đã hy vọng ngài Matsumoto để lại cho ông một nửa hãng doanh nghiệp. Khi ông biết rằng ngài Matsumoto không có ý định đó, ông quyết định chiếm toàn bộ hãng. Vì vậy, ông đã bố trí vụ tai nạn máy bay. Rồi ông tìm cách loại bỏ vật cản cuối cùng, đó là Massao! - Anh... anh điên rồi à? - Sáng hôm nay ngài Hidaka đã thông báo cho chúng tôi biết âm mưu của ông định nhử Massao vào một cuộc hẹn gặp không bao giờ có. Tôi đã chờ ở phía ngoài xưởng máy cho đến khi Massao đến. Sau đó, tôi và Massao đã trao đổi với nhau khá lâu về mọi việc. Teruo Sato đã lấy lại được tự chủ. Mặc cho chúng muốn nghi ngờ gì thì nghi ngờ. Bọn ngốc này làm gì có bằng chứng. Mà Teruo thì lại quá xảo quyệt. Hắn dằn giọng : - Dù sao thì các anh cũng không thể tin vào một thằng choai choai bị bệnh tâm thần được. Các anh cũng chẳng có bằng chứng nào cả. - Ông nhầm rồi! Massao chợt lên tiếng. Anh thò tay vào túi rút ra một máy ghi âm nhỏ. Anh ấn nút, giọng Teruo Sato tự kết án : “... Mày phải bị loại trừ. Nếu mày biết điều, tao sẽ lo cho mày một cái chết êm dịu - Một tai nạn chớp nhoáng...!” Massao tắt máy ghi âm. Một sự im lặng chết chóc bao trùm căn phòng. Mọi người đổ dồn ánh mắt vào Teruo Sato. Hắn cố gắng cất tiếng : - Tôi... Tôi...! Nhưng hắn chẳng biết nói gì nữa. Chiếc máy ghi âm đã nói tất cả rồi. Trung úy Brannigan quay sang hai viên cảnh sát : - Tôi sẽ đề nghị đưa hắn về New York. Họ im lặng nhìn Teruo bị đưa ra khỏi phòng. Massao hỏi : - Người ta sẽ làm gì hắn? Giọng nói của chính hắn sẽ kết tội hắn. Chúng ta nghe quá rõ. Massao nói giọng pha chút tự hào : - Tất nhiên rồi. Chiếc máy ghi âm là sản phẩm của hãng Matsumoto cơ mà. Sau đó một lát, ba người đàn ông ngồi uống trà trong phòng ăn riêng của Kunio Hidaka. Massao nhìn trung úy Brannigan : - Cháu không biết làm gì để trả ơn bác đã giúp cháu. Có lẽ một ngày nào đó mới bác cùng bác gái sang Nhật Bản thăm đất nước cháu. Trung úy Brannigan mỉm cười : - Tôi rất vui mừng được sang Nhật Bản thăm các bạn. Ông chợt nghĩ đến việc suýt nữa ông đã để anh thanh niên mất mạng. Ông trầm tư : - Ồ! Vâng. Tôi sẽ rất vui. Hidaka hỏi : - Kế họach tiếp tới của cháu thế nào, Massao? - Cháu muốn mang di hài cha mẹ cháu về nước và chôn cất thật chu đáo. Hidaka gật đầu : - Bác sẽ lo ngay việc này. Sẽ mang ngay di hài cha mẹ cháu từ New York về đây. Còn việc gì cần bác giúp nữa không? Massao suy nghĩ giây lát : - Vâng. Có một cô gái tên là Sanae Doi làm việc ở xưởng ta tại New York. Cháu muốn cô ấy nhận được một khoản học bổng và được đi học ở trường đại học. Kunio Hidaka ghi vào một cuốn sổ : - Việc này coi như xong! - Còn một tên tổ trưởng ở công xưởng ấy, hắn tên là - Heller. Cháu muốn sa thải hắn. Kunio Hidaka gật đầu và ghi vào sổ : - Còn gì nữa không cháu? Massao rút trong túi ra một giấy chứng nhận cầm đồ và đưa cho Kunio Hidaka : - Cháu muốn chuộc lại chiếc đồng hồ của cha cháu. * * * * * Massao nhìn ra cửa sổ chiếc máy bay Silver Arrow Jet đang kiêu hãnh băng mình trên tầng không và lượn một vòng quanh bầu trời Los Angeles. Chiếc máy bay vạch một đường lượn cuối cùng rồi bay vòng về phía Tây, về phía mặt trời đang lặn. Cuối cùng, Massao cùng cha mẹ anh đang trên đường về nhà. Anh nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra với anh trên cái đất nước này. Anh nghĩ đến Higashi và cuộc chiến đấu một mất một còn của mình. Anh nghĩ đến cuộc chạy maratông và Jim Dale. Massao nghĩ đến Peter và Al. Anh nghĩ đến Disneyland và Trường quay lớn. Anh nghĩ đến trung úy Brannigan. Anh nghĩ đến Sanae. Anh biết rằng một ngày không xa, anh sẽ quay trở lại nơi này. Hết