(c) CBG's txt ebook V. N. KAKAR Over a Cup of Coffee Biên dịch: VIÊT KHƯƠNG - HẠNH NGUYÊN First News NHA XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH Lời giới thiệu V.N. Kakar là một trong những tác giả nổi tiếng nhất Ấn Độ ở thể loại truyện ngắn. Ông cũng là một cây bút xuất sắc trong lĩnh vực báo chí. Các bài viết của ông đã được đăng tải trên rất nhiều tờ báo và tạp chí lớn của Ấn Độ. Ông sinh ra ở Peshawar vào năm 1923, lấy bằng Thạc sĩ Văn chương ở Đại học Punjab vào năm 1948. Sau khi đất nước Ấn Độ bị chia cắt, năm 1948, Kakar tham gia vào bộ máy chính phủ bang Uttar Pradesh, chuyên trách mảng Thông tin. Ông từng làm cố vấn cho nhiều tổ chức như Chương trình phát triển quốc gia (UNDP), Viện phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Viện quốc gia Hợp tác cộng đồng và Trẻ em, Liên đoàn Nghị trường Ấn Độ về vấn đề dân số và phát triển… V.N. Kakar được mọi tầng lớp độc giả Ấn Độ biết đến nhờ những câu chuyện suy tưởng ngắn gọn, súc tích và hài hước, thể hiện một tâm hồn rất nhạy cảm và một cái nhìn sắc bén. Ông lưu giữ toàn bộ những ký ức không bao giờ cũ trong cuộc đời mình theo một phong cách rất sinh động. Sống và Suy ngẫm là một tuyển tập gồm những câu chuyện thú vị, những dòng suy tưởng tinh tế. Trong cuốn sách này, ông đã lấy tư liệu từ nhiều sự kiện trong cuộc sống của chính mình cũng như của xã hội Ấn Độ và thể hiện chúng theo một phong cách rất thú vị, hóm hỉnh và đậm nét trào phúng. Ở Sống và Suy ngẫm, đặc điểm nổi bật nhất trong văn phong của Kakar chính là ngôn từ giản dị mà nhuần nhuyễn, tinh tế; cách sắp xếp, trình bày ý tưởng đầy mới mẻ, thuyết phục. Những thế mạnh đó đã thật sự tạo nên nét hấp dẫn, quyến rũ cho Sống và Suy ngẫm, khiến độc giả không thể buông rời cuốn sách ngay từ những dòng đầu tiên. -First News Xe buýt trong thành phố Khi có bất cứ rắc rối nào xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì chiếc xe buýt cũ kỹ đáng thương ở Delhi lại phải trả giá, ít nhất là trong một chừng mực nào đó. Dù đã méo mó vì thời gian, nặng nề vì những trách nhiệm phải thực hiện, lại thêm thương tích đầy mình nhưng chiếc xe không một lời than vãn trong các bản báo cáo. Nó vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầy tinh thần yêu nước của mình là chở hành khách đi từ nơi này sang nơi khác với một thái độ phục vụ tuyệt vời. Chiếc xe chỉ rời khỏi mặt đường trong một vài trường hợp bất khả kháng: vào giờ giới nghiêm hoặc bị hỏng quá nặng. Nếu là ở Mỹ hay ở Nhật, có lẽ nó đã bị nghiền nát thành những mảnh vụn trong bãi rác. Ở Ấn Độ, chiếc xe này vẫn lui tới thường xuyên xưởng sửa chữa – ngôi nhà của những chiếc xe cũ kỹ như nó. Ở đây, nó được sửa chữa, tu bổ lại và được gia hạn hợp đồng cho thuê. Một khi quay về với những con đường, nó lại phải đối mặt với những trò công kích, có khi bởi những người Mandal, Ayodhya, Iraq hay Israel quá khích; nhưng cũng có khi chỉ vì chán học mà các sinh viên đã ném đá vào chiếc xe buýt tội nghiệp. Và dù trong trường hợp nào thì nó vẫn không được phép than phiền. Hãy nghĩ về sự nghiệp vĩ đại mà nó phụng sự, bên cạnh việc thu ngắn khoảng cách cho những người di chuyển nhờ nó. Chiếc xe này mang người ta đến với nhau, dù họ ở Bắc hay Nam, Đông hay Tây. Nó đẩy mạnh sự thống nhất quốc gia hơn bất cứ điều gì khác. Với thái độ nhẫn nhịn tuyệt vời, nó hứng chịu sự vô kỷ luật, thiếu kiên nhẫn, những cơn giận dữ cũng như bao trò hề của hành khách. Đồng thời, nó củng cố niềm tin của họ đối với số phận và niềm tin vào khả năng vượt qua khó khăn của mình. Dù chiếc xe buýt có chật chội đến đâu, người ta vẫn biết là mình có thể bước lên xe. Và họ đã bước lên xe. Nếu không bước vào trong xe được, họ cũng đứng trên bậc lên xuống, hay thậm chí là bám vào rào chắn ở đuôi xe. Tôi rất khâm phục cái vật vô cùng khéo léo, tài tình có tên gọi là xe buýt mi-ni này. Bề ngoài nó giống như một cái xe tang nhỏ, nhưng khi chạy trên đường, nó như một cái hộp quẹt bị vứt đi mà vẫn còn xăng bên trong. Không giống như ở các nước khác, người Ấn Độ chúng tôi không vứt đi bất cứ cái hộp quẹt nào vẫn còn xăng bên trong. Chúng tôi tiếp tục sử dụng nó bằng cách nạp vào bất cứ nhiên liệu nào khác có thể tạo ra lửa. Những cậu nhóc bán hàng nhập khẩu ở chợ làm công việc này một cách sung sướng với cái giá hai đồng rupi(*) cho một lần nạp xăng hộp quẹt như thế. Tôi phải thú nhận rằng mình không có nhiều trải nghiệm trong việc đi đây đó ở Delhi bằng xe buýt, đặc biệt là xe buýt mi-ni. Nhưng để đáp lại tất cả những lời kêu gọi “tiết kiệm xăng dầu”, tôi đã đi xe buýt mi-ni vào ngày 31 tháng Giêng năm 1991, từ Tara đến Kasturba Gandhi Marg. Như một điềm gở, đó là chuyến xe số 13. Khi đón chuyến xe này, tôi thấy nó đã đầy nghẹt người bên trong. Nhưng người bán vé vẫn giục tôi bước lên xe. Anh ta cũng đón thêm nhiều người nữa. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải dồn tới trước để nhường chỗ cho người mới lên. (*) Rupi: Đơn vị tiền tệ Ấn Độ. Thật ra không hề có khái niệm “phía trước” nào cả. Tất cả chúng tôi đều phải đứng ở lối đi giữa hai dãy ghế. Dồn về phía trước có nghĩa là chúng tôi sẽ ngồi lên vai người khác. Chiếc xe buýt này chỉ có thể chở tối đa 20 người nhưng sức chứa của nó vẫn không ngừng tăng lên ở mỗi trạm dừng. Đến lúc chiếc xe tới chợ Khan, tôi ước chừng nó đang chở khoảng 70 người. Dù vậy, nó vẫn chạy bon bon và thực hiện những đường cua điệu nghệ, khiến đôi lần người ta phải ngã lên nhau. Đến trạm Kasturba Gandhi, tôi phải rất khó khăn mới ra khỏi được chiếc xe. Người bán vé tử tế đã yêu cầu những người đang đứng khác nhường chỗ cho tôi ra, và họ đã làm như thế. Khi anh ta bước ra ngoài để đón thêm khách, tôi hỏi: - Có phải đang giờ abadi (*) nên xe mới đông như thế này không? - Vâng, đang là giờ abadi. - Anh ta trả lời với một nụ cười hóm hỉnh. - Ở đất nước chúng ta, giờ nào cũng là giờ abadi. Nếu số lượng khách vẫn không ngừng tăng lên như thế này, chúng tôi sẽ phải sớm gắn một tầng nữa cho chiếc xe nhỏ bé tội nghiệp của mình thôi. (*) Abadi: Giờ cao điểm. Tắm ở Luân Đôn Trong một chuyến đi ngắn tới Luân Đôn từ trường Đại học Sussex ở Brighton, nơi tôi đã mtừng theo học hồi giữa những năm 70, tôi tình cờ dừng chân lại nhà một người họ hàng của bạn tôi. Trước đó, tôi không hề biết người này, nhưng tôi đã chấp nhận lời đề nghị rộng lượng của anh ấy là ngủ lại nhà anh thay vì đi thuê khách sạn. Anh có một căn hộ hai phòng ngủ cách South Hal không xa, nơi hầu hết những người Ấn và Pakistan di cư đến Anh đều sống ở đó. Anh là một nhân viên bán hàng, còn người vợ làm việc ở bưu điện. Hai cô con gái của anh thì đang đi học. Ngôi nhà này có một phòng ăn nhỏ và giản dị ngay bên dưới cầu thang. Mấy căn phòng ngủ nằm trên tầng một, còn phòng khách và nhà bếp thì ở dưới tầng trệt. Đây là ngôi nhà khiêm tốn của một người đàn ông khiêm tốn nhưng tấm lòng rộng rãi. Cạnh phòng khách, nơi tôi qua đêm trên một chiếc sô-pha, là phòng tắm. Vào buổi sáng, khi bước chân vào, tôi mới thấy nó có một tấm thảm phủ kín sàn. Vợ của người chủ nhà đã để sẵn cho tôi một cái khăn tắm mới trên giá và một bánh xà phòng mới trong hộp. Phía trên bồn tắm, được làm bằng xi-măng trắng hay đá cẩm thạch gì đó, có hai vòi nước, một cho nước nóng và một cho nước lạnh. Nhưng bản thân cái bồn cũng được bao bọc bởi thảm đỏ. Không gian quanh toa-lét và dưới bồn rửa cũng vậy. Làm sao có thể tắm mà không để cho nước bắn ra bên ngoài bồn được cơ chứ? Tôi không biết nghệ thuật này, và thế là quyết định không tắm nữa. Trong khi cạo râu, tôi hết sức chú ý để không thứ gì có thể bắn ra khỏi bồn rửa. Tuy nhiên, vài miếng bọt cạo râu vẫn rơi xuống thảm. Tôi đã phải lau sạch chúng bằng khăn tắm. Ở Luân Đôn, hay bất cứ nơi nào khác ở châu Âu, người ta đã quen với cách “tắm khô”. Ở Pháp, người ta có các nhà tắm công cộng, ai muốn tắm phải trả một khoản tiền nhỏ. Về sau, vị chủ nhà đã nói với tôi rằng có một nhà tắm kiểu thông thường trong nhà, tức là nhà tắm không có thảm đỏ. Song, nó lại nằm trên lầu một, giữa hai phòng ngủ, và mặc cho những lời khẩn nài của anh, tôi vẫn không cho rằng việc mình sử dụng nó là đúng đắn. “Nhà tôi không có phòng tắm nào, chỉ có những căn phòng huyền ảo mà thôi” , một cô gái xinh đẹp đã nói thế trong một đoạn quảng cáo trên truyền hình. Cô ấy đang quảng cáo cho các mặt hàng vệ sinh – bồn rửa, bồn tắm, bể chứa và những thứ tương tự như thế – được lắp đặt trong một phòng tắm. Mẩu quảng cáo tập trung vào những hình dáng, đường cong và đường nét của những món đồ cũng như của cô gái. Ban đầu, cô ta choàng khăn tắm và sau đó là mặc quần áo đầy đủ. Tôi cho rằng giữa hai hình ảnh này, chắc hẳn cô ấy đã phải đi tắm. Vậy thì tắm ở đâu – nếu cô ấy không có một nhà tắm trong nhà mình? Hay, phòng tắm đó cũng có một tấm thảm phủ kín sàn, như nơi tôi đã dừng chân đêm hôm đó ở Luân Đôn? Tôi không biết trả lời thế nào cho câu hỏi này. Có thể chúng ta đang đến gần thời điểm mà câu nói “sự trong sạch bên trong có trước” trở thành một trò đùa như trong cuộc gặp thượng đỉnh về vấn đề Trái Đất ở Rio de Janerio vừa qua. Khi đàn ông đi chợ - Có hai loại bí, - vợ tôi nói, - một loại dài và màu xanh, gọi là bí đao. Loại kia thì tròn và màu vàng, gọi là bí đỏ. Ở Delhi, đôi khi người ta gọi cả hai loại này chỉ đơn giản là “bí”. Đừng nhầm lẫn nhé. Hãy mua bí đỏ chứ đừng mua bí đao. Bà bán rau bên ngoài tòa nhà Yamuna biết đấy. Hãy cứ nói với bà ta là một phụ nữ sống ở Tara Apartments đã nhờ anh tới. Bà ấy sẽ hiểu. Tôi đi thẳng tới cửa hàng rau bên ngoài tòa nhà Yamuna. Tôi phải làm như thế. Vợ tôi bị đau và bác sĩ đã khuyên cô ấy giảm thiểu việc đi lại, và nhất là không nên leo cầu thang. Vì thế hôm ấy, tôi mới phải đi mua rau quả một mình. Vợ tôi nghĩ rằng, gặp một người đàn ông không rành việc chợ búa như tôi đi mua, người ta sẽ nói thách. Tôi chưa bao giờ hiểu được sự hợp lý trong lập luận này của vợ mình. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng không thấy phiền lòng. Nó phù hợp với mọi người chồng không cố gắng hiểu những điều mà vợ họ làm hay nói. Và đó là chân lý của Thượng đế. Bà chủ cửa hàng rất tử tế, bà hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi và hiểu cô ấy muốn mua gì. Tuy vậy, để cho chắc ăn, tôi hỏi một thiếu phụ người vùng Nam Ấn cũng đang mua rau xem loại bí tròn mà bà chủ tiệm đưa có đúng là bí đỏ không. Cô ấy nhìn tôi, cười và xác nhận là đúng, đồng thời bổ sung thêm một thông tin rất có ích là người vùng Punjabis gọi loại bí này chỉ là “bí”. Cô ấy cũng giải thích cho tôi nghe rằng bí đỏ có màu giống nhau ở cả bên trong lẫn bên ngoài, trong khi bí đao thì bên trong có màu trắng còn bên ngoài có màu xanh. Tôi hỏi bà chủ tiệm xem giá cả thế nào. Bà ấy nói một cách hào hiệp: - Với người khác, họ phải trả 10 rupi, còn anh thì chỉ phải trả 8 rupi thôi. Anh lấy bao nhiêu cân nào? Câu hỏi này lập tức khiến tôi bối rối. Vợ tôi mải dặn tôi cách phân biệt bí đao và bí đỏ mà quên không nói nên mua bao nhiêu cân. Tôi nhìn người thiếu phụ vùng Nam Ân một lần nữa, gần như khẩn nài, và hỏi cô xem tôi nên mua bao nhiêu. Cô ấy đáp lại cùng một nụ cười: - Nó tùy thuộc vào việc anh muốn ăn bao nhiêu. - Chúng tôi chỉ có hai người, - tôi đáp, - và chúng tôi không ăn nhiều lắm đâu. - Trong trường hợp ấy, - người thiếu phụ bật cười, - thì một cân thôi là đủ rồi. Tôi mua một cân thứ quái quỷ đó và xách nó về nhà. Vợ tôi rất vui vì tôi đã vượt qua được bài kiểm tra ngặt nghèo này. Dĩ nhiên, phần thưởng cho việc này cần được tính cho người thiếu phụ xa lạ vùng Nam Ấn nọ. Nếu cô ấy có đang đọc được những dòng chữ này, thì xin cho phép tôi được nói “Cảm ơn, quý cô tốt bụng” . Cuộn báo đi lạc Chúng tôi có một con chó cái dễ thương giống Labrador với bộ lông màu nâu sậm. Nó chỉ khoảng một năm tuổi nhưng rất ngoan, tình cảm và có trách nhiệm. Như mọi chú chó giống Labrador, nó rất khó chịu với cái nóng của Delhi. Vì thế, trong suốt mùa hè, nó nằm ở phòng ngủ trên lầu của Prem và Rita, con trai và con dâu tôi, ngay dưới cái máy điều hòa. Mỗi buổi sáng, người giao báo ném những cuộn báo được cột chặt bằng một sợi dây thun lên hành lang chung giữa nhà chúng tôi với nhà một người hàng xóm khá nổi tiếng. Quý ông đó chỉ đặt mua một tờ báo, còn chúng tôi mua ba tờ. Do đó, cuộn báo của chúng tôi nặng hơn của ông ta. Bất cứ ai nhìn vào cũng đều xác định được điều này mà không tốn nhiều thời gian. Ngay khi cuộn báo chạm vào cửa nhà chúng tôi, Brandy (*) phóng ra, ngoạm nó lên và mang (*) Brandy: Tên con chó - ND. 17 thẳng đến phòng ngủ của Rita và Prem. Brandy phân biệt được cuộn báo nào là của nhà nào. Nó không hề mắc sai lầm trong việc nhặt đúng cuộn báo của chúng tôi. Người hàng xóm của gia đình tôi thỉnh thoảng ra lấy báo trước Brandy. Dù là do sự tò mò, nhầm lẫn hay bất cứ điều gì khác, thì cái việc không hay dưới đây cũng đã xảy ra. Ông ta cầm cuộn báo của chúng tôi lên, mở ra, đọc lướt qua những tin chính trong những tờ báo mà ông ấy không đặt mua, sau đó cuộn chúng lại đúng vị trí, dù không được chặt lắm, và thả nó nhẹ nhàng trước cửa nhà chúng tôi. Một đôi lần, có thể vì đã tìm thấy điều hấp dẫn nào đó trong những tờ báo mình không đặt mua, ông ta lấy tất cả báo vào nhà mình. Khi Brandy ra ngoài và không thấy cuộn báo, nó lập tức đánh hơi xung quanh để dò tìm. Có khi nó chạy vào bếp để xem Sushma, người đầu bếp của chúng tôi, đã mang cuộn báo vào chưa. Khi biết chắc những tờ báo chưa hề được đưa vào nhà, Brandy quay lại, đánh hơi xung quanh một lần nữa, rồi gõ cửa nhà hàng xóm bằng chân trước, và thế là cuộn báo được ném trả bằng đường cửa sổ. Những tờ báo bay tung tóe, lộn xộn. Brandy nhìn chằm chằm vào căn hộ của quý ông nọ một cách giận dữ, đoạn, nhặt lấy cuộn báo của chúng tôi mang về. Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời nọ, chuông cửa nhà chúng tôi bất chợt reo lên không ngừng. Âm thanh ấy nghe như tiếng chuông báo động cuộc chiến giữa Ấn Độ – Pakistan vậy. Cho rằng Sushma có lẽ đang ở trong nhà tắm, con trai tôi đã bước xuống, mở cửa. Quý ông hàng xóm của chúng tôi đang đứng đó, không ngớt tuôn ra những lời phàn nàn với vẻ cáu kỉnh quá độ. - Thưa bác, có chuyện gì vậy ạ? - Con trai tôi hỏi, đoán chừng có lẽ một cơn đau dữ dội đã bất ngờ xảy đến với cái bao tử của ông ta. Ông ấy bắt đầu lớn tiếng: - Con chó nhà anh đã lấy cả báo của tôi. Con trai tôi giải thích cho ông ấy một cách hết sức lịch sự rằng, Brandy không làm như thế. Như một quy luật, nó chỉ nhặt lấy cuộn báo của nhà chúng tôi mà thôi. Brandy được gọi đến. Bất cứ khi nào gây ra lỗi lầm gì, nó cũng đều trốn dưới bàn ăn. Nó bước ra, nhìn người đàn ông từ đầu đến chân, rồi bất thần ném vào ông ta tờ báo lấy ra từ một xó xỉnh nào đó, với một thái độ khinh khỉnh. Người đàn ông không nói gì cả. Ông ta còn có thể nói gì nữa bây giờ? Đã nhiều tháng trôi qua từ khi sự việc này xảy ra, và báo của chúng tôi không còn biến mất ở trước cửa nhà nữa. Nơi thế giới chưa thay đổi Vào khoảng năm 1939-1940, tôi là sinh viên trong một khóa học ngắn hạn ở trường Cao đẳng S. A. Jain tại thành phố Ambala. Chúng tôi sống trong một doanh trại, cách nơi cha tôi đang bị giam giữ khoảng năm dặm. Tôi đã từng đi đến trường bằng xe lửa. Có khoảng 20 sinh viên khác sống trong doanh trại cũng đi học như thế. Chỉ có duy nhất một loại phương tiện vận chuyển khác là xe ngựa hai bánh. Di chuyển bằng xe ngựa tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có vài ngọn đồi nhỏ giữa doanh trại và thành phố. Những ngọn đồi này có thể ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Thời ấy, tàu lửa có bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng Inter và hạng ba. Không có hạng AC. Chúng tôi thường đi toa hạng ba và tiền vé hằng tháng khoảng 2 rupi. Lượt về, chuyến tàu đến từ Rajpura thường vào ga muộn giờ. Rất khó để giết thời gian tại ga tàu lửa. Một người có thể làm được bao nhiêu trò tinh nghịch cơ chứ? Người chủ ga biết rõ những cậu nhóc như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ khôn lớn. Ông ta luôn khóa cửa phòng chờ toa tàu hạng hai. Ông không cho phép chúng tôi vào đó vì chúng tôi là hành khách của toa hạng ba. Ngày nọ, một người trong số chúng tôi mua vé hạng hai từ thành phố Ambala đến doanh trại với giá bốn đồng anna(*). Cậu bạn ấy đã buộc vị chủ ga phải mở cửa phòng chờ toa hạng hai. Cậu ta bước vào một cách đầy kiêu hãnh, theo sau là lũ chúng tôi. Ngày hôm sau, một cậu bạn khác mua vé hạng hai. Nhưng trong khi cậu ấy bước vào phòng chờ toa tàu hạng hai mà không gặp bất cứ khó khăn nào thì những người còn lại chúng tôi bị đẩy ra. Có một rào cản giữa chúng tôi và vị quản lý ga. Tuy nhiên, cuối cùng, vị quản lý ga, mặc cho sự thật là ông ta có được sự hậu thuẫn của đế chế Anh hùng mạnh, vẫn phải đầu hàng. Những ngày sau đó, từng người trong chúng tôi lần lượt mua vé tàu hạng hai và nhờ đó, những người còn lại sẽ đợi tàu trong phòng chờ dành cho toa hạng hai. Thật là tuyệt vời! (*) Đồng anna: Đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Ấn Độ. Vào tuần lễ cuối cùng của tháng Tám năm 1993, tôi đi từ Central Secretariat đến Tara Apartments trên một chiếc xe buýt của hãng Blue Line. Xe chạy được một đoạn thì có khoảng 10 nữ sinh mặc đồng phục đón xe. Chiếc xe buýt đã đầy nghẹt người rồi. Các cô bé vẫn cố gắng bước vào. - Ít nhất cũng phải đưa vé chứ, Guddi! - Nhân viên soát vé nói to, cười với một em trong số đó. - Hôm nay đến lượt của Munni. - Cô bé trả lời. Cô gái có tên Munni vung vẩy tấm vé trước cặp mắt của nhân viên soát vé. - Thế những người còn lại thì sao? - Ông ta lớn tiếng hỏi. - Ngày nào ông cũng hỏi chúng tôi một câu như thế! – Vài người trong số các cô tặc lưỡi. Một người đã mua vé, thế là đủ rồi. Nó đã tính luôn phần của những người khác! Ký ức thời gian - Anh muốn cắt tóc kiểu nào? Anh, Pháp hay kiểu Ấn đơn giản? - Baghi Jaan hỏi tôi. Tôi không biết kiểu nào thì trông ra sao cả nên đề nghị Baghi Jaan giải thích sự khác nhau giữa các kiểu tóc mà anh vừa nói. - Kiểu Anh nghĩa là có rẽ ngôi, trái hay phải tùy anh chọn. – Anh ta sốt sắng. - Kiểu Pháp không rẽ ngôi gì cả. - Còn kiểu Ấn thì sao? - Như sân bóng đá vậy, - anh ta trả lời, - một mảnh đất bỏ hoang, hoàn toàn trọc lóc. Baghi Jaan và Kale Khan là hai anh em. Họ cùng nhau mở một hiệu cắt tóc ở Peshawar có tên là “Aalishan”. Vào khoảng đầu những năm bốn mươi, tiệm cắt tóc duy nhất mà tôi biết đến là một cửa hiệu ở Anarkali, Lahore có tên là “Victoria”. Ở đó, họ lấy một rupi tiền công cho việc cắt tóc và gội đầu. Tôi từng có một cô bạn gái sống ở số 2 Mahabir Gali, đường Nisbet. Trước khi đến gặp người cha vĩ đại của cô ấy, tôi đã chỉnh trang lại vẻ ngoài ở “Victoria”. “Aalishan” của Baghi Jaan và Kale Khan thua xa “Victoria”, mặc dù nó là hiệu cắt tóc hàng đầu ở thành phố Peshawar. - Tại sao anh không làm thế này nhỉ. - Tôi nói với Baghi Jann. - Anh cứ cắt tất cả những phần thừa ra là được, ý tôi là những chỗ nào tóc mọc dài quá ấy? Anh ta nhặt dao cạo lên, chà qua chà lại trên miếng vải da để mài sắc và vung vẩy nó một cách đầy hăm dọa. - Anh làm cái quái gì thế? - Tôi buột miệng hỏi. - Yên lặng. - Anh ta cau có nói. - Cái này chỉ dành để cạo phần tóc thừa của anh thôi. Nhưng nếu anh cứ lải nhải không ngừng như thế thì tôi không thể bảo đảm nó sẽ hạ cánh xuống chỗ nào đâu. Nếu nó đậu xuống họng anh, chỉ có Thượng đế mới giúp anh được mà thôi. Tôi đành phải im lặng và để Baghi Jaan tàn phá cái đầu tôi theo ý anh ta. Khi anh ta bắt đầu chú tâm vào công việc của mình, tôi không thể kiềm được việc đọc một cái khung kính có một câu tiếng Urdu phía trên tấm gương trước mặt. Trên đó viết: “Hỡi con người xinh đẹp kia, hãy nhìn nơi vẻ đẹp của ngươi lụi tàn; hãy nhìn xem số phận của mặt trời mỗi lúc hoàng hôn” . Dĩ nhiên là tôi rất kinh ngạc. Đó không phải là thứ sẽ khiến cho một tiệm chăm sóc sắc đẹp ăn nên làm ra. Ở nơi này, họ làm cho bạn trông đẹp hơn từng ngày cơ mà. Dòng chữ trên cái khung kính kia lại tuyên bố một điều hoàn toàn ngược lại! - Anh có biết nó có nghĩa là gì không? - Tôi hỏi Baghi Jaan. - Tôi không quan tâm. Mọi lời trích dẫn cũng giống như con trâu mà thôi! Đó là câu trả lời mang đầy tính triết lý của anh ta! Đoạn, anh ta bổ sung thêm: - Ở chợ Kissa Kahani, có người bán mọi thứ với giá hai đồng rưỡi. Tôi thích cái khung này và đã mua nó ở chỗ ông ta. Tôi biết với Baghi Jaan, một chữ tiếng Urdu anh ta cũng không hiểu. Khi tôi giải thích ý nghĩa của dòng chữ ghi trên khung, anh ta đã bị sốc. - Đồ con lợn! - Anh ta giận dữ. - Lão ấy đã lừa tôi. Tôi sẽ cho lão biết tay. Chỉ có Thượng đế mới biết Baghi Jaan sẽ làm gì sau đó. Tất cả những gì tôi biết là anh ấy đã gỡ cái khung có dòng chữ tiếng Urdu kia xuống ngay tức khắc. Đã nhiều năm trôi qua. Hôm nay, đột nhiên ký ức về cái cửa hiệu cắt tóc của Baghi Jaan và Kale Khan lại quay về với tôi. Rõ ràng nó đã quay lại, vì tôi đã đọc quá nhiều về những gì mà Musharaf (*) cùng vây cánh của ông ta đã làm ở Pakistan và Afghanistan. Họ đã tạo ra một con quái vật có tên gọi “Taliban”, trang bị vũ khí cho nó, giúp đỡ nó mọi mặt, để rồi giờ đây lại đang cùng Mỹ tìm cách tiêu diệt nó. (*) Musharaf: Sinh năm 1943, là Tổng thống Pakistan và là Tổng tư lệnh Bộ tham mưu của Quân đội Pakistan. Ông lên nắm chức tổng thống thông qua một cuộc đảo chính. Ông lên nắm quyền ngày 12 tháng 10 năm 1999, sau khi lật đổ Nawaz Sharif, Thủ tướng được bầu cử, và từ đó ông nắm quyền đứng đầu cơ quan hành pháp. Sau đó ông giữ chức Tổng thống Pakistan. Những chú rể của nền dân chủ Vào ngày lễ thành hôn, chú rể ở Peshawar phải vượt qua bảy nghi thức rất thú vị trước khi đến được chỗ cô dâu của mình. Một, anh ta phải tắm trong nước lạnh hay nước hơi ấm với vài giọt Gangajal hòa vào. Hai, anh ta phải mặc một bộ quần áo truyền thống Ấn Độ mới may (bằng vải lụa đắt tiền). Ba, và đây là điều độc đáo chỉ có ở Peshawar, chú rể phải cho phép những cô gái và trẻ con, dĩ nhiên là có họ hàng với anh, xé bộ quần áo ấy ở nhiều chỗ khác nhau. Nhưng không ai lột trần anh ấy cả. Họ sẽ chỉ đến gần, trêu chọc anh và tham gia vào nghi thức xé đồ, luôn chú ý sao cho những miếng vải không tuột hẳn khỏi người anh ta. Bốn, sau nghi thức xé đồ, chú rể sẽ tự biến mình thành anh hề hoàn hảo. Điều này có nghĩa là anh ta sẽ lần lượt khoác lên mình bộ đồ sarkari mulazims và một bộ pathan truyền thống. Thêm một yếu tố không kém quan trọng đó là chiếc mũ kulah có chỉ vàng và một cái mushaddi lungi rất đắt tiền trên chóp mũ. Treo quanh mũ và phủ xuống mặt chú rể là những sợi dây kết hoa nhài dày nhưng rất nhẹ. Anh ta có thể nhìn thấy mọi người qua tấm mành hấp dẫn đó. Năm, chú rể sẽ phải cưỡi lên một con ngựa trắng hay một con lừa. Cha mẹ, chị gái và vị chủ hôn sẽ tiến về phía trước và di chuyển bàn tay phải nắm đầy tiền giấy của họ quanh bộ mũ đội đầu của anh ta. Nghi thức này gọi là sirwarna. Số tiền này sau đó được chuyển đến cho người quản lý ban nhạc phục vụ suốt quá trình đám cưới diễn ra. Sáu, chú rể bị đem ra bán đấu giá. Nghi thức này được gọi là tambol. Điều này có nghĩa là bất cứ ai muốn đưa bất cứ số tiền nào cho cha mẹ của anh trong dịp vui này cũng đều được hoan nghênh. Một người sẽ công bố số tiền thu được, chẳng hạn “Số tiền tambol 500 rupi từ Rai Bahadur Hukam Chand Chopra, cậu của chú rể” . Tên của người cho và số tiền phải được xướng lên vài lần. Bảy, con ngựa hay lừa sẽ bắt đầu di chuyển, trong khi đó, ban nhạc chơi những giai điệu rộn ràng và khách dự tiệc say sưa nhảy múa. Cha của chú rể sẽ đi tới trước, vốc một nắm đồng xu, đưa một vòng quanh đầu con trai để làm dấu biểu trưng rồi ném chúng về phía sau. Những đứa bé rất thích thú với việc thu nhặt các đồng xu này. Tôi chưa bao giờ có được đặc ân trở thành một chú rể ở Peshawar. Trước khi tổ chức lễ thành hôn, tôi bị tống khỏi thị trấn vào năm 1947. Nhưng bi kịch của những nghi thức dễ thương đó đến với tâm trí tôi khi tôi thấy những chú rể của nền dân chủ, những vị nghị sĩ sáng giá của chúng ra, rất sẵn sàng để diễu hành vào Quốc hội mới với bộ ngực ưỡn ra. Và tôi thấy mình đang tự nhủ: “Những quý ông, quý bà tốt đẹp kia ơi, chúng tôi đã bầu cho các bạn, vì Thượng đế, hãy bắt đầu vật lộn với những vấn đề không làm các ngài khó chịu mà làm tất cả chúng tôi thấy khó chịu đi”. Tiếng gọi của lương tâm Quá chán ghét cuộc sống, một người đàn ông ở thành phố nọ thuộc nước Mỹ đã quyết định tự kết liễu đời mình. Anh ta tìm đến một con sông để trầm mình tự vẫn. Trời bắt đầu tối. Vẫn còn có người ở bờ sông, thư giãn vui vẻ; họ không vội vàng gì. Người đàn ông không muốn ai nhìn thấy và ngăn cản anh làm điều dại dột. Không có thất bại nào ghê gớm bằng thất bại trong việc tự tử. Anh ta đợi mọi người về hết. Cuối cùng, anh đạp xe đến chỗ chiếc cầu. Anh bỏ chiếc xe dưới chân cầu rồi đi bộ ra giữa cầu. Anh dừng lại ở đó và quan sát xung quanh để bảo đảm rằng không ai có thể nhìn thấy anh. Sau đó, anh nâng người mình lên bằng đôi tay, đu người qua các chấn song sắt, nâng chân lên và nhảy xuống. Một nhiếp ảnh gia lúc đó đang quan sát anh ta. Anh ta không thấy người này. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia nọ đã cảm thấy được điều anh ta sắp làm. Ông chĩa máy ảnh về phía người đàn ông đang tự tử và chụp một loạt ảnh lúc anh ta thực hiện thành công hành động của mình. Một trong những bức ảnh này cho người xem thấy cảnh người đàn ông nọ đang rơi xuống dòng sông, đã trở thành bức ảnh đẹp nhất trên toàn nước Mỹ năm đó. Nó được đăng tải trên nhiều tạp chí và đạt được rất nhiều giải thưởng. Nhiếp ảnh gia nọ bỗng chốc trở thành triệu phú. Một cuộc tranh luận vô cùng dữ dội đã nổ ra. Liệu nhiếp ảnh gia nọ có nghĩa vụ phải ngăn người đàn ông tự tử hay không, khi ông ấy biết là anh ta sẽ làm như thế? Liệu có đúng đắn không khi người nhiếp ảnh cho phép mối quan tâm cá nhân, lợi ích nghề nghiệp dập tắt tiếng gọi của lương tâm? Ông ta còn chút lương tâm nào không? Hay ông ta có hai lương tâm, một với tư cách là một nhiếp ảnh gia và một với tư cách là một con người. Có một cuộc tranh cãi về đề tài này trên vài tạp chí. Những nhà đạo đức học cho rằng, thay vì được trao tặng những giải thưởng, vị nhiếp ảnh gia nọ nên bị cảnh sát bắt giữ và tống vào tù. Một vài đồng nghiệp của anh ta lại nói rằng, công việc của một nhà nhiếp ảnh là nắm bắt sự việc chứ không phải ngăn chặn nó. Tôi không nhớ chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện trên, có lẽ là đầu những năm 50. Đó là quãng thời gian mà tôi đọc quá nhiều tạp chí; vài tờ đến nay đã không còn hoạt động nữa. Với những tờ khác, tôi không còn đọc chúng nhiều nữa. Nhưng khi lang thang vào buổi sáng sớm trong khu rừng của thành phố Jahanpanah ở ngoại ô Delhi, nói chuyện với cây cối, thì thầm với gió, huýt sáo theo những chú chim, tôi thường tìm về với quá khứ. Hoạt động này đóng góp chất lượng đáng kể trong việc mang lại cho con người những kho báu tuyệt vời. Mẹ thiên nhiên nắm quyền lực tối cao trong khu rừng này. Dường như lúc nào, bà cũng nói với tôi: “Sức sống từ khu rừng mùa xuân Có thể dạy con nhiều hơn về con người, Về lương tâm, cái xấu và điều tốt Hơn cả những gì các nhà thông thái có thể dạy cho con.” Tôi đã thấy vô số người, cả trẻ lẫn già, đàn ông lẫn đàn bà, có được sức khỏe cường tráng từ mẹ thiên nhiên. Vài người đi bộ một cách mạnh mẽ, vài người chạy, số khác chạy đường dài, có người lại tập yoga. Tất cả đều tràn đầy sức sống, và nhiệt tâm muốn sống lâu hơn. Trong môi trường tươi đẹp này, vấn đề về nhà nhiếp ảnh và người đàn ông tự tử nọ lại hiện ra lơ lửng trước mắt tôi. Quá khứ đã cho rằng nó cần thiết để tự tái hiện. Tôi không biết vì sao. Có thể là vì tôi đã đọc quá nhiều về lương tâm và điều đó liên quan đến một phiên tòa tối cao, đến cuộc tranh cãi, xỉ vả đang diễn ra ở Quốc hội? Cũng có thể là vì sự chìm lắng của một sản phẩm có tên gọi là lương tâm trong thời gian bầu cử. Băng qua đường ở chỗ có vạch trắng Hôm đó là một trong những ngày nóng nhất của tháng Năm. Trời đã nhập nhoạng và bóng đêm sắp sửa bao trùm lên mọi vật. Đó là lúc mà mọi người, vốn bị giam hãm trong những căn hộ, bước ra đường để hít thở không khí mát mẻ mà hoàng hôn mang đến. Nhưng cái nóng bức của ngày hôm đó cũng tương đương nhau ở bên trong lẫn bên ngoài những cánh cửa đóng kín. Tôi không thấy nhiều người lắm trên đường. Một ông già tóc bạc trắng, trông rất bình thường, đang đi trước tôi. Một ông già mặc áo nâu, trông cũng rất đỗi bình thường, đến từ hướng ngược lại. Cả hai chào nhau và sau đó, ông già áo nâu quay ngược lại đi chung với bạn mình, theo cùng một hướng. - Lalaji, anh đã vượt qua mọi giới hạn. – Ông già áo nâu cất tiếng. – Quá nhiều lửa trên bầu trời đã lột sạch áo của anh, đến mức anh phải lang thang trên đường phố Delhi với độc một cái “ba lỗ”. Bọn trẻ sẽ cười vào mũi anh. - Đằng nào thì bọn trẻ cũng cười nhạo tôi rồi. – Ông già tóc trắng nói. – Mặc hay không mặc áo là việc vặt mà thôi. Nhưng hãy nói cho tôi biết một điều, cái “ba lỗ” của tôi và áo của bọn chúng khác nhau ở chỗ nào? Ít nhất thì áo của tôi cũng có màu của một quý ông - màu trắng. Còn những thứ mà bọn trẻ ngày nay mặc có quá nhiều màu, hơn cả những gì mà Thượng đế đã tạo ra. Có những cái đỏ rực như vừa từ lò nướng ra, những cái khác thì xanh lè như cỏ barsat và có cái thì đen thui như than vậy. Và kia, hãy nhìn mà xem, cái thứ vô nghĩa gì đã được viết lên chúng vậy? “Anh yêu em”, “Hãy hôn tôi”, “Tránh xa ra”… - Đúng thế! - Người đàn ông mặc áo nâu nói. – Bọn trẻ mặc chúng ngay cả khi cha họ qua đời. Cả hai phá lên cười. - Nhưng… - ông già áo nâu tiếp tục, - những gì anh nói về những chiếc áo thun là đúng. Thời thế đã thay đổi. Vào thời chúng ta, thời trang được bắt đầu ở Luân Đôn và sau đó đến Ấn Độ. Bây giờ thì nó bắt đầu ở Connaught Place và sau đó đến Vil ayat qua đường Karol Bagh. Nhưng dù sao, điều đó cũng không có nghĩa là anh nên thực hiện chuyến bách bộ của mình chỉ với độc một chiếc “ba lỗ”. Một tình huống rất ư là thú vị! Hai con người, hình như ở trong hai hoàn cảnh giống nhau, đang chia sẻ với nhau vài khoảnh khắc cuộc đời mình, làm cho nhau cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm. Những câu trao đổi – như tôi đã nói ở trên - gần như tuôn ra cùng lúc với mỗi nhịp bước của họ. Tôi không thể kiềm được việc lắng nghe “những thứ linh tinh ngọt ngào” của họ. Khi chuyến dạo bộ kết thúc, người đàn ông áo nâu nói với bạn mình, hơi lớn giọng một chút: - Tốt hơn là đi sang bên kia đường. Nhưng đừng sang đường ở đây, hãy sang ở chỗ có kẻ vạch trắng dành cho người qua đường. Người ta bảo nếu anh bị xe tông ở ngay chỗ có vạch, con cái anh sẽ nhận được tiền đền bù gấp đôi đấy. Cuộc gặp gỡ tháng Tám Mỗi buổi sáng, ông ấy lại hỏi tôi, hoặc “Hôm nay là ngày mấy?” , hoặc “Đồng hồ của anh chỉ mấy giờ rồi?” . Tôi trả lời ông, ông cảm ơn rồi bước đi. Tôi không biết ông ấy là ai, và cuộc gặp mặt của chúng tôi chỉ giới hạn vào buổi sáng sớm, khi tôi đi dạo. Ông ấy đã khá già, đóng một cái khố, lưng còng, đi chầm chậm từng bước. Tay phải ông cầm một cây gậy, nhưng không phải lúc nào ông cũng dùng nó - chỉ khi ông bị vấp thôi, hay nói cách khác, khi ông nghĩ mình bị vấp. Tôi chưa thấy ông vấp lần nào, nhưng có phải lúc nào tôi cũng thấy ông ấy đâu. Tay trái ông cầm một cái túi làm bằng sợi đay. Cái túi không đẹp đẽ gì. Nó giống như cái túi mà người ta thường dùng để đựng rau quả. Ông hái hoa từ công viên lớn Greater KailashII, nằm trên trường Don Bosco. Ông ấy không bước vào công viên. Ông không thể bước vào được. Có một cái rào chắn ngăn cách công viên với vỉa hè. Và dọc theo rào chắn, có một tấm biển to ghi “Tài sản của DLF (1), cấm vào” . Những bụi cây mọc lên cao, phủ lên cái rào chắn đó. Ông vươn tay về phía chúng và hái những bông hoa của mình, phần lớn là cúc vạn thọ có màu vàng nâu. Ông hái chúng một cách nhẹ nhàng và đặt chúng vào giỏ, từng bông một. Tôi không thích điều này. Tôi không thích bất cứ ai hái hoa cả. Và tôi không thích những bông hoa bị đặt vào trong túi đay. Tại sao ông ấy lại làm như thế? Có thể là cho lễ pooja (2) của ông. Có thể ông ấy ra khỏi nhà chỉ để tìm hoa cho buổi lễ pooja của mình mà thôi. Vào ngày 28 tháng Tám, tôi đã cho ông một câu trả lời sai. Tôi nói hôm ấy là ngày . (1): DLF: Một công ty địa ốc lớn ở Ấn Độ. (2): Lễ pooja: Một nghi thức truyền thống của người Hindu. - Ngày 29 sao? – Ông ấy hỏi. - Vâng. - Tôi trả lời. Nhưng tôi không hoàn toàn chắc chắn, thế nên tôi nhìn đồng hồ. Tôi có thể đọc được giờ trên ấy, nhưng không thể đọc được ngày tháng: những con chữ quá nhỏ và mờ. Khi tôi về nhà, tờ lịch trên tường xác nhận rằng tôi đã sai. - Hôm nay mới là ngày 29. - Sáng hôm sau, tôi nói với ông ta như thế. - Hôm qua là ngày 28. Tôi xin lỗi, tôi đã nhầm. - Tôi biết. – Ông ấy nói. - Ông biết sao? - Đúng. - Thế ông còn hỏi tôi làm gì? Ông ấy nhìn tôi, cười và nói: - Tôi chỉ muốn nói chuyện với ai đó. Thế nên tôi mới hỏi anh. Tôi biết ngày tháng, thời gian và cả thứ nữa. Chúng trôi qua thật chậm. Anh có nghĩ thế không? Một buổi tối ở Thiên đường Xanh Cô tiếp viên trẻ tuổi trên chiếc máy bay của hãng hàng không Thái Lan vẫn quyến rũ như thường lệ. Thế nhưng, người đầu tiên chào tôi ở sân bay Bangkok lại hiện nguyên hình là một tên ma cô thứ thiệt. Hắn đưa cho tôi danh thiếp của một cửa hiệu mát-xa ở Bangkok, và đề nghị rằng hắn có thể đến đón tôi tại khách sạn Hayat Rama, nơi tôi sắp đến ở, vào bất cứ ngày nào, giờ nào, tùy ý tôi lựa chọn. Làm sao mà hắn biết tôi sẽ ở khách sạn Hayat Rama cơ chứ? Liệu hắn có mối liên hệ nào với WHO(*) ở Bangkok? Tôi đang đi công tác với tư cách là một đại biểu của Ấn Độ tham gia một hội thảo của WHO về giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên. Hắn ta làm tôi thấy hơi khó chịu một chút. Nhưng sau khi đã nhận định rằng tôi không (*) WHO: Tổ chức Y tế Thế giới. phải là miếng mồi ngon, hắn chuyển sang dụ dỗ một hành khách khác. Tôi vào phòng khách sạn. Sau khi rửa mặt, tôi thấy một tấm thiếp nhỏ nhưng rất nổi bật dựng trên bàn viết, trên đó có ghi: “Chào mừng tới Hayat Rama, hãy bước vào Thiên đường Xanh ở tầng ba để được phục vụ miễn phí” . Không có việc gì làm, tôi quyết định thử xem cái dịch vụ miễn phí đó là gì. Người Thái vốn nổi tiếng với sự hào phóng và nhân ái của họ. Một cô gái trẻ rất đẹp đón chào tôi ở Thiên đường Xanh. Cô ấy dẫn tôi tới một cái bàn trống và ở đó, một thiên thần khác xuất hiện với một thực đơn đồ uống. - Hãy chọn bất cứ thứ gì ông thích. - Cô ấy nói. - Rượu này chủ quán thết. Đầu tiên, tôi nghĩ mình sẽ chọn loại Black Label quen thuộc, nhưng kỳ lạ thay, dưới một lực thúc đẩy vô hình nào đó, tôi đã chọn vodka. Chậm chạp, thoải mái, vừa nhìn quanh xem có ai quen không, tôi vừa nhấp một ngụm rượu. Tôi vừa uống xong thì thiên thần nọ lại đến với cái khay quen thuộc của cô, trên đó có một chai vodka và một cái ly sạch bóng. - Chủ quán thết, thưa ông. - Gần như châm chọc, cô ta nói khi rót tiếp cho tôi một ly đầy khác. Tôi cũng nhấp một ngụm trong cái ly đó, chậm rãi, nhàn nhã hơn ly đầu một chút. Nhưng một lát sau, khi tôi vừa uống xong ly rượu, cô gái nọ lại đến với cái khay có đặt chai rượu vodka và một cái ly khác. Vodka là một loại rượu mạnh. Cố hết sức, tôi cũng chỉ có thể uống hai ly. Tôi từ chối ly thứ ba của cô gái. - Thưa ngài, - cô gái nhỏ nhẹ, - trong trường hợp đó, ngài sẽ phải trả tiền cho hai ly đầu tiên. Miễn phí có nghĩa là ít nhất bốn ly. Nếu ít hơn số đó, ngài phải trả tiền. Tôi không nhớ mình đã phải trả bao nhiêu đô-la cho cái dịch vụ miễn phí ấy. Nhưng mỗi lần nhìn thấy một quảng cáo hấp dẫn cho một thứ gì đó miễn phí, ví dụ sẽ được tặng một cái bếp điện khi mua một cái xe hơi chẳng hạn, tôi đều liếm môi mình. Cú va chạm định mệnh Rõ ràng ông ta không hề chạy quá tốc độ, nhưng chiếc mô tô của ông ta lại đang đi bên phía lề phải. Tôi đang chạy từ hướng ngược lại, bóp còi, giảm tốc độ và cuối cùng phải đạp thắng. Người đàn ông Sardarji ấy nhận ra sai lầm của mình khá muộn. Ông ta bẻ ngoặt tay lái. Nhưng không kịp nữa rồi, chiếc xe hai bánh đâm sầm vào xe hơi của tôi và trượt dài trên đường. Tôi bước ra khỏi xe giúp người đàn ông đứng dậy. Ông ta bị thương và rõ ràng trông khá đau. - Xin lỗi ông, tại tôi mải suy nghĩ. – Người đàn ông khẽ nói. Có máu trên quần và tay áo của ông. Ông tự phủi sạch bụi trên quần áo và nói: - Nhờ ơn Thượng đế cứu mạng, tôi chỉ bị thương nhẹ. Nhưng làm ơn hãy đưa tôi tới bệnh viện. Đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Sẽ không có chuyện gì xảy ra với ông đâu. Chiếc mô tô bị hỏng khá nghiêm trọng. Một cái đèn ở đầu mũi xe hơi của tôi cũng bị vỡ. Người đàn ông nọ, khoảng trên 50 tuổi, đẩy chiếc mô tô sang vệ đường và tiếp tục khẩn nài tôi: - Làm ơn đưa tôi tới bệnh viện. Tôi bảo đảm sẽ không có chuyện gì xảy ra với ông đâu. Trong một khắc, tôi nghĩ về cuộc họp quan trọng tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ mà tôi sẽ phải tham dự trong vòng vài phút nữa. Song, ý nghĩ đó nhanh chóng tan biến. - Ông gặp phải chuyện gì căng thẳng sao? Tôi hỏi ông ta trên đường tới bệnh viện Lohia. - Những gì Thượng đế đã sắp đặt sẽ phải diễn ra. - Ông trả lời một cách triết lý. - Nào ai có thể trốn tránh được? Pakistan, rồi những cuộc bạo loạn ở Delhi này; chúng ta có thể ngăn cản chăng? Đấng Tối cao đã sắp đặt những chuyện ấy phải như thế. Người cũng làm như vậy đối với vụ tai nạn này. Lúc đó chỉ mới khoảng một năm sau vụ ám sát bà Indira Gandhi. Tại phòng cấp cứu của bệnh viện, các bác sĩ chỉ vừa nghe thấy từ “tai nạn” là đã nhanh chóng thông báo cho các viên chức có thẩm quyền biết. Hai người cảnh sát, dường như chịu trách nhiệm thường xuyên tại nơi này, lập tức chạy tới với vẻ đe dọa. Họ luôn sẵn sàng để ghi chép lời tường trình của nạn nhân lên một xấp giấy rời được kẹp lại bằng một thanh kim loại cũ kỹ trên một tấm bìa cũng cũ kỹ nốt. Ánh nhìn của họ làm tôi khó chịu. Liệu tôi có đang vướng vào rắc rối? Nỗi sợ hãi đó quả thật có xuất hiện nhưng sau đó, tôi bình tĩnh lại và nói với bác sĩ: - Xin hãy chăm sóc vết thương cho ông ta trước. Bác sĩ đáp ứng lời đề nghị của tôi. Người đàn ông Sardarji nhìn tôi, rồi nhìn hai người cảnh sát, nói: - Ở đây chẳng có việc gì cho các anh đâu. Tôi đang lái xe mô tô. Xe bị ngã. Quý ông này nhìn thấy tôi. Anh ấy đã đưa tôi tới đây. Cầu Thượng đế ban phước lành cho anh ấy. Khi cùng ông đi mua thuốc theo toa của bác sĩ, tôi hỏi: - Còn xe của ông thì sao? - Tôi sẽ gọi con trai của tôi tới lấy. - Tôi đưa ông về nhé? - Tôi đề nghị. - Ông sống ở đâu? - Ông ta hỏi. - Tara Apartments ở Nam Delhi. - Tôi trả lời. - Vậy thì thôi, thưa ông. – Ông ta chắp tay lại, tỏ ý cảm ơn. - Tôi ở xa lắm, gần Gandhi Nagar. Tôi không sao. Tôi sẽ tự xoay xở được mà. Nhưng ông có thể làm ơn giúp tôi thêm một chuyện được không? Khi thấy tôi nhìn một cách tò mò, ông ta nói: - Xin ông hãy để lại địa chỉ cho tôi. Tôi sẽ nói con trai tôi tới chỗ ông để thanh toán chi phí về những thiệt hại mà tôi đã gây ra cho xe hơi của ông. Chuyện một con đường Trong quãng thời gian tôi ở tại Kausani, thuộc quận Almora của UP (bây giờ là Uttaranchal), vài điều rất vui đã xảy ra. Nước chảy ra từ vòi đột nhiên ngừng lại. Không có gì là bất thường cả. Bởi vì, nếu có điều gì được coi là thất thường nhất ở Ấn Độ thì đó là nước. Nó đến rồi đi tùy thích. Có lúc bên ngoài trời mưa như trút trong khi trong nhà bạn không có lấy một giọt nước để uống. Người ta phải chịu đựng cảnh này nhiều ngày liền ngay cả ở Cherapunji - nơi có những cơn mưa nặng hạt nhất mỗi năm. Hãy cho phép tôi được nói chi tiết hơn. Có một vị bộ trưởng danh dự đang ở trong phòng tắm của một rạp hát ở Kausani. Ông ấy đang tắm. Và ngay lúc ông ta vừa hoàn tất việc bôi sữa tắm lên khắp người, thì nước từ vòi đột ngột ngưng chảy. Vị bộ trưởng hét lên. Nhưng không ai nghe tiếng ông cả. Không có ai bảo vệ bên ngoài nhà tắm. Người đàn ông tội nghiệp này không còn lựa chọn nào khác ngoài cách lau sạch sữa tắm với tất cả số khăn tắm mà ông ta có thể lấy được. Điều đầu tiên mà ông ấy làm sau khi ra khỏi nhà tắm là gọi cho vị Phó phòng Quản lý Luật pháp và Trật tự của khu vực. Người đàn ông tội nghiệp đó phải giải thích với vị bộ trưởng rằng điều này không phải là hiếm gặp ở Kausani. Người dân sống ở vùng cao hơn thường cắt đường ống dẫn nước để nước chảy vào cánh đồng của họ. - Bắt lấy chúng, bắt tất. - Vị bộ trưởng thét lên. Tôi không thể nói được chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng điều tôi biết là một buổi tối nọ, khi đang ở cùng vị Phó chánh Tòa án địa phương trong một nhà nghỉ cạnh khu rừng, chúng tôi thấy một chiếc Buick đen rất lớn chạy vào nhà nghỉ Công đoàn bên dưới. Có nhiều hoạt động rất sôi nổi diễn ra sau khi chiếc xe đó đến. - Xe của ai thế nhỉ? – Tôi hỏi vị Phó chánh Tòa án địa phương. - Đó là xe của ngài đốc công. Hãy nghĩ xem. Một quan chức vặt không được bổ nhiệm sống trong cảnh giàu có huy hoàng. Tôi đề nghị ông mở vài điều về sự vĩ đại của người đàn ông này. - Ông ta cố vấn việc xây những con đường. Vị Phó chánh Tòa án thì thào. - Chi phí xây một con đường trên đồi lớn gấp mười lần so với chi phí cho một con đường ở đồng bằng. Nhưng dù xây ở bất cứ đâu, ông ấy cũng đều xem như là xây trên đồi. - Sao anh không khởi tố lão ta? - Bị sốc và bàng hoàng, tôi hỏi ông ấy. - Để bị mất việc à? – Ông ấy nói, gãi gãi đầu. - Rất nhiều người tiền nhiệm của tôi đã thử và bị đẩy ra khỏi vùng này. Anh có biết hắn ta là ai không? Tôi không biết thật và lắc đầu một cách ngây thơ. - Hắn được biết đến ở đây với tư cách là Hoàng tử xứ Wales. – Ông ấy nói. – Hắn là anh của chồng cháu gái vị Bộ trưởng đấy. Tình yêu của nước Mỹ Mỗi người Mỹ sống cách nhà 50 dặm là một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Đó cũng là con đường đưa cuộc Cách mạng Xanh đến với Ấn Độ. Puran Chand Batra, người có nông trại ở Rohtak mà tôi từng ghé thăm, đã kể lại câu chuyện này. Vài chuyên gia nông nghiệp của Mỹ tốt nghiệp từ trường Đại học Nông nghiệp ở Ludhiana cũng trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông. Một điều hơi kỳ quặc là trước đó, họ đã cố gắng dạy cho Puran Chand, cha ông và con trai ông, ba thế hệ người Ấn Độ, cách làm thế nào để trồng nho ở Rohtak. Hôm đó, Puran Chand đã dẫn họ đến một góc nhỏ trong nông trại của ông. - Chúa ơi! - Những người Mỹ thốt lên. - Ông đã trồng được nho ở đây rồi sao? Tại sao ông không đến California và nói với những người ở đó biết làm cách nào ông đã xoay xở để gặt hái được nhiều đến thế từ một nền tảng rất sơ sài? Nếu việc trồng trọt quy mô gia đình bị thất bại ở Ấn Độ, với một con số không nhỏ, thì nguyên nhân là do ý kiến chuyên môn của người Mỹ đã được áp dụng quá mức trên đất nước này. Ở khu vực Parganas, Tây Bengal, họ đã cố gắng giới thiệu vòng tránh thai cho phụ nữ Bengal. “Phương pháp đơn giản, an toàn và chắc chắn nhất” , họ tuyên bố chắc nịch như thế. Rất nhiều phụ nữ đã đáp lại họ. Nhưng sau đó, có người bị chảy máu rất nhiều, có người mắc phải các biến chứng khác; và thế là dân số Bengal vẫn không ngừng tăng lên. Người Mỹ và các đối tác Ấn Độ của họ không mất tí thời gian nào - họ gói ghém và bỏ chạy. Rồi họ đến vùng Đông UP. Những con sông tràn bờ đã gây nên ngập lụt lớn. Rất nhiều ngôi làng bị lũ nuốt chửng. “Khi lũ rút” , người Mỹ khuyên, “tại sao chính phủ không nâng những ngôi làng này lên?” . Với rất nhiều tiền bạc đổ ra, họ đã đầu tư hàng triệu đôla để nâng cao khoảng 5.000 ngôi làng. Năm sau, cơn lũ trở nên dữ dội hơn một chút và tất cả những ngôi làng đã được nâng lên ấy cũng bị quét sạch. Ở Lucknow, tôi đã được xem một vở kịch tuyệt vời tại một hội thảo về sức khỏe liên quan đến các bệnh về mắt. Một chuyên gia người Mỹ hét lên: “Tại sao các anh không cung cấp bếp áp suất cho người dân ở nông thôn để họ có thể giữ cho mắt không bị ảnh hưởng bởi khói bếp?” . Họ sẵn sàng giúp giải quyết vấn đề này. Nhưng đã từ lâu lắm rồi, bếp áp suất không được người dân biết đến, ngay cả trong thị xã Lucknow. Không phải chỉ ở Ấn Độ mà là trên toàn thế giới, người Mỹ nổi tiếng vì những ý kiến can thiệp của mình. Ở Ý, họ đã đi thăm những tàn tích của thành La Mã. Không biết rằng đó là một phần di sản của người dân thành Rome, họ đề nghị: “Các anh nên học vài bài học từ New York. Ở đó, chúng tôi đã xây được các tòa nhà chọc trời trên những vùng đất xấu. Dĩ nhiên, các anh cũng có thể làm được như thế trên vùng đất hoang tàn này” . Mặc cho việc đang chiếm thế thượng phong, mặc cho những khí chất riêng, mặc cho những gì họ nói và làm, từ Bil Clinton trở xuống, tôi vẫn thích người Mỹ. Nhưng với họ, thế giới này vẫn chưa đủ màu sắc như đáng ra nó phải thế. Những quy tắc của chính phủ Chúng ta có thể càu nhàu về giá của những tờ báo mà chúng ta đọc, nhưng chúng ta hiếm khi phải bực mình về cách nó đến với chúng ta. Người đàn ông mang nó đến trên chiếc xe đạp của mình là một tay thiện xạ. Từ bên dưới, ông ấy ném nó lên ban công căn hộ chúng tôi trên tầng một, hoặc có thể là tầng hai. Ông ta ít khi ném trượt. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi nhé, tờ báo rơi xuống, ông lại ném lên lần nữa. Và tờ báo đã đến được nơi nó cần phải đến. Chúng tôi có niềm tin ở ông. Chúng tôi trông chờ ông một cách háo hức vào mỗi buổi sáng và hiếm khi ông ta làm chúng tôi thất vọng. Như một quy luật, ông đến rất đều. Và hầu như ông luôn đến đúng giờ. Ông ta còn rất trung thực nữa. Những gì ông đem đến cho chúng tôi đều mang tính chọn lọc và thuần khiết; ý tôi là, như khi nó đến với ông từ tòa soạn hay đại lý của tờ báo. Là một người trung niên, ông ấy không dính vào trò bịp bợm nào cả. Ông ấy rất quan tâm đến mọi người. Những khi các tờ báo của tôi có kèm theo ấn phẩm định kỳ, ông ấy đi lên căn hộ nằm trên tầng hai của tôi và đưa chúng đến tận tay tôi. Khi trời mưa, ông ấy cũng làm như thế. Ông ấy chưa bao giờ giao cho tôi một tờ báo bị rách hay bị ướt cả. Trong suốt mùa mưa, ông ấy gói những cuộn báo vào những tấm ni-lông dày; ông ấy có thể bị ướt sũng, nhưng ông không cho phép những tờ báo của mình bị ướt. Không giống như người đàn ông phụ trách mạng truyền hình cáp trong khu chúng tôi sống, không đưa hóa đơn cho những gì mà ông ta thu được từ khách hàng, người giao báo rất cởi mở. Ông ấy lên danh sách cho tất cả những gì mà ông ấy giao và mang hóa đơn đến cho từng người chúng tôi vào buổi chiều, và nói chung là không phải vào ngày đầu tiên của tháng. Ông biết rằng người ta không muốn phải chi tiền vào ngày đầu tiên của tháng. Ông ấy đưa đúng hóa đơn cho những gì mà ông ấy thu. Ông ấy nhận được bao nhiêu cho công việc của mình? Tôi biết rằng đây chỉ là một việc thuộc dạng bán thời gian, chỉ làm vào lúc sáng sớm thôi. Không ai có thể mưu sinh chỉ nhờ vào nó cả. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng ông ấy có thể kiếm được hơn 1.500 rupi mỗi tháng. “Vậy quãng thời gian còn lại trong ngày ông làm gì?” , tôi đã hỏi ông như thế vào một buổi tối tháng Giêng. Ông đề cập đến một tổ chức của Chính phủ mà trong đó, ông được thuê làm người đưa tin vào những dịp đặc biệt. Tổ chức này phải làm việc với dân chúng và bị tai tiếng bởi sự thờ ơ của nó đối với đối tượng mà nó phục vụ, cũng như bởi các xì-căng-đan lợi dụng chức quyền đã được báo chí phanh phui. Tôi hỏi ông: - Làm sao mà anh làm việc tốt như thế, trong khi tổ chức của anh lại có tiếng xấu như vậy? - Công việc chính phủ là thuộc về chính phủ, - ông ấy trả lời kèm theo một nụ cười nhẹ, - nó được vận hành theo những quy tắc của chính phủ, thế thôi. Một thế giới thân thiện Hãy hỏi bất cứ người nào sống ở Anh xem người ấy có bao nhiêu đứa con. Trong trường hợp đó, tôi đoan chắc rằng suốt quãng thời gian còn lại, người đó sẽ không thèm nói chuyện với bạn nữa. Hãy hỏi một câu hệt như thế với một anh chàng ở Chandigarh, anh ta sẽ nói thế này: - Hai con trai, một là bác sĩ, một là kỹ sư, cả hai đều đã an cư ở Mỹ. Ba con gái, một đứa đang sống ở Canada, một đứa ở Bombay và một đứa ở Calcutta. Tất cả đều mạnh khỏe, nhờ lời chúc tốt đẹp của bạn và ân điển của Thượng đế. Không ngần ngại, không hối tiếc, anh ta sẽ nói cho bạn biết một cách vui vẻ tất cả những gì bạn cần. Dù có sống ở đâu trên đất Ấn Độ đi chăng nữa, chúng tôi vẫn là người dân của một quốc gia vô cùng thân thiện. Tôi tìm thấy những bằng chứng rất tuyệt vời cho điều này vào mỗi buổi sáng, khi tôi thăm khu rừng thành phố Jahanpanah ở ngoại ô Delhi. Tôi thường gặp một nhóm khoảng 20 - 30 người đàn ông, tất cả đều đã vào tuổi xế chiều, chơi trò “một hai ba”. Một người bước ra và kêu to: “Một”. Tất cả giơ tay lên. Ông ta lại hô: “Hai”. Tất cả đặt tay ngang vai. “Ba”, mọi người bỏ tay xuống. Đôi lúc, người quản trò hô “Một” mà tay của ai đó không chịu giơ lên thì chính người này sẽ giúp ông ta làm quản trò. Là những người lớn tuổi, họ tự gọi mình là công dân danh dự. Họ mang trà đựng sẵn trong bình từ nhà đi và thực hiện kiểu dã ngoại như thế. Tiến sâu vào công viên, bạn sẽ thấy cảnh tượng dễ thương sau đây. Một nhà hiền triết Hindu đang dạy yoga cho những người phụ nữ, hầu hết đều đã lên chức bà, muốn giảm cân một chút hoặc muốn bớt đi cơn đau ở khớp gối. Họ mang theo những tấm duree (*) và nằm trên đó mà tập. Vị hiền triết cũng biết cả những vấn đề bí mật của họ - làm sao để trẻ hơn và trông đáng (*) Duree: Một loại nệm đặc trưng của Ấn Độ. yêu hơn từng ngày. Ông giúp họ thực hiện điều đó, trong khả năng chuyên môn của mình. Tất cả mọi người đến công viên này, hoặc tập thể dục, hoặc để thư giãn, hoặc vui chơi, đều quen biết nhau. Tất cả họ đều có những cuộc thăm viếng lẫn nhau. Một số người, chủ yếu là đàn ông, sau khi kết thúc buổi đi dạo của mình thường ngồi cạnh một cái tháp nước giữa rừng, bàn luận về những chuyện từ ngày xửa ngày xưa cho đến những vấn đề thời sự nóng hổi nhất, từ Lal oo của Hum Log cho đến Laloo của Bihar. - Sáng nay anh đã dùng thuốc sarbitrate trước khi đến đây chưa? - Một người hỏi. - Chưa, - người kia trả lời, - tôi đã ghé thăm bác sĩ chuyên khoa tim của mình tối qua và ông ấy nói rằng, chỉ được dùng sarbitrate khi bị lên cơn đau tim. Không nên dùng nó hàng ngày. - Làm sao anh biết được khi nào thì mình lên cơn đau tim? - Một người nữa xen vào, vẻ như cũng có kinh nghiệm về bệnh tim và thuốc sarbitrate. - Và ông ta sẽ gửi nó cho anh bằng cách nào nếu anh đang trên bờ vực giữa sự sống và cái chết? Một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra xoay quanh việc khi nào nên dùng sarbitrate – hàng ngày, trước cơn đau hay sau cơn đau. - Hãy để nó ở đây. - Người có vẻ kinh nghiệm nhất trong số họ đưa tay chỉ vào túi áo mình, kết luận. - Trong 10 năm qua, tôi thường xuyên mang sarbitrate trong túi. Tôi chưa bao giờ cần đến nó cả. Nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn giữ nó. Sao mà biết được liệu ai đó sẽ cần nó ở đâu đó và vào một lúc nào đó chứ? Hương vị của Kashmiriat K ashmiriat là gì? Làm sao chúng ta định nghĩa được nó? Nó là dạng thuốc con nhộng của một loại dược phẩm kích dục rất phổ biến ở Ấn Độ? Vậy, loại tình dược này là gì? Tôi sẽ không cố gắng đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế này. Tôi thà trả lời như bác phục vụ cao lớn ở rạp hát Srinagar – nơi tôi thường ở mỗi lần đến Kashmir. - Cái áo thụng này, cái niêu đất này, tất cả đều là di sản của chúng ta. Cha ông của chúng ta đã truyền lại nó cho chúng ta. Nhưng dường như còn chưa đủ, giờ đây, Delhi cũng góp phần vào. Nếu không phát điên, họ có thể ra sao được cơ chứ? - Ông ấy đã nói với tôi như thế vào một đêm nọ, sau bữa ăn tối, khi mang đến một ấm trà xanh. Tôi muốn hỏi ông vì sao ông không phục vụ món gushtaba(*) cho vị giáo sư đáng kính đến từ trường Đại học Aligarh; ông ấy cũng ở trong rạp hát, dĩ nhiên là trong một phòng khác. Chúng tôi không hề quen biết nhau. Ông ấy đã phục vụ cho tôi bữa tối có món gushtaba. Nhưng khi người đàn ông đến từ Aligarh hỏi, ông ấy đã nói là không có món gushtaba. Vị giáo sư khả kính nọ đã nhìn vào đĩa của tôi một cách thèm thuồng. Ông ta khảo sát số miếng thịt cừu có trong đó. Số thịt này rõ ràng là nhiều hơn so với đĩa của ông. Ông ấy bèn xin thêm một ít thịt cừu nữa. Bác phục vụ nói rằng món đó cũng không còn. Sáng hôm sau, tôi được phục vụ bánh ngũ cốc và một bình sữa nhỏ. Sau đó là bánh mì nướng và trứng chiên. Vị giáo sư đến từ Aligarh chỉ được mang cho bánh mì nướng và trứng. - Thế bánh ngũ cốc của tôi đâu? - Ông ấy hỏi. - Thưa ngài, hết cả rồi. – Bác phục vụ đáp. Tôi biết rằng thật ra không phải thế. Bác ta đã mở một gói bánh ngũ cốc mới và cất đi sau khi phục vụ cho tôi xong. (*) Gushtaba: thịt Kashmiri và trứng. - Nhưng làm sao mà anh cho quý ông này bánh ngũ cốc trong khi tôi lại nhận được ít đồ ăn hơn? - Vị giáo sư nọ phản đối. - Chẳng phải khẩu phần cho mọi người là như nhau cả sao? Tại sao lại có sự phân biệt như thế này chứ? Bác phục vụ tỏ vẻ khó chịu nhưng vẫn lặng thinh. Vào giờ uống trà buổi tối, tôi đã hỏi ông ấy vì sao lại phục vụ cho vị giáo sư đến từ Aligarh quá khác biệt như vậy? - Tôi không thích gã đó, - bác ấy nói, không chút ngần ngại, - tôi không thích những người như ông ta. Ông ta là một tín đồ Hồi giáo. Tôi cũng thế. Nhưng tôi không phải tuyên bố cho cả thế giới biết rằng tôi là tín đồ Hồi giáo. Tôi cầu nguyện năm lần một ngày. Thế là đủ. Bác ấy tiếp tục, cứ như thể tôi đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trong lòng bác vậy: - Gã ta là loại người chia cắt anh em với nhau, chia cắt Dhar Ấn Độ giáo với Dhar Hồi giáo, Bhatt Ấn Độ giáo với Bahtt Hồi giáo, Pandit Ấn Độ giáo với Pandit Hồi giáo. Có lẽ tôi phải hỏi gã xem Thượng đế là người Ấn Độ giáo hay Hồi giáo chắc. Nhưng chả ích lợi gì, sẽ như nước đổ đầu vịt thôi. Tuy vẫn không biết nguyên do vì sao vị học giả nọ không được phục vụ món gushtaba nhưng tôi hiểu rằng, ông này chắc hẳn đã nói với bác phục vụ điều gì đó xúc phạm đến tất cả những gì mà bác ta xem là một phần của con người Kashmir trong mình. Đơn giản thế thôi. Và bác ta đã trả đũa theo cách của mình là từ chối ông ấy những gì chính đáng mà ông có quyền được hưởng.