(c) CBG's txt ebook DỰ ÁN EBOOK 32 CUỐN 1: RUN RẨY BỜ VAI Ebook được thực hiện bởi các thành viên VH-Project và TVE: Chụp ảnh: Yew QLDA: Iris Type: Tyty, bluesky29, sunybrook, phuongminh.122, thuytrang89, Mercury169, nerissa Soát lỗi văn bản: May&nui Chế bản ebook prc: Iris Chế bản ebook pdf: Chút Ngày hoàn thành: 14/09/2010 http://www.facebook.com/vhproject http://vhproject.hnsv.com -----oOo----- Thông tin sách Tác phẩm: RUN RẨY BỜ VAI Tác giả: ROSIE RUSHTON Dịch giả: TRẦN HOÀI THU Nhà xuất bản: Thời đại Số trang: 192 Kích thước: 13 x 20,5 cm Trọng lượng: 200g Năm xuất bản: Quý III – 2010 Giá bìa: 39.000đ -----oOo---- Giới thiệu tác phẩm Ở tuổi 15, Georgie nghĩ cuộc sống thích hợp với bản thân là đi chơi, giao lưu kết bạn và tranh cãi với cha mẹ về giờ giấc được ra ngoài buổi tối, nhưng thực tế, cô rơi vào một tình cảnh mà cô tự đánh giá là do Chúa đã ruồng bỏ mình: phải nấu nướng, lau dọn, giặt giũ, phục vụ người cha nhu nhược và thăm nom người mẹ đang trị liệu tâm lý ở bệnh viện tâm thần. Nhưng điều Georgie lo lắng nhất không dừng ở đó, cô sợ chứng loạn trí từ mẹ sẽ di truyền sang mình, sợ bản thân trở thành một kẻ điên khùng trong mắt xã hội nên giấu biệt mọi chuyện về gia đình, về bệnh tật của mẹ với ngay cả người bạn thân nhất, để rồi rơi vào tình trạng lo ngay ngáy mọi lúc mọi nơi. Những giấc mơ thiếu nữ vụn vỡ cộng thêm áp lực từ học tập khởi đầu cho một loạt hành động thiếu kiểm soát của Georgie. Đang đi ngoài đường, cô bỗng thất thần ngồi phệt xuống đất. Vào trạm điện thoại công cộng, cô cầm ống nghe đập như điên lên bàn quay số. Đỉnh điểm của sự việc là trên lớp, khi thầy giáo yêu cầu Georgie trả lời bài học, cô đã xé toạc quyển sách giáo khoa và hất tung lên trước mặt thầy. Không ai hay biết nguyên nhân thực sự gây nên tình trạng kỳ cục của Georgie, kể cả cô bạn thân Amber. Đơn giản cho rằng Georgie cần một anh chàng âu yếm cưng chiều để giải tỏa những bứt rứt tuổi mới lớn, Amber ráo riết tìm kiếm đối tượng và xúc tiến một cuộc hẹn gặp cho bạn. Trong khi đó, Georgie đang đau đầu nhức óc với vấn đề riêng của mình giữa gia đình bí bét hỗn độn, chưa kể một rắc rối rất nực cười là gặp được chàng trai đẹp nhất đời trong bệnh viện tâm thần... Ngây thơ, tình cảm và kết thúc viên mãn, cuốn truyện này khiến người ta cảm thấy cuộc sống sao quá đỗi dịu dàng. Chương 1 Trưa thứ ba Mẹ tôi ngồi đó, trong chiếc ghế bành đặt sát cửa sổ. Bà chưa biết tôi đến. Bà chỉ ngồi đó, mắt nhìn vào khoảng không trước mặt, vô hồn. Cả đời tôi chưa thấy ai lại ngồi mà chẳng nhìn gì cả nhưng quả thực mẹ tôi đang như vậy, trong trạng thái vô định: trống rỗng đến cùng cực. Rồi tôi sẽ lại bước vào phòng, mở miệng nói những câu ngớ ngẩn mà tôi vẫn lặp đi lặp lại cả tháng nay với bà một cách vô nghĩa: “Chào mẹ, hôm nay mẹ thế nào?”. Bố vẫn nói với tôi rằng mẹ mong tôi đến thăm bà nhưng điều ấy đúng là chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu bà thực sự quan tâm và yêu thương tôi thì hẳn bà đã thể hiện tình yêu thương ấy khi còn ở nhà chứ đâu phải ở cái chốn quỷ quái này – Nhà thương điên – nơi bà ngồi đó hàng ngày chờ người tới thăm nom và phục vụ tận miệng. À quên, đâu phải nhà thương điên, tôi nhầm. Phải gọi là bệnh viện tâm thần mới phải. Ừ thì bệnh viện tâm thần. Có khác gì nhau đâu? Cũng là nơi hàng đống người hoang tưởng kỳ dị nhiều cấp độ khác nhau lượn lờ quanh quẩn hay ngồi im câm lặng, bắc chân chữ ngũ trên ghế, nhìn vào cõi hư không hòng tìm ra hình bóng của chính mình. Thực ra nơi này không giống một bệnh viện mà là một khu an dưỡng sang trọng thì đúng hơn. Trước tòa nhà là một thảm cỏ rộng ngút ngàn. Hai bên cổng lối vào là hai tượng sư tử đá uy nghi. Trong khu nhà còn có cả bể bơi và câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe. Ở nơi này, mẹ tôi có thể thoải mái đi làm tóc, mát xa và thư giãn các kiểu. Vậy nên lúc nào bà cũng nói chưa khỏe để không phải về nhà. Ngẫm đi ngẫm lại tôi thấy bà có lý. Quả thật bà là người may mắn. Dĩ nhiên, các bác sĩ đã nói đi nói lại là tôi không nên suy nghĩ như thế. Mẹ tôi đâu có muốn như vậy mà tình trạng của bà hiện nay là chứng bệnh gây nên. Một chứng bệnh không phải kiểu như viêm phổi hay thủy đậu mà là chứng bệnh gì đó khiến bà trở nên cư xử lạ lùng, nhìn nhận mọi thứ hoàn toàn khác biệt, không giống như người bình thường. Chứng bệnh đó theo tôi thì ngàn lần đáng sợ hơn bệnh thủy đậu. Nếu có ai đó gây nên chứng bệnh khiến bà phải vào đây thì người đó hẳn là tôi. Mẹ chẳng từng hay nói tôi làm bà phát điên lên đấy thôi và giờ thì tôi khiến bà điên thật. Thực lòng mà nói tôi chẳng muốn gây nên cơ sự này. “Chào Georgie! Cháu đến thăm mẹ à?” Không, tôi đến thăm nơi người ta hay trốn trại bằng cách tụt xuống từ ban công ấy chứ. “Dạ. Chào cô Miranda. Vâng, cháu đến thăm mẹ.” Cô Miranda Jenks là y tá chăm sóc mẹ tôi. Hình như mọi y tá đều giống cô ấy thì phải, lúc nào cũng cười toe toét, lạc quan thái quá như đang trong kỳ nghỉ lễ, lúc nào cũng “Tốt, chúng ta cùng bắt tay trang hoàng mọi thứ nhé”, hay “Hãy luôn nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề”. Khía cạnh tích cực là cái gì? Tôi chẳng thấy cái gì tích cực hết. “Cháu nói gì thế? Cô không nghe rõ?” Chết chưa, cô ấy đang nhìn tôi dò hỏi. “Không có gì ạ… cháu đang học nhẩm mấy động từ tiếng Pháp thôi mà.” Gần đây, tôi thường hay vậy. Lảm nhảm một mình, tưởng tượng mình là ngôi sao trong chương trình truyền hình, đang bình luận một sự kiện nào đó. Tôi thấy máy quay đang chĩa vào mình. Cả ê kíp sản xuất đang vây quanh tôi chờ đợi từng từ tôi nói. Thực ra tôi không chú ý mường tượng như vậy nhưng ý nghĩ đó cứ ùa đến. Đôi khi những suy nghĩ lan man ấy cũng tốt bởi chúng giúp tôi bay bổng lên, trôi bềnh bồng rồi biến mất vào thinh không. Lúc này, chỉ những lời thì thầm của tôi mới có thể đưa tôi trở về thực tại. Nhiều năm gần đây, tôi đã bắt đầu tự nói thầm trong đầu mình, như vậy cũng tốt bởi sẽ chẳng ai phiền hà với việc phải lắng nghe tôi nói, còn tôi không tốn hơi sức để nói ra những điều mình suy nghĩ trong đầu. Tuy nhiên từ khi mẹ trở nên điên loạn, những ý nghĩ trong đầu tôi trở nên hỗn loạn đến nỗi tôi phải lảm nhảm thật to lên sao cho chúng có ý nghĩa. “Vào đi cháu”, cô Miranda huých nhẹ vào khuỷu tay tôi. “Mẹ đang chờ cháu đấy”. Đột nhiên tôi muốn hét thật to vào mặt cô y tá xuẩn ngốc ấy rằng người đàn bà đang ngồi trong ghế nhìn vào khoảng không trống rỗng trước mặt kia đâu phải là mẹ tôi. Bà ấy trông giống mẹ tôi, mặc quần áo của mẹ tôi nhưng thực sự không phải là mẹ, chỉ là một lớp vỏ ngoài giống mẹ tôi, không hơn không kém. Một chiếc vỏ ngoài giống hệt nhưng chắc chắn không phải là mẹ. Và khi tôi đẩy cửa bước vào bên trong thì tôi cũng không phải là tôi nữa. Đó chính là điều khiến tôi khiếp đảm nhất. Hôm nay mẹ tôi đã bắt đầu nói chuyện, một sự cải thiện đáng kể từ khi bà vào đây. Thực ra là bà chỉ thốt ra vài lời, phần còn lại là tôi lải nhải nói đủ thứ linh tinh trong khi mắt tôi không rời chiếc đồng hồ và cầu mong sao cho nửa tiếng thăm nom qua nhanh. “Mọi việc ở trường tốt chứ?” Mẹ liếc nhìn tôi thoáng chốc rồi ánh mắt lại trở nên xa xăm như cũ. “Dạ, tốt ạ”, tôi trả lời tắp lự. Sự thật là gần đây hầu như mọi giáo viên đều phàn nàn kết quả học tập của tôi sa sút thảm hại nhưng chẳng cần thiết để nói thật với bà. “Con sẽ đóng vai cây đậu trổ bông trong vở kịch Giấc mơ đêm mùa hạ ở trường mẹ ạ”. Đúng ra tôi chỉ là diễn viên dự bị, có nhiệm vụ phụ giúp việc chuyển cảnh trong vở kịch nhưng nói thế mẹ tôi cũng chẳng biết. Tôi nói dối biết đâu bà lại cảm thấy tự hào. Bà gục gặc đầu. “Ờ”. “Và thứ ba tuần tới, bọn con sẽ bắt đầu vòng thi đấu bóng rổ”. Tôi nói đầy tự hào. “Vậy nên… chắc con không đến thăm mẹ được.” “Ờ”. Lại vẫn “ờ”, chẳng có gì hơn, không phải là “Thế à? Mẹ sẽ mong con lắm”, hay “Chúc đội bóng của con chiến thắng nhé”. Lúc nào bà cũng chỉ “Ờ”. Tôi thấy như có ai đó bóp chặt lồng ngực mình. Đó là cảm giác thường trực xuất hiện mỗi khi tôi cảm thấy giận dữ và lúc này đây tôi thực sự giận dữ vô cùng. Giận dữ với mẹ tôi, với chính tôi và với cả bố tôi. Như đọc được suy nghĩ của tôi, mẹ tôi nhướn mày và hỏi. “Bố thế nào?” “Bố khỏe”. Tôi khó nhọc thốt ra từng từ trước khi cổ họng tắc lại nghẹn đắng. Mẹ hỏi như thể bà quan tâm đến điều đó lắm. Tôi đứng lên đi về phía cửa sổ. Trời chuẩn bị mưa, ngoài sân, phía vòi phun nước bằng đá, một cặp sóc nhảy nhót nhởn nhơ vui đùa, rượt đuổi nhau. Nhìn chúng chạy nhảy, tôi muốn quên đi tất cả, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì, không nghĩ gì về bố, không nghĩ đến việc ông ấy đã suy sụp như thế nào kể từ khi mẹ vào đây, tuyệt đối không nghĩ gì hết. “Georgie, con!” Tôi quay lưng lại ngay. Mẹ đã không gọi tôi trìu mến như vậy nhiều tháng qua. Tự nhiên tôi muốn khóc. “Dạ?” “Con cố gắng…”. Mẹ thoáng chau mày rồi cắn môi như thể bà chợt quên điều muốn nói. “Sao mẹ?” Tôi ngồi thụp xuống ngay cạnh bà. Mẹ cầm tay tôi và chồm người ra phía trước, lo âu nhìn vào mắt tôi. “Con cố gắng… chăm sóc bố”. Tôi thấy hàm răng mình nghiến lại trước khi mẹ nói dứt lời. Sao tôi phải có bổn phận chăm sóc bố? Sao lại là tôi? Đó là việc của mẹ chứ, đâu phải của tôi. Công việc của các bà mẹ là nấu nướng, lau dọn, giặt giũ, sắm sửa chứ, còn con cái có quyền đi chơi, giao lưu kết bạn, tranh cãi với cha mẹ về giờ giấc được phép đi chơi khuya mới đúng. Mà hay nhỉ, tự dưng bà lại lo lắng thái quá cho bố đến vậy? Phải chi trước đây bà bớt hà khắc với chúng tôi thì mọi thứ đâu đến nỗi trầm trọng như bây giờ. Phải chi bà giống như những bà mẹ bình thường khác… “Mẹ đã đối xử không tốt với bố. Ông ấy cần con, Georgie ạ”. Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi. Cằm bà nhô hẳn ra trông hệt như lúc tôi còn nhỏ, khi lỡ tè dầm ra ghế da trên xe hơi khiến bà giận dữ tột độ. “Georgie, con nghe mẹ nói chứ?” Cái cách bà hỏi tôi mới nực cười làm sao, giống hệt như bản tính của bà trước đây. “Vâng, vâng, vâng ạ”, tôi phớt lờ sang chủ đề khác. “Khi nào mẹ sẽ về nhà?” Ngay lập tức bà nhìn sang nơi khác. Nhứng ngón tay bà bắt đầu giật giật vạt áo, hai vai nhún lên tới tận mang tai. “Chưa đâu, chưa đến lúc”. “Mẹ chưa thể về nhà được, Georgie, chưa thể”. Giọng bà rít dần lên theo mỗi lời phủ định. Bà bắt đầu lắc đầu lia lịa, càng lúc càng nhanh như thể bà đang cố gắng xua đi đám bụi bẩn vô hình bám vào cổ bà. “À”, tôi đáp. Lặp lại đúng như cách bà thường nói. “Ừ”. Bà lặp lại mà không nhìn tôi, “ừ”. Tôi đứng dậy, chỉ còn 5 phút nữa. Đến lúc nói lời chia tay để ra về rồi đây. “Mẹ chóng khỏe, mẹ nhé”. Tôi nói. “Con về đây, con còn cả đống bài tập chưa làm, lại còn phải đi trông trẻ nữa”. Đầu bà bỗng dưng giật nảy lên như bị kéo mạnh bởi một sợi dây vô hình. “Cái gì?” “Đi trông trẻ ạ”, tôi hãnh diện nhắc lại. “Nghe được phải không mẹ? Mẹ nhớ cặp vợ chồng mới chuyển tới số nhà 53 chứ? Nhà cô Hà Lan ấy. Họ vừa sinh con trai, tên Joshua và…” “Không, không, không!!!”. Bà rít lên. Bàn tay bà nắm chặt lại thành nắm đấm, đấm vào ngực thùm thụp, đột nhiên bà la hét dữ dội, những âm thanh rít lên của người điên. “Mẹ!” “Im ngay, Georgie! Câm ngay!”. Bà trở nên điên loạn. Đột nhiên tôi nhận ra mẹ không bị khủng hoảng tinh thần tạm thời như người ta nói mà là bà bị điên. Bà điên, điên thật, điên hoàn toàn. Và bà ghét tôi. Tôi biết điều đó. Bà bắt đầu quay cuồng khắp phòng, tay bà nắm lại đập vào đầu mình thùm thụp như thể cố gắng chẻ xương mình ra từng mảnh. “Mẹ thôi đi! Đừng làm vậy!” Bà quay sang tôi, miệng há hốc ra, nước mũi chảy ròng ròng, máu nhỏ giọt trên môi. Đột ngột tôi cảm thấy mình phải rời khỏi đây ngay. Tôi quay ra và cầm nắm cửa để mở nhưng ai đó đã xoay nắm cửa trước. Cửa mở, cô y tá Miranda vội vã chạy vào. “Ngoan nào, ngoan nào Julia, sao thế?”, cô y tá nói với mẹ như thể đang vỗ về một đứa trẻ gàn dở tuổi lên ba. “Không được làm thế, biết chưa?” Cô túm chặt cánh tay bà, nhấn bà ngồi xuống ghế, thì thầm nho nhỏ để xoa dịu bà. Bà lắc lư thân người ra trước rồi ngả ra sau, quăng đầu sang bên trái rồi bên phải, hai tay bà ôm chặt lấy cơ thể mình. Mọi thứ lặp lại giống trước đây. Giống ngày chủ nhật hôm ấy. Tôi phải rời khỏi đây thôi. Tôi quay lưng ra cửa và vụt chạy. “Georgie, đợi đã!”. Giọng cô Miranda đuổi theo tôi dọc hành lang. Tôi vờ như không nghe thấy. Tôi cắm đầu chạy mải miết. oOo Tôi ghét mẹ, ghét mẹ, và nghìn lần căm ghét bà ấy. Tôi nện chân thình thịch trên vỉa hè ẩm ướt, cơn giận trào sôi trong người. Trên mỗi viên đã lát đường, tôi thấy khuôn mặt thất thần, điên dại của bả lồ lộ ra đó, tôi muốn giậm chân lên nó. Tôi muốn hét lên thật to để nói cho bà ấy biết rằng chính bà ấy đã làm cho cuộc đời tôi ra nông nỗi này. Mỗi ngày trôi qua mọi thứ lại càng tệ hại hơn. Tôi dường như thấy bà đang quát mắng tôi mỗi lần tôi để phòng tôi bề bộn hay quên bật lò để làm bữa ăn tối, trong khi bà đang mải mê hết cuộc họp ngu xuẩn này đến cuộc họp ngu xuẩn khác. Tiếng quát mắng của bà văng vẳng trong tai tôi theo mỗi nhịp chân tôi giậm trên vỉa hè. “Georgie, sao con chẳng làm điều gì hay ho vậy? Georgie, con không chịu cố gắng gì cả! Georgie, con làm mẹ phát điên lên đây này!” Tôi không thể ngừng chạy dù cổ họng khát khô và ngực tắc nghẹn. Chiếc cặp sau lưng tôi nhấp nhổm theo mỗi nhịp giậm chân thình thịch. Tôi muốn tránh bà càng xa càng tốt, càng nhanh càng tốt. Tôi thực sự không muốn có một người mẹ như bà. Tôi căm ghét bà. Thình lình tôi trượt chân ngã sõng soài trên vỉa hè, đổ ụp xuống như một con búp bê giẻ rách, sách vở từ trong cặp rơi tung tóe xuống lòng đường, lòng bàn tay tôi trầy xước bỏng rát. “Đứng dậy đi con yêu, ngã tí xíu thôi mà!” Và mẹ tôi ở đó. Đứng trước mặt tôi trong chiếc váy choàng vải bông mặc phía ngoài, bên trong là chiếc áo sơ mi màu kem. Bà dang tay nâng tôi dậy. Những ngón tay mẹ có màu sơn đỏ nhạt, cổ tay đeo chiếc vòng vàng do bố tôi tặng ngày mẹ sinh anh Simon. Mẹ hoàn toàn tỉnh táo. Tôi cố gắng ngồi dậy. “Mẹ ơi, đau quá!”. Tôi khóc, chìa tay ôm lấy mẹ. Bóng bà vụt biến mất. Tôi ngồi đó, trên vỉa hè, mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Tôi sắp 16 tuổi và tôi vừa lảm nhảm nói chuyện với một người không hiện diện. Điều gì khiến tôi trở nên như thế này? Tôi điên. Giống mẹ tôi. Khi tôi còn nhỏ, tôi hằng ao ước được giống như mẹ. Nhưng bây giờ thì không, không bao giờ nữa. Tôi cố gắng tự chủ. Tôi sẽ ổn. Chắc chắn như vậy. Tôi là Georgie Eloisr Linnington. Tôi sống ở nhà số 16 Phillimore Gardens và tôi sẽ không sao hết. Thật sự như vậy. Tôi không ghét mẹ. Tôi hoàn toàn không căm ghét bà. Tôi yêu mẹ, tôi muốn bà ở đây, ngay lúc này. Và tôi sẽ không như bây giờ. Mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi toan đứng dậy thì nghe có tiếng bước chân lại gần. “Nhìn xem, ai đây? Đang làm gì vậy Georgie? Lại nói lảm nhảm một mình hả?” Hai thực tập sinh đáng ghét dừng lại bên cạnh tôi. Tôi nhìn lên thấy chúng, muốn chết lặng. Là Liam Maxwell ở trường tôi và bạn hắn, Jamie. Cả hai đứa nhìn tôi với vẻ mặt vênh váo, giễu cợt. “Tao đã nói với mày nó là đứa lập dị mà”, Liam nói và huých cùi chỏ vào mạng sườn Jamie. Tôi nhoài người bò ra trên vỉa hè để nhặt sách và bút chì đang tung tóe. “Ờ nhỉ?”, Jamie gật đầu xác nhận, vờ như đá phải cuốn sách địa lý của tôi ra khỏi tầm tay. “Không chập mạch thì đã không ngồi đây dưới trời mưa lảm nhảm một mình mày nhỉ?” Hai má tôi nóng bừng bừng. Tôi nhoài lấy cuốn sách, nhưng Jamie đã dậm chân lên nó. “Tôi cần sách”, tôi nói, cố gắng quyết đoán. “Cái mày cần”, Liam cười giễu trong khi chầm chậm thổi bong bóng kẹo cao su nổ bụp vào mặt tôi “là được ghép não. Đồ điên!” “Tôi sẽ mách anh trai cho xem”. Nói xong tôi nhận ngay ra mình buột miệng thật xuẩn ngốc. Từ khi 10 tuổi, tôi đã thôi không dùng câu nói này nữa. Thật ra anh Simon đang học đại học cách xa tôi hàng trăm dặm, hơn nữa anh trai tôi dường như đã quên anh có một đứa em gái cần quan tâm chăm sóc rồi. “Ồ, cứu em, cứu em”, Jamie nhạo, “Tao s… ợ… quá à!” Hắn giở giọng ngọng nghịu và chu mỏ chế giễu tôi. Lúc này đây tôi thực sự muốn òa khóc và nếu tôi khóc trước mặt hai đứa này, ngày mai tôi sẽ lập tức trở thành trò cười cho cả trường. Tôi bèn bỏ cuốn sách địa lý lại và cắm cổ chạy. “Đồ thần kinh!”, chúng hét sau lưng tôi khi tôi rẽ ở góc đường. “Đồ điên, điên toàn phần, điên hết cỡ!” “Không!”. Tiếng “không” bật ra trước khi tôi kìm lại được. “Không… không… không!”. Giờ tôi đã ở cách xa chúng, dù phủ nhận thế nào đi chăng nữa thì chúng cũng chẳng tin điều đó đâu. oOo Tôi đã ở trong box điện thoại công cộng, quay số của anh Simon trước khi tôi kịp nhận ra mình làm vậy. Tôi hấp tấp nhét cả đồng một bảng vào máy điện thoại bởi lần này tôi muốn anh phải lắng nghe tôi, muốn anh quay về nhà để mọi thứ trở nên yên ổn. Anh Simon là người đã luôn an ủi tôi. Khi hai anh em còn nhỏ, mỗi khi tôi gặp rắc rối, chẳng hạn như đi lạc, tắc tịt khi chơi xếp hình cùng các que diêm thì anh luôn nhanh chóng giúp tôi thoát khỏi những rắc rối đó. Anh chỉ hơn tôi sáu tuổi nhưng anh có thể làm mẹ điên đảo xoay như chong chóng. Tôi nghĩ lẽ ra tôi sẽ ghét anh lắm vì anh thông minh nhưng may là anh luôn ở bên cạnh tôi những khi tôi cần anh nhất. Giờ đây cũng vậy, tôi vui mừng vì anh là con cưng yêu quý của mẹ. Nếu tôi thông báo cho anh tình hình nghiêm trọng của bà, chắc chắn anh sẽ về nhà ngay lập tức và giúp tôi thoát khỏi trạng thái mệt mỏi tuyệt vọng hiện tại. Điện thoại reo mãi mà không ai nhấc máy, tôi định cúp máy thì có người trả lời và tôi nghe thấy một giọng nữ ngái ngủ: “Alô” “Có anh Simon Linnington ở đó không ạ?” “Ai đó” Giọng nữ cao the thé tỏ ra khó chịu. “Em gái của anh Simon”. Tôi nhấn mạnh chữ em gái. Không biết chị ta là ai mà lại ở cùng với anh tôi, dù vậy tôi chỉ cắn môi, không nói không rằng. Vài giây trôi qua, tôi mong chị ta sẽ chuyển máy cho anh Simon. “Simon, có điện thoại. Dậy đi nào!” Dậy đi? Trời, bây giờ là 5 giờ chiều, anh ta đang làm cái quái gì trên giường vậy? Ôi trời ơi, quái quỷ thật… “Em gái anh gọi này. Sao chưa bao giờ nghe anh nói là anh có em gái nhỉ?” Không thể hiểu nổi. Có tiếng rồn rột và tiếng ngáp dài. “Georgie hả?” Vừa nghe giọng anh Simon tôi đã òa khóc. “Anh Simon, anh phải về nhà ngay. Mẹ………” Tôi òa lên khóc nức nở. “Sao? Mẹ sao? Mẹ bệnh à?” “Anh nói gì vây? Chẳng lẽ anh không biết mẹ bị bệnh à? Anh biết rõ mẹ bị bệnh. Mẹ đang ở trong bệnh viện tâm thần đấy, trời ạ!” “Suỵt!”, anh nhắc nhở tôi. “Đừng có kêu toáng lên chứ! Đợi chút!” Giọng anh tôi nhỏ xíu và tôi biết anh đang bịt ống nghe lại. Anh đang thầm thì với chị ta, cái gì như đại loại như chờ anh ở ngoài kia độ 5 phút. Chị ta nói sẽ đợi ở ngoài. Còn gì đó nữa nhưng tôi không nghe rõ. Lúc này, đồng hồ báo số giây đàm thoại cũng kêu bíp. “Georgie? Em còn đó không?” Người tôi căng thẳng tột độ như chiếc dây đàn bị kéo giãn hết cỡ. Tôi vẫn còn cầm ống nghe. “Nghe em nói này. Mẹ thực sự bệnh nặng. Anh chưa thăm mẹ lần nào từ khi mẹ nhập viên. Em vừa đến thăm mẹ, mẹ la hét hoảng loạn, vò đầu bứt tau và…” “Lúc trước mẹ cũng vậy mà Georgie. Bình thường thôi. Bệnh viện sẽ lo việc của họ. Em đừng trầm trọng vấn đề quá, nghe chưa?” “Không được, em chẳng thấy ổn chút nào hết?” Bàn tay tôi siết chặt ống nghe đến run rẩy. “Simon, em không thể tự lo mọi chuyện được. Anh không hiểu đâu. Mẹ thậm chí còn không muốn về nhà. Còn bố. Bố suốt ngày nhăn nhó, rầu rĩ. Em phải lo tất cả mọi việc trong nhà và…” Tôi nghe thấy tiếng chị ta càu nhàu gì đó và tôi đang nhận thấy anh Simon hoàn toàn chẳng chú tâm đến những gì tôi đang nói. “Georgie, anh phải cúp máy đây. Anh đang rất vội.” Biết ngay mà, đi với chị ta chứ còn gì nữa. “Nhưng cuối tuần này anh sẽ về nhà chứ? Anh hứa nhé?” Im lặng… im lặng, thật lâu. “Chắc không được” “Anh phải về!” “Không được. Anh đã hai mươi mốt tuổi rồi. Không ai ép được anh phải làm cái này hay cái kia!” Không thể tưởng tượng được. Hai mươi mốt tuổi hay bao nhiêu đi nữa thì Simon vẫn là anh tôi chứ. “Nhưng…” “Nghe này, mẹ chưa chết và cũng không nghiêm trọng đến thế đâu. Bố đã nói rồi đấy. Mẹ chỉ làm việc quá sức thôi. Nhiều phụ nữ cũng bị như mẹ. Em biết rồi đấy, khi phụ nữ lớn tuổi họ thường bị như vậy. Chuyện bình thường mà”. Tôi thẫn thờ, rặn từng từ một qua kẽ răng. “Nghĩa là anh không về nhà?” “Anh không về được đâu. Anh phải đi dự tiệc bây giờ”. “À, hay nhỉ? Hóa ra anh không lo chuyện nhà mà chỉ lo đi dự tiệc hả? Anh hay ho nhỉ? Nếu anh…” “Georgie, đừng trẻ con nữa. Đừng trầm trọng hóa mọi việc lên như vậy!” Tôi nghẹn lời giữa chừng, nước mắt tràn khóe mi. Anh Simon của tôi đã không còn như xưa nữa. Không bao giờ như xưa. “Vấn đề không đơn giản như anh nghĩ đâu! Sao anh lại thay đổi như vậy, Simon?” Đáp lời tôi chỉ là tiếng kêu tút tút từ phía đầu dây bên kia. Anh tôi đã gác máy. Mãi đến khi có một người phụ nữ đứng tuổi liếc nhìn tôi qua cửa kính box điện thoại công cộng tôi mới nhận ra mình đang miết mải gọi tên anh Simon và đang đập mạnh ống nghe vào khung cửa. Tôi liền ném cái ông nghe xuống đất, nó đong đưa lộn ngược xoay tròn theo từng vòng dây xoắn. Tôi đẩy cửa bước ra, người phụ nữ túm lấy cánh tay tôi và kêu ca gì đó, đại loại là bảo tôi có hành vi phá hoại tài sản quốc gia. “Vâng, lẽ ra cháu không nên làm vậy”, tôi tỏ vẻ hối tiếc và hình dung thấy cái camera gắn chìm trong box điện thoại đang quay lại những gì tôi vừa làm để cho công chúng xem với lời giới thiệu. “Chúng tôi xin tường thuật thông tin đáng tiếc vừa nhận được về…” Tôi cúi mặt xuống đất. “Dạ, cháu xin lỗi ạ… Cháu không cố ý…” Người phụ nữ chạm nhẹ vào tay tôi. “Không sao đâu cháu. Cô cũng không nên vội vàng nói cháu như vậy. Chúa phù hộ cho cháu”. Thực sự, tôi muốn nói với người phụ nữ ấy rằng Chúa đã bỏ rơi tôi từ lâu lắm rồi, nhưng tôi không đủ sức mà nghĩ ngợi nữa. Tôi cố nở nụ cười yếu ớt rồi bắt đầu cắm cổ chạy. Chương 2 Chiều muộn ngày thứ ba Điều sung sướng nhất mỗi khi trở về nhà mà không có ai là sẽ không bị kêu ca, cằn nhằn ngay trước cửa ra vào. Thực ra thì mẹ tôi hiếm khi có mặt ở nhà mỗi khi tôi tan học về, vì bà luôn bù đầu với công việc, nhưng bố tôi thì luôn quanh quẩn đâu đó vì ông đang thất nghiệp. Ông luôn chòng chọc chờ tôi về để hỏi tôi hôm nay được mấy điểm, đã có bạn trai chưa. Ngoài ra khi bọn bạn đến nhà tìm tôi thì thế nào bố tôi cũng lởn vởn xung quanh, kiếm cớ xen ngang câu chuyện của chúng tôi với những chủ đề sáo rỗng mà ông cứ nghĩ là hợp mốt, như chuyện các ban nhạc chẳng hạn. Mỗi lần ông như thế tôi lại cảm thấy bối rối, không thoải mái chút nào. Tuy vậy, từ khi bố tôi tìm được chỗ làm mới thì mọi chuyện đỡ hơn hẳn so với khi ông còn “nhàn cư vi bất thiện”, mặc dù bây giờ ông vẫn không ngớt miệng ca thán về công việc mới tìm được. Vào lúc này đây, khi mà tôi đang vỡ òa vì giận dữ, tôi cảm thấy thật sự vui mừng vì chẳng có bố hay mẹ cằn nhằn là phải mua thảm cầu thang do tôi giẫm lên làm bẩn hay la ó khi tôi nện chân thình thịch trên cầu thang gỗ để lên phòng ngủ của mình ở trên gác. Phòng ngủ của tôi ở tầng trên cùng của ngôi nhà. Thời Victoria, phòng ngủ này vốn là ba phòng nhỏ dành cho những người giúp việc. Sau khi bà ngoại mất, mẹ tôi được thừa kế căn nhà nên bố mẹ đã biến ba căn phòng ngủ trở thành một phòng lớn. Anh Simon từng ở căn phòng này trước khi đi học đại học. Sau khi anh đi, tôi dọn sang phòng của anh. Căn phòng dưới chái nhà này thật sự làm tôi cảm thấy thích thú vì nó riêng rẽ và tôi không phải nghe tiếng cãi vã, tiếng khóc lóc hay những điều tương tự. Tôi đá chân vào cánh cửa để bước vào phòng, quăng cặp sách đánh bịch dưới nền nhà, leo lên giường nằm bẹp xuống. Nhìn sang chiếc bàn bên cạnh, tấm hình mẹ và anh Simon chụp chung đang nhìn tôi như chế giễu. Trong tấm hình, mẹ tôi nhìn thẳng, đầu hơi ngả ra sau, môi hé mở, làn gió làm mái tóc nâu vàng của bà tung bay, trông bà giống hệt biểu tượng người phụ nữ xõa tóc thường thấy gắn ở mũi các con tàu ngày xưa. Anh Simon nhìn nghiêng, trông như thể đang đùa cợt gì đó với mẹ. Nhìn họ, tôi thấy mình là người ngoài cuộc và thừa thãi. Tôi vô thức vồ lấy khung hình, ném mạnh về phía cánh cửa phòng, mặt kính thủy tinh của khung hình vỡ vụn thành muôn mảnh, khung hình trở nên méo mó, tấm hình nhô hẳn ra bên ngoài. Tôi chộp lấy tấm hình xé toạc thành nhiều mảnh nhỏ. Tôi ghét mẹ, ghét anh tôi, tôi ghét cả hai người bọn họ. Những mảnh hình nát vụn rơi lả tả từ những ngón tay tôi. Chưa hết, tôi quơ tay lên bàn trang điểm gạt tất cả đồ đạc: chổi trang điểm, các chai lọ cho đến những cây nến… rơi loảng xoảng xuống đất. Tôi thò tay kéo mạnh ngăn kéo tủ đựng quần lót, bốc từng nắm ra rải tung tóe khắp giường, tiếp theo tôi làm tương tự như vậy với ngăn kéo áo lót và cuối cùng là kệ sách. Tiếng chuông cửa đột ngột reo vang làm tôi giật mình. Bố về, chết chưa! Nếu ông nhìn thấy đống hỗn độn này chắc ông sẽ nổi đóa lên như khỉ đột cho mà xem. Tôi liền vơ đại đống đồ lót nhét vội trở vào ngăn kéo tủ. “Georgie ơi, Georgie à!” Không phải bố, còn tệ hơn là bố nữa. “Amber đây!” Tôi không hiểu làm cách nào mà bạn tôi vào được nhà. Có lẽ hồi nãy vì quá giận dữ nên khi vào nhà tôi đã quên khóa cửa lại. Amber tình cờ qua chơi dù không hẹn trước. Thường thì cũng chẳng sao vì Amber là bạn gái thân nhất của tôi, hay đúng hơn cô ấy là tất cả những gì tôi có, nhưng lúc này tôi chẳng muốn gặp ai cả kể cả Amber, cho đến khi nào trong đầu tôi mọi thứ thôi hỗn loạn và căn phòng tôi đã được thu dọn đâu vào đấy. Tôi nghe tiếng chân Amber bước lên cầu thang nên vội vàng chạy ra đầu cầu thang, gạt vội mấy mảnh thủy tinh vương vãi để có thể đóng cửa phòng lại. Vừa đóng cửa xong thì Amber cũng vừa lên đến nơi. “Georgie!” Amber thở hổn hển sau khi leo cầu thang. “Cậu trốn ở đâu? Sao cậu hẹn tớ ở cà phê Costa rồi đi đâu mất tiêu vậy?” “Tớ… à…” Sau khi đi thăm mẹ về, tâm trạng tôi quá rối bời nên đã quên bẵng chuyện có hẹn với Amber để hai đứa cùng nhau đi xem đồ sau giờ học. Tôi kéo tay Amber, lôi nó xuống cầu thang. “Cậu trông thiểu não quá”, Amber nói với tôi. “Cậu mới khóc à?” “Khóc?”, tôi cố tỏ ra buồn cười. “Cậu có mơ không đấy?” Khi sắp mười sáu tuổi, sẽ không dễ dàng cho ai đó thú nhận mình đã rơi lệ. Thực ra lúc này đây tôi cảm thấy tôi không phải mười sáu tuổi mà là ở tuổi mười hai. Thân hình tôi trông cũng chẳng khác nào một đứa trẻ con. Tôi hơi gầy, ngực nhỏ đến độ còn chưa lộ rõ qua làn áo len. Bố thường khen tôi có mái tóc óng mượt, màu nâu vàng như mẹ. Mái tóc tôi dài và dày nhưng tôi sẵn sàng đánh đổi mái tóc của mình để có được khuôn ngực đầy đặn. Hàng tháng tôi cũng không có chy kỳ đều đặn, lúc có lúc không. Tôi không nói chuyện này với ai hết, kể cả Amber. Amber có chu kỳ từ những năm tiểu học và nó mặc áo ngực từ khi 9 tuổi. Tôi có nói chuyện này với mẹ vài tháng trước nhưng lúc ấy mẹ tôi đã hơi bất thường và tất cả những gì bà nói là “Phát triển sớm cũng chẳng ích gì”, mẹ trả lời như vậy thì nếu bà làm các trắc nghiệm trên tạp chí Helpful Mother đảm bảo sẽ được tính trừ 5 điểm cho mà xem. “Có chuyện gì vậy?” Amber hỏi tôi trong khi chúng tôi đi xuống cầu thang. “Cậu làm gì mà lâu thế?” Tôi đang nghĩ ngợi để tìm ra cớ thuyết phục Amber việc thất hứa lần này. À, đi gặp nha sĩ, đúng rồi. “Tớ đi trám răng”, tôi trệu trạo nói, nhai nhai hàm răng tỏ vẻ đau như thật. “Phải trám những ba chỗ, cực đau. Xin lỗi cậu vì thất hứa nhé”. “Thế hả, tội nghiệp cậu quá!” Nó khẽ rùng mình; “Cho tớ xem nào?” “Mấy chỗ trám màu trắng hết nên cậu không thấy gì đâu”, tôi đẩy nó đi ngang qua nhà ăn để vào trong bếp. “Mà này, cậu sang tớ có việc gì không?” Mặt Amber giãn ra thành một nụ cười hết cỡ, nó khoanh tay ngang ngực rồi hét lên sung sướng. “Điều đó đã xảy ra rối!” “Anh ấy đã…” “Ai đã làm gì?”, tôi kéo mạnh cánh cửa tủ lạnh, giả vờ đưa lưỡi qua chỗ răng vừa trám ra vẻ thăm dò. “Nick chứ ai, ngốc ạ!” Amber trả lời. “Tớ đang trên đường đến nhà cậu thì tình cờ đâm sầm vào anh ấy và cậu biết không, anh ấy rủ tớ tối nay đi chơi”. “À, thế à!” “Chỉ ‘à’ thôi sao? Chàng trai hoàn hảo nhất khối 11 hẹn hò với tớ mà cậu chỉ ‘à’ thôi ư?” Chết thật, tôi nhiễm thói quen này của mẹ từ bao giờ, người ta nói “khi sống với ai lâu năm sẽ trở nên giống người đó” quả không sai. “Xin lỗi cậu, tuyệt quá!” tôi cố tỏ ra vui mừng. “Thực đấy, trên cả tuyệt vời!” Tôi cố nhe răng cười toe toét và đưa cho Amber một lon nước chanh. “Phải vậy chứ”, Amber thích chí và nó khui lon nước chanh tôi đưa. “Tớ yêu mất rồi, yêu đến nghẹt thở, cậu hiểu không?” Chắc rồi, nhưng mà hiểu cái gì chứ? Tôi chưa từng có bạn trai. Chưa bao giờ yêu. Nói vậy chứ thực ra tôi cũng đã từng có một cơ hội với Philip Waterman, nhưng sau đó tôi “đá” hắn cái một. Tôi thích làm vậy, đá bay mọi thứ ấy. “Ừm” tôi ngập ngừng không chắc chắn lắm. “Cậu sẽ làm tóc cho tớ nhé”, Amber nài nỉ tôi. Nó cho tay vào mái tóc dày, lộn xộn không có nếp của mình và nói, “trông tớ giống như con chó xù gặp bão vậy!” Tôi bật cười khanh khách trước sự ví von của nó. “Hay quá nhỉ, xem cậu cười kìa!” Amber châm chọc, “tớ đang nghĩ tới một điều gì đó thật tuyệt vời sắp xảy ra”. Phút chốc, tôi muốn thổ lộ với Amber tất cả những gì đang dày vò tôi bấy lâu nay. Tôi không muốn giả vờ nữa, mà muốn nói hết tất cả mọi thứ về mẹ tôi, về cái nhà thương điên nơi mẹ tôi đang ở đó, về cái ngày chủ nhật tồi tệ đã xảy ra, về việc mẹ tôi yêu cầu tôi chăm sóc bố, làm sao để bố tôi luôn cảm thấy dễ chịu. Tôi muốn hét thẳng vào mặt Amber, túm lấy nó mà lắc để cho nó biết là nó may mắn như thế nào khi nó chẳng phải lo lắng điều gì ngoài kiểu tóc chết tiệt và gã trai vớ vẩn của nó. Dĩ nhiên tôi không hề hé môi. Tôi nén ‎ý định của mình xuống bằng chiêu thức riêng như sau: cắn thật mạnh vào hai bên má cho đâu thấu trời, đưa lưỡi về vị trí cũ, nuốt trôi từng từ một vào họng để chúng theo nhau biến mất. Cách này xem ra chẳng giống ai nhưng thực sự hiệu nghiệm, tốt hơn nhiều lần so với việc nói ra mọi thứ để rồi sau đó cảm thấy hối tiếc. Đây là cách tôi hay làm, tác dụng cực kỳ, thực đấy. Có hơi điên điên một chút không, cái việc nuốt chữ ấy? “Georgie!” Amber lắc lắc cánh tay tôi. “Không có thời gian để nghĩ ngợi lung tung đâu. Nick hẹn tớ vào 7 giờ tối nay đấy, tớ còn chưa “làm sạch cỏ” nữa đây này. Giờ cậu làm luôn giúp tớ nhé?” Để lấp liếm cho việc nãy giờ đầu óc tôi đang ở tận đẩu tận đâu trong khi Amber đang nói chuyện với tôi, nên tôi gật đầu đồng ý ngay lập tức trước khi hiểu ra nó đề nghị cái gì. “Quá tốt!” Amber nói. “Đi nhanh thôi, vào phòng cậu nhé?” Nó xăm xăm bước lên gác trong khi miệng liếng thoắng điều gì đó về cơ bắp săn chắc và những lọn tóc rũ lãng tử ở hai bên tai anh chàng Nick. Tôi thực sự chẳng quan tâm. “Vào nhà tắm chứ!”, tôi la lên khi chúng tôi đã lên đến đầu cầu thang. “Cậu vào nhà tắm đi, tớ sẽ đi lấy miếng mút và mấy dụng cụ nữa”. “Không, hâm ạ”, Amber mỉa mai tôi. “Phải có nguồn điện để cắm đồ duỗi tóc chứ”. Chả kịp nữa, giờ thì Amber đã ở ngay cửa phòng tôi, tôi liền vắt óc để nghĩ ra cách gì đó bào chữa cho sự hỗn loạn trong phòng mình. Amber từng nhận xét phòng ngủ của tôi thật “hết ý” vì nhiều lý do, đầu tiên là khá lạ mắt, và nó chê phòng ngủ của nó dở hơi hết chỗ nói. Mẹ Amber là một nhà điêu khắc, chuyên làm ra những tác phẩm kỳ dị nhất: những cái đầu người bằng thạch cao, những bàn tay to khổng lồ bằng gốm với những ngón tay “khủng” được gắn trên tường để treo quần áo. Cái chắn cửa là những đầu hói trong khi gương soi được trang trí với những chữ Trung Quốc ngoằn nghèo, có nghĩa đại khái: “Ôi chàng trai, trông bạn cực kỳ ‘hoàng tráng’!”. Amber cho rằng cái đống trang trí đó cũng chẳng ảnh hưởng mấy nhưng quan trọng là phòng của nó ở ngay cạnh phòng mẹ nên muốn nghe nhạc to hay gọi điện lúc đêm khuya thì chẳng tiện lợi chút nào. Thêm nữa, cửa sổ phòng nó lại hướng ra nghĩa địa, quanh năm suốt tháng ngắm mấy cái bia mộ lạnh lẽo rợn người thực chán ốm. Phòng của tôi có tới ba cửa sổ, thừa hưởng từ ba phòng dành cho người làm trước kia. Dưới mỗi cửa sổ lại có một cái ghế để ngồi xuống và nhìn ngắm bên ngoài. Một cửa sổ hướng ra sân sau, một cửa sổ khác nhìn ra đường trước nhà. Cửa sổ còn lại hướng ra “Vùng hoang dã”. Sỡ dĩ có tên gọi vậy vì ngôi nhà bên cạnh của chúng tôi đã bị bỏ hoang từ lâu với khu vườn mọc đầy cỏ dại, chằng chịt, hoang liêu nhưng cũng đầy lãng mạn. Thông thường mỗi khi bước chân vào phòng tôi, điều đầu tiên Amber làm là chạy ngay đến cảnh cửa sổ hướng ra “Vùng hoang dã”, nơi nó đã vạch ra cho mình một kế hoạch cực kỳ vĩ đại. Cái kế hoạch mà nó đã dự tính từ nhiều tuần nay kể từ lần đầu tiên nhìn thấy Nick Trevelyan xuất hiện ở trường và xác định Nick sẽ là tình yêu cả đời của nó. “Đó là số phận”, Amber thú nhận với tôi vào ngày thứ hai của học kỳ về những cảm giác của nó đối với Nick – thằng con trai có bộ ngực vạm vỡ và gò má cao, người mà nó sẵn sàng chết để được yêu. “Tớ cảm thấy tình yêu đang nhảy múa trong lồng ngực”, Amber đặt tay lên ngực, ước ao và chỉ tay về phía “Vùng hoang dã” và nói, “Nơi ấy sẽ là chứng nhân cho tình yêu của tớ”. “Cậu đùa à?”, tôi la lên, “Nick thậm chí còn chưa rủ cậu đi chơi, hơn nữa tớ nghĩ chẳng gã con trai nào thích chui rúc trong bụi rậm cả”. “Cậu thật là…!”, Amber mắng tôi, “chẳng có tí đầu óc lãng mạn nào cả. Nick sẽ rủ tớ đi chơi cho mà xem và một ngày đẹp trời, tớ sẽ rủ Nick tới nhà cậu, trong lúc cậu đang đầm đìa nước mắt…” “Cái gì? Tớ làm sao…?” Tôi có thể đã khóc rất nhiều trong những ngày vừa qua nhưng nhất định tôi sẽ không khóc trước mặt một thằng con trai nào hết. “Nghe này!” Amber hấp tấp cướp lời tôi. “Cậu sẽ khóc nức nở vì lỡ đánh rơi chiếc nhẫn yêu quý hay cái vòng, hay đại khái cái gì đấy qua cửa sổ vào “Vùng hoang dã”…” “À, nghe có lý đấy”, tôi gật gù xác nhận nhưng Amber chẳng thèm để ý mà tiếp tục. “… và tớ sẽ lên tiếng, ‘Nick và tớ sẽ tìm cho cậu’, sau đó hai đứa tớ sẽ nhảy qua hàng rào, bắt đầu bò rúc, chui trong bụi rậm… khi ấy bọn tớ sẽ má kề má, môi kề môi và…” Nghe đến đấy tôi liền ngắt lời nó. Lý do chẳng phải vì ý nghĩ của Amber quá buồn cười, mà vì trong kế hoạch của nó, nó đang định làm cái chuyện giúp gia tăng dân số của đồi Wheatley, trong khi va chạm gần gũi nhất của tôi với một gã trai là nụ hôn với Philip Waterman (một nụ hôn đầy mùi tỏi). Do vậy, nghe những dự định của Amber đối với tôi chẳng ích lợi gì. “Georgie! Phòng cậu sao thế?” Amber mở cửa phòng, đứng chết lặng, miệng há hốc vì kinh ngạc. Nó chẳng thể đến bên cửa sổ để mơ mộng như mọi khi. Amber chẳng chú ý đến đống đồ hỗn độn tôi bày ra trên giường vì nó đã hiểu quá rõ tôi bừa bộn ra sao, nhưng mắt nó chăm chăm nhìn vào cái khung ảnh móp méo không rời: “Georgie, cái khung ảnh này bị làm sao thế?”, Amber quỳ gối xuống, tay nhặt các mảnh vụn của tấm hình. “Sao lại có các mảnh vụn này?” Ngay lập tức, tôi mở máy như một bình luận viên trên tivi với kịch bản đã được soạn sẵn chạy ro ro trong đầu. “Georgie?” Amber cầm lấy tấm hình với khuôn mặt của mẹ tôi bị xé làm đôi. Tôi cười mà cổ họng dường như tắc nghẹn. Tôi nhìn vào tấm hình, nhưng tất cả những gì hiện ra là khuôn mặt mẹ tôi đang xoắn lại méo mó, và bà đang la hét trên giường bệnh trong bệnh viện tâm thần. Amber vẫn liếc nhìn tôi chờ đợi. “À!” Tôi nói với vẻ cực kỳ bình thản. “Ở văn phòng của mẹ tớ tuần tới có một cuộc thi ‘Xem mặt đoán người’. Ai cũng phải mang đến một tấm hình của mình với một phần khuôn mặt, những người còn lại sẽ đoán người trong bức ảnh là ai”. Tôi nói dối trơn tru đến nỗi đôi khi tôi ngạc nhiên với chính mình. Amber cau mày. “Và”, tôi tiếp tục, “Mẹ tớ bận rộn quá nên nhờ tớ làm giúp”. Tôi thêm thắt vài chi tiết vào câu chuyện bịa đặt hòng làm cho mọi người dễ tin hơn. Amber tò vẻ hoài nghi, “Nhưng khung hình này bị vỡ hết rồi mà. Tấm hình này cậu thường để trên đầu giường lại là tấm hình chụp mẹ cậu khi được trao giải thưởng lớn”. “À, chuyện đó quá lâu rồi”, tôi nói như thầm thì, mẹ đã thay đổi rất nhiều, “Mẹ đã thay đổi rất nhiều từ ngày ấy”. Amber đáo mắt khắp phòng rồi nhìn chằm chằm vào đống mảnh vụn thủy tinh tung tóe phía bàn trang điểm. Thấy Amber vẫn còn đầy hoài nghi nên tôi bồi tiếp, tay chỉ xung quanh phòng. “Tớ kéo mạnh ngăn kéo đầu giường, chẳng may cùi chỏ thúc trúng vào khung hình nên nó rơi xuống vỡ tung tóe”. Mắt Amber nhìn đăm đăm vào mặt tôi. Để tránh ánh nhìn của nó, tôi ngồi thụp xuống đưa tay nhặt mấy miếng vỡ thủy tinh và vứt vào sọt rác. “Tệ thật, tớ sẽ dùng cái hình này và sẽ lấy hình khác của mẹ để lồng khung thay thế”. “Nhưng còn…” Amber chỉ vào những mảnh vụn có hình anh Simon. “Tớ lỡ tay, tớ sẽ lồng hình khác mà”, tôi cười, “vả lại hình của anh Simon quá cũ rồi”. Mắt Amber nheo lại ngờ vực, và tôi biết rằng nó không tin tôi. “Nhưng…” “Này, mấy giờ rồi?”, tôi chỉ tay về chiếc đồng hồ trên tường để làm Amber chuyển hướng. “Cậu có làm tóc không thì bảo?” “Thôi chết!”, Amber giật nảy mình và vội ngồi vào bàn trang điểm. “Tớ chưa làm gì hết. Nhanh lên hộ tớ với”. Cám ơn trời phật vì lúc này đây mối quan tâm lớn nhất của nó là tình yêu. “Kẹp thẳng hay uốn nếp đây?”, tôi hỏi nó đầy thông cảm. “Tớ đã nói rồi mà, kẹp thẳng”. Amber trả lời. “Tớ muốn trông thật dịu dàng, nữ tính, sao cho có vẻ mong manh, cuốn hút nhưng lại đầy bí ẩn”. “Ờ hơ”. Tôi cắm điện dụng cụ kẹp tóc. “Cậu nghĩ tớ có nên làm mấy lọn xoăn nhỏ trên trán và xoắn ôm vào tai không?” Amber đang yêu nên nói chuyện cứ như trong tiểu thuyết lãng mạn vậy, nghe cũng buồn cười. “Chắc rồi”. Tôi gật đầu, với lấy cái lược tạo kiểu tóc, “Mẹ có chai xịt tóc hiệu Freeze & Shine thật là tệ…” Trời ơi, chán ghê, tôi cứ nhắc đến mẹ tôi mãi trong khi vừa cố đánh trống lảng để Amber thôi nói về mẹ tôi. “Lâu rồi tớ chưa gặp mẹ cậu”, Amber nói, ngắm nghía mình trong gương. “Mẹ tớ đi công tác”, tôi trả lời ngắn gọn, lấy một lọn tóc của Amber để kẹp. “Ở đâu vậy?” “Hồng Kông”. Tôi không hiểu tại sao tôi lại trả lời như vậy nữa. Lẽ ra nên nói mẹ tôi đi công tác ở Manchester hay Paris sẽ tốt hơn, nhưng tự nhiên từ ngữ cứ bật ra khỏi miệng tôi trước khi nhận ra mình nói gì. Cũng chẳng sao. Cách đây bốn năm, mẹ tôi từng là nữ doanh nhân của năm trong vùng East Anglia, và bây giờ mọi người vẫn cho rằng mẹ tôi thường đi khắp thế giới để xúc tiến công việc kinh doanh. Amber thực sự ấn tượng. “Quá tuyệt!”, nó nói, “Tớ mong được đến Hồng Kông chết đi được, sướng thật đấy! Khi nào mẹ cậu về nhà?” “Tớ cũng không biết nữa, đi làm ăn mà, cần phải có thời gian chứ”. Tôi như đang ngồi trên xích đu, đã đu nên không thể dừng được. “Nhưng mẹ cậu sẽ về nhà vào dịp sinh nhật của cậu chứ?” Amber nôn nóng. “Tớ tò mò về việc mẹ cậu sẽ tổ chức sinh nhật cho cậu thế nào quá đi mất, cậu cũng hồi hộp chứ?” Tôi thầm mong Amber không hỏi tôi như vậy. Tự dưng tôi cảm thấy tủi thân và giờ đây tôi chỉ muốn trốn khỏi căn phòng này, ẩn mình vào đâu đó để quên đi ngày sinh nhật của mình đang gần kề cũng như người mẹ đang điên loạn và bữa tiệc sinh nhật mọi người đang chờ đợi. Một tuần nữa tôi sẽ tròn mười sáu tuổi, tất cả bạn bè tôi trong khối 11 đều mong được dự một tiệc sinh nhật hoành tráng mà tôi đã khoe với họ là sẽ tổ chức. “Tớ sẽ đến dự tiệc của cậu cùng với Nick nhé? Dù tổ chức kiểu nào nhé?” Hoặc là không được tổ chức. “Chắc rồi”. Ngày sinh nhật của tôi đã gần kề, trước sau mọi chuyện cũng bị bại lộ nhưng tôi lại không thể phủ nhận với mọi người. Tôi cuốn một lọn tóc của Amber vào cái kẹp tóc rồi kéo nó. “Ui da!”, Amber kêu lên. “Đau quá!” “Xin lỗi”. “Chút nữa cậu sẽ quen thôi”. Amber với tay lấy cuốn tạp chí tôi vừa mua có tên Heaven Sent và bắt đầu mở các trang để đọc. May mắn là bài báo có tựa đề “10 cách để quyến rũ người yêu” thu hút sự chú ý của Amber nên cô nàng im lặng được một lúc. Tôi sẽ không thể giấu giếm sự thật về mẹ tôi lâu hơn được nữa. Nếu mẹ tôi không bình phục, trở lại bình thường như trước đây thì sớm muộn gì mọi người cũng biết chuyện. Tuy vậy tôi cũng không thể để mọi người biết vì mẹ tôi dù điên cũng là mẹ tôi. Tôi kẹp mớ tóc vô trật tự của Amber lên đỉnh đầu, miên man nhớ lại khi còn nhỏ mẹ cũng hay kẹp và tết tóc cho tôi trong khi mẹ khe khẽ hát cho tôi nghe. Đó là những ngày tháng thật êm đềm biết bao trước khi mẹ tôi ngập đầu vào công việc rồi rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh. Trước đây tôi không thể nào tưởng tượng ra việc một ngày nào đó mẹ tôi trở nên điên khùng trong khi bố tôi trở nên, nói sao cho phải nhỉ… à… yếu đuối. Bố tôi đã thực sự trở nên yếu đuối khủng khiếp. Tôi vừa thấy thương hại cho ông vừa cảm thấy tức giận. Khi mẹ tôi bắt đầu có biểu hiện điên thì bố tôi lại tỏ ra là không có chuyện gì hết, trong khi ai nhìn vào cũng có thể thấy mẹ tôi không bình thường. “Mọi thứ sẽ ổn mà”, bố tôi thường nói vậy. “Do tuổi tác thôi, đừng lo lắng làm gì”. Khi rõ ràng là mẹ không ổn tí nào thì bố lại không chờ tôi dọn dẹp bãi chiến trường do mẹ để lại. Tôi thực không thể chịu được và… “Georgie! Cậu đang nung cháy tóc tớ đấy!” Amber giằng lấy cái kẹp tóc từ tay tôi và ném phịch xuống bàn trang điểm. “Quỷ tha ma bắt cậu à?”, nó câng mặt lên nhìn tôi đăm đăm. “Cậu chẳng nghe tớ nói cái gì hết, cậu đã kẹp lọn tóc ấy ba lần rồi, biết chưa?” “Xin lỗi, tớ không chú ý”. “Biết rồi, tớ biết lâu rồi!”. Nó chế giễu tôi. “Trông mặt cậu là biết, nó lồ lộ ra trên đấy!” “Mặt tớ sao?” “Mặt cậu đần đần, ngơ ngơ như người trên mây. Dạo gần đây cậu cứ thế nào ấy, có chuyện gì phải không?”. “Không có gì đâu”. Tôi lấp liếm. “À, kể về Nick cho tớ nghe đi”. Thực ra tôi chẳng quan tâm gì đến người tình của Amber, nhưng nghe nó kể về Nick sẽ khiến tôi khỏi phải suy nghĩ về việc nó vừa nói trông tôi ngơ ngơ khùng khùng dạo gần đây. “Nick hả? Trên cả tuyệt vời!”, Amber hít một hơi sâu, đưa cho tôi cái kẹp tóc và ra hiệu cho tôi tiếp tục duỗi tóc cho nó. “Anh ấy không giống bất cứ chàng trai nào tớ đã gặp hết”. “Cậu lần nào cũng nói vậy”, tôi thầm thì, thò tay lấy cái lược và xịt keo tóc lên trên lược. “Cậu đã từng nói Matt là người đi dép trong bụng cậu, Andrew thấu tỏ suy nghĩ của cậu và giờ đến lượt Nick…” “Ừ, thì có nói thế nhưng lần này quả thực khác mấy lần trước!”, Amber cố gắng thuyết phục tôi. “Nick đàn ông lắm, anh ấy có thể hiểu rõ mọi tâm tư tình cảm phức tạp của tớ”. “Tâm tư tình cảm phức tạp?” “Anh ấy nói tớ là người có cá tính phức tạp, đa diện. Và tớ hấp dẫn anh ấy là do thế”. “Ý cậu là…”, tôi châm chọc Amber, “anh ấy thấy cậu mỗi ngày mỗi khác, ngày này không giống ngày nọ nghĩa là chập chập cheng cheng chứ còn gì?” Amber nhướn mày, chẳng buồn cười cợt. “Thì ít ra, tớ cũng không nhàm chán là được”. “Cậu nói vậy nghĩa là tớ nhàm chán hả?”, tôi thấy cơn bực dọc đang dâng lên. “Không!”, Amber thầm thì, tỏ vẻ không chắc chắn, “nhưng cậu hơi…” “Hơi sao?” “Đừng có uy hiếp tinh thần tớ nhưng quả thực gần đây tớ thấy cậu cứ thế nào ấy. Nhiều khi hành động kỳ quặc”. Tôi cắn môi và làm ra vẻ hoài nghi, vô can. “Cậu khác người thì có”, tôi trả đũa. Tôi đọc sách thấy người ta khuyên là nếu có ai đó châm chọc mình thì tốt nhất nên trả đũa họ và như thế họ sẽ tự động chuyển đề tài khác nhưng dường như lời khuyên này chẳng có tác dụng gì với Amber. “Ha ha!”, Amber trả lời. “Không, nói thật đấy, tớ thấy lo lắng cho cậu!” “Lý do?”, tôi tắt cái kẹp tóc và chải tóc Amber thành nếp. “Dường như cậu chẳng quan tâm đến điều gì hết. Cậu mơ giữa ban ngày trong lúc học bài, khi mọi người nói chuyện với cậu, mặc dù cậu đang nhìn họ nhưng dường như chẳng thấy họ trước mặt. Cậu cứ lẩm bẩm một mình… Đó có phải là những dấu hiệu ban đầu của chứng… không?” Tim tôi đập thình thịch, hai hàm răng bắt đầu va vào nhau lập cập. Amber cũng nghĩ về tôi như những người khác nghĩ về tôi, và nó lại là bạn thân duy nhất. Nếu nó bỏ rơi tôi do tôi có biểu hiện khùng điên thì sẽ ra sao đây? Thật không công bằng. Nó chỉ nhìn bề ngoài mà phán xét người khác. Nó nghĩ nó là ai cơ chứ mà nhận xét về tôi đầy ác ý như vậy, trong khi bản thân nó không ở vào hoàn cảnh như tôi – có người mẹ khùng điên – trong khi nó có người yêu như ý, học hành toàn đạt điểm A ngon lành. “Này, quá đáng rồi đấy!”. Tôi ném mạnh cái lược lên bàn trang điểm rồi quay đi. “Tóc xong rồi đấy, đi đi, tóm lại là không muốn chơi với một con điên chứ gì?” Tôi thấy hai má mình nóng bừng và muốn tiếp tục đập phá mọi thứ trong căn phòng. “Georgie!”, Amber phân trần đầy lo lắng. “Tớ đâu có ý đó…” “Thế cậu có ý gì?” “Tớ chỉ nói là tớ lo cho cậu thôi mà”, Amber chạm vào cánh tay tôi, tôi gạt ra. “Cậu làm nhiều thứ quái đản nên tớ cảm thấy lo cho cậu, nhưng cho dù như thế thì cậu vẫn là bạn thân của tớ!” Nó vẫn yêu quý tôi, thế là ổn. Có lẽ tôi đã nóng giận quá đáng. Tôi mỉm cười, tưởng tượng các ống kính máy quay đang chĩa vào mặt mình. Georgie Linnington gan dạ, dũng cảm, luôn vững vàng dù phải đối diện với bao nhiêu nghịch cảnh. Máy quay phim tưởng tượng đưa vào gần mặt tôi hơn. Tôi nghiêng cằm một cách trịnh trọng. “Tớ ổn, chỉ là…”. Tôi chớp chớp mắt và ngưng giữa chừng một cách đầy kịch tính. “Sao cơ?”, Amber tỏ ra cực kỳ bồn chồn và quan tâm. “Tớ có vấn đề về sức khỏe gần đây, tớ vừa phải làm mấy cái xét nghiệm và…” “Xét nghiệm hả? Xét nghiệm về cái gì?”, Amber hỏi dồn dập. “Ờ, không có gì nhiều nhưng một vài kết quả xét nghiệm không tốt lắm. Vì vậy tớ nghĩ tớ hơi điên khùng gần đây là vì thế”. Tôi bặm nhẹ môi, ra vẻ buồn bã pha chút dũng cảm. Amber choàng tay qua vai tôi, xiết nhẹ người tôi. “Georgie, tớ thật sự xin lỗi cậu nhé! Tớ đã không nói thế nếu tớ biết cậu có vấn đề về sức khỏe, nhưng thực chất cậu bị bệnh gì?” Mẹ tôi bị điên, bố tôi trở nên yếu đuối, khóc lóc sướt mướt và tôi đang có triệu chứng điên. Ngoài những thứ trên thì mọi việc điều tốt cả. “Tớ không muốn nhắc đến đâu Amber, không phải lúc này…” “Nhưng tớ là bạn cậu mà”. Amber trông có vẻ bị tổn thương. “Tớ sẽ nói cho cậu biết mà”, tôi trấn an Amber. “Tớ cần thời gian để trấn tĩnh lại cậu ạ”. Tôi đã bịa tiếp một câu chuyện hay ho. “Mà này”, tôi vội vã nói, “cậu đi về đi, không muốn trễ cái hẹn quan trọng chứ?” Tôi mở cửa và đẩy Amber ra. “Nhưng… ?” “Cậu định mặc gì đấy?”. Tôi hỏi nhanh. “Váy da ngắn hay đầm xanh? Tớ nghĩ nên mặc váy ngắn ấy, mặc cái đó trông cậu sexy lắm!” “Thật hả?”. Amber nghe tôi nói thế thì khoái chí vô cùng vì tôi đã đánh trúng tim đen của nó. “Mặc cái đấy thì ngực tớ sẽ trông không quá khủng chứ?” “Không đâu, trông tuyệt lắm, thật đấy. Nhất là đi bốt đen và…” Chúng tôi nghe tiếng cửa đóng sầm, tường rung lên, “Georgie, con đây rồi!” Khi chúng tôi đang luyên thuyên ở bậc cầu thang cuối cùng thì gặp bố tôi đang đứng trong phòng ăn, ướt như chuột, tóc tai bù xù. “À, chào cháu Amber. Mọi chuyện thế nào, công nương? Ở đây chơi đã!” Tôi ước gì bố tôi đừng có tỏ vẻ ra như một người đàn ông trẻ con như thế. “Chào chú Linnington”. Amber tươi cười. “Chú khỏe không ạ?” “Ướt hết!”. Bố tôi trả lời đúng như tình trạng hiện tại. “Trời đang mưa. Con mặc áo mưa vào, Georgie, quay trở vào nhà ngay nhé”. “Con không sao!”. Tôi vội vàng trả lời. “Tránh đường đi bố, Amber đang vội, bạn ấy có hẹn”. “Có hẹn à?”. Bố tôi nhướn mày trêu chọc một cách thân thiết. “Chàng trai nào may mắn thế?” “Bố không biết người đó đâu”, tôi xen ngang, đẩy bố tôi sang bên một chút và mở cửa cho Amber. “Gặp sau nhé, Amber”. Nhưng Amber dừng lại để kéo khóa áo khoác. Bố tôi cởi áo mưa ra và hỏi tôi, “À, mẹ thế nào?” Ở góc ngoài khuất tầm mắt, tôi như thấy Amber đang mở to mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi liền nhếch miệng cười. “Mẹ ổn ạ”, tôi cố giữ bình tĩnh. “Không nói chuyện nhiều lắm. Đường dây điện thoại có vấn đề”. Nhẹ người, Amber đã cài áo xong và đi ra cửa. “Điện thoại hư?”. Trán bố tôi nhăn lại cau có. “Này, Georgie, không phải con chỉ gọi điện cho mẹ thôi đấy chứ? Con đã hứa là đi thăm mẹ cơ mà”. “Tạm biệt Amber! Chúc cậu một buổi tối tuyệt với! Mai gặp lại!” Nó nhìn tôi đầy thắc mắc nhưng tôi đã đẩy Amber ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi quay lại đối diện với bố, nhưng bố đã mở miệng nói trước. “Georgie, sao con làm thế được? Con phải biết là mẹ mong con vào thăm lắm chứ?” “Dạ, chắc rồi!”. Tôi chen ngang qua bố để đi vào bếp. “Mẹ mong con đến nỗi mà mẹ chẳng thèm nói chuyện với con, chẳng buồn hỏi gì cả, sau đó thì bắt đầu la hét điên cuồng chỉ vì con bảo con sẽ đi trông trẻ”. Bố tôi nghiêm nghị. “Con nói gì với mẹ?” “Thì nói con sẽ đi trông trẻ thôi”. Tôi trả lời. “Joshua - ở cuối đường nhà mình”. “Con nói với mẹ vậy thật à?”, Bố tôi nhìn tôi đầy ngạc nhiên như thể điều tôi đã nói với mẹ là chuyện tôi chuẩn bị du hành sao Hỏa vậy. “Sao con lại nói thế?” “Vì để cho có chuyện mà nói”. Tôi vặn lại, “mà sao không được hả bố?” Bố nhìn tôi một lúc lâu rồi lắc đầu chậm rãi, “Không có gì”. Bố tôi ngồi xuống cái ghế ở bàn ăn trong bếp, thở dài ngao ngán. Nếu tôi tạo cơ hội thuận tiện cho bố thế nào bố cũng bắt đầu kể lể về công việc mới của mình hay than thở về mọi cái đang thay đổi nên tôi giả vờ làm ngơ. “Con vội quá bố ạ, giờ phải chuẩn bị bữa tối”, tôi nói với bố. “Ừ, đúng thế”. Bố tôi nói mà không hề nhúc nhích. Rõ ràng cứ đến bữa ăn là lại đến tay tôi phải nấu. Cứ vậy mãi. Nhờ thế mà tài nấu ăn của tôi lên tay thấy rõ vì được thực hành liên miên. “Vậy là… con có vào bệnh viện thăm mẹ đúng không?”, bố tôi hỏi. “Có!”, tôi trả lời, mở tủ lạnh lấy nhanh xúc xích và thịt xông khói để lên bàn. “Kinh khủng bố ạ. Mẹ cuồng lên, đấm thùi thụi, lắc lư người…” Bố vẫy tay ra hiệu tôi đừng kể nữa. “Thế bố nghĩ sao?”, tôi giận dữ, xé toạc vỏ bao ngoài cục xúc xích. “Amber đang ở ngay đấy! Sao có thể đề cập đến chuyện đi thăm mẹ trước mặt nó? Từ từ đợi một chút thì có sao ạ”. “Nhưng bố muốn biết mẹ thế nào…” “Nhưng con chẳng muốn bạn con biết là mẹ đang bị nhốt trong nhà thương điên! Bố nghĩ con hãnh diện về điều đó lắm sao? Vì nếu chúng nó biết thì chúng nó cũng nghĩ con sẽ điên như mẹ vậy”. Tôi quay đi, chộp lấy cái chảo, cố kìm nhưng nước mắt vẫn rơi. “Georgie! Đừng có nói vậy. Mẹ không bị nhốt và mẹ cũng không điên”. “Thực tế đi bố! Được rồi, mẹ đang ở trong bệnh viện tâm thần, chữa trị chứng trầm cảm, chấn thương tâm thần… cũng vậy cả thôi, chẳng hay ho gì để toàn quốc biết chuyện này”. Bố tôi lắc đầu đầy hoang mang. “Nhưng sớm muộn gì người ta cũng biết thôi, và Amber lại là bạn thân của con mà”. “Vậy thì sao? Bạn thân thì sao ạ? Tại sao chúng ta không giữ kín mọi chuyện vì chuyện này chẳng liên quan đến ai hết. Con dám chắc là bố chẳng nói cho ai ở cơ quan biết là bố có vợ bị điên cả, đúng không bố?” Bố tôi thở dài, chống tay lên đầu. Tôi đột ngột nhận thấy rằng bố cần phải cắt tóc. “Thực ra bố có nói. Bố có nói với một vài người, Georgie ạ”, bố tôi thầm thì. “Bố không thể không nói”. Tôi không tin lời bố vì bố nói như thể ông ấy làm việc tại Kettleborough vậy, thực ra hàng ngày bố phải đi làm tận Leehampton, hơn nữa chưa có đồng nghiệp nào của bố đến nhà tôi cả. Vậy chẳng ai cần biết điều đó hết. “Gì ạ? Bố nói là bố đã thực sự nói cho đồng nghiệp của bố biết à?” Tôi cho ít dầu vào chảo và bật gas. Bố gật đầu. “Chỉ một vài người thôi”, bố tôi xác nhận và nhắm mắt lại một cách khó nhọc, “Bố không thể nói dối, Georgie. Bố đã rất mệt mỏi, cực khổ mấy tuần qua, con không thể tưởng được mọi thứ nặng nề với bố như thế nào đâu”. Tôi muốn hét lên với bố để nói cho ông ấy biết rằng tôi cũng đâu có sung sướng gì, nhưng thay vì vậy tôi lại bằm bằm cục xúc xích trong chảo và lật chúng lại. “Hành hay nấm hả bố?”. Tôi cáu cẳn hỏi. Ông ấy không trả lời. “Con hỏi là bố ăn hành hay…” Bố tôi đang khóc, khóc sướt mướt. Đôi vai ông ấy rung lên, tiếng nấc bậc ra khỏi miệng và mặt gục xuống bàn. Tôi chẳng biết phải làm gì nữa. Tôi chưa từng chứng kiến bố khóc trước đây ngay cả khi mẹ tôi trong trạng thái khủng khiếp nhất. Có lẽ là lỗi của tôi, có lẽ tôi không nên nói với bố tôi như vậy, nhưng tôi không thể dừng được. Tôi chờ đợi một chốc nhưng ông ấy vẫn cứ khóc. Tôi tắt bếp, đi tới chỗ ông ấy và thoáng chút do dự: “Bố à?”, tôi chạm nhẹ vào vai và ông ngẩng lên nhìn tôi. “Bố xin lỗi”, ông nói và cầm lấy tay tôi, “Chỉ vì không có mẹ ở nhà nên mọi thứ dường như rối tung lên với bố”. Ông sụt sịt và đưa tay quệt mũi. Tôi muốn nói ngay với ông nên dùng khăn mùi xoa. “Georgie ơi, nếu không có con, bố sẽ không biết làm thế nào đây?”. Bố kéo tôi lại, ôm tôi vào lòng, ít nhiều tôi không muốn ông làm vậy. “Bố con mình sẽ ổn phải không?”. Ông nói. “Cả con và bố ấy?”. “Chắc vậy ạ”. Tôi phải nói như vậy. Vì chỉ cần mình bố hay mẹ đổ bệnh là đã quá ngán rồi. Bố tôi gật đầu và khụt khịt mũi, “Mẹ hôm nay có đỡ hơn không con?” Tôi kẹp chặt ngón tay cái của mình trong lòng bàn tay đau điếng. Từ nãy đến giờ bố chẳng nghe tôi nói gì hết. “Con nói rồi bố”. Tôi thoát khỏi ông và lấy con dao từ ngăn kéo tủ bát đĩa. “Mẹ lên cơn, đập đầu bôm bốp và nhiều thứ khác”. Chỉ nghĩ đến cảnh đó tôi lại thấy phát ốm. “Bố hy vọng là mẹ chỉ quá sức thôi”. Bố nói. “Mẹ xúc động quá mức vì quá mệt thôi”. Tin được không? “Vâng, chắc vậy đấy ạ”. Tôi thầm thì đầy mỉa mai, cắt nấm ra nhiều miếng nhỏ. “Chắc chắn thế ạ, mẹ chỉ quá sức”. “Nhưng Georgie”. Bố tôi nói thêm “đừng đề cập tới việc đi trông trẻ với mẹ nữa nhé, nhất là khi mẹ như vậy”. Không biết bố tôi đang nói cái gì nữa. “Sao lại không được vậy bố?” Bố tôi đằng hắng và gõ gõ tay trên tấm khăn trải bàn. “Bố?” “À, con biết đấy…”. “Biết gì? Con chẳng biết gì hết. Bố muốn nói đến điều gì?” Tôi quẳng nấm và thịt xông khói vào chảo rồi quay lại nhìn bố. Bố tôi mím môi và cầm lấy một đầu khăn trải bàn. “Thế này, mẹ muốn sinh thêm em bé và…” Tôi ngạc nhiên đến nỗi làm rơi cả con dao đang cầm xuống đất. “Mẹ sao cơ bố?” Mẹ tôi gặp nhiều khó khăn trong việc chăm nom chúng tôi vậy mà bây giờ không hiểu sao bà lại muốn đẻ thêm? Còn nữa, mẹ đã bốn mươi lăm tuổi rồi chứ đâu có ít. Bố thở dài. “Mẹ nhớ anh Simon, con biết không, anh con lại đang học đại học và…” “Mẹ còn con nữa mà!” Rõ ràng là đối với mẹ chỉ mình tôi thì không đủ. Tôi hiểu quan hệ giữa mẹ và tôi năm vừa qua không được tốt cho lắm nhưng tôi cũng không đến nỗi hư hỏng, thậm chí tôi còn được khen hòa đồng, dễ thương với các em bé nhỏ trái nết nữa chứ. Bố cầm lấy góc khăn trải bàn và lại thở dài, “Bố biết con ạ, nhưng mẹ muốn sinh thêm một em bé trước khi quá muộn”. Bố nói. “Em bé sẽ làm cho mẹ cảm thấy trẻ lại, trở nên cần thiết, quan trọng và…” “Mẹ kiếp!”. Tôi lỡ buột miệng. Bố tôi bực dọc dậm chân. “Georgie!”. Bố tôi quát lên. “Không được nói năng kiểu đó trong ngôi nhà này!” “Thật kỳ cục, vô lý!”. Tôi hét lên. “Nếu mẹ muốn cảm thấy mình trở nên cần thiết thì để mẹ về nhà ngay đi vì mọi người đang cần bà đấy, nhưng con đoán là chúng ta chẳng có ý nghĩa gì với mẹ hết, mẹ cần một đứa trẻ đỏ hỏn khóc oe oe cơ. Con chưa thấy ai viển vông như mẹ và chẳng quan tâm đến chúng ta chút nào”. Bố tôi đột nhiên ngồi phịch xuống ghế. “Đó là lỗi của bố, Georgie”. Ông nói với cử chỉ biểu lộ sự xấu hổ thường thấy. “Bố không phải là người chồng tốt mẹ mong đợi. Bố thật vô dụng…” Ông thở dài và cắn môi, “…mẹ phải gắng sức làm việc để bây giờ thì mẹ thực sự kiệt quệ… Phải chi bố có thể kiếm nhiều tiền hơn…” Lại bài ca không quên, tôi chịu hết nổi. “Vâng, vâng, con biết rồi”. Tôi càu nhàu. Nhưng bố vẫn không ngừng nói và tiếp tục lải nhải, “Bố đoán mẹ nghĩ điều duy nhất bố có thể làm là cho mẹ thêm một đứa con”. Bố thở dài. “Nhưng mãi vẫn không có và con nói về những đứa trẻ đã khiến mẹ bị xúc động mạnh”. Hay thật. Giờ thì tự dưng việc mẹ lên cơn là do tôi gây nên. “Thực ra, con chẳng biết gì bố ạ”. Tôi kêu to, múc xúc xích, thịt xông khói và nấm ra đĩa. “Chẳng ai bình thường lại muốn sinh con ở độ tuổi của mẹ cả. Rõ ràng vậy, đầu óc mẹ thực có vấn đề”. “Đừng nói như vậy Georgie!”. Ngạc nhiên chưa, bố tôi lại bắt đầu khóc lóc. “Bố nhớ mẹ lắm”. Bố tôi thổn thức. “Bố không bình thường được khi không có mẹ”. “Mọi thứ sẽ ổn thôi bố”. Tôi trả lời, không phải là tôi tin chắc mọi thứ sẽ như vậy, mà tôi nói thế để bố tôi cảm thấy đỡ hơn. Tôi thực sự không thích bố khóc lóc như vậy. Điều này chẳng khác nào tôi là người lớn, còn ông ấy trở thành đứa trẻ con. Và tôi không muốn mình trưởng thành tí nào. “Con ạ, con giống mẹ lắm”. Bố tôi lẩm bẩm, đưa tay quệt mũi. Tôi chẳng muốn nghe điều này. Tôi đẩy đĩa thức ăn đến trước mặt bố và ngồi vào chiếc ghế đối diện phía bên kia bàn. “Bố không tưởng tượng được là con sẽ tròn mười sáu tuổi vào tuần sau”. Ông thở dài. Tôi không thể để cơ hội trôi qua. “Về sinh nhật của con ấy bố”. Tôi mở lời với nụ cười hết cỡ, “Mẹ từng nói con có thể tổ chức tiệc và con đang thắc mắc liệu..”. “Tiệc?”. Bố tôi há hốc miệng. “Này con, mọi sự giờ khác đi rồi, hẳn mẹ dự tính nhiều thứ thú vị nhưng…” “Nhưng bố ơi, bố chẳng phải làm gì hết”. Tôi nói vội. “Bố chỉ cần vắng nhà thôi và con sẽ…” “Georgie, sao con lại nghĩ đến việc tổ chức tiệc tùng trong khi mẹ con đang đang nằm trong bệnh viện? Bố tôi hỏi gặng. “Sao con có thể ích kỷ như vậy?” “Con chỉ nghĩ …” “Chúng ta không thể tổ chức tiệc mừng khi mẹ… khi mẹ con không có ở nhà”. Tôi cắn nhẹ lưỡi, lại chơi trò nuốt chữ vào họng cho khỏi bật thành lời. “Vâng”. Tôi chỉ bật ra thế, dù muốn nói nhiều hơn. Bố lại thở dài, “Bố sẽ dẫn con đi ăn pizza, được chứ? Đi cùng Amber, sẽ vui, đúng không?” Lãng xoẹt, chẳng bõ bèn gì với tiệc barbecue trên bãi biển có bắn pháo bông mà Caitlin tổ chức hay tiệc sinh nhật của Emily. Tôi chẳng thèm tốn hơi để trả lời. “Mười sáu tuổi à? Một vài năm nữa con sẽ đi học đại học, lúc ấy bố sẽ ra sao?” Tôi rót nước chanh ra cốc nhưng tay run quá nên đổ ra ngoài gần nửa. “Bố có mẹ”. Tôi nói. “Và có khi có cả đứa nhóc chập chững oe oe suốt ngày nữa. Coi như bắt đầu từ đầu”. Tôi chọc miếng xúc xích. “Ai biết được?”. Ông nói “Mọi thứ thường tồi tệ trước khi trở nên tốt đẹp hơn. Đôi khi bố nghĩ cuộc đời bố hoàn toàn thay đổi và bố không chịu đựng nổi”. Lại nữa. Tôi chẳng muốn nghe tí nào. Tôi không muốn ngồi đây nghe bố than thân trách phận mãi, tốt hơn tôi nên đi chỗ khác. Hoặc ngồi đây cũng được, ăn xúc xích, thịt xông khói, nấm và nhấp nháp ly nước chanh nhưng đầu óc lại đi ngao du trời trăng mây nước vậy. Tôi thường làm thế mỗi khi gặp chuyện khó chịu. Khi còn nhỏ tôi hay tưởng tượng mình thu nhỏ người lại như người Duplo, ngó nghiêng khắp phòng rồi chui tọt vào chai sữa rỗng, đứng trong đó, hấp hé nhìn mọi thứ xung quanh. Hẳn nhiên giờ tôi không tưởng tượng thế nữa. Giờ tôi thực sự lãng du. Trên đầu tôi là những đám mây lóng lánh đủ màu sắc. Đám mây bồng bềnh mịn như tơ, nhàn nhạt màu tím dịu dàng của loài hoa tử đinh hương, chúng nâng tôi lên và bay ra khỏi bếp, chúng đưa tôi lên tận trần nhà rồi thoát ra ngoài. Những đám mây nhẹ nhàng bao trùm lấy tôi, che chở, ấp ủ tôi náu mình trốn khỏi thế giới hiện hữu, thoát khỏi căn bếp, thoát khỏi những lời phàn nàn của bố, khỏi những ký ức, hình ảnh mẹ tôi đang vật vã điên cuồng, chẳng bao giờ nhìn tôi âu yếm dù chỉ một lần. Nhưng những đám mây ấy cũng không giúp tôi thoát khỏi sự dằn vặt bởi ý nghĩ tôi chẳng có kilogram nào với mẹ, có thế bà mới muốn sinh thêm em bé, mà lý do là vì anh Simon không còn ở cạnh bà. Rất có khả năng việc chỉ có mình tôi ở cạnh bà đã khiến bà bị điên. Giống như bà đã từng nói thế. Tôi phải ngừng nghĩ ngợi thôi. Dù còn rất sớm nhưng tôi đứng lên rời khỏi bàn ăn để chuẩn bị đi trông trẻ. Tôi sẽ mang những đám mây đi theo mình và như thế tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn oOo Tôi đi quá nửa “Vùng Hoang dã”, những đám mây màu tím của loài hoa tử đinh hương vẫn bao trùm lấy tôi. Để đi tắt qua khu vườn, tôi băng ngang chỗ hàng rào bị gẫy ở cửa sau. Bất ngờ tôi vấp mặt vào những chiếc lá cây nhô ra. “Tuyệt làm sao!” Một giọng nói vang lên khiến tôi cứ tưởng cái cây biết nói, giọng nói làm tôi giật mình vì đang mải miết mơ hoa giữa ban ngày. Một khuôn mặt tròn, đỏ nhô ra phía sau cái cây màu xanh được trồng trong một chậu lớn. Khuôn mặt nhìn tôi tươi cười. “Cháu gái tốt bụng, giữ cái này hộ bà một chút với!” Một cái chậu đất nung được ấn ngay vào tay tôi làm tôi không kịp từ chối. Đang mơ màng nên mất vài giây tôi mới định thần trở lại. “Tuyệt vời, giữ yên cháu nhé”. “Nặng quá bà ạ”. Tôi thầm thì, trĩu mình xuống vì cái cây khá nặng. Người có khuôn mặt ửng đỏ cười khùng khục trong họng, đóng rầm cánh cửa xe Beetle VW cũ rích, bước lên bậc tam cấp của ngôi nhà. Bà là một phụ nữ to cao với búi tóc bạc cặp trên đỉnh đầu, búi tóc chĩa xuống phía dưới trông không khác nào những chiếc lông công bạc. Bà ấy mặc một chiếc quần nhung màu xanh ngọc bảo và chiếc áo khoác ngoài bằng lụa màu hồng nhạt, cổ quàng một chiếc khăn lông. Trông bà ấy giống như một chiếc kem hình nón ngoại cỡ. “Không có ai ở đây đâu ạ!”. Tôi nói vội. “Ngôi nhà bỏ hoang lâu rồi bà ạ”. “Không còn hoang nữa đâu cháu”. Bà ấy trả lời tôi, vẫy vẫy chiếc chìa khóa lủng lẳng dưới sợi dây. “Giờ bà sẽ ở đây!” Nói xong, bà liền tra chìa khóa vào ổ để mở cửa bước vào. “Bây giờ”. Bà nói một cách phấn chấn và nhanh chóng quay trở lại bậc tam cấp, “hai bà cháu mình đưa cái cây này vào hành lang, bà đi sau, cháu đi trước nhé?” Bằng cách nào đó chúng tôi cũng xoay sở để đưa được cái cây vào trong nhà sau khi dùng chân đá để dẹp một đống thư rác và báo biếu cản lối đi, chất chúng thành đống vào góc nhà. “Hoàn tất!”. Bà vui vẻ nói, phủi tay vào quần. “Nhân tiện, Flavia”. “Cái cây ạ?” “Không, tên bà, Flavia Mott”. Bà vuốt vuốt mấy chiếc lá cây một cách trìu mến. “Cháu xem, tên Flavia nghe cũng giống như tên một loài thảo mộc nhỉ? Bố bà đặt tên cho bà đấy. Có lẽ do lúc mới sinh tóc bà có màu vàng”. Tôi ngán ngẩm, có lẽ định mệnh đã an bài cho tôi suốt đời luôn được vây quanh bởi những người bất bình thường. Flavia cười toe toét. “Tiếng Latinh”. Bà nói. “Favus có nghĩa là màu vàng. Bố bà rất thích văn học Hy lạp[1]!”. Hoan hô các ông bố! Tôi lách người đi trở ra hướng cửa. “Tên cháu là gì?”. Bà Flavia nhìn tôi chờ đợi. “Georgie Linington”. Tôi trả lời, tránh cái nhìn của bà. “Cháu ở nhà kế bên”. “Ôi, tuyệt vời!”. Bà ấy vỗ tay phấn khởi. “Hàng xóm mới của bà! Nhà cháu có những ai? Mẹ, bố, em gái, anh trai?” Đúng là tuýp người ồn ào. Tôi chẳng hứng thú gì trước những câu hỏi ấy. “Dạ...”. Tôi lí nhí lưỡng lự. “Cháu xin lỗi, không nói chuyện tiếp được, cháu phải đi trông trẻ”. “Bỏ qua cho bà nhé, làm phiền cháu nãy giờ!”. Bà nói. “Không để ý đến thời gian, bà thường hay bị thế!” Bà tránh sang một bên khi tôi hấp tấp đi ra cửa. “Cảm ơn cháu nhiều nhé!”. Bà nói vọng theo. “Ngày mai bà chuyển tới đây, thỉnh thoảng cháu sang chơi nhé, cháu sẽ gặp Harry”. Ngay lập tức, tôi tự hỏi liệu Harry có phải là một thanh niên phù hợp với tôi, anh ấy độ chừng mười tám tuổi, sẽ bị sét đánh vì tôi ngay lần đầu gặp gỡ và anh ấy sẽ dập tắt toàn bộ nụ cười tự mãn của đám bạn gái tôi, những đứa đang cặp kè với những gã bạn trai thứ năm trong năm học này. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng bà Mott ít nhất cũng phải bảy mươi tuổi, nên chắc không có con ở độ tuổi thanh niên như thế. Harry chắc là chồng của bà. Tôi có thể hình dung ra hình ảnh ông ấy: đầu hói, mang đôi dép lê bằng nỉ, mặc chiếc áo len xấu xí. “Dạ, chắc cháu không sang được đâu vì...” Bà ấy dường như như không nghe tôi nói, “Cháu sang đây chơi bất cứ lúc nào rảnh nhé”. Tôi quay lại, mặt biểu lộ sự tiếc nuối, “Cháu lấy làm tiếc ạ”. Tôi bắt đầu nói. “Ngôi nhà này đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi và...” “Yên tâm, bà cũng thế!”. Bà tươi cười nói. “Chúa ơi, ngôi nhà là cả một mớ lộn xộn nhưng bà đang có kế hoạch sửa chữa rồi, một kế hoạch tuyệt vời và bà sẽ bắt đầu với sân sau trước”. “Amber sẽ không vui đâu ạ”, tôi buột miệng. “Amber là ai hả cháu?’ “Dạ không ạ”. Tôi lí nhí. “Cháu phải đi gấp đây!” Bà bước vào trong nhà và giơ tay vẫy tôi. “Mai nhé, chào cháu!” Và đóng cửa lại. Dĩ nhiên tôi sẽ chẳng sang nhà bà vào ngày mai hay những ngày sau đó. Tôi muốn được ở yên một mình. Thêm nữa, bà rõ ràng hơi hâm hấp. oOo Đối với tôi công việc trông trẻ trước đây khá vui. Thực ra thì trẻ con hơi buồn tẻ nhưng tôi rất thích chúng. Tôi có thể dễ dàng đoán được ý chúng. Cô Holland, mẹ của những đứa trẻ tôi từng trông nói tôi có khả năng trông trẻ và nên đi học để trở thành cô bảo mẫu nhưng tôi sẽ không chọn nghề đó vì tôi chẳng thích sống trong những ngôi nhà của người khác, suốt ngày tuân theo yêu cầu của họ - điều mà tôi đã có quá đủ ở nhà mình. Trông trẻ cho cô Holland khá thú vị bởi gia đình này có tới ba đứa trẻ, một đứa hai tuổi, một đứa ba tuổi và đứa kia năm tuổi, trong số chúng có một đứa lúc nào cũng tỉnh như sáo, đòi tôi kể chuyện hay bồng bế nên tôi chẳng khi nào thấy chán cả. Cô Holland giới thiệu tôi với gia đình Carter khi gia đình này chuyển đến đây. Nhà Carter chỉ có mỗi bé Joshua mười tháng tuổi, thường khi tôi qua trông thì Joshua đang ngủ khì cho nên chẳng có gì vui cả. Cô Carter không phải là tuýp phụ nữ dễ chịu. Cô ấy đưa cho tôi một danh sách dài những điều cần làm và không được làm. Nào là không cho Joshua uống nước ngọt, luôn để con thỏ màu xanh bên cạnh bé, không được cho bé ra gió, phải hát bài “Ring-a-rose” cho bé nghe khi thức giấc, không được mở ti vi to tiếng, phải thăm chừng bé mỗi mười lăm phút… Tôi thấy chán. Nếu hôm nay tôi mang bài tập theo để làm thì có lẽ tôi đã bận rộn nghĩ ngợi về những ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp nhưng một khi đã bị bao trùm bởi những đám mây thì sẽ chẳng ai màng đến những bài tiểu luận và bài tập về nhà cho đến khi “nước đến chân”. Tôi bật tivi để xem. Kên ITV có bóng đá là thứ mà tôi ghét nhất; BBC2 và Kênh 4 đều là chương trình làm vườn, kênh BBC1 thì một chính trị gia đang thao thao bất tuyệt về ngân sách tối thiểu. Tôi đã định đi lên tầng để đánh thức Joshua dậy, nhưng khi tôi chuyển sang kênh UK Gold thì có chương trình “Casualty” rất hay. Tivi đã chiếu được một đoạn nhưng vẫn rất hấp dẫn. Nội dung về một đêm khó nhọc ở bệnh viện trong phòng cấp cứu. Ông bác sĩ trực, tóc tai rũ rượi như nhà thiết kế đang tán gẫu với cô tiếp tân mới thì một người đàn ông cấp tốc chạy vào phòng cấp cứu, kéo theo một phụ nữ đang kêu gào, đang lột bỏ quần áo và cắn vào tay ông ta. “Cô ấy tự dưng lên cơn điên”. Người đàn ông nói to trong khi ống kính camera quay cận cảnh người phụ nữ đang lảm nhảm “Cô ấy đánh tôi!” Tự dưng tôi thấy tôi không phải ở nhà số 53 đường Phillimore Gardens nữa và không phải mười lăm tuổi. Tôi đang ở bãi biển với những hạt cát nhặm trong mắt, xung quanh là những tiếng la hét chói tai lùng bùng. Tôi mười tuổi và đang co rúm người vì sợ hãi. Sợ đến chết. Khi anh Simon và tôi còn nhỏ, gia đình tôi thường đi nghỉ lễ ở Norfolk. Bố mẹ tôi mua một ngôi nhà tranh ở chợ Burnham và chúng tôi suốt ngày lênh đênh trên những con thuyền ở Brancaster Staithe, hay quanh quẩn ở bãi biển Holkham. Trong khi bố tôi mê mãi cùng thú vui vẽ tranh “xấu hoắc” hay chụp hình những cánh chim hải âu, thì mẹ tôi đọc sách còn anh em chúng tôi chơi nhiều trò khác nhau, xây những tòa pháo đài đồ sộ trên bãi cát. Năm nào cũng thế, gia đình tôi đều đến đây nghỉ và đó là thời gian tuyệt vời nhất. Mọi người xung quanh nơi này đều biết chúng tôi, ngược lại chúng tôi thân thiết với họ và cảm thấy thật an toàn khi ở đó. Tuy vậy, có một năm, anh Simon nói anh không muốn đi đến Norfolk nữa. Anh cho rằng ở đó thật nhàm chán, lúc đó anh mười bốn tuổi và muốn trải qua một kỳ nghỉ sôi động hơn. Tôi nhớ mẹ tôi đã khóc rất nhiều, khi ấy bà cho rằng thế là gia đình tôi đã tan vỡ. Bố tôi thì không nghĩ thế, ông ấy cho rằng Simon nói đúng bởi những thanh thiếu niên độ tuổi Simon đều thích đi chơi với bạn bè. Rốt cuộc, anh Simon tham gia chuyến cắm trại phiêu lưu ở Lake District, anh tha hồ chèo thuyền, lái ca nô và những thứ tương tự. Bố mẹ và tôi đi đến Norfolk và kỳ nghỉ thực sự không êm đềm ngay từ ngày đầu tiên. Trước nhất, mẹ tôi làm việc suốt ngày đêm trong kỳ nghỉ. Bà mang theo máy laptop và trốn mình ở phòng sau của ngôi nhà tranh, để mặc bố con tôi đi ra biển chơi một mình. Bố giả vờ như mọi chuyện đều vui vẻ nhưng thực chất ông rất buồn khổ. Bố con tôi chơi một lúc rồi về nhà từ sớm và mẹ không ngớt càu nhàu rằng bà không mong chúng tôi về sớm thế, sao không gắng tìm thêm một cái gì để chơi cho khỏi về nhà. Mỗi buổi sáng mẹ đều gọi điện cho anh Simon ở Windermere và mỗi buổi tối anh đều gọi cho mẹ. Nếu anh gọi trễ hơn chừng mười phút thì mẹ tôi bắt đầu đi đi lại lại bồn chồn trong phòng, liên tục nhìn đồng hồ, càng lúc càng tỏ ra căng thẳng. Mẹ quay sang bố và nói rằng chắc có chuyện gì đó không hay xảy ra với anh Simon, sao lại không ngăn cản đừng cho anh đi chơi ở đó. Rồi lúc anh Simon gọi điện về thì mẹ lại vui cả buổi. Nhưng mẹ chẳng bao giờ ngừng làm việc. Một lần nọ, bố bước vào phòng, rút dây điện máy tính của mẹ ra khỏi ổ cắm khiến màn hình tắt ngúm. “Đang trong kỳ nghỉ lễ mà”. Bố nói. “Anh có ý này hay lắm, chúng ta hãy…” Nhưng tôi chẳng bao giờ biết được ý định của bố là gì bởi vì lúc đó mẹ nhảy chồm ngay ra khỏi ghế, chộp lấy cốc cà phê ném thẳng vào người bố. Sau đó bà nhào tới đấm thùm thụp vào ngực bố, không ngớt chửi mắng bố là kẻ đần độn, vô dụng và nhiều thứ còn ghê tởm hơn. Tôi hét lên và khóc ròng, quát mẹ hãy để cho bố được yên. “Đi lên tầng ngay!”. Mẹ quát tôi và tôi trông thấy nước mắt bà đầm đìa trên má, miệng méo xệch không rõ hình thù. Tôi không muốn rời bố mẹ nhưng mẹ tiếp tục la hét nên tôi phải đi chỗ khác. Không ai đả động đến chuyện này sau đó và những ngày tiếp theo thì chúng tôi đi chơi cùng nhau. Chúng tôi đi picnic, thuê thuyền để đi thăm hải cẩu ở Blakeney Point. Bố tôi cười nói luyên thuyên, chọc ghẹo mẹ nhưng mẹ chỉ cười nhạt nhẽo, tất cả chìm trong bầu không khí căng thẳng như thể chúng tôi là những kẻ xa lạ với nhau mà không biết cách xử sự với nhau sao cho đúng. Vào ngày cuối cùng trước khi chúng tôi trở về nhà thì tôi bị lạc. Tôi đang chơi trò trốn tìm với chúng bạn ở bãi biển. Tôi đi loanh quanh vào rừng thông phía sau những đụn cát để tìm nơi trốn. Lúc đó, tôi tự dưng tưởng tượng mình là nhà thám hiểm đang đi khám phá những vùng đất mới, tìm thành phố đang bị chôn vùi, sau đó tôi lại nghĩ mình là một nhà tự nhiên học nổi tiếng, dấn thân vào nguy hiểm để tìm cho ra loài hổ quý. Sau khi mường tượng mình là người thừa kế kho báu chẳng may bị bọn săn người bắt cóc để đòi tiền thưởng, và cứ thế tôi hoàn toàn bị lạc trong rừng. Nhưng tôi không ngốc nghếch, tôi hướng ra biển và bắt đầu đi. Gió nổi lên, cát bay mù mịt vào mặt làm hai má tôi bỏng rát và mắt tôi ngấn nước. Tôi vẫn cố mở hé mắt để tìm bố mẹ nhưng bãi biển Holkham quá rộng lớn và thủy triều lên xuống xóa sạch những dấu vết trên cát nên rất khó nhận diện. “Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi!”. Tamsin và Kate nhô ra từ phía sau đụn cát, túm lấy tay tôi. Tôi giả vờ: “Chỉ vì tớ chán không chờ được các cậu tìm ra chỗ tớ trốn thôi”. Tôi nói. “Các cậu thấy bố mẹ tớ ở đâu chứ? Tớ muốn uống nước chanh”. Tamsin nhìn tôi tỏ vẻ già dặn hơn ở tuổi mười một. “Tớ nghĩ họ ở chỗ mà cậu rời đi”. Nó nói. “Chỉ cách vài bước chân thôi”. Nó túm lấy cánh tay tôi và đẩy tôi lên đỉnh đụn cát “Họ vừa…”. Tamsin dừng lại, há hốc miệng kinh ngạc còn tôi muốn chết ngất ngay lập tức. Dưới đồi cát, mẹ tôi đang quát mắng bố tôi, chân giậm thình thịch, quăng quật ly tách, đổ đồ ăn thức uống ra đầy mặt đất. Bố tôi cố gắng choàng tay ôm lấy mẹ nhưng mẹ tôi đẩy ra. “Đồ ngu ngốc, cực kỳ đần độn!” Lời mẹ nói vẳng trong gió, ngoài tầm mắt nhưng tôi có thể thấy Tamsin và Kate đưa mắt nhìn nhau và chúi mặt vào nhau thầm thì. Sau đó, trong khi tôi đứng chôn chân tại chỗ, cố gắng dụi cát ra khỏi mắt thì tôi thấy mẹ tôi vung tay lên. Và mẹ tôi tát vào mặt bố tôi. Ngay giữa mặt. Hai cái tát. Một cái tát bằng tay trái và một cái tát bằng tay phải. Tôi thấy bố tôi loạng choạng lùi lại, đưa tay lên má. Tamsin và Kate há hốc mồm kinh ngạc. Sau đó mẹ bắt đầu quay lưng và vùng chạy đi. Mẹ chạy về hướng chúng tôi, rú lên như con thú bị thương. Tim tôi đập thình thịch như chực ngất đi. “Diễn thử”. Quay về phía chúng bạn, tôi nói một cách khó nhọc. “Mẹ tớ đang diễn thử đoạn này trong…” “Mẹ cậu là diễn viên?” Kate mở tròn mắt nhìn sân khấu không có phông màn. “Thật hả?”. Tamsin ngạc nhiên. “Một ngôi sao điện ảnh”. Tôi đính chính. “Tại chỗ này. Họ sẽ đóng phim ngày mai. Và tớ nghĩ tốt nhất cậu nên đi đi, nếu cậu làm gián đoạn mạch diễn của mẹ tớ, mẹ tớ rất dễ điên tiết. Mẹ tớ là người cực kỳ nóng tính”. Mẹ tiến gần về phía chúng tôi hơn trong khi bố khó nhọc đuổi theo, không ngớt gọi và vẫy tay: “Julia, em yêu, quay lại đây. Mọi thứ đều ổn mà. Julie !Julie !” Tôi hít thở mạnh và cố mỉm cười. “Đây là một bộ phim đầy kịch tính, về tình yêu, nỗi đam mê và…” Tôi cố tìm từ cho thích hợp. “…dồn nén cảm xúc”, tôi bật ra. Tamsin và Kate liếc nhìn nhau trong khi tôi thót tim cầu nguyện. “Ngày mai cậu có ở đây không?”. Tamsin hỏi. “Chúng tớ muốn xin chữ ký của mẹ cậu, được chứ?” Cuối cùng thì tôi đã là người chiến thắng. “Ừ, chắc chắn rồi”, tôi gật đầu. “Khoảng 2 giờ 30 phút chiều mai nhé ?” Tôi biết chắc là vào giờ đó ngày mai chúng tôi sẽ về Kettleborough từ lâu rồi. “Ừ, thế nhé?” Và chúng đi khỏi. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng nói dối thật dễ dàng. Và chắc chắn đây không phải là lần cuối. Chương trình “Casualty” kết thúc và tôi nhận thấy mình đang xúc động. Tôi không biết điều gì xảy ra với người phụ nữ điên đó trong chương trình, điều duy nhất tôi nhớ là những thứ đã xảy ra giữa bố và mẹ ngày hôm đó trên bãi biển. Tôi không nghĩ đến việc này trong một thời gian dài, nhưng khi cố nhớ lại thì tôi nhớ rằng sau đó khi đã vào xe mẹ tôi khóc rất nhiều, luôn miệng xin lỗi. Bố ôm mẹ và nói mọi thứ sẽ tốt đẹp. Tôi nhớ mẹ mua cho tôi một cây kem và một chiếc quần jeans mới và nói rằng tôi không phải lo lắng. Tôi cũng nhớ là bố bị một vết bầm tím trên mắt và những vết trầy xước ở trán. Khi mọi người hỏi ông bị sao thì ông đùa là “cãi nhau” với cái giá gác đồ trên trần xe khi chất đồ rời nơi nghỉ lễ để trở về nhà. Tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tại sao mẹ lại giận dữ với bố như vậy và không nghĩ rằng đến bây giờ tôi lại muốn biết điều đó. Tôi cũng đã chứng kiến bố mẹ hôn và ôm ấp nhau vào đêm anh Simon trở về nhà sau kỳ cắm trại và tôi nhận thấy mọi thứ đều trở lại như thường. Vì thế tôi cho rằng việc đó chỉ xảy ra một lần mà thôi. Tôi đã mong như thế. Joshua khóc. Tốt! Tôi sẽ bế nó dậy và điều này sẽ giúp tôi thôi nghĩ về mẹ. Tôi nghĩ rằng từ buổi chiều trên bãi biển ở Norfolk cách đây năm năm mẹ tôi đã có biểu hiện của chứng điên. Không hiểu tại sao bố không làm gì cả? Như việc đưa mẹ đến bác sĩ hay cho bà điều trị chẳng hạn. Tại sao ông cứ luôn miệng xin lỗi và để mẹ đối xử với ông như vậy? Ok, Joshua, chị đến ngay đây. Đợi chút. Chắc Joshua có vấn đề gì nên mới khóc thế. Thông thường chẳng ai khóc và la hét vậy nếu không có gì bất thường. Có chăng chỉ mình tôi thôi. Điều đó xảy ra khi mọi người động chạm đến tôi. Có thể đó là điều mẹ đang cảm thấy. Có thể bà cảm thấy người mình vỡ ra thành nghìn mảnh, giống như tôi đôi khi cũng thấy thế. Có thể bà có những tâm tư gì đó khó nói mà không thể chia sẻ cùng ai. Nhưng bây giờ bà đang ở trong bệnh viện bởi vì bà điên loạn. Rồi tôi cũng sẽ kết cục như bà? Nếu tôi không thổ lộ những điều tôi đang giấu kín trong lòng thì tôi cũng sẽ bị điên ? Tôi cố xua đi ý nghĩ đó và chạy lên tầng để đến chỗ Joshua. Joshua mặt mày tái nhợt, gào khóc thảm thiết. Người nó ướt đẫm. Như thể nó đã khóc hàng giờ nhưng nó sẽ ngưng khóc thôi vì tôi đã ở đây rồi. Tôi đang định thay tã cho Joshua thì chuông cửa reo. “Georgie! Chúng tôi về đây!” “Chết rồi!” Gia đình Carter! Họ không thể về sớm thế. Mỗi lần họ ra ngoài đâu có dễ. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Đã 10 giờ đêm, không thể tin được. “Nào, nào, con cưng của mẹ, sao thế?” Bà Carter bay ngay vào phòng mang theo mùi nước hoa pha lẫn mùi rượu. “Joshua ngoan nào, sao thế con? Mẹ bế nào!” Cô ấy giành lấy Joshua từ tay tôi và ôm nó vào người. Nó tiếp tục khóc thét lên như phát rồ. “Nó hơi ướt…”. Tôi mở lời nhưng cô ta đã nhận ra cái tã của Joshua ướt dầm dề, thấm ra cả áo của cô ấy. “Georgie, em ướt sũng! Mặt thì đỏ gay, điều gì đã xảy ra vậy chứ!” Tôi nghiêng đầu sang một bên và hơi bối rối. “Cháu nghĩ chắc em gặp phải giấc mơ xấu, cô ạ”. Tôi gắng nói to lên để át đi tiếng hét không ngơi nghỉ của Joshua. “Cháu nghĩ việc dỗ dành em quan trọng hơn việc làm cho em bực bội nếu thay tã ạ”. Cô Carter gật đầu nói, “Phải rồi”. “Thôi cháu về đi, Georgie. Cô sẽ trông Joshua bây giờ. À, nói chồng cô đưa tiền cho cháu khi ra về”. “Cảm ơn cô Carter”, tôi nói “Khi nào cô cần thì gọi cháu nhé!” “Ừm….”, cô ấy ậm ờ, bắt đầu thay quần áo cho Joshua. Tôi biết chắc chắn cô ấy sẽ không gọi tôi nữa. Một vài bà mẹ luôn quan trọng hóa vấn đề. Tôi hoàn toàn tan nát. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc này là lên giường ngủ nhưng sự thật là tôi vẫn còn bài tiểu luận môn lịch sử chưa làm. Tốt nhất tôi nên để đồng hồ báo thức để sáng mai dậy sớm làm bài. Tôi nghe thấy bố tôi đang nói chuyện điện thoại khi tôi treo áo khoác ngoài. “Chắc chắn, hẹn gặp ngày mai nhé”. Bố tôi cúp máy và xoay tròn trong chiếc ghế khi tôi bước vào phòng. “À, Georgie! Con về rồi à? Đi trông trẻ vui chứ?” “Tốt ạ”. Tôi nói dối. “Mẹ hả bố?”, tôi chỉ tay về phía cái điện thoại. “Hả? Ờ, ờ. Tốt. Rất tuyệt, uống trà nhé con?” Tôi lắc đầu. Tôi sẽ không bao giờ cho bố cơ hội than vãn và khóc lóc tiếp nữa. “Con kiệt sức rồi”. Tôi nói. “Con đi ngủ đây bố. Gặp bố sau nhé!” “Ờ”. Ông nói. “À mà Georgie, ngày mai tan học con đi thăm mẹ nhé?” Trời, nhất định không. “Đến lượt bố chứ, con với bố đã thống nhất là bố đi thăm một ngày, con thăm một ngày mà. Hơn nữa bố vừa hứa mai đi thăm mẹ đó thôi”. Bố nhìn tôi trân trân rồi đan các ngón tay vào nhau. “À, bố có việc. Sau khi nói chuyện điện thoại xong bố mới nhớ ra. Ngày mai bố có hẹn khách hàng”. “Bố xong việc thì đi thăm”. Ông lắc đầu. “Bố phải dẫn khách đi ăn tối, muộn mới về, xin lỗi con”. Gay nhỉ? “Bố này, con nghĩ bố cần đi thăm mẹ. Bố phải đến để xem mẹ thế nào. Bố sẽ không hình dung ra mẹ tệ thế nào đâu. Trước khi đi làm bố tạt qua thăm mẹ đi”. Ông đứng dậy và đi về phía cửa. “Không được Georgie, bố phải tổ chức cuộc họp ngày mai. Bố không làm gì trước đó được đâu. Vào bệnh viện thăm mẹ bố sẽ suy sụp tinh thần mất. Bố không làm được.” “Và bố nghĩ là con thích lắm à? Bố hay thật đấy. Con chán nghe những điều hai người thi nhau nói là không thể rồi. Mẹ thì không thể về nhà, còn bố thì không thể đi thăm mẹ…” Bố đặt tay lên vai tôi nhưng tôi đã quay ngoắt đi chỗ khác. “Chỉ ngày mai thôi con ạ. Bố vừa…” “Bố nói sao ấy chứ? Thứ hai tuần trước, rồi thứ tư? Bố suốt ngày chỉ giỏi xin lỗi, bố chỉ thăm mẹ có hai lần tuần trước thôi ạ”. Bố tôi đi vào phòng ăn và ngồi xuống ghế. “Bố nghĩ”, ông nói chậm rãi. “Con có thể không hiểu được”. “Hiểu cái quái gì”. Bố nhìn tôi, “Không được nói bậy, Georgie”. “Con xin lỗi”. Ông ấy không thấy nói bậy còn vạn lần tốt hơn đập phá, đánh đấm mọi thứ hay sao? Bố đứng lên đi vào trong bếp. “Con hãy đặt mình vào vị trí của bố mà suy nghĩ, mẹ bệnh tật, mình bố là người kiếm cơm nuôi cả nhà. Nếu bố không chăm chỉ làm việc thì bố sẽ mất việc. Nếu đi muộn về sớm thì con biết sao rồi đấy”. Ông chớp chớp mắt và thò tay gãi đầu. “Bố biết so sánh với công việc của mẹ khi trước thì công việc của bố không phức tạp bằng nhưng dù sao bố cũng phải có một việc làm và bố đã cố gắng hết sức và…” Tôi cảm thấy chết đứng, bố tôi nói thế hóa ra không phải lỗi của ông ấy khiến ông ấy mất việc hai lần trong bốn năm qua chắc. Ông ấy đã mất hàng tháng trời tìm việc trước khi có công việc này. Mẹ đã phải suốt ngày hối thúc để ông tìm việc gì làm cho đỡ rảnh rỗi và tôi đã phải nói với mẹ là không phải ai cũng có thể bay cao bay xa như mẹ để mẹ thôi cằn nhằn bố. Và giờ thì đến lượt tôi cằn nhằn bố như mẹ đã từng. Tôi tiến lại phía bố, choàng tay qua người ôm ông. “Được rồi bố. Con hiểu rồi. Con sẽ đi thăm mẹ”. Bố nhìn và đưa tay vuốt tóc tôi. “Con của bố thế chứ”. Ông nói. “Bố biết bố luôn có thể trông cậy ở con”. “Chỉ có điều…” “Gì hả con?” Tôi hít thật sâu, “Bố hứa với con là sẽ đi thăm mẹ vào thứ năm nhé?” Ông vòng tay ngang ngực: “Tất nhiên rồi con yêu!”, ông nói. “Để bố hôn chúc con ngủ ngon nào!” Tôi nghênh má và ông hôn vào trán tôi. “Chúc bố ngủ ngon!” “Chúc con có nhiều giấc mơ đẹp”. Ông nói với theo trong khi tôi đang bước lên cầu thang. Tôi chỉ mong mình không có giấc mơ nào hết. Chương 3 Sáng thứ Tư Tối hôm ấy, tôi đã mơ và giấc mơ không hề ngọt ngào. Tôi mơ thấy mình vào thăm mẹ ở bệnh viện. Ngay khi tôi vừa bước chân vào phòng mẹ thì cánh cửa to dày bằng kim loại đóng sầm lại ngay sau lưng, hai người y tá có gương mặt giống y bà Miranda Jenks chạy vào túm lấy tay tôi. “Mày đây rồi”, họ nói. “Chính xác”. Mẹ tôi nói. “Mày sẽ bị nhốt lại vì tội đã làm tao phát điên”. “Và tội đã làm cho căn phòng của mày không khác nào bãi chiến trường”. Miranda số 1 tiếp lời. “Thêm tội bất kính với bố nữa”, Miranda số 2 nói thêm. “Không”, tôi gào lên, cố gắng giẫy giụa để trốn thoát. Tôi vung nắm đấm, đấm liên tiếp vào người Miranda số 1. “Mày giống y hệt mẹ mày vậy!”, Miranda kia nhận xét. “Mày điên rồi cũng y như tao vậy”. Mẹ tôi cười xếch miệng và môi bà đầy máu trong khi tay đong đưa cái bình thủy tinh trên đầu. Tôi đá họ và vùng chạy về phía cửa sổ, gắng hết sức bình sinh để mở cửa, nhưng phía ngoài cửa sổ là hàng hàng lớp lớp lũ trẻ con giương mắt nhìn tôi chế giễu. Liam và Jamie cùng hai đứa con gái nữa đến từ Norfolk đứng ở hàng đầu tiên, cả đám đông nhìn tôi la ó. “Đồ điên, đồ khùng, đồ mát nặng!” Đột ngột mẹ tôi gào lên và nằm ra nền nhà, giơ hai tay chân lên trời giẫy đành đạch và mặt bà trở nên tái nhợt. Một Miranda trùm chăn lên đầu tôi chặt đến nỗi tôi nghẹn thở, tôi khóc gào, la hét, giẫy giụa điên cuồng nhưng vô vọng. Tôi giật mình tỉnh giấc với cái chăn lông đang trùm lấy mặt khiến tôi nghẹn thở. Từ lúc ấy tôi không sao dỗ giấc ngủ trở lại, mãi đến khi thiếp đi được thì tôi lại ngủ, quên cả báo thức, đó là nguyên nhân vì sao bây giờ tôi bị trễ xe buýt và đang cắm cúi dán mặt trên đường để đi cho nhanh và không ngớt cầu mong đến được trường trước giờ vào học. Khả năng đến trường kịp giờ là khó và điều đó đồng nghĩa với việc cô Kingham sẽ không ngớt cằn nhằn và thậm chí bắt phạt tôi ở lại trường sau giờ học. Đó là chưa kể đến việc cô ta sẽ phát hiện ra tôi chưa làm bài tiểu luận lịch sử và làm mất cuốn sách Địa lý trên đường High Street. Cuộc sống thật đầy bất công. Lẽ ra bố phải phát hiện ra việc tôi ngủ quên, khi ông thức dậy đi toilet mà cửa không bị đóng như mọi khi, và như vậy bố phải đánh thức tôi dậy. Nhưng tiếc là có lẽ sáng nay bố tôi quá háo hức cho cuộc họp nên ông ấy đã hoàn toàn quên mất sự tồn tại của tôi. Khi tôi phi từ cầu thang xuống nhà dưới, vừa đi vừa khoác áo thì bố tôi đang đứng trước gương ở phòng ăn, chải chuốt bóng nhoáng như đi dự tiệc. Bố diện bộ quần áo mới tinh từ đầu đến chân và trông rất bảnh bao, sáng bóng hơn hẳn mọi ngày. Tôi nhờ bố chở đến trường nhưng bố nói không có thời gian vì ông phải đón ai đó và không được phép đi trễ. Thực lòng mà nói, khi tôi cần sự giúp đỡ thì chẳng thấy bố mẹ đâu hết? Tôi không thể xua đuổi giấc mơ đêm qua ra khỏi đầu, mặc dù tôi biết những gì nhìn thấy trong mơ khó có thể trở thành sự thật. Tuy nhiên việc họ nói tôi đang trở nên khùng khùng điên điên như mẹ tôi thì có lẽ là đúng. Tôi không đánh ai nhưng làm bề bộn căn phòng thì có. Tôi luôn cảm thấy giận dữ ở mọi nơi mọi lúc, không thể suy nghĩ mọi thứ rõ ràng, cũng không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Rất có thể chứng bệnh này có tính di truyền và đây là những triệu chứng ban đầu trước khi tôi trở nên điên loạn thực sự. Cũng có thể anh Simon không mắc phải chứng bệnh này vì anh ấy là con trai do chứng bệnh chỉ di truyền trong nữ giới cùng dòng họ. Tôi vừa đọc được những thông tin về chứng điên loạn như vậy. Tôi thở hổn hển nhưng không nghĩ cơn đau trong lồng ngực sẽ giảm đi khi tôi đang chạy nhanh như thế này. Thực sự tôi có thể ngừng chạy, quay đầu lại và đi về nhà giả vờ bị ốm. Hôm nay có hai tiết toán đầu tiên, chỉ nghĩ đến đó thôi thì ai cũng phát ôm. Ngoài ra nếu tôi “cúp cua” thì Amber sẽ nghĩ tôi thực sự có vấn đề về sức khỏe và như thế nó càng quan tâm, chăm sóc tôi hơn. Tôi thấy một đám mây màu vàng cam đang từ từ bao trùm lấy đầu tôi, một đám mây của cùng đảo nhiệt đới. Tôi nhắm mắt tưởng tượng như mình đang nằm trên một chiếc võng mắc đu đưa giữa hai thân cây cọ, hứng làn gió nhè nhẹ thổi vào mặt trong khi nhâm nhi cây kem mút vĩ đại ngon lành nhất thế giới. Trên đảo tịnh vắng không một bóng người. chẳng ai quan tâm đến chuyện tôi có điên loạn hay ngu ngốc gì không. Chỉ mình tôi với tôi, trôi bồng bềnh trên những áng mây màu vàng cam… oOo Thình lình giấc mơ của tôi bị gián đoạn bởi tiếng còi xe tin tin. Tôi mở mắt, có tiếng bánh xe thắng kít phía sau lưng làm tung bụi mù mịt, chiếc xe cũ rích hiệu Beetle VW đột ngột tấp vào lề đường, suýt chút nữa thì tông vào cột điện. “Chào Georgie! Lên xe đi cháu”. Chính là bà Flavia Mott, người hàng xóm kỳ quặc của tôi. Tôi lắc đầu và liếc mắt nhìn bà. Bà đang mặc một cái áo len có nhiều túi với những khối hình nhiều màu sắc, diện chiếc quần màu xanh nõn chuối tươi và đội chiếc mũ nỉ đã sờn bạc. Trông cách bà ăn mặc chả có gu thẩm mỹ tý nào. “Nhanh lên cháu”, bà giục tôi. “Cháu đang đi học”, tôi thầm thì, tay nắm dây chiếc cặp sách quàng qua vai, vẻ mặt như chưa bao giờ nghĩ đến việc đi nhờ xe. “Này cháu”, bà cười, “đi chậm như vậy thì cả tuần cũng không đến nơi đâu. Vào xe đi”. Và tôi leo lên xe. Đừng hỏi tôi vì sao lại thế, đơn giản là sự việc diễn tiến vậy thôi. “Cài dây an toàn vào”. Bà nhắc tôi và bắt đầu nhấn bàn đạp ga. “Cháu cần bà chở đi mà!”. Chiếc xe hơi chao đảo lùi ra phía sau. “Ngốc thật, đang số de”, bà cười khùng khục, sang số, nhấn ga lại, lần này chiếc xe khầng khậng rồi lừ đừ tiến ra đường. “Cháu học trường nào?”, bà hỏi tôi, lên giọng khi phía trước có một người đi xe gắn máy vừa đưa hai ngón tay lên chỉ vào bà phàn nàn điều gì đó về cái kiểu phụ nữ lái xe. “Bà chưa rõ địa điểm các trường học ở nơi này”. “Trường trung học Wheatley Hill bà ạ”, tôi trả lời. “Nhưng thật ra bà không vần phải cho cháu…” “Bà biết là bà chẳng phải làm gì cho ai cả”, bà ngắt lời tôi, “Chẳng qua là bà muốn làm thế thôi. Bà chỉ làm những điều mình muốn. Đó là cách sống của bà”. “Thế thì may cho bà quá”. Ôi trời, tôi đang nói cái gì vậy? Sao tôi lại nói chuyện ấy với bà nhỉ? “Chẳng may gì cháu ạ, chẳng qua là hơi cứng đầu một chút và nhiều trải nghiệm thôi. Rẽ trái hay phải?”. Bà đạp phanh để dừng đèn đỏ. “Rẽ phải ạ, qua nhà thờ thì lại rẽ trái và ngôi nhà thứ tư ở bên phải đường”, tôi đáp. Bà gật đầu và nhìn vào kính chắn gió xe hơi. Tôi cố nặn óc tìm ra cái gì hay ho để nói nhưng tắc tị. Đột nhiên có tiếng kêu rền rĩ phía sau tai tôi khiến tôi giật thót cả mình. “Harry, đừng có kêu như thế!”. Bà Flavia mắng qua gương chiếu hậu. Tiếng kêu vẫn vang lên não nuột và tôi quay lại phía sau lưng. Là một con mèo. Con mèo trắng muốt, lông mịn như tơ và mắt sáng như đèn laser, đang ngồi trong cái giỏ đan bằng gai ở băng ghế sau. Nó giơ chân quào vào cửa kính và có vẻ rất giận dữ. “Nghĩ xem, bà cứ phải mang con mèo này đi cùng trước khi xe chở đồ đạc đến nhà mới”, bà nói. “Một con mèo tính tình khó chịu, thất thường”. “Hóa ra Harry là một con mèo!”, tôi thầm nhủ với mình khi chiếc xe lao vụt đi lúc đèn vừa bật xanh. “Cháu cứ tưởng Harry là chồng bà chứ!” Bà cười to thành tiếng và tiếp tục nhấn ga. “Đoán hay nhỉ?”. Bà đùa với tôi. “Bà đã xa lánh đàn ông vài thập kỷ nay rồi. Tên nó là Aristippus”. “Sao ạ?”. “Tên con mèo là Aristippus. Gọi tắt của từ Aristippusstippus”. Bà quay lại cười với tôi và suýt chút nữa tông vào người đàn ông đi xe đạp. “Cháu nghĩ tên con mèo hay lắm ạ”. Rõ ràng bà đang chờ tôi khen ngợi mà. “Tên này từ truyện The Aristippusstocats phải không bà?”, tôi hỏi và thở phào nhẹ nhõm khi chúng tôi chỉ còn cách trường có hai dãy nhà. “Đoán hay ghê!”, bà đáp. “Nhưng không phải rồi, Aristippusstippus là một hedonist[2]. Và tất cả bọn mèo đều là hedonist hết nên tên gọi ấy rất phù hợp”. Bà phanh xe lại ngay ngoài cổng trường tôi và nói: “Đến trường rồi!”, bà choàng qua người tôi để mở cửa xe. “Cháu xuống xe đi và đừng quên tra từ điển xem từ hedonist có nghĩa gì nhé. Đọc sao viết vậy. Rõ là cháu chưa hiểu từ ấy nghĩa là gì đúng không. Gặp lại cháu sau nhé! Quá tuyệt!”. Nói xong, bà lái xe đi ngay, biến mất phía cuối đường không khác gì một đốm lửa tàn. Bà đúng là có vấn đề về thần kinh. Bà muốn nói là tôi đần trong khi bà nói tiếng Anh còn chưa chuẩn. Nhưng dù sao bà ấy cũng thực tốt bụng khi cho tôi đi nhờ xe. Chỉ cần chậm hai phút nữa thôi là tôi đã gặp rắc rối to rồi, tôi còn chưa làm bài tập ở nhà nữa chứ. Ở nhà một mình đồng nghĩa với việc nghĩ vơ vẩn linh tinh quá nhiều và điều này chẳng giúp ích gì cho tôi trong thời điểm hiện tại. Tôi đứng ở cuối hàng cùng một đám học sinh lớp 9 để vào cổng trường ngay khi chuông báo đến giờ học vang lên. Khi bỏ cặp sách vào ngăn kéo tủ đựng đồ của mình, tôi lấy ra một chiếc bút và viết hoa chữ “HEDONIST” vào lòng bàn tay. Tôi sẽ tra từ điển và nói cho bà ấy biết. Bà quả thực là người kỳ lạ và hách dịch nữa chứ, nhưng không phải cái kiểu làm cho người ta cảm thấy sợ hãi, không giống như nhiều người khác mà tôi đã từng thấy. Tôi cũng chợt nhận ra rằng tôi không nghĩ ngợi nhiều đến mẹ từ khi bà Flavia cho tôi đi nhờ xe. Thêm vào đó, giấc mơ khủng khiếp cũng biến mất và tôi không cảm thấy sợ hãi nữa. Dường như có một sự gì đó đổi thay. “Georgie! Chuyện gì xảy ra thế? Tớ không thấy cậu trên xe buýt. Tớ lo quá”. Amber đang chờ tôi khi tôi bước vào lớp. “Tớ được bà hàng xóm cho đi nhờ xe!”, tôi trả lời nó trong khi đặt cái cặp sách trên bàn. “Cái gì? Làm gì có bà hàng xóm nào ở cạnh nhà cậu?” “Thì giờ có rồi đấy!”, tôi trả lời nó. “Bà ấy mới chuyển đến hôm nay. Thế thì coi như kế hoạch hay ho của cậu phá sản rồi nhé!”. Nó nhướn mày ra chiều hỏi tôi “Kế hoạch nào chứ?”. “Kế hoạch ở “Vùng Hoang dã” ấy? Sự quyến rũ ngọt ngào trong bụi rậm ấy?”. Nó phủi tay như không, “À cái đấy hả?” và nhoẻn miệng cười, “Sau tối qua thì tớ nghĩ mọi sự đang diễn tiến cực kỳ tốt đẹp, chẳng cần nhờ đến cái kế hoạch trong bụi rậm ấy đâu, cám ơn cậu”. Nó nhắm mắt lim dim mơ mộng, “Cậu không tưởng tượng được đâu, hơi bị tuyệt vời nhé!”, nó thở ra khoan khoái. “À”, nó bắt đầu. “Chúng tớ đi xem phim, sau đó đi uống cà phê, và trên đường về nhà, anh ấy đã hôn tớ”. Hóa ra chẳng phải tin chấn động địa cầu gì. Gã trai nào đi chơi với Amber đều kết thúc với việc thèm cô nàng nhỏ dãi. Tôi đoán chắc là do bộ ngực hấp dẫn của nó. “Còn gì nữa?”. “Và lúc đó trái đất như ngừng quay, mọi sự dường như chẳng còn tồn tại và trở nên vô nghĩa, tớ thấy rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì, là bất cứ ai miễn sao tớ và Nick được trọn đời bên nhau”. “Nghe hay nhỉ?”, tôi hờ hững đáp, “Từ hedonist có nghĩa là gì nhỉ?”. Trông nó có vẻ phật ý khi tôi đột ngột ngắt ngang dòng suy tưởng của nó. “Hả?”. “Từ hedonist”, tôi nhắc lại, “Nghĩa của nó là gì?”. “Chẳng liên quan gì cả”, nó phán. “Sao cậu có thể… nghĩa là nãy giờ cậu chẳng nghe tớ kể gì hết phải không?”. Tôi đang cố gắng nhớ lại những gì nó đã nói thì cô Kingham bước vào lớp, đặt chồng sách lên bàn. “Trật tự nào, lớp 11K. Đây là lớp học, không phải cái chợ buôn khỉ!”. Cô ấy nghĩ là cô ấy dí dỏm lắm khi ví von như thế. “Mấy cái xét nghiệm”, Amber thì thào. “Cậu có kết quả chưa?”. Tự nhiên tôi giật mình. Sau khi tôi nói với Amber về việc tôi phải làm mấy cái xét nghiệm thì chắc là nó đoán từ hedonist là một chứng bệnh nào đó. Tôi đặt tay lên miệng suỵt nó và nghiêng người sang phía Amber: “Tớ sẽ nói cho cậu biết sau”. Tôi đáp. “Khi chỉ có tớ và cậu”. Đồng thời tôi cũng bắt đầu suy nghĩ để tìm ra cái gì đó vừa gây xúc động lại hoàn toàn thuyết phục Amber, nhưng chắc phải có thời gian mới nghĩ ra. Những buổi học như ngày hôm nay tôi hoàn toàn cảm thấy dễ chịu vì Amber quả thực là tuýp người giỏi nhiều thứ. Hầu hết các môn học nó đều trong tốp đứng đầu lớp nên chúng tôi chẳng phải suy nghĩ nhiều trong việc làm bài tập khi có nó. Tuy vậy điều này cũng đồng nghĩa với việc nó cứ hỏi tôi mãi về các kết quả xét nghiệm. Nếu tôi không nghĩ ra một câu chuyện nào hay ho chặt chẽ trước giờ nghỉ trưa thì chắc là gay to với nó mất. Tôi đang vắt óc suy nghĩ trong vốn từ tiếng Pháp của mình xem có chứng bệnh nào đó mà không có biểu hiện bề ngoài thì lúc ấy Caitlin và Rebecca xuất hiện. Chúng khoác tay nhau và cả hai đứa đều tỏ thái độ mà chỉ cần nhìn sơ qua là biết sắp có chuyện. “Này”, Caitlin nói, “nói thật cho bọn này biết về tiệc sinh nhật của cậu đi”. “Tiệc sinh nhật mà bọn này chưa được mời ấy”, Rebecca đế thêm vào. “Tiệc sinh nhật mà cũng chẳng ai được mời luôn đó”, Caitlin đầy vẻ chế giễu, “mặc dù tuần sau là sinh nhật rồi đấy”. “Trừ khi chẳng có tiệc sinh nhật nào cả”, Rebecca nói thêm. “Sẽ chẳng có tiệc sinh nhật nào hết và lý do là cậu không có đủ bạn bè để lấp đầy cái hộp giày chưa đừng nói tới quán bar Cây Thông Tím”. Ôi trời, tôi quên mất. Cách đây một tháng, khi quán bar này mở ở nhà máy giày cũ trong thị xã, tôi đã nói với bọn nó là mẹ tôi sẽ tổ chức sinh nhật cho tôi ở quán bar này. Cách duy nhất để những đứa dưới mười tám tuổi như chúng tôi có thể vào quán bar là tổ chức tiệc riêng và lúc ấy chúng nó đều vô cùng hào hứng khi nghe tôi nói thế. Vấn đề là mẹ tôi chưa hề có ý định đó và tôi sắp bị chúng nó phanh phui vì nói dối. “Làm ơn đi”, tôi nói dối, “tổ chức ở một địa điểm như thế, tớ phải có thời gian để chuẩn bị cho ra hồn chứ”. Với lý do đó tôi nghĩ chúng nó sẽ đuối lý nhưng chúng chỉ lưỡng lự và liếc nhìn nhau thật lâu và nhờ thế tôi có thời gian để bước nhanh vào thư viện ngôn ngữ ngay trước mặt. May mắn làm sao là cô Tucker đang có mặt ở đó. Cô là một trong số những giáo viên dễ chịu nhất ở trường và cô quý mến tôi. “Cô Tucker ơi”. Tôi nói. “Em gặp khó khăn với đoạn cuối của bài dịch Pháp văn”. Quả là quá đáng vì tôi thậm chỉ còn chưa mở vở ra, nhưng cô chẳng biết được điều này đâu vì cô luôn bận rộn với các liên từ và thì quá khứ hoàn thành, Caitlin và Rebecca chẳng còn cách nào khác là ngồi xuống và im miệng lại. Tôi vừa nảy ra một ý. Ý nghĩ chẳng tốt đẹp gì mấy. Chiều nay khi đi thăm mẹ ở bệnh viện tôi sẽ gợi ý sao cho thuận tiện đề cập đến chuyện sinh nhật của tôi. Sau đó mẹ sẽ viết séc cho tôi, mong là mẹ vẫn nhớ cách cầm bút để ký. Và thế là tôi có thể tùy ý tổ chức sinh nhật cho mình. Dự tính này quá hay! Tôi nhất định sẽ làm vậy. Duyệt! Đôi lúc tôi thật là thông minh và sáng suốt, chỉ tiếc một chút là không được như thế khi học tiếng Pháp. Hôm nay tôi không được may mắn cho lắm. Cô Kingham bắt tôi ở lại sau giờ học vì tôi không làm bài tiểu luận môn lịch sử. Tôi còn phải mất tiền để mua cuốn sách Địa lý hôm nọ tôi đã làm mất và bị điểm C trừ cho bài tập tiếng Anh ở nhà tuần trước. “Cô chẳng hiểu dạo này em bị sao nữa Georgie!”. Cô Lightbody nói khi trả bài kiểm tra. “Cách đây hai năm, em là một học sinh đầy triển vọng nhưng giờ đây em hoàn toàn không chăm chỉ học hành. Có điều gì không ổn với em phải không? Lý do gì đó khiến em thay đổi như vậy?”. Dĩ nhiên tôi không trả lời. Mà cũng chẳng biết nói sao đây. Chẳng lẽ lại bảo là đầu óc em dạo này tạm thời đình công để khỏi nghĩ đến những điều kinh khủng đang diễn ra. Chắc chắn là nó chẳng thể hoạt động trở lại chỉ vì các thầy cô yêu cầu làm bài tích phân nhanh về Quy tắc xoáy đinh ốc. Hình dung thử mà xem nếu bản thân bạn bị các đám mây “quấy rối” đến nửa ngày thì việc có vài đám mây len lỏi vào đầu khiến trí óc trở nên lơ mơ hay bị gián đoạn thì không phải là chuyện khó hiểu, đúng không? Tôi còn chẳng hiểu tôi bị sao nữa huống chi là giải thích cho người khác hiểu. Nghĩ thử mà xem, xung quanh tôi hiện giờ có điều gì hay ho đâu? oOo Amber ôm choàng lấy cổ tôi khi chúng tôi vào lớp học tiết cuối. Tôi nhận thấy cử chỉ quan tâm, thân mật khác lạ của nó và bắt chuyện trước. “Kể đi mà!”. Tôi nài nỉ nó thật thiết tha và đầy nôn nóng “Về Nick ấy. Anh ấy tuyệt chứ?”. Nó đột ngột trở nên thật dịu dàng, thùy mị, cầm nhẹ tay tôi. “Anh ấy vô cùng say đắm!”. Nó mỉm cười. “Anh ấy nói tớ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của anh ấy”. Nó nghiêng người sang phía tôi, “Nhưng mà này, nói cho tớ biết về…” “Còn nụ hôn thì sao?”. Tôi nhanh chóng chuyển hướng khi chúng tôi bước chân lên cầu thang. “Kể về nụ hôn đi mà”. Tôi phải làm sao đó để nó nói liên tục không ngừng nghỉ. “Tớ chưa hôn bao giờ, thực sự vậy”. Tôi nói thêm hòng kích thích nó thêm hưng phấn để kể về nụ hôn của nó, và như thế câu chuyện sẽ đi đúng đường tôi đã vạch sẵn. “Hả? Chưa bao giờ ư?”. Nó tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên như thể tôi thú nhận chưa bao giờ tắm. Tôi khẽ lắc đầu, “Kể đi mà”. “Thực sự là”, nó thở ra nhè nhẹ, “tuyệt vời đến nỗi… không giống bất cứ cái gì tớ từng trải qua. Môi anh ấy quyện chặt vào môi tớ, hai chân tớ nhũn cả ra. Chúng tớ cứ giữ môi trong môi như thế hàng giờ đồng hồ trong vòng tay ôm xiết. Và sau đó…” Nó hơi lưỡng lự. Chúng tôi vẫn còn phải trèo lên một cầu thang nữa mới đến lớp nên tôi giục nó nói tiếp. “Sau đó thì sao?” “Anh ấy đã… ấy”. Tôi sững người ngây ngô. “Sao cơ? Cậu nói là đã… ấy ư? Ngay tại chỗ luôn á? Ngay trên đường?” Amber nhìn tôi lạ lẫm “Không phải ấy là… ấy đâu. Cậu hâm quá. Lưỡi cơ. Hôn kiểu Pháp đích thực. Say đắm bất tận. Tớ chưa bao giờ hôn kiểu như vậy”. Nó thừa nhận, thoáng chút bối rối trong giọng nói. “Quá tuyệt!”, tôi không thể nghĩ ra từ gì hay ho hơn, nhưng như thế cũng đủ cho Amber sướng râm ran cả ngày cho xem. Nó gật đầu. “Tớ cảm thấy dường như tớ đã trở thành một phụ nữ thực thụ vậy”. Nó thỏ thẻ. “Đầy đủ và viên mãn. Sau giờ học tớ phải đi mua một cái áo ngực có độn mút mới được”. Nó đẩy cửa để vào lớp. “Cậu biết đấy”. Nó đột ngột phán, hướng mặt về phía tôi, “Đó là điều cậu cần đấy”. “Một cái áo ngực có độn mút?” Áo ngực độn mút có thể là một khởi đầu tốt. “Không, đần ạ”. Nó cười. “Một chàng trai và một tình yêu”. Nó nheo mắt nhìn tôi đầy ẩn ý. “Cậu biết không, tình yêu và những nụ hôn sẽ là liều thuốc nhiệm màu”. Nó mơ mộng. “Tớ đọc trong sách đấy, tình yêu có thể chữa lành mọi vết thương”. Nó nhấn mạnh từ “chữa lành” và đúng lúc ấy chuông vào lớp cũng vừa reo vang. May quá. Tôi vừa thoát nạn. “Nhìn đi. Nick kia kìa”. Tôi nói, túm tay nó, “Cậu đi nhanh lên và chiếm chỗ ngồi bên cạnh anh ấy đi trước khi Caitlin đến ngồi đó”. Mặt Amber biến sắc, “Cậu không nghĩ là họ vẫn còn yêu nhau chứ?” Tôi nhún vai, “Biết đâu đấy”. Tôi đáp. “Chúng ta biết rõ Caitlin quá mà, nếu tớ là cậu, tớ không cho nó cơ hội nào đâu”. Trước khi tôi dứt lời thì Amber đã đi mất. Khi thầy Rowe vào lớp thì Amber đã tay trong tay bên cạnh Nick. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng tôi cũng biết rõ không phải lúc nào mình cũng may mắn thoát nạn vậy đâu. Sớm thôi, rắc rối sẽ lại đến. Tôi cũng chẳng nghe lọt tai những bài giảng này tí nào và cũng chẳng thấy chúng có ý nghĩa gì hết. Môn học này có tên là Giáo dục công dân và xã hội, được kỳ vọng sẽ đem lại những hiểu biết sâu sắc bên trong các mối quan hệ giữa người lao động và xã hội cũng như quyền công dân theo cách nói của thầy Rowe. Hiện tại thì môn học này toàn về sức khỏe tâm thần và sự chăm sóc của cộng đồng. Và tôi nghĩ tôi không cần những bài giảng như vậy. “Hẳn nhiên, chúng ta cần biết rằng ngày nay những thành kiến đối với những người mắc chứng tâm thần vẫn đang tồn tại trong xã hội”, thầy nói, “Một số người cho rằng những người bệnh tâm thần cần được quan tâm chăm sóc trong cộng đồng, tuy nhiên số người khác lại cho rằng cần giam giữ họ trong các bệnh viện tâm thần để tránh gây nguy hiểm cho người khác”. Tôi thấy cánh cửa kim loại trong giấc mơ đêm qua đóng sầm lại phía sau lưng mình. “Bây giờ, lớp 11K, các em hãy nghĩ về những vấn đề quan trọng để chúng ta cùng thảo luận…” Lần này những đám mây màu đen đang bao trùm lấy tôi và là những đám mây u ám. Chúng lởn vởn trên đầu và tôi gắng hết sức để xua tan chúng. Với những đám mây đen, bạn đừng trôi theo nó mà tốt nhất bạn nên tránh nó như tránh căn bệnh truyền nhiễm vậy. “… nhưng các em cần nhớ là chứng bệnh tâm thần có nhiều hình thức khác nhau…” Đám mây đen to dần, dập tắt ánh sáng và làm cho không gian trở nên u ám. Lúc này đây tôi thấy tóc dài có lợi, mái tóc giống như một tấm rèm che để bạn có thể giấu mặt trong đó. “… có tới gần một phần tư số người trưởng thành mắc chứng tâm thần trong cuộc đời họ…” Đám mây càng gần tôi hơn. Nó dừng lại ngay trên đầu tôi và khiến hai bên thái dương tôi nhoi nhói. “… Chán nản, bồn chồn, hoảng loạn, tâm thần phân liệt là những hình thức…” Tôi mong thầy sẽ dừng ở đây. Ông ấy thực sự biết gì về nó chứ? Thầy vừa liếc vào sách vừa nói đấy thôi. Hoàn toàn là sách vở, giống hệt cô Plastow trong tiết học môn Đọc. “… Dĩ nhiên, một vài bệnh nhân tâm thần nên được giữ trong bệnh viện phòng khi họ không kiểm soát được bản thân hoặc…” Đám mây đen rơi đè lên đầu tôi, nặng như đá đeo. Thường các đám mây nhẹ bồng bềnh nhưng đám mây này lại trĩu nặng, nó chèn lên ngực khiến tôi nghẹt thở. “Mẹ không thể kiểm soát bản thân, bố không biết làm gì nữa”. Tôi nghe văng vẳng giọng bố tôi, run rẩy và kiệt sức qua điện thoại. Trước mặt tôi những hình ảnh cũ đột nhiên ùa về như cuốn phim quay chậm. Tôi có thể thấy rõ mọi thứ đã xảy ra ngày hôm đó. Trước đây mẹ tôi chưa từng bao giờ lên cơn như vậy. Chỉ có vài lần bà ném vung nồi và một lần quăng ly rượu qua đầu bố, nhưng ngày chủ nhật hôm ấy thì khác… Lúc đó tôi chẳng hiểu tại sao và bây giờ cũng vậy. Chủ nhật đó là một ngày vui vẻ so với nhiều ngày trước. Anh Simon về thăm nhà vào cuối tuần, mẹ tôi hết sức vui mừng. Nếu như mỗi cuối tuần mẹ thường mặc áo choàng ngủ, uống cà phê, ăn bánh Allsorts cam thảo thì chủ nhật này mẹ lại diện đồ đẹp, vào bếp cả mấy tiếng đồng hồ để nấu một bữa trưa thịnh soạn với nhiều món khác nhau. Món bò bít tết với khoai tây chiên, ba món rau và bánh pudding vùng Yorksire giòn tan mẹ tự làm. Thậm chí bà còn chuẩn bị cả một ổ bánh kem với mấy lớp kem dày béo ngậy được làm từ long trắng trứng đánh nhuyễn, cả rượu nữa chứ. Anh Simon kể chuyện cho cả nhà nghe về những người anh ấy gặp ở đại học khiến chúng tôi cười lăn cười bò một cách vui vẻ. Cả nhà ai nấy đều vui. Chính tôi đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi nhớ lại những gì mình nói. “Ôi trời mẹ”, tôi nói. “Tuyệt quá, con chán pizza và những món ăn nhanh buổi tối đến phát khiếp, con cứ nghĩ là mẹ quên cách nấu đồ ăn luôn rồi chứ”. Thực lòng mà nói, tôi chỉ định đùa với mẹ. Mẹ nhìn tôi. “Mày nói vậy nghĩa là tao không phải là bà mẹ tốt chứ gì?” “Con đâu có nói thế…” “Thế ý mày là sao?”. Mẹ tôi bực tức hét lên. “Chỉ vì tao không nấu nướng sáng, trưa, chiều nên không đáng là mẹ mày đúng không? Ý mày là vậy chứ gì?” Mẹ tôi vung nắm đấm xuống bàn khiến ly rượu vang tròng trành rồi rơi xuống đất vỡ tan. Rượu văng tung tóe vào quần áo của anh Simon. “Trời ơi!”. Anh la lên. “Chiếc quần jeans này con mới mặc đó mẹ!” Bố định mở miệng nói nhưng lại im lặng, xoay xoay miếng bánh kem trong đĩa. “Xem mày đã gây nên cơ sự gì này!” Mẹ quát tôi. Sau đó mẹ ào ra khỏi phòng ăn, chạy vội vào bếp. Bố nuốt vội miếng bánh rồi nhìn theo mẹ. Anh Simon tiếp tục dùng khăn ăn để chùi rượu trên quần áo. Tôi ngồi im cúi đầu. Nhoáng một cái, mẹ tôi quay lại ôm theo hộp bột giặt. “Hay lắm”. Bà nói. “Georgie, bột giặt đây này!” Bà ném mạnh hộp bột giặt về phía tôi. Nắp hộp đã mở nên bột giặt đổ đầy ra bàn ăn. “Mày phải giặt quần jeans của Simon bởi vì mày gây ra việc này!” “Nhưng…” “Và trong khi mày làm vậy thì sách dạy nấu ăn đây”, bà ném mấy cuốn sách của Delia Smiths về phía tôi. Bà tiện tay đập vỡ bình nước, “Mày nói hay lắm, từ nay tự nấu lấy mà ăn!” Cuối cùng thì bố tôi cũng lên tiếng, “Julia, em yêu, có gì đâu em, cứ bình tĩnh nào…” “Bình tĩnh là sao?” Bà gào lên, nước mắt giàn giụa, “Anh không hiểu nó ám chỉ gì khi nói câu đó sao? Không hiểu à? Chắc không rồi? Các người đều không hiểu!” Và bà khóc tức tưởi như suối tuôn. “Georgie nói tôi chưa bao giờ nấu món nào cho ra hồn…” “Mẹ, nói vậy thật vô lý!”. Tôi biện hộ. “Con không có ý đó…” “Vậy thì hóa ra tao điên à? Phải không?” Mẹ la toáng lên. “Nếu tao điên thì chính mày là nguyên nhân khiến tao bị điên đấy!” Nói rồi mẹ tôi bắt đầu túm lấy tóc mình, giật lia lịa. Mẹ quỳ xuống sàn nhà, đấm thình thịch xuống đất, kêu khóc và rú lên thảm thiết. “Mẹ!”. Anh Simon giậm chân. “Thôi đi mẹ, dừng đi!” Anh khom xuống đỡ bà đứng dậy. Bà ngừng khóc và nhìn anh. “Mày nữa phải không?”. Bà thì thào. “Mày cũng chống lại tao luôn à?” “Đâu có đâu mẹ”, anh Simon đáp nhưng mẹ đã nhảy dựng lên, lao ra khỏi phòng ăn, chạy khỏi nhà, đóng sầm cửa lại sau lưng. “Julia! Quay lại đây!”. Bố hét to và chạy theo mẹ, cố gắng mở cửa, anh Simon và tôi theo sát bố. Mẹ đứng đó. Ngay giữa đường. Khóc lóc, lắc lư người và liên tục bứt tóc. Chiếc ô tô trước mặt mẹ nhấn còi inh ỏi, cố gắng lách khỏi mẹ để đi, những người trên xe nhìn mẹ chằm chằm đầy kinh ngạc. Bố tôi túm lấy tay mẹ, lôi mẹ trở vào nhà. “Con xin lỗi mẹ”. Tôi lí nhí và cầm tay bà. Nhưng tôi nói vậy càng khiến bà tru tréo thảm thiết hơn. Bố đưa mẹ vào phòng ngủ và trấn an chúng tôi rằng sáng mai mẹ sẽ ổn. “Do hormone thôi”. Ông nói. “Thay đổi tâm tính ấy mà”. Nhưng ngày hôm sau mẹ tôi chẳng đỡ. Bà không buồn dậy cũng chẳng mở miệng nói năng gì. Bà chỉ nằm trên giường, mắt nhìn vào tường trân trối. Khi tôi mang cà phê vào cho bà thì bà đang nhai nhai bàn tay của mình và rên rỉ như một con chó con bị thương. Trông thật khiếp đảm! “Con đi học đi!”. Bố tôi nói. “Trưa mẹ sẽ khỏe lại thôi”. Sau bữa sáng, anh Simon trở lại trường đại học mà không nói khi nào anh sẽ về thăm nhà. Khi tôi từ trường về nhà thì thấy bố đang ở trong phòng ăn. “Cám ơn Chúa, con đã về đến nhà, Georgie”. Ông lắp bắp. “Mẹ con cứ trốn trong tủ và không chịu ra ngoài!” Nghe buồn cười nhưng lại là sự thật. Mẹ tôi chui vào tủ đựng quần áo. Qua những khe tủ tôi có thể thấy bà ngồi trong đó, lắc tới lắc lui, khóc lóc và run rẩy như một chiếc lá. Mắt bà đỏ ngầu, lồi ra, mặt trắng bệch như ma. Nhìn bà tôi sợ phát khiếp. “Con nói chuyện với mẹ đi, Georgie”. Bố tôi yêu cầu. “Mẹ sẽ nghe lời con”. Nói vậy quả thực ngớ ngẩn vì mẹ vốn chẳng thích gì tôi. Dù vậy tôi vẫn cố gắng nói vài câu nhưng bà chẳng nghe tí nào mà cứ tiếp tục lắc lư. Lúc ấy bố gọi cho bác sỹ. Lúc 6 giờ chiều, khi hầu hết các bà mẹ đang chuẩn bị cơm tối thì bác sỹ đến. Ông ấy cùng với bổ tôi đưa mẹ vào bệnh viện Gregory. Mẹ cũng chẳng buồn liếc nhìn tôi tạm biệt. “Georgina Linnington!” Thầy Rowe đứng sát bên tôi, phảng phất mùi hôi của thuốc lá và mùi cạo râu rẻ tiền. “Em làm ơn đừng có lảm nhảm một mình nữa, hãy đọc đoạn bài ở trang 454. Đọc to lên để cả lớp nghe”. Miệng ông ta cong lên đầy mỉa mai châm biếm. Tôi nghe thấy tiếng cả lớp xầm xì, cười nhạo rúc rích sau lưng. Đám mây đen hoàn toàn hạ gục tôi. “Có nhất thiết là em phải đọc không ạ?”. Tôi cố hạ giọng nài nỉ. “Có ai đọc giùm không?” “Không có ai đâu Georgie, không được. Nào đọc mau đi, chúng ta không có thời gian đâu.” Ông chỏ ngón tay vào sách. Nó có tựa đề “Sức khỏe tâm thần ở nước Anh ngày nay – có phải ai cũng điên?” Tôi thực sự không thể đọc. Họng tôi tắc tị và tôi cảm thấy vị đắng như mật ở cuống lưỡi. “Thực sự là em cảm thấy không khỏe thầy ạ.” Nói như vậy thường rất hiệu nghiệm. “Nghe trùng hợp quá. Chắc cũng vì vậy mà em không viết bài luận môn này tuần trước và đi học muộn ngày thứ hai nhỉ?” Thật là không công bằng. Tôi sẽ không đọc bài đâu. “Thầy đang đợi đây Georgie!” Đám mây đen bao trùm lấy tôi. “Thầy phiền quá!”. Tôi vớ cuốn sách, ném tung lên giữa lớp. “Thầy sẽ tha hồ đợi, đó là câu trả lời của em”. Tôi nghe tiếng ồ lên đầy kinh ngạc của cả lớp. “Nhặt sách lên ngay lập tức!” Thầy Rowe đầy giận dữ. Thật khó khăn để di chuyển khi tôi đang bị đám mây vít lại. Tôi loạng choạng bước đi giữa các dãy bàn ghế. Tôi vấp phải cặp sách của Liam nên tiện chân hất tung nó lên. Đến chỗ cuốn sách, tôi cúi xuống nhặt lên, xé toạc từng trang ném về phía thầy Rowe rồi bước ra cửa. “Không phải lỗi của bạn ấy đâu thầy, bạn ấy bị bệnh ạ,” tôi nghe thấy giọng Amber khẩn thiết biện hộ khi tôi bước ra hành lang “Thật mà thầy, bạn ấy bị ốm.” Cánh cửa đóng sầm lại sau lưng tôi, tôi bắt đầu chạy ra phía sảnh chính, xuống cầu thang để vào toilet nữ, hóa ra Amber tin lời nói dối của tôi. Không những thế, nó còn đứng lên trước cả lớp để bào chữa cho tôi trước ông thầy cục cằn, đáng ghét này. Đáng lẽ ra tôi phải cảm thấy vui mừng mới đúng, nhưng tôi không vui. Tất cả những gì tôi vừa làm mới chỉ bắt đầu thôi. Tôi không thể tự lừa dối bản thân mình thêm nữa. Tôi sắp phát rồ và đây là điều khiến tôi sợ hãi nhất từ trước đến nay. Tôi phải thoát ra khỏi chỗ này. Dĩ nhiên về lâu về dài cũng chẳng giúp ích gì được nhưng ngay bây giờ tôi phải tránh xa thầy Rowe. Chỉ khoảng 10 phút nữa là chuông giờ ăn trưa sẽ điểm và thế là tôi sẽ rơi xuống địa ngục. Tôi thận trọng mở cửa toilet, không có ai ở đây cả. Tôi vô thức rửa tay và tình cờ thấy chữ HEDONIST nhòe nhoẹt trên tay trái. Không hiểu nghĩa của nó là gì? Rõ ràng Amber nghĩ đó là từ mô tả một người đang mang một chứng bệnh khủng khiếp, nhưng chắc chắn không phải như vậy bởi vì đó là tên được đặt cho con mèo. Dĩ nhiên việc tìm ra ý nghĩa của từ đó cũng chẳng quan trọng lắm, không phải như việc làm bài tập ở nhà. Tuy vậy tôi vẫn muốn tìm xem nghĩa của nó là gì, có thể chỉ khiến cho bà Flavia bớt ngạo mạn mà thôi. Tôi ló người ra hàng lang, né người tránh mấy bức tranh dán trên tường của bọn học sinh lớp 7. Hành lang vắng vẻ. Tôi chạy nhanh qua hai cánh cửa phòng để ra chỗ đỗ xe của nhân viên. Tôi không muốn ai nhìn thấy mình từ cửa sổ nên cúi thấp người, mon men qua tòa nhà để ra phía cổng. Trời mưa và áo khoác của tôi còn vắt đằng sau ghế ngồi trong lớp học, tiền thì còn để trong túi áo, vì vậy tôi không thể bắt xe buýt. Tôi cũng không rẽ trái để đi về nhà được vì như thế sẽ đi ngang qua sân chơi và căng tin, rồi khu nhà nghệ thuật, chắc chắn sẽ có người thấy tôi. Vì vậy tôi băng qua đường và cúi thấp mình dưới vòm hoa Lilac Crescent, đi nhanh cho đến khi ở ngay vòng cua rồi thoát ra đường Argyll. Đây rồi, ngay trước mặt tôi là thư viện chi nhánh ở đường Argyll. Vào thư viện vừa khô ráo, lại có cả từ điển. Thư viện còn có cả những giá sách lớn để tôi có thể trốn sau chúng. Lúc này, giấu mình là điều tôi muốn làm nhất. Thư viện này có rất nhiều cuốn từ điển cực hay. Cuốn từ điển ở nhà tôi có một số trang bị mất và chữ nhỏ xíu rất khó đọc, nhưng ở đây có những cuốn từ điển thật lớn, có tranh vẽ, có bản đồ và những sơ đồ rất hay. Tôi lần tìm đến vần H, chặn tay ngay vần G với hình ảnh của những con hươu cao cổ (giraffes) và củ nhân sâm (gingsen) (mẹ tôi thường dùng để cảm thấy khỏe khoắn hơn nhưng rõ ràng chẳng có hiệu quả gì mấy) và cả hình cây bạch quả (ginkgo) (mẹ cũng dùng vì kỳ vọng nó giúp lưu thông máu não). Giờ thì tôi đã tìm đến vần H. Dò vài từ vần H… Đây rồi HEDONIST – người theo HEDONISM Ôi trời. Đợi tí, à đây rồi. HEDONISM – chủ nghĩa khoái lạc, lựa chọn chủ nghĩa khoái lạc là cách sống; học thuyết về chủ nghĩa khoái lạc. Là sao nhỉ? Tôi đọc lại một lần nữa và đã ngộ ra. Người Aristippusstippus nghĩ rằng hạnh phúc và hưởng thụ trong cuộc sống là điều quan trọng nhất. Những con mèo cũng thế. Đó là lý do vì sao bà Flavia gọi con mèo là Aristippus. Thật là thông minh. Đặc biệt còn chọn âm pus cuối nữa chứ bởi Pus là để chỉ người đàn ông và con mèo của bà là con mèo đực. Thật là quá hợp. Tôi thấy rất nhiều người gọi con mèo là Miu Miu, Cục Cưng hay tên gì đó thật tầm thường. Bà Flavia thì khác, điều này cho thấy bà là tuýp người không làm những việc tầm thường hay nhàm chán. Tôi thích sự khác biệt ở bà. Tôi gấp cuốn từ điển, tự hỏi liệu bà có ấn tượng chút nào khi tôi nói đã tìm ra nghĩa của từ hedonist hay không? Chắc bạn chưa từng nghĩ có rất nhiều từ tiếng Anh thú vị như thế đúng không? Rất nhiều từ cực kỳ thú vị nhé. Và tôi nảy ra một ý. Tôi tự cười với tôi và ngồi bệt xuống nền nhà, duỗi chân ra đằng trước và bắt đầu đọc. Có lẽ tôi vẫn tiếp tục ngồi đó đọc mải miết nếu không có người thủ thư đến và hỏi tôi liệu đã tìm ra cái mình cần chưa. “Gần 2 giờ chiều rồi đó cháu”. Cô thủ thư nói. “Cháu nhanh lên nếu không sẽ muộn học đấy”. Lúc này tôi mới đứng lên và ra khỏi thư viện. Nhưng tôi không trở lại trường. Tôi không thể vào lớp hôm nay. Tôi biết tôi sẽ gặp rắc rối. Nếu tôi tránh xuất hiện ở lớp lâu thì có lẽ Amber sẽ thuyết phục được họ rằng tôi bị stress nặng. Rồi họ sẽ quan tâm và thông cảm với tôi hơn, và nhờ thế tôi sẽ tránh được mọi rắc rối. Tôi không biết nhưng rất có thể là như vậy. Tôi nghĩ là tôi nên đi thăm mẹ tôi lúc này. Tôi không hiểu vì sao lại nghĩ vậy. Sẽ chẳng có gì hay ho để nói cho bà nghe, mặt khác tôi tự nhủ đừng mở miệng nói lắm kẻo lại nói phải cái gì đó khiến bà lên cơn. Nhưng tôi phải đi thăm mẹ vì đã hứa với bố mặc dù tôi chẳng thích thú gì cho cam. “Bà chỉ làm những gì bà thích. Đó là một phần phương châm sống của bà. ” Đột nhiên câu nói của bà Flavia văng vẳng vang lên trong đầu tôi như thể bà đang đứng ngay bên cạnh tôi vậy. Dĩ nhiên bà nói vậy thật dễ dàng vì bà già rồi và có thể làm gì tùy thích. Còn ở độ tuổi tôi thì thường phải tuân theo lệnh người lớn thôi. Tôi không hiểu sao phải đi thăm mẹ khi mà bà làm tôi hoảng sợ, bà khiến tôi mơ những giấc mơ khủng khiếp hơn nữa, bà đâu có thích tôi đến thăm bà. Vì thế, tôi sẽ không đi. Không ai có thể buộc tôi làm điều mình không thích. Tôi sắp mười sáu tuổi rồi, ơn trời phật. Nhắc đến điều đó, tôi chợt nhớ ngày sinh nhật gần kề của mình và tấm séc tôi muốn mẹ ký cho tôi. Rõ ràng là bố không thể ký séc cho tôi, cũng như không đồng ý việc tổ chức sinh nhật. Thế nên tôi không còn lựa chọn nào khác. Buồn cười thật, tôi chẳng biết là liệu mình có muốn tiếp tục tổ chức sinh nhật hay không. Tôi đã thoái lui khi mẹ đề cập đến nó trước. Nhưng tôi lại không muốn gặp rắc rối, không muốn mất mặt với Rebecca, Caitlin, Emily và nhiều người khác, cũng như bỏ lỡ dịp vui mọi người đã được hứa hẹn. Tôi chưa có bạn trai, thật xấu hổ trong khi mọi đứa khác đều đã có. Nhưng sẽ còn khủng khiếp hơn nếu chúng nó phát hiện ra tôi nói dối. Không tổ chức sinh nhật xem ra còn tệ hại hơn. Tóm lại, tôi nghĩ là mình không đủ can đảm để không tổ chức sinh nhật. “Một ly sôcôla nóng trong khi đợi, em nhé? ” Tôi ngước lên nhìn trong khi đang đọc cuốn tạp chí Hello số mới nhất và bắt gặp ánh mắt màu xanh lơ tuyệt đẹp cả đời tôi chưa nhìn thấy. “Dạ...? ” Thật không dễ dàng gì thốt nên lời khi một người con trai đẹp nhất hành tinh này đang đứng cách bạn chỉ có 3 centimet phía vai trái. “Sôcôla nóng”. Anh nói. “Ngon lắm – không phải pha bằng máy đâu.” “Dạ, cảm ơn”. Anh đi tới chỗ cái bàn đặt ở góc nhà và bắt đầu đổ sôcôla từ chiếc phích crôm ra cốc. Anh có một mái tóc màu cát tuyệt đẹp và vóc người săn chắc. Trông anh cực kỳ hấp dẫn. “Họ không phân công tôi làm nhiều việc ở đây”, anh nói vọng qua vai, “ngoại trừ việc trò chuyện với khách và phục vụ thức uống nóng”. Anh bưng hai ly sôcôla nóng và đặt chúng trên chiếc bàn nước cạnh tôi. “Anh là...?”, tôi dè dặt hỏi. Anh rõ ràng không phải là bác sỹ hay y tá, anh chỉ độ hơn tôi vài tuổi thôi. “Lấy kinh nghiệm làm việc”. Anh trả lời. “Anh tên Leo”. Anh bắt tay tôi trong bàn tay ấm nóng và chắc chắn của mình khiến tôi dường như muốn rời ra. “Em đi thăm ai ở đây vậy?” Tôi không muốn nói cho anh biết nhưng chắc anh sẽ dễ dàng biết được thôi. "Bà Julia Linnington - mẹ em ạ". “Thật à? Anh không nghĩ cô ấy có con gái. Cô toàn nói về người con trai thôi, tên Simon, đúng không?” Tôi choáng váng. “Vâng”. Tôi buột miệng khó nhọc. Rõ ràng anh Simon thì đáng tự hào để mẹ tôi rêu rao với bất cứ ai bà gặp, nhưng tôi thì không. Hay lắm. Tôi đấu tranh tư tưởng mãi mới đến đây thăm mẹ để biết được bà chẳng mong gì gặp tôi. Giờ đây còn được biết là tôi không hề tồn tại trong những suy nghĩ của bà nữa chứ. Tôi đứng dậy. “Anh không nghĩ là mẹ em đã học xong đâu.” Leo nói. “Bà đang học lớp Kìm chế sự căng thẳng”. Tôi xốc cặp lên vai, “Thật à?”. Tôi nói đầy mỉa mai. “Chắc chắn chẳng ăn thua gì đâu”. Leo mỉm cười và tôi thấy anh có một kẽ thưa nhỏ giữa hai răng cửa. “Cần có thời gian chứ”, anh bình thản trả lời. “Hay ít nhất là các bác sĩ nói vậy. Rõ ràng mẹ em đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.” “Bà sẽ khỏe hơn chứ?”. Leo thay đổi giọng và biểu lộ sự đáng tiếc: “Tiếc là anh chỉ thực tập ở đây thôi”. Anh đáp. “Sao anh biết được?”. Ồ, tôi nghĩ là lớp học của mẹ vừa tan. Anh đi ra phía chân cầu thang và đột nhiên tôi biết mình không thể ở lại. “Anh ơi, nói giùm với bà ấy có con gái ghé qua thăm nhé. Nhân tiện nhắc giùm là bà có con gái anh nhé!” Tôi quay đi và hối hả chạy ra phía cửa. “Này đợi đã!”. Leo nói hấp tấp. “Mẹ em xuống ngay bây giờ đấy và bà sẽ tiếc nếu không gặp em.” Tôi sải bước trên sảnh để ra phía cửa chính mà không hề ngoái đầu nhìn lại. “Này, em ơi, dừng lại đã!” Giọng Leo khẩn khoản nghe thật hay như sự hấp dẫn của vóc dáng khỏe khoắn của anh vậy, nhưng tôi cố không dừng lại. Tôi nghe tiếng bước chân phía trên tầng. Tôi không muốn gặp bà lúc này. Lý do: bà chẳng khoe tôi với ai cả, lại chẳng nhớ đến tôi dẫu chỉ một chút nhỏ nhoi. Vì thế tôi vờ như không nghe thấy Leo nói và tiếp tục bước đi. Chương 4 Chiều thứ Tư Tôi lê bước nặng nề trong cơn mưa cho đến khi bước lên những bậc tam cấp trước cửa nhà, cơn giận dữ vẫn chưa nguôi. Tôi vừa tra chìa khóa vào ổ thì đột ngột có con gì nhảy phóc ra từ sau chiếc chậu gốm lớn đầy hoa phăng-xê tím mẹ trồng. Hóa ra là con mèo. Con Aristippus. Bộ lông nó ướt lép nhép và bẩn thỉu, nó kêu rên thảm thiết và quấn lấy chân tôi, nhìn tôi với đôi mắt to tròn cầu khẩn. Thực ra không nên thả mèo đi rông khi mới chuyển tới nơi ở mới, nhưng chắc bà Flavia không nghĩ nổi những điều thiết thực vậy. Tôi hơi ngại ngần khi bế nó lên vì trông nó bẩn thỉu, nhưng nếu tôi để nó đó mà đi gọi bà Flavia thì sợ nó chạy đi mất và lại tiếp tục đi lạc. Tôi đặt cặp sách xuống sảnh nhà, Aristippus đi theo tôi với cái đuôi ngọ nguậy và cái mũi hít hít. “Đừng, đừng…”. Tôi cúi người xuống, vòng tay túm nó, bước xuống bậc tam cấp và sang nhà bà Flavia. Ngạc nhiên là nó cứ ở yên trong tay tôi, giương mắt nhìn tôi, chẳng buồn trốn thoát hay nhảy xuống. “Bà Flavia ơi!” Từ trong nhà vọng ra âm thanh rất to, bà đang hát, lạc cả điệu: “Về nhà đi, trái tim bé nhỏ, hãy về nơi con thuộc v… ề”. Tôi gõ mạnh cọc cọc vào cái hộp thư và may mắn thay giọng hát ngưng lại, cái bóng to lớn của bà Flavia nhìn tôi qua khung cửa kính nhiều màu. Bà vội vàng mở cửa và há hốc miệng. “Georgie và Aristippus, cưng! Con đã đi đâu vậy?” “Cháu thấy nó trước cửa nhà cháu”. Tôi trả lời, thả con mèo xuống dưới chân bà Flavia. “Bà không nên thả mèo ra ngoài khi mới chuyển tới đây ở ạ”. Bà Flavia cười, “Bà đâu có thả nó”. Bà đáp. “Bà nghĩ là nó trốn đi khi mấy người chuyển nhà vừa rời khỏi đấy. Thật là may mắn là cháu đã tìm thấy nó”. Bà bế con mèo và cười với tôi, “Vào nhà đi cháu, đừng đứng ở đây!” Vô thức tôi bước vào sảnh nhà bà. “Đi vào đây”, bà nói, vẫy cánh tay béo múp “Cánh cửa thứ hai bên phải”. Tôi đấy cánh cửa bằng gỗ thông để bước vào. “Chà!” Tôi không tin vào mắt mình. Căn phòng tuyệt vời. Sàn nhà được trải những tấm thảm đẹp tôi chưa từng thấy, bức tường đối diện treo vô vàn những bức tranh và bức tường, các mặt nạ kỳ lạ và những bức phù điêu chạm trổ tinh vi. Và sách hiện diện ở khắp nơi, sách chồng thành chồng, sách ở trên kệ, vương vãi dưới sàn nhà, vài cuốn trên ghế bập bênh ở góc nhà thậm chí ở cả trên lò sưởi bằng đá. Sách to dày cộm, sách gáy mềm, sách có tranh… đủ các loại. Căn phòng của bà trông không khác nào tiệm sách vào ngày giao hàng. Rõ ràng bà cố gắng sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng nhưng thất bại. Một kệ sách được đóng đinh tạm thời trên tường bị lệch hẳn về một phía, cả cái đèn hình tiên cá và nữ thần Hy Lạp cũng có bao nhiêu là vòng dây treo phía trên. “Mọi nơi đều lộn xộn”, bà Flavia nói một cách phấn chấn như thể căn phòng bà thật gọn gàng. “Nhưng bà không cảm thấy dễ chịu nếu không có sách và các bức tranh xung quanh mình, ăn bánh cà rốt chứ?” “Dạ?” “Đến giờ uống trà rồi, nên chúng ta ăn bánh nhé!”. Bà tuyên bố, “Ở yên đây, bà sẽ đi lấy đồ nhanh chóng thôi”. Tôi chưa bao giờ thấy một nơi có nhiều sách như thế này ngoại trừ thư viện. Tôi cầm một cuốn trên cùng ở chồng sách nằm trên ghế bập bênh. Sổ tay cho phụ nữ đi du lịch, nội dung của nó đầy các hướng dẫn vụn vặt như làm thế nào để tránh côn trùng trong rừng rậm Borneo, làm sao để không bị móc túi ở Bolivia. Tôi đây rời khỏi Kettleborough cũng khó chứ nói đến đi đâu xa xôi, vậy nên tôi nhìn quanh quẩn để tìm cuốn sách khác thú vị hơn. Một lúc sau tôi tìm được cuốn truyện cổ tích về những người khổng lồ, nữ thần và yêu tinh. Những bức tranh của nó tuyệt đẹp giống hệt như trong phim. Tôi bị cuốn hút đến nỗi không biết bà Flavia đã quay trở lại phòng. “Cuốn truyện đó tuyệt hay phải không? Bà chưa khi nào thấy chán khi xem nó cả”. Tôi nhanh chóng đặt cuốn sách xuống. “Bà cho cháu mượn đấy, cưng!”. Bà nói và mỉm cười. “Cháu thích nó mà”. “Nhưng nó là sách của con nít ạ”. Tôi giẫy nảy, không muốn để cho bà nghĩ là tôi đần hay đại loại vậy”. “Trời ạ, không phải mình cháu đâu!”. Bà vỗ tay vào trán đánh bốp. “Sao ạ?” “Rất nhiều người nghĩ rằng truyện tranh không dành cho người trên sáu tuổi”, bà thở dài. “Thật là ngộ nhận, cháu hãy nhìn mà xem”. Bà cầm cuốn truyện lên, lật giở từng trang và dừng lại ở một bức tranh tuyệt đẹp, mặt biển màu xanh đại dương bất tận, những đóa hoa tử đinh hương nở rộ li ti, có những gương mặt ẩn hiện phía sau những vòm lá. “Mỗi lần cháu nhìn vào bức tranh này cháu sẽ lại thấy một điều gì đó thật mới mới mẻ”. Bà phấn chấn nói. “Hãy để cho trí tưởng tượng của cháu được bay bổng, trở lại với tuổi thơ. Đó là liệu pháp tâm lý tuyệt vời nhất trên thế giới”. Tôi nhìn vào bức tranh. Quả bà nói rất đúng. Có một chú sên nhỏ đang rơi khỏi một cành hoa bị gãy. Những khuôn mặt nhô ra từ những thân cây rỗng trông tò mò và có chút gì đó khả nghi. Và khi đọc những dòng chữ ở trang bên cạnh bạn sẽ biết rằng những người này là bọn người xấu. “Này”. Bà Flavia kêu lên. “Chúng ta hãy ăn trong nhà bếp và cầm theo sách nhé”. Sau đó bà dẫn tôi qua sảnh để vào trong bếp. Trên bàn là một đĩa bánh lớn với lớp đá dày. Bà lấy dao cắt ra hai miếng lớn và đưa một miếng cho tôi. “Uống trà nhé? Bà chỉ có trà cúc La Mã và Bá Tước Mũ Xám thôi, cháu thích uống loại nào?” Tôi không muốn thừa nhận với bà là chưa từng uống hai loại trà trên nên đáp: “Loại nào cũng được ạ”, trong khi nhấm nháp miếng bánh ngon chết người. “Không được”. Bà Flavia khoanh tay trước ngực và cười với tôi. “Sao ạ?” Thực lòng mà nói, nói chuyện với bà còn khó hơn là rũ bỏ những suy nghĩ về mẹ ra khỏi đầu. “Cháu phải tự chọn thôi”. Bà nói, mở nắp và đổ nước vào ấm. “Bà không thể chịu đựng được việc người ta cứ tuân theo hội chứng số đông. Tự quyết định đi nhé”. Tôi nhún vai “Trà Cúc… gì đó đi ạ”. Tôi đáp. Bà phá lên cười. “Chọn tốt đấy!” Bà đóng nắp ấm. “Rất êm và nhẹ nhàng, cực kỳ phù hợp với người vừa trải qua một ngày u ám”. “Sao bà biết cháu vừa trải qua một ngày u ám?” Bà ngồi xuống, khoanh tay ngang qua bộ ngực đồ sộ của mình và nhún vai. “Bà không biết, bà chỉ nêu những tác dụng của lá cúc La Mã thôi. Nhưng cháu nói vậy thì bà biết là cháu vừa trải qua một ngày thật dài. Kể cho bà nghe đi.” Bà đứng dậy và đổ nước sôi vào từng gói trà. “Mẹ cháu yêu anh cháu nhiều hơn…” Trời đất, tôi vừa nói cái gì đây? Tôi thậm chí còn chưa hiểu gì về bà. Tôi nhét một miếng bánh vào miệng và im thít. “Hơn cháu đúng không? Bà không nghĩ vậy đâu.” Bà Flavia đưa tôi tách trà và ngồi xuống đối diện với tôi. “Mẹ cháu có thể thích anh cháu nhiều hơn vào lúc này…” Ơn trời! “… nhưng không phải là yêu anh cháu nhiều hơn đâu. Cháu đã nói chuyện ấy với mẹ chưa?” Ôi trời, tôi biết nói gì với mẹ tôi bây giờ? Không thể nói chuyện với mẹ được bởi bà hoặc là ngồi yên lặng nhìn vào khoảng không hoặc là gào thét inh ỏi, bởi bà đang ở trong bệnh viện tâm thần nói cho cả thế giới về sự tuyệt vời của anh Simon, trong khi không mảy may đề cập đến sự hiện diện của tôi trên mặt đất. Chưa hết, anh Leo nói là bệnh tình của bà khá phức tạp và có thể không hồi phục. “Cháu không muốn nhắc đến chuyện này”. Tôi nói và một đám mây màu vàng nhẹ sà xuống quanh tôi. Đó là một quãng mây ấm, dường như muốn làm gì đó với cây Aga màu xanh ở trong góc bếp nhà bà Flavia. Tôi phải cố gắng lắm mới cưỡng lại được mong muốn nhắm nghiền mắt để theo cụm mây trôi đi bồng bềnh. Dĩ nhiên tôi không thể làm được điều đó trong một ngôi nhà của người khác, nên tôi gõ gõ các ngón tay xuống bàn và tập trung vào cái bánh ngọt. “Thì chúng ta sẽ không nói về điều đó!” Bà Flavia mỉm cười. “Nào, nói cho bà biết theo cháu bà nên sơn tường màu tím từ đinh hương hay màu xanh đại dương?” “Cả hai đều không”. Tôi thầm thì. “Màu vàng lòng đỏ trứng đi ạ”. Bà Flavia nghênh đầu sang một bên, nhìm ngắm bức tường. “Cháu biết không?” Bà la lên, đập bàn đánh bộp, “Bà nghĩ là cháu nói rất đúng, ý kiến tuyệt hay! Bà sẽ sơn tường màu vàng lòng đỏ trứng”. Tôi nhìn bà ngạc nhiên tột cùng, “Cháu không hẳn có ý đó đâu ạ, cháu chỉ đang suy nghĩ linh tinh và…” Bà Flavia phẩy tay lia lịa, “Đừng bao giờ phán xét trực quan của mình”. Bà nói. “Hãy làm theo những cảm nhận mà cháu cho là tốt, đó là con đường duy nhất! Ăn thêm bánh nhé?” Tôi lắc đầu, xoa hai tay vào nhau để phủi những vụn bánh còn bám ở tay và dấu mực mở trên tay nhắc tôi nhớ. “Cháu đã biết nghĩa từ hedonist là gì rồi”. Tôi nói, may quá đã chuyển sang đề tài khác “Người theo chủ nghĩa khoái lạc và hạnh phúc”. “Tuyệt vời!” bà Flavia vỗ tay tán thưởng. “Thế cháu đã chịu khó tra từ điển để tìm nghĩa của nó à? Hay quá!” “Và cháu cũng tìm ra là…” Tôi liếc nhìn sang tay bên kia. “… từ đồng âm với nó là gì?” Tôi gắng rặn từng âm tiết để nói ra. Bà Flavia gật đầu. “Tuy cùng một từ phát âm giống nhau nhưng chúng lại có ý nghĩa khác nhau đúng không?” Bà nói. “Giống như cùng phát âm là [bou] nhưng lại có nghĩa khác nhau là con tàu và cái nơ đúng không?” “Dạ, đúng vậy”. Tôi đáp. Bà Flavia cười. “Từ jongleur có nghĩa là gì ạ?” Tôi mắc cỡ hỏi bà. “Người hát rong, đúng không?” Bà Flavia đáp, phủi vụn bánh ra khỏi vạt áo. “Đúng ạ”. Tôi đáp. “Cháu muốn đố bà đúng không”, bà phá lên cười. “Tốt thôi, đến lượt bà này, đố cháu một từ nhé”. Bà nhắm mắt lại, đặt tay lên cằm suy nghĩ. “Từ onomatopoeia nghĩa là gì?’ “Dễ ợt”. Tôi vui mừng đáp. Tôi nhớ từng có một thời gian cô Lightbody gọi tôi là học sinh giỏi tiếng Anh nhất. “Nghĩa của nó là từ mô tả các âm thanh bà ạ hay là từ tượng thanh, như là tiếng nước róc rách, tong tong chẳng hạn”. “Quá siêu!” Bà Flavia tán dương. “Dường như cháu dành cả ngày chỉ để đọc từ điển thôi ấy nhỉ?” Tôi không đáp nhưng tôi biết là bà nói đúng. Đột ngột trò chơi đố từ trở nên mất vui khi tôi nhớ lại chính xác những gì đã xảy ra hôm nay và ngày mai đến lớp tôi sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tôi sẽ gặp rắc rối cho mà xem. Sau đó Amber sẽ tìm ra sự thật là tôi chẳng mắc bệnh gì cả, việc không tổ chức sinh nhật nữa, rồi bố sẽ phát hiện ra tôi không đi thăm mẹ, ông ấy sẽ phát điên lên mất. Những đám mây tiến lại gần mời gọi tôi, tôi chỉ muốn bước vào giữa đám mây để ngủ vùi trong đó. “Georgina? Cháu không sao chứ?” Bà Flavia nhìn tôi lạ lẫm. Tôi nở nụ cười như đang được quay hình lên tivi với khán giả của mình. “Tốt ạ”. Tôi đáp “Cháu chỉ hơi đau đầu sau khi tan học thôi, bọn bạn cháu gọi cháu thận mật là Georgie bà ạ.” “Thế bà cũng được tính là bạn cháu đúng không?” Bà Flavia hỏi tôi. “Vâng, đúng vậy ạ. Bà là bạn của cháu”. Tôi đáp. Tôi hơi ngạc nhiên với chính mình vì điều tôi nói hoàn toàn là sự thật. Một điều cực hiếm hoi đối với tôi những ngày vừa qua. “Thế thì tốt quá, cảm ơn cháu”. Bà nói và theo chân tôi bước ra cửa. “Đừng quên cuốn truyện!” Bà dúi nó vào tay tôi, “Khi nào trả cho bà cũng được”. Bà nói thêm, “Nói với mẹ cháu và mai bà sẽ sang thăm làm quen nhé!” “Không được”. Tôi quay lại đáp. “À, cháu định nói là bà không gặp được đâu. Mẹ cháu đi vắng, đi công tác Trung Quốc, thật ra là ở Hồng Kông”. Nói dối thật trơn tru. “Thật à? Tuyệt quá! Bà thích nơi mẹ cháu đang ở lắm, thập niên 60 bà từng ở đó ba lần. Mẹ cháu ở chỗ nào?” Thôi thấy hơi căng thẳng. Sao bà lại biết Hồng Kông vậy nhỉ? “À… Dạ… ở khách sạn Grand ạ”. Tôi đáp. Hầu như nơi nào cũng có khách sạn Grand phải không nhỉ? Bà Flavia cười mỉm. “Nếu vậy thì, để bà qua nhà chào bố cháu một cái”. Bà tiếp tục nói “Hàng xóm thì nên làm thế đúng không?” Tôi định nói với bà là bố tôi cũng đi vắng nhưng tôi biết là bà sẽ không đồng tình. “Cảm ơn bà về món bánh ạ”. Tôi nói. “Bất cứ lúc nào”. Bà đáp. “Mai bà lại làm thử món bánh mới, cháu sang ăn thử một miếng nhé”. Bà cười toe toét, “Sang bà chơi nhé? Cháu sang chơi bà rất vui”. Bà nói. “Thực sự như vậy”. Tôi không tránh khỏi liếc nhìn bà một cái. Bà nói có vẻ rất chân tình. Chương 5 Ngày thứ Năm Và thế là tôi được đưa vào danh sách học sinh phải theo dõi trong bốn tuần liên tiếp. Nghĩa là tôi được phát một chiếc thẻ vàng bắt buộc phải tham gia tất cả các tiết học. Sau tiết học, tôi phải đưa thẻ cho thầy cô ký và nhận xét về thái độ của tôi trong lớp. Nếu không tham dự tiết học thì thẻ sẽ không có chữ ký. Thành thật mà nói, tôi thực sự chán ngấy việc này, đặc biệt là nghĩ đến tiết học của thầy Lamport – tiết học mà tôi phải xoay sở sao đó cho qua. “Một người bạn của em nói cho tôi biết, Georgie” thầy cao giọng sau khi đã ca bài ca về sự phá hoại tài sản của lớp học và thiếu kiềm chế bản thân, “em phải làm nhiều xét nghiệm liên quan đến sức khỏe. Có đúng không?” Tôi không nên lưỡng lự. Tôi phải để câu chuyện tiếp diễn thôi. Thay vì… tôi thổi phù một cái. “Dạ, đại loại vậy”. Thầy Lamport nhìn vào tập hồ sơ của tôi và khoanh tròn vào nhãn ghi địa chỉ. Chắc thầy định gọi điện cho bố tôi đây mà. Amber nói rằng các thầy cô ở trường Wheatley Hill thường làm vậy để kiểm soát học trò, nhưng tôi nghĩ rằng họ gọi điện mách phụ huynh là do oán giận mà ra. “Đại loại là sao?” Thầy cười khinh khỉnh. “Em nói vậy là sao? Hoặc là có hoặc là không chứ?” Ông ấy không hề cho tôi cơ hội để gián đoạn. “Và nếu có thông tin gì trái ngược từ bố mẹ em, tôi chỉ có thể kết luận là bạn em cố tình nói dối hòng giúp em thoát tội đấy nhé”. Tôi im lặng. Tôi có cao lên 2 cm nhưng tôi không nói cho ông ấy biết làm gì, vì vậy tôi nhún vai, ngáp dài và nhìn ra ngoài cửa sổ. Đừng tưởng bở. “Georgie! Tôi không chấp nhận cái lối sống bàng quan của em đâu. Chỉ vài tháng tới em sẽ trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học và tương lai của em tùy thuộc vào việc em có đạt điểm tốt hay không… Em thử tưởng tượng xem bố mẹ em sẽ cảm thấy thất vọng như thế nào nếu em cứ hời hợt như thế này, trừ khi…?” Tôi không hề nghe thấy thầy nói gì. Tôi đã trôi bồng bềnh ra khỏi đây, qua cửa sổ. Lần này tôi thậm chí không cần những đám mây; tôi cảm thấy toàn bộ thân thể mình nhẹ dần, nhẹ dần bay lên và đột nhiên tôi không còn ở đó nữa, không phải nghe đi nghe lại bài giảng chán ngấy của thầy mỗi học kỳ. Tiếc rằng nơi tôi đến lần này không ấm áp, an ủi và đẹp như những giấc mơ; nơi đó có màu tối đen, ngột ngạt làm lồng ngực tôi đau đớn, họng tôi nghẹn lại không nói nên lời. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là hình ảnh của họ. Bố và người đàn bà ấy. Người đàn bà ông đã hôn tối qua. Nếu tôi không đến nhà Amber thì có lẽ tôi đã không bắt gặp họ. Họ đâu có ngớ ngẩn đến mức độ hôn hít nhau ngoài đường. Khi tôi trở về nhà sau khi trả con Aristipus cho chủ của nó thì chuông điện thoại reo vang. Dĩ nhiên tôi không trả lời vì nghĩ đó là điện thoại nhà trường gọi cho bố tôi, nhưng khi điện thoại chuyển sang chế độ tự động trả lời thì hóa ra là Amber. “Georgie? Cậu có đó không?” Tôi hơi lưỡng lự vì tôi sợ nói chuyện với nó, sợ nó lại tiếp tục thắc mắc lung tung về những điều tôi nói dối nó trong khi tôi chưa bịa ra được câu chuyện nào hay ho, thuyết phục hơn. “Georgie! Chúa ơi cậu đâu rồi?” Amber gần như phát khóc. Tôi liền nhấc ống nghe. “Tớ đây.” Tôi hổn hển nói. “Tớ vừa ở trong toilet.” “Ơn trời. Tớ gọi mãi cho cậu từ chiều đến giờ! Mọi người đang nghi ngờ cậu đấy.” Tôi chẳng mấy ngạc nhiên. Sau những gì tôi làm ở lớp lẽ ra nó nên nói cho tôi biết chuyện xảy ra ngay sau đó mới đúng. Amber thật tốt nhưng đôi khi nó cứ tỏ ra là nó biết hết mọi thứ, và nó chẳng buồn nói cho tôi nghe những điều mọi người nói sau lưng tôi. “Cậu ổn chứ?” Tôi thấy cảm động khi cảm nhận được sự lo lắng thực sự qua giọng nói của Amber. “Tớ đâu có sao”. Tôi đáp. “Ôi trời, thực tế chút đi.” Nó móc tôi. “Cậu đang an toàn nhưng chắc chắn là “có sao” đấy nhé, Georgie, sao cậu làm vậy?” Tôi không trả lời nhưng Amber tiếp tục thao thao. “Này, sang nhà tớ ăn tối đi.” “Gì?” “Sang nhà tớ ăn tối, nhé? Cậu nói bố cậu làm việc về trễ nên không có lý do gì từ chối đâu.” Tôi lắc đầu, mặc dù nó không thể thấy tôi qua điện thoại. “Tớ không đi được đâu.” Tôi phản đối. “Tớ còn làm một đống bài tập ở nhà phải làm cho kịp và …” “Chính xác”. Nó ngắt lời tôi. “Này Georgie, cậu sang nhà tớ và tớ cho cậu sao bài của tớ cũng được. Cách này sẽ giúp cậu khỏi chìm trong rắc rối tiếp nữa. À, tớ và Nick còn có kế hoạch này hay lắm.” Tôi chả muốn nghe hàng giờ về anh chàng Nick tuyệt vời của nó nhưng nghĩ đi nghĩ lại ba giờ đồng hồ tự đánh vật với đống bài tập lịch sử và toán làm tôi khiếp đảm. Vì thế đề nghị của Amber thật hấp dẫn. Cuối cùng tôi quyết định sang nhà nó. Amber ở cách nhà tôi 10 phút đi bộ. Ngôi nhà nó ở từng là nhà của linh mục nên xung quanh có rất nhiều bia mộ. Tôi thường đi tắt qua công viên sang nhà Amber nhưng buổi tối công viên thường xuyên có nhiều kẻ xấu lảng vảng, vì vậy tôi đi dọc đại lộ Sycamore, vòng quanh nhà thờ Hồi giáo và sang đường Mayflower. Tình cờ tôi thấy xe của bố tôi chạy chầm chậm ở chỗ nhà thờ Hồi giáo hướng ra phía cột đèn giao thông. Tôi hơi ngạc nhiên vì bố bảo tôi ông sẽ về nhà trễ, sớm nhất là 11 giờ khuya. Tôi còn nghĩ bố tôi sẽ lo lắng nếu ông về nhà mà tôi đã đi khỏi (Bố rất lo lắng, bảo vệ cho tôi, làm tôi thấy khó chịu ở đám đông nhưng lại thích thú nhiều lúc khác), vì vậy tôi bước ra đường định giơ tay vẫy để bố thấy tôi nhưng chợt nhận ra ông không đi một mình. Ngồi bên ông là một phụ nữ, khỏi nói cũng biết không phải mẹ tôi. Chắc ông không nhìn thấy tôi nên khi đèn giao thông chuyển sang đỏ, ông cho xe đi chậm lại, quàng tay qua vai người phụ nữ và nghiêng người sang hôn cô ta. Ước gì tôi có thể chạy đến chỗ họ, đấm vào cửa kính xe, giật cửa để lôi con mụ ấy ra, đuổi mụ ta cút đi. Nhưng tôi đã không làm gì hết. Chỉ đứng đó, bần thần chết trân. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh thì bố tôi lái xe đi mất. Tôi đến nhà Amber mà tâm trạng hoảng hốt rối bời, không tin được điều mình vừa chứng kiến. Làm sao mới hôm qua bố tôi còn thẫn thờ đi lại trong nhà và khóc lóc não nề chỉ vì ông nhớ mẹ tôi mà giờ đây, chỉ cách chưa đầy hai mươi tư tiếng đồng hồ sau ông lại có thể vui vẻ cùng người đàn bà khác? Thật là đáng khinh bỉ hết chỗ nói. Nhận ra mình có vẻ suy diễn sâu xa nên tôi cố gắng nhìn nhận sự việc này khách quan hơn. Tôi tự nhủ người đàn bà đó có lẽ là đại diện thương mại mà bố tôi cần dẫn đi ăn tối, họ hoàn thành công việc tốt đẹp và bố tôi hôn cô ta để chúc mừng mà thôi. Tất cả có vẻ hợp lý ngoại trừ việc bố tôi đã nói ông sẽ đi ăn tối cùng hai người và ông hôn cô ta ở môi chứ không phải trên má. Thật là bỉ ổi cho một người đàn ông đứng tuổi cư xử như thế khi vợ ông ta đang nằm trong nhà thương điên. “Georgie! Em có nghe tôi nói cái gì không?” Tiếng gầm của thầy Lamport làm gián đoạn suy nghĩ của tôi, ông đấm tay xuống bàn, nhoai người về phía tôi. “Em có nghe ạ”. Tôi lí nhí nhưng thực sự tôi chẳng nghe gì cả. “Tốt!”. Ông ấy nói. “Tôi muốn bài tiểu luận đó trên bàn tôi…” “Bài tiểu luận nào ạ?” “Tôi biết ngay là em có nghe tôi nói gì đâu.” Ông chế giễu. “Năm trăm từ nhé, mà không, đúng tám trăm tư. Bài tiểu luận về chủ đề Tự chủ. Nộp trước thứ hai. Còn nữa, em phải đóng tiền vì làm hỏng cuốn sách ngày hôm qua và nếu sự việc tiếp tục tái diễn thì…” Ông liếc nhìn tôi, bỏ lửng câu nói. “Lên đường!”. Ông gằn giọng. Tiếp theo, tôi trải qua giờ học Địa lý mà tâm trí phiêu du cùng đám mây màu ôliu, giờ học môn Nghệ thuật tôi bị mắng vì mải nhìn ra cửa sổ mà không lo về ba quả táo và một quả quýt trông như bị mốc. Giờ thì tôi đang trong giờ Đọc. Amber ra dấu cho tôi từ phía bên kia phòng học. Nó giơ ngón tay cái chĩa lên trời khi cô Palstow không để ý. Nhưng nó đâu có phải viết bài tiểu luận về Tự chủ như tôi đúng không? Trong khi cô Plastow đang luyên thuyên về các điều kỳ lạ và cách biến nước thành rượu, tôi tự hỏi không biết là tôi đã đồng ý kế hoạch của Amber lúc nào nhỉ? À có lẽ là tối qua. Khi ấy tôi đã gật đầu tuốt luốt miễn là tôi thoát khỏi những nỗi suy tư về bố, mẹ, tương lai và mọi thứ. Amber cho rằng tối mai sẽ là giải pháp cho tất cả các vấn đề đang mắc míu của tôi. Nó cực kỳ hào hứng khi tuyên bố kế hoạch của mình. Chúng tôi ngồi quây quần trong bàn ăn dưới bếp nhà Amber gồm nó, tôi và mẹ nó, cô Joy. Tôi phải cố gắng ăn cho bằng hết hàng đống thức ăn cô Joy đặt vào đĩa, thật khó nuốt bởi khi ấy đầu óc tôi không thôi nghĩ về bố và người đàn bà nọ. Thật quá mệt mỏi. Tôi không ngu ngốc gì, tôi đã đọc nhiều báo và có khối chuyện đàn ông không thể quan hệ sinh lý khi vợ họ bị bệnh nên họ phải đi lại với ai đó để giải tỏa. Công bằng với bố mà nói, mẹ đã không nhẹ nhàng, ngọt ngào với bố từ nhiều năm qua. Đáng ngại hơn, cô Joy còn hỏi thăm mẹ tôi ra sao, khi nào mẹ tôi sẽ trở về sau chuyến công tác và còn ngỏ ý mời bố mẹ tôi một hôm nào đó sang nhà ăn tối. “Cháu khỏe chứ Georgie?” Mẹ Amber hỏi tôi đầy lo lắng khi thấy tôi trả lời lí nhí dần. “Cháu ăn ít quá.” “Cháu không đói lắm ạ”. Tôi đáp, cúi mặt xuống bởi vì tôi không muốn cô ấy thấy mắt tôi đã ầng ậc nước. “Cháu nghĩ là cháu sắp sửa cảm lạnh ạ.” “Không được ốm!” Amber la lên, với nụ cười rộng toác. “Không được ốm trước tối mai đâu nhé.” Trong chốc lát, tôi quên chuyện bố tôi. “Sao vậy? Có chuyện gì ngày mai?” Mẹ Amber đứng dậy. “Mẹ sẽ để các con tự do với nhau.” Bà nói. “Mẹ phải đi làm việc đây.” Cô ngừng một lát, ôm vai tôi và vỗ nhẹ lên đầu trước khi rời khỏi phòng. “Sao, cậu định nói cái gì?”. Tôi nài nỉ Amber. “Cậu,” Amber tuyên bố, “sẽ có một cuộc hẹn hò.” “Hả?” “Tất cả đã được sắp đặt.” Giọng nó chắc nịch. “Theo nhận định của tớ thì cậu cần một chàng trai. Tớ đã nói với Nick và...” Nó lưỡng lự. “Nói tiếp đi.” Tôi nói xuyên qua kẽ răng. “... Cậu cần điều gì đó để khiến cậu thôi nghĩ lung tung, vớ vẩn”. Nó nói tiếp. “Và sau đó, tớ mong là cậu sẽ tìm thấy tình yêu. Nick nói là anh ấy có một người bạn chưa có bạn gái nhiều tháng qua và đang mong mỏi tìm một người...” “Cậu đã thực sự làm vậy à?” Tôi hơi bực vì đến giờ nó mới nói cho tôi biết. Amber gật đầu phấn chấn. “Mọi thứ đã được chuẩn bị hết. Tối ngày mai, 7 giờ rưỡi. Chúng ta sẽ đi...” “Không đi đâu hết”. Tôi phản đối. “Ý tớ là.... gã này rất có thể không giống ai và...” “Nếu vậy, cậu chẳng cần phải gặp lại hắn ta làm gì. Nhưng biết đâu hắn ta lại là người hấp dẫn thì sao. Còn nữa, cậu có gì hay ho để làm vào tối thứ sáu không?” Nó nói trúng tim nên tôi đành im miệng. “OK”. Tôi đồng ý. Amber ôm lấy tôi. “Cậu biết không?”. Nó nói. “Tớ linh cảm đây sẽ là một khởi đầu cho những thay đổi lớn.” Tôi ước là thế. Tuy nhiên, tôi không tin việc vài giờ đi loanh quanh trong thị xã với một gã trai không tự tìm nổi bạn gái cho mình có thể làm cuộc đời tôi thay đổi. Nhưng dẫu sao, gặp mặt thế này cũng chẳng làm cho mọi sự tệ hại hơn. “Vẫn như cũ đúng không?” Amber nói vọng qua phòng học. Tôi nhe răng cười chiếu lệ và gật đầu nồng nhiệt vì đó là điều những đứa con gái tuổi teen chúng tôi thường làm khi nhắc đến các gã trai. “Chắc chắn”. Tôi nói. “Tớ mong lắm”. Trông nó cực kỳ hớn hở. Tôi cảm thấy vui vì đã làm cho nó vui. Vào giờ ăn trưa, tôi tình cờ gặp Amber đang tay trong tay với Nick. Đúng hơn, bọn nó gặp tôi. Chúng nó đang say đắm nhìn vào mắt nhau đi dọc hành lang và dường như quên hết mọi sự trên đời. “Cậu ổn chứ?” Amber hỏi tôi. “Ý tớ là thầy Lamport không làm khó cậu chứ?” Tôi nhún vai để biểu lộ là mình đang rất thoải mái, “Ông ấy cũng cố đấy”. Tôi đáp. “Nhưng thực ra ông ấy có vẻ hối tiếc vì đã cố bắt chẹt một người đang..., cậu biết đấy...” Amber gật đầu. “Ok, tớ sẽ nói với Nick. Anh ấy sẽ nghĩ ra mấy ý tưởng hay ho gì đó cho tối mai.” Nó liếc nhìn Nick đầy trông chờ và tin cậy cứ như thể bồ của nó là người sẽ tìm ra cách chữa trị chứng ung thư hay đi vòng quanh thế giới trên lưng một con bọ chó. “Cậu không cần phải nói về vấn đề của cậu nếu không muốn nhưng...” Rõ ràng Amber muốn tôi giải thích rõ cho nó biết và tôi đang suy nghĩ để bịa ra chuyện gì đó thì thầy Lamport bước ra từ phòng giáo viên. “Này!” Thầy nói to, tôi nghĩ thầy gọi ai khác nhưng rõ ràng là nói với Amber. “Amber Haigh! Thầy muốn nói chuyện với em”. Thầy hướng về nó. “Sau này em chỉ nên phát biểu khi đã biết chắc mọi việc nhé”. “Thưa thầy?” Amber trông hết sức hoang mang. Hầu hết mọi người đều có thái độ đó khi giáp mặt hiệu trưởng, như thể ông là người ngoài hành tinh vậy. “Em nói là Georgie có vấn đề về sức khỏe phải không? Phải xét nghiệm bất thường ở bệnh viện? Georgie hoang mang đến độ không biết mình đang làm gì nữa phải không? Em nói thế đúng không nào?” Amber liếc nhìn tôi, sau đó gật đầu xác nhận, “Vâng ạ”. Nó đáp. “Georgie nói với em thế”. Ôi trời. “Georgie nói với em?” Thầy Lamport nhướn mày kinh ngạc và liếc sang tôi với cái nhìn sắc lạnh, “Georgie nói với em là bạn ấy...?” “Dạ, đúng rồi thầy”. Amber đáp. “Bạn ấy thật dũng cảm khi đương đầu với điều đó và em nghĩ là thầy không nên...” “Thầy nghĩ là bạn ấy rất dũng cảm”. Thầy Lamport kết luận, nhìn thẳng vào tôi, “Dũng cảm thật dễ dàng phải không, nhất là khi em chẳng gặp phải vấn đề gì cả?” Tôi hiểu câu nói ấy thầy đang ám chỉ tôi là động vật máu lạnh nói dối không ngượng mồm. Tôi run bần bật từng cơn. Ông ấy đã phát hiện ra việc tôi nói dối. Tệ hại hơn ông ấy nói với cả Amber. Tôi bàng hoàng đến độ không nói được gì dù là lời biện hộ đơn giản nhất. “Ôi Georgie!” Amber quay sang tôi, không mảy may bực mình, “Nghĩa là các xét nghiệm đều tốt hả? Quá tuyệt!” Nó chẳng để ý gì đến việc thầy Hiệu trưởng chỉ cách đó chừng một mét, nó vòng tay ôm lấy tôi mừng rỡ, “Tớ mừng quá!” Tôi nghẹn trong họng. Ánh mắt của thầy Lamport sắc lạnh soi thấu tận xương tủy và đầu óc tôi. “Chúa ơi, cầu mong cho ông ấy đi khỏi đây. Ông ấy không nghe thấy Amber nói gì hết và tôi có thể khắc phục “sự cố””. Thầy Lamport không mảy may nhúc nhích. “Georgie?” Amber chờ mong tôi nói điều gì đó. “Thầy nghĩ, Georgie, em nợ bạn em một lời giải thích?” Thầy Lamport nói. “Lời giải thích tại sao em lại nói dối bạn ấy một cách sống sượng như vậy?” Ông quay sang Amber “Chẳng có xét nghiệm nào hết Amber”. Thầy nói. “Georgie đã lừa cả tôi và em”. Nói dứt câu. Thầy quay lưng lại và đi xuống hành lang, tiếng bước chân cồm cộp xa dần. “Anh đi đây”. Nick thầm thì, tránh nhìn tôi. “Gặp em sau nhé Amber”. Hắn hôn phớt vào má Amber nhưng nó không nhúc nhích. Nó đang nhìn tôi đăm đăm. Mặt nó đỏ tía lên. “Cậu nói dối tớ?”. Giọng nó cao và nghe như rạn vỡ. Tôi không biết phải nói gì và nói gì nên im lặng. “Cậu đã khiến tớ nghĩ rằng cậu sắp...”, nó ngưng lời, mặt dúm lại, "sắp chết". Nó nói dứt câu và nước mắt ứa ra. “Amber đừng mà!” Tôi với lấy tay nó nhưng nó giằng ra. “Tớ không chủ ý nhưng tự dưng nó lại bật ra!”. Tôi phân trần. “Cậu tự suy diễn về việc tớ thay đổi này nọ và...” “Ừ, cậu thì hay rồi!”. Amber hét lên qua nước mắt. “Georgie trước kia không bao giờ nói dối tớ. Tớ cứ nghĩ là cậu bị ung thư, trời ạ. Tớ nghĩ là tớ sắp mất cậu mãi mãi.” “Nếu vậy thì cậu cũng đâu có sao đúng không?” Tôi thấy lồng ngực mình nghẹn lại và tôi nín thở. “Sao cậu có thể hỏi một câu vớ vẩn như vậy?”. Nó quặc tôi. “Cậu là đứa bạn thân nhất của tớ, chúng ta chơi với nhau từ khi sáu tuổi. Tại sao cậu lại giả vờ bị bệnh Georgie? Trời ơi, sao vậy?” Bởi vì tôi điên. Bởi vì tôi phải có lý do gì đó để nói cho cậu khỏi nghĩ là tôi bất thường. Trời ơi, mọi thứ quanh tôi đều tồi tệ và không thể chịu đựng nổi nữa. “Tớ nghĩ nếu tớ ốm, cậu sẽ không bao giờ bỏ rơi tớ”. Tôi thầm thì. “Tớ nghĩ là cậu bực bội vì tớ... hay lơ ngơ, chìm vào thế giới của riêng mình và...” “Nhưng tính cậu vốn thế mà!” Amber phản đối. “Cậu đã như thế từ lâu rồi!” “Tớ ư?” “Cậu là một người hay mơ mộng hão huyền, Georgie. Thực sự mà nói tớ rất bực bội, thời gian gần đây tình hình lại càng trầm trọng hơn nhưng tớ sẽ không vì thế mà không chơi với cậu nữa. Nhưng chắc chắn tớ sẽ không chơi với kẻ đã nói dối tớ một cách sống sượng, trắng trợn như vậy, vì điều đó có nghĩa là họ không tin tưởng tớ!” “Amber, tớ...” “Cậu có biết là tớ đã nghĩ gì không?”. Nó nổi giận, “Đêm hôm đó, ngay sau cậu nói như vậy, tớ ngủ mơ thấy cậu chết, tớ đi dự đám ma cậu nhìn thấy quan tài được đưa xuống lòng đất, thật kinh hoàng!” “Tớ xin lỗi, tớ...” “Ừ, tớ cũng xin lỗi cậu! Tớ đã lãng phí thời gian để tìm cách làm cho cậu vui hơn! Xin lỗi đã khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.” “Tớ từng nghĩ là cậu bị u ở trong não!”. Nó nói. “Tớ nghĩ vậy bởi cậu có biểu hiện mất dần trí nhớ, đập phá đồ đạc và trở nên viển vông!” Nó nhìn tôi, vẻ mặt lộ rõ sự khó hiểu, “Sao cậu lại như vậy?”. Nó hỏi tôi. “Câu chuyện ngốc nghếch về việc khung ảnh của mẹ cậu bị vỡ một cách vô ý ấy?” “Thật vậy mà!”. Tôi đáp lại và ngay lập tức cảm thấy hối tiếc. “Cậu lại tiếp tục đấy”. Nó quát tôi. “Nói dối, suốt ngày nói dối! Georgie, sàn nhà phòng cậu thảm dày cả tấc, làm sao khung ảnh thủy tinh rơi xuống mà vỡ được. Cậu cố tình làm nó vỡ, tớ biết chắc là vậy!” Tôi tắc tịt, không thốt nên lời. Nó đã thấy rõ tâm can tôi. Và nếu nó đã hiểu tôi như vậy thì không biết nó còn biết điều gì nữa? “Sao?” Nó nhìn tôi nghiêm nghị. Tôi cố mấp máy môi, “Xin cậu đừng ghét tớ”. Tôi nói. “Cậu là người bạn thân nhất của tớ”. “Thế ư? Tớ cho rằng cách cậu đối xử với tớ thì như là đối với kẻ thù chứ”. Nó mỉa mai, giễu cợt. Thế là chẳng còn gì để nói nữa. Nó ghét tôi. Tôi đã thổi bay biến mọi thứ một lần nữa. Tôi quay lưng, bắt đầu bước dọc hành lang, cúi gằm xuống sàn nhà để chẳng ai có thể thấy tôi đang khóc. “Georgie?” Tôi quay lại. Amber cầm lấy tay tôi. “Hứa với tớ một điều”. Nó nói. “Điều gì?” Tôi khịt mũi. “Rằng cậu sẽ không bao giờ, không bao giờ nói dối tớ nữa? Tất cả mọi chuyện? Cậu hứa chứ?” Tôi hít thở thật sâu và gật đầu, “Tớ hứa”. Tôi đáp. “Thực ra có một chuyện tớ…” Ngay lúc đó chuông reo báo hiện giờ vào học tiết kế tiếp và tôi nghĩ đó là dấu hiệu ngăn cản tôi mở miệng. “Cái gì?” “Cuộc hẹn ngày mai ấy? Vẫn như cũ chứ?”. Tôi lái nhanh sang chuyện khác. “Ý tớ là cậu vẫn muốn tớ tham dự chứ?” Nó gật đầu hơi ngập ngừng. “Tớ nghĩ vậy”. Nó đáp. “Tớ sẽ gọi điện cho cậu lúc 7 giờ và chúng ta sẽ gặp họ trong thị xã”. Chúng tôi tiếp tục đi ra quán cà phê nhưng Amber vẫn chưa hết băn khoăn, “Cậu vẫn cứ làm sao ấy?”. Nó hỏi tôi. “Có chuyện gì không ổn đúng không?” Tôi hít thở thật sâu. “Trong đầu tớ là cả một mớ lộn xộn”. Tôi đáp. Ôi trời, tôi trả lời nó kiểu gì vậy không biết? Amber lắc đầu, “Như tớ đã nói”. Nó nói thêm, “cái cậu cần là một tình yêu say đắm. Nhưng nếu cậu tiếp tục nói dối tớ thì…” Nó bỏ lửng câu nói. “Sẽ không đâu”. Tôi hứa. Được thôi mà, điều tôi hứa ấy. Những lời nói dối trước không tính, đúng không? Tôi sợ phải đi về nhà. Tôi phải nói chuyện với bố tôi về người đàn bà đó. Tôi đã định nói tối qua, nhưng dù đã cố gắng thức chờ bố về nhưng quá 11 giờ đêm vẫn chưa thấy ông về nên tôi ngủ mất. Giờ thì tôi có cảm giác ơn ớn là bố tôi sẽ tra khảo tôi trước – chỉ có một cách giúp thầy Lamport tìm ra vì sao tôi nói dối là thầy gọi điện cho bố tôi. Sao cuộc sống không thể đơn giản hơn dù chỉ một ngày? Mọi thứ còn tệ hại hơn tôi đã hình dung. Bố tôi đang đợi tôi đi học về. Mới có 5 giờ rưỡi chiều mà ông đã có mặt ở nhà, thay quần áo xong xuôi và đang đi đi lại lại trong sảnh. “Bố, bố nói là đi thăm mẹ kia mà!”. Tôi mở miệng, vì tôi từng nghe đâu đó ai nói là cách tự vệ tốt nhất là tấn công. “Bố không đi à?”. “Bố chuẩn bị đi bây giờ đây, Georgie”. Ông đáp, trán nhíu lại nghiêm khắc. “Nhưng trước hết, bố cần phải nói chuyện với con”. Ông hướng tôi vào trong bếp. Tôi ngồi xuống ghế ở bàn ăn và bắt đầu gõ nhịp ngón tay trên bàn gỗ. “Hôm nay thầy Lamport gọi cho bố”, ông bắt đầu nói, “Thầy muốn biết sự thật về việc con có bị bệnh hay không”. Tôi không nói gì hết. Im lặng có lẽ là tốt nhất. “Dĩ nhiên, bố nói là con khỏe và bố chẳng hiểu thầy đang nói đến cái gì nữa. Thầy giáo con nói rằng ông ấy vui mừng vì nghe bố nói như thế, vì Amber có nói với ông ấy rằng con đang phải làm các xét nghiệm ở bệnh viện”. Tôi nói thở và bắt đầu cầu nguyện. Bố tôi hắng giọng, “Georgie , bố biết là con không thích chuyện bố đang nói nhưng…” “Sao ạ?” Dạ dày tôi sôi lên như môn nhào lộn trong cuộc thi ở Thế vận hội. “À, bố đã nói với thầy là Amber không đúng, chính là mẹ con mới phải làm các xét nghiệm”. Tôi suy nghĩ nhanh. Thế cũng không sao. Miễn là bố tôi không nói trắng ra. “Làm xét nghiệm thôi chứ? Bố chỉ nói vậy thôi đúng không? Bố không nói là mẹ đang ở trong bệnh viện St Gregogy và…” Bố tôi lắc đầu. “Bố không nói toàn bộ câu chuyện vì bố không biết con đã nói với Amber những gì”. Ông nói tiếp, “Bố nghĩ là con đã nghe lời bố và đã cố gắng nói thật với Amber, nhưng…” “Đúng rồi ạ”. Tôi nôn nóng nói. “Con bỏ dở giữa chừng và chỉ nói mẹ phải thực hiện một số xét nghiệm”. “Bố cũng nghĩ vậy!” Ông nói, có vẻ vui mừng. “Bố thật hiểu ý con phải không? Con hài lòng chứ?” Trông ông có vẻ van nài sự tán dương của tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy kỳ quặc nhưng thực sự mà nói là tôi thở phào nhẹ nhõm vì ông đã không tiết lộ mảy may về tình trạng thực sự của mẹ. “Vâng, bố, quá tuyệt, con cảm ơn bố nhiều lắm!” Tôi nhổm người định đứng lên vì nghĩ cuộc nói chuyện đã xong, nhưng ông lại ra hiệu cho tôi ngồi xuống. “Lẽ ra bố đã không thông đồng với con về việc đó”. Ông bắt đầu. “Nếu trước đó thầy Lamport nói cho bố biết việc con xử sự vô lễ ở trường”. Ông ngưng một lát để chờ tôi nói nhưng tôi im lặng. “Thầy nói với bố là con vô lễ ở lớp. Lần này không phải là lần đầu. Kết quả học tập của con sa sút, con lại chẳng mảy may bận tâm”. Tôi đang chờ bố mẹ thẩm vấn về việc đầu óc tôi có vấn đề ở đây. “Thực sự thì, Georgie”, ông nói tiếp, đưa tay vò tóc “Bố không thể chịu đựng hơn nữa được đâu. Bố quá mệt mỏi, không cần con gây thêm rắc rối nữa”. Ông ngừng lời, cắn cắn môi trong khi đám mây đen bắt đầu kéo đến bao trùm lấy tôi. “Chúng ta phải nỗ lực cùng nhau trong hoàn cảnh này, cả con và bố. Con phải nhớ là bố hoàn toàn phụ thuộc vào con, Georgie. Con là tất cả những gì bố có bây giờ”. Hay quá! Thế ai là chỗ dựa cho tôi trong lúc này? Ông bắt đầu tuôn tràn như nước lũ, “Bố không thể chịu đựng nổi việc các thầy cô của con suốt ngày phàn nàn với bố về việc học của con ở trường, thắc mắc lý do tại sao con có thái độ vô lễ như vậy. Mặt khác, bố lại không được nói thật với thầy, không thì hai bố con lại cãi nhau…?” Tôi im lặng. “Georgie, bố không chịu đựng thêm được nữa đâu, con nhé?” Đám mây đen bắt đầu phủ trùm lên tôi, quá muộn để xua nó đi. “Quá đáng”. Tôi hét lên, gạt tất cả mọi thứ trên bàn: lọ muối, lọ tiêu xuống sàn. “Bố không chịu nổi à! Chúng ta phải nỗ lực cùng nhau trong hoàn cảnh này, phải không? Ý bố là con phải nấu ăn, ủi quần áo cho bố và quáng quàng với một đống bài tập ở nhà trong khi bố lượn lờ ngoài phố với tình nhân, hôn hít ngay góc phố, đúng không bố? Con cũng không chịu đựng thêm được nữa, được chưa bố?” Tôi đứng dậy, đẩy ghế vào chỗ cũ mạnh đến nỗi tạo ra cái vệt trên sàn nhà. “Cái gì…?” “Thôi mà bố, đừng cố thoái thác. Chính mắt con trông thấy rành rành, tối qua ấy, bố đi với một người đàn bà”. Ông chà chà mũi như thói quen thường làm mỗi lần cần hoãn binh. “Con đi đâu ra khỏi nhà?” “Không cần biết đâu bố”. Tôi nổi giận. “Bố không thể phủ nhận đúng không? Làm sao bố có thể làm chuyện đó chứ? Một giây trước bố nói mẹ là tất cả với bố và giây kế tiếp bố lăng nhăng ngay sau lưng mẹ. Bố làm con ghê sợ”. “Mọi việc không như con nghĩ đâu”. Ông chống đối. “Cô Jenny là đồng nghiệp của bố. Cô ấy hiểu…”. “Làm ơn đừng có nói kiểu: “Cô ấy hiểu bố!” Tôi gào lên. “Con thấy bố hôn cô ta, đừng có chối quanh nữa bố ạ”. Ông nhìn tôi như ngượng ngùng. “Bố không chối”. Ông đáp. “Bố có hôn cô ấy”. Tôi phát khùng. Tôi cảm giác như có kiến bò râm ran khắp cánh tay, như luồng điện giật tê khắp người. “Tuyệt! Bây giờ bố định đến bệnh viện để nói với mẹ là bố yêu bà ấy lắm, nhớ bà ấy lắm, cần bà ấy lắm, đúng không bố?” “Bố có yêu mẹ, có nhớ mẹ mà Georgie…” “Giả dối!” Tôi nhặt tờ báo đang đậy rổ chén ném về phía ông. “Nghe này!” Ông quát lại “Được, bố có hôn cô ta, bố không tránh được bởi vì cô ấy…” “Nói thế thì, trong trường hợp của con, con cũng không tránh được việc cư xử tồi tệ trong lớp, đúng không? Con không tránh khỏi việc nhận toàn điểm thấp và con cũng không tránh được việc không bao giờ, không khi nào làm ôsin cho bố nữa, bố hiểu chứ?” Nói xong, tôi giận dữ bước ra khỏi nhà bếp, đóng sầm cửa, giậm chân thình thịch trên cầu thang để lên phòng mình. Bố gọi với theo tôi mấy lần. Sau đó tôi nghe tiếng cửa nhà đóng lại và tiếng còi báo mở cửa xe. Tôi liền nhào ra mở cửa sổ và thò người ra hét, “Con sẽ không nấu bữa tối cho bố nữa đâu nhé. Con không nấu đâu, hôm nay không, mai không, không bao giờ. Bố tự nấu lấy đi nhé bố.” Ông lập tức nhìn lên, sau đó đảo mắt nhìn xung quanh xem có ai để ý không. Sau đó, không nói không rằng, ông chui vào xe và lái đi mất. Đám mây đen bao trùm lấy tôi, chặn ngang mũi và làm tôi nghẹn thở. Cổ họng tôi đau rát vì la hét quá nhiều và tôi muốn ốm. Tôi ngồi phịch xuống sàn nhà, hai tay ôm lấy ngực và bắt đầu lắc lư. “Tại sao? Tại sao? Tại sao?” Mãi một lúc tôi mới ý thức được việc đang làm. Y hệt như mẹ tôi vậy. Hình như tôi đã phát khùng. Cái thứ đang gặm nhấm đầu óc mẹ tôi cũng đã len lỏi vào óc tôi, khiến cho tôi la hét, mắng nhiếc người khác và hành động như một đứa trẻ trái nết. Không thể như vậy. Tôi muốn là người bình thường, bình thường như Amber, Rebecca, Emily hay Caitlin. Nhưng không được rồi. Tôi đã phát điên. Giống như mẹ tôi rồi. Tôi bắt đầu quăng quật mọi thứ trước khi tôi nhận biết. Tôi vớ cuốn sách ném xuống sàn nhà, đá chúng bay tứ tung khắp phòng. “Tao ghét mọi thứ!” Giật tờ áp phích ra khỏi tủ quần áo, tôi xé vụn nó thành nhiều mảnh, tôi văng tục và đá bay mọi thứ vào bức tường. Thế vẫn chưa đủ, đám mây đen vẫn cứ lởn vởn quanh tôi, tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để xua chúng cút khỏi tôi. Tôi nhào tới giật tung cánh cửa sổ bên hông, chộp lấy cuốn sách trên bàn, quăng chúng qua cửa sổ với tất cả sức mạnh bình sinh. Đám mây lập tức vỡ vụn thành những mảnh nhỏ và bay đi theo cơn gió. Tôi thò người nhìn qua cửa sổ nơi cuốn sách vừa bị ném xuống. Thẳng xuống khu vườn của "Vùng Hoang dã", tôi bắt gặp cặp mắt mở tròn sửng sốt của bà Flavia Mott, chủ nhân của cuốn sách đang nằm nhàu nhĩ, đầy đất cát ngay dưới chân bà. “Georgie, xuống đây cháu”. Tất cả mọi chuyện chỉ diễn ra trong vòng một tích tắc, từ khi tôi ném cuốn sách tuyệt đẹp của bà xuống đất mà tôi cứ ngỡ như hàng thế kỷ đã trôi qua. Không thể tin nổi là tôi đã làm điều đó. Tôi biết nói gì với bà đây? “Georgie!”. Bà lại gọi tôi lần nữa, lấy tay che mắt cho bớt chói. “Bà vừa thử làm kẹo táo, cháu sang đây ăn thử nhé!” Bà đang làm gì vậy? Lẽ ra bà phải quát mắng tôi mới đúng, nhưng thay vì vậy bà chỉ cười và ra hiệu cho tôi xuống. Chậm chạp, tôi đóng cửa sổ lại, bước qua cái đống bề bộn trên sàn nhà phòng ngủ và lê bước xuống cầu thang. Tôi cố moi óc để nghĩ lời bào chữa cho việc mình vừa làm. Hoàn toàn thất bại, tôi quá đau khổ để nghĩ ra lời biện hộ ấy. “Sao, cháu có thấy kẹo ngon không?” Bà Flavia ra hiệu hỏi tôi về cái kẹo táo thật lớn bà dúi vào tay tôi. Tôi cắn một miếng trong khi bà bế con mèo ra khỏi cái ghế. Con mèo liếc nhìn bà tỏ vẻ căm giận rồi chui vào cái giỏ của nó ở trong góc phòng. “Kẹo táo phải nhai nhiều quá hả?” Bà hỏi đầy lo lắng, buông người ngồi xuống chiếc ghế đã trống. “Bà sẽ thử làm lại vào ngày mai”. “Ngon bà ạ”. Tôi đáp, thực sự kẹo táo ngon hay ít ra nó sẽ ngon nếu tâm trạng tôi không buồn đau thế này. “Bà làm kẹo táo cho ai vậy bà?” Bà Flavia tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi vậy. “Làm cho bà, cháu ạ, và hóa ra cho cả cháu nữa!”. Bà cười khùng khục. “Cháu nghĩ kẹo táo chỉ dành cho trẻ con thôi ạ”. Tôi đáp. “Vớ vẩn”. Bà Flavia cười nắc nẻ, “Bà không hối tiếc khi tự chiều chuộng bản thân mình. Cuộc sống cần phải thú vị và không bao giờ phải nói hối tiếc. Sự thực là vậy”. Tôi biết bà vẫn đang chờ đợi. “Bà ơi”. Tôi mở miệng, không dám nhìn thẳng vào bà. “Cháu rất xin lỗi, xin lỗi bà về việc cuốn sách, cháu sẽ mua đền bà cuốn sách khác bà nhé”. “Không thể, cháu ạ, người ta không xuất bản nó nữa rồi”. Bà đáp, đứng dậy và với tay lấy ấm trà. “Trời ạ. Cháu thực sự xin lỗi, cháu không chú ý…” “Nói cho bà biết”. Bà ngắt lời tôi trong khi rót sữa ra hai cái ly. “Cháu cảm thấy vui hơn chứ?” Đó không phải là câu hỏi tôi đang chờ đợi và tôi cũng không biết trả lời thế nào. “Một chút ạ”. Tôi buột miệng “Nhưng không được lâu”. Bà Flavia trộn sữa vào trà và đưa cho tôi một ly. Con Aristippus, mắt hấp háy nhìn ly sữa đầy vẻ thèm thuồng. Nó mon men tới gần chủ và kêu meo meo đầy thảm thiết. “Kể hết đi cháu”. Bà nói với tôi, trong khi đổ sữa ra cái đĩa nhỏ. Bà không hề ra lệnh cho tôi và tôi biết nếu tôi từ chối, bà cũng sẽ chỉ nhún vai và nói là không sao. “Cháu giận quá bà ạ”. Tôi bộc bạch, nhả miếng kẹo táo đang nhai dở ra cái đĩa. “Bà cũng nghĩ vậy”. Bà Flavia điềm tĩnh. “Chính xác là vì sao?” “Cháu cư xử không hay với thầy giáo và bây giờ cháu phải viết bài luận về Tự chủ và…” “À ra vậy, không sao đâu”. Bà nói thật điềm tĩnh, nhấp một ngụm trà. “Hai bà cháu mình có thể cùng làm, không vấn đề gì”. “Dạ, bà… nói sao ạ?” Bà chẳng có vẻ ngạc nhiên hay sốc gì cả, phủi tay nhẹ nhàng, “Chuyện đó dễ mà”. Bà nói “Nói tiếp đi, cháu giận dữ với thầy của cháu, sao thế?” Tôi tiếp tục nói cái đã mở lời và không thể dừng lại, “Vấn đề rắc rối là, không ai hiểu chuyện, họ chỉ nghĩ là cháu lập dị. Cháu nói với Amber - người bạn thân nhất của cháu…” “À, cô bạn mà cháu nói là không thích khu vườn của bà ngăn nắp đấy phải không?” Bà Flavia hỏi tôi. Tôi mỉm cười mặc dù đang đau khổ, “Bà còn nhớ ạ”. Tôi nói “Bạn cháu nó nghĩ khu vườn đầy cỏ dại của bà là nơi tuyệt vời để hôn hít ạ”. Bà Flavia gật đầu, “Đó là nơi thích hợp nếu các cháu thích kiểu vậy”. Bà đáp hoàn toàn không chút bối rối. Bà quả thực là một người già cực kỳ tâm lý. “Cháu nói với Amber là cháu bị bệnh, phải làm một số xét nghiệm ở bệnh viện và bạn ấy đã biết là cháu nói dối và rất giận cháu”. “Ờ, chắc chắn là bạn cháu sẽ buồn”. Bà Flavia gật đầu. “Nhưng tại sao cháu lại nói với bạn cháu như vậy?” Tôi ước rằng mình đã không bắt đầu tất cả những chuyện này nhưng tôi không nghĩ ra cách để thoát khỏi nên đành tiếp tục. “Bởi vì bạn cháu muốn biết tại sao cháu có thái độ kỳ cục, suốt ngày như người mộng du, suy nghĩ tận đẩu tận đâu và điểm số thì trượt dốc không phanh và nhiều thứ khác nữa”. “Bà hiểu rồi, cố gắng thoát ra khỏi những chuyện này, chúng thật lộn xộn quá”. Bà đưa cho tôi một ly sôcôla ấm có màu nâu tuyệt vời. “Uống đi cháu!” Bà nói khi tôi đang lưỡng lự, “Hãy nuông chiều bản thân mình nhé!” Tôi nhấp một ngụm và giữ môi ở miệng tách. “Thế tại sao cháu lại hành động kỳ quặc như cháu nói vậy?” Bà hỏi tôi. “Do mẹ cháu ạ.” Thế đấy, tôi đã nói ra tất cả những mắc mớ trong lòng. Mặc dù tôi cố tự chủ nhưng tất cả những điều chất chứa trong lòng tôi đã không thể giữ lại được cho riêng mình. “Mẹ cháu không ở Trung Quốc”, tôi hối hả nói, “cũng không ở Hồng Kông hay bất cứ nơi nào cháu đã nói với mọi người”. Tôi hồi hộp chờ đợi sự phản ứng của bà Flavia, nhưng bà dường như chẳng mảy may xao động. “Vậy mẹ cháu ở đâu?” Bà hỏi, cắn một miếng bánh quy khác. “Rõ ràng là ở nơi nào đó mà cháu không muốn nói đến”. Tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn và suy nghĩ các khả năng. Mẹ tôi đi thăm bà? Đi chơi biển với chị em gái? “Ở bệnh viện St Gregogy ạ - bệnh viện tâm thần”. Tôi đã nói ra. Tôi không được khóc. Không được. Thế nên tôi cúi xuống vỗ vỗ tay vào người con Aristippus và nhờ vậy tôi giữ lại được phần nào những giọt nước mắt đang chực rơi. Bà Flavia trông có vẻ suy tư, “À, ra thế”. Bà nói, như thể tôi vừa nói với bà rằng mẹ tôi đi làm tóc và sấy khô vậy. “Đó cũng là lý do cháu nói dối Amber, vì cháu không muốn ai biết phải không?” “Không, cháu không muốn!” Tôi nói. “Có điều Amber bắt cháu hứa sau này luôn phải chân thật với nó, và cháu vẫn không nói với nó về mẹ cháu. Nó mà phát hiện ra thì…” “Sao lại không nói?” Bà Flavia hỏi tôi, tỏ vẻ khó hiểu, “Sao cháu không thể nói với bạn cháu chứ?” “Bởi vì tất cả bạn bè trong khối lớp của cháu nghĩ rằng cháu là đứa lập dị và một khi chúng biết mẹ cháu ở trong bệnh viện tâm thần thì chúng nó sẽ nghĩ là cháu kiểu gì cũng điên do gien di truyền. Thế là chẳng ai thèm chơi với cháu nữa ạ”. Con mèo bỏ dở đĩa sữa, nhìn tôi với đôi mắt tròn to, ươn ướt của nó. Rồi nó nhảy lên lòng tôi và bắt đầu gại gại cái chân nó vào đùi tôi. Những lời tôi vừa nói cứ lùng bùng trong tai và lần đầu tiên tôi nhận ra rằng những gì mình nói đều là sự thật. Tôi điên nhưng chắc chắn không thể để mọi người biết điều đó. “Vậy, tất cả bạn cháu đều điên à? Các bạn của cháu ấy?” “Bà nói vậy là sao hả bà?” Tôi hỏi. “Dĩ nhiên là không ạ, các bạn ấy đều bình thường”. “À”, bà nhún vai. “Bà tự hỏi, à bà thấy là nếu các bạn cháu nghĩ là cháu điên thì rõ ràng họ sai rồi. Cháu cũng điên cỡ bà thôi à". Tôi không biết đó là một lời khen hay một lời khẳng định mà sâu thẳm trong lòng tôi sợ hãi nhất. “Bà không hiểu cháu đâu”. Tôi thầm thì. “Người bình thường không ném đồ đạc qua cửa sổ, làm phòng của mình trở nên lộn xộn hay quăng sách trước cả lớp”. Tôi chờ đợi sự kinh ngạc biểu lộ trên mặt bà Flavia, nhưng tuyệt nhiên bà không mảy may thay đổi nét mặt. “Ai giận dữ sẽ làm như thế”. Bà nói. “Ai giận dữ sẽ la hét, quát mắng và giậm chân thình thịch, quăng quật đồ đạc. Bà đã có lần ném cả chai rượu vào bạn trai. Ngay trong lúc đón khách trong tiệc cưới anh trai anh ấy. Thật ngốc ngếch – lãng phí cả một chai rượu ngon và làm cho mẹ chú rể lên cơn đau tim nữa chứ”. Tôi không khỏi bật cười. “Mất bình tĩnh không phải là cách tốt để giải quyết các vấn đề nhưng điều đó không có nghĩa là người mất bình tĩnh bị điên". Bà chồm người qua bàn và cầm tay tôi. “Tóm lại”, bà nói, “cốt lõi câu chuyện là như thế này đúng không? Mẹ cháu ở trong bệnh viện và cháu cố hết sức để phủ nhận chuyện đó. Cháu lo lắng đến phát ốm là do cháu rất yêu mẹ mình. Tuy nhiên, cháu lại nói dối người bạn có thể thấu tỏ mọi chuyện cũng như giúp đỡ cháu vượt qua tất cả - người bạn thân của cháu”. Bà thấu hiểu như vậy, tôi có thể nói sao đây? “Vâng, nhưng…”, tôi thì thầm, quyết định rằng đã đến lúc tôi phải rời khỏi đây. Tôi thả con Aristippus xuống sàn nhà và nó ngước mắt nhìn tôi căm ghét. “Và bố cháu thì sao? Bà và bố cháu có chào nhau trên vỉa hè sáng nay. Một người đàn ông dễ mến, mặc dù trông cực kỳ mệt mỏi”. Tôi cười trống rỗng. “Cháu đã nói với bố cháu về cảm giác của cháu chứ?” Thế là quá nhiều. “Cháu có cố nói và cảm thấy tốt hơn ạ”. Tôi đứng lên, đẩy chiếc ghế ra sau và đạp phải chân con Aristippus đang duỗi ra. Con mèo kêu lên đau đớn và lùi lại phía sau. “Ôi, tao xin lỗi, Aristippus!", tôi cúi xuống, bế nó lên và vùi đầu vào bộ lông trắng dài của nó. “Tất cả những gì bố cháu nói là cháu phải mạnh mẽ lên vì ông ấy”. Tôi thì thầm, giọng tôi vùi trong đám lông mèo “Anh Simon không bao giờ gọi điện cho cháu và mẹ ghét cháu…” “Chúng ta sẽ giải quyết từng việc một”, bà Flavia nói điềm tĩnh. “Bà đoán là mẹ cháu rất yêu cháu và bà ấy lo lắng về việc cháu sẽ nghĩ gì về bà ấy. Đó là điều làm bất kỳ ai sợ hãi, huống chi là một cô thiếu nữ nhỏ đáng thương phải chịu đựng bao nhiêu là đau khổ, nên mẹ cháu đã im lặng”. Tôi nhướn mắt lên và bắt gặp ánh nhìn của bà. Tôi đã từng nghĩ rằng mẹ tôi đã cố gắng chịu đựng nỗi đau một mình mà không muốn tôi phải chia sẻ và nếu bà Flavia nói đúng thì… “Được rồi”, bà nói một cách mạnh mẽ, “chúng ta sẽ giải quyết tuần tự từng việc. Đầu tiên cháu phải nói chuyện với mẹ và nói cho mẹ biết cháu cảm nhận như thế nào”. “Cháu không thể…” “Vô lý, dĩ nhiên là cháu có thể. Có lẽ là cháu sẽ không làm hoặc không muốn làm, nhưng đừng tự nhủ với mình là cháu không thể vì đó lại là một lời nói dối khác!” Tôi định mở miệng nói nhưng rồi lại nín thinh. Thực sự tôi không biết phải nói cái gì. “Tiếp theo cháu phải nói cho Amber biết chuyện gì đang xảy ra”. “Nhưng nếu vậy nó sẽ không chơi với cháu nữa”. Tôi vặn hỏi, “Cháu không có nhiều bạn và cháu không muốn mất nó”. “Nếu bạn cháu bỏ rơi cháu chỉ vì mẹ cháu ốm chốc lát thì nó không xứng đáng là bạn cháu”. Bà Flavia nói. “Còn về bài tiểu luận. Sau buổi học ngày mai, cháu sang nhà bà và chúng ta sẽ cùng làm”. Bà lau tay trong niềm hân hoan như thể vừa trải qua một đêm ăn chơi xả láng. Điều đó làm tôi sực nhớ. “Cháu không thể”, tôi nói, “Cháu có hẹn rồi ạ”. Nghe tự hào ghê. Từ trước đến giờ tôi chưa có cơ hội để khoe với ai việc tôi hẹn hò hết. “Hẹn hò hả? Nghe hay quá. Chàng trai đó là ai?” Tôi nhún vai, “Cháu không biết”, tôi thú nhận, “Amber dàn xếp mọi chuyện. Một người bạn của bạn trai Amber. Nó nghĩ là cháu cần vui vẻ hơn”. “Đấy, thấy chưa”, bà Flavia vỗ tay, “Nếu thế thì làm sao người ta lại nghĩ cháu bị điên được chứ? Vậy qua nhà bà thứ bảy và chúng ta sẽ làm bài luận nhé. Và cháu có thể kể cho bà nghe về chàng trai bí ẩn đấy nhé!” Tôi cười và gật đầu, “Cháu cám ơn bà, về tách trà, về việc đã lắng nghe cháu và nhiều thứ nữa”. Bà trông có vẻ hài lòng nhưng không tỏ rõ ra như tôi mong đợi. “Lấy thêm vài cái kẹo táo đi cháu”, bà nói, “Kẹo ngọt có tác dụng an ủi tâm hồn, cháu cũng nghĩ thế chứ? Đưa cho mẹ cháu khi cháu đi thăm mẹ lần tới nhé”. Bà dúi hai cái kẹo táo vào túi áo tôi và dẫn tôi ra cửa, “Cầm lấy cái này”, bà nói và đưa tặng tôi cuốn truyện tranh nhuốm bùn. “Bà muốn tặng cho cháu”. Bà mở cửa và ôm chặt con mèo vì nó muốn nhảy xuống chui vào vườn. “Nhìn xem”, bà nói to, “Bố cháu kia kìa”. Bố tôi đang bước lên bậc tam cấp nhà tôi hai bậc một, tay xách cặp và nhiều túi lỉnh kỉnh. Bà Flavia vẫy tay, “Chào anh Lawrence!” Ối trời, bà đã trở nên thân mật đến độ gọi tên của bố tôi rồi đấy. “Đi thăm vợ về phải không? Hôm nay cô ấy có khỏe không?”. Bà cười rạng rỡ với bố tôi. Tôi thấy là bố tôi không biết trả lời thế nào. Ông nhìn bà Flavia rồi nhìn lại tôi, lùi lại và đưa tay cọ cọ mũi. “Không sao đâu bố, con đã nói với bà về chuyện của mẹ”, tôi nói. Mặt bố tôi liền giãn ra ngay lập tức. Hai vai buông thõng xuống và ông đứng thẳng lên. Thật là lạ. Có thể đoán ngay ra là bố tôi đã bối rối, nhưng ông chẳng có vẻ gì là buồn bực cả. “À, tốt ạ. Ngày hôm nay, cô ấy đỡ hơn nhiều, cảm ơn bà”. Ông nói, hướng về phía bà Flavia. “Các bác sỹ nói cô ấy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.” “Thế thì tuyệt, tuyệt quá”, bà Flavia reo mừng. “Tiếp tục và tốt hơn nữa nhé”. Với câu nói đó, bà vẫy tay và đóng cửa lại, suýt chút nữa thì kẹp đuôi con Aristippus trong gang tấc. “Bà vui vẻ thật!” Bố tôi thầm thì, tra chìa khóa vào ổ. “Vâng”, tôi đáp, “bà ấy rất hay ạ”. Điều buồn cười nhất là bà khiến tôi nghĩ rằng nếu tôi thực hiện những điều bà khuyên thì mọi thứ cũng trở nên ổn thỏa, vui vẻ như chính con người bà vậy. Kỳ lạ. “Bố mua đồ ăn sẵn về đây”, bố tôi nói, chỉ đống túi để trên bàn ăn trong bếp. “Như thế, con sẽ không phải nấu nướng”. Rốt cuộc bố cũng chịu nghe tôi nói. “Tuyệt vời”, tôi kêu lên, “Món ăn Trung Hoa hả bố?” Ông gật đầu và lấy dao kéo nĩa ra từ chạn bếp. Trông ngon lành quá – mấy thứ bố tôi đặt trên bàn ấy. “Món con thích này, vịt quay giòn với tảo biển, thịt heo hầm măng non và bao nhiêu bánh tôm nữa. Đúng không nào?” Tôi mỉm cười và gật đầu. “Xin lỗi bố chuyện khi nãy ạ”, tôi thầm thì, “Con sẽ cố gắng không thế nữa, con hứa”. “Con gái ngoan!” Ông nói. Hai bố con ăn trong im lặng trong vài phút. Tôi đang suy nghĩ điều sẽ nói tiếp. “Bố à”, tôi mở lời, “về người phụ nữ mà con thấy đi cùng bố ấy”. “Cô Jenny?” Ông hỏi. “Cô ấy thì sao?” “Bố ngoại tình với cô ấy phải không?” Ông bỏ dao nĩa xuống và nhìn tôi sửng sốt. “Con hỏi buồn cười quá!” Ông có vẻ bực dọc. “Dĩ nhiên là không rồi. Sao con lại nghĩ bố như thế được nhỉ?” Ông nhìn tôi như thể tôi mới từ trên trời rơi xuống. “Đó là điều con thực sự nghĩ về bố ư? Bố là người chồng, người cha vô dụng đến nỗi con cho rằng bố sẽ làm điều vô cùng… thế ư?” Bố tôi bức xúc đến nỗi không nói nên lời. “Con xin lỗi”. Tôi buộc phải nói như vậy. “Con nói như vậy là vì con thấy bố hôn cô ta…” “Đó chỉ là cử chỉ thân thiện bạn bè thôi”, ông chống chế, “cô ấy ngợi khen bố. Thôi chúng ta nói chuyện về mẹ đi, đừng đề cập đến những điều này với bố nữa. Chấm hết tại đây”. Nghe những điều bố nói tôi cảm thấy khó chịu vô cùng, nhưng tôi không nói gì hết. Ít ra bố tôi phải chấm dứt đi lại với cô ta thì mới là chấm hết. “Bố không tưởng nổi là con lại nói thế, Georgie”, ông nói tiếp, “Bố thất vọng quá”. Ông bỏ dở món ăn và đưa tay vò tóc, “Sao con lại cư xử như vậy vào đúng ngày hôm nay cơ chứ?” Tôi cảm thấy cơn giận đang dâng lên nhưng tôi cố nén lại để giữ bình tĩnh. “Hôm nay thì có gì khác với mọi ngày ạ?”. Tôi đáp. Bố tôi đứng dậy, đi tới đi lui quanh cái tủ lạnh, “Họ vừa yêu cầu bố chuyển nơi công tác”, ông nói, “tới văn phòng ở Newcastle”. “Newcastle?”. Quá xa. Bố không thể làm vậy. “Cô Jenny nghĩ là bố nên chấp nhận sự thuyên chuyển này”, ông nói thêm, lấy thêm một lon bia trong tủ lạnh, “Cô Jenny nghĩ đó là một cơ hội tốt cho bố thăng tiến”. “Hoan hô cô Jenny vĩ đại của bố”. Tôi hét lên. “Bố không thể làm thế, bố ạ. Chúng ta sống ở đây mà, nhà chúng ta ở đây. Còn nữa, mẹ thì sao?” Ông giật nắp lon bia và tợp một ngụm lớn. “Mẹ sẽ tự hào về bố, đúng không?”. Ông nói với chút khẩn khoản. “Ý bố là Newcastle là văn phòng lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn. Và như thế bố sẽ kiếm được nhiều tiền hơn”. Tôi nghẹn không nói nên lời. Tôi không muốn chuyến đi. Rõ ràng Kettleborough không phải là cánh cửa mở ra thế giới nhưng đây là nơi tôi đã sống, nơi này có Amber và có thể ngày mai tôi sẽ có một tình yêu nữa chứ. “Bố không biết phải quyết định thế nào, Georgie”, ông nói, “Con nghĩ sao?” Tôi định nói nhưng ông đã tiếp tục. “Con muốn bố làm gì đó tốt nhất cho mẹ đúng không? Một ngôi nhà mới, một khởi đầu mới, có thể đó là những thứ mẹ cần”. Bố tôi ngừng lời và gại gại mũi, “Và dĩ nhiên”, bố nói thêm, “Mẹ muốn ở gần anh Simon – Durham chỉ cách Newcastle có vài dặm con ạ”. Tôi không nói gì. Tự nhiên miếng vịt quay trở nên như giấy bồi thấm nước. “Georgie? Bố cần con giúp bố giải quyết việc này”. Ông nhìn tôi với vẻ ủ rũ trông không khác nào giống khuyển có tai cụp, cứ như tôi là người duy nhất quyết định mọi chuyện. Tôi cũng mong thế đấy. “Bố, con không quyết được. Đó không phải là việc của con. Bố cần nói chuyện với mẹ về việc đó, thế nhé bố?” Bố tôi nhún vai. “Nếu con muốn thế”. Ông thì thào. “Đúng thế ạ”, tôi nói với ông, “Bây giờ con phải làm bài tập ở nhà. Con sẽ gặp bố sau. Cám ơn bố về bữa tối”. Sau khi nói xong tôi đứng dậy và bước ra khỏi phòng Tôi sướng điên người. Tôi đã làm thế. Tôi nói thật những điều mình nghĩ và buồn cười nhất là không có đám mây đa sắc nào bao trùm lấy tôi cả. Và khi tôi leo lên giường ngủ, một ý nghĩ vui vẻ ập đến với tôi. Người phụ nữ tên Jenny đó hẳn không yêu thương gì bố tôi bởi nếu cô ta yêu bố thì cô ta đã không khuyên bố chuyển công tác xa cô ta hàng trăm dặm. Quá tuyệt! Nhưng lẽ ra bố tôi không nên hôn cô ta như thế chứ. Chương 6 Thứ Sáu Dĩ nhiên cái tâm trạng vui mừng, phởn phơ đêm qua của tôi chẳng kéo dài được lâu. Nó đã bay biến, thực sự là chỉ sau nửa tiếng đồng hồ thức dậy buổi sáng nay, vì nhiều lẽ, thứ nhất tôi đã phát hiện ra một cái mụn to bằng tòa nhà Thiên Niên Kỷ ngay dưới cằm mình, kể đến anh tôi gọi điện về nhà tuôn ra hàng đống thứ rác rưởi, cuối cùng là gặp con mèo điên của nhà hàng xóm. Anh Simon gọi điện khi bố đang tắm. “Nghe này”, anh nói, liến thoắng ngay khi tôi vừa nhấc ống nghe, “Anh xin lỗi về chuyện tối hôm nọ nhé. Anh không cố ý nặng lời như thế”. “À, thế sao?” Tôi không thể nói với anh nhẹ nhàng, nhất là sau những gì anh đã xử sự với tôi. “Chỉ là do anh chưa nói với Serena về mẹ à…” “Anh đang trên giường với chị ta”. Tôi mỉa mai, xiết chặt cái ống nghe đến độ những ngón tay trắng bệch. “Georgie!”. Anh tôi có vẻ lúng túng. “Thôi mà Simon”, tôi nói, “Em đâu phải là một đứa trẻ con nữa. Tuần sau tròn mười sáu tuổi rồi, nếu anh còn nhỏ, mà chắc anh chẳng nhớ. Chắc lúc đó anh đang mây mưa với chị ta và không thể dứt ra dù em quấy nhiễu, đúng không?” “Dạo này em tinh vi hẳn ra nhỉ”. Anh tôi thừa nhận. “Mình em mắc kẹt ở nhà, xoay sở với bà mẹ điên và ông bố hời hợt chả ổn tí nào phải không? Anh áy náy? Thôi đừng có xin lỗi xin liếc gì ông anh thân yêu ạ, vì em có thể chịu đựng tốt. Không cần anh đâu, không cần ai hết đâu”. “Georgie, nghe này. Anh biết là anh đã hơi…” “Simon, em không có thời gian nghe anh lải nhải đâu. Em phải chuẩn bị bữa sáng cho bố, ủi áo sơ mi cho ông ấy và đi học nữa. Tất cả phải xong trước 8 giờ 45 phút. Thế nhé? Em sẽ nói chuyện với anh vào tuần sau”. Vừa gác máy tôi đã ước gì mình đừng cư xử như vậy. Anh ấy là anh trai tôi và tôi yêu thật nhiều. Một nửa tôi muốn thổ lộ với anh là tôi đang đơn độc, buồn chán và không thể chịu đựng nổi nữa, nhưng có điều gì đó đã ngăn cản tôi. Tôi không biết là cái gì. Có lẽ do ghen tị bởi nếu anh Simon trở về nhà thì mẹ sẽ không dành thời gian cho tôi nữa. Trước khi điều đó xảy ra, tôi phải đến thăm và nói chuyện với mẹ. Nhưng bà Flavia đã khuyên. Lẽ ra tôi không gặp bà Flavia sáng nay nếu không gặp con Aristippus. Con mèo này ngoài việc thích hưởng thụ lạc thú xem ra còn thích đi hoang. Tôi đang hối hả bước xuống cầu thang vì bố yêu cầu bánh mì nướng với hai quả trứng ốp la thì bắt gặp nó nằm lim dim buồn ngủ dưới chân cầu thang. Nó là con mèo chứ không phải bố tôi nhé. Nó sắp ngủ thì tôi đạp vào nó. Nó liền nhảy dựng lên, xòe vuốt nhọn hoắt, rít lên điên tiết. Kể ngắn gọn, tôi cho nó uống sữa, ăn thức ăn Trung Hoa còn thừa tối qua và bế nó sang trả nhà hàng xóm. Bà Flavia mở cửa, trông bà cực kỳ ủ dột, vô cùng kiệt sức. Mắt bà đỏ hoe và tóc bà rối tung bù xù. “Ơn Chúa!” Bà bế lấy con Aristippus và vùi mặt vào bộ lông của nó. “Cháu gặp nó ngủ ở cầu thang nhà cháu khi cháu bước xuống nhà sáng nay”, tôi nó “Cháu xin lỗi, cháu đoán là nó vào nhà khi bố cháu mua đồ ăn về, nhưng cả cháu và bố đều không phát hiện ra nó”. Bà nhìn lên và tôi thấy mắt bà ngấn nước. “Không sao đâu cháu”, bà nói, “đó là lỗi của bà không phải lỗi của cháu. Bà cứ đinh ninh chắc chắn lần này bà đã mất nó. Bà phải cẩn thận hơn sau này mới được”. Bà ôm chặt con mèo vào ngực và mỉm cười với tôi, “Hẳn cháu nghĩ là bà thật buồn cười?”. Bà nói, giọng mạnh mẽ trở lại, “Aristippus là thứ vô cùng quý giá với bà”. “Bà nuôi nó lâu chưa ạ?”. Tôi hỏi, không phải hỏi cho biết mà là quan tâm thực sự. “Sáu năm”, bà nói. Giọng bà có sự xúc động. “Aristippus là quà tặng cuối cùng của con trai bà trước khi chết”. oOo Lúc này tôi đang ở gần cổng trường nhưng tôi không thể thôi nghĩ đến những lời bà Flavia nói lúc nãy. Tôi chưa từng nghĩ bà Flavia có con. Bà từng nói là bà xa lánh tất cả đàn ông nên tôi cho rằng sống độc thân. Nhưng thực ra bà có con trai với một người đàn ông gặp ở Hy Lạp khi tuổi đã khá lớn và khó có thể sinh con. Người đàn ông đó dửng dưng với đứa trẻ nên bà nuôi con một mình. “Nó chết khi mới hai mươi mốt tuổi”, bà nói với tôi, “Nó đang học đại học, học rất giỏi. Một đêm cùng bạn bè đi dự tiệc, xe ô tô đâm vào lớp băng phủ đường khiến nó tử vong tại chỗ”. Tôi không thể thôi nghĩ đến điều này. Chết khi mới hai mươi mốt tuổi. Anh ấy cùng lứa tuổi như anh Simon của tôi. Rất có thể điều này cũng có khả năng xảy đến với anh tôi. Anh Simon chẳng hay đi đến tận vùng Đông Bắc để tiệc tùng, hội hè liên miên đó sao. “Nó về thăm và ở nhà với bà vài tuần trước khi chết”, bà Flavia nói với tôi. Aristippus là một món quà David tặng cho bà trước khi rời nhà như một sự bù đắp. Chủ Nhật trước khi về trường nó đem con mèo nhỏ về cho bà nuôi”. Bà nhắm mắt một hồi rồi thở dài, “Vào thứ sáu, nó chết”. Tôi không muốn nghĩ về điều này nhưng tai cứ văng vẳng những điều bà Flavia nói khi bà vẫy tay tạm biệt lúc tôi đến trường. “Bà rất vui là hai bà cháu mình trở nên thân thiết”, “Bà vui vì chúng ta thực sự quý mến nhau”. Dĩ nhiên, anh Simon sẽ không chết, mẹ tôi cũng thế. Thật là ngu ngốc khi nghĩ vớ vẩn như vậy. Nhưng tôi sẽ gọi điện cho anh Simon tối nay. Và sau khi tan học, trước khi đi chơi với Amber, tôi sẽ tranh thủ tạt qua thăm mẹ. Tôi chắc chắn sẽ làm những điều đó. Cho tới sau bữa ăn trưa tôi mới gặp Amber. Khi gặp, nó huyên thuyên đủ thứ chuyện chẳng cho tôi cơ hội nói về chuyện đã lặp đi lặp lại trong đầu tôi cả buổi sáng. “Này, tớ sẽ đến đó lúc 7 giờ nhé? Nhớ mặc cái gì đó thật hấp dẫn và quyến rũ nhé”. Tôi lục trí nhớ của mình nhưng chẳng tìm ra trang phục nào phù hợp với đề nghị của nó. “Ví dụ như…?”. Tôi hỏi nó. “Ồ, tớ không biết”, nó đáp, “Cái váy sa tanh đen của cậu có phần phía trên phối màu hồng được không, cái váy có cổ trễ ấy?” Tôi nghênh mặt, “Cổ trễ nhưng đáng buồn là phía trong chẳng có gì mà ngắm hết”. Tôi thầm thì. Amber cười khúc khích, “Thì mặc áo mút ấy”. Nó nói. “Nói chuyện nhanh né, tớ phải…” Tôi nắm cánh tay nó, “Tớ muốn nói với cậu chuyện này”. Tôi mở lời. Amber cười cười, “Nếu cậu muốn biết thêm về bạn trai của Nick thì không may cho cậu rồi”. Nó cười tủm tỉm. “Tất cả những gì tớ biết là anh chàng này đang học đại học và đang sơn phết lại mấy cái xe hơi cũ với Nick và em trai Nick thôi”. “Không, không phải chuyện đó… chuyện về… à, cậu biết đấy… hôm qua, sau khi tớ sẽ nói cậu về…” “Quên đi, chúng ta sẽ nói đến sau nhé. Này, tớ vội quá”. Nó lắp bắp. “Nick không làm được bài dịch tiếng Đức và anh ấy cần sự giúp đỡ của tớ, không có tớ anh ấy không làm bài được. Gặp cậu tối nay sau nhé!” Nó đi rồi mà tôi vẫn chưa nói được với nó về chuyện của mẹ tôi. Dù vậy, đâu phải lỗi của tôi đúng không? Thôi thì tôi sẽ nói cho nó biết lúc tối nay nó sang nhà rủ tôi đi chơi vậy. Sau đó, giữa chúng tôi sẽ chẳng có bí mật nào hết, mọi thứ rồi sẽ đâu vào đấy. oOo Tôi nghĩ là mình lại muốn thổi bay mọi thứ nữa. Mới đầu mọi thứ có vẻ ổn. Chúng tôi nói chuyện về các lớp trị liệu của mẹ, diễn biến bệnh tình tốt hơn của mẹ khi các bác sĩ thay đổi thuốc điều trị. Mẹ tôi thậm chí còn xin lỗi về việc rơi vào tình trạng thế này. Lúc ấy tôi nói “không sao đâu mẹ” bởi vì thực sự tôi còn biết nói gì hơn? Nếu chỉ mình tôi, có lẽ tôi chỉ đến thăm mẹ có từng ấy và đi về nhà. Từ lúc tôi hỏi mẹ, mẹ không nói thêm từ nào, chỉ ngồi và đi về nhà. “Mẹ có yêu con không hả mẹ?”. Tôi hỏi. “Ôi, Georgie!” Bà òa lên. “Dĩ nhiên là mẹ yêu con, con không biết nhiều như thế nào đâu”. “Vậy mẹ nói đi”. Tôi không chờ đợi câu trả lời như thế. Làm sao tôi có thể biết được bà yêu tôi nhiều ra sao nếu bà chẳng bao giờ nói ra. “Con biết là mẹ không yêu con bằng anh Simon”, tôi nói, “nhưng mà…?” “Đừng!” Tất cả chỉ có vậy. Một từ duy nhất. Không hiểu mẹ tôi muốn nói gì? Đừng nói đến chuyện đó? Đừng nói ra việc tôi biết mẹ không yêu tôi bằng anh tôi? Mẹ tôi trông như muốn khóc, và tôi không chịu nổi liền giậm chân bước ra cửa. “Con ơi, đợi đã”. Thình lình mẹ tôi gọi. Giọng nói mẹ cân bằng, thậm chí quyết đoán. “Ngồi xuống đi con”. Tôi ngồi xuống. Mẹ tôi chồm người tới và cầm lấy tay tôi, “Mẹ yêu con, Georgie, yêu rất nhiều đến độ đôi lúc làm mẹ đau đớn”. Bà nói, đưa tay kia quệt nước mắt. “Mẹ chưa bào giờ nghĩ mình là một người mẹ tồi tệ đến vậy, con biết không? Mẹ không hề muốn làm con thất vọng như vậy đâu”. “Mẹ, không phải vậy…” “Không, đợi đã”, mẹ tôi ngắt lời, cầm chặt tay tôi, “Mẹ cần phải giải thích cho con hiểu. Từ khi mẹ vào bệnh viện, mẹ có thể nói chuyện với bác sỹ trị liệu và mẹ có thể đối diện với mọi việc chứ không như trước đây”. “Việc gì ạ?” “Georgie, khi mẹ sinh anh Simon, mẹ đã chối bỏ anh con”. “Chối bỏ?”. Đó là điều tôi không thể tin được. Từ khi tôi biết nhận thức đã thấy mẹ nuông chiều anh Simon cơ mà. Mẹ nhắm mắt lại một lúc, ghì chặt lấy tôi nhưng sau đó tôi hơi rùng mình và ngước lên. “Mẹ mắc hội chứng trầm cảm sau khi sinh”, bà nói, “Rất trầm trọng. Mẹ không thể cho anh con ăn hay bồng bế anh con, mẹ chối bỏ mọi thứ. Nói thật, chính bố con là người chăm sóc, vun vén gia đình, chứ không phải mẹ. Mẹ bực tức với đứa trẻ”. “Nhưng sau đó mẹ bình phục đúng không?”. Tôi hỏi. “Nghĩa là sau ít tuần”. Mẹ tôi lắc đầu. “Không”. Bà đáp. “Thực sự tình trạng đó kéo dài hàng tháng và hơn một năm. Mẹ thuê cô trông trẻ và mẹ đi làm lại, dần dần với sự trợ giúp của thuốc men chứng bệnh lui dần. Nhưng mẹ chưa bao giờ gần gũi với Simon từ đó”. Tôi không khỏi hoài nghi với những gì mẹ vừa nói, “Nhưng, mẹ à, con luôn thấy mẹ yêu anh Simon nhiều hơn con và…” “Không”. Khoảng khắc đáng sợ đó tôi cứ nghĩ mẹ tôi sẽ quá sức chịu đựng, nhưng trông bà lại có vẻ bình tĩnh. “Georgie, hãy nghe mẹ nói. Khi anh Simon lên năm tuổi, mẹ có thai con, một cách tình cờ…” “Ơn trời!” “… nhưng khi sinh con ra, như là có ai đó làm đầu óc mẹ thay đổi. Mọi thứ đều ổn và tốt đẹp. Mẹ yêu con đến nỗi không rời nửa bước. Lúc ấy, anh Simon đã đi học và cô trông trẻ đã nghỉ, chỉ có mỗi con và mẹ ở nhà. Thật tuyệt vời, con vô cùng xinh xắn!” Mẹ tôi cười thật tươi, nụ cười mà bao năm qua tôi chưa từng thấy. “Sau đó mọi rắc rối lại bắt đầu”, mẹ tôi thở dài, nụ cười phai dần. “Mẹ bỏ rơi con phải không?” “Không, không bao giờ!”. Mẹ tôi hít một hơi thật sâu. “Mẹ chợt nhận ra rằng những năm trước đây mẹ chỉ quan tâm đến Simon bằng một phần mười sự chăm sóc mà mẹ dành cho con. Mẹ cảm thấy có lỗi. Mẹ quyết định đến bù cho anh con để phần nào đó xoa dịu những ký ức đau đớn trong mẹ về hình ảnh một người mẹ vô tâm trước đây cũng như gắng sức trở thành một người mẹ hoàn hảo đối với anh con từ dạo đó”. Trong khi mẹ tôi nói tiếp, tôi cần phải hỏi mẹ tôi một lần nữa. Tôi muốn nghe điều đó một cách thật rõ ràng. Tôi phải hỏi. “Nhưng mẹ vẫn yêu con chứ mẹ? Thật sự chứ?” “Georgie, mẹ yêu con hơn bất cứ từ ngữ nào có thể diễn tả. Mẹ ước gì mình đã cư xử sao cho con đừng phải hỏi điều này”. Bà đứng dậy và đi về phía cửa sổ. Tôi biết rằng mẹ tôi muốn giấu, không cho tôi thấy những giọt nước mắt đang tràn trên khóe mi. Tôi chọn một cuốn tạp chí để trên bàn và lật xem. “Mẹ luôn cảm thấy đau lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện đã bỏ rơi Simon khi anh còn nhỏ,” bà nói, “Mẹ luôn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất cho anh con – luôn luôn ngợi khen khích lệ từng việc nhỏ nhất anh con làm, khoe với tất cả mọi người những thành tích của anh con, mua cho anh con nhiều thứ…” Tôi thở hắt ra thật chậm. Mọi thứ đang dần sáng tỏ. Mẹ tôi có yêu tôi. “Tất cả mọi thứ trở nên rắc rối khi con bắt đầu đi học”. Mẹ tôi đột ngột nói. “Mẹ phải trở lại làm việc toàn thời gian, mới đầu mẹ chỉ làm có hai ngày một tuần nhưng sau đó trong một tháng, bố con mất việc. Bố có việc mới nhưng bố không thể tự tin như trước. Trong năm năm bố làm tới bốn chỗ. Không chỗ nào trả lương tương đối”. Tôi nhớ bố tôi đã từng nói, “Mẹ con đã phải dốc hết sức lực vào công việc và giờ mẹ con hoàn toàn suy kiệt”. “Vì vậy mẹ bị khủng hoảng đúng không?”. Tôi thỏ thẻ hỏi. Mẹ tôi gật đầu, “Mẹ làm việc quên ngày quên đêm, mẹ nhớ con, nhớ Simon và chứng trầm cảm lại tái diễn. Tình hình ngày một tồi tệ. Mẹ cứ có ý nghĩ là nếu có thêm một đứa trẻ thì chứng bệnh sẽ thuyên giảm, và mẹ phần nào chuộc lại những lỗi lầm với Simon và con. Nghe có thật buồn cười…” Tôi bước tới và ôm lấy mẹ trước khi tôi nhận ra mình làm thế. “Không đâu mẹ, điều đó chẳng có gì là buồn cười cả”, tôi thốt lên, “Chỉ không cần thiết thôi ạ. Chúng con yêu mẹ. Mẹ là người mẹ tuyệt vời, nhưng con chỉ không hiểu…” “Gì vậy con?” “Thực sự, con không muốn làm mẹ buồn hay đại loại thế nhưng…” “Không sao đâu, mẹ hứa”. Bà nói và mỉm cười. “Ở Norofolk năm đó, khi mẹ đánh bố và quăng quật đồ đạc, những lần khác mẹ lại la hét và chạy ra khỏi nhà, đá mọi thứ và…”. Tôi ấp úng. Tôi nhận ra không nên nói những điều này với mẹ mình. Mẹ ngồi xuống đưa hai tay ôm đầu. “Mẹ thường xuyên cảm thấy mình có lỗi, cực kỳ vô dụng và lãng phí mọi thứ”. Bà giải thích. “Hai lần trong cuộc đời mẹ mang thai không chủ định và rồi sau đó khi mẹ muuốn có con thì lại không thể”. Tôi có thể mường tượng lại: Mẹ đang la mắng bố, gọi bố là kẻ vô dụng và nói bà căm thù ông ấy. “Giờ đây những bác sỹ đã làm mẹ hiểu ra vấn đề”, mẹ tôi nói tiếp. “Những cơn giận dữ mẹ trút lên con và bố thực chất là những cơn phẫn nộ mẹ muốn dành cho chính mình. Mẹ nói bố vô dụng bởi vì bố không có được công việc đàng hoàng nhưng thực ra mẹ ghen tị với ông ấy vì bố có thời gian ở bên cạnh con và Simon, ông ấy có thú vui vẽ tranh, chụp ảnh và ông ấy là người có đủ đầy mọi thứ”. Bây giờ thì tôi cần động não một chút. Dĩ nhiên, bố hay chơi với chúng tôi, đi xe trượt băng, chơi thả diều, chơi đua xe và nhiều thứ khác. Và bố còn có thời gian để giúp chúng tôi làm bài tập ở nhà. Không giống như mẹ, bà phải thức đến tận nửa đêm để viết báo cáo hay gửi các bản fax. Tuy vậy, bố tôi chẳng bao giờ làm điều gì mà không hỏi ý kiến mẹ. “Bố không thể là người bố tốt nếu không có mẹ để gắn kết mọi người với nhau”. Tôi nói. Và khi câu nói vừa bật ra, tôi biết lần đầu tiên trong vòng mười sáu năm qua, tôi đã làm đúng. Mẹ tôi cười và chầm chậm đi về phía tôi. Bà ôm xiết tôi vào lòng, không muốn dứt. Tôi muốn mẹ ôm tôi mãi. Chưa bao giờ mọi thứ trở nên êm đềm như vậy. Trên đường về nhà quá nửa, tôi mới nhớ ra là quên đề cập với mẹ về tiệc sinh nhật của mình. Nhưng mà chẳng sao. Mẹ tôi yêu tôi. Trước khi tôi về mẹ còn nói là các bác sỹ khen sự tiến bộ của mẹ, không lâu nữa mẹ sẽ được về nhà. Tôi không nghĩ nhiều về chuyện đó bây giờ. Tôi chỉ thấy vô cùng vui sướng, nhưng xen lẫn chút mơ hồ lo lắng. Liệu khi về nhà mẹ có tiếp tục quở mắng tôi? Nếu mẹ biết được tôi vô lễ ở trường, điều đó có làm mẹ điên trở lại. Bố mẹ tôi sẽ cãi nhau về điều bố chuyển công tác đến Newcastle? Dĩ nhiên tôi không nói chuyện này với mẹ, đâu phải việc của tôi! Vì vậy tôi chưa nghĩ đến việc mẹ trở về nhà, chưa đâu. Tôi chỉ chú tâm đến sự thật là mẹ yêu tôi mà thôi. Và tôi yêu mẹ. Thật nhiều. Chương 7 Tối thứ Sáu Tôi đang trong tâm trạng bồi hồi. Dường như trong lòng có vạn con kiến đốt. 45 phút nữa thôi tôi sẽ gặp chàng trai đó, giờ tôi đang phải vắt óc nghĩ ra chuyện gì thú vị để trò chuyện cùng anh ấy nữa chứ. Tôi hơi lo vì Amber vừa gọi điện nói với tôi là nó tới trễ nên chúng tôi sẽ gặp ở ngoài rạp chiếu phim luôn thay vì nó qua rủ tôi. Điều đó cũng chẳng sao ngoài việc tôi định nói rõ mọi chuyện với nó, kể hết sự thật về mẹ tôi. Có thể tôi sẽ không kể chi tiết mọi thứ nhưng chắc chắn sẽ thú nhận với nó việc mẹ tôi đang ở trong bệnh viện St. Gregory để điều trị chứng trầm cảm. Và giờ tôi không thú nhận với nó được rồi vì chẳng lẽ lại thổ lộ những điều này với nó trước mặt Nick và anh chàng kia. Chắc phải đợi đến ngày mai thôi. Mà cũng có sao, tôi nói dối nó đã lâu, giờ thêm một ngày cũng có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới đúng không? Amber vẫy tôi rối rít khi tôi vừa bước xuống từ xe buýt. Tôi vội băng qua đường và nó túm lấy cánh tay tôi. “Cậu đến trễ một chút nhé!” Nó phàn nàn tôi. “Họ sẽ tới đây ngay bây giờ. Trông tớ có ổn không? Cái váy này có ngắn quá không? Tớ nên mang tất dày hơn đúng không?” “Có, không và không”. Tôi cười trả lời nó. “Trông cậu tuyệt đẹp. Còn tớ thì sao?” Tôi xoay một vòng. “Tuyệt, đẹp sững sờ luôn!” Nó đáp, nhìn tôi ngạc nhiên. “Trông cậu rất vui vẻ, có gì thay đổi phải không?” Tôi tự hỏi liệu có kịp để nói cho nó biết mọi việc không, nhưng khi vừa định nói thì thấy nó nhìn sang bên phải, đưa tay bịt lấy miệng và túm lấy tay tôi. “Họ tới rồi. Kia kìa. Nào Georgie, chỉnh chu, xinh đẹp nhất nhé?” Nó túm luôn cánh tay kia của tôi. “Chúa ơi, không như ta tưởng, anh chàng trông cực hấp dẫn, cậu nhìn mà xem”. Tôi liền ngó ra đường. Nick đang giơ tay vẫy Amber và bên cạnh Nick là một anh chàng cao ráo, ôi trời, không thể được. “Chào anh yêu!” Giọng Amber thật hào hứng, hổn hển, giọng nó luôn thế khi nó nói chuyện với bất kỳ chàng trai nào. Nick hôn nó. Tôi muốn mặt đất nứt ra ngay lập tức để chui xuống. Tôi quá bối rối. Nick quay sang tôi. “Chào Georgie!”, anh ta nói “Đây là…” “Em biết rồi”. Tôi nói, nghe như tiếng rít. “Chào anh Leo”. Amber trông bàng hoàng cực độ. “Chào!” Leo nói, nở nụ cười tươi khiến anh ấy trông càng cuốn hút hơn bao giờ hết. “Hóa ra là em, cô gái chạy trốn từ bệnh viện”. “Chào anh”. Tôi lí nhí trong miệng. “Hai người biết nhau rồi à?”. Amber hỏi với vẻ tiếc nuối như thể tôi làm hỏng ý nghĩa cuộc hẹn hò do nó dàn xếp vậy. Tôi không đứng được. Tôi phải nói với Amber. Tất cả mọi thứ. Ngay lúc này. Tôi không thể chịu đựng được việc nó phát hiện ra sự thật theo cách này, tình cờ, một lần nữa. Thế sẽ không công bằng! Nó sẽ nghĩ tôi lại nói dối mặc kệ những lời đã hứa với nó. Và nó sẽ không bao giờ tin tưởng tôi nữa. Tôi liền quay sang Amber. “Amber, có điều này tớ cần phải nói với cậu”, tôi bắt đầu, giọng tôi run run. “Tớ đã cố nói với cậu nhiều ngày nay rồi nhưng chưa có cơ hội. Đó là… à… là về mẹ tớ. Mẹ tớ đang ở trong bệnh viện. Bệnh viện St. Gregory. Đó là lý do tại sao tớ biết anh Leo. Anh ấy thực tập ở đấy”. “Mẹ cậu? Trong bệnh viện St. Gregory? Không thể vậy được. Cậu nói mẹ cậu ở Hồng Kông mà”. Amber nói chậm rãi, nhấn mạnh từng chữ một. Nó cũng không cười. “Tớ biết. Tớ biết. Tớ xin lỗi. Tớ không thể chịu đựng được việc mọi người biết chuyện này, ngay cả cậu”. “Nhưng cậu đã hứa rồi mà! Không có bí mật nào giữa chúng ta, nhớ không. Cậu nói ở nhà tớ, và nói với mẹ tớ là mẹ cậu ở nước ngoài!” Nó hét to. “Mẹ tớ còn thắc mắc không biết tại sao mẹ cậu không gọi điện hay viết thư như mẹ cậu thường làm! Và sau đó…” “Cậu nghe tớ được chứ?” Tôi hét trả nó. “Tớ thật sự xin lỗi. Tớ đang cố gắng để nói với cậu nhiều lần nhưng chuyện đó không dễ dàng, cậu biết không? Đó không phải là chuyện hay ho gì mà cậu có thể chêm ngang giữa các câu chuyện khác”. Nick khịt mũi, “Chẳng hay ho gì thật”. Anh ta nói, rồi đế thêm hòng làm cho Amber hiểu rõ hơn ý mình: “Anh chẳng đời nào mang mẹ mình đi khoe thế nếu bà bị thần kinh cả”. Anh ta cười khoái chí và thổi bong bóng kẹo cao su ở miệng. Điều anh ta nói khiến tôi tức giận. “Này, quá lắm rồi đấy nhé!” Tôi hét lên. “Cả hai người. Tôi cóc cần đâu nhé, được rồi, tôi…” “Nick, nói quá rồi!” Leo nói với Nick. Amber trông giống như sắp khóc, dường như nó không biết phải làm gì. Trong một lát, Nick im lặng. Sau đó anh ta nhìn xuống đất và liếc nhìn sang vỉa hè. “Thôi”. Leo nói một cách bình thản. “Chúng ta vào rạp xem phim thư giãn một chút đi. Đi nhanh không phim chiếu mất”. Tôi cười biết ơn Leo và quay sang Amber. “Amber…” Tôi chạm vào tay nó một cách bối rối. “Ôi trời, tớ xin lỗi Georgie”. Nó thốt ra. “Tội nghiệp cậu quá!” Ngập trong cái ôm xiết chặt của nó, tôi biết mọi thứ rồi sẽ ổn. Tôi đã không thổi tung mọi thứ. Amber sẽ tha thứ cho tôi và anh Leo đã không bỏ chạy… Thực ra, khi chúng tôi đi vào rạp chiếu phim thì Leo đã đi sát bên tôi và choàng tay qua vai tôi. “Em ổn chứ?”. Anh hỏi nhẹ nhàng. “Anh nghĩ điều đó khiến em cảm thấy buồn đúng không? Thằng khùng như Nick nói những điều chẳng giống ai hết…” “Đó là lý do tại sao em không nói với ai cả”. Tôi thừa nhận. “Nhưng buồn cười thật vì khi nói ra thì mọi thứ dường như không tệ hại như em nghĩ. Em vẫn có thể xoay sở được”. Anh Leo cười với tôi. “Anh thấy em được thừa hưởng sự can đảm từ mẹ em đó”. Leo nói. “Bà ấy là một phụ nữ đáng kinh ngạc, em biết không bà khiến anh nhiều lần cười chảy nước mắt đấy. Bà rất hài hước”. Tôi cười, “Mẹ em từng nói những câu đùa cười thắt ruột luôn đó”. Tôi gật gù. “Em nói là ‘từng’ ư?” Leo cười. “Bà ấy vẫn thế đấy. Bà ấy đang bình phục dần, Georgie. Anh biết là không nên nói đến các bệnh nhân nhưng anh nghe bác sĩ Morgan nói rằng trường hợp Julia Limington là một câu chuyện thành công kỳ diệu.” “Thật hả anh?” “Thật”. Anh ấy cười. “Bây giờ, một câu hỏi nữa nhé?” “Dạ?” Tôi hồi hộp. “Bắp rang hay mứt đậu?”. Anh hỏi. Bộ phim dở tệ. May mà giữa chừng thì anh Leo rủ tôi ra ngoài đi uống cà phê. Khi lách qua Nick và Amber để ra ngoài rạp tôi thấy vẻ mặt Amber trông kỳ lạ không thể diễn tả nổi. oOo Bây giờ, khi đang đứng trước bàn trang điểm trong phòng của mình, tôi cố gắng tìm ra những điểm khác biệt lúc này khi tôi đã yêu. Tôi vẫn không thể tin mọi việc đã xảy đến với mình. Hai chúng tôi đến quán cà phê Costa, anh Leo mua cho tôi một ly Cappuchino và một cái bánh quế. Chúng tôi luyên thuyên nói hết chuyện này đến chuyện khác, về tất cả mọi thứ trên trái đất ngoại trừ nói về mẹ tôi. Thật kỳ lạ khi tôi nhận ra tôi đang nói về bản thân mình, kể cả những điều xấu: một đứa con gái có mẹ bị điên, bố yếu đuối, một đứa học sinh lớp 11 học hành sa sút… rồi đến những việc điên rồ nhất mình từng làm như trèo lên tòa thấp Alton hay đi học nhảy Salsa, đến những ước mơ lớn lao trong tương lai như muốn làm tiếp viên tàu viễn dương được chu du năm châu bốn bể hay trở thành một chuyên gia về sắc đẹp. Tôi nói tất cả với anh ấy như thể tôi đã bị giam cầm rất lâu và giờ đây được cởi trói, tự do, và chân thật… “Anh có thể gặp lại em chứ?” Leo hỏi khi chúng tôi đã uống cà phê xong. “Trưa mai nhé? Chúng ta sẽ đi dạo và nói chuyện tiếp”. Tôi không biết nên tỏ ra quá nôn nóng nhưng vốn có ít cơ hội nên tôi không thể bỏ lỡ. “Vâng”. Tôi đáp. “À quên, không được rồi”. Mặt Leo đầy thất vọng. “Sao vậy? Có chuyện gì à?” Tôi không nói cho anh ấy biết về việc quăng đồ đạc, nhưng tôi chỉ nói là tôi phải làm bài tiểu luận và bà Flavia sẽ giúp đỡ tôi. “Không sao”. Anh nói. “Em cứ sang nhà bà Flavia làm bài rồi đi chơi với anh sau. Anh sẽ đón em. Mấy giờ nào?” oOo Vậy nên ngày mai, khoảng 6 giờ, anh Leo sẽ đến đón tôi. Còn 20 giờ 7 phút nữa. Anh ấy quá tuyệt vời và phù hợp với tôi. Anh ấy tuyệt về mọi mặt đúng như tôi và Amber đã vui mừng thầm thì với nhau ngay sau 5 phút đầu gặp anh ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ là các chàng trai lại tuyệt đến thế. Ngạc nhiên hơn, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi ở bên cạnh anh ấy. Tôi chưa bao giờ có cảm giác này với cánh con trai trước đó nhưng riêng với anh Leo, tôi không thể bình thường được. Đối với tôi, điều đó thật ý nghĩa. Tôi sung sướng quá. Một ngày thật tuyệt diệu. Chuyện giữa mẹ và tôi đã sáng tỏ và tôi rơi vào vòng xoáy tình yêu. Điều lo lắng nhất là Amber mà thôi. Trông nó không ổn ở rạp phim nhưng tôi chưa có cơ hội để xác minh lại. Tôi sẽ gọi điện cho nó vào ngày mai. Và còn bữa tiệc sinh nhật nữa chứ. Có một ý nghĩ vào lúc này. Tôi tự hỏi… Chương 8 Thứ Bảy Tôi mất cả ngày để tìm ra những khác biệt, khác biệt giữa trạng thái điên khùng và yêu đương say đắm. Thực sự là như thế. Cuối cùng, tôi đã ngộ ra. Lúc này tôi thôi không lảm nhảm một mình nữa. Không hề. Cũng không phiêu lãng cùng những đám mây đủ sắc màu nữa dù có một lần nó suýt xảy ra vào sáng nay. Bố và tôi cùng đi thăm mẹ. Buồn cười nhất là khi bố tôi nói đi thăm mẹ, tôi đòi đi cùng khiến mặt ông cứ nghệt ra nhưng lại có vẻ vui mừng. “Mẹ khỏe nhiều rồi bố ạ”, tôi nói khi bố tôi đang đậu xe ngoài bãi xe cổng chính. “Bố sẽ ngạc nhiên vô cùng cho xem”. Tuy nhiên, mọi thứ không như tôi dự đoán. Khi chúng tôi vào phòng, mẹ đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, mặc dù bà cười và cố gắng nói chuyện nhưng vẫn có vẻ bồn chồn lo lắng, cắn cắn những ngón tay và bứt bứt cái dây đồng hồ liên tục. Nếu mẹ không thế hẳn bố đã là người trợ giúp cừ khôi khi ông thì cứ nói liền tù tì về những cuộc họp kinh doanh chán ngán của ông, không thôi vỗ về tay mẹ và luôn miệng hỏi. “Em thế nào rồi?” “Có điều này anh muốn hỏi ý em, em yêu à”. Ông nói đột ngột và tôi biết ông định nói về việc Newcastle. Tôi đã dặn bố không nên nói, năn nỉ ông để vài ngày nữa cho đến khi mẹ hoàn toàn bình phục, nhưng bố tôi bảo đã có quyết định và sếp giục ông phải trả lời gấp. “Em nghĩ sao nếu cả nhà chúng ta…” Ông mào đầu và đó là lúc có một đám mây u ám xuất hiện trước mắt tôi. “Con đi lấy ít cà phê đây”. Tôi vội vàng nói bởi không muốn bị bao trùm bởi những đám mây. “Mẹ uống cà phê không?” “Cũng được”. Mẹ tôi nói hờ hững, tay vân vê vạt áo. Tôi đi lấy cà phê và đang cố gắng xua đuổi đám mây theo mình thì bắt gặp cô Miranda Jenks bước ra từ một phòng tư vấn. “Georgie!” Cô gọi tôi như thể tôi là đứa cháu lạc nhà đã lâu của cô ấy. “Rất vui khi gặp cháu. Mọi thứ thế nào?” Một tuần cách đây tôi có lẽ chỉ trả lời đại khái. “Tốt ạ”, rồi tiếp tục đi lấy cà phê. Nhưng lần này cô ấy đứng ngay bên cạnh tôi và đột nhiên tôi thấy mình nên tư vấn cô ấy một vài câu. “Cháu không hiểu tại sao”, tôi nói. “Hôm qua mẹ cháu thật tuyệt vời, gần như hồi phục như trước khi mắc bệnh nhưng hôm nay trông mẹ cháu lại thật xa lạ, bồn chồn, tại sao vậy ạ?” Cô Miranda cười. “Điều này cần có thời gian, Georgie ạ”. Cô đáp. “Cháu ngồi xuống một lát và cô sẽ giải thích cho cháu rõ”. Cô ấy đưa tôi vào văn phòng của cô và bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bành. “Mẹ cháu đã phải đối mặt với rất nhiều thứ xảy ra trong quá khứ của bà ấy”. Cô bắt đầu nói. “Cháu biết”. Tôi xen ngang bởi muốn chứng tỏ với cô Miranda biết rằng mẹ tôi yêu tôi nên đã kể hết mọi chuyện cho tôi rõ. “Về việc chối bỏ anh Simon và sau đó cố gắng đền bù cho anh và nhiều việc nữa”. “Mẹ cháu có nói với cháu à? Thế thì hay quá!”. Cô Miranda trông thực sự vui mừng. “Sự thật là việc mẹ cháu có thể thổ lộ điều này với người mà mẹ cháu yêu quý, thậm chí ngưỡng mộ là một sự cải thiện đáng kể”. “Sao ạ? Cháu chưa nghe rõ”. “Có nghĩa là mẹ cháu vô cùng sợ hãi bà ấy sẽ làm sụp đổ mọi thứ khiến cháu nghĩ bà ấy là một bà mẹ tồi, bỏ học lên đại học và không bao giờ liên lạc với bà ấy nữa”. “Mẹ cháu nói mẹ cháu yêu cháu”. Tôi buột miệng. “Cháu có bao giờ nghi ngờ điều đó không?” Cô Miranda hỏi. Tôi gật đầu. “Mẹ cháu ngưỡng mộ cháu”. Cô Miranda tiết lộ. “Nhưng sao hôm nay mẹ cháu trông tệ hại vậy hả cô?” Tôi hỏi. “Có khi nào cháu trải qua một ngày tồi tệ không?” Cô Miranda hỏi. “Ngay cả người bình thường, có tâm lý vững vàng cũng có ngày vui, ngày buồn, cả những ngày cực kỳ khủng khiếp thì sao mẹ cháu lại không? Bà ấy phải đối mặt với nhiều thứ đau khổ và bà ấy đã vượt qua nó vô cùng dũng cảm. Hãy cho bà ấy được nghỉ ngơi”. Tôi cười và gật đầu. Vẫn còn một câu hỏi nữa tôi muốn biết. “Chứng bệnh này có di truyền không cô?” Tôi nhớ là đã nhìn xuống vạt áo khi hỏi câu này và nín thở trong khi chờ câu trả lời. Cô ấy cần thời gian để suy nghĩ và tôi chuẩn bị tinh thần cho khả năng xấu nhất. “Georgie, chứng bệnh mẹ cháu mắc chưa chắc đã di truyền sang cháu, nhưng trong cuộc đời cháu có những lúc cháu rơi vào khủng hoảng, suy sụp, nổi giận thì không phải là không thể xảy ra…” “Cháu có nổi giận ạ”. Tôi thừa nhận. “Ồ, tốt thôi”. Cô Miranda cười. “Điều đó chứng tỏ một điều”. “Gì ạ?” Tôi hỏi, không biết cô ấy muốn đề cập đến điều gì. “Rằng cháu hoàn toàn bình thường như những người xung quanh”. Cô đáp. “Bây giờ thì đi lấy cà phê cho bố mẹ cháu đi kẻo họ chết khát hết”. Thế là tôi đi. Trên đường ngồi ô tô về nhà, tôi hỏi bố xem mẹ đã nói gì khi bố đề cập đến chuyện Newcastle nhưng tất cả những gì bố tôi nói là ông ấy sẽ ươm hạt, trồng cây và điều đó thì ám chỉ nhiều thứ. Có điều khi tôi chào tạm biệt mẹ, mẹ ôm ghì lấy tôi thật chặt như thể bà thực sự muốn thế, thậm chí còn gừi lời thăm Amber, dặn tôi nói với cô Joy là mẹ tôi sẽ liên lạc với cô ấy sớm. Thật ngạc nhiên ghê. Khi chúng tôi về đến nhà, điện thoại bàn có một tin nhắn của anh Leo. Dĩ nhiên, bố ngay lập tức tra hỏi tôi xem anh chàng đó là ai, xuất thân gia đình có tử tế không, tôi có nên giao du với một gã trai mà mình không biết rõ không…? Tôi trả lời bố là anh Leo thực tập tại bệnh viện St. Gregory, có biết mẹ tôi và tốt bụng khi bênh vực tôi trước việc Nick tuôn ra những lời khó nghe thì bố có vẻ xuôi xuôi một chút. Bố tôi bắt đầu giở giọng phụ huynh thao thao giảng giải về những cám dỗ giữa các chàng trai sung mãn và các cô gái ngây thơ thì tôi nghĩ thế là quá đủ nên ngắt lời ông: “Con đang vội mà bố”, tôi nói “Bà Flavia sẽ giúp con làm bài tập ở nhà”. Nói xong tôi chạy biến đi. Ngạc nhiên là tôi thực sự mong được gặp bà, không phải để làm bài tập mà để kể cho bà Flavia về tất cả mọi thứ đang diễn ra. Tôi không thể đợi thêm được nữa. “Cháu ăn bánh nướng dâu xanh hay bánh mì trái cây đây?” Bà Flavia hỏi tôi ngay khi tôi bước vào nhà và đang định cởi áo khoác. “Công thức mới, không biết ngon hay không nhưng đảm bảo có thể ăn khi bụng đói, cháu chọn cái nào?” “Loại nào cũng được ạ”. Tôi lịch sự đáp lại nhưng lại nhớ ngay việc đầu tiên lần trước bà nhắc nhở nên nói bồi, “À quên, cháu ăn bánh mì trái cây. Bánh mì nướng với mứt ạ”. Bà cười sảng khoái và đấm bụp vào lưng tôi. “Tốt, thuộc bài rồi đấy”. Bà kêu lên. “Hay! Bánh mì trái cây, đích thị”. Bà dẫn tôi vào bếp. Con Aristippus nằm cuộn tròn trên ghế chớp mắt nhìn tôi đầy vẻ kiêu ngạo. “Sao, cuộc hẹn hò may rủi của cháu sao rồi?” Bà Flavia hỏi, cắt ổ bánh mì trái cây thành những lát mỏng và đặt vào trong lò nướng. “Chàng trai hợp gu với cháu chứ?” Bà dùng từ hợp gu thật tâm lý quá, không giống như bố tôi. “Đến chết mất bà ạ”. Tôi thở dài. “Anh ấy hẹn cháu lát nữa đi chơi. Vậy nên cháu phải về nhà trước 6 giờ, anh ấy sẽ đến đón cháu”. “Quá tuyệt”. Bà thốt lên. “Bà có thể thò đầu qua cửa sổ để xem mặt chàng trai ấy. Và mẹ cháu thế nào, cháu đã nói chuyện với mẹ rồi chứ?” Tôi gật đầu. “Mẹ cháu rất yêu cháu bà ạ”. Tôi nói. “Và mẹ cháu giải thích rất nhiều nhưng cháu không biết nói với bà sao nữa. Ý cháu là…” Bà Flavia xua tay. “Cháu thân mến, bà không yêu cầu cháu kể đâu. Đó là chuyện riêng tư của mẹ cháu và bà không cần biết làm gì. Nhưng hai mẹ con cháu đã hiểu rõ nhau rồi đúng không nào?” “Đúng ạ”. Tôi đáp. “Cháu thậm chí không quan tâm đến việc mẹ cháu quên ngày sinh nhật của cháu luôn ấy…” “Sinh nhật à? Không phải hôm nay chứ?”. Bà Flavia nói vội và chạy tới để lấy bánh mì trong lò nướng ra. “Tuần sau ạ”. Tôi trả lời bà. “Mẹ cháu từng nói cách đây đã lâu khi mẹ cháu chưa bị ốm là sẽ tổ chức sinh nhật của cháu thật to. Sinh nhật tròn mười sáu tuổi. Tổ chức giống như ở Mỹ người ta làm đấy bà ạ”. “Còn bây giờ?”. Bà Flavia nhìn tôi hơi hoang mang và đổ lọ mứt ra trên bàn. “Bây giờ thì dĩ nhiên cháu không thể tổ chức vì mẹ cháu đang ở trong bệnh viện còn bố cháu quá bận rộn với công việc và nhiều thứ khác”. “Bà hiểu rồi”, bà Flavia nói. “Ờ, ờ”. Trông bà có vẻ nghĩ ngợi gì đó một lúc và sau đó lắc đầu, “Lại đây, bắt đầu làm bài nào. Mang cái đĩa của cháu lên phòng làm việc của bà và chúng ta sẽ bắt đầu! Tự chủ hả, à, ừ, tuyệt hay!” Bà thật đáng mến nhưng đôi lúc tôi cảm thấy rõ ràng là bà hơi bất thường sao đó. oOo Tôi thật không tin nổi. Nếu cách đây hai giờ có ai đó hỏi tôi làm sao để viết bài luận vừa đạt điểm cao lại đầy hứng thú thì trên thang điểm mười tôi nghĩ mình giỏi lắm được năm trừ, nhưng lần này thì khác, bài tiểu luận tôi làm với sự hướng dẫn của bà Flavia thực sự hay. Khi chúng tôi ngồi xuống, bà Flavia lấy ra một chồng giấy nhiều màu và đưa cho tôi. “Quên mấy cuốn sách bài tập nhàm chán đi”. Bà nói. “Chúng ta sẽ dùng cái này”. “Chúng cháu không được làm thế…”. Tôi nói. “Thầy cháu không cho? Ông ấy tên là gì?” “Thầy Lamport ạ”. Tôi nói với bà. “Thầy Lamport nói là cháu phải viết trong quyển sách này hả?” Tôi lắc đầu. “Vậy thì chúng ta sẽ không viết vào đó”. Bà tuyên bố. “Những tấm giấy nhiều màu này tốt hơn nhiều cho những điều bà đang suy nghĩ trong đầu. Bây giờ bà nghĩ là cần một câu trích dẫn”. “Sao ạ?” “Bà luôn cho rằng nên bắt đầu một bài tiểu luận với một câu trích dẫn”. Bà giải thích, “Lý do là thầy cháu sẽ đặc biệt ấn tượng và lý do khác là cháu sẽ học thêm được một câu nói của ai đó. Đưa bà cuốn từ điển các câu trích dẫn – nó kia kìa, bên cạnh cuốn Lịch sử nước Anh ấy”. Và bài tiểu luận đã bắt đầu như thế. Chúng tôi tìm từ tự chủ và tìm thấy rất nhiều người nổi tiếng có ý kiến về vấn đề này. Cuối cùng bài tiểu luận của tôi bắt đầu với những từ: “Khi bạn giận dữ hãy đếm đến bốn; khi vô cùng giận dữ bạn hãy chửi mắng”. Mark Twain đã nói vậy. Ông viết cuốn Tom Sawyer và Huckleberry Finn. Bà Flavia sửng sốt khi tôi nói tôi chưa đọc cuốn này và vì vậy bà cho tôi mượn. Đó thực sự là cuốn sách cũ kỹ với những bức vẻ bằng mực lạ lùng. Tôi nghĩ đây là cuốn sách quá xưa nhưng bà nói cuốn này thực sự hay nên tôi sẽ thử đọc qua xem sao. Cuối cùng chúng tôi đã gần hoàn tất bài luận. Tôi đã viết ra tất cả - về việc sợ hãi có thể khiến người ta giận dữ, làm cho người ta hành động mà không suy nghĩ ra sao. Tôi cũng nói rằng tự chủ là một điều không tốt, đặc biệt là khi nó ngăn cản bạn bộc lộ suy nghĩ thực sự của mình hay không dám thú nhận mình đang bị tổn thương. Một bài tiểu luận rất thông minh, thậm chí tôi tự nhủ điều đó với chính mình. Tôi nhảy lên và ôm chầm lấy bà Flavia thật tự nhiên. “Cám ơn bà nhiều”, tôi cười. “Không cần đâu, cháu yêu”. Bà nói. “Nhưng hãy nhớ dự tính nho nhỏ của chúng ta nhé”. Tôi cảm thấy bối rối. “Có thực sự cần thiết không ạ?” Tôi hỏi. “Cần thiết cháu ạ”. Bà đáp. “Nó sẽ làm mọi thứ thay đổi”. Tôi thở dài. Điều này thực không dễ dàng cho tôi, thậm chí là việc khó khăn nhất tôi chưa từng làm. “Vâng ạ”. Tôi thì thầm. “Cháu sẽ cố gắng làm thế ạ”. Tôi thường hay đổi ý vào sáng ngày thứ hai. Và tôi không có thời gian để nghĩ ngợi đến điều này bây giờ. Ngay lúc này điều tôi thực sự quan tâm là chau chuốt sao cho thật đẹp để đi chơi cùng anh Leo. Tôi không thể rời mắt khỏi anh ấy. Nói ra thì thật ủy mị nhưng khi anh ấy nhìn tôi, tôi thấy đầu gối mình như tan ra thành nước, cả người tôi ngứa ran, tê rần như bị ong chích. Đó là buổi tối tuyệt vời nhất. Tôi nghĩ vậy, chúng tôi không làm gì đặc biệt cả ngoài việc đi dạo dọc bờ kênh thật lâu, sau đó dừng ở một quán bar cũ gần cạnh khu bờ sông và thưởng thức loại cốc-tai có tên gọi Giấc mơ nữ thần Titania – thứ thức uống này quả thực ngon chết người, không có đá, được trang trí với những cây dù giấy có những sợi óng ánh. “Em bao nhiêu tuổi?” Leo hỏi đột ngột khi chúng tôi vừa ngồi xuống được vài giây. “Ý anh là, em có muốn uống chút gì mạnh hơn không?” Tôi lắc đầu. “Em sẽ tròn mười sáu tuổi vào thứ bảy tuần tới”. Tôi đáp và thấy anh nhướn mày lên tỏ vẻ ngạc nhiên. “Mười sáu ư?” Anh kinh ngạc. “Anh nghĩ là em nhiều tuổi hơn thế chứ”. Anh nói vậy làm tôi tưởng anh đang tìm cách thoái thác khéo, và thế là tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại anh nữa. “Có sao không anh?” Tôi rụt rè nói, không dám nhìn vào mắt anh ấy vì lo sợ. “Dĩ nhiên là không”. Anh đáp. “Sao là sao cơ chứ?” Sau đó anh cầm tay tôi. Tôi dường như ngừng thở. “Em rất đáng yêu”. Anh nói bình dị. “Dù em bao nhiêu tuổi?” Anh nhấp một ngụm nước. “Thế em định tổ chức sinh nhật thế nào?” Anh hỏi tôi. “Tiệc sinh nhật dã chiến hay họp mặt thân mật gia đình?” Tôi nhún vai, “Không tổ chức gì cả, em đoán thế”. Tôi đáp. “Thực ra, em đang bối rối với tiệc sinh nhật của mình đây”. Tôi không ngờ là tôi đã nói như thế. Đây là chàng trai tôi muốn gây ấn tượng tốt đẹp hơn bất kỳ ai trên hành tinh này, nhưng tôi đang nói thật mà lại về việc tôi là một kẻ nói dối và một kẻ gian lận cơ chứ. Tôi im bặt. “Nói tiếp đi em”. Anh nài nỉ. “Em nói với bạn em là mẹ em sẽ tổ chức một tiệc sinh nhật hoành tráng cho em và bây giờ thì mẹ lại đang ở trong bệnh viện, và em không thể tổ chức tiệc và thế là chúng sẽ coi em như một con điên cho mà xem”. Tôi nói quá nhiều trong khi nghĩ mình nên im lặng. “Nói với bạn em là em đã thay đổi ý định và em sẽ làm gì đó hay hơn thay vì vậy”. Anh gợi ý. “Nói vậy chúng sẽ thôi bàn tán”. “À…”, tôi định nói nhưng lại thôi. Tôi không thể nói được. Nghĩ thì dễ nhưng thốt ra lời sao mà khó thế. “Sao hả em?” “Em đang phân vân, em cần suy nghĩ, nhưng không, anh chắc không thể rồi, thật là ngu ngốc!” Leo cau mặt, “Không thể làm gì?” Tôi hít một hơi thật sâu. “À, anh có thể, thứ bảy tuần sau, chỉ một ngày thôi, à mà thực ra là buổi tối hoặc thậm chí chỉ vài giờ để làm điều đó…” “Georgie! Em đang muốn nói gì vậy?” Thế rồi đó. Chúa ơi đừng để anh ghét con. “Anh vui lòng giả vờ làm bạn trai của em nhé?” Tôi đã nói vậy. “Không được”. Leo đáp. Dù sao cũng cám ơn Chúa. Tim tôi chao đảo và mặt tôi đỏ lên vì xấu hổ. “Không sao ạ, lẽ ra em không nên đề nghị vậy…” “Không, anh không thể giả vờ làm bạn trai em”. Anh đáp, cười cười nhìn tôi. “Nhưng anh có thể thực hiện điều khác”. “Điều gì ạ?” Chẳng có điều gì khác để thực hiện đâu. “Anh sẽ thực sự là bạn trai của em”. Anh nói. “Georgie, anh nghĩ em rất tuyệt vời. Anh muốn ở bên em mỗi ngày mỗi giờ. Em đồng ý chúng ta sẽ nên đôi chứ?” Tôi liếc nhìn anh. Anh muốn tôi trở thành bạn gái của anh. Người con trai tuyệt vời, hòa hợp, đáng yêu, thân thiện, đẹp tuyệt này muốn tôi – Georgie Linnington, một con điên của khối lớp 11 hẹn hò với anh ấy. Cám ơn Chúa. Em không ngờ lại có được anh. Em sẽ không bao giờ thôi tin tưởng anh, mãi mãi về sau, em hứa. “Dạ”. Tôi thở ra và anh cầm lấy tay tôi và nghiêng người về phía tôi. Nếu anh ấy định làm cái điều mà tôi chờ mong thì chắc tôi sẽ chết và lên thiên đường mất. Tôi nhắm mắt chờ đợi, và anh đã làm điều đó. Tôi đã được hôn. Và nếu tôi không mảy may nhầm lẫn thì anh ấy đã hôn tôi triền miên say đắm, không rời. Chương 9 Và bây giờ Chủ nhật Tôi từng nghe nói phụ nữ ngày xưa hay bị lây bệnh khi hôn người yêu của mình dẫn đến mắc chứng lao phổi nghiêm trọng, và chết trên những chiếc ghế dài trong phòng vẽ tranh bài trí theo phong cách Victoria, nhưng nói thực điều này nghe rất buồn cười. Cả đêm qua tôi mơ thấy anh Leo, còn bây giờ thì cả người tôi ê ẩm, không nhúc nhích nổi. Chân tôi nặng như chì, lùng bùng bên tai tôi là cả một đội kèn đồng đang thi nhau thổi và cổ họng tôi bỏng rát. Tôi sắp chết đến nơi. An ủi sao là tôi cũng đã trọn vẹn được nếm mùi những nụ hôn. oOo Thứ Hai Chúa thật không công bằng khi Ngài có tới 15 năm 11 tháng để khiến tôi bị mắc bệnh nhưng Ngài lại lựa chọn lúc này khi tôi đang say đắm trong tình yêu, cần phải lôi cuốn, hài hước, hấp dẫn nhất để bắt tôi ốm. Tôi bị viêm họng do vi rút theo chẩn đoán của bác sĩ Myers, nhưng tôi thấy chứng bệnh chẳng khác nào cái chết là mấy. Tệ hơn, tôi hứa gọi điện cho anh Leo nhưng khi gọi thì tôi nói không ra hơi dù chỉ một tiếng gọi tên anh ấy. Thế nào anh ấy cũng nghĩ tôi muốn giãn ra cho mà xem và đi tìm cô gái khác mất. Tôi sắp chết đến nơi rồi. Không chỉ bởi chứng viêm họng mà còn bởi trái tim tan nát. oOo Thứ Ba Tôi hạnh phúc quá, tôi chết mất. Anh Leo gọi điện cho tôi. Và anh đến thăm tôi với một đóa hoa thật lớn và một chú gấu Teddy bằng sô-cô-la nhỏ có để dòng chữ “Chúc em chóng bình phục” trên bụng chú gấu trông thật đáng yêu. Bố tôi lo lắng khi cho Leo lên phòng thăm tôi nên ông cứ lảng vảng quanh cầu thang nhưng khi tôi nhờ bố xuống nhà lấy nước uống thì anh Leo tranh thủ hôn tôi. Tôi e ngại mình sẽ lây bệnh cho anh ấy nhưng anh nói được lây bệnh từ tôi là diễm phúc của anh. Thật lãng mạn chưa? Tôi ngất ngây vì hạnh phúc. Sung sướng đến chết đi được. oOo Thứ Tư Tôi có thể nói chuyện lại được rồi dù giọng vẫn khàn đặc, nhưng anh Leo khen giọng tôi lúc này nghe cực kỳ quyến rũ dù nó khàn khàn như vịt đực. Thế nên kiểu gì tôi cũng cố giữ giọng của mình như thế này mới được. Tuyệt hơn, anh Leo còn cam đoan chắc là tôi sẽ bình phục hoàn toàn trước ngày thứ bảy sinh nhật mình. Anh sẽ dẫn tôi đi chơi. Đi đâu thì chưa rõ, nhưng tôi chẳng quan tâm lắm. Ngày mai tôi sẽ đi học lại được rồi, có thể lòe bọn Caitlin và Rebecca việc tôi đi chơi với bạn trai được rồi. Lần này không phải là nói dối đâu đấy nhé. oOo Thứ Năm Tôi muốn ốm. Không phải vì chứng viêm họng – tôi đã khỏi và đi học trở lại mà là bởi vì thầy Lamport yêu cầu tôi đọc bài tiểu luận. Thầy chẳng buồn hỏi thăm tôi lấy một câu chẳng hạn như “Em khỏe chứ Georgie?” Hay “Tội nghiệp em bị ốm”. Ông ấy chỉ tiến vào lớp, điều khiển lớp bằng ngôn ngữ của người câm điếc, đưa mắt nhìn tôi lạnh lùng và hỏi tôi có viết bài luận đủ số từ ông ấy yêu cầu hay không. Tôi nghẹn lời. “Thế nào?” “Có, thưa thầy”. Tôi nói. “Vậy thì nộp bài đi”. Thầy ra lệnh. Tôi đã định chỉ nộp bài cho thầy thôi, nhưng nhớ đến việc bà Flavia dặn nên tôi hít một hơi thật sâu, “Xin phép thầy cho em đọc trước lớp”, giọng tôi run run. “Em nghĩ là em nợ mọi người – những người bạn của em việc cho họ biết điều gì đã xảy ra”. Thấy thầy có vẻ muốn từ chối nên tôi tiếp tục nài nỉ. “Lần này là sự thật ạ”. Tôi nói. “Toàn bộ ạ”. Cả lớp im phăng phắc. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. “Rất tốt”, thầy Lamport đồng ý và giọng thầy bớt lạnh lùng, “Em đọc đi”. Tôi bước lên trước lớp với một xấp những tờ giấy màu. Tôi liếc nhìn về phía Amber vì tôi biết Amber sẽ luôn ở bên cạnh tôi và tôi bắt đầu đọc. “Khi giận dữ, hãy đếm đến bốn và khi quá giận dữ hãy chửi mắng”, Mark Twain đã viết như vậy từ nhiều năm trước đây. Ông ấy là thiên tài của mọi thời đại nhưng những lời khuyên này tôi cho là thật ngớ ngẩn. Tôi viết vậy bởi tôi đã làm theo nó để bây giờ lâm vào cảnh dở khóc dở cười…” Tất cả mọi người đang lắng nghe. Họ quá sửng sốt để làm việc khác. Từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ đứng trước cả lớp như thế này ngoại trừ những lần hành động kỳ quặc. Tôi tiếp tục đọc. Giọng tôi trở nên mạnh mẽ hơn, tôi chuyển sang tờ giấy màu thứ hai rồi thứ ba. Giờ là lúc khó khăn nhất. “Mẹ của tôi đang ở trong bệnh viện tâm thần”, tôi ngưng một chút. Tôi có thể nghe thấy chúng bạn há hốc miệng vì sửng sốt, kể cả thầy Lamport cũng có vẻ ngạc nhiên. “Tôi ngu ngốc khi nghĩ rằng điều đó thật đáng hổ thẹn và cần giấu giếm”, tôi đọc tiếp. “Nhưng thực sự không phải vậy. Điều này chẳng có gì phải xấu hổ, cũng giống như chuyện gãy chân hay mắc bệnh sởi Đức, hay… ‘mặt đầy mụn thối’”. Khi đọc câu này tôi hướng về phía Liam nên cả lớp phá lên cười. “Hôm nọ khi lớp chúng ta thảo luận về vấn đề sức khỏe tâm thần”, tôi tiếp tục, “Tôi cảm thấy vô cùng bức bối. Đó là lúc tôi đánh mất sự tự chủ của mình”. Tôi hít một hơi sâu. “Gần đây tôi nói dối nhiều – Tôi không hề làm xét nghiệm ở bệnh viện, mẹ tôi không đi công tác nước ngoài, cũng như tôi không tổ chức sinh nhật vào thứ bảy này”. Đến đây, Rebecca, Caitlin và Emily phá lên cười, chế giễu. Tôi thấy Amber đá chân một trong số chúng ở dưới bàn. Sự phản đối quá hay. Tôi vẫn tiếp tục đọc. “Tự chủ là việc phải đối diện với sự thật một cách dũng cảm và từ bây giờ trở đi tôi sẽ cố gắng thực hiện điều đó”, tôi đọc, “Tôi đã mất tự chủ ở lớp và tôi xin lỗi. Thực sự xin lỗi thầy và các bạn”. Tôi đọc xong. Tôi ngồi xuống. Đột ngột mọi người vỗ tay đồng loạt, kể cả thầy Lamport, điều này chắc phải được xếp hạng kỳ quan thứ tám của thế giới ấy chứ. “Georgie, em giỏi lắm”. Thầy nói to. “Điều này rất cần sự dũng cảm. Cực kỳ dũng cảm. Thầy nghĩ chúng ta rất tự hào về Georgie!” Rebecca và Caitlin mỉm cười với tôi và chúng huých cùi chỏ vào nhau. Tôi chẳng biết vậy là tốt hay xấu nhưng lúc này tôi không quan tâm. Tôi đã làm điều đó. Nói tất cả sự thật. Và mọi người vẫn nói chuyện với tôi. Quá tuyệt. Chương 10 Thứ Bảy Tôi mười sáu tuổi. Tôi sẽ tròn mười sáu tuổi, chính xác là 1 giờ 25 phút nữa. Cho đến lúc này thì mới chỉ có mình bố tôi tỏ ra quan tâm đến sinh nhật của tôi thôi. Bố và mẹ mua tặng tôi một chiếc máy nghe nhạc hiệu Walkman tuyệt vời với kèm một tấm thiệp lớn có lời để tặng dễ thương. “Tặng con gái xinh đẹp của bố mẹ”. Ngoài ra chẳng có ai khác chúc mừng tôi hết. Tôi nghĩ anh Simon sẽ gửi thiệp cho tôi nhưng người đưa thư đã đến và đi mất. Tôi vẫn có cảm giác là anh ấy còn giận tôi. Tôi nên gọi điện cho anh ấy. Tôi sẽ gọi sau vậy. Tôi yêu anh trai mình. Anh ấy dù sao đi nữa cũng là anh ruột của tôi. Ngoài ra còn có một cuốn sách giá trị độ mười bảng của bà tôi gửi đến từ Cornwall và một thiệp sinh nhật của dì Rachel từ Doncaster. Tất cả chỉ có vậy. Amber cũng không tặng quà gì cho tôi nhưng không sao vì chắc chút nữa nó sẽ tạt qua nhà tôi thôi. Và dĩ nhiên tối nay anh Leo sẽ qua đón tôi đi chơi. Như thế là đủ. Tôi yêu anh tha thiết. Tôi mong đến 7 giờ tối quá đi mất. oOo Anh Leo gọi điện. Anh hát bài chúc mừng sinh nhật qua điện thọai thật dễ thương. Anh muốn đón tôi đi chơi lúc 5 giờ chiều vì không đợi nổi đến 7 giờ tối. Thật là lãng mạn quá! Anh vẫn không nói cho tôi biết nơi sẽ đến nhưng dặn tôi nhớ trang điểm và diện đồ thật xinh. Tôi phải gọi điện cho Amber thôi vì tôi không biết phải trang điểm, mặc sao cho đẹp cả. Amber thật vô cùng khó hiểu. Nó có chúc mừng sinh nhật tôi, nói này nọ nhưng chẳng mảy may đề cập đến quà tặng sinh nhật cho tôi. Khi tôi nói tối đi chơi, cần mượn đồ của nó thì nó kiếm cớ thoái thác bảo là nó rất bận. Tôi thậm chí còn hỏi nó bận gì để tôi giúp nhưng nó liền lảng sang chuyện khác và nó đang vội. Mặc kệ nó vậy. Tôi đã có anh Leo và thế là đủ. oOo Anh ấy sẽ đến nhà tôi vài phút nữa. Tôi mong là trông mình sẽ xinh xắn. Thực ra tôi định dành hẳn một buổi chiều để làm đẹp như tẩy lông chân, làm móng kiểu Pháp và nhiều thứ khác nhưng đột nhiên buổi trưa bố rủ tôi đi ăn tiệm, khi ăn xong đã muộn mà bố còn rủ tôi đến thăm mẹ nữa, và hẳn nhiên là tôi không thể từ chối. Khi đến nơi, chúng tôi không gặp được mẹ, cô Miranda kéo bố ra một góc và thì thầm cái gì đó mà trông bố tôi có vẻ bối rối. “Mẹ đang ở trong lớp trị liệu”. Bố tôi hấp tấp nói. “Thứ bảy mà cũng học hả bố?”. Tôi nóng lòng hỏi. “Mẹ trở bệnh nặng hơn phải không bố?” “Không đâu”. Cô Miranda cướp lời. “Thực sự thì mẹ cháu khỏe và bố cháu nói không đúng, mẹ cháu đang đi… à… à.”. Cô ngưng một lúc. “Đi mát xa”, cô nói. “Để thư giãn. Lát nữa cháu quay lại sau nhé?” Trong lúc nói vậy, tôi thấy cô cứ nhấm nháy với bố tôi sao đó trông có vẻ là lạ. “Cháu có hẹn đi chơi với bạn một chút”. Tôi tự hào nói “Với bạn trai ạ”. Cô nhìn bố và tôi dễ thấy là cô ta đang có hàng tá thắc mắc. “Đi chơi?”. Cô hỏi. “Phải đấy”. Bố trả lời vội. “Nhưng đi một chút thôi”. Thành thực mà nói lúc này đây tôi thấy cả bố tôi và cô Miranda đều cần chữa trị tâm thần. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà. Tôi đã làm xong tóc của mình, trông xinh ra phết, thậm chí tự mình cũng thấy thế. Tôi bắt chước kiểu tóc thông qua một tấm hình của nhân vậy Cate Balanchett trong một bộ phim nào đấy và tôi nhận thấy mình trông cực kỳ xinh đẹp, vừa có nét dịu dàng vừa tự tin. Tôi diện chiếc váy đen bó sát thân mình (cái váy mà bố không đồng ý cho tôi mặc), đi đôi xăng-đan có quai, tôi đã tô móng tay với 6 màu khác nhau và hơi tiếc một chút là do quá ít thời gian nên chúng hơi lem… Chuông cửa reo. Anh ấy đến rồi. Ối trời ơi. “Leo”, tôi có thể nghe tiếng bố tôi gọi anh ấy, “Nghe này chàng trai, chú nghĩ chúng ta cần nói chuyện với nhau…” Tôi điếng người. Chỉ sợ bố tôi nói gì không nhẹ nhàng tế nhị với anh ấy vào đúng vào lúc này mà thôi. oOo Anh Leo thật dịu dàng. Anh ấy thậm chí còn gọi cả một chiếc taxi để chúng tôi đi chơi, cho dù đi chỗ nào thì riêng việc đó thôi cũng đã ngốn của anh ấy bộn tiền cho xem. Chúng tôi đi rất xa. Tôi không màng đến điều đó bởi anh luôn cầm tay tôi, cốc nhẹ đầu tôi và luôn miệng khen tôi xinh đẹp. “Đến rồi em”. Đó là một quán rượu có mái lá và những chiếc bàn ghế gỗ ở phía ngoài. Ồ, tuy không thấy vọng nhưng tôi cứ nghĩ là chúng tôi sẽ đến một câu lạc bộ nào đó hay hơn chỗ này. “Chờ tôi một chút nhé”. Tôi nghe thấy tiếng Leo nói với bác tài taxi mặc dù tôi không hiểu tại sao. Anh thấy tôi nhìn anh nên hấp tấp nói. “Anh chỉ muốn mọi chuyện đều ổn đối với em thôi mà”. Anh lắp bắp. Chúng tôi khoác tay nhau bước và quán rượu. Ngay lúc đó Leo đặt tay lên ngực đầy hoảng hốt. “Ồ không”. Anh há hốc miệng sửng sốt. “Ví của anh… có lẽ anh để quên ở nhà em mất rồi!” Trông anh thật thảm hại. “Nhưng anh chỉ vào nhà em chưa đầy 5 phút mà”, tôi nói. “Anh chắc là không để quên nó trên taxi chứ?” Anh quay lại chốc lát để tìm nhưng sau đó lắc đầu và nói “không tìm thấy”. Anh nói với tôi, “Chúng ta phải quay lại nhà thôi”. “Không, không cần đâu anh”. Tôi đáp, “Em có 5 bảng và…” “Không đủ đâu” anh khẳng định tắp lự và kéo tôi trở lại taxi, đẩy tôi chui vào trong. “Vui lòng cho chúng tôi về lại đường Phillimore Garden”. Người tài xế dường như phấn khởi hét lớn và nháy mắt với Leo. Tôi nghĩ ông ta phấn chấn vì tối nay trúng quá. “Anh xin lỗi em nhiều nhé”. Leo thở dài, quàng tay qua vai tôi và hôn lên mũi tôi, “Bỏ qua cho anh nhé?” “Tất nhiên rồi”. Tôi khẳng định chắc nịch. “Chúng mình vẫn có thể làm điều gì đó thật đáng nhớ chút nữa mà, đúng không anh?”. “Em đoán thử đi”. Anh nói và lại hôn tôi, một cái hôn dài. Sau nụ hôn ấy, tôi dường như chẳng quan tâm gì đến việc chúng tôi sẽ làm gì nữa. “Em sẽ đợi ở đây”. Tôi nói với anh Leo khi chiếc taxi về đến trước nhà tôi. “Không được”. Giọng anh Leo đầy vẻ âu lo và ngay lập tức tôi cảm thấy áy náy. Anh có lẽ đang lo lắng khủng khiếp về tiền đi taxi. “Thực ra, anh cần em giúp anh tìm cái ví”. Khi chúng tôi vừa bước lên bậc tam cấp để vào nhà thì tôi thấy chiếc taxi đi mất. “Anh Leo”. Tôi há hốc miệng “Anh chưa trả tiền mà”. “Anh sẽ tính sau”. Anh Leo thầm thì. “Em có chìa khóa không?” Tôi mở cửa ra và bước vào sảnh. “Anh nghĩ anh để ví ở đâu?”. Tôi hỏi. “Trong phòng khách” anh đáp ngay lập tứ. “Vào tìm em nhé?” Anh đẩy tôi đi phía trước và khi tôi mở cửa. Tôi chết lặng. Căn phòng đông đủ mọi người và được trang hoàng đầy bóng bay, tiệc sinh nhật của tôi đã được chuẩn bị hoành tráng hơn bất kỳ bữa tiệc nào. “Chúc mừng sinh nhật, Georgie! Ngạc nhiên, ngạc nhiên chưa nào?” Tôi không thể tin vào mắt mình. Tất cả mọi người đều đông đủ, Amber và Nick, Rebecca, Emily, Caitlin và cả lớp đều có mặt. “Amber không đoán được phải không nào? Kế hoạch hoàn hảo đúng không Leo? Bọn mình cứ nghĩ sẽ chuẩn bị không kịp đấy chứ”. Mọi người ùa lại vây lấy tôi và trong lúc đó tôi vừa khóc vừa cười vì quá hạnh phúc. Anh Leo kéo tôi đi lại phía góc phòng trước cửa nhà kính. Tôi nhìn thấy và chết lặng lần thứ hai. Ngồi trước cửa phòng, trong bộ quần áo giả vét màu đỏ đậm là người mà tôi yêu thương nhất – mẹ tôi. Mẹ đang cầm một ly nước có gas và cười thật tươi với tôi. Trông mẹ hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo. “Vậy là mọi thứ đã được sắp đặt sẵn, chiếc taxi và việc anh quên ví, và tất cả mọi thứ!”, tôi hân hoan nói với anh Leo. “Sao anh có thể làm vậy được?” Anh cười “Tất cả đều do bà Flavia đạo diễn hết”. Anh đáp. “Khi anh rời nhà em hôm nọ thì bà gọi anh lại và nói bà muốn làm gì đó cho em vào ngày sinh nhật nhưng nghĩ rằng bà không tiện can thiệp. Vậy nên anh nói với mẹ em ở bệnh viện và mẹ em nói lại với bố em”. “Hóa ra bữa trưa bố dẫn em đi ăn lâu ơi là lâu là vì vậy”. Tôi ngạc nhiên. “Nhờ thế mọi người sẽ có thời gian chuẩn bị đúng không nào?” Anh Leo cười, “Bố em còn biết là mẹ em đang làm gì lúc khi em ghé thăm nữa, nhưng đó là một cách để kéo dài thời gian chuẩn bị luôn”. “Và anh làm tất cả điều này vì em ư?”. Tôi thầm thì. Anh cầm nhẹ tay tôi. “Tại sao lại không”, anh hỏi lại tôi. “Đó là những gì bất cứ ai sẽ làm cho người mà mình mình yêu thương phải không em?” Tôi đang định nói một điều gì đó thật lãng mạn với anh nhưng ngay lúc đó bố tôi vỗ tay để mọi người chú ý. “Xin mọi người im lặng, chú ý!” Ông nói và tôi mong là bố chẳng làm điều gì khiến cho mọi người bối rối. “Dẹp đường cho bánh tới nào!” Cửa mở và bà Flavia, sang trọng một cách ngạc nhiên trong chiếc váy màu vàng chanh được tô điểm bởi hàng chục hạt màu tím quanh cổ và một chiếc mũ bằng da trên đầu bước vào. “Georgie, chúc mừng sinh nhật cháu!” Bà nhìn tôi cười rạng rỡ và đặt chiếc bánh to vĩ đại lên bàn khiến mọi người ai cũng trầm trồ. Chiếc bánh có hình con mèo, lông trắng muốt với một chiếc nơ đỏ trên cổ và nó nằm trên một quyển sách đang mở rộng. “Aristippus!”, tôi ồ lên. “Aristippus là ai?”. Amber hỏi tôi, nó đang thèm chảy nước miếng khi nhìn thấy chiếc bánh. “Con mèo của bà”. Bà Flavia thầm thì. “Không có Aristippus thì bà đã không biết Georgie rồi”. “Và không có quyển sách…”, tôi tiếp lời, nháy mắt với bà Flavia. “Chính xác!”. Bà cười to, nói tiếp với tôi, “Tạm ngưng chuyện đó nhé. Chúng ta cùng thắp nến nào!” Bà vừa đặt xong cây nến thứ mười sáu lên bánh sinh nhật thì chuông cửa reo vang và mẹ tôi nhổm người ra khỏi ghế. Anh Leo nhìn thấy nên mẹ lại ngồi thụp xuống trở lại. “Georgie, con đi ra xem ai đến nhà mình vào lúc này vậy”. Bố bảo tôi. Tôi vội vàng chạy ra sảnh, mong sớm thoát khỏi bị làm phiền. Khi cửa mở ra thì tôi ngạc nhiên vui mừng quá đỗi, “Chào em gái”, anh trai tôi nói, “Xin lỗi, anh về muộn vì tàu…” Điều gì xảy đến với chuyến tàu của anh tôi, tôi mãi mãi không bao giờ biết. Tôi đang bận ôm quàng lấy anh vì mừng vui khôn xiết. Sinh nhật mười sáu tuổi của tôi là một buổi tối diệu kỳ nhất. Caitlin rất dễ thương với tôi, nhưng dường như nó có ý đồ gì đó khi suốt buổi tiệc nó không rời mắt khỏi anh tôi từ khi trông thấy anh. Rebecca nói chuyện với mẹ tôi và sau đó nói là nó xin lỗi tôi vì đã xử sự ích kỷ với tôi. “Tớ nghĩ là tớ đã ghen tị với cậu”, nó nói. “Tớ chưa bao giờ có bữa tiệc hoành tráng nên tớ nghĩ việc chế giễu cậu là cách tốt để tự an ủi mình. Tớ xin lỗi nhé”. Tôi nói với nó là không sao và an ủi nó là tất cả chúng tôi đều có những lúc như thế, làm nhiều việc điên khùng không giống ai. Chỉ có một điều băn khoăn trong bữa tiệc là việc mẹ tôi bắt đầu thấm mệt. Tôi thấy bà mân mê vạt áo, có lẽ mọi thứ quá sức với mẹ. Mẹ tôi liên tục nuốt nước miếng và nhìn đồng hồ. Tôi bước ngang qua Emily và Marcus đang mải mê hôn hít, đi đến bên mẹ và quỳ xuống cạnh bà. “Mẹ trở lại bệnh viện đi ạ?”. Tôi nói với mẹ thật nhẹ nhàng, “Trông mẹ rất mệt và hơn nữa bữa tiệc còn kéo dài”. Mẹ nhìn tôi và nhìn bố khi ông vừa bước tới với một ly nước trong tay. “Ờ…”. Tôi biết là mẹ muốn rời đi nhưng mẹ sợ rằng tôi sẽ buồn. “Mẹ sẽ lên lầu nghỉ một chút”. Bà nói. “Hoặc là…” “Tốt hơn là trở lại bệnh viện, mẹ à”. Tôi nói lặng lẽ, “Không còn lâu nữa phải không mẹ? Vài tuần nữa mẹ sẽ về nhà với con, sẽ yên tĩnh hơn lúc này mẹ ạ”. Mẹ cười và nắm tay tôi, “Cám ơn con”. Mẹ tôi nói “Con tin là mẹ yêu con chứ, phải không con?” “Con đã hiểu rồi mẹ ạ”. Tôi đáp. “Con cũng yêu mẹ nhiều”. Bố tôi đỡ mẹ dậy và quay sang tôi, “Bố mẹ sẽ đi khi không có ai để ý”. Ông nói “Không ảnh hưởng gì lắm đâu”. Tôi gật đầu. Anh Leo chìa tay để mời tôi nhảy. “Lại đây và nhảy cùng anh nào”, anh nói, “Anh đã phải đi hàng dặm cùng em để có buổi tối này đấy nhé”. “À, người lái taxi…”. Tôi nhớ ra khi anh vừa dìu tôi sang phía bên kia căn phòng, “anh chưa trả tiền…” “Anh trả rồi!”. Anh cười lớn. “Thật ra, bà Flavia trả, bà dàn xếp mọi chuyện và đã trả tiền trước. Tất cả là do bà thu xếp hết”. Tôi định đi tìm bà Flavia để cám ơn bà nhưng anh Leo đã ôm tôi thật chặt và kéo về phía anh. Môi anh lướt nhẹ lên cổ tôi run rẩy. Tôi sẽ cảm ơn bà Flavia sau vậy. Vì lúc này tôi có việc khác để bận tâm mà. Khi chúng tôi khiêu vũ xong thì mẹ và bố tôi đã đi rồi. Tôi để anh Leo nói chuyện xe cộ chán ngán với anh mình và đi xuống bếp. Bà Flavia đang ngồi ở bàn trong bếp, mắt dán vào bức ảnh trước mặt. Bà ngẩng lên khi tôi bước vào. “David” bà nói và chìa bức ảnh cho tôi xem. Một chàng trai tóc vàng, miệng tươi cười, anh có những đốm tàn nhang trên mặt và chiếc mũi thẳng, đang nhìn tôi mỉm cười. Đó là con trai của bà Flavia. “Anh ấy đẹp trai quá ạ”. Tôi nói. “Đã từng ạ”. “Cứ cho là “vẫn” đi” bà Flavia thầm thì. “Bà vẫn nghĩ là nó vẫn còn quanh quẩn đâu đây, đang dõi theo bà và nói “Ôi mẹ, thật thế à!” như nó thường hay nói với bà vậy”. Tôi thấy mắt bà ánh lên rạng rỡ rồi ngân ngấn nước. Tôi tiến lại phía bà và ôm lấy bà thật chặt. “Bà không sao chứ bà?”. Tôi hỏi. Bà lắc đầu và cười “Bà không sao cháu ạ”. Bà trấn an tôi. “Mẹ đi rồi bà ạ”. Tôi nói với bà. “Trở lại bệnh viện”. Tôi cắn cắn môi. Có rất nhiều thứ tôi muốn nói với bà. Tôi muốn nói với bà là tôi hiểu bố mẹ mình nhiều hơn, tôi không phải nghiêng về ai cả, bênh vực cho bố hay mẹ. Tôi yêu cả hai người và tôi có thể hiểu rõ bố mẹ mình. Và đó là biểu hiện của việc tôi đã lớn và trưởng thành. Chắc chắn bà Flavia nghĩ rằng tôi đang buồn vì mẹ đã rời đi nên an ủi tôi. “Mẹ cháu đã khỏe nhiều rồi, Georgie, bố cháu nói với bà vậy”, Bà thủ thỉ. “Mẹ cháu sẽ sớm về nhà thôi cháu ạ”. “Cháu biết ạ”, tôi gật đầu và cười với bà. “Cháu thì sao Georgie?”. Bà hỏi tôi, “Cháu ổn cả chứ?” Tôi hít một hơi thật sâu và suy nghĩ về điều đó. “Có ạ”. Tôi trả lời và ngạc nhiên vì cảm giác thanh thản đang ngập tràn trong tôi. “Cháu ổn cả, thực sự cảm thấy bình yên, bà ơi!” ---HẾT--- [1] Nguyên văn: The Classics. [2] Người thích hưởng thụ theo chủ nghĩa khoái lạc